Ngày 03-12-2013
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Xét mình Mùa Vọng: Tỉnh thức trước nhiếu lối sống nguy hiểm
Lm. Thái Nguyên
09:56 03/12/2013
Để sống niềm hy vọng vào Thiên Chúa và gieo niềm hy vọng cho mọi người, đòi tôi phải luôn tỉnh thức trước cuộc sống của mình. Khi xét mình trong Mùa Vọng, tôi thấy mình có khi tỉnh mà không thức, có lúc thức mà không tỉnh; hoặc tỉnh thức về những điều này nhưng lại mê muội về những điều kia… Do đó, có thể tôi đang rơi vào nhiều lối sống nguy hiểm:

- Nguy hiểm cơ bản là lối sống không trưởng thành về nhân bản.
- Nguy hiểm đáng sợ là lối sống không trưởng thành về tâm linh.
- Nguy hiểm thường xuyên là lối sống không trưởng thành về tri thức.

I. Nguy hiểm cơ bản là lối sống không trưởng thành về nhân bản.

1. Quá chú trọng đến bản thân mình mà ít quan tâm đến tha nhân.
2. Coi trọng việc riêng mà coi nhẹ việc chung.
3. Chỉ làm những điều mình muốn làm mà không làm những điều mình phải làm.
4. Đòi hỏi người khác mà không hề đòi hỏi mình.
5. Góp phần xây dựng thì ít mà chê bai phê phán thì nhiều.
6. Ham quyền hành chức vụ mà không khiêm tốn phục vụ.
7. Phục vụ theo ý mình mà không theo nhu cầu của người khác.
8. Ưa chuộng và quí mến người này nhưng ghét bỏ và khinh thường người kia.
9. Cởi mở và vui vẻ với anh em này nhưng đóng kín và lạnh lùng với anh em khác.
10. Đặt nặng công việc mà coi nhẹ con người. (lấy con người làm phương tiện).
11. Đặt nặng hiệu năng mà coi thường tính cách và ý hướng. (Bệnh thành tích).
12. Đòi hỏi có tự do mà không có khả năng sống tự chủ.
13. Khôn nhưng không ngoan, thẳng nhưng không khéo.
14. Phán đoán bên ngoài mà không tìm hiểu bên trong. (Nông cạn, hình thức)
15. Đánh giá mình và người khác dựa vào công việc, mà không dựa vào phẩm cách.
16. Biết lỗi mà không nhận lỗi; nhận lỗi mà không sửa lỗi. (Cố chấp)
17. Làm theo những gì mình nghĩ, mà không nghĩ về những gì mình làm.
18. Nhiệt thành mà thiếu khôn ngoan. (Chủ quan, nhẹ dạ).
19. Ham nghe người khác tâng bốc mà không muốn nghe sự thật. (tự lừa dối mình).
20. Muốn mọi người phải giúp mình nhưng mình chẳng giúp ai. (ích kỷ).

II. Nguy hiểm đáng sợ là lối sống không trưởng thành về tâm linh.

1. Đặt nặng hình thức, tổ chức bề ngoài, mà coi thường nội dung và đời sống bên trong.
2. Ưu tiên cho các phương tiện vật chất, còn ơn thánh thì lại chẳng quan tâm.
3. Lao mình vào sự hiếu động ồn ào, còn nội tâm thì lạnh lùng, trống vắng.
4. Đặt nặng việc hưởng thụ, coi thường việc khổ chế.
5. Bám vào những công việc của Chúa, còn chính Chúa thì phớt lờ.
6. Lo được lòng mọi người mà không lo được lòng Chúa.
7. Chuyên chăm việc đời mà lười biếng việc đạo.
8. Phản ứng tự nhiên mà thiếu tinh thần siêu nhiên
9. Lo bồi dưỡng thân xác mà không lo bồi dưỡng tâm hồn.
10. Sống bác ái mà thiếu chân thật, sống chân thật mà thiếu bác ái.
11. Làm việc vì danh thơm tiếng tốt hơn là vì lòng yêu mến.
12. Tìm cách thay đổi mọi người mà không thay đổi chính mình.
13. Lo xây đắp tương lai mà không sống trọn giây phút hiện tại.
14. Muốn thành quả mà không muốn hy sinh.
15. Thực thi bác ái mà lại không sống công bằng.
16. Yêu mến Chúa mà không yêu mến anh em.
17. Theo đuổi ơn gọi mà không sống ơn gọi: lo tiến thân mà không hiến thân.
18. Nỗ lực sống trung thành nhưng lại thiếu trung thực.
19. Cầu nguyện một đàng, sống một nẻo.
20. Nhiều thiện chí mà không có hành động.

III. Nguy hiểm thường xuyên là lối sống không trưởng thành về tri thức.

1. Biết nhiều thứ mà không biết mình.
2. Biết thì nhiều mà sống không bao nhiêu.
3. Biết chẳng bao nhiêu mà tự kiêu tự mãn.
4. Trí thức uyên thâm mà lại thiếu đức độ.
5. Chỉ đạt lý mà không thấu tình.
6. Làm việc mà không xem tình hình, không xét hậu quả.
7. Thông minh tài trí nhưng lại sống ích kỷ, hẹp hòi.
8. Học nhiều, đọc nhiều mà thiếu suy tư nghiền ngẫm.
9. Chỉ nghe biết mà không truy tìm, tra cứu, điều nghiên.
10. Nhai lại tư tưởng người khác mà không khai sáng tư tưởng mình.
11. Chỉ dựa vào sách vở và lý thuyết mà không có kinh nghiệm thực tế.
12. Thấy chi tiết mà không thấy tổng quát.
13. Muốn động tay động chân mà không muốn động não.
14. Hiểu biết nhiều nhưng không biết điều chính yếu.
15. Hiểu biết nhiều nhưng không sát, không sâu.
16. Hiểu biết mau nhưng không nguồn, không ngọn.
17. Hiểu biết nhiều mà không biết những điều mình phải biết.
18. Hiểu biết nhiều mà không biết những điều mình không được phép biết.
19. Hiểu biết nhiều mà không biết sống yêu thương.
20. Hiểu biết sâu xa về nhiều thứ nhưng lại hiểu biết cạn cợt về Thiên Chúa.

Những lối sống trên đây luôn nằm trong tình trạng nguy hiểm. Nhưng hiểm nguy lớn nhất là tôi không nhận ra mình đang trong tình trạng nguy hiểm. Sống tỉnh thức là nhận thấy nguy hiểm do sự thiếu quân bình và cân đối trong đời sống mình về mọi mặt. Chỉ một chút quá đà sẽ gây ra hư hại khó lường. Chỉ một chút hụt hẫng sẽ rơi vào cảnh trống vắng nội tâm, dễ bị ma quỷ khống chế và thống trị.

Thật vậy: “Quỷ thấy nhà bỏ trống, lại được quét tước trang hoàng hẳn hoi. Nó liền đi kéo thêm bảy thần khác dữ hơn nó, và chúng vào ở đó. Rốt cuộc tình trạng của người ấy còn tệ hơn trước” (Mt 12,44-45).
 
Chân dung nhà truyền giáo Phanxicô Xavie
Trầm Thiên Thu
11:32 03/12/2013
Thánh Lm Phanxicô Xavie (Francis Xavier), vị Đại Thánh bổn mạng các xứ truyền giáo, trong đó có Việt Nam, được Giáo Hội mừng kính ngày 3-12 hàng năm, và cũng là ngày giỗ của ngài, vì ngài mất ngày 3-12-1552.

Ngài sinh ngày 7-4-1506 tại Xavier, thuộc Vương quốc Navarre (nay là Tây Ban Nha). Tên khai sinh của ngài là Francisco de Jasso y Azpilicueta. Ngài là con út của ông Juan de Jaso, cố vấn riêng của Vua John III (Jean d’Albret, cai trị Navarre) và bà Doña Maria de Azpilcueta y Aznárez. Ngài có bà con với thần học gia và triết gia Martín de Azpilcueta danh tiếng.

Ngài là học trò của Thánh Inhaxiô Loyola (lập Dòng Tên, Society of Jesus -= SJ), đồng sáng lập viên của Dòng Tên, là nhà truyền giáo và là một trong bảy tu sĩ đầu tiên của Dòng Tên tại Montmartre năm 1534. Ngài làm trưởng nhóm truyền giáo tại Á châu. Ngài có công truyền bá và duy trì Công Giáo ở Ấn Độ, kể cả Nhật, Borneo, quần đảo Maluku, và những vùng chưa có dấu chân các nhà truyền giáo. Tại những vùng này, ngài tiên phong và cố gắng học tiếng bản xứ, ngài thành công nhất ở Ấn Độ. Thật lòng ngài muốn tới Việt Nam, nhưng Chúa có kế hoạch khác, nên Việt Nam không được đón tiếp ngài.

Năm 1525, ngài học ĐH Sainte-Barbe ở Paris (Pháp). Năm 1530, ngài nhận bằng thạc sĩ văn chương và dạy triết học Aristotes tại ĐH Beauvais, tương lai rộng mở, danh vọng hứa hẹn. Ngài gặp Inhaxiô Loyola và Pierre Favre tại ĐH Sainte-Barbe. Thánh Inhaxiô đặt vấn đề với ngài: “Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?” (Mt 16:26). Thế là ngài bỏ tất cả để đi tu và làm linh mục, rồi tình nguyện đi truyền giáo.

Thánh Inhaxiô cùng với Thánh Phanxicô Xavie và năm anh em khác thành lập Dòng Tên ngày 15-8-1534 tại một nhà nguyện ở Montmartre, cùng nhau khấn đức nghèo khó, khiết tịnh và vâng lời, đồng thời khấn hoán cải người Hồi giáo ở Trung Đông. Dòng Tên đã được Đức Giáo Hoàng phê chuẩn, khi đó tu sĩ Phanxicô Xavie tới Venice (Ý) để thụ phong linh mục vào ngày 24-6-1537. Đến cuối tháng 10, bảy anh em tới Bologna và cùng làm việc trong một bệnh viện địa phương. Sau đó, Thánh Phanxicô Xavie phục vụ một thời gian ngắn tại Rôma với tư cách thư ký của Thánh Inhaxiô. Sau đó, Thánh Phanxicô Xavie dành phần nhiều cuộc đời để truyền giáo tại Á châu, chủ yếu qua lại bốn nơi là Malacca, Amboina, Ternate (Nhật) và Trung Hoa.

Ngài rời Lisbon ngày 7-4-1541 lúc ngài 35 tuổi, đi cùng hai tu sĩ Dòng Tên khác. Từ tháng 8-1541 tới tháng 3-1542, ngài tới Goa, lúc đó là thủ phủ của Ấn Độ (thuộc địa của Bồ Đào Nha), ngày 6-5-1542, 35 tháng sau khi rời Lisbon. Mùa Xuân năm 1545, Lm Phanxicô Xavie đi Malaca (cũng là thuộc địa của Bồ Đào Nha). Khoảng tháng 1-1546, ngài rời Malacca đi quần đảo Maluku, nơi ngài truyền giáo 1 năm rưỡi cho dân đảo Ambon. Ngay sau lễ Phục Sinh năm 1546, ngài trở lại Malacca.

Tháng 12-1547, tại Malaca, Lm Phanxicô Xavie gặp một người Nhật tên là Anjirō. Chính Anjirō cũng đã nghe nói về Lm Phanxicô Xavie từ năm 1545. Sau khi bị kết tội sát nhân, Anjirō trốn khỏi Nhật. Ông hết nói với Lm Phanxicô Xavie về quá khứ của mìn, về văn hóa và văn chương Nhật. Anjiro làm thông dịch cho Lm Phanxicô Xavie để giao tiếp với người Nhật. Và rồi Anjirō trở thành Kitô hữu người Nhật đầu tiên và lấy tên là Paulo de Santa Fe.

Sau khi qua đời, thi hài Thánh Phanxicô Xavie được an táng trên đảo Shangchuan. Thàng 1-1553, người ta khai quật mộ ngài và thấy thi hài ngài còn nguyên vẹn. Rồi người ta đưa thi hài ngài tới Nhà thờ Thánh Phaolô tại đảo Malaca vào ngày 22-3-1553. Ngày 11-12-1553, thi hài ngài lại được chuyển tới Goa. Hòm thánh tích của ngài được chuyển tới Nhà thờ Chúa Giêsu Giáng Sinh tại Goa từ ngày 2-12-1637.

Cánh tay phải, đã từng chúc lành và rửa tội cho nhiều người, được Tổng bề trên Claudio Acquaviva tách ra từ năm 1614 để trưng bày cho mọi người kính viếng tại Nhà thờ Il Gesù ở Rôma. Cánh tay trái của ngài được đưa về Macau. Cuối cùng được chuyển tới Nhà thờ Thánh Giuse năm 1978, rồi lại chuyển tới Nnha2 nguyện Thánh Phanxicô Xavie trên đảo Coloane. Mới đây, thánh tích của ngài được chuyển tới Chủng viện Thánh Giuse và Viện bảo tàng Nghệ thuật Thánh (Sacred Art Museum).

Lm Phanxicô Xavie được ĐGH Phaolô V tôn phong chân phước ngày 25-10-1619, và được ĐGH Grêgôriô XV tôn phong hiển thánh ngày 12-3-1622, cùng với Thánh Inhaxiô Loyola. Cuối cùng, ĐGH Piô XI tôn phong Thánh Phanxicô Xavie làm bổn mạng các xứ truyền giáo (Patron of Catholic Missions).
 
Powerpoint Chúa Nhật Thứ II Mùa Vọng Năm A - Second Advent Sunday Year A
Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng sdb
16:32 03/12/2013
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chúa Nhật thứ Nhất Mùa Vọng là một ngày bận rộn của Đức Thánh Cha
Đặng Tự Do
04:21 03/12/2013
Sau buổi đọc kinh Truyền Tin chung với các tín hữu tại quảng trường Thánh Phêrô trưa Chúa Nhật thứ Nhất Mùa Vọng 01 tháng 12, buổi trưa cùng ngày Đức Thánh Cha đã đến thăm một giáo xứ tại Rôma và ngồi tòa giải tội và ban các phép bí tích cho anh chị em giáo dân.

Đức Giáo Hoàng đã đến nhà thờ San Cirillo Alessandrino lúc 04 giờ chiều. Đầu tiên, Đức Thánh Cha đã thăm những người đau yếu trong giáo xứ và cầu nguyện chung với họ.

Đức Thánh Cha sau đó đã ban phép lành cho những trẻ em và những người vừa lãnh nhận bí tích Rửa Tội trong năm qua.

Sau đó, Đức Thánh Cha đã ngồi tòa giải tội đến 6 giờ chiều trước khi cử hành thánh lễ. Trong thánh lễ, Đức Thánh Cha đã ban bí tích Thêm Sức cho 9 người trẻ. Cuối thánh lễ, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ bao gồm cả các tình nguyện viên giúp điều hành các công việc của giáo xứ này.

Chuyến viếng thăm Mục Vụ này của Đức Thánh Cha Phanxicô là chuyến thăm thứ hai của ngài đến một giáo xứ Rôma. Giáo xứ hân hạnh được ngài viếng thăm đầu tiên hồi tháng Năm vừa qua là giáo xứ Các Thánh Elisabetta và Zaccaria.
 
Tông Huấn Evangelii Gaudium – Niềm Vui Của Tin Mừng – II
Phaolô Phạm Xuân Khôi
10:31 03/12/2013

TÔNG HUẤN

EVANGELII GAUDIUM – NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG



CHƯƠNG 2

GIỮA CUỘC KHỦNG HOẢNG VỀ VIỆC THAM GIA CỘNG ĐỒNG



50. Trước khi thảo luận về một số vấn đề cơ bản liên quan đến các hoạt động truyền giáo, tốt nhất là chúng ta nhắc lại một cách vắn tắt bối cảnh trong đó chúng ta phải sống và hành động là gì. Ngày nay, chúng ta thường nghe nói về “việc chẩn đoán quá độ” là điều không luôn luôn đi kèm với những đề nghị đem lại những giải pháp và những áp dụng thực tế. Mặt khác, chúng ta cũng không cần cả đến một cái nhìn thuần túy xã hội, là điều có vẻ bao gồm toàn bộ thực tại với phương pháp luận của nó bằng một cách thuần túy trung lập và sát trùng cách giả thuyết chứ không giúp gì được chúng ta. Thay vào đó, điều tôi có ý đề ra nằm trong dòng tư tưởng về một việc phân biệt Tin Mừng. Đó là cái nhìn của một người môn đệ truyền giáo “được soi sáng và củng cố bởi Chúa Thánh Thần”.[53]

51. Đức Giáo Hoàng không có nhiệm vụ trình bày một phân tích chi tiết và toàn diện về những thực tại đương thời, nhưng tôi mởi gọi tất cả các cộng đồng “luôn luôn tỉnh táo để phân biệt các dấu chỉ của thời đại”.[54] Đó là một nhiệm vụ quan trọng, bởi vì một số thực tại hiện nay, nếu không tìm ra những giải pháp tốt đẹp, có thể gây ra những tiến trình phi nhân bản là điều sau đó rất khó mà đảo ngược lại được. Chúng ta cần phải phân biệt rõ ràng những gì có thể là hoa quả của Nước Thiên Chúa và những gì đi ngược lại kế hoạch của Thiên Chúa. Điều này có nghĩa là chúng ta không những chỉ nhận ra và giải thích những tác động của thần lành và thần dữ, - và đây là điều quyết định - nhưng chọn những tác động của thần lành và loại bỏ những tác động của thần dữ. Tôi bao hàm các phân tích khác nhau đã được đề ra trong các tài liệu khác của Huấn Quyền phổ quát, cũng như những điều mà các Giám Mục quốc gia và vùng đã đề nghị. Trong Tông Huấn này, tôi có ý chỉ bàn đến một cách ngắn gọn với nhãn quan mục vụ về một số khía cạnh của những thực tại có thể ngăn chặn hoặc làm suy yếu động lực canh tân truyền giáo của Hội Thánh, hoặc vì chúng có ảnh hưởng đến sự sống và nhân phẩm của dân Thiên Chúa, hoặc vì chúng cũng liên quan trực tiếp đến các cơ cấu của Hội Thánh và đến việc thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng của Hội Thánh.

I. Một số thách đố của thế giới ngày nay

52. Trong thời đại chúng ta, nhân loại đang sống ở một khúc quanh lịch sử, mà chúng ta có thể thấy từ những tiến bộ đạt được ở nhiều lãnh vực khác nhau. Chúng ta phải ca ngợi những thành công góp phần vào sự thịnh vượng của con người, chẳng hạn như trong lãnh vực y tế, giáo dục và truyền thông. Tuy nhiên, chúng ta không thể quên rằng hầu hết những người nam nữ ở thời đại chúng ta đang sống trong sự bất ổn định mỗi ngày, với những hậu quả tai hại. Một số bệnh học gia tăng. Sợ hãi và tuyệt vọng chiếm đóng quả tim của nhiều người, ngay cả trong những nước gọi là giàu có. Niềm vui của đời sống thường xuyên bị dập tắt, không có sự tôn trọng người khác và bạo lực gia tăng, chênh lệch về xã hội ngày càng trở nên rõ ràng. Chúng ta phải đấu tranh để sống, và thường sống với một chút nhân phẩm. Sự thay đổi của thời đại này gây ra bởi những bước nhảy vọt vĩ đại về chất lượng, số lượng, sự nhanh chóng và sự tích lũy, được xác nhận trong tiến bộ khoa học, trong việc cải tiến kỹ thuật và áp dụng chúng một cách nhanh chóng vào các lĩnh vực khác nhau của thiên nhiên và đời sống. Chúng ta đang ở trong thời đại của kiến thức và thông tin, là nguồn gốc của những hình thức quyền lực mới rất thường thì vô danh.

Trả lời không với một nền kinh tế loại trừ

53. Như điều răn “chớ giết người” đặt ra một giới hạn rõ ràng về giá trị của đời sống con người, ngày nay, chúng ta phải cũng phải nói “không với một nền kinh tế loại trừ và chênh lệch xã hội”. Một nền kinh tế như thế cũng giết người. Làm sao mà việc một ngưởi già vô gia cư bị chết vì lạnh không phải là một tin tức, trong khi thị trường hối đoái bị xuống hai điểm lại là tin tức? Đó là loại trừ. Làm sao chúng ta có thể chịu đựng nổi khi thức ăn dư thừa bị đổ đi trong khi có nhiều người bị đói? Đó là sự chênh lệch xã hội. Ngày nay, tất cả đều tham gia trò chơi cạnh tranh và sống sót của những kẻ thích hợp nhất, ở đó những người mạnh nuốt trửng những ngưởi yếu. Như hậu quả của tình trạng này, một khối lớn dân chúng đang bị loại trừ và gạt ra ngoài lề: không có công ăn việc làm, không có triển vọng, không có có lối thoát. Người ta coi con người là chính nó như những đồ tiêu thụ, nay sử dùng mai bỏ đi. Chúng ta đã bắt đầu nền văn hóa của “loại bỏ được”, thậm chí còn cổ võ nó. Nó không còn chỉ đơn thuần là hiện tượng khai thác và áp bức, nhưng một điều gì mới: Với việc loại bỏ cuối cùng được ảnh hưởng tận gốc đến việc là thành phần xã hội mà chúng ta đang sống, những người bị loại bỏ khi đó không còn ở tầng lớp thấp, ở ngoài lề, hay không có quyền lực, nhưng ở bên ngoài xã hội. Những người bị loại trừ không phải là 'những người bị bóc lột', nhưng là rác, là ‘đồ thừa’.

54. Trong bối cảnh này, một số ngưởi vẫn còn bảo vệ thuyết “[kinh tế] nhỏ giọt (trickle-down)”, là thuyết cho rằng sự phát triển kinh tế gây ra bởi nền kinh tế tự do sẽ chắc chắn thành công trong việc đem lại một xã hội công bằng và bao hàm hơn trên thế giới. Quan điểm này, chưa bao giờ được xác minh bởi các sự kiện, diễn tả một sự tin tưởng thô thiển và ngây thơ vào sự tốt lành của những người nắm quyền lực kinh tế và vào cơ chế thế tục hoá của hệ thống kinh tế thịnh hành. Trong khi đó những người bị loại trừ vẫn tiếp tục chờ đợi. Để chống đỡ một lối sống không bao gồm những người khác, hoặc để có thể có hứng thú với lý tưởng ích kỷ này, chúng ta đã phát triển một sự toàn cầu hóa của thờ ơ. Hầu như không nhận ra điều đó, chúng ta trở nên không có khả năng trắc ẩn trước những tiếng khóc than đau khổ của tha nhân, chúng ta không còn khóc được nữa trước thảm cảnh của người khác hoặc tìm cách chữa trị cho họ, như thể mọi người có trách nhiệm với chúng ta nhưng chúng ta không có trách nhiệm gì với những vấn đề không liên qua đến mình. Nền văn hóa phúc lợi làm cho chúng ta bị tê mê và mất bình tĩnh khi thị trường cung cấp một thứ gì mà mình chưa mua, trong khi tất cả những đời sống bị tan vỡ vì thiếu cơ hội này đối với chúng ta chỉ như một cuộc trình diễn đơn giản, chẳng làm cho chúng quan tâm chút nào.

Trả lời không với ngẫu tượng mới của tiền bạc

55. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này nằm trong mối quan hệ mà chúng ta đã thiết lập với tiền bạc, vì chúng ta âm thầm chấp nhận sự thống trị của nó trên chúng ta và trên các xã hội của mình. Cuộc khủng hoảng tài chính mà chúng ta đang trải qua làm cho chúng ta quên đi rằng nó có nguồn gốc sâu xa tử một cuộc khủng hoảng nhân chủng học: việc từ chối tính ưu việt của con người! Chúng ta đã tạo ra những ngẫu tượng mới. Việc thờ bò vàng xưa kia (x. Xh 32:1-35) đã tìm thấy một phiên bản mới và tàn nhẫn trong chủ thuyết suy tôn tiền bạc quá đáng và chủ nghĩa độc tài của một nền kinh tế phi cá nhân và thật sự không lấy con người làm cùng đích. Cuộc khủng hoảng toàn cầu xảy đến cho nền tài chánh và kinh tế cho thấy sự mất cân bằng của chúng, và trên hết, việc thiếu một định hướng về nhân chủng nghiêm trọng hạ con người xuống thành chỉ một trong những nhu cầu của nó tiêu thụ.

56. Trong khi lợi nhuận của một thiểu số đang gia tăng theo cấp số nhân, thì lợi nhuận của đa số lại càng ngày càng thua xa lợi nhuận của thiểu số sung sướng ấy. Sự mất cân bằng này xuất phát từ ý thức hệ bảo vệ quyền tự chủ tuyệt đối của thị trường và đầu cơ tài chính. Vì vậy, người ta từ chối quyền kiểm soát của các quốc gia là cơ quan có nhiệm vụ duy trì lợi ích chung. Một chế độ chuyên chế vô hình mới được thiết lập, đôi khi tiềm ẩn, áp đặt luật lệ và những quy tắc của nó một cách đơn phương và không ngừng. Ngoài ra, nợ nần và chồng chất tiền lời tước đoạt nhiều quốc gia những cơ hội thực tiễn về kinh tế và các công dân khả năng mua bán thật của họ. Thêm vào tất cả điều này là nạn tham nhũng có hệ thống và trốn thuế ích kỷ đạt đến mức độ toàn cầu. Nạn tham quyền và tham của thì không biết giới hạn. Trong hệ thống này, là hệ thống có khuynh hướng nuốt trửng tất cả mọi điều ngăn trở việc gia tăng lợi nhuận, những gì dù là mong manh, như môi trường, không có khả năng tự vệ trước lợi ích của một thị trường đã được phong thần, là điều biến thành quyền lực tuyệt đối.

Trả lời không việc tiền bạc cai trị thay vì phục vụ

57. Đằng sau thái độ này ẩn nấp việc chối từ luân thường đạo lý và chối từ Thiên Chúa. Luân lý thường bị người ta nhìn một cách nào đó khinh khi và châm biếm. Nó bị coi là phản tác dụng và quá nhân bản bởi vì nó tương đối hóa tiền bạc và quyền lực. Nó bị coi như một mối đe dọa, vì nó lên án việc thao túng và hạ giá con người. Cuối cùng, luân lý đề cập đến một Thiên Chúa là Đấng kêu gọi một đáp trả dấn thân, là điều ở ngoài các loại thị trường. Khi các loại này đã được tuyệt đối đối hóa, Thiên Chúa bị coi là không thể kiểm soát được, không thể thao túng được, và thậm chí nguy hiểm, bởi vì Ngài kêu gọi con người đến sự viên mãn và độc lập với bất kỳ loại nô lệ nào. Luân lý - một nền luân lý không ý thức hệ - cho phép chúng ta tạo ra một sự cân bằng và trật tự xã hội nhân đạo hơn. Theo nghĩa này, tôi kêu gọi các chuyên gia tài chính và các chính phủ của các quốc gia khác nhau hãy suy nghĩ về những lời của một hiền triết thời xưa: “Không chia sẻ của cải với người nghèo là ăn cắp của họ và tước đoạt sinh kế của họ. Đây không phải là tài sản của chúng ta mà chúng ta sở hữu, nhưng là của họ”.[55]

58. Một cuộc cải cách tài chính không coi thường luân lý sẽ đòi hỏi một sự thay đổi quyết liệt về thái độ nơi các nhà lãnh đạo chính trị, tôi kêu gọi họ đương đầu với thách đố này bằng quyết tâm và tầm nhìn xa, đương nhiên là không bỏ qua sự đặc trưng của từng trường hợp. Tiền của phải phục vụ chứ không cai trị! Đức Thánh Cha yêu tất cả mọi người, giàu cũng như nghèo, đó là nhiệm vụ của ngài, nhân danh Đức Kitô, để nhắc lại rằng người giàu phải giúp đỡ người nghèo, tôn trọng và tiến cử họ. Tôi khuyên anh chị em đoàn kết một cách vị tha và đem nền kinh tế tài chính trở lại với một nền luân lý vì con người.

Trả lời không với sự chênh lệch xã hội là điều gây ra bạo lực

59. Ngày nay, ở khắp mọi nơi, người ta đòi hỏi một một nền an ninh rộng lớn hơn. Nhưng bao lâu còn sự loại trừ và chênh lệch xã hội trong xã hội và giữa con người, thì sẽ không thể nhổ tận gốc bạo lực. Những người nghèo và rất nghèo bị kết án là sử dụng bạo lực, nhưng nếu không có sự bình đẳng về cơ hội, những hình thức gây hấn và chiến tranh sẽ tìm thấy những mảnh đất màu mỡ, mà sớm hay muộn, sẽ bùng nổ. Khi một xã hội – dù là địa phương, quốc gia hay toàn cầu - bỏ rơi ở ngoại vi một phần của chính mình, thì không một chương trình chính trị nào, không một quyền lực trật tự nào hoặc trí thông minh nào có thể đảm bảo một nền an ninh vô hạn. Điều này xảy ra không chỉ vì do sự chênh lệch xã hội gây ra các phản ứng bạo lực của những người bị loại ra khỏi hệ thống, nhưng vì sự bất công tận gốc của hệ thống kinh tế xã hội. Cũng như điều tốt có khuynh hướng được truyền thông, thì sự dữ mà anh chị em đồng ý, như bất công, cũng có khuynh hướng lan rộng sức mạnh tai hại của nó và âm thầm phá hủy những nền tảng của hệ thống chính trị và xã hội, bất chấp vẻ vững chắc bề ngoài của chúng. Nếu mọi hành động đều có hậu quả, một sự dữ ẩn mình trong những cấu trúc của một xã hội luôn luôn chứa đựng một tiềm năng làm cho nó tan rã và bị tiêu diệt. Chính vì sự dữ kết tinh trong các cấu trúc xã hội bất công, mà người ta không thể mong đợi một tương lai tốt đẹp hơn. Chúng ta đang ở xa cái gọi là “kết thúc của lịch sử”, vì những điều kiện thuận tiện cho sự phát triển hòa bình và bền vững chưa được thiết lập và thực hiện đầy đủ.

60. Những cơ chế của nền kinh tế hiện tại cổ võ sự tiêu thụ quá mức, nhưng rõ ràng là tinh thần tiêu thụ không kiềm chế được hợp với sự chênh lệch xã hội gây thiệt hại gấp đôi cho cơ cấu xã hội. Bằng cách này, sự chênh lệch xã hội sớm hay muộn sẽ gây ra bạo lực mà cuộc chạy đua vũ không giải quyết nổi và không bao giờ giải quyết được. Nó chỉ được dùng để cố gắng đánh lừa những người kêu gào một nền an ninh rộng lớn hơn, như thể ngày nay chúng ta đã không biết rằng vũ khí và đàn áp bằng bạo lực, thay vì cung cấp những giải pháp, lại tạo ra những xung đột mới và tồi tệ nhất. Một số người đơn thuần thỏa mãn với việc quy tội cho những người nghèo và các nước nghèo vì những bất hạnh của họ, bằng cách nói chung chung một cách phi lý, và làm bộ tìm một giải pháp trong “việc giáo dục” là điều bảo đảm với họ và chuyển những ngưởi này thành những người hiền lành và vô hại. Những điều này càng trở nên khó chịu hơn nếu những những người bị loại trừ coi sự tăng trưởng của bệnh ung thư xã hội, là điều thối nát ăn rễ sâu ở nhiều nước – trong các chính phủ, trong các doanh nghiệp và các cơ chế - bất chấp ý thức hệ chính trị của các nhà cầm quyền.

Một số thách đố về văn hóa

61. Chúng ta rao giảng Tin Mừng ngay cả khi chúng ta tìm cách giải quyết những thách đố khác nhau có thể phát sinh.[56] Đôi khi chúng xảy ra trong những cuộc tấn công thực sự vào tự do tôn giáo hoặc trong những hoàn cảnh mới của việc đàn áp các Kitô hữu, mà ở một số quốc gia đã đạt đến mức báo động về hận thù và bạo lực. Ở nhiều nơi, một sự thờ ơ tương đối lan tràn khá rộng lớn, liên quan đến việc vỡ mộng và cuộc khủng hoảng tư tưởng xảy ra như một phản ứng chống lại tất cả những gì có vẻ chuyên chế. Điều này không chỉ có hại cho Hội Thánh mà còn cho xã hội nói chung. Chúng ta nhận ra rằng một nền văn hóa, trong đó mỗi người đều muốn là người mang chân lý chủ quan của riêng mình, tạo nên những khó khăn cho những công dân muốn tham gia vào một dự án hợp tác vượt trên những tư lợi và tham vọng cá nhân.

62. Trong nền văn hóa thịnh hành, vị thế đầu tiên bị chiếm đóng bởi những gì là bên ngoài, lập tức, hữu hình, nhanh chóng, hời hợt và tạm thời. Những gì có thật nhường chỗ cho những gì có vẻ bề ngoài. Ở nhiều quốc gia, việc toàn cầu hóa đã dẫn đến sự suy thoái nhanh chóng của nền văn hóa gốc, với cuộc xâm lăng của những xu hướng đến từ những nền văn hóa khác, có sự phát triển về kinh tế nhưng yếu đi về đạo đức. Điều ấy được trình bày ở nhiều Thượng Hội Đồng Giám Mục khác nhau từ các châu lục khác nhau. Chẳng hạn như các Giám Mục Phi Châu nhắc lại Thông Điệp Solicitudo Rei Socialis, một vài năm trước đây đã báo cáo rằng đã nhiều lần người ta muốn biến các nước Phi Châu thành “những bộ phận đơn giản của một cơ chế ở các bộ phận của một thiết bị khổng lồ. Điều này thường cũng đúng trong lĩnh vực truyền thông xã hội, được điều hành chủ yếu bởi những trung tâm nằm ở bắc bán cầu, không luôn luôn để ý đến những ưu tiên và những vấn đề của các quốc gia này, và không tôn trọng những nét văn hóa của họ”.[57] Tương tự như thế, các Giám Mục Á Châu nhấn mạnh đến “những ảnh hưởng bên ngoài đè nặng trên các nền văn hóa Á Châu. Những hình thức cư xử mới đang nổi lên như là kết quả của việc tiếp xúc với quá nhiều phương tiện truyền thông [...] Kết cuộc là những khía cạnh tiêu cực của các phương tiện truyền thông và kỹ nghệ giải trí đang đe dọa các giá trị truyền thống”.[58]

63. Đức tin Công Giáo của nhiều người hiện đang phải đối diện với những thách đố của sự phát triển rộng rãi của các phong trào tôn giáo mới, một số có chiều hướng cơ bản và một số khác dường như đề ra một linh đạo không có Thiên Chúa. Điều này, một mặt là kết quả của một phản ứng của con người trước một xã hội tiêu thụ, vật chất, cá nhân, và mặt khác, lợi dụng những yếu điểm của dân số sống ở các vùng ngoại vi và các khu vực nghèo khổ, là những người sống sót giữa những khổ đau lớn lao của con người, và đang tìm kiếm những giải pháp tức thời cho các nhu cầu của họ. Các phong trào tôn giáo này, được đặc trưng bằng sự thâm nhập tinh tế của chúng, đến những nơi mà chủ nghĩa cá nhân chiếm ưu thế để lấp đầy những chỗ trống để lại bởi chủ nghĩa duy lý tục hóa. Ngoài ra, chúng ta phải thừa nhận rằng, nếu một phần những người đã được rửa tội không cảm thấy thuộc về Hội Thánh, điều đó có thể là do một số cơ cấu nào đó và bầu khí lạnh nhạt ở một số giáo xứ và cộng đồng của chúng ta, hoặc một thái độ quan liêu khi đối phó với những vấn đề, dù đơn giản hay phức tạp, của đời sống của dân chúng của chúng ta. Ở nhiều nơi bình diện hành chính của các khía cạnh mục vụ chiếm ưu thế, cũng như việc chỉ cử hành các Bí Tích mà không có những hình thức truyền giáo khác.

64. Tiến trình tục hóa có chiều hướng thu gọn đức tin và Hội Thánh vào phạm vi riêng tư và và thầm kín. Hơn nữa, với sự hoàn toàn chối từ sự siêu việt, người ta đã tạo ra một sự méo mó càng ngày càng nhiều hơn về luân lý, một sự suy yếu của ý thức về tội lỗi cá nhân và xã hội, và một sự tăng trưởng đều đặn của thuyết tương đối, đưa đến một tình trạng mất phương hướng chung, đặc biệt là trong các giai đoạn vị thành niên và thanh niên, là những giai đoạn rất dễ thay đổi. Như các Giám Mục Hoa Kỳ đã nhận xét, trong khi Hội Thánh khẳng định về sự hiện hữu của những quy tắc luân lý khách quan áp dụng cho tất cả mọi người, thì lại “có những người trong nền văn hóa của chúng ta miêu tả những giáo huấn này như không công bằng, nghĩa là, trái với những quyền cơ bản của con người. Tuyên bố như thế thường là theo một hình thức của chủ nghĩa tương đối về luân lý được nối liền, không phải không có mâu thuẫn, với một niềm tin vào các quyền tuyệt đối của cá nhân. Theo quan điểm này, Hội Thánh bị coi là cổ võ một thành kiến cá nhân và như can thiệp vào tự do cá nhân”.[59] Chúng ta đang sống trong một xã hội thông tin, là xã hội dồn dập tấn công chúng ta một cách bừa bãi bằng những dữ liệu mà tất cả được coi là quan trọng như nhau, và cuối cùng dẫn chúng ta đến một sự nông cạn khủng khiếp khi giải quyết những vấn đề luân lý. Do đó, một nền giáo dục dạy suy nghĩ một cách có phê phán và cung cấp một sự trưởng thành trong những giá trị, trở nên một điều cần thiết.

65. Mặc dù làn sóng thế tục đã tràn ngập xã hội chúng ta, ở nhiều quốc gia - kể cả những nơi mà Kitô Giáo là thiểu số - Hội Thánh Công Giáo được coi là một tổ chức đáng tin cậy theo dư luận quần chúng, được tin cậy trong tất cả những gì liên quan đến lĩnh vực đoàn kết và quan tâm đến những người nghèo khổ nhất. Nhiều lần, Hội Thánh phục vụ như trung gian hòa giải để tạo sự thuận lợi cho việc giải quyết những vấn đề ảnh hưởng đến hòa bình, hòa hợp, môi trường, bảo vệ sự sống, nhân quyền và quyền công dân, vv. Và sự đóng góp của các trường học và các trường đại học Công Giáo trên toàn thế giới vĩ đại biết bao! Vì vậy, rất tích cực. Nhưng khi chúng ta đưa ra những vấn đề khác không mấy được quần chúng chấp nhận, chúng ta phải trả giá để cho người ta thấy rằng mình làm điều ấy vì trung thành với cùng một niềm tin về phẩm giá của con người và công ích.

66. Gia đình trải qua một cuộc khủng hoảng văn hóa sâu xa, giống như tất cả các cộng đồng và các liên hệ xã hội. Trong trường hợp gia đình, sự mỏng dòn của những mối dạy các liên hệ trở nên đặc biệt nghiêm trọng bởi vì nó là đơn vị cơ bản của xã hội, ở đó chúng ta học cách sống chung với nhau trong sự khác biệt và thuộc về người khác, và là nơi mà cha mẹ truyền lại đức tin cho con cái. Hôn nhân có khuynh hướng bị coi như một hình thức đơn giản của sự mãn nguyện tình cảm, là điều có thể là được xây dựng bất kỳ cách nào và thay đổi theo cảm xúc của mỗi người. Nhưng sự đóng góp không thể thiếu được của hôn nhân cho xã hội vượt trên mức độ cảm xúc và nhu cầu đột xuất cặp vợ chồng. Như các Giám Mục Pháp dạy rằng hôn nhân không sinh ra “từ cảm giác yêu thương, theo định nghĩa phù du, nhưng từ chiều sâu của sự cam kết của vợ chồng, là hai người đồng ý bước vào một sự kết hợp của toàn thể đời sống”.[60]

67. Chủ nghĩa cá nhân của thời đại hậu hiện đại và toàn cầu hóa của chúng ta ủng hộ một cách sống làm suy yếu sự phát triển và ổn định của những mối dây liên hệ giữa con người, và làm biến dạng các mối liên hệ gia đình. Hoạt động mục vụ phải chứng tỏ tốt hơn nữa rằng sự liên hệ với Cha của chúng ta đòi hỏi và khuyến khích một sự hiệp thông chữa lành, thúc đẩy và tăng cường mối liên hệ giữa các cá nhân. Trong khi trên thế giới, đặc biệt là ở một số quốc gia, tái xuất hiện những hình thức khác nhau của chiến tranh và xung đột, thì chúng ta, là các Kitô hữu, nhấn mạnh đến đề nghị chấp nhận nhau, chữa lành vết thương, bắc cầu, phát triển những liên hệ và “vác đỡ gánh nặng cho nhau” (Gl 6:2). Mặt khác, ngày nay phát sinh nhiều hình thức hiệp hội nhằm mục đích bảo vệ các quyền và nhằm đạt được những mục tiêu cao thượng. Bằng cách này, người ta thấy rõ khát vọng tham gia của nhiều công dân là những người muốn thành những người xây dựng sự tiến bộ của xã hội và văn hóa.

Những thách đố về hội nhập văn hóa của đức tin

68. Nguyên liệu làm nền tảng Kitô giáo của một số dân tộc - đặc biệt ở Tây Phương - là một thực tại sống động. Chúng ta tìm thấy ở đó, đặc biệt là trong số những người nghèo khổ nhất, một kho dự trữ luân lý là điều bảo tồn những giá trị của một nền nhân bản Kitô giáo đích thực. Khi nhìn vào thực tại bằng cặp mắt đức tin, chúng ta không thể không nhận ra những gì mà Chúa Thánh Thần đang gieo. Chúng ta sẽ tỏ ra không tin tưởng vào hoạt động tự do và đại lượng của Chúa Thánh Thần khi nghĩ rằng không có những giá trị Kitô giáo chân chính ở những nơi mà phần lớn dân chúng đã được rửa tội và bày tỏ đức tin cùng tình đoàn kết huynh đệ của họ bằng nhiều cách khác nhau. Ở đây chúng ta cần phải nhận ra nhiều hơn là “hạt giống Lời Chúa”, vì nó là một đức tin Công Giáo đích thực với cách diễn tả và thuộc về Hội Thánh riêng của nó. Chẳng ích lợi gì khi coi thường tầm quan trọng quyết định của một nền văn hóa được đánh dấu bởi đức tin, bởi vì nền văn hóa này đã được Phúc Âm hóa, vượt trên những giới hạn của nó, nó có nhiều tài nguyên hơn đơn thuần chỉ là một tổng số các tín hữu, có thể được đem ra để đương đầu với cuộc tấn công hiện nay của chủ nghĩa thế tục. Một nền văn hóa phổ thông đã được Phúc Âm hóa chứa đựng những giá trị đức tin và đoàn kết có thể dẫn đến việc phát triển một xã hội công bằng và đáng tin cậy hơn, cùng có một sự khôn ngoan riêng mà chúng ta phải nhìn nhận với một cái nhìn đầy biết ơn.

69. Chúng ta bắt buộc phải rao giảng Tin Mừng cho các nền văn hóa để bản sắc hóa Tin Mừng. Ở những nước theo truyền thống Công Giáo, sẽ là đồng hành, chữa lành và củng cố sự phong phú đã có sẵn, và ở những nước có những truyền thống tôn giáo khác hay đã bị tục hóa một cách quá sâu xa, sẽ là đưa ra một tiến trình mới để loan báo Tin Mừng cho nền văn hóa, mặc dù tiến trình này liên quan đến những dự án rất trường kỳ. Tuy nhiên, chúng ta không được quên rằng mình luôn luôn được mời gọi để lớn lên. Mọi nhóm văn hóa và xã hội đều cần sự thanh lọc và trưởng thành. Trong trường hợp nền văn hóa phổ thông của những dân Công Giáo, chúng ta có thể nhận ra một số yếu điểm vẫn cần phải được chữa lành bởi Tin Mừng: nạn chồng chủ vợ tôi, nghiện ngập, bạo lực trong gia đình, ít người dự Thánh Lễ, tin tưởng vào thuyết định mệnh hoặc mê tín dị đoan khiến người ta cậy đến bùa phép, vv. Nhưng chính những việc đạo đức phổ thông là khởi điểm tốt nhất để chữa lành và giải thoát họ.

70. Cũng có thật là đôi khi, thay vì nhấn mạnh đến sự thôi thúc của lòng đạo đức Kitô giáo, thì người ta lại nhấn mạnh đến những hình thức bên ngoài của truyền thống của một vài nhóm nào đó, hoặc điều mà người ta cho là mặc khải tư được coi là không thể chối cãi được. Có một loại Kitô Giáo tạo thành bởi những việc sùng kính phản ảnh một cách cá nhân và tình cảm của đời sống đức tin, mà thật ra không phải là một “việc đạo đức phổ thông” đích thực. Một số người khuyến khích những cách diễn tả này mà không quan tâm đến sự tiến bộ của xã hội và việc đào luyện các tín hữu, và trong một vài trường hợp, họ làm điều ấy vì những lợi ích kinh tế hoặc vì một ít quyền hành trên những người khác. Chúng ta cũng không thể bỏ qua thực tế là, trong những thập niên gần đây, xảy ra một sự thất bại trong tiến trình truyền thụ đức tin Kitô giáo giữa các thế hệ trong những người Công Giáo. Chúng ta không thể phủ nhận rằng nhiều người cảm thấy thất vọng và không còn coi là mình theo truyền thống Công Giáo nữa, số cha mẹ không rửa tội cho con cái và không dạy chúng cầu nguyện gia tăng, và có một cuộc xuất hành nào đó về phía những cộng đồng đức tin khác. Một số nguyên nhân của sự thất bại này là: thiếu dịp để đối thoại trong gia đình, ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông, thuyết tương đối chủ quan, tinh thần tiêu thụ không thể kiềm chế được là điều kích thích thị trường, thiếu sự chăm sóc mục vụ cho những người nghèo nhất, sự thiếu vắng một chào đón nồng nhiệt trong các tổ chức của chúng ta, và chúng ta gặp khó khăn trong việc phục hồi sự gắn bó mầu nhiệm với đức tin trong một khung cảnh đa tôn giáo.

Những thách đố của nền văn hóa đô thị

71. Giêrusalem mới, Thành Thánh (Kh 21: 2-4) là mục tiêu mà toàn thể nhân loại đang hướng về. Điều thú vị là mặc khải cho chúng ta biết rằng sự viên mãn của con người và lịch sử được thể hiện trong một thành. Chúng ta cần phải nhận ra thành này từ một cái nhìn chiêm niệm, có nghĩa là một cái nhìn bằng con mắt đức tin để phát hiện ra Thiên Chúa ngự trong những ngôi nhà của nó, những con đường của nó, và những quảng trường của nó. Sự hiện diện của Thiên Chúa đi kẻm với việc tìm kiếm chân thành mà những người và các nhóm đang làm để tìm sự trợ giúp và ý nghĩa cho cuộc sống của họ. Thiên Chúa sống giữa những dân thành là những người phát huy tinh thần đoàn kết, tình huynh đệ, những ước muốn tốt, chân lý và công lý. Sự hiện diện này không phải là được người ta chế tạo ra, nhưng được tìm thấy và phát hiện. Thiên Chúa không ẩn mình đối với những người tìm kiếm Ngài bằng một con tim chân thành, cho dù họ mò mẫm, một cách không chính xác và rộng rãi.

72. Trong thành phố, bình diện tôn giáo được diễn tả bằng nhiều cách sống khác nhau, từ những phong tục liên quan đến một cảm giác về thời gian, đến lãnh thổ và các mối quan hệ khác với cách sống của người dân nông thôn. Trong cuộc sống thường nhật, dân thành phố phải thường xuyên đấu tranh để sinh tồn, và trong cuộc đấu tranh này hàm chứa một ý thức sâu xa về cuộc đời là điều thường cũng liên quan đến một ý nghĩa tôn giáo sâu xa. Chúng ta cần phải xét đến để đạt được một cuộc đối thoại như Chúa nhận ra với người phụ nữ Samaria bên bờ giếng, nơi chị tìm cách làm dịu cơn khát của mình (x. Ga 4: 7-26).

73. Những nền văn hóa mới phát sinh một cách liên tục trong những khu vực địa lý rộng lớn này của con người, nơi mà các Kitô hữu không còn được coi là những người cổ võ hay tạo ra những ý nghĩa, nhưng họ nhận được chúng từ các ngôn ngữ, biểu tượng, sứ điệp và mô thức khác, là những điều cung cấp những hướng đi mới cho cuộc sống, thường đối lập với Tin Mừng của Chúa Giêsu. Một nền văn hóa hoàn toàn mới đã sinh ra và tiếp tục phát triển trong các thành phố. Thượng Hội Đồng Giám Mục ghi nhận rằng ngày nay, những sự biến đổi của các khu vực rộng lớn này và nền văn hóa mà chúng diễn tả là một nơi đặc biệt cho việc Tân Phúc Âm hóa.[61] Điều này đòi hỏi chúng ta phải tưởng tượng ra những nơi cầu nguyện và hiệp thông với những đặc tính sáng tạo, hấp dẫn và có ý nghĩa hơn đối với dân thành phố. Những vùng nông thôn, do ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông đại chúng, cũng không xa lạ gì với những biến đổi văn hóa là những gì cũng đáng kể trong việc thay đổi cách sống của họ.

74. Cần phải có một cách truyền giáo có thể chiếu sáng những cách thức mới của sự liên hệ với Thiên Chúa, với tha nhân và với môi trường, là điều sẽ làm sáng tỏ những giá trị cơ bản. Cần phải đi đến những nơi mà ở đó chúng ta hình thành những câu chuyện và những mô thức mới để đem Lời của Chúa Giêsu tận đáy linh hồn của thành phố. Chúng ta không được quên rằng thành phố là một môi trường đa văn hóa. Ở các thành phố lớn, người ta có thể tìm thấy một mạng liên kết mà trong đó những nhóm người chia sẻ cùng một loại tưởng tượng và mơ ước tương tự về đời sống, tạo nên những hành động hỗ tương giữa con người, những nền văn hóa mới, trong những thành phố vô hình. Các hình thức văn hóa phụ khác nhau cùng tồn tại bên cạnh nhau, nhưng thường thực hành sự tách biệt và bạo lực. Hội Thánh được mời gọi phục vụ một cuộc đối thoại khó khăn. Ngoài ra, có những thị dân có đủ phương tiện để phát triển cuộc sống cá nhân và gia đình của họ, nhưng có một số rất lớn, những “người còn lại của thành phố, những người “không phải là dân đô thị” hay “dân bán đô thị”. Thành phố tạo nên một loại mâu thuẫn thường trực, bởi vì trong khi nó cung cấp cho thị dân những tiềm năng vô tận, thì cũng phát sinh nhiều khó khăn làm cản trở cho sự phát triển đầy đủ về cuộc sống của nhiều người. Những mâu thuẫn này gây ra đau khổ đau. Ở nhiều nơi trên thế giới, các thành phố là cảnh trí của những cuộc biểu tình tập thể, ở đó hàng ngàn người đòi hỏi tự do, tham gia, công lý và những đòi hỏi khác nhau mà nếu không giải quyết đúng cách, sẽ không thể bịt miệng họ bằng vũ lực.

75. Chúng ta không thể làm như không biết đến rằng ở trong các thành phố có việc buôn bán ma túy và buôn bán người, lạm dụng và bóc lột trẻ em, bỏ rơi các người già cả và bệnh tật, các hình thức tham nhũng khác nhau và tội phạm gia tăng cách dễ dàng. Đồng thời, điều đáng lẽ là những nơi người ta gặp gỡ và thể hiện tinh thần đoàn kết, thường biến thành những nơi chạy trốn và ngờ vực lẫn nhau. Những căn nhà ở và các khu dân cư được xây lên để cô lập hóa và bảo vệ hơn là để liên kết và hòa nhập. Việc công bố Tin Mừng sẽ là nền tảng cho việc khôi phục phẩm giá của đời sống con người trong những hoàn cảnh này, bởi vì Chúa Giêsu muốn rải trong các thành phố này sự sống dồi dào (x. Ga 10:10). Ý nghĩa kết hợp và đầy đủ của đời sống con người mà Tin Mừng cung cấp là phương thuốc điều trị tốt nhất cho những căn bệnh của thành phố, tuy nhiên chúng ta phải nhận ra rằng một chương trình và một phương thức truyền giáo độc dạng và cứng nhắc không phù hợp với thực tại này. Nhưng việc sống trọn vẹn những gì là con người và tự giới thiêu mình vào trung tâm của những thách đố như những nắm men nhân chứng, trong bất cứ nền văn hóa nào, trong bất cứ thành phố nào, làm cho chúng ta thành những Kitô hữu tốt hơn và sinh hoa kết quả trong thành phố.

II. Những cám dỗ của những người làm mục vụ

76. Tôi cảm thấy rất biết ơn sự dấn thân của tất cả những người làm việc trong Hội Thánh. Lúc này tôi không muốn dừng lại để trình bày các hoạt động của những người làm việc mục vụ khác nhau, từ các Giám Mục cho đến những ngưởi phục vụ Hội Thánh cách khiêm tốn và âm thầm nhất. Thay vào đó, tôi muốn suy nghĩ về những thách đố mà tất cả mọi người trong họ hiện đang phải đương đầu trong bối cảnh văn hóa bị toàn cầu hóa. Tuy nhiên, trước hết tôi phải công bằng mà nói rằng sự đóng góp của Hội Thánh trong thế giới ngày nay thật là bao la. Sự đau lòng và xấu hổ của chúng ta vì tội lỗi của một số thành viên của Hội Thánh, và cũng của chúng ta, không bao giờ được làm cho chúng ta quên tất cả những Kitô hữu đã hiến cuộc đời của họ cho tình yêu: họ giúp đỡ quá nhiều người để những người ấy được chữa lành hoặc được bình an chết trong những tạm xá, đồng hành với những người trở thành nô lệ cho những loại nghiện ngập khác nhau ở những nơi nghèo nhất trên trái đất, hiến thân cho việc giáo dục trẻ em và thanh niên, chăm sóc những người già cả bị mọi người bỏ rơi, tìm cách thông truyền những giá trị giữa những môi trường thù nghịch, tận tâm bằng nhiều cách khác nhau để chứng tỏ tình yêu bao la dành cho nhân loại mà Thiên Chúa làm người truyền cho chúng ta. Tôi biết ơn vì những tấm gương tuyệt đẹp đã làm cho tôi bởi nhiều Kitô hữu là những người dâng hiến cuộc đời và thời gian của họ với niềm vui. Chứng từ này làm cho tôi rất nhiều điều tốt và nâng đỡ tôi trong khát vọng cá nhân của tôi để vượt qua sự ích kỷ mà hiến mình nhiều hơn nữa.

77. Mặc dù thế, như những trẻ em ở thời đại này, tất cả chúng ta, một cách nào đó, cũng bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa toàn cầu hóa ngày nay, là nền văn hóa, trong khi mang lại cho chúng ta những cơ hội và những giá trị mới, cũng có thể hạn chế chúng ta và ra điều kiện cho chúng ta để làm hại chúng ta. Tôi biết rằng chúng ta cần phải tạo ra những chỗ phù hợp để thúc đẩy và đào tạo những người làm mục vụ, “những nơi mà đức tin vào Chúa Giêsu chịu đóng đinh và phục sinh được nhắc lại, những nơi mà những vấn đề sâu xa nhất và những quan tâm hàng ngày được chia sẻ, những nơi mà sự phân biệt thâm sâu nhất về những kinh nghiệm và chính đời sống được thực hiện trong ánh sáng của Tin Mừng, để hướng về sự tốt lành và vả đẹp của những lựa chọn cá nhân và lựa chọn xã hội của mình”.[62] Đồng thời, tôi muốn mọi người chú ý đến những một vài cám dỗ có ảnh hưởng đến đặc biệt đến những người làm mục vụ.

Trả lời có với những thách đố của một linh đạo truyền giáo

78. Ngày nay, chúng ta có thể nhận thấy nơi nhiều người làm mục vụ, kể cả những người được thánh hiến, một bận tâm quá đáng về tự do cá nhân và giải trí của mình, khiến họ sống những nhiệm vụ của họ như là một phần phụ thuộc đơn giản của đời sống, như thể chúng không phải là một phần của căn tình của họ. Đồng thời, đời sống tâm linh được đồng hóa với những giây phút tôn giáo cung cấp một ít an ủi, nhưng không nuôi nấng được việc gặp gỡ với những người khác, tham gia vào thế giới, đam mê truyền giáo. Do đó, người ta có thể tìm thấy ở nhiều người làm việc truyền giáo, mặc dù họ có cầu nguyện, một nhấn mạnh đến chủ nghĩa cá nhân, một cuộc khủng hoảng căn tính và suy giảm nhiệt tình. Đây là ba tệ nạn tự nuôi nhau.

79. Đôi khi nền văn hóa truyền thông và một số trí thức truyền tải một sự ngờ vực đáng kể ở những bài tường trình về sứ điệp của Hội Thánh, cùng với một ít thái độ yếm thế. Kết quả là, nhiều người làm mục vụ, ngay cả khi họ cầu nguyện, phát triển một loại mặc cảm, dẫn họ đến việc tương đối hóa hoặc che giấu căn tính và những xác tín Kitô giáo của họ. Vì thế một vòng luẩn quẩn được hình thành, cho nên họ không hài lòng với những gì họ đang có và những gì họ làm, họ không cảm thấy được đồng hóa với sứ vụ rao giảng Tin Mừng, và điều này làm suy yếu việc dấn thân. Cuối cùng họ bóp nghẹt niềm vui của sứ vụ bằng cách quá bận tâm về việc giống như mọi người khác và có những gì người khác có. Bằng cách này, nhiệm vụ loan báo Tin Mừng trở nên bó buộc và họ dành rất ít nỗ lực và một số thì giờ rất hạn chế cho nó.

80. Ngoài kiểu tâm linh hay dòng tư tưởng cụ thể mà họ có thể có, nơi những người làm mục vụ phát triển một thuyết tương đối thậm chí còn nguy hiểm hơn thuyết tương đối về tín lý nhiều. Nó liên quan đến những lựa chọn sâu xa nhất và chân thành nhất là những điều xác định một cách sống. Thuyết tương đối thực tế này hệ tại ở việc hành động như thể không có Thiên Chúa, ở việc quyết định như thể không có người nghèo, ở việc mơ ước là không có tha nhân, làm việc như thể tất cả những người chưa nhận được lời rao giảng Tin Mừng là không có. Cần nhấn mạnh rằng ngay cả những người dường như có xác tín về tín lý và tâm linh, cũng thường rơi vào một lối sống dẫn đến một gắn bó với sự an toàn về kinh tế, hoặc với việc muốn có quyền hành và vinh quang loài người bằng bất cứ giá nào, thay vì dâng hiến đời mình cho tha nhân trong việc truyền giáo. Chúng ta đừng để mình bị cướp mất nhiệt tâm truyền giáo!

Trả lời không với sự ươn lười ích kỷ

81. Khi chúng ta cần một sự năng động truyền giáo nhất là điều đem muối và ánh sáng vào trần gian, nhiều giáo dân sợ rằng mình bị mời làm một nhiệm vụ tông đồ, nên tìm cách trốn tránh để thoát khỏi bất kỳ cam kết nào có thể làm mất thì giờ rảnh rỗi của mình. Chẳng hạn như ngày nay rất khó để tìm thấy các giáo lý viên được đào tạo cho các giáo xứ và kiên trì trong công tác của họ nhiều năm. Nhưng một điều gì đó tương tự cũng xảy ra cho các linh mục, những người bận tâm quá mức với thì giờ rảnh rỗi của họ. Điều này thường xảy ra vì sự thể là người ta cảm thấy tuyệt đối cần phải bảo tồn không gian tự chủ của họ, như thể việc dấn thân rao giảng Tin Mừng là một chất độc nguy hiểm thay vì là một đáp trả hân hoan với tình yêu của Thiên Chúa là Đấng triệu tâp chúng ta để truyền giáo và làm cho chúng ta hoàn thành và hiệu quả. Một số chống lại việc tận hiến hoàn toàn cho sứ vụ và chung cuộc bị bao bọc trong một trạng thái ươn lười tê liệt.

82. Vấn đề không phải luôn luôn có quá nhiều hoạt động, nhưng điều chính là các hoạt động ấy được thực hiện một cách tồi tệ, không đủ hứng thú, không có một linh đạo thấm nhuần các hoạt động và biến chúng thành điều đáng mong ước. Từ đó các nhiệm vụ làm cho họ mệt mỏi quá sức và đôi khi còn bị bệnh. Đó không phải là một sự mệt mỏi thanh thản vui tươi, nhưng căng thẳng, đau đớn, bất bình, và cuối cùng không thể chịu nổi. Sự ươn lười về mục vụ này có thể gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Một số người rơi vào tình trạng ấy vì họ theo đuổi những dự án thiếu khả thi và không âm thầm hài lòng với những gì khả thi. Những người khác, vì không kiên nhẫn nổi với sự tiến hành khó khăn của những tiến trình và muốn tất cả mọi sự từ trời rơi xuống. Những người khác, vì gắn bó với một số dự án và những ước mơ thành công được vun trồng bởi tính khoa trương của họ. Những người khác đã mất liên lạc thật sự với dân chúng trong việc không còn cá nhân hóa việc mục vụ của mình, họ quan tâm nhiều đến tổ chức hơn là nhân sự, để rồi các “bảng lộ trình” làm cho họ hứng thú hơn là chính cuộc hành trình. Những người khác rơi vào sự lười biếng vì họ không biết chờ đợi, họ muốn chế ngự cả nhịp sống. Ngày nay, việc nóng lòng muốn có kết quả ngay khiến cho những người làm mục vụ không dễ dàng chấp nhận cảm thức có một chút mâu thuẫn, việc có thể thất bại, một lời chỉ trích, một thập giá.

83. Do đó mối đe dọa lớn nhất từ từ thành hình, “đó là chủ nghĩa thực dụng buồn rầu của đời sống hàng ngày của Hội Thánh, trong đó dường như mọi việc xảy ra bình thường, trong khi trên thực tế, đức tin bị suy yếu và thoái hóa thành nhỏ nhen.”[63] Vì thế phát triển một tâm lý nấm mồ, dần dần biến các Kitô hữu thành những xác ướp trong viện bảo tàng. Thất vọng với thực tại, với Hội Thánh hoặc với chính mình, họ sống trong cám dỗ bám vứu không ngừng vào một nỗi buồn mơ hồ, không có hy vọng, là điều xâm nhập quả tim của họ như “rượu thuốc quý giá nhất của ma quỷ”.[64] Được mời gọi để soi sáng và truyền thông sự sống, rốt cuộc họ cũng bị quyến rũ bởi những điều chỉ tạo ra bóng tối và mệt mỏi nội tâm, và những điều ấy làm suy yếu động năng tông đồ. Đối với tất cả những điều này tôi muốn nhấn mạnh: chúng ta đừng để cho mình bị cướp mất niềm vui của việc loan báo Tin Mừng!

Trả lời không với một bi quan vô bổ

84. Niềm vui của Tin Mừng là điều không ai và không gì có thể tước đoạt khỏi tay chúng ta (x. Ga 16, 22). Những sự dữ của thế giới chúng ta - và của Hội Thánh - không phải là một lý do để giảm bớt sự dấn thân và nhiệt tình của chúng ta. Hãy chỉ coi chúng như những thách đố để lớn lên. Ngoài ra, con mắt đức tin có thể nhận ra ánh sáng mà Chúa Thánh Thần luôn luôn tỏa lan trong bóng tối, đừng quên rằng “ở đâu tội lỗi gia tăng, thì ở đó ân sủng càng thêm dồi dào” (Rm 5:20). Đức tin của chúng ta được thách đố để thấy rượu mà trong đó nước có thể được biến đổi, và để khám phá ra hạt lúa mọc giữa cỏ dại. Năm mươi năm kể từ Công Đồng Vaticanô II, trong lúc chúng ta cảm thấy đau đớn vì những khổ đau của thời đại mình, và dù chúng ta không lạc quan ngây thơ, thì hiện thực lớn hơn của chúng ta không phải là ít tin tưởng vào Chúa Thánh Thần hoặc ít quảng đại hơn. Theo ý nghĩa này, chúng ta có thể nghe lại những lời của Chân Phước Gioan XXIII, vào ngày đáng nhớ hôm đó, ngày 11 tháng 10 năm 1962: “Đôi khi chúng ta phải nghe, thường thì cách đáng tiếc, tiếng nói của những người, mặc dù được đốt cháy bởi lòng nhiệt thành với tôn giáo, nhưng phân tích những sự kiện với một phán đoán không đủ khách quan hay thiếu thận trọng. Trong tình hình hiện nay của xã hội loài người, họ không có khả năng thấy được bất cứ điều gì khác ngoài đổ nát và thiên tai [...] Có lẽ chúng ta cần phải nói rằng chúng ta hoàn toàn không đồng ý với những tiên tri về ngày tận thế này, là những người luôn luôn giảng những gì kinh khủng nhất, như thể tận thế đã gần. Trong trình trạng hiện tại của những biến cố của con người, trong đó nhân loại có vẻ bước vào một một trật tự mới của sự vật, và thật là tốt đẹp khi nhận ra kế hoạch mầu nhiệm của Thiên Chúa Quan Phòng, xảy ra vào các thời điểm khác nhau qua công việc của con người, và thường vượt quá những mong đợi của họ, và sự khôn ngoan trong đó tất cả mọi sự, ngay cả những biến cố bất lợi cho con người, đều lợi ích cho Hội Thánh”.[65]

85. Một trong những cám dỗ nghiêm trọng hơn bóp nghẹt sự nhiệt tình và mạnh bạo là cảm giác thất bại, là điều biến đổi chúng ta thành bi quan bất mãn và thất vọng khi phải đối diện với tình trạng đen tối. Không ai có thể ra trận nếu không nắm chắc phần thắng. Ai bắt đầu mà không có lòng tự tin thì đã thua trước một nửa trận chiến và chôn vùi tài năng của mình. Ngay cả khi với một ý thức đau xót về những giới hạn riêng của mình, chúng ta phải tiến lên mà không lùi bước, và nhớ những gì Chúa đã nói với Thánh Phaolô, “Ơn sủng của Thầy đã đủ cho con rồi vì quyền năng của Thầy được thể hiện trong sự yếu đuối” (2 Cor 12:9). Chiến thắng của Kitô hữu luôn luôn là Thánh Giá, nhưng một cây Thánh Giá đồng thời là một biểu ngữ của chiến thắng mà người ta mang với một sự dịu dàng hiếu chiến chống lại những cuộc tấn công của ma quỷ. Thần dữ chủ bại là anh em của sự cám dỗ muốn tách lúa ra khỏi cỏ dại không đúng lúc, là sản phẩm của sự lo âu thiếu tin tưởng và quy về mình.

86. Rõ ràng là ở một số nơi đã có việc “sa mạc hóa” về tâm linh, là hậu quả dự án của những xã hội muốn xây dựng mà không có Thiên Chúa hoặc phá hủy gốc rễ Kitô giáo của họ. Ở đó “thế giới Kitô giáo trở nên cằn cỗi và kiệt quệ như một vùng đất đã bị khai thác quá mức đến nỗi biến thành cát”.[66] Ở các nước khác, việc chống đối Kitô giáo bằng bạo lực đã bắt buộc những Kitô hữu sống đức tin của họ hầu như tàng ẩn trong trong đất nước mà họ yêu mến. Đây là một hình thức khác rất đau lòng của sa mạc. Ngay cả gia đình riêng hoặc sở làm của chúng ta cũng có thể là những môi trường khô cằn này, ở đó chúng ta phải giữ vững đức tin và tìm cách truyền bá nó. Nhưng “chính từ việc bắt đầu từ kinh nghiệm về hoang địa này, sự trống rỗng này, mà chúng ta có thể một lần nữa khám phá ra niềm vui của đức tin, tầm quan trọng sống còn của nó đối với chúng ta, những người nam nữ. Trong hoang địa, người ta tái khám phá ra giá trị của những gì là thiết yếu cho sống. Trong thế giới ngày nay có rất nhiều dấu chỉ, thường được tỏ lộ cách gián tiếp hay tiêu cực, về sự khao khát Thiên Chúa, về ý nghĩa tối hậu của cuộc đời. Và trong hoang địa, rất cần phải có những người có đức tin, bằng gương sáng của chính đời sống họ, cho những người khác thấy con đường về Đất Hứa và giữ cho niềm hy vọng được sống mãi”.[67] Trong mọi trường hợp, trong những trường hợp tương tự, chúng ta được mời gọi là những người mang bình nước để phân phát nước uống cho người khác. Đôi khi cái bình biến thành một cây Thánh Giá nặng nề, nhưng chính trên Thánh Giá, ở nơi lưỡi đòng đâm thâu qua, mà Chúa đã ban cho chúng ta một nguồn suối nước trường sinh. Chúng ta hãy đừng để cho mình bị cướp mất niềm hy vọng!

Thưa có với những mối quan hệ mới được mang đến bởi Đức Chúa Giêsu Kitô

87. Ngày nay, khi mạng lưới và các công cụ truyền thông của con người đạt đến một cấp độ phát triển vô tiền khoáng hậu, chúng ta cảm thấy bị thách đố để khám phá và thông truyền một “sự huyền nhiệm” của việc sống chung và hòa đồng với nhau, để gặp gỡ, ôm trong vòng tay, nâng đỡ, tham gia vào làn sóng hơi hỗn loạn này, là điều có thể trở thành một kinh nghiệm thực sự của tình huynh đệ giữa một đoàn người đoàn kết trong một cuộc hành hương thánh. Bằng cách này, sẽ đưa đến nhiều cơ hội lớn hơn cho việc truyền thông và thêm nhiều dịp để gặp gỡ và đoàn kết giữa tất cả mọi người. Nếu chúng ta có thể đi theo con đường này, sẽ là một điều gì rất tốt, rất chữa lành, rất thanh thoát, tạo ra rất nhiều hy vọng! Ra khỏi chính mình để đoàn kết với những người khác là điều tốt. Tự khép mình lại có nghĩa là nếm mùi cay đắng của nọc độc của tính nội tại, nhân loại sẽ trở nên xấu hơn vì mỗi lựa chọn ích kỷ mà chúng ta làm.

88. Lý tưởng Kitô giáo luôn luôn mời gọi chúng ta vượt qua sự nghi ngờ, thiếu tin tưởng thường trực, sợ bị xâm lấn và những thái độ phòng thủ mà thế giới ngày nay áp đặt trên chúng ta. Nhiều người cố gắng trốn tránh người khác để có một cuộc sống riêng tư thoải mái, hoặc ở trong vòng những người thân thiết nhất, và từ bỏ chủ nghĩa hiện thực của chiều kích xã hội của Tin Mừng. Bởi vì, như một số người muốn một Đức Kitô hoàn toàn thiêng liêng, không có xác thịt hoặc Thánh Giá, nên họ cho rằng mối liên hệ giữa con người chỉ cần được trung gian qua những thiết bị tinh vi, những màn ảnh và những hệ thống có thể mở hay tắt bằng mệnh lệnh. Trong khi đó, Tin Mừng mời gọi chúng ta luôn luôn có nguy cơ gặp gỡ khuôn mặt những người khác, với sự hiện diện thể lý của họ là điều thách đố chúng ta, với sự đau khổ và những đòi hỏi của họ, với niềm vui hay lây của họ trong một sự tiếp xúc liên tục giữa người với người. Đức tin chân chính vào Con Thiên Chúa làm người không thể tách rời việc tự hiến, việc là phần tử của cộng đồng, phục vụ, hòa giải với người khác bằng xương bằng thịt. Trong việc nhập thể của Mình, Con Thiên Chúa đã mời gọi chúng ta vào cuộc cách mạng tình yêu.

89. Sự cô lập, là một hình thức của thuyết nội tại, có thể được diễn tả dưới dạng tự lập giả tạo là loại trừ Thiên Chúa ra ngoài, và đương nhiên, cũng có thể được tìm thấy trong một hình thức tôn giáo theo chủ thuyết tiêu thụ tinh thần trong phạm vi cá nhân chủ nghĩa bệnh hoạn của nó. Việc trở lại với những cuộc tìm kiếm sự thánh thiện và thiêng liêng đặc trưng cho thời đại chúng ta, là những hiện tượng mập mờ. Ngày nay thách đố của chúng ta không còn là chủ thuyết vô thần, mà là nhu cầu phải đáp ứng đầy đủ cho nhiều người đang khao khát Thiên Chúa, để họ không tìm cách thỏa mãn nhu cầu này bằng những giải pháp xa lạ hoặc với một Đức Chúa Giêsu Kitô không có thân xác và không có nghĩa vụ gì với nhau. Nếu họ không tìm thấy trong Hội Thánh một linh đạo có thể chữa lành họ, giải thoát họ, đổ đầy sự sống và bình an trên họ, đồng thời cũng mời gọi họ đến một sự hiệp thông đoàn kết và một sứ vụ truyền giáo sinh hoa quả, thì cuối cùng họ sẽ bị lừa gạt bởi những đề nghị vô nhân đạo và không làm sáng danh Thiên Chúa.

90. Những hình thức riêng của việc đạo đức phổ thông được nhập thể, bởi vì chúng đã phát sinh trong việc nhập thể của đức tin Kitô giáo trong nền văn hóa phổ thông. Chính vì thế mà chúng bao gồm một mối liên hệ cá nhân, không phải với những năng lượng hài hòa, nhưng với Thiên Chúa, với Đức Chúa Giêsu Kitô, với Đức Mẹ Maria và một vị Thánh. Các Ngài có thân xác, có dung nhan. Những hình thức riêng của việc đạo đức phổ thông được thích nghi để nuôi dưỡng những tiềm năng quan hệ mà không phải những lẩn trốn cá nhân. Trong những lĩnh vực khác của xã hội, chúng ta thấy người ta càng ngày càng bị thu hút bởi những hình thức khác nhau của một “hạnh phúc tinh thần” không có cộng đồng, một “nền thần học về thịnh vượng” mà không cần phải dấn thân huynh đệ, hoặc những kinh nghiệm chủ quan không chân dung, là những điều tự rút lại thành một cuộc tìm kiếm ích kỷ bên trong.

91. Một thách đố quan trọng là chứng tỏ rằng giải pháp sẽ không bao giờ hệ tại ở việc chạy trốn một mối liên hệ cá nhân và cam kết với Thiên Chúa, và đồng thời khiến chúng ta dân thân vì tha nhân. Điều này đang xảy ra ngày nay khi các tín hữu tìm cách trốn tránh hay ẩn mình khỏi nhãn quan của người khác, khi họ tinh vi chạy trốn từ nơi này đến nơi khác hoặc từ công tác này sang công tác khác mà không cần tạo ra những mối liên hệ sâu xa và vững chắc. “Imaginatio locorum et mutatio multos fefellit” (nghĩa là sự tưởng tượng và đổi chỗ đã lừa dối nhiều người) [68] Đây là một biện pháp sai lầm làm hại tâm hồn và đôi khi cả thể xác nữa. Chúng ta cần phải giúp họ nhận ra rằng cách duy nhất là học tập để gặp gỡ những người khác với thái độ đúng đắn, nghĩa là nhận ra và chấp nhận họ như những người bạn đồng hành trong cuộc hành trình, mà không ấm ức trong lòng. Tốt hơn nữa là học để khám phá ra Chúa Giêsu trong khuôn mặt của những người khác, trong tiếng nói của họ và trong những yêu cầu của họ. Chúng ta cũng có thể học chịu đau khổ bằng cách ôm chặt lấy Chúa Giêsu chịu đóng đinh khi chúng ta bị đả kích một cách bất công hay vô ơn, mà không bao giờ mệt mỏi chọn tình huynh đệ.[69]

92. Có sự chữa lành thật, vì cách chúng ta liên hệ với những người khác thực sự chữa lành chúng ta thay vì làm cho chúng ta đau ốm, là một tình huynh đệ huyền nhiệm và chiêm niệm, biết làm thế nào để nhìn thấy sự cao quý thánh thiện của tha nhân, biết cách tìm thấy Thiên Chúa trong mỗi con người, biết chịu đựng sự bất tiện của việc chung sống bằng cách bám chặt vào tình yêu của Thiên Chúa, biết rộng mở tâm hồn cho tình yêu của Thiên Chúa để tìm kiếm hạnh phúc cho tha nhân như Cha Nhân Lành của chúng ta đã làm. Trong thời đại này, nhất là ở những nơi mà chúng ta là “đàn chiên bé nhỏ” (Lc 12:32), các môn đệ của Chúa được mời gọi để sống như một cộng đồng muối đất và ánh sáng thế gian (x. Mt 5:13-16). Họ được mời gọi để làm nhân chứng như phần tử của cộng đồng rao giảng Tin Mừng bằng những cách thế luôn luôn mới mẻ.[70] Chúng ta đừng để cho mình bị cướp mất cộng đồng!

Trả lời không với tinh thần thế tục

93. Tinh thần thế tục, là tinh thần nấp đằng sau những vẻ đạo đức bề ngoài và ngay cả tình yêu đối với Hội Thánh, để tìm vinh quang và phúc lợi cho con người thay vì vinh quang của Chúa. Đây là điều Chúa khiển trách người Pharisêu: “Làm sao các ông có thể tin được, khi các ông chấp nhận lời ca tụng của nhau, và không tìm lời khen chỉ đến từ một mình Thiên Chúa?” (Ga 5:44). Đây là một cách tinh vi để tìm “lợi ích riêng của mình chứ không phải của Đức Chúa Giêsu Kitô” (Ph 2: 21). Nó có nhiều hình thức, tùy thuộc vào loại người và hoàn cảnh mà nó xâm nhập. Vì nó liên quan đến việc tìm kiếm vẻ bề ngoài, nên không luôn luôn đi kèm với các tội công khai, và nhìn bề ngoài mọi sự đều có vẻ như thường. Nhưng nếu nó tràn ngập Hội Thánh, “nó sẽ tai hại vô cùng so với bất kỳ loại thế tục nào khác chỉ đơn thuần luân lý”.[71]

94. Tính thế tục này có thể được nuôi dưỡng bằng hai cách đặc biệt liên kết với nhau một cách chặt chẽ. Một là sự hấp dẫn của Ngộ Đạo, một đức tin bị giam hãm trong sự chủ quan, chỉ quan tâm đến một kinh nghiệm cụ thể nào đó hoặc một loạt các lý luận và kiến thức được coi là an ủi và soi sáng, trong khi đối tượng vẫn đang bị giam kín trong tính nội tại của những lý luận hay cảm xúc riêng của mình. Cách khác là theo chủ thuyết tân Pelagus quá tin ở sức mình và chỉ biết nghĩ đến mình của những người cuối cùng chỉ cậy vào sức của mình và cảm thấy mình trổi vượt hơn những người khác bởi vì họ giữ những tiêu chuẩn đã được thiết lập hoặc trung thành với một kiểu Công Giáo trong quá khứ. Đó là việc cho rằng mình có một sự chắc chắn về tín lý hay kỷ luật tạo nên một chủ nghĩa ưu tú độc tài chỉ biết nghĩ đến cái đúng của mình, bởi đó thay vì rao giảng Tin Mừng, người ta phân tích và xếp loại những người khác, và thay vì tạo điều kiện để tiếp cận với ân sủng, người ta dốc hết tâm lực để kiểm soát. Trong cả hai trường hợp, người ta không thực sự quan tâm đến Chúa Giêsu Kitô hoặc tha nhân. Đây là những biểu hiện của một học thuyết nội tại đặt con người làm rốn vũ trụ (immanentisme anthropocentrique). Không thể tưởng tượng được rằng những hình thức thu nhỏ này của Kitô giáo có thể phát sinh một động năng truyền giáo chân chính.

95. Tính thế tục tối tăm này được bày tỏ bằng nhiều thái độ trái ngược nhau nhưng với cùng một cớ tương tự là để “chiếm chỗ của Hội Thánh.” Nơi một số người, chúng ta nhận thấy có một sự chăm sóc phô trương về phụng vụ, tín lý và uy tín của Hội Thánh, nhưng không bận tâm gì đến việc thực sự lồng Tin Mừng vào dân Thiên Chúa và những nhu cầu thực tế của lịch sử. Bằng cách này, đời sống của Hội Thánh trở nên một viện bảo tàng, hoặc trở thành tài sản của một vài người. Nơi những người khác, cùng tinh thần thế tục này nấp đằng sau sự quyến rũ của việc phô trương những thành tích xã hội và chính trị, hoặc trong hư danh liên quan đến khả năng quản lý các công việc thực tế của họ, hoặc trong sự hấp dẫn của động năng tự trọng và tự phát triển khả năng. Nó cũng có thể dẫn đến bằng nhiều cách khác nhau việc cho người khác thấy rằng mình tham gia vào một đời sống xã hội bận rộn đầy những cuộc du lịch, hội họp, tiệc tùng và tiếp tân. Hoặc nó xảy ra trong một kiểu quản lý theo chủ nghĩa thực dụng, chịu trách nhiệm về thống kê, lịch trình và lượng giá, trong đó những người được thụ hưởng chính không phải là dân Thiên Chúa, mà là Hội Thánh như một tổ chức. Trong mọi trường hợp, nó tước đi ấn tín của Đức Kitô Nhập Thể, Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh, nó thu gọn lại thành một nhóm người ưu tú, không thực sự đi tìm những người ở xa hay những đám đông vô số kể đang khao khát Đức Kitô. Họ không còn lòng nhiệt thành truyền giáo nữa, mà chỉ nghĩ đến hưởng thụ giả dối của việc thỏa mãn ích kỷ.

96. Trong bối cảnh này, có việc nuôi dưỡng hư danh của những người tự hài lòng với việc có một số quyền hành và muốn trở thành những tướng lãnh của một quân đội bại trận chứ không muốn chỉ là những người lính hợp thành đội ngũ để tiếp tục chiến đấu. Bao nhiêu lần chúng ta mơ ước những kế hoạch tông đồ theo chủ nghĩa bành trướng, được thiết kế tỉ mỉ và cẩn thận, đó là điển hình cho những tướng lãnh bại trận! Như thế, chúng ta từ chối lịch sử của mình về Hội Thánh, là một lịch sử vẻ vang của hy sinh, của hy vọng, của đấu tranh hàng ngày, của hao mòn trong phục vụ, của kiên trì trong những việc khó khăn, bởi vì tất cả mọi việc đều được thực hiện trong sự “đổ mồ hôi trán của chúng ta.” Ngược lại, chúng ta mất thì giờ vô ích bàn về việc “chúng ta nên làm gì” - tội “nên làm” – giống như các vị thầy tâm linh và các chuyên gia mục vụ là những người ra chỉ thị nhưng đứng ở ngoài. Chúng ta vun trồng trí tưởng tượng của mình một cách vô giới hạn và mất liên lạc với thực tại đau thương của những người tín hữu của mình.

97. Những người rơi vào tình trạng thế tục này nhìn từ trên cao xuống và từ xa lại, họ từ chối lời tiên tri của anh em, họ thanh trừng những người có thắc mắc, liên tục nhấn mạnh đến những sai lầm của người khác và chú ý quá đáng đến vẻ bề ngoài. Họ thu hẹp những gì liên quan đến quả tim của họ vào một chân trời khép kín của nội tại và tư lợi, và do đó họ không học được gì về tội lỗi của họ và không thực sự mở lòng ra cho sự tha thứ. Đây là một sự thối nát khủng khiếp đội lốt một vẻ bề ngoài tốt lành. Chúng ta phải tránh điều này bằng làm cho Hội Thánh luôn luôn đi ra ngoài chính mình, đặt trọng tâm của sứ vụ vào Đức Chúa Giêsu Kitô, và dấn thân cho người nghèo. Xin Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi một Hội Thánh thế tục nấp đàng sau những bức phông tinh thần và mục vụ hời hợt! Tinh thần thế tục ngột ngạt này chỉ có thể được chữa lành qua việc hít thở bầu không khí trong lành của Chúa Thánh Thần, là Đấng giải thoát chúng ta khỏi việc tiếp tục tập trung vào chính mình, ẩn nấp đằng sau một vẻ bề ngoài về tôn giáo mà không có Thiên Chúa. Chúng ta đừng để cho mình bị cướp mất Tin Mừng!

Trả lời không với chiến tranh giữa chúng ta

98. Có biết bao nhiêu cuộc chiến tranh trong Dân Chúa và trong các cộng đồng khác nhau! Trong khu phố, ở sở làm, có biết bao nhiêu cuộc chiến tranh vì ham muốn và ganh tỵ, ngay cả giữa các Kitô hữu! Tinh thần thế tục đưa một số Kitô hữu đến chiến tranh với những Kitô hữu khác là những người cản trở việc tìm kiếm quyền lực, uy tín, thú vui và an ninh kinh tế của họ. Ngoài ra, một số người ngưng sống như thành viên thân yêu trong Hội Thánh, để nuôi dưỡng một tinh thần bất hòa. Thay vì thuộc về toàn thể Hội Thánh, với sự phong phú đa dạng của nó, họ thuộc về một nhóm tự cho là mình khác người hoặc đặc biệt.

99. Thế giới bị rách nát vì chiến tranh và bạo lực, hoặc bị thương bởi sự lan tràn của chủ nghĩa cá nhân là chủ nghĩa chia rẽ con người và đặt họ vào vị thế chống chọi nhau trong việc theo đuổi hạnh phúc riêng của họ. Ở một số nước nổi lên những xung đột và những chia rẽ cũ rích mà một số người nghĩ là đã lỗi thời. Đối với các Kitô hữu của tất cả các cộng đồng trên thế giới tôi muốn đặc biệt yêu cầu một chứng từ cụ thể cho sự hiệp thông huynh đệ la điều trở nên hấp dẫn và tươi sáng. Để tất cả mọi người ngưỡng mộ cách anh chị em chăm sóc nhau, cách anh chị em khuyến khích nhau và đồng hành với nhau: “Bằng cách này mọi người nhận biết rằng các con là môn đệ của Thầy, là các con yêu thương nhau” (Ga 13:35). Đây là những gì Chúa Giêsu cầu xin cùng Chúa Cha trong lời cầu nguyện tha thiết: “Xin cho họ nên một trong Chúng Ta: để thế gian có thể tin” (Ga 17:21). Hãy coi chừng cám dỗ ghen tị! Chúng ta ở trên cùng một con thuyền và chúng ta đi đến cùng một bến! Chúng ta hãy xin ơn để vui mừng vì các hoa quả của những người khác, mà cũng là của tất cả mọi người.

100. Những người bị tổn thương vì những chia rẽ cổ xưa thấy rất khó để chấp nhận việc chúng ta kêu gọi họ tha thứ và hòa giải, bởi vì họ nghĩ rằng chúng ta coi thường những đau khổ của họ hoặc giả vờ như mất trí nhớ về những lý tưởng của họ. Nhưng nếu họ nhìn thấy những chứng từ của các cộng đồng huynh đệ và hòa giải thật sự, điều này luôn luôn là một ánh sáng hấp dẫn. Vì vậy, tôi cảm thấy rất đau lòng khi khám phá ra rằng làm sao trong một số cộng đồng Kitô hữu và thậm chí giữa những người được thánh hiến, còn có chỗ cho các hình thức khác nhau của hận thù, chia rẽ, vu khống, nói xấu, trả thù, ghen ghét, mong muốn áp đặt ý tưởng của mình với bất cứ giá nào, để đàn áp tương tự như một cuộc tróc nã phù thủy không thương xót. Chúng ta sẽ rao giảng Tin Mừng cho ai với những hành vi như thế?

101. Xin Chúa giúp chúng ta hiểu luật tình yêu. Tốt biết bao khi có luật này! Thật tốt cho chúng ta biết bao khi chúng ta yêu thương nhau hơn trên hết mọi sự! Vâng, trên hết mọi sự! Mỗi người chúng ta được khuyên nhủ bởi lời của Thánh Phaolô: “Ðừng để sự dữ thắng anh em, nhưng hãy lấy điều lành mà thắng sự dữ” (Rm 12: 21). Và thêm: “Chúng ta đừng chán nản khi làm việc lành” (Gal 6:9). Tất cả chúng ta đểu có thiện cảm và ác cảm, và có lẽ chính lúc này chúng ta đang tức giận một ai đó. Chúng ta hãy ít nhất thưa cùng Chúa: “Lạy Chúa, con khó chịu với điều này hay điều kia. Con cầu nguyện cho anh ấy và chị ấy.” Cầu nguyện cho những người mà chúng ta đang giận dữ là một bước dài tiến về phía tình yêu, và đó là một hành động loan báo Tin Mừng. Chúng ta hãy làm điều đó ngay hôm nay! Chúng ta đừng để cho mình bị cướp mất lý tưởng huyng đệ!

Những thách đố khác của Hội Thánh

102. Nói cách đơn giản, giáo dân là đa số rộng lớn của dân Thiên Chúa. Để phục vụ của họ, có một thiểu số: các các thừa tác viên có chức thánh. Ý thức về căn tính và sứ vụ của giáo dân trong Hội Thánh đang lớn dần. Chúng ta trông cậy vào một số giáo dân, mặc dù vẫn chưa đủ, với một ý thức sâu xa về cộng đồng và một lòng trung thành lớn lao với sự dấn thân trong các việc bác ái, dạy giáo lý và cử hành đức tin. Nhưng ý thức về trách nhiệm của giáo dân phát sinh từ Bí Tích Rửa Tội và Thêm Sức không tỏ lộ cùng một cách với mọi người. Trong một số trường hợp vì họ không được đào tạo để đảm nhận trách nhiệm quan trọng, trong những trường hợp khác vì họ không tìm thấy chỗ đứng trong Hội Thánh địa phương để có thể lên tiếng và hoạt động, vì chế độ giáo sĩ trị quá mức, là điều gạt họ ra ngoài lề trong việc đi đến những quyết định. Ngoài ra, ngay cả khi có một sự tham gia của nhiều thừa tác viên giáo dân, việc dấn thân này không được phản ảnh trong sự thấm nhập các giá trị Kitô giáo vào thế giới xã hội, chính trị và kinh tế. Sự tham gia này thường bị giới hạn trong những công tác nội bộ của Hội Thánh mà không có một sự dấn thân thực sự trong việc áp dụng Tin Mừng vào việc biến đổi xã hội. Việc đào luyện giáo dân và rao giảng Tin Mừng của các loại chuyên nghiệp và trí thức là một thách đố mục vụ quan trọng.

103. Hội Thánh nhìn nhận sự đóng góp quan trọng của phụ nữ đối với xã hội, bởi sự nhạy cảm, trực giác và một số khả năng của họ, là những gì mà phụ nữ thường trổi vượt hơn nam giới. Chẳng hạn như sự chú ý đặc biệt đến phụ nữ khác, được thể hiện một cách đặc biệt, mặc dù không độc quyền, trong việc sinh sản. Tôi vui mừng vì thấy biết bao phụ nữ chia sẻ trách nhiệm mục vụ với các linh mục, đang góp phần vào việc giúp đỡ các cá nhân, gia đình hoặc các nhóm và có những đóng góp mới về suy tư thần học. Nhưng chúng ta còn phải mở rộng không gian cho một sự hiện diện quyết định hơn của phụ nữ trong Hội Thánh. Bởi vì “thiên tài của phụ nữ là điều cần thiết trong tất cả các hình thức của đời sống xã hội, do đó, sự hiện diện của phụ nữ trong lĩnh vực lao động cũng phải được đảm bảo” [72] và ở các khung cảnh khác nhau, nơi mà những quyết định quan trọng được thực hiện, cũng cả trong Hội Thánh lẫn các cơ cấu xã hội.

104. Việc đòi hỏi quyền lợi chính đáng của phụ nữ, dựa trên xác tín vững chắc rằng đàn ông và phụ nữ có cùng một phẩm giá, đặt ra cho Hội Thánh những vấn đề thách đố sâu xa và không thể nhẹ nhàng né tránh. Chức linh mục dành cho nam giới như một dấu chỉ của Đức Kitô Phu Quân là Đấng sống trong Bí Tích Thánh Thể, là một vấn đề không được đem ra thảo luận, nhưng có thể trở thành một nguyên nhân của cuộc xung đột cụ thể nếu chúng ta quá đồng hóa quyền năng bí tích với quyền hành. Chúng ta không được quên rằng khi chúng ta nói về quyền năng linh mục “chúng ta ở trong phạm vi chức năng, chứ không nói về phẩm giá và sự thánh thiện.”[73] Thừa tác vụ linh mục là một phương tiện được Chúa Giêsu sử dụng để phục vụ dân Người, nhưng phẩm giá cao quý đến từ Bí Tích Rửa Tội, là Bí Tích mà tất cả mọi người đều đến gần được. Quy định hình dạng của linh mục với Đức Kitô là Đầu - nghĩa là nói về nguồn mạch chính của ân sủng - không có ý nâng cao các ngài lên và đặt trên tất cả những người còn lại. Trong Hội Thánh, các chức năng “không biện minh cho tính ưu việt của một người trên những người khác”.[74] Thực ra, một phụ nữ, Đức Mẹ Maria, còn quan trọng hơn các Giám Mục. Ngay cả khi người ta kể đến chức năng của chức linh mục thừa tác được coi như “phẩm trật”, chúng ta phải nhớ rằng “nó được xắp đặt hoàn toàn theo sự thánh thiện của các chi thể của Đức Kitô”.[75] Chìa khóa và trọng điểm cơ bản không phải là quyền bính thống trị, nhưng quyền năng cử hành Bí Tích Thánh Thể; cho nên quyền năng của linh mục, luôn luôn là để phục vụ dân chúng. Đây là một thách đố lớn cho các mục tử và các thần học gia, là những người có thể giúp đỡ trong việc nhận biết rõ hơn những gì liên quan đến vai trò khả thi của phụ nữ ở những nơi mà những quyết định quan trọng được đưa ra trong các lãnh vực khác nhau của Hội Thánh.

105. Mục vụ giới trẻ, như chúng ta thường khai triển, phải chịu những va chạm mạnh mẽ của những thay đổi xã hội. Trong những cơ cấu thông thường, giới trẻ thường không tìm thấy những câu trả lời cho những quan tâm, những nhu cầu, những vấn đề và những vết thương của các em. Như những người trưởng thành, chúng ta thấy khó mà kiên nhẫn lắng nghe các em, hiểu biết những quan tâm hoặc yêu cầu của các em, và học cách nói chuyện với các em bằng ngôn ngữ mà các em hiểu được. Cùng một lý do đó, những nỗ lực của chúng ta trong lãnh vực giáo dục đã không đem lại những kết quả mong muốn. Sự phát triển và tăng trưởng của các đoàn thể và các phong trào bao gồm hầu hết các người trẻ có thể được hiểu là một hành động của Chúa Thánh Thần, mở ra những con đường mới để đáp ứng những mong đợi của các em và việc tìm kiếm một linh đạo sâu xa và một cảm giác thuộc về Hội Thánh cách cụ thể hơn của các em. Tuy nhiên, vẫn còn một nhu cầu để đảm bảo rằng các đoàn thể này tham gia một cách ổn định hơn vào toàn thể nỗ lực mục vụ của Hội Thánh.[76]

106. Mặc dù không phải luôn luôn dễ dàng để tiếp cận giới trẻ, những tiến bộ đã được thực hiện trong hai lĩnh vực: ý thức rằng toàn thể cộng đồng được mời gọi để rao giảng Tin Mừng cho các em và giáo dục các em, và nhu cầu khẩn cấp để biến các em thành những nhân vật chính. Phải công nhận rằng trong cuộc khủng hoảng hiện tại của việc dấn thân và liên hệ cộng đồng, nhiều người trẻ, là những người cung cấp sự giúp đỡ đoàn kết của họ chống lại các tệ nạn của thế giới và thực hiện các hình thức khác nhau của đấu tranh và hoạt động tình nguyện. Một số em tham gia vao đời sống của Hội Thánh, ban sự sống cho những nhóm phục vụ và những sáng kiến truyền giáo khác nhau trong giáo phận của các em hoặc các địa điểm khác. Đẹp thay những người trẻ đang là “những người hành hương đức tin”, vui sướng đem Chúa Giêsu ra mọi đường phố, vào mọi nơi, đến mọi ngóc ngách của trái đất!

107. Ở nhiều nơi ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến đang trở nên khan hiếm. Thường trong những cộng đồng này điều ấy xảy ra vì thiếu vắng một lòng nhiệt thành tông đồ hay lây, và vì lý do này mà không còn sự hăng say và hấp dẫn. Nơi nào có sự sống, sự nhiệt tình, mong ước đem Đức Kitô đến cho người khác, thì nơi đó ơn gọi đích thực phát sinh. Ngay cả trong các giáo xứ mà các linh mục hơi có một chút tham gia và vui vẻ, chính đời sống huynh đệ và nhiệt thành của cộng đồng có thể đánh thức khát vọng hiến mình hoàn toàn cho Thiên Chúa và loan báo Tin Mừng, đặc biệt là nếu một cộng đồng sống động như thế cầu nguyện tha thiết cho ơn thiên triệu và can đảm đề nghị cho những người trẻ của mình con đường thánh hiến đặc biệt. Mặt khác, bất chấp tình trạng thiếu ơn gọi, chúng ta có một ý thức rõ ràng hơn về sự cần thiết phải có một lựa chọn tốt về các ứng viên cho thiên chức linh mục. Các chủng viện không thể nhận các ứng viên dựa vào bất cứ một động lực nào, đặc biệt là khi những động lực ấy liên quan đến tình trạng bấp bênh về tình cảm, theo đuổi của quyền lực, vinh quang con người và thịnh vượng về kinh tế.

108. Như tôi đã nói trước đây, tôi không muốn đưa ra một phân tích đầy đủ, nhưng tôi khuyến khích các cộng đồng bổ sung và phong phú hóa những viễn cảnh này dựa trên những ý thức về các thách đố của riêng mình và của những cộng đồng lân cận. Khi họ làm điều ấy, tôi hy vọng là họ sẽ nhận ra rằng, khi nào chúng ta cố gắng đọc các dấu chỉ của thời đại trong tình hình hiện nay, chúng ta nên lắng nghe những người trẻ và những người già. Cả hai đều là những niềm hy vọng của mọi dân tộc. Những người lớn tuổi mang với họ ký ức và sự khôn ngoan của kinh nghiệm, là những điều nhắc cho chúng ta đừng lặp lại một cách ngu xuẩn những sai lầm trong quá khứ. Những người trẻ mời gọi cho chúng ta đánh thức và phát huy hy vọng, bởi vì các em mang theo những khuynh hướng mới của nhân loại và mở lòng chúng ta hướng về tương lai, để chúng ta không bám chặt lấy trong nhung nhớ những cơ chế và tục lệ không còn mang lại sự sống trong thế giới ngày nay.

109. Những thách đố hiện hữu là để được khuất phục. Chúng ta phải thực tế, nhưng không làm mất niềm vui, sự mạnh dạn và sự dấn thân đầy hy vọng! Chúng ta đừng để cho mình bị cướp mất nhiệt tình truyền giáo!

(Còn tiếp)

http://giaoly.org/vn/

---------------------------------

Notes:

[53] JOHN PAUL II, Post-Synodal Apostolic Exhortation Pastores Dabo Vobis (25 March 1992), 10: AAS 84 (1992), 673.

[54] PAUL VI, Encyclical Letter Ecclesiam Suam (6 August 1964), 19: AAS 56 (1964), 609.

[55] SAINT JOHN CHRYSOSTOM, De Lazaro Concio, II, 6: PG 48, 992D.

[56] Cf. Propositio 13.

[57] JOHN PAUL II, Apostolic Exhortation Ecclesia in Africa (14 September 1995), 52: AAS 88 (1996), 32-33; ID., Encyclical Letter Sollicitudo Rei Socialis (30 December 1987), 22: AAS 80 (1988), 539.

[58] JOHN PAUL II, Apostolic Exhortation Ecclesia in Asia (6 November 1999), 7: AAS 92 (2000), 458.

[59] UNITED STATES CONFERENCE OF CATHOLIC BISHOPS, Ministry to Persons with a Homosexual Inclination: Guidelines for Pastoral Care (2006), 17.

[60] CONFÉRENCE DES ÉVÊQUES DE FRANCE, Conseil Famille et Société, Élargir le mariage aux personnes de même sexe? Ouvrons le débat! (28 September 2012).

[61] Cf. Propositio 25.

[62] AZIONE CATTOLICA ITALIANA, Messaggio della XIV Assemblea Nazionale alla Chiesa ed al Paese (8 May 2011).

[63] J. RATZINGER, The Current Situation of Faith and Theology. Conference given at the Meeting of Presidents of Latin American Episcopal Commissions for the Doctrine of the Faith, Guadalajara, Mexico, 1996. Translation in L’Osservatore Romano, English Language Edition, 6 November 1996. Cf. FIFTH GENERAL CONFERENCE OF THE LATIN AMERICAN AND CARIBBEAN BISHOPS, Aparecida Document, 29 June 2007, 12.

[64] G. BERNANOS, Journal d’un curé de campagne, Paris, 1974, 135.

[65] Address for the Opening of the Second Vatican Council (11 October 1962): 4, 2-4: AAS 54 (1962), 789.

[66] J.H. NEWMAN, Letter of 26 January 1833, in The Letters and Diaries of John Henry Newman, vol. III, Oxford 1979, 204.

[67] BENEDICT XVI, Homily at Mass for the Opening of the Year of Faith (11 October 2012): AAS 104 (2012), 881.

[68] THOMAS À KEMPIS, De Imitatione Christi, Lib. I, IX, 5: “Dreaming of different places, and moving from one to another, has misled many”.

[69] We can benefit from the testimony of Saint Thérèse of Lisieux, who speaks of one particular Sister whom she found especially disagreeable, where an interior experience had a decisive impact: “One winter afternoon I was engaged as usual in my little task. It was cold and growing dark… Suddenly I heard in the distance the harmonious sounds of a musical instrument. I began to imagine a well-lit room, draped in gold, and in it, elegantly dressed young ladies exchanging worldly compliments and courtesies. Then I looked at the poor sick woman whom I was attending. In place of a melody, I heard her occasional groans and sighs… I cannot express what took place in my soul. All that I do know is that the Lord illumined it with the rays of truth which so surpassed the flickering glow of earthly revels, that I could scarcely believe my happiness” (Ms. C, 29v-30r, in Oeuvres Complètes, Paris, 1992, 274-275).

[70] Cf. Propositio 8.

[71] H. DE LUBAC, Méditation sur l’Église, Paris, 1968, 321.

[72] PONTIFICAL COUNCIL FOR JUSTICE AND PEACE, Compendium of the Social Doctrine of the Church, 295.

[73] JOHN PAUL II, Post-Synodal Apostolic Exhortation Christifideles Laici (30 December 1988), 51: AAS 81 (1989), 413.

[74] CONGREGATION FOR THE DOCTRINE OF THE FAITH, Declaration Inter Insigniores on the Question of the Admission of Women to the Ministerial Priesthood (15 October 1976): AAS 68 (1977) 115, cited in JOHN PAUL II, Post-Synodal Apostolic Exhortation Christifideles Laici (30 December 1988), note 190: AAS 81 (1989), 493.

[75] JOHN PAUL II, Apostolic Letter Mulieris Dignitatem (15 August 1988), 27: AAS 80 (1988), 1718.

[76] Cf. Propositio 51.
 
Đức Thánh Cha tiếp kiến thủ tướng Israel
Lm. Trần Đức Anh OP
10:45 03/12/2013
VATICAN. Sáng ngày 2-12-2013, ĐTC Phanxicô đã tiếp kiến thủ tướng Israel, Ông Benjamin Netanyahu và toàn tùy tùng gồm 13 người.

Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết sau khi gặp ĐTC, Thủ trướng Israel đã hội kiến với Đức TGM Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, có sự hiện diện của Đức Ông Antoine Camilleri, Thứ trưởng ngoại giao.

Trong hai cuộc gặp gỡ đó, các vị đã đề cập đến tình hình chính trị và xã hội phức tạp ở Trung Đông, đặc biệt là việc mở lại các cuộc thương thuyết giữa Israel và Palestine, và Tòa Thánh cầu mong sớm đạt tới một giải pháp công chính và lâu dài, trong niềm tôn trọng các quyền của hai bên.

Ngoài ra, hai bên cũng bàn tới dự án hành hương của ĐTC tại Thánh Địa, cũng như một số vấn đề liên quan đến chính quyền và cộng đoàn Công Giáo ở địa phương, giữa Nhà Nước Israel và Tòa Thánh. Tòa Thánh cầu mong sớm kết thúc tiến trình chuẩn bị từ lâu cho hiệp định giữa hai bên về vấn đề này.

Trong thời gian qua, báo chí đã phỏng đoán ngày ĐTC Phanxicô có thể viếng thăm Thánh Địa. Ví dụ tờ Jerusalem Post cho rằng cuộc viếng thăm của ĐTC tại Israel sẽ diễn ra trong hai ngày 25 và 26-5 năm tới, và một toán chuẩn bị của Tòa Thánh sắp tới Israel. Tuy nhiên, Phòng báo chí Tòa Thánh không xác nhận tin này.

Cả tổng thống Shimon Peres lẫn thủ tướng Netanyahu đã mời ĐTC Phanxicô đến thăm Israel và ngài cũng bày tỏ sự sẵn sàng.

Trong khi đó, hãng tin Petra của Giordani cho rằng cuộc viếng thăm của ĐTC tại Thánh Địa, dự kiến vào năm tới, có thể bắt đầu từ Giordani.

Hãng tin này cho biết đã lấy tin này từ Đức TGM Dominique Mamberti, ngoại trưởng Tòa Thánh. ĐGH nhận xét rằng Giordani là một nước tôn trọng sự đa nguyên tôn giáo. Ngài đã được nhiều nước trong vùng mời viếng thăm, trong đó có Israel, lãnh thổ của người Palestine và cả Liban nữa. (Tổng hợp 2-12-2013)
 
Đức Thánh Cha mở lại các cuộc tiếp kiến các GM về Roma thăm Tòa Thánh
Lm. Trần Đức Anh OP
10:45 03/12/2013
VATICAN. ĐTC Phanxicô đã bắt đầu mở lại các cuộc tiếp kiến dành cho các về Roma viếng mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolo và thăm Tòa Thánh theo qui định của giáo luật.

Sau khi được bầu làm Giáo Hoàng ngày 13-3 năm nay, ĐTC Phanxicô đã hoàn tất chương trình tiếp kiến các GM Italia đã được ĐTC Biển Đức 16 khởi sự hồi tháng giêng trước đó. Sau đó chương trình viếng thăm Tòa Thánh của các GM trên thế giới bị tạm ngưng cho đến ngày hôm qua, 2-12.

Trong tuần này, 13 GM thuộc 7 giáo phận tại Hòa Lan về Roma viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh, dưới sự hướng dẫn của ĐHY Willem Jacobus Eijk, TGM giáo phận Utrecht. Tất cả các vị đã được ĐTC tiếp kiến sáng hôm qua (2-12).

Hòa Lan chỉ rộng hơn 41.500 cây số vuông với 16 triệu 725 ngàn dân cư, trong đó có 4 triệu tín hữu Công Giáo, tương đương với 24% dân số và là Giáo Hội lớn nhất tại nước này. Xã hội Hòa Lan bị tục hóa cao độ và càng ngày càng có nhiều tôn giáo khác, trong số này có 6% theo Hồi giáo. Ngoài ra có tới 50% tuyên bố mình là người vô thần hoặc không theo tôn giáo nào. Việc thực hành đạo tại Hòa Lan sa sút trầm trọng: trong số hơn 4 triệu tín hữu Công Giáo, chỉ có 5,6% tham dự thánh lễ Chúa Nhật đều đặn.

Trong bài huấn dụ tại buổi tiếp kiến, ĐTC cám ơn và khích lệ các GM Hòa Lan tiếp làm tăng trưởng niềm hy vọng trong khi thi hành công tác mục vụ giữa những hoàn cảnh nhiều khi cam go. Ngài nói: ”Không dễ bảo tồn hy vọng trong những khó khăn mà anh em phải đương đầu. Việc thực thi sứ vụ GM trong tinh thần đoàn thể, hiệp thông với GM Roma, là một điều cần thiết để làm gia tăng niềm hy vọng ấy, trong cuộc cuộc đối thoải đích thực và trong sự cộng tác hữu hiệu”.

ĐTC cũng nói rằng ”Các tín hữu Kitô có một sứ mạng đương đầu với thách đố của một xã hội muốn loại bỏ chiều kích siêu việt của con người, làm cho nền văn hóa trở nên nghèo nàn... Việc giáo dục lương tâm con người là điều ưu tiên, nhất là qua việc huấn luyện phán đoán với óc phê bình, nhờ đó tránh được những phán đoán hời hợt và cam chịu tình trạng dửng dưng. Vì thế, các tín hữu Công Giáo, các Linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân cần có một nền huấn luyện vững chắc và có chất lượng cao”.

ĐTC nhận xét rằng “Trong xã hội anh em, bị ảnh hưởng nặng của trào lưu tục hóa, tôi khuyến khích anh em cũng hãy hiện diện trong các cuộc thảo luận công cộng, trong mọi lãnh vực có liên hệ tới chính nghĩa con người, để làm cho lòng từ bi của Chúa được hiện diện cụ thể, và sự dịu dàng của Ngài đối với mỗi thụ tạo”.

Sau cùng, ĐTC khích lệ các GM Hòa lan quan tâm đến việc mục vụ ơn gọi LM và tu sĩ, vì điều này có liên hệ tới tương lai và sức sinh đọng của Giáo Hội tại đây. Ngài nói: ”Cần cấp thiết khơi dậy một nền mục vụ ơn gọi mạnh mẽ và có sức thu hút, và cùng tìm cách tháp tùng sự trưởng thành của các chủng sinh về mặt nhân bản và tinh thần” (SD 2-12-2013)
 
Khóa họp thứ hai của Hội đồng 8 Hồng Y cố vấn
Lm. Trần Đức Anh OP
10:46 03/12/2013
VATICAN. Sáng ngày 3-12-2013, 8 vị Hồng Y cố vấn của ĐTC trong việc cải tổ các cơ quan trung ương Tòa Thánh và cai quản Giáo Hội hoàn vũ đã bắt đầu khóa họp thứ 2 kéo dài 3 ngày tại Vatican.

Khóa họp thứ I đã diễn ra từ ngày 1 đến 3 tháng 10 năm nay, dưới sự điều hợp của ĐHY Oscar Rodriguez Maradiaga, dòng Don Bosco, TGM giáo phận Tegucigalpa, Honduras. Cũng như lần trước, lần này ĐTC cũng hiện diện trong 3 ngày họp, trừ sáng thứ tư 4-12-2013 vì ngài bận tiếp kiến chung các tín hữu hành hương, hoặc khi ngài có công việc khẩn cấp khác.

Cha Lombardi, Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh cho biết 8 HY đã đồng tế thánh lễ với ĐTC, rồi nhóm họp từ 9 đến 12 giờ rưỡi, sau đó từ 4 đến 7 giờ chiều. Trong thời gian qua, các HY đã làm việc riêng, thu thập các ý kiến, đề nghị và các dữ kiện hữu ích cho khóa họp này.

Trong khóa họp lần này, các HY cứu xét về các cơ quan trung ương Tòa Thánh, đặc biệt là về hoạt động và thẩm quyền của các Bộ tại Tòa Thánh. Trong phiên họp sáng ngày 3-12, các vị cứu xét Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích. Trong khóa họp thứ I hồi đầu tháng 10-2013, các vị đã trao đổi về việc cải tổ Thượng HĐGM và Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh.

Trong khóa họp lần này, Đức TGM Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cũng được mời tham dự.
Từ lâu vấn để điều chỉnh lại thẩm quyền của các cơ quan trung ương Tòa Thánh đã được đề cập đến, để đạt tới hiệu năng hơn và giảm bớt nhân sự và chi phí. Cho đến nay chỉ có 1 phần 3 các vị Tổng trưởng tại Tòa Thánh được ĐTC tái bổ nhiệm. Đó là các vị Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, Bộ truyền giáo, Bộ giáo dục Công Giáo, và Đức TGM Benjamino Stella được bổ làm tân Tổng trưởng Bộ giáo sĩ. Các vị khác tạm thời tiếp tục công việc và chờ đợi quyết định của ĐTC như ĐHY Tổng trưởng Bộ GM, Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương, Bộ Phụng Tự, Bộ Phong thánh và Bộ các dòng tu. Ngoài ra 10 trong số 12 vị Chủ tịch các Hội đồng Tòa Thánh vẫn chưa được chính thức tái bổ nhiệm.

Theo chương trình dự kiến, Hội đồng 8 HY Cố vấn sẽ có khóa họp thứ 3 trong hai ngày 17 và 18-2 năm tới, 2014, trước khi ĐTC tiến hành công nghị bổ nhiệm các Hồng Y mới vào ngày 22-2-2014 lễ kính Tòa Thánh Phêrô.
Cha Lombardi cho biết sẽ có những thay đổi sâu rộng trong các cơ quan trung ương Tòa Thánh, một hiến chế mới thay thế hiến chế Pastor bonus hiện hành từ năm 1983 về giáo triều Roma. Tuy nhiên những thay đổi được đề ra là một chương trình dài hạn, vì thế không nên chờ đợi những kết luận ngay trong thời gian ngắn tới đây (SD 3-12-2013)
 
Hai điểm nổi bật của Niềm Vui Tin Mừng
Vũ Văn An
20:56 03/12/2013
Dành nhiều độc lập hơn cho các hội đồng giám mục các nước và dành nhiều không gian hơn cho các nền văn hóa, đó là hai điểm nổi bật của Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng vừa được Đức Phanxicô công bố.

Điểm thứ nhất cũng là điểm gây chú ý giới truyền thông hơn cả. Nó đề cập tới cả việc thi hành quyền tối thượng của giáo hoàng lẫn thẩm quyền của các hội đồng giám mục. Điểm thứ hai liên quan đến mối liên hệ giữa Kitô Giáo và các nền văn hóa.

1. Ngôi vị giáo hoàng và Giáo Hội các nước

Về vai trò Đức Giáo Hoàng, Đức Phanxicô cho rằng Đức Gioan Phaolô II có công dọn đường cho một hình thức mới của việc thi hành quyền tối thượng. Nhưng ngài than phiền rằng “chúng ta thực hiện được rất ít tiến bộ trong phương diện này” và hứa rằng ngài có ý định tiến hành mạnh mẽ hơn nữa để có được một hình thức giáo hoàng “trung thành hơn với ý nghĩa mà Chúa Giêsu Kitô vốn muốn đem lại cho nó và với các nhu cầu hiện nay của công cuộc phúc âm hóa”.

Tuy nhiên, trong khi tỏ ra vẫn mập mờ phần nào đối với ngôi vị giáo hoàng và từ trước đến nay xem ra vẫn tự đưa ra phần lớn các quyết định, Đức Phanxicô đã dùng Niềm Vui Tin Mừng để nói khá rõ về thẩm quyền của các hội đồng giám mục các nước.

Tại đoạn 32, ngài viết như sau: “Công Đồng Vatican II tuyên bố rằng, giống các Giáo Hội thượng phụ ngày xưa, các hội đồng giám mục đang ở vị trí ‘đóng góp nhiều cách có hiệu quả vào việc thể hiện một cách cụ thể tinh thần hợp đoàn’. Ấy thế nhưng ước nguyện này vẫn chưa được thể hiện hoàn toàn, vì địa vị pháp chế của các hội đồng giám mục, một địa vị muốn thấy chúng như chủ thể của những đặc qui chuyên biệt, trong đó có thẩm quyền thực sự về tín lý, vẫn chưa được chi tiết hóa đầy đủ. Việc tập trung quyền hành thái quá, thay vì đem lại lợi ích, đã làm phức tạp đời sống Giáo Hội và việc vươn ra truyền giáo của Giáo Hội”.

Trong một ghi chú, Đức Phanxicô nhắc đến tự sắc Apostolos Suos năm 1998 của Đức Gioan Phaolô II liên quan tới “bản chất thần học và pháp chế của các hội đồng giám mục”. Nhưng nếu đọc kỹ văn kiện này, ta sẽ thấy nó chỉ đặc qui cho hội đồng giám mục các nước một chức năng hoàn toàn có tính thực tế, có tính hợp tác, của một cơ phận đơn giản chỉ có tính phụ thuộc, làm trung gian giữa hợp đoàn giám mục toàn thế giới với Đức Giáo Hoàng một bên, (chỉ “có hợp đoàn tính” mới được tuyên bố là có nền tảng thần học), và từng giám mục riêng rẽ với thẩm quyền đối với giáo phận của ngài một bên.

Trên thực tế, tự sắc Apostolos Suos mạnh mẽ giới hạn “thẩm quyền thực sự về tín lý” mà Đức Phanxicô cho biết ngài muốn ban cho các hội đồng giám mục. Nó ấn định rằng nếu thực sự cần phải ban hành các tuyên bố về tín lý, thì việc này phải được thực hiện với sự chấp thuận nhất trí và trong sự hiệp thông với Đức Giáo Hoàng và toàn thể Giáo Hội, hay ít nhất “với đa số thực chất” sau khi được Tòa Thánh xét duyệt và cho phép.

Tự sắc Apostolos Suos có cảnh giác nguy cơ này: các hội đồng giám mục rất có thể ban hành các tuyên bố về tín lý mâu thuẫn nhau và mâu thuẫn với huấn quyền phổ quát của Giáo Hội.

Một nguy cơ khác mà tự sắc muốn tránh là việc tạo ra ly cách và xung khắc giữa từng Giáo Hội quốc gia và Rôma, như đã xẩy ra trước đây tại Pháp với “Pháp Giáo” (Gallicanism) và như đang xẩy ra trong Chính Thống Giáo với nhiều Giáo Hội quốc gia tự trị.

Tự sắc trên tuy mang chữ ký của Đức Gioan Phaolô II, nhưng khuôn khổ của nó là của người từng là bộ trưởng tín lý đầy tin tưởng của ngài, tức Đức Hồng Y Joseph Ratzinger.

Như ai cũng biết, Đức HY Ratzinger từ lâu vốn chỉ trích mạnh mẽ các siêu quyền mà một số hội đồng giám mục tự gán cho mình, nhất là tại một số quốc gia, trong đó có quê hương Đức của ngài.

Trong cuộc phỏng vấn gây chấn động vào năm 1985, được đăng tải dưới tên “Phúc Trình Ratzinger”, ngài cương quyết chống lại ý niệm cho rằng Giáo Hội Công Giáo nên trở thành “một thứ liên bang các Giáo Hội quốc gia”.

Ngài tố cáo rằng thay vì “dứt khoát nhấn mạnh một cách mới mẻ tới vai trò của các giám mục” như Vatican II mong muốn, thì các hội đồng giám mục đã “bóp nghẹt” các giám mục với các cơ cấu bàn giấy nặng nề của chúng.

Ngài cho biết thêm: “quyết định chung lúc nào cũng là điều kỳ diệu”, nhưng “sự thật không thể được tạo ra bằng các lá phiếu” cả vì “tinh thần phe nhóm và thậm chí có lẽ cả ước muốn có được một sinh hoạt thầm lặng êm ả hay chủ nghĩa tòng phục (conformism) sẽ dẫn đa số tới việc chấp nhận các chủ trương của một số thiểu số làm đủ cách để theo đuổi cho bằng được các mục tiêu rõ rệt” lẫn vì “việc tìm kiếm thỏa thuận giữa các khuynh hướng khác nhau và việc cố gắng làm trung gian thường đẻ ra những văn kiện vô hồn trong đó các chủ trương cương quyết (tại nơi chúng có thể thật cần thiết) bị làm yếu đi”.

Theo Sandro Magister, Đức Gioan Phaolô và Đức Bênêđíctô XVI sau ngài thường gán cho các giám mục và phần lớn các hội đồng giám mục thế giới một vai trò khiêm nhường. Và các ngài hành động theo suy tư ấy. Các ngài coi mình như người lãnh đạo và trong một số trường hợp, như tại Ý chẳng hạn, đã không ngần ngại can thiệp để thay đổi cấp lãnh đạo và lệnh lạc hành động.

Với Đức Phanxicô, các hội đồng giám mục có thể được thừa nhận nhiều thẩm quyền lớn hơn. Điều đáng lưu ý là các giám mục Đức gần đây đã công khai có những động thái khác lạ về một số vấn đề, từ tiêu chuẩn quản trị giáo phận tới việc cho các cặp ly dị tái hôn rước lễ. Riêng vấn đề sau, ta hy vọng sẽ được hai Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới trong các năm 2014 và 2015 đem ra thảo luận và đưa ra nhiều quyết định theo chiều hướng thêm quyền cho các hội đồng giám mục địa phương.

2. Kitô Giáo và các nền văn hóa

Trong các đoạn từ 115 tới 118 của Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Phanxicô nhấn mạnh tới ý niệm này: “Kitô Giáo không đơn giản chỉ có một lối phát biểu văn hóa” vì kể từ lúc khai sáng, “nó đã được nhập thể vào mọi dân tộc trên mặt đất, mỗi dân tộc đều có nền văn hóa riêng của họ”.

Nói cách khác, “Ơn thánh giả thiết văn hóa, và ơn phúc của Thiên Chúa đã thành xác thân trong nền văn hóa của những ai tiếp nhận nó”. Hệ luận là “dù một số nền văn hóa quả có liên hệ gần gũi với việc rao giảng Tin Mừng và với việc triển khai tư tưởng Kitô Giáo, nhưng sứ điệp mạc khải thì không đồng nhất với bất cứ nền văn hóa nào; nội dung của nó có tính vượt trên văn hóa (transcultural)”.

Khi chủ trương điều trên, Đức Phanxicô xem ra muốn ủng hộ những ai chủ trương rằng việc công bố Tin Mừng có sự tinh tuyền tinh khôi riêng của nó, tách biệt hẳn đối với bất cứ vấy độc văn hóa nào. Một sự tinh tuyền cần được tái lập cho nó, giải thoát nó một cách chủ yếu khỏi các ràng buộc “Tây Phương” của ngày qua và của hôm nay, và cho phép nó tự “hội nhập” vào các tổng hợp mới với các nền văn hóa khác.

Nhưng đặt trong các hạn từ trên, mối liên hệ giữa Kitô Giáo và các nền văn hóa không lưu ý mấy tới mối liên kết vô hình giữa đức tin và lý trí, giữa mạc khải Thánh Kinh và văn hóa Hy Lạp, giữa Giêrusalem và Nhã Điển, mà Đức Gioan Phaolô II đã dành thông điệp “Fides et Ratio" để nói tới, còn Đức Bênêđíctô XVI thì đã hướng trọn bài diễn văn tại Regensburg ngày 12 tháng Chín năm 2006, tựa là “Đức Tin, Lý Trí và Đại Học”, để nói về.

Đối với Đức Bênêđíctô XVI, mối nối kết giữa đức tin Thánh Kinh và triết lý Hy Lạp là “một thiết yếu nội tại” đã hiển thị không những trong tự ngôn đầy ngạc nhiên của Tin Mừng Thánh Gioan “từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời” mà còn trong cả Cựu Ước, trong lời huyền nhiệm “Ta là Đấng Tự Hữu” của Thiên Chúa nơi bụi gai rực lửa: “một thách thức đối với ý niệm huyền thoại, một thách thức mà cố gắng tiêu diệt và vượt qua huyền thoại của Socrate là một tương tự rất gần gũi”.

Đức Bênêđíctô cho rằng cuộc gặp gỡ “giữa tinh thần Hy Lạp và tinh thần Kitô Giáo” diễn ra “một cách có tính quyết định đối với việc khai sinh và truyền bá Kitô Giáo”. Và đây là một tổng hợp, theo ngài, cần được bảo vệ chống lại mọi cuộc tấn công mà trong suốt nhiều thế kỷ qua, cho tới tận thời ta, đã nhắm triệt hạ nó, nhân danh việc “phi Hy Lạp hóa Kitô Giáo”

Trong bài diễn văn tại Regensburg, Đức Bênêđíctô nhận định rằng thời ta, cuộc tấn công này được đưa ra “dưới ánh sáng trải nghiệm của ta với chủ nghĩa đa nguyên văn hóa”. Ngài nói: “Ngày nay, người ta hay nói rằng cuộc tổng hợp với văn hóa Hy Lạp trong Giáo Hội sơ khai là cuộc hội nhập văn hóa khởi đầu không có tính trói buộc đối với các nền văn hóa khác. Các nền văn hóa này được quyền trở lại với sứ điệp đơn giản của Tân Ước trước lúc có cuộc hội nhập kia, để hội nhập nó như mới vào nền văn hóa ngay trong môi trường đặc thù của họ. Luận đề này không những sai lạc, mà còn thô thiển và thiếu chính xác nữa. […]Đã đành, có những yếu tố trong diễn biến của Giáo Hội sơ khai không nên hội nhập vào mọi nền văn hóa. Tuy thế, các quyết định căn bản được đưa ra liên quan tới mối liên hệ giữa đức tin và việc sử dụng lý trí nhân bản vốn là thành phần của chính đức tin; chúng là các phát triển phù hợp với bản tính đức tin”.

Ta thấy về chủ đề chính này, Niềm Vui Tin Mừng không nhất thiết trái ngược với huấn quyền của Đức Gioan Phaolô II và của Đức Bênêdíctô XVI, nhưng chắc chắn nó có điểm khác. Vì ở đây, Đức Phanxicô rõ ràng có thiện cảm đối với tính đa nguyên trong các hình Giáo Hội, dựa theo mẫu các nền văn hóa địa phương.

Viết theo Sandro Magister, The Federalist Option of the Bishop of Rome, www.chiesa.esspessonline.it, 3.12.2013
 
Top Stories
Chine: Bientôt la création d’une université catholique à Hongkong ?
Eglises d'Asie
10:39 03/12/2013
Mgr Francis Hsu Chen-Ping, premier évêque chinois du diocèse catholique de Hongkong, en avait caressé le projet au début des années 1970. Quelque quarante ans plus tard, son successeur le cardinal John Tong Hon pourrait le concrétiser : d’ici à quelques années, l’Université catholique de Hongkong verra le jour à Tseung Kwan O, dans les Nouveaux Territoires.

Pour le cardinal Tong, il s’agit de saisir l’opportunité offerte par le gouvernement de Hongkong. Face à une offre universitaire insuffisante, malgré le développement des huit universités financées sur fonds publics, le gouvernement local souhaite en effet que de nouvelles initiatives voient le jour dans ce domaine.

En matière d’éducation à Hongkong, l’Eglise catholique est un acteur de poids. Elle y gère en effet 221 des 935 écoles, collèges et lycées du territoire, scolarisant ainsi un quart des élèves. Ces dernières années, le diocèse de Hongkong, lorsque le cardinal Zen Ze-kiun en était l’évêque, n’a pas hésité à croiser le fer avec le gouvernement au sujet des évolutions législatives concernant le mode de gestion des établissements privés sous contrat avec l’Etat ou bien encore l’introduction de cours de patriotisme dans les écoles. Mais ces tensions n’ont jamais remis en cause le fait que les Hongkongais comme les autorités hongkongaises apprécient la qualité de l’enseignement dispensé dans les écoles dont l’Eglise a la charge. Durant toutes ces années, l’Eglise catholique est toutefois demeurée absente de l’enseignement supérieur, au contraire des protestants baptistes, fondateurs de l’Université baptiste de Hongkong (Hong Kong Baptist University), établissement créé en 1956 mais aujourd’hui passé dans le giron du public.

C’est pour combler cette lacune que le diocèse a proposé sa candidature au gouvernement de Hongkong. S’appuyant sur sa présence dans l’enseignement supérieur technique, l’Eglise souhaite désormais développer une université complète, et c’est au réseau Caritas qu’a été confiée cette mission. Très implantée à Hongkong à travers de nombreux établissements (centres sociaux, maisons de retraite, écoles primaires et secondaires, centre pour handicapés), la Caritas Hongkong gère également le CBCC - Caritas Bianchi College of Careers (du nom de Mgr Lorenzo Bianchi, évêque de Hongkong de 1951 à 1968) et le CIHE - Caritas Institute of Higher Education.

Installé à Tseung Kwan O, localité des Nouveaux Territoires très bien desservie par le métro et des lignes de bus, le CBCC accueille actuellement quelque 1 700 étudiants pour des formations courtes et professionnalisantes. Edifié sur un terrain alloué gratuitement par le gouvernement de Hongkong, son nouveau campus, d’un coût de 190 millions de dollars de Hongkong (18 millions d’euros), a été inauguré en 2009. Quant au CIHE, il s’est vu récemment alloué par le gouvernement un terrain de 7 500 m², adjacent au campus du CBCC, et a été autorisé à y construire un bâtiment de 30 000 m². En unissant leurs ressources, le CBCC et le CIHE ambitionnent désormais de construire l’Université catholique de Hongkong, destinée à accueillir plusieurs milliers d’étudiants.

Le coût du nouveau campus est annoncé à 800 millions de dollars de Hongkong (76 millions d’euros), ce qui en fait un projet très ambitieux pour le diocèse, mais, selon des sources internes à l’Eglise, Mgr Tong se montre « optimiste ». Outre le fait que le cardinal mobilise l’ensemble des catholiques de Hongkong pour ce projet, il fait appel à la société civile (on l’a ainsi vu jouer du violon à la télévision de Hongkong lors d’une émission de collecte de fonds pour la Caritas) et il a l’appui du gouvernement : celui-ci a promis d’abonder chaque million collecté par un autre million de fonds publics, les fonds collectés ouvrant de plus droit à déduction fiscale.

Pour la Caritas, ce projet est considérable et s’inscrit dans la lignée de son action auprès des populations défavorisées du territoire. Ses responsables souhaitent offrir aux jeunes qui fréquentent ses établissements d’enseignement technique une possibilité de poursuivre des études en cantonais, en mandarin et en anglais dans l’enseignement supérieur (la future université offrant des diplômes aussi bien dans les domaines techniques que généralistes, en sciences et en lettres).

Pour l’évêque de Hongkong, il s’agit de témoigner de la bonne volonté de l’Eglise catholique et de sa détermination à prendre part au développement de Hongkong. Un observateur local fait remarquer que le style du cardinal Tong diffère de celui de son prédécesseur, le cardinal Zen. A la confrontation devant laquelle le cardinal Zen ne reculait pas, le cardinal Tong préfère un style de relations plus apaisées, explique cet observateur. Il s’agit de montrer à Pékin comme au gouvernement local que la communauté catholique de Hongkong (5 % des sept millions de Hongkongais) « s’attache à apporter une participation positive à la vie de l’ancienne colonie britannique, au service des plus défavorisés, dans le respect de la doctrine sociale de l’Eglise, et pour le développement du capital humain de Hongkong ». De plus, seize ans après la rétrocession de 1997 et dans la perspective de l’intégration complète de Hongkong à la Chine populaire (la formule ‘Un pays, deux systèmes’ est censée perdurer jusqu’en 2047), l’Eglise souhaite durablement inscrire sa présence dans l’enseignement supérieur.

Un autre projet d’université catholique a été proposé pour Hongkong. En juin 2011, la province de Chine de la Société de Jésus a posé sa candidature auprès du gouvernement pour créer une université ex nihilo. Un jésuite américain, le P. Michael McFarland, du Holy Cross College (Massachusetts, USA), a été chargé du projet, mais ce dernier a, semble-t-il, rencontré des difficultés. Le terrain prévu par les autorités hongkongaises pour cette future université a été récemment réattribué pour y construire des HLM. Les responsables jésuites négocieraient avec le gouvernement de Hongkong un nouvel emplacement. Bâti autour d’un projet où l’anglais est la langue d’enseignement dominante, épaulé par les ressources humaines de la vingtaine d'universités jésuites des Etats-Unis, l’université jésuite cible une population plutôt aisée, qui fait souvent le choix d’envoyer ses enfants étudier à l’étranger. (eda/ra)

(Source: Eglises d'Asie, le 3 décembre 2013)
 
Pope to Dutch prelates: ''be present in all spheres of humanity''
VIS
10:41 03/12/2013
2013-12-02 Vatican (VIS) – Pope Francis today received in audience a group of prelates from the Bishops' Conference of the Netherlands on their “ad limina” visit. The Holy Father focused on how to accompany those who suffer from “spiritual emptiness” and who seek the meaning of life. “Listen to them”, he said, “to help them share in the hope, joy, and capacity to carry on that Jesus Christ gives us”.

“The Church”, he continued, “not only proposes immutable moral truths and attitudes which go against the grain, but also proposes them as the key to the good of humanity and social development. Christians have the mission of taking up this challenge. The education of consciences therefore becomes a priority, especially through the formation of critical judgement, in order to have a positive approach to social realities: superficial judgement and resignation to indifference can thus be avoided”. In the society of the Netherlands, “strongly characterised by secularism”, the Pope invited the prelates to “be present both in public debate in all spheres which affect humanity, to make visible God's mercy and his tenderness to every living creature. … As I have often stated, … the Church enlarges not by proselytism but by attraction. She is sent everywhere to awaken, reawaken and maintain hope! This brings us to the importance of encouraging the faithful to seize opportunities for dialogue, to be present in those places where the future is decided; they will thus be able to bring their contribution into the debates on important social matters regarding, for instance, the family, marriage and the end of life”.

“In a country rich in many respects, poverty affects a growing number of people. Make the most of the generosity of the faithful to bring the light and compassion of Christ where He is awaited, and especially among the most marginalised people”, the Pope continued. Furthermore, Catholic schools, which provide a solid education for the young, must continue to favour their human and spiritual formation, in a spirit of dialogue and brotherhood with those who do not share their faith”. He went on to reconfirm the importance of “advancing along the path of ecumenism”, and reminded the bishops that the future and the vitality of the Church in the Netherlands depend also on priestly and religious vocations, stressing the importance of being close to priests, of listening to and guiding them as necessary. “Do not forget to go towards those who do not approach you; some of them, unfortunately, are disappointed in their efforts”.

“In particular”, he added, “I wish to express my compassion and to ensure my closeness in prayer to every victim of sexual abuse, and to their families; I ask you to continue to support them along the painful path of healing, that they have undertaken with courage”.
 
Second session of Council of Cardinal's meetings
L’Osservatore Romano
10:42 03/12/2013
2013-12-03 L’Osservatore Romano - This morning, 3 December, Pope Francis met with the Council of Cardinals, the group of eight cardinals assisting in the governance of the universal Church and examining a revision of the Apostolic Constitution Pastor bonus on the Roman Curia.

Fr Federico Lombardi, Director of the Holy See Press Office, announced this in a briefing with journalists to explain the second session of the Cardinal's meetings which will be taking place at the Vatican until Thursday, 5 December. The cardinals' first session was held from 1 to 3 October. On the day's agenda was “a thorough examination of the Roman Curia, which began with a reflection on the dicasteries”, starting with the Congregation for Divine Worship and the Discipline of the Sacraments. Fr Lombardi pointed out that “it will be a matter of readjusting: we want to go in depth. This is not a marginal improvement, but a substantial revision” of Pastor bonus in order to reach a new Apostolic Constitution on the Roman Curia.

After having concelebrated at morning Mass with the Pope in the Chapel of Santa Marta, the small group, along with their secretary Bishop Marcello Semeraro, met in a room near the chapel. The agenda includes morning sessions from 9 am to 12:30 pm and from 4 to 7 pm. Fr Lombardi said that the tasks have been divided among the Cardinals based on personal experience, but the responsibility of making decisions is considered to be common and shared. Since the October session, the eight cardinals have collected extensive documentation and gathered other points of view, participating in meetings of their bishops' conferences.
 
Pope Francis: A Church without joy is unthinkable
Vatican Radio
10:43 03/12/2013
2013-12-03 Vatican - The Church must always be joyful like Christ. That was the message of Pope Francis at Mass this morning at the Casa Santa Marta. The Pope emphasized that the Church is called to transmit the joy of the Lord to her children—a joy that gives true peace.

Peace and joy. Pope Francis’ homily dwelt on these two themes. In the reading from the book of Isaiah, he noted, we see the desire for peace that we all have. It is the peace, says Isaiah, that the Messiah brings to us. In the Gospel, on the other hand, “we are able to see a little into the soul of Jesus, the heart of Jesus: a joyful heart”:

“We always think of Jesus when He preaches, when He heals, when He travels, walks along the street, even during the Last Supper. . . But we aren’t used to thinking about Jesus smiling, joyful. Jesus was full of joy, full of joy. In that intimacy with His Father: ‘I rejoiced in the Holy Spirit and I praised the Father.’ It is precisely the internal mystery of Jesus, that relationship with the Father in the Spirit. It is His internal joy, the interior joy that He gives to us.”

“And this joy,” he said, “is true peace: not a static peace, quiet, tranquil” no, “Christian peace is a joyful peace, because our Lord is joyful.” And, too, He is joyful “when He speaks about the Father: He loves the Father so much that He can’t talk about Him without joy.” Our God, the Pope said, “is joyful.” And Jesus has willed that His spouse, the Church, should also be joyful”:

“You can’t imagine a Church without joy; and the joy of the Church lies precisely in this: to proclaim the name of Jesus. To say: ‘He is the Lord. My spouse is the Lord. He is God. He saves us, He walks with us.’ And that is the joy of the Church, that in this joy of being a bride becomes a mother. Paul VI said: the joy of the Church is precisely to evangelize, to go forth and to speak about her Spouse. And also to transmit that joy to the children that she bears, that she raises.”

And so, he said, let us consider that the peace of which Isaiah speaks “is a peace that is so moving, it is a peace of joy, a peace of praise,” it is a peace that we could say is “noisy, in praise, a peace that bears fruit in becoming a mother of new children.” It is a peace, Pope Francis said, “that comes precisely in the joy of praise for the Trinity, and of evangelization, of going to the people to tell them who Jesus is.” Peace and joy, he repeated. And he pointed to the words of Jesus, “a dogmatic declaration,” when He affirms, “You decided to reveal Yourself not to the wise, but to the little ones”:

“Even in so many serious things, such as this, Jesus is joyful, the Church is joyful. She must be joyful. Even in her widowhood—because the Church has something of the widow who waits for her spouse to come back—even in her widowhood, the Church is joyful in hope. The Lord gives this joy to all of us, this joy of Jesus, praising the Father in the Spirit. This joy of our mother Church in evangelizing, in announcing her Spouse.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thời thánh Phanxicô Xaviê truyền giáo và thời chúng ta
Lm. JB. Nguyễn Hùng Oánh
09:55 03/12/2013
THỜI THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ TRUYỀN GIÁO VÀ THỜI CHÚNG TA ?

Ngài đã viết thơ về Cha Bề Trên : “Từ khi đến đây (Ấn Độ) con chẳng ngưng lúc nào: con rao giảng khắp làng mạc, làm phép rửa cho nhiều trẻ em chưa được lãnh Bí tích này. Con đã làm phép rửa cho một số rất đông các trẻ em chưa biết phân biệt bên phải với bên trái. Khi con đến các làng ấy, trẻ em không để cho con đọc kinh Nhật Tụng, ăn uống, ngủ nghỉ, nếu con chưa dạy cho chúng một kinh. Vì thế, con bắt đầu hiểu tại sao Nước Trời là của những người giống như chúng.”

Như vậy, việc Thánh Phanxicô truyền giáo ở đó không khó khăn gì.

Còn ngày nay, không thể có tình trạng dễ dàng như vậy. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói trong Tông huấn Evangelii Nuntiandi : “Người thời nay sẵn sàng nghe những nhân chứng hơn là những thầy dạy. Nếu họ nghe lời thầy dạy thì bởi vì chính lời thầy dạy cũng là nhân chứng.”

Như vậy, “Người thời nay tin vào kinh nghiệm hơn là lý thuyết, tin vào đời sống và các sự kiện hơn là lý thuyết. Hình thức đầu tiên của việc truyền giao là chứng tá đời sống Kitô hữu: hình thức này không thể thay thế. Đức Kitô, Đấng mà chúng ta đang tiếp tục sứ mạng của Người, là “ Vị Chứng nhân tuyệt hảo” (xem Kh 1,5; 3,14) và là khuôn mẫu cho chứng tá Kitô giáo. Hình thức đầu tiên của chứng tá là chính đời sống của nhà truyền giáo, của gia đình Kitô hữu và của cộng đồng Giáo Hội …. Chứng tá Tin Mừng mà thế giới đã cảm nhận, nhất là chứng tá về thái độ lưu tâm đến con người và về lòng bác ái đối với những người nghèo, những người nhỏ bé và những người đang đau khổ. Tính cách vô vị lợi trong thái độ và trong những hành động này tương phản sâu xa với thái độ ích kỷ hiện nay nơi con người, gợi lên những thắc mắc rõ ràng về Thiên Chúa và về Tin Mừng. Cũng vậy, việc dấn thân phục vụ hòa bình, công lý, nhân quyền thăng tiến con người là một chứng tá Tin Mừng” (Tông huấn Redemptoris Missio của Đức Gioan Phaolô II, số 42).

Làm sao “đem Tin Mừng thấm nhập vào trong chính sự phát triển của các nền văn hóa, nhập thể trong các nền văn hóa, khắc phục những yếu tố văn hóa nào không phù hợp với đức tin và với đời sống Kitô hữu, đồng thời nâng cao các giá trị của các nền văn hóa ấy xứng với tầm vóc của Mầu nhiệm Cứu Độ phát xuất từ Đức Kitô” (Huấn thị Towards a pastoral approach to culture, số 5 của Hội Đồng Giáo Hoàng về văn hóa).
Vậy, truyền giáo là nâng cao văn hóa của dân tộc mình tới chứ không phải vất bỏ, hạ thấp giá trị văn hóa nơi đó.
Chính Thánh Phanxicô Xaviê đã làm như vậy.

Công việc truyền giáo tại Việt Nam cũng như các nơi đang tiến triển đáng ca ngợi: các dòng đến với người nghèo, mở những nơi tiếp đón người nhỡ bước, sống với người nghèo khổ, bệnh tật, neo đơn và cả những người bị nhiễm HIV/AIDS thật đáng quý trọng. Sau đây là một bài ca tụng các linh mục đã dấn thân vào việc truyền giáo với tên gọi là “Ông Ngoại” :

ÔNG NGOẠI

Lễ Thánh Phanxicô năm nay
Nhắc lại truyền giáo đổi thay rất nhiều.
Ông Ngoại chia sẻ nhiều điều
Sáng thì làm Lễ, còn chiều dạy thêm.
Ông còn gợi ý giúp thêm
Con cháu sắp xếp học thêm nhiều giờ.
Ông Ngoại hy vọng mong chờ
Con cháu truyền giáo không quên lúc nào;
Tin yêu vào Chúa vững bền,
Gắn bó với Chúa thêm niềm cậy trông.

Ông cho con cháu hết lòng,
Tinh thần, vật chất, tấm lòng của Ông.
Ông Ngoại chia sẻ thành công,
Đến với người nghèo với lòng khiêm nhu.

Ông luôn vui vẻ nhân từ,
Nhiều người nghèo khó đến từ phương xa;
Biết Ông chia sẻ, thật thà
Xin Ông tiền nước, tiền nhà, làm ăn.

Ông mang tấm lòng băn khoăn
Người nào mà đến còn khúc mắc lòng,
Nhất là tội lỗi trong lòng
Giải hòa với Chúa, thật lòng ăn năn.
Nhiều ngày quên cả bữa ăn
Hy sinh , dạy dỗ đoàn chiên của mình.

Ông thương con cháu hết mình
Thiếu nhi, huynh trưởng hết tình bảo ban.
Tình thương chia sẻ muôn vàn,
Ai gặp một lần khó mà quên Cha:
Một người chất phác, thật thà
Cho đi tất cả, xây nhà mai sau.

Chúc Ông Ngoại khỏe, sống lâu,
Dạy cho con cháu trau dồi Thánh Kinh,
Biết yêu thương hết mọi người,
Giơ tay giúp đỡ, không quản ngại chi.

Ông Ngoại là vị ân nhân,
Giúp đỡ Hội dòng những ngày đầu tiên.
Tinh thần lẫn cả bạc tiền,
Không chờ đáp trả, ưu tiên rất nhiều.

Không sao kể hết mọi điều!
Nguyện xin Thiên Chúa ban nhiều bình an.
Cầu cho dân ngoại thoát nghèo,
Vui khỏe, thánh thiện, đầy tràn ơn trên.


Nữ tu Maria Raphaen Trương Thị Mai Hương
(Chép tư tưởng Bài Giảng của Linh mục Nguyễn Hùng Oánh)

 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Hậu Hội đồng nhân quyền: Dân chủ Việt Nam sẽ ra sao?
Thụy My /RFI
11:37 03/12/2013
Thụy My phỏng vấn Nhà bình luận Phạm Chí Dũng

Thứ hai 02 Tháng Mười Hai 2013 - Sau khi Nhà nước Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nhà bình luận Phạm Chí Dũng dự báo về những đối sách có thể hình thành của Nhà nước đối với phong trào dân chủ.

Anh đề cập đến khả năng cải tạo điều kiện giam giữ, xu hướng hoạt động của các nhóm dân chủ ở Việt Nam, mối quan hệ giữa Nhà nước với các tôn giáo, “số phận” nghị định 72 và triển vọng thông thoáng hơn về Internet. Bên cạnh đó là sự hình thành xã hội dân sự và các tổ chức phi chính phủ trong nước, cùng hy vọng hồi hương của người Việt hải ngoại.

RFI : Thân chào nhà bình luận Phạm Chí Dũng. Thưa anh, trong một bài nhận định vào giữa năm nay, anh có dự báo là đến cuối năm 2013 sẽ xuất hiện một, hai tổ chức dân sự nhóm họp công khai. Và có khả năng trong cuối năm nay và cả năm 2014 sẽ ít hoặc không diễn ra các vụ bắt giam và kết án các nhân vật bất đồng chính trị. Dự báo này có liên quan gì đến một số tuyên bố mới đây của những tổ chức dân sự như Diễn đàn xã hội dân sự, Mạng lưới blogger Việt Nam, Hội phụ nữ nhân quyền Việt Nam và sự kiện Nhà nước Việt Nam lọt vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc?

Nhà bình luận Phạm Chí Dũng : Thật ra tôi đã chờ đợi thời điểm Nhà nước Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc từ tám tháng qua. Và tôi nghĩ rằng tháng 11/2013 là một mốc thời điểm có tính chuyển đổi khá quan trọng đối với hoạt động dân chủ ngoài đảng và cả xu thế phản biện, cải cách trong đảng ở Việt Nam.

Tôi cho rằng với giới blogger trong nước, họ không hẳn là bi quan về câu chuyện Nhà nước Việt Nam “bất ngờ” lọt vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Trong cách nhìn của một số blogger, thách thức luôn gắn liền với cơ hội, và có khi cái rủi lại chứa đựng cái may. Cái may đó lại gắn liền với điều được xem là “vận hội mới” khi Nhà nước Việt Nam lọt vào Hội đồng Nhân quyền, tức cũng kéo theo sự ra đời và chuyển động của những tổ chức dân sự ôn hòa như Diễn đàn xã hội dân sự, Mạng lưới blogger Việt Nam, Hội phụ nữ nhân quyền Việt Nam… và có thể thêm một số tổ chức dân sự khác trong vài quý tới.

Riêng với Mạng lưới blogger Việt Nam và tuyên bố tháng 11/2013, đây là lần thứ hai trong năm nay nhóm blogger này tìm cách thể hiện vai trò công khai của mình, sau tuyên bố phản đối điều luật 258 và được nhóm blogger trao cho một số cơ quan đại diện ngoại giao quốc tế tại Hà Nội và cả ở nước ngoài.

Là nhóm có tính hành động nổi trội nhất trong giới hoạt động dân chủ ở Việt Nam, có vẻ Mạng lưới blogger Việt Nam đang nhận thấy một cơ hội để đề cập sâu hơn chủ đề nhân quyền. Nhưng lần này, hành động dự kiến đáng chú ý nhất của họ là “xuống đường” để công khai phổ biến các văn bản về nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết như Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền; Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; Công ước chống tra tấn.

Một hành động dự kiến đáng quan tâm khác của Mạng lưới blogger Việt Nam là công khai tổ chức những buổi trao đổi hoặc cổ súy nhân quyền dưới nhiều hình thức như thảo luận nơi công cộng, dã ngoại, cà phê tuổi trẻ, đi bộ, lái xe đạp vì nhân quyền. Sắp tới, họ cũng sẽ công khai và chính thức ra mắt Mạng lưới blogger Việt Nam vào ngày 10 tháng 12, tức Ngày Quốc tế Nhân quyền do Liên Hiệp Quốc khởi xướng.

Tức là các blogger theo quan điểm “nhân quyền hành động” không muốn, và có lẽ cũng không còn mấy tâm trạng để còn ngồi trong nhà hoặc trong các quán cà phê bàn luận với nhau theo cung cách “chính trị salon” mà một số bậc dân chủ lão thành ưa thích hoặc bị ràng buộc.

Cũng có thể còn một lý do khác là nhóm blogger hành động đã nhận ra, sau chiến dịch tống giam ba blogger Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào và Đinh Nhật Uy vào giữa năm 2013, cho đến nay đã không có thêm một hành động bắt giam nào mới. Toàn bộ hành động của công an và chính quyền chỉ dường như mang mục đích “răn đe” và bằng biện pháp câu lưu hơn là cho “nhập kho”.

Thậm chí như nhiều người đã biết, chỉ nửa tháng sau cuộc gặp của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, Nhà nước Việt Nam đã trả tự do tại tòa cho nữ sinh viên Nguyễn Phương Uyên. Hành động tương tự cũng được lặp lại với blogger Đinh Nhật Uy vào tháng 11/2013. Tức xu thế thả ra bắt đầu rõ hơn xu hướng bắt vào, và cũng bắt đầu có mối tương đồng với xu thế Nhà nước Việt Nam buộc phải điều chỉnh quan điểm và hành vi đối ngoại về chính trị.

RFI : Nhưng nhiều người hoạt động xã hội ở Việt Nam vẫn còn khá nặng tâm lý sợ hãi. Nếu tâm lý này được giải tỏa thì hiệu ứng kế tiếp sẽ thế nào?

Chúng ta sẽ thấy rằng một khi tâm lý sợ hãi được tháo dần thì giới hoạt động nhân quyền cũng bớt lo lắng, tính hành động sẽ được biểu hiện rõ hơn. Tôi cho rằng những người theo phương châm hoạt động xã hội dân sự ở Việt Nam đang bắt nhịp với thời cuộc và hoạt động một cách ôn hòa, tránh đối đầu, nhưng lại có hiệu quả và ngày càng có sức lan tỏa, thậm chí có tính thuyết phục với cả một bộ phận trí thức và đảng viên trong Đảng và chính quyền.

Con đường xã hội dân sự mà các nhóm trí thức lớn tuổi và nhóm blogger trẻ đang tiến hành sẽ có thể đạt kết quả ở chừng mực nào đấy. Chẳng hạn như nhóm họp công khai mà không bị đàn áp, thậm chí còn có thể tạo nên một diễn đàn và diễn thuyết ngoài đời thay cho hình thức diễn đàn trên mạng như trước đây. Những diễn đàn này sẽ dẫn đến việc đề cập ngày càng sâu hơn đến những vấn đề thiết thân với quyền lợi người dân như đất đai, quyền lợi người lao động và môi trường.

Và nếu nhóm blogger trẻ có thể đạt được một số kết quả nào đấy, điều đó sẽ tạo cảm hứng và kích thích những nhóm hoạt động dân chủ trung niên và lão thành. Tôi cũng nghĩ là nhóm “Kiến nghị 72” sẽ xúc tiến một hành động nào đó mang tính hành động, hơn là chỉ có những kiến nghị trên mạng như trước đây.

Ngoài ra cũng còn phải suy nghĩ về ý tưởng xây dựng “đảng Hồ Chí Minh”, hay một phong trào vận động nhằm trả tên nước về “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” như Hiến pháp năm 1946, đã và đang nằm trong nhận thức của một số đảng viên lão thành…

Từ đầu năm 2013 đến nay và đặc biệt sau sự kiện Nhà nước Việt Nam được chấp nhận tham gia vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, khá nhiều tư tưởng và ý tưởng như vậy ở Việt Nam. Đặc biệt tại Hà Nội đang tiếp tục hình thành và hướng đến hành động xã hội, như một xu thế không thể cưỡng lại, bất chấp sự cấm cản theo thói quen từ phía chính quyền.

Nếu mọi chuyện diễn ra bình thường, xu thế như vậy sẽ phát triển thành các tổ chức hội đoàn độc lập ngày càng nhiều, từ đó sinh sôi những phong trào dân sự.

RFI : Nhưng những phong trào xã hội như thế vẫn có thể bị nhà nước xem là thách thức chính trị và thành viên của họ vẫn có thể bị bắt bớ?

Tất nhiên không thể loại trừ hoàn toàn việc Nhà nước không bắt ai.

Hiện nay, yếu tố xã hội học đặc thù nhất mà có thể làm giảm hoặc tăng rủi ro cho những nhân vật hoạt động dân chủ, là tính số đông và tính quần chúng. Nhân vật càng hoạt động đơn lẻ thì càng dễ có khả năng bị “nhập kho”, và ngược lại, càng đông người và càng đoàn kết thì càng khó bị trấn áp. Vấn đề còn lại là nếu những hoạt động xã hội như nhóm Mạng lưới blogger Việt Nam chỉ khuôn hẹp bởi một số cá nhân mà không tạo được hiệu ứng lan tỏa rộng rãi hơn, không thu hút được nhiều hơn số người ủng hộ từ nhiều tầng lớp thì phong trào này khó lòng tồn tại được lâu dài, hoặc có tồn tại cũng chỉ trên danh nghĩa mà không mang tính thực chất.

Chỉ có điều, sẽ rất khó cho chính quyền và công an khi quyết định bắt giam một nhân vật nào đấy, dù chỉ là người ít tên tuổi và ít được giới nhân quyền và truyền thông quốc tế quan tâm. Bởi đơn giản là tính từ thời điểm Nhà nước Việt Nam được chấp nhận vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, bất cứ một động thái bắt bớ hoặc sách nhiễu nào đối với giới hoạt động dân chủ trong nước cũng đều có thể gây ra “thành tích” cho họ – về chuyện không tuân thủ các cam kết của họ trước Chủ tịch Đại hội đồng Hội đồng Liên Hiệp Quốc những quy định ngặt nghèo của Hội đồng Nhân quyền.

Cũng cần nói thêm rằng theo quy định của Hội đồng Nhân quyền, các thành viên trong hội đồng này không có quyền phủ quyết, và nhóm các quốc gia bị xem là vi phạm nhân quyền nhiều nhất như Trung Quốc, Việt Nam, Ảrập Xêút vẫn chỉ là nhóm thiểu số. Những quốc gia này luôn có thể bị loại ra khỏi Hội đồng Nhân quyền, nếu trong nhiệm kỳ thành viên bị xem là tiếp tục vi phạm và vi phạm một cách có hệ thống về quyền con người.

Vì thế tôi cho rằng chỉ trong những trường hợp đặc biệt và mang tính hãn hữu, Nhà nước Việt Nam mới tiến hành bắt giữ hoặc bắt giam những nhân vật bất đồng chính kiến bị xem là “quá khích” đến mức đe dọa trực tiếp đến quyền lực của Đảng và chính quyền.

Thay vào đó, nhà nước sẽ duy trì một số đối sách “kềm chế” hoặc “khống chế đối tượng”, đi từ “vận động thuyết phục” đến “cô lập” và “cách ly”, đặc biệt chú trọng biện pháp tác động kinh tế gia đình.

Và tất nhiên giới tuyên giáo đảng sẽ không bỏ qua vũ khí truyền thống của họ là “đấu tranh với các luận điệu sai trái và thù địch” thông qua phương tiện thông tin đại chúng là các báo đảng. Nhà nước Việt Nam luôn có nhiều biện pháp để đối phó với hoạt động dân chủ và nhân quyền, nhưng vũ khí ưu tiên nhất vẫn là “tuyên truyền định hướng” và “phản tuyên truyền”.

Còn trong ít nhất trong nửa đầu nhiệm kỳ Hội đồng Nhân quyền 2014 – 2016, hiện tượng bắt bớ có thể sẽ không phổ biến và không kéo dài. Và nhiều khả năng cũng không dẫn đến việc kết án nếu có nhân vật bất đồng chính kiến nào đó bị bắt giam.

Tình hình đó cũng có nghĩa là nhiều hội nhóm dân sự có thể hình thành và thậm chí hoạt động công khai mà không bị đàn áp hoặc bị bắt bớ.

RFI : Liệu Nhà nước Việt Nam sẽ tuân thủ những yêu cầu của Hội đồng Nhân quyền trong thời gian tới? Cơ sở nào để cho thấy thái độ khác thường ấy?

Dĩ nhiên sẽ buộc phải có sự cải thiện từ phía Nhà nước Việt Nam về mặt đối xử nhân quyền, nếu không phải là sự thay đổi não trạng thì ít nhất cũng là sự điều chỉnh hành vi trong ít nhất một số “sinh hoạt” nào đó.

Cơ sở cho sự thay đổi bắt buộc như thế vẫn là quy luật hạ tầng kinh tế quyết định thái độ chính trị.

Khách quan mà xét, nếu vào giai đoạn từ năm 2010 trở về trước, hiện tượng bắt bớ xảy ra khá nhiều là do khi đó chưa mấy có khái niệm về nợ xấu quốc gia, nhóm lợi ích hay nhóm thân hữu, cũng chưa có những diễn tiến trực tiếp giữa hậu quả kinh tế và bất ổn xã hội như hiện thời. Tức nền kinh tế còn được coi là “ổn định” và thế đứng chính trị cũng chưa mấy nghiêng ngả.

Còn từ năm 2011 đến nay, tất cả đều suy thoái, tất cả đều lộ hình, trằn trọc và dã man. Chưa bao giờ trong lòng dân chúng, tâm lý kích nổ lại tích tụ và dễ kích phát như bây giờ. Sắc thái ấy rất dễ nhận ra trong không khí và dư luận người dân và cả giới công chức ở ngay Thủ đô. Tất cả những hệ lụy xã hội lại đang tích tụ để tạo nên những sang chấn xã hội, và rất có thể dẫn đến khủng hoảng xã hội vào một thời điểm nào đó. Mà ai cũng biết khủng hoảng xã hội rất thường sẽ dẫn đến khủng hoảng chính trị.

Theo kinh nghiệm ở những nước Bắc Phi, khi cuộc biểu tình chỉ giới hạn số người tham gia từ vài trăm đến vài ngàn, sự thay đổi trong não trạng chính quyền chỉ diễn ra cục bộ và rất “khiêm tốn”. Nhưng khi số người biểu tình lên đến hàng trăm ngàn hoặc hàng triệu người, sự phẫn nộ của dân chúng có thể bắt cả một chính phủ phải từ chức hoặc bị lật đổ.

Tôi cho rằng những người lãnh đạo Việt Nam đã phần nào nhận ra cái thực tiễn đau đớn đang siết lấy đất nước và siết cả vào thân phận giới chính khách. Do đó họ buộc phải thay đổi. Thay đổi để ít nhất cứu vãn nền kinh tế đang trên bờ suy sụp. Thay đổi để giữ được quyền lực và cả tài sản cá nhân. Và thay đổi để ngăn chặn một làn sóng hồi tố từ phía dân chúng nếu thời cuộc biến động dữ dội.

Vậy thay đổi như thế nào? Có cảm giác như chưa bao giờ Nhà nước Việt Nam cần đến cộng đồng quốc tế và những “đối tác chiến lược toàn diện” như hiện thời. Có lẽ tâm thế ấy cũng phù hợp với một quy luật chính trị bất thành văn là khơi thông đối ngoại nhằm gỡ khó cho đối nội.

Trong tình thế hiện thời, ngân khố quốc gia đã có nhiều dấu hiệu cạn kiệt và tiền bạc phần lớn nằm trong túi các nhóm lợi ích, chỉ còn cách nhờ vào ngoại lực và ngoại viện thôi. Trung Quốc, Mỹ hay Nga đều được, miễn là “đối tác chiến lược toàn diện” và giúp cho Việt Nam tạm hồi sinh kinh tế và lấy lại phần nào cái gọi là “niềm tin dân chúng”.

Hậu quả nào sẽ xảy ra nếu quỹ lương hưu Việt Nam không phải “có khả năng vỡ vào năm 2030” mà có thể hết sạch chỉ sau ba, bốn năm tới? Chính thể cầm quyền sẽ đối phó như thế nào trước một làn sóng phản ứng dữ dội của giới hưu trí – như điều đã từng xảy ra ở nước Nga hậu Liên Xô vào những năm 90?

Đó là lý do vì sao tôi quan niệm rằng không khí đối nội và độ mở dân chủ trong nước dù chuyển biến khá chậm, nhưng vẫn phải tuân theo logic của diễn biến đối ngoại. Khác hẳn với giai đoạn 2009 – 2012 là thời gian mà làn sóng bắt giam và kết án các nhân vật bất đồng chính kiến dâng cao để vào cuối năm 2012, cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ đã bị phía Hoa Kỳ đình hoãn, năm 2013 lại là thời điểm mà cuộc đối thoại này được tái lập. Cùng lúc, diễn ra hàng loạt cuộc gặp gỡ song phương Việt – Trung, Việt – Mỹ, Việt – Pháp và Việt – Nga.

Cuối cùng, điều được xem là “thắng lợi ngoại giao” hay “thắng lợi chính trị” của Nhà nước Việt Nam còn được kết tủa bởi một cái ghế trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào tháng 11/2013 với tỉ lệ phiếu thuận cao đến mức kinh ngạc: 96%!

RFI : Anh giải thích thế nào về tỷ lệ phiếu thuận cao đến mức bất thường đó? Phản ứng của báo chí trong nước ra sao?

Cần nói rõ hơn là không phải ngẫu nhiên mà có quá nhiều quốc gia bỏ phiếu thuận cho Nhà nước Việt Nam, trong khi trước đó hầu hết các nước Tây Âu thường quan ngại và chỉ trích thái độ thiếu tôn trọng nhân quyền của Việt Nam. Bởi theo một phân tích đáng chú ý trong giới quan sát thì trong thời gian gần đây Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc có khuynh hướng không tạo ra sự đối đầu giữa nhóm nước tôn trọng nhân quyền và nhóm nước thiếu quan tâm quyền con người.

Thay vào đó, Hội đồng này tìm cách dung hợp giữa các quan điểm và tạo điều kiện hơn nữa cho tiếng nói đối thoại với nhau. Đó là một quan điểm “dân vận” hiện đại. Bởi nếu không đối thoại thì có thể tình hình sẽ ngày càng tệ hơn, ai giữ quan điểm người đó và vấn đề nhân quyền ở các nước Trung Quốc, Việt Nam sẽ không cải thiện gì hết.

Nhưng quan niệm như vậy của Liên Hiệp Quốc đã hầu như không được đề cập trên mặt báo đảng ở Việt Nam – là những tờ báo vẫn tuyên truyền một chiều và không bỏ lỡ cơ hội vừa qua để xem đó là một thành tích tuyệt vời của Nhà nước Việt Nam.

Tuy nhiên, có một thực tế quá đỗi hiển nhiên mà không một tờ báo đảng nào nêu ra là tại sao trong suốt hơn hai chục năm, từ thời điểm ban hành Hiến pháp vào năm 1992 đến nay, ba vấn đề liên quan mật thiết đến quyền lợi của nhân dân và cần được luật hóa theo điều 69 hiến pháp là Luật biểu tình, Luật lập hội và Luật trưng cầu dân ý đã không hề được triển khai. Mà như vậy thì điều được báo đảng và giới tuyên giáo xem là “Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm quyền con người” là thực chất hay giả dối?

Báo chí nói chung ở Việt Nam cũng đã rất nhiều lần, trong rất nhiều bài viết đề cập đến các quyền như thế của người dân. Đó cũng chính là sự khác biệt giữa báo chí phi lề đảng, tức nhiều tờ báo quốc doanh nhưng không mấy mặn mà với các định hướng tuyên truền của Đảng, với một ít báo lề đảng.

Trong nhiều nội dung của bản Hiến pháp sửa đổi từ đầu năm 2013 đến kỳ họp Quốc hội thứ 6 lần thứ XIII, vẫn chủ yếu là các báo đảng như Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân, Đại Đoàn Kết, Sài Gòn Giải Phóng và Đài truyền hình Việt Nam làm thế chủ công bảo vệ cho quan điểm bảo thủ Hiến pháp. Đến mức không muốn thay đổi bất kỳ một nội dung nào, kể cả thực trạng ngổn ngang và đau đớn về thu hồi đất đối với các dự án kinh tế – xã hội mà đã gây ra một tầng lớp dân oan khiếu kiện tại khắp các địa phương.

Nhưng những tờ báo đảng, cộng với một số tờ báo “ăn theo” khác, chỉ vào khoảng vài ba chục tờ, chỉ chiếm vài ba phần trăm trong tổng số khoảng 1.000 tờ báo in và điện tử được cấp phép hoạt động tại Việt Nam.

Ngay cả chuyện Nhà nước Việt Nam được chấp nhận vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cũng chỉ được thông tin chủ yếu bởi báo đảng với dạng bài viết. Trong khi nhiều báo khác chỉ đăng hoặc phát tin ngắn gọn mà không bình luận, cho dù thành viên Hội đồng Nhân quyền là một nhiệm vụ quan trọng mà Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu các báo “chủ động tuyên truyền”.

Khác nhiều với không khí tuyên truyền về khả năng Việt Nam gia nhập TPP, lần này rõ ràng đại đa số báo chí đều không hào hứng gì đối với việc Nhà nước Việt Nam đã “tôn trọng quyền con người” như thế nào, nếu không nói là ngược lại.

Điều đó cho thấy cái gì?

Nếu xem báo chí và công luận là mang tính đại diện cho dư luận người dân thì quan điểm bảo thủ hiện thời chỉ còn chiếm vài ba phần trăm, trong khi tuyệt đại đa số dư luận ở thế trung dung, không chấp nhận giả dối hoặc cấp tiến hơn hẳn.

Theo tôi biết, ở nhiều tờ báo nhà nước hiện nay, đa số phóng viên và cả cấp ban biên tập đều bức xúc và rất bất mãn về cái mà họ gọi là “vòng kim cô” siết chặt bởi Ban Tuyên giáo Trung ương và các ban tuyên giáo, sở thông tin truyền thông tỉnh thành. Ở một số báo, chỉ có một nhóm rất nhỏ, bao gồm tổng biên tập và phó tổng biên tập báo, là nhóm được coi là “kiên định” và là người của cấp trên ấn định để kiểm soát tư tưởng và nội dung của báo chí.

Và sự khác biệt giữa các quan điểm bảo thủ và cởi mở trong giới báo chí cũng có thể đang phổ biến ngay trong nội bộ đảng, tuy có khác hơn về mặt tỉ lệ. Vấn đề còn lại chỉ là một sự thay đổi lớn lao sẽ diễn ra vào lúc nào mà thôi, khi có những điều kiện tương tác chín muồi.

Nhưng ở Việt Nam, rất thường là khó có thể diễn ra những thay đổi tự thân nếu không có tác động ngoại biên. Tác động ngoại biên ấy, trong hoàn cảnh năm 2013 này và có thể trong vài năm tới sẽ phụ thuộc vào những ảnh hưởng chủ yếu từ Mỹ, Tây Âu và Trung Quốc.

RFI : Phải chăng tác động của phương Tây đã có ảnh hưởng điều chỉnh một số chính sách “đóng mạng” của Nhà nước Việt Nam như Nghị định 72 ?

Đó là một tác động có tính thuyết phục đối với tính “vô hiệu” của Nghị định 72 của Chính phủ Việt Nam về quản lý mạng xã hội. Trước khi Nghị định này được ban hành, đã có khá nhiều âu lo từ giới hoạt động truyền thông xã hội về những hàng rào vô hình được thiết lập để ngăn cản thông tin, và điều đó sẽ một lần nữa cho thấy “tự do báo chí” ở Việt Nam là như thế nào.

Nhưng từ đầu tháng 9/2013 đến nay, vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nghị định 72 sẽ được triển khai “quyết liệt”. Vì sao lại như thế, trong khi hầu như toàn bộ công cụ thanh kiểm tra nằm trong tay các cơ quan nhà nước, và họ muốn hành xử lúc nào cũng được?

Nói thẳng ra là Nghị định 72, về bản chất, đã nhắm tới những mục tiêu hạn chế quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, chỉ khuyến khích thông tin một chiều. Do vậy, nghị định này đã gặp phải sự phản ứng quyết liệt của cộng đồng hoạt động mạng và cả từ các tổ chức nhân quyền, báo chí quốc tế.

Trong bối cảnh phải thỏa hiệp với chính giới quốc tế để đổi lấy những điều kiện về kinh tế trong nước và cả quân sự tại biển Đông, giới lãnh đạo Việt Nam sẽ không thể để nghị định 72 cản bước tiến trình tham gia vào Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương hay Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc.

Và một khi Nghị định 72, vì nhiều lý do không được triển khai đúng với ý của những người soạn thảo ra nó, lại càng có cơ sở để cho rằng bầu không khí truyền thông xã hội ở Việt Nam trong vài năm tới sẽ rộng mở hơn, nhưng không phải do nhà nước “cấp phép”, mà sẽ phát triển một cách độc lập và tuân theo quy luật hội nhập quốc tế.

Thay vì dùng biện pháp “cưỡng chế” như Nghị định 72, nhiều khả năng Nhà nước Việt Nam sẽ tiến hành giải pháp “kiểm soát mềm”, nghĩa là sử dụng đội ngũ dư luận viên để kiểm soát và thực hiện công tác phản tuyên truyền, tức phản bác lại “các luận điệu sai trái và phản động”. Cần lưu ý là ở Trung Quốc đã hình thành đội ngũ dư luận viên và kiểm soát viên lên đến hai triệu người bằng tiền đóng thuế của dân chúng.

Trong xu thế chung khó cưỡng lại về hội nhập quốc tế, cũng dễ thấy là một điều kiện mà phía Mỹ và các nước Tây Âu đặt ra đối với Nhà nước Việt Nam về việc không được ngăn chặn việc phát sóng của các đài quốc tế, trong đó có các đài quốc tế Việt ngữ, sẽ dần được đáp ứng. Nếu như trước đây chỉ có đài BBC của Anh ít bị phá sóng, thì sau này cả đài RFI của Pháp, VOA và RFA của Hoa Kỳ cũng có thể được “ưu ái”. Khi đó, giới phân tích sẽ được biết con số 34 triệu người sử dụng Internet mà Việt Nam thường công bố thực chất là như thế nào, tức có bao nhiêu người trong đó có thể vượt tường lửa để tiếp cận với những thông tin thực chất về kinh tế, chính trị nội bộ, tự do tôn giáo, xã hội dân sự và cả tình hình giam giữ.

RFI : Về vấn đề này, việc Việt Nam tham gia Hội đồng Nhân quyền có làm thay đổi chút nào điều kiện giam giữ ?

Một người bạn có kể cho tôi nghe một câu chuyện lạ lùng. Vô tình anh được biết một tù nhân chính trị mà anh mới vào thăm đã được cán bộ quản giáo trang bị cả quạt điện trong phòng giam. Anh đã kinh ngạc về sự thay đổi đó.

Cho đến nay, vẫn không nhiều người biết rằng phần lớn các phòng giam trong nhà tù Việt Nam đều nóng bức, có nơi nóng kinh người, và cũng chẳng mấy người biết rằng việc có được một cái quạt điện trong phòng giam là một điều quá xa xỉ đối với người tù. Chính vì thế, hiện tượng quản giáo cho người tù quạt điện vào thời gian ngay trước khi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc xét duyệt một cái ghế cho Nhà nước Việt Nam đã cho thấy ít nhất một tín hiệu vừa chống chế vừa thỏa hiệp.

Sự việc này cũng dễ làm người ta hình dung rằng Nhà nước Việt Nam đang liên tưởng đến điều gì, hoặc hậu quả nào từ một cuộc kiểm tra điều kiện giam giữ của các thanh sát viên do Hội đồng Nhân quyền cử đến Việt Nam vào năm 2014. Và cũng rất có thể, cái quạt điện sẽ bị lấy đi ngay sau khi thanh sát viên quốc tế mục kích buồng giam.

Trong khi đó, một thông báo của Hội nghị trung ương 3 của đảng Cộng sản Trung Quốc vừa cho biết quốc gia rất bảo thủ này đã quyết định xóa bỏ chế độ trại lao cải, tức những trại giam trong đó một số phạm nhân phải lao động khổ sai. Vấn đề là Trung Quốc lại cùng vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc với Việt Nam kỳ này, và khi Trung Quốc đã có một cải cách nhỏ như thế, Việt Nam sẽ thế nào?

Tôi cho rằng không còn cách nào khác, giới lãnh đạo và ngành công an Việt Nam sẽ phải có những bước cải thiện chế độ lao tù, không chỉ đối với chính trị phạm mà cả với tù thường phạm. Nếu cần thiết, họ có nhìn vào tấm gương Myanmar như một sự phản chiếu không đến nỗi tồi.

Mặt khác, những cái chết trong đồn công an sẽ nằm trong tâm điểm quốc tế. So với Trung Quốc, có vẻ tình trạng người dân “đột tử” trong đồn công an và các trại giam ở Việt Nam là nhiều hơn, có khi nhiều hơn hẳn. Tình hình đó dẫn đến việc sau nhiều lần trì hoãn, cuối cùng Nhà nước Việt Nam cũng phải ký kết Công ước chống tra tấn. Sự việc này chỉ xảy ra 5 ngày trước khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc.

Do đó chính vào lúc này, Nhà nước Việt Nam đang lo lắng về những câu chuyện làm càn của cán bộ công an tại các địa phương. Và có lẽ không phải ngẫu nhiên mà trùng thời điểm Hội đồng Nhân quyền nhóm họp vào tháng 11/2013, ở Việt Nam đã phát lộ vụ việc tù nhân Nguyễn Thanh Chấn bị án oan đến 10 năm. Đó là chưa kể đến tình trạng tạm giam không xét xử mà có trường hợp kéo dài đến 7 năm…

Bởi thế tôi cho rằng, ngành công an và chính quyền các địa phương sẽ có một số động tác điều chỉnh thái độ và cách hành xử của công an viên đối với dân trong thời gian tới. Nhất là nếu xã hội dân sự hình thành và thông tin dân sự được truyền ra quốc tế sẽ nói thay cho cả báo chí trong nước về những vụ bạo hành của công an đối với dân chúng.

RFI : Xã hội dân sự vẫn bi quan hay có thể lạc quan, nếu tính từ mốc thời điểm Việt Nam tham gia vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc?

Tôi cho là khác hẳn với việc tham gia ký kết Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị từ năm 1982 nhưng chẳng mấy quan tâm đến những nội dung của nó, giờ đây Nhà nước Việt Nam ở vào thế phải định kỳ “tự kiểm điểm” trước các cơ quan nhân quyền quốc tế. Vì nếu không, sẽ chẳng có sự cải thiện kinh tế và ngoại giao nào diễn ra.

Xã hội dân sự sẽ đóng góp một phần không nhỏ vào công cuộc cải thiện bất đắc dĩ ấy. Mà một trong những lời cam kết của Nhà nước Việt Nam trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng 8/2013 là tạo điều kiện sinh hoạt dân chủ hơn nữa cho người dân, được hiểu như một sự định hình ban đầu về xã hội dân sự.

Có một chi tiết đáng chú ý là sau chuyến làm việc với giới quan chức chính phủ Việt Nam vào đầu tháng 11/2013, Quyền phó trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Scott Busby đã nói thẳng với báo giới quốc tế về một trong những mục đích ưu tiên của Chính phủ Hoa Kỳ là xã hội dân sự ở Việt Nam, và Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ cho các nhóm dân sự ở đất nước này.

Một chi tiết đáng chú ý khác là ngược lại với những tuyên ngôn theo cách “xã hội dân sự là một thủ đoạn của diễn biến hòa bình” vào cuối năm 2012, báo đảng đã không hề công kích Scott Busby về chủ đề xã hội dân sự mà ông nêu ra. Trong khi đó, lại có thông tin từ Trung Quốc về việc người được tạp chí Forbes đánh giá là có quyền lực thứ ba trên thế giới là Tập Cận Bình đang có chủ trương ngầm cho hình thành xã hội dân sự tại Trung Hoa.

Mãi gần đây, tôi mới nhận ra một tín hiệu về khả năng là trong thời gian tới, Nhà nước Việt Nam sẽ “chủ động nghiên cứu về xã hội dân sự và vận dụng xã hội dân sự vào những điều kiện ở Việt Nam”. Nhưng tất nhiên, đó không phải và không thể là một mô hình xã hội dân sự giám sát độc lập của người dân, mà có thể là “xây dựng xã hội dân sự định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Nếu khả năng này diễn ra, và tôi cho là sẽ diễn ra, tất nhiên Nhà nước Việt Nam sẽ không còn chủ trương quá siết chặt hoạt động của các nhóm dân sự, kể cả những phong trào dân sự đang manh nha tại Hà Nội, Sài Gòn và một số tỉnh thành. Thay vào đó, chính quyền sẽ có thể làm lơ đối với loại tổ chức dân sự mang tôn chỉ thuần túy xã hội, văn hóa, mà chỉ tập trung khống chế những tổ chức dân sự bị nhà nước xem là “mang màu sắc chính trị” hoặc tổ chức dân sự trong các tôn giáo.

Nếu hoạt động dân sự khởi sắc hơn thì sẽ kéo theo sự hợp thức hóa và phát triển của loại hình tổ chức phi chính phủ (NGO) trong nước. Thật ra, vấn đề NGO trong nước đã được một số tổ chức hội đoàn nhà nước như Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam và nhiều trí thức kiến nghị cho hình thành cách đây hàng chục năm. Song cũng như sự chậm trễ cố ý đối với việc ban hành các Luật biểu tình, Luật lập hội và Luật trưng cầu dân ý, cho đến nay Nhà nước Việt Nam mới chỉ chấp nhận một số tổ chức NGO nước ngoài với mục đích tiếp nhận viện trợ không hoàn lại, còn NGO trong nước vẫn chưa nhận được một khung pháp lý nào.

Liên quan đến NGO trong nước, nghiệp đoàn lao động lại là một trong những điều kiện then chốt mà Việt Nam phải đáp ứng nếu muốn tham gia vào TPP. Như tôi đã đề cập, sẽ rất khó để tự thân các vấn đề trong nước thay đổi, nếu không có tác động đủ ý nghĩa và đủ mạnh từ cộng đồng quốc tế. Vào lần này, đang có hy vọng rằng cùng với những tác động từ TPP và Hội đồng Nhân quyền, Nhà nước Việt Nam sẽ phải chính thức ban hành một khung pháp lý cho hoạt động NGO trong nước. Và khi đó, xã hội dân sự sẽ có thêm một thành phần chính thống mà không phải hoạt động thầm lặng như trước đây.

Nếu trong nhiệm kỳ Nhà nước Việt Nam tham gia vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc từ năm 2014 đến năm 2016 mà Hoa Kỳ và các nước Tây Âu và Bắc Âu nhiệt tình hỗ trợ cho hoạt động dân sự ; chắc chắn vấn đề sự hình thành, vận động và đồng thuận của xã hội dân sự ở Việt Nam sẽ có tính khả thi. Cũng là để chuẩn bị cho một giai đoạn mới và dân chủ hơn nhiều của đất nước này.

RFI : Các tổ chức tôn giáo cũng sẽ được chấp nhận nhiều hơn trong thời gian tới?

Không, không phải tất cả các tổ chức tôn giáo đều được chấp nhận. Thái độ buộc phải chấp nhận của nhà nước đối với tổ chức tôn giáo chỉ dựa trên những điều kiện là tổ chức tôn giáo đó phải có một lượng tín đồ đủ đông và sức ảnh hưởng đủ lớn, đồng thời phải có được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Có một sự khác biệt khá lớn trong cách hành xử của nhà nước đối với các tôn giáo. Trong khi giới Phật giáo và cả người Công Giáo được hành lễ khá thoáng và các tổ chức giáo lý và dân sự Công Giáo cũng được hình thành và hoạt động dễ dàng hơn, thì với Tin Lành và Phật giáo Hòa Hảo thuần túy lại không phải như vậy.

Tương tự, theo một thỏa thuận giữa Vatican và nhà nước Việt Nam, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam có thể “xin lại” một số cơ sở nhà thờ, dòng tu đã cho nhà nước mượn từ thời 1975, nhưng các tôn giáo khác lại khó đạt được mong ước ấy. Đó là do trong mắt nhà nước, giới Công Giáo luôn đủ mạnh và có ảnh hưởng đến quốc tế. Trong khi đó, giới tu sĩ Tin Lành, Phật giáo Hòa Hảo thuần túy và Cao Đài lại có vẻ chưa được các nhà nước và các tổ chức nhân quyền, tôn giáo quốc tế quan tâm đầy đủ.

Hội đoàn từ thiện tôn giáo đương nhiên là một thành phần không thể thiếu trong xã hội dân sự. Nếu xã hội dân sự được hình thành và các hội đoàn tôn giáo có thể kết hợp với nhau và với các nhóm trí thức trong xã hội dân sự, đó có thể sẽ là một “liên minh” làm tăng tính hiệu quả của các phong trào dân sự, trong đó giúp ích không nhỏ cho điều kiện hoạt động của các tổ chức tôn giáo. Ở Việt Nam hiện nay đang có những tổ chức dân sự như thế, như Ủy ban công lý và hòa bình Công Giáo, giáo phận Vinh ở Nghệ An, nhà thờ Thái Hà ở Hà Nội và nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế ở Sài Gòn.

Nhưng dĩ nhiên Nhà nước Việt Nam rất biết những yếu điểm của từng tổ chức tôn giáo và giữa các tổ chức tôn giáo với nhau. Họ cũng biết nếu không thể hiệp thông với nhau một cách chặt chẽ, các tôn giáo và các tổ chức dân sự thuộc tôn giáo sẽ không thể có được những quyền lợi theo nghĩa đầy đủ của khái niệm “tự do tôn giáo”. Và họ cũng biết làm thế nào để các tôn giáo không quá xích lại với nhau…

RFI : Từ năm 1975 cho tới nay là đã 38 năm qua rồi, nhiều người đã đặt ra vấn đề hòa hợp hòa giải dân tộc, nhưng hình như chưa từng được xích lại gần nhau theo đúng nghĩa. Liệu cơ chế Hội đồng Nhân quyền có mở ra hướng nào mới cho việc hồi hương của những người Việt bất đồng chính kiến?

Khả năng xã hội dân sự có thể được chấp nhận ít nhất về danh nghĩa trong thời gian tới cũng gợi mở cho một khả năng khác, là cơ chế hòa hợp và hòa giải dân tộc được tôn trọng một cách đầy đủ hơn. Nghĩa là bằng hành động chứ không phải chỉ với lời nói trong Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị cách đây hàng chục năm, về công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài.

Điều đó có nghĩa là dù không thực sự hăng hái với công việc này như thường quá háo hức thu hút kiều hối, Nhà nước Việt Nam sẽ cần làm một cử chỉ nào đó rộng rãi hơn đối với một số nhân vật bất đồng chính kiến ở hải ngoại. Theo tôi, nếu sớm thì vào năm 2014, trễ hơn vào năm 2015, nhiều nhân vật bất đồng chính kiến, kể cả những người bị nhà nước Việt Nam coi là “chống cộng”, sẽ có cơ hội trở về quê hương đoàn tụ với người thân.

Cần nhắc lại là vào giữa năm 2011, Tổng thống Myanmar Thein Sein đã cho phép các nhân vật bất đồng mạnh mẽ nhất được trở về đất nước, để từ đó đến nay hầu như không xuất hiện cuộc biểu tình chống đối nào đối với ông hay các quan chức chính phủ Myanmar khi họ công du ngoài nước.

Nhìn chung, tôi cho là tình hình dân chủ Việt Nam sẽ được “nới” hơn trong từ một năm rưỡi đến hai năm tới, tương đương với một nửa đến hai phần ba nhiệm kỳ của Nhà nước Việt Nam trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Không khí phản biện và sự hình thành ban đầu của xã hội dân sự trong thời gian này sẽ khá êm ả.

Tuy nhiên, câu hỏi còn lại là không khí êm ả như thế sẽ kéo dài bao lâu sau đó? Tất nhiên đây là một ẩn số không dễ trả lời vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố tương tác.

Một trong những yếu tố đó là những bài học trong dĩ vãng. Tức vào năm 2006, sau khi được người Mỹ đưa ra khỏi danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về nhân quyền và tôn giáo (CPC) và trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), không khí bắt bớ ở Việt Nam cũng tạm lắng trong khoảng hai năm.

Nhưng đến năm 2009, được xem là thời điểm của đỉnh tạm phục hồi của nền kinh tế, một số nhân vật bất đồng chính kiến bắt đầu bị “nhập kho”. Các nhóm lợi ích kinh tế và thân hữu chính trị cũng tung hoành chưa từng thấy, xô quốc gia vào một cuộc khủng hoảng toàn diện và sâu sắc chưa từng thấy…

Vì thế, ẩn số quan trọng nhất mà chúng ta cần giải đáp là liệu nền kinh tế Việt Nam có thể phục hồi trong vài ba năm tới hay không. Đáp án này sẽ quyết định tất cả cho tương lai chính trị ở Việt Nam.

Xét cho cùng, một cái ghế trong Hội đồng Nhân quyền chỉ mang tính hữu danh vô thực. Cánh cửa quan yếu hơn nhiều đối với Nhà nước Việt Nam là Hiệp định TPP và viện trợ quốc tế, chẳng hạn nguồn vốn ODA từ Nhật Bản. Khi đó mới có thể nói đến chuyện nền kinh tế Việt Nam còn cơ may nào để tồn tại hay sẽ là một sự sụp đổ không tránh khỏi, dẫn đến khủng hoảng xã hội và tất yếu là khủng hoảng chính trị.

Tất cả những bất ổn tiềm tàng như thế phải được xử lý trong vỏn vẹn ba, bốn năm tới, nghĩa là đến giai đoạn 2016-2017. Nếu không, khủng hoảng chính trị sẽ là chắc chắn !

RFI : Xin chân thành cảm ơn nhà bình luận Phạm Chí Dũng ở Thành phố Hồ Chí Minh đã vui lòng trao đổi với RFI Việt ngữ những dự báo về không khí chính trị tại Việt Nam trong thời gian tới.

(Nguồn RFI)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Lễ Các Đẳng thuộc bậc lễ nào?
Nguyễn Trọng Đa
21:07 03/12/2013
Giải đáp phụng vụ: Lễ Các Đẳng thuộc bậc lễ nào?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời (Lễ Các Đẳng) diễn ra ngày 2-11 hàng năm, được xếp vào danh sách các bậc lễ. Nhưng tôi thấy hình như là bất thường, vì tôi thấy lễ này không được xếp vào bậc lễ, như lễ trọng, lễ kính, lễ nhớ... Vậy, thưa cha, trường hợp này là trường hợp riêng hay sao? Nếu như vậy, nó xuất hiện như là trường hợp độc nhất trong lịch phụng vụ rồi. - A. L., Campbell, California, Mỹ.

Đáp: Mặc dù lễ Các Đẳng của năm nay đã qua, nhưng nó đáng cho chúng ta nhớ lại bậc lễ của nó.

Đúng là lễ Các Đẳng có một bậc riêng. Lễ này không phải là lễ trọng, bởi vì nó cầu cho các tín hữu đã qua đời, chứ không mừng kính họ. Lễ này có ưu tiên phụng vụ hơn lễ Chúa Nhật. Nó giống với lễ Chúa Nhật, chỉ khác một điều là khi lễ được cử hành vào Chúa Nhật, Kinh Vinh Danh và Kinh Tin Kính không được đọc hoặc không được hát.

Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời có ba bài đọc, ngay cả khi nó rơi vào một ngày thường trong tuần. Một số Sách bài đọc cung cấp một loạt bài đọc, và cho biết thêm rằng các bài đọc của hai Thánh Lễ khác, mà một linh mục có thể cử hành trong ngày 2-11, được lấy từ Sách lễ an táng. Một số Sách bài đọc khác, chẳng hạn sách tại Ý, đưa ra ba nhóm sách bài đọc, và mỗi nhóm có ba bài.

Không giống như bậc lễ trọng, ưu tiên của Lễ Các Đẳng hơn lễ Chúa Nhật không mở rộng đến ưu tiên cho Phụng Vụ Các Giờ Kinh. Phụng Vụ Các Giờ Kinh là Phụng vụ của Chúa Nhật hiện tại, mặc dù nó có thể được thay thế bằng Phụng vụ Cầu Hồn trong buổi đọc kinh chung.

Một lần nữa, không giống như lễ trọng rơi vào ngày Chúa Nhật, khi Lễ Các Đẳng rơi vào ngày Chúa Nhật, không có lễ Vọng cho Lễ này vào chiều thứ bảy, vì Lễ Các Thánh được cử hành trong suốt cả ngày thứ bảy ấy.

Ở các quốc gia mà Lễ Các Thánh không phải là một ngày lễ buộc, ai dự Lễ Các Thánh chiều thứ Bảy là chu toàn luật dự lễ ngày Chúa Nhật rồi.

Về mặt lịch sử, một ngày dành riêng để cầu cho các tín hữu qua đời đã diễn ra ở nhiều nơi và nhiều ngày trong năm. Các tu viện Biển Đức dâng lễ cầu cho các đan sĩ qua đời vào tuần lễ sau Lễ Hiện Xuống, và có bằng chứng rõ ràng cho tập tục này ở Tây Ban Nha trong thế kỷ VII, gần Lễ Hiện Xuống. Dường như tập tục dâng lễ cho người đã qua đời có liên quan đến một số lễ trọng như Lễ Hiện Xuống, Lễ Hiển Linh hoặc một vị thánh khá nổi tiếng trong Giáo Hội. Ví dụ, thánh Eigil (qua đời năm 822), Viện phụ ở Fulda, qui định lễ Các Đẳng vào ngày 17-12, ngày ly trần của thánh Sturmius, vị sáng lập tu viện.

Ở Đức, lễ Các Đẳng được ghi nhận là thiết lập vào ngày 1-10, khoảng năm 980. Dường như giáo phận đầu tiên tổ chức Lễ Các Đẳng là giáo phận Liège trước năm 1008. Lễ này được cử hành lần đầu ở giáo phận Milan giữa năm 1120 và năm 1125, và tổ chức vào ngày 16-10, ngày sau ngày lễ Cung Hiến Nhà thờ lớn. Cần nhắc lại rằng ngày này được duy trì cho đến thời Thánh Carôlô Borromeo (qua đời năm 1584 ), khi thánh nhân qui định lễ Các Đẳng vào ngày 2-11.

Tuy nhiên, người có ảnh hưởng nhất trong việc thiết lập và lan rộng ngày lễ này là Thánh Odo ở Cluny (qua đời năm 1048 ), người chọn tập tục này cho Dòng tu có rất nhiều tu viện. Ngài ấn định ngày 2-11, để cho nó liên quan đến Lễ Các Thánh được mừng ngày hôm trước.

Từ đó, Lễ lan rộng đến tất cả các tu viện Biển Đức khác, và việc này giúp mở rộng lễ Các Đẳng cho toàn thể Giáo Hội.

Từ những gì chúng tôi đã nói về sự kết hợp của lễ Các Đẳng với các lễ lớn, rõ ràng là có rất ít nền tảng cho giả thuyết rằng lễ Các Đẳng được thiết lập bởi Giáo Hội như một đối trọng, hoặc như một nỗ lực thánh hóa một lễ hội Celtic ngoại giáo nhằm tôn vinh người chết. Lễ hội ngoại giáo này có lẽ đã được tổ chức vào đầu tháng 11, và đã bằng cách nào đó tồn tại vào thời Trung Cổ, nhưng không có bằng chứng bằng văn bản của sự tồn tại của lễ hội này trong thời gian đó. (Zenit.org 3-12-2013)

Nguyễn Trọng Đa
 
Văn Hóa
Kiểu người mới sau Vatican II
Vũ Van An
21:34 03/12/2013
Andrew M. Greeley là một linh mục Hoa Kỳ gốc Ái Nhĩ Lan, đồng thời là một nhà xã hội học, một nhà báo và tiểu thuyết gia có hạng. Ngài là học giả đầu tiên nghiên cứu tác dụng xã hội học trong các cải tổ của Vatican II đối với người Công Giáo Hoa Kỳ. Ngay từ năm 1964, giữa lúc Vatican II chưa kết thúc, cha đã tiên đoán về một mẫu người mới (A New Breed) trong Giáo Hội. Cha vừa qua đời ngày 29 tháng Năm, năm 2013 vừa qua tại Chicago, hưởng thọ 85 tuổi. Tuần báo Công Giáo The America (số 1-8 tháng 7, 2013) nhân dịp này có cho đăng lại bài ngài viết về loại người này:

Họ không đông lắm, nhưng họ vẫn là những người quan trọng. Trong một ghi chú cho tân tuyển tập của ông tựa là Abundance for What? David Riesman kể rằng ông từng quan sát sự thay đổi nơi các sinh viên tốt nghiệp đại học trong vòng 7, 8 năm nay. Những sinh viên lớp lớn lạnh lùng và vô cảm của nửa thập niên 1950 chưa mất dạng hẳn, thì một loại người mới và rất khác đã xuất hiện trên sân khấu rồi.

Riesman không cho biết nhiều chi tiết đặc thù về dung mạo của những người tân tốt nghiệp này, nhưng tôi biết ông muốn nói gì. Vài năm trước đây, tôi có viết một cuốn sách về Những Người Công Giáo Trẻ Hoa Kỳ, những người mà trong một cơn bi quan yếm thế, tôi đã đặt tên là Thời Lãnh Cảm (The Age of Apathy). Một vị vọng trong Giáo Hội có thiện cảm cho tôi hay rằng với tất cả các thay đổi đang diễn ra trong Giáo Hội, chỉ ít năm nữa, tôi sẽ ân hận về tựa đề đó. Tôi rất vui đã theo lời khuyên của ngài, vì tựa đề sau cùng được sử dụng “Strangers in the House” (Những Người Lạ Trong Nhà) đã giúp tôi viết một cách duyên dáng hơn về chủ đề này.

Năm năm trước đây, quả có sự xuất hiện Một Kiểu Người Khác hết sức rõ nét. Họ không đông lắm; có thể họ chưa xuất hiện trong các mẫu thăm dò; đa số người cùng lớp với họ tại các cao đẳng, chủng viện, tập viện của xứ sở vẫn tiếp tục bơ phờ và khác với họ. Còn Kiểu Người Mới thì ồn ào đến nỗi khiến người ta ít còn thì giờ lưu ý tới đa số kia. Gần như bất cứ viện trưởng đại học hay giám đốc chủng viện nào cũng nhận thấy có sự hiện diện của họ và đều tỏ ra bỡ ngỡ không hiểu họ muốn gì.

Về Kiểu Người Mới này, tôi chỉ có thể tường trình các ấn tượng của mình và các ấn tượng này thường khá lộn xộn. Có nhiều điều tôi thích về Kiểu Người Mới nhưng cũng không thiếu những điều tôi không ưa ở họ. Tôi nghĩ mình hiểu “Những Người Lạ Trong Nhà” mà tôi đã viết cách nay năm năm; nhưng Kiểu Người Mới khác hẳn, và tôi rất sợ là mình không biết gì về họ.

Trước nhất, họ hết sức quan tâm tới những chuyện như trung thực, liêm chính và chân chính. Họ phải biết lý do tại sao. Họ không từ chối vâng lời, nhưng trước khi vâng lời, họ muốn được ngồi xuống và thảo luận tại sao lại có lệnh lạc đó; họ bối rối khi những vị có thẩm quyền cảm thấy bị đe dọa bởi cái ý muốn được thảo luận này. Như một quản trị viên đại học của Dòng Tên đã quan sát: “Trong suốt 400 năm qua, chúng tôi vốn đã hiện diện trong lãnh vực tông đồ giáo dục Kitô Giáo rồi, thế mà giờ đây chúng tôi bỗng thấy các chủng sinh của chúng tôi yêu cầu chúng tôi biện minh cho hình thức tông đồ này”. Và một người đồng dòng nói thêm: “các chủng sinh Dòng Tên là những người cấp tiến (radical) nhất trong Giáo Hội Hoa Kỳ, không trừ ai”. Cả hai vị, không vị nào chống đối Kiểu Người Mới cả, chỉ bỡ ngỡ về họ thôi.

Song song với một quan tâm như thế về liêm chính và trung thực, người ta còn thấy Kiểu Người Mới không có khả năng quanh co (devious) hay cơ hội chủ nghĩa, thậm chí họ bất cần cả ngoại giao nữa. Thế hệ cấp tiến Công Giáo (ít nhất là thế hệ tôi biết ở Chicago) đạt được mục tiêu khiêm tốn của họ nhờ cư xử hết sức khéo léo, nhẫn nại và đầy kỹ năng chính trị. Kiểu Người Mới không cần bất cứ thứ gì trong số này. Mọi vấn đề, dù nhỏ hay lớn, đều phải được đem ra công khai, để thảo luận. Chân lý phải được nói lên cho dù việc nói lên này chẳng ích lợi gì, thậm chí còn có hại nữa. Làm ít hơn thế là hạ giá sự trung thực của người ta, là xâm hại tới tính chân chính của họ. Rất khó thương lượng với họ, vì xem ra họ cảm nhận rằng chỉ cần lặp đi lặp lại điều họ cho là thật cuối cùng cũng sẽ thắng; xem ra gần như họ muốn biến bất cứ câu hỏi nào cũng phải trở thành một vấn đề nguyên tắc khiến người ta phải cho rằng họ đang muốn một cuộc chiến tranh, dù có lẽ họ chỉ đi tìm một nguyên nhân, một chính nghĩa.

Tuy nhiên, chỉ trừ một số trường hợp hi hữu, họ không cố ý bất tuân hoặc bất kính đối với quyền bính. Họ thất đảm khi sự trung thực của họ bị hiểu lầm là bất kính và ý muốn thảo luận của họ bị hiểu sai là bất tuân; họ không thể thấy tại sao một giải thích như thế đã bị áp đặt lên các ý hướng của họ. Họ nghĩ họ cởi mở với bề trên hơn là những người vâng phục bằng thái độ dễ bảo bề ngoài rồi sau đó lại cay đắng kêu ca về người có quyền chức khi quyền chức quay lưng. Họ cho rằng ý muốn tìm hiểu của họ đáng được ưa chuộng hơn là việc vâng lời từng chữ vốn là thứ cố tình phá hoại mục tiêu của quyền bính. Họ lý luận rằng bề trên sẽ có lợi hơn với sự thuận tình của những con người tự do hơn là sự vâng phục của những người máy. Họ không thể hiểu được tại sao nhiều vị bề trên dường như không đồng ý như thế.

Họ rất quan tâm tới chuyện “thành tựu” (fulfillment). Những người đi trước họ chỉ thấy công việc phải làm chứ không hề thắc mắc hỏi xem công việc ấy có thỏa mãn các nhu cầu của những người thực hiện nó hay không. Chủ nghĩa nhân vị triệt để của Kiểu Người Mới thì không thể khoan thứ cho cái phương thức “phi nhân” như thế. Họ thấy họ chỉ có thể giúp đỡ người khác nếu họ có thể liên hệ với những người này như những con người và họ không thể liên hệ nếu không có khả thể “thành tựu thỏa mãn” trong mối liên hệ này. Họ không có hứng thú đối với một trách vụ xem ra loại bỏ khả thể có thể có cặp “Tôi-Anh” (I-Thou).

Họ lo lắng tới chuyện yêu và được yêu, hay đúng hơn, tới chuyện liệu họ có khả năng yêu hay không. Người trẻ quan tâm tới tình yêu thì đâu có gì bất thường; nhưng khi người trẻ tự tra vấn chính khả năng yêu thương của mình thì chắc chắn là điều mới lạ, nhất là lúc người quan sát bên ngoài thấy hiện tượng này: xem ra những người có khả năng yêu thương hơn cả lại là những người hoài nghi nhất về khả năng yêu thương của mình. Họ không đồng hóa yêu thương với lãng mạn tính dục, và quả thực cái lãng mạn tính dục trong tình yêu này ít khiến họ phải lo âu hơn tình bạn, hơn gặp gỡ hay hơn liên hệ. Họ biết chắc họ có thể bị kích thích về tính dục, nhưng họ không biết chắc họ có là “bạn” của nhau không, họ có thể “gặp” được một bạn tình hay lại gặp người nào vớ vẩn.

Thành thử, “chủ nghĩa cấp tiến” của họ dường như không ăn nhập gì tới chuyện “nguyên nhân hay chính nghĩa”; họ quan tâm tới con người nhiều hơn ý niệm. Những người đi trước họ đứng ở hàng rào cản (picket lines) của thập niên 1930 thường chẳng quan tâm gì tới việc “liệu họ có được người ta ưa thích” hay không; thế hệ ấy có những kẻ thù cần phải đánh, những nguyên tắc cần phải bênh, những cuộc chiến cần phải thắng. Kiểu Người Mới chỉ muốn giúp người và được người thương. Do đó, họ không phải là những người của ý thức hệ chính trị; họ không “cấp tiến” theo nghĩa cổ truyền, vì họ hầu như không có một triết lý chính trị mạch lạc nào. Dù họ hoạt động cho dân quyền, và dù thỉnh thoảng họ vẫn tổ chức những hàng rào cản, nhưng họ không tích cực bao nhiêu trong các tổ chức đấu tranh cho dân quyền hay trong các phong trào hòa bình và thường rất thận trọng làm ngơ các giọng điệu ý thức hệ của các phong trào này. Mà họ cũng chẳng thấy gì ngoại trừ vui đùa nơi những nhà bảo thủ triệt để chuyên hò hét om xòm. Tuy nhiên, Kiểu Người Mới không hề làm ngơ chính trị; họ phấn khích bởi trò chơi chính trị, có thể rất tích cực trên bình diện khu vực và bị lôi cuốn bởi nghề nghiệp trong chính phủ. Nhưng giống như các anh hùng của họ trong hàng ngũ Maffia Ái Nhĩ Lan, họ thực tiễn chứ không ý thức hệ trong cách tiếp cận.

Liên quan tới nỗi đau của con người, không như “Những Người Lạ Trong Nhà” mà tôi viết cách nay 5 năm, Kiểu Người Mới làm nhiều hơn nói. Chính từ hàng ngũ Kiểu Người Mới, người ta tuyển các thiện nguyện viện cho Peace Corps, Pavla, các sứ mệnh Nới Rộng Nhà, và nhất là các chương trình sinh viên nội thành hiện đang lan tràn khắp nước như những đám cháy thảo nguyên. Những việc làm như thế đều là những việc làm với những con người; chúng không có tính ý thức hệ và rất “thành tựu thỏa mãn”. Người ta nghe được lời bình luận của một số thiện nguyện viên, đại loại như sau: “từ công việc này, chúng tôi nhận được nhiều hơn những người chúng tôi giúp đỡ”.

Dù những phát biểu ấy không chắc thành thật, nhưng chúng vẫn cho ta một tầm nhìn thấu đáo nói lên rất nhiều về Kiểu Người Mới. Nhưng bất kể họ nhìn việc làm của họ ra sao, bạn nên biết rằng họ tiến hành việc làm ấy bằng một khả năng lạnh lùng và khá bình thản đôi lúc làm người ta rất ngỡ ngàng. Phong Trào Sinh Viên Miền Bắc và các chương trình dạy kèm liên hệ chỉ có tính tài tử. Kiểu Người Mới biết cách làm việc với các ủy ban, viết các sách thông tin nhỏ, diễn thuyết, quyên tiền, sử dụng các tài nguyên cộng đồng và phát hành các tuyên bố báo chí. CALM tức Phong Trào Giáo Dân Vùng Chicago mà tôi khá quen thuộc là một tổ chức đang diễn tiến hầu như trước khi chúng ta, những người theo dõi nó, biết nó bắt đầu. Thực vậy, phong trào này đã cho đăng câu truyện của mình trên báo chí trước khi thực sự bắt đầu hoạt động, đây chắc chắn là khía cạnh tích cực cao, chứ không phải thường. Ta cũng không nên quá ngạc nhiên trước khả năng này, vì Kiểu Người Mới gồm những người trẻ vốn là lãnh tụ học sinh và sinh viên tại các trường trung học và cao đẳng nên biết rất rõ các tổ chức… Kiểu Người Mới xem ra cũng không có khuynh hướng coi việc mình can dự vào nội thành như một hiện tượng tạm bợ. Grace Ann Carroll, người đồng sáng lập ra CALM nói thay cho phần lớn Kiểu Người Mới như sau: “Trước khi chấm dứt, chúng tôi phải nghĩ ra nhiều việc cần làm để bất cứ ai muốn can dự, có thể can dự, bất chấp tuổi tác hay trách nhiệm”.

Ta có thể đang chứng kiến một thay đổi lớn về xã hội khi các thành viên tương lai của giai cấp thượng trung lưu trở lại nội thành, nơi mà cha anh họ từng trốn chạy.

Sự lạnh lùng không có tính ý thức hệ của Kiểu Người Mới khiến ta khó xử sự với họ. Những người ở vị trí có thẩm quyền và trách nhiệm đối với họ chắc chắn đáng được thiện cảm. Kiểu Người Mới thường dò dẫm và không nói rõ họ muốn gì, nhưng họ biết họ muốn thay đổi. Dường như đôi lúc họ mong cấp trên bác bỏ yêu cầu của họ để họ thấy rõ họ phải đấu tranh vì vấn đề gì, phải liên kết cho một thay đổi dứt khoát nào. Họ muốn tự do ngay bây giờ, bất chấp điều ấy có nghĩa gì.

Giới trẻ “cấp tiến’ Công Giáo của quá khứ không bao giờ mong chiến thắng. Họ không nghĩ rằng thời họ sống, họ sẽ thấy các lý tưởng trong giáo huấn xã hội hay phụng vụ của Giáo Hội sẽ trở thành thực tại. Họ nhẫn nhục chịu là thiểu số đáng ghét đấu tranh cho một chính nghĩa thua cuộc. Nhưng Kiểu Người Mới không chịu chơi cái kiểu chơi ấy. Họ từng nếm được đủ các thay đổi trong mấy năm qua nên họ muốn có nhiều thay đổi hơn nữa. Họ hoàn toàn tin tưởng rằng họ sẽ thắng và họ sẽ sống để chôn sống những ai cản đường họ. Kiểu Người Mới không biết mềm dẻo, họ là những người chủ trương từ từ mà tiến (gradualists). Họ muốn một Giáo Hội ăn nhập với các nhu cầu của họ và các nhu cầu họ thấy trên thế giới, và họ muốn ngay bây giờ, chứ không phải tuần tới. Bất hạnh một điều, họ không có khả năng nói một cách chính xác sự ăn nhập này bao gồm những gì, và trong giai đoạn này của cuộc chơi, cũng không ai khác có khả năng nói được điều đó. Bởi thế, Kiểu Người Mới là một phiên tòa đối với thế hệ cha anh; ta không thể hiểu họ mà chính họ cũng không tài nào hiểu được chính mình. Họ là sản phẩm của một cuộc cách mạng trải rộng hoài mong, và ở giữa các tình huống chuyển tiếp này, chạm trán nhau là điều không thể tránh khỏi. Dù bị làm phiền bởi nhiều bất nhất và phi lý mà Kiểu Người Mới xem ra đang cho thấy, ta cũng không nên coi nhẹ những gì họ muốn nói với ta; họ muốn nói rằng bạn không thể có cái thứ aggiornamento (cập nhật hóa) nửa vời, bạn phải mở tung chiếc cửa sổ mà bạn đang mất hết khả năng đóng lại đi, ngọn gió đang thổi vào kia chắc chắn mang theo nó đủ thứ vật lạ.

Tôi vẫn có linh cảm: Kiểu Người Mới, trong căn bản, chủ trương duy tiệm tiến; nếu họ thấy đang có tiến bộ, thì dù chỉ thay đổi từ từ họ cũng vui lòng rồi, chứ họ không đòi mọi sự phải thay đổi ngay tức khắc. Nếu có phản đối về mức thay đổi, thì họ chỉ phản đối cái mức yếu đến độ không ai thấy mà thôi. Rất có thể họ phản đối thứ aggiornamento tiệm tiến vì nhiều người trong số họ thấy chẳng có thay đổi gì đối với bình diện của họ. Khi mức cải cách và canh tân tăng nhịp độ nơi quần chúng, họ có thể dễ dãi hơn trong cư xử. Tuy nhiên, đây có thể chỉ là mơ tưởng của thế hệ cha anh, hy vọng rằng trong ít năm nữa, Kiểu Người Mới sẽ bắt đầu hành xử như mình.

Ấy thế nhưng, người ta sẽ sai lầm nghiêm trọng nếu nghĩ rằng Kiểu Người Mới đang xa lìa Giáo Hội, hoặc vì bỏ đạo hay vì ra xa lạ. Giáo Hội là Giáo Hội của họ, đẩy họ ra khỏi đó đâu phải là chuyện dễ. Họ từng được dạy rằng họ là Giáo Hội nhiều lần đến nỗi nay họ tin điều đó, và dù họ không thích nhiều điều họ thấy nơi Giáo Hội hôm nay, nhưng họ sành sõi đủ để biết rằng những điều đó có thể thay đổi được. Họ cũng trẻ đủ để nghĩ rằng họ sẽ giúp thay đổi chúng. Họ bồn chồn với Giáo Hội, nhưng họ bồn chồn với Giáo Hội vì coi Giáo Hội như nàng dâu xinh đẹp mà họ yêu thương. Họ cũng không phản giáo sĩ, cho dù họ có thể phản đối nhiều chính sách bị họ coi là “giáo sĩ trị”. Thực thế, phe phản giáo sĩ có thể đang giảm sút trong hàng ngũ Kiểu Người Mới vì các thành viên giáo dân và giáo sĩ của nó đang cùng có những vấn đề và niềm hy vọng chung. Đôi khi, những người “phản giáo sĩ” nặng nhất trong hàng ngũ Kiểu Người Mới xem ra lại chính là các chủng sinh; và trong khi rất ít cựu chủng sinh rời bỏ Giáo Hội, ít nhất một cách tạm bợ, thì đại đa số họ trở thành lãnh tụ hàng ngũ giáo dân của Kiểu Người Mới (các cựu đệ tử hay tập sinh cũng thế). Không, Kiểu Người Mới không lìa xa Giáo Hội, mà họ cũng không chịu im lặng. Ta còn phải chịu đựng họ một thời gian lâu dài hơn nữa.

Làm thế nào Kiểu Người Mới đã xuất hiện? Ta giải thích sự xuất hiện này ra sao? Câu trả lời không dễ. Kiểu Người Mới không biết gì tới chiến tranh hay suy thoái kinh tế, mà chỉ biết tới chiến tranh lạnh và thịnh vượng. Họ sống giữa một thời đại tâm lý học khi đến cả bản tin Chúa Nhật cũng phải nói tới chủ nghĩa hiện sinh. Họ từng đọc triết lý và văn chương hiện đại, với việc nhấn mạnh nhiều tới ý nghĩa và thuyết nhân vị. Họ nghe nói tới aggiornamento trong Giáo Hội và có thể theo dõi một cách chi tiết sự tiến triển của cải cách trên các tạp chí của giới quyền uy Công Giáo. Tiên tri của họ là Cha Teilhard (tại căn hộ Kiểu Người Mới của một cao đẳng kia, tôi đã thấy có bàn thờ “dâng kính” Teilhard). Còn thánh bổn mạng của họ là John Kennedy, người đã nhờ nét tươi trẻ, chủ nghĩa thực tiễn, và tính năng nổ, khát vọng thách thức và phục vụ, viễn kiến về một tân tự do của mình, đã phản ảnh bằng nhiều cách những điều Kiều Người Mới khát mong. Có lẽ còn nhiều giải thích khác nữa. Hiện còn quá sớm để có thể quả quyết Kiểu Người Mới do đâu xuất hiện; ta phải chờ cho tới lúc chính họ giải thích điều đó.

Nhưng từ họ sẽ xuất hiện điều gì? Ta từng nói rằng rất ít người trong số họ sẽ lìa bỏ Giáo Hội. Một số sẽ trở nên hoài nghi và ra xa lạ. Một số khác sẽ cúi đầu trước áp lực gia đình và bạn bè để yên ổn sống một cuộc sống tốt; nhưng cũng có người sẽ tiêu phí sinh lực của mình trong những giấc mơ lãng mạn hay những cuộc tình lầm lẫn và vô ích. Không thiếu người sẽ cưới những người không thuộc Kiểu Người Mới và lê lết sống những cuộc sống chán chường mệt mỏi. Một số sẽ mềm nhũn đi với tuổi tác. Nhưng ta có thể an tâm đánh cuộc rằng số ở lại vẫn đủ dùng. Họ sẽ trưởng thành với thời gian, nhưng ta sẽ tự cười nhạo mình nếu nghĩ rằng họ sẽ trưởng thành theo khuôn mẫu của ta. Hiện họ khác ta thì họ cũng sẽ khác ta trong 25 năm tới.

Họ là loại người nghịch thường, hoàn toàn tự tin, nhưng lại lo âu bất an; họ hữu hiệu về phương diện tổ chức nhưng rất thiếu khôn khéo về phương diện ngoại giao; họ tha thiết dấn thân vào đối thoại nhưng lại thường không nói rõ được mình muốn nói gì; họ không có ý thức hệ nhưng lại nằng nặc đòi tự do; họ độ lượng với người nghèo và người đau khổ nhưng lại cực kỳ tàn bạo trong phán đoán đối với bậc cha anh và cấp trên; họ đại kết tận cốt lõi nhưng lại hết sức cục bộ trong thưởng thức và thẩm mỹ; họ rất muốn yêu nhưng lại không chắc mình biết yêu hay không. Họ muốn lên cao nhưng lại sa lầy ở chân đồi. Tôi biết chắc có giải pháp cho các nghịch thường này, vì Kiểu Người Mới có một nguyên tắc nào đó cho sự nhất quán nội tâm của họ, nhưng vì không phải là một người trong số họ, tôi không thể tìm ra nguyên tắc ấy được.

Rõ ràng là tôi khá lưỡng nghĩa về Kiểu Người Mới. Tôi bị họ mê hoặc và tôi thán phục lòng can đảm của họ; ấy thế nhưng họ cũng làm tôi thất đảm. Khoảng một phần tư thế kỷ nữa, họ sẽ chiếm giữ Giáo Hội Hoa Kỳ. Họ sẽ là các giám mục, các mẹ bề trên cả, các viện trưởng, các mục tử, các giám tỉnh, các bề trên, các học giả, các chính trị gia, các nhà tổ chức, các chủ bút, các nhà lãnh đạo các tổ chức giáo dân. Tôi không biết rõ Giáo Hội của họ mặt mũi sẽ ra sao và tôi thắc mắc tự hỏi có bao nhiêu chỗ trong đó dành cho những người như tôi. Kiểu Người Mới có lý để tự tin. Mọi sự đều đứng về phía họ: tuổi trẻ, thời gian, làn sóng lịch sử, và người ta hoài nghi, cả Chúa Thánh Thần nữa.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Nở Cuối Thu
Vũ Đình Huyến, Lm
15:16 03/12/2013
HOA NỞ CUỐI THU

Ảnh của Vũ đình Huyến, Lm. (CMC)

Tạ ơn Thượng đế ban hoa nở

Để chớm đông đời ấm cúng hơn.

(bt)
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Thu Lạnh
Tấn Đạt
22:08 03/12/2013
THU LẠNH
Ảnh của Tấn Đạt
Chiếc lá thu bay, lạnh kéo về
Đông đến hay Thu lạc sang tê?
Gió rít giọt mưa càng rét mướt
Nhớ Người phương ấy nhớ nhiều ghê !
(Trích thơ của Nguyên Đỗ)