Ngày 31-12-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Những thái độ khác nhau
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
01:47 31/12/2019
Chúa Nhật Lễ Chúa Hiển Linh

Is 60,1-6; Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2,1-12

Hôm nay, chúng ta long trọng cử hành lễ Hiển Linh. Từ cổ xưa, lễ này được gọi là “lễ Ánh Sáng” hay “Lễ Ba Vua;” nay gọi là lễ Hiển Linh trong tiếng Hy Lạp là Epifania, có nghĩa là sự tỏ mình, sự bày tỏ vinh quang. Thiên Chúa tỏ mình ra cho nhân loại nhờ Con Chúa làm người. Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế và là Ánh Sáng cho muôn dân.

Chúng ta bám sát trình thuật của thánh Mátthêu (2,1-12) về ba Đạo Sỹ đến Bêlem để triều yết Hài Nhi Giêsu, qua đó, chúng ta tìm thấy chỉ dẫn thực hành cho đời sống chúng ta.

Trong trình thuật này, yếu tố lịch sử được hòa trộn với những yếu tố thần học và biểu tượng. Hay nói cách khác, tác giả Tin Mừng không chỉ muốn trình bày những sự kiện lịch sử đã xảy ra, nhưng còn muốn gửi gắm những sứ điệp, những giáo huấn qua những nhân vật liên quan để người đọc noi gương, hoặc để xa tránh. Theo đó, có ba phản ứng khác nhau nổi lên trước thông tin về Hài Nhi Giêsu sinh ra: đó là phản ứng của các Đạo Sỹ, phản ứng của Hêrôđê và phản ứng của các thượng tế và luật sỹ. Chúng ta hãy bắt đầu từ những phản ứng tiêu cực, là những phản ứng mà chúng ta cần xa tránh.

1- Thái độ của Hêrôđê

Trước hết, đó là thái độ của Hêrôđê. Khi hay tin về việc con vua Đavít vừa mới sinh ra, ông ta “liền rất bối rối.” Bởi vì, ông là bạo chúa, đầy thủ đoạn, độc ác và độc tài, ông không muốn ai có thể chiếm đoạt vương quyền của mình. Nên ông đã triệu tập công nghị với các thượng tế và luật sỹ không phải để biết chân lý nhưng để nắm tình hình. Hêrôđê cũng bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện và phái các vị ấy đi Bêlem và dặn rằng: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người” (Mt 2,7-9). Thực ra ông muốn biết không phải để đến thờ lạy Đấng Cứu Thế, nhưng để bày mưu tính kế giết hại Người. Giữa ý muốn của Thiên Chúa và ý muốn của mình, Hêrôđê đã đương nhiên chọn ý mình. Nên ông đã thẳng tay làm những gì ông muốn và dẹp bỏ mọi nguy cơ đe dọa đến vương quyền của mình. Vì thế, sau khi không thấy các Đạo Sỹ trở lại trình báo, ông nổi cơn thịnh nộ và sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bêlem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi các nhà chiêm tinh (x. Mt 2,16).

Khi làm như thế có lẽ Hêrôđê nghĩ rằng ông đang chu toàn bổn phận của mình đối với thiện ích chung là bảo vệ quốc gia trong trật tự và bình an.

Hêrôđê là đại diện cho những kẻ độc tài, độc ác trên trần gian, những kẻ chỉ biết lo bảo vệ chính mình và bằng mọi giá để củng cố quyền lực, hay lợi ích nhóm, bất chấp đạo đức, nhân phẩm và sự sống của người khác. Từ cái nhìn này, thế giới hôm nay và xã hội chúng ta đang sống cũng đầy dẫy những tên Hêrôđê như thế. Họ nhân danh thiện ích chung, nhân danh tổ quốc, và nhiều khi, còn nhân danh Thiên Chúa, để lên án và giết chết những người vô tội. Chúng ta hãy nghĩ đến biết bao thai nhi bị giết khi chưa được chào đời; những người bị bắt và phải ở tù vì đã dám lên tiếng chống lại bất công xã hội và đấu tranh cho sự thật và công lý. Chúng ta hãy nghĩ đến những kitô hữu, những linh mục, những nữ tu trên thế giới đang bị bách hại và giết chết vì dám đến truyền giáo ở những nước Hồi Giáo. Họ là những nạn nhân của Hêrôđê thời nay. Thái độ của Hêrôđê là thái độ chúng ta cần tránh.

2- Thái độ của các thượng tế và luật sỹ

Giờ đây chúng ta chuyển sang thái độ của các thượng tế và luật sỹ. Họ là những người thông thạo Kinh Thánh, nắm vững lề luật và hiểu biết các lời ngôn sứ về Đấng Cứu Thế mà Ítraen từ lâu trông đợi. Khi được Hêrôđê và các Đạo Sỹ hỏi về Đấng Mêsia sinh ra ở đâu, họ nhanh chóng đưa ra câu trả lời rất đúng. Họ biết rõ Đấng Mêsia đã sinh ra ở đâu; họ cũng có thể nói với người khác; nhưng họ không thay đổi. Họ không lên đường. Họ hành động như những bảng chỉ đường: chỉ đường để đi nhưng lại nằm bất động bên đường. Họ không chạy tới Bêlêm, để thờ lại Đấng Mêsia. Họ chỉ thích bám víu vào sự ổn định và an toàn trong đền thờ, tại Giêrusalem, bởi vì ở đó họ được dân chúng kính trọng, được hưởng bổng lộc từ bàn thờ… Nhưng thật nghịch lý, họ đang xa cách Thiên Chúa, không được ơn cứu độ.

Nên thái độ của của những thượng tế và luật sỹ khiến chúng ta một cách nghiêm túc xét mình lại. Bởi lẽ, rất nhiều lần, chúng ta biết rõ những điều Chúa muốn chúng ta làm, những điều cần thiết để theo Chúa và nếu cần, chúng ta có thể nói rất hay, giải thích rất rõ cho người khác, nhưng chúng ta lại thiếu sự can đảm và tính triệt để sống và thực hành một cách nghiệm túc.

Cũng như các thượng tế và luật sỹ, chúng ta thích bám víu vào cơ cấu ổn định và an toàn của truyền thống, văn hóa và thói quen, nhưng ngại thay đổi, không muốn ra đi và ra ngoài để gặp gỡ người khác, đặc biệt là chúng ta thường ngại lên đường để tìm kiếm Chúa và truyền giáo cho những người xung quanh.

3- Thái độ của các Đạo Sỹ

Cuối cùng chúng ta hãy đến với những nhân vật chính của thánh lễ, đó là Ba Đạo Sỹ. Họ là những những nhà chiêm tinh đến từ Phương Đông, chính xác là ở Ba Tư. Họ vốn là lớp người tri thức của thời đại, thường thuộc hàng tư tế và làm cố vấn cho các vua. Họ đã dùng sự hiểu biết và nhạy bén của mình để tìm hiểu về những dấu lạ loan báo Đấng Cứu Thế đã xuất hiện. Họ lên đường theo ánh sao dẫn đường để tìm kiếm, chiêm bái Người. Hành trình của họ rất dài với những khó khăn và trắc trở, họ đi bằng lạc đà chứ không phải bằng máy bay như ngày hôm nay. Họ không có GPS để dẫn đường, chỉ lần theo ánh sao và nhiều lúc lạc đường, phải hỏi người này người kia... Nhưng bất chấp mọi khó khăn và nguy hiểm, cuối cùng họ đã đến tại nơi Hài Nhi ở. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến Người.

Các Giáo Phụ thường giải thích các lễ vật dâng Chúa Hài Nhi theo nghĩa tượng trưng: Vàng chỉ Hài Nhi là Vua; nhũ hương chỉ Thiên Chúa; mộc dược chỉ nhân tính hay cái chết của Người. Ngày nay, có một giải thích khác, vàng tượng trưng cho đức tin; nhũ hương tượng trưng cho đức cậy, mộc dược tượng trưng cho đức mến của ba Đạo Sỹ và của mỗi người dâng lên Chúa.

Như thế, các Đạo Sỹ dạy cho chúng ta những bài học không phải bằng lời nói nhưng bằng việc làm, không phải bằng lý thuyết nhưng gương sống. Họ không nấn ná, chần chừ. Họ đã lên đường. Họ bỏ lại đằng sau sự an toàn của môi trường thân quen, nơi họ được nhiều người biết đến và được kính trọng. Khi “họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.” Đây là lời minh chứng về sự thay đổi đời sống sau khi họ đã gặp Chúa Giêsu, khi họ thay đổi con đường cũ họ đi.

Bất cứ cuộc gặp gỡ nào với Chúa Kitô đều mang lại sự biến đổi tận căn về cuộc đời. Bởi thế, trong những ngày Giáng Sinh này, chúng ta được mời gọi hãy đến gặp gỡ Chúa qua bí tích Giải Tội và Thánh Thể, nơi đó Thiên Chúa đã bày tỏ lòng thương xót và ơn cứu độ cho chúng ta để nhờ đó chúng ta cũng được biến đổi đời sống của mình tốt hơn, thánh thiện hơn. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An

http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Như dạ lý mùa Xuân
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
02:02 31/12/2019


Lễ Mẹ Thiên Chúa


“Đã có rất nhiều bài Thánh ca tôn vinh Đức Trinh nữ Maria, thế nhưng những ca khúc viết về Đức Mẹ và Mùa Xuân thì lại còn khá khiêm tốn - trong số đó, ca khúc Như Dạ Lý Mùa Xuân của nhạc sĩ Ngọc Kôn, được coi là đã chạm đến những cung bậc cảm xúc bày tỏ lòng mến yêu đối với Mẹ Thiên Chúa...

Nhạc sĩ Ngọc Kôn, tên khai sinh là Phaolô Võ Văn Côn, sinh năm 1950 tại An Hòa, Châu Thành, An Giang (giáo xứ Năng Gù, giáo phận Long Xuyên). Hiện ở tại số 15/2 đường số 5, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức (Giáo xứ Fatima Bình Triệu).

Thời niên thiếu và thanh niên của Võ Văn Côn đã kinh qua các “lò” đào tạo linh mục như Tiểu Chủng viện Thánh Phụng (Châu Đốc), Têrêxa (Long Xuyên), Đại Chủng viện Thánh Giuse (Sài Gòn), Thánh Tôma Aquinô (Long Xuyên), học xong tháng 12.1975 (chưa được truyền chức linh mục)... Sau khi tốt nghiệp Đại Chủng viện, thầy Côn tình nguyện đi vùng sâu lập lại giáo họ Ong Dèo (tháng 12.1975). Sau một tai nạn không mong muốn vào năm 1976, thầy Côn lưu lạc nhiều nơi, sống trong mòn mỏi để mong được lãnh tác vụ linh mục. Thời gian này, thầy đã đi học thêm và tạm làm nhạc sĩ sáng tác thánh ca để “chờ thời” và tự nâng đỡ “đời tu một mình” - tức sáng tác thánh ca, và chỉ thánh ca… Khởi đi từ năm 1976, bút danh Ngọc Kôn là do người bạn, linh mục nhạc sĩ Duy Linh Phạm Hồng Nhật (hiện ở giáo phận Long Xuyên) đặt cho.

Trước đó, thầy cũng đã được học âm nhạc với linh mục nhạc sư Tiến Dũng từ năm 1965 (khi ngài vừa về nước), bạn đồng học lúc ấy có linh mục nhạc sĩ Văn Chi (Úc), linh mục nhạc sĩ Duy Thiên, linh mục nhạc sĩ Duy Linh Phạm Hồng Nhật (Long Xuyên) và linh mục nhạc sĩ Dao Kim (Mỹ)... Năm 1987, Ngọc Kôn học tiếp âm nhạc nâng cao, đặc biệt là thánh nhạc chuyên ngành với linh mục nhạc sư Tiến Dũng, sau đó được ngài đề cử sang Rôma thi lấy bằng nhạc sư sáng tác, nhưng không đi vì thiếu kinh phí. Không còn thấy hy vọng được lãnh tác vụ linh mục nên Ngọc Kôn hoàn tục và lập gia đình năm 1996, tuy nhiên, bây giờ thì người nhạc sĩ này sống cô độc với đôi mắt bị thương tật trầm trọng...

Hiện nay, nhạc sĩ Ngọc Kôn cùng với linh mục nhạc sĩ Ân Đức (Ocis), linh mục Giuse Trần Thanh Công (chính xứ Vườn Xoài), nhạc sĩ Phan Thanh Dũng, một số nhạc sĩ, ca trưởng, ca sĩ và nghệ sĩ… tạo một môi trường Thánh ca Phụng vụ thể hiện qua ca đoàn và dàn nhạc Thánh Thi (đàn hát Lời Chúa, đàn hát Lời Chúa với cộng đoàn, đàn hát Lời Chúa với cộng đoàn bằng các tác phẩm có hình thể xứng tầm phụng vụ); sau 4 năm thể nghiệm, nay đang hoạt động thường xuyên trong phạm vị toàn quốc (nơi nào muốn thì ca đoàn “tự thân vận động” đến hát trong thánh lễ, không gây phiền hà hay tốn kém cho bất kỳ ai).

Riêng về tác phẩm Như Dạ Lý Mùa Xuân, nhạc sĩ cho biết là đã sáng tác vào năm 1976, bằng nguồn cảm xúc nóng sốt trong một đêm ngắm hoa Dạ Lý nở về khuya, bằng sự đau khổ trong cuộc sống và do lòng muốn tạ ơn Đức Mẹ đã gìn giữ trong những cơn hoạn nạn… Nhạc sĩ đã viết một mạch hết điệp khúc với cảm xúc đột ngột, tình cờ và cháy bỏng, qua hôm sau mới viết tiếp các phần phiên khúc. Trong trạng thái chất ngất, cảm xúc trào tràn, với Ngọc Kôn, điểm nhấn của ca từ là “Con say sưa tìm đến bên Mẹ, không xin gì cũng chẳng dâng gì, chỉ cần nhìn ngắm Mẹ”... Giai điệu như tiếng lòng thổn thức, tiết tấu tự nhiên như hơi thở, chỉ cốt dâng lên Đức Mẹ lời khen ngợi mọi nét đẹp đa dạng và tuyệt mỹ của Người”. (Hà Đình Nguyên; cgvdt.vn).

Ngày đầu Năm Mới và cũng là ngày Quốc Tế Hòa Bình, Giáo Hội hân hoan cử hành lễ Đức Maria rất thánh, Mẹ Thiên Chúa. Cả hai sự kiện này cùng diễn ra khi Giáo Hội đang cử hành mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người, Ngài là Hoàng Tử Bình An, là hòa bình đích thực của nhân loại.

Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban chính Con của Ngài sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria. Đức Maria đã được nâng lên địa vị là Mẹ Thiên Chúa và Giáo Hội muốn đặt lễ hôm nay lên hàng đầu của năm tháng ngày giờ.

Giáo Hội mừng lễ Mẹ Thiên Chúa vào ngày đầu Năm Dương lịch, cũng là ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới như một nhắc nhớ việc chiêm ngưỡng Mẹ là một Tạo Vật mới tinh tuyền của Thiên Chúa, một Evà mới khởi đầu một thời đại mới, một tạo dựng mới. Kỷ nguyên cứu độ đã khởi sự qua việc Chúa Giêsu nhập thể trong cung lòng Đức Mẹ sau lời xin vâng. Mẹ được tuyển chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế để bắt đầu kỷ nguyên cứu độ. Nếu Evà cũ đã bất tuân để vùi lấp con người trong khổ đau và sự chết, thì Đức Mẹ với tâm tình Xin Vâng đã đưa Chúa Giêsu đến với nhân loại mang lại sự sống và tình yêu. Từ đây nhân loại sẽ bước đi trong ánh sáng cứu độ. Chúa Giêsu vị Vua Thái Bình, Hoàng Tử Bình An đã đi vào lòng thế giới, để thiết lập Vương quốc Nước Trời qua Mẹ Maria.

Ðức Thánh Cha Phaolô VI đã viết: “Vì sự trùng hợp tốt đẹp giữa ngày 01 tháng giêng với ngày thứ tám giáp lễ Giáng Sinh mà chúng tôi đã đặt ngày đó là ngày Thế Giới Hòa Bình, mà thế giới mỗi ngày càng hưởng ứng thêm, và thành quả của hòa bình đã phát sinh trong lòng nhiều người.” (Marialis Cultus, số 5).

Chúa Giêsu được xưng tụng là Hoàng Tử Hòa Bình, đến chuộc tội nhân loại, giao hòa con người với Chúa Cha. Mẹ Maria luôn gắn bó, hợp tác, hiệp công với Con của mình nên đã trở nên Nữ Vương Hòa Bình cho toàn thế giới. Mẹ đã đóng góp cả cuộc đời mình cùng với Chúa Giêsu mà giải phóng con người khỏi ách nô lệ tội lỗi.
Mẹ được Thiên Chúa sủng ái, và được trở nên cao trọng, vì Mẹ khiêm nhường. Đức khiêm nhường dẫn Mẹ đến chỗ hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa.Từ biến cố Truyền tin, qua lời đáp xin vâng của Mẹ, Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập thể trong lòng dạ Mẹ. Đức Maria trở thành Mẹ Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế. Giáo hội đã tuyên bố Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế, Người có ngôi vị duy nhất trong hai bản tính. Đức Maria là Mẹ Chúa Giêsu, Mẹ Thiên Chúa làm người, nên là Mẹ của Thiên Chúa. Công đồng Êphêsô 431 đã minh định điều ấy khi tuyên tín Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa.

Mẹ Thiên Chúa trở thành một tín điều và là mầu nhiệm của đức tin Công Giáo. Tước hiệu này đã trở nên một phần vĩnh viễn trong những kinh tuyên xưng đức tin và trong Phụng vụ của toàn thể Giáo Hội Công Giáo.

Chúng ta đặt Năm Mới này vào tay Đức Mẹ. Xưa Đức Mẹ đã sinh ra Đấng Cứu Thế mở đầu một nhân loại mới, nay xin Đức Mẹ cũng cho Năm Mới này được chúc phúc, được cứu độ và được hòa bình. Chúng ta cũng cầu nguyện cho mọi người biết noi gương mục đồng, luôn lắng nghe sứ điệp hòa bình, luôn phấn đấu đi tìm đến nguồn mạch hòa bình và luôn phấn khởi loan tin mừng hòa bình.

Năm 2019 đã trôi qua. Ngày 01.01.2020 là thời gian khởi đầu một năm mới. Năm cũ kết thúc để lại dấu ấn 12 tháng đã trôi qua. Thời gian là một vòng tròn, tuần hoàn đều đặn trong đó, 60 phút trong một giờ, 24 giờ trong một ngày, 7 ngày trong một tuần... cứ lặp đi lặp lại. Nhưng thời gian là một đường thẳng gồm những sự kiện, phút, giờ, ngày, tháng, năm riêng biệt, mỗi đơn vị trôi qua trong một chuỗi nối tiếp nhau không bao giờ kết thúc. Thời gian đang xoay vần từ những ngày đông chí đến lập xuân, để bắt đầu một mùa xuân mới. Rõ ràng là thời gian đang qua đi, và thời gian không bao giờ trở lại. Thời gian luôn luôn mới, và thời gian không thể luân hồi.

Thời gian là chiều kích tự nhiên của đời người và người đời.Thời gian gắn liền với thân phận mỗi người. Sống trong thời gian là có một khởi đầu và sẽ có một kết thúc.
Thời gian quý giá vẫn liên tục trôi qua không dừng nghỉ. Hãy sống như thế nào để thời gian trở thành một dòng sông, một dòng suối mát cuộn tràn niềm vui và hạnh phúc đến với ta trong dòng chảy không ngừng của nó. Chỉ như thế chúng ta mới không bỏ phí đi giá trị của thời gian, và mới nhận ra được tình yêu đong đầy trong từng phút giây cuộc sống.

Giờ phút linh thiêng của thánh lễ khởi đầu Năm Mới hôm nay, chúng ta hãy đặt 365 ngày của năm 2020 này dưới sự che chở và nâng đỡ của Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ chúng ta.

Ngày lễ mừng Mẹ Thiên Chúa, nghe lại ca khúc “Như Dạ Lý Mùa Xuân”, một bài hát ngợi ca vẻ đẹp của Đức Mẹ : “…Như Dạ Lý mùa Xuân. Mẹ đẹp tươi như Dạ lý ngát hương trinh (Dạ Lý thơm ngát hương trinh). Con say sưa lời hát ân tình. Con dâng Mẹ lòng mến chân thành, với trọn tâm tình (tâm tình)... Như Huệ thắm vườn thiêng. Mẹ kiều diễm như Huệ non núi Si-on (Huệ non trên núi Si-on). Con say sưa tìm đến bên Mẹ, không xin gì cũng chẳng dâng gì : Chỉ cần nhìn ngắm Mẹ...”, chúng ta sẽ thấy lòng dâng trào cảm xúc để cầu nguyện với Mẹ Maria - Nữ hoàng của các Mùa Xuân !

Lễ Mẹ Thiên Chúa kết thúc tuần Bát Nhật Giáng Sinh làm tỏa sáng vẻ đẹp kỳ diệu của tình yêu cứu độ. Ngôi Hai đã vâng phục nhập thể cứu rỗi nhân loại. Với tiếng xin vâng, Đức Maria làm Mẹ Ngôi Lời nhập thể và làm Mẹ hết thảy những ai được tháp nhập vào thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô.

Ngày đầu Năm Mới, xin Mẹ ban bình an và cho chúng con thêm tuổi thêm khôn ngoan, thêm nhân đức, thêm ơn nghĩa trước mặt Thiên Chúa và mọi người.Amen.






 
Lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa – Ngày đầu năm dương lịch dành cho những ai không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
04:10 31/12/2019
Bài Ðọc I: Ds 6, 22-27

"Họ sẽ kêu cầu danh Ta trên con cái Israel và Ta sẽ chúc lành cho chúng".

Trích sách Dân Số.

Chúa phán cùng Môsê rằng: "Hãy nói với Aaron và con cái nó rằng: Các ngươi hãy chúc lành cho con cái Israel; hãy nói với chúng thế này: "Xin Chúa chúc lành cho con, và gìn giữ con. Xin Chúa tỏ nhan thánh Chúa cho con, và thương xót con. Xin Chúa ghé mặt lại cùng con, và ban bằng yên cho con". Họ sẽ kêu cầu danh Ta trên con cái Israel, và Ta sẽ chúc lành cho chúng".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 66, 2-3. 5. 6 và 8

Ðáp: Xin Thiên Chúa xót thương và ban phúc lành cho chúng con

Xướng: Xin Thiên Chúa xót thương và ban phúc lành cho chúng con; xin chiếu giãi trên chúng con ánh sáng tôn nhan Chúa, để trên địa cầu người ta nhìn biết đường lối của Ngài, cho chư dân thiên hạ được biết rõ ơn Ngài cứu độ.

Xướng: Các dân tộc hãy vui mừng hoan hỉ, vì Ngài công bình cai trị chư dân, và Ngài cai quản các nước địa cầu.

Xướng: Chư dân, hãy ca tụng Ngài; thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài! Xin Thiên Chúa ban phúc lành cho chúng con, và cho khắp cùng bờ cõi trái đất kính sợ Ngài.

Bài Ðọc II: Gl 4, 4-7

"Thiên Chúa đã sai Con Ngài sinh hạ bởi người phụ nữ".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.

Anh em thân mến, khi đã tới lúc thời gian viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con Ngài sinh hạ bởi người phụ nữ, sinh dưới chế độ Luật, để cứu chuộc những người ở dưới chế độ Luật, hầu cho chúng ta được nhận làm dưỡng tử. Sở dĩ vì anh em được làm con, Thiên Chúa đã sai Thần Trí của Con Ngài vào tâm hồn chúng ta, kêu lên rằng: "Abba!", nghĩa là "Lạy Cha!" Thế nên, bạn không còn phải là tôi tớ, nhưng là con; mà nếu là con, tất bạn cũng là người thừa kế, nhờ ơn Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Dt 1, 1-2

Alleluia, alleluia! - Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã dùng các tiên tri mà phán dạy cha ông, nhưng đến thời sau hết, tức là trong những ngày này, Người đã phán dạy chúng ta nơi người Con. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 2, 16-21

"Họ đã gặp thấy Maria, Giuse và hài nhi... và tám ngày sau người ta gọi tên Người là Giêsu".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, các mục tử ra đi vội vã đến thành Bêlem, và gặp thấy Maria, Giuse và hài nhi mới sinh nằm trong máng cỏ. Khi thấy thế, họ hiểu ngay lời đã báo về hài nhi này. Và tất cả những người nghe, đều ngạc nhiên về điều các mục tử thuật lại cho họ.

Còn Maria thì ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng. Những mục tử trở về, họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và đã xem thấy, đúng như lời đã báo cho họ.

Khi đã đủ tám ngày, lúc phải cắt bì cho con trẻ, thì người ta gọi tên Người là Giêsu, tên mà thiên thần đã gọi trước khi con trẻ được đầu thai trong lòng mẹ.

Ðó là lời Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:00 31/12/2019

26. Đức tính nhẫn nại là ân tứ rất lớn của Thiên Chúa, vì vậy, Thiên Chúa đem nó ban cho chúng ta sự nhẫn nại, chúng ta đều phải ca ngợi Ngài.

(Thánh Augustine)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


---------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:16 31/12/2019
4. KHÔNG DÁM RỬA CHÂN

Thời nam bắc triều, tướng của Lương triều là Âm Tử Xuân thân mặc cái áo rất dơ bẩn, nhiều năm rồi không thấy rửa chân, ông ta thường nói:

- “Rửa chân thì sẽ rửa mất tài vật làm bại hoại sự tình”.

Vợ rất hận cái thói xấu này của ông ta, nên đã nhiều lần khuyên ông ta rửa chân.

Một ngày nọ, Âm Tử Xuân định là sẽ đồng ý rửa chân một lần, nhưng không lâu sau đó, gặp lúc Lương châu bị bại, Âm Tử Xuân rất hận vợ, nói rằng vì rửa chân nên mới thua như thế, từ đó về sau, suốt đời không dám rửa chân nữa.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 4:

Mỗi ngày, con người ta đều phải rửa chân, ít nữa là một lần trước khi lên giường ngủ, nhưng nếu có người suốt đời không rửa chân thì lại là vấn đề nên xét lại cá tính của họ.

Không dám rửa chân cho người khác thì có thể thông cảm, nhưng nói không dám rửa chân cho chính mình thì không thể chấp nhận được.

Người Ki-tô hữu có thói quen rửa chân cho người khác vì đó là mệnh lệnh của Đức Chúa Giê-su: “Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em”. (Ga 13, 14-16).

Rửa chân theo nghĩa đen là nghĩa của tư tưởng con người là cúi xuống rửa chân cho người khác, người khác đây chính là người bệnh hoạn, người đau khổ, người bất hạnh; rửa chân theo nghĩa bóng là nghĩa của tinh thần tu đức tức là phục vụ tha nhân, giúp đỡ mọi người khi có thể được và nếu cần thì hy sinh vì anh em.

Không dám rửa chân cho mình là người biếng nhác và lập dị cách kỳ quặc, những hạng người này không ai thích làm bạn vì sự dơ bẩn và tính kỳ quặc của họ.

Không dám phục vụ tha nhân thì không phải là môn đệ của Đức Chúa Giê-su, những người này chỉ là hữu danh vô thực chỉ biết mình mà không biết người, nên họ không phải là tấm gương sáng cho người khác noi theo.

Hãy siêng năng rửa chân mình trước tức là sửa chữa những thói hư tật xấu của mình, sau đó mới đi rửa chân cho tha nhân, đó chính là tinh thần phục vụ cách đích thực của người Ki-tô hữu.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bắn nhau ngay trong nhà thờ, 3 người chết. Liệu giáo dân có nên mang súng khi đi nhà thờ hay không?
Đặng Tự Do
00:30 31/12/2019
Hôm Chúa Nhật 29 tháng 12, một tay súng đã nổ súng tại một nhà thờ ở Texas, gây tử vong cho hai người trước khi bị một giáo dân trong cộng đoàn bắn chết.

Xin nói ngay đây không phải là một nhà thờ Công Giáo nhưng là một nhà thờ của một giáo phái Tin Lành.

Vụ nổ súng xảy ra vào khoảng 11:50 sáng giờ địa phương, trong một buổi thờ phượng được livestream, tức là phát trực tiếp, trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Đoạn băng video cho thấy hung thủ đứng ở một hàng ghế trong nhà thờ West Freeway của giáo phái Giáo Hội Chúa Kitô ở White Settlement, một vùng ngoại ô của Fort Worth, Texas. Y hỏi thăm người đàn ông bên cạnh về một người nào đó. Người này chỉ vào một người đàn ông khác ở phía trước gần khán đài. Y liền rút súng bắn vào người đó, rồi quay sang bắn vào người mà y vừa hỏi thăm.

Một giáo dân trong cộng đoàn liền móc súng ra bắn chết hung thủ. Một số giáo dân khác cũng rút súng ngắn và hướng về hung thủ. Nhưng chưa rõ họ có nổ súng hay không. Toàn bộ vụ nổ súng kéo dài chưa đến một phút.

Cảnh sát cho biết hai giáo dân bị bắn, đã chết sau đó tại bệnh viện.

Jack Cummings, một mục sư của nhà thờ này, nói với tờ New York Times rằng tay súng đã có những “hành động đáng ngờ” và đã thu hút sự chú ý của đội ngũ an ninh của nhà thờ.

Ông ca ngợi cảnh sát địa phương cho phép nhà thờ hình thành các nhóm tình nguyện viên bảo vệ an ninh từ các thành viên trong cộng đoàn có giấp phép xử dụng vũ khí. “Họ cứu được rất nhiều mạng cuộc sống trong ngày hôm nay bởi vì nếu họ không ra tay kịp thời, biến cố này sẽ là một cuộc thảm sát”, ông Cummings nói.

Câu hỏi được đặt ra là liệu anh chị em giáo dân khi đi lễ có nên mang theo súng, hay các nhà thờ Công Giáo có nên hình thành các đội ngũ an ninh như nhà thờ Tin Lành này không?

Bất kể các vụ nổ súng hàng loạt nhiều diễn ra ở Mỹ trong năm 2019, các nhà lãnh đạo Công Giáo không đồng ý với “giải pháp” này, nhưng lên tiếng chống lại việc vũ trang súng ống, và kêu gọi một giải pháp toàn diện hơn trong đó các nhà lập pháp phải thực hiện những thay đổi sâu rộng nhằm chấm dứt những hành động giết người này; cũng như kêu gọi người Công Giáo cầu nguyện và hoạt động nhằm hướng tới một giải pháp khả thi và toàn diện.

Trong năm 2019, sắp kết thúc đã xảy ra số vụ nổ súng chính như sau:

Ngày 31 tháng 5, một nhân viên vừa mới thôi việc đã xả súng giết chết 12 đồng nghiệp và làm bị thương 4 người khác trong tòa thị chính thành phố Virginia Beach, Virginia.

Ngày 3 tháng Tám, xảy ra vụ nổ súng tại Walmart ở El Paso, Texas, giết chết 22 người và làm bị thương 24 người.

Chỉ một ngày sau đó, hôm 4 tháng Tám 4 lại xảy ra vụ nổ súng ở Dayton, Ohio, làm 9 người chết và 27 người khác bị thương.

Ngày 31 tháng Tám một tên vừa lái xe vừa bắn vào các xe khác trên xa lộ từ Odessa đến Midland, Texas, giết chết 7 người và làm 24 người khác bị thương.

Đó là chưa kể 35 vụ nổ súng trong trường học.Trong cuộc họp thường niên tổ chức hôm 6 Tháng Tám 6 tại Minneapolis, các Hiệp sĩ Kha Luân Bố đã vinh danh Kendrick Castillo, một chú bé giúp lễ đã anh dũng hy sinh một tháng trước đó, vào ngày 7 tháng Năm, nhằm cứu mạng các bạn cùng lớp trong một vụ nổ súng tại trường trung học STEM ở vùng ngoại ô Highlands Ranch của Denver.


Source:BBC

 
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong buổi hát kinh chiều tạ ơn Te Deum, chiều giao thừa 31/12/2019
J.B. Đặng Minh An dịch
13:18 31/12/2019
Lúc 5g chiều ngày 31 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi hát kinh chiều tạ ơn Te Deum bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô cùng với tất cả các vị trong giáo triều Rôma trong đó có 36 Hồng Y, đặc biệt là Đức Tổng Giám Mục Angelo De Donatis, Giám Quản Rôma, 7 Giám Mục Phụ Tá và 40 Giám Mục khác, 150 linh mục và khoảng 8 ngàn tín hữu. Hiện diện trong buổi lễ cũng có đông đảo các vị trong Ngoại Giao Đoàn cạnh Tòa Thánh.

Trong bài giảng Đức Thánh Cha nói:


“Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình đến” (Gal 4: 4).

Người Con được Chúa Cha sai đến đã dựng lều tại Bêlem xứ Efrata, “nhỏ nhất trong các thị tộc Giuđa” (Mi 5:1); Ngài sống ở Nagiarét, một thị trấn không được đề cập đến trong Kinh Thánh ngoại trừ câu này: “từ Nagiarét, làm sao có cái gì hay được?” (Ga 1:46), và chết như một người bị đời ruồng bỏ bên lề một thành phố lớn, là Giêrusalem, bị đóng đinh bên ngoài những tường thành của nó. Quyết định của Chúa rất rõ ràng: Ngài mạc khải tình yêu của mình, Ngài chọn ngôi làng nhỏ và bị coi thường, và khi Ngài đến Giêrusalem, Ngài nhập vào đoàn những người tội lỗi và bị đời ruồng bỏ. Không ai trong thành phố nhận ra rằng Con Thiên Chúa hóa thành phàm nhân đang đi trên những đường phố của mình, thậm chí có thể cả những môn đệ của Người cũng không biết điều đó, và chỉ hoàn toàn hiểu được Mầu nhiệm hiện diện nơi Chúa Giêsu qua biến cố phục sinh.

Những lời nói và dấu chỉ của ơn cứu độ mà Người đưa ra tại thành phố này khơi dậy sự ngạc nhiên và nhiệt tình nhất thời, nhưng những lời nói và dấu chỉ ấy không được đón nhận trong ý nghĩa trọn vẹn của chúng: chỉ một thời gian ngắn sau, những điều ấy sẽ không còn được nhớ đến khi viên thống đốc người La Mã đặt câu hỏi: “Các ngươi muốn ta phóng thích Giêsu hay Baraba?”. Bên ngoài thành này, Chúa Giêsu sẽ bị đóng đinh, trên đồi cao Golgotha, bị lên án qua ánh mắt của tất cả cư dân và bị chế giễu bởi những lời bình luận đầy mỉa mai của họ. Nhưng từ đó, từ cây thập giá, cây sự sống mới, quyền năng của Thiên Chúa sẽ thu hút mọi người đến với Ngài. Và Mẹ Thiên Chúa, Đấng đau khổ dưới thập giá, cũng mở rộng tình mẫu tử của Mẹ đến tất cả mọi người. Mẹ Thiên Chúa là Mẹ của Giáo Hội và sự dịu dàng mẫu tử của Mẹ vươn đến với tất cả mọi người.

Trong thành phố, Chúa đã dựng lều của Người, và Ngài không bao giờ bỏ đó mà đi! Sự hiện diện của ngôi lều ấy trong các thành phố, ngay cả trong thành phố Rôma của chúng ta “không được tạo ra, nhưng phải được khám phá, phải được tiết lộ” (Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, 71). Chính chúng ta là những người phải cầu xin Chúa ban cho ân sủng có được đôi mắt mới, với khả năng có được “một cái nhìn chiêm niệm, có nghĩa là, một cái nhìn đức tin phát hiện ra Thiên Chúa đang sống trong những ngôi nhà, những con đường, và những quảng trường của mình” (thd., 71 ). Các tiên tri, trong Kinh thánh, cảnh báo chúng ta chống lại sự cám dỗ chỉ liên kết sự hiện diện của Thiên Chúa với các đền thờ mà thôi (Gr 7.4): Ngài sống giữa dân mình, đồng hành với họ và sống cuộc sống của họ. Lòng trung tín của Người là cụ thể, gần gũi với sự hiện sinh hàng ngày của con cái Người. Thật thế, khi Thiên Chúa muốn canh tân mọi sự qua người Con của Người, thì mọi sự không bắt đầu từ đền thờ, nhưng từ cung lòng của một người phụ nữ nhỏ bé và nghèo khổ trong Dân Ngài. Sự lựa chọn này của Thiên Chúa thật là ngoại thường! Lịch sử không thay đổi thông qua những người quyền thế trong các định chế dân sự và tôn giáo, nhưng bắt đầu từ những người phụ nữ ở vùng ngoại vi của đế chế, như Đức Maria, và từ cung lòng những người hiếm muộn, như bà Elisabét.

Trong Thánh Vịnh 147, mà chúng ta vừa mới cầu nguyện, vịnh gia mời gọi Giêrusalem tôn vinh Thiên Chúa, vì Ngài “tống đạt lệnh truyền xuống đất, lời phán ra, hoả tốc chạy đi.” (v. 15). Nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng công bố Lời của Người trong mỗi trái tim con người, Chúa chúc phúc cho con cái Người và khuyến khích họ làm việc vì hòa bình. Tối nay tôi muốn chúng ta nhìn về thành phố Rôma để thấy mọi sự từ quan điểm trong ánh mắt Thiên Chúa. Chúa vui mừng khi thấy có bao nhiêu thực tại tốt đẹp được thực hiện mỗi ngày, bao nhiêu nỗ lực và bao nhiêu cống hiến trong việc thúc đẩy tình huynh đệ và tình đoàn kết. Rôma không chỉ là một thành phố phức tạp, với nhiều vấn đề, với những bất bình đẳng, tham nhũng và căng thẳng xã hội. Rôma là một thành phố nơi Thiên Chúa sai Lời của Ngài đến, qua Thánh Linh đang len lỏi trong trái tim của các cư dân và thúc đẩy họ tin tưởng, hy vọng bất chấp tất cả, yêu thương bằng cách chiến đấu vì thiện ích của tất cả mọi người.

Tôi nghĩ đến nhiều người dũng cảm, các tín hữu và những người không tin, là những người mà tôi đã gặp trong những năm gần đây, và là những người đại diện cho “trái tim đang đập” của Rôma. Chúa thực sự chưa bao giờ ngừng thay đổi lịch sử và bộ mặt của thành phố của chúng ta thông qua những người đơn sơ và nghèo hèn sống ở đó: Ngài chọn họ, truyền cảm hứng cho họ, thúc đẩy họ hành động, và ủng hộ, thúc đẩy họ kích hoạt các mạng lưới, để tạo ra những liên kết tốt lành, xây dựng các nhịp cầu và xô ngã các bức tường ngăn cách. Chính là thông qua hàng ngàn các suối nước sống động của Thánh Linh mà Lời của Thiên Chúa làm cho thành phố này mầu mỡ và làm cho nó son sẻ thành “người mẹ đông con, vui cửa vui nhà” (Tv 113: 9).

Và Chúa yêu cầu điều gì đối với Giáo Hội Rôma? Ngài phó thác Lời Ngài cho chúng ta và thúc đẩy chúng ta ném mình vào cuộc đấu tranh, tham gia vào trong các cuộc họp và trong mối quan hệ với các cư dân của thành phố này để “thông điệp Ngài hoả tốc chạy đi”. Chúng ta được mời gọi để gặp gỡ những người khác và lắng nghe cuộc sống của họ, và tiếng kêu cứu của họ. Lắng nghe đã là một hành động của tình yêu! Dành thời gian cho người khác, đối thoại, nhận ra bằng một ánh mắt chiêm nghiệm về sự hiện diện và hành động của Thiên Chúa trong cuộc sống của họ, làm chứng cho cuộc sống mới của Tin mừng qua những việc làm hơn là lời nói, thực sự là một sứ vụ của tình yêu có sức thay đổi thực tại. Trên thực tế, khi chúng ta làm như thế một làn gió mới đang lưu chuyển trong thành phố và cả trong Giáo Hội, kích hoạt mong muốn được tiếp tục con đường vượt qua những luận lý cũ của những chống đối và những rào cản, để hợp tác với nhau, xây dựng một thành phố công bằng hơn và huynh đệ hơn.

Chúng ta không được sợ hãi hoặc cảm thấy không phù hợp cho một nhiệm vụ quan trọng như vậy. Chúng ta hãy nhớ rằng: Thiên Chúa không chọn chúng ta vì những “kỹ năng” của chúng ta, nhưng chính vì tình trạng hiện nay của chúng ta và sự nhỏ bé mà chúng ta cảm thấy. Chúng ta cảm ơn Ngài vì ân sủng của Ngài đã nâng đỡ chúng ta trong năm nay và với niềm vui, chúng ta dâng lên Chúa bài ca tán dương Người.


Source:Libreria Editrice Vaticana
 
Tấm khăn liệm thành Torino sẽ được triển lãm vào năm 2020
Thanh Quảng sdb
17:26 31/12/2019
Tấm khăn liệm thành Torino sẽ được triển lãm vào năm 2020

Tấm khăn liệm thành Torino, mà nhiều người tin là tấm vải niệm xác Chúa Giêsu, sẽ được triển lãm công khai một lần nữa nhân dịp Cộng đoàn Taizé nhóm họp Đại hội thường niên tại thành phố Torino nước Ý vào tháng 12 năm 2020.
(Robin Gomes – Tin Vatican)
Thông báo về cuộc triễn lãm bất thường của tấm khăn liệm này được Đức Tổng Giám Mục Cesare Nosiglia của Tổng giáo phận Torino công bố tại Warsaw, nơi vừa diễn ra Đại hội thường niên của Cộng đồng Taizé tại Châu Âu, Đại hội với chủ đề “Cuộc hành hương tin yêu quanh hành tinh Trái đất của chúng ta”.

Cộng đồng Taizé đã chọn thành phố Torino ở miền bắc nước Ý làm nơi đang khai tổ chức Đại hội kế tiếp của giới trẻ Châu Âu, dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 28 tháng 12 năm 2020 đến ngày 1 tháng 1 năm 2021.
Không có một công bố hay một tín điều chính thức nào về tính xác thực của Tấm khăn liệm được lưu giữ tại Nhà thờ Chính tòa của thành phố Torino. Tuy thế theo niềm tin bình dân thì đây là tấm khăn liệm xác Chúa năm xưa. Lần triển lãm vào năm tới là lần thứ năm tấm khăn liệm này được trưng bày công khai kể từ năm 2000.

Lần cuối nó được triển lãm là vào ngày 19 tháng 4 đến ngày 24 tháng 6 năm 2015, tại nhà thờ chính tòa của thành phố Torino. Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm thành phố vào ngày 21-22 tháng 6 năm qua và ngài đã đứng lặng cầu nguyện trong vài phút trước Tấm khăn liệm này nhưng ngài không có đưa ra một bình luận nào. Tuy nhiên, vào cuối Thánh lễ tại quảng trường sau đó, ngài đã nói Tấm khăn liệm này là một bằng chứng của tình yêu của Chúa Giêsu Kitô dành cho chúng ta.

ĐTC nói: Tấm khăn liệm đã cuốn hút mọi người vào khuôn mặt và thân xác bị đánh dầm bập của Chúa Giêsu, như đang mời gọi chúng ta hướng về những người đang chịu đau khổ và bị bắt bớ một cách bất công. Đây chính là món quà tình yêu của Chúa Giêsu tặng ban...
Các Đức Giáo Hoàng trước cũng đã đến thăm Tấm khăn liệm này tại miền bắc Ý này; như thánh Giáo hoàng John Paul II đã kính viếng vào năm 1998, và Ngài nói rằng mầu nhiệm xung quanh các vấn nạn về chất lượng của tấm khăn liệm và thiên niên kỷ của nó cần phải có niềm tin và khoa học để chứng minh sự xác thực đây có phải là tấm khăn liệm xác của Chúa Giêsu hay không. Và Ngài mời gọi khoa học hãy tiếp tục khảo cứu. Còn Đức nguyên Giáo hoàng Benedicto XVI đã mô tả tấm khăn liệm này là một biểu tượng được viết bằng máu của một người nam đã bị đóng đinh…

Đức Tổng Giám Mục Nosiglia lưu ý rằng Torino và Cộng đồng Taizé đại kết có một mối liên hệ qua nhiều thập kỷ qua. Vô số nhóm thanh niên đến từ Ý Vùng Piemonte - mà Torino là thủ đô - thường xuyên tham gia các cuộc hành hương qua chương trình "Hành hương tin yêu quanh hành tinh Trái đất chúng ta" do cộng đoàn Taizé tổ chức hàng năm. Nhiều cuộc họp mặt cầu nguyện Taizé cũng đã được tổ chức tại thành phố này.
Đức Tổng Giám Mục Nosiglia sẽ có một cuộc họp báo vào ngày 3 tháng 1 tới đây để trình bày các sáng kiến liên quan đến các cuộc hành hương trong năm 2020 này. Nhà thờ chính tòa Torino đang chuẩn bị chào đón hàng ngàn các bạn trẻ khắp nơi tụ về. Ngoài các hội thảo và trao đổi, sẽ có thời gian hỏi và suy niệm về Tấm khăn liệm này.

Cộng đồng Taizé tổ chức cuộc Hành hương niềm tin yêu quanh hành tinh Trái đất sẽ được tổ chức lần đầu tiên tại Torino. Tuy nhiên, các cuộc tụ họp tương tự đã được tổ chức sáu lần ở Ý - tại Rome vào những năm 1980, 1982, 1987 và 2012, và tại Milan vào năm 1998 và 2005.
 
Tạp chí America và Mười biến cố Công Giáo lớn nhất trong thập niên 2010
Vũ Văn An
19:40 31/12/2019
Thập niên 2010 đã kết thúc vào ngày hôm qua theo giờ Sydney với cuộc bắn pháo bông ngoạn mục tại khu vực Harbour. Hôm nay, người Úc chúng tôi bước sang thập niên 2020, với nhiều khu vực ngập chìm trong khói “bushfire”. Tuy rất gần với khu vực cháy ở nam Nowra, Kiama vẫn tiến hành cuộc bắn pháo bông ở sát bờ biển thành phố trước sự chứng kiến của ít nhất 20,000 người, trong đó, có đại gia đình người viết.



Nhân dịp này, Kevin Clark của tạp chí America duyệt lại 10 biến cố lớn nhất của thập niên qua, dựa vào số độc giả đọc các tường trình của tạp chí này. Các dòng để nguyên chữ Anh là tựa đề các bài đăng trên tạp chí America.

1.Cuộc phỏng vấn (và cuộc từ chức không có tiền lệ trước đó)

Còn có thể nói gì hơn về cuộc phỏng vấn (chung của tờ Civiltà Cattolica và tờ America) mà trong yếu tính đã giới thiệu Đức Giáo Hoàng Phanxicô với thế giới? Nó là bài báo đăng tải trên trang mạng được nhiều người đọc nhất trong 10 năm qua, với 1.25 triệu độc giả.

Những người được hân hạnh kiểm đọc nó trước khi cho công bố từng dành cả tuần lễ rảo khắp New York nhằm quảng cáo cho biến cố này, cũng đã đánh giá thấp vụ bùng nổ do cuộc phỏng vấn này gây ra.

A Big Heart Open to God: An interview with Pope Francis

Benedict’s Resignation Shocks World

Benedict Announces First Papal Resignation in 600 years


2.) Tai tiếng lạm dụng tình dục và che đậy nó lại tái xuất...

Hơn một thập niên sau khi Hiến Chương Dallas của các Giám Mục Hoa Kỳ thiết lập các hệ thống mới để đáp ứng các vụ tấn công tình dục của các linh mục Hoa Kỳ nhằm vào các trẻ em, người Công Giáo lại một lần nữa phải ngỡ ngàng trước tai tiếng lạm dụng tình dục sau khi cuộc khủng hoảng được người ta chú ý tiếp theo một loạt các phúc trình và điều tra của các đại bồi thẩm đoàn.

Pennsylvania report documents over 1,000 victims of priest abuse

2018 Catholic Church Sex Abuse Crisis: What you need to know


3.) … và sau cùng liên lụy tới bình diện cao nhất của Giáo Hội

Hiện tượng #MeToo và các tiết lộ động trời về tác phong và cách cư xử nói là đặc biệt của cựu Hồng Y Theodore McCarrick khiến người ta phải lục lọi tìm hiểu việc lạm dụng các chủng sinh và những người lớn dễ bị tổn thương bởi thành viên hàng giáo phẩm. Xin xem một loạt bài của tạp chí này:

McCarrick kept a robust public presence during years he was allegedly sanctioned

The Editors: The Catholic Church should not be shocked by the McCarrick case—it should be ashamed.

Explainer: Former Cardinal McCarrick faces laicization. What does that mean?

Albany priest describes culture of harassment under McCarrick

Cardinal Pell, top advisor to Pope Francis, found guilty of ‘historical sexual offenses’


4.) Một thông điệp Giáo Hoàng và một tông huấn tạo tin trong Giáo Hội và thế giới

“Laudato Si’” gây một tác động vượt ra ngoài Giáo Hội Công Giáo. Đề cập đến các chủ đề tiêu thụ quá đáng, chăm sóc sáng thế và nền công lý kinh tế và sinh thái hoàn cầu, thông điệp này được thảo luận và trích dẫn bởi các bình luận gia vuợt ra ngoài biên giới văn hóa thông thường của Giáo Hội. Xin xem các bài:

The Great Gift of ‘Laudato Si’’

Top ten takeaways from ‘Laudato si’

‘Laudato Si’’ calls us to ecological conversion. What does that look like?


Một ghi chú về việc chăm sóc mục vụ cho những người sống trong “các cuộc kết hợp không hợp lệ” đã nhận được sự chú ý nhiều nhất, nhưng tông huấn “Amoris Laetitia” thực ra bàn đến nhiều thách đố đang đặt ra cho đời sống gia đình hiện nay rất nhiều. Xin xem các bài:

Top 10 takeaways from “Amoris Laetitia”

Top Vatican Legal Expert: Pope Francis opens the door to Communion for Catholics in irregular marriages


5.) Phản công bắt đầu chống lại Đức Phanxicô

Kevin Clark không đưa ra bình luận nào, chỉ mời độc giả xem lại các bài cũ dưới đây nói về các phản công của các giáo phẩm như Đức Tổng Giám Mục Viganò và Đức Hồng Y Burke.

Viganò’s accusations: What we know and what questions they raise

Why do some Catholics oppose Pope Francis?

Pope Francis to journalist: ‘I am honored that the Americans attack me.’

Cardinal Burke: It is ‘licit’ to call for the resignation of Pope Francis


6.) Chủ nghĩa dân túy và cánh hữu cực đoan lên cao

Tác giả cũng không bình luận gì chỉ giới thiệu các bài nói về chủ nghĩa duy dân tộc, cuộc bầu cử năm 2016 tại Hoa Kỳ, di dân, thay đổi khí hậu, chủ nghĩa khủng bố duy Hồi Giáo, phò sinh, thập tự chinh kiểu Steve Bannon, cựu trưởng cố vấn của Tổng thống Donald Trump.

What is the Catholic response to the rise of nationalism?

Days before the U.S. election, Pope Francis warns against the politics of fear

Pope Francis to activists: Stand with migrants, do not deny climate science, there is no such thing as ‘Islamic terrorism’

I’m unapologetically pro-life, and I’m ashamed that Trump spoke at the March for Life

Steve Bannon’s dubious crusade


7.) Việc nối vòng tay lớn mục vụ với cộng đồng đồng tính vẫn còn là một thách đố đau đầu

Một trong những trang được nhiều người đọc nhất trong thập niên thảo luận một vấn đề từng làm đau đầu nhiều người trong Giáo Hội trong những năm gần đây và hứa hẹn còn tiếp tục làm thế trong tương lai, đó là việc nối vòng tay lớn mục vụ và bao hàm cộng đồng đồng tính, chuyển giới...

What is the official church teaching on homosexuality? Responding to a commonly asked question

I came out as a gay, Catholic priest on the Feast of the Annunciation

Archdiocese pulls ‘Catholic’ label from Jesuit school for refusing to fire teacher in same-sex marriage


8.) Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Giáo Hội bênh vực di dân khắp thế giới

Những người đang trốn chạy nghèo đói và tranh chấp khắp thế giới trong những con số chưa từng thấy từ lúc thế chiến II kết thúc. Số phận của họ trở thành nhiên liệu mồi lửa châm tâm thức cánh hữu khắp thế giới đã phát triển, nhưng Giáo Hội hoàn vũ và các Giám Mục Hoa Kỳ nhất quán bênh vực quyền lợi di dân, đòi phải đối xứ với họ một cách cảm thương, hợp nhân phẩm và tạo cơ hội cho những người vượt biên giới bất luận họ là di dân từ Trung Mỹ, tỵ nạn từ Trung Đông hay người trốn đau khổ đủ loại từ vùng Hạ Sahara, Châu Phi.

Were Jesus, Mary and Joseph refugees? Yes.

Why shouldn’t people be deported if they’re ‘illegal’?

Catholic leaders denounce Sessions’s asylum decision: ‘We have truly lost our moral compass.’

What we owe refugees fleeing persecution around the globe

There were 69 million refugees last year. What is being done to help them?


9.) Những người thiên niên kỷ bước ra khỏi thời đại văn hóa

Đúng, hỡi các bạn của thời kỳ bùng nổ bé thơ (boomer), thời đại nổi nang văn hóa của các bạn có thể cuối cùng đã qua đi. Thế hệ thiên niên kỷ xem ra bị đổ lỗi cho việc hạ bệ mọi điều, từ các trung tâm mua sắm lớn (shopping malls) và đường điện thoại đất (landline) tới tác phong ở bàn ăn và nước xốt mayonnaise. Nay khi họ đã khôn lớn, liệu họ có thể nhận công lao gì trong việc cứu Giáo Hội trong một thời đại có những thay đổi nhanh chóng về nhân khẩu học?

Yes, millennials like brunch. But that’s not why they’re skipping Mass.

Can the Catholic Church keep millennials from passing it by?

What can nuns and ‘nones’ learn from one another?


10.) Việc bách hại các Kitô hữu đang gia tăng khắp thế giới, nặng nhất ở Trung Đông, khi cuộc chiến chống khủng bố khai triển

Kevin Clark cũng không bình luận gì, chỉ nhắc lại các bài trước đây nói về Bắc Iraq, tự do tôn giáo, Hồng Kông.

Can Christianity survive in northern Iraq?

Religious freedom around the world under siege; Christian persecution is especially acute

‘Sing Hallelujah to the Lord’ becomes the unofficial anthem in Hong Kong


Các biến cố khác cũng muốn được liệt kê như câu truyện lớn nhất của thập niên

Giáo hội đương đầu với việc thay đổi khí hậu

Phát xuất từ việc lưu ý phổ quát đối với thông điệp “Laudato Si’” và do một số thiên tai chưa từng có, giống như trong các phương tiện truyền thông thế tục, một số không gian kỹ thuật số đáng kể trên tờ America đã được dành để tường trình hay suy tư về đe dọa thay đổi khí hậu.

The Laudato Si’ generation: Why I gave my graduation speech on climate change

Why is climate change a moral issue?


Các cuộc phỏng vấn trên không

Các cuộc họp báo trên không trên đường trở về Rôma của Đức Giáo Hoàng khiến các cây viết túc trực (on-call) của tờ America thức thâu đêm và hầu như lúc nào cũng có thể tạo ra một câu truyện để nói.



Pope on Gays: "Who Am I to Judge?"

The Pope of Mistake(s)

Pope responding to questions on Trump: ‘A person who only thinks of building walls, and not building bridges, is not Christian.’

Pope Francis on plane: ‘I am not afraid of schisms. I pray they do not happen.’


Thượng Hội Đồng Giám Mục về Vùng Amazon tạo các bản tin khắp thế giới

Top 5 takeaways from the Amazon synod

The working document for the Amazon Synod has been controversial—just not in Brazil

As the Amazon Synod nears the end, a Brazilian bishop makes the case for women deacons


Vai trò phụ nữ trong Giáo Hội

Vatican announces commission on women deacons

Pope Francis appoints two laywomen to key positions in Roman Curia

Women in the Life of the Church: A special issue of 'America'

With a church in crisis, why do Catholic women stay?

Proud to be Catholic? A groundbreaking America survey asks women about their lives in the church

We asked Catholic women if they supported the possibility of women deacons. Here is what they said.


Trợ tử và phá thai

The Feminist Case Against Abortion: the pro-life roots of the women’s movement

What some pro-lifers have overlooked in the case of Charlie Gard

Patricia Heaton: ‘Iceland isn’t eliminating Down syndrome—they are just killing everyone who has it.’

Alfie’s last days: a little boy’s life and death stoked a furious debate that will not soon end

Pro-life Millennials Speak Out


Người Công Giáo trong sinh hoạt chính trị

Brett Kavanaugh and toxic masculinity: lessons from another all-male Jesuit high school

The Editors: It is time for the Kavanaugh nomination to be withdrawn

Vice President Biden on Pope Francis, Faith and Public Life


Bạo lực và kiểm soát súng ống tại Hoa Kỳ

Một bài xã luận dường như gây ngỡ ngàng lúc đó đã trở thành lời hô hào tụ tập các người đấu tranh cho một việc kiểm soát súng ống chặt chẽ hơn vì số tử vong lên cao và các vụ thảm sát nội địa bằng súng vẫn tiếp diễn.

Repeal the Second Amendment

We should not raze Sandy Hook from our conscience. We have not earned that mercy.


Các câu truyện chúng ta không thể ngưng đọc lại:

‘Is my dad in heaven,’ little boy asks pope

The Catholic high school that holds funerals for homeless veterans

“Here I Am, Lord”: The little-known story behind a Catholic hit

A Cajun Eucharistic boat procession on the bayou

Meet my dad: The Republican who's hosting Muslim refugees
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ Thánh Gia Thất Tại Giáo Xứ Bình Khánh – Xuân Lộc
Giuse Truyền Thông
22:02 31/12/2019
Chiều Chúa nhật 29/12/2019 Giáo xứ Bình Khánh, hạt Xuân Lộc, đã long trọng tổ chức Lễ Thánh Gia Thất cầu nguyện cho 45 gia đình mừng kỷ niệm Ngân Khánh và Kim Khánh hôn phối trong giáo xứ.

Trong niềm vui mừng Chúa giáng sinh giữa núi đồi bạt ngàn xanh biếc, nơi đây, khuôn viên giáo đường được trang hoàng hang đá belem, cùng với đèn điện noel lung linh đủ sắc mầu, làm cho bầu khí ngày lễ Thánh gia rộn ràng vui tươi, cùng với các gia đình mừng kỷ niệm còn có các con, các cháu, anh em họ hàng, bạn bè và cộng đoàn giáo xứ đến tham dự thánh lễ.

Xem Hình

Trong bài giảng lễ, cha giáo Giuse chia sẻ: “Sau thời gian 10 năm, 25 năm, 50 năm sống chung với nhau, nếu cho chọn lại, quý ông bà có chọn chồng hay vợ mình không?” … Cha nhắn nhủ: “Gia đình vợ chồng cần hy sinh cho nhau để hoàn thiện nhau và xây đắp hạnh phúc gia đình vì con, vì cháu và vì nhau nữa”. Và để cho gia đình được keo sơn bền vững thì vợ chồng cần phải biết hy sinh cho nhau, nhẫn nhịn nhau, tha thứ những khuyết điểm của nhau và cùng nhau cầu nguyện với Chúa, noi gương thánh Giuse và Mẹ Maria, một gia đình thánh thiện gương mẫu cho các gia đình công giáo chúng ta noi theo.

Sau bài giảng, các gia đình sốt sắng đọc lại lời cam kết và cùng nhau đọc kinh cầu nguyện với gia đình Thánh Gia. Và thành lễ được diễn tiến tốt đẹp nghiêm trang sốt mến, ca đoàn hát rất hay.

Kết thúc thánh lễ các gia đình chụp hình kỷ niệm và cùng với cộng đoàn giáo xứ tổ chức vui chơi hội chợ ẩm thực trong khuôn viên thánh đường. Với nhiều món ăn ngon, cùng với nhiều trò hào hứng như: Qua cầu khỉ, banh dinh, ném banh, … thu hút được rất nhiều các bạn trẻ tham gia, qua các trò chơi này cũng góp phần rèn luyện kỹ năng sống cho các em rất nhiều.

Khi niềm vui chào mừng Chúa Giáng Sinh còn đang rộn ràng, thì niềm vui mừng các gia đình kỷ niệm hôn phối hạnh phúc, hân hoan dắt tay nhau vào Thánh đường để tạ ơn Thiên Chúa làm cho mọi người trong giáo xứ cảm thấy hạnh phúc được đong đầy.

Khép lại năm 2019, chúng con nguyện xin Chúa cho mọi người trên trái đất này được bình an, khỏe mạnh và hạnh phúc. Xin cho chúng con nhận ra Chúa luôn hiện diện trong mỗi anh chị em chúng con để “Gia đình và giới trẻ hãy là chứng nhân của lòng Chúa thương xót” và “Người trẻ hướng đến trưởng thành toàn diện” như chủ để mục vụ của năm nay.


Giuse Truyền Thông
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Nước Pháp vô địch đình công và biểu tình ?
Hà Minh Thảo
00:02 31/12/2019
Hôm ngày 27.12.2019, cuộc đình công chống Cải tổ chế độ Hưu bổng tại Pháp bước sang ngày thứ 23, vượt thời gian cuộc đình công, cũng chống Cải tổ chế độ Hưu bổng năm 1995 khiến Thủ tướng Alain Juppé, lúc đó, phải rút bỏ Dự Luật này. Trong tình trạng đối đầu hiện nay giữa nhà nước và các nghiệp đoàn, khi hành pháp cho biết chỉ tái họp thương lượng vào ngày 06.01.2020. Như vậy, chúng ta có thể tiên đoán mùa đình công hiện hành ‘dư sức’ phá kỷ lục kỳ đình công kéo dài 28 ngày từ 18.12.1986 đến ngày 15.01.1987. Một sự kiện duy nhất mà giới quan sát hy vọng có thể chận đứng sự phá kỷ lục này : thực thi tryền thống, tối ngày cuối năm, Tổng thống chúc mừng Năm Mới đến đồng bào, ông E. Macron sẽ có tuyên bố mang lại an bình…

Về thống kê đình công, ‘Institut Syndical Européen’ thực hiện trong thời gian 2010 – 2017 cho thấy :

- Chypre đã trải qua 316 ngày ;

- Pháp : 125 ngày ;

- Bỉ : 96 ngày ;

- Na uy : 65 ngày …

Như vậy, về số ngày đình công, nước Pháp vô địch chỉ mang tính tương đối. Có thể, do tâm lý khi việc đình công liên hệ đến việc tài xế xe lửa và bus không phục vụ người đi làm việc tạo ảnh hưởng đến công sở và các xí nghiệp khác, khiến chúng ta thấy thời gian kéo dài vì khổ sở gia tăng.

Nhưng nên lưu ý, chúng ta chưa có số liệu cho hai năm 2018 và 2019.

I.- Ý KIẾN ÐÓNG GÓP.

Trong đêm 24 và ngày 25.12.2019, khắp các giáo đường, Kitô hữu hát vang ‘ Hòa Bình dưới Thế cho người thiện tâm’ nhưng, cùng lúc đó, vẫn có cả trăm ngàn người đang lo lắng tìm phương tiện di chuyển thăm gia đình, thân nhân trong những ngày Lễ cuối năm Dương lịch. Ðồng thời, có những khác tuyên bố ngưng thi hành hợp đồng làm việc, thật hợp pháp, để bảo vệ quyền lợi mình và kể con cháu mình.

Hòa Bình đòi hỏi phải hội tụ bốn yếu tố : Sự Thật, Công Bằng, Tự Do và Tương Trợ.0 Ðề nghị chúng ta, với những chi tiết hiện có về tiền Dự luật Cải tổ Hưu bổng được loan báo bởi các hệ thống truyền thông.

A. Sự Thật :

Ðúng ra, sự cải tổ sâu rộng này phải thực hiện từ lâu, nhưng mỗi lần tiến hành thì bị chống đối bởi các nghiệp đoàn thợ vì các chế độ hưu bổng đặc biệt, hàng đầu là các nhân viên SNCF (Société Nationale Chemin de Fer, Công ty quốc gia Ðường Sắt, tức Xe lữa) và RATP (la Régie Autonome des Transports Parisiens, Công quản chuyên chở Paris gồm bus và métro) là những người có phương tiện ảnh hưởng tới việc di chuyển của đồng bào thủ đô và vùng phụ cận. Ngoài ra, việc làm và phương tiện làm việc tại đây được cải tiến rất nhiều.

Có hai nguyên nhân quan trọng buộc phải cải tổ :

1. Hiện tại, nước Pháp, có đến 42 chế độ hưu bổng cho những ngành nghề gọi là đặc biệt tạo ra một sự bất bình đẳng giữa những người đi hưu.

2. Dân số lão hóa, tuổi thọ dân Pháp tăng, số người làm việc giảm, hệ quả là quỹ Hưu bổng rơi vào tình trạng thâm hụt kinh niên và tăng dần.

Với nhịp độ gia tăng trưởng hiện nay 1,5 %/năm, theo thẩm định của Hội đồng Ðịnh hướng Hưu bổng (Conseil d'orientation des retraites, COR), mức thâm hụt đó sẽ lên từ 8 đến 17,2 tỷ euro vào năm 2025, tức trung bình mỗi năm, sự thâm hụt tương đương với từ 0,3 đến 0,7 % PIB nước Pháp.

Do đó, không gì ngạc nhiên khi có 76 % người được hỏi đồng ý là cần phải cải tổ chế độ Hưu Bổng tại Pháp, theo như kết quả một cuộc thăm dò do Viện IFOP thực hiện hôm 01.12.2019 cho báo Le Journal du Dimanche. Ngoài ra, 64 % đồng ý việc Chính phủ muốn thống nhất các chế độ hưu bổng để xóa bớt những bất công. Tuy nhiên, đồng thời, có đến 64 % cho biết là họ không tin tưởng vào ông Macron lẫn ông Philippe trong sứ mệnh trọng đại này.

Các thành viên Chánh phủ và các Dân biểu, Nghị sĩ thân chính quảng cáo cho một hệ thống phổ quát (système universel) để chấm dứt các chế độ đặc biệt. Nhưng nay, nhiều chế độ đặc biệt lại phải tái xuất hiện như : quân nhân, cảnh sát, cai tù, cứu hỏa, phi hành đoàn.

Tối thứ bảy 28.12.2019, tại nhà hát Opera Paris, để tỏ thái độ chống cải tổ hưu bổng, khoảng 40 nữ diễn viên, đang đình công, múa ballet trước cung Garnier để trình diễn một đoạn trong vỡ Hồ Thiên Nga, được khách qua đường vỗ tay tán thưởng. Khi thương lượng với thẩm quyền retraites, họ chỉ chấp thuận chế độ hiện nay cho những diễn viên tnu dụng trước năm 2022. Do đó, các diễn viên tiếp tục đình công. Tiếc chi với các tài năng thiên phú đã khổ công tập luyện và số diễn viên này đâu có đông

Ðể tính lợi tức trung bình hàng năm để tính lương hưu, chế độ hiện hành dùng 25 năm cao nhất đối với tư chức và chỉ 6 tháng cuối cho công chức. Theo chế độ mới, việc tính này dựa trên trọn đời làm việc, tức ít nhất cũng 40 năm. Kết quả, lương hưu phải thấp hơn. Do đó, các giáo viên đang đòi được tiếp tục tính trên 6 tháng trước như hiện nay. Tổng trưởng Giáo Dục Jean-Michel Blanquer đã tiếp công đoàn giáo viên. Ông hứa sẽ tăng lương, nhưng giáo viên phải làm việc nhiều giờ hơn.

B. Công Bằng.

Các vị nói trên, nhất là Thủ tướng, hôm 11.12.2019, đã tuyên bố : ‘Giới phụ nữ, những người hưởng lợi lớn trong cuộc cải tổ này’, vì chế độ mới này đặc biệt tặng không những Ðiểm phụ trội 5% cho các bà vì mỗi con, và tính từ đứa thứ nhất, chứ không chờ đến em thứ ba như hiện nay. Dư luận, nhất là các nghiệp đoàn và các hội phụ nữ, bác bỏ khái niệm này.

Phần mình, chúng tôi đã tìm nhưng không thấy điều này được quy định trong chế độ hiện hành tính bằng ‘trimestre’, đã không thấy đề cập trong chế độ đang tranh luận. Ðó là :

Mỗi người con có làm tờ ‘Déclaration sur l’honneur’ chứng nhận đã được mẹ nuôi dưỡng từ khi được sinh ra cho đến 16 tuổi thì bà mẹ được ‘xã hội’ thưởng 8 tam cá nguyệt (2 năm). Ngoài ra, những bà mẹ nuôi dưỡng từ 3 con trở lên và gia đình có lợi tức thấp thì Quỹ trợ cấp gia đình (Caisses d'Allocations Familiales) phát tiền Complément familial thì có thể được Quỹ này đóng thế tiền góp vào Quỹ Bảo hiểm Hưu. Ðây là một sự Tương trợ thật sự và cao độ.

Sau những tuyên bố này của ông Philippe, ông Laurent Berger, Tổng thư ký Tổng Nghiệp đoàn Pháp Dân chủ Lao động (Confédération Française Dé mocratique du Travail, CFDT) cảnh cáo ‘Lằn ranh đỏ đã bị vượt qua. Ðây là nghiệp đoàn có đông thành viên nhất nước Pháp được ông kêu gọi xuống đường ngày 13.12.2019, kéo theo các nghiệp đoàn CFTC (Confédération française des travailleurs chrétiens, Tổng nghiệp đoàn những Người lao động Thiên Chúa giáo và UNSA (Union nationale des syndicats autonomes, Liên hiệp các nghiệp đoàn độc lập) nối gót. Kết cuộc, số người biểu tình và đình công gia tăng và kéo dài sang năm 2020.

Nhiều người cho rằng : Nếu chỉ nhìn vào lý do của cuộc đình công thì thật khó chấp nhận được vì sự phát động một sự kiện quy mô như vậy để bắt nhiều trăm ngàn khách lưu thông phải làm con tin để chống một dự án chưa thành hình và mục tiêu trên hết là bảo vệ những người được quyền về hưu trước 60 tuổi, với mức lương hưu trung bình trên 2.000 euros, cao hơn nhiều so với những người làm việc trong khu vực tư nhân.

I.- ÐÌNH CÔNG VÀ BIỂU TÌNH LÀ NHỮNG QUYỀN HIẾN ÐỊNH.

A.- Quyền Dình công được ghi trong Lời Mở Ðầu (Préambule) Hiến pháp Ðệ Tứ Cộng hòa và đã được chép lại trong Lời Mở Ðầu Hiến pháp 1958.

Trước đợt đình công hiện nay, một cuộc thăm dò dân ý từ thực hiện hai ngày 27 và 28.11.2019 cho thấy 46 % người được hỏi cho biết ủng hộ những người cuộc đình công hôm nay. Nhưng theo thăm dò dân ý trong hai ngày 03 và 04.12.2019 thực hiện bởi viện Odoxa Dentsu Consulting thì có hơn 60 % người được phỏng vấn đồng ý đợt bãi công này là ‘chính đáng’. Phần khác, 89 % cho rằng kế hoạch cải tổ ‘còn quá mơ hồ’, 85 % cho rằng ‘phải làm việc nhiều hơn và 80 % tin là sẽ bị chính phủ bắt chẹt hay lừa dối.

B.- Quyền Biểu tình cũng được quy định nơi Tuyên ngôn Nhân Quyền và Quyền Công Dân cũng ở Lời Mở Ðầu Hiến pháp 1958 và được đồng hóa với quyền Tự do Ngôn luận bởi Hội đồng Hiến pháp (Conseil Constitutionnel) ngày 18.01.1995. Ngoài ra, quyền này còn được bảo đảm bởi điều 11 Tuyên ngôn Nhân quyền Âu châu.

Thiết tưởng, chúng ta cần nên hiểu: công nhân hay công chức đình công và đi biểu tình không phải để chơi, mà là một sự hy sinh vì phải bị mất những ngày lương. Đôi khi, đồng bào Việt chúng ta đi du lịch từ quốc nội hay các nước khác đến Pháp cho rằng người dân tại đây ‘thích’ biểu tình. Sự thật không như vậy, dân Pháp, một nước dân chủ hàng đầu thế giới, sử dụng hai quyền này để bảo vệ quyền lợi đang hưởng cho mình và con cháu mình.

Tại Việt Nam độc tài, quyền biểu tình đã được liên tiếp ghi rõ trong các Hiến pháp 1959 (điều 67), 1980 (đ. 25), 1992 (đ. 69) và 2013 (đ. 25), nhưng không được áp dụng vì các đại biểu Quốc hội không khả năng để làm luật chi tiết để thi hành việc biểu tình. Do đó, các ‘đỉnh cao trí tuệ’ đã đặt ra tội ‘tụ tập đông người’ để bắt bớ và lên án thật nặng những người yêu nước biểu tình chống tàu cộng, tập đoàn tàn phá môi trường Formosa, …

II.- HAI NĂM BIỂU TÌNH.

A.- Hôm qua : Áo Vàng.

Năm 2017, một ứng cử viên trẻ 39 tuổi, Emmanuel Macron (Tiến bước, En Marche, đảng mới toanh), tự giới thiệu ‘không tả không hữu’, hứa hẹn rất nhiều sự cải tổ, đặc biệt là thuế gia cư (taxe d’habitation), hưu bổng và gia tăng mãi lực (sức mua, pouvoir d’achat)… Ngày 23.04.2017, 38 triệu cử tri Pháp đã tham gia việc tuyển chọn Tổng thống, vòng một, để đưa hai ứng cử viên là ông E. Macron thu được 24,01% số phiếu hợp lệ và bà Marine Le Pen (Mặt trận Quốc gia, Front national, FN) với 21,30% để vào tranh cử ở vòng hai. Ngày 07.05.2017, cử tri Pháp đã trở lại phòng phiếu để dự bầu vòng hai. Kết quả: ông Macron đắc cử Tổng thống với 66,10% số phiếu hợp lệ và bà Le Pen thu được 33,90% số phiếu này.

Sang năm 2018, người dân không thấy thuế gia cư giảm vì thuế này do chính quyền địa phương ấn định. Do trung ương giảm trợ cấp, nên họ phải tăng để bù đắp để điều hành các tỉnh (département) và thành phố (ville). Sức mua thì không thấy tăng mà còn bị giảm thấy rõ vì giá xăng dầu không ngừng tăng. Ðiều vô lý : người tiêu thụ vừa phải trả TVA trên giá sản phẩm vừa phải trả trên tiền Thuế tiêu thụ nội địa về sản phẩm năng lượng (TICPE).

Tháng 05/2018, chị Priscilla Ludosky, 32 tuổi, sống ở ngoại ô Paris Seine-et-Marne, quản lý một cửa hàng bán mỹ phẩm qua internet, nhận thấy giá xăng dầu tăng vọt. Tìm hiểu trên mạng này, chị khám phá ra 2/3 giá xăng dầu là do thuế. Chị phát đơn kiến nghị lên Facebook, nhưng ý kiến không được lưu tâm lắm. Ðến mùa thu, một phóng viên báo La République de Seine-et-Marne liên hệ với chị để viết về kiến nghị này trên Facebook và, lần này, chị thu được 700 chữ ký ủng hộ… Cùng lúc, cũng tại vùng này, ông Drouet, tài xế lái xe vận tải, 33 tuổi, bất mãn vì xăng dầu tăng giá, đã cùng hiệp hội tài xế Muster Crew mời gọi đồng nghiệp tổ chức một chuyến đi bằng xe trên các đường vành đai Paris ngày thứ Bảy 17.11.2018. Các cuộc biểu tình hôm đó, theo số liệu bộ Nội vụ công bố, có gần 290.000 Áo Vàng tham dự và có một người chết và 528 người bị thương, trong đó có 92 cảnh sát và hiến binh (gendarme).

Lập tức, tối ngày 18.11.2018, trên đài truyền hình France 2, Thủ tướng Edouard Philippe tuyên bố ông hiểu nỗi lo của người biểu tình, nhưng sẽ tiếp tục duy trì mục tiêu mà chính phủ đã đề ra. Tiếp đến, Tổng trưởng Nội vụ Christophe Castaner chỉ trích là phong trào đấu tranh ‘Áo vàng’ đã ‘hoàn toàn chệch hướng’ và kêu gọi người biểu tình tôn trọng nguyên tắc tự do lưu thông và cảnh báo lực lượng an ninh sẽ sớm được triển khai để giải tỏa các chốt trên các tuyến đường một cách có hệ thống và có phương pháp, tránh để xảy ra xô xát với người biểu tình. Hình như, ông này, trước đó, đã không tiên đoán được sự tham dự đông đảo của người dân như vậy. Từ đó, phong trào ‘Gilets jaunes’ (Áo Vàng) được hình thành để cùng nhau biểu tình mỗi ngày thứ bảy tại nhiều thành phố và tập hợp tại các bồn binh (rond point) trong nhiều thời gian dài.

Trong những ngày thứ bảy biểu tình, một phần Thủ đô Ánh sáng Paris đã tràn ngập trong hơi cay lựu đạn, tàn phá lẫn nhau. Những nhân viên bán hàng vô tội phải chảy nước mắt trong khi góp phần phát triển kinh tế. Những ‘đại bác xịt nước’ hùng dũng bắn ngã lăn lóc người biểu tình vì sức mua bị cắt giảm… Vì nhiệm vụ bảo vệ an ninh (khủng bố vẫn tiếp tục) và trật tự (an toàn để đồng bào sống và làm việc), cảnh sát Pháp đã phục vụ một cách tận tâm đáng khen. Số giờ làm việc phụ trôi mà các chính phủ thời các Tổng thống F. Hollande (Xã hội) và E. Macron (Tiến bước) chưa trả tiền lương lên đến hàng triệu giờ chứng minh điều họ. Từ đầu năm đến ngày 15.04.2019, đã có 26 cảnh sát tự sát. Một con số thật đáng quan ngại.

Những người Áo Vàng chê các nghiệp đoàn tổ chức các cuộc đình công, biểu tình không hữu hiệu, nên đã cùng nhau tham dự các cuộc ‘xuống đường’ tự phát không báo cho thẩm quyền địa phương, vì họ sợ bị bắt và bị phạt. Do thiếu kiểm soát lẫn nhau, các phần tử bất hảo chen lẫn vào để cướp phá các cửa hàng, ngân hàng, quán nước, … Trước thảm cảnh đó, cảnh sát và hiến binh được lịnh dùng biện pháp mạnh gây thương tích cho bao nhiêu người vô tội.

Tiếp theo, tối ngày 10.12.2018, để trả lời các đòi hỏi của phong trào Aùo Vàng, Tổng thống E. Macron đã ban bố các giải pháp ngân sách phải chi năm 2019. Cuối cùng, những biện pháp đó đã buộc phải được thông qua nhanh chóng bởi Lưỡng viện Lập pháp chỉ hai ngày 21 và 22.1018. Ước lượng ngân sách phải chi tiêu khoảng 10 tỷ euros. Luật Ngân sách tài khóa 2019 bị thay đổi để phải tăng mức bội chi.

B.- Hiện tại và ngày mai 2020 : Áo Ðỏ.

Từ ngày 05.12.2019, các nghiệp đoàn chống Cải tổ Hưu bổng, đứng đầu là Tổng Nghiệp đoàn Lao động (Confération Générale du Travail, CGT), Lực lượng Thợ thuyền (Force Ouvrière), Liên hiệp Nghiệp đoàn Ðoàn kết (Union syndicale Solidaires, SUD) phát động các cuộc biểu tình tuần hành. Ngoài ra các nghiệp đoàn này bao gồm các thành viên trong các xí nghiệp tư nhân và nhất là công sở và, đặc biệt, các công ty công như SNCF (Société Nationale Chemin de Fer, Công ty quốc gia Ðường Sắt, tức Xe lữa) và RATP (La Régie autonome des transports parisiens, Công quản chuyên chở Paris, bus và métro) là những vũ khí bắt chẹt người đi làm việc hay công chuyện, chữa bịnh...

Hiện thời, Chính phủ E. Phillipe đang theo dõi số người đình công và biểu tình tăng hay giảm để, theo đó, nhượng bộ hay không trong các cuộc thương thảo với các nghiệp đoàn thợ. Trong khi đó, các nghiệp đoàn chủ hình đang xem đôi bên hành động.

Thật ra, việc cải tổ này không thể chậm trể hơn nữa vì số người hưởng hưu bổng ngày càng gia tăng mà số người lao động đang đóng Quỹ Hưu Bổng không tăng nhanh bằng.

Hà Minh Thảo

 
Giải đáp phụng vụ: Lựa chọn bài đọc cho lễ Giáng sinh.
Nguyễn Trọng Đa
10:40 31/12/2019
Giải đáp phụng vụ: Lựa chọn bài đọc cho lễ Giáng sinh.

Nói thêm về lễ trọng Đức Mẹ Mùa Vọng.

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Con thường tự hỏi Hội Thánh cho phép sự tự do như thế nào về việc lựa chọn bài đọc cho lễ Giáng Sinh. Trong Sách bài đọc năm 1970 được sử dụng ở Úc, có một dấu hiệu rõ ràng về mức độ linh hoạt. Sách nói: “Các bài đọc này sẽ được sử dụng trong Thánh lễ tối ngày 24-12, hoặc trước hoặc sau Giờ Kinh Chiều I của lễ Giáng sinh. Các bài đọc này cũng có thể được sử dụng cho các Thánh lễ vào ngày lễ Giáng sinh, với sự lựa chọn các bài đọc từ một trong ba Thánh lễ Giáng sinh, tùy theo nhu cầu mục vụ của mỗi cộng đoàn.” Liệu có đúng chăng, khi nói rằng các bài đọc của lễ Vọng Giáng Sinh không thể được dùng trong các thánh lễ Giáng Sinh khác? Dường như có một số lợi thế tiềm năng cho một người giảng thuyết, trong việc sử dụng chỉ một bộ bài đọc. Việc sử dụng chỉ một bộ mỗi năm, theo thời gian, cũng cho phép khả năng nghe hiểu của các người chỉ tham dự một trong các Thánh lễ Giáng sinh vào cùng một thời điểm mỗi năm (dường như hầu hết mọi người), hơn là nhiều hơn một bộ bài đọc cho lễ Giáng sinh. Một câu hỏi khác liên quan đến việc cử hành Thánh lễ ở Úc. Năm 2020, một trong các lễ kỷ niệm quốc gia của chúng con, Ngày Quốc Khánh Úc rơi vào Chúa Nhật 26-1. Giáo lịch (Ordo) Úc dường như chỉ ra rằng có thể sử dụng Thánh lễ Chúa Nhật hoặc Thánh lễ Quốc Khánh Úc, với các bài đọc của lễ riêng. Điều này có vẻ hơi kỳ lạ đối với con, nhưng con không thể tìm thấy bất kỳ dấu hiệu xếp hạng nào cho ngày Quốc khánh như vậy trong Bảng ưu tiên các ngày phụng vụ. Theo cha, cha gợi ý như thế nào? - J. D., Wagga Wagga, Úc.

Đáp: Về câu hỏi đầu tiên, chúng ta có thể xem các nguyên tắc được nêu trong phần giới thiệu về Sách bài đọc:

“3. Các nguyên tắc cần tuân thủ trong việc sử dụng thứ tự các bài đọc

“a) Tự do lựa chọn một số bản văn

“78. Thứ tự các bài đọc đôi khi để cho vị chủ tế lựa chọn giữa các bản văn thay thế, hoặc chọn một trong số các bản văn được liệt kê cùng nhau cho cùng một bài đọc. Sự tùy chọn hiếm khi tồn tại vào ngày Chúa Nhật, lễ trọng, hoặc lễ kính, để không làm lu mờ đặc tính phù hợp với mùa phụng vụ cụ thể, hoặc không cần thiết làm gián đoạn việc đọc bán liên tục của một sách Kinh thánh nào đó. Mặt khác, sự tùy chọn này được đưa ra dễ dàng trong các lễ các Thánh, trong lễ nghi thức, Thánh lễ cho các nhu cầu và các dịp khác nhau, Thánh lễ ngoại lịch và Thánh lễ cầu hồn.

“Các túy chọn này, cùng với các tùy chọn được nêu ra trong Quy Chế Tổng Quát Sách lễ Rôma (GIRM) và Ordo cantus Missae, có một mục đích mục vụ. Khi sắp xếp phụng vụ Lời Chúa, linh mục nên ‘xem xét lợi ích tinh thần chung của cộng đoàn hơn là quan điểm cá nhân của mình. Ngài nên lưu ý rằng việc lựa chọn các bản văn phải được thực hiện hài hòa với các thừa tác viên và các vị khác có vai trò trong buổi lễ, và nên lắng nghe ý kiến của các tín hữu, trong những gì liên quan trực tiếp đến họ.’”

Khi đề cập đến các bài đọc cho lễ Giáng sinh, phần giới thiệu là khá ngắn gọn:

“95. Đối với lễ Vọng và ba Lễ Giáng Sinh, cà các bài đọc ngôn sứ và các bài khác đã được chọn từ truyền thống Rôma.”

Tuy nhiên, Sách bài đọc cũng có chữ đỏ trên trang cho ngày lễ Giáng Sinh, vốn phù hợp với các nguyên tắc mục vụ của Phần giới thiệu, chỉ ra rằng các bài đọc của một Thánh lễ Giáng sinh có thể được sử dụng cho các thánh lễ khác, miễn là thứ tự thích hợp (Cựu Ước, Thánh vịnh, Tân Ước, Tin Mừng) luôn được giữ lại.

Do đó, có một sự mở rộng nhất định liên quan, đặc biệt là khi đại đa số giáo dân chỉ tham dự một Thánh lễ Giáng sinh. Việc sử dụng sự tự do như vậy có thể gây ra một sự nhầm lẫn nhỏ trong các giáo xứ, vốn thường xuyên sử dụng các tờ Thánh lễ hoặc sách nhỏ có chứa tất cả các bài đọc. Trong các trường hợp như vậy, việc sử dụng các bản văn khác nhau nên được lên kế hoạch trước để có được lợi ích mục vụ thực sự.

Liên quan đến Ngày Quốc Khánh Úc (26-1) và các dịp tương tự khác như Lễ Tạ ơn hoặc Quốc khánh 4-7 tại Hoa Kỳ, Hội nghị Giám mục có thể đệ trình một mẫu Thánh lễ cụ thể cho ngày đó, để được Tòa Thánh phê chuẩn. Tuy nhiên, các lễ kỷ niệm như vậy không có được bất kỳ vị trí hoặc thứ hạng ưu tiên nào trong lịch phụng vụ, và sẽ tuân theo các quy tắc tương tự như của một Thánh lễ ngoại lịch.

Thí dụ: trong lịch chính thức của Hoa Kỳ, chúng ta thấy về Ngày quốc khánh:

“Ngày 4-7, Thứ năm, ngày trong tuần; Áo xanh/ trắng [Hoa Kỳ: Ngày Quốc Khánh] Gn 22: 1b-19 / Mt 9: 1-8 (380) hoặc, cho Ngày Quốc Khánh, bất kỳ bài đọc nào từ Sách bài đọc cho Thánh lễ (tập IV), Thánh lễ ‘Cầu cho Quốc gia hoặc Thành phố,’ các số 882-886, hoặc ’Cầu cho Hòa bình và Công lý,’ các số 887-891.”

Lưu ý rằng không có dấu hiệu của thứ hạng ưu tiên liên quan đến lễ này. Lần cuối cùng lễ này trùng váo ngày Chúa Nhật là năm 2010, và lịch phụng vụ cho năm đó không đề cập đến Ngày Quốc khánh. Do đó, tôi có thể cho rằng các lễ này thường không thay thế Thánh lễ Chúa Nhật của mùa Thường niên, mặc dù một Giám mục hoặc Hội đồng Giám mục có thể cấp phép đặc biệt để làm như vậy.

Tôi đã không thể tìm thấy dấu hiệu liên quan đến việc thay thế các bài đọc vào Chúa Nhật III của Mùa Thường niên, trong lịch phụng vụ trực tuyến năm 2020 cho nước Úc.

Dường như không có sự thực hành thống nhất, và một số giáo phận đã tuyên bố rằng họ sẽ cử hành Thánh lễ vào ngày thứ Hai 27-1, trùng với ngày lễ nghỉ. Một giáo phận đã công bố Thánh lễ Ngày Quốc khánh đặc biệt của Úc vào Chúa Nhật trong nhà thờ chính tòa, nhưng lễ cũng được tổ chức bởi các nhóm đặc biệt mà ngày này có ý nghĩa đặc biệt với họ.

Ý kiến cá nhân của tôi sẽ là rằng lễ ngày Chúa Nhật nên nói tới ngày Quốc khánh, cầu cho quốc thái dân an, trong Lời nguyện các Tin hữu và bài giảng.

Sau khi tôi trả lời về lễ Đức Mẹ Vô hiễm trùng với lễ Chúa Nhật năm 2019, một bạn đọc đã đưa ra một số nhận xét thích đáng.

Về việc chuyển nghĩa vụ tham dự thánh lễ, bạn này nói: “Ít nhất là ở Hoa Kỳ, chúng con đã được khuyên từ nhiều năm qua rằng nếu lễ Đức Mẹ Vô nhiễm được chuyển sang ngày 9-12, nghĩa vụ KHÔNG được chuyển qua.”

Điều trên là đúng vì Giáo luật Hoa Kỳ cho biết các điều sau đây liên quan đến các ngày lễ đối với Hội Thánh hoàn vũ:

“Điều 1246. §1. Ngày Chúa Nhật, tức ngày cử hành mầu nhiệm Vượt Qua, do truyền thống từ các thánh tông đồ, phải được giữ trong toàn thể Hội Thánh như ngày lễ trọng nguyên khởi bắt buộc. Ngoài ra, còn phải giữ các ngày lễ Sinh Nhật Chúa Giêsu, lễ Hiển Linh, lễ Chúa Lên Trời, lễ Mình Thánh và Máu Thánh Chúa Giêsu, lễ Ðức Maria Mẹ Thiên Chúa, lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm, lễ Ðức Mẹ Lên Trời, lễ Thánh Giuse, lễ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Ðồ, lễ Các Thánh.

§2. Tuy nhiên, với sự phê chuẩn của Tòa Thánh, Hội Ðồng Giám Mục có thể bỏ bớt vài ngày lễ buộc hay chuyển dời qua ngày Chúa Nhật.” (Bản dịch Việt ngữ của các Linh Mục: Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh.)

Một số bài bình luận về Bộ Giáo luật về các ngày lễ buộc đồng ý rằng nghĩa vụ này không được chuyển qua. Tuy nhiên, như có thể thấy ở trên đây, các Hội đồng Giám mục đã có sự rộng rãi trong việc lựa chọn miễn các lễ buộc, vốn trùng ngày lao động hoặc đã được chuyển qua, và thậm chí giảm tổng số ngày lễ buộc nữa.

Các Giám mục Hoa Kỳ thường miễn kiêng việc xác trong các ngày làm việc, và cũng miễn việc buộc tham dự Thánh lễ trong hầu hết các trường hợp, khi lễ rơi vào Thứ Bảy hoặc Thứ Hai. Một số ngày lễ cũng đã được dời qua ngày Chúa Nhật.

Các Hội đồng Giám mục khác đã đưa ra các lựa chọn khác phù hợp với thực tế mục vụ của họ. Thật vậy, dường như chỉ có Thành phố Vatican và khu vực Ticino của Thụy Sĩ vẫn giữ lại tất cả các ngày thánh, được đề cập trong Điều luật 1246 vào các ngày riêng của họ.

Bạn đọc này cũng nhận xét: “Về một ngoại lệ vĩnh viễn để mừng lễ Đức Mẹ Vô nhiễm vào Chúa Nhật, nó dường như đã được ban cho Argentina và Peru, và có lẽ một số quốc gia khác.”

Tôi đã không biết điều này, và đó là sự thật. Vì đây chủ yếu là một sự nhượng bộ mục vụ, nên có một số điều kiện trong việc áp dụng ngoại lệ này:

- Nó chỉ áp dụng cho các Thánh lễ có các tín hữu. Các linh mục cử hành hoặc đồng tế, mà không có sự hiện diện của tín hữu, phải tuân theo lịch phổ quát.

- Để không làm mất ý nghĩa của Mùa Vọng, bài đọc thứ hai phải là bài đọc của Chúa Nhật Mùa Vọng.

- Bài giảng cần nhắc đến Mùa Vọng.

- Trong Lời nguyện các tín hữu, ít nhất một lời cầu có ý nghĩa về Mùa Vọng, và lời nguyện phải kết thúc với lời Tổng nguyện của Chúa Nhật II Mùa Vọng của chu kỳ tương ứng (năm A, B, C).

- Sự nhượng bộ chỉ liên quan đến Thánh lễ có các tín hữu, và do đó không áp dụng cho phần Các Giờ Kinh Phụng vụ. (Zenit.org 31-12-2019)

Nguyễn Trọng Đa

https://zenit.org/articles/choice-of-readings-for-christmas/
 
Văn Hóa
Chào tiễn biệt năm 2019 và đón mừng năm mới 2020!
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
10:38 31/12/2019
Năm 2019 đã đến trong trần gian với con người, đã phục vụ như có thể, và có thể ra đi.

Với nhiều người có thể năm 2019 là một năm gặt hái được nhiều thành công kết qủa tốt đẹp. Với nhiều người lại là một năm không có mấy thành công tốt đẹp như mong ước. Nhưng với người tín hữu Chúa Kitô năm 2019 là năm của Chúa - Annus Domini -

Trong năm 2019 Annus Domini đã xẩy diễn ra sự vui mừng và đau khổ, nụ cười và tiếng khóc, khoẻ mạnh và bệnh nạn, hy vọng và lo âu sợ sệt, lạc quan và bi quan, tình yêu mến và sự nghiêng chiều, chan chứa thiện cảm và lạnh lùng cứng nhắc, tin tưởng được nâng đỡ và bị bỏ rơi, sự sống và sự chết, nghỉ ngơi và làm việc, cùng nhiều những sự việc khác nữa đan chéo song song với nhau.

Năm 2019 với 52 tuần lễ, 365 ngày, 525.600 phút và 31.536.000 giây mà con người đã sử dụng cho nhu cầu đời sống. Thời gian năm 2019 đã phục vụ đời sống con người, và nó có thể từ giã ra đi trong tâm tình biết ơn và có thể cũng trong luyến tiếc, ân hận ái ngại, hay sự cay đắng của con người.

Năm 2019 ra đi thuộc về qúa khứ. Nhưng Chúa vẫn hằng luôn ở bên cạnh với con người. Lễ mừng Chúa Giêsu giáng sinh với những trang trí hình tượng đèn điện qua đi. Nhưng ơn Chúa ban cho tâm hồn đức tin con người không phai nhạt qua đi. Trái lại những kỷ niệm dư âm ngày lễ mừng chan chứa tình yêu thương còn khắc ghi trong trái tim tâm hồn con người. Vì Thiên Chúa đã xuống trần gian làm người trong hình hài một trẻ thơ. Thiên Chúa qua Chúa Giêsu làm người đã trao tặng con người nhân vị mới không có thể bị phá huỷ. Thiên Chúa làm người để con người sống là người con của Chúa.

Chúa Giesu đã đoan hứa Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho tới tận thế. ( Mt 28,20). Đó là qùa tặng, là ân sủng của Chúa cho con người.

Thánh Phaolô tromg thư gửi các Giáo đoàn của Ông luôn bắt đầu cũng như kết thư bằng lời: Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ân sủng và bình an. Qua những lời đó Thánh Phaolô muốn gây khơi lên niềm hy vọng nơi những người tín hữu Chúa Kitô: Thiên Chúa hằng luôn ở bên cạnh nâng đỡ tinh thần tâm hồn con người trong mọi giai đoạn đời sống.

Thật không còn gì cao qúi tràn đầy niềm phấn khởi cho tinh thần con người hơn những lời linh hướng gây niềm tin tưởng phấn chấn đạo đức này nữa!

Món qùa tặng ân sủng, tình yêu Thiên Chúa và luôn hằng ở bên cạnh cùng lòng Chúa thương xót cho con người qua Chúa Giêsu sinh xuống làm người mang ân sủng đến trần gian vào dịp lễ mừng Chúa giáng sinh luôn hằng có gía trị bước sang ngưỡng cửa thời gian năm mới đến kế tiếp.

Hướng tầm con mắt tâm hồn nhìn ngược trở lại thời gian năm cũ đang đi vào thời gian kết thúc, dù khám phá nhận ra hay không khám phá nhận ra, dù đời sống có những ngày tháng tốt đẹp hay phải trải qua những đau khổ lo âu, ân sủng của Chúa vẫn luôn có đó cho con người. Bàn tay quan phòng của Chúa luôn rợp bóng che chở chúc lành cho đời sống con người, mà con mắt thường con người không thể nào nhìn thấy được.

Đời sống con người thể xác cũng như tinh thần hầu như luôn trong vòng yếu kém. Vậy đâu là hành động gây tác dụng hiệu qủa tích cực của Chúa cho con người?

Thánh Phaolo trong thư thứ hai gửi tín hữu giáo đoàn Corintho đã viết lên kinh nghiệm đức tin của mình:

„ Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này.9 Nhưng Người quả quyết với tôi: "Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối." Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Ki-tô ở mãi trong tôi.“ (2 cor 12,8-10).

Đó đây hằng ngày chúng ta nghe, đọc những tin tức nói về sự suy yếu kém của người khác, cùng ngay cả nơi bản thân mỗi người nữa. Chúng ta nhìn thấy nghe biết được những nỗi thống khổ, những hoang mang lo sợ lạc mất phương hướng của con người. Chúng ta con người cảm thấy mình yếu đuối không có khả năng để có thể đề cập cùng giải quyết những vấn đề đó.

Hồ nghi hoang mang, nhưng chúng ta không bị bỏ rơi sống bơ vơ. Vì ân sủng của Chúa luôn ban xuống, nếu sẵn sàng tiếp nhận cho ơn Chúa thấm nhập sinh hoa kết qủa nơi đời sống.

Những Bí Tích đời sống đức tin là những dấu chỉ của ân sủng Chúa mang sự chữa lành cho tâm hồn đời sống.

Biết bao cha mẹ Công Giáo đã hằng bồng ẵm con thơ bé của mình sau khi chúng mở mắt chào đời đến dâng cho Thiên Chúa. Trong vòng tay cha mẹ, khi làn nước Bí Tích rửa tội đức tin vào Chúa Giêsu dội xuống chẩy trên đỉnh đầu, em bé giật mình mở mắt chiếu tỏa ánh sáng trong lành bật tiếng khóc hay nhoẻn miệng tươi cười nhìn cha mẹ em.

Như hình tượng dấu chỉ ân sủng cùng lời đoan hứa sự sống của Chúa cho em bé vừa nhận lãnh làn nước Bí tích rửa tội, cây nến rửa tội của em được đốt thắp lên từ ngọn lửa cây nến Chúa Giêsu phục sinh.

Lớn lên vượt qua ngưỡng cửa lớp tuổi trẻ thơ và bước sang giai đoạn lứa tuổi thanh thiếu niên, các bạn trẻ lần đầu tiên tíếp nhận Tấm Bánh Thánh Thể tình yêu Chúa Giêsu cho tâm hồn đức tin trong lòng bàn tay của mình. Tấm bánh thánh thể Chúa Giêsu là lương thực nuôi dưỡng đức tin cho con người. Qua đó sức mạnh và ân sủng của Chúa ban xuống trong trái tim tâm hồn người lãnh nhận.

Là người Công Giáo từ khi lãnh nhận lần đầu tiên Bí tích Mình Thánh Chúa, trong dòng đời sống còn lãnh nhận Bí tích hòa giải xin Thiên Chúa tha thứ những tội lỗi khiếm khuyết trong đời sống đã lỗi phạm cùng Thiên Chúa và anh chị em với nhau trong lời nói, trong hành đống và cả trong tâm tư suy nghĩ nữa, đồng thời xin nguồn ân sủng Chúa xuống thêm sức cho tâm hồn tinh thần sống xứng đáng là con của Thiên Chúa.

Và Bạn trẻ sau đó còn lãnh nhận ân sủng Chúa qua Bí Tích Thêm Sức. Thiên Chúa trao ban Đức Chúa Thánh Thần qua lời cầu nguyện và đặt tay xức dầu thánh của Đức Giám Mục trên trán: Con hãy lãnh nhận Đức Chúa Thánh Thần!

Ân sủng Chúa ban sức mạnh ơn can đảm củng cố đức tin cho bạn trẻ sống làm chứng cho đức tin vào Chúa qua đời sống.

Với niềm vui mừng hân hoan cùng chan chứa niềm hy vọng các bạn thanh niên nam nữ đã tay trong tay dắt tay nhau đến trước bàn thờ Thiên Chúa trao cho nhau lời ưng thuận nhận nhau làm vợ chồng. Đồng thời để nói lên lòng trung thành với nhau, họ đã trao cho nhau những chiếc nhẫn hôn phối như dấu chỉ sự giao ước gắn bó tình yêu vợ chồng với nhau mọi ngày trong đời sống.

Qua đó họ được Thiên Chúa nguồn tình yêu ban ân sủng của Người cho đời sống hôn nhân của họ.

Dòng nước mắt, sự đau buồn, nhớ thương, lo sợ đã ẩn hiện chế ngự trong đời sống kéo dài hằng ngày, cùng năm tháng, khi ai đó người thân yêu trong gia đình đã từ gĩa ra đi khỏi cuộc sống trần gian.

Lạy Chúa, xin cho họ nhận được ánh sáng phục sinh Chúa và ân sủng cùng lòng thương xót của Chúa trong nếp sống mới!

Thánh Phaolo trong cuối thư thứ hai gửi Giáo đoàn Côrinthô đã viết những lời cầu chúc gói trọn trong tâm tư:

„ Ngoài ra, thưa anh em, anh em hãy vui mừng và gắng nên hoàn thiện. Hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hoà. Như vậy, Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an, sẽ ở cùng anh em.
Anh em hãy hôn chào nhau cách thánh thiện. Mọi người thuộc dân thánh ở đây gửi lời chào anh em. Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần. A-men.“.

Năm mới 2020 đang tiến dần vào với đất trời, vào với đời sống con người trên trần gian. Không ai chúng ta biết trước được đàng sau cánh cửa sẽ diễn biến xảy ra như thế nào. Tất cả còn ẩn dấu và đang chờ đợi chúng ta. Năm mới mọi sự còn mới, và dần dần trong thời gian sẽ khai mở ra trong cùng cho đời sống con người.

Chúng ta với lòng tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa, và sự lạc quan tâm niệm nói lên rằng: Xin hân hoan chào đón Năm Mới 2020 đến.

Và xin cầu chúc ân sủng của Chúa, sức khoẻ niềm vui và bình an cho nhau!

Chúc mừng Năm Mới 2020
Lm. Daminh Nguyễn Ngọc Long
 
VietCatholic TV
Vua Thái Rama thứ 10 chúc mừng Giáng Sinh và Năm Mới Đức Thánh Cha Phanxicô, bày tỏ lòng quý mến ngài
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:52 31/12/2019
Nhật báo Khao Sod, ấn bản Anh Ngữ, cho biết Vua Thái Rama thứ 10 chúc mừng Giáng Sinh Đức Thánh Cha Phanxicô, bày tỏ lòng quý mến ngài, đánh giá cao chuyến tông du của Đức Thánh Cha từ ngày 20 đến 23 tháng 11 vừa qua, cũng như những đóng góp của Giáo Hội Công Giáo cho đất nước Thái Lan, đặc biệt trong các lãnh vực giáo dục, y tế, và bác ái.

Nhật báo Khao Sod là tờ nhật báo Thái Lan, được thành lập năm 1991, được coi là có xu hướng đại chúng, hiện đứng hàng thứ ba về số lượng phát hành.

Trong những ngày này Vua Thái Rama thứ 10 đang bận rộn với các nghi thức hậu đăng quang. Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là một cảnh trong nghi thức hậu đăng quang. Nhà vua và hoàng hậu Suthida của Thái Lan đã đi cùng đoàn rước trên sông từ bến tàu Wasukri đến bến tàu Ratchaworadit gần Hoàng cung Bangkok.

Vua Thái Rama thứ 10 tên là Vajiralongkorn sinh ngày 28 tháng 7 năm 1952, là vua của Thái Lan kể từ năm 2016. Ông là con trai duy nhất của Vua Bhumibol Adulyadej và Hoàng hậu Sirikit. Sau cái chết của cha mình vào ngày 13 Tháng 10 năm 2016, ông được dự kiến sẽ lên ngôi vua, nhưng ông đã yêu cầu có thêm thời gian để than khóc phụ hoàng trước khi lên ngôi.

Do đó, mãi đến ngày 4 tháng 9 vừa qua ông mới chính thức đăng quang.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là cảnh Vua Thái đón tiếp Đức Thánh Cha Phanxicô tại Hoàng Cung vào lúc 5g chiều ngày thứ Năm 21 tháng 11, tức là một giờ trước khi Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ tại Sân Vận Động quốc gia của thủ đô Bangkok.

Đức Giáo Hoàng đến thăm Thái Lan là để đánh dấu 350 năm công cuộc truyền giáo tại Xiêm La vào năm 1669, khi 2 nhà truyền giáo đầu tiên tới Vương Quốc này.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng “không có cuộc gặp gỡ đó, Kitô Giáo chắc chắn đã thiếu khuôn mặt của các con. Đã thiếu các bài ca và điệu múa vốn mô tả nụ cười Thái, hết sức đặc trưng của lãnh thổ các con”.

Vào năm 2019, tài sản của Vua Rama thứ 10 ước tính khoảng 20 tỷ Mỹ Kim.

Thái Lan có một luật đặc biệt gọi là “lèse majesté”, tức là luật khi quân, trong đó cấm không ai được chỉ trích nhà vua, hoàng hậu, hoàng thái tử. Gần đây, Vua Rama thứ 10 còn bổ sung luật này, thêm vào danh sách cấm không được phê bình các vị vua quá cố, các thành viên của gia đình hoàng gia, và thậm chí cả các con vật mà họ nuôi. Những ai vi phạm luật khi quân sẽ bị phạt với số tiền phạt rất lớn và bị kết án tù lên đến 35 năm.

Tuy nhiên, cuộc sống riêng tư của vua Thái tiếp tục là một chủ đề gây nhiều tranh cãi trong các cuộc thảo luận ở Thái Lan, mặc dù không công khai.

Vua Thái được báo chí, đặc biệt là các phương tiện truyền thông bên ngoài Thái Lan, mô tả là một người ăn chơi trụy lạc khi sống ở hải ngoại.

Tưởng cũng nên nhắc lại, một tháng trước khi Đức Thánh Cha đến thăm nước này, Vua Thái Lan đã gây kinh ngạc thế giới khi tước bỏ tất cả các cấp bậc và danh hiệu của một thứ phi, chỉ vài tháng sau khi bà được trao tặng các tước hiệu danh dự này.

Thật vậy, chỉ mới tháng Bảy vừa qua nhà vua đã phong cho Sineenat Wongvajirapakdi là “thứ phi chính thức” bên cạnh tân hoàng hậu - nhưng sau đó chính nhà vua đã ra lệnh tước bỏ tất cả để trừng phạt Sineenat vì tham vọng muốn đề cao bản thân lên một vị thế “giống như hoàng hậu”.

Sineenat, sinh năm 1985, trong một gia đình nghèo ở miền bắc Thái Lan. Đầu tiên cô làm y tá trong quân đội. Cô đã lọt vào mắt Vajirusongkorn lúc bấy giờ là hoàng tử. Cô được cất nhắc lên trở thành vệ sĩ, và rồi trở thành phi công lái máy bay chiến đấu. Đầu năm nay, cô được bổ nhiệm làm trung tướng không quân.

Cô mơ được trở thành hoàng hậu sau khi Vajirusongkorn lên ngôi vào năm 2016. Nhưng nhà vua đã chọn Suthida, một vệ sĩ 41 tuổi, lớn hơn cô đến 7 tuổi làm hoàng hậu thứ tư. Có lẽ để giảm bớt căng thẳng nên tháng Bẩy vừa qua, nhà vua đã ban cho danh hiệu “thứ phi chính thức” và hoàng gia tung lên trang web của mình một loạt các hình ảnh đẹp về Sineenat, đặc biệt là các hình ảnh cô lái các máy bay chiến đấu cùng với một tiểu sử chính thức của cô. Những động thái này đã khiến đông đảo người Thái ngưỡng mộ cô, một phụ nữ rất đẹp. Những thứ này đã được gỡ bỏ khỏi trang web chính thức vào hôm thứ Hai trong sự ngỡ ngàng của người dân Thái.

Tuyên bố của vua Vajirusongkorn cho biết cô có nhiều “tham vọng” và cố gắng “nâng mình lên vị thế ngang hàng với hoàng hậu”.

“Hành vi của thứ phi được coi là thiếu tôn trọng, thể hiện sự bất tuân chống lại nhà vua và hoàng hậu và lạm dụng danh nghĩa của nhà vua để đưa ra các lệnh lạc”.

Nhà vua, nói thêm “thứ phi không biết ơn các danh hiệu được ban cho mình, cũng không cô cư xử một cách thích hợp theo vị thế của một thứ phi”.

Đây không phải là lần đầu tiên Vajirusongkorn tước bỏ các danh hiệu của những người vợ của ông ta.

Những gì bất ngờ xảy ra với Sineenat chỉ lặp lại những gì đã xảy ra với hai người vợ cũ của ông.

Năm 1996, ông ta đã ra tuyên bố từ bỏ người vợ thứ hai của mình, là Công Chúa Sujarinee Vivacharawongse và bốn người con trai mà ông ta có với cô. Công Chúa Sujarinee đã trốn sang Hoa Kỳ và im lặng từ đó đến nay.

Vào năm 2014, người vợ thứ ba của ông Srirasmi Suwadee đã bị tước bỏ mọi chức danh và bị trục xuất khỏi hoàng gia trong khi cha mẹ cô bị bắt và bỏ tù vì tội dám kêu ca bôi bác hoàng gia. Con trai của họ, năm nay 14 tuổi, hiện được ông ta nuôi dưỡng.