Ngày 26-11-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tỉnh thức và cầu nguyện
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
06:35 26/11/2018
Chúa Nhật I MÙA VỌNG, năm C
Lc 21,25-28.34-36

Mùa vọng lại trở về.Chu kỳ Phụng vụ lại bắt đầu. Mùa vọng là mùa chờ đợi, mong chờ lần thứ nhất Con Thiên Chúa đến trần gian, nhưng Mùa vọng cũng là mùa chờ đợi Chúa Giêsu quang lâm một cách bất ngờ, đột xuất không ai có thể suy đoán, biết trước được. Lần sau cùng này đến thình lình như :” chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất “ ( Lc 21,35 ).

Người ta cứ tưởng rằng ngày tận cùng sẽ xẩy đến lúc này, lúc nọ, năm này, năm kia. Không giữa hai lần chờ đợi, đã có biết bao lần Chúa bất ngờ đến. Đó là ngày chết của mỗi người, của chính chúng ta. Bởi vì, trên thế giới đã có biết bao người giỏi giang, trổi vượt, có biết bao nhà khoa học, bác học muốn biết ngày nào con người chết, ngày nào là ngày tận thế! Tuy nhiên, những người đó đã tốn biết bao công sức, tiền của với biết bao nghiên cứu khoa học, biết bao giả thiết đưa ra với nhiều kết luận, cuối cùng mọi cố gắng của họ đều bó tay. Bao đe dọa, bao lời tiên tri, suy đoán của giáo phái này, giáo phái kia đều trở nên lố bịch, vô ích !

Chúa Nhật thứ I Mùa vọng năm C, Chúa nói cho con người, cho nhân loại, cho chúng ta về viễn cảnh của ngày phán xét, ngày cánh chung. Chúa cho chúng ta thấy trước những cảnh tượng và những sự việc hãi hùng đến nỗi con người, và chúng ta sẽ sợ hãi, run lên, hồn xiêu phách lạc khi phải đối diện, đương đầu với những tai họa giáng xuống địa cầu như Tin mừng hôm nay kể ra :” Điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang vì biển gào sóng thét…” ( Lc 21,25-26 ).Trước những cảnh tượng khủng khiếp, nhưng xẩy đến bất ngờ, con người không kịp ăn năn, hối cải, không còn cơ hội để làm những việc lành phúc đức để mong Chúa thưởng công. Chỉ có những người biết lắng nghe lời Chúa, thực thi lời Chúa, những người thánh thiện, đạo đức luôn khôn ngoan, sẵn sàng như năm cô trinh nữ khôn ngoan mang đèn mà lại mang dầu theo, hoặc như những đầy tớ nhanh nhẹn, đắn đo kỹ càng, suy nghĩ cẩn thận, luôn chóng vánh, tỉnh thức đón chờ ông chủ đi làm xa về , mới đủ sức, đủ điều kiện thoát khỏi mọi sự việc sắp xẩy ra trong tư thế đứng thẳng và ngẩng đầu cao vì những người này luôn sẵn sàng, cầu nguyện và hết sức tỉnh táo “ đành mất mạng sống “ để sẵn sàng vào dự tiệc với Chúa Giêsu trong Nước Trời.

Vâng, Thiên Chúa yêu thương con người, Ngài không muốn để bất cứ người nào hư mất, nên Ngài đã cho con người, cho chúng ta biết trước cảnh tượng khủng khiếp đó để chúng ta tỉnh thức và cầu nguyện.Tuy nhiên, con người thường dửng dưng cho rằng ngày đó còn lâu, hoặc chưa thể nào xẩy đến được, cứ từ từ không gì phải vội vàng… Ngày đó không thề là hôm nay cũng không thể là ngày mai…Chính vì thế, họ tỉnh bơ trước lời cảnh tỉnh của Chúa Giêsu. Chúng ta hãy coi chừng vì Chúa cảnh giác chúng ta thật mạnh mẽ và rõ ràng :” Thiên Chúa chính là chủ nhân của cuộc sống vì Ngài là Vua Vũ trụ. Ngài điều khiển mọi sự trên trời, dưới đất “. Chính vì thế, chúng ta phải mau mắn sửa đổi nếp sống, ăn ngay ở lành để canh tân, sám hối, quay trở về với Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, Xin giúp chúng con luôn “ tỉnh thức và cầu nguyện “, luôn sẵn sàng đón chờ Chúa đến. Xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con luôn thanh thoát, mau mắn chờ đón Chúa vì chúng con sắp được lãnh ơn cứu độ. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Đức Giêsu báo trước cho con người điều gì ?
2.Chúng ta có biết khi nào Chúa đến không ?
3.Chúa có đến bất ngờ không ?
4.Lần thứ nhất, Chúa đến là lần nào ?
5.Ngày tận cùng của mỗi người chúng ta là ngày nào ?
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Cha Robert Morlino, tiếng nói bênh vực giáo huấn truyền thống của Giáo Hội, đã qua đời
Đặng Tự Do
16:26 26/11/2018
Người Công Giáo ở Madison và nói chung là toàn Hoa Kỳ đã thương tiếc Đức Cha Robert Morlino, một Giám Mục thẳng thắn bênh vực giáo huấn truyền thống của Giáo Hội trong hơn 15 năm cai quản giáo phận Madison, một vùng khét tiếng có quá nhiều những chính trị gia cấp tiến cánh tả.

Giáo phận Madison với diện tích 20,893 km2 có 285,000 người Công Giáo trong tổng số 1,037,600 dân. Theo niên giám 2016, giáo phận có 142 linh mục trong đó có 130 linh mục triều và 12 linh mục dòng, 17 phó tế vĩnh viễn, 312 nữ tu và 20 nam tu sĩ không có chức linh mục.

Đức Giám Mục Morlino, 71 tuổi, đã qua đời vào tối thứ Bảy 24 tháng 11 sau một cơn đau tim. Ngài đã được đưa vào bệnh viện St. Mary ở Madison từ hôm thứ Tư 21 tháng 11.

Đức Cha Robert Charles Morlino sinh ngày 31 tháng 12 năm 1946. Ngài được thụ phong linh mục Dòng Tên ngày 1 tháng 6 năm 1974. Ngày 6 tháng 7, 1999, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Giám Mục Helena ở Montana.

Đức Cha Robert Morlino đã nhanh chóng trở thành một trong những tiếng nói nổi tiếng bênh vực giáo huấn truyền thống của Giáo Hội.

Ngày 23 tháng 5, 2003, vị Giáo Hoàng Ba Lan đã bổ nhiệm ngài làm Giám Mục Madison và chính thức coi sóc giáo phận này vào ngày 1 tháng 8 năm 2003. Trong nhiệm kỳ của ngài, ơn gọi linh mục gia tăng mạnh, thánh lễ tiếng Latin đã trở lại ở một số khu vực và các linh mục được khuyến khích chỉ sử dụng những bé trai và các chủng sinh trong việc giúp lễ.

Khi tuyên bố cái chết của ngài, giáo phận nói rằng ba ưu tiên của Đức Cha Morlino là “tăng số lượng và phẩm chất những người được phong chức tư tế trong giáo phận, truyền cảm thức tôn kính thờ phượng Chúa trong toàn giáo phận… và thách thức người Công Giáo cũng như các tổ chức Công Giáo trong giáo phận tuyên xưng đức tin của họ nơi Chúa Giêsu Kitô thông qua những chức vụ họ đảm nhận trong cộng đồng thế tục”

Sự lãnh đạo của Đức Cha Morlino đã sớm gặp những thử thách. Ngày 14 tháng 3 năm 2005, Nhà thờ chính tòa St. Raphael 150 tuổi ở trung tâm thành phố Madison đã bị một người đàn ông vô gia cư bị bệnh tâm thần đốt cháy.

Năm 2007, Đức Cha Morlino đã công bố kế hoạch xây dựng lại ngôi nhà thờ này với kinh phí 14 triệu Mỹ Kim. Tuy nhiên, trước tình cảnh dân chúng vất vả đối phó với tình trạng kinh tế suy thoái, vào năm 2008, ngài từ bỏ ý định này. Năm 2012, giáo phận đã biến khu vực này thành một công viên với 14 chặng đàng thánh giá. Đến nay, giáo phận vẫn chưa công bố kế hoạch xây dựng một nhà thờ mới.

Trước ngày bầu cử năm 2006, Đức Cha Morlino đã là mục tiêu bị chỉ trích của đảng Dân Chủ khi ngài lên tiếng kêu gọi người Công Giáo chú ý đến các giáo huấn Công Giáo truyền thống khi đi bỏ phiếu. Cuối tuần trước ngày bầu cử năm 2006, ngài ra lệnh cho tất cả các linh mục phát trong các thánh lễ một thông điệp thu âm của ngài, trong đó ngài lên tiếng phản đối hôn nhân đồng tính, án tử hình và nghiên cứu tế bào gốc từ phôi thai người.

Gần đây nhất, trong một lá thư gửi cho các thành viên của giáo phận vào tháng Tám, Đức Cha Morlino tuyên bố rằng tai tiếng lạm dụng tính dục là hậu quả của thứ văn hóa đồng tính.

Hôm Chúa Nhật 25 tháng 11, tại nhà thờ Công Giáo St. Mary ở Pine Bluff, cha Richard Heilman nói với anh chị em giáo dân rằng Đức Cha Morlino là gương sáng của một Giám Mục Hoa Kỳ sẵn sàng chấp nhận - và đương đầu - với thách thức khó khăn trong việc lãnh đạo một giáo phận trong một khu vực bị chi phối bởi các chính trị gia cấp tiến tả phái.

“Ngài hoàn toàn tận tụy trong việc giúp chúng ta gặp gỡ Chúa qua Phụng Vụ Thánh, qua việc thờ phượng tôn kính. Đây là điều quan trọng nhất đối với ngài.”

Cha Michael Burke, linh mục lâu năm tại nhà thờ Công Giáo St. Maria Goretti cho đến khi ngài nghỉ hưu vào năm 2017, nói Đức Cha Morlino là một người nhân lành biết cách lắng nghe.

Đức Cha Morlino đã khiến nhiều giáo dân ở St. Maria Goretti - nằm ở phía Tây Nam của Madison và là một trong những giáo xứ lớn nhất của giáo phận – hoang mang khi ngài ra lệnh cho cha Burke nghỉ hưu vì lý do sức khỏe. Một số người nghĩ rằng ngài sử dụng các vấn đề sức khỏe của cha Burke như một cái cớ để loại bỏ một linh mục không đồng ý với ngài về mặt triết học.

Cha Burke nói rằng ngài không hiểu lý do Đức Cha Morlino loại bỏ ngài vào thời điểm đó nhưng sau vài cuộc trò chuyện với Đức Cha Morlino, ngài nhận ra lòng nhân lành của ngài. Với tình trạng sức khoẻ như thế, cha Burke nhận ra nếu tiếp tục công việc của một giáo xứ lớn như thế ngài không thể phục hồi sức khoẻ. Đức Cha Morlino đã cố gắng giúp ngài khỏe mạnh trở lại.


Source: Catholic Herald Bishop Morlino of Madison dies at age 71
 
Lá thư ngỏ của người Công Giáo Đại Đồng, Trung Hoa: Chúng tôi không thể mãi im lặng trước việc đàn áp đức tin
Vũ Văn An
19:13 26/11/2018
Bức thư được ngỏ cùng các cơ quan chính phủ, yêu cầu được tự do tôn giáo, nhưng cũng ngỏ cùng các tín hữu của thế giới (và có lẽ cả Vatican) yêu cầu phải hành xử ra sao trước cuộc bách hại. Các cộng đồng khốn khổ từng bị phá hủy các cây thánh giá, các nhà thờ, bị cấm tụ họp. Từ năm 2005, giáo phận không có giám mục.



Rome (AsiaNews) - Một nhóm tín hữu từ Giáo phận Đại Đồng (Sơn Tây) đã công bố một bức thư ngỏ và được ký tên, tố cáo sự đàn áp ngày càng gia tăng của chính phủ đối với cộng đồng Kitô hữu, sau khi phát động các quy định mới về hoạt động tôn giáo: phá hủy các cây thánh giá, triệt hạ các nhà thờ, giảm tối đa các buổi hội họp, không thể nhận được cách sách báo đạo... Dường như, họ cũng yêu cầu sự giúp đỡ (có lẽ từ các thẩm quyền Vatican) để giải quyết "những tình trạng khó xử đau đớn" mà họ đang gặp phải. Những điều này bao gồm vấn đề liệu có phải Vatican, nhân cơ hội muốn có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, đã bỏ rơi các Kitô hữu bị bách hại, sử dụng họ như "những người con dê tế thần" hay không.

Từ năm 2005, giáo phận Đại Đồng đã không có một giám mục nào. Đức cha Thaddeus Guo Yingong, người bắt đầu sứ vụ mục vụ của mình ở đó vào năm 1990, là giám mục cuối cùng và qua đời vào năm 2005. Đức Cha Guo đã trải qua 10 năm lao động cưỡng bách trong cuộc Cách mạng Văn hóa. Hiện tại, theo "Hướng dẫn của Giáo Hội Công Giáo ở Trung Quốc", có 14 linh mục phục vụ cộng đồng tín hữu.


Thư ngỏ - Tuyên bố chung

Những biến cố xảy ra hôm nay xung quanh chúng tôi, chúng tôi cho rằng đã được mọi người chú ý. Những sự kiện này có mối liên hệ chặt chẽ với cộng đồng tín hữu của chúng tôi. Bởi vì nó, chúng tôi không thể ngồi im lặng mà không có bất kỳ mối ưu tư nào, thậm chí hơn nữa, chúng tôi không thể đứng khoanh tay. Điều đáng ưu tư của chúng tôi là tự do của đức tin tôn giáo, vì là quyền căn bản của con người, nên không thể bị vi phạm, bị ngăn cấm hay bị tước bỏ. Rõ ràng, chúng tôi không nhất thiết phải đồng ý và chấp nhận nhiều tuyên bố và đề nghị của Chính phủ, mà một số trong chúng, thậm chí còn bị chúng tôi phản đối. Nhưng, không thể tước bỏ tự do và quyền của chúng tôi bởi vì chúng tôi có một tín ngưỡng khác. Là một cộng đồng các tín hữu, chúng tôi thậm chí càng ưu tư nhiều hơn đến tự do ngôn luận, vì nó không thể bị tách khỏi tự do tôn giáo: không có điều này sẽ không có điều kia!

Bây giờ chúng tôi tiếp nhận sự kiểm soát của qúy vị. (Thì) Thánh giá của nhà thờ chúng tôi và thậm chí cả nhà thờ đã bị phá hủy. Sự tự do của tín hữu để tham dự các cuộc hội họp của chúng tôi đã bị chống đối. Nhà thờ buộc phải chấp nhận sự hướng dẫn của Chính phủ Trung Quốc. Tất cả những điều này khiến chúng tôi lo lắng và bất mãn. Là các tín hữu, chúng tôi biết rằng tương lai quyết định hiện tại. Với tuyên bố chung của chúng tôi, chúng tôi hy vọng rằng qúy vị sẽ tôn trọng quyền của Giáo Hội, tôn trọng mọi người: đây là một điểm mấu chốt không thể bỏ qua được.

Sơn Tây, Giáo phận Đại Đồng (Theo sau tám chữ ký)

Đối đầu với một tình thế khó xử đau đớn

1. Từ khi các Quy định mới đối với công việc tôn giáo có hiệu lực, Chính phủ tiếp tục áp dụng biện pháp hạn chế, cấm mua Kinh Thánh trên internet: chúng tôi hỏi chúng tôi sẽ được mua sách tôn giáo cần thiết ở đâu, qua ngả nào chúng tôi có thể mua chúng ?

2. Bây giờ Chính phủ đã tăng cường sự kiểm soát của họ đối với Giáo phận của chúng tôi, bằng cách nghiêm cấm các cuộc hội họp quy mô, cử hành Thánh Thể vào những thời điểm cố định: những điều cấm như vậy khiến chúng tôi rất buồn, chúng tôi nên làm gì?

3. Chính phủ Trung Quốc hiện đang tăng cường mối liên hệ với Vatican: liệu Vatican có nên thỏa hiệp, biến chúng tôi thành những con dê tế thần để thiết lập liên hệ ngoại giao hay không?

4. Trước một bước áp bức thêm nữa của Chính phủ, liệu chúng tôi có nên tiếp tục im lặng như con chiên hiền lành hay chúng tôi nên tổ chức việc phản đối?

5. Bây giờ chúng tôi không có thánh giá, không có Thánh Thể ở một nơi cố định: điều này làm cho nhiều tín hữu mất niềm tin và nhiều người trong số họ đã bỏ đi. Trong tương lai thật khó để giáo hội có thể thực hiện bất cứ tiến bộ nào.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo Đoàn KiTô Vua Lakemba Sydney Mừng Kính Bổn Mạng
Diệp Hải Dung.
09:54 26/11/2018
Chiều Chúa Nhật 22/11/2018 các Đoàn thể, Quan Khách Úc Việt và các Giáo đoàn bạn đã đến nhà thờ St. Therese Lakemba Sydney tham dự Lễ mừng kính Đức KiTô Vua Quan Thầy của Giáo Đoàn, Ca đoàn, Xứ đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể và Lòng Chúa Thương Xót Lakemba Sydney.

Trước khi cử hành Thánh Lễ, mọi người tập trung trong khuôn viên nhà thờ,cùng sốt sắng dâng lời kinh nguyện lên Chúa KiTô Vua và Cha Phêrô Hà Thanh Hải Chính xứ Lakemba xông hương kiệu Thánh tượng Chúa KiTô Vua sau đó Thánh Tượng được rước vào nhà thờ. Cuộc kiệu rất long trọng và trang nghiêm, đi đầu Thánh Giá nến cao, cờ Úc Việt , cờ Hội Thánh, Thiếu Nhi Thánh Thể, Legio Mariae, Phong Trào Lòng Chúa Thương Xót, Hội Các Bà Mẹ Công Giáo, quan khách Úc Việt và Giáo dân.

Xem Hình

Khi Thánh Tượng được rước vào nhà thờ và an vị trên cung thánh. Qúy Cha Tuyên uý Trưởng Remy Bùi Sơn Lâm Đặc trách Giáo Đoàn Lakemba, Cha Chính xứ Phêrô Hà Thanh Hải, Cha Hoàng Minh Tân và Cha Gary Rawson cùng hiệp dâng Thánh lễ.

Sau nghi thức cung nghinh Phúc Âm do các em Thiếu Nhi Thánh Thể phụ trách. Trong bài giảng Cha Tuyên Úy Trưởng Bùi Sơn Lâm nói về Chúa KiTô Vua nước của Ngài không thuộc về thế gian này có những lãnh vực quyền lực, tranh đấu, giành giựt…nước của Ngài thuộc về lãnh vực làm chứng cho sự thật và cũng chính Ngài đã tuyên bố Ta là Vua, Ta đến trong thế gian này làm chứng cho sự thật….

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Cha Chính xứ Hà Thanh Hải ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Giáo Đoàn kế tiếp anh Mai Phước Thành Phó Chủ tịch CĐCGVN TGP Sydney lên ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Giáo đoàn, Ca đoàn, Xứ đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể và Lòng Chúa Thương Xó, anh cám ơn quý thành viên Ban Mục Vụ Giáo Vu Giáo đoàn, đã góp sức đồng hành với những sinh hoạt trong Giáo đoàn và Cộng Đồng mỗi ngày them thăng tiến. Sau cùng Anh Nguyễn Ngọc Sinh Trưởng Ban Mục Vụ Giáo Đoàn Lakemba lên ngỏ lời cám ơn quý Cha, qúy Sơ, quý Quan Khách và mọi người đã đến tham dự Thánh lễ mừng kính Bổn Mạng Giáo Đoàn, anh cũng cám ơn quý ân nhân đã góp công góp của giúp cho Giáo Đoàn có đủ phương tiện tổ chức mừng Bổn Mạng được tốt đẹp. Sau cùng anh cám ơn Ca đoàn KiTô Vua Lakemba đã giúp cho Thánh lễ thêm phần sốt sắng.

Sau Thánh lễ mọi người cùng ở lại tham dự tiệc liên hoan mừng Bổn Mạng bên sân trường của nhà thờ và thưởng lãm văn nghệ. Diệp Hải Dung
 
Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Arlington, Virginia mừng kỷ niệm 30 phong thánh 117 vị tử đạo VN
Vọng sinh
19:42 26/11/2018
Mừng 30 Năm Các Thánh Tử Đạo Việt Nam - Gần 40 Năm GX CTTĐVN Arl VA lớn mạnh.

Những ngày đầu đông tai Vùng Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn trời đã trở lạnh, hôm nay lại càng lạnh hơn; buổi chiều tối đã xuống tới gần 30° F. Cái lạnh như buốt thấu tới xương thịt người ta. Nhưng cái lạnh buốt gía ấy vẫn không làm chùn chân đoàn người tiến bước trong Đoàn Rước Thánh Tích Các Thánh Tử Đạo Việt Nam trước sân Thánh Đường, trong ngày trọng đại Mừng 30 Năm Các Thánh Tử Đạo Việt Nam được tôn phong Hiển Thánh; cũng là Bổn Mạng của Giáo Xứ nơi đây.

Ngay sau biến cố 30/4/1975, một số người tỵ nạn đã đã có mặt tại Giáo Phận Arlington, Virginia, hội nhập với một số nhỏ đã ở đây trước. Từ đó Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam đã được thành lập. Ngày 15-07-1975, Lm. Trần Duy Nhất được bổ nhiệm làm Tuyên Úy cho Cộng Ðồng Công Giáo VN tại Giáo Phận Arlington. Ngày 20-07-1975 Thánh Lễ tiếng Việt đầu tiên được cử hành cho người tị nạn tại Nhà Thờ Chánh Tòa St. Thomas More, Arlington, VA. Ngày 12-10-1975, Tờ Liên Lạc đầu tiên của Cộng Ðồng Công Giáo được phát hành.

Ngôi Nhà Thờ nhỏ khoảng 100 chỗ ngồi mua lại của Giáo Phái Friendship Methodist ở Annandale, Virginia được sửa chữa lại; và ngày 19-08-1979 đã được cung hiến do Ðức Cha Thomas J. Welsh, Giám Mục tiên khởi. Cũng ngày này, Ðức Cha ban sắc chỉ thiết lập Giáo Xứ VN "Blessed Vietnamese Martyrs" - một Giáo Xứ Việt Nam đầu tiên tại Hoa Kỳ - cho người Công Giáo VN trong Giáo Phận. Ðồng thời Lm. Trần Duy Nhất được bổ nhiệm làm Chánh Xứ tiên khởi.

Giòng người tỵ nạn tiếp tục tuôn đổ về đây, và Ngôi Nhà Thờ trở nên qúa chật hẹp. Ngày 07/10/1985 Một nhà thờ lớn hơn chứa được khoảng 800 người ngồi theo kiểu Mỹ, gồm có hội trường, nhà bếp (commercial), 5 lớp học, 2 văn phòng, một thư viện, phòng in, phòng ca đoàn và 4 nhà vệ sinh được mua lại của Nhà Thờ Bible tại Arlington, Virginia với giá 730,000 Mỹ Kim. Ngày 15-03-1986, Thánh lễ đầu tiên tại Nhà Thờ mới được cử hành.

Với biến cố trọng đại ngày 19/6/1988, 117 Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam được tôn phong Hiển Thánh, Tên Giáo Xứ "Blessed Vietnamese Martyrs Parish" được Ðức Cha Keating đổi thành “Holy Martyrs of Vietnam Parish” ngày 24-01-1989.

Từ 9/2008 - 6/2010, Nhà Thờ được sửa chữa, nới rộng, thay thế mặt tiền tam quan với đường nét kiến trúc Á-Đông rất uy nghi trang trọng, phần nào nói lên sự Oai Hùng Tử Đạo của Tiền Nhân mãi còn ở lại trong lòng Đoàn Con Tha Hương nơi Xứ này. Ngày 20/06/2010 Đức Cha Loverde đã chủ tọa Lễ Khánh Thành Nhà thờ mới được trùng tu.

Với nhu cầu phát triển, Đứa Con của Giáo Xứ CTTĐVN Arl VA đã chào đời: Cộng đoàn Đức Mẹ La Vang Chantilly VA, được thành lập từ tháng 03/2006, sinh hoạt tại nhà thờ Thomas à Becket. Từ 6/03/2011 được rời sang nhà thờ Thánh Veronica. Ngày 03/9/2017 đã được Đức Cha Michael F. Burbidge nâng lên Giáo Họ (Mission), hiện do Lm. Tôma Phó Quốc Luân, OP. đặc trách, đang trên đà phát triển rất nhanh, và có thể sẽ trở thành Giáo Xứ trong tương lai gần.

Xem video

Hôm nay mừng kính CTTĐVN 30 Năm Hiển Thánh, Đoàn Con Cháu dù trời lạnh thấu xương, vẫn hiên ngang nối bước theo Thánh Tích Các Ngài; quyết giữ vững Niềm Tin Yêu Mến, cho dù muôn gian khó trong cuộc sống hôm nay nơi xứ người.

Sau Cuộc Rước Kiệu Thánh Tích CTTĐVN, Phần Kịch Thánh Tôma Thiện do Ca Đoàn JP2 cùng với Liên Ca Đoàn và Các Hội Đoàn cộng tác, đã đưa Cộng Đoàn ôn lại những giây phút anh hùng, qủa cảm của người thanh niên trẻ Tôma Thiện dám hy sinh cả mạng sống vì Niềm Tin Yêu Chúa.

Nhạc Cảnh Tôma Thiện - Ca Đoàn Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II - 20181123

Xem Video

Thánh Lễ mừng kính CTTĐVN đã diễn ra long trọng và được kết thúc với bữa Tiệc nhẹ ngay tại Tiền Sảnh Thánh Đường. Mọi người cảm nhận được Niềm Vui chan hòa như vừa được tắm gội sau cơn mưa n Phúc từ Trời Cao.

Vọng Sinh.

Arlington VA Lễ CTTĐVN 24.11.2018
 
Đoàn Liên Minh Thánh Tâm Seattle mừng lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ 2018.
Nguyễn An Qúy
20:01 26/11/2018
Chúa Nhật 34 cuối năm phụng vụ, giáo hội mừng lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ. Đoàn Liên Minh Thánh Tâm thuộc giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Seattle long trọng mừng lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ Bổn mạng của Đoàn vào lúc 9:30 sáng Chúa Nhật ngày 25 tháng 11 năm 2017. Thánh lễ được cử hành trọng thể do linh mục Nguyễn Sơn Miên chủ tế, cùng đồng tế thánh lễ có linh mục chánh xứ Đào Xuân Thành và linh mục Đinh Văn Nghị thuộc dòng Đa Minh, Ca đoàn Tin Yêu hát lễ. Đúng 9:30 lời dẫn lễ vừa dứt, anh em đoàn Liên Minh Thánh Tâm cùng với nghi đoàn và các linh mục cung nghinh thánh giá tiến lên bàn thánh theo tiếng hát của bài ca nhập lễ do ca đoàn Tin Yêu hát lễ.

Xem Hình

Mở đầu thánh lễ, cha chủ tế chào mừng cộng đoàn dâng lễ, ngài nói: hôm nay cùng với Giáo Hội chúng ta mừng lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, Chúa là Vua trên hết các Vua, đặc biệt Đoàn Liên Minh Thánh Tâm mừng lễ bổn mạng của Đoàn, chúc mừng toàn thể các thành viên của Đoàn Liên Minh Thánh Tâm trong ngày trọng đại này, xin cho một tràng pháo tay để cùng chào đón nhau( tiếng vỗ tay kéo dài khá lâu)

Thánh lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Lời Chúa. Thánh Gioan giới thiệu đoạn tin mừng mô tả cảnh đối đáp của quan Philato với Chúa Giêsu như một sự xác minh Chúa Giêsu chính là Vua: Khi ấy, Philatô hỏi Chúa Giêsu rằng: "Ông có phải là Vua dân Do-thái không?" Chúa Giêsu đáp: "Quan tự ý nói thế, hay là có người khác nói với quan về tôi?"

Philatô đáp: "Ta đâu phải là người Do-thái. Nhân dân ông cùng các thượng tế đã trao nộp ông cho ta. Ông đã làm gì?" Chúa Giêsu đáp: "Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do-thái, nhưng mà nước tôi không thuộc chốn này".

Philatô hỏi lại: "Vậy ông là Vua ư?"

Chúa Giêsu đáp: "Quan nói đúng. Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng Tôi".

Cha Đinh Văn Nghị phụ trách giảng lễ: Bài chia sẻ tương đối khá ngắn gọn nói lên ý nghĩa của tin mừng hôm nay, ngài nhấn mạnh : "điều vui mừng của chúng ta là chúng ta sống với niềm tin Chúa Giêsu là Vua của vũ trụ càn khôn, vâng chúng ta sống có Vua tình yêu, xin cho chúng ta biết tin tưởng vào quyền năng của Chúa để kiên vững theo Chúa trong cuộc hành trình nơi trần thế.." Ngài khuyên: "chúng ta hãy sống thật, hãy sống với sự thật, không có gì cao quý bằng sự thật.." Ngài lại pha trò dí dỏm qua câu chuyện vui, ngài nói: con có lần lái xe bị ticket nên cũng ra toà xin để đỡ được chút tiền phạt, hôm ra toà lại gặp một cụ già khoảng hơn 70 tuổi, ông này phạm lỗi lái xe vào đường ngược chiều, ông được quan toà mời lên hỏi: quan toà hỏi: tại sao bị phạt- ông già kia trả lời: "thưa quan toà, tôi có một chuyện rất thật nên đã bị phạt không biết nói ra quan toà có tin không? quan toà bảo: ông cứ nói đi- ông già vui vẻ kể: thưa quan toà, hôm đó tôi đang lái xe đi trong khu vực thành phố, khi đến ngả tư thì bà xã tôi chỉ : quẹo phải đường này, thì tôi quẹo ngay và bị cảnh sát chận xe phạt- quan toà cười và ngẫm nghĩ một chút rồi thông thả trả lời: ừ được, ông biết nghe lời vợ, nhân danh tòa tôi tha phạt cho ông...(mọi ngươì cười rộ )" Khi đề cập đến ngày lễ bổn mạng của đoàn Liên Minh Tâm ngài nói: "xin cho anh em Đoàn Liên Minh Thánh Tâm theo chân Chúa Kitô Vua hầu mang lại sự yêu thương trong gia đình cũng như cộng đoàn giáo xứ..."

Trước khi kết thúc thánh lễ, cha chánh xứ ngỏ lời chúc mừng anh em Đoàn Liên Minh Thánh Tâm, ngài nói: mời tất cả anh em đoàn Liên Minh Thánh Tâm đứng dậy và ngài tiếp : anh em Đoàn Liên Minh Thánh Tâm là những thành viên trụ cột của từng gia đình đã đảm trách nhiều công tác giúp giáo xứ như lo việc phụng vụ thánh lễ, lo việc tiếp đón và nhiều công tác khác giúp giáo xứ , chúc mừng anh em Liên Minh Thánh Tâm trong ngày mừng bổn mạng, xin Chúa chúc lành cho tất cả đoàn viên Liên Minh Thánh Tâm và gia đình, mời quý cha cùng chúc lành cho Đoàn. Cả 3 cha cùng ban phép lành đặc biệt cho toàn thể anh em Đoàn viên hiện diện.

Sau thánh lễ là buổi họp mặt thân hữu của Gia đình Liên Minh Thánh Tâm. Đây là buổi họp mặt nội bộ của Đoàn viên cùng các phu nhân trong hội trường giáo xứ thật ấm cúng với nhũng thức ăn khá phong phú. Cha chánh xứ cũng là tuyên uý đoàn đã đến chúc mừng Gia Đình Liên Minh Thánh Tâm và chúc lành cho bữa tiệc thân hữu của Gia đình Liên Minh Thánh Tâm. Hiện diện chung vui với gia đình Lien MinhThánhtâm có một số anh chị ca viên trong Ca Đoàn TinYêu tham dự. Điểm son của Đoàn Liên Minh Thánh Tâm thuộc giáo xứ Các ThánhTử Đạo Việt Nam là sự liên kết Đoàn Viên với nhau trong tinh thần hiệp nhất bên cạnh các phu nhân của các Đoàn viên. Các phu nhân bao giờ cũng hổ trợ cho Đoàn một cách thiết thực nên thường được gọi là Gia Đình Liên MinhThánh Tâm trong sự thân thiện giữa các Đoàn Viên. Cha chánh xứ bận việc nhưng ngài cũng đến chúc mừng Đoàn trong ngày Họp mặt. Buổi Họp Mặt mang hình ảnh của một đại gia đình khá ấm cúng với chương trình văn nghệ cây nhà lá vườn khá phong phú. Buổi họp mặt kết thúc lúc 1 giờ chiều, mọi nguời chia tay ra về trong tâm tình tạ ơn

Nguyễn An Quý
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Và Ong
Vũ Đình Huyến Lm.
09:23 26/11/2018
HOA VÀ ONG
Ảnh của Vũ Đình Huyến, Lm. (CRM)
Chỉ có hoa mới hiểu
Ong nặng nhọc tới đâu
Chỉ có ong mới biết
Hoa thơm ngọt lần đầu.
(KD)
 
VietCatholic TV
Suy Niệm với ĐTC 27/11/2018: Phép lạ Thánh Thể ngoạn mục tại Chirattakonam, Ấn Độ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:05 26/11/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Thế gian bưng bít chứng tá tử đạo

Giáo Hội phát triển “trong sự đơn sơ, trong lặng lẽ, trong lời chúc tụng Chúa, trong hy tế Thánh Thể, trong cộng đồng huynh đệ, nơi mọi người đều được yêu thương,” và không ai bị từ chối. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 15 tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta. Bình luận về bài Tin Mừng trong ngày (Lc 17:20-25), Đức Thánh Cha nói rằng Nước Trời “không ngoạn mục”, nhưng phát triển trong lặng lẽ.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Giáo hội của Chúa Kitô, được thể hiện “nơi Thánh Thể và các việc lành phúc đức,” ngay cả khi những điều ấy “không phải là đầu đề tin tức.” Hiền thê của Chúa Kitô chuộng sự yên lặng; Giáo Hội sinh hoa kết quả mà không thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng, không kèn không trống nghinh ngang như người Pharisêu.

Chúa giải thích với chúng ta cách thức Giáo Hội phát triển trong dụ ngôn người gieo giống. Người gieo giống gieo hạt xuống đất và hạt giống lớn lên đêm ngày. Thiên Chúa làm cho nó lớn lên. Và những hoa trái sẽ được nhìn thấy tỏ tường. Nhưng điều quan trọng là: Thứ nhất Giáo Hội tăng trưởng trong lặng lẽ và kín đáo; Đó là phong cách của Giáo Hội. Thứ hai là sự tăng trưởng ấy được thể hiện thế nào trong Giáo Hội? Thưa, qua những hoa trái của những việc lành phúc đức để thiên hạ thấy và tôn vinh Chúa Cha, Đấng ngự trên trời, như Chúa Giêsu nói. Giáo Hội cũng thể hiện điều ấy trong việc cử hành, trong lời ngợi ca và hy tế của Chúa – nghĩa là trong Bí Tích Thánh Thể. Giáo Hội được thể hiện chính nơi Thánh Thể và trong các việc lành phúc đức.

“Giáo Hội phát triển nhờ các chứng tá, nhờ những lời cầu nguyện, nhờ sự thu hút của Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động bên trong, chứ không phải nhờ các sự kiện.” Những sự kiện chắc chắn là hữu ích, nhưng sự tăng trưởng đích thực nơi Giáo Hội, sự tăng trưởng sinh hoa kết quả, là sự tăng trưởng trong lặng lẽ, kín đáo, qua những công việc lành và việc cử hành Hy Lễ Vượt Qua của Đức Kitô, và trong lời chúc tụng tôn vinh Thiên Chúa.

Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng sa vào cám dỗ quyến rũ người ta. “Chúng ta mong muốn Giáo Hội được rạnh danh trong thiên hạ nhiều hơn, và chúng ta tự hỏi chúng ta có thể làm gì để Giáo Hội được vang danh nhiều hơn nữa? Và thường ta lại rơi vào một Giáo Hội của những sự kiện nghĩa là một Giáo Hội không có khả năng tăng trưởng trong lặng lẽ qua những việc lành phúc đức một cách kín đáo.

Đức Thánh Cha củng đưa ra lời nhắc nhở rằng:

Chúng ta đang sống trong một thế giới quá thường chiều theo cám dỗ muốn phô trương, chạy theo tinh thần thế gian, ưa chuộng vẻ bên ngoài. Đức Thánh Cha nhắc nhớ rằng ma quỷ cũng đã từng cám dỗ Chúa Giêsu phô trương quyền năng Ngài: “Sao lại phải mất nhiều thời gian để hoàn tất công trình cứu chuộc như thế? Hãy làm một phép lạ ngoạn mục xem nào. Ông hãy nhảy xuống từ nóc đền thờ này và mọi người sẽ xem thấy, sẽ chứng kiến tận mắt và sẽ tin ông.” Nhưng Ngài đã chọn con đường rao giảng, cầu nguyện, thi hành các việc lành, con đường thập giá và khổ đau.

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói: “Giáo Hội lớn lên cùng với máu của các vị tử đạo, là những người nam và những người nữ trao ban cuộc sống mình. Ngày nay, có quá nhiều [những vị tử đạo]. Điều lạ lùng là: những điều này không phải là đầu đề của tin tức. Thế gian che giấu sự kiện này. Tinh thần thế gian không chấp nhận phúc tử đạo, nó bưng bít đi.”

2. Phép lạ Thánh Thể ngoạn mục tại Chirattakonam, Ấn Độ

Trong số các phép lạ Thánh Thể đã được Giáo Hội công nhận là chân thật, phép lạ Thánh Thể tại Chirattakonam thuộc tỉnh Trivandrum, ở cực Nam Ấn Độ về phía Tây của quốc gia này là phép lạ mới xảy ra nhất, ngay trong thế kỷ thứ 21 của chúng ta.

Phép lạ Thánh Thể này xảy ra vào ngày 5 tháng 5 năm 2001. Trong chiếc Mình Thánh Chúa lớn đã được thánh hiến và được đặt trong Mặt Nhật để các tín hữu kính viếng, đã xuất hiện khuôn mặt Chúa Kitô đầu đội mão gai.

Trong cuộc điều tra của tổng giáo phận Trivandrum, cha Johnson Karoor, là cha sở của nhà thờ nơi phép lạ Thánh Thể xảy ra, cho biết như sau:

Ngày 28 tháng 4 năm 2001, tại nhà thờ giáo xứ Đức Maria ở Chirattakonam, chúng tôi bắt đầu tuần Cửu Nhật Kính Thánh Giuđa Tađêô, như chúng tôi vẫn làm mỗi năm để cầu nguyện cho những người trong trường hợp tuyệt vọng và trong các hoàn cảnh nguy nan.

Vào lúc 8:49 sáng, sau khi đã dâng Thánh Lễ, tôi đặt Mình Thánh Chúa vào trong Mặt Nhật để tôn thờ trong buổi Chầu Thánh Thể.

Sau đó vài phút, tôi chú ý đến một hiện tượng lạ lùng là có 3 chấm đỏ xuất hiện trên Mình Thánh Chúa được đặt trong Mặt Nhật. Quá kinh ngạc, tôi ngưng cầu nguyện và tiến lên gần Mặt Nhật để nhìn rõ hơn. Tôi cũng mời anh chị em giáo dân cùng tiến lên trên bàn thờ để xem có phải họ cũng thấy như tôi không. Ai cũng thấy như thế. Sau đó, chúng tôi tiếp tục cầu nguyện một cách sốt sắng hơn nữa. Khi hết giờ Chầu Thánh Thể, tôi đã đặt Mình Thánh Chúa trở lại trong nhà tạm.

Ngày 30 tháng Tư, tôi cử hành thánh lễ trước khi lên thành phố Trivandrum để tham dự mấy ngày tĩnh tâm dành cho các linh mục. Tôi vẫn thấy có ba chấm đỏ trên Mình Thánh Chúa.

Sau khi dự khóa tĩnh tâm, sáng ngày 5 tháng 5, 2001, tôi trở lại cử hành thánh lễ tại Chirattakonam.

Khi tôi mở nhà tạm, tôi lập tức chú ý đến một hình ảnh như khuôn mặt người trên Mình Thánh Chúa. Tôi cẩn thận hỏi cậu bé giúp lễ xem cậu thấy gì trên Mình Thánh Chúa.

Cậu bé trả lời: “Con thấy hình dáng của một khuôn mặt người.”

Thấy sự bối rối của chúng tôi, anh chị em tín hữu cũng nhìn chằm chằm vào chiếc Mình Thánh Chúa. Tôi giơ cao cho mọi người nhìn và nhiều người bắt đầu khóc.

Thánh lễ chưa kết thúc nhưng tôi đã đặt Mình Thánh Chúa vào trong Mặt Nhật để mọi người tôn thờ. Hình người trên Mình Thánh Chúa càng lúc càng rõ hơn.

Tôi không có can đảm để nói bất cứ điều gì, và tôi bắt đầu khóc.

Trong thời gian Chầu Thánh Thể, chúng tôi có thói quen đọc một đoạn văn từ Thánh Kinh. Đoạn văn được chọn ngẫu nhiên ngày hôm đó là đoạn trong Chương 20 của Tin Mừng Thánh Gioan, khi Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra cùng các Thánh Tông Đồ và bảo Thánh Tôma xỏ tay vào những vết thương của Ngài.

Tin về phép lạ Thánh Thể được loan truyền nhanh chóng đến mức một nhiếp ảnh gia tức tốc chạy đến nơi chụp ảnh Thánh Thể với khuôn mặt người bên trong. Các bức ảnh sau khi được in ra cho thấy khuôn mặt xuất hiện rất rõ ràng như ta vẫn thường thấy trong cảnh thương khó.

Chiếc Mình Thánh Chúa với khuôn mặt Chúa đầu đội mão gai hiện nay vẫn còn được tôn kính tại nhà thờ giáo xứ Đức Maria ở Chirattakonam lôi cuốn mỗi năm đông đảo các khách hành hương.

Khi chính thức công nhận tính chất siêu nhiên của hiện tượng này, Đức Tổng Giám Mục Blrilness Cyril Mar Baselice của tổng giáo phận Trivandrum nhận xét rằng:

“Đối với các tín hữu chúng ta, những gì chúng ta thấy là điều chúng ta vẫn luôn luôn tin tưởng. Nhưng Chúa đang nói với chúng ta qua dấu chỉ này, và điều này chắc chắn đòi hỏi nơi chúng ta những phản ứng thích hợp.”

3. Giám Mục là người đầy tớ khiêm nhường và hiền lành chứ không phải là một ông hoàng

Một tôi tớ khiêm nhường, hiền lành chứ không phải là ông hoàng. Đó là hình ảnh đúng đắn của một giám mục theo như mô tả của Đức Thánh Cha Phanxicô về phẩm chất phải có của một giám mục trong bài giảng thánh lễ tại nhà nguyện Thánh Marta hôm thứ Hai 12/11.

Đức Thánh Cha đã đưa ra những nhận xét trên từ thư của thánh Phaolô tông đồ gửi cho Titô trong bài đọc Phụng Vụ ngày thứ Hai sau Chúa Nhật thứ 32 mùa Thường Niên, trong đó thánh nhân mô tả chi tiết về những phẩm hạnh của một giám mục nhằm mang đến trật tự trong Giáo Hội.

Đức Thánh Cha chỉ ra rằng Giáo Hội được sinh ra trong sự nhiệt thành và hỗn độn nhưng cũng có “nhiều điều tuyệt vời” đã được hoàn tất. Ngài lưu ý rằng luôn có sự nhầm lẫn và mất trật tự với sức mạnh của Thánh Thần nhưng chúng ta không cần phải sợ hãi vì đó là một dấu chỉ đẹp đẽ.

Nói bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha giải thích rằng “La Chiesa non è nata tutta ordinata”, Giáo Hội chưa bao giờ được sinh ra trong một trật tự hoàn chỉnh, mọi thứ đâu vào đó, không có vấn đề gì, không có mơ hồ nhầm lẫn nào – không bao giờ. Tuy nhiên, sự nhầm lẫn và hỗn độn này phải được giải quyết và đưa vào trật tự. Ngài đã đưa ra một ví dụ, đó là Công đồng đầu tiên tại Giêrusalem: đã có mâu thuẫn giữa những người Do Thái và không phải Do Thái nhưng Công đồng Giêrusalem cuối cùng đã sửa chữa những điều ấy.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết thánh Phaolô đã để Tito ở lại Creta để ông sửa lại mọi thứ cho đúng và nhắc nhớ ông điều quan trọng nhất là đức tin. Đồng thời, thánh Phaolô cũng đưa ra những tiêu chuẩn và chỉ dẫn về chân dung của một vị giám mục.

Đức Thánh Cha tóm lược định nghĩa của một giám mục như là một “người quản lý của Thiên Chúa”, chứ không phải người quản lý của cải, quyền lực, không phải người quản lý những lợi lộc tư riêng với nhau nhưng là những lợi lộc của Thiên Chúa. Vị giám mục phải luôn phải sửa sai và tự vấn: “tôi có phải là người quản lý của Thiên Chúa hay tôi chỉ là một thương gia?”. Giám mục, là người quản lý của Thiên Chúa. Ngài phải là người không thể chê trách vào đâu được: đó chính là điều Thiên Chúa đã yêu cầu Abraham: “Ngươi hãy bước đi trước mặt Ta và hãy sống trọn hảo.” Điều này, theo Đức Thánh Cha, là phẩm chất căn bản của một nhà lãnh đạo.

Đức Thánh Cha cũng đề cập đến những gì là không nên đối với một giám mục. Ngài không được ngạo mạn hay kiêu căng tự cao tự đại, không được nóng nảy hay chè chén say sưa, là một trong những thói xấu thường thấy trong thời thánh Phaolô, không được tham lam trục lợi hay dính bén với tiền bạc vật chất. Đức Thánh Cha cảnh cáo rằng một giám mục chỉ cần mắc vào một trong những khiếm khuyết ấy thôi cũng đủ trở thành một điều tai hại cho Giáo Hội rồi. Giám mục phải là “người hiếu khách”, một người “yêu mến sự thiện”, tế nhị, công chính, thánh thiện, tự chủ, trung thành với những Lời xứng đáng với đức tin mà ngài đã được dạy bảo”

Thật là tốt để tìm hiểu về những vấn đề trên ngay buổi đầu của việc điều tra trước khi bổ nhiệm giám mục, trước khi tìm hiểu bất cứ thứ gì khác.

Theo Đức Thánh Cha, trên hết, vị giám mục phải khiêm tốn, hiền lành, là một người phục vụ, chứ không phải ông hoàng. Đó chính là Lời Chúa, chứ không phải điều gì mới được đưa ra sau Công Đồng Vaticano II. Điều đó đã có sớm hơn rất nhiều ngay từ thời thánh Phaolô. Ngay từ đầu, Giáo Hội đã nhận thức được cần phải sửa chữa những vấn đề của các giám mục.

Điều đáng kể trước mặt Chúa, theo Đức Thánh Cha, không phải là dễ thương, giảng hay, nhưng là sự khiêm nhường và phục vụ.

Đức Thánh Cha đã kết thúc bài giảng của ngài với lời mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cho các vị giám mục để “các vị có thể nên, và cả chúng ta cũng phải nên, như Thánh Phaolô yêu cầu”