Ngày 06-12-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Qua Mẹ Đến Với Chúa
Lm. Trần Bình Trọng
08:53 06/12/2009
QUA MẸ ÐẾN VỚI CHÚA

Lễ Ðức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, Năm C
St 3:9-15,20; Ep 1:3-6,11-12; Lc 1:26-38


Trong đời sống giao tế hằng ngày, khi muốn nhờ cậy người khác việc gì, mà người ta cảm thấy khó đến với ông lớn, thì người ta tìm đến với bà lớn làm trung gian. Dùng từ ngữ bình dân, gọi là qua cửa hậu hay cửa nhà bếp, thay vì qua cửa trước để vào phòng khách. Nhà bếp thường là nơi ấm cúng vì có lửa. Nhà bếp còn là đất dụng võ của các bà, nên thường có đồ ăn thức uống và cũng là nơi các bà dễ ăn vụng. Nhà bếp còn mang tính chất xề xoà. Người ta cảm thấy thoải mái khi ngồi trên ghế mộc mạc ở nhà bếp, nhấm nháp li rượu mùi, tách cà phê hay trà nóng thay vì ngồi trường kỉ, sa lông ở phòng khách, để khỏi phải giữ kẽ. Sở dĩ người ta thích vào cửa hậu hay cửa nhà bếp như vậy có lẽ là vì người ta muốn nhắm vào tác dụng đa cảm của người đàn bà vì đàn bà dễ thông cảm.

Trong đời sống thiêng liêng, sự việc cũng có thể diễn ra tương tự như vậy. Khi người ta cảm thấy khó đến thẳng với Chúa, thì người ta tìm đến với Mẹ Maria để xin Mẹ bầu cử cho trước toà Chúa. Như vậy có thể nói được là người ta xin Chúa cách gián tiếp qua Mẹ. Qua Mẹ, tức là người ta muốn vào cửa hậu, hay cửa nhà bếp để đến với Chúa. Nếu việc xin với Mẹ được tạm gọi một cách bình dân là qua cửa hậu, thì việc xin với các thánh có thể cũng được tạm gọi là cầu xin qua cửa sổ. Chẳng hạn dòm qua cửa sổ để kêu cầu ông thánh nọ, bà thánh kia một cách thân tình như: Ông thánh Antôn hay làm phép lạ ơ-ới, xin giúp con việc này với-ì..

Trước khi thực hiện chương trình cứu chuộc nhân loại, Thiên Chúa Cha cũng đã sai sứ thần Gáp-ri-en đến hỏi ý kiến trinh nữ Maria trước về việc làm mẹ Ðấng cứu thế: Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa. Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu (Lk 1:30). Để chọn một người nữ làm mẹ Đấng Cứu thế, người nữ đó phải được giữ gìn khỏi tội nguyên tổ. Còn khi trinh nữ Maria thắc mắc về việc sinh con, thiên thần liền trấn an trinh nữ rằng: con trẻ được sinh ra là do quyền phép Chúa Thánh Thần, nghĩa là con trẻ cũng không bị mắc tội nguyên tổ.

Xét theo bản tính Thiên Chúa, thì Ngôi Hai Thiên Chúa hằng có từ đời đời. Còn xét theo phương diện loài người thì Chúa cũng cần được lớn lên trong khung cảnh gia đình: có mẹ, có cha nuôi để được nuôi dưỡng săn sóc. Quan sát một gia đình vắng bóng người đàn bà dịu hiền và đạo hạnh, người ta thấy thiếu vắng yếu tố xoa dịu. Tại tiệc cưới Cana mà không có Mẹ can thiệp để Chúa làm phép lạ biến nước thành rượu thì quả là điều bẽ mặt cho chàng rể và chủ tiệc cưới (Ga 2:1-11).

Nhiều người gặp nguy hiểm trên đường vượt biên, hay gặp bệnh tật hiểm nghèo đã kêu cầu với Ðức Mẹ, xin Mẹ giúp thoát nạn và cho được khỏi bệnh. Trong thâm tâm, họ tin rằng Mẹ có thể bầu cử cho họ trước mặt Chúa. Nhiều người tin rằng họ đã được toại nguyện, kể cả những người ngoài công giáo.

Nhờ Mẹ đem đến với Chúa là điều cần làm xét về phương diện tâm lí học, thần học và Thánh kinh học nên không có gì sai trái. Tuy nhiên người ta có thể đi đến độ thái quá. Ðộ thái quá đó được diễn tả qua lời phát biểu có vẻ ngộ nghĩnh của một bà nọ, nói với một linh mục kia, được trích nguyên văn như sau: Con theo đạo Chúa, nhà con theo đạo Mẹ. Hỏi ra mới biết là bà ta theo đạo Tin Lành, còn ông xã nhà bà theo đạo Công Giáo. Bà này bắt chước chồng, nên xưng hô cha-con ngọt xớt với những linh mục quen biết.

Thực ra đối với người Công Giáo hiểu biết và trưởng thành về đời sống đức tin, thì không có chuyện theo đạo Mẹ, mà không theo đạo Chúa. Tuy nhiên khi việc tôn kính Mẹ đi đến mức thái quá, có thể khiến người ngoài Công Giáo hiểu lầm, cho rằng người Công Giáo tôn thờ Mẹ. Sự thực thì người Công Giáo chỉ tôn thờ một Chúa, chứ không tôn thờ Mẹ (GLGHCG # 971). Người Công Giáo chỉ dành cho Mẹ Maria lòng tôn kính hay tôn sùng đặc biệt, chứ không tôn thờ hay thờ phượng Mẹ vì Mẹ cũng chỉ là một thụ tạo. Còn việc tôn thờ hay thờ phượng chỉ dành cho Ðấng sáng tạo là Thiên Chúa duy nhất mà thôi.

Thiên Chúa có thể ban quyền phép cho loài thụ tạo làm phép lạ như cho phép một thụ tạo có nhân đức và công nghiệp đã quá cố hiện ra để an ủi, khích lệ và ban ơn. Tuy nhiên không phải hễ ai nói là có phép lạ xẩy ra đâu đó, thì người Công Giáo cứ vội tin. Người Công Giáo nên đợi tới khi Giáo hội điều tra và phán quyết về tính cách thực hư của phép lạ, xét xem người cho rằng họ chứng kiến phép lạ xẩy ra, có cần đi bác sĩ phân tâm học không, hoặc có quân sư quạt mo nào đứng sau lưng với ý đồ gì đó trong việc quảng bá có phép lạ xẩy ra không? Ðã có những trường hợp xẩy ra khi một chị kia tại Quê Hương quá giầu tưởng tượng nói rằng Ðức Mẹ hiện ra với chị và truyền cho chị nói với một linh mục nọ, yêu cầu quảng bá sứ điệp của Mẹ. Chị ta nói Ðức Mẹ gọi linh mục đó là: Gioan B., con hỡi. Sau khi Giáo hội phán quyết ngược lại với điều họ tin là có phép lạ, mà nếu có những người vẫn đến kính viếng nơi được cho rằng có phép lạ, thì đó là việc đạo đức riêng tư của họ. Giáo hội không ngăn cản việc tin tưởng và việc đạo đức riêng tư, nếu việc đó giúp cho đương sự tiếp tục hoán cải tâm hồn và canh tân đời sống nội tâm.

Bàn về việc xin ơn gián tiếp, thì một số người công giáo cũng cần xét lại việc tôn sùng Mẹ. Họ sẵn sàng dâng cúng một số tiền lớn để xây tượng đài Ðức Mẹ, mà không bao giờ dâng cúng để làm việc tông đồ hay việc từ thiện, bác ái. Rồi để được gọi là mến Mẹ, người ta phải sống theo sứ điệp của Mẹ dạy như ở Fatima là cải thiện đời sống, chứ không phải chỉ lần chuỗi mân côi và tôn sùng mẫu tâm Mẹ mà thôi.

Cổ võ lòng kính mến Mẹ Maria không có nghĩa là suốt đời người công giáo phải qua Mẹ mà đến với Chúa cách gián tiếp. Người công giáo phải tìm cách thế để làm tăng triển mối liên hệ cá biệt và gần gũi với Chúa để có thể đến với Chúa cách trực tiếp.

Qua Mẹ hay nhờ Mẹ đến với Chúa, nhưng không dừng lại ở Mẹ mãi, mà phải tìm cách thiết lập mối liên hệ gần gũi, thân mật và cá biệt với Chúa. Có được mối liên hệ gần gũi, thân mật và cá biệt với Chúa, thì người ta sẽ để cho Chúa Thánh linh tác động tâm hồn, hướng dẫn và làm chủ đời sống. Khi để cho Chúa Thánh linh tác động tâm hồn, hướng dẫn và làm chủ đời sống, thì người ta mới cảm thấy vui sống đức tin, làm việc thờ phượng mới hứng khởi, và làm việc đạo đức mới có hồn. Thiết lập được mối liên hệ gần gũi, thân mật và cá biệt với Chúa rồi, không có nghĩa là bỏ quên Mẹ. Nếu quên Mẹ thì lại mất đi sự may mắn được có Mẹ trong đời sống đạo đức thiêng liêng như mấy mục sư Tin lành nói với một linh mục Công giáo. Đến được với Chúa cách trực tiếp rồi, cũng không có nghĩa là người công giáo phải cắt bỏ việc đến với Mẹ. Nói cách khác, đến thẳng được với Chúa, không có nghĩa là đi theo đạo Tin Lành. Đến thẳng được với Chúa, người Công giáo vẫn còn muốn đến với Mẹ.

Hình ảnh người phụ nữ dịu hiền và đạo hạnh trong đời sống người công giáo có thể giúp làm giàu đời sống thiêng liêng. Nói theo phương diện tâm lí học, thì những người đàn ông cứng tuớng, mà liên tưởng đến bóng dáng người thục nữ lí tưởng, dịu hiền và đạo hạnh với một cảm tình trong sáng, có thể giúp lấy lại được mức độ quân bình về đời sống tình cảm và giúp họ trở nên nhậy cảm hơn.

Có được người Mẹ thiêng liêng trong đời sống đức tin của người công giáo là một yếu tố xoa dịu như mấy mục sư Tin lành nói với vài linh mục Công giáo, đại khái thế này: Người Công giáo được may mắn vì có hình ảnh người Mẹ dịu hiền và đạo hạnh trong đời sống thiêng liêng.

Xét cho cùng thì lời nhận xét của mấy mục sư Tin lành kia có lí. Ðối với người công giáo, đời sống đức tin vừa dựa trên lí trí, vừa dựa trên tình cảm. Nếu đức tin chỉ dựa trên lí trí mà thôi, thì đời sống đức tin sẽ trở nên trừu tượng, lạnh lùng, khô khan và cằn cỗi. Ðời sống đức tin dựa trên tình cảm được biểu lộ qua việc tôn thờ Mình thánh Chúa trong giờ chầu Thánh thể, gẫm đàng thánh giá; việc cầu nguyện tạ ơn và xin ơn qua các á bí tích như phép lành phục vụ cộng đoàn, phép lành trên người, phép lành trên nơi chốn, phép lành trên sự vật; những việc tôn sùng Mẹ Maria và các thánh như hôn kính ảnh tượng và những cách thế người công giáo bầy tỏ đức tin như qùi gối, chắp tay, cúi đầu, làm dấu thánh giá.. Ðó là những biểu hiệu để giúp người tín hữu duy trì đức tin vì loài người có xác và hồn nên cần biểu hiệu.

Như vậy đời sống đức tin của người công giáo được hỗ trợ một cách tối đa, bằng lời bầu cửa của Mẹ Maria và các thánh, bằng việc người tín hữu cầu nguyện và nâng đỡ đức tin của người khác. Có bao giờ vào nhà thờ công giáo mà người ta cảm thấy ấm cúng hơn không? Tại sao vậy nhỉ? Thưa là vì có sự hiện diện của Bí tích Thánh thể và những biểu hiệu của sự hiện diện của Mẹ Maria và các thánh bao bọc, ấp ủ và che chở mình với những đèn nến lung linh và hoa lá trang hoàng làm cho bầu khí sống động.

Lời cầu nguyện: xin Mẹ dẫn đến với Chúa:

Lạy Mẹ Maria vô nhiễm nguyện tội.
Ðể an ủi và ban sứ điệp cho con cái loài người,
Mẹ đã hiện ra ở Lộ Ðức, Fatima, La Vang, Guađalúppê
và nhiều nơi khác nhau trên thế giới.
Mẹ đã nhậm lời cầu xin của bao nhiêu con cái Mẹ
và ban cho họ những ơn họ nài xin.
Xin Mẹ cũng là Mẹ con và đồng hành với con,
trên mọi nẻo đường của cuộc sống. Amen.


Lm Trần Bình Trọng
trongtb@yahoo.com
 
Đường ngay thẳng, đường công lý và sự thật
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
15:11 06/12/2009
ĐƯỜNG NGAY THẲNG: ĐƯỜNG CÔNG LÝ VÀ SỰ THẬT (II/C MÙA VỌNG)

LỜI CHÚA: Luca 3,1-6: Bài trích Phúc Âm theo thánh Luca. Đời hoàng đế Tibêriô năm thứ mười lăm, Phongxiô Philatô làm toàn quyền xứ Giuđêa, Hêrôđê làm thủ hiến xứ Galilêa, còn em là Philipphê làm thủ hiến xứ Ituria và Tracônitiđê; Lysania làm thủ hiến xứ Abilêna; Anna và Caipha làm thượng tế, có lời THIÊN CHÚA đã kêu gọi Gioan, con ông Giacaria, trong hoang địa. Ông Gioan liền đi khắp miền sông Giođan, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội, như lời chép trong sách Tiên tri Isaia rằng: ”Có tiếng kêu trong hoang địa: hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của THIÊN CHÚA”.

SUY NIỆM

Xin bắt đầu bài suy niệm với lời khẩn cầu sự trợ giúp của Đức Chúa Thánh Thần hầu có thể lắng nghe và đáp lại tiếng kêu gọi sám hối một cách chân thật và đúng đắn.

Lạy Đức Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến, và tự Trời tỏa ánh quang minh của Ngài ra.. Nếu không có Chúa trợ phù, trong con người còn chi thanh khiết, không còn chi vô tội. Xin Chúa rửa sạch điều nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan, và chữa cho lành nơi thương tích. Xin uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng, chỉnh đốn lại chỗ trật đường. (Ca Tiếp Liên lễ Đức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống).

Và đây là tiếng kêu gọi sám hối: Hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi.

Đường ngay thẳng là Đường của Công Lý và Sự Thật. Tín hữu Công Giáo phải thực thi đức công bình và tôn trọng sự thật. Đức công bình đi kèm với lòng bác ái. Bởi vì, chỉ công bình thôi không đủ, còn cần phải sống bác ái nữa. Công bình khi tín hữu không gian tham hối lộ, không ăn cướp của cải công cộng, không ăn cắp của cải riêng tư. Công bình khi trao trả cho tha nhân tài sản vật chất của họ. Công bình khi không vì bất cứ lý do gian ác hoặc thấp hèn nào mà bôi-nhọ vu-khống làm mất danh thơm tiếng tốt của tha nhân.

Tín hữu Công Giáo sống bác ái khi quan tâm đến người sầu khổ, chú ý đến kẻ cơ bần. Tín hữu Công Giáo an ủi và quảng đại chia sẻ, cho dầu chỉ nhỏ nhoi như đồng tiền bà góa nghèo trong Phúc Âm theo thánh Luca (21,1-4).

Và tín hữu Công Giáo luôn luôn cố gắng tôn trọng Sự Thật, làm chứng cho Sự Thật và rao giảng Sự Thật, cho dù phải trả với giá đắt đỏ, đôi khi bằng chính mạng sống mình! Sự Thật không thể đi đôi với ve-vuốt lọc-lừa gian-trá hoặc thỏa-hiệp! Không! Ngàn lần Không! Bởi vì, Sự Thật thuộc về vương quốc của THIÊN CHÚA.

Như thế, khi đi trên con đường ngay thẳng nghĩa là con đường của Công Lý và Sự Thật thì tín hữu Công Giáo công bố Tin Mừng của Đức Chúa GIÊSU KITÔ, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Ngài chính là Đường là Sự Thật và là Sự Sống.

Hãy lấp mọi hố sâu. Hố sâu là hố của hèn nhát ích kỷ và của dục vọng. Chỉ có thể lấp kín hố sâu bằng Tình Yêu vô bờ của THIÊN CHÚA. Tín hữu Công Giáo được kêu gọi sống trong sạch, từ bỏ ích kỷ, đam mê xác thịt và rước THIÊN CHÚA đến ngự trong tâm hồn. Hãy để cho THIÊN CHÚA làm Chủ Tể cuộc sống và chọn THIÊN CHÚA làm trung tâm điểm cuộc đời.

Hãy bạt mọi núi đồi. Núi đồi là núi của khoe-khoang tự-đắc và tự-mãn. Tín hữu Công Giáo được kêu gọi phá đổ mọi kiêu căng, dẹp tan mọi hống hách, bởi vì, Tất Cả đều là hồng ân đến từ THIÊN CHÚA. Mọi sinh hoạt tông đồ công khai chỉ nhắm mục đích duy nhất là làm cho hình ảnh THIÊN CHÚA được chiếu sáng để muôn dân thiên hạ tin nhận và tôn thờ THIÊN CHÚA.

Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã hân hoan long trọng khai mạc Năm Thánh. Năm Thánh nhắc nhở ân lành THIÊN CHÚA ban cho con dân nước Việt được hồng phúc đón nhận Tin Mừng Cứu Độ của Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Tâm tình tri ân cảm tạ hướng dẫn mọi tín hữu Công Giáo Việt Nam can đảm tiến bước trong niềm TIN CẬY MẾN.

Mùa Vọng cũng đã bắt đầu. Đây là thời điểm thuận lợi để thực thi lời kêu gọi sám hối: Hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi. Vâng, tín hữu Công Giáo Việt Nam cùng nhau thề hứa bước đi trên Con Đường ngay thẳng là Đường của Công Lý và Sự Thật. Tín hữu Công Giáo Việt Nam cùng nhau cố gắng lấp mọi hố sâu và bạt mọi núi đồi - xóa bỏ ích kỷ và triệt hạ kiêu căng - để chuẩn bị tâm lòng trong sạch và tinh thần khiêm tốn hầu cho vinh quang THIÊN CHÚA được tỏa sáng rạng ngời trên cả 3 miền đất nước Bắc-Trung-Nam. Mong lắm thay! Ước gì được như vậy!

Nguyện xin THIÊN CHÚA Ba Ngôi đồng hành và chúc lành cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam cùng với đất nước Việt Nam thân yêu nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ MARIA - Nữ Vương nước Việt Nam - Thámh Cả GIUSE và Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. AMEN.
 
Lễ Mẹ Vô Nhiễm 8.12.2009 - Lạy Mẹ Là Ngôi Sao Sáng
Lm Jos Tạ Duy Tuyền
15:35 06/12/2009
Lạy Mẹ Là Ngôi Sao Sáng

Đôi khi trong thanh vắng chúng ta nghe lòng mình rộn lên bài hát thật du dương về Mẹ Maria: “Lạy Mẹ là ngôi sao sáng, soi lối cho con lúc vượt biển thế gian”. Lời văn đã nhân cách hoá Mẹ như một ngôi sao sáng soi giữa cuộc đời tựa như biển đêm đầy rợn rùng, hiểm nguy. Nhưng dù cuộc đời có bao trùm một bóng đêm dầy đặc, ở giữa bầu trời vẫn còn đó đôi bàn tay từ mẫu của Mẹ đang rộng tay ban phát ơn lành, và sẵn lòng nâng đỡ những người con thân yêu đang phải vật lộn với phong ba bão tố cuộc đời.

Ánh sao sáng là Mẹ giữa trời đêm được cha ông ta gọi là sao Bắc Đẩu. Sao Bắc Đẩu định hướng cho ngư dân biết đường đến bến bình yên. Sao Bắc Đẩu còn là điểm báo về thời gian như dân gian có câu: “ Bắc thần đã mọc xê xê, chị em thức dậy lo nghề đi buôn". Bên cạnh đó, ngôi sao đối với người phương đông còn mang một ý nghĩa là định mệnh của một con người. Người ta cho rằng mỗi người sinh ra trên cuộc đời này đều mang cung mệnh của một vì sao. Cuộc sống thăng trầm cũng theo điềm của mỗi vì sao. Có những vì sao sáng, có những vì sao mờ và có những vì sao tối và đã tắt, nó cũng giống như cuộc đời của con người, có người sống vinh hiển như chòm sao sáng, có những cuộc đời bình thường như những ngôi sao mờ nhạt, và buồn hơn có những cuộc đời lầm lũi như vì sao đã tắt và như vì sao chết. Cuộc đời càng thanh thoát, càng đầy phúc thì ngôi sao chiếu mệnh càng sáng. Ngôi sao sáng trên hết vì sao trên vòm trời là chòm sao Bắc Đẩu, thế nên người ta gọi Mẹ là ngôi sao Bắc Đẩu là ánh sao sáng nhất trong muôn loài thọ tạo được Chúa dựng nên.

Tin mừng hôm nay tường thuật lại cuộc gặp gỡ giữa sứ thần và Mẹ Maria. Mẹ là một thôn nữ miền quê, thế nhưng Mẹ đã được tạo dựng trở thành một ngôi sao Bắc Đẩu cho nhân gian. Tin mừng khởi đầu với lời chào thật kính cẩn của sứ thần: “Kính chào bà đầy ơn sủng”. Đầy ơn sủng nghĩa là cuộc đời Mẹ đã được bao trùm bằng ân sủng của Chúa ngay từ lúc thụ thai. Thiên Chúa đã gìn giữ Mẹ bằng ân sủng của Ngài để Mẹ không vấn vương tội đời, không tỳ ố trong xác phàm để cung lòng Mẹ xứng đáng là đền thờ cho Chúa Ngôi Hai. Nói như thế, không phải là Mẹ không có công trạng gì, vì cuộc đời Mẹ đã được định đoạt từ ý định của Thiên Chúa. Thiên Chúa chọn Mẹ nhưng Ngài vẫn tôn trọng ý chí và tự do của Mẹ. Mẹ vẫn sống một kiếp người bình thường như bao người khác, có khác chăng là tấm lòng Mẹ luôn thanh khiết, luôn toả sáng bằng việc chọn Chúa hơn là chọn những tạo vật trần gian. Chính vì vậy, mà từ Thiên cung Thiên Chúa đã nhìn thấy ánh sao bắc Đẩu mà Ngài đã tạo dựng luôn toả sáng giữa bóng đêm tội luỵ. Sứ thần đã nói cùng Mẹ vì “Mẹ hằng đẹp lòng Chúa”. Mẹ đẹp rực rỡ không phải là vẻ đẹp kiêu xa bên ngoài mà là vẻ đẹp của một tâm hồn thanh khiết, sống giữa đời nhưng không hoen ố tội đời, tựa như đoá sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Hôm nay chúng ta mừng lễ Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, chúng ta tạ ơn Chúa đã tạo dựng cho nhân loại một ánh sao sáng giữa trời đêm tội lụy là Mẹ Maria. Một ngôi sao Bắc Đẩu luôn toả sáng để hướng dẫn những ai đang lầm đường lạc lỗi hãy mau quay về với Chúa tình thương. Tạ ơn Chúa đã tặng ban cho đời một ánh sao luôn toả sáng bởi sự trong sạch, bởi tình yêu hiến dâng cho Chúa để phục vụ cho đời. Tạ ơn Chúa và nguyện cầu cùng Mẹ giúp chúng ta biết trở thành một ánh sao soi dẫn bước cho anh chị em của mình.

Thế giới hôm nay rất cần đến ánh sao dẫn đường của Mẹ. Vì có mấy ai không một chút quyến luyến tội lối? Có mấy ai không vương vấn tội đời? Thế giới hôm nay rất cần sự dẫn lối của Mẹ, vì nhiều người còn mải mê với đam mê trần thế mà quên đi hướng đi về trời. Họ sống như thể chỉ ngụp lặn trong thú vui trần thế đến nỗi đánh mất phẩm giá cao qúy của con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Họ quá bận rộn với chuyện cơm áo gạo tiền đến nỗi quên rằng mục đích của đời người là tìm kiếm Nước Thiên Chúa, là trở thành ánh sao cho tha nhân, vì chưng Chúa đã từng mời gọi chúng ta “anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên trời”.

Lạy Mẹ Maria Vô nhiễm nguyên tội, Mẹ là ngôi sao sáng xin dẫn lối chúng con bước về nẻo chính đường ngay, xin gìn giữ chúng con khỏi sa vòng tội lũy và ban phước lành cho nhân gian chúng con luôn được bình an.

Amen.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:17 06/12/2009
CON BÒ

N2T


Một hôm, đại sư đang cầu nguyện thì có đệ tử đến nói: “Xin đại sư dạy con cầu nguyện.” Dưới đây là lời dạy của đại sư:

“Có hai người đang đi trong đồng ruộng thì nhìn thấy một con bò đực đang nổi giận. Hai người lập tức tìm chỗ gần nhất để ẩn núp, để tránh con bò đang húc tới thật nhanh, nhưng họ liền phát hiện là trốn không kịp, một người liền nói với người kia:

- “Chết rồi, chạy không kịp, mau mau cầu nguyện.”

Người kia liền nói:

- “Cả đời tôi chưa hề cầu nguyện, càng không biết trong trường hợp này thì cầu nguyện như thế nào.”

- “Không sao cả, cầu nguyện như thế nào cũng đều được, con bò đang đến gần kìa.”

- “Được, vậy thì dùng lời cầu nguyện trước khi ăn cơm mà ba tớ thường đọc vậy: Lạy Chúa, vì tất cả những ơn lành mà con sắp nhận, xin dạy cho con biết cám ơn.”


(Lắng nghe của loài ếch)

Suy tư:

Con người ta không ai là không biết cầu xin hoặc cầu nguyện, bởi vì tinh thần con người ta thì luôn yếu đuối mỏng dòn, và thân xác thì lại càng yếu đuối hơn, cho nên không thể không biết cầu khẩn trong khi gặp khó khăn hoạn nạn.

Người Ki-tô hữu càng biết phải cầu nguyện hơn những người khác, bởi vì họ đã nhận biết Thiên Chúa là Cha rất nhân từ và yêu thương họ, và chính họ đã nhận được rất nhiều ơn này đến ơn khác mà Thiên Chúa đã ban cho trong cuộc sống của họ, nhất là họ được tham dự vào bàn tiệc thiên quốc ngay từ khi còn ở thế gian này, đó chính là thánh lễ Mi-sa, là bí tích Thánh Thể Mình và Máu Thánh của Chúa Giê-su.

Lời cầu nguyện đúng cách nhất là bao gồm những lời chúc tụng ngợi khen, cảm tạ và xin ơn; nhưng lời cầu nguyện dễ thương nhất và có lẽ Chúa thích nhất, đó là lời cầu nguyện “lộn xộn” nhất của trẻ em và những người chân thành đơn sơ...

Bởi vì Thiên Chúa chỉ thích những tâm hồn đơn sơ ngay thật.

--------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:18 06/12/2009
N2T


32. Tất cả các tội đều do sự không nhẫn nại mà ra.

(Hiền sĩ Targore)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:21 06/12/2009
N2T


309. Cần phải từ sự sai lầm của quá khứ để học tập giáo huấn, chứ không nên ỷ lại thành công của quá khứ.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐTC: Kinh Truyền tin chúa nhật thứ Hai mùa Vọng
ĐGH Bênêđictô XVI
15:09 06/12/2009
Chủ đề của bài suy niệm dẫn vào kinh Truyền tin trưa hôm qua dựa theo bài Tin mừng chúa nhựt thứ hai mùa Vọng, cũng như cảm hứng từ thánh Ambrôsiô được phụng vụ kính nhớ hôm nay và lễ Đức Maria Vô nhiễm nguyên tội được mừng vào ngày mai. Trong mùa Vọng, phụng vụ lần lượt chuẩn bị tâm hồn các tín hữu đón mừng Chúa đến dựa trên một kế hoạch sư phạm tiệm tiến. Chúa nhật thứ nhất loan báo những lần Chúa đến trong lịch sử: vào lúc Nhập thể và vào ngày Quang Lâm; chúa nhật thứ hai và thứ ba trưng bày lời giảng và gương sống của thánh Gioan Tẩy giả như mẫu gương của việc chuẩn bị dọn đường cho Chúa.Sang chúa nhật thứ bốn, mẫu gương là Đức Maria. Vì thế bài suy niệm hôm qua chú trọng đến thánh Gioan Tẩy giả, với tư tưởng lấy từ bài chú giải của thánh Ambrôsiô nhấn mạnh đến Lời Chúa như là chủ động của lịch sử nhân loại cũng như của Giáo hội. Sau khi ban phép lành Toà thánh, Đức Thánh Cha mời gọi cầu nguyện cho Hội nghị của Liên hợp quốc bàn về thay đổi khí hậu, được khai mạc hôm nay tại Copenhagen, mong sao cho mọi người biết tôn trọng luật của Thiên Chúa đã đặt ra cho thiên nhiên, cũng như tính cách luân lý của đời sống con người, quan tâm đến công ích và tình liên đới. Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ.

Anh chị em thân mến

Vào chúa nhật thứ hai Mùa Vọng, phụng vụ trưng bày đoạn văn Tin mừng trong đó ra như thánh Luca trình bày khung cảnh mà Chúa Giêsu sắp xuất hiện và khai mạc sứ vụ công khai (xc. Lc 3,1-6). Thánh sử dồn chú ý đến ông Gioan Tẩy giả, vị tiền hô của Đấng Mêsia, và mô tả chính xác những chi tiết không gian và thời gian mà ông thực hiện cuộc rao giảng. Thánh Luca viết như sau: "Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tibêriô, thời Phongxiô Philatô làm tổng trấn miền Giuđê, Hêrôđê làm tiểu vương miền Galilê, người em là Philippê làm tiểu vương miền Iturê và Trakhônit, Lisania làm tiểu vương miền Abilên, Khanna và Caipha làm thượng tế, có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Dacaria là ông Gioan trong hoang địa" (Lc 3,1-2). Có hai điểm đáng chúng ta lưu ý. Thứ nhất, thánh sử muốn cho người đọc hoặc người nghe hãy lưu ý rằng Tin mừng không phải là một truyền kỳ nhưng là tường thuật một lịch sử có thật, đó là đức Giêsu Nadarét là một nhân vật lịch sử được xen vào một bối cảnh chính xác. Một yếu tố thứ hai đáng để ý là, sau phần dẫn nhập với chiều kích lịch sử bao quát, chủ từ trở nên "lời của Chúa" được giới thiệu như là một sức mạnh từ trời cao đáp xuống ông Gioan Tẩy giả.

Ngày mai là lễ kính thánh Ambrôsiô, vị đại giám mục thành phố Milano. Tôi xin trích dẫn lời chú giải của ngài về đoạn Tin mừng viết như sau: "Con Thiên Chúa, trước khi quy tụ Hội thánh, trước hết đã tác động trên một tôi tớ khiêm hạ. Vì thế thánh Luca nói rằng Lời của Chúa đáp xuống ông Gioan, con ông Dacaria ở trên hoang địa, bởi vì Hội thánh khởi đầu không phải do loài người nhưng là do Lời Chúa (Diễn giảng Tin mừng Luca, 2,67). Ý nghĩa là như thế này: chính Lời của Chúa là chủ động của lịch sử, linh hứng cho các ngôn sứ, chuẩn bị cho đấng Mêsia, quy tụ Hội thánh. Đức Giêsu là Lời của Chúa trở thành người phàm trong cung lòng trinh nữ Maria: nơi Đức Giêsu Thiên Chúa đã mạc khải chính mình trọn vẹn, đã dạy dỗ chúng ta, đã ban phát tất cả, bằng cách mở rộng những kho báu của chân lý và tình thương. Thánh Ambrôsiô viết tiếp: "Vì thế Lời Chúa từ trời xuống, ngõ hầu trái đất, trước kia là hoang địa, phát sinh ra những hoa trái cho chúng ta".

Các bạn thân mến. Đức Trinh nữ Maria là hoa trái tuyệt đẹp nhất do Lời Chúa gieo trồng. Người là quả đầu mùa của Hội thánh, là hoa viên của Thiên Chúa trên trái đất. Nhưng trong khi đức Maria là kẻ vô nhiễm - mà chúng ta sẽ mừng lễ vào ngày thứ ba - còn Hội thánh thì cần phải được thanh luyện không ngừng, bởi vì tất cả các phần tử đều bị tội lỗi tấn công. Trong Hội thánh luôn luôn có sự giao tranh giữa hoang địa và hoa viên, giữa tội lỗi làm mặt đất khô cằn và ân sủng tưới gội để nó trổ sinh hoa trái thánh thiện. Chúng ta hãy cầu nguyện xin Thánh Mẫu giúp chúng ta trong mùa Vọng này, biết uốn thẳng những lối đi của mình, để cho Lời Chúa hướng dẫn.
 
Đức Thánh Cha Benedict XVI giải thích: “Phúc Âm không phải là một huyền thoại”
Bùi Hữu Thư
19:25 06/12/2009
Bài giảng trước kinh Truyền Tin

Rôma, Chủ Nhật ngày 6 tháng 12, (Le Monde vu de Rome) - Đức Thánh Cha Benedict XVI giải thích: “Phúc Âm không phải là một huyền thoại,” khi ngài giảng về Phúc Âm Thánh Luca được đọc trong Chúa Nhật II Mùa Vọng.

Đức Thánh Cha đã chủ tọa buổi đọc kinh Truyền Tin ngày Chúa Nhật này, từ cửa sổ văn phòng ngài trông xuống Quảng Trường Thánh Phêrô, trước hàng ngàn khách hành hương.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh khi bình luận về Phúc Âm Thánh Luca (xem Lc 3, 1-6): Tác giả Phúc Âm này “mô tả rất chi tiết các tọa độ thiên văn và trần thế của các thuyết giáo của ngài.”

Thực vậy, Đức Thánh Cha nhắc đến “các dẫn giải thật dồi dào về mọi chức quyền chính trị và tôn giáo của xứ Palétin từ năm 27 đến 28 sau Chúa Giáng Sinh,” vì tác giả Phúc Âm “muốn lưu ý các người đọc và nghe là Phúc Âm không phải là một huyền thoại, nhưng là một câu chuyện lịch sử có thật, rằng Giêsu Thành Nazareth là một nhân vật lịch sử được lồng trong một khung cảnh chính xác.”

Một chủ giải được ghi bên phải giòng chữ trong cuốn sách của Đức Thánh Cha Benedict XVI về “Giêsu thành Nazareth. Từ Phép Rửa trên sông Gio-đan đến lúc Biến Hình,” (Tháng Tư, 2007) trong đó ngài viết về sự liên hệ giữa đức tin và lịch sử. Đức Thánh Cha trình bầy: “Chúa Giêsu của các Phúc Âm” như “một Giêsu lịch sử,” ngài không quên nhắc đến các nghiên cứu về các chú giải mới đây, và cũng luôn nhắc rằng “hình ảnh Chúa Giêsu chỉ có thể được hiểu qua mầu nhiệm của Thiên Chúa.”

Yếu tố thứ hai được Đức Thánh Cha Benedict XVI nêu lên “là sau lời giới thiệu lịch sử này, nhân vật Giêsu trở thành ‘Lời Chúa,’ và được trình bầy như một quyền lực xuống từ Trời và đậu trên Gioan Baotixita.”

Đức Thánh Cha dẫn chứng Thánh Ambrôsiô khi ngài viết: “Thánh Luca nói đúng về Lời Chúa xuống trên Gioan, con ông Zacharia, tại sa mạc, vì Giáo Hội đã không được khởi sự bởi con người, nhưng bởi Lời” (xem Phúc Âm Luca.)

Do đó ý nghĩa: “Lời Chúa là nhân vật thúc đẩy lịch sử diễn tiến, linh ứng cho các tiên tri, chuẩn bị đường cho Đấng Thiên Sai, và triệu tập Giáo Hội. Chính Chúa Giêsu là Lời thiêng biến thành nhục thể trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria: trong Người, Thiên Chúa đã mạc khải trọn vẹn, Mẹ đã nói với chúng ta, Mẹ đã cho chúng ta tất cả, Mẹ đã mở cho chúng ta các kho tàng của chân lý và lòng thương xót của Thiên Chúa.” Thánh Ambrôsiô tiếp trong lời bình luận của ngài: “Lời thực sự đã xuống, để thế gian, trước đây chỉ là sa mạc, có thể sinh hoa trái cho chúng ta.”

Đức Thánh Cha tiếp: “Đoá hoa sinh đẹp nhất đã nẩy sinh từ Lời Chúa là Đức Mẹ Đồng Trinh Maria,“ khi ngài nhắc rằng Giáo Hội mừng Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, ngày 8 tháng 12, và ngài khẳng định: “Giáo Hội luôn luôn cần thiết phải được thanh tẩy, vì tội lỗi không ngừng giăng cạm bẩy cho các thành viên.”

Đức Thánh Cha kết luận: “Trong Giáo Hội, có một cuộc chiến liên tục giữa sa mạc và cánh vườn, giữa tội lỗi làm cho đất đai khô cằn, và ân sủng vun tưới cho đất nẩy sinh bông trái đầy thánh thiện.”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Chuyên gia Paris nói truyện với các vị cao niên về « Mùa cảm cúm với tuổi già »
Trần Văn Cảnh
13:44 06/12/2009
Chuyên gia Paris nói truyện với các vị cao niên về « Mùa cảm cúm với tuổi già »

Paris. Chủ nhật 06.12.2009, Nhóm Chuyên Gia, thuộc Phong Trào Liên Đới Nghề Nghiệp đã tổ chức buổi nói truyện với các vị cao niên trong cộng đoàn về đề tài « Mùa Cảm Cúm với Tuổi Già », với sự thuyết trình của bác sĩ Tạ Thanh Minh, nguyên giáo sư Đại Học Y Khoa Sài gòn trước 1975.

Là một trong năm ngành Liên Đới Nghề Nghiệp của Giáo Xứ, Nhóm Chuyên gia đã tích cực hoạt động với Giáo Xứ trong nhiều lãnh vực: thuyết trình hội học; thực hiện mạng Internet http://www.giaoxuvnparis.org/home.htm; tư vấn về luật, y dược, tâm lý, hướng học; trách nhiệm thư viện các ngày chủ nhật. Từ niên khóa 2008-2009, một nhóm anh em lại đưa sáng kiến đầu tư trong hai sinh hoạt mới để đáp ứng hai nhu cầu mới của cộng đoàn: hiện diện y khoa trong các lễ trọng, chủ nhật và sinh hoạt với các bậc cao niên. Sau khi đã sinh hoạt một năm đạt nhiều thành công, một lịch hoạt động đã được nhóm đưa ra cho niên khóa năm nay, 2009-2010 gồm 4 sinh hoạt dự trù như sau:

1. 06.12.2009: Mùa cảm cúm với tuổi già,

2. 28.02.2010: Tết Cao Niên Canh Dần

3. 18.04.2010: Hành hương Ars với thánh Jean Marie Vianney

4. 20.06.2010: Ngày ông bà cha mẹ.

BỆNH CẢM CÚM

Đúng 14 giờ, trước sự hiện diện của nhiều vị cao niên trong cộng đoàn, khai mạc ngày gặp gỡ các cụ cao niên, bác sĩ Tạ Thanh Minh đã trình bày một cách vắn tắt mà rõ rệt về cảm cúm.

Trước nhất, bác sĩ trình bày tổng quát về cảm cúm. Bác sĩ Minh đưa ra một quan sát thực tế rằng: « Từ cuối thu sang đông, là chúng ta nghe nói đến cảm cúm. Thật ra, bịnh cúm do Siêu vi cúm (virus grippal, influenzavirus) gây ra chỉ là một trong những bịnh do siêu vi, còn đa số các chứng hay bịnh khác như *cảm lạnh (rhume, rhinite), *viêm họng (pharyngite), *viêm hạch hạnh nhân (angine), * viêm thanh quản (laryngite), *viêm khí quản (trachéite), *viêm phế quản (ống phổi) (bronchite) v.v…, mà triệu chứng cũng một phần tương tợ như bịnh cúm, là do những siêu vi khác gây ra. Thông thường, những bịnh nầy đều tương đối hiền (affections relativement bénignes), ngay cả bịnh cúm hàng năm hay cúm mùa (grippe saisonnière) ».

Từ đó, bác sĩ dưa ra những chi tiết cần biết về bệnh cúm. Bác sĩ đi qua một vòng trình bày tổng quát về định nghĩa cúm, phân chia ba loại siêu vi bịnh cúm A, B và C, triệu chứng tổng quát về cúm, sự truyền nhiễm của bệnh cúm.

Sau đó bác sĩ dành một thời giờ quan trọng để nói về việc phòng bệnh, đặc biệt là chủng ngừa và điều trị. Về việc phòng bệnh cúm, bác sĩ nêu ra 5 biện pháp, trong đó chủng ngừa là phương cách hữu hiệu nhứt để phòng bịnh cúm.

Riêng về bệnh cúm heo, Bác sĩ cho hay: « Từ sau hè đến nay, mỗi ngày giới truyền thông đều nhắc tới cúm nầy ! Số bịnh nhân loan báo gia tăng từng ngày: chục ngàn, trăm ngàn, rồi triệu người. So với cúm hàng năm, mà mùa dịch (épidémie) thường xãy ra vào tháng 12, tháng 1 và 2, thống kê cúm heo đã báo hiệu là một dịch cúm toàn cầu (pandémie) đang tiến triển. May mà số tử vong còn giới hạn đến cuối tháng 11-2009, vì cúm heo tại Pháp (và Âu Châu) vẫn là một bịnh tương đối hiền (forme bénigne, peu virulente). Giới chuyên viên y khoa Pháp vẫn dè dặt về khả năng biến chuyển có thể trở nên trầm trọng (évolution grave possible), cũng như sự biến thái (mutation) của siêu vi ».

Rồi một cách cả quyết, bác sĩ khuyên nên chích ngừa (dẫu biết rằng có khoảng 20% bác sĩ tại Pháp hiện nay không muốn chích ngừa)

Sang đến việc điều trị, nhất là điều trị bệnh cúm heo, bác sĩ cho biết:

• Điều trị triệu chứng là điều tiên quyết: hạ nhiệt, giảm đau, trị ho…

• Hai thuốc chống siêu vi (Antiviraux): Tamiflu thường dùng hơn Relenza.

Thuốc chỉ hiệu nghiệm nếu dùng sớm, trong 2 ngày đầu: không hủy diệt được siêu vi, mà chỉ ngăn cản sự sinh nở.

Để kết luận, Bác sĩ nói « Cúm mùa, cúm gia cầm 2 năm trước đây, cúm heo do siêu vi influenzavirus gây ra có thể coi “là tử thần quen thuộc của loài người”. Thống kê toàn cầu cho thấy hàng năm, 1 phần 10 người dân mắc bịnh, nhưng y khoa hiện đại với phương tiện tài chánh và kỷ thuật tối tân của các quốc gia tiên tiến đã giúp cho con người vượt qua dịch cúm một cách tương đối an toàn, nếu tuân theo những lời khuyên dặn hợp lý của giới chức y tế ». Bác sĩ cũng đã không quên nói đôi lời về Cảm Lạnh (Rhume, Rhinite).

Sau phần trình bày của bác sỹ Tạ Thanh Minh, phần câu hỏi, trả lời, thảo luận đã rất hào hứng. Khoảng 10 câu hỏi đã được các vị cử tọa cao niên đặt ra và đã được bác sĩ Tạ Thanh Minh và hai bác sĩ khác hiện diện trong buối thảo luận tiếp lời. Đó là bác sĩ Nguyễn Ngọc Đỉnh và bác sĩ Lê Trung Tú. Các câu hỏi xoay quanh những vấn đề: những nguy hiểm nào có thể có do việc chủng ngừa gây nên ? Làm sao để được chích ngừa khi mình chưa nhận được giấy gọi ? Khi chích ngừa mình phải mang theo nhưng gì ? phải khai báo những gì ? Làm sao biết trung tâm chích ngừa trong vùng mình ở ? Triệu chứng đặc biệt nào cho biết rằng mình bị cúm heo ? Triệu chứng đặc biệt nào cho biết mình chỉ bị cảm lạnh ? Trường hợp nào chứng tỏ hầu chắc mình bị cúm heo nghiêm trọng, và phải gọi số 15 (SAMU) ?

Sau buổi nói truyện, nhiều người đã xin Bác Sĩ Tạ Thanh Minh cho phổ biến bài nói truyện để được xem lại ở nhà. Cùng với bài tường thuật này, bài của Bs Minh sẽ được gởi đi mang http://vietcatholic.net và mạng http://www.giaoxuvnparis.org/home.htm ngay tối nay. Bác sỹ Lê Trung Tú cũng giới thiệu mạng của chính phủ, chỉ dẫn nhưng trung tâm chích ngừa. Đó là http://www.sante-sports.gouv.fr/grippe.html.

Paris, ngày 06 tháng 12 năm 2009

Trần Văn Cảnh

Xin xem thêm bài Mùa Cảm Cúm của Bác Sĩ Tạ Thanh Minh trong mục Sưu Khảo của Vietcatholic
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tình yêu nam nữ là gì? (2)
Mặc Trầm Cung
08:17 06/12/2009
TÌNH YÊU HÔN NHÂN DƯỚI CÁI NHÌN NHÂN HỌC KITÔ GIÁO

Yêu và được yêu là điều thiết yếu đối với đời sống của con người, nếu không có tình yêu cuộc sống này thật sự trở nên khô khan, chán nản và vô nghĩa. Từ khi sinh ra con người đã được sống trong bầu khí của tình yêu, từng trải nghiệm qua những tình yêu rất cụ thể như là: Tình yêu của cha mẹ, tình yêu của anh chị em, tình yêu bạn bè, tình làng nghĩa xóm, tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương, đất nước hoặc tình yêu của người sống hiến thân vì Nước Trời …dù sống trong bất cứ hoàn cảnh nào hay địa vị nào con người luôn luôn khao khát và hy vọng được sống và được nếm cảm tình yêu.

Hôm 14/11/2009 buổi học thứ 2 được tổ chức hằng tuần tại Trung Tâm Mục Vụ giáo phận TP- HCM, cha Louis Nguyễn Anh Tuấn đã chia sẻ và dẫn đưa các học viên vào một đề tài thật hấp dẫn và lôi cuốn nói về tình yêu nam nữ, buổi học hôm nay được mang tên:


Bài 2) TÌNH YÊU NAM NỮ LÀ GÌ?

A) Đặc tính của tình yêu:

Sách Sáng thế có viết: ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người. Con người nói: ‘‘Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi.... Bởi thế người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt’’(St 2, 22 – 24)

Adam sửng sốt lòng tràn đầy hân hoan trước vẽ đẹp lộng lẫy của Evà, nỗi u buồn tan biến vì từ nay mình đã có người trợ tá tương xứng, một hấp lực diệu kỳ, nỗi khát vọng của tình yêu vỡ òa. Adam cảm nhận được nơi Evà là một tự ngã khác của mình, một sự thân thiết trìu mến, một sự gần gũi dào dạt yêu thương, cung đàn tình ái thi vị đầu tiên đã được vang lên nơi tâm hồn của Adam. Chàng đã ngẩn ngơ và say đắm trước vẻ đẹp của nàng, chàng đã gặp được điều mà bấy lâu nay chàng đang lao đao tìm kiếm.

Người nam và người nữ là hai cá thể khác biệt, luôn đi tìm nhau và khi gặp nhau, khi mà cung đàn tình ái trong lòng họ vội nắn phím vương tơ để bản tình ca âm thầm chất chứa trong lòng được dịp cất vang cũng chính là lúc khát vọng yêu và được yêu, khát vọng thuộc về nhau, khát vọng trở nên một như ngọn lửa tình đang thiêu đốt tâm hồn họ.

Chính vì thế hai khía cạnh nổi bật của tình yêu nam nữ là khát vọng trở nên một, nhưng vẫn khác biệt, vì khác nhau nên họ khát vọng được hợp hôn, họ khát vọng được nên một nhưng vẫn còn đó là hai cá thể riêng biệt, hai đặc tính này không thể tách biệt, chúng luôn tồn tại và đan xen với nhau, nếu đẩy một trong hai yếu tố này đến cùng cực thì con người sẽ đi đến sự chia rẽ.

Tình yêu nam nữ phản ánh tình yêu Thiên Chúa, phản ánh một tình yêu hiệp nhất trong yêu thương, nhưng nếu khát vọng trở nên một được đẩy đến tận cùng thì đó là điều ảo tưởng là điều không thể và không có ngay cả nơi Thiên Chúa, vì chính Thiên Chúa tuy chung một bản thể vẫn là ba ngôi vị riêng biệt.

Người nam và người nữ có cùng bản tính, cùng phẩm giá và cùng giá trị như nhau, họ cùng là mầu nhiệm của nhau, vì thế khi hai người nam nữ đến với nhau bằng một tình yêu đứng đắn, tiếng sét ái tình nổ tung trong tâm hồn họ, họ ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của nhau, chính là lúc họ đã phải lòng nhau và họ luôn biết kính trọng nhau, biết tôn trọng sự khác biệt của nhau và nhận ra nỗi khát vọng thẳm sâu trong lòng họ là muốn thuộc về nhau và cùng nhau trở nên một trong tình yêu.

Tình yêu là một thực tại phức tạp và mầu nhiệm và chỉ có thể được soi sáng khi ta biết đặt mình trên những bình diện khác nhau và trên những viễn tượng khác nhau bằng cách làm sáng tỏ các chiều kích của tình yêu.

B) Chiều kích của tình yêu: Có 3 chiều kích của tình yêu.

• 1) Eros: (Tính dục)

Đây là một ân huệ kỳ diệu và tuyệt vời của Thiên Chúa tặng ban cho con người, là chiều kích đặc thù của tình yêu nam nữ so với hình thái tình yêu khác, là những cử chỉ yêu thương trên thân xác của đôi bạn nam nữ nhờ đó làm cho đời sống hai người nam và nữ được sống vui tươi, tràn trề sức sống, nó là điều cần thiết cho tình yêu của họ nở hoa. Vì mỗi cá thể, con người không thể tự mình đầy đủ được mà cần phải đi vào tương quan với người kia để khát vọng thể hiện mình được đầy đủ nơi người phối ngẫu.

Eros thể hiện một tình yêu đam mê, có cường độ thu hút mạnh mẽ và đòi hỏi được đáp trả cùng một cường độ, khi không được đáp ứng thì thất vọng não nề, tuyệt vọng ta gọi đó là thất tình, con người cảm thấy lo sợ khi Eros bị đe dọa, ghen tuông khi bị cướp mất vì thế nó đòi hỏi được chiếm hữu theo chiều hướng tiêu cực chỉ nhằm để thỏa mãn ham muốn của bản thân. Eros thì giới hạn trong thời gian có bắt đầu và có kết thúc, khi ẩn khi hiện, khi yếu khi mạnh.

Nhưng nếu không có Eros thì cuộc đời thật buồn tẻ không đáng sống, không có sự hấp dẫn, thu hút, không đưa đến khát vọng trở nên một trong tình yêu. Chính vì thế Eros cũng có chiều hướng tích cực nó làm cho tình yêu con người được phát huy và thăng hoa, làm cho đời sống con người được vui tươi, hớn hở, rạng rỡ và hạnh phúc, nó làm cho con người biết đi ra khỏi mình, biết quên mình để phục vụ cho tình yêu.

Dù người lập gia đình hay dấn thân trong đời sống tu trì cũng đều cần năng lượng của Eros, để cho Eros được thăng hoa con người cần phải có nguồn năng lượng trên cao bao phủ, năng lượng của ân sủng của Thiên Chúa nâng đỡ, vì con người không thể tự mình vươn tới đỉnh cao đích thực của tình yêu.

• 2) Filia: (Tình bạn)

Chiều kích thứ hai của tình yêu là tình bạn, tuy đây không phải là chiều kích riêng của tình yêu nam nữ, nhưng chiều kích tình bạn rất quan trọng trong đời sống vợ chồng, nó đem lại sự vui tươi, thân tình, chia sẻ và thường có một sự đồng cảm nào đó với người bạn đời, tình bạn tham dự vào đời sống vợ chồng một cách bình đẳng, qua sự gặp gỡ thường xuyên họ biết lắng nghe và tôn trọng nhau và được nuôi dưỡng bằng sự thật, bằng cái đẹp và sự công chính mà cả hai cùng đang tìm kiếm nó sẽ tạo cho mối tương quan của hai người rất tươi đẹp và rạng rỡ. Tình bạn không thể vắng mặt trong đời sống vợ chồng, nếu không có nó tình yêu hôn nhân sẽ kém thú vị và thăng hoa, nếu không có Filia tình yêu của họ chỉ dừng lại ở chiều kích Eros mà thôi.

Sự hoài nghi là cái bẫy của sự dữ, là sự cám dỗ đi trái ngược với tình yêu hôn nhân, nó làm rạn nứt tình yêu vì thiếu sự tin cậy nơi nhau, nó tạo sự ghen tương vì thiếu tôn trọng sự khác biệt của nhau, thiếu tôn trọng góc trời riêng của nhau để ta vẫn là ta, chỉ khi nào ta vẫn là ta thì khát vọng trở nên một mới có giá trị đích thực. Đây chính là mầu nhiệm lạ lùng trong hôn nhân.

Nếu không xây dựng được tình bạn trong đời sống vợ chồng là một thiếu sót vô cùng quan trọng để xây dựng và duy trì hạnh phúc gia đình. Nếu Eros không được thăng hoa thì con người cũng chỉ giống như muôn vật khác, nhờ có Filia con người mới được thăng hoa trong tình yêu.

• Agape: (Tình yêu dâng hiến)

Trong bài thánh thi ca tụng đức ái của thánh Phaolô: «. ...........Đức ái thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được.................... Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến. » (1Cr 13, 1 – 13)

Chiều kích thứ ba của tình yêu là đức ái. Ngay cả chiều kích này cũng không phải là của riêng đôi bạn. Agape bắt nguồn từ Thiên Chúa, được mạc khải bởi Con Thiên Chúa nhập thể và tất cả loài người chúng ta được mời gọi một cách nào đó trao ban chính bản thân mình cho nhau. Thiên Chúa đã trao ban cho con người mọi thứ một cách nhưng không từ việc sáng tạo trời đất, đến việc trao ban Con Một của Người cho nhân loại qua việc nhập thể làm người và chết cho con người. Thiên Chúa đã trao ban và chia sẻ cho con người khả năng này để con người cũng biết trao ban cho nhau những điều tốt đẹp nhất. Như thế mức cao nhất của tình yêu là con người biết hy sinh cho nhau, nó được yêu cầu và đòi hỏi liên tục, không nghỉ ngơi. Hy sinh cho nhau là biết chấp nhận những khuyết điểm của nhau, ngay cả những khuyết điểm đã ăn sâu, khó thay đổi, từ đó đau khổ trong tình yêu nó có một ý nghĩa và giá trị vì trong tận cùng nỗi đắng cay của đau khổ vẫn có một chút hương vị ngọt ngào của tình yêu vĩnh cửu, hướng về tình yêu nhập thể của Đức Giêsu Kitô con người biết đón nhận sự việc, giây phút mà Thánh Ý Chúa Cha đã định.

Qua đó tình yêu vợ chồng trở nên bí tích tình yêu Thiên Chúa, qua tình yêu hôn nhân, đôi vợ chồng đã cho nhân loại thấy tình yêu Thiên Chúa vẫn đang hiện diện nơi trần gian. Chúa Giêsu Kitô vẫn đang chịu đau khổ và đang chịu đóng đinh. Đó chính là mầu nhiệm của Nước Trời như men, như muối, như hạt lúa, như hạt cải âm thầm chịu thối đi để phát sinh ra sự sống mới. Khi vợ chồng tự hiến thân cho nhau, yêu thương nhau đến tận cùng, tình yêu được triển nở phong nhiêu thì có khả năng tạo ra sự sống mới của tình yêu, sự sống có nghĩa toàn diện cả về thời gian, thể chất, tinh thần và tâm linh, đó vừa là điều vinh dự, vừa là trách nhiệm của đôi vợ chồng mà không ai có thể thay thế được.

Ở đâu tình yêu được triển nở phong nhiêu ở đó có Thiên Chúa ngự trị, tình yêu Thiên Chúa thì vô hạn như mạch suối nước tuôn trào sự sống đưa con người trở về điểm đích mà mình phát xuất.

Tình yêu vợ chồng là dấu chỉ tình yêu Thiên Chúa nơi trần gian, dầu là dấu chỉ hữu hạn nhưng cũng có tia sáng vĩnh cữu diễn tả sự hiện diện của Thiên Chúa.

Eros – Filia – Agape luôn luôn có mặt và đan dệt vào nhau trong tình yêu hôn nhân. Trong quan hệ cụ thể của tình yêu hôn nhân, chúng không dễ dàng nhận ra cách rõ ràng vì tình yêu vốn phức tạp và phong phú.

Tình yêu hôn nhân muốn hướng tới sự hài hòa, sung mãn sẽ là sự hòa hợp các thành tố khác nhau ấy qua sự cùng nhau tìm kiếm và cùng chung trách nhiệm. Vì ba chiều kích của tình yêu này luôn tổng hợp không thể tách rời nhau.

Buổi học được kết thúc trong lời kinh nguyện tạ ơn, trong một tâm tình thật lắng đọng mỗi học viên tự đối chiếu những điều vừa học vào chính đời sống của mình để nhận ra những thiếu sót, những sai lầm của mình trong bổn phận là chồng là vợ và trong tâm tình khiêm tốn xin Chúa xuống ơn thánh hóa cho mỗi người biết sửa đổi lại cách sống của mình mỗi ngày được tốt đẹp hơn hầu có thể diễn tả và giới thiệu được tình yêu Thiên Chúa cho con người trong xã hội hôm nay.
 
Mùa Cảm Cúm: Bịnh Cúm - la Grippe
BS. Tạ Thanh Minh
13:38 06/12/2009
Mùa Cảm Cúm: Bịnh Cúm - la Grippe

Từ cuối thu sang đông, là chúng ta nghe nói đến cảm cúm. Thật ra, bịnh cúm do Siêu vi cúm (virus grippal, influenzavirus) gây ra chỉ là một trong những bịnh do siêu vi, còn đa số các chứng hay bịnh khác như *cảm lạnh (rhume, rhinite), *viêm họng (pharyngite), *viêm hạch hạnh nhân (angine), * viêm thanh quản (laryngite), *viêm khí quản (trachéite), *viêm phế quản (ống phổi) (bronchite) v.v…, mà triệu chứng cũng một phần tương tợ như bịnh cúm, là do những siêu vi khác gây ra. Thông thường, những bịnh nầy đều tương đối hiền (affections relativement bénignes), ngay cả bịnh cúm hàng năm hay cúm mùa (grippe saisonnière). Dĩ nhiên không nói đến những trường hợp đặc biệt mà sức đề kháng suy giảm như:

- ở người tuổi cao;
- những người sức kém vì đang mang bịnh kinh niên (mãn tính) khác, như bịnh tim, thận, hô hấp, suy yếu miễn nhiễm (déficiences immunitaires)…
- trẻ em tuổi nhỏ;
- phụ nữ mang thai…

Hôm nay, theo lời yêu cầu của Nhóm Chuyên Gia, tôi xin trình bày rất sơ lược về Bịnh Cúm để sau đó quý vị có thể nêu thắc mắc, đặt câu hỏi.

Định nghĩa: Cúm là một bịnh nhiễm gây nên bởi siêu vi Influenzavirus, là những tác nhân siêu vi thuận hướng về bộ hô hấp (tức là mũi, họng, khí quản và ống phổi).

Có 3 loại siêu vi bịnh cúm A, B và C. Những trường hợp cúm loại C hiếm xảy ra hơn loại A và B. Siêu vi A và B có đặc điểm là được chia thành nhiều thứ loại (sous-types) tùy vào 2 chất đạm hiện diện ở bao ngoài (protéines de surface) của mỗi siêu vi:

- Hemagglutinine (15 loại, H1 đến H15),
- Neuramidase (9 loại, N1 đến N9).

Nhờ đó, dễ phân biệt các loại siêu vi, thí dụ: H3N2, H1N1 (loại A) mà hiện nay chúng ta đều nghe nói đến. Ở người chỉ thấy các loại H1, 2, 3 và N1, 2.

Các loại siêu vi A dễ gây ra bịnh nặng hơn là siêu vi B.

Triệu chứng (symptômes): Thường thường bịnh đột phát rất nhanh cho ra

- sốt cao,
- ho khang,
- nhức đầu,
- đau bắp thịt và các khớp,
- bần thần, bải hoải, khó chịu,
- đau cổ họng và sổ mũi…

Truyền nhiễm (contagion): Cúm là bịnh hô hấp rất truyền nhiễm, lan truyền từ người qua người bằng những hạt nước nhỏ phát xuất từ bộ hô hấp mỗi khi bịnh nhân thở mạnh, ho, hắt hơ ở những nơi chật hẹp, đông người…, hay bằng nước mũi truyền qua tay…

Thời gian ủ bịnh (période d’incubation) rất ngắn, từ lúc bị nhiễm bịnh đến khi triệu chứng xuất hiện chỉ khoảng từ 1 đến 3, 4 ngày. Người mắc bịnh trở nên truyền nhiễm một ngày trước khi có triệu chứng và kéo dài đến 7 ngày sau. Do đó, bịnh lan tràn nhanh chóng.

Hàng năm, dịch cúm có thể truyền nhiễm đến mọi người, mọi lứa tuổi, nhưng bịnh dễ biến chứng trầm trọng hơn ở người lớn tuổi hay người đang mang những bịnh tật khác.

Thuốc chủng ngừa (vaccins): Chủng ngừa là phương pháp hữu hiệu nhứt để phòng bịnh cúm.

Nhắc lại quá khứ các dịch: Cúm Tây Ban Nha năm 1918 đã sát hại hàng chục triệu người, Cúm Á Châu năm 1957 và Cúm Hồng Kông năm 1968. Sau đó, phương pháp chích ngừa được áp dụng rộng rãi khắp nơi nên mức tử vong giảm xuống nhiều so với số người bị cúm hàng năm.

Hai năm trước đây, có Cúm gia cầm hay cúm chim, vịt (grippe aviaire) phát xuất từ Trung Hoa, xuống Hồng Kông, Việt Nam… rồi lan truyền khắp Á-Âu đã làm cho giới chức y tế thế giới lo lắng, tuy nhiên cúm nầy chỉ giới hạn trong các trang trại chăn nuôi hay những người tiếp cận, dù số tử vong rất cao trong khoảng thời gian dịch cúm ngắn. Đó là một trong những lý do giải thích chưa nghe nói đến thuốc chủng ngừa cúm gia cầm !

1/ Ngừa Cúm mùa (đông) hay Cúm hàng năm (grippe saisonnière):

Thuốc chủng dùng 2 kháng nguyên ở mặt ngoài (antigènes de surface) của siêu vi, tức là 2 protéines H và N. Năm 2009 ở Âu Châu, thuốc chủng dùng 3 giống siêu vi đã bị bất lực hóa (souches inactivées), không còn khả năng gây nên bịnh là:

- A/ Brisbane 59/2007/H1N1;
- A/ Brisbane 10/2007/H3N2;
- B/ Brisbane 60/2008.

(Nhắc lại: Ở Mỹ thì dùng siêu vi sống nhưng bị giảm cường sức, vaccins vivants atténués, để chế thuốc chủng)

Khi chích vào cơ thể, thuốc chủng kích thích sức đề kháng làm phát sinh kháng tố (anticorps) chống lại siêu vi cúm. Điều quan trọng là cần phải chích ít nhứt là 2 tuần trước khi bắt đầu mùa cúm (cuối thu).

2/ Thuốc chủng ngừa Cúm heo:

Tóm tắt về Cúm heo (grippe porcine), cúm A H1N1 pandémique (cúm dịch toàn cầu) hay grippe mexicaine.

- xuất hiện từ tháng 4-2009 tại Mexique,
- lan qua vùng California, rồi dần đến các bang khác của nước Mỹ,
- đến Canada, Âu, Á, rồi rất nhanh, toàn thế giới.

Tại Pháp, trước hè 2009 đã có vài trường hợp, phải áp dụng biện pháp cách ly nghiêm nhặt để làm chậm sự lan truyền bịnh. Từ sau hè đến nay, mỗi ngày giới truyền thông đều nhắc tới cúm nầy ! Số bịnh nhân loan báo gia tăng từng ngày: chục ngàn, trăm ngàn, rồi triệu người. So với cúm hàng năm, mà mùa dịch (épidémie) thường xãy ra vào tháng 12, tháng 1 và 2, thống kê cúm heo đã báo hiệu là một dịch cúm toàn cầu (pandémie) đang tiến triển. May mà số tử vong còn giới hạn đến cuối tháng 11-2009, vì cúm heo tại Pháp (và Âu Châu) vẫn là một bịnh tương đối hiền (forme bénigne, peu virulente). Giới chuyên viên y khoa Pháp vẫn dè dặt về khả năng biến chuyển có thể trở nên trầm trọng (évolution grave possible), cũng như sự biến thái (mutation) của siêu vi.

Thuốc chủng ngừa cúm heo được bào chế từ giống siêu vi A H1N1 2009/California đã bị bất lực hóa, tức là không còn khả năng gây nên bịnh cúm. Có nhiều hiệu thuốc lại chứa thêm chất phụ trợ adjuvant để giúp gia tăng sức đề kháng. Chính chất phụ trợ nầy đã gây cho dư luận thắc mắc, hồ nghi là có thể gây nên những phản ứng không ngờ. Do đó, ngoài những thuốc chủng có chất phụ trợ hiện nay dùng trong các trung tâm chích ngừa, chính quyền đã phải đặt thêm một loại thuốc chủng không có chất phụ trợ (vaccin sans adjuvant) dành để chích cho trẻ em và đàn bà mang thai (Panenza, hãng bào chế Sanofi).

Vắn tắt về sự thích nghi (adaptation) của siêu vi - sự biến thái (mutation):

Điển hình là Cúm gia cầm do siêu vi A H5N1 đã thấy nơi các giống chim (trời) ở Trung Hoa, rồi nhiễm dần hầu hết các loài chim khác như gia cầm (vịt, ngỗng, gà…), heo v.v… Một ngoại lệ đáng kể là sự lây truyền đến con người, phần lớn thuộc giới chăn nuôi ở các nông trại bị vướng bịnh vì hít thở các bài tiết hô hấp (sécrétions respiratoires) hay từ các phân thải của thú vật. Người nhiễm bịnh bị Hợp chứng hô hấp cấp tính trầm trọng, thường đưa đến tử vong !

Như trên đã nói, siêu vi A H5 N1 là giống cúm gia cầm, không cho ra cúm ở người (chỉ thấy H1, H2, H3), mà lại lây truyền đến người vì siêu vi có khả năng thích nghi ở người, rồi lây truyền từ người đến người.

Đó là vì siêu vi thích nghi qua 2 cách:

- hoặc siêu vi biến thái (thay đổi) dần hồi (mutation progressive),
- hoặc siêu vi (mới) kết hợp với giống siêu vi nơi người (souche virale humaine), thường qua một loài thú trung gian (hôte intermédiaire) như heo, vịt…

Đó là hiểm họa khiến giới y tế luôn luôn lưu tâm nghiên cứu, dù năm 2008 chỉ thấy một số cúm gia cầm giới hạn ở vài vùng Á Châu.

Điều trị:

• Điều trị triệu chứng là điều tiên quyết: hạ nhiệt, giảm đau, trị ho…
• Hai thuốc chống siêu vi (Antiviraux): Tamiflu thường dùng hơn Relenza.

Thuốc chỉ hiệu nghiệm nếu dùng sớm, trong 2 ngày đầu: không hủy diệt được siêu vi, mà chỉ ngăn cản sự sinh nở.

Phòng bịnh:

• Ngoài những phương thức vệ sinh mà thường ngày chúng ta được chính giới y tế dặn dò qua truyền thông: đeo khẩu trang hay che mũi miệng, dùng khăn giấy vệ sinh cá nhân rồi bỏ vào thùng rác, tránh đưa tay lên miệng, mũi, mắt…, nên hắt hơi vào cánh tay, thường xuyên rửa tay dùng xà bông, nước sát trùng (antiseptique) hay nước cồn (eau alcoolisée) v.v…

• Giữ gìn sức lực, tăng cường miễn nhiễm qua việc ăn, uống, ngủ đầy đủ, điều hòa hô hấp, vận động thân thể, tránh lo âu (quá sợ vướng bịnh !)…
• Một bác sĩ Việt Nam kể lại, ở thế kỷ 18 khi có dịch cúm, Hải Thượng Lãng Ông, người được xem như ông tổ của ngành Y Việt Nam, đã chỉ cho dân chúng phòng bịnh bằng cách dùng tỏi (ail) giã nhỏ và bọc trong vải để hít thở. Kết quả dịch cúm bớt lan tràn.
• Ngoài ra, cũng có nhiều người nhắc đến hoa hồi (anis étoilé, star anise) là nguyên liệu để chế ra Oseltamivir (Tamiflu), trồng rất nhiều bên Trung Quốc, nên xứ nầy sản xuất đủ thuốc cho dân họ dùng. Còn Việt Nam sản xuất ít hơn nhưng ta có món phở với hương vị của hoa hồi rất thực dụng trong mùa cúm.
• Một lần nữa lại nhấn mạnh đến chủng ngừa là phương cách hữu hiệu nhứt để phòng bịnh cúm.

Kết luận:

Cúm mùa, cúm gia cầm 2 năm trước đây, cúm heo do siêu vi influenzavirus gây ra có thể coi “là tử thần quen thuộc của loài người”. Thống kê toàn cầu cho thấy hàng năm, 1 phần 10 người dân mắc bịnh, nhưng y khoa hiện đại với phương tiện tài chánh và kỷ thuật tối tân của các quốc gia tiên tiến đã giúp cho con người vượt qua dịch cúm một cách tương đối an toàn, nếu tuân theo những lời khuyên dặn hợp lý của giới chức y tế.

Vắn tắt về Cảm lạnh (Rhume, Rhinite)

Chứng bịnh do nhiều nhóm siêu vi gây ra, thường nhứt là Rhinovirus, nhập vào cơ thể như siêu vi cúm qua mũi, miệng và cũng truyền nhiễm bằng những hạt nước nhỏ từ miệng, mũi khi người bịnh thở mạnh, ho, hắt hơ… Siêu vi còn bám vào các vật dụng, máy móc, bàn ghế… truyền qua tay người đụng vào, rồi bất cẩn sờ lên mũi, miệng.

Khác với cúm, triệu chứng không đột phát bằng sốt cao, nhứt đầu. Thông thường chỉ cho ớn lạnh, mệt mỏi, bải hoải, đau bắp thịt, nặng đầu, có cảm tưởng nóng (vì ít khi lấy nhiệt độ) … rồi mũi nghẹt, khô, làm khó thở. Liền sau đó, mũi chảy nước nhờn, có khi “chảy như vòi nước” phải cần đến nhiều bao khăn giấy, rồi trở lại nghẹt !

Thời kỳ phát bịnh kéo dài khoảng 3, 5, 6 ngày, rồi người bị cảm tống xuất dần hồi các siêu vi ra ngoài một cách tự nhiên, hay nhờ bơm mũi bằng nước biển, sông hơi..., dùng vài thứ “thuốc cảm” như Paracétamol (Doliprane*), Ibuprofène…rồi dần hồi lành bịnh, mà không cần phải nhờ trụ sinh (antibiotique) vì trụ sinh hoàn toàn không công hiệu gì trên siêu vi. Đôi khi cảm lạnh không thuyên giảm mà có biến chứng, vì siêu vi từ phiá sau mũi:

- xâm nhập vào các xoang (các bọng xương bao quanh 2 hố mũi) cho ra chứng viêm xoang (sinusite),
- lan xuống họng (yết hầu) (pharyngite), đôi khi đến tai trong (viêm tai trong, otite) rất thường thấy ở trẻ em,
- thanh quản (laryngite), khí quản (trachéite) rồi ống phổi (bronchite)…

Không có thuốc chủng ngừa vì nhiều lý do dễ hiểu: quá nhiều siêu vi gây bịnh, chỉ riêng nhóm Rhinovirus đã có tới vài trăm (không thể chế thuốc chủng cho mỗi giống siêu vi); chứng bịnh tương đối hiền nên người bịnh lành lặn an toàn. nếu có biến chứng, thì đến phiên y sĩ can thiệp.

Còn phòng bịnh thì áp dụng những phương thức vệ sinh như bịnh cúm và tránh tiếp xúc với người bị cảm lạnh (và ngược lại).

Cám ơn quý vị đã chịu khó bỏ thì giờ ngồi nghe bài nói chuyện khô khan nầy.

Kính chào quý vị.

Tạ Thanh Minh.
 
Văn Hóa
Trường Ca Ba Trăm Năm Mươi Năm
Vong Sinh
12:29 06/12/2009
  • Tôi muốn viết lên Bản Trường Ca
  • Triệu con tim chung một nhịp thiết tha
  • Nhịp Yêu Mến nhịp Cậy Tin Phó Thác
  • Nhịp Dầu Sôi hay là nhịp Đầu Rơi!


  • Bản Trường Ca Ba Trăm Năm Mươi Năm trôi
  • Từ cung Đô các Thừa Sai tiên khởi
  • Đã phác lên một tiết tấu tuyệt vời!
  • Với âm sắc của Tình Trời với Đất.


  • Và từ đấy tiết tấu ấy vang lên
  • Chạm Hồn rồi rung động trái tim người!
  • Hơn một trăm ngàn Anh Hùng Tử Đạo
  • Ôi nét nhạc hùng tráng ngàn đời!


  • Bản Trường Ca mãi vang lên không ngơi
  • Khi cao chót vót vinh quang rạng ngời
  • Những nốt nhạc huy hoàng sáng rực
  • Phanxico Xavie thơm nức hương Trời! *


  • Rồi có lúc giai điệu trầm…chậm trôi…
  • Bao đau thương tưởng tận đáy cuộc đời
  • Những nốt nhạc trầm buồn… rỉ máu…!
  • Chỉ biết Tin Cậy Phó Thác thôi.


  • Rồi có lúc “thăng giáng” bất thường
  • Thương Tam Tòa, Thái Hà, Tòa Khâm Sứ
  • Những niềm đau tô nét nhạc đậm sâu!
  • Bản Trường Ca qua một trang sầu thảm.


  • Đến hôm nay giữa gía băng gió buốt
  • Trời Sở Kiện bỗng trong suốt nắng lên!
  • Trên trăm ngàn Con Dân tuốn đến…
  • Bản Hùng Ca lại uy dũng vang rền!


  • Ba trăm năm mươi năm Niềm Tin mãi mạnh thêm
  • Cảm Tạ Ơn Trên đã thương đoàn Dân Việt
  • Cho Bản Trường Ca ngày càng thêm thắm thiết
  • Mãi ngàn năm còn say tiết tấu Tin Yêu!


Vọng Sinh:: Dâng Kính Giáo Hội Việt Nam - Hành trình ba trăm năm mươi năm

*Đức Hồng-Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Người Già Trong Công Viên
Thérésa Nguyễn
23:20 06/12/2009

NGƯỜI GIÀ TRONG CÔNG VIÊN



Ảnh của Thérésa Nguyễn

Tuổi già con cháu nơi xa lắc

Ngày ngày vui buồn với cún con!

(nđc)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền