Một ngày trước khi Đức Phanxicô đặt chân lên Đất Thánh, Daniel Burke của CNN trình bày “Năm Điều Nên Biết” về chuyến đi của ngài.

1. Lịch Trình của Đức Giáo Hoàng khiến Rick Steves bị coi là lười lĩnh

Đức Phanxicô sẽ thăm 3 thành phố, bắt tay hàng chục nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị, cử hành 3 thánh Lễ Công Giáo và đọc 13 bài diễn văn, tất cả trong vòng chưa đầy 36 tiếng đồng hồ.

Tại Giócđăng, Đức GH sẽ hội kiến với Vua Hussein, thăm các người tị nạn Iraq và Syria, cử hành Thánh Lễ và viếng Sông Giócđăng, nơi Kitô hữu tin Chúa Giêsu đã chịu phép rửa.

Tại Bêlem, ngài sẽ hội kiến với Chủ Tịch Thẩm Quyền Palestine, cử hành Thánh Lễ tại Công Trường Máng Cỏ, ăn trưa với các gia đình Palestine, tiếp các trẻ em từ các trại tị nạn Palestine và viếng nơi Chúa Giêsu sinh ra.

Tại Giêrusalem, Đức GH sẽ gặp gỡ đại giáo sĩ Hồi Giáo và các Trưởng Giáo Sĩ Do Thái của thành phố, viếng Bức Tường Than KHóc và Viện Yad Vashem (đài kỷ niệm Nạn Diệt Chủng), đặt vòng hoa trên mộ người sáng lập Phong Trào Duy Xion hiện đại, và ký tuyên bố chung với vị đứng đầu các Kitô hữu Chính Thống Đông Phương.

Ngài cũng sẽ hội kiến với Thủ Tướng và Tổng Thống Do Thái, nói chuhyện với các chủng sinh Công Giáo và cử hành Thánh Lễ tại địa điểm Bữa Tiệc Ly.
Cha Rossica nhận định “tôi rất ngạc nhiên trước những gì các ngài cố gắng thực hiện trong một khoảng thời gian ngắn ngủi như thế”.

2. Đức Giáo Hoàng cho hay chuyến đi có tính tôn giáo, chứ không chính trị

Đức Phnxicô nêu các lý do đứng đàng sau chuyến đi Đất Thánh của ngài là “hoàn toàn tôn giáo”. Trước đó, ngài còn mô tả nó như một “chuyến hành hương để cầu nguyện”.

Có lẽ vị giáo hoàng nổi danh muốn giảm bớt niềm hoài mong của người ta cho rằng chuyến đi của ngài có thể giải quyết được các vấn đề chính trị hóc búa hiện nay. Nhưng các chức sắc tôn giáo quả quyết rằng chuyến đi này quả có gốc rễ tôn giáo.

Lúc ngài đăng quang năm 2013, Thượng Phụ Đại Kết Barthôlômêô, nhà lãnh đạo tinh thần của khoảng 300 triệu Kitô hữu Chính Thống khắp thế giới, có mời Đức Phanxicô tới Giêrusalem để đánh dấu 50 năm cuộc gặp gỡ lịch sử giữa hai vị tiền nhiệm của các ngài.

Cha Alexander Karloutsos, một linh mục Chính Thống Đông Phương và là người góp phần tổ chức một phần của chuyến đi này, cho hay: “hiện khó có thể hiểu được cuộc gặp gỡ lần này sẽ tạo ra bước đột phá nào”.

Linh mục Karloutsos nói rằng: vào lúc này, các Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Đông Phương, tức hai cộng đồng Kitô Giáo lớn nhất thế giới, không thuận hảo với nhau. Các cuộc hôn nhân cử hành trong Giáo Hội này không được Giáo Hội kia nhìn nhận.

Vào Chúa Nhật tới, Đức Phanxicô và Đức Barthôlômêô sẽ ký tuyên bố hỗn hợp đưa ra các nguyên tắc chung và con đường có tiềm năng đưa tới sự hợp nhất lớn hơn. Linh mục Karloutsos nói rằng: “Những con người này không ký kết một cách đùa bỡn. Đây sẽ là một văn kiện có chất lượng”.

Theo Cha Karloutsos, Đức Phanxicô và Đức Barthôlômêô cũng sẽ cử hành một buổi cầu nguyện chung tại Nhà Thờ Mộ Thánh ở Giêrusalem vào hôm Chúa Nhật, lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo Công Giáo và Chính Thống Đông Phương làm việc này sau 50 năm.

3. ‘Giáo Hoàng của Dân’ sẽ làm ngạc nhiên một lần nữa

Ngài từng cử hành nhiều Thánh Lễ cho các di dân bị chìm tầu trên đường tới Âu Châu, từng thăm những khu nghèo nàn nhất của Ba Tây và tiếp đón những người đàn ông vô gia cư ở Rôma dự tiệc sinh nhật của ngài.

Tại Đất Thánh, Đức GH Phanxicô, một lần nữa, sẽ khiến thế giới chú ý tới người nghèo và người bị chà đạp và đã nhất định từ khước không du hành trong xe bọc thép như phần đông các nhà lãnh đạo ở Trung Đông quen làm.

Tại Giócđăng, nơi khoảng 600,000 người Syria đã trốn tới kể từ khi khởi đầu cuộc nội chiến vào năm 2011, Đức GH sẽ gặp các người tị nạn và những người khuyết tật trước khi đọc diễn văn tại một nhà thờ ờ Bêtani.

Tại West Bank, ngài sẽ chào đón các trẻ em đến từ một số trại tị nạn Palestine. TGM người Palestine là Atallah Hanna, thuộc Chính Thống Giáo Đông Phương, cho hay: ngài hy vọng Đức GH Phanxicô sẽ “thấy nỗi thống khổ của dân tộc Palestine”. Ngài cho biết thêm: “Chúng tôi vốn bị thiếu đại diện và chẳng may bị một số người coi là phạm nhân và khủng bố và dân chúng tôi thực sự chỉ muốn máu, sát nhân và bạo động… Tôi hy vọng họ sẽ thấy rằng chúng tôi là một dân tộc văn minh, chuộng hòa bình và có giáo dục chỉ muốn mưu cầu tự do và một tương lai tốt đẹp hơn”.

John Esposito, một chuyên viên về liên hệ Kitô Giáo - Hồi Giáo tại ĐH Georgetown, nói rằng cuộc gặp gỡ các Kitô Hữu của Đức GH tại Bêlem có thể sẽ mở mắt được nhiều người. Ông bảo: “nó sẽ làm nổi sự kiện này: đây không phải chỉ là cuộc tranh chấp Hồi Giáo – Do Thái Giáo”

4. Người Do Thái bảo thủ lo lắng

Mấy tuần trước khi Đức GH tới Israel, nhiều hàng chữ nguệch ngoạc đã được phun sơn lên một số cơ sở Công Giáo tại Giêrusalem với những lời phạm thánh như gọi Chúa Giêsu là “rác rưởi” và kêu gọi sát hại người Ả Rập và Kitô Giáo.

Những người chính thống cực hữu Do Thái dự tính sẽ biểu tình bên ngoài địa điểm của Phòng Tiệc Ly vì đây cũng được coi là nơi có mộ Vua Đavít. Họ cho rằng các Kitô hữu không nên tổ chức các buổi nghi thức quá gần nơi thánh của Do Thái đến thế, như Đức GH Phanxicô dự tính làm vào hôm Chúa Nhật tới. Họ còn sợ rằng Israel sẽ trao Phòng Tiệc Ly cho Vatican nhân dịp Đức Phanxicô thăm viếng Do Thái.

Vào hôm thứ Tư vừa qua, cảnh sát Do Thái đã có lệnh hạn chế một số nhà tranh đấu cánh hữu của Do Thái, buộc họ phải tránh xa Đức Giáo Hoàng trong cuộc viếng thăm của ngài.

Giáo sĩ David Rosen, giám đốc quốc tế phụ trách các vấn đề liên tôn của Nghị Hội Do Thái Mỹ, cho CNN hay: những người gây rối chỉ là những người bên lề “không đáng để người ta phải chú ý. Đại đa số dân chúng Do Thái mong được Đức GH tới viếng thăm”.

Vị giáo sĩ này cho hay ông hơi buồn là Đức Phanxicô không tổ chức một nghi thức liên tôn với người Hồi Giáo và Do Thái Giáo tại Giêrusalem như Đức Bênêđíctô làm năm 2009. “Bản thân tôi thất vọng khi thấy lịch trình của ngài không nắm lấy dịp này để chứng tỏ bằng hành động chứ không chỉ bằng lời khả thể đem được người Kitô Giáo, Hồi Giáo và Do Thái Giáo lại với nhau”

Vatican thì cho rằng vì Đức GH tông du với Giáo Sĩ Skorka và Giáo Trưởng Abboud, nên yếu tính cuộc du hành đã là một biến cố liên tôn rồi.

5. Người Hồi Giáo coi Đức Phanxicô như một thay đổi đáng hoan nghênh

Theo Esposito của ĐH Georgetown, người đang tới Giócđăng để hội kiến với Đức Phanxicô hôm Chúa Nhật, Đức Bênêđíctô XVI không có được mối liên hệ tốt đẹp với người Hồi Giáo. Vì trong một bài diễn văn năm 2008, ngài đã trích dẫn một nhận xét có tính chống lại họ do một vị hoàng đế Kitô Giáo phát biểu ở thế kỷ 14, dẫn tới nhiều cuộc biểu tình phản đối.

Đức Bênêđíctô đã xin lỗi, nhưng sau đó, lại rửa tội cho một nhà báo nổi tiếng theo Hồi Giáo từ lúc mới sinh, một việc bị một số nhà lãnh đạo Hồi Giáo coi là khiêu khích không cần thiết.

Trái lại, một trong những biện pháp liên tôn đầu tiên của Đức Phanxicô là rửa chân cho hai người Hồi Giáo vào Thứ Năm Tuần Thánh năm 2013, một động thái được cả thế giới Hồi Giáo chú ý. Esposito cho rằng “Những gì các vị giáo hoàng làm đều có tính hết sức biểu tượng như người ta nói và người Hồi Giáo đã tỏ ra có ấn tượng tốt đối với Đức Phanxicô”.

Đức GH cũng kêu gọi các nước Tây Phương tìm ra giải pháp hòa bình cho cuộc nội chiến Syria, hơn là sử dụng vũ lực.

Trong chuyến viếng thăm Đất Thánh, người ta tin Đức Phanxicô sẽ kêu gọi cho một nhà nước Palestine, một điều vốn là chính sách của Vatican từ trước đến nay, nhưng chắc chắn không làm vui lòng Israel.

Thế lưỡng nan không thể làm vui lòng cả hai cho thấy việc lèo lái Đất Thánh khó khăn ra sao đối với bất cứ nhà lãnh đạo thế giới nào dù là người có nhiều đặc sủng và năng khiếu chính trị như Đức Phanxicô.

Đem cả một giáo sĩ Do Thái và một giáo sĩ Hồi Giáo đi theo có thể tránh cho Đức Phanxicô nhiều chỉ trích, nhưng tựu chung, mọi con mắt đều đổ dồn về con người mặc áo trắng này.

Không vừa lòng mọi người

Tờ The Economist cũng cho rằng mục tiêu thăm Đất Thánh của Đức Phanxicô chủ yếu là tôn giáo, là đại kết, nhằm cổ vũ hợp nhất Kitô Giáo, một mục tiêu không dễ dàng. Các Kitô hữu Chính Thống bảo thủ luôn canh chừng xem vị Thượng Phụ của họ có “thỏa hiệp” quá đáng các nguyên tắc thần học vốn chia rẽ họ với Tây Phương năm 1054 hay không.

Tuy nhiên, cuộc viếng thăm này có nhiều vang dội khác. Liên hệ ngoại giao với Israel chỉ mới chính thức được thiết lập hơn 20 năm qua và hiện còn rất nhiều vấn đề giữa đôi bên chưa được giải quyết. Trong khi ấy, người Palestine sẽ nhân dịp này làm nổi bật các thực tế của cuộc sống trên các lãnh thổ bị Israel chiếm đóng. Giai đoạn đầu của chuyến viếng thăm, Đức Phanxicô sẽ gặp họ và chắc chắn sẽ lặp lại việc Vatican ủng hộ giải pháp hai quốc gia trong vùng.

Thành thử bất kể Đức GH nói gì và làm gì, ngài không thể làm vui lòng mọi người, dù ngài đầy lôi cuốn và nhiều đặc sủng.

Nguyên trạng và áp đặt của Do Thái

Theo tin Zenit ngày 23 tháng 5, cha Rosica, một trong các phát ngôn viên của Tòa Thánh, cho biết hai điều đáng lưu ý trong chuyến viếng thăm Đất Thánh của Đức Phanxicô:

1) Nguyên trạng: Trong cuộc viếng thăm Đất Thánh, Đức Phanxicô sẽ có buổi cầu nguyện chung tại Mộ Thánh với đại diện các Giáo Hội hiện có trách nhiệm chia nhau trông coi nơi đây. Mối liên hệ giữa các Giáo Hội này được duy trì dựa trên một sắp xếp gọi là “nguyên trạng” (status quo).

Sắp xếp trên áp dụng cho bốn đền thánh được các Giáo Hội Kitô Giáo chia sẻ tại Đất Thánh và do sắc lệnh của Hoàng Đế Thổ (Ottoman) ban hành năm 1852. Sắc lệnh này “truyền rằng: các đền thờ này phải tiếp tục ở trong tình trạng hiện nay và các cộng đồng Kitô Giáo không được đưa ra bất cứ thay đổi nào, cả chính phủ cũng vậy”.

Nghi thức đại kết sẽ diễn ra vào Chúa Nhật là một ngoại lệ đối với sắp xếp này. Có được nó là nhờ có sự thoả hiệp giữa các cộng đoàn Kitô giáo với nhau.

2) Khía cạnh ngoại giao: Các liên hệ ngoại giao mà Đức Giáo Hoàng hiện có với các quốc trưởng Giócđăng, Palestine và Do Thái trong tình thế hiện nay vẫn tiếp tục như là các liên hệ ngoại giao trước đây. Điểm khác biệt là lần này, Nhà Nước Do Thái đặt điều kiện thiết yếu và đã yêu cầu đưa vào các khía cạnh và nghi thức ngoại giao mới.

Ngoài việc Đức GH viếng Bức Tường Than Khóc, tòa đại giáo trưởng và viện Yad Vashem như trước đây ra, Đức Phanxicô còn được yêu cầu đặt vòng hoa trên mộ phần của Theodore Herzl, cha đẻ của chủ nghĩa Duy Xion hiện đại, và hai cuộc viếng thăm chính thức Tổng Thống và Thủ Tướng Do Thái.