Ngày 25-11-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ai Thật Sự Tỉnh Thức?
Tuyết Mai
07:51 25/11/2008
Ai Thật Sự Tỉnh Thức?

Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc đó là lúc nào. Ví như người đi phương xa, để nhà cửa lại, trao quyền hành cho các đầy tớ, mỗi người một việc, và căn dặn người giữ cửa lo tỉnh thức. Vậy các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về, hoặc là chiều tối, hoặc là nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng, kẻo khi ông trở về thình lình, bắt gặp các con đang ngủ. Điều Ta bảo cho các con, thì Ta bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức!" (Mc 13, 33-37).

Vâng, nghe theo lời dặn của Ông Chủ, tất cả chúng ta mỗi người mỗi việc, hãy tỉnh thức mà canh chừng nhà cửa, cho đến khi Ông Chủ trở về. Chúng ta cứ tưởng chừng như ông chủ đi chơi xa khoảng chừng độ một tháng Ổng trở về, nhưng đến nay đã hơn một năm trôi qua, rồi thì thời gian cứ trôi đi trôi mãi, không biết đến bao giờ Ổng sẽ trở về. ... Anh chị em có cảm thấy chúng ta đã thức canh chừng nhà cửa cho Ông đã lâu lắm rồi không? Chắc Ổng đã chết ở đâu rồi!???. ... thôi thì ta cứ mượn đỡ những gì của Ổng mà ăn chơi mà làm ăn đi thôi! Kẻo mang tiếng là có nhà của Chủ đó! Ruộng nương đó! Tài sản của chìm của nổi đó! Mà cứ để chúng bất di bất dịch, thì có phải phí của trời hay không? Thế là. ... lời của Ông Chủ cũng phai dần theo thời gian, và không trách được những người đầy tớ họ cũng đã phải chia phe. ... một bên là những đầy tớ trung thành quyết một lòng ăn ở trông coi nhà cửa và những gì là của Ông Chủ. Còn một bên đã tự mình thu góp những gì của Ông Chủ mà chia nhau phung phá, vì nghĩ rằng Ổng sẽ không còn bao giờ trở về nữa!???.

Có phải những con người có tư tưởng và việc làm không tốt lành này là. ... chúng ta đây hay không? Chúng ta là những con người bội bạc, ham chơi, biếng nhác, và ươn lười. Không thích cần mẫn chí thú làm ăn. Không thích cực khổ nắng mưa giãi dầu. Không thích nhận lãnh trách nhiệm. Không thích sống tù túng bị bó buộc trong luật lệ. Không thích những gì là phiền phức, gánh nặng, lo âu, và đè nặng trên thân xác của chúng ta. Chúng ta là những con người thích đặt riêng cho mình những luật lệ đi ngược lại những ý muốn tốt lành của Chủ. Để bào chữa, chống chế, muốn lôi kéo theo nhiều người có ý hướng giống ta, về phe ta; Để phá những luật lệ tối cần, để cùng rủ rê nhau, sống một cuộc sống bê tha, tội lỗi, và đáng trách.

Những con người này giống như tôi và nhiều anh chị em, cũng rất thường hay chống chế và lý sự rằng chúng tôi cũng có tỉnh thức đấy chứ!? Có ai trong chúng ta bên Nước Mỹ này mà không biết đến Las Vegas không nhỉ!? Las Vegas là nơi ăn chơi nổi tiếng khắp thế giới. Họ thức suốt ngày suốt đêm. Nơi đây không bao giờ ngủ. Họ có khách sạn cho khách đến chơi, nhưng hình như phòng của khách sạn là nơi để du khách cất hành lý chứ không phải để cho khách du lịch họ ngủ. Ngủ gì được khi đã chuẩn bị cho một chuyến đi vacation hay một chuyến đi chơi (đánh bài, xem shows, xem thắng cảnh, và. ...) đầy thú vị. Las Vegas là nơi chốn đi hưởng thụ của người lớn, vì không được gọi là nơi đi chơi lành mạnh? Nơi đây con người ta không có thời giờ để ngủ, vì ngủ thì không xứng đáng với danh xưng của chốn này! Chốn này được nổi danh là chốn Ăn Chơi suốt ngày và đêm. Thành phố của "thức trắng đêm". Vậy có nghĩa là nếu chúng ta tất cả dọn đến thành phố này ở và sinh sống tại đây, chắc tất cả sẽ đều được lên Thiên Đàng, vì là chúng ta sẽ không bao giờ ngủ, vì thành phố này đèn đuốc được thắp sáng suốt ngày đêm, và mọi người sống rất nhộn nhịp ra vào cũng suốt cả ngày lẫn đêm. Tất cả đều. ... đang tỉnh thức. ...

Trong chúng ta cũng có nhiều anh chị em đang sống rất tỉnh thức. Nhất là tỉnh thức trong công việc tính toán tiền nong. Cái gì mà có tính cách hay dính líu đến tiền bạc thì ít ai mà ngủ cho được lắm! Thiếu điều ban ngày tính chưa đủ. ... lời, thì ban đêm nằm vắt tay lên trán để tiếp tục suy nghĩ, là làm sao hay bằng cách độc đáo nào, cho cái con số lời lãi được nhân lên gấp đôi gấp ba hay gấp bốn lần mới gọi là đủ. Càng được lãi nhiều thì càng tốt vì đó là lẽ thường tình của những con người có túi tham không đáy. Có phải cũng có rất nhiều anh chị em chúng ta cũng rất ư là tỉnh thức ngay trong Nhà Thờ hay không? Cha làm Lễ trên Bàn Thờ thì mặc Cha. Cả giáo dân đọc kinh thì mặc giáo dân, nhưng trong đầu của tôi và anh chị em này còn bận tính toán lung lắm là bằng cách nào kiếm thêm tiền để tậu thêm nhà, thêm đất, tàu bè, khách sạn, tiệm ăn, hàng quán, và sắm thêm nữ trang. ....????? Rồi thì đến giờ Rước Mình Thánh Chúa, thì tôi và anh chị em này cũng vẫn cứ lên nhận Mình và Máu Thánh Chúa như bao nhiêu người khác. ... Rước Chúa một cách vô ý thức như thế! Thử hỏi tỉnh thức cái kiểu này không biết có được Ông Chủ tưởng thưởng cho không nhỉ!? Và có phải thật tình là chúng ta cũng có ngủ đâu!? Chúng ta cũng vẫn còn tỉnh thức đấy chứ!???

Rồi thì tôi và anh chị em cũng hay than phiền nhau rằng vì sao mà ở cái tuổi chớm gọi là già hay mắc phải cái bệnh mất ngủ? Đêm xuống cứ nằm vắt tay lên trán mà nghĩ vẩn nghĩ vơ, không tài nào chợp mắt cho được? Tôi nghĩ rằng chắc anh chị em của tôi than phiền chỉ để mà than phiền đấy thôi! Chứ ai mà chẳng biết cả cuộc đời của chúng ta. ... có mấy ai đã gọi là được ngủ thật đâu!? Ngủ thật có nghĩa là nằm ngủ một cách ngon lành. Ngủ một cách có mơ có mộng đẹp đàng hoàng. Ngủ một cách bình thường không một chuyện đời nào còn phải bận lòng, cần phải lo nghĩ. Ngủ một cách thoải mái mà dù cho Ông Chủ có trở về nhưng trong tâm thức chúng ta cũng vẫn còn sáng suốt vì thực sự chúng ta. ... luôn luôn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để ứng phó khi Ông Chủ có bất chợt trở về? Những ai trong quân đội mà từng đi hành quân sẽ hiểu rất rõ là ngủ trong tỉnh thức như thế nào, vì địch quân sẽ đến bất cứ lúc nào trong đêm, nếu chúng ta không tỉnh thức thì tấm thân của chúng ta cũng sẽ không bảo đảm còn được toàn vẹn mà trở về cùng với gia đình?

Vâng, thưa anh chị em! Cái ngủ mà tỉnh thức đây cũng giống như cuộc sống của những người đầy tớ tốt lành và trung thành kia vậy! Cái nghĩa bóng mà người Chủ nhân lành muốn chúng ta hãy tỉnh thức ở đây là cái tỉnh thức của Tâm Linh chứ không phải ông Chủ bắt chúng ta phải thức trắng đêm mà không được ngủ. Có phải anh chị em đồng ý rằng đôi khi ta ngủ đấy nhưng bất cứ một động tịnh nào trong đêm, lỗ tai của chúng ta vẫn nghe ngóng được, cơ thể của chúng ta vẫn còn có thể thật nhanh như con chó fox mà phóng ra đứng ngay sau cánh cửa khi nghe tiếng động? Xem là Chủ nhà của ta trở về hay là trộm? Nếu là Chủ trở về thì có phải chúng ta được Chủ khen thưởng vì đã đón Ông đúng lúc hay không? Hoặc nếu đó là ăn trộm thì có phải thân xác chúng ta được an toàn vì đối phó với kẻ trộm kịp thời? Và khi Ông Chủ trở về nghe và biết được chuyện này còn khen thưởng chúng ta đến độ nào cho thật xứng đáng với lòng tín trung và sự khôn ngoan của chúng ta?

Lậy Chúa là Thiên Chúa chúng con!

Xin cho chúng con một lòng chung thủy cùng Chúa như những người đầy tớ tốt lành và trung thành của Chủ nhà kia luôn chuẩn bị và luôn Tỉnh Thức. Bởi chúng con là những đầy tớ vô dụng và chết đói nếu không có Chủ nuôi ăn. Xin ban cho chúng con luôn biết rằng thân phận của chúng con chỉ là đầy tớ. Đầy tớ không bao giờ lại muốn qua mặt Ông Chủ được cả! Vì Ông Chủ của chúng con thật cao sang thật uy quyền. Còn chúng con là thân phận tôi đòi, được Chủ trả công rất xứng với công việc và trách nhiệm của chúng con, bởi có phải tất cả là của Chủ và thuộc về Ông Chủ? Chúng con chỉ cầu mong sao luôn được sống trong nhà của Ông Chủ tốt lành và nhân hậu. Dù Ông Chủ của chúng con hiện giờ đang ở thật xa, nhưng không việc gì mà Ông không được biết. Ông Chủ của chúng con thật độ lượng, ra đi nhưng để lại tất cả những gì của Ông cho chúng con được hưởng dùng.

Vâng, chúng con sẽ cố gắng luôn Tỉnh Thức để chờ Ông Chủ chúng con trở về mà giao nhà lại cho Ông cùng tất cả những hoa lợi mà chúng con đã cố gắng ăn nên và làm ra. ... để trông mong được Ông Chủ cho chúng con được chung sống hạnh phúc với Ông đến muôn thuở muôn muôn đời. Amen.
 
Ngợi Khen Chúa
Sa Mạc Hồng
08:16 25/11/2008
Ngợi Khen Chúa

Ngợi khen Thiên Chúa Đấng Toàn Năng
Ngài là Cha Mẹ, Đấng sinh thành
Của con người tạo sinh tuyệt tác
Với trí khôn ngoan, cả linh hồn

Ngợi khen Thiên Chúa Đấng Toàn năng
Tác tạo mặt trời, tràn ánh dương
Đem nguồn sống vun đầy trái đất
Sáng toả, chiều buông thật huy hoàng

Ngợi khen Chúa, quả đất an bình
Ngôi nhà yêu dấu đầy sinh linh
Đầy hoa thơm muôn loài trái lạ
Núi đồi hùng vĩ, cảnh hữu tình

Ngợi khen Chúa, tinh tú trăng sao
Đêm về lấp lánh giữa trời cao
Nhè nhẹ sương rơi mờ bên suối
Trăng sáng đồi nương gió dạt dào

Ngợi khen Thiên Chúa, tạo vầng mây
Nắng ấm trời trong mây vẫn bay
Điểm tô nét vẽ trong trời đất
Mây trắng trời xanh, ngày nối ngày

Ngợi khen Thiên Chúa sinh bốn mùa
Tứ thời bát tiết thuận nắng mưa
Suối nguồn, biển cả, làn không khí
Nuôi dưỡng muôn loài đẹp như mơ

Ngợi khen Chúa, ánh lửa bập bùng
Soi đêm tăm tối giữa mịt mùng
Lửa đem sức mạnh, đêm hùng tráng
Lửa sưởi ấm lòng, trời giá đông

Ngợi khen Chúa, sự chết trên đời
Chẳng ai mong thoát, hết mọi người
Vinh phúc cho ai tìm đến Chúa
Họ sẽ trường sinh ở Nước Trời!

(Theo ý Bài Ca Vạn Vật của Thánh Phanxicô Assisi)
 
Mùa Vọng: đọi chờ trong tin tưởng
Gioan Lê Quang Vinh
08:18 25/11/2008
MÙA VỌNG: ĐỢI CHỜ TRONG TIN TƯỞNG

Khi nhận được “thiệp hồng” của một người bạn thân báo tin vui được truyền chức linh mục nhiều năm trước đây, tôi vội vã thu xếp để bay về Đà nẵng cho kịp tham dự Thánh Lễ và ngày vui của anh. Trong Thánh Lễ, tôi cảm động rất nhiều dù không phải đó là lần đầu tiên tham dự Thánh Lễ Truyền Chức Thánh. Đến phần tân chức cám ơn, tôi lại cảm động vì mấy lời chân thành của anh: “Con xin cám ơn các ân nhân, thân nhân ở Sàigòn đã giúp đỡ con cách này cách khác khi con còn lưu lạc. Đặc biệt con cám ơn gia đình bác Năm Trịnh và anh Thương, gia đình dì Dụng, bác An, bác Kim… đã cho con miếng cơm qua bữa, giấc ngủ qua đêm”. Tại sao nhiều năm trôi qua mà tôi vẫn nhớ đến từng lời trong bài cám ơn của tân linh mục hôm ấy? Thưa là bởi vì tôi đã cùng chia sẻ với anh những ngày “Mùa Vọng” trong cuộc đời anh, những năm tháng cơ cực, có phần lam lũ nhưng tràn đầy hy vọng và bình an. Rồi tôi rẽ đường, anh đi tiếp… Nhưng dù sống ơn gọi nào, cuộc đời vẫn là Mùa Vọng, mùa đợi chờ những hồng ân Chúa tuôn đổ từng ngày, từng giờ, không, phải nói là từng giây, từng khoảnh khắc phần triệu giây trong đời mình, và đợi chờ ngày Chúa quang lâm.

Hàng năm, Giáo Hội sống Mùa Vọng bốn tuần lễ trước Đại Lễ Giáng Sinh. Ngày xưa dân Chúa chờ ngày Cứu Chuộc qua bao nhiêu niên đại. Nếu chỉ tính từ Abraham đến thời Chúa Giêsu thì cũng đã mười tám thể kỷ. Tại sao Thiên Chúa cứ để con người mãi đợi chờ? Và dường như Ngài ít khi ban cho chúng ta điều gì ngay tức khắc, trừ những ơn huệ cần thiết cho những giờ phút khẩn thiết nhất. Khi Chúa chữa người mù, Ngài bảo anh đi đến suối Silôê mà rửa mắt. Chúa chữa người bệnh tật nào, Ngài cũng hỏi họ về lòng tin. Chúa cho Lazarô sống lại cũng hỏi hai chị em Matta và Maria về niềm tin phục sinh. Hình như Chúa vẫn muốn con người đợi chờ và chuẩn bị sẵn sàng. Mà nào có phải chỉ có con người đợi chờ đâu. Tất cả các mầu nhiệm thánh suy cho cùng cũng là những mầu nhiệm của sự đợi chờ với lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa. Khi sáng tạo đất trời, Chúa có thể phán một lời thì tích tắc tất cả xuất hiện. Nhưng Chúa vẫn dựng nên thời gian, và trong thời gian quí giá ấy Ngài “nhẩn nha” thực hiện như một người thợ rất đỗi cần cù, cho dù Ngài quyền năng tuyệt đối và vô song. Mầu nhiệm sáng tạo, mầu nhiệm cứu chuộc, và mầu nhiệm thánh hoá trần gian bao giờ cũng mang yếu tố đợi chờ. Và qua bao năm tháng, mãi cho tới ngày chung thẩm, dân thánh vẫn không ngừng hát lên lời ca “Trời cao hãy đổ sương xuống, và ngàn mây hãy mưa Đấng Cứu đời”, dân thánh vẫn ngày ngày tung hô “chúng con mong đợi ngày Chúa đến vinh quang”.

Như thế Thiên Chúa toàn năng và đầy yêu thương rõ ràng muốn dạy con người về lòng kiên nhẫn và niềm trông cậy. Thiên Chúa cũng muốn nhắc nhở họ đừng nóng lòng khi thấy thế giới này còn quá nhiều những điều chướng tai gai mắt. Chúa Giêsu cũng đã dạy về việc kiên nhẫn đợi chờ ngày Vua vinh hiển phân biệt rõ ràng lúa tốt và cỏ lùng vào ngày Ngài ngự đến xét xử muôn dân. Nhưng những loài cỏ lùng trong ruộng lúa cũng đừng nghĩ rằng Thiên Chúa sẽ bỏ qua những hành động ức hiếp cây lúa. Tất cả những gì chúng làm cho Dân Ngài, chúng phải trả lẽ trước mặt Ngài.

Và Thiên Chúa dạy chúng ta rằng tất cả mầu nhiệm thánh đều là mầu nhiệm của tình yêu. Mà có tình yêu nào là không đòi con người kiên trì và nhẫn nhục? Thiên Chúa là Đấng Tuyệt Đối, nhưng tạo vật của Ngài là tương đối. Luxiphe muốn trở thành tuyệt đối. Eva muốn trở thành tuyệt đối. Và họ đã tự mình đánh mất niềm hạnh phúc vô biên bởi vì khi chối từ thân phận mình để đòi ngang bằng với Đấng Tạo Thành thì tức khắc họ phá đổ tất cả trật tự của ngày sáng tạo. Học Thuyết Xã Hội Công Giáo tuyệt vời ở chỗ lý giải được nguyên nhân của mọi đổ vỡ đồng thời mở ra con đường tìm về sự sống cho con người. Con đường ấy là chính Đức Kytô, Đấng đã mạc khải chân lý “Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”. Ở đây ta lại khám phá một chiều kích khác của niềm hy vọng. Chúa Kytô là Đường cho con người bước theo. Mà đường đi thì bao giờ cũng là một quãng kéo dài, ai lên đường cũng mang theo niềm thao thức và nỗi đợi chờ. Chẳng ai vừa bước chân lên đã đến ngay tức khắc, trừ khi muốn đi về chỗ mình đang đứng! Sự Thật tự bản chất cũng đòi con người khắc khoải đi tìm, bởi vì chốn trần gian này đâu đâu cũng thấy bẫy giăng của loài gian xảo là Satan, con rắn quỉ quyệt nhất của mọi thời đại. Đức Kytô là miêu duệ của Người Phụ Nữ theo Lời Hứa, chính Ngài cùng với Mẹ Ngài đạp nát đầu kẻ gian xảo quỉ quyệt kia, nhưng Ngài cũng muốn nhắc nhở con người đợi chờ vì có những lúc “giờ Ngài chưa đến”. Cũng có lúc “giờ Ngài chưa đến” nhưng Ngài vẫn thi ân giáng phúc cho con người bởi vì có sự can thiệp của Mẹ Thánh Ngài. Nhưng xét về tổng thể, tất cả đều chờ đến “giờ của Ngài”.

Mùa Vọng cũng là mùa của tình liên đới và sự bổ trợ lẫn nhau. Vị tân linh mục khi cám ơn những ân nhân thân nhân, ngài gián tiếp nhắn nhủ rằng cuộc sống này là một chuỗi những liên kết và lệ thuộc. “Không ai là một hòn đảo” là tựa đề một cuốn sách của Thomas Merton, và cũng có thể dùng làm câu tóm tắt các nguyên tắc của Học Thuyết Xã Hội Công Giáo. Mùa Vọng được soi rọi bằng ánh sáng của Lời Chúa, với lời tiên báo của ngôn sứ Isaia, tiếng vang từ Gioan Tiền Hô trong sa mạc, và nhất là thái độ khiêm tốn đợi chờ của Mẹ Thiên Chúa. Lời vang vọng ấy chứa đựng nhiều thông điệp cho Mùa Vọng Giáng Sinh và Mùa Vọng cuộc đời, nhưng nổi bật hơn cả vẫn là sự bình an mà Thiên Chúa ban cho dân Ngài. Một trong những đặc tính của bình an là sống liên đới, hoà hợp trong Công Lý. Do vậy mà Thánh Vịnh 71 được trích đọc để ca ngợi thời của Đấng Thiên Sai: “Sự công chính và nền hòa bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người cho đến muôn đời”.

Lạy Chúa là Đấng đã vô cùng kiên nhẫn trước những tâm hồn chai đá, trong đó có chúng con. Xin Chúa cho chúng con biết tin yêu và vững tâm chờ đợi Chúa. Mùa Vọng sẽ qua đi, ngày hồng phúc sẽ đến nhanh với những ai biết chuẩn bị sẵn sàng. Xin Chúa cho chúng con có đủ đèn dầu để ra đón Chúa ngày Chúa đến. Xin Mẹ nâng đỡ chúng con trong Mùa Vọng, lắm khi trong đó bóng tối cứ phủ xuống cuộc đời chúng con. Nhưng chúng con vẫn vững tin rằng “Ánh Sáng đã chiếu toả vào nơi tối tăm”.
 
Hành hương Fatima
Hương Vũ
08:20 25/11/2008
HÀNH HƯƠNG FATIMA

Năm xưa nước Bồ-Đào-Nha.
Tại miền hẻo lánh Fatima đơn nghèo.
MẸ thương ba trẻ dấu yêu.
Một nam,hai nữ mỹ miều đơn sơ.
Giacinta,Phanxicô.
Lucia thôn nữ vui nghề chăn chiên.
Một hôm giông gió nổi lên.
Ba em vội vã lùa chiên lưng đồi.
Ngước nhìn lên ngọn cây sồi.
Thấy MẸ hiện đến tươi cười hỏihan
Ba em mạnh dạn tâu lên.
Xin MẸ chỉ dạy con làm điều chi.
ĐÚC MẸ nhân ái từ bi.
Bảo ban ai nấy thực thi lệnh truyền.
Một là thống hối tội khiên.
Hai là sùng kính MẸ HIỀN MẪU TÂM.
Ba là Lần Chuỗi siêng năng.
Ngăn tay công thẳng Chúa hằng xót thương.
Hết bom đạn,hết tai ương.
NướcNga trở lại tan phường vong nô.
Núi đồi vắng vẻ hoang sơ.
Ngày nay tấp nập khách về hành hương.
Đông,tây,nam bắc thập phương.
Giáo dân,tu sĩ nhịp nhàng hát ca.
Tung hô MẸ MARIA.
Tình thương biển cả bao la Thái Bình.
Trăm triệu bó đuốc lung linh.
Chúc khen MẸ CHÚA THIÊN ĐÌNH sáng tươi.
Hai ngàn lẻ tám tháng Mười.(10/2008)
Có đoàn con tận phương trời Cali.
Rủ nhau nô nức cùng đi.
FATIMA một chuyến còn gì thú hơn.
Cây sồi rủ bóng sớm hôm.
Hành hương viếng MẸ tâm hồn sướng vui.
Bên MẸ ngày tháng ngừng trôi.
Bên MẸ tinh tú sao trời ngừng quay.
Bên MẸ đêm sáng như ngày.
Bên MẸ chẳng ngắm trời mây bao giờ.
Bên MẸ ngưng viết nhạc thơ.
Bên MẸ quên cả thôn quê,thị thành.
BênMẸchẳng thiết lợi,danh.
Bên MẸ thôi ngắm trời xanh,mây hồng.
Ben MẸ hạnh phúcvô song.
Bên MẸ sóng lộc con hằng ước mơ.
Phái đoàn nam,bắc Cali.
Lisbonne bay thẳng có gì xa đâu.
FATIMA chặng khởi đầu.
Công trường bát ngát,bến tầu khang trang.
Cây sồi xanh tốt hiên ngang.
MẸ FATIMA đón đoàn con yêu.
Thánh Lễ từ sáng đến chiều.
Đoàn con lũ lượt khẩn cầu MẸ thương.
Linh hướng Cha Nguyễn Duy Tường.
Giảng khuyên sốt sáng,thuốc thang cũng rành.
Ngợi khen ĐỨC NỮ ĐỒNG TRINH.
Đoái thương con cái hết tình kêu van.,
Chạnh thương,MẸ đén bảo ban.
Nhủ khuyên nhân loại ân cần khúc nôi:
Siêng năng Lần Chuỗi MÂN CÔI.
Mến yêu ĐỨC MẸ, lánh nơi bụi trần.
Ăn năn đền tội canh tân.
Xứng danh con MẸ hưởng phần phúc vinh.
Tôn sùng Rất Thánh Nữ Trinh..
Hợp cùng chín phẩm Thiên Thần hoan ca.
Cúi xin MẸ MARIA.
Đoái thương phù giúp quê nhà VIỆT-NAM...
 
Làm chứng
Ngọc Nga sưu tầm
10:32 25/11/2008
LÀM CHỨNG

Christopher là một Kitô hữu ngoan đạo. Anh không bao giờ bỏ lễ ngày Chúa nhật. Anh sống cùng với gia đình trong một ngôi nhà đầy đủ tiện nghi, tại một khu vực hiện đại của thành phố. Với sức khỏe tốt, một công việc an toàn, có thu nhập cao, anh cảm thấy hạnh phúc và mãn nguyện.

Tuy nhiên, có một điều làm cho anh bận tâm, liên quan đến người hàng xóm bên cạnh nhà anh. Ðó là một người tự nhận mình là vô thần, và không bao giờ đến nhà thờ. Với tư cách là Kitô hữu, Christopher cảm thấy rằng anh có trách nhiệm trong việc cố gắng cải tạo người hàng xóm đó. Nhưng anh phải làm việc này như thế nào đây? Trong nhiều dịp nói chuyện với người đó, anh đã đưa đề tài tôn giáo ra một cách hết sức tích cực có thể được. Than ôi, anh chẳng đi đến đâu cả.

Thế rồi một ngày kia, anh nảy ra một sáng kiến. Nếu anh chỉ làm sao cho người hàng xóm đó đọc được Tin Mừng, thì chắc chắn là anh thành công rồi. Ai có thể không được Tin Mừng lay chuyển? Vấn đề duy nhất là làm thế nào để gửi cho anh ta bản sao của sách Tin Mừng. Anh có thể gõ cửa nhà anh ta, và đưa tận tay cuốn sách đó. Nhưng chắc hẳn điều đó sẽ gây khó chịu cho anh ta. Anh phải tìm một cách nào tế nhị hơn. Vậy anh nên làm gì đây? Anh gửi cho anh ta một cuốn bản sao của sách Tin Mừng, mà không để tên người gửi.

Sau khi làm công việc này, anh chờ đợi xem điều gì sẽ xảy ra. Nhiều ngày trôi qua, không có gì xảy ra cả. Không hề có một dấu hiệu nhỏ nhoi nào chứng tỏ rằng người hàng xóm đó đã đọc được ánh sáng Tin Mừng. Hai tuần sau, vợ của Christopher có dịp sang thăm nhà bên cạnh. Khi trở về, chị nói với chồng:

- Anh có biết gì về cuốn bản sao của sách Tin Mừng, mà anh đã gửi cho anh ta không?

- Sao thế?

- Cuốn sách đó nằm trong thùng rác rồi!

Christopher phẫn nộ. Quẳng sách Tin Mừng vào thùng rác là một việc không phải chút nào. Anh đi sang nhà bên cạnh, và khi đi ngang qua thùng rác, anh đã nhặt cuốn sách đó lên và nói với người hàng xóm:

- Tôi hy vọng rằng tôi không xâm phạm gì đến anh. Nhưng tôi nhìn thấy cuốn sách này trong thùng rác của anh. Anh biết không, nếu anh chỉ đọc cuốn sách này thôi, thì anh có thể tìm thấy Thiên Chúa.

Người hàng xóm trả lời một cách đáng ngạc nhiên

- Nhưng tôi đã đọc cuốn sách đó rồi. Mỗi ngày tôi đều đọc đấy chứ.

- Tôi không hiểu gì cả.

- Anh là một người tín hữu phải không?

- Ðúng vậy. Mà tại sao anh lại hỏi tôi như thế?

- À, trong suốt 10 năm qua, mỗi ngày tôi đều đọc cuộc sống của anh.

***

Trước khi xa rời các tông đồ, Ðức Giêsu đã ủy thác cho họ việc rao giảng Tin Mừng cho toàn thế giới. Người còn hứa gửi Chúa Thánh Thần đến với họ, để giúp đỡ họ thực hiện được sứ vụ đó.

Ngày nay, công việc rao giảng Tin Mừng cho toàn thế giới tùy thuộc vào chúng ta. Ðây là một đặc ân vĩ đại, nhưng cũng là một công việc dễ làm nản lòng. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể tin tưởng vào sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Cách thế tốt nhất để rao giảng Tin Mừng chính là bằng cách sống đời sống Kitô hữu của mỗi người chúng ta. Một câu hỏi mà mỗi người chúng ta đều có thể tự hỏi là: Nếu người khác nhìn vào cuộc sống của tôi, họ có thể nhận ra hình ảnh của Chúa Kitô được miêu tả trong Kinh Thánh không?

Có một bài viết ngắn về điều này:

"Tôi là cuốn sách Kinh Thánh đối với người hàng xóm của tôi; người đó đọc tôi mỗi khi gặp tôi. Hôm nay, anh ta đọc tôi trong ngôi nhà của tôi, ngày mai, anh ta đọc tôi trên đường phố. Anh ta có thể là một người họ hàng, một người bạn, hoặc chỉ là một người quen biết sơ giao mà thôi. Thậm chí anh ta có thể không biết tên tôi, tuy nhiên, anh ta vẫn đang đọc Kinh Thánh qua cuộc đời của tôi”.

***

Lạy Chúa Giêsu Thăng Thiên, Chúa biết các tông đồ xưa: bơ vơ lạc lõng, tối tăm và yếu đuối, họ cần có Chúa biết bao trên bước đường chứng nhân, thế mà Chúa vẫn dứt áo về Trời. Cuộc sống của chúng con bơ vơ giữa chốn chợ đời cũng đầy những vấp ngã lầm lỡ, cuộc đời của chúng con lắm lúc chỉ là những trang sách chiến tranh thù hận, giành giựt cơm áo, bon chen vật chất, làm sao chúng con dám làm chứng cho Chúa qua những mảnh đời đen tối được. Xin cho chúng con luôn ngước mắt về Trời cao để nhờ đó cuộc sống của chúng con hướng thiện hơn. Xin ban Thánh Thần như Chúa đã hứa hầu giúp chúng con sống tốt đẹp hơn, xứng đáng là một chứng nhân cho Chúa, để mọi người có thể qua cuộc sống đó mà tin vào Chúa. Amen!
 
Người giữa cửa canh thức ban đêm
Lm PX Vũ Phan Long, ofm
10:35 25/11/2008
NGƯỜI GIỮ CỬA CANH THỨC BAN ĐÊM

(Máccô 13,33-37 – Chúa nhật I Mùa Vọng B)

1.- Ngữ cảnh

Bài này rút từ Diễn từ cánh chung (ch. 13) là chương nói về những vấn đề của thời buổi cuối cùng. Diễn từ này kết thúc bằng một lời kêu gọi khẩn thiết hãy tỉnh thức. Lời kêu gọi này không chỉ nhắm đến những người đang được Đức Giêsu ngỏ lời với (13,3), nhưng nhắm đến tất cả mọi người (13,37). Lời kêu gọi này được tác giả Máccô nêu bật bằng hình ảnh người giữ cửa.

Vậy “tỉnh thức” trong Mc 13 có nghĩa là gì? Là không “ngủ” (c. 36). Nhưng hẳn không phải chỉ có nghĩa đen ấy.

2.- Bố cục

Đoạn văn này được bố cục theo kiểu cấu trúc đồng tâm (chuyển hoán), với đỉnh cao là c. 35:

a: Lời kêu gọi “tỉnh thức” gửi đến các môn đệ (c. 33);
b: Dụ ngôn người chủ đi xa (c. 34);
c: Lặp lại lời kêu gọi mở đầu và áp dụng theo dụ ngôn (c. 35);
b’: Tiếp nối dụ ngôn người chủ đi xa trở về (c. 36);
a’: Lặp lại lời kêu gọi “tỉnh thức” mở đầu, và gửi đến mọi người (c. 37).

Chúng ta cũng có thể thấy đây là một kết cấu song song, nhằm làm nổi bật ý tưởng ta không biết thời gian quang lâm; do đó, có hệ luận: phải tỉnh thức.

Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức (33a)
Vậy anh em phải canh thức (35a)
vì anh em không biết khi nào thời ấy đến (34c)
vì anh em không biết khi nào (35b)
phải canh thức (34c) không được ngủ (36b)


3.- Vài điểm chú giải

- hãy tỉnh thức (33): Tác giả dùng động từ lạ agrypnete, đồng nghĩa với động từ quen thuộc gregoreite; đây là một từ của nền văn chương khôn ngoan (G 21,32 LXX; Cn 8,34; Dc 5,2; Kn 6,15; Hc 36,16. Các bản Tân Ước khác cũng có dùng: Lc 21,36; Ep 6,18; Dt 13,17).

- cũng như người kia trẩy phương xa..., và ra lệnh cho người giữ cửa (34): Có một điểm gây thắc mắc: Nếu ông chủ đi phương xa, thì “để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ” là hợp lý rồi. Còn “chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức” là cách bố trí của người đi vắng trong một thời gian ngắn. Tại sao lại chỉ lưu ý đến việc “canh thức” ban đêm? Ở đây ông Mc nối kết nhiều truyền thống: những lời Đức Giêsu kêu gọi tỉnh thức, dụ ngôn những nén bạc (Mt 24,42; 25,13-15; Lc 12,36-38; 19,12-13), với dụ ngôn người giữ cửa của riêng ông cộng với truyền thống kinh sư về ý nghĩa của “đêm”. Trong TM Mc, không có dụ ngôn “những nén bạc” như trong Mt và Lc.

- lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng (35): Người Rôma chia một đêm thành 4 canh, mỗi canh kéo dài 3 giờ. Còn người Do-thái quen chia đêm thành 3 canh (x. Tl 7,19; Lc 12,38). Nhưng tại sao bài Tin Mừng lại chỉ chú trọng đến “đêm”?

Trong nền văn chương Do-thái giáo, thời gian hiện tại thường được coi như một “đêm”, còn tương lai được ví với một “ngày” hoặc một “buổi sáng”. Những câu Cựu Ước nói về “đêm” theo nghĩa đen thường được áp dụng cho “đêm” của thế gian này. Chẳng hạn lời ông Bôa nói với bà Rút: “Hãy qua đêm ở đây” (R 3,13) được Rabbi Meir (#150 sau CG) trích quy chiếu về “thế gian hoàn toàn là đêm tối ấy” (Rút R. 6,4). Các kinh sư thường áp dụng từ ngữ “canh khuya” trong Tv 92 (“Thú vị thay... được tuyên xưng tình thương của Ngài từ buổi sớm, và lòng thành tín của Ngài suốt canh khuya”) cho thời gian hiện tại (Midr. Tv 92,7). Sách Talmud chú giải câu Tv 104, 20a như sau: “Đêm trở lại khi Chúa buông màn tối” là câu nhắm đến thế giới hiện nay, được so sánh với đêm tối.

Giống như các kinh sư, ông Phaolô đã dùng những ý tưởng về “đêm” để mô tả thời kỳ hiện tại cho đến ngày Quang Lâm (Rm 13,12). Vì thế, ông đã kêu gọi người Rôma: “Đã đến lúc anh em phải thức dậy” (13,11), vì ơn cứu độ đã gần họ hơn khi họ mới tin, vì “đêm sắp tàn, ngày gần đến” (Rm 13,12; x. 1 Tx 5,5tt). Ông còn nói: “Vì chính anh em đã biết rõ: ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm” (1 Tx 5,2). Hình ảnh “kẻ trộm đến ban đêm” không có trong nền văn chương Do-thái, mà chỉ có trong Tân Ước thôi (Mt 24,42-44; Lc 12,39t; 2 Pr 3,10; Kh 3,3; 16,15). Đây là một yếu tố thuộc truyền thống Ki-tô giáo bắt nguồn từ Đức Giêsu. Từ đó ông khuyên người Thêxalônica hãy tỉnh thức (1 Tx 5,6).

Vậy lời kêu gọi hãy tỉnh thức chờ đợi ông chủ trở về vào một lúc nào đó trong đêm khuya phải được hiểu theo chiều hướng này.

Nhưng làm thế nào dung hòa được hai chi tiết “trẩy phương xa” (đi lâu) và “về lúc chập tối” (đi ngắn hạn)? Trong văn chương Do-thái giáo, có một dụ ngôn na ná với dụ ngôn Mc 13,34tt: Một bà chủ nhà có một nữ tỳ Êtióp. Chồng bà vượt biển đi xa. Suốt đêm, người nữ tỳ nói với bà: “Tôi đẹp hơn bà, đức vua yêu tôi hơn bà”. Bà chủ đáp: “Đến sáng rồi chúng ta sẽ biết ai là người đẹp hơn, ai là người được đức vua yêu thương”. Bài tường thuật tiếp: Các dân nước nói với Ít-ra-en: “Các hành vi của chúng tôi thật đáng khen, và Đấng Thánh – xin chúc tụng Ngài – hài lòng về chúng tôi”. Rồi bài quy chiếu về Is 21,12 mà giải thích rằng “buổi sáng” đang đến là thời gian tương lai (Dân số R. 16,23 [70b]).

Bài dụ ngôn này cũng có những chỗ không ăn khớp với nhau, và có những chi tiết giúp hiểu bài Mc: đêm tối chính là thời gian hiện tại với những phiền muộn mà dân Chúa phải gánh chịu.

- phải canh thức (36): Trong nền văn chương Do-thái giáo, chủ đề “canh thức” được đề cập đến trong một viễn tượng quốc gia. Ít-ra-en lúc đó đang bị các vương quốc của thế gian áp bức, chà đạp. Nhưng trong tương lai cánh chung, hoàn cảnh sẽ đảo ngược, Ít-ra-en sẽ chiến thắng, sẽ nhận được danh dự và vinh quang. Đó là “ngày”.

Trong Tân Ước, giọng điệu ái quốc này không còn nữa. Nay người tín hữu phải chiến đấu “với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này” (Ep 6,12). Thế gian đang nằm dưới quyền của thần dữ (1 Ga 5,19). Thế gian đã quay lưng lại với Ngài, là nguồn ánh sáng. Vì thế, thời gian hiện tại chính là thời kỳ của bóng tối và đêm khuya.

Tuy nhiên, khi Đức Giêsu đến, sấm ngôn Is 9,1 nói về ánh sáng đã ứng nghiệm (x. Mt 4,16). Đức Giêsu là ánh sáng soi chiếu trần gian (x. Lc 2,32; Ga 1,5; 8,12; 12,46). Ai tin vào Đức Giêsu, Đấng Mêsia, thì không phải ở trong bóng tối (Ga 12,46; x. 3,19; Cv 26,18; Cl 1,13; 1 Pr 2,9; Ep 5,8). Nhưng dù đã được giựt ra khỏi vương quyền của bóng tối (Cl 1,13), dù đã trở thành con cái ánh sáng và ban ngày (1 Tx 5,5), người ấy vẫn còn sống trong thời gian của “đêm tối”, vẫn còn ở trong một hoàn cảnh có thể bị cám dỗ, có thể sa ngã, bị tà thần của thế gian hiện tại nắm bắt lại. Để mình bị những sức mạnh thế gian chiến thắng, buông mình theo những chuyện thế gian, đó chính là “mê ngủ”. Trong dụ ngôn, “giấc ngủ” tương ứng với “đêm”: “giấc ngủ” thuộc về “đêm”, bởi vì người ta ngủ ban đêm.

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Lời kêu gọi “tỉnh thức” gửi đến các môn đệ (33)

Lời kêu gọi mở đầu này xác định chủ đề của đoạn văn: Phải tỉnh thức. Các môn đệ của Đức Kitô cần phải canh thức, bởi vì họ không biết ngày giờ (“thời ấy”) của cuộc Quang Lâm.

* Dụ ngôn người chủ đi xa (34)

Điểm chính của dụ ngôn là: ngày trở về của ông chủ là biến cố người ta không thể tiên liệu. Ông có thể về bất cứ lúc nào: chính khía cạnh này buộc người giữ cửa phải canh thức liên tục. Nhưng ông cũng có thể đi lâu: chính vì thế các gia nhân cứ phải sinh hoạt để điều hành các công việc của nhà và sinh lợi cho chủ. Các môn đệ của Đức Giêsu vừa là “các gia nhân” vừa là “người giữ cửa”; họ phải vừa làm việc vừa canh thức. Có thể hiểu đây là các vị lãnh đạo cộng đoàn Kitô hữu.

* Lặp lại lời kêu gọi mở đầu và áp dụng theo dụ ngôn (35)

Lời kêu gọi được lặp lại như một điệp khúc, nhưng ở đây, công thức “khi nào thời ấy đến” đã được giải thích bởi công thức song song “khi nào chủ nhà đến”. “Thời ấy” chính là lúc chủ nhà trở về, tức ngày Quang Lâm của Đức Giêsu. Tác giả diễn tả sự bấp bênh cách biểu tượng theo cái khung một ngày: “lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng”.

* Tiếp nối dụ ngôn người chủ đi xa trở về (36)

Các môn đệ của Đức Giêsu đang ở trong “đêm”, nhưng họ không được “ngủ”; họ vẫn sinh hoạt bởi vì ông chủ có thể về ngay trong đêm nay. Họ phải canh thức. Bởi vỉ biến cố ông chủ trở về thay đổi mọi sự, ta hiểu “làm việc” là “cùng làm việc”. Đức Giêsu đang hành động trong thế giới để đưa đến một nhân loại mới. Người lôi kéo con người vào làm việc với Người, làm cho họ thành những đầy tớ phục vụ hoạt động của Người. Nhưng để có thể cộng tác với Đức Giêsu, họ phải tỉnh thức để nhận ra những gì Người đang làm.

* Lặp lại lời kêu gọi “tỉnh thức” mở đầu, và gửi đến mọi người (37)

Lời kêu gọi ở đây chính là lời kêu gọi ở c. 33 được lặp lại. Cùng với lời kêu gọi ở c. 33, lời kêu gọi ở c. 37 này “đóng khung” toàn bài, đã xác nhận toàn bản văn bên trong được triển khai theo chủ đề “Sự tỉnh thức”. Nhưng đến đây, lời kêu gọi được gửi rộng rãi đến tất cả mọi người, nghĩa là không chỉ dành cho các vị lãnh đạo cộng đoàn, nhưng cũng được gửi đến toàn thể cộng đoàn Kitô hữu.

+ Kết luận

Vậy, “phải canh thức”! Đang khi tiến đi trong thế giới của đêm đen, người tín hữu được mời gọi thực hiện ơn gọi của mình và ân huệ đã nhận, đó là được làm con cái ánh sáng, mắt đăm đăm hướng về ngày chủ trở lại và về “ngày” đang đến. Sự canh thức ở đây mang tính cánh chung: hoàn toàn quay hướng về phía trước, về biến cố Đức Kitô sắp ngự đến trong tương lai. Theo nghĩa này, người tín hữu không thể canh thức nếu không chấp nhận chiến đấu (Rm 13,11tt; các vũ khí: 1 Tx 5,6-8; 1 Cr 16,13; Ep 6,10-20; 1 Pr 5,8t). Canh thức như thế là ngay từ bây giờ, sống trước đời sống tương lai (x. Rm 13,13). Thái độ cánh chung không khiến người ta phủ nhận thế giới, nhưng giúp người ta có một thái độ tự do lành mạnh, thanh thoát đối với tất cả những gì thuộc về thế giới, không sợ hãi loài người, không tìm danh vọng, không khắc khoải trước gian khó, đau khổ và cái chết (x. 1 Cr 4,3t).

5.- Gợi ý suy niệm

1. “Canh thức” trong đêm tối của thời gian hiện tại trong khi chờ đợi Đức Giêsu trở lại, chính là đang sống trong tư cách những người đã được giải thoát, bởi vì bất cứ khi nào đến, Đức Giêsu sẽ bằng lòng nếu thấy các môn đệ của Người đang sẵn sàng với Người. “Canh thức” chính là một cách thức thường hằng người Kitô hữu theo mà sống trong thế giới.

2. Canh thức như thế cũng là sống trong niềm vui. Niềm vui này không hề lệ thuộc những chuyện thay đổi của thế gian, vì nó trào vọt ra từ một nguồn mạch vĩnh hằng là chính Đức Giêsu Phục Sinh. Canh thức như thế còn là sống trong bình an, cho dù có gặp phong ba bão táp, bởi vì chính Đấng Phục Sinh đã cam đoan: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (Ga 14,27). Cuối cùng, canh thức như thế cũng là sống niềm hy vọng, bởi vì cái nhìn của chúng ta luôn nhắm về phía trước, về thế giới đang đến, về “ngày” đang lại gần.

3. Tác giả Lohmeyer mô tả canh thức bằng câu nói: “Đời sống của người đạo đức không diễn tiến trong những trạng thái thiu thiu ngủ, những giấc mơ và những đam mê, nhưng trong nỗ lực dấn thân luôn luôn chăm chú và điều độ của con tim nhân loại”. Còn Schweizer định nghĩa canh thức là như “thái độ trong đó con người luôn luôn chờ đợi với tinh thần trách nhiệm Đức Chúa đến và không để mình bị sao nhãng trong thái độ sẵn sàng thường hằng này đối với Ngài bởi bất cứ điều gì”. Đấy là cách tốt để sống giáo huấn của Đức Giêsu.
 
Tỉnh thức và Cầu nguyện
Thiên Phúc
10:36 25/11/2008
TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN

Trong cuộc chiến khốc liệt giữa Pháp và Đức năm 1870, tại một bịnh viện Pháp, có một thương binh vốn là sĩ quan người Đức đang bị bắt làm tù binh. Một hôm, bác sĩ cho biết anh sẽ không qua khỏi vì vết thương ngày càng trầm trọng. Viên sĩ quan tỏ ra bất cần một cách ngạo nghễ và can đảm chờ đợi cái chết.

Chị y tá nữ tu Dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn vốn chăm sóc anh từ lâu, ân cần ngỏ ý khuyên anh nên xin gặp một vị linh mục để dọn mình trước khi chết. Anh nhận mình là người Công giáo nhưng đã bỏ đạo từ lâu, nên một mực từ chối lời đề nghị chân thành này.

Chị nữ tu vẫn dịu dàng nói:

- Nếu vậy, tôi sẽ cầu nguyện xin Chúa cho ông mau hồi tâm trở về với Người.

Viên sĩ quan mỉa mai:

- Chỉ cực nhọc vô ích mà thôi!

Chị nữ tu vẫn kiên nhẫn thuyết phục:

- Thú thật với ông, đã 16 năm nay, các chị em trong Dòng vẫn luôn cầu nguyện cho một người trở về cùng Chúa.

Viên sĩ quan ngạc nhiên:

- 16 năm rồi cơ à? Thế người được các chị cầu nguyện chắc phải là ân nhân của nhà Dòng?

Chị nữ tu trả lời:

- Cách đây rất lâu, mẹ tôi là người hầu cho một nữ Nam tước người Đức. Trong một lần tôi tới thăm mẹ, bà Nam tước biết tôi là nữ tu nên đã xin cầu nguyện cho con trai bà. Anh đã mất đức tin, sống phóng túng, đam mê danh vọng và quyền lực. Đã 16 năm qua, tôi và cả nhà Dòng vẫn luôn cầu nguyện cho anh.

Người sĩ quan gặng hỏi:

- Thế mẹ của chị có phải là bà Béate không?

Chị nữ tu vô cùng ngạc nhiên:

- Nhưng tại sao ông lại biết tên mẹ tôi?

Đến đây thì viên sĩ quan nghẹn ngào thú nhận:

- Thưa chị, tôi chính là Nam tước Charles, con trai của nữ Nam tước mà mẹ chị đã tận tụy hầu hạ bấy lâu. Chính tôi là người mà chị và Nhà Dòng đã cầu nguyện cho suốt 16 năm qua.

***

Có nhiều người sống như không bao giờ phải chết. Có nhiều người sống như thể trái đất sẽ vô tận. Có nhiều người sống như thế gian này đã là thiên đàng. Họ bị ru ngủ bởi những hoan lạc trần thế. Trái tim họ “ra nặng nề, vì chè chén say sưa”.

Họ bị chìm ngập trong những tính toán làm ăn, lo toan cho cuộc sống hiện tại, mà quên tìm lẽ sống thật. Họ bị cuốn hút bởi đam mê danh vọng, quyền lực mà quên đi có những cái bất ngờ sẽ đến. Viên sĩ quan trong câu chuyện trên đây là một điển hình.

Cuộc sống con người không thiếu những bất ngờ:

Có những bất ngờ thú vị làm cho chúng ta vui sướng khôn nguôi. Có những bất ngờ bi thảm khiến chúng ta đau khổ tột cùng.

Mùa Vọng nhắc lại lần đến đầu tiên của Con Thiên Chúa, và kêu gọi chúng ta chuẩn bị lần đến cuối cùng của Người. Ngày đó khi nào xảy đến, chẳng ai biết được. Nó đến bất ngờ như “chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất” (Lc 21,35). Giữa hai lần ấy, có biết bao lần Người bất ngờ đến. Đó là ngày tận cùng của mỗi người chúng ta.

Mùa Vọng là mùa Tỉnh thức

Nếu chúng ta luôn “Tỉnh thức và cầu nguyện” (Lc 21,36), luôn sẵn sàng và thanh thoát, thì việc Người đến sẽ là một bất ngờ thú vị. Ngày đó, chúng ta sẽ không phải “lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét” (Lc 21,25), chúng ta sẽ không “sợ hãi đến hồn xiêu phách lạc” (Lc 21,26), nhưng sẽ “đứng thẳng và ngẩng đầu lên” (Lc 21,28), vì chúng ta sắp được lãnh ơn cứu độ.

***

Lạy Đức Kitô, ngày Chúa đến như vị Thẩm Phán, vũ trụ này sẽ xáo trộn sâu xa; nhưng xáo trộn kinh khủng nhất lại chính là xáo trộn trong cõi lòng. Xin cho chúng con biết “tỉnh thức và cầu nguyện”, để tâm hồn luôn sẵn sàng và thanh thoát, hầu khi Chúa đến sẽ là giây phút được mong đợi, và là một cuộc hạnh ngộ đầy hoan lạc và yêu thương. Amen!
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:26 25/11/2008
LẠC ĐỀ

N2T


Một ngày nọ trong khi tập họp, tất cả các vấn đề được nêu ra đều là nhắm vào sự sống sau khi chết.

Nhưng sư phụ chỉ cười mà không trả lời.

Các đệ tử hỏi nguyên nhân tại sao ông ta cự tuyệt không trả lời. Ông ta nói: “Lẽ nào các con không nhìn ra một vài người theo đuổi một sự sống vĩnh hằng bất diệt, đều là những người không biết phải làm gì đề sống qua cuộc sống này sao ?”

Có một đệ tử vẫn không bỏ qua, hỏi: “Vậy xét cho cùng thì sau khi chết có sự sống không ?”

- “Xét cho cùng trước khi chết có sự sống không, đó là vấn đề hiện tại.” Sự phụ để lại một đề án rắc rối.

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Người vô thần nói: chết là hết, chẳng có gì cả, cho nên cố gắng tranh thủ sống hưởng thụ vật chất dục vọng, danh vọng ở đời này.

Người hữu thần nói: sau khi chết thì còn một thế giới vô hình khác sẽ chiếu theo cách sống bây giờ của mỗi người để quả báo hay để thưởng, cho nên họ cố gắng làm lành tránh dữ để khỏi bị quả báo đời sau.

Người Ki-tô hữu nói: chết không phải là kết thúc, nhưng là bắt đầu cuộc sống mới, có nghĩa là sự chết chỉ là ngưỡng cửa để người có niềm tin vào Chúa Giê-su Ki-tô, bước vào đời sống mới viên mãn và hạnh phúc muôn đời với Thiên Chúa trên thiên đàng. Cho nên, họ cố gắng sống và thực hành Lời Chúa ngay trong cuộc sống của mình ở đời này, để được hạnh phúc ở đời sau.

Xác tín trước khi chết có sự sống thì sau khi chết cũng có sự sống.

Sự sống sau khi chết là có thật, bởi vì Chúa Giê-su đã sống lại sau khi chết trên thập giá và bị chôn trong mồ đá ba ngày. Và sự sống trước khi chết cũng có thật, bởi vì cuộc sống mới này đều tùy thuộc vào cách ăn nết ở của chúng ta khi còn ở thế gian này.

Đừng có lạc đề lẫn lộn giữa sự sống đời này và sự sống đời sau, cả hai sự sống khác nhau xa, nhưng lại có liên hệ mật thiết với nhau.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:27 25/11/2008
N2T


15. Tự mình không cố gắng thì công lao của Chúa Giê-su Ki-tô đối với tôi không có ích gì cả.

(Thánh John Berchmans)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thánh Phaolô, một người Do Thái trong Chúa Kitô
Vũ Văn An
01:46 25/11/2008
Thánh Phaolô, một người Do Thái trong Chúa Kitô

Don Romano Penna là một chuyên viên nổi tiếng quốc tế về Tân Ước, nhất là về toàn bộ trước tác của Thánh Phaolô và về các nguồn Kitô giáo. Sau 25 năm giảng dạy tại Đại Học Giáo Hoàng Latran, mới đây ngài đã về hưu. Tác phẩm cuối cùng của ngài là bộ bình luận mới về Thư Rôma gồm ba cuốn: hai cuốn đầu đã xuất bản, cuốn thứ ba sẽ xuất bản nay mai. Ngày 30 tháng Năm vừa qua, Cha Penna có dành cho Lorenzo Cappelleti của tờ “30 Jours dans L’Église et dans le monde” một cuộc phỏng vấn. Nhân cơ hội này, cha đã đề cập tới tính thời sự của một số chủ đề trong tư tưởng của Thánh Tông Đồ Dân Ngoại như công chính hóa, việc trở lại và sứ mệnh truyền giáo.

Người sáng chế hay người truyền đạt

Nhiều người cho rằng người sáng chế ra Kitô giáo không phải là Chúa Giêsu mà chính là Thánh Phaolô. Cha Penna cho rằng suy nghĩ như thế không đúng. Lý do thứ nhất là giữa Chúa Giêsu trần gian và Thánh Phaolô, ta thấy có biến cố phục sinh, một biến cố ảnh hưởng rất nhiều tới sứ điệp, tới việc lên khuôn phúc âm nơi các cộng đoàn tiên khởi của Kitô giáo. Khi sống trên dương gian, Chúa Giêsu không nói chi nhiều về cái chết cũng như sự sống lại của Người. Chúa chú trọng tới việc giảng dạy về nước trời. Sau Phục Sinh, số phận và lịch sử bản vị của Chúa Giêsu đã đi vào tâm điểm việc công bố của các đồ đệ. Các đồ đệ này nhắc tới Người không phải chỉ như một bậc thầy, một tiên tri, những khuôn mặt xét cho cùng sẽ dẫn ta trở về giai cấp ưu tú đương thời của Do Thái, nhưng họ tích nhập khuôn mạo Chúa Giêsu vào cái khung có tính lịch sử và cứu độ nay đã chín mùi, đến độ khuôn mạo ấy đã trở thành khuôn mạo Đấng Chịu Đóng Đinh nhưng đã sống lại với một định hướng nhất định: phục vụ người khác. Rồi, giữa Chúa Giêsu và Thánh Phaolô, ta thấy có Giáo Hội, cộng đồng Kitô giáo tiên khởi. Cộng đồng này vốn đã định nghĩa Chúa Giêsu như đấng “đã chịu chết vì tội lỗi chúng ta”. Thánh Phaolô nào có sáng chế chi. Trước nhất, ngài chỉ là chứng nhân của Thánh Truyền. Ngài không làm điều gì khác hơn là lặp lại truyền thống có trước. Thí dụ, với tín hữu Côrintô, ngài cho hay: “Như thế, trước nhất tôi truyền lại cho anh em những gì chính tôi đã tiếp nhận nghĩa là Chúa Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Thánh Kinh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã chỗi dậy, đúng như lời Thánh Kinh…” (1Cor 15:3).

Công chính hóa

Tuy nhiên, phải nhận một điều, sở dĩ có suy nghĩ trên, là vì tính độc đáo, hay đúng hơn, tính thiên tài của Thánh Phaolô trong việc giải thích Phúc Âm. Theo cha Penna, tính độc đáo này phản ảnh phần lớn trong sứ điệp công chính hóa dựa vào đức tin. Con người trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa, họ được Thiên Chúa coi là công chính hay thánh thiện (nên nhớ, trong các thư của mình, 25 lần Thánh Phaolô gọi các tín hữu là thánh) không phải nhờ một đóng góp tự lập vào sự thánh thiện ấy mà nhờ biết tiếp nhận một cách khiêm hạ và hân hoan sự can thiệp từ bên ngoài (ab extra), tức sự can thiệp của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô. Đó mới là điều làm con người nên công chính, tức việc dùng đức tin mà tiếp nhận điều Thiên Chúa đã làm cho tôi. Trên bình diện nguyên ủy Kitô giáo, đây không phải là một quan niệm tạo hòa, điều tạo hòa chính là đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, tin Người là Đấng Được Xức Dầu và đồng thời là Con Thiên Chúa. Nhưng trên hết, điều người ta gọi là phương thức của người Kitô hữu gốc Do Thái (filon judéo-chrétien) làm cho đức tin vào Chúa Giêsu Kitô có thể hiện diện chung với phần đóng góp bản thân. Trong Thư Thánh Giacôbê (Thánh Giacôbê là một trong các đại biểu của dòng tư duy này), ta rõ ràng đọc thấy rằng con người nên công chính không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi. Lễ tế Ixaác của Abraham đã được đưa ra làm điển hình, nhưng với một thứ tự đảo ngược, dựa theo Sách Thánh. Thực vậy, trong Sách Sáng Thế, Lễ Tế Ixaác được tường thuật ở chương 22, sau khi Sách ấy đã nói ở chương 16 rằng nhờ tin, Abraham đã trở nên công chính, điều đã được Thánh Phaolô trích dẫn ở chương 4 trong thư gửi tín hữu Rôma. Như thế, sự công chính hóa này không bị điều kiện hóa bởi đức vâng lời hiệu nghiệm, là điều được kể trong chương 22 của Sách Sáng Thế. Tựu chung, quan điểm của người Kitô hữu gốc Do Thái hệ ở việc đảo ngược này.

Trở lại

Căn cứ vào điều trên, phải chăng người Kitô hữu gốc Do Thái muốn đi ngược lại cái nhìn của Thánh Phaolô? Theo cha Penna, Thánh Phaolô không biết gì tới danh xưng “Kitô hữu”, danh xưng này không hiện hữu vào thời của ngài. Theo Thánh Luca, các môn đệ Chúa Giêsu được gọi là Kitô hữu lần đầu ở Antiôkia; nhưng Sách Tông Đồ Công Vụ (11:26) đã ấn định sai niên biểu và cho rằng việc đó xẩy ra năm 30. Trên thực tế, Thánh Phaolô không hề biết tới danh xưng ấy. Ngài vẫn coi mình là người theo Do Thái giáo, nhưng là một người Do Thái trong Chúa Kitô. Chính vì lý do này, ngài không bao giờ dùng chữ trở lại. Ngài không phải là người trở lại. Người Do Thái không trở lại. Đó cũng là nhận định nổi tiếng của đại giáo trưởng Eugenio Zolli của Rôma. Ông được rửa tội gia nhập Giáo Hội Công Giáo sau Thế Chiến Hai, theo ông “Tôi không phải là người trở lại, tôi là người nay đã tới nơi”; vì người trở lại là người quay lưng lại với chính quá khứ của mình, mà người Do Thái là người không quay lưng, ông ta chỉ tiếp tục đường đi của mình. Đã đành, Thánh Phaolô có bước vượt qua. Trong thư Philiphê 3:7, ngài cho hay: “những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Chúa Kitô, tôi coi là thiệt thòi”. Các mối lợi đó hệ ở điều gì? Hệ ở việc tuân theo lề luật theo kiểu Biệt Phái (không theo nghĩa tầm thường), nghĩa là tuân phục Lề Luật cách hoàn toàn, trọn vẹn, đến độ coi nó như điều kiện để được công chính hóa trước mặt Thiên Chúa. Điều ấy đã được Thánh Phaolô vượt qua. Nhưng Israel vẫn luôn là điểm quy chiếu của ngài. Chỉ cần đọc lại các chương 9-11 thư gửi tín hữu Rôma cũng đủ sáng tỏ: dân ngoại được tháp vào Israel; cây sẽ thánh nếu rễ nó thánh (xem Rm 11:16 và tiếp theo). Chúng ta sống nhờ sự thánh thiện phái sinh (dérivée), không phải nguyên sinh mà thứ sinh (non pas primaire mais secondaire), và điều đó được nhìn bằng cái nhìn có tính lịch sử cứu độ. Theo cha Penna, Kitô giáo chỉ là một dị bản của Do Thái Giáo. Cho nên những ai tranh cãi chống Do Thái Giáo hay những ai thực hiện các hành vi phá hoại chống lại người Do Thái Giáo quả thật sai lầm: những người như thế không hiểu chút gì về danh nghĩa Kitô hữu của họ.

Tông đồ dân ngoại

Theo thư gửi tín hữu Êphêsô, chương 3 câu 6, mầu nhiệm mạc khải hệ ở sự kiện này là “trong Chúa Giêsu Kitô và nhờ Tin Mừng, dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa”. Và thánh Phaolô nói thêm ở câu 7: “Tôi đã trở nên thừa tác viên của Tin Mừng ấy”. Như thế phải chăng tính toàn diện trong mầu nhiệm Kitô giáo, về nội dung, chính là việc dân ngoại tham dự vào gia tài các lời hứa đã ngỏ với dân Do Thái? Theo cha Penna, nhiều chuyên gia Thánh Kinh và cả chính cha nữa vốn không coi thư gửi tín hữu Êphêsô là thư của Thánh Phaolô lịch sử. Nhưng dù sao, chủ đề này đặc trưng vẫn là chủ đề của Thánh Phaolô và vốn là chủ đề chính trong các thư mà ai cũng nhận là của Thánh Phaolô. Trong thư gửi tín hữu Galát (chương 2), ta đã thấy chủ đề ấy khi đề cập tới công đồng Giêrusalem. Trong thư này, một phân biệt rõ ràng đã được đưa ra: các ông Phêrô, Gioan và nhiều vị khác có nhiệm vụ rao giảng cho người cắt bì, còn Phaolô và Banaba thì rao giảng cho dân ngoại. Đó chính là đặc điểm của Thánh Phaolô. Ngài đã hiến mạng sống mình cho sứ vụ ấy. Và chủ yếu chính vì điều ấy mà ngài bị hiểu lầm. Chính vì sự cởi mở đó mà về phía người Kitô hữu gốc Do Thái, chứ không phải về phía người Do Thái Giáo, người ta đã chống đối ngài (trong thư này, ngài đề cập thẳng tới những người chống đối). Cũng trong thư này, Thánh Phaolô tuyên bố “chúng ta không phải là con cái người nô lệ mà là con cái người đàn bà tự do” (4:31) có ý ám chỉ tới hai người vợ của Abraham; thế nhưng các Kitô hữu mà thánh nhân gửi thư cho, tức các người ở Galát, đều là người dân ngoại, chứ không phải là người Do Thái. Chiến dịch vĩ đại do Thánh Phaolô thực hiện không phải là tách rời Tin Mừng ra khỏi Israel mà là mở cho mọi người ở bên ngoài Israel khả thể trở thành điều xưa nay vốn được coi là đặc quyền của một mình Israel, tức dân Thiên Chúa, dân Giao Ước (thánh nhân chỉ nói là dân). Đến độ, trong thư gửi tín hữu Rôma (9:25), Thánh Phaolô còn trích dẫn câu của tiên tri Hôsê: “Dân trước đây không phải dân của Ta, Ta sẽ gọi là Dân của Ta” và áp dụng câu đó cho dân ngoại, cho tất cả chúng ta, những người không thuộc gốc Do Thái. Đó chính là công trình của Thánh Phaolô trên cả bình diện chú giải lẫn bình diện truyền giáo; vì tất cả những điều ấy cho thấy một hiến thân toàn diện có tính sinh động và cụ thể đối với mọi phố thị bên ngoài Israel được thánh nhân đặt chân tới. Ngài không rao giảng ở chính Israel. Và tại Nhã Điển, ngài đã rao giảng Chúa Giêsu Kitô ở những địa điểm nào? Ở hội trường, công viên, ở đồi Aréopage, nơi ngài tiếp mọi tầng lớp của xã hội đương thời, bên ngoài bầu khí giam hãm của không gian tôn giáo. Chính tại những nơi như thế, ngài tiếp xúc với những người ở xa, thật xa so với Israel, như chính ngài đã viết trong thư gửi tín hữu Êphêsô (2:13): “Trước kia anh em là những người ở xa, nhưng nay, trong Chúa Giêsu Kitô, nhờ máu Chúa Kitô đổ ra, anh em đã trở thành những người ở gần”. Chính những người ở xa, những người khác, những người bị Israel coi là người khác, người dị biệt, không phải là dân, mà là người ngoài (gentes) (ở Israel, người ta phân biệt một bên là “dân”, một bên là “người ngoài”), đã được Thánh Phaolô hiến mình cho: công trình của ngài là đó. Ta có thể nói được rằng dưới mắt Thánh Phaolô, Chúa Giêsu Kitô không tượng trưng cho điều gì khác ngoài việc loại bỏ khoảng phân cách giữa người ngoài và người Do Thái. Thánh Phaolô có nhiều điều để nói về những rào cản đã được dựng nên cho sự phân cách ấy.

Lệnh truyền truyền giáo

Cũng có người cho rằng Thánh Phaolô không nhắc gì tới lệnh truyền truyền giáo của chính Chúa Giêsu, mặc dù truyền thống Kitô giáo nguyên thủy cho thấy nhiều chứng cớ về lệnh truyền này. Theo cha Penna, ý thức truyền giáo trong Giáo Hội là một vấn đề khá phức tạp. Vì trước nhất, người ta phải tự hỏi liệu Chúa Giêsu lịch sử có bao giờ đề cập tới lệnh truyền truyền giáo hay không. Bởi thực ra rõ ràng đã có lệnh ngược lại: “Tốt hơn, hãy đến với các con chiên lạc nhà Israel” (xem Mt 10:6 và 15:24). Chính Chúa Giêsu, trong suốt cuộc đời dương thế của Người, cũng chỉ hoạt động bên trong biên giới Israel, không như Giôna có lúc đã tới hẳn Ninivê. Chúa Giêsu không tới Ninivê, cũng không tới Nhã Điển, Rôma, Alexandria của Ai Cập, là những địa điểm khá gần. Cho nên cần phải giải thích lý do tại sao, sau Lễ Phục Sinh, Giáo Hội lại cảm thấy có bổn phận phải rao giảng cho dân ngoại (không ngay tức khắc, vì trong Công Vụ 10, đối với Thánh Phêrô, phải tới rửa tội cho viên bách quản Cornêliô quả là một vấn đề: điều này dĩ nhiên chưa là thành phần trong ý thức tông đồ lúc sơ khai). Không phải là điều ngẫu nhiên nếu những lời ta đọc ở cuối phúc âm Mátthêu: “Vậy hãy ra đi, làm cho muôn dân trở thành môn đệ, hãy rửa tội cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần” (xem Mt 28:19 và tiếp theo), chỉ là lời của Chúa Giêsu phục sinh chứ không phải là lời của Chúa Giêsu dương thế… Cho nên người ta có thể đưa ra giả thuyết cho rằng chúng là lời của soạn giả, của phúc âm gia hay của Giáo Hội vị này, một giáo hội có tính Kitô giáo gốc Do Thái, miễn cưỡng lắm mới chịu mở giáo hội tại Antiôkia… Thành thử Thánh Phaolô không trích dẫn được lời nào của Chúa Giêsu nói về sự cần thiết của truyền giáo. Tuy nhiên, nếu ta tham chiếu chương 9 sách Tông Đồ Công Vụ, là trình thuật đầu tiên về cuộc gặp gỡ trên đường Đamát, ta sẽ thấy Chúa Giêsu nói với Anania về Thánh Phaolô: “Người này là dụng cụ Ta chọn để mang danh Ta đến trước mặt dân ngoại, vua chúa và con cái Israel…”. Ơn gọi của ngài là ơn gọi đích danh được Banaba và một loạt các cộng sự viên chia sẻ: Timôtê, Xila, Apôlô, Titô và tất cả những người được nhắc tới ở chương XVI trong thư gửi tín hữu Rôma, những người chịu mệt lả vì Chúa Kitô, hiến trọn cuộc đời cho Phúc Âm và công việc truyền giáo. Như thế việc truyền giáo có nghĩa gì? Điều ấy có nghĩa người ta coi trọng đức tin vào Chúa Giêsu phục sinh, vì chính Chúa Giêsu phục sinh đã bẻ gẫy mọi con đê, chính Phục Sinh đã phá hết mọi đê ngăn cản và đã hoàn tất một công trình lớn lao, một kỳ công…Càng nhận thức được giá trị nổ bùng của Phục Sinh, người ta càng cảm nghiệm được nó. Đây là điều quan trọng. Thánh Phaolô không nói chi về Chúa Giêsu trần thế, ngài chỉ nói về Chúa Giêsu chịu đóng đinh và đã sống lại. Kitô học của Thánh Phaolô hoàn toàn xoay quanh biến cố phục sinh, xoay quanh hai khía cạnh của biến cố phục sinh, tức thánh giá và sự sống lại, một biến cố có tính nổ bùng, vượt quá bên kia biên giới Israel. Mặt khác, ý thức cho rằng Chúa Giêsu đến để hủy bỏ các hy lễ đã trở thành một truyền thống trong các trước tác của người Kitô hữu gốc Do Thái không phải là Thánh Phaolô. Nếu Người đến để hủy bỏ hy lễ, thì điều đó có nghĩa là bản sắc Người vượt quá các nền phụng vụ vốn được cử hành trong các đền thờ và nó là cái gì vượt ra ngoài phạm trù thánh thiêng, mở cửa chào đón mọi phạm trù phàm tục (profane), vâng đúng là phạm trù phàm tục; mà phàm tục thì có mặt khắp nơi. Là phàm tục, bất cứ điều gì nằm ở bên ngoài Israel, một dân vốn được định nghĩa là thánh, điều mà “những người khác” không có. Nhưng, theo Thánh Phaolô, biến cố phục sinh sở dĩ có là vì chính “những người khác” ấy.

Tính thời sự

Con người và sứ điệp của Thánh Phaolô vẫn có tính thời sự cho đến tận nay. Đó là một sứ điệp của điều yếu tính, một sứ điệp nhằm thu gọn Kitô giáo vào điều cốt yếu này: gắn bó bản thân với Chúa Giêsu Kitô. Không còn điều gì khác; và trong “con người khác” này, tôi đặt để mọi sự và mọi người, từ thiên thần đến hạ nhân. Ở trong Chúa Kitô (dù sao, đây cũng là ngôn từ của Thánh Phaolô: “ở trong Chúa Kitô”, hay “trong Chúa”) có nghĩa là ở trong Thiên Chúa. Cho nên, phải thu gọn vào điều cốt yếu. Điều ấy hàm nghĩa phải tỉa bớt khá nhiều điều. Nói Thánh Phaolô là nói Chúa Giêsu Kitô. Trên bình diện Giáo Hội, cả định chế nữa. Dĩ nhiên, vào thời Thánh Phaolô, Giáo Hội khá nhẹ nhàng trong tư cách định chế, chưa nặng nề như nhiều thế kỷ sau. Mà sở dĩ Giáo Hội nhẹ về định chế được như thế, trước nhất là vì bản sắc giáo hội của Kitô giáo được hiểu như sự kiện tất cả đều là anh em, (một từ ngữ được dùng tới dùng lui tới 112 lần trong toàn bộ trước tác của Thánh Phaolô), vâng mọi người đều trên cùng một bình diện. Và cuối cùng, ai hiến mình phục vụ đều thấy mình ở dưới. Trong thư thứ nhất gửi tín hữu Êphêsô, Thánh Phaolô viết: “Mà Apôlô là chi? Phaolô là chi? Chỉ là các tôi tớ…Tất cả đều thuộc về anh em, dù đó là Phaolô, là Apôlô, là Kêpha, là thế gian, là sự sống…Nhưng anh em thuộc về Chúa Kitô, và Chúa Kitô thuộc về Thiên Chúa” (xem 1Cor 3:5 và tiếp theo). Không một dòng nào nói từ trên xuống dưới. Mà là từ dưới lên trên: “Tất cả thuộc về anh em”…Anh em ở trên các tôi tớ, theo nghĩa các tôi tớ cũng là thành phần của cộng đoàn. Dĩ nhiên, cộng đoàn Kitô giáo không phải là ốc hến, nó có xương sống, nhưng điều quan trọng trong Giáo Hội, không phải là các đầy tớ, mà là người đã được rửa tội; các đầy tớ chỉ quan trọng theo mức họ cũng là những người đã được rửa tội. Tuy vậy, chớ nên hiểu lầm. Sự hiện hữu của các tôi tớ hết sức quan trọng, nếu không muốn nói là chủ yếu, đó là dữ kiện được Thánh Phaolô biết rất rõ. Chỉ cần trích dẫn các đoạn trong đó ngài nói về Giáo Hội như một thân thể có cơ cấu (xem 1Cor 12: 12 và tiếp theo) là đủ hiểu.
 
Đức giáo hoàng tham khảo với các giám mục về việc thay đổi một nghi thức trong thánh lễ
Phụng Nghi
09:46 25/11/2008
Vatican (Catholic Culture) – Đức Hồng y Francis Arinze, bộ trưởng Thánh bộ Phụng tự và Kỷ luật các Nhiệm tích, phát biểu với báo L’Osservatore Romano của Tòa thánh hôm thứ Sáu tuần qua rằng Đức giáo hoàng đang tham khảo với các vị giám mục trên thế giới về việc chuyển Nghi thức Chúc Bình an trong thánh lễ, lúc cộng đồng giáo dân bắt tay hay ôm nhau để tỏ dấu thân thiện và chúc bình an, hiện nay thực hiện vào ít phút trước lúc rước lễ, tới một thời điểm khác trong thánh lễ. Đức hồng y Arinze nói rằng việc đề nghị chuyển đổi nghi thức này đến thời gian sớm hơn, đó là lúc dâng của lễ, sẽ tạo ra một không khí nghiêm trang để giáo dân có thể chuẩn bị rước Mình và Máu Thánh Chúa một cách xứng đáng.

Trong một ghi chú nơi Tông huấn Sacramentum Caritatis công bố năm 2007, Đức giáo hoàng Bênêđictô viết: “Tôi đã yêu cầu các văn phòng thẩm quyền trong giáo triều nghiên cứu xem có thể chuyển Nghi thức chúc Bình an tới một chỗ khác, chẳng hạn như trước lúc dâng của lễ tại bàn thờ. Làm thế cũng còn để nhắc nhở rằng Chúa đòi hỏi chúng ta phải hòa giải với nhau trước khi dâng của lễ lên Thiên Chúa (Mt 5:23).”
 
Đức Thánh Cha: Chủ Hướng Đại Kết giúp truyền bá Phúc Âm
Bùi Hữu Thư
11:28 25/11/2008

Đức Thánh Cha: Chủ Hướng Đại Kết giúp truyền bá Phúc Âm



Ngài bầy tỏ niềm hy vọng tiến lại gần hơn với Giáo Hội Armenia

VATICAN CITY, ngày 24, tháng 11, 2008
(Zenit.org).- ĐTC Benedict XVI nói, sự bành trướng về các mối liên lạc đại kết có những hứa hẹn tốt đẹp cho việc công bố Phúc Âm trong thời đại chúng ta.

ĐTC khẳng định điều này hôm nay khi ngài chủ tọa một nghi lễ đại kết với thượng phụ Aram I, Giáo Hội Công Giáo Cilicia cuả người Armenia. Một phái đoàn của giáo hội này cũng có mặt.

Thượng phụ Aram I đang thăm viếng Rôma, trong đó có một cuộc hành hương đến Đền Thánh Phaolô Ngoại Thành.

ĐTC nói với thương phụ, "Cuộc gặp gỡ của chúng ta hôm nay tiếp diễn cuộc viếng thăm của ngài với đấng tiền nhiệm yêu quý của tôi là ĐTC Gioan Phaolô II vào tháng Giêng 1997, nhờ ơn Chúa trong các năm vừa qua, với rất nhiều cuộc tiếp xúc và thăm viếng khác, đã đưa đến những tương quan mật thiết hơn giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Tông Đồ Armenia."

ĐTC tiếp, "Trong Năm Thánh Phaolô, ngài sẽ viếng thăm ngôi mộ của vị Tông Đồ các Quốc Gia và cầu nguyện với cộng đồng ẩn tu tại Vương cung thánh đường được xây cất để tưởng niệm vị thánh này. Trong kinh nguyện ngài sẽ hiệp nhất với bao nhiêu vị thánh và thánh tử đạo, thầy giảng và thần học gia người Armenia, mà di sản về kiến thức, sự thánh thiện và thành qủa truyền giáo của họ đã là một phần sản nghiệp của tất cả Giáo Hội. […] Bằng chứng này đã lên đến tột đỉnh vào thế kỷ 20, trong thời kỳ đau khổ hết chỗ nói của người dân nước ngài.

"Đức tin và lòng sùng đạo của người dân Armenia đã thường xuyên được trợ giúp bởi ký ức về bao nhiêu vị tử đạo đã làm nhân chứng Phúc Âm qua bao thế kỷ. Chớ gì các chứng nhân đó tiếp tục tạo dựng nền văn hóa của quốc gia ngài và gợi hứng nơi các người đi theo Chúa Kitô một sự tin tưởng mạnh mẽ hơn vào quyền năng cứu chuộc và ban sự sống của Người trên thập giá."

Giáo Hội Tông Đồ Armenia là một trong sáu Giáo Hội Chính Thống Đông Phương. Các giáo hội này tách rời khỏi Rôma sau Công Đồng Chalcedon năm 451, vì có sự tranh luận về việc công đồng chấp nhận từ ngữ Kitô học về hai bản thể trong một ngôi. Tuy nhiên, hiện nay đa số thoả thuận là tranh luận này đã xẩy ra do ý nghĩa của danh từ thay vì học thuyết.

Nhiều Giáo Hội Chính Thống Đông Phương đã ký kết các thoả ước với Giáo Hội Công Giáo bầy tỏ việc họ cũng chia sẻ cùng một đức tin về Chúa Kitô.

Giáo Hội Tông Đồ Armenia là một trong các giáo hội đã tiến gần hơn trong việc hiệp nhất, đáng ghi nhớ là bản tuyên ngôn về bản tính của Chúa Giêsu do ĐTC Gioan Phaolô II và thượng phụ Karelin II ký năm 1996.

ĐTC Benedict XVI tiếp, "Chắc chắn là những gia tăng về sự hiểu biết, tôn trọng và hợp tác xuất phát từ các cuộc đối thoại đại kết, có nhiều hứa hẹn cho việc công bố Phúc Âm trong thời đại chúng ta.”

Đại Thượng Phụ Karekin II
Thượng Phụ Aram I
Tòa Thánh của Giáo Hội Tông Dồ Armenia tại Vagharshapat
ĐTC Gioan Phaolô II
 
Top Stories
Il 5 dicembre comincia il processo contro otto cattolici di Thai Ha
Asia-News
06:16 25/11/2008
L’accusa è di distruzione di beni e turbamento dell’ordine pubblico, ma persino la polizia aveva omesso la prima imputazione. Essa si riferisce all’abbattimento di tre metri di un muro, che le autorità hanno poi completamente distrutto per creare un parco publico.

Hanoi (AsiaNews) – Ha tutta l’aria di un processo politico quello che si svolgerà il 5 dicembre contro otto cattolici che hanno preso parte alle veglie di preghiera della parrocchia di Thai Ha. Sono quattro uomini e quattro donne; quattro appartengono alla parrocchia di Thai Ha, due ad altre parrocchie della capitale, gli ultimi due vengono da altre diocesi, Hung Hoa e Bac Ninh, nel nord. Per tutti le accuse sono di “distruzione di beni” e “turbamento dell’ordine pubblico”.

I fatti per i quali gli imputati saranno processati davati al tribunale del distretto di Dong Da risalgono al 15 agosto, quando i fedeli superarono il muro che divideva la parrocchia dal terreno del quale, peraltro, essa chiedeva la restituzione. In quel momento il terreno era stato concesso ad una ditta di confezioni. I fedeli rimossero un tratto del muro e, entrati nel terreno, vi crearono un piccolo santuario mariano. Là si sono celebrate le veglie di preghiera “per la giustizia”, fino alla fine di settembre, quando, dopo ripetuti attacchi di attivisti del Partito comunista contro i fedeli (nella foto, con le tute blu), in tutta fretta il terreno fu trasformato in un parco pubblico.

L’inchiesta della polizia sui fatti in un primo momento fece cadere l’imputazione di “distruzione di beni”, tanto che, come ricostruisce Eglises d’Asie, il 24 ottobre l’atto di accusa davanti al Tribunale popolare di Dong Da parlava solo di “disturbo dell’ordine pubblico”. Ma il 28 ottobre, evidentemente sotto pressioni politiche, il tribunale ha rinviato il fascicolo agli inquisitori, dicendo che era stato omesso il reato di “distruzione di beni”. Che ora, infatti, compare. La settimana scorsa, l’Ufficio del valutatore generale di Dong Da ha stimato in 3milioni e 700mila Dong (circa 200 dollari) il danno causato dall’abbattimento di circa tre metri di muro.

Padre Joseph Nguyen, della parrocchia di Thai Ha commenta con Vietcatholic News che “il processo è ingiusto”, in quanto “il terreno è stato, era ed è ancora” di proprietà della parrocchia. E il procedimento legale per la richiesto di restituzione è ancora in corso. ”In tutti i casi – nota poi suor Marie Nguyen – le autorità hanno spianato tutto con i bulldozzer per trasformare il terreno nel parco. Perché insistono a perseguire i parrocchiani?”.
 
Trial against eight Catholics from Thai Ha begins December 5
Asia-News
07:27 25/11/2008
The accusation is that they destroyed property and disturbed public order, but even the police left off the first charge initially. It refers to the toppling of a three-meter section of a wall, which the authorities then destroyed completely to create a public park.

Hanoi (AsiaNews) - It has the feel of a political procedure, the trial that will be held on December 5 against eight Catholics who took part in the prayer vigils at the parish of Thai Ha. They are four men and four women; four of them belong to the parish of Thai Ha, two to other parishes in the capital, while the others come from other dioceses, Hung Hoa and Bac Ninh, in the north. All of them are accused of "destruction of property" and "disturbing public order."

The incidents for which the accused will be tried before the court of the district of Dong Da took place on August 15, when the faithful crossed the wall dividing the parish from the land that they were asking to have given back. At the time, the land had been given to a packaging company. The faithful removed part of the wall and moved onto the land, where they set up a small Marian shrine. There they celebrated prayer vigils "for justice," until September 1, when, after repeated attacks by activists of the communist party against the faithful (in the photo, in blue T-shirts), the land was hastily turned into a public park.

The initial police investigation dropped the charge of "destruction of property," so that, as Eglises d’Asie reports, on October 24 the accusation in front of the people's court of Dong Da mentioned only "disturbance of public order." But on October 28, evidently under political pressure, the court sent the case files back to the investigators, saying that the crime of "destruction of property" had been left out. It has since been added. Last week, the office of the assessor general of Dong Da estimated the damage caused by the distraction of the three-meter section of wall at 3 million 700 thousand Dong (about 200 dollars).

Fr. Joseph Nguyen of the parish of Thai Ha tells Vietcatholic News that "the trial is unjust,” because "the land had been, was and is still" the property of the parish. And the legal proceeding over the request for restitution is still underway. "Anyway, the local government bulldozed everything, including the wall, to convert the land into a public park," observes Sister Marie Nguyen. "Why do they insist on suing the parishioners for something that cost no more than a breakfast for a high-ranking official in Hanoi, after having jailed them for months?"
 
Report: Vietnamese government’s effort to establish rival ‘Patriotic Church’ has failed
Catholic News Agency
07:33 25/11/2008
Hanoi, Nov 25, 2008 / 06:28 am (CNA).- The Vietnamese government’s attempt to create a “Patriotic Church” to rival the Catholic Church in the country is now considered “completely impossible,” sources familiar with the effort have told CNA.

Though state media have allegedly concealed poor attendance at the fifth congress of the Vietnam Committee for Solidarity of Catholics, one priest forced to attend the meeting reported only a few dozen attended.

The congress had “a somber atmosphere,” according to his report.

The meeting of the Vietnam Committee for Solidarity of Catholics was originally scheduled for 2005 but did not take place until November 19-20, 2008 in Hanoi. On November 12 the state-run Vietnam News Agency claimed the fifth conference would take place “with the attendance of 425 delegates, including 145 priests,” Fr. An Dang informed CNA.

“However, after the congress had concluded, the number of attendees was intentionally not reported,” he continued. Days after the meeting, the state-run media outlet VietNamNet issued an “abnormally short report” stating that the congress elected to the committee 128 members, including 74 priests, four clergymen, and 50 others.

“It intentionally left the number of attendance for its readers to guess,” J.B. An Dang said.

While the reported numbers gave the impression that at least 128 people attended the meeting, a priest who was forced to attend the conference reported on condition of anonymity that “only a few dozens attended in a somber atmosphere” and “no pictures were allowed to be taken as they could demonstrate that the plot [to create a Patriotic Church] had failed.”

Those who attended the congress discussed a revised charter because the establishment of a Church under the directives of the communist government is now considered “completely impossible.” According to state-run media, the committee will now focus on “calling upon Vietnamese Catholics at home and abroad to actively participate in a wide range of social activities in a myriad of areas, from work, study and business to production and humanitarian acts, and to continue working for national socio-economic development.”

The committee’s efforts only imitate longstanding Catholic action.

“Ironically, not waiting for the call of the committee, the Church in Vietnam has actively participated for years in social activities,” J.B. An Dang told CNA.

“Moreover, bishops have repeatedly asked the government to allow the Church to participate more in some specific areas where the Church has been proven to be capable, such as education and health care. So far all of their petitions have gone into deaf ears.”

J.B. An Dang also provided CNA with a brief overview of the Vietnamese government’s attempts to co-opt the Catholic Church into its Communist regime, following the example of Chinese communists.

Its first effort, called the Liaison Committee for Patriotic and Peace-Loving Catholics, was born in March of 1955 but failed “thanks to the fidelity to Christ and His Church of Bishops, priests, religious and the laity.”

“While other religions were divided into an official (or state-approved) one and an underground one, there was only one Catholic Church in North Vietnam completely loyal to Christ and His Church even at the price of grave sufferings. As a result, alternative policies were applied, typically – the eradication of clergy and the Church property confiscation policies,” he explained.

The Committee for Solidarity of Vietnamese Catholics was founded in 1975 to revive the government’s efforts after the Communists had seized the whole country.

“At first, communists seemed to achieve their objective when a significant number of Catholics joined the committee, especially after the imprisonment of thousands of Catholic priests,” J.B. An Dang said.

The then Auxiliary Bishop of Saigon, Francis Nguyen Van Thuan, was one of the imprisoned clergy. Later elevated to cardinal, he chaired the Vatican Pontifical Council for Justice and Peace.

The initial success of the Committee for Solidarity faded after the Mass at the conclusion of its first congress in December 1976.

“Concelebrating priests shocked attendees by intentionally leaving out completely the Prayer for the Pope, an act seen as a symbol of the tendency to break ties with the Vatican.”

A 1985 letter published by the Holy See admonished the clergy involved with the committee, after which most priests withdrew from the organization.

At present the committee is reportedly unpopular with most Catholics.

“Most bishops in Vietnam explicitly asked their priests not to join the committee,” Father Joseph Nguyen from Hanoi said. “For most Catholics in Vietnam, the involvement of priests in the committee confuses people –not to say it’s a big scandal.

“Many Catholics might join the committee with good intentions to bridge misunderstandings between Communists and Catholics. With recent open persecutions against the Church, they now realize that their presence in the committee does not help Communists to overcome their prejudices against Catholics.”
 
Vietnamese Chapel Attacked with Police Aid
Compass Direct News
11:02 25/11/2008

Vietnamese Chapel Attacked with Police Aid



November 24, 2008

LOS ANGELES (Compass Direct News) – At a chapel on the remaining patch of Thai Ha Redemptorist property in Hanoi that the Vietnamese government had yet to confiscate, at 10 p.m. on Saturday night (Nov. 15) an official came to summon the priests to an “urgent meeting.” According to Vietcatholic.net website and other church sources, it proved to be a ruse to draw them away from the property while government-inspired gangs attacked St. Gerardo Chapel.

As the gangs ravaged the chapel, Father Joseph Dinh told Independent Catholic News, some people at the church began ringing the church bells to signal for help while others sent urgent e-mail and text messages asking Catholics to defend it.

Hundreds of police with stun guns tried to keep the arriving faithful from entering the chapel to stop the destruction. The hundreds of Catholics who arrived eventually overwhelmed officers, going past police to scare off the attackers. Witnesses reportedly said that government, police and security officials had stood by doing nothing to protect the chapel.

They also said that fleeing gang members shouted obscenities threatening to kill the priests and the faithful, as well as the archbishop.

“It is significant that the government attack against the monastery came on the eve of the celebration of the Feast of Vietnamese Martyrs,” a local priest told Vietcatholic.net. “This attack reminds people that since the outset, the seed of faith in Vietnam’s soil was mixed with the abundant blood of Catholic martyrs from all walks of life – from courageous missionaries to local clergy and the Christian faithful.”

The priest concluded by decrying the deterioration of conditions for Vietnamese Catholics.

A government spokesman later denied that the Vietnamese forces or authorities were involved in the attack.

As the government had achieved its objective of taking over the contested land, the well-coordinated attack came as a surprise to many. In September, Vietnam had resorted to force to answer months of growing but peaceful prayer vigils over long-confiscated Catholic properties in Hanoi, reneging on a promise to negotiate a settlement. Unilaterally, the government quickly turned the papal nunciature and the rest of the Thai Ha Redemptorist property into public parks.

The solidarity demonstrated by Catholics throughout the country appeared to have alarmed authorities. They reverted to classic attacks of disinformation and slander against Catholic leaders, and even after they had halted the prayer vigils, taken the contested land and allowed previous gangs to ransack the Redemptorist chapel, authorities demanded the removal of the archbishop of Hanoi, Ngo Quang Kiet, whom they accused of inciting riots against the state.

A Protestant pastor in Hanoi said the government’s recent conflict with Catholics has had a ripple affect on other churches and religions.

“Though it is the Catholics who are being most lambasted in the state media, Protestants are also maligned along with Catholics by government propaganda,” he said. “Secondly, all religious leaders are again subject to closer surveillance."

Mennonite Church Recognized

Ironically, only a few hours earlier on the same day the chapel was attacked, the Vietnam Mennonite Church was allowed to hold its organizing general assembly in Ho Chi Minh City, becoming the fifth smaller church body to receive full legal recognition in 2008.

While registration can mark an improvement in the way the government treats a church, it is not to be confused with full religious freedom, church leaders said, as it is sometimes used as a means of control. The dubious benefits of registration have led many Protestant groups to simply quit seeking it.

Other Protestant groups to receive legal recognition in 2008 were the Grace Baptist Church, the Vietnam Presbyterian Church, the Vietnam Baptist Church, and the Seventh-Day Adventist Church. This brought the total number of fully recognized Protestant denominations to eight. Two of the eight bodies, the Evangelical Church of Vietnam (South) and the Evangelical Church of Vietnam (North), received legal recognition before the new religion legislation initiated in late 2004.

None of the 24 house church organizations of the Vietnam Evangelical Fellowship (VEF), however, has received even the lower-level “national registration to carry out religious activity.” Only one in seven of its congregations even have permission to operate locally.

Of the total 2,148 VEF congregations, 1,498 have applied for local permission to carry out religious activity, but only 334 have received it. Another house church organization has had 80 congregations apply for local permission to operate and has received only refusals or no answer at all. Other groups report a similar experience.

A hint of the government’s attitude toward registered churches, pastors said, was evident in its official news release on the Vietnam Mennonite Church general assembly. The Vietnam News Agency release of Nov. 15 enjoining the church to “serve both God and the nation” and to “unite with other people in the course of national reconstruction” struck some church leaders as an expectation that their congregations will serve political ends.

Christian leaders detected government fear of churches’ international connections in the official claim that, “For more than three decades, the Vietnam Mennonite Church has operated independently from foreign Mennonite churches.”

As is customary, the ceremony included an address by a representative of the Bureau of Religious Affairs. Nguyen Thanh Xuan said he expects the Mennonite Church “to bring into full play good characteristics of Protestantism, uphold the tradition of charity, and join hands with other religious and non-religious people to build a country of stability and prosperity.”

The heavy-handed treatment of Catholics over the disputed property and the offering of legal registration to more Protestant groups does not present the contrast it may first appear, said one long-time observer.

“Catholics outnumber Protestants about five to one and are a much more formidable and unified organization than Vietnam’s fractured Protestants,” he said. “Alarmed at the largest countrywide Catholic solidarity ever demonstrated, nonplussed security authorities ordered a classic, harsh crackdown and incited ‘punishment’ disguised as citizens’ outrage.”

Protestants, he said, are less numerous, more divided and rarely capable of joint action, so they do not pose a serious threat.

“For example, the oft-repeated requests and ultimatums by the Evangelical Church of Vietnam (South) on their 265 confiscated properties are simply ignored,” he said. “And don’t forget that the majority of Protestants are ethnic minorities in remote areas who remain closely watched by the government.”
 
Thai Ha parishioners cannot access to their defending lawyer
Thuy Dung
17:29 25/11/2008
A lawyer who defends Thai Ha parishioners has reported that so far he has not been able to contact his clients.

Lawyer Le Tran Luat, who will defend eight Thai Ha’s parishioners, has told BBC news that he has not been able to contact two of his eight clients who have been jailed for months. Mrs. Nguyen Thi Nhi, born 1962; and Mrs. Ngo Thi Dung, born 1954, have been jailed at Hoa Lo prison, known to American prisoners of war as the "Hanoi Hilton". The prison was used for prisoners of war during the Vietnam War and now for political prisoners.

Access to the prison is very limited. In addition, “prisoners are often forced to refuse any contact with their lawyers,” Mr. Luat warned. Those who request to see their lawyers are believed to suffer mistreatment by prison guards.

Hanoi Redemptorist community fears that at least four of them who has been charged with articles 143 and 245 of the Penal Code may face a sentence up to 36 months in prison. In particular, Mrs. Nguyen Thi Nhi may face a harsh sentence.

Nhi has been subjected to harsh criticism from state-run media. She has been depicted as a criminal who had involved herself actively in protests at both Thai Ha and Hanoi former nunciature.

On Jan. 25, during a protest at Hanoi former nunciature, Nhi climbed over a gate to place flowers on a statue of the Virgin Mary inside the building.

Discovered by security personnel, Nhi was chased around the garden of the building. Disregarding her explanations for her venturing into the building, the guards kicked and slapped her severely. In the witness of more than 2,000 Catholics, a security commander even loudly ordered his subordinates to beat her to death the woman.

Lawyer Le Quoc Quan intervened, telling the security officials that their acts were unlawful and that they should stop beating the woman. However, they turned to attack him and dragged him to an office where he was beaten cruelly.

Seeing all this brutality, in order to rescue Mr. Quan and Mrs. Nhi, the protestors had no other choice than breaking through the gate to confront the security officers.

Lawyer Le believes that the eight Thai Ha’s parishioners are innocent. “The wall was built illegally on their land. They have their rights to destroy it,” he said. However, despite his best efforts, he cannot expect an acquittal verdict, as it is a political trial, not a criminal trial as stated by the government.
 
Wietnam: otwarta walka z Kościołem (tiếng Ba Lan)
Radio Vaticana
23:15 25/11/2008
Wietnam: otwarta walka z Kościołem (tiếng Ba Lan)

(Việt Nam: một cuộc chiến công khai chống Giáo Hội)

25/11/2008: Wietnamskim władzom nie udało się powołać do życia Kościoła patriotycznego, który zgodnie z chińskim wzorem byłby niezależny od Watykanu i w pełni podległy partii. W dniach 19-20 listopada odbyło się od dawna przygotowywane spotkanie współpracujących bądź szantażowanych przez reżim kapłanów i świeckich, które w zamyśle organizatorów miało być zjazdem założycielskim nowego Kościoła. Okazało się ono jednak kompletnym fiaskiem. Zamiast co najmniej 400 potencjalnych liderów nowej organizacji w spotkaniu uczestniczyło zaledwie kilkudziesięciu zrezygnowanych księży i świeckich, którzy sami uznali, że utworzenie Kościoła patriotycznego w Wietnamie jest po prostu niemożliwe. Niemal wszyscy wietnamscy biskupi zakazali swym kapłanom udziału w tego rodzaju przedsięwzięciach.

Zjazd katolików-patriotów to tylko jedna z licznych inicjatyw wymierzonych ostatnio w wietnamski Kościół. W Hanoi szykuje się pokazowy proces wiernych z parafii Thai Ha, którzy uczestniczyli w antyrządowych protestach. Przed sądem będą odpowiadać za zniszczenie mienia publicznego o ogólnej wartości 200 dolarów i zakłócanie porządku publicznego. Początek rozprawy zaplanowano na 5 grudnia.

Tymczasem w internecie pojawiają się kopie tajnych raportów i rozporządzeń Głównego Biura Propagandy, rozsyłanych do dyrektorów szkół oraz kierownictwa organizacji studenckich i młodzieżowych. Pokazują one, w jaki sposób uświadamiać dzieci i młodzież, a także jak ostrzegać rodziców przed skutkami zaangażowania ich dzieci we „wrogą wobec państwa” działalność Kościoła.

(Source: Radio Vaticana http://www.oecumene.radiovaticana.org/pol/Articolo.asp?c=247606)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Chuẩn bị cử hành Năm Thánh 2010 cho Cộng đồng Dân Chúa Việt Nam (2)
Trần Văn Cảnh
07:43 25/11/2008
Chuẩn bị cử hành Năm Thánh 2010 (bài 2)

Tại Hội Nghị Thường niên tháng 10 năm 2007, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã quyết định cử hành Năm Thánh 2010 cho Cộng Đồng Dân Chúa Việt Nam và trao cho ĐHY Phạm Minh Mẫn trách nhiệm tổ chức.

Sau năm tháng làm việc, ĐHY và các cộng sự viên đã làm xong công việc chuẩn bị quan trọng tiên khởi bất khả khuyết là soạn thảo được thủ bản định hướng nền tảng qua bản « Nội quy về việc Cộng đồng Dân Chúa Việt Nam cử hành Năm Thánh 2010 [1] ». Bản nội qui này đã được trình lên HĐGM và đã được Đức cha chủ tịch, Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, phê chuẩn ngày 27.03.2008.

Bản Nội qui đề cập đến 4 phần: 1- Ý nghĩa và mục đích; 2- Cử hành Năm Thánh; 3- Đại Hội Dân Chúa Việt Nam 2010; và 4- Phân công và phân nhiệm. Ba phần 2, 3 và 4 đều nói đến việc chuẩn bị và đều đề cập cụ thể và chi tiết đến những việc phải làm để chuẩn bị Năm Thánh 2010.


1. Những việc nào phải làm để chuẩn bị Năm Thánh 2010 ?

Phần II của bản nội qui đề cập đến « Cử hành Nam Thánh » qua hai chương. Một chương nói về việc cuẩn bị và một chương nói về việc cử hành năm thánh 2010. Ở chương nói về việc chuẩn bị, người ta thấy ấn định rằng hai tài liệu sẽ phải được Ban Tổ Chức soạn thạo: một trong năm 2008 và một trong năm 2009. Bản Nội Qui viết [2]:

(1) Năm 2008: HĐGM VN thống nhất và xin Toà Thánh cho mở Năm Thánh 2010. Đồng thời, HĐGM VN phê chuẩn Ban Tổ chức cử hành Năm Thánh, và hình thành những Tiểu Ban chuyên môn. Trong năm 2008, các Tiểu Ban cần soạn xong tài liệu học tập, hội thảo, tổ chức lễ hội, cầu nguyện, hành hương theo những chủ đề giúp cho cộng đồng Dân Chúa trong các giáo tỉnh, giáo phận, giáo xứ, dòng tu, tu hội, Đại Chủng viện, các đoàn thể giáo dân, các phong trào tông đồ ý thức tạ ơn Chúa, và quyết tâm cùng nhau làm mới hình ảnh Giáo Hội tại Việt Nam.

(2) Chủ đề của Năm Thánh 2010 là:
GIÁO HỘI TẠI VIỆT NAM: Mầu nhiệm - Hiệp thông - Sứ vụ

Chủ đề này được triển khai theo 3 chủ điểm lớn sau đây:

- Giáo Hội mầu nhiệm, với chức năng ngôn sứ và tư tế (mục vụ Thánh Kinh, Lời Chúa, giáo lý đức tin, Phụng tự, lòng đạo đức bình dân, kinh sách).
- Giáo Hội hiệp thông, với chức năng mục tử (mục vụ tổ chức và điều hành giáo phận, giáo xứ, dòng tu, tu hội, các tổ chức mục vụ, các đoàn thể tông đồ giáo dân, tạo tương quan liên đới, đối thoại, hợp tác, đối nội, đối ngoại).
- Giáo Hội sứ vụ, với chức năng thi hành sứ vụ yêu thương và phục vụ cho Tin Mừng và cho sự sống dồi dào của mọi người, đặc biệt người kém may mắn, bị bỏ rơi (mục vụ truyền giáo, văn hoá giáo dục, y tế, bác ái xã hội, phát triển, di dân).

(3) Năm 2009, các giáo tỉnh, giáo phận, giáo xứ, dòng tu, Đại Chủng viện, đoàn thể tông đồ giáo dân, tổ chức cho cộng đoàn Dân Chúa cử hành lễ hội, học tập, hội thảo, góp ý, đề xuất, cầu nguyện, hành hương vào một số dịp và theo 3 chủ đề đã nêu trên… Phát hành Kỷ Yếu 50 năm thiết lập Phẩm trật Giáo hội Công giáo tại Việt Nam với 3 giáo tỉnh Hà Nội - Huế - Sài Gòn, với phần nhìn lại các thời kỳ lịch sử truyền giáo, đặc biệt thời kỳ chính toà…

Phần III, nói về « Đại Hội Dân Chúa Việt Nam 2010" qua 5 chương, trong đó một chương nói về việc chuẩn bị. Ở đây, người ta cũng thấy hai tài liệu sẽ phải được thực hiện trong thời kỳ chuẩn bị. Bản Nội Qui viết [3]:
« (1) Công việc chuẩn bị Đại Hội, trước hết nhằm giúp cho HĐGM phát hiện những vấn đề cần được đưa ra bàn thảo trong Đại hội Dân Chúa Việt Nam năm 2010. Đồng thời còn nhằm làm cho mọi thành phần Dân Chúa trong các Giáo Hội địa phương cảm nhận rằng họ có liên hệ mật thiết với Đại Hội. Đạt được mục tiêu trên, công việc của Đại Hội sẽ mở đường cho sự hiệp thông đi vào đời sống Giáo Hội, nhờ đó mọi tín hữu được chuẩn bị sẵn sàng đón nhận những gì HĐGM sẽ quyết định với tư cách là mục tử của Dân Chúa.

(2) Tham khảo ý kiến của mọi thành phần Dân Chúa. Công việc chuẩn bị còn nhằm giúp mọi tín hữu tham gia cách tích cực vào đời sống Giáo Hội. Các cộng đoàn tín hữu, giáo xứ, dòng tu, tu hội, Đại Chủng viện, cùng tham gia Đại Hội bằng học hỏi theo những chủ đề nêu trên, đồng thời bày tỏ suy nghĩ, nguyện vọng, nhu cầu, và đề xuất những phương thế đảm nhận những thách đố mục vụ.
(3) Xác định những vấn đề cần bàn thảo trong Đại Hội.

Dựa vào tư liệu do các Tiểu Ban chuyên môn soạn ra, Ban Thư ký tổ chức Đại Hội soạn thảo một bản Đề Cương với những câu hỏi, và gửi đến các tham dự viên Đại Hội, xin họ trả lời các câu hỏi trước tháng 6, 2009. Thu thập lại các câu trả lời, đúc kết thành một Bản Tư Liệu Làm Việc, gửi đến các tham dự viên trước tháng 12-2009. Các bài phát biểu trong Đại Hội cần phải dựa vào Bản Tư Liệu Làm Việc đó, và gửi 1 bản đến Ban Thư ký Đại Hội trước tháng 4-2010.

Phần IV nói về « Phân công và phân nhiệm » qua 4 chương. Trong chương nói về « Ban Thư Ký Năm Thánh », người ta được xác định lại rằng ban này sẽ phải chuẩn bị 4 tài liệu mà phần II và III đã đề cập đến. Bản Nội Qui viết [4]:
Nhiệm vụ của Các thư ký tiểu ban:

- Tiểu ban nghiên cứu lịch sử (gồm Tổng Thư ký các UBGM về Văn hoá, Truyền thông, Thánh nhạc): nghiên cứu lịch sử Giáo hội Việt Nam qua 3 thời kỳ bảo hộ, tông toà, nhất là chính toà (1960-2010). Phát hành Kỷ yếu 50 năm thiết lập Phẩm trật Giáo hội Công giáo tại Việt Nam.

- Tiểu ban soạn thảo các tài liệu học hỏi và cử hành Năm Thánh: chia ra 3 nhóm để biên soạn các tài liệu theo 3 chiều kích: mầu nhiệm (gồm Tổng Thư ký các UBGM về Giáo lý Đức tin, Kinh Thánh, Phụng tự) - hiệp thông (UBGM về Linh mục, Tu sĩ, Giáo dân, Giới trẻ, Gia đình) - sứ vụ (UBGM về Truyền giáo, Bác ái Xã hội, Di dân).

- Tiểu ban chuẩn bị và thực hiện Đại hội Dân Chúa Việt Nam: soạn thảo Đề cương và Tài liệu làm việc cho Đại Hội - soạn thảo Nội Quy cho Đại Hội - làm Ban Thư ký của Đại Hội - soạn thảo văn kiện sau Đại Hội.

Tóm kết lại, theo bản Nội Qui « Cộng Đồng Dân Chúa Việt Nam cử hành Năm Thánh 2010 », nhiều việc chuẩn bị sẽ phải được thực hiện, hầu đạt được kết quả là soạn thảo được bốn tài liệu sau đây:

• Tài liệu học hỏi, soạn xong trong năm 2008
• Kỷ yếu 50 năm thiết lập Phẩm Trật Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam, phát hành trong năm 2009
• Đề cương, với những câu hỏi, và gửi đến các tham dự viên Đại Hội, xin họ trả lời các câu hỏi trước tháng 6, 2009
• Tài liệu làm việc cho Đại Hội, gửi đến các tham dự viên trước tháng 12-2009.

2. Những chuẩn bị nào đã được thực hiện ?

Dựa vào bản nội qui, Ban Tổ Chức Năm Thánh đã thực hiện phiên họp đầu tiên vào ngày 08.04.2008 để xác định các qui trình tổ chức và phân nhiệm. Buổi họp này đã xác định một giai đoạn làm việc với kết quả mong đợi phải đạt rằng: « Đề nghị các tiểu ban nên họp nhau sớm để có định hướng chung cho việc phác thảo tài liệu làm việc và gửi về cho Ban Thư ký Thường trực tổng hợp thành một tài liệu thống nhất và trình lên Hội đồng Giám mục trong Hội nghị tháng 9-2008 ở Xuân Lộc [5]».

Tiếp theo đó, hai phiên họp quan trọng khác đã được tổ chức. Phiên họp ngày 15.04.2008 để thống nhất với nhau những điểm chính quan trọng. Phiên họp ngày 12.09.2008 để các ủy ban giám mục họp lại và mỗi ủy ban trình bày lược đồ nghiên cứu của mình.

Tóm lược những kết quả đã thực hiện được, linh mục Nguyễn Văn Khảm, trưởng ban Ban Thư Ký Thường Trực Năm Thánh 2010 (được bổ nhiệm giám mục phụ tá TP HCM ngày 15.10.2008), đã soạn thảo xong và đã đệ trình lên Hội Đồng Giám Mục « Bản tường trình của Ban Thư Ký Năm Thánh 2010 tại hội nghị thường niên lần II, 2008 [6]». Cha Trưởng ban Ban Thư Ký Thường Trực viết:

BẢN TƯỜNG TRÌNH CỦA BAN THƯ KÝ NĂM THÁNH 2010
tại hội nghị thưởng niên lần II.2008

Để triển khai cách cụ thể những định hướng đã được Ban Tổ Chức Năm Thánh 2010 xác định trong phiên họp ngày 08.04.2008, Ban Thư ký Năm Thánh và các tổng thư ký của các ủy ban trực thuộc HĐGMVN đã có phiên họp ngày 15.04.2008, và đã thống nhất với nhau những điểm chính sau đây:

I. KỶ YẾU NĂM MƯƠI NĂM THIẾT LẬP PHẨM TRẬT GIÁO HỘI CÔNG GIÁO TẠI VN

Đây là công trình nghiên cứu lịch sự năm mươi năm của Giáo Hội Việt Nam (1960-2010) trong bối cảnh lịch sử và xã hội của Việt Nam. Ban Nghiên cứu lịch sử (gồm UB Văn Hóa, Truyền Thông và Thánh Nhạc) sẽ thực hiện công trình này. Dự trù sẽ hoàn thành trước ngày khai mạc Năm Thánh (24.11.2009). Hiện nay đã hoàn tất lược đồ nghiên cứu, xin trình lên HĐGM để phê chuẩn.

II. NĂM MƯƠI NĂM VÀ CA1C HƠẠT ĐỘNG MỤC VỤ CỦA GIÁO HỘI

Ngoài nghiên cứu lịch sử nói trên, sẽ có một công trình nghiên cứu về các lãnh vực mục vụ do các Ủy Ban thục hiện với những định hướng và chi tiết cụ thể như sau:

1. Nội dung: mỗi bài nghiên cứu theo ba bước căn bản: Nhìn lại, Nhận Định, Đề xuất định hướng cho tương lai
2. Số trang 20 trang A4
3. Thời gian: dự trù sẽ hoàn thành trước ngày khai mạc Năm Thánh (24.11.2009)
4. Các đề tài nghiên cứu:

Ủy Ban Đề tài

Giáo Lý Đức Tin: Việc dậy và học Giáo Lý trong 50 năm qua tại VN
Thánh Kinh: Rao giảng Lời Chúa trong 50 năm qua
Phụng Tự: Đời sống thờ phượngcủa người CGVN 50 năm qua
Thánh Nhạc: Thánh nhạc và đời sống đức tin của Dân Chúa tại VN
Nghệ Thuật Thánh: Vai trò của nghệ thuật thánh trong đời sống GH
Linh Mục: Đào tạo linh mục trong 50 năm qua
Tu Sĩ: Sụ phát triển của các dòng tu trong 50 năm qua
Giáo Dân: Vai trò người giáo dân trong GH
Gia Đình: Gia đình Công Giáo trong đời sống của GH
Giới trẻ: Giới trẻ hôm qua, hôm nay và ngày mai
Truyền Giáo: GHVN và nỗ lực truyền giáo 50 năm qua
Bác Ái Xã Hội: GHVN và sứ mạng phục vụ con người
Di Dân: Hiện tượng di dân và những yêu cầu mục vụ

Ngày 12.09.2008, các ủy ban đã họp lại và mỗi ủy ban trình bày lược đồ nghiên cứu của mình. Với sự góp ý của các ủy ban khác, mỗi ủy ban đã làm lại lược đồ của mình để dựa vào đó khai triển bài nghiên cứu (đính kèm những lược đồ của các ủy ban).

III. TÀI LIỆU HỌC HỎI

Chủ đề của tài liệu: Giáo Hội Việt Nam: Mầu nhiệm - Hiệp thông - Sứ vụ
Tài liệu này sẽ do Nhóm Thần Học thuộc UBGLĐT soạn thảo (cha Nguyễn Văn Am làm trưởng nhóm). Đối tượng hướng đến là cộng đồng Dân Chúa cả nước. Mục đích là khơi dậy cảm thức về Giáo Hội. Do đó, cần có nội dung vững chắc về mặt thần học nhưng không quá chuyên môn để mọi người có thể tiếp thu.
Cấu trúc: Dẫn nhập (GHVN trong bối cảnh lịch sử 50 năm). Ba phần chính: mầu nhiệm, hiệp thông, sứ vụ. Mỗi phần: nền tảng giáo lý, đưa vào GHVN, những câu hỏi mời gọi trao đổi.
Tài liệu này đã được hoàn thành và Ban Thư Ký Năm Thánh trình lên HĐGM trong hội nghị thường niên để xin phê chuẩn. Và sẽ hoàn tất trước mùa vọng 2009.
Dựa vào tài liệu này, Nhóm Giáo Lý thuộc UBGLĐT sẽ biên soạn tài liệu học hỏi cho Cộng đồng Dân Chúa cả nước.

IV. NHỮNG VẤN ĐỀ KHÁC

1. Văn phòng của Ban Thư Ký Năm Thánh được đặt tại Trung Tâm Mục Vụ Giáo Phận TPHCM, 6 bis, Tôn Đức Thắng, Quận I, TP.HCM. Email: namthanh2010@gmail.com
2. Văn phòng Thư ký Năm Thánh là nơi đón nhận mọi đề xuất, góp ý của cộng đồng Dân Chúa, đồng thời có trách nhiệm đưa lên website của HĐGMVN những thông tin cần thiết.
(Ngày 20.09.2008, LM Nguyễn Văn Khảm)

Lời kết

Giáo hội Việt Nam, từ ngày đón nhận Tin Mừng vào năm 1533 đã nhiều lần tổ chức Công Đồng. Nhưng đa số là những công đồng miền, hay công đồng giáo phận. Trên bình diện quốc gia, ba lần các vị chủ chăn, giám mục và linh mục, của toàn thể các giáo phận đã họp lại để đưa ra dự án xác định đường hướng phát triển giáo hội.

Năm 1664, Công đồng Ayuthia [7] qui tụ hai giám mục tiên khởi của hai giáo phận truyền giáo đầu tiên ở Vìệt Nam (thiết lập ngày 09.09.1659): Đc Pierre Lambert de la Motte, Đại diện Tông tòa giáo phận Đàng Trong và Đc François Pallu, Đại diện Tông tòa giáo phận Đàng Ngoài. Cùng tham dự Công Đồng với hai Đc, có bốn linh mục thừa sai Deydier, Hainques, Brindeau và Laneau.

Công đồng đã xác định những nguyên tắc và chương trình làm việc thừa sai. Kết quả là một tài liệu đã được soạn thảo với đầu đề là « Chỉ dẫn thực hiện sứ mệnh truyền giáo, dành cho các thừa sai ở Trung Hoa, Bắc Việt, Nam Việt và Xiêm La, họp tại Juthia, thủ đô nước Xiêm ». Tài liệu này, qua 10 chương, đã đề cập đến ba ý tưởng nòng cốt là: 1- sự thánh hóa người tông đồ rao giảng ơn cứu rỗi kitô, khai triển qua ba chương đầu; 2- sự trở lại đạo của lương dân, khai triển qua năm chương tiếp theo, và 3- sự tổ chức Giáo Hội, khai triển qua hai chương chót.

Năm 1934, Công đồng Đông Dương họp ở Hà Nội [8], từ 08.11 đến 06.12.1934, do Đc Antonius M. Drapier, op, Khâm sứ Tòa Thánh triệu tập và chủ tọa. Về tham dự Công Đồng có 20 giám mục (đến từ khắp các giáo phận hiện hữu thời đó), 5 bề trên dòng, 21 linh mục cố vấn (10 pháp, 7 việt, 3 tây ban nha và 1 thái lan). Các thành phần tham dự được chia thành 5 ủy ban, mỗi ủy ban lo về một vấn đề:

• Ủy ban 1: về hoạt động và qui chế của các giám mục, các thừa sai, các tu sĩ và thầy giảng
• Ủy ban 2: về qui chế của các linh mục bản xứ, các chủng sinh
• Ủy ban 3: về các Bí tích
• Ủy ban 4: về qui chế các giáo phận, về việc giảng dậy, nhất là về công giáo tiến hành
• Ủy ban 5: về tài chánh của Giáo Hội

Công Đồng Đông Dương đã soạn thảo được một tài liệu quan trọng: « Qui chế Mục vụ Công Đồng Đông Dương »(Decreta et Normae Primi Concilii Indosinensis). Nhiều phát triển đã được thực hiện nhờ ánh sáng và khích lệ của Công Đồng:

• Sự tạo lập các giáo phận mới Thái Bình (1936), Vĩnh Long (1938), Lạng Sơn (1939), Cần Thơ (1955),…
• Sự tấn phong các giám mục việt nam: Nguyễn Bá Tòng (1933), Hồ Ngọc Cẩn (1935), Ngô Đình Thục (1938), Phan Đình Phùng (1940),…
• Nhiều thư chung của các giám mục và nhiều cuốn chỉ nam của các giáp phận đã bắt đầu được biên soạn,….

Năm 1980, Đại Hội giám mục toàn quốc tại Hà Nội [9], từ 24.04 đến 01.05.1980. Ba mưoi ba giám mục toàn quốc của cả ba Tổng Giáo Phận đã về tham dự Hội Nghị. Trong một tuần lễ làm việc chung, các giám mục đã làm những việc chính yếu sau đây:

• Tạo lập Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, một tổ chức ở bình diện quốc gia để trong tinh thần tập thể, gánh vác trách nhiệm mục vụ phục vụ Dân Chúa
• Chuẩn bị việc tham dự Thượng Hội Đồng Thế Giới khóa V về « Các chức năng của gia đình Kitô giáo trong thế giới hôm nay».
• Chuẩn bị việc các giám mục đi viếng mộ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô tại Tòa Thánh Rôma.
• Biên Thơ Chung gởi toàn thể linh mục, tu sĩ và giáo dân cả nước 01.05.1980, để thông tin về Dại Hội, để trình bày « Đường hướng Mục vụ », với tôn chỉ Một Hội Thánh vì loài người và Hội Thánh trong lòng dân tộc và để Ngỏ lời với các thành phần Dân Chúa: giáo dân, tu sĩ, linh mục.

Nhờ Đại Hội này, một cơ cấu hữu hiệu đã được thiết lập, nhờ đó từ 28 năm nay (1980-2008), dẫu gặp nhiều khó khăn đến từ khắp nơi và ở trong nhiều lãnh vực, Giáo Hội Việt Nam vẫn đoàn kết và thống nhất, phát triển và canh tân, nới rộng và lên cao,…mà một trong những thành quả là việc chuẩn bị cử hành năm thánh 2010:

Để cùng nhau « Nhìn lại quãng đường lịch sử gần 500 năm truyền giáo qua 3 thời kỳ: 126 năm Bảo Hộ (1533-1659), 300 năm Tông Toà (1659-1960), đặc biệt là 50 năm Chánh Toà (1960-2010) »;
Hầu cùng chung lòng tạ ơn Chúa đã thương ban cho Dân Người được hình thành, tồn tại và phát triển qua những thăng trầm của lịch sử;

Nhìn lại lịch sử cùng với những thẩm định về đời sống Giáo Hội nhằm rút ra những bài học lịch sử cho việc thi hành sứ vụ yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô, trong cộng đồng dân tộc cũng như cộng đồng thế giới hôm nay.

Đồng thời cũng nhìn tới tương lai trong bối cảnh văn hoá xã hội đang đổi thay của những thập niên đầu thiên niên kỷ III, nhằm vận động cộng đồng Dân Chúa một lòng quyết tâm đáp trả tình thương của Chúa, và làm mới hình ảnh gia đình Giáo Hội tại Việt Nam

Paris, ngày 15 tháng 11 năm 2008
Trần Văn Cảnh

Chú thích:
[1] Nội Quy: Cộng Đồng Dân Chúa Việt Nam cử hành Năm Thánh 2010, trong VietCatholic News (Thứ Hai 07/04/2008 23:24)
[2] Ibidem
[3] Ibidem
[4] Ibidem
[5] Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, BIÊN BẢN CUỘC HỌP BAN TỔ CHỨC NĂM THÁNH 2010, trong VietCatholic News (Thứ Sáu 11/04/2008 12:47)
[6] Lm Nguyễn Văn Khảm, Bản tường trình của Ban Thư Ký Năm Thánh 2010 tại hội nghị thường niên lần II, 2008, trong Hiệp thông, Bản tin của Hội Đồng Giám Việt Nam, số 49 (tháng 9 & 10 năm 2008), trang 100-102.
[7] Trần Văn Cảnh, Công đồng thừa sai hải ngoại đầu tiên năm 1664 ở thủ đô Ayuthia nước Xiêm, trong VietCatholic News (Chúa Nhật 10/02/2008 10:26)
[8] Lm Bùi Đức Sinh, Dòng Đaminh trên đất Việt, q. 2, Sài gòn, 1995, tr. 81-82
[9] Trần Anh Dũng, chủ biên, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 1980-2000, tr. 347-369
 
Tóm lược đôi nét về giáo xứ Trà Kiệu
Duy Trà Phạm cảnh Đáng
10:47 25/11/2008
CHƯƠNG III.
ÐÔI NÉT VỀ GIÁO XỨ TRÀ KIỆU ( PHẦN TÓM LƯỢC )


I. HOÀN CẢNH LỊCH SỬ

Trà Kiệu một giáo xứ bé nhỏ, ẩn mình ở chốn nông thôn rừng núi, nhưng là một Giáo xứ được Mẹ Maria che chở một cách đặc biệt. Trà Kiệu cũng là một Giáo xứ kỳ cựu nhất trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam.

Trước năm 1009 thì chính địa giới của Giáo Xứ Trà Kiệu ngày nay là Kinh Ðô của Vương Quốc Chămpa tức là Chiêm Thành, và được gọi là Sư Tử Thành (Simhapura). Sau năm 1009 thì Kinh Ðô Chiêm Chúa được dời vào Ðồ Bàn (Bình Ðịnh).

Do cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam, nhất là từ năm 1470, sau cuộc bình Chiêm đại thắng của vua Lê Thánh Tông, dân tộc Việt Nam từ các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh... được khuyến khích di dân vào Nam để khai hoang vỡ hóa những vùng đất do Chiêm Thành để lại.

Và theo phả hệ của các chư tộc tại Trà Kiệu thì vào thời kỳ này (1470 - 1479) có 13 vị Thỉ Tổ theo bước chân Nam tiến của vua Lê, đã đưa vợ con gia đình vào vùng đất Chiêm Ðộng (tức vùng Trung huyện Duy Xuyên ngày nay) mà khai cơ thác thổ. Rồi sau đó lại có nhiều vị Thứ Thế Tiền Hiền vào đây tiếp tay khai phá và tạo nên một vùng đất canh tác bao la rộng lớn gần 2000 mẫu, nên sau đó mới phân cương định giới và lập xã hiệu là Trà Kiệu xã.

Ranh giới Trà Kiệu như sau:
- Nam khóa Tào sơn (Nam trùm núi Hòn Tàu)
- Bắc cự Sài thủy (Bắc đạp sông Chợ Củi (Câu Lâu)
- Ðông lâm Quế hạt (Ðông giáp khu đông Quế Sơn)
- Tây chấm Tùng sơn (Tây gối núi Dương Thông)

Ðến năm Thành Thái thứ 11 (1905) xã Trà Kiệu vì quá rộng lớn nên mới được chia ra làm 5 xã riêng biệt gồm có: Trà Kiệu Trung - Trà Kiệu Ðông - Trà Kiệu Nam - Trà Kiệu Tây - Trà Kiệu Thượng (gọi chung là ngũ Trà). Xã Trà Kiệu Thượng tức là xã dành cho anh em công giáo sống riêng ở trên Thành Chiêm (tức là Giáo Xứ Trà Kiệu ngày nay). Ðất đai tài sản của xã Trà Kiệu ngày trước được chia đều cho 5 xã theo số lượng nhân khẩu. Duy chỉ có nhà thờ tiên tổ (sau gọi là nhà thờ ngũ xã), và đất đai từ đường (7 mẫu, 3 sào) thì vẫn giữ nguyên để con cháu ngũ xã về niệm hương lễ bái công đức các bậc tiền bối nhân dịp xuân thu nhị kỳ...

Trải qua bao đời biến đổi, 4 xã Trà Kiệu Ðông, Trà Kiệu Nam, Trà Kiệu Trung và Trà Kiệu Tây, đã thay đổi tên hiệu, không còn gọi là Trà Kiệu nữa. Duy chỉ có xã Trà Kiệu Thượng (tức là Giáo xứ Trà Kiệu) thì cho đến nay vẫn còn giữ tên "Trà Kiệu" thuở ban đầu.

II. SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN GIÁO XỨ TRÀ KIỆU:

Giáo xứ Trà Kiệu cách Thành phố Ðà Nẵng chừng 40km về phía Tây Nam. Trên con đường xuyên Việt Bắc-Nam (quốc lộ số 1), khi đến trạm Nam Phước (tức Thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), rẽ về hướng Tây theo tỉnh lộ 610 (đường đi khu di tích Mỹ Sơn) chừng 7km, khách hành hương sẽ đến Giáo xứ Trà Kiệu hay còn gọi là Trung tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu.

Giáo xứ Trà Kiệu tọa lạc trên một phần đất vuông vức, mỗi bề dài khoảng 1km, lại nằm giữa một cảnh quan thôn dã an bình và xinh đẹp. Vì trước đây Trà Kiệu là Kinh đô huy hoàng của Chiêm quốc với cảnh núi đồi sông nước rất nên thơ và tráng lệ.

"Ðiện các huy hoàng trong ánh nắng,
Những đền đài tuyệt mỹ dưới trời xanh
".

Thế nhưng hôm nay đền đài thành quách của Chiêm quốc đã điêu tàn đổ nát, một số nền móng lâu đài đã được Trường Viễn Ðông Bác Cổ khai quật, đào bới. Một số thành lũy đã đứt nối oằn oại dưới những ngôi nhà của cư dân.

Nếu thật chú ý chúng ta mới có thể nhận ra được một vài di tích còn sót lại nhưng không trọn vẹn, đó là:

- Ở phía Ðông Giáo xứ có hòn Bửu Châu (hay còn gọi là Non Trược, hay Non Trọc) mà người ta tin rằng đó là kỳ đài của kinh thành. Hòn Bửu Châu án ngữ ngay sau hậu cung của Chiêm Chúa. Ngày nay Hòn Bửu Châu đã trở thành Ðền Mẹ Trà Kiệu - Trung tâm Thánh Mẫu (Hoàng cung tọa lạc ở xóm Hoàng Châu, quay mặt về hướng Ðông).

- Ở phía Bắc là dãy thành đất chạy song song với con sông Thu Bồn, từ chân đồi Bửu Châu lên hướng Tây, đến chân núi Kim Sơn (Hòn Bằng) dài độ 1000 mét. Trên mặt thành đất này dân cư đã xây dựng nhà cửa và ngôi chợ Hàm Rồng ở vào khoảng giữa.

- Ở phía Tây có rặng đồi Kim Sơn và dãy thành lũy chạy dọc theo con suối Hố Diêu vào phía nam dài độ 500 mét. Dãy thành này hiện là khu nhà thờ, nhà xứ, cô nhi viện, Phước viện và cư dân.

- Ở phía Nam có dãy thành cao, rộng, chạy từ hướng Tây xuống hướng Ðông đến hồ Hoàng Châu, giáp với cổng thành phía Ðông. Dãy thành này dài trên một kilômét và hiện nay là khu dân cư thuộc phái nam của giáo xứ.

Tại giáo xứ Trà Kiệu hiện nay còn có một số địa danh quen thuộc, mà chúng ta cần biết đó là: Ðồi Bửu Châu, Ðồi Kim Sơn, Hàm Rồng, Hòn Gành, Bến Giá, Hòn Ấn...

* Bước đầu truyền giáo:

Hiện nay chúng ta không thể biết chính xác là vào thời điểm nào "Tin Mừng" được rao giảng tại Trà Kiệu, và vị giáo sĩ truyền giáo nào đã đặt chân đến Trà Kiệu trước tiên.

Theo một số sử gia thì trước khi các linh mục Dòng Tên do Cha Buzomi dẫn đầu, đến Hội An để chính thức tổ chức công cuộc truyền giáo ở Ðàng Trong (1615), thì đã có các linh mục dòng Phanxicô đến truyền giáo tại Hội An và các vùng phụ cận. Và sử liệu cũng có ghi là vào năm 1558, một linh mục dòng Phanxicô đã rửa tội cho bà chị quan trấn thủ Quảng Nam với thánh hiệu là Phanxica (Bà Phanxica là chị của quan trấn thủ Quảng Nam, là con của Chúa Nguyễn Hoàng). Một điều khác là sử liệu cũng cho chúng ta biết là Trà Kiệu đã được các Cha dòng Phanxicô cai quản cho đến khoảng năm 1810 mới bàn giao lại cho các Linh mục thừa sai Hội Truyền Giáo nước ngoài Ba-lê (MEP). Hơn nữa Hội An là cửa ngõ của Trà Kiệu, vì trước đây Hội An, Cửa Ðại (Chiêm) là cửa ra vào kinh đô Trà Kiệu của Vương Quốc Chàm (Champa). Cho mãi đến thời kỳ Chúa Nguyễn quản trấn Quảng Nam, thì Trà Kiệu vẫn là nơi giao lưu buôn bán phồn thịnh với Hội An nhờ dòng sông Thu Bồn, Bà Rén. Trà Kiệu còn là khu dân cư đông đúc trù phú nhất tỉnh (nhất Trà Kiệu, nhì La Qua, ba Tú Tràng...) là nơi có nhiều danh lam thắng cảnh, là kinh đô của Chiêm quốc (Sư tử Thành) có phong cảnh nên thơ và trữ tình. Thuyền bè buôn bán, ngao du, từ Hội An lên Trà Kiệu, Thu Bồn rất tấp nập. Kể cả thuyền rồng của các Chúa Nguyễn cũng thường xuyên lên xuống, và thường ghé lại Trà Kiệu nên có địa danh "Bến giá" (để cho thuyền rồng nhà Chúa đậu lại).

Do hoàn cảnh và điều kiện thuận lợi như thế, chúng ta có thể nghĩ rằng: Trà Kiệu đã được ghi vào lược đồ truyền giáo của các Linh mục dòng Phanxicô rất sớm. Ngoài Hội An và vùng phụ cận thì Trà Kiệu có thể là nơi các Linh mục dòng Phanxicô đặt chân lên sớm nhất. Tuy nhiên đây cũng là bước khởi đầu, chỉ có tính cách giao lưu thăm dò chưa được tổ chức chu đáo. Phải đợi cho đến khoảng năm 1628 - 1630 Tin Mừng mới được bén rể và phát triển tại Trà Kiệu. Giáo xứ sơ khai được hình thành, qua sự kiện một số gia đình con cháu trong xã (Trà Kiệu), lên sống riêng biệt ở trên Nội Thành Chiêm để tạo lập giáo đường mà đọc kinh cầu nguyện, không còn tham dự lễ bái ở Ðình thờ tổ tiên nữa.

* Giai đoạn từ 1630 đến 1862

- Thời gian thành lập Giáo xứ:

Về việc thành lập Giáo xứ Trà Kiệu, chúng tôi căn cứ vào một số tư liệu gần đây như tập "Nguyên Trà Kiệu ngũ xã phong tặng tiền hiền sự tích"... và một số tư liệu khác, thì Giáo xứ Trà Kiệu có thể được hình thành vào khoảng năm 1630.

Giai đoạn này cũng rất ít tư liệu và không rõ ràng, cho mãi đến năm 1862, là năm mà các sinh hoạt của Giáo xứ còn được lưu lại (như Sổ Rửa tội, bút tích của các Cha Quản xứ...)

Trước hết là tập "Nguyên Trà Kiệu ngũ xã phong tặng Tiền Hiền sự tích Chủ Văn bảng tổng hợp Nhất Quyển" được thiết lập vào năm Khải Ðịnh nhị niên (1917) tại Trà Kiệu ngũ xã, do Lý trưởng của 5 xã Trà Kiệu lúc bấy giờ (Trà Kiệu Thượng - Trung - Tây - Nam - Ðông) ký nhận và đóng dấu, được Chánh tổng Mậu Hòa Trung ký tên và đóng dấu xác thực, đồng thời được con cháu của các chư tộc ký nhận. Các bảng báo trình này đã được nhà vua (Khải Ðịnh) phê duyệt, và ban sắc phong công đức.

Nội dung tư liệu này có 2 phần:

- Phần đầu là phần do chính quyền sở tại Lý trưởng báo trình chung về công đức của các vị tiên tổ đã dày công khai hoang vỡ hóa, chiêu dân lập ấp, để xây dựng nên xã Trà Kiệu Thượng (tức Giáo xứ Trà Kiệu ngày nay). Theo bảng kê khai thì có 11 chư tộc, trong đó có 7 tộc tiền hiền từ thời Lê Hồng Ðức và 4 tộc hậu hiền từ thời Gia Long.

* 7 tộc tiên tổ thời Lê Hồng Ðức ghi theo thứ tự như sau:
1. Lưu Văn Tâm
2. Nguyễn Thanh Cảnh
3. Nguyễn Quang Hoa
4. Nguyễn Ðăng Ứng
5. Ðinh Công Triều
6. Lê Văn Càng
7. Nguyễn Viết Bỉnh
* 4 tộc hậu hiền từ thời Gia Long ghi theo thứ tự như sau:
8. Phạm cảnh Tộc
9. Nguyễn văn Tộc
10. Trần Tộc
11. Ðoàn công Tộc

Các vị tiền hiền hậu hiền Trà Kiệu Thượng đã khai canh khai khẩn được 221 mẫu ruộng, cả công tư điền thổ, và thứ thế sinh hạ nhơn đinh tráng lão 157 người.

- Trong phần thứ hai là 11 bảng kê khai công đức Tiền hiền và phả hệ chư tộc cũng như sinh hạ kế thế của 11 chư tộc kể trên. Các bảng kê khai này do chính con cháu trong tộc họ mình tự đứng ra kê khai.

Theo bản khai trình thì có 7 vị tộc tổ của xã Trà Kiệu Thượng (Giáo xứ Trà Kiệu) trong đó có 5 vị nguyên là con cháu của 13 vị thủy tổ khai cơ tiền hiền từ thời Hồng Ðức (Lê Thánh Tông, 1470 - 1479): Lưu Văn Tâm, Nguyễn Thanh Cảnh, Nguyễn Quang Hoa, Nguyễn Ðăng Ứng và Ðinh Công Triều. Họ là những người địa phương, đã định cư tại Trà Kiệu từ trước kia và nay vì theo đạo Chúa nên tách ra, lên ở riêng trên Nội Thành Chiêm.

Còn 2 vị tộc tổ Lê Văn Càng và Nguyễn Viết Bỉnh thì đã có đạo rồi nhưng ở nơi khác cùng đến (thời Lê Thần Tông) ở chung với 5 vị tổ mới theo đạo. Tất cả 7 vị đến lập cư tại Nội Thành Chiêm, cùng thuộc bổn xã Trà Kiệu, để sinh sống, xây dựng nguyện đường để đọc kinh cầu nguyện. Ðoạn văn trong tờ khai trình đã viết:

"Chi Lê Triều Thần Tông niên gian, dân xã chư tộc tiên tổ thủy tổ Lưu Văn Tâm, Nguyễn Thanh Cảnh, Nguyễn Quang Hoa, Nguyễn Ðăng Ứng, Ðinh Công Triều, Lê Văn Càng, Nguyễn Viết Bỉnh (do Lê văn, Nguyễn viết nguyên phụng Thiên Chúa giáo) tòng Thiên Chúa giáo, biệt lập giáo đường lễ sở tại bổn xã nội thành xứ:.

Nghĩa là: "Ðến đời Lê Thần Tông (1619 - 1643) có các tộc tổ của xã là: Lưu Văn Tâm, Nguyễn Thanh Cảnh, Nguyễn Quang Hoa, Nguyễn Ðăng Ứng, Ðinh Công Triều, Lê Văn Càng, Nguyễn Viết Bỉnh (vì Lê văn, Nguyễn viết nguyên đã thờ phụng Thiên Chúa) theo đạo Công Giáo, nên lên xây dựng Thánh đường riêng biệt để lễ bái, tại nội thành Chiêm, cùng thuộc bổn xã". Chữ "Tòng Thiên Chúa giáo" ở đây là dành riêng cho 5 vị ở trên.

Ðồng thời chúng tôi cũng sưu tìm được một trang thủ bút quý hiếm của Linh mục Lalanne (cố Lân), Cha quản xứ Trà Kiệu (từ năm 1922 - 1938) về việc chính thức công nhận các vị tiền hiền của Giáo xứ Trà Kiệu. Ðó là bản viết tay của Linh mục Joseph Lalanne, xác nhận về các vị "Tiền hiền làng Trà Kiệu", có chữ ký và con dấu của Lý trưởng Nguyễn Thanh Hương xác thực. Bản xác nhận này được viết vào ngày 2 tháng 7 năm 1925 tại Giáo xứ Trà Kiệu và có nội dung như sau: (xem thêm bản gốc)

"Tiền hiền làng Trà Kiệu là:

1. Lưu Văn Tâm.
2. Nguyễn Thanh Cảnh.
3. Nguyễn Quang Ba (Hoa).
4. Nguyễn Ðăng Ứng.
5. Ðinh Công Triều.
6. Lê Văn Càng.
7. Nguyễn Viết Bỉnh".

Các đấng ấy lập sở làng Trà Kiệu từ năm 1630 đến 1640 đời vua Lê Thần Tông (1619 - 1943). Nhà thờ trước hết được xây dựng ở vườn ông thầy Long, sau đời Ðức Cha Lợi làm Cha sở Giáo xứ Trà Kiệu thì dời qua chỗ đương còn...

Giáo xứ Trà Kiệu chắc chắn đã được rao giảng Tin Mừng trước khi các vị tiền bối của chúng ta lên ở riêng trên Nội thành Chiêm để giữ đạo (1630). Thời điểm rao giảng Tin Mừng ở Trà Kiệu chậm nhất cũng là vào thời kỳ 1615 đến 1628. Vì theo như Cha Ðắc Lộ (Alexandre de Rhode) cho biết thì vào năm 1625 việc rao giảng Tin Mừng đã được loan báo khắp các khu dân cư lớn ở xứ Nam. Cha ghi như sau: "Năm 1625 đạo Công Giáo được rao giảng khắp các xứ lớn ở miền Nam. Chúng tôi (Cha Ðắc Lộ) tất cả là 10 Cha Dòng. Công việc thật vất vả, nhưng chúng tôi không lấy gì làm nặng nhọc, vì Ðấng mà chúng tôi phụng sự đã nâng đỡ chúng tôi tỏ tường, giúp chúng tôi thu hoạch được những kết quả vượt khả năng và ước muốn của chúng tôi...

Sau khi 7 vị sáng lập Giáo xứ Trà Kiệu đã tách ra ở riêng trên nội thành Chiêm, thì công việc đầu tiên của các vị là xây dựng "Nhà nguyện" để cùng đọc kinh cầu nguyện chung với nhau. Chúng ta cũng không biết chính xác là nhà nguyện ban đầu này được xây dựng từ năm nào, nhưng theo ông Cao Ðức Phong (Câu kinh) thì đã quả quyết là "có từ lâu... và biết rõ một điều là nhà thờ đã có trước thời 1681 - 1682". Và cũng theo khẩu truyền, thì ngôi nhà nguyện đầu tiên này được xây dựng tại phái (khóm) Ðông trên khu đất vườn ông Trương Tạ, và hiện nay là khu vườn nhà ông thầy Long (Xem thêm phần Thánh đường Trà Kiệu).
 
Ký sự Hội trại Hồng Ân tại Tuy Hòa Quy Nhơn
Ngọc Thiền
17:30 25/11/2008
HỘI TRẠI HỒNG ÂN

(Ký sự Hội Trại Bổn Mạng Giới Trẻ Tuy Hòa 2008)

“Bầu trời hôm nay sao đẹp quá!

Chúa tế nhị, Chúa ưu đãi, Chúa yêu thương các bạn trẻ quá đi thôi!”

Vâng, mấy hôm nay mưa tầm tã, mưa như trút đổ. Theo dõi thời tiết trên truyền hình: nơi này cơn bão số 9, nơi kia áp thấp nhiệt đới, có nơi mưa nhiều…

Ấy vậy mà, khung trời Tuy Hòa chiều ngày 15.11.2008 đẹp thật: không mưa và nắng ráo. Nhìn những khuôn mặt rạng rỡ của các bạn trẻ từng tốp 2, 3, 5, 7 người, lần lượt kéo đến giáo đường với túi xách đơn sơ, giản dị. Các bạn đến để hưởng những hồng ân: hồng ân từ Thiên Chúa, hồng ân từ Cha Sở – vị chủ chăn đầy nhiệt huyết và thánh đức. Hồng ân từ các bậc phụ huynh, các ông trong Ban Hành Giáo của từng giáo khu và những người âm thầm cách này cách khác để làm nên cuộc trại.

Hội trại Hồng Ân tại Tuy Hòa
Từ khi nhận lệnh của Cha Sở tổ chức cuộc trại dành cho thanh thiếu niên Tuy Hòa, bao nhiêu khó khăn được nêu ra. Khó khăn trước mắt: “Liệu có trại sinh tham dự hay không? Con số nhiều, ít ra sao?” Nỗi lo hằn trên khuôn mặt của ban tổ chức, các ban ngành, các hội đoàn… Ông Minh – Trưởng Giáo khu 3 nói: “Tối đó họp xong về, tôi không ngủ được, sáng ngày đi dự lễ, lo ra, bắt kinh sai…”

Sau nhiều ý kiến đưa ra, cuối cùng mọi người “Vâng lời Thầy, chúng con thả lưới” các anh em trong ban Hành Giáo tích cực bắt tay vào việc: dù trời mưa to, anh em đội áo mưa làm việc: “Trời mưa thì mặc trời mưa. Tôi thương giới trẻ trời chừa, không mưa”

Khởi đi từ thứ tư (ngày 12.11.2008) các anh em trong các giáo khu hì hục với trại của mình: kẻ cưa, người đẽo, kẻ đóng, người cột… có cả các bà, các cô, các chị khéo tay, trang trí cho trại những dây kim tuyến, những ánh đèn màu, những bình hoa, chữ dán, hình ảnh, Thánh Giá… “Tất cả vì tương lai, vì niềm vui cho con em chúng ta”.

Mọi thứ đều được sẵn sàng, sau khi tiếp nhận hơn 150 các bạn trẻ vào trại. Đúng 15 giờ 30, cuộc trại được khai mạc. Ông Trại Trưởng Phêrô Bùi Phương Hạc giới thiệu khái quát chủ đích nội dung hội trại giới trẻ 2008. Ông cho biết cuộc gặp gỡ giao lưu này, nhằm học hỏi và chia sẻ các thư của Thánh Phaolô nhân dịp mừng kỷ niệm Đệ Nhị Thiên Niên sinh nhật của Thánh Phaolô – Đấng mà trước kia đã bắt đạo cách tàn nhẫn, nhưng sau khi bị ngã ngựa trên đường đi Damascô, đã không ngần ngại, không hối tiếc sống và làm việc cho Đức Kitô. Ngài sẵn lòng chịu đau khổ, chịu chết vì Đức Kitô. Gương sáng của Ngài thích hợp với thời đại của chúng ta biết bao! Ước gì các trại sinh thắm đượm tinh thần của Thánh Phaolô, mang theo bầu nhiệt huyết và niềm tin quyết liệt vào Đức Kitô làm hành trang lên đường.

Chính vì thế, Cha Sở Giuse Trương Đình Hiền – Trưởng Ban tổ chức trại đã chọn câu chủ lực cho hội trại là “TÔI BIẾT, TÔI TIN” (2Tm 1, 12). Các đơn vị trại cũng lấy tên các thư Phaolô làm tên trại và là chủ đề suy tư của trại mình. Giáo khu 1: Rôma; Giáo khu 2: Côrinto; Giáo khu 3: Galata; Giáo khu 4: Philipphê; Giáo khu 5: Côlôse; Giáo khu 6+Hóc Gáo, Phú Điền, Phú Cốc, Cẩm Tú: Êphêso;

Cha Sở đã khai mạc cuộc trại bằng giây phút thinh lặng cầu nguyện cho cuộc trại được sinh hoa kết trái. “Tôi biết tôi tin vào ai”. Tin mạnh mẽ là dám đổ máu để chứng tỏ niềm tin. Tôi biết đủ chưa? Tôi tin mạnh mẽ chưa? Và tôi xác tín chưa vào Tin Mừng của Đức Kitô?” Chúng ta cùng đào sâu các nhân đức của Thánh Phaolô cũng như của các bậc cha ông chúng ta. Lược theo hành trình Phaolô, các giáo khu lên nhận bảng chủ lực của trại mình được sắp xếp như sau: Rôma – Hoán cải; Côrintô – Yêu mến Thánh Thể Chúa; Galata – Cầu nguyện; Côlôsê – Phục Sinh; Philipphê – Thập Giá; Êphêsô – Lên đường.

Ban Điều Hành Trại cũng ra mắt với các trại sinh. Ông Võ Văn Thần, PCT/HĐGX đặc trách mục vụ truyền thông – Trưởng ban Thi Đua đọc Nội quy điều lệ trại. Và kể từ giờ này, các trại sinh bước vào cuộc trại trong tinh thần kỷ luật.

Để hội trại được Thiên Chúa chúc lành, Thánh Lễ khai mạc trại được diễn ra trong bầu khí ấm cúng, linh thiêng. Bước vào chủ tế Thánh Lễ, Cha Sở đã vui mừng tạ ơn Thiên Chúa: “Mấy ngày nay nhiều trận mưa, các nới áp thấp nhiệt đới nhưng Chúa tế nhị, Chúa thương, Chúa muốn quy tụ chúng ta về đây để tôn vinh Chúa, gặp gỡ nhau để tìm hiểu về đời sống đức tin. Với chủ đề của những ngày cuối năm Phụng vụ: hãy tỉnh thức. Chúng ta đừng biến cuộc đời của chúng ta khờ dại nhưng luôn sẵn sàng cầm đèn cháy sáng trong tay ra đón Đức Kitô. Đèn chính là biết và tin. Biết Đức Kitô, tin Đức Kitô. Biết Giáo lý Hội Thánh, tin Giáo lý Hội Thánh.

Hội trại Hồng Ân
Trong bài giảng lễ, Cha … Thành (Dòng Đồng Công) đã nhắc nhở các bạn trẻ: “Chúa Giêsu giao cho mỗi người một kho tàng để sinh lợi cho bản thân, để làm vinh danh Thiên Chúa. Kho tàng ấy chính là Linh Hồn. Linh Hồn ta cao quý dường nào. Linh Hồn có một giá trị biết bao. Chúng ta cần trân trọng giữ gìn. Chính Con Thiên Chúa đã từ trời cao xuống thế làm người, sẵn lòng chết cho chúng ta để cứu lấy Linh Hồn chúng ta. Trong cuộc hội trại hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta sinh lợi cho Chúa. Theo gương Thánh Phaolô, Đấng đã đồng hình đồng dạng với Đức Kitô trong sứ mạng tông đồ: Ngài là một con người hoán cải, biết trở về với Thiên Chúa, với chính mình sau những lần vấp ngã. Từ đó, Ngài say mê Thánh Thể, trong mọi tình huống Ngài gắn bó với Thánh Thể, kín múc Thánh Thể qua đời sống cầu nguyện, kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là Chúa sống trong tôi” (Gal 6, 20). Ngài gắn bó với Chúa Giêsu trong biến cố to nhỏ đời thường mang lại ơn cứu rỗi cho anh chị em ngoại giáo, nên Ngài chấp nhận tất cả, chịu mọi thua thiệt, trong sự kết hiệp và sống mầu nhiệm Thập Giá. Từ đó, trổ hoa phục sinh bằng cách hướng lòng trí và tìm kiếm những sự trên trời là tình yêu Thiên Chúa, là đức ái “trên hết mọi sự anh em hãy có Đức Kitô”. Chúng ta có sống như thế, chúng ta mới can đảm lên đường truyền giáo. Sau cùng, chính Đức Maria đã quý trọng từng Linh Hồn, chúng ta hãy cầu xin Mẹ giúp chúng ta biết cố gắng làm nén bạc Linh Hồn sinh hoa kết trái trong đời sống đạo qua từng môi trường: gia đình, học đường, công sở… để cùng Mẹ và Thánh Phaolô hưởng hạnh phúc Nước Trời.

Thánh Lễ đã làm nóng lên tinh thần của người trẻ qua bữa cơm tối giao lưu, thân tình. Vào lúc 7 giờ 30 đêm văn nghệ bỏ túi không thể thiếu đối với bạn trẻ Tuy Hoà. Lời khai mạc của Ông PCT/HĐGX đặc trách mục vụ văn hóa Nguyễn Văn Thuận có nói: “Đây là dịp tốt nhất để các bạn thể hiện tài năng và tìm sự đồng cảm với những người anh em quanh mình. Đây cũng chính là dịp để các bạn thể hiện sự sinh động, vui tươi, yêu đời, trong tính chất trẻ. Có thể những tiết mục biểu diễn hôm nay tuy không đặc sắc, không chuyên nghiệp nhưng chắc chắn sẽ chuyển tải được những tâm tư, tình cảm của giới trẻ trong cuộc sống hôm nay”

Tiếng vỗ tay vang dậy hưởng ứng, khi Cha Sở Giuse Trương Đình Hiền chúc lành và cầu chúc hội trại niềm vui, hiệp nhất và tràn đầy ân sủng của Chúa. Những tiết mục văn nghệ trẻ trung, hài hước, ý vị được các bạn trẻ hoà nhập rất nhanh với những liên khúc, đơn ca, song ca hết sức sôi động. Đặc biệt, những bài đồng diễn không những có các bạn trẻ mà Cha Sở, quý Cha, quý Soeurs, quý Ban Điều Hành cùng sống lại những giây phút dễ thương của một thời thanh xuân.

Buổi văn nghệ khép lại, nhường chỗ cho buổi tĩnh nguyện được Cha Sở chủ sự trong nghiêm trang, sốt sắng, cả mùa kinh Năm Sự Vui các bạn trẻ lặng đứng trong hy sinh, nguyện cầu. Sau giờ tĩnh nguyện là giờ nghỉ đêm. Thế mà, máu nhiệt huyết của tuổi trẻ vẫn dâng trào, có bạn đâu có nghỉ đêm vẫn vui với điệu nhạc nhảy sạp, những tiếng hát giao lưu từ các trại đang vang vọng, thân thiện…

Đêm đã khuya, tiếng hát yếu dần, các bạn chợp mắt thật nhanh. Một ngày mới đang bắt đầu, chương trình được tiếp diễn. Sau giờ điểm tâm là giờ sinh hoạt tập thể thật vui, thật trẻ, thật sống. Đúng 8 giờ 30 ngày 16.11.2008, các bạn trong từng giáo khu tựu lại học hỏi tài liệu về các thư Phaolô theo tư liệu và hướng dẫn của tư vấn trại. Đối với các bạn trẻ, những tài liệu này thật mới mẻ, lạ lẫm nhưng khi ngồi lại học hỏi, nhiều bạn cho rằng: những lời khuyên, những biến cố tuy cách xa các bạn hàng mấy thế kỷ nhưng rất gần, rất sống động và rất thời sự đối với thời đại @ (a còng) hôm nay.

Trong buổi thuyết trình, các bạn đã đưa mọi người sống lại thời Giáo Hội sơ khai, qua các thư Phaolô.

Trại Rôma trình bày ý nghĩa trại, khái quát bức thư Rôma nói lên sự công chính của Thiên Chúa là cần rập khuôn theo Đức Kitô, là sống tâm tình hoán cải không những bên ngoài mà là chính bên trong tâm hồn để tự nhận thức, tự biến đổi hầu sống tốt trở nên muối cho đời.

Trại Côrintô diễn tả mô hình trại là một kiểu nhà nguyện, nơi mọi người đến tham dự bàn tiệc Thánh Thể, dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa và là dấu hiệp thông trong cùng một Nhiệm Thể. Qua bức thư gửi tín hữu Côrintô ước mong mỗi người chúng ta trở thành những Phaolô nhiệt thành, yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể để tình Chúa, tình người ngày càng mật thiết với nhau và trở nên những tấm bánh chia sẻ cho nhau.

Trại Galata đón mọi người đến nghe thuyết trình bằng bài hát chào mừng thân quen và giới thiệu về trại của mình với tâm tình cầu nguyện của Thánh Phaolô gửi cho Giáo đoàn Galata rất hợp thời, sống động, vẫn mang tính hiện đại, tính thời sự cho cuộc sống đức tin của mọi người, đặc biệt là giới trẻ hôm nay. Các bạn hãy thấm nhuần tinh thần hào hiệp, xả kỷ và đạo đức của Thánh nhân để giữa những thăng trầm trong hành trình đức tin, chúng ta biết nguyện cầu, bám lấy Đức Kitô là lẽ sống của mình như Thánh nhân đã từng nói: “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống mà Đức Kitô sống trong tôi” (Gal 6, 20).

Trại Philipphê vui tươi trình bày bức thư gửi Giáo đoàn Philipphê với tinh thần dám nói, dám làm bất chấp những trở lực bằng nhiều cách: chia rẽ, bè phái, kiêu căng… làm lung lạc đức tin của những người trẻ. Nếu chúng ta không vững tin vào Thập Giá Đức Kitô thì từng ngày đối mặt với những thách đố, đức tin của chúng ta dễ bị lung lạc… “Vì nhờ vào mầu nhiệm Thập Giá Đức Kitô, chúng ta nhận biết được chân lý và cùng đích của cuộc sống. Dù thua thiệt, dù chịu nhiều áp lực, chịu nhiều chế giễu, đàm tiếu, chịu cầm tù… trong Đức Kitô, chúng ta sẽ toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta”

Trại Côlôsê hân hoan trong mầu nhiệm Phục Sinh, kêu gọi các bạn trẻ hãy “hướng mắt tìm kiếm những sự thuộc trời cao” Đó là lòng yêu mến trong tư tưởng, lời nói, việc làm… hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau… trên hết mọi đức tính, anh em hãy có lòng bác ái, đó là mối dây liên kết trọn hảo” (Cl 3, 12 -14). Bước đi trong ánh sáng của Đức Kitô là cả một chương trình sống hằng ngày và suốt cả cuộc đời lữ hành đức tin của mỗi người chúng ta. “Hãy bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Kitô Giêsu” (Cl 2, 7)

Trại Êphêsô rất bài bản với những tờ giấy được phát đến tay từng trại sinh tham gia học hỏi. Một sự chuẩn bị rất chu đáo. Thư Êphêsô cho ta thấy ba hình ảnh về Hội Thánh: là nhiệm thể Chúa Kitô, là công trình kiến trúc xây trên đá tảng là Đức Kitô, và là hiền thê của Đức Kitô. Cộng đoàn Êphêsô là Cộng đoàn truyền giáo, nối gót Thánh Phaolô chúng ta cũng phải đem Tin Mừng đến hco mọi góc hẻm xa xôi. Nếu không ra đi chúng ta mắc nợ với cha ông, với con cháu. Còn biết bao anh chị em chúng ta chưa nhìn thấy được ánh sáng đức tin trong miền đất Phú Yên này. Chúng ta có thể truyền giáo bằng nhiều cách: sống đời Kitô hữu tốt, bác ái yêu thương, hy sinh trong môi trường gia đình, công sở, với những người quanh ta. Đó là công việc truyền giáo hữu hiệu để đất nước chúng ta thấm đượm tinh thần bác ái của Chúa Kitô.

Sau những giây phút học hỏi, nghe trình bày các thư nhiều ưu tư về đời sống đức tin hôm nay và trách nhiệm của các bạn trẻ phải làm gì đối với xã hội và Giáo hội. Các trại sinh trở về trại của mình chuẩn bị trình bày những đặc sản của trại và đón khách được mời đến thưởng thức các món ăn. Mỗi trại đều có những món ăn riêng nói lên tính chất, ý nghĩa của trại mình: Trại Êphêsô với món bún riêu cua, cá đồng, rau lang… rất dân giã, chân chất. Trại Côlôsê cho mọi người thưởng thức món “Canh chua ăn với cá đồng – Rau xào, dưa sống thắm lòng người ăn”. Trại Philipphê có món bánh mì ăn với Bò hầm cà dái dê. Trại Galata với món gà kho xả cũng mang tính đồng quê. Trại Côrintô giới thiệu món lương xào xả ớt nhấm với chút rượu đế sẽ ngon từ thịt, ngọt từ xương. Trại Rôma có gà chiên mắm chấm xì dầu, món ăn đơn sơ nhưng bạn MC của trại nói nghe ngọt tai vì trong món ăn chứa đựng bao dưỡng chất: tình yêu, kiên nhẫn, quảng đại, sự quan tâm, lòng nhiệt huyết với một niềm tin yêu, lạc quan, vui tươi chung tay xây dựng Giáo khu hiệp nhất, yêu thương.

Mọi người quây quần quanh các mâm cơm thật vui vẻ, thân tình. Bữa ăn ý nghĩa trôi qua, giờ là lúc giao lưu với nhau qua phần thi Đôi tai Séraphim về các bài Thánh ca Đức Mẹ gần gũi nhất. Tiếp đó là phần đô vui Giáo lý bằng cách đoán ô chữ theo hình ngang thật sôi nổi, hăng hái. Mới được 3 câu hỏi, các bạn tranh nhau trả lời từ khoá.

Sau một tiếng đồng hồ động não rất trẻ trung, hào hứng của phần thi Giáo lý. Các trại được tổng kết và phát thưởng. Trại nào cũng cố gắng thi đua dành phần thắng về mình. Thật vậy, mỗi trại mỗi vẻ, mười phân vẹn mười. Trại Côrintô đạt giải Sinh hoạt. Trại Rôma đạt giải Kỷ luật. Trại Galata đạt giải Giáo lý. Trại Philipphê đạt giải Văn nghệ. Trại Côlôsê đạt giải Kỹ thuật trại và trại Êphêsô đạt giải Am thực. Để khuyến khích tinh thần các bạn trẻ Giáo họ Hóc Gáo, có một số bạn đạp xe, lội nước dưới trời mưa gió để xuống tham dự hội trại, cảm kích trước lòng nhiệt thành của các bạn, Cha Sở tặng một phần quà toàn diện cho Giáo họ Hóc Gáo + Giáo khu 6.

Cuộc họp mặt mới hôm qua đông vui, nhộn nhịp… Giờ đến lúc phải chia tay. Hội trại được khép lại qua buổi cử hành Thánh Lễ trọng thể Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam – Bổn Mạng các thanh niên trong Giáo xứ. Cha Sở dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, hân hoan mừng chúc các bạn trẻ trong ngày vui hội trại. Ngài kêu gọi các bạn trẻ hãy trân trọng đức tin mà cha ông chúng ta đã từng gìn giữ qua những giọt máu đào, bất chấp đầu rơi hay đón nhận cái chết dưới bất cứ hình thức nào. Những lời cầu chúc của quý Cha và mọi người cuối cùng, nhắn gởi các bạn trẻ và để các bạn nhìn thấy hội trại năm nay: trời đẹp, trại sinh đông, hăng hái đào sâu các thư Thánh Phaolô… nhưng đẹp nhất vẫn là hình ảnh cả Giáo xứ những bậc đàn anh hợp tâm, hợp ý làm nên hội trại năm nay. Vậy là con cháu, chúng ta đừng đóng kín cửa lòng mình lại nhưng hãy nối dài, thắp lên niềm tin, tiến triển niềm tin và sống niềm tin trong những lúc chua cay, ngậm ngùi hay vui sướng vẫn một lòng theo Chúa. Con đường tương lai còn nhiều hứa hẹn, các bạn hãy vững vàng bước đi trong tin yêu, phó thác.

Buổi hội trại kết thúc trong âm thầm, lặng lẽ qua lời kinh cầu cho người trẻ và một tấm ảnh kỷ niệm ghi nhớ ngày hội trại năm 2008. Những giọt mưa hồng ân lấm thấm rơi, tiễn chân các bạn trẻ trở về trại, chia tay nhau qua bữa cơm thân tình, bịn rịn “Những giây phút bên nhau qua rồi – Giờ còn lại nơi đây là nỗi nhớ – Giờ còn lại nơi đây là kỷ niệm - Tạm biệt nhé, tạm biệt nhé, bạn ơi”

Tuy Hoà, 20.11.2008

Ngọc Thiền
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Thông cáo báo chí: Cộng sản Việt Nam đã cướp đất lại còn vu cáo, giam cầm, và nay lại lôi những nạn nhân của họ ra tòa
Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo Việt Nam
05:34 25/11/2008
Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo Việt Nam

92 The River Rd - Revesby NSW 2212
Tel: (02) 9773 0933
Fax: (02) 9773 3998
paulvanchi@yahoo.com

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

FOR IMMEDIATE RELEASE

Liên Lạc: Lm. Paul Van Chi Chu
Tel: (02) 9773 0933
Mob: 0410 552 650


Sydney ngày 24 tháng 11 năm 2008- Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo Việt Nam xin thông báo đến cộng đồng thế giới những biến chuyển mới nhất trong một chuỗi vi phạm liên tục về nhân quyền và tự do tôn giáo của nhà cầm quyền Việt Nam đối với những anh chị em giáo dân Công Giáo Hà Nội.

Theo thông báo hôm 22/11/2008 của Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội, 8 giáo dân thuộc trách nhiệm coi sóc mục vụ của nhà dòng tại giáo xứ Thái Hà sẽ bị đưa ra xét xử trước tòa hình sự tại Hà nội vào ngày 5 tháng 12 sắp tới, và nhà cầm quyền Việt Nam hăm dọa sẽ trừng phạt những người này một cách nặng nề về điều mà họ mô tả là tội "phá hoại tài sản và phá rối trật tự nơi công cộng."

Tuy nhiên, thực ra 8 giáo dân bị cáo buộc oan uổng này chẳng hề làm gì sai trái mà gọi là phạm luật cả.

Như quý vị đã biết, từ năm 1996, các linh mục tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội và giáo dân Thái Hà đã kiên trì gởi đơn khiếu nại tới chính quyền địa phương để đòi lại đất đai của họ đã bị chiếm giữ trái phép từ thập niên 1950. Tuy nhiên, những lời kêu nài của họ đều bị nhà cầm quyền bỏ ngoài tai. Lời ta thán và những cuộc biểu tình ôn hòa của họ đã diễn ra khi mọi nỗ lực đòi lại đất đai đã trở nên vô vọng và nhất là sau khi giáo dân Thái Hà khám phá ra việc cán bộ nhà nước đã kín đáo bán đất của họ cho tư nhân. Những nạn nhân này trong cơn tuyệt vọng chẳng còn con đường nào khác hơn là biểu tình ôn hoà từ ngày 5 tháng Giêng 2008 để kêu gọi công lý từ phiá nhà cầm quyền.

Thoạt đầu, những cuộc biểu tình đã được tiến hành bên ngoài bức tường gạch cao 2 mét bao quanh khu vực, được xây dựng từ hàng mấy chục năm qua, nơi những người biểu tình đã thường treo tượng ảnh để cầu nguyện. Vào buổi tối trước ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời hôm 14 tháng 8, 2008, sau mấy ngày mưa lũ, một phần của bức tường bị sụp đổ. Khi nhìn thấy hiểm họa những phần khác của bức tường cũng sẽ bị sụp đổ theo hiệu ứng liên hoàn, giáo dân đã phải tháo gỡ khoảng 3 mét tường và di dời tượng, ảnh, và thánh giá vào phiá bên trong của bức tường để cho an toàn hơn.

Chính quyền địa phương đã ngay tức khắc tố cáo giáo dân là "phá hoại tài sản nhà nước". Một tuần sau, văn phòng định giá của quận Đống Đa đã cho phổ biến trên tờ Hà Nội Mới và những cơ quan truyền thông báo chí khác của nhà nước là phần tường giáo dân Thái Hà tháo gỡ ra có một tổn thất khoảng 3,700,000 tiền Việt Nam (xấp xỉ 200 Mỹ Kim).

Để bắt đền cho số tiền 200 Mỹ Kim, từ ngày 1 tháng 9 đã có hàng loạt giáo dân bị bắt, trong số này có đến 4 người đã bị bắt giam hàng mấy tháng trời mà chẳng có phiên toà xét xử. Ít nhất cho đến nay vẫn còn 2 người đang bị giam giữ.

Phiên tòa sắp diễn ra thật bất công cho anh chị em giáo dân Thái Hà. Đây là miếng đất của họ từ hồi mua đến giờ, theo đúng luật pháp Việt Nam và theo lẽ thường, họ phải có quyền được tháo gỡ phần tường nào đe dọa đến tính mạng của họ.

Trong tháng Chín vừa qua, nhà cầm quyền địa phương đã làm ngơ trước những nguyện vọng chính đáng của người Công Giáo Thái Hà mà biến cải sở đất của họ thành công viên. Họ cho xe cơ giới vào ủi hết sạch, gồm cả bức tường nêu trên. Tại sao họ cứ nằng nặc đòi thưa kiện giáo dân về một thiệt hại chỉ đáng giá có 200 đô la, sau khi đã bắt giam anh chị em giáo dân hàng mấy tháng trời?

Câu trả lời quá dễ dàng: nhà cầm quyền kiên quyết gởi một thông điệp gói ghém những hình phạt nặng nề đến tín hữu của các tôn giáo, đến những người nông dân và thường dân khác đang đòi lại tài sản đất đai. Phiên tòa sắp tới là một chiến lược đe dọa nhằm làm câm nín mọi nỗ lực đòi công lý của người dân Việt Nam.

Chính vì thế, chúng tôi, những linh mục Công Giáo Việt Nam đang chịu trách nhiệm điều hành các cơ quan truyền thông Công Giáo, tố cáo trước dư luận thế giới và đồng bào trong cũng như ngoài nước việc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã cướp đất lại còn vu cáo, giam cầm, và nay lại lôi những nạn nhân của họ ra tòa để răn đe các thành phần dân chúng khác đang chịu nhiều oan sai dưới một chế độ bất công và chà đạp nhân phẩm con người.

Nhân đây, chúng tôi cũng tố cáo trước dư luận thế giới việc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã để cho các cán bộ địa phương phường Quang Trung trả thù Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội và giáo xứ Thái Hà đêm thứ Bẩy 15/11 vừa qua.

Trong vụ này, hằng trăm người, dưới sự yểm trợ của Uỷ Ban Nhân Dân phường Quang Trung đã tấn công đền thờ Giêrađô của Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội. Bạo động đã nổ ra cùng lúc với việc Uỷ Ban Nhân Dân phường Quang Trung yêu cầu các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội có cuộc họp khẩn vào lúc 10 giờ đêm. Rõ ràng cuộc họp này được dàn dựng lên với ý đồ ngăn cản các linh mục và tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội tiếp cứu đền thờ của họ đang bị tấn công. Đây rõ ràng là một cuộc tấn công cố ý, có tổ chức xảy ra vào lúc đêm hôm.

Được triệu tập bằng tiếng chuông báo, hằng trăm tín hữu Công giáo địa phương đã đổ xô về giải cứu cho nhà thờ. Nhưng trong lúc bọn côn đồ tàn phá đền thờ, công an lại tập trung nỗ lực vào việc ngăn cản giáo dân Công Giáo không cho vào trong cơ sở này.

Đây là lần thứ hai đền thánh Giêrađô đã trở thành mục tiêu cho bạo động chỉ trong vòng một hai tháng.Vào ngày 21 tháng 9, đền thờ này đã bị phá hoại, tượng ảnh bị đập phá và sách kinh bị quăng ra khỏi kệ, vương vãi dưới đất. Những kẻ côn đồ đã "la ó, đập phá, ném đá vào nhà dòng, đập vỡ cổng vào đền thánh Giêrađô, theo như bản tường trình gởi cho nhà chức trách thành phố Hà Nội của cha Matthêu Vũ Khởi Phụng bề trên nhà dòng. Thêm vào đó những kẻ du côn này còn hô khẩu hiệu sẽ giết các linh mục, tu sĩ, giáo dân và ngay cả Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt.

Như thế, dù đã dùng vũ lực chà đạp lên nguyện vọng chính đáng của anh chị em giáo dân Hà Nội muốn được trao lại tài sản của họ tại Tòa Khâm Sứ Hà Nội và tại giáo xứ Thái Hà, nhà cầm quyền cộng sản vẫn tiếp tục cuộc bách hại người Công Giáo và coi đó như biện pháp nhằm răn đe các thành phần dân chúng khác tại Việt Nam.

Vì thế, Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo Việt Nam khẩn thiết thông báo tình hình nghiêm trọng này với cộng đồng thế giới và tha thiết hy vọng chính phủ các nước, các tôn giáo, các cơ quan bảo vệ nhân quyền và tất cả những người thiện chí xin hành động ngay tức khắc để đòi buộc nhà cầm quyền Hà Nội phải tôn trọng nhân quyền và quyền tự do tôn giáo. Đặc biệt, xin can thiệp cho những anh chị em sau đây sắp phải ra trước tòa án vì những cáo buộc bất công dành cho họ.

1. Bà Ngô Thị Dung, sinh năm 1954, địa chỉ 306, C3, tập thể Vĩnh Hồ, phường Ngã Tư Sở, thuộc Gx Thái Hà, Tổng Giáo phận Hà Nội, sẽ bị xét xử về tội “hủy hoại tài sản và gây rối trật tự công cộng”.

2. Anh Thái Thanh Hải, sinh năm 1987, cư trú tại 42 Nguyễn Lương Bằng, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, thuộc Gx Thái Hà, TGP Hà Nội, sẽ bị xét xử về tội “hủy hoại tài sản và gây rối trật tự công cộng”.

3. Anh Nguyễn Đắc Hùng, sinh năm 1958, thường trú tại Thôn Đầm, xã Tân Hoà, huyện Quốc Oai, thuộc Gx Tình Lam, Giáo phận Hưng Hoá, sẽ bị xét xử về tội “hủy hoại tài sản và gây rối trật tự công cộng”.

4. Bà Lê Thị Hợi, sinh năm 1947, địa chỉ số 8 ngách 62, ngõ Thổ Quan, phường Thổ Quan, Đống Đa, Hà Nội, thuộc Gx Thái Hà, Tổng Giáo phận Hà Nội, sẽ bị xét xử về tội “hủy hoại tài sản và gây rối trật tự công cộng”.

5. Ông Lê Quang Kiện, sinh năm 1945, hiện ở tại số 8 ngõ 162 A, phố Tôn Đức Thắng, Đống Đa, Hà Nội, thuộc Gx Hàng Bột, Tổng Giáo phận Hà Nội, sẽ bị xét xử về tội “hủy hoại tài sản và gây rối trật tự công cộng”.

6. Ông Giuse Phạm Trí Năng, sinh năm 1959, thường trú tại Thường Lệ, Đại Thịnh, Mê Linh, Hà Nội, thuộc Gx Thường Lệ, giáo phận Bắc Ninh, sẽ bị xét xử về tội “hủy hoại tài sản và gây rối trật tự công cộng”.

7. Bà Nguyễn Thị Nhi, sinh năm 1962, quê ở Sơn Hà, Phú Xuyên, Hà Tây, thuộc Gx Hà Thao, sống tại Gx Mường Cắt, Hoà Bình, thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội, sẽ bị xét xử về tội “gây rối trật tự công cộng”.

8. Bà Nguyễn Thị Việt, sinh năm 1949, nhà A2 tổ 8, tập thể Thuỷ Tinh, phường Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội, thuộc Gx Thái Hà, Gp Hà Nội, sẽ bị xét xử về tội “hủy hoại tài sản và gây rối trật tự công cộng”.

Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo Việt Nam cũng kêu gọi các cộng đoàn Công Giáo Việt Nam trên toàn thế giới tổ chức những buổi cầu nguyện đặc biệt cho những anh chị em nói trên và làm hết khả năng của mình để vận động chính phủ các nước sở tại can thiệp cho nhân quyền của anh chị em chúng ta được tôn trọng.

Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo Việt Nam cũng lên án những hành động đàn áp người Công Giáo và yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam:

1) Chấm dứt cuộc vận động chống lại linh mục tu sĩ CG, giáo dân, và giáo hội nói chung.

2) Chấm dứt việc đàn áp linh mục Công Giáo, giáo dân và bảo đảm an ninh cho các nơi thờ tự của chúng tôi.

3) Tôn trọng luật pháp do chính quý vị ban hành và trả lại tài sản cho chủ thật của nó

Liên hệ:

Đức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài
Giám Đốc Radio VERITAS Asia
Buick St. North Fairview,
Quezon City, Philippines
P.O. Box 2642
Email: rvaprogram@rveritas-asia.org

Lm. Gioan Trần Công Nghị
Giám Đốc Thông Tấn Xã Công Giáo VietCatholic
435 Berkeley Ave
Claremont, CA 91711, USA
Tel (909) 581-8888
Email: conggiao@gmail.com

Lm. Joachim Nguyễn Đức Việt Châu
Chủ Nhiệm Nguyệt San Dân Chúa Mỹ Châu
PO Box 1419 Gretna,
LA 70053-5440, USA.
Email: danchuausa@yahoo.com

Lm. Antôn Nguyễn Hữu Quảng
Chủ Nhiệm Nguyệt San Dân Chúa Úc Châu
715 Sydney Rd. Brunswick Vic 3056
Australia
Email: quangsdb@yahoo.com

Lm. Stêphanô Bùi Thượng Lưu
Chủ Nhiệm Nguyệt San Dân Chúa Âu Châu
Magazine Catholique
Katholische Monatszeitschrift
Email: info@danchua.de

Lm. Paul Chu Văn Chi
Giám Đốc Đài Phát Thanh Tin Vui An Bình Sydney Australia
92 The River Rd - Revesby
NSW 2212
Australia
Email:paulvanchi@yahoo.com
 
Dân biểu Ed Royce kêu gọi đưa Việt Nam vào lại danh sách CPC
VOA
06:57 25/11/2008
Dân biểu Ed Royce thuộc đảng Cộng Hòa, đại diện cho đơn vị bầu cử 40 ở tiểu bang California, đã đệ trình một nghị quyết lên Hạ Viện Liên Bang Mỹ, kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ liệt kê lại Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm vì những vi phạm trầm trọng quyền tự do tôn giáo thường được gọi tắt là CPC.

Một bản tin do Văn Phòng của Dân Biểu Ed Royce cho hay trong bản nghị quyết đệ trình Hạ Viện hôm 19 tháng 11 vừa rồi, dân biểu Ed Royce, một thành viên cấp cao của Tiểu Ban Á Châu, Thái Bình Dương và Môi Sinh Toàn Cầu của Hạ Viện, và là một thành viên trong Nghị Hội của Hạ Viện về vấn đề Việt Nam và Nhân quyền, cho rằng tình trạng hiện nay ở Việt Nam là điều không thể chấp nhận được, và rằng nếu muốn có một quan hệ tốt đẹp với Hoa Kỳ, Việt Nam cần phải tôn trọng các quyền tự do của người dân, trong có quyền tự do tôn giáo.

Theo bản tin vừa kể, từ năm 1999, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã liệt kê những nước tham gia hoặc dung dưỡng những vi phạm trầm trọng quyền tự do tôn giáo vào danh sách những quốc gia cần đặc biệt quan tâm. Việc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hàng năm liệt kê những vụ vi phạm của các nước này đã giúp hành động này biến thành một công cụ ngoại giao nhằm thăng tiến nhân quyền.

Theo Dân Biểu Royce, gần đây nhất, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã bị chính quyền áp bức trong những vụ tranh chấp đất đai. Ngoài ra, hành động ngược đãi của chính quyền nhắm vào các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất vẫn được tiếp tục.

Vì những vi phạm trầm trọng của Việt nam trong lãnh vực nhân quyền, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ trước đây đã coi Việt Nam như một trong những nước cần đặc biệt quan tâm. Năm 2006, Việt Nam được rút tên ra khỏi danh sách này. Theo Dân Biểu Royce, một vài người cho là đã có một vài bước tiến tích cực tại Việt Nam, nhưng ông không nhìn thấy điều này.

Với ông, quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam vẫn tiếp tục bị tấn công, chính phủ Cộng Sản tiếp tục gây phiền hà và vi phạm vào thân xác những tín đồ không tuân theo những luật lệ được nhà nước bảo trợ.

Dân biểu Ed Royce nói rằng tháng Giêng tới đây, Hoa Kỳ sẽ có một chính phủ mới, và ông muốn chính phủ mới này ý thức được chuyện quyền tự do tôn giáo đang bị vi phạm trầm trọng Việt Nam để đưa ra những hành động thích ứng.

Năm 2008, trong số các nước bị liệt kê vào danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm có Trung Quốc, Miến Điện và Bắc Triều Tiên.
 
Công Lý và Nhân Quyền ra tòa CSVN tại Thái Hà
Hồng Lĩnh
07:06 25/11/2008
Công Lý và Nhân Quyền ra tòa CSVN tại Thái Hà

Lý do của cầu nguyện và lý do của đàn áp

Ngày 5/12 sắp tới, một nhóm gồm 4 Anh và 4 Chị giáo dân Thái Hà sẽ bị CSVN kết án vì lý do đã tham gia cầu nguyện đòi đất của Nhà thờ Thái Hà, đòi công lý và nhân quyền cho dân tộc Việt. Đã từ trên 60 năm nay, người Việt phải sống trong một chế độ CS hà khắc dưới các chiêu bài hấp dẫn «Độc Lập Hạnh Phúc Tự Do».

Đảng CSVN tự quyền cho mình là nhà nước. Dành quyền tư hữu các bất động sản. Bất kể các bất động sản phải có cho nhu cầu thờ phượng và giáo dục. Lợi ích công đồng và cho con người. Nhà nước ngang xương tịch thu và đi vào chia chác các béo bở ấy với nhau giữa đảng viên. Rồi các đảng viên đem bán cho tư bản xanh hay xây dựng những dự án thương mại kiếm lời. Tuyệt đối chỉ phục vụ ích kỷ của nhóm đảng viên.

Một hành xử mang tính cách ngạo mạn chống lại thần thánh tới con người và đầy bất công đã tạo ra một trái bom nổ chậm. Từ đó phong trào đòi công lý có quần chúng ra đời qua hai sự kiện Tòa Khâm Sứ và Thái Hà. Một đối đầu không nhân nhượng giữa hai cực: Cực của công lý và niềm tin và cực của bạo lực và tà quyền. Cực nầy có LÝ DO để cầu nguyện và cực kia có «LÝ DO» để đi vào đàn áp. Hai lý do đối nhau về giá trị như ánh sáng và bóng tối.

Một vụ án bất chấp công lý và công luận

Với một bộ máy tập trung nắm gọn trong tay trọn bốn quyền hành: lập pháp, hành pháp, tư pháp và truyền thông tạo dư luận của quần chúng, thể chế lại bất chấp công lý và dư luận trong phòng thủ và tấn công nhắm mục đích bảo vệ quyền lợi riêng tư cho đảng viên mang tính cuồng tính (fanatique). Thời tất cả có thể xảy ra. Một lối phòng thủ tấn công có thêm đặc trưng thử nghiệm tất cả các chiến thuật như đã thấy tại TKS và Thái Hà. Nên không một ai ngạc nhiên sẽ có vụ án nầy trong những ngày sắp tới.

Tư pháp trở thành dụng cụ để trấn áp và để tạo ra một hình thức gọi là « hợp pháp » hầu dằn mặt và dam cầm công lý và Nhân Quyền. Từ đó thể chế phải bất chấp công luận kết án. Rồi còn độc thoại, không một chút ngượng ngùng, tuyên bố phản sự thật và chối bỏ các sự kiện mà ai cũng thấy. Một đối tác lạc lõng giữ thế giới văn minh và nhân bản. Một vụ án chỉ làm tăng thêm nhem nhuốc cho thể chế, làm công luận phẫn nỗ. Nhưng vì cuồng tín tin vào bất diệt và sức mạnh của vật chất của thế vô thần, CSVN đang buớc những bước cuối cùng vào tận diệt như cựu TT Boris Eltsin đã một lần phát biểu: « không thay đổi được mà phải tiêu diệt hay tự tiêu diệt ». Con cá sấu còn cái đuôi tiếp tục gây tác hại, và rồi đây sẽ tạo thêm 8 nạn nhân vô tội tại Thái Hà. Thêm 8 viên gạch xây đắp mái nhà công lý và Nhân Quyền cho dân Việt và Giáo Hội Công Giáo Việt Nam bất diệt.

Vinh danh và yểm trợ 8 Giáo dân Thái Hà

Như lởi vinh danh gừi về Thái Hà, xin ghi lại với nét đậm đặc các Anh và các Chị có tên sau đây, nhân chứng của công lý và Nhân Quyền: Các Anh Thái Thanh Hải, Nguyễn Đắc Hùng, Lê Quang Kiện, Phạm Trí Năng và các Chị Ngô Thị Dung, Nguyễn Thị Nhi, Lê Thị Lợi, Nguyễn Thị Việt. Ngày 05/12 sắp tới sẽ là ngày đăng quang đi vào tù nhỏ để phá tù lớn cho công lý và Nhân Quyền tại Việt Nam và cho danh Cha cả sáng, cho Giáo Hội Công Giáo thêm bền vững sáng ngời. Niềm tin và chí hiên ngang của các gương tử đạo suốt một chiều dài thời gian 300 năm trước đầy máu và lệ của GHCGVN đã thấm tận lòng các Anh và các Chị.

Cha cả trên trời với bàn tay thân thương chí thánh sẽ lau nước mắt cho các Anh Chị. Một yểm trợ tận lực của bao kẻ chiêm ngưỡng sự hy sinh cao cả ấy sẽ dồn dập trong những ngày sắp tới.
 
Giáo Hội Tin Lành Mennonite Việt Nam gửi kiến nghị đòi CSVN trả tự do 8 mục sư và nhân sự bị giam cầm
Mục Sư Nguyễn Hồng Quang
07:35 25/11/2008
Giáo Hội Tin Lành Mennonite Việt Nam Gửi Kiến Nghị Đòi: CSVN trả tự do 8 mục sư và nhân sự bị giam cầm

Một buổi hội thảo của các Mục sư Mennonite ngày 3-5/11/2008 tại quận Hóc môn, Sài Gòn.
Giáo Hội Tin Lành Mennonite Việt Nam vừa gửi Kiến Nghị Thư lên chính quyền CSVN yêu cầu trả tự do cho 8 mục sư, nhân sự của Giáo Hội đã bị bắt giam cầm từ nhiều năm nay.

Kiến Nghị Thư v/v Tự do cho tù nhân lương tâm là Mục sư, Tín hữu Tin Lành, nội dung Kiến Nghị như sau:

GIÁO HỘI TIN LÀNH MENNONITE VIỆT NAM
Địa chỉ: C5/1H Trần Não, P. Bình Khánh, Quận 2, TP. HCM.
Điện Thoại:32107756. Email: mennonitesaigon@yahoo.com.vn.


Quận 2 Ngày 17/11/2008

KIẾN NGHỊ THƯ
Về việc: Tự do cho tù nhân lương tâm là Mục sư, Tín hữu Tin Lành


Kính gửi:
- Chủ tịch nước CHXHCNVN. Nguyễn Minh Triết.
- Thủ Tướng nước CHXHCNVN. Nguyễn Tấn Dũng.
- Bộ Trưởng Bộ Công an nước CHXHCNVN. Lê Hồng Anh.
- Cục trưởng cục an ninh trại giam V26 bộ công an..

Kính thưa quí Ngài.

Đất nước Việt Nam của chúng ta đã trãi qua nhiều biến cố đau thương tàn khốc nhất nhưng lỗi lầm không chỉ do ngoại xâm mà còn có cả những sai lầm nội tại từ trong chính hệ thống chính trị của Việt nam gây ra.

Do đó nhiều tù nhân lương tâm là nạn nhân của bối cảnh lịch sử thương tâm đó.

Hiện nay Giáo Hội Tin Lành Mennonite có những nhân sự còn bị giam cầm trong các trại giam mà tất cả chúng tôi đều thương yêu mong ngóng họ trở về từng ngày!

Nay chúng tôi là những mục sư nhân sự thuộc Giáo Hội Tin Lành Mennonite đồng ký tên kiến nghị thư nầy mong quí Ngài xét trả tự do cho các tù nhân gồm những mục sư, nhân sự có tên sau đây sớm được trở về đoàn tụ với gia đình:

1. Mục sư K’sotino ( Gia Lai).
2. Mục sư Ra lan Punh (Gia Lai).
3. Mục sư Nguyễn Văn Đài ( Hà Nội).
4. Mục sư Nguyễn Thị Hồng ( Sài gòn).
5. Mục sư Nhiệm chức Đoàn Văn Diên ( Đồng Nai).
6. Tín hữu Y Gưm (Gia Lai).
7. Tín hữu Trần Thị Lệ Hồng ( Đồng Nai).
8. Tín hữu Lê thị Công Nhân (Hà Nội).

Cầu xin Thiên Chúa mở lòng quí Ngài hành động để cho họ tự do.

Chúng tôi gồm 101 người có 42 Mục sư, 59 Truyền đạo Kinh và các sắc tộc đồng ký tên. (Người ký tên trong danh sách kiến nghị đầu tiên là Mục Sư Nguyễn Hồng Quang. Chữ ký thứ 101 là của Mục Sư Nguyễn Hữu Tấn.)
 
Sơn La: “Nhà nước tự trị về chính sách tôn giáo”?
Song Hà
08:02 25/11/2008
Sơn La: “Nhà nước tự trị về chính sách tôn giáo”

Kỳ I: Giáo hội hầm trú Sơn La

Một vùng trắng về nơi thờ tự

Sơn La, nơi ngày xưa vẫn thường đến với tâm trí chúng tôi qua những câu chuyện và những bài viết về một vùng đất hùng vĩ và nhiều kỳ bí. Tuổi trẻ chúng tôi tha hồ dùng trí tưởng tượng của mình để mơ tưởng về một vùng đất chỉ được biết qua những bài học như “Tây Bắc – Hòn ngọc của Tổ quốc” – Phạm Văn Đồng. Hay những câu chuyện về nơi của những phong cảnh hữu tình, nơi của rừng vàng và bạt ngàn những phong tục lạ lùng của cư dân ở đó.

Quy Ước tổ nhân dân
Một trong những mơ ước của tôi khi lớn lên là đi hết mọi miền Tổ Quốc và nhất định sẽ đến Sơn La.

Cuộc đời thật khéo chiều, những chuyến công tác xa nhà đã đưa tôi đến những vùng đất mà tôi từng mơ ước, nhất là các tỉnh miền núi. Những chuyến công tác đến Lạng Sơn, Hà Giang, Lai Châu, Tuyên Quang, Cao Bằng và miền Trung, Tây nguyên… đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp và không đẹp, nhiều điều dễ nhớ.

Nhưng ấn tượng nhất, vẫn là khi đến Sơn La.

Đến Sơn La nhiều lần, nhưng đa số là những chuyến đi đến các thị xã, thị trấn… đi qua những con đường dốc đứng, bên là vực thẳm, bên là núi cao sẵn sàng trượt sập vào mình bất cứ lúc nào, nhất là mùa mưa. Đường đi khi đó còn là những con đường đất, chỉ hai vệt bánh xe là hằn rõ, còn lại là chỗ cho cỏ mọc, nhiều khi đã lên xe, chỉ biết nhắm mắt lại mà giao phó linh hồn và xác cho... lái xe. Những con đường mà xe đi mãi, vẫn thấy chỗ mình đi qua đang ở dưới chân. Những chuyến đi về Phù Yên, Bắc Yên gặp trời mưa và sương mù, cứ như trò chơi cảm giác mạnh đã để lại trong tôi những ấn tượng rất sâu sắc về một vùng đất đầy khó khăn và gian khổ. Cũng qua đó, tôi hiểu hơn và sức mạnh dân tộc qua những địa danh được ghi trong lịch sử khi học về chiến thắng Điện Biên và thật tiếc khi nghĩ rằng điều đó chỉ có được khi cả dân tộc đoàn kết. Khi đó, tôi cảm thấy tự hào và yêu mến Sơn La biết bao.

Những con người thuộc các dân tộc vô tư, đơn giản sống trong vất vả cam chịu với những phong tục, tập quán lâu đời, nhất là sự chân thật mến khách… đã để lại cho tôi nhiều cảm tình về tình người khi thế giới văn minh cộng sản chưa tác động đến họ nhiều.

Những phong tục, tập quán văn hoá của người dân Sơn La là đề tài cho người ta bàn tán sôi nổi trong các câu chuyện bên ấm trà Tà Xùa họ mang về xuôi. Trong đó, có cả phong tục và những hủ tục, nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Nhưng điều tôi thấy lạ lùng nhất khi đến Sơn La, là nơi đó không một bóng dáng của Thánh đường Công giáo. Nhất là khi thỉnh thoảng tôi vẫn gặp những gia đình trưng bày tượng Thánh, hoặc những con người mang Thánh Giá. Điều đó đã để lại cho tôi nhiều điều thắc mắc mà chưa có dịp giải đáp.

Gần đây, trong những ngày nhàn cư và nổi cơn hứng chí. Tôi và bạn bè có dịp trở lại Sơn La quyết một phen tìm hiểu về đời sống tôn giáo thực của những người Công giáo Sơn La.

Chuyến xe đưa chúng tôi trở lại những con đường cũ. Giờ đây đường sá đã đổi thay nhiều hơn trước, đường phẳng hơn, đỡ quanh co hơn. Những cua tay áo gấp khúc ghê người đã được dần dần loại bỏ, những con đường rải nhựa đã mở rộng hơn. Cảnh vật của Sơn La đã nhanh chóng thay đổi theo bước tiến đất nước chỉ sau một thời gian chưa dài. Từ khi đảng “cởi trói” cho nhân dân bằng cách mở cửa cho cơ chế thị trường mà người cộng sản vốn từng ghét cay ghét đắng mò vào đất nước, Sơn la đã thay da, đổi thịt.

Con đường mới đi tránh Thị trấn Mộc Châu đã thay con đường cũ, quán ăn 64 Mộc Châu quen thuộc ngày xưa nay đã chuyển dời, cao nguyên đã thay đổi nhiều. Thị xã Sơn La đã được đôn lên thành phố, những câu khẩu hiệu giăng đầy đường ngõ Sơn La mừng sự kiện này vẫn còn đó. Những công trình Thuỷ điện đã được khởi công, cả Sơn La đang thay đổi.

Gặp lại những người thân khi xưa đến Sơn La, ai cũng hồ hởi rằng nếu như đảng cứ trói dân mấy chục năm qua, thì hoặc là dân đã không còn, hoặc đảng đã biến mất.

Những tưởng khi cuộc sống vật chất thay đổi, thì đời sống tinh thần của con người nhất là vấn đề tự do tôn giáo sẽ được tôn trọng hơn.

Những tưởng khi đảng kêu gọi mấy chục năm nay là “đưa miền núi tiến kịp miền xuôi” thì ít nhất hàng ngũ cán bộ của đảng, của nhà nước đã có thể thấm nhuần tinh thần của Hiến pháp, của luật pháp trong các hoạt động của mình.

Nhưng tôi cũng như nhiều người khác đã nhầm, ở Sơn La đã hình thành một “nhà nước tự trị về tôn giáo”, một nhà nước riêng biệt mà ở đó, người dân được đối xử như kẻ thù khi theo tôn giáo. Ở đó, quyền tự do tôn giáo là vấn đề hoàn toàn xa lạ, nhất là với đồng bào công giáo.

Tôi hoàn toàn bất ngờ, những phong tục của người dân cũng đã dần dần đổi khác. Cơ cấu của người dân, nhất là nhận thức của dân không còn như xưa. Nhưng đám cán bộ của đảng, dù chỉ cách Hà Nội mấy trăm cây số, vẫn lợi dụng sự cách trở, xa xôi và sự khó khăn của bà con các dân tộc ở đây để đặt họ trong một gọng kìm sắt của sự sỉ nhục quyền tự do tôn giáo, quyền căn bản và cao quý nhất của con người.

Điều này tôi tìm hiểu được qua chính những văn bản, được nhìn tận mắt hiện thực đời sống tôn giáo của người công giáo Sơn La. Thực tế đã chứng minh cho tôi rằng những điều trên là hoàn toàn là sự thực

Sơn La với nhà máy thủy điện
Một thời, Tây Bắc là vùng được đảng dùng để đưa những người xuôi từ Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng… nhất là những vùng đông giáo dân lên nơi khỉ ho, cò gáy này để “xây dựng vùng kinh tế mới”. Vì vậy ở những nơi như Lao Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, người ta vẫn lưu truyền nhau câu vè “Thái đen, Thái trắng, Thái Bình – Ba Thái đồng tình, xây dựng Sơn La”.

Cả tỉnh Sơn La với rất đông các tín hữu công giáo, trong số họ là những vùng dân tộc di cư sang từ Yên Bái, một số người Kinh từ xuôi lên theo diện kinh tế mới, hoặc làm ăn, buôn bán và định cư ở đó.

Có người dân là có nhu cầu tôn giáo, những tín ngưỡng họ mang theo là những tôn giáo được nhà nước công nhận, bảo hộ. Đạo Công giáo vào Sơn La cũng vậy, có nhiều tín hữu đến Sơn La, nhu cầu của họ được sinh hoạt bình thường cũng là điều dễ hiểu và hoàn toàn chính đáng. Nhưng, cả tỉnh Sơn La, không một bóng dáng Nhà thờ, biểu tượng linh thiêng và nơi tối cần thiết cho tín hữu. Nhiều người dân Công giáo ở Sơn La mấy chục năm nay không được tham dự Thánh lễ nào, khi lớn lên không được chịu các phép đạo hết sức cần thiết, khi chết đã cô đơn không được chịu các phép bí tích của giáo hội. Nhiều cặp vợ chồng lấy nhau đã rất lâu vẫn không thể chịu bí tích hôn phối...

Đó là thực trạng của giáo hội Công giáo ở tỉnh Sơn La, một tỉnh chỉ cách Hà Nội khoảng 300km.

“Nhà nước tự trị về tôn giáo” Sơn La đã làm gì với họ?

Những người công giáo với ý thức cộng đồng, tập trung nhau lại cùng cầu nguyện, đã bị nhà nước ngăn cấm ngang nhiên bằng nhiều hình thức. Noel năm 2007, linh mục Thoại đã bị công an rượt đuổi bắt vào đồn vì đã đến thăm đồng bào công giáo ở Mộc Châu.

Những cuộc cầu nguyện của các gia đình giáo dân với nhau bị công an theo dõi và kiểm soát gắt gao, thậm chí phá đám một cách trắng trợn. Những ngày giữa tháng 11, chính quyền Sơn La đã chuẩn bị để đối phó với giáo dân dịp lễ Noel. Những nơi giáo dân tập trung được chính quyền lưu ý đặc biệt và gây nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Những tín hữu công giáo đã làm đơn theo yêu cầu của của luật pháp để được hưởng quyền tự do của họ, đã bị chính quyền Sơn La thẳng thừng bác bỏ bằng một câu xanh rờn: “ Nhà nước đảm bảo quyền tự do tôn giáo” nhưng chỉ được “tu tại gia”? Một cách quyết định hoàn toàn trái pháp luật và giáo luật đã được nhà nước công nhận.

Những văn bản của Toà Giám mục Hưng Hoá gửi đến, của các cộng đồng tôn giáo gửi lên chính quyền Sơn La thì nhận được một câu khẳng định: “Sơn La không có nhu cầu tôn giáo”?

Người dân thưa rằng nhu cầu tôn giáo là của chúng tôi, đâu có xin cho các cán bộ của đảng, của chính quyền mà dám bảo là không có nhu cầu? Chúng tôi thừa biết các vị đều là những kẻ vô thần, vô đạo. Nhưng là con người, chúng tôi cần thứ đó, sao các vị ngăn cấm chúng tôi?

Những người tín hữu Công giáo Sơn La đã và đang bị phân biệt đối xử, bách hại nghiêm trọng. Điển hình điều đó là họ không được là những công việc tối thiểu là tập trung cầu nguyện, chia sẻ và thực hiện các nghi lễ tôn giáo đã mấy chục năm nay. Mặc dù họ vẫn là người công giáo và chính quyền Sơn La rất rõ điều đó trong việc đối xử.

Nhiều hành động văn bản và hình thức bách hại giáo dân Sơn La đã được thực hiện.

Trong các tài liệu về tôn giáo ở Sơn La, chúng tôi đọc đươc nhiều điều mà cứ tưởng rằng đây là những quy định quái gở của một bộ lạc nguyên thuỷ nào đó với đám thổ dân của mình. Về khía cạnh pháp luật, đây là những hành vi và văn bản vi phạm pháp luật cách trắng trợn của chính quyền Sơn La.

Về khía cạnh nhà nước, đây là một nhà nước tự trị về tôn giáo, không chấp nhận những quy định cơ bản của Hiến pháp và luật pháp nhà nước mang danh Cộng Hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Tại công văn số 75/UBND-VP ngày 21/10/2008 mới đây của UBND Thành phố Sơn La, lại vẫn giọng điệu áp đặt nói lấy được theo đúng cách nói của những người cộng sản rằng “Tuyệt đại đa cố nhân dân các dân tộc Sơn La không đồng tình với việc sinh hoạt tôn giáo tập trung” (sic). Chắc chắn một điều, người dân Sơn La đã bị áp đặt cái ý nghĩ quái gở đó của mấy ông đảng viên chính quyền Sơn La để luôn mồm leo lẻo mà không biết họ đang tự chửi mình rằng “Chính quyền thành phố Sơn La luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và tạo điều kiện để người dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, được tu tại gia, không được tụ tập đông người để tổ chức cuộc lễ tập trung…”

Phép nước Việt Nam thua lệ làng Sơn La

Nhà thờ dưới hầm
Quái đản hơn nữa, Sơn La còn bày đặt ra những quy định đi ngược lại pháp luật. Chủ yếu và quan trọng nhất trong bản quy ước đó là chính quyền muốn tập trung vào việc tiêu diệt đời sống tín ngưỡng và cuộc sống của người Công giáo. Chẳng hạn, quy ước của Tổ 4 – Phường Quyết Thắng – Thành phố Sơn La như sau:

- “Không tụ tập đông người để cầu kinh, cầu nguyện (chỉ tu tại gia đình). Không tổ chức các nghi lễ tôn giáo khi chưa được chính quyền địa phương cho phép (Mà đã có văn bản là không cho phép –TG), không tự ý xây dựng nhà thờ, nhà nguyện, nhà giáo lý và các công trình phục vụ các hoạt động tôn giáo khi chưa được các ngành chức năng cho phép (Mà chắc chắn là không đời nào cho phép -TG). Không tổ chức quyên góp, không tự ý nhận tiền, vật tư, vật phẩm, quà tặng của các tổ chức tôn giáo”.

Những quy ước này thực chất là tìm cách bóp chết người công giáo trong các hoạt động tín ngưỡng của mình. Ngoài ra, cuộc sống của họ sẽ hết sức khó khăn và bị đẩy vào chỗ chết, khi mà những chế độ của chính phủ đối với người dân tộc thiểu số, những người dân trên miền rẻo cao khi thiên tai, khi mất mùa đã bị cắt một cách ngang nhiên trắng trợn nếu họ không bỏ đạo mà không cho phép bất cứ sự cứu trợ nào.

Những bản hương ước kia, thực chất là sự vi phạm pháp luật một cách ngang nhiên và trắng trợn vì nó đã đi ngược lại Hiến pháp và pháp luật. Với cách này, chính quyền muốn giết một dòng họ, một cộng đồng hoặc cá nhân nào theo ý thích thì chỉ cần một bản hương ước là đủ dù nó bất chấp bất cứ một cơ sở luật pháp cơ bản nào?

Giáo hội vẫn sống động

Chúng tôi gặp những giáo dân đi xa hơn trăm km để tham gia một Thánh lễ, đây là chuyện bình thường. Nơi không bóng dáng bất cứ một Thánh đường, không một nhà nguyện nào được phép xây dựng, nơi mà không một cuộc tập trung cầu nguyện nào được nhà nước tha thứ, thì ở Sơn La vẫn có những giáo dân kiên vững và tin cậy vào Thiên Chúa, kiên trung với Giáo hội. Giáo dân Sơn La vẫn kiên vững ngày đêm cầu nguyện bất cứ ở đâu với lời nguyện tha thiết của mình, để mong Thiên Chúa nhậm lời, cởi bỏ ách nặng nề trên cổ họ là một chính sách tôn giáo hà khắc và bách hại của chính quyền Sơn La hiện nay.

Nhiều gia đình, với nhu cầu sinh hoạt tôn giáo thường ngày của mình được pháp luật bảo vệ nhưng không được chính quyền địa phương cho phép đã phải dùng căn phòng của gia đình để làm nơi cầu nguyện cho hàng xóm và tín hữu thì đã bị chính quyền đối xử hết sức bất công, vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Có những gia đình đã phải dùng những căn hầm bí mật để các tín hữu cùng cầu nguyện, cùng chia sẻ lời Chúa với nhau đã bị nhà nước Sơn La chi tiền của để khống chế họ tối đa.

Một buổi cầu nguyện của anh chị em Công giáo
Chúng tôi đã đến một căn hầm dưới một ngôi nhà dân, có cầu thang đi xuống để làm nơi cầu nguyện cho một số tín hữu. Ở đó mới được trưng bày ảnh tượng, bàn thờ và là nơi cầu nguyện lén lút hàng tuần của giáo dân Sơn La. Năm ngoái, nhân ngày lễ Noel, chính quyền Sơn La đã huy động một đội quân hùng hậu đến canh giữ nơi này.

Ở đó chúng tôi thấy rõ hơn hình ảnh một thời kỳ lịch sử sơ khai của Giáo Hội: Những hang toại đạo.

Ở đó chúng tôi thấy rõ hơn hình ảnh một thời kỳ lịch sử hiện đại của giáo hội trong thời cộng sản “giáo hội hầm trú” như đang diễn ra trên đất nước Trung Quốc hiện nay.

Ở đó, chúng tôi thấy rõ hơn chính sách với công giáo của “Nhà nước tự trị Sơn La” với đầy đủ những ngôn ngữ lừa bịp và dối trá để che đậy một chính sách tiêu diệt công giáo.

Ở đó, chúng tôi thấy sự trắng trợn của “nhà nước tự trị” Sơn La về việc tiêu diệt quyền tự do tín ngưỡng của người dân được thể hiện công khai không cần che đậy ngay cả trong các văn bản mà họ đem thực hiện theo kiểu lệ làng.

(Còn tiếp)
 
Sống lời kinh hòa bình
Nguyễn Diễm
08:14 25/11/2008
SỐNG LỜI KINH HOÀ BÌNH

1. Trong một cuộc họp các thủ tướng ở Á Châu.

Thủ tướng A: - Dân tộc tôi tự hào đã chiến thắng hai đế quốc…..

Thủ tướng B: - Cám ơn trời ! Dân tộc tôi đã tránh được đối đầu với hai đế quốc…. Nên dân tôi hưởng đựoc thái bình

2. Khi bị chia đôi đất nước, Bắc và Nam quyết chí thống nhất bằng mọi giá. Sau mười năm khói lửa ngập trời, thống nhất đến với nhiều triệu con ngừoi chết và thương tật. Vết thương cuộc chiến ba mươi năm sau vẫn chưa hàn gắn được, lại mất thêm đất và biển cho ngoại bang.

Ở một nước khác, Đông và Tây quyết không dùng vũ lực để thống nhất. Các nhà lãnh đạo quyết tâm xây dựng mỗi phía và tin rằng dân tộc mình vĩ đại, sẽ có ngày thống nhất không cần tíếng súng. Sự việc đó đã xảy ra khi bức tường Bá Linh sụp đổ.

3. Sau ngày Đông Timor độc lập, đài BBC phỏng vấn vị lãnh đạo Đông Timor tại sao sau 30 năm đấu tranh gian khổ, Đông Timor độc lập còn Palestine thì không… Phải chăng do Đông Timor là Thiên Chúa giáo nên được thế giới ủng hộ?

Nhà cách mạng trả lời Đông Timor và Palestine cùng đấu tranh dành độc lập nhưng theo những phương thức khác nhau. Để dành độc lập, Đông Timor đã mất một nửa dân số. Quân Indonesia tàn bạo có thể giết cả đàn bà trẻ thơ nhưng quân của Đông Timor thì không- gìn giữ công lý và nhân đạo ngay trong chiến tranh- vì thế thế giới đã ủng hộ Đông Timor tới độc lập. Đấu tranh bạo động tàn ác kiểu Palestine bị thế giới kinh tởm và bỏ mặc nên rất khó dành được độc lập...

Dân Đông Timor đã sống sứ điệp hoà bình của Chúa Kitô ngay trong chiến tranh nên họ hưởng được nền hoà bình.

Phải chi hôm nay ngươi nhận ra những gì đem lại bình an cho ngưoi !...

Quân thù sẽ đè bẹp người và con cái ngươi...vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm
...” (Lc 19,42-44 )
 
Chứng nhân của sự thật
LM Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
10:24 25/11/2008
CHỨNG NHÂN CỦA SỰ THẬT

Nhập đề

Hôm nay, toàn thể Giáo hội Việt Nam long trọng mừng kính các vị anh hùng tử vì đạo. Họ không phải chỉ gồm 117 vị đã được tôn phong hiển thánh, nhưng còn là hàng trăm ngàn người đã làm chứng cho đức tin và tình yêu bằng một đời sống hào hùng. Trong số đó có những người là tổ tiên, ông bà chúng ta. Đúng như các lời Kinh Thánh mà chúng ta vừa nghe:

“Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”, “dù là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo hay cái chết” (Rm 8,35-39).

Họ còn là những chứng nhân của sự thật vì đã sống và dám chết cho những sự thật mà Thiên Chúa đã dạy bảo họ qua Đức Giêsu Kitô: “Lời Cha là sự thật”. “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hoá họ… Vì họ, Con xin thánh hiến chính mình Con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” (Ga 17,17-19).

Những chứng nhân cho sự thật

1. Những sự thật về giá trị và quyền lợi căn bản của con người, về bình đẳng nam nữ, về sự chung thuỷ trong gia đình, về giá trị của khoa học, kỹ thuật… mà chúng ta thấy dường như hiển nhiên, rõ ràng trong thời đại ngày nay, thì các bậc tiền bối đã phải vất vả truyền giảng cho người đương thời với mình bằng biết bao nỗi tủi nhục, hy sinh và có khi bằng cả sự sống quý báu.

Thời đó, các vị sống dưới chế độ quân chủ, chuyên chế. Ai cũng coi vua là thiên tử, là con Trời, có toàn quyền sinh sát trong tay, vua bắt bầy tôi chết, mà bầy tôi không chết thì người bầy tôi đó bị coi là bất trung. “Quân xử thần tử, thần bất tử, bất trung”. Các bậc tiền bối chúng ta đã dạy cho đồng bào hiểu rằng: mọi người đều bình đẳng trong đại gia đình nhân loại và ai cũng phải tôn trọng quyền sống của con người. Chính Đức Giêsu Kitô mới đúng là “Thiên Tử”, là con của Vua Trời, thế mà Người đã chịu chết để cứu độ chúng ta. Vì thế, các ngài sẵn sàng dâng hiến mạng sống để trình bày sự thật ấy.

2. Sống trong một xã hội theo chế độ đa thê “trai thì năm thê bảy thiếp”, trọng nam khinh nữ “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, các bậc tiền bối làm chứng cho sự thật về quyền bình đẳng giới tính, về hôn nhân một vợ một chồng, về hạnh phúc gia đình dựa trên tình yêu chung thuỷ và tình yêu Thiên Chúa. Những điều chúng ta thấy ghi trong hiến pháp của nước ta hiện nay đã được đánh đổi bằng chính mạng sống của biết bao con người trong các cuộc bách hại, nhất là do những nhà Nho bị ảnh hưởng của Khổng giáo gây nên.

3. Sống trong xã hội mà học thức là một cái gì quý giá chỉ dành cho một thiểu số ưu đãi, giàu sang thì tổ tiên người Công giáo lại muốn phổ biến sự khôn ngoan của Thiên Chúa cho mọi người. Mỗi làng ngày xưa chỉ có một vài người đi học để viết được cái văn tự bán nhà bán đất, làm sổ đinh sổ điền thay cho cả làng. Nếu may mắn hơn thi đỗ thì làm quan. 99% dân số còn lại đều mù chữ, thất học. Còn làm người Công giáo, ai cũng phải học, phải biết chữ. Lúc đầu học chữ Hán, chữ Nôm, sau lại cùng nhau khám phá ra thứ chữ dễ đọc hơn, dễ viết hơn là chữ Quốc ngữ như chúng ta đang dùng để phổ biến sự thật cho mọi người. Hàng trăm bộ sách Hán Nôm của người Công giáo còn để lại trong kho tàng văn hoá dân tộc như muốn chứng minh điều đó.

Đời sống hằng ngày với những kinh sách, với những tuồng kịch diễn mỗi ngày lễ trọng, mỗi mùa phụng vụ làm cho tất cả từ trẻ đến già đều biết chữ biết nghĩa, trở thành người có văn hoá, dạy văn hoá cho đồng bào. Năm 1865, người miền Nam có tờ báo tiếng Việt đầu tiên tên là Gia Định Báo. Năm 1883, miền Bắc mới có tờ báo tiếng Việt đầu tiên.

4. Nhờ chữ viết, nhất là nhờ các vị thừa sai dạy cho biết khoa học, kỹ thuật Tây Phương, các bậc tiền bối của chúng ta trở thành những người truyền bá sự thật của Thiên Chúa ghi khắc trong vũ trụ vạn vật. Thời đó, mỗi làng có vài ba cái ao: tắm rửa, ăn uống đều lấy nước từ đó. Người Công giáo hiểu rằng cần phải gìn giữ thể xác của mình cho khoẻ mạnh, cho xứng đáng với ơn Chúa nên dạy bảo nhau cần phải lọc nước bằng than, cát, sỏi mới được dùng, rồi phải đun sôi mới nên uống. Hồi xưa, cứ 10 đứa trẻ thì may ra có 3 đứa sống, rất nhiều đứa bị chết yểu vì bệnh tật. Vì dùng nước ao tù nên cả làng cứ 100 người thì có khoảng 95 người toét mắt, lúc nào cũng che miếng vải đen sùm sụp trước mắt. Nhưng con cái của người Công giáo đứa nào cũng khoẻ mạnh, nên nhiều người lương cho người Công giáo con của mình để nó được sống. Nhiều chàng trai ngoài Công giáo chỉ muốn lấy vợ Công giáo vì người nào đôi mắt cũng đẹp. Người ta tả trong sử là họ có đôi mắt giống như Mẹ Maria, dù chưa biết Đức Maria là ai! Còn những cô gái ngoại đạo lại muốn lấy chồng Công giáo để gia đình có những đứa con khoẻ mạnh và hoà thuận yêu thương nhau trong đời sống một vợ một chồng.

5. Những chân lý mà chúng ta tưởng rằng chúng quá hiển nhiên ấy, các vị tiền bối đã phải chịu bao nhục nhã khổ đau để làm chứng cho chúng. Với những chữ “tả đạo” thích trên trán, có nghĩa là đạo tà, người Công giáo không thể đi học, không thể buôn bán trong xã hội. Lúc bấy giờ, họ hiểu rằng mình phải yêu thương nhau, phải đoàn kết và chia sẻ nghề nghiệp cho nhau. Làm ra hàng gì thì phải thật tốt, bán ra cái gì thì phải thật rẻ. Nhờ vậy, ai cũng muốn trao đổi hàng hoá với người Công giáo, và tổ tiên chúng ta đã vượt qua được giai đoạn khó khăn.

6. Bắt bớ quá thì chúng ta trốn vào rừng sâu làm rẫy, nhờ thế mà mở mang bờ cõi đất nước, như chúng ta đã làm ở La Vang, Trà Kiệu. Với lý lịch “tà đạo”, cha ông ta khó sống ở miền Bắc nên phải xuôi vào miền Trung, đi vào miền Nam và trở thành những người mở đường, dựng nước. Chính trong miền Nam, sống với những người có thể nói là đầu trộm đuôi cướp theo chính sách di dân thời xưa, người Công giáo lại sống dễ thở hơn, dù phải hy sinh rất nhiều. Cha ông ta phải chiến đấu với từng đàn thú dữ, với những đám muỗi bay dày như đám mây. Người Công giáo trở thành những người tiên phong với tinh thần hào phóng, rộng rãi của người phương Nam thuở trước. Chúng ta chia sẻ tình yêu thương với hết mọi người, muốn người ta quên đi những quá khứ xấu xa, quên đi những lý lịch đen tối của nhau để sống hoà thuận bên nhau. Không cần biết rõ lý lịch, người ta chỉ cần gọi nhau là anh Hai, chị Ba, cô Tư, chú Tám và coi nhau như một đại gia đình của Thiên Chúa. Chúng ta phải hãnh diện về quá khứ hào hùng ấy của cha ông.

7. Như vậy, chúng ta thấy những người Công giáo đã đóng góp cho xã hội như thế nào. Các nhà Nho tiền bối như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh với phong trào Đông Du; Lương Văn Can, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để với phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục đã hô hào dân chúng cắt bỏ búi tóc, gọt móng tay, mặc Âu phục, học chữ quốc ngữ, sống một vợ một chồng như người Công giáo. Tất cả phong trào ấy đã làm cho đất nước của chúng ta phát triển.

8. Câu hỏi mà chúng ta đặt ra hôm nay là chúng ta sẽ làm gì để cho dân tộc trong thời đại này được tiến bộ hơn, bắt nguồn từ những đóng góp mà cha ông chúng ta để lại?

Chúng ta đang được mời gọi để sống một niềm tin mãnh liệt hơn của Thiên Chúa trong một xã hội như muốn gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời sống con người, người ta muốn chối bỏ lương tâm ngay chính của mình nhân danh khoa học kỹ thuật. Thật sự người Việt Nam luôn luôn tin tưởng Thiên Chúa ngay từ thời lập quốc đến bây giờ mà người ta gọi là ông Trời, Đấng Chí Tôn, Đấng Thiêng Liêng. Lúc nào trẻ em cũng có thể hát: “Lạy trời mưa xuống lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy đầy bát cơm, lấy rơm đun bếp…”, lúc nào người lớn cũng tin tưởng rằng “Trời cao có mắt”; “Thiên bất dung gian”. Chúng ta muốn khơi dậy lại niềm tin vào Chúa Trời ấy để cho tất cả mọi người tôn trọng nhau, để bớt đi tham nhũng và những tệ nạn khác, dù người đời không biết nhưng mà Trời biết, Đất biết, nên chúng ta mới sống thật với nhau.

Kết luận

Lúc bấy giờ, chúng ta mới tạo nên nền nhân bản tâm linh, nền văn hoá sự sống, văn minh tình yêu cho dân tộc của chúng ta. Lúc bấy giờ, chúng ta mới có thể nói với các bậc tiền bối rằng: Thưa các Thánh Tử đạo Việt Nam, chúng con đã trở thành những người đi theo con đường của tình yêu, của sự thật như các ngài.
 
8 giáo dân Thái Hà sẽ bị đưa ra xét xử
VOA
12:28 25/11/2008
Tám tín đồ Công Giáo Việt Nam sẽ bị đưa ra xử tại Hà Nội vì đã tham gia vào những vụ phản kháng ôn hòa tại giáo xứ Thái Hà, nơi giáo dân biểu tình đòi trao trả lại những đất đai của Dòng Chúa Cứu Thế bị chính quyền tịch thu.

Theo Catholic World News và Thông Tấn Xã Công Giáo Việt Nam, tín đồ Công Giáo Việt Nam coi việc mang 8 giáo dân này ra tòa là một hành động vi phạm nhân quyền vì các giáo dân này đã chỉ sử dụng quyền tự do tôn giáo của mình đối với những đất đai thuộc quyền sở hữu của Giáo Hội trên mặt pháp lý.

Theo Catholic World News, nhiều tín đồ Công Giáo còn coi việc mang 8 giáo dân này ra xử như một chiến thuật đe dọa của nhà nước. Tin cho hay Linh Mục Nguyễn Văn Khải, người phát ngôn của Dòng Chúa Cứu Thế tại Hà Nội, loan báo là 8 giáo dân sẽ bị mang ra xử trước một tòa ở Hà Nội ngày 5 tháng 12 tới đây.

Tin nói rằng giới hữu trách đe dọa sẽ nghiêm phạt những giáo dân này về tội được mô tả là hủy hoại tài sản và gây rối trật tự công cộng. Tuy nhiên, trong bản thông cáo đưa ra ngày 22 tháng 11, Linh Mục Nguyễn Văn Khải nói rằng 8 giáo dân đang bị truy tố bất công này đã không làm điều gì vi phạm pháp luật.

Theo Catholic World News và Thông Tấn Xã Công Giáo Việt nam, tín đồ công giáo Việt Nam coi chuyện chính quyền đưa giáo dân ra tòa chỉ vì một chuyện tương đối nhỏ nhoi như vậy rõ ràng là một chiến thuật đe dọa.

Tin đưa ra lời nữ tu Mari Nguyễn ở Saigon biện luận rằng rõ ràng chính phủ sẽ trừng phạt nặng nề những giáo dân này để đe dọa những ai muốn đòi trao trả lại đất đai. Linh mục Nguyễn Văn Khải, người phát ngôn của Dòng Chúa Cứu Thế tại Hà Nội, cho rằng vụ xử này thiếu chính đáng và xin mọi tín đồ Công Giáo trên thế giới đoàn kết và nguyện cầu cho các nạn nhân vì công lý và sự thật.

Mặt khác, Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo Việt Nam cũng phổ biến một bản thông cáo báo chí tới cộng đồng quốc tế để thông báo những diễn biến mới nhất về những vụ vi phạm nhân quyền và quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Bản thông cáo báo chí đề cập tới vụ tranh chấp đất đai tại giáo xứ Thái Hà, tới những hứa hẹn nhưng không được thi hành của phía chính quyền, tới những vụ tấn công vào tu viện của Dòng Chúa Cứu Thế, vụ đập phá đền thờ Thánh Gerardo và rồi vụ đưa 8 giáo dân ra tòa về tội hủy hoại tài sản nhà nước.

Bản thông cáo chí kêu gọi cộng đồng quốc tế có hành động tức thời, đòi chính phủ Việt Nam tôn trọng nhân quyền và quyền tự do tôn giáo. Liên Hiệp Truyền Thông Công GIáo Việt Nam cũng yêu cầu chính phủ Việt nam ngưng chiến dịch chống đối các tu sĩ, giáo dân và giáo hội công giáo, ngưng ngược đãi các giáo sĩ và giáo dân Công Giáo, đồng thời tôn trọng luật của chính mình và trao trả lại đất đai cho những chủ nhân hợp pháp.
 
Đời sống đồng bào và giáo dân Sơn La
Song Hà
23:03 25/11/2008
Sơn La: “Nhà nước tự trị về tôn giáo”

Kỳ II: ĐỜI SỐNG ĐỒNG BÀO VÀ GIÁO DÂN SƠN LA
Vài nét cảm nhận qua chuyến đi


Trên chuyến xe đưa chúng tôi thăm Sơn La, anh bạn lái xe khá vui tính trả lời mạch lạc khi chúng tôi hỏi về cuộc sống và tập tục của đồng bào Sơn La, đặc biệt những ảnh hưởng của đời sống tôn giáo trong đồng bào. Qua câu chuyện, những sự việc làm chúng tôi hết sức ngạc nhiên, anh bạn tỏ ra hết sức bình thường. Những lúc đó, anh chỉ buông một câu “ở Sơn La là thế”.

Đường lên bản H'Mong
Thị xã Sơn La đã lên thành phố, ánh điện sáng rực trời ban đêm, đèn hoa giăng đầy và ảnh Hồ Chí Minh cười vẻ rất mãn nguyện nhìn búa liềm bên những câu khẩu hiệu dày đặc “quyết tâm thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” .

Ai đến Sơn La lần đầu, nhìn đường phố và những hàng cờ đỏ rực với những câu khẩu hiệu trên đây, chắc hẳn phải nghĩ rằng nhân dân Sơn La đang hưởng một cuộc sống an bình và hạnh phúc lắm nơi xứ sở này.

Nhưng đó chỉ là bề mặt của Sơn La, nơi đám cán bộ cư ngụ, còn đi thực tế vào đời sống đồng bào, nhất là các dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào công giáo người ta mới nhìn rõ bộ mặt thật của “Nhà nước tự trị về tôn giáo Sơn La”.

Rời Thành phố Sơn La, chuyến xe đưa chúng tôi đi ngược vào vùng đồng bào dân tộc H’Mông thuộc khu vực 3 là khu vực đặc biệt khó khăn. Con đường đi lên bản thật là con đường đau khổ. Chiếc xe Uaz của thời kỳ mồ ma Liên xô cũ ì ạch đưa chúng tôi leo lên những con đường chỉ có đủ hai vệt bánh xe leo lên sống trâu hai bên, giữa đường là khe cho nước chảy. Bên cạnh là núi thẳm, bên kia là vực sâu. Người yếu bóng vía chỉ có cách duy nhất là nhắm mắt lại phó mặc cho trời. Những tảng đá làm xe lắc lư, chao đảo nhảy chồm chồm đến nhổ hết cả đinh của ghế ngồi. Đến những đoạn ngầm, xe chết máy, nước ập vào cả xe lại thuê đồng bào dân tộc kéo trở lại bờ. Chiếc xe đi đoạn đường 40km mất hơn 2 tiếng rưỡi đồng hồ vì chỉ cài được số 1.

Xe di theo con suối
Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số vẫn thế, không khá lên được bao nhiêu. Vẫn hết sức khó khăn, trẻ em vẫn hàng ngày ăn thứ bột ngô áp chảo qua ngày, trẻ nhỏ lấy vách núi, ven đường làm chỗ chơi. Anh bạn ở Sơn La cùng đi kể với tôi rằng, nếu ra đồng đặt bẫy bắt được con chuột, họ nướng qua rồi cho muối, ớt vào giã nhỏ và làm thức ăn cả tháng. Gà, lợn nuôi được, không bao giờ họ tự thịt để ăn, họ chỉ dùng để tiếp khách hoặc nếu họ thân thiết thì cho luôn. Trâu nuôi dùng để chờ khi có việc tang việc hiếu của bố mẹ chứ không bao giờ mổ thịt. Trận rét năm ngoái, trâu bò ngã hàng loạt, bán vội vàng cho những anh bạn người kinh với giá rẻ như… đất.

Người kinh lên đây buôn bán, giờ nhiều trò láu cá, vặt đồng bào thiểu số đến tận xương nhờ lợi dụng sự thiếu hiểu biết của họ. Một anh bạn người Công giáo kể tôi nghe khi hỏi về những gian kho đựng ngô bên đường rằng: “Chúng em lên đây mua ngô cho họ, giá cả thoả thuận nhưng chúng em cân đầy đủ, cân đúng cho họ. Còn một số người khác, họ mua cao hơn vài giá, nhưng cân 1 tạ chỉ tính cho họ 60kg. Vì vậy, khi chúng em lên, họ rất quý” . Một lít xăng lên tận đây giá 45.000 đồng. Đồng bào không có tiền có thể chịu nợ, đến mùa tính lãi trả bằng ngô hoặc thóc. Vì vậy có những gia đình làm cả chục tấn ngô mà nợ vẫn cứ hoàn nợ như thường.

Trên đường vào xã, thỉnh thoảng chúng tôi gặp những cán bộ người Kinh đi về bằng xe máy, phía sau là một lồng gà hoặc con lợn bản. Họ đi xe máy xuống dốc dựng đứng cứ vèo vèo thật điêu luyện. Những người dân bán ngô bảo chúng tôi rằng đấy là các thầy cô giáo về xuôi cuối tuần. Chúng tôi đến trường PTCS xã, hiệu trưởng đang đi mua gà, lợn để chuẩn bị chiều mang về thị trấn.

Chờ hiệu trưởng về trường nói chuyện, anh cho biết: Giáo viên chỉ học được vài tiếng H’Mông là mua gà, đổi lợn, uống rượu… thậm chí anh hiệu trưởng trường PTCS ở xã người H’Mông năm năm nay cũng không biết được nổi một câu nào ngoài mấy câu nói trên.

Người dân vẫn lầm lũi trên ruộng nương từ già đến trẻ. Một phong tục hiện diện ở đây là trừ người ốm, còn lại là phải làm mới có phần ăn, kể cả trẻ em. Vì vậy đến mùa rẫy, chuyện học sinh lên nương mà không đến trường là chuyện đương nhiên. “Ở đây, kêu gọi trẻ em đến trường còn khó, nói chi chuyện học hành có chất lượng, điều đó chưa đặt ra. Thậm chí trước còn có hiện tượng ở nhiều trường giáo viên hàng ngày gặp nhau, ghi tên chấm công, cuối tháng lĩnh lương, phụ cấp các loại mà không có học sinh nào. Bây giờ đã đỡ hơn” – anh bạn hiệu trưởng bảo thế.

Sân chơi của trẻ em Sơn La
Năm nay mất mùa ngô, giá ngô lại hạ nên đời sống bà con càng lao đao. Trận rét cuối năm ngoái, đầu năm nay đã giết đi hàng loạt trâu bò của bà con. Sự giúp đỡ của nhà nước cho việc khắc phục hậu quả này đến được với bà con dân tộc đã khó, riêng với người những người theo Công giáo thì chắc chắn là không.

Theo anh bạn giáo viên hiệu trưởng “sự quan tâm của chính quyền các cấp đối với sự phát triển toàn diện về kinh tế văn hoá của xã thì sự giám sát, đôn đốc là không có. Các chủ trương, chính sách có được phổ biến thì cũng chẳng có ai đôn đốc thực hiện. Vì vậy mà đời sống kinh tế, văn hoá của xã mấy năm nay vẫn thế, không khá lên được” .

Sơn La có nhiều dân tộc sinh sống, trong đó có nhiều dân tộc thuộc nhóm đồng bào ít người. Những vùng này, những hủ tục vẫn tồn tại khá nặng nề. Đặc biệt là trong việc ma chay, cưới xin và chữa bệnh.

Đến nay, việc lấy vợ lấy chồng ở tuổi vị thành niên vẫn khá phổ biến. Những cậu bé đang độ tuổi học sinh phổ thông, sẵn sàng nghỉ học để lấy vợ ở độ tuổi lớp 7, lớp 8. Thấy chúng tôi ngạc nhiên khi nói rằng vậy là đã vi phạm luật hôn nhân gia đình, chính quyền không có ý kiến gì sao? một giáo viên trả lời: “Ở đây, con em cán bộ cũng thế, nên chẳng ai nói được ai” . Một số nghỉ lấy vợ xong thì còn học tiếp, nhưng đa số là không trở lại.

Trẻ em dân tộc H'Mong
Việc kêu gọi trẻ em đến trường ở những vùng này là vấn đề nan giải. Vì vậy, việc nâng cao dân trí cho đồng bào rất vất vả. Đến nay, có những vùng, cán bộ xã chỉ học vài lớp, mới được tập trung để “phổ cập” cho hết lớp 9 xong. “Nhưng anh biết đấy, chất lượng trình độ của cái học phổ cập ấy như thế nào rồi” – anh bạn giáo viên cười buồn. Anh bạn hiệu trưởng vùng cao nói với tôi một câu thế này: “Xã nhận định là nếu như số học sinh theo đạo càng tăng, thì số học sinh bỏ học có nguy cơ càng giảm(!), khi đoàn kiểm tra của phòng giáo dục lên xã, trước mặt đoàn họ khảng khái nói như thế”(?)

Đời sống hết sức vất vả và khó khăn, việc học hành ít ỏi, nên những hủ tục trong đời sống nhân dân các dân tộc ít người ở Sơn La vẫn cứ ung dung tồn tại. Những khi có bệnh tật, đồng bào vẫn mời thầy cúng thay vì mời cán bộ y tế là chuyện bình thường. Trạm y tế xã có khi cả 6 tháng không một viên thuốc, dù mỗi tháng vẫn lĩnh từ huyện vài triệu tiền dùng cho việc này nhưng không biết nó đi đâu.

Tại vùng đồng bào H’Mông, vẫn có phong tục dựng người chết ở góc nhà bón cơm lâu ngày, cho đến khi đi chôn thì cơm nước, thịt thà vương vãi mới được quét dọn, có khi đến năm, bảy ngày là chuyện vẫn tồn tại.

Khi được hỏi về những hủ tục đó có tồn tại ở đồng bào theo công giáo hay không, nhiều người đã công nhận rằng, những người theo đạo công giáo, không hiểu sao họ bỏ những điều đó rất nhanh.

Kẻ chăn dân, chẳng muốn hiểu lòng dân

Những cán bộ của thôn bản và xã vùng cao và ngay cả chính quyền Sơn La coi tôn giáo như một mối nguy, trong khi họ không biết mối nguy đó như thế nào. Ngay cả các cán bộ xã, cán bộ giáo dục khi được hỏi về công giáo, họ đều bảo chẳng biết nó là cái đạo gì, không hiểu tại sao bên đạo nói họ nghe lời đến thế. Anh hiệu trưởng còn bảo tôi: “Trước đây, bên xã cạnh, còn có những người theo đạo đòi xây một giếng nước để tắm chung trần truồng với nhau” . Tôi bật cười, thì ra anh chàng này không hiểu tí nào về công giáo như anh nói thật. Đạo công giáo làm gì có trò đó? Anh cũng “chẳng hiểu vì sao, khi người ta chết rồi, thì chiều tối họ tụ tập nhau trước một cây gỗ có thanh ngang để đọc và hát những gì không rõ, khi chúng tôi đến xem, thì họ giải tán”?

Ở một môi trường, mà cán bộ cơ sở còn không hiểu những người dân mình làm gì, muốn gì thì chuyện các cán bộ thành phố và tỉnh không hiểu dân chúng muốn gì là chuyện đương nhiên. Nhưng dù không hiểu, cán bộ Uỷ ban các cấp vẫn cứ nói bừa và vơ vào mình như đinh đóng cột rằng: “Nhân dân các dân tộc Sơn La cùng 54 dân tộc anh em trong cả nước đoàn kết gắn bó tin tưởng đi theo con đường của Đảng và Bác đã lựa chọn” (Trích Tài liệu tuyên truyền của Tỉnh Uỷ Sơn La).

Thật ra, đó là một bài kinh của nhà nước đang theo tôn giáo Mác - Lê, được tụng niệm mấy chục năm nay mà thành thuộc lòng. Tuy nhiên, câu tụng niệm đó ngày nay đã không còn được ai coi là có nửa xu giá trị, đó là sự cưỡng ép một cách sống sượng với những con người có chút lương tâm và suy nghĩ. Nhưng ở Sơn La, nơi đất rộng người thưa, đồng bào dân tộc lạc hậu, thì chuyện ma quỷ, chuyện lừa bịp là chuyện chẳng cần nói cũng biết là rất dễ dàng.

Cũng trong văn bản tài liệu này, “Nhà nước tự trị về chính sách tôn giáo Sơn La” viết: “Ở Sơn La từ xưa đến nay, các tổ chức hoạt động tôn giáo đều là trái phép…”

Điều này đã khẳng định Nhà nước Sơn La đã tước đoạt trắng trợn quyền tự do tôn giáo của người dân.

Thật ra, ở Sơn La đã và đang có một tổ chức tôn giáo hoành hành và áp đặt, nếu bạn đi qua Thành phố Sơn La, thủ phủ tôn giáo này lại hoành tráng nhất, lớn nhất và đep đẽ sang trọng nhất đang ngự trị có tên là Tỉnh uỷ Sơn La. Hàng năm, người dân Sơn La dù đói khổ, rách rưới vẫn phải cúng tiền bạc, của cải để nuôi cái đạo này cùng với đám tín đồ của nó, đứng đầu là Giáo chủ Thào Xuân Sùng mang danh Bí thư Tỉnh uỷ.

Thào Xuân Sùng, có tấm bằng Tiến sỹ (không biết thật hay giả, hay lại bằng Tiến sỹ Mác – Lênin – loại bằng mà ở VN dễ được cấp nhất và vô giá trị nhất) nghe nói cũng là người dân tộc H’Mông.

Lẽ ra, với bằng cấp và nhận thức bởi cái đầu của mình, Giáo chủ Thào Xuân Sùng phải hiểu được những hủ tục của ngay chính đồng bào, đồng tộc của mình đang có là sự phản khoa học. Để ngăn chăn những hủ tục đó, đạo Mác – Lê đã tốn công tốn của hơn nửa thế kỷ nay nhưng không thể có tiến triển. Nhưng đạo Công giáo chỉ một thời gian ngắn thôi đã loại trừ được hủ tục đó. Việc tảo hôn, viêc cúng tế bằng những cách mất vệ sinh phản khoa học là điều được loại trừ dễ dàng bởi đạo Công giáo. Ở đó, người ta biết “Thảo kính cha mẹ, yêu thương đồng loại, đồng bào” theo luật Chúa dạy.

Nhưng, để bành trướng và áp đặt tôn giáo Mác – Lê mà mình là giáo chủ, Thào Xuân Sùng đã để cấp dưới lộng hành, tiếp tay cho đồng đạo của mình triệt tiêu các quyền tự do khác của công dân. Họ kết luận rằng: “Việc học và truyền đạo trái phép đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh Sơn La, gây mất đoàn kết giữa người theo đạo và không theo đạo ngay trong một dòng họ và những người thân trong gia đình” (Trích Tài liệu đã dẫn).

Hẳn là đội quân giáo sỹ của giáo chủ Thào Xuân Sùng còn muốn để người dân mãi mãi trong cảnh một con chuột ăn cả tháng, một người chết phơi mấy ngày, trẻ con mới nhú đã lấy chồng lấy vợ mà ông ta cho là truyền thống văn hoá tốt đẹp là “tập quán thông thường từ trước tới nay của đồng bào các dân tộc Sơn La” .

Chính vì lẽ đó, mà từ tỉnh, thành phố, phường, xã và đến tổ dân phố ở Sơn La đã đồng loạt tấn công vào giáo dân và những hoạt động tín ngưỡng của họ.

Tôi đã xem một số biên bản của UBND Phường Quyết Thắng, thuộc Thành phố Sơn La với gia đình giáo dân Trịnh Văn Thuỷ về việc được tự do tôn giáo nhưng chỉ “tu tại gia”. Biên bản lập khi Linh mục Nguyễn Trung Thoại lên thăm giáo dân và đã bị cán bộ, công an truy quét khốc liệt.

Dù ông Thuỷ đã nhiều lần làm đơn đến các cấp chính quyền, nhưng nơi nào họ vẫn một mực “không nhất trí theo đơn xin sinh hoạt tôn giáo của ông Trịnh Văn Thuỷ đề nghị”.

Ngay những ngày giữa tháng 11, khi chúng tôi đến Sơn La, những người dân cho chúng tôi biết là “nhà nước Sơn La” đã có kế hoạch trấn áp gần 1000 giáo dân tại Thành phố Sơn La trong dịp lễ Noel sắp tới khi họ thực hiện các công việc thờ phượng của mình.

Rời Sơn La trong sự lưu luyến bịn rịn của những giáo dân, chúng tôi không khỏi xót xa ngậm ngùi cho họ khi đang sống trong một đất nước được tuyên bố là hoàn toàn tự do, được hiến pháp và pháp luật bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng.

Ở Sơn La, đời sống người dân tộc rẻo cao vẫn đầy những khó khăn và vất vả, đời sống của họ chưa thấy ánh sáng ở cuối đường hầm.

Ở Sơn La, những hủ tục lạc hậu vẫn tồn tại khó lòng lay chuyển, dù đảng và nhà nước đã hiện diện ở đó với đủ loại chính sách hơn 60 năm nay.

Ở Sơn La, chính quyền các cấp của “Nhà nước tự trị về tôn giáo Sơn La” vẫn hoành hành một cách ngang nhiên sự chà đạp lên quyền lợi của người dân, quyền tự do tín ngưỡng, người công giáo Sơn La vẫn bị phân biệt đối xử nghiêm trọng.

Ở Sơn La, giáo chủ và các giáo đồ của thứ tôn giáo được dung túng đang tìm mọi cách triệt hạ các tôn giáo chân chính khác, nhằm bảo vệ ngôi vị độc tôn của tôn giáo mình, tiếp tục dìm đồng bào vào con đường đau khổ, nghèo nàn và lạc hậu.

Ngày 26.11.2008
(Còn tiếp)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giúp bạn dậy Giáo lý
Lm Fx Nguyễ Hùng Oánh
23:40 25/11/2008
GIÚP BẠN DẠY GIÁO LÝ

Học Kinh Thánh trong năm nầy hầu như xuất hiện tại các Nhà thờ khắp đất nước ta nhất là tại cac Nhà thờ ở thành phố. Nhu cầu phải có bản dịch Kinh Thánh của Hội đồng Giám mục Việt nam được nhắc tới như một đòi hỏi của mọi thành phần Dân Chúa người Việt. Kẻ hèn nầy chỉ dám nói tới như vậy. Để trả lời một số câu hỏi của quý bạn dạy Giáo lý và có thể giúp ích cho người khác, tôi xin gửi bài trả lời một số thắc mắc của độc giả qua trang của VietCatholic sau đây:

I - KINH THÁNH LÀ GÌ?

1. Từ ngữ:


Lần đầu tiên trong văn chương tôn giáo Israen, sách Macabê quyển một (thế kỷ hai trước Công nguyên) dùng từ ngữ “Kinh Thánh” để chỉ tất cả các sách Cựu Ước (Mac 12, 9)

Trước đó, Sách Thánh được gọi bằng các từ ngữ cụ thể: sách Luật của Môisen (để chỉ năm quyển đầu tiên: Khởi nguyên, Xuất hành, Lêvi, Dân số, Thứ luật), sách của Đavid (để chỉ sách Thánh vịnh), sách của Salomon (để chỉ sách Khôn ngoan). Câu nói “Lề luật, Các Tiên tri và các Sách khác" trở nên thành ngữ để chỉ toàn bộ Kinh Thánh Cựu Ước (xem sách Huấn ca, bài tựa).

Sang tiếng Hylạp, người ta dùng chữ “Ta Biblia”, để chỉ tất cả bộ Kinh Thánh. Ta Biblia có nghĩa là “những tấm da viết chữ cuộn tròn lại”.

Ta nên biết thời xưa chưa có giấy viết như chúng ta. Người ta viết chữ trên lá cây kè, trên vỏ cây, trên tấm gỗ có trét lớp sáp, lớp kim loại chì, trên những miếng đất sét rồi nung chín, trên những tấm da. Vì dùng nhiều vật liệu viết khác nhau, sách vỡ mang nhiều tên cụ thể khác nhau:

- Thanh sử (sử xanh) vì người Trung Hoa viết sử trên những thẻ tre có cật xanh.

- Papyrus - là loại cây chỉ thảo, mọc rất nhiều ở châu thổ sông Nil nước Aicập, thân cây cấu tạo bởi sợi và gỗ mềm, người ta cắt thành dải dài, ép chặt và phơi khô thành những “tờ giấy” rộng không quá 15cm, nhưng chiều dài có thể tới 50 mét. Tờ giấy cuốn tròn lại, vì thế mới gọi là “volumen” (do động từ volvere, cuộn tròn). Aicập sản xuất và xuất khẩu papyrus. Tất nhiên, thời đó, người ta dùng giấy papyrus để sao chép Kinh Thánh. Ngày nay, còn giữ lại được một số bản sao:

Papyrus Nash bằng tiếng Do thái (Hébreu), sao chép khoảng thế kỷ hai sau Công nguyên, gồm có bản Hiệu đính Mười giới răn trong sách Xuất hành (Xh 20, 2-17) và ít khoản của Thứ luật (Tl 6, 4...).

Papyrus Rylands sao chép khoảng năm 150, gồm có một số câu Phúc Âm theo Thánh Gioan, chương 18 (Jn 18, 31-33, 37, 38).

Papyrus Bodmer II sao chép khoảng năm 200, gồm các chương I đến chương 14 Phúc âm theo thánh Gioan trừ 6, 11-35.

Papyrus Chester Beatty gồm có một số sách Cựu Ước (Khởi nguyên Isaia, Ezékiel, Daniel, Esther) sao chép khoảng thế kỷ hai sau Công nguyên, và gần trọn bộ Tân Ước trừ các thư mục vụ của Thánh Phaolô (1, 2 Timôthê và Titô) viết vào thế kỷ 3.

Parchemin - là những miếng da cừu hoặc dê cạo sạch, làm giấy viết, sáng chế tại Pergame, thủ đô Mysie, vì thế mới gọi là “parchemin” (perhamena charta = papyrus của xứ pergame).

Codex - da được cắt thành từng miếng và khâu dây thành sách gọi là codex. Có nhiều codex nổi tiếng:

Codex Vaticanus (gọi như vậy vì Thủ bản này thuộc thư viện Vatican), gồm Cựu Ước và Tân Ước trừ sách Macabê, sao chép khoảng thế kỷ 2, bằng Hy lạp ngữ.

Codex Sinaiticus (gọi như vậy vì tìm thấy ở tu viện thánh Cathérine, núi Sinai) viết bằng tiếng Hy lạp, gồm Cựu Ước và Tân Ước với cả thư Barnabê và sách Pasteur d'Hermas không thuộc Kinh Thánh, sao chép khoảng thế kỷ 4.

Codex Alexandrius, viết bằng chữ Hy lạp khoảng thế kỷ 5, gồm có Cựu Ước trừ đôi đoạn sách Khởi nguyên, I Samuen, mất Thánh vịnh, Tân Ước thiếu phần lớn Phúc âm theo thánh Mathêu, thiếu hai chương Phúc âm theo Thánh Gioan, và chương 7 thư 2 Corinto ngoài ra còn có thư của thánh Clêmentê Roma không thuộc Kinh Thánh (Codex này thuộc tài sản tòa thượng phụ Alexandrie).

Codex Ephraemi sao chép bằng tiếng Hy lạp, thuộc thế kỷ 5, mang danh thánh Ephrem, gồm có Cựu Ước thiếu một phần sách Khôn ngoan) và Tân ước (thiếu 2 Thess và 2 Jn).

Codex Bexae sao chép bằng tiếng Hy lạp khoảng thế kỷ 5-6 gồm có Tân Ước.

Những từ ngữ Papyrus, Parchemin, Codex bây giờ ta hãy để cho các nhà chuyên môn dùng. Còn chúng ta, ngoài thành ngữ chỉ toàn bộ Cựu Ước (Lề Luật, các Tiên tri và các Sách khác), chúng ta nhớ tới tiếng “Biblia” chỉ toàn bộ Kinh Thánh lẫn Cựu và Tân Ước. Ngoài ra cũng nên nhớ tới kiểu nói “Có Lời đã chép, đã viết” (Il est écrit, xem Mt 4, 4-7) để chỉ Kinh Thánh Cựu Ước. Đáng lẽ nói “Thiên Chúa Giavê đã phán”, người ta nói "Có Lời đã chép, đã nói” tức là dùng thụ động cách để tránh kêu đến thánh danh Giavê, có mục đích vừa nhấn mạnh tới sự thánh thiện vô phương đạt tới của Thiên Chúa vừa chỉ sự trung tín, không bao giờ suy chuyển của lời Chúa phán.

Nếu so sánh các kiểu nói của Do thái và Hy lạp, kiểu nói Do thái dài nhưng ý nghĩa rất phong phú. Đó là tâm lý của người Đông phương. Tên đặt thường mang một ý nghĩa. Dân Việt ta cũng vậy. Đặt cho người này là Hiền, là Dũng là mong muốn cho người đó có đức tính hiền lành, hoặc cam đảm). Dân tây phương không có thói quen đó. Từ ngữ “Ta Biblia” (tấm da viết chữ cuộn tròn) dùng để chỉ Lời Chúa được chép lại, quả thực nội dung từ ngữ đó không nói lên ý nghĩa như vậy, vì nó chỉ có nghĩa là sách, tập sách. Vì thế, người ta thêm tĩnh từ “thánh” vào, gọi là Sách Thánh (la sainte bible) làm cho nó có nội dung phong phú. Tiếng Việt gọi là Kinh Thánh (theo cách nói tiếng Nôm) hoặc Thánh Kinh (theo cách nói tiếng Hán) càng có ý nghĩa hơn:

- Kinh là sách chép lời thánh hiền.

- Thánh chỉ sự thiêng liêng, quyền phép (thí dụ: thuốc thánh, hay như thuốc thánh) hoặc chỉ trí tuệ, đạo đức cao vời (thí dụ: thánh hiền, thánh sư, gioœi như ông thánh, đạo đức như thánh). Nhưng từ ngữ “thánh” trong Kinh Thánh còn vượt lên trên các ý nghĩa trên, vì nhấn mạnh tới hoạt động “thánh” của Chúa Thánh Thần, tới ơn linh hứng của Chúa Thánh Thần tác động nơi các văn sĩ viết Kinh Thánh (Thánh ký). Vì thế, mọi lời viết ra trong Kinh Thánh thực là thánh như thánh Phêrô khẳng định: “Không bao giờ một lời Tiên tri lại do người phàm tự ý viết ra, trái lại chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có người đã viết ra nhân danh Thiên Chúa” (2 Phêrô 1, 21). Và thánh nhân đã chỉ cho biết giá trị của những lời thánh Phaolô viết ra: “chiếu theo sự khôn ngoan của Chúa mà anh Phaolô đã viết ra cho tín hữu” (2 Phêrô 3, 15), và Ngài gọi đó là Kinh Thánh (xem 2 Phêrô 3, 16). Cùng lập trường với Thánh Phêrô, thánh Phaolô viết: “Tất cả Kinh Thánh đã được Thiên Chúa linh hứng, có ích cho việc giảng dạy, biện bác, tu chỉnh và đào tạo trong đường công chính” (2 Timôthê 3, 16).

Như vậy, tạ tạm định nghĩa: KINH THÁNH là sách do Chúa Thánh Thần linh hứng cho Thánh ký viết ra.

2. Một quyển sách có hai tác giả

Thánh Thần linh hứng / Thánh ký viết ra. Một quyển sách có hai tác giả (keœ làm ra). Ta phải hiểu Thiên Chúa và Thánh ký làm việc như thế nào? viết như thế nào?

- Phải chăng Thiên Chúa phán và Thánh ký lắng tai nghe rồi chép ra? (thầy đọc cho học trò chép, viết chính tả).

- Phải chăng Thiên Chúa mạc khải cho Thánh ký những chân lý, những đề mục rao giảng rồi để cho Thánh ký dùng ngôn ngữ của mình viết ra thành bản văn hẳn hoi?

Cách thứ nhất, Thánh ký chỉ là viên thư ký, không thể gọi là tác giả được. Chính “bản thân” Kinh Thánh phi bác giả thuyết này, vì nếu do một ông thầy đọc cho thì các học trò viết “y chang”, đàng này, mấy Thánh ký cùng viết về một đề tài mà văn khác nhau, thậm chí có những Lời Chúa khác nhau. Thí dụ: viết về Chúa Giêsu lên trời, thánh Matthêu nói Chúa lên trời ở Galilê, thánh Luca nói ở Giuđa (Giêrusalem)?

Cách thứ hai, Thiên Chúa là tác giả nội dung mạc khải, còn Thánh ký là tác giả văn chương. Cách này thường gặp trong các bài diễn văn của các nhà lãnh đạo. Thí dụ: bài diễn văn của quốc trưởng, của Đức Giáo Hoàng, luôn luôn do một ban nhân viên soạn thảo theo những tư tưởng của Người thành bài văn rồi đệ trình Người xem lại. Khi đọc, Người diễn tả quan điểm của mình cho phái đoàn v.v... Ai cũng bảo bài diễn văn này của Người. Đúng như vậy vì tư tưởng bài văn của Người và Người chấp nhận văn chương của ban chuyên môn diễn tả tư tưởng của Người, dĩ nhiên cũng phải chấp nhận tài viết văn, tài liên tả tư tưởng trong sáng, lưu loát của ban chuyên viên. Họ không phải là những viên thư ký ghi chép, “sao y bản chính”, nhưng họ đã góp phần sáng tạo làm nên bài diễn văn.

Tuy nhiên, cách thứ hai nầy cũng không thể dùng để cắt nghĩa Thiên Chúa và Thánh ký là tác giả Kinh Thánh được vì Thiên Chúa chẳng những là tác giả nội dung Kinh Thánh mà còn là tác giả văn chương của Kinh Thánh nữa, còn Thánh ký chẳng những là tác giả văn chương mà còn sử dụng quyền tự do trong phần thu thập, trình bày nội dung cho độc giả mình nữa.

Thí dụ: đọc chương 1 và 2 sách Sáng Thế ký, ta không nghĩ rằng ngày nào đó Thiên Chúa “chiếu phim” cho thánh ký biết công việc và thứ tự Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ, muôn loài, muôn vật rồi Thánh ký tường thuật lại y nguyên. Trái lại, ta phải nghĩ rằng Thánh ký là một thần học gia được Thiên Chúa trực tiếp mạc khải hoặc qua trung gian các truyền thông, rồi suy nghĩ, sống với các chân lý đó, sau cùng, Thánh ký mới viết ra bằng ngôn ngữ, văn chương của mình trong môi trường văn hóa, trình độ văn minh của dân tộc mình, của một miền chịu ảnh hưởng lẫn nhau. Thí dụ: thánh Luca cho biết khi viết Phúc âm, Ngài đã “truy tầm gốc ngọn mọi sự” về Chúa Kitô mới viết ra. Viết để phục vụ Giáo đoàn Hy lạp, Ngài boœ ra những gì cá biệt Do thái và những điều có thể gây mếch lòng tân tòng.

3. Ơn linh hứng và mạc khải

a. Ơn linh hứng (inspiration):

Là đoàn sủng dành riêng cho các Thánh ký, giúp thu thập, tìm hiểu, phán đoán và diễn tả Ý Chúa, tư tưởng của Chúa không sai lầm để viết ra thành sách.

Thí dụ: thánh Luca cho biết “bởi chưng đã có nhiều người tra tay diễn tả lại trình tự các biến cố đã thực hiện giữa chúng tôi theo như các keœ từ đầu đã chứng kiến và phục vụ cho Lời đã truyền lại cho chúng tôi, thì chúng tôi nhất thiết là sau khi đã truy tầm gốc ngọn về mọi sự một cách tường tận, cũng nên cứ tuần tự mà viết ra, thưa Ngài Thiophê, ngõ hầu Ngài được am tường rằng giáo huấn Ngài đã lãnh hội là chắc chắn” (Luca 1, 1-4).

Như vậy, viết Kinh Thánh, thánh Luca đã phải thâu tập, chọn lọc những tài liệu có trước rồi mới viết ra thành tác phẩm. Công việc không khác chi một người viết truyện, một người viết sử hiểu theo nghĩa rộng, nhưng việc làm của Thánh ký khác hẳn nhà viết truyện, viết sử vì tác động của ơn linh hứng khiến cho tác phẩm thánh vừa là của Chúa vừa là của Thánh ký.

b. Mạc khải (révélation):

Mạc là tấm màn che, khải là mở ra, mở tấm màn che cho thấy những gì dấu ẩn trong đó. Thiên Chúa mạc khải là Thiên Chúa toœ ra cho người ta biết Ngài, biết Thánh Ý Ngài, biết tư tưởng của Ngài.

Hoạt động mạc khải gồm ba khía cạnh chính: toœ mình, kêu gọi và thông ban:

- Chúa toœ mình bằng lời nói, cưœ chỉ, việc làm. Thí dụ: Chúa phán dạy Môisen (trực tiếp). Chúa Giêsu tới giảng dạy (trực tiếp) Chúa dùng các Tiên tri đi rao giảng lệnh Chúa (trung gian: gián tiếp). Chúa toœ mình qua sự hiện hữu của vũ trụ (gián tiếp).

- Chúa mạc khải để người ta chạy đến với Chúa và Chúa trao nhiệm vụ (mạc khải luôn luôn có tính thiên triệu). Thí dụ: Chúa mạc khải Thánh danh Ngài (Giavê) cho thánh Môisen và trao cho thánh nhân sứ mệnh giải thoát Israen khoœi Ai cập.

- Chúa mạc khải để thông ban sự sống của Ngài cho ta, thông ban sự thật (chân lý) cho nhân loại để nhân loại được giải thoát khoœi lầm lạc, sống trong chân lý, kết hiệp với Chúa.

4. Hai con đường mạc khải

Chúa mạc khải cho nhân loại biết Ngài bằng hai con đường: TỰ NHIÊN và SIÊU NHIÊN.

a. Mạc khải tự nhiên:

Chúa toœ mình ra trong công trình sáng tạo của Ngài. Điều này suy luận một tí là biết ngay. Nhìn vào tác phẩm dĩ nhiên ta biết có người đã làm ra nó, và có thể biết được tài cán của tác giả. Nhìn vào vũ trụ, dùng lý trí suy luận theo nguyên lý nhân quả, ta biết có Đấng đã tạo nên, tức là biết có Chúa hiện hữu, sáng tạo vũ trụ. Sách Khôn ngoan chương 13, thư Roma 1, 20 làm chứng có mạc khải tự nhiên. Vì thế, ta không lạ gì khi mọi bộ lạc, dân tộc đều tin thờ Chúa có thể dưới nhiều hình thức khác nhau - có khi sai lầm, những danh xưng khác nhau (Thượng đế, Ông Trời, Thần Trời, Ông Xanh v.v...) nhưng người ta phải công nhận rằng chúng đều biểu lộ tâm tình tôn thờ Đấng tạo dựng vũ trụ, muôn loài, muôn vật, cầm quyền vạn vật và ngự trị trên trời cao huy hoàng. Họ tôn thờ Đấng Tạo Hóa có thể dưới hình thức sai lầm như thờ mặt trăng, mặt trời, tinh tú, con thú v.v... vì giải thích sai lầm các hiện tượng thiên nhiên, nhưng tự căn bản họ hướng tới vị Thần linh lớn nhất là Thiên Chúa, Đấng tạo dựng mọi sự.

Do những sai lầm trong việc tôn thờ, ta hiểu rằng mạc khải tự nhiên không rõ ràng vì cái hữu hình che lấp cái vô hình. Mạc khải này chỉ cho biết một Đấng linh thiêng tạo dựng vũ trụ hoặc chỉ đưa ra câu hoœi: Ai làm ra vũ trụ? Ai cho các muôn vật hiện hữu? v.v... Mặc dầu bài toán vũ trụ đã giúp bác học Newton trả lời: Tôi thấy Thiên Chúa trước viễn vọng kính của tôi, nhưng có lẽ ông trả lời rõ ràng dứt khoát như thế là do ảnh hưởng của mạc khải siêu nhiên.

b. Mạc khải siêu nhiên:

Là sự Thiên Chúa toœ mình ra cho loài người biết bằng hành động nói, làm và nhất là việc Nhập thể và Cứu chuộc của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người.

Mạc khải này mang tính cách một cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và loài người, ăn sâu vào lịch sử nhân loại, hướng dẫn lịch sử nhân loại theo chương trình của Chúa.

Tác giả thư gưœi người Do thái đã viết: “Đã lắm phen cùng nhiều cách, xưa kia Thiên Chúa dùng các Tiên tri mà nói với cha ông. Nhưng đến thời sau hết, tức là ngày nay, Ngài đã nói với ta nơi một con người, mà Ngài đã đặt làm thừa tự của vạn vật" (Dt 1, 1-2).

Trước hết, Thiên Chúa mạc khải chính Ngài cho những vị Ngài tuyển chọn (các Tiên tri rồi chính Con Một của Ngài): đây là mạc khải bằng lời có tính cách cá nhân và lịch sử:

- Cá nhân vì Thiên Chúa dành quyền tuyển chọn từng người một, Ngài ban ơn cho người đó có khả năng nhận lãnh các điều siêu nhiên.

- Lịch sử vì sự đáp ứng của vị được Chúa mạc khải: biến đổi bản thân mình thích hợp với ơn Chúa ban, thích hợp với sứ mệnh Chúa trao phó. Đáp ứng đó là một quá trình lâu dài, một cuộc sống mới. Thí dụ: Abraham đáp ứng lời Chúa kêu gọi boœ quê cha, đất tổ đi về miền Canaan sinh sống ông đã ra đi như một cuộc mạo hiểm theo tiếng Chúa. Thí dụ thánh Môisen sau khi được Chúa mạc khải Thánh Danh và trao cho thánh nhân sứ mệnh giải thoát Israen, thánh nhân đã từ boœ đời cũ, sống trọn cuộc đời theo Chúa.

Tiếp đến, những vị được mạc khải công bố, rao truyền chân lý mạc khải thấm nhập vào cộng đoàn, vào tập thể, vào đất nước. Kết quả là lịch sử của tập thể, của đất nước, của nhân loại mở ra những trang sử mới.

Xét về tự nhiên, ta có thể hiểu được điều trên vì những trang sử nhân loại không phải do mọi người trên thế giới tạo ra, nhưng là do những vị nhân, những nhân vật lịch sử tạo ra. Thí dụ: Thuyết của Copernic “hành tinh quay chung quanh mình và chung quanh mặt trời” (thuyết nhật tâm) làm đảo lộn quan niệm từ xưa tới nay cho rằng “mặt trời xoay chung quanh quả đất, quả đất là trung tâm vũ trụ” tạo nên cuộc cách mạng khoa học (Cách mạng Copernic). Thí dụ: Pasteur dùng các thí nghiệm khoa học chống lại thuyết tự nhiên sinh, trở thành cha đeœ khoa vi trùng học, ngành sát trùng, phương pháp điều chế Vaccin, giúp cho y khoa tiến bộ vượt bực. Thí dụ: Permi thành công trong việc cheœ nguyên tưœ ra làm đôi, tính được năng lượng chúng phóng thích, mở đầu thời đại nguyên tưœ.

Cũng thế, chính những vị được mạc khải đi công bố, rao truyền sứ điệp mạc khải đã làm “đảo lộn” đời sống cộng đoàn, tạo ra nơi cộng đoàn một ảnh hưởng lớn lao, phát sinh một đời sống mới ảnh hưởng tới cả nhân loại. Thí dụ: các Tiên tri loan truyền mạc khải “chỉ có một Thiên Chúa, ngoài Thiên Chúa ra không còn thần minh nào cả, các thần tượng do tay người phàm tạo ra chỉ là vật tầm thường” đã giúp dân Israen thoát khoœi nạn đa thần, mê tín dị đoan, gây một ảnh hưởng lớn lao kéo dài cho tới ngày nay.

Xét về mặt siêu nhiên, ta để ý tới sự can thiệp của Thiên Chúa, hành động của Thiên Chúa hướng dẫn sứ điệp của Ngài do vị Tiên tri loan báo. Mạc khải của Ngài luôn luôn tạo nên những giai đoạn mới cho nhân loại. Chúng ta ghi nhận mấy giai đoạn chính:

1/. Mạc khải cho Ađam-Eva trước khi sa ngã:

Con người tự nhiên có giá trị tầm thường (là bụi đất, có họ hàng với sinh vật khác vì cùng từ bụi đất), nhưng được Thiên Chúa tạo dựng cách đặc biệt (do hơi thở của Thiên Chúa phú ban sự sống) thành “tác phẩm giống hình ảnh Thiên Chúa”. Vì thế loài người được ưu đãi:

- Sống trong vườn Địa đàng (không nên hiểu là cái vườn, nên hiểu là tình trạng sống hạnh phúc, thánh thiện).

- Sống kết hiệp thân mật với Chúa (Kinh Thánh diễn tả bằng hình ảnh rất thơ mộng: chiều đến, Chúa đi dạo vườn, truyện trò với hai ông bà).

- Với sứ mệnh: Sinh sản và giáo dục con cái trong thể chế hôn nhân (Stk 1, 28) làm chủ chim trời cá biển (chủ thiên nhiên Stk 1, 28). Sống lao động hạnh phúc (canh tác và giữ vườn Stk 2, 15). Sống theo thể chế hôn nhân tự nhiên (đơn hôn, bất khả ly dị Stk 2, 24). Kết hiệp với Thiên Chúa bằng cách giữ luật Luân lý được diễn tả bằng ngôn từ “Không được ăn trái cây biết lành biết dư" ( Stk 2, 17).

2/. Mạc khải sau khi Ađam-Eva phạm tội:

“Ta sẽ đặt mối thù ngươi và người đàn bà, giữa dòng giống ngươi và dòng giống người đàn bà. Dòng giống bà sẽ đạp đầu ngươi, còn ngươi thì rình cắn gót chân” (3, 15). Lời Chúa phán ở đây là “Tin mầng nguyên thủy” tức là một tin vui đầu tin cho loài người bị chết trong tội lỗi rằng Thiên Chúa sẽ cứu độ loài người (tức là loài người khoœi án tưœ), sự thiện sẽ thắng sự ác qua một trung gian “dòng giống bà”. Tin Mầng này khởi sự công cuộc cứu chuộc nhân loại.

3/. Mạc khải cho tổ phụ Abraham:

Tuyển chọn và thành lập một dân riêng của Chúa.

<B>4/. Mạc khải cho Môisen:

Đưa dân ra khoœi Ai cập, tổ chức dân Chúa thành một dân tộc thánh, ký kết Giao ước để từ đó dân sống dưới luật pháp của Chúa.

5/. Mạc khải nơi Đức Kitô:

Vì là Thiên Chúa làm người, Chúa Kitô trực tiếp mạc khải các chân lý tôn giáo và Ngài mạc khải trọn vẹn hoàn toàn ý định của Thiên Chúa, kế hoạch cứu chuộc nhân loại trong mầu nhiệm Vượt qua (chết và sống lại, lên trời vinh hiển). Từ mầu nhiệm Vượt qua, kỷ nguyên của Nước Trời đã bắt đầu ở trần gian và hoàn toàn bộc lộ trong ngày Chúa quang lâm (ngày tận thế).

5. Cách thức Thiên Chúa mạc khải trong Kinh Thánh:

a. Mạc khải việc và lời

Để cho người ta hiểu rõ ràng công việc Thiên Chúa cứu độ nhân loại, Thiên Chúa đã dùng mạc khải lời (révélation-parole) và mạc khải việc (révélation-événement). Hai thành phần cốt yếu này tạo nên mạc khải duy nhất do chính Thiên Chúa thực hiện. Thí dụ: trong những biến cố giải thoát Israen luôn luôn có Lời của Thiên Chúa phán trước hoặc trong hoặc sau qua trung gian của Tiên tri, nhờ thế người dân hiểu được sự hiện diện và nội dung cứu độ của Thiên Chúa (dân Israen thoát khoœi Ai cập dưới con mắt người đời có lẽ chỉ là một biến cố của người trần thôi: vùng lên trốn chạy khoœi nơi nguy hiểm, nhưng nhờ Lời Chúa phán với thủ lãnh Môisen, ta biết được chính biến cố này là hành động cứu độ của Thiên Chúa).

b. Mạc khải tiệm tiến

Mục đích của mạc khải là cho dân biết Chúa, biết Thánh Ý Chúa. Nhưng vì con người ta không thể một lúc nhận biết được tất cả mạc khải, Thiên Chúa đã sử dụng phương pháp giáo dục tiệm tiến (tiệm là dần dần, từ từ; tiến là đi lên) để mạc khải. Và như vậy, đọc Kinh Thánh ta nhận ra được một sự tiến bộ trong mạc khải. Đọc toàn bộ Kinh Thánh ta mới nhận được toàn bộ mạc khải. Chỉ đọc một vài quyển, hoặc ngừng lại ở một vài đoạn, không thể có một cái nhìn viên mãn về mạc khải, không thể nhận ra được chân lý toàn vẹn.

Thí dụ: Từ quan niệm độc tôn - đến độc thần - đến Một Chúa Ba Ngôi.

Đầu tiên, Thiên Chúa được mạc khải là Thần Linh tối cao trên các Thần Linh khác: “Ngươi sẽ không thờ thần nào khác trước Thánh Nhan Ta” (Xh 20, 3; Thứ luật 5, 7). Như vậy, các thần khác có thể hiện hữu, tức là chưa phủ nhận sự hiện hữu của các thần khác, Luật chỉ dạy phải thờ một Thiên Chúa mà thôi (đây là quan niệm độc tôn).

Dần dần, tới mạc khải độc thần: Chỉ có một Thiên Chúa hiện hữu mà thôi, các thần khác không có hoặc chỉ là tượng đất, đá v.v... do người ta làm ra (Thứ Luật 4, 32-35; Tv 113).

Và sau cùng, tới mạc khải Một Chúa Ba Ngôi (Mt 28, 19).

Thí dụ: Từ quan niệm diệt thù (hêrem) - “mắt đền mắt răng đền răng” - tới thương yêu keœ thù.

- Luật hêrem: phải diệt sạch mọi keœ thù và tài sản (1 Sm 15, 3).

- Tiến đến “mắt đền mắt răng đền răng” (Xh 21, 24) tức là chỉ trừng phạt tương xứng với sự thiệt hại mà thôi (anh đánh tôi gãy một cái răng, tôi có quyền đánh anh gãy một răng thôi) không được phạt quá mức độ họ gây cho mình.

Thí dụ: Quan niệm về đời sau: Cựu Ước cho biết mọi người chết (lành hoặc dữ) đều xuống shéol (âm phủ), nơi bị lãng quên. Tân Ước mạc khải rõ ràng, cho biết có thưởng / phạt phân minh: keœ lành lên thiên đàng, keœ dữ phải sa hoœa ngục.

Thí dụ: Ban đầu, quy mọi sự về Thiên Chúa - sau phân biệt rõ ràng.

Ban đầu, bất cứ việc gì tốt hay xấu xảy ra, người ta đều nghĩ rằng Thiên Chúa là nguyên nhân (Thiên Chúa làm ra cả). Thí dụ: Sách Samuen viết: “Nộ khí Giavê bốc cháy trên dân Israen: Ngài xui Đavid gây họa cho họ, bằng cách ra lệnh: “Hãy đi làm sổ Israen và Giuđa” (2 Sm 24, 1).

Dần dần người ta phân biệt rõ: điều tốt do Thiên Chúa làm ra, điều xấu do Satan, vì thế sách Ký sử viết: Satan đứng lên phá hại Israen và nó xui Đavid làm sổ dân Israen (1 Ks 21, 1).

Tân Ước nói cho biết rõ: tội lỗi, điều xấu do lòng con người là nguyên nhân hoặc do ma quỉ cám dỗ, nhưng cũng do người quyết định chứ không phải do ma quỉ cưỡng ép (Mt 15, 19-20).

c. Chúa Kitô làm viên mãn mạc khải:

Nơi Chúa Kitô, mạc khải cứu độ đạt tới mức độ tột đỉnh về lời và việc. Thánh Ý Chúa Cha hoàn toàn được mạc khải trong mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô (chết và sống lại). Không qua Chúa Kitô, người ta sẽ không hiểu được mạc khải chứa trong Cựu Ước.

Và vì nơi Chúa Kitô, mạc khải cứu độ đưa tới mức hoàn toàn viên mãn, nên mạc khải công (révélation publique) đã kết thúc; nhưng vì các thánh Tông đồ nhận trực tiếp mạc khải và đi rao giảng nên thực tế mạc khải công chỉ chấm dứt với vị Tông đồ cuối cùng qua đời (thánh Gioan Tông đồ). Những mạc khải sau này (thí dụ: Chúa hiện ra với bà thánh Magarita Maria hứa ban ơn chết lành cho keœ chịu lễ chín lần thứ sáu đầu tháng liên tiếp, Đức Mẹ hiện ra với ba treœ ở Fatima v.v...) đều thuộc mạc khải tư, có giá trị nhưng Hội Thánh không bao giờ dùng để tuyên bố tín điều.

Phần lớn mạc khải công đã được chép trong Kinh Thánh (tức là Kinh Thánh chứa đựng mạc khải công gồm mạc khải Lời và Việc), nhưng ta nên để ý để tránh lầm lẫn mạc khải với linh hứng.

6. Phân biệt mạc khải và linh hứng:

- Vị nhận mạc khải và công bố ra theo lệnh Chúa dạy, ta gọi là Tiên tri (hoặc Sứ ngôn: sứ là người đại diện; ngôn là lời nói).

- Vị viết Kinh Thánh có ơn linh hứng, ta gọi là Thánh ký.

Thiên Chúa mạc khải là Thiên Chúa toœ cho Tiên tri biết những chân lý siêu nhiên mà chắc chắn Ngài không thể biết được, hiểu được do sức riêng của mình. Vị tiên tri chỉ có việc nói lại, loan truyền lại mà thôi. Hoạt động mạc khải như vậy là hoạt động phú bẩm, in vào tâm trí những tư tưởng của Chúa, đồng thời Thiên Chúa ra lệnh cho Đấng đó loan truyền cho dân chúng biết dầu sứ điệp đó bất lợi cho chính bản thân mình. Thí dụ: Tiên tri Giêrêmia nói: "Giavê phán thế này: Ai ở trong thành sẽ chết chém, chết đói, chết dịch, ai ra đầu hàng quân Kanđu sẽ sống, và của sót lại ít ra là mạng của mình. Giavê phán như thế này: thế nào thành cũng bị nộp trong tay quân Babel và nó sẽ hạ thành” (Giêr 38, 2-3).

Còn ơn linh hứng không có tính cách “cưỡng ép” như mạc khải, trái lại, tác giả được tự do tìm kiếm, thu thập tài liệu đã mạc khải, đã rao giảng do các Tiên tri hoặc truyền thống để lại, rồi tìm cách diễn tả, viết ra trong trình độ văn hóa của tác giả (rất hiếm người được mạc khải, đi rao giảng rồi viết ra). Ơn linh hứng không làm cho văn chương hay hơn, nhưng quả thật nó ăn sâu vào mọi khả năng của tác giả, bảo đảm viết đúng ý Chúa, Lời Chúa.

Nói như vậy ta dễ dàng nghĩ rằng Kinh Thánh có hai phần: phần tư tưởng, chân lý và phần ngôn ngữ, văn chương và cũng dễ dàng gán cho tư tưởng, chân lý thuộc thần linh (do ơn linh hứng), ngôn ngữ, văn chương thuộc nhân loại (do tác giả viết ra). Thật ra, thần linh về mặt tư tưởng, chân lý đã đành, còn thần linh trong phần ngôn ngữ, văn chương nữa, do ở điểm: thánh thiện, chân thật hiệu lực mà ơn linh hứng tác động. Nhưng vì “siêu nhiên không phá hủy tự nhiên”, ơn linh hứng không làm mất tự do của tác giả, nên hoạt động của linh hứng duy trì tính “nhân loại” trong Kinh Thánh qua những giới hạn của ngôn ngữ, những sự bất toàn của tác giả. Như thế, cả những bất toàn, khiếm khuyết của tác giả nằm trong Kinh Thánh đều hưởng ơn linh hứng. Từ đó, một hệ luận rút ra, ta rất nên biết: linh hứng không loại trừ sai lầm khoa học do tác giả không biết đã viết vào Kinh Thánh.

Khi xét về mạc khải và linh hứng, hai lĩnh vực khác nhau, nhưng dầu sao vẫn có một sự qua lại, hòa hợp, thống nhất vì mạc khải là tư liệu viết Kinh Thánh, tất cả đều do Thánh Thần tác động trong các phạm vi này:

- Hình thái mạc khải Tiên tri: do tác động mạc khải, vị Tiên tri nhận lãnh các chân lý siêu nhiên vượt khoœi khả năng tự nhiên của mình và đi loan truyền. Mạc khải hoàn toàn do phú bẩm từ trên đưa xuống, cùng lắm là Tiên tri dùng ngôn ngữ mình để diễn tả.

- Linh hứng Tiên tri: do hoạt động thần linh nâng khả năng nhận thức và phán đoán của Tiên tri khiến ngài hiểu được “siêu nhiên”. Thí dụ: thị kiến xe “Giavê” cho biết Giavê không boœ quên dân tại nơi lưu đày, ngược lại Ngài chiếu toœa vinh quang nơi đất dân ngoại.

- Linh hứng Thánh Kinh: là ơn trợ giúp vị Thánh ký, tác động vào ý chí và nhận thức không phải để suy nghĩ, tư tưởng cho bằng thâu thập những điều đã suy nghĩ, tư tưởng của các tài liệu hoặc truyền thống để lại.

Nhà văn Kinh Thánh hoạt động trong phạm vi nào? - Chắc chắn, các ngài hưởng hình thái linh hứng tiên tri để suy nghĩ, để trầm tư mặc tưởng các chân lý đã mạc khải, các truyền thống, nhu cầu cộng đoàn, kể cả các câu chuyện nhân loại phải chọn để diễn tả chân lý, và hưởng hình thái linh hứng Thánh Kinh để viết các tư tưởng, chân lý thần linh thành Kinh Thánh. Tuy nhiên, ta cũng không nên quên những trường hợp các Tiên tri được ơn mạc khải đồng thời cũng trở thành nhà văn Kinh Thánh, thí dụ: thánh Môisen, ít nhất ngài đã viết những điều cốt tủy làm nên bộ Ngũ Kinh. (xưa, người ta nghĩ ngài viết trọn Ngũ Kinh).

II - HỘI THÁNH VỚI KINH THÁNH

1 - THÁNH TRUYỀN


Hội Thánh do Chúa Kitô thiết lập, qui tụ những người tin vào Thiên Chúa, tin nhận Chúa Kitô và sống theo Giáo lý của Ngài để kéo dài sự hiện diện hữu hình của Ngài ở trần gian này trong mục đích tiếp tục sứ mệnh cứu độ của Ngài cho tới tận thế.

Tân ước cho biết ban đầu Chúa gọi Nhóm Mười Hai huấn luyện họ thành Tông đồ, là kẻ được sai đi (Apostolos), rồi Chúa gọi Nhóm Bảy Mươi Hai, Nhóm các Bà tự nguyên giúp Chúa và khi Chúa chịu chết và sống lai, Chúa trao cho thánh Phêrô quyền làm đầu Hội Thánh. Hội Thánh nầy được gọi là Hội Thánh Chúa Kytô (Christi Ecclesia) tồn tại trong Hội Thánh Công giáo( Ecclesia catholica) (xem Hiến chế Lumen gentium số 8), do Đức Giáo hoàng kế vị Thánh Phêrô và các Đức Giám mục kế vị các thánh Tông đồ.

Vậy theo thời gian, Hội Thánh tiên khởi là Hội Thánh Chúa Kytô, là của thế hệ Tông đồ vì do các Tông đồ và các môn đệ của các Tông đồ trực tiếp điều khiển kéo dài tới vị Tông đồ sau cùng qua đời, rồi chuyển sang Hội Thánh Công giáo (gồm có Hội Thánh Giáo phụ, rồi Hội Thánh tông truyền). Chính Hội Thánh tiên khởi là mẫu mực tối cao (norma non normata) về đức tin cho mọi thế hệ tương lai, do:

- Hội thánh tiên khởi hoạt động do hành vi sáng tạo của Thiên Chúa hoạt động nơi các thánh Tông đồ và môn đệ. Quả vậy, ta thấy mọi hoạt động của các thánh Tông đồ và môn đệ, sức sống của các giáo đoàn tiên khởi điều biểu lộ rõ ràng sức sáng tạo của Chúa Thánh Thần. Thí dụ: thị kiến cho thánh Phêrô “ăn những loài bò sát”, đưa tới việc thánh nhân tiếp nhận gia đình Cornêlio, dân ngoại trở lại (CvTđ 10, 11-48). Chính vì thế ta biết được Thiên Chúa đã muốn cho Hội Thánh tiên khởi trở thành mẫu mực Đức tin của mọi thế hệ tương lai. Hội Thánh tiên khởi cũng đã ý thức điều đó nên đã diễn tả Đức tin của mình bằng văn tự để lưu truyền cho các thế hệ sau.

- Thời gian của Hội Thánh tiên khởi là thời gian mạc khải công cuối cùng và hoạt động linh hứng cuối cùng Chúa Thánh Thần cho các Thánh ký viết Kinh Thánh.

Vì thế, văn tự Tân Ước là lời tuyên xưng Đức Tin của Hội Thánh tiên khởi được khách thể hóa bằng Sách Thánh, và dĩ nhiên, đọc Tân Ước, ta biết được Đức tin của Hội Thánh, Đức tin Tông truyền, Hội Thánh chân chính. Tân Ước chính là 1ời Thiên Chúa được viết ra vì lẽ một là chính Thiên Chúa muốn các thánh ký (một số Tông đồ và môn đệ) viết ra, hai là viết ra những điều Thiên Chúa đã mạc khải trong Chúa Kitô, ba là chính Thiên Chúa ban ơn linh hứng để các vị ấy viết cho đúng.

Vì Tân Ước khách thể hóa lời tuyên xưng Đức tin của Hội Thánh tiên khởi (hoặc là lời rao giảng Đức tin của Hội Thánh trong niềm tin không lay chuyển) nên Hội Thánh có quyền bảo vệ và giải thích Lời đó, không phải chỉ Hội Thánh tiên khởi mới có quyền mà thôi mà Hội Thánh của các thế hệ sau kéo dài tới tận thế cũng có quyền vì Hội Thánh của các thế hệ liên kết Đức tin của Hội Thánh lời rao giảng của Hội Thánh tiên khởi, nói cách khác Hội Thánh các thế hệ sau kế nhiệm Hội Thánh tiên khởi và được Chúa Thánh Thần hướng dẫn như xưa và bảo trợ bằng ơn bất khả ngộ (không thể sai lầm) nên Đức tin luôn luôn được bảo đảm tinh ròng, “trước sau là một”., nói cách khác Hội Thánh Công giáo là Hội Thánh Chúa Kyto6

2- Thánh Truyền và Quyền Giáo huấn (huấn giáo)

Đến đây, ta đã thấy rõ Tân Ước là kinh Đức tin của Hội Thánh và Hội Thánh có quyền trên sách đó, nhưng một câu hoœi quan trọng đặt ra: Sách nào thuộc Tân Ước?

Trong Tân Ước, không có bản mục lục chính thức nào liệt kê sách nào thuộc Tân Ước.Lại nữa, bên cạnh những sách đáng tin thuộc Tân Ước còn có những sách khác viết về Đức tin của Hội Thánh như Phúc Âm thánh Tôma, Phúc Âm thánh Phêrô v.v..., vậy làm sao xác định được chắc chắn quyền nào thuộc Tân Ước?

Muốn biết, phải tìm tới những chứng cớ cựu trào nơi các giáo phụ, nơi các tác phẩm cựu trào có đề cập tới sách Tân Ước hoặc có trích dịch câu Kinh Thánh Tân Ước. Làm như vậy mặc nhiên công nhận “dấu chứng của các sách Tân Ước” chứa đựng trong những kiến thức ngoài Tân Ước(tức là Thánh Truyền) Nhờ suy tư lâu dài để gạn lọc, Hội Thánh qua tiếng nói của công đồng Triđentinô đã lập bộ Thư Quy Kinh Thánh, liệt kê những sách thuộc Kinh Thánh làm nền tảng cho Đức tin, ta thấy Tân Ước có 27 quyển như hiện nay.

Còn Cựu Ước?? - Nhận thức những quyển sách nào thuộc Kinh Thánh Cựu Ước xuất phát từ nhận thức của Chúa Kitô và các thánh Tông đồ với Hội Thánh tiên khởi nghĩa là căn cứ vào những trích dẫn để làm chứng, căn cứ vào sử dụng để xác định. Thí dụ: thánh Mathêu trích dẫn các câu trong các sách Cựu Ước (Như thế là ứng nghiệm lời Tiên tri Giêrêmia, Isaia v.v...) cho biết những sách đó thuộc Kinh Thánh, hoặc Chúa Kitô sử dụng Thánh vịnh cho ta biết Thánh vịnh thuộc Kinh Thánh v.v...

Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ vào một nguồn gốc nầy thôi, sự xác tín chưa thể thoœa mãn đầy đủ vì lẽ các lời trích dẫn đó không đầy đủ (có sách trích, có sách không) để giúp Giáo Hội tìm ra đâu là sách thuộc Cựu Ước. Ngoài ra, còn biết bao nhiêu là khó khăn do sự thiếu nhất trí của nhiều người dùng Cựu Ước: nhóm Sađốc chỉ nhận có bộ Ngũ thư, Do thái Palestin thế kỷ I nhận có 39 quyển bằng tiếng hébreux trong khi Do thái Diaspora ở Alexandria công nhận thêm 5 quyển: Tobia, Giuđich, Khôn ngoan, Huấn ca (Ecclesiasticus), Baruc, 1 và 2 Macabê (tức là có hai Thư quy: Thư quy hébreux gồm có 39 quyển, Thư quy Hy lạp gồm 45 quyển). Thánh Giêrôm rất mến chuộng bản văn Hébreux (Thư quy hébreux), nhưng Ngài cũng dịch sách Tobia (Trong Thư quy Hy lạp). Có lẽ như Cha Karl Ranner nói, phẩm chất quyển sách trong Cựu Ước nói lên tính linh hứng của chính quyển sách.

Giáo hội đã nhờ vào các nguồn chứng liệu trên để lập thành Thư quy Cựu Ước gồm 45 quyển.

- Thư quy là gì?

Thư quy, tiếng Hy lạp gọi là “kanon” có nghĩa luật lệ, mẫu mực. Kinh Thánh gọi là Thư quy vì là sách làm quy luật Đức tin của Giáo hội (règle de la Foi de l'Eglise).

Thư quy là “thuật ngữ luật pháp” trở thành “thành ngữ”, người ta thấy nó xuất hiện đầu tiên trong môi trường Kitô giáo, nơi bản văn của thánh Athanasio (298-373) khi ngài biện luận sách Pasteur d'hermas không thuộc “kanon”. Thế kỷ 4, thuật ngữ nầy được dùng khá phổ thông.

Công đồng Triđentinô, ngày 8 tháng Tư năm 1546, công bố các sách vừa là “thánh” vừa là “Thư quy”, và liệt kê đầy đủ Cựu Ước có 45 quyển, Tân Ước có 27 quyển như đã in trong bản dịch phổ thông (Vulgata).

Công đồng Vatican I ngày 24 tháng Tư năm 1870, công bố: “Nếu ai không chấp nhận các quyển sách và cả từng phần các quyển đó trong bộ Kinh Thánh là “thánh và thư quy” như công đồng Triđentinô đã liệt kê hoặc chối những sách này không có ơn linh hứng của Chúa thì bị vạ tuyệt thông".

Lưu ý:

Công đồng tuyên bố Cựu Ước có 45 quyển vì gộp sách Tiên tri Giêrêmia và Ai ca thành một quyển. Ngày nay, người ta tách Tiên tri Giêrêmia khoœi Ai ca, nên Cựu Ước có 46 quyển (Tự điển Dictionnaire biblique của Cha J. Dheilly ghi Cựu Ước 45 quyển, còn Dictionnaire de la foi chrétienne ghi 46 quyển, chắc không gây thắc mắc gì).

3- Hội Thánh giải thích Kinh Thánh

Cựu Ước chuẩn bị cho Chúa Kitô đến thực hiện ơn cứu độ. Tân Ước mô tả Chúa Kitô thực hiện ơn cứu độ.

Hội Thánh đi rao giảng Chúa Kitô cứu độ bằng Lời Chúa trong Cựu Ước và Tân Ước. Nhờ lời rao giảng của Hội Thánh, người ta mới hiểu được Kinh Thánh, mới biết Chúa Kitô và sống theo Chúa Kitô theo lời dạy của Ngài tức là theo Kinh Thánh.

Mọi phần tưœ trong Hội Thánh đều được mời đi rao giảng, đi truyền giáo, nhưng không phải ai cũng tùy tiện giải thích Kinh Thánh. Thánh Phêrô đã căn dặn cẩn thận: “Trước tiên, anh em hãy nhận biết rằng không có lời tiên tri nào trong Kinh Thánh lại được phép giải thích cách tùy tiện. Quả vậy, không bao giờ một lời Tiên tri nào lại do tự người phàm nói ra, trái lại, chính Thánh Thần thúc đẩy mà có người đã nói ra nhân danh Thiên Chúa” (2 Ph 1, 20-21).

Hội Thánh đã ý thức rõ điều đó nghĩa là biết mình phải bảo vệ kho tàng mạc khải trong Kinh Thánh song song với bổn phận đem Lời Chúa đến cho mọi người. Nhưng như thế không có nghĩa là Hội Thánh không luôn kêu gọi mọi người tìm hiểu và giải thích Kinh Thánh vì biết rằng tác động của Thánh Thần soi sáng, hướng dẫn mọi tâm hồn thiện chí sẽ cho trổ những bông hoa đặc biệt để giúp ích cho cả Hội Thánh. Nếu không trổ những bông hoa đặc biệt, tâm hồn thiện chí vẫn nhận được ơn Thánh Thần giúp hiểu, sống và rao giảng Lời Chúa, vì thế Hội Thánh không ngăn cản, trái lại Hội Thánh kêu gọi mọi người học hoœi, tìm hiểu, rao giảng Kinh Thánh.

Tuy nhiên, vẫn cần có đề phòng vì rất dễ đồng hóa tác động của Thánh Thần với tình cảm, ý kiến riêng tư của con người. Lịch sử cho biết người ta giải thích Kinh Thánh theo nhiều cách khác nhau, có khi rơi vào lạc giáo, nguy cơ mất Đức tin vì thế cần phải có tiếng nói chính thức của Hội Thánh để bảo vệ Đức tin của Hội Thánh. Ta nên biết “nếu Đức tin của ta không phải là Đức tin của Hội Thánh” thì ta chưa có Đức tin chân chính, vì thế ta phải khiêm ngường lắng nghe tiếng nói của Hội Thánh. Nhưng không phải vì thế mà ta không dám tìm hiểu, giải thích Kinh Thánh, trái lại, ta phải nghe lời Hội Thánh mời gọi ta đọc, tìm hiểu, giải thích Kinh Thánh cho người khác với những lời chỉ dẫn khôn ngoan trong các văn kiện của Hội Thánh.

Các văn kiện của Hội Thánh bàn về Kinh Thánh:

Từ một thế kỷ nay, Hội Thánh đã ban hành một số văn kiện đáng ghi nhớ:

- Thông điệp Providentissimus của Đức Lêo XIII ra ngày 18/11/1883 do những khám phá của khoa khảo cổ học, người ta có khuynh hướng chỉ chấp nhận mạc khải trong phạm vi các chân lý thần linh, còn những gì liên quan tới khoa học đều ở ngoài phạm vi linh hứng. Thông điệp xác nhận: linh hứng bao trùm tất cả mọi phần, mọi câu trong Kinh Thánh và dĩ nhiên chúng đều hưởng ơn bất khả ngộ (không thể sai lầm), tuy nhiên chân lý thần linh không được bảo chứng trong những vấn đề khoa học (không cần phải tin những gì liên qua tới khoa học).

- Thông điệp Spiritus Paraclitus của Đức Benoit XV ra ngày 13/9/1920 nhân dịp kỷ niệm 15 thế kỷ thánh Giêrôm, chống lại khuynh hướng xem lịch sử Thánh Kinh (các truyện có lịch sử tính trong Kinh Thánh) là một tường thuật có cái voœ bề ngoài thuộc lịch sử mà thực ra không có tính lịch sử thật, và lên án những ai hạn chế ơn bất khả ngộ trong phạm vi Đức tin và phong hóa mà thôi.

- Thông điệp Divino Afflante của Đức Pio XII ra ngày 30/9/43 mở đầu cho việc nghiên cứu Kinh Thánh: trọng dụng phương pháp bình văn (critique textuelle) để tìm ra nguyên văn, trọng dụng phân biệt thể văn (genre littéraire) để hiểu đúng ý tác giả.

- Thông điệp Humani generis của Đức Pio XII ra ngày 12/8/1950 kết án mấy khuynh hướng thần học mới chủ trương thuyết tương đối về tín điều, sai lầm về tội, về Bí tích Thánh Thể, về Hội Thánh, không đếm xỉa đến quyền Giáo huấn. Thông điệp còn bàn tới khoa học và Đức tin liên quan tới những đề tài Kinh Thánh: đơn tổ hay đa tổ, Ađam được tạo dựng từ đất hay một sinh vật (liên quan tới Nhân chủng học, thuyết biến hình thể, thuyết đa tổ).

- Huấn thị của Ủy ban Kinh Thánh năm 1964 bàn về lịch sử tính của Chúa Giêsu trong Phúc Âm, phải lưu tâm tới ba giai đoạn lưu truyền các tài liệu trong Phúc Âm, nói một cách khác muốn tìm lại Đức Giêsu lịch sử, ta phải đi ngược dòng qua 3 giai đoạn đã tìm thấy trong Phúc Âm.

- Hiến chế Dei Verbum của Công đồng Vatican II ban hành ngày 18/11/1965 bàn về Lời Chúa được mạc khải cho nhân loại; lời Chúa chứa đựng chân lý thần linh liên quan tới phần rỗi nên người ta không thể tìm thấy trong Kinh Thánh các loại chân lý khoa học, địa lý, lịch sử, nhân chủng học v.v... Lời Chúa diễn tả sự thánh thiện, sức sống thần linh nuôi dưỡng tâm hồn. Hiến chế không lên án phương pháp văn hình sử (formgeschichts) nhưng nêu ra những giới hạn của phương pháp này sử dụng, nhưng lại lưu ý ta phải xét tới văn thể, tới cách cảm nghĩ và diễn tả của tác giả sống trong thời đại của các ngài để tìm hiểu Kinh Thánh, sau cùng phải tìm hiểu chân lý thần linh trong toàn bộ Kinh Thánh chứ không dừng lại nơi câu cú, đoạn nào, và cần dựa trên truyền thống sống động của toàn thể Giáo Hội và trên sự tương hợp toàn bộ Đức tin (xem số 12).

4- Kinh Thánh và Tín Điều

Trong một hội nghị quốc tế học hoœi về Kinh Thánh của cả trăm giáo phái Tin lành tại Anh quốc, người ta thuyết trình, bàn cãi v.v... Cuối cùng, người ta tự hoœi xem mình còn Đức tin nữa không? Họ đã dùng kinh tin kính các Thánh Tông đồ làm tiêu chuẩn.

ƠŒ các phân khoa dạy Kinh Thánh trong Giáo Hội, ai muốn học phải có cưœ nhân hoặc Tú tài Thần học trước đã. Đây là một đòi buộc thật khôn ngoan, giúp cho người ta không bị lạc đường. Không phải Kinh Thánh làm cho người ta lạc đường, nhưng vì người ta hiểu Kinh Thánh một cách sai lạc, đưa tới phủ nhận Đức tin của Hội Thánh. Lý do dễ hiểu vì văn chương Kinh Thánh thuộc loại tưœ ngữ, cách chúng ta cả mấy ngàn năm; nếu hiểu Kinh Thánh qua phong tục, tập quán, ngôn ngữ bây giờ của chúng ta tức là lấy “râu ông này cắm cằm bà kia”. Người ta cố gắng đọc các loại sách cổ, đào bới tìm các cổ vật để hiểu phong tục, kiểu nói xưa, nhưng kết quả còn ít, không cho phép ta hiểu hết phong tục, tập quán, cách sinh sống của thế hệ mà Thánh ký đó sống.

Vậy, muốn học hoœi Kinh Thánh, trước hết ta phải học hoœi Đức tin của Hội Thánh được tuyên bố thành những tín điều suốt trong lịch sử của Hội Thánh, tức là cũng học hoœi Kinh Thánh vì Hội Thánh căn cứ vào Kinh Thánh với ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần để tuyên tín, từ cơ sở đó, ta bước vào kho tàng Kinh Thánh mà không sợ lầm đường, lạc lối.

Gương của Đức Hồng Y Newman còn đó. Nhờ đọc các sách giáo phụ, lời giáo huấn của Giáo hội suốt dòng lịch sử dân Chúa, Ngài đã rời Anh giáo để trở về với Hội Thánh Công giáo. Như vậy, rời Đức Tin của Hội Thánh, người ta không thể đi đúng đường.

Quyền Giáo huấn của Hội Thánh (Huấn quyền) được thực hiện theo chiều dài của lịch sử Hội Thánh. Qua các Công đồng, Đức Giáo hoàng công bố tín điều

(ex cathedra)(bắt buộc phải tin), Đức Giáo hoàng dạy các thông thường trong Thông điệp, Tông thư, các Đức Giám mục kế quyền các Thánh Tông đồ giảng dạy. Dầu giảng dạy theo cách thông thường, đức vâng lời bắt ta phải vâng phục lời giảng dạy của Đức Giáo hoàng trong phạm vi đức tin và phong hoa, cũng thế, ta phải vâng lời Đức Giám mục địa phận và những vị thay mặt ngài trong phạm vi đức tin và phong hóa(gồm lãnh vực đức tin, luân lý, phong hóa).

III- Thánh Truyền và Những Tập tục trong Hội Thánh

-Thánh Kinh, và Thánh Truyền và Quyền Giáo huấn trong Hội Thánh“theo Ý định vô cùng sáng suốt của Thiên Chúa, cả ba liên kết và phối hợp với nhau đến nỗi không thực thể nào trong ba có thể đứng vững một mình được”(Hiến chế Dei Verbum số 10).

- Thánh Kinh là Lời Chúa được rao giảng và được Thánh ký viết lại dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần.

- Thánh Truyền là lời Chúa được rao giảng với sức sống Đức Tin của Hội Thánh tiên khởi đã được Thánh ký viết lại trong Kinh Thánh một phần và còn một phần không được viết lại trong Kinh Thánh được lư u truyền trong Hội Thánh gọi là Thánh truyền. Người Tin lành không công nhận Thánh Truyền. Hội Thánh Công giáo công nhận Thánh Truyền và dạy nhờ Thánh Truyền giúp hiểu rõ Thánh Kinh. Thí dụ: Tân ước không có bản mục lục Kinh Thánh Tân ước. Quyển nào là Kinh Thánh trong Tân ước? Nhờ Thánh Truyền cho biết quyển nầy là Kinh Thánh, quyền kia không phải Kinh Thánh. Người Tin lành chối bỏ Thánh Truyền nhưng họ cầm trong tay quyển mà họ nói là Lời Chúa, Lời Kinh Thánh là nhờ Thánh Truyền đó!!Còn tập tục đạo đức trong Hội Thánh khắp năm châu thì rất nhiều, không phải Thánh Truyền.

- Quyền Giáo huấn do Chúa Kytô trao ban khi Ngài dạy các Thánh Tông đồ đi rao giảng Tin Mừng, dạy người ta tuân giữ lệnh Chúa truyền (Mt 28, 19-20) và Chúa hứa yểm trợ Hội Thánh: ở lại với Hội Thánh và sai Thánh Thần xuống giúp Hội Thánh. Hội Thánh đã dùng quyền Giáo huấn với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần chỉ cho ta biết quyển sách nào là Kinh Thánh, quyển sách nào không phải Kinh Thánh, Hội Thánh chỉ cho ta biết chân lý Đức Tin để ta tin cho đúng, tránh rơi vào sai lầm, thí dụ: linh mục Arius giảng Chúa Giêsu Kytô không phải là Thiên Chúa, Hội Thánh đã cho họp Công đồng Nicê (năm 325) và tuyên tín: Chúa Giêsu là Thiên Chúa đồng bản tính với Chúa Cha, và thỉnh thoảng Đức Giáo hoàng công bố tín điều giúp ta khỏi sai lầm.Hội Thánh khuyến khích ta học hỏi Kinh Thánh và dùng quyền của mình giúp ta hiểu Kinh Thánh cho ta khỏi sai lầm.Tuyên bố tín điều thì không bao giờ sai lầm vì ơn bất khả ngộ do Chúa Thánh Thần ban cho, nhưng khi dạy thông thường đôi khi cũng sai lầm, thí dụ Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II đã xin lỗi dân Trung quốc về hiểu sai tôn kính tổ tiên của phong tục họ.

Tập tục trong Hội Thánh: sống Đạo, sống Đức Tin được diển tả tùy thuộc vào ngôn ngữ văn hóa, tập tục của từng nơi, từng dân tộc, từng sắc tộc riêng biệt và khác nhau. Thật là một vườn hoa tươi đẹp trong Hội Thánh.Nhưng cũng có những tâp tục phải được “thăng hoa” cho hợp với Giáo lý Công giáo. Tập tục có thề thay đổi theo thời đại do giao lưu văn hóa, kinh tế v.v. Tập tục dĩ nhiên khác với ThánhTruyền xét về mặt nội dung, nhưng cũng góp phần phát triển truyền thống đạo đức, sống đưc tin. Rươc, kiệu Đưc Mẹ trong tháng Hoa, rước Thánh Tâm Chúa trong tháng Thánh Tâm, đọc kinh, lần hạt, ngắm Sự Thương Khó Chúa trong Mùa Chay v.v. khi bị xem thường mà không có gì thay thế là một mối nguy cho đời sống đúc tin.

IV- Thuật ngữ “Giao ước” trong Cựu Ước và Tân Ước:

Giao ước, tiếng Do thái gọi là Berith, là từ ngữ thông dụng trong những mối giao tiếp xã hội mang ý nghĩa minh ước hoặc khế ước liên kết giữa cá nhân với cá nhân, đoàn thể với đoàn thể hoặc cá nhân với đoàn thể tạo ra nghĩa vụ và quyền lợi giữa đôi bên đã ký ước.

ƠŒ Israen và vùng Cận đông, bà con huyết tộc không phải ký Giao ước với nhau vì họ quan niệm huyết tộc là căn bản pháp lý tự nhiên của Giao ước rồi, nên bà con ruột thịt tự nhiên có nghĩa vụ và bổn phận tương trợ lẫn nhau, bảo vệ cho nhau. Đối với người ngoài, để bảo vệ và tôn trọng quyền lợi và nghĩa vụ của nhau như người trong huyết tộc, người ta đã ký Giao ước trong máu. Nghi lễ gồm có:

- Cả hai bên tuyên thệ ký Giao ước với nhau.

- Xẻ những con vật kết ước ra làm đôi, mỗi bên kết ước đều đi qua giữa, vừa đi vừa nói những lời nguyền rủa keœ bội ước.

- Tiếp đến là bữa ăn kết ước.

- Rồi dựng vật chứng ước bằng cây, bằng đá hoặc bằng một dấu tích lễ nghi.

Có nhiều thứ Berith, nhưng ta có thể xếp thành hai loại:

a. Giao ước song phương bình đẳng:

Hai bên kết ước có thể lực ngang nhau, ký kết để tôn trọng và bảo vệ quyền lợi cho nhau.

Thí dụ: Abimêlec ký giao ước với Isaac: Giữa chúng ta nghĩa là giữa chúng tôi và ông có rủa thề: chúng tôi xin ký một berith với ông. Ông đã không hề làm hại chúng tôi, cũng như chúng tôi không đụng đến ông, cũng như chúng tôi đã chỉ làm lành cho ông, và đã để ông đi bằng an. Ông là người được Giavê chúc phúc. Isaac đã dọn tiệc đãi họ và họ đã ăn uống. Sáng ngày, họ dậy sớm, và hai bên đã thề ước với nhau. Và Isaac đã tiễn chân họ (Stk 26, 28-31).

Thí dụ: Giao ước song phương bình đẳng giữa Đavid và Gionathan (xem 1 Sm 20, 15-17).

b. Giao ước song phương bất đẳng

Hai bên kết ước với nhau, một bên có thế lực sẵn sàng bảo trợ cho bên yếu, bên yếu hứa sẽ vâng phục bên mạnh.

Thí dụ: dân Babaon ký giao ước với tướng Gioduê: "... chúng tôi xin làm tôi các ông, vậy xin hãy ký một berith với chúng tôi..." Gioduê đã làm hòa với họ và ký giao ước với họ để bảo đảm sinh mạng cho họ (sách Gioduê 9, 11-15).

Đó là ý nghĩa thông dụng của từ ngữ berith trong giao tế xã hội.Từ những kinh nghiệm xã hội, Thiên Chúa sẽ mạc khải cho Israen mối liên lạc mà Ngài giao ước với dân Ngài. Từ ngữ này sẽ mang thêm nhiều ý nghĩa.

GIAO ƯỚC SINAI

Giao ước này thuộc loại song phương bất đẳng: một bên là Thiên Chúa toàn năng và hoàn toàn tự do kết ước với dân Israen (dĩ nhiên con người đối với Thiên Chúa làm sao so sánh nổi, ngay việc so sánh Israen với các dân tộc khác, cũng thấy Israen thua sút về nhiều mặt). Vì thế, sáng kiến Giao ước, các điều kiện thực thi Giao ước hoàn toàn do Thiên Chúa khởi xướng. Nói như thế xem ra có veœ “bất lợi cho bên yếu” tức là bên Israen!! - Đối với Giao ước đời nghĩ như vậy rất đúng, vì bên yếu bao giờ cũng chịu số phận thua thiệt, nhượng bộ bên mạnh; trái lại, nơi Thiên Chúa toàn năng và giàu có vô cùng, việc Israen ký và tuân giữ Giao ước hoàn toàn có lợi cho Israen vì Thiên Chúa “ban phát” chứ không lấy gì của Israen.

Từ ngữ giao ước ở đây mang hai ý nghĩa: di chúc và Giao ước.

- Di chúc: cũng là Giao ước song phương bất đẳng, mô tả sáng kiến hoàn toàn của một bên “cho”, bên kia chỉ việc “nhận”. Thiên Chúa là bên “cho”, ban tài sản của mình (sự sống của Ngài) cho dân Israen, mà thực sự dân Israen không có quyền gì đòi hoœi Thiên Chúa. Từ ngữ này mô tả Thiên Chúa nhân hậu và trung tín, Ngài đã hứa rồi thì không bao giờ rút lại dầu cho dân bất trung. Sự bất trung của loài người chỉ làm cho Giao ước không hiệu quả, nhưng lời hứa vẫn được Thiên Chúa giữ nguyên vẹn.

- Giao ước: đưa Israen tới một trật tự mới, dân tộc mới sống trong ân sủng và luôn luôn được nhắc nhở kêu gọi hiến dâng ý chí tình yêu để sống trung thành với Giao ước.

Nội dung Giao ước Sinai

Xuất hành: “Nếu các ngươi tuân giữ Lời Ta, các ngươi sẽ đặc biệt thuộc về Ta giữa muôn dân thiên hạ”(Xh 19, 5) thực ra “toàn thể địa cầu thuộc về Ta, nhưng các ngươi được dành riêng cho ta để trở thành một quốc gia tư tế và một dân tộc thánh”(Xh 19, 5-6)

Đoạn văn này rất phong phú vì tóm tắt cả lịch sử Israen và tất cả ý thức tôn giáo của họ. Cần để ý một vài nét chính:

- Đề cập tới sự tuyển chọn nhưng không: Thiên Chúa chọn Israen không phải vì họ xứng đáng, có công trạng nhưng chỉ do lòng nhân hậu của Thiên Chúa.

- Minh định sự tuyển chọn riêng biệt: tách Israen ra khoœi các quốc gia khác.

- Giao sứ vụ (cũng là đặc ân của tuyển chọn): dân tư tế và dân thánh.

- Yêu sách của sự tuyển chọn: Tuân giữ lệnh Chúa (được mạc khải trong Thập giới).

- Lời hứa của Chúa: bảo vệ và nâng đỡ dân.

Giao ước đã mạc khải một khía cạnh chính yếu của chương trình cứu độ là kết hợp mọi người Israen lại thành một cộng đoàn phụng tự (tư tế) để hiến thân tôn thờ, phụng sự Thiên Chúa, một cộng đoàn thánh vì được quy định theo luật lệ riêng của Thiên Chúa, được ký thác Lời Hứa cứu độ.

Tuy nhiên, Giao ước Sinai đã biểu lộ bộ mặt bất toàn của nó là chỉ dành riêng cho Israen tức là thiếu tính phổ quát (chung cho cả nhân loại), lời hứa ban thưởng đặt trên bình diện trần thế (được mùa, giàu mạnh, sung túc, dân cư an bình, xứ sở thịnh vượng) có thể làm cho Israen sao nhãng khía cạnh siêu việt của Giao ước (lỗi do các thầy giảng dạy chỉ nhấn mạnh tới khía cạnh vật chất). Nhưng đó là bộ mặt bất toàn có tính tất yếu của Giao ước chuẩn bị, tạm thời, sau này được thay thế bằng Giao ước vĩnh cưœu do Chúa Kitô thiết lập.

Đó là nói về tương lai khi Giao ước vĩnh cưœu tới thay thế, còn thực tế lúc đó đối với Israen, Giao ước Sinai là cơ sở nền tảng cho đời sống của họ (họ không tách biệt đời khoœi Đạo, không quan niệm theo nhị nguyên thuyết, họ chỉ hiểu theo quan niệm nhất nguyên: mọi sự đều do Thiên Chúa). Đề tài lớn nhất của Cựu Ước là trung thành với Giao ước, là tuân giữ Giao ước. Và khi dân vi phạm Giao ước, xé Giao ước: boœ Chúa đi thờ thần ngoại, Cựu Ước rao giảng thống hối, quay trở về với Thiên Chúa, đồng thời hướng tới một Giao ước hoàn hảo, vĩnh cưœu.

Mặc dầu thuật ngữ Giao ước được dùng luôn luôn, nhưng thuật ngữ này dân Israen không dùng để chỉ Kinh Thánh của mình. Trong bản dịch Bảy mươi, từ ngữ berith (trong tiếng Do thái) được dịch là “diathêkè” (sang tiếng Hy lạp). Trong Tân Ước, từ ngữ diathêkè có mặt trong bốn bản tường thuật lập Bí tích Thánh Thể:

Mc 14, 24: Này là Máu tôi, Máu Giao ước đổ ra cho nhiều người.

Mt 26, 27-28: Tất cả hãy uống chén này, vì này là Máu tôi, Máu Giao ước đổ ra cho nhiều người được tha tội.

Lc 22, 20 và 1 Cor 11, 25: Chén này là Giao ước mới bằng Máu tôi.

Thánh Phaolô đã sử dụng 9 lần từ ngữ nầy trong các bức thư của Ngài. Trong bức thư gưœi người Do thái (thư này không phải của thánh Phaolô viết, có lẽ của một môn đệ viết ra), từ ngữ này được sử dụng 17 lần (lưu ý: Phúc âm chỉ dùng từ ngữ này trong các bản tường thuật lập Bí Tích Thánh Thể, thánh Luca dùng thêm một lần trong bài Benedictus).

Người đầu tiên sử dụng từ ngữ “Giao ước” để gọi Kinh Thánh (là sách Giao ước) phải kể tới thánh Phaolô. Trong 2 Cor 3, 14, thánh nhân viết: “Tâm tư họ ra chai đá. Cho đến ngày nay, khi họ đọc Cựu Ước, cũng cái màn ấy cứ còn lại đó, vẫn chưa vén lên, vì chỉ trong Đức Kitô màn đó mới được hủy boœ đi”.

Thực đã rõ, thánh Phaolô gọi Kinh Thánh Do thái là Cựu Ước trong ý nghĩa đó, Giám mục Méliton de Sardes thế kỷ 2 đã nói về các sách của Cựu Ước (Eusèbe H.E. IV, 26, 14), tiếp đến giáo phụ Tertulinô (nưœa thế kỷ 2, đầu thế kỷ 3) đã dùng trong ngôn ngữ Latinh (trong tác phẩm bút chiến Adversus Marcionem). Từ đó, từ ngữ Cựu Ước được dùng chỉ các sách thánh Do thái và từ ngữ Tân Ước chỉ sách thánh viết về Chúa Kitô.

=========================

THÔNG ĐIỆP, SỨ ĐIỆP, HIẾN CHẾ, TÔNG THƯ

Xin mời bạn Nguyễn Ngọc Bích lần lượt đi từ các văn kiện của Công đồng Vatican II, rồi qua các văn thư của Đức Giáo hoàng để biết các thuật ngữ đặt tên các văn bản, văn thư thuộc loại nào và tên gì được sử dụng trong Giáo hội bằng tiếng Latin. Ước mong rằng các bạn với tuổi trẻ, sức sống đang lên có những nghiên cứu thay vì hỏi theo kiểu” mì ăn liền”.Cách đây hơn 30 năm, một người ngoại quốc hỏi tôi người đầu tiên dịch chữ Ecclesia catholica, Église catholique ra tiếng Việt là Giáo hội công giáo, ông ta muốn biết sáng kiến của ai dịch catholica, catholique là công giáo. Tôi thú thật không biết và bây giờ tôi cũng chưa biết mặc dầu có hỏi nhiều người, có lục lọi sách vở. Xin các bạn các bạn giúp một tay.

I- Các văn kiện của Công đồng Vatican II gồm có ba loại: Hiến chế( có 4), Sắc lệnh (có 9) và Tuyên ngôn (có 3) đều đặt nền tảng trên Kinh Thánh, Thánh Truyền, Quyền Giáo huấn với hoàn cảnh mới, xã hội thay đổi. Mỗi văn kiện lấy chữ đầu tiên củả số một chương một để đặt tên cho văn kiện đó.

Constitutio (constitution) dịch sang tiếng Việt là Hiến chế (hiến là pháp luật, pháp độ; chế là làm ra, đặt ra, bó buộc). Hiến chế giống như hiến pháp là luật căn bản, nền tảng của các luật khác.

Thí dụ: Hiến chế tín lý về Hội Thánh (constitutio dogmatica.de Ecclesia) của Công đồng Vatican II gọi tên là Lumen gentium (Ánh sáng muôn dân ) do chữ đầu tiên số 1 trong chương 1 của Hiến chế là Lumen gentium. Hiến chế nầy là Luật căn bản của tổ chức Hội Thánh: Hội Thánh là một mầu nhiệm kép vì được thành lập do hai yếu tố thần linh và nhân loại, gồm hai thành phần: giáo sỹ và giáo dân.Trước đó, người ta giản lượt đời sống Hội Thánh vào hoạt động của hàng Giáo phẩm, giáo sỹ, vô tình gạt giáo dân sang một bên. Bây giờ, thí dụ Hội Thánh như căn nhà có hai mái, một mái là giáo sỹ, một mái là giáo dân.Hai mái hợp lại mơi thành cái nhà. Hội Thánh là Dân Thiên Chúa, vai trò của giáo dân mà sách Tông đồ Công vụ, các thư của Thánh Phaolô cho biết rất quan trọng được phục hồi v.v.

Decretum (décret, decree ) dịch sang tiếng Việt là Sắc lệnh (Sắc là chiếu chỉ của vua, lệnh là bố cáo ra, công bố ra ). Chín sắc lệnh của Công đồng Vatican II là những luật lệ có đối tượng riêng (Giám mục, linh mục, Chủng viện, Giáo dân làm tông đồ v.v

Thí dụ: Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Hội Thánh (Decretum de

Activitate missionali Ecclesiae) goi tên là Ad gentes (đến với muôn dân) gồm có những nguyên tắc giáo thuyết, các công việc truyền giáo, các Giáo hội địa phương, các nhà Truyền giáo, Tổ chức hoạt động truyền giáo, Sự cộng tác..Dựa vào Hiến chế Tín lý về Hội Thánh gọi Hội Thánh ánh sáng muôn dân (lumen gentium) nên trung tâm và đời sống Hội Thánh là truyền giáo (đưa Chúa dến cho mọi người), Sắc lệnh Ad gentes trình bày Giáo lý cũng như phương cách truyền giá trong thời đại ngày nay.

Declaratio (déclaration) dịch sang tiếng Việt là Tuyên ngôn (tuyên là bày tỏ cho mọi người biết, ngôn là lời nói). Ba Tuyên ngôn của Công dồng Vatican II nói lên lập trường, chính sách của Hội Thánh về Giáo dục Kytô giáo (Gravissimum Educationis), về Liên lạc của Hội Thánh với các tôn giáo ngoài Kytô giáo (Nostra Aetate), về Tự do tôn giáo (Dingitatis Humanae).

Thí dụ: Trong tuyên ngôn Tự do tôn giáo, Công dồng xác nhận mọi người đều có nhân phẩm phải được tôn trọng, phải hưởng tự do, tự do tìm kiếm chân lý và Công đồng tuyên bố tôn giáo chân thật tồn tại trong Hội Thánh Công giáo và Tông truyền.Mọi người hành động theo lương tâm của mình kể cả trong lãnh vực tôn giáo.

2- Loại và tên văn kiện của Đức Giáo hoàng

Littera Encyclica (lettre encyclique, encyclycal letter) dịch sang tiếng Việt là Thông điệp. Encyclica do tiếng Hylạp en-kyklios (en:trong, kyclos:vòng tròn). Thế kỷ 18, Encyclica dành riêng làm thuật ngữ chỉ văn thư của Đức Giao hoàng gửi cho mọi thành phần trong Hội Thánh (Hồng Y, Tổng Giám mục, Giám mục, Tu sỹ, Giáo dân), dịch sang tiếng Việt là Thông điêp (thông:truyền đạt di, chung cả; điệp: văn thư về việc quan). Thiết tưởng dịch là Châu thư (châu: hình tròn, vật hình tròn như hột ngọc, thư: văn thư. kinh thư, thượng thư)

Constitutio Apostolica (constitution apostolique., apostolic constitution ) dich sang tiếng Việt là Tông hiến ( apostolica; tông đồ, tông tòa; constitutio:luật căn bản ).

Thí dụ: Tông hiến về sách lễ Roma quy định các luật lễ về Thánh lễ được Đức Phaolô VI ban hành 03-4-1969.

Adhortatio Apostolica (exhortation apostolique, apostolic exhortation) dịch sang tiếng Việt là Tông huấn (tông: tông đồ, tông tòa; huấn: dạy bảo, giải thích ). Văn thư của Đức Giáo hoàng giáo huấn và khuyến khích can đảm thi hành trong một lãnh vực nhất định.

Thí dụ: Tông huấn Familiaris consortio của Đức Gioan Phaolô II giáo huấn về nhiệm vụ của gia đình và khuyến khích thực hành trong gia đình theo Giáo lý của Hội Thánh trong thế giới ngày nay, ban hành 22-11-1981.

Epistula Apostolica (épitre apostolique, apostolic epistle) dịch sang tiếng Việt là Tông dụ ( tông: tông đồ, tông tòa; dụ: ngưởi trên bảo xuống kẻ dưới).Cũng có văn thư chỉ đề Epistola thôi.

Thí dụ: Tông dụ Lumen ecclesiae của Đức Phaolo VI ban hành ngày 20-11-1974 nói về vai trò ánh sáng của Giáo hội.của mọi thành phân trong Giáo hội.

Lettera Apostolica (lettre Apostolique, Apostolic letter) dịch sang tiếng Việt là Tông thư là thư của Đức Giáo hoàng viết bàn về một hai điều để dạy dỗ, khuyến khích v.v. Thí dụ: Tông thư Pax et reconciliatio (hòa bình và hòa giải) của Đức Phaolo6 VI ban hành ngày 14-02-1964.

Letterae Apostolicae Motu Proprio datae dịch sang tiếng Việt là Tự Sắc

(motu: một chuyển động, một hành động, Proprio:tự ý riêng mình ).Thí dụ: Tự sắc Matrimonia mixta của Đức Phaolô VI quy đinh luật lệ về hôn nhân giữa Công giáo và người Tin lành, giữa ngưởi Công giáo và người chưa lãnh Bí tích Thánh tẩy (rửa tội) ban hành ngày 31-3-1970.

Bulla: dịch ra tiếng Việt là Sắc chỉ (thư bổ nhiệm chức tước do Tòa Thánh ban ).

Ghi chú: bạn đừng lo khi đọc các văn bản của Đức Giáo hoàng bạn phải xếp vào loại nào vì khởi đầu mỗi văn bản đã nói văn bản nầy thuộc loại nào rồi. Làm vội vàng, có thề sai, Bạn thông cảm cho.

Chúa nhật Chúa Kytô Vua. ngày 23-11-2008
 
Văn Hóa
Chuyện ông Tư dì Tư: Lời Tạ ơn
Nguyễn Trung Tây, SVD
19:53 25/11/2008

Chuyện ông Tư dì Tư: Lời tạ ơn



Ông Tư tự nhiên buông lời tâm sự,

— Hôm bữa về Việt Nam thăm bà con chòm xóm, ta nói yên lặng thì không sao, nhưng hễ tui cất tiếng một cái là người ở bển biết mình từ bên Mỹ mới về.

Dì Tư mai mỉa,

— Thì ai biểu ông mở miệng ra là tiếng tây tiếng u rổn rảng rộn ràng, hỏi sao mà không dấu đầu rồi lại lòi đuôi...

Ông Tư khựng ngang,

— Mần chi mà bà phải lên giọng bỉ thử với tui như vậy! Bà biết tui đâu phải là hạng người áo gấm về làng rồi là lên mặt song toàn với bà con chòm xóm.

Ông Tư phân trần,

— Ta nói thiệt tình là tui cũng cố gắng hết sức không chêm một câu tiếng Anh, không bớt một chữ tiếng Việt. Cho nên bà biết chi không? Nhiều người cứ ngạc nhiên trợn tròn con mắt thỏm lỏm, “Lạ hén! Sao chú Tư ổng ở Mỹ cả chục năm nay, nhưng cái giọng không lơ lớ tuồng như người bị rắn lục mổ dính ngay bắp chân hén!”.

Dì Tư cuộn tròn miếng trầu xanh, giọng điệu hưỡn đãi thấy rõ,

— Làm sao ông mở miệng ra mà người ta biết là ông từ bên Mỹ mới về?

Ông Tư buông thõng,

— Thì cũng tại cái tật ưa nói cám ơn. Ta nói ghé vào chợ quận kiếm mua đôi dép Lèo tui cũng nói cám ơn, xẹt ngang qua chợ làng làm tô hủ tíu cũng lại lạp cạp mở miệng nói cám ơn. Cho nên bà nói cũng đúng, thiệt tình, dấu đầu rồi cũng lại lòi đuôi là như vậy.

Dì Tư cự nự,

— Ông ăn nói mà không sợ người ở bển họ giận, họ cự ông lên mặt song tàn coi thường người ta.

Ông Tư buông lời nói ngay,

— Bà, tôi không có cái ý đó nghen. Tôi chỉ muốn nói là người bên đây quen miệng hay nói cám ơn. Có thế thôi, mà chưa chi bà đã quen tay cầm cọ vẽ rắn thêm chân rồi.

Dì Tư liếc nhìn chồng, giọng điệu lại tuồng như nhân viên phòng kín bắt mạch thăm dò,

— Rồi, thì ông nói đi…

Ông Tư giải thích,

— Thì bà cũng thấy rồi đấy, ở đây vô nhà hàng mình cũng phải móc bóp trả tiền đàng hoàng, chứ đâu có phải là hưởng đồ cúng trên chùa hay là gặp ngày rằm hương thôn phát chẩn. Nhưng khi người ta bưng đĩa cơm ra, mình cũng mở miệng nói cám ơn. Ăn xong, ra quầy trả tiền, tay mình móc bóp, miệng mình cũng lại nói cám ơn. Bà thấy tôi nói có đúng hay không?

Đưa miếng trầu xanh non vào miệng đỏ chét, dì Tư thong thả nhai, giọng vẫn tuồng hưỡn đãi,

— Tui không nghĩ chỉ có người Mỹ mới biết mở miệng nói cám ơn đâu…

Ông Tư liếc nhìn vợ,

— Bà muốn nói cái gì thì cứ nói đi?

— Thì ta nói cái người, tui nhớ đâu tuồng như người Sa-Ma hay Sa Mạc gì đó, họ cũng biết nói cám ơn vậy thôi.

— Bà muốn nói cái ông người Samaria trong truyện mười người phong cùi được Chúa chữa lành chứ gì (Luke 17:11-19)?

— Thì đó, cái ông đó đó.

Dì Tư vẫn chưa biến mất bộ mặt mật thám cất tiếng gậy mọt thăm dò,

— Tui thì cũng không muốn bàn thêm, nhưng cũng có người họ nói mở miệng nói cám ơn chẳng qua cũng chỉ là khách sáo, tuồng như người hát cải lương hồ quảng mà thôi.

Tới phiên ông Tư phản đòn,

— Bà nói nghe thấy mà mắc cười. Mà cái này là bà nói hay là người ta nói…

Ông Tư chậm rãi,

— Tôi nhớ đâu người ta có câu nói, “Tâm Phật, nhìn đâu cũng thấy Phật”. Thì đó, lòng mình có tràn đầy tâm tình tri ân thì người ta mới thốt ra được những lời tri ân cho những nghĩa cử tử tế chứ.

Ông Tư hớp một ngụm trà,

— Tui nói điều này, ai có ghét tui cũng đành chịu. Tui là thích cái tinh thần người Mỹ ở chỗ đó. Chính phủ cám ơn dân chúng. Con cái cám ơn bố mẹ. Hàng xóm ngỏ lời cám ơn hàng xóm. Đi vô thương xá, mình mua cái áo, người bán hàng tay trao hàng, miệng họ nói cám ơn. Mình không mua, họ vẫn nói cám ơn nhã nhặn. Ai ai cũng cám ơn nhau, bởi người ta biết sống trên đời này ai cũng mắc nợ nhau hết…

— Ông nói mắc nợ mà mắc nợ cái gì?

— Chứ bộ bà không thấy hay sao? Nè, nhà nước nợ dân chúng lời cám ơn, bởi nếu không có lá phiếu của dân chúng, thì đã không có nhà nước. Con cái nợ bố mẹ những lời cám ơn, bởi nếu không có bố mẹ, thì đã không có con cái. Hàng xóm nợ nhau những lời cám ơn, bởi nếu không có những căn nhà tối lửa tắt đèn, thì đã không có phố phường. Thương gia nợ khách hàng những lời cám ơn, bởi nếu không có người mua, cửa tiệm đã phải đóng cửa… Bà nghĩ tôi nói có đúng hay không?

Ông Tư dừng lại,

— Cho nên bà biết chi không? Nhân ngày Lễ Tạ Ơn năm nay, tôi có điều này muốn tâm sự với bà từ lâu rồi.

Ông Tư trầm giọng,

— Tôi nhớ có mấy lần bà nói với tôi thấy con cái hai vợ chồng mình Chúa thương, đứa nào cũng học hành tới nơi tới chốn, rồi trong nhà có thằng Hai làm bác sĩ mở phòng mạch dưới phố, con Tư làm dì phước dòng truyền giáo ở Phi Châu, bởi thế, có người gặp bà ở dưới phố cứ hay lớn miệng gọi bà “Bà Cố”. Bà thì cứ lúng túng không biết phải đối đáp ra sao, bởi không hiểu người ta thật tình hay có ý chi. Thôi, nhân tiện hôm nay cũng là ngày Lễ Tạ Ơn, tôi đề nghị với bà như thế này, lần sau có ai gọi bà “Bà Cố”, bà không phải mất công cất tiếng thanh minh thanh nga làm chi. Gặp ai gọi bà “Bà Cố”, bà chỉ việc nói gọn một câu, “Tạ ơn Chúa”, giống y như người Samaria phong cùi hồi xưa và mọi người đang sống ở nước Mỹ vào ngày lễ Tạ Ơn vậy thôi.

Ông Tư kết luận,

— Mà bà nghĩ thử coi, thiệt tình là như vậy đó. Nếu không có Chúa, làm sao người cùi Samaria biến mất những vết ghẻ lở hôi thúi, để mà làm lại một con người mới? Không có ơn Chúa hướng dẫn cho thuyền mình đụng đầu tàu Mỹ vớt lên, làm sao nhà mình đặt chân được lên đất mới để mà làm lại một cuộc sống mới tinh?

Ông Tư nhìn ra khung cửa rộn ràng sợi nắng Tạ Ơn,

— Lần trước về thăm lại quê hương họ hàng, thấy người thành công, trong bụng tôi cũng mừng rơn cho họ. Nhưng cũng có người tôi thấy đời sống còn cực nhọc lắm. Trông người lại nghĩ tới ta. Hồi năm 75 mình mà không được tàu Mỹ vớt mang tới đảo Guam, dám bây giờ tôi cũng đang rảo rảo ở chợ quận, miệng rao chè bè, “Trà đá không? Cô Hai trà đá đi!”, còn bà thì cũng dám đang te te bê rổ mía đi rảo rảo ở bến xe chợ huyện, “Mía ghim hôn? Anh Tư mía ghim đây!”. Cứ như vậy thì làm sao trong nhà có nổi một ông Bác Sĩ và bà dì Phước. Bà nghĩ tôi nói có đúng hay không?

www.nguyentrungtay.com
 
Lễ Tạ Ơn: Chiếc hộp thứ mười một
Nguọc Nga sưu tầm
23:13 25/11/2008
Lễ Tạ Ơn: Chiếc hộp thứ mười một

Lễ tạ ơn đáng ghi nhớ nhất của bạn là gì? Với tôi đó là vào chiều áp lễ Tạ Ơn. Nhà xứ đã có tên 10 gia đình trong danh sách nhận những giỏ đồ ăn. Một người bán hàng công đức giăm bông, Còn hàng tạp hóa được mua từ quầy đồ ăn. Khi chúng tôi đứng gói những chiếc hộp trong phòng hữu nghị, thì những gia đình hồ hởi với những thực phẩm họ sắp chuyển về nhà. Đó là bữa ăn thịnh soạn nhất mà nhiều người được hưởng trong nhiều tháng...

Khi họ đang ôm những hộp đồ ăn của họ, thì một gia đình khác đến. Người cha, người mẹ và ba đứa con chen nhau ra khỏi chiếc xe nhỏ cũ kỹ và bước vào phòng hội. Đây là một gia đình mới không có tên trên danh sách chúng tôi, họ mới nghe nhà xứ phân phát đồ ăn. Tôi giải thích rằng chúng tôi không đủ cho một gia đình nữa. Khi tôi cố thuyết phục cho họ rằng tôi đã làm những gì tôi có thể làm, thì một sự kiện đáng ngạc nhiên xảy ra. Không cân nhắc, một phụ nữ đặt chiếc hộp bà đang bê xuống rồi vội vàng tìm một chiếc hộp không đặt bên cạnh. Bà bắt đầu chuyển bớt những đồ ăn của bà sang chiếc hộp không. Chẳng bao lâu những người khác cũng làm như vậy theo bà. Thế là những người nghèo này đã tạo nên chiếc hộp thứ mười một cho gia đình mới đến.

Cha sở Bill Simpson

***

Mỗi khi trên đất nước xảy ra thiên tai, tôi thường được nghe nhìn những bài phóng sự trên truyền hình, truyền thanh nhằm để vận động cho việc quyên góp cứu trợ, để mọi người thể hiện tinh thần “lá lành đùm lá rách”, hơn nữa chương trình còn kêu gọi sự chia sẻ của những người đang là những lá rách, cùng thể hiện sự cảm thông chia sẻ đối với anh em đồng loại “lá rách đùm lá nát”. Sự đồng lòng cảm thông, chia sẻ của mọi người cùng chung nhau giúp những đồng bào vượt qua những trở ngại, khó khăn trước mắt. Đó là một nghĩa cử rất đẹp đối với người dân Việt nước ta.

Tin Mừng mô tả hình ảnh trong ngày phán xét chung: Người sẽ tách biệt họ thành hai nhóm, nhóm ở bên phải Người và nhóm ở bên trái Người, như mục tử tách biệt chiên với dê. Đức Vua nói với những người bên phải:

-"Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy." (Mt 25, 40).

Rồi nói với những người bên trái:

- "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy." (Mt 25, 45).

Chung quanh tôi còn rất nhiều người:

- đang cần có cơm, có nước để mà duy trì sự sống;

- đang cần áo quần để che thân, mong tìm được chút ít sự ấm áp,

- đang cần sự đón tiếp, thăm viếng, ủi an … và còn, còn rất nhiều những điều người khác đang cần, trong khi tôi đang có hoặc thậm chí có những cái tôi dùng một cách hoang phí nữa.

Nghĩa cử của mười người nghèo trong câu chuyện, đã nói lên sự sẵn sàng chia sớt của những chiếc lá rách, giang rộng cánh tay để đùm bọc chiếc lá nát đang cần sự giúp đỡ. Mười hộp quà trong ngày lễ Tạ ơn của cha sở Bill Simpson đến bây giờ lại mang một ý nghĩa sâu đậm hơn, tự sâu thẳm nơi trái tim các thành viên của mười gia đình đã tạo lên chiếc hộp thứ mười một mang một ý nghĩa thật cảm động.

***

Lạy Chúa, xin cho con biết chia sẻ đến với những anh em đồng loại đang gặp những khó khăn về vật chất cũng như về tâm linh. Một sự chia sẻ thực hành không phải để làm cho xong chuyện, nhưng phát xuất thật tâm từ đáy lòng con. Amen!
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Một Mình Với Bóng
Therésa Nguyễn
00:08 25/11/2008

MỘT MÌNH VỚI BÓNG



Ảnh của Thérésa Nguyễn

Một mình hứng giọt nắng mai

Một mình đối diện ngày dài, buồn tênh

Một mình giữa chiều lênh đênh

Ðắm chìm trong cõi Nhớ-Quên, kiếm tìm. ..

(Trích thơ của Hoa Nắng)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền