Ngày 27-11-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Sống Tỉnh Thức # 34 : Những Cạm Bẫy
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
14:19 27/11/2008
Sống Tỉnh Thức # 34: NHỮNG CẠM BẪY

Hay NGƯỜI ESKIMÔ SĂN CHÓ SÓI

Người Eskimô đã săn chó sói thế nào trong vùng băng giá và lạnh cóng của Bắc cực? Đó là một câu hỏi đã làm nhiều người dầy công suy nghĩ để tìm câu trả lời.

Họ lấy những lưỡi dao thật bén và nhọn đem nhúng vào máu động vật, sau đó họ mang ra để ngoài trời cho đóng băng lại. Họ làm như vậy nhiều lần để cho lớp băng càng lúc càng dày thêm, lớp băng sẽ che kín hoàn toàn lưỡi dao bằng máu bên trong. Tối đến họ cắm cán dao xuống đất, những con chó sói đánh hơi được mùi máu của thú rừng từ lưỡi dao và mon men đến ăn.

Chúng bắt đầu liếm những lớp băng bằng máu đó, càng lúc càng hăng say hơn, liếm nhanh hơn với sự thèm thuồng. Cho đến một lúc những lớp băng bên ngoài lưỡi dao đã tan chảy hết, và bắt đầu chạm đến lưỡi dao. Khi liếm những lưỡi dao, lưỡi của các con chó sói bị đứt và chảy máu ra; nhưng con chó sói lại tưởng đó là máu của thú rừng, nên chúng càng liếm hăng say hơn., càng bị chảy máu nhiều!!

Khi đã mất máu nhiều thì nó sẽ bị khát nước thế là nó cứ liếm…Sáng hôm sau, những người Eskimô chỉ cần đi lượm xác những con chó sói nằm chết bên cạnh các lưỡi dao đó.

* Một phút hồi tâm: Đã là cạm bẫy thì không thể dễ dàng nhận diện. Thế gian này phong phú muôn màu, còn cạm bẫy thì muôn hình vạn trạng. Ma quỷ dùng tất cả sự khôn ngoan của nó để làm cho bạn sa ngã. Những cám dỗ bao giờ cũng có vẻ như rất tốt đẹp. Chúng bên ngoài có vẻ quyến rũ và hấp dẫn…nhưng chỉ là giả tạo, bên trong là sự chết cho những ai rơi vào đó.

Rượu, bia, thuốc lá, gái đẹp, tiền tài, tình dục, lợi nhuận, giầu có, nhà cửa, điạ vị đều là những cạm bẫy cuốn hút bạn vào sự xấu xa, được che đậy dưới bề mặt của những điều dường như tốt lành.

Hăng say đọc và suy niệm Lời Chúa hàng ngày sẽ giúp bạn biết những cạm bẫy trá hình ấy. Hãy tránh xa ngay những điều xấu xa trên, đừng để trễ, kẻo quá muộn !!!

Sách Châm ngôn khuyên bạn: Có con đường xem ra ngay thẳng, nhưng rốt cuộc lại đưa đến tử vong. (Cn 16, 25)

Phó tế: JB Nguyễn văn Định * johndvn@yahoo.com
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:04 27/11/2008
HÌNH THÁI Ý THỨC

N2T


Một tốp chính khách rất sôi nổi, muốn biểu hiện với đại sư là quan niệm của họ đủ để thay đổi thế giới.

Đại sư chú ý lắng nghe cách tỉ mỉ.

Ngày hôm sau, ông ta nói: “Dù sao đi nữa thì một loại hình thái ý thức đều dựa vào người chế tạo ra nó. Lẽ nào một trăm vạn con cáo tổ chức lại, thi hành công bằng chính nghĩa, thì cái đuôi cáo biến mất hay sao ?”

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Chính khách –hay người làm chính trị- thì luôn có ba cái lưỡi: một cái lưỡi để ve vuốt phe đối lập, một cái lưỡi để mị dân và một cái lưỡi để trù dập những người không cùng chính kiến, đó là chuyện thường tình của những người làm chính trị trên thế gian này mà ai cũng biết.

Người Ki-tô hữu hiểu rằng, muốn thay đổi xã hội thì trước hết phải thay đổi chính mình sống cho phù hợp với tinh thần Phúc Âm, đem cuộc sống của mình ảnh hưởng trong gia đình, để gia đình trở thành một xã hội nhỏ hạnh phúc, và khi gia đình đã có hạnh phúc thì nhân rộng ra giữa xã hội. Như Chúa Giê-su đã làm: Ngài đến thế gian để thay đổi bộ mặt của thế gian bằng lời giảng dạy và cuộc sống yêu thương, cuối cùng hy sinh mạng sống của mình vì nhân loại.

Con cáo dù nó thu giấu cái đuôi để giả nhân giả nghĩa, thì sẽ có một ngày nào đó cái đuôi cáo cũng sẽ lòi ra cho mọi người thấy.

Người giả nhân giả nghĩa khúm núm thưa bẩm với cấp trên, thì chính họ sẽ sẽ mạt sát anh em của mình, bởi vì hình thái ý thức hệ của họ chỉ có thế thôi: giả nhân giả nghĩa và ngạo mạn. Cho nên, dù họ có đi đông đi tây, học hành nơi này nơi nọ, thì cũng không thay đổi hình thái ý thức ấy của họ.

Thật đáng thương và tội nghiệp cho họ !
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:06 27/11/2008
N2T


17. Công việc nơi bản thân người khác khiến bạn không vui vẻ, bản thân bạn suốt đời không nên làm, nhưng khi bạn làm thì phải khiến cho mọi người vui thích.

(Thánh John Berchmans)
 
Tỉnh thức để bảo toàn sinh mạng
LM Inhaxiô Trần Ngà
22:28 27/11/2008
Tỉnh thức để bảo toàn sinh mạng

(Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật I mùa vọng. Tin Mừng Mác cô 13, 33-37)

Tai nạn giao thông ngày càng gia tăng khốc liệt, gây ra chết chóc, thương tật, tai hoạ cho hàng chục ngàn người mỗi năm tại Việt Nam. Chưa từng có trận chiến nào trong lịch sử chiến tranh Việt Nam cận đại ngốn nhiều nhân mạng và gây nhiều thương vong cho bằng tai nạn giao thông trên các tuyến đường dọc theo chiều dài đất nước trong những năm qua.

Nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông là người lái xe không tỉnh táo. Phải lái xe suốt đêm trường trên những con đường dài thăm thẳm khiến người lái thiếp đi lúc nào không hay. Một số khác mất tỉnh táo vì men rượu, nên không thể chủ động và phản ứng kịp thời khi tình huống xấu xảy ra. Thế là tai hoạ và chết chóc chụp xuống trên đầu nhiều người thật khủng khiếp.

Khi tài xế ngủ gật, say rượu bia thì nguy cơ gây nên cái chết cho mình và cho người liên hệ hầu như chắc chắn. Người lái xe không tỉnh thức, vì ngủ gật hay vì ma men, là kẻ sát nhân và là người tự sát, gây nên những hậu quả nghiêm trọng khôn lường cho nhiều nạn nhân vô tội.

Chính vì thiếu tỉnh thức dễ đưa đến những hậu quả nghiêm trọng khôn lường nên Chúa Giê-su đã nhiều lần kêu gọi mọi người đừng mê ngủ nhưng hãy tỉnh thức dưới nhiều hình thức:

Tỉnh thức như người tôi tớ chong đèn đợi chủ đi ăn cưới mãi đến hai hoặc ba giờ sáng mới về (Luca 12, 35-48); tỉnh thức như người chủ nhà canh phòng kẻ trộm thâm nhập giữa đêm khuya (Mt 24, 42-44); tỉnh thức như người quản lý được người chủ đi xa giao trọng trách quán xuyến việc nhà mà không biết giờ nào chủ trở lại kiểm tra công việc đã được giao phó (Mc 13, 33-37. Lc 12, 42-46); tỉnh thức như những cô phù dâu mang dầu đèn đi đón chàng rể có thể vào giữa đêm khuya mới đến. (Mt 25,1-13)

Trong các trường hợp được nêu trên đây, việc tỉnh thức sẽ mang lại phần thưởng lớn lao và sự ngủ mê sẽ gây hậu quả tai hại.

Mỗi người chúng ta là những người tài xế điều khiển chiếc xe cuộc đời của mình, có trách nhiệm với vận mệnh đời đời của mình cũng như những người liên hệ.

Những nhà lãnh đạo cao cấp của đất nước là những người lèo lái chiếc tàu quốc gia. Nếu những vị nầy "mê ngủ", chắc chắn sẽ gây ra hậu quả đau thương cho đất nước, cho dân tộc và cho thế giới. Đại biểu cho những "tài xế" kiểu nầy gồm những nhân vật như Hitler, Stalin, Sadam Hussein và rất nhiều tên tuổi khét tiếng khác.

Những nhà lãnh đạo tinh thần của các tôn giáo là những người cầm lái cỗ xe tôn giáo, có trách nhiệm uốn nắn lương tâm của số đông tín đồ, nếu không tỉnh táo thì cũng sẽ dẫn đưa hàng vạn tín đồ của mình lao xuống vực thẳm bạo lực, chiến tranh tôn giáo hoặc những hình thức khủng bố dã man như đã xảy ra lâu nay.

Những Thầy Cô giáo nắm tay lái cỗ xe học đường, có sứ mạng đào tạo những mầm non hôm nay thành những rường cột cho nước nhà mai sau, nếu không tỉnh táo thì sẽ đưa bao thế hệ học sinh xuống vực.

Vị chủ chăn trong giáo xứ hay bậc phụ huynh trong các gia đình cũng đều là những "tài xế" điều khiển những chiếc xe Chúa trao cho mình quản lý, nếu không tỉnh táo, không sáng suốt thì gây phương hại cho mình cũng như cho vô vàn người khác.

Người lái xe đường dài ban đêm không bao giờ dùng bia, rượu, những chất gây ngủ hoặc bất kỳ loại thức ăn nước uống nào làm cho đầu óc mất tỉnh táo.

Là tài xế cầm lái chiếc xe đời mình, chúng ta quyết không để cho men say của lạc thú, bóng tối của dục vọng, những cơn lốc của đam mê… làm mờ tối lương tri, làm thui chột con mắt linh hồn, làm mê muội tâm trí, khiến chúng ta không còn tỉnh táo để lèo lái đời mình theo đường lối Chúa Giê-su.

Người chạy xe đêm đường dài cần đến cà phê, thuốc lá, nước tăng lực, khăn lạnh… để làm cho đầu óc luôn tỉnh táo hầu tránh được tai nạn giao thông, khỏi làm thiệt hại mạng sống mình cũng như những người liên hệ; thì chúng ta, những người đang lèo lái đời mình qua nhiều khúc quanh của cuộc sống, xuyên qua bóng đêm cuộc đời, cũng luôn cần Lời Chúa lay tỉnh, để khỏi gây gương mù làm hại linh hồn người khác và có thể tỉnh táo, sáng suốt đưa đời mình, linh hồn mình về đến bờ bến bình an.
 
Hãy Tĩnh Thức
Lm. Phêrô Nguyễn Hương
22:30 27/11/2008
“Hãy Tĩnh Thức”

Chúa Nhật I Mùa Vọng Năm B

Với Chúa nhật này chúng ta bắt đầu Mùa Vọng, khởi đầu năm phụng mới, thời gian của lời mời gọi tâm linh, của niềm vui, hy vọng và sự chờ đợi thiêng liêng.

Dân Chúa sống lại một hoạt động kép của tinh thần: một đàng, hướng cái nhìn về mục đích tối hậu của cuộc lữ hành đời mình trong lịch sử, đó là sự trở lại vinh hiển của Chúa Kitô; đàng khác, tưởng nhớ với những cảm xúc thánh thiêng sự sinh ra của Người tại Bethlem, nơi Con Thiên Chúa đã sinh hạ từ Đức Trinh Nữ Maria (x. Gal 4,4).

Trong viễn cảnh đó, Lời Chúa tới sự Tĩnh Thức nhiều lần: “Anh Em nãy tĩnh thức bởi vì anh em không biết giờ nào” (Mc 13,23).

Vậy thì Tĩnh Thức có nghĩa là gì? Tĩnh thức để làm gì và Tĩnh thức cho ai?

Theo nghĩa đen, thì tĩnh thức có nghĩa là tĩnh táo, là không có ngủ. Theo nghĩa kinh thánh, thì từ tĩnh thức có một ý nghĩa rất sâu và mang tính biểu tượng (simbolico). Nó diễn tả một thái độ sống nền tảng, một cách sống của người Kitô hữu. Đó là thái độ nhạy bén, dễ bảo và sẵn sàng, như những tôi tớ trung thành luôn chờ đợi chủ trở về bất thình lình (cf. Mc 13,24). Đó là hướng tâm hồn mình về một điều gì, hơn thế nữa, với một Người: với Thiên Chúa và với anh em.

Trái với thái độ sống đó là sự ngu mê, nghĩa là, người tự cuốn mình trong cái tôi ích kỷ của mình, không còn cặp mắt để nhìn đời và đọc ra nhưng dấu chỉ của thời đại, của cuộc sống, không có khả năng đón nhận quà tặng của cuộc sống vốn là món quá qúi báu đến từ Thiên Chúa qua mỗi ngày sống của mình.

Người sống tĩnh thức là người nhạy bén (sensibile) với sự hiện diện của Thiên Chúa, với tiếng của Người và với các giá trị của Tin mừng. Người biết đọc cuộc sống, và nhận ra khôn mặt của Thiên Chúa với câu hỏi từ đáy lòng: Lạy Chúa, Ngài ở đâu? Con tìm Ngài. Đó là người có khă năng để học từ mọi nơi mọi lúc, từ bất cứ ai và hoàn cảnh nào, kể cả từ những khủng hoảng và thất bại của đời mình, để lớn lên, và trưởng thành không ngừng.

Người sống tĩnh là người rất “dễ bảo” (docile) và biết vâng lời Chúa Thánh Thần, Đấng ở trong chúng ta còn mật thiết hơn chúng ta và hướng dẫn chúng ta từ đáy con tim của lòng ta. Trong tiếng Latin gọi là “docibilitas”, nghĩa là người biết nghe và vâng phục Thánh Thần, người để cho Chúa Thánh Thần biến đổi mình, làm cho mình được giàu có khi trở nên giống Đức Kitô (bài đọc II), trở thành Con Thiên Chúa, khi mặc lấy những tâm tư và tình cảm của Đức Giêsu Kitô đối với Chúa Cha và đối với Anh Em. Đó là thái độ của Đức Maria, người nữ đầy Thánh Thần. Chúng ta hãy học từ Mẹ, để cho Đức Kitô được “nhập thể” trong lòng và trong cuộc đời chúng ta nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần. Chính vì thế, Mùa Vọng cũng được gọi là thời gian của Chúa Thánh Thần.

Cuối cùng, người sống tĩnh thức là người sẵn sàng (disponibile) với thánh ý Thiên Chúa và quảng đại giúp đỡ anh em mình trong mọi lúc và mọi hoàn cảnh mà không có đòi hỏi điều kiện. Người luôn biết sẵn sàng phục vụ người khác như người lính gác canh đêm (Mc 13,34), như những trinh nữ với đèn sáng trong tay, náo nức và hân hoan chờ chàng Rễ tới (Lc

Nhưng tắt một lời, ai yêu thì cũng biết sống tĩnh thức, ngay cả lúc còn đang ngủ! Điều này được diễn tả rất hình ảnh trong sách Diệu Ca: “Trên giường ngủ, suốt đêm trường, tôi đã tìm chàng, hỡi người yêu dấu của lòng tôi, tôi đã tìm chàng, nhưng tôi không gặp chàng” (Ct 3,1-2); hay như Thánh Thi nói: “Dầu mắt ngủ nhưng lòng vẫn thức, vẫn tin yêu một mực chân tình”.

Như thế, Mùa vọng mà chúng ta bắt đầu hôm nay không chỉ là một thời gian của sự trở về cách thụ động, nhưng trở thành một thời gian quí báu mà trong đó, chúng ta khám phá lại vẽ đẹp làm người kitô hữu và tính xác thực của đức tin mình. Chúng ta hãy mỡ ra với sự mới mẽ và vẽ đẹp của Thiên Chúa trong Đức Kitô, Đấng vừa mạc khải Thiên Chúa nhưng cũng vừa con người là ai (LG 22) và chúng ta đến với Người, bởi vì lý do đó mà Ngài đã nhập thể vì chúng ta. Amen.

Kỷ niệm bảy năm, ngày chịu chức linh mục, Rôma 30.11.2008
 
Lời kinh cảm tạ Thiên Chúa là cứu cánh của đời sống đức tin
Lm Jude Siciliano OP
22:38 27/11/2008
CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG B

Isaia 63: 16b-17, 19b; 4: 2b-7; Tv 80; 1 Côrintô 1: 3-9; Marcô 13: 33-37

Anh chị em thân mến,

Tối hôm qua tôi đã thức khuya để viết bài này sau ngày bầu cử toàn quốc. Cho dù ứng cử viên nào đắc cử tổng thống cũng không sao, vì chúng ta đã nghe những lời họ hứa hẹn trong lúc vận động tranh cử. Họ đề xuất các mục tiêu của họ và làm cách nào để đạt được những việc ấy, dù mục tiêu của hai bên có thể khác nhau, nhưng cả hai ứng viên của hai đảng đều hứa: Sẽ giúp đỡ cho những người đau khổ do sự sụt giảm kinh tế, bị mất nhà; Họ sẽ tìm cách kết thúc chiến tranh; lo bảo hiểm y tế cho người chưa có; tìm cách thống nhất đất nước, xóa bớt những tỵ hiềm chia rẽ nhau giữa hai đảng phái; giúp cho người nghèo có cơ hội được giáo dục đầy đủ; làm tốt hơn các mối bang giao với các nước; cam kết thực hiện sự công bằng và bình đẳng cho tất cả các công dân; hợp tác chặt chẽ với tôn giáo và chủng tộc, v.v..

Những điều nói trên là những đề tài của cuộc tranh cử, được phát trên truyền hình thương mại, các blog internet và báo chí. Nhưng đối với các Kitô hữu, khi bắt đầu Mùa Vọng, không phải chỉ có các chủ đề chính trị để thảo luận. Chúng ta còn nghe những đề tài của Mùa vọng và chúng ta đã cầu nguyện nhiều cho họ, không những chỉ trong Mùa vọng, mà trong suốt cả năm phụng vụ.

Trong Mùa vọng, chúng ta hướng lòng trí về Đức Chúa, mong Ngài đáp lại những nhu cầu căn bản của chúng ta. Trong Mùa vọng chúng ta tin tưởng nơi Thiên Chúa vì Ngài đã nhiều lần chứng tỏ sự trung tín trong lời hứa đối với chúng ta qua các bậc tiền nhân: Đó là những lời hứa mà Đức Chúa đã nói với Môi-sê vì Ngài là Đức "Giavê" - "Ta sẽ luôn luôn hiện diện bên ngươi". Trông đợi Thiên Chúa và trông đợi một thế giới sống trong hòa hợp với cộng đồng không chỉ là lời cầu nguyện của các Kitô hữu trong Mùa vọng, mà đó cũng là lời cầu nguyện trong suốt năm Phụng Vụ của chúng ta và hãy chia sẻ điều này với anh chị em của các tôn giáo khác.

Đây ngôn sứ Isaia. Chính ông sẽ nói với chúng ta trong ba Chúa nhật Mùa vọng. Vì ông là ngôn sứ của Mùa vọng. Chính ông thay mặt chúng ta để dâng lời nguyện lên Thiên Chúa và ông cũng nói với chúng ta về Thiên Chúa. Hôm nay Isaia sẽ nói về Thiên Chúa cho chúng ta. Ông mở lời dựa trên đức tin cơ bản của dân Do thái, "Lạy ĐỨC CHÚA, Ngài mới là Cha, là Đấng cứu chuộc chúng con: đó là danh Ngài từ muôn thuở.."(Is.63:16)

Chính Thiên Chúa đã lập nên mối dây liên lạc đầu tiên với loài người qua mối quan hệ với dân Do thái. Ngài đã chọn họ; cứu họ ra khỏi kiếp nô lệ; chăm sóc, dẫn đưa họ qua sa mạc, cho sống trong miền đất hứa. Thiên Chúa quả là Cha thật của dân tộc Do Thái. Ngài còn làm gì hơn nữa cho họ? Nhưng dân Do Thái không đáp lại sự trung tín của Thiên Chúa mà Isaia gọi là "cha" và là "đấng cứu chuộc." Trái lại, họ trở nên cứng lòng với Đức Chúa trong sa mạc. Lời ngôn sứ Isaia là lời than thở: "Tại sao Ngài lại để chúng tôi lạc xa đường lối của Ngài?" – Họ than van như muốn nói rằng: "Sao Ngài lại để cho những điều này xảy đến cho chúng tôi?"

Bài đọc 1 hôm nay là phần thứ ba của sách Isaia. Phần này không giống như hai phần trước, là phần nói về dân Do Thái bị đi đày, Phần thứ ba nói về những người còn sống sót, trở về vùng đất cũ và đã thấy Đền thánh của họ bị tàn phá. Họ thấy trước mắt một nhiệm vụ hết sức khó khăn, là mọi thứ phải được xây dựng lại: Từ nền kinh tế, chính quyền, đền thờ, v.v... Đây là lời than van của ngôn sứ: "... Tất cả chúng con đã trở nên như người nhiễm uế, mọi việc lành của chúng con khác nào chiếc áo dơ. Tất cả chúng con héo tàn như lá úa, và tội ác chúng con đã phạm, tựa cơn gió, cuốn chúng con đi.. "(Is. 64:5)

Chúng ta cùng dâng lên lời nguyện xin với ngôn sứ Isaia thay cho toàn thế giới, thay cho đất nước và thay cho Giáo hội. Không phải Thiên Chúa mắc nợ chúng ta đâu. Cũng không phải lời cầu nguyện của chúng ta dâng lên trong Mùa vọng này sẽ buộc Thiên Chúa phải đến giúp đỡ chúng ta. Trái lại, Ngôn sứ Isaia nhắc nhở chúng ta là lời nguyện của chúng hôm nay dâng lên Thiên Chúa sẽ được Ngài lắng nghe và đoái nhìn chúng ta, vì Thiên Chúa là người Cha nhân từ, Một Đấng cứu chuộc mến yêu. Chính Ngài, ngay từ đầu, đã đã đoái đến loài người chúng ta với tâm tình lắng nghe như một người Cha nhân từ để tha thứ và để nghe lời chúng ta cầu khẩn, để làm cho lòng trí chúng ta nên mới trong Mùa vọng này.

Sợ sẽ có lúc chúng ta quên đi Thiên Chúa là ai, nên ngôn sứ Isaia nhắc lại trong phần cuối của bài đọc 1: "Lạy ĐỨC CHÚA, Ngài là Cha chúng con; chúng con là đất sét, còn thợ gốm là Ngài, chính tay Ngài đã làm ra tất cả chúng con."(Is.64:7) Thiên Chúa tạo ra chúng ta từ đất sét. Và hôm nay, khi khởi sự Mùa vọng này, chúng ta cần Thiên Chúa đặt tay trên chúng ta một lần nữa để uốn nắn chúng ta thành một dân trung tín với Ngài. Để chúng ta luôn hướng về Chúa và cùng lúc ấy, chúng ta cố gắng làm những việc tốt mà chúng ta được dựng nên để làm.

Trong những ngày này, tôi cảm thấy không đủ kiên nhẫn để chờ xem sự vật trên thế giới và trong Giáo hội của chúng ta được thay đổi. Tôi biết đó là nhiệm vụ mà chúng ta phải làm. Chúng ta, các Ki tô hữu phải trở nên là bàn tay của Thiên Chúa, là Đấng ngự trị trong thế gian này. Nhưng chúng ta không thấy gì thay đổi cả. Thật ra, chúng ta khó trông thấy được những thành quả của việc chúng ta làm. Mọi sự có vẻ như ngày càng tồi tệ hơn trước rất nhiều; như đối với các nạn nhân chiến tranh; đối với những bóc lột trong thế giới này. Như vậy, đây là lời nguyện không giống ai mà cứ lập đi lập lại trong Mùa vọng này, là tôi sẽ luôn dâng lời than van của Isaia, như là lời cầu nguyện từ đáy lòng: "Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống!" (Is.63:19) Lạy Thiên Chúa, chúng con cần được giúp đỡ nơi đây!

Chúng ta phải làm thế nào để khỏi bị chán nản khi thấy thế giới thiếu cải tổ để nên tốt hơn, mặc dù chúng ta cố gắng hết sức? Có lẽ đó là điều mà thánh Phaolô viết trong thư gởi cho tín hữu Côrintô. Thánh Phaolô hầu như liên tục nhắc đến sự trông đợi mãi mãi, vì ông hy vọng các Kitô hữu giữ cho đức tin ăn sâu vững chắc trong lòng trí họ.

Trong đoạn mở đầu thư thứ nhất gởi tín hữu Côrintô. Như thường lệ, thánh Phaolô mở đầu bằng lời chào hỏi và lời nguyện cảm tạ Thiên Chúa cho Giáo hội ở đó. Thánh Phaolô nói về các giáo hữu ở đó cũng như nói với chúng ta là chúng ta cũng đang chờ đợi "trong lúc mong đợi ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mặc khải vinh quang của Người."(1Cor1:7). Đây là bổn phận mà chúng ta phải làm với tư cách là Kitô hữu. Chúng ta là những người chờ đợi Thiên Chúa quang lâm. Nhưng không phải chúng ta chờ đợi một mình trong những khó khăn cám dỗ đời này, mà chúng ta chờ đợi với sức mạnh của Chúa Giêsu.

Và chúng ta cùng với cộng đoàn chờ đợi, với sự giúp đỡ và khuyến khích nhau. Nếu không có sự nâng đỡ và hiệp thông trong cộng đoàn qua Bàn tiệc thánh thì Mùa vọng sẽ đi về đâu? Chúng ta nhìn xung quanh bàn tiệc thánh, chúng ta sẽ thấy sự nâng đỡ của đức tin cho những người cao tuổi trong cộng đoàn. Họ là những chứng nhân giúp chúng ta biết rằng Thiên Chúa không bỏ chúng ta trong những lúc chúng ta cần đến Ngài. Quả thật, qua họ đã nhắc nhở cho chúng ta biết Thiên Chúa là Đấng luôn trợ giúp chúng ta hăng say cầu nguyện hằng ngày, trong suốt cuộc sống của chúng ta. Từ nơi bàn tiệc Thánh này, với sự góp sức của nhiều người có chức thánh, đã tập hợp thêm sức mạnh cho con cái của sự sáng làm tỏa rạng giữa đêm tối âm u.

Chúng ta nhìn lại xung quanh bàn tiệc lần nữa, chúng ta sẽ thấy giới thiếu nhi rước lễ lần đầu hay chịu phép Thêm sức, đây là những thế hệ tương lai. Lại có các cặp vợ chồng mới cưới, những người trẻ dấn thân trong ơn gọi dâng hiến, những giáo lý viên, các ca viên trong ca đoàn, phụ giúp trong các chương trình dạy làm bánh, v.v..

Cộng đoàn chúng ta chưa hoàn hảo, cũng không phải là gương mẫu trong Giáo hội. Thường khi chúng ta chỉ là những kẻ bình thường, cố gắng để giữ cho gia đình được êm ấm, con cái được giáo dục, học nghề... và cố gắng giúp nhau khi cần đến. Thực ra, chúng ta không khác gì hơn cộng đoàn tín hữu đầu tiên ở Côrintô mà thánh Phaolô nói đến: "Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Ki-tô Giê-su." Thánh Phaolô nhắc các tín hữu Côrintô và cả chúng ta nữa là kẻ đang sống trong Mùa vọng rằng Thiên Chúa đã và đang tiếp tục trung tín với lời hứa của Ngài. Có lẽ trong Giáo hội ở Côrintô đã có những thắc mắc trong cộng đoàn, cũng như ngày nay những thắc mắc vẫn xảy ra trong giáo phận, hay trong toàn Giáo hội. Tuy vậy, thánh Phaolô vẫn mở đầu thư bằng một lời cầu nguyện và lời cảm tạ Thiên Chúa cho các tín hữu.

Thánh Phaolô làm sao giải thích được là Giáo hội thời đó chia rẽ, nhưng họ vẫn cùng nhau thờ phượng Thiên Chúa nếu như không có ơn Chúa giúp họ? Thánh Phaolô sẽ tốn bao nhiêu mực để viết thư răn dạy các tín hữu Côrintô vì những hành vi ngược lại Phúc âm mà họ đã được giảng dạy. Bao nhiêu chia rẽ trong cộng đoàn, ngay cả nơi Bàn tiệc thánh, xung đột về pháp lý giữa các thành viên; có người dâng lễ vật bằng gia súc theo đạo cũ v.v... Các cộng đoàn thời đó đã gặp biết bao xáo trộn. Tuy vậy, thay vì để than thở với Thiên Chúa, thánh Phaolô lại mở đầu thư của mình với lời nguyện tạ ơn Thiên Chúa cho họ, cho dù họ gặp khó khăn, chia rẽ và nhiều thất bại, nhưng họ vẫn chứng tỏ là ân sủng Thiên Chúa vẫn sống và hoạt động trong họ.

Chúng ta có thể bắt đầu Mùa vọng bằng cách hãy cùng với những người phục vụ Thiên Chúa hôm nay để dâng lời cảm tạ lên Thiên Chúa vì bao ơn lành Ngài đã ban tặng cho từng cá nhân và cho toàn thể cộng đoàn để giúp chúng ta làm nhân chứng rằng: Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta và Ngài sẽ quang lâm. Đây là mùa vọng, chúng ta hãy cùng với thánh Phaolô dâng lời cảm tạ Thiên Chúa

Chuyển ngữ FX Trọng Yên, OP
 
Chờ và Đợi
Anmai, CSsR
22:52 27/11/2008
Chúa nhật 1 Mùa Vọng Is 63, 16b-17.19; 64,2b-7; 1 Cr 1, 3-9; Mc 13, 33-37

CHỜ VÀ ĐỢI

Tâm trạng mong đợi, chờ mong, trông chờ nó diễn tả nỗi lòng của con người hồi hộp, nao nức mong điều gì đó quý báu, điều gì đó mang đến cho con người niềm vui, bình an, hạnh phúc. Chắc có lẽ ai ai trong chúng ta cũng mang trong mình ít nhiều sự mong đợi, lòng ngóng chờ niềm vui, niềm hạnh phúc đến với mình. Nhìn những đứa con, đứa cháu trông đợi cha mẹ chúng đi làm về hay nhất là đợi mẹ cháu đi chợ về chúng ta thấy hay làm sao đó !

Chúng biết rằng mẹ của chúng thương chúng nên hễ đi chợ về là không ít thì nhiều chúng cũng sẽ được bọc xôi, gói chè ! Vì thế, hễ mẹ chúng đi chợ là y như rằng chúng cứ chờ, cứ đợi. Nhiều khi chúng ra tận ngoài ngõ để chờ niềm vui từ những gói chè tự tay mẹ chúng mang về cho chúng.

Tương tự thế, nhìn những đứa trẻ đi học mẫu giáo, dù là vui với các cô, các bạn. Ở với các cô, chơi chung với các bạn đồng lứa vui lắm chứ ! Nào là được ăn chung, chơi chung, đùa chung nhưng hình như chúng vẫn chưa thoả mãn với tất cả những gì mà cô mà bạn mang lại. Vì sao ? Vì tất cả những thứ ấy vẫn không mang lại cho chúng niềm vui, niềm bình an đích thực. Chúng biết rằng thời gian ở với cô, với bạn hay là chơi với cô với bạn chẳng hạnh phúc bằng được ở với cha với mẹ nên rằng cha mẹ chúng là nhất trên đời.

Ở nhà có các cháu nhỏ chúng ta sẽ thấy hình ảnh của chúng buồn cười lắm. Sáng thức dậy là ráng nằm nướng trên giường chưa muốn dậy. Phần lười biếng, phần buồn ngủ nhưng phần lớn chính là không muốn xa ba xa mẹ là nguồn vui, nguồn hạnh phúc của chúng. Chúng phải làm mình làm mẩy để được ở nhà với cha và với mẹ.

Rồi thử một buổi chiều nào đó, chúng ta đến các trường mầm non chúng ta nhìn hình ảnh những đứa trẻ đang đứng ngóng đợi cha mẹ chúng dễ thương làm sao đó. Dẫu chưa biết lúc nào ba mẹ đến nhưng mà cứ đến khi cô bảo mẫu bảo các con hãy thay đồ, rửa mặt là chúng không ai bảo ai đi thay đồ và làm vệ sinh thật là nhanh. Chẳng hiểu sao thật là thiêng liêng, thật là bí nhiệm khi nghe cô bảo mẫu nói như thế chúng làm nhanh thoăn thoắt. Thay đồ xong là chạy vụt ra sân để mà đợi mà chờ. Trong giờ học, các cô có thể bảo các cháu làm gì theo ý cô, theo bài học cô dạy nhưng đến giờ đó cô không thể nào điều khiển cháu được vì lẽ giờ đấy chỉ có một điều cần thôi là chờ ba mong mẹ.

Ngược lại với hình ảnh buổi sáng. Giờ làm sao cho nhanh để được nhìn thấy ba mẹ, để được ba mẹ đón về nên chúng không còn thiết tha với búp bê, với đồ hàng, với đồ chơi, với xe, với cộ nữa nhưng chỉ còn thiết tha sao cho mau gặp ba với mẹ mà thôi.

Nhìn lại lịch sử dân Israel ngày xưa chúng ta thấy rõ tâm trạng chờ đợi như những đứa trẻ vậy.

Do sự phản bội bất trung, họ đã bị bắt đưa đi làm nô lệ bên Babilon. Cuộc sống lưu đày không chỉ ràng buộc họ với những cảnh cùng cực, đói rét, gò bó, mà còn có cả những khe khắt trong cuộc sống tinh thần tôn giáo. Cuộc sống ấy sói mòn tinh thần và thể xác, khiến cho niềm tin vào Thiên Chúa không còn đứng vững, có khác nào như những cánh tay rời rã, bàn chân mỏi mòn.

Chờ Chúa đến nhưng thấy lâu quá để rồ họ đi tìm cho họ đủ thứ các loại thần để mà thờ để mà kính. Lịch sử viết lại cho chúng ta những dòng sử của dân Israel như là bài học lớn cho mỗi người chúng ta. Vì đi theo thần này, thần kia để rồi dân Israel cứ lầm lũi đi trong đêm tối.

Chính trong bối cảnh bi thảm đen tối, Giavê Thiên Chúa đã gửi tiên tri Giêrêmia đến loan báo về ngày giờ Thiên Chúa sẽ ra tay tế độ. Ngài còn mặc khải rõ hơn khi cho biết tin mừng ấy sẽ được khởi sự ngay qua một dòng tộc: Đó là dòng dõi vua Đavit: “ Trong những ngày đó và trong thời gian đó, Ta sẽ làm nảy sinh cho Đavit một chồi Công Chính”. Thế là một triều đại mới, một vận hội mới sẽ đem lại đổi thay cho kiếp đoạ đày đen tối của dân Israel. Từ đây, trật tự được tái lập, hạnh phúc sẽ nở ra và mọi người mọi nhà sống trong cảnh hoà bình thịnh vượng vì Đức Vua hiển trị sẽ xét xử chư dân trong sự khôn ngoan và công chính”.

Lời hứa trên đã làm nao nức bao tâm hồn. Thiên Chúa, Đấng luôn trung thành với giao ước đã chẳng thể nuốt lời. Ngài đã cho Con Một Nhập thể làm người để thực hiện những gì đã hứa, nhưng không chỉ cho Israel mà còn cho các dân tộc. Ngài đã làm sống lại và khơi lên niềm tin tưởng khi loan báo cho họ biết rằng: Giờ cứu rỗi, ngày giải thoát đã gần đến rồi. Vì thế, Ngài kêu gọi mọi người hãy biết đọc qua những biến đổi của vũ trụ, qua những thay đổi của tâm hồn, dấu chỉ của ngày cứu độ. Những biến cố như động đất, mất màu, tai ương, ôn dịch, hạn hán cùng với những vật đổi sao dời làm cho lòng người khiếp run kinh hãi. Và còn có biết bao cái ta không mong đợi mà xảy đến: tai nạn, bệnh tật, chết chóc, hiểm hoạ … Tất cả đều có giá trị như là một dấu hiệu, một lời nhắc nhở để ta hướng về ngày giờ của Con Thiên Chúa đang đến.

Chúng ta, nhìn lại chúng ta ngày nay chúng ta thấy hình như chúng ta cũng chẳng khác Israel ngày xưa là mấy. Chúa yêu thương, nâng đỡ, bao bọc, chở che cuộc đời chúng ta như Israel ngày xưa vậy. Thế nhưng mà chúng ta vẫn chưa cảm thấy thoả mãn với tất cả những gì Chúa thương ban cho chúng ta để rồi chúng ta cũng loay hoay mãi trong bóng đêm như dân Israel vậy.

Tiếng kêu ai oán mong đợi Đấng Cứu Thế đến cứu muôn dân được ngôn sứ Isaia thốt lên trong bài đọc thứ nhất mà chúng ta vừa nghe đấy: “Lạy Đức Chúa, Ngài mới là Cha, là Đấng cứu chuộc chúng con: đó là danh Ngài muôn thuở. Lạy Đức Chúa, tạ sao Ngài lại để chúng con lạc xa đường lối Ngài ? Tại sao Ngài làm cho lòng chúng con ra chai đá, chẳng còn biết kính sợ Ngài ? Vì tình thương đối với tôi tớ là các chi tộc thuộc gia nghiệp Ngài, xin Ngài mau trở lại. Phải cho Ngài xé trời mà ngự xuống, cho núi non rung chuyển trước thánh nhan”. (Is 63, 16b-17.19b).

Vì lòng con người chai đá nên Isaia đã kêu lên với Đức Chúa. Ngày hôm nay, chúng ta cũng gào lên với Chúa là vì tình thương của Chúa, xin Chúa mau trở lại để cứu chúng ta.

Lòng chờ mong, lòng mong đợi ấy chúng ta cũng được nghe Thánh Phaolô nói đến trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô của Ngài: “Chúng ta mong đợi ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mạc khải vinh quang của Người”.

Và Trong khi chờ đợi, Ngài mời gọi chúng ta hãy sống trong sự tỉnh thức và cầu nguyện như Thánh Maccô thuật lại cho chúng ta trong Tin mừng của Ngài mà chúng ta vừa nghe. Chúa Giêsu, hơn lúc nào hết, Ngài cảnh báo với các môn đệ là phải tỉnh thức luôn luôn. Như những người lính tuần canh, chỉ được gọi là tỉnh thức khi biết luôn đứng với đôi mắt sáng rực nhìn về phía trước. Nói cách khác, như thánh Phaolô khuyên trong thư gửi cho giáo dân thành Thesalonica: Đó là không được để cho lòng trí ra nặng nề và tối tăm, bởi những tiệc chè chén, say sưa, bởi đam mê dục vọng, bởi ảo vọng vật chất. Thay vào đó là phải ra sức thực thi bác ái, yêu thương, mặc lấy một cuộc sống khiêm nhường vì đó là điều đẹp lòng Thiên Chúa và làm cho người ta nên thánh thiện.

Chúng ta biết rằng cuộc đời của chúng ta nó mong manh, nó mỏng dòn, nó yếu đuối lắm nên cuộc đời muốn được đứng vững để đón nhận ân huệ của Chúa, tình thương và ơn cứu độ của Chúa không còn cách nào khác hơn là phải tỉnh thức, vẫn chờ mong Chúa đến như lính canh mong đợi hừng đông như suối mong đợi nước nguồn vậy.

Nhớ lại những đứa trẻ, những thú vui do các cô, các bạn mang lại vẫn không là niềm vui, niềm hạnh phúc đích thực của chúng được. Chúng ta cũng vậy, những lạc thú trần gian: tiền – tình – danh, những thứ ấy vẫn không thể nào bù đắp, không thể nào lấp đầy nỗi khát khao, niềm hạnh phúc đích thực của chúng ta được.

Mùa Vọng, mùa trông đợi lại về. Mùa Vọng như là thời gian, như là cơ hội thuận tiện để nhắc nhớ mỗi người chúng ta đâu là cùng đích, đâu là niềm vui đích thực của chúng ta. Nếu cùng đích của cuộc đời chúng ta là tiền – là danh – là dục thì chúng ta cứ tiếp tục cắm cúi đi tìm chúng. Còn nếu cùng đích, lẽ sống của cuộc đời chúng ta là Chúa thì còn thời gian, còn cơ hội, chúng ta hãy dùng thời gian, dùng cơ hội thuận tiện để biến đổi cuộc đời, để mà luôn tỉnh thức để đón chờ ánh sáng, đón chờ tình yêu vĩnh cửu đến với chúng ta.

Nguyện xin Emmanuel – Đấng Cứu Độ Duy Nhất đến và ở lại trong cuộc đời mỗi người chúng ta để tâm hồn, để cõi lòng cuộc đời chúng ta luôn bình an giữa biết bao nhiêu biến động, bao nhiêu xáo trộn của cuộc đời.
 
Tỉnh thức và Cầu nguyện
+ TGM Giuse Ngô quang Kiệt
22:53 27/11/2008
TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN

Mùa Vọng là mùa chờ đón Chúa đến. Chúa sẽ đến nhưng ta không chắc gặp được Người. Vì Người đến rất bất ngờ và rất âm thầm. Muốn gặp được Chúa ta phải tỉnh thức.

Tỉnh thức có nghĩa là đừng mê ngủ. Chúa thường hay đến vào ban đêm, nghĩa là vào lúc ta không ngờ. Ðời sống có những bóng đêm ru ta ngủ say mê khiến ta không gặp được Người. Có những bóng đêm của tội lỗi giam cầm hồn ta trong giấc ngủ bạc nhược khiến ta không còn đủ sức thoát ra. Tội lỗi lôi kéo tội lỗi. Tội lỗi chồng chất giống như những tảng đá gìm ta xuống vực sâu vô tận. Có những bóng đêm của danh vọng ru hồn ta ngủ quên trên vinh quang chói lọi. Vinh quang giống như ngọn đèn đốt cháy biết bao đời thiêu thân. Có những bóng đêm của xác thịt cuốn hồn ta vào giấc mộng lạc thú. Lạc thú giống như chiếc lưới rất mềm mại, rất nhẹ nhàng, nhưng rất hiểm độc. Linh hồn đã sa vào khó có thể thoát ra. Có những bóng đêm của thói ích kỷ chỉ biết sống cho bản thân mình. Ích kỷ giống như một hang sâu, càng đi vào càng thấy tối tăm. Có những bóng đêm của tiền tài bao phủ ta trong giấc mộng giàu sang phú quí. Chìm đắm trong giấc mộng, ta sẽ chẳng nghe được bước chân của Chúa đi qua.

Tỉnh thức cũng có nghĩa là tỉnh táo phân định. Chúa đến rất âm thầm và rất bé nhỏ. Người không đến với cờ quạt trống phách tưng bừng, nhưng đến trong âm thầm lặng lẽ. Người không đến trong uy nghi lẫm liệt của những vị vương đế, nhưng Người đến trong hiền lành khiêm nhường như một người phục vụ. Người không mặc gấm vóc lụa là, nhưng đơn sơ trong y phục dân dã. Người không đến như vị quan toà nghiêm khắc, nhưng như một người cha nhân hậu, một người bạn dễ thương dễ mến. Người đang đến qua những con người hiền lành bé nhỏ quanh ta. Người đang đến trong những con người khốn khổ túng cùng. Người đang đến qua những khuôn mặt xanh xao hốc hác. Người đang đến trong những tấm thân gầy guộc. Người lẫn vào giữa đám đông vô danh. Người chìm mất trong số những kẻ bị loại ra ngoài lề xã hội. Người ẩn mình giữa đám người ăn xin đang lê bước khắp các nẻo đường cát bụi. Người đang rét run với cặp mắt ngơ ngác thất thần ở giữa những nạn nhân bão lụt. Phải tỉnh táo lắm ta mới nhận ra Người. Phải tỉnh thức lắm ta mới gặp được Người.

Tỉnh thức không có nghĩa là cứ ngồi đó mà chờ đợi. Tỉnh thức là bắt tay vào hành động. Chúa như ông chủ đi vắng. Người cho ta được toàn quyền khi Người vắng nhà. Người giao trách nhiệm cho ta trông coi gia đình ta, giáo xứ ta, địa phương ta, đất nước ta và cả thế giới nơi ta đang sống. Ta được tự do hành động. Ta có trách nhiệm làm cho gia đình, xứ đạo, địa phương, đất nước, và cả thế giới được phát triển về mọi mặt. Vì thế, tỉnh thức là nhìn thấy những nhu cầu của anh em, và đáp ứng những nhu cầu đó. Tỉnh thức là nhìn thấy ý Chúa trong những trào lưu thời đại. Tỉnh thức là nhận biết Chúa hành động trong những tâm hồn thiện chí thuộc các niềm tin, mầu da, quan điểm khác nhau để biết cộng tác trong việc xây dựng xã hội. Tỉnh thức là dấn thân hy sinh phục vụ anh em trong quên mình.

Ngay từ đầu mùa Vọng, Chúa mời gọi ta hãy tỉnh thức. Hãy bước ra khỏi giấc ngủ miệt mài, lười biếng. Hãy đoạn tuyệt với những giấc mộng phù hoa. Hãy thôi đuổi theo những đam mê dục vọng. Hãy nói không với những đồng tiền bất chính.

Hãy tỉnh táo phân định để nhận ra dung mạo thực sự của Ðức Kitô. Ðừng chạy theo những khuôn mặt mang dáng vẻ cao sang quyền quý. Ðừng chạy theo những khuôn mặt nặng về quyền lực. Ðừng chạy theo những lời hứa hẹn giàu sang. Dung mạo đích thực của Ðức Kitô là nghèo hèn, là khiêm nhường, là bé nhỏ.

Hãy tỉnh thức để làm việc không ngừng, để quên mình, hy sinh phục vụ cho lợi ích của đồng loại.

Như thế, tỉnh thức không phải là việc dễ dàng. Tự sức ta sẽ khó mà tỉnh thức. Nên ta phải tha thiết cầu nguyện xin ơn Chúa trợ giúp. Có ơn Chúa thúc đẩy, ta mới có thể dứt bỏ con đường tội lỗi xưa cũ. Có ơn Chúa soi sáng, ta mới đủ tỉnh táo nhận ra dung mạo đích thực của Ðức Giêsu. Có ơn Chúa trợ giúp, ta mới đủ hăng hái ra đi phục vụ trong quên mình.

Lạy Chúa, xin giữ hồn xác con luôn tỉnh thức để con nhận biết Chúa đang đến với con trong cuộc sống hằng ngày. Amen.
 
Kiềm hãm sự nóng giận
Tuyết Mai
23:47 27/11/2008
Kiềm Hãm Sự Nóng Giận

Bà Vợ Của Socrate

Nhà hiền triết Hy Lạp Socrate chẳng may có một người vợ khó tính như chằng tinh. Nhưng ông đã chịu đựng tất cả những dở chứng của bà một cách kỳ diệu? Một ngày nọ, ông đang làm đạo với các môn sinh ngay trước cửa nhà, bà vợ bắt đầu dùng một lời lẽ thô tục để rủa sả ông. Nhưng ông vẫn một mực điềm nhiên như không nghe biết gì. Bà vợ không cầm nổi cơn giận, đã múc một gáo nước tạt vào người ông. Nhà hiền triết cũng không để lộ một phản ứng. Mãi một lúc sau, ông mới bỗng đùa với đám môn sinh: "Sau cơn sấm sét thì lại có mưa giông".

Sáng sớm tinh sương ngay đầu ngày của Ngày Lễ Tạ Ơn, bà vợ sửa soạn đi làm, Ông chồng đã vô tình có những lời lẽ như than phiền vợ điều gì đó!? Bà vợ trả lời ông chồng bằng một cung giọng bắt bẻ, đã làm ông chồng như lửa gặp xăng, nhưng cả hai đã kịp thời ngưng lại những lời lẽ không được đẹp cho nhau. Bà vợ tiếp tục sửa soạn nhưng trong lòng vẫn còn ấm ức lắm! Nghĩ bụng Ngày Lễ, thiên hạ được ở nhà, chuẩn bị cho một bữa tiệc gia đình chiều nay thật vui vẻ, để cảm tạ Thiên Chúa nguyên suốt một năm được no đủ và tràn đầy hồng ân. Ông chồng sau đó đã biết lỗi và đòi được chở bà vợ đi làm. Cực chẳng đã vì không muốn tỏ lộ sự bực dọc thêm nữa, nên bà vợ nuốt cơn giận, leo lên xe vì ông chồng đã rồ máy xe và chờ đợi sẵn.

Vào sở làm, bà vợ đã quay cuồng với công việc. Biết hôm nay chỉ làm việc có nửa ngày, mà công việc thì vẫn phải cho xong, nên tay chân không được nghỉ ngơi. Trong trung tâm người già, hôm nay vì là ngày Lễ Tạ Ơn, nên có tổ chức văn nghệ bỏ túi, hát cho nhau nghe, tất cả những ông bà nào tham gia chương trình văn nghệ thì được mời lên lấy tông, để ban nhạc dễ dàng đánh theo, kẻo giọng thì một nơi còn đàn thì một nẻo, không giống ai. Có một ông bác hôm nay góp vui cho chương trình bằng cách kéo đàn violin.

Tội nghiệp, xưa kia kéo đàn một cây xanh dờn, nhưng vì bao nhiêu năm tù tội, được thả ra sau mười mấy cuốn lịch, tay chân ông bây giờ run rẩy và không còn một tí gì là tay kéo đàn của. ... một thời!? Ông bác này cũng y như mọi người là xếp hàng để lấy tông với ban nhạc, rồi thì tự mình cắm giây điện cho cây đàn violin của ông. Khổ nỗi tiếng đàn của ông cất lên thì liền bị những ông bà khác phản đối bảo ông kéo đàn y như là đàn đám ma vậy!

Đừng kéo nữa. ... Nhưng ông đã giả lơ và vẫn tiếp tục cho đến khi cô giám đốc yêu cầu ông ngưng. Sau đó thì mọi người bắt đầu chương trình và không còn để ý đến ông nữa, cho dù ông tỏ vẻ rất đau khổ và rất thất vọng với sự sử xự của mọi người dành cho ông trong ngày Lễ Tạ Ơn.

Bà vợ tiếp tục công việc đi đo áp huyết cho tất cả mọi người còn lại, vô tình ông bác này lại trong danh sách những bác chưa được đo. Đến ông xin phép để đo thì ông bảo không đo cũng được với vẻ mặt còn rất giận hờn và bất mãn, nhưng rồi thì cũng phải để cho đo. Vì thời giờ có hạn nên bà vợ đã nhờ hai cô y tá khác nữa phụ, nhưng vì họ không rành ai ra ai, nên bà vợ phải chỉ cho họ, để công việc được xong nhanh chóng, vì giờ cơm trưa cũng gần kề. Máy áp huyết còn đang đo cho ông, bà vợ trở lại liền để xem áp huyết của ông và ghi chép vào sổ sách, thế là ông buông những lời trách móc với vẻ cằn cọc vô lối, trước mặt những ông bà bác khác ngồi chung quanh ông.

Bộ mặt cáu kỉnh khó thương của ông, nhắc bà vợ một khuôn mặt của ông chồng cũng rất khó thương của bà sáng nay. Quý vị thử nghĩ xem bà vợ sẽ nói với ông bác này những gì? Bà đã trút hết những bực mình của bà trên ông bác này ư!? Bà đã cho ông một mách những lời cũng phũ phàng như ông đã nói với bà ư!? Bởi ông không có quyền có những lời nói đó với y tá phục vụ tốt cho ông. Bởi lẽ bà cũng không phải là y tá của riêng ông.

Bà vợ giằn lòng, hít một hơi thở cho thật sâu, suy nghĩ những gì mình nên nói, và không quên cầu nguyện với Chúa cho bà những lời lẽ khôn ngoan. Không làm buồn lòng ai, không làm ai phẫn nộ, không làm ai giận hờn, và bà dâng lên cho Chúa tất cả những gì làm cho bà không vui suốt từ sáng đến giờ, để trở thành những bó hoa thiêng dâng lên tòa cao Thiên Chúa, trong ngày Lễ Tạ Ơn này! Bà cũng muốn mọi người thấy rằng sự sử xự của bà không giống với những người khác mà họ thường thấy!

Bà đã kiên nhẫn cắt nghĩa cho ông nghe để ông thấy ông hơi vô lối trong những lời lẽ ông đã thốt ra. Bà đã kiên nhẫn làm cho ông ngơi cơn giận chất chứa tận đáy lòng suốt từ sáng sớm. Sau cùng bà đã làm cho ông cười được và nhắc nhở nhau hôm nay là ngày Lễ Tạ Ơn. Vâng, ta hãy nhớ hôm nay là ngày ta phải Tạ Ơn Thiên Chúa, tạ ơn người, và tạ ơn đời. Mọi sự phải được bỏ qua để sống trong tâm tình Tạ Ơn. Nhiều khi mọi sự việc khởi sự bằng một lời nói rất ư là vô thức hay chỉ vô tình mà không cố ý. Chúng ta nên bỏ qua và đừng nên đào bới sâu chỉ vì một lời nói vô thưởng vô phạt. Một lời nói dịu dàng. Một nụ cười thân thiện. Một cái vỗ vai bỏ qua. Một cái gật ý nhị. Tất cả bằng 100 thang thuốc bổ. Được như thế quả còn gì bằng thưa có phải không? Bổ béo gì khi ta được một câu nói mỉa mai? Tốt lành gì khi ta nói cho hả dạ? Hạnh phúc gì khi ta cứ cho nhau những lời nói cay đắng? Rồi một ngày nào đó, những lời nói của ta sẽ làm cho từng người một bỏ ta ra đi, thề không bao giờ trở lại. ... Vì lời nói mà giữa cha mẹ với con cái như hố sau ngăn cách. Vì lời nói mà tan vỡ tình vợ chồng. Vì lời nói mà ta sống cô đơn. Vì lời nói mà ta phạm tội đến Thiên Chúa. Vì lời nói mà ta sẽ phải sống đời đời kiếp kiếp nơi Hỏa Ngục, bởi lời nói độc ác thì như con dao bén có thể giết chết người. Bởi lời nói độc ác đưa đến hành động và việc làm độc ác, thưa có phải không?

Nhờ Ơn Chúa Thánh Linh, bà vợ cũng đã nguôi cơn giận, như trăm ngàn lần trước đó! Bởi bà nghiệm thấy rằng sự giận hờn không đem lại một sự lợi lộc nào mà ngược lại làm cho sức khoẻ của ta kém đi nhiều và già trước tuổi. Ai lại muốn người đời gán tặng cho mình những câu như: Bà giáo già; cái bản mặt như ai ăn hết của; cái mặt như mắc bệnh táo bón quanh năm; cái mặt đăm đăm lầm lầm lì lì khó thương; cái mặt đó mà gặp phải ngay cái ngày Tết là xui suốt năm;. .....

Lậy Ba Ngôi Thiên Chúa!

Nhân ngày Lễ Tạ Ơn, con, gia đình, và toàn thể anh chị em nhân loại chúng con xin dâng lên Thiên Chúa lời Cảm Tạ Tri Ân và lòng Biết Ơn sâu xa của chúng con. Chúa đã ban ơn thật nhiều nhưng lòng tham vô đáy của chúng con vẫn không bao giờ cảm thấy đủ!? Xin ban cho chúng con nhận biết rằng ngoài Chúa ra, chúng con chẳng là gì cả! Xin cho chúng con biết chấp nhận Thánh Giá Chúa trao ban cho từng người chúng con, và xem đó là hồng ân tốt lành nhất, bởi là con người thì ai mà chẳng khổ, bởi có phải Chúa là Thiên Chúa mà sinh ra với thân phận là con người nghèo khổ y chang như chúng con đây không? Xin ban cho chúng con mỗi ngày một nên giống Chúa là luôn yêu thương, chia sẻ, thông cảm, và chịu đựng hy sinh vì lòng mến yêu Chúa và tha nhân như yêu chính mình. Amen.
 
Tâm tình tạ ơn
Nguyễn Kim Ngân
00:05 27/11/2008

TÂM TÌNH TẠ ƠN



Thu về rồi. Sắc thu tràn xuống, nhuộm thắm cả một góc vườn nơi những gốc hồng đang thay lá, làm cho cả lá và trái chìm vào một biển mầu rực rỡ không bút nào tả xiết. Thu cũng khoác lên hàng phong lá nhỏ ngoài kia cái mầu vàng óng ả, chỉ thấy được khi tiết thu lành lạnh len lén tràn về thay cho làn hơi nóng của mùa hè vừa vẫy tay từ giã. Cùng với làn hơi thu, quyện trong mầu áo thu, mùa Tạ Ơn cũng trở về theo.

Con cám ơn Đức Chúa Trời là Chúa lòng lành vô cùng, chẳng bỏ con, chẳng để con không đời đời, mà lại sinh ra con, cho con được làm người…”

Chưa có mùa Tạ Ơn nào như năm nay, khi bỗng thấy thấm thía lạ lùng những lời lẽ trong “Kinh Cám Ơn” mà ông thầy triết ngày xưa đã từng ví von là “lời kinh hữu thể học.” Quả đúng vậy, tuy tầm thường thế đấy, nhưng hiện hữu—sự có đó của vũ trụ, của hữu thể—đã là một trong những đề tài muôn thuở của triết học, nhất là của triết học phương tây.

Chưa bao giờ lời ví von của ông thầy xưa lại chính xác và hợp thời như lúc này. Phải, Chúa đã không nỡ để tôi “không” đời đời. Từ trong cõi thăm thẳm hun hút của hư vô, tiếng Chúa bỗng cất lên, dõng dạc xướng đích danh tôi. Tức thì hư vô sập đổ, và từ trong đống đổ nát ấy, tôi từ từ xuất hiện. Đó là thời khắc Thiên Chúa dựng nên tôi.

Chẳng phải là văn chương đâu nhé. Càng không phải là thần thoại. Đây chính là sự thực, một sự thực vô cùng qúy giá mà thiết tưởng, một tạo vật như tôi chẳng bao giờ báo đền Hoá Công cho đủ. Vì yêu thương, Chúa đã dựng nên tôi, khởi đi từ cõi hư vô.

Đúng, đây là sự thực đã được đề cập đến trong biên bản kỳ Thượng Hội Đồng Đặc Biệt vừa qua khi các nghị phụ bàn về Lời Chúa, trong đó có đoạn: “Thiên Chúa là một tiếng nói, bước vào sân khấu ngay từ buổi hừng đông của cuộc tạo dựng, khi nó xé toang bức màn thinh lặng của hư vô…Tạo dựng không phải là cuộc chiến giữa các vị thần thánh, như viết trong huyền thoại vùng Lưỡng Hà Điạ, mà là một lời nói đánh bại cả hư không, ngõ hầu tạo dựng nên hữu thể…Y như thánh Phaolô đã nhắc nhở, ‘Thiên Chúa đem sức sống đến cho nỗi chết, và kêu gọi cái không hiện hữu trở thành hữu thể’ (Roma 4:17).

Có bao giờ bạn tưởng tượng nếu Chúa không dựng nên bạn thì sao chăng? Có bao giờ bạn tự hỏi ‘Nếu tôi không hề hiện hữu thì thế giới này, cõi đời này, sẽ ra sao chăng? Nếu tôi không hiện hữu thì liệu cõi đời này có giống như điều người ta vẫn thường hay nói ‘không có mợ thì chợ vẫn đông’ không? Thật khó có câu trả lời. Lý do đơn giản là, nếu tôi không hiện hữu, thì chẳng có gì để nói cả. Không có gì, tuyệt nhiên, không có gì hết!

Nhưng tất cả đã đổi khác. Tất cả đã không còn như trước nữa, khi tôi có mặt trên đời, khi tôi được Thiên Chúa kéo ra từ cõi hư không. Đó là mới chỉ kể đến chính hiện hữu mà thôi, chứ chưa hề nói đến những phẩm chất của hiện hữu. Chỉ nguyên hiện hữu không thôi cũng đã đủ, cũng đã chẳng sao mà nói hết được. Hiện hữu là khôn tả.

Vì lẽ đó, mùa Tạ Ơn năm nay, điều tôi cảm tạ Chúa trước hết và trên hết, chính là “vì Chúa đã chẳng để con ‘không’ đời đời, mà lại sinh ra con, cho con được làm người.”

Nói vậy chứ không phải dễ dàng và đơn giản thế đâu, nhất là trong thời đại hôm nay, khi người ta nhân danh quyền tự do lựạ chọn, xuống đường lớn tiếng đấu tranh, dành cho được quyền tận diệt mầm sống. Nói khác đi, quyền đảo ngược tiếng nói của Chúa, để đẩy hữu thể dội ngược trở vào hư vô. Thật là vô cùng nghịch lý và phi lý. Nếu “có còn hơn không,” như xưa rầy vẫn thế, thì tại sao lại phải làm cho có thành không?

Chính vì thế mà mới đây, trong hội nghị các Giám Mục Hoa Kỳ, Đức Giám Mục Robert J. Hermann, giám quản Tổng Giáo Phận (TGP) St. Louis, đã tuyên bố rằng: “Bất kỳ một Giám Mục nào cũng có đặc quyền là được chết, nội trong ngày mai, để có thể chấm dứt ngay cái tệ nạn phá thai. Nếu chúng ta sẵn sàng chết, nội trong ngày mai, thì cho đến tận cuối đời, chúng ta cũng sẽ sẵn sàng đón nhận các lời phê phán chỉ vì chúng ta chống lại tệ nạn sát hại thơ nhi này.” Ngài còn thêm rằng người Công Giáo phải đáp ứng lại tệ nạn phá thai sao cho tương ứng với tầm mức của thảm nạn này.

Ngài cho rằng chỉ trong vòng 35 năm vừa qua, chúng ta đã mất đi các trẻ em nhiều gấp 50 lần con số các quân nhân tử trận trong các cuộc chiến từ thời Cách Mạng đến nay.

Thế nhưng có vẻ như thiên hạ chẳng hề biết đến con số 50 triệu trẻ em đã từng bị sát hại. Người ta đã làm đủ mọi cách để cứu những chú cá voi con, thế mà lại đi bỏ phiếu cho lũ chính khách phò phá thai—điều này chẳng mang một ý nghĩa nào cả. Lẽ ra thì đã có thêm cả năm chục triệu người Hoa Kỳ nữa. Quý vị nào dưới 35 tuổi đều có thể quay qua quay lại chung quanh mình để hỏi xem những người đó đang ở đâu. Để rồi sẽ kết luận: “Hên cho tôi quá, tôi còn sống đây!”

Đàng sau cái gọi là chương trình Kế Hoạch Hóa gia đình, đàng sau cái gọi là phò phá thai, đó chính là tội ác. Con người chúng ta đang trở thành nạn nhân của thứ tội ác này. Phải cứu lấy các trẻ em đang bị truy diệt, nhưng cũng phải cứu cả người lớn nữa bởi vì họ cũng đang ở bên bờ huỷ diệt miên viễn.

Vấn đề phá thai thật sự quan trọng, chính bởi vì nếu cái quyền sống căn bản mà không được bảo đảm, thì còn có thứ quyền gì tồn tại và có ý nghĩa nữa?

Đúng vậy, có rồi thì mới lựa chọn được chứ! Còn nếu không hiện hữu, nếu không có đây, thì còn chọn với lưạ gì nữa? Tiếc thay, điều xem ra là rất hiển nhiên này người ta cũng chẳng nhìn thấy!

Thì ra, đúng như Đức Tống GM Charles Chaput của TGP Denver đã nhận xét: “Qua hành động của chính những người công giáo, ta đã chứng kiến một thứ chủ nghĩa vô thần thực tiễn: đó là thờ Chúa bằng đầu môi chóp lưỡi, còn trong thực tế thì cứ coi Ngài như không hề có. Nhiều người chẳng thấy mình cần đến một đấng cứu đô. Quả vậy, người ta thấy chẳng có gì cần được cứu độ cả.” Đó mới chính là điều đáng sợ: người ta đang giẫy chết mà lại không hay biết gì cả.

“Thà như giọt mưa, ướt trên tượng đá; thà như giọt mưa, khô trên tượng đá; thà như mưa gió, đến ôm tượng đá, có còn hơn không, có còn hơn không...” Bất giác lời ca của Nguyễn Tất Nhiên lại vọng về, đậm đà, ý nghĩa, như thấm nhẹ vào hồn, len lỏi vào từng mạch tim. Và cũng không dưng, “lời kinh hữu thể” lại rung lên mấp máy trên môi lúc nào không hay: “Con cám ơn Đức Chúa Trời là Chúa lòng lành vô cùng, chẳng bỏ con, chẳng để con không đời đời, mà lại sinh ra con, cho con được làm người…”

Thu vẫn bàng bạc ngoài kia với những xác lá vàng rải rắc trên thảm cỏ xanh...

Mùa Tạ Ơn 2008
 
Bài Giáo Lý mới XIV của ĐTC Bênêđictô XVI về Thánh Phaolô: Đức Tin phải được thể hiện trong Đức Ái
Phaolô Phạm xuân Khôi chuyển ngữ
00:31 27/11/2008
Dưới đây là bản dịch bài huấn từ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI về Thánh Phaolô trong buổi triều yết chung vào ngày Thứ Tư 26/11/2008 tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về chân dung và tư tưởng của Thánh Phaolô. Có sự hiện diện của Đức Giáo Chủ Aram I của Cilicia thuộc Giáo Hội Armênia.

* * *


Anh chị em thân mến,

Trong bài Giáo Lý Thứ Tư tuần trước, Cha đã bàn đến việc làm thế nào để một người được trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa. Theo Thánh Phaolô, chúng ta thấy rằng một người không thể trở nên “công chính” nhờ những việc làm riêng của mình, nhưng có thể thật sự trở nên “công chính” chỉ bởi vì Thiên Chúa ban cho người ấy “ơn công chính” qua việc kết hợp với Con Ngài là Đức Kitô. Và con người có được sự kết hợp với Đức Kitô này nhờ Đức Tin. Đó là lý do tại sao Thánh Phaolô bảo chúng ta rằng, không phải việc làm của chúng ta, nhưng Đức Tin làm cho chúng ta nên “công chính”. Tuy nhiên Đức Tin này không phải là một tư tưởng, ý kiến, hay quan niệm. Đức Tin này là sự hiệp thông với Đức Kitô, mà Chúa ban cho chúng ta, và vì thế nó trở nên sự sống, sự phù hợp với Người. Hay nói cách khác, nếu Đức Tin có thật, nếu Đức Tin chân chính, nó trở thành tình yêu, nó trở thành Đức Ái, nó phải được diễn tả bằng Đức Ái. Một Đức Tin không có tình yêu, không có hoa trái, không thể là Đức Tin thật. Nó phải là một Đức Tin chết.

Như vậy chúng ta đã khám phá ra hai mức độ trong bài Giáo Lý trước: một là của thiếu xót của các hành động của chúng ta, của các việc làm của chúng ta, để đạt được ơn cứu độ, và hai là của “ơn công chính hoá” nhờ Đức Tin, một Đức Tin sinh hoa quả của Chúa Thánh Thần. Sự lẫn lộn giữa hai mức độ này đã gây ra nhiều hiểu lầm trong Kitô giáo trong nhiều thế kỷ qua.

Trong phạm vi này, điều quan trọng là Thánh Phaolô trong Thư gửi tín hữu Galatê, một đàng thì nhấn mạnh một cách quá đáng đến ơn công chính hóa mà chúng ta nhận được cách nhưng không chứ không nhờ việc làm, đồng thời ngài cũng nhấn mạnh đến liên hệ giữa Đức Tin và Đức Ái, giữa Đức Tin và việc làm: “trong Ðức Giêsu Kitô, cắt bì hay không cắt bì đều không có giá trị gì cả, mà là đức tin hoạt động qua Đức Ái” (Gal 5:6). Cũng thế, một đàng có “những việc làm của xác thịt”, đó là “dâm đãng, ô uế, phóng túng, thờ tà thần,…” (Gal 5:19-21): đó là những việc làm trái ngược với Đức Tin; đằng khác, có những việc làm của Chúa Thánh Thần, là những việc làm nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu bằng cách tạo ra “bác ái, vui mừng, bình an, kiên nhẫn, nhân hậu, hào hiệp, trung tín, khiêm nhường, và tự chủ” (Gal 5:22): đó là những hoa quả của Chúa Thánh Thần, được sinh ra nhờ Đức Tin.

Đứng đầu của danh sách các nhân đức này là ágape, Đức Ái, và đứng cuối là tự chủ. Trên thực tế, Chúa Thánh Thần, chính là Tình Yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con, truyền hồng ân thứ nhất, ágape, vào lòng chúng ta (x. Rm 5:5); và ágape, Đức Ái, để được diễn tả cách đầy đủ cần phải có sự tự chủ. Trong Thông Điệp đầu tiên của Cha, “Deus Caritas Est”, Cha đã nói về Tình Yêu của Chúa Cha và Chúa Con, là điều đến với chúng ta và biến đổi cuộc đời chúng ta một cách sâu xa. Các tín hữu biết rằng trong sự yêu thương lẫn nhau tình yêu của Chúa Cha và Đức Kitô được biểu hiện bằng Chúa Thánh Thần.

Chúng ta hãy trở lại Thư gửi tín hữu Galatê. Ở đây, Thánh Phaolô đã nói rằng, các tín hữu làm trọn giới luật yêu thương bằng cách vác đỡ gánh nặng của nhau (x. Gal 6:2). Được nên công chính nhờ hồng ân Đức Tin vào Đức Kitô, chúng ta được mời gọi sống cho tha nhân trong tình yêu của Đức Kitô, bởi vò đó là điều kiện mà dựa vào đấy Chúa sẽ xét xử chúng ta ở cuối cuộc đời. Trên thực tế, Thánh Phaolô không làm gì khác hơn là nhắc lại những gì chính Chúa Giêsu đã nói, mà chúng ta đã nhắc lại trong bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước, trong dụ ngôn về Ngày Chung Phán.

Chúng ta hãy trở lại Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrinthô, Thánh Phaolô cống hiến cho chúng ta một bài ca tụng tình yêu thời danh; còn được gọi là Bài Ca Đức Ái: “Nếu tôi nói được các ngôn ngữ của loài người và của các thiên sứ, mà không có Đức Ái, thì tôi cũng sẽ không khác gì một cái chiêng inh ỏi, hay một cái cồng rền vang…. Đức ái thì kiên nhẫn, ân cần, không ghen tương, không khoe khoang, không tự đắc, không thô lỗ, không tìm tư lợi,.. .” (1 Cor 13:1,4-5).

Tình yêu Kitô đòi hỏi rất nhiều bởi vì nó phát sinh từ tình yêu hoàn toàn mà Đức Kitô dành cho chúng ta: tình yêu này đòi buộc chúng ta, đón chào chúng ta, ấp ủ chúng ta, nuôi dưỡng chúng ta, và ngay cả hành hạ chúng ta, bởi vì nó đòi chúng ta phải không còn sống cho chính mình, không còn khép kín trong tính ích kỷ nữa, nhưng sống cho “Đấng đã chết và sống lại cho chúng ta” (x. 2 Cor 5:15). Tình yêu của Đức Kitô làm cho chúng ta trở thành tạo vật mới này trong Người (x. 2 Cor 5:17), được vào để hợp thành nhiệm phần tử của Nhiệm Thể của Người là Hội Thánh.

Từ quan điểm này, vị trí trung tâm của sự công chính hóa không cần việc làm, là mục tiêu chính của việc rao giảng của Thánh Phaolô, không trái ngược với Đức Tin hoạt động trong Đức Ái. Trái lại, chính Đức Tin của chúng ta cần phải được diễn tả trong đời sống theo Chúa Thánh Thần. Thường người ta thấy những quan điểm trái ngược vô căn cứ giữa thần học của Thánh Phaolô và Thánh Giacôbê, là đấng đã nói trong thư của ngài: “Vì như một thân xác không có thần khí là một xác chết, thì đức tin không có việc làm cũng là đức tin chết” (2:26).

Trên thực tế, trong khi Thánh Phaolô quan tâm nhiều nhất đến việc chứng tỏ rằng Đức Tin vào Đức Kitô là điều cần và đủ, Thánh Giacôbê nhấn mạnh đến kết quả của sự liên hệ giữa Đức tin và việc làm (x. Gia 2:2-4). Cho nên, đối với Thánh Phaolô và Thánh Giacôbê, Đức Tin hoạt động trong Đức Ái làm chứng cho hống ân nhưng không của ơn công chính hóa trong Đức Kitô. Ơn Cứu Độ mà chúng ta nhận được trong Đức Kitô, cần được bảo vệ và làm chứng “với sự kính sợ và run rẩy. Vì chính Thiên Chúa tác động trong anh em, cả trong ý chí cũng như việc làm theo lòng nhân lành của Người. Vậy anh em hãy làm mọi việc mà không phàn nàn hay thắc mắc… trong khi anh em tuân giữ Lời ban sự sống” như Thánh Phaolô phải nói ngay cả với các Kitô hữu ở Philipphê (x. Phil 2:12-14,16).

Chúng ta thường có khuynh hướng rơi vào cùng một sự hiểu lầm đã biểu thị cho cộng đồng Côrinthô: Các Kitô hữu ấy đã nghĩ rằng sau khi được công chính hóa cách nhưng không trong Đức Kitô nhờ Đức Tin, thì họ “được phép làm mọi sự”. Và họ đã nghĩ, và xem ra các Kitô hữu ngày nay cũng thường nghĩ, rằng được phép gây chia rẽ trong Hội Thánh, Thân Mình Đức Kitô, để cử hành Thánh Thể mà không đếm xỉa gì đến những anh em nghèo khổ nhất, để ao ước được những đặc sủng tốt nhất, mà không biết rằng họ là chi thể của nhau, vv…

Hậu quả của Đức Tin không được hiện thân trong Đức Ái tai hại khôn lường, bởi vì nó biến thành một lạm dụng nguy hiểm nhất và thành chủ nghĩa chủ quan đối với chúng ta và anh em chúng ta. Ngược lại, theo Thánh Phaolô, chúng ta phải đổi mới ý thức của mình về sự thật là, chính vì chúng ta đã được công chính hóa trong Đức Kitô, mà chúng ta không còn thuộc về mình nữa, nhưng đã được trở thành Đền Thờ Chúa Thánh Thần, và như thế được mời gọi để làm vinh danh Thiên Chúa trong thân xác mình cùng với toàn thể cuộc đời mình (x. 1 Cor 6:19). Nếu sau khi đã được mua bằng giá rất đắt là Máu của Đức Kitô, mà chúng ta không làm vinh danh Thiên Chúa trong thân xác mình, thì đó là khinh miệt giá trị vô song của ơn công chính hóa.

Trên thực tế, đó chính là sự phụng thờ “hợp lý” và đồng thời “trong tinh thần” mà vì thế Thánh Phaolô khuyên nhủ chúng ta “hãy hiến dâng thân xác anh em như một của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12:1). Một phụng vụ sẽ trở thành cái gì nếu chỉ hướng về Chúa, mà đồng thời không trở thành việc phục vụ anh em, có phải thành một Đức Tin không được diễn tả qua Đức Ái không? Và Thánh Tôngh Đồ thường đặt các cộng đoàn của ngài trước Cuộc Phán Xét Chung, trong đó “tất cả chúng ta đều phải ra trước toà án của Ðức Kitô, để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc đã làm khi còn ở trong thân xác, dù là việc tốt hay xấu” (2 Cor 5:10; x. Rm 2:16).

Nếu đạo lý mà Thánh Phaolô đề ra cho các tín hữu không biến thành những hình thức vụ đạo lý, và nếu nó còn được làm sáng tỏ cho chúng ta ngày nay, chính bởi vì nó luôn bắt đầu lại từ liên hệ giữa cá nhân và cộng đoàn với Đức Kitô, để được thể hiện trong đời sống theo Chúa Thánh Thần. Đây là điều cần thiết: Đạo lý Kitô giáo không phát sinh từ một hệ thống các giới răn, nhưng trái lại là kết quả thật sự của tình bằng hữu của chúng ta với Đức Kitô. Tình bằng hữu này ảnh hưởng đến đời sống: Nếu điều này đúng, thì tình bằng hữu này hiện thân và hoàn thành trong việc yêu thương những người lân cận. Như thế, bất cứ một sự thoái hóa nào về đạo đức không chỉ giới hạn trong phạm vi cá nhân, nhưng đồng thời cũng làm giảm sút Đức Tin cá nhân và cộng đoàn: là nơi mà chúng ta nhận được Đức Tin, và chịu ảnh hưởng rõ ràng bởi chúng ta.

Cho nên, chúng ta hãy để cho sự hòa giải mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta trong Đức Kitô, để cho tình yêu “điên dại” của Thien Chúa dành cho chúng ta, chạm đến chúng ta: Không ai và không gì có thể tách rời chúng ta ra khỏi tình yêu của Ngài (x. Rm 8:39). Chúng ta sống với niềm xác tín này. Và niềm xác tín này cho chúng ta sức mạnh để sống Đức Tin hoạt động trong Đức Ái một cách cụ thể.
 
Phải canh thức
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
06:36 27/11/2008
CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG, năm B

Mc 13,33-37

Cuộc đời con người là một sự đợi chờ liên lỉ. Ai mà chẳng đợi chờ. Có những việc đợi chờ làm con người sốt ruột, nôn nao, căng thẳng. Có những sự đợi chờ làm con người vui tươi, hạnh phúc như chờ đợi kết quả cuộc thi mà ta nắm chắc đậu một trăm phần trăm hay chờ đợi mẹ đi chợ về mua quà, mua đồ chơi cho ta. Tất cả đời người đều là một cuộc đợi chờ: đợi chờ trong hy vọng, đợi chờ trong niềm tin và đợi chờ trong thất vọng ê chề. Mùa vọng là mùa đợi chờ. Các Kitô hữu hướng về niềm vui gần mong đợi ngày giáng sinh, ngày Chúa đã đến để khai mở Nước Thiên Chúa và hướng về ngày cùng tận, ngày cánh chung, Chúa sẽ đến để phán xét kẻ lành kẻ dữ.

HÃY TỈNH THỨC VÌ KHÔNG BIẾT GIỜ NÀO, KHI NÀO CHỦ NHÀ ĐẾN:

Tin Mừng thánh Marcô căn dặn: ” Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến “. Chúa lay tỉnh con người, Chúa nói với con người phải tỉnh thức. Ở đây, tỉnh thức có nghĩa là mau mắn, sẵn sàng, không được thụ động ngủ vùi. Thái độ tỉnh thức phải là thái độ của năm cô trinh nữ khôn ngoan, đem dầu nhưng còn cẩn thận mang cả dầu nữa…Tỉnh thức như người đầy tớ thức trắng đêm vì ông chủ trở về bất ngờ. Tỉnh thức làm lợi như người được chủ giao 5 nén, 2 nén và 01 nén. Tỉnh thức như cụ già trong một câu chuyện: “ Hằng ngày ông cụ cứ ngồi trên xích đu mà chờ Chúa đến “. Chúa đến đột xuất, bí mật, bất ngờ nên Kitô hữu luôn phải có thái độ sẵn sàng để đón chờ Chúa đến. Trong bài đọc I, ngôn sứ Isaia cầu khẩn, van nài cùng Thiên Chúa: ” Vì tình thương…xin Ngài mau trở lại. Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống “. Đây là ước mong, là khát vọng của mọi người. Con người, loài người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, nên con người mong chờ ơn cứu chuộc của Chúa. Bài đọc II, thánh Phaolô đã cảm tạ Chúa vì Chúa thương ban cho cộng đoàn Corintô dồi dào ơn Chúa trong khi mong chờ Chúa Kitô tái giáng lâm, và thánh Phaolô cũng khuyên nhủ họ tiếp tục sống tốt, tuân theo lời Chúa để khỏi bị Chúa khiển trách khi Chúa Kitô lại đến. Do đó, Tin Mừng hôm nay kêu mời con người phải có thái độ tích cực tỉnh thức, nghĩa là phải trở về với lòng mình, phải trở về với Chúa để gặp Ngài và luôn phải bám chặt lấy Ngài.

PHẢI CHỜ CHỦ NHƯ THẾ NÀO ? :

Chờ đợi Chúa không có nghĩa là cứ đọc dăm câu kinh hay đi nhà thờ cho có lệ là đủ rồi, là nắm chắc phần thắng Nước Trời thuộc về mình. Ngôn sứ Isaia kêu mời những con người tội lỗi hãy mạnh dạn quay về với Thiên Chúa bởi vì chính vị ngôn sứ đã níu chặt lấy Chúa, van nài Chúa tha thứ lỗi lầm cho dân. Tỉnh thức ở đây không có nghĩa là khi chủ về thì họ đã mệt mỏi, nên li bì ngủ tiếp. Tỉnh thức ở đây là người tín hữu phải dọn mình xứng đáng để chờ gặp Chúa. Quả thực, Chúa đã đến và Chúa đang ở giữa nhân loại, ở giữa chúng con, hằng giây hằng phút Chúa hằng mong muốn đến với chúng con và ở với chúng con kia mà. Vấn đề của chúng con, của người môn đệ Chúa có chuẩn bị đón tiếp Chúa, có sẵn sàng để Chúa ở với mình hay không? Chỉ có một cách chờ đợi tốt nhất là tỉnh thức và cầu nguyện. Điều làm người môn đệ xa Chúa là không ý thức, không chuẩn bị, ngủ mê trong những ích kỷ, ươn hèn, lười biếng của mình bởi vì người môn đệ, loài người quá yêu mình đến nỗi đã quên Chúa, đã mất ý thức về Chúa.

THÁI ĐỘ PHẢI CÓ:

Để chờ đợi Chúa đến, các Kitô hữu phải có tâm tình thống hối thật sự, phải biết biến đổi nội tâm, tái Phúc Âm tâm hồn và biết làm những việc tốt đẹp theo con đường của Chúa. Người mộn đệ Chúa phải biết đọc ra những dấu chỉ của thời đại, phải biết nhận diện Chúa trong từng phút giây của cuộc sống, nhận rõ Chúa vì chỉ có Chúa mới là nguồn sống, là thuẫn đỡ chở che, là gia nghiệp đời đời của con người. Nhận rõ Chúa cũng có nghĩa là từ bỏ con người xấu xa tội lỗi để mặc lấy Chúa Kitô và như thánh Phaolô: ” Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi “. Nhận ra Chúa là biết từ bỏ những dục vọng, những ham mê, những ham muốn bất chính, những tham lam mù quáng lôi kéo con người xa Chúa.

ÁP DỤNG VÀO THỰC TẾ:

Nhiều Kitô hữu được rửa tội nhưng lại không hiểu biết giáo lý sâu xa, không hiểu thế nào là Đạo, thế nào là Chúa. Chính vì thế, họ thiếu tỉnh thức và cầu nguyện. Họ luôn chạy theo những trào lưu mới của thời đại, đặc biệt thế giới đang đi tới chỗ toàn cầu hóa, con người dễ chạy theo lợi nhuận, chạy theo tiền bạc, vật chất mà quên mất Chúa. Con người chỉ có thể gặp Chúa khi họ sẵn sàng tỉnh thức như năm cô trinh nữ khôn ngoan và như nguời khôn xây nhà trên đá.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết từ bỏ những gì là không đẹp lòng Chúa để chúng con càng ngày càng trở nên xứng đáng hơn hầu sẵn sàng đón Chúa ngự vào đền thờ tâm hồn chúng con. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ:

1. Muốn đón Chúa phải làm gì ?

2. Mùa vọng dạy chúng ta gì ?

3. Tại sao Chúa đã đến rồi mà lại phải đón Chúa đến nữa ?

4. Ngày Cánh Chung là ngày nào ?
 
Chúa đã làm Người - Canh Thức Giáng Sinh 2008
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
06:46 27/11/2008
CANH THỨC GIÁNG SINH NĂM 2008

CHÚA ĐÃ LÀM NGƯỜI

DẪN VÀO GIỜ CANH THỨC:

Anh chị em rất thân mến,

Trong giờ phút linh thiêng và hết sức quan trọng này, mỗi người chúng đã hãy hướng về Bêlem không phải chỉ bằng óc tưởng tượng mà đắm mình suy niệm về mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa làm người. Tin Mừng cứu rỗi của Hang Đá Bê Lem vẫn là lời hát của các thiên thần từ trời: ” Vinh danh Thiên Chúa trên trời và bình an dưới thế cho người Chúa thương “ Lc 2, 14 “. Sứ điệp của các thiên thần là sứ điệp Tình Yêu vô cùng kỳ diệu và sứ điệp từ hang Bêlem, nơi máng cỏ là sứ điệp của Con Thiên Chúa làm người “ Đến để phục vụ, chứ không để được phục vụ “.

Do đó, chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện:

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, vì quá yêu thương nhân loại, yêu thương con người, Cha đã sai Con Một của Cha là Đức Giêsu Kitô đến trần gian mặc xác phàm để sống với, sống vì, sống cho con người và đặc biệt hơn nữa để thực hiện chương trình yêu thương của Cha: ” cứu độ loài người “. Xin vì tình yêu cứu độ của Con Cha là Đức Giêsu Kitô, cho tất cả chúng con cũng biết cộng tác với Người để xây dựng một thế giới hòa bình, sống yêu thương và phục vụ như lòng Cha hằng mong ước. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Đ/. Amen.

PHẦN 1 : MONG CHỜ CHÚA ĐẾN

HÁT: Trông Đợi ( TCCĐ 275 )

NGƯỜI HƯỚNG DẪN: Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ, dựng nên con người để con người thay mặt Chúa trông coi vạn vật, xây dựng thế giới. Con người được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh Chúa. Kinh Thánh tường thuật rất rõ ràng, Thiên Chúa yêu thương con người, hằng ngày hiện ra trò chuyện thân mật với con người.Ađam và Eva trước khi sa ngã phạm tội đã sống rất hạnh phúc với nhau trong vườn địa đàng. Nhưng, con người đã phạm tội, đã nghe lời dụ dỗ của ma quỷ, nghe lời con rắn mà ăn trái cây Thiên Chúa đã cấm, chính vì thế, ông bà sợ Thiên Chúa “ Chúng nghe tiếng bước Thiên Chúa tản bộ trong vườn với gió hiu hiu thổi chiều hôm, và người với vợ đi núp mình khuất mặt Thiên Chúa giữa những cây trong vườn “( Stk 2, 8 ). Thiên Chúa đã xua đuổi Ađam và Eva ra khỏi vườn Êđen để con người canh tác đất đai tự đó con người đã được rút ra. Và Người đã đuổi Ađam đi. Và ở phía Đông vườn Êđen, Người đặt trấn đóng những Kêrubim và gươm hỏa hào chớp chớp để canh giữ lối cây sự sống ( Stk 3, 23-24 ).

Con người sẽ phải đổ mồ hôi, làm lụng vất vả mới có của ăn. Vợ sẽ mang nặng đẻ đau và sinh con, nuôi dưỡng con cái thật vất vả, cơ hàn.

Tuy nhiên, Thiên Chúa luôn yêu thương con người, Ngài có chương trình của Ngài. Ngài không bỏ rơi con người dù con người phản bội, phản nghịch lại Thiên Chúa.

Tuy nhiên, Thiên Chúa đã ra án phạt ngay từ đầu cho con rắn và người nữ: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” ( Stk 3, 14 ).

Con người đau khổ kêu van Thiên Chúa. Lời rên xiết của họ bi ai luôn là lời cậy trông liên lỉ của một mùa vọng bất tận:

Trời cao hãy đổ sương xuống

Và ngàn mây hãy mưa Đấng chuộc tội…

PHẤN 2: CHÚA ĐẾN CỨU DÂN NGƯỜI

HÁT: Chúa ra Đời ( TCCĐ 276 )

Cách đây 2008 năm, Con Thiên Chúa đã giáng sinh làm người để cứu độ nhân loại. Thiên Chúa sai Đức Giêsu Kitô đến trần gian để thực hiện chương trình yêu thương của Ngài. Tin Mừng thánh Luca tường thuật về cuộc đản sinh của Con Thiên Chúa như sau: “ Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Qui-ri-nô làm tổng trấn xứ Xy-ri. Ai nấy đều phải trở về nguyên quán mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giuse từ thành Na-gia-rét, miền Ga-li-lê lên thành vua Đavít tức là Bêlem, miền Giuđê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đavít. Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai. Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ “” ( Lc 2, 1-7 ). Rõ ràng, Chúa Giêsu đã chấp nhận sự khó nghèo để sinh ra và đó là sự lựa chọn của Thiên Chúa trong chương trình yêu thương của Ngài.

Con Thiên Chúa, Đấng Em-ma-nu-en nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta

đã chấp nhận kiếp sống nghèo khổ ngoại trừ tội lỗi, chính sự hòa đồng, đồng hóa với con người nghèo khó đã giúp nhiều người nhận ra bộ mặt đầy yêu thương của con Thiên Chúa làm người.

HÁT : Noel về ( TCCĐ 283 )

Kiếp khó nghèo của Đức Giêsu Kitô ở Nagiarét là bước đầu của kiếp làm người và qua kiếp sống lam lũ vất vả, Chúa từ từ làm cho nhân loại nhận ra tội lỗi của mình. Gioan Tẩy Giả đã là người nhận ra đầu tiên và chỉ cho mọi người thấy Đấng Cứu Thế đang xếp hàng với đoàn người tội lỗi đến xin ông làm phép rửa ở sông Giorđăng. Chính giờ phút này Gioan Tẩy Giả vẫn chưa nhận ra chương trình tình yêu của Thiên Chúa phải khởi đi từ việc sám hối, ăn năn. Chúa Giêsu cũng chịu phép rửa bởi tay Gioan Tiền Hô: “….Đang khi Chúa Giêsu cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con “.

Chúa Giêsu đã phục vụ, đã yêu thương mọi người. Do đó, Đức Cha Grard Bergie, trợ tá giáo phận Hamilton, Toronto đã nói: ” Trái yêu thương của chúng ta là phục vụ, phục vụ Chúa và phục vụ mọi người “. Đây là cách thức Chúa Giêsu đã cúi mình rửa chân cho các môn đệ: ”Ta đến để hầu hạ, chứ không phải để được hầu hạ “. Chúa lại đồng hóa với những con người nghèo khổ, trần trụi, đói khát, tù đày. Mỗi lần con người làm cho một trong những người đó là làm cho chính Chúa Giêsu…

PHẦN 3: GIÁO DỤC CÔNG GIÁO CÓ GIÁ TRỊ NHƯ VIÊN NGỌC TUYỆT VỜI.

Thư chung Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2007 với chủ đề: ” Giáo Dục hôm nay, Xã Hội và Xã Hội ngày mai “. Ngay trong lời mở đầu, Thư Chung đã viết: ”…lấy giáo dục Kitô Giáo làm chủ đề. Điều đó thật đúng lúc khi mà khắp nơi trên thế giới, giáo dục đang là một vấn đề thời sự nóng bỏng…”. Đức Cha Grard Bergie đã nói: ” Nền giáo dục công giáo có giá trị như một viên ngọc tuyệt vời cần phải được duy trì và bảo vệ “. Giáo dục để mọi người hiểu lương tâm Kitô Giáo là gì ? Giáo dục để Kitô hữu càng ngày càng hiểu Đạo tình thương của Chúa và như thế Công Bằng, Hòa Bình và Chân Lý là những điều Đức Giêsu Kitô đã dạy. Chúa đã đến không như một vị vua trần thế, nhưng Ngài đến để cho chiên và chiên được sống dồi dào (Ga 10, 10 ).

Con đường tình yêu của Chúa đã đi vẫn là con đường của mọi Kitô hữu phải bước đi. Cuộc hành trình theo Chúa tiến về Nước Trời không phải là một cuộc trẩy đi dễ dàng với những con đường rộng thênh thang, nhưng con đường đó là con đường hẹp, con đường thập giá.

Chúa đến để cứu độ, để yêu thương và phục vụ. Mọi Kitô hữu hãy noi gương Ngài và luôn sống yêu thương, hiệp nhất và bình an.

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam luôn mời gọi mọi Kitô hữu sống như Thầy đã yêu ( Ga 15, 12 ) bởi chính Thiên Chúa là Tình Yêu ( 1 Ga, 4-8 ).

Con Thiên Chúa làm người chỉ có một mục đích duy nhất là yêu, là cứu độ. Chúng ta hãy cùng Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse và Triều Thần Thánh chiêm ngắm và tạ ơn Thiên Chúa. Lời của các thiên thần vẫn vang lên:” Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương “” ( Lc 2, 14).

HÁT: Hát Khen Mừng Chúa giáng sinh

( Rước Chúa Hài Đồng ).
 
Thư của ĐGM Quy Nhơn nhân dịp Mùa Vọng
+Giám Mục Phêrô Nguyễn Soạn
10:59 27/11/2008
THƯ CỦA ĐỨC GIÁM MỤC GIÁO PHẬN QUI NHƠN GỞI CÁC LINH MỤC,

TU SĨ NAM NỮ, CHỦNG SINH VÀ ANH CHỊ EM TÍN HỮU GIÁO PHẬN QUI NHƠN

NHÂN DỊP MÙA VỌNG 2008


Anh chị em thân mến,

1. Khởi đầu năm phụng vụ mới bằng Mùa Vọng, Hội Thánh muốn chúng ta dọn tâm hồn để mừng mầu nhiệm Con Một Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Việc mừng kỷ niệm Chúa đến lần thứ nhất cũng nhắc nhở chúng ta hướng lòng về một tương lai với niềm tin và trông chờ Chúa đến lần thứ hai. Mùa Vọng là mùa trông chờ, mùa hướng về Lời Chúa hứa ban cơn cứu độ. Từ hai viễn tượng vừa quá khứ vừa tương lai của Mùa Vọng, Hội Thánh mời gọi chúng ta vừa sống thực hành Lời Chúa vừa sống tâm tình chờ đợi Chúa đến trong hân hoan. Có thể nói rằng sẽ không thể nào có niềm vui vĩnh cửu mai sau và hưởng nếm trong hiện tại nếu cuộc sống hôm nay chúng ta không sống làm chứng cho niềm hy vọng đó.

2. Năm nay Mùa Vọng đến với chúng ta trong tình hình kinh tế, xã hội thế giới đang trải qua nhiều biến động. Kinh tế nhiều quốc gia đang bị suy thoái và rơi vào khủng hoảng. Đời sống chúng ta cũng bị ảnh hưởng trầm trọng. Kèm theo đó nhiều tai nạn do sai lầm của con người và thiên tai liên tiếp xảy ra đã làm cho nhiều người phải đau khổ và mất mát nặng nề. Ngày nay người ta chạy theo phương thức sống “nóng vội kiếm tiền và cắm đầu hưởng thụ”. Hệ quả của nó là lối hành xử mạnh ai nấy sống, chụp giựt theo kiểu “ai nhanh tay thì hái được nhiều” và lối sống tiêu dùng hào nhoáng, chạy theo các giá trị ảo.

Về đời sống đạo, chúng ta cảm đội ơn Chúa đã ban cho gia đình giáo phận chúng ta nhiều hoa trái. Sinh hoạt giáo phận ngày càng khởi sắc với nhiều sáng kiến đóng góp của mọi thành phần Dân Chúa. Nhiều người trong anh chị em đã quảng đại hy sinh thì giờ, công sức cho giáo phận, giáo xứ. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều người sống hời hợt và bị cuốn hút chạy theo phương thức sống nói trên. Nhiều người không tha thiết và cảm thấy lạc lõng với sinh hoạt của giáo xứ nên dễ bị lôi cuốn theo chiều hướng xấu. Hiện nay con em chúng ta chịu sức ép nặng nề trong việc học ở trường và nhiều sinh hoạt khác kể cả ngày Chúa Nhật, nên rất ít thời giờ để học giáo lý, chăm lo đời sống đạo. Trong khi đó vì kế sinh nhai, nhiều gia đình lại không có bữa cơm chung và bỏ cả việc đạo đức tốt xưa nay là đọc kinh cầu nguyện sáng tối chung với nhau trong gia đình.

3. Trong bối cảnh ấy, nhiều người bị cám dỗ đi đến thất vọng, buông xuôi chẳng muốn làm gì để vượt qua khó khăn. Những quanh co tính toán của lòng tham, hố thẳm của dục vọng hưởng thụ, núi đồi gồ ghề của cái tôi ích kỷ có thể cản trở hay làm ta lạc lối trên con đường gặp Chúa. Những thách đố của cuộc sống làm cho lòng người dễ chao đảo nếu không được xây dựng trên nền móng đạo lý vững chắc. Là tín hữu, trong khi xây dựng đời mình, chúng ta xác tín rằng “không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Đức Giêsu Kitô” (1Cr 3, 11).

Lịch sử cứu độ giúp ta nhận ra Thiên Chúa là Cha nhân hậu, là Nhà Giáo Dục tuyệt vời và kỳ diệu nhất. “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; vào thời sau hết nầy, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1-2). Con người dù còn nhiều tội lỗi và yếu đuối nhưng Thiên Chúa vẫn luôn tha thứ và yêu mến. Chính Đức Giêsu là Lòng Thương xót Thiên Chúa nhập thể, vị Hoàng Tử Hòa Bình là động lực giúp con người vươn lên, giải thoát khỏi tội lỗi và sự dữ ngày càng đang lan tràn. Dù đang sống thực dụng đời nầy, nhưng tự thâm tâm con người ngày nay vẫn khao khát tìm kiếm hạnh phúc vĩnh cửu mai sau. Mùa Vọng, Hội Thánh muốn chúng ta hướng lòng đến ngày cánh chung, đó cũng là ngày “Thiên Chúa sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người, và trên toàn cõi đất, Người sẽ xóa sạch nổi ô nhục của Dân Người” (Is 25,8) và cho hưởng hạnh phúc đời đời. Trong cuộc sống, chúng ta hãy luôn khơi dậy và nuôi dưỡng niềm hy vọng đó nơi mình và nơi tha nhân. Mỗi người hãy trở nên chứng nhân cho niềm xác tín của mình: chỉ nơi Con Thiên Chúa làm người mà nhân loại được cứu độ và hạnh phúc đời đời.

4. Trong năm phụng vụ mới, xin tất cả chúng ta ý thức để cùng nhau xây dựng giáo xứ giàu sức sống. Là Hội Thánh thu nhỏ, giáo xú là cộng đoàn các tín hữu phải biết quan tâm để chu toàn sứ mạng loan báo cho mọi người nhận biết và đón nhận ơn cứu độ của Đức Kitô. Mọi người trong giáo xứ, hãy liên kết cùng nhau với cha sở như trong một gia đình. Tất cả hãy tìm những sáng kiến khả thi, góp phần mình để xây dựng giáo xứ sống động, trong đó mọi người đều chuyên chăm học hỏi và lắng nghe Lời Chúa; tích cực xây dựng sự hiếp nhất và hiệp thông; siêng năng tham dự thánh lễ và cầu nguyện chung; nhất là cùng nhau quyết tâm trở nên chứng nhân của Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh.

Việc xây dựng giáo xứ giàu sức sống phải khởi đi từ chính trong từng gia đình và trong từng tâm hồn. Mỗi gia đình hãy trở thành nơi Chúa ngự tức là một tổ ấm luôn đầy ắp yêu thương, nơi đó mọi người biết tôn trọng nhau và ứng xử bằng con tim. Gia đình là trường dạy yêu thương, trong đó cha mẹ là người thầy đầu tiên dạy cho con cái về tình yêu, về đức tin và luân lý. Khi cha mẹ ý thức giới hạn của mình về giáo dục, càng phải phối hợp hài hòa với nhà trường, đặc biệt là với giáo xứ. Gia đình có thể cọng tác với giáo xứ qua việc thúc dục con cái siêng năng tham gia các sinh hoạt của giáo xứ. Nhờ đó con em chúng ta trở nên người con thánh thiện và hiếu thảo, gia đình được hạnh phúc.

Chúng ta biết rằng cừ hành mầu nhiệm Nhập Thể là cử hành mầu nhiệm tình thương. Tình thương thường được biểu hiện qua sự quan tâm lẫn nhau bằng những việc lành bác ái. Chúng ta đừng bao giờ làm thiệt hại cho ai vì lợi ích riêng mình; không gây đau khổ cho người khác bằng ngôn từ hay hành động vì theo ý riêng ích kỷ của mình. Hơn nữa xung quanh ta còn biết bao người nghèo, người bị khủng hoảng về tinh thần, đau khổ thể xác, chúng ta hãy coi họ là hiện thân của Đức Kitô và hãy rộng lòng thương yêu giúp đỡ.

Trong Mùa Vọng, chúng ta hãy thanh tẩy tâm hồn để đón tiếp Chúa Hài Nhi Giêsu, đưa Chúa vào trong trái tim, trong gia đình và trong cuộc sống mình. Từ đó chúng ta mới có thể làm cho niềm hy vọng và niềm vui Giáng Sinh lan tỏa đến nhiều người xung quanh nữa.

Kính chúc anh chị em một Mùa Vọng thánh thiện, một Mùa Giáng Sinh thật sốt sắng và tràn đầy hồng ân Chúa Hài Đồng.

Tòa Giám Mục Qui Nhơn, ngày 16/11/2008

Phêrô Nguyễn Soạn

Giám Mục giáo phận Qui Nhơn
 
Giáo phận Lạng Sơn: Thư Mục Vụ Mùa Vọng
+GM Giuse Đặng Đức Ngân
12:29 27/11/2008
THƯ MỤC VỤ MÙA VỌNG
VÀ GIÁNG SINH NĂM 2008
của Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân


Mến gửi: Quý Cha, quý Tu sĩ Nam nữ, quý Chủng sinh,
Quý Ông Bà Anh chị em, trong gia đình Giáo phận Lạng sơn-Cao Bằng.

Mùa Vọng 2008 đang đến với chúng ta với nhiều ưu tư và lo lắng: kinh tế thế giới đang bị suy thoái nặng nề, đã làm bao người tại nhiều nơi trên thế giới bị mất công việc làm hoặc nghèo đói; tình hình chính trị thế giới cũng có nhiều biến động phức tạp; thiên tai mất mùa cũng liên tiếp xảy ra, thực phẩm sinh hoạt hàng ngày cũng gây lo lắng vì có những chất độc hại. Nhiều tỉnh thành ở Việt-nam và ngay Giáo phận Lạng sơn chúng ta cũng đã chứng kiến biết bao khó khăn thử thách vì mưa lũ, nước ngập làm mất mát thiệt hại về người, tài sản hoa mầu nhiều nơi mất trắng: những khó khăn nhiều khi đã làm nảy sinh những chán nản, thất vọng, buông xuôi. Chắc chắn trong lúc này chúng ta rất cần tới sức mạnh tinh thần để cố gắng khắc phục, vươn lên, cần hoàn thiện mình mỗi ngày để có thể vượt qua những khó khăn và thử thách. Đây là lúc rất cần toàn thể Cộng đồng Dân Chúa trong Giáo phận Lạng Sơn cùng trình bày những giá trị của niềm tin, với tình yêu mến Chúa và tha nhân, dám can đảm vượt khó trong nhẫn nại, làm chứng cho sự hiện diện sống động của Chúa trong Giáo Hội và thế giới hôm nay.

Muốn làm được điều đó, xin mời gọi quý Cha, quý Tu sĩ Nam nữ, quý Chủng sinh và toàn thể quý Ông bà anh chị em trong Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng cùng bước vào Mùa Vọng 2008 với tinh thần đặc biệt của Năm Thánh Phaolô: học hỏi nơi cuộc đời Thánh Nhân là gặp gỡ Chúa Kitô để thay đổi đời mình; gặp gỡ Chúa Kitô để cảm nhận đức tin và tình yêu mến; gặp gỡ Chúa Kitô để trở nên người phục vụ Tin Mừng của Chúa.

Giáo phận Lạng sơn-Cao Bằng của chúng ta là một Giáo phận truyền giáo, còn có nhiều khó khăn, thử thách: còn biết bao khó khăn trong hành trình truyền giáo, còn đó những thử thách đức tin, còn đó những thử thách lòng người, còn đó là thử thách nơi đời sống chứng tá cho giá trị Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô.

Vì vậy, rất mong tất cả chúng ta cùng cố gắng để Mùa Vọng năm nay trở nên mùa Ơn phúc, với tâm tình sám hối, nhìn nhận những khô khan, trễ nải, thờ ơ để thay đổi mình mỗi ngày, để cộng tác với Ơn Thánh Chúa mà góp phần là chứng tá Tin Mừng tình thương của Chúa Giêsu Kitô. Thánh Phaolô đã cộng tác với Ơn thánh Chúa để sống và giới thiệu Chân lý Tình yêu Cứu độ của Chúa Kitô cho dù những chặng đường đầy khó khăn, thử thách và chông gai thế nào; thì hành trình sống đạo của mỗi chúng ta cũng phải như vậy: cảm nhận tình yêu mến của Chúa Kitô, để nhận ra rằng có những lúc chúng ta chưa thật sự nhận ra sự hiện diện của Chúa mà sao lãng tình mến với Chúa, với Giáo hội và với anh chị em. Mùa Vọng là thời điểm thuận tiện cho chúng ta bắt đầu lại cuộc hành trình Đức Tin và Tình mến của mình theo gương Thánh Phaolô Tông đồ.

Đời sống của Thánh Phaolô sẽ là lời mời gọi chúng ta hãy gặp gỡ Chúa Kitô: gặp gỡ Chúa qua Giáo hội, gặp gỡ qua Lời Chúa, gặp gỡ qua Phụng vụ và Kinh nguyện; gặp gỡ cá nhân chúng ta với Ngài, gặp gỡ Chúa nơi tha nhân, gặp gỡ Ngài ở chính những thách đố của cuộc đời, để xin Chúa Kitô giúp chúng ta trở nên nhân chứng Đức Tin, Tình Yêu với sự sẻ chia Tin Mừng bằng chính ơn gọi riêng của mình trong cuộc sống hàng ngày:

* Khởi đi từ xây dựng gia đình Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng gồm tất cả mọi thành phần Dân Chúa, để sự hiệp nhất, tin tưởng, yêu mến là chứng nhân cho Đức Tin được thể hiện bằng Đức Ái Kitô giáo. Các Đấng bậc, Tu sĩ Nam nữ cùng mọi thành phần Dân Chúa hãy đến với gia đình anh chị em lương, giáo còn gặp khó khăn về tinh thần hay vật chất, đến bằng sức mạnh của Lời Chúa, sức mạnh của niềm tin, lòng can đảm vượt khó để sẻ chia, an ủi, khuyến khích, giúp đỡ. Mời gọi các giáo xứ, giáo họ, dòng tu, gia đình là môi trường thánh hóa đời sống Kitô hữu, để mỗi người thêm vững mạnh trong đời sống đức tin, trưởng thành trong đời sống nhân bản, sẵn sàng phục vụ cho lợi ích của cộng đồng Giáo Hội cũng như Xã hội.

* Mong các gia đình Kitô giáo trong Giáo phận ngày càng trở nên hình ảnh của Gia đình Thánh gia xưa: là môi trường giáo dục và trưởng thành Đức Tin, Tình Yêu, và Hiệp nhất. Ngoài việc tham dự Thánh lễ, các gia đình cần cầu nguyện chung với nhau. Hãy thánh hóa đời sống gia đình để những khó khăn về tình yêu gia đình như khủng hoảng, những tệ nạn xã hội, không cùng tôn giáo, con cái học hành chểnh mảng được khích lệ khi vợ chồng con cái cùng nâng đỡ nhau, cố gắng trong công việc làm, tạo điều kiện cho con cái hăng say học hành, cảm thông bảo ban khi con cái có lỗi, hiểu giá trị niềm tin của nhau, để cùng xây dựng gia đình hạnh phúc.

Giáo Hội và thế giới đang chờ đợi trong hy vọng nơi các chứng nhân Tin Mừng của Chúa Kitô trong môi trường Đức tin và cuộc đời. Xin mời gọi toàn thể Cộng đồng Dân Chúa Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng hãy là niềm hy vọng bằng đời sống âm thầm bé nhỏ của mình. Hãy thắp sáng lên bằng chính cuộc đời với những giá trị của Đức Tin Kitô vượt lên trên những khó khăn thử thách, Đức Mến được thực thi bằng niềm vui và nụ cười của Đức Ái, hãy trình bày Chúa Giêsu Kitô là Tất Cả và niềm Hy Vọng của chúng ta.

Xin kính chúc quý Cha, quý Tu sĩ Nam nữ, quý Chủng sinh, quý Ông bà anh chị em Mùa Vọng và Giáng sinh năm 2008 tràn đầy Ơn Thánh, can đảm, nghị lực với Phúc lành của Chúa Giêsu Kitô để cảm nhận Hạnh phúc, Niềm vui và Bình an.

Thân ái,
Lạng sơn, ngày 21 tháng 11 năm 2008
Giám Mục Giáo phận Lạng Sơn
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐTC nói: Luân lý Kitô giáo dựa trên tình bạn với Chúa Kitô
Nguyễn Quốc Tâm
22:21 27/11/2008
Đức tin không việc làm là đức tin chết

VATICAN CITY, NOV. 26, 2008 (Zenit.org).-ĐTC Benedict XVI nói: “Luân lý Kitô giáo không phải là một loạt những giới răn, nhưng nó khởi đi từ tình bạn với Chúa Kitô.”

ĐTC khẳng định điều này trong buổi triều yết chung ở quảng trường thánh Phêrô khi Ngài tiếp tục bài giáo huấn về đời sống và tư tưởng của thánh Phaolô.

Lấy lại chủ đề của tuần trước nói về sự công chính hóa, ĐTC giải thích rằng mặc dù sự công chính hóa là một hồng ân của Thiên Chúa nhờ đức tin, nhưng đức tin không thể hiện ra nơi đức ái là đức tin chết.

ĐTC giải thích: “Thánh Phaolô bảo chúng ta rằng không phải việc làm nhưng chính đức tin làm cho chúng ta nên công chính. Tuy nhiên, đức tin này không phải là một tư tưởng, một quan điểm hay một ý kiến. Nó là sự kết hiệp với Chúa Kitô. Thiên Chúa đã giao phó đức tin cho chúng ta và bởi điều này, đức tin trở nên sự sống của chúng ta bằng việc chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Hay nói cách khác, nếu đức tin thật sự chân chính, thì nó sẽ trở thành tình yêu, thành đức ái. Nó phải được diễn tả qua đức ái. Nếu đức tin không có đức ái, nghĩa là đức tin không sinh hoa kết quả, thì đấy không phải là một đức tin theo đúng nghĩa của nó. Nó là một đức tin chết.”

Ngài nói thêm rằng sự nhầm lẫn về điểm này đã và đang dẫn đến nhiều sự hiểu lầm trong lịch sử Kitô giáo.

Đức Benedict XVI nói: “Được công chính hóa nhờ ơn đức tin trong Chúa Kitô, chúng ta được mời gọi sống trong tình yêu của Chúa Kitô đối với người khác, bởi vì chúng ta sẽ bị xét xử theo tiêu chuẩn này trong ngày thế mạt. Trong thực tế, thánh Phaolô không làm gì khác ngoại trừ việc lặp lại chính điều Chúa Giêsu đã nói. Đây cũng là điều chúng ta nhắc nhớ lại trong bài tin mừng ngày Chúa nhật cuối năm phụng vụ, trong dụ ngôn về ngày chung thẩm.”

ĐTC tiếp tục: “Từ viễn cảnh này, trung tâm tính của sự công chính hóa không có việc làm – mục tiêu rao giảng hàng đầu của thánh Phaolô – không hề mâu thuẫn với đức đức tin hoạt động trong tình yêu. Trái lại, nó đòi hỏi chúng ta phải diễn tả tình yêu ra trong cuộc sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Đôi khi chúng ta nhận thấy có sự tương phản vô căn cứ giữa thần học của thánh Phaolô và của thánh Gioan khi thánh Gioan viết trong thư của của Ngài: ‘Vì cũng như thân xác không có linh hồn là xác chết, thì đức tin không có việc làm là đức tin chết.”

“Thực tế cho thấy, trong khi thánh Phaolô bận tâm hàng đầu với việc lý giải rằng đức tin vào Chúa Kitô là cần thiết và đầy đủ, thì thánh Gioan lại nhấn mạnh đến mối tương quan hợp lý giữa đức tin và việc làm. Do đó, đối với thánh Phaolô và thánh Gioan, đức tin hoạt động nơi tình yêu làm chứng cho ơn công chính hóa nhưng không trong Chúa Kitô.”

ĐTC cho rằng người Kitô hữu ngày hôm nay đang phải đối mặt với cùng một cám dỗ mà giáo đoàn Côrinthô đã phải đương đầu.

Ngài nói: “Được công chính hóa cách nhưng không trong Chúa Kitô nhờ đức tin, các Kitô hữu nghĩ rằng ‘mọi sự đều đã hợp pháp.’ Và họ nghĩ rằng, và dường như các tín hữu ngày nay thường nghĩ rằng thật là hợp pháp khi tạo ta những sự phân hóa trong Giáo Hội là thân thể của Chúa Kitô để cử hành bí tích thánh thể mà không cần quan tâm đến các anh chị em đang cần đến chúng ta nhất, để khát khao có được những đặc sủng tốt nhất mà không cần nhận ra rằng họ đều là chi thể của nhau…”

ĐTC tiếp tục: “Trái lại, theo gương thánh Phaolô, chúng ta nên canh tân ý thức của chúng ta theo điều này: bởi vì chúng ta rõ ràng đã và đang được công chính hóa trong Chúa Kitô, chúng ta không thuộc về chính mình nữa, nhưng đã trở nên đền thờ của Chúa Thánh Thần và do đó được mời gọi làm vinh danh Thiên Chúa nơi thân xác và với toàn bộ sự sống của chúng ta. Thật là một điều sỉ nhục đối với hồng ân vô giá của sự công chính hóa nếu chúng ta không làm vinh danh Chúa Kitô bằng con người của chúng ta sau khi đã được Ngài chuộc về với một giá quá lớn bằng máu của Ngài.”

ĐTC giải thích: “Do đó, luân lý Kitô giáo không bắt nguồn từ một hệ thống những giới răn, nhưng đúng hơn nó là kết quả của tình bạn giữa chúng ta với Chúa Kitô. Tình bạn này ảnh hưởng đến sự sống: nếu tình bạn này thật sự đúng nghĩa, thì nó sẽ được cụ thể hóa và phát huy hết mình nơi tình yêu đối với những người lân cận. Do đó, chúng ta hãy để cho mình bị chiếm hữu bởi sự hòa giải mà Thiên Chúa đã và đang ban cho chúng ta nơi Đức Kitô và bởi tình yêu ‘điên dại’ của Thiên Chúa đối với chúng ta: không ai và không có điều gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Ngài. Chúng ta sống với sự đoan chắc này. Và sự đoan chắc này ban cho chúng ta sức mạnh để sống cách cụ thể đức tin hoạt động trong tình yêu.”
 
Đức Thánh Cha Benedict XVI đau buồn vì các vụ tấn công tại Mumbai
Bùi Hữu Thư
22:40 27/11/2008

Đức Thánh Cha Benedict XVI đau buồn vì các vụ tấn công tại Mumbai



VATICAN CITY, ngày 27 tháng 11, 2008
(Zenit.org).- Sau vụ bộc phát các cuộc tấn công của quân khủng bố, ĐTC kêu gọi việc chấm dứt các hành động khủng bố vì gây nguy hại trầm trọng cho phẩm giá con người.

Điều này được khẳng định trong một điện tín do Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh gửi cho Đức Hồng Y Oswald Gracias, Tổng Giám Mục Mumbai, Ấn Độ.

Cho tới hôm nay, đã có 119 người được báo cáo thiệt mạng và 288 người bị thương trong một lô các cuộc tấn công được khởi sự đêm thứ tư và tiếp diễn cho tới hôm nay tại Mumbai. Người ta cho là nhóm quân phiệt Hồi giáo đã có trách nhiệm về các vụ này.

Điện tín được viết như sau, “Vì ĐTC hết sức ưu tư về sự bùng nổ các cuộc bạo hành tại Mumbai, ngài xin Đức Hồng Y chuyển đến gia đình của những nạn nhân bị thiệt mạng trong các cuộc tấn công dã man này lời phân ưu, và bầy tỏ sự hiệp nhất thiêng liêng của ngài với chính quyền, các công dân, và tất cả những ai lãnh chịu hậu quả. Đức Thánh Cha khẩn thiết kêu gọi chấm dứt tất cả mọi hành động khủng bố, gây thiệt hại đến gia đình nhân loại và làm xáo trộn nặng nề nền hòa bình và sự hợp quần cần thiết để xây dựng một nền văn minh xứng đáng với ơn gọi cao quý của con người là yêu mến Thiên Chúa và tha nhân.

"ĐTC cầu nguyện cho sự yên nghỉ của các linh hồn nạn nhân và khẩn xin Thiên Chúa ban ân sủng sức mạnh và sự ủi an cho những ai bị tổn thương và đang than khóc.”

Về phần Hội Đồng Giám Mục Ấn Độ, các giám mục cũng quả quyết lên án các cuộc tấn công khủng bố.

Tổng Giám Mục Stanislaus Fernandes, tổng thư ký của hội đồng cũng bầy tỏ lời chia buồn và ưu tư sâu đậm, ngài nói, “Các cuộc tấn công khủng bố tại nhiều nơi khác nhau ở Mumbai trong đó các người vô tội bị giết, người ngoại kiều bị chọn làm mục tiêu và các cảnh sát ưu tú bị thảm sát, là một trong những hành động dã man nhất và phải bị tất cả mọi người lên án bằng những lời mạnh mẽ nhất bởi. Khủng bố là sự dữ, và tất cả những ai có liên quan tới bất cứ hành động khủng bố nào đều là những kẻ chống lại nền tảng chính của đời sống con người, và đời sống là một điều thiêng liêng dưới mắt Thiên Chúa."
Tổng Giám Mục Stanislaus Fernandes
Đức Hồng Y Oswald Gracias
 
Top Stories
Vietnam: Catholic Detainees Involved In Church Land Disputes With Government To Be Tried
UCAN
13:06 27/11/2008
BANGKOK (UCAN) November 26, 2008 -- Ha Noi Catholics are upset at government authorities for planning to try eight lay Catholics involved in local Church-government land disputes on the same day an auxiliary bishop is to be ordained for the archdiocese.

Ha Noi city's Dong Da District Court "informed us that eight Catholics will go on trial Dec. 5 at the headquarters of the People's Committee of O Cho Dua ward, one kilometer away from our church," Redemptorist Father Pierre Nguyen Van Khai told UCA News on Nov. 24.

Father Khai works at Redemptorist-run Thai Ha parish, where hundreds of Catholics occupied a former plot of Church land near the parish church on Aug. 15, feast of the Assumption. They put crosses and Marian statues at the plot, which the government confiscated in the early 1960's. The district court issued its summons Nov. 21 to four men and four women, who range in age from 21 to 63.

One of the four, Marie Nguyen Thi Nhi, an ethnic Muong woman, was arrested on Aug. 28 after she and other Muong Catholics played gongs and prayed at the site. The government is charging her with causing social disturbance. It has accused the others, all from the capital, of damaging public property and causing social disturbance.

A local Church source told UCA News on Nov. 25 that Nhi, who is from Hoa Binh province, and Ngo Thi Dung have been kept in Hoa Lo prison in the capital while others are under house arrest.

"Local Redemptorists and Catholics feel tense and angry at the court, who decided to try those innocent Catholics on Dec. 5, when our auxiliary bishop-elect Laurence Chu Van Minh of Ha Noi is scheduled to be ordained," Father Khai said. The government might want to cause difficulties for the local Church, knowing many Catholics want to attend the ordination, but authorities also might be afraid of many Catholics attending the trial, he suggested.

The priest revealed that the parish is asking lawyers for the accused to work with court officials to reschedule the trial on another day.

Jean Baptiste Nguyen Huu Vinh, a Catholic from the capital, told UCA News local Catholics "are very offended to hear the accused will be put on trial on the same day as the episcopal ordination."

Vinh said the eight accused are innocent, so fellow Catholics will gather at churches throughout the country to pray for the defendants to get a fair trial.

Paul Tran Quang Minh from the capital said he does not expect the defendants will be tried fairly, "because government officials have already decided their sentences." The coming trial, he added, "will only be a joke."

Father Khai, 38, expects the defendants will receive prison terms of up to three years, which "would disappoint us because they did not break the laws." The damage which the government claims seven of the accused Catholics caused to the wall around the controversial plot of land was reportedly estimated at only 3.7 million dong (US$218). The government later destroyed the wall and built a flower garden on the site in October.

The Redemptorist priest reported court officials said they will allow local Catholics and priests including Redemptorists to attend the trial, but they will have to present their personal identity cards to security officials. He hopes many people will attend the hearing.

On the evening of Nov. 24, the feast of the Vietnamese Martyrs, 2,000 Catholics attended a special Mass at Thai Ha church. They prayed for the return of Church properties, for justice and peace, and for the Catholic victims. After Mass, they marched to the Marian statue in the compound, placed candles at the statue, offered incense and sang hymns.

Some women told UCA News they were sad to hear their fellow Catholics would be tried unjustly. "We can do nothing but pray to God for them to be free," one of them noted.

They said they love the local Redemptorists, whom they described as looking pale and haggard after struggling for justice and peace, and preventing gangsters supported by police from threatening Religious and attacking parish properties at night.

(Source: UCAN, http://www.ucanews.com/2008/11/26/catholic-detainees-involved-in-church-land-disputes-with-government-to-be-tried/ )
 
Pope Benedict responds to terrorist attacks in India
Catholic News Agency
13:19 27/11/2008
Vatican City, Nov 27, 2008 / 11:02 am (CNA).- Late on Wednesday evening, gunmen overtook eight different locations in Mumbai, India and went on a rampage of killing. Pope Benedict XVI has sent a telegram to the Archbishop of Bombay asking him to convey his heartfelt condolences to the families of those affected and to assure the victims of his prayers.

Mayhem struck the Oberoi-Trident and the Taj Mahal Palace hotels on Wednesday evening when terrorists stormed the two locations and began shooting.

The attacks were not limited to the two hotels.

In addition, bands of masked gunmen armed with assault rifles, hand grenades and explosives attacked a popular café packed with tourists; the historic Metro Cinema; a crowded train station; the Chabad-Lubavitch Jewish center and a hospital.

Some freed victims of the attacks told the BBC that the terrorists were seeking out people who were U.S. or U.K. citizens.

Thus far, 101 people have been killed and 300 injured.

Upon receiving news of the attacks, Pope Benedict sent a telegram to Cardinal Oswald Gracias, the archbishop of Bombay, saying that he is "deeply concerned about the outbreak of violence in Mumbai” and asking the cardinal to “convey his heartfelt condolences to the families of those who have lost their lives in these brutal attacks.” The Pope also expressed his spiritual closeness to the victims.

Benedict XVI also urgently appealed for “an end to all acts of terrorism,” which he said “gravely offend the human family and severely destabilize the peace and solidarity needed to build a civilization worthy of mankind's noble vocation to love God and neighbor.”

The Holy Father’s message closes with him offering his prayers for the repose of the souls of the victims and imploring “God's gift of strength and comfort for those who are injured and in mourning."
 
Mumbai, 101 dead battle between terrorists and army continue
Asia-News
13:23 27/11/2008
There are 6 foreigners among the victims. A rabbi and his family have been taken hostage. Terrorists have also taken hostage guests at the Oberoi hotel. Schools universities and the stock exchange remain closed. Suspicions point to Islamists with links to Al-Qaeda.

Mumbai (AsiaNews/Agencies) - Gun battles between the army and terrorists continue in two luxury hotels– the Taj Mahal and Oberoi – after a night in which at least 10 areas were targeted throughout the city by terrorists in violent automatic weapon and grenade attacks.

Armed groups also raided private homes, taking hostage a rabbi and his family. The death toll so far stands at 101 dead. Among them there at least 6 foreigners. An Italian and a Japanese businessman are confirmed dead. Over 300 people were injured in the attacks but the number of wounded is growing by the hour as the gravity of last nights attack becomes increasingly clear.

At least 4 terrorists are barricaded in the two 5 star hotels, were between 40 and 50 guests are trapped. According to police at least 12 armed militants raided the Taj last night. Five were killed during the course of the night one more arrested. The army is attempting to gain access to the Oberoi, were a terrorist group has taken a number of hostages many of them foreign.

Among the main targets of last nights coordinated attacks was the central railway station, the local airport, hospitals and popular tourist restaurants.

The president of India's Jewish Federation, Jonathan Salomon, reports that a Rabbi and his family were taken hostage by an armed group that raided Chabad house in the southern district of the city.

An unknown group, calling itself Mujaheddin of Deccan, has claimed responsibility for the attacks. Up until now, authorities were familiar with the terrorist group Mujhaeddin of India, who have claimed responsibility for past attacks. This morning, speaking from inside the Oberoi, a man calling himself Sahadullah told the television that they belong to an Indian Islamic group who want an end to the persecution of Muslims in India: “We want – he said – the release of all mujaheddin prisoners; then we will free the people [the hostages]”.

The government – under sharp criticism for the lack of security – has defined the attacks as “an act of war against the nation”. At least 11 police were killed in the overnight attacks. Among them the chief of the special anti-terrorist group, Hemant Karkare.

Panic and fear is widespread throughout the city. Authorities have advised people to stay at home. Schools universities and the stock exchange remained closed. Public transport is running but the usual crowds are missing. Only 3 international flights have been cancelled, while domestic flights continue.
 
For Dad, GM was opportunity
Châu Huỳnh
06:53 27/11/2008
For Dad, GM was opportunity

November 25, 2008 - When my parents visit me in Los Angeles, Dad counts cars on the freeway.

By Elizabeth Châu Huỳnh
"All Toyota, Honda, Hyundai.. . no GM or Ford cars?" he asks.

I mechanically sigh, "Sorry, Dad, not many GM cars here."

My dad loves General Motors. Until his early retirement last week, he had been at GM for 28 1/2 years, starting back when Jimmy Carter was president and gas prices were below a dollar! Yet, despite my dad's career, I drive a BMW. One of my sisters drives a Honda, and the other doesn't even own a car. She relies on public transportation.

To be honest, I didn't really feel bad about this until now.

Like thousands of others in the Detroit area, my family grew up with the Big Three. The vehicles in your driveway -- Ford, GM or Chrysler -- told your neighbors where you worked. Our family cars began with a Malibu station wagon that carried us on our best road trips.

As my sisters and I reached teen years, our family went through several Pontiac Grand Ams, a red hot Firebird for my mom, a Saturn, even a GeoTracker. With each one came the proud picture of my dad standing in the driveway in front the shiny, new GM vehicle, hands on hips, beaming. He loved being able to "upgrade" to a new GM car.

"American is the best," my dad would say. And Ford? "GM is much better," he scoffed.

But by the time both my sisters and I graduated college, we were burned out from owning GM cars.

"Dad, I'm buying a Toyota," my sister challenged one car shopping summer. My dad was hurt. It didn't really register with me then how a simple act of buying a non-GM car could affect him. But it did. He argued pointedly about the strength, quality and affordability of a GM car, but my sister didn't back down. Finally, my youngest sister said, "Why are you arguing with a man wearing a shirt that says 'I AM GM'?" Good point. End of discussion.

Being part of a generation that expects to bounce to a different job every few years, I didn't understand then how a company could mean so much to my dad. But looking back now, GM has always been more than just an employer to him.

My parents came to the United States in 1975 immediately after the Vietnam War. Photos of them show a shy, young Vietnamese couple in their early 20s. The pictures don't show that my mother also was seven months pregnant, with me. They had no money, no suitcase, no home, and a baby on the way.

My parents were readily sponsored by a kind Southern couple who to this day we affectionately call "Grandma and Grandpa of Kentucky." They welcomed us into their own family, providing home cooking, "Sesame Street" and English lessons. It was my parents' first taste of "Americana" -- the generosity of spirit.

Through a close friend of the Kentucky couple, my dad was offered a job opportunity in Michigan, so we moved to Detroit, where he landed on a GM assembly line. We moved from a warm, bright home that smelled of freshly baked banana bread every morning into a dark, dank loft in downtown Detroit. I was 4 years old. I didn't know we were poor. I still wanted a new Barbie and a birthday cake. Meanwhile, both parents switched off attending night school to study English and drafting.

A few years later, my dad was offered his first desk job at GM. I still remember the excitement as my parents bought our first home in a family-oriented neighborhood of Madison Heights. I had my own bedroom, and so did my new baby sister. Both my parents continued attending night school, my father now studying auto body design and more English (which he found much more difficult than design).

Dad's GM job paid for our groceries, my pom-pom camps, my sister's tennis lessons, karate lessons, ballet lessons, and so on. GM provided us with scholarship assistance, and medical and dental care. GM watched as my family moved from poor to lower-middle class to middle class to upper-middle class in the span of 28 1/2 years. My father's desk at GM was adorned with photos from family trips, birthday parties, elementary school talent shows, high school dances and college graduations that GM made possible.

My dad turns 56 years old this Christmas Eve. He accepted GM's early-out offer at the desperate urging of my mother, my sisters and me, while his GM colleagues wait to learn whether they will have a job in January. He's worried about his retirement account, his GM stock (what's left of it) -- the investment he made in a company he believed in and was proud of. I didn't realize how long we've been a "GM family" until my dad asked me to help prepare his good-bye e-mail.

Yes, my dad IS GM, and proudly so. Senior-management and GM officers have made some poor decisions within the company. But my dad didn't. He has stood by GM since his first days on the assembly line.

I am writing this because latest polls show maybe half of all Americans care about the condition of our automotive industry. The Big Three were powered by people like my dad, not just reckless executives. We CAN fix this with better leadership and new cash to fuel better cars and make serious changes for the future. To my dad, GM is America. Both gave him opportunities.

Now it's time for us to give GM an opportunity.

As a daughter of a GM family, now more than ever, I'd like the opportunity to buy a GM car -- a hybrid, of course -- and I'll be proud to do so.

ELISABETH CHÂU HUỲNH, 33, grew up in Madison Heights and Sterling Heights. A graduate of Michigan State University, she works at a film studio in Los Angeles.

(Source: http://www.freep.com/article/20081125/OPINION02/811250324/0/BUSINESS01)
 
Vietnam: Participation limitée du public au procès des huit catholiques de Thai Ha
Lê Đình Thông
12:47 27/11/2008
Vietnam: Participation limitée du public au procès des huit catholiques de Thai Ha

Mesures indirectes des autorités civiles

ROME, Jeudi 27 novembre 2008 (ZENIT.org) - Un certain nombre de mesures indirectes vont limiter considérablement la participation du public au procès des huit fidèles de la paroisse de Thai Ha, souligne « Eglises d'Asie », l'agence des Missions étrangères de Paris (EDA).

Par divers moyens, les autorités civiles de Hanoi s'emploient à limiter le nombre de participants au procès des fidèles de la paroisse de Thai Ha, qui doit s'ouvrir le 5 décembre prochain. Répondant à des questions posées par un journaliste de Radio France Internationale (émissions en vietnamien), le 21 novembre dernier, Mr Lê Trân Luât, chargé de la défense des huit inculpés (1), a fourni un certain nombre de détails concernant le choix de la date et du lieu où se déroulera ce jugement ainsi que les modalités de la participation à ce procès. Tout indique que les pouvoirs publics craignent une trop grande affluence du public.

L'avocat fait remarquer que la date du procès coïncide avec celle, prévue depuis longtemps, de la consécration du nouvel évêque auxiliaire de Hanoi, Mgr Chu Van Minh, une cérémonie à laquelle la totalité du clergé et la grande majorité des fidèles ont coutume de participer. Il s'agit là peut-être d'une coïncidence mais on peut aussi penser à un calcul destiné à empêcher les prêtres de Hanoi d'être présents au procès.

Il a été précisé par ailleurs que le procès n'aurait pas lieu à l'intérieur des locaux du Tribunal de Hanoi mais au quatrième étage d'un immeuble appartenant au Comité populaire, situé au 55 de la rue Hoàng Cau, dans un quartier de l'arrondissement de Dông Da. Selon la loi vietnamienne, il est obligatoire que le procès soit public. Il n'y a huis clos que pour les procès susceptibles de porter tort à l'honneur et à la dignité du plaignant. Pour le procès des fidèles de Thai Ha, il a été stipulé par oral aux accusés que les personnes qui voudraient y participer, à l'exception d'eux-mêmes et de leurs avocats, devraient en faire la demande par écrit. Ce qui, selon l'avocat, est en contradiction formelle avec le principe du procès public et reflète la volonté des autorités de limiter le nombre de participants.

Les huit fidèles sont inculpés au titre d'une double accusation: destruction de biens et troubles à l'ordre public. Au départ, ils n'avaient été accusés que du délit de destruction de biens. La destruction de biens aurait eu lieu le 15 août, jour où les fidèles sont entrés sur le terrain de la paroisse, accaparé par l'Etat. Les assemblées de prières auraient causé les troubles à l'ordre public. La première faute s'étant révélée impossible à démontrer, le chef d'inculpation était ensuite devenu « troubles à l'ordre public ». En fin de compte, le tribunal populaire avait estimé cette accusation insuffisante et renvoyé le dossier. C'est à la suite de cette intervention que les huit fidèles se trouvent chargés d'une double inculpation.

Interrogés par RFI, l'avocat et certains inculpés ont affirmé à tour de rôle que les accusations portées contre eux étaient sans rapport avec leurs actions réelles. Ils ont particulièrement souligné que la prière commune ne pouvait, en rien, être considérée comme perturbant l'ordre public. Les uns et les autres comptent grandement sur le soutien de l'opinion internationale et de diverses organisations humanitaires.

(1) Les huit fidèles inculpés, « victimes de la justice et de la vérité », sont Mme Bà Ngô Thi Dung, Mme Nguyên Thi Nhi, M. Thai Thanh Hai, M. Nguyên Dac Hùng, Mme Lê Thi Hoi, M. Lê Quang Kiên, M. Giuse Pham Tri Nang et Mme Nguyên Thi Viêt.

(Source: Zenit, http://www.zenit.org/article-19481?l=french)
 
Vietnam: Kloster erneut gestürmt
Kath.Net Katholischer Nachrichtendienst
17:21 27/11/2008
In dem Dauerkonflikt zwischen Regierung und Kirche um das Klostereigentum weist die Regierung jede Beteiligung an dem jüngsten Vorfall von sich.

Hanoi (kath.net/CWNews.com/IGFM) Ein Redemptoristenkloster in der vietnamesischen Hauptstadt Hanoi, um das seit Jahren ein Streit zwischen kommunistischer Regierung und Kirche entbrannt ist, ist am Samstagabend von hunderten Randalierern überfallen worden. Katholiken liefen herbei, um die Angreifer abzuwehren; die Polizei verhinderte nur das Einschreiten der Katholiken.

Die Regierung sieht das Klostergelände als ihr Eigentum an, die Redemptoristen sprechen von Enteignung und werden von zahlreichen Katholiken unterstützt. Auch diesmal haben tausende Katholiken der ganzen Stadt nach ihren Sonntagsmessen ihre Solidarität mit den Redemptoristen gezeigt und sich auf ihrem Gelände versammelt.

Vertreter des regierungsnahen „Volkskomitees“ hatten einige Patres zuvor zu einem dringenden Treffen gebeten. In ihrer Abwesenheit stürmten die Leute die Kapelle. “Es war ein organisierter Angriff zur Nachtzeit”, sagte Pater Joseph Nguyen Van That. Am 21. September war das Kloster schon einmal überfallen worden. KATH.NET hat berichtet.

Die Regierung leugnet indes, mit dem Vorfall zu tun zu haben, obwohl Fotos das Nicht-Einschreiten der Polizei belegen, wie Asianews meldet. Auch ein Vertreter des regierungsnahen „Volkskomitees“ hat an den Vandalenakten teilgenommen. Die Leugnung der Regierung zeige, dass der Fall auch nicht weiter untersucht würde, sagte Pater Nguyen.
 
Vietnam: Catholics on trial denied lawyer access
SperoNews
17:24 27/11/2008
Lawyer says he has evidence of their innocence but is afraid proceedings will turn into a political show trial that will prevent acquittal. The Federation of Vietnamese Catholic Mass Media calls on Hanoi to respect its own laws.

Two of the eight Catholics set to go on trial for the Thai Ha parish land dispute have not been allowed to meet their lawyers, said one of them, Le Tran Luat. More importantly, he believes that the defendants are not likely to be acquitted despite their innocence because the trial is turning more and more into a political show trial.

During an interview with the BBC Mr Le said that he was able to meet only six of the eight people accused with “damaging state property and disorderly conduct” during their protests at Thai Ha parish.

The two defendants he was not able to see are Nguyen Thi Nhi, 46, and Ngo Thi Dung, 54. Both women are being held at Hoa Lo Prison, once known as the ‘Hanoi Hilton’ to US prisoners of war and now infamous for holding political prisoners. Access to this facility is generally limited.

“I was denied the permission to visit my clients there,” Mr Le said. However, even if he could see them, “prisoners are often forced to refuse any contact with their lawyers,” he added.

Those who do get to see their lawyers suffer mistreatment and punishment by prison guards.

For Mr Le from a legal point of view the charge of damaging state property is flawed because he has “enough evidence to prove that the land belongs to them [the parishioners].

In fact “the wall [they tore down] was built illegally on their land,” he said. And “they had every right to destroy it.” Hence the “government cannot charge them for damaging state property.”

In addition, the defendants prayed inside the place. “Praying is a solemn gesture,” the lawyer said. “How can it be interpreted as an act of ‘disorderly conduct’?”

Yet, despite his best efforts, “I cannot expect an acquittal verdict for my clients in this case,” he lamented.

“In my experience, in such a case, if defendants plead guilty as the government expects, they may get a tolerant verdict. Those who insist that they are not guilty will be sentenced more harshly [.. . ], two and half or three years in jail.” But “I want to prove to public opinion that they actually are innocent,” Mr Le said.

Hanoi’s Redemptorist community, which oversees Thai ha Parish, is concerned about the fate of the two women, especially Ms Nguyen because she was targeted by vehement attacks in the state-run media for taking part in demonstrations over the former apostolic delegation compound.

Never the less, the eight Catholics’ trial is drawing international attention.

In Sydney the Federation of Vietnamese Catholic Mass Media has launched a worldwide appeal, calling on the Vietnamese government to “stop the media campaign against the Catholic clergy, their faithful, and the Church” and instead “respect its own law and return the property to its rightful owner.”

The appeal is signed among others by Mgr Peter Tai Van Nguyen, director of Radio Veritas Asia (Philippines); Fr John Nghi Tran, director of VietCatholic News Agency (United States); Fr Joachim Viet-Chau Nguyen Duc, director of People Of God Magazine in America; Fr Anthony Quang Huu Nguyen, director of People Of God Magazine in Australia; Fr Stephen Luu Thuong Bui, director of People Of God Magazine in Europe; and Fr Paul Van-Chi Chu, director of Gospel and Peace Radio, Sydney (Australia).
 
Vietnamese Catholics angry about trial date
TotalCatholic
12:51 27/11/2008
Vietnamese Catholics angry about trial date

Thursday, 27 November - Hanoi Catholics are upset at government authorities for scheduling the trial of eight lay Catholics involved in local church-government land disputes on the same day as the ordination of a new auxiliary bishop.

Hanoi's Dong Da District Court "informed us that eight Catholics will go on trial on December 5 at the headquarters of the People's Committee.. . one kilometre away from our church," Redemptorist Fr Pierre Nguyen Van Khai said.

Fr Khai said the government might want to cause difficulties for the local church, knowing many Catholics want to attend the ordination of Bishop-designate Laurence Chu Van Minh, but authorities also might be afraid many Catholics would attend the trial. He said Redemptorist-run Thai Ha parish is asking lawyers for the accused to work with court officials to reschedule the trial.

In August, hundreds of Catholics from Thai Ha parish occupied a former plot of church land near their church. They put crosses and Marian statues at the plot, which the government confiscated in the early 1960s.

The court will try one woman for causing a social disturbance and three women and four men for damaging public property and causing social disturbances.

(Source: TotalCatholic, http://www.totalcatholic.com/tc/index.php?option=com_content&view=article&id=423:vietnamese-catholics-angry-about-trial-date&catid=15:world&Itemid=35)
 
Fiasko intrygi władz (tiếng Ba Lan)
Sławomir Jagodziński
12:54 27/11/2008
Fiasko intrygi władz (tiếng Ba Lan)

(Thất bại của chính quyền vì miếng đất)

Fiaskiem skończyła się próba powołania przez komunistyczne władze Wietnamu tzw. Kościoła patriotycznego, który byłby niezależny od Stolicy Apostolskiej i podległy partii. Pomimo to nie słabnie determinacja władz w walce z Kościołem katolickim. W Hanoi przygotowywany jest pokazowy proces wiernych z parafii Thai Ha, którzy uczestniczyli w antyrządowych protestach.

Rozprawę, która ma zająć się sprawą oskarżenia 8 katolików z parafii o zniszczenie mienia publicznego o ogólnej wartości 200 dolarów i zakłócanie porządku publicznego, zaplanowano na 5 grudnia. Przypomnijmy, że pokojowy protest parafian związany był z rozpoczynaniem robót budowlanych na zagarniętych przed laty przez władze gruntach należących do Kościoła. Katolicy domagają się zwrotu tych działek, na co władze reagują antykatolicką kampanią, w ramach której dochodziło także do aktów przemocy.

Opiekujący się parafią ojcowie redemptoryści w rozmowie z agencją UCA News zawracają uwagę, że datę procesu wybrano nieprzypadkowo. W tym dniu bowiem ma się odbyć konsekracja nowego biskupa pomocniczego archidiecezji w Hanoi. Lokalni redemptoryści i katolicy są źli na sąd, który postanowił spróbować sądzić tych niewinnych katolików 5 grudnia, kiedy nasz biskup elekt Laurence Chu Van Minh Ha Noi ma przyjąć świecenia, mówi jeden z księży. Zwraca jednocześnie uwagę, że być może władze chcą tym działaniem wprowadzić zamęt wśród wiernych Kościoła lokalnego, wiedząc, że wielu katolików planuje udział w uroczystościach sakry, i jednocześnie bojąc się ich udziału w pokazowym procesie. Lokalni katolicy podkreślają, że oskarżeni parafianie z parafii Thai Ha są zupełnie niewinni, stąd też wierni w całym kraju modlić się będą za nich, aby proces był sprawiedliwy.

Wietnamskie władze próbują na różne sposoby walczyć z Kościołem katolickim. Oprócz kampanii oszczerstw i ataków bojówek partyjnych pojawiła się też próba powołania niezależnego od Watykanu Kościoła patriotycznego, na wzór chiński. Jak poinformowało Radio Watykańskie, w dniach 19-20 listopada odbyło się od dawna przygotowywane spotkanie współpracujących bądź szantażowanych przez reżim księży i świeckich, które miało stać się zjazdem założycielskim nowego Kościoła. Wszystko skończyło się fiaskiem, gdyż zamiast planowanych 400 potencjalnych liderów nowej struktury kościelnej w spotkaniu uczestniczyło zaledwie kilkudziesięciu, którzy sami zresztą uznali, że utworzenie Kościoła patriotycznego w Wietnamie jest niemożliwe. Warto podkreślić, iż wietnamscy księża biskupi zakazali swym kapłanom udziału w tego rodzaju przedsięwzięciach.

Radio Watykańskie poinformowało też o pojawiających się w internecie kopiach tajnych raportów i rozporządzeń wietnamskiego Głównego Biura Propagandy, rozsyłanych do dyrektorów szkół oraz kierownictwa organizacji studenckich i młodzieżowych. Stanowią one instrukcje, w jaki sposób uświadamiać dzieci i młodzież, a także jak ostrzegać rodziców przed skutkami zaangażowania ich dzieci we "wrogą wobec państwa działalność Kościoła". Wszystko to zatem świadczy o szeroko zakrojonej antykatolickiej kampanii władz, które chcą doprowadzić do osłabienia Kościoła i zastraszenia wiernych.

(source: Sławomir Jagodziński, http://www.naszdziennik.pl/index.php?typ=wi&dat=20081127&id=wi12.txt)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ cầu nguyện cho việc bảo vệ sự sống tại Hải Phòng
Thanh Hát
13:00 27/11/2008
HẢI PHÒNG - Ngày 20-11 vừa qua, Cha Gioan Baotixita Vũ Văn Kiện đã cùng với một số thành viên tham gia việc bảo vệ các thai nhi và chôn cất thai nhi. Trong thánh lễ còn có sự hiện diện của Anh em ứng sinh, Nhóm Ve Chai nhân ái Hải Phòng, đây công việc làm mà Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên giám mục Giáo phận Hải Phòng đã khởi sự từ hơn một năm qua.

Vào những ngày này, cách đây hơn một năm về trước, Đức Cha Giuse đã mời gọi một số chị em cộng tác trong công việc chôn cất những thai nhi, công việc đó vẫn được tiến hành cho đến này.

Hiện nay tại thành phố Hải Phòng, số người phá thai ngày một nhiều hơn, đặc biệt các bạn trẻ sống thử trước hôn nhân, cũng như vì kinh tế, hoàn cảnh gia đình hay công việc xã hội mà nhiều bà mẹ đã bỏ đứa con vô tội của mình.
Trong bài chia sẻ Cha Gioan Baotixita đã nói lên án tình trạng nạo phá thai đang diễn ra thật khủng khiếp, cha đã đọc những vần thơ là cho mọi người tham dự phải rơi lệ.

Tôi không biết, em là trai hay gái
Tiếng kinh buồn, cất tiếng gọi thai nhi
Có ngày tử, khi ngày sinh chưa đến
Buộc chào đời, bằng cái chết oan khiên…
Tôi muốn biết, những điều em muốn biết
Tội lỗi nào đã tạo tác tử sinh
Những lời kinh, rời đôi môi tắt nghẹn
Ngọn nến hồng, chưa kịp sáng lung linh…


Cha Kiện và mọi người đã dâng lời cầu nguyện cho những bạn trẻ, những người cha mẹ luôn biết tôn trọng mần sống mà Thiên Chúa đã ban cho và mỗi người có trách nhiệm phải tuyên truyền việc bảo vệ những thai nhi bị giết hại.

Thánh lễ được khép lại với lời hát kinh hoà bình của mọi người được cất lên, mọi người vẫn tin vào tình thương của Chúa đón nhận những người con vô tội hưởng vòng tay yêu thương của Chúa trong nhà Cha Trên Trời. Xin Chúa tha thứ và chữa lành cho những anh chị em đã gây ra những thảm cảnh tước sự sống mà Thiên Chúa ban cho con người.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Tòa án dời ngày xét xử các nạn nhân vì Công Lý và Sự Thật ở giáo xứ Thái Hà
LM. Nguyễn Văn Khải. DCCT.
18:10 27/11/2008
TỔNG GIÁO PHẬN HÀ NỘI

Giáo xứ Thái Hà-DCCT Hà Nội

180/2 Nguyễn Lương Bằng,

Đống Đa, Hà Nội

THÔNG CÁO

V/V TÒA ÁN DỜI NGÀY XÉT XỬ CÁC NẠN NHÂN

VÌ CÔNG LÝ VÀ SỰ THẬT Ở GIÁO XỨ THÁI HÀ


Hà Nội, ngày 27 tháng 11 năm 2008

Kính gửi: Quý ông bà anh chị em giáo dân và toàn thể những người yêu công lý

Ngày 26/11/2008 Tòa án Nhân dân quận Đống Đa đã ra thông báo thay đổi thời gian khai mạc phiên tòa xét xử 8 giáo dân liên quan đến việc làm chứng cho công lý và sự thật ở giáo xứ Thái Hà.

Thay vì ngày 05/12/2008 theo quyết định trước đây, thì nay Tòa đã quyết định khai mạc phiên tòa xét xử các giáo dân vào lúc 8 giờ sáng ngày 08/12/2008, tại Ủy ban Nhân dân phường Ô Chợ Dừa, số 55 đường Hoàng Cầu, quận Đống Đa, Hà Nội.

Tòa án quận Đống Đa cho biết lý do của việc đình hoãn ngày xét xử này là: “ Hiện nay Ủy ban Nhân dân phường Ô Chợ Dừa đang tiến hành sửa chữa hội trường, đến ngày 7/12/2008 mới hoàn thành”.

Kính xin quý ông bà anh chị em hiệp thông cầu nguyện cho 8 giáo dân được xét xử công bằng trong công lý và sự thật.

Chúng tôi xin chân thành cám ơn.

Lm Phêrô Nguyễn Văn Khải CSSR

Phát ngôn viên Giáo xứ Thái Hà

Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội

 
Thái Hà! Trên chặng Đường Thánh Giá
Bút Trẻ
21:49 27/11/2008
THÁI HÀ! TRÊN CHẶNG ĐƯỜNG THÁNH GIÁ

Vinh Danh Tám Người Con Tổ Quốc
Trung với Chúa, Hiếu với Nước
bị bọn Thảo Khấu xử ngày 8.12.08


1. Bà Ngô Thị Dung 54t

Ngô là giòng đức Kiệt ta
Thị là đã thấy Dung là hòa theo.


2. Anh Thái Thanh Hải 21t

Thái Hà! Tuổi Trẻ đồng Thanh
Hải là biển cả thét gầm Tự Do.


3. Ông Nguyễn Đắc Hùng 50t

Đắc là được Chúa Thánh Thần
Hùng là giòng máu Trăm Ngàn Tử Linh.


4. Bà Lê Thị Hợi, 61t

Nghèo mà quả cảm, nhà
Thị Hợi là Mẹ đứng về phía dân.


5. Ông Lê Quang Kiện, 63t

Vì Sự Thật! có Lê Quang
Kiện là đảng cáo buộc gian người lành.


6. Ông Phạm Trí Năng, 49t

Trong vòng tay Chúa Toàn Năng
Phạm vào tội Trí? đảng phang sợ gì.


7. Bà Nguyễn Thị Nhi, 46t

Kiên trì từng bước theo Thầy
Nhi tiến tuần tự đến ngày vẻ vang.


8. Bà Nguyễn Thị Việt, 59t

Vì nước có chị Nguyễn Thi (thị)
Việt Nam Hùng Sử sẽ ghi công này.
 
Công điền Công thổ ở Việt Nam: một ngụy biện!
Nguyễn Chí Thành
22:33 27/11/2008
Mạo Danh Nắm Quyến Công Hữu Nhà Đất, Chế Độ Cộng Sản Việt Nam Hiện Nay Gây Vố Số Bất Công Và Bất Nhân Cho Nhân Dân Trong lich sử Việt Nam ngày nay, chưa bao giờ có một chế độ bất nhân bất công về nhà đất như hiện nay. Dưới danh nghĩa “Công Điền Công Thổ” và “Nhà Nước Có Toàn Quyền Sử Dụng Đất Đai Theo Nhu Cầu Công Ích”, nhà nước Cộng Sản hiện nay đã chiếm dụng bừa bãi vô nguyên tắc các nhà đất công cũng như tư vào lợi ích cá nhân, gây xảo trộn xã hội và tạo ra không biết bao nhiêu hình thức bất nhân bất công: Nhà bao giờ cũng thường đi liền với đất, nên hợp thức hóa đất đai và nhà cửa là đầu mối gây ra không biết bao hiêu bất công Nhà đất được phân chia cho tập thể cơ quan đơn vị, và tập thể ấy lại tự ý phân chia nhà đất cho đảng viên, sĩ quan quân nhân, công nhân viên chức vô nguyên tắc. Với danh nghĩa cơ quan công quyền, một đơn vị cơ quan cho người đi tìm nhà đất ở chính quyền địa phương đang quản lý, thông đồng liên hệ với cơ quan có quyền cấp đất địa phương hay trung ương, xin cấp nhà đất ở những khu khác với danh nghĩa khai thác, vì mục đích cải thiện cuộc sống công nhân viên chức. Dưới danh nghĩa mở mang xây dựng các công trình công cộng, như kinh tế, nhà để ở cho công nhân viên, chỉnh trang đô thị, thiết lập hệ thống giao thông, mở rộng các phố hẻm, làm câu đường, xây cống rảnh, mở sân bay, bến xe, xí nghiệp, làm hệ thống tiêu nước, … Biết bao lý do công ích bị lợi dụng để chèn ép người dân bình thường để giải tỏa không bồi thường hay bồi thường không cân xứng, bắt dân phải chịu bao oan ức với biện pháp dùng vũ lực cưỡng chế người dân phải tuân hành các quyết định hành chánh bất công. Những vụ án về nhà đất như ở quận Gò Vấp mới đây liên quan tới Chủ Tịch quận và nhiều viên chức từ các cấp trung ương đến địa phương, đã cho thấy bất hợp lý trong việc mạo danh cấp nhà đất, chỉnh trang đường phố, hợp thức theo những chương trình nhà đất bất công. Chẳng hạn một tư nhân nọ ở Sài gòn là chủ nhân một hãng xe hơi chạy đường Sàigòn Banmêthuột có tiến mua một miếng đất ở một địa bàn tỉnh nào đó trên ven quốc lộ, muốn đầu tư khai thác thửa đất đó. Nhưng người ấy mất quyền làm chủ đất đó, mà muốn xây dựng công trình gì trên thửa đất đó, ngưới ấy phải chuyển quyền sở hữu của mình sang quyền sở hữu của Huyện địa phương. Khi đó Huyện mới có danh nghĩa được quyền lập kế hoạch xin biến khu đất đó thành đất xây dụng không còn là đất nông nghiệp, đề xây cất khu trạm dừng chân phục vụ khách đi đường. Tại Hà Nội và Sàigòn và tại nhiều tỉnh thị, nông thôn, sơn thôn, bến bãi, cấu đường phố xá, hẻm hóc ngày nay, rất nhiều kiểu mượn danh nghĩa công cộng chèn ép tư nhân oan ức bất công kiểu đó. Khi nhà đất được chuyển vô trách nhiệm từ lớp người này sang lớp người khác, thì chống chất bất công xảy ra, không thể kể hết. Người dân không chỉ bị hai ba tầng áp bức địa chủ thực dân, như miệng lưỡi Công sản Việt Nam thường nói. Nay người dân bị vô số tầng áp bức và rối loạn như mớ bòng bong ngày càng rối loạn không thể gỡ ra được, nếu vẫn ngoan cố tiếp tục duy trì những nguyên tắc xuẩn động của chế độ xã hội ngày nay ở Việt Nam. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nhân vụ Tòa Khâm Sứ và Giáo Xứ Thái Hà ở Hà Nội đã đánh vào huyệt điểm sinh tử của chế độ xã hội này San Francisco, 27/11/2008
 
Tổng Giám Mục Anh Quốc kêu gọi giáo phận cầu nguyện cho Giáo Hội Việt Nam
Thúy Dung
06:18 27/11/2008
Đất đai bị chiếm đoạt trái phép, nhà thờ bị tấn công vào đêm khuya, tổng giám mục bị truyền thông nhà nước vu cáo, lăng mạ, linh mục bị dọa giết, giáo dân bị đánh đập, giam cầm và nay lại bị lôi ra tòa. Những tin tức xấu dồn dập từ Việt Nam đã khiến các nhà lãnh đạo Giáo Hội trên thế giới đầy âu lo. Thông tín viên Peter Jennings của Thông Tấn Xã Công Giáo Anh tường trình từ Birmingham cho biết Đức Cha Vincent Nichols, Tổng Giám Mục Birmingham của Anh, đã lên tiếng kêu gọi các linh mục, tu sĩ và anh chị em giáo dân của ngài hãy cầu nguyện sốt sắng cho Giáo Hội tại Việt Nam.

ĐTGM Vincent Nichols
"Hãy cầu nguyện cho người Công Giáo Việt Nam đang bị nhà cầm quyền bách hại trong những ngày này.” Đức Cha Vincent đã nói như trên trong thánh lễ đặc biệt được cử hành để cầu nguyện cho Giáo Hội tại Việt Nam nhân Lễ Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam hôm 23/11 vừa qua.

Đức Cha đã nhắc đến biến cố long trọng diễn ra cách đây 20 năm khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong Thánh cho 117 vị tử đạo Việt Nam mà ngài đã được hân hạnh tham dự. Ngài nhận định rằng những tin tức dồn dập về cuộc bách hại vẫn còn đang tiếp diễn tại Việt Nam, ngay trong thế kỷ 21 này, minh họa cho ta thấy hình ảnh của một Giáo Hội bị bách hại tàn bạo như thế nào trong các thế kỷ qua.

Tuy nhiên, “Máu các vị tử đạo là hạt giống của Giáo Hội.” Đức Cha Vincent tin rằng, như lịch sử Giáo Hội đã chỉ ra, càng bị bách hại bao nhiêu Giáo Hội tại miền Viễn Đông này càng tăng trưởng về mọi mặt.

“Chúng ta được linh hứng và khích lệ bởi những vị tử đạo Việt Nam trong khi nghĩ đến những gian nan khốn khó mà Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam ngày nay đang phải đối diện.”

Nhà cầm quyền Việt Nam đang cố hết sức khuất phục Giáo Hội tại nước này phải tuân phục họ. Nhưng trong ngày Giáo Hội tại Anh và trên thế giới cử hành lễ Chúa Kitô Vua, Đức Cha nhắc nhở mọi người rằng: “Chúng ta hãy nhớ Chúa Giêsu Kitô là Vua, chúng ta phải tuân phục Ngài. Ngài hiện diện khắp cùng trái đất và cách riêng với những ai đang chịu bách hại vì đức tin.”

Đức Cha đã cám ơn 11 vị linh mục Việt Nam đang làm mục vụ tại Tổng Giám Mục Birmingham vì những gương mẫu thánh thiện và lòng tận tụy với công việc tông đồ của các ngài.

Buổi lễ đặc biệt cầu nguyện cho Giáo Hội Việt Nam đã được cử hành tại nhà thờ Thánh Phanxicô tại Handsworth, Birmingham. Hiện diện trong thánh lễ có đông đảo anh chị em giáo dân Công Giáo Việt Nam và các sắc dân khác trong quốc phục của họ. Một số rất đông đến từ Ba Lan nơi cũng đã từng gánh chịu họa cộng sản nhưng may mắn đã giành được tự do.

Khởi đầu thánh lễ đã có phần rước hài cốt của các thánh tử đạo Việt Nam với đoàn rước của anh chị em giáo dân Việt Nam tại Anh trong quốc phục.

Trước lúc kết lễ, Đức Ông Tom Fallon, cha sở nhà thờ Thánh Phanxicô đã chia sẻ với anh chị em tín hữu đứng chật nhà thờ về những hồi ức của ngài liên quan đến lễ phong Thánh do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cử hành ngày 19/6/1988.
 
Lời nguyện trong cơn bách hại tại Thái Hà
Lê Đình Thông
12:37 27/11/2008
Lời nguyện trong cơn bách hại tại Thái Hà

Trong khuôn khổ Năm Thánh Phaolô, ‘‘Lời nguyện của các Tông đồ trong cơn bách hại’’ trong Công vụ Tông đồ (4, 23-31) là lời nguyện của các tín hữu Thái Hà gặp phải cảnh ngộ tương tự như các tín hữu thời Giáo hội sơ khai. Việc tìm hiểu ý nghĩa của lời nguyện này thể hiện tinh thần hiệp thông với Giáo hội Việt Nam, đồng thời phát hiện hiện tình tôn giáo ở Việt Nam có nhiều điểm tương dồng với Giáo hội sơ khai trong giai đoạn thành lập.

Lời nguyện trong cơn bách hại:

23Được thả về, hai ông đến với các anh và thuật lại mọi điều các thượng tế và kỳ mục đã nói với hai ông. 24 Nghe vậy, họ đồng tâm nhất cất tiếng lên cùng Thiên Chúa: ‘‘Lạy Chúa, Ngài là Đấng tạo thành trời đất và biển khơi cùng muôn loài trong đó. 25Ngài là Đấng đã nhờ Thánh Thần, dùng miệng tổ phụ chúng con là Đa vít, tôi trung của Ngài, mà phán: Sao chư dân lại ồn ào náo động, sao vạn quốc dám bày kế viển vông ? 26Vua chúa trần gian cùng nổi dậy, vương hầu khanh tướng rập mưu đồ, chống lại Đức Chúa, chống lại Đấng Người đã xức dầu phong vương.

27Đúng vậy, Hêrôđê, Phongxiô Philatô, cùng với chư dân và dân Israël đã toa rập trong thành này, chống lại tôi tớ thánh của Ngài là Đức Giêsu, Đấng Ngài đã xức dầu. 28Như thế họ đã thực hiện tất cả những gì quyền năng và ý muốn của Ngài đã định trước. 29Giờ đây, lạy Chúa, xin để ý đến những lời ngăm đe của họ, và cho các tôi tớ Ngài đây được nói lời Ngài với tất cả sự mạnh dạn. 30Xin giơ tay chữa lành, và thực hiện những dấu lạ điềm thiêng, nhân danh tôi tớ thánh của Ngài là Đức Giêsu.’’ 31Họ cầu nguyện xong, thì nơi họ họp nhau rung chuyển; ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn rao giảng lời Thiên Chúa.

1) Bối cảnh lịch sử:

Lời nguyện thuật lại nhóm Xa đốc (sanhérin) triệu tập cộng đoàn để đe dọa họ. Lúc đó, hai Thánh Phôrô và Gioan đến cùng cộng đoàn và tuyên bố: Trước tinh trạng này, các Ngài không thể giữ yên lặng. Chính trong cơn nguy biến, cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện cùng với vị chủ chăn là Thánh Phêrô và Thánh Gioan.

2) Bố cục:

Có thể chia ‘‘Lời nguyện trong cơn bách bại’’ làm hai phần:

- Nhập đề (23-24a): trình thuật sự việc dẫn đến việc hình thành lời nguyện.
- Lời nguyện cộng đoàn. Lời nguyện của cộng đoàn bị bách hại sau cùng đã được Thiên Chúa nhậm lời.

Lời nguyện có bố cục theo lược đồ kinh nguyện Do Thái:

- cầu khấn
- quyền năng của Thiên Chúa
- các tín hữu bị bach hại
- lời kêu cầu giải thoát, mở đầu bằng ‘‘Giờ đây’’.

3) Ý nghĩa thần học:

Lời nguyện mang ý nghĩa thần học của Giáo hội bị bách hại:

Câu 27 báo trước cuộc Thụ Nạn của Chúa Giêsu. Có thể so sánh câu dẫn nhập này với Thánh Vịnh 2 hoặc lời nguyện của vua Khít ki gia (Is 37, 16).

Thánh Vịnh 2: ‘‘Con cứ xin, rồi Cha ban tặng muôn dân nước làm sản nghiệp riêng toàn cõi đất đai làm phần lãnh địa.

Lời nguyện của vua Khít ki gia: ‘‘Lạy Đức Chúa các đạo binh, Thiên Chúa Israël, Đấng ngự trên các Kêrubim, chính Ngài, và chỉ mình Ngài, mới là Thiên Chúa thống trị mọi vương quốc trần gian. Chính Ngài tạo thành trời đất.’’

Đoạn văn nhắc lại Lời Chúa, từ tổ phụ David, lịch sử cứu chuộc đến việc thành lập cộng đoàn sơ khai cầu nguyện trong cơn bách hại. Các sự tấn công tứ bề không hủy diệt được Giáo hội ngược lại còn khiến các tín hữu càng thêm mạnh dạn rao giảng lời Chúa (câu 31).

4) Bình giải:

Lời nguyện (từ câu 24b đến câu 30) là lời nguyện dài nhất trong Tân Ước, mở đầu bằng lời cầu khấn. Các thuật từ gốc đều viết bằng tiếng Hy Lạp:

- Trong bản dịch tiếng Việt, ngay câu 23 mở đầu trình thuật hai Thánh Phêrô và Gioan đến với ‘‘các anh em’’ (οι ιδιοι). Từ ngữ này có nghĩa là những người trong nhà (Cv 24, 23) hoặc cộng đoàn Đức Tin (Ga 13, 1).

- Câu 24 nói đến việc các tín hữu ‘‘đồng thanh nhất trí ’’: ομοθυμαδον có nghĩa là một lòng một dạ, nhất trí, một khối. (θυμος: tâm chí) nhằm nói lên sự đoàn kết huynh đệ của các tín hữu. Đây là hình ảnh của Hội thánh Giêrusalem. Câu 24 nhắc đến Đavít trong Thánh Vịnh, bị quân thù vây hãm vẫn một lòng cậy trông vào Chúa, che chở tôi trung trong cơn nguy biến. Tổ phụ Đavít là tấm gương cho cộng đoàn Dân Chúa kiên trì cầu nguyện.

- Bị bách hại, các tín hữu kêu cầu Thiên Chúa là đấng làm chủ vạn vật và lịch sử, quyến hành vượt trên những người bách hại Giáo hội.

- Lạy Chúa, Ngài là Đấng Tạo Thành: ο ποιησας. Thánh Vịnh 146.6 chép rằng: Người là Đấng tạo thành trời đất và biển khơi cùng muôn loài.

- Lạy Chúa’’: δεσποτης, Chúa là chủ tể càn khôn, tất cả đều lệ thuộc vào Chúa. Câu 29 theo mô thức cầu nguyện Do Thái: Giờ đây, lạy Chúa, xin để ý đến những lời ngăm đe của họ. ‘‘Giờ đây’’ quay lại với hiện tình của cộng đoàn cầu nguyện.

- Câu 30 dùng từ ngữ ẩn dụ: bàn tay để kêu cầu uy quyền Thiên Chúa. Thông thường, ‘‘giơ tay’’ là hình ảnh của Thiên Chúa trừng phạt, ở đây nói đến việc ‘‘giơ tay chữa lành ’’. Trong Công vụ Tông đồ, Chúa Thánh Thần ban sức mạnh cho các tín hữu bị bách hại.

Câu 31 nói đến nơi ‘‘họ họp nhau rung chuyển ’’: σαλευω. Theo truyền thống Do Thái, trái đất rung chuyển báo hiệu Thiên Chúa hiện ra. Trong‘‘lời cầu nguyện trong cơn bách hại’’, sự rung chuyển nói lên Thiên Chúa nổi giận đối với cường quyền. Tiếp theo, ‘‘ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần’’ nói lên một lễ Hiện Xuống mới.

‘‘Lời nguyện trong cơn bách hại’’ còn nói lên việc các tín hữu chia sẻ cuộc Thụ Nạn mới. Lời cầu nguyện hun đúc niềm xác tín: cộng đoàn dân Chúa cuốn trôi trong lịch sử cứu chuộc trung kiên truyền bá Lời Chúa với niềm tự hào xác tín.

Kết luận:

‘‘Lời cầu nguyện trong cơn bách hại’’ ghi lại trong sách Công vụ Tông đồ là bức họa hoành tráng vẽ lại chuỗi ngày đầy khó khăn, thử thách tại Tòa Khâm sứ và Thái Hà trong thời gian qua, trong đó Giáo phận Hà Nội mang thân phận của Giáo hội sơ khai ‘‘phải chịu những lời ngăm đe’’. Nhưng nhờ lời cầu nguyện, ai nấy được tràn đầy ơn Thánh Thần.

Lời ‘‘cầu nguyện trong cơn bách hại’’ không những vượt thời gian, từ thiên niên kỷ thứ I trở thành hiện thực giữa tân kỷ nguyên, mà còn vượt không gian địa lý. Đó còn là lời cầu xin của các giáo hữu người Việt, ở trong nước cũng như nước ngoài, cầu xin Thiên Chúa ‘‘thực hiện những dấu lạ điềm thiêng’’, ‘‘giơ tay chữa lành ’’ để công lý được tái lập tại những địa danh đất lành chim đậu của nước Việt thân yêu: Tòa Khâm sứ, Ấp Thái Hà.

Paris, ngày 26 tháng 11 năm 2008
 
Xin tiếp tục can đảm lên
Nắng Sài Gòn
22:43 27/11/2008
Xin tiếp tục can đảm lên!
(Xin hiệp thông với 8 người con ưu tú và tập thể giáo dân Thái Hà trong ngày xử án 5/12/2008)

Giả sử ngày mai: Bố Kiện, U Hợi, U Việt, U Dung… không về!!!
Giả sử ngày mai: Chị Nhi, Anh Năng, Anh Hải, Anh Hùng… ngã xuống!!!
Giả sử ngày mai: Phố Đức Bà không còn vang vọng kiếng cầu kinh!!!
Em và anh, chúng mình vẫn khiêm tốn lặng thinh,
Theo chân Mẹ Sầu Bi trên bước đường thập giá.

Tê tái, tủi sầu bao niềm đau khôn tả,
Tan nát cõi lòng, nhục nhã như kẻ phạm nhân.
Can đảm nghe em, chúng ta sẽ được chung phần,
Vòng gai nhọn, đau nhói con tim,
là phần thưởng dành cho người trung tín.

Như Mẹ năm xưa tái tê nhìn quân lính,.
Nhạo báng, nhục hình, hành hạ Con dấu yêu
Lặng lẽ xin vâng như của lễ ban chiều,
Trên bàn thờ Thánh Giá,
hai của lễ,
Mẹ và Con cùng dâng hiến.

Trên bàn thờ Thái Hà hôm nay, bao tâm hồn cung tiến,
Dâng chút lễ vật hèn kính tiến Chúa Từ Nhân.
Dù máu đổ, lệ rơi, dù đày đọa xác thân,
Triệu triệu con tim,
liên kết hiệp thông,
chính là sức mạnh
của một tình yêu hiến thánh.

Mẹ Sầu Bi can trường, ban cho em và anh sức mạnh,
Đứng vững trước bạo tàn,
không ngã quỵ trước bất công.
Vâng phục theo Thánh Ý, vững một dạ cậy trông,
Sự Thật sẽ toàn thắng,
sẽ giải phóng chúng ta,
thoát cảnh sầu thương, bi thảm.

Nhớ chiều xưa, chiều Can – vê ảm đạm,
Lúc sự dữ và thế gian đang đắc chí ngạo cười.
Chính là lúc Con Thiên Chúa được lên ngôi,
Viên đội trưởng
tỉnh cơn mê,
đấm ngực ăn năn,
tuyên xưng đây chính là Con Thiên Chúa.

Can đảm nhé em, đừng ủ sầu, héo úa,
Mầu Nhiệm Thập Giá đang chờ,
chờ những người con,
được tuyển chọn,
được yêu thương.
Trung kiên theo bước Mẹ, ta không sợ lạc đường,
Triều thiên Tử Đạo,
nơi đất Thái Hà,
dành cho những ai,
trung thành đứng dưới chân Thập giá.

Can đảm nghe em… Can đảm nhé em…
 
Đi lãnh Anh Dũng Bội Tinh
LM Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh, ofm
22:49 27/11/2008
ĐI LÃNH ANH DŨNG BỘI TINH Kính gửi: 8 bị cáo của Giáo xứ Thái Hà sẽ ra toà ngày 05-12-2008 Anh chị em thân mến, Hẳn anh chị em không khỏi ngạc nhiên khi biết có lá thư này. Là vì nếu nói theo kiểu người đời thì tôi với anh chị em là những người xa lạ. Anh chị em không biết tôi. Nhưng tôi thì biết tên tuổi anh chị em: 4 nam 4 nữ, tuổi từ 21 (anh Thái Thanh Hải) đến 63 (ông Lê Quang Kiện). Tên tuổi của anh chị em được ghi trong thông cáo báo chí của Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo Việt Nam đăng tải trên Vietcatholic ngày 25-11-2008. Chắc bản thân anh chị em cũng chỉ nhận mình là những người tiểu tốt vô danh thôi, nhưng vì anh chị em thuộc giáo xứ Thái Hà, và từ gần một năm nay, từ ngày những ánh nến lung linh trên phố Đức Bà trong những đêm cầu nguyện cho Công Lý và Hoà Bình, thì Thái Hà, một khu phố lẻ ở vùng ven Hà Nội đã nổi tiếng trên khắp cùng thế giới. Và mối giây vô hình nhưng bền chặt liên kết chúng ta, đó là đức tin. Trong Chúa Ki-tô, tất cả chúng ta là anh chị em. Và đó là lý do của lá thư này, của người tự thấy có bổn phận ủi an khích lệ anh chị em mình đang vì niềm tin mà phải chịu cảnh tù tội. Có ai đi tù mà không xấu hổ? Bình thường là như thế. Nhưng anh chị em thì không. Là vì nếu đến Thái Hà cầu nguyện là đáng đi tù, thì không phải chỉ có 8 anh chị em, nhưng còn nhiều chục ngàn người khác, kể cả linh mục và giám mục. Ngay trên phần đất của tổ tiên, của nhà mình, đập bỏ mấy mét tường mục nát trị giá chưa tới 4 triệu bạc, thì bị kết tội là phá hoại tài sản công, trong khi tham nhũng hay làm thất thoát của công hàng trăm hàng ngàn tỷ thì không sao cả. Để yên cho đám côn đồ (nếu không phải là điều động chúng) đến đập phá nơi tôn nghiêm thì không sao, còn đến cầu nguyện cách ôn hoà ngay trên khu đất nhà mình thì bị kết tội gây rối trật tự. Chưa hết: phiên xử không diễn ra tại toà án, nhưng là tại trụ sở phường Ô Chợ Dừa của Quận Đống Đa, và ở tận tầng 4. Còn ngày xử là ngày 05-12 tức là ngày mà từ hai ba tuần nay ai cũng biết là ngày tấn phong cha Chu Văn Minh làm giám mục. Cuối cùng ai muốn tới tham dự thì phải xin phép (được hay không lại là chuyện khác!). Bấy nhiêu cũng đủ cho thấy phiên toà sắp tới chỉ là một vở bi hài kịch mà đạo diễn là Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam. Thật là đáng buồn không riêng gì cho anh chị em, nhưng cho Giáo Hội Công Giáo, cho cả dân tộc Việt Nam phải sống dưới một chế độ bất công, bạo tàn, gian dối. Chẳng có ai lại muốn đi tù, nhưng nếu những người đấu tranh cho công lý hoà bình, tự do dân chủ mà tên tuổi đã được mọi người ở trong nước và nước ngoài biết đến như các ông Nguyễn Thanh Giang, Hà Sỹ Phu, các vị hoà thượng: Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ, mục sư Nguyễn Văn Đài, luật sư Lê Thị Công Nhân… thì cùng với Cha Nguyễn Văn Lý, các anh chị em sẽ là những đại diện của giới Công Giáo, để chúng ta bớt phải mang mặc cảm là những người muốn có hoà bình công lý, muốn có dân chủ tự do, nhưng lại chỉ vòng tay há miệng chờ sung rụng. Phần anh chị em, xin hãy tin chắc rằng: anh chị em không bị lãng quên ở trong nước cũng như ở nước ngoài: người người đang hướng về anh chị em, đang cầu nguyện cho anh chị em. Ngày 05-12 tới đây, ngày anh chị em ra toà, trước mặt người đời, mỗi người trong anh chị em sẽ lãnh một bản án. Nhưng trước mặt Thiên Chúa, và đối với mọi người tín hữu Công Giáo chúng ta, cũng như với những ai tin vào công lý, thì đó chính là ngày mỗi người trong anh chị em nhận anh dũng bội tinh vì đã hiên ngang mạnh mẽ làm chứng cho niềm tin của mình, hiên ngang mạnh mẽ tranh đấu cho công lý và tự do. Và cũng trong ngày 05-12 tới, người nhớ đến anh chị em và cầu nguyện cho anh chị em nhiều nhất, hẳn là người đã đề xướng phong trào cầu nguyện cho công lý, Đức Tổng Giám Mục Hà Nội Giu-se Ngô Quang Kiệt. Trong chính Thánh Lễ tấn phong giám mục, chắc chắn Vị Chủ phong sẽ cùng với cộng đoàn cầu xin Chúa Thánh Thần cho tân chức có khả năng hoàn thành sứ mạng, đồng thời cũng sẽ cầu xin cho anh chị em ra trước toà biết ăn nói thật khôn ngoan, khiến các đối thủ của anh chị em không tài nào chống chọi lại được, đúng như lời Chúa Giê-su đã nói. Sài-gòn, ngày 27 tháng 11 năm 2008
 
Văn Hóa
Và Lễ Tạ Ơn tới
Nguyễn Trung Tây, SVD
02:26 27/11/2008

Và lễ Tạ Ơn tới

Và Lễ Tạ Ơn tới, Ảnh Nguyễn Trung Tây
Để lắng nghe audio file của Và Lễ Tạ Ơn tới, xin bấm vào www.nguyentrungtay.com

...Tạ ơn cho những người bố, những người mẹ. Tạ ơn cho những sáng sớm vất vả với dòng xe cộ đỏ chói và đen đặc trên xa lộ. Tạ ơn cho tháng tháng ngược xuôi mang tiền về nuôi chồng, nuôi vợ, và nuôi con. Tạ ơn cho những người cha người mẹ một đời khổ vì con, một đời cực vì cháu. Tạ ơn cho những người bố, những người mẹ sớm chiều lặn lội thân cò khi quãng vắng, kiếm gạo nuôi chồng nuôi vợ nuôi con. Tạ ơn cho những thiên đàng đã được tạo ra trong căn phòng khách, và ngay cả những ngọn lửa vẫn còn đang âm ỷ cháy. Tạ ơn cho những giọt nước mát lạnh từ trời cao đã tuôn đổ, những hạt nước mắt rớt xuống dập tắt đi mầm lửa của giận và của hờn...

Và lễ Tạ Ơn tới. Bây giờ đang là một ngày lễ, một ngày lễ Tạ Ơn. Lễ Tạ Ơn tới, có rất nhiều điều để mà tạ ơn.

Tạ ơn cho lá xanh đậm và bầu không khí nóng hừng hực khi mùa hè tới với những con số 100 đỏ chói trên hàn thử biểu. Tạ ơn cho làn gió êm dịu khi mùa thu về, lá đổi màu rực rỡ trên hàng cây. Tạ ơn cho tuyết trắng, tuyết trắng buông rơi thả nhẹ, tuyết trắng bám chặt cây khô bơ vơ trụi lá. Tạ ơn cho những nụ hoa đâm chồi nẩy lộc trong sân vườn lún phún mầu xanh, mầu xanh xanh mới, mầu xanh hy vọng. Tạ ơn cho gió nóng và gió lạnh. Tạ ơn cho gió hè và gió thu. Tạ ơn cho bốn mùa, bốn mùa luân phiên thay đổi.

Tạ ơn cho những thăng trầm trôi nổi trong một năm vừa qua. Tạ ơn cho hạnh phúc. Tạ ơn cho thanh bình. Tạ ơn cho bầu không khí đầm ấm trong căn nhà mới tinh, kiếng cửa sổ còn bóng lộn. Tạ ơn cho chiếc xe mới nằm trong nhà xe còn đang thơm mùi sơn mới. Tạ ơn cho tiếng cười tiếng nói trong những căn phòng khách sang trọng thơm tho mùi thảm mới với màn ảnh TV Plasma nằm chễm chệ chiếm gọn một góc nhà. Tạ ơn cho gạo trắng cơm ngon. Tạ ơn cho những bữa cơm thơm nồng được nấu bởi bàn tay của ông của bà, của bố của mẹ, của chị của anh, và của cả những người em, em trai và em gái.

Tạ ơn cho những thân hình lực lưỡng của những đứa con, con trai, mới ngày nào còn nhỏ xíu, nay vươn vai đứng dậy hóa ra thanh niên với những sợi râu mọc lưa thưa trên mép. Tạ ơn cho những đứa con, con gái, ngày nào tóc còn ngắn ngang vai, giờ này tóc dài đen nhánh êm đềm bước đi những gót hài sen đầu tiên của tuổi thanh xuân, tuổi của đẹp, đẹp rực rỡ, đẹp huy hoàng.

Tạ ơn cho những người chị, người anh, người em, em trai và em gái. Tạ ơn cho những lời ngon ngọt rì rào anh chị em thủ thỉ với nhau, và cũng tạ ơn cho những lời cay đắng buông ra không kịp kềm hãm. Tạ ơn cho những khuôn mặt tươi cười ngọt ngào, và những giận hờn nước mắt tuôn rơi. Tạ ơn cho những quây quần xum họp, và ngay cả những lúc không ai nhìn ai. Tạ ơn cho những lần cửa phòng rộng mở, và cũng tạ ơn cho những lần cửa đóng then cài.

Tạ ơn cho những người bố, những người mẹ. Tạ ơn cho những sáng sớm vất vả với dòng xe cộ đỏ chói và đen đặc trên xa lộ. Tạ ơn cho tháng tháng ngược xuôi mang tiền về nuôi chồng, nuôi vợ, và nuôi con. Tạ ơn cho những người cha người mẹ một đời khổ vì con, một đời cực vì cháu. Tạ ơn cho những người bố, những người mẹ sớm chiều lặn lội thân cò khi quãng vắng, kiếm gạo nuôi chồng nuôi vợ nuôi con. Tạ ơn cho những thiên đàng đã được tạo ra trong căn phòng khách, và ngay cả những ngọn lửa vẫn còn đang âm ỷ cháy. Tạ ơn cho những giọt nước mát lạnh từ trời cao đã tuôn đổ, những hạt nước mắt rớt xuống dập tắt đi mầm lửa của giận và của hờn.

Tạ ơn cho tình thương, tình thương mến vô điều kiện. Không phải bởi học giỏi, đỗ đạt vinh quy, tình thương mới được trao ban gửi tặng. Không phải! Không phải bởi nói tiếng Việt, hay tiếng Anh, hay tiếng Pháp, hay tiếng Đức giỏi, tình thương mới ngọt ngào tuôn đổ. Không phải! Không phải bởi biết đối đáp, biết ăn biết nói, biết làm ăn buôn bán, biết giao tiếp lanh lẹ, tình thương mới được trao ban. Không phải! Không phải bởi cao lớn lực lưỡng, tóc dài đen mượt, khuôn mặt xinh đẹp, nụ cười tươi thắm, dịu dàng thướt tha, da mầu trắng ngà, hay da mầu rám nắng, tình thương mới bộc phát. Không phải! Không phải bởi lương cao, nhà cửa thênh thang, 5 hoặc 6 phòng, bởi học thành tài, có bằng cử nhân, văn bằng bác sĩ, tình thương mới ngọt ngào tuôn đổ trên đầu lưỡi. Không phải! Không phải bởi vì điều kiện này điều kiện kia, tình thương mới lấp ló nơi khóe miệng. Không phải! Mà bởi vì bố là bố, mẹ là mẹ, chị là chị, anh là anh, em là em. Bởi vì bố là bố của con, bởi vì mẹ là mẹ của con, bởi vì em là em của anh, bởi vì em là em của chị, cho nên lúc nào tình thương cũng tràn đầy tuôn đổ trên hai bàn tay; và khi cần đến, tình thương ngọt ngào tuôn đổ, tình thương sung mãn, tình thương thánh thót, tình thương ngập tràn, tình thương lai láng, tình thương viên mãn, tình thương tuôn rơi.

Tạ ơn cho những sức khỏe sung mãn trong gia đình. Tạ ơn cho những đau ốm liệt giường, sụt sùi cảm cúm. Tạ ơn cho những giấc mơ chưa đạt tới, và không biết bao giờ mới đạt tới. Tạ ơn cho những lần không trở thành gánh nặng cho chính mình và cho những người thân chung quanh. Tạ ơn cho những vết thương tâm hồn từ bao lâu nay đã thôi không sưng đỏ, đã chịu lên da non.

Tạ ơn cho những khuôn mặt trong gia đình đang dần dần biến dạng trở nên cằn cỗi, và tạ ơn cho những khuôn mặt vẫn còn đang căng tràn nhựa sống. Tạ ơn cho những lầm lỗi. Tạ ơn cho những lần được thứ tha, được bỏ qua, được quên đi, được xóa nhòa. Tạ ơn cho những chịu đựng âm thầm, không cằn nhằn, không đi ra đi vào đá thúng đụng nia.

Tạ ơn cho những người tình của gia đình. Tạ ơn cho những khuôn mặt mới thường xuyên xuất hiện trong căn phòng khách đợi chờ những khuôn mặt cũ. Tạ ơn cho những người thanh niên kiên nhẫn ngồi im lìm đọc báo coi TV đợi chờ trong căn phòng khách trong khi những người con gái vẫn đang đi tới đi lui trước gương. Tạ ơn cho những đám cưới tưng bừng với bao nhiêu quan khách. Tạ ơn cho những tà áo dài trắng thướt tha, những khuôn mặt đỏ hồng, những đôi mi e lệ dưới khăn voan cô dâu trắng toát. Tạ ơn cho những đứa con đang hình thành trong bụng. Tạ ơn cho những mái ấm gia đình hạnh phúc, và cũng tạ ơn cho những căn nhà bắt đầu nóng, nóng như lửa.

Tạ ơn cho những buổi lễ Tạ Ơn với thịt gà tây chiên vàng theo kiểu Văn Lang. Tạ ơn cho những bữa tiệc Giáng Sinh với khăn bàn đỏ rực, với những ly rượu đỏ nồng, và những khuôn mặt đỏ thắm. Tạ ơn cho những cây thông mọc trong căn phòng khách với đèn trắng, đèn xanh, đèn đỏ, đèn tím, đèn vàng, đèn sáng chưng, đèn lấp lánh bên những gói quà Giáng Sinh chất cao, cao ngất. Tạ ơn cho những đêm Giao Thừa im lìm trên vùng đất mới với không pháo đỏ hồng, không quần áo mới. Tạ ơn cho những đêm Trung Thu trăng tròn rực rỡ, không đèn con thỏ, không đèn con cá, không đèn kéo quân, cả nhà ngồi sau vườn ngắm trăng với trà ướp sen, trà hoa lài, và với bánh nướng, bánh dẻo.

Tạ ơn cho những buổi kinh tối, cả gia đình quây quần đọc kinh Mân Côi. Tạ ơn cho những con thuyền, những chuyến bay đã mang gia đình tới đất mới, trời mới. Tạ ơn cho những lần thất nghiệp đi ra đi vào chẳng biết làm chi khác hơn ngoài luyện chưởng. Tạ ơn cho bầu không khí lành lạnh mát dịu của một ngày cuối tháng Mười Một. Tạ ơn cho Mùa Vọng, cho Lễ Giáng Sinh. Tạ ơn cho nước mắm, mắm tôm, mắm ruốc bay thơm lừng nguyên cả một khu phố có người Hoa Kỳ gốc Văn Lang quây quần xum họp. Tạ ơn cho Bún Bò Huế, Bún Vịt Sáo Măng, Bún Mọc, Cháo Gà, Cháo Vịt, Cháo Lòng Heo và Phở. Tạ ơn cho Bánh Cuốn, Bánh Bèo, Bánh Đúc, Bánh Phồng Tôm. Có rất nhiều điều để Tạ Ơn. Có muốn kể ra, kể ra cũng không hết.

Tạ ơn cho một ngày Lễ Tạ Ơn, một ngày người thân nhớ tới người thân, một ngày gia đình quây quần xum họp tạ ơn trời cao.

Tạ ơn Thiên Chúa, tạ ơn Ông Trời cho một năm vừa trôi qua, trôi qua trong hạnh phúc, trôi qua trong thanh bình, trôi qua trong an lạc, trôi qua trong hồng ân.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Bàn Tay Tri Ân
Lm. Trần Cao Tường
13:29 27/11/2008

BÀN TAY TRI ÂN



Ảnh của Cao Tường

Ân sủng Người ban thì vô biên vô tận

Để lãnh nhận tôi chỉ có hai bàn tay nhỏ bé vô cùng

Ngày ngày lớp lớp qua đi Người vẫn không ngừng đổ rót

Song hồn tôi vẫn trống và tay tôi thì hãy còn vơi.

(Thơ Tagore, Gitanjali - Lời Dâng #1)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền