Andrew M. Greeley là một linh mục Hoa Kỳ gốc Ái Nhĩ Lan, đồng thời là một nhà xã hội học, một nhà báo và tiểu thuyết gia có hạng. Ngài là học giả đầu tiên nghiên cứu tác dụng xã hội học trong các cải tổ của Vatican II đối với người Công Giáo Hoa Kỳ. Ngay từ năm 1964, giữa lúc Vatican II chưa kết thúc, cha đã tiên đoán về một mẫu người mới (A New Breed) trong Giáo Hội. Cha vừa qua đời ngày 29 tháng Năm, năm 2013 vừa qua tại Chicago, hưởng thọ 85 tuổi. Tuần báo Công Giáo The America (số 1-8 tháng 7, 2013) nhân dịp này có cho đăng lại bài ngài viết về loại người này:

Họ không đông lắm, nhưng họ vẫn là những người quan trọng. Trong một ghi chú cho tân tuyển tập của ông tựa là Abundance for What? David Riesman kể rằng ông từng quan sát sự thay đổi nơi các sinh viên tốt nghiệp đại học trong vòng 7, 8 năm nay. Những sinh viên lớp lớn lạnh lùng và vô cảm của nửa thập niên 1950 chưa mất dạng hẳn, thì một loại người mới và rất khác đã xuất hiện trên sân khấu rồi.

Riesman không cho biết nhiều chi tiết đặc thù về dung mạo của những người tân tốt nghiệp này, nhưng tôi biết ông muốn nói gì. Vài năm trước đây, tôi có viết một cuốn sách về Những Người Công Giáo Trẻ Hoa Kỳ, những người mà trong một cơn bi quan yếm thế, tôi đã đặt tên là Thời Lãnh Cảm (The Age of Apathy). Một vị vọng trong Giáo Hội có thiện cảm cho tôi hay rằng với tất cả các thay đổi đang diễn ra trong Giáo Hội, chỉ ít năm nữa, tôi sẽ ân hận về tựa đề đó. Tôi rất vui đã theo lời khuyên của ngài, vì tựa đề sau cùng được sử dụng “Strangers in the House” (Những Người Lạ Trong Nhà) đã giúp tôi viết một cách duyên dáng hơn về chủ đề này.

Năm năm trước đây, quả có sự xuất hiện Một Kiểu Người Khác hết sức rõ nét. Họ không đông lắm; có thể họ chưa xuất hiện trong các mẫu thăm dò; đa số người cùng lớp với họ tại các cao đẳng, chủng viện, tập viện của xứ sở vẫn tiếp tục bơ phờ và khác với họ. Còn Kiểu Người Mới thì ồn ào đến nỗi khiến người ta ít còn thì giờ lưu ý tới đa số kia. Gần như bất cứ viện trưởng đại học hay giám đốc chủng viện nào cũng nhận thấy có sự hiện diện của họ và đều tỏ ra bỡ ngỡ không hiểu họ muốn gì.

Về Kiểu Người Mới này, tôi chỉ có thể tường trình các ấn tượng của mình và các ấn tượng này thường khá lộn xộn. Có nhiều điều tôi thích về Kiểu Người Mới nhưng cũng không thiếu những điều tôi không ưa ở họ. Tôi nghĩ mình hiểu “Những Người Lạ Trong Nhà” mà tôi đã viết cách nay năm năm; nhưng Kiểu Người Mới khác hẳn, và tôi rất sợ là mình không biết gì về họ.

Trước nhất, họ hết sức quan tâm tới những chuyện như trung thực, liêm chính và chân chính. Họ phải biết lý do tại sao. Họ không từ chối vâng lời, nhưng trước khi vâng lời, họ muốn được ngồi xuống và thảo luận tại sao lại có lệnh lạc đó; họ bối rối khi những vị có thẩm quyền cảm thấy bị đe dọa bởi cái ý muốn được thảo luận này. Như một quản trị viên đại học của Dòng Tên đã quan sát: “Trong suốt 400 năm qua, chúng tôi vốn đã hiện diện trong lãnh vực tông đồ giáo dục Kitô Giáo rồi, thế mà giờ đây chúng tôi bỗng thấy các chủng sinh của chúng tôi yêu cầu chúng tôi biện minh cho hình thức tông đồ này”. Và một người đồng dòng nói thêm: “các chủng sinh Dòng Tên là những người cấp tiến (radical) nhất trong Giáo Hội Hoa Kỳ, không trừ ai”. Cả hai vị, không vị nào chống đối Kiểu Người Mới cả, chỉ bỡ ngỡ về họ thôi.

Song song với một quan tâm như thế về liêm chính và trung thực, người ta còn thấy Kiểu Người Mới không có khả năng quanh co (devious) hay cơ hội chủ nghĩa, thậm chí họ bất cần cả ngoại giao nữa. Thế hệ cấp tiến Công Giáo (ít nhất là thế hệ tôi biết ở Chicago) đạt được mục tiêu khiêm tốn của họ nhờ cư xử hết sức khéo léo, nhẫn nại và đầy kỹ năng chính trị. Kiểu Người Mới không cần bất cứ thứ gì trong số này. Mọi vấn đề, dù nhỏ hay lớn, đều phải được đem ra công khai, để thảo luận. Chân lý phải được nói lên cho dù việc nói lên này chẳng ích lợi gì, thậm chí còn có hại nữa. Làm ít hơn thế là hạ giá sự trung thực của người ta, là xâm hại tới tính chân chính của họ. Rất khó thương lượng với họ, vì xem ra họ cảm nhận rằng chỉ cần lặp đi lặp lại điều họ cho là thật cuối cùng cũng sẽ thắng; xem ra gần như họ muốn biến bất cứ câu hỏi nào cũng phải trở thành một vấn đề nguyên tắc khiến người ta phải cho rằng họ đang muốn một cuộc chiến tranh, dù có lẽ họ chỉ đi tìm một nguyên nhân, một chính nghĩa.

Tuy nhiên, chỉ trừ một số trường hợp hi hữu, họ không cố ý bất tuân hoặc bất kính đối với quyền bính. Họ thất đảm khi sự trung thực của họ bị hiểu lầm là bất kính và ý muốn thảo luận của họ bị hiểu sai là bất tuân; họ không thể thấy tại sao một giải thích như thế đã bị áp đặt lên các ý hướng của họ. Họ nghĩ họ cởi mở với bề trên hơn là những người vâng phục bằng thái độ dễ bảo bề ngoài rồi sau đó lại cay đắng kêu ca về người có quyền chức khi quyền chức quay lưng. Họ cho rằng ý muốn tìm hiểu của họ đáng được ưa chuộng hơn là việc vâng lời từng chữ vốn là thứ cố tình phá hoại mục tiêu của quyền bính. Họ lý luận rằng bề trên sẽ có lợi hơn với sự thuận tình của những con người tự do hơn là sự vâng phục của những người máy. Họ không thể hiểu được tại sao nhiều vị bề trên dường như không đồng ý như thế.

Họ rất quan tâm tới chuyện “thành tựu” (fulfillment). Những người đi trước họ chỉ thấy công việc phải làm chứ không hề thắc mắc hỏi xem công việc ấy có thỏa mãn các nhu cầu của những người thực hiện nó hay không. Chủ nghĩa nhân vị triệt để của Kiểu Người Mới thì không thể khoan thứ cho cái phương thức “phi nhân” như thế. Họ thấy họ chỉ có thể giúp đỡ người khác nếu họ có thể liên hệ với những người này như những con người và họ không thể liên hệ nếu không có khả thể “thành tựu thỏa mãn” trong mối liên hệ này. Họ không có hứng thú đối với một trách vụ xem ra loại bỏ khả thể có thể có cặp “Tôi-Anh” (I-Thou).

Họ lo lắng tới chuyện yêu và được yêu, hay đúng hơn, tới chuyện liệu họ có khả năng yêu hay không. Người trẻ quan tâm tới tình yêu thì đâu có gì bất thường; nhưng khi người trẻ tự tra vấn chính khả năng yêu thương của mình thì chắc chắn là điều mới lạ, nhất là lúc người quan sát bên ngoài thấy hiện tượng này: xem ra những người có khả năng yêu thương hơn cả lại là những người hoài nghi nhất về khả năng yêu thương của mình. Họ không đồng hóa yêu thương với lãng mạn tính dục, và quả thực cái lãng mạn tính dục trong tình yêu này ít khiến họ phải lo âu hơn tình bạn, hơn gặp gỡ hay hơn liên hệ. Họ biết chắc họ có thể bị kích thích về tính dục, nhưng họ không biết chắc họ có là “bạn” của nhau không, họ có thể “gặp” được một bạn tình hay lại gặp người nào vớ vẩn.

Thành thử, “chủ nghĩa cấp tiến” của họ dường như không ăn nhập gì tới chuyện “nguyên nhân hay chính nghĩa”; họ quan tâm tới con người nhiều hơn ý niệm. Những người đi trước họ đứng ở hàng rào cản (picket lines) của thập niên 1930 thường chẳng quan tâm gì tới việc “liệu họ có được người ta ưa thích” hay không; thế hệ ấy có những kẻ thù cần phải đánh, những nguyên tắc cần phải bênh, những cuộc chiến cần phải thắng. Kiểu Người Mới chỉ muốn giúp người và được người thương. Do đó, họ không phải là những người của ý thức hệ chính trị; họ không “cấp tiến” theo nghĩa cổ truyền, vì họ hầu như không có một triết lý chính trị mạch lạc nào. Dù họ hoạt động cho dân quyền, và dù thỉnh thoảng họ vẫn tổ chức những hàng rào cản, nhưng họ không tích cực bao nhiêu trong các tổ chức đấu tranh cho dân quyền hay trong các phong trào hòa bình và thường rất thận trọng làm ngơ các giọng điệu ý thức hệ của các phong trào này. Mà họ cũng chẳng thấy gì ngoại trừ vui đùa nơi những nhà bảo thủ triệt để chuyên hò hét om xòm. Tuy nhiên, Kiểu Người Mới không hề làm ngơ chính trị; họ phấn khích bởi trò chơi chính trị, có thể rất tích cực trên bình diện khu vực và bị lôi cuốn bởi nghề nghiệp trong chính phủ. Nhưng giống như các anh hùng của họ trong hàng ngũ Maffia Ái Nhĩ Lan, họ thực tiễn chứ không ý thức hệ trong cách tiếp cận.

Liên quan tới nỗi đau của con người, không như “Những Người Lạ Trong Nhà” mà tôi viết cách nay 5 năm, Kiểu Người Mới làm nhiều hơn nói. Chính từ hàng ngũ Kiểu Người Mới, người ta tuyển các thiện nguyện viện cho Peace Corps, Pavla, các sứ mệnh Nới Rộng Nhà, và nhất là các chương trình sinh viên nội thành hiện đang lan tràn khắp nước như những đám cháy thảo nguyên. Những việc làm như thế đều là những việc làm với những con người; chúng không có tính ý thức hệ và rất “thành tựu thỏa mãn”. Người ta nghe được lời bình luận của một số thiện nguyện viên, đại loại như sau: “từ công việc này, chúng tôi nhận được nhiều hơn những người chúng tôi giúp đỡ”.

Dù những phát biểu ấy không chắc thành thật, nhưng chúng vẫn cho ta một tầm nhìn thấu đáo nói lên rất nhiều về Kiểu Người Mới. Nhưng bất kể họ nhìn việc làm của họ ra sao, bạn nên biết rằng họ tiến hành việc làm ấy bằng một khả năng lạnh lùng và khá bình thản đôi lúc làm người ta rất ngỡ ngàng. Phong Trào Sinh Viên Miền Bắc và các chương trình dạy kèm liên hệ chỉ có tính tài tử. Kiểu Người Mới biết cách làm việc với các ủy ban, viết các sách thông tin nhỏ, diễn thuyết, quyên tiền, sử dụng các tài nguyên cộng đồng và phát hành các tuyên bố báo chí. CALM tức Phong Trào Giáo Dân Vùng Chicago mà tôi khá quen thuộc là một tổ chức đang diễn tiến hầu như trước khi chúng ta, những người theo dõi nó, biết nó bắt đầu. Thực vậy, phong trào này đã cho đăng câu truyện của mình trên báo chí trước khi thực sự bắt đầu hoạt động, đây chắc chắn là khía cạnh tích cực cao, chứ không phải thường. Ta cũng không nên quá ngạc nhiên trước khả năng này, vì Kiểu Người Mới gồm những người trẻ vốn là lãnh tụ học sinh và sinh viên tại các trường trung học và cao đẳng nên biết rất rõ các tổ chức… Kiểu Người Mới xem ra cũng không có khuynh hướng coi việc mình can dự vào nội thành như một hiện tượng tạm bợ. Grace Ann Carroll, người đồng sáng lập ra CALM nói thay cho phần lớn Kiểu Người Mới như sau: “Trước khi chấm dứt, chúng tôi phải nghĩ ra nhiều việc cần làm để bất cứ ai muốn can dự, có thể can dự, bất chấp tuổi tác hay trách nhiệm”.

Ta có thể đang chứng kiến một thay đổi lớn về xã hội khi các thành viên tương lai của giai cấp thượng trung lưu trở lại nội thành, nơi mà cha anh họ từng trốn chạy.

Sự lạnh lùng không có tính ý thức hệ của Kiểu Người Mới khiến ta khó xử sự với họ. Những người ở vị trí có thẩm quyền và trách nhiệm đối với họ chắc chắn đáng được thiện cảm. Kiểu Người Mới thường dò dẫm và không nói rõ họ muốn gì, nhưng họ biết họ muốn thay đổi. Dường như đôi lúc họ mong cấp trên bác bỏ yêu cầu của họ để họ thấy rõ họ phải đấu tranh vì vấn đề gì, phải liên kết cho một thay đổi dứt khoát nào. Họ muốn tự do ngay bây giờ, bất chấp điều ấy có nghĩa gì.

Giới trẻ “cấp tiến’ Công Giáo của quá khứ không bao giờ mong chiến thắng. Họ không nghĩ rằng thời họ sống, họ sẽ thấy các lý tưởng trong giáo huấn xã hội hay phụng vụ của Giáo Hội sẽ trở thành thực tại. Họ nhẫn nhục chịu là thiểu số đáng ghét đấu tranh cho một chính nghĩa thua cuộc. Nhưng Kiểu Người Mới không chịu chơi cái kiểu chơi ấy. Họ từng nếm được đủ các thay đổi trong mấy năm qua nên họ muốn có nhiều thay đổi hơn nữa. Họ hoàn toàn tin tưởng rằng họ sẽ thắng và họ sẽ sống để chôn sống những ai cản đường họ. Kiểu Người Mới không biết mềm dẻo, họ là những người chủ trương từ từ mà tiến (gradualists). Họ muốn một Giáo Hội ăn nhập với các nhu cầu của họ và các nhu cầu họ thấy trên thế giới, và họ muốn ngay bây giờ, chứ không phải tuần tới. Bất hạnh một điều, họ không có khả năng nói một cách chính xác sự ăn nhập này bao gồm những gì, và trong giai đoạn này của cuộc chơi, cũng không ai khác có khả năng nói được điều đó. Bởi thế, Kiểu Người Mới là một phiên tòa đối với thế hệ cha anh; ta không thể hiểu họ mà chính họ cũng không tài nào hiểu được chính mình. Họ là sản phẩm của một cuộc cách mạng trải rộng hoài mong, và ở giữa các tình huống chuyển tiếp này, chạm trán nhau là điều không thể tránh khỏi. Dù bị làm phiền bởi nhiều bất nhất và phi lý mà Kiểu Người Mới xem ra đang cho thấy, ta cũng không nên coi nhẹ những gì họ muốn nói với ta; họ muốn nói rằng bạn không thể có cái thứ aggiornamento (cập nhật hóa) nửa vời, bạn phải mở tung chiếc cửa sổ mà bạn đang mất hết khả năng đóng lại đi, ngọn gió đang thổi vào kia chắc chắn mang theo nó đủ thứ vật lạ.

Tôi vẫn có linh cảm: Kiểu Người Mới, trong căn bản, chủ trương duy tiệm tiến; nếu họ thấy đang có tiến bộ, thì dù chỉ thay đổi từ từ họ cũng vui lòng rồi, chứ họ không đòi mọi sự phải thay đổi ngay tức khắc. Nếu có phản đối về mức thay đổi, thì họ chỉ phản đối cái mức yếu đến độ không ai thấy mà thôi. Rất có thể họ phản đối thứ aggiornamento tiệm tiến vì nhiều người trong số họ thấy chẳng có thay đổi gì đối với bình diện của họ. Khi mức cải cách và canh tân tăng nhịp độ nơi quần chúng, họ có thể dễ dãi hơn trong cư xử. Tuy nhiên, đây có thể chỉ là mơ tưởng của thế hệ cha anh, hy vọng rằng trong ít năm nữa, Kiểu Người Mới sẽ bắt đầu hành xử như mình.

Ấy thế nhưng, người ta sẽ sai lầm nghiêm trọng nếu nghĩ rằng Kiểu Người Mới đang xa lìa Giáo Hội, hoặc vì bỏ đạo hay vì ra xa lạ. Giáo Hội là Giáo Hội của họ, đẩy họ ra khỏi đó đâu phải là chuyện dễ. Họ từng được dạy rằng họ là Giáo Hội nhiều lần đến nỗi nay họ tin điều đó, và dù họ không thích nhiều điều họ thấy nơi Giáo Hội hôm nay, nhưng họ sành sõi đủ để biết rằng những điều đó có thể thay đổi được. Họ cũng trẻ đủ để nghĩ rằng họ sẽ giúp thay đổi chúng. Họ bồn chồn với Giáo Hội, nhưng họ bồn chồn với Giáo Hội vì coi Giáo Hội như nàng dâu xinh đẹp mà họ yêu thương. Họ cũng không phản giáo sĩ, cho dù họ có thể phản đối nhiều chính sách bị họ coi là “giáo sĩ trị”. Thực thế, phe phản giáo sĩ có thể đang giảm sút trong hàng ngũ Kiểu Người Mới vì các thành viên giáo dân và giáo sĩ của nó đang cùng có những vấn đề và niềm hy vọng chung. Đôi khi, những người “phản giáo sĩ” nặng nhất trong hàng ngũ Kiểu Người Mới xem ra lại chính là các chủng sinh; và trong khi rất ít cựu chủng sinh rời bỏ Giáo Hội, ít nhất một cách tạm bợ, thì đại đa số họ trở thành lãnh tụ hàng ngũ giáo dân của Kiểu Người Mới (các cựu đệ tử hay tập sinh cũng thế). Không, Kiểu Người Mới không lìa xa Giáo Hội, mà họ cũng không chịu im lặng. Ta còn phải chịu đựng họ một thời gian lâu dài hơn nữa.

Làm thế nào Kiểu Người Mới đã xuất hiện? Ta giải thích sự xuất hiện này ra sao? Câu trả lời không dễ. Kiểu Người Mới không biết gì tới chiến tranh hay suy thoái kinh tế, mà chỉ biết tới chiến tranh lạnh và thịnh vượng. Họ sống giữa một thời đại tâm lý học khi đến cả bản tin Chúa Nhật cũng phải nói tới chủ nghĩa hiện sinh. Họ từng đọc triết lý và văn chương hiện đại, với việc nhấn mạnh nhiều tới ý nghĩa và thuyết nhân vị. Họ nghe nói tới aggiornamento trong Giáo Hội và có thể theo dõi một cách chi tiết sự tiến triển của cải cách trên các tạp chí của giới quyền uy Công Giáo. Tiên tri của họ là Cha Teilhard (tại căn hộ Kiểu Người Mới của một cao đẳng kia, tôi đã thấy có bàn thờ “dâng kính” Teilhard). Còn thánh bổn mạng của họ là John Kennedy, người đã nhờ nét tươi trẻ, chủ nghĩa thực tiễn, và tính năng nổ, khát vọng thách thức và phục vụ, viễn kiến về một tân tự do của mình, đã phản ảnh bằng nhiều cách những điều Kiều Người Mới khát mong. Có lẽ còn nhiều giải thích khác nữa. Hiện còn quá sớm để có thể quả quyết Kiểu Người Mới do đâu xuất hiện; ta phải chờ cho tới lúc chính họ giải thích điều đó.

Nhưng từ họ sẽ xuất hiện điều gì? Ta từng nói rằng rất ít người trong số họ sẽ lìa bỏ Giáo Hội. Một số sẽ trở nên hoài nghi và ra xa lạ. Một số khác sẽ cúi đầu trước áp lực gia đình và bạn bè để yên ổn sống một cuộc sống tốt; nhưng cũng có người sẽ tiêu phí sinh lực của mình trong những giấc mơ lãng mạn hay những cuộc tình lầm lẫn và vô ích. Không thiếu người sẽ cưới những người không thuộc Kiểu Người Mới và lê lết sống những cuộc sống chán chường mệt mỏi. Một số sẽ mềm nhũn đi với tuổi tác. Nhưng ta có thể an tâm đánh cuộc rằng số ở lại vẫn đủ dùng. Họ sẽ trưởng thành với thời gian, nhưng ta sẽ tự cười nhạo mình nếu nghĩ rằng họ sẽ trưởng thành theo khuôn mẫu của ta. Hiện họ khác ta thì họ cũng sẽ khác ta trong 25 năm tới.

Họ là loại người nghịch thường, hoàn toàn tự tin, nhưng lại lo âu bất an; họ hữu hiệu về phương diện tổ chức nhưng rất thiếu khôn khéo về phương diện ngoại giao; họ tha thiết dấn thân vào đối thoại nhưng lại thường không nói rõ được mình muốn nói gì; họ không có ý thức hệ nhưng lại nằng nặc đòi tự do; họ độ lượng với người nghèo và người đau khổ nhưng lại cực kỳ tàn bạo trong phán đoán đối với bậc cha anh và cấp trên; họ đại kết tận cốt lõi nhưng lại hết sức cục bộ trong thưởng thức và thẩm mỹ; họ rất muốn yêu nhưng lại không chắc mình biết yêu hay không. Họ muốn lên cao nhưng lại sa lầy ở chân đồi. Tôi biết chắc có giải pháp cho các nghịch thường này, vì Kiểu Người Mới có một nguyên tắc nào đó cho sự nhất quán nội tâm của họ, nhưng vì không phải là một người trong số họ, tôi không thể tìm ra nguyên tắc ấy được.

Rõ ràng là tôi khá lưỡng nghĩa về Kiểu Người Mới. Tôi bị họ mê hoặc và tôi thán phục lòng can đảm của họ; ấy thế nhưng họ cũng làm tôi thất đảm. Khoảng một phần tư thế kỷ nữa, họ sẽ chiếm giữ Giáo Hội Hoa Kỳ. Họ sẽ là các giám mục, các mẹ bề trên cả, các viện trưởng, các mục tử, các giám tỉnh, các bề trên, các học giả, các chính trị gia, các nhà tổ chức, các chủ bút, các nhà lãnh đạo các tổ chức giáo dân. Tôi không biết rõ Giáo Hội của họ mặt mũi sẽ ra sao và tôi thắc mắc tự hỏi có bao nhiêu chỗ trong đó dành cho những người như tôi. Kiểu Người Mới có lý để tự tin. Mọi sự đều đứng về phía họ: tuổi trẻ, thời gian, làn sóng lịch sử, và người ta hoài nghi, cả Chúa Thánh Thần nữa.