Ngày 06-12-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đặc Ân Vô Nhiễm Nguyên Tội
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
06:23 06/12/2019

Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm


Hôm nay toàn thể Giáo Hội tôn vinh Mẹ Maria được Thiên Chúa tuyển chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, được gìn giữ khỏi tội nguyên tổ.

Đặc Ân “Vô Nhiễm Nguyên Tội” là bằng chứng về sức mạnh của Ân Sủng trên tội lỗi và sự chết. Phụng vụ đang ở giữa chặng đường Mùa Vọng. Thời gian chuẩn bị đón mừng mầu nhiệm Con Thiên Chúa đến trần gian. Giữa “màu tím đợi chờ và hy vọng” chợt bừng lên “màu trắng tinh tuyền” của ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm. Ý nghĩa phụng vụ gắn liền với thời điểm quan trọng của lịch sử cứu rỗi. Cánh cửa thiêng liêng mở ra cho dân Chúa bước tới cử hành mầu nhiệm Nhập Thể.

Trong hai thế kỷ sau cùng của thiên niên kỷ thứ hai, liên tiếp có hai chân lý về Đức Maria đã được Giáo Hội định tín. Đó là: tín điều “Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội” (8.12.1854) và tín điều “Đức Maria Hồn Xác Lên Trời” (1.11.1950). Qua hai tín điều này, Giáo Hội tuyên tín và khái quát về toàn bộ chương trình cứu độ của Thiên Chúa ở hai tận cùng của lịch sử. Một khởi đầu sáng tạo với vẽ đẹp “Vô Nhiễm Nguyên Tội”, và cuối cùng, với công trình Nhập Thể - Cứu Chuộc của Chúa Con, toàn thể nhân loại lại được nâng lên trong ánh quang phục sinh như “Đức Maria hồn xác lên trời”.

Lòng sùng kính Đức Maria là cả một cảm nghiệm sâu xa của niềm tin dân Chúa qua dọc dài lịch sử với nền tảng Thánh Kinh và Thánh Truyền.

Sách Sáng thế kể rằng: con người được tạo dựng trong yêu thương và được ân ban cuộc sống hạnh phúc ngay từ thuở ban đầu. Tuy nhiên, địa đàng hạnh phúc ấy không may đã khép lại với nguyên tổ. Đánh mất địa đàng, con người cũng mất luôn hạnh phúc được chia sẻ sự sống thân mật và vĩnh hằng với Thiên Chúa. Cái chết đã trở thành một bản án chí tử. Thiên Chúa tình yêu đã hé mở chân trời hy vọng : “Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó. Người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi”. Đó chính là “Tin Mừng đầu tiên”, Tin Mừng nguyên thủy. Niềm hy vọng trải dài xuyên suốt lịch sử con người từ buổi hồng hoang cho đến ngày Lời hứa được thực hiện.

Từ cuộc “đỗ vỡ ban đầu” của Nguyên tổ, Thiên Chúa đã quyết định thực hiện một chương trình cứu rỗi diệu kỳ. Đức Maria đã được chọn từ muôn thưở: “Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ”. Thánh Phaolô đã khẳng quyết: “Khi đến thời viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con của Người, sinh bởi người nữ, sinh dưới quyền lề luật, để cứu chuộc những kẻ dưới quyền lề luật, ngõ hầu ta được chịu lấy quyền nghĩa tử” (Gl 4,4). Chính người Con đó, Đức Giêsu Kitô, sẽ thực hiện lời hứa “đạp dập đầu con rắn” mà Thiên Chúa đã công bố thuở xưa. Người nữ đó chính là Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Đấng Cứu Chuộc. Đức Trinh Nữ ấy đã được Đức Piô IX long trọng công bố trong tín điều Vô Nhiễm : “Ta tuyên bố rằng Đức Trinh Nữ rất thánh đã được gìn giữ khỏi mọi tì ố tội tổ tông… ngay từ buổi đầu tượng thai”.

Như thế, rõ ràng mầu nhiệm “Vô Nhiễm Nguyên Tội” là một lộ trình đức tin của dân Chúa. Đặc Ân này, huyền nhiệm này nắm giữ một vai trò, một ý nghĩa, một điều kiện có tính quyết định trong con đường dẫn tới hạnh phúc vĩnh hằng của nhân loại. Nói cách khác, Đặc ân “Vô Nhiễm Nguyên Tội” của Đức Trinh Nữ Maria chính là “Tin mừng về cuộc chiến thắng của tình yêu cứu độ của Thiên Chúa”.

Tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội bắt nguồn từ trong Thánh Kinh và lớn lên trong đức tin đơn thành và bình dân của tín hữu thời Giáo Hội Sơ Khai.
Ngay từ thế kỷ thứ II, các Thánh Giáo Phụ Justinô và Irénée de Lyon đã ngợi khen sự thánh thiện của Đức Maria. Giáo Hội Đông Phương đã mừng Lễ Mẹ Vô Nhiễm từ thế kỷ thứ VII.
Vào năm 1432, công đồng Bâle đã coi mầu nhiệm này như một tâm điểm của lòng tin. Vào thế kỷ XIX, sau khi Đức Mẹ hiện ra với Thánh Catherine Labouré tại nguyện đường nhà Dòng Nữ Tử Bác Ái năm 1830, sau đó Đức Thánh Cha Piô IX đã long trọng ban bố tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội vào ngày 8.12.1854.
Bốn năm sau đó, vào ngày 25.3.1858, Đức Mẹ hiện ra tại hang đá Massabielle Lộ Đức, với thánh nữ Bernadette Soubirous. Đức Mẹ đã xác nhận tín điều trên đây khi tự xưng mình là “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”.

Đặc ân “Vô Nhiễm Nguyên Tội” tô thắm vẽ đẹp tuyệt mỹ của Đức Mẹ. Mẹ đầy ơn Chúa. Sứ Thần cung kính thưa với Mẹ rằng: “Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà!" (Lc 1,28). "Ðấng đầy ơn phước" là tên gọi đẹp nhất của Mẹ Maria, tên gọi mà Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ, để chỉ cho biết rằng từ muôn thuở và cho đến muôn đời, Đức Mẹ là Ðấng được yêu thương, được Thiên Chúa tuyển chọn, được tiền định để đón nhận hồng ân quý giá nhất, là Chúa Giêsu, "tình thương nhập thể của Thiên Chúa" (x.Thông điệp Thiên Chúa là tình yêu, số 12).

Tước hiệu “Bà đầy ơn phước” xác nhận lòng Đức Mẹ không có chổ dành cho tội lỗi vì luôn được đầy tràn ơn phước của Thiên Chúa.
“Thiên Chúa ở cùng Bà”: Ở đâu có Thiên Chúa, ở đó bóng tối của tội lỗi không thể có mặt. Mẹ luôn sống trong ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa.
“Bà có phúc hơn mọi người phụ nữ” vì Mẹ là người duy nhất không vướng mắc tội tổ tông. Mẹ đẹp thánh thiện. Mẹ đẹp cao quý. Mẹ tuyệt mỹ vì niềm tin đơn sơ và cuộc sống khiêm nhường. Nét đẹp ấy thoang thoảng như như một hương thơm hảo hạng toả ra lôi cuốn. Nét đẹp ấy mặn mà như thứ muối thiêng liêng. Nét đẹp ấy lung linh như ánh sáng dịu mát. Nét đẹp ấy huyền diệu như âm nhạc dịu êm mời gọi con người nâng tâm hồn lên tới Chúa.

Đặc ân “Vô Nhiễm Nguyên Tội” là một biểu hiện cụ thể và tròn đầy kết quả viên mãn của ơn cứu độ do Đức Kitô mang lại cho phần tử ưu tú nhất của nhân loại. Đức Maria gắn bó mật thiết với mầu nhiệm “Con Chúa xuống thế làm người” như sách Giáo Lý đã viết : “Để làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Maria “đã được Chúa ban cho nhiều ơn xứng với nhiệm vụ cao cả ấy”. Những đặc ân của Đức Maria có được là kết quả đi trước nhờ cuộc Vượt Qua của Đức Kitô, như sách Giáo Lý xác tín : “Mẹ có được sự thánh thiện tuyệt vời, có một không hai “ngay từ lúc tượng thai” hoàn toàn là do Đức Kitô : Mẹ được cứu chuộc cách kỳ diệu nhờ công nghiệp Con của Mẹ” (GLCG # 56). Ngoài ra, Đặc ân Vô Nhiễm cũng còn tiên báo hình ảnh đích thực của Hội Thánh vào ngày cánh chung, ngày mà dân Chúa sẽ được tác thành như “một trinh nữ vẹn toàn”. Tất cả những nội dung đó đã được tóm kết trong Kinh Tiền Tụng ngày lễ hôm nay :“Chúa đã gìn giữ Đức Trinh Nữ Maria rất thánh khỏi mọi vết nhơ nguyên tội, để chọn Người đầy ơn phúc xứng đáng làm Mẹ Con Chúa, và chỉ cho chúng ta thấy nơi Người là khởi điểm Hội Thánh xinh đẹp, không vết nhăn, là bạn Con Chúa”.

Mẹ Maria chính là thụ tạo đầu tiên hưởng được lời hứa cứu độ mà Thiên Chúa công bố ngay buổi đầu với Nguyên tổ.

Với Đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ Maria trở thành một chứng nhân cụ thể cho tình yêu bao la của Thiên Chúa dành cho toàn thể nhân loại. Chính vì thế, trong ngày lễ hôm nay, Giáo Hội đã mượn lời Thánh Vịnh 97 để cùng hát lên trong hân hoan cảm tạ : “Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới.Vì Người đã thực hiện những việc lạ lùng…Chúa đã công bố ơn cứu độ, đã tỏ sự công chính Người trước mặt chư dân…mọi dân trên khắp cùng bờ cõi trái đất đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta…”

Với Đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ Maria được quyền năng và tình yêu Thiên Chúa đổ tràn.Mẹ được khỏi tội tổ tông và được đầy ơn ơn sủng ngay từ trong lòng Mẹ. Quyền năng và tình yêu Chúa bao phủ suốt cả đời Mẹ trên từng ý nghĩ, từng tình cảm, từng mỗi hành động, từng mỗi bước đi... khiến cho tâm hồn Mẹ luôn hướng về Chúa mà tạ ơn và ngợi khen liên lỉ. Đặc ân cao trọng này chính là sự thánh thiện tinh tuyền của Mẹ, vốn đã được “Thánh Thần ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao rợp bóng trên bà” (Lc 1,35).

Giáo Hội cùng hiệp ý chung lời với Mẹ ngợi khen tạ ơn Thiên Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới, từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”. Những lời ngợi ca đó nói lên tất cả tâm hồn của Mẹ. Đó là toát lược cả cuộc đời Mẹ, cả chương trình sống của Mẹ, là con đường tu đức của Mẹ: mãi mãi là người Nữ tỳ khiêm tốn, luôn phó thác hoàn toàn trong tay Chúa toàn năng và nhân hậu, hằng dâng lời ngợi khen tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc sống. Mẹ Vô Nhiễm là một dấu chỉ niềm hy vọng cho tất cả nhân loại, những người đã chiến thắng Satan nhờ máu của Con Chiên (x. Kh 12 , 11).

Năm 1492, hơn 500 năm trước đây Colombô đã khám phá ra Châu Mỹ. Ông đã dùng con tàu mang tên: Maria Vô Nhiễm. Colombô đặt tên cho hòn đảo đầu tiên ông đặt bước chân là San Salvador để tôn kính Đấng Cứu Thế. Hòn đảo thứ nhì mang tên Conception, Mẹ Vô Nhiễm để tôn kính Mẹ Chúa Kitô.

Vào năm 1673, hơn 300 năm trước, cha Monquette, một linh mục thám hiểm gan dạ, người đầu tiên tới sông Mississipi, một thác nước khổng lồ chạy dài 3.000 km xuyên qua 10 tiểu bang Hoa Kỳ. Ngài đặt tên cho con sông miền Tây này là “Maria Vô Nhiễm”.

Balboa và Cortez, hai nhà thám hiểm nổi tiếng cũng có lòng tôn sùng Maria Vô Nhiễm.

Giáo dân Việt Nam rất sùng kính Đức Maria Vô Nhiễm. Năm 1960 khi thành lập hàng Giáo phẩm Việt Nam, các Giám mục đã dâng đất nước Việt Nam cho Đức Mẹ Vô Nhiễm.

Cử hành lễ Mẹ Vô Nhiễm giữa Mùa Vọng, cộng đoàn chúng ta được nhắc nhở thêm nữa về thái độ sửa dọn tâm hồn xứng đáng để đón mừng mầu nhiệm Giáng Sinh, nhất là để từng ngày cộng tác với Ân Sủng hầu biến cuộc sống trở thành một mãnh đất tốt để Lời Chúa kết trái đơm hoa, như mãnh đất tâm hồn trong trắng của Đức Maria, tinh hoa của bao ngàn năm mong đợi. Đức Mẹ đã chuẩn bị một lễ Giáng sinh đẹp nhất, công phu nhất, dài nhất bằng chín tháng cưu mang trong tình yêu.

Xin Mẹ cũng giúp chúng con chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh với tâm tình yêu mến như Mẹ. Amen.

 
Sự Công Chính Và Nền Hòa Bình Viên Mãn Sẽ Triển Nở…
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:53 06/12/2019
Sự Công Chính Và Nền Hòa Bình Viên Mãn Sẽ Triển Nở…

Chúa Nhật II Mùa Vọng A

Hằng năm cứ mỗi dịp mùa Vọng về, đoàn tín hữu chúng ta lại được nghe điệp khúc: “Sự công chính và nền hòa bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại Người” (Tv 71,7). Đã là người, từ cổ chí kim, ai cũng hằng mong được sống trong an bình. Hòa bình mãi là niềm ước mong của mọi dân tộc, mọi quốc gia, dĩ nhiên là ngoại trừ những kẻ lắm tham vọng muốn bá quyền, muốn độc tôn, thống trị kẻ khác… Và dường như sự an bình, yên ổn vẫn đang còn là ước mơ, cho dẫu một đôi lúc, ở một vài nơi đã được nếm hưởng nhưng chưa chắc đã là được bình an thực sự.

Sẽ chẳng có hòa bình nếu không có công bình. Các Đức Giáo Hoàng gần đây đã từng nhấn mạnh điều này vào mỗi dịp đầu năm Dương lịch hay những khi kêu gọi chấm dứt chiến tranh. Quả thật, làm sao có được sự công bình nếu không có sự công chính. Nói đên sự công chính là nói đến sự công minh, chính trực trong tư tưởng, lời nói và hành động của con người. Như thế cái nguồn gốc của sự hòa bình là nơi chính bản thân con người. Tuy nhiên, vì con người là sinh vật có tính xã hội, do đó một nền hòa bình chính hiệu cần phải có những thể chế luật lệ công minh, những đường lối chính sách ngay thẳng, công bình.

Những hình ảnh “sói sống chung với chiên con; beo nằm chung với dê; bò con, sư tử và chiên sẽ ở chung với nhau; con trẻ sẽ dẫn dắt chúng…” chính là niềm ước mơ của mọi người, mọi thời. Với những lời của Tiên Tri Isaia qua bài đọc thứ nhất (Is 11,1-10) và lời giảng của thánh Gioan Tẩy Giả trong bài Tin Mừng (Mt 3,1-12), xin được góp một vài ý thô thiển để cùng dệt xây một nền hòa bình đích thực và chính hiệu.

1. “Ngài sẽ lấy sự công minh mà xét xử những người nghèo khó, và lấy lòng chính trực mà bênh đỡ kẻ hiền lành trong xứ sở” (Is 11,4). Ngày nay, cảnh người nghèo khó bị áp bức bóc lột, bị xét xử bất công vẫn tồn tại dưới nhiều hình thái. Nhiều nơi trên thế giới và ngay chính trên quê hương chúng ta hiện tượng này vẫn dẫy đầy đó đây. Câu ngạn ngữ “ở hiền, gặp lành” xem ra không phải lúc nào cũng đúng trong thực tiễn mà có vẻ như đang là ngược lại. Càng ở hiền thì càng gặp nhiều điều chẳng may, càng bị thua thiệt nhiều mặt. Chính vì thế người con cái Chúa cần phải nỗ lực, gắng công liên lỉ.

Dĩ nhiên, không phải ôm bom tự sát, không phải cầm gươm giáo, súng ống làm vũ khí, nhưng ta phải biết “dùng lời như gậy đánh người áp chế và dùng tiếng nói giết chết kẻ hung ác” (Is 11,4). Đức Bênêđictô XVI, thời chưa làm Giáo Hoàng đã từng cảnh báo các mục tử trong Hội Thánh không được câm nín trước bất công và tội ác. Là Kitô hữu, người con cái Chúa có bổn phận xây dựng một nền hòa bình chính hiệu để cho Nước Chúa trị đến. Phải chăng chúng ta đã vô tình hay hữu ý ngậm miệng làm thinh trước các bất công xã hội? Chúng ta đã mạnh mẽ làm chứng cho sự thật, bảo vệ công lý như thế nào? Phải chăng chúng ta chưa dám hay không dám lên tiếng bảo vệ người nghèo khó, bênh đỡ người hiền lành?

Không thiếu những lý do bào chữa, nhưng chúng ta cũng đành thú nhận rằng lắm khi vì đã “ăn xôi chùa, nên đành ngọng miệng”, hoặc có thể e sợ “há miệng sẽ mắc quai” hoặc rất có thể vì đã “có tật thì giật mình” nên chọn giải pháp làm thinh. Cũng có thể vin vào lý do tưởng như là khôn ngoan và hợp lý như là thời cơ chưa thuận lợi, chưa phải lúc…thế nhưng, chúng ta đừng quên đòi hỏi của Tin Mừng là dù khi thuận lợi hay không thuận lợi, thì lời chân lý phải được công bố.

2. Phê bình, góp ý để làm cho các đường lối, chủ trương, chính sách trong Hội Thánh và ngoài xã hội được ngay chính.

“Đường Chúa, ta uốn cho ngay…”. Ca từ của một bài hát trong mùa Vọng ta vốn thân quen vì được trích lời, ý, từ Thánh Kinh. Câu hát này có thể làm cho nhiều người hiểu lầm. Mọi đường lối của Chúa đều là từ bi và ngay chính. Cớ sao ta cần phải uốn cho ngay đường lối của Chúa. Không lẽ đường lối của Chúa chưa ngay thẳng hoặc đang cong queo? Chẳng một ai dám to gan khẳng định điều này khi họ là tín hữu Kitô đích thực. Thế thì ta cần phải hiểu chính xác về lời kêu gọi của Gioan Tẩy Giả vốn được trích từ lời của tiên tri Isaia: “Có tiếng hô trong hoang địa: Hãy dọn đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi , phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho bằng…(Is 40,3.5; Lc 3,4-5; Mt 3,3; Mc 1,2-3). Hóa ra đây là những đường lối của ta, cung cách sống của bản thân ta và cũng không loại trừ những thể chế, luật lệ, chủ trương, đường lối, chính sách của chúng ta.

Hiến Pháp, luật lệ các quốc gia và cả bộ Giáo Luật trong Hội Thánh chúng ta đã từng được chỉnh sửa, thay đổi, tất thảy chỉ vì chúng không còn phù hợp, thiếu chính đáng và rất có thể là chưa được “thẳng” ở điều này hay điểm kia. Thử đặt vấn đề rằng các đường lối, các luật lệ hiện nay vẫn còn nhiều điều cần sửa cho “ngay thẳng” hay không? Hẳn ta sẽ dễ dàng trả lời không chút nghi ngại là vẫn đang còn.

Tiến trình “tu thân - tề gia - trị quốc - bình thiên hạ” nhắc nhớ cho ta về động thái căn bản là chỉnh sửa cho ngay thẳng cõi lòng, cung cách sống của ta. Tuy nhiên, yếu tố xã hội vẫn có đó mức độ ảnh hưởng đáng kể trên suy nghĩ và hành động của ta. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong bức thư chung năm 2006 đã nhìn nhận sự thật này: “con người vừa là tác nhân vừa là nạn nhân của hoàn cảnh xã hội” (số 5). Và chắc chắn các cơ chế, luật lệ, các đường lối, chính sách quốc gia, xã hội có ảnh hưởng trên nhân cách và lối sống của con người thật đáng kể. Đất nước chúng ta đã nhìn nhận sai lầm của cơ chế bao cấp, của việc quá đề cao hình thái tổ chức vốn đã từng làm thui chột tinh thần trách nhiệm cá nhân và đã gây hậu quả xấu thật khó khắc phục một sớm một chiều. Và còn nhiều hậu quả xấu khác do bởi cơ chế, đường lối chính sách “không ngay thẳng” mà chúng ta đang phải hứng chịu đây? Việc chạy theo thành tích, chỉ nhắm đến lợi ích kinh tế trong giáo dục hay việc gạt các tập thể tôn giáo ra khỏi quốc sách giáo dục cũng là những “đường lối cong queo” mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam lên tiếng trong thư chung năm 2007 (x.số 11-12;18-19).

Mùa Vọng lại về, Kitô hữu chúng ta không chỉ mong chờ Chúa Kitô lại đến, nhưng chúng ta cần phải loan báo cho thế giới nhận biết rằng Chúa Kitô, Vua Hòa Bình đã đến trong thế gian. Một trong những cách thế loan bào tin vui ấy hữu hiệu nhất là cần nỗ lực làm cho nền hòa bình viên mãn hiện diện cách cụ thể một cách nào đó ngay môi truờng ta đang sống.

Một tín hữu đã thành thật thú nhận rằng để sống lời Chúa dạy như trên chắc là phải tử đạo thôi. Quả không sai vì Đức Kitô đã phán: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,27). “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,9-10). Lịch sử minh chứng rằng hai mối phúc này thường đi sánh đôi qua mọi thời và mọi nơi.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột


 
Sám hối mở lối yêu thương
Lm Nguyễn Xuân Trường
13:40 06/12/2019

Phúc Âm tuần này vang lên lời ông Gioan Tẩy Giả mời gọi: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” Vậy sám hối là gì? Nước Trời là chi?

Theo Gioan, sám hối không chỉ là hối hận về tội lỗi mình đã làm, nhưng còn là sửa lối dọn đường cho Chúa đi. Như đường giao thông để nối kết các nơi chốn với nhau, thì sám hối cũng là sửa đổi lối sống, dọn dẹp đường đời để nối kết con người với Chúa và con người với nhau. Thực tế cuộc sống cho thấy: Người ta đến với nhau không phải đường gần hay xa mà là vì yêu hay ghét như lời ca dao: “Yêu nhau xa mấy cũng gần. Ghét nhau cách một bàn chân cũng lìa.” Như thế, sám hối là mở lối yêu thương, là trải tình nghĩa trên con đường đến với Chúa và đến với tha nhân.

Sám hối là mở lối yêu thương nên bài Sách Thánh thứ nhất cho thấy công lý không chỉ là công bằng, mà còn công ơn Chúa dành cho con người khi “Chúa xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng.”

Chúa chạnh lòng thương người bé mọn, bênh vực quyền lợi người nghèo.
Chúa đứng về phía những người thấp cổ bé miệng.
Chúa thực thi công lý bằng lòng thương xót.

Chính nền công lý dạt dào tình thương mới có thể tạo nên một thế giới kẻ mạnh không ức hiếp kẻ yếu, nhà cầm quyền không thống trị người dân, nhưng là cùng chung sống hiền hòa – đó chính là hình ảnh Nước Trời. Nước mà triều đại Chúa nở hoa công lý và thái bình thịnh trị qua hình ảnh quá đẹp “sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ.” Nơi đó, không còn cảnh cá lớn nuốt cá bé, quan đè đầu cưỡi cổ dân, mà chỉ có cảnh mọi người chung sống hiền hòa, yêu thương nhau như anh em một nhà. Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:11 06/12/2019

3. Kiên nhẫn bảo vệ chúng ta khỏi phạm tội và không sa hỏa ngục.

(Thánh Cyprian)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:17 06/12/2019
81. THỨC ĂN CỦA CỐNG NGẦM

Vương Phụ là đại thần năm cuối thời bắc Tống, nhà ở của ông ta gần bên một ngôi chùa.

Có một hoà thượng, mỗi ngày đều vớt những hạt cơm từ ống cống của nhà Vương Phụ chảy ra, rửa sạch phơi khô để ăn, qua được mấy năm không ngờ tích trử được một vựa.

Đời Tịnh Đường năm thứ hai, quân Kim đánh phá đô thành bắc Tống là Biện Lương, vợ con của nhà Vương Phụ bị cắt lương thực đói meo, vị hoà thượng ấy bèn lấy cơm đã tích trử được một vựa ấy đem biếu nhà Vương Phụ. Cả nhà lớn nhỏ của Vương Phụ ăn ngon và thấy rất thơm, cám ơn luôn miệng, họ có biết đâu những đồ vật mà họ ăn đó là từ cống ngầm của họ mà ra.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 81:

Có người khi giàu có thì tiêu xài phung phí không tiết kiệm tích trử phòng khi bệnh hoạn tai nạn đột xuất, nên khi chuyện xảy ra thì than trời than đất.

Có những ngừơi nhiều tiền lắm của khi ăn cơm thì chỉ nhúng đũa vào rồi chê dài chê ngắn, quát tháo nạt nộ, họ không nghĩ đến những người nghèo khó đang ăn xin bên vệ đường…

Hôm nay “nhặt” một việc lành, ngày mai làm một việc tốt, mỗi ngày làm một việc thiện thì sẽ có ích cho mọi người, đó chính là tích trử kho tàng trên trời vậy.

Hôm nay ăn bát cơm đầy thì nên để tâm đến ngày mai đói khát, đó là người khôn ngoan; hôm nay ăn một nửa bát cơm để giúp người nửa bát cơm đó là người thánh thiện; hôm nay rộng tay bố thí thì được Thiên Chúa trả công đời này và đời sau, đó là người con của Thiên Chúa.

Hạt cơm thừa của người giàu có đổ ra lại trở thành hạt ngọc trong tay hoà thượng, cũng vậy việc lành của người Ki-tô hữu thực hiện sẽ trở thành phép lạ đem lại niềm vui cho mọi người…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 2 MV)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:19 06/12/2019
Chúa Nhật 2 MÙA VỌNG

Tin mừng : Mt 3, 1-12

“Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần”.


Anh chị em thân mến,

Thánh Mát-thêu viết Tin Mừng cho người Do Thái tin vào Đức Chúa Giê-su, nên ngài đã trích dẫn câu nói của tiên tri I-sai-a để chứng minh cho sứ vụ của thánh Gioan Tiền Hô: “Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”. Và thánh Gioan Tiền Hô đã đến, đến một cách công khai, kêu gọi mọi người chuẩn bị đường sá sạch sẽ đẹp đẽ để chờ đón Đức Chúa Giê-su đến.

1. Càng danh vọng càng sám hối ?

Tất cả mọi người đều phải sám hối vì trước mặt Thiên Chúa không ai là người công chính.

Người ta thường cho rằng, người cần sám hối là những người tội lỗi ngập đầu ngập cổ, điều này rất đúng, đó là chuyện đương nhiên, nhưng người cần sám hối và tỉnh thức trước hết là những người lãnh nhận quá nhiều ân sủng của Thiên Chúa, tức là những người được gọi là công chính, những người được hưởng những ơn lành cao quý của Thiên Chúa qua thiên chức linh mục và ơn gọi tu sĩ, qua những chức vụ ngoài xã hội như tổng thống, chủ tịch nước, các bộ trưởng và tất cả những ai có quyền thế trên mặt đất này. Những người này cần phải tỉnh thức và đấm ngực sám hối luôn luôn, bởi vì nếu không sám hối, nếu không tỉnh thức, thì họ sẽ ngủ mê trong quyền cao chức trọng, ngủ mê trong những thỏa mãn của mình.

Thánh Gioan Tiền Hô đã nghiêm khắc cảnh cáo những người Pha-ri-siêu và Sa-đốc là những người quyền cao chức trọng thời bấy giờ rằng: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy ? Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối...” ngài đã kêu gọi tất cả mọi người hãy sám hối, nhưng cách đặc biệt mời gọi và chỉ trích thái độ kiêu căng tự cho mình là thầy dạy thiên hạ mà không chịu sám hối của người Pha-ri-siêu và Sa-đốc. Sám hối để được tha tội, và sám hối để được trở nên những người mong chờ ngày Chúa Giê-su lại đến trong vinh quang.

Thủ lãnh thế gian không cần và không muốn sám hối vì họ không muốn chờ đón ngày Đức Chúa Giê-su đến, nhưng những thủ lãnh của cộng đoàn dân Thiên Chúa thì cần phải sám hối và chuẩn bị luôn, bởi vì một mục tử biết sám hối thì cả cộng đoàn dân Thiên Chúa được hưởng ơn tha thứ và ơn thánh của Thiên Chúa, đó chính là hoa quả của lòng sám hối vậy.

2. Sám hối là chuẩn bị con đường cho Thiên Chúa đến.

Con đường, tự nó là sự kết nối giữa điểm nầy với điểm khác, nó cũng là sự hy vọng cho những người ở khắp nơi trên thế giới xích lại gần với nhau. Chuẩn bị con đường cho Thiên Chúa đến cũng là chuẩn bị cho mình một con đường đến với Thiên Chúa ngay tại trần gian này, đó là con đường của sự sám hối noi gương của Đức Chúa Giê-su trong hoang địa: ăn chay, cầu nguyện và luôn kết hợp với Cha trên trời.

Sám hối là quyết tâm sửa đổi những tính hư tật xấu của mình để phù hợp với tinh thần Phúc Âm của Đức Chúa Giê-su dạy; sám hối là quét sạch những kiêu căng, ghen ghét, ích kỷ, giận hờn trong tâm hồn chúng ta, bởi vì đó chính là những rác rưởi dơ bẩn cản ngăn ân sủng của Thiên Chúa đến với chúng ta...

Anh chị em thân mến,

Mỗi ngày chúng ta đều có sám hối và mỗi ngày chúng ta đều có phạm tội làm mất lòng Thiên Chúa, chính những tội lỗi ấy đã ngăn cản không cho người anh em chị em chúng ta đến với Thiên Chúa, và cũng làm cản trở bước chân của chúng ta đến với Ngài trong cuộc sống hôm nay.

Thánh Gioan Tiền Hô đã mời gọi chúng ta -tất cả mọi thành phần dân Thiên Chúa- phải sám hối không miễn trừ một ai, bởi vì chỉ có sám hối và quyết tâm hối cải, chúng ta mới đón nhận được ơn sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa. Đó chính là chuẩn bị con đường để Thiên Chúa đến vậy.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

-----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Để có thể thay đổi tất cả ...
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
23:10 06/12/2019

Để có thể thay đổi tất cả...... hãy bắt đầu bằng một thay đổi...

Chúng ta thường than thở về điều này, điều kia và cho rằng quá khó để một mình có thể hoàn thànhh hay cáng đáng.

Ai đó nói: Thà đốt lên một ngọn nến còn hơn ngồi nguyền rủa bóng đêm.

Đúng là cá nhân sẽ khó thay đổi một tác động to tát, khó làm rung chuyển một nếp nghĩ, nếp sống nào, khó làm lung lay quyết định của đồng loại.

Nhưng “khó” không có nghĩa là không thể. Để có thể thay đổi tất cả, hãy bắt đầu bằng một thay đổi: THAY ĐỔI CHÍNH BẢN THÂN.
Khi còn trẻ, bản thân đầy tràn sức sống, đầy nhiệt huyết, tôi muốn thay đổi thế giới. Nhưng chẳng lâu sau, tôi nhận ra thay đổi thế giới là điều khó khăn.

Tôi bắt đầu nghĩ đến thay đổi đất nước. Và rồi tôi lại thấy thay đổi đất nước vẫn là việc vượt quá tầm tay.

Giai đoạn cuối tuổi trẻ, tôi nghĩ, mình sẽ thay đổi quê hương, nơi mình sống. Nhưng chưa bao giờ tôi làm được chấn hưng nào cho quê hương.
Tuổi đời càng ngày càng qua đi. Rất nhanh, tôi đã trung niên. Tôi luống cuống, buồn, lo vì không còn trẻ, khỏe, vậy mà bản thân vẫn loay hoay với hai tiếng thay đổi, mà chưa bao giờ có thể làm gì cho ước mơ "thay đổi" của mình.

Tôi quay nhìn gia đình. Bằng tất cả tâm huyết và nỗ lực, tôi tin, chính gia đình mà tôi yêu quý sẽ là môi trường vừa trưởng thành trong nhận thức, vừa trưởng thành trong ơn gọi. Nhưng tôi chuốc lấy thất bại. Tới bây giờ, tôi chưa thể thay đổi ai, thay đổi gì, hoàn cảnh nào...

Tôi muốn thay đổi người bạn thân bên cạnh. Chẳng mấy chốc tôi tự thấy hỗ thẹn, vì khám phá ra, bản thân đầy bất toàn, kém cõi.

Tôi nhận thấy, ước mơ "thay đổi" ấy nguy hiểm. Tôi là ai mà dám nghĩ mình có thể thay đổi người xung quanh? Tôi đang biến mình thành kẻ kiêu ngạo!

Giờ đây, thật quá trễ tràng, khi đã thật sự vào tuổi già, tôi nhận ra, điều duy nhất tôi có thể làm được, chính là THAY ĐỔI BẢN THÂN.
Tôi xác tín, nếu cố gắng biến đổi mình từ lúc trẻ, tôi đã có thể làm thay đổi bạn bè, gia đình, gây ảnh hưởng đẹp nơi quê hương và tổ quốc... TRƯỚC KHI CÓ THỂ THAY ĐỔI TẤT CẢ, TÔI CẦN BẮT ĐẦU BẰNG MỘT THAY ĐỔI, ĐÓ LÀ THAY ĐỔI CHÍNH TÔI!

Tự biến đổi, dẫu khó, không ai có quyền cho rằng, mình không làm được. Ai cho rằng, mình không thể tự thay đổi là cố chấp trong tình trạng cũ kỹ, có khi tội lỗi. Nếu cố chấp, ta là kẻ tự mình tách khỏi Thiên Chúa, từ chối ơn Chúa.

Thông thường, chúng ta hay đổ lỗi cho số đông để không làm gì nên tốt hơn, ngay cả khi cần phải vượt qua tình trạng sống nửa vời của bản thân.

Chẳng hạn, sống giữa những kẻ tham lam, hối lộ, lưu manh…, thay vì phải vươn lên cho lòng mình thanh thoát, ta lại ngã nhào vào đám đông ấy, để chước cám dỗ lôi kéo mình.

Còn các Kitô hữu, lắm khi miệng thì nói mình có đức tin, còn biểu hiện của hành vi, lối suy nghĩ lại đi xa đức tin, nhưng vẫn cho rằng nhiều người cũng sống như tôi, vì thế “ai sao tôi vậy”, không hề nuôi một chút ý thức biến đổi nào.

Nếu không chiến đấu với bản thân, ngược lại còn để cho loại suy nghĩ “ai sao tôi vậy” len lỏi vào đời sống đức tin, đó là một mối nguy khó lường. Như thế là tự mình giết chết đức tin của mình.

Ta không bao giờ được phép cho rằng, mình là người Công Giáo, là người của Thiên Chúa, mà không cần cố gắng. Vì không ai tự hào mình có đức tin, nhưng trong thực tế không sống đức tin, lại có thể đạt lý tưởng ơn phần rỗi.

Thánh Gioan Tẩy giả khẳng định điều đó, khi dùng những lời rất cứng rắn, đến nỗi như một lời răn đe mạnh:

“Hỡi nòi rắn độc, ai bảo các ngươi trốn lánh cơn thịnh nộ hòng đổ xuống trên đầu các ngươi. Hãy làm việc lành cho xứng với lòng thống hối; chớ tự phụ nghĩ rằng: tổ tiên chúng ta là Abraham. Vì ta bảo cho các ngươi hay: Thiên Chúa quyền năng có thể khiến những hòn đá trở nên con cái Abraham. Đây cái rìu đã để sẵn dưới gốc cây. Cây nào không sinh trái tốt, sẽ phải chặt đi và bỏ vào lửa…” (Mt 3, 7-10).

Có nhiều con đường. Nhưng đường quan trọng là đường dẫn đến cõi lòng.

Con đường không chăm sóc sẽ sinh bụi cây, bờ cỏ, rác rưởi…, cản mất lối.

Cũng vậy, đường vào tâm hồn phải là con đường quang đãng, sạch sẽ. Phải ra sức canh giữ để đường vào tâm hồn không đánh mất nét đẹp ấy.
Đường vào tâm hồn là con đường đưa Chúa đến cõi hồn.

Để Chúa có thể ngự đến, ta hãy biến đổi bằng cách bạt phẳng núi đồi của tự kiêu, tự mãn; lấp những mấp mô, hay hố sâu ngăn cách tình yêu, lòng tha thứ.

Ăn năn thống hối là dọn lòng. Hãy ăn năn thống hối vì Chúa đã gần đến. Nếu không, sẽ rơi vào nguy hiểm. Bởi “Cái rìu đã để sẵn dưới gốc cây. Cây nào không sinh trái tốt sẽ phải chặt đi và bỏ vào lửa”.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tân tổng thống Mễ Tây Cơ chỉ là con ma nhà họ Hứa. Trị an tồi tệ đến mức giáo phận phải hủy bỏ lễ Đêm Giáng Sinh
Đặng Tự Do
07:25 06/12/2019
Trong chiến dịch tranh cử hồi năm ngoái, Andrés López hứa hẹn sẽ có các phương án vãn hồi trật tự tại Mễ Tây Cơ. Ông thắng cử dễ dàng vì người dân Mễ Tây Cơ âu lo trước tình trạng an ninh trật tự dưới thời tổng thống Enrique Nieto. Tuy nhiên, một năm sau ngày ông Andrés López cầm quyền, tình trạng xem ra càng thê thảm hơn. Ông thực ra chẳng có đối sách gì cả và ngày càng lúng túng trong việc điều hành đất nước.

Trong một diễn biến hết sức bi đát, giáo phận Cuernavaca đã đình chỉ tất các Thánh lễ buổi tối vì tình trạng bất an trong thành phố và bang Morelos. Ngay cả lễ Đêm Giáng Sinh cũng bị hủy bỏ.

Điều này cho thấy tình trạng bạo lực đang hoành hành trắng trợn tại Mễ Tây Cơ và tác động của tình trạng này đối với Giáo Hội Công Giáo.

Cuernavaca ở ngay sát bên thủ đô Mexico City và vẫn thường là nơi du lịch của người dân thủ đô.

Đức Cha Ramon Fidel Castro, Giám mục Cuernavaca, cho biết các buổi lễ sẽ không được tổ chức sau khi trời tối vì người dân ở khu vực phía nam thành phố Mễ Tây Cơ không muốn mạo hiểm ra khỏi nhà sau khi trời tối.

“Đây là những tình huống mà mọi người đang sợ hãi. Đó là một nỗi sợ hãi làm tê liệt họ,” Đức Cha Fidel nói với truyền thông địa phương hôm 4 tháng 12.

“Có rất nhiều người mà tôi biết không liên quan gì đến bọn tội phạm có tổ chức, nhưng thấy mình bị ảnh hưởng bởi bạo lực này và đã thay đổi lối sống của họ.”

Đức Cha cho biết ngài đã phải đi đến quyết định này sau khi bốn trường hợp tống tiền các nữ tu trong giáo phận đã xảy ra.

Mễ Tây Cơ đã có tỷ lệ bạo lực và giết người cao nhất trong 13 năm qua khi nước này tiến hành một cuộc hành quân triệt hạ các băng đảng ma túy và bọn tội phạm có tổ chức.

Tỷ lệ giết người đã đạt đến mức kỷ lục vào năm 2018 và tỷ lệ này dự kiến sẽ vượt qua kỷ lục trước đó. Trong năm 2019, có thể có đến 36,000 vụ giết người. Đất nước này ghi nhận ngày đẫm máu nhất là ngày 1 tháng 12 vừa qua, với 128 vụ giết người. Số người thiệt mạng bao gồm 21 người ở bang Coahuila, miền bắc, gần biên giới Texas, nơi hàng chục tay súng tấn công tòa thị chính.

Đức Cha Fidel là một tiếng nói bất khuất khi lên án chính quyền tiểu bang và địa phương tham nhũng và tổ chức một cuộc tuần hành hòa bình hàng năm ở Cuernavaca.


Source:Crux Now
 
Diễn biến mới trong vụ đòi một linh mục trả 25,000 vì ngài dám nói lên chân lý đức tin
Đặng Tự Do
16:21 06/12/2019
Thông tấn xã Catholic News Agency, gọi tắt là CNA, vừa đưa ra thêm các thông tin cập nhật liên quan đến phản ứng của tổng giáo phận Detroit đối với trường hợp một linh mục bị kiện vì nói lên chân lý đức tin trong thánh lễ an táng một người tự tử.

Tuy nhiên, trước hết chúng tôi xin được tóm tắt lại vụ việc như chúng tôi đã tường trình.

Trong một vụ kiện được coi là lố bịch nhất khiến nhiều tín hữu Công Giáo tại tổng giáo phận Detroit bất bình, một gia đình Công Giáo đã đâm đơn kiện cha sở của họ đòi bồi thường 25,000 Mỹ Kim vì vị linh mục này đã can đảm nói lên một chân lý đức tin trong bài giảng tại thánh lễ an táng đứa con của họ.

Gia đình này nói rằng cha Don LaCuesta đã gây ra cho họ những tổn thương và đau đớn không thể khắc phục được vì trong đám tang con trai của họ, cha LaCuesta đã nhiều lần nhắc đến chuyện con trai họ đã chết vì tự tử, và thúc giục cộng đoàn cầu nguyện một cách đặc biệt cho linh hồn của người quá cố.

Maison Hullibarger, mười tám tuổi, đã tự sát vào ngày 4 tháng 12 năm ngoái 2018. Bốn ngày sau đó, tức là vào ngày 8 tháng 12 năm 2018, cha LaCuesta đã cử hành Thánh lễ an táng Maison tại giáo xứ Đức Mẹ Núi Carmelô ở Temperance, Michigan.

Tuần trước, cha mẹ Maison, là ông Jeff và bà Linda Hullibarger, đã đệ đơn kiện cha LaCuesta, giáo xứ Đức Mẹ Núi Carmelô, và cả Tổng giáo phận Detroit để đòi 25,000 đô la thiệt hại.

Trong một tuyên bố được các luật sư của gia đình công bố hôm 14 tháng 11, họ nói rằng:

“Không có bậc làm cha làm mẹ nào, không có người anh, người chị, người em nào, không có thân bằng quyến thuộc nào trong gia đình, phải ngồi chịu trận như chúng tôi trong thánh lễ an táng này”.

Trong bài giảng của ngài, cha LaCuesta nói rằng tự tử là một hành động chống lại thánh ý Chúa, nhưng ngài cũng kêu gọi cộng đoàn trông cậy vào lòng thương xót Thiên Chúa, và đừng tuyệt vọng nhưng phải cầu nguyện đặc biệt sốt sắng cho người quá cố.

Trong đơn kiện, ông Jeff, cha của Maison, nói rằng ông đã tiến lên bục giảng trong khi cha LaCuesta đang giảng và yêu cầu ngài “Xin làm ơn đừng nói đến chuyện tự tử nữa.” Nhưng cha LaCuesta vẫn tiếp tục bài giảng của ngài theo chiều hướng đó.

Cho nên, tuần trước, cha mẹ Maison, là ông Jeff và bà Linda Hullibarger, đã đệ đơn kiện cha LaCuesta, giáo xứ Đức Mẹ Núi Carmelô, và cả Tổng giáo phận Detroit để đòi 25,000 đô la thiệt hại.

Vụ kiện này đang gây ra một làn sóng bất bình không chỉ trong tổng giáo phận Detroit mà còn nhanh chóng lan rộng ra các giáo phận khác của Hoa Kỳ. Các chuyên gia về phục vụ tại Hoa Kỳ nói Cha LaCuesta giảng hoàn toàn đúng, hoàn toàn phù hợp với sách giáo lý của Giáo Hội Công Giáo; và cho biết thêm rằng vị giảng thuyết trong thánh lễ là người duy nhất có quyền quyết định nội dung bài giảng. Việc gia đình chạy lên bục giảng yêu cầu chủ tế giảng theo ý mình là quá đáng.

Sau tang lễ, gia đình Hullibargers đã phàn nàn với Tổng giáo phận Detroit, đe dọa thưa kiện và đòi cha LaCuesta phải bị thuyên chuyển đi nơi khác.

Để tránh bị thưa kiện, Đức Tổng Giám Mục Allen Vigneron đã đồng ý gặp gỡ gia đình này; và một ngày sau đó, cụ thể là ngày 17 tháng 12 năm ngoái 2018, Tổng giáo phận Detroit đã đưa ra một tuyên bố về vấn đề này.

Tuyên bố của tổng giáo phận Detroit là một sự nhượng bộ rõ rệt trước những phản ứng gay gắt của gia đình Hullibargers. Tuyên bố này có đoạn viết như sau:

“Hy vọng của chúng tôi là luôn mang lại niềm an ủi cho những tình huống đau đớn tột cùng, thông qua các nghi lễ an táng tập trung vào tình yêu và sức mạnh chữa lành của Chúa Kitô. Thật không may, điều đó đã không xảy ra trong trường hợp này. Chúng tôi hiểu rằng có thể chúng tôi đã gây ra một tình huống thậm chí còn khó khăn hơn, và chúng tôi xin lỗi về điều này.”

“Chúng tôi biết rằng gia đình đã bị tổn thương hơn nữa bởi sự lựa chọn của Cha LaCuesta khi ngài muốn chia sẻ giáo huấn của Giáo hội về hành vi tự tử. Trong khi, lẽ ra ngài nên nhấn mạnh hơn đến sự gần gũi của Chúa với những người than khóc.”

Tuy nhiên, Tổng giáo phận không đồng ý với yêu sách của gia đình đòi cha LaCuesta phải bị thuyên chuyển đi nơi khác. Tuyên bố chỉ nói một cách nhân nhượng rằng cha LaCuesta sẽ không giảng trong các thánh lễ an táng những người tự tử nữa, hay nếu không có linh mục thì bài giảng của ngài sẽ được một vị nào đó duyệt qua. Đó là một nhượng bộ mà gia đình Hullibargers cho là quá ít, không thể chấp nhận.

Trong đơn kiện, gia đình Hullibarger cáo buộc rằng Đức Tổng Giám Mục Allen Vigneron tuy đồng ý gặp gỡ họ nhưng khi bà mẹ của người quá cố là bà Linda Hullibarger bắt đầu công kích cha LaCuesta thì Đức Tổng Giám Mục tỏ vẻ không hài lòng. Ngài đứng dậy và yêu cầu chấm dứt cuộc họp với gia đình.

Gia đình Hullibarger cũng tố cáo cha LaCuesta đã cố gắng ngăn cha mẹ của Maison không cho đọc điếu văn cho con trai của họ trong Thánh lễ, mặc dù đã được thỏa thuận ngay trước khi thánh lễ được cử hành.

Tổng giáo phận đã không bình luận về cáo buộc cho rằng cha LaCuesta đã đồng ý cho phép Hullibargers đọc điếu văn con trai của họ, và sau đó đổi ý.

Đức Ông Robert Dempsey, cha sở giáo xứ Lake Forest, Illinois và là giáo sư về luật phụng vụ tại Đại Chủng viện Mundelein, của tổng giáo phận Chicago, nói với thông tấn xã CNA rằng quy tắc phụng vụ chính thức của Giáo hội cấm hành vi đọc điếu văn trong Thánh lễ an táng, nhưng ngài cho biết các quy tắc phụng vụ của Giáo hội đưa ra khả năng một thành viên hoặc một người bạn của gia đình nói ít lời tưởng nhớ đến người quá cố sau phần hiệp lễ ngay trước lời chào cuối lễ. Khả năng đó thường được xác định bởi quy chế giáo phận.

“Tang lễ Công Giáo không phải là một lễ kỷ niệm cuộc sống của người quá cố, mà là một lễ kỷ niệm sự tham gia của các tín hữu được rửa tội trong cuộc đời và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô,” Đức Ông Demsey giải thích.

“Lời nói tưởng nhớ ấy, nên nói ngắn gọn và nên tập trung vào việc người quá cố làm chứng trong cuộc đời của người ấy với những gì chúng ta tuyên xưng trong mầu nhiệm vượt qua.”

Các quy tắc tang lễ cho Tổng giáo phận Detroit cho phép khả năng nói vài lời ‘tưởng nhớ’ trong Thánh lễ an táng, nhưng nhấn mạnh rằng đó không được là một điếu văn.

Thành ra, có, hay không có, chuyện cha LaCuesta đã hứa cho gia đình đọc một điếu văn, và sau đó ngài đổi ý, không phải là điều quan trọng, vì nó không phù hợp với luật Phụng Vụ.

Cha Pius Pietrzyk, dòng Đa Minh, khoa trưởng khoa mục vụ tại Chủng viện St. Patrick ở Menlo Park, California, nói với CNA rằng theo quan điểm của ngài, vụ kiện dân sự sẽ không thành công vì “không có tòa án nào, dù là tòa án ở Michigan, hay tòa án liên bang, và chắc chắn càng không phải là Tòa án tối cao, sẽ ủng hộ một chuyện kiện cáo vô lý như thế, và chắc chắn họ sẽ không bao giờ yêu cầu Giáo hội loại bỏ một linh mục như thế.”

“Cặp vợ chồng có thể có những bất đồng với bài giảng và cách thức thánh lễ an táng được tiến hành, nhưng ý kiến cho rằng đây là vấn đề pháp lý, và các tòa án nên tham gia vào việc này, trái với tất cả các tiền lệ của Hiến pháp Mỹ. Nó sẽ không đi đến đâu, và cũng không nên đi đến đâu”.

“Ngay cả khi ta có thể đồng cảm với hoàn cảnh của cặp vợ chồng này, vì ta nên thông cảm với hoàn cảnh của bất kỳ cha mẹ nào mất con, vấn đề về quyền dân sự, và pháp lý lại là một vấn đề khác. Vì thế, tôi nghĩ ta có thể và phải chỉ trích vụ kiện dân sự này, ngay cả khi chúng ta nên thông cảm trước nỗi buồn của cặp vợ chồng ấy.”


Source:Catholic News Agency
 
Bài giảng của cha Raniero Cantalamessa - Tĩnh tâm Mùa Vọng của giáo triều Rôma: Đức Maria trong biến cố truyền tin
J.B. Đặng Minh An dịch
19:19 06/12/2019
Sáng thứ Sáu 6 tháng 12, tại nhà nguyện Mẹ Đấng Cứu Chuộc trong điện Tông Tòa của Vatican, Đức Thánh Cha và giáo triều Rôma đã tham dự buổi tĩnh tâm Mùa Vọng. Vị giảng thuyết là cha Raniero Cantalamessa, thần học gia, giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng.
Bản dịch sang tiếng Anh có thể xem tại đây.
Dưới đây là bản dịch toàn văn phần 1 sang Việt Ngữ.


Bài tĩnh tâm thứ nhất Mùa Vọng của cha Raniero Cantalamessa, OFMCap
Em thật có phúc, vì đã tin!


Mỗi năm phụng vụ dẫn chúng ta đến lễ Giáng sinh với ba người hướng dẫn: tiên tri Isaia, Thánh Gioan Tiền Hô và Đức Maria, như thế, chúng ta có một tiên tri, một người loan báo, và một người mẹ. Vị đầu tiên tuyên bố Đấng Cứu Thế từ xa, vị thứ hai chỉ cho chúng ta thấy Người có mặt trên thế giới, và vị thứ ba mang Người trong cung lòng mình. Mùa Vọng này tôi nghĩ chúng ta sẽ giao phó hoàn toàn cho Mẹ của Chúa Giêsu. Không ai tốt hơn Mẹ có thể chuẩn bị cho chúng ta chào đón sự ra đời của Đấng Cứu Chuộc chúng ta.

Mẹ không cử hành Mùa Vọng, Mẹ sống Mùa Vọng trong xương trong thịt mình. Giống như mọi bà mẹ sinh con, Mẹ biết ý nghĩa của việc chờ đợi ai đó và có thể giúp chúng ta tiến đến lễ Giáng Sinh với một đức tin trông mong. Chúng ta sẽ chiêm ngưỡng Mẹ Thiên Chúa trong ba thời điểm mà Kinh Thánh trình bày Mẹ ở trung tâm của các sự kiện: Truyền tin, Thăm viếng và Giáng sinh.

“Nầy, tôi là nữ tỳ của Chúa”

Chúng ta bắt đầu với biến cố Truyền tin. Khi Đức Maria đến thăm bà Êlisabét, người chị họ này chào đón Đức Maria với niềm vui dạt dào và khen ngợi Mẹ vì đức tin của Mẹ “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1:45). Điều kỳ diệu đã xảy ra ở Nagiarét sau lời chào của thiên thần là Đức Maria đã “tin” và vì thế Mẹ đã trở thành “Mẹ của Chúa.” Chúng ta không có chút nghi ngờ rằng từ ‘tin’ ở đây đề cập đến câu trả lời của Đức Maria với thiên thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền.” (Lc 1:38).

Trong vài từ đơn giản này, hành động đức tin lớn nhất và quyết định nhất trong lịch sử đã diễn ra. Câu trả lời của Đức Maria tiêu biểu cho “đỉnh cao của tất cả các hành vi tôn giáo trước mặt Thiên Chúa, bởi vì nó thể hiện, đến mức cao nhất, cả thái độ sẵn sàng thụ động lẫn thái độ sẵn sàng chủ động, khoảng trống sâu nhất đi kèm với sự sung mãn nhất.” [1] Origen nói rằng như thể Đức Maria đã nói với Thiên Chúa, ‘Này tôi là tấm bảng để được viết trên đó: Xin Người Viết cứ viết bất cứ điều gì Ngài muốn, xin Thiên Chúa mọi loài làm cứ làm cho tôi như Ngài mong muốn’ [ 2]. Ông đã so sánh Đức Maria với một tấm bảng bằng sáp được dùng trong thời của ông. Ngày nay, chúng ta có thể nói rằng Đức Maria dâng mình cho Chúa như một tờ giấy trắng mà Chúa có thể viết bất cứ điều gì Ngài muốn.

Trong một khoảnh khắc, sẽ tồn tại trong mọi thời và còn mãi cho đến muôn đời, lời của Đức Maria là lời của loài người và tiếng ‘xin vâng’ của Mẹ là tiếng Amen của mọi tạo vật để trả lời ‘xin vâng’ với Thiên Chúa (K. Rahner). Như thể Chúa một lần nữa thách thức sự tự do của tạo vật thông qua Mẹ, cho nó cơ hội được cứu chuộc. Đây là ý nghĩa sâu sắc của sự đối ứng Evà - Maria, rất có ý nghĩa đối với các Giáo phụ của Giáo hội và tất cả các truyền thống. “Điều mà bà Evà đã trói buộc vì sự không tin của mình, thì Đức Maria đã cởi trói qua đức tin của mình.” [3]

Từ lời nói của bà Êlisabét “Em thật có phúc, vì đã tin” chúng ta lưu ý rằng trước đó Phúc Âm nói rằng việc Đức Mẹ mang thai Chúa không chỉ có ý nghĩa vật lý nhưng, hơn thế nữa, điều này còn có một ý nghĩa thiêng liêng, dựa trên đức tin. Đây là những gì Thánh Augustinô đã dựa vào khi ngài nói: “Đức Trinh Nữ Maria đã hạ sinh Chúa với niềm tin mà Mẹ đã cưu mang trong lòng.... Khi được thiên thần truyền tin, Mẹ, tràn đầy niềm tin (fide plena), đã thụ thai Chúa Kitô trong tâm hồn mình trước khi Mẹ thụ thai Chúa trong cung lòng Mẹ, vì thế, Mẹ đáp lại: ‘Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền.’ Sự viên mãn trong đức tin về phía Đức Maria tương ứng với sự viên mãn của ân sủng về phía Thiên Chúa, fide plena tương ứng với gratia plena.

Cô độc với Chúa

Thoạt nhìn, hành động đức tin của Đức Maria có vẻ rất dễ dàng và thậm chí có thể được coi là điều đương nhiên. Mẹ sắp trở thành mẹ của một vị vua sẽ trị vì mãi mãi trong nhà của Giacóp, Mẹ của Đấng Thiên Sai! Chẳng lẽ đó không phải là giấc mơ của mọi cô gái Do Thái sao? Nhưng đây là một cách suy luận khá nhân văn và trần tục. Đức tin thực sự không bao giờ là một đặc quyền hay vinh dự; nó có nghĩa là chết đi một chút, và điều này đặc biệt đúng với đức tin của Đức Maria tại thời điểm đó.

Trước hết, Thiên Chúa không bao giờ lừa dối và không bao giờ lặng lẽ bó buộc sự đồng ý của con cái mình bằng cách che giấu những hậu quả không cho họ biết những gì sẽ xảy đến. Chúng ta có thể thấy điều này trong mọi lời kêu gọi về phía Thiên Chúa. Ngài cảnh báo tiên tri Giêrêmia: “Chúng sẽ giao chiến với ngươi” (Jer 1:19), và để cho ông Anania nói với Saolô rằng: “Ta sẽ chỉ cho người ấy thấy tất cả những đau khổ người ấy phải chịu vì danh Ta.” (Cv 9:16). Liệu Người có hành động khác đi với riêng một mình Đức Maria trước một sứ vụ như sứ vụ của Mẹ không? Trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần đi kèm với tiếng gọi của Chúa, Mẹ chắc chắn cảm nhận được rằng con đường Mẹ sẽ không có gì khác biệt so với tất cả “những người được chọn” khác. Trong thực tế, không lâu sau đó, ông Simêon sẽ diễn tả linh tính này thành lời, khi ông nói với Mẹ rằng một lưỡi gươm sẽ đâm thâu qua tâm hồn Mẹ.

Nhưng ngay cả trên bình diện người ta thường tình, Đức Maria cũng thấy mình hoàn toàn cô độc. Mẹ giải thích làm sao về những gì đã xảy ra với Mẹ? Ai có thể tin Mẹ khi Mẹ nói rằng hài nhi mà Mẹ mang trong bụng là công việc của Chúa Thánh Thần? Đây là điều chưa từng diễn ra trước đây và sẽ không bao giờ diễn ra lần nữa. Không còn nghi ngờ gì nữa, Đức Maria đã nhận thức rõ luật pháp sẽ được áp dụng thế nào nếu các dấu chỉ trinh tiết không được tìm thấy nơi một phụ nữ trẻ khi kết hôn: Mẹ sẽ bị đưa đến cửa nhà cha mình và bị những người đàn ông trong thành phố ném đá đến chết (xem Đnl 22:20 f.).

Ngày nay chúng ta nhanh chóng nói về rủi ro của đức tin, và chúng ta thường muốn nói đến các rủi ro về mặt tri thức, nhưng Đức Maria phải đối mặt với những rủi ro thực sự! Trong cuốn sách về Đức Mẹ, Carlo Carretto đã nói với chúng ta về cách ông hiểu đức tin của Đức Maria [4]. Khi ông sống ở sa mạc, ông đã nghe một số bạn bè người Tuareg nói rằng có một cô gái trẻ ở trong trại đã được hứa hôn với một chàng trai trẻ nhưng cô ta đã không đến sống với anh này vì cô ta còn nhỏ quá. Carretto đã liên kết thực tế này với những gì Thánh Sử Luca nói về Đức Maria. Vì thế, hai năm sau đó, khi trở lại trại này, ông hỏi thăm về cô gái. Carretto nhận thấy có một sự ngượng ngùng nhất định nơi những người đang trò chuyện với mình, và sau đó, một người trong số họ, bí mật gặp ông, ra dấu cho ông thế này: anh ta dùng tay nắm cổ họng của mình trong cử chỉ đặc trưng của người Ả Rập khi họ muốn nói “Cổ họng của cô ta bị siết lại” Người ta đã phát hiện ra rằng cô ấy đã có con trước khi kết hôn, và cái chết của cô là điều cần thiết vì danh dự của gia đình. Rồi ông nghĩ đến Đức Maria, về ánh mắt tàn nhẫn của người dân Nagiarét, về những cái nháy mắt ra hiệu, và ông hiểu sự cô độc của Đức Maria, và ngay tối hôm đó, ông đã chọn Mẹ làm người bạn đồng hành và là vị bảo trợ đức tin.

Đức Maria là người duy nhất đã tin tưởng vào một “tình huống tức thời”, nghĩa là, Mẹ tin trong khi sự kiện đang được diễn ra và trước khi có bất kỳ xác nhận nào bởi sự kiện này hay bởi lịch sử. Mẹ tin trong một trạng huống hoàn toàn đơn lẻ. Chúa Giêsu nói với Tôma: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20:29). Đức Maria là người đầu tiên không thấy mà tin.

Trong một tình huống có thể nói là một chiến thắng và một sự ngạc nhiên tương tự, Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng tổ phụ Abraham, người đã được hứa sẽ có một con trai mặc dù ông đã lớn tuổi, “Ông tin ĐỨC CHÚA, và vì thế, ĐỨC CHÚA kể ông là người công chính”. (Stk 15: 6). Và giờ đây chúng ta có thể nói chiến thắng của Đức Maria còn vinh quang đến mức nào! Đức Maria có niềm tin vào Thiên Chúa, và vì thế Thiên Chúa xem Mẹ là người công chính – đó là hành vi công chính vĩ đại nhất được thực hiện trên trái đất bởi một con người, kế đó là hành vi công chính của Chúa Giêsu, tuy nhiên, Ngài cũng là Thiên Chúa.

Thánh Phaolô nói rằng “ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương” (2 Cor 9: 7), và Đức Maria thốt lên tiếng ‘xin vâng’ đầy hân hoan. Động từ Đức Maria sử dụng để thể hiện sự đồng ý của Mẹ được dịch ra từ văn bản gốc là fiat, hay “xin cứ làm như vậy”, là nói với một tâm trạng mong mỏi (genoito). Nó không thể hiện một sự chấp nhận cam chịu nhưng là một khát vọng sống động. Như thể Mẹ đang nói, tôi cũng vậy, tôi cũng mong muốn với tất cả lòng trí mình những gì Chúa muốn; hãy để ước muốn của Người nhanh chóng được thực hiện. Thật vậy, như thánh Augustinô đã nói, trước khi thụ thai Chúa Kitô trong thân xác mình, Mẹ đã hoài thai trong lòng mình.

Đức Maria đã không sử dụng từ fiat trong tiếng Latinh; Mẹ cũng không sử dụng từ genoito trong tiếng Hy Lạp. Như thế Mẹ đã nói thế nào? Từ nào hoặc thành ngữ nào? Một người Do Thái sẽ nói gì khi muốn nói “xin vâng như thế”? Người ấy sẽ nói “Amen!” Nếu chúng ta cung kính cố gắng quay trở lại cái ipsissima vox, có nghĩa là, chính xác từ ngữ Đức Maria sử dụng - hoặc ít nhất là từ ngữ đã tồn tại ở điểm này trong nguồn Hêbrơ mà Thánh Sử Luca sử dụng - nó thực sự phải là từ “amen”. “Amen” - một từ Hêbrơ mà gốc gác của nó có nghĩa là sự kiên vững, sự tốt lành - được sử dụng trong phụng vụ như một câu trả lời trong đức tin đối với Lời Chúa. Mỗi lần trong bản dịch Kinh Thánh sang tiếng Latinh, bản phổ thông Vulgate, nơi có từ fiat, thường xuất hiện ở cuối các thánh vịnh nhất định (trong phiên bản Septuagint, genoito, genoito), thì bên tiếng Do Thái gốc, mà Đức Maria biết, là từ amen, amen!

Từ “amen” được dùng để nhìn nhận những gì được nói như là vững chắc, ổn định, hợp lệ, và ràng buộc. Cách dịch chính xác của từ này trong ngữ cảnh một câu trả lời đối với Lời Chúa là: “Chính thế, xin cho được như thế.” Nó chỉ ra cả đức tin lẫn sự vâng phục; nó công nhận rằng những gì Chúa nói là đúng và ta phục tùng điều đó. Đó là nói tiếng xin vâng với Chúa. Đây là cách Chúa Giêsu sử dụng từ ấy: “Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.” (Mt 11:26). Hơn thế nữa, Chúa Giêsu là tiếng Amen được nhân cách hóa (xem Kh 3:14), và đó là lý do tại sao chúng ta nhờ Người mà thốt lên tiếng amen để tôn vinh Thiên Chúa (xem 2 Cor 1:20). Như tiếng fiat của Đức Maria đi trước tiếng fiat của Chúa Giêsu trong vườn Giệtsimani thế nào, thì tiếng amen của Mẹ cũng đi trước Chúa Con. Đức Maria cũng là một tiếng amen với Chúa được nhân cách hóa.

[1] H. Schurmann, Das Lukasevangelium – Diễn giải Phúc Âm Luca, Freiburg ở Br., 1982, ad loc.
[2] Origen, Commentary on the Gospel of Luke - Bình luận về Tin mừng Luca, Đoạn 18 (GCS 49, trang 227).
[3] Thánh Irenaeus, Against the Heresies - Chống lại các dị giáo, III, 22, 4 (SCh 211, tr. 442).
[4] Xem C. Carretto, Blessed Are You Who Believed - Phúc cho bạn là người tin, London, Burns & Oates, 1982, tr. 3 f.


Source:Vatican News
 
Top Stories
Vietnam: Hmong Catholics in Sung Do Celebrate Inauguration of New Church
Églises d'Asie
10:51 06/12/2019
On December 3, nearly 500 people, mostly Hmong Catholics, participated in the inauguration of a new church in Yen Bai province in northern Vietnam. The former chapel of the community had been swept away by floods more than a year ago, in July 2018. The faithful of Sung Do celebrated their new church and their new parish house on the feast day of St. Francis Xavier . Father Joseph Nguyen Trong Duong, the Dean of Nghia Lo, who presided over the celebration with nine other priests, announced that Sung Do's parish office had been elevated to parish status, with St. Francis Xavier as patron saint.

"Today we thank the Lord for his love and for the way he is reviving this small community, which suffered the devastating floods of last year,"entrusted Fr Joseph Nguyen Trong Duong, Nguia Lo Dean of the Dynasty, during the celebration inaugurating the new Sung Do Church. In July 2018, floods destroyed the old wooden chapel used by the local community; dozens of houses in Sung Do were also washed away during bad weather. On December 3, the day of the inauguration, the community also marked the elevation of the parish office to the rank of parish, as well as the construction of a new presbytery. During the celebration, Father Duong also asked the assembly to pray for the benefactors who helped finance the reconstruction work. Father Antoine Nguyen Tan Hoi, a deanery priest who works in the Sung Do community, oversaw the reconstruction. He explains that the work of the new church, which covers a plot of 300 m² and has a steeple 20 meters high, cost 2 billion dongs (77,872 euros). Architect Hoi Hoi designed the plans for the new church, which was built on the site of the old chapel. The priest explains that parishioners had to transport construction materials for 20 kilometers through the mountain trails to the construction site of the new church. All were volunteers and took their free time to participate in the reconstruction, he rejoices. which was built on the site of the old chapel. The priest explains that parishioners had to transport construction materials for 20 kilometers through the mountain trails to the construction site of the new church. All were volunteers and took their free time to participate in the reconstruction, he rejoices. which was built on the site of the old chapel. The priest explains that parishioners had to transport construction materials for 20 kilometers through the mountain trails to the construction site of the new church. All were volunteers and took their free time to participate in the reconstruction, he rejoices.

"We are very happy to have a new church, so that we can continue to live together our faith,"entrusts Joseph Giang Vang Sang, head of the new parish council. He explains that most of the community members are descended from dozens of Hmong families who came to live in the area in 1967. They planted crops while gathering in the forest, leading a life of poverty. They had to gather at home to pray, until 1992, when a small wooden chapel was erected. Bishop Alfonse Nguyen Huu Long, bishop of Hung Hoa, sent money to the community of Sung Do to enlarge the chapel before it was destroyed in the floods. Joseph Sang explains that the entire community was devastated by the damage caused by the floods, especially since they were convinced that they could not rebuild the chapel. But Joseph adds that Father Hoi contacted Catholic associations, who had already participated in the construction of public buildings, and who provided them with drinking water and toilets after the bad weather of 2018. The new parish of Sung Do, which also includes the parish antenna of Ngon Lanh, has about 800 parishioners of the Hmong ethnic group. Duong explains that the new church is the first to be erected in the deanery for Hmong Catholics, while the other deanery communities have only wooden chapels like the one that was brought last year. He adds that the evangelization and pastoral support of these minorities, who have suffered persecution and hardship for several decades, are among the priorities of the diocese.

(Églises d'Asie - le 06/11/2019, With Ucanews, Yen Bai)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
24 Nữ Tu Khấn Dòng Tại Tu Đoàn Nữ Bác Ái Xã Hội
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
10:34 06/12/2019
Sáng ngày 05/12/2019, tại Nguyện Đường Bát Phúc – Tu Đoàn Nữ Bác Ái Xã Hội, Ðức cha Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm, Giám Quản Tông Toà Giáo phận Phan Thiết chủ sự Thánh Lễ Khấn Dòng cho 12 Nữ Tu Khấn Trọn và 12 Nữ tu Tu Khấn Tạm.

Cùng đồng tế với ngài có Viện Phụ Gioan Bosco Trần Văn Thành – Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Châu Thủy, cha Giuse Võ Công Tiến –Tổng đại diện Giáo phận Bà Rịa và hơn 40 linh mục trong và ngoài Giáo phận. Quý Tu sĩ nam nữ, quý chủng sinh, qúy phó tế và thân nhân, ân nhân của các Tân khấn sinh hiệp thông tạ ơn và chung lời cầu nguyện.

Xem Hình

Lúc 7g00, đoàn rước khởi hành từ phòng khách Đức cố Giám mục Phaolô tiến về Nguyện Đường Bát Phúc. Bài ca nhập lễ ngân vang: “Từng bước con đi lên hồn lâng lâng khúc nhạc trầm lắng Chúa ơi, nghe nước mắt ngọt ngào vì chợt nhận ra mình là người yêu của Chúa...”.

Mở đầu thánh lễ Đức Cha Tôma ngỏ lời chúc mừng Tu Đoàn Nữ năm nay có thêm các chị em tuyên khấn lần đầu và trọn đời, đó là những hoa trái thiêng liêng mà Tu Đoàn dày công chăm sóc nay đã trổ sinh hoa trái. Xin hiệp dâng thánh lễ cùng với cộng đoàn để cầu nguyện cho các chị em hôm nay tuyên khấn được luôn trung thành với ơn gọi của mình. Xin Chúa Thánh Thần luôn đồng hành để chị em nhiệt tâm đem Tin Mừng bình an của Chúa đến cho mọi người.

Đức Cha Tôma giảng lễ, suy niệm câu chuyện Truyền Tin.

Đức Maria thưa với Sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền” (Lc 1, 38). Lời thưa Xin Vâng này của Đức Trinh Nữ Maria đã trở thành câu tâm niệm và ý lực sống giúp các tu sĩ kiên vững và trung thành trong cuộc hành trình đời thánh hiến.

Thánh sử Luca ghi lại ba lần XIN VÂNG của Đức Maria trước các mạc khải của Thiên Chúa về chương trình cứu độ của loài người. Lần thứ nhất khi Thiên sứ Gabriel truyền tin Đức Maria sẽ thụ thai Đấng Cứu Thế, Đức Maria đã xin vâng như trên (Lc 1,38). Lần thứ hai khi các mục đồng đến máng cỏ Bêlem để thờ kính Chúa Hài Nhi, Đức Maria “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19). Lần thứ ba, Đức Maria đầy kinh ngạc khi cùng với Thánh Giuse dâng Hài Nhi Giêsu vào đền thánh, đã nghe lời cụ già Simêon nói tiên tri về sứ vụ của Chúa Giê-su và sự thông phần đau khổ của Mẹ Maria (x. Lc 2,22-35).

Với lời Xin Vâng, Đức Maria trở thành Nữ Tỳ của Thiên Chúa.

Nữ tỳ hay tôi tớ là người luôn đi theo và thuộc về chủ mình. Trong mọi suy tư và qua mọi bước đi theo Chúa Giêsu, Mẹ Maria luôn tự đặt mình làm nữ tỳ của Thiên Chúa, từ biến cố truyền tin và việc thụ thai, đến việc sinh hạ Đấng Cứu Thế nơi mang lừa máng cỏ Bêlem và dâng Hài Nhi vào đền thờ như luật Môisen quy định, từ việc nhận lấy lời tiên báo của cụ già Simêon: “Gươm sắt sẽ đâm thâu qua lòng Bà” và từng bước cảm nghiệm gươm sắt càng ngày càng đâm sâu hơn, đớn đau hơn khi nhìn thấy Hêrôđê tàn sát các hài nhi vô tội, khi vất vả lánh nạn sang Ai cập, khi lạc mất thiếu niên Giê-su nơi Đền thờ, khi sống âm thầm ẩn dật nơi làng quê Nazaret, khi đồng hành với Con qua mọi nẻo đường Palestina cùng nghe những lời tung hô và đối kháng, âm mưu và ganh ghét , đã kích và loại trừ, nhất là án tử hình và cái chết nhục nhã nơi đỉnh cao núi sọ. “Này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Mẹ Maria hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, là nữ tỳ của thiên Chúa từ ngày “Xin Vâng” ấy.

Tu sĩ sống lời Xin Vâng theo gương Mẹ Maria.

Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong bài giảng lễ Dâng Chúa Giêsu vào Đền thánh ngày 02.02.2004 và là ngày thế giới cầu nguyện cho đời sống thánh hiến, đã dạy các tu sĩ như sau: Biến cố chúng ta cử hành hôm nay đưa chúng ta trở lại điều mà Đức Maria và thánh Giuse đã làm vào 40 ngày, sau khi sinh hạ Chúa Giê-su. Các ngài đã dâng Người cho Thiên Chúa như người con trai duy nhất của mình, bởi vâng phục những quy định của luật Môsê. Trong bối cảnh cử hành Ngày Đời Sống Thánh Hiến, Giáo Hội mời gọi những ai đã dâng trọn đời cuộc sống của mình cho Chúa Kitô để mở mang Nước Trời, được kêu mời lập lại tiếng “xin vâng” của mình đối với ơn gọi đã lãnh nhận.

1. XIN VÂNG theo thánh ý Chúa trên mọi nẻo đường Chúa gọi chúng ta đi theo Chúa và trong mọi thử thách Chúa đòi những ai muốn theo Người phải vâng theo ý Người. Chúa thử thách và tôi luyện những ai thuộc về Người bằng ách và gánh êm ái dịu dàng, vác thập giá mình mỗi ngày mà theo Người. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mời gọi và khích lệ các tu sĩ: “Chúa Kitô kêu gọi anh chị em luôn luôn nên đồng hình đồng dạng với Người; vì tình yêu, Người đã hạ mình vâng lời khó nghèo và thanh tịnh. Ngày thánh hiến là dịp thuận lợi để anh chị em tái khẳng định lòng trung thành của anh chị em đối với Chúa. Với tất cả sự dấn thân đầy nhiệt tình và quảng đại, anh chị em đã xúc động khi tuyên đọc lời tuyên khấn và lời vĩnh khấn. Hãy lập lại mỗi ngày tiếng xin vâng của anh chị em cho Thiên Chúa Tình Yêu với niềm vui và xác tín”.

2. XIN VÂNG khi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng Chúa Giê-su bằng chứng tá đời sống thánh hiến và các sinh hoạt mục vụ giữa mọi người. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dạy chúng ta: “Hãy tiếp tục dâng hiến mình cách say đắm cho việc rao giảng và cổ võ Vương quốc của Người. Đó là sứ vụ của anh chị em cần thiết cho hôm nay cũng như trong quá khứ”. Xin Vâng để thực thi ý Chúa, để ý Chúa được thực hiện. Xin Vâng để hòa nhập vào sứ vụ nhưng không hòa tan, hội nhập vào tập thể nhưng không đồng hóa, người tu sĩ phải luôn luôn gìn giữ căn tính tu sĩ, chứ không theo thời theo đời mà đánh mất hay dần dần đánh mất căn tính của mình. Đó là dâng hiến mình cách say đắm cho việc rao giảng, cổ võ Vương quốc của Chúa bằng chứng tá trong sáng và vững vàng của đờii sống thánh hiến.

3. XIN VÂNG với niềm vui đời dâng hiến. Đức Maria khi thưa Xin Vâng đã cảm nghiệm việc thực thi ý Chúa chứa chan niềm vui. “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa và thần trí tôi vui mừng vì Thiên Chúa Đấng Cứu Độ tôi”. Người tu sĩ khi thưa Xin Vâng phải cảm nghiệm niềm vui của đời thánh hiến. Niềm vui sống giữa những khó khăn gặp phải trên hành trình thiêng liêng và giữa những phiền muộn hằng ngày. “Hãy ở lại trong tình thương của Thầy” là lời Chúa Giêsu khuyên bảo những ai muốn trung thành với sứ vụ và đời thánh hiến. Tình yêu này luôn đồng hành với các tu sĩ trải dài suốt cuộc hành trình hiến dâng của họ. Tình yêu và niềm vui là một. Vui để vượt qua những thử thách của đời tu; vui để tránh xa những cám dỗ của thế gian ; vui để làm tròn những khoảnh khắc mệt nhoài của đời sống cộng đoàn; vui để nhận ra rằng những chán nản và thất vọng, hoài nghi và hoang mang có thể là những ngọn lửa làm cho người tu sĩ được thanh luyện và tôi luyện cách trọn vẹn hơn. Tình yêu và niềm vui giúp đời dâng hiến của chúng ta luôn thanh thoát và vượt thắng. Chứng từ niềm vui là sự lôi cuốn mãnh liệt vào đời sống tu trì, là nguồn phát sinh những ơn gọi mới, và khích lệ ơn bền đỗ. Có thể vui sống với nhau, dành thời gian cho việc giải trí cá nhân-tập thể; thỉnh thoảng tạm dừng công việc tông đồ; trắc ẩn trước mọi tình huống; nhìn về ngày mai với niềm hy vọng gặp gỡ Thiên Chúa mọi lúc mọi nơi. Đó chính là những nhân tố nuôi dưỡng sự thanh thản, bình an, niềm vui: những nhân tố này trở thành sức mạnh nội tại trong đời sống cộng đoàn. Niềm vui là chứng từ rực rỡ cho phẩm chất Tin Mừng của cộng đoàn tu trì; nó là đích điểm của một cuộc hành trình đầy gian lao, nhưng vẫn có thể hoàn thành vì được nâng đỡ nhờ lời cầu nguyện như lời Thánh Phaolô: “Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân và chuyên cần cầu nguyện” (Rm12, 12).

Các tân khấn sinh thân mến, các chị em cảm nghiệm rất sâu xa niềm vui ngày vĩnh khấn và tiên khấn hôm nay. Trải qua những chặng đường đầy gian lao thử thách, các chị em xác tín rằng có được ngày hạnh phúc hôm nay là nhờ các chị em biết trung thành sống và thực thi ý Chúa trong mọi cảnh huống của đời tu trì: thử thách, thanh luyện, vượt khó, kiên trung, bền chí. Hôm nay, với lời vĩnh khấn, các chị em hiểu rất rõ phải phát xuất lại từ Chúa Kitô và phải khởi hành lại cuộc hành trình với Chúa Kitô. Qua sự Xin Vâng của các chị em, Chúa Kitô luôn trao ban tình yêu và niềm vui để các chị em luôn chung thủy với Người trong suốt cuộc hành trình đời thánh hiến. Amen.

Tiếp sau bài giảng là nghi thức khấn lần đầu của 12 nữ tu, rồi nghi thức khấn trọn đời của 12 nữ tu.

Cuối Thánh lễ, chị Tổng Phụ Trách Tu Đoàn Nữ dâng lời tri ân Đức cha, quý cha, toàn thể cộng đoàn vì tình thương tình liên đới đã đến hiện diện cùng cầu nguyện cho các tân khấn sinh . Đặc biệt tri ân quý ông bà cố đã quảng đại dâng những người con của mình để phụng sự Chúa và phục vụ mọi người trong lý tưởng của Tu Đoàn. Trong tâm tình đón chờ đại lễ Giáng sinh, chị Tổng cũng kính chúc Đức cha và quý cha cùng mọi người đón một mùa Giáng Sinh an bình, thánh đức trong tình yêu của Ngôi Lời nhập thể.

Trước khi ban phép lành cuối lễ, Đức Cha Tôma thông báo một tin vui: Đức Thánh Cha Phanxicô đã phong tặng tước hiệu Đức Ông cho cha Phêrô Nguyễn Chí Thiết (28/10/2019). Ngài là bạn chí cốt của Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan- Đấng sáng lập Tu Đoàn Bác Ái Xã Hội. Ngài cũng là chuyên viên hướng dẫn các đoàn hành hương Israen. Ngài cũng là chủ biên cuốn Từ điển Công Giáo do HĐGMVN xuất bản và ngài đang là linh hướng cho chị em Tu Đoàn Nữ.

Thánh lễ kết thúc vào lúc 9giờ00, Đức Cha và quý cha chụp hình lưu niệm với 24 Tân khấn sinh tại cung thánh Nguyện Đường.

Sau thánh lễ Đức cha, quý cha, các tu sĩ nam nữ và các thân nhân khấn sinh điểm tâm sáng chia vui với Tu đoàn.

***

Khấn Dòng là điểm đến trong quá trình ơn gọi, nhưng khấn cũng là điểm tái khởi hành trong tiếng gọi ra đi để niềm vui được thênh thang.

Theo Tông Huấn Vita Consecrata, mọi ơn gọi đời sống thánh hiến đều bắt nguồn từ Thập giá Chúa Kitô (số 23). “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác Thập Giá mình mà theo." (Mc 8, 34).Chiêm ngắm Chúa Kitô chịu đóng đinh là nguồn linh hứng cho mọi ơn gọi. Hồng ân Thánh Thần của Thập giá là nguồn gốc mọi hồng ân, đặc biệt là hồng ân đời sống thánh hiến. Khi từ bỏ mình, người Nữ Tu không đi tìm danh lợi và sự hãnh diện cho chính bản thân và gia đình. Từ bỏ mình cũng có nghĩa là từ chối nhiều điều kiện "thuận lợi " trong cuộc sống giúp thăng tiến bản thân. Khi lựa chọn bước theo Chúa Giêsu, thì như các Tông đồ, thuyền lưới buông bỏ, gia đình cũng xin chia tay, ghế thâu thuế cũng trả lại. Từ bỏ mình chưa đủ, Chúa Giêsu còn đòi hỏi phải vác thập giá của mình mà bước theo. Vác Thập giá của mình đó chính là thái độ sẵn sàng đón nhận những vất vả, đau khổ, thử thách mà người Nữ tu sẽ gặp suốt hành trình. Con đường theo Chúa Giêsu không trải đầy nhung lụa mà là những gai nhọn và gian nan.

Trong cuộc đời hôm nay, các Nữ Tu đang dấn thân phục vụ nhiều lãnh vực xã hội. Đem yêu thương đến những tâm hồn đau khổ và tội lỗi, đưa niềm tin và hy vọng đến cho những ai thất vọng, tạo hướng đi dẫn tới hạnh phúc cho những người bơ vơ và lạc bước. Dâng hiến không có nghĩa là biến trái tim trở nên khô cứng lạnh lùng băng giá, không còn rung cảm trước những vẻ đẹp của nhân tình thế thái. Dâng hiến cũng không phải là trở nên lạc lõng cô độc, khinh thường tình yêu trần thế; mà trái lại, người Nữ tu vẫn là người giữa cuộc đời, vẫn tiếp nhận những làn sóng yêu thương gọi mời trong rung động của trái tim. Vẫn có thể bị dao động trước một đối tượng mình tiếp xúc. Vẫn nhìn thấy những kỳ lạ tình yêu đi tìm một nữa hồn mình. Nhưng hạnh phúc là dám từ bỏ để dâng tình yêu cho Chúa, dám sống đời hèn mọn, dám sống đời tận hiến với quyết tâm thuộc trọn về Chúa suốt đời. Đó là Ơn Gọi cho những người bước đi theo Thầy Giêsu.

Lời khấn khiết tịnh, khó nghèo, vâng phục đã giúp bao tâm hồn tu sĩ thuộc trọn về Chúa suốt đời. Ra đi loan báo Tin mừng trên mọi nẻo đường phục vụ. Hương thơm của cuộc đời sống thanh khiết đã mang đến cho cuộc đời một mùa xuân dịu mát trong những vẻ đẹp thanh cao nhất, biến đổi thế giới trong những ích kỷ chiếm đoạt của tình yêu đam mê, hướng nhân loại nhìn về Nước Trời mai sau trong hạnh phúc vĩnh cửu tuyệt mỹ.

Đời tu là một bài ca tạ ơn Thiên Chúa. Tạ ơn vì đời sống thánh hiến được ban cho Giáo hội. Hồng ân Thiên Chúa chiếu rực trong cuộc đời của người tu sĩ để rồi người tu sĩ được biến đổi để đem Chúa Kitô cho cuộc đời.

Trong những ngày đầu Mùa Vọng hướng về ngày lễ kính Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin chung lời cầu nguyện cho 24 bông hoa tiến dâng cho Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ. Hôm nay đã tươi đẹp, trong suốt quãng đời tương lai được mãi tươi, mãi đẹp, mãi tỏa hương nhân đức khoe sắc yêu thương.

Cầu chúc các tân khấn sinh gặt hái được nhiều niềm vui trong đời dâng hiến nhờ thực thi bác ái trong sứ vụ phục vụ người nghèo hàng ngày.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Kỷ niệm 71 năm Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền - Liên Hiệp Quốc và vấn đề bảo vệ nhân quyền
Trần Xuân Thời
16:50 06/12/2019
I- Liên Hiệp Quốc

Liên Hiệp Quốc, ngoài nhiệm vụ duy trì an ninh trật tự thế giới, còn đóng vai trò tích cực trong vấn đề bảo vệ nhân quyền qua Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền được ban hành ngày 10 tháng 12 năm 1948 đến nay đã gần thứ 70.

Sau khi thế chiến thứ II chấm dứt, các quốc gia đồng minh đánh bại Đức và Nhật, đã họp taị San Francisco Hoa Kỳ ngày 24 tháng 10, 1945 để hình thành một tổ chức quốc tế mệnh danh là Liên Hiệp Quốc – United Nations- nhằm duy trì nền hoà bình thế giới và ngăn ngưà tai hoạ chiến tranh mà đệ nhất và đệ nhị thế chiến đã tàn phá các quốc gia và gây thiệt hại cho hằng chục triệu sinh mạng.

Bản Hiến Chương LHQ (Charter of The United Nations) do 50 quốc gia ký kết ngaỳ 26 tháng 6 năm 1945, ấn định cơ cấu tổ chức và điều hành tổ chức LHQ. Trụ sở LHQ đặt taị New York, USA, với phí khoản xây cất do nhà tỷ phú John D. Rockefeller, Jr. tặng 8 triệu rưởi ngaỳ 14 tháng 12 năm 1946 và Quốc hội Hoa Kỳ cho vay 65 triệu. Trụ sở LHQ được khánh thành năm 1952. LHQ gồm có 6 cơ quan chính:

1- Đại Hội Đồng (General Assembly):

Gồm đaị diện của tất cả các nước hội viên. Mỗi hội viên có quyền gởi đến LHQ 5 đại biểu chính thức, 5 vị phụ khuyết, và không giới hạn số cố vấn. Tuy nhiên mỗi quốc gia chỉ được một phiếu bầu. Đại Hội Đồng họp thường niên, có nhiệm vụ thảo luận ngân sách của LHQ, ấn định lệ phí các nước hội viên phải đóng góp, thảo luận về mọi vấn đề liên quan đến việc điều hành tổ chức LHQ, kể cả vấn đề can thiệp tìm các biện pháp duy tri`nền hoà bình thế giới khi Hội Đồng An Ninh không làm tròn nhiệm vụ giao phó

2-Hội Đồng An Ninh (Security Council)

HĐAN, có nhiệm vụ duy trì nền hoà bình thế giới, gồm có 5 hội viên thường trực (permanent) là Trung Hoa Quốc Gia, (đã do Trung Cộng thay thế từ thập niên 1970), Pháp, Nga, Anh, và Hoa Kỳ và 10 hội viên không thường trực (nonpermanent) do Đại hội Đồng bầu với nhiệm kỳ 2 năm. HĐAN có nhiệm vụ điều tra, thảo luận và quyết định các biện pháp giải quyết các vụ xung đột quốc tế bằng các biện pháp chế tài về kinh tế hoặc quân sự.

Lần đầu tiên, sau ngày thành lập, LHQ đã can thiệp vào chiến tranh Cao ly (1950-1953). Sau đệ nhị thế chiến, quân CS Nga trú đóng ở Bắc Hàn, phía bắc vỉ tuyến thứ 38 và quân Mỹ trú đóng ở Nam Hàn. Năm 1947, Liên Hiệp Quốc cử một Ủy Ban tìm cách thống nhất Đaị Hàn. Bắc Hàn từ chối không tham gia kế hoạch thống nhất Đại Hàn. Nhưng cuộc bầu cử vẫn được tổ chức ở Nam Hàn và Cộng Hoà Đaị Hàn (Republic of Korea) được thành lập. Năm 1948 Đaị Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tuyến bố chỉ có chính phủ Cộng Hoà Đaị Hàn mới là chính phủ hợp pháp của Đaị Hàn Dân Quốc. Sự kiện này đã khiến khối Cộng Sản quốc tế tiến quân xâm lăng Nam Hàn ngày 25 tháng 6 năm 1950.

LHQ cho đó là hành động vi phạm nền hoà bình thế giới. Hội Đồng An Ninh LHQ đã biểu quyết chấp thuận can thiệp, yêu cầu các nước hội viên gởi quân qua trợ giúp Nam Hàn. Đại biểu Nga trong Hội Đồng An Ninh trước đó đã rút lui để phản đối tư cách đaị biểu thường trực của Trung Hoa Quốc Gia nên không thể phủ quyết nghị quyết đưa quân qua trợ giúp Nam Hàn.

Ngày 7 tháng 7 năm 1950, LHQ lập bộ tư lệnh hành quân do Hoa Kỳ chỉ huy. Trong số 60 quốc gia hội viên lúc bấy giờ, 16 hội viên gởi quân tác chiến và 41 hội viên cung cấp quân trang, quân dụng. Hoa Kỳ tham chiến với 90% quân số, trang bị và tiếp liệu. Tháng 10, 1950, Trung Cộng tham chiến, gởi quân qua tăng viện cho Bắc Hàn. Quân Liên Hiệp Quốc, sau gần 3 năm chiến đấu, đã đẩy lui quân CS Bắc Hàn do Nga và Trung Cộng trợ chiến trở về phía bắc của vỉ tuyến thứ 38. Sau đó đôi bên ký thoã ước ngưng bắn chấm dứt chiến tranh Cao ly ngaỳ 27 tháng 7 năm 1953 … Thời điểm nấy cũng là lúc Mao Trạch Đông chuẩn bị giúp Việt Minh tiến đánh căn cứ Điện Biện Phủ ở Việt Nam. Sau khi Điện Biên Phủ thất thủ, các đống minh, Nga, Trung Cộng, Anh, Pháp… họp tại Geneve, Thuy Sĩ và áp đụng phương thức giải quyết chiến tranh Cao Ly, chia đối nước Việt Nam thành hai miền Nam, Bắc bằng Hiệp Định Geneve ký ngaỳ 20/7/1954….

Ngoài ra LHQ đã can thiệp vaò nhiều vụ xung đột quốc tế khác. Gần đây LHQ đã gởi quân đánh đuổi quân xâm lăng Iraq ra khỏi Kuwait (Persian Gulf War) năm 1991, hoặc bảo trợ các thoã ước: Thoã ước hoà bình ở Campuchia năm 1991-1993, thoã ước ngưng bắn giữa Crotia và Serbia, thoã uớc ngưng chiến ở Angola. LHQ gởi quân can thiệp can thiệp vụ Somalia năm 1992-1995 và vụ thanh tra vũ khí taị Iraq, sau đó liên quân Hoa Kỳ tiến chiếm Iraq … đến nay cuộc chiến Trung Đông vẫn còn sôi động…

3. Văn phòng Tổng Thư Ký (Secretariat)

Văn phòng TTK có nhiệm vụ điều hành công tác hằng ngày của LHQ. Nhân viên Văn Phòng TTK gồm có một vị Tổng Thư Ký và các viên chức quản trị, nhân viên văn phòng và chuyên viên. Vị Tổng Thư Ký do 5 hội viên thường trực của Hội Đồng An Ninh (Security Council) đồng thanh đề cử và do Đại Hội Đồng (General Assembly) bổ nhiệm với đa số tương đối, nhiệm kỳ là 5 năm. Tổng Thư Ký có nhiệm vụ tuyển dụng nhân viên, điều hành Văn Phòng Tổng Thư Ký. Mỗi quốc gia được đề cử ít nhất 6 nhân viên nếu hội đủ điều kiện tuyển dụng.

4- Hội Đồng Kinh Tế -Xã hội (Economic and Social Council)

LHQ là cơ quan quốc tế đầu tiên, ngoài nhiệm vụ duy trì an ninh quốc tế, còn có nhiệm vụ thăng tiến đời sống của nhân loại về các lãnh vực như nâng cao mức sống, y tế, văn hoá, giáo dục, bảo vệ nhân quyền …

HĐKTXH gồm một số uỷ ban: (1) Bốn ủy ban đặc trách kinh tế các vùng Phi châu, Á Châu, Viễn Đông, Âu Châu và Mỹ châu Latin. (2) Sáu uỷ ban đặc trách về các lãnh vực: Nhân quyền, ma túy, dân số, phát triển xã hội, thống kê, quyền của phụ nữ, và một số cơ quan như Qủy Nhi Đồng Quốc tế (UNICEF) và chương trình phát triển LHQ (UNDP).

5-Toà Án Quốc Tế (The International Court of Justice)

Toà án quốc tế có 15 vị thẩm phán, nhiệm kỳ 9 năm do Đaị Hội Đồng và Hội Đồng An Ninh đề cử. Chủ Tịch và phó chủ tịch do Toà án đề cử, nhiệm kỳ 3 năm. Trụ sở Toà án đặt taị The Hague, Netherlands. Toà án quốc tế có thẩm quyền xét xử các vụ tranh chấp quốc tế giữa các quốc gia hội viên và các quốc gia không phải là hội viên của LHQ. Cá nhân không thể kiện lên Toà Án Quốc tế trừ phi được một chính phủ bản xứ bảo trợ. Toà Án Quốc tế còn đóng vai trò cố vấn cho Đại Hội Đồng, Hội Đồng An Ninh và các cơ quan khác của LHQ nếu được yêu cầu.

6- Hội Đồng Quản nhiệm (Trusteeship Council)

Các thuộc địa của các nước Ý, Đức. Nhật chưa được tự trị hay độc lập sau đệ nhị thế chiến. Hội đồng nầy ngưng họat động năm 1994 sau khi các lãnh điạ nêu trên đã được tự trị hoặc đã được sát nhập vào các quốc gia khác.

Ngoài ra, LHQ còn điều hành 16 cơ quan chuyên môn liên quan đến các lãnh vực sinh họat: Thực phẩm và Canh nông ( FAO), Anh ninh Hàng không ( ICAO), Phát triển Quốc tế (IDA), Tài Chánh Quốc tế ( IFC), Quỷ Quốc tế phát triển canh nông ( IFAD), Lao động Quốc tế ( ILO), Hàng Hải quốc tế ( IMO) Quỷ Tiền Tệ Quốc tế ( IMF), Truyền Thông Quốc tế ( ITU), Giáo dục, Khoa học và Văn hoá ( UNESCO), Phát triển Kỹ nghệ ( UNIDO), Bưu Điện ( UPU), Ngân hàng Quốc tế ( World Bank), Y Tế Quốc tế ( WHO) Văn học, Nghệ Thuật ( WIPO), Khí tượng Quốc tế ( WMO).

II- Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

(Universal Declaration of Human Rights)

Sau đệ nhị thế chiến, vấn đề nhân quyền được Liên Hiệp Quốc đặc biệt lưu âm nhất là vì các hành động dã man của Đức và Ý trước trong thời gian chiến tranh. Ủy Ban Nhân Quyền (Commission on Human Rights) thuộc Hội Đồng Kinh Tề Xã hội, được LHQ thành lập từ năm 1946. Bà Eleanor Roosevelt, phu nhân của Tổng Thống Roosevelt, đã được tín nhiệm giữ chức vụ Chủ Tịch Điều Hành Ủy Ban Nhân quyền trong những năm đầu. Đaị Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã chấp thuận Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, do Ủy Ban Nhân Quyền đệ trình, ngaỳ 10 tháng 12 năm 1948 đến nay gần đến năm thứ 71. (1948-2019)

Kể từ năm 1950, LHQ dùng ngày 10 tháng 12 mỗi năm làm Ngày Nhân Quyền (Human Rights Day). Bản TNQTNQ đã được một số quốc gia ghi vào Hiến Pháp như El Salvador, Haiti, Indonesia, Jordan, Libya, Puerto Rico và Syria. Liên Hiệp Quốc yêu cầu các nước hội viên phổ biến sâu rộng trong dân chúng, niêm yết, diễn giảng tại các cơ quan giáo dục không phân biệt điạ phương hay thể chế chính trị.

Bản Tuyên Ngôn gồm phần mở đầu và 30 điều quy định mọi quyền căn bản của con người. Qua lời mở đầu và 7 điểm căn bản, chúng ta nhận ra được phần nào nội dung của bản Tuyên Ngôn QTNQ:

(1) Sự công nhận quyền hạn đồng đều và bất khả xâm phạm của nhân loại là nền móng cho sự tự do, công lý và nền hoà bình thế giới,

(2) Sự không quan tâm hay khinh miệt nhân quyền sẽ mang lại các hành động dã man, đi ngược laị lương tâm nhân loại, và triễn vọng của thế giới trong đó nhân loại được hưởng tự do ngôn luận, tự do tín ngưởng, khỏi sợ sệt và thiếu thốn. Các nhu cầu đó được coi như nguyện vọng cao cả nhất của nhân loại,

(3) Nếu không muốn để cho quần chúng nỗi dậy chống bạo tàn và áp bức, nhân quyền phải được luật pháp bảo vệ,

(4) Sự thăng tiến tình huynh đệ giữa các chủng tộc là một điều thiết yếu,

(5) Các nước hội viên theo Hiến Chương Liên Hiệp Quốc xác nhận niềm tin tưởng vào các quyền căn bản của con người, vào nhân phẩm và giá trị của con người, vào quyền hạn bình đẳng giữa nam và nữ, cũng như quyết tâm thăng tiến đời sống xã hội trong tự do, no ấm,

(6) Với sự hợp tác của Liên Hiệp Quốc, các nước hội viên đã tự tuyên hưá thực thi sự thăng tiến lòng kính trọng, tôn trọng nhân quyền và những quyền căn bản của con người,

(7) Sự hiểu biết căn bản về nhân quyền và các quyền tự do đóng vai trò rất quan trọng trong vấn đề thực thi lời cam kết.

Bản Tuyên Ngôn QTNQ đã đặt nền móng cho các giao dịch quốc tế, tạo điều kiện cho sự thành hình của nhiều tổ chức nhân quyền và đóng vai trò hướng dẫn cho các quốc gia trong vấn đề bảo vệ nhân quyền. Nói một cách tổng quát, Bản Tuyên Ngôn đề cập đến ba loại nhân quyền căn bản:

(1) Các quyền tự do liên quan đến con người như tự do sinh sống, cấm cưởng bách lao động, nô lệ, đối xử dã man, bất nhân, hay trừng phạt, bắt bớ, giam cầm, lưu đày trái phép, tôn trọng tự do tư tưởng, tự do tín ngưởng…

(2) Các quyền về tự do chính trị, như tự do phát biểu, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do tham chính trực tiếp hay qua các cuộc bầu cử, và cuối cùng.

(3) Các quyền tự do về xã hội, kinh tế, văn hóa, tự do chọn nghề nghiệp, quyền có công ăn việc làm, quyền làm việc trong hoàn cảnh thuận lợi và an toàn, quyền nghỉ ngơi, được học hỏi và quyền được tham gia vào đơì sống văn hoá của cộng đồng.

LHQ, qua thời gian, đã ban hành các bản Nghị quyết (resolution) và Tuyên cáo (Proclamation)

1.Nghị Quyết liên quan đến quyền Dân Tộc Tự Quyết (Self determination)

mà Bản Tuyên Ngôn không đề cập đến, đã được ghi vào trong hai bản quy ước (covenant) nhân quyền ban hành trong năm 1966. Các quy ước nầy có hiệu lực pháp lý đối với các nước hội viên đã tham gia và phê chuẩn.

2. Bản quy ước liên quan đến các quyền dân sự và chính trị, (civil and political rights) và bản quy ước liên quan đến các quyền về kinh tế, xã hội (economic, social and cultural rights). Ngoài ra, hai bản quy ước nầy còn đề cập đến quyền được giáo dục, quyền tham gia sinh họat văn hoá, khoa học; quyền hưởng an sinh xã hội, và ấn định thủ tục áp dụng, kiểm soát. Các nước hội viên ký kết vào quy ước phải phúc trình cho văn phòng Tổng Thư Ký về diễn tiến áp dụng các quy uớc nầy.

3.Tuyên Ngôn công nhận quyền độc lập của các nước thuộc điạ và các dân tộc bị trị ban hành năm 1960.

4.Tuyên Ngôn hủy bỏ mọi hình thức kỳ thị chủng tộc ban hành năm 1963; bảo vệ các dân tộc thiểu số đã được 110 quốc gia thừa nhận.

5.Tuyên Ngôn bảo vệ con ngươì khỏi bị tra tấn, hoặc các biện pháp trừng phạt độc ác, dã man, làm hạ phẩm giá con người (1975). Các quốc gia tham dự Hội Nghị Helsinki về nền An Ninh Âu Châu (Helsinki Conference on European Security, 1975) đã đồng ý hành động phù hợp với Bản Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân Quyền.

Nhân kỷ niệm 20 năm Bản Tuyên Ngôn QTNQ, LHQ đã chỉ định năm 1968 là Năm Quốc Tế Nhân Quyền (International Year of Human Rights) và thập niên 1973-1983 là Thập Niên Chống Kỳ Thị ChủngTộc (Decade Against Racial Discrimination). LHQ cũng cụ thể hoá các hoạt động nhân quyền khác như đã ghi vào bộ luật quốc tế và áp dụng các nguyên tắc do Toà Án Nuremberg phán định các tội phạm chiến tranh, các tội ác chống laị nhân loại.

Năm 1968, LHQ tuyên bố không áp dụng luật hạn định thời gian truy tố, (statute of limitations: Luật về Thời tiêu) cho các tội ác chiến tranh và các tội ác chống laị nhân loại … các tội ác chiến tranh thời đệ nhị thế chiến đến nay vẫn còn bị truy tố.

Tạm kết

Sau hơn 70 năm (1948-2019) tranh đấu cho nhân quyền, LHQ đã tạo được nhiều kỳ công trong lãnh vựa bảo vệ an ninh và nhân quyền, đã đặt ra những mẫu mực bảo vệ nhân quyền quốc tế cho các nước hội viên áp dụng. Nhờ đó nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế được thành hình như Amnesty International, International Commission of Jurists, dù không trực thuộc LHQ nhưng rất có ảnh hưởng đến các quốc gia tự do mà thống kê và các báo cáo về vi phạm nhân quyền được trích dẫn, tham khảo để phê bình, chỉ trích các nước vi phạm nhân quyền nhất là các nước Cộng Sản như Việt nam, Trung Hoa, Cuba, Bắc hàn……các vi phạm nhân quyền của South Africa …

Cao Ủy Tỵ Nạn (UN High Commissioner for Refugees) đã tranh đấu cho nhân quyền, cứu trợ những người tỵ nạn Cộng sản hay các chế độ khủng bố sát hại xảy ra khắp năm châu bốn bể. Các cơ quan cứu trợ quốc tế như Catholic Relief Services của International Rescue Committee (IRC) cũng đã và đang góp công vaò các công tác phổ biến các phạm trù về tôn trọng nhân quyền quốc tế. Dù không đạt được được kết quả khả quan và sự vi phạm nhân quyền còn nhan nhản khắp nơi nhưng cũng là những cố gắng quy mô đáng lưu ý.

Tầm ảnh hưởng của Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền được các quốc gia lượng giá khá rộng rải có thể sánh với tầm ảnh hưởng của Bản Tuyên Nhân Quyền của pháp (French Declaration on the Rights of Men) hoặc Bản Tuyên Ngôn Độc Lập (Declaration of Independence) của Hoa Kỳ.

Hiện nay, còn một số quốc gia áp dụng thể chế độc tài lấy lý do đời sống vật chất chưa đầy đủ, thì chính quyền chưa thể cho ngươì dân hưởng các quyền tự do chính trị như CSVN. Lý luận nầy có tính cách tránh né trách nhiệm và xuyên tạc. Chưa có bản phúc trình hay nghiên cứu nào chứng minh được rằng sự hạn chế quyền tự do chính trị có thể giúp phát triển kinh tế như lý luận của các chế độ độc tài đảng trị. Trên thực tế tự do chính trị đã mở đường cho sự phát triển kinh tế mà đời sống thịnh vượng của các quốc gia tự do là một bằng chứng.

Lý do chính của sự hạn chế quyền tự do chỉ để củng cố giai cấp đàn áp, như trường hợp Việt Nam. Cộng sản Việt Nam, mặc dù là hội viên LHQ từ năm 1977, nhưng cấm đoán việc phổ biến Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. CSVN vi phạm các điều khoản căn bản được ấn định trong bản Tuyên Ngôn QTNQ, từ quyền (1) Tự do sinh sống như không bị bắt bớ giam cầm trái phép, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do tín ngưởng, tự do đi lại, tự do di dân, tự do xuất ngoại …(2)Tự do chính trị như tự do phát biểu, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do tham chính, đến (3) các quyền tư do về an sinh xã hội, kinh tế như tự do kinh doanh, tự do phát triển văn hoá, tự do sáng tác, tự do được hưởng điều kiện làm việc thoải mái, an toàn, tự do được hưởng nền giáo dục tiến bộ, tự do tham dự vào sự phát triển truyền thống văn hoá nhân bản, nhất nhất đều bị kiểm soát, kềm kẹp…

Sống trong xã hội tự do, thoải mái, chúng ta không thể an lòng khi nhìn thấy quê hương sa dần vào vực thẵm, từ mức sống đaị đa số đồng bào khó khăn – nghèo nhất thế giới – “chạy ăn từng bửa toát mô hôi” – tâm trí bị kiềm chế quẫn bách đến đơì sống văn hóa suy đồi…

Đối với cộng đồng ngươì Việt tự do, dù không đồng nhất về tư tưởng và hành động, nhưng đó là biểu hiện đặc điểm của xã hội dân chủ. Tập thể người Việt hải ngoại đã tạo được tiếng nói có ảnh hưởng đến chính sách của các quốc gia tự do khiến cho các công tác tuyên truyền của Công sản tại hải ngoại bị thất bại thảm thiết trên chính trường quốc tế!

Nếu không có sự phản đối hữu hiệu thì Hồ Chí Minh đã được vinh danh là vĩ nhân của thế giới…. Nếu không có tiếng nói của người Việt hải ngoại tranh đấu cho quyền lợi người đồng hương thì các chương trình như Orderly Departure Program, (ODP) phóng thích tù nhân lương tâm, chính trị … đã bị trì trệ, hoặc không được Hoa Kỳ và thế giới lưu tâm đến. Nếu các vi phạm nhân quyền của CSVN không được quảng bá thì CSVN đã không giảm bớt sự thẳng tay đàn áp đồng bào quốc nội…

Do đó, không phải chỉ hy vọng mà tâp thể người Việt tự do hải ngoại đã thực sự bắt tay vào công tác tranh đấu cho nhân quyền từ khi bước chân đến các quốc gia tự do qua các đoàn thể chính trị, xã hội, tôn giáo, cộng đồng nhằm xây dựng tự do, dân chủ, toàn vẹn lãnh thổ và phú cường cho Việt Nam.

Cộng sản Hà nội, không được nhân dân Việt Nam bầu cử và tấn phong vào vai trò lãnh đạo. CSVN nắm quyền lãnh đạo bằng cách vi phạm Hoà Ước Ba Lê ký kết năm 1973 và xâm lăng miền Nam Việt nam. Cộng sản Hà Nội đã và đang vi phạm trắng trợn Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.

Điều 21 Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ấn định:

“Mọi người đều có quyền tham chính trực tiếp hoặc gián tiếp được tuyển chọn qua các cuộc bầu cử tự do.” Every one has the right to take part in the government of his country, directly or through freely chosen representatives”. Cộng sản VN khủng bố và cấm đoán người Việt quốc gia ứng cử, các ứng cử viên do đảng Cộng Sản đề cử.

“Mọi người đều có quyền ngang nhau trong việc sử dụng các tiện ích công cộng. “Everyone has the right of equal access to public service in his country”. Cộng Sản VN dành mọi tiện nghi, đặc quyền đặc lợi, dịch vụ công cộng cho cán bộ, đảng viên cộng sản, kỳ thị và kềm kẹp người Việt quốc gia trong moi dịch vụ, sinh hoạt kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục…

“Chính quyền phải lấy ý chí chung của toàn dân làm căn bản, ý chí nầy sẽ được thể hiện qua các cuộc bầu cử định kỳ và thực sự bằng thể thức phổ thông đầu phiếu, kín, hoặc bằng các phương thức bầu cử tự do tương đương.” The will of the people shall be the basis of the authority of government; this will shall be expressed in periodic and genuine elections which shall be by universal and equal suffrage and shall be held by secret vote or by equivalent free voting procedures”. Suốt 44 năm thống trị toàn cõi Việt Nam sau 1975, cộng sản Hà nội tự biên tự dìễn, không do ý chí của toàn dân Việt Nam tấn phong thể hiện qua các cuộc bầu cử tự do.

Đảng Cộng Sản xâm lăng Việt Nam đã hình thành một giai cấp tài phiệt mới và quyết tâm phân chia đặc quyền, đặc lợi giữa các đảng viên, để “áo xiêm buộc trói lấy nhau”, thống trị đất nước trong cảnh bần cùng hoá nhân dân, khiến cho Việt nam trở thành nghèo khổ nhất thế giới. Cộng sản rất sợ nhân dân giàu mạnh, vì phú quý sinh lễ nghĩa, đồng baò sẽ đòi hỏi tự do, dân chủ và mỗi khi giàu mạnh sẽ có đủ phương tiện lật đổ chế độ cộng sản.

Vì thế tổ chức bầu cử tự do tại Việt nam là một trong những giải pháp mà các cộng đồng, đoàn thể đang chuẩn bị và vận động. Ngoài ra, các cộng đồng, đoàn thể còn yêu cầu LHQ, Hoa Kỳ và các quốc gia tự do hổ trợ giải pháp tổ chức bầu cử tự do taị Nam Việt theo tinh thần điều 21 Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và đặt cuộc bầu cử dưới sự giám sát quốc tế và theo điều 9(b) Hoà Ước Ba Lê ký ngày 27/1/73 đã quy định:

“The South Vietnam shall decide themselves the political future of South Vietnam through genuinely free and democratic general elections under the international supervision - Miền Nam Việt Nam sẽ tự quyết định thể chế chính trị cho tương lai Miền Nam Việt Nam bằng các cuộc bẩu cử thực sự tự do và dân chủ dưới sự giám sát quốc tế”.

Public Law 93—559, điều 34(b) do Quốc Hội Hoa Kỳ ban hành ngaỳ 30 tháng 12 năm 1974, về v/d: Tái triệu tập Hoà Đàm Ba Lê.

“In order to lessen the human suffering in Indochina and to bring about a genuine peace there, the Congress urges and requests the President and the Secretary of State to undertake the following measure …☹ (4) to reconvene the Paris Conference to seek full implementation of the provisions of the Agreement of January 27, 1973 on the part of the Vietnamese parties to the conflict”

Nếu giải quyết vấn đề chính trị cho Miền Nam Viet Nam theo những điều khoản của Hoà Đàm Ba Lê 1973 và bản Tuyên Ngôn QTNQ thì “Toàn quốc Việt Nam” sẽ được tự do, dân chủ, phú cuờng và độc lập khỏi bị Hán hoá.

Chúng ta hãy dồn nổ lực vào vấn đề vận động thực hiện mục tiêu chính là “Dân Chủ Hóa Việt Nam” (Democracy for Vietnam) bằng nhiều lãnh vực văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị, ngoai giao từ các đơn vị hành chánh địa phương như thành phố, quận, tỉnh, đến cap quốc gia và quốc tế. Trong mọi tổ chức xã hội, ái hữu, tôn giáo, cộng đồng, dân, quân, cán, chinh trong tập thể người Việt tư do hải ngọai, nên có một ban phụ trách chương trình Dân Chủ Hóa Việt Nam để thể hiện cố gắng chung của mọi người Việt tự do, muôn người như một.

Đây là vấn đề nhân đạo, là sứ mệnh thiêng liêng, xuất phát từ lương tâm chính trực của người Việt tự do, vì chỉ có hạnh phúc chân chính khi nào chúng ta thấy đồng bào tại Việt Nam đươc sống trong tự do, hạnh phúc xứng đáng với nhân phẩm. Nếu người tốt tỉnh tọa, bất động thi kẻ xấu sẽ thắng thế.” Evil triumphs, if good men do nothing” (Edmund Burke)

Trong truờng hợp giải pháp bầu cử tự do được thực hiện, để tránh vấn đề hợp thức hóa chế độ phi nhân CS hiện hữu, câu hỏi mà một số người quan tâm là liệu chúng ta có chuẩn bị đâỳ đủ các lực lượng quần chúng quốc nội và hải ngoại để hổ trợ giải pháp bầu cử tự do nhằm bảo đảm tính cách công chính của cuộc bầu cử, ứng phó với tình thế biến chuyển và có đủ cán bộ quốc gia sẵn sàng hổ trợ chính phủ dân cử nhiếp chính hay chưa?

Đây là một trong những vấn đề trọng yếu mà các đoàn thể cộng đồng, tôn giáo, xã hội, chính trị, dân, quân, cán, chính, phải lưu tâm. Trước hết phải kiện toàn cơ cấu tổ chức, thống nhất hành động, hợp quần gây sức mạnh, vận động, nội công, ngoại hợp trong giai đoạn 2, sau 43 năm lưu vong ở hải ngoại.

Được như vậy thì đại nghiệp cứu quốc mới mong chóng được viên thành.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Thể thức linh mục cử hành Thánh lễ một mình
Nguyễn Trọng Đa
09:57 06/12/2019
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Gần đây con đã nói chuyện với một số anh em linh mục về việc cử hành Thánh lễ một mình, khi không có ngưởi giúp lễ và không có cộng đoàn, mà chỉ một mình linh mục cử hành Thánh lễ. Dường như không có sự thống nhất về cách thức cử hành Thánh lễ như thế, và điều duy nhất là anh em linh mục chúng con tìm thấy trong Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (GIRM) là một vài dòng được tìm thấy trong Số 254. Số này nói: "Nếu không có lý do chính đáng và hợp lý, thì không được cử hành Thánh lễ mà không có người giúp, hoặc ít là một tín hữu nào đó. Trong trường hợp này, thì bỏ các lời chào, lời bảo và phép lành cuối lễ.” (Bản dịch Việt ngữ của Ủy ban Phụng tự thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam). Con biết vấn đề này thực sự không được hầu hết mọi người quan tâm, nhưng con nghĩ nhiều linh mục (ít nhất là các vị mà con đã nói chuyện) muốn có một số hướng dẫn cụ thể về chủ đề này. Xin cha giúp. - D. C., Sioux Falls, South Dakota, Hoa Kỳ
.

Đáp: Bạn đọc này cũng đưa ra một lược đồ về những gì có thể bỏ qua khi cử hành Thánh lễ một mình. Tôi sẽ sử dụng lược đồ này và sửa đổi một số chi tiết.

Mặc dù điều này có vẻ là một điểm khá mơ hồ, nhưng không có gì tối nghĩa trong phụng vụ đến nỗi các chuyên viên phụng vụ không thể tìm thấy các điểm không đồng ý - và điều này cũng là không ngoại lệ. Do đó, một số điều tôi nói ở đây chỉ là ý kiến cá nhân của tôi, dựa trên những gì tôi tin là một sự giải thích đầy đủ về luật.

Khía cạnh khó diễn giải nhất liên quan đến những gì được bao hàm trong thuật ngữ "Monitionis" trong tiếng Latinh. Bản dịch tiếng Anh của thuật ngữ này là "monitions, lời bảo, lời nhắn nhủ” có thể dẫn đến một sự giải thích rất rộng.

Các ngôn ngữ khác thường ưu tiên giữ thuật ngữ "lời bảo", vốn có thể là hạn chế hơn. Dù bằng cách nào, cả bản gốc tiếng Latinh lẫn bản dịch đều không thực sự hữu ích trong việc giải quyết câu hỏi của chúng ta. Theo như tôi biết, không có lời giải thích chính thức nào từ phía Tòa Thánh.

Trước khi đi vào chi tiết, tôi muốn đề cập đến việc một số linh mục tin rằng hình thức Thánh lễ mà không có tín hữu tham dự là hiện giờ bị cấm. Không phải. Thật vậy, Bộ giáo luật hiện tại, bằng cách yêu cầu có lý do chính đáng để cử hành Thánh lễ một mình, và không còn đòi hỏi lý do nghiêm trọng như Bộ giáo luật năm 1917, đã thực sự tạo sự dễ dàng hơn cho việc cử hành Thánh lễ một mình, mặc dù việc này luôn được coi là một ngoại lệ, và nên tránh bất cứ khi nào có thể được.

Tất cả đều giống nhau, nhiều linh mục đôi khi phải đối mặt với sự lựa chọn cử hành Thánh lễ một mình, hoặc không cử hành. Cả giáo luật và luật ân sủng đều khuyên linh mục nên cử hành Thánh lễ, vốn là điều tốt hơn.

Mô hình cơ bản được tuân theo sẽ là nghi thức Thánh lễ với một linh mục có mặt, bỏ qua bất cứ điều gì sẽ được hướng tới linh mục này, cũng như các cử chỉ hướng về linh mục cho các lời chào.

Vì vậy, khi một linh mục cử hành Thánh lễ một mình, ngài làm như sau:

- Sau khi hôn bàn thờ, ngài đọc bài ca nhập lễ, và làm dấu thánh giá.

- Ngài bỏ qua lời chào đầu Thánh lễ ("Chúa ở cùng anh chị em, Dominus vobiscum"), và lời mời bắt đầu nghi thức thống hối ("Anh chị em, chúng ta hãy nhìn nhận… Fratres, agnoscamus ..., "). Phần còn lại của nghi thức thống hối là như bình thường.

- Ngài đọc lời mời cầu nguyện ("Chúng ta hãy cầu nguyện, Oremus, "), vì đây không chỉ là lời mời hướng đến mọi người, mà còn bao gồm cả ngài nữa. Tiêu chí tương tự được tuân giữ cho phần giới thiệu Kinh Lạy Cha, vốn không được bỏ qua.

- Ngài đọc phần giới thiệu các bài đọc và Tin Mừng ("Trích thư thánh…Lectio sancti..."), nhưng bỏ qua lời chào mọi người đầu Tin Mừng ("Chúa ở cùng anh chị em, Dominus vobiscum"). Ngài đọc lời kết thúc các bài đọc và Tin Mừng ("Đó là Lời Chúa, Verbum Domini"). Đây cũng là vì lợi ích của ngài, và không chỉ là lời chào đến mọi người.

- Trong phần dâng lễ vật, ngài đọc các lời nguyện dâng bánh và rượu, nhưng bỏ qua câu đáp "Chúc tụng Thiên Chúa đến muôn đời, Benedíctus Deus in Saécula...." Ngài cũng bỏ qua "Anh chị em hãy cầu nguyện, Orate, fratres"), cùng với câu đáp "Xin Chúa nhận ly lễ, Suscípiat Dóminus sacrifícium...."

- Không giống như "Chúa ở cùng anh chị em, Dominus vobiscum" khác, tôi tin rằng ngài phải đọc câu này, vốn tạo thành một phần của giao thức ban đầu của đối thoại cho kinh Tiền tụng. Các quy chế nói rõ ràng rằng Kinh nguyện Thánh Thể phải luôn được đọc một cách toàn diện, và rằng Kinh này vẫn giữ hình thức số nhiều, ngay cả khi linh mục cử hành Thánh lễ một mình. Vì lời đối thoại này không thể tách rời khỏi Kinh nguyện Thánh Thể, nên nó luôn được đọc.

Để hỗ trợ cho việc giải thích tính cách đặc biệt của "Chúa ở cùng anh chị em, Dominus vobiscum" này, là sự việc rằng ngay cả khi Thánh lễ thường được cử hành hướng về phía đông, chữ đỏ không yêu cầu linh mục quay về phía mọi người vào lúc này, như đả xảy ra gần như trong mọi trường hợp khác, nhưng hãy nhìn vào thánh giá bàn thờ.

- Mặc dù Kinh nguyện Thánh Thể phải được đọc trọn bộ, nhưng lời tung hô tưởng niệm ("Đây là mầu nhiệm đức tin, Mysterium fidei") không phải là một phần của Kinh nguyện này. Do đó, cả lời giới thiệu và câu tung hô đều được bỏ qua. Chữ đỏ này được nói cách minh nhiên trong một số quy định cho việc đồng tế, khi chỉ có các linh mục có mặt trong Thánh lễ.

- Việc trao chúc bình an ("Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em, Pax Domini sit semper ...") được bỏ qua.

- Khoảnh khắc giơ Mình thánh lên là dễ nhầm lẫn. Trong thực tế, chúng ta có hai lời nguyện được đặt bên cạnh nhau.

Ở đây, số 268 của Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (GIRM) được tuân giữ: “…Nếu thừa tác viên không rước lễ, [hoặc nếu không có thừa tác viên] linh mục cúi mình, cầm Mình Thánh quay mặt về bàn thờ đọc thầm một lần: ‘Lạy Chúa, con chẳng đáng, Domine non sum dignus’ và ‘Xin Mình Thánh Chúa Kitô, Corpus Christi custodiat…’, rồi rước Mình Thánh Chúa. Đoạn ngài cầm lấy chén thánh và đọc thầm: ‘Xin Máu Thánh Chúa Kitô, Sanguis Christi custodiat…’ rồi rước Máu Thánh.” (Bản dịch Việt ngữ, như trên).

- Sau khi rước lễ, linh mục đọc bài ca Hiệp lễ trước khi tráng chén.

- Sau một khoảng khắc tạ ơn trong thinh lặng, linh mục nói "Chúng ta hãy cầu nguyện, Oremus" và đọc lời nguyện sau Hiệp lễ.

- Cả phép lành cuối cùng và câu "Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an, Ite missa est" đều được bỏ qua. Thánh lễ kết thúc với câu "Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng ta. Amen; Per Christum, Dóminum nostrum. Amen" của lời nguyện kết lễ, sau đó linh mục hôn bàn thờ, và hoặc cúi đầu trước bàn thờ hoặc bái gối trước nhà tạm, tùy theo trường hợp, trước khi rút lui.

Các cử chỉ này được xem là hình thức kết luận đầy đủ. Không cần phải thêm các cử chỉ khác, vốn là không được lường trước trong sách nghi thức, chẳng hạn làm dấu thánh giá.

Lẽ dĩ nhiên, điều này không có cách nào loại trừ lời đề nghị rằng, ngay sau Thánh lễ, linh mục nên dành một thời gian để tạ ơn riêng tư, vì bao ân sủng và đặc ân được cử hành Thánh lễ.

Trên đây là một bài tham khảo có giá trị. Các linh mục nên lưu giữ lại, để sử dụng khi cần. (Zenit.org 15-11-2006)

Nguyễn Trọng Đa

https://zenit.org/articles/when-celebrating-mass-alone/
 
Sức mạnh lời Chúa
Lm. Đaminh Nguyễn Ngôc Long
09:58 06/12/2019
Sức mạnh lời Chúa

Ngày 08.12.1854 Đức Giáo Hoàng Pio IX. công bố tín điều Đức Mẹ Maria không vướng mắc vào những hệ lụy tội tổ tông truyền do Ông Bà Adong Evà gây ra cho loài người, ngay từ khi thành hình sự sống trong cung lòng mẹ và cả sau khi hạ sinh Chúa Giêsu.

Giáo hội loan báo tín điều cho nếp sống đức tin. Nhưng bài phúc âm ngày lễ mừng kính Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội lại là bài tường thuật về ngày lễ Thiên Thần Gabriel truyền tin cho Đức Mẹ Maria ở Nazareth ( Lc 1,26-38).

Như vậy có mối tương quan gì giữa hai khung cảnh biến cố không?

Theo hình thể địa lý và khung cảnh thời gian thì không. Vì biến cố truyền tin đã diễn ra trước đó cả hai ngàn năm, còn tín điều công nhận Đức Mẹ Maria vô nhiễm nguyên tội mãi sau này năm 1854 mới có. Và xét về khung cảnh địa lý cũng vậy, biến cố Thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ Maria ở làng Nazareth bên nước Do Thái, còn tín điều Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội được tìm hiểu nghiên cứu loan báo ở Vatican bên nước Ý.

Nhưng về nội dung đều có liên quan mật thiết với nhau, không nguyên chỉ nơi cá nhân Đức Mẹ Maria, mà trước hết và sau hết nơi sức mạnh lời Chúa.

Thiên Thần Gabriel được Thiên Chúa sai đến nhà Maria với lời chào đầy tình cảm lòng phấn chấn: Xin đừng sợ! Và sau đó là những lời loan báo của Thiên Chúa cho Maria: chị sẽ thụ thai, bào thai sẽ là một em bé trai, và chị sẽ đặt tên cho em bé là Giêsu.

Lời loan báo của sứ điệp Thiên Chúa quy hướng không về Maria, nhưng về bản tính cùng sứ mạng của em bé.

Bài tường thuật biến cố truyền tin là mầu nhiệm lớn lao của sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa và Maria. Bài tường thuật nói lên khía cạnh bỡ ngỡ ngạc nhiên về biến cố giữa Thiên Chúa và con người: Sự hiện diện của Thiên Chúa qua hình ảnh bóng rợp của Người.

Bóng rợp của Thiên Chúa phủ xuống Maria. Đó là bóng rợp của Đấng Tối Cao. Bóng rợp này không ập xuống làm cho Maria bị nghẹt thở choáng váng. Nhưng bóng rợp uy quyền đó mang đến sự sống mới nơi Maria. Sức mạnh Đức Chúa Thánh Thần được diễn tả song song với Lời Chúa. Cả hai yếu tố cùng phát sinh sự sống mới, sự thay đổi cho một khởi đầu mới.

Sức mạnh Lời Chúa, Thánh Thần Thiên Chúa thể hiện ngay từ khi Thiên Chúa tạo dựng trời đất, và sự sống mọi loài trong vũ trụ: Hãy có! và liền có! như trong sách Sáng thế 1,1-31 thuật lại.

Đức Mẹ Maria được trình bày là mẫu gươmg hình ảnh to lớn. Vì Maria đã để cho Lời Chúa cùng với sức mạnh Chúa Thánh Thần hoạt động gây tác dụng nơi đời sống mình. Sự can đảm và lòng tin tưởng của Maria đã để cho phép lạ từ trời cao được thể hiện nơi trần gian.

Maria là người tích cực lắng nghe cùng đón nhận. Đức Mẹ Maria đã mở rộng tâm hồn cho Lời Chúa tràn vào tâm hồn đời sống mình.

Lm. Daminh Nguyễn Ngọc Long
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Thánh Đaminh Và Mẹ Mân Côi
Dominic Đức Nguyễn
23:06 06/12/2019
THÁNH ĐAMINH VÀ MẸ MÂN CÔI
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn

Chúa đã thương, sai sứ giả của Người
Với sức trợ Mẹ Maria Thánh mẫu
Ngọn đuốc sáng Đaminh tiến bước
Chuỗi Mân Côi nắm chắc trong tay
Cùng hợp với muôn người nguyện ngắm
Kinh Mân Côi, vang vọng khắp nơi nơi
( Trích thơ của Antôn Lương Văn Liêm)