Ngày 21-12-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:36 21/12/2018
22. CHIM SẺ VÀ CON CHUỘT VĨ ĐẠI
Phú ông Trương Sĩ Tiển nghiện và coi rượu như mạng sống, lười nhác hủ lậu, không màng đến việc nhà.
Một hôm, ông ta sai gia bộc chuyên chở hai ngàn hộc lúa về nhà, trên đường đi thì bị hao hơn phân nửa, Trương Sĩ Tiển truy hỏi nguyên nhân, gia bộc trả lời:
- “Đây là kết quả của chim sẻ và lão chuột ăn mất đấy.”
Trương Sĩ Tiển rất đổi kinh ngạc, lớn tiếng ca ngợi:
- “Chim sẻ và con chuột vĩ đại thật !”
(Sơn trung nhất tịch ngữ)

Suy tư 22:
Cái “vĩ đại” của chim sẻ và lão chuột chính là lời nói móc họng của Trương Sĩ Tiển với đám gia bộc, bởi vì lão chuột và chim sẻ làm gì mà ăn hết hơn ngàn hộc lúa trong một ngày, đúng là láo khoét, đây là cái “vĩ đại” của sự nói láo.
Có người đem những việc làm tội lỗi hại người của mình kể cho bạn bè nghe rồi cho đó là thành tích “vĩ đại”; có người ném đá giấu tay hại người anh em rồi đi khoe là việc làm “vĩ đại” vì đã trừ khử được một đối thủ; có người “vĩ đại” hơn ngoài mặt nhân nghĩa nhưng trong lòng thì hại người không thương tiếc...
Đức Chúa Giê-su đã trở nên vị đại tiên tri khi Ngài tỏ lòng thương xót những người đau khổ và bị đời hất hủi, Ngài đã trở nên vị Thiên Chúa vĩ đại khi Ngài chết trên thập giá để cứu chuộc nhân loại.
Tất cả mọi vĩ đại đều bắt đầu từ việc nhỏ và vô danh, mà cái việc nhỏ ấy chính là nở nụ cười với người anh em, việc vô danh ấy chính là lời hỏi thăm chân tình mà người mình gặp trong ngày...
Nhưng không có sự vĩ đại nào bằng sự vĩ đại mà Đức Chúa Giê-su đã nói và đã thực hiện: vì anh em mà hiến tế mạng sống mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)

-------
http://www.vietcatholicnews.net
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 4 MV)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:39 21/12/2018
Chúa Nhật 4 MÙA VỌNG

Tin mừng : Lc 1, 39-45
“Bởi đâu mà tôi được thân mẫu Chúa tôi đến với tôi như thế này ?”


Bạn thân mến,
Hôm nay Chúa Nhật thứ tư mùa vọng, chủ đề của Tin Mừng hôm nay là viếng thăm, chính là đức ái. Cuộc sống của người giữa người với nhau đều có những quan hệ để sống tồn, để yêu thương, để giúp đỡ, để chia vui và để chia buồn, bởi vì không ai là một hòn đảo.
Đức Mẹ Ma-ri-a đã đi thăm viếng bà Ê-li-sa-bét để trước hết là phục vụ, và sau nữa là loan báo tin vui Đấng Cứu Thế đã giáng trần, ơn cứu độ đã đến với nhân loại, một cuộc thăm viếng đơn sơ không kèn không trống đón chào nhưng niềm vui ngợp trời đất, không diễn văn khoa trương nhưng lột tả được tất cả những kì công của Thiên Chúa đã làm cho con người, đó là tình thương cứu độ.
Tình thương cứu độ này được đón nhận trước hết là thai nhi trong bụng của bà Ê-li-sa-bét –thánh Gioan Tiền Hô- ngài đã nhảy mừng lên khi còn trong bụng mẹ và đã được khỏi tội nguyên tổ, một cuộc viếng thăm tràn ngập niềm vui của Mẹ Ma-ri-a tại nhà người chị họ của mình.
Trong cuộc sống của bạn và tôi, cũng như bất cứ người nào cũng đều có những cuộc thăm viếng nhau trong cuộc sống, những cuộc thăm viếng này rất đa dạng :
- Có người khi đi thăm viếng thì đem theo cả niềm vui cho người được thăm viếng.
- Có người khi đi thăm viếng thì đem theo cả giận hờn, làm cho người được thăm viếng buồn phiền và lo âu.
- Có người khi đi thăm viếng thì đem theo cả hận thù, làm cho người được thăm viếng sợ hãi...

Tiếp xúc và thăm viếng nhau là cơ hội để đem lại cho nhau niềm vui và sự cảm thông, đó cũng là điều mà Thiên Chúa muốn nơi mỗi người trong chúng ta.
Bạn thân mến,
Chúng ta là những người Ki-tô hữu, chúng ta hiểu rõ mầu nhiệm giáng sinh hơn những người khác, chúng ta càng hiểu rõ hơn về ý nghĩa thăm viếng của Mẹ Ma-ri-a với bà Ê-li-sa-bét, nghĩa là chúng ta sẽ đem tình yêu của Chúa đến cho tha nhân khi chúng ta đến viếng thăm hoặc là tiếp xúc với họ, chúng ta đóng vai trò của Mẹ Maria đem Chúa đến cho mọi người bằng cung cách phục vụ trong khiêm tốn của chúng ta.
Mẹ Ma-ri-a đón mừng mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa bằng cách phục vụ người chị họ như một “tôi tớ hèn mọn”, Mẹ cũng muốn chúng ta khi chuẩn bị đón mừng lễ giáng sinh con của Mẹ, thì đồng thời cũng giang tay tiếp đón những Giê-su nghèo khó bên vệ đường, những Ê-li-sa-bét lam lũ quần quật giữa cảnh đời không có tương lai...
Đó chính là lời mời gọi đức ái của Mẹ Ma-ri-a trong Tin Mừng hôm nay vậy.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
-----------
http://www.vietcatholicnews.net
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:41 21/12/2018

70. Ưu điểm và khuyết điểm của mình thì không nói ra, hồ nghi người khác càng không nên bàn luận.

(Thánh Silas)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

-------
http://www.vietcatholicnews.net
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
 
Đức Maria, Người Mang Chúa Đến
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
05:09 21/12/2018
ĐỨC MARIA, NGƯỜI MANG CHÚA ĐẾN (CN 4 Vọng)
Mk 5,1-4; Dt 10,5-10; Lc 1,39-45
Với Chúa Nhật IV Mùa Vọng, chúng ta đang tiến gần với biến cố Con Chúa giáng trần. Không khí giáng sinh đã bắt đầu lan tỏa khắp mọi nơi trong các xứ đạo, từ miền quê đến thành thị. Mọi người đang náo nức chuẩn bị trang trí hang đá, cây thông, đèn điện… để mừng Chúa giáng sinh. Tuy nhiên, việc chuẩn bị giáng sinh không được dừng lại ở những hình thức bên ngoài hay “trần tục hóa” lễ Giáng Sinh với việc tiêu xài thái quá, tiệc tùng, quà cáp… nhưng phải hướng về trọng tâm của Lễ Giáng Sinh là tôn thờ Con Thiên Chúa làm người. Để giúp mừng lễ Giáng Sinh ý nghĩa, Lời Chúa hôm nay tường thuật câu chuyện Đức Maria viếng thăm bà Êlisabét.

1- Đức Maria, người mang Chúa đến cho nhân loại
Thánh Luca cho biết sau biến cố Truyền Tin, Đức Maria lên đường, vội vã đi đến miền núi, tới một thành thuộc chị tộc Giuđa, để thăm viếng bà Êlisabét. Đức Maria vào nhà ông Dacaria và chào bà Êlisabét. Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy Thánh Thần (x. Lc 1,39-44). Một sự kiện xảy ra rất âm thầm và bình thường nhưng lại chứa đựng những điều vĩ đại ẩn dấu mà Thiên Chúa thực hiện qua hai nhân vật phụ nữ này. Đây là cuộc gặp gỡ giữa hai người mẹ và giữa hai người con. Cuộc gặp gỡ giữa giao ước cũ và giao ước mới.
Quả thế, hai người phụ nữ đang mang thai hai người con. Bà Êlisabét là biểu tượng cho dân Israel, dân riêng đang chờ Đấng Mêsia, còn Đức Maria là biểu tượng của dân Israel mới, người cưu mang Đấng Cứu Thế. Bà Êlisabét sinh hạ Gioan Tẩy Giả, còn Đức Maria sinh hạ Chúa Kitô. Người con của bà Êlisabét sẽ là người dọn đường cho Đấng Mêsia, còn Người Con của Đức Maria sẽ thực hiện những lời hứa. Vì thế, trong cuộc gặp gỡ này hai người mẹ tràn đầy niềm vui và hai người con cũng tràn đầy niềm vui. Bởi vì, họ đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần.
Qua cuộc viếng thăm này, chúng ta nhìn thấy Đức Maria chính là “nhà tạm di động và sống động” của Con Thiên Chúa. Việc Mẹ viếng thăm và mang Chúa đến cho gia đình ông Dacaria, nghĩa là Mẹ mang Chúa đến cho gia đình nhân loại. Đức Maria là người có Chúa Kitô và mang Chúa đến cho người khác. Mẹ là “nhà truyền giáo” đầu tiên trong lịch sử Kitô giáo.

2- Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa
Nói về Chúa Kitô mà không nói về Đức Maria, thì sẽ không biết rõ nguồn gốc nhân loại của Chúa Kitô. Cũng vậy, nói về Đức Maria mà không nói về Chúa Kitô thì sẽ không nhận ra nguồn gốc và sự cao trọng của Đức Maria. Biết rõ về Đức Maria sẽ giúp chúng ta biết rõ về Chúa Kitô hơn và ngược lại.
Quả vậy, khi đón tiếp Đức Maria, bà Êlisabét nhận ra rằng lời hứa của Thiên Chúa được thực hiện nơi Đức Maria và bà ca ngợi Đức Mẹ: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1,42-43).
Thành ngữ “Em được chúc phúc giữa mọi người phụ nữ” được dùng trong Cựu Ước thuộc thời Gioel (Tl 5,24) và sách Giuđitha (Gđt 13,18), để nói về hai người phụ nữ chiến binh đã cố gắng giải cứu Israel khỏi tay quân thù ngoại bang. Nhưng bây giờ, những lời này được áp dụng cho Đức Maria, một trinh nữ sẽ sinh Đấng Cứu Độ cho thế giới. Như thế, việc Gioan nhảy mừng trong lòng mẹ vì niềm vui (x. Lc 1,44) làm chúng ta nhớ lại việc Đavít nhảy mừng trước cửa Hòm Bia Giao Ước tiến vào Giêrusalem (x. 1 V 15,29). Hòm Bia có để Lề Luật (Torah), Mana và cái gậy của Aaron (x. Dt 9,4). Gioan nhảy mừng trước Đức Maria, Hòm Bia giao ước mới.
Mẹ là người phụ nữ được chúc phúc bởi vì Mẹ được Thiên Chúa chọn làm người cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Độ. Mẹ Maria là người tinh tuyền, thánh thiện, toàn mỹ và toàn thánh, xứng đáng là “nhà tạm thánh thiện” cho Con Thiên Chúa ngự. Nhờ Thánh Thần thúc đẩy, bà Êlisabét nhận ra Đức Maria là “Thân Mẫu Chúa tôi đến viếng thăm,” bởi vì Mẹ đang cưu mang trong lòng Con Đức Chúa Trời, và Mẹ sẽ sinh cho thế giới “nguồn ơn cứu độ.” Đây cũng là nền tảng cho niềm tin của Giáo Hội tuyên xưng Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa - Theotokos, một tước vị cao cả, mà Giáo Hội định tín tại Công Đồng Êphêsô (431). Bởi đó, qua dòng lịch sử, Giáo Hội đã dành cho Đức Maria một sự biệt kính sau Ba Ngôi Thiên Chúa trong phụng vụ Kitô giáo.

3- Chứng nhân nền văn hóa gặp gỡ
Cuối cùng, cảnh thăm viếng này cũng diễn tả vẽ đẹp của lòng hiếu khách và nền văn hóa gặp gỡ: Đây có sự đón tiếp lẫn nhau, lắng nghe nhau, dành chỗ cho nhau, chia sẻ với nhau niềm vui có Chúa, cũng như phục vụ lẫn nhau.
Sống trong một xã hội con người ngày hôm nay đang trở nên xa lạ với nhau, bởi vì con người đang sống cách vô cảm, loại trừ và thù địch với nhau. Đức Giáo Hoàng Phanxicô gọi đó là hiện tượng “vô cảm toàn cầu hóa” trong đời sống chúng ta. Mỗi người Kitô hữu được mời gọi xây dựng nếp sống, văn hóa gặp gỡ và thăm viếng nhau. Bởi vì điều quan trọng trong cuộc sống không phải chúng ta có cái gì mà là chúng ta có Ai (hoặc ai) đó để sống với.
Khi có Chúa Kitô, Đức Maria đã vội vã tới thăm bà Êlisabét (Lc 1,39), chúng ta cũng hãy vội vã lên đường để mang Chúa đến cho người khác. Bắt chước Đức Maria, chúng ta hãy thăm viếng những người nghèo khổ, người bệnh tật, kẻ tù đày, người già và trẻ em cô đơn.
Lạy Chúa, xin cho chúng con ý thức rằng chính Chúa là Người đến viếng thăm chúng con trước. Xin cho chúng con biết mở rộng tâm hồn để đón Chúa đến. Đặc biệt, xin cho chúng con biết noi gương Đức Trinh Nữ Maria mang Chúa đến cho những người xung quang bằng chính cuộc sống yêu thương và phục vụ. Amen!
 
Gặp Gỡ: Thành Sự Tại Nhân
Lm Giuse Nguyễn văn Nghĩa
09:11 21/12/2018
Gặp Gỡ: Thành Sự Tại Nhân

Chúa Nhật IV Mùa Vọng C

Gặp gỡ là cùng có mặt tại một không gian, là sự giáp mặt, tiếp xúc giữa những người thân quen hay cùng có một mối liên hệ nào đó. Vào Chúa Nhật IV Mùa Vọng C này Giáo Hội khi dọn cho chúng ta bàn tiệc Lời Chúa, đặc biệt qua bài Tin Mừng, muốn giới thiệu hai cuộc gặp gỡ. Một là giữa hai chị em Isave và Maria và hai là giữa Thai Nhi Giêsu với bà Isave và Thai nhi Gioan Tẩy giả. Đã nói đến sự gặp gỡ thì hàm ý có những hiệu quả tốt đẹp phát sinh. Qua cuộc gặp gỡ giữa hai bà mẹ cũng như hai thai nhi trên, hiệu quả tốt đẹp đã xảy ra. Bà Isave đầy ân sủng Thánh Thần, xác nhận sự diễm phúc của cô em Maria cũng như nói lên hồng ân mà trẻ bé Gioan Baotixita trong dạ của bà đang hưởng nhận. Chúng ta đừng quên cuộc gặp gỡ ấy cũng đem niềm vui cho cả nhà Giacaria, vì nay đã có người góp sức cho việc hạ sinh trẻ Gioan. Điều này được hé lộ khi Tin mừng tường thuật rằng Maria ở lại với gia đình Giacaria – Isave độ ba tháng mới trở về nhà mình (x. Lc 1,56).

“Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ. Vô duyên đối diện bất tương phùng”. Câu đối của người xưa nhấn mạnh đến cái duyên, tức là phần số đã được trời sắp đặt, chuẩn bị, an bài từ trước, như là nguyên nhân chính làm nên sự gặp gỡ hay không gặp gỡ. Theo viễn kiến này, thì người ta cũng có thể nói như người xưa: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” hoặc như tác giả Thánh Vịnh: “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv 126,1). Thế nhưng dưới cái nhìn của mạc khải thời Tân Ước, thì phải chăng chúng ta cũng có thể nói ngược lại: Mưu sự tại thiên. Thành sự tại nhân.

Mưu sự tại thiên: Thiên Chúa đã yêu thương, chọn gọi loài người từ ngàn xưa để ban cho con người hạnh phúc vĩnh cửu là thông phần sự sống với Người trong Con Một của Người là Đức Kitô. Thánh Phaolô đã trình bày ý định nhệm mầu này bằng bản thánh ca: “ …Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã chọn ta trước khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử, nhờ Đức Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu. Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra, chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi, theo lượng ân sủng rất phong phú của Người…(Ep 1,3-14).

Thánh ý của Thiên Chúa là ban cho thế gian chính Con Một dấu yêu, trong một thân xác cụ thể, làm dấu chỉ và làm phương thế cho sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa với con người. Tác giả thư gửi tín hữu Do Thái đã nói: “Khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con” (Dt 10,5-7).

Khi ban Người Con Một vào trần gian, Thiên Chúa muốn mạc khải cho biết nguồn gốc đích thực của mọi loài, cách riêng loài người chúng ta chính là Người, vị Thiên Chúa duy nhất đầy quyền năng đáng tôn thờ và cũng là người Cha đầy lòng thương xót đáng mến yêu trên hết mọi sự, đồng thời qua đó, mạc khải cho chúng ta biết mình là anh chị em với nhau, bất phân màu da, sắc tộc, ngôn ngữ…(x.Mt 5,9; 43-48). Nói một cách không sợ sai lầm rằng chúng ta đã biết một trong những nội hàm của “mưu sự tại thiên” : Đó là Thiên Chúa muốn mọi người gặp gỡ Người để được hạnh phúc và gặp gỡ nhau để sống tình huynh đệ.

Thành sự tại nhân: Chúng ta vốn quen với câu nói của thánh giáo phụ Âugustinô: “Thiên Chúa dựng nên tôi không cần có tôi, nhưng Người không thể cứu tôi mà không cần có tôi”. Thánh giáo phụ vừa nói lên quyền năng cao cả của Thiên Chúa, vừa nói lên đường lối của Người, Đấng là Tình Yêu (x.1Ga 4,8). Thiên Chúa đã thương ban cho loài người, hình ảnh của Người, có lý trí và ý chí tự do. Đây là hệ lụy tất yêu của tình yêu. Tình yêu đòi hỏi có sự ý thức và tự nguyện. Có thể dễ bị hiểu lầm là kiêu ngạo khi đề cao vai trò của nhân loại. Thế nhưng đó là một cách thế hành động của Thiên Chúa. Dù rằng đầy quyền năng và không có sự gì là không thể, nhưng Thiên Chúa lại muốn có sự tự do cộng tác của con người trong việc thi ân, cứu độ con người.

Để chuẩn bị một dân tuyển lựa, Thiên Chúa không bắt ép, nhưng mời gọi Abraham, một người chăn nuôi súc vật đã khá cao niên lên đường (x.St 12,1-5). Để cho Ngôi Lời Nhập thể cứu đời, Thiên Chúa không ra chỉ thị mà lại ngỏ ý, đề nghị Maria, một thiếu nữ thôn dã cộng tác (x.Lc 1,26-38). Khi công khai rao giảng tin mừng Chúa Giêsu thường lặp đi lặp lại câu nói: “Ai có tai để nghe thì hãy nghe!” (Mt 11,15).

Điều gì cần có nơi phía loài người để thánh ý Thiên Chúa được thành sự? Chúng ta có thể nhận ra đó là lòng thành và sự khiêm nhu trong một tâm hồn đầy lửa mến, khát khao sự thiện. Để cho thánh ý Thiên Chúa được thành hiện thực, nghĩa là có sự gặp gỡ thực sự giữa Thiên Chúa với con người, giữa con người với nhau, thì phía con người không thể thiếu:

-Một sự hướng thiện trong tình mến: Biết bao cuộc họp mặt giữa người với người, giữa vị đại diện quốc gia này với quốc gia kia mà vẫn chưa trở thành sự gặp gỡ, nghĩa là chưa mang lại kết quả. Trong nhiều lý do rất có thể có lý do là một trong hai phía chưa thực sự có tình yêu thương nhau hoặc chưa thực sự hướng thiện, nghĩa là tìm kiếm điều tốt trong chân lý.

-Một tấm lòng thành đầy sự khiêm nhu: Khi sinh thời, cách riêng trong quảng đời rao giảng công khai, Chúa Giêsu đã tiếp xúc rất nhiều người nhưng vẫn có đó không ít người chưa gặp gỡ Người mà trong số đó có nhiều người biệt phái, luật sĩ. Lý do chính yếu mà tin mừng tường thuật, đó là vì họ thiếu lòng thành và sự khiêm hạ. Họ là những người có tai mà không nghe, đúng hơn là không thèm nghe; có mắt mà không thấy, đúng hơn là không muốn thấy. Làm sao có sự gặp gỡ khi một phía cố tình bịt tai, che mắt?

Trở lại với hai bà mẹ đang mang thai, một trẻ, một già là Đức Maria và bà Isave. Tình yêu của của hai bà mẹ dành cho Thiên Chúa, cho con người thì đã quá rõ. Một người tuy như là bất hạnh trước người đời vì son sẻ mà vẫn kiên trung trong sự công chính trước mặt Thiên Chúa và không ai chê trách được điều gì (x.Lc 1,6), một người thì tràn trề ân sủng (x.Lc 1,28), và cả hai đều đầy ơn Thánh Thần (x.Lc 1,35; 41). Lòng thành và sự khiêm hạ của Maria đã rõ nét qua lời thưa xin vâng và lời ca Magnificat “ Chúa đã đoái thương phận hèn tớ nữ…”( x. Lc 1,48 ). Bà Isave đã nhìn nhận tất cả là ơn Chúa “khi Người đã thương cất nỗi hổ nhục bà phải chịu trước mặt người đời” (Lc 1,25).

Thiên Chúa không chỉ muốn mà còn tìm mọi cách để gặp gỡ con người, đồng thời giúp con người gặp gỡ nhau. Thế nhưng trong vấn đề này, chúng ta có thể nói rằng “mưu sự tại thiên mà thành sự tại nhân” vậy.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Thánh lễ Chúa Nhật thứ Tư Mùa Vọng - 23/12/2018 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
20:51 21/12/2018
Bài Ðọc I: Mk 5, 2-5a

"Nơi ngươi sẽ xuất hiện Ðấng thống trị Israel".

Bài trích sách Tiên tri Mikha.

Ðây lời Chúa phán: "Hỡi Bêlem Ephrata, ngươi nhỏ nhất trong trăm ngàn phần đất Giuđa, nhưng nơi ngươi sẽ xuất hiện một Ðấng thống trị Israel, và nguồn gốc Người có từ nguyên thuỷ, từ muôn đời. Vì thế, Người sẽ bỏ dân Người cho đến khi một người nữ phải sinh, sẽ sinh con. Số còn lại trong anh em Người, sẽ trở về với con cái Israel. Người sẽ đứng vững và chăn dắt trong sức mạnh của Chúa, trong thánh danh cao cả của Chúa là Thiên Chúa của Người. Và họ sẽ trở về, vì bấy giờ Người sẽ nên cao trọng cho đến tận cùng trái đất. Vì vậy, Người sẽ là chính sự bình an".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 79, 2ac và 3b. 15-16. 18-19

Ðáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cho chúng con được phục hồi, xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra, hầu cho chúng con được ơn cứu sống (c. 4).

Xướng: Lạy Ðấng chăn dắt Israel, xin hãy lắng tai nghe! Chúa ngự trên Vệ Binh Thần, xin hiện ra trong sáng láng. Xin thức tỉnh quyền năng của Chúa, và ngự tới để cứu độ chúng con.

Xướng: Lạy Chúa thiên binh, xin thương trở lại, từ trời cao xin nhìn coi và thăm viếng vườn nho này. Xin bảo vệ vườn nho mà tay hữu Ngài đã cấy, bảo vệ ngành mà Ngài đã củng cố cho mình.

Xướng: Xin Chúa ra tay bang trợ người ở bên tay hữu Chúa, con người mà Chúa đã củng cố cho mình. Chúng con sẽ không còn rời xa Chúa nữa. Chúa cho chúng con được sống, và chúng con ca tụng danh Người.

Bài Ðọc II: Dt 10, 5-10

"Này đây con đến để thi hành thánh ý Chúa".

Bài trích thơ gởi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, khi đến trong thế gian, Chúa Giêsu phán: "Chúa đã không muốn của hy tế và của lễ hiến dâng, nhưng đã tạo nên cho tôi một thể xác. Chúa không nhận của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội. Nên tôi nói: 'Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa, như đã nói về con ở đoạn đầu cuốn sách'".

Sách ấy bắt đầu như thế này: "Của lễ hy tế, của lễ hiến dâng, của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội, Chúa không muốn cũng không nhận, mặc dầu được hiến dâng theo lề luật. Ðoạn Người nói tiếp: Lạy Chúa, này đây con đến để thi hành thánh ý Chúa". Như thế đã bãi bỏ điều trước để thiết lập điều sau. Chính bởi thánh ý đó mà chúng ta được thánh hoá nhờ việc hiến dâng Mình Chúa Giêsu Kitô một lần là đủ.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 1, 38

Alleluia, alleluia! "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền". - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 1, 39-45

"Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Isave. Và khi bà Isave nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Isave được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: "Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc! Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi? Vì này, tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện".

Ðó là lời Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐGH đưa ra lời tuyên bố rất mạnh mẽ về vụ giáo sĩ lạm dụng tình dục
Nguyễn Long Thao
18:15 21/12/2018
ĐGH đưa ra lời tuyên bố rất mạnh mẽ về vụ giáo sĩ lạm dụng tình dục

Hôm thứ Sáu 21/12/2018, trong môt bài diễn văn đọc trước Giáo Triều Roma vào dịp lễ Giáng Sinh Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đưa ra một lời phát biểu mạnh mẽ chưa từng thấy về vấn đế giáo sĩ lạm dụng tình dục.

Trước các vị Hồng Y, tại Giáo Triều Roma, Ngài nói : Với những ai đã từng xâm hại tình dục trẻ vị thành niên, hãy cải tà quy chánh, hãy tự thú với công lý của con người và chuẩn bị cho công lý thánh thần “To those who abuse minors I would say this: convert and hand yourself over to human justice, and prepare for divine justice,

Đây là một trong những phát biểu mạnh mẽ và trực tiếp nhất của Đức Giáo Hoàng về cuộc khủng hoảng giáo sĩ lạm dụng tình dục xảy ra ở nhiều nơi trong Giáo Hội Công Giáo .

Điều người ta cũng chú ý là lời phát biểu của Giáo hoàng Phanxicô được đưa ra hai tháng trước hội nghị thượng đỉnh bất thường của các vị Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục các quốc gia và các chuyên gia về vấn đề giáo sĩ lạm dụng tình dục.

Tưởng cũng nên nhắc lại, các bài diễn văn vào dịp trước lễ Giáng Sinh, Đức Giáo Hoàng thường đề cập đến những vấn đề hành chính tại Vatican như vấn đế quản lý yếu kém, tham nhũng. Nhưng lần này ĐGH Phanxicô chú ý tớí cuộc khủng hoảng xâm hại tình dục của các giáo sĩ trên toàn thế giới.

Ngài đưa ra lời tuyên bố quyết liệt như sau: Phải nói rõ rằng, đối với những hành vi đồi bại đó, Giáo hội sẽ nỗ lực tối đa và làm mọi điều cần thiết để đưa ra công lý bất cứ ai đã phạm tội như vậy. Giáo hội sẽ không bao giờ tìm cách che giấu hoặc xem nhẹ bất kỳ trường hợp nào”.

Tuy nhiên đối với công chúng, dù trước đây, Đức Giáo Hoàng đã đưa ra những cam kết giáo hội sẽ không khoan nhượng, nhưng các nhóm nạn nhân đã muốn rằng Giáo hội phải đưa ra một chính sách rõ rang, buộc các Giám Mục phải chịu trách nhiệm về việc xử lý không đến nơi đến chốn các vụ xâm hại.

Các nhóm nạn nhân nói rằng đó chính là việc mà hội nghị vào tháng 2 tới cần phải làm.

Nguyễn Long Thao
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Tĩnh tâm Mùa Vọng 2018
Văn Minh
09:19 21/12/2018
“Hãy vui mừng hoan hỷ” là đề tài chia sẻcủa cha Giuse Đặng Chí Lĩnh, đặc trách về ơn gọi ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn,cho các em thiếu nhi và cộng đoàngiáo xứ Vĩnh Hòa, giáo hạt Phú Thọ, trong buổi tĩnh tâm diễn ra lúc 17g30 thứ Ba, Tuần III Mùa Vọng. Nhân dịp ngài được cha xứ Gioakim Lê Hậu Hán, mời về giảng phòngcho cộng đoàngiáo xứ vào các ngày 18.19.20.12.2018.

Sau bài Tin Mừng, cha Giuse Đặng Chí Lĩnh đã chia sẻ về ơn gọitrở nên thánh trong thế giới hôm nay:Trong cuốn sách tông huấn của ĐTC Phanxicô viết với chủ đề “Hãy vui mừng hoan hỷ” nhằm mời gọi tất cả người tín hữu trên toàn thế giới được trở nên thánh, không trừ một ai, và không phân biệt người giàu sang hay nghèo hèn. Kế tiếp, ngàidiễn giảng về “Tám mối Phúc thật”và mời gọi cộng đoàn cùng nhau suy ngẫm vàlựa chọncho mình một trong tám câu đức tính căn bản để áp dụng trong đời sống.

- Phúc thay người có tâm hồn nghèo khó, ấy là phúc thật

-Phúc thay ai hiền lành, ấy là phúc thật

-Phúc thay ai sầu khổ, ấy là phúc thật

-Phúc thay ai khao khát nên người công chính, ấy là phúc thật

- Phúc thay ai xót thương người, ấy là phúc thật

- Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, ấy là phúc thật

- Phúc thay ai xây dựng hòa bình, ấy là phúc thật

- Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, ấy là phúc thật.Thật vậy, ai sống theo tám tinh thần này thì thật là diễm phúc, và sẽ được trở nên thành viên của Nước Trời và là chứng nhân của Tin Mừng giữa lòng thế giới hôm nay.

Sau lời nguyện hiệp lễ, Thánh lễ dành cho các em thiếu nhi chiều thứ Năm: cha xứ Gioakim thay mặt cộng đoàn giáo xứ ngỏ lời cảm ơn cha Giuse Đặng Chí Lĩnh, đã nhận lời về dâng Thánh lễ và chia sẻ về ơn gọi nên thánh trong những ngày tĩnh tâm vừa qua, phần nàogiúp cho cộng đoàný thức hơn về đức tin cũng nhưchuẩn bị tâm hồn đón mừng ngàyĐại lễ Giáng sinh được sốt sắng. Nhân dịp đón mừng Chúa Giáng sinh 2018, cộng đoàn giáo xứ Vĩnh Hòa kính chúccha Giuse nhiều sức khỏe, an lành và thánh đức. Để tỏ lòng tri ân, em thiếu nhi đại diện dâng lên cha Giuse bó hoa tươi thắm trong tiếng pháo tay giòn giã của các em và cộng đoàn.

Trước khi ban phép lành cuối lễ, cha Giuse Đặng Chí Lĩnh hát tặng cho các em và cộng đoàn bài hát “Chú bé đánh trống”. Đồng thời, ngài cũng chúc mừng mừng cha Gioakim và cộng đoàn giáo xứ ngày một phát triển về mọi mặt.

Ngày tĩnh tâm khép lại lúc 19g30, cộng đoàn hân hoan lãnh nhận ơn bình an và cùng nhau hát vang bài “Nguyện Mùa Vọng”.
 
Hội Linh mục – Tu sĩ – Chủng sinh Việt Nam du học tại Hoa Kỳ họp mặt kỷ niệm 10 năm thành lập
Chủng sinh Gioan Lê Văn Cường ,GP Vinh
17:12 21/12/2018
Hội Linh mục – Tu sĩ – Chủng sinh Việt Nam du học tại Hoa Kỳ họp mặt kỷ niệm 10 năm thành lập



Đông sang tuyết rụng ngăn trùng lối

Tình sâu nghĩa nặng thấu chân trời

Gì đâu ngăn được tình huynh đệ

Muôn nẻo trùng xa hẹn nhau về.

Trong tâm thức mỗi người Việt Nam, dù ở phương xa, hay tại quê nhà, chúng ta vẫn luôn háo hức đợi chờ những dịp sum vầy sau những tháng ngày học tập vất vả và sinh hoạt ở nhiều địa điểm khác nhau. Bởi vì họp mặt là dịp để chúng ta sẻ chia cho nhau những câu chuyện vui buồn, những thành công, thất bại, hay cùng nhau định hướng cho tương lai.

Trong 9 năm qua, Hội Linh mục – Tu sĩ – Chủng sinh Việt Nam du học Hoa Kỳ (FSVN) đã tổ chức thành công những kì họp mặt cuối năm, với mong muốn tạo điều kiện để anh chị em linh mục, chủng sinh, tu sĩ Việt Nam đang học tập tại Hoa Kỳ quy tụ lại với nhau nhằm gắn kết tình huynh đệ, giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm quý giá trong mỗi năm học. Gặp gỡ để yêu thương, gặp gỡ để vui mừng và gặp gỡ để xây dựng - đó là tinh thần mà FSVN muốn hướng tới trong những kì đại hội hằng năm. Tiếp nối thành công của những kì đại hội trước, năm nay, Hội FSVN tổ chức kì họp mặt trong dịp đặc biệt kỷ niệm 10 năm thành lập. Kỳ họp mặt năm nay sẽ diễn ra từ ngày 27/12/2018 tới ngày 01/01/2019 tại Nhà Tĩnh tâm Thánh Annê Lê Thị Thành (thuộc Tu hội Nhập Thể - Tận hiến - Truyền giáo) thuộc thành phố Houston, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ. Cũng như các năm trước, kỳ họp mặt năm nay sẽ có rất nhiều hoạt động hấp dẫn và ý nghĩa như hội thảo, hồi tâm, chia sẻ, giao lưu thể thao, văn nghệ bỏ túi, trò chơi, sinh hoạt, tham quan, vv. Đặc biệt, một chương trình văn nghệ tổng hợp mang tên “Nhạc hội Tri ân – Kỷ niệm Đệ Thập Chu Niên, thành lập Hội Formation Suppot For Vietnam” diễn ra vào lúc 3:00 chiều Chúa Nhật, 30/12/2018, hứa hẹn sẽ mang lại nhiều bất ngờ, hấp dẫn, và thỏa lòng mọi khán giả.

Về dự Đại Hội trong dịp kỷ niệm Đệ Thập Chu Niên sẽ có sự hiện diện của các vị khách quý: Sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, Giám mục Giáo Phận Oakland, Giám mục Giáo Phận Xuân Lộc, và Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Galveston, Houston. Ngoài ra, còn có sự hiện diện của quý bề trên tổng quyền, quý cha giám đốc, giáo sư chủng viện và đại học, hơn 250 linh mục, chủng sinh, tu sĩ từ nhiều giáo phận và dòng tu của Việt Nam đang tu học tại Hoa kỳ, cùng quý vị ân nhân xa gần, và khách quý của Hội. Thánh lễ khai mạc sẽ diễn ra vào lúc 5:00 chiều thứ 5, ngày 27/12/2018, do Đức Khâm sứ Tòa thánh tại Hoa Kỳ chủ tế. Với nhiều hoạt động bổ ích và thú vị Đại hội lần này sẽ là dịp hữu ích để các tham dự viên gặp gỡ và thư giãn sau những ngày làm việc, học tập và thi cử vất vả, căng thẳng vừa qua, cũng như mang lại cho các vị khách quý nhiều trải nghiệm mới mẻ, đa chiều, và ấn tượng chân thật, đầy đủ hơn về FSVN.

Chủng sinh Gioan Lê Văn Cường, Gp. Vinh

 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Nơi sinh ra của Chúa Giêsu Kitô.
LM. Daminh Nguyễn Ngọc Long
09:09 21/12/2018
Trên giấy tờ khai sinh của mỗi người không chỉ có ngày tháng năm mà còn ghi viết cả địa điểm sinh ra ở đâu nữa. Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, cách đây 2018 năm sinh ra trên trần gian, nhưng không có giấy khai sinh bút tịch chứng từ lưu lại. Vậy làm sao biết được nơi sinh ra của Ngài ở đâu?

Ngôn sứ Micha vào thế kỷ thứ 8. trước Chúa giáng sinh đã tiên báo về điều này:

„ Phần ngươi, hỡi Bethlehem Ephrata, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Juda, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Israel. Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa. ( Micha 5, 1-2)

Và Thánh sử Luca viết thuật lại chi tiết khung cảnh lịch sử nơi sinh ra của Chúa Giêsu:

„ Thời ấy, hoàng đế Augustus ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ.2 Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Quirinus làm tổng trấn xứ Syria.3 Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi.4 Bởi thế, ông Giu-se từ thành Nazareth, miền Galile lên thành vua David tức là Bethlehem, miền Juda, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua David.5 Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai.6 Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa.7 Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.“ ( Lc 2, 1-7).

Như vậy nơi của Chúa Giêsu đã được loan báo chứng thực trong Kinh Thánh từ thời xa xưa và cùng vào thời điểm ngài chào đời ở thành Bethlehem.

Bethlehem là địa điểm như thế nào trong lịch sử đất nước Do Thái cùng ẩn chứa ý nghĩa đạo đức thần học gì ?

Bethlehem là một thành phố nằm sát ranh giới với thành phố Jerusalem, vùng phía Nam nước Do Thái, cụ thể là vùng phía Tây sông Jordan với khoảng hơn kém 30.000 dân số. Về phương diện chịnh trị hành chánh Bethlehem bây giờ thuộc vùng tự trị của chính phủ Palestina.

Theo nguyên ngữ nguồn gốc tiếng Do Thái chữ „Beth“ có nghĩa là „ngôi nhà“- Lehem hay cũng viết là Lechem có nghĩa là „ bánh mì“. Bánh mì là thực phẩm cho đời sống người dân. Như thế Bethlehem mang nghĩa là ngôi nhà bánh mì.

Theo tiếng Arabe thành phố này có viết là Beit Lahm, mà Lahm mang ý nghĩa là „thịt“ và nơi một số tiếng địa phương vùng miền Nam của Arabe thì Lahm mang ý nghĩa là „cá“.

Như thế Bethlehem mang ý nghĩa thực phẩm cho con người: ngôi nhà bánh mì, hay thịt hay cá. Và thịt hay cá cũng đều là thức ăn thực phẩm căn bản cho con người.

Trong Kinh Thánh Cựu ước, Bethlehem được nhắc đến trong sách Sáng thế ký ( St 35,19): bà Rahel vợ của tổ phụ Jacob được an táng ở Efrata bây giờ là Bethlehem.

Sau khi các Chi tộc Do Thái từ Aicập trờ về và chiếm ngự vùng Kanaan, Bethlehem được phân chia cho chi tộc Juda ( Josua 15,59 - 1 Sách Biên niên sử 4,22).

Ngôn sứ Samuel được Thiên Chúa sai đến Bethlehem tìm David và phong ông làm Vua Israel ( 1 Samuel 16,1), mà Vua David là tổ tiên của Chúa Giesu. Cả ba thánh sử viết phúc âm Chúa Giêsu là Mattheus 2,1, Luca 2,4-11 và Gioan 7,42 đều thuật lại Chúa Giesu Kito sinh ra ờ Bethlehem, rất có thể trong một hang động.

Bethlehem trở nên thánh địa linh thiêng lịch sử nơi sinh ra của Chúa Giesu. Những người tín hữu Chúa Giesu Kito ngay từ thời thế kỷ thứ 2. đã rất tôn kính nơi thánh địa này. Và năm 333 sau Chúa giáng sinh thánh đường kỷ niệm Chúa giáng sinh dưới thời hoàng đế Constantino và Thánh nữ Helena đã được xây dựng ở đây để ghi dấu tưởng nhớ cùng cho mọi người tôn kính hành hương cầu nguyện.

Năm 386 Thánh giáo phụ Hieronimus đến Bethlehem sống trong một hang động sát liền bên cạnh đền thờ Chúa giáng sinh, nơi đây Thánh giáo phụ đã dịch bản kinh thánh Vulgata từ tiếng Hylạp sang tiếng Latinh. Trong thư số 46 chương 11 câu 3. Thánh giáo phụ khẳng định: „ Nơi đây trong một vùng nhỏ của trái đất đấng Tạo Hoá của trời cao đã sinh ra.“

Vương cung thánh đường thời hoàng đế Constantinus xât dựng, vào năm 529 bị hư hại nặng trong cuộc chiến nổi dậy của người Samariter. Sau đó vào đầu thế kỷ 6. đền thờ này bị phá hủy hoàn toàn. Sau đó hoàng đế Justinianus I. cho xây thánh đường chúa giáng sinh mới rộng lớn hơn thay thế đền thở cũ bị phá đổ trước đó. Đền thờ mới được khánh thành dâng kính Mẹ Thiên Chúa.

Năm 614 quân đội Batư chinh chiến sang Israel chống lại đế quốc Byzantin đã phá hủy các đền thờ thánh đường khác, nhưng ngôi thánh đường Chúa Giáng sinh ở Bethlehem không bị người Batư phá hủy. Vì họ tìm thấy nơi cổng vào đền thờ có vẽ khắc ghi hình nổi Ba Vua với phẩm phục người Phương đông giống như người Batư. Đó là lý do tại sao họ không phá đền thờ Chúa giáng sinh còn tồn tại cho tới ngày nay.

Năm 1717 Giáo Hội Công Giáo tham gia vào việc trùng tu sửa đền thờ ngay chính nơi hài nhi Giesu được đặt nằm sau khi sinh ra có khắc vẽ hình ngôi sao bằng bạc 14 cánh với dòng chữ „ Hic de virgine Maria Christus natus est - Nơi đây Chúa Giêsu Kitô sinh ra từ cung lòng Đức Mẹ đồng trinh Maria.“. Ngôi sao có 14 cánh là hình ành biểu tượng nói đến 14 thế hệ trong gia phả Chúa Giêsu Kitô.( Mt 1, 1-17).

Chúa Giesu sinh ra ở Bethlehem như Kinh thánh sử sách ghi viết thuật lại. Theo ý nghĩa của ngôn ngữ Do Thái hay Palestina Bethlehem là „ ngôi nhà thực phẩm bánh mì, cá hay thịt“ cho con người.

Chúa Giêsu sau này đi rao giảng nước Thiên Chúa có đến nơi cũ mình đã sinh ra hay không, không thấy Kinh thánh nói đến. Nhưng Chúa Giêsu đã giảng: „ Ta là bánh từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ có sự sống đời đời. Bánh ta ban chính là thịt ta hiến thân cho trần gian.“ ( Ga 6,51)

Như thế có thể nói được rằng Chúa Giesu trở nên thực phẩm căn bản cho sự sống đời đời.

Nhưng còn cá ? Chúa Giêsu cũng đã làm phép lạ hai con cá và năm chiếc bánh biến hóa thành thực phẩm với số lượng nhiều đến nỗi dư thừa cho hàng ngàn ăn no đủ, khi họ kéo đến nghe giảng để không bị đói.

Chúa Giêsu đã kêu gọi Ông Andre và Ông Phero là những người sống bằng nghề chài lưới đánh bắt cá làm môn đệ đầu tiên, và tấn phong Phero làm giáo hòang đầu tiên của Giáo hội Chúa ở trần gian. Những vị giáo hoàng kế vị Thánh Phero đều mang đeo chiếc nhẫn ngư phủ tượng trưng quyền bính giáo hoàng.

„ Chúng ta không có nguồn thông tin nào khác về sự sinh ra của Chúa Giêsu Kitô ngoài lịch sử đời thơ ấu chúa Giêsu được thánh sứ Matthaeus và Luca viết thuật lại. Hai vị thánh sử tường thuật khác nhau về phương diện đạo đức thần học cũng như tin tức theo khía cạnh kịch sử.

Thánh sử Matthaeus không nói đến hoặc không biết về Thánh Giuse và Đức Mẹ Maria trước hết ở Nazareth. Nên Thánh Giuse muốn từ Aicập trở về trước hết đến Bethlehem, và sau đó có tin người con trai của vua Herode lên ngôi cai trị vùng miền xứ Juda, do đó mới đem gia đình về Galilea.

Thánh sử Luca trái lại ngay từ đầu đã rõ ràng sau khi Chúa Giêsu sinh ra gia đình thánh gia trở về Nazareth.

Hai vị thánh sử với hai tường thuật khác nhau, nhưng nói đến chung một thông tin giống nhau: Chúa Giesu sinh ra ở Bethlehem. Dựa vào những nguồn thông tin tường thuật này, chúng ta biết được Chúa Giêsu Kitô sinh ra ở Bethlehem và lớn lên trưởng thành ở Nazareth.“ ( Joseph Ratzinger, Benedickt XVI. JESUS von Nazareth, Prolog die Kindheitsgeschichten, Herder 2012, tr. 75.)

Mừng lễ Chúa giáng sinh 2018

Lm.Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Cây Noel
Nguyễn Đức Cung
09:39 21/12/2018
CÂY NOEL
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
“Máng cỏ và cây Noel
mang đến sứ điệp hy vọng
và yêu thương, giúp chúng ta
có được một bầu khí thích hợp
để sống mầu nhiệm Chúa Cứu thế
sinh ra một cách linh thiêng,đạo đức”.
(Trích lời của ĐTC Bênêđictô XVI)