BÀI 6

NGÀY CỦA HỘI THÁNH


Chúa Nhật là ngày của Chúa, cũng là ngày của Hội Thánh Thân Huyền Nhiệm của Chúa. Sự hiện diện của Chúa Phục Sinh trong lòng Hội Thánh không dừng lại ở những lần Chúa hiện ra với các môn đồ sau Phục Sinh. Sự sống lại của Chúa là biến cố vượt không gian và thời gian, và Chúa luôn hiện diện trong lòng Hội Thánh: Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế ( Mt 28, 2). Ngày Chúa Nhật Hội Thánh long trọng cử hành sự hiện diện của Chúa Phục Sinh ở giữa những người anh em.

Ý thức về mầu nhiệm Hội Thánh:

Người có đạo chỉ có thể cử hành ngày Chúa Nhật cách hân hoan và phấn khởi khi nhận ra mình là thành phần sống động của Hội Thánh. Cần gây ý thức nhiều hơn về mầu nhiệm Hội Thánh, làm cho người ki tô hữu hiểu được mầu nhiệm Hội Thánh, cảm nghiệm được mầu nhiệm Hội Thánh. Hội Thánh là Cộng Đoàn những môn đệ của Chúa, Cộng Đoàn những người tin vào Chúa. Cộng Đoàn đó cần phải được quy tụ lại để đón mừng Chúa. Ngày quy tụ là Chúa Nhật.

Theo một nghĩa nào đó, mọi người chúng ta làm thành Hội Thánh trong ngày Chúa Nhật, vì Hội Thánh là Kahal, Ecclesia, là Cộng Đồng được quy tụ để cử hành Phụng vụ. Chúa Nhật là ngày thể hiện rõ nét nhất hai mặt khác nhau của Hội Thánh: Ecclesia convocans và Ecclesia convocata (Hội Thánh quy tụ và Hội Thánh được quy tụ )

Đặc tính Duy Nhất của Hội Thánh :

Hội Thánh làm mọi cách để quy tụ các chi thể, các môn đệ của Chúa tản mác khắp nơi về một mối. Ngày Chúa Nhật biểu lộ đặc điểm đầu tiên của Hội Thánh là Duy Nhất. Các môn đệ được quy tụ thành một Cộng Đồng để cùng nhau đón Chúa. Ngay từ đầu các môn đệ của Chúa, những ai tin theo Người, thường quy tụ nhau lại ngày Chúa Nhật để cùng nhau bẻ bánh. Trước khi bẻ bánh, họ được nghe đọc Kinh Thánh và nghe giáo huấn của các tông đồ.

Hội Thánh là Cộng Đồng được chính Chúa Phục Sinh quy tụ, Người là Đấng đã hiến dâng mạng sống để quy tụ các con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối (Ga 11, 52). Họ trở nên một trong Chúa Kitô nhờ Chúa Thánh Thần là Ơn Thông Hiệp. Sự Duy Nhất đó được biểu lộ ra bên ngoài khi các Kitô-hữu tụ họp nhau; họ ý thức mãnh liệt họ là Dân Thiên Chúa, gồm những người đã được cứu chuộc về cho Thiên Chúa, thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ, mọi nước mọi dân (Kh 5, 9).

Hội Thánh được biểu lộ qua việc cử hành Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa, vì để loan truyền và sống mầu nhiệm ấy, các môn đệ của Chúa không thể thực hiện một cách riêng lẻ, cá nhân, như tưởng nhớ và suy niệm trong lòng. Không cá nhân nào có thể cử hành Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa, mà chỉ có Hội Thánh mới cử hành. Cử hành mầu nhiệm Vượt Qua, không những biểu lộ mầu nhiệm Hội Thánh, mà còn là nguồn gốc sự sống của Hội Thán. Thánh Thể nuôi dưỡng và làm nên. Hội Thánh: Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một Thân Thể ( 1 Cr 10, 17).

Chiều kích Giáo Hội của bí tích Thánh Thể luôn được thể hiện mỗi lần chúng ta cử hành thánh lễ, nhưng được diễn tả và thể hiện cách đặc biệt hơn vào ngày được dành riêng để quy tụ tất cả Cộng Đồng đón mừng Chúa Phục Sinh: Việc cử hành ngày Chúa Nhật và bí tích Tạ ơn của Chúa là trọng tâm đời sống của Hội Thánh (SGLC 2177 ).

Cộng Đồng Phụng Vụ ngày Chúa Nhật là nơi tốt nhất biểu lộ tính Duy Nhất của Giáo Hội là Dân được quy tụ nhờ và trong sự Duy Nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Thánh Lễ Chúa Nhật nào cũng là sacramentum unitatis, dấu chỉ sự Duy Nhất của Thiên Chúa và trong Thiên Chúa, sự Duy Nhất của Hội Thánh và trong Hội Thánh. Tính cộng đoàn của phụng vụ ngày Chúa Nhật phải được dề cao tối đa.

Tông thư Dies Domini nói rất rõ: cộng đoàn được hiểu là cộng đoàn giáo xứ. Giáo xứ phải được coi như là cộng đoàn, và là gia đình của Thiên Chúa tại trần gian. Gia đình này tụ họp nhau lại ngày Chúa Nhật để tạ ơn Cha trên trời. Mọi người cùng với Chúa Kitô và cùng với nhau tạ ơn Cha trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần. Không nên tổ chức lễ nhóm vào ngày Chúa Nhật. (xem số 36)

Hướng về Ngày Cánh Chung:

Dân được tập họp vào ngày Chúa Nhật là Dân lữ thứ. Từ ngày chúa nhật này sang ngày chúa nhật khác, Dân Chúa hành trình hướng về Ngày Cánh Chung, ngày hoàn tất lịch sử. Mỗi ngày Chúa Nhật Dân Chúa như được thưởng nếm trước hương vị Trời Mới Đất Mới. Là ngày của đức tin, ngày Chúa Nhật còn là ngày của niềm hy vọng. Chúng ta hy vọng mai ngày được sống lại vinh hiển cùng với Chúa. Chúa Kitô Phục Sinh vinh quang trở về cùng Chúa Cha dọn chỗ cho chúng ta. Trong Cung Lòng Chúa Cha có chỗ cho tất cả chúng ta. Niềm hy vọng của người Kitô-hữu vừa là men, là chất xúc tác, vừa là ánh sáng chiếu soi cho niềm hy vọng của loài người: hy vọng chiến thắng sự dữ và sự chết. Khi tụ họp để cử hành thánh lễ, đặc biệt là thánh lễ Chúa Nhật, Hội Thánh đảm nhận mọi vui mừng và hy vọng, âu sầu và lo lắng của con người hôm nay, nhất là những người nghèo và những ai đau khổ.

Trong buổi cử hành ngày Chúa Nhật, cũng như trong mọi buổi cử hành Thánh Thể, chúng ta gặp gỡ Đấng Phục Sinh nhờ thông phần bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể. Về phương diện mục vụ ngày Chúa Nhật, cấu trúc của Thánh Lễ phải thật rõ nét. Bàn tiệc Lời Chúa phải được sửa soạn hẳn hoi. Từ việc đọc Lời Chúa, đến bài hát đáp ca, bài giảng lễ của linh mục, mọi sự cần được chuẩn bị kỷ lường. Làm thế nào để Lời Chúa trở thành thức ăn cho đời sống người Kitô-hữu. Cộng Đoàn Phụng Vụ ngày Chúa Nhật là Dân Giao Ước Mới trong tư thế lắng nghe để đáp trả lại Tình Yêu của Thiên Chúa biểu lộ trọn vẹn trong Mầu Nhiệm Tử Nạn Phục Sinh. Và là Dân Tư Tế cử hành Bí Tích Vượt Qua.

Bí tích Thánh Thể làm nên Hội Thánh:

Chương II của thông điệp Ecclesia de Eucharistia (Thánh Thể xây dựng Hội Thánh), và chương III của tông thư Dies Domini (ngày của Hội Thánh ) làm nổi bật chiều kích Giáo Hội của bí tích Thánh Thể.

Hội Thánh cử hành bí tích Thánh Thể, và bí tích Thánh Thể làm nên Hội Thánh, cho chúng ta trở nên Hội Thánh, Nhiệm Thể Chúa Kitô: mỗi người Kitô-hữu là chi thể sống bằng sự sống của Chúa. Chúng ta là Thân Mình Chúa Kitô, nhờ bí tích Thánh Thể mà được quy tụ, nuôi dưỡng và được biến đổi. Hội Thánh là Thân Mình Chúa Kitô cho thế giới trong đó chúng ta sống và hoạt động. Hội Thánh là Bí Tích, là dấu chỉ vĩ đại của Chúa Ki tô hiện diện trong thế giới hôm nay.

Bí tích Thánh Thể làm cho Hội Thánh trở thành một Dân Làm Chứng, một Dân Canh Thức, một Dân Huynh Đệ.

Dân Làm Chứng . Hội Thánh tiếp nối sứ mạng của Đức Giêsu là Chứng Nhân trung thành. Đức Giêsu làm chứng cho đấng Vô Hình, Đấng Vĩnh Hằng, và cũng làm chứng cho sự thật về con người. Tác giả TM Gioan nói rất rõ: Thiên Chúa, không ai thấy bao giờ, Con Một, Đấng ở nơi Cung Lòng Cha, chính Ngài đã thông tri (Ga 1, 18).

Đức Giêsu là Chứng Nhân cho Tình Yêu không tàn lụi của Thiên Chúa. Người mạc khải Tình Yêu Vĩnh cửu của Thiên Chúa, Tình Yêu đã bị nhiều chống đối, nhưng là Tình Yêu trung thành mãi, nhờ đó con người được đưa vào trong lòng mầu nhiệm Thiên Chúa, được thông phần Sự sống bất diệt của Thiên Chúa.

Đức Giêsu còn là Chứng Nhân cho sự thật về con người. Đức Giêsu đến trần gian, không những để mạc khải cho con người biết Thiên Chúa là ai, mà còn biểu lộ cho biết con người thực sự là ai, con người bởi đâu và đi về đâu. Chúng ta có thể nhận ra những đau khổ của con người nơi Đức Giêsu, những nét đẹp của con người, nhân phẩm đích thực của con người và ơn gọi làm người nơi con người Giàu là người thực sự giống như chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi.

Hội Thánh tiếp nối sứ mạng làm chứng của Chúa Giêsu. Hội Thánh phải nhờ phụng vụ ngày Chúa Nhật là dấu chỉ hữu hình cho thấy Đấng Vô Hình. Phụng vụ phải có tác dụng nâng tâm hồn lên, không được có tác dụng kích động. Cần những khoảng thinh lặng giúp người ki tô hữu nâng tâm hồn lên, giúp chúng ta kết hiệp với Chúa. Phụng vụ phải làm nổi bật chỗ đứng của con người trong lòng Thiên Chúa. Con người của ngày Chúa nhật là tạo vật mới được Thiên Chúa nâng niu trân trọng. Thiên Chúa lưu tâm tới mọi vấn đề của con người và muốn gần gũi với con người.

Dân Canh Thức . Vì Hội Thánh tiếp nối sứ mạng làm chứng của Chúa Giêsu, Hội Thánh còn là Dân Canh Thức, và bí Thánh Thể là của ăn đi đàng của những người canh thức là chúng ta. Thực tế cho thấy nhân loại nói chung và từng con người nói riêng đều có thể mê ngủ, ngay trong những tiến bộ khoa học, những văn minh vật chất. không còn biết mình thực sự là ai và đi về đâu.

Lương tâm nhân loại, lương tâm con người phải không ngừng được đánh thức. Và điều đó chỉ có thể thực hiện được, khi có những con người canh thức. Các ki tô- hữu là những người canh thức chờ đợi Chủ trở về. Hội Thánh là Hôn Thê, là CỔ Dâu chờ đợi chàng rễ đến. Hội Thánh phải lên tiếng để thức tỉnh mọi người. Phụng Vụ ngày Chúa Nhật vừa có bộ mặt vui tươi, vì là ngày mừng Chúa Sống Lại, nhưng phả i có tác dụng lay động lòng người.

Trong mục vụ ngày Chúa Nhật, các linh mục trong xứ đạo phải làm thế nào để thánh lễ Chúa Nhật có tác dụng tết trên những người tham dự. Đừng để có một ai ra về mà không nhớ được điều gì xây dựng cho cuộc đời của họ. Thánh Lễ Chúa Nhật là thánh lễ cho đời sống và phải đi vào đời sống. Một lời nào đó trong bài giảng, hay trong bài đọc KT, hay một câu hát, câu kinh nào đó có thể lưu lại nơi tâm hồn người tín hữu, giúp họ tỉnh thức và sống vai trò người canh thức.

Dân Huynh Đệ. Ước mơ lớn của nhân loại là tứ hải gia huynh đệ, anh em bốn bể một nhà. ước mơ này chưa bao giờ thành tựu, và không thể thành tựu, nếu không ý thức là nhân loại có một người Cha Chung là Thiên Chúa, một người Anh Trưởng là Đức Ki tô. Phụng Vụ ngày Chúa Nhật phải làm nổi bật khía cạnh này.

Phụng Vụ biểu lộ Tình Huynh Đệ phổ quát của Hội Thánh là Dân Huynh Đệ bao gồm những người em của Chúa Giêsu và con của Cha trên trời. Đừng để cho có sắc thái kỳ thị ảnh hường đến buổi cử hành Phụng Vụ ngày Chúa Nhật. Phụng Vụ ngày Chúa Nhật phải xây dựng Hội Thánh trở nên thực sự Dân Huynh Đệ. Tất cả chúng ta, tuy là nhiều, nhưng chia sẻ cùng một Bánh là Mình Thánh Chúa, và uống cùng một Chén là Máu Thánh Chúa.

Những sáng kiến mục vụ nào nhằm xây dựng tình huynh đệ trong ngày Chúa Nhật đều tốt, đúng với ý muốn của Chúa. Những sáng kiến ấy không nhất thiết phải thực hiện trong thánh lễ, vì đôi khi có những sáng kiến không đúng chỗ có thể làm hại, làm hư cấu trúc của thánh lễ, mất bầu khí linh thiêng thánh thiện, làm phụng vụ ra dài dòng và nặng nề. Những sáng kiến ấy có thể thực hiện sau thánh lễ nhờ những giáo dân tích cực trong giáo xứ, có tinh thần tông đồ, tinh thần giáo hội, có lòng bác ái đối với các anh em mình. Ngày Chúa Nhật, giáo xứ phải trở thành một đại gia đình ấm cúng và đầy tình yêu thương.

Bài giảng tĩnh tâm Giáo Phận Phan Thiết,

tháng 01 năm 2004