Ngày 18-11-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa Giêsu, Vua Tình yêu
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
08:00 18/11/2011
Chúa Nhật 34: Kitô Vua

Hôm nay Chúa nhật cuối cùng trong năm phụng vụ, Giáo Hội mừng kính lễ Chúa Kitô Vua. Năm phụng vụ mở đầu bằng mầu nhiệm Nhập thể, khai triển qua cuộc tử nạn, Phục sinh để rồi kết thúc bằng vương quyền viên mãn của Đức Kitô. Như vậy, năm phụng vụ tượng trưng cho chu kỳ thời gian bắt đầu từ Đức Kitô và cuối cùng trở về với Ngài. Đức Kitô chính là khởi đầu và là cùng đích của vũ trụ và lịch sử nhân loại.

Đặt lễ Chúa Kitô Vua trong Chúa nhật cuối cùng năm phụng vụ, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta rằng, Đức Kitô chính là Vua của vũ trụ, Ngài là Chủ của thời gian, của lịch sử nhân loại và Chủ của lịch sử mỗi người chúng ta.

Chúng ta phải hiểu tước hiệu Vua Kitô như thế nào ? Và việc tuyên xưng Đức Kitô là vua mang lại ý nghĩa gì cho cuộc sống người Kitô hữu ?

1.ÔNG VUA TRONG LỊCH SỬ LOÀI NGƯỜI

Sau thế giới đại chiến lần thứ I, chế độ Vua cai trị, thường gọi là chế độ Quân chủ, không còn nữa. Chỉ còn mấy ông vua bà hoàng để bày cho đẹp, như ở Thái Lan, Anh Quốc, Nhật v.v. nhưng thực quyền của họ không có gì cả. Những người trẻ hôm nay, qua sách vở, khó hình dung rõ nét thế nào là một ông vua.

Trong lịch sử loài người có một số ông vua tài giỏi về đánh giặc cũng như về cai trị, nhưng hầu hết các ông vua, vì cha truyển con nối, nên độc tài độc đoán, không có khả năng trị quốc an dân, chỉ biết hưởng thụ cho riêng mình, chẳng quan tâm đến sự lầm than đói khổ của bá tánh. Lịch sử Trung Hoa, các ông vua còn tự xưng mình là Thiên tử, là con ông Trời, bắt ai chết thì người đó phải chết, cho ai sống thì người đó được sống (Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung). Các vua Lamã thì xưng mình là Thần, ngang với Thượng đế.

Nhìn chung, các vua trần gian thì ích kỷ, dâm ô. Khi họ đã nắm được ngai vàng thì coi mọi người như bầy tôi, giang sơn đất nước thì cho là tài sản riêng của mình. Vua thường nói: “Thần dân của trẫm. Giang sơn của trẫm”. Thế rồi khư khư giữ lấy. Nghi ngờ kẻ nào có ý phản loạn thì giết ngay tức khắc, không chỉ giết một người đó, mà còn tru di cả tam tộc cửu tộc nữa.

Nếu muốn đổi triều đại, vua của dòng họ này sang triều đại dòng họ khác, thì phải giành giật, phải thoán ngôi. Cứ đọc lịch sử Việt Nam thì thấy, mỗi thay đổi triều vua từ Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, toàn là máu và nước mắt. Đến đời Nguyễn Ánh tự xưng là Gia Long hoàng đế, làm vua từ năm 1802, cha truyền con nối kéo dài hơn 100 năm, cho đến năm 1945, vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn là Bảo Đại. Vua này vì sợ Việt Minh Cộng sản giết chết nên mới thoái vị.

2. ÔNG VUA TRONG KINH THÁNH

Vào khoảng thế kỷ thứ 11 trước Chúa Giáng sinh, dân Israel đòi có vua cai trị giống như các dân khác, Giavê Thiên Chúa (qua ngôn sứ Samuel), đã cảnh cáo dân rằng:

Ba vị vua đầu tiên của Israel là Saul, Đavid, và Salomôn.

Về Saul thì Thiên Chúa nói: “Ta hối tiếc vì đã đặt Saul làm vua, nó đã quay lưng lại Ta.” (1S 15: 10).

Về Đavid, Thiên Chúa nói: “Chính Ta đã xức dầu tấn phong ngươi làm vua Israel . . . Tại sao ngươi dám khinh màng lời Đức Giavê . . . ngươi đã lấy gươm đâm Uria, người xứ Hitit và đoạt lấy vợ nó làm vợ ngươi.” (2S 12: 9).

Còn Salômôn, vị vua có 700 vợ và 300 hầu thiếp (1V 11: 3). Ông đã bỏ Đức Chúa Giavê để thờ tà thần của các vợ. Giavê phán với Salômôn: “Bởi ngươi đã nên thể ấy nơi ngươi . . . Ta sẽ giựt lấy vương quyền của ngươi.” (1V 11: 11).

Trong Tân Ước cũng nhắc đến một ông vua rất tàn ác, đó là Hêrôđê. Kinh thánh nói: “Bấy giờ Hêrôđê tức cuồng lên, sai quân giết hết cả trẻ em ở vùng Belem, từ hai tuổi trở xuống. (Mt 12: 6).

3. ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA

Giáo Hội suy tôn Đức Giêsu là Vua, không phải chỉ của thế giới này, mà của toàn vũ trụ. Ngài không bao giờ làm vua theo kiểu các vua chúa ở trần gian, cũng không bao giờ làm chủ một lãnh vực kinh tế nào. Ngài là Vua theo một nghĩa hoàn toàn khác.

Vì thế, ngày lễ Chúa Kitô Vua mang màu sắc đầy vinh quang chiến thắng, Giáo Hội lại nêu cao biến cố đau thương Chúa chịu chết treo trên thập giá.

Các sách Tin Mừng đã đặt lễ đăng quang của Chúa Giêsu trong chính cuộc tử nạn của Ngài. Khởi đầu là cuộc khải hoàn tiến vào thành Giêrusalem, trong đó Chúa Giêsu đã ngồi trên lưng một con lừa con. Qua cử chỉ này, Chúa Giêsu đã khẳng định rằng Ngài là Vua, nhưng Ngài là Vua không theo các cung cách của vua chúa trần gian. Tất cả bản án của Chúa Giêsu đều xoay quanh tước hiệu Vua của Ngài.

Chúa đã trả lời với tổng trấn Philatô : “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích : làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”. Câu trả lời ấy cho chúng ta biết : Nước Chúa không thuộc về thế gian, có nghĩa là bất cứ nước nào, bất cứ chế độ nào, với nền văn minh nào, cũng không thể đồng hóa với nước Chúa. Nước Chúa ở trong các tâm hồn, những tâm hồn khao khát sự thật, tôn trọng sự thật, và nhất là đón nhận sự thật. Sự thật đó là tình yêu cứu độ Chúa Giêsu đem đến.

Vậy, tất cả những ai đón nhận tình yêu cứu độ đó, họ sẽ được nhận vào Nước Chúa. Khi Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập giá, những người chứng kiến đã có những thái độ khác nhau : có kẻ xót thương, có người lãnh đạm vô tình, có kẻ thách thức, nhục mạ, nhưng cũng có người nhận ra Chúa và tin tưởng Chúa. Đó chính là người trộm lành. Anh không dám thách thức Chúa như người trộm khác cùng bị đóng đinh với anh hay như những người vô lễ khác, nhưng anh biết tội mình và suy đoán rằng vương quyền mà Chúa liều chết vì nó phải là một vương quyền tốt đẹp vô lường nên anh kêu xin Chúa cứu vớt để được đưa vào vương quốc ấy. Đúng vậy, giữa đám đông mù quáng, ngược ngạo, ít ra cũng còn một tâm hồn ngay tình. Đó là người trộm lành trong một hoàn cảnh thật bi đát bị treo trên thập giá, anh đã biết nhận tội của mình và nhìn nhận sự vô tội của Chúa Giêsu. Giữa lúc mọi người đều bỏ rơi Chúa, đã quên hết những phép lạ, những lần đi theo Chúa lúc Ngài được tôn vinh, người trộm đã nhận ra vương quyền của Chúa và tuyên xưng đức tin của mình bằng một lời van xin đầy hy vọng sâu xa : “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi”. Lời cầu nguyện khiêm hạ của anh đã mở được cửa vương quốc đó cho anh.

Hiện nay trên thế giới khoảng 2,5 tỷ trên 7 tỷ người là Kitô hữu thuộc nhiều giáo phái khác nhau (Công giáo, Tin Lành, Chính Thống…). Họ là những người theo Ngài, làm môn đệ Ngài, đồng thời nhìn nhận Ngài là lẽ sống, là gương mẫu hoàn hảo nhất cho cuộc đời mình, và coi giáo huấn của Ngài là kim chỉ nam cho mọi hành động của mình. Họ theo Ngài chủ yếu không phải vì giáo huấn của Ngài cao siêu, vì nhân cách của Ngài đáng phục nhất (mặc dù họ tin đích thực là như vậy). Họ theo Ngài vì họ tin Ngài là Con Thiên Chúa, là thần linh cao cả vô cùng, lại là người yêu thương họ hơn bất kỳ ai khác trên đời, yêu họ đến nỗi sẵn sàng đau khổ và chết cho họ. Nhất là Ngài là người duy nhất có thể đem lại hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu cho họ.

Thật vậy, còn gì vương giả cho bằng khi Ngài cầu nguyện với Thiên Chúa Cha để xin ơn tha thứ cho những kẻ đã làm hại Ngài. Chúa Giêsu là Vua của Tình Yêu, chính tình yêu là sức mạnh của Ngài và cũng chính tình yêu ấy đã khiến cho Ngài tuyên bố : “Khi nào Ta chịu treo trên thập giá, Ta sẽ kéo mọi người đến với Ta”.

Qua hơn 2000 năm, lời ấy vẫn mãi được ứng nghiệm. Ngoài Đức Kitô ra không có một vị vua nào trên trần gian này được nhân loại chọn làm trọng tâm của lịch sử. Chấp nhận hay không chấp nhận, tin hay không tin, ai cũng phải lấy Đức Giêsu làm cái mốc để tính thời gian. Có một thời gian trước Đức Kitô và có một thời gian sau Đức Kitô và dù có tránh tên của Ngài để nói trước hay sau Công nguyên thì con người nói như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II : “Con người sẽ không bao giờ loại bỏ Đức Kitô ra khỏi lịch sử của mình”. Đức Kitô đang lôi kéo mọi người về với Ngài, Ngài đang đồng hành trong lịch sử nhân loại và trong cuộc đời của mỗi người. Cuộc đời này có giá trị và ý nghĩa hay không là tùy thuộc ở thái độ tiếp nhận của mỗi người đối với Đức Kitô.

Tiếp nhận Ngài và tuyên xưng Ngài là Vua chính là mặc lấy thái độ tín thác của kẻ trộm lành, sẵn sàng trao phó tất cả cuộc đời trong tay Ngài và bước đi theo Ngài. Tiếp nhận và tuyên xưng Ngài là Vua là đi theo con đường của phục vụ và phục vụ cho đến cùng. Tiếp nhận và tuyên xưng Ngài là Vua là cùng với Ngài xây dựng vương quốc của Ngài ngay trên trần gian này, vương quốc của huynh đệ, vương quốc của yêu thương, vương quốc của công lý và hòa bình. Và mỗi một lần chúng ta xây dựng vương quốc ấy bằng một cữ chỉ yêu thương thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ nghe được lời hứa của Ngài cho người trộm lành : “Hôm nay đây con sẽ ở cùng Ta trong vương quốc của Ta”.

Mỗi người tự xét mình xem Đức Giêsu đã thật sự là Vua của chính bản thân ta chưa, nghĩa là Ngài đã chiếm trọn vẹn trái tim ta chưa, đã thật sự ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi tư tưởng, lời nói và việc làm của ta chưa, có lẽ rất nhiều người sẽ phải ngập ngừng, hoặc phải trả lời chưa!. Ngài là vua của tâm hồn ta, hay là tiền bạc, quyền lực, danh vọng, địa vị, lạc thú, hoặc chính bản thân ta?

Nếu Ngài chỉ là Vua của thế giới, của vũ trụ, mà không phải là Vua của tâm hồn ta, thì việc tuyên xưng Ngài là vua có ích lợi gì cho ta? Tuyên xưng thật mạnh mẽ trên lý thuyết, mà thực tế đời sống của ta lại chứng tỏ trái ngược lại, thì sự tương phản ấy chỉ cho thấy sự giả dối hay giả hình của ta thôi! Tôi rất thích lời của Tổng thống Bush: «Show, but don’t tell!»: Hãy chứng tỏ (bằng thực tế, bằng hành động) chứ đừng nói suông!

Trong ngày sau cùng, khi Đức Giêsu phán xét chúng ta như vị Vua của vũ trụ, Ngài chỉ xét chúng ta những điểm rất thực tế: ta đã thực hành ý muốn của Ngài như thế nào? nhất là đã yêu thương và đối xử với Ngài như thế nào qua hiện thân của Ngài là những người chung quanh ta? Ngài có phải là Vua đích thực của chính bản thân ta không?

Thiết tưởng việc sống đạo của chúng ta cần phải xây dựng trên căn bản là thực tế của đời sống, chứ không phải trên lời nói, lý thuyết, sách vở. Có như thế chúng ta mới là “người khôn ngoan xây nhà trên đá”. (Mt 7,24).
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:21 18/11/2011
THÁI HÀNH SƠN
N2T

Có một học trò đọc chữ “thái hành sơn太行山” thành chữ “đại hình sơn代形山”, một học trò khác không cho là như thế, nói: “Phải là “thái hàng泰杭” mới đúng !"
Anh học trò kia rất là hống hách, nói:
- “Tôi tự mình đi đến chân núi, nhìn thấy tấm bia khắc chữ như thế mà !”
Hai học trò cãi nhau không nghỉ. Sau đó một người có ý kiến:
- “Chúng ta đánh cuộc một bữa tiệc. Nơi trường học nọ có nhiều người biết chữ, sao lại không đến đó thử xem !”
Sau khi thầy đồ nghiên cứu xong, hai học trò bèn hỏi cách đọc như thế nào, thầy đồ trả lời mà không cần suy nghĩ:
- “Phải đọc là “đại hình代形” mới đúng”.
Anh học trò thua một bữa tiệc rất tức tối, thầy đồ gàn an ủi anh ta, nói:
- “Mặc dù trò thua một bữa tiệc, nhưng đối phương suốt đời đọc nhầm chữ”.

Suy tư:
Có những người được Chúa ban cho ơn sủng đi an ủi người khác, lời an ủi của họ thường làm dịu vơi sự đau khổ nơi người đau khổ; lời an ủi của họ làm cho người thất vọng nhúm lên sự hy vọng; lời an ủi của họ làm cho người bi quan tìm lại niềm lạc quan; lời an ủi của họ làm cho người nản chí tìm thấy được sự kiên trì trong công việc. Đó là những lời an ủi được xuất phát từ tâm hồn yêu thương chân thật.
Có những lời an ủi nhưng lại làm cho người đau khổ thêm đau khổ, đó là lời nói: nhịn đi, ta tìm cách khác để trả thù; có những lời nói an ủi nhưng lại khơi lên lòng hận thù nơi người khác, đó là lời nói: không sao cả, mình tìm cách đi kiện tụi nó cho nó ở tù rục xương...
Những người an ủi người khác có hiệu quả nhất là những người có uy tín trong Giáo Hội và xã hội với sự khôn ngoan của họ, nhưng khi những người này không mở miệng nói lời an ủi, mà chỉ nói những lời độc địa, nói những lời gây chia rẻ, nói những lời nịnh hót, thì chính họ đã mở đường cho sự dữ thâm nhập vào trong cộng đoàn và dọn đường để người khác đi xuống hỏa ngục nhanh hơn.
-------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (Lễ Chúa Ki-tô Vua)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:30 18/11/2011
LỄ CHÚA GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ

(CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN)


Tin mừng: Mt 25, 31-46.

“Con Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Ngài, và Ngài sẽ tách biệt họ với nhau”.


Anh chị em thân mến,

Năm Phụng Vụ của Giáo Hội được kết thúc bằng việc cử hành trọng thể lễ “Chúa Giê-su Ki-tô vua vũ trụ”, để cho chúng ta thấy rằng: chính Chúa Giê-su là Khởi Đầu và Chung Kết, nên Ngài là vua vũ trụ và là Đấng xét xử loài người; là Đấng hôm qua, hôm nay và ngày mai, nên Ngài là Đấng ngự trị trường tồn, bất diệt.

Chúa Giê-su xét xử như thế nào ?

Ngày phán xét chung, ngày tội lỗi và việc lành của mỗi người sẽ được bày ra ánh sáng và tất cả mọi người từ nguyên tổ A-dong và E-và cho đến người sau cùng trên thế giới sẽ thấy; ngày mà những việc lành chúng ta thực hiện trong âm thầm thì nay sẽ được mọi người biết; ngày mà những tội ác chúng ta thực hành trong bóng đêm thì nay sẽ được bày tỏ giữa ban ngày cho mọi người biết...

Ngày phán xét, Chúa Giê-su không hỏi chúng ta:

-Khi còn ở thế gian con tậu được mấy căn nhà ?

-Khi còn ở thế gian con học hành đến đâu và có bao nhiêu văn bằng tiến sĩ, thạc sĩ...?

-Khi còn ở thế gian con gởi nhà băng (bank) được bao nhiêu triệu đồng ?...

-Khi còn ở thế gian con có địa vị to lớn nào trong xã hội, trong Giáo Hội ?


Nhưng Chúa Giê-su sẽ hỏi chúng ta:

-Con có giúp đỡ tha nhân không ?

-Con có hy sinh cho người khác không ?

-Con có yêu người như mình vậy không ?

-Con có làm tròn bổn phận của con không ?...


Và thật vô phúc cho chúng ta, khi chúng ta không có một liên hệ bác ái nào với tha nhân, và như thế cũng có nghĩa là chúng ta bị tách khỏi những người lành thánh, phải đứng bên tay tả của Chúa Giê-su với những người được gọi là bè lũ của ma quỷ...

Anh chị em thân mến,

Có nhiều lúc chúng ta tuyên xưng Chúa Giê-su là Vua vũ trụ, nhưng chúng ta chưa tuyên bố và chưa tuyên xưng Ngài là Vua trong gia đình, và là Vua đang ngự trong tâm hồn của chúng ta, cho nên danh hiệu “gia đình Ki-tô hữu” chưa hấp dẫn được người khác, và danh hiệu “người Ki-tô hữu” của mình chưa thực sự tỏa sáng cho người khác thấy trong cuộc sống của chúng ta.

Lạy Chúa Giê-su,

Chúng con tuyên xưng Chúa là Vua và là Chúa của chúng con bằng những thánh lễ trọng thể và bằng những cuộc rước kiệu thật náo nhiệt, để biểu dương sức mạnh đức tin của mình và của Giáo Hội. Nhưng khi thánh lễ kết thúc và cuộc rước kiệu đã xong, nhà thờ là nơi ngai vàng hữu hình của Chúa ngự giữa giáo xứ lại trống vắng, lạnh lùng, Chúa là vua ngự trong nhà tạm lại càng cô đơn hơn chẳng một ai đến thờ lạy, kể cả chúng con là những linh mục –công thần của Chúa- đang coi sóc giáo xứ ở sát ngay bên cạnh nhà Chúa.

Chúng con tôn thờ Chúa là vua đang ngự giữa chúng con trong nhà tạm, nhưng hàng ngày chúng con chỉ thích đến viếng các nhà hàng nhậu nhẹt, ôm ấp các kỹ nữ hơn là đến nhà thờ để thờ lạy Chúa; chúng con tuyên nhận Chúa là vua vũ trụ đang ngự trong nhà tạm, nhưng chúng con cảm thấy mất thời giờ khi đến thờ lạy và ca tụng Chúa nơi nhà thờ...

Xin Chúa thương xót chúng con là những người tội lỗi, thường bất trung với Chúa và bất nhẫn với tha nhân trong cuộc sống của mình hôm nay. Amen


--------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:25 18/11/2011
N2T

17. Linh hồn ơi, khi sống ở đời này ngươi phải nhiệt thành yêu mến và hy vọng ở thiên đàng, phải đau lòng khi chưa được hưởng thiên đàng, phải lo lắng khi ngươi có thể mất đi thiên đàng, phải khử trừ tất cả những gì làm ngươi không thể lên thiên đàng, đối với tất cả những sự vật khác thì ngươi không nên cảm thấy vui vẻ hứng thú.

(Thánh Anselm)
 
Mỗi tuần một ''Chuyện Rất Ngắn''
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:27 18/11/2011
KHOE KHOANG
Cha sở khoe với giáo dân ở xứ truyền giáo:
- “Vì hoàn cảnh đất nước nên cha học xong triết học và thần học khi mới mười tám tuổi, rồi vượt biên...”
Giáo dân cười thầm, lẽ nào vừa tốt nghiệp phổ thông lại vừa tốt nghiệp đại chủng viện cùng lúc !
--------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Âm mưu thâm độc của Stalin
Trầm Thiên Thu
07:55 18/11/2011
Dựa trên việc nghiên cứu văn khố của Tòa thánh, một cuốn sách mới cho thấy chi tiết về mưu mô độc ác của Stalin muốn ỏ đói cả Soviet Ukraine tới chết.

Bầu trời u ám và ngày giờ ngắn của tháng 11 nhắc mọi người nhớ rằng đây là tháng cầu nguyện cho những người đã qua đời. Tháng này có vẻ thích hợp để giới thiệu các tài liệu mới về một trong các sự kiện bi thảm nhất — và thực sự chưa được biết — về thời hiện đại, Nạn đói của Ukraina.

Cuốn sách “The Holy See and the Holodomor: Documents from the Vatican Secret Archives on the Great Famine of 1932-1933 in Soviet Ukraine” (Tòa thánh và Cuộc bỏ đói: Tài liệu từ Văn khố mật của Tòa thánh về Nạn đói năm 1932-1933 tại Ukraina của Soviet) của LM Athanasiô McVay và GS Lubomyr Luciuk đã được giới thiệu ngày 26-10-2011 tại Trung tâm Đại kết Nga (Russian Ecumenical Center) ở Rôma. Cuốn sách này hiện có bản tiếng Anh ở các nhà sách Kashtan Press và Abe Books.

Từ ngữ Holodomor theo nghĩa đen là “giết bằng cách bỏ đói”, xảy ra trong những năm 1932-33 ở vùng đất phì nhiêu Ukraina của Liên xô. Số tử vong không biết chính xác vì thiếu tài liệu, nhưng ước tính có tới 2,4 tới 7,5 triệu người chết. Nạn đói này do con người tạo ra, họ muốn bỏ đói những người yêu nước Ukraina đến chết, đã được coi là tội ác diệt chủng của nhiều nước trên thế giới.
 
ĐTC: Niềm vui chiến thắng của Tình yêu
Jos. Tú Nạc, NMS
07:56 18/11/2011
Đức Thánh Cha nói Thánh Vịnh 110 kể cho chúng ta: “Vâng, có rất nhiều tội ác trên thế giới, và tội ác hình như mãnh liệt hơn. Không! Chúa Trời, vương đế và là linh mục chân chính của chúng ta, Đức Ki-tô, mãnh liệt hơn bởi Người chiến đấu bằng uy quyền của Thiên Chúa và cho dù tất cả những điều đó tạo cho chúng ta sự hoài nghi về một hậu quả cho lịch sử. Đức Ki-tô đã chiến thắng lẫy lừng trong vinh quang, tình yêu đã chiến thắng, không phải sự căm thù.”

Sự phản hồi về văn bản tin vào Chúa cứu thế đặc biệt quan trọng này, Đức Thánh Cha đã bao gồm một loạt những bài giáo lý về những Thánh Vịnh, một phần chu kỳ mở rộng hơn về sự giảng dạy cầu nguyện Ki-tô giáo của Ngài.

Hai mươi ngàn khách hành hương và khách thăm viếng tràn ngập Công trường Thánh Phê-rô vào buổi yết kiến hôm thứ Tư 16/ 11. ĐTC bắt đầu bằng việc truy tìm dấu vết của Thánh Vịnh này, một trong những “Thánh Vịnh vương đế” trứ danh, được liên kết nguyên thủy với sự đăng quang của một vương quốc David. Giáo Hội đọc Thánh Vịnh này như một lời tiên tri của Đức Ki-tô, vị vua cứu thế và là linh mục đời đời, sống lại từ cõi chết ngự bên hữu Đức Chúa Cha. Thánh Phê-rô trong diễn từ của mình vào ngày Lễ Hiện Xuống (Acts 2: 32-36), đã ứng dụng lời này trước chiến thắng của Chúa vượt qua cái chết và lời tán tụng của ngài trong vinh quang. Vào thời cổ đại. câu thứ ba đầy huyền nhiệm của Thánh Vịnh đã được làm sáng tỏ như một dẫn chứng tình nghĩa tử thiêng liêng của vị vua này, trong lúc câu thứ tư nói về Người “như một linh mục đời đời, theo lệnh của Melchizedek.” Thư gửi tín hữu Hebrew đặc biệt đã áp dụng hình tượng này cho Đức Ki-tô, Con Một Thiên Chúa và là một vị linh mục cao trọng hoàn hảo của chúng ta, người mà hằng sống để tạo sự trung gian cho tất cả những ai, qua Người, đến với Đức Chúa Cha (Heb. 7: 25). Những câu cuối của Thánh Vịnh phô diễn sự đắc thắng như thực hiện sự phán xét bao trùm mọi dân tộc. Khi chúng ta nguyện Thánh Vịnh này, chúng ta tung hô sự chiến thắng của Chúa chúng ta đã sống lại, trong lúc phấn đấu để sống mãi tràn dấy phẩm cách linh mục và vương đế, nơi mà chúng ta là chi Thể của Người thông qua Phép Rửa.

Lời bình bằng tiếng Ý, ĐTC Benedict lưu ý: “Bằng hình ảnh Chúa Giê-su phục sinh và đăng quang trên trời, nơi mà Người ngự bên hữu Đức Chúa Cha, sấm ngôn của Thánh Vịnh chúng ta đã hoàn thành và thiên chức linh mục của Melchizedek đã trọn vẹn, bởi nó được trở nên tuyệt đối và vĩnh cửu, đã thấy sự thỏa mãn của nó trong Phép Thánh Thể của Chúa Giê-su, người mà tự mình trao bánh và rượu, và đã chiến thắng cái chết, mang sự sống đến mọi tín hữu. Linh mục đời đời, thánh thiện, vô tội, không hoen ố, như khi chúng ta đóc Thánh Thư gửi tín hữu Hebrew, Người có thê cứu với những ai thông qua Người để tiếp cận Thiên Chúa.; Người là sự sống muôn đời để bênh vực họ.

Phần cuối của Thánh Vịnh vị vua chiến thắng vinh quang, người mà “được Chúa Trời trợ giúp” xua tan mọi kẻ thù và phán xét mọi dân tộc: “Đế vương được bảo vệ bởi Chúa Trời, phá tan mọi trở lực và tiến hành một cách an toàn tới chiến thắng. Điều đó nói với chúng ta: “Vâng, có rất nhiều tội ác trên thế giới, và tội ác hình như mãnh liệt hơn. Không! Chúa Trời, quyền vương đế và là linh mục chân chính của chúng ta, Đức Ki-tô, mãnh liệt hơn bởi Người chiến đấu bằng uy quyền của Thiên Chúa và cho dù tất cả những điều đó tạo cho chúng ta sự hoài nghi về một hậu quả cho lịch sử. Đức Ki-tô đã chiến thắng lẫy lừng trong vinh quang, tình yêu đã chiến thắng, không phải sự căm thù.”

Và cuối cùng Đức Thánh Cha đã chào tất cả khách hành hương và khách thăm viếng hiện diện bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, bao gồm tiếng Anh: “Tôi gửi lời chào chân thành đến nhiều nhóm sinh viên hiện diện tại buổi Yết Triều hôn nay, lời chào mừng của tôi đến đoàn đại biểu Ủy ban Liên hợp Mỹ Israel. Với tất cả những khách hành hương nói tiếng Anh hiện diện nơi đây, đặc biệt đến từ Anh, Đan Mạch, Na Uy, Nhật Bản, Gia Nã Đại và Hoa Kỳ, tôi cầu xin ơn lành bình an, hân hoan trong Thiên Chúa.

(“Những bài giáo lý của Đức Thánh Cha” – News.VA)
 
Thỏa thuận lịch sử giữa Đại học Latêranô và Pakistan
Nguyễn Trọng Đa
09:23 18/11/2011
Thỏa thuận lịch sử giữa Đại học Latêranô và Pakistan

Quốc vụ khanh ‘Bộ hòa hợp liên tôn’ của Pakistan thăm Toà thánh

ROMA - Một nhà thờ mới ở Pakistan và một thỏa thuận với Đại học Giáo Hoàng Latêranô: đó là kết quả rất tích cực của chuyến thăm nước Ý và Toà thánh Vatican của ngài Akram Masih Gill, Quốc vụ khanh của Bộ Liên bang Hoà hợp liên tôn của chính phủ Pakistan, theo hãng tin Fides.

Quốc vụ khanh đã yết kiến ĐTC Biển Đức XVI trong buổi triều yết chung ngày Thứ Tư 16-11, tại Quảng trường Thánh Phêrô. Ông đã trình bày với ĐTC các mong đợi và hy vọng của Kitô hữu ở Pakistan, và xin Ngài "cầu nguyện cho các tín hữu Pakistan, những người giữa các khó khăn hàng ngày của họ, biết dựa vào sự hỗ trợ của Ngài”.

Quốc vụ khanh Gill đã gặp Viện trưởng Đại học Giáo hoàng Latêranô, Đức Giám mục Enrico Dal Covolo, người đã bày tỏ mối quan ngại của mình cho các nhóm thiểu số Kitô giáo ở Pakistan. Quốc vụ khanh và Viện trưởng Đại học Giáo Hoàng Latêranô đã đưa ra một dự án hợp tác - giao cho Giáo sư Mobeen Shahid người Pakistan của trường Đại học – nhằm trao đổi các giáo sư, sinh viên và sách vở, cũng như tổ chức chung các cuộc hội thảo và các hoạt động văn hóa và học thuật, về các chủ đề như sự đối thoại giữa các đức tin và sự hòa hợp tôn giáo.

Hãng tin Fides cũng công bố việc xây dựng một nhà thờ mới trong giáo phận Faisalabad: Dự án đã được đưa ra thông qua việc kết nghĩa của giáo xứ "Lòng Chúa Thương Xót” của giáo phận Roma và làng Chak 54 ở Rahmpur, huyện Okara, tỉnh Punjab.

Thật vậy, một linh mục Pakistan ở Faisalabad, Cha Kamran Taj, đang theo học thần học ở Roma và làm công tác mục vụ trong giáo xứ Roma này. Từ kinh nghiệm ấy, nảy sinh nhu cầu hỗ trợ việc xây dựng một nhà thờ mới, hoàn toàn được tài trợ bởi các khoản hiến tặng của các tín hữu giáo xứ.

Cha Federico Corrubbolo, cha xứ giáo xứ này, nói với hãng tin Fides rằng nhà thờ mới sẽ là nhà thờ đầu tiên ở Pakistan được cung hiến cho "Lòng Chúa Thương Xót”.

Toà nhà đang được xây dựng, có thể được hoàn thành vào lễ Giáng sinh năm nay, và mối quan hệ của nó với Roma sẽ được tượng trưng bởi một ảnh tượng Đức Bà của tình yêu Thiên Chúa, một đền thánh ở ngay cửa vào Roma.

Cha Corrubbolo nhận xét: “Đó không những là một hình thức trợ giúp cho các Kitô hữu địa phương, mà còn là một hình thức truyền giáo, để hình ảnh Chúa là Cha giàu lòng thương xót có thể đạt đến tâm hồn mọi người thiện chí".

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của hãng tin Fides, Quốc vụ khanh Gill cho biết ông đánh giá rất cao dự án và ông ủng hộ dự án, khi ông tuyên bố là "hạnh phúc với sáng kiến này", và tin chắc rằng "các nhóm thiểu số Kitô giáo sẽ được hưởng lợi, và dự án sẽ mang lại hoa trái: ông hy vọng rằng Chúa là Cha giàu lòng thương xót sẽ dẫn đưa Pakistan đến hòa bình và hòa hợp". (ZENIT.org 17-11-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Mỹ: Giám mục Vann giữ vai trò quan trọng trong việc huấn luyện các cựu linh mục Tân giáo
Nguyễn Trọng Đa
09:26 18/11/2011
Mỹ: Giám mục Vann giữ vai trò quan trọng trong việc huấn luyện các cựu linh mục Tân giáo

Baltimore, Maryland - Đức Giám Mục Kevin W. Vann, giáo phận Fort Worth (Mỹ), sẽ phụ trách việc tiếp đón và huấn luyện các cựu linh mục Tân giáo (Episcopal), những người muốn trở thành linh mục Công Giáo trong Giáo hạt tòng nhân (Ordinariate) Anh giáo ở Mỹ sắp được thiết lập.

Việc bổ nhiệm này, được thực hiện bởi Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin của Tòa thánh, đã được Đức Hồng Y Donald W. Wuerl, tổng giáo phận Washington, công bố vào ngày 15-11, tại hội nghị toàn thể mùa thu của Hội đồng Giám mục Mỹ tại Baltimore.

Đức Hồng Y Wuerl cũng thông báo rằng một Giáo hạt tòng nhân Anh giáo sẽ được thành lập tại Mỹ vào ngày 1-1-2012.

Giáo hạt tòng nhân sẽ cho phép các cộng đồng Anh giáo, vốn thuộc về Hội thánh Tân giáo ở Mỹ, gia nhập Giáo Hội Công Giáo, trong khi vẫn giữ một số yếu tố di sản và việc thực hành phụng vụ của họ.

Các linh mục Tân giáo nào gia nhập Giáo Hội Công Giáo, như là một phần của một cộng đồng trong Giáo hạt tòng nhân, có thể theo học một chương trình đào tạo linh mục mới tại Đại Chủng viện Đức Bà ở Houston.

Tuy nhiên, cá nhân giáo sĩ Tân giáo nào chọn gia nhập Giáo Hội Công Giáo có thể trở thành linh mục trong các giáo phận Công Giáo hiện nay, thông qua chương trình Đáp ứng Mục vụ (the pastoral provision).

Tòa Thánh đã thiết lập chương trình Đáp ứng Mục vụ năm 1980. Khoảng 100 người nam đã được truyền chức linh mục, kể từ khi chương trình Đáp ứng Mục vụ được thực hiện.

Khi nắm giữ vai trò mới, Đức Giám mục Vann kế nhiệm Đức Tổng Giám Mục John J. Myers, tổng giáo phận Newark, người đã giữ chức vụ này từ năm 2003.

Là phái viên chương trình Đáp ứng Mục vụ tại Mỹ, Đức Giám mục Vann sẽ làm việc với các cựu giáo sĩ Anh giáo đã gia nhập Giáo Hội Công Giáo, và muốn theo đuổi ơn gọi làm linh mục.

Ngài sẽ quản lý các nỗ lực để thu thập và gửi thông tin của mỗi ứng viên cho chức linh mục về Toà Thánh.

Ngài cũng sẽ đảm bảo rằng các ứng viên được đào tạo đầy đủ về thần học, linh đạo và mục vụ, khi họ chuẩn bị nhận lãnh chức Linh mục. Các nỗ lực này sẽ được giám sát bởi một Hội đồng các thần học gia, do Đức Giám mục Vann thành lập, để đánh giá việc học hành và chứng nhận khả năng cho các ứng viên.

Đức Giám mục Vann đã có nhiều năm kinh nghiệm làm việc với chương trình Đáp ứng Mục vụ.

Không bao lâu sau khi Ngài được bổ nhiệm làm Giám mục giáo phận Fort Worth vào năm 2005, Ngài được cử làm Phó phái viên cho chương trình Đáp ứng Mục vụ tại Mỹ, với trách nhiệm đặc biệt cho vùng Texas.

Trong vai trò này, Ngài đã nhìn thấy cách thức chương trình Đáp ứng Mục vụ giúp củng cố một mối quan hệ anh em mạnh mẽ giữa Giáo Hội Công Giáo và Hội thánh Tân giáo.

Ngài nói: "Cá nhân tôi có thể làm chứng cho các phúc lành, mà chương trình Đáp ứng Mục vụ đã mang lại cho Giáo phận Fort Worth".

Trong tháng 9-2011, 24 tín hữu Tân giáo từ bốn giáo xứ trong khu vực lớn Fort Worth đã gia nhập Giáo Hội Công giáo tại một Thánh Lễ, do Đức Giám mục Vann chủ tế.

Giám mục nói rằng Ngài biết ơn Giáo hội để phục vụ Giáo Hội trong vai trò mới của mình.

Ngài giải thích rằng mặc dù Giáo hạt tòng nhân và chương trình Đáp ứng Mục vụ hoạt động riêng biệt, và làm công việc khác nhau, chúng sẽ bổ sung cho nhau và hợp tác, để hỗ trợ các tín hữu Anh giáo gia nhập Giáo Hội.

Ngài nói, cùng làm việc với nhau, chúng sẽ phấn đấu để đạt được mong muốn của Chúa Kitô là "cho mọi người nên một”. (CNA/EWTN News 17-11-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Tượng Mẹ Thiên Chúa lên không gian cùng với các phi hành gia Nga
Phạm Kim An
09:28 18/11/2011
Tượng Mẹ Thiên Chúa lên không gian cùng với các phi hành gia Nga

Mátxcơva - Khi thế giới mừng nhóm phi hành gia mới lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), trong một cuộc phát sóng truyền hình trực tiếp về các phi hành gia đang nói về các cảm nghiệm của họ, hai hình ảnh được nhìn thấy rõ ràng: ảnh người đầu tiên lên vũ trụ là người Nga Gagarin, và một tượng Đức Mẹ Kazan (xem ảnh).

Tượng Đức Trinh Nữ, một trong những tượng được tôn kính nhất của Chính Thống Giáo Nga, là quà tặng hồi tháng Ba của Đức Thượng Phụ Mátxcơva, Kirill, cho Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos) Anatoly Perminov. Ông nói: “Tôi hy vọng là tượng được đưa lên con tàu cho chuyến đi mừng kỷ niệm 50 năm ngày phi hành gia đầu tiên lên vũ trụ" với nhà lãnh đạo tôn giáo. Ông muốn nhắc đến nhiệm vụ của con tàu Soyuz TMA-24, mà ngày 30-3 nó được phóng lên và ráp nối với Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), một nhiệm vụ dành tưởng nhớ phi hành gia Gagarin huyền thoại. Theo Thượng Phụ, các phi hành gia "cũng như các nhiệm vụ phức tạp và quan trọng của họ", cũng sẽ làm "một nhiệm vụ thiêng liêng cách nào đó” với tượng Đức Mẹ.

Đây không phải là lần đầu tiên một tượng Đức Mẹ đi vào không gian: năm 2009, tượng Đức Bà Dấu Hiệu được chuyển lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) bằng con tàu Soyuz TMA16.

Nhiệm vụ của con tàu Soyuz TMA22 kết thúc ngày 16-11, là chuyến bay có người đầu tiên kể từ tháng Tám qua, sau vụ một tên lửa của con tàu chở hàng phát nổ và rơi xuống Siberia. Trước khi rời sân bay vũ trụ Baiknour (Kazakhstan), tàu không gian đã được một linh mục Chính thống giáo làm phép. Đây là một thành công rõ ràng cho Soyuz, vốn hiện nay là hình thức bình thường duy nhất để đưa người lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), kể từ khi Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) không dùng tàu con thoi nữa, và ngành công nghiệp không gian của Nga gần đây có một loạt tai nạn. Hiện nay, phi hành đoàn trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) gồm có ba phi hành gia Nga, hai phi hành gia Mỹ và một phi hành gia Nhật. (AsiaNews 17-11-2011)

Phạm Kim An
 
Nhà thờ Crystal Cathedral được Tòa án phá sản bán cho Giáo phận Orange
LM Trần Công Nghị
22:41 18/11/2011
SANTA ANA, California - Một thẩm phán liên bang hôm thứ Năm (17/11/2011) đã thông qua việc bán nhà thờ rất thời danh của một giáo phái Tin Lành, đó là Nhà thờ pha-lê (Crystal Cathedral), mà người Việt thường gọi là Nhà Thờ Kiếng cho Giáo phận Công giáo Orange để giúp chi trả các khoản tài chánh mà đại giáo đường Crytal Cathedral đang gặp khó khăn đến khi phải phá sản.

Quyết định của Thẩm phán Tòa án Phá sản Hoa Kỳ Robert Kwan đưa ra sau khi một cuộc chiến đấu thầu giữa Giáo phận Orange và Đại học Chapman đều muốn mua khu nhà thờ này với tài sản 40 mẫu cùng kiến thiết kiếng màu rực rỡ. Đang khi đó giáo dân Tin lành thuộc Hiệp hội Crystal Cathedral lo sợ đây là bước kết thúc của nhà thờ của họ.

Giáo phận trả $ 57.5 ​​triệu Mỹ kim để mua Nhà thờ này làm bằng 10.000 tấm kính dùng làm nhà thờ chính tòa cho giáo phận mà từ lâu đã mong ước có ngôi nhà thờ chính tòa giáo phận khang trang. Từ khi xây dựng xong tới nay, Crystal Cathedral mang tính biểu tượng của thành phố Garden Grove.

Sau khi nghe tại tòa án phá sản liên bang quyết định bán nhà thờ cho giáo phận, Đức Giám Mục Tod D. Brown của giáo phận Orange nói với các phóng viên rằng: "ngôi thánh đường này sẽ trở thành một trung tâm thực sự cho cộng đồng Công Giáo tại Orange County".

Quyết định này sẽ cũng kèm theo điều kiện là Hiệp hội Crystal Cathedral sẽ được mướn lại khu này, nhưng sau 3 năm phải tìm nhà thờ mới cho việc thờ phượng của mình. Giáo phận Orange cũng đồng ý nếu muốn có thể nhường lại nhà thờ Công Giáo gần đó. Và có nguồn tin cho biết đó là nhà thờ St. Calistus (chỉ cách nhà thờ Kiếng khoảng chừng gần 1 cây số, và người Việt Nam thường gọi là nhà thờ Tam Biên). Hiện nay nhà thờ Tam Biên có rất nhiều giáo dân Việt nam, và cha chính xứ là LM Nguyễn văn Tuyên.

Nhà thờ St. Calistus (Tam Biên)
Giả như sau này Giáo hội Tin Lành Crystal Cathedral đồng ý mua nhà thờ St Calistus của Công giáo thì chắc chắn lúc bấy giờ giáo dân nhà thờ St. Calistus sẽ được đi chuyển đến nhà thờ mới là nhà thờ kính Crystal Cathedral và cũng là Nhà thờ Chính tòa Công giáo trong tương lai. Người giáo dân gốc Việt Nam lại có chỗ sinh hoạt thật rộng rãi và lộng lẫy...

Trong vài hai tuần qua trước khi có cuộc xử xem Tòa án phá sản sẽ bán cho ai, Ban Giám đốc của Crystal Cathedral và đa số giáo dân Tin lành của nhà thờ này thực tế đã quyết định hỗ trợ bán nhà thờ cho Đại học Chapman để khuyếch trương phân khoa sức khoẻ và có thể bắt đầu mở đại học y khoa.

Nhưng rồi hôm thứ Tư, trước ngày ra tòa xử, Hội đồng quản trị đã thay đổi ý kiến và bỏ phiếu muốn bán cho Giáo phận Orange để bảo vệ nhà thờ như là một tổ chức tôn giáo, với lý do là nội quy nhà thờ và ý muốn tôn trọng tinh thần của các nhà tài trợ khi dâng cúng tiền xây lên nhà thờ này là cốt ý thành nơi thờ phượng.

Bà Carol Milner, con gái của người sáng lập mục sư Robert H. Schuller, cho biết sau khi phiên điều trần như sau: "Tôi thực sự hài lòng khi biết rằng khu vực nhà thờ này có khả năng ít nhất là nhiều thập kỷ, nếu không muốn nói là cả thế kỷ, tiếp tục được lưu giữ như là một nơi thờ phượng thiêng liêng".

Có chừng vài chục giáo dân Tin lành của Nhà thờ Crystal theo dõi cuộc điều trần trong suốt 6 giờ đồng hồ, và khi nghe phán quyết nhà phải bán đi, họ xin với chánh án Tòa phá sản là xin duy trì lại nhà thờ yêu qúy này lại cho họ. Có vài người đã không cầm được nước mắt vì đấy chính là nơi họ đã bỏ tâm huyết và cả cuộc đời thờ phượng ơ nơi đây.

Mục sư Robert Schuller
Mục sư Schuller bắt đầu mục vụ Crystal Cathedral 50 năm trước đây, lúc đó ông giảng đạo và nhóm họp phụng tự tại một sân chiếu cinê ngoài trời, dùng cho người lái xe đến dự nghi lễ trong khu đất trống trong sân vào những năm 1950 dưới sự bảo trợ của Giáo Hội Cải cách ở Mỹ. Nhiều thập kỷ sau đó, Giáo hội này phát triển thành một đế chế phụng thờ qua truyền hình quốc tế và xây dựng xây dựng tiếng tăm của mình khắp nơi nhờ vào tài hùng biện của mục sư Schuller với mục truyền hình phụng vụ nổi tiếng "Hour of Power" của mình.

Cuối tuần nhà thờ này luôn lôi kéo những tài tử và các nhân vật thời danh đến tham dự cầu kinh và nghe giảng thuyết và thánh ca. Trong các dịp đặc biệt như Lễ Giáng Sinh còn có diễn Đại nhạc hội "Glory of Christmas" với hàng trăm các nghệ sĩ danh tiếng và hoạt cảnh huy hoàng. Cũng nên biết trước đây với "Hour of Power" (Giờ Quyền Lực) là nguồn sinh lợi đến 70% của Giáo hội doanh thu.

Vào thời điểm năm 2008, doanh thu của Nhà thờ giảm mạnh trong bối cảnh sự suy giảm tài trợ và việc bán vé cho các Show diễn không còn ăn khách nữa do suy thoái kinh tế, như các quan chức nhà thờ cho biết. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng nhà thờ không để thu hút các thành viên trẻ, trong khi đó số người có tuổi trước đây vẫn lui tới nhà thờ nay cũng chán nản vì từ khi Mục sư Robert Schuller trao lại nhà thờ cho con trai của mình đứng đầu, là bắt đầu cuộc xung đột cạnh tranh trong gia đình của mục sư Schuller với nhiều cay đắng và những tố cáo công khai việc tiền bạc tham nhũng và xa hoa.

Vì thiếu tài chánh, nên trong vài năm gần đây Nhà thờ Crystal Cathedral phải sa thải nhân viên và cắt giảm tiền lương, nhưng các khoản nợ đã vượt qua $ 43 triệu USD, khiến tổ chức Crystal Cathedral phải tuyên bố phá sản vào năm ngoái.
 
Đức Thánh Cha bắt đầu viếng thăm Cộng Hòa Benin
LM Trần Đức Anh OP
15:04 18/11/2011
COTONOU - Chiều ngày 18-11-2011, ĐTC Biển Đức 16 đã đến Cotonou, thủ đô kinh tế của Benin, để khởi sự chuyến viếng thăm trong vòng 3 ngày tại đây, với cao điểm là thánh lễ sáng chúa nhật 20-11-2011 và buổi trao Tông Huấn Africae munus, hậu Thượng HĐGM Phi châu, cho các GM thuộc đại lục này.

Một trong những lý do ĐTC chọn nước Benin để viếng thăm trong chuyến tông du thứ 22 tại hải ngoại là vì Giáo Hội tại đây đang mừng kỷ niệm 150 năm truyền giáo, với chủ đề ”Hỡi người thừa kế và xây dựng tương lai, Kitô hữu, hãy tường trình về niềm hy vọng nơi bạn”.

ĐTC đã đáp trực thăng từ Vatican tới phi trường quốc tế Fiumicino của thành Roma. Tại đây, ngài được tân chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Italia, Ông Mario Monti, chào đón và tiễn biệt. Ngoài ra có các chức sắc đạo đời của Giáo Hội địa phương.

Trong số 30 vị thuộc đoàn tùy tùng của ĐTC, đặc biệt có 3 vị HY và 1 GM Phi châu tại Tòa Thánh, trong đó có ĐHY Arinze, người Nigeria, nguyên tổng trưởng Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích, ĐHY Robert Sarah người Guinea Equatoriale, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum, Đồng Tâm, và ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Công lý và Hòa bình; đặc biệt có Đức Cha Barthélémy Adoukounou, người Benin, Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa, và cũng là một cựu sinh viên của ĐHY Ratzinger, đương kim Giáo Hoàng.

Chiếc máy bay Airbus A330 của hãng Alitalia chở ĐTC và đoàn tùy tùng, cùng với 50 ký giả, cất cánh lúc 9 giờ 15, trực chỉ phi trường Cotonou ở mạn nam.

Vài nét về Cotonou và Benin

Cotonou là thành phố lớn nhất của Benin với 800 ngàn dân cư và là nơi có các trụ sở của chính quyền quốc gia, tuy không phải là thủ đô.

Cộng hòa Benin là một nước nhỏ và nghèo, xưa kia được gọi là nước Dahomey, rộng gần 113 ngàn cây số vuông, bằng một phần ba Việt Nam, nhưng dân số chỉ có 9 triệu 400 ngàn người, với thủ đô là Porto-Novo, nhưng trụ sở của chính phủ và các tổ chức chính đặt tại Cotonou, thành phố lớn nhất nước.

Benin được độc lập từ năm 1960, và tiếp theo đó là thời kỳ xáo trộn với nhiều vụ đảo chánh, rồi tới chế độ mác xít của Mathieu Kérékou. Cuối thập niên 1980, Kérékou quyết định từ bỏ chế độ mác xít và dân chủ đa đảng. Trong tiến trình này có sự đóng góp quan trọng của Giáo hội Công Giáo.

Danh hiệu ”Benin” được chọn làm tên chính thức của quốc gia này kể từ năm 1975. Tại đây có khoảng 40 bộ tộc khác nhau, trong số này bộ tộc Fon là đông nhất, chiếm 40% dân số toàn quốc. Phần lớn các bộ tộc này có ngôn ngữ riêng, trong khi tiếng Pháp được sử dụng như tiếng chính thức và thường được dân chúng tại các thành phố và vùng phụ cận sử dụng.

Các tín hữu Công Giáo chiếm 34% dân số tức là gần 3 triệu người, Hồi giáo 24%, Tin Lành 5%, trong khi các tôn giáo cổ truyền của Phi châu chiếm 29%. Giáo Hội tại đây được chia làm 10 giáo phận, với 338 giáo xứ, do 810 Linh mục phụ trách, trong số này có 684 linh mục giáo phận. Ngoài ra có 1.250 nữ tu, 500 đại chủng sinh.

Tin mừng được truyền giảng tại Benin cách đây 150 năm, tức là từ ngày 18 tháng 4 năm 1861. Cha Francisco Fernandez người Tây Ban Nha, cùng với cha Francesco Borghero, người Italia, cả hai thuộc dòng Thừa sai Phi châu, quen gọi là các cha dòng Trắng, đổ bộ lên Ouidah. Hai vị được ủy thác nhiệm vụ thành lập giáo hạt đại diện tông tòa Dahomey.

Dịp kỷ niệm này đã được cử hành trọng thể tại thành phố Ouidah, với sự tham dự của đại diện 10 giáo phận toàn quốc, các GM và hơn 400 LM, đông đảo các giáo lý viên và giáo dân dấn thân. Tổng thống Boni Yayi cũng hiện diện tại buổi lễ.

Họp báo trên máy bay

Trên chuyến bay dài 6 tiếng đồng hồ, ĐTC đã gặp gỡ các ký giả tháp tùng và như thường lệ ngài trả lời một số câu hỏi của họ. Cha Lombardi Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh đã giới thiệu họ với ĐTC và cho biết có lối 1 ngàn ký giả khác đang hiện diện tại Trung tâm báo chí ở Cotonou để theo dõi và tường thuật về chuyến viếng thăm này.

Trong số 5 câu hỏi được trả lời, có câu: ”đâu là sứ điệp mà ĐTC muốn gửi đến các vị hữu trách chính trị của Phi châu và đâu là sự đóng góp đặc thù mà Giáo Hội có thể mang lại cho sự kiến tạo một nền hòa bình lâu dài tại đại lục này”, ĐTC đáp:

”Sứ điệp đó ở trong Tông huấn mà tôi sẽ trao cho Giáo Hội tại Phi châu: tôi không thể tóm tắt ở đây lúc này trong vài lời. Quả thực là đã có bao nhiêu Hội nghị quốc tế về Phi châu, về tình huynh đệ đại đồng. Người ta nói những điều tốt đẹp, và đôi khi người ta cũng thực hiện những điều thực sự là tốt: chúng ta phải nhìn nhận điều đó. Nhưng chắc chắn là những lời nói lớn thì vẫn nhiều hơn, những ý hướng và ý muốn thì lớn hơn là sự thực hiện, và chúng ta phải tự hỏi tại sao thực tại không đi theo lời nói và ý hướng. Tôi thấy rằng có một yếu tố cơ bản là điều này: sự canh tân, tình huynh đệ đại đồng đòi phải có sự từ bỏ, đòi phải đi xa hơn sự ích kỷ và sống cho người khác nữa. Và điều này nói thì dễ nhưng khó thực hiện. Con người, sau tội nguyên tổ, muốn được chính mình, muốn sở hữu sự sống và không muốn trao ban sự sống. Khi có thì họ muốn giữ lấy. Nhưng với não trạng như thế, với tâm thức không muốn cho đi nhưng chỉ muốn sở hữu, thì dĩ nhiên những ý hướng lớn không thể hữu hiệu. Và chỉ khi nào với tình yêu, với sự nhận biết một Thiên Chúa yêu thương chúng ta, cho chúng ta đạt tới điểm mà chúng ta dám mất mạng sống, dám hiến thân vì chúng ta biết chính nhờ vậy mà chúng ta đạt được chính mình. Vì thế, những chi tiết ở trong Tông Huấn có liên hệ tới lập trường căn bản, theo đó khi yêu Chúa và ở trong tình bạn với Thiên Chúa, thì cả chúng ta cũng có thể dám trao ban, chứ không phải chỉ sở hữu mà thôi, chúng ta có thể từ bỏ, sống cho tha nhân, mất mạng sống mình, với xác tín chắc chắn, chúng ta có thể đạt được chính mình”

Một câu hỏi khác: ”Trong diễn văn khai mạc thượng HĐGM Phi châu ở Roma, ĐTC đã nói về Phi châu như buồng phổi tinh thần lớn của nhân loại đang bị khủng hoảng về đức tin và đức cậy, nhưng khi nghĩ đến các vấn đề lớn của Phi châu, nhận định trên đây của ĐTC thật là điều gây ngỡ ngàng. Vậy theo nghĩa nào ĐGH nghĩ rằng từ Phi châu có thể có niềm tin và đức cậy cho thế giới? ĐGH có nghĩ đến vai trò của Phi châu cả trong việc truyền giảng Tin Mừng cho phần còn lại của thế giới không”?

ĐTC đáp: ”Dĩ nhiên là Phi châu có những vấn đề và khó khăn lớn, toàn thể nhân loại cũng có những khó khăn lớn... Nếu tôi nghĩ lại thời còn trẻ, đó là một thế giới rất khác với thế giới ngày nay, mà đôi khi tôi nghĩ là mình đang sống trong một hành tinh khác, so với thế giới khi tôi còn trẻ. Nhân loại ngày nay ở trong một tiến trình ngày càng tiến triển mau lẹ hơn. Đối với Phi châu tiến trình thay đổi trong 50, 60 năm qua, từ khi được độc lập, thời hậu thực dân, cho đến ngày nay, là một tiến trình cam go, nhiều đòi hỏi, và dĩ nhiên là rất khó khăn, với những vấn đề chưa khắc phục được. Tuy nhiên, với sự tươi mát của cuộc sống ở Phi châu, giới trẻ tại đây đầy nhiệt huyết và hy vọng, đầy tinh thần hài hước vui tươi, điều này chứng tỏ rằng tại đây có một kho dự trữ của con người, vẫn còn một sự tươi mát về cảm thức tôn giáo, hy vọng, vẫn còn một cảm thức về sự tại siêu hình, thực tại về sự toàn diện của Thiên Chúa: tại đây không có sự thu hẹp vào thái độ thực nghiệm, thu hẹp cuộc sống chúng ta khiến cho cuộc sống trở nên khô cằn, và cả niềm hy vọng nữa. Vì thế, tôi muốn nói ở đây là có một chủ thuyết nhân bản tươi mát, nơi tâm hồn trẻ của Phi châu, mặc dù có những vấn đề hiện tại và tương lai. Điều này chứng tỏ rằng ở đây vẫn còn kho dự trữ sự sống và sức sinh động cho tương lai, và chúng ta có thể hy vọng được nơi điều này.

Đón tiếp

Sau khi vượt qua gần 4.100 cây số, máy bay chở ĐTC đã đáp xuống phi trường ĐHY Bernardin Gantin ở Cotonou lúc 3 giờ chiều, giờ địa phương. Tại đây ngài đã được tổng thống Thomas Yayi Boni, cùng với Đức TGM Antoine Ganyé, cũng là Chủ tịch HĐGM Benin, tiếp đón. Hiện diện tại sân bay còn có đông đảo các GM và hàng trăm tín hữu, đặc biệt là các trẻ em.

Trong lời chào mừng ĐTC, tổng thống Boni nói đến truyền thống bao dung và sự hòa hợp giữa các tôn giáo tại đất nước Benin. Ông cũng ca ngợi sự đóng góp của Giáo Hội Công Giáo cho sự phát triển đất nước, từ khi các thừa sai đầu tiên đặt chân đến Ouidah cách đây 150 năm. Ông cũng nhắc đến người cha của dân tộc Benin, ĐHY Bernardin Gantin, mặc dù là vị lãnh đạo cấp cao của Tòa Thánh, nhưng người rất khiêm tốn và có tinh thần phục vụ cao độ.

Về phần ĐTC, trong diễn văn đầu tiên, ngài nồng nhiệt cám ơn tổng thống vì những lời chào mừng nồng nhiệt. Ngài cũng bày tỏ lòng quí mến đối với Phi châu và đất nước Benin, đồng thời cho biết 3 lý do cuộc viếng thăm của ngài tại đây: trước tiên vì lời mời thân ái của tổng thống và HĐGM nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Benin và Tòa Thánh, cũng như kỷ niệm 150 năm truyền giảng Tin Mừng.

Lý do thứ hai là để công bố tông huấn Africae munus, Nghĩa vụ của Phi châu, hậu Thượng HĐGM. ĐTC nói: ”Những suy tư trong Tông huấn này sẽ hướng dẫn hoạt động mục vụ của nhiều cộng đoàn Kitô trong những năm tới đây. Văn kiện này có thể được nảy mầm, lớn lên và mang lại hoa trái, khi thì một trăm, khi thì 60, lúc thì 30, như Chúa Giêsu Kitô đã nói” (Mt 13,23).

Sau cùng, ĐTC nhắc đến lý do thứ ba vừa qua có tính chất cá nhân vừa có tính chất tình cảm, đó là tình bạn và lòng quí mến của ngài đối với ĐHY Bernardin Gantin, người con của đất nước này. ”Trong nhiều năm trời, cả hai chúng tôi đã làm việc, mỗi người theo thẩm quyền của mình, phục vụ trong cùng một Vườn nho. Chúng tôi đã hết sức phụ giúp vị tiền nhiệm của tôi, Đức Chân Phước Gioan Phaolô 2, thi hành sứ vụ Phêrô của Người. Chúng tôi đã có rất nhiều dịp gặp gỡ nhau, thảo luận sâu rộng và cầu nguyện chung. ĐHY Gantin đã đạt nhiều người kính mến. Vì thế, tôi thấy thật là điều chính đáng khi đến quê hướng của Đức Cố Hồng Y, cầu nguyện tại mộ của Người và cám ơn nước Béninh đã cống hién cho Giáo Hội người con trổi vượt như vậy”.

Cũng trong diễn văn đầu tiên, ĐTC nhắc đến sự kiện Benin, vốn là nước có nhiều truyền thống kỳ cựu và cao quí, đang tiếp xúc với thời đại tân tiến ngày nay, và ngài nhận định rằng:

”Sự tân tiến không được làm chúng ta sợ hãi, nhưng nó cũng không thể được xây dựng trên sự quên lãng quá khứ. Sự tân tiến phải được tháp tùng một cách khôn ngoan, để mưu ích cho tất cả mọi người, tránh những nguy cơ đang có tại Phi châu và nơi khác, ví dụ tùng phục một cách vô điều kiện những luật lệ thị trường hoặc tài chánh, chủ nghĩa quốc gia hoặc bộ tộc thái quá và không mang lại ích lợi nào, các chủ nghĩa này có thể tạo ra những vụ giết người; cần tránh chính trị hóa tột độ những căng thẳng giữa các tôn giáo, gây hại cho công ích, hoặc làm băng hoại các giá trị nhân bản, văn hóa, luân lý đạo đức và tôn giáo. Tiến trình đi tới sự tân tiến phải được hướng dẫn bằng những tiêu chuẩn chắc chắn, dựa trên các đức tính đã được nhìn nhận, những nhân đức mà khẩu hiệu quốc gia của anh chị em đã liệt kê, và cả những đức tính ăn rễ nơi phẩm giá con người, sự cao cả của gia đình và tôn trọng sự sống. Tất cả các giá trị ấy đều nhắm đến ích chung, là điều duy nhất phải trổi vượt lên, và phải là mối quan tâm chính của mọi vị hữu trách. Thiên Chúa tín nhiệm nơi con người và người mong muốn điều tốt lành cho con người. Chính chúng ta có nghĩa vụ phải thành thực đáp lại sự tín nhiệm ấy của Chúa.

ĐTC cho biết: ”Giáo hội đóng góp phần đặc thù của mình. Qua sự hiện diện, cầu nguyện, và các hoạt động từ thiện bác ái đa diện, nhất là trong lãnh vực giáo dục và y tế, Giáo Hội muốn trao tặng những gì tốt đẹp nhất của mình. Giáo Hội muốn tỏ ra gần gũi những người đang ở trong tình trạng túng thiếu, những người đang tìm kiếm Thiên Chúa. Giáo Hội muốn giúp hiểu rằng Thiên Chúa không phải là điều không hề hiện hữu hoặc là vô ích, như người ta tìm cách tuyên truyền, trái lại Chúa là người bạn của con người. Chính trong tinh thần thân hữu và huynh đệ ấy mà tôi đến đất nước của Anh chị em”.

Viếng thăm nhà thờ chính tòa

Sau bài diễn văn của ĐTC và phần giới thiệu các quan khách và cả các GM lên ĐTC và tổng thống. Ngài cũng tiến đến các đoàn tín hữu, trong đó có đông đảo các phụ nữ mặc y phục cổ truyền, đầu quấn khăn màu xanh, đỏ, vàng, màu cờ của Benin, để chào thăm trong bầu không khí rất tưng bừng, giữa tiếng trống, tiếng kèn và tiếng ca của mọi người.

Rời phi trường, ngài đã về Nhà thờ chính tòa Cotonou để kính viếng. Đây là con tim của tổng giáo phận Cotonou với hơn 680 ngàn tín hữu Công Giáo trên tổng số gần 2 triệu 200 ngàn dân cư, tương đương với 31% dân số. Các tín hữu thuộc 53 giáo xứ và được hơn 250 linh mục triều và dòng săn sóc. Ơn gọi ở đây phong phú với 200 đại chủng sinh, 175 tu huynh và 460 nữ tu.

ĐTC đã dùng xe bọc kính để đi 12 cây số từ phi trường về Nhà thờ vì dọc đường có hàng trăm ngàn người đứng hai bên chào đón, nhất là khu vực bên ngoài phi trường và trung tâm thành phố.

Nhà thờ chính tòa Cotonou dâng kính Đức Mẹ Từ Bi, được kiến thiết hồi năm 1901 và có thể chứa được 800 người.

Đến nơi vào lúc 4 giờ rưỡi chiều, ĐTC đã được cha sở tiếp đón và hướng dẫn vào bên trong. Ngài kính viếng Mình Thánh Chúa và mộ của hai vị TGM tiền nhiệm của vị Giám mục đương kim: đó là Đức Cha Isidore de Souza, qua đời năm 1999, và Đức Cha Christophe Adimou, qua đời năm 1990.

Hiện diện trong thánh đường lúc đó cũng có tất cả các GM thuộc 10 giáo phận toàn nước Benin, cùng với các GM khách, và hằng trăm nữ tu và tín hữu, đặc biệt là ông bà Tổng thống Thomas Yayi Boni.

Ca đoàn và mọi người hát kinh Te Deum để cảm tạ Thiên Chúa vì cuộc viếng thăm của ĐTC tại đây.

Sau lời chào mừng của Đức TGM giáo phận Cotonou, ĐTC đã tặng cho nhà thờ chính tòa một bộ chén lễ quí giá.

Huấn dụ

Ngỏ lời với mọi người, ĐTC cảm tạ Thiên Chúa vì 2 Đức Cố TGM của giáo phận Cotonou là những người thợ tài ba trong Vườn Nho của Chúa và là những vị chủ chăn nhiệt thành và đầu lòng bác ái. Hai vị đã xả thân phục vụ Tin Mừng và Dân Chúa, nhất là những người dễ bị tổn thương nhất. ”Tất cả anh chị em đều biết rằng Đức Cha De Souza là một người bạn của chân lý và đã giữ một vai trò quyết định trong việc đưa đất nước Benin tiến đến nền dân chủ.”

ĐTC cũng mời gọi mọi người suy tư về lòng từ bi vô biên của Thiên Chúa. Ngài nói: ”Lịch sử cứu độ, với tột đỉnh là sự nhập thể của Chúa Giêsu và được viên mãn trong mầu nhiệm Phục Sinh, là một mạc khải sáng ngời về lòng từ bi của Thiên Chúa. Nơi Chúa Con, ”Thiên Chúa Cha từ bi” (2 Cr 1,3) trở nên hữu hình, Ngài là Đấng luôn trung tín với tình phụ tử, ”cúi mình trên người con hoang đàng, về trên mỗi lầm than của con người, nhất là trên mỗi lầm than về luân lý, trên tội lỗi” (GP II, Dives in misericordia, n.6). Lòng từ bi Chúa không phải chỉ hệ tại sự tha thứ tội lỗi chúng ta, nhưng còn hệ tại sự kiện: Thiên Chúa, là Cha chúng ta, dẫn đưa chúng ta trên con đường sự thật và ánh sáng, vì Ngài không muốn chúng ta phải hư mất, (Xc Mt 18,14; Ga 3,16), dù rằng trong tiến trình nhiều khi không phải là không có đau khổ, sầu muộn và sợ hãi từ phía chúng ta. Hai khía cạnh vừa nói về lòng từ bi Chúa cho thấy Thiên Chúa trung tín dường nào với giao ước đã ký kết với mỗi Kitô hữu trong phép rửa tội.”

ĐTC không quên nhấn mạnh lòng từ bi của Đức Trinh Nữ Maria là Đấng đã cảm nghiệm cao độ mầu nhiệm tình thương của Thiên Chúa. Mẹ đã thốt lên trong bài ca Magnificat: ”Lòng từ bi Chúa trải dài từ đời nọ đến đời kia trên những kẻ kính sợ Chúa” (Lc 1,50.

ĐTC nói: ”Qua lời thưa 'Xin Vâng' đối với tiếng gọi của Thiên Chúa, Mẹ đã góp phần vào việc biểu lộ tình thương của Chúa nơi loài người. Theo nghĩa đó, Người là Mẹ Từ Bi nhờ sự tham dự vào sứ mạng của Chúa Con; Mẹ đã được đặc ân có thể cứu giúp chúng ta mọi nơi và mọi thời. ”Qua sự liên tục chuyển cầu, Mẹ tiếp tục xin cho chúng ta những hồng ân đảm bảo ơn cứu độ đời đời. Tình mẫu tử của Mẹ làm cho Mẹ quan tâm đến những người em của Chúa Con, chưa hoàn tất cuộc lữ hành, hoặc những người đang gặp nguy hiểm và thử thách, cho đến khi họ đạt tới quê hương hạnh phúc” (LG 62). Dưới sự che chở từ bi của Mẹ, những tâm hồn sầu khổ được lành mạnh, những cạm bẫy của ma quỉ bị phá vỡ, và những người thù địch hòa giải với nhau. Nơi Mẹ Maria, không những chúng ta có một gương mẫu hoàn hảo, nhưng còn được trợ giúp để hiệp thông với Thiên Chúa và với anh chị em chúng ta. Mẹ Từ Bi là vị hướng đạo chứng chắn cho các môn đệ của Chúa Con muốn phục vụ công lý, hòa giải và hòa bình. Trong sự đơn sơ và với con tim của Mẹ hiền, Người chỉ cho chúng ta Ánh sáng và Sự Thật duy nhất là Con của Mẹ, Chúa Giêsu Kitô dẫn nhân loại đến sự viên mãn trong Chúa Cha. Chúng ta đừng sợ tín thác kêu cầu Đấng không ngừng trao ban Ơn phúc của Chúa cho các con cái của Mẹ.

ĐTC kết thúc bài huấn dụ ngắn của ngài với lời kinh dâng lên Mẹ Từ Bi, xin Mẹ hướng dẫn chúng ta trên con đường thánh thiện, cho những khát vọng cao thượng của người trẻ Phi châu được đáp ứng, cho những tâm hồn khao khát công lý, hòa bình và hòa giải được mãn nguyện, cũng như niềm hy vọng của các trẻ em nạn nhân của nạn đói và chiến tranh được đáp lại”.

Cuộc viếng thăm tại Nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Từ Bi ở Cotonou kết thúc với kinh Lạy Cha, Kinh Lạy Nữ Vương và phép lành của ĐTC, rồi ngài về Tòa Sứ Thần Tòa Thánh cách đó 6 cây số. Ngôi nhà này cũng là nơi Đức TGM Phêrô Nguyễn Văn Tốt cư ngụ khi ngài làm Sứ Thần Tòa Thánh tại đây từ tháng giêng năm 2003 đến tháng 8 năm 2005.

Chương trình thứ bẩy, 19-11-2011

Thứ bẩy 19-11, là ngày bận rộn nhất trong 3 ngày viếng thăm của ĐTC tại Benin với 7 sinh hoạt khác nhau:

Ban sáng, ngài gặp chính phủ, đại diện các tổ chức của Nhà Nước, ngoại giao đoàn và đại diện các tôn giáo lớn ở Benin tại phủ tổng thống, chỉ cách tòa Sứ Thần 3 cây số.

Sau cuộc gặp gỡ đó, ĐTC còn khi gặp riêng tổng thống, và chào thăm gia đình ông, trước khi đến thị trấn Ouidah, cách Cotonou 40 cây số, để viếng thăm đại chủng viện thánh Gall và mộ Đức Cố Hồng Y Gantin. Đây là cơ sở đào tạo LM kỳ cựu nhất ở miền Tây Phi châu và hiện có 147 đại chủng sinh người Benin và Togo đang thụ huấn tại đây. Tại nhà nguyện chủng viện vào lúc 11 giờ 15, ĐTC sẽ gặp khoảng 60 người gồm các linh mục và tu sĩ cao niên, các bệnh nhân và một nhóm nhỏ các bệnh nhân phong cùi. Cuối buổi gặp gỡ, vị Chủ tịch Tổ chức ĐHY Bernardin Gantin, được 2 GM thành viên tháp tùng, sẽ trao tặng ĐTC một bản nội qui của tổ chức này. Tiếp đến ngài tiến ra khuôn viên bên ngoài để tặp hàng trăm LM, chủng sinh và tu sĩ nam nữ, cũng như giáo dân tụ tập tại đây.

Rời đại chủng viện, vào ban trưa cùng ngày 19-11, ĐTC sẽ viếng thăm Vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô Nhiễm ở Ouidad, cách chủng viện 5 cây số và ngài sẽ ký Tông huấn hậu Thượng HĐGM Phi châu kỳ 2, trước sự hiện diện của các HY, GM thành viên của Công nghị GM Phi châu, cũng như của Đức TGM Nikola Eterovic, Tổng thư ký Thượng HĐGM, và 800 tín hữu được vào thánh đường.

Trở lại thủ đô Cotonou vào ban chiều, ĐTC viếng thăm Trung tâm ”Hòa bình và Hy vọng” của các Nữ tu thừa sai bác ái ở giáo xứ thánh Rita và gặp gỡ các trẻ em tại đây.

Lúc 7 giờ rưỡi tối, ĐTC sẽ gặp gỡ 11 GM Benin và dùng bữa với các vị tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh tại Cotonou. Vị Sứ Thần hiện nay là Đức TGM Michael August Blumen, người Mỹ, thuộc dòng Ngôi Lời, và nguyên là Phó Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh mục vụ di dân và người lưu động.
 
Top Stories
Hanoi Catholics take to the streets to demand justice
J.B. An Dang
03:47 18/11/2011
In an open defiance of the threats of “extreme actions” against them, this morning Nov. 18 thousands of Catholics in Hanoi led by priests and religious marched on the streets of Hanoi downtown to demand justice.

The rally took place after more than 500 riot police and militiamen were deployed at Hanoi Redemptorist Monastery to back the construction of a hospital sewage treatment system on the land of the Monastery despite strong protests of the Redemptorist and their faithful. At 10:30 pm local time on Nov. 16, a large number of heavily armed security personnels moved into the area. Under the protection of their guns, building workers and dozens of bulldozers worked around the clock to install the sewage treatment system right next to the Thai Ha Church.

Two weeks earlier, there was also a violent incident at Hanoi Redemptorist Monastery on Nov. 3rd when a group of about 100 people, who, from nowhere, broke into the courtyard of Thai Ha parish church with two loud speakers in their hands cursing at religious, priests, and parishioners, before physically attacking them. The intruders also insulted and threatened to kill many clergy and parishioners. More outrageously, they even used sledgehammers to smash the church's properties. They only abandoned their act of terror, and withdrew when the bells started tolling and countless people from the neighbouring parishes came to rescue.

Catholics from various parishes in Hanoi Archdiocese gathered in front of the office of People's Committee of Hanoi with a sea of banners. One stated that "Do not trespass on religious land and property", another demanded the government to "return what you borrow". Another denounced the media campaign of the government to repress and sully the will for justice, peace, and truth of Hanoi Catholics. One could read: "We protest Hanoi TV's defamation and distortion of the truth about Thai Ha parish".

A banner from Dong Anh Parish, where their church yard has been seized for decades, wrote "Do not turn a sacred place into a place of dissipation", referring to part of the disputed land was turned into a dancing bar by the authorities, that has disrupted frequently their Masses.

At some points, a large group of plain-clothed and uniformed police officers surrounded a group of protestors photographing and videotaping at a close range in an obvious intimidation tactic.

“I do not fear. We need to lift the veil on the injustices committed in Vietnam,” Peter Tuan Nguyen told Asia-News.

“Why I came here? Well, to protest before the international community the ongoing persecutions we have suffered for almost 7 decades,” said Maria Thanh Tran.
 
Cattolici in piazza a Hanoi, per chiedere giustizia
Asia-News
06:06 18/11/2011
Migliaia di fedeli manifestano stamattina in difesa della parrocchia di Thai Ha, contro l’illecita appropriazione di ciò che resta dei suoi terreni. Protestano anche per la campagna di diffamazione porta avanti contro di loro dalla televisione di Stato.

Hanoi (AsiaNews) – Migliaia di cattolici sono scesi in piazza questa mattina a Hanoi (nella foto), chiedendo giustizia per la parrocchia di Thai Ha e l’annesso monastero dei redentoristi. “Non invadete i nostri terreni religiosi”, “Restituite quello che avete preso”, “Basta con la diffamazione” si legge in alcuni dei cartelli innalzati dai presenti.

All’origine della protesta, l’iniziativa del Comitato del popolo del quartiere di Dong Da che vuole impossessarsi di ciò che resta del terreno della comunità, per costruirvi un impianto per il trattamento delle acque usate dal vicino ospedale. Il terreno è ciò che resta dei 61.455 metri quadrati proprietà dal 1928 dei redentoristi, ridotti, con gli espropri a soli 2.700 mq. La disputa sui terreni ha raggiunto il suo apice fra il 2008 e il 2009, quando migliaia di cattolici hanno manifestato per giorni e conclusa in un processo farsa con la condanna per disturbo dell’ordine pubblico di otto cattolici.

L’attuale vicenda ha avuto inizio l’8 ottobre, quando il parroco, padre Joseph Nguyen Van Phuong, viene convocato nella sede del Comitato popolare del quartiere di Dong Da e informato della decisione di usare il terreno della parrocchia. Alle proteste dei religiosi e dei fedeli fa seguito il 3 novembre, l’attacco da parte di centinaia di poliziotti e militari con cani e picchiatori, seguiti da una troupe della televisione: urla, insulti con i megafoni, lancio di pietre e distruzione del portone. A fermare l’attacco fu l’accorrere di fedeli anche dalle parrocchie vicine, chiamate dalle campane della chiesa.

Il 16 novembre, più di 500 agenti e uomini delle forze di sicurezza hanno scortato decine di bulldozer che hanno dato il via alla realizzazione dell’impianto, a pochi metri dalla chiesa.

Oggi è proprio davanti alla sede del Comitato popolare che si svolge la manifestazione, che le autorità hanno tentato di prevenire, minacciando rappresaglie. E anche oggi, agenti in borghese fotografano e filmano i partecipanti. “Non ho paura”, dice ad AsiaNews Peter Tuan Nguyen. “Voglio - spiega – alzare il velo sulle ingiustizie che si commettono in Vietnam”. “Perché siamo qui? – gli fa eco Maria Thanh Tran – Per protestare di fronte alla comunità internazionale per le crescenti persecuzioni che stiamo sopportando da almeno 70 anni”. Non lontano dalla donna un cartello portato dalla parrocchia di Dong Anh dice “Non trasformate un luogo sacro in un luogo di dissipatezza”, riferendosi alla protesta della chiesa per l’appropriazione di un terreno parrocchiale trasformato in un dancing.
 
Vatican documents reveal Stalin's forced starvation plan
Elizabeth Lev
07:50 18/11/2011
Book Gives Details of 1932 'Killing by Hunger' in Ukraine

ROME, NOV. 17, 2011 (Zenit.org).- The sober skies and short days of November remind Romans that this is the month to pray for the dead. It seems fitting that this month opened with a presentation of new documents regarding one of the most tragic -- and virtually unacknowledged -- events of the modern age, the Ukrainian Famine.

"The Holy See and the Holodomor: Documents from the Vatican Secret Archives on the Great Famine of 1932-1933 in Soviet Ukraine" by Father Athanasius McVay and Professor Lubomyr Luciuk was released Oct. 26 with a book launch at the Russian Ecumenical Center in Rome. The book is available in English through Kashtan Press and Abe Books.

The Holodomor (literally "killing by hunger") took place in 1932-33 in the fertile grain-producing region of Ukrainian USSR. While the exact number of deaths is not known due to lack of precise records, an estimated 2.4 to 7.5 million people died. This man-made famine, intended to starve the Ukrainian nationalists out of existence, has been recognized as a genocide by many nations worldwide.

Father Athanasius McVay, a Canadian Greek-Catholic priest of Ukrainian ancestry, was doing doctoral research on diplomatic relations between the papacy and the Ukrainian Greek-Catholic hierarchy during the struggle for Ukrainian independence (1918-1923), when he began to realize how little research was being done on Ukrainian subjects at all.

I had the chance to ask Father McVay a few questions about his book, his research, and the surprisingly little-known Great Famine.

I asked how the Great Famine caught his attention and Father McVay explained that his interest was piqued while "working on a historical biography of the first Ukrainian bishop for Canada, Blessed Nykyta Budka (1877-1949), the centenary of whose appointment we will be celebrating in 2012. In 2008, while researching documents pertaining to Blessed Budka, I accidentally discovered documents concerning the Holodomor."

The Holodomor is better known in Canada than in the United States, it seems. Canada was the first country to declare the famine a genocide and the first to erect a monument in honor of its victims. Father McVay explained that he "had known about the Holodomor since the early 1980s when Ukrainians across Canada organized various conferences and demonstrations to have this humanitarian tragedy officially recognized by the Canadian government."

His home town in Winnipeg erected a monument to Holodomor victims in 1984 directly in front of City Hall.

Accounts describing the Holodomor vary from source to source. I asked Father McVay to give an account of the 1932 events in Ukraine for ZENIT readers. "The Soviet economy was a disaster," he began, "especially due to the ideological economic schemes such as the collective farms. Widespread famine was occurring in Russia and Ukraine at the end of the 1920s and this made the Soviet Union politically weak and fueled the Ukrainian independence movement. Stalin decided to kill two birds with one stone by weakening the Ukrainian ethnic population and also eliminating the prosperous farmer-class known as kulaks."

I had read that the Soviet government passed a law where private ownership of food was made illegal in 1932 and those who suffered the most from this legislation were the Ukrainians. But that was not all. "Grain was confiscated at gunpoint and shipped to Russian parts of the Soviet Union that were also experiencing food shortages," continued Father Mcvay. "The politically motivated famine was directed specifically against Ukrainian ethnics."

I asked if he found anything new while studying the correspondence with the Holy See and the author explained that he discovered not only "many of the details of the famine but especially documents regarding how the Apostolic See sought to intervene to make the tragedy know to the world and to alleviate the people's suffering."

Father McVay found "that the Pope learned about the Holodomor from the French Jesuit, Bishop Michel d'Herbigny, who was the president of the Pro Russia Commission. D'Herbigny was receiving letters from the Soviet Union as well as reports from foreign diplomats who had witnessed the situation first hand. D'Herbigny attempted to move mountains in order to convince Pius XI to launch an aid-mission to the Soviet Union, just as he and his predecessor Benedict XV had done in 1921-1923."

"The emotional Pius XI wept when he received one report," explained Father McVay, "and he insisted that something must be done. Unfortunately churchmen and diplomats all concurred that no aid would ever reach the people because Soviet authorities were officially denying the existence of a famine that Stalin had deliberately orchestrated. In the end, the Pope was only able to authorize a gift of 10,000 Italian lire to be forwarded to starving Catholics via German charitable organizations that had contacts in Ukraine."

A light in the Vatican Archives

Father McVay had the coveted experience of doing his research in the Vatican Archives. While portrayed in Dan Brown novels as a high tech vault where all the dirty Vatican secrets lie, the archives are a very different thing to the scholars who actually work there. The Vatican Archives have made great efforts over the past years to dispel the impression of intrigue by putting much of their holdings on line and organizing exhibits from their fascinating collections. In 2012, the archives will put many more documents on display at the Capitoline Museums in Rome.

I asked Father McVay about his time in the archives, and he pointed out that "it is a great privilege to be permitted to perform research in such an important collection of archival funds known collectively as the Vatican Secret Archives." Correcting the most common mistake about the archives he explained that "the official name is a bit of a misnomer. 'Secretum' here would be the equivalent to 'privy' in English. They are the Pope's archives and, as any state archives, are private but not 'secret.'"

The Archivium Secretum Vaticanum was opened for research to scholars by Pope Leo XIII in 1881. It has been the custom for the Roman Pontiffs to de-classify series of documents dating from not less than 80 years after the end of a pontificate of one or more of their predecessors. For Father McVay's research, the necessary documents -- those from the pontificate of Pius XI (1922-1939), were de-classified in 2006 by Benedict XVI.

I asked how many documents he read for his research, and Father McVay explained that for his doctoral dissertation he "sifted through well over 10,000 folios, mainly from two collections: the Archives of the Sacred Congregation for Extraordinary Ecclesiastical Affairs (AES) and those of the Apostolic Nunciature of Warsaw. For this particular project, virtually all of the documents are found in the Pro Russia section of the AES. Pro Russia was a Pontifical Commission created by Pius XI to handle all Catholic affairs in the Soviet Union and the Russian émigrés."

The translating was extensive for the English language book as Father McVay explained that "the lingua franca used in Vatican diplomatic correspondence is Italian. Documents to and from secular diplomatic representatives are invariably in French. Only a very few documents are in Latin, often to or from churchmen who did not speak Italian or French."

The letters coming from Ukraine however, were written in Russian. Father Mcvay told me that "the AES index lists the themes of all the documents contained in that archive, including famine in Russia. Holodomor is a Ukrainian term coined later. I spent about two months on-and-off translating the documents as I had other work to perform on my biography of Bishop Budka."

Best-kept Soviet secret

Despite the extraordinary death toll and horrific conditions of a people starving to death, this story seems to have passed under the radar in most history books. Everyone knows of the Holocaust, but few Americans or others would be able to explain the Holodomor. I asked Father Mcvay how this could have happened. "The Soviet Union and its successor the Russian Federation have denied that the famine was directed against Ukraine" he stated.

"Political and diplomatic pressure has been exerted on other countries not to disseminate information about the Holodomor and especially not to give it any kind of official recognition," he added. "But when I asked him about the question of genocide, Father explained that "the question is complicated. Whatever you want to call the Holodomor, it is vital that it be recognized as a deliberate act directed mainly against the ethnically Ukrainian population of Soviet Ukraine and Russia. Films about the Holodomor have been released. At the time, journalists such as Malcolm Muggeridge and Gareth Jones broke the story after visiting Soviet Ukraine."

But some journalists deliberately covered up the story of the famine, I had read. New York Times Russian bureau chief Walter Duranty published articles claiming that there was no famine in the Ukraine. He even won a Pulitzer prize for his reporting! Father McVay clarified this story:

"After the publication of government documents proving the existence of the Holodomor, the publication of our documents and contemporary news reports by Muggeridge and Jones, it is obvious that the late Walter Duranty's reports were inaccurate. I don't know what was the motivation behind such reports. I understand that some scholars have asked for Duranty's Pulitzer prize to be posthumously revoked."

Asked about what he considered the greatest contributions of this book, Father McVay answered, "The Holy See and the Holodomor: Documents from the Vatican Secret Archives on the Great Famine of 1932-1933 in Soviet Ukraine is a specific testimony of the Holodomor from primary and international diplomatic sources. It is also a contribution to scholarship on the inner workings of the Roman Curia during the pontificate of Pius XI."

(Elizabeth Lev teaches Christian art and architecture at Duquesne University's Italian campus and University of St. Thomas' Catholic Studies program. Her new book, "The Tigress of Forlì: Renaissance Italy's Most Courageous and Notorious Countess, Caterina Riario Sforza de' Medici" was published by Harcourt, Mifflin Houghton Press this Fall. She can be reached at lizlev@zenit.org)
 
Birmanie / Myanmar: L’Eglise catholique accueille positivement le fait qu’en 2014, la Birmanie présidera l’ASEAN
Eglises d'Asie
10:42 18/11/2011
« Nous ne pouvons pas reculer mais devons nous engager sur le chemin qui mène à la démocratie. » C’est par ces mots que le président de la Conférence des évêques catholiques de Birmanie, Mgr John Hsane Hgyi, a accueilli le 18 novembre à Rangoun l’annonce faite l’avant-veille à Bali par le ministre indonésien des Affaires étrangères selon laquelle la présidence tournante de l’ASEAN serait confiée en 2014 à la Birmanie. ...

Selon l’évêque de Pathein, le fait que les membres de l’Association des Nations du Sud-Est asiatique (1) se soient mis d’accord pour accorder à la Birmanie la présidence de leur organisation en 2014, alors qu’en 2006, la même ASEAN avait refusé à la junte birmane l’honneur de cette présidence pour cause de non-respect des droits de l’homme, est le signe que les membres de l’ASEAN souhaitent « encourager notre pays sur la voie de la démocratie ». Le président de la Conférence épiscopale a ajouté que si la Birmanie voulait « mériter réellement » cette présidence, son pays devait encore accomplir de « grands progrès ». L’évêque enfin a précisé que le train de réformes mis en place ces derniers mois avait eu pour effet de diminuer la peur dans laquelle était maintenu le peuple birman jusqu’alors et que, pour autant que les réformes soient poursuivies, les Birmans montreraient combien ils étaient capables de travailler au développement de leur pays.

Dans l’immédiat, bien que les Etats-Unis aient estimé qu’accorder la présidence de l’ASEAN à la Birmanie était un geste prématuré, le président Obama a toutefois annoncé que son secrétaire d’Etat, Hillary Clinton, se rendrait en visite en Birmanie les 1er et 2 décembre prochains, une première depuis un demi-siècle. Le gouvernement birman a remporté une victoire et récolte par cette décision les fruits d’une ouverture politique et économique sans précédent. En l’espace de quelques mois, la junte militaire transformée en gouvernement « civil » a libéré l’opposante Aung San Suu Kyi, entamé un dialogue suivi avec elle, annoncé la création de syndicats libres et rétabli le droit de grève ; la construction – très impopulaire – d’un barrage sur l’Irrawaddy financé par des intérêts chinois a été suspendue et des réformes économiques importantes annoncées ; des prisonniers de conscience ont été libérés.

Dans les médias de la diaspora birmane comme de plus en plus ouvertement en Birmanie, il est souligné que ces réformes ne constituent qu’une première étape et demandent à être approfondies. Dans ce contexte, tous attendaient que le sommet de l’ASEAN à Bali coïncide avec de nouvelles libérations de prisonniers politiques, de grande ampleur cette fois-ci. Or celles-ci n’ont pas eu lieu. Pour autant, à Rangoun, la formation politique d’Aung San Suu Kyi, la Ligue nationale pour la démocratie (LND), officiellement dissoute il y a un an et demi, a décidé de réintégrer la scène politique officielle en choisissant de « s’enregistrer conformément à la loi ». Son objectif déclaré est de participer aux élections partielles qui doivent avoir lieu prochainement et qui verront la désignation de 42 nouveaux députés. Même si ces élections ne peuvent renverser la donne au Parlement (les futurs parlementaires ne représenteront que 10 % des sièges, l’USDP, parti du pouvoir en place, en détenant 80 %), elles n’en constitueront pas moins un test de la popularité de la LND, Aung San Suu Kyi ayant annoncé que son parti présenterait des candidats dans « toutes les circonscriptions ». En 1990, la LND avait largement remporté les élections sans avoir pu prendre le pouvoir.

Dans ce contexte, fait à la fois d’ouverture et d’incertitude, des intellectuels proches de l’Eglise catholique veulent faire le pari que l’équipe au pouvoir à Nyapyidaw est sincère dans sa volonté de réformes. Prudents, ils expliquent aussi que la communauté internationale doit maintenir sa pression sur la Birmanie et que la présidence de l’ASEAN ne dispensera pas le gouvernement de Thein Sein de poursuivre sa politique de démocratisation. « Le gouvernement ne pourra agir à sa guise et il devra se conformer aux bons usages du droit international, en communiquant et entretenant de bonnes relations avec ses voisins », souligne U Kyaw Khin, ancien professeur d’université en Thaïlande revenu vivre à Rangoun.

Pour l’heure, notent encore les observateurs, l’ouverture manifestée par Nyapyidaw et la réintroduction de la LND dans le jeu politique officiel n’ont pas encore permis d’aborder un sujet clef pour l’avenir du pays, à savoir le degré de participation au pouvoir des minorités ethniques, qui pour certaines d’entre elles sont en conflit armé avec le gouvernement birman (2). Les rapports de plusieurs ONG internationales indiquent qu’en pays kachin et shan, les accrochages entre l’armée gouvernementale et les rébellions ethniques se poursuivent, entraînant d’importants déplacements de population (3).

En Birmanie, où le bouddhisme hinayana (petit véhicule) est dominant (89 % de la population), les Eglises chrétiennes rassemblent environ 4 % de la population (dont un quart de catholiques), principalement parmi les minorités ethniques, notamment les Karen, Kachin et Chin.

(1) Thaïlande, Malaisie, Indonésie, Singapour, sultanat de Brunei, Philippines, Cambodge, Laos et Birmanie.
(2) En 1947, la première Constitution du pays avait posé pour les peuples de Birmanie le principe d’une Union fédérale démocratique. Lors de la seconde guerre mondiale, certaines minorités avaient choisi de s’aligner sur le Japon (Birmans, Arakanais bouddhistes notamment), d’autres restant fidèles aux troupes alliées (Karen, Kachin et populations musulmanes). Le général Aung San, héros de la libération du pays (à la fois des colons britanniques et des envahisseurs japonais) et père d’Aung San Suu Kyi, leader de l’actuelle opposition démocratique, avait donc mené des négociations avec la plupart des chefs de groupes ethniques afin de réunifier cette mosaïque de peuples sous une même fédération. Le 12 février 1947, il signait avec 21 représentants de minorités ethniques (dont les Shan, Chin et Kachin, les Karen ayant refusé de traiter), l’accord de Panglong, au terme duquel la majorité des groupes ethniques acceptait de se réunir en une « Union de Birmanie », sous un régime de type fédéral, avec un gouvernement central mais une forte autonomie pour chacun des sept Etats (à majorité ethnique) et des sept Divisions (à majorité birmane). Cet accord, qui n’envisageait aucune sécession, reste encore aujourd’hui le modèle d’union prôné par les principaux groupes ethniques rebelles.
(3) Voir dépêche EDA du 25 octobre 2011 : http://eglasie.mepasie.org/asie-du-sud-est/birmanie-myanmar/les-operations-de-l2019armee-birmane-en-pays-kachin-s2019intensifient-et-n2019epargnent-pas-les-civils


(Source: Eglises d'Asie, 18 novembre 2011)
 
Vietnam: Des centaines de fidèles et de sympathisants de la paroisse de Thai Ha manifestent dans la capitale
Eglises d'Asie
10:44 18/11/2011
Dans la matinée du 18 novembre, prêtres et fidèles de la paroisse de Thai Ha et d’autres paroisses voisines ont entamé une manifestation qui a traversé une bonne partie de Hanoi. Dans un premier temps, les manifestants, au nombre de plusieurs centaines, se sont rassemblés devant le siège du Comité populaire de la capitale pour protester contre la spoliation du monastère par les autorités. Le cortège s’est ensuite avancé en bon ordre, brandissant des banderoles portant diverses inscriptions : « Lorsque l’on emprunte, il faut restituer ! », ...

... « Nous protestons contre les calomnies et les contrevérités de la télévision au sujet de la paroisse de Thai Ha ». D’autres banderoles, sous le dessin d’une chapelle transformée en lieu de réjouissances pour cadres du Parti, portait l’inscription : « Ne profanez pas les terrains et les propriétés religieuses ! ». On pouvait lire encore sur l’un des calicots, l’article 70 de la Constitution vietnamienne : « Les terrains des religions sont protégés par la loi ». Tout autour du cortège, de nombreux agents de la Sécurité étaient en faction et des barrières métalliques avaient été installées.

Vers 9h 00, quelques prêtres parmi les manifestants ont été invités à rencontrer les autorités au siège du Comité populaire. La rencontre a duré une trentaine de minutes. Le reste des manifestants s’est dirigé vers le grand lac de Hanoi, passant devant le siège du journal de la capitale, le Ha Nôi Moi, dont les articles sur l’affaire de Thai Ha avaient été fort agressifs. Sur les berges du lac, des prêtres ont été interviewés par les représentants de la presse internationale (1). Vers 10h 00, la manifestation est passée devant la cathédrale et la statue de la Vierge élevée sur le parvis.

Cette manifestation a, semble-t-il, été improvisée pour réagir au coup de force des autorités municipales effectué dans la nuit du 16 au 17 novembre. Le 16 novembre dans la journée, la paroisse avait été avertie de l’éventualité d’une initiative des autorités municipales. Cependant, les responsables n’avaient pas jugé nécessaire de bouleverser le programme de la vie quotidienne de la paroisse et les deux messes prévues avaient été célébrées. Mis au courant, après la célébration des messes, de nombreux fidèles étaient restés sur place, d’autres étaient venus offrir leur aide aux religieux. Une nuit de veille avait commencé.

De fait, dans la nuit du 16 au 17, aux environs de 22h 00, d’importantes forces de l’ordre composées de policiers, d’agents de la Sûreté, de miliciens, et accompagnés de chiens policiers, étaient mobilisées pour protéger les bulldozers et autres véhicules destinés à des travaux de terrassement préalables à la construction de la station d’épuration. Selon le témoignage d’un paroissien recueilli par Radio Free Asia, un grand nombre de personnalités appartenant au Parti communiste vietnamien (section de la municipalité de la capitale) accompagnaient cette opération policière. De leur côté, de nombreux fidèles de Thai Ha, inquiets, continuaient à venir grossir les rangs des défenseurs de la paroisse. Beaucoup, en effet, craignaient de voir, comme le 3 novembre dernier, des hommes de main de la police s’introduire dans le monastère (4).

Pourtant, quelques jours auparavant, la tension entre les deux parties semblait être retombée quelque peu, grâce à une amorce de négociations. Le 10 novembre, une rencontre avait été organisée, dans un cabinet d’avocats, entre un religieux représentant de la paroisse et un responsable de l’hôpital Dông Da, l’établissement dont le projet de construction d’une station d’épuration d’eaux usées sur un terrain appartenant à la paroisse de Thai Ha à l’origine du conflit avec les religieux rédemptoristes (2). Le religieux avait demandé que le dossier de projet de construction de la station d’épuration soit communiqué pour étude à la paroisse et que la chapelle, à l’intérieur de l’hôpital, ne soit pas utilisée comme lieu de divertissement. Ces demandes semblaient avoir été bien accueillies par la partie adverse (3), mais il ne s’agissait là que d’un faux-semblant.

Dans ses différentes déclarations à Radio Free Asia, le religieux responsable de la paroisse s’est montré soucieux d’éviter toute violence inutile.

(1) La manifestation a été couverte par des reporters de Radio Free Asia, ainsi que par d’autres agences indépendantes comme Vietcatholic News, VRNs, etc.
(2) Voir dépêche EDA du 16 novembre 2011 : http://eglasie.mepasie.org/asie-du-sud-est/vietnam/hanoi-nuit-de-veille-a-la-paroisse-de-thai-ha-ou-les-autorites-se-preparent-a-entamer-les-travaux-de-construction-malgre-le-refus-des-pretres-et-les-fideles
(3) Radio Free Asia, 15 novembre 2011.
(4) Voir dépêche EDA du 9 novembre 2011 : http://eglasie.mepasie.org/asie-du-sud-est/vietnam/laffaire-de-la-paroisse-de-thai-ha-prend-un-tour-decisif


(Source: Eglises d'Asie, 18 novembre 2011)
 
Catholics take to the streets in Hanoi demanding justice
Asia-News
11:32 18/11/2011
Thousands of faithful began demonstrating this morning to defend Thai Ha Parish against the unlawful seizure of what is left of its land. They also protested against the defamation campaign against them by state TV.

Hanoi (AsiaNews) – Thousands of Catholics took to the streets this morning in Hanoi (pictured), demanding justice for Thai Ha Parish and the nearby Redemptorist monastery. They waved banners: one stated, "Do not trespass on religious land and property", another called on the government to "return what you borrow", and a third said, “We protest Hanoi TV's defamation and distortion of the truth about Thai Ha parish”.

The protest was provoked by a decision taken by the Dong Da District People’s Committee to seize the limited land that is left to the local Catholic community in order to build a sewage treatment system for a nearby hospital.

Bought in 1928 by the Redemptorists, the original property covered an area of 61.455 sq m. Now only some 2,700, sq m are left.

The conflict reached its peak in 2008 and 2009 when days of protest by thousands of Catholics ended in the trial and conviction of eight of them for disturbing the public order.

The dispute’s latest round began on 8 October when the local parish priest, Fr Joseph Nguyen Van Phuong, was summoned to appear before the Dong Da District People’s Committee to be informed that they had decided on how to dispose of the parish’s land.

Men and women religious as well as parishioners reacted by staging protests. This was followed on 3 November by an assault carried out by hundreds of police agents and soldiers using dogs and truncheons, taped by a TV crew. Using loudspeakers, the attackers hurled insults and stones at the convent, breaking its main door. Only the quick intervention of faithful from neighbouring parishes brought in by tolling bells stopped the attack.

On Wednesday, 500 riot police and security forces escorted dozens of bulldozers to start building the hospital sewage treatment system, just a few metres from the existing church.

At the same time, despite threats of retaliation by the authorities, people began their protest in front of the People’s Committee headquarters, whilst plainclothes police officers take pictures and videotape the protesters.

“I’m not scared,” Peter Tuan Nguyen told AsiaNews. “We need to lift the veil from the injustices committed in Vietnam.”

“Why I came here? Well, to protest before the international community [against] the ongoing persecutions we have suffered for almost seven decades,” said Maria Thanh Tran.
 
Pope's arrival address in Benin: ''God Trusts in Man and Desires His Good''
Vatican Press
14:24 18/11/2011
COTONOU, Benin, NOV. 18, 2011 - Here is a Vatican translation of the address Benedict XVI delivered today upon his arrival in Cotonou, the capital of Benin. The Pope is making his second trip to Africa and will be there through Sunday.

Mr President,
Your Eminence,
Dear President of the Episcopal Conference of Benin,
Civil, Ecclesiastical and Religious Authorities,

Dear Friends,

I thank you, Mr President, for the warm words of welcome. You know well the affection which I have for your continent and for your country. I was eager to return to Africa, and a threefold motivation has provided the occasion for this Apostolic Journey. First and foremost, Mr President, is your kind invitation to visit your country. Your initiative was received along with that of the Episcopal Conference of Benin. These are auspicious, since they come during the year in which Benin celebrates the fortieth anniversary of the establishment of diplomatic relations with the Holy See, as well the one hundred and fiftieth anniversary of her evangelization. While among you, I will have the occasion to meet many people, and I look forward to it. Each of these experiences will be different, and will culminate in the Eucharist which I will celebrate before I leave.

This Apostolic Journey also fulfils my desire to bring back to African soil the Post-Synodal Apostolic Exhortation Africae Munus. Its reflections will guide the pastoral activities of numerous Christian communities in the coming years. May this document fall into the ground and take root, grow and bear much fruit "in one case a hundredfold, in another sixty, and in another thirty", as Christ himself said (Mt 13:23).

Additionally, there exists a third reason which is more personal and more emotive. I have long held in high esteem a son of this country, His Eminence Cardinal Bernardin Gantin. For many years, we both worked, each according to his proper competence, labouring in the same vineyard. We both happily assisted my predecessor, Blessed John Paul II, in the exercise of his Petrine ministry. We had many occasions to meet, to engage in profound discussions and to pray together. Cardinal Gantin won the respect and the affection of many. So it seemed right that I should come to his country of origin, to pray before his tomb, and to thank Benin for having given the Church such a distinguished son.

Benin is a country of ancient and noble traditions. Her history is significant. I am pleased to take this opportunity to greet the traditional Chiefs. Their contribution is important in the construction of the country’s future. I would like to encourage them to contribute, with their wisdom and understanding of local customs, in the delicate transition currently under way from tradition to modernity.

Modernity need not provoke fear, but neither can it be constructed by neglecting the past. It needs to be accompanied by prudence for the good of all in order to avoid the pitfalls which exist on the African continent and elsewhere, such as unconditional surrender to the law of the market or that of finance, nationalism or exaggerated and sterile tribalism which can become destructive, a politicization of interreligious tensions to the detriment of the common good, or finally the erosion of human, cultural, ethical and religious values. The transition to modernity must be guided by sure criteria based on recognized virtues, which are listed in your national motto, but equally which are firmly rooted in the dignity of the person, the importance of the family and respect for life. All of these values exist in view of the common good which must take first place, and which must constitute the primary concern of all in positions of responsibility. God trusts in man and desires his good. It is our task to respond, in honesty and justice, to his high expectations.

The Church, for her part, offers her own specific contribution. By her presence, her prayer and her various works of mercy, especially in education and health care, she wishes to give her best to everyone. She wants to be close to those who are in need, near to those who search for God. She wants to make it understood that God is neither absent nor irrelevant as some would have us believe but that he is the friend of man. It is in this spirit of friendship and of fraternity that I come to your country, Mr President.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Chương trình thắp nến cầu nguyện cho Thái Hà tại Melbourne và Sydney Australia
VietCatholic Network
05:14 18/11/2011
Dưới đây là tóm tắt chương trình các buổi thắp nến cầu nguyện cho Thái Hà, Giáo Hội và Quê Hương Việt Nam. Xin quý vị độc giả theo dõi thường xuyên và giúp thông báo cho anh chị em chúng ta có thể tham gia đông đủ.

Tại Melbourne:

Thời điểm: Tối thứ Bảy, Ngày 19 Tháng 11 Năm 2011 lúc 7:00 tối.

Địa điểm: Parliament House, góc đường Spring và Bourke Street (Bên cạnh Ga Xe Lửa Parliament).

Diễn giả:

Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Long

Đức Cha Hilton Deakin

Các thượng nghị sĩ và dân biểu Victoria – Australia

Đại diện Amnesty International

Đại diện các đoàn thể người Việt, các hội đoàn Công Giáo Úc, Việt

Tại Sydney:

Thời điểm: Tối thứ Bảy, Ngày 26 Tháng 11 Năm 2011 lúc 7:00 tối

Địa điểm: Công viên Paul Keating, Bankstown.
 
Chương trình Đêm Thắp Nến hiệp thông với Thái Hà tại Sydney
Cộng Đồng CGVN TGP Sydney
03:58 18/11/2011
 
Bộ mặt thảm hại của nhà nước Việt Nam dưới mắt một dân biểu Australia
SBS Radio Australia
07:42 18/11/2011
1. Buổi triều yết chung sáng thứ Tư 16 tháng 11.

Trong cuộc giao đấu giữa thiện và ác, sự ác xem chừng thắng thế, nhưng “tình yêu chứ không phải là lòng thù hận cuối cùng sẽ thắng thế”. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã khẳng định như trên trong buổi triều yết chung sáng thứ Tư 16 tháng 11.

“Có cơ man những sự dữ đang hoành hành trên thế giới,” nhưng trong cuộc giao đấu thường xuyên giữa thiện và ác, “phần thắng sẽ thuộc về Thiên Chúa” và “dù cho có biết bao những điều tiêu cực trong lịch sử, Chúa Kitô sẽ thắng chứ không phải là những thế lực tăm tối, tình yêu chứ không phải là lòng thù hận cuối cùng sẽ thắng thế”. Đức Thánh Cha đã rút ra kết luận trên từ Thánh Vịnh 110 mà ngài giải thích với hơn 20 ngàn anh chị em tín hữu tại quảng trường Thánh Phêrô. Đức Thánh Cha nói:

“Anh chị em thân mến,

Trong bài giáo lý về kinh nguyện Kitô Giáo, giờ đây chúng ta hướng đến Thánh Vịnh 110, một trong những Thánh Vịnh “vương giả”, khởi đầu đã được liên kết với việc đăng quang của vua Đa Vít. Giáo Hội đọc Thánh Vịnh này như một lời tiên tri về Chúa Kitô, Hoàng Đế Mêsia và là thượng tế muôn đời, Đấng đã sống lại từ trong kẻ chết và ngự bên phải Chúa Cha. Thánh Phêrô, trong diễn từ về Lễ Ngũ Tuần (x. Tông Đồ Công Vụ 1:32-36) đã dùng những lời của Thánh Vịnh này để nói về chiến thắng của Chúa trước cái chết và sự khải hoàn trong vinh quang của Ngài. Từ những thời xa xưa, đoạn thứ Ba đầy huyền nhiệm đã được diễn dịch như một quy chiếu về Ngôi Con Chí Thánh, trong khi đoạn thứ Tư đề cập đến Ngài như “một thượng tế muôn đời, theo phẩm hàm Menkisêđê”.

Thư Do Thái đặc biệt áp dụng hình ảnh này cho Chúa Kitô, con Thiên Chúa và là thầy cả thượng phẩm hoàn hảo của chúng ta, Đấng hiện diện muôn đời để chuyển cầu cho những ai qua Ngài đến với Chúa Cha (x. Thư Do Thái 7:25). Đoạn cuối của Thánh Vịnh trình bày Vua khải hoàn như Đấng xét xử các dân nước. Khi chúng ta cầu nguyện với Thánh Vịnh này, chúng ta công bố vinh quang của Chúa Kitô Phục sinh và là Vua của chúng ta, trong khi cố gắng sống hoàn thiện hơn với chức vương giả và tư tế của mình như những chi thể của Ngài qua phép Rửa Tội.

Tôi chào thăm các nhóm sinh viên và học sinh đến tham dự buổi triều yết chung hôm nay. Tôi cũng chào các đại biểu của Ủy Ban Do Thái Sự Vụ của Hoa Kỳ. Với các tín hữu hành hương từ các miền nói tiếng Anh hiện diện nơi đây, đặc biệt những anh chị em đến từ Anh quốc, Đan Mạch, Na Uy, Nhật Bản, Gia Nã Đại và Hoa Kỳ, xin Chúa ban phép lành, bình an và hạnh phúc cho anh chị em.

2. Đức Thánh Cha gặp gỡ Hội Đồng Tôn Giáo Do Thái

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã cổ võ các vị lãnh đạo tôn giáo tại Israel kiến tạo bầu không khí tín nhiệm và đối thoại giữa mọi tôn giáo tại Thánh Địa.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm 10-11-2011 dành cho 27 thành viên thuộc hội đồng tôn giáo Israel. Trong số các thành viên có Đại Rabbi Jona Metzger, Đức Thượng Phụ Fouad Twal của Công Giáo la tinh ở Jerusalem, Chủ tịch Hội đồng Imam Hồi giáo ở Israel, Ông Mohamad Kiwan, và thủ lãnh Hồi giáo Druse là ông Sheik Moufak Tarif.

Trong bài diễn văn, Đức Thánh Cha khẳng định rằng “Trong thời đại bị xáo trộn ngày nay, đối thoại giữa các tôn giáo đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết để kiến tạo một bầu không khi cảm thông và tôn trọng lẫn nhau, có thể dẫn tới tình bạn và sự tín nhiệm vững chắc đối với nhau”.

Đức Thánh Cha nhắc lại điều ngài đã nói tại Assisi hôm 27-10 vừa qua: “Ngày nay chúng ta đang phải đương đầu với 2 thứ bạo lực: một đàng là sự sử dụng bạo lực nhân danh tôn giáo, và đàng khác, bạo lực xuất phát từ sự phủ nhận Thiên Chúa thường thấy trong đời sống xã hội tân tiến ngày nay. Trong tình trạng đó, với tư cách là các vị lãnh đạo tôn giáo, chúng ta được kêu gọi tái khẳng định rằng quan hệ ngay chính của con người với Thiên Chúa là một sức mạnh hòa bình. Đây là chân lý cần được biểu lộ rõ ràng hơn qua cách thức chúng ta sống với nhau hằng ngày. Vì thế, tôi khích lệ quí vị cổ võ một bầu không khí tín nhiệm và đối thoại giữa các vị lãnh đạo và các phần tử của mọi truyền thống tôn giáo hiện diện tại Thánh Địa”.

3. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 tiếp chủ tịch Hội Đồng Âu Châu

Sáng 14 tháng 11, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã tiếp chủ tịch Hội Đồng Âu Châu, ông Herman Van Rompuy. Trong nửa giờ trao đổi, hai vị đã đề cập đến cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị khắp Âu Châu cũng như những vấn đề kiên quan đến nhân quyền và quyền tự do tôn giáo.

Ông Van Rompuy đã trao tặng Đức Thánh Cha cuốn “Lược Đồ Dự Án Âu Châu,” và Đức Thánh Cha trao cho ông Van Rompuy một huy chương vàng triều Giáo Hoàng của ngài.

Ông Van Rompuy đã là chủ tịch Hội Đồng Âu Châu từ tháng Giêng năm 2010. Hội Đồng Âu Châu là một trong 7 cơ chế trong Liên Hiệp Âu Châu chịu trách nhiệm về hoạch định chính sách cho Liên Hiệp Âu Châu.

4. Nhà thờ rất hiện đại tại Hoa Kỳ

Nhà thờ Chúa Biến Hình được xây vào năm 2000 tại Orleans, Massachusetts. Anh chị em giáo dân tại đây đã hình thành nên cộng đoàn Chúa Giêsu và được linh hứng với những truyền thống của dòng Biển Đức. Nhà thờ của họ làm bằng gỗ và đá khắc với những phù điêu cũng như những tranh bằng đồng và kính.

Những hình ảnh được khắc và tạc trong nhà thờ bởi các nghệ nhân Italia và Pháp theo cùng một chủ đề đó là những thực tại dưới đất cũng có một ý nghĩa nào đó trên thiên quốc, là một trong những điều tâm đắc của Thánh Biển Đức.

Trên Web site của họ tại địa chỉ churchofthetransfiguration.org quý vị và các bạn có thể ghé thăm nhà thờ của họ qua một chương trình thăm viếng ảo dành cho những ai không có điều kiện đến thăm một trong những ngôi nhà thờ tân tiến nhất Hoa Kỳ về nhiều mặt.

02. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 trở thành công dân danh dự tại thành phố nơi bà ngoại ngài sinh trưởng.

Đức Thánh Cha vừa trở thành công dân danh dự của thành phố “Naz-Sciaves”, một thành phố của Italia. Một đoàn đại biểu của thành phố đã đến Vatican để trao tặng Đức Thánh Cha huy chương danh dự của thành phố.

Đây là nơi sinh trưởng của bà ngoại và bà cố của Đức Thánh Cha. Thành phố Naz-Sciaves hiện có 2500 dân nằm ở phía Bắc Ý trong vùng Bolzano gần biên giới với nước Áo.

Năm 1940, khi được 13 tuổi, Đức Thánh Cha đã viếng thăm thành phố này và đã đi xe đạp dạo quanh vùng với anh trai của ngài.

12 thành phố khác cũng đã trao tặng Đức Thánh Cha danh hiệu công dân danh dự. Những thành phố này thuộc Áo, Italia và Đức trong đó có thành phố Martkl am Inn nơi sinh trưởng của Đức Thánh Cha.

5. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 khích lệ các thiện nguyện viên như những người đã cổ vũ cho thiện chí trên thế giới

Trong phiên họp chót của hội nghị các thiện nguyện viên được Tòa Thánh tổ chức, các tham dự viên đã vui mừng chào đón Đức Thánh Cha. Đức Thánh Cha đã cám ơn Đức Hồng Y Robert Sarah, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Đồng Tâm là người đã tổ chức hội nghị này trong khuôn khổ Năm Các Thiện Nguyện Viên Âu Châu. Đức Thánh Cha nói với các tham dự viên rằng công việc của họ không chỉ thể hiện thiện chí nhưng còn là một lời đáp trả cho một sự gặp gỡ thân tình với Chúa Kitô.

Ngài nói:

“Hồng ân của Chúa Kitô giúp chúng ta khám phá trong ta một lòng ao ước cho tình liên đới và cho một ơn gọi căn bản cho tình yêu”.

Đức Thánh Cha khích lệ các thiện nguyện viên rằng tuy công việc của họ không thể đáp ứng được hết những nhu cầu nảy sinh, họ không nên để thực tại của cuộc sống làm nhụt chí.

“Điều nhỏ mọn chúng ta có thể làm để đáp ứng phần nào nhu cầu nhân loại có thể xem như những hạt giống sẽ tăng trưởng và đem lại nhiều hoa trái; đó là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Kitô và tình yêu, giống như cành cây được đề cập trong Phúc Âm, sẽ lớn lên đem lại bóng mát, sự bảo vệ và sức mạnh cho những ai cần đến.”

Hội nghị quy tụ 160 tham dự viên từ các tổ chức thiện nguyện của 25 quốc gia tại Âu Châu.

6. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đang cứu xét một dự án viếng thăm hai nước Cuba và Mễ Tây Cơ để đáp lại lời mời từ hai nước này.

Trả lời câu hỏi của giới báo chí, hôm 10-11-2011, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết trong những ngày qua, các vị Sứ Thần Tòa Thánh tại Mễ Tây Cơ và Cuba đã được ủy nhiệm thông báo cho các vị lãnh đạo tôn giáo và dân sự cấp cao nhất về việc Đức Thánh Cha đang cứu xét một dự án cụ thể để viếng thăm hai nước.

Dự án này sẽ được đào sâu trong những tuần lễ tới đây và dựa theo đó, Đức Thánh Cha quyết định chung kết và sẽ thông báo theo thể thức và thời gian ngài thấy là thuận tiện nhất.

Thời điểm dự kiến cho cuộc viếng thăm là vào mùa xuân năm tới, vì thế, thời gian để quyết định chung kết về chương trình và việc chuẩn bị tương đối đã đến gần.

Về lý do cuộc viếng thăm, Cha Lombardi cho biết sự mong đợi của nhân dân Mễ Tây Cơ là điều ai cũng biết, Đức Thánh Cha để ý đến điều đó và ngài vui mừng vì có thể đáp lại mong đợi ấy. Đức Thánh Cha đã đến Brazil, nhưng các nước Mỹ châu la tinh nói tiếng Tây ban nha mong muốn một cuộc viếng thăm cho họ và Mễ Tây Cơ là dân tộc đông đảo nhất trong số các nước này.

Cuba cũng là một nước rất mong được thấy Đức Giáo Hoàng, người không bao giờ quên cuộc viếng thăm lịch sử của Đức Gioan Phaolô 2.

Cha Lombardi nói thêm rằng: “Chỉ cần nhìn bản đồ là đủ thấy Cuba và Mễ Tây Cơ ở cùng một hướng so với Roma, và vì thế điều hợp lý là gộp hai nước trong một chuyến viếng thăm duy nhất, thay vì 2 cuộc viếng thăm riêng rẽ, sẽ đòi một hành trình dài và phức tạp hơn.

7 – Các trường công lập tại Pakistan dạy học sinh đừng khoan dung đối với những ai không phải là tín hữu Đạo Hồi.

Các sách giáo khoa, được sử dụng trong trường công lập và trường tư thục ở Pakistan, dạy cho học sinh nước này có thành kiến và bất khoan dung đối với các nhóm thiểu số tôn giáo không theo đạo Hồi: đây là kết quả của một nghiên cứu đầu tiên thuộc loại này, được thực hiện bởi Ủy ban về Tự do tôn giáo quốc tế của quốc hội Hoa Kỳ(USCIRF) và được công bố ngày 9-11 tại Washington.

Phúc trình, được thông tấn xã Công Giáo Fides của Tòa Thánh đăng tải cho thấy hệ thống trường học ở Pakistan là gốc rễ của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo rộng rãi, và giúp giải thích lý do tại sao những hành vi khủng bố chống người không theo Hồi Giáo lại thường được hỗ trợ rộng rãi, khoan dung và biện minh tại Pakistan.

Nghiên cứu, có tựa đề "Kết nối các dấu chấm: giáo dục và sự phân biệt đối xử tôn giáo ở Pakistan", xem xét lại hơn 100 sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 10 thuộc bốn tỉnh của Pakistan. Hồi tháng 2-1011, các nhà nghiên cứu đã đến thăm 37 trường công lập, phỏng vấn 277 học sinh và các giáo viên. Họ cũng đến thăm 19 trường đào tạo chức sắc Hồi giáo, nơi họ đã phỏng vấn thêm 226 học sinh và các thầy giảng Kinh Koran.

Phúc trình nói: “Các nhóm thiểu số tôn giáo thường được mô tả như những công dân thấp kém hoặc công dân hạng nhì, được ban các quyền lợi bởi các người Hồi giáo Pakistan quảng đại, do đó họ cần phải biết ơn người Hồi Giáo. Đặc biệt, người Ấn giáo bị liên tục mô tả như là các phần tử cực đoan, và những kẻ thù truyền kiếp của Hồi giáo". Phúc trình nói tiếp: “Nền văn hóa và xã hội của Pakistan dựa trên sự bất công và tàn ác”.

8 – Phim The Last Christero

Cuốn phim The Last Christero mô tả những chiến sĩ Công Giáo cố gắng chống lại chính sách tận diệt tôn giáo của chính quyền tam điểm thân cộng của Mễ Tây Cơ.

Năm 1926, chính quyền Mễ Tây Cơ thực thi một chính sách bài giáo sĩ và đưa ra hàng loạt các cấm đoán đối với người Công Giáo. Các nông dân Công Giáo đã cầm súng chống lại một đạo quân tinh nhuệ của chính quyền trong cuộc chiến gọi là Cristero War. Cuộc chiến bắt đầu từ năm 1926. Năm 1929, Hoa Kỳ áp lực với Mễ Tây Cơ để có cuộc ngưng bắn. Tuy nhiên, nhiều chiến sĩ Kitô ra trình diện đã bị giết chết.

Cuốn phim đề cập đến năm 1930 khi những chiến sĩ Kitô tiếp tục cuộc chiến của họ. Họ đã phải lang thang trong những vùng núi khô cằn để tránh sự lùng bắt của quân chính phủ.