Ngày 25-11-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Hãy tỉnh thức
Lm. Jude Siciliano, OP
05:34 25/11/2010
CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG (A)

Isaia 2: 1-5; Thánh vịnh: 122; Roma 13: 11-14;Matthêu 24: 37-44

Ngày Lễ Tạ Ơn vừa kết thúc vào thứ Năm vừa qua. Quả là một ngày lễ tuyệt vời! Tôi đoan chắc nhiều gia đình đã thưởng thức món súp gà tây trong những ngày qua. Chắc chắn chúng ta cũng dùng món Sandwich kẹp gà tây với nước sốt trứng cá. Rất nhiều người coi Lễ Tạ Ơn là ngày nghỉ ưa thích: thực đơn khá thú vị, mỗi gia đình mỗi khác. Những món ăn truyền thống khơi nên những kỷ niệm về thời thơ ấu – “món ăn ngon”. Có nhiều cảnh tượng quen thuộc về trái bí ngô, bài trí giản dị và ở bán cầu Bắc còn có những chiếc lá thu. Chẳng cần vội vã mua quà làm gì, vì đây là thời gian dành cho gia đình và bạn hữu. Lễ Tạ Ơn không có bầu khí rộn ràng của mùa Giáng Sinh như chúng ta thấy ngoài kia, bên ngoài nhà thờ.

Sau cảm giác ấm áp của ngày Lễ Tạ Ơn, hôm nay, khi bước vào trong nhà thờ, chúng ta có thể thấy hơi sửng sốt. Ở nơi phượng tự của chúng ta, việc bố trí đã được giản thiểu đáng kể: không có những chiếc lá thu rực rỡ ánh hồng cũng chẳng thấy trưng hoa. Không phải là màu vàng và màu đỏ tươi của mùa thu, nhưng chỉ có màu xanh thẫm và màu tím. Những gì hiện ra trước mắt chúng ta là một bàn thờ hoàn toàn mộc mạc với cung thánh trống không. Ngay tại trong nhà thờ này, Lễ Tạ Ơn rõ ràng đã không còn nữa! Những gì chúng ta nhìn thấy và nghe thấy cho chúng ta biết là mình đang ở trong một mùa khác, khắc khổ hơn và ít hào nhoáng hơn. Dường như chẳng có vẻ gì là “cảm giác hạnh phúc” phải không? Nếu chúng ta hãy còn nghi ngờ, thì quả là không hẳn như vậy.

Quí vị có nghe nói về những biểu tượng trong bài Tin Mừng hôm nay nói về lụt lội và con người mất sự cảnh giác hay không? Những người thợ trên cánh đồng đang xay lúa thì được đưa đi giữa lúc đang làm công việc thường ngày. Cùng với hình ảnh của Tin mừng, lời khuyên của thánh Phao-lô đưa ra những cảnh báo thảm khốc và ảm đạm, nhắc chúng ta luôn tỉnh thức, loại bỏ những việc làm đen tối và ăn ở ngay thẳng “như người đang sống giữa ban ngày”.

Vâng, đây không phải là ngày nghỉ Lễ Tạ Ơn cuối tuần trong nhà thờ và Giáng Sinh thì chưa đến. Chúng ta hãy còn những bốn tuần trước khi nghe câu chuyện Giáng Sinh, dù chúng ta đã thấy đồ trang trí Giáng Sinh nơi các cửa hiệu và bên hông các gian hàng dược phẩm, tạp hóa bày đầy kẹo Giáng Sinh. Chúng ta đã phát chán khi nghe bài “Đêm An Bình” (Silent Night) được phát trong các thang máy của cửa hàng bách hoá hay chưa? Ngoài kia, cái gì cũng có nhưng lại thiếu “sự yên lặng”. Quả thực, âm thanh thì muốn điếc lỗ tai và tiếng ồn ngày càng tăng, càng lớn.

Khi ở nhà, ở công sở hay bất cứ nơi đâu, chúng ta đã thực sự bước vào điều mà nhiều người gọi là “Mối Âu Lo Lễ Hội”. Chúng ta lo lắng vì không biết nên mời ai tới dự bữa tối Giáng Sinh và mua thứ gì để làm quà. Đâu là quà nào mới nhất mà mọi đứa trẻ “phải có”? Đâu là vật dụng hoặc món trang sức thời trang nhất mà người bạn đời của mình đang để ý trong các chương trình quảng cáo? Tất cả những lo âu này ngày một nhiều do sự bùng nổ của các chương trình quảng cáo – chẳng ai thoát khỏi chúng. Thật dễ hiểu tại sao mà mùa này có nhiều người tự vẫn, bạo hành gia đình tăng, nhiều người bị rối loạn tim mạch hơn bất kỳ mùa nào khác. Chúng ta còn bỏ sót điều gì, hay còn quên ai nữa không?

Với tất cả những điều đang xảy ra ngoài kia, thì việc thực hiện một cuộc trốn thoát ra như không thể được. Quả là không tệ khi đến nhà thờ để nghỉ ngơi; để có cơ hội tận hưởng một không gian giản dị với những bài thánh ca êm đềm, để trấn tĩnh và nhìn sâu vào cõi lòng mình, cũng như ý nghĩa của mùa này. Chưa phải là những bài thánh ca như: “Trang trí đại sảnh bằng cây Noel” (Deck the Halls with boughs of Holly) hay một giai điệu khác như bài “Tiếng Chuông Ngân” (Jingle Bell) hay “Chú tuần lộc mũi đỏ Rudolph” (Rudolph the Red Nose Reindeer).

Thật may, chúng ta đang ở trong mùa Vọng. Đây là mùa chúng ta nghỉ ngơi và trong giờ phút thờ phượng này, hãy cảm nhận tâm tình ít mãnh liệt hơn, bước chầm chậm rồi dừng lại để ngắm nhìn và lắng nghe cuộc đời của mình. Và cuối cùng sẽ thấy đây chưa phải là thời gian ảm đạm. Đây không phải là liều thuốc giảm đau, nhưng là một mùa vui. Đây là giây phút hiếm hoi giúp tinh thần sáng suốt, là dịp để thư giãn, như Lời Chúa hôm nay khuyên nhủ chúng ta: “Đây là mùa để… Tỉnh thức”.

Cộng đoàn phụng vụ chúng ta có nhiều tước hiệu ưa thích dành cho Chúa Giê-su, đặc biệt là trong mùa Vọng này. Chúng ta gọi Ngài là Thái Tử Hoà bình, là Đấng Cứu Thế, là Đấng Messia, là Emmanuel – Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta… Tôi chắc rằng mỗi người cũng có những danh hiệu ưa thích của riêng mình dành cho Người: “Bạn”, “Thầy thuốc”, “Đấng an ủi”… Nhưng tôi cho rằng không ai trong chúng ta dám gọi Ngài đúng như Ngài tự gọi mình trong bài Tin Mừng hôm nay. Cách Ngài nói về mình làm mọi người sửng sốt. Ngài nói rằng khi Ngài trở lại, Ngài sẽ đến như kẻ trộm giữa đêm khuya– thình lình, không ngờ tới.

Đây chẳng phải là cách rất tự tôn về chính Người đó sao? Chắc chắn là chúng ta không mở rộng vòng tay để đón những kẻ trộm. Thực tế, chúng ta bảo vệ mình khỏi bọn họ: chúng ta cài chặt then cửa, đặt những chấn song ở tầng hầm và những cửa sổ tầng trệt; gắn chuông chống trộm trong xe hơi và nhà ở; treo những thông cáo trên các cửa sổ để báo có hệ thống an toàn… Đến như kẻ trộm: quả là một hình ảnh rất lạ mà Đức Giêsu sử dụng để cảnh báo về sự trở cách bất ngờ của Người trong cuộc đời chúng ta!

Trong khi hình ảnh Đức Giêsu như một kẻ trộm không phải là hình ảnh đầu tiên xuất hiện trong đầu chúng ta, nhưng phải chăng Người vẫn còn là kẻ trộm? Ngài muốn lẻn vào những nơi phức tạp và bước vào chốn ẩn khuất trong cuộc đời chúng ta. Ngài đúng là một tên trộm, nhưng là trộm lành. Ngài lấy đi những thứ không cần thiết mà chúng ta đem theo bên mình, những thứ đè nặng lên cuộc đời chúng ta như: tội lỗi, sự hối tiếc, hận thù, đố kỵ, hay tinh thần nguội lạnh… Nhưng Ngài để lại những thứ có giá trị – tuỳ theo nhu cầu chúng ta thực sự cần trong cuộc sống.

Đâu là điều chúng ta cần trong mùa Vọng này: lòng tin tưởng sâu xa hơn trong sự đợi chờ; kiên trì làm những việc thiện; dọi ánh sáng vào nơi tăm tối; canh tân niềm tin của chúng ta; chữa lành Giáo hội; đem bình an vào những nơi ưu phiền….?

Mùa Vọng là thời gian để tỉnh thức, sẵn sàng cho kẻ trộm bước vào cuộc đời ta cách mới mẻ. Ngài là kẻ trộm mà chúng ta cần phải luôn để mắt đến và lắng tai nghe để có thể nhận ra những dấu hiệu của kẻ trộm khi Ngài bước đến. Chúng ta cầu xin luôn được cảnh giác trong mùa Vọng này. Khi chúng ta nhận ra mình đang tự do tiến đến chân lý và rồi chúng ta chọn để trở nên ngày một lương thiện hơn, đó chính là những việc Ngài làm – tên trộm lành đã đến rồi đó. Kẻ trộm lành đã đến khi chúng ta vô tình hay khó chịu với người khác nhưng ta nghe lòng mình nói: “tôi xin lỗi”; Khi chúng ta nhận ra người khác không cần phải bày tỏ lòng yêu mến chúng ta trong mùa Giáng Sinh này bằng những món quà đắt đỏ; Khi những nhu cầu của người nghèo chạm đến cõi lòng chúng ta và chúng ta tìm cách đáp lại nhu cầu của họ; Khi chúng ta bị cuốn hút vào việc cầu nguyện cách say mê hơn – thì kẻ trộm lành đã đến rồi đó. Khi Lời Chúa trở nên sống động hơn trong những thánh lễ này và chúng ta có một cảm nghiệm mới mẻ về sự hiện diện của Ngài trong Bí tích Thánh Thể thì kẻ trộm lành đã đến rồi đó.

Đức Giêsu đến bất ngờ trong cuộc đời của những người bình dị, những người vẫn đang ăn uống, kết hôn hay lao động. Họ không phải là những người xấu; họ là những người như chúng ta, bận tâm với những điều quan trọng, với những công việc thường ngày. Chìa khoá để khám phá ra dụ ngôn hôm nay là kẻ trộm yêu chúng ta và muốn yêu chúng ta hơn thế nữa nên Ngài đến khơi dậy nơi chúng ta, để chúng ta vượt qua những gì nhàm chán hằng ngày. Ngài muốn chúng ta lưu tâm đến mùa Vọng này và cất khỏi chúng ta tính tự mãn. Ngài là kẻ trộm đến khi chúng ta mất cảnh giác, khi những công việc thường ngày đã khiến chúng ta tê liệt, mệt nhoài.

Trong Chúa Nhật thứ nhất mùa Vọng này chúng ta cầu xin một tinh thần tỉnh thức để nhận ra Đức Giêsu khi Ngài đến trong cuộc đời chúng ta, một cách mới mẻ và bất ngờ. Chúng ta cầu xin cho công việc thường ngày không làm chúng ta uể oải khi Ngài đến, hay khiến chúng ta chỉ nhìn vào những nơi chúng ta thường mong đợi ngài xuất hiện.

Chuyển ngữ: Anh em HV Đaminh Gò Vấp
 
Chờ Chúa đến
Anmai, CSsR
08:49 25/11/2010
Chúa Nhật Thứ 1 Mùa Vọng - Năm A - Is 2, 1-5; Rm 13, 11-14a; Mt 24, 37-44

Nhớ lại những ngày còn bé. Niềm vui lớn trong thời tuổi thơ đó là cứ chờ Mẹ đi chợ về. Tại sao vậy ? Chờ Mẹ đi chợ về vì biết chắc rằng thế nào cũng có cái bánh học bọc chè cho con yêu của Mẹ. Nhà thì nghèo, đồng tiền dành cho bữa chợ hết sức eo hẹp nhưng chưa bao giờ bà quên mang chút quà về cho con cái của bà.

Hay là, thi thoảng bà Dì gửi về cho thùng thuốc M.79 D thì y như rằng sau khi nhận hàng nước ngoài về ấy thì bà sẽ mua quần áo mới cho con. Ngày xưa làm gì mà có cái chuyện gửi tiền trực tiếp như bây giờ. 1 thùng thuốc M.79 D khi nhận đem ra chợ thuốc bán đồng giá với 100 USD. Thời bao cấp 100 USD thật là lớn. Lãnh thuốc xong bà đổi ra tiền và bắt đầu sắm sửa cho con. Phần bà, bà chẳng bao giờ vun vén gì cho riêng mình cả. Ngay đến những ngày gần nhắm mắt xuôi tay cũng thế, tất cả cũng chỉ để dành cho con. Với bà, con cái ăn ngon mặc đẹp và có đủ học phí để đi học là được.

Nhớ lắm những kỷ niệm khi Mẹ đi chợ về, khi Mẹ đi nhận quà về … Mỗi lần đi như thế là mỗi lần hy vọng, mỗi lần chờ mong. Niềm hy vọng, niềm chờ mong ấy luôn luôn có một kết quả hết sức to lớn vì biết rằng Mẹ của mình thương mình. Dù nghèo tiền nghèo bạc đi chăng nữa nhưng tình thương ấy không bao giờ thiếu và rồi vẫn có quà bánh, quần áo mới dành cho con.

Cái kinh nghiệm, cái cảm nghiệm về sự chờ mong ấy chắc có lẽ không phải của riêng ai. Cảm nghiệm ấy là của nhiều người vì mỗi người, ai ai cũng có một bà mẹ để khi bà mẹ đi chợ về, con cái đều có quà để thỏa mãn lòng mong đợi của những đứa con.

Những ai yêu nhau mà ít được gần nhau hay không có điều kiện gần nhau thì rất mong được gặp nhau dẫu rằng cuộc gặp ấy chỉ qua cái điện thoại, qua cái màn hình vi tính. Ai yêu nhau, ai nhớ nhau sẽ cảm nghiệm chuyện này một cách rõ rệt. Cứ đến giờ đó là cái giờ hai người hẹn nhau trên điện thoại, hẹn nhau trên chiếc màn hình vi tính thì y như rằng hai người mong sao cho cái giờ đó mau đến để được gặp nhau.

Đó là những sự mong đợi hết sức bình thường của con người về vật chất, về tinh thần. Những mong đợi ấy làm cho con người cảm thấy mong có gì đó để mà sống vì lẽ tình cảm người ta dành cho nhau qua cú điện thoại, tình cảm của người mẹ gửi đến cho con chút quà chút bánh.

Kitô hữu, ngoài những cái mong đợi hết sức bình thường ấy còn có một điều mong đợi đó là đợi Chúa đến vì lẽ cả cuộc đời đặt niềm tin vào Thiên Chúa của mình.

Nhiều ngôn sứ loan báo về Đấng Cứu Độ trần gian sẽ đến. Ngôn sứ vừa loan báo vừa mong đợi vì lẽ khi Chúa đến thì họ cũng sinh viên được cứu độ. Có vị thì được thị kiến này thị kiến nọ để loan báo về Thiên Chúa, về Đấng Cứu Độ trần gian và về thành Thánh Giêrusalem thiên quốc. Ai được Thiên Chúa cho thấy như thế thì họ quả là hạnh phúc vì niềm mong nỗi nhớ, sự mong chờ của họ đã thành hiện thực.

Isaia, một ngôn sứ lớn đã được thấy Giuđa và Giêrusalem.

Trong tương lai, núi Nhà Đức Chúa

đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao,

vươn mình trên hết mọi ngọn đồi.

Dân dân lũ lượt đưa nhau tới,

nước nước dập dìu kéo nhau đi.

Rằng: "Đến đây, ta cùng lên núi Đức Chúa,

lên Nhà Thiên Chúa của Giacóp,

để Người dạy ta biết lối của Người,

và để ta bước theo đường Người chỉ vẽ.

Vì từ Xion, thánh luật ban xuống,

từ Giêrusalem, lời Đức Chúa phán truyền.

Người sẽ đứng làm trọng tài giữa các quốc gia

và phân xử cho muôn dân tộc.

Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày,

rèn giáo mác nên liềm nên hái.

Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau,

và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến.

Hãy đến đây, nhà Giacóp hỡi,

ta cùng đi, nhờ ánh sáng Đức Chúa Chúa soi đường!

Thực sự ra mà nói, niềm hy vọng mà Isaia thấy về một núi của Đức Chúa núi mà ở đó người ta sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái.Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau,và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến không phải là niềm hy vọng của Isaia hay của một sứ nào đó mà là niềm mong đợi của tất cả những ai tin cậy vào Chúa.

Chúng ta bước vào Chúa nhật thứ I mùa Vọng. Ai cũng biết mùa Vọng là mùa mà mọi người mong đợi Chúa đến. Thật ra, chúng ta không phải như dân Do Thái ngày xưa. Chúng ta hạnh phúc hơn dân Do Thái ngày xưa vì thật sự là Chúa đã đến rồi. Chúa đã đến cách đây hơn 2000 năm rồi. Hiện giờ, chúng ta đang mong đợi, vẫn mong đợi đó là việc Chúa quang lâm, Chúa đến lần thứ hai trong vinh quang của Ngài.

Chúa quang lâm hay nói cách khác là ngày Cánh Chung. Ngày Cánh Chung ấy sẽ đến nhưng không ai biết được ngày đó là ngày nào, ngày đó ra làm sao. Ngày đó là ngày nào, ngày đó ra làm sao thì duy nhất chỉ một mình Thiên Chúa biết mà thôi.

Nhiều người xôn xao ngày nào là ngày tận thế, ngày nào là ngày cùng tận. Cũng đúng thôi vì đó là nỗi bận tâm của con người. Nhưng, ngày tận thế, ngày cùng tận nhất của mỗi người chính là cái ngày mà Chúa đến mời gọi mỗi người về trình diện với Ngài.

Ngày ấy Chúa nói như thế nào ? Thánh Matthêu vừa ghi lại cho chúng ta biết ngày ấy. Ngày ấy là cái ngày mà không ai biết được. Ngày ấy đến vào giờ phút anh em không ngờ, vào giờ mà anh em không biết.

Chúa Giêsu ví von thật dễ thương, thật gần với con người là ngày ấy đến với anh em như là kẻ trộm vậy. Ai trong chúng ta có thể biết được ngày nào kẻ trộm đến nhà mình ? Không bao giờ biết cả nhưng đến lúc trộm đến là trộm đến thôi. Điều này hết sức bình thường trong cuộc sống. Ngày mà Chúa đến hết sức thình lình. Chúa Giêsu còn minh chứng cái chuyện ngày xửa ngày xưa vào thời ông Nôê. Ngày mà nước lũ dâng lên lại là cái ngày mà không ai được biết cả. Ngày hôm nay, người ta cũng ăn uống, dựng vợ, gả chồng hết sức bình thường và bất chợt lũ đến. Lũ lớn đến thì chết hết mọi người, duy chỉ có những người nào thân thuộc với gia đình ông Nôê hay được báo trước ngày lụt thì mới thoát khỏi cơn đại họa ấy mà thôi.

Hết sức bình thường cuộc sống quanh ta. Ngày nào cũng có người sinh ra trong bệnh viện nhưng ngày nào cũng có đám tang cả. Nếu như ta có dịp ở các nghĩa trang, gần nhất là Bình Hưng Hòa, ở đó ta sẽ chứng kiến ngày chung tận của người được Chúa mời gọi. Ngày mà Chúa mời gọi mỗi người chúng ta chúng ta không được biết, chỉ duy một mình Chúa biết mà thôi.

Thật hết sức ý nghĩa khi chúng ta bước vào Mùa Vọng. Sống tâm tình mùa Vọng chính là sống tâm tình rõ nét nhất của sự chờ đợi Chúa quang lâm. Sống tâm tình mùa Vọng ấy như thế nào mới có ý nghĩa thật sự.

Tâm tình ấy chúng ta vừa nghe Thánh Phaolô mời gọi hết sức dễ thương: Phải như thế, vì anh em biết chúng ta đang sống trong thời nào. Đã đến lúc anh em phải thức dậy, vì hiện nay ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần hơn trước kia, khi chúng ta mới tin đạo. Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng.

Thế đấy ! Ngài mời gọi mỗi người chúng ta hãy ăn ở đúng đắn như những người sống giữa ban ngày, mặc lấy tâm tình của Đức Kitô Giêsu và không chạy theo trần gian để thỏa mãn các dục vọng.

Tâm tình của thánh Đaminh Saviô về sự chờ đợi Chúa đến thật là hay ! Chuyện kể là đang chơi đá bóng trong sân nhà thờ. Cha Xứ gọi Đaminh và các bạn lại và nói là Chúa sắp đến. Nếu như Chúa đến thì các bạn sẽ làm gì ? Sau khi nghe lời ấy, tất cả các em xin vào nhà thờ để cầu nguyện, xin đi xưng tội. Riêng chỉ mình Đaminh thưa với Cha Xứ là xin cho Đaminh chơi bóng tiếp tục vì lúc nào Đaminh cũng sẵn sàng chờ Chúa đến rồi !

Tâm tình của Đaminh Saviô thật dễ thương. Có lẽ Đaminh Saviô đã mặc lấy tâm tình của Đức Kitô trong cuộc đời của Đaminh, Đaminh đã luôn mong đợi Chúa đến với mình nên dù ăn, dù ngủ và dù đang đá banh Đaminh vẫn sẵn sàng.

Nguyện xin Chúa thêm lòng tin cho chúng ta để từng giây từng phút trong cuộc đời ta luôn sẵn sàng chờ Chúa đến trong cuộc đời chúng ta. Hơn nữa, xin Chúa cho chúng ta luôn mặc lấy tâm tình của Chúa để bất cứ lúc nào ta cũng hành động, cư xử tốt đẹp với anh chị em đồng loại xung quanh ta như thể Chúa đang hiện diện nơi những anh chị em ấy.
 
Mùa Bình An
PM. Cao Huy Hoàng
08:54 25/11/2010
Chúa Nhật Thứ 1 Mùa Vọng - Năm A

Mùa vọng mở ra với niềm vui trong một nền hòa bình vĩnh cửu.

Nền hòa bình ấy, không còn là một viễn tưởng, một khát vọng nhưng phải là một thực tiễn ngay trong cuộc sống con người ở trần gian này.

Thực tiễn ấy chỉ có được khi “ta cùng lên núi ĐỨC CHÚA, lên Nhà Thiên Chúa của Gia-cóp, để Người dạy ta biết lối của Người, và để ta bước theo đường Người chỉ vẽ”. (Is 2, 3)

Và cụ thể hơn nữa là: “đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến”.(Is 2, 4)

Như vậy, hai tiêu chuẩn để có nền hòa bình vĩnh cửu: một là tin, nghe lời Chúa dạy, hai là cùng nhau xây dựng cuộc sống yêu thương, ấm no. Xã hội nào thiếu một trong hai tiêu chuẩn nầy, xã hội ấy không có hòa bình. Tâm hồn nào thiếu một trong hai tiêu chuẩn nầy, tâm hồn ấy ắt không có bình an.

Dân xưa trông đợi Đấng Cứu Thế, được Chúa mời gọi hãy hướng lòng về Chúa đồng thời thay đổi cuộc sống tranh chấp hỗn độn bằng cuộc sống bình an. Và Đấng Cứu Thế đã đến, đem bình an cho con người, đem ánh sáng cứu rỗi cho con người. Tiếc là, con người không tiếp nhận bình an của Chúa, cứ thích sống hoài trong sự hỗn độn của nếp sống cũ. Tiếc là, con người không sống trong ánh sáng của Chúa mà lại cứ thích ở lì trong tình trạng tối tăm của tội lỗi, làm những điều không đẹp lòng Chúa, sống cách sống không theo tinh thần của Chúa.

Với chúng ta cũng vậy, hướng về Chúa và sống trong bình an của Chúa là điều Chúa mong ước cho mỗi chúng ta trong khi chờ đợi Chúa lại đến.

Để sống trong bình an, trong ánh sáng của Thiên Chúa, thánh Phaolô khuyên chúng ta: “Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng”.(Rm 13, 12-14)

Cả bạn và tôi, cần một khoảng lặng, để nhìn vào lòng mình và tự hỏi, chúng ta có thực sự bình an chưa?

Trong một lần tham dự tĩnh tâm với các em sinh viên, thay vì câu hỏi thảo luận, người thuyết trình yêu cầu suy nghĩ và trả lời trên giấy cho câu hỏi này: Theo bạn, lúc nào bạn mất bình an nhất? Tôi bất ngờ nhận được nhiều câu trả lời ngắn, nhưng đầy thú vị:

-khi thiếu tiền đóng học phí

-khi có hẹn mà không đi được

-lúc sợ có thai

-lúc sợ bố mẹ biết chuyện đang sống thử với anh chàng nhỏ hơn mình tới 5 tuổi.

-khi đến cơn nghiền mà không có tiền mua thuốc

-lúc sợ không qua được đại học, vì bị bắt lỗi cóp bài

-lúc làm cho một người nổi giận

-thích làm lớp trưởng mấy năm rồi mà chẳng được

-ghét con nhỏ kia nhà giàu, chảnh quá

-lúc tôi sống trong tình trạng tội trọng

-phân vân bỏ hay không bỏ anh chàng đẹp trai dễ ghét đó

…..

Thiết tưởng, mỗi chúng ta cũng có thể trả lời ngắn gọn cho câu hỏi nầy, để tìm ra nguyên nhân sâu xa làm mất bình an tâm hồn chúng ta.

Có thể các câu trả lời đều gặp nhau ở một điểm chung, một nguyên nhân chung, đó là, chúng ta đã đặt khát vọng của mình vào chỗ không chính đáng. Thánh Phaolô gọi những khát vọng ấy là dục vọng.

Trong tình huống bất an nầy, chúng ta không thể trở nên niềm hy vọng cho ai cả, nếu không nói điều ngược lại là trở nên mối thất vọng cho người khác.

Và nếu cứ sống trong tình huống bất an này, chúng ta không thể nhận ra, không thể gặp được Chúa Giêsu đang đến với chúng ta mỗi ngày để cứu rỗi chúng ta từng ngày, nhất là không thể gặp được Chúa khi Ngài sẽ lại đến với chúng ta lần duy nhất trong đời sống thế nhân để đưa chúng ta vào đời sống các thánh nhân.

Chúa đang đến mỗi ngày với chúng ta qua Lời Chúa, qua tinh thần Tin Mừng, để mỗi ngày sống là một bước tiến chắc chắn và kề cận hơn với ơn cứu rỗi. Hằng ngày, nếu bạn và tôi đặt hy vọng vào Chúa, chúng ta có thể vẫn gặp được Chúa đấy chứ. Không phải Ngài chưa đến, và Ngài cũng không ở đâu xa. Ngài ở ngay trong lòng ta, trong mọi người, trong thiên nhiên vũ trụ, trong biến cố… Không tin và không đặt hy vọng vào Chúa thì không có bình an và cũng không gặp được Chúa ngay lúc nầy, huống chi là được sống với Chúa muôn đời.

Chúa Giêsu, trong bài Tin Mừng Mt 24, 37-44, nhắc đến cuộc sống theo dục vọng tự nhiên của con người thời Ông Noe, như một lời cảnh tỉnh mỗi chúng ta phải sẵn sàng cho ngày Chúa lại đến với mỗi người vào lần quyết định số phận chung cuộc. “Thời ông Nô-ê thế nào, thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Vì trong những ngày trước nạn hồng thuỷ, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu. Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy. Ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy” (Mt 24, 37-39)

Vâng Chúa đến bất ngờ. Chúa không hẹn giờ đến, không hẹn nơi đến, nhưng chắc chắn Chúa sẽ đến.

Chúa nào có hẹn với mấy người ở Ban-mê-thuột gặp Chúa ở Hà Tĩnh nơi chuyến xe định mệnh trong cơn lũ 2010? Chúa nào có hẹn với mấy người ở Campuchia gặp Chúa trong lễ hội Bon Om Thook nơi cây cầu định mệnh Koh Pich? Chúa nào có hẹn già hay trẻ, bình minh hay hoàng hôn, sang giàu hay nghèo khó, trí thức hay thất học…. Chúa không hẹn, nhưng Chúa đến lúc nào Chúa muốn. Còn nhiều nhiều điển hình những lần Chúa đến với biết bao người, không ai giống ai, chỉ có một điểm chung là Chúa muốn tất cả, không trừ ai, đều được hân hoan vui mừng tiến vào nhà Chúa để hưởng ơn cứu rỗi.

Vì vậy Chúa Giêsu khẩn thiết: "Vậy anh em hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”. (Mt 24,42-44)

Trở lại với giáo huấn của Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Roma, và liên kết với Lời Chúa trong Isaia, chúng ta có thể thấy ước muốn của Thiên Chúa là cho chúng ta sống trong một nền hòa bình vĩnh cửu thật, một sự bình an thật, hôm nay trên trần thế nầy, và mai sau trong Nước Thiên Chúa.

Tìm đến Thiên Chúa là địa chỉ của mọi khát vọng, để sống bình an tâm hồn, là khôn ngoan, là biết tỉnh thức và sẵn sàng vậy. Chính sự bình an nhờ đặt mọi khát vọng vào Chúa mà con người có thể hát khúc khải hoàn tiến vào thành thánh Giêrusalem mới, nơi Thiên Chúa ngự trị, nơi Hòa Bình Viên Mãn: “ Tôi mừng vui mỗi khi nghe nhủ rằng: nào ta tiến lên đền thờ Thiên Chúa” (Tv. 121)

Lạy Chúa, xin cho con khát khao điều thiện hảo chỉ có nơi Chúa, để tâm hồn con được bình an trong Chúa, vui mừng trong Chúa và được tiến vào nhà Chúa hưởng hạnh phúc hòa bình muôn đời. Chúa là khát vọng của con. Xin cho con sống sao cho thỏa niềm khát vọng cứu rỗi của Chúa và trở nên niềm hy vọng bình an cho mọi người. A men.
 
Khát vọng
PM. Cao Huy Hoàng
08:57 25/11/2010
Chúa Nhật Thứ 1 Mùa Vọng - Năm A

Mỗi con người được sinh ra trên trần gian, đều có một khát vọng vô biên. Và nếu định nghĩa con người là một hữu thể gồm nửa cái “con” và nửa cái “người” thì nỗi khát vọng trong hai nửa ấy không chỉ đơn thuần là song song tiến bước, mà còn luôn luôn đối nghịch và mâu thuẩn: một bên là dục vọng và một bên là khát vọng chân chính.

Mùa vọng không dừng lại cách tiêu cực ở một niềm hy vọng vụ lợi về mặt thiêng liêng, về ơn được cứu rỗi, mà là cơ hội để mỗi con người hướng cái khát vọng vô biên của mình đến chính Thiên Chúa. Thông Điệp của Đức Thánh Cha Benedict 16 có tên “Spe Salvi” và đã được dịch thật chuẩn là “Được Cứu Rỗi nhờ Hy Vọng”, chứ không phải là “hy vọng được cứu rỗi”, cũng cho thấy tầm quan trọng chủ động nơi chính con người phải hướng cái khát vọng vô biên đến Thiên Chúa.

Mùa Vọng cho các tín hữu cơ hội tuyệt đẹp để “tái khám phá ý nghĩa niềm hy vọng của mình”- không nhất thiết phải mảy may đặt một thỉnh cầu hay yêu sách nào đối với Thiên Chúa cả, khi đặt trọn niềm tin tưởng hy vọng vào Ngài. Vì đặt trọn niềm tin tưởng hy vọng vào Chúa, chính là đáp lại tình thương của Thiên Chúa đã ban cho con người lòng khát khao tìm kiếm Thiên Chúa và đã tỏ mình cho ai thành tâm khát khao tìm kiếm.

Với tâm tình ấy, trong suốt mùa vọng, chúng ta có thể sốt sắng cất tiếng thân thưa lời TV 24: “Chúa là khát vọng, là ước mơ đời con. Hồn con hướng tới Ngài, hồn con cậy trông nơi Ngài. Hồn con vươn lên tới Chúa. Hồn con sướng vui trong Ngài” (Tv 24, 1-3). Như thế, mùa vọng là một mùa vui, một mùa yêu, khi niềm hy vọng nỗi mong đợi người mình yêu đã có tín hiệu đến hẹn.

Vào Mùa Vọng với Lời Chúa CN thứ nhất, Tiên tri Isaia xuất hiện giữa lúc dân Thiên Chúa trong cảnh nô lệ khốn cùng, Ngài đã loan báo cho Dân Chúa – và cũng là cho chúng ta- một tin vui, đó là một con đường “lên”, “ta cùng lên núi Đức Chúa, lên nhà Thiên Chúa của Giacop, để Người dạy ta biết lối của Người, và để ta bước theo đường người chỉ vẽ…” (Is 2,3). Con đường “lên Thiên Chúa”, không thể thực hiện được nếu không có một niềm tin tưởng, một khát vọng chân chính, khát vọng tìm đến Thiên Chúa; càng không thể thực hiện được, nếu chúng ta vẫn đang mê mãi chạy theo con đường dục vọng.

Vì thế, thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Roma đã bổ sung cho con đường lên của khát vọng tìm kiếm Thiên Chúa bằng lời khuyên cụ thể: “ Đêm sắp tàn và ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cải cọ ghen tương. Anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô và đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng” (2Rm 13,12-14). Phải chiến đấu với các khuynh hướng bằng chính khát vọng vươn lên tới Thiên Chúa, nghiêng về phía Thiên Chúa hơn là nghiêng về phía những dục vọng; và để chiến thắng, cần phải mặc lấy đức Kitô, là phải thấm nhuần tinh thần của Chúa Kitô trong đời sống. Tinh thần của Chúa Kitô chính là vũ khí của sự sáng mà Thánh Phao lô đề cập đến như phương thế để giúp chúng ta loại bỏ những lôi kéo chúng ta về phía tạo vật, thế tục.

Tình trạng linh hồn luôn khát khao tìm kiếm Thiên Chúa có thể nói là tình trạng tỉnh thức mà Chúa Giêsu nói đến trong trang tin mừng hôm nay. Chúa Giêsu nói: “Trong những ngày trước nạn hồng thủy, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng cho đến ngày ông No-ê vào tàu”. (Mt 24,38).

Một toàn cảnh xã hội loài người đang sinh hoạt hoàn toàn tự nhiên theo cách của con người, không nghe thấy tiếng lòng nhắc đến việc tìm kiếm điều gì vượt lên trên cái tự nhiên ấy, chỉ có mỗi ông No-e biết khao khát tìm kiếm Thiên Chúa, và điều hẳn nhiên đã xảy ra, chỉ có mỗi gia tộc No-e được cứu thoát. Sự cứu thoát mang hình dáng ơn cứu rỗi của Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô sau nầy.

Vì thế, Ngài nói: “ Ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy”. Con Người trở lại với những tâm hồn tỉnh thức: tâm hồn khao khát tìm kiếm Người, để cùng Người vui tiệc thiên thu. Thiết nghĩ, không chỉ có một mùa vọng trong lòng tín hữu, mà suốt đời là một mùa vọng; không chỉ có một lần chiến đấu loại trừ những dục vọng thấp hèn của cái “con” nơi con người, mà cả một đời chiến đấu; không chỉ một lần bước ra khỏi bóng tối của những đam mê thế gian mà còn phải thắp lên một ngọn đèn bằng chính sự rực cháy của lửa tình yêu mến Thiên Chúa trong lòng chúng ta.

Thiên Chúa đến với mỗi người, Ngài đang đến, và Ngài muốn cư ngụ giữa lòng con người. Tại sao chúng ta chỉ có thể khao khát tìm kiếm Chúa khi chúng ta rơi vào tình cảnh khốn cùng nhất của cuộc đời như bệnh tật, nghèo túng, nợ nần, gặp tai ương hoạn nạn, trong khi chính Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương và khao khát được chúng ta đón nhận, cả khi chúng ta ảo tưởng bình an hay bất hạnh theo cách nhìn của mình.

Thiên Chúa gõ cửa, còn chúng ta mở cửa. Thiên Chúa tỏ tình, và chúng ta đón nhận. Chúng ta chỉ có thể mở cửa cho Thiên Chúa, khi chúng ta thực sự khao khát Ngài. Tôi vẫn thấy những người chờ đợi người yêu đến, vẫn thường mở cửa, thấp thỏm … trước khi người yêu mình đến, và gõ cửa kia mà. Tôi vẫn thấy có người, trong khi chờ đợi người yêu mình đến, đã chắng làm gì khác ngoài việc viết cả ngàn lần tên người yêu mình trên bàn trên giấy. Sao ta không thể bày tỏ niềm tin, nỗi mong đợi và tình yêu của chúng ta một cách si tình như thế đối với một Thiên Chúa đang yêu ta, yêu tha thiết đến nỗi Ngài vẫn đang gõ cửa, đứng chờ trước cửa…

Như thế tỉnh thức còn là một biểu hiện của tình yêu, và mùa vọng, mùa trông đợi Đấng Cứu Thế giáng sinh cũng là mùa của tình yêu.

Giàu nghèo, sang hèn trên đời, ai cũng có những ước ao cả đời người mà chưa bao giờ thực hiện được, người càng sống trong cảnh thiếu thốn vật chất, càng có nhiều ước ao hơn. Điều quan trọng đối với tín hữu là cần “ước ao những sự trên trời”. Ước ao một chút no đủ của những người kiếm sống qua ngày trên vĩa hè, nơi gánh cháo lòng, nơi lọn rau, bó chỗi, nơi thúng lạc luộc, nơi tấm vé số… Những ước mơ đơn sơ, nhỏ bé lắm… mà ước ao cả đời, vì lòng yêu đã đặt trọn vào trong những cái qua ngày mà thực tế ấy... làm cho cả cuộc đời trở thành một “mùa vọng” vào những thực tại đáng vô vọng. Và nếu đổi hướng của tình yêu về phía Thiên Chúa, thì chắc chắn những thực tại trần gian kia sẽ không còn là những ước mơ đáng kể có thể làm nhũng nhiểu tâm hồn gây nên những xáo trộn, những bất an không đáng có. Bà bán cháo lòng có thể gặp Chúa ngay trong những người ăn cháo lòng của bà mỗi buổi sáng, vì bà có tình yêu và khao khát tìm Chúa trước khi tìm những đồng tiền lẻ gom được để chu toàn bổn phận với chồng con…

“Anh em hãy sắn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ thì Con Người sẽ đến”. Chúa muốn chúng ta sẵn sàng bằng cách luôn sống trong lòng khao khát, mong đợi, yêu mến để phút bất ngờ Chúa đến, không còn là một nỗi lo sợ kinh hoàng như lụt hồng thủy, như một tai nạn, nhưng lại là phút tương phùng, giờ giao duyên của hai lòng yêu gặp gỡ.

Lạy Chúa, trong mùa vọng nầy, và suốt đời vọng của con, xin cho lòng con luôn khao khát được thuộc về Chúa khi còn sống trên đời nầy. Vì ngoài Chúa ra, có nơi nào hạnh phúc. Vì ngoài Chúa ra, có nơi nào bình an. Chúa là khát vọng của đời con, hồn con vươn lên tới Chúa, hồn con trông cậy nơi Chúa và hồn con sướng vui trong Ngài.
 
Những giây phút qúy báu
Jos. Tú Nạc, NMS
09:02 25/11/2010
Chúa Nhật Thứ I Mùa Vọng, Năm A - (Isaiah 2: 1-5; Psalm 122; Romans13: 11-14; Matthew 24: 37-44)

Sự sống nhân loại gặp gỡ Thiên Chúa và lãnh nhận sự mặc khải thiêng liêng ở đâu? Theo thế giới quan cổ đại, đó thường là trên một đỉnh núi, Isaiah mô tả duy nhất là nơi cao hơn hết. Điều này duy có thể muốn nói đến một cuộc gặp gỡ đầy quyền lực với Thiên Chúa và một mặc khải thay đổi và sâu sắc hơn. Điều này kêu gọi giũ bỏ sự thoải mái của những hệ thống tư tưởng và văn hóa nhân loại và tạo cho bản thân dễ bị tổn thương. Không chỉ thế, sự đi lên yêu cầu những tư tưởng, ý tưởng và văn hóa nhân loại cùng với khát vọng từ bỏ cái tôi và hướng về Thiên Chúa.

Isaiah thể hiện một khát khao thuộc con người trong một lúc khi mà cuối cùng chúng ta sẽ nhận nó là chân chính – khi mà chúng ta bắt đầu thực sự lắng nghe Thiên Chúa và ghi khắc thông điệp này nơi tâm hồn. Ông đã mô ta cuộc trải nghiệm của nhân loại đang được dẫn dắt bởi Thiên Chúa như là lúc khi cung cấp những dụng cụ chiến tranh – gươm giáo – sẽ được trở lại mẫu xưa bằng những công cụ nông nghiệp và xây dựng cộng đổng. Điều này ngụ ý rằng bạo lực và chinh chiến không có gì để cư xử cùng Thiên Chúa mà nhân loai trong cội nguồn và ý định cùng bất kỳ những nỗ lực nào để đem con tàu Thiên Chúa chuyên chở cho sự đổ máu bột phát mang tình giai đoạn của chúng ta đó là ngoan cố và sai lầm.

Thật không may, gươm giáo đã biến thành hỏa tiễn và bom mìn thay vì một diều gì đó ôn hòa hơn và tầm nhìn tiên đoán trêu người và đẹp đẽ này vẫn mãi y như vậy. Vấn đề này đó là sự hướng dẫn thiêng liêng bị khúc xạ qua sự sợ hãi của con người cùng tính ích kỷ và thực hiện để trở nên thích hợp với mục đích và hoài bão của con người. Suối nguồn hướng về ngọn núi thánh thiện của Thiên Chúa để được hướng dẫn không có nghĩa là tôn giáo nhiều hơn nữa – mà có nghĩa là lắng nghe bằng con tim tới những gì mà chúng ta đã được ban phát và sẵn sang tạo ra những thay đổi sâu sắc và căn bản trong cách mà chúng ta suy nghĩ và hành động.

Khi Thánh Augustine nghe một giọng hát của em bé gần đó “hãy cầm lấy và đọc,” ông đã đón nhận Kinh Thánh và đoạn trích này từ Romans đã làm buốt nhói tim ông. Đoạn trích khuyến cáo rằng có rất ít thời gian còn lại mà đó là sự bắt buộc không được lãng phí – đặc biệt trong những hành vi trái ngược với tâm linh.

Thánh Phao-lô kêu gọi một sự cách tân đạo đức và tinh thần. Điều đó cũng thể hiện một tầm nhìn đầy cảm hứng – một đêm qua đời, một lúc mà chúng ta rời xa giấc ngủ, và bình minh của một ngày mới, một ngày vinh quang trong lịch sử con người. Đó mà cách mà Thánh Phao-lô ông dành để mong chờ ngày trở lại tức khắc của Chúa Giê-su và để kết thúc thời đại này. Nhưng đối với chúng ta dường như nó vẫn chỉ là đêm đen và thậm chí trong một vài khía cạnh nó còn dần trở nên đen tối hơn. Chúng ta khao khát mong chờ sự hoàn thành của cái nhìn Isaiah và thế giới được chuyển đổi đã được Chúa Giê-su mô tả trong Bài Thuyết Giảng trên Núi.

Nhưng bình minh không đến cùng lúc với tất cả mọi người – từng người một chúng ta đến với ánh sáng và đánh thức chúng ta khỏi giấc ngủ - và nhiều người thức giấc hơn mà trước đây chưa từng có. Không bao giờ có nhu cầu cao cả cho sự tận tụy và cách tân tinh thần và đạo đức, và chẳng có công cụ vĩ đại hơn huy hiệu của ánh sáng. Một tân thế giới tự thân bắt đầu.

Như nhiều người hoảng sợ tìm kiếm những dấu hiệu ấn tượng của sự thay đổi hay thảm họa sắp xảy ra, những sự kiện này thường được tiên báo duy nhất bằng cách truyền miệng lệ thường và thói quen. Những ngày của thảm họa thiên nhiên hoặc khủng bố tấn công đã ló rạng giống như bất kỳ điều sự kiện nào khác và những người bị ảnh hưởng nhiều nhất đã có những kế hoạch thông thường của họ trong lúc này. Ngày lũ lụt của thời Noah đã bắt đầu giống như những trận lũ khác nhưng kết thúc hoàn toàn không giống.

Cách diễn tả sự “kết thúc” Tin Mừng mô tả có hai phụ nữ với công vật thường nhật của họ, một người được chấp nhận và người kia bị chối bỏ. Điều này này đưa ra một ý tưởng thần học rất mơ hồ (rất mới lạ) được gọi là sự mê ly như sự thành công bất hạnh của hàng loạt những minh chứng bị Bỏ Lại Phía Sau. Chúng ta sẽ không được “đằng vân” khỏi những thử thách của cuộc đời trên hành tinh Trái Đất. Nhưng cây chuyện duy nhất có ý định minh họa cho trạng thái bất ngờ không mong đợi của sự kết thúc và sự kiện này mà nhiều người đã bỏ lỡ cơ hội để đáp lại một cách tích cực trước những ân sủng của Thiên Chúa trong khi còn hiện hữu trên Trái Đất.

Một cách đơn giản chúng ta không biết sự kết thúc sẽ xảy đến khi nào và như thế nào – nhưng điều đó đã không ngăn cản nhiều người tạo ra dự đoán quá đáng. Mặc dù chúng ta không mong chờ sự trở lại của Chúa sắp xảy ra và kết thúc, lưu giữ sự tỉnh thức tinh thần là tính bắt buộc để không một ai biết anh ta hay chị ta còn hiện hữu trên Trái Đất bao lâu. Mỗi khoảnh khăc đều quí báu và là giây phút chúng ta gặp gỡ Con Thiên Chúa.

(Nguồn: Regis College – The School of Theology)
 
Tông Huấn Verbum Domini - Phần 1A
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
11:48 25/11/2010

TÔNG HUẤN HẬU THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC


VERBUM DOMINI


CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI
VỀ LỜI CHÚA TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ HỘI THÁNH



* * * * *


LỜI CHÚA


“Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời,
Và Ngôi Lời ở cùng Thiên Chúa,
Và Ngôi Lời là Thiên Chúa…
Và Ngôi Lời đã trở thành nhục thể”

(Ga 1:11,14)



Phần 1 - A

THIÊN CHÚA ĐẤNG LÊN TIẾNG


********


Thiên Chúa trong đối thoại

6. Sự mới mẻ của Mặc Khải trong Thánh Kinh hệ tại ở sự kiện là chúng ta biết đến Thiên Chúa qua cuộc đối thoại mà Ngài muốn có với chúng ta.[14] Hiến Chế Tín Lý Dei Verbum đã bày tỏ điều này qua việc thừa nhận rằng Thiên Chúa vô hình "từ sự sung mãn của tình yêu Ngài, nói với con người như những bạn hữu của Ngài, và sống giữa họ, để mời gọi và đón nhận họ vào cùng sống với Ngài",[15] Tuy nhiên, chúng ta sẽ chưa nắm trọn được sứ điệp của Lời Mở Đầu Tin Mừng Thánh Gioan, nếu chúng ta ngừng lại ở sự kiện Thiên Chúa đi vào sự hiệp thông yêu thương với chúng ta. Thực ra, Lời Chúa, nhờ Người "mà muôn vật đã được tạo thành" (Ga 1:3) và là Đấng "đã trở thành nhục thể" (Ga 1:14), cũng là Ngôi Lời, Đấng có “từ nguyên thủy” (Ga 1:1). Nếu chúng ta nhận ra rằng đây là một ám chỉ về lúc khởi đầu của sách Sáng Thế Ký (x. St 1:1), chúng ta thấy mình phải đối diện với một sự khởi đầu có tính tuyệt đối, nói cho chúng ta biết về đời sống nội tại của Thiên Chúa. Lời Mở Đầu của Tin Mừng Thánh Gioan giúp chúng ta nhận ra rằng Ngôi Lời (Logos) thật sự vĩnh cửu, và chính là Thiên Chúa từ muôn đời. Thiên Chúa không bao giờ mà không có Ngôi Lời của Ngài. Ngôi Lời có trước việc tạo dựng. Do đó tại trung tâm của đời sống Thiên Chúa có sự hiệp thông, có món quà tuyệt đối. "Thiên Chúa là tình yêu" (1 Ga 4:16), như cùng một Tông Đồ này đã cho chúng ta biết ở những nơi khác, vì vậy biểu lộ "hình ảnh Thiên Chúa của Kitô giáo cũng như từ đó hình ảnh nhân loại và số phận của nó".[16] Thiên Chúa tự tỏ Mình ra cho chúng ta như một mầu nhiệm tình yêu vô biên mà trong đó Chúa Cha muôn đời thốt ra Lời của Ngài trong Chúa Thánh Thần. Vì thế, Ngôi Lời, Đấng ở cùng Thiên Chúa ngay từ ban đầu và là Thiên Chúa, mặc khải chính Thiên Chúa trong cuộc đối thoại về tình yêu giữa các ngôi Thiên Chúa, và mời gọi chúng ta dự phần vào tình yêu ấy. Được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, Đấng là tình yêu, như vậy chúng ta chỉ có thể hiểu được chính mình trong việc chấp nhận Lời Chúa và ngoan ngoãn làm theo tác động của Chúa Thánh Thần. Trong ánh sáng mặc khải của Lời Chúa, các bí ẩn về thân phận con người được sáng tỏ một cách dứt khoát.

Loại Suy Lời Chúa

7. Trong ánh sáng của những nhận xét này, phát sinh từ việc suy niệm về mầu nhiệm Kitô giáo được diễn tả trong Lời Mở Đầu của Tin Mừng Thánh Gioan, giờ đây chúng ta cần xét đến điều mà các Nghị Phụ đã khẳng định về những cách thế khác nhau mà chúng ta có thể dùng để diễn đạt “Lời Chúa”. Các ngài thật đúng khi nói đến Lời Chúa như một tấu khúc, một Lời duy nhất được diễn tả bằng nhiều cách: "một bài thánh ca đa âm".[17] Các Nghị Phụ đã vạch ra rằng ngôn ngữ loài người hoạt động một cách loại suy khi nói về Lời Chúa. Trên thực tế, cách diễn tả này, trong khi nói về việc tự truyền thông của Thiên Chúa, cũng mang một số ý nghĩa khác nhau cần phải được xem xét và nối kết với nhau một cách cẩn thận, từ cả quan điểm suy tư thần học lẫn thực hành mục vụ. Như Lời Mở Đầu của Tin Mừng Thánh Gioan cho chúng ta thấy rõ ràng, trước hết từ Logos nói về Ngôi Lời vĩnh cửu, Con Một, được sinh ra bởi Đức Chúa Cha trước muôn đời và đồng bản thể với Ngài: Ngôi Lời đã ở cùng Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Nhưng Thánh Gioan cho chúng ta biết rằng cũng chính Ngôi Lời này đã "trở thành nhục thể" (Ga 1:14), vì thế Đức Chúa Giêsu Kitô, được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria, thực sự là Ngôi Lời của Thiên Chúa đã trở nên đồng bản thể với chúng ta. Do đó, "Lời Chúa" ở đây nói về con người Đức Chúa Giêsu Kitô, Chúa Con muôn thủa của Chúa Cha, đã làm người.

Trong khi biến cố Đức Kitô là trung tâm của Mặc Khải của Thiên Chúa, chúng ta cũng cần phải ý thức rằng chính tạo vật, liber naturae (cuốn sách thiên nhiên), là một phần thiết yếu của bản hòa tấu có nhiều âm điệu này mà trong đó một Lời duy nhất được nói lên. Chúng ta cũng tuyên xưng đức tin của mình rằng Thiên Chúa đã nói Lời của Ngài trong lịch sử cứu độ, Ngài đã làm cho loài người nghe được tiếng nói của Ngài; nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần “Ngài đã dùng các tiên tri mà phán dạy”.[18] Như thế, Lời Chúa được phán ra trong suốt lịch sử cứu độ, và đầy đủ nhất trong mầu nhiệm nhập thể, cái chết, và việc sống lại của Con Thiên Chúa. Sau đó, Lời Chúa cũng chính là lời rao giảng của các Tông Đồ khi các ngài tuân theo mệnh lệnh của Chúa Giêsu Phục Sinh: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo." (Mc 16:15). Như vậy, Lời Chúa được truyền lại trong Truyền Thống sống động của Hội Thánh. Sau cùng Lời Chúa, được Thiên Chúa chứng thực và linh hứng, là Thánh Kinh, Cựu Ước và Tân Ước. Tất cả các sách này giúp chúng ta hiểu rằng tại sao, trong Hội Thánh, dù chúng ta rất tôn kính các Sách Thánh, nhưng đức tin Kitô giáo lại không phải là một “tôn giáo của cuốn sách”: Kitô giáo là “tôn giáo của Lời Chúa”, không phải “của một lời bằng văn tự và lặng câm, nhưng của Lời nhập thể và sống động”,[19] Do đó Thánh Kinh phải được công bố, nghe, đọc, đón nhận và được cảm nghiệm như Lời Chúa, trong dòng Truyền Thống các Tông Đồ, mà từ đó Thánh Kinh không thể xa rời được.[20]

Như các Nghị Phụ của Thượng Hội Đồng đã xác nhận, chúng ta thật sự đối diện với việc sử dụng phép loại suy để diễn tả “Lời Chúa”, và phải ý thức về điều này. Các tín hữu cần phải được giúp đỡ nhiều hơn để hiểu những ý nghĩa khác nhau của cách diễn tả ấy, và cả ý nghĩa nhất thể của nó. Theo quan điểm thần học cũng thế, cần phải nghiên cứu thêm về cách thức những ý nghĩa khác nhau của cách diễn tả này liên hệ với nhau, để sự thống nhất của kế hoạch của Thiên Chúa và, trong đó, tính trọng tâm của con người Đức Kitô, có thể chiếu tỏa ra một cách rõ ràng hơn. [21]

Chiều kích vũ trụ của Lời Chúa

8. Khi xét đến ý nghĩa căn bản của Lời Chúa như ám chỉ Ngôi Lời hằng hữu của Thiên Chúa làm người, Đấng Cứu Độ và Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại,[22] và lắng nghe Lời này, chúng ta được hướng dẫn bởi Mặc Khải trong Thánh Kinh để thấy rằng Lời Chúa là nền tảng của mọi thực tại. Lời Mở Đầu của Tin Mừng Thánh Gioan nói về Ngôi Lời của Thiên Chúa, rằng “Nhờ Người mà muôn vật được tạo thành, và không có Người, thì không có gì được tạo thành.” (Ga 1:3); và trong Thư gửi tín hữu Côlôxê, Đức Kitô được gọi là, “trưởng tử của mọi tạo vật” (1:15), rằng “trong Người, muôn vật được tạo thành” (1:16). Tác giả của Thư gửi tín hữu Do Thái cũng nói tương tự rằng “Nhờ đức tin, chúng ta hiểu rằng thế gian đã được thành hình bởi Lời của Thiên Chúa; cho nên những gì ta nhìn thấy được tạo nên từ những vật vô hình” (11:3).

Đối với chúng ta, lời công bố này là một lời về tự do. Thánh Kinh cho chúng ta biết rằng mọi sự hiện hữu không xuầt hiện cách ngẫu nhiên nhưng do Thánh Ý Thiên Chúa và là một phần của kế hoạch của Ngài, mà tâm điểm của nó là lời mời gọi thông phần vào sự sống của Thiên Chúa trong Đức Kitô. Tạo vật được sinh ra trong Ngôi Lời và mang dấu vết không thể xóa được của Lý Trí sáng tạo là điều xếp đặt và chỉ đạo nó. Với niềm tin chắc chắn đầy vui mừng Thánh Vịnh lên tiếng hát: “Lời của Chúa tạo ra các tầng trời, hơi thở Ngài làm thành muôn tinh tú” (Tv 33:6), và “Khi Ngài phán, thì chúng được dựng nên, khi Ngài ra lệnh, thì chúng được tạo thành” (Tv 33:9). Tất cả thực thể bày tỏ mầu nhiệm này: “Các tầng trời cao rao vinh quang Thiên Chúa, cả bầu trời tán tụng các việc của tay Ngài” (Tv 19:01). Như thế chính Thánh Thánh Kinh mời gọi chúng ta nhìn nhận Đấng Tạo Hóa qua việc chiêm ngắm các tạo vật của Ngài (x. Kn 13:05; Rom 1:19-20). Truyền thống tư tưởng Kitô giáo đã khai triển yếu tố chính yếu này về tấu khúc của Lời Chúa, thí dụ như khi Thánh Bônaventura, trong truyền thống vĩ đại của các Giáo Phụ Hy Lạp thấy tất cả mọi khả năng sáng tạo hiện diện trong Ngôi Lời, [23] ngài đã nói rằng “mỗi sinh vật đều là một lời của Thiên Chúa, vì nó công bố Thiên Chúa”.[24] Hiến Chế Tín Lý Dei Verbum đã tổng hợp những dữ kiện này khi nói rằng “Thiên Chúa, Đấng tạo thành và bảo tồn tất cả mọi sự bằng Lời Ngài (x. Ga 1:3), cung cấp liên tục bằng chứng về Mình trong những thực thể được tạo thành”.[25]

Việc tạo dựng loài người

9. Như thế, thực thể được sinh ra từ Ngôi Lời, như creatura Verbi [tạo vật của Ngôi Lời], và tất cả được mời gọi để phục vụ Ngôi Lời. Việc tạo dựng là môi trường mà trong đó toàn bộ lịch sử tình yêu giữa Thiên Chúa và tạo vật của Ngài phát triển; vì vậy việc cứu độ của con người là lý do cơ bản cho tất cả mọi sự. Nhìn ngắm vũ trụ theo quan điểm lịch sử cứu độ, chúng ta nhận ra địa vị duy nhất và phi thường mà con người chiếm hữu trong việc tạo dựng: “Thiên Chúa dựng nên con người theo hình ảnh của Ngài; Ngài dựng nên con người giống hình ảnh Thiên Chúa; Ngài dựng nên họ: người nam và người nữ” (St 1:27). Điều này giúp chúng ta nhìn nhận cách đầy đủ những món quà quý giá chúng ta lãnh nhận từ Đấng Tạo Hóa: giá trị của thân xác, món quà lý trí, tự do và lương tâm. Ở đây cũng thế, chúng ta khám phá những gì mà truyền thống triết học gọi là “luật tự nhiên”,[26] Thực ra, “mọi người có thức và trách nhiệm đều có kinh nghiệm về lời mời gọi từ nội tâm để làm điều lành”[27] và vì thế tránh điều dữ. Như Thánh Thomas Aquinô nói rằng, nguyên tắc này là nền tảng của tất cả các điều luật khác của luật tự nhiên.[28] Việc lắng nghe Lời Chúa dẫn chúng ta trước hết và trên hết đến giá trị cần thiết để sống theo Luật “được viết trong trái tim con người” này (x. Rom 2:15; 7:23).[29] Sau đó, Đức Chúa Giêsu Kitô đã ban cho loài người Luật mới, Luật Tin Mừng, là luật tiếp nối và làm tròn luật tự nhiên, giải phóng chúng ta khỏi luật của tội lỗi, mà một hậu quả của nó, như Thánh Phaolô nói: “Tôi muốn làm điều tốt, nhưng tôi không thể làm được” (Rom 7:18). Cũng tương tự, [Luật mới này] cho phép con người, nhờ ân sủng, được dự phần vào đời sống của Thiên Chúa và thắng vượt tính ích kỷ của mình.[30]

Chủ nghĩa hiện thực của Lời

10. Những ai biết Lời Chúa cũng biết đầy đủ ý nghĩa của mỗi tạo vật. Vì nếu tất cả mọi sự "tồn tại" trong Đấng có "trước mọi loài" (x. Col 1:17), như thế những ai xây dựng đời mình trên Lời Ngài là xây dựng một cách thật sự vững chắc và lâu dài. Lời Chúa làm cho chúng ta thay đổi quan niệm của mình về chủ nghĩa hiện thực: người hiện thực là người nhận thấy trong Lời Chúa nền tảng của tất cả mọi sự.[31] Chủ nghĩa hiện thực này đặc biệt cần thiết trong thời đại chúng ta, khi nhiều điều mà chúng ta đặt niềm tin vào để xây dựng cuộc đời của mình, những điều mà chúng ta đang bị cám dỗ để đặt hy vọng vào, bị chứng tỏ là phù du. Của cải, lạc thú và quyền hành sớm hay muộn cũng sẽ tỏ ra bất lực trong việc thỏa mãn những khao khát thầm kín nhất của lòng người. Trong việc xây dựng đời sống của mình, chúng ta cần những nền móng vững chắc, là điều sẽ tồn tại trong khi những điều mà loài ngưởi cho là chắc chắn sẽ bị xụp đổ. Quả thật, vì “Muôn lạy Chúa, lời Ngài bền vững đến muôn đời, trên cõi trời cao” và lòng thành tín của Chúa “tồn tại qua bao thế hệ” (Tv 119:89-90), ai xây dựng trên Lời này là xây dựng căn nhà cuộc đời mình trên đá (x. Mt 7:24). Chớ gì tâm hồn chúng ta có thể thưa cùng Chúa mỗi ngày: “Chúa là nơi con ẩn náu, là thuẫn đỡ, con vẫn trông cậy ở Lời Ngài” (Tv 119:114), và, như Thánh Phêrô, chúng ta có thể phó thác cho Chúa Giêsu trong những việc làm hàng ngày của mình: “Vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới” (Lc 5:5).

Kitô học của Lời

11. Từ cái nhìn thoáng qua đến toàn thể thực tại như tác phẩm của Thiên Chúa Ba Ngôi qua Lời Chúa, chúng ta có thể hiểu được câu văn của tác giả Thư gửi tín hữu Do Thái: “Nhiều phần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài” (1:1-2). Đẹp thay khi thấy toàn bộ Cựu Ước đã biểu lộ cho chúng ta như một lịch sử trong đó Thiên Chúa truyền thông Lời Ngài: quả thật, “nhờ giao ước với ông Abraham (x. St 15:18) và với dân Israel qua ông Môsê (x. Xh 24:8) Ngài đã dùng lời nói, việc làm mà mặc khải cho dân Ngài đã tuyển chọn để họ biết Ngài là Thiên Chúa duy nhất, hằng sống và chân thật, để Israel cảm nghiệm được đâu là đường lối Thiên Chúa đối xử với loài người, và để nhờ chính Ngài phán dạy qua miệng các ngôn sứ, dần dần họ thấu hiểu các đường lối ấy cách đầy đủ và rõ ràng hơn, để rồi đem phổ biến rộng rãi giữa các dân tộc” (x. Tv 21:28-29; 95:1-3; Is 2:1-4; Gr 3:17)”.[32]

Việc “hạ mình” này của Thiên Chúa được thực hiện cách trổi vượt trong việc nhập thể của Ngôi Lời. Lời vĩnh cửu, được diễn đạt trong việc tạo dựng và truyền thông trong lịch sử cứu độ, trong Đức Kitô làm người, "sinh bởi người nữ" (Gl 4:4). Ở đây, Lời tìm được cách diễn tả không chỉ trong đàm luận, các khái niệm hay quy luật. Ở đây chúng ta được đặt trước chính con người của Chúa Giêsu. Lịch sử duy nhất và độc đáo của Người rõ ràng là Lời mà Thiên Chúa nói với nhân loại. Như thế, chúng ta có thể thấy tại sao “làm Kitô hữu không phải là kết quả của một sự lựa chọn đạo đức hay một ý tưởng cao vời, nhưng là gặp gỡ một sự kiện, một con người, la điều mang đến cho đời sống một chân trời mới và một hướng đi dứt khoát”.[33] Việc không ngừng đổi mới cuộc gặp gỡ này và ý thức ấy đổ đầy tâm hồn các tín hữu sự kinh ngạc về sáng kiến của Thiên Chúa, mà con người, với lý trí và óc tưởng tượng của mình, không bao giờ có thể mơ ước. Chúng tôi đang nói về một sự mới lạ chưa từng thấy mà con người không thể tưởng tượng được: “Ngôi Lời đã trở thành nhục thể và ở giữa chúng ta” (Ga 1:14a). Những lời này không phải là lời nói bóng gió, chúng ám chỉ một kinh nghiệm sống! Thánh Gioan, một nhân chứng, đã nói với chúng ta như thế: “Chúng tôi đã thấy vinh quang của Người, như vinh quang của Con Một Chúa Cha, đầy ân sủng và chân lý”. (Ga 1:14b). Đức tin tông truyền làm chứng rằng Lời vĩnh cửu trở nên một người trong chúng ta. Lời Chúa thực sự được diễn tả bằng những lời của loài người.

12. Truyền thống giáo phụ và trung cổ, trong khi chiêm niệm “Kitô học của Lời” này, đã sử dụng một cách diễn tả gợi cảm: Lời đã được “viết tắt”.[34] “Các Giáo Phụ đã tìm thấy trong bản dịch Cựu Ước tiếng Hy Lạp của các ngài một đoạn văn trích từ sách ngôn sứ Isaia mà Thánh Phaolô cũng trích dẫn để cho chúng ta thấy những cách thức mới của Thiên Chúa đã được báo trước trong Cựu Ước như thế nào. Trong đó, chúng ta đọc: ‘Chúa đã làm cho Lời Ngài ngắn lại, Ngài đã viết tắt nó’ (Is 10:23; Rom 9:28).... Chính Chúa Con là Ngôi Lời, Logos: Lời muôn thủa đã trở thành nhỏ bé - nhỏ đủ để vừa một máng cỏ. Người trở thành một trẻ nhỏ, để chúng ta có thể hiểu được Ngôi Lời".[35] Giờ đây Lời không còn chỉ đơn thuần nghe được, không những chỉ có tiếng nói, mà còn có một dung nhan[36]

Khi đọc các tường thuật trong Tin Mừng, chúng ta thấy nhân tính của Chúa Giêsu xuất hiện với tất cả sự độc đáo của nó trong tương quan với Lời Chúa như thế nào. Trong nhân tính hoàn hảo của mình, Người luôn luôn làm theo thánh ý Chúa Cha. Chúa Giêsu nghe tiếng nói của mình và vâng lời tiếng nói ấy bằng cả con người, Người biết Chúa Cha và Người giữ lời Ngài (x. Ga 8:55), Người nói với chúng ta về những gì Chúa Cha đã nói với Người (x. Ga 12:50), “Con đã ban cho họ lời mà Cha đã ban cho Con” (Ga 17:8). Như vậy Chúa Giêsu cho thấy rằng Người là Ngôi Lời của Thiên Chúa được ban cho chúng ta, nhưng đồng thời cũng là Adam mới, người nam đích thực, người không bao giờ làm theo ý mình nhưng theo ý Chúa Cha. Người “càng ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta"(Lc
2:52). Trong một cách hoàn hảo, Người nghe, hiện thân và truyền đạt cho chúng ta Lời Chúa (x. Lc
5:1).

Cuối cùng sứ mệnh của Chúa Giêsu được hoàn thành trong mầu nhiệm vượt qua: ở đó chúng ta thấy mình đứng trước “Lời của thánh giá” (1 Cor 1:18). Lời này lặng im; Lời trở thành sự im lặng chết người, Lời đã "nói" hết, không còn giữ lại bất cứ điều gì Người phải nói cho chúng ta. Các Giáo Phụ, trong khi suy niệm về mầu nhiệm này, đã gán cho Mẹ Thiên Chúa những lời cảm động này: “Không Lời là Lời của Chúa Cha, Người đã tạo ra mọi sinh vật biết nói, bất động là cặp mắt của Đấng mà qua Lời nói và cử chỉ của Người mọi sinh vật được chuyển động”.[37] Ở đây tình yêu “lớn hơn” ấy, tình yêu hiến mạng sống vì bạn hữu (x. Ga 15:13), được thực sự chia sẻ với chúng ta.

Trong mầu nhiệm cao cả này Chúa Giêsu được mặc khải như Lời của giao ước mới và vĩnh cửuMt 26:28; Mc 14:24; Lc 22:20), và cho thấy mình chính là Chiên Con làm hy lễ thật đem đến cho chúng ta sự giải phóng khỏi ách nô lệ một cách dứt khoát.[38]

Trong mầu nhiệm rất huy hoàng của việc phục sinh, sự im lặng của Lời được tỏ ra trong ý nghĩa chân chính và dứt khoát của nó. Đức Kitô, Ngôi Lời nhập thể, chịu đóng đinh và phục sinh của Thiên Chúa, là Chúa của muôn loài. Người là Đấng chiến thắng, Đấng Toàn Năng (Pantocrator), và vì thế muôn vật đều được quy tụ trong Người đến muôn đời (x. Eph 1:10). Như thế, Đức Kitô là "ánh sáng thế gian" (Ga 8:12), và “ánh sáng chiếu trong tăm tối" (Ga 1:5) và đã không bị tăm tối khắc phục (x. Ga 1:5). Ở đây chúng ta hiểu trọn ý nghĩa của những lời trong Thánh Vịnh 119: “Lời Ngài là ngọn đèn cho chân con, là ánh sáng soi đường con đi” (c. 105). Lời phục sinh chắc chắn là ánh sáng soi đường cho chúng ta. Ngay từ thủa ban đầu, các Kitô hữu đã nhận ra rằng trong Đức Kitô, Lời của Thiên Chúa, hiện diện như một Ngôi. Lời Chúa là ánh sáng thật mà người ta cần đến. Trong việc phục sinh, Con Thiên Chúa thật sự xuất hiện như ánh sáng thế gian. Giờ đây, nhờ sống với Người và trong Người, mà chúng ta có thể sống trong ánh sáng.

13. Ở đây, tại trung tâm của "Kitô học của Lời", nếu có thể nói như vậy, điều quan trọng là phải nhấn mạnh đến sự thống nhất của kế hoạch của Thiên Chúa trong Ngôi Lời nhập thể: Đó là lý do tại sao Tân Ước trình bày Mầu Nhiệm Vượt Qua như phù hợp với Thánh Kinh và như làm trọn lời Thánh Kinh cách hoàn hảo nhất. Trong Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrinthô, Thánh Phaolô nói rằng Chúa Giêsu Kitô đã chết vì tội lỗi của chúng ta “theo lời Thánh Kinh” (15:3) và rằng ngày thứ ba Người đã sống lại “theo lời Thánh Kinh” (15:4). Như vậy Thánh Tông Đồ, liên kết biến cố Chúa chịu chết và sự sống lại với lịch sử Giao Ước Cũ của Thiên Chúa với dân Người. Thật vậy, ngài cho chúng ta thấy rằng từ biến cố ấy, lịch sử nhận được luận lý nội tại và ý nghĩa thực sự của nó. Trong Mầu Nhiệm Vượt Qua “những lời Thánh Kinh” được nên trọn, nói cách khác, cái chết này xảy ra “theo lời Thánh Kinh” là một biến cố hàm chứa một Logos, một luận lý nội tại: cái chết của Đức Kitô chứng minh rằng Lời Chúa đã trở thành “phàm nhân” thật sự, “lịch sử” loài người cách triệt để.[39] Cũng tương tự, việc phục sinh của Chúa Giêsu xảy ra “vào ngày thứ ba theo lời Thánh Kinh”: vì theo cách giải thích của người Do Thái thì thân xác bắt đầu tan rữa sau ngày thứ ba, Lời Thánh Kinh được thể hiện nơi Chúa Giêsu, Đấng đã sống lại trước khi thân xác bắt đầu tan rữa. Vì vậy, trong khi trung thành truyền lại giáo huấn của các Tông Đồ (x. 1 Cor 15:3), Thánh Phaolô nhấn mạnh rằng chiến thắng của Đức Kitô trên sự chết đã xảy ra nhờ quyền năng sáng tạo của Lời Chúa. Quyền năng Thiên Chúa này mang lại hy vọng và niềm vui: tóm lại, đây là nội dung giải phóng của Mặc Khải về vượt qua. Trong Lễ Phục Sinh, Thiên Chúa tự tỏ mình và quyền năng của tình yêu Ba Ngôi là những điều đánh tan những quyền lực nguy hại của sự dữ và tử thần.

Khi gợi lại những yếu tố thiết yếu của đức tin của mình, chúng ta có thể chiêm ngắm sự hợp nhất sâu đặm trong Đức Kitô giữa tạo vật, tạo vật mới và toàn thể lịch sử cứu độ. Để làm thí dụ, chúng ta có thể so sánh vũ trụ với một “cuốn sách” – Chính Galileo cũng đã sử dụng thí dụ này - và coi nó như là “tác phẩm của một tác giả đã tự mô tả chính mình qua một “tấu khúc” về việc tạo dựng. Trong tấu khúc này, ở một thời điểm nào đó, điều được gọi là “độc tấu/đơn ca”, một chủ đề trao cho một nhạc cụ hoặc một giọng hát duy nhất là điều rất quan trọng đến nỗi ý nghĩa của toàn bộ tác phẩm lệ thuộc vào đó. Người “đơn ca” này là Chúa Giêsu.. .. Con Người thâu tóm trong mình cả đất lẫn trời, tạo vật và Đấng Tạo Hóa, thân xác và Thần Khí. Người là trung tâm của vũ trụ và lịch sử, vì trong Người tác giả và tác phẩm của mình đều đồng quy mà không bị lẫn lộn”.[40]

Chiều kích cánh chung của Lời Chúa

14. Trong tất cả những điều này, Hội Thánh nói lên ý thức rằng mình đứng cùng với Đức Chúa Giêsu Kitô trước Lời dứt khoát của Thiên Chúa: Người là “nguyên thủy và cứu cánh” (Kh 1:17). Người đã ban cho tạo vật và lịch sử ý nghĩa cuối cùng của chúng; và như thế chúng ta được mời gọi để sống trong thời gian và trong việc tạo dựng của Thiên Chúa, trong nhịp điệu cánh chung này của Lời. “Do đó quy chế Kitô giáo, vì là giao ước mới và dứt khoát, sẽ không bao giờ qua đi; và chúng ta không còn mong chờ một mặc khải nào mới trước khi Đức Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, xuất hiện trong vinh quang (x. 1 Tim 6:14 và Tit 2:13)”.[41] Thực ra, như các Nghị Phụ đã ghi nhận trong Thượng Hội Đồng, “tính độc đáo của Kitô giáo được tỏ lộ trong biến cố Chúa Giêsu Kitô, đỉnh cao của mặc khải, sự hoàn thành những lời hứa của Thiên Chúa và Đấng Trung Gian của cuộc gặp gỡ giữa loài người và Thiên Chúa. Người là Đấng ‘đã mặc khải Thiên Chúa cho chúng ta’ (Ga 1:18), là Lời duy nhất và dứt khoát được ban cho nhân loại”.[42] Thánh Gioan Thánh Giá đã diễn tả chân lý này một cách tuyệt diệu: “Vì Ngài đã ban cho chúng ta Con của Ngài, là Lời duy nhất của Ngài (vì Ngài không còn Lời nào khác), Ngài đã nói tất cả mọi sự cùng một lúc trong Lời duy nhất này, và Ngài không còn gì để nói... vì những gì Ngài đã nói từng phần trước đây qua các ngôn sứ, Ngài đã nói tất cả cùng một lúc bằng cách cho chúng ta Tất Cả là Con của Ngài. Bất kỳ ai nghi ngờ Thiên Chúa, hay mong ước thị kiến hoặc mặc khải nào đó sẽ không những chỉ có hành vi khờ dại mà còn xúc phạm đến Ngài, vì không để mắt hoàn toàn vào Đức Kitô và sống với lòng ước mong những điều mới lạ khác”.[43]

Vì thế Thượng Hội Đồng Giám Mục đã nhắm đến nhu cầu cần phải “giúp các tín hữu phân biệt Lời Thiên Chúa với những mặc khải tư”[44] mà vai trò của chúng “không phải là để ‘bổ sung’ cho mặc khải dứt khoát của Đức Kitô, nhưng để giúp người ta sống mặc khải ấy một cách trọn vẹn hơn trong một giai đoạn lịch sử nào đó”.[45] Giá trị của những mặc khải tư hoàn toàn khác với mặc khải chung duy nhất: mặc khải sau đòi đức tin, trong đó Chính Thiên Chúa nói với chúng ta qua lời nói của loài người và trung gian của cộng đồng Hội Thánh sống động. Tiêu chuẩn để đánh giá sự thật của một mặc khải tư là quy hướng của nó về chính Đức Kitô. Nếu nó dẫn chúng ta xa Người, thì nó chắc chắn không đến từ Chúa Thánh Thần, Đấng hướng dẫn chúng ta vào Tin Mừng cách sâu đậm hơn, chứ không xa Tin Mừng này. Mặc khải tư là một trợ giúp cho đức tin này, và nó chứng tỏ sự đáng tin cậy của nó vì nó quy về Mặc Khải chung duy nhất. Việc Hội Thánh phê chuẩn mặc khải tư có nghĩa thiết yếu là sứ điệp của nó không chứa đựng điều gì trái ngược với đức tin và luân lý; chúng ta được phép công bố nó và các tín hữu được phép tham gia cách thận trọng. Một mặc khải tư có thể đưa ra những nhấn mạnh mới, phát sinh ra những hình thức sùng kính mới, hoặc đào sâu những hình thức cũ. Nó có thể có một đặc tính tiên tri nào đó (x. 1 Th 5:19-21) và có thể là một trợ giúp quý giá cho việc hiểu biết và sống Tin Mừng cách tốt hơn ở một thời điểm nào đó; do đó chúng ta không nên coi thường nó. Nó là một sự trợ giúp được ban cho chúng ta, nhưng không bắt buộc chúng ta phải sử dụng. Trong mọi trường hợp, nó phải là một vấn đề về nuôi dưỡng đức tin, đức cậy và đức mến, con đường thường trực của ơn cứu độ cho tất cả mọi người.[46]

Lời Chúa và Chúa Thánh Thần

15. Sau khi suy niệm về Lời cuối cùng và dứt khoát của Thiên Chúa dành cho thế gian, giờ đây chúng ta cần phải đề cập đến sứ mệnh của Chúa Thánh Thần trong tương quan với Lời Chúa. Thực ra sẽ không có hiểu biết xác thực về mặc khải Kitô giáo nếu không có hoạt động của Đấng An Ủi (Paraclete). Đó là vì việc tự truyền thông của Thiên Chúa luôn luôn bao hàm mối liên hệ giữa Chúa Con và Chúa Thánh Thần, những Đấng mà Thánh Irênê thành Lyons gọi là “hai bàn tay của Chúa Cha”.[47] Chính Thánh Kinh nói về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong lịch sử cứu độ và đặc biệt là trong cuộc đời của Chúa Giêsu: Người được thụ thai bởi Đức Trinh Nữ Maria nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần (x. Mt 1:18; Lc 1:35); lúc khởi đầu sứ vụ công khai của Người, trên bờ sông Giođăng, Người thấy Chúa Thánh Thần ngự xuống trên mình dưới dạng một con chim bồ câu (x. Mt 3:16); trong cùng một Thánh Thần Chúa Giêsu hành động, nói năng và vui mừng (x. Lc 10:21); và trong Thánh Thần Người đã tự hiến mình (x. Dt 9:14). Khi sứ vụ của Người gần kết thúc, theo tường thuật của Thánh Gioan, Chúa Giêsu đã rõ ràng liên kết việc hiến mạng sống của mình với việc gửi của Chúa Thánh Thần xuống trên những kẻ thuộc về Người (x. Ga 16:7). Chúa Giêsu Phục Sinh, mang trong thân xác của Người những dấu của cuộc khổ nạn, sau đó Người đổ Chúa Thánh Thần xuống (x. Ga 20:22), làm cho các môn đệ của Người chia sẻ sứ mệnh của chính Người (x. Ga 20:21). Chúa Thánh Thần là Đấng dạy cho các môn đệ tất cả mọi sự và giúp các ông nhớ lại tất cả những gì mà Đức Kitô đã nói (x. Ga 14:26), vì Ngài là Thần Chân Lý (x. Ga 15:26) sẽ hướng dẫn các môn đệ đến tất cả chân lý (x. Ga 16:13). Cuối cùng, trong sách Tông Đồ Công Vụ, chúng ta đọc rằng Chúa Thánh Thần xuống trên Nhóm Mười Hai đang tụ tập để cầu nguyện cùng với Đức Maria trong Lễ Ngũ Tuần (x. 2:1-4), và thúc đẩy các ông gánh nhận sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho muôn dân.[48]

Như thế Lời Chúa được diễn tả bằng lời nói của loài người nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Sứ vụ của Chúa Con và Chúa Thánh Thần không thể tách rời nhau được và tạo thành một công trình cứu độ duy nhất. Thần Khí hoạt động trong việc nhập thể của Ngôi Lời trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria cũng là Thần Khí hướng dẫn Chúa Giêsu trong sứ vụ của Người và được Người hứa ban cho các môn đệ. Cùng một Thần Khí đã nói qua các ngôn sứ là Đấng duy trì và linh hứng Hội Thánh trong nhiệm vụ công bố Lời Chúa của mình và trong lời rao giảng của các Tông Đồ; Cuối cùng, chính Thần Khí này là Đấng linh hứng các tác giả của Thánh Kinh.

16. Ý thức được phạm vi Thần Khí học này, các Nghị Phụ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công việc của Chúa Thánh Thần trong đời sống của Hội Thánh và tâm hồn các tín hữu trong tương quan với Thánh Kinh:[49] nếu không có sự làm việc hữu hiệu của "Thần Chân Lý" (Ga 14:16), người ta không thể hiểu được những lời của Chúa. Như Thánh Irênê nói: “Những ai không chia sẻ Thần Khí thì không rút ra từ cung lòng mẹ họ [Hội Thánh] thức ăn cho đời sống; họ không nhận được gì từ nguồn suối tinh khiết nhất chảy ra từ thân thể Đức Kitô”.[50] Như Lời Chúa đến với chúng ta trong thân thể Đức Kitô, trong thân thể Thánh Thể của Người và trong thân thể Thánh Kinh, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần thế nào, thì Lời này cũng chỉ có thể thực sự nhận được và hiểu được nhờ cùng một Chúa Thánh Thần như vậy.

Các nhà văn lớn của truyền thống Kitô giáo nhất trí nói về địa vị của Chúa Thánh Thần trong mối tương quan mà các tín hữu phải có đối với Thánh Kinh. Thánh Gioan Kim Khẩu nói rằng Thánh Kinh “cần sự Mặc Khải của Chúa Thánh Thần, để nhờ khám phá ra ý nghĩa thực sự của những điều chứa đựng trong ấy, chúng ta có thể gặt hái được nhiều ích lợi”.[51] Thánh Giêrônimô cũng tin chắc rằng "chúng ta không thể hiểu Thánh Kinh nếu không có sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần là Đấng linh hứng nó”.[52] Thánh Grêgôriô Cả nhấn mạnh một cách tinh vi công việc của Chúa Thánh Thần trong sự hình thành và giải thích Thánh Kinh: “Chính Ngài tạo ra những lời của Các Sách Giao Ước, chính Ngài tiết lộ ý nghĩa của chúng”.[53] Richard của Saint Victor vạch ra rằng chúng ta cần “cặp mắt của chim bồ câu”, được soi sáng và dạy dỗ bởi Thần Khí, để hiểu được các bản văn thánh.[54]

Ở đây tôi cũng muốn nhấn mạnh đến chứng từ rất quan trọng về các mối tương quan giữa Chúa Thánh Thần và Thánh Kinh mà chúng ta tìm thấy trong các bản văn phụng vụ, nơi mà Lời Chúa được công bố, lắng nghe và giải thích cho các tín hữu. Chúng ta tìm thấy một nhân chứng cho điều này trong những kinh nguyện cổ xưa dưới hình thức epiclesis, lời kinh cầu khẩn Chúa Thánh Thần trước khi công bố các bài đọc: “Xin ban Thần An Ủi (Paraclete) của Ngài vào lòng chúng con và làm cho chúng con hiểu Thánh Kinh mà Ngài đã linh hứng, và giúp con có thể giải thích cho họ một cách xứng đáng, ngõ hầu các tín hữu tụ được hưởng ơn ích”. Chúng tôi cũng tìm thấy những kinh nguyện đọc sau khi giảng, một lần nữa lại cầu xin Thiên Chúa ban những ơn Chúa Thánh Thần xuống trên các tín hữu: “Lạy Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ chúng con. .. chúng con cầu xin cho dân này: xin gửi Chúa Thánh Thần xuống trên họ, chớ gì Chúa Chúa Giêsu đến thăm họ, nói với lương tri mọi người, và chuẩn bị lòng họ đón nhận đức tin và dẫn đưa linh hồn chúng con đến với Chúa, Lạy Thiên Chúa đầy Thương Xót ".[55] Tất cả những điều này giúp chúng ta hiểu tại sao một người không thể hiểu được ý nghĩa của Lời Chúa nếu không mở lòng ra đón nhận tác động của Đấng An Ủi trong Hội Thánh và trong tâm hồn các tín hữu.

Thánh Truyền và Thánh Kinh

17. Trong việc tái xác nhận sự liên hệ mật thiết giữa Chúa Thánh Thần và Lời Chúa, chúng tôi cũng đã đặt nền móng cho một sự hiểu biết về tầm quan trọng và giá trị quyết định của Truyền Thống sống động và Thánh Kinh trong Hội Thánh. Thật vậy, vì “Thiên Chúa đã quá yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài” (Ga 3:16), Lời Thiên Chúa, được công bố trong thời gian, được ban và "ký thác" cho Hội Thánh một cách dứt khoát, để việc công bố ơn cứu độ có thể được truyền đạt cách hiệu quả trong mọi thời đại và mọi nơi. Như Hiến Chế Tín Lý Dei Verbum nhắc nhở chúng ta, chính Đức Chúa Giêsu Kitô “đã truyền cho các Tông Đồ rao giảng Tin Mừng – điều được hứa trước qua các ngôn sứ, được nên trọn trong chính con người của Người và được ban hành bởi chính miệng Người - cho tất cả mọi người như nguồn mạch của tất cả chân lý cứu độ và luật luân lý, bằng cách thông truyền hồng ân của Thiên Chúa cho họ. Điều này đã được thể hiện một cách trung thành bởi các Tông Đồ, là những vị đã truyền lại bằng cách rao giảng, bằng gương sáng và các luật lệ của các ngài, những gì chính các ngài đã nhận được - dù là từ miệng Đức Kitô, từ cách sống của Người và những việc làm của Người, hoặc biết được những điều ấy qua sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần; điều ấy được thực hiện bởi các Tông Đồ và những người khác như cộng sự viên của các ngài, dưới sự linh hứng của cùng một Chúa Thánh Thần, đã viết lại sứ điệp cứu độ xuống thành văn tự”.[56]

Ngoài ra Công đồng Vatican II cũng nói rằng Truyền Thống có nguồn gốc Tông Đồ này là một thực tại sống động và năng động: nó “tiến triển trong Hội Thánh, với sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần”, nhưng không theo nghĩa là có sự thay đổi chân lý, là điều thường trực, của nó. Thay vào đó, “có một sự tăng trưởng trong sự hiểu biết về những thực tại và những lời được truyền lại”, qua việc suy niệm và học tập, với sự hiểu biết thu lượm được từ kinh nghiệm tâm linh sâu sắc hơn và nhờ “lời rao giảng của những người kế vị nhau trong chức năng giám mục, đã nhận được đặc sủng chắc chắn của chân lý”.[57]

Truyền Thống sống động là điều thiết yếu để tạo điều kiện cho Hội Thánh phát triển qua thời gian trong sự hiểu biết về chân lý được mặc khải trong Thánh Kinh. Thực sự, “nhờ cùng một Truyền Thống này, mà toàn thể quy điển của các sách thánh được Hội Thánh biết, và chính Thánh Kinh cũng được hiểu kỹ hơn và liên tục được làm cho có hiệu quả trong Hội Thánh”,[58] Cuối cùng, chính Truyền Thống sống động của Hội Thánh giúp chúng ta hiểu Thánh Kinh là Lời Chúa một cách đầy đủ. Mặc dù Lời Chúa có trước và vượt trên Thánh Kinh, tuy nhiên Thánh Kinh, vì được linh hứng bởi Thiên Chúa nên chứa đựng Lời Chúa (x. 2 Tim 3:16) “một cách hoàn toàn đặc biệt”.[59]

18. Vậy chúng ta thấy rõ ràng rằng việc Dân Thiên Chúa cần được dạy dỗ và đào luyện đúng cách để tiếp cận Thánh Kinh trong tương quan với Truyền Thống sống động của Hội Thánh quan trọng như thế nào, và để nhận ra trong đó chính Lời Chúa. Việc nuôi dưỡng một tiếp cận như thế trong các tín hữu là điều rất quan trọng từ quan điểm đời sống tinh thần. Ở đây có thể là điều hữu ích để nhắc lại sự tương tự được các Giáo Phụ đưa ra giữa Lời Chúa đã trở thành “nhục thể” và Lời Chúa đã trở thành một “cuốn sách”.[60] Hiến Chế Tín Lý Dei Verbum tiếp tục truyền thống cổ xưa này, như Thánh Ambrôsiô nói,[61] là một truyền thống cho rằng “Thân thể của Chúa Con là Thánh Kinh mà chúng ta đã nhận được", và tuyên bố rằng "những lời của Thiên Chúa, được thể hiện trong ngôn ngữ của loài người, hoàn toàn giống như lời của loài người trong mọi phương diện, cũng như Lời của Chúa Cha hằng hữu, khi tự mặc lấy thân xác yếu hèn của loài người, đã trở nên giống họ”.[62] Khi hiểu theo cách này, Thánh Kinh tự bày tỏ cho chúng ta, trong sự đa dạng dưới nhiều hình thức và nội dung, như là một thực thể duy nhất. Thật vậy, “qua tất cả những lời của Thánh Kinh, Thiên Chúa chỉ nói một Lời duy nhất, Lời đặc thù của Ngài, trong đó Ngài đã tự tỏ mình một cách hoàn toàn (x. Dt 1:1-3)”,[63] Thánh Augustinô đã làm sáng tỏ điểm này: “Hãy nhớ rằng cuộc đàm đạo của Thiên Chúa được khai triển trong toàn thể Thánh Kinh, là một cuộc đàm đạo duy nhất, và cuộc đàm đạo duy nhất ấy là Lời được vang vọng trên miệng của tất cả các thánh ký”.[64]

Tóm lại, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần và dưới sự hướng dẫn của Huấn Quyền, Hội Thánh trao lại cho mọi thế hệ tất cả những gì đã được mặc khải trong Đức Kitô. Hội Thánh sống trong niềm xác tín rằng Chúa của mình, Đấng đã nói trong quá khứ, ngày nay vẫn tiếp tục thông truyền Lời của Ngài trong Truyền Thống sống động của mình và trong Thánh Kinh. Thực vậy, Lời Chúa đã được ban cho chúng ta trong Thánh Kinh như là một chứng từ linh hứng của Mặc Khải; cùng với Truyền Thống sống động của Hội Thánh, tạo thành quy luật tối cao của đức tin.[65]

Thánh Kinh, Linh Hứng và Chân Lý

19. Một khái niệm chính yếu để hiểu các văn bản thánh như Lời Chúa trong lời của loài người chắc chắn là khái niệm linh hứng. Ở đây cũng vậy, chúng ta có thể đề ra một sự tương tự: như Lời Chúa đã trở thành nhục thể nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria thế nào, thì Thánh Kinh cũng được sinh ra từ cung lòng Hội Thánh nhờ quyền năng của cùng một Chúa Thánh Thần như thế. Thánh Kinh là “Lời Chúa được viết xuống dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần”.[66] Bằng cách này người ta nhận ra tầm quan trọng hoàn toàn của tác giả nhân loại là những người đã viết các bản văn được linh hứng và đồng thời cũng nhận ra chính Thiên Chúa như tác giả thật.

Như các Nghị Phụ đã xác quyết, chủ đề về linh hứng có tính cách quyết định rõ ràng về một cách tiếp cận đầy đủ đối với Thánh Kinh và để giải thích các sách ấy một cách chính xác,[67] và cách giải thích này phải được thực hiện trong cùng một Thánh Thần mà trong Ngài các sách thánh đã được biên soạn.[68] Khi nào ý thức của chúng ta về sự linh hứng của Thánh Kinh bị yếu đi, chúng ta có nguy cơ đọc Thánh Kinh như một đối tượng của sự tò mò về lịch sử mà không phải là công trình của Chúa Thánh Thần, trong đó chúng ta có thể nghe chính Chúa nói và nhận ra sự hiện diện của Người trong lịch sử.

Ngoài ra, các Nghị Phụ cũng nhấn mạnh đến sự liên kết giữa chủ đề về linh hứng và chân lý của Thánh Kinh.[69] Một nghiên cứu sâu xa hơn về tiến trình linh hứng chắc chắn sẽ dẫn đến một sự hiểu biết rộng rãi hơn về chân lý chứa đựng trong Sách Thánh. Như giáo huấn của Công Đồng xác quyết về chủ đề này, rằng các sách được linh hứng dạy chân lý: “Do đó, vì tất cả những gì mà các tác giả được linh hứng, hay các thánh sử, xác nhận thì phải được coi là được xác nhận bởi Chúa Thánh Thần, chúng ta phải nhìn nhận rằng các sách của Thánh Kinh dạy một cách chắc chắn, trung thực và không sai lầm, sự thật mà Thiên Chúa, vì ích lợi cho phần rỗi của chúng ta, đã muốn Thánh Kinh ghi lại. Như vậy, ‘Tất cả Kinh Thánh được linh hứng bởi Thiên Chúa, và ích lợi cho việc giảng dạy, thuyết phục, răn bảo, giáo huấn trong sự công chính, để cho người thuộc về Thiên Chúa nên toàn thiện, và được trang bị đầy đủ mà làm mọi việc lành” (2 Tim 3:16 - 17, Hy Lạp)”.[70]

Suy tư thần học chắc chắn đã luôn luôn coi sự linh hứng và sự thật là hai khái niệm then chốt cho khoa chú giải Thánh Kinh của Hội Thánh. Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận sự cần thiết hiện nay của một nghiên cứu sâu rộng và đầy đủ hơn về những thực tại này, để đáp ứng một cách tốt hơn với nhu cầu phải giải thích các bản văn thánh theo bản chất của chúng. Ở đây tôi xin bày tỏ hy vọng tha thiết của tôi là nghiên cứu trong nghành này sẽ tiến bộ và sinh hoa kết quả cả về khoa học Thánh Kinh lẫn đời sống tinh thần của các tín hữu.

Thiên Chúa Cha, nguồn mạch và nguồn gốc của Lời

20. Công trình Mặc Khải có khởi thủy và nguồn gốc trong Thiên Chúa Cha. Nhờ Lời Ngài "các tầng trời đã được tạo thành, và tất cả tinh tú của chúng bằng hơi thở của miệng Người" (Tv 33:6). Chính Ngài là Đấng đã ban cho chúng ta “ánh sáng của sự hiểu biết về vinh quang Thiên Chúa trong dung mạo Đức Kitô" (2 Cor 4:06; x. Mt 16:17; Lc 9:29).

Trong Chúa Con, “Ngôi Lời làm người” (x. Ga 1:14), đã đến để thực hiện Thánh Ý của Đấng đã sai Người (x. Ga 4:34), Thiên Chúa, nguồn mạch của Mặc Khải, tỏ Mình ra như Chúa Cha và đưa đến hoàn thành các phương pháp sư phạm của Ngài mà trước đây đã được thực hiện qua lời các ngôn sứ, và những việc kỳ diệu được thực hiện trong việc tạo dựng, cùng trong lịch sử Dân Ngài và tất cả nhân loại. Mặc Khải của Thiên Chúa Cha đạt đến tột đỉnh trong việc Chúa Con ban tặng hồng ân Đấng An Ủi (x. Ga 14:16), là Thần Khí của Chúa Cha và Chúa Con, Đấng hướng dẫn chúng ta “trong tất cả chân lý” (Ga 16:13).

Tất cả mọi lời hứa của Thiên Chúa đều trở thành “có” trong Đức Chúa Giêsu Kitô (x. 2 Cor 1:20). Như thế, Người ban cho con người khả năng đi theo con đường dẫn về cùng Chúa Cha (x. Ga 14:6), để rồi cuối cùng “Thiên Chúa có thể là tất cả mọi sự cho mọi người” (1 Cor 15:28).

21. Như thánh giá của Đức Kitô chứng tỏ, Thiên Chúa cũng nói bằng sự im lặng của Ngài. Sự im lặng của Thiên Chúa, cảm nghiệm về khoảng cách của Chúa Cha Toàn Năng, là một giai đoạn quyết định trong cuộc hành trình trần thế của Con Thiên Chúa, Ngôi Lời nhập thể. Bị treo trên cây gỗ thập tự, Người đã kêu khóc trong nỗi khổ đau gây ra bởi sự im lặng đó: “Lạy Thiên Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con, tại sao Ngài nỡ bỏ con?” (Mc 15:34; Mt 27:46). Khi kiên trì trong vâng phục cho đến hơi thở cuối cùng, trong tối tăm của sự chết, Chúa Giêsu đã kêu cầu Đức Chúa Cha. Người phó mình cho Ngài vào lúc vượt qua, qua cái chết, đến sự sống đời đời: “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23:46).

Kinh nghiệm này của Chúa Giêsu phản ảnh hoàn cảnh của tất cả những ai, sau khi đã nghe và chấp nhận Lời Chúa, cũng phải đương đầu với sự im lặng của Ngài. Đây là kinh nghiệm của vô số các thánh và các nhà thần bí, và ngay cả ngày nay vẫn là một phần của cuộc hành trình của nhiều tín hữu. Sự im lặng của Thiên Chúa nối dài Lời trước đó của Ngài. Trong những giây phút đen tối này, Ngài nói qua mầu nhiệm im lặng của Ngài. Do đó, trong sự năng động của Mặc Khải Kitô giáo, im lặng xuất hiện như là một sự biểu lộ quan trọng của Lời Chúa.

------------------------------
Chú Thích

14 Cf. Relatio ante disceptationem, I.
15 SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIL, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, 2.
16 BENEDICT XVI, Encyclical Letter Deus Caritas Est (25 December 2005), 1: AAS 98 (2006), 217-218.
17 Instrumentum Laboris, 9.
18 Nicene-Constantinopolitan Creed: DS 150.
19 SAINT BERNARD OF CLAIRVAUX, Homilia super missus est, IV, 11: PL 183, 86B.
20 Cf. SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIL, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, 10.
21 Cf. Propositio 3.
22 Cf. CONGREGATION FOR THE DOCTRINE OF THE FAITH, Declaration on the Unicity and Salvifi c Universality of Jesus Christ and of the Church Dominus Iesus (6 August 2000), 13-15: AAS 92 (2000), 754-756.
23 Cf. In Hexaemeron, XX, 5: Opera Omnia V, Quaracchi 1891, pp. 425-426; Breviloquium I, 8: Opera Omnia V, Quaracchi 1891, pp. 216-217.
24 Itinerarium mentis in Deum, II, 12: Opera Omnia V, Quaracchi 1891, pp. 302-303; cf. Commentarius in librum Ecclesiastes, Cap. 1, vers. 11; Quaestiones, II, 3: Opera Omnia VI, Quaracchi 1891, p. 16.
25 SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIL, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, 3; cf. FIRST VATICAN ECUMENICAL COUNCIL, Dogmatic Constitution on the Catholic Faith Dei Filius, Chap. 2, De Revelatione: DS 3004.
26 Cf. Propositio 13.
27 INTERNATIONAL THEOLOGICAL COMMISSION, In Search of a Universal Ethics: A New Look at the Natural Law, Vatican City, 2009, No. 39.
28 Cf. Summa Theologiae, Ia-IIae, q. 94, a. 2.
29 Cf. PONTIFICAL BIBLICAL COMMISSION, The Bible and Morality, Biblical Roots of Christian Conduct (11 May 2008), Vatican City, 2008, Nos. 13, 32, 109.
30 Cf. INTERNATIONAL THEOLOGICAL COMMISSION, In Search of a Universal Ethics: A New Look at the Natural Law, Vatican City, 2009, No. 102.
31 Cf. BENEDICT XVI, Homily during the Celebration of Terce at the Beginning of the First General Congregation of the Synod of Bishops (6 October 2008): AAS 100 (2008), 758-761.
32 SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIL, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, 14.
33 BENEDICT XVI, Encyclical Letter Deus Caritas Est (25 December 2005), 1: AAS 98 (2006), 217-218.
34 “ Ho Logos pachynetai (or: brachynetai) ”. Cf. ORIGEN, Peri Archon, I, 2,8: SC 252, 127-129.
35 BENEDICT XVI, Homily on the Solemnity of the Birth of the Lord (24 December 2006): AAS 99 (2007), 12.
36 Cf. Final Message, II, 4-6.
37 MAXIMUS THE CONFESSOR, Life of Mary, No. 89: Testi mariani del primo millennio, 2, Rome, 1989, p. 253.
38 Cf. BENEDICT XVI, Post-Synodal Apostolic EXhortation Sacramentum Caritatis (22 February 2007), 9-10: AAS 99 (2007), 111-112.
39 BENEDICT XVI, General Audience (15 April 2009): L’Osservatore Romano, 16 April 2009, p.1.
40 ID., Homily for the Solemnity of Epiphany (6 January 2009): L’Osservatore Romano, 7-8 January 2009, p. 8.
41 SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIL, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, 4. 42 Propositio 4.
43 SAINT JOHN OF THE CROSS, Ascent of Mount CaRomel, II, 22.
44 Propositio 47.
45 Catechism of the Catholic Church, 67.
46 Cf. CONGREGATION FOR THE DOCTRINE OF THE FAITH, The Message of Fatima (26 June 2000): Enchiridion Vaticanum 19, Nos. 974-1021.
47 Adversus Haereses, IV, 7, 4: PG 7, 992-993; V, 1, 3: PG 7, 1123; V, 6, 1: PG 7, 1137; V, 28, 4: PG 7, 1200.
48 Cf. BENEDICT XVI, Post-Synodal Apostolic EXhortation Sacramentum Caritatis (22 February 2007), 12: AAS 99 (2007), 113-114.
49 Cf. Propositio 5.
50 Adversus Haereses, III, 24, 1: PG 7, 966.
51 Homiliae in Genesim, XXII, 1: PG 53, 175.
52 Epistula 120, 10: CSEL 55, 500-506.
53 Homiliae in Ezechielem, I, VII, 17: CC 142, p. 94.
54 “ Oculi ergo devotae animae sunt columbarum quia sensus eius per Spiritum sanctum sunt illuminati et edocti, spiritualia sapientes. Nunc quidem aperitur animae talis sensus, ut intellegat Scripturas ”: RICHARD OF SAINT VICTOR, Explicatio in Cantica Canticorum, 15: PL 196, 450B and D.
55 Sacramentarium Serapionis II (XX): Didascalia et Constitutiones Apostolorum, ed F.X. FUNK, II, Paderborn, 1906, p. 161.
56 SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIL, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, 7.
57 Ibid., 8.
58 Ibid.
59 Cf. Propositio 3.
60 Cf. Final Message II, 5.
61 Expositio Evangelii secundum Lucam, 6, 33: PL 15, 1677.
62 SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIL, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, 13.
63 Catechism of the Catholic Church, 102; Cf. also RUPERT OF DEUTZ, De Operibus Spiritus Sancti, I, 6: SC 131:72-74.
64 Enarrationes in Psalmos, 103, IV, 1: PL 37, 1378. Similar statements in ORIGEN, In Iohannem V, 5-6: SC 120, pp. 380- 384.
65 Cf. SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIL, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, 21.
66 Ibid., 9.
67 Cf. Propositiones 5 and 12.
68 Cf. SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIL, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, 12.
69 Cf. Propositio 12.
70 SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIL, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, 11.
 
Tông Huấn Verbum Domini - Phần 1B
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
12:04 25/11/2010

TÔNG HUẤN HẬU THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC



VERBUM DOMINI



LỜI CHÚA



Phần 1 - B: SỰ ĐÁP TRẢ CỦA CON NGƯỜI VỚI THIÊN CHÚA

ĐẤNG NÓI VỚI CHÚNG TA



Được mời gọi bước vào giao ước với Thiên Chúa

22. Nhờ nhấn mạnh đến nhiều hình thức của Lời, chúng ta đã có thể chiêm ngắm được một số cách thức mà trong đó Thiên Chúa nói với và gặp gỡ con người, làm cho con người biết đến Ngài trong cuộc đối thoại. Chắc chắn, như các Nghị Phụ đã nói, “Khi nói đến Mặc Khải, cuộc đối thoại đưa đến tính ưu việt của Lời Thiên Chúa nói với con người”.[71] Mầu nhiệm của Giao Ước nói lên mối liên hệ này giữa Thiên Chúa, là Đấng mời gọi con người bằng Lời của Ngài, và con người, là những kẻ đáp lại, mặc dù trong khi cho thấy rõ rằng đây không phải là vấn đề gặp gỡ giữa hai người ngang hàng; điều mà chúng ta gọi là Cựu Ước và Tân Ước không phải là một khế ước giữa hai bên ngang hàng với nhau, nhưng thuần túy là một hồng ân của Thiên Chúa. Qua hồng ân tình yêu này, Thiên Chúa vượt qua mọi khoảng cách và thực sự làm cho chúng ta trở thành “đồng bạn” của Ngài, để tạo nên mầu nhiệm hôn nhân của tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Trong viễn tượng này, mỗi người xuất hiện như một người được Lời ngỏ cùng, thách đố và mời gọi bước vào cuộc đối thoại tình yêu này bằng một sự đáp trả tự do. Như thế, mỗi người chúng ta được Thiên Chúa ban cho khả năng biết nghe và đáp lại Lời Ngài. Chúng ta đã được tạo dựng trong Lời và sống trong Lời; chúng ta không thể hiểu được mình trừ khi mở lòng ra với cuộc đối thoại này. Lời Chúa để lộ ra bản chất con thảo và liên hệ của cuộc sống con người. Quả thật, chúng ta được ơn thánh mời gọi để trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, Con Một Chúa Cha, và được biến đổi trong Người.

Thiên Chúa nghe và trả lời các thắc mắc của ta

23. Trong cuộc đối thoại với Thiên Chúa này, chúng ta hiểu được chính mình và khám phá ra một câu trả lời cho những thắc mắc sâu xa nhất của tâm hồn chúng ta. Thực ra Lời Chúa không thù nghịch với chúng ta; nó không bóp nghẹt những khát vọng chân chính của chúng ta, nhưng trái lại soi sáng chúng, thanh lọc chúng và đem chúng đến viên mãn. Trong thời đại chúng ta, việc nhận ra rằng chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể đáp ứng nổi những khát vọng trong tâm hồn mỗi người chúng ta là điều quan trọng biết bao! Thật đau buồn mà nói rằng trong thời đại chúng ta, nhất là ở Tây Phương, đang có ý tưởng được phổ biến rộng rãi là Thiên Chúa xa lạ với cuộc sống cùng những vấn đề của con người, và chính sự hiện diện của Ngài có thể trở thành mối đe dọa đối với sự tự lập của họ. Trên thực tế, toàn bộ công trình cứu độ đều chứng tỏ rằng Thiên Chúa nói và hành động trong lịch sử vì ích lợi của chúng ta và để cứu độ chúng ta một cách toàn diện. Như thế, điều dứt khoát, theo quan điểm mục vụ, là phải trình bày Lời Chúa trong khả năng có thể nhập cuộc đối thoại với những vấn đề thường nhật mà con người gặp phải. Chính Chúa Giêsu đã nói rằng Người đến để chúng ta được sống dồi dào (x. Ga 10:10). Vì thế, chúng ta cần phải cố gắng hết sức làm cho mọi người nhận ra Lời Chúa như cởi mở đối với các vấn đề của chúng ta, một câu trả lời cho các thắc mắc của chúng ta, một sự mở rộng các giá trị của chúng ta và một sự thoả mãn những khát vọng của chúng ta. Hoạt động mục vụ của Hội Thánh cần phải làm sáng tỏ việc Thiên Chúa lắng nghe các nhu cầu và lời cầu xin giúp đỡ của chúng ta thế nào. Như Thánh Bonaventura nói trong Breviloquium: “Hoa quả của Thánh Kinh không phải là bất cứ hoa quả nào, nhưng chính là sự viên mãn của hạnh phúc vĩnh cửu. Thánh Kinh là cuốn sách chứa đựng những Lời ban sự sống đời đời, để chúng ta không những chỉ tin mà còn có được sự sống đời đời, một sự sống trong đó chúng ta sẽ thấy và yêu, cùng mọi ước vọng của ta sẽ được thỏa mãn”.[72]

Đối thoại với Thiên Chúa bằng chính Lời của Ngài

24. Lời Chúa đưa mỗi người chúng ta vào cuộc đàm thoại với Chúa: Thiên Chúa Đấng đang nói để dạy chúng ta cách thưa chuyện với Ngài. Ở đây, chúng ta đương nhiên là nghĩ đến Sách Thánh Vịnh, trong đó Thiên Chúa ban cho chúng ta những lời để thưa chuyện với Ngài, để đặt đời sống của chúng ta trước mặt Ngài, và như thế biến chính đời sống mình thành một con đường đến cùng Thiên Chúa.[73] Thực ra trong các Thánh Vịnh, chúng ta thấy diễn tả mọi cảm nghĩ có thể có của con người trong cuộc sống, và chúng được trình bày một cách khôn ngoan trước Thiên Chúa; niềm vui và đau khổ, buồn phiền và hy vọng, sợ hãi và lo âu: tất cả đều được diễn tả ở đây. Với các Thánh Vịnh, chúng ta cũng nghĩ đến nhiều đoạn văn khác của Sách Thánh diễn tả việc chúng ta hướng về Thiên Chúa trong kinh nguyện chuyển cầu (x. Xh 33:12-16), trong bài ca mừng chiến thắng (x. Xh 15) hay trong cơn lo buồn vì những khó khăn gặp phải trên đường thi hành sứ vụ của mình (x. Gr 20:7-18). Bằng cách này, lời chúng ta thưa cùng Thiên Chúa trở thành Lời Thiên Chúa, và như thế xác nhận bản chất đối thoại của mọi Mặc Khải Kitô giáo,[74] và toàn thể cuộc sống của chúng ta trở thành một cuộc đàm đạo với Thiên Chúa, Đấng nói và nghe, Đấng mời gọi chúng ta và hướng dẫn cuộc đời chúng ta. Ở đây, Lời Chúa bày tỏ cho chúng ta rằng trọn cuộc đời chúng ta ở dưới lời mời gọi của Thiên Chúa.[75]

Lời Chúa và đức tin

25. “Đối với Thiên Chúa Đấng mạc khải, chúng ta phải bày tỏ “lòng vâng phục trong đức tin” (x. Rom 16:26; Rom 1:5; 2 Cor 10:5-6). Nhờ đó, con người phó thác toàn thân cho Thiên Chúa một cách tự do ‘dâng lên Thiên Chúa Đấng mạc khải sự qui phục hoàn toàn của lý trí và ý chí’, đồng thời sẵn lòng chấp nhận mạc khải Ngài ban cho.”[76] Với những lời này, Hiến Chế Tín Lý Dei Verbum đã diễn tả một cách chính xác thái độ mà chúng ta phải có đối với Thiên Chúa. Câu trả lời thích đáng của con người đối với Thiên Chúa Đấng đang nói là đức tin. Ở đây, ta thấy rõ rằng “để đón nhận Mặc Khải, con người phải mở tâm trí của mình đối với tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho họ có khả năng hiểu Lời Chúa hiện diện trong Thánh Kinh”.[77] Thực ra, chính việc rao giảng Lời Chúa phát sinh ra đức tin, nhờ đó, chúng ta hết mình gắn bó với chân lý đã được mặc khải cho chúng ta và hoàn toàn tín thác vào Đức Kitô: “Đức tin có được là nhờ nghe, mà nghe là nghe rao giảng lời Ðức Kitô” (Rom 10:17). Toàn thể lịch sử cứu độ đã chứng minh cách từ từ mối dây liên hệ sâu xa này giữa Lời Chúa và đức tin, là một đức tin xuất phát từ một cuộc gặp gỡ với Đức Kitô. Như vậy, đức tin được hình thành như một cuộc gặp gỡ với Đấng mà chúng ta tín thác trọn đời cho Người. Đức Chúa Kitô Giêsu vẫn hiện diện hôm nay trong lịch sử, trong thân thể của Người là Hội Thánh; vì thế, hành vi đức tin của chúng ta cùng một lúc vừa có tính cá nhân vừa có tính Hội Thánh.

Tội lỗi là không chịu nghe Lời Chúa

26. Lời Chúa cũng không thể tránh được việc mặc khải sự thể bi thảm này là tự do con người có thể làm cho họ rút khỏi cuộc đối thoại giao ước với Thiên Chúa, mà vì nó chúng ta đã được tạo thành. Lời Chúa cũng cho thấy tội lỗi vẫn ngấm ngầm ẩn nấp trong tâm hồn con người. Trong cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, chúng ta thường đọc thấy tội lỗi được diễn tả như một sự chối từ không chịu nghe Lời Chúa, như một sự xúc phạm đến giao ước, và như thế đóng cửa lòng chúng ta lại với Thiên Chúa, Đấng mời gọi chúng ta hiệp thông với Chính Ngài.[78] Sách Thánh chỉ cho thấy tội lỗi con người chính yếu là việc bất tuân và không chịu nghe [Lời Chúa]. Sự vâng lời đến cùng của Chúa Giêsu, ngay cả [vâng lời] cho đến chết trên thập giá (x. Pl 2:8) đã hoàn toàn lột mặt nạ tội lỗi này. Sự vâng lời của Người đã phát sinh Giao Ước Mới giữa Thiên Chúa và loài người, cùng ban cho chúng ta khả năng hòa giải. Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến làm của lễ đền tội thay cho chúng ta và toàn thế giới (x. 1 Ga 2:2; 4:10; Dt 7:27). Như thế, chúng ta được Thiên Chúa ban cho khả năng có thể được cứu độ nhân từ và bắt đầu một đời sống mới trong Đức Kitô. Vì lý do đó mà điều quan trọng là phải dạy cho các tín hữu biết nhận ra rằng căn nguyên của tội lỗi chính là việc chối từ không chịu nghe Lời Chúa, và chấp nhận nơi Chúa Giêsu, Lời của Thiên Chúa, ơn tha thứ là điều mở lòng chúng ta đón nhận ơn cứu độ.

Đức Maria, “Mẹ của Lời Chúa” và “Mẹ của Đức Tin”

27. Các Nghị Phụ đã công bố rằng mục tiêu căn bản của Cuộc Họp lần Thứ Mười Hai này là “canh tân đức tin của Hội Thánh trong Lời Chúa”. Để làm được như thế chúng ta cần nhìn lên Đấng mà trong Ngài tác động hỗ tương giữa lời Chúa và đức tin đã trở nên hoàn hảo, đó chính là Đức Nữ Trinh Maria, “Đấng, bằng tiếng ‘xin vâng’ với lời giao ước và với sứ mệnh của mình, đã làm trọn một cách hoàn hảo lời mời gọi nhân loại của Thiên Chúa”.[79] Thực tại nhân loại được tạo ra nhờ Ngôi Lởi, tìm được hình ảnh hoàn hảo nhất của nó trong đức tin vâng phục của Đức Maria. Từ lúc Truyền Tin cho đến Lễ Hiện Xuống, Mẹ luôn tỏ ra là một người phụ nữ hoàn toàn mở long ra đón nhận Thánh Ý Thiên Chúa. Mẹ là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đấng được Thiên Chúa làm cho “đầy ơn phúc” (x. Lc 1:28) và vâng phục Lời Ngài một cách vô điều kiện (x. Lc 1:38). Đức tin vâng phục của Mẹ đã uốn nắn cuộc đời Mẹ trong mọi giây phút trước kế hoạch của Thiên Chúa. Một Trinh Nữ hằng chăm chú lắng nghe Lời Chúa, sống hoàn toàn hoà nhịp với Lời ấy; Mẹ giữ trong lòng mọi biến cố của Con mình, chắp nối chúng lại với nhau như một bức khảm duy nhất (x. Lc 2:19, 51).[80]

Trong thời đại chúng ta, các tín hữu cần được giúp đỡ để nhìn thấy rõ ràng hơn mối dây liên hệ giữa Đức Maria Thành Nadarét và việc lắng nghe Lời Chúa bằng một đức tin tràn đầy. Tôi cũng khuyến khích các học giả hãy nghiên cứu về sự liên hệ giữa Thánh Mẫu Học và thần học về Lời Chúa. Điều này chứng tỏ là rất hữu ích cho cả đời sống thiêng liêng lẫn việc nghiên cứu thần học và Thánh Kinh. Quả thật, điều mà sự hiểu biết về đức tin đã giúp chúng ta có khả năng hiểu biết về Đức Maria nằm ở trọng tâm của chân lý Kitô giáo. Việc nhập thể của Ngôi Lời không thể hình dung được nếu tách rời khỏi sự tự do của người thiếu phụ trẻ này, là Đấng nhờ sự ưng thuận của Mẹ, đã dứt khoát hợp tác vào việc Đấng Vĩnh Cửu bước vào thời gian. Đức Maria là hình ảnh của Hội Thánh đang chăm chú lắng nghe Lời Chúa, là Lời đã mặc lấy xác phàm trong Mẹ. Đức Maria cũng tượng trưng cho việc mở lòng ra cho Thiên Chúa và tha nhân; cho việc lắng nghe cách tích cực, là điều nội tâm hóa và đồng hóa, một điều mà trong đó Lời Chúa trở thành một cách sống.

28. Ở đây tôi muốn nhắc đến sự quen thuộc của Đức Maria với Lời Chúa. Điều này chứng tỏ rõ ràng trong Kinh Magnificat (Ngượi Khen). Ở đó chúng ta thấy, theo một nghĩa nào đó, Mẹ đã đồng hóa với Lời Chúa và nhập vào Lời Chúa như thế nào; trong thánh thi kỳ diệu này của đức tin, Đức Trinh Nữ đã hát những lời ca tụng Chúa bằng chính lời của Ngài: “Kinh Magnificat, có thể nói là một bức chân dung minh họa chính linh hồn Mẹ, đã được dệt hoàn toàn bằng những sợi chỉ trong Thánh Kinh, những sợi được rút ra từ Lời Chúa. Ở đây, chúng ta thấy Đức Maria đã hoàn toàn quen thuộc với Lời Chúa ra sao, Mẹ ra vào Lời ấy cách thoải mái. Mẹ nói và nghĩ bằng Lời Chúa. Lời Chúa trở thành lời Mẹ, và lời Mẹ phát xuất từ Lời Chúa. Ở đây chúng ta thấy tư tưởng của Mẹ hòa hợp với tư tưởng Thiên Chúa ra sao, ý của Mẹ làm một với ý Chúa thế nào. Vì Đức Maria thấm nhuần Lời Chúa cách sâu xa, nên Mẹ có thể trở thành Mẹ của Lời Nhập Thể.[81]

Hơn nữa, khi nhìn lên Mẹ Thiên Chúa, chúng ta thấy hoạt động của Thiên Chúa trên thế gian luôn bao hàm sự tự do của mình thế nào, vì nhờ đức tin, Lời Chúa biến đổi chúng ta. Việc tông đồ và mục vụ của chúng ta không bao giờ có thể hữu hiệu nếu không học từ Đức Maria cách thế để cho mình được công trình của Thiên Chúa uốn nắn từ nội tâm: “việc sùng kính và quý yêu chú tâm vào Đức Maria như mẫu gương và nguyên mẫu của đức tin Hội Thánh là điều quan trọng hàng đầu trong việc tạo ra trong thời đại chúng ta một thay đổi cụ thể mẫu mực trong sự liên hệ của Hội Thánh với Lời Chúa, cả trong việc lắng nghe trong cầu nguyện lẫn việc quyết tâm dấn thân cách quảng đại vào sứ vụ và việc rao giảng [Tin Mừng]”.[82]

Khi chiêm ngắm nơi Mẹ Thiên Chúa một cuộc sống hoàn toàn được uốn nắn bởi Lời, chúng ta ý thức rằng cả chúng ta cũng được mời gọi bước vào mầu nhiệm đức tin, nhờ đó Đức Kitô đến cư ngụ trong cuộc sống chúng ta. Thánh Ambrôsiô nhắc nhở chúng ta rằng, mọi Kitô hữu có đức tin, bằng một cách nào đó đều thụ thai và sinh hạ Lời Chúa: mặc dù chỉ có một mình Mẹ Đức Kitô là [thụ thai] theo thân xác, còn về phương diện đức tin, Đức Kitô là hoa trái của tất cả mọi người chúng ta.[83] Như thế, điều đã xẩy ra cho Đức Maria cũng có thể xẩy ra hàng ngày nơi mỗi người chúng ta, trong việc nghe Lời Chúa và cử hành các bí tích.

------------------------------

Chú Thích

71 Propositio 4.

72 Prol: Opera Omnia V, Quaracchi 1891, pp. 201-202.

73 Cf. BENEDICT XVI, Address to Representatives of the World of Culture at the “ Collège des Bernardins ” in Paris (12 September 2008): AAS 100 (2008), 721-730.

74 Cf. Propositio 4.

75 Cf. Relatio post disceptationem, 12.

76 SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIL, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, 5.

77 Propositio 4.

78 For examPle: Dt 28:1-2,15,45; 32:1; among the prophets, see: Jer 7:22-28; Ez 2:8; 3:10; 6:3; 13:2; up to the latest: cf. Zech 3:8. For Saint Paul, cf. Rom 10:14-18; 1 Th 2:13.

79 Propositio 55.

80 Cf. BENEDICT XVI, Post-Synodal Apostolic EXhortation Sacramentum Caritatis (22 February 2007), 33: AAS 99 (2007), 132-133.

81 ID., Encyclical Letter Deus Caritas Est (25 December 2005), 41: AAS 98 (2006), 251.

82 Proposition 55.

83 Cf. Expositio Evangelii secundum Lucam, 2, 19: PL 15, 1559-1560
 
Lễ Tạ Ơn - mời nghe bản nhạc ''Tạ Ơn Ngài''
Bosco Thiện Bản
17:02 25/11/2010
Thân ái chào các bạn xa gần,

Có lần môt người bạn hỏi tôi: “Nước Mỹ chẳng đạo đức hơn các nước khác Vậy tại sao nước Mỹ xem ra được nhiều phước lành hơn nhiều nước khác?” Tôi chẳng nhớ tôi đã trả lời người bạn đó như thế nào. Nhưng hôm nay tôi thấy câu trả lời ấy không mấy khó khăn. Nước Mỹ được chúc phúc vì người Mỹ có ngày đại lễ Tạ Ơn Thanksgiving mà nhiều nước khác không có. Có thể tinh thần biết ơn đó chỉ có mật nổi nơi một số người Mỹ, nhưng nó có một ảnh hưởng rất tích cực và rất mạnh để tạo thành một nét văn hoá đẹp của người Mỹ. Bạn không tin ư? Không sao vì tôi cũng không tin. Nhhưng khi tôi biết môt người Việt ở VN chưa bao giờ nói tiếng cảm ơn ai cả. Thế mà chỉ ở Mỹ trong một thời gian ngắn, anh ta đã biết nói tiếng cảm ơn và nói rất thành thực với những người làm ơn cho anh.

Hôm nay nhân dịp lễ TẠ ƠN Thanksgiving, tôi xin gửi tới quí bạn xa gần ca khúc “TẠ ƠN NGÀI” như một lời nguyện hiệp thông, dâng lên đấng tối cao về nhhững phước lành Ngài đã ban cho chúng ta và còn sẽ ban cho chúng ta một cách dư dật nếu chúng ta lưu lại trong Lời và Tình yêu của Ngài.

Xin nhấn vào đây để nghe bài Tạ Ơn Ngài
Xin nhấn vào đây để download bản nhạc (PDF format) nếu muốn
 
Đợi chờ
Lm Vũđình Tường
21:23 25/11/2010
Chờ đợi thường xảy ra cho cả người đi lẫn người ở. Cả hai cùng chờ, cùng đợi, mong tin của nhau. Bởi vì xa nhau, thương nhớ nhau, muốn gặp nhau nhưng không được. Mong, nhớ, thương, yêu được diễn tả qua hành động đợi chờ. Chờ đợi được hiểu là một trong cách diễn tả tình yêu. Càng mong chờ tha thiết bao nhiêu; tình yêu càng biểu lộ mạnh mẽ bấy nhiêu. Chờ đợi không đồng nghĩa thụ động, ngồi chờ nhưng mong chờ trong tin yêu, hy vọng và cùng cộng tác giúp cho việc mong chờ sớm thể hiện.

Chúa chờ ta

Mùa Vọng là mùa chuẩn bị mừng kỉ niệm ngày Chúa Sinh ra. Chuẩn bị trong tâm tình cảm tạ Chúa đến với nhân loại. Chuẩn bị bằng cách nhìn lại cách ăn, nết ở, nhất là làm cách nào đáp lại tình thương Chúa dành riêng, đặc biệt cho con người. Chúa đến với nhân loại và kiên nhẫn chờ chúng ta đến với Ngài. Kiên nhẫn vì có kẻ làm ngơ; người từ chối; kẻ khác đợi đấng thiên sai khác. Thánh Gioan 3,16 xác quyết rõ ràng nhưng một số không tin.

Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời

Chúa tiên phong

Điều này cho thấy Thiên Chúa yêu chúng ta trước. Ngài không thụ động đợi chờ nhưng tiên phong trong việc sai Con xuống thế. Thiên Chúa yêu chúng ta ngay khi chúng ta chưa biết yêu; chưa biết làm thế nào để đáp lại tình yêu đó. Chúa sai Con Một là Đức Kitô xuống trần gian chỉ cho chúng ta cách đáp trả tình yêu vô biên của Chúa. Ai tin, thực hành chỉ dậy của Đức Kitô được sống an vui, hạnh phúc hoan lạc và sự sống trường sinh.

Lễ Giáng Sinh mừng ngày kỉ niệm Con Chúa xuống trần thực hiện điều Chúa hứa: Dậy nhân loại cách đáp trả tình yêu Chúa. Ngài đến, ở giữa và dậy chúng ta lối sống yêu thương, sống thực thi lời Chúa để nhận sự sống trường sinh. Đức Kitô xuống thế không thụ động ngồi chờ nhưng hăng hái đi tìm chiên lạc. Tìm được vác trên vai mang về. Hình ảnh chủ chiên.

Chúng ta không còn phải mong chờ Chúa đến vì Ngài đã đến trong ngày lễ Giáng Sinh. Nếu có chờ là chờ Chúa đến lần thứ hai trong vinh quang. Hiện tại, người chờ đợi không phải là chúng ta mà chính là Con Thiên Chúa. Đấng đến trần gian chờ đợi chúng ta đáp trả tiếng mời gọi của Chúa, trở về con đường công chính, con đường ngay, lẽ phải. Con đường dẫn đến yêu thương chân thành. Đón nhận tình yêu Chúa, cố gắng sống hy sinh, dâng hiến trở thành người thiện tâm. Trái lại, theo ý riêng, yêu thương theo khuynh hướng xã hội dẫn đến tình trạng trói buộc nhau, kiềm chế nhau. Chê tình yêu chân thật, giải thoát, giao hoà Chúa ban. Ai khôn, ai dại.

Hững hờ

Đại đa số thờ ơ trong việc đáp lại lời mời gọi của Chúa. Kẻ chối bỏ Chúa hiện hữu. Kẻ chấp nhận nhưng đáp lại một cách thờ ơ, coi thường sự sống trường sinh vì họ đặt niềm tin vào khoa học và sáng tạo. Càng ngày càng có nhiều sáng tạo mới, khoa học càng ngày càng tiến bộ. Đời sống được kéo dài hơn. Cung cấp nhiều tiện nghi vật chất nhưng thiếu an bình. Ngày nay con người gặp phải nhiều lo âu, căng thẳng, đè nén trong cuộc sống hàng ngày. Tình trạng này có chiều hướng tăng dần. Lí do đơn giản vì từ chối lắng nghe, sống thực thi lời Chúa. Chối bỏ Chúa chính là chối bỏ tình yêu chân chính. Thay tình yêu chân chính bằng yêu có điều kiện: chức tước, tiền tài, vật chất kèm theo. Chính thứ tình giả tạo do con người sáng chế ra gây nên tình trạng căng thẳng, đè nén. Vì chúng được cấu tạo trên nền tảng lợi nhuận và cảm xúc.

Mặt nạ nghệ thuật

Càng ước ao đi tìm thứ tình yêu nhân tạo càng phải đối điện với căng thẳng, đè nén do chúng tạo thành. Thứ tình yêu ích kỉ coi trọng mạng sống mình, coi thường mạng sống tha nhân. Thứ tình yêu muốn người khác phục vụ mình mà không muốn phục vụ người khác. Thứ tình yêu biến tội phạm thành một thứ nghệ thuật. Dán cho chúng nhãn hiệu nghệ thuật mong tránh mặc cảm tội lỗi. Xúc phạm nhân phẩm con người đội lốt nhãn hiệu nghệ thuật hay chủ thuyết. Người ta sẵn sàng chấp nhận nghệ thuật, cổ võ dù nghệ thuật nghịch giới luật yêu thương Chúa dậy. Nguồn gốc căn bản của tội trong kỉ nguyên tân tiến là thế. Núp bóng nghệ thuật làm điều bất chính, vô luân, giết hại nhau mà vẫn có người chấp nhận và cổ võ. Lời Chúa mong thức tỉnh những tâm hồn ngủ mê. Chúa đi kiếm và kiên nhẫn chờ những người đó đến với Chúa.

Lỗi lầm

Con người tự nhận mình khôn ngoan, sáng suốt. Đúng thế vì Chúa ban ơn khôn ngoan, thông hiểu. Tuy nhiên không phải lúc nào con người cũng biết xử dụng những ơn đó cách khôn ngoan, sáng suốt. Trong nhiều vấn đề, nhiều hoàn cảnh và nhiều lần khác nhau con người đã sai lầm, khi đưa ra những quyết định, chọn lựa làm hại mạng sống đồng loại. Con người sai từ nhận xét đến phê bình, kể luôn cả lề lối suy nghĩ dẫn đến các phán đoán sai lầm, lệch lạc liên quan đến hạnh phúc, sự sống. Công lí của họ nặng lí thuyết hơn công bằng thật. Tự do ngôn luận biến thành tự do nịnh hót. Đạo đức họ đề cao là đạo đức giả hình. Niềm tin họ đề xướng qui vào lợi nhuận. Bỏ qua ơn khôn ngoan, hiểu biết Chúa ban, chạy theo khuynh hướng nuông chiều, thoả mãn các dục vọng xác thịt là lỗi lầm lớn của thời đại mới.

Thời xưa người ta coi thường lời cảnh giác của các ngôn sứ. Ngày nay người ta coi nhẹ lời giảng dậy của Đức Kitô. Người ta dửng dưng, coi thường, thờ ơ giáo huấn của Chúa. Coi Ngài như là một nhà thông thái. Chính lầm lỗi này dẫn họ xa Chúa, không thờ lậy Ngài. Người ta trông chờ khám phá mới, tìm tòi mới hy vọng thay đổi được hoàn cảnh. Phải chăng con người đang ngủ mê, thiếu sẵn sàng trở về, đáp lại lời mời gọi của Chúa. Con Chúa giáng trần đang chờ chúng ta trở về.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tông huấn "Lời Chúa" của Đức Bênêđictô XVI (9)
Vũ Văn An
00:09 25/11/2010
Lời Chúa trong Đời Sống Giáo Hội

Gặp gỡ lời Chúa trong Sách Thánh

Nếu phụng vụ quả thực là nơi ưu tuyển để công bố, lắng nghe và cử hành lời Chúa, thì cuộc gặp gỡ này quả thực cũng phải được chuẩn bị trong tâm hồn các tín hữu và sau đó được họ thâm hậu và hội nhập trên hết. Đời sống Kitô hữu được ghi dấu bằng cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô, Đấng hằng kêu gọi ta bước chân theo Người. Vì thế, Thượng Hội Đồng thường hay nói tới sự quan trọng của việc chăm sóc mục vụ trong các cộng đồng Kitô Giáo như là khung cảnh thích đáng để cuộc hành trình cá nhân và cộng đoàn dựa trên lời Chúa có thể diễn ra và thực sự được dùng làm căn bản cho đời sống thiêng liêng của ta. Cùng với các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng, tôi tha thiết hy vọng được thấy sự bừng nở “một mùa mới đầy yêu mến hơn đối với Sách Thánh nơi mọi thành phần Dân Chúa để việc đọc Sách Thánh một cách đầy cầu nguyện và đầy đức tin của họ, với thời gian, sẽ thâm hậu hóa mối liên hệ bản thân của họ với Chúa Giêsu” (248).

Suốt trong lịch sử Giáo Hội, nhiều vị thánh từng nói về nhu cầu phải hiểu biết Thánh Kinh để lớn mạnh trong tình yêu Chúa Kitô. Điều ấy rất rõ rệt nơi các Giáo Phụ. Trong tâm tình yêu mến lời Chúa của ngài, Thánh Giêrôm hay tự hỏi: “Làm sao người ta có thể sống mà không hiểu biết chi về Thánh Kinh, mà nhờ nó, ta mới biết được chính Chúa Kitô, Đấng vốn là sự sống của tín hữu?” (249). Ngài biết rõ rằng Thánh Kinh là phương tiện “nhờ đó, Thiên Chúa nói với tín hữu hàng ngày” (250). Lời khuyên ngài ngỏ với mệnh phụ Rôma là Leta về việc dưỡng dục con gái bà như sau: “Bà phải chắc chắn việc con bà mỗi ngày học một đoạn Sách Thánh… Việc cầu nguyện phải tiếp nối việc đọc, và việc đọc tiếp nối việc cầu nguyện… để ở chỗ đầy nữ trang và lụa là, cô ấy vẫn yêu mến Sách Thánh” (251). Lời khuyên của Thánh Giêrôm ngỏ với linh mục Nepotian cũng có thể áp dụng cho ta: “Hãy thường xuyên đọc Sách Thánh; thực vậy, Sách Thánh không bao giờ nên rời tay cha. Hãy học ở đó điều cha có nhiệm vụ phải dạy” (252). Ta hãy noi gương vị đại thánh này, người đã hiến cả đời để nghiên cứu Thánh Kinh và đã đem lại cho Giáo Hội bản dịch La Tinh, tức Bản Phổ Thông, cũng như gương của tất cả các thánh, những người vốn biến cuộc gặp gỡ Chúa Kitô thành trung tâm đời sống thiêng liêng của họ. Ta hãy canh tân các cố gắng của ta để hiểu sâu xa lời mà Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội của Người: nhờ thế, ta có thể vươn tới “tiêu chuẩn cao trong lối sống Kitô Giáo bình thường” (253), một lối sống từng được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đưa ra nhân dịp khởi đầu thiên niên kỷ thứ ba của Kitô Giáo, và vốn nhận được chất nuôi dưỡng bất biến từ việc chăm chú lắng nghe lời Chúa.

Để Thánh Kinh linh hứng hoạt động mục vụ

Cùng với các dòng trên, Thượng Hội Đồng cũng kêu gọi phải có một cam kết mục vụ nhằm nhấn mạnh tính trung tâm của lời Chúa trong đời sống Giáo Hội, và khuyến cáo việc tổ chức một việc “tông đồ Thánh Kinh” lớn hơn, không hẳn song song với các hình thức hoạt động mục vụ khác, nhưng như một phương tiện để Thánh Kinh linh hứng mọi hoạt động mục vụ (254). Việc này không có nghĩa hội họp thêm đây đó trong giáo xứ hay giáo phận, mà đúng hơn, nên soát lại các hoạt động bình thường của các cộng đoàn Kitô hữu nơi giáo xứ, trong các hiệp hội và phong trào, để xem xem chúng có thực sự quan tâm tới việc phát huy cuộc gặp gỡ bản thân với Chúa Kitô hay không, Đấng vốn hiến thân cho ta trong lời của Người. Vì “dốt Thánh Kinh là dốt Chúa Kitô” (255), nên việc biến Thánh Kinh thành linh hứng cho mọi chương trình mục vụ bình thường hay bất thường sẽ dẫn người ta tới một ý thức lớn hơn về con người Chúa Kitô, Đấng đã mạc khải Chúa Cha và là sự viên mãn của mạc khải Thiên Chúa.

Vì thế, tôi khuyến khích các mục tử và tín hữu nhìn nhận tầm quan trọng của việc nhấn mạnh này đối với Thánh Kinh: đây cũng là cách tốt nhất để bàn tới một số vấn đề mục vụ từng được thảo luận tại Thượng Hội Đồng và có liên quan tới việc lan tràn các giáo phái đang phổ biến cách đọc Sách Thánh đầy méo mó và có tính cách thao túng. Nơi nào tín hữu không được trợ giúp để nhận biết Thánh Kinh theo đức tin của Giáo Hội và dựa vào truyền thống sống động của Giáo Hội, thì khoảng chân không về mục vụ này sẽ trở thành mảnh đất mầu mỡ để các thực tại như giáo phái bắt rễ. Cần phải dự trù việc chuẩn bị thích đáng để các linh mục và giáo dân có khả năng dạy dỗ Dân Chúa trong cách tiếp cận chân chính đối với Thánh Kinh.

Hơn nữa, như đã được đưa ra trong các phiên họp của Thượng Hội Đồng, điều tốt đẹp là hoạt động mục vụ cũng nên ủng hộ việc lớn mạnh của các cộng đồng nhỏ, “được các gia đình thành lập hay dựa trên các giáo xứ hoặc liên kết với một số phong trào trong Giáo Hội và các cộng đoàn tân lập” (256), là các thực thể có khả năng giúp ta cổ vũ việc huấn luyện, việc cầu nguyện và hiểu biết Thánh Kinh phù hợp với đức tin Giáo Hội.

Chiều kích Thánh Kinh của giáo lý

Một khía cạnh quan trọng trong hoạt động mục vụ của Giáo Hội, nếu được sử dụng một cách khôn ngoan, có thể giúp tái khám phá tính trung tâm của lời Chúa là giáo lý, là khoa cần liên tục đi đôi với hành trình đức tin của Dân Chúa, dưới các hình thức và trình độ khác nhau. Theo một nghĩa nào đó, mô tả của Thánh Luca (xem Lc 24:13-35) về các môn đệ gặp Chúa Giêsu trên đường Emmau đã đại biểu cho một mẫu mực giáo lý đặt trọng tâm vào “việc giải thích Thánh Kinh”, một giải thích mà chỉ một mình Chúa Giêsu mới ban cho được (xem Lc 24:27-28), vì Người cho thấy nó đã được nên trọn trong chính con người của Người (257). Như thế, niềm hy vọng chiến thắng trên mọi thất bại đã được tái sinh, làm cho các môn đệ trở thành các nhân chứng đầy xác tín và khả tín của Chúa Phục Sinh.

Cuốn Chỉ Dẫn Giáo Lý Tổng Quát chứa đựng nhiều hướng dẫn giá trị cho một nền giáo lý lấy hứng từ Thánh Kinh và tôi từng khuyến khích việc tham khảo các hướng dẫn này (258). Ở đây, tôi muốn trước hết và trên hết nhấn mạnh rằng giáo lý “phải được thấm nhuần não trạng (mindset), tinh thần và quan điểm của Thánh Kinh và Tin Mừng qua việc cần mẫn tiếp xúc với chính các bản văn; thế nhưng điều ầy cũng có nghĩa phải nhớ rằng giáo lý càng phong phú và có hiệu quả hơn nhờ đọc bản văn bằng tâm trí của Giáo Hội” (259), và bằng việc rút tỉa cảm hứng từ hai ngàn năm suy niệm và sống thực của Giáo Hội. Kiến thức về các nhân vật, các biến cố và các câu nói của Thánh Kinh vì thế nên được khuyến khích; việc này cũng có thể được phát huy bằng cách học thuộc lòng một cách sáng suốt một số đoạn văn đặc biệt có tính diễn cảm các mầu nhiệm Kitô Giáo. Các công trình giáo lý luôn bao hàm việc tiếp cận Thánh Kinh trong đức tin và trong Truyền Thống của Giáo Hội, để lời Thánh Kinh được nhận thức là sống động, giống như Chúa Kitô đang sống động ngày nay ở bất cư nơi nào có hai hay ba người tụ họp vì danh Người (Xem Mt 18:20). Giáo lý phải sinh động thông truyền lịch sử cứu rỗi và nội dung đức tin của Giáo Hội, và nhờ thế giúp mọi thành phần tín hữu nhận ra rằng lịch sử ấy cũng lả một phần cuộc sống của họ.

Ở đây, điều quan trọng là phải nhấn mạnh mối tương quan giữa Sách Thánh và Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, như cuốn Chỉ Dẫn Giáo Lý Tổng Quát đã nói rõ: “Thực vậy, Sách Thánh như ‘lời Thiên Chúa được viết dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần’, và Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, như biểu thức quan trọng hiện thời của Truyền Thống Sống Động trong Giáo Hội và là chuẩn mức chắc chắn cho việc giảng dạy đức tin, đều được kêu gọi nuôi dưỡng giáo lý trong Giáo Hội ngày nay, theo cách riêng và theo thẩm quyền chuyên biệt của chúng” (260).

Việc huấn luyện các Kitô hữu về Thánh Kinh

Để thực hiện được mục tiêu do Thượng Hội Đồng đưa ra, tức việc nhấn mạnh nhiều hơn tới Thánh Kinh trong sinh hoạt mục vụ của Giáo Hội, mọi Kitô hữu, nhất là các giáo lý viên, cần tiếp nhận được một sự huấn luyện thích đáng. Như kinh nghiệm của Giáo Hội đã chứng minh: phương tiện giá trị nhất để đạt được mục đích vừa rồi là cần phải chú trọng tới hình thức tông đồ Thánh Kinh (biblical apostolate). Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng cũng khuyến cáo rằng: nếu có thể, bằng cách sử dụng các cơ cấu học thuật hiện có, nên thiết lập ra các trung tâm huấn luyện để huấn luyện giáo dân và các nhà truyền giáo giúp họ hiểu, sống và công bố lời Chúa. Ngoài ra, nơi nào có thể, nên thiết lập ra các viện chuyên môn để nghiên cứu Thánh Kinh giúp cho các nhà chú giải nắm vững được một cái hiểu vững chắc về thần học và biết đánh giá chính xác các bối cảnh trong đó họ đang thi hành sứ mệnh của mình (261).

Sách Thánh trong các cuộc tụ họp đông đảo của Giáo Hội

Trong một loạt các sáng kiến có thể áp dụng, Thượng Hội Đồng có gợi ý rằng trong các cuộc tụ họp cấp giáo phận, cấp quốc gia hay cấp quốc tế, cần phải nhấn mạnh nhiều hơn tới tầm quan trọng của lời Chúa, tới việc chăm chú lắng nghe lời ấy, và tới việc đọc Thánh Kinh một cách đầy đức tin và cầu nguyện. Trong các Đại Hội Thánh Thể, ở cấp quốc gia cũng như cấp quốc tế, trong các Ngày Giới Trẻ Thế Giới và các cuộc tụ họp khác, điều đáng ca ngợi là dành nhiều chỗ hơn để cử hành lời Chúa và nhiều thời khắc hơn để huấn luyện dựa vào Thánh Kinh (262).

Lời Chúa và ơn gọi

Khi nhấn mạnh tới lời mời nội tại của đức tin hướng tới một mối tương quan mỗi ngày một sâu đậm hơn với Chúa Kitô, lời Thiên Chúa ở giữa chúng ta, Thượng Hội Đồng cũng nhấn mạnh rằng lời này đích thân mời gọi mỗi người chúng ta, mạc khải cho ta thấy: chính đời sống ta là một ơn gọi của Thiên Chúa. Nói cách khác, càng lớn lên trong mối tương quan bản thân với Chúa Giêsu, ta càng hiểu ra rằng Người đang kêu gọi ta nên thánh trong và qua các chọn lựa dứt khoát mà ta đã dùng để đáp lại tình yêu của Người trong đời ta, qua việc nhận lấy các trách nhiệm và thừa tác vụ góp phần vào việc xây dựng Giáo Hội. Đó là lý do tại sao Thượng Hội Đồng hay khuyến khích mọi Kitô hữu lớn lên trong mối tương quan của họ với lời Chúa, không những chỉ vì Phép Rửa của họ mà còn phù hợp với ơn gọi bước vào các bậc sống khác nhau nữa. Ở đây, ta đụng tới một trong các điểm then chốt trong giáo huấn của Công Đồng Vatican II, là điểm nhấn mạnh rằng mỗi thành phần tín hữu đều được kêu gọi nên thánh tùy theo bậc sống của mình (263). Ơn gọi nên thánh của ta được chính Sách Thánh mạc khải: “Hãy thánh thiện như Ta là Đấng thánh thiện” (Lv 11:44; 19:2; 20:7). Còn Thánh Phaolô thì nhấn mạnh tới căn bản Kitô học của ơn gọi này: trong Chúa Kitô, Chúa Cha “đã chọn ta trước khi dựng nên thế giới, để ta trở nên thánh thiện và không tì vết trước mặt Người” (Eph 1:4). Lời chào mà Thánh Phaolô ngỏ với các anh chị em của ngài tại cộng đoàn Rôma có thể được coi như ngỏ với mỗi người chúng ta: “Với mọi người Chúa thương, những người vốn được gọi là thánh: ơn thánh và bình an của Chúa Cha và của Chúa Giêsu Kitô ở cùng anh chị em!” (Rm 1:7)

a) Các thừa tác viên được thụ phong và lời Chúa

Trước nhất, tôi muốn nói với các thừa tác viên được thụ phong của Giáo Hội, để nhắc nhở họ lời tuyên bố của Thượng Hội Đồng rằng: “lời Chúa là điều không thể miễn chước trong việc đào luyện tâm hồn một mục tử tốt và là thừa tác viên của lời Chúa” (264). Các giám mục, linh mục và phó tế khó có thể nghĩ rằng họ có thể sống thực ơn kêu gọi và sứ vụ của mình mà không cần một cam kết dứt khoát và đổi mới đối với việc nên thánh, mà một trong các trụ cột của nó là việc tiếp xúc với lời Chúa.

Đối với những vị được kêu gọi vào hàng giám mục, những vị vốn là sứ giả có thẩm quyền hơn hết của lời Chúa, tôi muốn nhắc lại lời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết trong Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Pastores Gregis của ngài. Đối với việc nuôi dưỡng và tiến triển của đời sống thiêng liêng, các giám mục phải luôn đặt “lên hàng đầu việc đọc và suy niệm lời Chúa. Mọi giám mục phải phó thác và cảm thấy mình được phó thác cho ‘Thiên Chúa và cho lời ân sủng của Người, là lời có tính xây dựng và ban cho anh em được hưởng phần gia tài cùng với tất cả những người đã được thánh hiến’ (Cv 20:32). Trước khi trở nên người chuyển giao lời Chúa, giám mục phải cùng với các linh mục của mình, và quả cũng như mọi thành phần tín hữu và như chính Giáo Hội, trở thành người lắng nghe lời Chúa. Ngài phải cư ngụ ‘bên trong’ lời Chúa và tự để mình được lời Chúa che chở và nuôi dưỡng như thể bởi lòng mẹ vậy” (265). Với mọi anh em giám mục của tôi, tôi xin khuyên anh em nên đích thân năng đọc và nghiên cứu Sách Thánh, theo gương Đức Maria, Virgo Audiens (Nữ Trinh lắng nghe) và là Nữ Vương Các Tông Đồ.

Với các linh mục nữa, tôi xin nhắc lại lời của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Pastores Dabo Vobis, từng tuyên bố rằng “Linh mục trước hết là thừa tác viên của lời Chúa, được thánh hiến và sai đi để loan báo Tin Mừng Nước Trời cho mọi người, kêu gọi mọi người vâng theo đức tin và dẫn dắt tín hữu tới việc hiểu biết và tham dự mỗi ngày một hơn vào sự thông hiệp mầu nhiệm Thiên Chúa, như đã được mạc khải và thông truyền cho ta nơi Chúa Kitô. Vì lý do đó, linh mục phải trước nhất khai triển một sự thân quen cao độ với lời Chúa. Có kiến thức về các khía cạnh ngữ học và chú giải của Thánh Kinh chưa đủ, dù cần thiết. Linh mục còn cần tiếp cận lời Chúa với một tâm hồn ngoan ngoãn và năng cầu nguyện, để lời ấy vào sâu trong tư tưởng, trong xúc cảm của ngài và tạo ra một cái nhìn mới ở trong ngài, tức “tâm trí Chúa Kitô” (1 Cor 2:16)” (266). Thành thử, lời của linh mục, các quyết định và tác phong của ngài phải càng ngày càng trở nên một phản ảnh, một công bố và một nhân chứng của Tin Mừng; “Chỉ khi nào ngài ‘cư ngụ’trong lời Chúa, linh mục mới trở nên môn đệ hoàn hảo của Chúa. Chỉ lúc đó, ngài mới biết chân lý và thực sự tự do” (267).

Tóm lại, ơn gọi linh mục đòi ta phải được thánh hiến "trong chân lý”. Chúa Giêsu tuyên bố rõ điều đó về các môn đệ của Người: “Xin Cha thánh hóa chúng trong chân lý; lời Cha là chân lý. Như Cha đã sai con đến thế gian, con cũng sai chúng vào thế gian như vậy” (Ga 17:17-18). Theo một nghĩa, môn đệ “được kéo vào vòng thân mật với Thiên Chúa nhờ biết dìm mình trong lời của Người. Có thể nói được rằng lời Thiên Chúa là bể tắm thanh tẩy, là sức mạnh sáng tạo thay đổi các môn đệ và làm họ thuộc về Thiên Chúa” (268). Và vì Chúa Kitô là chính Lời Thiên Chúa đã thành xác phàm (Ga 1:14), là “Chân Lý” (Ga 14:6), nên lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha, “Xin Cha thánh hóa chúng trong chân lý”, có một ý nghĩa hết sức sâu xa: “Xin Cha biến chúng nên một với Con, Đấng Kitô. Xin Cha cột chúng chặt lại với Con. Xin Cha kéo chúng vào trong Con. Vì chỉ có một linh mục trong Giao Ước Mới, là chính Chúa Giêsu Kitô” (269). Các linh mục vì thế cần lớn mạnh không ngừng trong ý thức của mình về thực tại này.

Tôi cũng muốn đề cấp tới vị trí của lời Chúa trong đời sống những người được kêu gọi vào hàng phó tế, không những như bước cuối cùng tiến tới chức linh mục, nhưng cả như một phục vụ vĩnh viễn. Cuốn Chỉ Dẫn Đối Với Hàng Phó Tế Vĩnh Viễn có tuyên bố rằng “căn tính thần học của phó tế rõ ràng cung cấp cho ta nhiều nét trong nền linh đạo chuyên biệt này, một nền linh đạo được chủ yếu trình bày như nền linh đạo phục vụ. Mẫu mực tuyệt hảo chính là Chúa Kitô như một người tôi tớ, sống hoàn toàn để phục vụ Thiên Chúa, vì lợi ích của nhân loại” (270). Theo viễn tượng này, người ta thấy, trong các chiều kích khác nhau của thừa tác vụ phó tế, “yếu tố riêng trong linh đạo phó tế chính là lời Chúa, lời mà phó tế được kêu gọi làm người giảng giải có thẩm quyền, tin điều ông giảng, dạy điều ông tin, và sống điều ông dạy” (271). Do đó, tôi khuyên các phó tế nuôi dưỡng đời sống mình bằng việc đọc Sách Thánh một cách đầy lòng tin, đi đôi với nghiên cứu và cầu nguyện. Họ nên được dẫn khởi vào “Sách Thánh và việc giải thích đúng đắn về nó; vào mối tương quan giữa Thánh Kinh và Thánh Truyền; cách riêng vào việc sử dụng Sách Thánh trong việc giảng giải, trong việc giáo lý và trong sinh hoạt mục vụ nói chung” (272).

b) Lời Chúa và các ứng viên chịu chức thánh

Thượng Hội Đồng gán một tầm quan trọng đặc biệt cho vai trò quyết định mà lời Chúa phải có trong đời sống thiêng liêng của các ứng viên lãnh nhận thừa tác vụ linh mục: “Các ứng viên chịu chức linh mục phải học biết yêu mến lời Chúa. Sách Thánh, do đó, phải là linh hồn của việc đào luyện thần học, và phải nhấn mạnh tới tác động qua lại không thể miễn chước giữa chú giải, thần học, linh đạo và sứ vụ” (273). Những ai đang mong mỏi lãnh thừa tác vụ linh mục đều được mời gọi bước vào mối liên hệ có tính bản thân sâu sắc đối với lời Chúa, nhất là trong việc đọc lời Chúa (lectio divina), để mối liên hệ này, ngược lại, sẽ nuôi dưỡng ơn gọi của họ: Chính trong ánh sáng và sức mạnh của lời Chúa mà ơn gọi chuyên biệt của ta được biện phân và trân quí, yêu mến và bước theo, mà sứ vụ riêng của ta được thực thi, qua việc nuôi dưỡng tâm hồn ta bằng tư tưởng của Chúa, ngõ hầu đức tin, như lời đáp trả của ta đối với lời Chúa, trở nên tiêu chuẩn mới để phán đoán và đánh giá con người cũng như sự vật, biến cố cũng như vấn đề (274).

Một lưu tâm như thế đối với việc đọc Thánh Kinh một cách đầy cầu nguyện, bất cứ cách nào, cũng không được dẫn tới một lưỡng phân đối với việc học tập chú giải vốn là một phần trong diễn trình đào luyện. Thượng Hội Đồng khuyên nên giúp các chủng sinh để họ nhìn thấy mối tương quan giữa việc học hỏi về Thánh Kinh và việc cầu nguyện bằng Thánh Kinh. Học hỏi về Thánh Kinh phải dẫn tới một ý thức lớn hơn về mầu nhiệm mạc khải thánh và phát huy một thái độ đáp trả trong cầu nguyện với Chúa là Đấng đang nói với ta. Ngược lại, một đời sống cầu nguyện chân chính nhất định sẽ nuôi dưỡng trong tâm hồn các ứng viên một niềm khát khao biết Chúa nhiều hơn, Đấng đã dùng lời của Người mà tự mạc khải như tình yêu vô hạn. Do đó, phải thận trọng hết sức để bảo đảm rằng các chủng sinh luôn luôn vun sới tính hỗ tương ấy giữa việc học hỏi và việc cầu nguyện trong đời sống họ. Để đạt được mục tiêu này, cần phải dẫn nhập các ứng viên vào việc học hỏi Sách Thánh bằng các phương pháp thiên về phương thức tổng hợp này.

c) Lời Chúa và đời sống tận hiến

Đối với đời sống tận hiến, trước nhất Thượng Hội Đồng nhắc nhở rằng đời sống ấy “phát sinh từ việc nghe lời Chúa và chấp nhận Tin Mừng làm qui luật sống” (275). Một đời sống tận hiến cho việc bước theo Chúa Kitô trong đức thanh tịnh, khó nghèo và vâng lời, do đó, trở thành “một cuộc chú giải lời Chúa cách sống động” (276). Chúa Thánh Thần, mà trong Người Sách Thánh đã được viết ra, cũng là một Chúa Thánh Thần đã soi sáng “lời Chúa bằng một ánh sáng mới cho các vị sáng lập nam nữ. Mọi đặc sủng và mọi qui luật đều nẩy sinh từ nó và tìm cách diễn tả nó” (277), do đó, đã mở ra những nẻo đường mới cho lối sống Kitô giáo đánh dấu bằng tính triệt để của Tin Mừng.

Ở đây, tôi muốn nhắc tới điều này là truyền thống vĩ đại của đan viện luôn coi việc suy niệm lời Chúa là một phần chủ yếu trong linh đạo chuyên biệt của mình, nhất là dưới hình thức đọc lời Chúa (lectio divina). Hiện nay cũng thế, cả biểu thức cũ lẫn biểu thức mới của việc tận hiến chuyên biệt đều được kêu gọi trở thành trường dạy cách sống liêng thiêng chân chính, nơi Sách Thánh được đọc theo Chúa Thánh Thần trong lòng Giáo Hội, vì lợi ích của toàn thể Dân Chúa. Do đó, Thượng Hội Đồng khuyên các cộng đồng sống đời tận hiến luôn dự trù việc giảng dạy vững chắc về cách đọc Sách Thánh trong đức tin (278).

Một lần nữa, tôi muốn nhắc lại sự ân cần và lòng biết ơn mà Thượng Hội Đồng đã phát biểu đối với các hình thức sống chiêm niệm mà đặc sủng chuyên biệt là dành phần lớn ngày sống cho việc bắt chước Mẹ Thiên Chúa, Đấng đã chuyên chăm suy gẫm lời nói và việc làm của Con mình (xem Lc 2:19, 51) và Maria làng Bêtania, người đã ngồi dưới chân Chúa và chăm chú lắng nghe lời Người (xem Lc 10:38). Tôi nghĩ cách riêng tới các đan sĩ và nữ tu dòng kín, những người nhờ cách biệt với thế gian đã được kết hợp mật thiết hơn với Chúa Kitô, trái tim của thế giới. Hơn bao giờ hết, Giáo Hội cần nhiều chứng nhân nam nữ quyết tâm “không đặt điều gì trước tình yêu Chúa Kitô” (279). Thế giới ngày nay thường quá ngụp lặn trong các sinh hoạt bên ngoài đến liều mình mất hết hướng đi. Các tu sĩ chiêm niệm nam nữ, qua đời sống cầu nguyện, chăm chú lắng nghe và suy niệm lời Chúa của mình, nhắc nhở ta rằng con người không chỉ sống nguyên bởi cơm bánh mà còn bằng mọi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra” (xem Mt 4:4). Như thế, mọi tín hữu nên ý thức cách rõ ràng rằng hình thức sống này “cho thế giới ngày nay thấy rõ điều gì là điều quan trọng nhất, đúng ra, là điều duy nhất cần thiết: chỉ có một lý do tối hậu làm cho đời sống đáng sống, đó là Thiên Chúa và tình yêu khôn lường của Người” (280).

d) Lời Chúa và người giáo dân

Thượng Hội Đồng hay nói tới giáo dân và cám ơn họ về hoạt động quảng đại của họ trong việc loan truyền Tin Mừng trong nhiều khung cảnh của cuộc sống hàng ngày, tại nơi làm việc và tại học đường, trong gia đình và trong môi trường giáo dục (281). Vốn bắt nguồn từ Phép Rửa, trách nhiệm này cần được khai triển qua lối sống Kitô Giáo mỗi ngày một ý thức hơn, một lối sống có khả năng “giải thích được lý do của niềm hy vọng” trong ta (xem 1Pr 3:15). Trong Tin Mừng Thánh Mátthêu, Chúa Giêsu chỉ rõ rằng “cánh đồng là thế giới, còn hạt giống tốt là con cái Nước Trời” (13:38). Những lời này áp dụng một cách đặc biệt cho hàng ngũ giáo dân Kitô Giáo, những người sống thực ơn gọi chuyên biệt nên thánh của họ bằng một cuộc sống trong Chúa Thánh Thần, được phát biểu “cách đặc biệt qua việc họ dấn thân vào việc thế sự và tham gia các sinh hoạt trần thế” (282). Cần phải huấn luyện để người giáo dân biện phân được ý Chúa qua việc làm quen với lời của Người, được đọc và học tập trong Giáo Hội dưới sự hướng dẫn của các mục tử hợp pháp của Giáo Hội. Họ có thể nhận được sự huấn luyện này trong các trường linh đạo lớn của Giáo Hội, tất cả các trường này đều đặt cơ sở trên Sách Thánh. Bất cứ ở đâu có thể, các giáo phận cũng nên tạo cơ hội để liên tục huấn luyện các giáo dân đang được trao phó các trách nhiệm chuyên biệt trong Giáo Hội (283).
 
Trong cuốn sách của ngài, Đức Thánh Cha nói việc đồng tính luyến ái không thích nghi với đời sống linh mục
Bùi Hữu Thư
06:58 25/11/2010
VATICAN (CNS) – Trong cuốn sách mới, Đức Thánh Cha Benedict XVI tái khẳng định một cách mạnh mẽ là giáo hội giảng dậy rằng các hành động đồng tính luyến ái là “sai trái” và ngài nói việc đồng tính luyến ái “không thích nghi” với đời sống linh mục.

Lời bình của Đức Thánh Cha được đăng trong cuốn sách phỏng vấn mới của ngài “Ánh Sáng Thế Gian: Giáo Hoàng, Giáo Hội, và những Dấu Chỉ của Thời Đại,” được phát hành ngày 23 tháng 11.

Người phỏng vấn ngài là nhà báo người Đức Peter Seewald, ông hỏi ngài: nếu giáo huấn của giáo hội nói rằng việc đồng tính luyến ái đáng được tôn trọng, thì có mâu thuẫn với quan điểm của giáo hội về việc coi các hành động đồng tính luyến ái “hiển nhiên là sai trái” không?

Đức Thánh Cha trả lời: “Không! Không mâu thuẫn khi nói rằng họ là những con người có những vấn đề và những niềm vui, rằng họ là con người và đáng được tôn trọng, mặc dầu họ có cái khuynh hướng này, và họ không thể bị kỳ thị vì có khuynh hướng đó.

Ngài nói: Tuy nhiên, đồng thời, tính dục có một ý nghĩa thực chất và một định hướng, đó không phải là đồng tính luyến ái. Ý nghĩa và chiều hướng của tính dục là mang lại sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ, bằng cách này, để đem lại hậu thế, con cái, và một tương lai cho nhân loại.”

Đức Thánh Cha nói: giáo hội cần phải giữ vững lập trường về điểm này, “cho dù việc này không làm cho thời đại của chúng ta vừa lòng.”

Ngài nói: Câu hỏi về sự kiện khuynh hướng đồng tính luyến ái là bẩm sinh hay nẩy sinh từ thời thơ ấu, vẫn chưa được giải đáp.

Ngài nói: Dù sao, nếu có những khuynh hướng mạnh, thì đó là “một thử thách to lớn” đối với người đồng tính luyến ái.
 
Đức Giáo Hoàng Xúc động khi hay tin người nữ quản gia đã qua đời trong một tai nạn giao thông
Lm. Paul Phạm Văn Tuấn
09:08 25/11/2010
Hôm qua, 24.11.2010 Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã nhận được tin đau buồn rằng một trong 4 người giúp việc nhà cho ngài đã qua đời trong một tai nạn giao thông ở Rôma.

Cô Manuela Camagni (56 tuổi) thuộc về tổ chức Phong Trào Giáo Dân "Memores Domini", (tạm dịch: Nhớ đến Chúa) đã giúp việc cho ĐGH từ cuộc bầu cử Giáo Hoàng vào năm 2005.

Cô Manuela Camagni khi băng qua con đường Nomentana thuộc vùng đông nam ngoại ô Rôma vào chiều thứ ba 23.11.2010 đã bị chiếc xe hiệu Fiat Panda đâm vào người và kéo nạn nhân theo nhiều mét dài. Cô được đưa ngay vào nhà thương. Tại đây mọi nỗ lực cứu chữa của các bác sĩ phẫu thuật không thể cứu sống và cô Manuela Camagni đã qua đời ngày hôm sau vì chấn thương sọ não nghiêm trọng.

Đức Giáo Hoàng đã cầu nguyện cho cô Manuela Camagni trong Thánh Lễ sáng tại nhà nguyện của ngài.

Cùng với ba người nữ quản gia khác và 2 cha thư ký riêng (Đức ông Georg Gänswein và Đức ông Alfred Xuereb) giúp đỡ ĐGH trong những công việc hằng ngày trong điện Vatican, thì cô Manuela Camagni được tham dự trực tiếp vào „Gia đình của ĐGH“. Trong cuộc phỏng vấn mới đây, Đức Giáo Hoàng đã nhấn mạnh tầm quan trọng cho ngài là có được những người giúp việc tín cẩn chăm sóc cho mình.

Như trong cuộc phỏng vấn đã được nhắc đến: "Chúng tôi mừng lễ Giáng Sinh chung với nhau, chúng tôi nghe nhạc trong những ngày lễ lớn và trao đổi với nhau. Luôn mừng lễ quan thày của nhau và chiều đó chúng tôi đều cầu nguyện hát kinh phụng vụ chung.“

Requiescat In Pace - Lạy Chúa, xin cho linh hồn Manuela được nghỉ yên muôn đời!
 
Đức Thánh Cha nhắc giới trẻ dũng cảm như Thánh Anrê Dũng Lạc
Nguyễn Hoàng Thương
09:35 25/11/2010
Đức Thánh Cha nhắc giới trẻ dũng cảm như Thánh Anrê Dũng Lạc

Vatican City (Zenit) - Bằng lời kêu gọi lưu tâm đến mẫu gương các vị thánh tử vì đạo của Việt Nam, Thánh Anrê Dũng Lạc và các bạn hữu, hôm 24/11/2010, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI mời gọi giới trẻ hãy dũng cảm trong việc làm chứng tá cho các giá trị Kitô giáo.

Đức Thánh Cha đã đưa ra lời mời gọi này vào cuối buổi Triều yết chung khi ngài đưa ra lời chào mừng giới trẻ, các bệnh nhân và và cặp tân hôn.

Trong Lễ trọng kính Thánh Anrê, một trong 117 vị tử vì đạo tại Việt Nam từ năm 1820 đến năm 1862, Đức Thánh Cha lưu ý rằng: "Hôm nay, nhớ lại Thánh Anrê Dũng Lạc và các bạn hữu, các vị tử vì đạo người Việt Nam, cha mời gọi các con, những người trẻ thân yêu, hãy dũng cảm trong việc làm chứng cho các giá trị Kitô giáo, hãy luôn trung tín với Chúa".

Với người bệnh và người mới lập gia đình, Đức Thánh Cha cho hay: "Anh chị em bệnh nhân thân mến, cha khuyên anh chị em chấp nhận từ bỏ trong thanh thản tất cả những gì Chúa ban trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời; Các cặp tân hôn thân yêu, cha hy vọng rằng các con sẽ lập nên một gia đình Kitô giáo thực sự, kết múc sức mạnh cần thiết để thực hiện một dự án như thế từ Lời Chúa và từ Thánh Thể".
 
Caritas hoan nghênh bình luận của Đức Thánh Cha về phòng chống AIDS
Nguyễn Hoàng Thương
09:36 25/11/2010
Caritas hoan nghênh bình luận của Đức Thánh Cha về phòng chống AIDS

Rôma (Zenit) - Caritas Quốc Tế hoan nghênh bình luận của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI về tầm quan trọng của việc phòng chống AIDS trong quyển sách mới xuất bản.

Quyển sách mang tựa đề "Ánh sáng thế gian. Đức Giáo Hoàng, Giáo Hội và Các Dấu chỉ Thời đại" được Ignatius Press công bố hôm 24/11/2010, ghi lại cuộc phỏng vấn với Đức Thánh Cha của Peter Seewald.

Caritas khẳng định rằng bình luận của Đức Thánh Cha trong quyển sách này "là một lời khẳng định tầm quan trọng của sự nhạy cảm mục vụ và lòng nhân từ trong việc phòng chống HIV và AIDS".

Caritas đã lưu ý trong tuyên bố đặc biệt của Đức Thánh Cha rằng bao cao su được sử dụng "không thực sự là cách để đối phó với tai họa lây nhiễm HIV", nó không phải là một "giải pháp thực sự hoặc giải pháp luân lý".

Đức Thánh Cha cho hay: "Còn nhiều việc cần phải thực hiện. Chúng ta phải đứng gần người dân, chúng ta phải hướng dẫn và giúp đỡ họ; và chúng ta phải làm điều này cả trước và sau khi nhiễm bệnh".

Lesley-Anne Knight, tổng thư ký của cơ quan viện trợ cho hay: "Những bình luận của Đức Thánh Cha được ghi lại trong quyển sách này minh họa tầm quan trọng của lòng nhân từ và sự nhạy cảm trong việc đối phó với sự phức tạp của công tác phòng chống HIV/AIDS."

Cô khẳng định: "Caritas đưa ra các chương trình HIV/AIDS của mình phù hợp với giáo huấn Giáo Hội và chúng tôi sẽ xem xét, tham khảo ý kiến chặt chẽ với Tòa Thánh, dù có những tác động đến công việc của chúng tôi trong những nhận xét của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI".

Caritas, là liên minh của 165 cơ quan cứu trợ Công Giáo quốc gia, đưa ra các chương trình HIV/AIDS cho hơn 100 quốc gia.
 
Giám Mục Hàn Quốc kêu gọi hòa bình: ''Chiến tranh chỉ mang lại đau khổ và thảm họa''
Nguyễn Hoàng Thương
09:37 25/11/2010
Giám Mục Hàn Quốc kêu gọi hòa bình: "Chiến tranh chỉ mang lại đau khổ và thảm họa"

Cheju (Agenzia Fides) – Sau cuộc tấn công của Bình Nhưỡng về phía đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc, trong cuộc phỏng vấn với Thông Tấn Xã Công Giáo Fides, Đức Giám mục Peter Kang U-il của Giáo phận Cheju và là Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hàn Quốc cho hay: "Chúng ta hãy cầu nguyện để tình hình không tồi tệ thêm và không trở thành một cuộc xung đột mở rộng. Chúng ta cầu xin Chúa ban cho tất cả các nhà lãnh đạo và tất cả chúng ta sức mạnh và ánh sáng để vượt qua cuộc khủng hoảng này. Hôm nay, chúng ta đang sống trong thời điểm hết sức hỗn loạn và sợ hãi. Chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo của Nam và Bắc Triều Tiên gặp gỡ và tìm cách đối thoại". Theo những tìm kiếm mới nhất, ngoài hai binh sĩ Hàn Quốc, hai thường dân cũng bị thiệt mạng trong vụ tấn công.

Đức Giám Mục cho hay thêm: "Hôm nay, chính phủ Hàn Quốc chưa biết lý do của cuộc tấn công này, vốn làm căng thẳng gia tăng trên bán đảo. Nó dường như là dựa trên những chiến thuật chính trị. Có lẽ, họ cho nó là một cách để chuyển hướng sự chú ý sang các vấn đề nội bộ gây kịch tính: từ những thông tin hiếm hoi chúng tôi có từ miền Bắc, chúng tôi biết rằng tình hình kinh tế rất khó khăn, cả nạn đói và cảnh khổ cực". Tuy nhiên, Đức Giám mục cho biết: "Tôi chắc chắn rằng các nhà lãnh đạo của miền Bắc biết rằng chiến tranh không giải quyết được bất cứ điều gì, rằng đó chỉ là một thảm họa làm tổn thương thường dân. Đó là một tình huống mà chúng ta nên cố gắng tránh bằng mọi giá".

Đức Giám Mục lên tiếng: "Tôi kêu gọi sự can thiệp mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, không thể nhắm mắt đối với tình hình này. Nó cũng đòi hỏi sự liên quan của Trung Quốc, vốn có ảnh hưởng mạnh đối với Bắc Triều Tiên, để hiểu được nguồn gốc và nguyên nhân của cuộc khủng hoảng"

Đức Cha cho nói thêm: "Từ Giáo Hội Hoàn Vũ, chúng ta mong đợi sự hỗ trợ qua lời cầu nguyện cho hòa bình. Hòa bình không chỉ là thành quả của con người hoặc các hoạt động ngoại giao, mà cần có sự giúp đỡ từ Thiên Chúa. Chúng tôi xin Đức Thánh Cha cầu nguyện cho chúng tôi, cho hòa bình và cho lợi ích của người dân Triều Tiên". Đức Cha cũng nhấn mạnh rằng hy vọng sẽ không bao giờ bị dập tắt: "Xung đột chỉ có thể mang lại sự tàn phá; còn hòa bình có thể xây dựng tương lai. Có hy vọng bởi vì chúng ta tiếp tục tin tưởng vào sự Quan Phòng của Thiên Chúa”.
 
Tông huấn "Lời Chúa" của Đức Bênêđictô XVI (10)
Vũ Văn An
23:40 25/11/2010
e) Lời Chúa, hôn nhân và gia đình

Thượng Hội Đồng cũng cảm thấy cần phải nhấn mạnh mối tương quan giữa lời Chúa, hôn nhân và gia đình Kitô hữu. Thực thế, “với việc công bố lời Chúa, Giáo Hội cho gia đình Kitô hữu thấy căn tính đích thực của nó, nó là gì và nó phải là gì để phù hợp với kế hoạch của Chúa (284). Thành thử, không bao giờ quên rằng lời Chúa nằm ở chính nguồn gốc của hôn nhân (xem St 2:24) và chính Chúa Giêsu đã biến hôn nhân thành một trong các định chế của Vương Quốc Người (xem Mt 19:4-8), nâng lên hàng bí tích một điều vốn được khắc ghi trong bản chất con người ngay từ thuở ban đầu. “Khi cử hành bí tích, người đàn ông và người đàn bà nói lên lời tự hiến cho nhau đầy tính tiên tri, tức lời nên ‘một thân xác’, vốn là dấu chỉ mầu nhiệm kết hợp của Chúa Kitô với Giáo Hội (xem Eph 5:31-32)” (285). Lòng trung thành với lời Chúa khiến chúng ta quả quyết rằng ngày nay, định chế này đang bị não trạng hiện đại tấn công nhiều cách. Đứng trước sự mơ hồ lẫn lộn khá phổ quát ngày nay trong lãnh vực cảm giới, và việc xuất hiện lối suy nghĩ nhằm tầm thường hóa thân xác con người và sự dị biệt giới tính, lời Chúa tái khẳng định sự tốt lành nguyên thủy của con người, được dựng nên có nam có nữ và được mời gọi bước vào một tình yêu trung thành, hỗ tương và sinh nhiều hoa trái.

Mầu nhiệm hôn nhân vĩ đại chính là nguồn suối sinh ra trách nhiệm chủ yếu mà cha mẹ phải có đối với con cái. Một phần của vai trò làm cha mẹ cách chân chính là chuyển giao và làm chứng cho ý nghĩa sống trong Chúa Kitô: qua lòng trung thành của mình và sự hợp nhất của cuộc sống gia đình, vợ chồng là những người đầu hết công bố lời Chúa cho con cái. Cộng đồng Giáo Hội phải nâng đỡ và trợ giúp họ trong việc cổ vũ cầu nguyện trong gia đình, chăm chú nghe lời Chúa và học biết Thánh Kinh. Để đạt được mục tiêu này, Thượng Hội Đồng thúc giục mọi gia hộ nên có một cuốn Sách Thánh, đặt tại một nơi xứng đáng và dùng để đọc và cầu nguyện. Bất cứ sự trợ giúp nào cần tới trong phạm vi này đều có thể được các linh mục, phó tế và các giáo dân có huấn luyện đàng hoàng cung cấp. Thượng Hội Đồng cũng khuyến cáo việc thành lập các cộng đoàn gia đình nho nhỏ làm nơi vun sới việc cầu nguyện chung và suy niệm các đoạn Thánh Kinh (286). Các cặp vợ chồng cũng nên nhớ điều này: “lời Chúa là một nâng đỡ quí giá giữa các gian nan thử thách xẩy ra trong cuộc sống hôn nhân và cuộc sống gia đình” (287).

Ở đây, tôi muốn làm nổi bật các khuyến cáo của Thượng Hội Đồng liên quan tới vai trò của phụ nữ đối với lời Chúa. Ngày nay, hơn hẳn quá khứ, “thiên tài nữ giới” (288), nói theo kiểu nói của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã và đang đóng góp lớn lao vào việc hiểu Thánh Kinh và vào toàn bộ đời sống Giáo Hội, và đây cũng là trường hợp đang xẩy ra cho lãnh vực nghiên cứu Sách Thánh. Thượng Hội Đồng lưu ý đặc biệt tới vai trò không thể thiếu của phụ nữ trong gia đình, trong giáo dục, trong giáo lý và thông truyền các giá trị. “Họ có một năng khiếu dẫn dắt người ta nghe lời Chúa, vui hưởng mối liên hệ bản thân với Thiên Chúa, và cho thấy ý nghĩa tha thứ và chia sẻ theo tinh thần Tin Mừng” (289). Họ cũng là các sứ giả của yêu thương, khuôn mẫu lòng từ nhân và là những người kiến tạo hòa bình; họ thông truyền cho ta sự ấm áp và tình nhân đạo trong một thế giới thường hay quá phán đoán người ta theo các tiêu chuẩn tàn bạo của bóc lột và lợi nhuận.

Việc đọc Sách Thánh một cách như cầu nguyện và lối đọc “Lectio Divina”

Thượng Hội Đồng thường hay nhấn mạnh tới việc cần phải có một cách tiếp cận như cầu nguyện đối với bản văn thánh, coi việc này như yếu tố căn bản cho đời sống thiêng liêng của mọi tín hữu, có mặt trong các thừa tác vụ và bậc sống khác nhau, với sự đặc biệt nhắc tới lối đọc “lectio divina” (290). Lời Chúa nằm ở nền tảng mọi nền linh đạo Kitô Giáo đúng nghĩa. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng do đó đã tiếp nhận các lời sau đây của Hiến Chế Tín Lý “Lời Chúa”: “Hãy để người tín hữu hân hoan đi tới với chính bản văn thánh, bất kể trong phụng vụ thánh, là phụng vụ đầy lời Chúa, hay khi đọc sách thiêng liêng hoặc khi làm những thao tác thích đáng và những hình thức trợ giúp khác, những trợ giúp hiện đang hết sức phổ quát khắp nơi trong thời đại ta, với sự chuẩn y và hướng dẫn của các mục tử Giáo Hội. Tuy nhiên, họ hãy nhớ rằng việc cầu nguyện luôn nên đi đôi với việc đọc Sách Thánh” (291). Công Đồng, do đó, đã tìm cách biến thành của mình truyền thống giáo phụ cao cả luôn khuyến khích người ta tiếp cận Sách Thánh trong đối thoại với Thiên Chúa. Như Thánh Augustinô, chẳng hạn, quen nói rằng: “Lời cầu nguyện của anh chị em chính là lời anh chị em nói với Chúa. Khi anh chị em đọc Sách Thánh, Chúa nói với anh chị em; khi anh chị em cầu nguyện, anh chị em nói với Chúa” (292). Origen, một trong các bậc thầy vĩ đại của lối đọc sách thánh này, chủ trương rằng muốn hiểu Thánh Kinh, hơn nữa muốn nghiên cứu nó, người ta cần phải gần gũi với Chúa Kitô và cầu nguyện. Thực thế, Origen xác tín rằng cách tốt nhất để biết Chúa Kitô là bằng tình yêu, và sẽ không thể có scientia Christi (khoa học về Chúa Kitô) chân chính nếu không tăng trưởng trong tình yêu của Người. Trong Thư Gửi Grêgôriô của ông, nhà thần học trứ danh của thành Alexandria này đưa ra lời khuyên sau: “Con hãy chăm chỉ đọc Sách Thánh; hãy kiên trì làm việc đó. Hãy thực hiện việc đọc của con với ý hướng tin và làm vui lòng Chúa. Nếu trong lúc đọc, mà thấy có cánh cửa đóng, thì con hãy gõ và cửa ấy sẽ mở cho con nhờ người canh cửa mà chính Chúa Giêsu từng nói về: ‘người canh cổng sẽ mở cổng cho ông ta’. Khi chăm chỉ đọc sách thánh (lectio divina) kiểu này, con hãy siêng năng và với niềm tín thác không lay chuyển vào Chúa cố tìm hiểu ý nghĩa Sách Thánh, mà ý nghĩa trọn vẹn phần lớn khá bí ẩn. Tuy nhiên, con không nên hài lòng với việc gõ cửa và tìm kiếm: muốn hiểu sự việc của Chúa, điều tuyệt đối cần là oratio (cầu nguyện). Chính vì thế, Chúa Cứu Thế đã nói với chúng ta đừng chỉ ‘tìm thì các con sẽ thấy’ và ‘hãy gõ thì cửa sẽ mở cho các con’ nhưng còn phải ‘xin thì các con sẽ nhận được’” (293).

Tuy nhiên, về phương diện này, ta phải tránh nguy cơ của phương thức chủ nghĩa cá nhân, và phải nhớ rằng lời Chúa đã được ban cho ta chính là để xây dựng hiệp thông, để kết hợp ta trong Chân Lý theo nẻo đường của Chúa. Dù đây là lời nói đích danh với mỗi người trong chúng ta, song nó cũng là lời để xây dựng cộng đoàn, để xây dựng Giáo Hội. Cho nên, bản văn thánh phải được luôn luôn tiếp cận trong hiệp thông Giáo Hội. Thực thế, “một lối đọc Sách Thánh có tính cộng đoàn là điều cực kỳ quan trọng, vì chủ thể sống động trong Sách Thánh là Dân Chúa, là Giáo Hội… Sách Thánh không thuộc quá khứ, vì chủ thể của nó, tức Dân Chúa mà chính Người linh hứng, luôn là một và do đó lời Chúa cũng luôn sinh động nơi chủ thể sống động. Như thế, điều quan trọng là phải đọc và cảm nghiệm Sách Thánh trong hiệp thông với Giáo Hội, nghĩa là, với mọi chứng nhân vĩ đại của lời này, bắt đầu với các Cha Ông đầu hết cho tới các vị thánh của thời ta, cho tới huấn quyền hiện nay” (294).

Vì lý do đó, nơi ưu tuyển để đọc Sách Thánh theo lối cầu nguyện là phụng vụ, nhất là phụng vụ Thánh Thể, trong đó, khi ta cử hành Mình cùng Máu Chúa Kitô trong bí tích, chính lời Chúa hiện diện và hành động giữa chúng ta. Theo một nghĩa, cách đọc sách thánh theo lối cầu nguyện, cả cá nhân lẫn cộng đoàn, phải luôn luôn có liên hệ tới việc cử hành Thánh Thể. Việc thờ lạy Thánh Thể chuẩn bị cho, đi đôi với và theo sau phụng vụ Thánh Thể thế nào (295), thì việc đọc Sách Thánh theo lối cầu nguyện, cả cá nhân lẫn cộng đoàn, cũng chuẩn bị cho, đi đôi với và thâm hậu hóa điều Giáo Hội cử hành khi Giáo Hội công bố lời Chúa trong khung cảnh phụng vụ như vậy. Nhờ liên hệ lối đọc “lectio divina” với phụng vụ một cách gần gũi như thế, ta có thể nắm vững các tiêu chuẩn hướng dẫn việc thực hành này trong lãnh vực chăm sóc mục vụ và trong đời sống thiêng liêng của Dân Chúa. Các tài liệu đưa ra trước và trong Thượng Hội Đồng có nhắc tới một số phương pháp tiếp cận Sách Thánh một cách đầy đức tin và nhiều hoa trái. Tuy thế, lưu ý hơn cả vẫn dành cho lối đọc “lectio divina”, là lối đọc thực sự “có khả năng mở toang các kho tàng lời Chúa cho tín hữu, nhưng cũng phát sinh ra cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, lời hằng sống của Thiên Chúa” (296). Ở đây, tôi muốn duyệt lại những bước căn bản của thủ tục này. Nó khởi đầu bằng việc đọc (lectio) một bản văn, việc này dẫn ta tới ước muốn được hiểu nội dung của nó: tự nó, bản văn Sách Thánh muốn nói gì? Không đặt câu hỏi này, người ta luôn gặp nguy cơ biến bản văn thành cái cớ để không chịu đi quá chính các ý tưởng của mình. Sau đó, là suy niệm (meditatio), tức đặt câu hỏi: bản văn Sách Thánh muốn nói gì với chúng ta? Ở đây, mỗi người, trong tư cách cá nhân cũng như trong tư cách thành viên của một cộng đoàn, phải để cho mình được đánh động và thách thức. Sau phần này tới phần cầu nguyện (oratio) tức phần đặt câu hỏi: Ta phải nói gì với Chúa để đáp lại lời Người? Cầu nguyện, hoặc cầu xin, hay cầu bầu, hoặc tạ ơn và ngượi khen, là phương cách hàng đầu nhờ đó lời Chúa biến đổi ta. Cuối cùng, lối đọc “lectio divina” kết thúc bằng sự chiêm niệm (contemplatio), một giai đoạn trong đó, ta tiếp nhận như một hồng ân lối nhìn và phán đoán thực tại của Người, và tự vấn xem Chúa đang yêu cầu ta phải hồi tâm, hồi trí, thay đổi đời sống ra sao? Trong Thư gửi tín hữu Rôma, Thánh Phaolô dạy ta: “Anh em đừng đồng hình đồng dạng với thế gian, nhưng hãy biến đổi bằng một cuộc canh tân tâm trí để anh em có thể chứng tỏ được đâu là ý Chúa, đâu là điều tốt, điều chấp nhận được và là điều hoàn hảo” (12:2). Chiêm niệm nhằm mục tiêu tạo ra trong ta một lối nhìn thực tại thực sự khôn ngoan và biết biện phân, như Thiên Chúa nhìn nó, và khuôn đúc trong ta “tâm trí của Chúa Kitô” (1 Cor 2:16). Ở đây, lời Chúa xuất hiện như một tiêu chuẩn để biện phân: nó “sống động và linh hoạt, sắc hơn kiếm hai lưỡi, xuyên thấu chỗ phân chia linh hồn và thần trí, xương và tủy, và biện phân được ý nghĩ và ý hướng của trái tim” (Dt 4:12). Ta cũng nên hết sức cố gắng nhớ rằng diễn trình trong lối đọc “lectio divina” không kết thúc trước khi nó hành động (actio), tức việc nó thúc đẩy tín hữu hiến đời mình cho người khác trong tình bác ái. Ta tìm được một tổng hợp và thành toàn tuyệt diệu cho diễn trình này nơi Mẹ Thiên Chúa. Đối với mọi thành phần tín hữu, Đức Maria là khuôn mẫu của việc ngoan ngoãn chấp nhận lời Thiên Chúa, vì ngài “giữ mọi điều ấy, suy đi nghĩ lại trong tâm hồn” (Lc 2:19; xem 2:51); trong kế hoạch của Thiên Chúa, ngài tìm thấy mối liên kết sâu xa hợp nhất mọi biến cố, mọi hành động và sự vật tưởng như rời rạc (297).

Tôi cũng muốn nhắc lại điều Thượng Hội Đồng đề nghị về sự quan trọng của việc đích thân đọc Sách Thánh, cũng là một thực hành cho phép ta được hưởng ơn toàn xá hoặc cho ta hoặc cho các linh hồn đã qua đời, theo các điều kiện thường lệ của Giáo Hội (298). Tập tục ơn toàn xá (299) có ý nói tới tín lý công nghiệp bất tận của Chúa Kitô, mà Giáo Hội, trong tư cách thừa tác viên của ơn chuộc tội, được quyền ban phát và áp dụng. Nhưng nó cũng có ý nói tới việc hiệp thông các thánh và dạy ta rằng “Ở bất cứ mức độ ta kết hợp với Chúa Kitô thế nào, ta cũng kết hợp với nhau như thế, và sự sống thiêng liêng của mỗi người có thể có ích cho người khác” (300). Theo cái nhìn này, việc đọc lời Chúa nâng đỡ ta trên hành trình thống hối và trở về, giúp ta thâm hậu hóa cảm thức thuộc về Giáo Hội, và giúp ta lớn lên trong sự thân quen với lời Chúa. Như Thánh Ambrôsiô từng nói: “khi ta tiếp nhận Sách Thánh trong đức tin và đọc nó với Giáo Hội, ta bước đi một lần nữa với Chúa trong Địa Đàng” (301).

Lời Chúa và việc cầu nguyện với Đức Mẹ

Lưu tâm tới mối liên kết không thể nào phân ly giữa lời Chúa và Đức Maria Thành Nadarét, cùng với các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng, tôi khẩn khoản yêu cầu để việc cầu nguyện với Đức Mẹ được khuyến khích nơi tín hữu, nhất là trong đời sống gia đình, vì đây là một trợ giúp để ta suy niệm các mầu nhiệm thánh trong Sách Thánh. Thí dụ, trợ giúp hữu ích nhất chính là việc đọc riêng hay đọc chung Kinh Mân Côi (302) là kinh suy đi nghĩ lại các mầu nhiệm trong cuộc đời Chúa Kitô trong sự kết hợp với Đức Mẹ (303), và là kinh Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II muốn làm phong phú thêm bằng các mầu nhiệm sự sáng (304). Điều thích hợp là khi tuyên đọc từng mầu nhiệm, ta nên kèm theo một đoạn Sách Thánh ngắn liên quan tới mầu nhiệm ấy, để khuyến khích việc học thuộc lòng các đoạn Sách Thánh ngắn có liên quan tới các mầu nhiệm về cuộc đời Chúa Kitô.

Thượng Hội Đồng cũng khuyến cáo rằng tín hữu nên được khuyến khích đọc kinh Truyền Tin. Kinh này, vừa đơn giản vừa sâu sắc, giúp ta “hàng ngày tưởng niệm mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể” (305). Việc Dân Chúa, các gia đình cũng như các cộng đoàn sống tận hiến, trung thành với kinh kính Đức Mẹ mà theo truyền thống được đọc vào lúc mặt trời mọc, vào giữa ngọ và vào lúc mặt tời lặn này chỉ có thể là một việc làm đúng. Vì trong kinh Truyền Tin, ta xin Chúa ban cho ta, qua lời cầu bầu của Đức Mẹ, được bắt chước ngài trong việc thực thi ý Chúa và biết nghinh đón lời của Người vào cuộc sống ta. Thực hành này có thể giúp ta tăng trưởng lòng yêu mến chân chính đối với mầu nhiệm nhập thể.

Các kinh cầu nguyện thời xưa của Phương Đông Kitô Giáo nhằm chiêm niệm toàn bộ lịch sử cứu rỗi dưới ánh sáng Theotokos, Mẹ Thiên Chúa, cũng đáng được biết, được đánh giá và sử dụng. Ở đây, ta cần nhắc tới các kinh AkathistParaklesis. Các thánh ca ngượi khen này, được hát dưới hình thức kinh cầu (litanies) và thấm đượm đức tin của Giáo Hội và đầy qui chiếu vào Thánh Kinh, sẽ giúp tín hữu suy niệm các mầu nhiệm của Chúa Giêsu trong kết hợp với Đức Mẹ. Cách riêng, ca khúc Akathist (gọi thế vì khi hát, người ta đứng) dâng lên Mẹ Thiên Chúa, là ca khúc đại biểu cho một trong những biểu thức cao đẹp nhất của lòng sùng kính Đức Mẹ trong truyền thống Byzantine (306). Cầu nguyện bằng những lời này mở rộng tâm hồn ta và qui hướng nó về một sự bình an từ trên cao, từ Thiên Chúa, một sự bình an là chính Chúa Kitô, Đấng đã từ Đức Mẹ sinh ra để cứu chuộc chúng ta.

Lời Chúa và Đất Thánh

Sau khi nhớ tới Lời Thiên Chúa đã thành xác phàm trong lòng Đức Maria Thành Nadarét, giờ đây trái tim ta hướng về mảnh đất nơi mầu nhiệm cứu chuộc chúng ta đã được hình thành, và từ đó lời Thiên Chúa đã lan truyền cho đến tận cùng thế giới. Nhờ quyền lực của Chúa Thánh Thần, Ngôi Lời đã trở nên xác phàm ở một thời điểm và một nơi chốn đặc thù, tại một giải đất bên bờ Đế Quốc Rôma. Càng biết đánh giá tính đại đồng và tính độc đáo của con người Chúa Kitô, ta càng biết ơn nhìn về mảnh đất nơi Chúa Giêsu đã sinh ra, đã sống và đã hiến mạng sống cho ta. Những viên đá Chúa Cứu Chuộc ta đã dẵm lên vẫn còn mang đầy kỷ niệm của Người và tiếp tục “hô to lên” Tin Mừng của Người. Vì lý do đó, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng nhắc lại thuật ngữ hết sức thích hợp gọi Đất Thánh là “Tin Mừng Thứ Năm” (307). Thực quan trọng biết bao việc phải có các cộng đoàn Kitô hữu tại những nơi đó, bất chấp nhiều khó khăn hiện nay! Thượng Hội Đồng bày tỏ sự gần gũi sâu xa của mình với mọi Kitô hữu đang cư ngụ trên lãnh thổ của Chúa Giêsu và đang làm chứng cho niềm tin của họ vào Chúa Phục Sinh. Các Kitô hữu tại đó đang được kêu gọi phục vụ không những như “ngọn hải đăng của đức tin đối với Giáoo Hội hoàn vũ, mà còn như chất men hoà hợp, khôn ngoan, và quân bình trong đời sống của một xã hội theo truyền thống và hiện vẫn còn tiếp tục có đặc điểm đa nguyên, đa sắc tộc và đa tôn giáo” (308).

Ngày nay, Đất Thánh vẫn còn là mục tiêu hành hương của người Kitô hữu, một nơi để cầu nguyện và đền tội, như từng được chứng thực từ thời xa xưa bởi các tác giả như Thánh Giêrôm (309). Càng hướng mắt và lòng ta về Giêrusalem trần gian, lòng khao khát của ta càng bừng cháy đối với Giêrusalem trên trời, mục tiêu đích thực của mọi cuộc hành hương, cùng với ước mong tha thiết của ta được thấy Danh Chúa Giêsu, Danh đem lại sự cứu độ, được mọi người nhìn nhận (xem Cv 4:12).
 
Top Stories
Cardinal: Atheism Is Irrational, Says Man Finds Fulfillment Only in God
Zenit
09:00 25/11/2010
VATICAN CITY, NOV. 24, 2010 (Zenit.org).- Cardinal Walter Brandmuller is underlining the irrationality of atheism, noting that only in God can the human person find fulfillment.

The former president of the Pontifical Committee for Historical Sciences, who just became a cardinal on Saturday, said this in a new Italian-language book "Ateismo? No grazie! Credere è ragionevole" [Atheism? No Thanks! To Believe is Rational], published by the Libreria Editrice Vaticana.

It features an original interview of the prelate by Ingo Langner, journalist, publicist and film director, on the most debated questions: Does God exist? Faith or atheism? Science or religion? God or non God?

The interview begins with Langner who asked, quoting Richard Dawkins, "Why still believe?"

Cardinal Brandmuller responded: "The question is not a novelty. Friedrich Nietzsche makes his madman announce that God is dead and Yury Gagarin, the first Russian in space, on his trip of April 12, 1962, said that nowhere had he seen something that resembled God. Dawkins does not recognize God even as a hypothesis. For him God is a hallucination that exists only in the mind of a retarded person."

"In reality, the target of the atheists is not so much God but the Church, the Pope and the Vatican," said the prelate. He added that the Church has been attacked since the beginning of the Christian era, the Pope for 2000 years and the Vatican since its existence.

The cardinal addressed the topic of miracles, recalling what happened in Calanda, a small town not far from Saragossa, Spain, where there was a youth named Miguel Pellicer whose leg was amputated. Two years later and despite the difficulty in walking, the youth undertook the journey to the Marian shrine of Santa Maria del Pilar in Saragossa.

Once he arrived at the shrine, he prayed intensely to Mary to help him. That night an incredible event took place. When he woke up in the morning his leg had grown back, perfectly healthy.

To explain the miracles, Cardinal Brandmuller quoted William Shakespeare who said to followers of the Enlightenment: "There are more things between heaven and earth than your scholastic erudition can imagine."

The prelate explained that "modern man wants to come to himself through self-fulfillment, but he doesn't succeed by separating himself from God; he succeeds only if he turns to God."

He continued: "For modern man this means the prodigal son who returns to the father, hence to God. Only then does he fulfill himself, when he recognizes what he is and for what purpose God has created him."

(Source: Zenit.org)
 
Vietnam's land management system prone to corruption, experts say
Deuche Presse Agentur
17:05 25/11/2010
Hanoi (Nov 24, 2010)- Land management practices in Vietnam are rife with corruption that benefits the rich at the expense of the poor, a panel of Vietnamese and foreign experts said Wednesday.

Government officials supposedly safeguarding the system are in fact a large part of the problem, said the group gathered ahead of a wider anti-corruption dialogue due to start Thursday between Swedish, Danish and Vietnamese officials.

Greater transparency and accountability is needed to address bribery and corruption, Swedish Ambassador Staffan Herrstrom said.

Land management 'is definitely the right topic for this anti-corruption dialogue,' said panelist James Anderson, a World Bank governance specialist.

'Corruption in land management in all societies makes the rich become richer and the poor become poorer at the same time as the governments lose tax revenue,' Herrstrom said.

This adds to public debt and shortchanges schools, health care and other public programmes, panelists said.

Studies in five provinces found that 85 per cent of households perceived corruption in land management. Thirty-five per cent of businesses said that 'gifts and informal payments' were standard aspects of doing business in Vietnam, the study found.

One Vietnamese journalist questioned whether the ability of the initiative to address corruption. 'Corruption in Vietnam is very big, but invisible,' said Dai Phuong of the newspaper Tien Phong. Self-interest, not public interest, motivates many government officials, he said.

Herrstrom emphasized that the Vietnamese government's participation 'is a step towards transparency itself.' Panelists also noted that some provinces had put in place promising programmes.

He added that 'a vibrant media and protection of whistleblowers,' were critical to the fight against corruption, which often goes unaddressed in Vietnam.

The anti-corruption dialogue had been held twice a year since it was started in 2006 by embassies of Sweden and Denmark together with the Vietnamese Office for the Central Steering Committee on Anti-Corruption.

(Source: Deuche Presse Agentur)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hình ảnh Gx Thánh Marcô Inala Úc Châu mừng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Đức Hoàng
16:28 25/11/2010
Giáo xứ Thánh Marcô Inala Úc Châu mừng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam vào ngày thứ tư, ngày 24, tháng 11, năm 2010.

Đoàn Thanh Niên diễn lại cuộc đời Thánh Trần Văn Trông, một quân nhân kiên cường giữ vững đức tin vào Đức Kitô.

Xem hình ảnh

 
Đại hội Dân Chúa: Sống mầu nhiệm Giáo hội
+GM Phêrô Trần Đình Tứ
18:44 25/11/2010
Đại hội Dân Chúa 2010: Thứ năm 25-11-2010
Tạ ơn – Cầu cho Giáo Hội và Dân Chúa Việt Nam
SỐNG MẦU NHIỆM GIÁO HỘI
Bài giảng của Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ

- Kh 18, 1-2, 21-23; 19, 1-3.9a: Thành Babylon vĩ đại đã sụp đổ rồi.

- Lc 21, 20-28: Giêrusalem sẽ bị các dân ngoại chà đạp, cho đến thời kỳ dành cho các dân ngoại chấm dứt.

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Hôm nay ngày bế mạc Đại hội Dân Chúa, chúng ta dâng lễ tạ ơn và cầu nguyện cho Hội Thánh Việt Nam.

Phụng vụ lời Chúa thứ năm tuần 34 thường niên mô tả cho chúng ta cảnh điêu tàn của ngày thế mạt, nhưng đồng thời cũng gợi lên niềm hy vọng rực sáng cho đoàn dân Chúa chọn.

Trong bài trích Sách Khải Huyền,thánh Gioan cho biết ngài đã nghe thấy nhiểu đoàn người trên trời tung hô: “Alleluia! Ơn cứu độ, vinh quang và quyền năng đều thuộc về Thiên Chúa chúng ta”. Sau đó một thiên thần nói với ngài: “Hãy viết rằng: Phúc cho những ai được mời tới dự tiệc cưới Con Chiên”.

Trong đoạn Tin Mừng theo thánh Luca, chúng ta cũng thấy đang khi Chúa cho biết những điềm hãi hùng sẽ xảy đến khắp nơi, nào là Giêrusalem bị phá hủy, nào là biển gầm sóng vỗ làm cho người ta kinh hãi chạy trốn, thì chính lúc đó “người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả” và Chúa Giêsu bảo chúng ta: “Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã đến gần”.

Trong những năm vừa qua, nếu căn cứ vào những gì đọc được trên các trang web, những lời phê bình chỉ trích hàng giáo phẩm rải rác đó đây, những đơn từ khiếu nại gởi tới giáo triều Rôma, chúng ta có cảm giác như Giáo Hội Việt Nam đang trải qua một cơn khủng hoảng trầm trọng. Nhưng qua Đại hội Dân Chúa vừa tiến hành, đáng được coi là cao điểm của Năm Thánh 2010, đặc biệt là những cảm tưởng được phát biểu trong phiên họp đúc kết, chúng ta lại thấy Giáo Hội Việt Nam đang sống trong một bầu khí thật chan hòa, cởi mở, những ngày đại hồng ân. Thật vậy, hơn 300 đại biểu thuộc các thảnh phần Dân Chúa Việt Nam trong cũng như ngoài nước đã quy tụ lại để cùng nhau cầu nguyện và dựa trên những tài liệu Huấn quyền hợp pháp của Giáo Hội, khiêm tốn tìm hiểu ý Thiên Chúa khi quy tụ Israel làm dân riêng của Ngài và khi Chúa Kitô khi thiết lập Giáo Hội, để cùng nhau tìm ra cách thể hiện những căn tính của Giáo Hội sao cho vừa hợp thánh ý Thiên Chúa vừa thích ứng được với những nhu cầu và những hoàn cảnh của xã hội Việt Nam hiện nay.

Qua bản đề cương, Tài liệu học tập về Năm Thánh rồi Tài liệu làm việc cũng như những bài thuyết trình, tham luận và những góp ý của các đại biểu tại Đại hội, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về ba nét đặc trưng của Giáo Hội Chúa Kitô, đó là: một thực thể mầu nhiệm, một cộng đoàn hiệp thông với sứ vụ mang ơn cứu độ đến cho muôn người. Chúng ta phải công nhận rằng, tất cả những diễn tiến trong Năm Thánh, đặc biệt là trong 5 ngày Đại Hội Dân Chúa sắp kết thúc đây, đều là hồng ân Thiên Chúa ban, giúp Giáo Hội Việt Nam canh tân đổi mới. Vậy trước hồng ân bao la ấy chúng ta phải làm gì?

Dĩ nhiên chúng ta phải tạ ơn Chúa. Nhưng việc tạ ơn của chúng ta không được gói gọn vào thánh lễ hôm nay, dù là rất sốt sắng và long trọng, tuy nhiên phải kéo dài suốt đời và phải thực hiện không những bằng những tâm tình nhưng còn phải diễn ra bằng việc làm và cuộc sống của chúng ta nữa. Thiết nghĩ việc làm đẹp lòng Chúa nhất là chúng ta hãy sống mầu nhiệm Giáo Hội, mầu nhiệm hiệp thông và sứ vụ của Giáo Hội, mà nhờ ơn Chúa soi sáng, chúng ta đã nhận ra qua những gì chúng ta đã học biết được trong những ngày tháng vừa qua.

Chúng ta biết Giáo Hội là một mầu nhiệm vì ngoài những cơ cấu hữu hình bên ngoài, còn có những thực tại thiêng liêng bên trong, và những thực tại thiêng liêng ấy mới là những yếu tố quan trọng. Giáo Hội không phải do con người lập ra, nhưng là do Thiên Chúa qui tụ lại trong Con yêu quí của Ngài là Chúa Giêsu Kitô rồi ban Thánh Thần để thánh hóa và hướng dẫn. Vì thế Giáo Hội được gọi là Dân Thiên Chúa, là Thân Thể mầu nhiệm của Chúa Kitô và Đền thờ của Chúa Thánh Thần.

Là Dân của Thiên Chúa, Giáo Hội phải sống và hoạt động theo chỉ thị và lề luật của Thiên Chúa. Vì thế, muốn canh tân Giáo Hội, chúng ta phải tìm hiểu ý Chúa, chứ không được làm theo những sáng kiến, những kế hoạch của con người. Chúa sẽ cho chúng ta biết ý định của Ngài khi chúng ta khiêm tốn cầu xin và suy gẫm Lời Chúa trong tinh thần và dưới sự hướng dẫn của Huấn quyền hợp pháp trong Giáo Hội. Chúa Kitô đã thiết lập cho chúng ta những phương thế để lãnh nhận ơn Chúa, đó là các bí tích, vì thế muốn được Chúa hướng dẫn, muốn hiểu đường lối của Chúa chúng ta phải năng lãnh nhận các bí tích, đặc biệt là cử hành Thánh Thể.

Trước mọi hoàn cảnh, cho dù là bi đát đến đâu, chúng ta hãy tin tưởng vào Chúa, vì như trong kinh Tiền tụng chúng ta sẽ đọc trong thánh lễ hôm nay Giáo Hội luôn xưng tụng: “Chúa không bao giờ bỏ mặc các công trình thượng trí Chúa đã làm, nhưng vẫn quan phòng, hoạt động giữa chúng con. Xưa Chúa đã dùng bàn tay uy quyền và cánh tay rộng mở dẫn đưa Israel, dân Chúa, qua sa mạc; nay bằng sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Chúa luôn đồng hành với Hội Thánh trên đường lữ thứ trần gian, và hướng dẫn Hội Thánh qua Đức Kitô, Chúa chúng con”. Quả đúng như lời Chúa Giêsu đã nói với thánh Phêrô: “Con là Đá Tảng, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực hỏa ngục sẽ không lấn át nổi”.

Giáo Hội là Thân Thể mầu nhiệm của Chúa Kitô, vì tất cả chúng ta, nhờ Phép Rửa, đã được Chúa Thánh Thần liên kết lại với Chúa Kitô thành một thân thể. Hơn thế, Chúng ta còn được nuôi dưỡng bằng Mình và Máu Chúa Kitô để được nên một với Người. Chính nhờ Thánh Thể mỗi ngày chúng ta được nên giống Chúa Kitô hơn cho tới lúc chúng ta được nên đồng hình đồng dạng với Người, mặc lấy những tâm tình những nhân đức của Người, khiến chúng ta có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Là chi thể trong thân thể Chúa Kitô, chúng ta cũng cần phải làm cho thân thể ấy lớn lên. Đã đón nhận đức tin, chúng ta cũng phải chia sẻ đức tin ấy cho những người khác. Được ghép vào Thân Thể Chúa Kitô, chúng ta cũng phải thi hành sứ vụ của Chúa Kitô đó là loan báo Tin mừng Nước Trời, đem ơn cứu độ đến cho muôn người. Được liên kết với Chúa Kitô, và trong Chúa Kitô chúng ta cũng được liên kết với nhau, nên cũng phải sống mầu nhiệm hiệp thông: yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ cho nhau những ân huệ thiêng liêng cũng như những của cải vật chất, cùng cộng tác với nhau để làm cho thân thể ấy mỗi ngày được thêm lớn mạnh và nên vẹn toàn hơn.

Giáo Hội là Đền thờ của Chúa Thánh Thần, vì Giáo Hội đã được thiết lập khi Chúa Giêsu hiện ra với các Tông đồ vào chiều ngày Phục Sinh, hà hơi ban Thánh Thần cho các ông, sai các ông ra đi rao giảng cho muôn dân (x. Ga 20, 21-23). Tuy nhiên, chỉ từ ngày lễ Ngũ tuần, khi Chúa Thánh Thần tỏ uy quyền của Ngài ra nơi các ông, các ông mới bắt đầu thi hành sứ vụ này, như lời Chúa đã căn dặn các ông trước: “Các con hãy ở lại trong thành cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống” (Lc 24, 49).

Chúa Thánh Thần ở trong Giáo Hội như linh hồn ở trong xác, hướng dẫn và điều khiển Giáo Hội. Vì thế sống mầu nhiệm Giáo Hội là ngoan ngoãn lắng nghe và thực hành những gì Chúa Thánh Thần dạy bảo. Tuy nhiên, để biện phân đâu là tiếng Chúa Thánh Thần, đâu là tiếng nói của bản thân và quyến rũ của các đam mê, dục vọng, các Thánh đã đưa ra dấu chỉ này là xem điều đó có hợp với giáo huấn của Giáo Hội không. Bởi vậy, khiêm nhượng đặt mình tuân theo giáo huấn của Giáo Hội, chúng ta sẽ được Chúa Thánh Thần soi sáng, hướng dẫn và sẽ không đi trật đường; ngược lại, chúng ta sẽ dễ bị lạc lối và gây hỗn loạn cho cộng đoàn.

Kính thưa cộng đoàn,

Chúng ta hãy tiếp tục lặp lại lời nguyện nhập lễ hôm nay để cầu nguyện cho Giáo Hội Việt Nam: “Lạy Chúa, Chúa muốn dùng các Hội Thánh địa phương tản mác khắp hoàn cầu để làm cho mọi người thấy được Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Xin gìn giữ linh mục và giáo dân hiệp nhất với giám mục của mình. Xin dùng lời Chúa và Thánh Thể quy tụ tất cả trong một Thánh Thần, để Hội Thánh Việt Nam chúng con nên hình ảnh của Hội Thánh toàn cầu và nên dấu chỉ của Chúa Kitô đang hiện diện trên thế giới. Amen.”

Giám mục Giáo phận Phú Cường
 
Sứ điệp của Đại hội Dân Chúa Việt Nam 2010
Đại hội Dân Chúa
22:01 25/11/2010
SỨ ĐIỆP CỦA ĐẠI HỘI DÂN CHÚA VIỆT NAM 2010

1. Trong Năm Thánh 2010 nhân kỷ niệm 350 năm thiết lập hai địa phận tông tòa đầu tiên và 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã triệu tập Đại hội Dân Chúa, từ ngày 21 đến 25 tháng 11 năm 2010, tại Trung tâm mục vụ Tổng giáo phận Tp. HCM. Hiện diện tại đại hội, có 32 giám mục, 300 đại biểu linh mục, tu sĩ, giáo dân thuộc 26 giáo phận và các dòng tu trên cả nước. Đại hội hân hạnh đón tiếp các vị đại diện đến từ các Giáo hội Canada, Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Thái Lan, và đại diện các cộng đoàn công giáo Việt Nam hải ngoại.

Từ khắp mọi miền đất nước quy tụ về đây như anh chị em dưới một mái nhà, đây chính là thời điểm của ân sủng và kinh nghiệm quý báu Chúa ban cho Hội Thánh tại Việt Nam. Xin dâng lời tạ ơn Thiên Chúa về hồng ân cao quý này. Đồng thời, ý thức rằng trong suốt thời gian Đại hội, được anh chị em tín hữu công giáo tại Việt Nam cũng như hải ngoại luôn đồng hành trong lời cầu nguyện và qua những ý kiến đóng góp cho Đại hội, xin gửi đến mọi người lời cảm ơn chân thành nhất.

2. Đại hội Dân Chúa được khai mạc trọng thể vào ngày lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ, 21-11-2010, tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Sàigòn với sự tham dự đông đảo của anh chị em tín hữu. Cử hành lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ để khai mạc Đại hội giúp chúng tôi xác tín hơn vào sứ mạng của Hội Thánh. Chúa Kitô đã thiết lập Nước Thiên Chúa là “vương quốc của sự thật và sự sống, vương quốc thánh thiện và toàn phúc, vương quốc công chính, yêu thương và an bình” [1]. Hội Thánh Chúa Kitô có mặt trong lịch sử nhân loại với sứ mạng loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa trong quyền năng của Thánh Thần. Cũng thế, Hội Thánh Chúa Kitô tại Việt Nam có sứ mạng loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, tiếp nối sứ mạng yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô, góp phần kiến tạo nền văn hóa sự sống và văn minh tình thương trên quê hương đất nước này.

3. Sứ mạng đó đòi hỏi Hội Thánh phải đổi mới không ngừng để thực sự là Hội Thánh Chúa Kitô giữa lòng quê hương Việt Nam. Chúng tôi xác tín rằng Hội Thánh tại Việt Nam không phát xuất từ sáng kiến và nỗ lực của con người nhưng hoàn toàn phát xuất từ Thiên Chúa, sống nhờ Ngài và hướng tới Ngài [2]. Vì thế, trong mọi hoàn cảnh, điều quan trọng nhất vẫn là củng cố, canh tân, đào sâu mối hiệp thông của mỗi người tín hữu cũng như của mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn với Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa và cử hành Thánh Thể. Cử hành Thánh Thể phải thực sự trở thành tâm điểm trong đời sống Hội Thánh tại Việt Nam. Để được như thế, cử hành Thánh Thể cần được nối dài bằng cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa, đào sâu chân lý đức tin. Ước mong rằng trong những năm sắp tới, Hội Thánh tại Việt Nam sẽ đẩy mạnh việc phổ biến và học hỏi Lời Chúa bằng những phương thế khác nhau, để Lời Chúa thực sự trở thành của ăn nuôi dưỡng tâm hồn, kim chỉ nam và ánh sáng soi dẫn mọi quyết định và chọn lựa của các tín hữu.

4. Đại hội cũng xác tín rằng để thực sự là Hội Thánh của Chúa Kitô nhập thể và nhập thế, Hội Thánh tại Việt Nam phải nhập thể vào văn hóa và lịch sử của dân tộc mình. Trong hơn 4 thế kỷ hiện diện tại Việt Nam, Hội Thánh đã góp phần không nhỏ vào đời sống và sự phát triển của đất nước. Chính những người công giáo đầu tiên đã tạo ra chữ quốc ngữ mà mọi người Việt Nam hiện đang sử dụng. Các trường công giáo đã đào tạo biết bao nhân tài cho đất nước. Cũng chính người công giáo đã đem những giá trị nhân văn thấm vào đời sống xã hội như tôn trọng sự sống và phẩm giá con người, sự bình đẳng, tình bác ái, tinh thần phục vụ, hi sinh. Tiếp nối công trình của cha ông, Hội Thánh ngày nay cũng phải dấn thân vào việc xây dựng đất nước về mọi mặt: văn hóa xã hội, cũng như kinh tế chính trị, vì ý thức rằng: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, đối với người Công giáo, không những là một tình cảm tự nhiên phải có, mà còn là một đòi hỏi của Phúc âm” [3]. Khi dấn thân xây dựng xã hội trần thế, Hội thánh “không hề muốn thay thế Chính Quyền, nhưng chỉ mong rằng trong tinh thần đối thoại và hợp tác tôn trọng lẫn nhau, Hội thánh có thể góp phần mình vào đời sống của Đất nước, nhằm phục vụ tất cả mọi người dân” [4]. Đó cũng là lời chứng cho mọi người thấy vẻ đẹp đích thực của Tin Mừng như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhắn nhủ tất cả chúng ta, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân: “Bằng đời sống xây nền trên đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích, anh chị em phải chứng tỏ rằng người công giáo tốt cũng là người công dân tốt” [5].

5. Hội Thánh tại Việt Nam còn phải canh tân chính mình qua nỗ lực xây dựng Hội Thánh như một gia đình, trong đó mọi người hiệp thông với nhau như anh chị em một nhà, bình đẳng với nhau trên nền tảng ơn gọi làm người và làm con Chúa, chia sẻ cùng một sứ mạng và trách nhiệm dù được thể hiện trong những bậc sống và nhiệm vụ khác nhau. Sự hiệp thông này vừa là đòi hỏi vừa là lời chứng cần thiết mà Hội Thánh phải bày tỏ trước mặt mọi người như Chúa Giêsu đã thiết tha cầu nguyện: “Xin cho họ nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong Chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17,21). Trong những ngày Đại hội, chúng tôi cảm nghiệm được bầu khí hiệp thông huynh đệ này khi mọi thành phần Dân Chúa sống chung với nhau như anh chị em trong một gia đình, cùng lắng nghe tiếng Chúa qua cầu nguyện, chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm và suy tư về Hội Thánh qua các bài thuyết trình, tham luận và hội thảo, với thao thức xây dựng Hội Thánh như lòng Chúa mong muốn. Sự hiện diện của đại diện các Giáo Hội chị em lại mở rộng hơn nữa chân trời hiệp thông trong Hội Thánh Chúa Kitô. Ước mong bầu khí huynh đệ này được trải rộng và thấm sâu vào đời sống Hội Thánh tại Việt Nam ở mọi cấp độ, trong mỗi gia đình, mỗi giáo xứ, mỗi dòng tu, mỗi giáo phận.

Để bày tỏ khuôn mặt Hội Thánh như một gia đình, đại hội kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa hợp tác chặt chẽ với nhau trong tình hiệp nhất yêu thương. Xin anh chị em giáo dân tích cực tham gia vào đời sống và sứ mạng của Hội Thánh bằng những khả năng chuyên môn Chúa ban cho mình. Các gia đình công giáo được mời gọi giữ vững và củng cố ơn gọi hôn nhân Kitô giáo, xây dựng gia đình như Hội Thánh tại gia, cái nôi của sự sống, mái ấm của tình thương và ngôi trường đầu tiên đào tạo con người toàn diện. Đối với các bạn trẻ, xin các bạn nhiệt thành tham gia vào những sinh hoạt của Hội Thánh để đem sức sống và sự tươi trẻ cho đời sống Hội Thánh. Gia đình và giáo xứ phải quan tâm đặc biệt đến việc giáo dục các đức tính nhân bản cho thiếu nhi, để sau này trở nên những con người hữu ích cho xã hội và Hội Thánh. Ước mong các tu sĩ thực sự trở nên dấu chỉ và chứng nhân sống động của tình yêu vô điều kiện mà Thiên Chúa dành cho con người, nhất là những người bé mọn trong xã hội. Đại hội nhấn mạnh vai trò của các giám mục và linh mục trong Hội Thánh. Công cuộc canh tân Hội Thánh cần được bắt đầu từ hàng linh mục, vì thế ước mong các giám mục và linh mục Việt Nam không chỉ là người quản trị giỏi nhưng trước hết là người của Chúa và là những mục tử nhân lành, biết gắn bó với Chúa Giêsu trong cầu nguyện để có thể phục vụ cộng đoàn theo gương Thầy chí thánh, biết tôn trọng và phát huy vai trò người giáo dân trong tinh thần đối thoại và cộng tác.

6. Để thi hành sứ mạng yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô trong hoàn cảnh ngày nay, Hội Thánh phải là chất xúc tác của nền văn hóa sự sống và văn minh tình thương trên đất nước Việt Nam. Trong hai thập niên vừa qua, cùng với sự phát triển kinh tế, có nhiều điều đáng lo ngại cho tiền đồ của dân tộc. Nạn phá thai, ly dị, ma túy, mãi dâm, sự gia tăng cách biệt giầu nghèo, tình trạng bất công, bóc lột, tham nhũng, tàn phá môi sinh… tất cả đang có chiều hướng gia tăng và là những dấu hiệu cụ thể của “nền văn hóa sự chết”. Xác tín rằng Tin Mừng là “men của tự do và tiến bộ, nguồn của tình huynh đệ, của khoan dung và hòa bình” [6], nên hơn ai hết, người công giáo Việt Nam có sứ mạng kiến tạo nền văn hóa sự sống và văn minh tình thương trên đất nước này, đồng thời sẵn sàng đối thoại chân thành và cộng tác lành mạnh với mọi người thiện chí, không phân biệt tôn giáo hay chính kiến, nhằm phục vụ sự phát triển toàn diện của mọi người trong xã hội [7], nhất là những người nghèo khổ và bị bỏ rơi. Trong tinh thần đó, chúng tôi đề nghị Chính quyền Việt Nam mở rộng cánh cửa cho các tôn giáo tham gia vào việc giáo dục học đường và y tế cộng đồng, vì ích lợi của người dân và của cả dân tộc.

7. Đối chiếu với sứ mạng cao cả đã lãnh nhận từ Chúa Giêsu: “Anh em phải là muối cho đời, ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,13.14), chúng tôi nhìn nhận mình còn nhiều lỗi lầm thiếu sót, vì thế khiêm tốn xin Chúa và anh chị em trong cũng như ngoài Hội Thánh tha thứ cho. Hội Thánh cũng nhớ đến biết bao khổ đau, bất công, bách hại đã phải chịu trong suốt chiều dài lịch sử của mình, không phải để nuôi dưỡng oán thù nhưng để tha thứ và cầu nguyện cho những người đã bách hại Hội Thánh, theo gương Chúa Kitô là Đấng đã hoàn tất công trình cứu chuộc trong sự khó nghèo và bị bách hại [8]. Các thánh tử đạo Việt Nam vừa là gương mẫu vừa là động lực thúc đẩy Hội Thánh thi hành sứ mạng yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô trên quê hương đất nước mình.

8. Đại hội Dân Chúa Việt Nam kết thúc nhưng lại mở ra cho những bước chân hi vọng, niềm hi vọng được khơi nguồn và hoàn tất nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Tất cả những ý kiến của Đại hội sẽ được đúc kết thành những đề nghị, là chất liệu chính của văn kiện hậu Đại hội, nhằm đưa ra những định hướng và kế hoạch mục vụ của Hội Thánh Việt Nam trong những năm sắp tới. Maranatha, lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến (Kh 22,20). Đây vừa là lời cầu xin vừa diễn tả niềm khao khát và hi vọng của Đại hội. Nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ La Vang và Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin Chúa ngự đến trong tâm hồn mỗi người chúng con và biến đổi chúng con thành môn đệ đích thực của Chúa. Xin Chúa ngự đến trong mỗi gia đình công giáo, để gia đình trở thành cộng đoàn thờ phượng Chúa, hiệp nhất yêu thương nhau và cùng nhau làm chứng cho Tin Mừng Nước Trời. Xin Chúa ngự đến và hiệp nhất tất cả chúng con trong cùng một sứ mạng yêu thương và phục vụ, quyết tâm xây dựng nền văn hóa sự sống và văn minh tình thương, để dung nhan Chúa bừng sáng trên quê hương Việt Nam chúng con. Maranatha, lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến.

Làm tại Trung tâm mục vụ Tổng giáo phận Tp. HCM.,

Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam 2010

–––––––––––––––––––––––––––

[1] Kinh Tiền tụng lễ Chúa Kitô Vua.

[2] Xem Bênêđictô XVI, Sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2010. Cũng xem Tài Liệu Làm Việc, số 2.

[3] Thư chung 1980 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

[4] Bênêđictô XVI, Huấn từ dành cho Hội Đồng Giám Mục Việt Nam dịp Ad Limina 2009.

[5] Như trên.

[6] Bênêđictô XVI, Sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2010.

[7] Bênêđictô XVI, Thông điệp Bác Ái trong Chân Lý, số 4-6.

[8] Hiến chế tín lý về Giáo Hội Ánh Sáng Muôn Dân, số 8.

Đại hội Dân Chúa Việt Nam 2010

(Nguồn: http://daihoidanchua.net/b%C3%A0i-vi%E1%BA%BFt-tin-t%E1%BB%A9c/20101126468/s%E1%BB%A9-%C4%91i%E1%BB%87p-c%E1%BB%A7-%C4%91%E1%BA%A1i-h%E1%BB%99i-d%C3%A2n-ch%C3%BAa-vi%E1%BB%87t-nam-2010)
 
Đại hội Dân Chúa: Vài suy tư
Lm Phanxicô Phạm Ngọc Quang
22:07 25/11/2010
VÀI SUY TƯ ĐÓNG GÓP CHO ĐẠI HỘI DÂN CHÚA 2010

Tham luận của Lm Phanxicô Phạm Ngọc Quang, Giáo phận Kontum

1. Dẫn nhập:

2. Điều gì làm nên căn tính một con người? căn tính của cộng đoàn?

3. Thực tại nào cho căn tính của cộng đoàn kitô hữu Việt Nam ?

a) Hỗ trợ sự phát triển đa dạng của các cộng đoàn địa phương.

b) Duy trì sự hiệp thông trong Giáo Hội địa phương.

4. Vài đề nghị thêm cho hướng đi mục vụ.

a) Triển khai Mục Vụ Tiếp Đón

b) Hệ Thống Thông Tin Vĩ Mô,

c) Đào tạo nhân sự

5. Kết:


1. Dẫn nhập:

Giáo Hội tại Việt Nam ước mong thực hiện cuộc đổi mới. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam thao thức thực hiện cuộc nhập thể của Giáo Hội vào nền văn hóa đặc thù của địa phương, nhưng vẫn giữ được căn tính của mình là Giáo Hội Chúa Kitô[1].

Đất nước đang phát triển nhanh chóng về mọi lĩnh vực, trong bối cảnh toàn cầu hóa, các trào lưu khoa học, văn hoá, nhân bản - hay dở lẫn lộn - đang tràn ngập vào xã hội Việt Nam, kéo theo nhiều thay đổi lớn trong sinh hoạt xã hội. Cuộc sống đa văn hóa, đa tôn giáo, thành thị hóa đang đưa con người hôm nay thoát khỏi khung trời nhỏ hẹp của làng xóm, của cộng đoàn, của gia đình truyền thống. Cuộc sống đó làm phát sinh nhu cầu đi tìm lại ý nghĩa cuộc sống con người, xây dựng lại ý thức hệ tôn giáo cho riêng mình, cho cộng đoàn trong thế giới hôm nay. Người Công Giáo, xuất thân từ môi trường tôn giáo truyền thống, đang đứng trước nguy cơ lạc lõng, mất hút trong đám đông, không biết làm sao để thể hiện căn tính người Công Giáo (identité chrétienne) như xưa. Thanh thiếu niên đang tuổi chuẩn bị bước vào đời có lẽ dễ bị dao động nhất. Giáo xứ nào cũng có hiện tượng thanh thiếu niên không thiết tha học giáo lý nữa. Giáo lý viên thường cảm thấy hụt hẫng, không thể thu hút giới trẻ đến với sinh hoạt tôn giáo. Giới trẻ, một khi phải sống xa nhà vì công việc hay để đi học - những kẻ di dân nội địa - tức là rời môi trường gia đình và sinh hoạt giáo xứ, khó có thể sống căn tính Kitô hữu trong lòng dân tộc. Phải chăng Tin Mừng thành xa lạ với họ ? Phải chăng sống Tin Mừng - sống đạo - không giúp cho họ tìm được căn tính của mình, không giúp họ thích ứng với cuộc sống đa chiều hôm nay ? Những kiến thức văn hoá tôn giáo của thế hệ cha ông truyền đạt lại – mầu nhiệm cứu độ, luân lý đạo đức – như tách rời khỏi hệ thống giá trị và cấu trúc hiện hành của xã hội.

Căn tính và hoạt động của cộng đoàn kitô hữu Việt Nam cần được canh tân cho phù hợp với cuộc sống phức tạphôm nay. Giáo Hội Việt Nam muốn tìm hướng đi mới qua ba chủ đề: Mầu nhiệm - hiệp thông - sứ vụ. Có lẽ, theo tôi, đó là ba khía cạnh, 3 góc nhìn khác nhau của một vấn đề:

Làm thế nào để xây dựng, hình thành căn tính của cộng đồng dân Chúa trong xã hội hôm nay?

Hướng đi nào Giáo Hội Việt Nam cần chọn để thể hiện được một sức sống phù hợp với tình hình xã hội – đang trên đà thay đổi nhanh chóng - mà vẫn giữ được căn tính Giáo Hội của đức Kitô ?

Đó là một thách đố lớn cho Giáo Hội Việt Nam, một công việc dài hơi của mọi thành phần Dân Chúa. Những suy tư này không phải là cuộc nghiên cứu về căn tính của Giáo Hội, cũng không tìm cách giải quyết những xung đột, rạn nứt trong Giáo Hội và với xã hội hiện hành. Nhưng nêu lên một cái nhìn khái quát về cộng đoàn dân Chúa để có thêm hướng suy tư cho cộng đồng dân Chúa.

2. Điều gì làm nên căn tính một con người? căn tính của cộng đoàn?

Căn tính là điều làm cho một cá nhân mang tính đặc thù. Căn tính một người được hình thành ngoài nguồn gốc di truyền còn có truyền thống gia đình, văn hóa địa phương và môi trường xã hội. Như vậy căn tính con người được tổng hợp từ nhiều nguồn và tiến triển không ngừng trong suốt cuộc đời. Cuộc sống, ít nhiều văn minh tiến bộ,tạo thành bối cảnh cho con người có cùng lúc nhiều căn tính khác nhau như: căn tính của người làm cha, mẹ trong gia đình, căn tính đặc thù của làng xóm, địa phương, căn tính của người công giáo.

Căn tính một cộng đoàn cũng mang tính chất phức hợp như căn tính cá nhân. Căn tính cộng đoàn giúp các thành viên hoà nhập trong môi trường của cộng đoàn, cảm thấy mình gắn bó với cộng đoàn, mỗi người một cách thức khác nhau, nhưng đều có cảm nhận mình thuộc về cộng đoàn. Chính sự thống nhất, hòa hợp đó tạo nên căn tính cộng đoàn[2]. Và cũng như căn tính cá nhân, căn tính cộng đoàn luôn ở số nhiều, tức là ngay trong một thánh phần của cộng đoàn cũng mang nhiều căn tính tập thể khác nhau. Căn tính cộng đoàn hình thành qua kinh nghiệm thể hiện sự khác biệt với các cá nhân hay nhóm khác. Khi căn tính cộng đoàn trở thành đống nhất, tất cả sự khác biệt bên trong cộng đoàn bị xóa bỏ, những cảm nhận đặc thù - để nhận diện mình thuộc về cộng đoàn - trở thành ưu tiên một. Đây là yếu tố quan trọng cần ghi nhận khi những căn tính cộng đoàn được sử dụng như công cụ tuyên truyền cho cộng đoàn trong môi trường toàn cầu hóa hiện nay.

Như vậy căn tính cộng đoàn mang tính chất, phần nào đó, mỏng dòn, ít nhiều ổn định, được các thành viên ý thức ít nhiều. Các sắc thái này hiện diện khi căn tính cộng đoàn gặp khủng hoảng, đang đi tìm hướng đi mới, đang gặp nhiều sợ hãi, bị lạm dụng hay mang nhiều tham vọng để biện minh cho hiện tại và mang niềm hy vọng cho tương lai[3].

Căn tính văn hóa và tôn giáo thường gắn kết với căn tính cộng đoàn, qua những tập tục, thói quen, nghi lễ. Luật lệ, quy định thường gắn liền với văn hóa, tạo thành cơ cấu xã hội, làm các thành viên nhận biết nhau và gắn bó với một cộng đoàn đặc thù[4].

Khi một cộng đoàn bị phân tán, khi môi trường có nhiều văn hóa hội tụ, như trường hợp thành thị hóa, con người sẽ phải đối diện với một thực tại của hai cơ chế xã hội đối lập. Nói cách khác, khi có sự chung sống của nhiều nền văn hóa, nhiều sắc tộc, nhiều căn tính cộng đoàn, sẽ phát sinh những kinh nghiệm sống căn tính đặc thù của một cộng đoàn. Các thành viên thể hiện những thói quen, nghi thức, nguyên tắc thường xuyên hơn, để tăng cường hoặc củng cố cảm nhận gắn bó, thuộc về cộng đoàn rõ nét hơn. Như vậy một nền văn hóa có thể là căn tính cộng đoàn của nhiều sắc tộc, hay ngược lại, một sắc tộc có thể mang nhiều văn hóa, nhiều truyền thống khác nhau.

Những khái niệm về căn tính cá nhân hay cộng đoàn trên đây dựa trên hai điểm chính:

1. Nguồn xây dựng nội tại, chủ quan của các thành viên trong cộng đoàn.

2. Nguồn xây dựng ngoại tại, theo mối tương quan của môi trường.văn hóa, chính trị, xã hội.

Cả hai điểm bổ sung, đan vào nhau để xây dựng nên căn tính của một người, một cộng đoàn. Quá trình này diễn biến liên tục qua những trải nghiệm, giao tiếp, va chạm với bối cảnh thực tiễn.

3. Thực tại nào cho căn tính của cộng đoàn kitô hữu Việt Nam?

HĐGMVN triệu tập ĐHDC, thao thức mong thực hiện một cuộc đổi mới Giáo Hội tại Việt Nam. Đổi mới ai? Đổi mới thế nào mà vẫn ý thức được căn tính của cộng đồng Giáo Hội đức Kitô?

a. Hỗ trợ sự phát triển đa dạng của các cộng đoàn địa phương.

Giáo Hội Việt Nam bao gồm nhiều cộng đoàn mang sắc thái dân tộc[5], văn hóa địa phương khác biệt. Khi nhu cầu đổi mới của Giáo Hội trở nên bức thiết, là đã nảy sinh những rạn nứt, thất bại trong sinh hoạt của nhiều cộng đoàn dân Chúa tại địa phương. Mục vụ phát huy, hội nhập văn hóa, xây dựng căn tính cho cộng đoàn địa phương[6] cần chính nỗ lực của mỗi tín hữu tại cộng đoàn địa phương đó. Giáo lý truyền thống tạo nên căn tính bền vững cho cộng đoàn giáo dân từ bao đời, trong xã hội đang bùng nổ sự phát triển dân số và kinh tế này, cần nhiều nỗ lực đổi mới xây dựng căn tính cho cộng đoàn Kitô giáo mình. Nói tới xây dựng căn tính là nói tới những yếu tố gây khác biệt, tạo khoảng phân cách giữa tín hữu và người ngoài. Môi trường đa văn hóa, nhiều sắc tộc, sẽ mang nhiều sắc thái khác nhau hơn.

Sự phát triển của Internet làm phát sinh một cộng đồng mới mang tên gọi là “dân cư trên mạng”. Cộng đoàn đó ngày càng lớn mạnh, mang tầm vóc quốc tế. Giáo Hội tại nhiều quốc gia đã đưa ra những phương thế truyền giáo trên mạng. Một dạng “cộng đoàn ảo” không ranh giới, nhưng xây dựng một căn tính riêng, ngày càng có ảnh hưởng mạnh lên hệ thống xã hội hiện hành. Giáo Hội Việt Nam chưa có tiếng nói chính thức, để đối thoại và cùng nhau xây dựng một căn tính cho cộng đoàn trên mạng này.

b. Duy trì sự hiệp thông trong Giáo Hội địa phương[7].

Để khuyến khích những sáng kiến canh tân sinh hoạt của các cộng đoàn, Giáo Hội địa phương cần lắng nghe, hỗ trợ về nhân lực, cung cấp những tài liệu, phương tiện, tài chính cần thiết.

Những sinh hoạt đa dạng của các cộng đoàn, với tính đặc thù chuyên biệt cao, dễ tạo nên sự đồng cảm, mối liên kết mật thiết hơn giữa các thành viên trong cộng đoàn đó, nhưng cũng có nguy cơ phân tán Giáo Hội địa phương thành những mảng căn tính cộng đoàn cách biệt, nhiều khi trở thành xung khắc lẫn nhau. Khi đó, có những thành viên của Giáo Hội địa phương phải đối diện với nguy cơ bị loại trừ, tức là có những lúc mất đi cảm nhận mình đang thuộc về, đang ở trong cộng đoàn: họ như người khách lạ, người ngoại cuộc trong Giáo Hội địa phương, nơi mà chính họ đã và đang góp phần xây dựng, duy trì. Hiện tượng đó thường gặp trong môi trường đa tôn giáo, gây nên xung đột và tiêu diệt lẫn nhau. Xung đột giữa Palestine và Israel là một ví dụ điển hình[8]. Với khuynh hướng cá nhân hoá, phát triển căn tính đặc thù của nhiều cộng đoàn trong bối cảnh xã hội phức tạp hiện nay, tình trạng căng thẳng, xung đột giữa hai hay nhiều cộng đoàn đặc thù, hoặc giữa các cộng đoàn địa phương với Giáo Hội địa phương là điều dễ xảy ra.

c. Khi nào căn tính cộng đoàn địa phương cần đổi mới ?

Một cộng đoàn trên đà suy thoái, cần đổi mới, có thể nhìn thấy qua 4 dấu hiệu:

- Cộng đoàn cơ sở/địa phương suy yếu, không phát triền.

- Các chủ chăn, trưởng cộng đoàn chia rẽ - bất đồng (chia rẽ nội bộ)

- Mục tiêu/sứ vụ mù mờ.

- Cơ cấu không thích ứng với môi trường sống, với sự thay đổi của xã hội hiện hành.

Khi đó thành viên thấy mình lạc lõng, xa lạ dần với chính cộng đoàn cố hữu của mình. Căn tính của cộng đoàn địa phương cần thay đổi. Sự canh tân hữu hiệu khi được thực hiện cùng lúc trên ba bình diện: cơ cấu tổ chức (4); sứ vụ, mục đích sống của mỗi thành viên (3); và tăng cường sự hiệp thông, đoàn kết nội bộ, nhất là những người lãnh đạo.

Giáo Hội địa phương, hơn lúc nào hết, vừa phát huy nỗ lực canh tân, tìm cách thu nhận những điểm tích cực của văn hóa địa phương, vừa phải bảo đảm được các tính chất của Giáo Hội là duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền. Những phương cách cấm đoán, ra lệnh hay ban đặc ơn từ trên đưa xuống - tức cơ cấu xin cho – mà một thời góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng Hội Thánh, nay có nguy cơ tạo nên những hố sâu ngăn cách, thậm chí bóp nghẹt sức sống của các cộng đoàn địa phương.

4. Vài đề nghị thêm cho hướng đi mục vụ.

Qua vài suy tư ngắn gọn trên, tôi xin đề nghị:

a.Triển khai Mục Vụ Tiếp Đón[9]

- Phòng tiếp đón và hướng dẫn, là khâu rất quan trọng, không thể thiếu trong các công ty, cơ cấu hành chính hiện nay. Văn phòng tiếp đón – thông tin tại các cộng đoàn địa phương – hội đoàn, giáo xứ và giáo phận – có thể kiêm luôn công việc của văn phòng thường trực. Đó sẽ là nơi tạo mối dây liên lạc, cập nhật thông tin, làm cầu nối quan trọng trong cộng đoàn và với các cộng đoàn khác.

- Các phòng tiếp đón - thường trực trong giáo phận cần liên lạc, phối hợp thành một Hệ thống tiếp tân- ban thường trực. Các thông tin, giấy tờ trong Giáo Hội (chứng nhận bí tích, giấy chuẩn...) lúc đó có thể gởi qua đường bưu điện, liên hệ trao đổi qua email. Như vậy vừa trao đổi, gởi được những giấy tờ cần giữ kín (như giấy điều tra hôn phối), vừa giúp giáo dân đỡ đi lại, phải đến gặp trực tiếp.

b. Hệ Thống Thông Tin Vĩ Mô.

- Các trung tâm hành hương, giáo xứ lớn, văn phòng thường trực Tòa Giám Mục, các ủy ban của HĐGM.. . cần mở trang Website cập nhật hóa thường xuyên với email liên lạc.

- Lập ban đại diện thường trực tiếp xúc, trao đổi với dân cư trên mạng. Việc phối hợp với các ủy ban chuyên ngành là cần thiết. Ban làm việc trực tuyến không thể làm việc khi chưa thực hiện hệ thống văn phòng thường trực chuyên ngành.

- Các ban thường trực của ủy ban chuyên ngành có thể - và có thẩm quyền - hướng dẫn, cung cấp những tài liệu chính thức của Giáo Hội, giải đáp thắc mắc cho đối tượng cần thiết (như văn phòng TGM, thần học gia...)

c. Đào tạo nhân sự

- Thành lập Ban phụ trách ơn gọi cấp vĩ mô. Các vị phụ trách ơn gọi nên có những buổi họp định kỳ - triều cũng như dòng - để bàn về đường hướng đào tạo và yêu cầu ban giảng huấn các chủng viện, học viện đề ra hướng đào tạo tương ứng, phù hợp với nhu cầu chung của HĐGM, các giáo phận và/hay dòng tu.

- Học và làm việc với thông tin Internet là công cụ cần đưa vào chương trình đào tạo các linh mục, tu sĩ, giáo dân làm công tác mục vụ.

- Môn mục vụ giáo lý và xã hội[10], là công cụ tìm hiểu và hỗ trợ giải quyết những vấn đề mục vụ thiết thực trong xã hội, cần đưa vào chương trình đào tạo tại chủng việc và chương trình nghiên cứu chuyên sâu.

- Mở thêm các điểm tĩnh tâm – cho giáo dân và tu sĩ - với các chuyên gia hướng dẫn theo chuyên đề. Các điểm hành hương có lẽ chưa chú trọng nhiều tới vấn đề này. Đó là nơi đào tạo tâm linh ngày càng bức thiết trong xã hội đa chiều hôm nay.

5. Kết:

Sự thay đổi nhanh chóng của thế giới đa chiều hôm nay thách thức tất cả chúng ta nhận thức rõ hơn căn tính kitô hữu Việt Nam và bản sắc thực của văn hóa dân tộc trong Tin Mừng. Nhu cầu canh tân Giáo Hội cần thiết để sứ điệp Tin Mừng không bị tụt hậu hay mất hút trong những trào lưu văn hóa xã hội, lu mờ vì thông tin Internet, đang dồn dập đến cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước.

Mặt khác Giáo Hội của đức Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một. Điều nào cần đổi mới, điều nào phải duy trì? Đã đến lúc các chuyên gia cần ngồi lại, đã đến lúc HĐGM cần không thể làm việc rời rạc như những tổ chức, ủy ban nằm cạnh nhau, nhưng liên kết thành hệ thống. Đã đến lúc Giáo Hội cần có những chương trình dài hạn, những nghiên cứu chuyên sâu. Và như vậy Giáo Hội Việt Nam sẽ không ngỡ ngàng phản ứng quá trễ như việc từ chức của đức TGM Warsovie của Giáo Hội Ba Lan, như sự kiện ấu dâm tại Bỉ vừa qua.

Ước mong cho đại hội dân Chúa sẽ mở ra một hướng đi mới, cho Giáo Hội Việt Nam can đảm đón nhận luồng gió mới. Và để kết thúc, xin mượn lời của đức Giáo hoàng Bênêđictô: Tôi biết là cơ cấu Giáo Hội sẽ phải đổi mới. Nhưng đổi mới thế nào thì tôi không biết!

Gx. Ninh Đức – Yali, Giáo phận Kontum

________________________________________

[1] Xem “Tài liệu làm việc cho Đại Hội Dân Chúa” §1

[2] Identité collective

[3] Phỏng theoNifle Roger, Identité, culture et développement, des communautés territoriales, “Le Journal Permanent de L'Humanisme Méthodologique”, mai 1998, lên Internet T.2 26/07/2004: http://journal.coherences.com/article.php3?id_article=138

[4] Về vấn đề này, Nhà Nước thường xem tôn giáo là một biểu hiện của văn hóa dân tộc, lễ nghi tôn giáo là một lễ hội văn hóa, nên tôn giáo được công nhận như là một nhu cầu tâm linh “không thể tách rời” của người dân.

[5] Nhà Nước tuyên bố Việt Nam là nước đa sắc tộc - 54 dân tộc – và muốn phát huy các nền văn hóa sắc tộc bản địa.

[6] Cộng đoàn giáo dân địa phương được hiểu như là một giáo xứ, một vùng văn hóa đặc thù, một cộng đoàn sắc tộc.

[7] Giáo Hội địa phương như là một thành phần của Giáo Hội hoàn vũ (Église particulière comme une portion de l’Église universelle): tức là tổ chức Giáo Hội tù cấp giáo phận trở lên.

[8] Xung đột giữa 2 nền văn hóa tôn giáo độc tôn đó - Hồi Giáo và Do Thái giáo - được gọi là cú sốc văn hóa (choc de civilisation)

[9] Nói cho đúng là: sách lược tiếp đón (Stratégie d’accueil)

[10] Gọi chung là mục vụ giáo lý: Pastorale catéchétique, là môn mới lạ đối với các chủng viện. Nhưng khi làm việc, các linh mục thường phải giải quyết những vấn nạn này nhiều hơn là vấn đề thần học kinh viện. Trong tài liệu làm việc ĐHDC ghi là “học viện giáo lý” dễ hiểu lầm là môn sư phạm giáo lý.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Nạn tham nhũng trong lĩnh vực đất đai đã trở nên phổ biến ở Việt Nam
Đức Tâm/RFI
10:26 25/11/2010
Nạn tham nhũng trong lĩnh vực đất đai đã trở nên phổ biến ở Việt Nam

Theo AFP, hôm nay (25/11), một báo cáo về tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực đất đai tại Việt Nam đã được công bố. Nghiên cứu này, được tiến hành theo yêu cầu của Ngân hàng Thế giới, sứ quán Thụy Điển và Đan Mạnh tại Việt Nam. Tài liệu nhận định tệ nạn tham nhũng đã trở nên « phổ biến ».

Theo đại sứ Thụy Điển Staffan Herrstrom, có tới 86% số hộ gia đình được hỏi cho biết là họ có cảm giác nạn tham nhũng tồn tại trong lĩnh vực đất đai. 33% số doanh nghiệp nói rằng họ đã phải hối lộ để có được quyền sử dụng đất.

Theo luật Việt Nam, đất đai thuộc sở hữu của nhà nước nhưng người dân hoặc doanh nghiệp có thể mua, trao đổi hoặc bán giấy chứng nhận sử dụng đất. Bản nghiên cứu nhấn mạnh, việc cấp giấy sử dụng đất là một trong những nguồn gốc của tệ nạn tham nhũng.

Đại sứ Thụy Điển nói, quy trình thủ tục cấp giấy phép sử dụng đất rất nặng nề, cực kỳ quan liêu, tạo ra một môi trường trong đó nạn tham nhũng có thể sinh sôi nẩy nở. Trong khi đó, đại diện sứ quán Đan Mạch nhấn mạnh, do tham nhũng, người nghèo lại càng nghèo hơn và người giầu lại càng giầu hơn. Nguyên nhân là do việc chuyển giao đất đai của một bộ phận dân chúng ở nông thôn cho các nhà đầu tư và những người giầu có ở thành thị, với mức giá thấp hơn thị trường.

Bản báo cáo nhận định, tình trạng này dẫn đến việc người dân mất tin tưởng vào chính quyền, bởi vì có hiện tượng xung đột lợi ích, nói một cách khác là các quan chức hưởng lợi, nhận hối lộ khi ra các quyết định trưng dụng, thu mua đất đai của dân nghèo, để giao cho các đối tác khác và tham nhũng đã tạo ra một sự bất ổn định xã hội thực sự.

Tại Việt Nam, cho đến nay, vẫn có khoảng 70% dân số sống ở nông thôn. Do tiến trình công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh, nhiều diện tích đất đai trồng trọt ở nông thôn được chuyển thành các khu xây dựng nhà ở hoặc khu công nghiệp. Việc trưng dụng đất đai, đền bù thấp đã gây ra nhiều bất bình trong tầng lớp dân nghèo ở nông thôn. Nhiều vụ xung đột, tranh chấp đất đai, thậm chí dẫn đến chết người, đã xẩy ra trong những năm gần đây.