Ngày 02-12-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tỉnh thức đón chờ Chúa đến
Lm. Phaolô Nguyễn Quốc Hưng, ĐCV Giuse SG
00:07 02/12/2017
Chúa Nhật 1 Mùa Vọng năm B
Mc 13,33-37

Hôm nay là Chúa nhật thứ nhất mùa Vọng, bắt đầu năm Phụng vụ mới. Trong những tuần lễ cuối cùng của năm Phụng vụ vừa qua, chúng ta được nghe các bài đọc kêu mời phải tỉnh thức chờ đợi. Bước vào tuần lễ đầu tiên của năm Phụng vụ mới, chúng ta lại được nghe những bài đọc khác kêu mời tỉnh thức chờ đợi. Mối nối kết giữa năm Phụng vụ cũ và mới là tâm tình tỉnh thức chờ đợi. Như vậy có hai lần chờ đợi được liên kết với nhau trong cùng một hành động.

Tỉnh thức chờ đợi trong mùa Vọng hướng đến việc chờ đợi đại lễ Giáng Sinh, kỷ niệm ngày Con Thiên Chúa giáng trần, ngày Chúa đến lần thứ nhất. Tỉnh thức chờ đợi của thời gian cuối năm Phụng vụ nhấn mạnh đến việc chờ đợi Chúa đến trong vinh quang, đặt dấu chấm hết lịch sử nhân loại, cũng là ngày Chúa phán xét kẻ sống và kẻ chết, đây là lần đến thứ hai.

Sống mùa Vọng là mang lấy tâm tình chờ đợi của dân Israen xưa đón chờ Đấng Cứu Thế đến lần thứ nhất để chờ đợi Chúa quang lâm của lần đến thứ hai.

Sứ điệp chính yếu của các dụ ngôn nói về tỉnh thức và cách riêng trong bài Tin Mừng hôm nay, là lời kêu mời phải luôn tỉnh thức vì ngày Chúa đến thật bất ngờ, bất ngờ như người chủ đi phương xa trở về. Lời kêu gọi tỉnh thức đó dễ khiến chúng ta có cảm tưởng đây là một lời đe doạ. Biến cố Chúa đến bất ngờ xem ra ẩn chứa những nguy cơ khôn lường khiến chúng ta lo âu sợ hãi.

Nếu Chúa là một chủ nợ đến đòi nợ, nếu Chúa là một hung thần đến gây tai hoạ…, thì ngày Chúa đến đáng sợ thật. Nhưng nếu Chúa là Đấng yêu thương chúng ta, sẵn sàng chịu khổ và chết thay cho chúng ta, đồng thời chúng ta cũng hết lòng yêu mến Người, thì việc Chúa đến có còn đáng sợ không nhỉ? Vợ chờ chồng, cha mẹ chờ con cái đi làm phương xa trở về, người con đi học xa sắp đến ngày trở về gia đình… càng gần đến ngày hội ngộ, càng vui; và nếu người thân có bất ngờ trở về thì sự bất ngờ đó lại làm niềm vui gia tăng gấp bội. Đó là cái chờ đợi của hai người yêu nhau. Ở hai đầu nỗi nhớ, hai tâm hồn hướng về nhau. Đó là cái chờ đợi của hạnh phúc, chờ đợi trong hạnh phúc. Hai nỗi niềm thương nhớ nay được gặp gỡ. Đó là cuộc gặp gỡ tràn đầy niềm vui và hạnh phúc, đâu có gì là đe doạ, đâu có gì khiến chúng ta phải lo sợ! Có lẽ dụ ngôn hay nhất diễn tả niềm vui chờ đợi gặp gỡ này là dụ ngôn 10 cô trinh nữ cầm đèn ra đón chàng rể, đi vào tiệc cưới; tiệc cưới nói lên niềm vui Nước Trời…
Chỉ là không vui, chẳng kể là bất ngờ hay không bất ngờ, khi một trong hai bên không sống như kỳ vọng của bên kia. Chẳng hạn, người con đi học xa, cha mẹ già ở quê dành dụm tất cả của cải tiền bạc trao cho con, tạo điều kiện tốt nhất để con yên tâm học tập… thế mà con không lo học, chỉ đàn đúm, ăn chơi, nhậu nhẹt cùng chúng bạn… càng gần ngày về, bạn trẻ đó càng bối rối… Là không vui khi vợ chồng xa nhau thời gian dài, nay một bên không còn chung thuỷ… ngày hội ngộ sẽ là ngày buồn thảm, bẽ bàng không ai mong đợi.

Chắc chắn, Giáo Hội mời gọi chúng ta sống mùa Vọng trong tâm tình tỉnh thức chờ đợi của những người đang yêu và biết rằng mình được yêu. Chúng ta là những người con được Thiên Chúa luôn yêu thương đón chờ, đồng thời chúng ta cũng thực tâm yêu Cha trên trời, mong được đoàn tụ nơi nhà Cha trên Thiên Quốc.

Xem ra sống tâm tình mùa Vọng trong vui tươi và hạnh phúc như thế thật quá dễ, chúng ta chỉ cần chu toàn các việc bổn phận của mình. Thật vậy, bài Tin Mừng đã so sánh: “Ví như người đi phương xa, để nhà cửa lại, trao quyền hành cho các đầy tớ, mỗi người một việc, và căn dặn người giữ cửa lo tỉnh thức”. Chúng ta được Thiên Chúa giao cho mỗi người một việc, mỗi người một trách nhiệm, một sứ vụ…

Là cha mẹ trong gia đình, ta có chu toàn bổn phận giáo dục con cái theo và luật Chúa Kitô và Hội Thánh không? Là người con đối với cha mẹ, ta có thảo hiếu, kính trọng bậc sinh thành hay không? Rồi còn bổn phận của vợ với chồng, của chồng với vợ: ta có yêu thương và kính trọng nhau suốt đời không?

Ngoài những bổn phận trong gia đình, còn có những bổn phận đối với xã hội, bổn phận của công dân: tôi có ý thức góp phần xây dựng một xã hội công bằng và huynh đệ, nơi quyền con người được tôn trọng, tất cả được sống xứng với phẩm giá con người, nơi mọi người được xét xử công bằng trước pháp luật…? Tại sao lại có những người bị kết tội về tư tưởng, khi họ biểu đạt những sự thật trên quê hương mình? Họ phải lãnh những bản án nặng nề, bất công; danh sách ngày càng dài, chỉ kể vài gương mặt tiêu biểu mới nhất, đó là Trần Thị Nga, Phan Kim Khánh và mới đây hơn là Nguyễn Văn Hoá và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh…

Có lẽ ai trong chúng ta cũng cảm thấy và thậm chí, cách nào đó, từng là nạn nhân của những bất công, tiêu cực, nhũng lạm ngày càng gia tăng, lan tràn khắp nơi, trên mọi lãnh vực của cuộc sống… Làm sao tránh được? Đi học thì phải đến trường, bệnh thì phải vào bệnh viện, qua sông thì phải luỵ đò, trên bộ thì luỵ cầu cống, đường xá, làm giấy tờ thì phải đến công an, chính quyền, làm ăn thì đụng đến thuế vụ… rồi ăn uống, hít thở, mua sắm thì đụng đến môi trường, chợ búa… Ai cũng nhìn thấy những bất công vô lý sờ sờ ra đó, để rồi có dịp nơi trà dư tửu hậu thì kể ra không hết. Nhưng nói để mà nói, chẳng có hành động cụ thể nào để chấm dứt, hay ít ra, góp phần giảm thiểu tình trạng bất hợp lý đó.

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh viết: “Chúng ta phẫn nộ khi thấy trẻ con bị đánh, người dân bị án oan 10 năm vì bức cung, người lao động nghèo bị bóp cổ, tham nhũng tràn lan trong xã hội... Và chúng ta phẫn nộ trong im lặng bởi nó chưa đụng chạm đến chúng ta bằng mắt thường. Và mọi thứ cứ lặng lẽ trôi qua như một ấm nước sôi sùng sục rồi trở nguội, không có gì thay đổi. Vậy thì chúng ta phẫn nộ để làm gì? Đã đến lúc đừng để sự phẫn nộ của chúng ta dần trở nên một phản ứng bình thường và vô cảm nếu chúng ta muốn mọi thứ thay đổi thật sự”.

Có lẽ chúng ta ít tỉnh thức, hay nói đúng hơn đang mê ngủ trong việc chu toàn bổn phận xã hội. Cần phải học để biết quyền của mình, để biết cách bảo vệ quyền của mình.
Chiến thuật dùng tiền lẻ của những người đi xe qua trạm thu phí Cai Lậy và nói chung đối với những bất hợp lý của những trạm BOT, là một gợi ý tốt để chúng ta biết làm thế nào bảo vệ quyền lợi của mình cũng là xây dựng lợi ích chung, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội.

Cần phải tỉnh thức đón chờ Chúa đến, Người đến bất ngờ!

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐTC nhắn gửi các Linh mục Tu sĩ: Anh chị em đừng làm ra mặt “lạnh lùng” và bộ điệu ‘chanh chua”!
Thanh Quảng sdb
06:57 02/12/2017
ĐTC nhắn gửi các Linh mục Tu sĩ: Anh chị em đừng làm ra mặt “lạnh lùng” và bộ điệu ‘chanh chua”!

Theo Thông tấn xã EWTN và CNA ngày 2/12 cho hay trong bài thường huấn dành cho các linh mục tu sĩ ở Dhaka, Bangladesh, Đức Thánh Cha Phanxicô nói “thật là buồn khi thấy những người tận hiến không hạnh phúc! Cha thích nhìn vào mắt các tu sĩ lớn tuổi, những người đã suốt đời phục vụ trong niềm vui, để khám phá ra những cốt lõi của ơn gọi thánh hiến.
ĐTC nói "Dù mắt của họ là không thể diễn tả trọn vẹn niềm vui và an bình ắp đầy trong tâm lòng họ," Thiên Chúa vẫn dõi theo những ánh mắt của những người tu sĩ thiếu trong sáng vì họ không sống lý tưởng tu trì, họ không thể có được niềm vui."
ĐTC cảnh báo rằng tinh thần của niềm vui hạnh phúc thật cần thiết cho đời sống tận hiến, và "chúng con không thể phục vụ Chúa" mà không có nó.
"Cha có thể đảm bảo với chúng con là thật đau buồn khi gặp những linh mục, những tu sĩ, những Giám mục, không có niềm vui, thì gương mặt họ lúc nào cũng ủ dũ buồn phiền", ĐTC còn nói thêm “bất cứ lúc nào Ngài gặp một ai đó như thế, Ngài thường hỏi ngay: "Hôm nay con đã làm gì? Con có uống dấm chua không vậy?"
Những ai có "khuôn mặt chanh chua lạnh như tiền" chắc là họ đang "có tâm trạng lo lắng và trái tim se thắt sầu khổ" nên họ không thể sống chứng tá và loan truyền Tin mừng Chúa được!".
Trong cả hai cuộc tông du tại Miến Điện và Banglades, ĐTC đều nói chuyện với cộng đoàn tu sĩ. Trong cuộc gặp gỡ với các tu sĩ, được tổ chức tại Nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi, một trong những nhà thờ lâu đời nhất ở Bangladesh, Đức Thánh Cha đã lắng nghe nhiều chứng từ của Linh mục Abel Rozario, một linh mục thuộc Tổng Giáo phận Dhaka; Thầy Lawrence; Linh mục Franco; Sơ Mary Chandra; và Marcellius một chủng sinh. Sau khi lắng nghe những mẫu chuyện cuộc đời họ, ĐTC cho biết Ngài đã chuẩn bị một bài chia sẻ dài 8 trang, nhưng trước những chia sẻ của các con, cha vui sướng nhận thấy "chúng con đến đây để lắng nghe Cha, và muốn nghe hoài mà không chán!"
Như một câu ngạn ngữ tiếng Tây Ban Nha qua Đức ông Mark Miles dịch sang tiếng Anh, Đức Thánh Cha nói theo bài đọc thứ ba của sách Tiên tri Isaiah đã viết "từ gốc cây của Jesse nẩy ra một chồi non". Hình ảnh phát triển của một cây cỏ như thế nào thì trong tinh thần trí tuệ và lòng mộ đạo, cũng như trong một đời sống đức tin và phục vụ của một người tận hiến cũng tương tự như việc tăng triển của một hạt giống.
"Hạt giống không thuộc về các con hay về Cha, vì Thiên Chúa Đấng gieo hạt giống, sẽ làm cho chúng tăng trưởng", ĐTC giải thích dù Thiên Chúa là người chủ động, nhưng chúng ta phải là người vun tưới thì hạt giống mới phát triển được.
Để vun tưới cho hạt giống ơn gọi mà chúng ta đã được ban tặng cho, chúng ta phải "chăm sóc nó" như chúng ta chăm sóc cho em bé hay người đau bệnh hoặc người lớn tuổi… bằng chính sự dịu dàng.
"Ơn gọi phải được vun trồng bằng chính những tình cảm tinh tế của mọi người trong cộng đoàn, từ các linh mục cũng như mọi thành phần giáo dân", ĐTC nói thêm rằng "nếu không có sự dịu dàng chăm sóc, thì chồi non nhỏ bé không thể phát triển được, ngược lại nó sẽ bị khô héo đi!"

"Hãy chăm sóc mầm non ơn gọi bằng sự dịu dàng, bởi vì mỗi người chúng con trong cương vị là linh mục, giám mục, hay một thành viên trong cộng đồng, các con là những hạt giống của Chúa. Và Thiên Chúa săn sóc tất cả bằng tình yêu dịu dàng của một người cha. "
Tuy nhiên, ĐTC Phanxicô cũng cảnh tỉnh rằng dù có nhiều nỗ lực cố gắng, ban đêm kẻ thù đã đến và gieo cỏ lùng vào chung với những hạt giống tốt mà Thiên Chúa đã gieo.
Cỏ lùng cùng chung với lúa "có nhiều lúc chúng bóp nghẹt không cho lúa triển nở. Thật “hãi sợ" và "đau buồn" khi thấy những cỏ lùng này đang phát triển nơi các giáo xứ hay trong hàng ngũ các Giám mục.
Để ngăn chặn sự phát triển của cỏ lùng, chúng ta cần phải biết cách nói với nhau về những hạt giống tốt, giải thích cho nhau nghe những quá trình chúng qua những giai đoạn "phân định".
"Để chăm sóc các phương tiện cho sự phân định", ĐTC cắt nghĩa và kêu gọi mọi người cần chú ý đến những định hướng cho ơn gọi được thăng tiến và cổ súy những hỗ trợ từ - một tình bạn hay cộng đoàn, từ một thành viên trong gia đình hay cộng đoàn để khử trừ đi những đe dọa cho mầm non được tăng trưởng.
Việc cầu nguyện là một yếu tố then chốt của quá trình phân định này, ĐTC nói thêm "để chăm sóc cũng có nghĩa là cầu nguyện, và khẩn cầu người trồng hạt giống làm thế nào để có nước cho hạt giống nẩy mầm và tăng trưởng."
"Nếu một người gặp khủng hoảng và buông xuôi, thì tất cả chúng ta phải cầu nguyện xin Chúa cứu giúp họ. Cầu nguyện để kéo ơn Chúa xuống cho chúng ta, qua chính sự dịu dàng săn sóc mà chúng ta nhận được qua tha nhân".
ĐTC Phanxicô cũng nêu lên những thách đố xảy ra trong các giáo xứ, trong các chủng viện, các Hội đồng các Giám mục, cũng như các viện tu, những thách đố này lúc nào cũng luôn có vì mỗi người chúng ta có những khiếm khuyết và những hạn chế đang làm rạn nứt sự bình an và hài hòa trong cuộc sống cộng đoàn.
ĐTC nêu lên điểm son của đất nước Bangladesh được biết đến như là thành tựu của cuộc sống và thúc đẩy sự hòa hợp giữa các tôn giáo, ĐTC nói những nỗ lực tương tự như thế phải được thực hiện trong các cộng đồng tín hữu, làm cho đất nước Bangladesh "trở nên một đất nước nổi bật về sự hòa hợp."
ĐTC đề cập tới một điểm mà Ngài thường hay nhắc tới, đặc biệt khi nói về tôn giáo, ĐTC Phanxicô gọi nó là "kẻ thù" của sự hòa hợp trong đời sống tôn giáo, đó là chuyện phiếm, chuyện nói hành nói tỏi!
"Miệng lưỡi có thể phá hủy một cộng đoàn bằng cách nói xấu người khác", ĐTC lưu ý rằng "đây không phải là ý tưởng của cha mà 2.000 năm trước, Thánh Giacôbê đã đề cập đến trong lá thư của Ngài."
ĐTC nói, việc nói hành nói tỏi về khiếm khuyết của người khác thay vì đối diện trực tiếp với người đó, là chúng ta tạo ra một môi trường thiếu tin tưởng, ghen tỵ và chia rẽ! một lần nữa cha có thể nói chuyện đồn thổi là một hình thức "khủng bố".
Nó là khủng bố, bởi vì "khi các con nói xấu kẻ khác, các con không nói công khai, và kẻ khủng bố cũng không bao giờ hành động công khai!" Ta có thể là một kẻ khủng bố. " Một kẻ khủng bố âm mưu âm thầm tư riêng, nhưng sau đó hành vi bạo lực đó qua việc đặt bom công cộng!"

Điều này đang xảy ra trong các cộng đồng, vì thường kẻ nói xấu tha nhân không bao giờ nói ra cách công cộng, thì kẻ khủng bố cũng vậy họ âm thầm âm mưu cá nhân nhưng rồi họ cho bom nổ nơi công cộng để giết hại càng nhiều người càng tốt! Nên trong đạo thường khuyên chúng ta hãy "giữ miệng lưỡi của bạn" đừng để bị cám dỗ nói hành nói xấu người khác. Có một câu ngạn ngữ nói: "Có lẽ lưỡi bạn sẽ bị đau nếu bạn cắn phải; thế còn hơn là dùng lưỡi bạn làm tổn thương danh dự người khác."
Nếu cần phải sửa đổi nhau, ĐTC Phanxicô nói, trước tiên hãy gặp mặt nhau với lòng bác ái, và nếu cần, hãy nhờ tới cộng đoàn. Có biết bao nhiêu cộng đoàn đã bị phân hóa và tan rã chỉ vì những tin đồn! ĐTC năn nỉ: “Cha xin các con hãy giữ miệng lưỡi các con, hãy tắc lưỡi, hãy uốn lưỡi các con ba lần trước khi nói."
Đức Thánh Cha kết luận bằng những câu hỏi:
- Tôi có săn sóc cho cây mần non của tôi và tưới bón cho nó không?
- Tôi có nhờ tới sự nâng đỡ của người khác không?
- Tôi có sợ trở thành kẻ khủng bố không? Nếu vậy đừng bao giờ nói xấu kẻ khác!
- Và cuối cùng tôi có món quà niềm vui không?
Sau đó ĐTC bầy tỏ hy vọng "hạt giống" ơn gọi của tất cả các con không ngừng triển nở để "mắt các con luôn chan hòa niềm vui của Thần Linh Chúa". Xin các con cũng cầu nguyện cho Cha.
 
ĐGH Phanxicô kêu gọi các giám mục Bangladesh hãy gần gũi với tín hữu.
Giuse Thẩm Nguyễn
12:20 02/12/2017
(Radio Vatican) ĐGH Phanxicô kêu gọi các giám mục ở Bangladesh hãy vun trồng tình liên đới và gần gũi với người tín hữu, đặc biệt là giới trẻ và những gia đình có nhiều đóng góp cho giáo hội theo khả năng đặc biệt của họ.

Vào hôm thứ Sáu, ngày cuối cùng của chuyến thăm mục vụ của ngài ở Myanmar, ĐGH đã có cuộc gặp các giám mục của quốc gia này tại nhà Hưu Dưỡng ở Dhaka và sau đó ngài sẽ trở về Bangladesh để khởi hành vào chiều tối Thứ Bẩy.

Như thường lệ trong các dịp như thế này, ĐGH đã nói chuyện thân mật với các giám mục và nhấn mạnh đến những điểm chính trong thông điệp của ngài và thường ngài không đi theo những nhận xét đã được chuẩn bị trước. Điểm chính trong thông điệp là ĐGH khuyên các giám mục hãy chứng tỏ “hơn nữa sự gần gũi với các tín hữu.”

“Hãy nhìn nhận và trân trọng những đặc sủng nơi các tín hữu nam, nữ và khuyến khích họ dùng khả năng Chúa ban này để phục vụ Giáo Hội và toàn xã hội” theo hoàn cảnh văn hóa, xã hội và kinh tế của đất nước.

ĐGH cũng kêu gọi các giám mục hãy tăng cường và phát triển điều mà ngài gọi là “một lối thứ ba trong Giáo Hội: Lối sống của đời thánh hiến” như những người thánh hiến, có một sự đóng góp quan trọng cho đời sống Công Giáo trong nước.

ĐGH nói rằng trong một đất nước mà người Công Giáo chỉ là một tiểu số nhỏ - chỉ 0.2 phần trăm – dân số với chỉ vỏn vẹn có 12 giám mục và 372 linh mục và gần một triệu rưỡi giáo lý viên và tu sĩ, thì gương sáng của nhiều “giáo lý viên dấn thân nhiệt thành” là rất cần thiết cho sự phát triển đức tin và sự hình thành Kitô giáo cho thế hệ tương lai.

ĐGH cũng nhấn mạnh đến nhu cầu của Giáo Hội trong việc đồng hành với giới trẻ và các giám mục cần “ nghĩ ra cách tốt nhất để chia sẻ với giới trẻ niềm vui, sự thật và vẻ đẹp đức tin của chúng ta”, nhằm giúp họ nhận biết nguồn gốc của mình và họ có thể nuôi dưỡng và sinh hoa kết trái. “Hãy khuyến khích giới trẻ có nhiều thời gian gần gũi với cha mẹ, ông bà và các linh mục lớn tuổi.”

Khi khen ngợi Giáo Hội tại Bangladesh về việc tiếp cận với các gia đình, ĐGH đã nói rằng “dân chúng của đất nước này được biết đến với truyền thống tốt đẹp của họ về tình yêu gia đình, lòng hiếu khách và sự tôn trọng cha mẹ, ông bà và chăm sóc cho người già cả, người tàn tật và những người dễ bị tổn thương nhất.”

ĐGH đề nghị kế hoạch mục vụ của Giáo Hội ở Bangladesh và đưa ra những nguyên tắc truyền giáo và những ưu tiên đã hướng dẫn đời sống và sứ mạng của Giáo Hội trong quốc gia non trẻ này, đặc biệt dành cho người nghèo và nhất là trong cuộc khủng hoảng tỵ nạn hiện nay, chúng ta thấy cần phải làm gì hơn nữa.”

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Tông du Bangladesh: Diễn văn của Đức Phanxicô với giới trẻ
Vũ Văn An
21:27 02/12/2017
Ngày 2 tháng 12, trong biến cố cuối cùng của chuyến tông du, Đức Phanxicô đã gặp gỡ giới trẻ Bangladesh, tụ tập tại sân thể thao của Cao Đẳng Notre Dame ở Dhaka. Ngài khuyên họ “khi tiến bước, các con phải đảm bảo là mình chọn nẻo đường đúng để đi”.

Ngài giải thích rằng: “nẻo đường đúng” nghĩa là “lữ hành” xuyên suốt cuộc sống, chứ không “lang thang vô định”.

Đức Thánh Cha nói rằng về người trẻ, có “một điều độc đáo”, đó là sự hăng hái của họ và nhận rằng họ làm ngài “cảm thấy trẻ trung trở lại”.

Ngài nói: “Người trẻ luôn sẵn sàng bước tới, làm cho sự việc diễn ra, và chấp nhận may rủi. Cha khuyến khích các con tiếp tục tiến bước một cách hăng hái lúc may lúc rủi. Các con hãy cứ thế bước tới, nhất là trong các khoảnh khắc khi các con cảm thấy bị đè bẹp bởi các nan đề và buồn bã, và khi các con nhìn quanh mà thấy Thiên Chúa dường như mất tăm ở chân trời”.

Khi khuyên họ “lữ hành” chứ đừng “lang thang”, Đức Phanxicô nhắc họ nhớ rằng “đời sống không phải không có phương hướng, nó có một mục đích do Thiên Chúa ban cho chúng ta”.

Đức Giáo Hoàng dùng sự so sánh với nhu liệu máy tính: “như thể Người đặt trong ta một nhu liệu máy tính, giúp ta biện phân chương trình thần thánh của Người và, chúng ta đáp ứng một cách tự do”.

Đức Thánh Cha cảnh cáo rằng: “giống mọi nhu liệu, nó cần được cập nhật hóa không ngừng. Các con hãy tiếp tục cập nhật hóa thảo chương của các con, bằng cách lắng nghe Thiên Chúa và chấp nhận các thách đố thi hành thánh ý Người”.

Cuối cuộc gặp gỡ, sau lời chia tay của Đức Hồng Y Patrick D’Rozario, Tổng Giám Mục Dhaka, Đức Phanxicô đã được đoàn xe hộ tống ra phi trường quốc tế Dhaka, nơi đây, Bộ Trưởng Ngoại Giáo Bangladesh đã chính thức chào tạm biệt ngài. Máy bay Bangladesh đã cất cánh chiều thứ Bẩy để đưa ngài trở lại Rôma, kết thúc chuyến tông du thứ 21 của ngài tới hai nước Miến Điện và Bagladesh.

Sau đây là bài diễn văn của ngài với giới trẻ Bangladesh:

Các bạn trẻ thân mến, chào các con!

Cuối cùng chúng ta gặp nhau ở đây! Cha biết ơn tất cả các con vì sự tiếp đón nồng hậu của các con. Cha cám ơn Đức Cha Gervas [Rozario] vì những lời nhân ái của ngài và cám ơn Upasana và Anthony về các chứng từ của họ. Về người trẻ, có một điều gì đó thật độc đáo: các con luôn đầy lòng hăng hái, và cha cảm thấy trẻ trung trở lại bất cứ khi nào gặp gỡ các con. Này Upasana, con nói tới điều đó trong chứng từ của con; con nói tất cả các con “rất hăng hái” và cha có thể thấy và cảm được điều đó. Sự hăng hái trẻ trung này được liên kết với một tinh thần mạo hiểm. Một trong các thi sĩ quốc gia của chúng con, Kazi Nazrul Islam, nói lên điều này khi gọi người trẻ của đất nước là những người “không biết sợ”, “quen cướp ánh sáng khỏi lòng đêm tối”. Người trẻ luôn sẵn sàng bước tới, làm sự việc diễn ra và chấp nhận rủi ro. Cha khuyến khích các con tiếp tục bước tới một cách hăng hái như thế lúc may cũng như lúc rủi. Các con hãy tiếp tục bước tới. nhất là trong những khoảnh khắc khi các con cảm thấy bị đè bẹp bời vấn nạn và buồn sầu, và khi các con nhìn quanh mà Thiên Chúa xem ra mất tăm ở cuối chân trời.

Nhưng khi bước tới, các con phải chắc chắn chọn được nẻo đường đúng. Điều này có nghĩa gì? Nó có nghĩa “lữ hành” xuyên suốt cuộc sống, chứ không “lang thang vô định”. Cuộc sống chúng ta không phải không có phương hướng, nó có một mục đích do Thiên Chúa ban cho chúng ta. Người hướng dẫn và điều hướng ta bằng ơn thánh của Người. Như thể Người đặt trong ta một nhu liệu máy tính, giúp ta biện phân chương trình thần thánh của Người và đáp trả tự do. Nhưng, giống như mọi nhu liệu, nó cũng cần được cập nhật không ngừng. Các con hãy tiếp tục cập nhật thảo chương của các con, bằng cách lắng nghe Thiên Chúa và chấp nhận thách đố thi hành thánh ý Người.

Này Anthony, con nhắc tới thách đố trên trong chứng từ của con khi con nói rằng các con là những người trẻ nam nữ “lớn lên trong một xã hội mỏng manh tha thiết mong có sự khôn ngoan”. Con sử dụng chữ “khôn ngoan” và khi dùng như thế, con đã cho chúng ta chiếc chìa khóa. Một khi các con bước trệch từ “lữ hành” qua “lang thang vô định”, mọi khôn ngoan đều mất đi! Điều hướng dẫn và điều hướng chúng ta đi theo nẻo đường đúng chính là khôn ngoan, một khôn ngoan phát sinh từ đức tin. Nó không phải là sự khôn ngoan giả tạo của thế gian này. Nó là sự khôn ngoan ta thấy trong đôi mắt cha mẹ ông bà ta, những người tín thác nơi Thiên Chúa. Là Kitô hữu, chúng ta có thể thấy ánh sáng nhan Thiên Chúa trong mắt các ngài, ánh sáng mà các ngài vốn tìm thấy nơi Chúa Giêsu, Đấng chính là sự khôn ngoan của Thiên Chúa (xem 1 Cr 1:24). Muốn nhận được sự khôn ngoan này, chúng ta phải nhìn thế giới, nhìn các hoàn cảnh của ta, các vấn đề của ta, mọi chuyện, bằng đôi mắt của Thiên Chúa. Chúng ta nhận được sự khôn ngoan này khi bắt đầu nhìn sự vật bằng đôi mắt của Thiên Chúa, lắng nghe người khác bằng đôi tai của Thiên Chúa, yêu thương bằng trái tim của Thiên Chúa, và phán đoán sự việc bằng các giá trị của Thiên Chúa.

Sự khôn ngoan của Thiên Chúa này giúp chúng ta nhận ra và bác bỏ các hứa hẹn hạnh phúc giả tạo. Nền văn hóa nào đưa ra các hứa hẹn giả tạo này không có khả năng thực hiện chúng; nó chỉ dẫn tới việc lấy mình làm trung tâm, một điều chỉ đổ đầy lòng ta bóng tối và cay đắng. Sự khôn ngoan của Thiên Chúa giúp chúng ta biết cách cháo đón và chấp nhận những người hành động và suy nghĩ khác với chúng ta. Thật là buồn khi chúng ta bắt đầu tự khóa mình vào thế giới nhỏ nhoi của mình và chỉ biết nhìn vào trong mà thôi. Chúng ta sử dụng nguyên tắc “đường của tôi hay đường xa lộ”, và trở nên tù túng, tự khép kín. Khi một dân tộc, một tôn giáo hay một xã hội quay vào “thế giới nhỏ nhoi”, họ sẽ mất hết những điều đã có và sa vào não trạng tự công chính hóa “tôi tốt anh xấu”. Này Upasana, con đã nhấn mạnh các hậu quả của lối suy nghĩ vừa nói: “chúng con mất hướng và đi lạc” và “đời sống trở nên vô nghĩa đối với chúng con”. Đức khôn ngoan của Thiên Chúa mở lòng chúng ta cho người khác. Nó giúp chúng ta biết nhìn quá sự êm ái bản thân cũng như các an toàn giả tạo vốn khiến chúng ta ra đui mù đối với các lý tưởng vĩ đại vốn làm cho đời sống đẹp đẽ và đáng sống hơn.

Cha sung sước khi thấy, cùng với người Công Giáo, chúng ta còn có nhiều bạn hữu Hồi Giáo trẻ trung và nhiều người thuộc các bối cảnh tôn giáo khác. Khi họp nhau ở đây hôm nay, các con biểu lộ quyết tâm cổ vũ một môi trường hoà hợp, vươn tay ra với người khác, bất kể các dị biệt tôn gío của các con. Điều này nhắc cha nhớ lại một kinh nghiệm cha đã có tại Buenos Aires, trong một giáo xứ mới tọa lạc tại một khu vực cực kỳ nghèo đói. Một nhóm sinh viên đang dựng một số phòng cho giáo xứ và cha xứ mời cha tới để thăm viếng họ. Nên cha đi, và khi tới, cha chính xứ giới thiệu họ với cha, từng người một; ngài nói: “Đây là kiến trúc sư. Anh này theo Do Thái Giáo. Anh này Cộng Sản. Anh này Công Giáo thuần thành” (xem Diễn Văn với Các Sinh Viên, Havana, 20 thnág Chín, 2015). Các sinh viên này tất cả khác nhau, thế nhưng thẩy đều làm việc cho ích chung. Họ cởi mở đối với tình bằng hữu xã hội và quyết tâm nói không đối với bất cứ điều gì làm họ sao lãng khả năng đến với nhau và giúp đỡ nhau.

Đức khôn ngoan của Thiên Chúa cũng giúp chúng ta nhìn quá chúng ta để thấy sự tốt lành trong di sản văn hóa của chúng ta. Nền văn hóa của các con dạy các con biết kính trọng bậc cao niên. Như cha đã nói trước đây, người cao niên giúp chúng ta biết đánh giá tính liên tục của các thế hệ. Các ngài đem theo mình ký ức và sự khôn ngoan của trải nghiệm, những điều giúp chúng ta tránh lặp lại các sai lầm của quá khứ. Các vị cao niên có “đặc sủng lấp hố phân cách”, theo nghĩa các ngài bảo đảm để các giá trị quan trọng nhất được chuyển giao cho các con các cháu. Qua lời nói, tình yêu, tình âu yếm và sự hiện diện của các ngài, chúng ta hiểu ra rằng lịch sử không bắt đầu với chúng ta, nhưng chúng ta là thành phần của một “cuộc lữ hành” lâu đời và thực tại luôn lớn hơn chính chúng ta. Các con hãy tiếp tục nói với cha mẹ và ông bà của các con. Các con đừng phí cả một ngày trời để đùa dỡn với chiếc điện thoại của các con mà quên cả thế giới chung quanh các con!

Upasana và Anthony ạ, các con kết thúc chứng từ của các con bằng một biểu thức nói lên niềm hy vọng. Đức khôn ngoan của Thiên Chúa củng cố niềm hy vọng trong chúng ta và giúp chúng ta đương đầu với tương lai một cách can đảm. Người Kitô hữu chúng ta tìm được sự khôn ngoan này trong cuộc gặp gỡ bản thân với Chúa Giêsu trong cầu nguyện và các bí tích, và trong cuộc gặp gỡ cụ thể của chúng ta với Chúa nơi người nghèo, người bệnh, người đau khổ và người bị bỏ rơi. Nơi Chúa Giêsu, chúng ta khám phá ra sự liên đới của Thiên Chúa, Đấng luôn đi bên cạnh chúng ta.

Người trẻ thân mến, khi nhìn vào gương mặt các con, Cha tràn đầy niềm vui và hy vọng: vui và hy vọng vì các con, vì đất nước các con, vì Giáo Hội, và vì các cộng đồng của các con. Xin đức khôn ngoan của Thiên Chúa tiếp tục linh hứng các cố gắng lớn lên trong tình yêu thương, tình huynh đệ, và sự tốt lành của các con. Hôm nay, khi rời khỏi đất nước của các con, cha cam đoan cầu nguyện để mọi người các con tiếp tục lớn lên trong tnìh yêu Chúa và người lân cận. Và xin các con đừng quên cầu nguyện cho cha!

Xin Thiên Chúa chúc lành cho Bangladesh! Isshór Bangladeshké ashirbád korún!
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo khu Phanxico Xavier Cộng đoàn Vinh Sơn Liêm mừng bổn mạng
Trần Văn Minh
05:29 02/12/2017
Melbourne, vào lúc 3 giờ 30 chiều Thứ Bảy 2/12/2017. Tại Nhà thờ Saint Martine De Porres vùng Avondale Heights. Giáo khu Thánh Phanxico Xavier thuộc Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm đã hân hoan dâng thánh lễ tạ ơn mừng bổn mạng.

Xem hình

Mặc dù trời Melbourne đang trong cơn bão lớn, mưa cả ngày, nhưng vì lòng mến mộ và hợp nhất mọi người trong cộng đoàn, mọi người cũng đã về dâng lễ tạ ơn tương đối đông đủ.

Thánh lễ đồng tế do Linh mục Giuse Trần Ngọc Tân Quản nhiệm Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm chủ tế, cùng với Linh mục chánh xứ Saint Martine Vincent Lê Thành Nhân đồng tế. Được Liên ca đoàn Martino và Nữ Vương kết hợp dâng lời ca tiếng hát lên cảm tạ Thiên Chúa qua lời cầu bầu của Thánh Phaxico Xavier bổn mạng giáo khu chuyển cầu.

Trước thánh lễ, Ông Phạm Văn Tiến đại diện ban chấp hành giáo khu lên đọc tiểu sử Thánh Phanxico Xavier, một vị thánh là bổn mạng của nhiều hội truyền giáo. Trong bài chia sẻ. Linh mục Trần Ngọc Tân không nhắc lại tiểu sử của Thánh nhân, mà chia sẻ về những công việc của Thánh nhân trong sứ vụ truyền giáo. Một linh mục Dòng Tên, nhưng Ngài không ở lại dòng mà đi khắp nơi để loan truyền lời Chúa. Một mơ ước của Thánh Phanxico Xavier và cũng là mơ ước của Giáo hội ngày nay là được đến Trung Hoa loan báo tin mừng cho một nước đông dân nhất trên thế giới. Tiếc là ước mơ của Ngài chưa được thực hiện thì Ngài bị bịnh và qua đời!

Ngày nay, công cuộc truyền giáo của chúng ta, không phải đi khắp nơi để rao giảng tin mừng, mà chúng ta rao giảng tin mừng ngay trong mỗi gia đình, giáo khu, cộng đoàn. Để mọi người sống theo tin mừng của Chúa một cách trọn hảo.

Trong Thánh lễ, linh mục chủ tế đã dâng lên Thiên Chúa tất cả mọi người trong giáo khu hiện diện, và cả những người già cả, đau yếu không thể hiện diện hôm nay. Dâng lên Chúa các anh chị em đã và đang phục vụ trong ban chấp hành giáo khu, xin Chúa thương ban cho gia đình họ luôn được bình an mạnh khỏe, để họ tiếp tục công việc phục vụ giáo khu một ngày một thăng tiến và tốt đẹp hơn.

Sau lời cám ơn cuối lễ của ông Đặng Văn Thắng, gửi đến quý cha, quý vị đại diện Ban mục vụ cộng đoàn, các giáo khu, ban ngành, đoàn thể, quý cụ ông, cụ bà và anh chị em trong giáo khu, ca đoàn Martino và Nữ Vương, dù thời tiết mưa gió, cũng không quản ngại, vì lòng yêu mến Thánh bổn mạng để về dâng lễ. Ông cũng không quên cám ơn đến những vị đã góp công, góp của để cùng tổ chức lễ mừng bổn mạng. Và ông cũng ngỏ lời mời mọi người ở lại sau thánh lễ để cùng dự tiệc chung vui cùng giáo khu tại hội trường giáo xứ.

Một buổi tiệc đã là dịp để cho mọi người trong giáo khu có dịp gặp nhau, thăm hỏi chuyện trò trong tình thân ái.

Được biết, Giáo khu Phanxico Xavier là một trong bảy giáo khu kỳ cựu của Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm. Luôn đồng hành và đóng góp tích cực vào công tác xây dựng cộng đoàn.
 
Curia Nữ Vương Mân Côi TGP Sydney Tĩnh Tâm và Tổng Hội Thường Niên
Diệp Hải Dung
15:41 02/12/2017
Sáng Thứ Bảy 02/12/2017, khoảng 500 anh chị em Legio Mariae các Giáo Đoàn đã đến hội trường của trường học St. Luke Revesby tham dự ngày Tĩnh Tâm và Tổng Hội Thường Niên của Curia Nữ Vương Mân Côi với chủ đề “ Thực Hành Sứ Điệp Fatima”

Xem Hình

Mọi người tập trung trong sân trường và sau đó kiệu cung nghinh Thánh tượng Đức Mẹ rước vào hội trường và Cha Paul Văn Chi Linh Giám Legio Mariae Curia Nữ Vương Mân Côi chào mừng tất cả mọi người đồng thời Cha giới thiệu buổi Tĩnh Tâm và Tổng Hội Thường Niên hôm nay của Curia Sydney có sự hiện diện của Cha Trần Bạch Hổ, Cha Võ Thành Nhân và Cha Ngô Văn Vàng

Sau đó quý Cha ngồi tòa giải tội và Cha Trần bạch Hổ giảng thuyết với đề tài “Cải Thiện Đời Sống” Cha Paul Văn Chi giảng thuyết với đề tài “ Yêu Mến Mẹ Qua Kinh Mân Côi” kế tiếp mọi người cùng đóng góp chia sẻ và nêu những thắc mắc. đã được quý Cha trả lời thỏa đáng.

Kết thúc phần thuyết giảng, quý Cha Paul Văn Chi, Cha Nguyễn Văn Tuyết và Cha Trần Bạch Hổ, Cha Ngô Văn Vàng và Cha Võ Thành Nhân cùng hiệp dâng Thánh lễ Tạ Ơn trong ngày Tĩnh Tâm và Tổng Hội Thường Niên. Trong bài giảng Cha Paul Văn Chi đã chia sẻ về lời Đức Mẹ Maria nói với Thiên Sứ Gariel “xin vâng” và ngày hôm nay chúng ta họp nhau nơi đây để tĩnh tâm và tôn vinh Mẹ, bắt chước Mẹ bằng hai tiếng “xin vâng” của quân binh Legio Mariae, chúng ta hãy phó thác và trông cậy vào Mẹ Maria là Nữ Tướng của mỗi người chúng ta.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, ông Hà Pi Liến Trưởng Curia Nữ Vương Mân Côi TGP Sydney lên ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Sơ, và tất cả mọi người đã tham dự ngày tĩnh tâm của Curia và Thánh lễ tạ ơn. Đặc biệt cám ơn Ca đoàn, Ban Mục Vụ Giáo Đoàn Revesby và quý ân nhân đã trợ giúp cho ngày tĩnh tâm hôm nay được tốt đẹp. Thánh lễ kết thúc, Cha Paul Văn Chi cũng ngỏ lời cám ơn quý Cha và tất cả mọi người.

Diệp Hải Dung
 
Thánh Lễ Phong Chức Linh Mục Tại Giáo Phận Phú Cường
Toma Đỗ Lộc Sơn
20:40 02/12/2017
Vào lúc 9 giờ sáng ngày 02/12/2017, tại nhà thờ Chánh tòa Phú Cường, Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước – Giám mục giáo phận Phú Cường, đã dâng lễ tạ ơn và truyền chức linh mục cho 5 thầy phó tế của khóa 12 thuộc giáo phận và một thầy thuộc dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm. Hiệp dâng thánh lễ còn có Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ - Nguyên Giáo mục giáo phận Phú Cường, cha Simon Nguyễn Văn Thu - Tổng Đại diện giáo phận, quý cha quản hạt, quý cha bề trên, khoảng 200 cha trong và ngoài giáo phận. Tham dự có quý tu sĩ, quý thân nhân, ân nhân của các tiến chức và bà con giáo dân, ước khoảng 1.500 người.

Xem Hình

Danh sách quý tiến chức:

- Anphongso Nguyễn Quang Hiển.

- Phêrô Phạm Văn Huynh.

- Giuse Hoàng Đình Khái.

- Phêrô Nguyễn Thanh Tâm.

- Gioan Maria Vianey Trịnh Văn Thuần.

- Casimin Nguyễn Ngọc Thanh, OMI.

Sau khi cha Đặc trách Ơn gọi giáo phận giới thiệu , Đức cha Giuse đã thẩm vấn các tiến chức và chấp thuận phong chức linh mục cho các ngài, cả cộng đoàn vui mừng vỗ tay.

Nhận biết mình là thụ tạo yếu hèn, cả cộng đoàn hát lên lời cầu xin các thánh, xin các ngài cầu thay nguyện giúp cho mọi người, cách riêng cho các tiến chức hôm nay được ơn nghĩa cùng Chúa đến trọn đời

Sau lời huấn từ, Đức Giám Mục đã đặt tay lên đầu các tiến chức. Đức cha Phêrô cùng 200 cha đồng tế cũng đặt tay như thế với các tiến chức.

Đức cha Giuse đã long trọng dâng lời nguyện phong chức linh mục. Cả cộng đoàn hiệp thông trong lời nguyện xin cho các tân linh mục được tràn đầy ân thánh của Ngài.

Tiếp theo là nghi thức diễn nghĩa. Đức cha Giuse đã trao áo lễ, chén thánh và hôn chúc bình an cho các tân linh mục.

Nghi thức truyền chức kết thúc, tiếp theo là phần Phụng vụ Thánh Thể.

Trước khi nhận phép lành cuối lễ, tân linh mục đại diện đã có lời cảm ơn Đức cha Giuse, Đức cha Phêrô và quý cha, đã hết lòng cầu nguyện, dạy bảo cho các tân linh mục trong suốt nhiều năm, để các ngài có được ngày hôm nay. Tân linh mục đại diện cũng cảm ơn cha mẹ, anh chị em và toàn thể cộng đoàn đã cầu nguyện nhiều cho họ.

Thánh lễ kết thúc trong hân hoan, các cha mới chụp hình lưu niêm với quý Đức cha, quý cha và gia đình.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con những linh mục có trái tim thuộc trọn về Chúa, để nhờ đó các ngài cũng biết sống thuộc trọn về con người. Xin cho chúng con những linh mục có trái tim biết yêu bằng tình yêu dâng hiến, một trái tim đủ lớn để chứa được mọi người và từng người, nhất là những ai nghèo khổ, bị bỏ rơi. Xin cho chúng con những linh mục biết cầu nguyện, có tình bạn thân thiết với Chúa để các ngài giới thiệu Chúa cho con người. Xin cho chúng con những linh mục thánh thiện, có thể nuôi chúng con bằng tấm bánh thơm tho, tấm bánh Lời Chúa và Mình Chúa. Cuối cùng, xin cho chúng con những linh mục có trái tim của Chúa, say mê Thiên Chúa và say mê con người, hy sinh đời mình để bảo vệ đoàn chiên và dẫn đưa chúng con đến với Chúa là nguồn sống thật.

Toma Đỗ Lộc Sơn
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Viễn tượng mùa Vọng
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
08:41 02/12/2017
Niên lịch phụng vụ trong Giáo Hội Công Giáo, và cả nơi Giáo hội Tin Lành, bắt đầu hằng năm với mùa Vọng - adventus- , thường vào cuối tháng Mười Một, hay đầu tháng Mười Hai dương lịch.

Mùa Vọng là thời gian chuẩn bị tâm tâm hồn đời sống đức tin chờ đợi đón mừng lễ sinh nhật Chúa Giêsu, ngày 25. 12. từ trời cao sinh xuống trần gian làm người mang ánh sáng ơn tha thứ, ơn cứu độ của Thiên Chúa cho con người khỏi hình phạt tội nguyên tổ Adong - Evà.

Mùa Vọng , mùa trông đợi -adventus - theo nguồn gốc mang ý nghĩa trong tiếng Hylạp: epiphania - hiện đến, hiển linh - , và mang ý nghĩa trong đế quốc Roma là sự đến, sự hiện diện, sự thăm viếng của một vị quan chức, đặc biệt sự đến của các vị Hoàng đế, các vị vua chúa.

Nó cũng có thể mang chỉ ý nghĩa sự kiện đến của Thần Thánh vào trong đền thờ.

Những tín hữu Chúa Kitô đã lấy dùng từ ngữ - adventus - để nói lên ý nghĩa mối tương quan liên hệ của mình trong niềm hy vọng trông đợi Chúa Giesu Kitô đến.

Như thế, bầu khí mùa Vọng mang sắc thái niềm hy vọng chờ đón niềm vui mừng đến.

Thời Giáo hội cổ xưa, mùa Vọng nguyên thủy là mùa ăn chay khoảng từ ngày 11. Tháng Mười Một đến lễ Chúa Hiển Linh ngày 06. Tháng Một. Trong thời gian mùa Vọng ăn chay này không được tổ chức lễ hội ăn mừng , lễ nghi hôn phối long trọng, nhưng cử hành âm thầm thôi. Nhưng từ 1917 luật lệ này không còn bắt buộc nữa.

Mùa Vọng có từ thế kỷ thứ 7. và được gọi là tempus ante nataleDomini : Thời gian trước sự sinh ra của Chúa, hay cũng có tên gọi tempus adventus Domini: Thời gian Chúa đến.

Bên Giáo hội Roma mùa Vọng kéo dài từ 4 tới 6 tuần lễ. Đến thời Đức Giáo Hoàng Gregor cả ( 540-604) mùa Vọng được ấn định có 4 tuần lễ.

Bốn tuần lễ là con số biểu trưng diễn tả 4 ngàn năm con người trông đời Đấng Cứu thế đến, từ khi Ông bà nguyên tổ phạm tội tới lúc Chúa Giêsu sinh ra.

„ Mùa Vọng khởi đầu một năm phụng vụ mới của Giáo hội Chúa, một con đường mới trong đức tin. Một bên nhớ đến biến cố Chúa Giêsu Kitô sinh ra, và một bên mở ra viễn tượng được hoàn thành chung cuộc. Hai viễn tượng trong mùa Vọng vừa hướng tầm nhìn đến Chúa Giêsu sinh ra bởi Đức Mẹ Maria, và vừa sự đến của người trong tương lai tràn đầy vinh quang, khi người đến , như trong kinh Tin Kính đọc „ phán xét người sống và người đã qua đời“ ( Đức Giáo Hoàng Benedickt 16.).

Mùa Vọng 2017

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chim Đàn Xuôi Nam
Đặng Đức Cương
09:32 02/12/2017
CHIM ĐÀN XUÔI NAM
Ảnh của Đặng Đức Cương
Cuối thu
trời đã se se lạnh
Chim đàn
vỗ cánh tìm ấm xuôi nam.
(bt)
 
VietCatholic TV
Đức Thánh Cha truyền chức Linh Mục cho 16 tân chức tại thủ đô Dhaka
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:33 02/12/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Lúc 9 giờ 15 phút sáng Đức Thánh Cha rời Toà Sứ Thần để đi xe đến công viên Suhrawardi Udyan cách đó 6 cây số. Công viên này chiếm chỗ của trường đua ngựa trước kia. Chính tại đây ông Sheikh Mujibur Rahman đã đọc một bài diễn văn lịch sử trước đệ nhất thế chiến năm 1917, và cũng chính tại đây quân đội Pakistan đầu hàng. Đài kỷ niệm Huseyn Shaheed Syhrawardy, một chính trị gia Pakistan gốc Bangladesh, thủ tướng Bengala trong các năm 1946-1947, ban đầu đã được dùng như câu lạc bộ quân đội của người Anh, và sau thời thuôc địa trở thành Trường đua ngựa Ramna. Bên trong có mộ của ba vị lãnh đạo quốc gia là Sher-e-Hangla A.K. Fazhul Huq (1873-1962), Huseyn Shaheed Suhrawardy (1892-1963) và Khawaja Nazimuddin (1894-1964). Viện bảo tàng Độc Lập trưng bầy các tác phẩm minh giải lịch sử quốc gia từ Vương quốc Moghul cho tới năm 1971 là năm Bangladesh được độc lập.

Xe chở Đức Thánh Cha đã tới công viên lúc 9 giờ 25 phút. Sau đó ngài lên xe díp đi một vòng chào tín hữu. Thánh lễ truyền chức Linh Mục đã bắt đầu lúc 10 giờ và được cử hành bằng tiếng Latinh, Anh và Bengali.

Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha đã khích lệ các tân chức luôn luôn có trước mắt gương của Chúa Giêsu Kitô là Mục Tử Nhân Lành, không đến để được phục vụ, nhưng là để phục vụ, tìm kiếm và cứu vớt những gì đã hư mất. Các linh mục cộng tác vào việc xây dựng thân mình Chúa Kitô là Giáo Hội, trở thành dân của Thiên Chúa và đền thờ của Chúa Thánh Thần. Đề cập đến nguồn gốc của ơn gọi linh mục Đức Thánh Cha nói:

Hỡi anh chị em, như anh chị em biết rõ, Chúa Giêsu là vị thượng tế duy nhất của Tân Ước, nhưng nơi Ngài toàn thể dân thánh của Thiên Chúa cũng đã được thiết lập là dân tư tế. Tuy nhiên giữa các môn đệ của Ngài Chúa Giêsu đã muốn đặc biệt lựa chọn vài người, để khi nhân danh Ngài công khai thi hành trong Giáo Hội chức tư tế hầu mưu lợi cho tất cả mọi người, họ tiếp tục sứ mệnh của Ngài là thầy dậy, tư tế và mục tử.

** Thật thế, như Ngài đã được Thiên Chúa Cha gửi đi cho sứ mệnh này, tới lần mình Chúa Giêsu cũng đã gửi vào thế giới các Tông Đồ, rồi các giám mục là các người kế vị, và sau cùng là các cộng sự viên của các giám mục là các linh mục, là những người kết hiệp với sứ vụ tư tế họ được mời gọi phục vụ dân Chúa. Các linh mục cộng tác vào việc xây dựng thân mình Chúa Kitô là Giáo Hội, trở thành dân của Thiên Chúa và đền thờ của Chúa Thánh Thần. Thật vậy, họ sẽ trở thành đồng hình dạng với Chúa Kitô thượng tế đời đời, hay họ sẽ được thánh hiến như các tư tế thực sự của Tân Ước, và với tước hiệu ấy kết hiệp họ trong chức tư tế với giám mục của họ, họ sẽ là những người rao giảng Tin Mừng, là mục tử của dân Thiên Chúa và họ sẽ chủ sự các hành động phụng tự, đặc biệt trong việc cử hành hiến tế của Chúa.

Tiếp đến hướng tới các tiến chức, Đức Thánh Cha khuyên họ ý thức được các nhiệm vụ cao cả của mình và nói: Các con phân phát cho tất cả mọi người lời Chúa mà chính các con đã nhận lãnh với niềm vui. Hãy đọc và suy gẫm lời Chúa một cách kiên trì để tin điều đã đọc, hãy dậy dỗ điều các con đã học trong đức tin, và sống điều các con dậy dỗ. Ước gì giáo lý của các con là lương thực cho dân Chúa, hương thơm cuộc sống của các con là niềm vui và sự nâng đỡ cho các tín hữu của Chúa Kitô, để với lới nói và gương lành các con xây dựng nhà của Thiên Chúa là Giáo Hội. Các con sẽ tiếp tục công trình thánh hoá của Chúa Kitô. Qua sứ vụ của các con hiến tế thiêng liêng của tín hữu được trở thành toàn hảo, để cùng với hiến tế của Chúa Kitô, mà qua bàn tay các con nhân danh toàn thể Giáo Hội, nó được dâng lên trên bàn thờ trong việc cử hành các mầu nhiệm thánh. Khi tham dự vào mầu nhiệm cái chết và sự phục sinh của Chúa, các con mang cái chết của Chúa Kitô trong chi thể các con, và cùng Ngài bước đi trong cuộc sống mới.

Với bí tích Rửa Tội các con tiếp nhận các tín hữu mới vào dân Chúa, với bí tích Sám Hối các con tha tội nhân danh Chúa Kitô và Giáo Hội; với Dầu thánh các con thoa dịu các bệnh nhân; khi cử hành các nghi thức thánh và khi dâng lên trong các giờ khác nhau của ngày lời cầu chúc tụng và khẩn nài, các con trở thành tiếng nói của dân Chúa và của toàn nhân loại.

Ý thức được rằng mình đã được chọn giữa các người khác và được thành lập để tham dự vào các việc của Thiên Chúa cho thiện ích của họ, các con hãy thực thi công việc tư tế của Chúa Kitô với niềm vui và lòng bác ái, chỉ để làm đẹp lòng Thiên Chúa chứ không vì chính mình.

** Sau cùng khi tham dự vào sứ mệnh của Chúa Kitô, là đầu và là mục tử trong tình hiệp nhất con thảo với giám mục của các con, các con hãy dấn thân hiệp nhất các tín hữu trong một gia đình duy nhất, để dẫn đưa họ tới Thiên Chúa Cha qua Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần. Hãy luôn luôn có trước mắt gương của Mục Tử Nhân Lành, không đến để được phục vụ nhưng là để phục vụ, tìm kiếm và cứu vớt nhưng gì đã hư mất.

Tiếp đến là nghi thức truyền chức linh mục.

Sau khi từ giã tín hữu Đức Thánh Cha đã lên xe trở về Toà Sứ Thần để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi chốc lát.