Một trong những điều mới mẻ nhất của triều Giáo Hoàng Phanxicô là chiều kích huynh đệ và bằng hữu trong các liên hệ với các Giáo Hội Kitô Giáo, nhất là Chính Thống Giáo.

Thượng phụ Barthôlômêô

Lần đầu tiên trong lịch sử, Thượng Phụ Constantinople đã tới Rôma để gặp gỡ Giám Mục Rôma tại lễ đăng quang giáo hoàng của ngài. Vào vào tuần lễ cuối cùng của tháng Năm, Đức Thượng Phụ Barthôlômêô sẽ tham dự cuộc gặp gỡ hợp nhất do Đức GH Phanxicô tổ chức tại Giêrusalem.

Trong bối cảnh này, Thượng Phụ Constantinople đã mời Đức GH Phanxicô tới thăm Istanbul. Ngày 13 tháng Ba vừa qua, để hiểu rõ các phát triển này, Zenit đã phỏng vấn Thượng Phụ với các nội dung sau đây.

Được hỏi về diễn trình đại kết và ước muốn được thở bằng hai lá phổi theo kiểu nói của Đức Gioan Phaolô II, Thượng Phụ cho rằng hiện nay, hai “Giáo Hội chị em” của chúng ta đang gần gũi nhau hơn bao giờ hết, nhờ hai cuộc đối thoại “yêu thương” và “sự thật” nghĩa là nhờ những biện pháp hướng tới hòa giải và đối thoại thần học từng diễn ra trong các thập niên vừa qua. Nhưng dù thế, “chúng ta vẫn còn xa sự Hợp Nhất vốn có trong thiên niên kỷ đầu tiên của đời sống Giáo Hội”. Thượng phụ nhấn mạnh rằng “điều quan trọng nhất đối với chúng ta là luôn nhớ tới ước nguyện và lệnh truyền của Chúa ‘rằng các môn đệ Người phải hợp nhất và Giáo Hội Người phải là một’. Trong Thân Thể Chúa Kitô và đối với thế giới, quả là một gương mù khi các người theo Chúa Giêsu Kitô chia rẽ tại một thời điểm lịch sử trong đó, ta được mời gọi làm nhân chứng chung và hướng tới Lời Chúa duy nhất trước các thách đố của thời đại.

Về các mục đích khó đạt nhất đối với Giáo Hội tại Trung Đông, Thượng Phụ cho rằng các Giáo Hội Kitô Giáo phải cổ vũ hòa bình nơi có chiến tranh, cổ vũ yêu thương nới có hận thù và cổ vũ khoan dung nơi có kỳ thị. Nguyên tắc này áp dụng cho tín hữu các tôn giáo khác, và cũng áp dụng cho tình thế nguy kịch của các Kitô hữu tại vùng này. Họ rất quan ngại trước việc gia tăng bất ổn chính trị và bạo lực, đặc biệt tại Palestine, tại Ai Cập, tại Iraq và gần đây hơn, tại Syria. Họ cũng hết sức đau buồn trước sự dửng dưng không thể nào tha thứ được và trước cảnh bất động không thể nào biện minh được của các nhà cầm quyền dân sự và chính trị trong việc bảo vệ dân chúng và các công dân của họ nói chung.

Theo Thượng Phụ các nhà lãnh đạo Kytô Giáo phải bảo đảm tình liên đới vĩ đại và lòng trung tín đối với Tin Mừng tại Trung Đông và đồng thòi lên án hoàn toàn mọi hình thức bạo tàn và đổ máu. Ta cần nhấn mạnh rằng mọi nơi thờ phượng đều là đền thờ thánh thiêng của Thiên Chúa duy nhất hằng sống giống hệt như mọi con người nhân bản đều là đền thờ thánh thiêng của Thần Khí Thiên Chúa hằng sống.

Được hỏi về ý nghĩa lời mời Đức Phanxicô thăm Istanbul sau Giêrusalem, Thượng Phụ cho biết: khi được mời tham dự Thánh Lễ khai mạc sứ vụ của đức tân giáo hoàng Phanxicô tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô, lần đầu tiên trong lịch sử Thượng Phụ Constantinople tham dự lễ nhậm chức của một Hồng Y của Rôma, ngài đã mời Đức Thánh Cha viếng thăm Phanar (Tòa thượng phụ Constantinople tại Thổ Nhĩ Kỳ) đồng thời với việc tổ chức cuộc gặp gỡ hợp nhất tại Giêrusalem. Thượng phụ cho rằng lời mời này đã trở thành một tập quán không chính thức kể từ thời Đức GH Phaolô VI, được tiếp nối sau đó với việc bầu Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI. Tuy nhiên, lời đề nghị mới nhất mà nếu Chúa muốn sẽ được thực hiện trong ít tháng nữa là để cử hành cuộc gặp gỡ lịch sử lịch sử giữa Thượng Phụ Đại Kết Athenagoras và Đức Giáo Hoàng Phaolô VI trên Núi Cây Dầu hồi tháng Giêng năm 1964; đó là lần đầu tiên Đức Giáo Hoàng của Rôma và Đức Thượng Phụ của Tân Rôma mặt đối mặt gặp nhau kể từ lúc xẩy ra điều gọi là cuộc “Ly Giáo Vĩ Đại” của năm 1054. Biến cố này dẫn tới việc năm 1965 “hai bên cùng bãi bỏ các vạ tuyệt thông lẫn nhau” và năm 1969, được tăng cường bởi các cuộc thăm viếng nhau hàng năm của các phái đoàn liên hệ. Những cuộc thăm viếng này cũng đã dẫn tới việc năm 1979 thiết lập ra một ủy ban quốc tế đối thoại tôn giáo giữa hai Giáo Hội. Thượng Phụ hết sức hy vọng và tha thiết cầu xin để cuộc gặp gỡ Đức GH Phanxicô sắp tới sẽ tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa Giáo Hội Công Giáo Rôma và Giáo Hội Chính Thống.

Giáo sĩ Skorka

Trong cuộc họp báo tại Vatican ngày 15 tháng 5, Cha Lombardi chính thức thông báo Đức Phanxicô sẽ gặp Thượng Phụ Đại Kết Bartholômêô tại Bêlem vào chiều ngày 25 tháng 5. Cha cho biết thêm: “Đây sẽ là cuộc gặp gỡ tư riêng, nhưng rất quan trọng về phương diện lịch sử, tại cùng địa điểm nơi Đức Phaolô VI gặp Đức Athenagoras. Sẽ có tuyên bố chung tại đó và đây sẽ là lần đầu tiên trong 4 lần các vị gặp nhau”.

Cha cũng cho biết cuộc viếng thăm Đất Thánh lần này đặc biệt ở chỗ sẽ có buổi tôn kính Mộ Thánh chung lần đầu tiên của cả ba hệ phái lớn đang sử dụng và trông coi nơi này, được đại diện bởi Chính Thống Hy Lạp, Giáo Hội Ácmêni và Cơ Quan Trông Coi Đất Thánh (Dòng Phanxicô). Đức Phaolô VI và Đức Athenagoras có đọc kinh Lạy Cha chung, nhưng đọc riêng chứ không phải trong một cử hành công cộng và được trực tiếp truyền thanh.

Điều cũng đặc biệt nữa là giáo sĩ Abraham Skorka của Do Thái Giáo và Giáo Trưởng Hồi Giáo Omar Abbud sẽ tháp tùng Đức Phanxicô trong chuyến viếng thăm này. Hai vị đều là những người có mối liên hệ đối thoại và bằng hữu lâu năm với Đức Thánh Cha.

Rêng giáo sĩ Skorka, trước khi được mời tháp tùng Đức Phanxicô, trong một cuộc phỏng vấn của tờ Avvenire ngày 13 tháng 3, đã tuyên bố rằng “dù có hiện diện hay không, tôi cũng xác tín rằng chuyến đi này sẽ dẫn tới một thời đại mới trong cuộc đối thoại Do Thái Giáo và Kitô Giáo: thời đại tương cảm”.

Lúc còn là TGM Buenos Aires, Đức Phanxicô và giáo sĩ Skorka vốn từng cộng tác với nhau trong việc phát huy các mối liên hệ giữa Giáo Hội Công Giáo và cộng đồng Do Thái Giáo tại Á Căn Đình.

Giáo sĩ nói rằng: “mấy ngày sau khi được bầu, Đức Giáo Hoàng viết cho tôi hay rằng ngài muốn tiếp tục cuộc hành trình của chúng tôi. Và đó là điều chúng tôi đang cố gắng làm. Cho dù không được thường xuyên gặp nhau, đối với ngài, tình bằng hữu vẫn là một giá trị nền tảng. Ngài không nội tâm hóa được cái nền văn hóa vứt bỏ trong đó người ta thường bị sử dụng rồi bị vứt đi”.

Ông cho rằng liên hệ của Đức Phanxicô với dân tộc Do Thái vẫn tiếp tục đi theo đường lối của các vị tiền nhiệm, trong đó có Đức Phaolô VI, Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI. Tuy nhiên, theo ông, Đức Phanxicô có cái đặc trưng của ngài: “Ngài là người có những ngôn từ đơn giản và cử chỉ sâu sắc”. Những cử chỉ này “đụng tới tâm hồn, bộc lộ ý nghĩa chân thực của những lời lẽ xem ra đơn giản. Các hành động này phá sập mọi bức tường”.

Được hỏi ông có tin rằng cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng sẽ góp phần vào nền hòa bình tại Đất Thánh hay không, giáo sĩ Skorka trả lời rằng ông xác tín Đức Phanxicô sẽ để lại một dấu ấn không thể xóa nhòa nơi người ta. Ông nói: “tôi không mong Đức Phanxicô sẽ vẫy chiếc đũa thần và mang được người Do Thái và người Palestine lại với nhau. Nhưng, các đặc sủng và đức khiêm nhường lớn lao của ngài có thể đem lại một sứ điệp hòa bình rất mạnh cho toàn vùng Trung Đông. Đây là một vùng chiến lược cho sự hòa hợp trên thế giới, như các tiên tri trong Thánh Kinh từng dạy chúng ta, từ Isaia tới Mikha”.

Suy nghĩ về tình bạn của ông với Đức Phanxicô, giáo sĩ Skorka cho biết điều phân biệt Đức Phanxicô hơn cả là khả năng hiến thân cho người khác của ngài, bất chấp tôn giáo, quốc tịch hay lý tưởng chính trị. Ông cho rằng Đức Phanxicô có tăng tiến kỹ năng lãnh đạo của ngài, nhưng con người thì vẫn thế. Người bạn thì vẫn thế, chỉ mặc thêm chiếc áo dòng trắng…

Tuyên bố chung Công Giáo và Chính Thống

Trong khi ấy, hãng tin CWN ngày 19 tháng 5, loan tin: Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ và chủ tịch Hội Nghị Các Giám Mục Qui Điển Chính Thống tại Hiệp Chúng Quốc Mỹ Châu vừa ra tuyên bố chung về cuộc gặp gỡ tại Giêrusalem sắp tới giữa Đức GH Phanxicô và TH Đại Kết Barthôlômêô I.

Đức TGM Joseph Kurtz (Công Giáo) và Đức TGM Demetrios (Chính Thống) tuyên bố rằng “50 năm trước đây, hồi tháng Giêng năm 1964, hai nhà lãnh đạo vĩ đại đã gặp nhau tại Giêrusalem. Đức GH Phaolô VI của Rôma và TP Đại Kết Athenagoras của Constantinople đạ gạt sang một bên hàng thế kỷ thù nghịch và đã ôm hôn nhau tại thành phố nơi Chúa Kitô chịu đóng đinh và sống lại từ cõi chết”.

Các ngài nói thêm: “các Giáo Hội chúng tôi càng ngày càng có khả năng cùng đồng thanh lên tiếng về những vấn đề cấp thiết mà xã hội chúng ta đang phải đương đầu. Chúng tôi cam kết gia tăng hợp tác trong các phạm vi này, trong đó có các lưỡng nan về xã hội, kinh tế, và đạo đức, và chúng tôi kêu gọi tín hữu của mình cầu nguyện cho sự thành công của cuộc gặp gỡ sắp tới giữa Đức GH Phanxicô và TP Đại Kết Barthôlômêô tại Giêrusalem vì vinh quang Thiên Chúa và vì sự phát huy Kitô Giáo trong thế giới bị thương tổn của ta”.

Khía cạnh thiêng liêng và khía cạnh chính trị

Ngày 16 tháng 4, một cuộc họp báo bất ngờ đã được tổ chức tại tòa thượng phụ La Tinh, trong đó, các nhà báo đã đặt nhiều câu hỏi cho thượng phụ Fouad Twal và vị đại diện của ngài tại Giêrusalem là Đức Cha Shomali về cuộc viếng thăm sắp tới của Đức Phanxicô. Cũng trong cuộc họp báo này, người ta thấy rõ khía cạnh thiêng liêng và khía cạnh chính trị là hai khía cạnh khó có thể tách biệt nhau trong chuyến viếng thăm này.

Thực vậy, thượng phụ Twal cho hay: các Kitô Hữu địa phương chia sẻ với dân tộc họ “cùng những khát vọng, cùng những đau khổ và cùng một niềm hy vọng, tức Hòa Bình cho mọi người”.

Về cuộc viếng thăm của Đức Phanxicô, thượng phụ cho hay “trước nhất, đây là một cuộc viếng thăm mục vụ, cuộc viếng thăm của một người hòa bình, đối thoại và cầu nguyện. Đức Thánh Cha đến đây để trước nhất kỷ niệm cuộc gặp gỡ đại kết năm 1964. Nhưng chiều kích chính trị của biến cố không thể nào tránh được, đó là chiều kích hòa bình, tự do và công lý”. Thượng Phụ quả có nhấn mạnh tới các vấn đề đặt ra bởi “cuộc chiếm đóng, bởi việc lui tới các nơi thánh, bởi việc phân rẽ các gia đình và quyền của mỗi người có được cuộc sống bình thường”.

"Chúng tôi hy vọng rất nhiều ở cuộc viếng thăm này. Chúng tôi hy vọng nhiều cho hòa bình và công lý trên Trái Đất này”. Thượng phụ đặc biệt nhắc tới sự cần thiết “phải thừa nhận biên giới” cho dân tộc Palestine. Các vấn đề quan trọng về qui chế cho Giêrusalem và về quyền hồi hương của người tị nạn cần được “giải đáp cụ thể”.

Tuy nhiên, riêng “đối với cộng đồng Kitô Giáo, chúng tôi cũng hy vọng họ không tự bằng lòng với các trình diễn chung quanh cuộc thăm viếng này, họ cần lắng nghe sứ điệp Đức Giáo Hoàng muốn để lại cho chúng tôi”.

Đức Cha Shomali thì nhấn mạnh rằng “Đức Thánh Cha đến đây không phải để giải quyết cuộc tranh chấp Do Thái- Palestine” mà tới đây như một người hành hương và cầu nguyện. Dĩ nhiên, “chiều kích chính trị không thể tách biệt khỏi chiều kích thiêng liêng. Nhưng không nên chờ mong quá những gì cuộc viếng thăm có thể làm”. Đức Cha Shomali cũng lưu ý rằng Đức Giáo Hoàng sẽ không chỉ nói bằng lời mà còn bằng cử chi của ngài nữa. “Lúc tới thăm trại tị nạn Dehesha (của Palestine) chẳng hạn, ngài sẽ đặt ngón tay lên vết thương của dân tộc Palestine hiện có tới 4 triệu người tứ tán khắp nơi. Khi tới thăm viện Yad Vashem (của Do Thái) ngài cũng sẽ đặt ngón tay lên vết thương của dân tộc Do Thái và lên vết thương của tất cả mọi dân tộc bị bách hại vì đức tin của mình”.

Không đại diện Chính Thống

Trong khi ấy, Catholic World News ngày 22 tháng 5 cho hay phát ngôn viên ngoại vụ của Giáo Hội Chính Thống Nga, TGM Hilarion, tuyên bố rằng vì Đức TP Barthôlômêô không tham khảo với các vị lãnh đạo Chính Thống Giáo khác trước khi dự trù gặp Đức Giáo Hoàng, nên ngài chỉ hành động nhân danh riêng ngài mà thôi, chứ không đại diện cho tín hữu Chính Thống Giáo hoàn cầu. Mặc dù Thượng Phụ của Constantinople, theo truyền thống, được thừa nhận là “vị đứng đầu của những vị ngang hàng” trong phẩm trật Chính Thống Giáo, nhưng Chính Thống Giáo Nga lý luận rằng ngài chỉ thừa hành tư cách tối cao ấy khi các thượng phụ Chính Thống khác minh nhiên cho phép ngài làm như vậy. Khi không có thừa ủy nhiệm này, TP Barthôlômêô chỉ đại diện chính Giáo Hội đặc thù của ngài mà thôi.

Biện pháp an ninh có thể khiến nhiều người không được thấy Đức Giáo Hoàng

Cũng Catholic World News ngày 22 tháng 5 cho hay: nhiều khách hành hương Kitô Giáo sẽ không được thấy Đức Giáo Hoàng Phanxicô khi ngài tới thăm Đất Thánh vì các biện pháp an ninh chặt chẽ và thiếu vé phép.

Đó là lời cảnh cáo của Đức Cha William Shomali, phụ tá của Thượng Phụ La Tinh của Giêrusalem. Ngài cho biết con số muốn có vé gặp Đức Phanxicô cao hơn hơn con số muốn gặp hai Đức Gioan Phaolô II và Bênêđíctô XVI trước đây. Nhưng phép được tham dự các biến cố công cộng hiện đang bị hạn chế vì lý do an ninh. Đức Cha cho rằng các giới chức an ninh Do Thái nhấn mạnh tới các biện pháp chặt chẽ này một phần vì Đức Thánh Cha từ khước không sử dụng xe bọc thép.

Các nhà tranh đấu Do Thái Giáo bị bắt giam tại nhà vì cuộc viếng thăm của Đức Phanxicô

Tin của Catholic World News cùng ngày cho biết các giới chức an ninh Do Thái đã giam tại gia 3 nhà tranh đấu Do Thái Giáo, vì cho rằng họ dự định phá hoại cuộc xuất hiện trước công chúng của Đức Giáo Hoàng khi ngài tới đây thăm viếng. Cảnh sát đã nhận được lệnh phải hạn chế những người này tại nơi họ cư trú trong suốt thời gian cuộc viếng thăm.

Người tị nạn hy vọng có thay đổi sau cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng

Bản tin của Catholic World News cũng cho biết niềm hy vọng của người tị nạn Palestine nhân chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô. Trong ngày đầu tiên của chuyến viếng thăm này, Đức Phanxicô sẽ gặp người tị nạn tại Nhà Thờ La Tinh ở Bêtani, bên kia sông Giócđăng, khiến người tị nạn hy vọng rằng số phận họ sẽ thay đổi.

Wael Suleiman, giám đốc Caritas ở Giócđăng, nói với hãng tin Fides rằng “người tị nạn Syria và Iraq đang trông mong cuộc viếng thăm của Đức Phanxicô và tràn trề hy vọng cùng lo lắng: trong số người Iraq, có những người mang thân phận tị nạn đã hơn 20 năm. Mọi người đều mong thế giới nhớ đến họ và một điều gì đó sẽ thay đổi thực sự”.

Nên nhớ rằng 20,000 trong số ước chừng 1,300,000 người tị nạn Syria tại Giócđăng là Kitô hữu. Ông cho hay: “khó lòng các Kitô hữu có thể trở lại Syria khi chiến tranh kết thúc. Điều này có nghĩa tại một số thành phố, như Homs và Aleppo, nhiều khu Kitô Giáo sẽ vẫn trống không”.