Ngày 25-12-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 26/12: Bị ghen ghét, đánh đập & bách hại – Thánh Tê-pha-nô Tử Đạo đầu tiên - Lm. Antôn Nguyễn Hữu Quảng, SDB.
Giáo Hội Năm Châu
04:24 25/12/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho các dân ngoại. Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.

“Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.”

Đó là lời Chúa
 
Chui qua ...
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
18:22 25/12/2022
CHUI QUA...
GIÁNG SINH 2022

Để vào Vương cung Thánh đường Giáng Sinh tại Bêlem - Israel, khách hành hương phải chui qua cổng, chui xướng hang Bêlem, sấp mình xuống hay quỳ mọp xuống để kính thờ Chúa tại chính nơi Chúa sinh ra làm người.

1. Sơ lược lịch sử Vương cung Thánh đường Giáng Sinh.

Từ Giêrusalem xuôi về hướng nam, đồng thời cách Giêrusalem khoảng 8 cây số, Vương cung Thánh đường Giáng Sinh ở Bêlem là một trong những nhà thờ cổ nhất thế giới, mở cửa để sinh hoạt hoặc đón tiếp khách hành hương liên tục hoặc gián đoạn trong nhiều thế kỷ kể từ lúc xây dựng vào thế kỷ IV đến nay.

Vương cung Thánh đường này được xây dựng ngay trên hang đá Bêlem. Chứng cứ đầu tiên về hang Bêlem được tìm thấy trong quyển sách của thánh Justinô và của giáo phụ Originê viết trong thế kỷ thứ II.

Năm 135, hoàng đế La mã Adrien ra lệnh dựng tượng thần Adonis trên chính hang Bêlem để ngăn cản lòng sùng kính của các tín hữu.

Năm 327, thánh nữ Hêlêna, mẹ của hoàng đế Constantinô I cho phá tượng thần La mã và xây cất nhà thờ Giáng Sinh trùm lên vị trí ngôi nhà thờ ngày nay.

Năm 565 hoàng đế Justinianô I cho xây dựng lại vì nhà thờ xuống cấp. Ngôi nhà thờ này, dù xây lại, lại nhỏ hơn ngôi nhà thờ do thánh Hêlêna xây dựng. Dù nhỏ hơn, nó vẫn tồn tại đến nay.

Khi Bêlem bị người Ba tư xâm chiếm vào năm 614, viên chỉ huy Shahrbaraz đã không ra lệnh tiêu hủy nhà thờ này vì nhìn thấy sự xuất hiện của ba vị Đạo sĩ phương đông với trang phục của dân Ba tư nơi ngôi nhà thờ này.

Mặc dù bên trong nhà thờ Giáng Sinh rất bề thế, nhưng trong các lần chiến tranh với người Hồi giáo, những người phụ trách nhà thờ đã cho ngụy trang bằng cách làm cổng vào nhỏ lại, chiều cao chừng một thước, chiều rộng chừng tám tấc và mặt tiền không có vẻ là nhà thờ (để tránh bị đập phá). Đó là lý do tại sao ngày nay nhà thờ Giáng Sinh không có chút gì uy nghi, cao cả bề ngoài.

Cũng có lẽ nhờ thế, nhà thờ Giáng Sinh vẫn giữ được tinh thần đơn sơ khó nghèo như lúc Chúa sinh ra cách nay hơn 2000 năm.

2. Phải cúi xuống và phải chui qua...

Trong tinh thần đơn sơ, và nhìn nhận mình thấp hèn, ngày nay khách hành hương, khi muốn vào bên trong để viếng nhà nhà, họ phải cúi mình xuống để chui qua cánh cửa vừa thấp, vừa hẹp.

Trong khi chui qua cánh cổng, dù là người ở vị trí nào hay quyền uy đến đâu, khách hành hương cúi xuống để tôn thờ Thiên Chúa Ngôi Hai đã vì mình, vì nhân loại mà bỏ trời để làm người trong thân phận bé thơ bị chối từ, bị rược đuổi và cuối cùng bị giết chết thảm hại.

Lễ Giáng Sinh, Thiên Chúa tỏ mình cho dân Do thái nói riêng và cho cả nhân loại nói chung. Trong sự tỏ mình khiêm cung ấy, Thiên Chúa muốn dạy cả loài người bài học cần thiết: Từ nay, con người có thể gặp Thiên Chúa không chỉ trong đền thờ Giêrusalem hay trong các ngôi nhà thờ sang trọng mà còn nơi máng cỏ nghèo hèn...

Từ nay gặp gỡ Thiên Chúa không chỉ dành riêng cho tư tế, hay chỉ dành cho hàng lãnh đạo của Hội Thánh (hay nói một cách tầm thường hơn: giàn lãnh đạo của Hội Thánh), mà còn cho cả mọi tầng lớp nhân loại dù họ bần hàn đến đâu, dốt nát đến đâu như hình ảnh dễ thương và hiền lành của những trẻ chăn chiên trên cánh đồng Bêlem năm ấy.

Từ thánh đường Giáng Sinh, khách hành hương đi xuống những bậc cấp để từng người một bước vào trong HANG - NƠI CHÚA SINH RA.

Để vào bên trong, người ta phải khom mình xuống, vì lối vào cũng chỉ cao một thước, rộng tám tấc. Lối vào này có tên là "Cổng Khiêm Cung", vì khi vào, ai cũng phải chui.

Mỗi người lần lượt quỳ gối hôn kính tảng đá Ngôi sao bạc, ghi dấu chính nơi Chúa Ngôi Hai sinh ra. Nơi đây được gọi là Động Giáng Sinh, đánh dấu một trang tình sử của Thiên Chúa, ghi nhớ một đêm đông giá lạnh, từ trời cao, Thiên Chúa xuống thế làm người.

Thiên Chúa đã chọn làm một người nghèo, sinh ra trong một gia đình nghèo, trong một hoàn cảnh nghèo, trong một chốn nghèo, giữa những người nghèo, bên cạnh đàn vật hôi hám...

Khi nói tới vĩ đại, người ta thường nghĩ nó là sự to lớn, bề thế, mênh mông... Thực ra, vĩ đại là cái không thể tưởng tượng lại có thể trở thành hiện thực. Rất nhiều khi vĩ đại là cái vô cùng to lớn lại có thể biến thành cái vô cùng nhỏ bé mà vẫn êm ái, vẫn như sự thông thường, vẫn không làm đảo lộn bất cứ trật tự nào, vẫn không gây chấn động kinh hoàng nào...

Hiểu như thế, sự kiện Giáng Sinh, bên ngoài xem ra tầm thường, nhưng lại là biến cố vĩ đại. Quá vĩ đại đến nỗi nhiều người không thể tin đó là sự thật.

Làm sao một Thiên Chúa lại có thể lại làm được những việc quá tầm thường. Làm sao một Thiên Chúa lại có thể được cưu mang, được hiện hữu trong lòng dạ nhỏ nhoi của một người nữ, được sinh ra, được ẳm bồng, được cho bú mớm, được dưỡng dục, được lớn lên trong khuôn khổ một gia đình...?

Đó là một việc hết sức táo bạo. Táo bạo đến ngỡ ngàng, đến sững sờ, đến khiếp run. Thiên Chúa mà lại như thế à? Làm sao có thể tin được một Thiên Chúa, Đấng vượt ra ngoài mọi khái niệm lại trở thành cụ thể. Cụ thể đến nỗi như sờ được, như diễn tả được, như nhìn ngắm được! Cụ thể đến nỗi chỉ là một bé thơ trần trụi!

Vì thế, thưa anh chị em, nhất là những ai đã từng ít nhất một lần đến hành hương Thánh địa, những ai đã từng chui qua cánh cổng của Vương cung Thánh đường Giáng Sinh, đã từng chui xuống hang Bêlem, đã từng sấp mình xuống để hôn kính chiếc Sao bạc là chính nơi Thiên Chúa vô cùng đã hạ cố chính mình vì chúng ta trong thân phận con người bé nhỏ, yếu đuối, nghĩa là anh chị em đã một lần diễm phúc được cúi xuống trước mầu nhiệm Giáng Sinh tại chính nơi Chúa của mình đã sinh ra trong hèn hạ, trong nghèo khó, trong đơn côi, trong tĩnh mịch, trong giới hạn, trong lạnh giá...

Hãy mang lấy hành vi cúi xuống này, để không phải một lần trong chuyến hành hương, mà là một đời Kitô hữu học lấy bài học tự hạ và khiêm nhường thẳm sâu của Chúa.
Hãy hạ mình như Chúa.
Hãy sống thanh bần như Chúa.
Hãy yêu chuộng đức nghèo hèn như Chúa.
Hãy làm người rốt hết như Chúa.
Hãy xả thân phục vụ như Chúa phục vụ.
Hãy để tâm lo cho ơn phần rỗi của bản thân như Chúa lo cho chúng ta. Vì lo cho chúng ta mà Chúa hạ cố chính mình để cứu chuộc chúng ta, để muôn đời chúng ta có Chúa và muôn đời Chúa có chúng ta.

Nói cho cùng, đứng trước mầu nhiệm Giáng Sinh đêm nay, anh chị em và tôi hãy cúi mình thật lâu và cúi mình thật sâu để tôn thờ Chúa, để nhìn lại sự hèn hạ của bản thân mình.

Xin đừng bao giờ quên hay làm phai nhạt hành vi cúi mình tại cổng vào Vương cung Thánh đường Giáng Sinh, tại lối vào hang đá Bêlem, tại chính nơi Chúa Trời của chúng ta sinh ra được đánh dấu bằng chiếc Sao bạc...

Không chỉ xin đừng quên hành vi cúi mình ngày ấy mà còn phải mang nó vào đời, mang nó trọn kiếp người của mỗi chúng ta...

Kính chúc tất cả anh chị em, tất cả gia đình, cũng như cộng đoàn của mình dù là cộng đoàn giáo xứ hay dòng tu một lễ Giáng Sinh tràn ngập thánh ân của Chúa Hài Nhi, tràn ngập thái độ khiêm tốn mà Chúa đã dạy chúng ta trong mầu nhiệm Giáng Sinh của chính Chúa.


 
Giá của một linh hồn
Lm Minh Anh
18:30 25/12/2022

GIÁ CỦA MỘT LINH HỒN
“Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này!”.

Một giáo sư Hà Lan đã nghiên cứu về chi phí cần thiết để có thể giết chết một binh sĩ của đối phương qua các thời đại. Ông ước tính, thời Julius Caesar, để giết một người lính của đối phương, phải tốn ít hơn 1 dollar; thời Napoléon, chi phí tăng lên đáng kể, hơn 2,000$; cuối đệ nhất thế chiến, con số đã nhân lên gấp bội, khoảng 17,000$; ở đệ nhị thế chiến, khoảng 40,000$. Và vào năm 1970, để giết một người lính đối phương, Hoa Kỳ phải tốn đến 200,000 dollars!

Kính thưa Anh Chị em,

Nhân ngày Giáo Hội mừng kính thánh Têphanô, tử đạo tiên khởi, một câu hỏi đặt ra là, “Để giết chết một môn đệ Giêsu, phải tốn bao nhiêu?”. Xem ra không tốn đồng nào cả! Và sẽ rất thú vị khi chúng ta đặt một câu hỏi ngược lại, “Vậy để cứu lấy sự sống đời đời của một người, thì ‘giá của một linh hồn’ sẽ là bao nhiêu?”. Các bài đọc hôm nay sẽ cho chúng ta câu trả lời.

Trình thuật Công Vụ Tông Đồ cho thấy, giá Têphanô phải trả để cứu một linh hồn là chính mạng sống và sự tha thứ của ngài. Câu chuyện cho biết, họ ném đá Têphanô cho đến chết khi ngài vừa kịp nói, “Lạy Chúa, xin đừng chấp tội họ!”; và “Các nhân chứng để áo của Têphanô dưới chân một thanh niên tên là Saolô”. Rõ ràng, trong số những người Têphanô cầu xin để họ được ơn tha thứ, có Saulô, một người đã từng bách hại và tìm cách tiêu diệt Hội Thánh. Để ít lâu sau, Saulô trở thành Phaolô, một Tông Đồ Dân Ngoại. Như vậy, chính Phaolô là người đầu tiên hưởng nhận ơn tha thứ của Têphanô. Và có thể nói không do dự rằng, ‘giá của một linh hồn’ mà Têphanô phải trả để Hội Thánh có được Phaolô là chính mạng sống Têphanô cùng với sự tha thứ của ngài; nói cách khác, nhờ Têphanô, Phaolô được sinh ra trong ân sủng!

Làm sao một con người có thể làm được điều đó? Trước hết, Têphanô đầy Thánh Thần! Công Vụ Tông Đồ cho biết, “Được đầy ơn Thánh Thần, ông đăm đăm nhìn trời”. Chính Thánh Thần ban đủ sức mạnh để Têphanô bắt chước Thầy mình; Têphanô sống trong Thánh Thần, đầy Thánh Thần, được dẫn dắt bởi Thánh Thần. Và sẽ không ngạc nhiên khi chúng ta đọc lại lời Chúa Giêsu hứa trong Tin Mừng hôm nay, “Trong giờ đó, sẽ cho các con biết phải nói gì. Thật vậy, không phải chính các con nói, mà là Thần Khí của Cha các con nói trong các con!”.

Tha thứ đích thực là ‘giá của một linh hồn’; vì dẫu có hy sinh đến chết nhưng lòng không nguôi ngoai, không tha thứ, thì cái chết cũng trở nên vô nghĩa. Trên thập giá, Chúa Giêsu nói, “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”; cũng vậy, khi sắp chết, Têphanô đã thưa, “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này!”. Và bắt chước Thầy, “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha”, Têphanô cũng đã phó thác trọn vẹn, “Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con!”. Thánh Vịnh đáp ca bày tỏ sâu sắc tâm tình này, “Trong tay Ngài, lạy Chúa, con xin phó thác hồn con!”.

Anh Chị em,

“Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này!”. Trên thập giá, Chúa Giêsu đã nói trước những lời mà Têphanô sẽ lặp lại. Và thật thú vị, “Họ” ở đây còn bao hàm bạn và tôi! ‘Giá của một linh hồn’ bất cứ ai trong chúng ta đều được Chúa Giêsu mua lấy bằng chính mạng sống, cái chết và sự tha thứ của Ngài. Trong Bí Tích Rửa Tội, chúng ta được sinh ra từ sự tha thứ của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu; nhờ Ngài, chúng ta được tái sinh trong ơn nghĩa thánh. Vì thế, mỗi lần nhớ đến hồng ân trọng đại này, chúng ta ý thức hơn về ơn gọi của mình. Bạn và tôi được gọi để trở nên chứng nhân của sự tha thứ, chứng nhân của ánh sáng, những chứng nhân Kitô sẽ sẵn sàng trả giá cho các linh hồn trong một thế giới tối tăm cừu hận.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ‘giá của một linh hồn’ thật đắt, nhất là linh hồn con. Cho con biết trân quý ân sủng Chúa; để trở nên một môn đệ luôn trăn trở cho việc đánh bắt các linh hồn về cho Ngài!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Sứ điệp Giáng Sinh Urbi et Orbi, gởi dân thành Rôma và Thế giới, 2022
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
14:55 25/12/2022


Lúc 12g trưa ngày Lễ Giáng Sinh 25/12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban phép lành kèm theo ơn toàn xá cho tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô cũng như những anh chị em tín hữu trên thế giới, theo dõi qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông mới, miễn là họ giữ các qui tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.

Từ bao lơn chính giữa đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã đọc sứ điệp Urbi et Orbi, gởi dân thành Rôma và Thế giới.

Mở đầu sứ điệp Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em ở Rôma và trên toàn thế giới thân mến, Chúc Mừng Giáng Sinh!

Xin Chúa Giêsu, được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria, mang đến cho tất cả anh chị em tình yêu Thiên Chúa, suối nguồn cậy trông và hy vọng, cùng với hồng ân bình an đã được các thiên thần loan báo cho các mục đồng Bêlem: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời bình an dưới thế cho người Chúa thương” (Lc 2:14).

Vào ngày lễ này, chúng ta hãy hướng ánh nhìn về Bêlem. Chúa đến thế gian trong chuồng gia súc và được đặt nằm trong máng cỏ dành cho súc vật vì cha mẹ Người không tìm được chỗ trong quán trọ, khi Đức Maria đã đến ngày sinh nở. Ngài đến giữa chúng ta trong thinh lặng và trong đêm tối mịt mù vì Lời Chúa không cần ánh đèn sân khấu hay tiếng nói ồn ào của con người. Chính Người là Ngôi Lời mang lại ý nghĩa cho cuộc sống; Người là Ánh Sáng soi đường ta đi. Tin Mừng cho chúng ta biết “Ánh sáng thật chiếu soi mọi người đã đến thế gian” (Gioan 1:9).

Chúa Giêsu sinh ra ở giữa chúng ta; Ngài là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Ngài đến để đồng hành với cuộc sống hàng ngày của chúng ta, để chia sẻ với chúng ta mọi sự: niềm vui và nỗi buồn, hy vọng và sợ hãi của chúng ta. Ngài đến như một đứa trẻ bơ vơ. Ngài sinh ra trong đêm lạnh giá, nghèo nàn giữa những người nghèo. Cần mọi sự, Người gõ cửa trái tim ta để tìm hơi ấm và nơi nương tựa.

Giống như những người chăn cừu ở Bêlem, được bao quanh bởi ánh sáng, chúng ta có thể lên đường để xem dấu chỉ mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Cầu mong chúng ta khắc phục được tình trạng uể oải tâm linh và ánh hào quang hời hợt của ngày lễ khiến chúng ta quên mất Đấng mà chúng ta đang cử hành sinh nhật của Ngài. Chúng ta hãy bỏ lại sau lưng những màu sắc và sự ồn ào làm chết tâm hồn chúng ta là những điều khiến chúng ta dành nhiều thời gian cho việc chuẩn bị những đồ trang trí và những lễ vật hơn là suy ngẫm về biến cố trọng đại: Con Thiên Chúa đã sinh ra cho chúng ta.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy hướng mắt về Bêlem và lắng nghe tiếng kêu yếu ớt đầu tiên của Hoàng Tử Hòa Bình, vì Chúa Giêsu thực sự là hòa bình của chúng ta: hòa bình mà thế gian không thể ban cho, hòa bình mà Thiên Chúa Cha đã ban cho nhân loại bằng cách sai Con của Ngài đến thế gian. Thánh Leo Cả đã tóm tắt thông điệp của ngày hôm nay trong một câu tiếng Latinh ngắn gọn: Natalis Domini, natalis est pacis: “Chúa giáng sinh là sự giáng thế của hòa bình” (Serm. 26, 5).

Chúa Giêsu Kitô cũng là con đường hòa bình. Qua sự nhập thể, cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của mình, Người đã mở ra con đường dẫn từ một thế giới khép kín và bị áp bức bởi bóng tối của thù hận và chiến tranh đến một thế giới cởi mở và tự do để sống trong tình huynh đệ và hòa bình. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy đi theo con đường đó! Tuy nhiên, để làm được như vậy, để có thể bước theo Chúa Giêsu, chúng ta phải cởi bỏ những gánh nặng đang đè nặng và cản đường chúng ta.

Những gánh nặng đó là gì? Sức nặng chết người ấy là gì? Thưa: Đó cũng chính là những lực lượng tiêu cực đã ngăn cản vua Hêrôđê và triều thần của vua ấy nhìn nhận và chào đón sự giáng sinh của Chúa Giêsu: đó là ham muốn quyền lực và tiền bạc, kiêu căng, đạo đức giả, giả dối. Những lực lượng này ngăn cản chúng ta đến Bêlem; chúng loại trừ chúng ta khỏi ân sủng của Lễ Giáng Sinh, và chúng chặn lối vào con đường hòa bình. Thật vậy, chúng ta phải đau buồn thừa nhận rằng, cho dù Hoàng tử Hòa bình đã được ban cho chúng ta, những ngọn gió lạnh lùng của chiến tranh vẫn tiếp tục tàn phá nhân loại.

Nếu chúng ta muốn có một lễ Giáng Sinh, lễ Chúa Giêsu giáng sinh và được bình an, chúng ta hãy nhìn lên Bêlem và chiêm ngắm dung nhan của Hài Nhi được sinh ra cho chúng ta! Và trên khuôn mặt nhỏ nhắn và ngây thơ đó, chúng ta hãy nhìn thấy khuôn mặt của tất cả những đứa trẻ ở khắp mọi nơi trên thế giới đang khao khát hòa bình.

Chúng ta cũng hãy nhìn khuôn mặt của những anh chị em Ukraine đang trải qua lễ Giáng sinh năm nay trong bóng tối và giá lạnh, xa nhà vì sự tàn phá của 10 tháng chiến tranh. Xin Chúa soi dẫn chúng ta đưa ra những cử chỉ liên đới cụ thể để trợ giúp tất cả những người đang đau khổ, và xin Người soi sáng tâm trí của những người có quyền lực dập tắt tiếng sấm của vũ khí và chấm dứt ngay cuộc chiến vô nghĩa này! Đáng buồn thay, chúng ta thích nghe theo những lời khuyên khác, thống trị bởi tư duy phàm tục. Tuy nhiên, ai là người đang lắng nghe tiếng nói của Hài Nhi đây?

Thời đại của chúng ta đang trải qua một nạn đói hòa bình nghiêm trọng cũng ở các khu vực khác và các hí trường khác của cuộc chiến tranh thế giới thứ ba này. Chúng ta hãy nghĩ đến Syria, vẫn còn vết sẹo bởi một cuộc xung đột đã lùi vào hậu cảnh nhưng vẫn chưa kết thúc. Chúng ta cũng hãy nghĩ đến Thánh Địa, nơi mà trong những tháng gần đây, bạo lực và đối đầu đã gia tăng, gây ra chết chóc và thương tật. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho ở đó, trên mảnh đất đã chứng kiến sự ra đời của Ngài, cuộc đối thoại và những nỗ lực nhằm xây dựng lòng tin lẫn nhau giữa người Palestine và người Israel có thể được nối lại. Xin Chúa Giêsu Hài Đồng nâng đỡ các cộng đồng Kitô hữu sống ở Trung Đông, để mỗi quốc gia đó có thể cảm nghiệm được vẻ đẹp của sự chung sống huynh đệ giữa các cá nhân thuộc các tín ngưỡng khác nhau. Cầu xin Chúa Hài Đồng đặc biệt giúp đỡ Libăng, để cuối cùng nước này có thể phục hồi với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế và với sức mạnh phát sinh từ tình huynh đệ và liên đới. Chớ gì ánh sáng Chúa Kitô chiếu soi vùng Sahel, nơi mà sự chung sống hòa bình giữa các dân tộc và các truyền thống bị phá vỡ bởi xung đột và các hành động bạo lực. Cầu mong ánh sáng đó dẫn đến một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài ở Yemen và hòa giải ở Miến Điện và Iran và một dấu chấm hết cho mọi đổ máu. Cầu mong ánh sáng Chúa Kitô truyền cảm hứng cho các nhà chức trách chính trị và tất cả những người có thiện chí ở Mỹ Châu cố gắng làm dịu những căng thẳng chính trị và xã hội mà nhiều quốc gia đang trải qua; Tôi đặc biệt nghĩ đến người dân Haiti, những người đã phải chịu đau khổ trong một thời gian dài.

Hôm nay đây, khi chúng ta ngồi quanh một chiếc bàn trải rộng, mong sao chúng ta không rời mắt khỏi Bêlem, một thị trấn mà tên của nó có nghĩa là “Nhà Bánh”, nhưng hãy nghĩ đến tất cả những người, đặc biệt là trẻ em, đang bị đói trong khi một lượng lớn lương thực hàng ngày vẫn bị lãng phí và tài nguyên đang được sử dụng cho vũ khí. Cuộc chiến ở Ukraine đã làm trầm trọng thêm tình hình này, đẩy toàn bộ người dân vào nguy cơ bị đói, đặc biệt là ở Afghanistan và các quốc gia vùng Sừng Phi Châu. Chúng ta biết rằng mọi cuộc chiến đều gây ra nạn đói và chúng khai thác lương thực như một vũ khí, cản trở việc phân phát lương thực cho những người vốn đã phải chịu đau khổ. Vào ngày này, chúng ta hãy học hỏi từ Hoàng tử Hòa bình và bắt đầu với những người nắm giữ trách nhiệm chính trị, cam kết biến thực phẩm thành một công cụ duy nhất của hòa bình. Và khi chúng ta thích quây quần bên những người thân yêu của mình, chúng ta hãy nghĩ đến những gia đình đang trải qua nhiều khó khăn và những gia đình đang phải vật lộn trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế này do thất nghiệp và thiếu thốn những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.

Anh chị em thân mến, hôm nay cũng như lúc đó, Chúa Giêsu, Ánh sáng thật, đến trong một thế giới đang trầm kha trong căn bệnh thờ ơ, một thế giới không chào đón Ngài (Ga 1:11) và thực sự từ chối Ngài, như nó đã làm với nhiều người ngoại quốc, hoặc phớt lờ Ngài, như tất cả chúng ta cũng thường làm với người nghèo. Hôm nay chúng ta đừng quên nhiều người di tản và người tị nạn gõ cửa nhà chúng ta để tìm kiếm sự an ủi, hơi ấm và thức ăn. Chúng ta đừng quên những người bị gạt ra bên lề, những người sống một mình, những đứa trẻ mồ côi, những người già – là những người khôn ngoan cho dân tộc của họ – nhưng lại gặp nguy cơ bị gạt sang một bên, và những tù nhân, những người mà chúng ta chỉ đơn thuần nhắc đến vì những lỗi lầm mà họ đã mắc phải chứ không phải như những người nam nữ đồng loại của chúng ta.

Anh chị em thân mến, Bêlem cho chúng ta thấy sự đơn sơ của Thiên Chúa, Đấng tỏ mình ra không phải cho những người khôn ngoan và thông thái, nhưng cho những kẻ bé mọn, cho những ai có tâm hồn trong sạch và rộng mở (Mt 11:25). Giống như các mục đồng, chúng ta cũng hãy vội vã lên đường và để cho mình kinh ngạc trước biến cố không thể tưởng tượng nổi của Thiên Chúa, Đấng trở thành người phàm để cứu độ chúng ta. Ngài, nguồn gốc của mọi điều thiện hảo, tự làm cho mình nghèo đi, xin bố thí từ chính nhân loại tội nghiệp chúng ta. Chúng ta hãy để cho mình được cảm động sâu xa trước tình yêu của Thiên Chúa. Và chúng ta hãy theo Chúa Giêsu, Đấng đã lột bỏ vinh quang của mình để cho chúng ta được thông phần vào sự sung mãn của Người.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Tin nhắn đe dọa được phun sơn lên nhà thành viên hội đồng trung tâm trợ giúp mang thai
Đặng Tự Do
17:14 25/12/2022


Thành viên hội đồng quản trị của trung tâm bị đánh thức lúc 2 giờ sáng bởi những tiếng động bên ngoài nhà cô ấy. Theo báo cáo, người phụ nữ đã nhìn thấy hai người đeo mặt nạ và mặc đồ đen chạy trốn khỏi nhà của cô ấy trên một chiếc Prius.

Một trung tâm hỗ trợ mang thai hộ ở Detroit và nhà của một trong những thành viên hội đồng quản trị của trung tâm này đã bị phun sơn với những thông điệp đe dọa vào sáng sớm thứ Bảy, theo các bản tin địa phương.

Lời đe dọa, “Jeanne, nếu phá thai không an toàn, bạn cũng vậy,” được phun sơn màu đỏ trên cửa nhà để xe và đường lái xe vào nhà của một thành viên hội đồng quản trị của Tổ chức Hỗ trợ Mang thai Detroit ở Eastpointe, Michigan. Theo báo cáo của Macomb Daily, tay nắm cửa trước của ngôi nhà cũng bị sơn đỏ và một ô cửa sổ bị vỡ.

Sáng cùng ngày, chính trung tâm mang thai cũng bị phát hiện đã bị phá hoại bởi các thông báo sơn đỏ có nội dung “những kẻ nói dối”, “phòng khám giả” và “Trả thù cho Jane”.

Trong một tuyên bố với CNA, Giám đốc Điều hành của Tổ chức Hỗ trợ Mang thai Nancy Anter cho biết: “Tôi nghĩ những gì đã xảy ra với chúng tôi và thành viên hội đồng quản trị của chúng tôi được coi là một tội ác do thù ghét. Và tôi nghĩ nó nên được điều tra như vậy, và tôi nghĩ nó phải gây ra báo động trên toàn quốc, bất kể quan điểm chính trị hay đạo đức của bạn về việc phá thai.”

“Rõ ràng là họ không biết chúng tôi làm gì. Chúng tôi không làm chính trị,” Anter nói với CNA. “Chúng tôi là những người mẹ, chúng tôi là một nhóm nhỏ gồm những người làm việc bán thời gian và một nhóm tình nguyện viên, và chúng tôi cung cấp các xét nghiệm mang thai miễn phí, siêu âm miễn phí, quần áo bà bầu, quần áo trẻ em, thiết bị trẻ em, lớp học, nhóm hỗ trợ, thông tin giới thiệu, tã, khăn lau, sữa công thức — nhiều nhất có thể cho bất kỳ phụ nữ nào nghĩ rằng mình đang mang thai… mục tiêu của chúng tôi là giúp đỡ họ, mang đến cho họ sự hỗ trợ thiết thực.”

Kể từ khi phán quyết Roe chống Wade bị lật tẩy, nhóm “Trả thù cho Jane” đã nhận trách nhiệm về một loạt các hành động phá hoại và tấn công vào các nhóm phò sự sống và các nhà thờ.

Một tuyên bố của nhóm Trả thù cho Jane được lưu trữ trên trang web The Anarchist Library nêu rõ: “Từ đây trở đi, bất kỳ nhóm chống lựa chọn nào tự nguyện đóng cửa và ngừng hoạt động sẽ không còn là mục tiêu nữa. Nhưng cho đến khi bạn làm được như thế, thì đó là mùa mở cửa và chúng tôi biết hoạt động của bạn ở đâu,” và “thông qua tấn công, chúng tôi tìm thấy niềm vui.”

Tính đến ngày 22 tháng 9, CNA đã ghi nhận các cuộc tấn công vào 33 nhà thờ, 55 trung tâm mang thai, ba tổ chức chính trị và một nhà hộ sinh kể từ đầu tháng 5, nơi các bằng chứng cho thấy rõ ràng động cơ ủng hộ phá thai. Các tội bao gồm vẽ bậy thô tục, phá hoại tài sản, đe dọa, trộm cắp và thậm chí là đốt phá.

Một số tổ chức phò sự sống đã phải đối mặt với nhiều thứ hơn là vẽ bậy. CNA đã báo cáo trung tâm mang thai Life Choices ở Longmont, Colorado, bị cháy và thiệt hại nặng do khói trong một cuộc tấn công đốt phá. Mặt trước của tòa nhà đã bị xóa bằng các khẩu hiệu ủng hộ phá thai, bao gồm cả “Cấm hành hạ cơ thể chúng tao”. Cụm từ đe dọa “Nếu phá thai không an toàn thì bạn cũng vậy” cũng được viết bằng sơn xịt.

Trang web của Tổ chức Hỗ trợ Mang thai Detroit tuyên bố: “Chúng tôi hy vọng tất cả phụ nữ sẽ ngạc nhiên trước điều kỳ diệu của cuộc sống và cảm thấy được trao quyền khi lựa chọn cuộc sống cho đứa con chưa chào đời của họ.”

Cảnh sát địa phương đang điều tra vụ việc.
Source:National Catholic Register
 
Thư Từ Chức Của Đức Thánh Cha Phanxicô Và Tiền Lệ Của Đức Phaolô Đệ Lục
Đặng Tự Do
17:16 25/12/2022


Giám đốc biên tập của Vatican News, Andrea Tornielli, đã làm sáng tỏ một số lịch sử về những tiết lộ của Đức Thánh Cha Phanxicô với hãng truyền thông Tây Ban Nha ABC.

Đức Thánh Cha cho biết ngài đã ký một lá thư từ chức trong trường hợp ngài bị bệnh tàn tật hoặc trở ngại nghiêm trọng, và ngài đã ký vào lá thư này vào đầu năm 2013. Mặc dù thông báo này gây ngạc nhiên, nhưng không phải là chưa từng có, vì Đức Phaolô Đệ Lục cũng đã thực hiện biện pháp phòng ngừa này.

Điều này đã được tiết lộ bởi người bạn thân của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Tổng Giám Mục Leonardo Sapienza, Nhiếp chính Phủ Giáo hoàng, trong một cuốn sách xuất bản năm 2018. Có tựa đề “La barca di Paolo” ('Con thuyền của Thánh Phaolô'), cuốn sách này đã công bố nội dung của bức thư thoái vị này lần đầu tiên.

Đức Phaolô Đệ Lục đã viết: “trong trường hợp bệnh tật, được cho là không thể chữa khỏi, hoặc trong thời gian dài… hoặc trong trường hợp có bất kỳ trở ngại nghiêm trọng và kéo dài nào khác,” ngài sẽ thoái vị. Trên thực tế, Đức Giáo Hoàng Montini thậm chí đã viết hai bức thư tương tự khác, cũng vào đầu triều đại giáo hoàng của ngài vào năm 1965, trong khi Công đồng Vatican II vẫn đang diễn ra. Một lá thư gửi cho Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh – giống như Đức Phanxicô – và một lá thư gửi cho Niên trưởng Hồng Y đoàn.

Trong lời tựa cuốn sách của Đức Tổng Giám Mục Sapienza, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ca ngợi cử chỉ của vị tiền nhiệm của ngài, vì cho rằng “một vị giáo hoàng bị bệnh nặng ngăn cản sẽ không thể thi hành thừa tác vụ tông đồ của mình một cách hiệu quả”.

Trong cuộc phỏng vấn của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhắc đến Đức Piô thứ 12. Tornielli cho biết ngài có thể đã đề cập đến đến một sáng kiến tương tự của Đức Piô 12, là người đã hình dung ra khả năng từ chức trong trường hợp ngài bị Đức Quốc xã bắt cóc trong chiến tranh.
Source:Vatican News
 
Vị Giám Mục kêu gọi Hoa Kỳ gây áp lực để Nicaragua trả tự do cho giám mục bất đồng chính kiến
Đặng Tự Do
17:17 25/12/2022


Người đứng đầu Ủy ban Công lý và Hòa bình Quốc tế của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ giúp trả tự do cho Đức Cha Rolando Álvarez, Giám Mục giáo phận Matagalpa, vẫn đang bị chính quyền Nicaragua quản thúc tại gia.

Đức Cha Álvarez, đồng thời là giám quản tông tòa của Giáo phận Estelí, đã bị Cảnh sát của nhà độc tài Nicaragua Daniel Ortega bắt giữ vào ngày 19 tháng 8. Tuần trước, ngài bị buộc tội “phá hoại sự toàn vẹn quốc gia và tuyên truyền tin giả,” vì chỉ trích chính phủ.

Ngài dự kiến sẽ xuất hiện trước một tòa án của chế độ vào ngày 10 tháng Giêng năm 2023.

“Kể từ cuộc đàn áp đẫm máu đối với những người biểu tình ôn hòa vào năm 2018 – khi người tiền nhiệm của tôi là Đức Tổng Giám Mục Timothy Broglio đến Nicaragua để bày tỏ tình đoàn kết của chúng tôi với các giám mục anh em của chúng tôi và người dân Nicaragua – chế độ và các đồng minh của nó đã thực hiện một chính sách bạo lực nghiêm khắc, có hệ thống, với các luận điệu gây hấn và đe dọa chống lại Giáo Hội Công Giáo ở Nicaragua,” Đức Cha David Malloy của Rockford cho biết trong một tuyên bố ngày 16 tháng 12.

“Điều này bao gồm việc giam giữ bất công, bạo lực, cấm các linh mục trở về Nicaragua, mạo phạm các hình ảnh thiêng liêng, và thậm chí xúc phạm đến Bí tích Thánh Thể”.

“Tôi kêu gọi Chính phủ Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế theo đuổi việc trả tự do ngay lập tức cho Đức Cha Álvarez, khôi phục tự do tôn giáo và bảo đảm nhân quyền, đồng thời khởi xướng quá trình khôi phục trật tự dân chủ và pháp quyền ở Nicaragua.”

Đức Cha Malloy nói thêm rằng “sắc diện bề ngoài xấu đi của Đức Cha Álvarez là minh chứng cho những điều kiện đặc biệt khó khăn khi ngài bị quản thúc tại gia.”
Source:Crux
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh Lễ Giáng sinh 2022 tại Xứ Tân Việt, Sàigòn
Vinh Sơn Trần Văn Đẩu
10:15 25/12/2022
Thánh Lễ Giáng sinh 2022 tại Xứ Tân Việt, Sàigòn

TGPSG “ “ Giây phút trước Thánh lễ, cộng đoàn chúng ta đã cùng nhau canh thức để nhìn lại lịch sử cứu độ từ khi Ông bà nguyên tổ phạm tội…” Trên đây là lời nhắn nhủ của Linh mục ( lm) Chánh xứ Đaminh Vũ Ngọc Thủ với cộng đoàn trong Thánh lễ Đêm mừng Chúa Giáng sinh do ngài chủ sự, diễn ra lúc 21g thứ bảy 24/12/2022 tại nhà thờ Tân Việt, hạt Tân Sơn Nhì.

Xem Hình

Đến hiệp dâng Thánh lễ có các thành viên HĐMV, các đoàn thể Công Giáo Tiến hành và cộng đoàn dân Chúa.

Trước Thánh lễ, lúc 20g30 cộng đoàn đã tham dự giờ canh thức với chủ đề “ Củng cố sự hiệp thông với Chúa với tha nhân “.

Đúng 21g, đại diện quý chức, các đoàn thể đón Lm chủ tế tiến lên cung thánh bắt đầu Thánh lễ.

Trước khi tiến lên bàn thờ, Lm chủ tề giơ cao tượng Chúa Hài Đồng cho toàn thể cộng đoàn chiêm ngắm.

Đầu lễ, Lm chủ tế nhắn nhủ cộng đoàn: Giây phút trước Thánh lễ, cộng đoàn chúng ta củng nhau canh thức để nhìn lại lịch sử cứu độ từ khi ông bà nguyên tổ phạm tội Thiên Chúa đã hứa ban Đấng Cứu Độ đến với dân người. Ước mong tình yêu của Thiên Chúa đến với chúng ta và chúng ta cũng biết trao ban tình yêu ấy cho anh chị em chung quang mình.

Chia sẻ Tin mừng Lm chủ tế nói: Dừng lại nơi hang đá Belem, chúng ta thấy Chúa được sinh ra giữa những người nghèo nhất, từ đó Chúa mời gọi chúng ta đến với Chúa, học với Chúa tâm tình hiền lành và khiêm nhường và đồng thời chúng ta cũng chiêm ngắm Hài nhi Thiên Chúa. Ngài là Hoàng tử hòa bình là ánh sáng soi chiếu cho nhân loại đang trong tăm tối của tội lỗi và sự chết, Ngài đến để soi rọi chúng ta con đường tiến về quê trời. Ước mong mỗi người chúng ta luôn sống tốt, sống yêu thương, sống khiêm nhường để mở đường cho Chúa đến với anh chị em.

Thánh lễ tiếp tục với phần phụng vụ Thánh Thể

Trước khi kết thúc Thánh lễ Lm chủ tế gởi lời chúc mừng Giáng sinh đến toàn thể cộng đoàn dân Chúa.

Thánh lễ kết thúc lúc 22g30, mọi người cùng chúc nhau lời chúc tốt đẹp nhất trong khi ra về trong bình an và niềm vui của đêm Giáng sinh.

Vinh sơn Trần văn Đẩu ( TGPSG)
 
Đêm Hoan ca & Diễn nguyện mừng Chúa Giáng Sinh tại Hà Nội
TGP Hà Nội
10:54 25/12/2022
 
Đêm ca mừng Chúa Giáng Sinh giáo xứ chính toà Phát Diệm 24.12.2022
Gp Phát Diệm
11:38 25/12/2022
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh ngôi sao giáng sinh Bethlehem
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
10:11 25/12/2022
Hình ảnh ngôi sao giáng sinh Bethlehem

Lễ mừng Chúa giáng sinh xưa nay khắp nơi đều dựng làm hang đá Chúa giáng sinh với đèn điện chiếu sáng cùng các tượng Hài nhi Giêsu, mẹ Maria, Thánh Giuse, các Thiên Thần, các người mục đồng, các con thú vật, và không thể thiếu ngôi sao to Bethlehem.

Đâu là hình ảnh ngôi sao Chúa giáng sinh Bethlehem?

Kinh thánh thuật lại, khi hài nhi Giêsu, Con Thiên Chúa sinh ra ở Bethlehem, có ngôi sao lạ hiện trên nền trời soi đường dẫn lối cho các nhà bác học ngành Thiên
văn từ phương Đông tìm đến chỗ hài nhi Giêsu mới sinh ra. ( Phúc âm thánh Matheo 2, 1-12). Và ngôi sao này chỉ hiện ra soi đường cho các nhà bác học thiên văn thôi, như kinh thánh viết thuật lại. Sau đó không thấy nói tới ngôi sao lạ này nữa.

Bây giờ sang hành hương kính viếng đền thờ Chúa giáng sinh bên Bethlehem, nơi Chúa Giêsu sinh ra, có ngôi sao với 14 cánh vẽ khắc trên nền nhà đá cẩm thạch dưới hầm đền thờ.

Hình ngôi sao 14 cánh này được làm thiết kế đánh dấu nơi này năm xưa cách đây hơn hai ngàn năm, nôi máng hài nhi Giêsu nằm lúc sinh ra trên trần gian được đặt tại địa điểm này.

Không có sách vở bút tích nào ghi thuật lại hình ảnh ngôi sao Bethlehem như thế nào. Nhưng mãi sau này, có thể từ thế kỷ 04. sau Chúa giáng sinh, những tín hữu Chúa Kitô, những nhà thần học, những sử gia… đã căn cứ theo gia phả Chúa Giêsu thuật lại trong Phúc âm thánh Mattheo (1, 1-17) vẽ thiết lập hình ảnh ngôi sao này với 14 cánh.

Gia phả viết ghi lại gốc tích dòng dõi Chúa Giêsu: “ Từ tổ phụ Abraham đến vua David là 14 đời. Từ vua David đến thời lưu đầy sang Babylon có 14 đời. Và từ thời bị lưu đầy sang Babylon đến Chúa Giêsu cũng là 14 đời. (Mt 1,17).

Lịch sử hình ảnh ngôi sao Bethlehem là như thế. Nhưng ngôi sao Bethlehem còn diễn tả hình ảnh sứ điệp ẩn sâu nhiều hơn nữa về lễ Chúa giáng sinh.

Từ ngày bóng tối đêm đen tội lỗi xâm nhập vào trần gian do hệ qủa tội nguyên tổ gây ra, đời sống con người luôn hằng vướng trờ vào những khó khăn hoang mang lo âu sợ hãi. Đời sống vuì thế mất bình an không còn mức thăng bằng quân bình, bị đe dọa rơi vào tình trạng chao đảo.

Ngôi sao Chúa giáng sinh Bethlehem chiếu soi ánh sáng niểm vui niềm vào đêm tối tội lỗi trần gian, xóa tan bóng tối mang sứ điệp ánh sáng bình an cho đời sống tâm hồn con người.

Ngôi sao Chúa giáng sinh Bethlehem mang đến hình ảnh sự điệp niềm hy vọng vào trần gian: Thiên Chúa cùng đồng hành với, không bỏ rơi ai một mình trong hoang mang lo âu sợ hãi. Thiên Chúa muốn cứu độ con người khỏi bóng đêm đen tội lỗi.

Ngôi sao Chúa giáng sinh Bethlehem chiếu tỏa hình ảnh sự điệp tình liên đới giữa Trời cao với trần gian, giữa Thiên Chúa với con người.

Ngôi sao Chúa giáng sinh Bethlehem, theo các nhà thiên văn khảo cứu tìm ra rằng vào thế kỷ 7. sang thế kỷ 6. trước Chúa giáng sinh,- có thể Chúa Giêsu chào đời giáng sinh vào thời gian này – đã có hiện tượng siêu lạ lùng: ánh sáng của các hành tinh Jupiter, Saturn và Mars cùng xuất hiện một lúc chặp gặp nhau trên nền trời và chiếu ra ánh sáng rực rỡ khác lạ.

Có lẽ các nhà bác học thiên văn lúc đó đã nhìn thấy, và theo sự hiểu biết suy luận của họ thời lúc đó nhận ra đó là ngôi sao báo tin một vị Vua mới sinh ra. Nên họ theo hướng sao chỉ tìm đường đến Bethlehem tôn kính vị vua mới sinh ra, hài nhi Giêsu. ( Joseph Ratzinger, Benedickt XVI., JESUS von Nazareth,, Prolog die Kindheitsgeschichten, Herder 2012, Stern, trang 106-109).

Vâng ngôi sao Chúa giáng sinh Bethlehem không thuần chỉ là, theo ngành khảo cổ thiên văn, vật thể hành tinh chiếu sáng trên nền trời, một biến cố sự lạ lùng diễn xảy ra trên bầu trời không gian vũ trụ, như màn trình diễn ngoạn mục. Nhưng ngôi sao Chúa giáng sinh còn ẩn dấu hình ảnh sứ điệp niềm vui cùng tình yêu của Thiên Chúa từ trời cao chiếu tỏa ánh sáng xóa tan bóng tối tội lỗi sự chết đe dọa tâm hồn đời sống con người.

Trong đời sống xã hội khắp nơi xưa nay trên trần gian có nhiều thứ loại ngôi sao khác nhau. Nhưng người tín hữu Chúa Kitô chỉ tin theo, yêu mến ngôi sao Chúa giáng sinh thôi: Ngôi sao ngày xưa đã soi lối chỉ đường cho các nhà bác học thiên văn tìm đến bái lạy hài nhi Giesu con Thiên Chúa đã hạ sinh làm người nơi hang chuồng thú vật giữa cánh đồng Bethlehem bên nước Do Thái.

Ngôi sao Chúa giáng sinh Bethlehem chiếu soi ánh sáng cho tâm hồn con người tìm đường tới lối sống đón nhận ơn tha thứ bình an.

Chúc mừng lễ Chúa giáng sinh 2022
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Thông Báo
Cáo phó cuả Đan Viện Biển Đức Thiên Tâm về Cha Bề Trên Dominic Hạnh được Chúa gọi về trong ngày Giáng Sinh.
Trần Mạnh Trác
20:09 25/12/2022
DVBDTT_Img_5613
 
VietCatholic TV
Hàng Không Mẫu Hạm duy nhất của Putin bốc cháy. Cựu chỉ huy Nga cảnh báo: Putin chỉ từ thua đến thua
VietCatholic Media
03:14 25/12/2022


1. Hàng Không Mẫu Hạm duy nhất của Putin bốc cháy

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin's Only Aircraft Carrier Has Never Seen Action in Ukraine War”, nghĩa là “Hàng Không Mẫu Hạm duy nhất của Putin chưa từng thấy hành động trong chiến tranh Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Hàng Không Mẫu Hạm duy nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin, được tường trình đã bốc cháy hôm thứ Năm. Nó đã ngừng hoạt động trong nhiều năm trước khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu trong bối cảnh công việc sửa chữa và một loạt các sự việc hư hỏng.

Các hãng thông tấn nhà nước của Nga Ria Novosti và Tass đều đưa tin rằng một đám cháy “nhỏ” đã bùng phát trên Hàng Không Mẫu Hạm Đô đốc Kuznetsov khi nó đang được sửa chữa ở một ụ tàu. Cả hai đều trích dẫn Alexei Rakhmanov, người đứng đầu Tập đoàn đóng tàu thống nhất, gọi tắt là USC, thuộc sở hữu nhà nước Nga, là người đã giám sát việc tái trang bị Hàng Không Mẫu Hạm này.

Rakhmanov được tường trình đã nói với các phương tiện truyền thông này rằng ngọn lửa đã được dập tắt thành công và không có thiệt hại nào cho Hàng Không Mẫu Hạm. Vụ hỏa hoạn cũng không gây ra bất kỳ thương vong nào, mặc dù 20 người đã buộc phải di tản khỏi tàu chiến theo nguồn tin của các hãng tin Nga.

Mặc dù một vụ hỏa hoạn ở bất kỳ quy mô nào trên Hàng Không Mẫu Hạm duy nhất của Putin xem ra sẽ là một diễn biến lớn, nhưng thực ra nó không phải là điều bất thường đối với Hàng Không Mẫu Hạm Đô đốc Kuznetsov. Trên thực tế, đây là vụ hỏa hoạn thứ hai xảy ra trên tàu chiến này trong những năm gần đây.

Newsweek đưa tin trước đó rằng Hàng Không Mẫu Hạm Đô đốc Kuznetsov nặng 43.000 tấn, dài 1.000 feet hay 305 mét và có thủy thủ đoàn 1.300 người. Nó cũng được trang bị hệ thống hỏa tiễn chống hạm và phòng không.

Theo National Interest, nó được hình thành vào những năm 1980 và dự định là sự kết hợp giữa Hàng Không Mẫu Hạm chuyên dụng và tàu tuần dương hỏa tiễn hạng nặng. Mặc dù được giới thiệu vào năm 1991, nhưng phải đến giữa thập niên 1990, nó mới hoạt động đầy đủ.

Nhưng kể từ năm 2018, tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov đã ngừng hoạt động và neo đậu tại một ụ tàu để sửa chữa. Vào tháng 10 năm 2018, một chiếc cần cẩu khổng lồ đã đâm vào con tàu và tạo ra một vết nứt dài tới 16 feet sau khi ụ tàu nơi nó đang được tu bổ bị chìm.

Vào tháng 12 năm 2019, một đám cháy đã bùng phát trong khoang tàu chiến, giết chết ít nhất một thành viên thủy thủ đoàn, làm bị thương một số người khác và gây thiệt hại ước tính 8 triệu USD.

Theo Tass, nó cũng đã trải qua quá trình sửa chữa từ năm 2001 đến 2004, 2008 và 2015.

Bất chấp tất cả những sự việc này, Hàng Không Mẫu Hạm Đô đốc Kuznetsov vẫn được coi là soái hạm của Hải quân Nga. Nó hiện đang đóng tại xưởng đóng tàu ở Murmansk, Nga.

Murmansk, một cảng trên Bắc Băng Dương, nằm ở phía Tây Bắc nước Nga, cách xa các hoạt động đang diễn ra ở Ukraine khi Putin tiếp tục gây chiến với quốc gia Đông Âu này.

Newsweek đã liên hệ với USC để biết thêm thông tin và bình luận về vụ cháy cũng như liệu có bất kỳ thay đổi nào trong thời gian dự kiến cho việc trở lại hoạt động của Hàng Không Mẫu Hạm Đô đốc Kuznetsov hay không. Bộ Quốc phòng Nga cũng đã được liên lạc để đưa ra bình luận.

2. Các nhà lãnh đạo Ukraine chỉ trích món quà 'Đêm Giáng Sinh đen tối' của Putin dành cho Kherson

Đêm Giáng Sinh quân Nga đã phóng hỏa tiễn ồ ạt vào hàng loạt các thành phố, thị trấn và làng mạc của người Ukraine. Nghiêm trọng nhất là cuộc tấn công dã man vào thành phố Kherson.

Đó là cách hành động điển hình của quân Nga. Trong cuộc chiến tại Syria, quân Nga tấn công kinh hoàng nhất vào hai ngày lễ lớn của Hồi Giáo là ngày Eid Al-Fitr, cử hành vào cuối tháng chay Ramadan, và ngày Eid Al-Adha, tức là ngày thứ 10 trong tháng cuối cùng theo lịch Hồi Giáo. Trong các ngày lễ này, binh sĩ đối phương nhớ về quê nhà, mong mỏi được gặp người thân, hay lo lắng người thân mừng lễ ra sao, tinh thần xuống thấp. Đó là dịp thuận lợi để ra tay. Năm nay, hầu hết người Ukraine mừng lễ Chúa Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12 nên trong những ngày này quân Nga đã mở các cuộc tấn công rất tàn bạo.

Trong diễn từ đầu tiên trước quốc dân đồng bào sau khi trở về từ Hoa Kỳ, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cảnh giác rằng: “Xin hãy nhớ ai đang chống lại chúng ta. Với kỳ nghỉ lễ đang đến gần, những kẻ khủng bố ở Nga có thể hoạt động trở lại. Họ coi thường các giá trị Kitô giáo và bất kỳ giá trị nào nói chung. Vì vậy, hãy chú ý đến các tín hiệu không kích, giúp đỡ lẫn nhau và luôn chăm sóc lẫn nhau.”

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin's 'Dark Christmas Eve' Gift to Kherson Blasted by Ukrainian Leaders”, nghĩa là “Các nhà lãnh đạo Ukraine chỉ trích món quà 'Đêm Giáng Sinh đen tối' của Putin dành cho Kherson.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Hôm thứ Bảy, các nhà lãnh đạo Ukraine bày tỏ sự phẫn nộ sau khi Nga nã pháo vào thành phố Kherson, khiến ít nhất 10 người chết và hàng chục người bị thương.

Theo các quan chức Kyiv, vụ tấn công đêm Giáng Sinh được tường trình đã giết chết những người Ukraine đang đi mua sắm cho ngày lễ. Cuộc tấn công mới nhất từ Mạc Tư Khoa diễn ra đúng 10 tháng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động cuộc xâm lược Ukraine bị quốc tế lên án vào ngày 24/2.

Kherson bị lực lượng của Putin đánh chiếm vào đầu tháng 3, ngay sau khi cuộc chiến toàn diện bắt đầu. Mặc dù Nga tuyên bố đã chính thức sáp nhập thành phố này của Ukraine, lực lượng của Kyiv đã chiếm lại Kherson vào đầu tháng 11—khi người dân trong khu vực ăn mừng chiến thắng và chào đón họ trở lại.

“Đêm Giáng Sinh đen tối ở Kherson. Quân xâm lược Nga đã tấn công thành phố bất khả chiến bại bằng vũ khí hạng nặng. Bảy người đi mua sắm Giáng Sinh đã thiệt mạng và 35 người bị thương. #russiaisaterroriststate,” Bộ Quốc phòng Ukraine đã tweet hôm thứ Bảy. Bài đăng bao gồm hình ảnh những chiếc xe hơi đang cháy ở khu vực trung tâm thành phố và một thi thể nằm trên đường phố được làm mờ đi để trông bớt sợ.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã giận dữ lên án vụ tấn công trên Twitter, đồng thời đăng tải những hình ảnh không bị làm mờ, cho thấy những người Ukraine đã thiệt mạng trong tình trạng thật kinh hoàng.

“Đây không phải là nội dung nhạy cảm – đó là cuộc sống thực của Kherson. Vào chiều vọng lễ Giáng Sinh, tại khu vực trung tâm của thành phố. Đó là nỗi kinh hoàng, nó giết người vì mục đích đe dọa và niềm vui háo sát,” Zelenskiy viết. “Thế giới phải thấy chúng tôi đang phải chiến đấu chống lại cái ác tuyệt đối nào.”

Oleksii Reznikov, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine, đã gọi cuộc tấn công mới nhất của Nga là “một tội ác chiến tranh khác” và cũng chia sẻ những bức ảnh về sự tàn phá lên Twitter.

Ông viết: “Những vụ pháo kích dã man vào Kherson của những kẻ khủng bố Nga không chỉ là một tội ác chiến tranh khác, mà còn là sự trả thù những cư dân của nó, những người đã chống lại sự xâm lược và chứng minh cho cả thế giới rằng Kherson là Ukraine.

Bộ trưởng nói thêm: “Ukraine sẽ có thể ngăn chặn những thảm kịch như vậy nếu họ có nhiều phương tiện chiến tranh phản công hơn, nhiều pháo hơn và nhiều đạn dược tầm xa hơn. Do đó, những kẻ sát nhân người Nga sẽ bị trừng phạt và trục xuất khỏi Ukraine”.

Zelenskiy đã cảnh báo vài giờ trước cuộc tấn công vào Kherson rằng người Ukraine nên chuẩn bị tinh thần cho sự hung hăng hơn của Nga.

“Với kỳ nghỉ lễ đang đến gần, những kẻ khủng bố Nga có thể hoạt động trở lại,” tổng thống Ukraine cho biết trong một bài phát biểu vào tối thứ Sáu với quốc dân đồng bào. “Vì vậy, hãy chú ý đến các tín hiệu không kích, giúp đỡ lẫn nhau và luôn quan tâm đến nhau.”

Tính đến thời điểm công bố, số người chết là 10 người với khoảng 58 người bị thương, The Kyiv Independent đưa tin. Tờ báo tiếng Ukraine dẫn lời Thống đốc Kherson Yaroslav Yanushevych cho biết 18 người bị thương đang trong tình trạng nghiêm trọng.

Theo truyền thống, hầu hết người Ukraine sẽ tổ chức lễ Giáng Sinh vào ngày 6 và 7 tháng Giêng, đánh dấu Đêm Giáng Sinh và Ngày Giáng Sinh theo lịch Giuliô được sử dụng bởi nhiều Giáo Hội Chính thống giáo và Công Giáo Đông phương. Trong những năm gần đây, người Ukraine ngày càng đón nhận việc tổ chức lễ Giáng Sinh vào ngày 24 và 25 tháng 12, giống như thông lệ ở Tây Âu và Mỹ Châu. Theo một trang web của chính phủ Ukraine, cả ngày 25 tháng 12 và ngày 7 tháng Giêng đều là ngày lễ chính thức của quốc gia.

“Hôm nay chúng tôi ăn mừng. Kể từ khi chiến tranh bắt đầu, rất nhiều người Ukraine đã bắt đầu ăn mừng vào ngày hôm nay,” Yuliia Herasymenko, một nữ doanh nhân Ukraine sống ở Kyiv, nói với Newsweek hôm thứ Bảy. Cô ấy cũng chuyển tiếp những bức ảnh từ một buổi lễ Giáng Sinh tại một nhà thờ mà cô ấy đang tham dự.

Sự thay đổi trong ngày lễ kỷ niệm của người Ukraine cho thấy một sự rạn nứt ngày càng tăng với Mạc Tư Khoa. Nga tổ chức lễ Giáng Sinh vào ngày 7 tháng Giêng, vì Chính thống Nga là Giáo Hội nổi bật nhất trong cả nước. Người Ukraine đang ngày càng quay lưng lại và tránh xa bất kỳ mối liên hệ nào với Nga khi Putin thúc đẩy cuộc chiến chống lại họ.

Cuộc tấn công mới nhất của Mạc Tư Khoa diễn ra khi Putin được cho là đang chuẩn bị tăng gấp đôi nỗ lực chiến tranh của mình. Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, một nhóm chuyên gia cố vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ, đánh giá rằng Điện Cẩm Linh đã xem xét một “đường lối hành động nguy hiểm mới nhất” kể từ tháng 10. Họ nói thêm rằng giờ đây có nhiều khả năng việc Nga tăng cường lực lượng ở Belarus báo hiệu kế hoạch cho một “cuộc tấn công mới”.

Newsweek đã liên hệ với đại sứ quán Nga để bình luận.

3. Đại sứ Brink lên án cuộc tấn công tàn bạo của Nga vào Kherson

Đại sứ Hoa Kỳ tại Ukraine Bridget A. Brink đã lên án một cuộc tấn công tàn bạo khác của Nga vào thành phố Kherson, khiến ít nhất 10 thường dân thiệt mạng và hàng chục người bị thương.

Nữ Đại Sứ nói: “Hôm nay, đã xảy ra một cuộc tấn công tàn bạo khác của Nga vào Kherson mới được giải phóng. Người dân thành phố đã phải chịu đựng rất nhiều khi lực lượng rút lui của Nga cắt điện và nước. Báo cáo ban đầu cho thấy nhiều người chết và bị thương. Thực sự khủng khiếp, đặc biệt là vào đêm Giáng Sinh”

Xin nhắc lại rằng, vào ngày 24 tháng 12, quân đội Nga lại tấn công trung tâm thành phố Kherson. Ít nhất 10 dân thường thiệt mạng và 58 người bị thương.

4. Bộ trưởng Reznikov: Nga vi phạm luật chiến tranh ở Ukraine hàng ngày

Quân đội Nga liên tục bắn phá các tòa nhà dân cư ở Ukraine hàng ngày, vi phạm Công ước tôn trọng Luật và Tập quán Chiến tranh. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov đã cho biết như trên.

“Người Nga đang nã pháo vào các tòa nhà dân cư của Ukraine hàng ngày. Công ước tôn trọng Luật và Phong tục Chiến tranh trên bộ nghiêm cấm tấn công hoặc bắn phá các thị trấn, làng mạc, nhà ở hoặc các tòa nhà không được bảo vệ. Nhưng quân xâm lược Nga không quan tâm,” Ông Reznikov nói.

Công ước tôn trọng luật pháp và tập quán chiến tranh trên bộ đã được thông qua tại hội nghị quốc tế ở The Hague năm 1907. Nga phê chuẩn và tham gia Công ước năm 1909.

Xin nhắc lại rằng, vào ngày 24 tháng 12, quân đội Nga lại tấn công trung tâm thành phố Kherson. Ít nhất 10 dân thường thiệt mạng và 58 người bị thương.

5. Igor Girkin cho rằng Nga chỉ 'từ thua đến thua' nếu mọi thứ vẫn như hiện tại

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Has 'Every Chance of Losing' If Things Stay as They Are: Igor Girkin”, nghĩa là “Igor Girkin cho rằng Nga chỉ 'từ thua đến thua' nếu mọi thứ vẫn như hiện tại.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Blogger quân sự Nga Igor Girkin đã nhắc lại lời chỉ trích của ông ta về nỗ lực chiến tranh của Mạc Tư Khoa ở Ukraine và bày tỏ lo ngại rằng lực lượng của Vladimir Putin cuối cùng sẽ thua cuộc.

Igor Girkin, còn được gọi là Igor Strelkov, là cựu sĩ quan tình báo Nga, người đóng vai trò quan trọng trong việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 và cuộc xung đột ở khu vực Donbas phía đông Ukraine.

Ông ta đã sử dụng kênh truyền thông xã hội Telegram của mình để chỉ trích cách thức các lực lượng Nga đã chiến đấu trong cuộc chiến và nhắm vào việc huy động thất bại do Vladimir Putin công bố.

Girkin đã lặp lại lời chỉ trích của mình đối với nỗ lực chiến tranh của Nga trong một đoạn video trên trang Telegram của ông ta được chia sẻ bởi hãng truyền thông Belarus NEXTA, nơi đã tweet về cuộc chiến.

Ông nói: “Nếu các tướng lĩnh của chúng ta tiếp tục chiến đấu như họ đã làm trong 10 tháng qua, chúng ta có mọi cơ hội để thua trong cuộc chiến này.”

Đầu tháng này, Girkin than thở về việc không ai phải chịu trách nhiệm về những thất bại quân sự của Nga, ngoại trừ những “con dê tế thần” như Tướng Alexander Lapin, người đã bị cách chức vào tháng 10 khỏi chức vụ chỉ huy Quân khu Trung tâm của Nga.

Trong một bài đăng bên dưới phiên bản đầy đủ của video mới nhất, Girkin cũng đã viết trên Telegram vào hôm thứ Sáu rằng ông “hoài nghi về khả năng thành công của một cuộc tấn công lớn” của lực lượng Nga “trên bất kỳ khu vực nào của mặt trận”.

Điều này là “vì những lý do đơn giản là quân đội và hậu phương không sẵn sàng cho các hoạt động như vậy, thiếu mục tiêu chiến tranh và động lực của quân đội để kiên trì đạt được chúng.”

Girkin cũng tỏ ra chế giễu phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov vì đã nói rằng Nga đã đạt được tiến bộ trong việc phi quân sự hóa Ukraine, vốn là một trong những mục tiêu chiến tranh đã nêu của Putin.

Chia sẻ một bài báo từ RIA Novosti trích dẫn Peskov, Girkin đã viết hôm thứ Sáu rằng trước chiến tranh, Ukraine có khoảng “250.000 nghìn quân nhân” trong khi hiện tại có khoảng 700.000, đó là chưa kể lực lượng cảnh sát, đặc vụ và hàng chục nghìn quân dự bị.

Ông cũng lưu ý rằng Ukraine hiện đã mua được các thiết bị quân sự đáng kể như hệ thống chống tăng mới nhất và hỏa tiễn chiến thuật có độ chính xác cao. “Hãy vỗ tay cho sự chuyên nghiệp của thư ký báo chí tổng thống!” Girkin nói.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để xin bình luận.

Girkin đã bị tòa án Hague kết án vắng mặt vào tháng trước với mức án tù chung thân vì vai trò của ông ta trong việc bắn hạ chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines ở miền đông Ukraine vào năm 2014, khiến toàn bộ 298 hành khách thiệt mạng.

Trước đây, ông ta đã bày tỏ lo ngại về những gì sẽ xảy ra với ông ta nếu Nga thua cuộc chiến ở Ukraine, hồi đầu tháng này anh ta nói với một kênh YouTube rằng điều này sẽ dẫn đến việc anh ta bị đưa đến La Haye để thụ án chung thân.
 
Quá sức báng bổ: Putin thảm sát dân Ukraine Đêm Giáng Sinh. Noel ở Moldova. TT Maia Sandu âu lo
VietCatholic Media
05:09 25/12/2022


1. Lời chúc mừng Giáng Sinh của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy

Gửi mọi người!

Những ngày này, hàng triệu người ở Ukraine và hàng tỉ người trên thế giới đón Giáng Sinh. Con Thiên Chúa xuống thế làm người đã đem đến cho nhân loại niềm hy vọng được cứu rỗi, niềm tin vào sự chiến thắng của lòng nhân hậu và sự thiện.

Thật không may, tất cả các ngày lễ đều có dư vị cay đắng đối với chúng ta trong năm nay. Chúng ta phải cảm nhận tinh thần Giáng Sinh truyền thống một cách khác biệt. Bữa tối trên bàn ăn gia đình không thể ngon và ấm áp như xưa. Có thể có những chiếc ghế trống xung quanh bàn ăn. Và những ngôi nhà và đường phố của chúng ta không thể sáng sủa như trước. Và chuông Giáng Sinh có thể không vang lên thánh thót và đầy cảm hứng. Thay vào đó là những tiếng còi báo động không kích, hoặc thậm chí tồi tệ hơn nữa là tiếng súng và tiếng nổ. Và tất cả những điều này cùng nhau có thể gây ra một mối đe dọa lớn hơn. Đó là một sự thất vọng gây ra bởi cường quyền và sức mạnh trên lòng tốt và công lý trên thế giới. Mất hy vọng. Mất tình yêu. Đánh mất chính mình...

Nhưng đây chẳng lẽ không phải là điều mà cái ác và bóng tối, những thứ đã cầm vũ khí chống lại chúng ta, mong muốn trong thâm tâm của họ sao?

Chúng ta đã chống lại họ hơn ba trăm ngày và tám năm. Và chúng ta sẽ cho phép họ đạt được những gì họ mong muốn sao?

Trong trận chiến này, chúng ta có một vũ khí mạnh mẽ và hiệu quả khác. Cây búa và thanh kiếm của tinh thần và ý thức của chúng ta. Sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Lòng can đảm và dũng cảm. Những đức tính khiến chúng ta làm điều thiện và chiến thắng điều ác.

Tác động chính của lòng dũng cảm là sự bền bỉ hoàn thành công việc của mình đến cùng, bất chấp mọi thứ. Sự thật soi sáng con đường của chúng ta. Chúng ta biết sự thật. Chúng ta bảo vệ chân lý. Sự thật của chúng ta là một cuộc đấu tranh cho tự do. Tự do có giá cao. Nhưng chế độ nô lệ thậm chí còn có giá cao hơn.

Con đường của chúng ta được soi sáng bởi niềm tin và sự kiên nhẫn. Kiên nhẫn và niềm tin. Đây là những lực lượng sinh đôi. Như người ta đã nói, “người cai trị và kiểm soát tinh thần của chính mình, tốt hơn kẻ chiếm được một thành phố.” Chịu đựng không có nghĩa là chấp nhận hoàn cảnh. Nhẫn nhục là quan sát để bảo đảm rằng chúng ta không để bất kỳ nghi ngờ hay sợ hãi nào xâm nhập vào tâm trí mình. Đó là niềm tin vào sức mạnh của chính mình.

Cái ác không có vũ khí nào mạnh hơn áo giáp do Chúa ban cho chúng ta. Cái ác đập vào bộ giáp này như một bức tường đá. Chúng ta đã thấy điều này hơn một lần. Chúng ta chịu đựng khi bắt đầu chiến tranh. Chúng ta đã chịu đựng các cuộc tấn công, đe dọa, tống tiền hạt nhân, khủng bố, tấn công hỏa tiễn. Hãy chịu đựng mùa đông này vì chúng ta biết chúng ta đang chiến đấu vì điều gì.

Chúng ta đi qua những chông gai để đến những vì sao, biết rõ điều gì đang chờ đợi chúng ta ở cuối con đường. Thiên Chúa là Quan Án công minh ân thưởng người lành và trừng phạt kẻ ác. Chúng ta ở bên nào là điều hiển nhiên. Ai là ai trong trận chiến này là rõ ràng. Có ít nhất bảy bằng chứng về điều này – chúng được biết đến – “Mắt kiêu ngạo, Lưỡi dối trá, Tay làm đổ máu người vô tội, Lòng toan những điều ác, Chân vội vàng làm điều gian ác, Kẻ làm chứng dối nói ra những điều dối trá, Và kẻ gieo sự bất hòa giữa anh em.” Chúng ta phản đối tất cả điều này. Là một gương mẫu cho người khác. Tín hữu, nghĩa là những người thực sự tin, phải là ánh sáng cho phần còn lại của thế gian. Trong hơn ba trăm ngày, người Ukraine đã phấn đấu vì điều này, chứng minh điều đó, làm gương cho những người khác. Chúng ta có thể chưa phải là công chính, là thánh thiện, nhưng chúng ta chắc chắn đang chiến đấu vì sự thiện và chiến đấu vì ánh sáng, với niềm tin vào lời tiên tri trong Kinh thánh:

“Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi vì một hài nhi đã được sinh ra cho chúng ta!”

Chúng tôi tin rằng nước mắt sẽ được thay thế bằng niềm vui, hy vọng sẽ đến sau tuyệt vọng và cái chết sẽ bị cuộc sống đánh bại.

Người dân Ukraine thân mến!

Hôm nay và tất cả các ngày lễ mùa Đông trong tương lai, chúng ta phải đối diện với những hoàn cảnh khó khăn. Nhiều người sẽ nhìn thấy ánh sao đầu tiên trên bầu trời Bakhmut, Rubizhne và Kreminna hôm nay, dọc hàng ngàn cây số tiền tuyến. Nhiều người đang rong ruổi trên đường từ biên giới Ukraine-Ba Lan đến vùng Kherson hoặc Zaporizhzhia. Nhiều người sẽ nhìn thấy ánh sao qua những lỗ đạn của chính ngôi nhà của mình. Nhiều người sẽ ăn mừng ngày lễ ở nhà của người khác, của những người xa lạ – nhà của những người Ukraine đã cho người Ukraine trú ẩn. Ở Zakarpattia, Bukovyna, vùng Lviv, vùng Ivano-Frankivsk và nhiều vùng khác. Nhiều người sẽ nghe ca khúc Giáng Sinh Shchedryk bằng ngôn ngữ khác - ở Warsaw, Berlin, London, New York, Toronto và nhiều thành phố và quốc gia khác. Và Nhiều người sẽ gặp Giáng Sinh này trong tình trạng bị giam cầm, nhưng hãy nhớ rằng chúng tôi cũng đang đến vì người dân của mình, chúng tôi sẽ trả lại tự do cho tất cả những người nam nữ Ukraine.

Dù chúng ta ở đâu, chúng ta sẽ ở bên nhau ngày hôm nay. Và cùng nhau chúng ta sẽ nhìn lên bầu trời buổi tối. Và chúng ta sẽ cùng nhau nhớ về buổi sáng ngày 24 tháng 2. Hãy nhớ chúng ta đã trải qua bao nhiêu điều. Hãy nhớ Azovstal, Irpin, Bucha, Kramatorsk, Đảo rắn, Chornobayivka, Izium, Kherson. Chúng ta hãy thực hiện một điều ước. Một người vì mọi người. Và chúng ta sẽ cảm nhận được niềm vui. Một người vì mọi người. Và chúng ta sẽ hiểu sự thật. Một người vì mọi người. Không có máy bay không người lái kamikaze nào có khả năng dập tắt Bình minh Giáng Sinh. Chúng ta sẽ thấy ánh sáng của lễ Giáng Sinh ngay cả dưới lòng đất trong hầm tránh bom. Chúng ta sẽ lấp đầy trái tim của chúng ta với sự ấm áp và ánh sáng. Không hỏa tiễn Kinzhal nào có thể dập tắt niềm tin của chúng ta. Chúng sẽ gục ngã trước tinh thần thép của chúng ta. Và cuộc đấu tranh của chúng ta sẽ tiếp tục mà không dừng lại. Nó không bị đe dọa bởi mất điện theo kế hoạch hoặc khẩn cấp. Và chúng ta sẽ không bao giờ cảm thấy thiếu dũng khí và bất khuất.

Chúng ta đã trải qua nhiều tin tức cay đắng và sẽ xứng đáng nhận được tin vui. Chúng ta sẽ hát những bài hát mừng Giáng Sinh – vui hơn bao giờ hết – to hơn cả tiếng máy phát điện. Chúng ta sẽ nghe thấy giọng nói và lời chào của người thân – trong trái tim của chúng ta – ngay cả khi dịch vụ liên lạc và Internet bị ngừng hoạt động. Và ngay cả trong bóng tối hoàn toàn – chúng ta sẽ tìm thấy nhau – để ôm nhau thật chặt. Và nếu không có hơi ấm, chúng ta sẽ ôm nhau thật chặt để sưởi ấm cho nhau.

Chúng ta sẽ ăn mừng ngày lễ của chúng ta! Như mọi khi. Chúng ta sẽ mỉm cười và hạnh phúc. Như mọi khi. Sự khác biệt chỉ có một: đó là chúng ta sẽ không chờ đợi kỳ tích. Chúng ta phải tự tạo ra kỳ tích.

Chúa Kitô đã xuống thế làm người! Hãy ngợi khen Ngài!

2. Moldova hướng đến 2023 trong âu lo trước tham vọng của Nga

Hôm 24 tháng 12, nữ tổng thống Maia Sandu đã có một diễn văn gởi quốc dân đồng bào, trong đó bà nhìn lại 2 năm giữ chức vụ tổng thống của mình và hướng nhìn về tương lai với những lo lắng trước tham vọng của người Nga.

Maia Sandu, sinh ngày 24 tháng 5 năm 1972, là một chính trị gia người Moldova, là Tổng thống Moldova kể từ ngày 24 tháng 12 năm 2020. Bà là nữ tổng thống đầu tiên của Moldova.

Chính phủ Moldova tin rằng, Nga có thể xâm chiếm Moldova vào đầu năm 2023, và một quyết định như thế sẽ còn phụ thuộc vào tình hình chiến trường tại Ukraine.

Giám đốc Dịch vụ An ninh và Thông tin của Moldova, gọi tắt là SIB, Alexandru Musteață cho biết, trong một cuộc phỏng vấn với Moldova rằng cơ quan an ninh đang nghiên cứu các phiên bản diễn biến khác nhau, trong đó có khả năng quân đội Nga sẽ cố gắng chiếm phía bắc Ukraine và nếu thành công sẽ tiến tới Moldova.

Yuri Zhukov, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Michigan, đưa ra một số luận điểm sau phản ảnh các lo lắng của Ukraine và Moldova.

Thứ nhất, Putin đã thất bại không chiếm được Kyiv trong cuộc tấn công ngày 24/2 năm nay. Tuy nhiên, có nhiều khả năng ông ta sẽ thử làm lại một lần nữa.

Thứ hai, nếu ông ta thử lại lần thứ hai, và ông ta thắng, ông ta sẽ tiến chiếm Moldova.

Thứ ba, đối với Putin việc tấn công Kyiv lần thứ hai, thắng hay không, không thành vấn đề. Một cuộc tấn công như thế sẽ có ích cho ông ta là buộc Ukraine phải chuyển hướng nguồn lực từ các mặt trận khác để bảo vệ Kyiv, tạo cơ hội cho Nga có khả năng đạt được những bước tiến ở phía nam và phía đông.

Zhukov nói rằng một tình huống tương tự đã xảy ra khi Nga tiến hành các đợt tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine, buộc quốc gia bị chiến tranh tàn phá này phải quyết định giữa hỗ trợ nỗ lực quân sự hoặc bảo vệ các trung tâm dân sự.

“Putin đang chơi trò chơi lâu dài,” Zhukov nói. “Không thể tung ra cú đấm hạ gục quyết định trong giai đoạn mở đầu cuộc chiến, ông ta đang đánh cược rằng một cuộc xung đột kéo dài sẽ có lợi cho Nga. Đây không phải là một giả định vô lý, vì một cuộc chiến tranh kéo dài sẽ đòi hỏi sự hỗ trợ quân sự liên tục và leo thang của phương Tây, và sự hỗ trợ chính trị cho nỗ lực đó có thể giảm dần ở Âu Châu và Mỹ”

“Nếu Ukraine không thể thay thế những thiệt hại của mình bằng các thiết bị và nguồn lực mới từ phương Tây, thì sự tiêu hao đều đặn từ các cuộc tấn công của Nga cuối cùng sẽ gây ra hậu quả, khiến Ukraine rất khó giữ vững vị trí, càng không thể giải phóng các vùng lãnh thổ đã bị Nga xâm lược.” Zhukov nói. “Đó là cách Putin chiến thắng. Hắn ta không cần phải rút lui, cũng không cần phải chiếm Kyiv. Hắn ta chỉ cần kéo dài mọi thứ và chờ sự ủng hộ chính trị của phương Tây sụp đổ”.

Người đứng đầu cơ quan tình báo Moldova cũng lưu ý rằng kho đạn dược lớn nhất ở Âu Châu, nằm ở Kolbasna thuộc vùng Transnistrian, được quân đội Nga bảo vệ rất kỹ lưỡng. Theo một trong những giả định của quan chức này, Nga có kế hoạch sử dụng những loại vũ khí này trong một cuộc xâm lược vào Moldova để từ đó tấn công Ukraine.

Transnistria là một phần của Moldova nhưng khu vực này có đông đảo con cháu người Nga di dân sang.

Ngày 2 tháng 9 năm 1990, đám con cháu người Nga nổi loạn đòi thành lập nước Transnistria. Giao tranh giữa chính quyền Moldova và phiến quân Transnistria bắt đầu từ tháng 3 năm 1992 và kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn vào tháng 7 năm đó. 1.500 quân Nga vẫn đang đồn trú trong vùng Transnistria là mối đe dọa cho Moldova.

Cho đến nay, Transnistria vẫn được quốc tế công nhận là một phần của Moldova. Nó chỉ nhận được sự công nhận ngoại giao từ ba quốc gia không được quốc tế công nhận là Abkhazia, Nam Ossetia và Artsakh.

Trước nguy cơ bị xâm lược, nữ tổng thống Maia Sandu tính sao? Sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine và một loạt vụ nổ ở Transnistria, bà Maia Sandu đã tuyên bố vào ngày 27 tháng 4 rằng quân đội Moldova đã bị bỏ mặc phần lớn trong ba thập kỷ và họ không thể bảo vệ Moldova khi đối mặt với nguy hiểm. Bà cho biết quân đội Moldova sẽ trải qua quá trình hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa trong tương lai.

Một trong những bước đi có thể của bà Maia Sandu là tái thống nhất với Rumani, một quốc gia NATO, có đường biên giới phía Tây với Moldova.

Sự thống nhất của Moldova và Rumani là một khái niệm phổ biến ở hai quốc gia bắt đầu từ cuối những năm 1980, trong cuộc Cách mạng năm 1989. Cách mạng Rumani năm 1989 và nền độc lập của Moldova năm 1991 đã góp phần vào sự phát triển của phong trào thống nhất của hai quốc gia cùng nói tiếng Rumani. Vấn đề thống nhất được nhắc đi nhắc lại trong công chúng của hai nước, trong thời gian gần đây.

Mặc dù về mặt lịch sử, sự ủng hộ của người Rumani đối với việc thống nhất là rất cao, nhưng một cuộc khảo sát năm 2022 trong Chiến tranh Nga-Ukraine chỉ ra rằng chỉ có 11% dân số Rumani ủng hộ một thống nhất ngay lập tức, trong khi hơn 42% cho rằng chưa phải lúc. Họ sợ phải cưu mang Moldova.

Đa số người dân ở Moldova tiếp tục phản đối việc thống nhất. Tuy nhiên, sự ủng hộ ở Moldova đối với việc thống nhất đã tăng lên đáng kể, với các cuộc thăm dò hỏi “nếu một cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào Chúa Nhật tới về việc thống nhất Cộng hòa Moldova và Rumani, bạn sẽ bỏ phiếu ủng hộ hay phản đối việc thống nhất?” số người ủng hộ tăng từ 20% vào năm 2015, lên 44% vào tháng 11 vừa qua.

Xin gởi đến quý vị và anh chị em những hình ảnh các em nhỏ đến phủ tổng thống hát mừng Giáng Sinh hôm thứ Bẩy 24 tháng 12 vừa qua.
 
Svatove hấp hối dù Putin đưa 50 T90 tiếp cứu. Tay sai đã bỏ chạy. Doanh trại Nga ngay Moscow nổ tung
VietCatholic Media
15:05 25/12/2022


1. Chính quyền do Nga dựng nên ở Svatove đã bỏ chạy về phía Luhansk.

“Chúng tôi đang tiến rất gần đến Svatove: quân xâm lược Nga đã đưa cái gọi là ‘chính quyền Cộng hòa Nhân Dân Luhansk’ ra khỏi thị trấn bị xâm lược. Những con chuột đã bỏ chạy, những kẻ phát xít đã cảm nhận được sự tiếp cận của Lực lượng vũ trang Ukraine nên chúng thu thập chiến lợi phẩm và chuồn thẳng đến Luhansk,” Thống Đốc Luhansk là ông Serhiy Haidai đã cho biết như trên.

Diễn biến này xảy ra sau khi Nga tung hơn 50 xe tăng T90 vào chiến trường Svatove và một số đã bị bắn cháy.

Đồng thời, theo ông, những kẻ xâm lược tiếp tục quấy rối các ngôi làng ngoài vòng kiểm soát của chúng ở vùng Luhansk. “Người Nga biết rằng khoảng 150 cư dân địa phương vẫn ở Nevske nhưng không có sự tập trung của quân đội hoặc khí tài chiến tranh ở đó. Nhưng người Nga vẫn phóng không chỉ hỏa tiễn S-300 mà cả máy bay không người lái Shahed vào làng”, Haidai nhấn mạnh.

Như đã đưa tin, quân xâm lược Nga đã đưa 15 quan chức từ Novosibirsk đến thành lập “chính quyền” ở khu vực Bilovodsk, một phần bị tạm chiếm trong tỉnh Luhansk.

2. Lửa nhấn chìm cơ sở quân sự của Nga trong vụ cháy bí ẩn mới nhất giữa những nghi ngờ phá hoại tại các địa điểm chiến lược

Ký giả Will Stewart của tờ Daily Mail có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “Fire engulfs Russian military facility in latest mysterious blaze amid suspicions of sabotage at strategic locations”, nghĩa là “Lửa nhấn chìm cơ sở quân sự của Nga trong vụ cháy bí ẩn mới nhất giữa những nghi ngờ phá hoại tại các địa điểm chiến lược”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Một ngọn lửa đã nhấn chìm một căn cứ quân sự của Nga ở Mạc Tư Khoa vào đầu ngày hôm nay và hoành hành trong hơn bốn giờ.

Ngọn lửa, tại một cơ sở quân sự ở phía đông thủ đô, xảy ra giữa một loạt các trận hỏa hoạn kinh hoàng đầy bí ẩn với những nghi ngờ rằng phá hoại - liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine - là nguyên nhân số một.

'Ngọn lửa bùng phát bên trong các căn nhà để xe tại tòa nhà số 10 trong khu phức hợp số 3 đường Sokolinaya Gora, cơ quan thông tấn thành phố Mạc Tư Khoa cho biết như trên và n5à nói thêm: 'Các dịch vụ khẩn cấp của Mạc Tư Khoa đang làm việc tại địa điểm này.'

Một video trên diễn đàn tin tức Readovka cho thấy khói bốc ra từ cơ sở quân sự.

Bộ Quốc phòng chưa bình luận về vụ cháy.

Hiện chưa rõ liệu đơn vị quân đội này có liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine hay không.

Nó xảy ra một ngày sau vụ hỏa hoạn bí ẩn tại Hàng Không Mẫu Hạm duy nhất của Vladimir Putin trong khi con tàu đang được sửa chữa sau một trận hỏa họan trước đó.

Hàng Không Mẫu Hạm Đô đốc Kuznetsov xấu số đã được cập cảng tại xưởng đóng tàu Zvyozdochka ở Murmansk để sửa chữa khi ngọn lửa bùng phát trên con tàu đang gặp nhiều vấn đề này.

Ngọn lửa bùng phát trong các cabin ở mạn trái của soái hạm hải quân Nga. Con tầu cũng đã bốc cháy vào năm 2019.

Ngọn lửa ngày hôm nay có thể làm trì hoãn thêm khả năng Hàng Không Mẫu Hạm Đô đốc Kuznetsov quay trở lại hoạt động.

Tuần trước cũng đã chứng kiến hai vụ nổ và hỏa hoạn lớn tại các cơ sở năng lượng quan trọng ở khu vực Irkutsk.

Ngọn lửa giống như trận chiến ngày tận thế bắn lên bầu trời từ một cột khói khổng lồ tại đơn vị giải quyết nước ngưng Markovskoye trong cái lạnh buốt giá âm 22 độ C. Khung cảnh như địa ngục do 'lửa phản lực' gây ra ở quận Ust-Kut phía đông Siberia.

Và ít nhất bảy người bị thương trong một vụ nổ ở Angarsk ba ngày trước đó. Lực của vụ nổ được so sánh với một trận động đất hoặc một tai nạn máy bay.

Ngoài ra, một vụ nổ lớn đã xảy ra tại một đường ống dẫn khí đốt lớn của Nga cách biên giới Ukraine khoảng 560 dặm.

Nguyên nhân không rõ ràng nhưng video cho thấy một quả cầu lửa khổng lồ đang bốc cháy ở Cộng hòa Chuvashia.

Theo các báo cáo ban đầu, đường ống vận chuyển khí đốt từ Nga qua Ukraine đến Âu Châu.

3. Quân Nga tích cực di chuyển từ Mariupol về phía Berdiansk

Một sự di chuyển rất tích cực của các đoàn xe Nga tới khu vực Zaporizhzhia được phát hiện ở thành phố và quận Mariupol.

“Sau vụ nổ ngày hôm qua ở quận Urzuf, một sự di chuyển dữ dội bất thường của các đoàn xe quân sự về phía khu vực Zaporizhzhia theo hướng Berdiansk đã được ghi nhận vào ngày hôm nay tại thành phố và quận Mariupol,” Petro Andriushchenko, cố vấn của thị trưởng Mariupol, cho biết như trên.

Theo ông, các thiết giáp, sở chỉ huy và nhân lực của địch đang di chuyển qua Mariupol - Manhush. ️Một số lượng lớn thiết bị quân sự được theo dõi đang di chuyển qua quận Manhush từ các ngôi làng trên bờ Biển Azov.

Cố vấn của thị trưởng lưu ý: “Theo thông tin công khai từ tình báo Ukraine, có một sự tăng cường cho phần Melitopol của mặt trận.

Vào buổi sáng, các đoàn xe thiết bị của Nga đã rời các làng Urzuf và Babakh-Tarama gần Mariupol.

4. Thiếu Tướng Budanov: Iran chưa gửi hỏa tiễn tới Nga do bị đe dọa trừng phạt nghiêm trọng

Iran vẫn chưa chuyển hỏa tiễn hành trình của mình cho Nga để sử dụng trong cuộc chiến với Ukraine do mối đe dọa về các lệnh trừng phạt quốc tế khắc nghiệt.

Giám đốc tình báo quân đội Ukraine, Thiếu Tướng Kyrylo Budanov, cho biết như trên trong một cuộc phỏng vấn với New York Times.

Theo Budanov, kể từ tháng 10, cứ khoảng 10 ngày, quân đội Nga lại bắn phá cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái, bắn khoảng 75 hỏa tiễn hành trình trong mỗi loạt tấn công. Đồng thời, do không có khả năng bổ sung kho vũ khí hỏa tiễn của mình, Mạc Tư Khoa đang cố gắng mua hỏa tiễn từ Tehran, đồng thời đề nghị chia sẻ bí quyết khoa học trong ngành công nghiệp quân sự.

Budanov nói: “Iran không vội vàng làm điều này vì những lý do có thể hiểu được, bởi vì ngay sau khi Nga bắn những hỏa tiễn đầu tiên, áp lực trừng phạt sẽ tăng lên.”

Ông lưu ý rằng, theo hợp đồng được ký kết vào mùa hè này, Nga đã mua từ Iran 1.700 máy bay không người lái kamikaze Shahed, đang được chuyển giao cho quốc gia xâm lược theo từng đợt riêng biệt.

Cho đến nay, theo thông tin tình báo, người Nga đã sử dụng khoảng 540 máy bay không người lái để tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, hầu hết trong số đó đã bị lực lượng phòng không Ukraine bắn hạ.

Đồng thời, theo Budanov, ưu điểm chính của máy bay không người lái kamikaze của Iran là chi phí sản xuất thấp, khoảng 7.000 USD mỗi máy bay không người lái. Mặc dù, ông nói thêm, hiện tại “không rõ Iran thực sự buộc Nga phải trả bao nhiêu tiền cho số vũ khí đó”.

Theo báo cáo của Ukrinform, người đứng đầu cơ quan tình báo Israel David Barnea, nói rằng Iran đang chuẩn bị mở rộng việc cung cấp cho Nga các loại vũ khí tiên tiến.

5. Ngoại trưởng Kuleba kêu gọi sự hỗ trợ tích cực từ phương Tây sau cuộc tấn công chết người của Nga vào Kherson

Để đối phó với cuộc tấn công chết người của Nga vào thành phố Kherson, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã kêu gọi các đối tác phương Tây và đồng minh của Ukraine hỗ trợ tích cực và lâu dài.

Ông Kuleba nói: “Đêm Giáng Sinh. Cuộc tấn công khủng bố của Nga vào Kherson dẫn đến nhiều thương vong dân sự Trong khi các gia đình ở Âu Châu, Bắc Mỹ và các nơi khác chuẩn bị bữa tối lễ hội, hãy dành một suy nghĩ cho Ukraine hiện đang chiến đấu với cái ác. Chúng tôi cần sự hỗ trợ tích cực và lâu dài của bạn để chiến thắng”

Một lời nhắc nhở rằng quân đội Nga sử dụng tất cả các loại vũ khí để nã pháo ồ ạt vào các thành phố và làng mạc của Ukraine mỗi ngày. Vào ngày 24 tháng 12, người Nga lại tấn công trung tâm thành phố Kherson. Ít nhất 10 người đã được báo cáo thiệt mạng và 58 người bị thương.

6. Viện trợ quốc phòng của Lithuania cho Ukraine sắp vượt quá 300 triệu EUR

Kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược quân sự toàn diện của Nga chống lại nước láng giềng, Lithuania đã cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine với số tiền 283 triệu EUR, trong khi năm tới số tiền này sẽ vượt quá 300 triệu EUR.

Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania Arvydas Anušauskas đã nói về sự hỗ trợ với đài Delfi

“Trong năm tới, khoản viện trợ dự kiến lên tới khoảng 40 triệu EUR. Việc mua phần cứng mới và các thiết bị khác được sản xuất tại Lithuania và được người Ukraine yêu cầu nằm trong kế hoạch. Tôi không loại trừ rằng trong khuôn khổ quá trình tái vũ trang và hiện đại hóa quân đội Lithuania, chúng tôi sẽ có thể chuyển giao một số vũ khí nhất định”, Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania cho biết.

Như bộ trưởng đã lưu ý, sự hỗ trợ đó bao gồm các hệ thống phòng không, vũ khí bộ binh hạng nhẹ, vũ khí chống tăng, súng cối, súng máy, đạn dược, cũng như xe bọc thép và pháo. Điều này bao gồm 62 đơn vị thiết giáp chở quân M113. Ngoài ra, Lithuania đã chuyển cho Ukraine một lượng lớn vũ khí thời Liên Xô, đặc biệt cần thiết để đẩy lùi cuộc xâm lược của Nga trong những ngày đầu tiên của cuộc xâm lược vô cớ.

“Người Ukraine nói rằng sự hỗ trợ từ Lithuania chính xác là những gì cần thiết. Đặc biệt là ở giai đoạn đầu, nói chung, chúng ta là người đầu tiên họ nhận được sự giúp đỡ khi chúng ta gửi sự giúp đỡ như vậy đến Ukraine vào ngày thứ hai của cuộc chiến. Arvydas Anušauskas cho biết, đó là sự hỗ trợ thiết thực, nhưng cũng là sự hỗ trợ về mặt tâm lý và tinh thần cho Ukraine, là điều mà chính người Ukraine đánh giá cao một cách đặc biệt.”

Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania cũng nhấn mạnh rằng Lithuania tiếp tục đào tạo quân nhân Ukraine. Hiện tại, có tới 400 binh sĩ Ukraine đang được huấn luyện tại nước này và công việc này sẽ được tiếp tục.

“Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục huấn luyện các binh sĩ và huấn luyện viên Ukraine ở Lithuania vào năm tới. Điều này bao gồm các khóa học dành cho người vận hành vũ khí chống tăng, kỹ sư quân sự, rà phá bom mìn, các khóa học phòng không, đào tạo sửa chữa và bảo trì M113, các khóa học về chiến tranh tâm lý và phòng thủ mạng”

Ngoài ra, Lithuania sẽ tham gia Phái bộ hỗ trợ quân sự của Liên Hiệp Âu Châu, nơi có các trung tâm đào tạo đã được triển khai ở một số quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu.

Như đã đưa tin trước đó, Lithuania đã trở thành một trong những quốc gia đầu tiên viện trợ cho Ukraine sau khi bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược của Nga, và ngày nay vẫn là một trong những quốc gia cung cấp viện trợ lớn nhất cho Ukraine, tính theo thu nhập quốc gia.

Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, các quốc gia vùng Baltic đã có lập trường cứng rắn và nhất quán trong việc cung cấp cho Ukraine mọi sự hỗ trợ có thể từ Liên Hiệp Âu Châu trong cuộc chiến chống lại những kẻ xâm lược, cũng như hỗ trợ khát vọng gia nhập NATO của Ukraine.

7. Cố vấn tổng thống Ukraine kêu gọi thanh lý các nhà máy vũ khí Iran và bắt giữ các nhà cung cấp

Một cố vấn hàng đầu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Bảy đã kêu gọi thanh lý các nhà máy sản xuất máy bay không người lái và hỏa tiễn của Iran, đồng thời bắt giữ các nhà cung cấp của họ.

Trợ lý của tổng thống Mykhailo Podolyak đã tweet rằng Iran đang “lên kế hoạch tăng cường cung cấp hỏa tiễn, máy bay không người lái cho Nga” với sự coi thường trắng trợn các lệnh trừng phạt quốc tế.

Kyiv đã cáo buộc Tehran cung cấp 1700 quả đạn Shahed-136 cho Mạc Tư Khoa mà Kyiv cho rằng đã được sử dụng để tấn công các mục tiêu ở Ukraine kể từ tháng 9.

Podolyak viết: “Các biện pháp trừng phạt không hiệu quả” nên được bãi bỏ, thay thế bằng các biện pháp “cứng rắn” hơn như “thanh lý nhà máy” và “bắt giữ các nhà cung cấp”.

Bình luận của Podolyak được đưa ra sau khi CNN và các hãng tin khác đưa tin vào tháng trước rằng Iran đang chuẩn bị gửi thêm vũ khí, bao gồm hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn đất đối đất và nhiều máy bay không người lái tấn công tới Nga trước cuối năm nay.

Tháng trước, chính phủ Iran thừa nhận rằng họ đã gửi một số lượng hạn chế máy bay không người lái tới Nga trước khi bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine, nhưng phủ nhận việc cung cấp thiết bị quân sự để sử dụng trong chiến tranh.

Trong chuyến đi mang tính bước ngoặt tới Mỹ vào đầu tuần này, Tổng thống Ukraine Volodomyr Zelenskiy cho biết những tuyên bố đó là sai và cáo buộc Tehran gửi “máy bay không người lái chết người” tới Nga với số lượng “hàng trăm chiếc”.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, Linda Thomas-Greenfield hôm thứ Năm đã kêu gọi thành lập một nhóm tìm hiểu sự thật để điều tra việc Nga tiếp tục sử dụng máy bay không người lái của Iran chống lại cơ sở hạ tầng của Ukraine và xem xét các vi phạm của Iran đối với Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung.

8. Không quân Ukraine tấn công quân xâm lược ba lần trong ngày

Trong ngày 24 tháng 12, Lực lượng Không quân Ukraine đã tiến hành ba cuộc tấn công vào các cụm binh sĩ, vũ khí và thiết bị quân sự của đối phương. Trong khi đó, các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh đánh vào hai cụm nhân lực và hệ thống hỏa tiễn S-300 của Nga.

Tất cả những hành động này nằm vào việc ngăn chặn quân đội Nga tiếp tục vi phạm các quy tắc của luật nhân đạo quốc tế, luật và tập quán chiến tranh.

Bất kể tinh thần hòa bình của lễ Giáng Sinh, những kẻ xâm lược đã tiến hành ba cuộc tấn công hỏa tiễn vào các đối tượng dân sự ở vùng Zaporizhzhia và hơn mười cuộc tấn công bằng hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt.

Quân Nga cũng tập trung nỗ lực tiến hành các hoạt động tấn công ở các hướng Lyman, Bakhmut và Avdiivka và cố gắng cải thiện vị trí chiến thuật của chúng ở hướng Kupyansk.

Ở hướng Slobozhansky, quân Nga nã súng cối và pháo vào các khu vực Huryiv Kozachok, Kozacha Lopan, Kudiivka, Strilecha, Ternova, Starytsia, Vovchansk, Nesterne, Zemlianka, Khatne và Ambarne ở vùng Kharkiv.

Trên hướng Kupyansk, quân đội Nga tấn công các khu vực Novomlynsk, Kupyansk, Kyslivka, Tabaivka và Krokhmalne ở vùng Kharkiv, cũng như Stelmakhivka và Myasozharivka ở vùng Luhansk.

Theo hướng Lyman, những kẻ xâm lược đã bắn vào Makiivka, Chervonopopivka và Dibrova ở vùng Luhansk, cũng như ở Terny ở vùng Donetsk.

Trên hướng Bakhmut, quân Nga tấn công đồng loạt vào 25 khu định cư. Tất cả đều bị đẩy lui.

Ở hướng Avdiivka, quân Nga nã pháo vào Kamyanka, Avdiivka, Vodiane, Nevelske, Marinka và Novomykhailivka ở vùng Donetsk. Các thị trấn Novopavlivka, Vuhledar, Novoukrainka, Velyka Novosilka và Vremivka ở vùng Donetsk đã bị quân Nga tấn công.

Tại khu vực Zaporizhzhia, những kẻ xâm lược đã nã pháo vào các khu vực Malynivka, và Stepove ở khu vực Zaporizhzhia, cũng như Marhanets và Nikopol ở khu vực Dnipropetrovsk.

Ở hướng Kherson, quân Nga tiếp tục khủng bố thường dân. cuộc tấn công đêm Giáng Sinh khiến 10 người thiệt mạng và 58 người khác bị thương.

Theo Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine, những kẻ xâm lược đã áp đặt lệnh giới nghiêm 24 giờ tại vùng Hornostaivka, thuộc tỉnh Kherson, từ ngày 25 tháng 12 đến ngày 3 tháng Giêng năm 2023. Trong gần 10 ngày, cư dân địa phương bị cấm rời khỏi nhà.
 
Thánh Lễ Nửa Đêm Giáng Sinh tại nơi cực thánh: Hang Bêlem. Tiền lệ thư từ chức của các Giáo Hoàng
VietCatholic Media
17:11 25/12/2022


1. Tin nhắn đe dọa được phun sơn lên nhà thành viên hội đồng trung tâm trợ giúp mang thai

Thành viên hội đồng quản trị của trung tâm bị đánh thức lúc 2 giờ sáng bởi những tiếng động bên ngoài nhà cô ấy. Theo báo cáo, người phụ nữ đã nhìn thấy hai người đeo mặt nạ và mặc đồ đen chạy trốn khỏi nhà của cô ấy trên một chiếc Prius.

Một trung tâm hỗ trợ mang thai hộ ở Detroit và nhà của một trong những thành viên hội đồng quản trị của trung tâm này đã bị phun sơn với những thông điệp đe dọa vào sáng sớm thứ Bảy, theo các bản tin địa phương.

Lời đe dọa, “Jeanne, nếu phá thai không an toàn, bạn cũng vậy,” được phun sơn màu đỏ trên cửa nhà để xe và đường lái xe vào nhà của một thành viên hội đồng quản trị của Tổ chức Hỗ trợ Mang thai Detroit ở Eastpointe, Michigan. Theo báo cáo của Macomb Daily, tay nắm cửa trước của ngôi nhà cũng bị sơn đỏ và một ô cửa sổ bị vỡ.

Sáng cùng ngày, chính trung tâm mang thai cũng bị phát hiện đã bị phá hoại bởi các thông báo sơn đỏ có nội dung “những kẻ nói dối”, “phòng khám giả” và “Trả thù cho Jane”.

Trong một tuyên bố với CNA, Giám đốc Điều hành của Tổ chức Hỗ trợ Mang thai Nancy Anter cho biết: “Tôi nghĩ những gì đã xảy ra với chúng tôi và thành viên hội đồng quản trị của chúng tôi được coi là một tội ác do thù ghét. Và tôi nghĩ nó nên được điều tra như vậy, và tôi nghĩ nó phải gây ra báo động trên toàn quốc, bất kể quan điểm chính trị hay đạo đức của bạn về việc phá thai.”

“Rõ ràng là họ không biết chúng tôi làm gì. Chúng tôi không làm chính trị,” Anter nói với CNA. “Chúng tôi là những người mẹ, chúng tôi là một nhóm nhỏ gồm những người làm việc bán thời gian và một nhóm tình nguyện viên, và chúng tôi cung cấp các xét nghiệm mang thai miễn phí, siêu âm miễn phí, quần áo bà bầu, quần áo trẻ em, thiết bị trẻ em, lớp học, nhóm hỗ trợ, thông tin giới thiệu, tã, khăn lau, sữa công thức — nhiều nhất có thể cho bất kỳ phụ nữ nào nghĩ rằng mình đang mang thai… mục tiêu của chúng tôi là giúp đỡ họ, mang đến cho họ sự hỗ trợ thiết thực.”

Kể từ khi phán quyết Roe chống Wade bị lật tẩy, nhóm “Trả thù cho Jane” đã nhận trách nhiệm về một loạt các hành động phá hoại và tấn công vào các nhóm phò sự sống và các nhà thờ.

Một tuyên bố của nhóm Trả thù cho Jane được lưu trữ trên trang web The Anarchist Library nêu rõ: “Từ đây trở đi, bất kỳ nhóm chống lựa chọn nào tự nguyện đóng cửa và ngừng hoạt động sẽ không còn là mục tiêu nữa. Nhưng cho đến khi bạn làm được như thế, thì đó là mùa mở cửa và chúng tôi biết hoạt động của bạn ở đâu,” và “thông qua tấn công, chúng tôi tìm thấy niềm vui.”

Tính đến ngày 22 tháng 9, CNA đã ghi nhận các cuộc tấn công vào 33 nhà thờ, 55 trung tâm mang thai, ba tổ chức chính trị và một nhà hộ sinh kể từ đầu tháng 5, nơi các bằng chứng cho thấy rõ ràng động cơ ủng hộ phá thai. Các tội bao gồm vẽ bậy thô tục, phá hoại tài sản, đe dọa, trộm cắp và thậm chí là đốt phá.

Một số tổ chức phò sự sống đã phải đối mặt với nhiều thứ hơn là vẽ bậy. CNA đã báo cáo trung tâm mang thai Life Choices ở Longmont, Colorado, bị cháy và thiệt hại nặng do khói trong một cuộc tấn công đốt phá. Mặt trước của tòa nhà đã bị xóa bằng các khẩu hiệu ủng hộ phá thai, bao gồm cả “Cấm hành hạ cơ thể chúng tao”. Cụm từ đe dọa “Nếu phá thai không an toàn thì bạn cũng vậy” cũng được viết bằng sơn xịt.

Trang web của Tổ chức Hỗ trợ Mang thai Detroit tuyên bố: “Chúng tôi hy vọng tất cả phụ nữ sẽ ngạc nhiên trước điều kỳ diệu của cuộc sống và cảm thấy được trao quyền khi lựa chọn cuộc sống cho đứa con chưa chào đời của họ.”

Cảnh sát địa phương đang điều tra vụ việc.
Source:National Catholic Register

2. Thư Từ Chức Của Đức Thánh Cha Phanxicô Và Tiền Lệ Của Đức Phaolô Đệ Lục

Giám đốc biên tập của Vatican News, Andrea Tornielli, đã làm sáng tỏ một số lịch sử về những tiết lộ của Đức Thánh Cha Phanxicô với hãng truyền thông Tây Ban Nha ABC.

Đức Thánh Cha cho biết ngài đã ký một lá thư từ chức trong trường hợp ngài bị bệnh tàn tật hoặc trở ngại nghiêm trọng, và ngài đã ký vào lá thư này vào đầu năm 2013. Mặc dù thông báo này gây ngạc nhiên, nhưng không phải là chưa từng có, vì Đức Phaolô Đệ Lục cũng đã thực hiện biện pháp phòng ngừa này.

Điều này đã được tiết lộ bởi người bạn thân của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Tổng Giám Mục Leonardo Sapienza, Nhiếp chính Phủ Giáo hoàng, trong một cuốn sách xuất bản năm 2018. Có tựa đề “La barca di Paolo” ('Con thuyền của Thánh Phaolô'), cuốn sách này đã công bố nội dung của bức thư thoái vị này lần đầu tiên.

Đức Phaolô Đệ Lục đã viết: “trong trường hợp bệnh tật, được cho là không thể chữa khỏi, hoặc trong thời gian dài… hoặc trong trường hợp có bất kỳ trở ngại nghiêm trọng và kéo dài nào khác,” ngài sẽ thoái vị. Trên thực tế, Đức Giáo Hoàng Montini thậm chí đã viết hai bức thư tương tự khác, cũng vào đầu triều đại giáo hoàng của ngài vào năm 1965, trong khi Công đồng Vatican II vẫn đang diễn ra. Một lá thư gửi cho Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh – giống như Đức Phanxicô – và một lá thư gửi cho Niên trưởng Hồng Y đoàn.

Trong lời tựa cuốn sách của Đức Tổng Giám Mục Sapienza, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ca ngợi cử chỉ của vị tiền nhiệm của ngài, vì cho rằng “một vị giáo hoàng bị bệnh nặng ngăn cản sẽ không thể thi hành thừa tác vụ tông đồ của mình một cách hiệu quả”.

Trong cuộc phỏng vấn của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhắc đến Đức Piô thứ 12. Tornielli cho biết ngài có thể đã đề cập đến đến một sáng kiến tương tự của Đức Piô 12, là người đã hình dung ra khả năng từ chức trong trường hợp ngài bị Đức Quốc xã bắt cóc trong chiến tranh.
Source:Vatican News

3. Vị Giám Mục kêu gọi Hoa Kỳ gây áp lực để Nicaragua trả tự do cho giám mục bất đồng chính kiến

Người đứng đầu Ủy ban Công lý và Hòa bình Quốc tế của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ giúp trả tự do cho Đức Cha Rolando Álvarez, Giám Mục giáo phận Matagalpa, vẫn đang bị chính quyền Nicaragua quản thúc tại gia.

Đức Cha Álvarez, đồng thời là giám quản tông tòa của Giáo phận Estelí, đã bị Cảnh sát của nhà độc tài Nicaragua Daniel Ortega bắt giữ vào ngày 19 tháng 8. Tuần trước, ngài bị buộc tội “phá hoại sự toàn vẹn quốc gia và tuyên truyền tin giả,” vì chỉ trích chính phủ.

Ngài dự kiến sẽ xuất hiện trước một tòa án của chế độ vào ngày 10 tháng Giêng năm 2023.

“Kể từ cuộc đàn áp đẫm máu đối với những người biểu tình ôn hòa vào năm 2018 – khi người tiền nhiệm của tôi là Đức Tổng Giám Mục Timothy Broglio đến Nicaragua để bày tỏ tình đoàn kết của chúng tôi với các giám mục anh em của chúng tôi và người dân Nicaragua – chế độ và các đồng minh của nó đã thực hiện một chính sách bạo lực nghiêm khắc, có hệ thống, với các luận điệu gây hấn và đe dọa chống lại Giáo Hội Công Giáo ở Nicaragua,” Đức Cha David Malloy của Rockford cho biết trong một tuyên bố ngày 16 tháng 12.

“Điều này bao gồm việc giam giữ bất công, bạo lực, cấm các linh mục trở về Nicaragua, mạo phạm các hình ảnh thiêng liêng, và thậm chí xúc phạm đến Bí tích Thánh Thể”.

“Tôi kêu gọi Chính phủ Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế theo đuổi việc trả tự do ngay lập tức cho Đức Cha Álvarez, khôi phục tự do tôn giáo và bảo đảm nhân quyền, đồng thời khởi xướng quá trình khôi phục trật tự dân chủ và pháp quyền ở Nicaragua.”

Đức Cha Malloy nói thêm rằng “sắc diện bề ngoài xấu đi của Đức Cha Álvarez là minh chứng cho những điều kiện đặc biệt khó khăn khi ngài bị quản thúc tại gia.”
Source:Crux

4. Thánh lễ Vọng Giáng Sinh tại Bethlehem

Tối ngày 24 tháng Mười Hai vừa qua, Đức Thượng phụ Pierbattista Pizzaballa của Công Giáo Latinh ở Giêrusalem, đã chủ sự thánh lễ Vọng Giáng Sinh tại nơi cực thánh là hang Bêlem, nơi Con Thiên Chúa xuống thế làm người.

Đồng tế với Đức Thượng phụ có ba Giám Mục Phụ Tá và các cha dòng Phanxicô quản thủ Thánh Mộ và nhiều linh mục thuộc giáo phận địa phương. Hiện diện trong buổi lễ, cũng có Tổng thống Mahmoud Abbas của Palestine, Đại diện của Quốc vương Jordan, Abdallah II, và nhiều quan chức khác.

Trong bài giảng, Đức Thượng Phụ nói:

Anh chị em thân mến,

Kính thưa Ngài Tổng thống Mahmoud Abbas và các vị đại diện của Nhà nước Palestine,

Thưa Đại diện của Quốc vương Abdallah II của Jordan,

Thưa Quý vị, các Tổng Lãnh sự và các thành viên của ngoại giao đoàn,

Xin Chúa ban bình an cho quý vị và anh chị em!

“Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi. Chúa đã ban chứa chan niềm hoan hỷ, đã tăng thêm nỗi vui mừng.” (Is. 9: 1-2).

Một lần nữa chúng ta lại gặp nhau tại Bêlem, nơi Cực Thánh này, để cảm tạ, ngợi khen và mừng biến cố mầu nhiệm Chúa Cứu Thế Giáng Sinh. Một lần nữa, cùng với ngôn sứ Isaia, chúng ta loan báo cho toàn thế giới rằng một ánh sáng chói lọi đã hiện ra trước mắt chúng ta và lòng chúng ta tràn ngập niềm hân hoan, “vì Thiên Chúa đã xuất hiện, đem ơn cứu độ đến cho mọi người” (Tit 2 :11) là Chúa Giêsu Kitô Đấng Cứu Chuộc chúng ta.

Hôm nay, như mọi năm, chúng ta được mời cúi đầu trước mầu nhiệm cao cả này, cũng là một lời loan báo về ơn cứu độ và lòng thương xót. Trên thực tế, Giáng Sinh không chỉ là thời điểm, có lẽ hơi trẻ con, của niềm vui, của những lễ kỷ niệm và ánh sáng, hoặc thời điểm của những đứa trẻ hạnh phúc và những món quà được chia sẻ với những người gặp khó khăn. Đầu tiên và quan trọng nhất, đó là lễ kỷ niệm sự mặc khải của Thiên Chúa trong lịch sử; đó là biểu hiện của ý định Thiên Chúa đối với nhân loại, đạt đến đỉnh điểm trong Lễ Giáng Sinh. Lễ Giáng Sinh là cái nhìn và sự phán xét của Thiên Chúa đối với thế giới. Và đó là sự phán xét cứu rỗi và thương xót, cảm thương chứ không kết án.

“Những người đi trong bóng tối…” (Is 9:1). Cuộc sống của thế giới được đánh dấu bởi tội lỗi. Như chúng ta biết, hồi đó thế giới bị xâu xé, chia rẽ và bạo lực – không thua gì ngày nay. Tuy nhiên, với Lễ Giáng Sinh của Chúa Kitô, một cái gì đó bắt đầu thay đổi. Thật vậy, sự chào đời của Hài Nhi Bêlem, cũng đánh dấu sự ra đời của một cơ hội mới cho các mối quan hệ giữa con người với nhau. Đúng là không có thay đổi đột ngột nào trong cuộc sống của thế giới bạo lực đó. Tuy nhiên, ý định của Thiên Chúa, ước muốn đầy lòng trắc ẩn của Thiên Chúa, mà trong Lễ Giáng Sinh, đã trở nên xác phàm và được thể hiện rõ ràng trong một Hài nhi, bắt đầu, từng chút một, mở rộng từ nơi đó ra toàn thế giới. Biến cố đó mang lại một lối sống mới, dựa trên phẩm giá của mọi người nam nữ, trên một công lý không bao giờ tách rời lòng thương xót, trên ước muốn tất cả mọi người đều được cứu độ. Kể từ đó, ý định thiêng liêng đó tiếp tục tỏa sáng, mang lại ánh sáng cho những người sống trong vùng đất bóng tối.

Tuy nhiên, sự phán xét và cái nhìn thương xót và cứu độ đó cũng đang chờ đợi một sự đáp trả: đó là một lời mời gọi gửi đến mọi người nam nữ bước vào lối sống mới, dựa trên chính ước muốn của Thiên Chúa. Đó là một lời kêu gọi mạnh mẽ và trang trọng hãy sống trong ánh sáng mới. “Ở nơi Người có sự sống, và sự sống đó là ánh sáng muôn loài” (Ga 1:4-5). Như vậy, mừng Lễ Giáng Sinh cũng liên quan đến một quyết định. Thật vậy, người ta có thể chọn không đáp lại lời mời gọi đó: “Người đã đến xứ sở của Người, mà dân tộc Người không đón nhận Người” (Ga 1:11).

Từ đó cho đến nay, cái nhìn và sự phán xét của Thiên Chúa được hiện diện trên thế giới qua Giáo hội. Vì Kitô giáo trước hết là lối sống của những ai đã quyết định đón nhận lời mời trở nên những chứng nhân khả tín về chương trình cứu độ mà Thiên Chúa dành cho mọi người. Trở thành Kitô Hữu có nghĩa là cụ thể hóa ước muốn thiêng liêng về lòng thương xót, một ước muốn mà Lễ Giáng Sinh của Chúa Kitô đã làm cho có thể và hữu hình. Cộng đồng Kitô hữu được mời gọi để làm cho Trái tim từ bi của Thiên Chúa sống động và hiện diện trong thế giới này của chúng ta, và nhìn nhân loại bằng đôi mắt được chiếu sáng bởi ánh sáng rạng ngời của Ngài. Người ta có được cái nhìn chân thực hơn về các sự kiện thế giới nếu người ta cũng nhìn bằng trái tim chứ không chỉ bằng mắt.

Và chúng ta thấy gì hôm nay, ở đây trong thế giới này của chúng ta? Giáo Hội Giêrusalem của chúng ta đang dự tính điều gì? Ánh sáng của Thiên Chúa mang đến điều gì cho tâm trí và trái tim của chúng ta, tại Thánh Địa này?

Bằng mắt thường, chúng ta thấy bạo lực dường như đã trở thành ngôn ngữ chính, cách giao tiếp chính của chúng ta. Bạo lực ngày càng gia tăng, trước hết là trong ngôn ngữ chính trị. Chúng tôi đã bày tỏ mối quan ngại của mình về xu hướng chính trị đang được thực hiện ở Israel, nơi có nguy cơ phá vỡ sự cân bằng vốn đã mong manh giữa các cộng đồng tôn giáo và sắc tộc khác nhau tạo nên xã hội của chúng ta. Chính trị có nhiệm vụ phục vụ đất nước và cư dân của nó, làm việc để đạt được sự hài hòa giữa các cộng đồng xã hội và tôn giáo khác nhau của đất nước, biến công việc này thành những hành động cụ thể và tích cực, chứ không kích động chia rẽ hoặc tệ hơn cỗ vũ cho hận thù và phân biệt đối xử.

Năm nay chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng bạo lực khủng khiếp trên đường phố Palestine, với số người chết đẩy chúng ta lùi lại hàng thập kỷ. Đó là một dấu hiệu của sự gia tăng đáng lo ngại trong căng thẳng chính trị và sự bất an ngày càng tăng, đặc biệt là trong giới trẻ của chúng ta, khiến cho việc giải quyết cuộc xung đột đang diễn ra ngày càng xa vời. Thật không may, vấn đề Palestine dường như không còn là tâm điểm chú ý của thế giới nữa. Đây cũng là một hình thức bạo lực làm tổn thương lương tâm của hàng triệu người Palestine, những người ngày càng bị bỏ rơi và những người, trong quá nhiều thế hệ, đã chờ đợi câu trả lời cho mong muốn chính đáng của họ về nhân phẩm và tự do.

Thật không may, bạo lực không chỉ có trong chính trị. Chúng ta thấy nó trong các mối quan hệ xã hội, trên các phương tiện truyền thông, trong các trò chơi, trong trường học, trong gia đình và đôi khi ngay cả trong chính cộng đồng của chúng ta. Tất cả bắt nguồn từ sự thiếu tin tưởng sâu sắc đánh dấu thời đại của chúng ta. Chúng ta không tin rằng có thể thay đổi; chúng ta không còn tin tưởng nhau nữa. Và vì vậy bạo lực trở thành cách duy nhất để nói chuyện với nhau. Thiếu lòng tin là gốc rễ của mọi cuộc xung đột ở Thánh Địa, hay ở Ukraine và ở rất nhiều nơi khác trên thế giới.

Vì vậy, trong những bối cảnh bị giằng xé và tổn thương như vậy, ơn gọi đầu tiên và quan trọng nhất của Giáo hội chúng ta là giúp mọi người nhìn thế giới bằng cả trái tim, và nhớ rằng cuộc sống chỉ có ý nghĩa nếu nó mở ra cho tình yêu. Mừng Chúa Giáng Sinh đối với chúng ta, là cộng đoàn các tín hữu trong Chúa Kitô, có nghĩa là tạo ra, cổ vũ và là dịp của lòng thương xót, lòng trắc ẩn, sự tha thứ. Nó có nghĩa là mang vào cuộc sống thực tại bị tổn thương sâu sắc của chúng ta khát khao tràn đầy lòng trắc ẩn mà Thiên Chúa đã bày tỏ cho chúng ta qua sự giáng thế làm người của Chúa Giêsu. Nó có nghĩa là có can đảm để thực hiện những cử chỉ xây dựng lòng tin này. Thật vậy, niềm tin vào Thiên Chúa phải duy trì niềm tin của chúng ta vào nhân loại, tạo nền tảng cho niềm hy vọng của chúng ta và chuyển thành những cử chỉ yêu thương tự do và chân thành.

Hòa bình, điều mà tất cả chúng ta đều mong muốn, không đến từ chính nó. Nó chờ đợi những người nam nữ biết biến đường lối của Thiên Chúa thành những hành động cụ thể và hữu hình, trong những việc lớn nhỏ mỗi ngày. Con Thiên Chúa đã không ngại nhập thể vào cuộc sống của thế gian, và bằng những cử chỉ yêu thương nhưng không, đánh thức khát vọng hướng thiện đang ngự trị trong tâm hồn mỗi người, vốn chỉ chờ đợi để được giải thoát khỏi những ràng buộc của ích kỷ. Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế được sinh ra ở Bêlem, đã nói: Phúc cho những người kiến tạo hòa bình; Chính Ngài đã hy sinh mạng sống của Ngài trên thập tự giá, và với tình yêu của Ngài đã chiến thắng sự chết, dạy chúng ta rằng tình yêu mạnh hơn sự chết.

Nó không phải là không thể. Chứng từ của rất nhiều người nam nữ ở đây, tại Thánh Địa của chúng ta và ở rất nhiều nơi khác trên thế giới, cho chúng ta biết rằng lối sống đó, cách cử hành Lễ Giáng Sinh đó, vẫn có thể thực hiện được cho đến ngày nay, bất chấp mọi thứ.

Ước mong của tôi là Chúa Giêsu Hài Đồng một lần nữa cũng sẽ đánh thức trong chúng ta ước muốn điều tốt lành cho mỗi người, củng cố niềm tin của chúng ta vào tất cả mọi người, và nâng đỡ hành động của chúng ta vì hòa bình, lòng thương xót và công lý ở Thánh Địa và trên toàn thế giới.

Chúc Giáng Sinh vui vẻ!

Bêlem, ngày 24 tháng 12 năm 2022

†Pierbattista Pizzaballa
Source:Latin Patriarchate of Jerusalem
 
Sứ điệp Giáng Sinh 2022 Urbi et Orbi của Đức Thánh Cha gởi dân thành Rôma và Thế giới
VietCatholic Media
17:51 25/12/2022


Lúc 12g trưa ngày Lễ Giáng Sinh 25/12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban phép lành kèm theo ơn toàn xá cho tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô cũng như những anh chị em tín hữu trên thế giới, theo dõi qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông mới, miễn là họ giữ các qui tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.

Từ bao lơn chính giữa đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã đọc sứ điệp Urbi et Orbi, gởi dân thành Rôma và Thế giới.

Mở đầu sứ điệp Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em ở Rôma và trên toàn thế giới thân mến, Chúc Mừng Giáng Sinh!

Xin Chúa Giêsu, được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria, mang đến cho tất cả anh chị em tình yêu Thiên Chúa, suối nguồn cậy trông và hy vọng, cùng với hồng ân bình an đã được các thiên thần loan báo cho các mục đồng Bêlem: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời bình an dưới thế cho người Chúa thương” (Lc 2:14).

Vào ngày lễ này, chúng ta hãy hướng ánh nhìn về Bêlem. Chúa đến thế gian trong chuồng gia súc và được đặt nằm trong máng cỏ dành cho súc vật vì cha mẹ Người không tìm được chỗ trong quán trọ, khi Đức Maria đã đến ngày sinh nở. Ngài đến giữa chúng ta trong thinh lặng và trong đêm tối mịt mù vì Lời Chúa không cần ánh đèn sân khấu hay tiếng nói ồn ào của con người. Chính Người là Ngôi Lời mang lại ý nghĩa cho cuộc sống; Người là Ánh Sáng soi đường ta đi. Tin Mừng cho chúng ta biết “Ánh sáng thật chiếu soi mọi người đã đến thế gian” (Gioan 1:9).

Chúa Giêsu sinh ra ở giữa chúng ta; Ngài là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Ngài đến để đồng hành với cuộc sống hàng ngày của chúng ta, để chia sẻ với chúng ta mọi sự: niềm vui và nỗi buồn, hy vọng và sợ hãi của chúng ta. Ngài đến như một đứa trẻ bơ vơ. Ngài sinh ra trong đêm lạnh giá, nghèo nàn giữa những người nghèo. Cần mọi sự, Người gõ cửa trái tim ta để tìm hơi ấm và nơi nương tựa.

Giống như những người chăn cừu ở Bêlem, được bao quanh bởi ánh sáng, chúng ta có thể lên đường để xem dấu chỉ mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Cầu mong chúng ta khắc phục được tình trạng uể oải tâm linh và ánh hào quang hời hợt của ngày lễ khiến chúng ta quên mất Đấng mà chúng ta đang cử hành sinh nhật của Ngài. Chúng ta hãy bỏ lại sau lưng những màu sắc và sự ồn ào làm chết tâm hồn chúng ta là những điều khiến chúng ta dành nhiều thời gian cho việc chuẩn bị những đồ trang trí và những lễ vật hơn là suy ngẫm về biến cố trọng đại: Con Thiên Chúa đã sinh ra cho chúng ta.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy hướng mắt về Bêlem và lắng nghe tiếng kêu yếu ớt đầu tiên của Hoàng Tử Hòa Bình, vì Chúa Giêsu thực sự là hòa bình của chúng ta: hòa bình mà thế gian không thể ban cho, hòa bình mà Thiên Chúa Cha đã ban cho nhân loại bằng cách sai Con của Ngài đến thế gian. Thánh Leo Cả đã tóm tắt thông điệp của ngày hôm nay trong một câu tiếng Latinh ngắn gọn: Natalis Domini, natalis est pacis: “Chúa giáng sinh là sự giáng thế của hòa bình” (Serm. 26, 5).

Chúa Giêsu Kitô cũng là con đường hòa bình. Qua sự nhập thể, cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của mình, Người đã mở ra con đường dẫn từ một thế giới khép kín và bị áp bức bởi bóng tối của thù hận và chiến tranh đến một thế giới cởi mở và tự do để sống trong tình huynh đệ và hòa bình. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy đi theo con đường đó! Tuy nhiên, để làm được như vậy, để có thể bước theo Chúa Giêsu, chúng ta phải cởi bỏ những gánh nặng đang đè nặng và cản đường chúng ta.

Những gánh nặng đó là gì? Sức nặng chết người ấy là gì? Thưa: Đó cũng chính là những lực lượng tiêu cực đã ngăn cản vua Hêrôđê và triều thần của vua ấy nhìn nhận và chào đón sự giáng sinh của Chúa Giêsu: đó là ham muốn quyền lực và tiền bạc, kiêu căng, đạo đức giả, giả dối. Những lực lượng này ngăn cản chúng ta đến Bêlem; chúng loại trừ chúng ta khỏi ân sủng của Lễ Giáng Sinh, và chúng chặn lối vào con đường hòa bình. Thật vậy, chúng ta phải đau buồn thừa nhận rằng, cho dù Hoàng tử Hòa bình đã được ban cho chúng ta, những ngọn gió lạnh lùng của chiến tranh vẫn tiếp tục tàn phá nhân loại.

Nếu chúng ta muốn có một lễ Giáng Sinh, lễ Chúa Giêsu giáng sinh và được bình an, chúng ta hãy nhìn lên Bêlem và chiêm ngắm dung nhan của Hài Nhi được sinh ra cho chúng ta! Và trên khuôn mặt nhỏ nhắn và ngây thơ đó, chúng ta hãy nhìn thấy khuôn mặt của tất cả những đứa trẻ ở khắp mọi nơi trên thế giới đang khao khát hòa bình.

Chúng ta cũng hãy nhìn khuôn mặt của những anh chị em Ukraine đang trải qua lễ Giáng sinh năm nay trong bóng tối và giá lạnh, xa nhà vì sự tàn phá của 10 tháng chiến tranh. Xin Chúa soi dẫn chúng ta đưa ra những cử chỉ liên đới cụ thể để trợ giúp tất cả những người đang đau khổ, và xin Người soi sáng tâm trí của những người có quyền lực dập tắt tiếng sấm của vũ khí và chấm dứt ngay cuộc chiến vô nghĩa này! Đáng buồn thay, chúng ta thích nghe theo những lời khuyên khác, thống trị bởi tư duy phàm tục. Tuy nhiên, ai là người đang lắng nghe tiếng nói của Hài Nhi đây?

Thời đại của chúng ta đang trải qua một nạn đói hòa bình nghiêm trọng cũng ở các khu vực khác và các hí trường khác của cuộc chiến tranh thế giới thứ ba này. Chúng ta hãy nghĩ đến Syria, vẫn còn vết sẹo bởi một cuộc xung đột đã lùi vào hậu cảnh nhưng vẫn chưa kết thúc. Chúng ta cũng hãy nghĩ đến Thánh Địa, nơi mà trong những tháng gần đây, bạo lực và đối đầu đã gia tăng, gây ra chết chóc và thương tật. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho ở đó, trên mảnh đất đã chứng kiến sự ra đời của Ngài, cuộc đối thoại và những nỗ lực nhằm xây dựng lòng tin lẫn nhau giữa người Palestine và người Israel có thể được nối lại. Xin Chúa Giêsu Hài Đồng nâng đỡ các cộng đồng Kitô hữu sống ở Trung Đông, để mỗi quốc gia đó có thể cảm nghiệm được vẻ đẹp của sự chung sống huynh đệ giữa các cá nhân thuộc các tín ngưỡng khác nhau. Cầu xin Chúa Hài Đồng đặc biệt giúp đỡ Libăng, để cuối cùng nước này có thể phục hồi với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế và với sức mạnh phát sinh từ tình huynh đệ và liên đới. Chớ gì ánh sáng Chúa Kitô chiếu soi vùng Sahel, nơi mà sự chung sống hòa bình giữa các dân tộc và các truyền thống bị phá vỡ bởi xung đột và các hành động bạo lực. Cầu mong ánh sáng đó dẫn đến một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài ở Yemen và hòa giải ở Miến Điện và Iran và một dấu chấm hết cho mọi đổ máu. Cầu mong ánh sáng Chúa Kitô truyền cảm hứng cho các nhà chức trách chính trị và tất cả những người có thiện chí ở Mỹ Châu cố gắng làm dịu những căng thẳng chính trị và xã hội mà nhiều quốc gia đang trải qua; Tôi đặc biệt nghĩ đến người dân Haiti, những người đã phải chịu đau khổ trong một thời gian dài.

Hôm nay đây, khi chúng ta ngồi quanh một chiếc bàn trải rộng, mong sao chúng ta không rời mắt khỏi Bêlem, một thị trấn mà tên của nó có nghĩa là “Nhà Bánh”, nhưng hãy nghĩ đến tất cả những người, đặc biệt là trẻ em, đang bị đói trong khi một lượng lớn lương thực hàng ngày vẫn bị lãng phí và tài nguyên đang được sử dụng cho vũ khí. Cuộc chiến ở Ukraine đã làm trầm trọng thêm tình hình này, đẩy toàn bộ người dân vào nguy cơ bị đói, đặc biệt là ở Afghanistan và các quốc gia vùng Sừng Phi Châu. Chúng ta biết rằng mọi cuộc chiến đều gây ra nạn đói và chúng khai thác lương thực như một vũ khí, cản trở việc phân phát lương thực cho những người vốn đã phải chịu đau khổ. Vào ngày này, chúng ta hãy học hỏi từ Hoàng tử Hòa bình và bắt đầu với những người nắm giữ trách nhiệm chính trị, cam kết biến thực phẩm thành một công cụ duy nhất của hòa bình. Và khi chúng ta thích quây quần bên những người thân yêu của mình, chúng ta hãy nghĩ đến những gia đình đang trải qua nhiều khó khăn và những gia đình đang phải vật lộn trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế này do thất nghiệp và thiếu thốn những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.

Anh chị em thân mến, hôm nay cũng như lúc đó, Chúa Giêsu, Ánh sáng thật, đến trong một thế giới đang trầm kha trong căn bệnh thờ ơ, một thế giới không chào đón Ngài (Ga 1:11) và thực sự từ chối Ngài, như nó đã làm với nhiều người ngoại quốc, hoặc phớt lờ Ngài, như tất cả chúng ta cũng thường làm với người nghèo. Hôm nay chúng ta đừng quên nhiều người di tản và người tị nạn gõ cửa nhà chúng ta để tìm kiếm sự an ủi, hơi ấm và thức ăn. Chúng ta đừng quên những người bị gạt ra bên lề, những người sống một mình, những đứa trẻ mồ côi, những người già – là những người khôn ngoan cho dân tộc của họ – nhưng lại gặp nguy cơ bị gạt sang một bên, và những tù nhân, những người mà chúng ta chỉ đơn thuần nhắc đến vì những lỗi lầm mà họ đã mắc phải chứ không phải như những người nam nữ đồng loại của chúng ta.

Anh chị em thân mến, Bêlem cho chúng ta thấy sự đơn sơ của Thiên Chúa, Đấng tỏ mình ra không phải cho những người khôn ngoan và thông thái, nhưng cho những kẻ bé mọn, cho những ai có tâm hồn trong sạch và rộng mở (Mt 11:25). Giống như các mục đồng, chúng ta cũng hãy vội vã lên đường và để cho mình kinh ngạc trước biến cố không thể tưởng tượng nổi của Thiên Chúa, Đấng trở thành người phàm để cứu độ chúng ta. Ngài, nguồn gốc của mọi điều thiện hảo, tự làm cho mình nghèo đi, xin bố thí từ chính nhân loại tội nghiệp chúng ta. Chúng ta hãy để cho mình được cảm động sâu xa trước tình yêu của Thiên Chúa. Và chúng ta hãy theo Chúa Giêsu, Đấng đã lột bỏ vinh quang của mình để cho chúng ta được thông phần vào sự sung mãn của Người.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana