Ngày 25-12-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Gia đình và giáo xứ là môi trường giúp chúng ta nên thánh
Lm Jude Siciliano, OP
06:39 25/12/2009
CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA THẤT – C

1 Sm 1: 20-22, 24-28; Tv 84; Cl 3: 12-21; Lc 2: 41-52

Thời Giáo Hội tiên khởi có những truyền thuyết về tuổi thiếu niên của Chúa Giêsu, và những việc kỳ lạ Chúa đã làm. Những chuyện đó không thuật lại như trong các phúc âm. Các thánh sử không chú trọng mấy đến những câu chuyện trước những năm Chúa Giêsu ra đi giảng đạo. Những câu chuyện ấy chắc cũng dễ thương, nhưng bốn thánh sử viết phúc âm không chú trọng đến thời thơ ấu và thiếu niên, trái lại họ chỉ chú trọng đến sứ vụ, sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu mà thôi.

Thánh Luca trong phúc âm ngày hôm nay nói về chuyện lúc Chúa Giêsu 12 tuổi ở trong đền thánh. Còn những chuyện khác thường được nghe kể trong thời Giáo Hội tiên khởi về thời thiếu niên của Chúa Giêsu không có gì hấp dẫn. Đoạn phúc âm hôm nay có ý nhấn mạnh lời Chúa Giêsu nói: “Cha mẹ không biết là Con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Đó là một việc rất quan trọng nổi bật trong câu chuyện này. Đó là biểu hiện đầu tiên chứng tỏ Chúa Giêsu biết sứ vụ của Ngài trong tương lai.

Đời sống của Chúa Giêsu chứng tỏ lý do Chúa Cha gọi Ngài xuống trần gian: Ngài “phải” thi hành sứ vụ đó. Trong phúc âm có chỗ, Chúa Giêsu nói “Tôi còn “phải” loan báo Tin Mừng” (Lc 4:43). Rồi khi Chúa Giêsu quay mặt nhìn về Thành Jerusalem, Chúa nói với các môn đệ: “Con Người “phải” chịu nhiều đau khổ… bị giết” (Lc 9:22; 17:25). Bài phúc âm hôm nay chỉ rõ bước đầu tiên Chúa Giêsu ra khỏi nơi ấm cúng với cha mẹ trong gia đình để tiến về thập giá, nơi mà Chúa “phải” thực hiện sứ vụ của Chúa Cha giao cho Ngài. Trên đường tiến về thập giá, Chúa Giêsu sẽ gặp đau khổ và thất vọng vì sự quay lưng của dân chúng, và Ngài sẽ mời gọi các môn đệ tiếp bước Ngài thi hành sứ vụ này.

Trong lúc ấy, Đức Maria, môn đệ gương mẫu của con Mẹ, và của chúng ta ghi nhớ tất cả những lời nói và sự việc xảy ra trong đời Chúa Giêsu, và kiên nhẫn chờ đợi … “riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng”.

Những bài đọc hôm nay cho chúng ta thấy, mặc dù còn trong mùa Giáng Sinh, chúng ta bắt đầu dấn bước vào sứ mệnh của Chúa Giêsu, và chúng ta bắt đầu hiểu về sứ vụ của Ngài. Nhưng Ngài vẫn trở về sống với cha mẹ trong gia đình, vâng lời cha mẹ và “ngày càng khôn lớn”. Chúng ta cảm thấy có hai gương giáo dục trong đời sống của Chúa Giêsu: đời sống thường ngày và tôn giáo. Thánh Luca nói “hàng năm cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội đến Jerusalem mừng lễ Vượt Qua”. Cha mẹ Ngài là người Do Thái đạo đức, nên giáo dục con trọng tôn giáo mình. Và nhờ dịp đó mà Chúa Giêsu ở lại Đền Thánh. Đó có phải là việc đạo đức do cha mẹ dạy cho Chúa Giêsu không?

Nhưng hôm nay không nói đến việc Chúa Giêsu gọi các môn đệ. Chưa đến lúc. Hôm nay chỉ nói đến Chúa Giêsu cảm thấy sứ mệnh của mình đã đụng chạm đến gia đình. Khi Chúa Giêsu nói với cha mẹ: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Trung thành với gia đình là một điều rất quan trọng. Gia đình ban cho chúng ta một tư cách trong cộng đoàn. Hôm nay Chúa Giêsu tuyên xưng lòng trung thành của Ngài với Cha Ngài trên trời, và vì thế Ngài phải xa cha mẹ, bà con hay cộng đoàn để ra đi rao giảng tin mừng, và lập một gia đình, một cộng đoàn mới.

Khi Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ của Ngài, Ngài mời gọi các môn đệ hãy bỏ tất cả để theo Ngài. Những người đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu, họ không những từ bỏ của cả mà còn từ bỏ cả gia đình họ nữa. Và họ sống với Chúa Giêsu thành một gia đình mới. Và bài đọc thứ nhì ngày hôm nay nói “hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa...” Chúa Giêsu và các môn đệ làm thành một gia đình mới, anh em với nhau “con của Thiên Chúa”. Chúa Giêsu không đòi hỏi các môn đệ những gì khác ngoài những việc Ngài đã làm. Bắt đầu từ lúc 12 tuổi Ngài đã xa cha mẹ để lo việc Cha Ngài trên trời.

Trong phúc âm chúng ta thấy cha mẹ Chúa Giêsu “tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ vừa đặt câu hỏi. Ai nghe câu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đáp của cậu”. Nhưng ngạc nhiên chưa đủ, nếu họ không thay đổi lối sống của họ và dấn thân theo Chúa Giêsu.

Và bây giờ cũng vậy. Dân chúng sẽ ngạc nhiên về Chúa Giêsu. Họ sẽ kính trọng đời sống hòa bình, những lời giảng dạy sâu sắc, những việc làm lớn lao, nhưng họ vẫn còn đứng xa xa nhìn. Chưa muốn bước tới một bước nữa để làm môn đệ của Chúa Giêsu: đó là một việc làm của đức tin và sẽ thay đổi mọi lối sống của họ. Anh chị em có thể khâm phục một người nào để xin chữ ký, nhưng chưa chắc phải khăn gói theo người đó. Vì thế với Chúa Giêsu cũng vậy. Khâm phục Ngài thôi là chưa đủ.

Thánh Luca tường thuật việc Chúa Giêsu ở trong Đền Thờ cũng có thể là một thí dụ về những người đi tìm Chúa Giêsu. Chúa Giêsu ngồi giữa các thầy dạy, nghe, đặt câu hỏi và trả lời. Ai trong chúng ta lại không có câu hỏi về đức tin? Điều này không làm chúng ta cảm thấy mình kém đức tin. Đây là dịp giúp chúng ta không nên sợ vì hay thắc mắc, hoặc hay có ý kiến. Đôi khi tôi gặp những người có được đức tin nhờ thời thơ ấu họ đã học giáo lý ở các lớp nhỏ. Vì thế, thảo luận và đặt câu hỏi về đức tin có thể giúp họ trưởng thành hơn trong đức tin, và làm họ nên anh em trong gia đình mới của Chúa Giêsu.

Chúng ta thường tìm cơ hội học thêm về nghề nghiệp để cầu tiến. Nhưng có nhiều người không nghĩ phải tìm hiểu thêm về đức tin. Họ chỉ nghĩ đến việc đi lễ ngày chủ nhật, đọc kinh trước khi ăn và kinh hàng ngày là đủ. Có phải chúng ta sợ vì chúng ta có câu hỏi về đức tin không? Có nhiều giáo xứ tổ chức lớp học kinh thánh, hay lớp giáo lý cho người lớn. Nếu chúng ta dự những lớp đó, chúng ta sẽ cảm thấy đức tin của chúng ta mạnh mẽ hơn. Đây là một dịp để các giáo lý viên giúp đở giáo dân trong những dịp đó. Nhờ đó khuyến khích các nhà sách đạo bán những sách giáo lý cho người lớn.

Bài đọc thứ nhất và bài phúc âm hôm nay chú trọng đến Đền Thờ và nói đến hai người con sinh một cách đặc biệt. Samuel và Chúa Giêsu là hai con người có sứ mệnh của Thiên Chúa. Bà Hanna đã lớn tuổi, rồi mới có con. Sau khi con bà Hanna lớn lên, thì bà dẫn con vào đền thờ để hầu hạ Chúa như bà đã hứa. Trẻ Samuel nghe tiếng Chúa gọi trong Đền Thờ, rồi sau đó trở thành một ngôn sứ, ra đi giảng lời Chúa.

Cả hai thiếu niên, Samuel và Giêsu, mặc dù đã được gọi lúc còn niên thiếu, họ vẫn còn đợi thời gian sau mới ra đi thi hành sứ vụ. Samuel làm việc trong Đền Thờ, và Giêsu ở trong gia đình (“Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadaret”). Hai bài trên chỉ rõ hai nơi giáo dục, huấn luyện: Đền Thờ và gia đình. Đó là hai nơi giúp thiếu niên “ngày càng khôn lớn”, và được huấn luyện để sau phục vụ Thiên Chúa.

Lễ này có thể làm cho một ít gia đình buồn. Không phải gia đình nào cũng bình an êm lắng đâu, nhiều gia đình đã phải dành cả đời cố gắng để vượt qua những đau đớn. Nên có nhiều người nhớ lại thời thơ ấu mà sinh đau lòng. Có nhiều gia đình tuy không thánh thiện mấy, nhưng cũng có những điều tốt đẹp để hảnh diện. Nhưng đối với những người khác, trong ngày lễ Thánh Gia này; lại gợi nhớ lại những nổi đau riêng. Có nhiều gia đình vẫn còn cảnh hục hặc giữa anh chị em, cấu xé nhau vì tiền bạc, của cải, ma túy, bạo lực v.v… Trên 80% trẻ em bị ngược đải hành hạ như tù nhân. 1/3 bé gái, và 20% bé trai bị lạm dụng tình dục trong suốt thời thơ ấu. Hầu hết các kẻ bạo hành tình dục là thành viên của gia đình hoặc người thân quen trong gia đình. Đây không phải là những ý tưởng đẹp đẽ gì. Điều này như là một câu chuyện cảnh báo cho những cha giảng thuyết nên để ý đến những hoàn cảnh sống hiện nay của các gia đình.

FX Trọng Yên, OP - chuyển ngữ
 
Giáng Sinh và Năm Thánh 2010
Linh mục Jb. Nguyễn Minh Phương, C.Ss.R
09:29 25/12/2009
GIÁNG SINH VÀ NĂM THÁNH 2010

DẪN

Giáng Sinh năm nay đã về trong ân sủng của Năm Thánh 2010 tại Việt Nam.

Năm nay, Hội Thánh Việt Nam dạy con cái mình tích cực sống tinh thần sám hối, hòa giải và hy vọng.

Theo chân các người chăn chiên, ta tiến về Bê-lem. Nơi ấy, bài học Thiên Chúa làm người sẽ dạy ta sống tinh thần Năm Thánh.

I. HẠ MÌNH

Theo lời sứ thần loan báo, những người chăn chiên đã hối hả lên đường tìm Đấng Cứu Độ mới vừa được hạ sinh. Họ đã gặp Người nơi hình ảnh “Hài Nhi năm trong máng cỏ” (Lc 2, 16).

Vậy là, Đấng Cứu Độ đã bỏ địa vị ngàng hàng cùng Thiên Chúa để mặc lấy thân phận con người, thân phận làm nô lệ và chịu thử thách.

Hẳn sự hạ mình thẳm sâu của Thiên Chúa chính là lời mời gọi các tín hữu cũng hãy hạ mình. Thánh Phao-lô kinh nghiệm: “Đức Kitô đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi” (1Tm 1, 15).

Theo gương hạ mình của Thiên Chúa làm người và kinh nghiệm hoán cải của thánh Phao-lô, người tín hữu sẽ thấy rõ hơn sự hạ mình sẽ giúp người ta khiêm tốn. Từ đó, họ sẽ sám hối tội lỗi xúc phạm đến Thiên Chúa, đến mọi người và thành khẩn xin Chúa chữa lành và mọi người tha thứ cho mình.

II. NGHÈO

Lời kể của những người chăn chiên đã làm cho “tất cả những ai nghe đều ngạc nhiên” (Lc 2, 17).

Rất có thể, người đời nghĩ rằng Đấng Cứu Độ phải được giáng sinh trong một dòng họ quý tộc, trong cảnh huy hoàng lộng lẫy nơi lầu son gác tía… Nhưng đây, Thiên Chúa lại giáng sinh trong một gia đình nhân loại nghèo nàn, trong canh khuya thanh vắng, chốn hang lừa tanh hôi…

Thiên Chúa mặc lấy thân phận người nghèo. Tin vui Giáng Sinh trước tiên đã đến với người nghèo: “Này tôi loan báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin vui cho toàn dân. Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em” (Lc 2, 10). Lòng từ bi và nhân ái của Chúa đến với người nghèo sẽ làm vực dậy những tâm hồn sầu khổ, sẽ an ủi kẻ cơ bần đói rách, sẽ mang lại ơn chữa lành cho người đau yếu…

Lòng nhân hậu của Thiên Chúa làm người cũng là lời mời gọi các tín hữu hãy đứng về phía người nghèo quan tâm đến họ.

Mong rằng, khi sống “vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12, 15), người tín hữu sẽ sống hòa giải và làm mới mọi mới lại những tương quan, hầu giúp cho người nghèo vật chất được nâng đỡ, người nghèo tinh thần được an vui, người chưa biết mà xúc phạn đến Chúa sẽ nhận ra chân lý và sự thật.

III. NGUỒN VUI

“Này tôi loan báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin vui cho toàn dân” (Lc 2, 10). Tin vui Thiên Chúa giáng sinh để cứu độ con người được loan đi khắp nơi, tỏa đến muôn người.

Trước hết tin vui đến với “số sót” trong Ít-ra-en. Số là, ngay khi con người phạm tội, Chúa để hứa ban ơn cứu độ (x. St 3, 15). Kể từ ngày ấy, dân Chúa ngày ngày ngóng trông Đấng Cứu Thế. Tuy nhiên, chỉ những ai kiên trì mới gặp được Người. Số người ấy được gọi là “số sót” sẽ được gọi là thánh, có tên trong sổ bộ Giê-ru-sa-lem (x. Is 4, 3), mà tiêu biểu là Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, thánh Giu-se, ông Gia-ca-ri-a, bà E-li-sa-bét, ông Si-mê-on, ba An-na…

Tin vui tiếp tục đến với những người nghèo, những người chăn chiên, quanh năm du mục này đây mai đó. Đêm Giáng Sinh, tin vui Con Chúa ra đời đã đến với họ và đã thúc dục họ phải lên đường “sang Bê-lem để xem sự việc đã xảy ra như Chúa đã tỏ cho biết” (Lc 2, 15). Những người chăn chiên đã hối hả lên đường và họ đã gặp được Chúa Hài Nhi. Gặp được Chúa rồi, họ tiếp tục lên đường để kể lại cho muôn người biết điều mắt thấy, tai nghe về tin vui Con Chúa Giáng trần.

Vậy là,

- Số sót trong dân Ít-ra-en đã luôn kiên trì chờ đợi Đấng Cứu Độ. Hẳn sự kiên trì hy vọng của họ là bài học để tín hữu Việt Nam hôm nay sống tinh thần hy vọng của năm Thánh 2010, hy vọng được Thiên Chúa cứu độ, hy vọng sự sống đời đời với niềm xác tín: “mọi kẻ tin vào Người sẽ không phải thất vọng” (Rm 10, 11).

- Những người chăn chiên thì đã vượt ra khỏi tình trạng sống của mình để gặp gỡ Thiên Chúa và rao giảng về Chúa cho muôn người. Tinh thần của họ như đang thúc dục mọi tín hữu phải bước ra khỏi tình trạng, ra khỏi sự khép kín, lòng ích kỷ phe nhóm để đến với Chúa đặt tất cả niềm hy vọng nơi Thiên Chúa và chia sẻ niềm hy vọng ấy cho muôn người.

KẾT

Chúa đã đi vào trần gian cách khiêm hạ trong hình ảnh Hài Nhi được đặt nằm trong máng cỏ nghèo hèn nhưng hồn nhiên trong sáng.

Tin vui ấy đã đến với “số sót” trong dân Ít-ra-en, đã đến với những người khốn khổ nghèo hèn.

Bài học từ hang đá Be-lem đang mời gọi các tín hữu:

- khiêm hạ để biết nhìn nhận tội lỗi,

-an vui khi phận nghèo để tình yêu Chúa ngự trị hầu biết ưu tiên dành cuộc đời cho Chúa và từ Chúa dành cho tha nhân.

- khám phá niềm vui Giáng Sinh hầu khát khao hy vọng sự sống đời đời và chia sẻ niềm hy vọng ấy cho muôn người.
 
Bài giảng của Đức Thánh Cha Biển Đức 16 trong Thánh Lễ đêm giáng sinh được ngài cử hành tại đền thờ thánh Phêrô
Lm Giuse Đào Hữu Thọ (dịch)
13:58 25/12/2009
Bài giảng của Đức Thánh Cha Biển Đức 16 trong Thánh Lễ đêm giáng sinh được ngài cử hành tại đền thờ thánh Phêrô

Anh chị em thân mến,

“Một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta” (Is 9,5). Sự kiện mà tiên tri Isaia từ xa xưa khi nhìn về tương lai và nói với dân Israel như là một lời an ủi họ trong nỗi đau khổ và thất vọng, thiên thần trong đêm giáng sinh, từ sự kiện đó, loan báo một đám mây ánh sáng, ngài loan báo cho các mục đồng sự kiện đó nay đã trở thành hiện thực: “Ngày hôm nay, Ðấng Cứu Ðộ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Ðavít, Người là Ðấng Kitô Ðức Chúa” (Lc 2,11). Thiên Chúa hiện diện. Từ giây phút này, Thiên Chúa thực sự trở thành “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Không còn là Thiên Chúa xa lạ mà qua một vài cách thế nào đó, như qua các thụ tạo hay bằng tri thức, con người có thể cảm nhận thấy Ngài. Thiên Chúa đã xuống thế. Ngài trở nên gần gũi. Chúa Kitô phục sinh đã nói với các môn đệ của Ngài và nói với chúng ta: “Này Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em: sự kiện thiên thần loan báo cho các mục đồng, lúc này Thiên Chúa cũng loan báo cho chúng ta một lần nữa qua Tin Mừng và qua các sứ giả của Ngài. Sự kiện này không thể làm chúng thờ ơ, lãnh đạm. Nếu đây là sự kiện thật sự, tất cả được thay đổi. Nếu đây là sự kiện thật sự, thì sự kiện này tác động ngay cả đối với tôi. Như các mục đồng, tôi phải nói: Tôi muốn đến Bêlem để chiêm ngắm Ngôi lời đã giáng sinh tại đó. Tin Mừng tường thuật cho chúng ta không phải là không lưu tâm tới tính cách lịch sử của các mục đồng. Các mục đồng chỉ cho chúng ta biết cách đáp trả sứ điệp được loan báo ngay cả cho chúng ta. Như vậy, điều gì các mục đồng nói với chúng ta như là những chứng nhân đầu tiên về biến cố nhập thể của Thiên Chúa ?

Trước hết, điều các mục đồng cho biết là: họ là những người canh thức và sứ điệp chỉ có thể đến được với họ bởi vì họ tỉnh thức. Chúng ta phải tỉnh thức, vì sứ điệp cũng đang được gửi đến cho chúng ta. Chúng ta phải thực sự trở thành những người tỉnh thức. Điều đó có nghĩa là gì ? Sự khác biệt giữa một người đang ngủ và một người đang tỉnh thức trước hết ở yếu tố người ngủ đang ở trong một thế giới riêng biệt. Với giấc ngủ của họ, tôi và họ bị chia cắt trong thế giới của giấc ngủ, chính xác, chỉ có mình họ và họ không thể liên lạc với những người khác. Tỉnh thức có nghĩa là ra khỏi thế giới riêng biệt của cái tôi và bước vào thế giới hiệp thông (chung), trong thế giới mà thực sự mỗi người chúng ta liên kết với nhau. Sự xung đột trên thế giới bắt nguồn từ yếu tố chúng ta khép kín trong ích lợi cá nhân, trong ý kiến cá nhân, trong thế giới chật hẹp, nhỏ bé cá nhân của chúng ta. Tính vị kỷ của cá nhân cũng như của phe nhóm biến chúng ta thành những tù nhân của lòng ham muốn và lợi ích của chúng ta, những điều đó đi ngược lại với chân lý và chia rẽ chúng ta. Anh chị em hãy tỉnh thức, Tin Mừng nói với chúng ta. Anh chị em hãy ra khỏi mình để bước vào một thế giới hiệp thông thực sự, trong sự hiệp thông với một Thiên Chúa duy nhất. Tỉnh thức như vậy là phát triển sự nhạy bén với Thiên Chúa; Thiên Chúa muốn dẫn dắt chúng ta qua các dấu chỉ thinh lặng và qua muôn vàn những dấu chỉ về sự hiện diện của Ngài. Người ta nói: có những người đánh mất cảm nghiệm về Chúa giống như một số người đánh mất khả năng thưởng thức âm nhạc. Khả năng cảm nhận về Chúa là một đặc ân mà Thiên Chúa dường như chỉ dành cho một số người. Thực sự, cách chúng ta suy nghĩ và hành động, não trạng của thế giới hiện nay, mức độ kinh nghiệm phong phú của chúng ta phù hợp dẫn đến sự nhận biết Thiên Chúa hơn là ‘mất khả năng nhận biết Ngài’. Tuy nhiên, Thiên Chúa hiện diện trong mỗi tâm hồn, bằng cách thế âm thầm hay rõ ràng, sự chờ đợi Thiên Chúa đem lại khả năng gặp gỡ Ngài. Để duy trì được sự tỉnh thức này, sự tỉnh thức với những điều căn bản nhất, chúng ta cầu nguyện cho chính chúng ta và cho những người khác, cho những người luôn luôn bị mất ‘khả năng cảm nhận Thiên Chúa’ để nơi những người đó luôn sống động ước muốn mà Thiên Chúa bày tỏ. Nhà thần học chứ danh Origen đã nói: Nếu tôi được diễm phúc nhìn thấy những điều như thánh Phaolô đã nhìn thấy, lúc này tôi có thể nhìn thấy cộng đoàn các thiên thần (x. Lc 23,9). Thật vậy, trong phụng vụ thánh, các thiên thần của Chúa và các thánh hiện diện xung quang chúng ta. Chính Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta. Lạy Chúa, xin hãy mở đôi mắt của chúng con để chúng con trở thành những người tỉnh thức và sáng suốt và như thế chúng con có thể đem sự hiện diện của Chúa cho những người khác.

Chúng ta trở lại với Tin Mừng giáng sinh. Tin Mừng thuật lại cho chúng ta, các mục đồng, sau khi đón nhận sứ điệp của thiên sứ họ nói với nhau: "Nào chúng ta sang Bêlem…. họ đã ra đi không chậm chễ" (Lc 2,15s). Theo nghĩa đen của bản văn Hy lạp “họ vội vã ra đi”. Như vậy, điều được loan báo cho họ là điều quan trọng và họ phải lên đường ngay lập tức. Thật vậy, điều đã được nói cho họ hoàn toàn vượt ra ngoài thói quen của họ. Điều đó thay đổi thế giới. Đấng Cứu Thế đã được sinh ra. Trong thành của vua Đa-vít, Con vua Đa-vít được chờ đợi đã bước vào thế giới. Điều gì có thể quan trọng hơn ? Chắc chắn, sự hiếu kỳ đã thúc đẩy các mục đồng, nhưng trên hết là sự rung động về một điều vô cùng kỳ diệu đã được loan báo chỉ cho riêng họ, những con người nhỏ bé và dáng vẻ bên ngoài dường như không có gì quan trọng. Họ ra đi vội vã, không chậm chễ. Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta các sự việc không được sắp đặt như thế. Nhiều người không dành muốn ưu tiên những điều thuộc về Chúa, những điều đó không thúc bách chúng ta với một cách thức cấp bách. Và như vậy phần lớn chúng ta khước từ những điều thuộc về Chúa. Trước hết, hãy làm điều khẩn thiết mà chúng ta cảm thấy ở đây và vào lúc này. Trong danh sách những điều ưu tiên, Thiên Chúa hầu như luôn luôn đứng vị trí cuối cùng. Điều này có thể luôn luôn là sự thực. Tin Mừng nói với chúng ta: Thiên Chúa chiếm vị trí ưu tiên cao nhất. Nếu trong đời sống chúng ta, có một vài điều gì đó xứng đáng được thực hiện cách vội vã không chậm chễ thì điều đó chỉ là những điều thuộc về Thiên Chúa. Một khoản luật quan trọng nhất trong bộ luật của thánh Biển đức, thánh nhân đã nói như sau: “Ưu tiên hàng đầu là những công việc thuộc về Chúa (nghĩa là Các Giờ Kinh Phụng Vụ), không có bất cứ ưu tiên nào khác được đặt trên ưu tiên này”. Đối với các Đan sĩ, phụng vụ là ưu tiên số một. Tất cả các công việc khác đều đứng sau. Tuy nhiên, trong ý tưởng chính, câu nói này có giá trị cho tất cả mọi người. Thiên Chúa quan trọng, một thực tại tuyệt đối quan trọng nhất trong cuộc đời chúng ta. Các mục đồng đã dậy cho chúng ta biết điều ưu tiên căn bản này. Qua các mục đồng, chúng ta học biết cách không bỏ sót những điều cấp bách trong cuộc sống hàng ngày. Qua các mục đồng chúng ta học biết sự tự do nội tâm để đặt ở hàng thứ yếu những bận tâm trong cuộc sống hàng ngày để chúng ta tiến lại gần Thiên Chúa và để cho Ngài bước vào trong cuộc sống và trong thế giới của chúng ta. Thời gian dành cho Thiên Chúa, bắt nguồn từ chính Ngài, và thời gian dành cho tha nhân không bao giờ là thời gian bị đánh mất. Đây là thời gian mà chúng ta thực sự sống và sống với chính bản tính nhân loại của chúng ta.

Một vài nhà chú giải đã giải thích, những mục đồng đầu tiên, với tâm hồn đơn sơ, họ đã đến gặp Chúa Giêsu nơi máng cỏ và họ đã gặp được Đấng Cứu Thế. Các nhà hiền triết phương đông đại diện cho những người có địa vị và danh tiếng là những người đến muộn nhất. Các nhà chú giải viết thêm: đây là điều rất hiển nhiên. Các mục đồng cư ngụ ở gần. Họ không cần phải thực hiện một cuộc hành trình xa xôi (x. Lc 2,15) ngay cả một chặng đường ngắn ngủi để đến bên máng cỏ Bê-lem. Những nhà hiền triết, trái lại, sinh sống ở một nơi xa xôi. Họ phải vượt qua một quãng đường dài và khó khăn mới đến được Bê lem. Họ cần sự chỉ dẫn. Dẫu vậy, ngay cả ngày nay có những tâm hồn đơn sơ và khiêm hạ sống rất gần Thiên Chúa. Có thể nói, họ là những người gần gũi Thiên Chúa và họ có thể dễ dàng đến với Thiên Chúa. Nhưng phần lớn con người hiện đại sống xa cách Chúa Giêsu, Đấng đã trở nên người phàm, Đấng từ Thiên Chúa mà đến và đang ở giữa chúng ta. Chúng ta sống trong một thế giới triết học và thương mại, tâm hồn chúng ta bị lấp đầy bởi biết bao nhiêu lo lắng, nên con đường tiến về Bê lem trở nên vô cùng xa xôi. Trong nhiều cách thức khác nhau, Thiên Chúa phải nhiều lần đưa bàn tay của Ngài ra cho chúng ta, đến khi chúng ta có thể ra khỏi tình trạng hỗn loạn trong suy nghĩ và trong các mối bận tâm của chúng ta và chúng ta tìm thấy một con đường đi về phía Ngài. Có một con đường cho tất cả chúng ta. Thiên Chúa đã chuẩn bị những dấu chỉ thích hợp cho mỗi người chúng ta. Ngài kêu gọi tất cả chúng ta để chúng ta cũng có thể nói: Nào chúng ta cùng đi đến Bê-lem, đến với Thiên Chúa, Đấng đã đến gặp gỡ chúng ta. Vâng, Thiên Chúa đã đến với chúng ta. Chúng ta không thể đến với Ngài bằng khả năng riêng. Con đường đó vượt quá khả năng của chúng ta. Nhưng Thiên Chúa đã mở lối. Ngài đến gặp chúng ta. Ngài đã vượt qua một quãng đường dài. Bây giờ Ngài mời gọi chúng ta: các con hãy đến và hãy chiêm ngắm Ta yêu mến các con biết bao. Hãy đến và hãy chiêm ngắm, Ta hiện diện nơi đây. Chúng ta hãy đến Bê-lem, bản văn Thánh kinh tiếng La tinh nói. Chúng ta đi đến nơi đó. Chúng ta vượt qua chính mình ! Chúng ta trở thành người lữ hành tiến về phía Chúa bằng nhiều cách thế khác nhau: bên trong nội tâm đang trên con đường tiến về với Chúa. Tuy nhiên ngay cả bằng những cách thế rất cụ thể, qua phụng vụ của Giáo Hội, trong sự phục vụ anh chị em, nơi đó Chúa Kitô đang chờ đợi chúng ta.

Một lần nữa chúng ta nghe trực tiếp Tin Mừng. Các mục đồng nói với nhau lý do khiến họ lên đường: “Nhìn xem sự kiện đã xảy ra”. Theo nghĩa đen của bản văn Hy lạp: “Nhìn xem Ngôi Lời, Đấng đã giáng trần ở đó”. Vâng đây là điều mới mẻ trong đêm nay: Ngôi Lời có thể được chiêm ngắm. Bởi vì Ngôi Lời đã trở nên người phàm. Vì Thiên Chúa đó không cần phải phác họa với bất cứ hình ảnh nào, bởi vì mỗi một hình ảnh chỉ có thể phản ánh phần nào Thiên Chúa, thậm chí làm biến dạng dung nhan của Ngài, vì Thiên Chúa đó đã bày tỏ chính mình, chính Ngài là biểu lộ hữu hình của Đấng là hình ảnh đích thật, như thánh Phaolô đã nói (x. 2 Cor 4,4; Col 1,15). Trong dung mạo của Chúa Giêsu Kitô, trong tất cả đời sống và hoạt động của Ngài, trong sự chết và sự phục sinh của Ngài, chúng ta có thể chiêm ngắm Ngôi Lời của Thiên Chúa và như thế chính là mầu nhiệm của Thiên Chúa hằng sống. Thiên Chúa là như thế. Thiên sứ đã nói với các mục đồng: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 12,12). Dấu chỉ của Chúa được ban cho các mục đồng và ban cho chúng ta không phải là một phép lạ dễ cảm xúc. Dấu chỉ của Chúa là sự khiêm hạ của Ngài. Dấu chỉ của Chúa là Ngài đã trở nên bé nhỏ; trở nên trẻ thơ; động chạm đến và đòi lòng mến của chúng ta. Biết bao lần chúng ta muốn dấu chỉ khác, dấu chỉ lớn lao, không thể chối cãi về quyền năng và sự cao cả của Ngài. Nhưng dấu chỉ của Ngài mời gọi chúng ta với lòng tin và lòng mến, tuy nhiên Ngài ban cho chúng ta niềm hy vọng: Thiên Chúa là như thế. Ngài quyền năng và nhân hậu. Ngài mời gọi chúng ta trở nên giống như Ngài. Vâng trở nên giống như Thiên Chúa, nếu chúng ta từ bỏ tưởng tượng khỏi dấu chỉ này; nếu chúng ta học biết, chính chúng ta, sự khiêm hạ và như vậy là thực sự lớn lao; nếu chúng ta từ bỏ bạo lực và chỉ sử dụng vũ khí của bác ái và tình yêu. Origen, nối tiếp lời của thánh Gioan tẩy giả, đã nhìn thấy bản chất của người ngoại giáo trong biểu tượng của đá: người ngoại giáo thiếu sự nhạy cảm, nghĩa là một trái tim bằng đá, không có khả năng yêu mến và lãnh nhận tình yêu của Thiên Chúa. Origine nói với những người ngoại giáo: “Hãy lấy khỏi các ngươi tư tưởng và cảm nghĩ, chúng đã biến thành đá và gỗ” (in Lc 22,9). Tuy nhiên, Chúa Giêsu muốn ban cho chúng ta một trái tim bằng thịt. Khi chúng ta chiêm ngắm Ngài, Thiên Chúa trở thành trẻ thơ, trái tim chúng ta sẽ mở ra. Trong phụng vụ đêm thánh này, Thiên Chúa đến với chúng ta như con người để chúng ta thực sự trở thành con người. Chúng ta nghe lời của Origen: “Điều gì có ích cho bạn hơn điều này là Đức Kitô một lần đã đến trong xác thịt, Ngài đã không đến tận linh hồn của bạn chăng” ? Hàng ngày chúng ta cầu nguyện và chúng ta có thể nói rằng: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi (Gal 2,20)” (in Lc 22,3).

Vâng với điều đó, chúng ta có thể cầu nguyện trong đêm thánh này. Lậy Chúa Giêsu, Chúa đã sinh ở Bê-lem, xin hãy đến với chúng con ! Xin hãy bước vào trong con, trong tâm hồn con. Xin hãy biến đổi con. Xin hãy đổi mới con. Xin hãy làm cho con và cho tất cả chúng con bằng gỗ và đá thành những con người sống động, trong chúng con tình yêu của Chúa hiện diện và thế giới được biến đổi. Amen.

Chuyển ngữ từ bản tiếng Ý

Nguồn: http://www.oecumene.radiovaticana.org/IT1/Articolo.asp?c=344723

Lm Giuse Đào Hữu Thọ
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:30 25/12/2009
CON TRAI VÀ NGỌC TRAI

N2T


Dưới biển, một con trai đang nhìn một viên ngọc trai nhẹ nhàng rơi vào trong khe đá nham thạch, nó tốn rất nhiều công sức mới đem được viên ngọc trai ra, sau đó đem nó đặt trên một ngọn lá bên mình.

Nó biết con người sẽ đến mò tìm ngọc trai, do đó mà nó nghĩ rằng: “Viên ngọc này sẽ hấp dẫn người ta chú ý đến nó, như vậy thì họ sẽ không chú ý đến mình.”

Một hôm, người tìm ngọc trai xuất hiện, nhưng cặp mắt của anh ta chỉ quen nhìn con trai, mà không quen chú ý nhìn viên ngọc trai trên ngọn lá.

Thế là anh ta bắt lấy con trai chưa có ngọc trai, nhưng lại để mặc cho viên ngọc trai lăn vào trong khe đá nham thạch lại.

(Lắng nghe của loài ếch)

Suy tư:

Con người tính thì không bằng trời tính.

Người mò tìm ngọc trai thì luôn có kinh nghiệm về con trai trong biển, và quan trọng hơn là ngọc trai thì ở trong con trai chứ không thể ở trên một ngọn lá, do đó mà người mò tìm ngọc trai luôn chú ý đến những con trai dưới biển, mà không chú ý đến ngọn lá, dù trên ngọn lá con viên ngọc trai.

Có những lúc chúng ta có những suy nghĩ như con trai: đem bạn bè, người thân hoặc tha nhân ra làm bia đỡ đạn cho mình khi có sự khốn khó nguy hiểm, mà quên mất Thiên Chúa là Đấng rất công bằng và công minh, Ngài chỉ nhìn tâm hồn của con người chứ không nhìn việc làm bên ngoài của họ. Do đó, dù chúng ta có đem người này người nọ ra làm bia đỡ đạn, hoặc nhờ ông quan này ông quan nọ làm bảo đảm cho mình thì cũng vô ích mà thôi, bởi vì –xin nhắc lại- Thiên Chúa chỉ nhìn tâm hồn thành thật hay dối trá của chúng ta mà thôi.

Ai hiểu thì hiểu.

-----------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (Lễ Thánh Gia Thất)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:33 25/12/2009
LỄ THÁNH GIA THẤT

Tin mừng: Lc 2, 41-52

“Cha mẹ Đức Giê-su tìm thấy con đang ngồi giữa các bậc thầy.”


Bạn thân mến,

Mỗi năm đến dịp lễ Thánh Gia Thất là chúng ta lại có cơ hội cùng nhau chiêm ngắm, học hỏi các nhân đức của thánh cả Giu-se, Mẹ Ma-ri-a và hài nhi Giê-su, đây cũng là dịp để chúng ta kiểm thảo lại đời sống gia đình của chúng ta coi có phù hợp với Tin Mừng mà Chúa Giê-su đã dạy hay không ?

Chúa dạy chúng ta phải tôn trọng mạng sống của con người:

Đức Mẹ Maria đã vui mừng hân hoan hát lên bài ca tạ ơn Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa..."(Lc 1, 39-56) Mẹ hát khúc ca tạ ơn này khi đến thăm viếng bà chị họ là bà Ê-li-sa-bét sau khi đã cưu mang Chúa Giê-su như lời sứ thần truyền tin, Mẹ vui mừng vì ơn cứu độ đã đến, Mẹ vui mừng vì Thiên Chúa đã đoái hoài đến Mẹ, và quan trọng hơn, Mẹ vui mừng vì hài nhi mà Mẹ cưu mang trong mình chính là Đấng cứu độ mà muôn dân trông đợi, và đã được các tiên tri loan báo từ trước, Ngài chính là căn nguyên của sự sống.

Nhìn vào hang đá chúng ta thấy hài nhi Giê-su nho nhỏ dễ thương, bạn và tôi liền nghĩ ngay đến các em nhỏ trong mọi gia đình của chúng ta và của những gia đình khác, dễ thương đẹp đẽ như các thiên thần, đó chính là một sứ điệp mà Thiên Chúa muốn nói với chúng ta: Hãy trân trọng và bảo vệ các thai nhi đang còn trong bụng mẹ, các thai nhi ấy cũng là con người, cũng có sự sống, sự sống này bởi Thiên Chúa ban cho và chỉ mình Ngài mới có quyền quyết định.

Ngày nay có rất nhiều người mẹ giết chết con mình khi nó còn trong bụng mình, có rất nhiều tổ chức vận động cho việc phá thai, tức là tổ chức việc giết người ngay còn trong bụng mẹ, tất cả những thai nhi ấy đều có quyền sống và có quyền làm người, vậy mà nó lại bị chính cha mẹ của nó giết chết khi còn trong dạ, tất cả cũng chỉ vì những cha mẹ này ích kỉ, muốn có một cuộc sống hưởng thụ khoái cảm nhục dục và sự vô trách nhiệm của xã hội.

Chúa dạy chúng ta phải biết vâng lời cha mẹ:

Vâng lời hơn dâng của lễ, đó là một câu nói bao gồm sự đạo đức của người Ki-tô hữu. Vâng lời này được bắt đầu từ Con Thiên Chúa làm người –Chúa Giê-su Ki-tô- chính Ngài đã vâng lời Chúa Cha xuống thế để cứu chuộc nhân loại, thánh Phao-lô tông đồ đã kinh ngạc và xác tín sâu xa về sự vâng phục của Chúa Giê-su như sau:

“Đức Giêsu Kitô

vốn dĩ là Thiên Chúa

mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì

địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,

nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang

mặc lấy thân nô lệ,

trở nên giống phàm nhân

sống như người trần thế..."(Pl 2, 6-7)


Nhìn vào hang đá chúng ta thấy hài nhi Giê-su đang nằm trần trụi trong máng lừa, bạn và tôi liền nghĩ ngay đến sự cùng cực của người bất hạnh, chúng ta thương tâm cho Chúa Giê-su vì Ngài đã sinh ra trong cảnh nghèo hèn, nhưng cái quan trọng hơn hết mà bạn và tôi phải nghĩ ngay đến, đó là sự vâng phục và khiêm nhường của Ngài:

- Chúa Giê-su là Thiên Chúa nhưng vì vậng lời mà Ngài trở nên giống chúng ta, ngoại trừ tội lỗi.

- Chúa Giê-su là Thiên Chúa nhưng vì vâng phục mà Ngài đã sinh ra trong hang lừa máng cỏ.

- Chúa Giê-su là Thiên Chúa nhưng vì khiêm nhường nên Ngài đã trở nên con cái của loài người...


Ngài dạy chúng ta một bài học sâu xa của sự vâng lời cha mẹ trong gia đình, các bậc là những người thay mặt Thiên Chúa để sinh thành dưỡng nuôi chúng ta, chúng ta vâng lời cha mẹ là vâng lời Thiên Chúa, chúng ta phục vụ chăm sóc cha mẹ là phục vụ chăm sóc Thiên Chúa, ai nói kính mến Thiên Chúa mà không kính mến cha mẹ mình, thì dứt khoát là người bất hiếu với Thiên Chúa, bởi vì cha mẹ là đấng sinh dưỡng chúng ta mà chúng ta không yêu mến thì sao lại nói yêu mến Thiên Chúa được...

Bạn thân mến,

Nhìn vào hang đá bạn và tôi còn học được rất nhiều bài học cho đời sống làm người, cho niềm tin tôn giáo của chính mình, nhưng cái mà xã hội hôm nay cần đến chúng ta, đó là: bảo vệ mạng sống của con người và nhất là bảo vệ mạng sống của các thai nhi, hai là chúng ta phải nhìn thấy Thiên Chúa đang hiện diện trong gia đình của mình qua việc con cái biết vâng lời thào hiếu với cha mẹ.

Gợi ý:

1. Có lúc nào anh chị em can đảm cản trở những người có ý định hoặc hành động phá thai ?

2. Anh chị em có cầu nguyện cho những người hoặc tổ chức tự do phá thai, để họ nhận ra các thai nhi cũng có quyền sống và cần bảo vệ ?

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

-------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:35 25/12/2009
N2T


9. Bản sắc của hiền lành là luôn luôn nghĩ đến việc trên trời.

(sách Gương Chúa Giê-su)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:37 25/12/2009
N2T


325. Trong cuộc sống chỉ có một học vấn lớn nhất, chính là biết lúc nào thì đáp ứng được đòi hỏi của người khác, và lúc nào thì từ chối.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Video giây phút Đức Thánh Cha bị tấn công trong lễ Vọng Giáng Sinh - Ngài bình tĩnh như thế nào
Nguyễn Việt Nam
01:51 25/12/2009
Vatican - Cha Ciro Benedettini phát ngôn nhân phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha đã bị một người đàn bà xô té khi ngài đang tiến lên bàn thờ trong thánh lễ Vọng Giáng Sinh tối hôm 24/12/2009. Người đàn bà này trong lễ Giáng Sinh năm ngoái đã từng cố tấn công Đức Thánh Cha trong hoàn cảnh tương tự nhưng đã thất bại. Bà ta đã mặc cùng một bộ y phục: áo khoác đỏ và quần jean xanh.

Bà ta lập lại cùng một thủ đoạn tấn công như năm ngoái: từ trong hàng ghế dành cho anh chị em giáo dân, nhảy qua khỏi hàng rào bảo vệ (rất thấp) rồi nhảy xổ vào Đức Thánh Cha, cố gắng xô ngài té xuống. Năm ngoái, bà ta đã thành công nhảy khỏi hàng rào bảo vệ, cố chạy về phía Đức Thánh Cha đang đi về hướng bà ta, nhưng bị một nhân viên an ninh nhanh mắt trông thấy và đã cản được bà ta. Năm nay, y thị lựa đúng lúc Đức Thánh Cha đi gần sát đến chỗ bà ta mới bắt đầu nhảy qua hàng rào bảo vệ cho nên đã tiếp cận được Đức Thánh Cha và xô ngài té.

Đức Hồng Y Roger Etchegaray, người vừa sang Việt Nam hôm lễ Khai Mạc Năm Thánh tại Sở Kiện cũng bị người đàn bà này xô ngã. Ngài có lẽ bị nặng hơn nên đã phải vào nhà thương để kiểm tra.

Thánh lễ Vọng Giáng Sinh đã được cử hành lúc 10 giờ tối thay vì đúng nửa đêm như thường lệ. Trước đó cha Federico Lombardi, trưởng phòng Báo Chí Tòa Thánh đã giải thích rằng sắp xếp này không phải vì tình trạng sức khoẻ của Đức Thánh Cha, năm nay 82 tuổi, có vấn đề đột xuất nhưng để ngài có thể nghỉ ngơi nhiều giờ hơn trước khi cử hành thánh lễ Giáng Sinh ngày hôm sau và công bố thông điệp Urbi et Orbi (gởi dân thành Rôma và thế giới).

Cha Ciro Benedettini nhấn mạnh chi tiết là sau khi bị người đàn bà xô té Đức Thánh Cha đã gượng dậy được. Trong một lúc đã có sự huyên náo ở đoàn rước và đoàn rước đã dừng lại khi các nhân viên an ninh xô đến bắt giữ người đàn bà.

Đức Thánh Cha sau đó đã tiến bước lên bàn thờ và bắt đầu thánh lễ. Trong khi ca đoàn Sistina hát ca nhập lễ, Đức Thánh Cha xông hương bàn thờ và bắt đầu thánh lễ với câu chào thường lệ "Pax vobis" (Bình an của Chúa ở cùng anh chị em) như không hề có gì xảy ra.

Trong suốt thánh lễ Đức Thánh Cha đã không hề nhắc đến biến cố này.
 
ĐHY Roger Etchegaray bị gẫy xương đùi sau khi té ngã cùng Đức Giáo Hoàng
Peter Nguyễn Minh Trung
09:59 25/12/2009
ĐỨC HỒNG Y ROGER ETCHEGARAY BỊ GÃY XƯƠNG ĐÙI SAU KHI TÉ NGÃ CÙNG ĐỨC GIÁO HOÀNG

VATICAN (24-12-2009) -- Bản tin được Thông tấn xã AP đánh đi từ Vatican cho biết, Đức Hồng Y người Pháp Roger Etchegaray bị gãy xương đùi sau khi người đàn bà áo đỏ bị tâm thần đã gây huyên náo cả Đền Thánh Phêrô và truyền hình thế giới bằng hình ảnh kẻ này nhào qua hàng rào bảo vệ và nhào ra tấn công Đức Giáo Hoàng Benedict XVI (82 tuổi) cùng với Đức Hồng Y Etchegaray (87 tuổi) trong Thánh Lễ Vọng Giáng Sinh đêm 24-12 ở Vatican.

Cha Federico Lombardi, phát ngôn viên Tòa Thánh, đã khẳng định điều trên với thông tấn xã AFP của Pháp.

Đức Hồng Y Roger Etchegaray, đương kim Phó Niên trưởng Hồng y Đoàn, nguyên Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình đã được đưa vào bệnh viện quốc tế Gemelli tại Rome, nơi chuyên chữa trị cho các vị Giáo hoàng và hàng giáo phẩm Rôma. Đức cố Hồng y Nguyễn Văn Thuận của Việt Nam cũng từng trị bệnh ở bệnh viện danh giá này.

Nguyên nhân khiến ĐHY Etchegaray bị thương được cho là không rõ ràng lắm vì khi Đức Thánh Cha bị người đàn bà áo đỏ tấn công, ĐHY Etchegaray đứng sau ngài vài mét. Linh mục Federico Lombardi cho rằng: "Có thể ĐHY Etchegaray cảm thấy quá bất ngờ". Hồng y Etchegaray, một trong những vị Hồng y quyền lực nhất hiện nay, đã đứng ngay sau Đức Giáo Hoàng và các giúp lễ của ngài trong đoàn đồng tế tiến lên bàn thờ đêm lễ Vọng Giáng Sinh.

Vụ việc diễn ra khi đoàn rước đang đi ngang qua các giáo dân và ngoại giao đoàn trong Đền thờ Thánh Phêrô. Năm nay, thánh lễ Vọng Giáng Sinh được cử hành sớm hai tiếng, tức là 22h giờ Vatican (21h giờ GMT) để đảm bảo sức khỏe cho Đức Giáo Hoàng khi cử hành lễ chính ngày và ban phép lành Urbi et Orbi (Cho Dân Thành Rôma và cho toàn thế giới) hôm sau.

Theo băng video quay lại, người đàn bà mặc áo len đỏ có mũ trùm đầu nhảy qua rào chắn an ninh rồi lao thẳng về phía vị Giáo hoàng 82 tuổi trước khi bị các vệ sĩ tóm lại. Khi bị khống chế, người phụ nữ còn kịp túm vạt áo choàng của Đức Giáo Hoàng và kéo ngài ngã đè lên bà ta, khiến thêm Đức Hồng Y Roger Etchegaray té dây chuyền. Trong đoạn video, ĐHY Etchegaray đã không tự đứng dậy và không đi được, phải có các vệ sĩ đỡ. Người ta cho rằng ngài sẽ phải phẫu thuật.

Lúc ấy, đoàn đồng tế theo sau Đức Thánh Cha có 30 vị Hồng y tại Giáo triều Rôma, đi đầu là ĐHY Angelo Sodano, đương kim Niên trưởng Hồng y Đoàn, nguyên Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh; song song với ĐHY Sodano là ĐHY Phó Niên trưởng Roger Etchegaray.

ĐHY Roger Etchegaray là vị vừa sang Việt Nam hôm lễ Khai Mạc Năm Thánh tại Sở Kiện hồi tháng 11 vừa qua. Cử hành lễ Khai Mạc Năm Thánh tại Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn hôm 29-11-2009 sau đó, ĐHY Etchegaray tỏ ra không được khỏe lắm khi ngài phải ngồi trong lúc ĐHY Phạm Minh Mẫn và Đức cha Nguyễn Văn Khảm quỳ lúc cử hành nghi thức sám hối và rước kiệu Thánh Tử đạo. Khi tiến lên bàn thờ và về ghế ngồi trong buổi lễ, ĐHY Etchegaray cũng cần hai người đỡ.

Sự cố đêm qua làm sững sờ đám đông đang vây kín cả bên trong lẫn bên ngoài Đền thờ Thánh Phêrô qua màn hình lớn. Mọi nghi lễ dừng lại, nhạc tắt và lực lượng an ninh vội vàng xông về phía xảy ra vụ việc. Đức Giáo Hoàng Benedict XVI bị rớt mũ tế Mitre và quyền trượng khi ngã xuống. Ngài ngồi dưới đất mất mấy giây và tự trở mình trước khi được đỡ dậy. Dù bất ngờ, Đức Giáo Hoàng trấn tĩnh rất nhanh và tiếp tục buổi lễ theo đúng kế hoạch trong tiếng hoan hô “Vạn tuế Đức Thánh Cha” của các tín hữu và ngoại giao đoàn.

Tuy không bị thương nhưng Đức Giáo Hoàng tỏ ra bị chấn động đôi chút và phải tựa vào thành ghế khi ngồi xuống. Ngay trong bài giảng lễ, ngài đề cập đến sự ích kỷ, mà theo ngài, đã "biến chúng ta thành tù nhân của quyền lợi và nô lệ của những khát vọng bản thân". Ngoài ra, trong suốt buổi lễ, Đức Giáo Hoàng không hề đề cập đến sự cố vừa xảy ra. Mùa hè 2009 vừa rồi, Đức Giáo Hoàng cũng đã bị gãy cổ tay trái.

Vài tiếng sau vụ tấn công khiến Đức Giáo Hoàng và ĐHY Etchegaray té ngã, truyền thông thế giới từ đạo đến đời đã đưa bản tin này lên trang nhất mọi tờ báo mạng và báo giấy, truyền thanh cũng như truyền hình. Kết quả tìm kiếm của Google sáng sớm 25-12-2009 cho thấy, những câu truy vấn (query) liên quan tới vụ việc trên bằng ngôn ngữ Việt Nam ("Giáo hoàng bị xô té") là gần 600.000 kết quả, trong khi đó tiếng Anh ("Pope knocked down") là 3 triệu kết quả, tiếng Pháp ("Le pape bousculé") cũng đạt gần 3 triệu kết quả trả về, chưa kể các thứ tiếng khác.

Sự kiện khiến mạng chia sẻ video lớn nhất thế giới YouTube cũng đăng lên trang nhất những đoạn băng hình quay được về biến cố trên. Người dùng YouTube có thể coi các đoạn video khác nhau về sự cố khi gõ vào thanh tìm kiếm của trang video này dòng chữ: "Pope Knocked Down at Christmas Mass" (Đức Giáo Hoàng bị xô ngã tại Lễ Giáng Sinh).

Trong một năm qua, Đức Giáo Hoàng bị tấn công hai lần. Cũng trong lễ Vọng Giáng Sinh năm ngoái, một người phụ nữ đã nhảy qua khỏi rào chắn khi buổi lễ kết thúc và tiến thẳng tới Đức Giáo Hoàng. Tuy nhiên, người này nhanh chóng bị lực lượng an ninh khóa chặt. Một điều trùng hợp là người phụ nữ năm ngoái cũng mặc áo len đỏ có mũ trùm đầu, nhưng hiện chưa rõ liệu đó có phải là người đẩy ngã Đức Giáo Hoàng hôm qua hay không.

Người đàn bà tấn công năm nay bị bắt ngay lập tức và cảnh sát Vatican đã thẩm vấn bà ta. Có dấu hiệu cho thấy kẻ này mắc chứng tâm thần.

Lễ Vọng Giáng Sinh đêm qua do Giáo hoàng cử hành đã được truyền hình trực tiếp trên toàn thế giới. Theo ước tính có khoảng 1 tỷ người theo dõi trên truyền hình, nhiều người không khỏi choáng váng khi chứng kiến cảnh tượng thót tim trên. Tại diễn đàn The Byzantine, nhiều thành viên nơi đây bình luận rằng họ cảm thấy shock, "rớt tim ra ngoài" và "cồn cào ruột gan" lo cho Đức Giáo Hoàng khi theo dõi truyền hình trực tiếp từ Hoa Kỳ, họ cũng cầu nguyện cho ĐHY Etchegaray sớm bình phục. Sau vụ việc, an ninh cho Đức Giáo Hoàng trong các buổi lễ rước hay cử hành phụng vụ ngay chính tại Đền thờ Thánh Phêrô được đặt ra cho các giới chức, đảm bảo làm sao sẽ không có sự cố tương tự lần sau.

Peter Nguyễn Minh Trung

---------------------------------------------------

Bản tin trên được trích dịch và tổng hợp từ các nguồn sau:

1/ http://www.cyberpresse.ca/noel/200912/24/01-934025-le-pape-bouscule-un-cardinal-blesse.php

2/ http://www.byzcath.org/forums/ubbthreads.php/topics/340043/Pope%20Benedict%20&%20Cardin

3/ http://www.youtube.com/results?search_query=Pope+Knocked+Down+at+Christmas+Mass&search_type=&aq=f
 
Đức Thánh Cha không bị thương sau khi té vì một người bất bình thường xô đẩy
Bùi Hữu Thư
14:30 25/12/2009
Đức Hồng Y Etchegaray bị gẫy xương chân

Rôma, Thứ Sáu 25 tháng 12, 2009 (Le Monde vu de Rome) - Đức Thánh Cha Benedict XVI không bị thương tích sau khi ngài té vì một người bất bình thường xô đẩy vào đầu thánh lễ nửa đêm tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Nhưng Đức Hồng Y người Pháp Roger Etcgegaray, cũng bị xô đẩy, phải nằm nhà thương vì gẫy xương đùi.

Trong bản thông cáo trình bầy sự việc, Linh mục Federico Lombardi Dòng Tên, Giám Đốc Văn Phòng Truyền Thông Tòa Thánh, đã giải thích đêm qua như sau: “Trong lúc rước vào đầu Thánh Lễ, một người có bệnh tâm thần, Susanne Maiolo, 25 tuổi, quốc tịch Ý-Thụy Sĩ, đã vượt hàng rào, mặc dù nhân viên an ninh cố gắng ngăn cản, đã đến gần Đức Thánh Cha, nắm được giây palium của ngài và làm cho ngài mất thăng bằng và té.”

Cha Lombardi khẳng định: “Đức Thánh Cha đã có thể đứng dậy ngay và tiếp tục cuộc rước và sau đó Thánh Lễ đã diễn ra không có trở ngại gì nữa.”

Cha tiếp: “Tiếc thay trong lúc xô đẩy, Đức Hồng Y Etchegaray cũng bị té và bị gẫy xương đùi. Ngài phải nhập bệnh viện Polyclinique Gemelli. Tình trạng tốt, nhưng sẽ phải giải phẫu trong vài ngày tới.” Hồng Y Etchegaray, là chủ tịch danh dự của Hội Đồng Giáo Hoàng về “Công Lý và Hòa Bình”, ngài đã 87 tuổi.

Cha Lombardi cũng giải thích là Susanne Maiolo “không có vũ khí, nhưng có những dấu hiệu cho thấy có sự bất quân bình về tâm lý, và đã được đưa đi bệnh viện để “bắt buộc phải điều trị.”

Chương trình sinh hoạt của Đức Thánh Cha Benedict XVI không có gì thay đổi.
 
Thông Điệp Giáng Sinh Urbi et Orbi
J.B. Đặng Minh An dịch
15:19 25/12/2009
Anh chị em ở Rôma và trên toàn thế giới thân mến, và tất cả mọi người được Chúa yêu thương!

"Ánh sáng đã chiếu tỏa trên chúng ta hôm nay, vì Chúa đã sinh ra cho chúng ta"

Phụng vụ của Thánh lễ rạng đông nhắc nhớ chúng ta rằng đêm đã qua rồi, ngày đã đến; ánh sáng bừng lên từ hang đá Bêlem đã chiếu tỏa trên chúng ta.

Thế nhưng, Thánh Kinh và Phụng Vụ không đề cập đến ánh sáng tự nhiên, nhưng là một thứ ánh sáng khác cách nào đó đã nhắm tới và tập chú trên "chúng ta", chính vì cái "chúng ta" đó mà Hài nhi Belem đã sinh ra. "Chúng ta" này là Hội Thánh, là đại gia đình của những ai tin vào Chúa Kitô, những ai đã trông đợi cuộc giáng sinh mới của Đấng Cứu Thế, và hôm nay cử hành trong nhiệm tích ý nghĩa vĩnh hằng của biến cố này.

Thoạt đầu, bên cạnh máng cỏ Belem, cái "chúng ta" đó xem ra còn vô hình trước con mắt người đời. Theo trình thuật Tin Mừng của thánh Luca thì chỉ mới bao gồm, ngoài Mẹ Maria và thánh Giuse, một vài mục đồng đến hang đá do thiên sứ báo tin. Ánh sáng của đêm Giáng Sinh đầu tiên ví như một ngọn lửa thắp lên giữa đêm tối. Khắp chung quanh tất cả đều là tối tăm mịt mù, đang khi ở trong hang đá chiếu lên ánh sáng đích thực "chiếu soi mọi nhân sinh" (Ga 1,9). Thế nhưng tất cả mọi sự diễn ra cách đơn sơ và kín đáo, đúng theo cách thức mà Thiên Chúa hành động trong lịch sử cứu độ. Chúa thường thắp lên những ngọn đèn leo lét, để rồi chiếu toả rộng rãi. Chân lý, và Tình Yêu, là nội dung của nó, được thắp lên bất cứ nơi nào ánh sáng được tiếp nhận, rồi được lan toả với những vòng đồng tâm, như thể nhờ sự tiếp xúc trong các con tim và trí tuệ của những ai tự nguyện mở ra cho ánh quang huy hoàng của nó, để rồi đến lượt chính họ trở nên nguồn sáng. Đó là lịch sử của Giáo Hội: Hội Thánh khởi đầu hành trình của mình từ hang đá nghèo hèn nơi Belem, và trải qua các thế kỷ, trở nên một Dân và nguồn ánh sáng cho nhân loại. Cả hôm nay nữa, nơi những ai gặp gỡ Hài nhi, Thiên Chúa vẫn thắp lên những ngọn lửa giữa đêm tối của thế giới khi kêu gọi những người nam nữ hãy nhận biết nơi Đức Giêsu "dấu chỉ" của sự hiện diện cứu độ và giải thoát, và mở rộng cái "chúng ta" của ai tin vào Chúa Kitô ra khắp toàn thể nhân loại.

Ở đâu có một "chúng ta" tiếp đón tình yêu Thiên Chúa, thì ở đấy rạng ngời ánh sáng của Chúa Kitô, kể cả trong những tình cảnh khó khăn nhất. Giáo Hội, như Mẹ Maria, cống hiến cho thế giới Đức Giêsu, Người Con, Đấng mà Mẹ đã đón nhận như một hồng ân, Đấng đã đến để giải thoát nhân loại khỏi cảnh nô lệ của tội lỗi. Cũng như Mẹ Maria, Giáo Hội không sợ hãi, vì Hài Nhi đó là sức mạnh của mình. Tuy nhiên, Giáo Hội không giữ lại Hài Nhi cho riêng mình. Giáo Hội cống hiến Người cho bất cứ ai đang thành tâm tìm kiếm, cho những ai người trần thấp hèn và bị thương tổn, cho những nạn nhân của bạo lực, cho những ai đang khao khát hoà bình. Ngày hôm nay cũng vậy, nhân danh một nhân loại bị thương tổn sâu xa bởi cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng, bởi một cuộc khủng hoảng đạo lý còn trầm trọng hơn thế nữa, và bởi những vết thương của chiến tranh và xung đột, Giáo Hội, trong tình liên đới trung thành với nhân loại, lặp lại lời các mục đồng: "Nào ta hãy đi Belem" (Lc 2,15), vì ở đó chúng ta sẽ tìm thấy niềm hy vọng của chúng ta.

Cái "chúng ta" của Giáo Hội vẫn sống động tại nơi mà Chúa Giêsu đã sinh ra, là Thánh Địa, để mời gọi dân cư ở đó hãy khước từ mọi thứ luận lý của bạo lực và trả thù, và hãy dấn thân cách nhiệt thành và quảng đại vào tiến trình dẫn tới sự chung sống hoà bình. Cái "chúng ta" của Giáo Hội hiện diện tại những nước khác của miền Trung đông. Làm sao không nghĩ đến tình cảnh tang thương của nước Irak và đoàn chiên Kitô hữu nhỏ bé sống ở đó? Họ thường phải hứng chịu nhiều cảnh tàn bạo và bất công nhưng họ quyết tâm kiên trì đóng góp vào việc xây dựng một xã hội đối nghịch với luận lý của đối đầu và bài trừ người lân cận. Cái "chúng ta"của Giáo Hội đang hoạt động tại Sri Lanka, tại bán đảo Triều tiên và tại Philippin cũng như tại những miền khác của châu Á, như là men của hòa giải và hoà bình. Ở đại lục Phi Châu, Giáo Hội không ngừng cất tiếng van nài Thiên Chúa cho một dấu chấm hết những cảnh áp bức ở Cộng Hoà Dân Chủ Congo; Giáo Hội mời gọi các công dân Guinê và Niger hãy tôn trọng quyền lợi của mỗi người và đối thoại; Giáo Hội kêu mời dân chúng Madagascar hãy vượt lên những chia rẽ nội bộ và hãy đón nhận lẫn nhau; và Giáo Hội nhắc nhở cho hết mọi người rằng họ được kêu gọi hãy hy vọng, bất chấp những hoàn cảnh tang thương, những thử thách và khó khăn đang tiếp tục đè nặng. Tại châu Âu và Bắc Mỹ cái "chúng ta" của Giáo Hội thôi thúc hãy vượt qua não trạng ích kỷ và duy kỹ thuật, để cổ võ công ích và tôn trọng những người kẻ vô phương tự vệ nhất, bắt đầu từ những thai nhi. Tại Honduras, Giáo Hội giúp đỡ tiến trình khôi phục lại các định chế; trong toàn thể châu Mỹ latinh, cái "chúng ta" của Giáo Hội là một yếu tố tạo nên căn tính, sự viên mãn của chân lý và bác ái mà không ý thức hệ nào có thể thay thế được, là tiếng gọi tôn trọng những quyền lợi bất khả nhượng của mỗi người và sự phát triển toàn diện của họ, là tiếng loan báo công bình và huynh đệ, là nguồn mạch đoàn kết.

Trung thành với sứ mạng của Đấng Sáng lập, Giáo Hội liên đới với những nạn nhân của thiên tai và của nạn nghèo đói ngay cả trong các xã hội trù phú. Đứng trước cảnh xuất hành của biết bao nhiêu người phải lìa bỏ quê hương hay bị xua đuổi vì nghèo đói, bất bao dung, hoặc sự suy sụp môi trường, Giáo Hội hiện diện để kêu gọi sự đón nhận và chào đón. Nói tắt một lời, Giáo Hội khắp mọi nơi thông báo Tin Mừng Chúa Kitô, bất chấp những bách hại, những kỳ thị, những tấn công hoặc sự lãnh đạm đầy thù nghịch. Những hoàn cảnh này giúp cho Giáo Hội chia sẻ thân phận của Thầy và Chúa của mình.

Anh chị em thân mến, thật là một hồng ân trọng đại được tham dự vào cuộc hiệp thông mở ra cho hết mọi người! Đó là sự hiệp thông của Ba Ngôi chí thánh, từ trung tâm đó Đấng Emmanuel, Chúa Giêsu, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” đã đến trong thế gian. Như các mục đồng Bêlem, chúng ta hãy trầm trồ tán tụng khi chiêm ngưỡng mầu nhiệm của tình thương và ánh sáng này. Chúc Giáng Sinh hạnh phúc cho tất cả mọi người!

+ Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XI
 
ĐTGM Philip Wilson TGM giáo phận Adelaide, Tân Chủ Tịch Hiệp Hội Kitô Giáo Úc Châu
Jos. Vĩnh SA
16:00 25/12/2009
ĐTGM Philip Wilson TGM giáo phận Adelaide, Nam Úc tân chủ tịch Hiệp Hội Kitô Giáo Úc Châu


Đức Tổng Giám Mục Philip Wilson tổng giám mục giáo phận Adelaide, Nam Úc vừa được đề cử vào chức vụ chủ tịch Hiệp Hội Kitô Giáo Úc Châu. Chức vụ này đã được các giáo phái khác nắm giữ từ nhiều năm qua.

ĐTGM Philip Wilson hiện đang giữ chức vụ chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Úc Châu, sẽ lên thay thế Tiến Sĩ Micheal P. Semmler trưởng giáo phái Lutheran, cựu chủ tịch Hiệp Hội Kitô Giáo Úc Châu.

Được biết Úc Châu là một quốc gia, dân chúng đa phần theo tôn giáo Thiên Chúa Giáo.

Những giáo phái Thiên Chúa Giáo trong nước Úc đều tin thác vào Chúa Kitô, nhưng mỗi giáo phái có những tín lý khác nhau, trong đó, giáo phái Anh Giáo có số tín hữu đông đứng hàng đầu, kế đến là giáo hội Công Giáo Roma Úc, tiếp theo là các giáo phái khác như: Chính Thống, Uniting church, Tin Lành, Lutheran, Jehova, Morman..vv...

Các vị Đại diện đứng đầu các giáo phái trong Hiệp Hội Kitô Giáo của Úc Châu, hứa sẽ tích cực hỗ trợ và tuân theo những chỉ thị của vị Tân Chủ Tịch Hiệp Hội là Đức Tổng Giám Mục Philip Wilson.
 
Phát hiện ngôi nhà đầu tiên của thời Chúa Giêsu ở Nazareth
Đồng Nhân
16:15 25/12/2009
NAZARETH -- Các nhà khảo cổ ở Thánh Địa trước Lễ Giáng Sinh năm nay đã tuyên bố rằng họ đã tìm thấy một ngôi nhà ở Nazareth có từ 2,000 năm về trước. Nazareth là thành phố Ả-Rập lớn nhất ở miền Bắc Israel, với khoảng 65.000 cư dân.

Ngôi nhà được phát hiện gần nhà thờ Truyền tin
Chỗ ở đơn sơ này mới được khám phá này là nơi đầu tiên từ thời Chúa Giêsu được tìm thấy ở Nazareth, khi đó là ngôi làng nhỏ của khoảng 50 gia đình người Do Thái nghèo khổ, nơi Chúa Giêsu đã sống suốt thời thơ ấu của mình. Các di chỉ khảo cổ phát hiện được đã cho biết nhiều điều về cuộc sống 2000 năm trước. Ngôi nhà mời được phát hiện ra khi Giáo hội đang xây dựng một Trung Tâm Thánh Mẫu Quốc tế rộng lớn gần Nhà thờ Đức Mẹ Truyền Tin.

Ngày nay, khi viếng Vương Cung Thánh Đường Truyền Tin (Basilica of Annunciation) và bước xuống tầng cuối cùng là Động Truyền Tin nơi được coi là ngôi nhà của Thánh Giuse còn ghi dấu ở đó.

Các nhà khảo cổ và cư dân hiện nay ở Nazareth hình dung ra Chúa Giêsu và bạn bè thời nhỏ cùng cùng chơi đùa tại ngôi làng hẻo lánh này, không xa so với nơi sứ giả Gabriel truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria.

Nhà khảo cổ học Alexandre cho biết, dựa trên các mảnh đất sét và đá phấn tìm thấy được tại khu vực này, ngôi nhà dường như là nhà của “một gia đình Do Thái bình dân”.

Phát hiện diễn ra đúng dịp gần Giáng sinh khiến những giáo dân Thiên Chúa giáo ở địa phương rất vui mừng. Đức cha Jack Karam tại nhà thờ gần đó nói: “Họ bảo rằng nếu con người không nói, thì những viên đá sẽ nói”.

Ngôi nhà 2000 năm về trước mới được khai quật
Nhà khảo cổ học Stephen Pfann, Hiệu trưởng Đại học Holy Land lưu ý: "Đó là bằng chứng duy nhất mà chúng tôi có được từ khu vực này, cho chúng ta thấy các bức tường và sàn nhà tại Nazareth trông như thế nào trong thế kỷ đầu tiên".

Alexandre cho biết công nhân đã phát hiện ra những dấu hiệu đầu tiên của ngôi nhà vào mùa hè năm ngoái, nhưng chỉ tới tháng này, họ mới chắc chắn đó kiến trúc từ thời Chúa Giêsu.

Nhóm của Alexandre đã tìm thấy những gì còn sót lại của ngôi nhà với 2 phòng, một khoảnh sân, và một hệ thống hứng nước.
 
Đã biết tông tích người phụ nữ 2 lần ám hại ĐGH
Nguyễn Long Thao
18:49 25/12/2009
Đã biết tông tích người phụ nữ 2 lần ám hại ĐGH

ROME 25/12/09 - Như quý độc giả VietCatholic biết vào khoảng 10 giờ tối ngày thứ Năm, 24/12/2009 Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã bị ngã khi lên cung thánh cử hành thánh lễ vọng Giáng Sinh năm 2009. Cả thánh đường xôn xao trước diễn biến này và tin ĐGH bị té ngã đã là tin nóng bỏng của các cơ quan truyền thông trên khắp thế giới.

Bà Susanna Maiolo đã hai lần ám hại ĐGH Bênêđictô XVI
Việc Ngài bị ngã là do một phụ nữ nhảy qua rào, xông vào ĐGH khi ngài cùng đoàn rước lên cung thánh cử hành thánh lễ. Bà bị nhân viên an ninh vật ngã nhưng lúc đó bà đã nắm được áo ĐGH nên đã lôi ĐGH ngã theo.

Nhân viên an ninh Tòa Thánh đã câu lưu bà để điều tra và được biết tên bà là Susanna Maiolo, 25 tuổi, gốc gác người Thụy Sĩ –Ý. Bà bị bệnh tâm thần và cơ quan an ninh Tòa Thánh đã đưa bà vào bệnh viện để chữa trị.

Theo giới chức an ninh Tòa Thánh, bà Susanna Maiolo, người làm ĐGH té ngã năm nay, cũng chính là người năm ngoái đã nhảy qua hàng rào định hại ĐGH nhưng vụ năm ngoái, an ninh đã can thiệp kịp, trước khi bà có thể đụng được tới ĐGH. Điều đặc biệt là cả hai lần ám hại ĐGH bà Susanna Maiolo đều mặc áo đỏ.

Theo giới chức bộ Nội Vụ Ý, bà Susanna Maiolo cư ngụ ở Thụy Sĩ. Năm ngoái cũng như năm nay bà đã đến Roma vào dịp lễ vọng Giáng Sinh để thi hành âm mưu ám hại Đức Giáo Hoàng.

ĐGH Bênêđictô XVI năm nay 82 tuổi, Ngài không hề hấn gì và vẫn bình thản tiếp tục cử hành thánh lễ nửa đêm và vào lúc 12 giời trưa ngày lễ Giáng Sinh, ngài đã đọc lời chúc Giáng Sinh đến các dân tộc.

Giới chức Tòa Thánh đang xem xét lại các biện pháp giữ an ninh cho ĐGH. Theo các người tham dự thánh lễ đêm Giáng Sinh cho biết, họ phải có giấy mời tham dự. Nhưng việc xin được giấy mời rất dễ dàng và khi vào đền thờ thánh Phêrô, họ chỉ cần xuất trình giấy mời mà không phải xuất trình giấy căn cước. Họ chỉ phải đi qua cửa dò xét vũ khí.

LM Federico Lombardi, Phát ngôn viên Tòa Thánh cho biết việc giữ gìn an ninh cho ĐGH không thể bảo đảm 100% vì ĐGH rất muốn gần dân chúng. Hàng tuần Ngài tiếp xúc với hàng chục ngàn người.

Các cơ quan tư pháp Ý cho biết họ không can thiệp vụ này vì việc xảy ra nằm trong phần đất của quốc gia Vatican. LM Lombardi cho biết chưa biết phải xử trí ra sao nhưng Ngài nói thêm tư pháp Vatican lúc nào cũng rất khoan dung.

Tưởng cũng nên nói thêm, ĐHY Roger Etchegaray, 87, người Pháp đi bên cạnh ĐGH cũng bị Ngã và Ngài bị gẫy xương hông. Hiện nay đang nằm trong bệnh viện. Các giới chức cao cấp của Tòa Thánh và thơ ký riêng của ĐGH đã đến thăm ĐHY trong bệnh viện. Theo viên chức bệnh viện, ĐHY sẽ trải qua một vài cuộc giải phẫu nhỏ và sẽ được xuất viện sớm.
 
Top Stories
Urbi et Orbi Message of His Holiness Pope Benedict XVI
+ Pope Benedict XVI
08:25 25/12/2009
Dear Brothers and Sisters in Rome and throughout the world,

and all men and women, whom the Lord loves!


“Lux fulgebit hodie super nos,

quia natus est nobis Dominus.

A light will shine on us this day,

the Lord is born for us”


(Roman Missal, Christmas, Entrance Antiphon for the Mass at Dawn)

The liturgy of the Mass at Dawn reminded us that the night is now past, the day has begun; the light radiating from the cave of Bethlehem shines upon us.

The Bible and the Liturgy do not, however, speak to us about a natural light, but a different, special light, which is somehow directed to and focused upon “us”, the same “us” for whom the Child of Bethlehem “is born”. This “us” is the Church, the great universal family of those who believe in Christ, who have awaited in hope the new birth of the Saviour, and who today celebrate in mystery the perennial significance of this event.

At first, beside the manger in Bethlehem, that “us” was almost imperceptible to human eyes. As the Gospel of Saint Luke recounts, it included, in addition to Mary and Joseph, a few lowly shepherds who came to the cave after hearing the message of the Angels. The light of that first Christmas was like a fire kindled in the night. All about there was darkness, while in the cave there shone the true light “that enlightens every man” (Jn 1:9). And yet all this took place in simplicity and hiddenness, in the way that God works in all of salvation history. God loves to light little lights, so as then to illuminate vast spaces. Truth, and Love, which are its content, are kindled wherever the light is welcomed; they then radiate in concentric circles, as if by contact, in the hearts and minds of all those who, by opening themselves freely to its splendour, themselves become sources of light. Such is the history of the Church: she began her journey in the lowly cave of Bethlehem, and down the centuries she has become a People and a source of light for humanity. Today too, in those who encounter that Child, God still kindles fires in the night of the world, calling men and women everywhere to acknowledge in Jesus the “sign” of his saving and liberating presence and to extend the “us” of those who believe in Christ to the whole of mankind.

Wherever there is an “us” which welcomes God’s love, there the light of Christ shines forth, even in the most difficult situations. The Church, like the Virgin Mary, offers the world Jesus, the Son, whom she herself has received as a gift, the One who came to set mankind free from the slavery of sin. Like Mary, the Church does not fear, for that Child is her strength. But she does not keep him for herself: she offers him to all those who seek him with a sincere heart, to the earth’s lowly and afflicted, to the victims of violence, and to all who yearn for peace. Today too, on behalf of a human family profoundly affected by a grave financial crisis, yet even more by a moral crisis, and by the painful wounds of wars and conflicts, the Church, in faithful solidarity with mankind, repeats with the shepherds: “Let us go to Bethlehem” (Lk 2:15), for there we shall find our hope.

The “us” of the Church is alive in the place where Jesus was born, in the Holy Land, inviting its people to abandon every logic of violence and vengeance, and to engage with renewed vigour and generosity in the process which leads to peaceful coexistence. The “us” of the Church is present in the other countries of the Middle East. How can we forget the troubled situation in Iraq and the “little flock” of Christians which lives in the region? At times it is subject to violence and injustice, but it remains determined to make its own contribution to the building of a society opposed to the logic of conflict and the rejection of one’s neighbour. The “us” of the Church is active in Sri Lanka, in the Korean peninsula and in the Philippines, as well as in the other countries of Asia, as a leaven of reconciliation and peace. On the continent of Africa she does not cease to lift her voice to God, imploring an end to every injustice in the Democratic Republic of Congo; she invites the citizens of Guinea and Niger to respect for the rights of every person and to dialogue; she begs those of Madagascar to overcome their internal divisions and to be mutually accepting; and she reminds all men and women that they are called to hope, despite the tragedies, trials and difficulties which still afflict them. In Europe and North America, the “us” of the Church urges people to leave behind the selfish and technicist mentality, to advance the common good and to show respect for the persons who are most defenceless, starting with the unborn. In Honduras she is assisting in process of rebuilding institutions; throughout Latin America, the “us” of the Church is a source of identity, a fullness of truth and of charity which no ideology can replace, a summons to respect for the inalienable rights of each person and his or her integral development, a proclamation of justice and fraternity, a source of unity.

In fidelity to the mandate of her Founder, the Church shows solidarity with the victims of natural disasters and poverty, even within opulent societies. In the face of the exodus of all those who migrate from their homelands and are driven away by hunger, intolerance or environmental degradation, the Church is a presence calling others to an attitude of acceptance and welcome. In a word, the Church everywhere proclaims the Gospel of Christ, despite persecutions, discriminations, attacks and at times hostile indifference. These, in fact, enable her to share the lot of her Master and Lord.

Dear Brothers and Sisters, how great a gift it is to be part of a communion which is open to everyone! It is the communion of the Most Holy Trinity, from whose heart Emmanuel, Jesus, “God with us”, came into the world. Like the shepherds of Bethlehem, let us contemplate, filled with wonder and gratitude, this mystery of love and light! Happy Christmas to all!
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hình ảnh Lễ Vọng Giáng Sinh tại Giáo Xứ Thánh Marcô Inala Úc Châu
Janelle Fabio
00:59 25/12/2009
 
Giáng sinh trên miền sơn cước xứ Nghệ
Anthony Hoàng
07:52 25/12/2009
Giáng sinh trên miền sơn cước xứ Nghệ



Lãng Điền là một trong hai giáo xứ vùng cực Tây Nam Nghệ An, tuy cách xa cửa khẩu Nậm Căn nhưng lại cách đường biên Việt Lào khoảng 20 km về phía xã Phúc Sơn. Gần đây, năm nào đến Mùa Noel, nơi đây đều có những sinh hoạt mừng Chúa Giáng Sinh rất ý nghĩa. Năm nay, Lãng Điền vẫn không bỏ qua những sinh hoạt quen thuộc, nhưng thêm vào đó, có thêm những sinh hoạt đi sâu vào niềm vui nội tâm hơn.

Cha Antôn Nguyễn Quang Thanh, cựu quản xứ, đã được Bề trên giáo phận sắp xếp cho chuẩn bị đi học nước ngoài, nay giáo xứ được cha Giuse Nguyễn Xuân Phương phụ trách. Do mục vụ vùng miền núi Nghệ An địa bàn trải rộng, đường sá khó khăn và công việc mục vụ rất nhiều, nên cha Quản nhiệm không thể hiện diện nhiều với cộng đoàn nơi đây trong mùa Giáng Sinh này. Thay vào đó, ngài mời cha Gioan Thiên Chúa Nguyễn Phước, Dòng Phanxicô, hiện đang làm linh hướng cho Đại chủng viện Vinh Thanh, cùng với hai Chủng sinh đến giúp đỡ cho giáo xứ trong dịp đại lễ này.

Với sự xác tín như một danh nhân đã nói: "Chúa có giáng sinh hàng ngàn lần mà không sinh ra trong lòng tôi thì cũng vô ích", nên từ chiều ngày 21.12, cha Gioan đã vượt gần 100 km từ ĐCV Vinh Thanh lên để chuẩn bị cho các tín hữu nơi đây mừng Chúa Giáng Sinh. Trước hết, cha có một buổi tĩnh tâm cho thanh niên và giới gia trưởng, và một buổi cho các thiếu nữ và hiền mẫu, cùng ngồi tòa ban bí tích Giải Tội cho cộng đoàn. Bên cạnh đó, cha cũng viếng thăm và ban các bí tích cho một số bệnh nhân không đến tham dự các sinh hoạt của giáo xứ trong dịp này. Trong hai buổi tối, hai Chủng sinh cũng giúp cho các em thiếu nhi hồi tâm và cùng cộng tác với các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Vinh (cơ sở Quy Chính), chuẩn bị cho đêm Diễn Nguyện Giáng Sinh.



Chương trình diễn nguyện bắt đầu vào lúc 20h của tối Noel và kết thúc vào lúc 22h30'. Do ở miền núi xa xôi, nên đêm diễn nguyện, tuy so với những giáo xứ ở thành phố hay vùng đồng bằng chỉ ở mức độ trung bình vừa về hình thức lẫn nội dung, nhưng đó là cả một sự chuẩn bị công phu của cộng đoàn vùng cao nguyên này. Được biết, trong suốt một tuần qua, các hội đoàn, các giáo họ, người công, người của, đóng góp từng cái đèn ngôi sao, từng những đồng tiền ít ỏi để mua vật dụng trang trí cho cảnh quan đêm diễn nguyện nói riêng và những ngày đại lễ nói chung. Và do xung quanh có nhiều anh em lương dân sinh sống, có lẽ vừa là vui thích văn nghệ, vừa muốn tìm hiểu về ngày lễ của Công giáo, nên có khá nhiều bà con ngoại đạo đến tham dự.



Xen giữa buổi văn nghệ là phần tặng quà của ông già Noel. Chỉ là những cái bánh cái kẹo, nhưng ai cũng lấy làm vui sướng khi nhận được quà. Có người nói rằng, sở dĩ mọi người vui sướng là do ảnh hưởng nét văn hóa "Một miếng giữa làng hơn một sàng trong bếp", hoặc là do ai cũng được nên không ai thấy buồn lòng! Thực ra, ai đến phát quà nơi đây có lẽ cũng phải phát cho cả cộng đoàn, bởi vì khó biết chọn lựa ai để trao quà. Đơn giản chỉ vì nhiều người nghèo đều đều nhau!

Kết thúc phần diễn nguyện, giáo xứ tổ chức cuộc cung nghinh tượng Chúa Hài Đồng qua một số con đường trong giáo xứ. Được biết, không kể những lần kiệu Thánh Thể, tượng ảnh Đức Mẹ và các thánh, thì có lẽ đây là lần đầu tiên cộng đoàn nới đây kiệu Chúa Hài Đồng Giêsu xung quanh giáo xứ.

Sau cuộc rước Thánh lễ mừng Chúa giáng sinh được cử hành trọng thể. Triển khai lời Chúa trong Thánh Lễ, cha Gioan nói rằng: Ngôi Lời Thiên Chúa là Đấng cao cả, nhưng đã vì tình yêu nên không quản ngại mang thân phận con người để chia sẻ với con người. Chỉ có Kitô giáo là tôn giáo duy nhất tôn thờ một Thiên Chúa đã giáng sinh làm người, tôn thờ một Hài nhi, hài nhi ấy lại là Đấng thánh của Thiên Chúa. Chân lý đó là một điều kỳ dị và không thể tượng tượng được đối với các tôn giáo, nhưng đó lại là một chân lý của Kitô giáo. [...] Lấy tư tưởng từ giáo huấn của công đồng Vaticanô II, cha Gioan nói tiếp, Thiên Chúa đã đến làm việc với đôi tay của con người, suy nghĩ với khối óc của con người và yêu thương với trái tim của con người. Và như thế, Người thông hiểu sâu xa tình cảnh của nhân loại. Do đó không có một lý do gì khiến con người phải xa lánh người. Hài Nhi Giêsu cảm thông với chúng ta đến nỗi, như một lần hiện ra với thánh Hiernimô, ngài đã xin thánh nhân dâng cho Người cả tội lỗi nữa để Người tha thứ cho ông.

Giáo xứ Lãng Điền được thành lập vào năm 1933, thuộc địa bàn xã Thạch Sơn, Anh Sơn, Nghệ An, với khoảng 2.500 tín hữu, phân cư trong 9 giáo họ, trong đó giáo họ Khe Gia là của anh em dân tộc Mường, nơi đã từng mang nhiều dấu chân của cha già Giuse Trần Thanh Hương.

Được chia vui với giáo xứ miền núi trong dịp Giáng Sinh này tôi mới thấy rõ hơn niềm vui trong cuộc sống không phải là những cái gì thật hoành tráng, không phải là trang trí này nọ với số tiền khổng lồ, mà là những cố gắng hy sinh đóng góp cùng cộng đoàn. Dĩ nhiên, những buổi lễ hoành tráng, những trang trí hàng trăm triệu đồng cũng mang lại niềm vui cho nhiều người. Nhưng nếu họ bớt đi phần nào để chia sẻ với anh em khó nghèo, hoặc cố gắng thêm một chút ngoài số tiền trang trí, để có những phần quà cho người nghèo, thì niềm vui sướng mừng lễ kỷ niệm ngày Ngôi Hai Giáng Thế cứu đời sẽ lớn hơn. Bởi chính Chúa đã đến cho nhân loại được sống và sống dồi dào (x. Ga 10,10), thì lẽ nào những người lo tổ chức lễ long trọng cho Chúa không cho những anh em nghèo khó thấy Chúa thực sự đến cho họ được sống sung mãn, ít là trong ngày Noel, để Chúa được thực sự vui!

Anthony Hoàng
 
Lễ Giáng Sinh tại Xứ Bắc Hải, Hố Nai Biên Hòa
Giuse Khổng Hữu Nguồn
09:56 25/12/2009
GIÁNG SINH BẮC HẢI, HỐ NAI, BIÊN HÒA

Như một truyền thống, hàng năm bước vào tháng 12 dương lịch, không khí lễ hội Noel lại rộn ràng nhộn nhịp, từ nội ô thành phố đến khắp mọi nẻo đường xóm ngõ. Nhất là những khu vực có đông người công giáo, thì không khí giáng sinh rộn ràng vui hơn, hang đá Belem, đèn sao, đèn điện đủ mọi mầu sắc được trang hoàng nơi nhà thờ, nhà dân, nơi tụ hội đông vui người qua lại như ngã ba, ngã tư đường làng …

Xem hình Giáng Sinh bấm vào đây

Năm nay trong khuôn viên nhà xứ Bắc Hải, hạt Hố Nai, giáo xứ tổ chức mừng Đại lễ giáng sinh ngay Tượng Đài Thánh Giuse.

Trước lễ nửa đêm, có 30 phút canh thức hồi tâm sám hối, giúp cộng đoàn tham dự đêm đại lễ mừng kỷ niệm Chúa giáng sinh cách sốt sáng hơn.

Trong phần canh thức năm nay có thêm phần xin lỗi nhau: linh mục xin lỗi giáo dân, giáo dân xin lỗi linh mục, mọi người xin lỗi nhau, các gia đình xin lỗi nhau, giáo dân xin lỗi anh chị em tôn giáo bạn…

Trước khi kết thúc thánh lễ, cha xứ Đaminh Bùi Văn Án dâng lời chúc mừng giáng sinh đến cha phó, quý tu sĩ, quý cụ ông bà anh chị em, các thành phần trong giáo xứ, trong Nước cũng như đang ở Hải ngoại hưởng mùa giáng sinh: Thánh Đức, An Lành, Hạnh phúc. Và Ngài cũng cảm ơn tất cả mọi người, mọi thành phần đã nhiệt tình cộng tác, giúp đỡ, rộng tay đóng góp công sức, tiền của để sửa sang nhà Chúa trong thời gian qua.

Song Ngài cũng chia sẻ những khó khăn trước mắt, như tài chánh…Ngài tha thiết kêu gọi quý chức, quý cụ ông bà anh chị em, các thành phần trong ngoài xứ, trong Nước cũng như Hải ngoại. Xin hãy tiếp tục rộng tay giúp đỡ cho công việc sửa sang nhà Chúa mau sớm hoàn thành.

Kết thúc thánh lễ cộng đoàn hướng về Tượng Hài Nhi đồng thanh hát bài “Đêm đông lạnh lẽo chúa sinh ra đời…”. và mọi người ra về trong niềm hân hoan chào chúc nhau giáng sinh An lành, Thánh thiện,Vui tươi.
 
Giáo xứ An Thái mừng lễ Chúa Giáng Sinh.
Trần Văn Luận
10:52 25/12/2009
Hòa cùng niềm vui của Giáo hội hoàn vũ, Giáo xứ An thái - Hà nội đã có nhiều hoạt động có ý nghĩa đón mừng lễ Thiên Chúa Giáng sinh.

Các hoạt động đã diễn ra từ rất sớm. Sôi nổi nhất là hoạt động tập văn nghệ chuẩn bị cho đêm Hoan ca Giáng sinh. Tuy là một giáo xứ nhỏ bé, có ít các hội đoàn nhưng các hội đoàn đều nhiệt tình đóng góp các tiết mục. Từ các em thiếu nhi đến các bác trong hội Legio, tất cả đều ra sức tập luyện chuẩn bị cho đêm Hoan ca.

Bên cạnh đó, bà con giáo dân cũng đã tập trung trang trí nhà thờ và làm hang đá từ rất sớm. Tuy thời tiết những ngày gần Noel rất lạnh, nhưng trên khuôn mặt ai cũng rạng ngời những nụ cười, nụ cười của niềm vui, niềm hạnh phúc đón mừng Ngôi Hai Thiên Chúa làm người.

Đặc biệt nhất là hoạt động của hội Bác ái. Năm nào cũng vậy, cứ dịp mừng lễ Giáng sinh là cha xứ và các bác trong hội thường tổ chức đi thăm hỏi những người già cả neo đơn, những người gặp hoàn cảnh khó khăn. Khi được hỏi về mục đích của hoạt động này, một bác trong hội đã nói: “ Chúng tôi mong muốn chia sẻ niềm vui đến tất cả mọi người. Mong rằng tất cả mọi người đều đón mừng lễ Giáng sinh với thật nhiều niềm vui và Ơn Chúa”.

Trang trí nhà thờ, hang đá...thôi là chưa đủ, bà con còn không quên trang trí cho hang đá là tâm hồn mình bằng việc lãnh nhận Bí tích Hòa giải. Vậy là mọi thứ đã sẵn sàng cho ngày Đại lễ.

Đúng 20h00 ngày 24, đêm Hoan ca Giáng sinh đã được khai mạc. Các tiết mục văn nghệ tuy đơn sơ nhưng mang rất nhiều ý nghĩa thể hiện niềm vui, niềm hạnh phúc được đón mừng Chúa đến. Đông đảo bà con giáo dân trong và ngoài xứ cùng rất nhiều bà con thuộc các tôn giáo bạn cũng đã đến đây tham dự. Không khí vui tươi của tình Chúa, tình người đã xua tan đi sự giá lạnh của tiết trời mùa đông. Sau chương trình văn nghệ, cộng đoàn đã cùng hiệp dâng thánh lễ mừng Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người. Cha chủ tế một lần nữa đã khẳng định lại ý nghĩa của Mầu nhiệm Thiên Chúa Giáng sinh, đồng thời cha cũng nhắn nhủ cộng đoàn cần phải sống Mầu nhiện Giáng sinh trong chính đời sống hàng ngày của mỗi người. Thánh lễ kết thúc, mọi người lại tụ họp xung quanh Hang đá để viếng Chúa Hài đồng và cùng nhau dâng lên Chúa những tâm tình tha thiết.

Vậy là chúng ta đã bước vào mùa Giáng sinh, mùa của Tình yêu, của Hy vọng và của Hạnh phúc. Nguyện chúc tất cả mọi người có một mừa Giáng sinh an lành và một năm mới tràn đấy ơn Chúa!
 
Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh tại nhà thờ Chính Tòa Hà Nội
Giuse Trần Ngọc Huấn
11:35 25/12/2009
Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh tại nhà thờ Chính Tòa Hà Nội

Vào lúc 10h00 sáng ngày 25 tháng 12 năm 2009, tại nhà thờ Chính Tòa Hà nội, Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã chủ sự thánh lễ trọng mừng kính Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người. Đồng tế với ngài có quý cha dòng Chúa Cứu Thế, cha quản hạt và các cha trong miền Hà nội. Khoảng 5000 anh chị em giáo dân tham dự thánh lễ.

Xem hình lễ Giáng Sinh xin bấm vào đây
 
Tấm gương khó nghèo của Chúa Giêsu Linh Mục qua thi phẩm của Cung Chi
Lê Đình Thông
12:55 25/12/2009
TẤM GƯƠNG KHÓ NGHÈO CỦA CHÚA GIÊSU LINH MỤC QUA THI PHẨM CUNG CHI

Năm Thánh của Giáo hội Việt Nam (24-11-2009) bắt đầu sáu tháng sau ngày khai mạc Năm Linh Mục (19-6-2009) vì Chúa Kitô linh mục thượng phẩm đời đời là khởi điểm của lịch sử công trình cứu độ trên nước Việt. Trong bài huấn giáo ngày 19-8-2009, Đức Bênêdictô XVI nói linh mục là ‘‘humus spirituel’’ (humus: đất). Từ ngữ này nhắc lại tên gọi Adam trong Cựu ước, cũng có nghĩa là đất. Humus spirituel mời gọi lòng khiêm hạ, vì linh mục chính là ‘‘đất thiêng’’.

Linh mục Thi sĩ Cung Chi trước tác 12 bài thơ lấy chủ đề ‘‘Linh mục’’ để diễn tả tâm tình của một linh mục trong Năm Linh mục của Hội thánh.

12 bài thơ là 12 cánh sen chức thánh. Cánh sen thứ nhất: Chúa Giêsu Linh mục gồm 8 khổ (strophes), mỗi khổ nói lên gương sáng Kitô trong thiên chức linh mục:

- nghèo (pauvreté);
- tinh tuyền (chasteté);
- vâng lời (obéissance);
- hy sinh (sacrifice);
- khiêm hạ (humilité);
- tình thương (amour);
- linh mục muôn đời (Prêtre Éternel).

Ba nhân đức đầu nhắc lại lời khấn hứa của các linh mục dòng. Phúc cuối tám mối thánh đức linh mục hướng về Linh mục muôn đời là Đức Kitô, vì Chúa là nguồn thánh đức.

Bài thơ làm theo thể thơ mới, lối câu 7 chữ, vần gieo ở cuối câu đầu và hai câu chẵn. Nguyên tác như sau:
Linh Mục là cánh sen nghèo giữa cảnh đời
Chúa Giêsu Linh mục

Lạy Chúa Giêsu Linh mục nghèo
Cuộc đời của Chúa quá đơn neo
Nhưng lòng của Chúa giàu vô hạn
Giúp kẻ giàu sang lẫn kẻ nghèo

Chúa là Linh mục rất tinh tuyền
Chẳng ngại hạ mình chốn đất đen
Thu thuế, điếm đàng, quân tội lỗi
Chúa đều đoái đến, cất đưa lên

Chúa là Linh mục nguyện vâng lời
Ngay từ ngưỡng cửa bước vào đời:
‘‘Con đến, này đây, tuân Thánh ý
Cứ thế Chúa đi đến trọn đời

Chúa là Linh mục nhận hy sinh
Sẵn sàng tự hiến bản thân mình
Trở nên tất cả, cho tất cả
Như lễ toàn thiêu vẹn nghĩa tình

Chúa là Linh mục thật khiêm nhường
Từ ngai Thượng đế, bỏ thiên cung
Xuống đời phục vụ như tôi tớ
Chịu chết ngang hàng bọn bất lương

Chúa là Linh mục giàu tình thương
Bao dung đón nhận đủ trăm đường
Lời xưa trên núi ‘‘Xin tha thứ’’
Là dấu yêu thương đến tận cùng

Chúa là Linh mục đến muôn đời
Lấy Mình Máu Thánh nuôi loài người
Ngày đêm hiện diện nơi nhà tạm
Lắng nghe, nâng đỡ, ủi an người

Gương Chúa nêu cao tuyệt vời thay
Cho hàng linh mục thế gian này
Từng ngày, từng bước, noi theo Chúa
Xứng danh môn đệ tôi trung Thày

Paris, ngày khai mạc Năm Linh mục
(19 tháng 6 năm 2009)

Cung Chi


Tác giả mượn phúc thật thứ nhất trong bài giảng trên núi, mở đầu bài thơ bằng đức nghèo: ‘‘Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ’’ (Mt 5,3).

Theo thánh Thomas d’Aquin trong Tiểu phẩm Thần học (Opuscules théologiques), Đức Kitô đã chọn cha mẹ nghèo nhưng có nhân đức vẹn toàn. Chúa sống nghèo để rao giảng nên coi nhẹ giàu sang phú quý. Ngài đã làm lụng vất vả, chịu đói khát, chịu cực hình khắp châu thân để loài người không từ bỏ nhân đức thiện hảo. Sau cùng, Đức Kitô chịu chết trên thập giá khổ đau để không một ai vì sợ chết mà phản bội sự thật, không có ai ngại chết để làm chứng cho sự thật. Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, chịu chết để nhân loại noi gương Ngài như lời thánh Phêrô: ‘‘Đức Kitô chịu chết để lại cho chúng ta gương sáng dấn bước theo Ngài.’’

Theo lời thánh Thomas d’Aquin, nếu Đức Kitô sống trong giàu sang phú quý, có địa vị trần thế cao sang, lời giảng dạy và các phép lạ của Người được chấp nhận chỉ vì địa vị trần thế chóng qua. Vì muốn chứng tỏ công trình thiên đức, Ngài đã chọn vị thế thấp kém bị người đời coi nhẹ: người mẹ nghèo trong một kiếp sống đơn nghèo, các môn đệ không học thức nhiều. Ngài nhận bản án tử hình từ những người quyền quý trong xã hội, để chứng tỏ rằng những lời rao giảng và nhũng phép lạ đến từ quyền lực siêu nhiên, không phải từ thế quyền chóng qua.

Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể muốn rằng các môn đệ, những thừa tác viên trong công trình cứu độ thường bị thế quyền coi thường. Vì vậy, ngài không chọn những người học thức uyên thâm hoặc những nhà quyền quý, nhưng là những bác thuyền chài nghèo ít học. Khi Đức Kitô sai họ đi cứu độ loài người, Chúa truyền cho họ giữ nguyên thân phận khó nghèo, chấp nhận bị bách hại và tử đạo vì chân lý để sự rao giảng của họ không xuất phát từ những lợi ích trần thế, công trình cứu độ không phát xuất từ sự khôn ngoan hoặc thế lực trần gian, nhưng bắt nguồn từ uy quyền Thiên Chúa.

Bài thơ của linh mục thi sĩ Cung Chi cũng như những lời giảng dạy của thánh Thomas về đức khó nghèo của Đức Kitô giúp ta chiêm ngắm ngắm cỏ Bê Lem với lòng cậy trông. Tác giả sáng tác ‘‘Chúa Giêsu Linh mục’’ vào thời điểm mở đầu Năm Linh Mục, nhưng chỉ được phổ biến vài mùa Giáng sinh 2009. Bốn câu dẫn nhập tán dương dđức khó nghèo. Bởi chưng các linh mục dòng khấn hứa:

- khó nghèo (pauvreté);
- thanh tịnh (chasteté);
- và vâng (obéissance).

Các linh mục triều thì khấn

- độc thân (célibate);
- và vâng lời giám mục bản quyền.

Khi khấn vâng lời giám mục bản quyền, các linh mục triều coi nhẹ của cải vật chất (détachement des biens matériels).

Bài thơ của Cung Chi ‘‘Chúa Giêsu Linh mục’’ được sáng tác vào thời điểm khai mạc Năm Linh mục (Annus Sacerdotalis), vì mỗi linh mục là một Chúa Kitô khác (Sacerdos alter Christus):

- Linh mục là Đức Kitô lo cho các linh hồn trên hành trình trần thế;
- Cha sở là Đức Kitô trong họ đạo;
- Giám mục là Đức Kitô trong giáo phận;
- Đức Thánh Cha là Đức Kitô tại thế.

Bài thơ của Cung Chi chính là lời mời hiệp ý cầu nguyện cho các linh mục vứ rao giảng, lại vừa thực thi phúc đầu tám mối:

‘‘Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước trời là của họ’’ (Mt 5,3).

Paris, ngày 25 tháng 12 năm 2009

Lê Đình Thông
 
Các Thánh Lễ Giáng Sinh tại Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Bùi Hữu Thư
15:04 25/12/2009
Arlington, VA 25 tháng 12, 2009. Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã long trọng cử hành 3 Thánh Lễ Vọng và 6 Thánh Lễ Giáng Sinh, mặc dầu thời tiết lạnh, bãi đậu xe còn nhiều tuyết và băng đá.

Ngay từ tuần trước, trong khi trận bão tuyết kỷ lục thứ 6 kể từ năm 1920 tại vùng Hoa Thịnh Đốn chôn vùi nhà cửa đường xá xe cộ dưới 24 inches tuyết trong vòng 24 giờ, làm tê liệt mọi sinh hoạt trong vùng, thì anh em Liên Minh Thánh Tâm đã làm hang đá ngoài trời tại Đài Đức Mẹ La Vang, và chăng đèn quanh hàng rào. Bên trong nhà thờ, các anh trong Đoàn Hiệp Sĩ 9655 thì làm hang đá trên cung thánh. Các em đoàn thiếu nhi Thánh Thể Thánh Tâm thì thực tập hoạt cảnh Giáng Sinh và các bài múa dưới sự hướng dẫn của các Sơ Thủy và Nguyệt Cầu Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt miền Fairfax và các trưởng Phát, Thụy Mai, Phong, Tân Uyên. Tất cả 7 ca đoàn của giáo xứ cũng tập hát các bài Giáng Sinh.

Vì cha xứ Nguyễn Đức Vượng có sinh nhật cùng ngày với Chúa Giêsu, tiệc mừng sinh nhật cha đã được tổ chức vào ngày 23/12 vì ngày đó có thánh lễ 7 giờ thay vì 9 giờ hay 10 giờ đêm như hai ngày 24 và 25/12.

Mặc dầu xe xúc tuyết đã được gọi tới ngay từ chiều thứ bẩy tuần trước, lớp tuyết qúa cao khiến cho xe chỉ cào được một phần trên bãi đậu xe. Việc đi lại rất khó khăn và nguy hiểm. Tuy nhiên trong cả 9 thánh lễ, lễ nào cũng đông nghẹt. Các cha phải giải tội liên miên vì nhiều người sợ tuyết đã chờ đến phút chót mới đến nhà thờ.

Hoạt cảnh Giáng Sinh trong thánh lễ Vọng 5 giờ chiều rất cảm động: hài nhi Thánh là một baby thật (trong lúc tập em ngủ ngon, nhưng khi trình diễn em đã khóc quá làm cho Mẹ Maria dỗ không được và phải thay em bằng một búp bê). Ngoài các thiên thần múa hát, còn có các mục đồng, Ba Vua và một đoàn trống "Drummer Boys: 12 em. Ca đoàn Thánh Tâm và Ban Nhạc Tí Hon do nhạc trưởng Phạm Dương Hãn điều khiển đã trình bầy các bài hát trước và trong thánh lễ. Các thiếu nhi được hai Ông Già Noel phát quà sau thánh lễ tại Háng Đá ngoài trời.

Thật là một đêm vui tươi mừng Chúa ra đời, mừng sinh nhật cha xứ và chúc mừng nhau. Các gia đình đua nhau lên cung thánh chụp hình bên hang đá trước khi ra về.

Các thiên thần
Ban nhạc thiếu nhi
Thánh Giuse Đức Mẹ và Hài Nhi Giêsu
The Drummer Boys
Ca Đoàn TNTT Thánh Tâm và ca trưởng P D Hãn
Cha xứ và các lễ sinh
Cha Luân và cha xứ dâng Thánh lễ
Hang Đá ngoài trời
Giáo dân tham dự lễ
Cha Vượng phỏng vấn một cặp cao niên
Cha Vượng và Máng cỏ trong nhà thờ
Ca Đoàn Phanxicô và Thánh Linh với Ca trường V D Tùng
Qùa Giáng Sinh cho các trẻ em
 
Giáng sinh năm nay ở Saigon có phần nhạt hơn.
Tuấn Khanh
15:34 25/12/2009
Ở Việt Nam, người dân vui chơi Giáng sinh đông đủ và náo nhiệt, thường là đêm 24, ngày 25 sẽ là một chút níu kéo không gian còn lại và cũng là cách đưa tiễn một Giáng sinh đi qua.

Sau đêm 24, nhiều nhận xét từ người dân cũng như từ báo chí, cho thấy dù vẫn ồn ào như mọi khi nhưng Giáng sinh năm nay ở Saigon có phần nhạt hơn.

Nền kinh tế khó khăn, thất nghiệp tràn lan, thiên tai còn để lại nhiều nỗi cơ cực ở khắp nơi nên Giáng sinh Việt Nam mất đi phần ngọt ngào trong cảm giác của mọi người.

Ngay trên bài chính luận nhận định của báo Thanh Niên, cũng có viết rằng “Cũng phải nói thật là Giáng sinh năm nay không thật vui với các tỉnh miền Trung vừa chịu bão lụt. Vẫn có các hoạt động mừng đón Giáng sinh, nhưng không khí ngoài đường, trong lòng người dân vẫn hơi trầm lắng”.

Từ lâu, lễ Giáng sinh là ngày hội mà chính quyền CSVN không mấy ưa chuộng, vì nói một cách nào đó, lễ Giáng Sinh tập hợp được một đám đông khổng lồ, nhưng hoàn toàn không chịu sự điều khiển của ý thức hệ Cộng sản.

Vào thập niên 90, sau 12g đêm lễ Giáng sinh, người dân đã từng chứng kiến các toán công an, xe tuần tiểu đi dẹp dân chúng đang vui chơi trên đường phố, ngăn không cho tụ tập đông người.

Nhưng dần dần số đông của người hưởng ứng ngày lễ này đã là một áp lực ôn hòa khiến việc giải tán dân chúng phải chấm dứt.

Tin sốt dẻo mà mọi người truyền tai nhau trong Giáng Sinh năm nay là chuyện Đức Giáo Hoàng bị một người lạ mặt xô ngã khi đang làm lễ Misa. Hầu như ngay trong ngày Giáng Sinh, rất nhiều người Công giáo nói với nhau câu chuyện này như những điềm báo chuyện chẳng lành sắp tới.

Ngay sau ngày lễ Giáng Sinh, nỗi lo đời sống khó khăn lại ập đến. Điều mỉa mai nhất là trong cùng một ngày, người ta tìm thấy thông tin lượng người thất nghiệp tại Việt Nam tăng vọt, trong khi công nhân Trung Quốc thì tràn ngập Việt Nam, đặc biệt là không giống như mọi năm, lễ Giáng Sinh năm nay họ xuất hiện vui chơi ở nhiều nơi một cách công khai, không còn giấu mặt như mọi năm.

Tình trạng thất nghiệp của người Việt tràn lan đến mức ngay tại Saigon, chính quyền đã phải mở 5 điểm tiếp nhận, ghi danh người thất nghiệp. Đây là chuyện hết sức bất thường chưa từng có. Cũng theo thống kê nói trên báo Tuổi Trẻ, thì trong năm 2010 này sẽ có khoảng 240.000 người thất nghiệp nhưng ngay tại Saigon, cơ quan có trách nhiệm chỉ mới đủ sức trợ cấp thất nghiệp cho 20.000 người.

Trong khi đó, dù Nhà nước VN có gắng bao che, nhưng sự thật lại phơi bày một cách tàn nhẫn trên tờ New York Times hôm 21-12-2009. Tờ báo dẫn lời cảnh báo của bà Phạm Chi Lan, cựu Phó Giám Đốc Phòng Thương Mại và Kỹ Nghệ VN thì, tình hình công nhân Trung Quốc tại Việt Nam đã tới mức đáng ngại: có nhiều làng bây giờ toàn là công nhân Trung Quốc cư ngụ. Báo New York Times còn kể lời ông Nguyễn Thái Bằng, một thợ điện Việt Nam 29 tuổi, nói rằng “Công nhân Trung Quốc đông tràn ngập so với công nhân VN ở đây”.

Và như vậy, sau Giáng Sinh, người dân VN đang đối mặt với những gì, câu trà lời có lẽ không mấy đẹp đẽ và vui mừng như hình ảnh lễ Giáng Sinh vừa mới đi qua trên đất nước mình.
 
TGM Ngô Quang Kiệt: Hãy mở lòng ra đón Chúa Giêsu. Hãy đi theo con đường Người vừa khai mở.
+TGM Ngô Quang Kiệt
20:00 25/12/2009
HÀ NỘI - Vào lúc 10h00 sáng ngày 25 tháng 12 năm 2009, tại nhà thờ Chính Tòa Hà nội, Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã chủ sự thánh lễ trọng mừng kính Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người. Đồng tế với ngài có quý cha dòng Chúa Cứu Thế, cha quản hạt và các cha trong miền Hà nội. Khoảng 5000 anh chị em giáo dân tham dự thánh lễ. Sau đây là toàn văn bài chia sẻ của Đức Tổng Giám mục Giuse trong thánh lễ:

NGÔI LỜI ĐÃ LÀM NGƯỜI VÀ CƯ NGỤ GIỮA CHÚNG TA (Ga 1, 1-18)

Các mục đồng và Ba Vua khi vào hang đá đã thấy một hài nhi sơ sinh, quấn trong khăn, nằm trên máng cỏ. Đó là dấu hiệu thiên thần chỉ cho họ. Khi thấy Hài Nhi, họ đã tin, đã cung kính thờ lạy và dâng lên lễ vật tỏ lòng thần phục suy tôn.

Thánh Gioan cho biết, Hài Nhi Giêsu chính là Ngôi Lời Thiên Chúa đã xuống thế làm người và cư ngụ giữa loài người.

Thật lạ lùng!

Ngôi Lời Thiên Chúa vẫn có từ đời đời ở nơi Thiên Chúa nay lại sinh ra trong thời gian, trong lịch sử nhân loại.

Ngôi Lời Thiên Chúa là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình nay mặc lấy thân xác hữu hình phàm nhân.

Ngôi Lời Thiên Chúa đã tạo thành vạn vật nay được tạo thành trong cung lòng một thụ tạo.

Ngôi Lời Thiên Chúa là nguồn mạch Sự Sống nay nhận sự sống từ một phụ nữ.

Ngôi Lời Thiên Chúa là ánh sáng khởi nguyên từ ánh sáng nay sinh ra trong một chuồng súc vật tối tăm tại một miền quê nghèo tăm tối.

Ngôi Lời Thiên Chúa là nguồn mạch mọi ơn lành, Đấng ban phát muôn ơn cho mọi loài thụ tạo nay phải chịu nhận sự giúp đỡ của mọi người, kể cả của súc vật như bò lừa.

Tại sao thế? Theo những bài Sách Thánh trong thánh lễ ban ngày hôm nay ta có thể hiểu.

Vì Thiên Chúa quá yêu thương nhân loại nên đã muốn bước xuống dòng lịch sử để đồng hành với nhân loại.

Người muốn trở nên hữu hình để chúng ta được tận mắt chiêm ngưỡng dung nhan Người, được đụng chạm đến Người, được cùng ăn, cùng ở, cùng làm với Người. Để cho những cố gắng của ma quỉ muốn ngăn cách con người với Thiên Chúa, muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời sống con người phải thất bại.

Người muốn trở thành em bé sơ sinh, đi vào chỗ yếu ớt nhất của sự sống để ban sự sống, bảo vệ sự sống. Dù biết bao thế lực sự dữ muốn chà đạp sự sống, tiêu diệt sự sống, nhất là sự sống tâm linh thiêng liêng của con người, nhưng Thiên Chúa, chỉ bằng sự thơ ngây đơn sơ của trẻ thơ, đã chiến thắng để làm cho sự sống đơn sơ, nguyên tuyền vẫn vươn lên mạnh mẽ và tươi mới.

Người muốn sinh ra trong bóng tối để chiếu lên ánh sáng của Thiên Chúa. Từ bao đời thế lực sự dữ muốn nhấn chìm con người trong bóng tối. Từ bóng tối kiêu căng của Evà đến bóng tối ghen ghét của Cain từ thời tạo thiên lập địa. Từ bóng tối khép kín số phận con người vào sự vô nghĩa của định mệnh đến bóng tối cá nhân và hưởng thụ hiện nay. Thiên Chúa vẫn kiên trì chiếu lên ánh sáng soi dẫn nhân loại. Hôm nay Hài Nhi Giêsu trong hình dáng trẻ thơ đang chiếu lên ánh sáng mới phá tan những bóng tối đang vây bọc con người. Anh sáng khiêm nhường để sống theo thánh ý Thiên Chúa. Anh sáng yêu thương xóa đi ghen ghét hận thù. Anh sáng hi vọng mở ra tương lai tươi sáng cho con người trong chân trời thần linh. Anh sáng quên mình để mưu cầu hạnh phúc cho tha nhân.

Người muốn sinh ra làm người để thay đổi số phận con người. Vào tận hang ổ của tội lỗi để phá tan xiềng xích tội lỗi. Người hiện diện giữa con người để khơi lại dòng ân sủng bị cắt đứt. Thiên tính kết hợp với nhân tính Người đem con người trở lại với ơn gọi nguyên thủy là làm con Thiên Chúa, là chung phần hạnh phúc với Thiên Chúa. Thiên Chúa làm người, Người phục hồi phẩm giá con người đưa con người trở lại địa vị người con trong mái nhà Cha trên trời.

Hãy mở lòng ra đón Chúa Giêsu. Hãy đi theo con đường Người vừa khai mở. Chúng ta sẽ được lãnh nhận hết ơn này tới ơn khác và nhất là chúng ta sẽ được trở nên con Thiên Chúa. Đó chính là ý nghĩa lớn lao nhất của lễ Giáng Sinh. Đó chính là niềm vui không gì so sánh được.

Trong tâm tình ấy, tôi cầu chúc Anh Chị Em một lễ Giáng Sinh tràn đầy niềm vui, tràn đầy tình thương và tràn đầy hi vọng vì Thiên Chúa đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Một tuần sau Noel, họ sẽ đi về đâu?
Alf. Hoàng Gia Bảo
09:33 25/12/2009
Một tuần sau Noel, họ sẽ đi về đâu?

Số ngày còn lại của năm 2009 đang vơi dần… mấy ngày qua, trong lúc chúng ta đang chộn rộn mong đợi đêm Noel và Tết dương lịch nhanh đến, thì tại chùa Phước Huệ - Lâm Đồng, hàng trăm tăng ni chắc hẳn đã và đang sống trong tâm trạng hoàn toàn ngược lại. Cái mà họ mong nhất lúc này chắc cũng giống như lời một bài hát “thời gian ơi, xin dừng lại…xin ngừng trôi…” cốt sao cho cái ngày 31/12, là thời hạn cuối cùng họ được phép tá túc nơi đây, đừng bao giờ đến. Vì sau ngày này họ sẽ phải ra đi nhưng đi về đâu cho đến giờ phút này chẳng ai biết! Và chuyện gì đang chờ đợi họ bên ngoài cổng chùa Phước Huệ đang còn là điều… ‘bí ẩn’, khó biết !!!

Hôm qua, 24/12 BBC cũng vừa đưa tin, Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) lên tiếng kêu gọi chính quyền Việt Nam bảo vệ các tăng ni theo pháp môn Làng Mai và tôn trọng tự do tôn giáo.

Đứng trước sự bất định của tương lai nhưng lại biết trước ngày giờ nó sẽ xảy đến, có lẽ ngoài những bậc đại trượng phu ra chẳng mấy ai trong chúng ta có thể thản nhiên đón nhận mà không khỏi cảm thấy lo lắng? Tâm trạng các tăng ni lúc này là nỗi lo sắp bị trở thành những kẻ tha hương trên chính quê hương, xứ sở mình.

Tệ hơn cả những kẻ tha hương, vì cho dù phải sống nơi đất khách quê người nhưng hàng triệu kiều bào lại được thoải mái cư trú đi lại, muốn sống đâu, tu đâu là tùy ý. Còn các tăng ni trên, qua đoạn video chiếu vụ ‘lộn xộn’ xảy ra tại chùa Phước Huệ gần đây cho thấy lũ ‘quần chúng tự phát’ lý sự với các vị sư rất bài bản cứng cựa khó có dân thường nào lại ‘bản lĩnh chính trị’ như vậy. Đích thị là những công an giả dạng, được chuẩn bị kỹ lưỡng để ngăn cản phái đoàn các nước EU đến thăm tìm hiểu sự thật.

Từ việc này chúng ta có lý do để tin rằng lời thỉnh cầu của thầy Thích Thái Thuận để cho 200 tăng ni được ra đi “như một dòng sông” như một điều kiện để ông chấp nhận không bảo lãnh họ nữa, sẽ rất khó được tôn trọng. Càng khó tin hơn khi nhớ lại cách nay chưa lâu cũng chính số tăng ni này bị đẩy ra đường giữa cơn mưa bão, trong lúc công an lại khoanh tay đứng nhìn!

Từ ngàn xưa, “cửa chùa” trong tâm khảm mỗi người Việt kể cả là người theo đạo khác như công giáo chúng ta luôn xem là chốn ‘bất khả xâm phạm’. Bảo vì “chuyện nội bộ Phật giáo” số tăng ni này đành chịu mất Bát Nhã thôi đã đành, nhưng khi lánh nạn sang chùa Phước Huệ rồi mà cũng chẳng được yên thân nữa thì thử hỏi đâu mới là chốn bình yên với họ?

Bởi vậy, mặc dù không có ý mong nó xảy ra nhưng nếu vài hôm nữa 200 tăng ni Bát Nhã không bị làm cho ‘tan tác’ mỗi người sẽ đi mỗi ngả sau khi họ rời chùa Phước Huệ mà lại được để yên cho họ “đi đâu tùy ý”, chắc chắn đó sẽ là tin vui ‘vĩ đại’ nhất, và là món quà đầu năm 2010 có ý nghĩa nhất cho gần 90 triệu dân VN. Vì đây là bằng chứng đáng tin cậy cho thấy cái ‘chính quyền nhân dân’ hiện nay đã không còn nhắm mắt còn nghe lời chỉ đạo của đảng Csvn nữa.

Mấy ngày qua hàng loạt các trang mạng ‘lề trái’ bị đánh ‘knock-out’, trong đó nặng nề nhất là trang www.bauxitevietnam.info cũng là nơi đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ vụ đuổi tăng ni ra khỏi Tu viện Bát Nhã thời gian qua bằng những bản kiến nghị xin cứu giúp họ, khiến càng thêm lo ngại rằng đây sự chuẩn bị cho bước kế tiếp là buộc 200 tăng ni nói trên phải ‘tan đàn xẻ nghé’ sao cho nhà nước ít bị thiệt nhất do tai tiếng sau khi họ đã làm xong bước một ‘điệu hổ ly sơn’.

Cũng mấy ngày qua, nhiều cuộc vận động ở hải ngoại với chính phủ Pháp và cả EU đề nghị cho số tăng ni Bát Nhã Lâm Đồng được sang lánh nạn khỏi VN đã làm dấy lên ít nhiều hy vọng. Nhưng khách quan mà nói, loại cửa vận động ngoại giao này xưa nay vốn đã hẹp lại càng khó phù hợp hơn với lợng tăng ni khá lớn tới những 400 người. Do vậy, khả năng họ bị cưỡng bức trở về quê có lẽ là điều khó sao tránh khỏi.

Hãy mừng Noel với các… tăng ni!

Hôm nay 25/12 là khắp nơi mừng lễ Giáng Sinh. Sự kiện Chúa chào đời gắn liền với ‘tai nạn’ cha mẹ Ngài từng lâm vào cảnh cơ nhỡ ngay trong ngày sinh hạ mà chẳng có ai rộng vòng tay đón tiếp gia đình thánh thiện này, khiến họ đã phải trú ngụ trong chuồng bò giữa cánh đồng giá lạnh.

Tuy nhiên, sau hàng ngàn năm dường như biến cố này dường như đang quên dần đi bởi tập tục ăn mừng ngày Noel ngaỳ càng trở nên hoành tráng, với hoa giăng đèn mắc nhấp nháy khắp nơi hoà quyện bởi những khúc nhạc du dương êm cái lỗ tai… hoặc nếu thỉnh thoảng có nhớ đến, chúng ta cũng thấy chuyện Chúa sanh ra ở chuồng bò là huyền thoại thật thi vị, lãng mạn có một không hai của một bậc vĩ nhân, mà chẳng nhận ra chút bi kịch nào như những gì thực sự gia đình thánh này đã từng trải qua hai ngàn năm trước.

Chỉ khi đứng trước bao điều ngang trái trong xã hội như chuyện hàng trăm các tăng ni đang tá túc tại chùa Phước Huệ sắp bị xua đuổi xảy ra ngay dịp Noel này, may ra mới giúp chúng ta nhớ lại cảnh ngộ ‘lâm nạn’ của gia đình Chúa khi xưa và cảm thấy tiếc cho phần lớn dân chúng Do Thái thời ấy mắt họ không đủ sáng, lòng chưa đủ rộng để nhận ra một sự kiện vĩ đại của nhân loại đang diễn ra nơi những con người nghèo hèn đang gặp bế tắc tìm một chốn nương thân kia, để mà ra đồng giăng đèn đàn hát mừng vui.

Người viết không có ý ráp nối hay so sánh hai sự kiện này lại với nhau, mà chỉ xin nêu lên vì sự giống nhau của chúng. Đó là nguời nghèo ở mọi nơi dù theo tôn giáo nào, họ bao giờ cũng là những người nếm mùi khổ đau nhiều nhất trong xã hội.

Trước bao biến động của thế giới các tôn giáo lớn trên thế giới đang có khuynh hướng ngày một xích lại gần nhau hơn. Tôn giáo nào cũng hướng Thiện cả, chỉ khi nào tất cả các tôn giáo cùng đoàn kết chắt chẽ với nhau, mới có thể giúp chế ngự chống lại sự Ác đang tràn lan khắp nơi hiệu quả hơn, bên cạnh những nỗ lực của nhiều tổ chức đấu tranh quốc tế lớn trên thế giới.

Tin tức tốt đẹp trong quan hệ giữa toà thánh Vatican với thế giới Hồi giáo, gần đây là Anh giáo. Còn ở VN, việc Tòa TGM Sàigòn vừa tổ chức cuộc gặp mặt và cùng nhau dùng cơm thân mật chính là bằng chứng của xu thế thời đại này. Riêng với số tăng ni đang tá túc tại chùa Phước Huệ cách nay chưa lâu hai limh mục DCCT Sàigòn đã đến tận nơi vấn an các vị.

Trong bối cảnh chung và hoàn cảnh đặc biệt của lễ Giáng Sinh năm nay đối với đất nước và giáo hội VN, những lời nguyện giáo dân đọc công khai trong thánh lễ cho hoàn cảnh đáng thương của số tăng ni Phật giáo nói trên và nhất là với cha Tadéo Nguyễn Văn Lý của chúng ta, mà vào đúng đêm Noel năm nay Ngài đã ngồi tù tròn 1000 ngày, thiết nghĩ đó mới đúng là những việc làm thiết thực để mừng lễ Giáng Sinh nhân giáo hội vừa khai mạc Năm Thánh 2010 vừa qua mà ở đó tên tuổi các thánh tử đạo VN đã được vinh danh như những vị anh hùng, nhờ có sự can đảm anh dũng của họ giáo hội mới còn tồn tại phát triển cho đến hôm nay.

Sàigòn, 25/12/2009
 
Thông Báo
TGM Kontum xin phan ưu với gia đình Nữ Tu Maria Nguyễn Thị Thanh Nhàn
TGM Kontum
09:41 25/12/2009

TÒA GIÁM MỤC KONTUM



Xin phân ưu



với Gia đình Nữ Tu Maria Nguyễn Thị Thanh Nhàn, NVHB, đang phục vụ tại Giáo phận Kontum.
Xin hiệp ý cầu nguyện cho Bà Cố Mátta được sớm hưởng Tôn Nhan Chúa.

TL. Đức Giám mục Giáo phận

Linh mục Thư Ký TGM Kontum

-----------------------------------------------------------

“Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25)

CÁO PHÓ



Gia Đình Thương Tiếc báo tin:

Bà cố: Mátta PHẠM THỊ LINH



sinh năm 1924
Đã an nghỉ trong Chúa lúc 10 giờ 30, ngày 24 tháng 12 năm 2009, tại Giáo xứ Châu Sơn, Giáo phận Ban Mệ Thuột.
Hưởng thọ 85 tuổi.
Thánh lễ an táng sẽ được cử hành vào lúc 8g00, ngày 26 tháng 12 năm 2009,
tại Nhà thờ Giáo xứ Châu Sơn, Giáo phận Ban Mệ Thuột.

Xin quí vị hiệp ý cầu nguyện cho Bà cố Mátta.

RIP

------------------------------------

kính báo.

Con: Nữ tu Maria Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Dòng Nữ Vương Hoà Bình BMT,

Và toàn thể gia đình.
 
Văn Hóa
Chỗ Nào Cho Chúa
Vọng Sinh
14:02 25/12/2009
  • Một trời tuyết trắng rơi rơi đầy
  • Phủ lấp trần gian khắp đó đây
  • Màu tuyết trắng tinh màu Ân Thánh
  • Ân Phúc Trời Cao đổ xuống trần.


  • Mùa Noen nữa lại đến gần
  • Mùa Yêu Thương Ân Phúc ngàn dân
  • Vậy mà ta có hay có biết
  • Ân Phúc tràn đầy…! Vẫn trắng tay !


  • Phải chăng trăm mối lo phủ đầy
  • Phải chăng ngàn bận rộn vây kín
  • Lòng này chật ních muôn toan tính
  • Còn chỗ nào để đón Chúa vào đây?


  • Chật ních rồi này tham lam gian trá
  • Chật ních rồi này dục vọng xa hoa
  • Chật ních rồi bao ích kỷ lòng tà
  • Chật ních rồi chỗ nào mà cho Chúa?


  • Người đã đến giữa đám gia nhân Người
  • Nhưng có ai đã mở lòng đón tiếp?
  • Giữa đồng hoang gía băng gío rét
  • Hài Nhi …Ôi! Nhờ hơi ấm lừa chiên…


  • Này người hỡi ! Nhìn hang đá Bêlem
  • Sao làm ngơ…sao bội bạc… ơ thờ…
  • Sao người nỡ lấy tà tâm nhục dục
  • Đốt sạch đi rơm ấm cỏ khô…
  • Còn gì đâu sưởi ấm Chúa bây giờ?
  • Người có biết Chúa đang cơn buốt lạnh !


  • Nay chúa vẫn sinh ra nơi người bên cạnh
  • Ngôi Sao xưa xin dẫn dắt chỉ đường
  • Cho con thấy được Chúa trong anh em
  • Sưởi ấm Người: Men Yêu Thương Thân Mến
  • Chia sớt Người: chút nâng đỡ ủi an…
  • Cho bớt đi “Đời” gian nan lạnh buốt !


Xin Ơn Trời đổ xuống lòng người. Xua tan đi gía băng cuộc đời.
 
Từ Điển Thuật Ngữ Công Giáo
Từ Điển Thuật Ngữ Báo Chí Công Giáo: Subdelegation – Supernatural Revelation
Nguyễn Trọng Đa
15:30 25/12/2009
Subdelegation
Tái ủy quyền, chuyển ủy. Là sự ủy cho người thứ ba quyền tài phán của mình, mà mình đã nhận như người được ủy quyền từ một cấp cao hơn trong Giáo hội Công giáo. Như thế một giám mục được Tòa thánh ủy quyền có thể tái ủy quyền cho một giám mục khác, linh mục khác, hay cho một giáo dân khác cũng được. Sự tái ủy quyền có thể ban cho một việc mà thôi hoặc cho nhiều vấn đề, trừ phi luật Giáo hội hoặc bản tính công việc đòi hỏi thể khác.
Subdiaconate
Chức Phụ phó tế, Chức thầy Năm. Trước đây là một trong các chức lớn, mặc dầu chức Phụ phó tế không được xem là một Bí tích. Một phụ phó tế trợ giúp cho một phó tế, và có một số trách nhiệm phụ tá khác. Chức Phụ phó tế là sự việc mở đầu cho chức Phó tế và chức Linh mục. Các phụ phó tế khấn giữ đức khiết tịnh trước khi được truyền chức. Chức Phụ phó tế được Đức Giáo hòang Phaolô VI bãi bỏ cho Giáo hội Latinh từ năm 1973
Subject
Chủ đề, đề tài, chủ thể, chủ ngữ, thuộc cấp. Trong triết học kinh viện, chủ đề là một tuyên bố hay một tuyên ngôn được công bố. Trong triết học, chủ thể là bản thể trong tương quan với các thuộc tính, chẳng hạn chủ thể hiện hữu. Trong khoa nhận thức luận, chủ thể là hữu thể nhận thức để phân biệt với điều đã được nhận thức. Trong tâm lý học, chủ thể là sức mạnh được một tập quán kiểm sóat, chẳng hạn cảm xúc sợ hãi là chủ thể của nhân đức can đảm. Trong đạo đức học, chủ thể là người có quyền hoặc người thuộc cấp dưới quyền của một cấp trên hay người lãnh đạo.
Subjective End
Mục đích chủ quan. Là sự thỏa mãn cá nhân mà một người có được, xét như là động cơ để làm (hoặc bỏ qua) một việc gì đó. Trong luân lý Kitô giáo, sự thỏa mãn cá nhân không bị loại trừ khỏi cách ứng xử của người ấy, nhưng nó không là động cơ thứ nhất hay động cơ chủ lực cho việc thực hành nhân đức. Lý do chính có thể là làm vui lòng Chúa, ngay cả khi điều người ấy muốn có thể không làm vui lòng cách chủ quan người làm điều ấy.
Subjective Morality
Luân lý chủ quan. Là sự ứng xử có trách nhiệm của một người, khi người ấy thực thi cách có ý thức thật sự một hành động, hoặc phù hợp hoặc không phù hợp với tiêu chuẩn luân lý.
Subjectivism
Chủ nghĩa cá thể, thái độ chủ quan. Là quan điểm về bản tính con người và hoạt động con người, chối bỏ trật tự thực tại khách quan. Chủ nghĩa này mặc một trong ba hình thức chính. Trong triết học, chủ nghĩa cho rằng một con người không thể có sự hiểu biết trực tiếp hoặc sự xác thực về thế giới ngòai tâm trí mình. Trong thần học, chủ nghĩa cá thể cho rằng đức tin là chủ yếu kinh nghiệm riêng của mỗi người, và không là sự đồng ý tự do của tâm trí với mặc khải của Chúa. Trong luân lý, chủ nghĩa này không chấp nhận nguyên tắc hoặc qui chuẩn ứng xử nào, ngoại trừ các qui chuẩn phát sinh từ ý chí độc lập của mỗi người, vốn được cho là ngang bằng với lương tâm.
Sublime
Siêu phàm, cao cả, tuyệt vời. Là sự gì đẹp trong mức độ cao nhất. Sự tuyệt vời có thể là lớn nhất trong một hạng hoặc phạm trù nào đó, như giữa các loài hoa hoặc phong cảnh; cũng có thể là lớn nhất trong trật tự vật lý, hoặc trong trật tự luân lý. Nơi các thụ tạo cái đẹp cao cả nhất chính là tinh thần. Và sự siêu phàm trên mọi thụ tạo chính là Đấng sáng tạo. Sự Siêu phàm của Chúa được mặc khải dạy cho biết, trong khi lên án những ai thực hành thờ ngẫu tượng. Một số người quá say mê nét đẹp của thụ tạo, nên “nếu chúng say mê những vẻ đẹp đó mà coi là thần minh, thì cũng phải biết rằng Chúa Tể của những vật đó còn đẹp hơn biết mấy, vì chính Đấng sáng tạo mọi loài là tác giả của muôn vẻ đẹp" (Kn 13:3). (Từ nguyên Latinh sublimare, lọc, thanh luyện; từ chữ sublimis, cao, đề cao.)
Subordination
Cấp dưới, sự lệ thuộc. Là cấp thấp hơn đối với cấp cao hơn, hoặc cấp dưới đối với cấp trên trong bất cứ mối quan hệ nào, nhưng chủ yếu trong sự tùy thuộc. Sự lệ thuộc bao hàm rằng phải có phẩm trật các hữu thể trong vũ trụ, và một trật tự tùy thuộc giữa nhiều người với nhau để chu toàn một mục đích đã có.
Subprior
Phó trưởng tu viện. Là vị phó được chỉ định cho vị bề trên của một tu viện. Vị này là bề trên thứ hai trong một tu viện, và là thứ ba trong một đan viện. Trong các tu viện nữ tu, cũng có chức phó trưởng tu viện.
Subreption
Giấu diếm, che giấu sự thật. Trong giáo luật, là việc giấu một sự thật trọn vẹn trong một yêu cầu vì lợi ích nào đó. Nếu yêu cầu được đồng ý, nó có giá trị miễn là các điều cơ bản được luật đòi hỏi phải được chu toàn. (Từ nguyên Latinh subreptio, ăn trộm; từ chữ subrepere, ăn trộm: sub-, dưới + repere, trườn, lén.)
Subsidiarity
Nguyên tắc phân quyền, nguyên tắc phân nhiệm. Là nguyên tắc qua đó những người nắm quyền công nhận quyền của các thành viên trong một hội; và những người cấp trên tôn trọng quyền của cấp dưới của mình.
Subsidies, Episcopal
Tiền trợ cấp giám mục. Là thuế từ giáo phận của một giám mục mà ngài có quyền. Luật thực chứng cho giám mục có quyền đặt ra một số thuế để trang trải chi phí trong chức vụ của ngài. Nổi tiếng nhất là thuế chính tòa, là thuế bình thường dồn về đức giám mục, do thẩm quyền của ngài trên mọi nhà thờ giáo phận. Thuế chủng viện được thu theo từng thời điểm qui định theo sự suy xét của giám mục, cũng là tiền trợ cấp cho giám mục. Các chi phí phát sinh trong cuộc kinh lược của giám mục được giáo xứ chi trả. Tuy nhiên, các đóng góp vào quỹ bác ái của giám mục không được xem là một thuế trực tiếp, mà là món quà tự nguyện.
Sub Sigillo
Sub Sigillo, tuyệt mật, ấn tích. Từ ngữ được dùng để xác định một vấn đề tuyệt mật không thể nói cho người khác biết được, do linh mục giải tội bị ràng buộc bởi ấn tòa giải tội.
Subsistence
Tồn tại, lập hưu. Là sự hiện hữu riêng cho một bản thể, hoặc một thực tại toàn vẹn, và không thể thông chuyển. Tồn tại là sự vẹn toàn nhờ đó một bản tính được trọn vẹn và trở nên không thể thông chuyển, nghĩa là trở nên chính nó và khác biệt với mọi hữu thể khác. Do đó là vật tồn tại khi nó có hiện hữu và tự mình hoạt động, chứ không nhờ liên kết với vật khác. Áp dụng vào Chúa là Đấng hiện hữu bằng yếu tính hoặc bằng đồng hóa với yếu tính của Ngài; là hữu thể tự mình hiện hữu và hoạt động, chứ không nhờ hữu thể khác. Từ ngữ này cũng được Công đồng chung Vatican II áp dụng cho Giáo hội Công giáo Roma, vì trong đó toàn bộ Giáo hội được Chúa Kitô thiết lập tồn tại. (Từ nguyên Latinh subsistentia, hữu thể tự sinh sống; subsistere, ở lại; đứng dưới.)
Substance
Bản chất, bản thể. Là một hữu thể mà yếu tính đòi hỏi rằng nó phải tự hữu trong chính nó. Nó là một ens per se (hữu thể tự thể) hoặc một ens in se (hữu thể tự tại). Bản thể thường được phân biệt với tùy thể, vì yếu tính của tùy thể hiện hữu trong cái khác, đó là trong một bản thể. (Từ nguyên Latinh substantia, nguyên lý, nền móng.)
Substantial
Thuộc bản thể, quan trọng, chủ yếu. Là thuộc về bản thể hơn là tùy thể, hoặc giản lược vào phạm trù bản thể. Như vậy việc truyền phép Bánh và Rượu tạo ra một sự thay đổi bản thể, gọi là biến đổi bản thể.
Substantial Error
Sai lầm quan trọng. Trong vấn đề hợp đồng, là sự vô tri hoặc sự phán đoán sai lầm về một bản tính quan trọng, từ ngữ quan trọng, hoặc động cơ chính của đối tượng hợp đồng.
Substantial Presence
Hiện diện bản thể. Là cách thức Hiện diện Chúa Kitô trong phép Thánh Thể, “theo cách thức của bản thể,” như được Công đồng chung Trent dạy. Điều này có nghĩa là Chúa Kitô đầy đủ hiện diện trong mỗi phần của Bánh thánh, tương tự với sự hiện diện của toàn thể bản thể của vật, như linh hồn trong mọi phần của thân xác.
Subtility
Tính tinh diệu. Là phẩm tính của một thân xác vinh hiển, mà thánh Phaolô gọi là “thiêng liêng hóa.” Tuy nhiên, từ ngữ này không được quan niệm như là một sự biến đổi của thân xác thành tinh thần, hoặc sự tinh luyện thành một bản chất thiêng liêng. Nguyên mẫu là thân xác phục sinh của Chúa Kitô, vốn chỗi dậy từ ngôi mộ kín và cửa đóng không vào được. Nền tảng của tính tinh diệu nằm trong sự thống trị hoàn toàn của linh hồn vinh hiển trên thân xác.
Succentor
Succentor, phó lĩnh xướng. Là người trợ lý của người lĩnh xướng, người chỉ huy ca đoàn khi hát.
Suffering
Khổ đau. Là kinh nghiệm không thú vị của linh hồn, phát sinh với sự hiện diện của sự dữ hoặc thiếu sự lành nào đó. Mặc dầu thường đồng nghĩa với nỗi đau (pain), khổ đau là một phản ứng với nỗi đau, và trong nghĩa này đau khổ là một yếu tố quyết định trong linh đạo Kitô giáo. Nói một cách tuyệt đối, khổ đau là khả hữu bởi vì chúng ta là thụ tạo, nhưng trong trật tự hiện nay của việc Chúa Quan phòng, khổ đau là kết quả của tội đã đi vào thế giới. Tuy nhiên, mục đích của khổ đau không là đền sự làm sai, nhưng giúp người tín hữu dâng lên Chúa một sự hy sinh để ca ngợi quyền của Chúa trên mọi thụ tạo, để kết hiệp với Chúa Kitô trong các khổ đau của Chúa, như là sự diễn tả lòng yêu mến, và trong tiến trình trở nên giống Chúa Kitô hơn, là Đấng luôn có niềm vui nhưng đã chọn Thánh giá, và vì thế “Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Giáo Hội" (Cl 1:24). (Từ nguyên Latinh sufferre, chịu đựng: sub-, từ dưới lên + ferre, mang.)
Sufficient Grace
Ơn túc dụng, túc sủng. Là ơn hiện sủng được xem xét tách khỏi hiệu quả siêu nhiên, mà vì đó ơn được ban. Vì vậy nó có nghĩa là ân sủng không gặp được sự cộng tác thích ứng về phía con người, và lúc ấy nó chỉ còn là ơn túc dụng. Ơn này là đủ để giúp một người thực thi một hành động sinh ích cứu độ, nhưng người ấy từ chối cộng tác. Hoặc nó là một ân sủng trao cho một người quyền hoàn thành một hành động sinh ích cứu độ, để phân biệt với ơn hữu hiệu, vốn bảo đảm rằng một hành động sinh ích cứu độ được hoàn thành.
Sufficient Reason
Lý do đủ. Là sự giải thích khách quan thích hợp và cần thiết về lý do một vật hiện hữu, hoặc lý do một điều là đúng thật.
Sufficient Sorrow
Sự ăn năn tội vừa đủ. Là sự ăn năn vừa đủ cho các tội đã phạm, để được sự xá giải hiệu lực trong bí tích giải tội. Là sự ăn năn tội vừa đủ nếu một người sám hối vì sợ Chúa trừng phạt mình, vì phạm tội trọng là sợ mất thiên đàng và đáng xuống hỏa ngục.
Suffr
Suffr, Suffragia--Kinh hoặc lễ cầu cho người qua đời; lời cầu với các thánh.
Suffragan
Giám mục thuộc giáo tỉnh (hạt). Là mối tương quan được diễn tả giữa một giám mục và tổng giám mục của ngài. Là Giám mục thuộc hạt, một giám mục cần tỏ lòng tôn kính ưu tiên, ngay cả tại giáo phận của mình, cho tổng giám mục này. Nhưng trong việc quản lý giáo phận mình, một giám mục là độc lập với thẩm quyền của tổng giám mục. Cùng với các giám mục khác thuộc hạt, một giám mục có quyền bình đẳng trong bầu phiếu tại các hội đồng giáo tỉnh, được tổ chức dưới sự chủ tọa của đức tổng giám mục.
Suffrages
Kinh hoặc lễ cầu cho người qua đời. Là kinh nguyện qui định hay được hứa cho các ý chỉ đặc biệt. Đặc biệt hơn, các việc này là Thánh lễ, đọc kinh, hoặc hành vi đạo đức được dâng cho linh hồn người qua đời được nghỉ yên trong Chúa.
Suicide
Tự tử, tự sát. Là sự cố ý tự giết mình theo quyền riêng của mình. Đây là một tội trọng vì chống lại luật tự nhiên và luật mặc khải. Tự tử vi phạm giới răn “Chớ giết người.” Tội này gây thiệt hại nghiêm trọng cho công ích xã hội và vi phạm đức ái đối với chính bản thân. Chúa là người chủ tối cao và độc quyền của mọi sự, do đó việc sử dụng quyền sở hữu trên sự sống là thuộc về Chúa mà thôi. Chỉ có Ngài mới có quyền lấy đi sự sống con người khi nào Ngài muốn. Người nào trực tiếp cất đi mạng sống của mình là vi phạm quyền của Chúa. (Từ nguyên Latinh sui, bản thân + cidium, giết chết.)
Sui Generis
Sui Generis, đặc thù, độc nhất. Là một người nào, một sự kiện nào, một chuyện gì là khác thường hay khác lạ. Nhưng chủ yếu nói về Chúa là Đấng độc nhất tuyệt đối.
Sui Juris
Sui Juris, tự lập, trưởng thành. Là thuộc về chính mình. Do đó, là bất cứ người nào hoặc hữu thể nào có cùng đích riêng và quyền riêng. Hữu thể này có sự hiện hữu độc lập thật sự và hợp pháp (theo pháp lý), không được sở hữu bởi bất cứ hữu thể nào khác, ngọai trừ Chúa.
Sulpicians
Tu hội Xuân Bích. Là một tu hội của các linh mục giáo phận, được Abbé (linh mục) Olier thành lập năm 1642, chủ yếu để đào tạo các linh mục. Danh từ này phát sinh từ trụ sở của tu hội tọa lạc tại St. Sulpice (Xuân Bích), Paris, Pháp. Tên gọi chính thức là Tu hội Linh mục Xuân Bích (Compagnie des Prêtres de Saint-Sulpice.) Được phê chuẩn lần đầu năm 1664, Tu hội được Tòa thánh chuẩn y chính thức năm 1931. Linh đạo đặc trưng của Tu hội là cổ vũ sự từ bỏ nội tâm cá nhân để “sáp nhập” hoàn tòan vào tâm tư nội tâm của Chúa Kitô
Summa Contra Gentiles
Tác phẩm Summa Contra Gentiles (Tổng luận trả lời lương dân.) Là tác phẩm minh giáo quan trọng của thánh Tôma Aquinas, viết từ năm 1258 đến năm 1261. Mục đích tác phẩm là nhằm thuyết phục lương dân hãy tin tính cách hợp lý của đức tin Kitô giáo. Trước hết, thánh nhân đưa ra các chân lý mà một mình lý trí có thể khám phá được, rồi đến các chân lý cao hơn, bắt đầu với luân lý, và cuối cùng là các mầu nhiệm lớn, vốn không thể chứng minh bởi lý trí, nhưng rất phù hợp với lý trí và có thể hiểu được rõ.
Summae
Summae, Tổng luận. Là tên gọi các chuyên khảo tòan diện trong thần học và triết học, được viết trong thời đầu và thời cuối Trung cổ. Tác giả các tổng luận này được gọi là summist (tổng luận gia, tiếng Latin summa, bản tóm tắt). Trong số các tổng luận nổi tiếng, có Sic et Non, của Phêrô Abelard (1079-1142); Libri Quattuor Sententiarum, của Phêrô Lombard (1100-60); Summa Sententiarum, của Hugo of St. Victor (1096-1141); Summa Aurea, của William of Auxerre (d. 1231); Summa Universae Theologiae, của Alexander of Hales (1170-1245) và các môn sinh dòng Phanxicô; Summa de Creaturis, của thánh Albert Cả (1200-80); Summa contra Gentiles và Summa Theologica, của thánh Tôma Aquinas (1225-74).
Summa Theologica
Summa Theologica, Bộ Tổng luận Thần học. Là một tổng hợp giáo lý quan trọng trong thần học Công giáo, do thánh Tôma Aquinas (1225-74) viết. Phương pháp được sử dụng là áp dụng triết học Aristote trong việc giải thích có hệ thống và hợp lý các tín điều và luân lý, mà không thay đổi chủ yếu giáo huấn truyền thống của Giáo hội. Chủ đề trung tâm của tác phẩm là Chúa được nhìn dưới ba khía cạnh: 1. Chúa là một Hữu thể, không chỉ trong chính Chúa mà còn ở ngoài bản thân Chúa, Chúa là nguồn gốc của mọi sự; 2. Chúa được nhìn như chính Chúa, nghĩa là như cứu cánh của mọi loài thụ tạo, nhất là thiên thần và loài người; 3. sau cùng Chúa được nhìn như là Đường đưa con người đến với Chúa, không phải là một nhân loại trừu tượng, mà là nhân lọai sa ngã cần có Chúa nhập thể đề cứu độ họ.
Summum Bonum
Summum Bonum, Đấng Chí Thiện. Từ ngữ áp dụng cho Chúa như là đối tượng của các khát vọng cao cả nhất của con người, và sự thực hiện mọi mong ước. Do đó Chúa là đối tượng của hạnh phúc viên mãn.
Sum. Theol.
Sum. Theol., Bộ Tổng luận Thần học (Summa Theologica) của thánh Tôma Aquinas.
Sunday
Chủ nhật, Chúa nhật. Là ngày thứ nhất của một tuần lễ. Từ thời Tân Ước ngày này thay thế cho ngày Sabbath (Sa-bát) của người Do thái (Cv 20:7; I Cr 16:2). Thánh Gioan gọi đó là Ngày của Chúa, và sau đó ngày này được Giáo hội Tây phương dịch ra là Dominica (Chúa nhật.) Lý do trực tiếp để thay ngày Sabbath bằng ngày Chủ nhật là nhằm tưởng niệm việc Chúa Kitô sống lại từ kẻ chết. Chủ nhật cũng trở thành ngày ghi nhớ việc Chúa Thánh Thần hiện xuống trong lễ Ngũ tuần. Ngoài ra, mục đích nguyên thủy của ngày Sabbath vẫn là một ngày nghỉ ngơi theo phụng vụ để nhớ đến Chúa là chủ muôn lòai. “Nhưng Đức Chúa đã nghỉ ngày thứ bảy. Bởi vậy, Đức Chúa đã chúc phúc cho ngày sa-bát và coi đó là ngày thánh" (Xh 20:8-11).
Sunday (Biblical)
Chủ nhật theo Kinh thánh. Là ngày thứ nhất của một tuần lễ. Người Do thái trở lại đạo Công giáo tiếp tục giữ ngày thứ bảy như là ngày Sabbath (Sa-bát), là ngày đầu tiên trong việc tưởng niệm Sự Phục sinh của Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Nhưng khi ảnh hưởng Do Thái giáo giảm xuống cùng với sự phát triển của Giáo hội, Chủ nhật trở thành ngày thánh. Ảnh hưởng của thánh Phaolô là khá mạnh trong việc thay đổi này (I Cr 16:1-2). Danh từ “Ngày của Chúa” xuất hiện lần đầu tiên trong sách Khải huyền (Kh 1:10).
Sunday Observance
Giữ ngày Chủ nhật. Là luật Công giáo, tương đương với luật giữ ngày Sabbath (Sa-bát) của Do thái giáo. Nói chung, Giữ ngày Chủ nhật có nghĩa là tham dự Thánh lễ và kiêng việc xác.
Sunday Rest
Nghỉ ngơi ngày Chủ nhật. Là kiêng làm việc xác như việc nặng, việc tư pháp và buôn bán trong ngày chủ nhật. Mục đích tôn giáo của việc nghỉ ngơi ngày Chủ nhật là nhằm tưởng niệm việc Chúa Kitô sống lại vào ngày chủ nhật Phục Sinh, và việc Chúa Thánh Thần Hiện Xuống vào ngày chủ nhật Hiện Xuống, cho phép các tín hữu lấy ngày đầu của một tuần lễ làm một ngày vui mừng và miễn làm việc xác, và giúp họ cử hành Thánh lễ một cách xứng hợp. “Các cuộc lễ khác, nếu không thật sự là lễ rất quan trọng thì không được lấn át ngày Chủ Nhật, bởi vì ngày Chủ Nhật là nền tảng và trung tâm của cả năm phụng vụ" (Công đồng chung Vatican II, Hiến chế về phụng vụ thánh, V, 106). Các ngày lễ buộc cũng là các ngày nghỉ ngơi và kiêng việc xác.
Superchurch
Siêu Giáo hội. Là từ ngữ áp dụng cho một mục tiêu dự phóng trong đạo Tin lành, nhằm hợp nhất các phái tôn giáo chia rẽ. Tiền đề nền tảng của nó là điều gì chia rẽ quá nhiều giáo phái Tin lành là ít quan trọng hơn các lợi ích phát sinh từ sự hiệp nhất ở diện rộng.
Superior
Bề trên, cấp trên. Là người có quyền trên các người khác trong Giáo hội Công giáo. Có hai hạng bề trên, thích ứng với hai lọai phẩm trật có quyền bính, đó là Giáo hội và Dòng tu. Cả hai có thể kết hợp trong chỉ một người, nhưng thật sự là khác hẳn nhau. (Từ nguyên Latinh superus, đứng trên, trên; từ chữ super, trên, ở trên.)
Superior, Ecclesiastical
Bề trên Giáo hội. Là một thành phần của phẩm trật Giáo hội Công giáo, có quyền tài phán thông thường hay được ủy thác trong Giáo hội. Bề trên Giáo hội cao cấp nhất là Đức Giáo hòang, Ngài có thẩm quyền trên toàn thể Giáo hội, rồi đến đến các Hồng y, Tổng giám mục, và Giám mục, có thẩm quyền trên các tín hữu trong lãnh thổ của các vị coi sóc; và cuối cùng những người có chức thánh được giao phó nhiệm vụ coi sóc các linh hồn, phù hợp với chức vụ trong Giáo hội mà họ nắm giữ.
Superior, Religious
Bề trên Dòng. Là người quản trị một cộng đòan tu sĩ. Quyền của các vị được qui định trong hiến pháp của Hội Dòng, và trong luật chung của Giáo hội. Mọi Bề trên Dòng có quyền cai trị với bề dưới, nghĩa là các vị có quyền chi phối hành vi của những người trong cộng đoàn. Trong Dòng giáo sĩ miễn trừ, Bề trên Dòng cũng có quyền tài phán của Giáo hội.
Supernatural Contemplation
Chiêm ngắm siêu nhiên. Là việc nâng tâm trí lên cùng Chúa và sự thiên linh, được kết hợp trong một trực giác yêu mến về điều được nhìn ngắm. Đó là tâm trí nghỉ ngơi bên Chúa và nếm hưởng niềm vui hạnh phúc của Chúa. Mặc dầu vẫn còn ở trong thực tại của đức tin, chứ không trong phúc kiến thiên đàng, nó là một trực giác về Chúa là Chân lý được kết thúc trong tình yêu mến, lọai trừ các lý luận dong dài và vô số từ ngữ như trong cầu nguyện cảm tính. Thánh Teresa nói về chiêm ngắm này như là Chúa đang hành động trong tâm trí con người một cách đặc biệt.
Supernatural Courage
Đức can đảm siêu nhiên. Là nhân đức dũng cảm được Chúa phú vào linh hồn cùng với ơn thánh hóa. Là một nhân đức siêu nhiên, nhân đức này cần có, để thi hành điều Chúa truyền dạy (lệnh truyền) hoặc khuyên nhủ (lời khuyên) tín hữu phải làm.
Supernatural End
Mục đích siêu nhiên. Là mục đích hoặc sự thiện cần phải tìm và nó vượt quá nhu cầu, sức mạnh, và xu hướng của bản tính con người. Mục đích này chỉ có thể thực hiện bởi ơn Chúa, trong việc nâng bản tính con người lên trên mức hiện hữu của mình, và trong việc giúp cho hoạt động của con người vượt trên mức hoạt động bình thường của mình.
Supernatural Merit
Công đức siêu nhiên. Là một hành vi tốt về luân lý được thực thi bởi một người trong tình trạng ân sủng, và đáng được Chúa thưởng công.
Supernatural Order
Trật tự siêu nhiên. Là toàn bộ định mệnh trên trời và mọi phương thế Chúa thiết lập để đạt tới định mệnh đó, vốn vượt quá mọi sức mạnh và khả năng thuần túy của bản tính con người.
Supernatural Revelation
Mặc khải siêu nhiên. Là việc Chúa thông truyền chân lý, trong đó cách thức thông truyền hoặc nội dung thông truyền là vượt quá khả năng của bản tính con người đế đạt tới. Như thế mặc khải có thể là siêu nhiên trong nguồn khách quan, vốn là cao hơn so với vũ trụ để kể một cách tự nhiên về Đấng Tạo Thành, và cũng là siêu nhiên trong các khả năng chủ quan, qua đó một người có được điều Chúa muốn mặc khải. Mặc khải cũng là siêu nhiên trong yếu tính của nó, chẳng hạn khi Chúa mặc khải các mầu nhiệm như mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi và mầu nhiệm Nhập thể. Mặc khải này cũng có thể là siêu nhiên, hoặc nói đúng hơn là luôn luôn siêu nhiên, trong cách thức Chúa chọn để tự thông truyền mình với nhân lọai. Mặc khải này tham dự vào sự soi sáng lạ lùng cho người thấu thị, khi người này làm người đại diện Chúa, để chia sẻ với các người khác điều Chúa đã thông truyền cách siêu nhiên cho người ấy. Tuy nhiên, trong bất cứ trường hợp nào, sự chấp nhận mặc khải đòi hỏi sự qui tụ các ơn siêu nhiên, để giúp cho một người tin vào Chúa.