Ngày 28-12-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:22 28/12/2011
CÂM ĐIẾC
N2T

Có anh điếc và anh câm, hai người rất kiêng tránh người khác biết cái tật câm điếc của họ.
Một hôm anh điếc gặp anh câm, bèn mời anh ta hát một bài để nghe chơi, anh câm biết anh ta bị điếc, bèn nhóp nhép miệng, lại còn giả bộ dùng tay để giữ nhịp nữa. Anh điếc nghiêng người nghe rất lâu, nhìn thấy miệng anh câm không động đậy, thì lập tức nói:
- “Rất lâu rồi không thưởng thức giọng ca hay của anh, không ngờ mới đây thôi mà tiến bộ rất là nhanh”.

Suy tư:
Người bị câm điếc nơi thân xác thì tự mình khổ, nhưng người bị câm điếc trong tâm hồn thì lại làm cho người khác khổ, không những khổ trong tâm hồn mà còn khổ nơi thân xác nữa.
Người bị điếc trong tâm hồn thì không nghe thấy lời than van oán trách của người khác, không nghe tiếng khóc nức nở của người bị đàn áp bất công, không nghe được tiếng Chúa nói trong tâm hồn và trong cuộc sống của họ...
Người bị câm trong tâm hồn thì không dám nói lên sự thật, không dám nói lên nỗi bất công của người khác, họ chỉ biết nói Lời Chúa bằng môi miệng, nhưng không biết nói Lời Chúa bằng tâm hồn, bởi vì tâm hồn họ đã bị câm trước những cám dỗ của thế gian.
Người câm và người điếc trong tâm hồn thì giống như người khôn ngoan thường che giấu cái sở trường của mình, người nông cạn thì đem cái sở đoản của mình đi khoe khắp thiên hạ để hù dọa người khác.
----------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:24 28/12/2011
N2T

34. Trên thiên đàng, vĩ đại mà không thể đánh giá, giàu có mà không có trắc lượng, vĩnh viễn mà không có chung kết.

(Thánh Gregory)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Năm yếu tố cần thiết cho niềm vui
Bùi Hữu Thư
10:05 28/12/2011
Bài diễn văn với Giáo Triều
ROME, (Le Monde vu de Rome) – Bài diễn văn của Đức Thánh Cha Benedict XVI với giáo triều Rôma, về các lời chúc mừng truyền thống ngày Lễ Giáng Sinh đã có một tiếng vang lớn mạnh trên toàn thế giới. Đức Thánh Cha Benedict XVI trong khi nhấn mạnh là “cốt lõi của cuộc khủng hoảng tại Âu Châu là cuộc khủng hoảng về đức tin”, ngài đã đề nghị năm điều để tái thiết việc loan truyền Phúc Âm trên đại lục xưa cổ này.

Linh mục Federico Lombardi, giám đốc văn phòng truyền thông của Tòa Thánh, nhắc lại các lời chúc của Đức Thánh Cha, trong bài báo Octavia Dies, là tờ tuần báo của đài truyền hình Vatican.

Linh mục Lombardi đã ghi nhận, “Năm nay, một lần nữa Đức Thánh Cha đã thành công trong việc nói với chúng ta một vài điều hay ý đẹp, cao cả và khích lệ.”

Cha tiếp, “Ngài đã dùng một suy tư về một trong các kinh nghiệm đã đánh động ngài nhiều nhất trong năm nay, đó là Ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Madrid."

Trong bài diễn văn, Đức Thánh Cha đã xác định “một phương cách mới hơn, tươi trẻ hơn để làm Kitô hữu” qua năm điều cần phải hiểu để loan truyền – và bình luận – với một thế giới dường như “mệt mỏi” và “chán chường” vì là Kitô hữu:

Điều đầu tiên, cha Lombardi nói là “một kinh nghiệm mới về đặc tính Công Giáo và hoàn vũ của Giáo Hội: sự việc chúng ta tất cả đều là an chị em không phải là một ý tưởng, mà là một kinh nghiệm.”

Điều thứ hai là việc nhìn nhận rằng “hiện hữu cho tha nhân là điều tốt lành”: “Thời gian và đời sống tìm được ý nghĩa khi được ban phát cho tha nhân, thay vì chỉ khư khư giữ cho riêng mình.”

Sau đó, là sự thờ phượng: “là đọc kinh Tin Kính trước Chúa Kitô Phục Sinh hiện diện trong Mình Thánh: Thiên Chúa thực sự hiện diện giữa chúng ta, cho chúng ta và với chúng ta.”

Cha Lombardi tiếp: sau đó là “sự tha thứ của Thiên Chúa với mỗi người chúng ta trong bí tích xám hối, để loại trừ vĩnh viễn tính kiêu ngạo của chúng ta, để làm nhẹ gánh nặng của chúng ta và mở lòng chúng ta cho tình yêu một lần nữa.” Cha kết luận, “Cuối cùng, sự xác tín là mình được mong muốn, chấp nhận, mời gọi và yêu mến bởi Thiên Chúa.”

Cha Lombardi tóm lược năm yếu tố này như sau: Cùng nhau, tự dâng hiến, tin tưởng, xin tha thứ, trao phó cho tình yêu.” Nhờ năm yếu tố này, “đời sống cởi mở ra cho niềm vui.” “Nếu không, những hoài nghi về sự tốt lành của đời sống sẽ không tìm được câu trả lời và trở nên không thể vượt thắng, và đời sống chỉ làm mồi cho sự buồn chán.”

Cha Lombardi nhận xét: “Nơi đâu có sự nghi ngờ về Thiên Chúa trở nên trầm trọng, thì điều không thể tránh được là sự nghi ngờ về vấn đề hiện hữu của chính con người cũng tiếp theo sau. Nhưng Thiên Chúa tự biến thành con người chính là để giúp chúng ta vượt thắng hai sự nghi ngờ này," do đó: "được làm người là điều tốt, ngay cả trong những thời kỳ khó khăn nhất."
 
Sri Lanka: Lễ Giáng sinh giữa người di dân, vì hòa bình và hòa giải
Phạm Kim An
10:22 28/12/2011
Sri Lanka: Lễ Giáng sinh giữa người di dân, vì hòa bình và hòa giải

Colombo - "Lễ Giáng sinh năm nay giới thiệu với chúng ta các thách thức lớn. Lễ nhắc nhở chúng ta rằng sự sống luôn là một quà tặng độc đáo của Thiên Chúa, sự tôn trọng sâu sắc mà chúng ta có với nhau, vượt qua tất cả các sự khác biệt về sắc tộc, tín ngưỡng, hoặc dân tộc, và nhu cầu lớn của chúng ta vì sự đoàn kết và hòa giải", Đức Hồng y Malcolm Ranjith, và Đức Ông Norbert M. Andrade, chủ tịch và tổng thư ký của Hội đồng Giám mục Sri Lanka (CBCSL) nói, trong một thông điệp chúc mừng Giáng sinh cho người dân, khi nhấn mạnh sự cần thiết phải thiết lập một cam kết chung cho hòa bình "thực sự và lâu dài", và khôi phục "sự bình thường" trong đời sống của 200.000 người di dân nội địa của đất nước, gần ba năm sau khi kết thúc cuộc nội chiến.

Thông điệp viết: “Nhân ngày lễ của Hoàng tử hòa bình, chúng ta phải phấn đấu để vượt qua các định kiến, vốn làm cho chúng ta xa nhau, bởi vì vào thời điểm này hòa giải là nhu cầu lớn nhất của chúng ta. Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta đều là anh chị em với nhau, là con cái của Chúa, dù chúng ta ở nơi đâu và dù chúng ta là ai chăng nữa. Chúng ta phải trở thành các khí cụ của Chúa và người xây dựng hòa bình".

Đức Hồng y Ranjith, Tổng Giám Mục tổng Giáo phận Colombo, nhắc đến hàng ngàn người di dân nội địa: "Lễ Giáng sinh thúc đẩy chúng ta gặp gỡ Chúa giữa người túng thiếu và người nghèo nhất trong xã hội, biết bao nhiêu gia đình đang chờ đợi để trở về nhà của họ. Cũng như các mục đồng ở Bêlem, chúng ta chấp nhận sự thách thức của Thiên Chúa, và chúng ta đi gặp gỡ Chúa Kitô, Đấng nằm trong nhiều “hang đá” của cuộc đời chúng ta”. (AsiaNews 27-12-2011)

Phạm Kim An
 
Nepal: Năm nay các nhà thờ mừng lễ Giáng sinh lớn nhất trong lịch sử Nepal
Nguyễn Trọng Đa
10:24 28/12/2011
Nepal: Năm nay các nhà thờ mừng lễ Giáng sinh lớn nhất trong lịch sử Nepal

Kathmandu – Lễ Giáng sinh năm nay là lễ mừng lớn nhất trong lịch sử của đất nước, các nhà lãnh đạo Kitô giáo nói. Hàng ngàn người ngoài Kitô giáo đã tham dự thánh lễ trong các nhà thờ Công Giáo và Tin Lành ở Nepal.

Một đám đông hơn 2.000 người đến tham dự thánh lễ tại nhà thờ Mông Triệu ở quận Lalitpur, Đức Cha Anthony Sharma, Giám mục Giáo phận Kathmandu, cho biết. Nhà thờ là một mục tiêu khủng bố trước đây.

Mặc dầu nhà thờ chỉ có thể chứa tới 1.000 người, nhiều người đã tham dự thánh lễ từ ngoài nhà thờ, vị giám chức nói. Nhân viên bảo vệ buộc phải mở các cửa; trong các năm trước đây, cửa nhà thờ phải đóng kín do nguy cơ tấn công.

Vị giám chức nói trong bài giảng trước sự hiện diện của tín hữu Công giáo và hàng trăm người ngoài Kitô giáo: "Tất cả chúng ta hãy nhìn lên Trời và đi theo Đấng đã hy sinh mạng sống của Ngài cho nhân loại". Ngài cũng khuyến khích thành viên của các tôn giáo khác nhau hãy hoạt động cho hoà bình.

Hàng ngàn người cũng tham dự Thánh Lễ được tổ chức bởi cộng đồng Tin Lành ở Kathmandu. Đức Cha Narayan Sharma, Giám mục của Giáo Hội Tin Lành Gyaneshwor, cho biết nhà thờ đông đảo người đến thờ phượng. Lễ đêm Giáng sinh cũng chứng kiến sự tham gia đông đảo tín hữu ở trung tâm Kathmandu.

Kể từ sự sụp đổ của chế độ quân chủ Ấn giáo vào năm 2006, chính phủ đã quyết định thúc đẩy du lịch, bằng cách làm cho lễ Giáng sinh thành một ngày lễ quốc gia. An ninh chặt chẽ đã giúp các Kitô hữu cử hành Thánh Lễ công khai, và trưng bày ảnh tượng thánh và trang trí bên ngoài nhà thờ, các cửa hàng và nhà riêng.

Cộng đồng Công giáo của đất nước hiện nay có 10.000 người, tăng lên từ 6.000 người của năm 2006, khi nhà nước và tôn giáo đã được chính thức tách rời ở Nepal.

Để giải trí khách du lịch đến Kathmandu trong mùa Giáng sinh, chính quyền địa phương tổ chức các sự kiện không tôn giáo, chẳng hạn các buổi hòa nhạc Giáng sinh, phát quà cho trẻ em, ca nhạc và nhảy múa.

Ông Nishant Shrestha, giám đốc tiếp thị của một trong các trung tâm thương mại chính của thủ đô, cho biết ông đã rất ngạc nhiên bởi cách thức người Ấn giáo mừng lễ Giáng sinh.

Ông nhận xét: “Đây là dấu hiệu cho thấy các Kitô hữu tăng triển nhanh trong đất nước. Thật là tốt đẹp khi thấy mọi người chia sẻ các giá trị của hòa bình và hòa hợp, vốn là các biểu tượng việc mừng lễ của các Kitô hữu”. (AsiaNews 27-12-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Sri Lanka: Giáng sinh giữa những người mất nhà cửa, vì hòa bình và hòa giải
Lã Thụ Nhân
10:26 28/12/2011
Sri Lanka: Giáng sinh giữa những người mất nhà cửa, vì hòa bình và hòa giải

Colombo (AsiaNews) - Trong Sứ điệp Giáng Sinh gửi đến các tín hữu năm nay, Đức Hồng y Malcolm Ranjith, và Đức Cha Norbert M. Andrade, Chủ tịch và Tổng thư ký Hội đồng Giám Mục Sri Lanka (CBCSL) cho hay: "Giáng Sinh này đưa ra cho chúng ta những thách đố to lớn. Nó nhắc nhở chúng ta rằng đời sống luôn là một quà tặng độc đáo của Thiên Chúa, sự tôn trọng sâu sắc mà chúng ta hướng về nhau, vượt quá tất cả những khác biệt về tín ngưỡng, địa vị xã hội hoặc sắc tộc, và nhu cầu to lớn về đoàn kết và hòa giải". Sứ điệp cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải thiết lập một cam kết chung hòa bình "thực sự và lâu dài" và để khôi phục "trạng thái bình thường" trong đời sống 200 ngàn người mất nhà cửa nội tại, gần ba năm sau khi cuộc nội chiến kết thúc.

Sứ điệp cũng nói thêm: "Trong ngày lễ trọng thể của Hoàng tử hòa bình, chúng ta phải phấn đấu để vượt thắng những định kiến làm tách rời chúng ta ra với nhau, bởi vì tại thời điểm này sự hòa giải là nhu cầu lớn nhất của chúng ta. Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta là các anh chị em, là con Thiên Chúa, bất cứ nơi nào và bất cứ ai trong chúng ta. Chúng ta phải trở thành khí cụ của Chúa và là những người kiến tạo hòa bình".

Đức Hồng y Ranjith, Tổng Giám Mục của Colombo cũng nhắc lại hàng ngàn người mất nhà cửa trong nước: "Giáng Sinh đưa chúng ta gặp gỡ Chúa trong số những người nghèo túng và những người nghèo nhất trong xã hội, biết bao nhiêu gia đình vẫn đang chờ đợi để trở về nhà của họ. Cũng như các mục đồng của Bêlem, chúng ta chấp nhận thách đố của Thiên Chúa và chúng ta đến gặp gỡ Chúa Kitô, những người nằm trong nhiều ‘máng cỏ’ của đời sống chúng ta".

Lã Thụ Nhân
 
Mindanao: Biểu lộ tình liên đới với các nạn nhân lũ lụt
Lã Thụ Nhân
10:27 28/12/2011
Mindanao: Biểu lộ tình liên đới với các nạn nhân lũ lụt

Zamboanga (AsiaNews) - "Lũ lụt ở phía Bắc Mindanao, với hơn 1.400 người thiệt mạng, đã giúp người dân Phi Luật Tân tái khám phá tầm quan trọng của Giáng Sinh, của cầu nguyện và lòng biết ơn. Trong các giáo xứ của đảo này, người giàu và người nghèo đã quyên góp lương thực, quần áo và tiền bạc để gửi đến các trung tâm tị nạn ở thành phố Cagayan de Oro và Illigan. Trong đêm canh thức Giáng Sinh trẻ em và người trẻ trong các trại tị nạn đã hát cho thành phố bị tàn phá, mang dấu hiệu của hy vọng và niềm vui cho những người đã mất tất cả mọi thứ như họ". Đây là điều được Cha Giulio Mariani, một nhà truyền giáo của Học Viện Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại tại Zamboanga mô tả với hãng tin AsiaNews.

Ngài nhấn mạnh rằng nơi sự giúp đỡ không đến được vì quá xa xôi, các cá nhân đã tổ chức quyên góp nước sạch, thực phẩm và thuốc men. Ngài cho hay: "Để giúp các nạn nhân lũ lụt, người dân cũng đã tiết kiệm đèn chiếu sáng, trang trí và pháo hoa. Các vị mục tử đã yêu cầu tất cả mọi người, nhất là những người trẻ đừng mua pháo hoa, nhưng thắp lên một ngọn nến cho các nạn nhân và quyên góp cho những người sống sót".

Kể từ khi cơn bão Washi đi qua vào ngày 16 tháng 12, nhiều làng mạc vẫn còn bị cô lập và có hơn 700.000 người được đón vào những nơi tạm cư. Lực lượng Cảnh sát biển tiếp tục tìm kiếm người mất tích trên biển trong những ngày tới và cảnh báo rằng số người chết có thể tăng lên, vượt qua 1.400 trường hợp tử vong. Hôm 27/12, chính phủ đã đưa ra một cảnh báo thời tiết mới cho các đảo Mindanao, Luzon và quần đảo Visayas.

Lã Thụ Nhân
 
Các nhà thờ đầy người, một Lễ Giáng Sinh lớn nhất trong lịch sử Nepal
Lã Thụ Nhân
10:29 28/12/2011
Các nhà thờ đầy người, một Lễ Giáng Sinh lớn nhất trong lịch sử Nepal

Kathmandu (AsiaNews) – Theo các vị lãnh đạo Kitô giáo, Lễ Giáng Sinh năm nay là lớn nhất trong lịch sử của đất nước Nepal. Hàng ngàn người ngoài Kitô giáo tham dự thánh lễ trong các nhà thờ Công Giáo và Tin Lành.

Đức Cha Anthony Sharma, Giám Mục của Kathmandu, cho biết hơn 2.000 người đã đến tham dự Thánh Lễ tại Nhà thờ Chánh Tòa Thăng Thiên ở quận Lalitpur. Một thời gian trước đây, nhà thờ này là mục tiêu của một cuộc tấn công khủng bố.

Đức Giám Mục cho hay mặc dù nhà thờ chỉ có thể chứa đến 1.000 người, nhưng nhiều người đã theo dõi phụng vụ ở bên ngoài. Các nhân viên bảo vệ đã bị buộc phải mở cửa, trong những năm gần đây họ đã đóng kín cửa vì sự nguy hiểm của các cuộc tấn công.

"Tất cả chúng ta nên hướng lên Thiên Đàng và theo gương Ngài, Đấng đã hy sinh mạng sống mình cho nhân loại", Đức Giám Mục cho hay trong bài giảng của mình, ngài đã công bố trước hàng trăm người ngoài Kitô giáo. Trong phát biểu của mình, ngài cũng khuyến khích các thành viên của các tín ngưỡng khác nhau làm việc vì hòa bình.

Hàng ngàn người cũng đã tham dự Thánh Lễ được tổ chức bởi cộng đồng Tin Lành Kathmandu. Narayan Sharma, giám mục của Giáo Hội Tin Lành Gyaneshwor, cho biết nhà thờ tràn ngập những người đến thờ phượng. Sự kiện Canh thức Giáng Sinh cũng chứng kiến sự tham gia rộng lớn ở trung tâm Kathmandu.

Kể từ khi chế độ quân chủ Ấn giáo sụp đổ vào năm 2006, chính phủ đã quyết định đẩy mạnh du lịch bằng cách chọn Giáng Sinh trở thành một ngày lễ quốc gia. An ninh thắt chặt hơn cho phép các Kitô hữu cử hành Thánh Lễ công cộng, trưng những hình ảnh thiêng liêng, trang trí bên ngoài nhà thờ, cửa hàng và nhà cửa.

Cộng đoàn Công Giáo ở đất nước này hiện nay là 10.000, tăng kên từ con số 6.000 vào năm 2006, khi nhà nước và tôn giáo đã được chính thức tách ra ở Nepal.

Để tiếp đãi khách du lịch đến Kathmandu mừng Giáng Sinh, chính quyền địa phương đã tổ chức các sự kiện tôn giáo, chẳng hạn như các buổi hòa nhạc Giáng Sinh, quà tặng cho trẻ em, hát và nhảy múa.

Nishant Shrestha, giám đốc tiếp thị của một trong những trung tâm thương mại chính của thủ đô, cho biết ông đã rất ngạc nhiên nhân sự kiện người Ấn giáo mừng Giáng Sinh. Ông lưu ý: "Đây là dấu hiệu cho thấy các Kitô hữu được phát triển
nhanh chóng trong nước. Thật là tốt đẹp khi thấy mọi người chia sẻ các giá trị của hòa bình và hòa hợp, là biểu tượng của việc cử hành Kitô giáo".

Lã Thụ Nhân
 
Gia đình là trường dậy cầu nguyện và ý thức về Thiên Chúa
Linh Tiến Khải
17:08 28/12/2011
Sáng thứ tư 28-12-2011 là buổi tiếp kiến chung cuối cùng trong năm 2011.

Tiếp tục đề tài cầu nguyện trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã lấy Thánh Gia Nagiarét như mẫu gương của Giáo Hội tại gia, trường dậy cầu nguyện. Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói với hơn gần 8.000 tín hữu và du khách hành hương tại đại thính đường Phaolô VI:

Hôm nay tôi muốn mời anh chị em suy tư về cầu nguyện như là một phần cuộc sống của Thánh Gia Nagiarét. Thật thế, nhà Nagiarét là một trường học cầu nguyệu, nơi con người tập lắng nghe, suy gẫm, bước vào trong ý nghĩa sâu thẳm sự biểu lộ của Con Thiên Chúa, theo gương Mẹ Maria, Cha thánh Giuse và Chúa Giêsu.

Trong diễn văn đọc khi viếng thăm Nagiarét Vị Tôi Tớ Chúa Đức Phaolô VI đã nói rằng theo học trường của Thánh Gia ”chúng ta hiểu tại sao chúng ta phải có một kỷ luật tinh thần, nếu chúng ta muốn theo giáo lý Tin Mừng và trở thành môn đệ của Chúa Kitô. Trước hết, trường học Nagiarét dậy chúng ta sự thinh lặng. Ôi! phải chi tái sinh trong chúng ta việc qúy trọng sự thinh lặng, bầu khí đáng khâm phục và cần thiết của tinh thần; trong khi chúng ta bị choáng váng vì biết bao nhiêu động tĩnh, tiếng nói ồn ào trong cuộc sống qúa giao động và náo nhiệt của thời đại. Ôi! thinh lặng của Nagiarét, hãy dậy cho chúng tôi biết ở yên trong các tư tưởng tốt lành, chú ý tới cuộc sống nội tâm, sẵn sàng lăng nghe các linh hứng bí mật của Thiên Chúa và các khích lệ của các bậc thầy đích thật” (Discoro a Nazaret, 5 gennaio 1964).

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã duyệt qua một số biến cố trong cuộc đời thơ ấu của Chúa Giêsu để rút tỉa ra vài nét về đời cầu nguyện.

Trước hết là biến cố Đức Mẹ và Cha Thánh Giuse từ Bếtlehem đi về Giêrusalem để dâng con đầu lòng là Chúa Hài Nhi cho Thiên Chúa trong Đền Thờ, theo Luật Môshê. Cuộc hành hương của Thánh Gia là cuộc hành hương của đức tin, của việc dâng của lễ, biểu tượng của lời cầu nguyện và của việc gặp gỡ với Chúa, mà Mẹ Maria và Cha thánh Giuse đã trông thấy nơi con mình là Đức Giêsu.

Đức Maria là mẫu gương không thể vượt thắng nổi trong việc chiêm ngưỡng Chúa Kitô. Đã chẳng có ai chiêm ngắm Chúa Giêsu kiên trì như Mẹ. Gương mặt của Chúa thuộc về Mẹ một cách đặc biệt, vì Chúa ở trong cung lòng Mẹ và thành hình trong đó bằng cách trở nên giống loài người. Cái nhìn của Mẹ đã tập trung vào Chúa từ lúc Truyền Tin, khi Mẹ thụ thai Chúa bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần. Trong các tháng tiếp theo đó Mẹ cảm nhận được từ từ sự hiện diện của Chúa cho tới ngày sinh hạ, khi đôi mằt của Mẹ có thể nhìn thấy gương mặt của con với sự dịu dàng hiền mẫu, khi lấy tã cuốn cho con và đặt con nằm trong máng cỏ. Các kỷ niệm về Chúa Giêsu khắc ghi trong tâm trí Mẹ đã đánh dấu mọi lúc toàn cuộc sống của Mẹ. Mẹ sống với đôi mắt hướng về Chúa Kitô, và coi mọi lời Chúa là kho tàng. Thánh sử Luca ghi lại thái độ của Đức Maria trước Mầu Nhiệm Nhập Thể như sau: ”Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19). Đó là thái độ Mẹ sẽ giữ mãi trong suốt cuộc sống mình. Đức Thánh Cha giải thích ghi chú của thánh sử như sau:

Thánh sử Luca là người làm cho chúng ta hiểu biết con tim của Đức Maria, đức tin (Lc 1,45), đức cậy, sự vâng lời (Lc 1,38) và nhất là lời cầu nguyện nội tâm của Mẹ (Lc 1,46-56), sự gắn bó tự do của Mẹ với Chúa Kitô (Lc 1,55). Và tất cả những điều này phát xuất từ ơn của Chúa Thánh Thần, là Đấng ngự xuống trên Mẹ (Lc 1,35), như sẽ ngự xuống trên các Tông Đồ theo lời hứa của Chúa Kitô (x. Cv 1,8). Đó là hình ảnh của Đức Maria mà thánh sử Luca giới thiệu với chúng ta như mẫu gương của mọi tín hữu biết giữ gìn và đối chiếu với các lời nói việc làm của Cháu Giêsu, giúp ngày càng hiểu biết Chúa hơn.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Khả năng của Đức Maria sống vì cái nhìn của Thiên Chúa lan sang người khác, trước hết là Cha Thánh Giuse. Tình yêu khiêm tốn và chân thành của Cha Thánh đối với vị hôn thê đã được hứa cho Người, và quyết định kết hiệp cuộc sống mình với cuộc sống của Đức Maria đã lôi kéo và dẫn đưa Người, đã là người công chính, vào trong sự thân tình đặc biệt với Thiên Chúa. Thật vậy, cùng với Đức Maria và rồi nhất là cùng với Chúa Giêsu, Người bắt đầu sống một kiểu tương quan mới mẻ với Thiên Chúa, đón nhận Chúa vào trong đời mình, bước vào trong chương trình cứu độ của Chúa, bằng cách chu toàn ý muốn của Chúa, làm theo lời sứ thần truyền, đưa Đức Maria về nhà mình và chia sẻ cuộc sống với Mẹ: thánh nhân đã thật sự trao ban tất cả chính mình cho Đức Maria và cho Chúa Giêsu, và điều này đã dẫn thánh nhân tới chỗ toàn thiện trong việc đàp trả lại ơn gọi đã nhận lãnh....

Phúc Âm đã không ghi lại lời nói nào của thánh Giuse: sự hiện diện của Người là một sự hiện diện thinh lặng, nhưng trung thành, liên lỉ và cần mẫn. Chúng ta có thể hình dung ra cùng với Mẹ Maria và trong sự đồng thanh sâu thẳm của Mẹ, thánh Giuse đã sống những năm thời thơ ấu và thanh niên của Chúa Giêsu và hưởng nếm sự hiện diện của Chúa trong gia đình. Thánh nhân đã chu toàn vai trò là cha của mình trong mọi khía cạnh. Chắc chắn Người đã giáo dục Chúa Giêsu cầu nguyện cùng với Đức Maria. Đặc biệt thánh nhân đã đưa Chúa đến hội đường trong các lễ nghi ngày thứ bẩy, cũng như lên Giêrusalem trong các dịp lễ lớn của dân Israel. Theo truyền thống do thái, là gia trưởng, thánh Giuse hẵn cũng đã hướng dẫn việc cầu nguyện trong gia đình trong cuộc sống thường ngày: sáng chiều, trước các bữa ăn, cũng như trong các dịp lễ tôn giáo. Và như thế trong nhịp sống thường ngày tại Nagiarét giữa nhà ở và xưởng mộc của thánh Giuse, Chúa Giêsu đã tập xen kẽ công việc làm với lời cầu nguyện, và dâng lên Thiên Chúa cả sự mệt nhọc để có bánh nuôi sống gia đình.

Ngoài ra, có một giai thoại khác cho thấy Thánh Gia Nagiarét tụ tập nhau cầu nguyện: đó là chuyến hành hương lên Giêrusalem khi Chúa Giêsu lên 12 tuổi (Lc 2,42-42). Hành hương là một kiểu diễn tả niềm tin tôn giáo được dưỡng nuôi bằng lời cầu nguyện đồng thời được lời cầu nguyện nuôi dưỡng. Đức Thánh Cha giải thích hai chiều kích cá nhân và tập thể của lời cầu nguyện như sau:

Gia đình do thái, cũng như gia đình kitô, cầu nguyện trong sự thân tình của gia đình, nhưng cũng cầu nguyện chung trong cộng đoàn, thừa nhận mình là thành phần của dân Chúa dang tiến bước; và cuộc hành hương diễn tả chính sự tiến bước ấy của dân Chúa. Lễ Vượt Qua là tột đỉnh của tất cả các điều này và bao gồm chiều kích gia đình và chiều kích phụng tự công cộng.

Sau lễ, Chúa Giêsu ở lại trong Đền Thờ mà cha mẹ Người không hay biết. Hai ông bà đã lo lắng tìm kiếm Chúa trong ba ngày. Nghe lời trách của Mẹ, Chúa Giêsu trả lời: ”Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2,49). Câu trả lời của Chúa Giêsu chỉ cho thấy ai là Cha thật, đâu là nhà thật của Người, và Người đã không làm điều lạ lùng và không vâng lời. Người đã ở lại nơi Người phải là Con, nghĩa là ở gần Cha, và đã nhấn mạnh ai là Cha. Từ ”Cha” là chìa khóa mầu nhiệm của Chúa Kitô là Con, và cũng là chìa khóa mầu nhiệm của các kitô hữu là các người con trong Người Con. Đồng thời Chúa Giêsu dậy cho chúng ta biết phải là con như thế nào: chính trong việc ở với Thiên Chúa Cha trong lời cầu nguyện. Một ngày kia, Chúa Giêsu sẽ dậy các môn đệ cầu nguyện và gọi Thiên Chúa là Cha.

Khi Chúa Giêsu còn sống trong Thánh Gia Nagiarét, cần ghi nhận sự vang vọng của từ ”Cha” trên môi miệng Chúa Giêsu đối với con tim của Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse. Từ đó chúng ta có thể hình dung được cuộc sống trong Thánh Gia còn tràn đầy lời cầu nguyện đến thế nào, bởi vì từ trái tim của con trẻ, rồi thiếu niên và thanh niên Giêsu, nó sẽ không ngừng làm lan tỏa và phản ánh trong tim của Đức Maria và Cha Thánh Giuse, ý nghĩa sâu thẳm của tương quan với Thiên Chúa Cha. Như thế Thánh Gia Nagiarét là mẫu gương đầu tiên của Giáo Hội, trong đó, chung quanh sự hiện diện của Chúa Giêsu và nhờ sự suy niệm của Người, tín hữu sống tất cả tương quan với Thiên Chúa Cha, và biến đổi cả các tương quan của con người với nhau.

Thánh Gia là hình ảnh của ”Giáo Hội tại gia” được mời gọi cùng nhau cầu nguyện. Gia đình là Giáo Hội tại gia và phải là trường dậy cầu nguyện đầu tiên. Trong gia đình các trẻ em, ngay từ khi còn thơ, có thể học và trực giác được ý thức về Thiên Chúa, nhờ giáo huấn và gương sáng của cha mẹ sống trong bầu khí ghi dấu sự hiện diện của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau và chúc tất cả một năm mới hạnh phúc, thánh thiện. Sau cùng ngài cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
 
30.000 Giới Trẻ Âu Châu họp mặt cầu nguyện Đại Kết Taizé tại Berlin
Lm. Paul Phạm Văn Tuấn
17:25 28/12/2011
Berlin, 28.12.2011 - Cuộc họp mặt quốc tế thường niên của Cộng Đoàn Đại Kết Taizé vẫn tổ chức vào những ngày cuối năm tại một thành phố Âu Châu được chọn, năm nay Giới Trẻ Âu Châu tiến về thủ đô Berlin của Đức quốc từ ngày 28.12.2011 đến 01.1.2012, đây là cuộc họp mặt lần thứ 34 của phong trào này. Trong những năm vừa qua các bạn trẻ quốc tế đã họp mặt tại Paris, Budapest, Barcelona, Hamburg, Rotterdam, Lissabon, Posen, Brüssel und Genf…

Cộng Đoàn Đại Kết Taizé tổ chức các cuộc gặp gỡ này từ năm 1978.

Cuộc gặp mặt quốc tế năm 2011 theo quan điểm đại kết Taizé là một phần của "cuộc hành hương đức tin trên địa cầu".

"Những con đường của sự tin tưởng" - là phương châm Đại Hội năm 2011 của Giới Trẻ Taizé. Cho đến ngày đầu năm 01.01.2012 sẽ có khoảng 30.000 Bạn Trẻ Kitô đến từ 70 quốc gia trên thế giới tham dự. Không có người nào và cũng không có xã hội nào có thể sống mà không có sự tin tưởng.

Hàng ngàn Bạn Trẻ trẻ từ khắp Âu Châu đã nô nức tuốn về Trung Tâm Triển Lãm Berlin vào tối thứ tư, 28.12 để khai mạc đại hội với giờ cầu nguyện, hát thánh ca và suy niệm. Sư Huynh Alois, tu viện trưởng của Taizé kêu gọi "Các Bạn Trẻ hãy cùng nhau đoàn kết khắng khít hơn nữa".

"Đây là một dấu hiệu tuyệt vời đến trong một thời đại khó khăn của các vấn đề kinh tế thế giới, mà lại có đến 30.000 Bạn Trẻ tập họp tại Berlin với nhau và hỗ trợ cho một Châu Âu thống nhất", Sư Huynh Alois phát biểu cảm tưởng.

Sư Huynh Alois giải thích thêm: "Mặc dù các phương tiện thông tin liên lạc đã trở nên dễ dàng hơn, tuy nhiên các cơ cấu xã hội vẫn bị cô lập và bị phân mảnh".

Có lẽ hơn bao giờ hết trong lịch sử, hôm nay thật quan trọng khi thấy thế hệ trẻ dấn thân cho một sự phân chia công bằng về của cải giữa các lục địa và trong mỗi quốc gia.

Trang website của Taizé nhận định về của gặp gỡ tại thủ đô Berlin và về thành phố này: "Đối với mọi người từ phía Đông và phía Tây, thành phố Berlin như là một biểu tượng sống bởi lẽ người dân nơi đây không hề nản lòng dù trong hoàn cảnh khó khăn nào. Nhà thờ địa phương là nơi tụ họp đa chủng tộc, và rất nhiều người gần như không hề có Đức tin Công giáo. Đây chính là nơi mọi người đều được chào đón. Và biết đâu thông qua một lần Đại hội mà mọi người có thể nhận ra Hội Thánh là nơi tụ họp tất cả mọi người với tất cả lòng mến khách".

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô 16 kêu gọi sự dấn thấn của Giới Trẻ trong xã hội

Trước tiên ĐGH Bênêđictô 16 kêu gọi Giới Trẻ hãy kín múc sự tin tưởng từ niềm tin của chính mình.

Trong điện văn chào mừng Đức Giáo Hoàng Bênêđictô 16 thúc đẩy những người trẻ hãy tin tưởng nhìn về tương lai. Đó là nền tảng của thông điệp Kitô giáo để "mở đường của sự tin tưởng trên toàn thế giới". Vị đứng đầu Giáo Hội công giáo kêu gọi Giới Trẻ dấn thân nhiều hơn nữa trong xã hội hiện tại.

Trong một bản tin đã được công bố trên trang website của Taizé, ĐGH Bênêđictô 16 mong muốn các Bạn Trẻ vững tin để tự mình có thể thoát khỏi "xiềng xích của sợ hãi". Đức tin sẽ cung cấp cho các Bạn sự tự tin, để đứng vững trước "những thách thức và khó khăn, mà con người đang phải đối mặt ngày hôm nay".

Đức Tổng Giám Mục Berlin Rainer Maria Woelki nhìn thấy điều tốt đẹp từ Cộng Đoàn Đại Kết Taizé là âm nhạc và lời cầu nguyện luôn là điểm trung tâm của các cuộc gặp gỡ.

Đức TGM Woelki nhấn mạnh rằng cuộc gặp gỡ Taizé mang tính cách đa văn hóa. Hầu như các Bạn Trẻ đến từ các nước ở Âu Châu, họ muốn gặp nhau trong hòa bình và trong tình bạn.

Hình ảnh chung của họ về con người là bắt nguồn từ tính toàn diện Kitô giáo và từ đó luôn mở rộng vòng tay. Đức TGM Woelki cho giới báo chí biết: "Chúng tôi có một cái nhìn tích hợp của con người, trong đó ai cũng có chỗ đứng của mình, cho dù là da đen hoặc da trắng, cho dù là giàu hay nghèo". Điều này ngăn cản các phân biệt đối xử.

Cuộc gặp mặt quốc tế 2011 trong 5 ngày ở thủ đô Berlin được ban tổ chức cho biết có khoảng 20.000 Bạn Trẻ đến từ các quốc gia trong Âu Châu, có độ tuổi từ 17 đến 35. Từ Ba Lan có 6.000 Bạn Trẻ tham dự, 2.000 Bạn Trẻ đến từ Pháp, Ý, Croatia, Ukraina, ngay cả Úc và Nhật cũng có đại diện. Họ di chuyển bằng các phương tiện công cộng trong thủ đô và trú ngụ tại trường học, nhà thờ và tại các gia đình. Khoảng 10.000 Bạn Trẻ đến từ Berlin và các vùng phụ cận. Trong 5 ngày sống có 160 địa điểm gặp gỡ trong thủ đô Berlin để thảo luận trao đổi với các chính trị gia và đại diện các tôn giáo với những chủ đề khác nhau.

Ngoài ra, khoảng 500 Bạn Trẻ được chọn sẽ đến thăm Quốc Hội Đức và trao đổi với các Dân Biểu quốc hội tại đây.

Cuối ngày vào lúc 19g tối đều có giờ cầu nguyện Taizé chung cho tất cả tham dự viên tại Trung Tâm Triển Lãm Berlin.

Trung Tâm Cầu Nguyện Đại Kết của Taizé

Taizé là một thị trấn nhỏ của miền Nam Pháp gần thành phố Cluny ở vùng Bourgogne và là Trung Tâm Cầu Nguyện Đại Kết của các Sư Huynh Taizé. Hiện nay có khoảng 100 Sư Huynh thuộc Giáo Hội Công Giáo và GH Tin Lành từ hơn 25 quốc gia khác nhau chung sống tại đây.

Mỗi năm có khoảng 200.000 Bạn Trẻ hành hương đến với cộng đồng đại kết của Taizé tại Pháp. Năm 1949 Sư Huynh Roger Schutz (1915-2005), một thần học gia Tin Lành, sinh trưởng tại Thụy Sĩ đã thành lập Cộng Đồng Đức Tin của Taizé và là Tu viện Trưởng cho đến năm 2005.

- Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến thăm Trung Tâm Cầu Nguyện Đại Kết của Taizé

vào ngày 05.10.1986.

- Sư Huynh Roger Schutz đã bị sát hại trong giờ cầu nguyện tối ngày 16.8.2005 trong nhà nguyện của Taizé, cùng thời gian khai mạc Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2005 tại Köln, hưởng thọ 90 tuổi.

- Sư Huynh Alois, 52 tuổi, người Đức, đạo Công Giáo được bầu vào chức vụ kế vị Tu viện Trưởng cho đến nay, Frère Alois thực sự đã được chọn vào chức vụ này từ năm 1997.
 
Pakistan: Kitô hữu cầu nguyện cho các tín hữu ngồi tù vì luật phỉ báng
Lã Thụ Nhân
23:04 28/12/2011
Pakistan: Kitô hữu cầu nguyện cho các tín hữu ngồi tù vì luật phỉ báng

Faisalabad (AsiaNews) - "Các Kitô hữu cần phải tiếp tục cầu nguyện cho những người khác đang ngồi tù vì đức tin của họ", Rehmat Masih, 74 tuổi, từ Jhumra, ở Faisalabad (Punjab), cho hãng tin AsiaNews hay. Bị bắt vào tháng Sáu năm 2010 về tội phỉ báng, ông đã được phóng thích vào ngày 28 tháng Mười năm nay, sau 18 tháng tù giam, vì thiếu bằng chứng.

Mọi việc bắt đầu vào ngày 19 tháng Năm, 2010 khi một cuộc tranh chấp nổ ra giữa các Kitô hữu địa phương và một vị lãnh đạo Hồi giáo, Tahir Hameed, người muốn chiếm lấy một số lô đất thuộc về cộng đoàn Kitô hữu địa phương.

Một tháng sau đó, Sajid em trai của Tahir Hameed, người không có mặt khi tranh chấp nổ ra, đã đệ đơn kiện chống lại Rehmat Masih dựa vào các nhân chứng Hồi giáo cho rằng người đàn ông Kitô giáo đã xúc phạm tiên tri Muhammad.

Sau nhiều tháng điều tra, một tòa án Faisalabad bác bỏ lời khai của những người làm chứng. Tòa phán quyết rằng những trình bày của họ đưa ra quá muộn và họ đã đầy mâu thuẫn. Tòa cũng thấy rằng không có viên cảnh sát nào đến nơi mà sự cố diễn ra để thu thập chứng cứ chống lại bị cáo.

Cha Nisar Barkat, Giám đốc giáo phận của Ủy ban quốc gia về Công lý và Hòa bình (NCJP) cho hay: "Chúng tôi đánh giá cao phán quyết của tòa án rằng Rehmat Masih vô tội". Theo quan điểm của ngài, người Hồi giáo quá thường xuyên sử dụng luật phỉ báng để chống lại người thiểu số trong những vấn đề không liên quan đến tôn giáo.

Được đưa ra vào năm 1986 dưới sự cai trị độc tài của tướng Zia ul-Haq, theo sau luật phỉ báng là sự tăng trưởng theo cấp số nhân các đơn kiện về "báng bổ Kinh Koran" và "phỉ báng Tên tri Muhammad".

Để so sánh, từ năm 1927 đến 1986, chỉ có bảy vụ kiện về phỉ báng. Từ năm 1986, hơn 4.000 người đã bị cáo buộc, và con số vẫn tiếp tục lên. Từ năm 1988 đến 2005, chính quyền Pakistan đã đưa 647 người ra tòa về tội phỉ báng.

Tất cả trong số họ, hàng ngàn Kitô hữu, người Hồi giáo, người Ahmadis và các thành viên của các tôn giáo khác đã bị cáo buộc mà không có một chút bằng chứng, bao gồm cả Asia Bibi, người đã bị kết án tử hình và đang chờ kháng cáo của mình được lắng nghe

Lã Thụ Nhân
 
Đức Giáo Hoàng sẽ vinh thăng các tân hồng y vào tháng Hai tới?
Lã Thụ Nhân
23:05 28/12/2011
Đức Giáo Hoàng sẽ vinh thăng các tân hồng y vào tháng Hai tới?

Vatican (CWN, L'Espresso) - Theo một bài báo của hãng thông tấn I Media, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI sẽ triệu tập một Công nghị Hồng Y vào tháng Hai và vinh thăng 15 thành viên mới vào Hồng Y Đoàn.

Tòa thánh Vatican chưa xác nhận về tin này. Đức Giáo Hoàng thường công bố Công nghị Hồng Y cùng tên các vị hồng y mới khoảng một tháng trước khi hội nghị diễn ra. Theo bài báo của I Media, Công nghị Hồng Y sắp tới sẽ được tổ chức vào ngày 18 hoặc 19 tháng Hai.

Ba công nghị hồng y trước đây được tổ chức vào ngày 24/03/2006, 24/11/2007, và 20/11/2010.

Các quan sát viên ở Vatican thì tin rằng Công nghị Hồng Y sẽ diễn ra vào một thời điểm nào đó trong năm 2012. Hiện tại có 192 hồng y, trong đó 109 người dưới 80 tuổi và đủ điều kiện để tham gia vào cuộc bầu cử Giáo Hoàng. Vì vậy, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI có thể bổ nhiệm thêm 11 tân hồng y mà không vi phạm giới hạn là 120 hồng y - cử tri.

Thêm hai giám mục, Đức Hồng Y José Saraiva Martins và Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân sẽ lần lượt bước sang tuổi 80 vào tháng này, và 11 hồng y khác sẽ ăn mừng sinh nhật lần thứ 80 của họ trong năm tới. Như vậy, có vẻ gần như chắc chắn rằng Đức Giáo Hoàng sẽ triệu tập một Công nghị Hồng Y trong năm 2012.

Một số tổng giám mục hiện đang nắm giữ các chức vụ lãnh đạo trong Giáo Triều Rôma vốn thường được dành cho các hồng y, vì vậy các vị này sẽ là một trong những ứng viên có khả năng nhất nhận được mũ đỏ. Nhật báo L'Espresso của Ý còn cung cấp một danh sách các giám chức có khả năng được đặt làm hồng y. Mặc dù là hoàn toàn suy đoán, danh sách này cung cấp nền tảng về các ứng cử viên nổi bật.

Theo suy đoán của L'Espresso, vào năm 2012 tới, các bổ nhiệm dự kiến sẽ liên quan đến các vị người Ý ở Giáo Triều như: Tổng Giám Mục Fernando Filoni (Tổng Trưởng Thánh Bộ Truyền Giáo), TGM Domenico Calcagno (Chủ tịch Quản lý tài sản Tông toà - APSA), TGM Giuseppe Versaldi (Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế Tòa Thánh) và TGM Giuseppe Bertello (Chủ tịch Phủ Thống Đốc Nhà Nước Vatican); bên cạnh đó là TGM Joao Braz de Aviz người Ba Tây (Tổng Trưởng Thánh Bộ Dòng Tu), TGM Edwin F. O'Brien người Mỹ (Đại Hiệp sĩ Đoàn Kỵ Sĩ Mộ Thánh Chúa) và TGM Santos Abril y Castello người Tây Ban Nha (Quản hạt của Vương Cung Thánh Đường của Đức Thánh Cha tại Nhà thờ Đức Bà Cả). Có thể có thêm cả TGM Francesco Coccopalmerio (Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về các văn bản luật), và/hoặc TGM Rino Fisichella (Chủ tịch Hội đồng Tân Phúc Âm Hóa).

Đối với các giáo phận truyền thống được lãnh đạo bởi một vị hồng y, có vẻ như theo thông lệ sẽ được tôn trọng là không đặt hồng y mới khi vị danh dự còn hiện diện mà chưa đạt đến tuổi tám mươi. Một ngoại lệ, nếu có, có thể được thực hiện đối với TGM Timothy Dolan của New York, và TGM Dominican Dominik Duka của Prague, vì các hồng y danh dự ở hai nơi đó sẽ lần lượt đến tuổi tám mươi tương ứng vào các ngày 2 tháng Tư và 17 tháng Năm tới.

Danh sách này cũng sẽ bao gồm các tân tổng giám mục của Berlin (Rainer Maria Woelki), Toronto (Thomas C. Collins), và Utrecht (Willem J. Eijk), giám mục của Hồng Kông (John Tong), cũng như tân thượng phụ nghi lễ Maronite Bechara Rai ở Lebanon và Tổng Giám Mục Trưởng nghi lễ Syro-Malabars ở Ấn Độ, George Alencherry.

Lã Thụ Nhân
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Các Tu Sinh Việt Nam du học diễn nguyện tại New Orleans
Lê Hạnh
08:59 28/12/2011
New Orleans – Vào lúc 19 giờ 30, ngày 27/12/2011, các linh mục, tu sĩ và chủng sinh Việt Nam đang du học ở Hoa Kỳ đã có buổi diễn nguyện tạ ơn Chúa và cầu bình an cho Năm Mới 2012 tại nhà thờ Thánh Agnes Lê Thị Thành. Cùng tham gia trong buổi diễn nguyện, có ca đoàn Alleluiah, giáo xứ Thánh Agnes Lê Thị Thành và ca đoàn Ave Maria, giáo họ Thánh Giuse. Có quí cha và đông đảo giáo dân ở vùng New Orleans đến tham dự.

Theo thông lệ hàng năm, cứ đến dịp Lễ Giáng Sinh và Năm Mới, các linh mục, tu sĩ và chủng sinh Việt Nam đang du học lại tập trung về Houston để họp mặt. Nhân dịp này, các linh mục, tu sĩ và chủng sinh thường có buổi trình diễn văn nghệ ở một trong những giáo xứ tại Houston. Năm nay đoàn “chạy sô” trình diễn ở New Orleans trước khi diễn nguyện tại giáo xứ Đức Mẹ La Vang ở Houston vào ngày 30/12/2011.

Sau những buổi diễn nguyện, nhóm sẽ cùng nhau tĩnh tâm, học hỏi về ý nghĩa đời tu, chia sẻ kinh nghiệm học và định hướng ngành học để trong tương lai mỗi người có một chuyên môn phục vụ trong cánh đồng truyền giáo.

Chương trình diễn nguyện gồm có các tiết mục: đơn ca, song ca, tam ca, hợp ca và múa. Các bài thánh ca được vang lên mang những giai điệu quê hương thân thuộc. Các ca sĩ nghiệp dư đã cống hiến cho người xem những cung bậc cảm xúc dâng trào: Khi thì bằng những nhạc phẩm với tiết tấu sôi động, mạnh mẽ; khi thì bằng những nhạc phẩm êm ái, du dương; khi thì bằng những điệu múa dịu dàng đan xen vào các bài hát làm cho chương trình thêm phần hấp dẫn.

Chương trình diễn nguyện vừa diễn tả cái hay, cái đẹp của nghệ thuật, đồng thời còn giúp những người tham dự nâng hồn lên Chúa trong tâm tình tạ ơn và cầu bình an cho năm mới. Một năm cũ sắp trôi qua với biết bao hồng ân Chúa đã ban tặng, xin tạ ơn Ngài. Một năm mới đang tới, xin Chúa xuống ơn bình an cho mỗi người, mỗi gia đình và toàn thế giới.

Mỗi tiết mục đều nhận được những tràng pháo tay giòn giã từ những khán giả tham dự. Nhiều người đã trầm trồ khen ngợi: Các vị tu hành mà rất tài nghệ; trong đời sống thường ngày, họ hiền thành, thánh thiện; trên sân khấu, họ tỏ ra như những ca sĩ chuyên nghiệp.

Đêm diễn nguyện đã để lại cho người xem những cảm xúc tuyệt vời. Ông Minh Nguyễn, giáo dân giáo xứ Thánh Agnes Lê Thị Thành, cho biết: “Lần đầu tiên xem các vị chân tu trình diễn văn nghệ, tôi thấy rất thú vị, cảm phục các vị tu hành, hồn nhiên nhưng diễn xuất rất hấp dẫn.” Cùng có chung một cảm nhận, bà Thu Trang, giáo dân giáo xứ Maria – Nữ Vương Việt Nam, cho biết: “Sốt sắng! Hay lắm! Vui lắm! Mong quí vị trở lại vào mùa Giáng Sinh năm tới.”
 
Hội các Bà Mẹ Công Giáo hạt Chí Hòa
Maria Vũ Loan
11:47 28/12/2011
SAIGÒN - Các Bà Mẹ Công Giáo hạt Chí Hòa, Sài Gòn đã mừng kính bổn mạng Mẹ Thiên Chúa tại giáo xứ Tân Chí Linh, trong một thánh lễ đồng tế trọng thể.

Xem hình ảnh

Với đồng phục là áo trắng và khăn quàng xanh, các bà mẹ đã làm cho quang cảnh khuôn viên nhà thờ vui tươi và trang trọng. Đoàn rước tiến vào nhà thờ trước khi thánh lễ đồng tế trọng thể do cha Giuse Vũ Minh Nghiệp, đại diện Giám mục chủ tế. Cùng đồng tế có linh hướng Dom. Đinh Văn Vãng, cha nguyên hạt trưởng Giuse Maria Đoàn Văn Thịnh, cha tân hạt trưởng Giuse Nguyễn Đức Quang và quí cha thân hữu.

Tuy năm nào cũng tổ chức mừng lễ Mẹ Thiên Chúa trước một vài ngày nhưng mỗi năm các chị em lại được nghe ý nghĩa bài giảng khác nhau, xoáy vào những tiêu đề phù hợp với những bà mẹ. Hôm nay, cha tân hạt trưởng nhấn mạnh đến “sự thinh lặng”.

Theo quan niệm của dân gian, lễ hội nào có kèn trống thì càng có vẻ long trọng, nhưng đối với Thiên Chúa thì khác. Mầu nhiệm Thiên Chúa làm người được thể hiện qua hang đá đơn sơ, nghèo hèn. Tất cả những hình thức bên ngoài không quan trọng.

Trong sự thinh lặng đó, lại càng làm nổi bật lên hình ảnh Đức Maria mà quí bà quí chị nên bắt chước, vì:

- Trong lịch sử nhân loại, Thiên Chúa làm gì cũng âm thầm nhưng chính trong sự lặng lẽ đó, vẫn có một “âm thanh riêng” của sự việc. Mẹ Maria được tuyển chọn trong bầu khí thinh lặng tại làng quê Nazaret.

- Khi Đức Maria sinh con thì cũng trong hoàn cảnh âm thầm ở một hang đá, có tiếng Thiên Thần hát vang, một vài mục đồng bước đến nhưng vẫn toát lên một điều quí giá, đáng trân trọng.

- Khi nhận một sứ vụ cao cả là Mẹ Thiên Chúa – một điều ngoài trí tưởng tượng – Đức Maria suy đi nghĩ lại trong lòng một cách thầm lặng; điều đó nhắc nhở chúng ta muốn tìm hiểu ý Chúa hay muốn biết sâu về điều gì thì phải tìm nơi thanh tịnh.

Đối với các bà mẹ Công giáo hôm nay, việc nuôi nấng dưỡng dục con cái là mong con trở thành người hữu ích cho xã hội và gia đình luôn được an lành hạnh phúc. Đó là hai điều quan tâm quan trọng mà quí bà chú ý trong hành trình giáo dục đức tin trong gia đình.

Trước khi kết thúc bài giảng, cha chủ tế lưu ý mọi người việc trân trọng các tước vị của Đức Maria và Đức Maria là người mẹ tuyệt vời nhất, là mẫu gương trong gia đình Kitô giáo, nhất là trong việc trợ lực và đồng hành cùng quí bà.

Tiếp sau đó, cha linh hướng cử hành nghi thức tuyên thệ cho tân Ban Điều Hành Các Bà Mẹ Công Giáo hạt Chí Hòa nhiệm kỳ 2012 – 2016. Cha linh hướng xướng tên và nêu rõ từng công việc của mỗi chị trong chức vụ của mình. Các chị tuyên hứa, hân hoan nhận Ủy Nhiệm Thư và hướng về phía giáo dân để chào cộng đoàn. Rồi tất cả Các Bà Mẹ Công Giáo trong thánh đường đứng lên đọc mười điều tâm niệm mà nội dung trong đó các bà mẹ hứa sẽ kết hợp với trái tim vẹn sạch Đức Mẹ; trung thành và yêu mến Hội CBMCG; noi gương Đức Mẹ; siêng năng hội họp và thọ lãnh phép lành Chúa ban; trung tín giữ lời giáo huấn; chu toàn bổn phận làm vợ làm mẹ; noi gương thánh Monica và thánh Anê Lê Thị Thành; trở nên Tông Đồ đắc lực trong gia đình; hoạt động để góp phần vinh quang Giáo Hội; có các đức tính cao quí của Đức Maria, vâng lời Đấng Bản Quyền và cậy trông ơn Thánh Mẫu phù trì.

Thánh lễ kết thúc sau lời cảm ơn nhiều ý nghĩa của linh mục Giuse chủ tế.

Tiệc mừng hôm nay là dịp để quí bà gặp gỡ, trao đổi, hát và bày tỏ tâm tình. Một vài linh mục và khách quí lên phát biểu một cách thân thiện xem kẽ những tiết mục văn nghệ do quí bà trình diễn.

Ngày hội của quí Bà Mẹ Công Giáo hạt Chí Hòa kết thúc thật tốt đẹp.
 
Sinh viên Công Giáo Bùi Chu chia sẻ niềm vui Giáng Sinh với bà con Ninh Sa.
SVCG Bùi Chu
10:54 28/12/2011
Sinh viên Công Giáo Bùi Chu chia sẻ niềm vui Giáng Sinh với bà con Ninh Sa.

Giáng sinh năm nay cũng như các năm trước, Hội sinh viên công giáo Bùi Chu lại tổ chức về các giáo xứ để tổ chức thăm hỏi cha xứ và bà con giáo dân, mỗi nhóm đều chọn cho mình những địa điểm đến riêng và mỗi nơi đều có những ý nghĩa riêng, ví như nhóm Thái Hà đã chọn giáo xứ Cần Kiệm (giáo phận Hà Nội) nhóm Cầu Giấy chọn giáo họ Phúc Lý (giáo phận Hà Nội) và nhóm Làng Tám đã được về giáo miền Ninh Sa đế thăm hoỉ và cùng tổ chức giáng sinh với giáo dân miền Nính Sa.

Xem hình

Ninh Sa có nghĩa từ (Ninh : Trong sông Ninh Cơ và Sa trong Phù Sa ) mảnh đất của phù sa được bồi đắp từ dòng sông Ninh Cơ, con sông chảy dài gần như toàn tỉnh Nam Định, khì nói đến Ninh Sa cái tên đã gợi cho mọi người cảm giác vùng đất xa xôi và hẻo lánh, nhưng ai đã đặt chân đến nơi đây thì mới cảm nhận được tấm lòng của cha chính xứ Vinh Sơn Lại Văn Quynh và bà con giáo dân, nơi đây thiên nhiên thì tuyệt, đẹp lòng người thì ấm ấp, khiến cho ai đã đến đây đều bùi ngùi xúc động mỗi khi nói về nơi đây.

Giáo miền Ninh Sa (gồm 2 xứ Ninh Sa, Ninh Mỹ và hai giáo họ Ninh Đông Và Tây Mỹ) thuộc giáo phận Bùi Chu, miền Ninh Sa nằm trên xã Hải Giang huyện Hải Hậu tỉnh Nam Định.

Với chương trình là được về thăm quê hương, anh chị em sinh viên nhóm Làng Tám đã vô cung háo hức và vui vẻ tham gia với tinh thần của những người con được về thăm hỏi bà con giáo dân, được đi thăm những cụ già trong miền và nhất là cùng vui chơi với các em thiếu nhi,.để mong được mang lại một mùa giáng sinh vui vẻ và Anh Bình cho mọi người nơi đây.

Vậy là bao ngày mong đợi và chuẩn bị cho chương trình giờ cũng đã đến ngày.
 
Mái Ấm Tình Thương Lagi: Bữa cơm huynh đệ cho 500 người khuyết tật
Hồng Hương
12:12 28/12/2011
Tất cả mọi người ngồi bên cạnh nhau, cùng chia sẻ thức ăn và trao cho nhau những lời thăm hỏi chân tình, cùng hát chung bài ca Mừng Chúa Giáng Sinh, đây là hình ảnh của một đại gia đình yêu thương nhau được thể hiện trong bữa tiệc Huynh Đệ mà Cơ sở Bảo trợ Xã hội Mái Ấm Tình Thương (Tân An - Lagi – Hàm Tân – Bình Thuận) với sự hỗ trợ của Quý Ân Nhân xa gần tổ chức cho 500 anh chị em khuyết tật vào ngày lễ Các Thánh Anh Hài 28.12.2011.

Xem hình ảnh

Các thiện nguyện viên đón 500 khách mời đặc biệt bằng tất cả sự ân cần và thân thiện. Tuỳ theo dạng tật mà khách được các nữ tu bố trí chỗ ngồi thích hợp. Bên cạnh những chiếc bàn cao là những chiếc bàn thấp để các cụ già thoải mái ngồi duỗi chân và các bà mẹ dễ chăm sóc con của mình. Đâu đâu cũng bắt gặp những nụ cười cho dù với thân thể không toàn vẹn.

Niềm vui của anh chị em khuyết tật được đong đầy hơn khi được Quý Cha Hạt Trưởng Hàm Tân và Hàm Thuận Nam, Cha xứ Thanh Xuân và Mân Côi, Chị TPT Hội Dòng MTG Nha Trang, đại diện Caritas Phan Thiết và Quý Ân Nhân hiện diện để chung vui.

Chương trình bắt đầu với lời cầu nguyện trước hang đá của cha Fx Đinh Tiên Đường, hạt Trưởng Hàm Thuận Nam. Cha Giuse Nguyễn Hữu An, linh hướng Mái Ấm Tình Thương, tuyên bố khai mạc bữa tiệc Huynh Đệ được tổ chức lần thứ 9 tại Mái Ấm. Cha Phêrô Phạm Tiến Hành, hạt trưởng hạt Hàm Tân làm phép và chúc lành cho bữa ăn huynh đệ. Một chương trình văn nghệ đặc sắc do chính các em cô nhi được nuôi dưỡng tại Mái Ấm trình diễn vừa mang lại niềm vui, vừa để lại một ấn tượng xúc động trong lòng người tham dự.

“Từ trái tim đến trái tim” không chỉ là những dòng chữ mà sống động nơi tất cả mọi người. Tỉ như các thành viên của Công ty Thiên Sinh và Ca đoàn Emmanuel (Gx Thạch Đà) ở Sài Gòn đã xuống tận nơi để phục vụ tiệc và tặng quà cho anh chị em khuyết tật. Quý ân nhân gần xa cũng quảng đại hỗ trợ như Gia đình ông Bảo (Gia Kiệm, Đồng Nai), Anh chị Đảm - Tâm (Sài Gòn) và Quý ân nhân ngoại quốc. Những món quà trao tay cùng với lời chúc an lành thật ý nghĩa trong Mùa Giáng Sinh.

Nữ tu Maria Nguyễn Thị Thanh Mai, Giám đốc Cơ sở Bảo trợ Xã hội Mái Ấm Tình Thương cho biết, kể từ khi thành lập đến nay, trong lãnh vực Bảo Vệ Sự Sống, các nữ tu đã can thiệp cứu sống được 137 trẻ sơ sinh và hiện nay Mái Ấm đang cưu mang 75 cháu (cháu nhỏ nhất chỉ mới 10 ngày tuổi). Hàng tháng, cơ sở trợ cấp cho khoảng 300 người già neo đơn, tàn tật tại Lagi, Hiệp Đức và Kim Ngọc. Các nữ tu cũng đã tìm và chôn cất được 17.500 thai nhi và cải táng các ngôi mộ vô danh về nghĩa trang đồng nhi nằm trong khuôn viên nghĩa trang giáo xứ Đồng Tiến. Để có diện tích đất rộng hơn thuận tiện cho việc chôn cất thai nhi, Cơ sở vừa mua thêm một mảnh đất 600m2 gần địa điểm cũ.

Cùng với sự dấn thân của các nữ tu MTG Nha Trang, các anh chị nhóm thiện nguyện Phanxicô Xaviê thì sự hỗ trợ mạnh mẽ của các mạnh thường quân đã tạo điều kiện cho Mái Ấm hoạt động tốt như lời bộc bạch của soeur Thanh Mai trong bài cám ơn cuối bữa tiệc.

“Từ trái tim đến trái tim” là tâm tình mà các nữ tu Hội dòng MTG Nha Trang, đặc trách Mái Ấm Tình Thương, đặt làm chủ đề của buổi họp mặt. Tiệc tổ chức đúng vào dịp Lễ Bổn Mạng thứ 2 của Mái Ấm. Chương trình hôm nay là sự nâng đỡ tinh thần và chia sẻ vật chất đơn sơ như món quà Giáng Sinh mà Mái Ấm Tình Thương là chiếc cầu nối cho những người có tâm huyết san sẻ yêu thương với những anh chị em khuyết tật.

Trong Thư chung 2011, HĐGMVN ước mong “mỗi giáo phận, dòng tu, giáo xứ, gia đình, sẽ triển khai thành những hành động và việc làm cụ thể trong đời sống đức tin, góp phần thi hành sứ mệnh loan báo Tin Mừng trong xã hội hôm nay cách thiết thực và hiệu quả”. Mỗi người tùy vị trí và khả năng, “hãy góp phần tích cực vào việc xây dựng nền văn hóa sự sống và văn minh tình thương trên quê hương đất nước chúng ta” (số 48). “Từ trái tim đến trái tim” là con đường các Nữ Tu của Mái Ấm Tình Thương đã chọn để loan báo Tin Mừng.

Cầu chúc và ước mong ngày càng có thêm nhiều tấm lòng hảo tâm cùng chung tay với các chị để mang niềm hạnh phúc đến cho nhiều người đang chìm trong đau khổ tinh thần và thể xác bởi “cứ dấu này mà người ta nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em yêu thương nhau” (Ga 13, 35).
 
Sinh Hoạt Giáng Sinh 2011 tại Giáo Xứ CTTĐVN Arlington, Virginia
Bùi Hữu Thư
21:49 28/12/2011
Arlington, Virginia: Việc chuẩn bị đón mừng Chúa Giêsu Hài Đồng đã được khởi sự cả tháng trước ngày Giáng Sinh. Tại giáo xứ CTTĐVN Arlington VA, việc đầu tiên là cho các em Thiếu Nhi xưng tội, rồi tĩnh tâm giới trẻ với Ca Sĩ Truyền Giáo nổi danh John Angotti, các cha ngồi toà giải tội cho giáo dân hàng ngày, tĩnh tâm giáo xứ với cha giảng phòng Nguyễn Tầm Thường trong 4 ngày, từ thứ hai đến thứ năm.

Ngày thứ sáu 23/12 là ngày có buổi diễn nguyện, và tiệc mừng Chúa Giáng Sinh và sinh nhật cha xứ Nguyễn Đức Vượng. Buổi trình diễn đã được bắt đầu lúc 7:15pm, sau Thánh Lễ 6:30pm. Chương trình này đã được phát hình trực tiếp trên mạng lưới của giáo xứ tại www.cttdva.com/dtbk/index.html, và đã được hai đài truyền hình SBTN và Đài Truyền Hình Việt Nam vùng Hoa Thịnh Đốn thu hình. Số khán thính giả trên toàn thế giới vào theo dõi trên máy vi tính vào giờ điạ phương tương đương với giờ Miền Đông Hoa Kỳ thật nhiều, theo thống kê.

Giáo xứ CTTĐVN Arlington Virginia có 9 ca đoàn luân phiên trình diễn cùng với Hoạt Cảnh Giáng Sinh của Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Thánh Tâm dưới sự hướng dẫn của các trưởng và các sơ Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt Miền Fairfax, Virginia.

Sau đây là thứ tự của các tiết mục:

Rất tiếc có 3 tiết mục không gửi hình để đăng tải.

1) CĐ Mẹ Lavang: Xin Ngài Ngự Đến



2) CĐ Thánh Gia: Đêm Giao Hoà

3) CĐ Cecilia: Đêm Noel


4) Nhóm Thiếu Nhi: Hoạt Cảnh Giáng Sinh (1)



5) Nhóm Thiếu Nhi: Hoạt Cảnh Giáng Sinh (2)



5) CĐ Ave Maria: Vinh Danh Thiên Chúa

6) CĐ Seraphim: Liên Khúc Giáng Sinh




7) CĐ Gioan Phaolô II: Ca Vui Noel



8) CĐ Thánh Giuse: Say Noel



9) CĐ Phanxicô & Thánh Linh: Khúc Ca Mặt Trời & Hôm Nay Đây



10) Liên Ca Đoàn: Hang Bê Lem:

.

Các ca đoàn và các em thiếu nhi đã ráo riết tập dượt để tham gia vào chương trình diễn nguyện Giáng Sinh hàng năm này. Năm nay đặc biệt các bậc thềm cung thánh đã được nới rộng để các ca đoàn có đủ chỗ đứng.

Nhờ sự nhiệt thành cuả các ca đoàn, ca viên và sự khuyến khích của cha xứ cũng như sự điều hợp của Phối Trí Viên các ca đoàn là ca trưởng Trịnh Tường Thiên Nga, mọi việc chuẩn bị rất kỹ càng.

Thánh Đường đã được tranh hoàng thật lộng lẫy từ trong ra ngoài bãi đậu xe, với đèn đủ mầu và ba hang đá, ngoài trời, trong hành lang nhà thờ và trên cung thánh, do các đoàn thể và thiện nguyện viên phụ trách. Tạ ơn Chúa, thời tiết mùa Giáng Sinh thật là ấm áp, nhà thờ chật không còn chỗ đứng, nhưng ai nấy đều cảm thấy phấn khởi vì cảm nhận được tình Chúa yêu thương, và sự hy sinh của Con Người, Đấng Emmanuel, Đấng đến để ờ cùng chúng ta. Thật là một Mùa Giáng Sinh rất hân hoan, vui mừng và đầy ơn Chúa.
 
Thông Báo
Cáo phó: Đức ông Đa Minh Vũ Văn Thiện vừa từ trần tại Roma
LM Phêrô Nguyễn Văn Hiện
08:46 28/12/2011
RIP
Trong niềm tin vào Chúa Kitô tử nạn và Phục sinh,
Tòa Giám mục Phát Diệm kính báo:

Đức ông Đa-minh VŨ VĂN THIỆN
Giám đốc Foyer Phát Diệm tại Rôma
Sinh: Ngày 20 tháng 10 năm 1935
Tại: Giáo xứ Dưỡng Điềm, giáo phận Phát Diệm
(Hồi Ninh, Kim Sơn, Ninh Bình)
Học chủng viện: 1950-1962 Tiểu chủng viện thánh Phaolô Phúc Nhạc
- Tiểu chủng viện thánh Phaolô Phú Nhuận – Đại chủng viện thánh Giuse Sài Gòn
Thụ phong linh mục: 23-4-1962 tại Sài Gòn
Du học Rôma: Tại Pontificia Università Urbaniana,
kết thúc với bằng tiến sĩ Giáo luật năm 1970 và cử nhân triết học năm 1975
Giám đốc Foyer Phát Diệm: 1989-2011 (Foyer Phat Diem, Via della Pineta
Sacchetti 45 - 00167 Roma, Italia)
Nhận tước Đức ông: 1989
Được Chúa gọi về lúc: 4 giờ 00 (tức 10 giờ 00 giờ Việt Nam) ngày 26-12-
2011, tại bệnh viện Gemelli- Rôma
Hưởng thọ: 76 tuổi, 49 năm trong chức linh mục.

Chương trình An táng xin được thông báo sau.

Kính xin quý Đức Cha, quý cha, quý tu sĩ, quý thân nhân bằng hữu và mọi
người cầu nguyện cho linh hồn Đức ông.

Chánh Văn phòng TGM Phát Diệm
 
Văn Hóa
Các thánh anh hài
LM Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
10:15 28/12/2011
CÁC THÁNH ANH HÀI

Xưa kia giữa mùa đông giá lạnh
Chốn hang lừa ảm đạm khó khăn,
Ngờ đâu diễm phúc vô song
Nửa đêm đón Chúa Hài đồng Giáng sinh!

Trời đêm ấy thanh bình đẹp lắm
Có muôn ngàn thần thánh hoan ca
Ngợi khen Chúa cả thiên toà
Vì thương nhân thế sinh ra làm người.

Rồi Thiên sứ từ trời hiện xuống
Mang nguồn tin sung sướng tuyệt vời:
“Đây Ta đem đến cho đời,
Cho toàn dân biết Chúa Trời Giáng sinh.

Người dòng dõi triều đình Đa-vít
Cứ dấu đây mà biết được Người:
Hài nhi anh tuấn tuyệt vời
Đặt trong máng cỏ, vải thời bọc thân”

Đoàn Mục tử vô cùng hạnh phúc
Được tin vui ngay lúc đầu tiên
Vội vàng tìm đến Chúa chiên
Họ đồng thờ lạy với niềm hân hoan.

Và như khắp trong toàn trái đất
Tiếng nhạc thiêng cao ngất trời xanh
Muôn ngàn sắc thái âm thanh
Hoà trong bầu khí tốt lành Be-lem.

Đoàn mục tử được xem thấy Chúa
Lòng hân hoan, hớn hở vui tươi
Trở về ca ngợi Chúa Trời Loan tin
Con Chúa cứu đời giáng sinh.

Cùng ngày ấy Thánh soi dẫn
Ba Nhà vua mãi tận phương đông
Hành trình băng núi vượt sông
Đi tìm Thiên Chúa Hài đồng Giáng sinh.

Các Ngài lấy Đức tin son sắt
Theo ngôi sao soi dắt bước đi
Hầu mong gặp Chúa Hài nhi
Vàng, hương, Mộc dược đem đi tiến Người.

Bỗng sao lạ trên trời biến mất
Ba Vua lo đưa mắt nhìn quanh
Bầu trời thăm thẳm mây xanh
Rừng sâu, suối vắng chảy quanh núi đồi.

Màn đêm tối buông rơi lạnh giá
Biết nơi nào Vua Cả sinh ra
Quê nhà thăm thẳm đường xa
Ngôi sao biến mất, đâu là hướng đi?

Nhưng tất cả chỉ vì yêu Chúa
Có ngại gì trắc trở khó khăn
Cậy trông có Chúa từ nhân
Ba vua kiên nhẫn dừng chân ngóng chờ.

Rồi thẳng tới Đền Vua Hê-rốt
Hỏi nơi Vua trời đất mới sinh
Nhà Vua nghe nói thất kinh
Vội vàng triệu tập triều đình hỏi tin.

Các Luật sĩ đứng lên giải đáp:
“Ở Be-lem miền đất Giu-đa”
Nhà Vua nham hiểm lo xa:
”Nếu sau Vua mới chiếm toà thì sao ?

Không thể được lẽ nào chịu thế
Ta phải dùng mưu kế mới xong!
Gươm kia ta cứ giết phăng
Còn ai có thể sánh bằng với Ta ?”

Vua lập tức tỏ ra nhã nhặn
Điều tra rồi căn dặn Ba Vua:
“Các Ngài sớm liệu việc cho
Tìm nơi Con Trẻ để lo kính Người,

Rồi trở lại cho tôi được biết
Tôi cũng đi triều yết kính Người”.
Ba vua tin tưởng y lời
Lên đường tìm Đức Chúa Trời Giáng sinh.

Ngôi sao lại thình lình xuất hiện
Dẫn Ba vua thẳng tiến Be-lem
Dừng trên nhà lá thô hèn
Ba Vua mừng rỡ ngợi khen Chúa Trời.

Rồi vội vã vào nơi Chúa ở
Lòng hân hoan khó tả lên lời
Sấp mình kính lạy Chúa Trời
Vàng, hương, mộc dược nhất thời tiến dâng.

Căn nhà lá ẩn thân Chúa ngự
Cảnh khó hèn bao phủ Chúa Trời
Hôm nay Thiên Chúa tỏ Người
Cho muôn dân biết Chúa Trời Giáng sinh.

Nhưng giây phút ân tình đã hết
Giờ trở về ly biệt đã gần
Ba vua cảm xúc vô ngần
Giã từ Thiên Chúa Hài đồng kính yêu.

Rồi định thẳng tới triều Hêt-rốt
Báo nơi Vua Trời đất ẩn thân
Để vua cũng được hồng ân
Kính thờ chính Đấng muôn dân ngóng chờ.

Lúc này tại Đền Vua Hê-rốt
triều đình nóng ruột chờ mong.
Nhà Vua tính kế đã xong
Gươm mài đã bén đợi trông tời giờ.

Ai có thể nghi ngờ được nữa
Tử thần đang đợi Chúa Hài nhi
Ba Vua không chút hồ nghi
Thương ôi ai hiểu những gì xảy ra.

Nhưng Thiên Chúa quả là quyền phép
Mộng Ba vua được biết mưu gian
Tìm về đường khác an toàn
Uổng công Hê-rốt hung tàn ngóng trông.

Vua chờ mãi biết không hy vọng
Giận Ba vua lật lọng trái lời
Lửa hờn nóng giận sục sôi
Lệnh truyền binh lính nhất thời tuốt gươm !

Nhằm thẳng hướng Be-lem vây bắt
Giết Hài nhi trong khắp cả miền
Tiếng kêu xé ruột nổi lên
Nát lòng hiền mẫu Be-lem thảm tình.

Từ con trẻ mới sinh yếu ớt
Tới hai năm non nớt thơ ngây
Lưỡi gươm tàn ác xé thây
Máu đào vô tội thấm đầy đất thiêng.

Vua Hê-rốt thản nhiên theo dõi
Lòng ác gian mong mỏi một điều:
Cho dù phải giết bao nhiêu
Miễn vua Do thái thủ tiêu được rồi.

Vua đâu hiểu Chúa Trời xuống thế
Là làm Vua ngự trị tâm hồn
Nước Người rộng khắp bốn phương
Phải đâu theo nghĩa tầm thường thế gian.

Dù Vua có bạo tàn điên dại,
Nhưng làm sao chống lại Chúa Trời
Khi Ba vua đã đi rồi
Sứ Thần Thiên Chúa tức thời báo tin

Giuse kíp nửa đêm trỗi dậy
Đem Hài nhi trốn chạy kịp thời
Nhanh chân cùng với Mẹ Người
Tránh sang Ai-cập qua đời ác vương.

Vua Hê-rôt trăm phương nghìn kế
Giết Hài nhi cốt để hại Người
Nhưng Vua giết hết trẻ rồi
Chỉ duy Con Đức Chúa Trời là không.

Lại chính Chúa Hài đồng hiển thắng
Vua băng hà cay đắng thảm thê
Bệnh tình dằn vặt gớm ghê
Lương tâm cắn rứt trăm bề đớn đau.

Thiên Thần Chúa ngay sau lúc ấy
Truyền Giuse trỗi dậy trở về
Từ nay yên ổn mọi bề
Kẻ thù giết Chúa Hài nhi chẳng còn. *

Giuse lại lên đường về nước
Chúa Hài nhi từng bước khôn ngoan
HOÀN TOÀN CHIẾN THẮNG THẾ GIAN
TÌNH THƯƠNG RỘNG TOẢ, TRÀN LAN MUÔN ĐỜI.

Lm Hồng Phúc
 
Các Thánh Anh Hài
Trầm Thiên Thu
11:37 28/12/2011
Bạo chúa Hê-rô-đê
Nghe thấy tin đồn lạ
Về hài nhi bé nhỏ
Vừa mới được sinh ra

Ông tá hỏa khi nghe
Đó là Thiên vương lạ
Ông vội lập mưu kế
Để bảo vê ngai vàng

Lệnh thâm độc được ban
Vì đại vương nhỏ mọn:
“Trai hai tuổi trở xuống
Phải giết sạch, cấm tha”

Vô tội bao hài nhi
Bị giết chết oan nghiệt
Bao người mẹ than khóc
Vì oan ức, thương con

Ngày nay vẫn vô vàn
Ác tâm trong xã hội
Biết bao trẻ vô tội
Chết vì ý tiểu nhân

Lạy Giêsu, Ngôi Con
Ngài sinh trong nghèo khổ
Đời con đầy nỗi sợ
Xin cứu độ, Chúa ơi!
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Kiếp Không Nhà
Giuse Nguyễn Cao Hoàn (ĐCV Hànội)
22:21 28/12/2011
KIẾP KHÔNG NHÀ
Ảnh của Giuse Nguyễn Cao Hoàn (ĐCV Hànội)
Hãy rộng tay cứu giúp người nghèo khó,
để được hưởng trọn vẹn phúc lành.
(Huấn ca 7, 29)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền