Ngày 08-11-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 09/11: Nhờ Bí Tích Thanh Tẩy, chúng ta trở nên Đền Thờ của Thiên Chúa - Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Giáo Hội Năm Châu
00:25 08/11/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái, Đức Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem. Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả chiên cũng như bò, ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.” Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.

Người Do-thái hỏi Đức Giê-su: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?” Đức Giê-su đáp: “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.” Người Do-thái nói: “Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao?” Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người. Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói.

Đó là lời Chúa
 
Dâng hết
Lm. Thái Nguyên
03:10 08/11/2024


DÂNG HẾT
Chúa Nhật 32 Thường Niên năm B : Mc 12, 38-44
Suy niệm

Bài Tin Mừng mở đầu bằng việc Đức Giêsu căn dặn các môn đệ phải coi chừng lối sống giả hình của các kinh sư. Họ lợi dụng sắc phục bên ngoài để được người ta kính nể; làm ra vẻ đạo mạo để được kính phục; tỏ ra đạo đức để được kính tôn; đọc kinh cầu nguyện lâu giờ để được kính yêu, và cũng là mưu mô để nuốt gia tài các bà góa. Con người thời nào cũng hay đeo mặt nạ với nhau, ngoài việc tìm kiếm lợi lộc và danh giá thì còn muốn tạo hào quang cho mình. Cách chung, người ta muốn sống hơn những gì mình có, muốn thể hiện hơn những gì mình là: cố làm cho mình trẻ đẹp hơn nhờ trang điểm; cố cho người khác thấy mình tài giỏi hơn nhờ ăn nói; cố tạo cho mình cái dáng vẻ quí phái, trí thức, đạo đức, để thu phục tình cảm và lòng tin của mọi người.

Điều éo le là những người Đức Giêsu cảnh giác không phải là nhóm dân thường mà lại là thành phần lãnh đạo tôn giáo. Thực tế, họ thường lạm dụng danh nghĩa và chức sắc của mình để tạo một lối sống đẳng cấp, chứ không hề có chút lòng đạo đức. Thật ra đạo giáo nào cũng không tránh được những loại người này, nhưng đặc biệt thời Đức Giêsu, tình trạng tôn giáo đã bị tha hóa và xuống cấp trầm trọng, con người đã đánh mất tấm lòng, chỉ còn lại luật lệ và hình thức bên ngoài, như có lần Chúa Giêsu đã nhắc lại lời ngôn sứ Isaia:“Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mt 15, 8).

Đi ngược với sự tham lam và giả hình của các kinh sư là hình ảnh một bà góa nghèo, nhưng rộng lượng và đơn sơ chân thành. Đức Giêsu thấy bà rón rén đến bỏ một phần tư xu vào thùng tiền của Đền thờ. Số tiền quá ít ỏi chẳng đáng gì, nhưng Ngài gọi các môn đệ lại và cho họ biết “bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết” vì đó là “tất cả những gì bà có để sống”. Trước mặt Chúa, cái nhỏ nhất lại thành cái lớn nhất, cái người ta coi là tầm thường lại trở nên phi thường.

Bà góa trong bài Tin Mừng này cũng giống như bà góa thành Sarépta trong bài đọc thứ nhất, đã dám bỏ phần ăn cuối cùng của mình để cứu giúp tiên tri Isaia, rồi sẵn sàng chờ đợi cái chết đến. Nhưng cái chết đã không đến mà là sự sống đã đến. Hành động của hai bà góa đều nói lên một đức tin phi thường. Lối đánh giá của Đức Giêsu đòi ta xét lại lối đánh giá của mình về người khác. Chúng ta thường dựa vào cái bề ngoài để đánh giá đúng-sai hay tốt-xấu, mà ít khi xét đến cái giá trị cốt lõi bên trong; dựa vào số lượng công việc hay thành tích mà ít khi xét đến chất lượng hay chiều sâu của vấn đề. Bản thân ta cũng thế, xem ra vẫn bị xáo trộn trước những lời khen chê. Thích khen và sợ chê khiến ta dễ trở nên nô lệ cho dư luận, cứ phải chịu tác động của người khác, không có tự do để hành động. Hãy tập nhận diện mình dưới cái nhìn của Chúa, vì dưới lăng kính của Chúa, mọi sự đều sáng tỏ.

Thế nhưng câu chuyện bà góa nghèo bị đặt vấn đề: phải chăng cứ sống thiếu thốn nghèo nàn để được Chúa khen thưởng? Phải chăng bỏ cả những nhu cầu thiết yếu để được vào nước Trời? Chắc chắn Tin Mừng không bao giờ đề cao sự bần cùng. Đức Giêsu đến để con người được sống và sống dồi dào. Ơn cứu độ không chỉ là “phần hồn” nhưng toàn vẹn, đồng thời bắt đầu chớm nở ngay tại thế chứ không phải giấc mơ xa xôi. Tuy nhiên, với tâm hồn yêu mến, người ta muốn dâng hiến cách quảng đại, không chỉ dâng nhiều hơn mà còn là nhiều nhất. Tất cả và trọn vẹn, chính là điều Thiên Chúa muốn nơi con người. Đừng quá bận tâm việc người khác nghĩ gì về mình. Điều quan trọng là Chúa nghĩ gì về ta, ta đã sống cho Chúa như thế nào và cư xử với mọi người ra sao?
Thật ra, sự nghèo túng tự nó không đem lại hạnh phúc cho ai, nhưng hạnh phúc là vì người nghèo biết vui lòng đón nhận hoàn cảnh hiện tại, bình an sống cuộc đời thanh bạch mà không ham hố lợi lộc, và điều quan trọng là biết chờ đợi mọi sự nơi Chúa. Chúng ta không xây dựng đời mình trên vật chất hay chiếm hữu, nhưng trên tình yêu, để sẵn sàng cho đi và dâng hiến. Và như vậy mới thật là những người khôn ngoan đích thực (Lc 1, 49), một sự khôn ngoan của con cái Thiên Chúa.

Với lời khen ngợi hành động của bà góa nghèo, phải chăng Chúa Giêsu muốn cổ võ một lối sống siêu thoát, đồng thời muốn thiết lập một xã hội công chính và nền văn minh tình thương, nhờ biết cho đi và chia sẻ. Và qua đó, Ngài muốn thay đổi cái nhìn của chúng ta về giá trị nhân sinh, để hướng tới một sự sống mới trong Nước Trời. Không thể sống theo quan niệm phàm tục của người đời mà có thể vào Nước Trời, nhưng là sống theo Lời Chúa dạy, Lời đem lại cho chúng ta cuộc sống đẹp ngời và hạnh phúc muôn đời.

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
Suy niệm Lời Chúa làm cho con nhớ,
chuyện một người hành khất đi từng nhà,
chợt thấy xe của Vua đến từ xa.
biết đó là Đức Vua sắp đi qua,
niềm hy vọng trong anh bừng sáng dậy,
mong từ đây kiếp nghèo không còn nữa.
Anh đang đợi chờ Vua bước xuống xe,
sẽ ban phát cho anh nhiều vàng bạc,
để đời anh chấm dứt cảnh lang thang,
không còn phải hoang mang theo ngày tháng.
Thấy Vua đang đi tới và mỉm cười,
khiến lòng anh cảm thấy sướng vui thay,
thế nhưng Vua lại tiến đến chìa tay,
hỏi xem anh có gì đây cho Ngài?
Quá sửng sờ khiến lòng anh bối rối,
đâu thể ngờ Ngài lại đến xin mình,
thôi thì đây chỉ có hạt lúa này,
anh đành phải lấy để dâng tặng Ngài,
Vua lên xe xa khuất trên đường dài,
anh lại lang thang miệt mài như xưa.
Thế rồi khi chiều về dốc túi ra,
bất ngờ anh trông thấy một điều lạ,
giữa những hạt lúa lại có hạt vàng,
anh lặng người trong cảm xúc xuyến xao…
Lệ rưng rưng nghẹn ngào anh nhủ bảo:
phải chi tôi dâng trao hết cho Ngài,
để chẳng còn lại gì cho bản thân,
thì giờ đây đã vui sướng vô ngần.
Lạy Chúa đã bao lần con lưỡng lự,
muốn cho đi nhưng rồi lại muốn giữ,
xin cho con hoàn toàn dám buông xả,
để Chúa là tất cả của đời con. Amen.
 
Linh hồn mọi thánh đường
Lm. Minh Anh
14:20 08/11/2024
LINH HỒN MỌI THÁNH ĐƯỜNG
“Đền Thờ Chúa Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Người!”.

Một trong các triết gia ảnh hưởng đến việc trở lại của Augustinô là Victorinus - ông nổi tiếng đến nỗi được dựng tượng trong toà Rôma. Về già, ông đọc Thánh Kinh và các tác phẩm Kitô giáo. Ngày kia, thăm Simplicianus, ông nói, “Tôi muốn ngài biết, tôi là một Kitô hữu!”. Simplicianus đáp, “Tôi sẽ không tin cho đến khi ông đến nhà thờ!”; “Tường nhà thờ làm cho người ta thành Kitô hữu sao?”. Sau đó, học đạo, ông công khai trở lại!

Kính thưa Anh Chị em,

Đúng như Victorinus nhận định, “Những bức tường nhà thờ không làm cho người ta thành Kitô hữu!”. Hôm nay, lễ Cung Hiến Thánh Đường Latêranô, một hình ảnh biểu tượng cho Hội Thánh, chúng ta không chỉ tôn vinh một đại giáo đường với các bức tường, nhưng tôn vinh Đấng ngự trong đó - Chúa Kitô - ‘linh hồn mọi thánh đường!’.

Dẫu không có toà nhà nào trên thế giới đủ lớn để chứa đựng sự bao la của Thiên Chúa; nhưng trong lịch sử, con người đã cảm thấy cần dành một số địa điểm nhất định cho các cuộc gặp gỡ cá nhân và cộng đồng với Ngài. Lúc đầu, nơi tụ tập của các tín hữu là nhà riêng của họ, các nhóm họp nhau để cầu nguyện và ‘bẻ bánh’ ở đó. Thời gian trôi qua, những cộng đoàn này đã xây dựng những ‘ngôi nhà’ dành riêng cho việc cầu nguyện, đọc Lời Chúa và cử hành phụng vụ. Và đây là cách Kitô giáo - từ những cuộc đàn áp đầu tiên cho đến ngày có tự do tôn giáo trong đế chế La Mã - bắt đầu xây dựng các nhà thờ, nhà nguyện lớn nhỏ và các vương cung thánh đường; trong đó, quan trọng nhất vẫn là đại giáo đường thánh Gioan Latêranô ở Rôma.

“Latêranô” biểu trưng cho sự hiệp nhất của tất cả các Giáo Hội hoàn vũ với Giáo Hội Rôma, và đây là lý do tại sao đại giáo đường này tự hào trưng bày trên hiên chính của mình danh hiệu “Mẹ và Đầu của tất cả các nhà thờ trong thành phố và trên thế giới”. Thậm chí nó còn quan trọng hơn Vương Cung Thánh Đường Phêrô, một đền thờ được xây trên mộ Phêrô và là ‘nơi ở’ hiện tại của Giáo Hoàng với tư cách Giám mục Rôma; dẫu thế, “Latêranô” vẫn là nhà thờ chánh toà của ngài. “Hôm nay, lễ Cung Hiến Thánh Đường Latêranô, chúng ta hãy nhớ, Chúa Kitô muốn ngự trong mọi tâm hồn. Ngay cả khi chúng ta rời xa Ngài, Ngài vẫn tìm kiếm chúng ta; và dù chỉ ba ngày, cũng đủ cho Ngài xây dựng lại đền thờ Thiên Chúa trong linh hồn mỗi người!” - Phanxicô.

Anh Chị em,

“Những bức tường nhà thờ không làm cho con người thành Kitô hữu!”. Đúng thế, chúng ta đừng bao giờ quên sự thật rằng, điểm gặp gỡ thực sự giữa con người và Thiên Chúa chính là Chúa Kitô Phục Sinh, nguồn mạch ân sủng, “Nước từ phía dưới bên phải Đền Thờ chảy ra” - bài đọc một. Ngài là ‘linh hồn mọi thánh đường’. Đó là lý do tại sao Ngài được trao quyền dọn dẹp nhà cửa của Cha Ngài. Phaolô nhắc nhở, “Đền thờ của Thiên Chúa là thánh mà chính anh em là đền thờ ấy” - bài đọc hai. “Mỗi người chúng ta có thể tự hỏi - Chúa có cảm thấy thoải mái trong cuộc sống của tôi không? Chúng ta có để Ngài ‘thanh tẩy’ trái tim và xua đuổi các ngẫu tượng, những thái độ tham lam, ghen tị, thế tục, đố kỵ, hận thù không? “Thưa Đức Thánh Cha, con sợ roi vọt!”. Dẫu thế, đừng quên, lòng thương xót là cách thanh tẩy của Ngài!” - Phanxicô.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, chớ gì đừng có một ‘ngẫu tượng’ nào ngấp nghé trong bốn bức tường linh hồn con - ngoài Ngài. Con sợ roi vọt!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Dâng tất tần tật
Lm Nguyễn Xuân Trường
14:25 08/11/2024
DÂNG TẤT TẦN TẬT

Sứ điệp Lời Chúa Chúa Nhật này soi sáng con người ngộ ra rằng: Tôn giáo không giúp người ta cầu lợi lộc cho bản thân mình, nhưng giúp người ta mở lòng mình ra để sống quảng đại dâng hiến.

1. Dâng tài sản. Lời Chúa kể chuyện 2 bà góa nghèo mà quảng đại dâng tiến: 1 bà có nguy cơ chết đói mà vẫn sẵn lòng dâng tiến chiếc bánh cuối cùng cho ngôn sứ Êlia, 1 bà dốc hết lòng bỏ tiền dâng cúng cho Đền Thờ “tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân.” Bà nghèo mà không hèn vì bà đã được Chúa khen là người dâng cúng nhiều nhất. Bà tuột cả ruột cả gan. Tại sao 2 bà góa lại dâng tất tần tật vậy? Vì lòng tin rằng: Cứ dâng tiến Chúa không để mình thiệt.

2. Dâng thân mình. Bà góa dâng tất cả tài sản của mình đã quý lắm rồi, nhưng Chúa Giêsu Kitô còn quý hơn thế nữa vì đã dâng luôn cả mạng sống của mình- Người đã tự hiến tế chính mình để xoá bỏ tội lỗi muôn người như Bài đọc 2 khẳng định. Tại sao Chúa lại dâng tất tần tật vậy? Vì lòng yêu con người. Yêu đến độ hiến dâng cả mạng sống.

Trong đời người ta đánh giá nhau theo sở hữu CÓ bao nhiêu, còn Chúa thì lại đánh giá theo lòng quảng đại CHO đi bao nhiêu. Thiên Chúa là tình yêu luôn quảng đại cho đi. Chúa quảng đại ban tặng Con Một Ngài cho nhân loại. Và rồi Người Con ấy cũng quảng đại dâng hiến cả chính mạng sống Ngài để cứu độ nhân loại, quảng đại trao ban cả Mình Máu Ngài làm thần lương nuôi dưỡng loài người được sống đời đời. Chúng ta tin yêu Chúa thì cũng được mời gọi hãy sống quảng đại dâng hiến như Chúa đã sống. Amen.
 
Hai Cách Nhìn
Lm Vũđình Tường
15:42 08/11/2024
Một khi đồng tiền còn nằm trong túi, của cải trong tay ta, ta còn làm chủ nó và toàn quyền quyết định tiêu dùng nó rao sao tuỳ theo sở thích. Một khi đồng tiền ra khỏi túi, lọt vào tay người khác; ta dường như mất quyền kiểm soát đồng tiền, không còn quyền hành gì trên đồng tiền đó. Ngay cả nếu bạn may mắn có nhà cho thuê, bạn vẫn là chủ căn nhà nhưng nếu muốn vào nhà, bạn phải có sự chấp thuận của người đang thuê căn nhà đó. Như thế trách nhiệm và chủ quyền bị san sẻ đi. Có trường hợp tiền dâng cúng, cho đi mà chủ vẫn ảnh hưởng trên tiền, khi số tiền dâng cúng đủ để được ghi danh trên bảng vàng. Cho đi là chia sẻ, đóng góp vào mục đích chung của một tổ chức, thí dụ như hội nuôi trẻ mồ côi, khuyết tật, hội chữa mắt bị cườm; bạn biết rõ số tiền đó được dùng cho trẻ em, chữa mắt cho tha nhân. Bạn dâng cúng tiền vào thánh đường để dùng vào việc mua ghế thì chắc chắn số tiền đó được dùng vào việc mua ghế dùng chung. Như thế đồng tiền dâng cúng vào của công, ta hoàn toàn đặt tin tưởng vào tổ chức nhận. Ta tin họ sẽ thực hiện đúng như lúc đứng ra xin, quyên góp.

Bà goá dâng cúng tài chánh vào thánh điện, bà biết rõ số tiền đó sẽ được dùng cho việc chung, bà không còn quan tâm đến nó nữa bởi bà tin nó sẽ được xử dụng đúng mục đích. Bố thí không chỉ là làm ơn, làm phước mà còn đặt niềm tin nơi người khác; tin người nhận sẽ thực hiện làm thay điều người cho mong ước. Khi dâng cúng, bà goá có lẽ không biết Đức kitô đang âm thầm quan sát công việc bà làm. Đức Kitô quan sát không phải vì tò mò. Ngài biết rõ cuộc sống bà, rõ cả tấm lòng chân thành của bà. Đức Kitô quan sát để đưa ra hai cách nhìn khi người ta thực hành đức ái. Bà goá là người dâng cúng ít nhất trong số những người dâng cúng tài chánh vào Đền Thờ hôm đó. Có lẽ bà moi mãi mới lấy được đồng xu và âm thầm dâng cúng. Trái lại, người giầu có dâng cúng số tiền lớn. Họ không âm thầm bỏ vào thùng tiền ngay, mà lại muốn cho mọi người hiện diện chứng kiến. Người chứng kiến tận mắt sự kiện ngày hôm đó sẽ thuật lại câu chuyện của người giầu và nhắc lại chuyện đồng xu của bà goá. Đức Kitô âm thầm quan sát thiên hạ dâng cúng tài chánh trong Đền Thờ và Ngài giải thích cho môn đệ hiểu việc bác ái. Đức Kitô nói với môn đệ về hai cách nhìn cho việc dâng cúng. Cách của xã hội trần thế và cách của tâm linh. Xã hội đánh giá trị việc bác ái trên giá trị vật chất. Thiên Chúa không chú trọng đến giá trị vật chất dâng cúng mà đặt trọng tâm vào cõi lòng người dâng cúng. Cả hai đều là việc tốt, đáng khích lệ, đề cao và trân trọng. Tuy nhiên có sự khác biệt lớn giữa hai cách. Cách thứ nhất là cách đại đa số chúng ta thích và thường làm. Dâng cúng số hiện kim lớn được người đời ca tụng, quí mến và kính nể. Ai cũng biết, thiếu tài chánh, mọi chương trình lớn nhỏ đều gặp khó khăn. Nhờ lòng hảo tâm của người dâng cúng số tiền lớn mà nhiều chương trình được hoàn thành tốt đẹp. Cách nhìn vào tấm lòng khó hơn rất nhiều bởi ngoài Thiên Chúa ra, ai dò được lòng người. Nhìn rõ tấm lòng là điều chỉ mình Thiên Chúa biết. Đức Kitô âm thầm quan sát bà goá dâng cúng và đề cao tấm lòng chân thành của bà. Cả hai cách đều nói đến giầu có; mỗi cách diễn tả cái giầu một cách khác. Một bên là giầu vật chất; bên kia là giầu tấm lòng. Người cho số tiền lớn bởi họ có khả năng, cho đi của cải không dùng đến; đổi lại xã hội ghi công, đền ơn và ban tặng huy chương, bảng vàng danh dự, cộng với lời khen tặng. Nhờ cho đi để nổi danh, có tiếng, được coi trọng, kính nể. Như thế cho đi không mất mà là nhận lại điều đang thiếu. Người giầu xã hội ghi công, bà goá Thiên Chúa ghi công. Bà cho đi đồng xu dùng mua lương thực nuôi thân trong ngày. Cho đi những gì cần để nuôi thân chính là cho đi một phần sự sống mình. Bà nghèo vật chất, giầu tấm lòng do Thiên Chúa thưởng công. Xã hội thưởng công ngay; Thiên Chúa ghi công mà chưa thưởng.

TiengChuong.org
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 32 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:33 08/11/2024
CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mc 12, 38-44


Anh chị em thân mến,

Trong bài Tin Mừng hôm nay có hai bối cảnh rất nổi bật để cho chúng ta so sánh, hai bối cảnh này không phải tự nhiên mà chúng ta khám phá ra, nhưng là do Đức Chúa Giê-su –Đấng luôn yêu thích sự khiêm tốn- chỉ ra cho chúng ta thấy, hai bối cảnh đó là: sự khoe khoang, kiêu ngạo xúng xính trong bộ áo sang trọng của các kinh sư, và sự nghèo khó nhưng quảng đại của người đàn bà goá.

Đức Chúa Giê-su rất không thích sự kiêu ngạo cho nên Ngài rất nhạy cảm nhận ra sự đối chọi giữa kiêu ngạo và khiêm tốn, giữa khoe khoang và kín đáo của các kinh sư và những người dân nghèo khó nhưng rất hảo tâm.

Qua mọi thời đại, cái kiêu ngạo luôn luôn bị người ta kết án, bởi chính kiêu ngạo thường làm hỏng kế hoạch của Thiên Chúa nơi con người và giữa con người với nhau. Kiêu ngạo khoe khoang xúng xính trong bộ áo thụng sang trọng của các kinh sư đã làm cho họ cách xa quần chúng, và lời giảng dạy của họ như gió thổi mây bay qua tâm hồn của người nghe, mà đa số là những người nghèo khó bần cùng trong xã hội. Họ giảng dạy như cái phèng la rỗng tuếch vang to, nhưng lại làm điếc tai người nghe vì những xa hoa và thói khoe khoang của họ, cho nên, Đức Chúa Giê-su đã dặn dò các môn đệ của mình: “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng...”, và cũng ngụ ý nghiêm khắc cảnh cáo chúng ta: đừng có trở nên những người kiêu ngạo khoe khoang với những gì mình đang có với tha nhân.

Đức Chúa Giê-su rất yêu mến những người khiêm tốn cho nên Ngài đã nhận ra ngay tấm lòng hảo tâm của người đàn bà nghèo khó goá bụa, bởi vì bà đã đem hết gia tài của mình có bỏ vào hòm dâng cúng, hoặc chúng ta có thể nói, bà đã đem cả mạng sống của mình để làm công việc bác ái mà không khoe khoang.

Đức Chúa Giê-su không những đã cảm nghiệm được sự khiêm tốn chính là nền tảng để đón nhận mọi nguồn mạch ân sủng, nhưng Ngài còn sống triệt để sự khiêm tốn khi trở thành một con người nghèo khó hơn cả chúng ta, do đó, Ngài đã nói với các môn đệ: “Bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn hết...”, giá trị của sự khiêm tốn là ở đó: dâng hết những gì mình có mà không khoe khoang, không đánh trống rung chuông báo cho mọi người biết công việc bác ái mình đã làm. Hạt lúa gieo xuống đất âm thầm đâm chồi nảy lộc không khoe khoang, không xúng xính, nhưng đã nuôi sống con người bằng những hạt lúa no tròn, đó là thành quả của sự huỷ mình ra không.

Anh chị em thân mến,

Có nhiều giáo dân không thèm đi lễ nhà thờ của họ đạo, bởi vì họ không chịu được sự phách lối của mấy ông bà trong ban hành giáo; có một vài giáo dân bỏ tiền bỏ của ra cho hội từ thiện này, hội từ thiện nọ để được báo chí khen ngợi, nhưng chưa bao giờ mua một bó hoa tặng Đức Mẹ nghèo khó trong nhà thờ của mình...

Người đàn bà goá nghèo chỉ bỏ vào thùng hai đồng tiền kẽm, nhưng Đức Chúa Giê-su đã khen bà là người dâng cúng nhiều nhất, vì gia tài của bà chỉ có chừng ấy, nhưng cái thâm thuý nhất nơi hành động của người đàn bà goá nghèo chính là bà biết phó thác cuộc sống hôm nay và ngày mai của mình cho Thiên Chúa duy nhất của bà.

Thiên Chúa cũng sẽ khen ngợi chúng ta như thế, khi chúng ta biết vì tha nhân mà phó thác cuộc sống của mình trong tay Ngài.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Cái gì là thước đo đích thực
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
23:42 08/11/2024

CÁI GÌ LÀ THƯỚC ĐO DÍCH THỰC?
CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN NĂM B

Dù đất Việt chủ trương kinh tế thị trường định hướng nền chánh trị hiện hành, thì từ nhiều thập niên, nó đã đi vào nếp sống, nếp nghĩ của mỗi người.

Nó làm cho người ta cuốn theo như cái máy, cố làm sao phải tạo nhiều của cải, càng nhiều, càng tốt, nhưng phải rẻ, bền, đẹp để bán nhanh nhất, đủ sức cạnh tranh, đủ sức tồn tại, để ông chủ có thể đứng vững, không những không bị phá sản mà còn phải giàu, giàu hơn nữa...

Để tạo được sản phẩm có thể đáp ứng những nhu cầu đó, vật chất làm ra phải tính toán sao cho bắt mắt, hợp thị hiếu, có giá trị, thì ngược lại, số lượng công nhân làm việc phải hết sức giới hạn. Sức lao động đứng hàng thứ yếu. Tiền lương dành cho người công nhân càng thấp, càng tốt. Vì người lao động ít, trong khi sản phẩm đòi phải làm ra nhiều nhằm mang lại lợi nhuận cho chủ, vì thế anh chị em công nhân phải tăng sức tố đa, phải làm thêm, tăng ca hết tốc độ, bị nhồi vào dây chuyền sản xuất...

Về phía anh chị em công nhân, đồng lương ít ỏi, tự bản thân thấy cần phải làm thêm, hay chấp nhận tăng ca là cách duy nhất khả dĩ có thể giúp có thêm thu nhập. Các chủ ông, chủ bà lợi dụng sự cần kiếp này của công nhân để róc hết sức lực của họ.

Tăng ca, thay vì là sự tự nguyện của công nhân, bây giờ trở thành quy định và ép buộc. Họ phải tăng và tăng liên tục. Nếu không chấp nhận, sẽ có những biện pháp phạt, đuổi việc. Hóa ra tăng ca không còn là tăng ca nữa, nhưng là kéo dài giờ làm đến khuya khoắt đã trở thành chuyện thường ngày.

Nhưng cuối cùng, tất cả những điều đó nhằm mục đích gì? Nhằm phục vụ sản phẩm, nói cách khác, phục vụ giá trị vật chất, để vật chất đó sẽ đem lại sự giàu có cho ông chủ. Còn những kẻ làm chủ, nhờ bóc lột sức lao động của công nhân, càng có cơ hội củng cố quyền hành, củng cố vị thế của mình.

Khi quyền hành tập trung, tiền của tập trung, họ bắt đầu thao túng, thủ đoạn, mua chuộc những người có quyền khác cần cho sự làm giàu của họ…, để càng ngày càng phát triển theo chiều hướng tốt cho họ, dẫu là chà đạp trên sự sống, trên nhân phẩm của người khác.

Chỉ có anh chị em công nhân là người chịu thiệt thòi. Các chủ đầu tư không ngừng dùng thủ đoạn, ít nữa là biện pháp để khống chế công nhân như sẵn sàng đuổi việc, cách chức, giảm tiền lương, kỷ luật, trù dập…

Kinh tế thị trường, dĩ nhiên có mặt tốt của nó, nhưng mặt khác, nó đè bẹp giá trị của lao động, của người lao động nói riêng và con người nói chung. Kinh tế thị trường tạo ra mâu thuẫn lớn giữa con người và vật chất. Nó làm đảo lộn giữa hai nhân tố ấy: nghĩa là giá trị vật chất mới quan trọng, còn con người chỉ đứng hàng thứ yếu. Con người phải phục vụ tối đa cho sản phẩm, cho vật chất mà chính mình tạo ra.

Chúng ta cùng nhìn lại thái độ của Chúa Giêsu qua Tin mừng hôm nay. Nếu so với các nhà kinh tế, chắc chắn Chúa Giêsu không phải là nhà kinh tế, càng không thể làm kinh tế.

Chúa Giêsu đánh giá tiền bé quá, đánh giá lòng người trọng quá. Chỉ mới nhìn thấy bà góa cùng đinh bỏ hai đồng bạc kẻm vào thùng tiền trong đền thờ, Chúa đã khen lấy, khen để, khen nức, khen nỡ, khen như chưa từng được hai đồng bạc vậy: "Bà này bỏ vào thùng tiền nhiều hơn hết".

Nhiều hơn hết là bao nhiêu? Là hai đồng kẻm, không được ½ xu, chỉ đúng ¼ xu.

Nhưng Chúa có lý do để khen ngợi: Vì "bà đã bỏ vào thùng tất cả những gì mình có để sống", mặc dù cái có để sống đó quá ít: chưa tới ¼ xu.

Hóa ra Chúa có một tiêu chuẩn đánh giá hoàn toàn khác người. Chúa không đánh giá khi nhìn bề mặt, càng không hề mang nặng thứ tâm lý kinh tế thị trường, chỉ đánh giá hoàn toàn do lòng chúng ta.

Chúa không đánh giá con người dựa trên vật chất, nhưng đánh giá dựa trên tình yêu, và nhìn vào tâm hồn con người mà đánh giá.
Bởi thế, dù chỉ hai đồng tiền kẽm, nhưng bằng một tâm hồn đầy lòng đạo đức, một đức mến hoàn toàn vô vị lợi, hai đồng tiền kẽm ấy cũng trở nên lớn nhất: nó nhiều hơn tất cả.

Lời dạy của Chúa Giêsu còn đó, là bài học cho mọi người, cho bạn và cho tôi.

Ở ngoài xã hội, người ta đã đánh giá nhau dựa trên giá trị vật chất quá nhiều rồi, và chính chúng ta, không ít lần là nạn nhân của thứ tâm lý kinh tế thị trường ấy.

Lỡ một lần, đến một nơi, người ta thấy mình mặc áo đã cũ, hình như sự tiếp đón cũng lạnh nhạt theo chiếc áo cũ ấy.

Kinh tế thị trường đi vào từng ngỏ ngách của đời sống, vì thế vô hình chung, nó cũng len lỏi vào trong nếp sống của gia đình.
Là mái nhà chung của những người ruột thịt, huyến thống, vậy mà chính nền tảng đạo đức gia đình lại báo động về sự rạn nứt, bởi những người thân giờ đây nhìn nhau qua lăng kính vật chất, đánh giá nhau dựa trên đồng tiền. Nhiều gia đình, mái ấm đã không còn "ấm", đã lạnh lẽo tự bao giờ.

Chẳng hạn người con làm ra tiền, bỗng dưng tiếng nói của nó có giá trị. Nếu kinh tế gia đình hầu như lệ thuộc hoàn toàn vào đứa con ấy, chắc chắn, không sớm thì muộn, nó sẽ có quyền quyết định trên mọi thứ, mọi vấn đề trong chính gia đình ấy.

Vợ hay chồng cũng vậy. Người này nhận tiền lương từ người kia, cũng sẽ thay đổi tương quan...

Hoặc có nhiều gia đình đang sống vất vả, đủ ăn hằng ngày, lại chứa chan lòng yêu thương, hạnh phúc bên nhau. Rồi đến lúc phát đạt, những người trong gia đình đó "đổi đời", con cái bắt đầu ăn diện, vợ dễ đi đường vợ, chồng dễ đi đường chồng. Đồng tiền thay hạnh phúc. Những ngày có nhau, ở cùng nhau, hiểu nhau... bỗng dưng bay mất...

Cuộc sống có quy luật của nó. Nếu người ta đánh giá nhau dựa trên giá trị vật chất, lấy tiền của để ước lượng nhau, hạnh phúc của họ chắc chắn mai một, vì hạnh phúc không thể mua bằng tiền.

Người ta chỉ có thể có hạnh phúc khi có tình yêu. Bởi thế, từng người trong gia đình hãy nỗ lực từng ngày biến gia đình thành mái ấm thật sự, thành môi trường ấp ủ yêu thương đúng nghĩa nhất.

Xin đừng mang tâm lý kinh tế thị trường vào trong đời sống gia đình để đánh giá nhau.

Nghĩa là đừng bao giờ cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em trong nhà nhình nhau và cân đo nhau theo giá trị vật chất.

Bạn và tôi hãy học gương Chúa Giêsu mà nhìn nhận nhau dựa trên tình yêu của nhau chứ đừng dựa trên giá trị vật chất.

Học lấy cách đánh giá tuyệt vời của Chúa Giêsu, mới mong có hạnh phúc trong gia đình, và hạnh phúc ấy sẽ mãi mãi được củng cố bằng tình yêu và sự đón nhận chứ không phải bằng lăng kính vật chất.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hiệu trưởng của một chủng viện tự nguyện làm con tin để đổi lấy hai chủng sinh
Đặng Tự Do
03:14 08/11/2024


Cha Thomas Oyode, người mới nhất trong danh sách dài các linh mục bị bắt cóc ở Nigeria, đã tự nguyện làm con tin để đổi lấy hai chủng sinh.

Hôm Chúa Nhật ngày 27 tháng 10, khoảng 7 giờ tối, những người đàn ông có vũ trang đã tấn công “Trường Tiểu Chủng viện Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội” ở Agenegabode, thuộc khu vực chính quyền địa phương Etsako, phía Đông bang Edo, miền Nam Nigeria. Theo nhiều nguồn tin, sau khi vào chủng viện, những kẻ tấn công đầu tiên đã bắn chỉ thiên rồi bắt cóc hai học sinh trong trường. Khi nghe thấy tiếng súng, Cha Thomas, Hiệu trưởng Tiểu Chủng viện, đã ra sân đối mặt với bọn cướp cùng với hai học sinh và tự nguyện làm con tin để đổi lấy hai học sinh. Những kẻ bắt cóc đã chấp nhận yêu cầu của linh mục và đổi cha lấy hai học sinh. Sau đó, cha bị bọn cướp bắt cóc vào bụi rậm. Trong khi đó, một cuộc truy lùng đã được phát động để tìm những kẻ bắt cóc và giải thoát cho Cha Thomas.

Trong một tuyên bố, Giáo phận Auchi cũng xác nhận vụ việc và nói thêm: “Cho đến nay vẫn chưa tìm được Cha hiệu trưởng. Tuy nhiên, Cha Phó hiệu trưởng và tất cả các chủng sinh đã được tìm thấy và an toàn, đồng thời tạm thời được chuyển đến nơi an toàn cho đến khi các biện pháp an ninh xung quanh tiểu chủng viện được tăng cường”


Source:Fides
 
Nhật ký trừ tà #316: Khói và gương của Satan
Đặng Tự Do
03:14 08/11/2024


Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #316: Satan's Smoke & Mirrors”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà #316: Khói và gương của Satan”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Lũ quỷ đầu tiên đe dọa người phụ nữ sẽ bị thương nếu bà tiếp tục đến các buổi trừ tà. Khi điều đó không hiệu quả, chúng đe dọa sẽ làm hại các con của bà. Chúng đặt những hình ảnh xấu xí vào tâm trí bà về những gì chúng sẽ làm với các con của bà ấy nếu bà tiếp tục đến với các btt. Điều này dễ hiểu là rất khó chịu đối với bà. Nhưng các con của bà không bao giờ bị tổn hại nghiêm trọng.

Một người phụ nữ khác bị Ác quỷ đe dọa mắc bệnh ung thư rồi lên cơn đau tim. Chúng liên tục nói với bà rằng bà sẽ mắc những căn bệnh này. Sau đó, chúng nói với bà rằng bà sẽ chết vào sáng hôm sau. Bà không mắc bất kỳ căn bệnh nào và bà vẫn còn sống.

Gần đây, trong một buổi trừ tà của chúng tôi, con quỷ đã hét lên: “Ta sẽ giết ngươi!” Nhưng người trừ tà cũng vẫn còn sống, mặc dù những người trừ tà và nhóm của chúng tôi thường gặp phải một số “bùn” quỷ dữ, như chúng tôi gọi, sau các buổi trừ tà.

Chúa đã xiềng xích Satan và quyền lực của hắn bị hạn chế rất nhiều, mặc dù không phải là không đáng kể. Hắn có quyền lực đáng kể đối với những người sẵn sàng phục tùng hắn. Nhưng đối với những người tin vào Chúa Giêsu, quyền lực của hắn rất hạn chế. Satan có thể cám dỗ, quấy rối, đe dọa và đôi khi gây ra một số đau khổ về tinh thần hay thể chất bao gồm cả việc ném một số bùn quỷ vào đội. Nhưng những điều này luôn bị Chúa hạn chế.

Kinh nghiệm của chúng tôi với người bị quỷ ám cho thấy ma quỷ không thể giết, làm bị thương, tàn tật vĩnh viễn, làm bị thương nghiêm trọng hoặc gây ra những căn bệnh thực sự nghiêm trọng. Người bị quỷ ám có thể cảm thấy ốm; Ma quỷ có thể cào cấu và bầm tím họ; nó có thể hành hạ tâm trí họ; nó có thể khiến họ cảm thấy đủ loại bệnh tật về thể chất và tác động lên cơ thể. Các bộ phận cơ thể của họ có thể biến đổi, giãn nở và co lại, có nhiều hình dạng khác nhau và nó có thể làm bay toàn bộ cơ thể. Nhưng cuối cùng, họ trở lại bình thường.

Mục tiêu của Satan trong tất cả những điều này là đe dọa, làm sợ hãi và khuất phục. Một người đàn ông gần đây đã nói với tôi rằng anh ta không sử dụng lời cầu nguyện giải cứu, mặc dù anh ta cần chúng, vì anh ta sợ sự trả thù của ma quỷ. Người ta có thể hỏi người này, “Ai thực sự là Chúa của cuộc đời bạn? Satan hay Chúa Giêsu?”

Tại sao Chúa cho phép Satan và bè lũ của hắn quấy rối chúng ta? Đó là để thánh hóa chúng ta, như các vị thánh vĩ đại đã biết. Hầu như mọi nhà thần bí và thánh nhân vĩ đại đều đã trải qua những cuộc tấn công dữ dội của ma quỷ. Có lẽ nổi tiếng nhất là Cha Thánh Piô Năm Dấu Thánh, người đã phải chịu đựng những cuộc tấn công dữ dội của ma quỷ đến mức các tu sĩ khác nghĩ rằng ngài bị quỷ ám (mà thực tế không phải vậy). Tuy nhiên, ngài đã sống đến tuổi 81.

Câu hỏi trung tâm đối với tất cả chúng ta là: Ai là Chúa của cuộc đời bạn? Trong một cuộc trừ tà, câu nói thường trực của chúng ta là: Chúa Giêsu là Chúa! Lạy Chúa Giêsu, con tin cậy nơi Ngài!


Source:Catholic Exorcism
 
Bốn giám mục Đức khen ngợi Thượng hội đồng Rôma, chỉ trích Tiến trình Công Nghị Đức
Đặng Tự Do
03:15 08/11/2024


Bốn giám mục Đức, phản đối động thái biến Tiến Trình Công Nghị Đức thành một hội đồng thường trực, đã bày tỏ lòng biết ơn đối với Thượng hội đồng về Tính đồng nghị, kết thúc vào ngày 27 tháng 10 tại Rôma.

Tuyên bố của Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki của Köln và các Giám mục Gregor Maria Hanke, OSB, của Eichstätt; Stefan Oster, SDB, của Passau; và Rudolf Voderholzer của Regensburg nêu rõ: “Chúng tôi sẵn sàng dấn thân vào con đường đã được khởi xướng tại công đồng Rôma với các giám mục anh em của mình và với càng nhiều người tham gia khác từ càng nhiều nhóm Giáo hội càng tốt.”

Các ngài nói tiếp: “Chúng tôi vô cùng biết ơn khi ủng hộ văn kiện cuối cùng của Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới lần thứ 16, mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã xác nhận và công bố để xuất bản.” Bản thân Đức Cha Oster cũng là một người tham gia Thượng hội đồng về Tính đồng nghị, trong đó nhiều người không phải là giám mục cũng có quyền bỏ phiếu lần đầu tiên.

“Cách riêng, các giám mục đánh giá cao sự nhấn mạnh rõ ràng vào công việc của Chúa Thánh Thần như là nhân vật chính của một Giáo hội công đồng và truyền giáo,” tuyên bố được đưa ra vào sáng Thứ Hai cho biết. “Bốn trong năm tiêu đề chính của tài liệu nói về 'sự hoán cải' mà Chúa Thánh Thần kêu gọi — sự hoán cải trong trái tim của mọi người đã chịu phép rửa tội, sự hoán cải trong các mối quan hệ, trong các tiến trình và trong các cam kết.”

“Mục tiêu cốt lõi của một Giáo hội đồng nghị cũng được nhấn mạnh mạnh mẽ: sứ mệnh và việc đào tạo các môn đệ truyền giáo cùng nhau rao giảng Tin Mừng và mời gọi mọi người đến với tình bạn với Chúa Kitô,” các giám mục cho biết trong tuyên bố của mình.

Nhiều đề xuất được đưa ra trong văn bản cuối cùng được Đức Giáo Hoàng xác nhận và công bố “đã khả thi về mặt cấu trúc ở Đức, đặc biệt là thông qua nhiều cơ quan tham khảo ý kiến và đồng quyết định hiện có”. Các giám mục Đức cho biết nhiệm vụ là “góp phần vào việc đào sâu đời sống tâm linh, cải thiện sự tham gia và tập trung mạnh mẽ hơn vào sứ mệnh”.

Các Hồng Y và Giám Mục Woelki, Hanke, Oster và Voderholzer giải thích rằng “có hy vọng rằng việc tiếp tục Tiến trình Công nghị ở Đức cũng có thể là con đường hoán cải”.

“Chúng tôi đã trải nghiệm các cuộc họp ở Frankfurt như là sự mâu thuẫn với những gì Thượng hội đồng giám mục ở Rôma luôn thực hành trong một 'không gian an toàn' — một bối cảnh mà sự phân định thiêng liêng, sự tin tưởng lẫn nhau, lắng nghe và tập trung vào việc truyền giáo có thể phát triển mạnh mẽ. Theo quan điểm của chúng tôi, những yếu tố thiết yếu này phần lớn không có ở Frankfurt.”

“Thay vào đó — theo ấn tượng của chúng tôi và của nhiều người khác — đã có một quá trình giống như nghị viện về việc bỏ phiếu theo đa số thuần túy chứ không phải là sự phân định về mặt tinh thần, như văn kiện cuối cùng thúc giục chúng ta làm. Theo cách này, một đa số lớn trong hội đồng với thái độ tự do đối với các vấn đề chính sách của Giáo hội muốn thúc đẩy các vấn đề của họ dưới áp lực công khai lớn. Tuy nhiên, khi làm như vậy, nó đã gây ra khá nhiều sự khó chịu và tổn thương trong toàn thể dân Chúa. “

“Việc Hội đồng Frankfurt xác định độc quyền bốn chủ đề chính là những chủ đề có thể ủng hộ khó có thể đứng vững theo kiến thức hiện tại”, bốn giám mục chỉ ra. “Hơn nữa, hai trong bốn chủ đề (độc thân và đạo đức tình dục) không được đề cập trong tài liệu cuối cùng của Thượng hội đồng giám mục thế giới. Về vấn đề phụ nữ có thể tham gia vào việc truyền chức thánh, không có tình hình mới nào sau Thượng hội đồng giám mục thế giới. Và vấn đề quyền lực, mà Giáo hoàng Phanxicô đã lên án mạnh mẽ dưới tiêu đề 'chủ nghĩa giáo sĩ', được trả lời trong tài liệu cuối cùng với bản dự thảo toàn diện về con đường tâm linh chung cho Giáo hội”.

Bốn giám mục kết luận rằng, theo quan điểm của các ngài, “các mục tiêu của Tiến Trình Công Nghị Đức và tiến trình Giáo hội toàn cầu của Thượng hội đồng về tính đồng nghị không song hành với nhau về mặt nội dung”.

Các Hồng Y và Giám Mục Woelki, Hanke, Oster và Voderholzer đã chọn không tham gia vào ủy ban công đồng sau khi kết thúc các cuộc họp toàn thể của Tiến Trình Công Nghị, sẽ dẫn đến một hội đồng công đồng trong vài năm tới. Một hội đồng công đồng như vậy như một cơ quan để tham khảo ý kiến chung và ra quyết định của các giám mục và giáo dân đã bị các nhà chức trách Vatican bác bỏ.

Tiến Trình Công Nghị — “Synodaler Weg” không phải là một công đồng mà là một sự kiện gây nhiều tranh cãi được thiết kế để tạo ra “áp lực” lên Giáo hội, như một người sáng lập đã thừa nhận.

Quá trình phân cực này, tốn kém hàng triệu đô la, không chỉ nhằm mục đích thành lập một hội đồng thượng hội đồng thường trực: Các đại biểu cũng đã thông qua một số nghị quyết nhằm thay đổi các hoạt động của Giáo hội dựa trên ý thức hệ chuyển giới và kêu gọi phong chức linh mục cho phụ nữ, ban phước lành cho người đồng giới, cũng như thay đổi giáo huấn của Giáo hội về các hành vi tình dục.


Source:Catholic News Agency
 
Thái độ trước thành công trái chiều đối với giới tinh hoa của Donald Trump
Vũ Văn An
13:59 08/11/2024

Trong số những người ngỡ ngàng trước thành công vang dội của Donald Trump, có giới “tinh hoa” Hoa Kỳ, giới mà Ed. Condon của The Pillar cho là đã trở thành “những kẻ xa lạ” đối với quảng đại quần chúng. Trong bản tin ngày 8 tháng Mười Một, 2024 của tạp chí này, Ed. Condon nhận định về giới này như sau:



Ngày này qua ngày khác, ngày khác, đêm khác và, ít nhất là từ nơi tôi đang ngồi, rất nhiều người vẫn đang "xử lý" kết quả của cuộc bầu cử tổng thống.

Đối với những gì đáng giá, bài học sâu sắc nhất tôi nhận được từ tất cả những điều này là:

Mặc dù tôi đã nói với bất cứ ai hỏi tôi cả năm rằng tôi nghĩ Donald Trump chắc chắn sẽ thắng, giống như nhiều người khác, tôi đã rất ngạc nhiên về quy mô của chiến thắng và việc ông giành được số phiếu phổ thông. Trước đây, tôi đã không thấy điều có thể xảy ra.

Tuy nhiên, trong vài ngày qua, điều tôi thấy thực sự đáng kinh ngạc là sự không hiểu biết và cay đắng gần như phổ biến, chưa kể đến thái độ phản đối đích danh, đối với những người bỏ phiếu cho Trump, tất cả 72 triệu người trong số họ, xuất thân từ hầu hết mọi nhân vật văn hóa hoặc truyền thông lớn xuất hiện trên màn hình của tôi.

Điều gây ấn tượng nơi tôi không phải là những nhân vật này — "giới tinh hoa" mà tôi cho là bạn có thể gọi họ nếu bạn muốn — có trải nghiệm hoặc kỳ vọng khác so với những đám người bình thường mà vì những người này, nội dung của họ được tạo ra, hoặc họ nên thấy mình là thiểu số chính trị so với dân số nói chung. Với tôi thì điều đó có vẻ bình thường.

Nhưng việc họ đột nhiên thấy mình trở thành những người xa lạ rõ ràng như vậy đối với xã hội và nền văn hóa rộng lớn hơn mà họ được cho là những thành viên tôn quý quả thực là điều thú vị để theo dõi, cũng như thái độ thù địch của họ đối với xã hội.

Tôi phải tự hỏi liệu một nền văn hóa truyền thông đại chúng thuộc bất cứ loại nào có thể tồn tại được bao lâu nếu đánh giá nghiêm túc của rất nhiều thành viên của nền văn hóa đó là: động cơ chính của phần lớn cử tri Hoa Kỳ là chủ nghĩa phát xít, phân biệt chủng tộc, kỳ thị phụ nữ, bài ngoại và mong muốn xa lánh và áp bức những người hàng xóm của họ.

Kiểu phân tích đó đơn giản là không được hỗ trợ bởi thực tại cuộc sống hàng ngày ở đất nước này, cũng như không được bất cứ ai có mối quan hệ dù chỉ khiêm tốn với những người sống xung quanh họ.

Phải thừa nhận rằng có một số người bạn đồng hành thực sự gây phẫn nộ bơi lội vào ngay sau làn sóng của tổng thống đắc cử — cũng như xung quanh phó tổng thống hiện tại. Và tôi không tranh cãi rằng sự thù địch cách này hay cách khác đã thúc đẩy rất nhiều chiến dịch tranh cử mạnh mẽ nhất xung quanh cả hai ứng cử viên.

Nhưng tôi không nói về các ứng cử viên, nhóm vận động tranh cử của họ hay những người ủng hộ nhiệt thành nhất của họ. Họ hết thẩy đều không thể, và không, tạo nên bất cứ thứ gì giống như 150 triệu người thực sự đã bỏ phiếu trong tuần này.

Tôi đã không bỏ phiếu cho Trump hay Harris, như tôi đã nói rõ trước đây. Nhưng tôi biết và rất yêu những người đã bỏ phiếu cho cả hai. Mặc dù tôi không đồng ý với các đánh giá và lựa chọn chính trị của họ, nhưng không ai trong số họ là mới mẻ hay khó hiểu đối với tôi.

Do đó, tôi thấy việc điều chỉnh theo một kết quả bất ngờ có phần dễ dàng. Rõ ràng là không phải như vậy đối với nhiều người khác.

Vì lý do này, tôi đề nghị rằng bất cứ ai và tất cả những người vẫn đang phải chịu đựng nỗi kinh hoàng đột ngột đối với hơn 50% đất nước hãy ra khỏi nhà và làm điều gì đó khác một chút, tốt nhất là với những người khác, và cố gắng không thảo luận về chính trị. Điều đó tốt cho bạn và tốt cho xã hội.
 
Đức Thánh Cha bổ nhiệm một linh mục Việt Nam làm Giám Mục Phụ Tá của Melbourne, Úc
J.B. Đặng Minh An dịch
17:20 08/11/2024
Hôm Thứ Sáu, 08 Tháng Mười Một, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đưa ra tuyên bố toàn văn như sau:

Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm những vị sau đây làm Giám Mục Phụ Tá của Tổng giáo phận Melbourne, Úc: Thứ nhất, Linh mục Nguyễn Xuân Thinh, thuộc hàng giáo sĩ của cùng tổng giáo phận, cho đến nay là điều phối viên của Văn phòng Đời sống và Mục vụ của hàng Giáo sĩ, bổ nhiệm ngài chức hiệu tòa Madaurus. Thứ hai, Linh mục Rene Ramirez, R.C.I., cho đến nay là cha xứ của Saint Mel và Saint Malachy ở Shepparton, giáo phận Sandhurst, bổ nhiệm ngài chức hiệu tòa Mauriana.

Vài nét về Đức Cha Nguyễn Xuân Thinh

Đức Cha Nguyễn Xuân Thinh sinh ngày 3 Tháng Giêng năm 1973 tại Sài Gòn, Việt Nam. Ngài hoàn thành chương trình Tiểu học của mình tại Việt Nam, sau đó di cư sang Úc, tiếp tục học tại Preston, thuộc Tổng giáo phận Melbourne. Ngài đã được trao bằng cử nhân kỹ thuật của Đại học Victoria vào năm 1995.

Ngài vào chủng viện Corpus Christi dành cho hai tiểu bang Victoria và Tasmania vào năm 1999, và được thụ phong linh mục vào ngày 16 tháng 9 năm 2006.

Ngài đã giữ các chức vụ sau: cha sở giáo xứ tại Deer Park (năm 2006), quản trị viên và linh mục giáo xứ tại Fitzroy (năm 2009 và 2010), cha giáo tại Corpus Christi (năm 2013), tuyên úy tại Đại học Melbourne (năm 2018), linh mục giáo xứ tại Bennettswood (năm 2020), điều phối viên Văn phòng về Đời sống và Mục Vụ của hàng Giáo sĩ (từ năm 2022).

Vài nét về Đức Cha Rene Ramirez, R.C.I. (Dòng cầu nguyện cùng Thánh Tâm Chúa Giêsu)

Đức Cha Rene Ramirez, R.C.I., sinh ngày 29 tháng 3 năm 1969 tại Gapan, Phi Luật Tân. Sau khi hoàn thành chương trình tiểu học và trung học, ngài vào học tại học viện tôn giáo Rogationist Fathers of the Heart of Jesus. Ngài theo học triết học tại Đại học Adamson ở Manila và lấy bằng cử nhân. Ngài được trao bằng thạc sĩ quản lý giáo dục tại Đại học De La Salle (năm 2003) và bằng cử nhân về tâm linh tại Đại học Giáo hoàng Grêgôriô ở Rôma.

Ngài được thụ phong linh mục vào ngày 27 tháng 6 năm 1998.

Ngài đã giữ các chức vụ sau: quản trị viên, thủ quỹ và phó hiệu trưởng chủng viện Rogationist Fathers ở Cavite, năm 1998, giám đốc truyền thông và giám đốc linh đạo của chủng viện, từ 2006 đến 2009, bề trên của Trung tâm Rogate Saint Hannibal, từ 2009 đến 2015, linh mục chánh xứ của Holy Family ở Maidstone-Braybrook thuộc Tổng giáo phận Melbourne, từ 2015 đến 2023, và linh mục chánh xứ của Saint Mel và Saint Malachy, từ năm 2023.

Chú thích: R.C.I. là chữ viết tắt của Rogationists of the Heart of Jesus – Dòng các linh mục cầu nguyện với Thánh Tâm Chúa Giêsu. Chữ Rogationist xuất phát từ tiếng Latinh Rogate có nghĩa là “cầu nguyện”.


Source:Holy See Press Office
 
Núi lửa phá hủy tu viện Công Giáo Indonesia, giết chết một nữ tu
Đặng Tự Do
17:46 08/11/2024


Một vụ phun trào núi lửa đã phá hủy một tu viện ở Indonesia vào hôm Chúa Nhật, khiến ít nhất 10 người thiệt mạng, bao gồm một nữ tu Công Giáo.

Chỉ vài phút trước nửa đêm Chúa Nhật, Núi Lewotobi Laki-Laki trên Đảo Flores đã phun trào, phun tro bụi cao 6.500 feet và phá hủy các thị trấn địa phương, khiến người dân phải di tản. Người dân địa phương không nhận được báo động hoặc cảnh báo về vụ phun trào, theo báo cáo của Asia News.

Sơ Nikolin Padjo, nhà lãnh đạo một tu viện địa phương ở Boru, Wulanggitang, đã tử vong trong vụ phun trào, theo báo cáo của Liên hiệp Tin tức Công Giáo Á Châu. Sơ Padjo là một nữ tu dòng Tôi tớ truyền giáo của Chúa Thánh Thần (SSpS) và sống tại Tu viện Hokeng Sisters. Một sơ khác được cho là đã mất tích khi các sơ chạy trốn giữa tro núi lửa, theo hãng thông tấn Associated Press.

Chủng viện San Domingo Minor ở Hokeng, cách miệng núi lửa chưa đầy bốn dặm ở quận Wulanggitang, cũng bị hư hại và ít nhất 14 người sống trong chủng viện bị thương. Theo Asia News, toàn bộ một gia đình cũng nằm trong số những người bị núi lửa cướp đi sinh mạng.

Khoảng 70% trong số 2 triệu cư dân của Flores là người Công Giáo. Hòn đảo này có hơn 2.700 nhà thờ Công Giáo. Flores là nơi có Chủng viện Thánh Phêrô, được coi là chủng viện Công Giáo lớn nhất thế giới với số lượng tuyển sinh cao nhất. Indonesia có khoảng 8,3 triệu người Công Giáo, chiếm 3% dân số cả nước.

Chín thi thể đã được xác định, và một nạn nhân vẫn chưa được phát hiện giữa đống đổ nát theo Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia. Đội tìm kiếm và cấp cứu địa phương đang thu thập dữ liệu về số lượng cư dân đang di tản. Núi lửa đã làm hư hại các khu dân cư trong bán kính khoảng bốn dặm từ ngọn núi, trong khi mưa tro bụi rơi xuống trong khu vực.

Đội ứng phó địa phương lo ngại về lũ lụt dung nham tiềm tàng. Lũ lụt tương tự đã giết chết nhiều người sau một vụ núi lửa ở Indonesia vào tháng 5. Indonesia đã bị tàn phá bởi các vụ phun trào núi lửa do vị trí của nước này nằm trên “Vành đai lửa” Thái Bình Dương, một con đường dọc theo Thái Bình Dương của các núi lửa đang hoạt động và các tâm chấn động đất.

Chính quyền huyện East Flores đã ban bố tình trạng ứng phó khẩn cấp cho khu vực này cho đến ngày 31 tháng 12. Theo hãng thông tấn Associated Press, ít nhất 10.000 người ở sáu thị trấn thuộc quận Wulanggitang và bốn thị trấn thuộc quận Ile Bura đã bị ảnh hưởng bởi vụ phun trào.

Indonesia, với dân số khoảng 280 triệu người, bao gồm hơn 17.000 hòn đảo. Tổng cộng, đất nước này có 120 ngọn núi lửa đang hoạt động. Theo Bộ Năng lượng và Khoáng sản Indonesia, Núi Lewotobi đã phun trào hàng chục lần trong vài tuần qua và đã phun trào 43 lần kể từ cuối tháng 10. Theo Muhammad Wafid, nhà lãnh đạo Cơ quan Địa chất, Bộ này đã nâng mức cảnh báo từ Cấp độ III lên Cấp độ IV vào hôm Chúa Nhật.

“Dựa trên kết quả giám sát bằng mắt và bằng dụng cụ, có sự gia tăng hoạt động núi lửa ở G. Male Lewotobi khá đáng kể”, ông cho biết trong thông cáo báo chí ngày 4 tháng 11. Wafid cũng cảnh báo công chúng về khả năng xảy ra lũ lụt do dung nham và mưa.

Các nhóm Công Giáo như Ủy ban Công lý, Hòa bình và Toàn vẹn của Tạo hóa của Hội Lời Chúa và Caritas Indonesia được cho là đang nỗ lực giúp đỡ các nạn nhân trên đảo. Caritas Indonesia đang phối hợp với nhóm Caritas địa phương Caritas Larantuka và Caritas Maumere để phân phối viện trợ và khảo sát nhu cầu.


Source:Catholic News Agency

 
Đức Giáo Hoàng cầu nguyện cho các Hồng Y và Giám Mục đã qua đời trong năm qua
Đặng Tự Do
17:47 08/11/2024


Đức Giáo Hoàng Phanxicô dâng Thánh lễ cầu nguyện cho các Hồng Y và Giám mục đã qua đời trong mười hai tháng qua, nhắc nhở chúng ta rằng việc chúng ta tưởng nhớ đến những người quá cố trở thành lời cầu nguyện chuyển cầu cho họ.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cử hành thánh lễ vào sáng Thứ Hai cho bảy vị Hồng Y và hơn 120 Giám mục đã qua đời trong năm qua.

Trong bài giảng, Đức Giáo Hoàng đã suy ngẫm về lời của người trộm lành, người đã bị đóng đinh cùng Chúa Giêsu: “Lạy Chúa Giêsu, xin nhớ đến tôi khi Ngài vào Nước của Ngài.”

Người trộm lành không phải là một trong những môn đệ của Chúa Giêsu, mà là một tên tội phạm chỉ gặp Chúa Giêsu vào cuối cuộc đời của Người. “Tuy nhiên, trong Phúc Âm,” Đức Giáo Hoàng nói, “những lời cuối cùng của ‘người ngoài cuộc’ này đã khởi đầu một cuộc đối thoại đầy chân lý.” Chúng ta có thể đồng cảm với “tên tội phạm”, người đã nhận được “phần thưởng xứng đáng cho những việc làm của mình” Đức Giáo Hoàng nói; “nhưng quan trọng hơn nữa,” chúng ta có thể cùng với anh ta cầu xin Chúa Giêsu nhớ đến chúng ta, giữ cho chúng ta sống mãi trong ký ức.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi các tín hữu suy niệm về từ “ghi nhớ”, trong tiếng Ý có nghĩa là “mang trong tim”. Vào giờ phút cuối cùng, tên trộm lành chỉ mong muốn “tìm thấy một trái tim chào đón” và Chúa Giêsu “đã lắng nghe lời cầu nguyện của tội nhân, ngay cả trước đường biên cuối cùng của cuộc đời, như Người vẫn luôn làm”.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “việc hướng về Chúa Giêsu có hiệu quả vì trái tim Ngài giàu lòng thương xót” và nhắc nhở những người nghe rằng “bằng cách hướng về trái tim Thiên Chúa, nam nữ ở mọi thời đại có thể tìm thấy hy vọng cứu rỗi”.

Cuối cùng, nhắc lại rằng Chúa Giêsu “là một thẩm phán nhân từ và thương xót”, Đức Giáo Hoàng đặc biệt nghĩ đến các Giám mục và Hồng Y đã qua đời trong mười hai tháng qua. “Hôm nay, sự tưởng nhớ của chúng ta trở thành lời cầu nguyện chuyển cầu cho các ngài”, ngài nói. “Với niềm hy vọng vững chắc, chúng ta hãy hướng đến việc vui mừng với họ trên thiên đàng!”


Source:Vatican News
 
TIN TỨC VÀ BÀI HỌC HỖN HỢP VỀ ỦNG HỘ SỰ SỐNG TỪ ĐÊM BẦU CỬ
Vũ Văn An
19:43 08/11/2024

Charles C. Camosy, giáo sư khoa học nhân văn y khoa tại Trường Y khoa Đại học Creighton và là nhà nghiên cứu thần học đạo đức tại Chủng viện St. Joseph ở New York, trên tạp chí First Things ngày 8 tháng 11, có bài viết về viễn tượng phò sinh sau cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ vừa qua:



Có tin tốt cho phong trào ủng hộ sự sống từ đêm bầu cử. Các nhà hoạt động ủng hộ phá thai được tài trợ tốt và có vị trí tốt đã tự hào về vị trí trong chiến dịch của Harris và, rõ ràng là do chính Harris thúc đẩy, đã biến quyền được tham gia vào bạo lực phá thai thành trọng tâm trong nỗ lực giành chiến thắng của họ. Chiến lược này đã thất bại thảm hại. Thật vậy, nó đã dẫn đến một trong những thất bại bầu cử vang dội nhất trong ký ức gần đây. Thật khó để tưởng tượng một ứng cử viên hoặc chiến dịch nào đó lại thực hiện một chiến lược như vậy một lần nữa.

Và mặc dù phải chịu đựng một chuỗi thất bại khủng khiếp với các cuộc trưng cầu dân ý về phá thai của tiểu bang kể từ phán quyết Dobbs, những người ủng hộ sự sống đã hiệu chỉnh lại các chiến lược của họ và giành được ba chiến thắng đầu tiên: Florida, Nebraska và Nam Dakota thẩy đều từ chối các biện pháp bỏ phiếu ủng hộ phá thai của họ. Phong trào ủng hộ sự sống đã bị phong trào Phá thai chi tiêu trội hơn nhiều trong các trận chiến này, nhưng vẫn giành chiến thắng. Theo Ballotpedia, những người ủng hộ phá thai đã chi tới 118 triệu đô la chỉ riêng ở Florida và vẫn thua. Vô số mạng sống sẽ được cứu nhờ ba kết quả này—và những tiểu bang này, cùng với những tiểu bang khác bảo vệ đáng kể công lý trước khi sinh, sẽ có thể chứng minh trong những năm tới rằng không có gì mâu thuẫn với việc hạn chế phá thai và có kết quả sức khỏe tích cực cho phụ nữ.

Cũng đáng chú ý là, chỉ hơn năm nghìn phiếu bầu, Tây Virginia đã thông qua một tu chính án hiến pháp cấm tự tử có sự hỗ trợ tại tiểu bang đó. Điều đó, cùng với những thất bại gần đây trong việc hợp pháp hóa tự tử có sự hỗ trợ ở các tiểu bang cực kỳ bảo thủ như Maryland, New York, Connecticut và Delaware, báo hiệu tin tốt quan trọng trong việc bảo vệ phẩm giá của sự sống con người, đặc biệt là khi những người hàng xóm ở phía bắc của chúng ta bắt đầu giết những người mắc chứng mất trí.

Nhưng cũng có tin xấu cho phong trào ủng hộ sự sống.

Sự ủng hộ dành cho Donald Trump và Đảng Cộng Hòa không chuyển thành chiến thắng ủng hộ sự sống. Trump đã giành chiến thắng ở Arizona, Missouri và Montana, nhưng cả ba đều dễ dàng thông qua các biện pháp bỏ phiếu ủng hộ phá thai của họ. Trump và đảng Cộng hòa chiếm ưu thế ở Florida, nhưng cử tri ở đó gần đạt ngưỡng 60 phần trăm (cao hơn mức yêu cầu ở các tiểu bang khác) cần thiết để đưa luật phá thai vào hiến pháp của họ. Chúng ta vẫn đang thua trong cuộc chiến giành dư luận về phá thai, ngay cả trong số những người được cho là đồng minh chính trị của chúng ta.

Trump và đảng Cộng hòa đã tiến hành một chiến dịch ủng hộ quyền lựa chọn và giành chiến thắng lớn. Đảng Cộng hòa đã đưa sự phản đối đối với hầu hết các ca phá thai và tất cả các ca tự tử có sự hỗ trợ ra khỏi cương lĩnh của đảng. Trump đã cam kết thực hiện thụ thai trong ống nghiệm (IVF) do chính phủ hỗ trợ (và thậm chí, kỳ lạ thay, tự gọi mình là "cha đẻ" của IVF), gọi các dự luật về nhịp tim là "khủng khiếp", nói trên Truth Social rằng ông sẽ "tuyệt vời cho phụ nữ và quyền sinh sản của họ" và hoàn toàn từ chối thừa nhận rằng con người trước khi sinh có thể được luật liên bang bảo vệ (bất chấp sự kiện là luật liên bang đã bảo vệ họ khỏi bị phá thai khi đã khi sinh một phần).

Như Calum Miller, một bác sĩ người Anh và nhà hoạt động vì sự sống đã cảnh cáo, điều này đặt phong trào vì sự sống của Hoa Kỳ vào một vị thế bấp bênh - một vị thế có nguy cơ trở thành tình huống mà các phong trào vì sự sống ở nhiều nước châu Âu đang gặp phải. Nếu chúng ta bình thường hóa việc lựa chọn liên tục giữa điều ít tệ hơn trong hai điều tệ hại—nếu chúng ta không tìm ra cách thúc đẩy các chính trị gia thực sự ủng hộ sự sống (và không chỉ ít tệ hơn "phe bên kia")—chúng ta có nguy cơ đi xuống khi chúng ta sẽ phải quản lý sự suy giảm của quan điểm ủng hộ sự sống và không bao giờ thay đổi theo hướng tích cực. Trump đã đề xuất ý tưởng về Tulsi Gabbard ủng hộ quyền lựa chọn làm tổng thống tiếp theo của Hoa Kỳ. Miller đã đúng khi cho rằng đầu hàng trước một ứng cử viên ủng hộ quyền lựa chọn khác là kiểu việc mà chúng ta phải đấu tranh hết sức mình.

Nhưng kết quả của ngày 5 tháng 11 cho chúng ta một số lý do để hy vọng và lạc quan. Một vòi rồng thông tin sai lệch về phá thai đã dội nước vào người dân Mỹ kể từ thời phán quyết Dobbs—được thúc đẩy bởi tiền bạc khổng lồ, phương tiện truyền thông tham nhũng, các chính trị gia vô trách nhiệm và các cộng đồng y khoa và học thuật thỏa hiệp không cho phép bất đồng chính kiến có ý nghĩa. Kết quả của điều này—hãy thừa nhận đi—là một kỳ quan lớn, thay đổi văn hóa. Nhưng mặt khác, toàn bộ một chiến dịch cố gắng xây dựng xung quanh năng lượng ủng hộ phá thai này đã thất bại thảm hại. Dân số không thể bị thông tin sai lệch hơn về phá thai so với hiện tại—và vẫn có khoảng bốn trong mười người Mỹ tự nhận mình là người ủng hộ sự sống.

Trump đã giao phó tương lai của MAGA cho JD Vance—một người đàn ông, bất chấp một số thỏa hiệp đáng thất vọng trong chiến dịch năm 2024, vẫn ủng hộ sâu sắc sự sống và ủng hộ các chương trình xã hội dành cho phụ nữ và gia đình. Điều này báo hiệu tốt cho triển vọng của điều mà tôi gọi là "Ủng hộ sự sống 3.0": một phong trào vượt qua mối liên hệ trước đây của chúng ta với chủ nghĩa bảo thủ tự do và tái nắm bắt tính đa đảng phái không đồng nhất của phong trào ủng hộ sự sống ban đầu.

Phong trào này không cần và không được lựa chọn giữa hai người hiện diện trong mối quan hệ thân mật độc đáo của thai kỳ. Và với suy nghĩ đó, tôi sẽ kết thúc bằng hai đề xuất cho phong trào ủng hộ sự sống tiến lên từ cuộc bầu cử này.

Đầu tiên, theo lời cảnh cáo của Miller, chúng ta không được lùi bước dù chỉ một chút khi nói đến việc nâng cao thực tại trẻ em trước khi sinh dễ bị tổn thương. Những người phá thai đối nghịch của chúng ta đã làm việc chăm chỉ và thông minh để xóa bỏ thực tại của loại trẻ em này khỏi cuộc trò chuyện toàn quốc. Họ không cho chúng ta thấy chút xót thương nào trong việc đưa ra những cuộc tấn công như vậy và một lần nữa, họ đã phần lớn thành công: Diễn ngôn công khai của chúng ta về phá thai gần như hoàn toàn không liên hệ gì đến đến bản chất thực sự của việc phá thai. Với suy nghĩ này, chúng ta phải dạy lại nền văn hóa một phần bằng cách thận trọng, tôn trọng nhưng không hối hận sử dụng hình ảnh nạn nhân. Chúng ta phải lật đổ nỗ lực che giấu thực tại phá thai của nền văn hóa vứt bỏ của chúng ta.

Thứ hai, chúng ta phải học hỏi từ những người theo chủ nghĩa nữ quyền ủng hộ sự sống để nhấn mạnh rằng phá thai không tốt cho phụ nữ—và thực sự, thường xuyên và rõ ràng là trái ngược sâu xa và sâu sắc với lợi ích của họ. Phong trào ủng hộ sự sống cần phải xoay trục để nâng cao nhận thức về phá thai không mong muốn và cưỡng bức trở thành một phần trọng tâm trong hoạt động của chúng ta, như đã nêu trong bản tuyên ngôn gần đây. Bạo lực từ bạn tình, cấu trúc xã hội chống sinh đẻ, sự ép buộc phá thai từ những người bạn trai hờ (hook-up) và bạn trai, và nhiều thứ khác nữa đều góp phần tạo nên tình trạng trong đó phần lớn các ca phá thai là không mong muốn hoặc trái ngược với các giá trị của người phụ nữ đang trải qua chúng.

Đây là một dự án mà chúng ta có thể chia sẻ với những người thực sự ủng hộ quyền lựa chọn (không ủng hộ phá thai)—loại dự án mà tôi cho rằng nhiều người sẽ tìm kiếm trong những tuần và tháng đầu tiên của chính quyền mới.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh Thầy là sự sống lại và là sự sống!
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
15:32 08/11/2024
Hình ảnh “ Thầy là sự sống lại và là sự sống!”

Đời sống con người trên trần gian có nhiều rào cản phải đối diện, và thường thì sớm muộn, cách này hay cách khác vượt qua được. Nhưng có một rào cản mà không ai vượt qua được: sự chết!

Không ai là con người còn đang sống sinh hoạt muốn nói đến điều này. Nhưng nó lại là thực tế của đời sống trong dòng thời gian lịch sử nhân loại. Vì xưa nay nào đã có ai thoát khỏi hay bài trừ được bước ải rào cản này đâu!

Sự chết là một đề tài cấm kiêng kỵ. Hầu như ai cũng cúi đầu nín lặng không muốn đề cập đến. Vì thấy mình bất lực cùng cảm thấy lúng túng, không thể nói về điều đau buồn cùng không hiểu biết gì cả.

Hằng năm Hội Thánh Công Giáo dành tháng Mười Một tưởng nhớ cầu nguyện cho các người đã qua đời. Cầu nguyện cho họ, qua đó nói lên tâm tình xác tín: Người tín hữu Chúa Kitô, chúng ta là con người đang sống dọc đường gío bụi trần gian, nhưng một ngày nào đó cũng phải chết, như những người đã chết trước chúng ta!

Các tín hữu Chúa Kitô thuở Hội Thánh lúc ban đầu có xác tín: sự chết thuộc về đời sống con người! Nhưng họ đã sống dựa trên niềm tin cùng niềm hy vọng vào Chúa, như lời Chúa Giesu Kitô đã nhắn nhủ: Thầy là sự sống lại và là sự sống!

Gia đình Lazaro, theo như phúc âm thuật lại, quen thân với Chúa Giêsu Kitô. Dọc đường rao giảng nước Thiên Chúa khi nghe tin người bạn Lazaro đã qua đời, Chúa Giêsu đi đến Betania, nơi nhà Lazaro ở. Nhưng Lazaro đã chết bốn ngày trước đó rồi: một người thanh niên qua đời qúa sớm đang còn trẻ tuổi! Tình trạng như thế thật thảm thương cho mọi người. Chính Chúa Giêsu cũng đã thổn thức nghẹn ngào trong dòng nước mắt chảy dài trên đôi gò má… Và Ngài còn phải đối diện với sự hoài nghi đau buồn hoàn cảnh đau buồn tang tóc, sự giận dữ của thân nhân người qúa cố: Martha.

Martha, chị của Lazaro đặt thắc mắc cũng là lời khiển trách với Chúa Giêsu: Nếu Thầy mà có mặt ở đây, em con đã không phải chết? Thầy ở đâu vậy, lúc chúng tôi trong cơn chao đảo bối cần đến sự trợ giúp của Thầy…?

Câu thắc mắc tại sao như thế này luôn được đặt ra từ muôn thuở và sẽ còn luôn mãi nữa, mà con người không sao hiểu nổi Thiên Chúa nguồn sự sống. Nhất là khi người thân yêu ruột thịt chết lúc còn trẻ tuổi: Tại sao vậy? Chúa ở đâu vậy?

Câu trả lời của Chúa Giêsu cho câu hỏi của Martha vang lên âm hưởng nhiệm mầu lạ lùng: Em con sẽ sống lại! và ngài còn nói tiếp: Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, sẽ sống cả khi người đó đã chết. Và ai tin vào Thầy, sẽ không chết đời đời!”

Câu trả lời của Chúa Giêsu Kitô là trung tâm chính yêu của đức tin, cùng là căn bản của niềm hy vọng. Chúng ta người Kitô hữu, cho dù sự chết là số phận con người, nhưng luôn có một niềm hy vọng. Niềm hy vọng này mạnh hơn sự chết. Niềm hy vọng của chúng ta có tên: Chúa Giêsu Kitô. Trong sự chết và sự phục sinh sống lại Chúa Giêsu Kitô đã chiến thắng sự chết. Ngài là sự sống lại và là sự sống.

Chúng ta có một niềm hy vọng mạnh mẽ : Chúa Giesu Kitô. Điều Chúa Jesus Kitô nói nơi nấm mồ của Lazaro, cũng là điều Ngài nói với chúng ta: Con sẽ sống lại! Và trên căn bản đó cũng là điều xác tín sâu thẳm của con người tín hữu Chúa Kitô trong hoàn cảnh tang tóc đau buồn, vì người thân yêu ruột thịt đã qua đời: Người chồng, người vợ, người cha, người mẹ, người anh chị em, người con của Bạn, của tôi sẽ sống lại!

Người tín hữu Chúa Kitô chúng ta được phép khắc ghi trong tâm khảm điều chúng ta tin: Chúa Giêsu Kitô là sự sống lại và là sự sống. Như Martha, chị của Lazaro chân nhận: Vâng, thưa Thầy, con tin Thầy là Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, là sự sống của chúng con!

Theo tập tục đạo đức và văn hóa, con người xưa nay tưởng nhớ cầu nguyện cho người qua đời, và con người cũng nói chuyện cầu nguyện với người đã qua đời, trong niềm hiệp thông cùng một đức tin như lời tuyên xưng trong kinh Tin Kính ” Tôi tin các thông công, tôi tin kẻ chết sống lại và sự sống đời sau. Amen!

“Qua kinh nghiệm cầu nguyện với các người đã qua đời, tôi thấy sự hiệp thông trong Hội Thánh mở ra một chiều kích mới
Có những chân lý được người chết nhắc nhở.
Có những tình hình được người chết báo động.
Có những ơn lành được người chết bầu cửa cho.

Tôi coi một số người đã qua đời là những người thân gần gũi. Họ và tôi cùng chung một lý tưởng. Họ và tôi cùng chia sẻ một chuyến đi. Họ đi trước. Tôi đi sau. Kẻ trước người sau đều nhắm vào một đích điểm là nhà Cha. Chúng tôi luôn nâng đỡ nhau, luôn cầu nguyện cho nhau,.” (Cố Giám mục GB. Bùi Tuần)

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Văn Hóa
Huấn đạo theo Thánh Kinh, Chương bẩy, tiếp
Vũ Văn An
17:48 08/11/2024

Huấn đạo theo Thánh Kinh


Nguyên tác: Biblical Counseling Manual: A Self Help Counseling Program
Của Adam Pulaski và Steve Lihn
Vũ Văn An chuyển ngữ


Chương 7. Loạt bài tăng trưởng Kitô giáo, Phần B(tiếp theo)

7.5. Cam kết là thực hiện lời Chúa

Viễn ảnh

(Gcb. 1:22-25; Kh. 22:14) Đời sống Kitô hữu là một sự cam kết với Thiên Chúa và Lời Người. Nó không phải là việc bán thời gian, tình cờ, thờ ơ hay bỏ bê. Đó là hành động, luyện tập, rèn luyện để theo đuổi sự xuất sắc, với tinh thần liêm chính, vượt qua thất bại hết lần này đến lần khác. Do đó, một đời sống Kitô hữu hữu hiệu sử dụng những thất bại làm cơ hội để lớn lên thành một Kitô hữu trưởng thành theo hình ảnh của Chúa Kitô. Chỉ lắng nghe, nghe, biết thôi chưa đủ. Lời phải được thực hành, thực hành và áp dụng cho đến khi người đó được giải thoát khỏi ách nô lệ của tội lỗi và sự chết.

Hy vọng

(Gcb. 1:19-21; Mt. 13:23) Hãy nhanh chóng nghe lời Thiên Chúa, đừng bám vào ý riêng của mình, nhưng sẵn sàng lắng nghe lời Thiên Chúa thay vì khăng khăng những gì mình nghĩ và thích. Hãy đáp lại thay vì phản ứng với cuộc sống bằng cách chậm nói và chậm giận, phát triển tinh thần hiền lành như một đứa trẻ. Hãy lắng nghe lời Thiên Chúa và để cho lời Người nảy sinh trong trái tim và cuộc sống của mình, đó là cốt lõi của sự chữa lành và trưởng thành, của sự kiên nhẫn, lòng nhân hậu và lòng tốt.

(Cl. 1:9; 2 Cr. 10:5; Tv. 143:10) Không có gì chạy qua chúng ta hay ra khỏi chúng ta mà không theo ý muốn của Thiên Chúa. Ý muốn của Thiên Chúa liên quan đến toàn bộ cuộc sống, mọi việc chúng ta làm, mọi khoảnh khắc trong ngày. Qua lời Người, Thiên Chúa dạy chúng ta phải sống như thế nào.

Biết ý muốn của Thiên Chúa đòi hỏi cả sự khôn ngoan và hiểu biết. Khôn ngoan có nghĩa là một người biết những nguyên tắc đầu tiên của cuộc sống. Hiểu biết có nghĩa là con người có khả năng áp dụng những nguyên tắc căn bản vào cuộc sống hàng ngày.

(Cn. 2:1-2; Cv 20:32; Cv 27:7-16; Eph. 1:17; Gcb. 1:5) Chúng ta có được sự khôn ngoan và hiểu biết bằng cách nghiên cứu lời Thiên Chúa và cầu nguyện. Cầu nguyện là diễn trình giúp chúng ta tràn đầy sự hiểu biết về ý muốn của Thiên Chúa và nhờ đó chúng ta tìm thấy sự kết hợp với Chúa Giêsu. Sự kết hợp này được đánh dấu bằng sự trao đổi tình bạn yêu thương giữa Thiên Chúa và linh hồn.

Thay đổi

(Rm. 12:1-2; Cl. 1:10) Biết ý muốn Thiên Chúa, sở hữu sự khôn ngoan và hiểu biết thôi chưa đủ mà tất cả phải được đưa vào thực hành. Chúng ta phải sống theo ý muốn của Thiên Chúa. Chúa Kitô là khuôn mẫu, cách cư xử và tác phong của chúng ta phải theo Chúa Kitô. Để đối diện với sự sống, cái chết, bệnh tật, tai nạn, chúng ta cần quyền năng của Thiên Chúa. Chúng ta bảo đảm có được sức mạnh này thông qua lời cầu nguyện.

(Gcb. 3:17-18; Mt. 5:8; Dt. 12:14) Nguồn của sự khôn ngoan thật là Thiên Chúa. Thanh khiết là thoát khỏi lỗi lầm và ô uế, khỏi sự ô uế về mặt đạo đức, khỏi sự gian ác và do đó, được để riêng cho Thiên Chúa. Chúng ta phải hòa bình và hiền lành, khoan dung với mọi người, ở trong trạng thái hòa giải với mình và với người, dệt chặt với mình, với Thiên Chúa và với người khác. Chỉ trích, lên án, bỏ mặc và phớt lờ mọi người nên làm cuối cùng. Chúng ta phải sẵn sàng lắng nghe lý lẽ và kháng cáo - sẵn sàng thay đổi khi mình sai. Chúng ta phải có lòng từ bi, trìu mến, nhân ái, sẵn lòng giúp đỡ người khác, không bè phái, thiên vị, không đạo đức giả, bất thành thật. Hoa quả của sự công chính được sinh ra bằng cách tạo nên sự hòa thuận, thoải mái với nhau và với Thiên Chúa.

Hãy tìm sự cứu rỗi của bạn :(Pl. 2:12-13)

(Các) câu Kinh thánh để nhớ: Cl.1:10

Việc sùng kính: khuôn khổ nghiên cứu và áp dụng kinh thánh: Gcb. 4:1-5.

Cởi bỏ/Mặc vào: Nghiên cứu Gcb. 3:17. Hãy liệt kê những thất bại cá nhân trong từng hạng mục được liệt kê trong Gcb. 3:17-18. Sau đó chuẩn bị một kế hoạch hành động về cách giải quyết từng vấn đề theo Kinh Thánh. Sử dụng Phần A.4, “Bảng câu hỏi Chiến thắng Tội lỗi” hoặc Phần A.9, “Kế hoạch Dự phòng” nếu thích hợp. Trong mỗi cuộc gặp gỡ trong cuộc sống, kế hoạch hành động cơ bản của bạn là kêu cầu danh Thiên Chúa bằng cách trích dẫn: “Ý Cha thể hiện”. Điều này hợp nhất ý muốn của bạn với ý muốn của Người, ý muốn này khởi đầu và bảo đảm sự đáp ứng theo Kinh Thánh. Đây là một nỗ lực suốt đời.

7.6. Thay đổi lối sống là bằng chứng của sự hạ sinh mới

Viễn ảnh

(Gv 12:13-14; Ga. 3:3-8; Ga. 10:10) Cần phải được tái sinh, một sự sinh ra thiêng liêng để nhận biết, thừa nhận và giải quyết các vấn đề của bạn theo cách thức trong Kinh thánh. Chỉ có những giải pháp, ân sủng, quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa mới hoàn toàn đủ cho cuộc sống sung mãn.

Hy vọng

(Eph. 2:8-9; Rm. 3:27; Rm. 4:2; Rm. 5:1) Sự cứu rỗi được tiếp nhận nhờ đức tin, tất cả những gì con người phải làm là đưa tay ra và nhận món quà cứu rỗi miễn phí của Thiên Chúa. Con người phải tin chính những gì Thiên Chúa phán và chấp nhận lời Người, chấp nhận lời đề nghị cứu rỗi miễn phí của Người. Tất cả những gì con người có thể làm là chấp nhận sự thật rằng Thiên Chúa phán rằng Người sẽ cứu họ, và chấp nhận lời đề nghị cứu rỗi miễn phí là sự thật.

(Rm 3:23; Rm 6:23; Rm 10:9-10) Hãy nhận ra rằng không có sự cứu rỗi nào trong hoặc bên trong bản thân một người hoặc trên thế giới. Sự cứu rỗi là nhờ lời Thiên Chúa, khi chúng ta tuyên xưng điều đó và nói ra lời Thiên Chúa và tin. Khi đó đức tin tăng trưởng và gia tăng, tạo ra sự hòa giải trong chính mình, với người khác và với Thiên Chúa. “Hòa giải” có nghĩa là thay đổi, thay đổi triệt để, trao đổi, chuyển từ thù địch sang tình bạn, gắn kết, phục hồi, tương quan và hiệp nhất với Thiên Chúa.

(Ga. 1:12; Cv 17:30-31; 2 Cr. 5:17) Đức Chúa Cha trở thành Cha của linh hồn bạn, và bạn đi từ bóng tối đến ánh sáng. Satan không còn là cha dượng của bạn nữa. Nhờ sự sống lại của Chúa Giêsu từ cõi chết, bạn trở thành con Thiên Chúa, công dân Nước Trời. Bạn bắt đầu một cuộc sống mới và hoạt động ngay bây giờ từ thiên đường, nơi bạn nhận được những phước lành, sức mạnh, khôn ngoan và kiến thức thiêng liêng để sống một cuộc sống chiến thắng trên trái đất này.

Thay đổi

(Rm. 12:1-2; 1 Ga. 5:4-5; Tt 3:3-7) Chúa Kitô hiện đang sống trong lòng bạn bởi đức tin. Tinh thần của bạn đã được tái sinh, bạn được trao quyền để sống một cuộc sống chiến thắng. Tất cả bắt đầu bằng việc đổi mới tâm trí bạn, nghĩ đến những ý tưởng của Chúa theo Người, loại bỏ rác rưởi của cuộc sốn quá khứ, và phát triển những thái độ và động cơ theo Kinh Thánh để làm vui lòng Thiên Chúa.

(Eph. 5:3-6) Bị những kẻ vô đạo đức và rù quyến, những sự dạy dỗ sai lầm và các hệ thống tôn giáo sai lầm dẫn dắt đi lạc lối, những thói quen, thực hành và hiệp hội này cần phải được thay đổi. Thiên Chúa đã lấy đi bản chất không yêu thương của chúng ta và từ chúng ta, tạo ra những con người mới, nhưng chúng ta phải từ bỏ lối sống ích kỷ và trần tục mà quay về với Chúa Kitô và bắt đầu một lối sống mới. Vì vậy, chúng ta phải bảo vệ những gì chúng ta thấy, những gì chúng ta nghe và những gì chúng ta nói.

(1 Ga. 2:3-6) Quá trình thay đổi bắt đầu từ tâm trí, và tâm trí được thay đổi, được lên khuôn và uốn nắn bởi lời Thiên Chúa. Khi tâm trí thay đổi thì suy nghĩ, thái độ và động cơ cũng thay đổi. Những gì bạn hiểu, bạn sẽ tuân theo, và đây là những gì sẽ được truyền đạt.

Hãy tìm sự cứu rỗi của bạn : Pl. 2:12-13)

(Các) câu Kinh thánh để nhớ: Eph. 2:8-9

Việc sùng kính: khuôn khổ nghiên cứu và áp dụng kinh thánh: Cv 17:30-31; Eph. 2:8-9; Ga 1:12; Rm. 10:9-10.

Cởi bỏ/Mặc vào:

Hãy ôn lại thư 1Ga. Hãy lưu ý những tham chiếu và sự tương phản sống động với tình yêu thương, tình bạn, ánh sáng và bóng tối, sự sa ngã, những lời dạy sai lầm: những điều phân biệt con cái của Thiên Chúa với con cái của ma quỷ. Sự chắc chắn cho rằng bạn là con cái Thiên Chúa dựa trên việc ở trong Chúa Kitô và dựa trên việc theo đuổi sự công chính như Người là Đấng công chính.

Tất cả đều bắt đầu từ việc yêu Thiên Chúa và bằng chứng cho thấy bạn yêu Thiên Chúa dựa trên mối quan hệ của bạn với người khác cũng như sự liên quan của bạn với thế giới, xác thịt và ma quỷ.

Bắt đầu một quá trình thay đổi bằng cách lưu ý khi nào và ở đâu bạn đang nuôi dưỡng mối hận thù, oán giận, cay đắng. Lập kế hoạch bằng cách sử dụng Phần A.4, “Bảng câu hỏi Chiến thắng Tội lỗi”, Phần A.9, “Kế hoạch Dự phòng” và các bảng câu hỏi khác nếu thích hợp, để ứng phó với những tình huống này bằng sự kiên nhẫn, tử tế và tốt bụng.

7.7. Lo lắng, hoang mang, bối rối

Viễn ảnh

(Ga. 14:1-3; Ga. 3:15; Ga. 5:24; Ga. 11:25; Rm. 10:9-10 ) Bất cứ khi nào bối rối, lúng túng, khuấy động, ngỡ ngàng,, lo lắng, trằn trọc, hỗn độn, chán nản, hãy tiếp tục tin dù giữa những khó khăn. Điều này sẽ giúp bạn tin rằng Thiên Chúa và Con của Người sẽ giải cứu tấm lòng rắc rối của bạn. Do đó, nhờ niềm tin và hy vọng vào nhà Thiên Chúa và các lâu đài ở đó, qua việc làm của Chúa Giêsu, qua sự trở lại của Chúa Giêsu và qua nơi ở đời đời với Chúa Giêsu - những điều này sẽ giải thoát bạn khỏi tấm lòng bối rối.

Hy vọng

(1 Pr. 1:3-4; Tt 2:12-13) Trái đất chỉ là một nơi tạm thời, chúng ta có một nơi vĩnh viễn trong một thế giới thực ở một chiều không gian khác của hiện hữu. Chúa Giêsu biết nhà của Cha Người, sự thật và thực tại của nó. Vì vậy, điều cần thiết để thừa kế những lâu đài này là niềm tin vào Chúa Kitô.

Trong mối tương quan với Thiên Chúa, linh hồn càng hy vọng và tin tưởng thì càng đạt được nhiều điều. Càng có nhiều hy vọng thì sự kết hợp với Thiên Chúa càng lớn lao hơn. Vì vậy, chúng ta phải loại bỏ tất cả những gì không thuộc về Thiên Chúa. Bằng cách này, chúng ta có thể hoàn toàn hy vọng vào chính Thiên Chúa. Mọi sở hữu không phải của Thiên Chúa đều chống lại niềm hy vọng. Ký ức càng bị tước đoạt khỏi những ảnh hưởng trần tục: niềm vui, danh dự, áp lực, sự áp bức, nỗi sợ hãi, chủ nghĩa duy vật của nó - bất cứ hình thức bề ngoài nào của tài sản trần thế... người ta càng vận dụng sự khôn ngoan thần linh để vượt quá thể trần gian mà vươn tới thể thần linh, và từ thể thần linh xuống tới thể trần gian (Cl. 1:27; Dt. 12:1-3).

Do đó, việc tước đoạt hoàn toàn tất cả những gì không phải của Thiên Chúa sẽ mở ra các khả năng của con người để được lấp đầy và dưới sự hiện diện và hướng dẫn tuyệt đối của Chúa Thánh Thần, dẫn đến sự sở hữu hoàn toàn với Thiên Chúa trong sự hiệp nhất (Mt. 5:48; Mt. 6: 10; Lc 14:26,33).

(Eph. 1:7; 1 Pr. 1:18-19; 2Cr. 13:4; Rm. 5:2) Chính nhờ công trình của Chúa Giêsu mà chúng ta được giải cứu. Chúa Giêsu đã đi đến thập giá để chuẩn bị sự cứu chuộc cho chúng ta bằng cái chết, sự phục sinh và sự tôn vinh của Người. Sống lại từ cõi chết, Người chuẩn bị cuộc chinh phục tử thần và một cuộc sống và sức mạnh mới cho chúng ta. Người thăng thiên để chuẩn bị cho chúng ta bước vào sự hiện diện của Thiên Chúa và một ngôi nhà vĩnh cửu cho chúng ta.

(Ga. 5:25; Ga. 17:24; 1 Tx 4:16-17; 2Cr. 5:8; Tt 2:12-13; 2 Tm. 4:18; Pl. 3:20-21) Các tín hữu phải được tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Giêsu. Trong chốc lát, chúng ta sẽ chuyển từ thế giới này sang thế giới tiếp theo, vào chính thiên đường. So sánh thì những phiền não hiện tại của chúng ta chỉ là nhỏ nhặt. Hãy suy gẫm về điều này và nắm bắt sự thật của câu nói này, nó sẽ đưa tâm hồn rắc rối của bạn vượt qua mọi thử thách, thậm chí là tử đạo. Chúa sẽ giải thoát bạn khỏi mọi công việc xấu xa... về thể chất lẫn tinh thần.

Thay đổi

(Ga. 14:4-7; Ga. 8:19; Cv 28:27; Ga. 3:3-5; 1Cr. 2:14; Rm. 8:15-17; Gl. 4:4-7) Cũng như các môn đệ, mắt chúng ta không nên để ý đến những thứ trần thế, địa vị và quyền lực trần thế, của cải và tài sản, sự hào nhoáng và lễ nghi. Chúng ta phải suy nghĩ về lời của Chúa Giêsu rằng mọi con đường đều dẫn đến chính Thiên Chúa. Chúng ta suy gẫm về những lời của Chúa Giêsu, qua những sự việc của thế gian, thấy con đường đến với Thiên Chúa là chính Chúa Giêsu và đích đến của cuộc sống là chính Thiên Chúa. Thành thử, đừng suy nghĩ như con người tự nhiên và bị cuốn vào bầu không khí trần thế. Nơi ở vĩnh viễn của chúng ta là một trong những bầu khí thiên đường, có phẩm chất vĩnh cửu, vượt xa mọi giác quan, nhận ra rằng chúng ta sẽ ở trong sự Hiện diện của Đức Chúa Cha mãi mãi.

(Ga. 14:8-14; Ga. 12:45; Ga. 16:15; Cl. 2:9; Dt. 1:3; Ga. 10:37-38; Ga. 14:20; Ga. 17:21-22; Cv 1:8) Cũng như các môn đệ ngày nay, Chúa Giêsu muốn chúng ta bước đi bằng đức tin. Chúng ta sẽ thấy Chúa Cha trong Chúa Giêsu trong Tin Mừng. Chúa Giêsu mạc khải chính Người là hiện thân trọn vẹn của Thiên Chúa - chính bản chất, đặc tính, bản thể và sự hoàn hảo của Thiên Chúa. Khi chúng ta tin lời Chúa như Chúa Giêsu đã tin, thì chúng ta cũng sẽ bước đi dưới ánh sáng của lời biểu lộ sự Hiện diện của Thiên Chúa trong con người và việc làm của chúng ta - giữa những khó khăn, áp lực và bách hại như với Chúa Giêsu. Chúng ta phải tin Chúa Giêsu như một Ngôi vị, như Con Thiên Chúa, tin lời tuyên bố của Người, rằng chứng từ và chứng tá của Người về chính Người là hoàn toàn đúng sự thật. Khi tin và sống trong Người, chúng ta có thể vượt qua mọi thử thách và chiến thắng.

Hãy tìm sự cứu rỗi của bạn : (Pl. 2:12-13)

(Các) câu Kinh thánh để nhớ: Mt. 28:18-20

Việc sùng kính: Khuôn Khổ Nghiên Cứu Và Áp Dụng Kinh Thánh: Cv 4:33; Eph. 3:20

Cởi bỏ/Mặc vào: Hãy suy ngẫm những câu sau đây và ghi chú những gì Chúa Thánh Thần đang nói với bạn, và thái độ của bạn nên như thế nào trong hoàn cảnh hiện tại: Cl. 1:12-14; 1Tx. 5:18; 2Cr. 3:18; Dt. 13:15; 1 Pr. 2:9; Tv. 29:2; Tv. 100:4.

7.8. Bản ngã thuần khiết được kích hoạt

Viễn ảnh

(Dt. 4:16; Gcb. 1:5-8; 2 Cr. 3:4-5; Pl. 4:13) Để có được sự khôn ngoan nhân từ của Thiên Chúa trong việc đối diện và giải quyết các vấn đề của mình, bạn phải cầu xin bằng đức tin, tức là, sống theo lời Thiên Chúa và chỉ trông cậy vào quyền năng của Người.

“Các con sẽ nhận được quyền năng khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các con…” (Cv 1:8) - không phải quyền năng như một món quà từ Chúa Thánh Thần, mà là điều Người ban cho chúng ta - quyền năng là Chúa Thánh Thần. Sự sống vốn có trong Chúa Giêsu trở thành cuộc sống của chúng ta nhờ Thập giá của Người, một khi chúng ta quyết định đồng hóa với Người. Nếu khó làm lành với Chúa, đó là vì chúng ta từ chối đưa ra quyết định mang tính đạo đức về tội lỗi. Nhưng một khi chúng ta quyết định thì sự sống trọn vẹn của Chúa sẽ đến ngay lập tức. Chúa Giêsu đến để ban cho chúng ta nguồn sự sống vô tận - "...để anh em được tràn đầy mọi sự sung mãn của Thiên Chúa" (Eph. 3:19). Cuộc sống vĩnh cửu không liên quan gì đến thời gian. Đó là cuộc sống mà Chúa Giêsu đã sống khi Người còn ở dưới đây, và nguồn sự sống duy nhất là Chúa Giêsu Kitô”. (Trích từ [8] [Chambers2], ngày 12 tháng 4.)

Hy vọng

(Ga. 16:7-13; 1 Cr. 2:11-13) Tinh thần con người chúng ta giờ đây được hợp nhất với Chúa Thánh Thần. Có tâm trí của Chúa Kitô, tất cả những gì Chúa Kitô là, sự đầy đủ của Người ở bên trong sẽ được chuyển tải đến tinh thần chúng ta - sự khôn ngoan, sức mạnh và khả năng của Thiên Chúa. Từ tinh thần của chúng ta, ân sủng của Người di chuyển đến tâm trí chúng ta và từ đó đến cơ thể chúng ta để biểu lộ Chúa Kitô trong mọi tình huống, thay thế sự ác bằng sự công chính. Qua chúng ta, Tin Mừng của Chúa Phục Sinh và Tôn Vinh được loan báo và có thể ban sự sống đời đời cho mọi người kêu cầu Người.

"Cuộc sống vĩnh cửu là cuộc sống mà Chúa Giêsu Kitô đã biểu lộ ở bình diện con người. Và chính cuộc sống này, chứ không phải chỉ là một bản sao của nó, được thể hiện rõ ràng trong xác thịt phàm trần của chúng ta khi chúng ta được tái sinh. Cuộc sống vĩnh cửu không phải là một món quà từ Thiên Chúa; sự sống đời đời là món quà của Thiên Chúa. Năng lực và quyền năng rất hiển nhiên nơi Chúa Giêsu sẽ được biểu lộ trong chúng ta bằng hành động của ân sủng tối thượng tuyệt đối của Thiên Chúa, một khi chúng ta đã đưa ra quyết định hoàn toàn và hữu hiệu về tội lỗi". (phỏng theo [8] [Chambers2], ngày 12 tháng 4.)

(Ga. 15:16) Chúng ta phải sinh hoa trái sự cứu rỗi của mình và làm chứng cho người khác về những gì Chúa Giêsu đã làm. Công việc của chúng ta là trở thành một nhân chứng, bằng lối sống của mình, được thể hiện bằng thái độ vững chắc của sự tự tin và táo bạo, kiên nhẫn, nhân hậu, tốt bụng. Tuy nhiên, chức năng và trách nhiệm của Chúa Thánh Thần là cáo trách và thuyết phục thế gian về tội lỗi, sự công chính và sự phán xét. Người là Đấng thuyết phục và kết án.

(2 Tm. 3:16-17; 2Pr. 1:3-4; 2Cr. 3:18) Nhờ lời Thiên Chúa, chúng ta sống, cử động và hiện hữu. Sự sống mà Chúa Giêsu ban tặng là một sự sống tràn đầy nghị lực, sức mạnh và quyền năng. Nhờ lời Người, chúng ta ý thức được sự Hiện diện của Chúa, rằng chúng ta sống giống như Chúa sống nếu Người bước đi trên trái đất. Chúng ta nhận được sự sống và sự sùng đạo nhờ sự hiểu biết về Chúa Kitô và lời Người làm cho chúng ta giống hình ảnh Người. Hạt giống của sự đồi bại là tội lỗi, và điều này được thay thế bằng Chúa Thánh Thần ngự trong lòng người tin Chúa. Chúng ta thực sự dự phần vào bản chất thần linh của Chúa Kitô và thoát khỏi nguyên tắc đồi bại và được phép sống một cuộc sống công chính. Chúng ta đi từ vinh quang này đến vinh quang khác, ân sủng này đến ân sủng khác, chính năng lực và sự Hiện diện của Chúa ngự trong chúng ta.

Thay đổi

(1Tx 5:17; Dt. 4:15-16; Gcb. 1:5; Mt. 18:18; 2 Cr. 9:8) Thiên Chúa ngồi trên ngai, tòa của thẩm quyền và quyền lực, danh dự và vinh quang. Bởi ân sủng của Người, chúng ta có thể đến gần Thiên Chúa và Người sẽ tiếp nhận chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô. Từ ngai của Người, chúng ta nhận được Ân sủng và trong lời cầu nguyện, chúng ta nhận được sự giúp đỡ để vượt qua thử thách và nhận được sức mạnh của Người để vượt qua mọi hoàn cảnh. Trong lời cầu nguyện, chúng ta trói buộc tội lỗi và cởi bỏ linh hồn ô uế theo sự chỉ dẫn của Thiên Chúa, thay thế cái ác bằng sự công chính.

(Gcb. 1:5-8; Gcb. 1:22-25; 2Cr. 3:4-5; Pl. 4:13) Để xứng đáng với sự khôn ngoan nhân từ của Thiên Chúa trong việc đối diện và giải quyết các vấn đề của mình, chúng ta phải cầu xin trong đức tin, sống theo lời Thiên Chúa, và chỉ trông cậy vào quyền năng của Người.

(Mt. 26:39) "Nỗi thống khổ trong Vườn Diệsimani là sự thống khổ của Con Thiên Chúa trong việc hoàn thành sứ mệnh của Người là Đấng Cứu Rỗi của thế gian. Bức màn được kéo lại ở đây để bày tỏ tất cả những gì Người đã phải trả giá để làm cho chúng ta có thể trở thành con cái Thiên Chúa. Sự thống khổ của Người là nền tảng cho sự cứu rỗi đơn giản của chúng ta. Thập giá của Chúa Kitô là một chiến thắng của Con Người. Nó không chỉ là một dấu hiệu cho thấy Chúa chúng ta đã chiến thắng, nhưng Người đã chiến thắng để cứu nhân loại. Vì những gì Con Người đã trải qua, mọi người đều được cung cấp một con đường để đến với chính sự hiện diện của Thiên Chúa”. (Phỏng theo [8] [Chambers2], ngày 11 tháng 4.)

Đã đến lúc phải ngày càng tách biệt khỏi thế gian, xác thịt và ma quỷ. Theo đó, hãy đặt ý muốn của bạn vào trung tâm ý muốn của Thiên Chúa và duy trì những gì Chúa Kitô đã giành được cho chúng ta: trở thành môn đệ của Người để cầu thay của Người, làm đại sứ của Người, thiết lập vương quốc và ý muốn của Người trên trái đất.

Hãy tìm sự cứu rỗi của bạn: (Pl. 2:12-13)

(Các) câu Kinh thánh để nhớ: 1 Cr. 2:12; 2Tim. 4:18; Dt. 13:6

Việc sùng kính: Khuôn Khổ Nghiên Cứu Và Áp Dụng Kinh Thánh: Pl. 4:13,19.

Cởi bỏ/Mặc vào:

Nhận biết bạn là ai và là gì trong Chúa Giêsu Kitô bằng cách thực hiện Lời cầu nguyện của Ngài trong Mt. 28:18-20. Hãy làm gương, làm thầy, làm người cầu thay bằng cách buộc và cởi. Hãy cầu nguyện cho những người khác trở thành môn đệ để họ cũng làm như vậy. Đã đến lúc các nguyên tắc Nước Trời được áp dụng trên mặt đất.

Cầu nguyện cho người khác, bạn có thể muốn sử dụng Eph. 1:17-19; Eph. 3:19-20; 2 Cr.. 4:4; Cl. 1:10; Mt. 18:18. Để can thiệp và giải thoát những người đang bị trói buộc, bạn có thể cầu nguyện như sau:

1. Lạy Chúa, xin rửa sạch tâm hồn họ khỏi lương tâm bị tội lỗi đè nặng (Dt. 10:22).

2. Lạy Chúa, chúng con trói buộc tội lỗi trên họ, và cởi trói cho thần xấu đang lởn vởn (Mt. 16:19).

3. Hãy tháo khăn bịt mắt để họ có thể nhìn ra sự thật (2 Cr. 4:4)

4. Chúa Thánh Thần ấp ủ họ cho đến khi sự sống của Chúa Kitô thấm nhập vào tâm hồn họ (St 1:2).

7.9. Tự nhận trách nhiệm giải trình

Viễn ảnh

(St. 1:26; Mt. 7:1-5) Vì Thiên Chúa đã tạo dựng nên chúng ta và chúng ta là sự sáng tạo của chính Người nên Người là phương tiện sống và hiện hữu của chúng ta, là nguồn lực duy nhất của chúng ta. Theo đó, chúng ta có trách nhiệm giải trình trước Người và từ Người, đồng thời chúng ta nhận được bất cứ điều gì chúng ta cần từ Người để hoàn thành mục đích của Người thông qua chúng ta trên trái đất này. Trên cơ sở lời Chúa, chúng ta phải tự đánh giá bản thân bằng và thông qua hành động của mình, đặc biệt là trong lĩnh vực phê bình và lên án người khác. Kẻ chỉ trích không nhất quán, tự cho mình là đúng, tự lừa dối mình, thiếu tình yêu thương, đạo đức giả và lạm dụng Tin Mừng mà nhờ đó cuộc đời chúng ta sẽ được thay đổi. Chúng ta phải làm gương cho thế giới bằng cách bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa cho người khác. (Pl. 2:14-15)

Để đánh giá bản thân một cách chính xác, hãy xem xét bản thân trong các lĩnh vực sám hối, từ bỏ, và siêu thoát thế gian. Những ảnh hưởng của cuộc sống được lưu giữ trong ký ức của chúng ta. Ký ức của chúng ta được kết nối với cảm xúc của chúng ta. Những lĩnh vực chưa được Kinh Thánh giải quyết, Satan kích thích tạo ra cảm giác tội lỗi, xấu hổ, tức giận, cay đắng, tuyệt vọng và những điều tương tự. Vì vậy, hãy giữ cho trí nhớ của bạn trong sạch và tươi mới bằng cách thường xuyên ở trong trạng thái sám hối (xưng tội và ăn năn ngay khi bị kết án), bằng cách từ bỏ tất cả những gì đang trói buộc bạn (những suy nghĩ, hình ảnh viển vông), và tách mình ra khỏi những cám dỗ và sự quyến rũ giả tạo của những cám dỗ của thế gian (Mt. 12:30; Gcb. 2:15-17). Bây giờ bạn có thể trở thành một chiếc bình thích hợp của Chúa để hoàn thành các mục đích của Người trên mặt đất này (2 Cr. 6:16-18).

Hy vọng

(Edk 18:20; Grm. 17:10) Tôi không thể đổ lỗi cho bối cảnh, nguồn gốc của tôi, hoàn cảnh sống để biện minh cho những hành động tội lỗi và tôi cũng không bị chúng kiểm soát. Ân sủng của Chúa từ trên trời dành cho tôi để tôi có thể sống công chính bất chấp những gì người khác đã làm. Thoát khỏi sự kiểm soát theo chiều ngang, ân sủng của Chúa sẽ phá vỡ sự trói buộc của quá khứ, và Người sẽ hướng dẫn tôi và dẫn tôi đến một cuộc sống dồi dào.

(Edk 18:2-3; Eph. 5:18 ) Tôi không chịu trách nhiệm về tội lỗi của người khác và hành động của người khác cũng không khiến tôi lo lắng. Thoát khỏi quá khứ, khỏi đổ lỗi và phòng thủ, điều này cho phép có sự Hiện diện của Chúa Thánh Thần. Người tín hữu phải liên tục được tràn đầy ý thức về sự Hiện diện của Người, về sự lãnh đạo và hướng dẫn của Người. Sự đổ đầy Chúa Thánh Thần là sự biểu hiện cá nhân của Chúa Kitô đối với tín hữu bước đi vâng phục hằng ngày. Họ chỉ được no đủ khi bước đi trong sự vâng theo lời của Thiên Chúa.

(Ga. 14:21-22; Tv. 119:11; Cv 2:1-4) Để được thành toàn, chúng ta phải vâng lời bước đi theo Chúa Kitô, khi chúng ta bước qua những thử thách khủng khiếp và khủng hoảng trầm trọng, Thiên Chúa sẽ biểu lộ Sự Hiện Diện của Người để cung cấp một cảm nhận sâu sắc về tình yêu thương và sự chăm sóc của Người: nâng đỡ và củng cố chúng ta để chúng ta giống như Con của Người. Vì vậy, ý nghĩa của cuộc sống là để cho Thiên Chúa trở nên trọn vẹn nhất trong cuộc sống của chúng ta vào mọi thời điểm ngày và đêm. Ý thức này là đặc quyền của tín hữu trong việc nhận biết sự hiện diện của Người và sự lãnh đạo của Người - từng giây từng phút.

Thay đổi

(Rm. 12:9-10; 2 Pr. 1:5-7) Để bắt đầu yêu thương một cách chân thành, tín hữu phải ghét mọi hình thức của điều ác vì sự ác hủy diệt sự sống. Một tình yêu sùng đạo mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho người ta. Họ phải gắn bó với điều tốt và làm việc để mọi người biết và trải nghiệm điều tốt. Họ yêu thương người khác trong Chúa Kitô bằng sự tử tế và âu yếm. Họ đi đầu trong việc coi trọng và thể hiện sự tôn trọng đối với người khác.

Bởi đức tin, quyền năng và sự chuẩn bị để sống một đời sống đạo đức nằm trong người tín hữu trong ngôi vị Chúa Thánh Thần. Nhưng niềm tin này phải được thực hiện, thể hiện và trải nghiệm bằng phản ứng của một người với cuộc sống. Người có đức tin phải thêm vào sự xuất sắc về đạo đức, nhân cách tốt đẹp, sức mạnh đạo đức và lòng dũng cảm đạo đức; người ấy phải bổ sung kiến thức thực tế và hiểu biết sâu sắc để biết phải làm gì và nói gì trước những thử thách và cám dỗ của cuộc sống; và họ phải làm chủ và kiểm soát thân thể hoặc xác thịt với mọi dục vọng của nó (Rm. 5:3-5).

(1 Cr. 1:10; 1 Pr. 3:10; Cn. 13:3; Lc. 11:17) Để đạt được bất cứ tình huống nào, người ta phải kiềm chế lưỡi không khuấy động sự bất hòa, chia rẽ, nhưng mang lại hòa bình, tình yêu thương và tình anh em. Chúng ta phải được phục hồi bên trong chính mình và với những người khác. Sự thống nhất trong tâm trí và phán đoán liên quan đến suy nghĩ, lý luận, cảm xúc, động cơ và ý định. Phán quyết liên quan đến kết luận, mục đích, mục tiêu và đích điểm. Sự phục hồi bắt đầu trong và xung quanh những kết luận mang lại sự đoàn kết trong chúng ta và với những người khác.

(Pl. 2:2-4; Cn. 17:19; Is 14:13-14; 1Ga. 2:16) Nếu không đạt được mục đích hoặc điều mình mong muốn, chúng ta có xu hướng phấn đấu, gây ra tranh luận và chia rẽ. Chúng ta có xu hướng muốn được chú ý, khen ngợi và tôn vinh. Chúng ta phải từ bỏ những khuynh hướng này vì Chúa Kitô để có thể giúp đỡ người khác. Thiên Chúa hành động trong chúng ta để hiến dâng chính mình với tinh thần phục tùng và khiêm nhường, không kiêu ngạo, kiêu căng, ngạo mạn hay quyết đoán.

• Phải khai triển đức khiêm nhường vốn học hỏi nơi Chúa Kitô - tâm tính và nhân đức của Người - Đấng đặt mọi người lên trên chính Người. Sự khiêm nhường đạt đến đỉnh cao khi chúng ta hy sinh mạng sống mình vì Chúa Kitô vì lợi ích và phúc lợi của người khác. Điều này đòi hỏi sự đánh giá trung thực về bản thân vì chúng ta luôn là trung tâm trong mọi việc mình làm. Tính ích kỷ làm suy yếu và hạn chế các mối quan hệ và thành tựu.

Hãy tìm sự cứu rỗi của bạn: (Pl. 2:12-13)

(Các) câu Kinh Thánh để nhớ: Edk. 18:20

Việc sùng kính: Khuôn Khổ Nghiên Cứu Và Áp Dụng Kinh Thánh: Lc. 9:23-24; Rm 12:16; Cn. 21:4; Cn. 26:12.

Cởi bỏ/Mặc vào:

Đọc Pl. 2:3-11, sau đó thực hiện Phần A.2, “Danh sách Nghĩ và Làm”. Hãy đánh giá bản thân ở phạm vi bạn tìm kiếm lợi ích cho riêng mình, sử dụng những đặc điểm sau đây mà chúng ta thường nghĩ đến để khiến chúng ta luôn coi mình là trung tâm:

• tham vọng
• bị vượt qua
• bị làm ngơ
• không được công nhận
• mong muốn
• chức vụ
• các ước muốn
• bị bỏ rơi
• bị bỏ qua
• không được vinh danh
• không được thăng chức hoặc không được chọn (Xem thêm Phần A.5, “Chết đi cho bản ngã” để biết thêm thông tin chi tiết.)

Đối với mỗi điều, hãy thay thế bằng điều Chúa muốn bạn nghĩ và làm, xem xét nhu cầu của người khác trước nhu cầu của bạn, chẳng hạn như: thăm viếng, an ủi, phục vụ, giúp đỡ, chia sẻ, cho ăn, quần áo, vận chuyển, lắng nghe, khuyên bảo, huấn đạo, giảng dạy, vân vân.

7.10. Chỉ có Chúa mới có thể thay đổi chúng ta và những người khác

Viễn ảnh

(Edk 36:26-27; Pl. 1:6; Pl. 2:13) Chỉ có Thiên Chúa mới có thể thay đổi người ta, vì vậy bạn không và không thể chịu trách nhiệm về việc thay đổi họ. Bạn chỉ chịu trách nhiệm trước Chúa về những việc làm của mình và góp phần vào việc sống hòa thuận với người khác. Công việc của bạn là cầu thay trong lời cầu nguyện, trở thành người có ảnh hưởng sùng đạo và làm gương để tạo cơ hội cho Thiên Chúa hành động trong lòng người khác. Vì Thiên Chúa là Đấng khơi dậy, khuấy động và tiếp thêm sinh lực cho tấm lòng của người có đức tin để họ làm theo ý muốn của Người.

Hy vọng

(Pl. 1:6; Gđ 24-25) Tín hữu có niềm tin tuyệt đối vào công cuộc cứu rỗi hoặc cứu chuộc mà Thiên Chúa đã bắt đầu trong cuộc đời mình. Họ có niềm tin nhờ sự Hiện diện của Chúa Thánh Thần, Đấng ngự trong họ. Theo đó, Thánh Thần của Chúa Kitô ở trong tín hữu giúp họ hoàn thành vai trò và chức năng của mình. Vì chính Thiên Chúa là Đấng giải thoát chúng ta khỏi tì vết; chính Thiên Chúa giải thoát chúng ta hàng ngày khi chúng ta xưng tội; Chính Người là Đấng làm cho chúng ta trở nên vô tội và giữ cho chúng ta khỏi sa ngã. Tất cả những gì chúng ta cần làm là đến gần Người và giữ liên lạc với Người bằng cách học hỏi và cầu nguyện Kinh Thánh hàng ngày cũng như bước đi một cách công chính (Tv. 91:1-3).

(Pl. 2:13; 1 Ga. 2:27) Thiên Chúa khơi dậy, khuấy động và tiếp thêm sinh lực cho tấm lòng của người có đức tin để làm theo ý muốn Thiên Chúa. Thiên Chúa đang hành động bên trong chúng ta – tiếp thêm sinh lực cho chúng ta – ban cho chúng ta cả ý chí lẫn sức mạnh để làm những điều đẹp lòng Người. Thiên Chúa không để chúng ta một mình thực hiện sự cứu rỗi và giải thoát.

(Rm. 5:3-5; 2 Cr. 4:7-18; Lc. 22:23) Đừng ngạc nhiên trước những thử thách, ngay cả khi chúng có vẻ gay gắt; thay vào đó, hãy vui mừng vì Thiên Chúa sử dụng chúng để phát triển sự trưởng thành giống như Chúa Kitô trong đời sống chúng ta. Nếu bạn chịu đựng đau khổ vì lẽ công chính, thì bạn được Chúa ban phước. Những thử thách và đau khổ có tác dụng tốt cho chúng ta. Những áp bức và phiền não khơi dậy sự kiên nhẫn, đó là sự phát triển sức chịu đựng, nghị lực, sự kiên định, kiên trì. Thông qua những trải nghiệm này, chúng ta phát triển tính cách, sự chính trực và sức mạnh. Khi một người chịu đựng thử thách, người ấy trở nên mạnh mẽ hơn khi bắt đầu cảm nhận được sự hiện diện ngày càng tăng của Thiên Chúa. Người ấy đến gần Thiên Chúa và càng đến gần Thiên Chúa, người ấy càng hy vọng vào vinh quang của Thiên Chúa. Tất cả những điều này dẫn đến việc liên tục trải nghiệm tình yêu của Thiên Chúa qua sự hiện diện của Chúa Thánh Thần.

Thay đổi

(Ga. 7:24; Rm. 14:1-13) Đừng đánh giá người khác theo tiêu chuẩn, quan điểm hoặc kinh nghiệm của riêng bạn. Bạn sẽ bị đánh giá giống như cách bạn đánh giá họ. Chúng ta phải đưa ra phán quyết công bằng bằng cách kiểm tra tinh thần của chính mình và đặt mình vào vị trí để giúp sửa chữa những người có lỗi, nếu cần (Gl. 6:1).

(Tv. 19:7-11; Cn. 30:5-6; Dt. 4:12) Lời Chúa là thẩm quyền duy nhất của bạn về đức tin và hành vi và là tiêu chuẩn hợp pháp duy nhất để đánh giá bạn. Bạn không được dựa vào nguồn nào khác, vì lời Thiên Chúa mang lại hy vọng và đưa ra phương hướng để thay đổi trong mọi lĩnh vực của cuộc sống (suy nghĩ, lời nói, hành động). Nhưng bạn phải lao nhọc để bước vào sự nghỉ ngơi của Thiên Chúa, tức là nghiên cứu công việc của Thiên Chúa và học cách bước đi một cách công chính. Khi bạn làm phần việc của mình, Thiên Chúa sẽ làm phần của Người: Chính lời Thiên Chúa lấy bản chất trần thế, có linh hồn của con người và tách nó ra khỏi sự kêu gọi thiêng liêng và lời hứa của Thiên Chúa.

(2 Pr. 1:3-4; Mt. 5:1-20) Bản chất của hạnh phúc đến bằng cách gạt bỏ sự tức giận, khinh thường, ham muốn, lôi kéo, trả đũa và trả thù, từ bỏ sự phụ thuộc vào danh tiếng, giầu có, của cải của con người. Ký ức của chúng ta phải được Thiên Chúa chiếm hữu chứ không phải bởi quá khứ, con người hay đồ vật. Như vậy, nhờ đức tin, bằng việc sám hối, chúng ta phải thêm vào đức tin của mình các nhân đức khôn ngoan, công bằng, dũng cảm và tiết độ. Như vậy, chúng ta sẽ lớn lên theo hình ảnh của Chúa Kitô như đã được định sẵn ngay từ đầu.

Hãy tìm sự cứu rỗi của bạn: (Pl. 2:12-13)

(Các) câu KinhThánh để nhớ: Tv. 128:1-4

Việc sùng kính: Khuôn Khổ Nghiên Cứu Và Áp Dụng Kinh Thánh: Tt 2:11-12; Tv. 31:19; Ga. 6:63.

Cởi bỏ/Mặc vào: Sự kính sợ Thiên Chúa sẽ là mảnh đất mà từ đó ảnh hưởng tích cực của bạn sẽ phát triển và là lý do cơ bản khiến gia đình bạn và những người khác sẽ đứng lên khen bạn là người có phúc. Hãy suy gẫm những câu Kinh thánh sau đây và đọc những gì Kinh thánh nói sẽ xảy ra với bạn với tư cách là người kính sợ Chúa. Trong khoảng 50 chữ, hãy mô tả những gì bạn đã học được từ những câu này: Tv. 25:12-13; Tv. 112:3; Tv. 31:19; Tv. 103:11-18; Tv. 112:1-9; Tv. 145:19; Cn. 1:7; Cn. 8:13; Cn. 9:10; Cn. 14:26; Cn. 15:33; Cn. 19:23; Cv 9:31; Gióp 2:3; Mk 3:16; Tv. 147:11; Tv. 128:3; 2 Cr.7:1; Kh. 14:7 và Gv. 12:13.

Còn 1 kỳ
 
VietCatholic TV
Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh chúc mừng TT Trump. Cha Hiệu Trưởng chủng viện làm con tin thay 2 chủng sinh
VietCatholic Media
03:12 08/11/2024


1. Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh chúc mừng Tổng thống đắc cử Donald Trump

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, và các nhà lãnh đạo khác của Vatican đã gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump sau chiến thắng vang dội của ông trong cuộc bầu cử tuần này, bày tỏ hy vọng về sự lãnh đạo sáng suốt trong cả các vấn đề trong nước và quốc tế.

“Chúng tôi cầu chúc ông ấy có được ơn khôn ngoan tuyệt vời, bởi vì theo Kinh Thánh, đây là đức tính chính của người cai trị,” Đức Hồng Y Parolin phát biểu tại một sự kiện ở Rôma.

“Tôi tin rằng, trên hết, ông ấy phải nỗ lực để trở thành tổng thống của cả nước và vượt qua sự phân cực đã xảy ra, là điều mà hiện tại có thể cảm nhận rất, rất rõ ràng”, Đức Hồng Y chỉ ra.

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã giành chiến thắng áp đảo trước Phó Tổng thống Kamala Harris trong cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống ngày 5 tháng 11, vượt xa con số 270 phiếu đại cử tri cần thiết để tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai tại Tòa Bạch Ốc.

Ngoài việc nỗ lực hướng tới sự đoàn kết giữa người dân Hoa Kỳ, Đức Hồng Y Parolin cũng bày tỏ hy vọng Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ “là yếu tố tạo nên sự hòa hoãn và bình định trong các cuộc xung đột hiện đang khiến thế giới rệu rã”.

“Chúng ta hãy hy vọng, chúng ta hãy hy vọng. Tôi tin rằng ngay cả ông ấy cũng không có cây đũa thần,” Parolin nói.

“Để chấm dứt chiến tranh, cần rất nhiều sự khiêm nhường, cần rất nhiều sự sẵn lòng. Thực sự cần phải tìm kiếm lợi ích chung của nhân loại thay vì tập trung vào lợi ích riêng biệt.”

Trong khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Ông Donald Trump không cùng quan điểm về các vấn đề liên quan đến người di cư hoặc môi trường, Thứ trưởng Bộ Văn hóa và Giáo dục Vatican, Cha Antonio Spadaro, SJ, đã trả lời các nhà báo Ý vào ngày 6 tháng 11 rằng Vatican có ý định “tìm kiếm đối thoại” với nhà lãnh đạo Hoa Kỳ.

“Người Công Giáo không có đảng phái hay niềm tin chính trị đồng nhất ở Hoa Kỳ hay bất kỳ nơi nào khác, chúng ta phải giữ vững la bàn giá trị, không đứng về bên nào, chính xác là để tránh sự pha trộn giả tạo giữa tôn giáo và chính trị”.

“Quan điểm của Tòa thánh luôn rộng mở, mang tính quốc tế, thừa nhận rằng Hoa Kỳ có vai trò quan trọng trong việc giải quyết các cuộc xung đột hiện đang diễn ra trên thế giới, từ Ukraine bị tử đạo đến Palestine bị tử đạo”, Cha Spadaro nói. “Cần phải tìm ra giải pháp”.

Sau cuộc bầu cử của Tổng thống đắc cử Donald Trump, những đồn đoán xung quanh các biện pháp chính sách đối ngoại của ông lại một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý của giới truyền thông, đặc biệt là lời cam kết chấm dứt cuộc chiến tranh Nga-Ukraine đang diễn ra của ông.


Source:Catholic News Agency

2. Hiệu trưởng của một chủng viện tự nguyện làm con tin để đổi lấy hai chủng sinh

Cha Thomas Oyode, người mới nhất trong danh sách dài các linh mục bị bắt cóc ở Nigeria, đã tự nguyện làm con tin để đổi lấy hai chủng sinh.

Hôm Chúa Nhật ngày 27 tháng 10, khoảng 7 giờ tối, những người đàn ông có vũ trang đã tấn công “Trường Tiểu Chủng viện Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội” ở Agenegabode, thuộc khu vực chính quyền địa phương Etsako, phía Đông bang Edo, miền Nam Nigeria. Theo nhiều nguồn tin, sau khi vào chủng viện, những kẻ tấn công đầu tiên đã bắn chỉ thiên rồi bắt cóc hai học sinh trong trường. Khi nghe thấy tiếng súng, Cha Thomas, Hiệu trưởng Tiểu Chủng viện, đã ra sân đối mặt với bọn cướp cùng với hai học sinh và tự nguyện làm con tin để đổi lấy hai học sinh. Những kẻ bắt cóc đã chấp nhận yêu cầu của linh mục và đổi cha lấy hai học sinh. Sau đó, cha bị bọn cướp bắt cóc vào bụi rậm. Trong khi đó, một cuộc truy lùng đã được phát động để tìm những kẻ bắt cóc và giải thoát cho Cha Thomas.

Trong một tuyên bố, Giáo phận Auchi cũng xác nhận vụ việc và nói thêm: “Cho đến nay vẫn chưa tìm được Cha hiệu trưởng. Tuy nhiên, Cha Phó hiệu trưởng và tất cả các chủng sinh đã được tìm thấy và an toàn, đồng thời tạm thời được chuyển đến nơi an toàn cho đến khi các biện pháp an ninh xung quanh tiểu chủng viện được tăng cường”


Source:Fides

3. Nhật ký trừ tà #316: Khói và gương của Satan

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #316: Satan's Smoke & Mirrors”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà #316: Khói và gương của Satan”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Lũ quỷ đầu tiên đe dọa người phụ nữ sẽ bị thương nếu bà tiếp tục đến các buổi trừ tà. Khi điều đó không hiệu quả, chúng đe dọa sẽ làm hại các con của bà. Chúng đặt những hình ảnh xấu xí vào tâm trí bà về những gì chúng sẽ làm với các con của bà ấy nếu bà tiếp tục đến với các btt. Điều này dễ hiểu là rất khó chịu đối với bà. Nhưng các con của bà không bao giờ bị tổn hại nghiêm trọng.

Một người phụ nữ khác bị Ác quỷ đe dọa mắc bệnh ung thư rồi lên cơn đau tim. Chúng liên tục nói với bà rằng bà sẽ mắc những căn bệnh này. Sau đó, chúng nói với bà rằng bà sẽ chết vào sáng hôm sau. Bà không mắc bất kỳ căn bệnh nào và bà vẫn còn sống.

Gần đây, trong một buổi trừ tà của chúng tôi, con quỷ đã hét lên: “Ta sẽ giết ngươi!” Nhưng người trừ tà cũng vẫn còn sống, mặc dù những người trừ tà và nhóm của chúng tôi thường gặp phải một số “bùn” quỷ dữ, như chúng tôi gọi, sau các buổi trừ tà.

Chúa đã xiềng xích Satan và quyền lực của hắn bị hạn chế rất nhiều, mặc dù không phải là không đáng kể. Hắn có quyền lực đáng kể đối với những người sẵn sàng phục tùng hắn. Nhưng đối với những người tin vào Chúa Giêsu, quyền lực của hắn rất hạn chế. Satan có thể cám dỗ, quấy rối, đe dọa và đôi khi gây ra một số đau khổ về tinh thần hay thể chất bao gồm cả việc ném một số bùn quỷ vào đội. Nhưng những điều này luôn bị Chúa hạn chế.

Kinh nghiệm của chúng tôi với người bị quỷ ám cho thấy ma quỷ không thể giết, làm bị thương, tàn tật vĩnh viễn, làm bị thương nghiêm trọng hoặc gây ra những căn bệnh thực sự nghiêm trọng. Người bị quỷ ám có thể cảm thấy ốm; Ma quỷ có thể cào cấu và bầm tím họ; nó có thể hành hạ tâm trí họ; nó có thể khiến họ cảm thấy đủ loại bệnh tật về thể chất và tác động lên cơ thể. Các bộ phận cơ thể của họ có thể biến đổi, giãn nở và co lại, có nhiều hình dạng khác nhau và nó có thể làm bay toàn bộ cơ thể. Nhưng cuối cùng, họ trở lại bình thường.

Mục tiêu của Satan trong tất cả những điều này là đe dọa, làm sợ hãi và khuất phục. Một người đàn ông gần đây đã nói với tôi rằng anh ta không sử dụng lời cầu nguyện giải cứu, mặc dù anh ta cần chúng, vì anh ta sợ sự trả thù của ma quỷ. Người ta có thể hỏi người này, “Ai thực sự là Chúa của cuộc đời bạn? Satan hay Chúa Giêsu?”

Tại sao Chúa cho phép Satan và bè lũ của hắn quấy rối chúng ta? Đó là để thánh hóa chúng ta, như các vị thánh vĩ đại đã biết. Hầu như mọi nhà thần bí và thánh nhân vĩ đại đều đã trải qua những cuộc tấn công dữ dội của ma quỷ. Có lẽ nổi tiếng nhất là Cha Thánh Piô Năm Dấu Thánh, người đã phải chịu đựng những cuộc tấn công dữ dội của ma quỷ đến mức các tu sĩ khác nghĩ rằng ngài bị quỷ ám (mà thực tế không phải vậy). Tuy nhiên, ngài đã sống đến tuổi 81.

Câu hỏi trung tâm đối với tất cả chúng ta là: Ai là Chúa của cuộc đời bạn? Trong một cuộc trừ tà, câu nói thường trực của chúng ta là: Chúa Giêsu là Chúa! Lạy Chúa Giêsu, con tin cậy nơi Ngài!


Source:Catholic Exorcism

4. 4 giám mục Đức khen ngợi Thượng hội đồng Rôma, chỉ trích Tiến trình Công Nghị Đức

Bốn giám mục Đức, phản đối động thái biến Tiến Trình Công Nghị Đức thành một hội đồng thường trực, đã bày tỏ lòng biết ơn đối với Thượng hội đồng về Tính đồng nghị, kết thúc vào ngày 27 tháng 10 tại Rôma.

Tuyên bố của Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki của Köln và các Giám mục Gregor Maria Hanke, OSB, của Eichstätt; Stefan Oster, SDB, của Passau; và Rudolf Voderholzer của Regensburg nêu rõ: “Chúng tôi sẵn sàng dấn thân vào con đường đã được khởi xướng tại công đồng Rôma với các giám mục anh em của mình và với càng nhiều người tham gia khác từ càng nhiều nhóm Giáo hội càng tốt.”

Các ngài nói tiếp: “Chúng tôi vô cùng biết ơn khi ủng hộ văn kiện cuối cùng của Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới lần thứ 16, mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã xác nhận và công bố để xuất bản.” Bản thân Đức Cha Oster cũng là một người tham gia Thượng hội đồng về Tính đồng nghị, trong đó nhiều người không phải là giám mục cũng có quyền bỏ phiếu lần đầu tiên.

“Cách riêng, các giám mục đánh giá cao sự nhấn mạnh rõ ràng vào công việc của Chúa Thánh Thần như là nhân vật chính của một Giáo hội công đồng và truyền giáo,” tuyên bố được đưa ra vào sáng Thứ Hai cho biết. “Bốn trong năm tiêu đề chính của tài liệu nói về 'sự hoán cải' mà Chúa Thánh Thần kêu gọi — sự hoán cải trong trái tim của mọi người đã chịu phép rửa tội, sự hoán cải trong các mối quan hệ, trong các tiến trình và trong các cam kết.”

“Mục tiêu cốt lõi của một Giáo hội đồng nghị cũng được nhấn mạnh mạnh mẽ: sứ mệnh và việc đào tạo các môn đệ truyền giáo cùng nhau rao giảng Tin Mừng và mời gọi mọi người đến với tình bạn với Chúa Kitô,” các giám mục cho biết trong tuyên bố của mình.

Nhiều đề xuất được đưa ra trong văn bản cuối cùng được Đức Giáo Hoàng xác nhận và công bố “đã khả thi về mặt cấu trúc ở Đức, đặc biệt là thông qua nhiều cơ quan tham khảo ý kiến và đồng quyết định hiện có”. Các giám mục Đức cho biết nhiệm vụ là “góp phần vào việc đào sâu đời sống tâm linh, cải thiện sự tham gia và tập trung mạnh mẽ hơn vào sứ mệnh”.

Các Hồng Y và Giám Mục Woelki, Hanke, Oster và Voderholzer giải thích rằng “có hy vọng rằng việc tiếp tục Tiến trình Công nghị ở Đức cũng có thể là con đường hoán cải”.

“Chúng tôi đã trải nghiệm các cuộc họp ở Frankfurt như là sự mâu thuẫn với những gì Thượng hội đồng giám mục ở Rôma luôn thực hành trong một 'không gian an toàn' — một bối cảnh mà sự phân định thiêng liêng, sự tin tưởng lẫn nhau, lắng nghe và tập trung vào việc truyền giáo có thể phát triển mạnh mẽ. Theo quan điểm của chúng tôi, những yếu tố thiết yếu này phần lớn không có ở Frankfurt.”

“Thay vào đó — theo ấn tượng của chúng tôi và của nhiều người khác — đã có một quá trình giống như nghị viện về việc bỏ phiếu theo đa số thuần túy chứ không phải là sự phân định về mặt tinh thần, như văn kiện cuối cùng thúc giục chúng ta làm. Theo cách này, một đa số lớn trong hội đồng với thái độ tự do đối với các vấn đề chính sách của Giáo hội muốn thúc đẩy các vấn đề của họ dưới áp lực công khai lớn. Tuy nhiên, khi làm như vậy, nó đã gây ra khá nhiều sự khó chịu và tổn thương trong toàn thể dân Chúa. “

“Việc Hội đồng Frankfurt xác định độc quyền bốn chủ đề chính là những chủ đề có thể ủng hộ khó có thể đứng vững theo kiến thức hiện tại”, bốn giám mục chỉ ra. “Hơn nữa, hai trong bốn chủ đề (độc thân và đạo đức tình dục) không được đề cập trong tài liệu cuối cùng của Thượng hội đồng giám mục thế giới. Về vấn đề phụ nữ có thể tham gia vào việc truyền chức thánh, không có tình hình mới nào sau Thượng hội đồng giám mục thế giới. Và vấn đề quyền lực, mà Giáo hoàng Phanxicô đã lên án mạnh mẽ dưới tiêu đề 'chủ nghĩa giáo sĩ', được trả lời trong tài liệu cuối cùng với bản dự thảo toàn diện về con đường tâm linh chung cho Giáo hội”.

Bốn giám mục kết luận rằng, theo quan điểm của các ngài, “các mục tiêu của Tiến Trình Công Nghị Đức và tiến trình Giáo hội toàn cầu của Thượng hội đồng về tính đồng nghị không song hành với nhau về mặt nội dung”.

Các Hồng Y và Giám Mục Woelki, Hanke, Oster và Voderholzer đã chọn không tham gia vào ủy ban công đồng sau khi kết thúc các cuộc họp toàn thể của Tiến Trình Công Nghị, sẽ dẫn đến một hội đồng công đồng trong vài năm tới. Một hội đồng công đồng như vậy như một cơ quan để tham khảo ý kiến chung và ra quyết định của các giám mục và giáo dân đã bị các nhà chức trách Vatican bác bỏ.

Tiến Trình Công Nghị — “Synodaler Weg” không phải là một công đồng mà là một sự kiện gây nhiều tranh cãi được thiết kế để tạo ra “áp lực” lên Giáo hội, như một người sáng lập đã thừa nhận.

Quá trình phân cực này, tốn kém hàng triệu đô la, không chỉ nhằm mục đích thành lập một hội đồng thượng hội đồng thường trực: Các đại biểu cũng đã thông qua một số nghị quyết nhằm thay đổi các hoạt động của Giáo hội dựa trên ý thức hệ chuyển giới và kêu gọi phong chức linh mục cho phụ nữ, ban phước lành cho người đồng giới, cũng như thay đổi giáo huấn của Giáo hội về các hành vi tình dục.


Source:Catholic News Agency
 
TT Zelensky trấn an Ukraine. Lời hăm dọa lạnh tóc gáy của Nga cho TT Trump. Tuyên bố của TT Biden
VietCatholic Media
03:17 08/11/2024


1. Zelenskiy cho biết ông đã có “cuộc trò chuyện tuyệt vời qua điện thoại” với Tổng thống đắc cử Donald Trump sau cuộc bầu cử Hoa Kỳ

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã gọi điện cho Tổng thống đắc cử Donald Trump vào ngày 6 tháng 11 để chúc mừng ông về chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống.

Tổng thống Zelenskiy cho biết: “Tôi đã có cuộc trò chuyện tuyệt vời qua điện thoại với Tổng thống Tổng thống đắc cử Donald Trump và chúc mừng ông về chiến thắng mang tính lịch sử và quyết định của ông — một kết quả có được nhờ chiến dịch gây ấn tượng mạnh của ông,” Zelenskiy cho biết.

“Chúng tôi đã đồng thanh duy trì đối thoại chặt chẽ và tăng cường hợp tác. Sự lãnh đạo mạnh mẽ và kiên định của Hoa Kỳ là điều cần thiết cho thế giới và cho một nền hòa bình công bằng”, Zelenskiy nói thêm.

Cựu tổng thống Donald Trump đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2024 vào ngày 5 tháng 11 khi đánh bại Phó Tổng thống Kamala Harris. Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ nhậm chức vào ngày 20 Tháng Giêng năm 2025.

Cả Zelenskiy và Tổng thống đắc cử Donald Trump đều không cung cấp thêm thông tin chi tiết về cuộc gọi.

Tổng thống đắc cử Donald Trump liên tục chỉ trích tổng thống Ukraine trong suốt quá trình vận động tranh cử.

Trước đó vào ngày 6 tháng 11, ngay sau kết quả bầu cử, Zelenskiy đã chúc mừng Tổng thống đắc cử Donald Trump trên mạng xã hội, bày tỏ hy vọng về “sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng đối với Ukraine tại Hoa Kỳ”.

Trong bài phát biểu buổi tối, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy nhắc lại lòng biết ơn đối với sự ủng hộ mạnh mẽ của Hoa Kỳ đối với Ukraine trong suốt cuộc xâm lược toàn diện của Nga, đồng thời kêu gọi Tổng thống mới đắc cử của Hoa Kỳ duy trì mối quan hệ chặt chẽ với quốc gia đang gặp khó khăn này.

“Về quốc phòng, về kinh tế và về tương lai sau chiến tranh – chúng ta có tiềm năng hợp tác mạnh mẽ hơn,” Zelenskiy nói. “Đây là điều sẽ khiến Ukraine, Hoa Kỳ và toàn bộ thế giới tự do thành công hơn.”

Zelenskiy và Tổng thống đắc cử Donald Trump có một lịch sử phức tạp. Một vụ bê bối lớn xoay quanh cuộc gọi điện thoại năm 2019 trong đó Tổng thống Donald Trump khi đó được cho là đã gây áp lực buộc Zelenskiy điều tra các đối thủ chính trị của mình. Cuộc gọi điện thoại đã dẫn đến thủ tục luận tội đầu tiên chống lại Tổng thống đắc cử Donald Trump. Tuy nhiên, Tổng thống Zelenskiy khẳng định với Quốc Hội Hoa Kỳ rằng ông không cảm thấy bị bất cứ áp lực nào. Trong cuộc gặp gỡ vào tháng Chín vừa qua, cựu Tổng thống Trump cho biết ông đánh giá cao điều đó.

Bất chấp những căng thẳng trong quá khứ, Zelenskiy đã cố gắng hàn gắn quan hệ bằng cách đến thăm Tổng thống đắc cử Donald Trump ở New York trong chiến dịch tranh cử để chia sẻ kế hoạch chiến thắng năm điểm của Ukraine với ứng cử viên đảng Cộng hòa.

Trong cuộc gặp, Zelenskiy đã mời Tổng thống đắc cử Donald Trump đến thăm Ukraine và cựu Tổng thống Trump đã chấp nhận lời mời - mặc dù chuyến thăm như vậy vẫn chưa diễn ra.

[Kyiv Independent: Zelensky says he had 'excellent phone conversation' with Trump after US election]

2. Tổng thống Biden phát biểu trước quốc dân đồng bào sau thất bại của Harris trước Tổng thống đắc cử Donald Trump: “Chúng tôi chấp nhận sự lựa chọn mà đất nước đã đưa ra”

Tổng thống Biden gọi thất bại của Phó Tổng thống Kamala Harris trước Ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 là một “thất bại” vào sáng thứ Năm theo giờ Miền Đông Hoa Kỳ, trong bài phát biểu đầu tiên của ông trước toàn quốc sau cuộc bầu cử.

“Thất bại là điều không thể tránh khỏi, nhưng bỏ cuộc là điều không thể tha thứ,” Tổng thống Biden nói. “Thất bại không có nghĩa là chúng ta đã bị đánh bại.”

Ông kêu gọi người dân Mỹ đoàn kết và cho biết ông chấp nhận kết quả bầu cử.

“Chúng tôi chấp nhận sự lựa chọn mà đất nước đã đưa ra,” ông nói. “Tôi đã nói nhiều lần, bạn không thể yêu đất nước của mình chỉ khi bạn chiến thắng. Bạn không thể yêu hàng xóm của mình chỉ khi bạn đồng ý,” và ông kêu gọi đoàn kết sau kết quả cay đắng của cuộc bầu cử.

“Một điều tôi hy vọng chúng ta có thể làm bất kể bạn bầu cho ai là nhìn nhận nhau không phải là đối thủ, mà là những người Mỹ đồng hương,” ông nói. “Xin hãy hạ nhiệt.”

Phát biểu tại Vườn Hồng của Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Joe Biden cho biết ông sẽ chỉ đạo chính quyền của mình làm việc với nhóm của tổng thống đắc cử để có một “cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình và có trật tự”.

“Trong hơn 200 năm, nước Mỹ đã tiến hành cuộc thử nghiệm vĩ đại nhất về quyền tự quản trong lịch sử thế giới, người dân bỏ phiếu và lựa chọn các nhà lãnh đạo của riêng họ và họ làm điều đó một cách hòa bình. Và Hoa Kỳ là nơi có một nền dân chủ, trong đó ý chí của người dân luôn chiến thắng.”

Tổng thống cũng khen ngợi chiến dịch của Harris trong bài phát biểu ngắn gọn kéo dài khoảng sáu phút.

“Bà ấy đã điều hành một chiến dịch đầy cảm hứng, và mọi người đều được chứng kiến một điều mà tôi đã học được từ rất sớm để tôn trọng bà ấy – đó là tính cách của bà ấy. Bà ấy có bản lĩnh như một cây gậy thông nòng, bà ấy có tính cách tuyệt vời, tính cách thực sự. Bà ấy đã dành toàn bộ trái tim và nỗ lực của mình, và bà ấy cùng toàn bộ nhóm của bà ấy nên tự hào về chiến dịch mà họ đã điều hành”.

Chỉ mới bốn tháng trước, Tổng thống Biden còn đang tìm cách tái đắc cử, trước khi rời khỏi cuộc đua và trao lại quyền lực cho Harris. Bây giờ, ông sẽ trao lại cho Tổng thống đắc cử Donald Trump.

“Tôi cũng hy vọng chúng ta có thể giải quyết được câu hỏi về tính toàn vẹn của hệ thống bầu cử Hoa Kỳ — nó trung thực, công bằng và minh bạch. Và nó có thể được tin cậy, dù thắng hay thua.”

Tổng thống Biden đã nói chuyện qua điện thoại với Phó Tổng thống Kamala Harris vào thứ Tư để chúc mừng bà về chiến dịch của bà, mặc dù bà đã thua. Trong một tuyên bố hôm thứ Tư, ông cho biết khi ông ủng hộ bà trở thành người được đề cử, việc chọn Harris làm bạn đồng hành là “quyết định tốt nhất mà tôi đã đưa ra”.

Trong cuộc trò chuyện với Tổng thống đắc cử Donald Trump, tổng thống cho biết ông cũng đã mời tổng thống đắc cử đến một cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc. Chiến dịch tranh cử của Tổng thống đắc cử Donald Trump cho biết cựu tổng thống “mong đợi cuộc họp” và ông Donald Trump “rất trân trọng cuộc gọi”.

Trong suốt chiến dịch tranh cử, Tổng thống Biden liên tục coi khả năng Tổng thống đắc cử Donald Trump trở lại Tòa Bạch Ốc là mối đe dọa đối với nền dân chủ, và hai người đã trở thành đối thủ cay đắng kể từ khi họ đối đầu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

Harris đã chính thức thừa nhận thất bại vào chiều thứ Tư trong bài phát biểu tại trường cũ của bà, Đại học Howard, nơi bà nhấn mạnh rằng kết quả bầu cử phải được chấp nhận, đồng thời nhắc lại cam kết chuyển giao quyền lực một cách hòa bình.

“Một nguyên tắc cơ bản của nền dân chủ Hoa Kỳ là khi chúng ta thua cuộc bầu cử, chúng ta chấp nhận kết quả”, Harris nói. Bà cho biết nguyên tắc đó “phân biệt nền dân chủ với chế độ quân chủ và chuyên chế”.

Phó tổng thống Harris, người tham gia chiến dịch vào cuối tháng 7, cho biết mặc dù bà thừa nhận kết quả bầu cử, bà không từ bỏ cuộc chiến.

Tổng thống Joe Biden cũng đã lên tiếng bênh vực Phó Tổng thống Kamala Harris trước kết quả bi thảm trong cuộc bầu cử tổng thống, lưu ý rằng bà đã tham gia cuộc đua trong những hoàn cảnh đặc biệt.

Ông đã đưa ra lập trường trên trong bối cảnh có những lời chỉ trích mạnh mẽ bên trong đảng Dân Chủ về kết quả tồi tệ trong cuộc bầu cử vừa qua. Dư luận cho rằng nếu cứ để Tổng thống Joe Biden ra tranh cử thì tình trạng không đến mức bi thảm như hiện nay. Tháng 7 vừa qua, cựu chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi và một số trưởng lão trong đảng Dân Chủ được cho là đã ép Tổng thống Joe Biden từ bỏ cuộc đua và thay thế ông bằng phó tổng thống Kamala Harris.

Kết quả của cuộc bầu cử cho thấy phó tổng thống Kamala Harris chỉ giành được 226 phiếu đại cử tri, trong khi cựu Tổng thống Trump giành được 312 phiếu đại cử tri. Tổng thống đắc cử Ông Donald Trump cũng vượt xa Kamala Harris về số phiếu phổ thông. Kết quả cũng cho thấy Đảng Cộng Hòa nắm được đa số tại Thượng Viện, và trên đà nắm được cả Hạ Viện Hoa Kỳ.

Các quan sát viên cho rằng với kết quả bi thảm này, khả năng Kamala Harris được đảng Dân Chủ đề cử ra tranh cử Tổng thống trong cuộc bầu cử 2028 là zero. Ngay từ bây giờ, đảng Dân Chủ đã bắt đầu tìm kiếm các nhân vật khác. Một trong những người nổi bật là Gavin Newsom, Thống đốc California.

[CBC News: Biden speaks to nation after Harris' loss to Trump: “We accept the choice the country made”]

3. MỐI ĐE DỌA LẠNH TÓC GÁY Người bạn thân điên rồ của Putin cảnh báo Ông Donald Trump ‘có thể phải đối mặt với vụ ám sát theo kiểu John Kenedy ‘ nếu ông cố gắng chấm dứt cuộc chiến của Putin ở Ukraine

Ông Donald Trump có thể “phải đối mặt với vụ ám sát theo kiểu John F Kennedy” nếu ông cố gắng chấm dứt cuộc chiến tàn khốc ở Ukraine, người bạn thân thiết của Vladimir Putin đã cảnh báo.

Lời đe dọa rùng rợn này xuất hiện sau khi thế giới biết nhà lãnh đạo Cộng hòa mạnh mẽ, người đã sống sót sau hai vụ ám sát, trở thành nhà lãnh đạo mới của nước Mỹ.

Con rối của Putin Dmitry Medvedev tuyên bố Tổng thống đắc cử Ông Donald Trump có thể phải đối mặt với số phận tương tự như John F Kennedy năm 1963.

Trên Kênh Telegram của Nga, cựu tổng thống Nga và là Thủ tướng tại vị lâu nhất, cho biết: “Một Tổng thống đắc cử Ông Donald Trump mệt mỏi, đưa ra những lời sáo rỗng như 'Tôi sẽ đề nghị một thỏa thuận' và 'Tôi có mối quan hệ tuyệt vời với…' cũng sẽ buộc phải tuân theo mọi quy tắc của hệ thống.

“Ông ấy sẽ không thể ngăn chặn chiến tranh.

“Không phải trong một ngày, không phải trong ba ngày, không phải trong ba tháng.

“Và nếu ông ta thực sự việc gắng, ông ta có thể trở thành John F Kennedy mới.”

Người bạn thân này cũng gọi Kamala Harris là “ngu ngốc” và “dễ kiểm soát”, người sẽ “sợ mọi người xung quanh” nếu bà tiếp quản Tòa Bạch Ốc.

Ông ta còn chỉ trích rằng Mạc Tư Khoa “không có lý do gì để kỳ vọng quá mức” vào kết quả bầu cử Hoa Kỳ.

Medvedev, người giữ vị trí số hai của Putin tại hội đồng an ninh Điện Cẩm Linh, nói tiếp: “Đối với Nga, cuộc bầu cử sẽ không thay đổi bất cứ điều gì, vì lập trường của các ứng cử viên phản ánh đầy đủ sự đồng thuận của lưỡng đảng về nhu cầu đất nước chúng ta phải bị đánh bại trong chiến tranh.

Ông nói tiếp: “Chỉ có một điều quan trọng: số tiền mà tân Tổng thống Hoa Kỳ sẽ chi cho cuộc chiến tranh xa xôi của người khác - cho tổ hợp công nghiệp-quân sự của ông ta và cho bọn Bandera là bao nhiêu.

Sự việc diễn ra sau lời cảnh báo của Medvedev vào hôm thứ Bảy rằng Nga sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân và châm ngòi cho Thế chiến thứ ba nếu bị khiêu khích.

Người bạn thân này của trùm mafia Vladimir Putin lạnh lùng tuyên bố rằng Hoa Kỳ và phương Tây đã “sai” khi nghĩ rằng Putin sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân nếu NATO tìm cách đánh bại Nga trong cuộc chiến tranh Ukraine.

Medvedev nói: “Nếu chúng ta nói về sự tồn tại của nhà nước chúng ta, như tổng thống nước ta đã nhiều lần nói, chúng ta đơn giản là không có lựa chọn nào khác”.

Sau đó, ông tiếp tục gọi bất kỳ ai làm điều đó là “kẻ ngốc” và rằng Nga “đơn giản là không có lựa chọn nào khác”.

Medvedev chỉ trích: “Nếu nhà lãnh đạo mới của Hoa Kỳ quyết tâm đổ thêm dầu vào lửa trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, đó sẽ là một lựa chọn rất tồi.

“Bởi vì đây là con đường xuống địa ngục. Đây thực sự là con đường dẫn đến Thế chiến thứ ba.

“Bất kỳ ai quyết định tiếp tục chiến tranh sẽ mắc phải một sai lầm rất nguy hiểm,

“Bạn phải là một thằng ngốc thực sự.”

Chỉ vài ngày trước đó, Putin, 72 tuổi, đã ra lệnh tập trận hạt nhân bất ngờ để bảo đảm họ “sẵn sàng cho ngày tận thế”.

Nhà độc tài Điện Cẩm Linh tiếp tục phô trương sức mạnh hạt nhân của đất nước trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với phương Tây về cuộc chiến ở Ukraine.

Putin đã nhiều lần đe dọa sẽ sử dụng vũ khí nguyên tử chiến thuật trong suốt cuộc chiến ở Ukraine.

Nhà lãnh đạo Nga cho biết: “Hôm nay, chúng tôi đang tiến hành một phiên huấn luyện khác của lực lượng răn đe chiến lược.

“Chúng tôi sẽ thực hành các hành động của các quan chức để quản lý việc sử dụng vũ khí hạt nhân bằng cách phóng hỏa tiễn đạn đạo và hỏa tiễn hành trình thực tế.”

Ông đã phác thảo cách ông hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của Nga bằng những thay đổi siêu thanh.

Khi ra lệnh tập trận, Putin đã ra lệnh một cách đáng ngại: “Tất cả những điều này là cần thiết để bảo vệ hiệu quả nước Nga và công dân của chúng ta.

“Vậy thì, chúng ta hãy bắt tay vào làm việc thôi. Làm ơn.”

Trong bài phát biểu trên truyền hình, nhà cầm quyền Nga đã đưa ra lời biện minh dài dòng cho nỗi ám ảnh của mình về hỏa lực hạt nhân trong bối cảnh cuộc xung đột đẫm máu với Ukraine và nỗi lo về một cuộc Chiến tranh thế giới mới.

Nhà độc tài Điện Cẩm Linh nói thêm: “Tôi xin lưu ý ngay rằng Nga khẳng định lập trường cơ bản của mình rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân là biện pháp cực kỳ đặc biệt để bảo đảm an ninh quốc gia.

“Đồng thời, chúng tôi nhận thức rõ rằng bộ ba hạt nhân vẫn tiếp tục là người bảo đảm đáng tin cậy cho chủ quyền và an ninh của đất nước chúng tôi.”

[The Sun: CHILLING THREAT Crackpot Putin crony warns Ông Donald Trump ‘may face JFK-style assassination’ if he tries to end Vlad’s war in Ukraine]

4. Văn phòng Tổng công tố cho biết Nga đã hành quyết ít nhất 124 tù binh chiến tranh Ukraine trên chiến trường

Một đại diện cao cấp của Văn phòng Tổng công tố cho biết vào ngày 6 tháng 11 rằng Kyiv biết có 124 tù binh chiến tranh, người Ukraine đã bị lực lượng Nga hành quyết trên chiến trường trong suốt cuộc chiến tranh toàn diện.

Các báo cáo về giết người, tra tấn và ngược đãi tù nhân chiến tranh Ukraine được chính quyền Ukraine thường xuyên nhận được và đã tăng đột biến trong những tháng gần đây. Hầu hết các trường hợp được ghi nhận ở Donetsk đang bị bao vây.

Phát biểu trên truyền hình quốc gia, Denys Lysenko, nhà lãnh đạo bộ phận phụ trách các tội ác liên quan đến chiến tranh, cho biết 49 cuộc điều tra hình sự đang được tiến hành liên quan đến việc hành quyết tù binh chiến tranh Ukraine.

Các vụ việc gần đây nhất bao gồm vụ giết hại sáu binh sĩ Ukraine bị bắt gần Pokrovsk ở Tỉnh Donetsk, các công tố viên báo cáo vào ngày 5 tháng 11.

Lysenko cho biết: “Chúng tôi hiện đang phân tích tất cả các trường hợp này, tìm kiếm các mô hình... Chúng tôi đang xem xét tất cả các trường hợp này một cách toàn diện và tất nhiên, sự tham gia của một đơn vị vũ trang cụ thể sẽ được phân tích trong từng trường hợp”.

Theo ông, các công tố viên đang xây dựng hồ sơ chống lại những người đại diện cho giới lãnh đạo quân đội Nga, những người có thể tham gia tổ chức các vụ hành quyết như vậy hoặc không thực hiện các biện pháp ngăn chặn.

Cựu Tổng công tố viên Andriy Kostin gọi việc giết hại quân nhân Ukraine khi bị giam cầm là một “chính sách có chủ đích” của Nga.

Khoảng 80% các vụ hành quyết tù binh chiến tranh Ukraine được ghi nhận vào năm 2024, nhưng xu hướng này bắt đầu xuất hiện vào tháng 11 năm 2023, khi “thái độ của quân nhân Nga đối với tù nhân chiến tranh của chúng tôi thay đổi theo chiều hướng xấu đi”, Yurii Belousov, đại diện cao cấp của Văn phòng Tổng công tố, cho biết.

[Kyiv Independent: Russia has executed at least 124 Ukrainian POWs on battlefield, Prosecutor General's Office says]

5. Tổng thống đắc cử Donald Trump và tổng thống Nam Hàn thảo luận về việc quân đội Bắc Hàn tham gia với Nga trong cuộc xâm lược Ukraine

Tổng thống mới đắc cử của Hoa Kỳ, Ông Donald Trump, và Tổng thống Nam Hàn Doãn Tích Duyệt đã có cuộc điện đàm vào ngày 7 tháng 11 sau khi Ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Hai vị đã thảo luận về hợp tác trong tương lai.

Theo hãng thông tấn Yonhap của Nam Hàn đưa tin, chủ đề thảo luận của họ bao gồm Bắc Hàn, cụ thể là việc phát triển năng lực hạt nhân, thử hỏa tiễn và việc điều động quân đội để hỗ trợ cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine.

Bình Nhưỡng được cho là đã điều động khoảng 12.000 binh sĩ tới hỗ trợ lực lượng của Mạc Tư Khoa tại khu vực Kursk đang giao tranh trong một động thái leo thang chưa từng có trong cuộc chiến chống lại Ukraine.

Chi tiết cuộc trò chuyện không được tiết lộ. Việc Tổng thống đắc cử Donald Trump trở lại Tòa Bạch Ốc vào Tháng Giêng gây ra sự không chắc chắn về tương lai hỗ trợ của Hoa Kỳ cho Ukraine vì ông đã ra tín hiệu về ý định cắt giảm viện trợ và tìm kiếm một thỏa thuận với Mạc Tư Khoa.

Trong cuộc trò chuyện kéo dài 12 phút, Tổng thống đắc cử Donald Trump và Tổng thống Doãn đã thảo luận thêm về mối quan hệ ba bên giữa Hoa Kỳ, Nam Hàn và Nhật Bản, hợp tác trong ngành đóng tàu và đồng thanh sẽ gặp mặt trực tiếp trong tương lai gần.

[Kyiv Independent: Trump, South Korean president discuss North Korean troops joining Russia's war]

6. Đối thủ của Tổng thống Sandu thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống Moldova vài ngày sau cuộc bầu cử

Chính trị gia theo đường lối thân Nga Alexandr Stoianoglo đã thừa nhận thất bại sau cuộc bỏ phiếu vòng hai của tổng thống Moldova vào ngày 6 tháng 11.

Tổng thống ủng hộ Liên Hiệp Âu Châu Maia Sandu đã giành chiến thắng vào ngày 3 tháng 11 với tỷ lệ 55,3% so với 44,7%, bất chấp những gì bà gọi là sự can thiệp bầu cử “chưa từng có” được Mạc Tư Khoa hậu thuẫn.

Đảng Xã hội thân Nga, ủng hộ đối thủ của Sandu là Stoianoglo, tuyên bố rằng họ không coi Sandu là người được bầu hợp pháp và sẽ không công nhận bà là tổng thống. Mạc Tư Khoa cũng từ chối công nhận chiến thắng của Sandu.

Hai ngày sau cuộc bầu cử vòng hai, Stoinoglo cho biết kết quả bầu cử tổng thống “cho thấy chúng ta đã thua, mặc dù ở Moldova, chúng ta đã thắng”.

“Đây không phải là thất bại cuối cùng, mà chỉ là một trận chiến đã thua”, ông nói thêm.

Stoianoglo, cựu tổng công tố Moldova từ Gagauzia thân Nga, tự giới thiệu mình là ứng cử viên mới có thể thống nhất phe đối lập. Sandu và một số nhà quan sát cho rằng ứng cử của ông chỉ là thủ đoạn của Mạc Tư Khoa nhằm đưa ra một ứng cử viên dễ chấp nhận hơn cựu Tổng thống Igor Dodon.

Các nhà chức trách Moldova, các nhà quan sát độc lập và các quan chức từ Liên Hiệp Âu Châu và Hoa Kỳ đã chỉ ra một chiến dịch gây ảnh hưởng xấu liên quan đến các mạng lưới tội phạm và các nhóm chính trị có liên hệ với Nga. Các nhà lập pháp Moldova tuyên bố rằng Mạc Tư Khoa đã chi hàng triệu đô la để ủng hộ Stoianoglo.

Sandu từ lâu đã khẳng định rằng đối thủ thực sự của chính phủ bà và con đường hội nhập Âu Châu của Moldova là Điện Cẩm Linh, nơi đã tiến hành một cuộc chiến tranh hỗn hợp nhằm đẩy Chisinau trở lại quỹ đạo của Mạc Tư Khoa trong những gì Sandu mô tả là “một vụ gian lận có quy mô chưa từng có”.

[Kyiv Independent: President Sandu's opponent concedes, days after losing Moldovan presidential election]

7. Đại sứ Hoa Kỳ tại Hung Gia Lợi nói với Orbán: Ông có ‘vấn đề cờ bạc’

Đại sứ Hoa Kỳ tại Hung Gia Lợi David Pressman đã chỉ trích Thủ tướng Viktor Orbán vì sự ủng hộ công khai của ông đối với cựu Tổng thống Trump, gọi đó là “vấn đề cờ bạc”.

“Thủ tướng Orbán đã coi cuộc bầu cử này như một ván bài ở sòng bạc. Và ông đã đặt cược rất lớn. Cho dù ông tin rằng mình thắng hay thua ván bài này, ông đã đánh bạc không phải bằng tiền mà bằng mối quan hệ Mỹ-Hung Gia Lợi”, đại sứ cho biết trong bài phát biểu của mình về cuộc bầu cử.

“Một mối quan hệ đã bị thay đổi bởi trò gian trá của ông ta. Thiệt hại gây ra còn sâu sắc hơn cả nhiệm kỳ bốn năm của một Tổng thống.”

“Chính phủ Hung Gia Lợi đang gặp vấn đề về cờ bạc.”

Tuy nhiên, chính phủ của Orbán hy vọng rằng chiến thắng của Ông Trump sẽ cho phép họ “khôi phục” tình hữu nghị giữa Hung Gia Lợi và Mỹ.

Ngoại trưởng Péter Szijjártó chỉ ra rằng trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của Tổng thống Trump, quan hệ chính trị Hung Gia Lợi-Mỹ “đạt đến đỉnh cao” vì họ có “quan điểm tương đồng về hòa bình, nhập cư bất hợp pháp và bảo vệ gia đình”.

Nhưng Budapest thấy chính quyền Dân chủ ở Washington có vấn đề — cũng như lập trường của Pressman.

Nhà ngoại giao này sẵn sàng thách thức Budapest về các vấn đề chính sách đối nội và đối ngoại, đặc biệt là mối quan hệ gần gũi của Hung Gia Lợi với Nga và Trung Quốc.

Bây giờ, khi Pressman đã chỉ trích mạnh mẽ chính quyền Hung Gia Lợi các chính trị gia và người có ảnh hưởng trong chính phủ Hung Gia Lợi đang mong muốn ông bị bãi nhiệm.

[Politico: US ambassador to Hungary tells Trump fanboy Orbán: You have a ‘gambling problem’]

8. Hơn 11.000 người vẫn ở lại thành phố tiền tuyến Pokrovsk ở tỉnh Donetsk

Tính đến ngày 6 tháng 11, vẫn còn 11.500 người, bao gồm 51 trẻ em, ở lại Pokrovsk, Tỉnh Donetsk. Vadym Filashkin, Thống Đốc khu vực Donetsk, cho biết như trên hôm Thứ Năm, 07 Tháng Mười Một

“Hiện tại, 18.000 người vẫn ở Pokrovsk hromada, bao gồm 99 trẻ em. Hromada là đơn vị hành chính chỉ định một thị trấn, một số thị trấn hoặc một thị trấn và các vùng lãnh thổ lân cận của chúng. Tại chính thành phố Pokrovsk, có 11.500 người và 51 trẻ em. Thành phố mở cửa cho việc ra vào, và việc di tản đang diễn ra. Việc đóng cửa thành phố đã được thảo luận – điều này áp dụng cho hướng từ Selydove – các khu vực và đường do quân đội chỉ định.”

Filashkin cho biết một số cửa hàng trong thành phố vẫn mở cửa, cũng như các chi nhánh của Ukrposhta, dịch vụ bưu chính quốc gia Ukraine.

Tuy nhiên, có vấn đề về cung cấp nước, khí đốt và điện, vì lực lượng Nga tấn công Pokrovsk hàng ngày bằng hỏa tiễn đạn đạo và máy bay điều khiển từ xa FPV. Chính quyền địa phương đang kêu gọi người dân di tản đến những nơi an toàn hơn.

[Ukrainska Pravda: Over 11,000 people remain in frontline city of Pokrovsk in Donetsk Oblast]

9. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa cho biết cuộc chiến tranh của Nga đang ‘bế tắc’, cần phải chấm dứt

Cuộc chiến toàn diện của Nga chống lại Ukraine đã đi đến “bế tắc” và “cần phải kết thúc”, Marco Rubio, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đến từ Florida, phát biểu trên sóng truyền hình vào ngày 6 tháng 11 sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ.

Theo Rubio, với tư cách là một doanh nhân, Ông Trump sẽ không tiết lộ chiến thuật đàm phán của mình để chấm dứt chiến tranh với Mạc Tư Khoa.

Trong quá trình vận động tranh cử, Ông Trump đã nhiều lần nói rằng ông có thể chấm dứt chiến tranh với Nga trong vòng 24 giờ nếu được bầu làm tổng thống, nhưng không nói rõ ông dự định thực hiện điều đó bằng cách nào.

Tờ Financial Times đưa tin vào ngày 28 tháng 10 rằng Ông Trump có thể đặt mục tiêu đóng băng chiến tranh và từ chối tư cách thành viên NATO của Ukraine trong tương lai gần, ít nhất là “cho đến khi Putin rời khỏi sân khấu”.

Rubio, người được cho là có tên trong danh sách ứng cử viên cho vị trí ngoại trưởng dưới thời Ông Trump, mô tả người dân Ukraine là “vô cùng dũng cảm và mạnh mẽ” nhưng “thực tế của cuộc chiến vẫn còn đó”, ông nói.

“Điều đó không có nghĩa là chúng ta ăn mừng những gì Vladimir Putin đã làm hoặc phấn khích về điều đó, nhưng phải có một số lý lẽ thông thường ở đây. Chúng ta đang tài trợ cho một thế bế tắc đang cướp đi sinh mạng và khiến Ukraine phải mất 100 năm để xây dựng lại”, Rubio nói.

Ông Trump trước đây đã chỉ trích viện trợ của Hoa Kỳ cho Ukraine, chế giễu Tổng thống Volodymyr Zelenskiy là “người bán hàng vĩ đại nhất trên trái đất”.

Trước đó trong ngày, Zelenskiy đã chúc mừng Ông Trump về chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, bày tỏ hy vọng về “sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng đối với Ukraine tại Hoa Kỳ”.

[Kyiv Independent: Russian war in 'stalemate,' needs to be brought to end, Republican senator says]

10. Hoa Kỳ xác nhận sự tham gia của quân đội Bắc Hàn trong các cuộc giao tranh ở Kursk của Nga – Reuters

Quân đội Bắc Hàn đã tham gia vào các hoạt động chiến đấu ở Tỉnh Kursk của Nga lần đầu tiên. Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia cho biết như trên.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy tiết lộ hôm thứ Ba rằng các cuộc giao tranh giữa quân đội Ukraine và quân đội Bắc Hàn “mở ra một trang mới về tình hình bất ổn trên thế giới” sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umierov báo cáo về một loạt các “cuộc giao tranh nhỏ”.

Đầu tuần này, Ngũ Giác Đài ước tính rằng ít nhất 10.000 quân Bắc Hàn đã được điều động tới Tỉnh Kursk, trong khi Bình Nhưỡng đã gửi tổng cộng 11.000 đến 12.000 quân tới Nga.

Các Ngoại trưởng của nhóm bẩy cường quốc trên thế giới, thường được gọi là G7, và ba đồng minh chủ chốt đã bày tỏ quan ngại nghiêm trọng vào hôm thứ Ba về việc điều động quân đội Bắc Hàn tại Nga và tuyên bố rằng họ đang phối hợp để đưa ra phản ứng chung trước tình hình này.

Trong khi đó, tình báo Anh chỉ ra rằng quân đội Bắc Hàn tham gia vào các hoạt động chiến đấu chống lại Ukraine sẽ phải đối mặt với những thách thức về khả năng tương tác với lực lượng Nga và việc sử dụng thiết bị.

[Ukrainska Pravda: US confirms involvement of North Korean troops in hostilities in Russia's Kursk Oblast – Reuters]

11. Bộ Ngoại giao Trung Quốc chúc mừng Ông Trump về chiến thắng trong cuộc bầu cử

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chúc mừng Ông Donald Trump về chiến thắng trong cuộc bầu cử trong một tuyên bố được đưa ra vào thứ Tư.

Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn chưa bình luận công khai về kết quả bầu cử Hoa Kỳ.

“ Chúng tôi tôn trọng sự lựa chọn của người dân Mỹ và xin chúc mừng Ông Trump khi ông được bầu làm tổng thống”, Bộ Ngoại giao cho biết trong tuyên bố.

“Chính sách của chúng tôi đối với Hoa Kỳ là nhất quán”, Mao Ninh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh khi trả lời câu hỏi về việc sự trở lại Phòng Bầu dục của Ông Trump sẽ ảnh hưởng thế nào đến quan hệ Mỹ-Trung.

Reuters trích lời bà nói rằng: “Chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét và giải quyết quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ theo các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi”.

Hãng truyền thông Nga Verstka đưa tin rằng nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin đã chúc mừng Ông Donald Trump một cách không chính thức về chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử tổng thống, mặc dù thông tin này không được đưa tin công khai.

CNN trước đó đưa tin rằng Ông Donald Trump, người coi trọng sự nịnh hót và lòng trung thành, luôn theo dõi chặt chẽ các nhà lãnh đạo thế giới muốn tiếp cận ông.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã chúc mừng chiến thắng của Ông Trump, đồng thời nhắc lại “cuộc gặp tuyệt vời” của họ vào tháng 9, trong đó họ đã thảo luận chi tiết về quan hệ đối tác chiến lược Ukraine-Hoa Kỳ.

[Ukrainska Pravda: China's Foreign Ministry congratulates Trump on his election victory]

12. Zelenskiy đến thăm Hung Gia Lợi lần đầu tiên kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã thăm Hung Gia Lợi hôm Thứ Năm, 07 Tháng Mười Một, để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị Âu Châu.

Trong diễn từ gởi quốc dân đồng bào tối thứ Tư Thứ Tư, 06 Tháng Mười Một, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy lưu ý rằng ông sẽ có mặt tại Budapest vào thứ năm để tham dự hội nghị thượng đỉnh của Cộng đồng Chính trị Âu Châu, được Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orbán và Chủ tịch Hội đồng Âu Châu Charles Michel mời ông tham dự.

“Tôi bày tỏ lòng biết ơn vì lời mời. Chúng tôi sẽ thảo luận về những thách thức an ninh ở Âu Châu và những cơ hội mới cho tất cả các đối tác. Sẽ có một số cuộc họp và một số thỏa thuận với các nhà lãnh đạo Âu Châu”, ông tuyên bố.

Hầu hết các quốc gia Âu Châu được cho là đã quyết định tham dự Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị Âu Châu mặc dù trước đó đã có đề xuất tẩy chay do các hành động chính sách đối ngoại gây tranh cãi của Orbán.

Đáng chú ý là Zelenskiy chưa đến thăm Hung Gia Lợi kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện của Nga bắt đầu vào tháng 2 năm 2022.

Mối quan hệ song phương giữa Kyiv và Budapest trở nên căng thẳng do Hung Gia Lợi trì hoãn lệnh trừng phạt và viện trợ quân sự của Liên Hiệp Âu Châu cũng như mối quan hệ giữa giới lãnh đạo Hung Gia Lợi với Nga.

Tuần trước, tổng thống Ukraine cũng nhấn mạnh rằng Kyiv và Budapest đang làm việc trên một “văn bản song phương” giải quyết các vấn đề an ninh và việc Ukraine gia nhập NATO.

[Ukrainska Pravda: Zelenskyy to visit Hungary for first time since full-scale Russian invasion]
 
Ukraine đánh trúng tuyến Iran tiếp tế cho Nga. Saratov chìm trong biển lửa. Bắc Hàn thương vong nặng
VietCatholic Media
16:00 08/11/2024


1. Thành phố Saratov của Nga bị máy bay điều khiển từ xa của Ukraine tấn công, quan chức địa phương tuyên bố, hỏa hoạn lớn ở nhà máy lọc dầu

Thống đốc địa phương Ruslan Busargin đưa tin, một máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã tấn công vào thành phố Saratov của Nga vào đêm mùng 7 rạng sáng 8 tháng 11.

Theo Busargin, lực lượng phòng không đã bắn hạ máy bay điều khiển từ xa trên thành phố và các mảnh vỡ rơi xuống khu công nghiệp ở quận Zavodsky. Ông không báo cáo bất kỳ thương vong hay thiệt hại nào. Thành phố này có Nhà máy lọc dầu Saratov, trước đây gọi là Nhà máy Cracking, là một phần của Rosneft, công ty dầu khí nhà nước. Nhà máy lọc dầu này nằm ở Quận Zavodsky của thành phố.

Kênh Astra Telegram cho biết cư dân địa phương khẳng định cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa đã đánh trúng nhà máy lọc dầu và gây ra hỏa hoạn rất lớn.

Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Nga, trong đêm qua, tổng cộng 17 máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã bị “phá hủy và đánh chặn”. Sáu máy bay điều khiển từ xa được cho là đã bị bắn hạ trên Saratov.

Saratov là một thành phố ở phía tây nam nước Nga, nằm cách biên giới với Ukraine gần 1.500 km, hay 932 dặm. Đây không phải là lần đầu tiên máy bay điều khiển từ xa tấn công Tỉnh Saratov — máy bay điều khiển từ xa được cho là đã tấn công Tỉnh Saratov vào đêm ngày 26 tháng 8. Có ít nhất bốn thường dân bị thương trong cuộc tấn công.

[Kyiv Independent: Russian city of Saratov targeted by Ukrainian drone, local official claims, oil refinery reportedly hit]

2. Ukraine có thể đã đánh trúng các tuyến đường cung cấp vũ khí của Iran trong cuộc tấn công Dagestan

Hãng truyền thông War Zone đưa tin vào ngày 6 tháng 11 rằng lực lượng Ukraine có thể đã đánh trúng các tuyến đường ở Dagestan mà Iran sử dụng để cung cấp vũ khí cho Nga.

Chính quyền Dagestan báo cáo đã chặn được một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa trên Kaspiysk, một thành phố cảng tại Biển Caspi cách tiền tuyến khoảng 1.000 km, hay 600 dặm, vào sáng ngày 6 tháng 11. Một nguồn tin trong cơ quan này nói với tờ Kyiv Independent rằng tình báo quân sự Ukraine đứng sau vụ tấn công này.

Trong cuộc tấn công đầu tiên của Ukraine vào một căn cứ hải quân ở Dagestan, ít nhất hai tàu — tàu hỏa tiễn Tatarstan và Dagestan — đã bị hư hại trong cuộc tấn công, và có thể là một số tàu nhỏ thuộc Dự án 21631, theo nguồn tin. Tờ Kyiv Independent không thể xác minh ngay lập tức các tuyên bố.

Mặc dù hậu quả chính xác của cuộc tấn công của Ukraine rất khó xác định, nhưng các chuyên gia của War Zone cho biết cuộc tấn công gần đây vẫn “có ý nghĩa quan trọng theo nhiều cách”.

Cảng ở Dagestan không chỉ là căn cứ của Hạm đội Caspi của Nga và một số đơn vị quân đội thuộc Quân đội Nga mà còn nằm dọc theo các tuyến đường mà Iran sử dụng để chuyển vũ khí cho Nga.

Cho đến cuộc tấn công gần đây của Ukraine, tuyến đường này được coi là an toàn để vận chuyển vì nằm ngoài tầm bắn của vũ khí Ukraine.

Trong khi chính quyền Nga tuyên bố đã chặn được một máy bay điều khiển từ xa trên bầu trời, một đoạn video được chia sẻ trên mạng xã hội dường như cho thấy một máy bay điều khiển từ xa khác đã bắn trúng mục tiêu, gây ra một vụ nổ lớn.

Kênh tin tức Mash đưa tin vụ việc xảy ra cách phi trường địa phương khoảng 15 km, hay 10 dặm, xác định máy bay điều khiển từ xa là máy bay điều khiển từ xa A-22 Flying Fox của Ukraine.

Sân bay Makhachkala gần đó đã phải tạm dừng hoạt động vô thời hạn do sự việc này, chính quyền địa phương cho biết

[Kyiv Independent: Ukraine may have targeted Iranian weapon supply routes in Dagestan strike, media suggests]

3. Chiến thắng của cựu Tổng thống Trump về số phiếu phổ thông là chiến thắng ngọt ngào nhất đối với ông

Ông Donald Trump đã đắc cử tổng thống Hoa Kỳ lần thứ hai. Tính đến trưa Thứ Tư, 06 Tháng Mười Một, theo giờ Miền Đông Hoa Kỳ ông đã nhận được 292 phiếu đại cử tri đoàn. Con số này dự kiến sẽ tăng lên vì Ông Trump cũng đang dẫn đầu ở các tiểu bang dao động là Alaska, Nevada và Arizona. Cuối cùng, cựu Tổng thống Trump hầu như chắc chắn sẽ nhận được 312 phiếu đại cử tri đoàn.

Ngược lại với năm 2016, Ông Trump cũng có vẻ đang trên đường giành chiến thắng về số phiếu phổ thông, với 71.766.277 phiếu bầu so với 66.885.279 phiếu bầu cho Harris tính đến 12:00 trưa theo giờ miền Đông vào ho thứ Tư. Ông Trump mô tả chiến thắng về số phiếu phổ thông là “rất tuyệt” và “tuyệt vời” trong bài phát biểu chiến thắng của mình tại Florida vào sáng sớm thứ Tư.

Một chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu phổ thông sẽ khiến tính hợp pháp của cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 của Ông Trump khó bị nghi ngờ hơn nhiều. Năm 2016, trong khi Ông Trump giành được 306 phiếu đại cử tri đoàn, ông đã nhận được ít hơn gần 3 triệu phiếu so với ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Rodham Clinton. Do đó, cùng với cáo buộc can thiệp của Nga, Ông Trump đã bị ám ảnh bởi những câu hỏi về tính hợp pháp của chiến thắng của mình.

Phát biểu vào năm 2019, cựu Tổng thống Jimmy Carter cho biết: “Tôi nghĩ một cuộc điều tra đầy đủ sẽ cho thấy Ông Trump thực sự không thắng cử năm 2016. Ông ấy đã thua cuộc bầu cử và được đưa vào nhiệm sở vì người Nga đã can thiệp thay mặt ông ấy”.

Hillary Clinton đã gọi Ông Trump là “tổng thống bất hợp pháp” trong một cuộc phỏng vấn với CBS cùng năm.

Ông Trump đã làm một sự kiện lớn về chiến thắng rõ ràng của ông về số phiếu phổ thông trong bài phát biểu chiến thắng của ông từ Florida vào sáng sớm thứ Tư. Ông nói: “Chúng ta cũng đã giành được số phiếu phổ thông, điều đó thật tuyệt. Cảm ơn các bạn. Cảm ơn các bạn rất nhiều. Cảm ơn các bạn. Chiến thắng số phiếu phổ thông thật tuyệt, rất tuyệt, tôi sẽ nói với các bạn như vậy. Đó là một cảm giác tuyệt vời, tuyệt vời của tình yêu.”

Trong bài đăng trên X, Ron DeSantis, thống đốc Florida, người bị Ông Trump đánh bại trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa, cho biết: “Phạm vi chiến thắng — sự thống trị của các tiểu bang dao động trong cuộc bầu cử, chiến thắng về số phiếu phổ thông và Thượng viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát — thể hiện sự phản đối quyết liệt đối với chính quyền Tổng thống Biden-Harris.”

Biên tập viên cộng tác của Financial Times, Edward Luce, bình luận: “Bốn năm trước, Tổng thống Joe Biden chiến thắng đã coi Ông Donald Trump là một 'khoảnh khắc bất thường'. Với việc Ông Trump có cơ hội chiến thắng về số phiếu phổ thông, ngoài Đại cử tri đoàn của Hoa Kỳ, lịch sử chắc chắn sẽ trao tặng danh hiệu đó cho Tổng thống Biden.”

“Ông Trump, xét cho cùng, là một trong những ứng cử viên được biết đến nhiều nhất và được điều tra kỹ lưỡng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Việc bầu ông ấy một lần có thể là một tai nạn; việc bầu ông ấy hai lần thì phải mở to mắt. Ông Trump chính thức là tổng thống của Hoa Kỳ.”

Harris vẫn chưa chính thức thừa nhận thất bại và sẽ có bài phát biểu trước toàn quốc vào lúc 4 giờ chiều theo giờ miền Đông vào thứ Tư, Newsweek đưa tin. Phát biểu qua đêm tại Đại học Howard ở Washington, DC, một trường đại học lịch sử dành cho người da đen mà Harris đã theo học, đồng chủ tịch chiến dịch của bà, Cedric Redmond, cho biết: “Bạn sẽ không nghe thấy phó tổng thống phát biểu vào tối nay, nhưng bạn sẽ nghe thấy bà ấy phát biểu vào ngày mai”.

[Newsweek: Donald Trump's Popular Vote Win Is the Sweetest Victory for Him]

4. Tổng thống đắc cử Donald Trump ‘nói đúng’: Rutte nói các thành viên NATO cần chi nhiều hơn cho vũ khí

BUDAPEST — Tổng thư ký NATO Mark Rutte đang tìm cách khởi đầu tốt đẹp với Ông Donald Trump bằng cách ca ngợi những nỗ lực của tổng thống đắc cử Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy các nước NATO chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng, vượt quá mục tiêu 2 phần trăm GDP hiện tại.

“Chúng ta sẽ phải chi nhiều hơn... Sẽ nhiều hơn 2 phần trăm. Tôi rất rõ ràng về điều đó,” Rutte phát biểu khi đến dự hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị Âu Châu tại Budapest vào thứ năm.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên tại Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Donald Trump đã chỉ trích các nước Âu Châu vì không chi đủ tiền cho quốc phòng của chính họ, lợi dụng Hoa Kỳ để bảo đảm an ninh.

“Ông ấy nói đúng về điều này,” Rutte nói, chỉ vài giờ sau chiến thắng bầu cử của ông Trump. “Bạn sẽ không đạt được điều đó với 2 phần trăm.”

Nhiều nước NATO đã chi tiêu ít hơn nhiều so với cam kết dành 2% GDP trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump, trong khi ông đã tuyên bố vào năm 2018 rằng mục tiêu nên tăng gấp đôi lên 4%.

Rutte cho biết trước cuộc gặp với các nhà lãnh đạo tại thủ đô Hung Gia Lợi: “Tôi mong muốn được ngồi lại với Ông Donald Trump để thảo luận về cách cùng nhau đối mặt với những mối đe dọa này”.

Kể từ khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào năm 2022, một số quốc gia đã tăng đáng kể chi tiêu cho thiết bị quân sự — bao gồm cả Đức, vốn là nước chậm chân trong lịch sử. Trong khi đó, các quốc gia như Ba Lan và vùng Baltic đang tăng vọt lên 4 phần trăm sản lượng kinh tế của họ cho quốc phòng do lo ngại về Nga.

Quay trở lại năm 2014, chỉ có ba quốc gia thành viên NATO thực hiện đúng lời cam kết 2 phần trăm, nhưng hiện nay 23 tromg số 32 quốc gia — đã đạt được mục tiêu, liên minh cho biết.

Động lực cũng đang hướng tới mục tiêu chi tiêu cao hơn khi Vương quốc Anh vẫn giữ lời hứa dành 2,5 phần trăm GDP cho quốc phòng trong thập niên này.

Trong phiên điều trần phê chuẩn tại Nghị viện Âu Châu hôm thứ Tư, Ủy viên Quốc phòng và Không gian tương lai của Liên Hiệp Âu Châu, Andrius Kubilius đã nói với các nhà lập pháp rằng đã đến lúc NATO phải nghiêm chỉnh tăng mục tiêu chi tiêu.

“Chúng ta cần thảo luận — nhưng có lẽ là đối với NATO, chúng ta có thể yêu cầu NATO thảo luận — liệu mục tiêu 2 phần trăm có đủ không,” Kubilius nói. “Theo quan điểm của tôi, thì vẫn chưa đủ.”

[Politico: Trump is ‘right’: Rutte says NATO members need to spend more on arms]

5. Tổng thống Zelenskiy cho biết quân đội Bắc Hàn chịu thương vong nặng nề ở Kursk của Nga

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết quân đội Bắc Hàn đang giao tranh với lực lượng Ukraine và đang phải chịu thương vong nặng nề tại Tỉnh Kursk của Nga.

“Hiện tại, có 11.000 binh lính Bắc Hàn hiện diện trên lãnh thổ Nga gần biên giới Ukraine, cụ thể là ở Tỉnh Kursk,” ông phát biểu tại một cuộc họp báo tại hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị Âu Châu ở Budapest.

“Một số binh lính này đã tham gia vào các hoạt động chiến đấu chống lại lực lượng Ukraine và đã gánh chịu thương vong nặng nề.”

Tỉnh Kursk đã chứng kiến những trận chiến dữ dội kể từ khi Ukraine phát động cuộc tấn công xuyên biên giới vào đầu tháng 8. Mạc Tư Khoa đã điều động quân đội Bắc Hàn đến đó để tăng cường phòng tuyến trong khi các đơn vị tinh nhuệ nhất của nước này tiếp tục tiến quân ở phía đông Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov xác nhận vào ngày 5 tháng 11 rằng những cuộc đụng độ đầu tiên giữa Quân đội Ukraine và binh lính Bắc Hàn đã diễn ra nhưng rất chóng vánh vì quân đội Bắc Hàn lớ ngớ, không quen với chiến tranh hiện đại nên tử vong rất cao.

Zelenskiy trước đó đã nói rằng nếu Ukraine được phép sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây trên lãnh thổ Nga, họ có thể tấn công trước vào “mọi trại lính” ở Nga nơi quân đội Bắc Hàn đang tập trung.

Phát biểu vào ngày 7 tháng 11, ông nhắc lại lời kêu gọi của mình. Ông cho biết: “Chúng tôi hiện đang đưa ra cảnh báo và tin rằng nếu không áp dụng áp lực chính trị và vũ khí tương ứng đối với Nga, bước tiếp theo có thể là điều động lực lượng Bắc Hàn với quy mô lớn hơn nhiều”.

“Putin luôn quan sát phản ứng của thế giới. Theo tôi, phản ứng cho đến nay vẫn chưa đủ.”

Cho đến nay, phản ứng quốc tế đối với việc quân đội Bắc Hàn tham gia cuộc chiến toàn diện của Nga chống lại Ukraine chỉ giới hạn ở các tuyên bố và lên án.

Theo tuyên bố chung được công bố vào ngày 5 tháng 11, các Ngoại trưởng của nhóm bẩy cường quốc trên thế giới, thường được gọi là G7, và ba đồng minh chủ chốt đã bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” về việc điều động quân sự của Bắc Hàn tại Nga và đang nỗ lực đưa ra “phản ứng phối hợp”.

Bên cạnh các thành viên G7, bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ý, Anh, Đức, Pháp, Canada và Đại diện cao cấp của Liên minh Âu Châu, tuyên bố cũng có sự tham gia của Nam Hàn, Úc và Tân Tây Lan.

“Hàng ngàn quân lính Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên đã được điều động tới Nga. Việc Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên trực tiếp hỗ trợ cuộc chiến xâm lược của Nga chống lại Ukraine, bên cạnh việc thể hiện những nỗ lực tuyệt vọng của Nga nhằm bù đắp tổn thất, sẽ đánh dấu sự mở rộng nguy hiểm của cuộc xung đột, với hậu quả nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh của Âu Châu và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, tuyên bố viết.

“Đây sẽ là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, bao gồm cả những nguyên tắc cơ bản nhất của Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Các bộ trưởng lên án bằng “những ngôn từ mạnh mẽ nhất có thể” việc tăng cường hợp tác quân sự giữa Mạc Tư Khoa và Bình Nhưỡng, bao gồm cả việc Nga “mua sắm bất hợp pháp” hỏa tiễn đạn đạo của Bắc Hàn.

[Kyiv Independent: North Korean troops taking casualties in Russia's Kursk Oblast, Zelensky confirms]

6. Cựu Tổng Thư Ký NATO cho biết Tổng thống đắc cử khó đoán Donald Trump có thể mở khóa thỏa thuận hòa bình Ukraine

Cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết hôm thứ Tư sau chiến thắng vang dội của ứng cử viên đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Hoa Kỳ rằng “tính cách khó đoán” đặc biệt của Ông Donald Trump có thể là chìa khóa tiềm tàng cho hòa bình ở Ukraine.

Một chiến thuật khác mà Rasmussen cho rằng có thể hiệu quả là kêu gọi cái tôi của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Rasmussen cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Chúng ta có thể kết hợp tính cách khó đoán của Tổng thống đắc cử Donald Trump với mong muốn trở thành người chiến thắng của ông ấy và biến điều đó thành công thức mạnh mẽ để thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Ukraine”, đồng thời nói thêm rằng ông nghĩ Tổng thống đắc cử Donald Trump nên “yêu cầu Putin chấm dứt chiến tranh”.

Tổng thống đắc cử Donald Trump, người luôn hoài nghi về NATO và chỉ trích các đồng minh vì không đạt được mục tiêu chi tiêu quốc phòng, đã khoe khoang trong chiến dịch tranh cử rằng ông sẽ “chấm dứt” cuộc chiến ở Ukraine ngay lập tức — nhưng vẫn chưa đưa ra kế hoạch chi tiết để thực hiện điều đó.

Bất chấp những lời khen ngợi thường xuyên từ Tổng thống đắc cử Donald Trump, nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin đã từ chối chúc mừng chiến thắng của ứng viên Cộng hòa mới được bầu lại vì quan hệ Mạc Tư Khoa-Washington hiện đang trong tình trạng đóng băng nghiêm trọng.

Trong khi Rasmussen, người lãnh đạo liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương từ năm 2009 đến năm 2014, thừa nhận “rủi ro” có thể xảy ra là Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ cắt viện trợ quân sự cho Ukraine, ông nghi ngờ rằng tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ sẽ cố gắng ép buộc người Ukraine đàm phán về một thỏa thuận hòa bình mà họ không coi là công bằng.

“Tôi không nghĩ ông ấy muốn bị coi là kẻ thua cuộc,” Rasmussen nói. “Và nếu bạn buộc người Ukraine vào bàn đàm phán, bạn sẽ ở thế rất, rất yếu khi bắt đầu các cuộc đàm phán đó.”

Việc bầu Tổng thống đắc cử Donald Trump diễn ra vào thời điểm quan trọng trong cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, khi quân đội Bắc Hàn đã tăng cường lực lượng chiến đấu của Nga trong khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nhiều lần kêu gọi các đồng minh quốc tế - đặc biệt là Hoa Kỳ - tăng cường viện trợ cho Kyiv.

[Politico: Unpredictable Trump could unlock Ukraine peace deal, ex-NATO chief says]

7. Scholz đã sa thải bộ trưởng tài chính vì đề xuất hỏa tiễn Taurus, cựu bộ trưởng tài chính cho biết

Theo hãng truyền thông Đức Berliner Zeitung, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã sa thải cựu Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner sau khi ông này đề xuất gửi hỏa tiễn Taurus cho Ukraine thay vì viện trợ tài chính, Lindner cho biết vào ngày 7 tháng 11.

Việc Scholz sa thải Lindner vào ngày 6 tháng 11 đã gây ra sự sụp đổ của liên minh cầm quyền ba đảng của Đức. Scholz cho biết những bất đồng về kinh tế đã dẫn đến việc sa thải Lindner.

Lindner, người lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do, gọi tắt là FDP của Đức, cho biết tranh chấp của ông với Scholz tập trung vào chính sách liên quan đến Ukraine, tờ Berliner Zeitung đưa tin. Theo Lindner, Scholz đã chỉ thị cho ông chuyển 3 tỷ euro (khoảng 3,2 tỷ đô la) cho Ukraine, nhưng Lindner không đồng ý do khó khăn tài chính của đất nước.

Thay vào đó, Lindner đề xuất hỗ trợ Ukraine bằng cách gửi hỏa tiễn hành trình tầm xa Taurus.

Kyiv đã nhiều lần kêu gọi Berlin cung cấp vũ khí do Đức sản xuất, có tầm bắn lên tới 500 km — vượt xa các hỏa tiễn tầm xa khác của phương Tây. Scholz đã liên tục từ chối yêu cầu của Ukraine.

“Ba tỷ euro sẽ không tạo nên sự khác biệt nếu xét đến lượng tiền mà Ukraine có sẵn”.

“Tôi phát biểu thay mặt cho đảng Dân chủ Tự do trong ủy ban liên minh: nếu chúng ta muốn có sự ủng hộ khác biệt và mạnh mẽ hơn cho Ukraine... thì Đức nên đưa ra quyết định trang bị cho Ukraine các hệ thống vũ khí mà người Ukraine cần để bảo vệ tự do của họ, đặc biệt là hệ thống vũ khí Taurus.”

Theo Lindner, Scholz không muốn xem xét lời đề nghị này và ông đã bị sa thải ngay sau đó.

Quyết định sa thải Lindner của Scholz có thể sẽ đẩy đất nước vào cuộc bầu cử sớm trong thời gian tới.

Theo các thành viên của ủy ban ngân sách, Đức vẫn có thể cung cấp phần lớn số tiền 4 tỷ euro, hay 4,3 tỷ đô la, đã hứa cho Ukraine, ngay cả khi ngân sách năm 2025 không được phê duyệt kịp thời do liên minh sụp đổ.

Bất ổn chính trị ở Berlin có thể gây rắc rối cho Kyiv khi đảng cực hữu Alternative for Germany (AfD) tiếp tục nổi lên. Phe thân Cẩm Linh liên tục kêu gọi cắt giảm tài trợ cho Ukraine.

[Kyiv Independent: Scholz fired finance minister over Taurus missiles proposal, ex-FM says]

8. Phương Tây phải đàm phán chấm dứt chiến tranh dựa trên ‘thực tế hiện tại’, Shoigu nói

Theo hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đưa tin, Sergei Shoigu, thư ký Hội đồng An ninh Nga, cho biết vào ngày 7 tháng 11 rằng phương Tây nên thừa nhận rằng Nga hiện đang giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại Ukraine và do đó nên bắt đầu đàm phán.

Tuyên bố của Shoigu được đưa ra ngay sau khi ứng cử viên đảng Cộng hòa và cựu tổng thống Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào ngày 5 tháng 11.

Chiến thắng của Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng đến vào thời điểm đặc biệt bấp bênh trong cuộc chiến, khi quân đội Nga tiến nhanh vào Donetsk. Tổng thống đắc cử trước đó đã chỉ trích viện trợ quân sự cho Ukraine và bày tỏ ý định “thoát khỏi” cuộc chiến.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu cáo buộc phương Tây cố gắng sử dụng Ukraine để gây ra thất bại chiến lược cho Nga, đồng thời nói thêm rằng kế hoạch đã thất bại.

“Phương Tây đang phải đối mặt với sự lựa chọn - tiếp tục tài trợ (cho cuộc chiến) và hủy hoại người dân Ukraine hoặc thừa nhận thực tế hiện tại và bắt đầu đàm phán”, Shoigu nói.

Trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố rằng nếu ông trở lại Tòa Bạch Ốc, ông sẽ chấm dứt cuộc chiến của Nga tại Ukraine trong vòng “24 giờ”. Ông lại ám chỉ thông điệp của mình trong bài phát biểu chiến thắng, nói với những người ủng hộ đang reo hò rằng “Tôi sẽ chấm dứt chiến tranh”.

Tờ Wall Street Journal đưa tin rằng kế hoạch này có thể bao gồm việc hoãn việc Ukraine gia nhập NATO ít nhất 20 năm, đóng băng chiến tranh dọc theo các mặt trận hiện tại và thiết lập một khu vực phi quân sự ở phía đông.

[Kyiv Independent: West must negotiate war's end based on 'current realities,' Shoigu says]

9. Tổng thống Nam Hàn cho biết ‘không loại trừ’ việc cung cấp vũ khí cho Ukraine

Tổng thống Nam Hàn Doãn Tích Duyệt cho biết tại một cuộc họp báo vào ngày 7 tháng 11 rằng Nam Hàn không loại trừ khả năng cung cấp vũ khí cho Ukraine trong bối cảnh hợp tác ngày càng sâu sắc giữa Mạc Tư Khoa và Bình Nhưỡng. Ông đưa ra lập trường trên sau cuộc gọi điện thoại với Tổng thống đắc cử Donald Trump.

“Hiện tại, tùy thuộc vào mức độ tham gia của Bắc Hàn, chúng tôi sẽ dần điều chỉnh chiến lược hỗ trợ theo từng giai đoạn”, Tổng thống Doãn nói với giới truyền thông.

“Điều này có nghĩa là chúng tôi không loại trừ khả năng cung cấp vũ khí.”

Mối quan hệ Nga-Bắc Hàn bước sang một tầm cao mới khi Bình Nhưỡng điều động khoảng 12.000 quân tham gia cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine.

Trước đó, Tổng thống Doãn cho biết Hán Thành có thể sẽ sửa đổi lệnh cấm cung cấp hỗ trợ quân sự trực tiếp cho vùng chiến sự để đáp trả.

Nam Hàn đã cung cấp viện trợ nhân đạo và phi sát thương cho Ukraine nhưng từ chối cung cấp vũ khí, viện dẫn các hạn chế về mặt pháp lý. Một số báo cáo phương tiện truyền thông từ năm ngoái tuyên bố rằng nước này đã bí mật cung cấp đạn pháo cho Ukraine thông qua Hoa Kỳ, mặc dù chính phủ Nam Hàn đã phủ nhận các báo cáo.

Luôn trong tình trạng căng thẳng với người hàng xóm Bắc Hàn, Nam Hàn tự hào có quân đội hùng mạnh và ngành công nghiệp quốc phòng phát triển, biến nước này thành nước xuất khẩu vũ khí lớn.

Vẫn chưa rõ Nam Hàn đang cân nhắc hệ thống vũ khí nào, mặc dù Doãn bình luận rằng “vũ khí phòng thủ” sẽ là ưu tiên. Một nguồn tin tại Văn phòng Tổng thống Nam Hàn nói với hãng thông tấn Yonhap rằng việc cung cấp trực tiếp đạn pháo 155 ly hiện không nằm trong kế hoạch.

Các chuyên gia nói với tờ Kyiv Independent rằng Nam Hàn có thể cung cấp hỗ trợ quan trọng nhất cho Ukraine thông qua nguồn cung cấp đạn dược. Quốc gia này không chỉ trang bị pháo 155 ly mà còn lưu trữ 3,4 triệu viên đạn 105 ly tương thích với một số loại súng của Ukraine.

Các quan chức Ukraine cho biết chỉ riêng việc giữ vững mặt trận chống lại lực lượng Nga đã cần tới 75.000 quả đạn pháo mỗi tháng. Quân đội Mạc Tư Khoa có thể bắn nhiều đạn pháo hơn Ukraine gấp nhiều lần, với khoảng một nửa trong số đó được cho là do Bắc Hàn cung cấp.

[Kyiv Independent: South Korea 'not ruling out' supplying arms to Ukraine, president says]

10. Thủ tướng Scholz rút lui khỏi hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP29 sau khi chính phủ sụp đổ

Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP29 ở Azerbaijan vào tuần tới sau khi liên minh cầm quyền của ông tan vỡ.

“Thủ tướng sẽ không tới dự COP29”, phát ngôn nhân của chính phủ nói với POLITICO.

Scholz đã có kế hoạch tham dự cuộc họp ở Baku từ thứ Hai đến thứ Ba. Tuy nhiên, vào tối thứ Tư, liên minh cầm quyền ba đảng của ông đã sụp đổ, đưa nước Đức đến cuộc bầu cử mới vào đầu năm sau.

Việc Scholz rút lui làm tăng thêm danh sách các nhà lãnh đạo quyết định bỏ lỡ các cuộc đàm phán.

Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen cũng đã đảo ngược kế hoạch tham dự tuần này, với lý do đang diễn ra các phiên điều trần để xác nhận nhóm điều hành của Liên Hiệp Âu Châu.

Tổng thống Emmanuel Macron của Pháp, Tổng thống Justin Trudeau của Canada, Tổng thống Cyril Ramaphosa của Nam Phi, Tổng thống Joe Biden của Hoa Kỳ, Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva và Thủ tướng Úc Anthony Albanese cũng không có kế hoạch tham dự.

Các cuộc đàm phán kéo dài trong hai tuần nhằm mục đích đạt được một thỏa thuận mới để tài trợ cho các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu ở các nước nghèo.

Chúng trở nên quan trọng hơn vào thứ Tư, khi Ông Donald Trump giành lại Tòa Bạch Ốc, hứa sẽ rút Hoa Kỳ khỏi hiệp định khí hậu Paris.

[Politico: Scholz bows out of COP29 climate summit after government collapses]

11. Đồn đoán lan rộng khi Tổng thống đắc cử Donald Trump bắt đầu tuyển chọn các vị trí cao cấp trong Tòa Bạch Ốc

Nhóm vận động tranh cử của Ông Donald Trump đã chuyển sang chế độ chuyển giao chính quyền chỉ 12 giờ sau khi các cuộc thăm dò ý kiến đóng cửa — một bước ngoặt bất ngờ khiến các nhân viên kiệt sức và các thành viên của giới truyền thông phải chạy đôn chạy đáo vào thứ Tư.

Tụ tập ở West Palm Beach, Florida, các cố vấn của Tổng thống đắc cử Donald Trump vào giữa trưa đã vội vã vạch ra các kế hoạch chuyển giao, đặc biệt là cách giải quyết hàng loạt câu hỏi về con người và các chính sách sẽ định hình nên Tòa Bạch Ốc thứ hai của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Sau đêm bầu cử, các cố vấn của Tổng thống đắc cử Donald Trump đã nêu rõ các ưu tiên hàng đầu của ông trong Ngày đầu tiên bao gồm các sắc lệnh hành pháp về an ninh biên giới và khoan dầu, và các biện pháp khác để thúc đẩy độc lập năng lượng. Với Quốc hội có khả năng nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của Đảng Cộng hòa, nhóm của Tổng thống đắc cử Donald Trump được khuyến khích thúc đẩy các khía cạnh trong chương trình nghị sự Nước Mỹ trên hết của ông ngay khi ông tái nhậm chức.

Cố vấn cao cấp của Tổng thống đắc cử Donald Trump, Jason Miller, nói với tờ POLITICO rằng: “Có cơ hội để chứng minh rằng có một số ý tưởng, nhiều lĩnh vực chính sách mà chúng ta có thể đồng ý”, đồng thời trích dẫn “hành động của cơ quan hành pháp ngay từ ngày đầu tiên” liên quan đến việc đóng cửa biên giới phía nam và thăm dò năng lượng để hạ giá.

Nhưng trước khi bất kỳ hành động nào của Ngày thứ nhất được thực hiện, Tổng thống đắc cử Donald Trump và các cố vấn chuyển giao của ông đang bắt đầu quá trình thẩm định các ứng cử viên để đưa vào cả Nội các và chính quyền rộng lớn hơn của ông. Việc tranh giành các vị trí hàng đầu đã bắt đầu từ lâu trước cuộc bầu cử đã được tăng tốc vào thứ Tư.

Thượng nghị sĩ Florida Marco Rubio, một trong những người vào chung kết để trở thành người bạn đồng hành tranh cử của Tổng thống đắc cử Donald Trump, không loại trừ khả năng phục vụ trong chính quyền thứ hai của ông, mặc dù ông cho biết ông chưa có cuộc trò chuyện nào với nhóm của cựu tổng thống về vấn đề này. Robert F. Kennedy Jr., người hoài nghi về vắc-xin và là cựu ứng cử viên tổng thống, hiện là thành viên trong nhóm chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Donald Trump, đã lên phương tiện truyền thông để tuyên thệ sẽ không “tước vắc-xin của bất kỳ ai” — ngay cả khi ông cho biết Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ tiếp tục khuyến nghị loại bỏ florua khỏi nước uống công cộng. Kennedy có khả năng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe dưới chính quyền tiếp theo của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Trong khi đó, Thống đốc Florida Ron DeSantis bắt đầu vận động công khai để bác sĩ phẫu thuật của tiểu bang mình, Tiến sĩ Joseph Ladapo, làm Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh. Và John Fleming, cựu quan chức chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump và phó chánh văn phòng năm 2020, đang đàm phán với các cố vấn của Tổng thống đắc cử Donald Trump về một vị trí cao cấp, ông nói với POLITICO. Hiện là thủ quỹ của Louisiana, ông đã bày tỏ sự quan tâm đến Bộ trưởng Bộ Thương mại hoặc Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh.

Đồng chủ tịch chuyển giao Howard Lutnick đã thu thập tên và lý lịch của những ông trùm Wall Street như Steve Schwarzman, Chuck Schwab và Ross Perot Jr. để giúp tìm kiếm những vị trí cao cấp.

Hầu hết người đại diện đều thận trọng về các vai trò tiềm năng trong Tòa Bạch Ốc của Tổng thống đắc cử Donald Trump, lịch sự né tránh các câu hỏi về việc họ có đang tìm kiếm việc làm hay không.

“Bạn phải được hỏi”, cựu phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc của Tổng thống đắc cử Donald Trump, Hogan Gidley trả lời khi được hỏi liệu ông có cam kết phục vụ một lần nữa hay không.

Nhóm chuyển giao của Tổng thống đắc cử Donald Trump đã yêu cầu các bản ghi nhớ chính sách từ các viên chức chính quyền tiềm năng và đã chuẩn bị sẵn một danh sách các hành động và lệnh mà Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể thực hiện vào ngày đầu tiên nhậm chức. Trong khi Linda McMahon, cựu quản trị viên doanh nghiệp nhỏ và đồng chủ tịch nhóm chuyển giao của Tổng thống đắc cử Donald Trump đang lãnh đạo nhóm chính sách, một nhóm gồm các cựu quan chức chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump và các đồng minh đã được giao nhiệm vụ xây dựng các chính sách về các vấn đề từ tình báo đến chính sách kinh tế, nhập cư đến chính sách năng lượng.

Quá trình chuyển đổi cũng dựa vào hoạt động của các nhóm nghiên cứu bảo thủ, bao gồm Viện Chính sách Nước Mỹ Trên Hết, với những nhà lãnh đạo đóng vai trò quan trọng trong các nỗ lực chuyển đổi.

Đang có sự đồn đoán về triển vọng cho các vị trí cao cấp. Trong một bữa trưa với các thành viên bảo thủ của Quốc hội cách đây vài tuần, Robert O'Brien, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống đắc cử Donald Trump, đã đề cập đến một số cái tên cho các vị trí chủ chốt trong Nội các, theo một nhân viên của Đảng Cộng hòa tại Đồi Capitol tham dự. Ông cho biết Thượng nghị sĩ Rubio và Bill Hagerty (R-Tenn.) và cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia Rick Grenell là những ứng cử viên cho chức Ngoại trưởng, và Thượng nghị sĩ Tom Cotton (R-Ark.) là một khả năng cho chức Bộ trưởng Quốc phòng, theo trợ lý của Đồi Capitol.

Grenell gây chú ý khi xuất hiện cùng Tổng thống đắc cử Donald Trump trong cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy vào tháng 9.

Trong khi các cố vấn chiến dịch tranh cử của Tổng thống đắc cử Donald Trump đã nói trong những ngày gần đây rằng có khả năng thực sự là cuộc đua có thể bị hủy bỏ vào cuối đêm bầu cử, thì ngay cả bản thân Tổng thống đắc cử Donald Trump vào thứ Ba cũng đã ám chỉ rằng quá trình này có thể kéo dài trong nhiều ngày - nhấn mạnh sự không chắc chắn về việc nhóm của ông sẽ chuyển sang chế độ chuyển giao sớm như thế nào nếu ông giành chiến thắng.

“Nước Mỹ đã trao cho chúng ta một nhiệm vụ chưa từng có và mạnh mẽ. Chúng ta đã giành lại quyền kiểm soát Thượng viện. Wow,” Tổng thống đắc cử Donald Trump nói vào sáng sớm thứ Tư, có vẻ ngạc nhiên trước biên độ mà ông giành chiến thắng và đảng Cộng hòa đã thể hiện tốt hơn. “Thật tuyệt vời.”

Nhưng trong khi các cố vấn của Tổng thống đắc cử Donald Trump đang vội vã xây dựng một quá trình chuyển giao để thành lập chính quyền tiếp theo — một quá trình tương tự như một doanh nghiệp khởi nghiệp — thì cựu tổng thống chủ yếu bận tâm đến việc nhận cuộc gọi chúc mừng từ các nhà lãnh đạo thế giới và ăn mừng chiến dịch tranh cử Tòa Bạch Ốc kéo dài hai năm của mình. Ông đã không phát biểu trước công chúng.

Trong số những người ở cùng Tổng thống đắc cử Donald Trump một ngày sau cuộc bầu cử tại Mar-a-Lago — khuất tầm nhìn của công chúng — có hai người đại diện cho chiến dịch mà những ý tưởng về chính sách có thể đóng vai trò có ảnh hưởng trong chính quyền tiếp theo: người dẫn chương trình truyền thông bảo thủ Tucker Carlson và CEO kiêm tỷ phú Tesla Elon Musk.

Vẫn còn nhiều câu hỏi về cách nhóm của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ giải quyết lần thứ hai ông nắm quyền kiểm soát nhánh hành pháp, bao gồm cả việc liệu ông có ký thỏa thuận với Tổng cục Dịch vụ Công để nhận các nguồn lực liên bang hỗ trợ cho các nỗ lực chuyển giao hay không và khi nào. Vào thứ Tư, bộ này đã nhắc lại rằng họ “đã chuẩn bị làm việc với nhóm chuyển giao của Tổng thống đắc cử Tổng thống đắc cử Donald Trump để hoàn tất thỏa thuận bắt buộc nhằm nhận được các dịch vụ và hỗ trợ hành chính của Tổng cục Dịch vụ Công”.

Một quan chức Tòa Bạch Ốc xác nhận rằng nhóm chuyển giao của Tổng thống đắc cử Donald Trump vẫn chưa ký kết thỏa thuận, mặc dù đồng chủ tịch nhóm chuyển giao Howard Lutnick đã nói với CNN rằng điều đó “có thể” sẽ xảy ra.

Việc giảm sự ủng hộ của GSA – một động thái chưa từng có của một cuộc chuyển giao tổng thống – có nghĩa là cuộc chuyển giao của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể huy động một khoản tiền không giới hạn từ các nhà tài trợ không được báo cáo cho cuộc chuyển giao và tránh các yêu cầu về cam kết đạo đức của liên bang. Nhưng nó cũng có thể làm phức tạp hoặc thậm chí ngăn cản nhóm chuyển giao tiếp cận những thứ như địa chỉ email của chính phủ hoặc công nghệ thông tin để bảo vệ mạng.

Chiến dịch tranh cử của Tổng thống đắc cử Donald Trump không trả lời yêu cầu bình luận về tình trạng thảo luận với GSA hoặc Tòa Bạch Ốc.

Cả Phó Tổng thống Kamala Harris và Tổng thống Joe Biden đều đã gọi điện cho Tổng thống đắc cử Donald Trump vào thứ Tư, theo phát ngôn nhân của Tổng thống đắc cử Donald Trump là Steven Cheung. Ông cho biết Tổng thống Biden “đã gửi lời mời đến Tòa Bạch Ốc để bảo đảm quá trình chuyển giao diễn ra suôn sẻ”. Cheung cho biết Tổng thống đắc cử Donald Trump “rất mong chờ cuộc họp, sẽ diễn ra trong thời gian ngắn, và rất trân trọng cuộc gọi này”.

Tổng thống đắc cử Donald Trump và nhóm của ông cũng phải quyết định liệu có nên thực hiện và khi nào thực hiện một loạt lời hứa mà ông đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử, từ việc thực hiện “cuộc trục xuất lớn nhất” đối với người nhập cư trong lịch sử Hoa Kỳ, đến việc ban hành mức thuế quan mới toàn diện đối với hàng nhập khẩu, cho đến việc cắt giảm các bộ phận chính của chính phủ liên bang.

Một số lời cam kết mang tính biểu tượng của ông có thể khó thực hiện, chẳng hạn như thực hiện một loạt các loại thuế mà ông đã cam kết cắt giảm — trong đó có thuế làm thêm giờ, tiền boa, trợ cấp An sinh xã hội.

Nhưng Tổng thống đắc cử Donald Trump và nhóm của ông được cổ vũ bởi phản ứng mà ông nhận được từ cử tri tại thùng phiếu. Theo thăm dò ý kiến cử tri, ông đã giành được sự ủng hộ lịch sử từ các cử tri thiểu số và thậm chí vượt xa kỳ vọng với phụ nữ ngoại ô, một nhóm nhân khẩu học mà ông đã phải vật lộn để giành được trong nhiều năm.

“Chúng tôi biết rằng chúng tôi đang tạo ra một điều gì đó đặc biệt”, một cố vấn của Tổng thống đắc cử Donald Trump, xin được giấu tên để phản ứng một cách thẳng thắn, cho biết khi bước ra khỏi Trung tâm Hội nghị West Palm Beach sau bài phát biểu chiến thắng vào sáng sớm của Tổng thống đắc cử Donald Trump. “Chúng tôi không biết rằng nó sẽ kết thúc một cách đặc biệt như thế này”.

[Politico: Speculation whirls as Trump begins vetting for top White House jobs]
 
Núi lửa bất ngờ phun trào, tu viện bị phá hủy, nhiều nữ tu chạy không kịp. Tân Hồng Y vào giờ chót
VietCatholic Media
17:44 08/11/2024


1. Núi lửa phá hủy tu viện Công Giáo Indonesia, giết chết một nữ tu

Một vụ phun trào núi lửa đã phá hủy một tu viện ở Indonesia vào hôm Chúa Nhật, khiến ít nhất 10 người thiệt mạng, bao gồm một nữ tu Công Giáo.

Chỉ vài phút trước nửa đêm Chúa Nhật, Núi Lewotobi Laki-Laki trên Đảo Flores đã phun trào, phun tro bụi cao 6.500 feet và phá hủy các thị trấn địa phương, khiến người dân phải di tản. Người dân địa phương không nhận được báo động hoặc cảnh báo về vụ phun trào, theo báo cáo của Asia News.

Sơ Nikolin Padjo, nhà lãnh đạo một tu viện địa phương ở Boru, Wulanggitang, đã tử vong trong vụ phun trào, theo báo cáo của Liên hiệp Tin tức Công Giáo Á Châu. Sơ Padjo là một nữ tu dòng Tôi tớ truyền giáo của Chúa Thánh Thần (SSpS) và sống tại Tu viện Hokeng Sisters. Một sơ khác được cho là đã mất tích khi các sơ chạy trốn giữa tro núi lửa, theo hãng thông tấn Associated Press.

Chủng viện San Domingo Minor ở Hokeng, cách miệng núi lửa chưa đầy bốn dặm ở quận Wulanggitang, cũng bị hư hại và ít nhất 14 người sống trong chủng viện bị thương. Theo Asia News, toàn bộ một gia đình cũng nằm trong số những người bị núi lửa cướp đi sinh mạng.

Khoảng 70% trong số 2 triệu cư dân của Flores là người Công Giáo. Hòn đảo này có hơn 2.700 nhà thờ Công Giáo. Flores là nơi có Chủng viện Thánh Phêrô, được coi là chủng viện Công Giáo lớn nhất thế giới với số lượng tuyển sinh cao nhất. Indonesia có khoảng 8,3 triệu người Công Giáo, chiếm 3% dân số cả nước.

Chín thi thể đã được xác định, và một nạn nhân vẫn chưa được phát hiện giữa đống đổ nát theo Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia. Đội tìm kiếm và cấp cứu địa phương đang thu thập dữ liệu về số lượng cư dân đang di tản. Núi lửa đã làm hư hại các khu dân cư trong bán kính khoảng bốn dặm từ ngọn núi, trong khi mưa tro bụi rơi xuống trong khu vực.

Đội ứng phó địa phương lo ngại về lũ lụt dung nham tiềm tàng. Lũ lụt tương tự đã giết chết nhiều người sau một vụ núi lửa ở Indonesia vào tháng 5. Indonesia đã bị tàn phá bởi các vụ phun trào núi lửa do vị trí của nước này nằm trên “Vành đai lửa” Thái Bình Dương, một con đường dọc theo Thái Bình Dương của các núi lửa đang hoạt động và các tâm chấn động đất.

Chính quyền huyện East Flores đã ban bố tình trạng ứng phó khẩn cấp cho khu vực này cho đến ngày 31 tháng 12. Theo hãng thông tấn Associated Press, ít nhất 10.000 người ở sáu thị trấn thuộc quận Wulanggitang và bốn thị trấn thuộc quận Ile Bura đã bị ảnh hưởng bởi vụ phun trào.

Indonesia, với dân số khoảng 280 triệu người, bao gồm hơn 17.000 hòn đảo. Tổng cộng, đất nước này có 120 ngọn núi lửa đang hoạt động. Theo Bộ Năng lượng và Khoáng sản Indonesia, Núi Lewotobi đã phun trào hàng chục lần trong vài tuần qua và đã phun trào 43 lần kể từ cuối tháng 10. Theo Muhammad Wafid, nhà lãnh đạo Cơ quan Địa chất, Bộ này đã nâng mức cảnh báo từ Cấp độ III lên Cấp độ IV vào hôm Chúa Nhật.

“Dựa trên kết quả giám sát bằng mắt và bằng dụng cụ, có sự gia tăng hoạt động núi lửa ở G. Male Lewotobi khá đáng kể”, ông cho biết trong thông cáo báo chí ngày 4 tháng 11. Wafid cũng cảnh báo công chúng về khả năng xảy ra lũ lụt do dung nham và mưa.

Các nhóm Công Giáo như Ủy ban Công lý, Hòa bình và Toàn vẹn của Tạo hóa của Hội Lời Chúa và Caritas Indonesia được cho là đang nỗ lực giúp đỡ các nạn nhân trên đảo. Caritas Indonesia đang phối hợp với nhóm Caritas địa phương Caritas Larantuka và Caritas Maumere để phân phối viện trợ và khảo sát nhu cầu.


Source:Catholic News Agency

2. Đức Thánh Cha Phanxicô bổ sung thêm một tân Hồng Y vào Công nghị, Đức Tổng Giám Mục Battaglia của Naples nước Ý.

‘Don Mimmo’, như Đức tân Hồng Y được biết đến, được gia nhập nhóm các Hồng Y sẽ nhận mũ đỏ vào ngày 7 tháng 12 tới. Đức Tổng Giám Mục Battaglia sinh ra tại Calabria và là Tổng giám mục của Naples, Ý, từ năm 2020, ngài nổi tiếng với việc bác ái giúp đỡ những người gặp khó khăn. Số tân Hồng Y do đó trở lại con số 21 sau khi Giám mục Syukur của Indonesia xin không được tấn phong Hồng Y.

Thông báo được Vatican đưa ra vào chiều thứ Hai, hay 4 Tháng Mười Một/2024, từ giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, ông Matteo Bruni cho hay: “Đức Thánh Cha Phanxicô đã thông báo ngài đã đưa vào danh sách các Hồng Y mới sẽ được tấn phong trong Công nghị ngày 7 tháng 12, Đức Hồng Y Domenico Battaglia, Tổng Giám mục Naples.”

Như đã công bố vào cuối Kinh Truyền tin ngày 6 tháng 10, số lượng tân Hồng Y đã giảm một sau khi Đức Hồng Y Paskalis Bruno Syukur của Bogor, Indonesia, xin không tấn phong Hồng Y vào ngày 22 tháng 10, ngài đã bày tỏ mong muốn tiếp tục phát triển bản thân “trong việc phục vụ Giáo hội và dân Chúa” với “mong muốn đào sâu hơn nữa đời sống linh mục của mình”.

‘Don Mimmo’, như Tổng giám mục thường được gọi và vẫn được gọi, đóng một vai trò mục vụ nổi bật ở miền nam nước Ý, Ngài xuất thân là một ‘linh mục đường phố’ đặc biệt tận tụy với những người trẻ và những người đang chiến đấu với chứng nghiện ma túy. Đức Thánh Cha cũng chọn ngài vào nhóm thành viên của hai phiên họp của Thượng hội đồng về tính đồng nghị.

Đức tân Hồng Y sinh ra tại vùng Calabria, miền Nam nước Ý, gốc Satriano, Catanzario, 61 tuổi. Trước khi được bổ nhiệm làm Tổng giám mục Naples, ngài từng là Giám mục của Giáo phận Cerreto Sannita-Telese-Sant'Agata de' Goti, thuộc tỉnh Benevento. Ngài đã hoàn thành chương trình triết và thần học tại Chủng viện Giáo hoàng “San Pio X” ở Catanzaro. Được thụ phong linh mục vào ngày 6 tháng 2 năm 1988, ngài đã từng là linh mục chánh xứ, Viện trưởng, giám đốc các văn phòng giáo phận và giáo luật trong nhiều năm. Vào ngày 24 tháng 6 năm 2016, ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục Cerreto Sannita -Telese- Sant'Agata de' Goti. Lễ tấn phong giám mục của ngài diễn ra vào ngày 3 tháng 9 và lễ nhậm chức lãnh đạo cộng đồng Benevento vào ngày 2 tháng 10 năm 2016, ngài chọn khẩu hiệu giám mục của mình là lời của Chúa Giêsu nói với Bartimaeus - người mù Timaeus, ngồi bên đường ăn xin - 'Hãy can đảm, đứng lên, Người gọi anh!' ('Tin tưởng, dâng trào, vocat te!').

Các công việc Đức Tổng Giám Mục Battaglia dành cho người nghèo và những người ở bên lề xã hội là những nét nổi bật. Ngài đã đồng hành cùng những người vật lộn với chứng nghiện ma túy từ năm 1992 đến năm 2016, hướng dẫn ‘Centro Calabrese di Solidarietà’, một trung tâm liên kết với Cộng đồng Trị liệu, gọi tắt là FICT của Don Mario Picchi, nơi ngài làm chủ tịch toàn quốc từ năm 2006 đến năm 2015. Từ năm 2000 đến năm 2006, ngài từng giữ chức phó chủ tịch của Quỹ Betania tại Catanzaro, một tổ chức tiếp cận giáo phận cung cấp hỗ trợ và bác ái.

Tại Naples, ngài được các giáo sĩ và tín hữu địa phương ca ngợi là vị tổng giám mục được giới thiệu trong thông điệp đầu tiên của mình ‘là một người anh em đi giữa những người anh chị em’ tại một thành phố mà ngài gọi là ‘kho báu của phương Nam’ với những hy vọng và thách thức, khẳng định cam kết của mình là một người chăn chiên tận tâm, điều mà ngài sẽ tiếp tục làm với tư cách là một Hồng Y.

Trong Công nghị sắp tới, là công nghị tấn phong Hồng Y lần thứ mười của Đức Thánh Cha Phanxicô, chỉ có một vị trong những Hồng Y tương lai là người không phải là Hồng Y cử tri. Với sự bổ sung của Tổng giám mục Battaglia công nghị sẽ có 11 vị từ Âu Châu trong đó có 5 người Ý; 6 người Mỹ Châu bao gồm 5 người Nam Mỹ; 3 vị người Á Châu; và một vị người Phi Châu. Tính đến ngày 7 tháng 12, Hồng Y đoàn sẽ gồm 256 thành viên trong đó có 141 vị là cử tri và 115 vị không phải là cử tri.

3. Đức Giáo Hoàng cầu nguyện cho các Hồng Y và Giám Mục đã qua đời trong năm qua

Đức Giáo Hoàng Phanxicô dâng Thánh lễ cầu nguyện cho các Hồng Y và Giám mục đã qua đời trong mười hai tháng qua, nhắc nhở chúng ta rằng việc chúng ta tưởng nhớ đến những người quá cố trở thành lời cầu nguyện chuyển cầu cho họ.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cử hành thánh lễ vào sáng Thứ Hai cho bảy vị Hồng Y và hơn 120 Giám mục đã qua đời trong năm qua.

Trong bài giảng, Đức Giáo Hoàng đã suy ngẫm về lời của người trộm lành, người đã bị đóng đinh cùng Chúa Giêsu: “Lạy Chúa Giêsu, xin nhớ đến tôi khi Ngài vào Nước của Ngài.”

Người trộm lành không phải là một trong những môn đệ của Chúa Giêsu, mà là một tên tội phạm chỉ gặp Chúa Giêsu vào cuối cuộc đời của Người. “Tuy nhiên, trong Phúc Âm,” Đức Giáo Hoàng nói, “những lời cuối cùng của ‘người ngoài cuộc’ này đã khởi đầu một cuộc đối thoại đầy chân lý.” Chúng ta có thể đồng cảm với “tên tội phạm”, người đã nhận được “phần thưởng xứng đáng cho những việc làm của mình” Đức Giáo Hoàng nói; “nhưng quan trọng hơn nữa,” chúng ta có thể cùng với anh ta cầu xin Chúa Giêsu nhớ đến chúng ta, giữ cho chúng ta sống mãi trong ký ức.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi các tín hữu suy niệm về từ “ghi nhớ”, trong tiếng Ý có nghĩa là “mang trong tim”. Vào giờ phút cuối cùng, tên trộm lành chỉ mong muốn “tìm thấy một trái tim chào đón” và Chúa Giêsu “đã lắng nghe lời cầu nguyện của tội nhân, ngay cả trước đường biên cuối cùng của cuộc đời, như Người vẫn luôn làm”.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “việc hướng về Chúa Giêsu có hiệu quả vì trái tim Ngài giàu lòng thương xót” và nhắc nhở những người nghe rằng “bằng cách hướng về trái tim Thiên Chúa, nam nữ ở mọi thời đại có thể tìm thấy hy vọng cứu rỗi”.

Cuối cùng, nhắc lại rằng Chúa Giêsu “là một thẩm phán nhân từ và thương xót”, Đức Giáo Hoàng đặc biệt nghĩ đến các Giám mục và Hồng Y đã qua đời trong mười hai tháng qua. “Hôm nay, sự tưởng nhớ của chúng ta trở thành lời cầu nguyện chuyển cầu cho các ngài”, ngài nói. “Với niềm hy vọng vững chắc, chúng ta hãy hướng đến việc vui mừng với họ trên thiên đàng!”


Source:Vatican News