Ngày 21-12-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Xin Vâng
Lm. Thái Nguyên
00:53 21/12/2023



XIN VÂNG
Chúa Nhật 4 Mùa Vọng B: Lc 1, 26-38

Suy niệm

Trong những ngày cuối cùng của Mùa Vọng, Hội Thánh cho chúng ta nghe lại đoạn Tin Mừng quen thuộc: “Sứ Thần Gabriel đến truyền tin cho Đức Maria”. Thiên Chúa đã chuẩn bị rất kỹ cho cô Maria, như một thụ tạo tuyệt vời, độc nhất vô nhị, chỉ vì Ngài muốn cô xứng đáng trở nên người mẹ cưu mang chính Con Một của Ngài. Tuy nhiên, Thiên Chúa không ép buộc, Ngài không đặt Maria trước một sự việc đã rồi. Ngài muốn hỏi ý và chờ cô đáp trả một cách tự do.

Khung cảnh truyền tin không phải nơi lộng lẫy uy nghiêm như trong đền đài vua chúa, mà lại diễn ra nơi một thôn quê nghèo nàn là Nagiarét: nơi chưa từng được nhắc đến cả trong Cựu Ước lẫn trong các tác phẩm của sử gia Joshephus hoặc các tác phẩm chú giải của các kinh sư. Một ngôi làng nhỏ bé và vô danh đến nỗi khi Nathanaen được Philipphê giới thiệu đến gặp Đức Giêsu ở đó, thì ông liền bảo: "Từ Nadarét, làm sao có cái gì hay được?" (Ga 1,45-46). Thế nhưng Thiên Chúa lại chọn nơi chốn âm thầm đó để làm khởi điểm lịch sử cứu độ.

Cũng trong sự âm thầm và lặng lẽ ấy mà sứ thần đến gặp cô Maria và cung kính thưa với người nữ ấy rằng: “Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng bà!” (Lc 1,28).“Ðấng đầy ân sủng” cho thấy cô Maria giống như một bình chứa đựng sự sủng ái của Thiên Chúa, và cũng chính là danh hiệu đẹp nhất mà Thiên Chúa tặng ban cho cô Maria, để cho thấy cô là người được Thiên Chúa tuyển chọn, được tràn ngập ân ban cao quý nhất, là sinh ra Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa.

Thôn nữ Maria sợ sự tôn vinh bất thường ấy, và tự nhủ lời chào ấy có ý nghĩa gì? Đúng là sự tỉnh thức thận trọng của một thục nữ trinh trong, sáng ngời, đầy khiêm nhu và thùy mị. Sứ thần đã nhận ra sự bối rối đó và giải thích thật cặn kẽ, là “vì bà đẹp lòng Thiên Chúa…bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai,… được gọi là Con Ðấng Tối Cao… Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Ðavít, tổ tiên Người…”
Nhưng đối với Maria, “chữ trinh đáng giá ngàn vàng” hơn cả ngai vàng vua Đavít, vì Maria muốn tận hiến đời mình cho Thiên Chúa, nên từ tốn đáp: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”. Trong khi Maria bối rối thì thiên sứ cho cô biết chương trình lớn lao của Thiên Chúa. Cô vẫn đồng trinh nhưng nhận được ân sủng và thụ thai siêu nhiên bởi Chúa Thánh Thần, nên Hài nhi sinh ra sẽ là thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa. Thật là một mạc khải to tát cho nhân loại: Thiên Chúa sẽ đi vào đời, ở giữa mọi người, sống như mọi người với tất cả thần tính và nhân tính của Ngài.

Những gì được báo tin vượt quá trí tưởng tượng và khả năng hiểu biết của trinh nữ Maria, và thiên sứ minh chứng ngay điều lạ lùng đã xảy ra cho Elisabét, người chị họ son sẻ đã già nua mà đã có thai sáu tháng, “vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”. Nhận ra thánh ý Thiên Chúa, Maria sấp mình thưa:“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Sau tiếng Xin Vâng, Ngôi Lời đã thành thai nhi và lớn lên trong cung lòng trinh nữ Maria. Quả là một mầu nhiệm vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại mà Thiên Chúa đã thực hiện vì yêu thương con người.

Đức Maria nói tiếng “Xin Vâng” không phải vì thấy rõ con đường Chúa muốn, không phải vì hiểu hết được việc Chúa làm. Có những biến cố sau này mà Mẹ chẳng hiểu chi, nhưng Mẹ “ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2, 19). Mẹ Xin Vâng vì tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Là thiếu nữ Sion, lẽ nào Mẹ lại không biết đến câu ca ngợi lòng từ bi Chúa: “Chúa ấp ủ, Chúa lo dưỡng dục, luôn giữ gìn, chẳng khác nào con ngươi mắt Chúa. Tựa chim bằng trên tổ lượn quanh, giục bầy con bay nhảy, xoè cánh ra đỡ lấy rồi cõng con trên mình.” (Đnl 32, 10). Trong cảm nhận đầy tràn ân sủng Chúa, Mẹ nhận mình là “nữ tỳ” của Chúa và “xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Rồi với tâm tình đó, Đức Maria đã xướng lên lời kinh ca ngợi thật tuyệt vời (x. Lc 1, 46-55).

Tiếng “Xin Vâng” của Đức Maria đã đưa Con Thiên Chúa vào lòng thế giới để ơn cứu độ được lan tỏa khắp nơi. Nhờ những tiếng xin vâng của tôi hằng ngày, mà Đức Giêsu có chỗ trong lòng người hôm nay. Muốn vậy, tôi hãy sẵn sàng với Chúa qua mọi nỗi khó khăn và thử thách trong đời, như một cách cưu mang Chúa trong lòng, để Ngài sinh ra cho môi trường tôi đang sống, để Ngài lớn lên trong mọi việc tôi làm, và đem lại ân phúc cho những người tôi phục vụ.

Cầu nguyện

Lạy Mẹ Maria!
Mẹ tuyệt vời khi thưa tiếng “Xin Vâng”,
để Con Thiên Chúa được xuống trần,
mang phận người để cứu độ muôn dân.
Mẹ xin vâng là cam kết dấn thân,
chịu rủi ro và bằng lòng đánh đổi.
nên Mẹ “xin Chúa cứ làm cho tôi”,
vì chỉ mong thực hiện ý Chúa thôi.
Tiếng xin vâng của Mẹ đầy mạo hiểm,
vì không thể tránh khỏi những phong ba,
nhưng nhờ tin Mẹ vượt qua tất cả,
trong niềm vui và ân phúc chan hòa.
Đời Mẹ là bài tình ca muôn thuở,
luôn vang hòa lời cảm tạ không ngơi,
cho dù bao mưa gió giữa cảnh đời,
Mẹ vẫn sống sáng ngời tình yêu mến.
Mẹ diễm phúc vì đã tin điều Chúa hứa,
Mẹ tuyệt vời vì đã theo ý Chúa làm,
xin đừng để con thể hiện ý mình,
nhưng xin vâng mọi điều theo ý Chúa.
Xin đón nhận con trong vòng tay Mẹ,
để khơi dậy và nuôi dưỡng đức tin,
để nâng đỡ và kiện cường đức cậy,
để mở rộng và khơi sâu đức ái.
Xin dìu con trên nẻo đường thánh thiện,
biết âm thầm lặng lẽ sống hy sinh,
luôn trung trinh và từ bỏ chính mình,
để dâng hiến trọn một đời cho Chúa.
Xin đặt để con trong trái tim Mẹ,
biết ôm lấy Mẹ trong trái tim con,
mong ngày mai được trọn niềm mơ ước,
là vui vầy bên Mẹ cõi thiên đường. Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:51 21/12/2023

21. Vâng lời là lịch trình giảng dạy để cứu linh hồn, là vinh quang của người chết vì sự công chính, là bậc thang của Nước Trời; là chiếc thuyền trong biển thế gian đang lái về Nước Trời.

(Thánh Bonaventura)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:55 21/12/2023
32. CÙNG UỐNG MỚI SAY

Lưu Công Vinh là một nhân vật nổi tiếng của tây Tấn rất thích ăn uống rượu chè, lúc ăn uống thì bất kể khách là ai đều vạch áo xem lưng, không phân biệt khách quý tiện đều đối xử như nhau.

Có người chế giễu ông ta về hành vi không phân biệt quý tiện này, ông ta bèn nói:

- “Người cao quý hơn tôi thì tôi không thể không mời ông ta uống rượu; người không cao quý như tôi thì tôi không thể không mời ông ta uống rượu; ngừơi giống như tôi thì lại không thể không mời ông ta uống rượu”.

Cho nên cuối cùng Lưu Công Vinh cùng mọi người uống rượu đến say mèm !

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 32:

Người sống mà không coi trọng tiểu tiết là người có tâm hồn phóng khoáng, người không cần phân biệt ai tốt ai xấu cũng đều đối xử như nhau là người có tâm hồn quân tử.

Người Ki-tô hữu chính là người khi tiếp đãi người khác thì không cần phân biệt cao thấp, giàu nghèo, quý tiện, nhưng tất cả mọi người đều được họ đối đãi như nhau, bởi vì họ luôn tâm niệm rằng: tất cả mọi người người đều là con cái của Thiên Chúa, là anh em chị em với nhau.

Người cao hơn mình cũng tiếp đãi, người như mình cũng tiếp đãi, người thua mình cũng tiếp đãi, thì đúng là chỉ có người Ki-tô hữu mới có tâm hồn như thế.

Thiên Chúa đã không phân biệt nếu người tội lỗi thì không cho mặt trời chiếu sáng, hoặc nếu là người công chính thì sống trong chan hoà ánh nắng, nhưng Ngài đã đối xử bình đẳng như nhau, bởi vì Ngài là Cha chung của mọi người. Vậy thì tại sao chúng ta cứ phân biệt người này là giáo người kia là lương để giúp đỡ chứ !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Ngày 22/12: Đức Tin giúp ta sống vui – Lm. Giuse Đỗ Tuấn Anh, CSsR
Giáo Hội Năm Châu
02:04 21/12/2023


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca,

Khi ấy, bà Ma-ri-a nói:

“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,

thần trí tôi hớn hở vui mừng

vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.

Phận nữ tỳ hèn mọn,

Người đoái thương nhìn tới;

từ nay, hết mọi đời

sẽ khen tôi diễm phúc.

Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi

biết bao điều cao cả,

danh Người thật chí thánh chí tôn!

Đời nọ tới đời kia,

Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.

Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,

dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.

Chúa hạ bệ những ai quyền thế,

Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,

người giàu có, lại đuổi về tay trắng.

Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,

như đã hứa cùng cha ông chúng ta,

vì Người nhớ lại lòng thương xót

dành cho tổ phụ Áp-ra-ham

và cho con cháu đến muôn đời.”

Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà.

Đó là lời Chúa
 
Hài nhi Giáng sinh là Vua Hòa Bình
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
03:06 21/12/2023

SUY NIỆM LỄ ĐÊM GIÁNG SINH 2023
(Lc 2, 1-14)
Hài nhi Giáng sinh là Vua Hòa Bình

Noel, Lễ Nửa Đêm Chúa sinh ra đời giữa trời đông giá rét, Lễ của Ánh Sáng, Chúa Giêsu là Sự Sáng sinh ra giữa đêm đông. Lời Chúa trong sách tiên Isaia loan báo : " Sự sáng đã bừng lên trên những người cư ngụ miền âm u sự chết... " (Is 9,1). Hỏi : Sự sáng nào đã bừng lên và miền nào là miền âm u sự chết?

Sự sáng đã bừng lên

Đọc lại hành trình của dân Chúa năm 734-732 thời Pêqakh vua Israel trước Chúa Giêsu giáng sinh, dưới sự lãnh đạo của Teglat Phalasar III, đạo quân Assyri đánh chiếm vương quốc miền Bắc, phần lớn phía Bắc đã rơi vào ách nô lệ của người Assyrie và bị bắt đi lưu đầy (x.2 V 15,29); những người còn lại phải chấp nhận cảnh nô dịch nặng nề. Năm thứ 9 đời Hôsê Samaria đã thất thủ do quân đội của Sargon (x.2 V 17,6). Đó là kết cuộc của vương quốc Israel (miền Bắc). Về phía vương quốc Giuđa nhỏ bé (miền Nam), chỉ còn giữ được một phần độc lập, nhờ chấp nhận quyền bảo hộ của quốc vương Assyri.

Đem đối chiếu với những biến cố này, Giabulon và Neptali là những chi tộc đầu tiên phải chịu sự xâm chiếm của người Assyri và phải nếm nhục nhằn của kiếp tôi đòi (x. Is 8,23); sự tang tóc và cảnh tôi mọi làm cho những miền này trở thành “miền tăm tối”, gợi lại hình ảnh “một dân đi trong tối tăm” (Is 9,1), đang bước vào miền đất lưu đày. Nay Isaia loan báo một tin vui toàn thể : “ Một hài nhi đã sinh ra cho chúng tôi... Người là “Cố vấn kỳ diệu, Thiên Chúa huy hoàn, Người Cha Muôn Thủa, Ông Vua Thái Bình" (Is 9,5). Dân tộc bước đi trong u tối, đã nhìn thấy sự sáng chứa chan. Lời sấm đã thoáng thấy sự thất bại của những kẻ đàn áp và chấm dứt những sự chinh phục của họ (Is 9,3-4). Ngôn sứ Isaia đã đặt lời hứa phục hưng đó trên viễn tượng tình yêu đặc biệt của Thiên Chúa đối với dân Người (Is 9,6b)

Vua Thái Bình

Khi dân Israel lâm cảnh tăm tối như vậy, họ mong chờ Đấng Thiên Sai đến. Họ cất lên những lời nguyện cầu tha thiết : “Trời cao hãy đổ sương xuống, và ngàn mây hãy mưa Đấng cứu đời…”. Từ đáy lòng mình, họ tin rằng khi Đấng Thiên Sai đến, thế giới sẽ hoà bình. Dân tộc được ưu tuyển sẽ ngẩng cao đầu giữa các dân. Sẽ không còn tang tóc nước mắt và đau khổ, đất sẽ tràn trề sữa và mật. Đấng Thiên Sai được chờ đợi như một vị Hoàng tử Hoà bình (x. Is 9,5).

Cách đây hơn hai ngàn năm, niềm hy vọng nuôi dưỡng bao thế hệ Do Thái đã thành hiện thực. Thiên Chúa không chỉ tiếp xúc với Dân của Ngài qua những trung gian như thời xa xưa, nhưng bằng chính Con Một mình là Đức Giêsu, Đấng muôn dân mong đợi.

Có thể người thời nay đặt câu hỏi : Sau hai mươi thế kỷ giáo huấn của Chúa Giêsu trước một thế giới lây nhiễm bởi lối sống tục hóa và vô thần thực tiễn, đâu là giá trị giáo huấn của Chúa Giêsu đối với con người hôm nay, Người đã đem lại gì cho trần gian?

Đức Cố Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã đưa ra câu trả lời: Chúa Giêsu đem cho nhân loại chính Thiên Chúa, và như vậy là đủ. Bởi lẽ Thiên Chúa là Đấng lấp đầy mọi khát vọng thâm sâu của con người. Không có Thiên Chúa, cuộc sống này trở nên vô nghĩa. Phủ nhận Thiên Chúa, thế gian sẽ chỉ còn lại là bãi chiến trường và là nơi đầy bạo lực chết chóc, như kinh nghiệm thực tế đã chứng minh. Nơi Chúa Giêsu, Đấng vô hình đã trở nên hữu hình, Đấng cao vời đã trở nên gần gũi. Chúa Giêsu đã khẳng định "Ai thấy Thày là thấy Cha" (Ga 14,9). Người là Đấng Emmanuel, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng ta.

Những người thời nay còn đặt câu hỏi: Nếu Chúa Giêsu là Hoàng Tử Bình An, tại sao thế giới vẫn tồn tại những cuộc chiến nghiệt ngã ở nhiều lĩnh vực và mức độ khác nhau, thậm chí, ngày tại quê hương của Thái Tử Hoà Bình, chiến tranh vẫn không hề vắng bóng?

Xin thưa : Hoà bình chỉ được thiết lập khi có thiện chí của con người. Trong giáo huấn của mình, Chúa Giêsu đưa ra những nguyên tắc để hướng tới hoà bình. Cốt lõi giáo huấn của Người là yêu thương, dựa trên nguyên tắc mọi người là anh chị em trong gia đình Thiên Chúa.

Chúng ta hãy lắng nghe sứ điệp hoà bình các thiên thần đã hát lên tại cánh đồng Belem năm xưa: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, hoà bình dưới thế cho người thiện tâm”. Không chỉ lắng nghe, mà mỗi tín hữu được mời gọi trở nên sứ giả, đem tin mừng Giáng Sinh đến mọi nẻo đường của cuộc sống. Liệu chúng ta có khả năng khẳng định chắc chắn với những người cùng thời rằng: Chúa đã đến và đang hiện diện giữa chúng ta. Người là Hoàng Tử Bình An. Người chúc phúc cho những ai xây dựng hoà bình, "vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa" (Mt 5,9)? Lễ Giáng Sinh chỉ có ý nghĩa, nếu chúng ta cảm nhận được sự ngọt ngào của tình Chúa tình người, thể hiện qua niềm vui đón chào Đấng Cứu thế, Đấng đang ở giữa chúng ta.

Xin ban bình an cho nhân thế

Chúng ta phải khẳng định rằng: trong thời đại hiện hôm nay, con người có lẽ cần đến Ðấng Vua Hòa Bình hơn bao giờ hết, bởi vì xã hội trong đó con người sinh sống đã trở nên phức tạp hơn, và những hăm dọa xúc phạm đến sự toàn vẹn bản thân và luân lý. Ai có thể bênh vực con người, đem lại bình an cho con người, nếu không phải là Ðấng yêu thương loài người cho đến mức độ trao ban chính Con Một là Vua Hòa Bình cho con người.

Cuộc chiến do Nga khai mào mệnh danh là “đặc biệt” kéo dài gần hai năm chưa có hồi kết cho thấy. Nhân loại đang rất cần Hòa Bình. Con người khiêm nhường cúi đầu quỳ gối xuống trước “một hài nhi mới sinh, bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2,7) là Vua Hòa Bình đem bình an cho dương thế.

“Thế Giới Đang Cần Đến Hòa Bình” là một thông điệp gửi đến tất cả mọi người trên thế giới này, giữa lúc cuộc chiến giữa Nga và Ucraina ngày khốc liệt, cộng thêm cuộc chiến do Hamas châm ngòi và Israel đang trả đũa. Thế giới nói chung, Âu Châu, Trung Đông nói riêng bất an và dường như không còn dựa vào sức riêng của mình được nữa, thế giới đang cần Vua Hòa Bình hơn bao giờ hết. Chỉ có Vua Hòa Bình mới mang bình an và ơn cứu độ đến cho nhân loại.

Cùng với các Thiên Thần chúng ta vang lời ca hát và khẩn khoản nài xin : "Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho người thiên tâm" (Lc 2,14).

Xin chúc tất cả Giáng Sinh an lành!
 
Tình Chúa muôn ngàn đời
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
03:08 21/12/2023

TÌNH CHÚA MUÔN NGÀN ĐỜI
(Chúa Nhật IV Mùa Vọng B)

“Con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa đến muôn đời. Qua bao nhiêu thời tình Chúa chẳng vơi”. Bước vào tuần cuối của mùa Vọng, Hội thánh dẫn đoàn tín hữu dần đến đỉnh cao của tình yêu Thiên Chúa, mầu nhiệm vốn được giữ kín từ ngàn xưa, thì nay được biểu lộ (x.Rm 16,25-26): Ta sẽ yêu thương con người đến muôn đời và lòng thành tín của Ta được thiết lập trên cõi trời cao.

Sự thành tín là một đặc tính tất yếu của tình yêu đích thực: Trong bất cứ kiểu loại tình yêu nào dù là tình phu thê, tình mẫu tử, phụ tử, tình huynh đệ, tình quê hương, tình đồng chí, đồng bào…tất thảy đều đòi hỏi sự tín thành, thủy chung. Tình yêu có thể xuất hiện dưới nhiều sắc độ đậm nhạt khác nhau, nhưng không thể chấp nhận sự đứt gánh nửa chừng hoặc thay lòng đổi dạ kiểu đổi trắng thay đen.

Dòng lịch sử ơn cứu độ mạc khải cách rõ nét tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Thiên Chúa là Tình yêu (1Ga 4,8). Dù cho con người có phản bội nhưng Thiên Chúa mãi luôn tín trung vì Người không thể chối chính Người (x.2Tm 2,12-13). Theo mạc khải thời Cựu Ước thì có khi, có thời, Thiên Chúa dìm ta xuống đáy vực sâu hoặc để ta long đong phận khổ, nhưng Người lại kéo ta lên, ủi an, vỗ về như mẹ hiền âu yếm con thơ. Sau khi sửa trị chúng ta vì tội lỗi chúng ta, Người lại bồi hồi thổn thức, và Người lại tỏ lòng xót thương (x.Gr 31,16-20). Nhưng đến thời Tân ước thì Chúa Kitô đã minh nhiên khẳng định rằng Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban chính Con Một…Thiên Chúa sai Con của Người xuống thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ...(x.Ga 3,16…).

Lời hứa ban ơn cứu độ từ ngàn xưa đã dần thành hiện thực theo dòng thời gian. Lịch sử ơn cứu độ đã khai mở và khi đến thời viên mãn, Thiên Chúa đã thực hiện lời Người đã hứa tự ngàn xưa là sai chính Con Một vào trần gian, thực thi công trình cứu độ. Hứa ban cho Đavít một triều đại vĩnh tồn thì Thiên Chúa đã giữ lời. Một chồi non từ nhà Đavít đã mọc lên và “Người sẽ cai trị nhà Giacob đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1, 33).

Thiên Chúa không hề bỏ chúng ta. Đây là một nền tảng căn bản của niềm cậy trông. Trong phận người, đặc biệt khi đã trưởng thành thì hầu như ai cũng đã từng trải qua ít nhiều thăng trầm của của cuộc sống. Có thể nói quãng thời gian an bình, hạnh phúc thật quá ngắn so với dòng đời gian truân, vất vả. Tác giả Thánh Vịnh cảm nghiệm hiện thực này: đời người mạnh giỏi lắm là bảy, tám mươi năm mà toàn là gian lao, khốn khổ (x.Tv 90,10). Sự gian truân, vất vả của cuộc đời chắc chắn có góp phần rèn luyện nhân cách con người, đồng thời giúp con người thăng tiến và đạt đến thành công. Tuy nhiên, nó cũng có thể làm cho nhiều người chán nản, buông xuôi. Nhiều sự ở đời này vẫn thường mang tính lưỡng diện.

Dưới nhãn quan đức tin, khi ta ở trong tình trạng khó khăn, thất bại, khi ta lâm vào những nghịch cảnh, nhất là khi ta ngụp lặn trong vũng bùn tội lỗi thì chước cám dỗ ngã lòng, thất vọng luôn có đó. “Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại làm… Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? (Rm 7,19-24).

Thiên Chúa luôn tín trung với lời Người đã hứa. Người không bao giờ bỏ chúng ta. Có được xác tín này thì niềm cậy trông sẽ có đất đâm chồi nẩy lộc. Thánh Tông đồ dân ngoại khẳng định: “Chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu vào lòng chúng ta. Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta” (Rm 5,5-6).

Không một ai là không có thể được cứu thoát. Với loài người thì rất nhiều trường hợp dường như là không thể, nhưng với Thiên Chúa thì mọi sự đều là có thể (x.Lc 1,37; Mt 19,26). Thiên Chúa muốn tất cả mọi người nhận biết chân lý để được cứu rỗi (x.1Tm 2,3-4 ). Dù chỉ một con đi thất lạc, Thiên Chúa cũng bỏ chín mươi chín con chiên trên núi để đi tìm con chiên lạc đàn. Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi phú ban Con Một, thì còn gì mà Người đã không làm cho chúng ta, cho từng người chúng ta?

Mọi người đều được Thiên Chúa yêu thương nhưng không phải tất cả đều nhận được tình yêu của Người. Khi con người cố tình từ chối tình yêu của Thiên Chúa hoặc khi con người ngã lòng thất vọng, không còn tin vào tình yêu của Thiên Chúa thì Người đành chấp nhận chịu cảnh “bất lực”. Tình yêu giả thiết sự tự do đáp trả, cho dù là bé nhỏ hay chỉ là mặc nhiên. Nhà của Đavit, tức vương quyền của ông được Thiên Chúa hứa cho trường tồn là nhờ ông đã có tấm lòng muốn xây cho Thiên Chúa một “cái nhà”. Để thực thi công trình cứu độ cho loài người, Thiên Chúa cũng đã chờ đợi sự đáp trả của một cô thôn nữ làng quê Nagiarét. Chúa Kitô khi sinh thời đã khẳng định chân lý này: Mọi thứ tội đều có thể được tha, ngoại trừ tội phạm đến Chúa Thánh Thần (x.Mt 13,32).

Xin trích ghi ca từ của một bản thánh ca được gợi hứng bởi tâm tình của thánh Tông đồ dân ngoại: “Chúa vẫn trung thành mãi, dù thời gian bao năm biến thay, dù lòng ta nghi nan, hững hờ. Vì muôn ngàn đời, Chúa vẫn trọn tình thương. Một ngày nào mà ta chối Ngài, thì Ngài phải đành lòng chối ta. Cho dù ta bất tín, dù ta phản bội, thì Chúa vẫn cứ trung thành, vì Ngài không thể chối chính mình”(x.2Tm 2,12-13). Tuy nhiên không phải vì ỉ lại vào lòng tín trung của Thiên Chúa mà chúng ta trì hoãn sự hoán cải. Tình Chúa thì muôn ngàn đời, nhưng cuộc đời chúng ta thì có hạn, nhất là chúng ta không biết cái hạn ấy kết thúc vào giờ nào, lúc nào. Đừng chần chờ, đừng lần lữa, hãy đáp trả tình Chúa yêu ngay hôm nay, lúc này!

(Ban Mê Thuột)


 
Mẹ Đấng Cứu Độ
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
07:00 21/12/2023

CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG
2 Sm 7,1-5.8b-12.14a.16; Rm 16,25-27; Lc 1,26-38
MẸ ĐẤNG CỨU ĐỘ

Phụng vụ Mùa Vọng được cử thành theo một tiến trình tiệm tiến. Trong tuần I, khuôn mặt trổi vượt là Isaia, vị ngôn sứ loan báo về việc Đấng Mêsia sẽ đến từ xa; trong tuần II và tuần III, đó là Gioan Tẩy Giả, người dọn đường cho Đấng Cứu Thế; trong tuần IV, khuôn mặt trung tâm chính là Đức Maria, người mẹ sinh ra Đấng Cứu Thế.

Bài Tin Mừng hôm nay bắt đầu với những lời rất quen thuộc:
“Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét” (Lc 1,26).

Tuy nhiên, như thường lệ, chúng ta cần tập trung vào một điểm, đó là những lời mà Đức Maria nói ở cuối bài Tin Mừng:
“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38).

Với những lời này, Đức Maria đã thực hiện một hành vi đức tin. Mẹ đã tin và đã đón nhận Thiên Chúa vào trong cuộc đời mình. Mẹ đã phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa với sự xin vâng triệt để.

Bằng sự đáp trả này với thiên thần, Mẹ như nói rằng: “Này con đây, con như chiếc bảng trắng, Chúa cứ viết trên đó những gì Ngài muốn.”
Hay như ngày hôm nay, chúng ta có thể nói: “Con là tờ giấy trắng, Chúa hãy viết trên con những gì Chúa muốn.”

Người ta có thể nghĩ rằng hành trình đức tin của Đức Maria là một hành trình đức tin dễ dàng. Bởi lẽ, trở thành mẹ Đấng Mêsia đó không phải là giấc mơ của mỗi trinh nữ Do Thái chăng? Nhưng sẽ rất sai lầm khi nghĩ như thế. Đây là một hành vi đức tin khó khăn nhất trong lịch sử.

Bởi vì, ai có thể giải thích thay cho Đức Maria điều sẽ xảy ra nơi mình? Ai có thể tin rằng Đức Maria mang thai là do “quyền năng của Chúa Thánh Thần?” Điều này trước và sau chưa xảy ra. Khi nói về đức tin, triết gia Kierkegaard cho rằng:
“Tin là dám vào bước đi trên một con đường mà tất cả các bảng chỉ đường hướng dẫn: hãy quay lại đằng sau, quay lại đằng sau! Tin là như một người ở trên biển rộng mà ở dưới đó có bảy mươi tầng sâu; tin là hành vi của người dám phó thác hoàn toàn trong vòng tay của Đấng Tuyệt Đối.”

Đó chính là hành vi đức tin của Đức Maria. Mẹ đã trải qua những giây phút cô đơn mà không ai có thể chia sẻ với Mẹ ngoài một mình Thiên Chúa. Mẹ biết rõ điều được viết trong luật Môsê. Một trinh nữ trước ngày đính hôn không còn đồng trinh, sẽ bị điệu ra giữa rãnh nhà cha mình và phải chịu ném đá (x. Đnl 22,20-21). Đức Maria cũng biết đến “nguy cơ của đức tin!” Chấp nhận chương trình của Thiên Chúa có nghĩa là chấp nhận nguy cơ bị hiểu lầm, ném đá và giết chết.

Trong một hoàn cảnh éo le như thế, Đức Maria đã hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa. Mẹ tin vào quyền năng của Thiên Chúa có thể làm được mọi sự. Mẹ đã thưa “xin vâng,” với cặp mắt đóng lại. Mẹ đã tin rằng “không có gì là không thể đối với Thiên Chúa.”
Quả thực, Đức Maria không bao giờ nói lời “Fiat.” Fiat là một từ La Tinh và Mẹ không nói tiếng La Tinh cũng như tiếng Hy Lạp. Mẹ đã nói từ nào trong giây phút đó, lời nào đã phát ra từ môi miệng của Mẹ? Mẹ nói một từ mà tất cả mọi người có lẽ ai cũng biết, đó là từ “Amen.” Amen là một từ mà người Do Thái diễn tả khi bày tỏ sự ưng thuận với Thiên Chúa. Cũng như ‘Abba’ và ‘Maranatha’; ‘Amen’ là một từ nhà đạo mà các Kitô hữu đã giữ nguyên như thế trong phụng vụ khi cầu nguyện. Từ này có nhiều nghĩa như: “Lạy Chúa, nếu điều đó đẹp lòng Ngài, thì con cũng muốn.” Hoặc đây như là lời “ưng thuận” hoàn toàn mà cô dâu nói với chú rể trong lễ cưới.

Lời xin vâng của Mẹ không phải là sự đáp trả nửa vời, buồn bã, nhưng là một sự đáp trả trong phó thác, sẵn sàng, vui tươi và hạnh phúc. Bởi thế, tác giả Tin Mừng Luca cố ý diễn tả Đức Maria ở trong tình trạng của niềm vui, khát khao và kiên nhẫn chờ đợi điều sắp xảy tới. Đó là một giây phút hạnh phúc nhất trong cuộc đời của Đức Maria. Tình trạng đó đã khiến Đức Maria vui sướng và cất lên lời kinh Magnificat:
“Linh hồn tôi nhảy mừng trong Thiên Chúa.”

Mẹ bày tỏ niềm vui và hạnh phúc bằng việc nhảy lên. Đức tin làm cho Mẹ hạnh phúc. Tin vào Chúa thật là đẹp biết bao! Đó là giây phút mà một thụ tạo đạt được mục đích của mình vì con người được tạo dựng cho sự tự do, niềm vui và hạnh phúc trong Thiên Chúa.
Tuy nhiên, con người ngày hôm nay lại muốn mình không còn lệ thuộc vào Thiên Chúa nữa. Thưa “vâng” với ai đó và với cả chính Thiên Chúa là một điều làm giảm đi sự tự do và tự lập của mình. Nói “không” hình như lại trở thành một từ quan trọng của lề luật trong tất cả các lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội và gia đình. Thay vì nói “có”, người ta nói “không” với bổn phận, trách nhiệm và sứ mạng của mình trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Như thế, cuộc sống này có ý nghĩa gì? Định mệnh của chúng ta là gì nếu không phải là cái chết? Như triết gia Heidegger cho rằng: Hiện hữu đích thực là “sống để chết.”

Trong bối cảnh xã hội hôm nay, đức tin và mẫu gương của Mẹ là bí quyết giúp chúng ta cử hành một mùa Giáng Sinh có ý nghĩa và hướng dẫn cuộc đời chúng ta. Thánh Augustinô nói rằng:
“Đức Maria đã thụ thai và sinh Đức Kitô nhờ đức tin trước khi Mẹ thụ thai và sinh Người trong lòng và trong thân xác mình.”

Chúng ta không thể bắt chước Đức Maria trong việc thụ thai và sinh hạ Chúa Giêsu cách thể lý; trái lại, chúng ta có thể và phải bắt chước Mẹ trong việc mang thai và sinh hạ Chúa cách thiêng liêng, cách tinh thần nhờ đức tin. Tin là “mang thai,” là làm cho Ngôi Lời nhập thể.

Điều này được chính Chúa Giêsu quả quyết khi Người nói rằng:
“Ai lắng nghe và thực hành Lời Chúa là anh chị em và là mẹ của tôi” (x. Mc 3,33-35).

Vì thế, chúng ta hãy xem mình có thể mang thai và sinh hạ Chúa Kitô như thế nào. “Cưu mang Chúa Kitô” có nghĩa là quyết định thay đổi đời sống, thái độ, và suy nghĩ của mình theo các giá trị Tin Mừng. Sinh hạ Chúa Kitô là thực hiện những thay đổi cụ thể trong đời sống, thay đổi thói quen xấu của mình. Chẳng hạn, tôi hay nói phạm thượng, bây giờ tôi không còn nói nữa; nếu tôi có những tương quan bất hòa, giờ tôi đi làm hòa; nếu tôi không đón nhận các bí tích, giờ tôi đến nhà thờ; nếu tôi là người thiếu kiên nhẫn trong nhà, tôi cố gắng trở thành người biết cảm thông với người khác hơn…

Trong tối hôm lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu nói: “Thầy khát khao ăn lễ Vượt Qua với anh em.” Giờ đây, Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta rằng: “Thầy khát khao mừng lễ Giáng Sinh với anh em.” Trong mùa Giáng Sinh, chúng ta làm hang đá và trang trí đèn điện để mừng Chúa giáng sinh. Chúng ta không chỉ dừng lại ở những hình thức bên ngoài, nhưng còn phải trang trí cả trong tâm hồn và bên trong chúng ta nữa.

Những suy niệm trên đưa chúng ta tới một kết luận thực hành là chúng ta cũng hãy luôn học nói lời “xin vâng, amen” với Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh sống. Nếu chúng ta muốn nên giống Đức Maria, chúng ta hãy dùng chính những lời của Mẹ mà thưa lên rằng:
“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.”

Trong lần này, chúng ta sẽ mang gì đến cho Chúa Hài Đồng Giáng Sinh? Như thói quen khi Giáng Sinh về chúng ta tặng cho nhau nhiều món quà.

Có một lời cầu nguyện của phụng vụ Chính Thống giáo gợi cho chúng ta những ý tưởng thật tuyệt vời:
“Lạy Chúa Kitô, chúng con sẽ tặng cho Chúa điều gì khi Ngài làm người vì chúng con? Mỗi thụ tạo đều dâng lên Ngài dấu chứng của lòng biết ơn: các thiên thần dâng Chúa lời ca tiếng hát, các tầng trời dâng Chúa ngàn ánh sao, Ba Vua dâng Chúa lễ vật, các mục đồng đến
thờ lạy Chúa, trái đất dâng Chúa hang đá, sa mạc dâng Chúa máng cỏ. Còn chúng con, chúng con dâng cho Chúa Đức Mẹ Đồng Trinh.”

Vâng, chúng ta dâng cho Chúa Đức Maria là món quà quý nhất của toàn thể nhân loại. Amen

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê
Nghi Diên - Nghi Lộc - Nghệ An - Việt Nam

http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Hồn ngợi khen, trí hớn hở
Lm. Minh Anh
14:28 21/12/2023

HỒN NGỢI KHEN, TRÍ HỚN HỞ
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng!”.

“Có lẽ trăm năm mới có một người bị huỷ hoại bởi lời khen ngợi quá mức; nhưng chắc chắn, mỗi phút, có người chết trong lòng vì thiếu nó! Chúa thì sao? Thiên Chúa đâu cần ai khen! Nếu chưa từng trải nghiệm quyền năng và tình yêu Ngài, bạn và tôi sẽ không bao giờ nhận ra tình trạng yếu đuối của bản thân và biết mình cần gì!” - Henry Newman.

Kính thưa Anh Chị em,

“Thiên Chúa đâu cần ai khen!”. Nhưng những ai đã từng nếm trải tình yêu và quyền năng Ngài, thì ‘hồn ngợi khen, trí hớn hở’ là điều đương nhiên nơi họ! Lời Chúa hôm nay cho thấy điều đó.

Thánh ca Samuel và Magnificat có chung mẫu số là niềm vui trào dâng từ đáy lòng của hai người mẹ: một, Cựu Ước; một, Tân Ước. Thật thú vị, chuyển động kép ‘hồn ngợi khen, trí hớn hở’ tiết lộ nhiều điều! Trước hết, “Tâm hồn con hỷ hoan vì Chúa” là thánh ca ngợi khen - bà Anna hiếm muộn - dâng lên Chúa trước sự ra đời của cậu trai Samuel. Đó là một bài thơ cổ, hoàn toàn phù hợp với bối cảnh. Về ngôn ngữ và tình huống, nó có nhiều điểm tương đồng với Magnificat; tuy nhiên, về tính cá nhân, giai điệu của nó không bằng. Mẹ con Anna - Samuel được coi là nguyên mẫu của Elisabeth - Gioan; và cũng là nguyên mẫu của Maria và Chúa Giêsu, dẫu có phần khác biệt.

Thứ đến, ‘hồn ngợi khen, trí hớn hở’ tiết lộ hành động của Maria cùng lúc với hành động của Thiên Chúa. “Hồn, trí” Mẹ bao hàm tất cả những khả năng con người của Mẹ từ tâm trí, ý chí, tình cảm và ước muốn; đó là tất cả những gì làm nên con người Mẹ. Với những khả năng phàm trần đó, Maria cao rao vĩ nghiệp của Chúa. Nói cách khác, bằng tâm trí, Mẹ cảm nhận kế hoạch của Chúa đang hành động trên Mẹ; bằng ý chí, Mẹ thừa nhận và công bố sự cao cả của Ngài, và Maria làm như vậy với tất cả tâm tình, cảm xúc và ý ngay lành. Tắt một lời, toàn bộ con người Mẹ đã tiêu hao bởi Đấng dựng nên Mẹ.

Khi cao rao sự vĩ đại của Thiên Chúa, Thánh Thần - trong lễ ‘Hiện Xuống đầu tiên’ - đã ngập tràn linh hồn Mẹ và ‘đơm trái’ Giêsu, tác phẩm của chính Ngài. Đúng thế, Giêsu là hoa trái và là quà tặng Thánh Thần mà Maria - đại diện cho nhân loại - đã đón nhận trọn vẹn. Vì thế, tự thâm tâm và trí năng Mẹ, ‘hồn ngợi khen, trí hớn hở’ là một hậu kết tất yếu.

Anh Chị em,
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng!”. Có lẽ chúng ta đã quá quen với những lời này nên không còn lưu tâm đến ý nghĩa của chúng. “Ngợi khen” nghĩa đen là “làm lớn”, “phóng to”. Maria “làm lớn Thiên Chúa”; Mẹ không làm lớn những khó khăn mà lúc đó Mẹ ‘không thiếu’. Mẹ ‘phóng to’ Chúa! Chúng ta thì khác, chúng ta thường ‘làm phình’ những khó khăn, để mình ‘mắc mướu’ trong đó; và rồi, lịm ngất trong sợ hãi! Maria thì không, Mẹ đặt Thiên Chúa Chí Tôn trên toàn bộ cuộc sống mình. Để từ đó, Magnificat ra đời; niềm vui sản sinh: không phải từ việc không có những vấn đề, sớm hay muộn, nhưng từ sự hiện diện của Thiên Chúa Tối Cao, Đấng ở cùng Mẹ.

Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con chết vì thiếu lời khen khi hồn ủ dột, trí rũ rượi. Cho con nhận ra tình yêu và quyền năng Chúa những muốn thực hiện bao điều vĩ đại trên con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Giáng Sinh gây ngạc nhiên
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
15:53 21/12/2023

LỄ GIÁNG SINH (Lễ Đêm)
Is 9, 2-4. 6-7; Tt 2, 11-14; Lc 2, 1-14
GIÁNG SINH GÂY NGẠC NHIÊN

Cuộc sống luôn có những điều bất ngờ xảy ra làm chúng ta phải ngạc nhiên. Có những ngạc nhiên làm chúng ta bối rối thắc mắc. Có những ngạc nhiên làm chúng ta thất vọng. Nhưng cũng có những ngạc nhiên đưa chúng ta tới một chân trời mới để khám phá những điều kỳ diệu. Kinh nghiệm đó giúp chúng ta hiểu phần nào mầu nhiệm Con Thiên Chúa nhập thể làm người để cứu độ nhân thế.

1. Ngạc nhiên từ mầu nhiệm Nhập Thể

Biến cố Nhập Thể là một biến cố gây bất ngờ và không thể hiểu được đối với lý trí loài người. Thánh Luca kể lại:
“Khi ấy, Thiên Chúa sai sứ thần Gápbrien đến một thành miền Galiê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít. Trinh nữ ấy tên là Maria” (Lc 1,26-38).

Điều làm chúng ta bất ngờ đó là Thiên Chúa không sai thiên thần đến với một công chúa trong cung điện cao sang, cũng không đến với một cô hoa hậu hay một thiên tài nổi tiếng, nhưng đến với một trinh nữ miền quê, bình dị tại một làng quê nhỏ bé cách xa Giêrusalem khoảng 150km. Từ làng Nadarét làm sao có gì hay (x. Ga 1,45-46). Cô gái đó chính là Đức Maria, người được Thiên Chúa chọn để làm Mẹ Con Thiên Chúa.

Chính Đức Maria cũng ngạc nhiên khi nghe lời chào: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ơn phúc. Thiên Chúa ở cùng trinh nữ.” Đức Maria được thiên thần đặt cho một tên gọi mới là “Đấng đầy ơn phúc.” Tên gọi đó gắn liền với sứ mạng: Mẹ được đầy ơn phúc, để xứng đáng cho Con Chúa ngự.

Trong biến cố truyền tin, thông điệp gây ngạc nhiên lớn nhất là lời thiên thần nói:
“Thưa Bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao” (Lc 1,30-33).

Khi nghe lời đó, Đức Maria thắc mắc:
“Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” (Lc 1,34).

Đức Maria có lý khi thắc mắc như thế, làm sao có thể mang thai nếu không có việc sinh hoạt vợ chồng. Nhưng thiên thần giải thích:
“Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,35).

Như thế, việc Con Thiên Chúa nhập thể làm người là do quyền năng của Chúa Thánh Thần thực hiện. Với khả năng lý trí, chúng ta không thể hiểu. Nhưng đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể được. Người làm được mọi sự.

Trong bài thơ Ave Maria, nhà thơ Hàn Mặc Tử diễn tả giây phút truyền tin là giây phút cả vũ hoàn ngạc nhiên xôn xao chờ đợi:
“Hỡi sứ thần Thiên Chúa Gápbrien,
Khi người xuống truyền tin cho Thánh Nữ,
Người có nghe xôn xao muôn tinh tú?
Người có nghe náo động cả muôn trời?”

2. Ngạc nhiên từ mầu nhiệm Giáng Sinh

Nếu biến cố Nhập Thể là biến cố gây ngạc nhiên cho con người mọi thời, thì biến cố Con Chúa giáng sinh lại càng gây ngạc nhiên hơn. Quả thật, làm sao không thể không gây ngạc nhiên và hoang mang khi một Thiên Chúa vô hình mà Cựu Ước diễn tả nếu ai nhìn thấy Người đều phải chết (x. Xh 33,20), lại trở thành Thiên Chúa hữu hình, có thể nhìn thấy, có thể tới gần, nắm bắt và đụng chạm được như chạm đến bất cứ con người nào khác; một Thiên Chúa được tuyên xưng là Đấng bất biến, là Vua, là Chúa tể trời đất, lại trở thành hữu hạn, bị lệ thuộc, bị giới hạn bởi không gian, thời gian và hoàn cảnh sống của con người; một Thiên Chúa đầy quyền năng, đầy sức mạnh và đầy vinh quang lại trở thành một em bé Giêsu yếu ớt, khó nghèo và mặc lấy “thân phận tôi đòi” (Pl 2,7) mà con người có thể làm nhục, xúc phạm và có thể giết chết được Người.

Quả thế, Thiên Chúa làm người là điều gây ngạc nhiên đối với con người qua mọi thời! Biến cố này trở thành cớ vấp phạm cho suy tư và niềm tin tôn giáo của con người nhưng lại là điểm độc đáo của Kitô giáo. Kitô giáo không phải là một học thuyết tư tưởng, cũng không phải là một hệ thống luân lý. Xét cho cùng Kitô giáo là một biến cố, biến cố độc nhất vô nhị: Thiên Chúa đã đến trong lịch sử, Thiên Chúa làm người. Thế nên, đức tin Kitô giáo căn bản là cuộc gặp gỡ, gắn bó và bước theo một Con Người cụ thể – là Chúa Giêsu thành Nadarét.

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trong cuốn sách nổi tiếng có tựa đề “Đức Tin Kitô Giáo – Hôm Qua Và Hôm Nay” đã diễn tả rất ý nghĩa Giáng Sinh như sau:
“Thiên Chúa đã đến quá gần đến nổi chúng ta có thể giết chết được Người, và vì thế, Người dường như không còn là Thiên Chúa của chúng ta. Trước một mạc khải theo đức tin Kitô như thế chúng ta quả hết sức bối rối và hoang mang, nhất là khi đứng trước lòng đạo đức của người Á Đông. Chúng ta tự nhủ: Hay cứ tin tưởng, ngưỡng vọng và phó thác vào một Đấng Đời Đời Ẩn Giấu như người Châu Á có phải đơn giản hơn không? Thiên Chúa cứ ở cách xa chúng ta muôn trùng có phải hơn không? Hay nếu ta cứ ở trần thế mà an tâm ngước lên Đấng đời đời huyền nhiệm không thể thấu hiểu thì có phải đỡ phức tạp hơn là tin vào tính hiện thực của niềm tin Kitô, phó thác mình cho một khuôn mặt duy nhất, và như thế có thể nói là treo sự cứu rỗi của con người và thế giới vào một điểm tình cờ duy nhất? Một Thiên Chúa bị bó rọ trong một điểm nhỏ nhoi như thế có khác nào là tự chuốc lấy hủy diệt, nhất là khi con người ngày càng ý thức được tính chất tương đối của mình cũng như của lịch sử nhân loại, tất cả chỉ là hạt cát trong Toàn Thể mênh mông?”

Tóm lại, câu trả lời cho can đảm của Thiên Chúa chính là tình yêu cứu độ đối với loài người. Thánh Gioan mô tả tình yêu này như sau:
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì… được sống muôn đời” (Ga 3,16).

Tình yêu luôn hàm ẩn sự rủi ro và mất mát. Tình yêu luôn tạo sự ngạc nhiên cho người mình yêu.

3. Thái độ mừng lễ Giáng Sinh

Đêm nay chúng ta đang cử hành biến cố Con Thiên Chúa giáng sinh. Đêm giáng sinh là đêm thánh vô cùng, đêm đất trời giao duyên, đêm gây bao ngạc nhiên! Bên hang đá Bêlem, suy ngắm mầu nhiệm Chúa làm người, chúng ta được mời gọi học biết để ngạc nhiên, sững sờ, chiêm ngắm và tạ ơn trước mầu nhiệm lớn lao này để khám phá tình yêu Thiên Chúa dành cho loài người và cho mỗi chúng ta.

Trước mầu nhiệm Giáng Sinh mà lý trí loài người không tìm được lời lý giải, thì câu hát của bài thánh ca Giáng Sinh diễn tả thật ý vị:
“Thôi hỡi trần gian im tiếng đi mà cung kính,
Chúa Con sinh ra trong máng cỏ hang lừa!”

Như thế, ngạc nhiên, chiêm ngắm, sững sờ và tạ ơn trước mầu nhiệm lớn lao của Thiên Chúa là thái độ căn bản và phù hợp nhất để cử hành Mùa Giáng Sinh đang đến. Amen!

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê
Nghệ An - Việt Nam

http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Những lần sinh hạ của Con Thiên Chúa
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
15:56 21/12/2023

LỄ GIÁNG SINH (Lễ Ngày)
Is 52,7-10; Hr 1,1-6; Ga 1,1-18
NHỮNG LẦN SINH HẠ CỦA CON THIÊN CHÚA

Hôm nay, toàn thể Giáo Hội cử hành mừng sinh nhật Chúa Giêsu. Biến cố Con Thiên Chúa giáng trần là tin mừng trọng đại, là niềm vui lớn lao cho toàn thể nhân loại. Ngay cả các tầng trời và địa cầu đều mừng rỡ hân hoan. Bởi vì, Đấng Cứu Thế đã được sinh ra cho chúng ta. Xét về nguồn gốc, lai lịch cũng như sứ vụ, Đức Giêsu là một nhân vật đặc biệt có một không hai trong lịch sử. Trong thánh lễ này, chúng ta tìm hiểu về những lần sinh hạ của Con Thiên Chúa để hiểu Người là ai và Người có liên hệ gì với chúng ta không?

1. Chúa sinh hạ lần thứ nhất

Khác với mỗi con người, Chúa Giêsu có nguồn gốc thần linh rất sâu xa, Người đã tiền hữu từ đời đời, Người là Con Thiên Chúa, là Ngôi Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Đây là lần sinh ra từ đời đời của Ngôi Lời.

Chúng ta tìm thấy nền tảng Kinh Thánh cho những điều vừa nói ở trên nơi bài Tin Mừng hôm nay. Các tác giả Tin Mừng khác thích trình bày nguồn gốc nhân loại của Chúa Giêsu, còn thánh Gioan trong Lời Tựa, trình bày nguồn gốc thần linh của Chúa Giêsu với những lời rất sâu sắc:
“Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa… Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,1-3).

Dựa trên mạc khải, đức tin Kitô giáo dạy chúng ta rằng: trong mầu nhiệm Thiên Chúa, có ba Ngôi Vị: Cha, Con và Thánh Thần. Chúa Cha sinh ra Chúa Con từ đời đời, trước khi có thời gian và vũ trụ này. Người được sinh ra chứ không phải được tạo thành. Người đồng bản thể và ngang hàng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Nên Người cũng là Thiên Chúa và cũng được phụng thờ cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.

Điều này muốn nhắc nhở rằng khi nhìn vào Hài Nhi Giêsu, chúng ta tin nhận Người không chỉ là một con người, nhưng còn là Con Thiên Chúa và là chính Thiên Chúa, nhờ đó chúng ta biết tôn thờ và yêu mến Người.

2. Chúa sinh hạ lần thứ hai

Con Thiên Chúa được sinh ra lần thứ hai trong thời gian, sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria. Đây là biến cố nhập thể làm người của Ngôi Hai, một biến cố độc nhất vô nhị trong lịch sử nhân loại. Nhờ quyền năng Thánh Thần, Ngôi Lời xuống thế làm người, kết hợp với bản tính nhân loại trong cung lòng Đức Maria, trở nên người thật mà vẫn là Thiên Chúa thật (x. Lc 1,26-45). Người được Đức Maria sinh ra và được đặt tên là Giêsu. Thánh Ignatio thành Antiokia gọi Chúa Giêsu vừa là Con của Đức Maria vừa là Con Thiên Chúa.

Mục đích của việc sinh hạ lần thứ hai là để cứu độ loài người, như Kinh Tin Kính tuyên xưng:
“Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế. Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người.”

Vì thế, ngày sinh nhật của Chúa Giêsu là ngày tràn đầy niềm vui cho hoàn vũ và mọi người. Vì Đấng Cứu Độ đã được sinh ra cho chúng ta. Niềm vui đó được cử hành từ hơn hai mươi thế kỷ qua. Mỗi dịp lễ Giáng Sinh về, khắp nơi từ thành phố đến thôn quê, người ta trang trí hang đá, đèn điện, cây thông, văn nghệ, tiệc mừng, tặng quà cho nhau… để đón mừng Chúa Giáng Sinh. Tất cả để chia sẻ niềm vui cứu độ mà Con Thiên Chúa mang đến khi làm người. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng không được biến lễ Giáng Sinh thành một lễ hội với những niềm vui trần tục mà chúng ta lại quên mất ý nghĩa đích thực và nhân vật chính là Chúa Giêsu. Nghĩa là chúng ta chỉ chạy theo việc tổ chức bên ngoài, mà không có thời gian và những tâm tình xứng hợp để đến tôn thờ Chúa Hài Đồng Giêsu nơi hang đá.

3. Chúa sinh hạ lần thứ ba

Theo nghĩa thiêng liêng hoặc thần bí, Chúa Giêsu có một lần sinh ra nữa nơi các tín hữu nhờ đức tin. Thánh Ambrôsiô thắc mắc: “Vậy Chúa Kitô sinh ra ở đâu?” Ngài trả lời: “Theo một ý nghĩa sâu sắc nhất, Chúa sinh ra trong trái tim và trong tâm hồn bạn và tôi.” Như thế, Chúa Giêsu không chỉ sinh ra “cho chúng ta” nhưng còn sinh ra “trong chúng ta.”

Quả thế, người Kitô hữu tự bản chất là người cưu mang Chúa, người có Chúa ở trong lòng. Chúa Giêsu phải được tiếp tục đầu thai trong lòng chúng ta khi chúng ta “nên đồng hình đồng dạng với Người” (x. Gl 4,9; Rm 13,14; Ep 3,17), khi chúng ta mặc lấy Chúa Kitô và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Kitô. Hay nói cách khác, như Phaolô, “không phải tôi sống, nhưng Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Nghĩa là Chúa Kitô trở thành trung tâm điểm đời sống chúng ta, biến đổi chúng ta từ con người cũ trở thành con người mới, có nếp sống mới nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần. Như thế, việc thụ thai Chúa Kitô đã thực hiện!

Theo ý nghĩa này, mỗi Kitô hữu nắm giữ vai trò là “mẹ” của Chúa Kitô. Chức năng làm mẹ của người Kitô hữu hệ tại trong lời quả quyết của Chúa Giêsu:
“Mẹ ta và anh em ta là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,21).

Với tư cách này, chúng ta có bổn phận phải sinh hạ Chúa Giêsu cho cuộc đời và cho tha nhân để họ cũng nhận biết và tin nhận Chúa Kitô.
Bởi thế, các bậc thầy tu đức và tiến sĩ Hội Thánh dạy chúng ta rằng:
“Chúa Kitô có giáng sinh cả ngàn lần ở Bêlem cũng không có ý nghĩa gì nếu Người không giáng sinh một lần trong lòng chúng ta.”
Như thế, khi mừng lễ Giáng Sinh, chúng ta được nhắc nhở về nguồn gốc thần linh từ đời đời và nguồn gốc nhân loại của Chúa Giêsu, đồng thời lễ Giáng Sinh nhắc nhở chúng ta ý thức về mối tương quan mật thiết giữa Chúa Kitô với mỗi người chúng ta.

Với tất cả ý nghĩa ấy, tôi kính chúc quý anh chị em một mùa Giáng Sinh an lành, thánh đức, và một năm mới tràn đầy phúc lành của Thiên Chúa. Amen!

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê
Nghệ An - Việt Nam

http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Tặng phẩm dâng Chúa Hài Nhi
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
22:10 21/12/2023

TẶNG PHẨM DÂNG CHÚA HÀI NHI
(Lễ Giáng Sinh)

Hôm nay cùng với Mẹ Hội Thánh toàn cầu nói riêng, cùng với toàn thể nhân loại và cả vũ hoàn nói chung, chúng ta mừng Lễ Sinh Nhật của Đấng Cứu Thế. Có một bức thư của Chúa Giêsu nhân dịp Sinh Nhật của Người mà tác giả là một ai đó muốn hiệp tình với Đấng Cứu Thế với nội dung mang tính rất hiện thực. Một trong những nội dung của bức thư đó là hằng năm cứ ngày Lễ Sinh Nhật của Người lại về thì thiên hạ tổ chức lễ lạc thật “hoành tráng”. Không chỉ lễ lạc linh đình với trang trí đèn sắc muôn màu, người ta còn tiệc tùng, ăn uống và tặng quà cho nhau. Thế mà Người, Giêsu Kitô, người được mừng sinh nhật thì ít ai đoái hoài. May ra còn có các bé thiếu nhi gửi thư cho Người theo gợi ý của người lớn mà nội dung thường là xin Người ban món quà này hay ơn lành kia. Cũng có rất nhiều người trưởng thành đến bên các hang đá chiêm ngắm, nhưng rồi cũng thường để thầm xin điều này điều kia cho chính họ. Cũng có không ít người sử dụng cảnh hang đá như chỉ để chụp hình, để làm nổi rõ bản thân, làm đẹp cho mình. Hai bàn tay của Hài nhi Giêsu qua cái tượng nhỏ bé trong máng cỏ vẫn mãi mở ra mà hầu như ít thấy người đời dâng tặng quà gì.

Giáng Sinh lại về, xin một lần nữa khẳng định với nhau đây là sinh nhật của Chúa Giêsu. Thế thì Người phải là nhân vật trung tâm của cuộc Lễ, của mọi tổ chức và chính Chúa Giêsu là người mà chúng ta phải dâng tặng phẩm vật. Đã biết bao lần Giáng Sinh đi qua, thầm hỏi tôi đã tặng dâng Chúa Giêsu điều gì? Và Sinh nhật năm nay tôi có gì để kính dâng Người? Món quà mà người được mừng sinh nhật ưa thích nhất đó những gì nói lên căn tính và sứ mạng cao cả của người ấy hoặc là những gì giúp người ấy thể hiện căn tính đồng thời thực thi sứ mạng của mình. Tên là người và tên cũng là sứ mạng. Giêsu nghĩa là Thiên Chúa cứu độ. Theo thiển ý, hai tặng phẩm sau đây có lẽ sẽ được Đấng mà thiên hạ mừng sinh nhật Người hôm nay mĩm cười đón nhận.

1.Món quà thứ nhất:
Đón nhận Hài Nhi Giêsu như là nguồn sống và là hạnh phúc vĩnh tồn của chúng ta. Thiên Chúa là căn nguyên của mọi hiện hữu. Chính nhờ Người mà mọi vật mọi loài được tác thành. Không có Người thì không có sự gì hiện diện trên trần gian này (x.Ga 1,3). Nếu người rút hơi lại thì chẳng một ai có thể tồn tại. Thiên Chúa Ngôi Hai đã làm người trong thân phận một hài nhi bé bỏng, được bọc trong khăn, nằm trong máng cỏ đơn hèn. Vàng, nhủ hương hay mộc dược tuy là cao quý nhưng món quà mà Giêsu muốn chúng ta dâng cho Người hơn đó là đón nhận chính Người như là nguồn sống và là hạnh phúc vĩnh tồn của chúng ta.

Khi chúng ta mở rộng con tim, mở cõi lòng, mở rộng vòng tay đón nhận các anh chị em nghèo hèn, khổ đau, bất hạnh, đón nhận những thân phận đau thương dập nát, đón nhận những mãnh đời vất vưởng, mịt mù tương lai… là chúng ta đang đón nhận chính Hài Nhi Giêsu. Chúa Giêsu đã khẳng định điều này: “Khi các ngươi làm một nghĩa cử cao đẹp cho một trong các anh em bé mọn nhất là ngươi đã làm cho chính Ta” (x. Mt 25). Đón nhận Thiên Chúa như là nguồn sống là điều dễ tin. Nhưng xin cho chúng ta có được chút niềm tin rằng để có thể sống và sống có ý nghĩa, chúng ta không thể không đón nhận tha nhân, đặc biệt những người trong thân phận nghèo hèn, bé mọn.

2.Món quà thứ hai:
Chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu không phải với đèn điện lung linh rực rỡ như ngày nay mà là trong máng cỏ tanh hôi ngoài đồng vắng để chúng ta biết tìm lẽ sống và cách sống như Hài Nhi Giêsu. Đó là bước đi trong cuộc đời với tâm tình phó thác và với sự khó nghèo tận căn để cho tha nhân được nên sang giàu. Xét về bản năng sinh tồn thì con người dường như thua xa các loài vật, đặc biệt lúc mới ra khỏi lòng mẹ. Hài nhi bé bỏng không thể tự mình tìm đến bầu sữa mẹ, chẳng có thể tự di chuyển hay đứng đi…tất cả đều phải cậy dựa vào mẹ cha hay tha nhân. Khi đi rao giảng, Chúa Giêsu thường nhấn mạnh đến niềm tin yêu phó thác vào Cha trên trời. Chẳng một ai tự quyết định việc làm người, ngày chào đời hay hoàn cảnh chào đời của mình. Cần chân nhận rằng việc làm người của chúng ta lệ thuộc ý định của những ai đó. Mẹ cha là những người góp phần dệt cho chúng ta một tấm thân xác, những chính Thiên Chúa mới là Đấng phú ban cho chúng ta tấm linh hồn. Chúng ta có thực sự xác tín lời của Chúa Giêsu khẳng định rằng Đấng quyết định cho ta làm người vẫn hằng chăm sóc cả đến từng sợi tóc của chúng ta không? (x.Mt 8,25-34).

Làm một hài nhi sơ sinh trong cảnh cô quạnh lạnh giá, không cửa, không nhà, không giường và cũng chẳng có nôi, Hài nhi Giêsu chẳng có chút gì để dính bén hay vấn vương. Của tiền hay danh vọng có thể rất cần nhưng chúng không phải là chúng ta. Và nhiều khi chính chúng đã làm chúng ta không còn là chính mình. Hài nhi Giêsu bé bỏng được đặt nằm trong máng cỏ. Cái máng là một loại đồ vật chứa thức ăn cho loài vật. Đấng làm người đã sống khiêm hạ tận căn để trở nên lương thực trường sinh cho nhân trần. Khi đi rao giảng Tin Mừng, dẫu cho chồn có hang chim có tổ nhưng Chúa Giêsu đã tự nguyện mang kiếp “không có chỗ tựa đầu”(Lc 9,28). Người ý thức Người vào trần gian này không phải để được người ta phục vụ nhưng để phục vụ tha nhân và hiến dâng mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người (x.Mt 20,28).

Đôi tay Hài nhi Giêsu trong máng cỏ vẫn mãi mở ra đợi chờ chúng ta mỗi lần sinh nhật của Người lại về. Ước gì chúng ta có một chút quà kính dâng để bày tỏ niềm tin rằng căn tính của Người là nguồn sống mọi loài và sứ mạng của Người là trao ban sự sống đời đời cho muôn người mọi thời, mọi nơi. Chính khi biết đón nhận Chúa Giêsu, cách đặc biệt qua các anh chị em bé mọn và chính khi biết sống trong tình phó thác và sống tự do với nhiều thiện hảo đời này để cho tha nhân được nên sang giàu, được sống và sống dồi dào thì đó là món quà đẹp nhất mà chúng ta kính dâng Chúa Giêsu trong ngày mừng sinh nhật của Người.

(Ban Mê Thuột)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với Giáo Triều Rôma: ‘Những quan điểm ý thức hệ cứng ngắc’ ngăn cản chúng ta tiến về phía trước
Vũ Văn An
13:58 21/12/2023

Courtney Mares thuộc CNA, ngày 21 tháng 12 năm 2023, tường trình rằng hôm thứ Năm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cảnh báo Giáo triều Rôma rằng “các quan điểm ý thức hệ cứng ngắc” có thể là một trở ngại cho việc “tiến về phía trước”.



Trong bài phát biểu Giáng sinh hàng năm với các Hồng Y làm việc tại văn phòng Vatican vào ngày 21 tháng 12, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng điều quan trọng là “tiếp tục tiến về phía trước, tiếp tục tìm kiếm và phát triển trong sự hiểu biết của chúng ta về sự thật, vượt qua cơn cám dỗ đứng yên.”

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: “Chúng ta hãy cảnh giác chống lại những quan điểm ý thức hệ cứng ngắc, dưới vỏ bọc của những ý định tốt, thường tách chúng ta ra khỏi thực tại và ngăn cản chúng ta tiến về phía trước”.

Bài phát biểu của Đức Giáo Hoàng diễn ra vài ngày sau khi ngài chấp thuận cho các linh mục ban phép lành “tự phát” ngoài phụng vụ cho các cặp đồng tính và các cặp vợ chồng khác sống trong “những hoàn cảnh bất hợp lệ” – một tuyên bố đã vấp phải những phản ứng mạnh mẽ, gây chia rẽ trong các giám mục Công Giáo trên khắp thế giới.

Bài phát biểu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đề cập ngắn gọn đến điều mà ngài coi là sự chia rẽ hiện nay trong Giáo Hội Công Giáo, bác bỏ sự lưỡng phân thông thường giữa điều gọi là “những người cấp tiến” và “những người bảo thủ”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: “Sáu mươi năm sau Công đồng Vatican II, chúng ta vẫn đang tranh luận về sự phân chia giữa ‘những người cấp tiến’ và ‘những người bảo thủ’, nhưng đó không phải là sự khác biệt”.

“Sự khác biệt thực sự và trọng tâm là giữa những người yêu nhau và những người đã đánh mất niềm đam mê ban đầu đó. Đó là sự khác biệt. Chỉ những người yêu thương mới có thể tiến về phía trước.”

Đức Giáo Hoàng, vừa bước sang tuổi 87 vào Chúa nhật, nói thêm rằng một linh mục nhiệt thành đã từng nói với ngài rằng “không dễ để nhen lại tàn lửa dưới đống tro tàn của Giáo hội”, đồng thời lưu ý rằng lời khuyên này “cũng có thể giúp chúng ta trong công việc của chúng ta tại Giáo triều”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường sử dụng bài diễn văn tháng 12 hàng năm của mình, được tổ chức tại Sảnh Chúc Lành mạ vàng của Vatican, để đưa ra quan điểm thẳng thắn của mình về tình trạng của Giáo triều Rôma.

Vào năm 2014, ngài đã chẩn đoán nổi tiếng 15 “căn bệnh” tâm linh đang hoành hành Giáo triều, bao gồm cả thói ham mê sự nghiệp và thần tượng hóa các bề trên. Vào năm 2020, Đức Giáo Hoàng đã sử dụng từ “khủng hoảng” 44 lần trong bài phát biểu của ngài và kêu gọi Giáo hội đổi mới.

Trong lời chúc Giáng sinh năm 2023, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã không nói đến tham nhũng hay thậm chí ám chỉ đến phiên tòa lịch sử của Vatican kết thúc hôm thứ Bảy, phiên tòa đó đã quy kết một Hồng Y phạm tội tham ô các quỹ của Vatican và kết án ngài cùng các cựu nhân viên Vatican khác nhiều năm tù.

Thay vào đó, thông điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tập trung vào tầm quan trọng của việc lắng nghe, nhận định và tiến về phía trước.

Ngài nói, sự biện phân “có thể loại bỏ ảo tưởng về sự toàn tri của chúng ta, khỏi nguy cơ nghĩ rằng chỉ cần áp dụng các quy tắc là đủ. Và khỏi cơn cám dỗ, ngay trong đời sống của Giáo triều, tiếp tục đơn giản lặp lại những gì chúng ta đã luôn luôn làm.”

Đức Giáo Hoàng trích lời cố Hồng Y Carlo Maria Martini, một nhà thần học Dòng Tên và tổng giám mục Milan từ năm 1980 đến năm 2004.

Ngài nói, “Như Đức Hồng Y Carlo Maria Martini đã từng viết: ‘Sự phân định hoàn toàn khác với sự chính xác tỉ mỉ của những người sống tuân theo luật pháp hoặc có khuynh hướng theo chủ nghĩa hoàn hảo. Đó là sự bùng nổ của tình yêu giúp phân biệt giữa điều tốt và điều tốt hơn, giữa điều gì tự nó hữu ích và điều gì hữu ích ở đây và bây giờ, giữa điều gì có thể là tốt nói chung và điều gì cần phải làm ngay bây giờ.”

“Việc không cố gắng phân định điều gì là tốt nhất thường khiến đời sống mục vụ trở nên đơn điệu và lặp đi lặp lại: các hành vi tôn giáo được nhân lên, các cử chỉ truyền thống được lặp đi lặp lại mà không thấy rõ ý nghĩa của chúng”, Đức Phanxicô nói thêm, trích dẫn cuốn sách “Tin Mừng về Đức Maria” năm 2008 của Đức Hồng Y Martini.

Theo phong tục của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tặng các viên chức Vatican những cuốn sách làm quà Giáng sinh. Năm nay, Đức Thánh Cha đã tặng họ một cuốn sách các bài giảng Giáng sinh của ngài và một bản sao của cuốn sách ngài viết có tựa đề “Santi, non mondani: La grazia di Dio ci salva dalla corruzione Interiore” (“Thánh thiện, không phải trần tục: Ân sủng của Thiên Chúa cứu chúng ta khỏi Tham nhũng nội bộ”).

Cuốn sách về tham nhũng nội bộ cũng chính là cuốn sách mà ngài đã trao cho mỗi đại biểu Thượng Hội đồng về Tính đồng nghị trong tuần đầu tiên của hội nghị tháng 10 tại Vatican. Nó là sự tổng hợp một văn bản do Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio xuất bản khi ngài còn là tổng giám mục của Buenos Aires vào năm 2005 với tựa đề “Tham nhũng và Tội lỗi” và một bức thư có lời lẽ mạnh mẽ mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết cho tất cả các linh mục trong Giáo phận Rôma vào ngày 5 tháng 8.

Bài phát biểu của Đức Thánh Cha trước Giáo triều Rôma và những lời chúc Giáng sinh tiếp theo của ngài tới các nhân viên của Nhà nước Thành phố Vatican là những buổi tiếp kiến cuối cùng trong lịch trình công khai của ngài trước khi ngài dự kiến đọc Kinh Truyền Tin vào Chúa nhật Đêm Giáng sinh và chủ tế Thánh lễ nửa đêm lúc 7:30 đêm Giáng sinh ở Vương cung thánh đường Thánh Phêrô.

“Mầu nhiệm Giáng Sinh làm cho tâm hồn chúng ta tràn đầy sự kinh ngạc… trước một thông điệp bất ngờ: Thiên Chúa đã đến, Thiên Chúa ở đây giữa chúng ta, và ánh sáng của Người đã mãi mãi xuyên thủng bóng tối của thế giới,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói với Giáo triều.

“Chúng ta cần phải nghe và chấp nhận thông điệp này một lần nữa, đặc biệt là trong những ngày bị đánh dấu bi thảm bởi bạo lực chiến tranh, bởi những nguy cơ nghiêm trọng do biến đổi khí hậu gây ra, và bởi nghèo đói, đau khổ, đói khát… và tất cả những vấn đề nghiêm trọng của thời điểm hiện tại. Thật an ủi khi khám phá ra rằng ngay cả trong những tình huống đau đớn đó, và tất cả những vấn đề khác của gia đình nhân loại yếu đuối của chúng ta, Thiên Chúa vẫn hiện diện trong máng cỏ này, máng cỏ nơi hôm nay Người chọn sinh ra và mang tình yêu của Chúa Cha đến cho tất cả mọi người.”
 
Đức Thánh Cha nhấn mạnh với Giáo triều Rôma: ‘Chỉ những ai yêu mến mới tiến tới.’
Thanh Quảng sdb
17:49 21/12/2023
Đức Thánh Cha nhấn mạnh với Giáo triều Rôma: ‘Chỉ những ai yêu mến mới tiến tới.’

Trong bài phát biểu hàng năm trước Giáo triều để chúc Giáng sinh, Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra lời mời gọi lắng nghe, phân định và lên đường, đừng quên lời mời gọi của Chúa Kitô hãy có lòng thương xót, yêu thương và quả cảm.

(Tin Vatican - Linda Bordoni)

Lời chúc Giáng sinh của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi đến Giáo triều đã vang lên tinh thần của tiến trình Thượng hội đồng đã diễn ra, vốn tha thiết nài xin Giáo hội lắng nghe, phân định và đồng hành cùng các tín hữu để mọi người có thể tham gia vào tính năng động của sự hiệp thông truyền giáo.

Phát biểu với các thành viên của Giáo triều Rôma tại Vatican vào sáng thứ Năm (21/12/2023), Đức Thánh Cha bắt đầu bài diễn văn của mình với điểm nhấn về tầm quan trọng của việc lắng nghe.

Lắng nghe bằng con tim

ĐTC tập chú vào mẫu gương Đức Trinh Nữ Maria, và kêu gọi mọi người hiện diện hãy lắng nghe không chỉ bằng tai mà còn bằng trái tim, lặp lại sự khôn ngoan của Thánh Biển Đức, ĐTC nói về việc lắng nghe bằng “tai của trái tim”.

Ngài nói, việc Đức Maria cởi mở đón nhận sứ điệp của thiên thần như một lời nhắc nhở rằng việc lắng nghe đích thực bao hàm một sự cởi mở nội tâm vượt xa việc chỉ trao đổi thông tin “bởi vì quan trọng hơn bất kỳ giới luật nào chúng ta cần phải bước vào mối thâm giao với Thiên Chúa bằng đón nhận ”món quà tình yêu mà Người mang đến cho chúng ta.”

Đức Thánh Cha tiếp tục nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự khiêm nhường trong việc lắng nghe và nói: “Không có cách nào tốt hơn để lắng nghe là ‘quỳ gối xuống cầu nguyện’”.

Ngài giải thích, tư thế khiêm tốn này cho thấy sự sẵn sàng gạt bỏ đi những quan niệm và thành kiến cố định, cho phép chúng ta thực sự hiểu được những mong muốn và nhu cầu của tha nhân.

Cảnh giác chống lại những cám dỗ đang như “những con sói đói”, muốn ngấu nghiến bằng những lời hoa mỹ phỉnh gạt, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh “thực sự lắng nghe người khác đòi hỏi một sự tĩnh lặng nội tâm và nhường chỗ cho sự thinh lặng giữa những tiếng ồn ào chúng ta nghe và nói”.

Vì vậy, ngài khuyến khích các thành viên của Giáo triều hãy nuôi dưỡng một nền văn hóa lắng nghe vượt lên trên các trách nhiệm và địa vị thường ngày để mang lại giá trị cho các mối quan hệ và duy trì tinh thần Phúc âm được đánh dấu bằng khả năng lắng nghe một cách chân thành và không phán xét.

ĐTC nói: “Các huynh thân mến, trong Giáo triều cũng vậy, chúng ta cần học nghệ thuật lắng nghe. Điều quan trọng hơn những nhiệm vụ và trách nhiệm hàng ngày của chúng ta, hay thậm chí cả những địa vị mà chúng ta nắm giữ, nhu cầu quan trọng và giá trị là các mối quan hệ”.

Sự phân định

Chuyển sang đề tài thứ hai là sự phân định, Đức Thánh Cha nhắc lại câu chuyện về Thánh Gioan Tẩy Giả. Ngài nói, bất chấp lời rao giảng hùng hồn của người ngôn sứ, ông vẫn cảm thấy rúng động trước sự khiên hạ khi đối diện với lòng thương xót và trắc ẩn của Chúa Giêsu.

Đức Thánh Cha nói, vị Rửa tội nhận ra rằng ông cần phải phân định để có được cái nhìn mới mẻ.”

“Tóm lại, Chúa Giêsu không như những gì người ta mong đợi, và ngay cả Đấng Tiền Hô cũng phải hoán cải để đón nhận sự mới mẻ của Vương quốc. Ngài cần phải có lòng khiêm nhường và can cường cần thiết để phân định mọi sự…”

Đức Thánh Cha giải thích, sự biện phân là cần thiết trong hành trình tâm linh của chúng ta, vì nó cảnh báo chống lại việc áp dụng cứng nhắc các quy tắc mà không có sự hiểu biết sâu sắc về Thánh ý của Thiên Chúa.

“Sự phân định quan trọng đối với tất cả chúng ta.”

ĐTC tiếp tục, sự biện phân giải thoát chúng ta khỏi ảo tưởng về sự tự mãn và thách đố cám dỗ hài lòng với những khuôn mẫu quen thuộc đã có.

ĐTC nói: “Đó là sự bùng nổ của tình yêu giúp phân biệt giữa điều tốt và điều thiện hảo, giữa điều hữu ích với điều gì hữu hiệu ở đây và bây giờ, giữa điều gì là tốt chung chung với điều cần phải thực hiện ngay bây giờ”.

“Sự biện phân là sự bùng nổ của tình yêu giúp phân biệt điều gì tốt và điều gì thiện hảo.”

ĐTC dẫn giải: “Sự phân định giúp chúng ta, ngay cả trong những sinh hoạt của Giáo triều, hãy ngoan ngoãn trước sự soi động của Chúa Thánh Thần, hãy lựa chọn các thủ tục và đưa ra quyết định không dựa trên các tiêu chuẩn trần thế, hoặc đơn giản bằng cách áp dụng các quy tắc, nhưng hãy rộng mở cho Tin Mừng.”

Hành trình

Lời kết, ĐTC minh họa qua câu chuyện về các Đạo Sĩ, những người nhắc nhở chúng ta về “tầm quan trọng của cuộc hành trình”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói việc đón nhận niềm vui Tin Mừng sẽ dẫn đến tinh thần môn đệ và mời gọi chúng ta dấn thân vào cuộc hành trình hướng tới cuộc gặp gỡ với Chúa.

ĐTC nói: “Thiên Chúa sai chúng ta vào một cuộc hành trình, kéo chúng ta ra khỏi vùng an toàn, ra khỏi sự tự mãn trước những gì chúng ta đã làm, và bằng cách này, Ngài giải phóng chúng ta; Người thay đổi chúng ta và soi sáng con mắt tâm hồn chúng ta, khiến chúng ta hiểu được niềm hy vọng lớn lao mà Người kêu gọi chúng ta hướng tới”.

Và ĐTC cảnh báo chống lại những nguy hiểm của sự sợ hãi, cứng nhắc và đơn điệu, dẫn đến sự bất động và không nhìn thấy sự mới mẻ liên tục trong lời mời gọi của Thiên Chúa, Đức Thánh Cha nói rằng Giáo triều được mời gọi liên tục theo đuổi việc tìm kiếm sự thật và cởi mở cho sự phát triển.

Ngài nói thêm: “Trong việc phục vụ của chúng ta tại Giáo triều, điều quan trọng là phải tiếp tục tiến về phía trước, tiếp tục tìm kiếm và phát triển sự hiểu biết của chúng ta về sự thật, vượt qua cám dỗ ngủ yên và không bao giờ muốn rời khỏi ‘mê cung’ của những nỗi sợ hãi của chúng ta”.

ĐTC kêu gọi những người có mặt hãy tránh cái bẫy quan liêu và tầm thường, đồng thời luôn cảnh giác chống lại “những quan điểm tư tưởng cố hữu” đang tách chúng ta ra khỏi thực tế và ngăn cản chúng ta tiến về phía trước.

ĐTC nói, cuộc hành trình, giống như cuộc hành trình của các Đạo sĩ, luôn bắt đầu “từ trời cao”, được hướng dẫn bởi tiếng gọi của Chúa và sự soi sáng của Lời Chúa.

Kêu gọi yêu thương và khiêm nhường

Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc bài chia sẻ bằng lời kêu gọi can đảm, yêu thương và khiêm tốn trong hành trình đức tin và phục vụ của chúng ta.

Chia sẻ giai thoại về một “linh mục nhiệt thành”, ngài thừa nhận rằng không dễ để “nhen lại tàn lửa dưới đống tro tàn của Giáo hội”.

“Hôm nay chúng ta cố gắng khơi dậy niềm đam mê nơi những người đã đánh mất nó từ lâu. Sáu mươi năm sau Công đồng, chúng ta vẫn đang tranh luận về sự phân chia giữa 'những người cấp tiến' và 'những người bảo thủ', trong khi sự khác biệt thực sự là giữa những người thân yêu và những người đã đánh mất niềm đam mê ban đầu. Đó là sự khác biệt! Chỉ những người yêu thương mới có thể tiến về phía trước” ĐTC xác quyết.

“Chỉ những người yêu thương mới tiến về phía trước.”

“Cảm ơn các huynh”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “vì tất cả công việc mà các huynh thực hiện trong im lặng Lắng nghe, phân định và hành trình”. ĐTC cầu xin Thiên Chúa ban ân sủng để niềm vui trong việc phục vụ khiêm tốn và quảng đại: “Xin cho chúng con không bao giờ đánh niềm vui hăng say của mình!”
 
Giám mục Tây Ban Nha nhận định: Tuyên ngôn Fiducia supplicans không phải là lạc giáo nhưng việc áp dụng sẽ gây ra hỗn loạn
J.B. Đặng Minh An dịch
21:42 21/12/2023


Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, có bài tường trình nhan đề “Bishop Munilla: Fiducia suplicans not ‘heretical’ but application will be ‘chaotic’” nghĩa là “Đức Giám Mục Munilla nhận định rằng Tuyên ngôn Fiducia supplicans hay “Lòng tín thác khẩn nài” không phải là 'lạc giáo' nhưng việc áp dụng sẽ 'hỗn loạn'“. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.



Đức Cha José Ignacio Munilla, Giám mục giáo phận Orihuela-Alicante ở Tây Ban Nha, đã giải thích chi tiết về phản ứng của ngài đối với Tuyên ngôn Fiducia Supplicans của Vatican về việc chúc phúc cho các cặp vợ chồng kết hợp bất hợp lệ.

Trong một cuộc phỏng vấn với diễn đàn trực tuyến có tên là “Tôn giáo trong Tự do”, vị giám chức đã chỉ ra rằng văn bản được ký bởi Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, Đức Hồng Y Víctor Manuel Fernández và Đức Thánh Cha Phanxicô “không khẳng định bất cứ điều gì chống lại đức tin” của Giáo Hội.

Khi được hỏi liệu ngài có ngạc nhiên trước việc công bố tuyên bố hay không, Đức Cha Munilla nói: “Tôi đã mong đợi một cách khác để tiếp cận chủ đề này. Tôi tin rằng những người soạn thảo Tuyên ngôn đã mắc sai lầm khi không tham khảo ý kiến toàn thể hàng giám mục, đặc biệt khi Tuyên ngôn này được cho là đưa ra các lý do mục vụ”.

Vị Giám Mục đề cao gương của Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin lúc bấy giờ, là Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, “người giám sát việc soạn thảo Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo với sự tham khảo ý kiến liên tục của các giám mục trên toàn thế giới”.

Đức Cha Munilla nói thêm rằng việc chúc phúc cho các cặp đồng tính “là một vấn đề đặc biệt gây tranh cãi và nhạy cảm, thật đáng ngạc nhiên khi họ đã không tiến hành theo cách thức đồng nghị, phù hợp với giáo hội học của Công đồng Vatican II. Như thế, chúng ta sẽ tránh được những phản ứng bất đồng quan điểm của các hội đồng giám mục mà chúng ta đang chứng kiến”.

Tưởng cũng nên biết thêm: Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Víctor Manuel Fernández làm tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin từ ngày 1 Tháng Bẩy, năm nay và chính thức nhậm chức vào giữa Tháng Chín, vừa qua. Ngài được tấn phong Hồng Y vào ngày 30 Tháng Chín. Từ ngày đó, Đức Hồng Y đã ào ạt tung ra nhiều văn bản. Mặc dù, có thể thấy trước được rằng Tuyên ngôn Fiducia supplicans sẽ gây ra những tranh cãi rất lớn, cho đến nay người ta vẫn không hiểu được lý do tại sao Tuyên ngôn này được đưa ra ngay trước Lễ Giáng Sinh.

Theo ý kiến của Đức Cha Munilla, “lời buộc tội lạc giáo, rối đạo” mà một số người đưa ra liên quan đến văn bản “không có cơ sở khách quan trong chính văn bản”, mặc dù ngài lưu ý rằng “tuyên bố này là không cần thiết” vì có một tuyên bố khác từ năm 2021, cũng đã được phê duyệt bởi Đức Thánh Cha Phanxicô, điều này “không hề trái ngược với những dấu chỉ của lòng bác ái mục vụ” đối với người đồng tính luyến ái.

Nhiều thành phần trong xã hội tuyên bố rằng Tuyên ngôn Fiducia Supplicans đại diện cho một sự thay đổi trong đạo lý của Giáo Hội Công Giáo mà “về cơ bản không thể thay đổi được (tất nhiên bao gồm cả học thuyết về đồng tính luyến ái)”. Đức Cha Munilla chỉ ra rằng ý tưởng cho rằng có sự thay đổi như thế phải được đấu tranh.

Chẳng hạn, vị giám mục người Tây Ban Nha cho biết có “những thành phần công khai bất đồng với đạo đức tình dục của Giáo hội đang hoan nghênh tuyên bố này; và đồng thời họ không tuân theo nó” bằng cách ủng hộ việc chúc lành công khai cho các cặp đồng tính luyến ái.

Munilla trích dẫn trường hợp của linh mục Dòng Tên James Martin hoặc các lễ chúc lành công khai cho những người đồng tính được tổ chức ở Đức hoặc Bỉ.

Vị Giám Mục Tây Ban Nha cảnh báo về cách thức thực hiện tuyên bố này, theo quan điểm của ngài, vì Tuyên ngôn này “có thể dự đoán sẽ gây ra hỗn loạn, như chúng ta đã bắt đầu chứng kiến. Nhiệm vụ của chúng ta là chiến đấu chống lại các lạm dụng.”

Ngoài ra, Đức Cha Munilla tin rằng những áp dụng của tuyên bố này sẽ “không chỉ đa dạng mà còn mâu thuẫn, như đã thấy trong những đánh giá đầu tiên”.

Làm thế nào để chúc lành cho các cặp đồng tính luyến ái một cách phù hợp với giáo lý

Tuyên ngôn Fiducia Supplicans cấm các phép lành phụng vụ nhưng cho phép các phép lành mục vụ cho những người đang sống trong hoàn cảnh tội lỗi một cách tỏ tường.

Về vấn đề đó, Đức Cha Munilla nhấn mạnh rằng “cần phải biết bối cảnh và công thức” của các chúc lành.

Ngài nói tiếp rằng, “sẽ không phù hợp với đức tin của Giáo hội” đối với một phép lành “do bối cảnh hoặc từ ngữ được sử dụng, gợi ý tính hợp pháp của sự kết hợp bất thường” vì các cử chỉ mục vụ không thể có mục tiêu “ để mọi người cảm thấy thoải mái, nhưng đúng hơn là lời kêu gọi hoán cải.”

Ngài nói thêm: “Nếu không, chúng ta sẽ phản bội Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô”.

Vì vậy, làm thế nào những cặp vợ chồng như vậy có thể được chúc lành theo giáo lý? Đức Cha Munilla nói rằng “sẽ không có vấn đề gì trong việc ban phép lành, được thực hiện trong sự riêng tư của việc đồng hành mục vụ, với một công thức như sau:

“Lạy Chúa, xin ban phúc lành cho con cái Ngài là N. và N. và ban cho họ tiếp tục bước đi trong sự khiêm nhường, để họ có thể nhận biết những ân sủng của Ngài, và đồng thời nhận ra rằng sự kết hợp của họ không phù hợp với kế hoạch của Ngài. Xin tuôn đổ trên họ ân sủng của Chúa, để họ trở nên mạch lạc trong cuộc sống và chấp nhận lời mời gọi hoán cải của Chúa với lòng quyết tâm và lòng can đảm. Amen.”


Source:Catholic News Agency
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Noel dấu ấn tâm hồn
Đinh văn Tiến Hùng
00:28 21/12/2023

* N0EL dấu ấn tâm hồn *
( Ghi nhớ những Mùa Giáng Sinh xưa nơi Quê Hương yêu dấu )


Noel dấu ấn tâm hồn,
Trải bao sóng gió vẫn còn trong tôi,
Bồng bềnh trôi dạt cuộc đời,
Mang theo kỷ niệm một thời khó quên.

1- Những bước chân chim theo mẹ đêm đông giá lạnh.Tháp giáo đường cao vút vươn lên giữa bầu trời lấp lánh muôn vì sao, reo vang tiếng chuông mời gọi. Mặt nước ao hồ Thánh đường lung linh soi bóng đèn sao sắc màu rực rỡ viền quanh. Tín hữu vây quanh chiêm bái hang đá máng cỏ. Tiếng Thánh ca du dương dìu dặt khúc nhạc Thiên Thần. Bàn thờ tỏa ánh nến huyền diệu linh thiêng. Giọng giảng trầm đục của cha già xứ, an ủi vỗ về đàn chiên xóm đạo khó nghèo như Chúa Hài Nhi giáng trần năm xưa. Thánh Lễ tiếng La-tinh ngôn ngữ xa lạ huyền bí nhưng lại thân thương quyến rũ tâm hồn như câu ca dao nhà đạo: “Các thày hát lễ La-tinh, Các cô con gái thưa kinh dịu dàng”.

Sau Lễ quì bên máng cỏ say sưa chiêm ngắm Chúa Hài Đồng xinh đẹp, cho đến khi mẹ nhắc bảo: ‘ Thôi ta về ! Mai lại đến gặp Chúa !’ Chim ríu rít reo vui trên mái vòm nhà thờ cùng hợp ca đón mừng Giáng Sinh.

Trên đường về, lòng còn bâng khuâng lưu luyến như vừa vút mất một điều gì thân thương…
Giáng Sinh quê nghèo không vương vấn bụi trần, thanh bình đầm ấm, ghi khắc bao kỷ niệm tuổi thơ không phai mờ. Bao năm tháng xa quê vẫn nhớ thương, ước vọng những Mùa Giáng Sinh không còn bao giờ trở lại….

Ôi ! Tuổi thơ mật ngọt, lòng rạo rực với những Mùa Noel lâng lâng thánh thiện.

-Noel dấu ấn tuổi thơ,
Trải bao năm tháng đến giờ còn ghi,
Thuyền đời sóng gió cuốn đi,
Hồi tưởng dĩ vãng có gì vấn vương.

2-Thành phố trên cao vi vu gió lạnh sương mù. Đêm biến đổi sang ngày với lễ hội hoa đăng. Lớp người nô nức qua lại trong áo ấm hợp thời. Những cặp tình nhân quấn quít truyền hơi ấm bên nhau. Bày trẻ ríu rít nô đùa. Mùa đông Paris hay Đà lạt có gì khác biệt ! Đỉnh tháp Nhà thờ Con gà ngôi sao to lớn rủ xuống hai giải đèn màu rực rỡ. Hồ Xuân Hương với những thuyền đạp nước lung linh soi bóng, lướt nhẹ trong mơ.

Đêm nay, Couvent des Oiseaux, Saint Domaine de Marie, Đại hoc Đà lạt, Trường Sĩ quan Võ bị, Chiến tranh Chính trị…đều mở cửa đón du khách tấp nập đến tham dự lễ hội với những giải trí lành mạnh, nghe trình diễn Thánh ca và thưởng thức nhạc cảnh Giáng Sinh. Đặc biệt không có dạ vũ cuồng loạn hay tiệc rượu say sưa mang màu trần tục làm hoen ố bầu khí thanh thoát.

Cuốn trôi theo dòng người mà thấy lòng mình lâng lâng thoát tục.

Đây mùa Lễ Hội, mùa An bình yêu thương và cũng là mùa Noel trăng mật cuộc đời nhớ mãi không thôi !...



-Trên cao gió lạnh sương mù,
Noel năm ấy còn ru trong hồn,
Bình minh nối tiếp hoàng hôn,
Dư âm còn đọng bồn chồn nôn nao.

3-Chiếc trực thăng cất cánh lượn vòng trên thành phố cao nguyên vừa thức giấc. Tiếng động cơ khua vang không át được tiếng nhạc Giáng sinh thân thương quen thuộc từ máy bay L-19 vọng xuống thành phố sương mù nhỏ bé. Sau hơn 1 giờ bay về hướng tây bắc, 1 điểm tròn màu đất xám nổi bật giữa màu xanh lá cây rừng. Tiền đồn nằm sâu trong lòng đất. Ánh nắng mai còn e ấp phía sau đồi, mây mù lờ lững trôi đi, một làn khói đỏ nhẹ vươn lên báo hiệu bãi đáp. Trực thăng từ từ hạ cánh, Linh mục Tuyên úy và chúng tôi vội nhảy xuống theo sĩ quan hướng dẫn, len lỏi dưới giao thông hào tới hầm chỉ huy. Các sĩ quan và binh sĩ thân mật đón mừng chúng tôi…

Thánh lễ tiền Noel (Vọng Giáng Sinh) tổ chức nơi hầm Bộ chỉ huy với sự tham dự của các chiến sĩ Công Giáo Kinh Thượng. Ánh nến lung linh chiếu tỏa hang đá đơn sơ dựng lên với vật liệu đá núi cây rừng. Bài giảng của Cha tuyên úy đơn sơ mang ước vọng hòa bình đến cho các chiến sĩ tiền đồn biên phòng heo hút như lời Thiên Sứ chúc mừng trong đêm Chúa giáng trần “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Những bài Thánh ca vang lên theo nhịp điệu cây ghi-ta tài tử. Chiến sĩ đức tin vây quanh vị chủ chiên dâng lễ cầu nguyện trong khung cảnh trang nghiêm cảm động…

Sau Thánh Lễ là tiệc nhỏ mừng Giáng sinh gồm bánh, nước ngọt, bia, rượu cần và hai chai rượu nho cha Tuyên úy mang theo cùng chung vui. Những bản nhạc Giáng Sinh đạo đời được hát lên và 1 vũ nhạc của chiến sĩ sắc tộc bằng tiếng Ra-đê, hòa cùng tiếng vỗ tay thật vui nhộn…

Trực thăng cất cánh lượn vòng quanh tiền đồn, chúng tôi vẫy tay chào tạm biệt các chiến sĩ biên phòng. Nắng đã lên cao, soi rõ những hố bom phía dưới như vết chân khổng lồ của Thần chết còn lưu lại. Tôi tự nhủ : ‘ Ôi Quê Hương mình đẹp biết bao, nếu không bị chiến tranh tàn phá ! ‘

Viết đến đây, tôi lại bùi ngùi nhớ đến vị Linh Mục Tuyên úy khả ái, người bạn tinh thần thân thương, cùng phục vụ chung đơn vị và cùng an ủi nâng đỡ nhau trong những tháng năm khổ cực trong lao tù, nhưng giờ đã về nơi Vĩnh Hằng với Thiên Chúa.

-Sáng rừng đẹp lắm bạn ơi,
Sương lan, mây trắng chơi vơi ngập ngừng,
Xa xa súng dội ven rừng,
Nghe như hòa nhịp đón mừng Giáng Sinh.

4- Đêm nay, Ba muốn viết nhiều hơn, vì là đêm trọng đại: đêm Noel cả thế giới đang tưng bừng chào đón. Nơi đây làm gì có Thánh Lễ, Thánh Ca, Tiệc Mừng…phải không con? Thế mà có tất cả đấy con ạ !

Nhưng đêm nay, giữa cảnh núi rừng cô quạnh, Chúa an bài tất cả. Chúa thông suốt khát vọng mọi tâm hồn và không bỏ rơi những kẻ theo Ngài. Chỉ với 5 chiếc bánh và 2 con cá Chúa đã nuôi hơn 5000 người ăn uống no nê, thì vỏn vẻn 20 con chiên tù đầy Chúa sẽ ban đầy đủ.
Trước giờ Lễ, Linh Mục nói ý nghĩa và ước vọng về ngày Chúa Giáng Sinh. Bánh Thánh đựng trong hộp nhựa, đặt trên mền phủ khăn trắng (Bánh Thánh là phần bánh bột do anh em Công Giáo làm bếp cung cấp). Ngài trao cho từng người hôn kính Thánh giá gỗ. Bản Thánh ca ‘Đêm thánh vô cùng’ nhè nhẹ mở đầu Thánh lễ và kết thúc buổi lễ thầm lặng đầy cảm động với khúc ca ‘Đêm đông’ yêu thương quen thuộc. Càng cảm động khi một số anh em ngoài Công Giáo cùng tham dự.

Sau Thánh Lễ, anh em ăn cháo khoai lang nấu với rau rừng và vài con ếch nhái cho thêm chút chất béo, chuyền nhau lon nước trà nóng, nhắc nhớ bao kỷ niệm đẹp về những mùa Giáng Sinh đã qua. Mọi việc hoàn tất tốt đẹp khi tiếng cồng từ mảnh bom vang dội núi rừng hoang lạnh, báo hiệu tắt đèn 8 giờ tối…

Trở về chỗ ngủ, cứ 2 người chung nhau 1 chiếc chiếu và mùng cá nhân, vì chỗ nằm mỗi người chỉ bằng 3 viên gạch. Nhà không mái che, sương rừng lạnh buốt phải lấy poncho hay tấm nhựa che phía trên. Như các bạn, giờ này ba chưa ngủ được, nhìn bầu trời qua đám lá rừng lấp lánh muôn vì sao. Ba tìm vì sao sáng nhất của Chúa Hài Đồng và vì sao mờ nhạt đời mình đang lang thang trên vòm trời đêm. Tiếng ca nho nhỏ khúc nhạc Giáng Sinh của người bạn tù còn thao thức. Tiếng côn trùng hòa ca, xa xa tiếng thú rừng vọng về, tiếng nước chảy róc rách qua khe suối gần đây…càng làm cho ba cô đơn buốt lạnh. Ba kéo chiếc mền rách, nằm sát lại bạn tù mong chuyền hơi ấm cho nhau như chiên bò thở hơi ấm cho Chúa Hài Nhi đêm Giáng trần. Miên man trong kỷ niệm và ba thiếp đi trong đêm Noel đầy mộng mị…

-Qua bao năm tháng ngục tù,
Lòng vững tin tưởng mặc dù khổ đau,
Noel lệ nhỏ kinh cầu,
Đời con tín thác trước sau nơi Ngài.

5- Noel đầu tiên đặt chân lên miền Đất Tự Do - Một quốc gia văn minh nhất hoàn cầu với những ngôi nhà chọc thủng trời mây, những phố thị sầm uất, công viên trải rộng hàng cây rợp bóng, nhà cửa đường xá khang trang sạch sẽ, không thấy sông mà lại nhiều cầu chồng chéo cuồn cuộn dòng xe qua lại như nước chảy…Nhưng bóng Giáo đường lại ẩn khuất, thiếu ngọn tháp vút cao như quê hương mình.

Mùa Noel đến, những khu giải trí vui chơi, siêu thị, nhà hàng…rực rỡ ánh đèn muôn màu lôi cuốn. Người Mỹ mùa lễ hội bỏ ra hàng chục tỉ đồng để mua sắm, trang hoàng, quà tặng, tiệc tùng, vui chơi…

Có một điều khác biệt : Giáng Sinh Việt Nam, mọi hân hoan rực rỡ như trang hoàng, đèn sao, hang đá, trình diễn Thánh ca, hoạt cảnh Giáng Sinh, tiệc liên hoan…thường tập trung tại Thánh đường. Ở Hoa Kỳ thì khác hẳn : Nhà thờ ít mang sắc màu Giáng Sinh, chỉ lơ thơ vài ngọn đèn màu trước cửa và 2 cây thông lập lòe ánh đèn bên Bàn thờ là đủ, vì tất cả đều qui tụ bên ngoài ở những nơi hái ra tiền.

Nhiều gia đình bỏ ra hàng chục ngàn trang hoàng chung quanh nhà với hàng ngàn ánh đèn màu rực rỡ cùng với hoạt cảnh Giáng Sinh đầy đủ hang đá, ông già Noel lái xe tuần lộc chất đầy tặng phẩm, cây thông cao vút lung linh ánh đèn…mà nơi Giáo đường không thấy! Phải chăng người Mỹ trọng chủ nghĩa cá nhân hơn tập thể? Hay nghĩ rằng Thiên Chúa quá cao trọng và dư đầy, Ngài muốn ban phát hơn là tiếp nhận?... Nhưng cũng an ủi phần nào, sau khi nghỉ hưu tôi đã rời bỏ miền đông bắc lạnh lẽo về miền nắng ấm Cali, tìm lại được hương vị Quê Hương nơi Cộng đoàn VN vào mùa Lễ Hội Giáng Sinh.

- Cuộc đời bóng xế hoàng hôn,
Kỷ niệm dấu ấn bồn chồn khôn nguôi,
Tha hương gợi nhớ một thời,
Noel ngày ấy bồi hồi không quên.
 
Văn Hóa
Giao Thừa với thi sỹ Hàn Mặc Tử
Phạm Bá Nha
17:21 21/12/2023

Giao Thừa với thi sỹ Hàn Mặc Tử

Thi Chương

Năm nay Tết Tân Sửu, Tết con Trâu xin tản mạn khi nhâm nhi chén trà với những phút Giao Thừa qua thi ca của thi sỹ Hàn Mặc Tử (Quảng Bình, 1912-1940). Sau Giáng sinh là đến ngày Xuân trong gia đình và cùng nhau chúc tuổi mới. Mục đích “Giấy rách xin giữ lấy lề”. Đừng làm mất truyền thống dân tộc

Giao Thừa

Giao Thừa là giây phút linh thiêng nhất trong năm. Theo nghĩa từng chữ : Giao chuyển cho thừa kế. Theo Tự Điển Hán Việt của Đào Duy Anh: Cũ giao lại, mới tiếp lấy. Chuyển nhượng giữa mới-cũ là lễ Trừ Tịch. Trong Trừ Tịch có chuyển giao. Theo Phan Kế Bính “Trừ Tịch là chiều năm cũ bước sang năm mới, giờ Tý, từ 11g đêm đến 1giờ sáng hôm sau. Ý nghĩa Trừ Tịch (cúng Giao Thừa) là từ bỏ cái xấu đón nhận tinh khôn. Cũng có người cho Giao Thừa là tĩnh tâm, ngồi trước bàn thờ gia tiên, suy nghĩ về gia đình, ai còn ai mất, suy đi nghĩ thiệt những việc trong năm tính cho năm mới. Có người “khai bút”. Từ giờ Tý cửa nhà đóng: chúc tuổi nhau và trao nhau lời hứa ước nguyện.

Giao Thừa với thi sỹ Hàn Mặc Tử

Giao thừa người ta gọi là ‘phút linh thiêng’ vì là lúc ‘giao’ giữa năm mới-cũ, trời-đất, lúc tụ họp gia đình còn sống hay bên cạnh di ảnh thân thuộc đã qua đời. Nên có tục lệ bái nhang tứ phương cầu bình an, cúng nhang trên bàn thờ tổ tiên, lì xì, trả nợ, mặc quần áo mới, quét dọn sạch sẽ trong ngoài và đốt pháo.

Giữa tiếng pháo ‘đêm trừ tịch” vang lên kinh nguyện dâng lên cao hơn cả “cỗ đầy bàn” xin cho “quốc thái dân an”, gia đình ấm no hạnh phúc chan hòa
Tiếng pháo đi: bao nhiêu kinh cầu nguyện
Đều dâng lên cho đến chín tầng mây
Hơi xuân ẩm mỹ ví hơn dạ yến
Ta đem ươm trong ý vị đêm nay
(Hàn Mặc Tử. Nguồn Thơm, c.5-8)

Thử tưởng tượng một đêm không sao, “tối như đêm 30” (Giao Thừa) linh thiêng. Xuân đến mang ơn phúc khắp nơi quê hương mọi vùng đất nước
Tứ thởi xuân! Tứ thời xuân non nước!
Phút thiêng liêng nhuần gọi thiều quang
Thiên hạ bình vả trởi tuôn ơn phước
Như triều thiên vởn lượn khắp không gian (c. 17-20)
Đây thi sỹ của đạo quân Thánh Giá
Nửa đêm nay vùng dậy tung hô
Để sót cho cả xuân xuân thiên hạ
Hương mến yêu là lộc của lời thơ
(Nguồn Thơm, c. 29-32)

Rồi sáng mai tưng bừng đón xuân sang, năm nào cũng như “xuân đầu tiên” trong dời vui hòa ấm êm dân quê xóm làng
Mai sáng mai, trời cao rộng quá
Gió căng hơi và nhạc lên mây
Đôi lòng cũng ấm như xuân ấm
Chỉ có áo xuân trắng trẻo thay…
Xuân gấm đầu tiên giữa cõi đời
Mùa thơm ngây dại song con ngươi
Hãy hoan hô lời cao như sấm
Vạn tuế, bay ôi! Nắng đẹp trời
(Xuân Đầu Tiên, c. 1-4 và 17-20)

Xuân đến mang mầm sống, niềm vui hy vọng nơi nơi
… Cả trời bỗng nổi lên muôn điệu nhạc
Rất trọng vọng, rất thơm tho man mác
Rất phương phi, trên hết cả anh hoa
Xuân ra đời
(Ra Đời, c. 18-21)

Ai cũng mong chờ Xuân đến, đến gần, gần hơn hơi thở trong lồng ngực và ở lại luôn mãi. Mùa Xuân Cứu độ vĩnh cửu.
Trời hôm nay bình an như nguyệt bạch
Đường trăng xa, ánh sáng tuyệt vời bay
Đây là hương qúy trọng thấm trong mây
Ngời phép lạ của đức tin kiều diễm
Câu tán tạ khong khen long cả phiếm
Bút Xuân Thu mùa nhạc đến vừa khi
Khắp mười phương điềm lạ trổ hoài nghi
(Đêm Xuân Cầu Nguyện, c. 1-8)

Hiếm có nhà thơ nào mộ đạo, yêu mến ĐM có tên hai thánh Phêrô-Phanxicô như Thi Sỹ Hàn Mặc Tử sáng tác 62 câu thơ trong bài “Thánh Nữ Đồng Trinh Maria”
Lạy Bà là Đấng tinh tuyền thánh vẹn
Giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ bi
Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy
Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế
Tôi cảm động rưng rung hai hang lệ (c. 13-17)
Nguồn thiêng liêng yêu chuộng Mẹ Sầu Bi
Phượng trì! Phượng trì! Phượng trì! Phượng trì!
Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu
Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu
Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang.
(c.59-62)

Ngôi mộ (1959) của thi sỹ họ Hàn ở Gành Ráng Qui Nhơn có Tượng Đức Mẹ (Ban Ơn) giang tay nhìn xuống tấm bia ghi:
Đây an nghỉ trong tay Mẹ Maria
HÀN MẶC TỬ
Tức Phêrô Phanxicô Nguyễn Trọng Trí
Sanh: 22.9.1912 Lễ Mỹ (Quàng Bình)
Tử; 11. 11. 1940, Quy Hòa (Bình Định)
Cầu cho linh hồn Thi Sỹ được hưởng “Xuân Như Ý” mong chờ
Hãy cầu nguyện bằng trăm kinh mây gió
Hãy dâng cho một tràng chuỗi trăng sao

Xuân đoàn tụ gia đình

Mùa Xuân không chỉ là thời gian chuyển mùa. Xuân cũng cũng không phải nảy lộc đâm chồi trổ bông. Mà nổi bật rực rỡ, huy hoàng, thanh cao, siêu thoát, từ lòng kính yêu thiêng liêng nơi Thiên Chúa, bởi tình yêu Người chạm vào trần thế. Xuân không chỉ hướng về tương lai nhưng qua thời gian nhìn về quá khứ…. Thời gian tưởng nhớ công ơn giáo dục, sinh thành những bậc đã khuất. Vì các ngài đã đưa con cháu vào trần gian.

Tết Ông Bà tổ tiên.Trong dòng máu dân Việt bao giờ cũng “Uống nước nhớ nguồn”. Con người nhìn nhận sông có nguồn. Ngảy Xuân gợi nhớ những người đã khuất, thắp nến hương lòng dâng kính. Đối với các vị còn sống, con cháu mừng tuổi thọ, cho ông bà nhìn nhận các cháu mới, dâu dể, ra mắt. Thông thường ngày đầu năm, mồng một Tết con cháu có mặt đông đủ tặng quà và nhận lì xì. Hạnh phúc đầu năm là bữa tiệc quay quần chung vui và mâm quả đầy bàn: Dừa (tươi) (Đu) Đủ và Xoài (Sài)

Tết cha mẹ. Người VN thường so sánh “Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra’. Cha biểu tượng cho lý trí, trọng nguyên tắc, là núi. Mẹ rung động đầy tình cảm, uyển chuyển như dòng nước. Thực sự cha vừa lý trí vừa tình cảm khi nói “Mất cha mất nóc”. Còn mẹ là nhà giáo dục tài ba, không ai sánh bằng, vừa nhẹ nhàng uyển chuyển lại cương quyết. Mẹ là bầu trời, cha là ánh mặt trởi, trăng, sao “Mẹ già như chuối ba hương, như xôi nếp một, như đường mía lau. Cách diễn tả dân quê. Chuối và mía chỉ trổ sinh một lần, rồi tàn. Mẹ cũng vậy già nua theo năm tháng. Mẹ không cho con sự sống mà cả cuộc đời. Tình thương của mẹ như xôi nấu chín, tử gạo nếp số 1. Ăn một lần nhớ mãi. Tình thương của mẹ dành cho con hạng nhất trở thành lương thực, nguồn nuôi sống. Ngọt ngảo như mía lau, chất liệu làm đường. Ngọt và thấm sâu vào đời. Tình yêu của cha mẹ từ Trời và được chúc lành. Mong cho các ngài sống lâu bình an hạnh phúc. Đêm giao thừa dù xa, hãy về hôn cha mẹ nói một lời cám ơn/

Tết nhau. Ngày Xuân là ngày gặp gỡ thăm hỏi thân tình vợ chồng, anh chị em, bạn bè xa gần của nhau. Ánh Xuân chan hòa từ ngõ, qua sân vào hè với rộn ràng câu chúc yêu thương, khỏe mạnh trẻ đẹp mãi và thăng tiến. Có dân tộc nào hiếu hòa và trung tình trọn nghĩa như VN chúng ta. Ngày Xuân là dịp hàn gắn rạn nứt củng cố niềm tin cho nhau, bắt tay xây dựng mai sau. Văm hóa, văn minh tình thương. Tất cả, thay mặt thi sỹ xin nhờ cậy vào Đức Mẹ chuyển cầu:
Táu lạy Bà, Bà đầy ơn phước
Cho tình tôi nguyện vẹn tựa trăng rằm
Thơ trong trắng như khối băng tâm
Luôn luôn reo trong tâm hồn trong mạch máu
Cho vỡ lở cả muôn ngàn tinh đẩu
Cho đê mê âm nhạc và thanh hương
(Thánh Nữ Đồng Trinh Maria. c.49-54)

Mùa xuân bắt đầu

Cảm tạ Thiên Chúa tác tạo bốn mùa cho loài người hưởng dùng. Một mầm sinh, mùa xuân bắt đầu: “Thiên Chúa thấy mọi sự Ngài làm ra là rất tốt đẹp” (St 1,31).
Dân cư trên khắp cùng trái đất
Thấy kỳ công của Ngài, phải khiếp oai
Ngài làm vang tiếng reo cười
Cửa đông sáng sớm, cửa đoài chiều hôm (Tv 64, 9)
Bốn mùa Chúa đổ hồng ân
Ngưởi gieo mầu mỡ ngập tràn lồi đi (Tv 64, 12)
Thiên Chúa đổi mới dòng máu trong ngoài chúng ta. Hồng ân muôn đời
Hãy tạ ơn Chúa, cầu khẩn danh Ngài
Vì nghiệp của Ngài loan báo giửa muôn dân
Hát lên di, dân ca mừng Chúa
Và suy gẫm mọi kỳ công của Người
Hãy tự hào vì danh thánh Chúa
Tâm hồn những ai tìm kiếm Chúa, nào hoan hỷ (Tv 104, 1-3)

Mầm xuân của Giáo Hội nở và bắt đầu khi “Ai nấy đều tràn đầy Chúa Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn nói Lời Thiên Chúa. Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý, không một ai coi bất cứ cái gì cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ đều là của chung” (Cv 4, 31-32 )

Đổi mới hoàn toàn là nhiệm vụ mỗi người cho nụ mầm lớn lên sinh hoa trái trong mảnh đất cần được vun trồng, tưới bón. Lại bị đe dọa bởi mưa gió nắng hạn, bão táp hay lũ quét. Giữ lời khuyên của Thánh Phaolô : “…cầm lấy vũ khí của sự sáng mà chiến đấu” (x. Rm 13, 12) và “…mặc lấy áo giáp là đức tin và đức mến, đội mũ chiến là hy vọng ơn cứu độ” (x. 1Tx 5, 8)

Những kỷ niệm của Đêm Giáng Sinh hay Giao Thừa

Hai chị em cùng kể lại Đêm Giao Thừa vào 1965, ba mẹ con chờ ba về ăn Giao Thừa… mà chẳng thấy về. Sau tháng 4. 1975, ba về cho biết Giao Thừa năm đó lỗi hẹn vì bị dụ dỗ vào bưng… tới nay mới về.Thì mẹ vẫn trung tình. Và hai con gái đã lớn cắt bỏ tóc đuôi gà, mong ba về chủ hôn.

Đêm 30 năm 1968, tết Mậu Thân, một người mải mê thăm họ hàng thân thích…Sáng Mồng Một tiếng súng nổ vang. Bừng dậy, thì VC đã tràn ngập Sài Gòn. Ít ngày sau, khu nhà cha mẹ họ hàng và vespa đã ra mây khói bình địa tan nát.

Ngày 23 tết 1982, sau những năm tù đầy, một tù nhân được xum họp với vợ con ở Sài Gòn. Do người cha báo mộng ‘con sẽ về vào 20 tháng 12” (ta). Và Tết 1984, gia đình này định cư tại Aubervilliers. Bước vào nhà thờ giữa tiếng chuông reo vang “Cao cung lên khúc nhạc Thiên Thần Chúa”

Kết luận : Khởi đầu mùa Xuân dâng lời nguyện như lời Thánh Phaolô: “Nguyện danh Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hóa toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn và thân xác anh em, được giữ vẹn toàn, không gì đáng trách…” (1Tx 5,23). Và kèm theo lời khuyên chân tình về cách ăn nết ở: “…Đã đến lúc anh em phải đứng dậy, vì hiện nay ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta gần hơn…Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối…Chúng ta ăn ở cho đứng đắn như người sống giữa ban ngày…” (x. Rm 13,11-13). Đó là mong ước từ Đêm Giao Thừa mỗi năm.


Tài liệu viết bài
- Lê Đình Thông: Thơ Tin Cậy Mến của Hàn Mặc Tử. Thư Viện GXVN Paris, 2012
- Lê Đình Bảng: Ở Thượng Nguồn Thi Ca Công Giáo VN,
Miền thơ kinh cầu nguyện. Saigon. 2009, ttr. 175-237 (Hàn Mặc Tử)
-Giới Trẻ GXVN Paris, báo Emmau, số đặc biệt về Hàn Mặc Tử, Novembre 1990
- ns Công Giáo và Dân Tộc, số 86, 2. 2002
 
Mùa Hoảng Loạn
Nguyễn Trung Tây
17:50 21/12/2023
Nguyễn Trung Tây
Mùa Hoảng Loạn

https://www.youtube.com/watch?v=w5dU2hI3K_c

Thật ra mùa Vọng và mùa Giáng Sinh đầu tiên là một mùa của những điều không bình thường, không ai ngờ. Những câu chuyện của mùa Vọng và mùa Giáng Sinh thiên niên kỷ thứ nhất đậm màu nghi ngờ, phạt câm, hốt hoảng, có “vấn đề,” toan tính, giết hại trẻ thơ, lên đường tỵ nạn!

Tư Tế Zachariah: Tin Mừng Giáng Sinh đến với thầy tư tế Zechariah nơi cực thánh của ngôi đền thờ Jerusalem.

Zechariah và vợ không có con từ bao lâu nay. Tủi hổ xuất hiện trên khuôn mặt của vợ và của chồng. Đàn bà không con trong một xã hội trọng danh dự như kính trọng linh hồn tổ tiên là một điều không ai muốn xảy đến với mình. Thế đấy, vợ chồng họ từ những ngày cưới nhau vẫn không con.

Nơi cực thánh, sứ thần Gabriel hiện ra, báo tin vợ ông, bà Elizabeth sẽ mang thai. Tư tế Zechariah với bộ óc suy luận không tin vào những điều như thế. Bởi thế ông phản ứng ngay, chuyện đó làm sao có thể xảy ra cho được bởi tôi đã già và vợ tôi cũng đã qua một thời có khả năng.

Thật bất ngờ! Bởi nghi ngờ, ông bị phạt, ông trở thành người câm ngay tại nơi cung thánh.

Trong con mắt ngỡ ngàng của bao nhiêu người, Zechariah từ trong cung thánh bước ra. Ông ú ớ, không nói năng chi được nữa. Những âm thanh vô nghĩa xuất hiện từ cổ họng một vị tư tế có chức danh trong xã hội. Thiên hạ có thể lại đồn thổi những “tin” nhà ông bà Zechariah lại một lần nữa…bị Adonai phạt. Nhìn kìa! Bà (bị phạt) không có con. Ông giờ này tự nhiên hóa ra người câm!

Mùa Vọng đầu tiên do đó là một mùa của nghi ngờ, phạt câm, và hốt hoảng!

Maria & Giuse: Tin Mừng Giáng Sinh đến với cô thôn nữ từ sứ thần Gabriel. Xin đừng thầm nghĩ cả thôn nhỏ Nazareth khoảng 300 cư dân vào thời đó ít hay nhiều đều hiểu và cảm nghiệm được mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể vừa xảy ra tại nhà của ông bà Joachim-Anna. Xin đừng nói người trong xóm nhỏ hiểu và biết cô thôn nữ của tuổi 16 mang thai bởi sự can thiệp của Chúa Thánh Linh.

Câu trả lời quá rõ ràng. Bởi thế hôn phu Joseph dự tính yên lặng bỏ đi, để lại hôn thê với bào thai mà riêng Joseph biết mình không phải là bố.

Gia Phả Đức Kitô: Gia phả của gia đình Thánh gia ngay trong những hàng chữ đầu tiên của Tin Mừng Matthew đã được giới thiệu như là một gia tộc có “vấn đề.”

Gia phả của Đức Giêsu Kitô có bà tổ Tamar (Matt 1:3), đã từng gạt gẫm bố chồng Judah (Gen 38). Bà tổ Rahab cư dân thành phố Jericho, người đã giúp lính dọ thám Do Thái ẩn nấp trong nhà là một người làm việc ở “khu phố đèn đỏ” (Matt 1:5, Joshua 2, 6). Bà tổ Ruth là người dân ngoại cũng có những dự tính rất riêng tư với ông Boaz (Matt 1:5, Ruth 3). Bà tổ Bathsheba sinh ra Salomon đã bị vua David gọi vào cung điện, để rồi chiếm đoạt bất hợp pháp vợ của Uriah, sĩ quan đóng đồn mặt trận tiền tuyến (Matt 1:6, 2Sam 11). Bản gia phả nhắc tới tên Maria (Matt 1:16), mẹ của Hài Nhi thánh, với những dòng chữ xác định hôn phu Joseph nghi ngờ lòng chung thủy của hôn thê Maria.

Có “vấn đề,” nghi ngờ, và toan tính là những nét của Tin Mừng Mùa Vọng, cả trong Tin Mừng thánh sử Matthew và thánh sử Luke.

Thiên Thần & Người Chăn Chiên: Tin Mừng Giáng Sinh nối tiếp với lệnh kiểm tra dân số thật bất ngờ. Gia đình thánh gia lặn lội từ phương bắc Galile xuống phương nam Judea.

Nơi đó, ngày sinh đã tới, Hài Nhi hạ sinh. Và Mẹ của Ngài đặt Hài Nhi thánh nằm trong máng cỏ.

Giây phút Ngôi Lời hạ sinh, không ai biết, chẳng ai hay, ngoại trừ những người chăn chiên thấp cổ bé miệng trong xã hội.

Nhận được Tin Mừng Giáng Sinh từ sứ thần thiên quốc cao vời vợi, những người chăn chiên thấp nhất trong bậc thang xã hội cũng nghi ngờ, không dám chắc. Ai biết đâu, tất cả chúng ta đều đang mơ ngủ (Luke 2:15-16).

Họ vội vã nhanh nhanh lên đường, tìm kiếm, xem coi nếu đây là sự thật.

Mùa Giáng Sinh đầu tiên với những người chăn chiên cũng đậm nét nghi ngờ, vội vã lên đường.

Ba Vua & Hoàng Đế Herod & Tỵ Nạn: Tin Mừng Giáng Sinh quay những vòng tròn nối tiếp với câu truyện Ba Vua lên đường tìm kiếm kính viếng Đông Cung Thái Tử mới hạ sinh.

Họ lạc đường. Họ ghé vào cung điện, hỏi đường từ vua Herod, vị vua đương nhiệm ngồi trên ngai vàng tại kinh thành Jerusalem. Herod, người nổi tiếng ác vương, bởi đã từng hạ lệnh sát hại chính những người con trai của mình để bảo vệ ngôi vương báu.

Bởi thế, cũng không là một điều lạ nếu vua Herod ra lệnh tàn sát tất cả Hài Nhi dưới 2 tuổi của phố Bethlehem và vùng lân cận.

Máu đổ thịt rơi! Những máu và thịt của những thân xác ngây thơ chưa hề biết chi trong đời ngoài việc ăn ngủ ngon lành. Những khuôn mặt mập mạp dễ thương, như những thiên thần đập đập đôi cánh gắn trên hang đá Việt Nam.

Bởi ác vương Herod, gia đình Hài Nhi thánh vội vã trỗi dậy trong đêm, bỏ quê hương ra đi như người Việt Nam một thời đã bỏ quê cha đất tổ đi tìm tự do. Gia đình thánh đã tỵ nạn bên đất Ai Cập, người láng giềng một thời tổ tiên Do Thái làm nghề nô lệ!

Gia đình thánh vội vã bỏ đi tỵ nạn nhắc nhở một thời những thuyền gỗ mong manh lao mình rời quê cha đất tổ, bởi biến cố 75. Người Việt Nam hải ngoại, ai có thể quên một khoảng thời gian họ cũng đã vội vã rời bỏ quê hương nửa đêm về sáng.

Đức Giêsu, thánh Giuse và Mẹ Maria và người Việt tỵ nạn có những mẫu số chung của nửa đêm vội vã bỏ đi tỵ nạn.

SUY NIỆM
Mùa Giáng Sinh đầu tiên là một chuỗi dài của những bất ngờ, hoảng loạn, hiểu lầm, dự tính bỏ nhau, âm mưu, sát hại trẻ thơ, hốt hoảng lên đường bỏ trốn trong đêm.

Nhưng đêm đó, đêm cực thánh, thiên đường vẫn hát vang vang bài ca thiên quốc,

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế tới người Chúa thương.”

Ngôi sao Bethlehem vẫn hiện ra rực rỡ trên bầu trời đêm đen tội lỗi.

Trên tất cả, trong đêm cực trọng, Hài Nhi thánh hạ sinh, bật tiếng khóc vang vang, mở đầu một kỷ nguyên cứu rỗi tới nhân loại.

Dù bóng đêm tử thần, chiến tranh, hận thù, gian dối vẫn bao trùm nhân loại. Dù nghi ngờ, hoảng loạn, hốt hoảng, dự tính, âm mưu, vội vã lên đường bỏ đi lánh nạn, Ánh sáng Mùa Giáng Sinh từ những ngày Giáng Sinh đầu tiên vẫn chiếu sáng đêm đen bóng tối của tội lỗi! Đêm đen tử thần vẫn không chiến thắng được Hào Quang Ngôi Lời Nhập Thể.
(Trích Quán Nước Đầu Làng: Niềm Tin Việt Nam - Tập III sẽ xuất bản)
 
Giáng Sinh với người trẻ
Phạm Bá Nha
18:00 21/12/2023

GIÁNG SINH với NGƯỜI TRẺ

Dịp Giáng Sinh người ta thấy ba loại người tham gia tích cực trong việc chuẩn bị bên ngòai và tâm hồn đón Chúa Hài Đồng: Thiếu Nhi, Người Trẻ và Trưởng Thành. Mỗi thành phần có những lối hành sử khác nhau mà ai cũng mến phục và loi theo bắt chước
Vậy, năm nay : Giáng Sinh đem lại gì cho người trẻ

1. Hướng về Thiên Chúa tình yêu. Người trẻ háo hấc khao khát mong chờ thủ lãnh tối cao và tuyệt đối về tình yêu. Giáng Sinh, Chúa không chỉ nói mà làm một cách vô lường. Thiên Chúa là tình yêu và Ngài yêu loài người. Ngài không đợi con người đến mà người đến trước. Bạn trẻ có niềm tin gọi Thiên Chúa là Cha. Lễ Giáng Sinh đốt nóng thêm niềm tin vào Thiên Chúa Tình Yêu và Đức Kitô. Thiên Chúa làm người đến trần gian đem hết ân huệ này tới ân huệ khác (x. Ga 1, 16). Với tâm tình biết ơn, người trẻ chung lời ca tụng ngợi khen Thiên Chúa đã sai Con Một xuống thế gian, để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống (1Ga 4,9). Dù chưa có niềm tin. Lễ Giáng Sinh gợi lên người trẻ một vị Thượng Đế yêu loài người kỳ diệu chưa từng có là sai Con mình đền tội cho loài người (x.1Ga 4, 10). Chưa từng có trong một tôn giáo.

2. Nảy sinh tình người. Từ tình Chúa qua tình người. Hôm nay, không ai thèm khát tình người bằng người trẻ. Vì họ sống thật đáng giá con người, làm vua vũ trụ. Đang thực hiện bước tiến lớn về văn hóa và khoa học. Nhờ con người mà không-thời gian thu hẹp.Tuổi trẻ là tương lai con người, cần tình người để sống và trưởng thành, xây dựng cho chính mình và anh em chung quanh thêm hạnh phúc trường tồn. Một trong chiều sâu của lễ Giáng Sinh, là Thiên Chúa đến để xác thực “con người thật đáng qúi”. Chỉ vì muốn cứu con người khỏi xa ngã vì tình người đổ vỡ mà Thiên Chúa nhập thể. Ngài đến để con người được sống dồi dào trong ân phúc và chân lý (Ga 1, 14). Tình Chúa và tình người gần liền nhau. Bởi lẽ không ai tin Thiên Chúa mà không qúi trọng con người. Bởi lẽ không ai tin Thiên Chúa mà ghét bỏ người khác (1Ga 5, 20). Sinh ra trong trần gian Chúa Giêsu nhắc chúng ta giới răn căn bản: “Mến Chúa hết lòng và thương người khác như chính mình” (Mc 12, 29-30). Đồng thời dạy chúng ta một giới răn mới: “Các con thương yêu nhau như Thày yêu chúng con” (Ga 15,17). Quả thật, lễ Giáng Sinh là biến cố “tình người lên cao cực độ”

3. Đem lại niềm vui và an bình. Thánh Phaolô từng chúc các bạn trẻ: “Trên hết các bạn hãy có tình yêu, vì tình yêu là dây ràng buộc hạnh phúc. Nguyện xin bình an Đức Kitô làm chủ trong lòng các bạn. Sự bình an mà các bạn đã được kêu gọi tới để hưởng thụ” (Cl 3, 15)

Loài người nhất là bạn trẻ, không có hạnh phúc khi thiếu tình Chúa và tình người. Khi thiếu niềm vui và bình an. Vì thế, hơn ai hết, người trẻ, lễ Giáng Sinh là lễ của niềm vui và an bình. Được đánh dấu bởi ngưng chiến tranh, im tiếng súng. Gần hơn, các đèn sao muôn màu rực rỡ, hang đá trong gia đình, cửa tiệm, đường phố, đến cộng đoàn nhắc nhở người trẻ thăng hoa như ánh đèn bay cao tâm hồn hết vấn vương bụi trần. Trong thanh bình và với niềm vui dào dạt, người trẻ thân mật, sống cảm nhận trọng trong gia đình, bạn bè qua quà tặng, cánh thiệp và bữa tiệc.

Bên cạnh những hào nhoáng bên ngoài nhuốm mầu sắc thương mại, người trẻ cần khám phá thật sâu xa an bình đích thực nội tâm mà Giáng Sinh đem lại. Các bạn trẻ cần lắng nghe Thiên Thần báo với người chăn chiên : “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho các bạn một tin mừng trọng đại, cũng là tin cho toàn dân. Hôm nay, một Đấng Cứu Độ, đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-Vít. Người là Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2,10-11). Đây tràn ngập niềm vui an bình tràn ngập tâm hồn. Hãy làm như các mục đồng, tìm Chúa Hài Đồng trong máng cỏ trong nhà thờ hay gia đình. Hãy ngồi lại với Ngài ít phút để thờ lạy, yêu mến,chia sẻ tâm tư. Hình ảnh Đức Maria, Thánh Giuse, các mục đồng và mấy con chiên nhỏ, gợi cho người trẻ nhiều ý nghĩa và hàm ngụ trong chiêm ngắm thiết tha keo sơn trong lòng. Hạnh phúc “mà không bị lấy đi’ (Lc 10, 42). Lúc ấy “những khách đã được mời trước kia không ai sẽ được mời dự tiệc” (Lc 14, 24)

4. Nhóm lên nhiều hy vọng lớn nơi người trẻ

Người trẻ hôm nay bị thách đố và đối diện với nhiều vấn đề phức tạp về niềm tin, gia đình, xã hội, tình yêu…Để vượt thắng mọi thử thách, người trẻ cần có hy vọng để sống. Ai có thể cho người trẻ hành trang thiết yếu này, nếu không phải Chúa Kitô. Vì mất hy vọng, người trẻ như đi trong đêm tối. Lễ Giáng Sinh là thời điểm ánh sáng bừng lên trong đêm tối người phàm. Chúa đến thế gian như luồng “áng sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1, 9). Ngài đến như thủ lãnh tối cao và đầy hy vọng hướng dẫn người trẻ hòa giài với Thiên Chúa, tha nhân và chính mình. Chúa dạy mọi người yêu thương nhau. “Không có tình yêu nào hay tình yêu liên đới thí mạng sống vì người mình yêu thương và phục vụ” (x. )

Máng Cỏ, Thánh Thể, Thánh Giá là bằng chứng cho tình yêu lý tưởng này. Cảm nghiệp được tình yêu Máng Cỏ, người trẻ chắc chắn sẽ tìm ra lý tưởng sống, hy vọng. Không tình yêu nào mà không phải hy sinh. Không hy vọng nào mà không thách đố. Đấng là Đường, Sự Sống, Chân Lý sẽ trang bị cho người trẻ vũ khí sống hy vọng. Chính Ngài là hướng đạo, thần tượng, lý tưởng, hy vọng của người trẻ. Người trẻ sống như mục đồng hay các nhà Đạo Sỹ. Người trẻ hân hoan phấn khởi tìm thấy lý tưởng hy vọng, nhận lãnh sứ điệp loan báo truyền giáo.
(viết theo Tư liệu của Đ.Ô. Du Sinh Mai Đức Vinh:Giáng Sinh và Tuổi Trẻ. 2019)

Hướng dẫn của ĐGH Phanxicô

Ngày 23.12.2020, trong buổi triều yết chung, phát trực tuyến tại thư viện Vatican, ĐTC nhắc lại sứ điệp các Thiên Thần loan báo : “Anh em đừng sợ. Này, tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho muôn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ sinh ra cho anh em…(Lc 2, 10-11). ĐTC ví chúng ta như các mục đồng xưa, được kêu gọi thực hiện hành trình tâm linh đến Belem tìm kiếm và chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu. Vượt qua mọi tâm thức trần tục, làm mù quáng cốt lõi đức tin. Kế hoạch vĩnh cửu của Thiên Chúa muốn giao hòa với loài người và mở ra con đường dẫn đến tương lai tốt đẹp. Hãy ôm lấy nềm hy vọng do Hài Nhi dành cho chúng ta. Năm nay, giữa khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, lễ Giáng Sinh giúp chúng ta nhìn về phía trước và đón nhận hy vọng mà Chúa Giêsu mang đến. Hãy suy tư và cầu nguyện, để gần gũi với tình yêu dịu hiền của Chúa.

Ngày 25.12.2020, Sứ điệp Giáng Sinh Urbi et Orbi, năm nay, công trường Phêrô vắng. Nên Sứ điệp được phát sóng tại phòng họp Benedizone Vatican. ĐGH loan báo: Sứ điệp của Giáo Hội là : Hài Nhi sinh ra, và một người con được ban tặng cho chúng ta (Is. 9, 5). Hài Nhi luôn là nguồn hy vọng, mầm sống và hứa hẹn của tương lai. Hài Nhi là Chúa Giêsu “được sinh ra cho chúng ta”. Một chúng ta không biên giới, không đặc quyền hay loại trừ. Hài Nhi được sinh ra cho mọi người, cho nhân loại. Tất cả chúng ta hướng về Thiên Chúa và gọi Ngài là “Cha”. Và chúng ta gọi nhau là anh em. Trong thời điểm này, chúng ta cần tình huynh đệ hơn bao giờ. Thiên Chúa chúc lành cho tình huynh đệ chúng ta. Lễ Giáng Sinh chúng ta đến với mọi người, đem ánh sánh sáng hy vọng vào những nơi tối tăm. Cầu mong Chúa Hài Đồng chiếu soi mọi đường u tối trần gian. Trong sứ điệp năm nay, ĐTC xin cầu nguyện cho thiên tai bão lụt tàn phá khốc liệt tại VN và Phi Luật Tân

Ngày 1.1. 2021 (ký 8.12. 2020), Thông điệp hòa bình thế giới, lần 54, ĐGH nói với chủ đề: “Văn hóa quan tâm, dẫn đến hòa bình”. Nội dung, 9 số :
-Năm 2020, đánh dấu bằng khủng hoảng sức khỏe Covid-19 hết sức lớn lao, toàn cầu ảnh hưởng đến khí hậu, lương thực, kinh tế và di dân. Dạy chúng ta phải quan tâm chăm sóc đến người khác.
- Thiên Chúa Tạo Hóa, nguồn ơn gọi con người chúng ta chăm sóc
-Thiên Chúa Tạo Hóa, kiểu mẫu của sự quan tâm
-Quan tâm trong thừa tác vụ của Chúa Giêsu
- Văn hóa quan tâm trong đời sống người theo Chúa Giêsu
-Các nguyên tắc trong học thuyết Xh của GH như căn bản của nền VH Quan Tâm
- Chiếc la bàn chỉ con đường chung
- Giáo dục cho nền VH Quan Tâm
- Không thể có hòa bình nếu không có Văn Hóa Quan Tâm

Ngày 27.12.2020, ĐTC Phanxicô gửi sứ điệp cho người trẻ tham dự cuộc họp hàng năm lần thứ 43, từ 27.12.20 đến 1.1.2021 dự kiến họp tại Torino Ý, nhưng vì đại dịch tổ chức online, trước dành cho Âu châu, kỳ này mở rộng cho toàn thế giới. Trong sứ điệp ĐTC khen ngợi các thành viên người trẻ thể hiện “sáng tạo” và tìm “cách mới” để cầu nguyện. ĐTC cũng mời gọi họ trở thành hải đăng hy vọng trong bóng đêm đại dịch. ĐTC nhắc lại đã viết trong thông điệp Fratelli Tutti (Tất cả là anh em): không ai đương đầu với cuộc sống đơn lẻ, một mình. Ngài khuyến khích người trẻ phát triển nền “văn hóa gặp gỡ huynh đệ” cùng nhau bước tới chân trời mới hyvọng được mặc khải bởi Chúa Giêsu Phục Sinh. Người trẻ tránh loan truyền thất vọng và thiếu tin tưởng để làm cho Thần Khí của Chúa Phục Sinh ban trở thành vô hiệu

1. Tâm huyết của ĐGH qua video với giới trẻ VN trong đại hội Giới Trẻ VN tại Bùi Chu, 20.11. 2019, chủ đề: ‘Hãy về nhà với thân nhân’(Mc 5, 19). ĐGH gửi giới trẻ VN qua 5 điểm về ‘mái nhà’ bao quanh bởi lũy tre với bao người thân quen xóm làng đầy nhân tính. Qua video này chứng tỏ ĐGH là người cha, ở xa mong đến mà không đến được. Như ĐGH nói : Cha hiện diện diện trong trái tim các con, người trẻ V N
-Đào sâu di sản truyền thống và văn hóa. ĐGH phân tích chữ ‘nhà’ đẹp nhất trong văn hoá VN. Vì gói ghém thân thương nhất trong trái tim của con cái, họ hàng, thân thuộc trong gia đình. Như, hiếu thảo, kính trọng, thân quen. Chủ đề đại hội là châm ngôn thôi thúc bạn trẻ, khám phá di sản. Đừng làm mất kho tang qúi báu này.
-Đào sâu di sản đức tin: Giáo Hội là ngôi nhà của các con. Nhìn lại lịch sử GH VN, ĐGH đánh giá cao đức tính anh hùng của các Thánh Tử Đạo VN. Các vị truyền giáo. ĐGH mời gọi tín hữu VN đã sống đau khổ qua chiến tranh loạn lạc giữ vững đức tin, kho tàng lưu truyền cho con cháu mai sau. Các bạn trẻ phải biết ơn tiền nhân dệt lên trang sử vẻ vang kiêu hùng.
- Chứng tá đức tin. ĐGH mời gọi giới trẻ VN gỡ mình ra khỏi văn hóa khép kín và cục bộ, mở ra hướng về người khác. Người Công Giáo vẫn còn là thiểu số, người trẻ đảm nhận vai trò truyền giáo, bằng chứng tá của mình, chứ không bằng khuyến dụ hay lôi kéo. ĐGH đặt kỳ vọng tin tưởng vào người trẻ. Người trẻ không là tương lai mà là hiện tại của GH. Chính nhập cuộc đầy sáng tạo và vui tươi của người trẻ làm nên sức sống và bộ mặt của GH. Người trẻ hãy đảm nhận trách nhiệm trong ngôi nhà GH. Nơi nhân cách và phẩm giá được đào tạo và lớn lên.
- Nhân cách người trẻ Công Giáo. ĐTC đưa ra lời khuyên : Trước thực tại, người trẻ đừng sợ sống đẹp và đừng ngại để cho cái đẹp trong nhân cách của người Công Giáo tỏ bày trước mọi người. Các đức tính quan trọng :Trung thực, trách nhiệm, lạc quan và phân định. Là giá trị xã hội mà GH VN đang cần.

-Nhìn về căn tính dân tộc VN quê hương. Ngôi nhà gia đình nằm trong ngôi nhà tổ quốc. Con có một tổ quốc như ĐHY Tôi Tớ Chúa FX Nguyễn Văn Thuận viết:
Con có một tổ quốc Việt Nam
Quê hương yêu qúi ngàn đời…
Một Nước Việt Nam
Một dân tộc Việt Nam
Một tâm hồn Việt Nam
Một văn hóa Việt Nam
Một truyền thống Việt Nam
Là người Công Giáo Việt Nam
Con phải yêu tổ quốc gấp bội
Chúa dậy con. Hội Thánh bảo con
Cha mong giòng máu ái quốc
Sôi trào trong huyết quản con
(VietCatholic News, 20.11.2019)

Chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh

Chúa nhật thứ Ba Mùa Vọng, 21. 12. 2020, trong kinh Truyền Tin, có đông người tham dự, vì là mùa mua sắm. ĐTC mời gọi thay vì than phiền vì ngăn cản, bất tiện của đại dịch, chúng ta hãy nghĩ đến người nghèo, không được ai nhớ đến. Hãy cầu nguyện dọn mình sạch tội và sẵn sàng đón Chúa đến. Huấn dụ gồm:
- Thưa vâng không trì hoãn hay từ chối như sự kiện Truyền Tin. Xin Vâng của ĐM can đảm và sẵn sàng mang ơn cứu độ cho chúng ta. ĐM mời chúng ta đừng trì hoãn
- Xét mình vì bao lần chúng ta trì hoãn trong đời sống thiêng liêng lấy lý do không có thời gian, để ngày mai, rồi ngày mai.
- Trong thời buổi khó khăn, bệnh dịch, thay vì phàn nàn, nhớ đến người thiếu thốn hơn chúng ta. Cho quà cho những người túng thiếu
- Đừng bị lôi cuốn bởi chủ nghĩa tiêu dùng. Đã cướp đi Giáng Sinh khỏi chúng ta. Lối sống tiêu thụ không phải hang đá Belem.
- Nếu Giáng Sinh không chạm đến cuộc sống chúng ta, thì nó sẽ qua đi vô ích. Tất cả hãy nói như ĐM : “Xin hãy làm cho tôi như Sứ Thần truyền”
- Hãy nhớ đến những người làm nghề biển. Vì đại dịch khoảng 400.000 mất việc. Xin ĐM là Sao Bắc Đẩu dẫn đường và an ủi những người này.
- Hang đá là bài học giáo lý sâu sắc về đức tin của dân Chúa. ĐTC mời gọi du khách xem triển lãm hang đá để bắt chước cảnh nghèo của Thánh Gia.
- Người đau khổ là hang đá sống động nơi chúng ta thật sự gặp Chúa. Giáng Sinh đã đến gần chúng ta tìm giờ cầu nguyện, sống nội tâm, cầu nguyện hoán cải, thực hiện bước tiến trong đức tin và huynh đệ. Bất cứ nơi nào người đau khổ thuộc về chúng ta.

Ý nghĩa biểu tượng của Giáng Sinh

Mỗi dịp Giáng Sinh về, người ta lại nhớ những biểu tượng Giáng Sinh, trong các lễ hội mang nhiều ý nghĩa : hy vọng và cậy tin nơi Chúa Hài Đồng

1. Bốn ngọn nến mùa Vọng trước bàn thờ bện theo hình vòng tròn hay khúc thẳng có lá cây thông xanh (hay cây khác) mang ý chung: Anh em phải coi chừng, tỉnh thức vì anh em không biết thời giờ ấy đến (Mc 13, 33)
Vòng tròn: biểu hiện Thiên Chúa, không có khởi đầu và cùng tận
(hay theo hình thẳng: Hãy dọn đường cho Chúa đến (Mc 1, 3)
Cây nến thứ nhất : Áng sáng khoan dung
Cây nến thứ hai : Niềm tin khao khát
Cây nến thứ ba : Tình yêu liên đới
Cây nến thứ bốn: Hy vọng phấn khởi

2. Cây thông Noel và Hang Đá được Thánh GH Gioan Phaolô II có sáng kiến thiết lập từ 1982, đặt tại quảng trường Thánh Phêrô. Vị kế nhiệm là Đức Benedicto XVI cổ vũ hết mình và giải thích : Hang đá không chỉ là yếu tố linh đạo nhưng còn là yếu tố văn hóa nghệ thuật. Italia có 187 giáo phận. Năm ngoái các giáo phận đều có tổ chức thi hang đá. Ngày 1.12. 2020, ĐGH Phanxicô đã đến bắc Ý, tỉnh Rieti, Greccio cầu nguyện, nơi thánh Phanxicô Assisi làm hang đầu tiên, 1223. Ngài đã gửi cho tín hữu toàn cầu tông thư Admirabile Signum nói rõ về ý nghĩa máng cỏ Giáng Sinh. (Zenit 30.11.2020)

3. Bộ Giáng Sinh. Ngày 30.11.2020, ĐGH Phanxicô đã trao bộ Máng Cỏ Giáng Sinh, cho Tổng Thống Palestine Mahmoud Abbas. Sẽ được các tu sỹ Phanxicô bảo quản tại Gierusalem. Thánh tích này đã lưu giữ tại đền thờ Đức Bà Cả Roma (Reuters. VietCatholic News, 30.11.20)

4. Triển lãm Giáng Sinh. Từ 13.12. 2020, Hội Đồng Giáo Hoàng Phúc Âm Hóa khai mạc mở Triển Lãm 100 máng cỏ ở Vatican tại gần cột Bernin. Đây là sáng kiến của cố nhà báo Ý Manlio Menaglia sáng lập từ 1976. Triển lãm kéo dài tới 10.1.2021. (RV 12.12.20). Ngày 20.12.20, ĐGH kêu gọi du khách xem triển lãm, không có chủ nghĩa tiêu dùng trong máng cỏ. Ở đó chỉ có thực tế, nghèo đói và tình yêu.(VietCathoic Net Work 21.12.2020)

Năm nay, Chúa nhật thứ Ba Mùa Vọng, 13.12,2020, tại quảng trường Phêrô rộn ràng, hàng triệu tượng nhỏ Chúa Hài Đồng, nhiều hơn mọi năm, do các gia đình các em nhỏ đem đến cho ĐGH làm phép. Đây là sáng kiến của Thánh GH Phaolô VI, 21.12, 1969. Năm ấy, Thánh Giao Hoàng ban huấn dụ: Máng cỏ làm sống động ký ức về sự kiện trọng đại là Chúa Giêsu xuống thế làm người. Cảnh Chúa Giáng Sinh tiêu biểu những gì diễn ra tại Belem, đơn sơ chất phác, trở thành khung cảnh truyền giáo. Thành thông điệp văn hóa và truyền thống. Năm nay, khi làm phép các tượng Chúa Hài Đồng Nhỏ, ĐGH Phanxicô nói: anh em hãy vui lên, vui mừng trong Chúa. Vì Chúa đã đến gần. Bắt chước Thánh Gioan Tiền Hô : dọn sẵn tâm hồn cho Chúa đến. (RV 14.12.20)

Ngày 11.12.20, ĐGH tiếp phái đoàn từ Slovenia do ĐHY Rodé và Bộ Trưởng Ngoại Vụ hướng dẫn. Năm nay giáo phận Teramo-Atri của Slovenia đã tặng cây thông và hang đá trưng bày tại công trường Thánh Phêrô. Trong lời chào mừng, ĐGH nói: chưa bao giơ như năm nay, cây thông và hang đá là dấu hiệu hy vọng cho Roma và du khách chiêm ngắm (Vatican News, 11.12.20)

Kết luận. Trong Thông điệp Fratelli Tutti (Tất cả là anh em) ban hành 4.10.2020, ĐGH nhấn mạnh: văn hóa đối thoại (giữa tuổi trẻ) làm con đường hợp tác lẫn nhau làm qui tắc ứng xử, sự hiểu biết lẫn nhau làm phương pháp và tiêu chuẩn. (x. số 285). Đồng thời Ngài muốn giới thiệu (với người trẻ) Chân Phước Charles de Foucault đã hướng lý tưởng hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa vào sự đồng hóa với người nghèo, bị bỏ rơi trong sa mạc Phi Châu. Trong khung cảnh đó, Thánh nhân bày tỏ mong muốn cảm nhận như anh em của mọi người. (x. số 287)

Kết luận khác, người trẻ tự hào nói như Chúa phán với tôi trung: Ta đã cắt cử ngươi thiết lập giao ước với dân Ta, để ngươi phục hồi đất nước, chia lại gia sản bị tàn phá, để ngươi nói với tù nhân: “các bạn được tha”, với những ngồi trong ngục tối : “các bạn hãy ra đi”. (Is 42,8-9)
 
Church Documents
Thu Trinh News 22 Dec 2023
Đặng Tự Do
18:41 21/12/2023
1. Nga đánh bom vào mỏ than để chôn sống thợ mỏ

Bộ trưởng Nội vụ cho biết, bom của Nga đã nhắm vào khu vực hai mỏ than ở thị trấn Toretsk, vùng Donetsk, phía đông Ukraine, khiến 3 người thiệt mạng và ít nhất 5 thường dân bị thương.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Sáu 22 Tháng Mười Hai, Ông Ihor Klymenko nói: “Hai quả bom đã đánh trúng một trong những mỏ than ở Toretsk. Một người thiệt mạng và hai người khác bị thương.”

“32 người thợ mỏ vẫn đang ở dưới lòng đất khi cuộc tấn công xảy ra. Mất điện, họ không thể lên được nhưng đã được giải cứu thành công.”

Klymenko nói thêm: “Nga cũng thả hai quả bom xuống một mỏ khác, khiến 2 người thiệt mạng và 3 người khác bị thương. Các tòa nhà hành chính và thiết bị bị hư hại.”

Văn phòng tổng công tố cho biết những người thiệt mạng lần lượt là 41, 42 và 45 tuổi.

2. Orbán lên tiếng chỉ trích Ukraine

Trước những lời chỉ trích của phe đối lập trong nước cho rằng Orbán đang trình diễn trước thế giới một Hung Gia Lợi, hay còn gọi là Hungary, ngang ngược, vô lý và tham lam, Viktor Orbán đang tung ra các lập luận phản bác.

Orbán nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm rằng quyết định của Ukraine ngăn cản cựu tổng thống Petro Poroshenko rời khỏi đất nước vào đầu tháng này để gặp ông ta đã đặt ra câu hỏi về tham vọng Liên Hiệp Âu Châu của Kyiv.

Reuters đưa tin, Cơ quan An ninh Ukraine cho biết vào ngày 2 tháng 12 rằng họ đã ngăn cản Poroshenko rời Ukraine với lý do Nga lên kế hoạch khai thác cuộc gặp đã lên kế hoạch với Orbán để làm tổn hại đến lợi ích của Ukraine.

Poroshenko là tổng thống Ukraine từ năm 2014 đến 2019.

Đảng chính trị của ông Poroshenko, Đoàn kết Âu Châu, cho biết cựu tổng thống chỉ lên lịch các cuộc họp ở Ba Lan và Mỹ, đồng thời cảnh báo cơ quan an ninh SBU không được tham gia vào chính trị. Văn phòng của Orbán không bình luận vào thời điểm đó.

Hôm thứ Năm, khi được hỏi trực tiếp về quyết định của Ukraine, Orbán cho biết việc Ukraine đưa ra các quy định đặc biệt trong thời chiến là “có thể chấp nhận được”.

Anh ta nói:

Nhưng một câu hỏi được đặt ra, nếu cuộc gặp giữa một công dân Ukraine và thủ tướng Hung Gia Lợi tiềm ẩn rủi ro an ninh quốc gia, thì làm sao họ muốn trở thành thành viên Liên Hiệp Âu Châu?

SBU cho biết ông Poroshenko dự định gặp Orbán, người vẫn duy trì quan hệ với nhà lãnh đạo Nga, Vladimir Putin.

Khi được hỏi về cuộc hội đàm mới nhất với Putin, được tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 10, Orbán nói: “Tôi thấy tự nhiên là khi chúng tôi ở Bắc Kinh, chúng tôi sẽ gặp nhau”. Ông nói thêm rằng lẽ ra ông sẽ tự mình khởi xướng cuộc họp nếu người Nga không đề nghị.

Orbán đã có mâu thuẫn với tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, về một số vấn đề liên quan đến việc Ukraine muốn trở thành thành viên Liên Hiệp Âu Châu.

Tuần trước, mọi quốc gia Liên Hiệp Âu Châu ngoại trừ Hung Gia Lợi đã đồng ý bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập với Ukraine bất chấp sự xâm lược của Nga, bỏ qua sự phản đối của Orbán bằng cách yêu cầu ông rời khỏi phòng khi các nhà lãnh đạo đưa ra quyết định.

3. Người Nga duy nhất ra tranh cử với Putin bị cáo buộc nhận tiền nước ngoài

Yekaterina Duntsova, cựu nhà báo dự định tranh cử với Vladimir Putin trong cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo của Nga, đã phủ nhận việc cô được một cựu ông chủ dầu mỏ, người điều hành một phong trào đối lập từ nước ngoài hậu thuẫn. Cô cho biết như trên trong một cuộc phỏng vấn.

Cô cho biết, hôm Thứ Năm, 21 Tháng Mười Hai, khi đưa tin về nỗ lực chính thức của Duntsova tham gia cuộc đua, hãng thông tấn nhà nước RIA mô tả cô là “được hỗ trợ và tài trợ bởi nhà tài phiệt chạy trốn Mikhail Khodorkovsky” mà RIA mô tả là một “đặc vụ nước ngoài”.

“Đặc vụ nước ngoài” là thuật ngữ được chính quyền Nga áp dụng cho các nhà hoạt động và nhân vật đối lập mà họ cho là đang tham gia vào hoạt động chính trị có hại được tài trợ từ bên ngoài đất nước.

Khodorkovsky là tỷ phú đứng đầu công ty dầu mỏ Yukos, được tường trình là người giầu nhất nước Nga, nhưng đã phạm lỗi với Putin và phải ngồi tù 10 năm vì tội lừa đảo, là điều mà ông luôn luôn phủ nhận trước khi được thả vào năm 2013.

Hiện ông sống ở Luân Đôn và lãnh đạo một liên minh đối lập mang tên Open Russia.

Duntsova nhận xét rằng cách diễn đạt mà RIA sử dụng là dấu hiệu đầu tiên cho thấy những trở ngại mà cô sẽ gặp phải trong việc có được sự đưa tin cân bằng, chứ chưa nói đến thuận lợi, về chiến dịch tranh cử tổng thống lâu dài từ các phương tiện truyền thông nhà nước trung thành với Điện Cẩm Linh.

Cô cho rằng mô tả của RIA là một phát minh. Cô ấy nói rằng mình “không có mối liên hệ trực tiếp” nào với Khodorkovsky. Tuy nhiên, cô nhận xét rằng lời cáo buộc có thể dựa trên thực tế là việc ứng cử của cô được Anastasia Burkova ủng hộ.

Burkova là nhà lãnh đạo dự án mang tên Kovcheg mà Khodorkovsky thành lập để hỗ trợ những người chạy trốn khỏi Nga vì họ phản đối cuộc chiến ở Ukraine.

Burkova bị FSB liệt vào danh sach “đặc vụ nước ngoài” ngay sau khi Duntsova tuyên bố muốn tranh cử với Putin.

Trong cuộc phỏng vấn, Duntsova tránh chỉ trích trực tiếp Putin. Nhưng cô cho biết đã có một sự “đình trệ” nhất định ở Nga sau 24 năm ông cai trị.

Cô nói: “Thực tế là giá cả đang tăng lên một cách bất thường mỗi ngày. Sự ổn định mà họ nói với chúng ta không hoàn toàn tương ứng với thực tế.”

Duntsova đã kêu gọi chấm dứt xung đột ở Ukraine và trả tự do cho các tù nhân chính trị, trong đó có Alexei Navalny, nhà phê bình công khai hàng đầu đối với Putin vẫn còn ở Nga. Cô cũng cho biết sẽ tìm cách bãi bỏ luật “đặc vụ nước ngoài”.

4. Bộ Ngoại Giao Nga chỉ trích cuộc tập trận quân sự chung của Nhật Bản, Mỹ và Úc Đại Lợi

Bộ Ngoại giao Nga hôm thứ Năm cho biết họ coi các cuộc tập trận quân sự chung của Nhật Bản, Mỹ và Úc Đại Lợi gần đảo Hokkaido của Nhật Bản là một “mối đe dọa quân sự tiềm tàng”.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova nói:

“Chúng tôi coi hoạt động khiêu khích như vậy liên quan đến các quốc gia ngoài khu vực là mối đe dọa an ninh tiềm tàng.”

Zakharova nói thêm rằng Nga đã đưa ra phản đối chính thức tới đại sứ quán Nhật Bản ở Nga.
 
Ánh Tuyết News 22 Dec 2023
Đặng Tự Do
21:46 21/12/2023
1. Các giám mục Kazachstan và Malawi cấm chúc lành các cặp đồng phái

Các giám mục tại Cộng hòa Kazachstan và Malawi cấm chúc lành cho các cặp đồng phái, mặc dù có tuyên ngôn mới được Bộ Giáo lý đức tin công bố.

Đức Cha Tomasz Peta, gốc Ba Lan, Tổng giám mục Giáo phận Astana, thủ đô Kazakhstan, nơi Đức Thánh Cha đã đến viếng thăm hồi trung tuần tháng Chín năm ngoái (13-15/9/2022), và vị Giám Mục Phụ Tá là Đức Cha Athanasius Schneider, gốc Đức, đã bày tỏ lập trường trên đây trong một lá thư mục vụ, trong đó hai vị cấm tất cả các linh mục trong giáo phận thuộc quyền không được cử hành các lễ nghi như vậy và cấm mọi tín hữu không được tham dự.

Lá thư mục vụ bằng tiếng Nga khẳng định rằng chúc lành cho những quan hệ đồng phái là điều “Trực tiếp và nghiêm trọng, đi ngược với mạc khải của Chúa và giáo huấn cũng như sự thực hành liên tục từ hai ngàn năm của Giáo Hội Công Giáo”. Toan tính hợp thức hóa những quan hệ như thế sẽ có những hậu quả sâu rộng và tai hại. vì thế, trong thực tế, Giáo Hội Công Giáo đang bị biến thành một tổ chức tuyên truyền cho ý thức hệ giới tính”.

Hội đồng Giám mục Malawi ở miền nam Phi châu đã chính thức cấm việc chúc lành cho những quan hệ đồng phái. Trong thông cáo chính thức công bố tại thủ đô Lilongwe, các giám mục Malawi viết: “Để tránh sự lẫn lộn nơi các tín hữu, chúng tôi truyền rằng vì những lý do mục vụ, những cuộc chúc lành thuộc mọi loại cho những cuộc kết hiệp đồng phái thuộc mọi thứ không được phép ở Malawi”. Dầu sao văn kiện “Fiducia supplicans”, tín thác khẩn xin, của Bộ Giáo lý đức tin, không minh thị nói về những chúc lành cho các cặp đồng phái, nhưng đúng hơn nói về việc chúc lành cho các cá nhân, bất luận tình trạng quan hệ của họ”.

Tại nhiều nước Phi châu, đồng tính luyến ái bị trừng trị bằng những hình phạt nặng nề, kể cả án tử hình. Vì thế, lối tiếp cận của Giáo hội về đồng tính luyến ái và những quan hệ đồng phái, cũng là một chướng ngại lớn đối với các Giáo hội Kitô ở Phi châu. Ví dụ, gần đây, các Giáo hội Anh giáo ở các nước Phi châu và Liên hiệp các Giáo hội Anh giáo Nam Bán Cầu đã ngưng hiệp thông với Đức Tổng Giám Mục Canterbury Justin Welby, Giáo chủ Liên hiệp Anh giáo, vì đã chấp nhận hôn nhân đồng phái.

Cũng nên nói thêm rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần phê bình điều mà gọi là “thực dân ý thức hệ” vì nhiều nước Tây phương muốn áp đặt lối sống và luân lý của họ cho các nước tây phương, trong đó có lý thuyết giới tính và hôn nhân đồng phái, đồng tính luyến. v.v.

Tại Zambia, cũng ở miền nam Phi châu, Hội đồng Giám mục công bố tuyên ngôn nhận xét rằng Tuyên ngôn của Bộ Giáo lý đức tin “không phải và không được hiểu là một sự ủng hộ sự kết hiệp đồng phái, Kinh thánh đã trình bày các hành động đồng tính luyến ái như những hành vi đồi bại nặng nề”.

Để tránh sự lẫn lộn và bảo đảm cho các giáo sĩ khỏi vi phạm luật pháp của Zambia, tuyên ngôn của Tòa Thánh sẽ được coi như một suy tư thêm và không phải để áp dụng cho Zambia”. Quốc gia này thuộc vào số các nước Phi châu có luật cấm đồng tính luyến ái.

2. Số tín hữu Ba Lan tham dự thánh lễ tái gia tăng

Sau thời kỳ suy giảm vì Covid-19, số tín hữu Công Giáo Ba Lan tham dự thánh lễ Chúa nhật lại gia tăng.

Theo con số của Viện Thống kê Giáo hội Ba Lan, công bố hôm 19 tháng Mười vừa qua, số tín hữu dự lễ Chúa nhật xuống mức thấp nhất 28,5% trong năm 2021, nhưng năm ngoái, 2022, con số này lại tăng lên 29,5%. Kết quả cuộc kiểm kê mới nhất hồi tháng Mười vừa qua chưa có.

Tại Ba Lan, số tín hữu Công Giáo tham dự thánh lễ cao hơn nhiều so với nước Áo. Hãng tin Công Giáo Áo Kathpress cho biết năm ngoái 2022, tại Áo có gần 366.000 người Công Giáo dự lễ, tức là 7,7%. Tại nước này, trong thời đại dịch Covid, số người dự lễ cũng giảm sút.

Tại Ba Lan, số tín hữu Công Giáo dự lễ đạt tới mức kỷ lục là 53,3% trong năm 1987 và từ đó, con số này dần dần giảm sút: từ năm 2013, tỷ lệ xuống dưới mức 40%.

Trong năm ngoái, Giáo hội Ba Lan có thêm năm giáo xứ mới và tổng số giáo xứ toàn quốc là 10.537. Số linh mục giáo phận còn 23.765 người, giảm mất 200 vị, và có 18.629 linh mục hoạt động tại các giáo xứ, tức là giảm 1.500 vị so với năm 2021 trước đó.
 
VietCatholic TV
Dương đông, kích Tây: Ukraine phóng hỏa tiễn Anh đánh tan tành Trung Tâm Hàng Không Vũ Trụ Nga
VietCatholic Media
02:13 21/12/2023


1. Trung tâm hàng không vũ trụ của Nga ở Crimea bị tấn công nổ tan tành

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Deep Space Network Center in Crimea Hit by Storm Shadows: Reports”, nghĩa là “Các báo cáo cho thấy trung tâm mạng không gian của Nga ở Crimea bị tấn công bởi hỏa tiễn Storm Shadows.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo các báo cáo địa phương, Ukraine đã tấn công bằng hỏa tiễn hành trình phóng từ trên không Storm Shadow do Anh cung cấp vào một trung tâm mạng không gian của Nga ở Crimea bị sáp nhập - được cho là do Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga sử dụng.

Hai cuộc tấn công vào bán đảo Hắc Hải đã được thực hiện vào sáng thứ Tư. Kênh tin tức độc lập ASTRA của Nga đưa tin một nhân viên của Cơ quan Biên giới FSB đã bị thương trong vụ tấn công đầu tiên. Trong vụ tấn công thứ hai, các nhân chứng cho biết các thiết bị bên ngoài toà nhà, đặc biệt là hệ thống ăng-ten vệ tinh bị hư hỏng hoàn toàn. Các tiếng nổ kéo dài trong nhiều giờ có lẽ đã phá hủy toàn bộ các thiết bị của trung tâm này.

Trung tâm này được bảo vệ cẩn mật bằng hệ thống phòng không S-400 mà Putin gọi là “bất khả chiến bại”. Tuy nhiên, có vẻ như nó không ngăn chặn nổi hỏa tiễn Storm Shadow.

Ukraine đã tăng cường các cuộc tấn công vào Crimea, nơi đã bị Putin sáp nhập vào năm 2014. Kyiv tuyên bố sẽ chiếm lại bán đảo này.

Vào tháng 10, các hình ảnh vệ tinh cho thấy Hạm đội Hắc Hải của Nga đang chạy trốn từ cảng Sevastopol ở Crimea đến Novorossiysk ở Krasnodar Krai ở miền nam nước Nga và cảng hải quân Nga ở Feodosia trên bán đảo bị sáp nhập, trong bối cảnh các cuộc tấn công gia tăng này.

Theo kênh Telegram Crimea Wind, trong vụ tấn công vào sáng Thứ Tư, đầu tiên một cuộc tấn công nhằm mục đích nghi binh đã diễn ra vào khoảng 4 giờ sáng tại Alushta, một thành phố trên bờ biển phía nam Crimea.

Cuộc tấn công chính diễn ra vào khoảng 5 giờ sáng, đó là lúc Ukraine tấn công Trung tâm Liên lạc Không gian Tầm xa của Nga tại làng Vitino ở vùng Saky bằng hỏa tiễn Storm Shadow. Hỏa tiễn Storm Shadow có tầm bắn hơn 250 dặm và có thể được Ukraine phóng từ chiến đấu cơ.

Trung tâm này là một trong ba khu phức hợp tạo nên Trung tâm Truyền thông Không gian Yevpatoria của Nga, nơi hỗ trợ các sứ mệnh không gian có người lái và robot.

Ukraine được cho là đã sử dụng hỏa tiễn Storm Shadow trong cuộc tấn công vào tháng 9 nhằm vào xưởng đóng tàu hải quân Nga ở Sevastopol. Cơ quan tình báo quân sự Ukraine nói với Ukrainska Pravda rằng các cuộc tấn công hỏa tiễn đã làm hư hại tàu ngầm Rostov-on-Don của Mạc Tư Khoa và tàu đổ bộ Minsk tại xưởng đóng tàu Ordzhonikidze. Cuộc tấn công đó được cho là đã giết chết một số sĩ quan hàng đầu.

Các chuyên gia thân cận với Bộ Quốc phòng Ukraine trước đây đã nói với Newsweek rằng Kyiv đang bắt tay vào chiến lược “phi quân sự hóa” Hạm đội Hắc Hải như một phần trong các bước tiến tới giải phóng Crimea.

2. Đồng minh của Putin nhận định rằng cuộc xâm lược Ukraine đã không được chuẩn bị đến nơi đến chốn

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Ally Says Invasion of Ukraine Was 'Ill-Prepared'“, nghĩa là “Đồng minh của Putin nói cuộc xâm lược Ukraine là 'thiếu chuẩn bị'“ Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Một cựu cố vấn của Vladimir Putin đã nói rằng nếu có cơ hội, ông ấy sẽ hủy bỏ việc bắt đầu cuộc tấn công toàn diện vào Ukraine vì nó “không được chuẩn bị kỹ càng”.

Sergei Markov ủng hộ cuộc chiến và là đồng minh thân cận của Putin nhưng cho biết kế hoạch thay đổi “chế độ chính trị” ở Kyiv và thiết lập quyền kiểm soát hiệu quả đối với các khu vực Ukraine “được coi là thân Nga” đã không thực hiện được.

“Điều này có nghĩa là nó đã không được chuẩn bị đúng cách. Đây là câu hỏi lớn cho tương lai. Tôi sẽ hủy nó, chuẩn bị và sau đó tiến hành nó,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn với cựu tổng biên tập đài phát thanh độc lập Echo of Mạc Tư Khoa, Alexei Venediktov, một người chỉ trích Putin và cuộc xâm lược của ông.

Là một nhân vật thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông của Điện Cẩm Linh, Markov là giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Mạc Tư Khoa. Trước đó, ông đã chỉ trích những thiếu sót quân sự của Nga ở Ukraine và hồi Tháng Giêng nói rằng “Nga đã thực hiện một số bước dẫn đến thất bại”.

Trong một đoạn clip được chia sẻ trên X, bởi nhà quan sát Nga Julia Davis, Markov nói rằng Putin “có logic cũ này... khi một cuộc chiến là không thể tránh khỏi, hãy tấn công trước”, đồng thời tuyên bố rằng Ukraine “đã bắt đầu các hành động quân sự” ở khu vực Donbass.

Venediktov thách thức điều này bằng cách nói rằng Nga đã công nhận khu vực này là lãnh thổ Ukraine cho đến ba ngày trước khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện.

Markov cáo buộc Ukraine đang được điều hành bởi một “hệ thống khủng bố” và tình báo Mỹ và Anh là một phần của “nhà nước ngầm” đã giúp Volodymyr Zelenskiy đắc cử. Ông cho biết họ đã ra lệnh cho nhà lãnh đạo Ukraine “chiến đấu chống lại người Nga và tiếng Nga”.

Markov nói rằng số người chết cao trong chiến tranh, đặc biệt là trong số binh lính Nga, cho thấy “chiến dịch không được chuẩn bị như thế nào. Ý tưởng ban đầu là sẽ không có ai chết cả.”

Venediktov sau đó hỏi liệu Markov có tranh cử tổng thống vào năm 2024 hay không vì ông cho rằng Putin đã làm hỏng kế hoạch cho cuộc chiến ở Ukraine. Markov nói rằng ông sẽ không làm như vậy vì Putin, người đã tuyên bố vào tuần trước rằng ông ta sẽ tranh cử nhiệm kỳ thứ năm, “được người dân yêu thích hơn nhiều”.

“Bạn vừa nói rằng anh ta đã lên kế hoạch chiến tranh không chính xác, tương lai sẽ thế nào?” Venediktov nói. Markov đáp lại: “Tôi nghĩ Putin cũng sẽ lặp lại cùng một sai lầm như vậy.”

Davis viết bên cạnh đoạn clip: “Venediktov đã chứng minh rằng việc xóa bỏ những ngụy biện của Putin dễ dàng như thế nào.”

3. Zelenskiy đưa ra câu trả lời thẳng thừng về thời điểm chiến tranh ở Ukraine sẽ kết thúc

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Zelensky Gives Blunt Response to When Ukraine's War Will End”, nghĩa là “Zelenskiy đưa ra câu trả lời thẳng thừng về thời điểm chiến tranh ở Ukraine sẽ kết thúc.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Ba đã có câu trả lời thẳng thắn khi được các nhà báo hỏi tại cuộc họp báo cuối năm thường niên về thời điểm ông dự kiến cuộc chiến chống Nga sẽ kết thúc. Ông nói “Không ai biết câu trả lời”.

“Ngay cả những bậc đáng kính các chỉ huy của chúng ta và các đối tác phương Tây của chúng ta, những người nói rằng cuộc chiến này sẽ kéo dài nhiều năm, họ cũng không biết”, ông Zelenskiy nói với các phóng viên khi được hỏi liệu ông có dự đoán cuộc chiến sẽ kết thúc vào năm mới hay không.

Cuộc họp báo của Zelenskiy diễn ra khi cuộc xung đột Nga-Ukraine sắp bước sang năm thứ hai vào tháng 2 năm 2024 và khi sự ủng hộ dành cho Kyiv bắt đầu dao động ở Âu Châu và Hoa Kỳ. Tòa Bạch Ốc hôm thứ Hai thông báo rằng Tổng thống Joe Biden đang lên kế hoạch gửi thêm một gói viện trợ quân sự vào năm 2023 để tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine trước Nga, nhưng việc hỗ trợ thêm đó sẽ phải được thống nhất tại Quốc hội.

Khi được hỏi về nỗ lực thất bại trong việc bảo đảm nguồn tài trợ bổ sung khi đến thăm Washington, DC vào tuần trước, Tổng thống Zelenskiy vẫn bày tỏ niềm tin vào các đồng minh phương Tây của mình, nói với các phóng viên: “Tôi tin tưởng rằng Hoa Kỳ sẽ không phản bội chúng tôi”.

Ukraine cũng trắng tay khi tham dự cuộc họp giữa các thành viên Liên minh Âu Châu vào tuần trước sau khi nhà lãnh đạo Hung Gia Lợi Viktor Orbán bỏ phiếu chặn gói viện trợ bổ sung cho Kyiv, với tổng trị giá khoảng 52 tỷ Mỹ Kim. Hôm thứ Ba, Zelenskiy nói rằng ông hy vọng sẽ nói chuyện về “các giải pháp” với Orbán, theo báo cáo của The Moscow Times.

Zelenskiy hôm thứ Ba cũng thừa nhận rằng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 có thể ảnh hưởng đến sự ủng hộ của Mỹ dành cho Ukraine, đồng thời lưu ý rằng cựu Tổng thống Donald Trump “chắc chắn sẽ có chính sách khác” về cuộc chiến so với Tổng thống Joe Biden. Các nhân vật phương Tây trước đây đã bày tỏ lo lắng về khả năng tái đắc cử của Tổng thống Trump, bao gồm cả Tổng thống Cộng hòa Tiệp Petr Pavel, người đã nói với Seznam Zprávy hôm thứ Hai rằng cuộc bầu cử vào tháng 11 năm 2024 có thể gây ra “sự thay đổi đáng kể” trong cuộc chiến và mối quan hệ của Mỹ với các thành viên NATO.

Quân đội Kyiv hiện đang phải đối mặt với mùa đông thứ hai trong cuộc chiến chống Nga khi giao tranh tàn khốc diễn ra dọc theo mặt trận phía đông và phía nam, dẫn đến tổn thất nặng nề cho cả hai bên. Zelenskiy đã đưa ra ý tưởng trong bài phát biểu hôm thứ Ba từ Lực lượng vũ trang Ukraine về việc huy động thêm 400.000 đến 500.000 người để tăng cường quân đội của Kyiv, nhưng nói rằng ông “cần thêm lập luận để hỗ trợ ý tưởng này” trước khi đưa ra quyết định.

4. Tòa án Nga phạt Google gần 51 triệu Mỹ Kim

Hãng tin Tass đưa tin một tòa án Nga phạt Google gần 51 triệu Mỹ Kim vì không xóa cái gọi là thông tin “giả mạo” về cuộc xung đột ở Ukraine.

Nga đã xung đột với các công ty công nghệ nước ngoài về nội dung, kiểm duyệt, dữ liệu và đại diện địa phương trong một cuộc tranh chấp nảy lửa càng ngày càng gia tăng sau khi Nga xâm chiếm Ukraine vào tháng 2 năm 2022.

Google đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

YouTube của Alphabet đã trở thành mục tiêu cụ thể của sự phẫn nộ của nhà nước Nga, nhưng không giống như Facebook và Instagram của Twitter và Meta Platforms, nó không bị chặn.

Khoản tiền phạt được tính bằng một phần doanh thu hàng năm của Google ở Nga. Công ty đã phải chịu các hình phạt tương tự dựa trên doanh thu là 7,2 tỷ rúp vào cuối năm 2021 và 21,1 tỷ rúp vào tháng 8 năm 2022.

5. Ukraine sẽ sản xuất khoảng 1 triệu máy bay không người lái trinh sát và tấn công

Oleksandr Kamyshin, Bộ trưởng Công nghiệp chiến lược Ukraine cho biết hôm thứ Tư, rằng Kyiv có kế hoạch sản xuất khoảng 1 triệu máy bay không người lái trinh sát và tấn công FPV cùng hơn 11.000 máy bay không người lái tấn công tầm trung và tầm xa vào năm tới.

Ông cho biết: “Tất cả các cơ sở sản xuất đã sẵn sàng và hợp đồng cho năm 2024 sẽ bắt đầu”.

Ông nói thêm rằng con số này bao gồm ít nhất 1.000 máy bay không người lái với tầm hoạt động hơn 1.000km.

6. Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ phân tích các nhận xét của Putin và Shoigu trong cuộc họp tại Bộ Quốc phòng Nga.

Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, có trụ sở tại Washington đã phân tích những nhận xét mà Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đưa ra trong Hội nghị của Bộ Quốc phòng Nga ngày 19/12 về sức mạnh hiện tại của quân đội Nga.

Shoigu tuyên bố rằng Bộ Quốc phòng Nga sẽ ưu tiên tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine và huấn luyện các đơn vị và đội hình mới thành lập vào năm 2024, đồng thời nhắc lại các mối đe dọa chống lại Phần Lan và liên minh NATO rộng lớn hơn.

Shoigu tuyên bố rằng quân đội Nga đang tiến hành công việc mở rộng sức mạnh chiến đấu của mình lên 1,32 triệu binh sĩ từ 1,15 triệu theo sắc lệnh ngày 1 tháng 12 của Putin. ISW trước đó đánh giá rằng sắc lệnh này có thể là chỉ là dự kiến về quân số của quân đội Nga chứ không phải là mệnh lệnh tăng ngay số lượng binh sĩ Nga, và Shoigu dường như chỉ đơn thuần tái hiện tuyên bố ban đầu của Putin thay vì vạch ra những thay đổi lớn trong lực lượng quân sự Nga,” báo cáo cho biết.

Theo các nhà phân tích của ISW, Shoigu tuyên bố rằng quân đội Nga đã thành lập hai Tập Đoàn Quân được trang bị đầy đủ (có thể liên quan đến Tập Đoàn Quân vũ khí kết hợp số 18 và 25 mới thành lập), một quân đoàn không quân hỗn hợp, bốn sư đoàn, bao gồm 50 đơn vị khác và các đơn vị nhỏ hơn bao gồm 18 lữ đoàn và 28 trung đoàn biệt lập vào năm 2023.

“Shoigu ban đầu phác thảo việc thành lập các đơn vị mới này trong cuộc họp của Bộ Quốc Phòng vào tháng 12 năm 2022. Việc thành lập một số đơn vị trong số đó đã được ISW xác nhận độc lập. Tuy nhiên, rất khó có khả năng bất kỳ tổ chức mới nào trong số này được 'trang bị đầy đủ' hoặc hoạt động hết sức mạnh về mặt học thuyết vào thời điểm này”, các nhà phân tích của ISW cho biết.

Ông Shoigu nhắc lại rằng quân đội Nga đang thành lập Quân khu Leningrad và Quân khu Mạc Tư Khoa liên quan đến việc Phần Lan gia nhập NATO và việc gia nhập sắp tới của Thụy Điển. Ông cũng tuyên bố rằng Nga sẽ ưu tiên thực hiện các biện pháp huấn luyện tác chiến và chiến đấu để chống lại “các mối đe dọa từ việc NATO mở rộng hơn nữa về phía đông” vào năm 2024.

“Nỗ lực của Shoigu nhằm trình bày việc thành lập 2 quân khu vừa nêu như một phản ứng đối với cáo buộc về 'sự mở rộng của NATO' gợi lại một hoạt động thông tin đang diễn ra của Nga nhằm chuyển trách nhiệm về cuộc chiến ở Ukraine từ Nga sang phương Tây bằng cách coi các hành động của Nga là phản ứng trước thái độ hiếu chiến của NATO. Thực ra, Phần Lan và Thụy Điển chỉ nộp đơn xin gia nhập NATO ngay sau khi Nga xâm lược toàn diện Ukraine, có thể vì lo ngại Nga tiếp tục xâm lược biên giới của họ”, ISW cho biết.

Tuyên bố lưu ý rằng quyết định của Nga cải tổ Quân khu miền Tây thành Quân khu Leningrad và Quân khu Mạc Tư Khoa là một phần trong nỗ lực tái cơ cấu và mở rộng dài hạn nhằm chuẩn bị cho Nga trước một cuộc chiến tranh thông thường quy mô lớn có thể xảy ra trong tương lai chống lại NATO, đồng thời cân bằng sức mạnh của Nga với yêu cầu hoạt động ở Ukraine.

Các nhà phân tích của ISW cũng nhấn mạnh rằng Putin đang ngày càng viện dẫn những luận điệu lịch sử giả tạo trước cuộc xâm lược của Điện Cẩm Linh để tự coi mình là một sa hoàng Nga hiện đại và coi cuộc xâm lược Ukraine là một cuộc tái chiếm đế quốc hợp lý về mặt lịch sử. Putin đã phát biểu trước Hội đồng Bộ Quốc phòng Nga vào ngày 19 tháng 12 và phần lớn nhắc lại những luận điệu của Điện Cẩm Linh về cuộc chiến ở Ukraine bằng cách đổ lỗi cho NATO và tập thể phương Tây đã xâm phạm biên giới của Nga và tự bào chữa cho những vấn đề mà Lực lượng vũ trang Nga ở Ukraine phải đối mặt bằng cách đổ lỗi cho bộ máy quan liêu của Bộ Quốc phòng Nga.

Putin tuyên bố một cách vô căn cứ rằng người dân sống ở miền Tây Ukraine muốn trở về “quê hương lịch sử” của họ, ám chỉ rằng miền Tây Ukraine có thể quay trở lại quan niệm thế kỷ 17 về biên giới quốc gia và trở thành một phần của Ba Lan, Rumani hoặc Hung Gia Lợi.

ISW cho biết: “Tuyên bố này cho thấy rằng Putin đang vũ khí hóa có chọn lọc các khía cạnh của lịch sử Đông và Trung Âu khi chúng phù hợp với đường lối tư tưởng của ông ấy nhằm tiếp tục tước bỏ chủ quyền được quốc tế công nhận của Ukraine”.

Theo các nhà phân tích của ISW, các tuyên bố tại Bộ Quốc Phòng Nga của Putin đầy rẫy những mâu thuẫn về mặt tu từ và phụ thuộc vào những câu chuyện ngụ ngôn lịch sử mong manh sẽ không thành công khi được xem xét trong các bối cảnh lịch sử khác nhau.

7. Tòa Bạch Ốc cho rằng Nga có thể tăng cường tấn công Avdiivka khi mặt đất đóng băng

Chính quyền Mỹ cho rằng quân đội Nga đang chờ đất đóng băng để tăng cường các hoạt động tấn công ở phía đông Ukraine, đặc biệt là khu vực Avdiivka.

Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia, cho biết như trên trong cuộc họp báo hôm thứ Tư, 20 Tháng Mười Hai.

“Chúng tôi đã thấy rằng người Nga thực sự đang có ý định tiến hành các hoạt động tấn công, đặc biệt là ở phía đông xung quanh thị trấn Avdiivka. Và chúng tôi tin rằng - chúng tôi có mọi lý do để tin rằng khi mặt đất đóng băng vào cuối Tháng Giêng và đầu tháng 2, điều đó sẽ giúp người Nga - các lực lượng Nga tiếp tục di chuyển dễ dàng hơn”, Kirby nói.

Theo ông, Nga đang tấn công cơ sở hạ tầng quan trọng ở Ukraine, phóng máy bay không người lái và hỏa tiễn, cố gắng vũ khí hóa mùa đông.

Vì vậy, cần phải cung cấp thêm cho các đơn vị phòng không Ukraine những khả năng bổ sung.

“Vì vậy, thời gian không đứng về phía chúng ta. Chúng tôi muốn nhận được khoản tài trợ này ngay khi có thể”, quan chức Tòa Bạch Ốc cho biết, đồng thời nhắc lại lời kêu gọi Quốc hội thông qua gói an ninh quốc gia bổ sung ngay lập tức.

Ông kỳ vọng rằng các thành viên Quốc hội sẽ thể hiện đường lối thiện chí trong các cuộc đàm phán về cải cách di cư nhằm tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine.

8. Lực lượng Ukraine phá hủy bệ phóng hỏa tiễn Grad, kho đạn dược của Nga ở mặt trận phía Nam

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Năm 21 Tháng Mười Hai, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết lực lượng phòng vệ Ukraine đã phá hủy một bệ phóng hỏa tiễn hàng loạt Grad của Nga và một kho đạn dược dã chiến ở trục phía Nam.

Tiến hành trinh sát khu vực phía Nam, lực lượng điều hành Trung tâm Hàng hải số 73 của quân Ukraine đã phát hiện bệ phóng hỏa tiễn BM-21 Grad của địch và một kho đạn dược dã chiến.

Họ đã điều chỉnh hỏa lực HIMARS của một đơn vị pháo binh Ukraine vào các mục tiêu của đối phương.

Ông cho biết trước đó lực lượng biên phòng Ukraine đã vô hiệu hóa 8 máy bay không người lái của đối phương bằng súng chống máy bay không người lái trên trục Zaporizhzhia.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov nói thêm rằng Lực lượng Ukraine hôm thứ Tư đã đẩy lùi 29 cuộc tấn công của đối phương ở phía bên trái sông Dnipro ở vùng Kherson.

Trong suốt cả ngày, máy bay Ukraine đã tấn công 16 khu vực tập trung quân nhân, vũ khí, thiết bị và hệ thống hỏa tiễn phòng không của Nga. Lực lượng phòng không Ukraine cũng đánh chặn hỏa tiễn dẫn đường Kh-59.

Ông cho biết tình hình hoạt động ở phía đông và phía nam Ukraine vẫn còn khó khăn, với 89 cuộc đụng độ diễn ra trên khắp mặt trận vào thứ Tư.

“Đối phương vẫn chưa từ bỏ ý định đánh bật các đơn vị của chúng ta ra khỏi tả ngạn sông Dnipro. Địch đã thực hiện 29 đợt xung kích không thành công, bị đẩy lùi và bị tổn thất đáng kể. Các đơn vị của chúng ta giữ vững lập trường, tiếp tục giữ vững vị trí và tấn công quân xâm lược”, Chuẩn tướng Oleksii Hromov nói.

9. Phòng không Ukraine đánh chặn hỏa tiễn Nga trên vùng Dnipropetrovsk

Lực lượng phòng không Ukraine đã phá hủy một hỏa tiễn của Nga ở một quận thuộc vùng Dnipropetrovsk.

Serhii Lysak, Thống đốc khu vực, cho biết như trên hôm Thứ Năm, 21 Tháng Mười Hai.

“Trừ đi một hỏa tiễn của đối phương. Bộ Tư lệnh Không quân Miền Đông đã bắn rơi nó ở quận Dnipro. Bầu trời trong khu vực rất trong xanh”, ông nói.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Năm, 21 Tháng Mười Hai, Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat, cho biết một máy bay không người lái của Nga đã bị phá hủy ở quận Kryvyi Rih vào khoảng nửa đêm.

Vào đêm ngày 20 tháng 12 năm 2023, quân đội Nga đã tấn công lãnh thổ Ukraine bằng đạn lảng vảng loại Shahed, phóng chúng từ Crimea (Chauda, Balaklava) tạm thời bị tạm chiếm.

“Tổng cộng có 19 máy bay không người lái Shahed đã được phóng. 18 trong số đó đã bị phá hủy bởi các đơn vị và hệ thống của Lực lượng Phòng không và Không quân Ukraine ở các khu vực Odesa, Kherson, Khmelnytskyi, Dnipropetrovsk, Vinnytsia, Kyiv, Chernihiv và Kirovohrad”

Ngoài ra, đối phương đã tiến hành hai cuộc tấn công bằng hỏa tiễn S-300 từ khu vực Belgorod của Nga.

Theo dữ liệu ban đầu, không có thương vong nào được báo cáo.

10. Ukraine nhận 150 triệu euro từ Liên Hiệp Âu Châu để tái thiết

Ngoại trưởng Liên Hiệp Âu Châu, Josep Borrell, cho biết, Ukraine đã nhận 150 triệu euro từ Liên Hiệp Âu Châu để tái thiết. “Tài trợ không hoàn lại sẽ giúp bảo đảm các biện pháp ưu tiên nhằm khôi phục các cơ sở quan trọng bị ảnh hưởng bởi cuộc xâm lược vũ trang của Liên bang Nga, bao gồm cơ sở hạ tầng giao thông, tiện ích và dịch vụ, cơ sở hạ tầng xã hội và khu dân cư,” ông nói.

Ông Borrell lưu ý rằng đợt thứ hai trị giá 100 triệu EUR dự kiến vào quý 1 năm 2024. Khoản tiền này sẽ được sử dụng để tài trợ cho cả các biện pháp phục hồi và hỗ trợ các trang trại nhỏ và các nhà sản xuất nông nghiệp khác.

Theo báo cáo từ Bộ Tài Chính Ukraine, tính từ đầu năm 2023, Ukraine đã nhận được gần 37,4 tỷ Mỹ Kim viện trợ quốc tế, trong đó nhận được hơn 4,7 tỷ Mỹ Kim trong tháng 10-11.
 
Putin tái mặt: Mỹ đưa quân vào Phần Lan, Đức vào Lithuania. Quân Putin bị sốt hàng loạt ở Ukraine
VietCatholic Media
15:41 21/12/2023


1. Putin phàn nàn phương Tây 'qua mặt' người Nga ở Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Complains West 'Outplayed' Russia in Ukraine”, nghĩa là “Putin phàn nàn phương Tây 'qua mặt' người Nga ở Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Putin cho biết phương Tây đã qua mặt được người Nga ở Ukraine sau cuộc xâm lược đầu tiên của ông vào nước này vào năm 2014.

Putin đưa ra nhận xét này hôm thứ Ba trong cuộc họp mở rộng của Bộ Quốc phòng Nga tại Trung tâm Kiểm soát Quốc phòng Quốc gia ở Mạc Tư Khoa. Ông cho rằng, sau năm 2014, khi Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine, phương Tây đã không thực hiện thỏa thuận Minsk thứ hai và ngay lập tức phát động chiến tranh ảo tại đó. “Theo nghĩa này, nếu tôi có thể nói như vậy, họ đã qua mặt chúng ta”, ông Putin nói.

Các thỏa thuận Minsk được ký kết vào năm 2014 và 2015 nhằm tìm cách chấm dứt cuộc chiến ly khai ở miền đông Ukraine. Minsk II, được đưa ra sau khi thỏa thuận đầu tiên nhanh chóng sụp đổ, bao gồm lệnh ngừng bắn do Tổ chức An ninh và Hợp tác Âu Châu, gọi tắt là OSCE, giám sát, đồng thời kêu gọi rút vũ khí hạng nặng khỏi giới tuyến.

Ukraine cáo buộc Nga vào thời điểm đó không rút lực lượng khỏi hai khu vực tranh chấp là Donetsk và Luhansk. Tuy nhiên, Nga bác bỏ cáo buộc này và nói rằng họ không có lực lượng ở đó.

“Chúng tôi không làm gì cả, nhưng dần dần chúng tôi phải tham gia để bảo vệ người dân để họ không bị tiêu diệt ở đó. Đó là những gì đã bắt đầu xảy ra”, nhà lãnh đạo Nga nói. Ông nói thêm rằng phương Tây thích thú theo dõi những gì đang diễn ra. “Theo nghĩa này, nếu tôi có thể nói như vậy, họ đã chơi tốt hơn chúng ta”, ông Putin nói thêm.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng phát biểu tại cuộc họp, nói rằng Ukraine cho đến nay đã mất hơn 383.000 quân kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện vào nước này bắt đầu vào tháng 2 năm 2022.

Ước tính số liệu thương vong khác nhau và Kyiv không công bố số người chết cập nhật. Vào tháng 4, một đánh giá của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ bị rò rỉ cho biết Kyiv đã phải chịu từ 124.500 đến 131.000 người thương vong, trong đó có 15.500 đến 17.500 người chết.

Tương tự, Nga hiếm khi công bố số liệu về tổn thất quân đội. Vào tháng 9 năm 2022, Shoigu cho biết 5.937 binh sĩ Mạc Tư Khoa đã thiệt mạng trong cuộc chiến.

Một cuộc điều tra chung của Ban tiếng Nga của BBC và hãng tin độc lập Mediazona của Nga ngày 17/11 đã xác định được tên của 37.052 quân nhân Nga đã thiệt mạng trong cuộc chiến ở Ukraine. Họ cho rằng con số thiệt hại thực tế cao hơn con số nêu trong cuộc điều tra.

2. Điện Cẩm Linh tăng cường các luận điệu cho rằng Nga đang bị NATO tấn công

Theo Reuters, trong cuộc họp báo hôm Thứ Tư, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov đã tăng cường các luận điệu cho rằng Nga đang bị NATO tấn công.

Trước hết, Peskov cho rằng Ukraine rút khỏi đàm phán hòa bình năm 2022 theo yêu cầu của Anh. Ông ta cho biết hiện tại không có cơ sở cho các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine vì các điều kiện tiên quyết để đạt được thành công thực sự không hiện hữu.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh, Dmitry Peskov, cho biết Ukraine đã rút khỏi quá trình đàm phán vào năm 2022 “theo yêu cầu của Anh” và Anh “cấm” Ukraine đàm phán với Nga.

Cho đến nay, Ukraine cho biết hòa bình chỉ có thể dựa trên việc Nga rút quân hoàn toàn khỏi toàn bộ lãnh thổ mà nước này chiếm giữ kể từ khi chiến tranh bắt đầu vào tháng 2 năm 2022.

Việc Thủ tướng Anh Boris Johnson bay sang Kyiv và cấm Ukraine đàm phán với Nga, được Peskov mô tả là một bằng chứng cho thấy ý đồ của NATO muốn tấn công Nga.

Bằng chứng thứ hai ông ta đưa ra là việc Hoa Kỳ triển khai quân đội ở Phần Lan, sát biên giới với Nga.

Trước đó, Ngoại trưởng Phần Lan Elina Valtonen cho biết thỏa thuận đưa quân đội Mỹ vào nước này là nhằm cho phép nhanh chóng tiếp cận quân sự và viện trợ cho Phần Lan, quốc gia có chung đường biên giới dài 1.340km với Nga, trong trường hợp xảy ra xung đột.

Cô nhấn mạnh rằng hiệp ước này sẽ giúp “việc tổ chức các hoạt động trong thời bình trở nên dễ dàng hơn, nhưng trên hết nó có thể rất quan trọng trong thời kỳ khủng hoảng”.

Putin đã cảnh cáo Phần Lan trước động thái này, trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình nhà nước Rossiya hôm Chúa Nhật.

Phương Tây “kéo Phần Lan vào NATO. Chúng ta có tranh chấp gì với họ đâu? Tất cả các tranh chấp, bao gồm cả tranh chấp lãnh thổ vào giữa thế kỷ 20, đã được giải quyết từ lâu”, Putin nói.

“Không có vấn đề gì ở đó, nhưng bây giờ sẽ có, bởi vì chúng ta sẽ thành lập quân khu Leningrad và tập trung một lượng đơn vị quân đội nhất định ở đó.”

3. Kyiv cho biết năng lực quân đội Nga bị tổn hại vì các chỉ huy Nga phớt lờ bệnh 'sốt chuột'

Ukraine, các lực lượng Nga chiến đấu ở khu vực Kharkiv của Ukraine đang phải đối phó với đợt bùng phát “cơn sốt chuột” làm ảnh hưởng đến hiệu quả chiến đấu của binh lính.

Tổng cục Tình báo Quân đội Ukraine, gọi tắt là GUR, báo cáo rằng bệnh sốt chuột đã lan rộng trong hàng ngũ quân đội Nga “do không cung cấp đầy đủ quần áo mùa đông và hoàn toàn thiếu sự chăm sóc y tế”.

Căn bệnh truyền nhiễm dường như được Ukraine mô tả là một loại hantavirus. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, gọi tắt là CDC, căn bệnh có khả năng gây tử vong này xảy ra khi con người bị nhiễm một loại vi khuẩn do loài gặm nhấm mang theo.

GUR viết: “Bệnh này có bản chất là virus và lây truyền sang người từ loài gặm nhấm – thông qua tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh, hít phải bụi phân chuột hoặc lây truyền vào thức ăn của con người”.

Cơ quan tình báo Ukraine nói thêm rằng các chỉ huy Nga có thể đã phớt lờ những binh sĩ bị ốm vì cho rằng họ đang cố tránh giao tranh.

GUR viết: “Những lời phàn nàn về cơn sốt của các quân nhân Nga tham gia cuộc chiến chống Ukraine đã bị bộ chỉ huy phớt lờ, coi đó là một biểu hiện khác của việc trốn tránh tham gia các hoạt động chiến đấu”.

GUR viết rằng đợt bùng phát bệnh sốt chuột xảy ra gần thành phố Kupyansk ở Kharkiv, do đó khả năng chiến đấu của những người Nga bị bệnh đã “giảm đáng kể”.

Các triệu chứng của bệnh sốt chuột bao gồm nhức đầu dữ dội, phát ban, sốt, huyết áp thấp, đau và sưng khớp, buồn nôn và nôn. GUR cho biết căn bệnh này thường giống với bệnh cúm thông thường trong giai đoạn đầu và “vì căn bệnh này ảnh hưởng đến thận nên người bị nhiễm sốt chuột sẽ bị đau thắt lưng dữ dội và khó tiểu nghiêm trọng”.

Trang web của CDC chỉ ra rằng khi không được điều trị, hantavirus có thể khiến những người bị nhiễm bệnh bị sốc và bị suy thận cấp tính.

Mặc dù báo cáo của GUR cho biết quân đội Nga ở khu vực xung quanh Kupyansk đã bị tổn hại do bệnh sốt chuột, nhưng Bộ Quốc phòng Nga hồi đầu tuần lại báo cáo rằng lực lượng của họ trong khu vực đã thành công trong các cuộc đụng độ gần đây với quân đội Kyiv.

4. Tư lệnh quân đội Bỉ nói Putin có thể tấn công vùng Baltic và Moldova tiếp theo

Ký giả Laura Hülsemann của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “Putin could attack Baltics and Moldova next, says Belgian army chief”, nghĩa là “20. Tư lệnh quân đội Bỉ nói Putin có thể tấn công vùng Baltic và Moldova tiếp theo”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Sau Ukraine, mục tiêu tiếp theo của Điện Cẩm Linh có thể là Moldova và các nước vùng Baltic, tư lệnh quân đội Bỉ Michel Hofman cảnh báo.

Hofman nói với hãng tin VRT của Bỉ khi đến thăm các binh sĩ Bỉ đóng quân ở Rumani. Ngôn ngữ của Putin “luôn mơ hồ. Hoàn toàn có khả năng sau này họ cũng sẽ có những ý tưởng khác. Hoặc ở phía nam Moldova hoặc các nước vùng Baltic,” ông nói.

Hofman, nhà lãnh đạo lực lượng phòng thủ của lực lượng vũ trang Bỉ, cho biết: “Âu Châu phải khẩn trương chuẩn bị và nói rõ rằng họ có thể tự vệ” và “sẽ… phản công nếu cần thiết”.

Ukraine đã chống lại cuộc xâm lược toàn diện của Putin, bắt đầu vào tháng 2 năm 2022 và Nga không có dấu hiệu giảm bớt bất chấp sự kháng cự quyết liệt từ lực lượng Kyiv.

“ Nga đã chuyển sang ngành công nghiệp chiến tranh. Ông nói, ngay cả khi lực lượng của Mạc Tư Khoa hiện tại có vẻ suy yếu do cuộc chiến đang diễn ra với Ukraine, thì điểm yếu này chỉ là “tạm thời”. Tư lệnh quân đội Bỉ cảnh báo, và nhấn mạnh rằng nếu Nga thắng cuộc chiến, nước này “cuối cùng sẽ tái tạo cỗ máy chiến tranh và xây dựng lại lực lượng vũ trang của mình”.

Moldova là nước láng giềng Ukraine và một trong những khu vực của nước này - Transnistria - được Điện Cẩm Linh hậu thuẫn. Nó đã hoạt động như một quốc gia không được công nhận kể từ khi Liên Xô sụp đổ, vẫn giữ lá cờ búa liềm thời Liên Xô và sử dụng tiếng Nga làm ngôn ngữ chính thức.

Về phía tây của Điện Cẩm Linh, các nước vùng Baltic được bảo vệ bởi điều khoản phòng thủ chung của NATO - và một cuộc tấn công của quân đội Putin vào Estonia, Latvia hoặc Lithuania có thể gây ra một cuộc xung đột rộng hơn.

5. Bộ Trưởng Ngoại Giao Ukraine Dmytro Kuleba cho biết nước này đã thiết lập cơ chế Tallinn về phòng thủ mạng

Mười một quốc gia, bao gồm Anh, Mỹ và Ukraine, đã thiết lập cơ chế Tallinn về phòng thủ mạng. Cơ chế này nhằm mục đích phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng năng lực mạng dân sự để giúp Ukraine duy trì quyền tự vệ cơ bản trong không gian mạng và giải quyết các nhu cầu phục hồi mạng lâu dài hơn. Bộ Trưởng Ngoại Giao Ukraine Dmytro Kuleba cho biết như trên.

Canada, Đan Mạch, Estonia, Pháp, Đức, Hà Lan, Ba Lan, Thụy Điển, Anh, Mỹ và Ukraine là những nước đã tham gia vào cơ chế này.

Vương quốc Anh và Ukraine đang sát cánh chiến đấu trong cuộc chiến tranh mạng chống lại Nga, quốc gia có những cuộc tấn công kinh hoàng không có giới hạn. Nga đang tấn công cơ sở hạ tầng mạng của Ukraine nhằm làm hại những người vô tội, bóp nghẹt nền kinh tế và gieo rắc sự hỗn loạn.

Đó là lý do tại sao Vương quốc Anh đang hỗ trợ Ukraine công nghệ, công cụ và chuyên môn hiện đại để ngăn chặn những cuộc tấn công tàn khốc này, bao gồm cả những cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng quan trọng.

Tưởng cũng nên nhắc lại là vào ngày 12 tháng 12 năm 2023, Kyivstar, nhà khai thác mạng di động lớn nhất Ukraine, đã phải hứng chịu một cuộc tấn công mạng. Hiệu ứng tiếp tục kéo dài ít nhất 48 giờ, ảnh hưởng đến dịch vụ dữ liệu và điện thoại di động của công ty.

Kyivstar cung cấp dịch vụ internet di động và gia đình cho hơn một nửa dân số Ukraine. Cuộc tấn công mạng được cho là đã khiến người dùng không có tín hiệu di động hoặc khả năng sử dụng Internet. Kyivstar báo cáo rằng không có dữ liệu cá nhân nào bị xâm phạm trong cuộc tấn công.

Cuộc tấn công mạng cũng được cho là đã làm gián đoạn còi báo động của cuộc không kích, một số ngân hàng, máy rút tiền tự động và thiết bị đầu cuối tại các điểm bán hàng. Đồng thời, ngân hàng Monobank của Ukraine là mục tiêu của cuộc tấn công từ chối dịch vụ, gọi tắt là Đi Đốt Attack, làm gián đoạn quyền truy cập vào trang web của ngân hàng.

Với việc các nguồn lực của chính phủ Ukraine và các dịch vụ khẩn cấp bị ảnh hưởng, biến cố này có thể là một trong những cuộc tấn công mạng gây gián đoạn có ảnh hưởng lớn nhất đối với các mạng của Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Nga.

6. Mỹ tuyên bố sẽ hết tiền hỗ trợ Ukraine trong tháng này

Ký giả Lara Seligman của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “US says it will run out of funds for Ukraine this month”, nghĩa là “Mỹ tuyên bố sẽ hết tiền hỗ trợ Ukraine trong tháng này”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Một quan chức hàng đầu của Mỹ hôm thứ Hai cho biết Mỹ sẽ hết tiền tài trợ cho Ukraine trong tháng này nếu Quốc hội không hành động để thông qua yêu cầu chi tiêu bổ sung khẩn cấp của Tổng thống Joe Biden vốn đã bị đình trệ trong nhiều tuần tại Điện Capitol.

Phát ngôn nhân Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby nói với các phóng viên hôm thứ Ba rằng chính quyền Tổng thống Biden có kế hoạch công bố thêm một gói viện trợ quân sự cho Ukraine trong tháng này. Nhưng sau đó, nguồn tài trợ cho Ukraine sẽ cạn kiệt, ông nói.

“Khi việc đó hoàn thành… chúng tôi sẽ không còn quyền bổ sung nữa. Và chúng ta sẽ cần Quốc hội hành động ngay lập tức,” Kirby nói.

Theo Tướng Kirby, Ngũ Giác Đài vẫn có thẩm quyền rút vốn trị giá 4,4 tỷ Mỹ Kim của tổng thống để cung cấp vũ khí cho Ukraine trực tiếp từ kho của Bộ Quốc phòng. Nhưng số vũ khí mà Bộ Quốc phòng có thể chuyển giao cho Ukraine bị hạn chế bởi nguồn kinh phí cần thiết để bổ sung vào kho dự trữ của Mỹ, và số vũ khí đó gần như đã biến mất.

Hôm Chúa Nhật, Kiểm soát viên Ngũ Giác Đài Mike McCord đã gửi thư kêu gọi Quốc hội hành động dựa trên khoản bổ sung trị giá khoảng 111 tỷ Mỹ Kim của tổng thống, vốn đã bị sa lầy ở Đồi Capitol khi các nhà lập pháp tranh luận về việc ràng buộc yêu cầu này với một thỏa thuận về an ninh biên giới.

“Điều cần thiết là Quốc hội phải hành động ngay lập tức đối với yêu cầu bổ sung đang chờ giải quyết của Chính quyền. Làm như vậy là vì lợi ích quốc gia rõ ràng của chúng ta và sự hỗ trợ của chúng ta là cực kỳ cần thiết để Ukraine có thể tiếp tục đấu tranh cho tự do”, McCord viết trong thư. Bloomberg lần đầu tiên đưa tin về lá thư của McCord mà POLITICO sau đó cũng có được.

Khoản bổ sung này bao gồm hơn 60 tỷ Mỹ Kim viện trợ cho Ukraine, hơn 14 tỷ Mỹ Kim cho Israel, cũng như tài trợ cho Đài Loan.

Các nhà lập pháp vẫn còn cách xa nhau trong các cuộc đàm phán nhằm liên kết các hạn chế an ninh biên giới với nguồn tài trợ của Ukraine. Lãnh đạo đa số Thượng viện Chuck Schumer đã yêu cầu các thượng nghị sĩ trở lại trong tuần này thay vì nghỉ giải lao vào thứ Năm để đạt được tiến bộ trong một thỏa thuận khung.

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Lindsey Graham cho biết hôm Chúa Nhật rằng, sau nhiều tuần đàm phán, các thượng nghị sĩ “không ở đâu gần” đến việc đạt được một thỏa thuận trước cuối năm nay - một triển vọng có thể gây nguy hiểm cho việc tiếp tục viện trợ của Mỹ cho Ukraine.

Phát ngôn nhân của Thiếu tướng Charlie Dietz cho biết tính đến ngày 6 tháng 12, Ngũ Giác Đài đã có sẵn 1,1 tỷ Mỹ Kim nguồn lực hiện có để bổ sung vào kho dự trữ của Mỹ.

Tuy nhiên, Mỹ hiện đã phân bổ số tiền còn lại để mua vũ khí mới từ ngành công nghiệp để thay thế những vũ khí mà Ngũ Giác Đài đã gửi tới Ukraine, Kirby nói.

Chính quyền Tổng thống Biden đã tìm cách thuyết phục công chúng Mỹ chi nhiều tiền hơn cho Ukraine bằng cách nêu bật lợi ích đối với các nhà sản xuất Mỹ và thị trường việc làm. Các quan chức lưu hành một hình ảnh trên Đồi Capitol cho thấy các tiểu bang như Pennsylvania và Arizona đang thu được hàng tỷ đô la từ những nỗ lực trang bị vũ khí cho Ukraine.

Kirby nhắc lại thông điệp đó, và lưu ý rằng nguồn tài trợ “tất nhiên hỗ trợ việc làm được trả lương cao của người Mỹ trong quá trình này, và cũng giúp củng cố dây chuyền sản xuất và củng cố mối quan hệ của chúng tôi với ngành công nghiệp quốc phòng trên toàn quốc.”

7. NATO chịu áp lực gửi quân sau khi Đức chuẩn bị triển khai quân đội đến Lithuania

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “NATO Under Pressure to Send Troops After Germany Deploys Military”, nghĩa là “NATO chịu áp lực gửi quân sau khi Đức triển khai quân đội.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Sau quyết định của Đức triển khai quân tới Lithuania trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, một số quốc gia NATO như Anh có thể chịu nhiều áp lực hơn để làm theo.

Hôm thứ Hai, Bộ Quốc phòng Liên bang Đức tuyên bố đã ký thỏa thuận với Lithuania để triển khai quân tới khu vực này trong nỗ lực bảo vệ lãnh thổ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, gọi tắt là NATO.

“Đó là về việc ngăn chặn Nga và bảo vệ lãnh thổ liên minh NATO: Bằng cách đóng quân vĩnh viễn một lữ đoàn Bundeswehr ở Lithuania, Đức đang gửi một tín hiệu rõ ràng về tình đoàn kết với các đối tác liên minh NATO. Bộ Quốc phòng Liên bang Đức cho biết, việc thành lập lữ đoàn ở Lithuania là dự án hàng đầu đánh dấu bước ngoặt trong chính sách an ninh - được kích hoạt bởi cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của Nga.

Cuộc chiến đang diễn ra giữa Nga và Ukraine sắp bước sang mốc hai năm. Tổng thống Vladimir Putin bắt đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào tháng 2 năm 2022 và mặc dù Nga đã chiếm một phần đáng kể lãnh thổ Ukraine nhưng nước này vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Cuộc phản công của Ukraine kể từ mùa hè dường như đã bị đình trệ khi mùa đông khắc nghiệt kéo đến và nhiều chuyên gia dự đoán tình trạng bế tắc sẽ tiếp tục.

Benjamin Tallis, nhà nghiên cứu cao cấp của Hiệp hội Chính sách đối ngoại Đức, cho biết trên X, rằng động thái của Đức triển khai quân đội ở Lithuania gây thêm áp lực lên NATO và Anh.

Trao đổi sâu hơn với Newsweek, Tallis nói rằng mặc dù việc triển khai quân đội của Đức “là một bước đi tốt hướng tới sự ngăn chặn bằng cách phủ đầu trong khu vực”, nhưng vẫn có thể làm được nhiều việc hơn nữa để bảo vệ các quốc gia NATO.

Tallis nói với Newsweek: “Để thực sự làm cho nó hoạt động được, chúng ta cần có sự cam kết mạnh mẽ hơn nhiều từ các đồng minh”. “Điều đó có nghĩa là hai điều. Lực lượng tương tự ở Estonia, nơi Vương quốc Anh đã đóng quân, và Latvia nơi Canada có quân đội. Cả hai đều chưa cam kết thành lập một lữ đoàn đóng quân thường trực đầy đủ - nhưng làm như vậy sẽ loại bỏ các mắt xích yếu trong chuỗi. NATO cần ngăn chặn mối đe dọa bằng cách có khả năng phòng thủ chống lại Nga - chứ không chỉ chuyển nó từ Lithuania sang các quốc gia vùng Baltic khác. Đó là một cơ hội tuyệt vời cho sự hợp tác Đức-Canada-Anh - và chính là kiểu chia sẻ gánh nặng mà Washington muốn thấy từ các đồng minh của mình.”

Edward Hunter Christie, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Quan hệ Quốc tế Phần Lan, cũng đưa ra nhận xét tương tự trên X. Ông nói: “Đức dẫn đầu bằng cách chuẩn bị triển khai đến Lithuania, từ năm 2025, một lữ đoàn đầy đủ và trên cơ sở lâu dài.”

“Vương quốc Anh thực sự phải đạt được điều này ở Estonia.” Christie nói thêm trong bài đăng của mình.

Trước thông báo của Đức trong tuần này, NATO đã ban hành một tuyên bố vào ngày 8 tháng 12 nêu chi tiết cách tổ chức hiệp ước này đã tăng cường hiện diện quân sự ở phần phía đông của lãnh thổ liên minh kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine.

“NATO đã tăng cường sự hiện diện quân sự ở phần phía đông của Liên minh do kết quả trực tiếp từ hành vi của Nga, phản ánh kiểu hành động gây hấn chống lại các nước láng giềng và cộng đồng xuyên Đại Tây Dương rộng lớn hơn. Nga là mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất đối với an ninh của Đồng minh cũng như hòa bình và ổn định ở khu vực Euro-Atlantic”, NATO cho biết. “Sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, quân Đồng minh đã củng cố các nhóm chiến đấu hiện có và đồng ý thành lập thêm bốn nhóm chiến đấu đa quốc gia ở Bulgaria, Hung Gia Lợi, Rumani và Slovakia.”

NATO cho biết hiện có 8 nhóm chiến trường đa quốc gia ở lãnh thổ phía đông của liên minh, do “Vương quốc Anh, Canada, Đức và Hoa Kỳ” lãnh đạo.

Ngoài việc cung cấp quân cho Lithuania, Đức trước đây cũng được kêu gọi cung cấp xe tăng Leopard 2 cho Ukraine để hỗ trợ trong cuộc chiến chống lại Nga.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội từ tháng 9, Bộ Quốc phòng Ukraine đã chia sẻ một đoạn video về xe tăng Leopard 2 mà họ nhận được từ Đức và cho biết: “Số lượng xe tăng Leopard bị phá hủy trong các báo cáo hàng ngày của Bộ Quốc phòng Nga không hề tương quan với số lượng xe tăng Leopard 2A4 của Lực lượng vũ trang Ukraine.”

Newsweek đã liên hệ với NATO và Bộ Quốc phòng Anh qua email để bình luận.

8. Tòa án Liên Hiệp Âu Châu giữ nguyên lệnh trừng phạt đối với Roman Abramovich

Tòa án hàng đầu của Liên Hiệp Âu Châu hôm thứ Tư đã giữ nguyên các biện pháp trừng phạt đối với tỷ phú người Nga Roman Abramovich được áp đặt lên ông sau khi Nga xâm chiếm Ukraine, Reuters đưa tin.

Sau khi Vladimir Putin ra lệnh cho quân đội Nga tiến vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, Liên Hiệp Âu Châu đã trừng phạt các quan chức Nga và một loạt doanh nhân Nga, chẳng hạn như Abramovich, đồng thời phong tỏa tài sản hàng trăm tỷ Mỹ Kim của Nga.

Abramovich đã đưa ra một thách thức pháp lý chống lại điều này.

Tòa án cao cấp của Liên Hiệp Âu Châu cho biết trong một phán quyết: “Tòa án bác bỏ các lập luận do ông Abramovich đưa ra, do đó giữ nguyên các biện pháp hạn chế được áp dụng đối với ông”.

Abramovich, người cũng có quốc tịch Israel và là chủ cũ của câu lạc bộ bóng đá Chelsea, đã trở thành một trong những doanh nhân quyền lực nhất thế giới sau khi Liên Xô tan rã năm 1991. Forbes ước tính giá trị tài sản ròng của ông là 9,2 tỷ Mỹ Kim.

Tỷ phú Roman Abramovich cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Tư rằng ông thất vọng vì thất bại trước thách thức pháp lý nhằm lật ngược các lệnh trừng phạt mà Liên Hiệp Âu Châu đặt đối với ông.

“ Mặc dù chúng tôi thất vọng với phán quyết ngày hôm nay, chúng tôi hoan nghênh việc tòa án đã không tiếp nhận một số lập luận do Hội đồng Liên Hiệp Âu Châu đưa ra và không coi chúng là cơ sở để duy trì các biện pháp trừng phạt,” Abramovich nói trong một tuyên bố thay mặt ông.

Tuyên bố nhấn mạnh rằng: “Ông Abramovich không có khả năng gây ảnh hưởng đến việc ra quyết định của bất kỳ chính phủ nào, kể cả Nga, và không hề được hưởng lợi gì từ cuộc chiến”.

9. Đức đặt mục tiêu thu giữ 720 triệu euro tiền Nga bị đóng băng

Vào thời điểm liên minh cầm quyền của Đức đang cố gắng tìm kiếm tiền do cuộc khủng hoảng ngân sách vẫn đang âm ỉ, họ có thể nhận được một món quà bất ngờ: đó là một lượng lớn tiền Nga bị đóng băng.

Công tố viên liên bang hàng đầu của Đức hôm thứ Tư đã công bố kiến nghị tịch thu khoảng 720 triệu euro do một tổ chức tài chính Nga nắm giữ trong tài khoản ngân hàng Frankfurt.

Bộ trưởng Tư pháp Marco Buschmann cho biết: “Chúng tôi sẽ không cho phép các quỹ của Nga được sử dụng để tài trợ cho cuộc chiến tranh xâm lược bất hợp pháp chống lại Ukraine được giữ trong tài khoản của Đức mà không bị làm phiền”, ông cho biết như trên, đồng thời nói thêm: “Nền dân chủ tự do tự bảo vệ mình bằng cách đứng về phía những người bị tấn công và phản đối bạo lực bằng pháp luật.”

Động thái này thể hiện sự leo thang nỗ lực của Đức nhằm trừng phạt Nga. Theo một quan chức am hiểu vụ việc, nếu các công tố viên thành công, số tiền bị đóng băng của Nga sẽ chảy vào kho bạc liên bang của Đức, mang lại cho chính phủ một lợi ích tài chính tiềm năng.

Cho đến nay, Đức mới chỉ tiến hành đóng băng các quỹ do các công ty và cá nhân Nga bị trừng phạt nắm giữ. Số tiền 720 triệu euro được đề cập – theo quan chức này, được nắm giữ bởi một công ty con của Sở giao dịch chứng khoán Mạc Tư Khoa – đã bị đóng băng sau khi Liên minh Âu Châu quyết định đưa tổ chức này vào các lệnh trừng phạt vào tháng 6 năm 2022 do Mạc Tư Khoa xâm lược Ukraine.

Giờ đây, Tòa án khu vực cao cấp Frankfurt sẽ ra phán quyết liệu Đức cuối cùng có thể tịch thu số tiền hay không. Các thủ tục pháp lý có thể sẽ phải bàn đến.

Việc tịch thu tiền Nga bị đóng băng không phải là chưa có tiền lệ pháp lý quốc tế. Vào tháng 5, Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Merrick Garland tuyên bố lần đầu tiên chuyển giao tài sản bị tịch thu của Nga để sử dụng ở Ukraine. Trong tháng này, Ủy ban Âu Châu đã trình bày kế hoạch sử dụng tài sản của Nga bị đóng băng ở Liên Hiệp Âu Châu để giúp tái thiết Ukraine, mặc dù không có cách nào bảo đảm được thỏa thuận rộng rãi hơn về kế hoạch đó.

Văn phòng công tố cho biết họ có thể tiến hành thủ tục hình sự để thu giữ số tiền vì “những người không rõ danh tính chịu trách nhiệm về tổ chức tài chính Nga” đã cố gắng rút 720 triệu euro sau khi nó bị phong tỏa, một hành động có thể cấu thành hành vi vi phạm pháp luật Đức.

Thông báo này được đưa ra ngay khi nội các Đức họp vào thứ Tư để thúc đẩy ngân sách mới cho năm 2024, trong đó yêu cầu cắt giảm mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Việc cắt giảm chi tiêu trở nên cần thiết sau khi phán quyết của tòa án hiến pháp làm ngân sách bị lỗ 60 tỷ euro.

Động thái thu giữ 720 triệu euro của công tố viên không liên quan đến cuộc khủng hoảng ngân sách. Theo một quan chức am hiểu vụ việc, kiến nghị này trên thực tế đã được đệ trình vào ngày 7 tháng 7, nhưng chỉ được công bố vào thứ Tư vì sự chậm trễ trong việc tìm luật sư bào chữa cho tổ chức của Nga.

Một phát ngôn viên của chính phủ Đức hôm thứ Tư cho biết chính phủ chưa có kế hoạch giải quyết số tiền 720 triệu euro nếu đề nghị của công tố viên thành công.
 
Giáng Sinh: HĐGM Hoa Kỳ giải thích luật giữ ngày lễ buộc. Sứ điệp Giáng Sinh từ Thánh địa khói lửa
VietCatholic Media
16:41 21/12/2023


1. Hướng dẫn của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về việc tham dự thánh lễ Chúa Nhật và Lễ Giáng Sinh năm nay

Đêm Giáng Sinh năm nay cũng là Chúa nhật thứ tư Mùa Vọng. Điều đó có nghĩa là các tín hữu phải tham dự hai Thánh lễ để chu toàn các nghĩa vụ Chúa Nhật và Lễ Giáng Sinh.

Trong một tình huống “tương đối hiếm gặp” xảy ra lần cuối vào năm 2017, Đêm Giáng Sinh năm nay rơi vào Chúa Nhật thứ Tư Mùa Vọng như năm 2017.

Bởi vì người Công Giáo buộc phải tham dự Thánh lễ Chúa nhật và các ngày lễ buộc, nên một số người đã hỏi liệu Thánh lễ chiều Chúa nhật vào đêm Giáng Sinh có chu toàn cả nghĩa vụ Thánh lễ Chúa nhật lẫn nghĩa vụ Thánh lễ ngày Giáng Sinh hay không.

Ủy ban Phụng tự của Giám mục Hoa Kỳ cho biết các tín hữu phải tham dự hai Thánh lễ để chu toàn nghĩa vụ Thánh lễ Chúa nhật và Lễ Giáng Sinh.

Kể từ giữa thế kỷ 20, Giáo hội đã cho phép người Công Giáo tham dự các Thánh lễ vọng vào các ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc như “một sự thuận tiện cho nhiều tín hữu”.

“Hầu hết các luật sư giáo luật đều tuân theo Tông hiến Christus Dominus của Đức Giáo Hoàng Piô XII ban hành ngày 6 Tháng Giêng năm 1953, quy định 4 giờ chiều là thời gian sớm nhất khi các Thánh lễ vọng có thể được cử hành”

Điều này có nghĩa là nghĩa vụ Chúa Nhật ngày 24 tháng 12 có thể được hoàn thành vào Chúa Nhật, hoặc bất cứ lúc nào sau 4 giờ chiều ngày 23 tháng 12; và nghĩa vụ Thánh Lễ Giáng Sinh có thể được hoàn thành vào ngày 25 Tháng Mười Hai, Thứ Hai, bất kỳ lúc nào sau 4 giờ chiều ngày 24 tháng 12.

Trong trường hợp có hai ngày buộc liên tục, như vào dịp Giáng Sinh năm nay, “quan điểm phổ biến của nhiều luật sư giáo luật là mỗi nghĩa vụ phải được hoàn thành bằng một Thánh lễ riêng biệt,” các giám mục cho biết.

“Như vậy, khi các nghĩa vụ liên tiếp diễn ra vào Thứ Bảy-Chúa Nhật hoặc Chúa Nhật-Thứ Hai, các tín hữu phải tham dự Thánh lễ hai lần để thực hiện hai nghĩa vụ riêng biệt”.

Theo các giám mục, câu hỏi liệu những nghĩa vụ như vậy có thể được thực hiện trong một Thánh lễ hay không đã được các giám mục nêu ra trước đây trong cái được gọi là dubium, trong đó “câu trả lời là không được bởi Thánh Bộ Giáo sĩ và được Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục chấp thuận vào năm 1970. “

Các giám mục cho biết: “Ý định của Giáo hội trong việc mở rộng khả năng đáp ứng các nghĩa vụ Thánh lễ thông qua Thánh lễ Vọng, là nhằm mục đích giúp việc thực hiện các nghĩa vụ dễ dàng hơn, chưa bao giờ được hình dung như một lỗ hổng pháp lý, và do đó, các nghĩa vụ riêng biệt vẫn còn”.

Các giám mục nhấn mạnh rằng các ngài hy vọng rằng người Công Giáo “nuôi dưỡng lòng yêu mến Phụng vụ Thánh và mong muốn cử hành các ngày thánh một cách trọn vẹn nhất có thể”.

Các Giám Mục cũng lưu ý rằng các mục tử có thể miễn trừ cho các cá nhân hoặc gia đình “vì một lý do chính đáng và tuân theo bất kỳ quy định nào do giám mục giáo phận đặt ra”.

“Đồng thời, các giám mục giáo phận có thể xem xét hoàn cảnh khu vực của các ngài và ban hành các miễn trừ hoặc giảm nhẹ chung, đồng thời cho phép các mục tử đưa ra phán quyết trong các trường hợp cá nhân”.

2. Các Kitô hữu Úc châu: Tây phương hủy hoại môi trường sống

Chủ tịch Hiệp hội các Phụ nữ Công Giáo tại Quần đảo Bougainville, bên Úc châu, bà Helen Hakena, tố giác rằng: “Tây phương đang phá hủy môi trường sống của chúng tôi”.

Trong một tuyên ngôn được tổ chức bác ái Missio Aachen, bên Đức phổ biến, hôm 17 tháng Mười Hai vừa qua, bà Hakena, mới tham dự Hội nghị Thượng đỉnh COP28 ở Dubai trở về, than phiền rằng: “Tại Hội nghị Thượng đỉnh này, tiếng nói của chúng tôi đã không được lắng nghe! Các dân tộc ở Nam bán cầu ít can dự vào những nguyên nhân gây ra sự thay đổi khí hậu, ít sử dụng điện, những họ là những người phải chịu đau khổ nhiều nhất vì sự ham hố và lối sống duy tiêu thụ của phần lớn thế giới. Kỹ nghệ khai thác quặng mỏ đưa tới sự phá hủy môi trường sống và cả lối sống truyền thống của dân chúng tại quê hương chúng tôi”.

Bà Hakena cũng nhận định rằng các tiến trình được Hội nghị COP28 đề ra không đi tới dân thường. Nó chỉ bảo đảm sự thịnh vượng cho một số ít công ty và các chính trị gia, trong khi chúng ta cần một sự thịnh vượng cho mỗi người”.

Bà Chủ tịch Hiệp hội các Phụ nữ ở Quần đảo Bougainville, bên Papua Tân Guinea cũng là người đối tác của tổ chức Missio ở Aachen. Bà cho biết những người tị nạn vì khí hậu ở quê hương bà phải đi định cư nơi khác do mực nước biển dâng cao hơn. Ngoài thiên nhiên, hậu quả của tình trạng này cũng đưa tới sự phá hủy các cộng đoàn xã hội và văn hóa.

3. Sứ điệp Giáng Sinh của Ủy ban Công lý và Hòa bình tại Thánh địa

Trong hai tháng gần đây, số trẻ em bị giết chết tại Gaza nhiều hơn tổng số các trẻ em bị giết trong các cuộc chiến thế giới trong hai năm qua.

Trên đây là nhận xét của Ủy ban Công lý và Hòa bình thuộc Hội đồng các vị Bản quyền Công Giáo tại Thánh địa, trong Sứ điệp Giáng Sinh công bố hôm 17 tháng Mười Hai vừa qua tại Giêrusalem.

Ủy ban cũng khẳng định rằng: “Giáng Sinh là lễ rất vui mừng. Đó cũng là lúc ý thức về đau khổ của các anh chị em trên thế giới và tại đây, quanh chúng ta. Sau khi chứng kiến hơn 70 ngày chiến tranh, năm nay tại Thánh địa, chúng ta đến gần hang đá máng cỏ ở Bethlehem với con tim tan nát”.

Chiến tranh đã gây ảnh hưởng kinh khủng trên toàn thể một thế hệ con cháu chúng ta, đang sống trong lo sợ hằng ngày cho bản thân và gia đình họ. 85% dân chúng tại Gaza phải di tản, và ngày nay họ chẳng có nơi trú ngụ, phải liên tục di động.

Sứ điệp cũng đặc biệt nhắc đến vụ hai mẹ con tín hữu Công Giáo ở giáo xứ Thánh Gia bị lính bắn tỉa của Israel bắn chết, hôm 16 tháng Mười Hai, và bảy người khác bị thương. “Chúng tôi khóc than vì bao nhiêu nhân mạng bị mất đi, và lo sợ cho những người bị thương ít có cơ hội và phương tiện được săn sóc chữa trị, chúng tôi lo âu cho những người không có nhà cửa”.

Ủy ban Công lý Hòa bình cũng nhắc đến Bethlehem và miền Cisjordani, nơi có những cuộc đột kích của quân đội Israel, làm cho nhiều người chết và những vụ bắt bớ hàng loạt. Tại đó, việc phong tỏa lãnh thổ đã làm cho nhiều người bị mất công ăn việc làm, với các gia đình khó tìm được những gì để ăn. Các buổi liên hoan Giáng Sinh bị bãi bỏ để liên đới với những người đang đau khổ vì chiến tranh. Chúng ta được khích lệ tập trung vào ý nghĩa sâu xa nhất của Giáng Sinh.

Từ những điều trên đây, Ủy ban Công lý và Hòa bình của các vị lãnh đạo Công Giáo tại Thánh địa nói rằng: “Chúng tôi kêu gọi tất cả những người đang mừng lễ Giáng Sinh trên thế giới hãy cầu nguyện với chúng tôi, hãy cầu nguyện cho hòa bình tại Bethlehem, ở Gaza, và trên toàn Thánh địa. Chúng ta hãy cầu nguyện cho bạo lực chấm dứt và mọi tù nhân được trả tự do. Chúng ta hãy cầu nguyện cho một cuộc ngưng chiến trường kỳ và cho bình minh một thời kỳ đối thoại, thay vì đàn áp, cho công lý và thay vì những giải pháp áp đặt, sống chung thay vì mơ ước loại trừ nhau. Chúng tôi khẩn xin những người đang cầm quyền hãy góp phần chấm dứt một cuộc xung đột đã kéo dài từ hơn một thế kỷ, giúp mở ra một hành trình tiến về một nền hòa bình công chính, dựa trên bình đẳng, để cuộc chiến này là cuộc chiến tranh cuối cùng và con cháu chúng ta, sau cùng có thể làm chứng về hy vọng”.