Ngày 25-12-2015
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha được trao giải Charlemagne 2016
Đặng Tự Do
01:38 25/12/2015
Hôm 23 tháng 12, Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, đã lên tiếng chào mừng quyết định của các nhà tài trợ tại Aachen, Đức, trao giải Charlemagne quốc tế cho Đức Thánh Cha Phanxicô.

Ban tổ chức cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã được họ trao giải International Charlemagne 2016, vì ngài đã đưa "một thông điệp hy vọng và khích lệ" tới với châu Âu trong một thời kỳ đầy bất ổn.

Các giải thưởng Charlemagne, được trao hàng năm kể từ năm 1950 cho những ai có những đóng góp nổi bật "cho sự thống nhất châu Âu." Trong số những người đã được trao giải có thủ tướng Ý Alcide de Gaspari vào năm 1952, thủ tướng Konrad Adenauer của Đức vào năm 1954, chính trị gia Đức Robert Schuman vào năm 1958. Robert Schuman là người thường được gọi là "cha đẻ của châu Âu" và Tòa Thánh đang trong tiến trình xét tuyên phong chân phước cho ngài. Tướng Mỹ George Marshall, nổi tiếng với "Kế hoạch Marshall" kích thích phục hồi kinh tế châu Âu cũng được trao giải vào năm 1959.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhận được giải thưởng này vào năm 2004.
 
Rabbi Do Thái nổi điên đòi cấm cử hành lễ Giáng Sinh tại Bethlehem, và gọi người Công Giáo là Ma Cà Rồng
Đặng Tự Do
02:06 25/12/2015
Trong bản tin ngày 23 tháng 12, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết Hội Đồng Các Đấng Bản Quyền Công Giáo tại Thánh Địa đã bày tỏ “sự thất vọng” và ngay lập tức lên án một tuyên bố chống Kitô giáo được phổ biến gần lễ Giáng Sinh của Rabbi Benzi Gopstein, là một nhân vật có tầm ảnh hưởng rất lớn tại Do Thái.

Các Giám Mục thất vọng rằng một tuyên bố như thế lại được đưa ra bối cảnh kỷ niệm lần thứ năm mươi công bố Tuyên Ngôn Nostra Aetate, là văn kiện mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ giữa người Do Thái và Giáo Hội Công Giáo.

Rabbi Benzi Gopstein là người khét tiếng với những lập trường cực đoan và là nhà lãnh đạo của phong trào Lehava, một tổ chức được hình thành với mục đích phản đối cuộc hôn nhân giữa những người Do Thái và những người không phải là Do Thái.

Trong những ngày gần đây, ông ta đưa ra một tuyên bố vận động việc cấm cử hành tất cả các ngày lễ Kitô giáo, bắt đầu với lễ Giáng Sinh. Ông ta cũng đòi trục xuất tất cả các Kitô hữu khỏi Israel, "trước khi những con ma cà rồng này uống máu của chúng ta".

Trong một tuyên bố của Tòa Thượng phụ Latinh Giêrusalem, Hội Đồng Các Đấng Bản Quyền Công Giáo tại Thánh Địa lên án "những lời vô trách nhiệm do Rabbi Gopstein đưa ra", và gọi đó là "một sự xúc phạm đến tinh thần đối thoại".

Các Giám Mục Công Giáo tại Thánh Địa, trước đây đã nhiều lần lên án các hành động khiêu khích của các giáo sĩ cực đoan, đã thỉnh cầu nhà chức trách Israel có biện pháp cụ thể trước những kích động bạo lực loại này. Các ngài lưu ý rằng các tuyên bố kích động hận thù tương tự "cho thấy một mối đe dọa thực sự cho sự cùng tồn tại hòa bình tại Israel", và vì thế chính quyền phải có "các biện pháp cần thiết vì lợi ích của tất cả các công dân ".

Rabbi Gopstein đã nhiều lần xúi giục và biện minh cho các cuộc tấn công và đốt phá các nhà thờ Kitô Giáo và các đền thờ Hồi giáo tại Do Thái và coi đó là những nỗ lực hợp pháp để thanh tẩy vùng đất Israel khỏi các giáo phái tôn thờ ngẫu tượng.
 
Tổng thống Obama ra tuyên bố về tình trạng bị bách hại của các Kitô hữu tại Trung Đông
Đặng Tự Do
02:42 25/12/2015
Trong một tuyên bố được đưa ra hôm 23 tháng 12 về tình trạng bị bách hại các Kitô hữu, tổng thống Obama viết rằng ông và phu nhân "đặc biệt gần gũi trong trái tim và tâm trí với những ai đã bị xua đuổi khỏi quê hương cổ kính của họ bằng những hình thức bạo lực và đàn áp không thể kể xiết".

"Trong một số khu vực của Trung Đông, nơi tiếng chuông nhà thờ đã từng rung lên trong nhiều thế kỷ qua vào ngày Giáng sinh, năm nay những qủa chuông ấy sẽ phải im bặt; sự im lặng này làm chứng bi thảm cho những tội ác tàn bạo chống lại nhân loại của quân khủng bố Isil”.

Ông nói thêm: "Chúng tôi hiệp cùng với mọi người trên toàn thế giới cầu nguyện xin Thiên Chúa bảo vệ cho các Kitô hữu bị ngược đãi và những người thuộc các tôn giáo khác, cũng như cho những người nam nữ dũng cảm đang dự phần vào những nỗ lực quân sự, ngoại giao và nhân đạo nhằm làm giảm nỗi đau của các nạn nhân và khôi phục sự ổn định, an ninh , và hy vọng cho các quốc gia trong vùng".

Tuyên bố của tổng thống Obama được đưa ra có lẽ nhằm xoa dịu phản ứng của dư luận sau cuộc điều trần của một phái đoàn chính phủ tại một ủy ban của Hạ Viện Hoa Kỳ diễn ra trước đó vào hôm 17 tháng 12.

Trong năm 2015 chỉ có 29 Kitô hữu Syria được nhận vào Hoa Kỳ tị nạn. Tính chung trong suốt 5 năm qua, chỉ có 53 Kitô hữu Syria được nhận vào Hoa Kỳ. Khi bị chất vấn về những con số quá ít ỏi này Anne Richard, bí thư của văn phòng Population, Refugees, and Migration của Bộ Ngoại Giao Mỹ nói tình trạng của các Kitô hữu Syria là “an toàn” hơn các nhóm khác tại quốc gia này.
 
Thông điệp Giáng Sinh Urbi et Orbi 2015
J.B. Đặng Minh An dịch
07:39 25/12/2015
Anh chị em thân mến, Chúc mừng Giáng sinh!

Chúa Kitô được sinh ra cho chúng ta, chúng ta hãy vui mừng trong ngày cứu độ này của chúng ta!

Chúng ta hãy mở lòng chúng ta ra đón nhận ân sủng của ngày hôm nay, là chính Đức Kitô. Chúa Giêsu là “ngày” rạng rỡ đã mở ra trên đường chân trời của nhân loại. Một ngày của lòng thương xót, trong đó Thiên Chúa là Cha chúng ta đã mạc khải sự dịu dàng tuyệt vời của Người với toàn bộ thế giới. Một ngày của ánh sáng, xua tan bóng tối của sợ hãi và âu lo. Một ngày hòa bình, được dựng lên cho gặp gỡ, đối thoại và hòa giải. Một ngày của niềm vui: một "niềm vui vĩ đại" cho người nghèo, những người thấp hèn và cho tất cả mọi người (x Lc 2:10).

Trong ngày này, Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế đã được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria. Nôi Chúa Hài Nhi cho chúng ta thấy những "dấu chỉ" mà Thiên Chúa đã tiên báo cho chúng ta: " một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ. " (Lc 2:12). Cầu xin cho chúng ta, như các mục đồng tại Bêlem, cũng cất bước lên đường để thấy dấu chỉ này, thấy sự kiện hàng năm vẫn được lặp lại trong Giáo Hội. Giáng sinh là một sự kiện được lặp lại trong mỗi gia đình, giáo xứ và cộng đồng nào nhận được tình yêu của Thiên Chúa đã nhập thể trong Chúa Giêsu Kitô. Như Đức Maria, Giáo Hội cũng chỉ cho mọi người thấy "dấu chỉ" của Thiên Chúa: Hài Nhi là do bà cưu mang và sinh hạ ra, nhưng Hài Nhi ấy là Con của Chúa Tể Càn Khôn, vì Hài Nhi ấy là do quyền năng Chúa Thánh Thần (Mt 1:20). Ngài thật sự là Đấng Cứu Thế, vì Ngài là Chiên Thiên Chúa Đấng gánh tội trần gian (x Ga 1:29). Cùng với các mục đồng, chúng ta hãy cúi xuống trước mặt Chiên Con, chúng ta hãy tôn thờ sự tốt lành của Thiên Chúa đã hoá thành nhục thể, và chúng ta hãy để cho mắt chúng ta đẫm những giọt nước mắt ăn năn làm sạch tâm hồn chúng ta.

Chỉ có Người, chỉ một mình Người mới cứu được chúng ta. Chỉ có lòng thương xót của Thiên Chúa mới có thể giải phóng nhân loại khỏi nhiều hình thức của sự ác, đôi lúc là những tội ác thật ghê tởm, mà tính ích kỷ đã sinh ra giữa chúng ta. Ân sủng của Thiên Chúa có thể chuyển đổi con tim chúng ta và đưa ra cho nhân loại một thông lộ để thoát ra khỏi những trạng huống nan giải.

Nơi Thiên Chúa được sinh ra, hy vọng được sinh ra. Nơi Thiên Chúa được sinh ra, hòa bình được sinh ra. Và nơi hòa bình được sinh ra, sẽ không còn có chỗ còn cho hận thù và chiến tranh. Tuy nhiên, chính nơi Con Thiên Chúa nhập thể đã đến trong thế gian, những căng thẳng và bạo lực vẫn tồn tại, và hòa bình vẫn là một món quà được khẩn nài và xây dựng. Cầu xin cho Israel và Palestine có thể nối lại việc đối thoại trực tiếp và đạt được một thỏa thuận cho phép hai dân tộc sống hòa thuận với nhau, kết thúc một cuộc xung đột mà từ lâu đã đặt họ trong tình trạng đối đầu, với những hậu quả nghiêm trọng cho toàn bộ khu vực.

Chúng ta cầu nguyện cùng Chúa để các thỏa thuận đạt được tại Liên Hiệp Quốc có thể thành công trong việc ngăn chặn càng sớm càng tốt các cuộc đụng độ vũ trang tại Syria và khắc phục được tình hình nhân đạo cực kỳ nghiêm trọng của những nạn nhân. Tương tự như thế, điều cấp thiết hiện nay là các thỏa thuận về Libya được hỗ trợ bởi tất cả các bên, để vượt qua được những chia rẽ trầm trọng và khống chế được bạo lực đang làm tổn thương quốc gia này. Cầu xin cho sự chú ý của cộng đồng quốc tế được đồng thanh hướng đến việc chấm dứt sự tàn bạo tại các quốc gia này, cũng như tại Iraq, Libya, Yemen và vùng cận Sahara bên châu Phi, mà ngay trong giờ phút này đang tạo ra thêm vô số nạn nhân, gây ra những đau khổ bao la và thậm chí không tha cho cả các di tích lịch sử và văn hóa của toàn thể các dân tộc này.

Suy nghĩ của tôi cũng hướng đến những ai chịu ảnh hưởng bởi những hành vi tàn bạo của chủ nghĩa khủng bố, đặc biệt là các vụ thảm sát gần đây diễn ra trong không phận Ai Cập, tại Beirut, Paris, Bamako và Tunis.

Với những anh chị em chúng ta là những người tại nhiều nơi trên thế giới đang bị bách hại vì đức tin của họ, xin Chúa Hài Đồng Giêsu ban cho họ sự an ủi và sức mạnh.

Chúng ta cũng cầu nguyện cho hòa bình và hòa hợp giữa các dân tộc của Cộng hòa Dân chủ Congo, Burundi và Nam Sudan, xin cho con đường đối thoại có thể dẫn đến một cam kết chung để xây dựng các xã hội dân sự được linh hoạt bởi một tinh thần chân thành hòa giải và hiểu biết lẫn nhau.

Cầu xin cho Giáng sinh mang lại hòa bình đích thực cho Ukraine, mang lại niềm ủi an cho những người bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột, và linh hứng cho ý muốn thực hiện các thỏa thuận đã được ký kết nhằm khôi phục lại sự hòa hợp trong toàn bộ đất nước.

Cầu xin cho niềm vui của ngày hôm nay soi sáng những nỗ lực của người dân Colombia ngõ hầu, khi được linh hứng bởi hy vọng, họ có thể tiếp tục những dấn thân của mình để hoạt động cho nền hòa bình dân chúng đang khát khao.

Nơi Thiên Chúa được sinh ra, hy vọng được sinh ra; và nơi hy vọng được sinh ra, con người lấy lại được phẩm giá của họ. Tuy nhiên, ngay cả ngày nay có một con số đông đảo những người nam nữ đang bị tước đoạt nhân phẩm của họ và, giống như Hài Nhi Giêsu, họ đang phải chịu lạnh, bị lâm cảnh đói nghèo, và bị từ chối. Cầu xin cho sự gần gũi ngày nay của chúng ta có thể được cảm nhận bởi những người dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là những binh lính trẻ em, những phụ nữ bị bạo hành, và các nạn nhân của nạn buôn người và buôn bán ma túy.

Cầu xin cho sự khuyến khích của chúng ta không thiếu vắng nơi những người chạy trốn khỏi đói nghèo cùng cực hoặc chiến tranh, phải du hành trong những điều kiện mà quá thường xuyên là vô nhân đạo và nguy hiểm cho mạng sống của họ. Xin Thiên Chúa trả công bội hậu cho tất cả những ai, cá nhân cũng như các quốc gia, những người quảng đại làm việc để cung cấp sự hỗ trợ và chào đón đến vô số những người di cư và tị nạn, giúp họ xây dựng một tương lai xứng đáng cho bản thân và cho những người thân yêu của họ, và được hội nhập vào các xã hội đón nhận họ.

Trong ngày lễ này xin Chúa ban hy vọng mới cho tất cả những người thiếu công ăn việc làm; xin Người nâng đỡ những dấn thân của những người có trách nhiệm công cộng trong đời sống chính trị và kinh tế, để họ có thể ra sức để theo đuổi các lợi ích chung và bảo vệ phẩm giá của mọi sự sống con người.

Nơi Thiên Chúa được sinh ra, lòng thương xót khởi sắc. Lòng Thương Xót là ân sủng quý giá nhất mà Thiên Chúa ban cho chúng ta, đặc biệt là trong năm Thánh này trong đó chúng ta được kêu gọi để khám phá ra rằng tình yêu dịu dàng của Cha trên trời là dành cho mỗi người chúng ta. Cách riêng, xin Chúa cho các tù nhân trải nghiệm được tình yêu nhân hậu của Người, là tình thương chữa lành các vết thương và chiến thắng cái ác.

Như thế, hôm nay chúng ta hãy cùng nhau vui mừng trong ngày cứu độ của chúng ta. Khi chúng ta chiêm ngưỡng nôi Chúa Hài Nhi, chúng ta hãy nhìn vào những vòng tay rộng mở của Chúa Giêsu, đang chỉ cho chúng ta thấy những cái ôm đầy thương xót của Thiên Chúa, xin cho chúng ta nghe thấy tiếng kêu của Chúa Hài Nhi, Đấng đang thì thầm với chúng ta: “vì ơn ích của anh em và các bạn hữu, tôi nói rằng: ‘Bình an ở cùng anh chị em’”(Tv 121 [122]: 8)

+ Đức Giáo Hoàng Phanxicô
 
Máng cỏ nhắc chúng ta rằng Thiên Chúa cứu độ chúng ta bằng tình yêu
Bùi Hữu Thư
09:14 25/12/2015
Vatican: Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Nhìn Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ nhắc chúng ta rằng Chúa Kitô dùng sự khiêm tốn và tình yêu để cứu độ thế giới, thay vì dùng quyền năng cao cả hay một chiếc đũa thần để làm việc này.”

Ngài nói với các nhà hảo tâm dâng cúng các phẩm vật cho việc trang hoàng Giáng Sinh Vatican tại quảng trường Thánh Phêrô: “Thiên Chúa không yêu chuộng những người quyền cao chức trọng thực hiện các cuộc cách mạng trong lịch sử thế giới, và Chúa cũng không dùng chiếc đũa thần để thay đổi các hoàn cảnh. Thay vào đó, Người tự hiến mình thành nhỏ bé, trở nên một hài nhi, để thu hút chúng ta bằng tình yêu, để chạm đến trái tim chúng ta bằng sự khiêm nhu thánh thiện, để lay động những ai đang chạy đua hầu tích lũy những của cải giả tạo của trần thế.”

Thành phố Trent phía Bắc nước Ý dâng cúng các tượng Giáng Sinh lớn bằng người thật, và ba thành phố nhỏ miền Bavaria bên Đức tặng cây thông cao gần 30 thước. Cây thông được thắp đèn sáng và toàn cảnh máng cỏ đã được mở màn vào đêm 18 tháng 12.

Các đồ trang trí cho cây Noel làm bằng xứ được các trẻ em bị bệnh ung thư tại một số các bệnh viện Ý tô mầu bằng tay.

Đức Thánh Cha cám ơn các “nghệ sĩ tí hon” đã hoàn thành các đồ trang trí và ngợi khen các em vì còn nhỏ mà đã có các tác phẩm nghệ thuật được trưng bầy tại quảng trường Thánh Phêrô.

Ngài nói: “Hãy tiếp tục nhé! Đó là cách thức Michale Angelo đã làm khi mới khởi đầu.”

Việc Hài Nhi Giêsu sanh ra tại Bê Lem cho thấy rằng Thiên Chúa “không chỉ hiện ra trên trái đất”, chỉ đến rồi đi, nhưng “Người đến để sống tại đây, cùng với chúng ta và vì chúng ta. Vì lòng thương xót vô bờ của Người, Chúa đã xuống thế để ở lại với chúng ta thường trực.”

Đức Thánh Cha xin các trẻ em hãy luôn luôn nhớ rằng máng cỏ cũng bầy tỏ rằng Thiên Chúa “không dùng áp lực bằng quyền năng.”

“Để cứu độ chúng ta Chúa đã không làm thay đổi lịch sử thế giới bằng một phép lạ cả thể, nhưng Người đã đến một cách tầm thường, khiêm tốn và yếu đuối nhất.”

 
Câu chuyện muà Giáng Sinh 2015: Người phụ nữ phát cơm trong trường học bị đuổi.
Trần Mạnh Trác
21:20 25/12/2015

Nếu bà cứ làm đúng theo qui định cuả trường học, nghiã là lấy phần cơm lại trên tay cô học sinh 12 tuổi đang đói mà vất vào sọt rác, thì bà vẫn còn là một công chức cuả chính phủ cho đến ngày hôm nay, và chắc hẳn vẫn có một đồng lương để mà vui hưởng một muà mua sắm thỏai mái trong dịp Giáng Sinh này.

Nhưng bà Dalene Bowden, một nhân viên phát cơm trong Cafeteria cuả trường Irving Middle School ở Pocatello, tiểu bang Idaho, đã không nỡ làm như vậy. Bà đã đưa không phần ăn cho cô bé. Bà nhớ lại cái ý nghĩ cuả mình lúc đó rằng:" Sự việc làm cho tôi đau lòng, và đưa mình đến trước một quyết định sai quấy, nhưng bạn phải làm gì khi con bé nói với bạn là nó đang đói và lại không có tiền?"

Bà nói thêm:"Tôi trao cho con bé cái điã đồ ăn."

Qui định cuả nhà trường trong những trường hợp như vậy là giằng lại cái đĩa cơm và quẳng vào sọt rác.

Hành động 'ủy mị như đàn bà' cuả bà Dalene Bowden đã không thoát khỏi cái nhìn 'cú vọ' cuả ông cai nhà bếp. Trước đây bà đã cho không một chiếc bánh nướng và đã bị ông ta cảnh cáo bằng miệng.

Ông ta đã bắt bà tại trận, bà đã xin trả tiền cho con bé, chỉ là 1.7 đô mà thôi, nhưng ông ta không chịu và đuổi bà về ngày hôm đó.

Hai ngày sau, ngày 19 tháng 12, bà nhận được một lá thư cuả Ty Học Chánh cho biết bà đã bị đuổi vì lý do :" ăn cắp tài sản cuả Sở Giáo Dục".

Bà Dalene Bowden đăng lá thư trên facebook để than thở số phận 'hẩm hiu' với chúng bạn và lập tức tạo ra một cơn bão phẫn nộ trên khắp thế giới.

"Không ai có thể bị kết án là ăn cắp dưới 2 đô được" một luật sư cho biết.

Một phụ nữ ở Pocatello tên là Raushelle Goodin-Guzman đã giúp thiết lập một trang thỉnh nguyện thư trên mạng với tựa đề "đừng đuổi người nhân viên phát cơm trưa nhân từ: Trẻ em không nên bị bỏ đói !"

Trang mạng cho rằng những qui định hiện thời cuả trường học là sai quấy, cần phải có một 'đường hướng nhân đạo' hơn để đảm bảo rằng tất cả các học sinh được ăn no, cho dù tình trạng tài chánh cuả chúng có nghèo khổ đến đâu cũng vậy.

Qui định 'lấy lại phần ăm mà vất đi' là một việc làm không chỉ đã gây khổ tâm cho nhân viên nhà cơm mà thôi, mà đồng thời đã là một việc làm xỉ nhục cho các em nhỏ nữa.

"Người nhân viên phát cơm này đáng được giữ việc làm cuả mình" bà Goodin-Guzman viết. "Qui tắc cuả nhà ăn là phải ưu tiên cho những hành động nhân từ và đảm bảo rằng mọi đứa trẻ có đủ dinh dưỡng để có thể chăm lo việc học. Những qui định hiện hành là sai quấy. Chúng ta cần phải thay đổi chúng hay là phải thay đổi những người đã tạo ra chúng."

Cho tới thứ Năm trước Giáng Sinh, thỉnh nguyện thư đã được 87 ngàn người ký.

Nhưng bức thỉnh nguyện thư đã gửi sai điạ chỉ, thay vì gửi cho Ty Học Chánh Quận 25 là cơ quan chủ nhân cuả bà Dalene Bowden thì lại gửi cho Toà Thị Chính cuả thành phố Pocatello.

"Điện thoại cuả Toà Thị Chính rung lên không ngưng nghỉ, và hai trang facebook và Twitter cuả Toà hầu như đã vỡ tung ra vì câu chuyện đuổi việc này," ông thị trưởng Brian Bald cho biết.

Chúng tôi cho biết không hề có liên quan gì tới câu chuyện cả, nhưng nào có ai nghe chúng tôi đâu, bởi vậy chúng tôi phải xử sự công việc như là một cuộc 'báo động đỏ'.

Ông thị trưởng đòi gặp ông chánh sở học chính, trong một phản hồi trên mạng ông viết:

"Chúng tôi cảm kích việc Sở Học Chính đã đồng ý gặp gỡ chúng tôi mặc dù Toà Thị Chính và Sở Học Chính là hai cơ quan không có liên hệ với nhau, chúng tôi đã đồng ý làm việc trên một nguyên tắc rằng 'mọi đứa trẻ cuả cộng đồng' là quan trọng."

Bắt đầu, Sở Học Chính có vẻ như tránh né vấn đề. Một phát ngôn viên cuả Sở cho biết 'ông cai' nhà bếp đã hành động đúng phép và không có một đứa trẻ nào đã bị đói cả.

Họ cho biết không hề đuổi ai chỉ vì một lần vi phạm mà thôi, những gì mô tả trên báo chí về họ là không đúng...

Nhưng sau khi có hàng ngàn chữ ký tới tấp gửi tới nữa, Sở Học Chính lại đưa ra một thông cáo mới vào tối thứ Tư rằng:

"Trong tinh thần cuả Ngày Lễ, ông Chánh Sở đã ra lệnh cho Sở Học Chính liên lạc với bà Bowden về việc cung cấp cho bà một cơ hội trở lại làm việc với Sở."

Về phần bà Bowden, bà cho biết cho đến tối thứ Năm thì bà đã chưa "nhận được một điện thoại" nào từ Sở Học Chính cả. Bà xin công chúng giúp ý kiến cho bà có nên nhận việc lại không bởi vì bà "cảm thấy như đang bược trên những võ trứng mỏng manh với Sở"

"Tôi phải suy nghĩ kỹ lưỡng," bà nói. "Tôi lo sợ họ sẽ làm cho tôi khổ sở hơn, rồi xếp đặt để gạt tôi ra một cách nào đó."

"Mọi việc đã thay đổi không còn như xưa nữa," bà viết trên facebook. "Tôi sẽ phải làm gì mỗi khi có một đứa trẻ đang đói đứng trước mặt tôi? Tôi lại bị đuổi nữa chăng? Xin cho tôi biết ý kiến."

Được biết tại Idaho có tới 15% dân số sống dưới mức nghèo khổ, và chính quyền đã có những biện pháp giúp học sinh được ăn với giá rẻ. Mọi học sinh có thể 'ăn ké' cho tới 11 đôla trước khi bị từ chối và cha mẹ bị thông báo.

Trường hợp em bé gây ra phiền phức cho bà Bowden thì em vẩn có thể 'ăn ké' vì số tiền nợ cuả em chưa đạt tới 11 đô. Tuy nhiên, theo cha mẹ cuả em, em đã không biết là mình có thể 'ăn ké', đã rất xấu hổ về sự ấy, và nghe rằng bà Bowden rất nhân từ cho nên em đã chạy tới bà.

Sở Học Chính cho biết họ đang sửa đổi một số qui luật để các nhân viên không phải vất đồ đi như trước.

Có người đưa ra ý kiến, hãy thăng chức cho bà lên làm cai.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Phóng sự Hội Diễn Thánh Ca Giáng Sinh 2015.
Vọng Sinh
07:55 25/12/2015
Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Arlington, VA: 25/12/2015

Bầu Trời Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn đã vào đông. Những ngày trung tuần tháng 12 dường như đã lạnh lắm. Nhưng hôm nay trời bỗng ấm hẳn lên. Cái lạnh lẽo băng gía của mùa đông đã nhường chỗ cho bầu trời thật ấm áp, như đang giang rộng cánh tay chào đón các Ca đoàn bạn từ khắp nơi về đây tham dự ngày Hội Diễn Thánh Ca Giáng Sinh 2015, với Chủ đề: Đêm Nhiệm Mầu.

Ý tưởng Hội Diễn Thánh Ca Giáng Sinh 2015 đã được khởi xướng bởi Linh Mục Phêrô Phạm Hương, Chánh Xứ Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Arlington, VA từ Lễ Giáng Sinh 2014. Dưới sự cố vấn và hỗ trợ của Ngài, Liên Ca Đoàn Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Arlington, VA đã từng bước mời gọi, sắp xếp, tổ chức và hôm nay, ngày 13 tháng 12 năm 2015, Hội Diễn Thánh Ca Giáng Sinh 2015 đang diễn ra tưng bừng như một Ngày Hội lớn cho các Ca đoàn và Cộng đoàn Dân Chúa nơi đây.

Phong trào Thánh Nhạc những năm gần đây tại Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Arlington, VA rất khởi sắc. Cha Xứ tiền nhiệm, LM Nhạc Sỹ JB Nguyễn Đức Vượng với niềm say mê thánh ca, đã tích cực đẩy mạnh Phong trào Thánh Nhạc: Sách Phụng Ca của Giáo Xứ với cả ngàn bài Thánh Ca quen thuộc lần đầu tiên ra đời, tổng số Các Ca đoàn trong Giáo Xứ lên đến 11. Đặc biệt những Lớp đào tạo Ca trưởng Cấp I, II và III do Giáo Sư Nhạc Sỹ Phạm Đức Huyến hướng dẫn, Các học viên của Giáo Xứ và khắp các tiểu bang Hoa Kỳ cũng như Canada đã tuốn về đây với niềm say mê học hỏi... đã cho ra đời nhiều Ca trưởng đang phục vụ trong Các Ca đoàn. Một trong những học trò của Thày Phạm Đức Huyến: Nhạc Sỹ Văn Duy Tùng nay đã là Chủ Tịch Hội Nhạc Sỹ Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại.

Khoảng 1:30 trưa, Khuôn viên Thánh Đường đã thật nhộn nhịp. Ban Tiếp Tân đang hân hoan chào đón, hướng dẫn các Ca đoàn bạn. Một niềm vui rộn ràng khó tả biểu lộ trên khuôn mặt mỗi Ca viên và từng người có mặt. Dường như cả bầu trời mùa đông cũng được sưởi ấm lên bởi sự ấm áp của Tình Yêu Nhập Thể, của Niềm Vui An Bình, của Đêm Nhiệm Mầu mà các Ca đoàn sẽ cùng hát vang lên hôm nay.
-2:30 Các Ca đoàn đã tập trung đầy đủ trong Thánh Đường, tập xếp hàng cho bài kết thúc Hang Bê-Lem với tổng số lên đến gần 500 Ca viên trên Cung Thánh.

Đúng 3:00 Chương trình được khai mạc với việc giới thiệu thành phần tham dự: Quý Cha GX CTTĐVN Arl. VA, Quý Sơ Mến Thánh Gía Đà-Lạt, Quý Cộng đoàn Dân Chúa khắp nơi, 3 Ca đoàn bạn: -Ca đoàn Têrêsa, Ca đoàn La-Vang, Giáo Xứ Đức Mẹ La-Vang Baltimore, MD. Cùng đi có Cha Xứ Trần Chúc, và đặc biệt có sự góp mặt của LM Nhạc Sỹ Nguyễn Hùng Cường. – Ca đoàn Seraphim, Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Richmond, VA. Cùng đi có Cha Xứ Nguyễn Minh Tuấn. – Ca đoàn Cêcilia, Giáo Xứ Mẹ Việt Nam, Silver Spring, MD. Đặc biệt có sự đóng góp của Chương trình Ánh Sáng Tin Mừng Heartsongs Tâm Tình Ca và Liên Ca Đoàn GX CTTĐVN Arl. VA với 9 Ca đoàn tham gia. Chương trình gồm tất cả 14 tiết mục.

Mở đầu là một tác phẩm hợp xướng rất trang trọng: “Ngài Là Thiên Chúa” của Cố Nhạc Sỹ Hải Linh. Ca trưởng Văn Duy Tùng và Ca đoàn Thánh Linh đã đưa khán gỉa vào thờ lạy, ca ngợi Thiên Chúa Đấng Toàn Năng. Ca trưởng Trịnh Tường Thiên Nga với Ca đoàn Ave Maria Arlington VA, qua những bài Thánh Ca quen thuộc đã tô đậm thêm nét đẹp của mùa Giáng Sinh. Bài hát: “Mừng Con Chúa Giáng Sinh” tác gỉa Ngọc Linh, Ca trưởng LM Nhạc sỹ Hùng Cường và Ca đoàn Têrêsa-LaVang Baltimore đã làm nóng cả khán gỉa vì sự sinh động, dồn dập bốc lửa của tiết tấu...Ca trưởng Vũ Thông và Ca đoàn Thánh Gia Arlington, VA đã cho mọi người cảm nhận “Hồng Ân Giáng Sinh”, một sáng tác của Nhạc sỹ Đạo Tử. “Say Noel” với Ca trưởng Đức Độ và Ca đoàn Giuse, đã là một Ca khúc không thể thiếu mỗi khi Giáng Sinh về. Ca đoàn Seraphim Arlington VA, với nhịp điệu vui tươi đã dắt mọi người “Đi Trong Ánh Sáng”. Ca trưởng Viên Bích Hòa với Ca đoàn Đức Mẹ La-Vang Chantilly VA đã làm đêm đông ấm lại. Ca trưởng Hoàng Tiếp và Ca đoàn Seraphim Richmond VA, với giai điệu thật êm đềm, đã đưa khán gỉa tìm lại được sự An Bình của “Đêm Bê-Lem”. Ca khúc: “Đêm Nhiệm Mầu” sáng tác, điều khiển: Vọng Sinh, đã vẽ lại bức tranh “...Đêm Yêu Thương ươm Tình Trời, Đêm Thiên Cung say tình người...” Nhạc cảnh Giáng Sinh Ca đoàn Gioan Phaolô II Arlington VA đã đưa mọi người ngược dòng thời gian trở về Làng
Bê-Lem hơn 2000 năm trước...Ca trưởng Thanh Liêm với Ca đoàn Cêcilia Silver Spring, MD đã đem đến cho mọi người “Giáng Sinh Mùa Hồng Ân.” Đặc biệt phong cách trình diễn trẻ trung, thoải mái của Heartsongs Tâm Tình Ca đã cho mọi người cảm nhận được “Prince Of Peace”. Sau nữa Ca đoàn Phanxicô Xaviê Thuận Arlington VA và Ca trưởng Văn Duy Tùng đã đưa mọi người vào giai điệu thật êm đềm của “Đêm Ân Phúc”.

Liên Ca đoàn trưởng GX CTTĐVN Arl. VA, Chị Bùi Vĩnh Sinh thay mặt ban tổ chức cám ơn Quý Cha Xứ, Quý Cha, Quý Anh Chị Em Các Ca đoàn, và Quý Khách cùng mọi người hiện diện.

Buổi Hội Diễn Đêm Nhiệm Mầu được kết thúc với hợp ca Hang Bê-Lem, một sáng tác bất hủ của Hải Linh, với tất cả Ca viên hiện diện. Thật là một hợp ca hùng tráng, một hình ảnh tuyệt đẹp của Hội Diễn Thánh Ca Giáng Sinh 2015: Đêm Nhiệm Mầu.

Xin bấm vào đường link để coi Chương Trình Hội Diễn:

Video 1: https://youtu.be/SxsULlFxygA

Video 2: https://youtu.be/1Y0NcIdq6Gw

Video 3: https://youtu.be/j3qz2nIaffk

Video 4: https://youtu.be/dO7txQ0HdhI

Video 5: https://youtu.be/i0bX6NxVySA

Ngay sau Hội Diễn là Tiệc Giáng Sinh dưới Hội Trường Trần Duy Nhất. Các Ca đoàn có dịp gặp gỡ, giao lưu, kết thân, chia sẻ...Nhạc sỹ Ý-Vũ Silver Spring MD cho biết: Đây là cơ hội tuyệt vời để Các Ca đoàn có dịp gặp gỡ, trao đổi, nâng cao tinh thần phục vụ, mong rằng năm tới Hội Diễn sẽ được mở rộng hơn tới Các Giáo Xứ khác nữa: Philadelphia, Newyork..... Nhạc sỹ Đạo Tử Arlington VA chia sẻ: Ðã từ hàng ngàn năm, hàng triệu bài Thánh Ca đã được viết lên để tụng ca Tình Yêu Thiên Chúa và Hồng Ân Cứu Ðộ. Buổi Hội Diễn hôm nay cũng mang ý nghĩa đó: Việc tụng ca sẽ không bao giờ đủ và cảm hứng sáng tác cũng sẽ chẳng khi nào ngưng. Nên Buổi Hội Diễn đã có muôn màu, muôn vẻ vui tươi và trầm lắng.
Ca trưởng, Nhạc sỹ Thanh Liêm Silver Spring MD: Rất vui được cùng Ca đoàn đóng góp với Các Ca đoàn Các Giáo Xứ để mang niềm vui Chúa Giáng Sinh tới muôn người.
Ca trưởng, Nhạc sỹ Hoàng Tiếp Richmond VA cho biết: Rất vui được góp mặt với Hội Diễn, đã nâng tinh thần Anh Chị Em Ca viên lên rất cao, mong ước những năm kế kiếp sẽ có những buổi Hội Diễn tưng bừng hơn nữa...

Chương trình kết thúc lúc 6:30 chiều cùng ngày.
Mọi người ra về trong niềm vui lâng lâng khó quên. Những dư âm buổi Hội Diễn như mãi còn vang vọng đâu đây...Mong ước trở lại trong Hội Diễn Thánh Ca Giáng Sinh 2016.
 
Đại Lễ Giáng Sinh 2015 Tại Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang Houston, Texas.
Vượng Đức Nguyễn
08:16 25/12/2015
Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang, Houston, TX

Trong không khí mừng vui được đón khách thập phương đến viếng Nhà Thờ đã được Được Hồng Y Daniel Dinardo chọn làm nơi đón tiếp mọi người trong Năm Thánh Kính Lòng Thương Xót Chúa. Năm Thánh này, được bắt đầu bằng một Thánh Lễ với nghi thức Mở cửa Thánh lúc 6 giờ chiều Chúa Nhật ngày 20/12/2015, do Đức Giám Mục George Sheltz chủ tế, 15 linh mục đồng tế, 3 Phó Tế, 30 Nam Nữ Tu Sĩ Nam nữ đặc biệt có Nữ Tu Angela Phạm Thị Thùy Trinh O.P Bề Trên Giám Tỉnh Dòng Đa Minh Nữ Tỉnh Dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm cùng tháp tùng với quý Nữ Tu Đa Minh thuộc Tỉnh Dòng; Với đông đảo Giáo Dân trong, ngoài giáo xứ, người Việt, người Mỹ và người tây Ban Nha. Số lượng giáo dân tham dự trên dưới 2000 người và chính Đức Giám Mục đã nói “ Tôi đã đi đến 4 Nhà Thờ để Mở Cửa Năm Thánh, thì đây là nhà thờ đông người tham dự nhất, tôi không thể tưởng tượng nổi: Đẹp, Đông và Đánh Động tôi thật nhiều trong đời mục vụ của một Giám Mục”. Với hành trình 30 năm của Giáo Xứ được thành lập với hồng ân cao cả được trao ban:” Tam Thập Niên, Mẹ Chở Che Đoàn Con Viễn Xứ; Lòng Thương Xót, Chúa Toàn Xá Giáo Phận Chúng Con”. Hai câu đối đã được một người phương xa dâng tặng gói ghém trọn vẹn lòng Chúa Xót Thương nơi Giáo Xứ Đức Mẹ La vang và con dân Việt Nam khắp nơi.

Từ buổi chiều hôm 20 ấy đến nay vừa tròn 3 ngày nhiều khách đến tham dự thánh lễ 8 giờ 30 sáng, các giờ chầu liên tiếp, rồi vào sau thánh lễ 6 giờ chiều có nhiều nhóm hay cá nhân đến viếng cho đến 9 giờ tối mỗi ngày. Cảnh tấp nập của Năm Thánh kín múc qua Ơn Toàn Xá, thì ngày Đại Lễ Giáng Sinh làm tăng thêm vẻ tấp nập người thì đến viếng nhà thờ, người đến xin xưng tội, người chuẩn bị cho Đại Lễ Giáng Sinh, Anh Chị Em trong các Ca Đoàn quy tụ nhau lại để chuẩn bị cho những giờ phút DIễn Nguyện của 2 Thánh Lễ lúc 5 giờ chiều và 8 giờ tối

Chiều nay ngày 24/12 với 2 Thánh Lễ, 1 là lễ cho các gia đình các bạn trẻ và các em thiếu nhi, cha Phó Thomas Trần Thiên Ân, cùng với Ban Giáo Dục, Ban Giới trẻ hình thành một buổi thánh ca, hoạt cảnh, đúng với từ diễn nguyện thật sốt sắng.

Sau khi cha xứ đi tham dự với Cộng Đồng Công Giáo việt Nam tại Tổng Giáo Phận. Cha đã về với giáo xứ để bắt đầu cho buổi Diễn Nguyện 1 tiếng từ 8 giờ đến 9 giờ do các Ca Đoàn trong Giáo Xứ hợp tác là Ca Đoàn Đồng Tâm, Đức Mẹ La Vang, Tri Ân, Thành Tâm, Thanh Niên Ánh Sáng và Ca Đoàn trẻ Escape. Tất cả được bắt đầu với bài Trời Cao Hãy Đổ Sương Xuống cho cả Cộng Đoàn một lần nữa với hơn 2000 người cùng thông công và kết thúc với bài Hang Be Lem do cha xứ điều khiển cho mọi người từ ca đoàn tổng hợp cho đến người già, cháu trẻ đều cất tiếng hát tạo nên một cộng đoàn cùng hòa vang với tiếng các Thiên Thần ca tụng hồng ân bao la của Chúa Giáng Sinh cứu độ chúng ta.

Sau phần diễn nguyện, một thánh lễ trang nghiêm, thánh thiện, khi rta về từng người cùng có một món quà đó là hộp bánh và mỗi gia đình nhận những cuốn lịch cho cả năm Phụng Vụ, ra vể trong Bình An đêm Giáng Sinh 2015.

Đính kèm là đường link KHAI MẠC NĂM THÁNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT TẠI GIÁO XỨ ĐỨC MẸ LAVANG HOUSTON: https://www.youtube.com/watch?v=5SvIdCW7NgU&feature=youtu.be
 
Giáo xứ Bến Sắn, GP Phú Cường mừng lễ Giáng Sinh
Bến Sắn
11:26 25/12/2015
"Vinh danh Thiên Chúa trên trời,

Bình an dưới thế cho người thiện tâm."

Hòa trong niềm vui của cả nhân loại mừng Con Thiên Chúa xuống thế làm người, cộng đoàn giáo xứ Bến Sắn hân hoan tổ chức đêm diễn nguyện và Thánh Lễ Kỷ niệm Mừng Chúa Giáng Sinh đã diễn ra vào lúc 19 giờ 30 ngày 24/12/2015.

Xem Hình

Khởi đầu đêm canh thức Thầy Sáu Giêrônimô Trần Văn Thế đã nêu lên ý nghĩa của đêm thánh thiêng mà Con Thiên Chúa đã giáng thế cứu chuộc muôn con người.

Mở đầu chương trình là bài hát Chú Bé Đánh Trống một bài hát hầu như không bao giờ thiếu trong dịp lễ giáng sinh. Và đêm canh thức được tiếp nối với phần hoạt cảnh con người sa ngã. Sau khi Ađam và Eva – tổ tông loài người bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, tổ tông loài người phải lao động vất vả, Thiên Chúa là Đấng yêu thương đã hứa ban Đấng Cứu Thế để cứu chuộc loài người. Trong hang đá nhỏ một Hài Nhi tên Giê su đã chào đời.

Sau bài hát Jingle Bells kết thúc, đúng 20 giờ 30 cộng đoàn giáo dân cùng chuẩn bị tâm hồn bước vào thánh lễ canh thức Mừng Chúa Giáng Sinh 2015. Dưới sự chủ tế của Cha Chánh xứ - Đaminh Nguyễn Đức Trung, thánh lễ được bắt đầu với bài hát " Tiếng Muôn Thiên Thần " cộng đoàn giáo xứ sốt sắng trong trang nghiêm cầu nguyện.

Trong bài giảng, Cha Đaminh đã nêu lên ý nghĩa sâu sắc của đêm cực thánh này, và Cha cũng mời gọi mọi người trong mùa Giáng sinh hãy mau mắn đến với Chúa hơn để nhờ ơn Người ban mà đời sống chúng ta nên thánh thiện hơn.

Cuối thánh lễ, đại diện toàn thể cộng đoàn, Cha Đaminh gởi lời cám ơn sâu sắc đến các ban ngành đoàn thể thuộc chính quyền địa phương của thị xã Tân Uyên, phường Khánh Bình, Phường Tân Hiệp và các đoàn thể trong giáo xứ đã giúp đỡ góp phần làm cho đêm diễn nguyện được diễn ra tốt đẹp trong bầu khí ấm áp yêu thương tình anh em.

Thánh lễ kết thúc lúc 22 giờ, mang trong tâm thức mỗi người tín hữu niềm hân hoan, vì Chúa đã Giáng Sinh mở ra kỷ nguyên cứu độ. Mọi người ra về, nở những nụ cười trên môi và chúc nhau một mùa Giáng Sinh an lành, hạnh phúc.
 
Đức TGM Lê Văn Hồng dâng thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh tại nhà thờ Phú Cam
Trương Trí
11:34 25/12/2015
ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC PHANXICÔ XAVIÊ DÂNG THÁNH LỄ ĐẠI TRIỀU MỪNG CHÚA GIÁNG SINH TẠI NHÀ THỜ PHỦ CAM

Sáng ngày 25, Giáo xứ Chính tòa Phủ Cam hân hoan đón chào Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng đến dâng Thánh lễ Đại triều mừng Chúa giáng sinh.

Xem Hình

Dọc theo cổng chính Nhà thờ Chính tòa, các Ban Nghành Đoàn thể chỉnh tề hàng ngũ và đồng phục mừng vị Chủ chăn kính yêu.

Thánh lễ Đại triều với sự hiện diện của các linh mục hạt Thành phố Huế, các tu sĩ Nam Nữ và đông đảo bà con giáo dân trong thành phố.

Mở đầu Thánh lễ, Đức Tổng Giám mục mời gọi Cộng đoàn cùng nhau tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một ngày lễ của Tình yêu, của Hòa bình, của Hạnh phúc, vì con Thiên Chúa đã xuống thế làm người ở giữa chúng ta. Mùa Giáng sinh năm nay lại nằm trong Năm Thánh Lòng Thương xót, Con Một của Thiên Chúa đã được sinh ra trên thế gian, đó cũng là Dung mạo của Chúa Cha.

Thánh lễ diễn ra trong bầu khí vui mừng và hạnh phúc: Chúa đã giáng trần để cứu độ con người chúng ta.

Sau Thánh lễ, Ông Matthêô Nguyễn Đình Lục thay mặt Cộng đoàn chúc mừng Giáng sinh Đức Tổng Giám mục và quí Cha đồng tế, các em thiếu nhi Phủ Cam dâng lên vị Chủ chăn đáng kính, Cha Tổng Đại diện, Cha Hạt trưởng Quản xứ và quí Cha đồng tế những bó hoa tươi thắm, thể hiện lòng kính yêu của đàn chiên.

Kết thúc Thánh lễ, Đức Tổng Giám mục chủ sự Nghi thức đặt viên đá xây dựng Hang đá Đức Mẹ Lộ Đức. Đây cũng là một phần trong quần thể kiến trúc Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam do Kiến trúc sư tài hoa Ngô Viết Thụ thiết kế.

Đức Tổng Giám mục đặc biệt nhấn mạnh, cộng đoàn chúng ta luôn biết nương nhờ vào hình bong Mẹ nhân lành. Dưới chân Thập giá, Chúa Giêsu đã trao loài người cho Mẹ chở che. Do đó mỗi người chúng ta hãy biết siêng năng chạy đến cùng Mẹ. Việc xây dựng một Hang đá xứng đáng để Mẹ ngự trị và làm nơi mỗi người chúng ta đến cầu nguyện.

Đức Tổng Giám mục đã làm phép viên đá và cùng Cha Hạt trưởng Quản xứ đặt lên vị trí Hang đá sẽ được xây dựng, Ngài cũng rãy nước Thánh làm phép khu đất xây hang đá.

Trương Trí
 
Đêm Giáng Sinh tại nhà thờ chính tòa Thái Bình
Kiếm Chín
11:45 25/12/2015
Đêm Giáng Sinh tại Giáo xứ Nhà Thờ Chính Tòa Thái Bình

Thái Bình 24/12/2015.- Không phân biệt tôn giáo, lứa tuổi, nghề nghiệp, hàng chục ngàn người đã đổ về khu vực Nhà thờ Chính Tòa và khuôn viên Tòa Giám mục Thái Bình để hòa cùng niềm vui của Đêm Noel (24.12.2015): Mừng Con Thiên Chúa giáng trần.

Xem Hình

Không chỉ có đêm nay, mà trong nhiều ngày qua, từ chiều tối cho tới đêm khuya, từng dòng người nườm nượp từ khắp các nẻo đường đổ về khuôn viên Nhà thờ Chính Tòa Thái Bình và quảng trường Tòa Giám mục để chiêm ngưỡng vẻ đẹp và tận hưởng không khí của mùa Giáng Sinh. Và đêm nay, đêm cực thánh, đêm an bình và hồng phúc mới thật sự là đỉnh cao của mùa Giáng Sinh. Hàng chục ngàn người có mặt từ rất sớm, mong tìm được cho mình một chỗ trên quảng trường rộng lớn. Trong một không gian hoành tráng, lộng lẫy nhưng đầy ấm áp, giai điệu bài Thánh ca Noel của nhạc sĩ Nguyễn Duy: "Noel về, Noel về; Nào cùng hát lên bài ca, Mừng Giáng sinh trong đêm say hồng ân, Ôi yêu thương tràn lan, Chúa đến trong trần gian…" như níu kéo mọi người xích lại gần nhau hơn trong tình yêu của Chúa Giêsu Hài Đồng.

Lâu nay xã hội thường khâm phục nền nếp kỷ luật, trật tự và tinh thần tự giác của giáo dân trong các hoạt động tập thể. Điều này được chứng minh rõ ràng trong đêm Noel khi có hàng chục ngàn người tham dự. Trong dịp mừng lễ Giáng Sinh năm 2015 của Giáo phận Thái Bình, ngoài việc chứng kiến cách thức tổ chức nền nếp, trật tự của các hội đoàn, mọi người còn được tận mắt chiêm ngưỡng và không khỏi ngỡ ngàng, thán phục bởi quy mô hoành tráng trong việc trang trí, dàn dựng quang cảnh. Thu hút sự quan tâm đầu tiên của tất cả mọi người đến đây, bắt đầu từ Tòa Giám Mục bề thế với ngôi sao lớn tỏa sáng muôn màu lấp lánh trên cao; bên phải của ngôi Nhà chung là ngôi Thánh đường uy nghi, rực sáng; rồi Quảng trường rộng rãi phẳng lì với thảm cỏ nhân tạo có sức chứa hàng chục ngàn người. Và vươn lên giữa hai tòa kiến trúc tráng lệ ấy là một cây thông Noel cao 24 mét thu hút mọi tầm nhìn bởi những dây đèn trang trí với gần 2 nghìn bóng đèn…Không gian nơi đây thật nhộn nhịp, băng rôn, khẩu hiệu, cờ hoa, hang đá...tất cả rực rỡ trong ánh sáng lung linh, huyền ảo. Cả một quần thể hài hòa, đan quyện vào nhau làm nổi bật lễ đài trung tâm trước quảng trường Nhà chung được thiết kế một cách công phu, hoành tráng và thánh thiêng.

Khi tiếng chuông chiều của nhà thờ vang lên lần thứ hai, khuôn viên Nhà chung và Nhà thờ Chính Tòa đã chật kín. Bên ngoài, phố Hoàng Diệu, đường Trần Hưng Đạo, Lê Lợi cũng đông đúc, náo nhiệt vô cùng, tất cả đều muốn len chân để được vào trong khu vực nhà thờ. Đã nhiều năm nay, Noel không còn chỉ là của riêng những người Kitô hữu mà đã là của chung tất cả mọi người, vì Chúa đến trong trần gian và đến cho trần gian để cứu độ nhân loại.

19 giờ 30, chương trình Hoan ca mừng Chúa Giáng Sinh được bắt đầu với những tiết mục đặc biệt của nhóm du ca Tình nguyện viên Don Bosco đến từ thành phố Hồ Chí Minh và những vũ điệu của ca đoàn thiên thần….

Phần diễn nguyện được mở đầu bằng tiết mục hợp xướng "Đêm thánh vô cùng" của hơn 200 ca viên đến từ Đại Chủng viện Thánh Tâm Mỹ Đức, Dòng nữ Đaminh và ca đoàn tổng hợp Giaó xứ Nhà Thờ Chính Tòa.

Đúng 22 giờ, đoàn rước tượng Chúa Hài Đồng đi trong tiếng nhạc hùng tráng được xuất phát từ cuối Nhà thờ Chính Tòa. Trên đường rước đêm nay còn có một chiếc bánh gato lớn với nhiều trang trí bắt mắt do 4 người khiêng là món quà đặc biệt thể hiện tâm tình đơn sơ và lòng thành của đoàn con dâng lên mừng Sinh nhật Chúa hôm nay.

Đồng tế với Đức Cha Phêrô trong thánh lễ của đêm hồng phúc này có cha Tổng Đại diện F.Ass. Nguyễn Tiến Tám và quý cha; và sự hiệp thông sốt sắng của quý tu sĩ, chủng sinh và cộng đoàn Dân Chúa, cùng với sự tham dự các bà con tôn giáo bạn. Con số hiện diện lúc đông nhất của đêm Noel 2015 ước tính chừng trên 20.000 người.

Trong thánh lễ, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ ngỏ lời cảm ơn các bạn trẻ và đặc biệt là những người không cùng tôn giáo đã không ngại gió lạnh, đêm khuya mà vẫn ở lại tham dự buổi cầu nguyện của người Công Giáo. Đồng thời, ngài đã cho cộng đoàn nói chung và những người kitô hữu nói riêng hiểu được ý nghĩa gần gũi nhưng thâm sâu của một buổi cầu nguyện. Đức Cha đã khái quát về màu nhiệm tình thương của Thiên Chúa qua việc ban Con Một duy nhất của Ngài cho nhân loại. Bằng những dẫn chứng hết sức cụ thể và thiết thực, Đức Cha đã đề cập đến sự lựa chọn bóng tối và ánh sáng của con người trong thời đại ngày hôm nay. Ngài chia sẻ: Mặc dù Đức Giêsu Kitô – Con của Trời – đã đến trần gian hơn hai ngàn năm qua, nhưng nhân loại, phần đa vẫn chưa nhận biết Ngài. Họ vẫn từ chối Ngài khi còn gan lì ở trong sự tội, sự ác… đó là một sự thật đáng buồn. Và như thế, màu nhiệm Giáng Sinh vẫn chưa được thể hiện một cách trọn vẹn”. Sau cùng, Đức Cha mời gọi cộng đoàn hãy mở lòng để đón nhận tình thương, món quà mà Trời ban tặng cho toàn thể nhân loại là Đức Giêsu Kitô qua việc hoán cải cuộc đời, từ bỏ tội lỗi.

Cuối thánh lễ, cha Tổng Đại diện thay mặt quý cha và cộng đoàn chúc mừng Đức Cha nhân dịp lễ Giáng Sinh. Một lần nữa, Đức Cha cũng chúc mừng cộng đoàn và ban phép lành với Ơn Toàn Xá cho cộng đoàn hiện diện.

Thánh lễ đêm mừng Con Thiên Chúa Giáng Sinh được khép lại với tiếng hát du dương qua ca khúc “Hang Bêlem” của Ca đoàn tổng hợp, một lần nữa cộng đoàn như được nhắc lại và cảm nhận sâu sắc về sự kiện Đức Giêsu Kitô – Con Thiên Chúa - đã đến trần gian. Mọi người ra về lòng hân hoan và còn được nhận những món quà từ đôi tay thân thiện của những ông già Noel.

Đêm Giáng Sinh như không thể khép lại vì hàng nghìn người vẫn muốn ở lại mãi nơi đây để hưởng trọn vẹn niềm vui trong tình yêu của Chúa Hài đồng !

Kiếm Chín
 
Noel 2015 tại Gx Lam Điền Hà Nội
Người Lam Điền
11:55 25/12/2015
Noel 2015 tại Gx Lam Điền : Đêm Thánh, Đêm Lòng Thương Xót

Đêm nay (24/12/2015), thời tiết ở Hà Nội với cái lạnh của đêm Đông, khi Mùa Giáng sinh về, bằng mọi cách bài hát « Đêm Đông » lại được cất lên thật hợp cảnh hợp tình làm lòng người phấn khởi.

Xem Hình

Đêm nay, đêm của Lòng Thương Xót nhập thể để biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa cho chúng, đêm của Trời đất giao duyên, đêm hội ngộ của ân tình và tín nghĩa, đêm Thiên Chúa đến với con người, hòa mình vào lịch sử nhân loại. Bài hát : ‘Trời hân hoan đất tưng bừng vui ca. Này giờ Con Chúa, Đấng Cứu Tinh đã sinh ra’, với điệu vũ hát của các em thiếu nhi thấy đẹp biết bao. Làm sao không thể không vui và càng không có lý do để ngừng hoan ca múa hát. Đó là lý do cộng đoàn giáo xứ Lam Điền với niềm vui của nhân loại nói chung và của cá nhân mình nói riêng tổ chức buổi Hoan Ca Mừng Chúa Giáng Sinh với chủ để Đêm Thánh, Đêm của Lòng Thương Xót.

20 giờ 00, giờ đã điểm, tiếng chuông nhà thờ cất lên, hòa cùng tiếng kèn Tây Nhạc, Giáo xứ Lam Điền, ngoại ô Thành phố, vùng đất của một thời tòng giáo, sân không còn chỗ, đường chật ních kẻ qua người lại, chương trình Hoan Ca Mừng Chúa Giáng Sinh bắt đầu, nào là giọng hát trẻ thơ kèm theo vũ điệu, xen lẫn những tiết mục các anh chị giới trẻ của 7 giáo họ, cùng với hội Têrêsa, Mân Côi, Con Cái Đức Mẹ… tất cả như lôi kéo lòng nhiều người tạm xa rời Chúa trở về giáo đường, chiêm ngắm Lòng Thương Xót Chúa giáng sinh được họa lại bên cạnh tiền sảnh nhà thờ là cảnh giáng sinh.

21 giờ 00, là phần Canh thức với chủ đề nhằm Phúc Âm Hóa Giáo Xứ : “Lòng Thương Xót nhập thể” được các sœurs Dòng thánh Phaolô dày công luyện tập, giúp cộng đoàn thinh lặng hồi tâm về lịch sử cứu độ Thiên Chúa đã thể hiện vì xót thương.

Cao điểm là Thánh lễ Nửa Đêm với những bài thánh ca, bài đọc, bài giảng đề cao lòng thương xót của Chúa Chúa qua việc giáng thế của Chúa Con để cứu độ thế nhân.

Trong Mầu nhiệm Giáng Sinh, khi chiêm ngắm liên lỉ dung mạo của Chúa Giêsu, chúng ta khám phá được rằng, lòng thương xót của Thiên Chúa là chung kết và tối thượng “vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta”; “Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng ta" (Ga 1,14) ban cho những ai tiếp nhận Người “quyền trở nên con cái Thiên Chúa” (Ga 1,12).

Như thế, nơi Chúa Giêsu thành Nagiarét, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha “Đấng đầy Lòng Nhân Hậu” (Eph 2, 4) trở nên sống động và rõ ràng (x. Misericodiae Vultus số 1). Các cử chỉ của Chúa Giêsu đối với các tội nhân, người nghèo, người bị đẩy ra bên lề, các bệnh nhân và những người đau khổ, tất cả trong Người đều nói về lòng thương xót. Điều đã thúc đẩy Chúa Giêsu trong tất cả những tình huống đó, không phải gì khác ngoài Lòng Thương Xót (x. Misericodiae Vultus số11).

Trong Thông điệp “Dives in misericordia” Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết :“Tâm lý của con người thời nay có vẻ như đang muốn chống lại một Thiên Chúa Giầu Lòng Thương Xót hơn là trong quá khứ, và có khuynh hướng muốn gạt bỏ ý tưởng về Lòng Thương Xót ra khỏi cuộc sống và ra khỏi con tim... Sự làm chủ trên trái đất…xem ra có vẻ như không còn để không gian cho Lòng Thương Xót nữa”. Ngài tuyên bố: “Cần thiết phải công bố về Lòng Thương Xót cho thế giới hôm nay”.

Năm Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi : “Giáo Hội có sứ mạng công bố về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa … muốn sống Năm Toàn Xá này trong ánh sáng của Lời Chúa: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36). Đồng thời chiêm ngưỡng Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, thủ đắc Lòng Thương Xót ấy cho mình, và làm cho Lòng Thương Xót trở thành lối sống riêng, sẽ trở nên có thể” (x. Misericodiae Vultus 12-13).

Lạy Chúa Giêsu, chúng con chiêm ngắm Chúa, xin hãy làm cho chúng con trở nên những chứng nhân của lòng thương xót Chúa, lòng thương xót đã thôi thúc Chúa cởi bỏ vinh quang Thiên Chúa, để sinh ra sống giữa con nguời và chịu chết vì chúng con.

Trong giai đoạn đầu của Năm Thánh chúng con vừa bước vào, xin Chúa hãy đổ vào chúng con Thánh Thần của Chúa, ngõ hầu ân sủng của Mầu Nhiệm Nhập Thể khơi dậy nơi mỗi tín hữu tích cực dấn thân sống quảng đại hơn, phù hợp với sự sống mới do bí tích Rửa Tội trao ban.

Xin hãy làm cho ánh sáng của đêm hôm nay, sáng hơn ban ngày, chiếu sáng trên tương lai và hướng dẫn những bước tiến của nhân loại trên con đường Hòa Bình.

Lạy Chúa, Lòng Thương Xót của Chúa Cha, Hoàng tử của Hòa Bình, Ðấng Cứu Chuộc, đã giáng sinh vì chúng con, xin hãy đồng hành với Giáo Hội Chúa trên con đường đang mở ra dẫn đưa Giáo Hội bước đi trong Năm Thánh! Amen.

Sau Thánh lễ mỗi người, mỗi ước nguyện gửi gắm cho Chúa Hài Đồng.

Sau đây là một số hình ảnh

Đưa tin: Giáo xứ Lam Điền

Ảnh : Nam Đàn
 
Giáng Sinh tại xứ Đồng Trì, Hà Nội
Người Đồng Trì
12:35 25/12/2015
“ĐÊM THÁNH – ĐÊM CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT” TẠI GIÁO XỨ ĐỒNG TRÌ – TỔNG GIÁO PHẬN HÀ NỘI

Hòa với niềm hân hoan mừng lễ Thiên Chúa Giáng Sinh 2015 cùng Giáo Hội Hoàn Vũ trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, đêm diễn nguyện mừng đón Thiên Chúa giáng trần tại giáo xứ Đồng Trì (Giáo hạt Chính tòa - TGP. Hà Nội) với chủ đề "Đêm Thánh - Đêm của Lòng Thương Xót" đã diễn ra trong niềm vui tươi và ấm cúng. Với chủ đề về Năm Lòng Thương Xót nhằm mời gọi mọi thành phần dân Chúa trong giáo xứ cùng nhau chiêm ngắm và sống mầu nhiệm Ngôi Hai xuống thế làm người vì Lòng Thương Xót con người tội lỗi chúng ta.

Xem Hình

Mặc dù 19h30 chương trình mới bắt đầu nhưng ngay từ trước đó rất sớm, mọi thành phần Dân Chúa trong giáo xứ và cả các bạn thuộc tôn giáo bạn đã tập chung rất đông tại khu vực Hang đá Giáng sinh và khu vực sân khấu Diễn nguyện.

Đúng 19h30, Cha xứ Phaolô Nguyễn Trung Thiên đã phát biểu khai mạc đêm Diễn nguyện Giáng sinh chào mừng Đại lễ Thiên Chúa Giáng Sinh. Sau đó, đêm Diễn nguyện đã tiếp tục diễn ra với những tiết mục văn nghệ đặc sắc, được đầu tư công phu của các đội diễn trong Giáo xứ và các Giáo họ.

22h00, Cha Phaolô đã chủ sự cuộc rước kiệu Chúa Hài Đồng xung quanh khuôn viên Giáo xứ. Sau đó, Cha xứ Phaolô cũng đã chủ sự Thánh Lễ Đêm mừng Đại lễ Thiên Chúa Giáng Sinh, cùng đồng tế với Ngài còn có sự hiện diện của Cha giúp xứ Giuse Phạm Duy Lân (dòng Vinh Sơn). Thánh lễ đã được diễn ra trong bầu không khí trang nghiêm, sốt sắng.

Nguyện xin Thiên Chúa cho mỗi người trong giáo xứ nhận ra được Lòng Thương Xót của Ngài, chính vì yên thương chúng ta đã xuống thế trong khó nghèo mặc lấy thân phận yếu hèn của con người để cứu độ chúng ta, qua đó mỗi người trong cộng đoàn giáo xứ biết yêu thương nhau hơn, cùng nhau đem tình yêu của Chúa đến cho mọi người trong chính cuộc sống thường ngày.

Sau đây là một số hình ảnh:

Hình ảnh: Song Hào - Việt Vương

TRUYỀN THÔNG GIÁO XỨ
 
Phỏng vấn Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo về Học Viện Công Giáo Việt Nam
Nữ tu Maria Nguyễn Thị Minh Du
19:15 25/12/2015
Ngày 15 tháng 9, Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo Tòa Thánh đã phê chuẩn quyết định thành lập Học Viện Công Giáo Việt Nam (HVCGVN).

Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám Mục phó giáo phận Xuân Lộc, và là Chủ tịch Ủy ban Giáo dục Công Giáo trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã dành cho VietCatholic buổi phỏng vấn sau.

1. Sr. Minh Du:Thưa Đức Cha, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã nhận được phép thành lập Học Viện Công Giáo Việt Nam từ phía chính phủ Việt Nam và từ Bộ Giáo dục Công Giáo của Toà Thánh. Vậy công việc chuẩn bị hiện nay ra sao và bao giờ HVCGVN chính thức hoạt động?

Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo: Xin kính chào toàn thể ban biên tập Vietcatholic và quý vị độc giả.

HĐGMVN đã nhận được từ Nhà Nước Việt Nam và Tòa Thánh giấy phép cho thành lập HVCGVN. Đây là sự kiện rất quan trọng, vì nhờ đó, công việc chuẩn bị cụ thể có thể được tiến hành.

HVCGVN là một cơ cấu học vấn mới tại Việt Nam đã được HĐGMVN quyết định và thông báo từ năm 2010. Sau đó, nhiều việc đã được thực hiện, nhưng để chính thức hoạt động, HVCGVN còn cần có thêm thời giờ chuẩn bị. HVCGVN dự kiến sẽ chính thức hoạt động vào năm học 2016 – 2017. Ngày khai giảng có thể sẽ vào giữa tháng 9 năm 2016.

Công việc chuẩn bị cần phải thực hiện để HVCGVN có thể bắt đầu hoạt động là một công việc đa dạng, phức tạp. Tuy nhiên, công việc chuẩn bị hiện nay không bắt đầu từ số không, vì đây là Dự án của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cho Giáo Hội Việt Nam và trong 5 năm vừa qua, nhiều việc đã được thực hiện. Ngoài ra, dự án HVCGVN được sự đồng tình hỗ trợ của các Giáo phận và các Dòng Tu (Hội Dòng hay Tỉnh Dòng) đang hoạt động tại Việt Nam, đáp ứng lòng mong chờ của nhiều người thuộc mọi thành phần Dân Chúa. Do đó, có thể nói là HVCGVN đã được chuẩn bị từ năm năm qua.

Việc chuẩn bị gần cho HVCGVN bắt đầu hoạt động đang được thực hiện cách cụ thể qua việc thành lập những cơ cấu căn bản. Dưới đây là những cơ cấu đã được thành lập và đã bắt đầu hoạt động:

- Hội đồng điều hành Học viện;
- Ban giáo sư;
- Chương trình học;
- Ban Thư ký và các Tiểu Ban
- Cơ sở

2. Sr. Minh Du:Thưa Đức Cha HVCGVN sẽ có bao nhiêu Khoa và những chuyên ngành nào?

Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo: Vào thời điểm khởi đầu này, HVCGVN sẽ tổ chức Khoa Thần Học, với hai chuyên ngành: Thần học Thánh Kinh và Thần học Tín Lý. Tôi hy vọng sau ít năm họat động, khi chương trình và cơ cấu đã vững chắc, HVCGVN sẽ mở thêm chuyên ngành Thần học Mục vụ để đáp ứng các khía cạnh đa dạng của công tác mục vụ trong Giáo Hội, chẳng hạn, Mục vụ Giáo lý, Mục vụ Giới trẻ, Mục vụ Gia đình, Mục vụ Di dân, v.v.

3. Sr. Minh Du:Những tiêu chuẩn để một sinh viên được nhận vào HVCGVN là gì ạ?

Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo: Chương trình học của Khoa Thần học trong Giáo Hội có 3 cấp, gọi là 3 Chu kỳ.

- Chu kỳ I là Chu kỳ căn bản, kéo dài 5 năm. Kết thúc chương trình học và vượt được các kỳ thi của chương trình, sinh viên sẽ được cấp Văn bằng Cử nhân Thần học. Với Văn bằng Cử nhân Thần học, sinh viên có thể được ghi danh vào học Chu kỳ II.
- Chu kỳ II là Chu kỳ chuyên môn và kéo dài hai hay ba năm, tùy theo chuyên ngành. Kết thúc chương trình học và hội đủ các điều kiện của Chương trình, sinh viên sẽ được cấp Văn bằng Thạc Sĩ Thần học.
- Chu kỳ III là chu kỳ nghiên cứu chuyên ngành, kéo dài chừng ba năm, tùy theo khả năng làm việc của mỗi sinh viên. Kết thúc chương trình học và hội đủ các điều kiện của Chương trình, sinh viên được cấp Văn bằng Tiến sĩ Thần học theo chuyên ngành. Để được ghi danh vào học Chu kỳ III, sinh viên phải có Văn bằng Thạc sĩ Thần học, với số điểm tối thiểu được ấn định.

Năm học 2016 – 2017 HVCGVN sẽ bất đầu mở Chu kỳ II, còn Chu kỳ I sẽ được bắt đầu sau. Để ghi danh vào Chu kỳ II, ứng sinh phải có văn bằng Cử nhân Thần học, hoặc đã học hết chương trình tại các Đại Chủng viện hay tại các Học viện Thần học của các Dòng. Các ứng sinh ghi danh sẽ phải tham dự cuộc Thi Tuyển được HVCGVN tổ chức vào cuối tháng 6 hay đầu tháng 7/2016. Các ứng sinh trúng tuyển sẽ bắt đầu chương trình học của Năm Dự Bị trong năm học 2016 – 2017 để cuối năm học, sẽ thi lấy bằng Cử nhân Thần học và bắt đầu chương trình chuyên ngành vào năm 2017 – 2018. Các ứng sinh trúng tuyển, nếu đã có bằng Cử nhân Thần học sẽ không bó buộc phải theo học Năm Dự Bị.

Những chi tiết cụ thể sẽ được Văn phòng HVCGVN thông báo vào những ngày đầu năm 2016.

4. Sr. Minh Du:Văn bằng cấp cho sinh viên HVCGVN khi tốt nghiệp, có sánh ngang với các trường thần học quốc tế không?

Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo: HVCGVN đã được Bộ Giáo dục Công Giáo công nhận như một Khoa Thần học biệt lập, sau khi đã duyệt xét hồ sơ. Trong cuốn Niên Giám của Tòa Thánh năm 2016, sẽ có tên của HVCGVN (Catholic Institute of Viet Nam) trong danh sách các Đại học Công Giáo trên thế giới được Tòa Thánh Công nhận. Do đó, văn bằng Thần học được HVCGVN cấp sẽ có giá trị như văn bằng Thần học của tất cả các Khoa Thần học trên thế giới.

5. Sr. Minh Du:Thưa Đức Cha, văn phòng của HĐGMVN có nhỏ quá đối với một HVCG không? Trong tương lai xa, HVCGVN có dự án gì về cơ sở không ạ?

Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo: Để bắt đầu, HVCGVN được phép sử dụng phòng của Trụ sở HĐGMVN tại đường Trần quốc Toản, số 72/12, Tp HCM. Tuy nhiên, đây chỉ là bước đầu. Trong tương lai, HVCGVN sẽ phải có cơ sở riêng, đáp ứng vào nhu cầu của Học viện. Ngoài ra, chúng ta hy vọng là trong tương lai không xa, Giáo Hội sẽ được tham gia vào công tác giáo dục nói chung và lúc đó, HVCGVN sẽ mở ra các ngành học khác. Do đó, HVCGVN mơ ước có được một khoảng đất rộng có khả năng đáp ứng những nhu cầu nói trên. Không nên chỉ nghĩ đến công việc hiện tại đang làm, nhưng còn phải chuẩn bị để các thế hệ con cháu, khi hoàn cảnh cho phép, có điều kiện đáp ứng vào sứ mệnh giáo dục của Giáo Hội.

6. Sr. Minh Du:Thưa Đức Cha, trong chương trình đã hoạch định, HVCGVN có nghĩ đến việc mời thêm các giáo sư ngoại quốc không ạ?

Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo: HVCGVN ao ước có sự cộng tác của các giáo sư ngoại quốc. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã có chính sách cho các Đại học ngoài xã hội được mời các Đại học ngoại quốc về cộng tác để nâng cao kiến thức của sinh viên, không có lý gì HVCGVN không nghĩ đến việc mời các giáo sư ngoại quốc. Trong quy chế sinh hoạt của HVCGVN được Chính phủ chấp thuận cũng đã có chiều hướng này.

Đầu năm 2014, bản thống kê các vị có văn bằng Tiến sĩ và Thạc sĩ các ngành Thần học và Triết học, thuộc các Giáo phận và Dòng tu nam nữ tại Việt Nam, cho thấy có 75 vị có bằng Tiến sĩ, 193 vị có bằng Thạc sĩ. Cho dù số các vị có bằng Tiến sĩ và Thạc sĩ Thần học tại Việt Nam khá nhiều, HVCGVN vẫn ao ước có sự hiện diện và giảng dạy của các giáo sư ngoại quốc. Sự hiện diện và lời giảng dạy của các ngài sẽ giúp sinh viên mở rộng tầm nhìn và kiến thức.

Tuy nhiên, để thực hiện điều này, cần phải chuẩn bị khả năng sinh ngữ, đặc biệt Anh ngữ, của sinh viên, vì giáo sư ngoại quốc, có thể có những vị không nói tiếng Việt. Ngoài ra, cũng còn phải có điều kiện tài chánh.

7. Sr. Minh Du:Tương lai xa hơn của HVCGVN là gì, xin Đức Cha chia sẻ thêm với chúng con.

Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo: Còn nhiều điều cần chia sẻ về HVCGVN, nhưng tôi chỉ xin chia sẻ ba điều.

- Nhiều người nô nức khi nghe tin HVCGVN được thành lập và tỏ lòng ao ước thấy HVCGVN đáp ứng nhu cầu học hỏi và trau dồi thêm kiến thức thần học và mục vụ của các thành phần Dân Chúa, gồm cả anh chị em giáo dân. Đây cũng là mong ước của HĐGMVN khi cho thành lập HVCGVN. Tuy nhiên, không ai có thể làm mọi việc cùng một lúc, nhất là trong thời gian khởi đầu. Trong giai đoạn đầu này, HVCGVN sẽ thực hiện những điều nền tảng để thành lập được Khoa Thần học. Các nhu cầu khác sẽ được từ từ đáp ứng.

- Một giấc mơ xa, thật xa. Đó là HVCGVN sẽ từ từ phát triển để đáp ứng nhu cầu, không phải chỉ của Giáo Hội tại Việt Nam và cả những nước trong khu vực. Khi sang Roma tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới, tôi có dịp nói chuyện với Đức Tổng Giám Mục Nagasaki (Nhật Bản) và Đức Cha Chủ tịch HĐGM Laos – Republica Khmer, các ngài tỏ lòng mong ước Việt Nam mở Đại học Công Giáo để các ngài có thể gửi chủng sinh sang học. Cả các nhân viên Ban Tôn Giáo Chính Phủ cũng cầu mong cho HVCGVN không những chỉ phục vụ Giáo Hội tại Việt Nam, mà cả Giáo Hội tại các nước trong khu vực. Viễn tượng này đòi hỏi nhiều yếu tố, trong đó Ban Giáo Sư có khả năng truyền đạt kiến thức thần học bằng Anh ngữ là một yếu tố không thể thiếu.

- HVCGVN là chương trình của Giáo Hội Việt Nam. Đây là một chương trình lớn, đòi hỏi nhiều cố gắng, với sự tham dự, cộng tác của mọi thành phần Dân Chúa. HVCGVN ao ước được sự hỗ trợ của các linh mục, tu sĩ và anh chị em giáo hữu không phải chỉ tại Quê hương Việt Nam, mà còn có sự đóng góp nhân lực, vật lực của các linh mục, tu sĩ và anh chị em giáo hữu tại Hải ngoại. Người Công Giáo sinh sống ở đâu thì hội nhập vào Giáo Hội địa phương tại đó. Tuy nhiên, trong tinh thần và tình cảm, chắc chắn người Công Giáo Việt Nam ở đâu cũng vẫn gắn bó với Tổ Tiên và Quê Cha, Đất Mẹ. Sự hỗ trợ của người Công Giáo Việt Nam ở hải ngoại không chỉ cần thiết vì nhu cầu vật chất, nhưng còn có một ý nghĩa thiêng liêng sâu sa về tinh thần hiệp thông. Nếu sự cộng tác này được thực hiện, HVCGVN vừa là hoa trái của sự hiệp thông, vừa là niềm hãnh diện cho mọi người Công Giáo Việt Nam, ở tại Quê Hương Việt Nam cũng như ở hải ngoại.

Con xin cảm ơn Đức Cha đã dành thời gian cho chúng con. Xin Thiên Chúa chúc lành cho Đức Cha, ban đào tạo và những người có tâm huyết với HVCG này.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Lễ Giáng sinh và sự dung hoà tôn giáo của người Việt
Phương Thuỷ
17:33 25/12/2015
LGT: Trang Web của Ban Tôi Giáo Chính Phủ Việt Nam nhân dịp Lễ Chúa Giáng Sinh năm nay đã cho phổ biến bài phân tích có tựa đề là “Lễ Giáng sinh và sự dung hoà tôn giáo của người Việt” của tác giả Phương Thuỷ nói về sự hòa đồng và vai trò của tôn giáo tại Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy bài viết này có những nhận định và phân tích khá khách quan và tích cực, chúng tôi xin phổ biến để tham khảo và rộng đường dư luận.

Trong một số năm trở lại đây, cứ đến đầu tháng 12 khắp nơi trong thành phố Hà Nội chúng ta đều nhận thấy không khí của ngày lễ Giáng sinh đang đến gần với khung cảnh trang trí rực rỡ, bắt mắt trên đường phố, các cửa hàng, rồi đến dòng nhạc với những âm hưởng hòa tấu du dương.

Ngày lễ Giáng sinh không có nguồn gốc từ Việt nam, nó là ngày lễ của những người theo Kitô giáo như: Công Giáo, Tin lành. Đạo Công Giáo du nhập vào Việt Nam từ năm 1533 và đến nay đã trở thành một trong những tôn giáo có số lượng tín đồ đông đảo. Ngày nay, ở Việt Nam, dù không chính thức nhưng Giáng sinh dần dần được coi như một ngày lễ chung, thường được tổ chức vào tối 24 và kéo sang ngày 25 tháng 12. Trong những ngày này, cây thông Nôel được trang trí ở nhiều nơi bằng cây thật hay thông nhân tạo làm bằng nhựa. Trên cây, người ta thường treo các đồ trang trí nhiều loại nhưng thường có những cặp chuông, dây giả tuyết, những chiếc ủng, các gói quà tượng trưng và đèn trang trí giống như các nước phương Tây... mọi người tham dự lễ hội để biết, để hoà nhập và để tận hưởng những nét văn hoá đẹp chứ không nhất thiết để phục vụ nhu cầu tâm linh.

Được biết lễ Giáng sinh lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam là do một người phụ nữ chủ toạ, đó là bà Maria Mađêlêna Minh-Đức Vương Thái Phi. Bà Minh-Đức là vợ Chúa Nguyễn Hoàng, mẹ của Hoàng Tử Nguyễn Phúc Khê, tước hiệu Vương Phi, được đứng đầu hàng Thứ phi. Năm 1625 đã ngoài 50 tuổi, bà gia nhập đạo Công Giáo tại Thuận Hóa do giáo sĩ Francisco di Pina rửa tội cho bà với tên Thánh là Maria Mađalêna, có sự chứng kiến của giáo sĩ Đắc Lộ. Cuộc đời và sự nghiệp rao giảng Tin Mừng của bà Minh-Đức đã được sử gia Phạm Đình Khiêm, một người chuyên nghiên cứu và viết về mảng lịch sử Giáo Hội Việt Nam, qua tài liệu tra cứu giá trị rất công phu, trong đó tác giả đã cho ra mắt cuốn “Minh-Đức Vương Thái Phi” do tủ sách Tinh Việt Văn Đoàn xuất bản năm 1957. Qua tập sách này, ta có thể tìm hiểu và biết được dung mạo người phụ nữ đạo đức, đáng kính này. Bà Minh-Đức Vương Thái Phi qua đời vào năm 1649, hưởng thọ 80 tuổi, thủ tiết 36 năm, trong đó có 24 năm lo giảng đạo, làm việc tông đồ mở mang nước Chúa để lại tấm gương nhân đức chiếu rạng khắp triều đình. Hành động của bà ảnh hưởng lớn đến dân chúng và danh tiếng bà luôn ghi dấu trong sử sách. Bà còn được các giáo sĩ truyền giáo coi như linh hồn của đạo Công Giáo thời bấy giờ.

Nếu như một vài năm trước đây Giáng sinh chỉ là ngày lễ của những người theo đạo Công Giáo hay Tin lành, thì hiện nay nó đã được nhiều người chấp nhận và coi như hoạt động sinh hoạt văn hoá cộng đồng chung, mà chủ yếu là giới trẻ. Lễ Giáng sinh ở Việt Nam hiện nay đã trở thành một dịp sinh hoạt văn hóa cộng đồng nhộn nhịp, những đôi tình nhân âu yếm tặng quà cho nhau, trẻ em háo hức chờ sự xuất hiện của ông già Noel, gia đình bè bạn rủ nhau hội hè, yến tiệc, hát karaoke. Người Việt Nam rất thích thú các ca khúc Giáng sinh. Rất nhiều người nước ngoài đón giáng sinh tại Việt Nam và thực sự thích không khí ấm cúng, yên bình nhưng không kém phần sôi động. Tuy cách đón Giáng sinh của người theo đạo và không theo đạo có những nét khác biệt, nhưng điều đó thực sư không quan trọng.

Ngày lễ Giáng sinh cũng được chào đón ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Vậy điều gì đã khiến một ngày lễ của những người theo đạo Công Giáo lại trở nên phổ biến và được mọi người yêu thích tại Việt Nam như vậy?

Nhìn chung các lễ hội mang tính cộng đồng cao, sinh hoạt đơn giản, không mang quá nhiều màu sắc tâm linh huyền bí đều được đón nhận nhanh chóng và trở nên phổ biến. Tuy nhiên lí do khiến lễ Giáng sinh hay cũng như nhiều sinh hoạt văn hoá khác được chào đón tại việt nam là từ phía con người và xã hội Việt. Việt Nam được biết tới như một quốc gia đa dân tộc và đa tôn giáo, trong suốt chiều dài lịch sử, trong thời bình hay trong thời kỳ chịu áp bức đô hộ chiến tranh, nền văn hoá Việt Nam luôn vận động luôn chuyển mình thích ứng nhưng “hoà nhập” mà không hoà tan. Tiếp nhận các sinh hoạt tôn giáo mới một cách nhanh chóng, làm cho nó trở nên “Việt hoá” là một cái hay trong việc hoà hợp các tôn giáo, sinh hoạt văn hoá của người Việt Nam. Tinh thần đoàn kết tôn giáo của người dân, việc chung sống hoà bình và bao dung giữa các tôn giáo cùng với tính nhân ái, nhân bản của con người và xã hội đã tạo ra một bức tranh sinh động về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam: thuần tuý nhưng phong phú, đan xen nhưng không mâu thuẫn. Trong đó, văn hoá của dân tộc Việt là lớn nhất và Phật giáo là phổ biến nhất. Trong suốt chiều dài lịch sử, dù trải qua hơn 1000 năm Bắc thuộc hay gần 100 năm Pháp thuộc, Việt Nam vẫn bảo tồn và phát triển nền văn hoá của mình, không bị Hán hoá, không bị Tây hoá. Văn hoá Việt Nam ngày càng phát triển trên cái gốc là tam giáo (Nho – Đạo – Phật) và tín ngưỡng bản địa, nhờ sức sống là truyền thống dung hoà.

Truyền thống dung hoà của người Việt được thể hiện qua nhiều phương diện như: dung hoà, hoà hợp với tự nhiên (hành động theo tự nhiên, không chống lại thiên nhiên, thích nghi với tự nhiên); dung hoà với xã hội (về mặt văn hoá tư tưởng theo nguyên tắc "không từ chối", tiếp thu tinh hoa văn hoá của các dân tộc khác trong quá trình giao lưu, như nhạc Chăm trong cung đình, diễn trò của Trung Quốc...; về mặt ngôn ngữ sử dụng nhiều từ vựng gốc Môn - Khơme, Tầy Thái, Mã Lai, Hán, Ấn Độ...; về mặt tôn giáo tiếp thu các thuyết Nho, Đạo, Phật, Công Giáo, Tin lành..., tiếp thu nhiều tư tưởng của cả phương Đông lẫn phương Tây); dung hoà với con người theo nguyên tắc dĩ hoà vi quý, lưỡng trị, điều hoà quyền lợi. Chính môi trường địa lý, địa vực, dân tộc luôn có sự mở rộng, tiếp xúc, giao lưu là cơ sở để tư tưởng dung hoà xuất hiện, phát triển, củng cố và như một nguyên tắc nền tảng cho sự tồn tại và phát triển của Việt Nam. Tính cách chung của người Việt cũng được nhận định là vui vẻ, cởi mở, cùng hợp tác lao động với người khác. Tư tưởng hoà hợp đã tạo ra một không gian văn hoá, một thế sinh hoà bình, vui vẻ, ổn định cho người dân.

Nguyên tắc "không chối từ, không kì thị" như một công cụ hữu hiệu cho sự hoà hợp của văn hoá, tín ngưỡng tại Việt Nam. Trong nửa đầu thế kỷ XX, được kích thích bởi sự tiếp xúc với văn hoá phương Tây, người Việt đã thu nhận những giá trị nhân văn mới mẻ, tiến bộ của nhân loại, như tự do, bình đẳng, bác ái, nhân quyền, dân chủ. Những giá trị này đã được chào đón nồng nhiệt bởi tinh thần dung hoà của người Việt và bởi nó rất gần với các giá trị nhân văn cổ truyền. Cũng giai đoạn này, các tôn giáo cũ và mới như tôn giáo dân gian, Phật giáo, Công Giáo, đạo Cao đài, Hoà Hảo... đều phát triển, các triết thuyết phương Tây đương đại như triết học Mác, phân tâm học, chủ nghĩa thực chứng,. .. du nhập vào Việt Nam rầm rộ và đa dạng, tạo nên một diện mạo mới mẻ, đầy sức sống trong đời sống tinh thần Việt. Đặc biệt là từ Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 với nhiều cải cách và đổi mới chính sách kinh tế, tư duy chính trị đã tạo một bước phát triển mới truyền thống dung hoà văn hoá -tôn giáo của dân tộc, tạo điều kiện cho sự hội nhập của các văn hoá mới.

Từ khi được truyền vào Việt Nam đến nay đạo Công Giáo, Tin lành đã có ảnh hưởng tới xã hội với sự xã hội hoá các ngày lễ Công Giáo như­ Giáng sinh, Phục sinh. Dù ít hay nhiều, các ngày lễ đã góp phần làm phong phú thêm đời sống tâm linh và sinh hoạt văn hoá của người dân. Thông qua sinh hoạt văn hoá tâm linh cộng đồng, người dân là những người theo đạo hay không theo đạo có dịp hiểu và đoàn kết nhau hơn, đây cũng là một cách làm tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, thống nhất ý chí và nguyện vọng của người dân. Thực tiễn văn hoá Việt Nam qua lịch sử cho thấy, ở giai đoạn nào, triều đại nào mà tư tưởng dung hoà được duy trì và củng cố thì giai đoạn đó, triều đại đó vững mạnh và giàu tiềm năng phát triển. Vì vậy, cho dù trong bối cảnh toàn cầu hoá, nguy cơ mất bản sắc văn hoá dân tộc rất lớn, nhưng việc kế thừa truyền thống dung hoà văn hoá - tôn giáo, ứng dụng nguyên tắc này trên một tinh thần mới chính là chìa khoá vàng để nền văn hoá Việt Nam ngày càng phát triển.

(Nguồn: http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/255/0/2564/Le_Giang_sinh_va_su_dung_hoa_ton_giao_cua_nguoi_Viet)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chúc Mừng Giáng Sinh
Nguyễn Đức Cung
14:09 25/12/2015
CHÚC MỪNG GIÁNG SINH
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
Trong niềm hân hoan
đón mừng ngày Chúa Giáng trần
Gia đình Trang ảnh Chiêm/Niệm/Thiền
Kímh chúc quí độc giả và quí quyến:
Lễ Giáng Sinh
thật tuyêt vời.ấm áp tình yêu thương.
Năm mới 2016
thân tâm an lạc, muôn vàn như ý.
Trân trọng.
 
VietCatholic TV
Thông Điệp Giáng Sinh Urbi et Orbi 2015 và ơn Toàn Xá
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:18 25/12/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Lúc 11 giờ 15 ban quân nhạc và đại diện các lực lượng quân binh chủng Italia đã được xe cảnh sát dẫn đường diễn hành từ Lâu Đài Thiên Thần tiến theo dọc đại lộ Hòa Giải để vào quảng trường Thánh Phêrô dàn hàng chào danh dự trước thềm đền thờ.

Bây giờ là 12 giờ trưa, chúng tôi thấy Đức Thánh Cha đã xuất hiện trên bao lơn chính giữa đền thờ Thánh Phêrô. Hai ban nhạc của Đội Ngự Lâm Quân Thụy sĩ và Cảnh sát Italia đang trình tấu Quốc thiều Vatican.

Mở đầu sứ điệp Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, Chúc mừng Giáng sinh!

Chúa Kitô được sinh ra cho chúng ta, chúng ta hãy vui mừng trong ngày cứu độ này của chúng ta!

Chúng ta hãy mở lòng chúng ta ra đón nhận ân sủng của ngày hôm nay, là chính Đức Kitô. Chúa Giêsu là “ngày” rạng rỡ đã mở ra trên đường chân trời của nhân loại. Một ngày của lòng thương xót, trong đó Thiên Chúa là Cha chúng ta đã mạc khải sự dịu dàng tuyệt vời của Người với toàn bộ thế giới. Một ngày của ánh sáng, xua tan bóng tối của sợ hãi và âu lo. Một ngày hòa bình, được dựng lên cho gặp gỡ, đối thoại và hòa giải. Một ngày của niềm vui: một "niềm vui vĩ đại" cho người nghèo, những người thấp hèn và cho tất cả mọi người (x Lc 2:10).

Trong ngày này, Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế đã được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria. Nôi Chúa Hài Nhi cho chúng ta thấy những "dấu chỉ" mà Thiên Chúa đã tiên báo cho chúng ta: " một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ. " (Lc 2:12). Cầu xin cho chúng ta, như các mục đồng tại Bêlem, cũng cất bước lên đường để thấy dấu chỉ này, thấy sự kiện hàng năm vẫn được lặp lại trong Giáo Hội. Giáng sinh là một sự kiện được lặp lại trong mỗi gia đình, giáo xứ và cộng đồng nào nhận được tình yêu của Thiên Chúa đã nhập thể trong Chúa Giêsu Kitô. Như Đức Maria, Giáo Hội cũng chỉ cho mọi người thấy "dấu chỉ" của Thiên Chúa: Hài Nhi là do bà cưu mang và sinh hạ ra, nhưng Hài Nhi ấy là Con của Chúa Tể Càn Khôn, vì Hài Nhi ấy là do quyền năng Chúa Thánh Thần (Mt 1:20). Ngài thật sự là Đấng Cứu Thế, vì Ngài là Chiên Thiên Chúa Đấng gánh tội trần gian (x Ga 1:29). Cùng với các mục đồng, chúng ta hãy cúi xuống trước mặt Chiên Con, chúng ta hãy tôn thờ sự tốt lành của Thiên Chúa đã hoá thành nhục thể, và chúng ta hãy để cho mắt chúng ta đẫm những giọt nước mắt ăn năn làm sạch tâm hồn chúng ta.

Chỉ có Người, chỉ một mình Người mới cứu được chúng ta. Chỉ có lòng thương xót của Thiên Chúa mới có thể giải phóng nhân loại khỏi nhiều hình thức của sự ác, đôi lúc là những tội ác thật ghê tởm, mà tính ích kỷ đã sinh ra giữa chúng ta. Ân sủng của Thiên Chúa có thể chuyển đổi con tim chúng ta và đưa ra cho nhân loại một thông lộ để thoát ra khỏi những trạng huống nan giải.

Nơi Thiên Chúa được sinh ra, hy vọng được sinh ra. Nơi Thiên Chúa được sinh ra, hòa bình được sinh ra. Và nơi hòa bình được sinh ra, sẽ không còn có chỗ còn cho hận thù và chiến tranh. Tuy nhiên, chính nơi Con Thiên Chúa nhập thể đã đến trong thế gian, những căng thẳng và bạo lực vẫn tồn tại, và hòa bình vẫn là một món quà được khẩn nài và xây dựng. Cầu xin cho Israel và Palestine có thể nối lại việc đối thoại trực tiếp và đạt được một thỏa thuận cho phép hai dân tộc sống hòa thuận với nhau, kết thúc một cuộc xung đột mà từ lâu đã đặt họ trong tình trạng đối đầu, với những hậu quả nghiêm trọng cho toàn bộ khu vực.

Chúng ta cầu nguyện cùng Chúa để các thỏa thuận đạt được tại Liên Hiệp Quốc có thể thành công trong việc ngăn chặn càng sớm càng tốt các cuộc đụng độ vũ trang tại Syria và khắc phục được tình hình nhân đạo cực kỳ nghiêm trọng của những nạn nhân. Tương tự như thế, điều cấp thiết hiện nay là các thỏa thuận về Libya được hỗ trợ bởi tất cả các bên, để vượt qua được những chia rẽ trầm trọng và khống chế được bạo lực đang làm tổn thương quốc gia này. Cầu xin cho sự chú ý của cộng đồng quốc tế được đồng thanh hướng đến việc chấm dứt sự tàn bạo tại các quốc gia này, cũng như tại Iraq, Libya, Yemen và vùng cận Sahara bên châu Phi, mà ngay trong giờ phút này đang tạo ra thêm vô số nạn nhân, gây ra những đau khổ bao la và thậm chí không tha cho cả các di tích lịch sử và văn hóa của toàn thể các dân tộc này.

Suy nghĩ của tôi cũng hướng đến những ai chịu ảnh hưởng bởi những hành vi tàn bạo của chủ nghĩa khủng bố, đặc biệt là các vụ thảm sát gần đây diễn ra trong không phận Ai Cập, tại Beirut, Paris, Bamako và Tunis.

Với những anh chị em chúng ta là những người tại nhiều nơi trên thế giới đang bị bách hại vì đức tin của họ, xin Chúa Hài Đồng Giêsu ban cho họ sự an ủi và sức mạnh.

Chúng ta cũng cầu nguyện cho hòa bình và hòa hợp giữa các dân tộc của Cộng hòa Dân chủ Congo, Burundi và Nam Sudan, xin cho con đường đối thoại có thể dẫn đến một cam kết chung để xây dựng các xã hội dân sự được linh hoạt bởi một tinh thần chân thành hòa giải và hiểu biết lẫn nhau.

Cầu xin cho Giáng sinh mang lại hòa bình đích thực cho Ukraine, mang lại niềm ủi an cho những người bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột, và linh hứng cho ý muốn thực hiện các thỏa thuận đã được ký kết nhằm khôi phục lại sự hòa hợp trong toàn bộ đất nước.

Cầu xin cho niềm vui của ngày hôm nay soi sáng những nỗ lực của người dân Colombia ngõ hầu, khi được linh hứng bởi hy vọng, họ có thể tiếp tục những dấn thân của mình để hoạt động cho nền hòa bình dân chúng đang khát khao.

Nơi Thiên Chúa được sinh ra, hy vọng được sinh ra; và nơi hy vọng được sinh ra, con người lấy lại được phẩm giá của họ. Tuy nhiên, ngay cả ngày nay có một con số đông đảo những người nam nữ đang bị tước đoạt nhân phẩm của họ và, giống như Hài Nhi Giêsu, họ đang phải chịu lạnh, bị lâm cảnh đói nghèo, và bị từ chối. Cầu xin cho sự gần gũi ngày nay của chúng ta có thể được cảm nhận bởi những người dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là những binh lính trẻ em, những phụ nữ bị bạo hành, và các nạn nhân của nạn buôn người và buôn bán ma túy.

Cầu xin cho sự khuyến khích của chúng ta không thiếu vắng nơi những người chạy trốn khỏi đói nghèo cùng cực hoặc chiến tranh, phải du hành trong những điều kiện mà quá thường xuyên là vô nhân đạo và nguy hiểm cho mạng sống của họ. Xin Thiên Chúa trả công bội hậu cho tất cả những ai, cá nhân cũng như các quốc gia, những người quảng đại làm việc để cung cấp sự hỗ trợ và chào đón đến vô số những người di cư và tị nạn, giúp họ xây dựng một tương lai xứng đáng cho bản thân và cho những người thân yêu của họ, và được hội nhập vào các xã hội đón nhận họ.

Trong ngày lễ này xin Chúa ban hy vọng mới cho tất cả những người thiếu công ăn việc làm; xin Người nâng đỡ những dấn thân của những người có trách nhiệm công cộng trong đời sống chính trị và kinh tế, để họ có thể ra sức để theo đuổi các lợi ích chung và bảo vệ phẩm giá của mọi sự sống con người.

Nơi Thiên Chúa được sinh ra, lòng thương xót khởi sắc. Lòng Thương Xót là ân sủng quý giá nhất mà Thiên Chúa ban cho chúng ta, đặc biệt là trong năm Thánh này trong đó chúng ta được kêu gọi để khám phá ra rằng tình yêu dịu dàng của Cha trên trời là dành cho mỗi người chúng ta. Cách riêng, xin Chúa cho các tù nhân trải nghiệm được tình yêu nhân hậu của Người, là tình thương chữa lành các vết thương và chiến thắng cái ác.

Như thế, hôm nay chúng ta hãy cùng nhau vui mừng trong ngày cứu độ của chúng ta. Khi chúng ta chiêm ngưỡng nôi Chúa Hài Nhi, chúng ta hãy nhìn vào những vòng tay rộng mở của Chúa Giêsu, đang chỉ cho chúng ta thấy những cái ôm đầy thương xót của Thiên Chúa, xin cho chúng ta nghe thấy tiếng kêu của Chúa Hài Nhi, Đấng đang thì thầm với chúng ta: “vì ơn ích của anh em và các bạn hữu, tôi nói rằng: ‘Bình an ở cùng anh chị em’”(Tv 121 [122]: 8)

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Bây giờ là nghi thức ban phép lành URBI ET ORBI cho Roma và toàn thế giới, kèm theo ơn toàn xá cho tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô cũng như những anh chị em tín hữu trên thế giới, theo dõi qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông mới.

Xin quý vị và anh chị em cùng hiệp ý để đón nhận ơn toàn xá:

Mở đầu nghi thức, Đức Hồng Y trưởng đẳng phó tế, tuyên bố chủ ý của Đức Thánh Cha ban ơn toàn xá cho những người nói trên, miễn là họ giữ các qui tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.

Đức Thánh Cha đã long trọng đọc lời nguyện xin Thiên Chúa nhân lành, vì lời cầu bầu của Mẹ Maria, của các thánh tông đồ Phêrô, Phaolô và toàn thể các thánh, mà xá giải mọi tội lỗi và hình phạt bởi tội lỗi cho các tín hữu.

Ngài đọc như sau:

Xin các thánh tông đồ Phêrô và Phaolô là những vị mà chúng tôi dựa vào quyền bính và uy thế, cầu khẩn cho chúng ta trước Thiên Chúa. Amen.

Nhờ lời cầu bầu và công nghiệp của Đức Trinh nữ Maria, của tổng lãnh thiên thần Micae, của thánh Gioan Baotixita, của các thánh tông đồ Phêrô Phaolô cùng toàn thể các thánh, xin Thiên Chúa toàn năng thương xót anh chị em và xin Chúa Kitô tha tội cho anh chị em cùng dẫn đưa anh chị em về cõi trường sinh. Amen.

Xin Thiên Chúa toàn năng lân tuất ban ân xá, tha thứ tất cả tội lỗi của anh chị em, cho anh chị em được hưởng thời gian để làm việc đền tội thành tâm và có công hiệu, một tấm lòng thống hối và hoán cải đời sống, được ơn thánh và sự an ủi của Chúa Thánh Thần, cùng được sự kiên trì làm việc thiện cho đến cùng. Amen.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đức Thánh Cha đang giơ tay ban phép lành kèm ơn toàn xá.