Ngày 13-12-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:42 13/12/2017
27. ĐÀO KÉP TUỒNG NHẠO QUAN
Có một ông quan lúc còn làm tổng đốc của tướng sĩ, thì tự ý sai quan và lính ở trong trại về làm nhà riêng cho mình.
Đào kép tuồng biết được liền đóng vai làm hai thư sinh, một người lớn tiếng ngâm trước:
- “Sáu ngàn quân tan rã, nước Sở lớn tiếng ca”.
Người thứ hai cũng lớn tiếng ngâm rằng:
- ”Tám ngàn quân tan rã, nước Sở lớn tiếng ca”.
Cả hai người vì sáu ngàn, tám ngàn mà tranh cãi nhau, không ai muốn mình thua, cuối cùng họ chậm chậm giải thích, nói:
- “Các ngài đều không biết đó thôi, hai ngàn ấy không phải ở nhà để làm nhà sao ? Làm gì có ở trong doanh trại ?”
(Giải Uẩn thiên)

Suy tư 27:
Thời nào cũng có những ông quan lợi dụng chức vụ của mình để lấy của công làm của riêng; thời nào cũng có những ông quan lấy cái oai của mình để bắt người dưới phục dịch mình hoặc gia đình mình; có những ông quan chơi “hách” hơn dành riêng một hai anh lính ở hẳn trong nhà mình để lái xe đưa bà quan đi chợ, đi thẩm mỹ viện, đi coi bói, đi coi phim và làm những việc vặt như một tên đầy tớ.
Có những giáo dân làm việc cho nhà Chúa nhưng lợi dụng công việc của mình để lấy đồ của nhà Chúa đi bán kiếm tiền nhậu chơi; có những giáo dân lợi dụng sự thân cận với quan lớn của thế quyền để chèn ép cha sở, lấn chiếm đất đai của nhà thờ làm của riêng mình...
Người đời càng có chức quyền thì càng thấy ông Trời nhỏ lại, cho nên họ “coi trời bằng vung” và tác oai tác quái với mọi người, trái lại, người Ki-tô hữu mà có chức quyền thì họ coi “ông trời” -là Thiên Chúa- càng ngày càng vĩ đại và nhân từ, là Đấng đã chia sẻ quyền hành cho họ để họ thay mặt Ngài mà phục vụ tha nhân như chính mình Ngài vậy.
Tất cả mọi quyền hành ở trên thế gian đều bởi Thiên Chúa mà có, cho nên chính Ngài, chứ không ai khác, sẽ kết án hoặc chúc lành về những hành vi mà người có chức quyền đã làm đối với tha nhân.
Vinh dự thay và cũng đáng sợ thay người có chức quyền !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csj b.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các T hánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:43 13/12/2017

18. Cầu nguyện là tiếng nói bốc lên của trái tim, cảm kích và ái mộ.

(Thánh Teresa of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ng ôn thần học tu đức"

------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật Thứ III Mùa Vọng B. 17.12.2017
Lm Francis Lý văn Ca
16:50 13/12/2017
ĐẦU LỄ: Anh Chị Em thân mến,
Theo truyền thống của Giáo Hội, Chúa Nhật hôm nay được gọi là Chúa Nhật Vui Mừng. Chúng ta vui mừng vì Ngày Mừng Lễ Trọng sắp đến. Chúng ta vui mừng để chuẩn bị tâm hồn để đón nhận hồng ân của Chúa qua Bí Tích Hòa Giải. Thánh Gioan Tiền Hô đã xuất hiện, kêu gọi mọi người chuẩn bị để đón Đấng đến sau ông. Ông đã rao giảng sự ăn năn thống hối và nhiều thành phần trong dân Dothái đã đáp lại lời mời gọi của ông để chịu phép rửa.
Giáo Hội qua muôn thời đại và thế hệ vẫn tiếp tục rao truyền sứ điệp của Thiên Chúa và kêu mời con cái đang lữ hành biết quay trở về với Chúa và sống tinh thần ăn năn thống hối. Mùa Vọng là dịp để Cộng Đoàn tín hữu sống tinh thần của mùa trông đợi Đấng Cứu Thế, không phải ngồi chờ Ngày Chúa Đến một cách nhưng không, nhưng biết lợi dụng thời gian chờ đợi để chuẩn bị tâm hồn một cách xứng đáng hơn cho Ngày Chúa Đến.
Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây, chúng ta cùng hiệp tiếng với ca đoàn bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀI I:
Mỗi người trong chúng ta đã được xức dầu thánh hiến trong ngày lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, được Chúa và Giáo Hội sai đi làm chứng tá cho Tin Mừng. Chúng ta hãy nghe tư tưởng đó qua bài đọc thứ I hôm nay.

TRƯỚC BÀI II:
Dựa vào tư tưởng của thánh Phaolô trong bài đọc thứ II, Giáo Hội luôn kêu mời chúng ta sống ơn gọi là Kitô hữu xứng đáng cho đến ngày Chúa lại đến lần thứ II.

TRƯỚC BÀI PÂ:
Thánh Gioan Tẩy Giả chuẩn bị dân Dothái đón tiếp Đấng Cứu Thế sắp đến giữa họ. Phần chúng ta cũng hãy tự hỏi chính mình: Tôi phải chuẩn bị gì đây để đón Chúa đến trong Mùa Giáng Sinh năm nay khi nghe bài Tin Mừng sau đây.

LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN.
Linh mục: Anh Chị Em thân mến,
Chúng ta vui mừng vì Ngày Mừng Lễ Trọng sắp đến. Trong niềm hân hoan đó, chúng ta dâng lên Thiên Chúa những ý nguyện cầu sau đây:

1. Thánh Gioan Tiền Hô đã rao giảng sự ăn năn thống hối, xin cho chúng ta biết mở lòng đón nhận sứ điệp Thánh Gioan đã rao giảng bằng việc lãnh nhận bí tích Hòa Giải trong những ngày sắp tới. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Xin cho thế giới chúng ta đang sống đuợc an bình và thịnh vượng qua sự cố gắng kiến tạo hòa bình của mọi thủ lãnh quốc gia. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Xin cho mỗi người trong chúng ta, trong tinh thần của Mùa Vọng, biết chia sẻ tình thương đối với tha nhân, những gì chúng ta có thể chia sẻ được trong cuộc sống tha hương, từ tinh thần cho đến vật chất. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho nền hòa bình trên thế đang bị đe dọa duới nhiều cách thức khác nhau. Xin cho chúng ta bíết chạy đến với Mẹ Maria qua Tràng Chuỗi Mân Côi. Chúng ta cùng nguyện xin.
Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Chúng ta cầu nguyện cho các tôi tớ của Chúa đã qua đời, những linh hồn mồ côi không còn ai để nguyện cầu. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Lạy Chúa, qua tinh thần của ngày lễ hôm nay, chúng con vui mừng trông đợi ngày mừng lễ trọng sắp đến. Xin cho chúng con biết sửa soạn tâm hồn để đón Chúa qua việc nhận lãnh Bí Tích Hòa Giải trong những ngày cuối cùng của Mùa Vọng năm nay. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen.









 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐTC giải thích: Tại sao phải tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật?
Linh Tiến Khải
09:38 13/12/2017
** Kitô hữu chúng ta cần tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật, bởi vì chỉ với ơn thánh của Chúa Giêsu, với sự hiện diện sống động của Ngài trong chúng ta và giữa chúng ta, chúng ta mới có thể thực thi giới răn của Ngài, và như thế trở thành các chứng nhân đáng tin cậy của Ngài. Trong Thánh Lễ chúng ta lắng nghe lời Chúa, được dưỡng nuôi bởi Mình Máu Chúa và trở thành Giáo Hội, Thân Mình mầu nhiệm của Ngài sống trong thế giới ngày nay. Điều này giải thích tại sao việc cử hành Thánh Thể ngày Chúa Nhật lại là trung tâm điểm cuộc sống của Giáo Hội.

Kính thưa quý vị thính giả, ĐTC Phanxicô đã nói như trên với 8000 tín hữu và du khách hành hương trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hôm qua. Trong bài huấn dụ ĐTC đã giải thích lý do tại sao kitô hữu phải đi tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật dựa trên chương 20 Phúc Âm thánh Gioan kể rằng: “ Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ…Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em! " Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ."

Ngài nói:

Việc cử hành Thánh Thể Chúa Nhật là trung tâm cuộc sống Giáo Hội (GLGHCG s. 2177). Chúng ta kitô hữu đi lễ Chúa Nhật để gặp gỡ Chúa phục sinh, hay đúng hơn để cho mình được Ngài gặp gỡ, lắng nghe lời Ngài, dưỡng nuôi mình ở bàn của Ngài, và như thế trở thành Giáo Hội, hay Thân Mình mầu nhiệm của Ngài sống trong thế giới ngày nay.

** Ngay từ giờ đầu tiên các môn đệ của Chúa Giêsu đã hiểu điều này. Họ đã cử hành việc gặp gỡ thánh thể với Chúa trong ngày của tuần, mà người Do thái đã gọi là “ngày thứ nhất trong tuần”, và người Roma gọi là “ngày của mặt trời”, bởi vì trong ngày đó Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết và đã hiện ra với các môn đệ, nói chuyện với họ, ăn với họ và trao ban cho họ Thánh Thần (x. Mt 28,1; Mc 16,9.14; Lc 24,1.13; Ga 20,1.19). Cả việc đổ tràn đầy Thần Khí trong ngày lễ Ngũ Tuần cũng xảy ra ngày Chúa Nhật, ngày thứ năm mươi sau khi Chúa Giêsu phục sinh. Vì các lý do đó ngày Chúa Nhật là một ngày thánh đối với chúng ta, được thánh hiến bởi việc cử hành thánh thể, là sự hiện diện sống động của Chúa giữa chúng ta và cho chúng ta. Như vậy, chính Thánh Lễ khiến cho ngày Chúa Nhật là kitô! Đối với một kitô hữu ngày Chúa Nhật là gì, nếu trong đó thiếu việc gặp gỡ với Chúa?

Rất tiếc có những cộng đoàn kitô không thể hưởng nếm Thánh Lễ Chúa Nhật, nhưng cả các cộng đoàn này nữa, trong ngày thánh này, cũng được mời gọi tụ tập nhau cầu nguyện nhân danh Chúa, bằng cách lắng nghe Lời Chúa và giữ gìn sống động ước muốn Thánh Thể.

Vài xã hội bị tục hoá đã đánh mất đi ý nghĩa của ngày Chúa Nhật được Thánh Thể soi sáng. Trong các bối cảnh này cần phải làm sống lại ý thức này, để phục hồi ý nghĩa của lễ, của niềm vui, của cộng đoàn giáo xứ, của tình liên đới, của sự nghỉ ngơi bổ sức cho linh hồn và thân xác (GLGHCG ss.2177-2188). Trong tất cả các giá trị này Thánh Thể là thầy dậy, từ Chúa Nhật này sang Chúa Nhật khác. Vì thế Công Đồng Chung Vaticăng II dã muốn nhấn mạnh rằng “Chúa Nhật là ngày lễ tiên khởi phải được đề nghị và ghi sâu vào lòng đạo đức của tín hữu, làm sao để nó cũng trở thành ngày của niềm vui và nghỉ làm việc” (SC, 106).

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: trong các thế kỷ đầu đã không có chuyện nghỉ làm việc ngày Chúa Nhật: nó là một đóng góp chuyên biệt của Kitô giáo. Theo truyền thống kinh thánh người Do thái nghỉ ngày thứ bẩy, trong khi trong xã hội Roma đã không thấy trước một ngày nghỉ việc trong tuần. Chính ý thức kitô sống như con cái chứ không như nô lệ , được linh hoạt bởi Thánh Thể, khiến cho ngày Chúa Nhật trở thành ngày nghỉ ngơi, hầu như đại đồng.

Không có Chúa Kitô chúng ta bị kết án bị thống trị bởi sự mệt mỏi thường ngày, với các âu lo của nó, và bởi sự sợ hãi ngày mai. Việc gặp gỡ Chúa Nhật với Chúa trao ban cho chúng ta sức mạnh sống ngày hôm nay với sự tin tưởng và lòng can đảm, và tiến tới với niềm hy vọng. Vì thế chúng ta kitô hữu chúng ta đi gặp gỡ Chúa ngày Chúa Nhật trong việc cử hành Thánh Thể.

** Sư hiệp thông thánh thể với Chúa Giêsu, Phục Sinh và Sống vĩnh cửu, báo trước ngày Chúa Nhật không tàn phai, khi sẽ không còn có mệt nhọc, khổ đau, tang chế, nước mắt nữa, mà chỉ có niềm vui sống tràn đầy và luôn mãi với Chúa. Thánh Lễ Chúa Nhật cũng nói với chúng ta về sự nghỉ ngơi diễm phúc này, bằng cách dậy cho chúng ta biết tín thác nơi bàn tay của Thiên Chúa Cha trên trời, trong tuần sống.

Nói thêm trong bài huấn dụ ĐTC nêu lên câu hỏi sau đây: “Chúng ta có thể trả lời thế nào cho người nói rằng không cần đi Lễ, kể cả ngày Chúa Nhật, bởi vì điều quan trọng là sống tốt, là yêu thương tha nhân?” Và ngài trả lời:

Đúng thật là phẩm chất cuộc sống kitô được đo lường bằng khả năng yêu thương, như Chúa Giêsu đã nói: “Cứ dấu này mọi người sẽ biết rằng các con là môn đệ của Thầy: đó là nếu các con yêu thương nhau” (Ga 13.35); nhưng làm sao chúng ta có thể thực thi Tin Mừng mà không kín múc năng lực cần thiết giúp làm điều này, từ Chúa Nhật này sang Chúa Nhật khác, nơi suối nguồn không thể cạn của Thánh Thể? Chúng ta không đi Lễ để cho Thiên Chúa cái gì đó, nhưng là để nhận từ Ngài điều chúng ta cần thực sự. Lời cầu của Giáo Hội nhắc nhớ chúng ra điều đó, khi Giáo Hội thưa lên với Chúa: “Chúa không cần lời chúc tụng của chúng con, nhưng bởi một ơn của tình yêu Chúa mời gọi chúng con cảm tạ Chúa; các lời chúc tụng của chúng con không gia tăng sự cao cả của Chúa, nhưng ban cho chúng con ơn thánh cứu độ chúng con” (Kinh tiền tụng chung V).

Kết luận, tại sao đi Lễ ngày Chúa Nhật? Trả lời rằng đó là một luật lệ của Giáo Hội thôi, không đủ; điều này giúp duy trì giá trị của nó, nhưng một mình thì không đủ. Chúng ta kitô hữu chúng ta cần tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật, bởi vì chỉ với ơn thánh của Chúa Giêsu, với sự hiện diện sống động của Ngài trong chúng ta và giữa chúng ta, chúng ta mới có thể thực thi giáo huấn của Ngài, và như thế mới là các chứng nhân đáng tin cậy của Ngài.

ĐTC đã chào các đoàn hành hương khác nhau đến từ các nước nói tiếng Pháp và tiếng Anh như Australia, Indonesia, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoà Kỳ, cũng như các nhóm nói tiếng Đức, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Ngài khích lệ mọi người trong mùa Vọng này đừng quên chuẩn bị con tim đón chờ Chúa đến, và luôn nhớ rằng Chúa đến gặp gỡ chúng ta mỗi Chúa Nhật trong việc cử hành Thánh Thể cần phải tham dự để lãnh nhận ơn thánh Chúa ban.

** Trong các nhóm nói tiếng Anh ngài đặc biệt chào các tham dự viên Diễn đàn quốc tế của các tổ chức phi chính quyền Công Giáo triệu tập tại Roma trong những ngày này. Ngài đánh giá cao các nỗ lực của họ đem ánh sáng Tin Mừng tới các vùng ngoại biên khác nhau trên thế giới, để bênh vực nhân phẩm và thăng tiến phát triển toàn diện cho các dân tộc, và đáp ứng các nhu cầu vật chất và tinh thần của biết bao nhiêu chi thể của gia đình nhân loại. ĐTC nói: tôi khích lệ anh chị em luôn luôn làm việc trong một tinh thần của sự hiệp thông và cộng tác với các tổ chức phi chính quyền khác, cũng như với các vị đại diện Toà Thánh như dấu chỉ sự dấn thân của Giáo Hội trong việc xây dựng một thế giới luôn công bằng và liên đới hơn.

Trong các nhóm nói tiếng Đức ĐTC chào đặc biệt phái đoàn vùng Land miền Áo thượng cùng tín hũu giáo phận Linz do ĐC Manfred Scheuer hướng dẫn. ĐTC cám ơn họ đã tặng ngọn lửa lấy từ Bếtlehem về. Ngài nói trong mỗi Thánh Lễ chúng ta khẩn nài ơn hoà bình mà thế giới cần biết bao nhiêu.

Chào các đoàn hành hương nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ĐTC mời mọi người cầu nguyện cho các cộng đoàn muốn tham dự Thánh Lễ nhưng không được vì thiếu Linh Mục. Xin Chúa Kitô phục sinh hiện diện giữa các cộng đoàn ấy để qua việc lắng nghe Lời Chúa và cầu nguyện, họ luôn duy trì được ước muốn gặp gỡ Chúa Giêsu Thánh Thể.

Với các nhóm nói tiếng A rập ĐTC đặc biệt chào các tín hữu đến từ Libăng. Ngài nói thánh Giêrôlamo cho rằng Chúa Nhật là ngày của Chúa, ngày phục sinh, ngày của các kitô hữu, ngày của chúng ta, ngày của mặt trời, trong đó mặt trời công chính đã xuất hiện và các tia sáng của nó đem ơn cứu rỗi tới cho chúng ta. Cũng như cây cần có mặt trời và chất dưỡng nuôi để sống, mỗi kitô hữu cũng cần Thánh Thể Chúa Nhật để sống thực sự.

Chào các tín hữu Ba Lan ĐTC khích lệ mọi người nhớ rằng việc chờ đợi Chúa thành toàn trong mỗi Thánh Lễ chúng ta tham dự. Chúa đến với chúng ta để làm cho chúng ta biết Danh Ngài, Gương mặt của Ngài, và sống kinh nghiệm sự hiện diện và lòng thương xót vô biên của Ngài. Trong viễn tượng đó tham dự Thánh Lễ không phải là một áp đặt, mà là một đặc ân được ban cho chúng ta.

Trong số các nhóm nói tiếng Ý ĐTC đặc biệt chào các nữ tu dòng Thánh Tâm và các nữ tu thừa sai hiệp hội Maria, hiệp hội quốc tế Jacques Maritain. Ngài cầu chúc chuyến hành hương Roma củng cố tinh yêu của họ đối với Chúa và khiến cho cộng đoàn của họ trở thành nơi sống kinh nghiệm sự hiệp thông và truyền giáo.

Chào giới trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nhắc cho mọi người biết hôm qua lễ kính thánh Lucia trinh nữ tử đạo. Ngài nhắn nhủ các bạn trẻ chiêm ngưỡng sự cao cả của tinh yêu Chúa sinh ra và chết vì loài người, người đau yếu can đảm chấp nhận khổ đau cầu nguyện cho kẻ tội lỗi được ơn hoán cải, và các cặp vợ chồng mới cưới dành nhiều thời giờ cho việc cầu nguyện nhất là trong mùa Vọng này.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành Toà Thánh ĐTC ban cho mọi người.
 
Chính phủ Ấn ca ngợi sự phục vụ của Giáo Hội dành cho người nghèo
Thanh Quảng sdb
16:26 13/12/2017
Chính phủ Ấn ca ngợi sự phục vụ của Giáo Hội dành cho người nghèo

New Delhi (Agenzia Fides) - Chính phủ Ấn Độ đã ca ngợi sự phục vụ của Giáo Hội Công Giáo dành cho người nghèo, những người bị thiệt thòi và thiếu thốn ở Ấn Độ.
Theo Thông tấn xã Fides loan đi ngày 12/12/2017 thì Phó Tổng thống Ấn là ông Venkaiah Naidu trong trong buổi lễ mừng Giáng sinh tại New Delhi đã nói: "Cộng đồng Công Giáo thân thương đã đóng góp rất nhiều vào nỗ lực xây dựng đất nước. Mọi người trên toàn thế giới không phân biệt giai cấp, tín ngưỡng hay quốc tịch bắt đầu mừng lễ Giáng sinh với niềm vui dạt dào. Người Công Giáo, đặc biệt, đã và đang thể hiện những việc bác ái phúc lợi cho dân chúng qua hàng ngàn trạm xá và bệnh viện, quản trị các cơ sở giáo dục vào bậc nhất trong xứ Ấn trước nhu cầu giáo dục và đào tạo cho những ai đang cần tới".
Ông Naidu nhận xét "giáo dục là công cụ quan trọng nhất để thay đổi xã hội, giúp truyền đạt các giá trị từ tâm, luân thường đạo lý và đạo đức". Ông kêu gọi các Kitô hữu hãy tiếp tục phục vụ, đặc biệt trong các lĩnh vực phúc lợi xã hội, ông nói: "Giáng sinh, mùa của yêu thương, niềm vui và sẻ chia; đây cũng là thời gian canh tân lại những cam kết phục vụ xã hội, xây dựng sự hài hòa và phát triển kinh tế".
Qua bức Thông điệp Giáng sinh về hòa bình - ông nói - Ngày nay nhiều người lạm dụng tôn giáo, nhưng chúng ta biết rõ "tôn giáo không có liên quan gì đến khủng bố.
Đức Hồng Y Baselios Cleemis, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ấn Độ (CBCI), cảm ơn phó thủ tướng và nhắc lại những cam kết của Giáo Hội Công Giáo trong việc phục vụ phúc lợi cho đất nước và ngài đoan quyết "với tâm tình cầu nguyện, những dấn thân cam kết của Giáo Hội sẽ được Chúa chúc phúc và đạt tới sự thành toàn cách tốt đẹp".
ĐHY cũng nhấn mạnh tới sự hợp tác toàn diện của mọi người và đặc biệt Ngài mời gọi chính phủ thực hiện các bước cần thiết để mang lại hòa bình và tiến bộ cho dân chúng hầu xây dựng một xã hội đa dạng và đa nguyên trên đất nước Ấn trong "vẻ đẹp của cuộc sống thần thiêng".
Đức Hồng Y cũng cám ơn phó tổng thống và chính quyền trước những trợ giúp dành cho các nạn nhân của cơn bão Ockhi gần đây, cơn bão ngày 30/11/2017 được coi như là "một thảm trạng quốc gia". Đức Hồng Y nói Ngài ở Thiruvananthapuram, một vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất của cơn bão vừa qua khiến hàng ngàn ngư dân vùng duyên hải phía Nam đã mất tất cả ngoại trừ niềm tin của họ vào trời cao và vào Thượng đế".
Theo ông Naidu cho hay thì Kitô giáo là một thiểu số ở Ấn Độ. Chính ông thuộc đảng Barathiya Janata, một đảng Dân tộc Ấn đang nắm quyền Liên bang, được hỗ trợ mạnh mẽ bởi Ấn giáo Hindu và các nhóm theo chủ nghĩa dân tộc như "Rashtriya Swayamsewak Sangh" (RSS) cố gắng quảng bá hệ tư tưởng độc quyền (Ấn Độ thuộc Ấn giáo Hindu) và tìm cách loại bỏ các yêu sách hay yêu cầu của các nhóm thiểu số Kitô giáo và Hồi giáo.
Theo cha Suresh Mathew, chủ bút "tờ Tin xứ Ấn" phát hành hàng tuần ở Delhi cho hay: "Nước Ấn đang nỗ lực chống lại những thế lực như chủ nghĩa cực đoan, phát xít, cuồng tín" mà chính phủ cần kiểm soát.
Theo Cuộc Điều tra Dân số năm 2011, có 24 triệu Kitô hữu ở Ấn Độ, trong đó 19.9 triệu người Công Giáo. (SD) (Agenzia Fides, 13/12/2017)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Dẫn nhập vào Ngũ Kinh, tiếp theo
Vũ Văn An
18:38 13/12/2017
III. Hình thức văn chương

Việc truyền thống chấp nhận Mô-sê là tác giả Ngũ Kinh đem theo nó một ý niệm cứng ngắc về lịch sử. Theo cái nhìn này, người ta cho rằng mọi sự xẩy ra trong Xh-Đnl đều đúng như Mô-sê mô tả, vì ông là nhân chứng đầu tay. Việc đồng hóa chân lý Thánh Kinh với chân lý lịch sử, như trong trường hợp này, chỉ là một hình thức của chủ nghĩa giản lược (reductionism); nó hạn chế tự do của Thiên Chúa trong việc tạo ra một trước tác hết sức phong phú như Cựu Ước. Điều này có nghĩa: ta phải đọc Ngũ Kinh (và cả bộ Cựu Ước) với ý thức rằng bộ này chứa nhiều hình thức văn chương khác nhau.

Có hình thức dễ nhận ra hơn các hình thức khác. Xin tạm liệt kê dưới đây một số hình thức ấy:

Luật. Hình thức này chiếm phần lớn Ngũ Kinh, từ Xh tới Đnl.

Nguyên lai học (etiology). Một trình thuật nhằm giải thích một cái tên hay một hoàn cảnh nào đó. Hình thức nguyên lai học có thể là một cách chơi chữ (Xh 15:23, tên Ma-ra), hay cũng có thể là một trình thuật để giải thích một biến cố thí dụ như đoạn giải thích lý do Giuse lập ra thuế đất trong St 47:13-26.

Nghi thức. Hình thức mô tả cách tiến hành các nghi thức quan trọng trong một cộng đồng, như dâng hoa quả đầu mùa trong Đnl 26:1-11 hay các qui định liên quan đến các hy lễ trong Lv 1-7.

Gia phả. Hình thức lên danh sách dòng dõi tổ tiên cũng như các mối liên hệ. Gia phả đó có thể là trực hệ, mô tả một dòng duy nhất từ trên xuống dưới (10 đời từ Adong qua Sét tới Nôe, St 5) hay bàng hệ như trong danh sách các con của Giacóp trong St 46:8-27. Nên nhớ một điều các gia phả thời xưa không hẳn là những ghi chép lịch sử. Chúng không phải chỉ bao gồm những người có liên hệ máu mủ, mà cả các liên hệ do buốn bán, địa dư hay các nguyên nhân khác tạo ra (xem R.R. Wilson, Genealogy and History in the Biblical World [Yale Near Eastern Reserachs 7; New Haven, 1977]).

Thánh ngôn (hieros logos). Tức các lời thánh hay tương truyền thánh thiêng giải thích nguồn gốc một nơi thánh như St 28:10-22 (Bết-ên đánh dấu nơi Giacóp thấy chiếc thang); 33:18-20 (“En, Thiên Chúa của Ít-ra-en”, tên nơi Gicóp bình an trở về sau khi gặp Ê-xau).

Chúc phúc. Lời có hiệu quả ban quyền lực hữu hiệu cho người nào. Lời chúc phúc nói ở giường người hấp hối được gọi là di ước (testament) như trong Đnl 33 (Mô-sê chúc phúc lần cuối cho dân Do Thái).

Các hình thức văn chương khác thì có vấn đề hơn. Vì các học giả rất khác ý kiến nhau về huyền thoại (myth), cổ tích (saga), dã sử (legend), tiểu thuyết (novella) và đôi khi những hình thức này còn được phân chia thêm, như cổ tích về gia đình… Mục đích của chúng tôi ở đây chỉ là đưa ra một số khả thể:

Huyền thoại. Nhiều cách hiểu khác nhau đã xẩy ra chung quanh hình thức này. Nó từng được định nghĩa như một trình thuật về các thần minh (có lẽ chỉ áp dụng vào St 6:1-4, đoạn nói về các con trai Thiên Chúa lấy các con gái loài người). Người ta cũng coi nó như một câu truyện đi kèm nghi thức. Nó cũng chỉ cách người ta suy nghĩ, tức đặc tính thần thoại thi ca (mythopoetic) của tư duy con người (Xem H. Frankfort, et al. The Intellectual Adventure of Ancient Man [rev. ed. Chicago, 1977] 3-2).

Cổ tích. G. Coats (Genesis 319) định nghĩa hình thức văn chương này là “một câu truyện dài, văn xuôi, cổ truyền có cấu trúc gồm nhiều tình tiết (episodic) và khai triển quanh các chủ đề hay đối tượng đã thành nguyên mẫu”. Các chủ đề và đối tượng này có thể là thời nguyên sơ (truyền thống J trong Sáng Thế 1:1-11), là gia đình (truyện Áp-ra-ham thuộc truyền thống J trong Sáng Thế 12-26), là anh hùng (Mô-sê trong phiên bản J, Xuất Hành 3 và tiếp theo).

Dã sử. Khó phân biệt hình thức này với cổ tích (xem R. Hals, CBQ 34 [1972] 166-76). Coats (Genesis, 252) định nghĩa hình thức này là “một câu truyện chủ yếu liên quan tới những việc kỳ diệu, lạ lùng và gương mẫu điển hình”, nhằm mục đích xây dựng (St 22:1-19; Ds 25:6-12).

Tiểu thuyết (story, novella, tale). Đây là một trình thuật có cốt truyện nhằm gây hứng thú bằng cách tạo căng thẳng và giải quyết căng thẳng ấy. Nó có thể cung cấp kiến thức lịch sử, nhưng với ít nhiều lượng tự do lỏng lẻo; và cũng có thể chỉ là để mua vui, giải trí, qua việc sử dụng các chủ đề dân dã. Truyện Giuse và sách Rút thuộc loại này.

Lịch sử. Hiển nhiên lối văn lịch sử hiểu theo tiêu chuẩn hiện đại khó có thể áp dụng cho các ghi chép của Thánh Kinh. Tuy thế, Thánh Kinh quả có cung cấp cho ta các dữ kiện lịch sử dưới nhiều hình thức. Nó có ghi chép các biến cố quá khứ, nhưng không hoàn toàn chính xác y như chúng đã xẩy ra hay như một người hiện đại ghi chép chúng. Thứ tự thời gian, liên hệ nhân quả và tính lọc lựa (selectivity) đều là các đặc tính của khoa sử thánh. Như một thể văn, lịch sử có thể có trong Sách Các Vua, chứ không hẳn trong Ngũ Kinh, mặc dầu trong đó vẫn có những ký ức có tính lịch sử trong các trình thuật về tổ phụ và xuất hành.

Lịch sử tương truyền (tradition history) là một thuật ngữ được các học giả đưa ra để khảo sát các giai đoạn qua đó một đơn vị bản văn đang được tổng hợp thành một trình thuật liên tục. Như thế, người ta có thể phân tách được một số hình thức văn chương, dù là truyền khẩu hay thành văn, từng được tổng hợp vào cái khung lớn hơn kia. Thí dụ, người ta vốn cho rằng trình thuật J vốn sử dụng một tương truyền (đại hồng thủy, hay các tai họa), và trong một phạm vi khác, J lại đã liên kết với P, và kết quả chính là bộ Ngũ Kinh, như ta đã thấy. Việc nghiên cứu hình thức sau cùng của Ngũ Kinh đưọc gọi chính xác là khoa phê bình soạn thảo (redaction criticism).

Có thể minh họa phương pháp tương truyền lịch sử bằng cách phân tích câu trruyện về Gióp. Tương phản với câu truyện về Giuse, một câu truyện khá nhịp nhàng trong việc mô tả mối liên hệ giữa Giuse với anh em ông, người ta có thể nhận ra nhiều chu kỳ rất khác nhau trong câu truyện về Giacóp. Các chu kỳ ấy là chu kỳ Giacóp-Êxau và chu kỳ Giacóp-Laban; từ nguyên gốc, chúng khác biệt nhau, nhưng đã được đem lại với nhau. Muốn hiểu được tính phức tạp, cần phải hiểu sự xếp đặt của bản văn. Trình thuật Giacóp-Êxau bắt đầu với “lịch sử gia đình” Ixaác, cha của họ, trong St 25:19, rồi tiếp tục với việc đánh lừa nổi tiếng của ông trong St 27. Chủ đề về hai anh em sinh đôi thù nghịch nhau này được khai triển ngay trong ngày sinh của họ, trong lối sống của họ (thợ săn, chăn chiên), trong việc bán quyền trưởng nam và trong việc đánh lừa Ixaác để được chúc phúc. Việc phân rẽ hai anh em sinh đôi đã nhanh chóng được thực hiện nhờ việc chọn vợ. Theo truyền thống P (St 26: 34-35; 27:46; 28:1-9) Êxau cưới đàn bà Ca-na-an. Nên Giacóp được sai tới Paddam-aram để cưới một người họ hàng. Nhưng theo truyền thống J, Giacóp trốn đi Paddam-aram để tránh cơn giận lôi đình của Êxau sau khi bị lừa (St 27:41-45). Chu kỳ Giacóp-Laban (JE, St 29:1-31:55) tự đứng một mình. Nó kể lại cuộc hôn nhân của Giacóp với hai con gái ông Laban xảo trá, người vốn cưỡng bức Giacóp phải làm việc cho mình. Nhưng anh Giacóp mưu mẹo của chúng ta đã thoát được thân và trở lại gia đình. Cuộc phiêu lưu này bắt đầu và chấm dứt đều bằng những cuộc thần hiện (Bết-ên 28:10-22; xem thêm 35:9-15; Pơ-nu-ên, 32:23-33). Hai chu kỳ này gặp nhau ở đoạn chót, tức cuộc gặp gỡ của Giacóp với Êxau (32:4-22; 33:1-17). Câu truyện kết thúc (St các chương 34-36) với các dữ kiện gia phả về gia đình Giacóp và con cháu Êxau (người Êđôm).

Toàn bộ trình thuật gắn bó sát nút với nhau đến độ đọc qua người ta tưởng nó là một mối. Nhưng phương pháp lịch sử tương truyền đã cẩn trọng nhận ra nhiều nối kết giữa các biến cố với nhau: tại sao Giacóp đi tới Paddam-aram? Nơi cư trú ấy nói gì về mối liên kết của ông với người Aram trong khu vực? (xem “ông tổ tôi là một người Aram phiêu bạt” Đnl 26:5). Tình tiết Đina tại Si-khem (chương 34) liên hệ ra sao với lịch sử liên hệ với người Si-khem? Không gian địa dư gồm Bết-ên, Si-khem, Khép-rôn, Pơ-nu-ên, Ma-na-kha-gim quả là rộng, và một số địa danh này có liên hệ tới các cuộc thần hiện dính liền với chúng. Cuối cùng, bảng liệt kê con cái Giacóp đã bỏ sót tên Đina (St 35:16-19). Ta phải đánh giá gia phả này ra sao? Phải chăng các nhân vật được kể ra chỉ là các tổ tiên có tên dùng đặt cho các chi tộc sau này trở thành Israel sau thời lưu đày? Không cần phải nói, trả lời các vấn đề như thế rất khó khăn, các vấn đề vốn do các truyền thống khác nhau phối hợp đặt ra. Hiện nay, lịch sử các truyền thống chỉ biết kể ra các truyền thống khác nhau, chứ không giải thích được chúng. Tuy nhiên, các vấn đề này có giá trị. Muốn biết thêm chi tiết, xin xem M. Noth, Pentateuchal Traditions; W. Rast, Tradition History and the Old Testament (Phil, 1972); B.W. Anderson, “Tradition and Scripture in the Community of Faith”, Journal of Biblical Literature 100 (1981, 5-21).

IV. Các cách đọc Ngũ Kinh khác

Phương pháp phê bình lịch sử phân tích bản văn thành các đơn vị và truyền thống. Phương pháp này cố gắng khởi từ bản văn cuối cùng tìm về lịch sử trước đó của nó. Việc này nhất thiết đòi phải dựa vào giả thuyết đế cố gắng tái tạo các hình thức nguyên thủy của nó. Nhiều người không thỏa mãn với các giả thuyết này. Vì dù một phương pháp có trung thành đến đâu, thì người ta vẫn phải nhìn nhận các giới hạn của nó và do đó cần phải được bổ túc hay sữa chữa bởi phương pháp khác. Ngũ Kinh cuối cùng đã trở thành một sách thống nhất, một đơn vị, nhưng ý nghĩa của nó như thế nào? Liệu có thể có những cách tiếp cận khác đối với nó hay không?

(a) Phương pháp văn chương (literary approach). Phương pháp này áp dụng đối với toàn bộ Thánh Kinh, cũng như riêng đối với Ngũ Kinh, và đây là lối phân tích của các sinh viên học văn chương. Có thể tóm tắt phương pháp này bằng những lời sau đây của R. Alter: “Tôi hiểu phân tích văn chương gồm hàng loạt việc tỉ mỉ lưu ý một cách có phân tích tới sự sử dụng ngôn ngữ một cách có nghệ thuật, tới cách thay đổi các ý tưởng, tới các ước lệ, giọng điệu, âm thanh, hình ảnh, cú pháp, quan điểm về trình thuật, các đơn vị kết cấu v.v…; sự lưu ý này phải theo một kỷ luật, nói cách khác phải dựa vào hàng loạt các phương pháp phê bình, để minh giải các tác phẩm như thi ca của Dante, kịch bản của Shakespeare, các tiểu thuyết của Tolstoy” (The Art of Biblical Narrative, NY, 1981, 12-13). Trái với phương pháp phê bình lịch sử thông thường, ở đây không tra vấn về lịch sử; phương pháp này không có tính dị đại (diachronic, xuyên thời gian) mà có tính đồng đại (sychronic, đồng thời). Đối tượng của nó không phải là việc hình thành ra bản văn với các bình diện khác nhau xuyên qua thời gian, mà là đánh giá bản văn như nó hiện có, trong một thời gian. Đàng khác, phương pháp này tin rằng ý nghĩa được chuyên chở qua bản văn, rằng ý nghĩa này không thể đạt được nếu không chú ý tới mọi đặc điểm của bản văn (âm thanh, từ tượng thanh [onomatopoeia] các khẩu hiệu, nói tắt các chức năng thẩm mỹ của ngôn ngữ dùng để chuyên chở ý nghĩa).

Các vấn nạn lịch sử đặt ra cho bản văn phát sinh ra lịch sử; nhưng cả hai đều phát sinh ra ý nghĩa. Không có lý do gì khiến ta phải đặt điều này chống lại điều kia; thực sự chúng bổ túc cho nhau. Và cả hai đều cần thiết để giải thích một áng văn chương tôn giáo như bộ Ngũ Kinh về phương diện thần học. Phần lớn các sách chú giải quá đặt nặng khía cạnh lịch sử, trước nhất vì khía cạnh này vốn nổi bật nhất và thứ hai, vì kiến thức chuyên môn cung cấp cho người đọc không luôn luôn có sẵn. Vấn đề thưởng lãm Ngũ Kinh về phương diện văn chương luôn luôn có đó; câu truyện về Áp-ra-ham (St 22), về Giuse (St 37-50), Mô-sê (Xh 3), con lừa Balaam (Ds 22) không ngừng làm người đọc say mê, dù họ không nói rõ được lý do. Ở đây, người ta cũng rút tỉa được nhiều cái nhìn sâu sắc từ các nghiên cứu vốn nhấn mạnh đến khía cạnh này, như R. Alter, The Art of Biblical Narrative; M.L. Fishbane, Biblical Narrative in Ancient Israel, NY 1985; G. Rendsburg, The Redaction of Genesis, Winona Lake, 1986…

(b) Phương pháp qui điển (canonical approach). Quan điểm này được B. Childs thúc đẩy (Introduction to the old Testament as Scripture 109-35). Ông đề nghị thế này: việc giải thích một cuốn Sách Thánh phải khởi đi từ hình thức qui điển, tức hình thức sau cùng của bản Thánh Kinh Do Thái vào khoảng bắt đầu của Kitô Giáo. Trong trường hợp Ngũ Kinh, vai trò của Mô-sê rõ ràng đã trở thành qui phạm căn cứ vào cách ông được trình bày như một vị trung gian; mọi luật lệ đều được gán cho ông. Ở đây, ta không thể nói đến quyền tác giả theo nghĩa hẹp, nhưng thẩm quyền của Mô-sê có một chức năng thần học mà ta không thể náo bỏ qua khi đánh gía Ngũ Kinh. Childs hiểu Ngũ Kinh như là lời phát biểu ý Thiên Chúa cho dân Giao Ước, và do đó như là yếu tố tạo ra mối liên hệ giao ước. Nó là “tặng phẩm của Thiên Chúa”, một tặng phẩm chứa đựng đủ cả lời hứa lẫn lời đe dọa (Old Testament Theology in a Canonical Context, Phl 1985, 56-57).

Quan điểm có tính toàn diện này đã bỏ qua một bên các vấn đề như nền thần học Giavít (Yahwist theology) để cố gắng tìm hiểu Ngũ Kinh theo cái hiểu của thời hậu lưu đày. Đây không phải là luật theo nghĩa luật học (legalistic), nhưng như một thông truyền ý muốn của Thiên Chúa, trong đó dân tìm được niềm vui của mình, như các Thánh Vịnh 19 và 119 từng chứng tỏ và như những lễ lạt Do Thái sau này chứng minh, Śimhat tôrâ (nghĩa đen: niềm vui của Luật).

Dù phương pháp này được hoan nghinh như một chuyển biến từ việc phân mảnh Ngũ Kinh tới việc đặt được một giả thuyết về nguồn và truyền thống của nó, nhưng không nên coi phương pháp này như một phương thức giải thích trọn vẹn. Khoa phê bình lịch sử vốn khám phá ra khá nhiều căng thẳng, khai triển, và thay đổi đầy năng động bên trong lịch sử Israel, cũng như được phản ảnh trong việc hình thành ra Ngũ Kinh; không nên bỏ qua nhiều tầng ý nghĩa vốn được chôn dấu trong bản văn để chỉ chú ý tới ý nghĩa sau cùng, dù ý nghĩa sau cùng ấy có quan trọng bao nhiêu đi chăng nữa.

V. Ý nghĩa thần học của Ngũ Kinh

Điều hiển nhiên là Ngũ Kinh chứa đựng các biến cố nền tảng và nền thần học của dân Chúa. Đàng khác, đó không đơn thuần chỉ là nền thần học phát sinh trong thời Mô-sê. Nó là sự cô đọng các quan điểm thần học của thời đầu hết và thời sau này liên quan đến Chúa và Dân của Người. Bất chấp giải pháp nào cho vấn đề nguồn gốc của Ngũ Kinh, việc nhìn nhận các dòng văn hay các truyền thống khác nhau đã góp phần giúp ta hiểu nền thần học của nó một cách linh động. Quan điểm Đệ Nhị Luật về sự hiện diện của Thiên Chúa (nền thần học “Thánh Danh”) không hoàn toàn giống nền thần học của truyền thống tư tế (nền thần học “Vinh Quang”). Không cần phải đặt mâu thuẫn giữa hai nền thần học này; vì chúng bổ túc cho nhau trong cách tiếp cận mầu nhiệm. Sau đây chỉ là môt bản tóm tắt về ý nghĩa thần học tổng quan của Ngũ Kinh.

Lịch sử khởi nguyên (St 1-11) đánh dấu một khởi đầu đầy ý nghĩa vì nó đã nhấn mạnh đến việc Israel hiểu chính mình như thế nào trong bối cảnh lịch sử thế giới. Sự tốt lành yếu tính của tạo dựng và việc trình bày đầy kịch tính sự bất tuân của con người là cái phông cho sáng kiến của Thiên Chúa trong việc kêu gọi Áp-ra-ham. Lời hứa ngỏ với vị tổ phụ này (St 12:1-3) đã làm nền cho các trình thuật về tổ phụ nói chung. Các yếu tố khác nhau (hứa có con trai, nhiều con cháu, đất đai… xem 12:7; 15; 16:10; 17; 22:16-18; 24:7; 26:3-5, 24; 28:15; 31:3; 32:10-13) đã trở nên minh nhiên khi nhắc lại các lời hứa với ba “người cha” (xem C. Westermann, The Promises to the Fathers, Phl 1980). Như thế, đủ thấy các lời hứa đã tạo nên đặc điểm chủ yếu cho các trình thuật về tổ phụ. Đồng thời, St đã liên kết với Xh, khi trong St 50:24 (xem Xh 33:1!), ông Giuse đang hấp hối cho con cháu hay Chúa sẽ dẫn con cái Israel ra khỏi Ai Cập mà vào đất Người đã hứa ban cho các tổ phụ. Các lời trong Xh nhắc tới các tổ phụ và “Chúa của cha ông các ngươi” (Xh 3:6, 16) cho thấy có sự liên tục giữa St và Xh.

Việc giải phóng khỏi ách nô lệ Ai Cập (xem Xh 15:1-18; Đnl 26:5-9) đã tạo ra mối liên hệ căn bản giữa Thiên Chúa và Dân của Người tại Xi-nai. Họ được chọn vì họ được Thiên Chúa yêu thương (Đnl 7:8) để trở thành một dân tộc thánh thiện (Xh 19:8), và đáp ứng của họ được mô tả trong Mười Giới Răn và nhiều bộ luật khác, cũng như toàn bộ các qui định Tư Tế trải dài suốt Xh 25 qua Lv tới Ds 10. Người Kitô hữu, cách riêng, rất có thể đánh giá không đúng mức tầm quan trọng của phần dài dòng này. Dù, ngày nay, một số qui định không còn được coi có tính trói buộc nữa, thì truyền thống P vẫn nằm ở cốt lõi Ngũ Kinh. Mọi sự đều tùy thuộc sự hiện diện của Thiên Chúa giữa Dân của Người, một sự hiện diện đòi người ta phải thánh thiện (được quan niệm và mang ra thi hành trong một số nghi lễ và luật lệ), “vì Ta, Chúa và Thiên Chúa của ngươi, thánh thiện (Lv 19:2). Câu “Ta là Chúa” liên tiếp vang lên trong Lv 19 để kêu gọi Israel lưu tâm tới Đấng Thánh. Trong Lv 26, hình phạt đã được công bố, nhưng giao ước với các tổ phụ thì không thể phá bỏ được (26:42-45).
Truyền thống P tiếp tục diễn ra ở Ds 1-10 với việc sách này nhấn mạnh tới việc phụng tự. Rendtorff (Old Testament, 47) nhận xét rằng luật phụng tự “là một yếu tố trì hoãn, giống như trước đây vậy: nó đem lại mọi qui định mà con cháu Israel cần tới để có thể du hành qua sa mạc mà luôn có đền thánh cùng đi, trong tư cách dân được dành riêng cho YHWH và được làm cho thánh thiện”. Chỉ thị cho Mô-sê tại cánh đồng Mô-áp (Ds 33:50-56) có tính Đệ Nhị Luật rất nổi bật, vì nó dọn đường cho các bài diễn văn của Mô-sê (Đnl 1:1-4: 43; 5:1-28:69; 29:1-30: 20). Đệ Nhị Luật là một tài liệu nói về hồi sinh như việc khám phá ra “Sách Lề Luật” trong Đnl 30:10; 31:26 đã chứng thực. Sự mãnh liệt trong ngôn từ của nó rất xứng với việc nhấn mạnh tới nền thần học tuyển chọn và giao ước bàng bạc cùng khắp sách. Israel phải lắng nghe cõi vĩnh cửu ngay “hôm nay” trong bất cứ giờ phút khủng hoảng nào của nó.

Điều kỳ diệu của Ngũ Kinh là: nó là nhiều điều cùng một lúc, là Sách Luật (Tôra) hay ý muốn của Thiên Chúa đối với Israel; là lời hứa hay một báo trước tương lai của dân Chúa; là việc phụng tự hay cách thờ phượng Đấng Thánh Thiện; là câu truyện con người phản loạn và Thiên Chúa cứu chuộc; là lời kêu gọi lưu tâm tới nguồn gốc của truyền thống Do Thái – Kitô Giáo.

Viết Theo Roland E. Murphy, O.Carm., Introduction to The Pentateuch, trong The New Jerome Biblical Commentary, Student Edition, Geoffrey Chapman
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Mùa Giáng Sinh Thành Thị
Tấn Đạt
09:18 13/12/2017
MÙA GIANG SINH THÀNH THỊ
Ảnh của Tấn Đạt
Từ quê đến chốn thị thành
Khắp nơi mừng đón ơn lành Giáng Sinh.
(bt)