Ngày 18-11-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thầy đến để phục vụ
Lm. Jude Siciliano, OP
06:48 18/11/2010
CHÚA NHẬT LỄ CHÚA KITÔ VUA – C

2 Samuel 5: 1-3; Tv 122; Colossians 1: 12-20; Luca 23: 35-43

THẦY ĐẾN LÀ ĐỂ PHỤC VỤ

Bài đọc một hôm nay gợi lại cho chúng ta cảnh 12 chi tộc It-ra-en họp nhau tại Heb-ron để nhận Đa-vit làm vua của mình và bày tỏ lòng trung thành với ông. Mãi sau này, người Do-thái thời Đức Giê-su cũng phải chịu sự cai trị của vua Hê-rô-đê và đế quốc Rô-ma. Họ đang ở trong một tình trạng đáng thương, vô vọng và vì thế lại hoài niệm về cái quá khứ vinh quang, khi họ có đại vương Đa-vít làm vị vua mục tử của mình. Vua Đa-vit cũng có những lầm lỗi riêng, nhưng tất cả mọi người đều đứng về phía ông. Các chi tộc đã nói với Đa-vit: “này chúng tôi đây, là xương và là thịt ngài”. Bất chấp sự yếu đuối do phận người của vua, Thiên Chúa vẫn dùng ông để thống nhất 12 chi tộc rải rác thành một vương quốc hùng mạnh.

Dưới sự cai trị của Hê-rô-đê và sự chiếm đóng của người Rô-ma, dân tộc đau khổ này không chỉ hoài niệm về những khoảnh khắc vinh quang trong quá khứ mà họ còn trông chờ một Đấng Mê-si-a, một vị vua như Đa-vit đến giải phóng họ. Họ hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ lại một lần nữa, như Người đã làm trong quá khứ, giải thoát họ khỏi những người chèn ép họ. Vậy thì, vị vua được chờ đợi trong thời gian dài này đang ở đâu và làm sao để họ nhận ra vị vua này khi Người xuất hiện? Người chắc chắn được ngụy trang theo một cách thức người ta không thể ngờ tới nhất, thậm chí là ghê tởm – bị treo trên thập giá! Nhằm làm bẽ mặt và châm biếm người Do-thái, Phi-la-tô đã đặt trên thánh giá của Đức Giê-su tấm bảng, “Đây là vua dân Do-thái”. Làm sao vị vua này lại ở một nơi nhục nhã đến thế?

Từ Chúa Nhật thứ 13 trong lịch phụng vụ, Thánh Lu-ca đã kể cho chúng ta rằng Đức Giê-su “cương quyết lên đường đi Giê-ru-sa-lem” (9, 51-62) và như vậy chúng ta đang được đồng hành cùng với Người và các môn đệ của Người đi đến thành thánh Giê-ru-sa-lem. Dọc đường, thánh Lu-ca thỉnh thoảng lại nhắc nhở chúng ta rằng họ đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem. (Trình thuật về hành trình này bắt đầu từ 9, 51 và kết thúc ở 19, 28, khi Đức Giê-su tiến vào Giê-ru-sa-lem.) Trong khi đi đường với các môn đệ của mình, Đức Giê-su vừa thực hiện các phép lạ, vừa dạy họ cầu nguyện và cho họ biết cái giá của việc làm môn đệ Người, sai họ đi thực hiện sứ vụ, gặp chống đối từ các nhà lãnh đạo tôn giáo, tiên báo về cuộc thương khó Người phải chịu, cảnh báo về cuộc khủng hoảng sẽ xảy đến, cổ vũ niềm tin của họ và khuyến khích họ kiên trì cho đến khi Con Người trở lại. Dầu vậy, khi họ đến Giê-ru-sa-lem và những gì Đức Giê-su đã tiên báo trở thành sự thật, Người bị bắt và bị đóng đinh, các môn đệ vẫn hoàn toàn bị sốc và bị nghiền nát trong sự tuyệt vọng và rồi họ phân tán tan tác.

Trong trình thuật của Lu-ca về cuộc hành quyết, những người còn đứng lại cho tới cuối cùng là: đám đông đứng nhìn, những người lính đang chế giễu, các nhà lãnh đạo tôn giáo cũng đang cười nhạo và ở đàng xa, “những người bạn của Người và những người phụ nữ đã đi theo Người từ Ga-li-lê…(23, 49). Dĩ nhiên, cũng có hai tên tội phạm treo hai bên cạnh Người. Đó là một ngai vàng cô đơn và một triều thiên không quyền lực dành cho “vị Vua người Do-thái” này. Mỉa mai thay, một tên tội phạm cùng bị treo với Người lại là người có đức tin và anh đã xin Đức Giê-su nhớ đến anh khi Người bước vào Nước của Người.

Các vị vua và nữ hoàng, không chỉ là bù nhìn, nắm quyền hành trên thần dân của họ. Đó là thứ quyền lực “từ trên xuống” như quyền hành chúng ta có đối với đồ vật, thú vật và chúng lệ thuộc vào con người. Chúng ta thấy một hình ảnh về quyền lực như vậy ở một căn cứ Hải quân khi một viên trung sĩ huấn luyện kỹ năng hét lên, “Chú ý” và những tân binh đứng ngay đơ như cột, tròng mắt đứng yên, ngẩng cao đầu. Khi chúng ta gọi Đức Giê-su là vua của chúng ta, nhiều người tin rằng đó cũng là một loại quyền lực Người có thể sử dụng bất cứ khi nào Người muốn.

Nhưng hôm nay, trên cây thập giá, quyền lực đó ở đâu? Tại sao Người không sử dụng nó để xuống khỏi thập giá, nghiền nát kẻ thù và công bố sự khai mào của vương quốc Người? Thay vào đó, nếu chúng ta muốn nhìn thấy vị vua của mình, chúng ta phải nhìn vào cảnh tượng khủng khiếp của cây thập giá và sẽ thấy Người bị trói chặt vào xà ngang của cây thập giá đó. Điều gì đang diễn ra vậy?

Đức Giê-su, vị vua, đang chỉ cho chúng ta thấy một loại quyền lực khác từ trên cây thập giá. Thánh Phao-lô, trong thư gửi tín hữu Phi-lip-phê, nói với chúng ta rằng Đức Giê-su đã hủy mình ra không, đặt qua một bên những ưu phẩm và đặc quyền Thiên Chúa để hạ mình và trở thành con người – Người hạ Mình tới mức sẵn sàng đón nhận cái chết nhục nhã trên thập giá. Quyền lực của Đức Giê-su không được thực hiện bằng sức mạnh, nhưng bằng việc mời gọi chúng ta nên một với Người. Người trao ban chính Mình cho chúng ta trong một tương quan bền vững, ngay cả khi nó có vẻ yếu ớt. Trong tương quan đó, chúng ta chia sẻ quyền lực của Người – một quyền lực có khả năng chữa lành và tha thứ; một quyền lực làm cho chúng ta trở thành kẻ phục vụ Người trong sứ vụ hòa giải của Người. Trong tương quan với Đức Giê-su, chúng ta trở nên mãnh mẽ, không phải bằng việc thâu tóm quyền lực và cai trị người khác, nhưng là chia sẻ sự sống của Người trong tương quan giữa chúng ta với tha nhân.

Qua việc đón nhận cây thập giá, Đức Giê-su đã bước vào sự liên đới với những thành phần thấp kém nhất trong xã hội thời đó. Ai có thể hèn kém hơn một tội nhân bị kết án tử trên thập giá? Đức Giê-su bị đóng đinh là một dấu hiệu qua đó Người trao ban chính mình cho mọi người, đặc biệt là những thành phần bị coi là thấp kém nhất, không phải bằng việc áp đặt bản thân Người trên chúng ta, nhưng bằng việc trao ban chính Người cho chúng ta trong sự yếu đuối và có vẻ thất bại. Trong khi những nhà cai trị trần thế, những vị quân chủ và ngay cả một vài quyền lực tôn giáo, tạo ảnh hưởng của bản thân họ trên chúng ta bằng việc khẳng định quyền lực của họ để đạt được những mục đích cá nhân, thì quyền lực của Đức Giê-su được tỏ hiện trong việc Người phục vụ chúng ta và sẵn lòng hy sinh mạng sống vì chúng ta.

Chúng ta được tự do để chấp nhận hay chối bỏ luật của Người; Người hoàn toàn không bắt ép chúng ta. Người không muốn chúng ta trở thành những thần dân lệ thuộc của Người mà là những người bạn của Người. (“Thầy không còn gọi anh em là những nô lệ nữa, vì một người nô lệ không biết những việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu…” Ga 15, 15). Thực vậy, những ai đón nhận triều đại của Người sẽ sống như những anh chị em trong vương quốc của Người, vương quốc đó đã đang hiện diện trong thế giới này rồi.

Thế giới này từng ngày vẫn luôn lôi kéo chúng ta chọn đi theo luật của những quyền lực và vương quốc khác – lòng tham, bạo lực, độc ác, kiêu ngạo, sự thờ ơ… Như vậy, việc đón nhận luật của Đức Giê-su không phải là một hành động chọn lựa một lần thay cho tất cả, nhưng nó cần được canh tân mỗi ngày nhờ những chọn lựa theo chủ ý của chúng ta. Là những thành viên trong triều đại của Thiên Chúa, dưới quyền của vua Giê-su, đôi khi có thể lại là một điều gây thất vọng. Phần nhiều triều đại của Người vẫn còn chưa hoàn trọn và phân mảnh trong thế giới của chúng ta. Chỉ cần liếc qua những vấn đề nổi cộm ngày nay chúng ta cũng đủ thấy rõ điều đó. Còn nhiều việc cần phải làm để biến “Vương quốc bình an” của Đức Giê-su trở thành một thực tại trong cuộc sống này – không chỉ nơi thế giới quanh ta và trong cộng đoàn Ki-tô hữu chúng ta, mà là chính trong bản thân mỗi người chúng ta nữa.

Vì vậy, chúng ta vẫn sống trong niềm hy vọng và quay trở lại đây mỗi tuần để đón nhận chất dinh dưỡng chúng ta cần – đó là Lời Chúa và Mình máu thánh Đức Giê-su, ngõ hầu chúng ta có thể sống trong triều đại Thiên Chúa, không chỉ như những đầy tớ trung thành, nhưng là như những anh em, chị em của Vua Giê-su.

Chuyển ngữ: Anh em HV Đaminh Gò Vấp
 
Vâng phục đến hơi thở cuối cùng
LM Inhaxiô Trần Ngà
09:13 18/11/2010
Chúa nhật Chúa Giê-su Ki-tô Vua ((Lc 23, 35-43)

Ngay từ thủa khai sinh nhân loại, Nguyên Tổ loài người là A-đam và E-va đã bị Sa-tan cám dỗ từ bỏ đường lối Thiên Chúa để theo đường lối Sa-tan. Hai ông bà đã nghe theo lời ma quỷ xúi giục, không vâng phục Thiên Chúa, không đi theo đường lối Người. Thế là một khi “Đầu Tàu” đã đi trật đường rầy thì sẽ lôi kéo các “toa tàu”, tức là vô vàn con cháu về sau đi vào ngõ cụt, lao vào cõi đau khổ trầm luân.

Để cứu nhân loại thoát cảnh lầm than do Nguyên Tổ A-đam E-và gây ra, Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế đầu thai làm người, trở thành Nguyên Tổ mới, tác sinh ra một nhân loại mới, đồng thời trở nên như là “Đầu Tàu” thứ hai dẫn đưa nhân loại vào chốn hồng phúc.

Sa-tan đã hạ đo ván Nguyên Tổ A-đam E-va ngay từ thử thách đầu tiên, nay lại thừa thắng xông lên với quyết tâm lôi kéo “Đầu Tàu” thứ hai là Đức Giê-su Ki-tô đi trệch đường lối Thiên Chúa, nhằm nhận chìm nhân loại vào trong cõi trầm luân muôn đời muôn kiếp.

Mặc dầu Chúa Giê-su là Thiên Chúa Ngôi Hai, nhưng Người đã “hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Philipphê 2, 7), do đó, “Người đã chịu thử thách (cám dỗ) về mọi phương diện cũng như ta” (Do thái 4, 15). Chính vì thế, Sa-tan không ngừng cám dỗ Chúa Giê-su đi trệch đường của Thiên Chúa Cha với hy vọng phá vỡ kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa dành cho loài người.

Lúc khởi đầu sứ vụ, Chúa Giê-su từng bị cám dỗ ba lần trong hoang địa khi mới chuẩn bị bước vào đời sống công khai. Chúa Giê-su anh dũng chống lại và đã chiến thắng. Ma quỷ đành rút lui để chờ dịp khác.

Trong thời gian rao giảng, Chúa Giê-su từng bị cám dỗ lên làm vua (Gioan 6, 14), bị cám dỗ đừng lên Giê-ru-sa-lem để chịu khổ nạn (Mt 16, 22-23) và đặc biệt, cơn cám dỗ hết sức khốc liệt nơi vườn Dầu (Lc 22, 41-44).

Nơi đây, Chúa Giê-su bị giằng co giữa hai chọn lựa quyết liệt: uống chén đắng hay khước từ chén đắng? Chấp nhận làm theo ý Chúa Cha để rồi phải chết trong tủi nhục đau thương hay là làm theo ý mình để được sống an bình?

Cuộc giằng co trong nội tâm đã khiến Chúa Giê-su phải toát mồ hôi máu. Nhưng cuối cùng Đức Giê-su đã chiến thắng: “Xin đừng theo ý Con, một xin theo ý Cha”. (Lc 22, 42). Người cương quyết vâng theo ý Chúa Cha bước vào cuộc khổ nạn đau thương để cứu độ muôn người.

Thế nên lần nầy, Sa-tan ra sức đánh trận cuối cùng, may ra giành được chiến thắng vào phút chót. Chiến lược của Sa-tan là tìm cách cám dỗ Chúa Giê-su xuống khỏi thập giá nhằm phá vỡ hoàn toàn kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

Trước hết, qua miệng các thủ lãnh, Sa-tan khiêu khích: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!"

Phải rồi, khi tự mình xuống khỏi thập giá, muôn người sẽ tin nhận Đức Giê-su thật sự là Đấng Ki-tô… như thế sẽ có lợi cho biết bao tâm hồn.

Tiếp theo, Sa-tan dùng lời binh lính để dụ dỗ Chúa Giê-su: “Hãy xuống khỏi thập giá đi.” Lý do được đưa ra là: “Ông là vua dân Do-Thái”. Đúng vậy, là vua thì phải xuống khỏi thập giá để lãnh đạo toàn dân thần phục Thiên Chúa, hẵn sẽ có lợi hơn nhiều.

Ngay cả tên tử tội cùng bị đóng đinh với Chúa Giê-su cũng được Sa-tan sử dụng để cám dỗ Người: “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!”

Phải rồi, là Đấng Ki-tô thì có dư quyền năng để tự cứu mình và cứu luôn hai nạn nhân đang cùng chịu khổ nạn đau thương với mình. Thực là điều chính đáng!

Nhưng Chúa Giê-su đã không chịu lùi bước trước bất kỳ cám dỗ nào. Người quyết vâng phục Chúa Cha cho đến hơi thở cuối cùng. Người đã chiến đấu kiên cường và đã hoàn toàn chiến thắng.

Lời thánh Phao-lô trong thư Philipphê (chương 2, 6-11) sau đây như khúc khải hoàn ca tán dương Chúa Giê-su đã vẻ vang chiến thắng:

“Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế.

Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.

Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.

Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giê-su Ki-tô là Chúa.”

Ngợi ca Vua Giê-su Ki-tô toàn thắng vinh hiển muôn đời. Amen.
 
Thiên Chúa là Vua duy nhất
Jos. Tú Nạc, NMS
09:15 18/11/2010
Chúa Ki-tô Vua - Năm C (2 Samuel 5: 1-3; Psalm 122;Colossians 1: 12-20; Luke 23: 35-43)

Đôi khi muốn còn tốt hơn so với có. Dân Israel đã được lãnh đạo bởi giao ước và giới luật thiêng liêng từ khi họ được giải phóng khỏi Ai Cập. Họ thực sự không cần một chính quyền chủ yếu hoặc người cầm quyền mạnh mẽ. Những hội đồng, những bậc kỳ lão và một liên minh lỏng lẻo của 12 bộ tộc đã là thích đáng. Trong những lúc hoạn nạn hay bị tấn công, Thiên Chúa đã chỉ định và xức dầu cho một vị thẩm phán hoặc một nhà lãnh đạo quân đội, nhưng vai trò này không phải là cha truyền con nối – nó trút hơi thở cuối cùng với cái chết của nhà lãnh đạo đó hoặc xuôi theo cuộc khủng hoảng ấy. Theo một ý nghĩa nào đó, tự họ thấy như đã được Thiên Chúa cai trị.

Nhưng người ta không ngừng ngơi nghỉ và háo hức nghĩ đến những điều mới lạ. Cuối cùng, những người thuộc những quốc gia khác sống xung quanh họ và đã có những hoàng đế, hoàng tử và những cung điện nguy nga, tráng lệ. Rồi có một ngày đã đến khi họ thực hiện những gì mà biết bao người đã thực hiện. Họ đã biếu không sự tự do của họ, thích được sự thoải mái khi có một người nào đó cai trị cuộc sống của họ. Người ta không thích sự mơ hồ, lưỡng nghĩa và nỗ lực cần thiết trong việc tạo ra những quyết định của riêng mình. Tự do kiên nhẫn chờ đợi nó với trách nhiệm và khả năng của sự sai lầm. Đối với nhiều người khi có một cá nhân hay hệ thống nói với họ cách sống như thế nào và suy nghĩ những gì là thích hợp hơn.

Dân Israel đã thực hiện những điều không tưởng: họ yêu cầu tiên tri Samuel bổ nhiệm một vị vua để cai trị họ - giống y như những quốc gia khác (1 Samuel 8). Một Samuel choáng váng đã chuyển đạt yêu cầu của họ tới Thiên Chúa, người mà đã nhìn thấy điều đó như một sự sỉ nhục cá nhân và chối từ. Nhưng Thiên Chúa ra lệnh cho Samuel cho họ những gì mà họ yêu cầu. Cùng với điều này là một cảnh báo rằng điều này sẽ đem đến sự lạm dụng quyền lực, chiến tranh, áp bức và mất tự do. Và tất cả những điều này đã đến rồi đi, đã vượt qua – đoạn trích hôm nay đưa ra chứng cứ rằng những người lo lắng để được giải thoát khỏi thảm họa của Saul và có David. Nhưng thậm chí luật lệ của David cũng chỉ là máu đổ, nội chiến và hết thiên tai này đến thiên tai khác.

Quyền lực là một điều kỳ lạ - nó không thừa nhận những gì của nó trong những bàn tay vô đạo đức gây ra những khổ đau không kể xiết. Ba mươi thế kỷ sau chúng ta vẫn chiến đấu để biết được ý nghĩa và việc sử dụng quyền lực thực sự. Sự cai trị chân chính đối với một quy mô nhỏ hay lớn đều là sự hợp tác và căn cứ trong mối quan hệ bình đẳng, cởi mở, sẻ chia và nhân ái hơn là thống trị, áp bức và độc đoán.

Tác giả của Colossians đã thấy Đức Ki-tô là hiện thân của quyền lực thiêng liêng, một quyền lực đặc trưng bời tình yêu. Nhà thơ Dante đã nhìn tình yêu như một ma lực hướng dẫn những hành tinh cùng những tinh tú trong phương quỹ đạo của chúng. Trong một thời trang tương tự, tình yêu của Đức Ki-tô là nguồn lực để cùng nhau liên kết và hòa giải một thế giới vẹn toàn. Công việc hiệp nhất và hòa giải tiếp tục bất cứ khi nào mà sự sống loài người tồn tại trong sự hài hòa với nguyện vọng và sự chi phối thiêng liêng, thánh thiện đời sống của mình trước nguyên tắc của tình yêu vị tha.

Sự nhạo báng của những người lãnh đạo và tên tội phạm bị đóng đinh cùng với Chúa Giê-su là sự nhạo báng muôn thuở của thế gian hướng vạo moi nỗ lực để sống và cai trị bằng tình yêu và những nguyên tắc thiêng liêng. Nếu ông là Con Thiên chúa … nếu ông là vua … vậy ông hãy hành động giống như con người: hãy gồng lên những bắp thịt của ông, tỏ ra sức mạnh của ông. Thậm chí ma quỷ trong câu chuyện bằng sự cám dỗ đã dùng sự nhạo báng này chống lại Chúa Giê-su. Tội nhân thứ nhất hy vọng rằng Chúa Giê –su sẽ đưa họ thoát khỏi tình huống vô phúc mà họ đang phải gánh chịu. Đám đông thay phiên nhìn Chúa Giê-su dường như đang yếu dần và bất lực – họ tự quả quyết rằng họ đã đúng và rằng Người là một kẻ mạo danh. Thế gian này hiểu biết bạo lực và thủ đoạn chính trị nhưng bị lúng túng và giận dữ bởi những người không tham gia trò chơi này. Tên tôi phạm khác “hiểu được điều đó” – Chúa Giê-su biểu lộ một thứ quyền lực khác, thứ quyền lực dẫn đến từ sự sống trong mối hài hòa với tâm trí và tâm hồn của Thiên Chúa.

Sự sống nhân loại luôn bị cám dỗ dùng quyền lực để công kích trả thù bằng sự bất công và đau đớn hoặc áp đặt những định kiến cá nhân hay tập thể lên người khác. Quyền lực và sự cai trị vương đế của Chúa Giê-su đã có những lúc bị bạc đãi để củng cố những tuyên bố của những ông vua, bà chúa và những người cầm quyền chuyên chế hoặc để biện minh cho bạo lực và cưỡng bức. Nhưng luật lệ của Người hoàn toàn không có gì để thực hiện bằng áp lực hay áp đặt. Lòng từ bi và bất bạo động không phải là những tình cảm hoặc dấu hiệu của sự nhu nhược mà là những phô diễn quyền năng của Thiên Chúa. Khi điều đó đã được quán triệt và thể hiện, nó phá hủy toàn bộ những hệ thống và những cấu trúc bất công.

Đây là vị “vua” duy nhất mà chúng ta cần và là người duy nhất mà chúng ta cầu xin.

(Nguồn: Regis College – The School of Theology)
 
Sự thưởng phạt đời đời
LM Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn
16:40 18/11/2010
Hỏi: Nhân tháng cầu cách riêng cho các linh hồn (tháng 11), xin Cha giải thích: tại sao Thiên Chúa là tình thương và tha thứ lại có thể phạt con người trong nơi gọi là hoả ngục được? Và thực sự có nơi gọi là “hoả ngục” hay không?

Trả lời: Đúng, Thiên Chúa là tình yêu như Thánh Gioan đã quả quyết. (x.1Ga: 4:8)

Chính vì yêu thương nên Thiên Chúa đã tạo dựng và cứu chuộc con người trong Chúa Giêsu-Kitô. Ngài tuyệt đối không được lợi lộc gì và cũng không hề muốn tìm lợi lãi gì cho riêng mình mà phải làm việc này. Đây là điều chắc chắn chúng ta phải tin và ca tụng.

Khi tạo dựng, Thiên Chúa đã ban cho con người sự khác biệt độc đáo so với mọi loài thụ tác khác: đó là sự hiểu biết và ý chí tự do (intelligence and free will). Nghĩa là Ngài không tạo dựng loài người như những người máy (robots) chỉ biết thi hành mệnh lệnh của người điều khiển mà là những tạo vật có lý trí và tự do để nhận biết và chọn lựa. Thiên Chúa hoàn toàn tôn trọng ý chí tự do này của con người. Do đó, con người phải chịu trách nhiệm trước Chúa về mọi chọn lựa của mình khi sống trên trần gian này.

Cũng vì con người có lý trí và tự do nên mới có vấn đề thưởng phạt được đặt ra.

Cho con người trước Thiên Chúa giầu tình thương nhưng cũng rất công minh khi phán xét con người

Nhưng truớc khi đi sâu vào sự thưởng phạt của Thiên Chúa, chúng ta cần biết xem Kinh Thánh và Giáo lý của Giáo Hội nói gì về nơi gọi là “hoả ngục = hell”

I - Kinh Thánh

Trước hết, Ngôn sứ Isaia đã dùng hình ảnh sau đây để nói về nơi trừng phạt đời đời: “Khi ra về, mọi người sẽ thấy xác những kẻ phản loạn chống lại Ta vì giòi bọ rúc tiả, chúng sẽ không chết, lửa thiêu đốt chúng sẽ không tàn lụi. Chúng sẽ là đồ ghê tởm cho mọi người phàm”. (Is 60:24)

Sau này, Chúa Giêsu cũng đã nhiều lần nói đến hoả ngục và hình phạt ở nơi này như sau: “Nếu mắt ngươi làm cớ cho ngươi sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, nơi giòi bọ không hề chết, lửa không hề tắt.” ( Mc 9:48)

Nơi khác, Chúa còn nói rõ thêm: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục.” (Mt 10:28)

II - Giáo Lý của Giáo Hội

Từ ngữ hoả ngục (hell) được dịch từ chữ “Sheol” của Do Thái, hay “Hades” của Hy lạp để chỉ nơi ở của những người không được nhìn thấy Thiên Chúa. Đây chính là nơi mà Chúa Giêsu đã nhiều lần nói đến trong khi rao giảng Tin Mừng Cứu Độ. Nơi này “dành cho những ai, cho đến lúc chết, vẫn từ chối tin và trở lại. Đó là nơi cả hồn lẫn xác sẽ bị hư mất. Và danh từ “hoả ngục” được dùng để chỉ tình trạng ly khai chung cuộc khỏi mọi hiệp thông với Thiên Chúa và các thánh trên trời.” (x.SGLCG, số 633, 1033). Vì thế Giáo Hội, theo gương Chúa Giêsu, cũng “cảnh cáo các tín hữu về thực tế đáng buồn và thảm khốc của sự chết đời đời, còn được gọi là hoả ngục” (x. Sđd, số 1056-58)

Qua những bằng chứng trên đây, chúng ta không có lý do gì để nghi ngờ hay phủ nhận sự tồn tại của một nơi đáng sợ hãi gọi là “hoả ngục”, tức là nơi hoàn toàn đối nghịch với “Thiên đàng” (paradise), là chỗ “vinh phúc cho ta được thông phần vào bản tính Thiên Chúa và được sống đời đời” sau khi đã hoàn tất hành trình đức tin trong trần thế này như Thánh Phêrô đã daỵ. (x. 2 Pet 1:4)

III - Chúa có phạt ai xuống hoả ngục hay không?

Như đã nói ở trên, Thiên Chúa là tình yêu và giầu lòng tha thứ. Ngài “muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.” ( x.1 Tm 2:4). Nghĩa là, Thiên Chúa không tiền định hay muốn cho ai phải hư mất đời đời, tức là phải phạt trong nơi gọi là hoả ngục. Lý do là vì “ Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. (Jn 3: 16)

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, Thiên Chúa tạo dựng con người với hai đặc tính độc đáo là có lý trí và ý chí tự do. Lý trí để nhận biết và ý muốn tự do để lựa chọn. Như vậy, nếu Chúa bắt buộc con người phải yêu mến Ngài thì tình yêu này sẽ không có giá trị vì như thế con người sẽ mất hết tự do lựa chọn và sống như mọi loài thụ tạo khác mà thôi. Chính vì Thiên Chúa ban cho và hoàn toàn tôn trọng ý chí tự do của con người, nên sự chọn lựa của cá nhân mới có giá trị thưởng phạt.

Vì thế, Thiên Chúa không ép buộc ai phải yêu mến và sống theo đường lối của Ngài. Ngược lại, Ngài chỉ mời gọi và tuỳ con người tự do đáp trả như tác giả Đê Nhị Luật đã viết:

“Hôm nay tôi lấy trời đất làm chứng để cáo tội anh (em): tôi đã đưa ra cho anh (em) chọn được sống hay phải chết, được chúc phúc hay bị nguyền rủa. Anh (em) hãy chọn để anh (em) và dòng dõi anh (em) được sống.” (Đnl 30:19)

Nếu con người sử dụng ý muốn tự do (free will) mà khước từ Thiên Chúa để sống theo ý riêng của mình thì Thiên Chúa sẽ tôn trọng và người ta phải hoàn toàn chịu mọi hâu quả về chọn lựa của mình. Thực tế khắp nơi và ở mọi thời đại đã đủ chứng minh điều này: có biết bao người đã và đang chọn nếp sống phóng túng, gian ác, lưu manh, trộm cướp, gian dâm, khủng bố, giết người, tôn thờ vật chất v.v… Đây là những lối sống hoàn toàn đi ngược với mọi Giới Răn của Thiên Chúa và Tin Mừng Cứu Độ mà Chúa Giêsu đã rao giảng và trả giá bằng chính cái chết của Người trên thập giá năm xưa..

Nếu người ta cương quyết chọn con đường sai trái và từ chối hoán cải để được tha thứ và cứu độ thì họ đã tự ý chọn lựa cho mình nơi ở dành cho những kẻ đã khước từ Thiên Chúa là tình thương, an vui, công bình và thánh thiện. Nói khác đi, nếu cuộc sống có dẫn đưa ai cuối cùng phải dừng chân ở nơi gọi là “hoả ngục” thì đó là hậu quả tất nhiên của sư tự do cá nhân muốn chọn lựa, chứ không phải vì Chúa muốn trừng phạt ai. Như vậy, phải hiểu hình phạt hoả ngục theo nghĩa con người có lý trí và tự do đã chọn lựa cho mình một nếp sống hoàn toàn trái ngược với cuộc sống dẫn đưa đến hạnh phúc thiên đàng như Chúa hứa ban cho những ai ước muốn khi còn sống trên đời này. Như thế không có gì là tàn nhẫn hay trái ngược với tình thương vô biên của Thiên Chúa là Đấng “muốn cho mọi người được cứu độ” và sống đời đời.

Sau hết, sở dĩ phải đặt vấn đề “thưởng phạt đời đời” là vì sự có mặt của tội lỗi và sự dữ trong trần gian này như một thực tế không ai có thể phủ nhận được.

Bởi thế, bao lâu còn sống trên trần gian này và trong bản chất yếu đuối do hậu quả của tội Nguyên tổ, con người sẽ luôn luôn bị giằng co giữa sự dữ và sự thiện, giữa cái tốt và cái xấu đối chọi nhau như ánh sáng và bóng tối.

Nếu nhờ đức tin và lý trí, chúng ta nhận biết và tin có Thiên Chúa là Cha nhân lành, là Đấng tạo dựng mọi loài mọi vật, là Chân Thiên Mỹ tuyết đối, thì lời mời gọi sẽ là: hoặc chọn Chúa để yêu mến và sống theo đường lối của Người hay chối bỏ Chúa để buông mình sống theo những đòi hỏi, quyến rũ của trần gian về danh vọng, tiền tái, vui thú vô luân vô đạo và bịt tai nhắm mắt không nghe tiếng lương tâm và không còn nhìn rõ lằn ranh giữa sự thiện và sự dữ, sự tội đầy rẫy trong trấn thế này.

Do đó,nếu ai phải bị hư mất đời đời trong nơi gọi là “hỏa ngục” thì đó chính là hậu quả chọn lựa của người ấy khi sống trên trần thế này, chứ không phải Thiên Chúa tiền định hay muốn phạt ai xuống hỏa ngục. Trong tinh thần đó, ân thưởng mà Thiên Chúa hứa ban được ví như bàn tiệc với thực phẩm tối hảo, trường sinh bất tử mà Người đã dọn sẵn và mời mọi khách đến thưởng thức.

Nếu ai từ khước tham dự Bàn tiệc Nước Trời, thì dĩ nhiên họ không được hưởng những thực phẩm tối cần cho sự sống đời đời, khiến phải chết đói, chết khát là hậu quả tất yếu họ phải gánh chịu vì đã tự do chọn lựa như thế.

Tóm lại, có Thiên Đàng là nơi dành cho những ai yếu mến và tôn thờ Thiên Chúa trên hết mọi sự để xa lánh mọi tội lỗi bao lâu còn sống trên trần gian này. Cũng có hỏa ngục là nơi dành cho những người đã tự do chọn chỗ này cho mình khi tự ý khước từ Thiên Chúa để sống theo ma quỉ, xác thịt và trần gian cho đến hơi thở cuối cùng.

Ước mong giải đáp này thỏa mãn câu hỏi được đặt ra.
 
Chúa Giêsu là Vua vũ trụ
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
18:01 18/11/2010
LỄ CHÚA KITÔ VUA C

+++

A. DẪN NHẬP

Hôm nay, Chúa nhật cuối năm Phụng vụ, Giáo hội dành để biệt kính Đức Giêsu Kitô, Vua vũ trụ. Như vậy, năm Phụng vụ được mở đầu bằng 4 Chúa nhật Mùa Vọng, chuẩn bị đón nhận Con Chúa giáng trần; và Chúa nhật 34 thì tôn kính Đức Giêsu là vua cao cả của vũ hoàn. Nhưng danh hiệu và vương quyền của Ngài như thế nào ? Dù Kinh Thánh kể rằng Ngài là “dòng dõi” vua Đavít, nhưng phải chăng Ngài cũng chỉ tương tự như Đavít ?

Trong bài Tin mừng hôm nay, thánh Luca mô tả cảnh Đức Giêsu bị treo trên cây thập giá giữa hai tên trộm cướp và bị mọi người nhạo báng. Hình ảnh này tạo cho ta một cảm tưởng rằng Ngài dường như bị thất thế, bị kết án như một tên tử tội, bị lăng mạ bởi chính các “thần dân” của mình. Nhưng với con mắt đức tin chúng ta thấy chính lúc ấy là lúc thành công, chính trong lúc ấy Ngài được Chúa Cha phong vương cho Ngài và Ngài đã làm lễ đăng quang trên chính thập giá đó. Ngài đã thành công ở chỗ hy sinh mạng sống mình để cứu chuộc loài người, đã hòa giải nhân loại với Thiên Chúa. Vì thế, Thiên Chúa Cha phong vương cho Ngài và đặt mọi sự dưới chân Ngài để Ngài làm bá chủ muôn loài. Ngài thực sự là vua và còn là vị Vua Cao Cả, độc nhất vô nhị, mãi mãi vượt trên mọi vua chúa ở trần gian và triều đại Ngài sẽ vô cùng cô tận.

Khi sinh thời, Đức Giêsu đã phán: Ta là đường, là sự thật và là sự sống”, ai theo Ngài thì không sợ bị lạc lối. Vì thế, chúng ta hãy công nhận vương quyền của Ngài, tin theo Ngài và góp phần xây dựng vương quốc Ngài bằng đời sống tin yêu và phục vụ. Con đường về Nước Trời chính là nỗ lực chu toàn bổn phận đối với bản thân, gia đình và xã hội. Không có bổn phận nào là đơn giản và dễ dãi. Tuy nhiên, Thiên Chúa luôn thấu hiểu và phù trợ ta qua lời chuyển cầu của Đức Maria và các thánh. Đức Kitô đã rộng mở cánh cửa tình yêu bằng hy sinh trọn vẹn của Ngài cho chúng ta.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: 2Sm 5,1-3

Đoạn này thuật lại cuộc phong vương lần thứ hai cho Đavít. Sau khi vua Saulê chết, tiên tri Samuel đã nhân danh Thiên Chúa xức dầu cho Đavít để ông làm vua các chi tộc ở Giuđêa. Sau một thời gian, vì mộ mến tài đức của Đavít, các chi tộc miền Bắc vốn trung thành với dòng tộc vua Saulê cũng phong Đavít làm vua nữa. Từng bước một Đavít đã trở nên vua của 12 chi tộc Israel. Nhờ bản lĩnh hiếm có, ông đã giữ cho Israel được thống nhất.

Đức Kitô là Đavít mới nhờ thập giá sẽ kiện toàn sự thống nhất hoàn hảo và mãi mãi của dân Thiên Chúa.

+ Bài đọc 2: Cl 1,12-20

Thánh Phaolô trích dẫn một bài thánh thi trình bầy địa vị của Đức Giêsu Kitô. Theo đoạn thư này, tư tưởng được trình bầy cho tín hữu Côlôssê như sau:

- Phải cảm tạ Thiên Chúa Cha, Đấng đã qui tụ họ về Vương quốc của Con Người.

- Địa vị tối thượng của Đức Kitô: Ngài vượt trên vũ trụ vì Ngài là Đấng sinh thành ra vũ trụ và cùng đích của muôn loài.

- Đức Giêsu là nguồn mạch cứu độ vì Ngài đã làm hòa vũ trụ với Thiên Chúa.

Như vậy Ngài đóng vai trò trung tâm và là Đấng trung gian duy nhất thâu tóm mọi kế hoạch của Thiên Chúa Cha.

+ Bài Tin mừng: Lc 23,35-43

Trong bài trình thuật này, thánh Luca mô tả Đức Giêsu chịu treo trên thập giá với đám khán giả hỗn độn.

Phía dưới chân thập giá có những khán giả:

- Dân chúng nhìn một cách bàng quan như không liên quan gì đến mình.

- Các thủ lãnh Do thái chế nhạo: ”Hắn đã cứu người khác thì hãy cứu lấy mình đi, nếu hắn là Đức Kitô”.

- Lính canh cũng chế diễu: ”Nếu ông là vua dân Do thái thì hãy cứu lấy mình đi”.

Trên đầu Ngài có bảng chữ: Đây là vua dân Do thái (INRI).

Bên cạnh Ngài là hai tên trộm: một tên hùa theo đám đông chế nhạo Ngài, tên kia thì công nhận Ngài là vua.

Hình ảnh nói lên hai tên trộm lành và dữ này cho ta thấy rằng ơn cứu độ đến từ Đấng bị đóng đinh. Việc Đức Kitô nhận người trộm lành vào vương quốc Ngài, là dấu chỉ tất cả các tín hữu tin vào Chúa sẽ được vào Nước Trời.

Qua cái chết của Đức Kitô,”Vua người Do thái”, Thiên Chúa đã làm cho Đức Kitô trở nên nguồn suối ơn cứu chuộc cho cả và loài người ta.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Đức Giêsu là Vua chúng ta

I. ĐỨC GIÊSU LÀ VUA

1. Kinh Thánh hé mở cho chúng ta

Trong chu kỳ năm Phụng vụ, đã có ba ngày Giáo hội long trọng nhắc đến tước hiệu “Vua” của Đức Kitô, tuy không rõ ràng tôn vinh tước hiệu ấy..

- Lần thứ nhất, trong ngày lễ Hiển linh: ”Khi Đức Giêsu sinh ra tại Belem, thời vua Hêrôđê trì vì, có mấy nhà đạo sĩ từ phương đông đến Giêrusalem, và hỏi: ”Đức vua dân Do thái mới sinh ra hiện ở đâu ? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lậy Người”(Mt 2,1-2).

- Lần thứ hai trong Tuần Thánh, với việc Đức Giêsu long trọng vào thành Giêrusalem (Mc 11,1tt). Rồi trước tòa án Philatô, ông cho Đức Giêsu ngồi ở Gabata, ghế dành riêng cho quan tòa. Như vậy, vô tình Philatô công nhận Ngài là vua. Chính Ngài cũng khẳng định: ”Tôi là vua dân Do thái”(Ga 18,37). Philatô cũng truyền cho người ta viết tấm bảng trên đầu thập giá với hàng chữ: ”Giêsu Nazareth Vua dân Do thái”(Ga 19,19)

- Lần thứ ba, trong ngày Đức Giêsu lên trời, Hội thánh tôn vinh vua oai phong đi vào vinh quang và chờ đợi ngày Người lại đến (Mc 16,19) để phán xét kẻ sống và kẻ chết trong ngày cánh chung.

2. Nhiều người công nhận Ngài là vua

Trong đoạnTin mừng ta thấy người ta vô tình hay hữu ý nhận Đức Giêsu là vua: Dân chúng nói Ngài là vua – Kỳ mục nói Ngài là vua – Philatô viết Ngài là vua – Kẻ trộm lành cũng tuyên xưng Ngài là vua – cùng cả và trời đất cũng nói lên Ngài là vua, thì chắc chắn Ngài là vua và Ngài phải là vua nữa.

Chúng ta có thể trích ra vài câu Kinh Thánh để làm chứng:

- Câu 37: “Nếu ông là vua dân Do thái, ông hãy cứu mình đi”.

- Câu 38: Phía trên đầu Người có tấm bảng đề chữ Hy lạp, La tinh và Do thái như sau: ”Người này là vua dân Do thái”.

- Câu 42: “Lạy Ngài, khi nào về Nước Ngài, xin nhớ đến tôi”.

Các câu này nói lên vương quyền của Đức Kitô, Luca nhắc đi nhắc lại để nêu cao vương quyền đó.

3. Ngày đăng quang của Đức Giêsu

Nghi thức phong vương thường là thầy thượng phẩm nhân danh Thiên Chúa xức dầu tấn phong ai làm vua trước mặt đông đảo dân chúng chứng kiến và nhiệt liệt tung hô (Bài đọc 1).

Nhưng, nghịch lý thay, Đức Giêsu được phong vương trên thập giá với bản án trên đầu: ”Đây là vua dân Do thái”.

Ngai vàng là cây thập giá. Từ trên cao, Chúa nhìn xuống thần dân, giang hai tay ra để ôm lấy dân Ngài.

Vương miện là vòng gai cuốn trên đầu.

Ao cẩm bào là thân hình trần trụi ô nhục.

Những người tham dự: kẻ thù, Mẹ và một số môn đệ.

Tiếng tung hô là những tiếng đả đảo: ”đóng đinh nói đi”, và những tiếng khóc nức nở của người thân.

Cảnh trí: núi Sọ và bầu trời u ám.

Diễn từ nhận chức: “Lạy Cha xin hãy tha cho họ” và sau cùng: ”Mọi sự đã hoàn tất”.

Trước đây Đức Giêsu đã từng tuyên bố: ”Khi nào Ta bị treo lên, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta”(Ga 12,32). Trên thập giá, kẻ trộm lành đã nhận ra Đức Giêsu là Đấng Cứu thế, là Vua vũ trụ, anh đã nhận ra tội lỗi của mình, tỏ lòng sám hối và đã thưa với Đức Giêsu: ”Lạy Ngài, khi nào về Nước Ngài, xin nhớ đến tôi”(Lc 23,42) và như vậy anh muốn thuộc về vương quốc Thiên Chúa. Và Đức Giêsu hứa với anh:”Ta bảo thật ngươi: ”Ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”(Lc 23,43).

II. THẾ NÀO LÀ VUA ?

Theo quan niệm Nho giáo, người cầm quyền chính trị là vua. Vua được gọi là Con Trời hay Thiên tử.

Chữ VƯƠNG (Vua) gồm có 3 nét ngang và một nét dọc, Ba nét ngang là chữ Tam hay quẻ Càn, tượng trưng cho Tam tài hay ba đạo: Thiên đạo, Địa đạo và Nhân đạo. Sổ dọc đứng giữa ngụ ý Vua là kẻ thụ mệnh Trời, đứng ra dung hòa ba đạo: Trời, Đất và người. Dung hòa ba đạo ấy thành một duy nhất. Khổng Tử nói: ”Nhất quán tam vi vương” là thế.

Du khách đến Huế không thể quên được đàn Nam giao, cũng như đến Bắc kinh không thể bỏ qua Điện Trời. Chính nơi đây, nhà vua thay mặt toàn dân tế Trời.

Tại Huế, đàn Nam giao, cửa Ngọ môn và Điện Thái hòa cùng nằm ngay trên một đường thẳng.

Điện Thái hòa là nơi vua cùng triều đình lo việc phục vụ dân chúng.

Cửa Ngọ môn xây hướng về nam, nơi mặt trời lên cực điểm, vào giờ Ngọ, tức là 12 giờ trưa, giờ mặt trời “đứng bóng”, giờ mà hình và bóng nên một.

Từ điện Thái Hòa, qua Ngọ môn, vua sẽ tiến thẳng về phía nam để đến đàn Nam giao, thay dân tế trời. Sau khi ăn chay nằm đất, vua sẽ tiến lên lễ đàn. Trước tiên vua sẽ lên đàn hình vuông tượng trưng đất, sau đó mới lên đàn hình tròn, tượng trưng Trời để dâng lễ tế.

Đức Kitô Vua vũ trụ, Vua của chúng ta, là chính Mặt Trời đúng ngọ, là Mặt Trời lên cực điểm, và Ngài cũng muốn chúng ta nên một với Ngài, như hình và bóng nên một vào giờ chính ngọ. Đức Kitô, Vua vũ trụ, Vua chúng ta đã thay chúng ta dâng lễ cho Chúa Trời, và nay, bên cạnh Chúa Cha, vẫn hằng cầu thay nguyện giúp cho chúng ta: ”Đức Giêsu, chính vì Người hằng sống muôn đời, nên phẩm vị tư tế của Người tồn tại mãi mãi. Do đó, Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy, Người hằng sống để chuyển cầu cho chúng ta”(Dt 7,24-25).

Người Việt nam chúng ta rất kính trọng vua. Người dân mình kính vua vì vua là “Thiên Tử”, là Con Trời, là người có “thiên mệnh”, là “Dân chi phụ mẫu” – cha mẹ của dân. Một vị vua sẽ được kính tôn là minh quân và thiên tử nếu vị ấy thực sự thương dân như cha mẹ thương con, xả thân lo cho dân cho nước như cha mẹ hy sinh cho con cái, đôi khi còn dám nghĩ “hay để trẫm nộp mình cho giặc để cứu muôn dân” ? như vua Trần nhân Tông xưa kia.

Vua Kitô của chúng ta không những là “Thiên tử” trong tước hiệu, mà còn là “Con Trời” trong bản tính. Mừng kính, tôn vinh Chúa Giêsu là vua vũ trụ, chúng ta cũng được mời gọi làm vua như Ngài. Chúng ta là Alter Christus (Chúa Kitô khác), là Đức Kitô toàn thể, là nhiệm thể Đức Kitô. Chúng ta có nhiệm vụ hầu hạ mọi người, dấn thân phục vụ đồng loại.

III. ĐỨC GIÊSU LÀ VUA CHÚNG TA

1. Tại sao lại gọi Đức Giêsu là vua ?

Chúng ta thường nghe người ta nói: Sư tử là vua vì nó là con vật mạnh mẽ nhất trong muôn loài thú. Ta cũng thấy người ta gọi ông vua dầu lửa, vua thép, vua nhạc rock… Đó là những nhân vật tài giỏi nhất, làm bá chủ về một lãnh vực nào đó. Tương tự như thế, Đức Giêsu được gọi là “vua”, vì Ngài là một con người hoàn hảo nhất, cao thượng nhất, tài giỏi và quyền năng nhất. Nhờ đã hạ mình vâng lời chịu chết, một cái chết thập giá, mà Ngài đã được Thiên Chúa siêu tôn và ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu là: ”Đức Giêsu Kitô là Chúa”(x. Pl 2,8-9).

2. Vương quyền của Đức Kitô

Thiên Chúa đã đặt Đức Giêsu làm vua vũ trụ, đặt mọi sự dưới quyền điều khiển của Ngài. Ngài là vua vĩnh cửu và truyệt đối, vương quyền Ngài không có giới hạn. Chúng ta vẫn tuyên xưng trong kinh Tin kính:”Người lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha và Người sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết, Nước Người sẽ không bao giờ cùng”! Vương quốc của Ngài không bị giới hạn bởi không gian và thời gian như các vua chúa ở trần gian này, nước Ngài là nước thiêng liêng và vĩnh cửu.

Truyện: Vua Cảnh Công nước Tề.

Vua Cảnh Công nước Tề, một hôm lên chơi núi Ngưu Sơn. Nghĩ rằng có ngày sẽ phải chết và giang sơn gấm vóc lại lọt vào tay kẻ khác, vua liền trào nước mắt thương tiếc. Đoàn tùy tùng thấy vua khóc cũng khóc theo. Duy chỉ có An Tử là chúm miệng cười. Vua chau mày hỏi:

- Tại sao ai cũng khóc cả, mà nhà ngươi lại cười ?

An Tử trả lời:

- Nếu các đời vua trước mà còn sống, thì vua ngày nay hẳn còn phải mặc áo tơi nón lá. Nhờ thế sự thăng trầm mà nay đến lượt vua được mặc áo gấm, đội mũ ngọc. Thế mà vua lại khóc. Thấy Đấng làm vua bất nhân, bầy tôi siểm nịnh, tôi không cười sao được ?

3. Đức Giêsu là vua thế nào ?

Cứ nhìn vào lịch sử nhân loại sẽ thấy vua Trụ và vua Kiệt là những hôn quân, một Tần thủy Hoàng bạo ngược đến độ đốt sách, giết các nhà trí thức, học trò giỏi trên 2000 mạng để dễ bề cai trị; một Néron hung tàn vì thỏa mãn lòng kiêu căng đã đốt sạch đế đô La mã để có cớ xây lại huy hoàng hơn; một Napoléon tham vọng đã đẩy hàng triệu người vào cái chết và gần đây một Hitler hiếu chiến hiếu sát đã lôi kéo cả thế giới vào một cơn lốc chém giết, tàn phá nhau kinh khủng. Và biết bao vua chúa quan quyền khác đã cai trị thần dân bằng cách bắt họ lụy phục mình hơn là phục vụ họ.

Vương quyền dầu lớn lao, tuyệt đối, nhưng Đức Giêsu trước sau chỉ có một đường duy nhất là yêu thương và phục vụ mà thôi. Chính vì tình yêu vời vợi như thế, Đức Kitô đã chấp nhận chết cho thần dân của mình. Ngài hiến thân hy sinh cho cả Hội thánh, Như vậy, qua cuộc hiến tế của Ngài, chúng ta nhận ra, vua Kitô không chỉ là Vua hiền lành, nhân từ, Ngài còn là vị vua hạ mình đến tận cùng. Đến nỗi khi nhìn ngắm sự hạ mình của Ngài trong cuộc hiến tế thương đau, ta chỉ còn biết lặng người đi, chiêm ngắm, thờ lạy, cảm tạ, chúc tụng, nguyện một lòng mang ơn Ngài và trung thành theo Ngài đến trọn cuộc đời.

Truyện: Chiếc nhẫn.

Cách đây không lâu, những người thợ lặn đã phát hiện ra một con tầu bị chìm cách đây 400 năm ngoài biển khơi ở vùng phía bắc Ireland. Một trong những kho tàng họ đã tìm thấy trên tầu là một chiếc nhẫn cưới của một người đàn ông. Khi họ đánh bóng, họ thấy trên mặt chiếc nhẫn khắc hình một bàn tay đang nắm giữ một trái tim. Phía dưới có khắc hàng chữ như sau: ”Em không còn gì hơn để cho anh”(I have nothing more to give you). Trong tất cả những kho tàng đã tìm thấy trên con tầu, không có sự gì làm cảm động những người thợ lặn cho bằng chiếc nhẫn và những lời cao đẹp của tình yêu đó.

Hàng chữ được khắc trên chiếc nhẫn –“Ta không còn gì để cho con” – có thể được đặt trên thập giá của Đức Giêsu. Vì từ trên thập giá đó, Ngài đã cho chúng ta tất cả những gì Ngài có. Ngài cho chúng ta tình yêu và mạng sống. Ngài cho chúng ta tất cả những gì một người có thể trao ban cho người mình yêu: ”Không có tình thương nào lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu”(Ga Ga 15,13). Chúa Giêsu Kitô là Vua Tình yêu.

4. Ai là vị vua xứng đáng nhất ?

Trong bài đọc 2, thánh Phaolô trích dẫn một bài thánh thư trình bầy địa vị của Đức Giêsu Kitô: Đức Giêsu là hình ảnh của Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu mà muôn vật được tạo thành và nhờ cái chết của Ngài trên thập giá mà mọi người được giao hòa lại với Thiên Chúa:

“Thiên Chúa đã làm cho Đức Kitô chỗi dậy từ cõi chết và đặt bên hữu Ngài trên trời. Như vậy, Ngài đã tôn Đức Kitô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai. Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Kitô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội thánh; mà Hội thánh là thân thể Đức Kitô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn”(Ep 1,20-23).

Như thế, Đức Giêsu là vua tối cao trên toàn thể vũ trụ, Ngài là người xứng đáng nhất để nhận lấy cái vinh dự đó.

Truyện: Người xứng đáng nhất.

Vào thời thập tự viễn chinh, nhằm bảo vệ thánh địa và đảm bảo an ninh cho khách hành hương, vua Philipphê của nước Pháp đã làm một cử chỉ lạ thường. Trước mỗi lần lên đường, ông tháo gỡ triều thiên đang đội trên đầu, rồi đặt nó lên một chiếc bàn và ghi dòng chữ như sau: ”Dành cho người nào xứng đáng nhất”.

Sau đó, ông qui tụ tất cả tướng lãnh, các hiệp sĩ, những người hầu cận lại trước mặt ông và yêu cầu họ hãy quên ông là vua và là người chỉ huy của họ. Ông nói với mọi người rằng chiếc vương miện được dành cho người nào tỏ ra xứng đáng nhất trong cuộc chiến đấu.

Cuộc viễn chinh đã hoàn tất cách vẻ vang, mọi người hát khúc khải hoàn trở về quê hương. Họ tụ tập chung quanh vương triều và một tướng lãnh tiến lại cầm lấy triều thiên đội lên đầu của Philpphê và nói: ”Tâu bệ hạ, bệ hạ là người xứng đáng nhất”.

Chỉ có một người xứng đáng nhất được tuyên xưng tước hiệu là vua, đó là Đức Giêsu Kitô. Chỉ có mình Ngài là vua đích thực, bởi vì duy mình Ngài mới có thể mang lại sự sống cho con người, duy mình Ngài là chủ của lịch sử nhân lọai, duy mình Ngài là Đấng xứng đáng đội triều thiên vương giả. Ngài là vua duy nhất và đúng nghĩa nhất. Ngài là vua, không những vì Ngài là Đấng trao ban sự sống, mà còn vì Ngài đã thể hiện vương quyền một cách đúng nghĩa nhất.

IV. HÃY TIN THEO ĐỨC KITÔ VUA

1. Chấp nhận vương quền của Chúa

Hôm nay mỗi người cần tự hỏi mình có chấp nhận vương quyền của Chúa không ? Ta có để cho Chúa làm chủ tâm hồn và đời sống chưa ? Ta tuyên xưng và loan truyền vương quốc của Chúa thế nào ? Nhận Chúa là vua vũ trụ xem ra là một việc dễ dàng, còn để Chúa làm chủ tâm hồn và đời sống xem ra không phải là một việc dễ dàng.

Đức Giêsu đã được Thiên Chúa Cha phong làm vua vũ trụ và dĩ nhiên cũng là vua lòng mọi người. Chúng ta chỉ có hai thủ lãnh để theo: một là Chúa Giêsu, hai là ma qủi. Chúng ta phải chọn một trong hai, hoặc là vị này hoặc là vị kia, là Chúa hay là ma qủi. Trong vấn đề này chúng ta không thể trung lập để “bắt cá hai tay”, bởi vì người ta thường nói:

Một nhà hai chủ không hòa,

Hai vua một nước, ắt là không yên.

Vậy chúng ta phải theo vị thủ lãnh nào ? Chắc chắn chúng ta chọn Đức Giêsu là vua bởi vì tất cả chúng ta đã được chịu phép rửa tội. Qua phép Rửa tội, mỗi người chúng ta được thông phần cái chết và sự sống của Chúa Giêsu, được tham dự vào chức năng làm vua của Chúa Kitô. Đúng là: “Con vua thì lại làm vua”.

3. Làm cho vương quốc Ngài phát triển

Ngày xưa, tiên tri Giêrêmia cũng nhắc đến những yêu tố làm cho vương quyền Thiên Chúa phát triển qua sự nhân nghĩa, công bình và chính trực (Gr 9,23). Ngày nay, Giáo hội cũng thúc giục chúng ta phải làm cho vương quốc Ngài được phát triển nơi mọi người, mọi dân tộc:”Chúng con nguyện danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến”. Vì thế, trong hiến chế Lumen gentium, công đồng Vatican II dạy:

“Vì thế, với ân huệ của Đấng sáng lập, và trong khi trung thành tuân giữ các giới răn bác ái, khiêm nhường và từ bỏ, Giáo hội đã lãnh nhận sứ mạng truyền giáo và thiết lập Nước Chúa Kitô và Nước Thiên Chúa trong mọi dân tộc; Giáo hội là mầm mống và khai nguyên Nước ấy trên trần gian. Đang lúc từ từ phát triển, Giáo hội vẫn khát mong Nước ấy hoàn tất và thiết tha hy vọng, mong ước kết hợp với vua mình trong vinh quang”(L.G. đ 5).

Sách Khải huyền đã ca ngợi: ”Lạy Đức Kitô, Vua vũ trụ, chỉ có Ngài mới xứng đáng nhận vương quyền, vinh quang và vinh dự, vì “Ngài đã bị giết và đã lấy máu đào cứu chuộc muôn người thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ, thuộc mọi nước, mọi dân”(Kh 5,9).

Giáo hội đặt lễ Chúa Kitô Vua vào cuối năm phụng vụ như một lời tuyên xưng rằng Chúa là một Vương tướng mà chúng ta hết thảy quân đội dưới bóng cờ Ngài, và Ngài hướng dẫn tất cả về cùng Chúa Cha. Ngài đã chịu đau khổ nhưng Ngài đã toàn thắng trong vinh quang.

Ngày xưa, trên đầu cây thánh giá có một tấm bảng ghi: ”Đây là vua dân Do thái”, khiến người ta qua lại mỉm cười khinh chê. Ngày nay cả Giáo hội tôn vinh, giữa công trường thánh Phêrô, có một cột đá khổng lồ cao 25 mét, ngày xưa ở một đền bụt thần được đưa về đây để tượng trưng cho sự toàn thắng của Chúa Cứu thế, dưới cây thánh giá có khắc ba hàng chữ bằng tiếng La tinh:

CHRISTUS VINCIT: Chúa Kitô toàn thắng.

CHRISTUS REGNAT: Chúa Kitô quản suất.

CHRISTUS IMPERAT: Chúa Kitô thống trị.

Đó là những lời tung hô của Giáo hội trong ngày lễ hôm nay.
 
Tôi bước đi như một chú lừa (4)
ĐHY Roger Etchegaray/ LM Điệp
18:01 18/11/2010
IV: Trong đường thẳng xuyên suốt của Lời Thiên Chúa

Vâng phục…có nghĩa là lắng nghe

Tôi rất thích mấy cái món ngữ nguyên. Gốc cội của những từ ngữ vén mở cái ý nghĩa sâu xa mà chúng mang chở…dù đôi khi cũng có làm cho biến chất đi đôi chút…Vâng phục nghĩa là “lắng tai” … nghĩa là nghe…và nghe cho đến đầu đến đuôi… Sự vâng phục đâm rễ sâu trong sự lắng nghe.

Con người vâng phục không là một người đãng trí. Tai của họ căng ra…để bị rung lên bởi cả những tiếng gào thét lẫn những xì xầm…Nhưng…có cái nguy cơ là điều lọt tai này…lại chạy qua tai kia và rơi đi mất ! Phải là “con mắt lắng nghe” như Paul Claudel vẫn nói. Và hơn nữa, phải là trọn vẹn con người của mình trở thành lỗ tai !

Con người vâng phục không chỉ nghe những gì từ trên…như họ chỉ có bổn phận phải vâng lời ai đó từ bên trên mình…theo cái kiểu có hàng có lối từ bề trên xuống bề dưới. Người vâng phục còn phải lắng nghe quanh mình, lắng nghe bên dưới mình, lắng nghe bất cứ nơi nào có một tiếng kêu vang lên …dù không rền như gió lộng…nhưng hoàn toàn trong lặng thinh…Anh ta không đợi chờ cho người ta phải van nài…nhưng anh ta phải đoán được…và phải đi bước trước…

Người vâng phục không tự bằng lòng với chuyện tuân giữ một lệnh truyền hay một khoản luật. Anh ta phải vượt lên trên. Lương tâm của anh ta không thể bình yên với chuyện thỏa mãn vì đã hoàn thành một bổn phận. “Cái con người theo chủ nghĩa thủ cựu thì nhìn những sự việc tự bản chất thuộc tinh thần bằng cái bên ngoài …còn người vâng phục thì nhận ra những sự việc từng chữ từng nét bằng cái bên trong”(P. de Lubac). Đức Kytô đã vâng phục “cho đến chết…và chết trên Thánh Giá” (Ph 2,8), bởi vì Ngài đã đấu tranh suốt đời mình để chống lại thứ tôn giáovụ hình thức và tự tôn của một thiểu số: Ngài đã loan báo Tin Mừng của tình thương chứ không là của sợ hãi, Tin Mừng của hoạt động chứ không thuần lý thuyết. Con người yêu thì không chỉ bằng lòng với chuyện làm vừa phải để cho đúng luật thôi…nhưng là yêu không bờ không bến…và lao tới trên một con đường…mà chân trời ngày càng lui dần…lui dần…Đạt tới đỉnh ngọn núi,thánh Gioan Thánh Giá la lên: “Đến đây là hết đường…vì – với một con người được Thánh Thần hướng dẫn - thì không còn cần một thứ luật lệ nào nữa cả !”.

Con người vâng phục lắng nghe - với tất cả tình yêu - Lời của Thiên Chúa – lời của một người Cha chứ không là của một thủ lãnh. Lời làm lớn lên thay vì hạ thấp … Lời giải thoát thay vì khuất phục…Thiên Chúa không phải là ông chủ tẳn mẳn để mà luôn miệng gào gọi…Người còn là Đấng mà rất nhiều những dụ ngôn luôn so sánh với một con người “hay đi vắng”…

“Israel ! Hãy lắng nghe…”…đó là từ ngữ đầu tiên và cuối cùng…mà con người vâng phục luôn gặm nếm…

Giới luật của Thiên Chúa – Giới luật của Đức Kytô

Mười điều răn Đức Chúa Trời – còn được bao nhiêu người trong chúng ta có thể kể ra như đếm trên đầu ngón tay mình ? Từ khi chúng bị tước đoạt đi mất cái căn tính dễ nhớ của chúng - tuy có hơi già nua nhưng vẫn tiện lợi - thì chúng không còn là nền tảng để huấn luyện lương tâm tôn giáo của chúng ta nữa ! Thập Điều có bị lỗi thời như kiểu…một thứ mục lục nào đó không ? Mười giới răn của Thiên Chúa có bị giới răn duy nhất của Đức Kytô qua mặt mất không ?

Chúng ta phải hiểu cho bằng được ý nghĩa của “Mười Lời” Thiên Chúa phán với Môisen (Xh 34,28). Những giới răn ấy (Xh 10,1-17; Nl 5,6-21) hoàn toàn không là những gánh nặng chuyên chế do Thiên Chúa áp đặt: chúng là những giá trị sống còn đã đâm rễ sâu nơi con người vốn tìm thấy trong lương tâm mình những thông đồng sâu xa với điều mà Thiên Chúa đòi hỏi chính mình. Trong ý nghĩa đó – trước tôn nhan Thiên Chúa – con người đưa ra cho mình Qui Luật của chính mình giống hệt như Luật Thiên Chúa mà mình có được. Khi một cộng đoàn đã làm mất đi cái ý nghĩa cụ thể của điều lành và điều dữ, không còn được hướng dẫn bởi cái đường giây dọi là Thập Điều…thì ngay lập tức…tất cả đều trở thành lung lay và thậm chí đè bẹp luôn cả cái con người hoàn toàn trở thành nạn nhân của chính mình.

Nếu từ đỉnh Sinai chúng ta vượt qua được một “ngọn núi” khác nơi mà Chúa Giêsu công bố “Bài Giảng” của Ngài (chg 5, đoạn 6 và 7 của thánh sử Matthêu), chúng ta sẽ nhận ra rằng Thập Điều – thay vì bị loại bỏ – thì lại cho thấy như được hoàn tất. Với anh chàng thanh niên đặt vấn đề: “Tôi phải làm gì để có được cuộc sống đời đời ?”, Đức Kytô trả lời rất đơn giản: ”Hãy giữ những giới răn”(Mt 19,16-20). Sự mới mẻ của Đức Kytô không nằm ở nội dung giáo huấn của Ngài cho bằng ở sự giản đơn và căn cốt mà giáo huấn ấy hoạt động để nối kết giữa tình yêu với Thiên Chúa và tình yêu với người cận kề.

Khi người ta nghiền gẫm Thập Điều dưới ánh sáng của Bài Giảng trên núi…người ta ngạc nhiên thấy mình bị cuốn hút bởi một lời mời gọi mới mẻ khác vốn không còn là chuyện “ngươi hãy làm cái này” hay “ ngươi hãy làm cái kia”…nhưng là “nếu ngươi muốn nên trọn lành”. Lời mời gọi đó – riêng tư cho từng con người – trở thành lời mời gọi mang lại sự tự do hoàn toàn và không còn gì là trói buộc nữa: một lời mời gọi làm thành luật lệ của cá nhân và nối kết chúng ta cách sâu xa hơn cả sự ngoan ngoãn đối với một giới răn.

Thế nhưng làm sao có thể nghe thấy được lời mời gọi Đức Kytô quăng ra giữa khơi ấy…nếu người ta không còn có thể nghe ra được tiếng của Thiên Chúa trên Sinai - nơi mà – giữa những tiếng sấm, tiếng sét kinh thiên động địa – Thiên Chúa nêu lên cho chúng ta mười giới răn ấy của Người dành cho những con người thủa xa xưa …là chính chúng ta bây giờ và mãi mãi !

Nhân Danh Cha – và Con – và Thánh Thần

Khi Giáo Hội long trọng công bố: “Ta rửa con nhân Danh Cha – và Con – và Thánh Thần”, Giáo Hội hoàn thành cử chỉ quan trọng bậc nhất mà mình có thể làm trên mặt đất này: Giáo Hội đưa những con người nam cũng như nữ vào đời sống Ba Ngôi của Thiên Chúa. Và khi một người kytô hữu làm dấu thánh giá nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa,người ấy làm chứng rằng đời sống của anh ta phải giống như đời sống của Thiên Chúa. Chúng ta biết biểu tượng về Ba Ngôi do thầy dòng Andrei Roublev vẽ với những đường nét diễn tả như ba vị thiên thần mà Abraham mời mọc dưới gốc sồi ở Mambré (St 18,1-15). Phụng vụ byzantin đã không ngại ngần để giải thích cuộc thăm viếng mầu nhiệm ấy của ba vị khách lữ hành: “Phúc cho Abraham vì ngài đã được chiêm ngưỡng…Ngài đã tiếp nhận Thiên Chúa hằng sống trong thần tính nhất thể tam vị của Người.”

Trong thiên khảo luận De Trinitate của ngài, thánh Augustinô viết: “Khi người ta đặt vấn đề: “Ba Ngôi là ba điều gì ?”, chúng ta cố gắng để kiếm tìm một diễn tả nào đó cho chúng ta thấy chúng ta giống ở “con số ba” ấy…nhưng chúng ta không thể tìm ra, bởi vì sự siêu việt của Thiên Chúa vượt lên trên chúng ta. Đức Giêsu Kytô – qua suốt cuộc đời trần gian của mình…cho mãi đến giây phút bị bỏ rơi thê thảm trên Thánh Giá – vén mở cho chúng ta thấy chẳng có một thứ cô độc nào đối với con người cả…và mọi con người luôn là con của một Người Cha, “Vị Thiên Chúa của lòng nhân lành và hay thương xót”(Xh 34,6).

Tin ở Thiên Chúa Sáng Tạo có nghĩa là gom sức lực cho hiện hữu của mình. Và khi đó trái tim làm người không được phép héo tàn, giống như đứa trẻ nhảy nhót vui mừng khi - một ngày kia – em được mẹ cho biết là chính mẹ đã sinh ra em “cách rạch ròi”. Kẻ tin tưởng nơi Thiên Chúa Sáng Tạo ký kết một giao ước ân tình và bền vững với hiện hữu bất chấp những khổ đau, những thất bại, những bạo tàn có sức tiêu diệt – từ bốn phía - ập ngay xuống trước mắt mình. Kẻ nào sống bằng Tình Yêu Sáng Tạo sẽ cảm nhận ngay ra rằng – nơi bất cứ con người nào và ở mọi giây phút – luôn luôn có một sự khởi động lại, luôn luôn có một điều gì đó mới mẻ: anh ta quyết định chọn hướng sống cho trần gian và dấn thân rất nhiệt tình.

Khi công bố “tín điều đầu tiên” trong Kinh Tin Kính, ước gì mỗi lần như vậy, chúng ta có thể tái khẳng định cùng với tác giả sách Sáng Thế: “Thiên Chúa thấy mọi việc Người đã làm: tất cả đều tốt đẹp.”(St 1,31).

Thật vậy: tất cả vẫn còn rất tốt đẹp cho đến bây giờ !

“Thiên Chúa – Đấng kêu gọi Bạn – Người là Đấng Trung Thành”

Giữa những mỏi mệt, những nghi ngờ, và thậm chí cả những bất trung của chúng ta…chúng ta hầu như luôn luôn bị đánh thức bởi tiếng hét thật to ấy của thánh Phaolô. (1 Th 5,24).

Thiên Chúa trung thành. Chúng ta nhớ tới Giao Ước của Người với con người –Giao Ước mà tiên tri Osée đã vén mở: “Ta sẽ đính hôn với ngươi bằng đức trung tín” (Os 2,22). Nhưng đức trung tín của Thiên Chúa – tiên vàn – không là một phẩm chất luân lý nhằm điều hành những tương quan của Người với chúng ta…nhưng Thiên Chúa trung tín với chính Người. Nội tại nơi chính mình – nơi những đổi trao tình yêu giữa Ba Ngôi – đức trung tín trào dâng như một hoà tấu với ba nốt nhạc hợp âm hoàn hảo rung lên từ một cung điệu vĩnh hằng của cây đàn đại phong cầm.

“Đức trung tín của Người tồn tại từ đời nọ đến đời kia: Người đã định vị cho quả đất…và nó vững bền”(Tv 119). Ai là kẻ nghĩ đến việc ca tụng đức trung tín của Thiên Chúa trong sự kiên cố hài hòa của Vũ Trụ từ những nguyên tử cho đến những giải thiên hà ? Tất cả đều an bình xoay sở trong một sự hòa hợp tinh tế với những qui luật bất biến. Tất cả lên tiếng ca tụng đức trung tín của Thiên Chúa – Đấng - từng ngày và từng ngày – dưới bầu trời đầy sao – đã giao phó cho con người căn nhà mặt đất này.

Thiên Chúa sẽ không sống trọn vẹn đức trung tín của Người được nếu Người không vấp đụng sự tự do của chúng ta. Và chính ở đây mà Người khai triển giáo huấn của Giao Ước: những kẻ tội phạm sẽ thấy mỏi mệt vì lỗi lầm của mình trước cả khi Thiên Chúa thấy chán chường việc tha thứ. Trong một đoạn thánh thi phụng vụ gợi hứng từ thư thứ hai của thánh Phaolô gửi cho người môn sinh Timôthê của mình ( 2 Tm 2,11-13) cho thấy cái thế đối chiếu giữa thái độ của chúng ta và của Chúa Giêsu đã bị lật ngược: “Nếu ta không trung tín…thì Ngài vẫn một lòng trung tín…vì Ngài không thể nào chối bỏ chính mình”.

Đức Giêsu Kytô không đơn giản chỉ là sự mạc khải lòng trung tín của Thiên Chúa…mà Ngài còn là “chứng nhân trung tín và chân thực” (Kh 3,14).Qua Ngài mà Thiên Chúa thực hiện lòng trung tín của Người và nơi Ngài mà lòng trung tín của chúng ta, lời thân thưa “Amen” của chúng ta còn có thể vang lên. (2 Co 1,20). Ngài chính là người tôi tớ trung tín ấy – người tôi tớ trung tín sinh ra từ một nữ tỳ trung tín – để rồi dẫn đưa chúng ta đi vào những sự tín trung điên rồ nhất trong con mắt của nhân loại. Không ở trong Ngài…thì chỉ còn là…ngoại tình. Ở trong Ngài là Giao Ước mới và vĩnh cửu. Không ở trong Ngài …là bỏ rơi và thất vọng…Ở trong Ngài là cảnh đời lứa đôi với “tình yêu và lòng trung tín gặp nhau, công lý và hoà bình hôn nhau”(Tv 85,11).

Oi lòng trung tín hoan lạc và đầy cảm xúc của Thiên Chúa. “Người là Vị Thiên Chúa trung tín…đến muôn đời”.

Đức Kytô: lời thân thưa “Amen” của chúng ta.

Bị tố là con người ba phải – con người của cả “có lẫn không”, bị chỉ trích gay gắt, câu trả lời của thánh Phaolô vang lên rổn rảng – thứ rổn rảng của một loại kim khí với mọi hợp chất. Trong Đức Kytô…thì chỉ là “có”. Nơi mỗi kytô hữu…thì cũng phải chỉ là “có”. “Chính nhờ Đức Kytô mà chúng ta thân thưa “Amen”.”(2 Co 1, 20).

“Amen”…tiên vàn chắc chắn là một công thức cổ xưa được người Do Thái dùng khi rao giảng. Đấy cũng là một lời tung hô tập thể của dân Israel nhằm tái khẳng định sự tuân giữ Giao Ước. Cái dấu nhạc sắc gọn ấy – dấu chỉ của sự đảm bảo – nghe thấy nơi mọi âm giai của giòng lịch sử thánh để rồi tìm ra nốt nhấn của mình trong dòng nhạc đại phong cầm của phụng vụ thiên quốc hòa âm cùng dấu nhạc “Alléluia” vĩnh hằng. (Kh 19,4). Quả thực là một phận số hiếm hoi của một từ ngữ …và có lẽ là từ ngữ duy nhất giữ nguyên hình nguyên dạng của mình trong tất cả các nghi thức phụng vụ, tất cả các ngôn ngữ…và là từ ngữ chung cho cả người do thái giáo, người kytô hữu và người hồi giáo. Vang vọng biết bao…như một tiếng sấm…lời thân thưa Amen nhằm nhấn mạnh những giai đoạn lớn của phụng vụ chúng ta. Khi đón nhận Mình Thánh Chúa Kytô: phải là một “Amen” vang lên từ tận đáy lòng mình …chứ không là một “Amen” rầm rầm rì rì trong miệng ! Khi người ta nghĩ đến “Amen” và “Alleluia” sẽ là hai thuật ngữ của những cư dân thiên quốc…thì làm sao mà – ngay ở trần gian này – chúng ta lại không đọc chúng cho gọn gàng và trang trọng được !

“Amen” bày tỏ niềm xác tín của một Giáo Hội luôn đáp trả cách tin tưởng vào những lời hứa của Chúa mình. Lời thân thưa “vâng, lạy Chúa” của Giáo Hội vang vọng lời “chuẩn nhận” của Thiên Chúa…và “lời chuẩn nhận” ấy không là gì khác ngoài chính Đức Giêsu Kytô mà Khải Huyền chỉ đích danh như là “Đấng Amen: Chứng Nhân trung thành và chân thật”(Kh 3, 14). Bởi vì – nơi Ngài – mọi lời hứa của Thiên Chúa được hoàn tất. Lời của Ngài không có những phiêu diêu và những ngại ngần. Quả thực Ngài là Đấng người ta tin tưởng để vào cuộc chơi…mà không phải bẽn lẽn, dè dặt chi.

Đức Kytô đã rất yêu thích từ ngữ này và được Ngài dùng để khởi sự rất nhiều bài giảng của Ngài …Thánh Gioan cũng cho ta thấy điều đó qua việc tự nguyện dùng hai lần từ ngữ ấy trong công thức công bố long trọng này của Chúa: “ Amnen, Amen, Ta bảo thật các ngươi…” Thật là quá khác xa với cái não trạng mỏi mệt thỉnh thoảng vẫn nghe thấy: “Không còn gì để mà nói ngoài cái chữ “Amen” ấy thôi sao !”…làm như là người ta cảm thấy mình bị tổn thương vì chuyện gì đấy !

Phải, chúng ta chẳng còn gì để mà nói ngoài việc thân thưa “Amen” – thân thưa Amen với sự “thỏa mãn vô cùng thỏa mãn” (thánh Augustinô), thân thưa Amen với Đức Kytô vốn là “Amen” của chúng ta.

“Trong mọi hoàn cảnh, hãy tạ ơn Thiên Chúa”

Chúng ta đã biết về cái nhận xét cay đắng của Chúa Giêsu sau khi Ngài chữa lành cho mười anh chàng mang bệnh phong: “ Trong cả đám mà chỉ có người ngoại này quay lại để tạ ơn Thiên Chúa thôi ư !” (Lc 17,18). Không phải chỉ có mấy đứa con nít mới hay quên chuyện nói lên hai tiếng “cám ơn” ! Hai cái từ be bé này có vẻ như có bà con với một niềm ao ước muốn có một sự lệ thuộc nào đó…và con người thì lại không thích thú chút nào chuyện nhận ra mình là kẻ mang nợ người đồng loại của mình !

Trong những tương quan giữa mình với Thiên Chúa, người kytô hữu dễ dàng để có cùng một phong cách sống y như với anh chị em mình kiểu đó. Trong khi ấy, thánh Phaolô lại không ngừng kêu gọi chúng ta: “Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy biết tạ ơn Thiên Chúa”(Ep 5,20…và Col 3,17; 1 Thess 5,18).Đồng thời Ong cũng thú nhận đó là thái độ thường xuyên Ong vẫn có…và nó như một nếp gấp trong tâm hồn Ong.

Có một sự khác biệt giữa chuyện cám ơn và tạ ơn. Khi người ta đã cám ơn một ai đó, người ta thấy mình rảnh nợ: sự việc diễn ra nhanh chóng thôi…đến độ hai tiếng “cám ơn” gần như đồng nghĩa với chuyện “mời một ai đó ra khỏi cửa” !!! Trong khi đó – với Thiên Chúa – người ta cảm thấy mình luôn luôn trong tình trạng “mắc nợ!”, và vấn đề không phải là nhận ra mình mắc nợ chỉ một lần…nhưng là luôn luôn và mãi mãi…Đồng thời không chỉ công nhận tình trạng mắc nợ Người ngoài môi ngoài miệng…mà là chuyện ân oán nghĩa tình…bật lên từ nhịp rung của con tim và với tất cả con tim…của mình.

Cho nên việc lập đi lập lại hành vi tạ ơn là tối cần. Và vì thế – để khơi dậy sức bật của lòng tri ân – Tân Ước đã mày mò để tạo nên một từ ngữ mới mẻ mà người ta có thể đếm được cả hơn sáu chục lần nói đến: đó là hành vi tạ ơn trong Hiến Tế Thánh Thể. “Từ ngữ” này - biểu tượng nói lên căn gốc của sự cầu nguyện kytô giáo – đã tự khẳng định chính mình đến độ, sau này, nó được mệnh danh là lời cầu nguyện tuyệt nhất, là hành vi tế tự - tâm điểm của đời sống chúng ta: Nhiệm Tích Thánh Thể.

Ý thức mình luôn được Cha của mình trên trời ban tràn trề ân sủng và trên cả mọi ước vọng cũng như bản thân mình chẳng có công trạng gì, những kytô hữu tiên khởi đã trân trọng hành vi tạ ơn như đường viền bọc kín cuộc đời luôn được canh tân của mình. Cho nên thay vì coi hành vi tạ ơn như một hình thức cầu nguyện giữa bao nhiêu hình thức cầu nguyện khác – dù đó là một hình thức siêu việt đi chăng nữa – thì phải chăng - điều tuyệt hơn cả - là nên sống gương sống của thánh Phaolô: tạ ơn trong mọi lời kinh nguyện ?

“Anh em hãy siêng năng cầu nguyện…Hãy tỉnh thức mà cầu nguyện và tạ ơn” (Col 4,2).

Quá rõ ràng rồi…phải không bạn ?

“Chị Anna, Chị không thấy gì đang đến đó ư ?”

Hầu như tất cả chúng ta đều biết đến khúc hát của Edith Piaf: “Tôi nhìn thấy một Hài Nhi và Bà Mẹ…Chúa ơi…Họ ở xa…thật xa…Và …kìa…Họ tiến gần đến mặt đất…Hài Nhi đã trưởng thành – tôi thấy Ngài – Ngài đến chia sẻ những cùng khốn của chúng ta…Chị Anna ơi…Chị có thấy Ngài trở lại không ?”. Mỗi Mùa Vọng…phải chăng không là cái nhịp điệu căng phồng ấy, không là cái hình ảnh quen thuộc ấy…lớn dần lên cho đến tận …Giáng Sinh…để rồi…nó chát chúa…đinh tai nhức óc…cho đến khi dịu dần…như sự rộn ràng của một nhóm lữ hành ngang qua trong những “thảo nguyên của miền Trung Á” mà Borodine đã dệt thành nhạc với nốt đầu cũng như nốt cuối…kéo dài…bằng sự réo rắt của một tiếng sáo trong trẻo gợi tưởng đến vô biên – đơn điệu – và hoài cố hương ?

Như thế đó: thời gian của Mùa Vọng cho chúng ta cái cảm tưởng của một cuộc tái khởi sự triền miên…và chúng ta – dù đã tỉnh ngộ hay vẫn còn mộng mơ – cũng dần dần thành nề thành nếp trong đầu óc mình cái thói quen “trở mùa” …đến độ trở thành vô cảm với sự tươi mát không ngừng mới mẻ của Biến Cố vốn - từng ngày từng ngày - làm nên cái nền cho “lịch sử thánh” của chính bản thân mỗi người chúng ta. Nếu chúng ta cho rằng thời gian của phụng vụ – thứ thời gian chỉ có ý nghĩa với người kytô hữu – chẳng qua chỉ là một thứ niên lịch…với một ngày đầu năm và một ngày cuối năm thôi…thì chúng ta không thể hiểu gì về luân khúc mà Giáo Hội liên tục uốn nắn chúng ta giữa cái “đã đến đây rồi” của Lễ Giáng Sinh…với cái “vẫn chưa” của Mùa Vọng. Giáo Hội khẩn nài chúng ta hãy cố để nhận ra và ý thức rằng…không bao giờ và không thể…chỉ là như cũ …không bao giờ…và không thể…Mùa Vọng nào cũng như Mùa Vọng nào…và Giáng Sinh nào cũng không chỉ là lễ hội !!! Nếu không thì làm gì mà Giáo Hội phải lấy sức để hét lên lời khẩn thiết của Tin Mừng: ”Hãy tỉnh thức ! Hãy sẵn sàng!”.

Bởi vì cái con người gác đêm, cái con người canh thức trong Tin Mừng thì không chỉ là anh lính tuần phiên…luôn luôn như in trong đầu óc mình rằng bình minh sẽ ló dạng…mà còn là người tôi tớ phải luôn luôn đối mặt với bất ngờ…bởi vì không biết giờ phút nào Chủ mình sẽ trở về …(Mc 13,33-37). Cử hành Lễ Giáng Sinh vào một thời gian nhất định là chuyện quá dễ…và không có nguy cơ đụng bất ngờ …Nhưng – với chúng ta – Đức Kytô … có thể trở lại ngay hôm nay – giữa nửa khuya hay lúc gà gáy -: “Hãy canh chừng…Ngài trở lại thình lình…và có khi chúng ta đang mê nệt chăng !”

Phải đợi chờ Đức Kytô…như đợi chờ Đấng đến và lôi chúng ta ra khỏi chính chúng ta, dứt chúng ta ra khỏi những biên cương, bờ cõi của riêng mình…để đưa chúng ta đến với Đấng khác … đưa chúng ta đến với Đấng Vô Cùng …và – khi đó, vâng, khi đó – chúng ta sẽ mất công uổng sức để phải tỉnh thức mỗi Mùa Vọng: Đấng đến để thình lình gặp gỡ chúng ta…thì Ngài đến mỗi Giáng Sinh.

“Chị Anna, khi nào thì Ngài sẽ trở lại ?”
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:04 18/11/2010
QUEN MẮT

N2T


Theo tập quán của đời nhà Đường, khi tiệc rượu lên đến đỉnh cao thì chủ nhân mời ca kỷ hát xướng đến hát làm vui cho khách.

Theo truyền thuyết, một lần nọ Tư Không Lê Thân vì rất ngưỡng mộ nhà thơ lớn là Lưu Vũ Tích, nên đặc biệt dọn tiệc tại nhà và mời ông ta đến. Trong nhà của Lê Thân có một ca kỷ đặc biệt rất đẹp vừa có khí chất, Lưu Vũ Tích nhìn thấy thì rất thích, lập tức ngâm lên một bài thơ, trong thơ ngoài việc khen ngợi mái tóc của cô ca kỹ đẹp và bài hát hay, còn nói với Lê Thân: “Tư không kiến quan hổn thường sự, não loạn Giang Nam thích sứ trường”, ý nói là: “Trường hợp này thì Tư Không nhìn quen rồi nên không có gì là cảm giác, nhưng lại quấy rối tâm hồn của Giang Nam thích sứ là tôi”.

(Bản sự thơ, tình cảm)

Suy tư:

Cái gì nhìn quen rồi thì không lấy làm lạ, như cái nhà xây rất đẹp nhưng ngày nào cũng nhìn thì không thấy là đẹp; việc gì thường xuyên xảy ra thì không lấy gì làm khó chịu, như chồng uống rượu quen rồi thì vợ con chẳng lấy gì làm ngạc nhiên...

Đời sống tâm linh của người Ki-tô hữu cũng thế, phạm những tội nhẹ quen rồi thì không lấy làm áy náy khi nói dối, ăn cắp vặt quen rồi thì lương tâm không cảm thấy “động đậy” gì cả, thế rồi một ngày nào đó phạm tội trọng mà cũng chẳng cảm thấy lương tâm lên án hay “nhúc nhích” thì coi như linh hồn đã chết rồi vậy. Một cái chết cho linh hồn được báo trước bởi những tội nhẹ mà họ đã phạm, bởi vì tội nhẹ thì giống như bệnh ung thư trong giai đoạn đầu không có triệu chứng gì cả, đùng một cái bác sĩ tuyên bố ung thư giai đoạn chót, hết thuốc chữa, đem về nhà...chờ chết.

Tập nhạy cảm trước vấn đề tội nhẹ, để rồi cảm thấy lương tâm phản ứng mạnh khi chúng ta phạm tội trọng, có như thế thì dù có nhìn quen rồi (phạm tội nhẹ) thì vẫn cứ cảm thấy có cảm giác (lương tâm áy náy), như thế thì chúng ta mới giữ được tâm hồn thanh thản và bình an.

------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:05 18/11/2010
N2T


3. Người ca ngợi nhân đức thì nhiều, người trực ngôn thì ít, Thiên Chúa rất không thích những người giả bộ ca ngợi nhân đức.

(Thánh Augustine)
 
Lời hứa
Lm Vũđình Tường
19:51 18/11/2010
Cuộc sống có nhiều hứa hẹn. Khi thì mình hứa, khi thì người hứa. Cũ mới, đủ cả. Lời hứa có tên gọi khác nhau, tuỳ thuộc vào tầm quan trọng của sự việc. Có lời hứa miệng. Có lời hứa trên giấy tờ. Có lời hứa cần cả bút mực lẫn người chứng. Có lời hứa thi hành một lần rồi thôi. Có lời hứa dài hàng tuần, tháng hay năm. Có lời hứa kéo dài cả đời như hứa hôn nhân, khấn dòng. Không thể tránh hứa hẹn vì đó là thực tế cuộc sống. Không hứa thì thôi, nếu hứa, sớm muộn gì cũng có lần thất hứa.

Thất hứa xảy ra do hoàn cảnh, do thiếu khả năng hoặc nguyên do người thân gây ra. Lời hứa mang thời gian tính, kéo dài khó giữ trọn. Thất hứa do bất toàn của con người. Không phải con người thất hứa với nhau mà con người thất hứa với thần thánh, và với cả Thiên Chúa.

Nếu có ai nghi ngờ hãy nhớ lại khi cuộc đời lúc gặp mưa sa, bão táp, sóng to, gió lớn. Lúc đó đã hứa gì, cầu nguyện ra sao và ước mong thực hiện điều mong ước cách nào. Nhìn lại xem lời hứa thực hiện được bao nhiêu hay đã lạt phai lời thề năm xưa. Lời hứa chìm vào quên lãng hay vẫn in đặm trong tâm mà không thực hiện trong cuộc sống, lâu lâu chỗi dậy nhắc bảo.

Hứa trong tôn giáo

Hãy nhớ lại lời hứa đầu đời khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy. Đừng biện hộ lúc đó còn quá nhỏ không biết hứa gì. Phục Sinh hàng năm Giáo Hội mời gọi Kitô hữu lập lại lời hứa khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy.

Mỗi lần tham dự bí tích hoà giải đều có hứa ăn năn, chừa các tật xấu, các đam mê, các tội thế rồi lại tái phạm. Lại vin vào bản tính yếu đuối con người. Kết quả cho thấy thất hứa là điều khó tránh, làm tròn lời hứa cũng lắm mà thiếu cố gắng hoàn thành lời hứa cũng nhiều. Hoàn cảnh sống đóng vai trò lớn trong việc làm cho ta thất hứa. Người sao tôi vậy hoặc là tại vì thế này, thế kia mà tôi không làm tròn lời hứa. Mọi biện hộ, thanh minh, giải thích đều là dấu chỉ của thất hứa. Tự bào chữa cho mình là tự dối mình. Nếu sống ngay thẳng, công chính, khiêm nhu cần gì phải làm thế. Thành thật với Chúa và siêng nhận bí tích thống hối là cách sống chân thành nhất với vua Kitô.

Mọi sự đã hoàn tất

Đức Kitô là Đấng duy nhất thực hiện trọn vẹn mọi lời hứa. Trên thập giá, trước khi chết Ngài nói: Mọi sự đã hoàn tất. Lễ Chúa Kitô vua là lễ mừng kính Con Thiên Chúa đã hoàn thành tốt đẹp sứ vụ cứu độ của Ngài. Thánh Phaolô trong thư gởi Côlôsê chương một giải thích

Người đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái, trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi…. Vì Thiên Chúa muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Ngài, cũng như nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời.

Đức Kitô là Đấng duy nhất làm viên mãn lời hứa cứu chuộc. Ngài làm cho lời hứa cứu độ nên cao trọng nhất từ trước tới nay, và từ nay về sau không còn lời hứa nào trọng hơn thế nữa. Ngài biến lời hứa thành Giao Ước thánh vĩnh cửu khi cầm chén rượu, tạ ơn, trao cho các môn đệ và nói

Tất cả các con cầm lấy mà uống: Này là chén Máu Thầy, Máu giao ước mới, giao ước vĩnh cửu sẽ được đổ ra cho các con và mọi người được tha tội.

Ngay hôm nay

Lời hứa lần cuối trước khi tắt thở -ban phúc trường sinh- cho người trộm ăn năn thống hối vào thiên quốc khi anh ta van xin. Suốt cuộc đời rao giảng, đám đông luôn ca tụng, tung hô Đức Kitô là vua. Mỗi lần như thế Ngài tránh né. Suốt cuộc tử nạn, luật sĩ, thủ lãnh, lãnh binh ghép cho Ngài ngôi vị vua để kết tội phản loạn. Đức Kitô biết rõ thâm ý họ Ngài lặng thinh không đáp trả. Đức Kitô đến để trao ban, không để nhận lãnh. Ngai vua trần gian, nay còn, mai mất sao sánh với ngai vua Thiên Quốc vĩnh cửu, trường tồn; ngai vua vũ trụ bất diệt. Người ta hiểu lầm giáo huấn của Ngài. Ngài đến để cho, ban phát, không phải lãnh nhận vì thế Ngài ban ơn khi người trộm ăn năn thống hối xin tha

Ông Giêsu ơi, khi ông vào nước của ông, xin nhớ đến tôi.

Ngài nói với anh ta

Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng.


Người trộm được tha, được ơn trường sinh vì anh có lòng thống hối, ăn năn. Lời hứa của Đức Kitô xác định Ngài là vua vũ trụ, không phải vua trần thế như có lần Ngài nói với đám binh lính đến bắt Ngài là nước của Ngài không thuộc về thế gian này Gioan 18,36.

Vương quốc

Vương quốc Ngài dành riêng cho ai có tâm hồn ngay thẳng, khát khao sống công chính. Công chính nhờ thành tâm thống hối, kêu xin như người trộm xin ơn tha thứ. Kẻ kiêu ngạo, thích hạch sách, ưa nói móc, vui thích xỉ vả, Đức Kitô lặng thinh, không đáp trả. Những ai thành tâm thống hối vua vũ trụ ban ơn an bình và đón nhận vào vương quốc Ngài nhờ cuộc tử nạn và Phục Sinh của Giao Ước thánh.

Cuối năm Phụng vụ Giáo Hội mừng kính lễ Chúa Kitô vua vũ trụ mục đích nhắc nhớ chúng ta là con cái Thiên Chúa. Quê hương của chúng ta là Thiên Quốc nơi Chúa hiển trị. Trần gian là chốn tạm bợ, con đường lữ hành về quê thật. Trên đường lữ hành tránh sao thất hứa, vấp ngã. Nhờ Con Một Chúa thánh hoá, ban ơn giúp chúng ta chống lại các cám dỗ, thắng vượt sự chết và đi trọn con đường Chúa đã đi.
 
Dân vi qúy
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
23:22 18/11/2010
Chúa Nhật Thứ 34 Mùa Thường Niên, Năm C - Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ

Hằng năm vào ngày Chúa Nhật cuối cùng của năm Phụng vụ, giáo hội hiệp với toàn thể vũ hoàn suy tôn Chúa Kitô là Vua Vũ Trụ. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Đức Kitô và cho Đức Kitô, Người Con chí ái của Thiên Chúa (x.Col 1,16). Khi suy tôn Chúa Kitô là Vua Vũ Trụ, giáo hội muốn khẳng định chân lý mà thánh tông đồ dân ngoại đã nói với tín hữu Côlôxê, đó là mọi sự trên trời cùng dưới đất đều được Thiên Chúa tạo thành nhờ Đức Kitô và cho Đức Kitô. Chúa Kitô không chỉ là nguyên lý và là cứu cánh của mọi hiện hữu mà Người còn là khuôn mẫu của mọi vật mọi loài, vì người là Trưởng tử của mọi loài thọ sinh.

Loài người là loài cao trọng nhất trong các loài thọ tạo hữu hình. Thánh Kinh minh định chân lý này qua việc bàn bạc của Thiên Chúa trước khi tạo dựng con người và sự lao nhọc của Thiên Chúa khi dựng nên con người. Các loài thọ tạo khác thì Thiên Chúa chỉ phán một lời thì liền “xẩy ra như vậy”. Sự cao trọng của con người còn được khẳng định khi nó được dựng nên “giống hình ảnh” của Đấng Tạo Thành và được trao quyền làm chủ vũ trụ vạn vật (x.St 1,26-29). Hình ảnh của Đấng vô hình nay đã được mạc khải cách hoàn hảo và rõ nét nơi chính Đức Kitô (x.Col 1,15).

Suy tôn Chúa Kitô là Vua vũ trụ, giáo hội không chỉ khẳng định quyền tối thượng của Chúa Kitô trên mọi loài mà còn tuyên xưng Chúa Kitô chính là khuôn mẫu, là lẽ sống của mọi hiện hữu, nhất là của loài người. Qua các bài đọc của Chúa Nhật XXXIV TN C mà giáo hội cho trích đọc chúng ta nhận ra khuôn mẫu, lẽ sống mà Đức Kitô tỏ bày đó là hiện hữu cùng và hiện hữu cho.

“Này đây, Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai và người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Mt 1,23). Khi vào trần gian, Đức Kitô đã mạc khải cho nhân loại chúng thấy ý nghĩa của các hiện hữu là hiện hữu trong tương quan. Mọi thụ tạo, nhất là loài người, không ai là một hòn đảo. Ta chỉ là ta trong tương quan với người. Có người thì mới có ta. Trong mối tương quan gia đinh dòng tộc, cha ông chúng ta có câu ngạn ngữ rất tượng hình: có con rồi mới có cha, có cháu rồi mới có ông, có bà.

Mối tương quan “cùng-với” này vừa nói lên sự tuỳ thuộc vừa nói lên sự liên đới giữa các hiện hữu. Nhiều muông thú hay vật nuôi như chim, gà, mèo, chó…, khi được nuôi riêng một mình thì chúng vẫn phát triển thành chúng, trái lại, con người không thể lớn lên, phát triển thành người cách đúng nghĩa khi sống một mình. Hiện tượng “người rừng” đó đây, không có khả năng nói, không có khả năng giao tiếp với đồng loại…là một minh chứng. Chúng ta làm người, chào đời, có mặt ở trần gian này là nhờ ai đó và với ai đó. Vì thế có thể nói rằng một trong những mục đích và ý nghĩa nền tảng của sự hiện hữu của con người đó là sống cùng, sống với và sống cho.

Cả cuộc đời của Đức Kitô trên trần gian, rõ nét nhất là quảng thời gian rao giảng Tin mừng và đích diểm là cái chết trên thập giá khẳng định cho chúng ta về mục đích ý nghĩa của kiếp nhân sinh. Đức Kitô là Đấng đi đến đâu thì giáng phúc thi ân đến đó (x.Cvtđ 10,38). Và chính Người đã minh định rõ ràng: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28).

Trên đỉnh đồi Gôngôta, dù có thể tự cứu mình khỏi án hình thập giá, nhưng Chúa Kitô đã không tự cứu mình. Dù không tìm cách tự cứu mình thế mà Người đã hứa ban hạnh phúc Thiên đàng cho người bị treo bên phải Người, đồng thời xin Chúa Cha tha cho những người đang phỉ nhổ, hành hạ và giết mình mà trong số đó chắc chắn có cả người gian phi bị treo bên trái Người (x.Lc 23,39-43).

Hình ảnh của một vị minh quân theo quan niệm người xưa đó là người lo trước cái lo của thiên hạ và vui sau cái vui của thiên hạ. “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Hình ảnh vị minh quân này đã được Chúa Kitô thể hiện bằng vị mục tử nhân lành sẵn sàng hiến dâng mạng sống vì đàn chiên và vì từng con chiên một. Xuất thân từ một người chăn chiên, Đavít đã được chọn gọi để làm vua Israel. Dù còn nhiều thiếu sót và lỗi lầm tày trời, nhưng Đavít chính là một hình ảnh tiên báo cho vị Mục Tử Nhân lành, vị Vua Công chính là Đức Kitô, Đấng đã dùng tình yêu của mình để dẫn đưa mọi thụ tạo, nhất là loài người về với sự thật căn bản: chúng ta là loài thụ tạo, chúng ta sẽ chỉ là mình khi hiện hữu đúng với thánh ý Đấng Tạo Thành đó là sống cùng và sống cho tha nhân.

Dỏng dạc trước Philatô, Chúa Kitô minh nhiên công bố: “Tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật, thì nghe tiếng tôi”(Ga 18,37). Và sự thật ấy được tỏ bày cách hoàn hảo bằng một Con Người chịu treo trên thập giá, với trái tim bị đâm thâu, hầu đưa toàn thề nhân loại đi lên và những ai tin vào Người thì sẽ được sống muôn đời (x.Ga 3,14-15), đồng thời làm cho muôn vật muôn loài được hòa giải với Thiên Chúa (x.Col 1,20).

Suy tôn Chúa Kitô là Vua tức nhìn nhận quyền tối thượng của Người trên đời chúng ta, là đón nhận lẽ sống, quy luật hiện hữu mà Người đã ban ra. Chúng ta có thể nhận ra quy luật ấy qua lời khẳng định của Chúa Kitô: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mạng sống mình vì tôi và vì Tin mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy…( Mc 8,34-38; Mt 16,24-28; Lc9,23-27).Và đến ngày tận thế, chính Đấng là Vua Vũ Trụ, khi “ngự trên ngai vinh hiển của Người” sẽ thẩm xét chúng ta dựa trên tiêu chí là thái độ sống cùng, sống cho tha nhân của chúng ta, đặc biệt cho những người anh em “bé mọn” (x.Mt 25,31-46).
 
Tạ ơn Chúa - Cám ơn người sau lần chết giả
Tuyết Mai
23:31 18/11/2010
Thật vậy! Tình Yêu Thiên Chúa thật bao la và vĩ đại xiết là dường bao. Không có lời nào có thể tả xiết được. Không một lời nào có thể tôn vinh Thiên Chúa cho đủ. Chẳng có một ngôn từ nào của con người có thể xứng đáng dâng lên Thiên Chúa cho tương xứng những gì Ngài luôn ban cho con người nhân loại của chúng ta. Từng giây từng phút trong cuộc đời; từng nhịp đập của trái tim; từng dòng máu luân lưu trong cơ thể để nuôi sống thân xác của chúng ta, v.v..... Không cảm tạ Thiên Chúa của chúng ta sao đặng, khi mà mới vừa đêm hôm qua đây thôi! Cả hai mẹ con tôi đã trải qua một thời gian rất khủng hoảng vì tiếng kêu cứu của chồng tôi.

Tôi và cháu trai tôi đang ở dưới lầu. Tôi thì đang gõ cọc cạch trên máy computer; cháu trai tôi đang học và làm bài. Tôi nghe tiếng chồng tôi gọi, thoạt đầu nghe cũng lớn nhưng âm thanh không được rõ rệt, tưởng ông gọi tôi đi ngủ vì đã quá 11g đêm. Tôi bảo ông mình còn phải chờ con gái về để mở cửa cho nó nữa chứ! Cháu gái lớn chúng tôi đang làm y tá trong một trung tâm y khoa và suốt cả ngày cháu phải phụ mấy ca mổ nên được báo là cháu sẽ về rất trễ. Không thấy chồng tôi trả lời nhưng nghe tiếng di chuyển thuỳnh thuỵch rất chậm của ông và tiếp sau đó là tiếng kêu cầu cứu của ông nghe sao thất thanh quá!. Tôi liền ba chân bốn cẳng phóng lên lầu, kịp lúc chồng tôi như muốn ngã quỵ. Thấy mặt của ông tái và trắng nhợt như người chết rồi vậy!. Quá hoảng tôi liền kêu cháu trai lên giúp tôi một tay để cho ông nằm xuống thẳng thóm trên thảm. Nhưng cháu lên không kịp vì lúc bấy giờ sức nặng của ông trên 150 lbs., tôi để ông nhẹ nhàng xuống không nổi cho nên đầu ông có đập nhẹ trên sàn nhưng không hề hấn gì.

Tôi nhờ cháu trai lấy liền ngay cho tôi ly nước lọc và viên aspirin để giúp cho mạch máu nông ra nhờ đó máu vẫn có thể di chuyển vào tim và vào được não bộ. Sau khi cho ông uống được trôi viên thuốc asspirin, tôi bảo cháu lấy ngay cho tôi cái máy đo áp huyết xem con số có thấp quá hay cao quá, để tôi sẽ gọi ngay cho nhân viên cấp cứu đến và chở ông vào nhà thương. Sau khi đo hai lần liền thì thấy áp huyết của ông bình thường, 2 số đều ở trong mức trung bình. Nhịp tim thì không đến nỗi thấp vì ông đang trong tình trạng hôn mê nhẹ và cơ thể không cử động. Đầu và trán thì vã cả mồ hôi và quần thì bị ướt vì tè ra quần trong lúc hôn mê, khi mà bộ não đang bị chấn động không còn có thể kiểm soát được việc làm của cơ thể.

Nhưng rất may mắn, chỉ vài phút thì chồng tôi ông đã hoàn tỉnh chắc nhờ nằm xuống đất mà máu có thể lên được trên đầu trở lại. Hỏi ông vài câu xem ông có trả lời được rõ ràng hay không? Xem mặt ông có bị méo đi không? Cơ thể tay chân có lạnh cóng và cử động được không? Vì đây là những triệu chứng của tai biến mạch máu não (stroke). Nếu có thì tôi phải gọi ngay cho 911 (nhân viên cấp cứu) đưa liền chồng tôi vào bệnh viện để kịp thời cứu chữa; vì càng để lâu thì bộ não sẽ bị hư luôn và sẽ bị liệt hoàn toàn. Sự mau hay chậm trễ chữa trị là kết quả của sự mau chóng hay chậm trễ trong thời gian chờ hồi phục. Nhưng may quá, cảm tạ Chúa nhân lành, chồng tôi không bị sao cả! Chỉ là chắc tại bị no hơi; máu dồn xuống bao tử nhiều nên bị ngất xỉu vậy thôi! Nhưng để chắc ăn tôi đã chở chồng tôi đến trung tâm y khoa sáng sớm hôm sau để được bác sĩ khám và chẩn bệnh xem ông đã bị triệu chứng gì?. Kết quả cho biết là chồng tôi mọi thứ rất bình thường từ áp huyết cho đến làm điện tâm đồ (EKG), và được giới thiệu đến bác sĩ chuyên môn về óc (neurologist), xem thử lý do vì sao chồng tôi bị tiểu ra quần mà không hay biết.

Thưa anh chị em! Quả thật cuộc sống của chúng ta đây xem ra sức khoẻ và sự bình an của ngày lại ngày là quan trọng nhất, được Chúa thương yêu tác tạo và dựng nên. Khi chứng kiến có người nhà bị bệnh tật, nằm một chỗ, cử động có giới hạn, lúc bấy giờ chúng ta mới thấy được rằng có tiền thật nhiều để trong nhà băng, đất đai cò bay thẳng cánh, quyền hành, tất cả chẳng nghĩa lý gì!. Con người bình thường Chúa ban cho ngày ăn chỉ được có 3 bữa cơm là cùng. Ăn thêm chỉ làm cho chúng ta thêm bệnh tật và chết sớm. Cần mái che thì sao cũng được, miễn sao chúng ta có được chỗ để che nắng che mưa. Nhà sàn cũng như nhà trệt; nhà mái lá vách đất cũng sống qua ngày thôi!. Chung cư cũng như nhà di động (mobil home). Nhà mua hay nhà mướn cốt ý là để cho chúng ta có chỗ ở là hạnh phúc lắm rồi!. Chứ cả đời chúng ta cứ mải bon chen, 1 nhà không đủ phải tranh thủ cho được 2 nhà? Nhà một tầng chưa đủ, phải cầy đêm cầy ngày cho thành 2 tầng mà làm chi?. Con thì bỏ cho người làm trông nom không người dậy dỗ, lớn thành mất dậy và là thành phần bất hảo của xã hội và gia đình. Vợ chồng vì tham lam tiền của nên đem nhau ra tòa ly dị; gia đình tan vỡ; con cái bất trị và vào băng đảng, v.v..... Hạnh phúc của một gia đình chỉ cần đòi hỏi ở tình thương yêu của cả vợ lẫn chồng là nền tảng hạnh phúc được xây trên đá. Chúng ta thử nhìn xem gia đình Thánh Gia như thế nào, mà các Ngài giữ được hạnh phúc như thế? Nhà thì vách đất thật chật hẹp và thật nghèo nàn. Các Ngài đã sống suốt cuộc đời của mình qua sự Xin Vâng và hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa Cha và Thánh Thần. Gương của gia đình Thánh Gia nếu chúng ta bắt chước theo và thi hành thì không thể nào sai được, và hạnh phúc luôn được Thiên Chúa chúc lành.

Hôm nay đây nơi căn nhà thân yêu này, tuy rằng chúng tôi giầu thì không giầu, mà nghèo thì không nghèo, nhưng thật cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho chúng tôi hằng ngày dùng đủ; vợ chồng con cái yêu thương và lo lắng cho nhau, nhất là sau một cú chết giả hết hồn của chồng tôi. Trước đây anh làm cho tôi mất cảm tình với anh bao nhiêu thì nay tôi cảm thấy anh là một người chồng rất dễ thương và rất dễ yêu biết là dường nào! Bởi sự thật thì cả gia đình tôi đều cần đến anh; thiếu vắng anh sẽ là một mất mát vô cùng lớn và sẽ là sự khủng hoảng mà gia đình chúng tôi sẽ gặp phải. Tôi thì chẳng biết một sự việc gì trong nhà. Từ xưa đến nay mọi việc trong nhà đều do một tay anh quán xuyến; còn tôi chỉ biết đi làm rồi về nhà cơm nước thế thôi! Các con tôi thì tuổi còn nhỏ và còn đang đi học. Cháu nào cũng ăn chưa no lo chưa có tới, đành đoạn nào Chúa lại gọi anh ra đi bất ngờ như thế được!??. Tôi thiết nghĩ Chúa còn chờ đợi anh cho một chương trình gì đó trong tương lai mà anh chưa có thể ra đi bây giờ được! Vì anh là một con người đầy nhiệt tình, nhiệt huyết, và có một trái tim rất lớn. Anh còn đang học lớp giáo lý tân tòng còn chưa xong nữa mà!.

Cảm tạ Thiên Chúa rất nhân lành và luôn yêu thương của chúng con! Hôm nay là ngày Sinh Nhật của chồng con, mà tưởng chừng như anh sẽ ra đi mãi mãi và sẽ biến mất trong cuộc đời của con và của các con của con. Ôi lậy Chúa! Thật không còn lời cảm tạ nào cho tương xứng với những gì Chúa ban cho gia đình chúng con; trước, nay, và mãi mãi. Con mong ước Chúa cũng ban cho mọi gia đình anh chị em chúng con có được sức khỏe, bình an, và tràn đầy tình yêu của Chúa; để được Chúa luôn hiện hữu trong mái nhà và trong trái tim của chúng con. Dậy chúng con biết sống một cuộc sống lành mạnh và thương yêu. Luôn biết chia sẻ và thông cảm. Biết hy sinh và tha thứ cho nhau, để cùng đích trong ngày sau hết là tất cả chúng con cùng được Chúa thưởng ban cho Nước Trời, Nơi mà hạnh phúc sẽ là muôn đời. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cuốn sách thứ hai về các bài phỏng vấn Đức Thánh Cha Benedict XVI
Bùi Hữu Thư
08:01 18/11/2010
Ánh sáng thế gian. Đức Giáo Hoàng, Giáo Hội, các dấu chỉ thời đại

ROME, Thứ Ba 16 tháng 11, 2010 (Le Monde vu de Rome) - Cuốn sách thứ hai về các bài phỏng vấn Đức Thánh Cha Benedict XVI của ông Peter Seewald sẽ được trình bầy với giới báo chí truyền thông tại Vatican ngày 23 tháng 11, 2010.

Cuốn sách mang tựa đề: “Ánh sáng thế gian. Đức Giáo Hoàng, Giáo Hội, các dấu chỉ thời đại. Cuộc đối thoại giữa Đức Thánh Cha Benedict XVI và ông Peter Seewald” (« Luce del Mondo. Il Papa, la Chiesa, i segni dei tempi. Una conversazione del Santo Padre Benedetto XVI con Peter Seewald », Thư Viện Phát Hành Vatican).

Cuốn sách sẽ được Đức Cha Rino Fisichella, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về việc cỏ võ Tân Phúc Âm Hóa, và ký giả viết tiểu sử Đức Giáo Hoàng GioanPhaolô II, Luigi Accattolo, trình bầy cùng với sự tham dự của giám đốc thư viện phát hành Vatican, cha Dòng Salêsiêng Giuseppe Costa, trước sự hiện diện của nhà báo và văn sĩ người Đức Peter Seewald.

Các cuộc đàm thoại đã xẩy ra bằng tiếng Đức, từ ngày 26 đến 31 tháng Bẩy tại Castel Gandolfo.

Đây là cuốn sách thứ hai về các bài phỏng vấn cựu hồng y Joseph Ratzinger của ông Peter Seewald sau cuốn sách: “Muối đất: Kitô giáo và Giáo Hội Công Giáo trước thềm thiên niên kỷ hứ ba”, được Nicole Casanova dịch sang tiếng Pháp và được nhà xuất bản Flammarion/Le Cerf ấn hành (1997).

Peter Seewald cũng đã trình bầy tư tưởng của cựu hồng y Joseph Ratzinger trong sách “Đây là Thiên Chúa của Chúng ta”, (Plon/Mame, 2001).

Thư viện ấn hành Vatican nắm giữa bản quyền của Đức Thánh Cha Benedict XVI, và xuất bản ấn bản tiếng Ý của cuốn sách phỏng vấn mới này.
 
Canh tân đức tin nơi sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu Kitô và chầu Thánh Thể
Linh Tiến Khải
09:33 18/11/2010
Hãy canh tân đức tin nơi sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu Kitô trong Bí Tích Cực Thánh và chầu Thánh Thể trong mọi giáo xứ toàn thế giới. Ước chi ”mùa xuân thánh thể” tươi nở khắp nơi. Vì khi chiêm ngắm và thờ lậy Chúa Giêsu Thánh Thể chúng ta sống kinh nghiệm tình yêu của Thiên Chúa, được Chúa Giêsu Thánh Thánh Thể biến đổi và nhận được từ Ngài sức mạnh, sự ủi an và niềm vui.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến chung 30.000 tín hữu năm châu sáng thứ tư 17-11-2010 tại quảng trường Thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giới thiệu gương mặt một phụ nữ khác sống vào thế kỷ XIII, ít được biết tới, nhưng có ảnh hưởng trên việc thành lập lễ kính Mình Máu Thánh Chúa: đó là thánh nữ Giuliana thành Cornillon, người Bỉ.

Đức Thánh Cha nói về tiểu sử thánh nữ như sau: Giuliana sinh gần Lièges, bên Bỉ, giữa các năm 1191-1192. Cần quan trọng nhấn mạnh trên nơi này, bởi vì vào thời đó có thể nói rằng giáo phận Lièges đã là một ”nhà tiệc ly thánh thể”. Trước Giuliana nhiều nhà thần học tên tuổi tại đây đã minh giải giá trị siêu việt của Bí Tích Thánh Thể, và luôn luôn tại Lièges, đã có các nhóm phụ nữ quảng đại tôn sùng Thánh Thể và sốt sắng rước lễ. Được các linh mục gương mẫu hướng dẫn, họ sống chung với nhau, và tận hiến cuộc sống cho việc cầu nguyện và làm việc bác ái.

Mồ côi cha mẹ khi lên 5 tuổi, Giuliana cùng với em gái là Agnese được giao cho các nữ tu dòng thánh Agostino của tu viện phong cùi Mont-Cornilon, nuôi nấng. Nhất là Giuliana được một nữ tu tên là Sapienza chăm nom, và bước theo chị trên con đường trưởng thành thiêng liêng, cho tới khi nhận áo dòng và cũng trở thành nữ tu dòng thánh Agostino. Chị có trình độ văn hóa đáng kể đến độ đọc sách các Giáo Phụ bằng tiếng Latinh, đặc biệt là các tác phẩm của thánh Agostino và thánh Bênađô. Ngoài trí thông minh sinh động, ngay từ đầu chị Giuliana còn tỏ ra có khuynh hướng chiêm niệm và một ý thức sâu xa về sự hiện diện của Chúa Kitô, mà chị sống kinh nghiệm đặc biệt sâu đậm trong Bí tích Thánh Thể, và thường dừng lại để suy niệm các lời này của Chúa Giêsu: ”Này đây, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho tới tận thế” (Mt 28,20)

Đức Thánh Cha trình bầy tiếp về cuộc đời chị Giuliana như sau: Năm 16 tuổi, chị Giuliana đã nhận được thị kiến đầu tiên, và thị kiến này lập đi lập lại trong các giờ chầu Thánh Thể. Thị kiến cho thấy mặt trăng tròn đầy rạng rỡ, với một vệt sậm ngang qua chính giữa. Chúa cho chi hiểu ý nghĩa của của thị kiến ấy. Mặt trăng biểu tượng cho cuộc sống của Giáo Hội trên trái đất này, vệt sậm, trái lại, ám chỉ sự thiếu sót một ngày lễ phụng vụ, mà Chúa xin chị nỗ lực cổ võ: đó là một lễ, trong đó mọi tín hữu có thể thờ lậy Thánh Thể để đươc gia tăng đức tin, tiến bước trên đường nhân đức và đền bù các xúc phạm đến Bí Tích Cực Thánh.

Trong vòng gần 20 năm chị Giuliana, giờ đầy đã trở thành bề trên tu viện, giữ kín bí mật của mạc khải đã khiến cho con tim của chị tràn ngập niềm vui, cho riêng mình. Rồi chị thổ lộ với hai phụ nữ sốt sắng chầu Thánh Thể khác là chân phước Evà, người sống đời ẩn tu, và Isabella là người đã theo chị gia nhập tu viện Mont-Cornillon. Thế là ba phụ nữ ký kết với nhau một loại ”giao ước thiêng liêng”, nhằm mục đích vinh danh Bí Tích Thánh Thể. Họ cũng muốn lôi kéo một linh mục rất được kính trọng, là cha Giovanni thành Lausanne, kinh sĩ nhà thờ thánh Martino, vào cuộc, bằng cách xin cha kêu gọi các nhà thần học và hàng giáo sĩ chú ý tới nguyện vọng thầm kín của họ. Các hưởng ứng đã tích cực và đáng khích lệ.

Điều xảy ra cho chị Giuliana thường được lập lại trong cuộc sống các Thánh: để có được xác nhận một linh hứng đến từ Thiên Chúa cần phải luôn luôn dìm mình trong lời cầu nguyện, biết kiên nhẫn chờ đợi, tìm tình bạn và sự đối chọi với các linh hồn tốt lành khác, và để tất cả đưới sự phấn xử của các Chủ Chăn của Giáo Hội. Chính Đức Giám Mục giáo phận Lièges là Đức Cha Robert de Thourotte, sau các lưỡng lự ban đầu, đã tiếp nhận đề nghị của chị Giuliana và các bạn gái của chị, và thành lập lần đầu tiên lễ trọng kính Mình Máu Thánh Chúa trong giáo phận của ngài. Sau này các Giám Mục khác đã noi gương và cũng thành lập lễ này trong các giáo phận thuộc quyền săn sóc mục vụ của các vị.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: tuy nhiên Chúa thường xin các Thánh vượt thắng các thử thách, để cho đức tin của các vị được gia tăng. Chị Giuliana cũng phải chịu sự chống đối của vài thành phần giáo sĩ và của chính vị bản quyền đối với tu viện của chị. Khí đó chị đã cùng với vài nữ tu tự ý rời bỏ tu viện Mont-Cornillon, và trong vòng 10 năm trời từ 1248-1258 các chị là khách của nhiều tu viện của các nữ tu Xitô. Chị nệu gương sáng cho mọi người vì lòng khiêm tốn, và không hề có lời chỉ trích hay trách móc nào đối với những người chống đối chị, nhưng vẫn tiếp tục hăng say phổ biến lòng tôn sùng Thánh Thể. Chị qua đời tại Fosses-La-Ville năm 1258. Trong căn phòng, nơi chị nằm có đặt Mình Thánh Chúa, và theo lời người viết tiểu sử, Giuliana qua đời, khi chiếm ngắm Chúa Giêsu Thánh Thể, với tình yêu nồng cháy cuối cùng, Đấng mà chị đã luôn luôn yêu mến, vinh danh và tôn thờ.

Tiếp đến Đức Thánh Cha nói về nguồn gốc việc thành lập lễ kính Mình Máu Thánh Chúa Giêsu trong toàn Giáo Hội như sau: Đức Cha Giacomo Pantaléon thành Troyes, là người đã quen biết thánh nữ Giuliana khi làm Tổng Giám Mục giáo phận Lièges, cũng bị chịnh phục về việc thành lập lễ kính Mình Máu Thánh Chúa. Chính người, năm 1264 khi trở thành Giáo Hoàng với tên gọi là Urbano IV, đã thành lập lễ kính Mình Máu Thánh Chúa như là lễ trọng cho Giáo Hội hoàn vũ, vào ngày thứ năm sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Trong Tự Sắc thành lập tựa đề ”Transiturus de hoc mundo” ban hành ngày 11 tháng 8 năm 1264 ĐGH Urbano kín đáo gợi lại các kinh nghiệm thần bí của chi Giuliana, bằng cách thừa nhận tính cách đích thực của chúng và viết như sau: ”Mặc dù Thánh Thể được long trọng cử hành mỗi ngày, chúng tôi cho rằng thật là phải lẽ, ít nhất mỗi năm một lần, Thánh Thể được tưởng niệm một cách tôn kính và long trọng hơn. Thật thế, khi tưởng niệm các sự khác chúng ta nắm bắt chúng với tinh thần và trí khôn, nhưng không vì thế mà có được sự hiện diện thực sự của chúng. Trái lại, trong việc tưởng niệm bí tích này của Chúa Kitô, cả khi dưới hình dạng khác, Chúa Giêsu Kitô hiện diện thực sự với chúng ta trong bản thể riêng của Người. Thật vậy, trong khi lên trời Người đã nói: ”Này đây, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho tới tận thế” (Mt 28,20).

Đức Giáo Hoàng Urbano đã làm gương bằng cách cử hành lễ trọng kính Mình và Máu Thánh Chúa tại Orvieto, là thành phố nơi người ở thời đó. Chính Đức Giáo Hoàng đã ra lệnh cất giữ trong nhà thờ chính tòa giáo phận khăn thánh có dấu vết phép lạ Thánh Thể đã xảy ra trước đó năm 1263 tại Bolsena. Một linh mục trong khi truyền phép bánh và rượu, đã nghi ngờ về sự hiện diện thực sự của Mình và Máu Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể. Một cách lạ lùng, vài giọt máu đã bắt đầu chảy ra từ Bánh Thánh, và qua cách thức này xác nhận điều đức tin của chúng ta tuyên xưng. Đức Giáo Hoàng Urbano IV xin một trong những nhà thần học lớn nhất trong lịch sử, là thánh Toma thành Aquino, hồi đó đang tháp tùng người và ở tại Orvieto, sáng tác các thánh thi cho phụng vụ lễ trọng này. Các thánh thi đó ngày nay vẫn còn được dùng trong Giáo Hội, là các kiệt tác, trong đó thần học và thơ phú hòa lẫn với nhau. Chúng là các thánh thi làm rung động con tim, diễn tả lời chúc tụng và lòng biết ơn đối với Bí Tích Cực Thánh, trong khi trí thông minh kinh ngạc chìm sâu trong mầu nhiệm, thừa nhận trong Thánh Thể sự hiện diện sống động và thật sự của Chúa Giêsu, của Hy tế tình yêu của Người giao hòa chúng ta với Thiên Chúa Cha và trao ban ơn cứu độ cho chúng ta.

Sau khi Đức Giáo Hoàng Urbano IV qua đời, việc cử hành lễ kính Mình Máu Thánh Chúa chỉ hạn hẹp trong vài miền ở nước Pháp, Đức, Anh và bắc Italia, nhưng năm 1317 Đức Giáo Hoàng Gioan XXII tái lập trong toàn Giáo Hội. Từ đó trở đi, lễ kính Mình Máu Thánh Chúa phát triển một cách tuyệt diệu, và rất được dân kitô cảm nghiệm. Tôi muốn tuơi vui khẳng định rằng ngày nay trong Giáo Hội có một ”mùa xuân thánh thể”: có biết bao nhiêu người dừng lai trước Thánh Thể trong thinh lặng, để chuyện vãn với Chúa Giêsu trong yêu thương. Thật là an ủi, khi bết rằng nhiều nhóm bạn trẻ đã tái khám phá ra vẻ đẹp của việc cầu nguyện trong khi tôn thờ Bí Tích Cực Thánh. Chẳng hạn tôi nghĩ tới buổi Chầu Thánh Thể tại Hyde Park ở Luân Đôn. Tôi cầu xin cho mùa xuân thánh thể này ngày càng được phổ biến trong tất cả mọi giáo xứ, đặc biệt tại Bỉ, là quê hương của thánh nữ Giuliana.

Và Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: khi nhắc tới thánh nữ Giuliana thành Cornillon, chúng ta cũng hãy canh tân đức tin nơi sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể như Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo dậy. Việc trung thành gặp gỡ Chúa Kitô Thánh Thể trong Thánh Lễ Chúa Nhật là điều nòng cốt đối với con đường đức tin, nhưng chúng ta cũng hãy tìm cách thường xuyên đến thăm viếng Chúa trong Nhà Tạm! Khi ngắm nhìn và thờ lậy Bánh Thánh, chúng ta gặp gỡ món qùa tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta gặp gỡ Cuộc Khổ Nạn và Thập Giá của Chúa Giêsu cũng như sự Phục Sinh của Người. Chính qua việc nhìn ngắm thờ lậy của chúng ta, Chúa lôi kéo chúng ta tới với Người, vào trong mầu nhiệm của Người, để biến đổi chúng ta như biến đổi bánh và rượu. Các Thánh đã luôn luôn tìm thấy sức mạnh, sự ủi an và niềm vui trong cuộc gặp gỡ thánh thể. Cùng với các lời của Thánh Thi ”Adorote devote” chúng ta hãy lập lại trước mặt Chúa hiện diện trong Bí Tích Cực Thánh: ”Xin làm cho con luôn ngày càng tin nơi Chúa hơn, để nơi Chúa con có niềm hy vọng, và để con yêu Chúa”.

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Tchèques, Slovac, Croat, và Ý. Ngài đã đặc biệt kêu gọi trả tự do cho bà Asia Bibi, một tín hữu công giáo Pakistan, bị kết án tử hình oan ức về tội gọi là ”phạm thượng chống Hồi giáo”. Ngài cầu nguyện cho tất cả mọi người phải ở trong tình trạng tương tự để nhân phẩm và các quyền căn bản của họ được hoàn toàn tôn trong. Sau cùng Đức Thánh Cha đã cất Kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
 
Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi Hội nghị mục vụ y tế của Tòa Thánh
Lm Trần Đức Anh OP
09:34 18/11/2010
VATICAN. Trong sứ điệp gửi Hội nghị quốc tế thứ 25 về mục vụ y tế, khai mạc sáng 18-11-2010, ĐTC kêu gọi các chính phủ và các tổ chức quốc tế thực thi ”công bằng y tế” qua nỗ lực bảo vệ sự sống con người.

Hội nghị do Hội đồng Tòa Thánh mục vụ y tế tổ chức tại Nội thành Vatican về chủ đề ”Tiến tới một sự săn sóc sức khỏe công bằng và nhân dân dưới ánh sáng Thông điệp 'Bác ái trong chân lý', với sự tham dự của 600 nhân vật đến từ 60 quốc gia.

Trong sứ điệp ĐTC khẳng định rằng: ”Cần dấn thân hoạt động nhiều hơn ở mọi cấp độ để quyền sức khỏe trở thành hữu hiệu, tạo điều kiện cho mọi người được săn sóc tối thiểu về y tế. Trong thời đại ngày nay, một đàng chúng ta chứng kiến hiện tượng một sự chú ý tới sức khỏe có nguy cơ trở thành một chủ nghĩa tiêu thụ về thuốc men, y tế và giải phẫu, hầu như trở thành một sự tôn thờ thân xác; đàng khác, có hàng triệu người đang gặp khó khăn trong việc đạt tới những điều kiện sinh tồn tối thiểu và những thuốc men tối cần thiết để chữa trị bản thân”.

ĐTC cũng kêu gọi thế giới sức khỏe đừng tránh né các qui luật luân lý để khỏi trở thành vô nhân đạo. Ngài đặc biệt mời gọi các chính phủ và các tổ chức quốc tế hãy dành ưu tiên cho công lý trong lãnh vực sức khỏe. Sứ điệp của ĐTC có đoạn viết:

”Đáng tiếc là bên cạnh những kết quả tích cực và đáng khích lệ, có những ý kiến và đường hướng tư duy làm thương tổn công lý sức khỏe: tôi nói đến những vấn đề như điều gọi là ”sức khỏe sinh sản”, sử dụng những kỹ thuật truyền sinh nhân tạo bao gồm việc hủy hoại các phôi thai người, hoặc các luật cho phép làm cho chết êm dịu. Lòng yêu mến công lý, sự tôn trọng sinh mạng từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên, sự tôn trọng phẩm giá mỗi người, cần phải được nâng đỡ và làm chứng, kể cả khi phải đi ngược dòng: các giá trị luân lý cơ bản là gia sản chung của nền luân lý phổ quát và sự sống chung hòa bình”.

Hội nghị của Hội đồng Tòa Thánh mục vụ y tế kéo dài 2 ngày: 18 và 19-11-2010, dưới quyền chủ tọa của Đức TGM Chủ tịch Zimowski người Ba Lan. Trong số các thuyết trình viên, ngoài một số HY, GM và chuyên gia, còn có một số vị lãnh đạo các tổ chức quốc tế như bà Margaret Trần Bằng Phú Trân, Tổng thư ký Tổ chức Sức Khỏe thế giới, OMS, (SD 17-11-2010)
 
Một thừa tác vụ được thiết lập cho phụ nữ trong Giáo Hội
Pt Huỳnh Mai Trác
09:56 18/11/2010
Đức Hồng Y Marc Ouellet, Tổng Trưởng Bộ Gíám Mục, cho biết Đức Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã nghiên cứu về việc thiết lập một thừa tác vụ dành cho phụ nữ đó là chức đọc sách (lectorat).

Trình bày với phòng báo chí của Tòa Thánh Vatican, sau Đai Hội đồng Giám Mục và tông thư “Verbum Domini” của Đức Bênêđictô XVI, vị Tổng thư ký của Hội đồng cho biết các Giám mục đã đồng ý thiết lập một thừa tác vụ cho phụ nữ đó là chức đọc sách đã được trình lên vớí sự cứu xét của Đức Giáo Hoàng. “Đức Hồng Y Ouellet cho biết Đức Thánh Cha hiện đang cứu xét vấn đề này.”

Đức Hồng Y Ouellet cho biết là Giáo Hội sẽ chính thức thừa nhận chức vụ đọc sách thánh như một thừa tác vụ giáo dân.”

Trong bài nòi chuyện dài của Đức Thánh Cha, ngài không trực tiếp đề cập đến vấn đề này tuy ngài giải thích là các người đọc sách; bài đọc một hoặc hai, đàn ông hay phụ nữ đều phải được huấn luyện kỷ càng”

Trong ngày 24 tháng 10 năm 2008, trong những lời đề nghị cuối cùng theo ý định của Đức Giáo Hoàng, các thành viện của Đại Hội đồng Giám mục được khuyến khích “về công việc dành cho giáo dân trong việc lưu truyền đức tin”. Ngài giải thích là trong công việc này người phụ nữ có một vai trò rất quan trọng.

Trong đề nghị số 17, ngài ao ước thừa tác vụ đọc sách cũng được trao cho giới phụ nữ”.Thừa tác vụ đọc sách được ghi trong luật của Giáo Hội vào năm 1972 khi những thừa tác vụ thánh nhỏ được hủy bỏ và chức đọc sách và chức giúp lễ (lectorat và acolytat) trở thành những chức thánh được trao ban (institutes) bằng sắc lệnh chứ không phải là những chức thánh được phong chức (ordonnếs).

Nếu những phụ nữ được giữ những thừa tác vụ đọc sách trong thánh lễ là một chức vụ được thừa nhận bởi Giáo Hội chứ không phải là một công việc tạm thời.

Giáo luật (điều 230) chỉ rỏ là “giáo dân trưởng thành và có những đức tính tốt dược Hội đồng Gíám mục bổ nhiệm bằng sắc lệnh trong nghi thức phụng vụ về các thừa tác vụ đọc sách và thừa tác vụ giúp lễ. Trong quá khứ, chức vụ đọc sách thường dược trao cho những ngưòi nam được sửa soạn để trở thành giáo sĩ như chức vụ linh mục hay phó tế vĩnh viễn.

Thiết lập thừa tác vụ đọc sách cho phụ nữ, theo như một số người nhận xét, là giao cho phụ nữ một chức vụ được thừa nhân trong Giáo hội chứ không là là một chức vụ của giáo sĩ. (nguồn tin VIS)
 
HĐGM Hoa Kỳ tìm kiếm thừa sai cho "thế giới truyền thông" (đại lục số)
Phụng Nghi
10:22 18/11/2010
BALTIMORE, Maryland (Zenit.org).- Thế giới của truyền thông xã hội có thể giống như một cái mốt nhất thời, nhưng sẽ không qua đi. Quả thực, đó là một “đại lục số (digital continent)”, trong đó có cư dân, có di dân – và cần có người thừa sai giảng đạo.

Đó là phát biểu của Giám mục Ron Herzog giáo phận Alexandria, Louisiana trước Hội đồng Giám mục Hoa kỳ (HĐGMHK) trong ngày đầu phiên họp khoáng đại mùa thu năm nay.

Dưới đây là sơ lược nội dung bài phát biểu của ngài:

“Tôi thường nghe người ta – cả trong giới làm việc lẫn trong vòng bè bạn của tôi – coi truyền thông xã hội là điều phù phiếm và nông cạn. Ngay cả những chữ dùng cũng có vẻ kỳ cục. Lối vặn vẹo ngôn ngữ hời hợt cho thấy đó là cái mốt mới nhất trong một nền văn hóa chấp nhận và rồi bỏ rơi các mốt mới nhanh hơn thời gian tôi tìm ra được các chi tiết trong cái bill tính tiền điện thoại di động của tôi. Hôm nay tôi có mặt tại đây để đề nghị với quý vị đừng để cho mình bị lừa dối vì cái vẻ bề ngoài ấy. Truyền thông xã hội đã chứng tỏ nó là một sức mạnh phải xem xét đến. Nếu không, Giáo hội có thể phải đối diện với một thách đố lớn lao như thách đố cuộc Cải cách Tin lành gặp phải.”

Giám mục Herzog ghi nhận rằng khẳng định như thế nghe như có vẻ thổi phồng quá đáng, nhưng ngài đưa ra một ít thống kê để làm bằng chứng: “Có hơn 500 triệu người tích cực sử dụng trên Facebook. Nếu coi đó là một quốc gia, thì chỉ thấy Ấn độ và Trung quốc là có số dân đông hơn. Hội Hồng thập tự Hoa kỳ cho biết đã quyên góp được hơn 500 triệu đô la, từng 10 đô la một, chỉ bằng dịch vụ nhắn tin (text messaging). Cứ 8 cặp kết hôn ở Mỹ thì có 1 cho biết họ gặp nhau qua truyền thông xã hội. Để tới được với 50 triệu khán giả, kỹ thuật truyền hình đã phải mất tới 13 năm. Còn sau khi iPod ra đời, chỉ cần 9 tháng đã có 1 tỷ ứng dụng được tải xuống máy.”

Vị Giám mục Louisiana này cho biết Đức giáo hoàng Benedict gọi truyền thông xã hội là một lục địa số “có cư dân, có di dân, và ngay cả những người truyền đạo. Ngài khuyến khích người Công giáo, đặc biệt là các linh mục, tiến vào nền văn hóa 140 chữ và bè bạn ảo này như một cơ hội lớn lao để rao truyền Tin Mừng.” (Ghi chú: 140 chữ là số chữ tối đa được dùng trong một thông điệp trên Twitter).

“Cơ may có thế khó mà tin được. Tôi xin đưa ra một thí dụ: Tháng 8 mới rồi HĐGMHK bắt đầu tạo một cộng đồng trên Facebook. Nay đã có 25 ngàn “fans” liên kết với cộng đồng đó rồi. […] Hơn nữa, nếu số 25 ngàn này, cũng tương tự như người trung bình sử dụng Facebook, thì họ có 130 bạn hay đối tượng tiếp xúc (contacts) trên Facebook. Chỉ cần một cú bấm chuột họ có thể chia sẻ tin nhận được từ HĐGMHK. Giả dụ chỉ có 10% số “fans” của HĐGMHK chia sẻ những gì họ nhận từ HĐGMHK, cũng có tới 325 ngàn người biết được thông tin đó. Nhiều lần trong một ngày. Mà đâu có tốn phí gì, ngoài thì giờ của người trong ban điều hành.”

Lớn lao như kỹ thuật in ấn

Giám mục Herzog nhận định rằng truyền thông xã hội – tuy chỉ mới xuất hiện chưa đầy 10 năm – nhưng không có đặc tính của một cái mốt nhất thời.”

“Mà người ta nói rằng nó làm thay đổi tận gốc rễ mô hình và đặc tính truyền thông chẳng khác kỹ thuật in ấn cách đây 500 năm. Và tôi nghĩ không cần phải nhắc quý vị nhớ lại những gì xảy ra khi Giáo hội Công giáo đã trì trệ trong việc áp dụng kỹ thuật mới đó. Vào lúc chúng ta quyết định khuyến khích một cách nghiêm túc người dân thường nên đọc Thánh kinh, thì cuộc Cải cách Tin lành đã xúc tiến việc đó từ lâu rồi.”

Quả thực, “truyền thông xã hội đang tạo ra một nền văn hóa mới trên đại lục kỹ thuật số này.”

Đức Giám mục ghi nhận rằng giới trẻ đã dùng nó làm điểm tham chiếu đầu tiên: “Tin tức, những tiết mục giải trí, bạn bè – tất cả đều đến với họ qua các dụng cụ di động và qua các mạng xã hội. Thực tế đó đối với một giáo hội đang cố công đưa cũng những người trẻ này đến nhà thờ ngày Chủ nhật, hãy còn là điều phân vân do dự. Nếu giáo hội không có mặt trên các dụng cụ di động của họ, là giáo hội không hiện hữu. Giáo hội không cần phải thay đổi giảng huấn của mình để đến được với giới trẻ, nhưng chúng ta phải trao giảng huấn đó cho họ bằng cách thức mới.”

Những trở ngại

Giám mục Herzog nhận thấy có những trở ngại phải vượt qua khi Giáo hội muốn rao truyền Tin Mừng cho đại lục số.

“Đối với Giáo hội Công giáo, một trong những thách đố lớn lao nhất của nền văn hóa này là chủ nghĩa bình đẳng (egalitarianism) của nó. Bất cứ ai cũng có thể tạo được một cái blog (nhật ký mạng); ý kiến của bất cứ ai cũng hợp lệ. Và nếu một câu hỏi hay mâu thuẫn được đưa lên mạng, cư dân số đều trông chờ một câu trả lời và một điều gì đó tương tự như lời đối thoại. Chúng ta có thể lựa chọn không đi vào tâm cảnh văn hóa đó, nhưng chúng ta làm thế, nếu không thì có nguy cơ lớn lao cho tính khả tín và dễ tiến tới của Giáo hội trong tâm trí của những cư dân mạng, những người lớn lên trong nền văn hóa mới này. Đây là một hình thức mới trong công tác mục vụ. Nó có thể không phải là chỗ đứng chúng ta tìm kiếm, nhưng là một cơ hội lớn lao mà chúng ta nên xem xét cẩn thận các hậu quả nếu chúng ta bỏ qua.”

Tuy nhiên, Giáo hội không thể vì đầu tư trong truyền thông mới mà bỏ đi các hình thức truyền thông cũ. Các thế hệ người lớn tuổi vẫn còn dùng báo chí, sách vở và những người trao tặng tài chính vẫn còn dựa vào những phương tiện này. Giáo hội cần phải đầu tư ở cả hai lãnh vực.

Sau cùng, đức cha Herzog thúc giục các giám mục bạn “hãy chấp nhận sự thật là nhân viên của quý vị - và có lẽ cả quý vị nữa – sẽ cần được huấn luyện và hướng dẫn.”

“Trên đại lục số, câu thường nói “cứ xây dựng đi rồi mọi việc sẽ đến” không còn đúng sự thực nữa. Cần phải có kế hoạch và chiến lược cẩn thận mới có thể làm cho truyền thông xã hội thành một khí cụ thông tin hiệu quả, không phải chỉ riêng cho phân bộ truyền thông mà còn cho tất cả mọi công tác của giáo hội.”

“Chúng ta, những người di dân vào thế giới số, cần những bài học về nền văn hóa số, hệt như các vị thừa sai phải học văn hóa của dân tộc họ đang truyền đạo. Chúng ta phải được đưa vào nền văn hóa đó (enculturated). Không phải chỉ là học biết cách tạo một account trên Facebook. Mà là học cách suy nghĩ, sống và chấp nhận cuộc đời trên châu lục số, trong những hình thức của blog, Twitter và hệ thống xã hội trên mạng.”
 
Tông huấn "Lời Chúa" của Đức Bênêđictô XVI (5)
Vũ Văn An
17:43 18/11/2010
Việc giải thích Thánh Kinh trong Giáo Hội

Giáo Hội là khung cảnh đệ nhất của khoa chú giải Thánh Kinh

Một chủ đề chính nữa phát sinh trong Thượng Hội Đồng mà giờ đây tôi muốn lưu ý là việc giải thích Thánh Kinh trong Giáo Hội. Sợi dây liên kết nội tại giữa lời và đức tin cho ta thấy rõ:khoa chú giải Thánh Kinh chân chính chỉ có thể có bên trong đức tin của Giáo Hội, một đức tin có khuôn mẫu nơi lời ‘xin vâng’ của Đức Maria. Thánh Bonaventura nói rằng không có đức tin, sẽ không có chìa khóa để mở tung bản văn thánh: “Đây là kiến thức về Chúa Giêsu Kitô, từ Người, như từ một nguồn suối, chẩy ra sự chắc chắn và sự hiểu biết toàn bộ Thánh Kinh. Do đó, không ai có thể đạt được kiến thức về chân lý ấy nếu không trước nhất có đức tin dấn thân vào Chúa Kitô, vốn là ngọn đèn, là cửa và là nền tảng của mọi Sách Thánh” (84). Còn Thánh Tôma Aquinô, khi trích dẫn Thánh Augustinô, đã nhấn mạnh rằng “chữ nghĩa, dù là chữ nghĩa của Tin Mừng, cũng chỉ sát hại, nếu không có ơn thánh bên trong của đức tin chữa lành” (85).

Ở đây, ta có thể chỉ ra tiêu chuẩn căn bản của khoa chú giải Thánh Kinh: khung cảnh đệ nhất để giải thích Thánh Kinh là đời sống Giáo Hội. Điều này không có nghĩa coi ngữ cảnh Giáo Hội như qui luật ngoại tại mà nhà chú giải phải tuân phục, nhưng đúng hơn nó là một điều được chính bản chất của Thánh Kinh cũng như phương thức dần dần thành hình của nó đòi hỏi. “Các truyền thống đức tin hình thành ra ngữ cảnh sống động cho sinh hoạt văn chương của các tác giả Sách Thánh. Việc các truyền thống trên được lồng vào ngữ cảnh này cũng bao hàm việc chia sẻ cả đời sống phụng vụ và đời sống bên ngoài của các cộng đoàn, lẫn thế giới trí thức, thế giới văn hóa và những thăng trầm trong lịch sử các định chế này. Cũng một cách tương tự như thế, việc giải thích Thánh Kinh đòi các nhà chú giải phải tham gia vào đời sống và đức tin của cộng đoàn tín hữu thời họ” (86).

Thành thử, “vì Sách Thánh phải được đọc và giải thích dưới sự soi sáng của cùng một Thần Khí nhờ đó nó đã được viết ra” (87), nên các nhà chú giải, các thần học gia và toàn bộ dân Chúa phải tiếp cận nó trong bản chất thực sự của nó, tức lời Thiên Chúa được chuyển tải tới ta bằng ngôn ngữ con người (xem 1 Tx 2:13). Đó là dữ kiện thường hằng hàm chứa trong chính Thánh Kinh: “Không ai được tự tiện giải thích một lời tiên tri nào trong Sách Thánh, vì lời tiên tri không bao giờ do ý muốn người phàm, nhưng chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa” (2 Pr 1:20-21). Hơn nữa, chính đức tin của Giáo Hội nhận ra lời Chúa trong Thánh Kinh; như Thánh Augustinô đã nói câu đáng nhớ: “Tôi sẽ không tin Tin Mừng, nếu thẩm quyền Giáo Hội Công Giáo không hướng dẫn tôi làm như thế” (88). Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống cho Giáo Hội, đã giúp ta khả năng giải thích Thánh Kinh một cách có thế giá. Thánh Kinh là sách của Giáo Hội, và vị trí chủ yếu của nó trong đời sống Giáo Hội phát sinh ra việc giải thích nó một cách chân chính.

Thánh Giêrôm nhắc ta rằng ta không bao giờ được đọc Sách Thánh theo ý riêng mình. Làm như thế, ta sẽ gặp rất nhiều chiếc cửa khép kín và chắc chắn sẽ dễ dàng rơi vào lầm lạc. Thánh Kinh được Dân Chúa viết cho Dân Chúa, dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Chỉ trong sự hiệp thông ấy với Dân Chúa, ta mới có thể thực sự, như một “chúng tôi”, bước vào tâm điểm sự thật mà Thiên Chúa muốn chuyển tải cho ta (89). Thánh Giêrôm, người từng nói rằng “không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô” (90), đã quả quyết rằng chiều kích Giáo Hội trong việc giải thích Thánh Kinh không phải là một đòi hỏi được áp đặt từ bên ngoài: Sách ấy là chính tiếng nói của Dân lữ hành Thiên Chúa, và chỉ bên trong đức tin của Dân này, ta mới có cùng một cung điệu để hiểu Sách Thánh, có thể nói như thế. Vì thế, một giải thích chân chính về Thánh Kinh luôn luôn phải hoà điệu với đức tin của Giáo Hội Công Giáo. Chính vì thế, ngài đã viết cho một linh mục: “Hãy bám chặt lấy học lý truyền thống mà cha đã được giảng dạy, để cha có thể giảng giải người ta theo học lý lành mạnh và đánh bại những kẻ nói ngược lại nó” (91).

Tách khỏi đức tin, bất cứ cách tiếp cận bản văn thánh nào cũng chỉ có thể gợi ý cho ta một số yếu tố đáng lưu tâm về bình diện cấu trúc và hình thức bản văn, nhưng người ta đã chứng minh một cách chắc chắn rằng các yếu tố này chỉ là những cố gắng bất toàn về phương diện cấu trúc. Như Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, khi lặp lại nguyên tắc đã được khoa giải thích thánh kinh hiện đại chấp nhận, đã quả quyết rằng: “việc đạt tới sự hiểu biết thích đáng các bản văn thánh chỉ dành cho ai biết lưu tâm đến điều Thánh Kinh nói trên căn bản kinh nghiệm sống” (92). Tất cả những điều này giúp làm rõ mối liên hệ giữa đời sống thiêng liêng và khoa giải thích Thánh Kinh. “Như độc giả trưởng thành trong sự sống Chúa Thánh Thần thế nào, thì khả năng hiểu các thực tại được Thánh Kinh nói tới của họ cũng tăng trưởng như thế” (93). Cường độ trong kinh nghiệm chân chính của Giáo Hội chỉ có thể dẫn tới sự tăng trưởng trong hiểu biết đức tin; ngược lại, đọc Thánh Kinh bằng đức tin cũng sẽ dẫn tới việc tăng trưởng trong chính đời sống Giáo Hội. Ở đây, một lần nữa, ta có thể nhận ra sự thật của câu nói thời danh của Thánh Grêgôriô Cả: “Lời Chúa tăng trưởng cùng với người đọc chúng” (94). Việc lắng nghe lời này dẫn nhập và gia tăng sự hiệp thông giáo hội với tất cả những người đang tiến bước trong đức tin.

"Linh hồn của thần học thánh"

"Việc nghiên cứu Sách Thánh phải là chính linh hồn của thần học, có thể nói như thế” (95). Câu trích dẫn từ Hiến Chế Tín Lý “Lời Chúa" này, với thời gian, càng ngày càng trở nên thân quen hơn. Trong thời kỳ sau Công Đồng Vatican II, khoa nghiên cứu thần học và chú giải hay nhắc tới kiểu nói trên như một biểu tượng cho việc lưu tâm mới mẻ đối với Sách Thánh. Cuộc Họp Lần Thứ Mười Hai của Thượng Hội Đồng Giám Mục cũng hay nhắc tới câu nói thời danh này để diễn tả mối liên hệ giữa việc tìm tòi lịch sử và việc giải thích đức tin liên quan tới bản văn thánh. Các Nghị Phụ vui mừng nhìn nhận rằng việc nghiên cứu lời Chúa trong Giáo Hội đã lớn mạnh trong mấy thập niên qua, và các ngài tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với nhiều nhà chú giải và thần học gia đã tận tụy, dấn thân và đầy khả năng tiếp tục đóng góp đáng kể vào việc hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa của Thánh Kinh, khi đề cập tới những vấn đề phức tạp mà khoa nghiên cứu Thánh Kinh gặp phải trong thời đại ta (96). Lời cám ơn chân thành cũng đã được ngỏ với các thành viên của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, cả quá khứ lẫn hiện tại, trong hợp tác gần gũi với Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã tiếp tục cung hiến khả năng chuyên môn của mình để khảo sát nhiều vấn nạn đặc thù do khoa nghiên cứu Thánh Kinh nêu ra. Tương tự như thế, Thượng Hội Đồng cũng cảm thấy có nhu cầu phải nhìn vào tình trạng nghiên cứu Thánh Kinh hiện nay và thế đứng của nó trong lãnh vực thần học. Sự hữu hiệu về mục vụ trong sinh hoạt của Giáo Hội cũng như đời sống thiêng liêng của tín hữu tùy thuộc phần lớn vào thành quả của mối tương quan giữa ngành chú giải và thần học. Vì thế, tôi thấy trình bày ra đây một số suy niệm từng phát sinh ra từ cuộc thảo luận về chủ đề này tại các phiên họp của Thượng Hội Đồng là điều quan trọng.

Khai triển việc nghiên cứu Thánh Kinh và huấn quyền của Giáo Hội

Trước hết, ta cần nhìn nhận các lợi ích mà ngành chú giải phê bình lịch sử và một số phương pháp phân tích bản văn mới được khai triển gần đây từng đem lại cho đời sống Giáo Hội (97). Muốn có cái hiểu Công Giáo về Thánh Kinh, việc lưu tâm tới các phương pháp như thế là điều nhất thiết, vì việc này vốn có liên hệ đến chủ nghĩa hiện thực về Nhập Thể: “Việc nhất thiết này là hậu quả của nguyên lý Kitô Giáo từng được phát biểu trong Tin Mừng Thánh Gioan 1:14: Ngôi Lời đã thành xác phàm. Sự kiện lịch sử này chính là chiều kích ‘hiến định’ của đức tin Kitô Giáo. Lịch sử cứu rỗi không phải là thần thoại học, mà là lịch sử đích thực, và do đó, phải được nghiên cứu bằng các phương pháp tìm tòi có tính lịch sử nghiêm túc” (98). Việc nghiên cứu Thánh Kinh đòi hỏi ta phải biết các phương pháp tìm tòi này và các áp dụng thực tiễn của chúng. Đã đành, trong thời hiện đại, người ta đã đánh giá cao hơn nhiều các phương pháp tìm tòi đó, dù không phải nơi nào cũng cùng một mức độ như nhau, song truyền thống lành mạnh của Giáo Hội vẫn luôn tỏ ra quí mến việc nghiên cứu “chữ nghĩa” loại này. Ở đây, ta chỉ cần nhắc tới nền văn hóa đan viện vốn tạo nền tảng tối hậu cho văn hóa Âu Châu; ở gốc rễ nền văn hóa đó, ta thấy có mối quan tâm tới lời. Lòng khao khát Chúa hàm chứa lòng yêu mến đối với lời trong mọi chiều kích của nó: “vì trong lời Thánh Kinh, Thiên Chúa đến với chúng ta và chúng ta đến với Người, nên ta phải học cách đào sâu bí ẩn của ngôn ngữ, cách hiểu cấu trúc của nó và phương thức phát biểu của nó. Do đó, vì cuộc tìm kiếm Thiên Chúa, khoa học thế tục nào dẫn tới việc hiểu ngôn ngữ nhiều hơn đều trở thành quan trọng” (99).

Huấn quyền sống động của Giáo Hội, một huấn quyền vốn có nhiệm vụ “cung cấp việc giải thích chân chính lời Chúa, bất kể dưới hình thức chữ viết hay hình thức truyền khẩu” (100), từng can thiệp một cách khôn ngoan và quân bình liên quan tới đáp ứng đúng đắn đối với việc dẫn nhập các phương pháp mới của ngành phân tích lịch sử. Tôi nghĩ cách riêng tới các thông điệp Providentissimus Deus của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII và Divino Afflante Spiritu của Đức Giáo Hoàng Piô XII. Vị tiền nhiệm đáng kính của tôi là Gioan Phaolô II có nhắc lại tầm quan trọng của các văn kiện này nhân kỷ niệm 100 năm và 50 năm ngày chúng được lần lượt công bố (101). Sự can thiệp của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã có công bảo vệ việc giải thích Thánh Kinh của Công Giáo khỏi rơi vào các tấn kích của chủ nghĩa duy lý, tuy nhiên, không khỏi rơi vào việc đi tìm an ổn nơi ý nghĩa thiêng liêng nhưng xa rời lịch sử. Không hề né tránh phương pháp phê bình khoa học, Giáo Hội chỉ lo ngại trước “những định kiến tự cho là có căn bản khoa học, nhưng thực tế đã lén lút làm cho khoa học đi ra ngoài lãnh vực của nó” (102). Về phần ngài, Đức Giáo Hoàng Piô XII phải đương đầu với nhiều tấn kích từ phía những người chủ trương một lối chú giải tự gọi là huyền nhiệm, một lối chú giải bác bỏ bất cứ hình thức tiếp cận có tính khoa học nào. Thông điệp Divino Afflante Spiritu rất thận trọng tránh né bất cứ gợi ý nào về một lưỡng phân giữa “chú giải khoa học” dùng cho khoa hộ giáo và “chú giải thiêng liêng dùng cho nội bộ”; đúng hơn, thông điệp này khẳng định cả “ý nghĩa thần học của nghĩa đen, được định nghĩa một cách có phương pháp” lẫn sự kiện “chính việc xác định nghĩa thiêng liêng… cũng thuộc phạm vi chú giải khoa học” (103). Bằng cách đó, cả hai văn kiện cùng bác bỏ “sự chia cắt giữa nhân bản và thần linh, giữa tìm tòi khoa học và việc tôn kính đức tin, giữa nghĩa đen và nghĩa thiêng liêng” (104). Sự quân bình này sau đó được tài liệu năm 1993 của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh tiếp tục duy trì: “trong công trình giải thích của họ, các nhà chú giải Công Giáo không bao giờ được quên rằng điều họ đang giải thích chính là lời Thiên Chúa. Trách vụ chung của họ sẽ không chu toàn nếu họ mới chỉ xác định được các nguồn, định nghĩa được các hình thức hay giải thích được các thủ tục văn chương. Họ chỉ đạt tới mục tiêu thực sự trong công việc của mình khi giải thích được ý nghĩa của bản văn Thánh Kinh như là lời Thiên Chúa nhắn gửi thời đại ngày nay” (105).

Việc giải thích Thánh Kinh theo Công Đồng: một chỉ thị cần lãnh nhận

Trong bối cảnh trên, người ta có thể đánh giá tốt hơn các nguyên tắc lớn trong việc giải thích đúng đắn dành cho ngành chú giải Công Giáo do Công Đồng Vatican II đưa ra, nhất là trong Hiến Chế Tín Lý “Lời Chúa”: “Xét vì trong Sách Thánh, Thiên Chúa nói qua những con người nhân bản theo lối con người, nên các nhà giải thích Sách Thánh, nếu muốn quả quyết điều Thiên Chúa có ý định thông đạt cho ta, nên cẩn thận tìm cho ra ý nghĩa mà các soạn giả thánh thực sự có trong đầu, tức ý nghĩa mà Thiên Chúa có ý định mạc khải qua việc dùng các lời nói của họ” (106). Một đàng, Công Đồng muốn nhấn mạnh tới việc nghiên cứu các văn thể (literary genres) và ngữ cảnh lịch sử như các yếu tố căn bản để hiểu ý nghĩa thực sự của tác giả thánh. Đàng khác, vì Thánh Kinh phải được giải thích trong cùng một Thánh Thần mà trong Người nó đã được viết ra, nên Hiến Chế Tín Lý đưa ra 3 tiêu chuẩn nền tảng để lượng giá chiều kích thần linh của Sách Thánh: 1) bản văn phải được giải thích bằng cách chú ý tới tính thống nhất của toàn bộ Sách Thánh; ngày nay, người ta gọi tiêu chuẩn này là giải thích theo qui điển (canonical exegesis); 2) trình thuật phải lấy từ Truyền Thống sống động của toàn thể Giáo Hội; và cuối cùng, 3) phải tỏ ra tôn trọng nguyên tắc loại suy của đức tin. “Chỉ khi nào biết tôn trọng cả bình diện phương pháp phê bình lịch sử lẫn bình diện thần học, người ta mới có thể nói tới một chú giải thần học, tức một chú giải xứng đáng với Sách này” (107).

Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng rất đúng khi tuyên bố rằng hoa trái tích cực phát sinh từ việc sử dụng phương pháp tìm tòi có tính phê bình lịch sử là điều không thể chối cãi được. Nhưng dù ngành giải thích bác học hiện nay, trong đó có các học giả Công Giáo, rất có khả năng trong lãnh vực phương pháp phê bình lịch sử, nhưng ta vẫn phải nói rằng một chú tâm tương tự cần phải được dành cho chiều kích thần học trong các bản văn thánh, để chúng được hiểu sâu sắc hơn, phù hợp với 3 yếu tố đã được Hiến Chế Tín Lý “Lời Chúa” nêu ra (108).

Sự nguy hiểm của chủ nghĩa nhị nguyên và khoa chú giải bị thế tục hóa

Về phương diện này, ta nên nhắc tới nguy cơ trầm trọng hiện nay của cách tiếp cận duy nhị nguyên đối với Sách Thánh. Phân biệt hai bình diện tiếp cận Sách Thánh không hề có nghĩa tách biệt chúng hay đặt chúng thành đối lập, cũng không đơn thuần đặt chúng bên cạnh nhau. Chúng chỉ hiện hữu trong hỗ tương mà thôi. Chẳng may, đôi khi người ta dã tách biệt chúng một cách vô bổ, và do đó, đã tạo ra các hàng rào phân rẽ giữa chú giải và thần học, và điều này “diễn ra cả ở bình diện cao nhất của học thuật” (109). Ở đây, tôi muốn nhắc tới các hậu quả đáng lo ngại nhất cần phải tránh. Trước nhất và trên hết, nếu công trình chú giải chỉ giới hạn ở bình diện thứ nhất mà thôi, thì kết cục Thánh Kinh chỉ là một bản văn thuộc quá khứ: “Người ta có thể rút ra được các hệ luận luân lý từ đó, họ có thể học biết lịch sử, nhưng một Sách như thế chỉ nói về quá khứ, và chú giải không còn tính cách thần học thực sự nữa, mà trở thành lịch sử học thuần túy hay lịch sử văn chương” (110). Rõ ràng, lối tiếp cận có tính giản lược ấy không bao giờ có khả năng làm ta hiểu được biến cố mạc khải của Thiên Chúa bằng lời của Người, sự mạc khải đã được truyền lại cho ta trong Truyền Thống sống động và trong Thánh Kinh.

Việc thiếu một nền chú giải đức tin liên quan tới Thánh Kinh không phải chỉ kéo theo một sự trống vắng; thay vào chỗ của nó nhất thiết sẽ có một lối giải thích khác, tức lối giải thích duy nghiệm (positivistic) và thế tục hóa, một lối giải thích xét cho cùng đã dựa trên xác tín cho rằng Đấng Thần Linh không hề can thiệp vào lịch sử con người. Theo lối giải thích này, bất cứ chỗ nào xem ra có sự hiện diện của thần linh, thì đều phải giải thích cách khác, phải giản lược mọi sự thành yếu tố nhân bản. Điều này dẫn tới một lối giải thích hoàn toàn bác bỏ tính lịch sử của yếu tố thần linh (111).

Người ta đã chứng minh được rằng một chủ trương như thế chỉ có hại cho đời sống Giáo Hội, vì nó khiến người ta hoài nghi mọi mầu nhiệm nền tảng của Kitô Giáo và lịch sử tính của chúng, thí dụ như việc thiết lập Phép Thánh Thể và việc phục sinh của Chúa Kitô. Như thế, người ta đã áp đặt một lối giải thích triết học, tức lối giải thích bác bỏ khả thể Đấng Thần Linh có thể bước vào và hiện diện trong lịch sử. Chấp nhận lối giải thích này trong các nghiên cứu thần học nhất thiết sẽ phát sinh ra một lưỡng phân rõ nét giữa một khoa chú giải chỉ giới hạn ở bình diện thứ nhất và nền thần học chỉ nhằm thiêng liêng hóa ý nghĩa của Sách Thánh, một việc khiến người ta không còn tôn trọng đặc điểm lịch sử của mạc khải nữa.

Tất cả những điều ấy nhất thiết cũng sẽ có một tác động tiêu cực trên đời sống thiêng liêng và trên sinh hoạt mục vụ; “như một hậu quả của việc thiếu vắng bình diện thứ hai về phương pháp, một hố phân cách sâu thẳm sẽ mở ra giữa việc chú giải có tính khoa học và việc đọc lời Chúa (lectio divina). Việc ấy sẽ phát sinh ra sự thiếu trong sáng trong việc soạn bài giảng lễ (112). Cũng cần phải nói rằng sự lưỡng phân này có thể tạo ra mơ hồ lẫn lộn và thiếu ổn định trong việc đào luyện trí thức cho các ứng viên đảm nhiệm các thừa tác vụ trong Giáo Hội (113). Tóm lại, “nơi nào chú giải không phải là thần học, Thánh Kinh không thể là linh hồn của thần học, và ngược lại, nơi nào thần học không chủ yếu giải thích Thánh Kinh của Giáo Hội, thần học ấy sẽ không còn căn bản nữa” (114). Bởi thế, ta cần xem sét cẩn thận hơn nữa các định chuẩn mà Hiến Chế Tín Lý “Lời Chúa” đã cung cấp về phương diện này.

Đức tin và lý trí trong việc tiếp cận Thánh Kinh

Tôi tin rằng điều Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết về vấn đề này trong thông điệp Fides et Ratio của ngài có thể dẫn ta tới một hiểu biết đầy đủ hơn về chú giải và mối tương quan của nó với toàn bộ thần học. Ngài viết rằng ta không nên đánh giá thấp “sự nguy hiểm cố hữu trong việc cố gắng rút tỉa chân lý Thánh Kinh bằng cách chỉ sử dụng một phương pháp, mà bỏ qua nhu cầu cần một lối giải thích có tính toàn bộ hơn, là lối giúp nhà chú giải, cùng với toàn thể Giáo Hội, đạt được một nghĩa đầy đủ hơn về bản văn. Những ai tận tụy với việc nghiên cứu Sách Thánh luôn nên nhớ rằng các phương thức giải thích khác nhau đều có cơ sở triết học riêng của chúng, những cơ sở mà ta cần phải lượng giá cẩn thận trước khi đem áp dụng vào các bản văn thánh” (115).

Suy tư sâu rộng ấy giúp ta thấy rõ một phương thức giải thích Thánh Kinh nhất thiết sẽ đụng đến mối tương quan thích đáng giữa đức tin và lý trí ra sao. Thực vậy, lối giải thích Thánh Kinh bị thế tục hóa chính là sản phẩm của một lý trí toan tính có hệ thống nhằm loại bỏ bất luận khả thể nào cho rằng Thiên Chúa có thể bước vào cuộc sống ta và nói với ta bằng ngôn ngữ con người. Cả ở đây, ta cũng cần phải nhấn mạnh tới việc mở rộng phạm vi của lý trí (116). Khi áp dụng các phương pháp phân tích lịch sử, ta không được chọn bất cứ tiêu chuẩn nào tiên thiên loại bỏ việc Thiên Chúa tự tỏ mình ra trong lịch sử con người. Tóm lại, tính thống nhất của hai bình diện đang dùng để giải thích Sách Thánh giả thiết phải có sự hoà điệu giữa đức tin và lý trí. Một đàng, tính thống nhất đó đòi phải có một đức tin, một đức tin mà để duy trì được mối tương quan đúng đắn với lý trí đúng đắn, không bao giờ được thoái hóa trở thành duy tín (fideism), một thứ chủ nghĩa mà trong lãnh vực Thánh Kinh sẽ kết cục trở thành chủ nghĩa cực đoan. Đàng khác, tính thống nhất ấy còn đòi một lý trí, khi tìm tòi các yếu tố lịch sử có trong Thánh Kinh, biết cởi mở và không tiên thiên bác bỏ bất cứ điều gì không thuộc tham chiếu của mình. Trong bất cứ trường hợp nào, tôn giáo của Lời nhập thể cũng tỏ ra hợp lý một cách sâu sắc đối với bất cứ ai thành thực đi tìm chân lý và ý nghĩa tối hậu của đời mình và lịch sử của mình.

Nghĩa chiểu tự và nghĩa thiêng liêng

Như Thượng Hội Đồng đã quả quyết, đóng góp có ý nghĩa đối với việc phục hồi lối giải thích Thánh Kinh cách thỏa đáng cũng có thể phát sinh từ một chú tâm đổi mới đối với các Giáo Phụ và phương thức giải thích của các ngài (117). Các Giáo Phụ trình bày với ta một nền thần học vẫn còn giá trị với ta ngày nay vì ở tâm điểm nền thần học này, ta thấy có viêc nghiên cứu Sách Thánh như là một toàn bộ. Thực vậy, chủ yếu và trong yếu tính, các Giáo Phụ chính là “những nhà chú giải Sách Thánh” (118). Gương sáng của các ngài có thể “dạy các nhà chú giải hiện đại một lối tiếp cận thực sự có tính tôn giáo đối với Thánh Kinh, và cũng thế, một lối giải thích luôn luôn hoà điệu với tiêu chuẩn hiệp thông vào cảm nghiệm của Giáo Hội, là định chế đang lữ hành qua lịch sử dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần” (119).

Dù hiển nhiên không có được các tài nguyên triết học và lịch sử mà các nhà chú giải hiện đại đang sử dụng, nhưng truyền thống giáo phụ và trung cổ vẫn có thể nhận ra những nghĩa khác nhau của Sách Thánh, bắt đầu là nghĩa đen, nghĩa chiểu tự, tức “nghĩa do chính lời Sách Thánh chuyển tải và khoa chú giải khám phá ra, theo các qui luật của khoa giải thích lành mạnh” (120). Thánh Tôma Aquinô, chẳng hạn, viết rằng “mọi nghĩa của Sách Thánh đều đặt căn bản trên nghĩa chiểu tự” (121). Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng thời các giáo phụ và thời trung cổ, mọi hình thức chú giải, kể cả hình thức chiểu tự, cũng đều được tiến hành trên căn bản đức tin, mà không nhất thiết phải phân biệt giữa nghĩa chiểu tự và nghĩa thiêng liêng. Về phương diện này, người ta có thể nhắc tới 2 câu thơ trung cổ diễn tả mối tương quan giữa các nghĩa khác nhau của Sách Thánh:

"Littera gesta docet, quid credas allegoria,

Moralis quid agas, quo tendas anagogia".

(Chữ đen nói tới việc làm; ẩn dụ nói về đức tin;

Luân lý nói tới hành động; loại suy nói về số phận ta) (122).

Ở đây, ta ghi nhận sự thống nhất và mối tương quan qua lại giữa nghĩa đen và nghĩa thiêng liêng, mà ta có thể tái phân thành 3 nghĩa, tức nghĩa nói tới nội dung đức tin, nghĩa nói tới đời sống luân lý và nghĩa nói tới hoài mong cánh chung của ta.

Tóm lại, dù vẫn nhìn nhận giá trị và sự cần thiết, cũng như các giới hạn, của phương pháp phê bình lịch sử, ta vẫn học được từ các Giáo Phụ điều này: việc chú giải chỉ “thực sự trung thành với ý định của chính các bản văn thánh khi nó không những đi vào trái tim của câu nói để tìm ra thực tại đức tin được diễn tả ở đó, mà còn tìm cách nối kết thực tại này với kinh nghiệm đức tin trong thế giới ngày nay của ta” (123). Chỉ trong viễn tượng này, ta mới có thể nhận ra lời Chúa đang sống động và đang nói với mỗi người chúng ta ngay tại đây và lúc này trong đời sống ta. Theo nghĩa này, định nghĩa của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh dành cho nghĩa thiêng liêng, theo cái hiểu của đức tin Kitô Giáo, vẫn còn hoàn toàn giá trị: nó là “nghĩa được bản văn thánh phát biểu khi đọc, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, trong ngữ cảnh mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô và sự sống mới phát sinh từ ngữ cảnh kia. Ngữ cảnh này thực sự hiện hữu. Trong đó, Tân Ước nhìn nhận sự nên trọn của Sách Thánh. Bởi thế, ta được phép đọc lại Thánh Kinh dưới ánh sáng của ngữ cảnh mới này, một ngữ cảnh của sự sống trong Chúa Thánh Thần” (124).
 
Đức Thánh Cha ca ngợi thành quả 50 năm đối thoại đại kết
Lm Trần Đức Anh OP
18:06 18/11/2010
VATICAN. - ĐTC Biển Đức 16 ca ngợi những thành quả và tiến bộ trên con đường đối thoại đại kết trong 50 năm qua và ngài kêu gọi dấn thân đương đầu với những thách đố mới trong lãnh vực này.

Ngài đưa ra nhận định trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 18-11-2010 dành cho 60 vị đại diện Công giáo và các Giáo Hội Kitô khác, tham dự buổi lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, cử hành hôm 17-11 vừa qua. Ngoài các vị lãnh đạo phía Công Giáo, còn có Đức TGM Rowan Williams, Giáo chủ Liên hiệp Anh giáo và Đức TGM Ioannis Zizioulos, Đại diện Đức Thượng Phụ Chính thống Constantinople.

Ngỏ lời trong dịp này, ĐTC kiểm điểm những thành quả trong nửa thế qua, như sự hiểu biết và quí chuộng lẫn nhau nhiều hơn giữa các Giáo Hội và Công đồng Giáo Hội Kitô, sự vượt thắng những thành kiến còn tồn đọng trong lịch sử, gia tăng đối thoại thần học và bác ái. Nhiều hình thức cộng tác cũng được thực hiện, trong đó có việc bênh vực sự sống con người, bảo tồn thiên nhiên, bài trừ bất công, dịch chung Kinh Thánh..

ĐTC ghi nhận có nhiều người cho rằng cuộc đối thoại đại kết tại Tây Phương đang bị mất nhuệ khí, và ngài kêu gọi khơi dậy mối quan tâm trong lãnh vực này và đẩy mạnh quyết liệt hơn các cuộc đối thoại. Ngoài ra, có những thách đố mới đang được đề ra, như những giải thích mới về nhân loại học và luân lý đạo đức, việc huấn luyện cho các thế hệ trẻ về đại kết, sự phân hóa trong lãnh vực đại kết. ĐTC nói: ”Điều thiết yếu là nhận thức về những thay đổi đó và tìm ra những con đường để tiến hành một cách hữu hiệu dưới ánh sáng ý muốn của Chúa ”Ước gì tất cả chúng được nên một” (Ga 17,21).

ĐTC không quên đề cao tầm quan trọng của việc cầu nguyện cho công cuộc đại kết các tín hữu Kitô. ”Một đàng cần kiên trì và xác tín trong việc tìm kiếm sự hiệp nhất, nhưng đàng khác, cũng cần xác tín mạnh mẽ rằng chúng ta không biết khi nào sự hiệp nhất giữa tất cả các môn đệ Chúa Kitô được diễn ra, chúng ta không thể biết được giờ đó, vì không phải chúng ta làm nên sự hiệp nhất, nhưng là chính Thiên Chúa: sự hiệp nhất đến từ trên cao, từ sự hiệp nhất của Chúa Cha với Chúa Con, trong cuộc đối thoại yêu thương là chính Thánh Linh. Xác tín này không được làm giảm bớt sự dấn thân của chúng ta, trái lại càng làm cho chúng ta chú ý đón nhận các dấu chỉ và thời điểm của Chúa..” (SD 18-11-2010)
 
Top Stories
Holy See against an illicit Episcopal ordination and violence against bishops
Asia-News
09:26 18/11/2010
The government preparing for ceremony on Nov. 20 and seizes two bishops to force them to participate. The Vatican denounces "severe violations of religious freedom and conscience." Blackmail in anticipation of the National Assembly of Catholic representatives, a body "incompatible" with Catholic faith, which the bishops should not attend

Vatican City (AsiaNews) – The Vatican has come down hard against an illicit Episcopal ordination to be held Nov. 20 and against constraints placed on some bishops in communion with the Pope to attend the ceremony.

A statement released today by the Vatican Press Office, states that "The Holy See is disturbed by reports from Mainland China alleging that a number of bishops in communion with the Pope are being forced by government officials to attend an illicit Episcopal ordination in Chengde, northeastern Hebei, said to be scheduled around November 20".

Priests in Hebei province say they have had no contact with at least two bishops from the area, Msgr. Peter Feng Xinmao Hengshui (Jingxian) and Msgr. Joseph Li Liangui of Cangzhou (Xianxian), for several days. The priests are confident that this means that the government has detained them to force them to participate in an Episcopal ordination without the approval of the Holy See. AsiaNews had already received information about this ordination a few months ago.

The Vatican press release states that " If these reports are true, then the Holy See would consider such actions as grave violations of freedom of religion and freedom of conscience" and adds that such an such an ordination is “illicit and damaging to the constructive relations that have been developing in recent times between the People's Republic of China and the Holy See"

The candidate for the illicit ordination is one Fr. Joseph Guo Jincai (see photo), ordained in '92 and always pampered by the regime. He is set to become bishop of Chegde (Hebei). Fr. Guo was a professor at the national seminary in Beijing and deputy secretary general of the Patriotic Association, as well as Catholic representative of the National Assembly, the "parliament" in Beijing.

The Vatican press release confirms that according to the Holy See, "Fr Joseph Guo Jincai has not received the approval of the Holy Father to be ordained as a bishop of the Catholic Church".

The statement notes that "the Holy See, keen to develop positive relations with China, has contacted the Chinese authorities on this whole matter and has made its own position clear".

Despite a certain deference, the statement is very clear. According to testimonies published by UCAN news agency, Hengshui priests themselves asked the Holy See to intervene by condemning the illicit ordination and (forced) participation of the bishops. In addition, there are a number of bishops of the region, who have been subjected to various threats to encourage them to participate.

For nearly four years the government and the Patriotic Association had not imposed more illicit ordinations. In 2006, a series of three ordinations without the permission of the Holy See provoked a strong reaction from the Vatican. Since then there have been many ordinations of bishops - 10 this year alone - but where the candidate was nominated by the Holy See, welcomed by the diocesan bodies and accepted and recognized by the government.

It is likely that the illicit Episcopal ordination is a threat towards the Holy See, which in March issued a statement asking bishops to avoid "making gestures (such as, for example, the celebration of sacraments, ordinations of bishops, attending meetings) that contradict communion with the Pope".

The Patriotic Association and the government are preparing for the National Assembly of Chinese Catholic Representatives, a body whose objects are defined by the pope as "incompatible" with the Catholic Church. In order for it to be a success, all bishops must participate, but the Holy See is opposed (see " Assembly of Chinese Catholics "by the end of the year"). Thus the threat is: either you participate or we will fill China with patriotic bishops independent of the pope. In China there are about 20 dioceses without bishops or with very old pastors, men who should already be retired.

(Source: http://www.asianews.it/news-en/Holy-See-against-an-illicit-Episcopal-ordination-and-violence-against-bishops-20031.html)
 
Chine: Vive réaction du Saint-Siège à l’annonce d’une ordination épiscopale illicite en Chine
Eglises d'Asie
11:06 18/11/2010
La réaction du Saint-Siège aura été prompte: il y a deux jours, des prêtres catholiques du Hebei s’inquiétaient de l’ordination illicite à venir d’un évêque non reconnu par Rome pour le diocèse de Chengde et en appelaient au pape, lui demandant de condamner « un incident d’une telle gravité », nuisible « à la communion » de l’Eglise en Chine (1). Aujourd’hui, 18 novembre, en salle de presse, le Saint-Siège, par la parole du P. Federico Lombardi,. ..

... a réagi, en disant son « trouble » face à une telle nouvelle et affirmant que l’ordination, si elle avait lieu, serait « dommageable pour les relations constructives qui ont été développées ces derniers temps entre la République populaire et le Saint-Siège ».

En provenance de Chine, de nouvelles informations font état des pressions, voire des contraintes, exercées sur des évêques « officiels » reconnus par Rome pour qu’ils participent ou assistent à la cérémonie de l’ordination épiscopale du P. Joseph Guo Jincai, prévue pour le 20 novembre. Outre les quatre évêques du Hebei qui ont été pressentis par Pékin pour la cérémonie d’ordination, un évêque du Liaoning, Mgr Paul Pei Junmin, évêque « officiel » de Shenyang, est sur la liste.

Aujourd’hui 18 novembre, Mgr Pei Junmin, 41 ans, se trouvait dans le diocèse de Chifeng, en Mongolie intérieure, pour une messe d’ordination de nouveaux prêtres. « Des fonctionnaires du Liaoning sont arrivés sur place, avec pour mission de l’escorter jusqu’à Chengde, sans doute demain vendredi », a précisé une source locale à l’agence Ucanews (2). Mgr Pei n’est plus en mesure d’entrer en contact avec ses frères dans l’épiscopat, mais il a été laissé libre de rencontrer les prêtres nouvellement ordonnés ainsi que les fidèles locaux, a ajouté la source.

Quant aux quatre évêques du Hebei qui ont été choisis pour ordonner à l’épiscopat le P. Guo Jincai, ils seraient retenus à Pékin, dans une situation proche de la résidence surveillée. Depuis plusieurs jours, certains d’entre eux avaient été « soustraits à la circulation » par les autorités et ils étaient injoignables, leurs téléphones portables ayant été débranchés, suscitant l’inquiétude de leurs prêtres (3). Aujourd’hui, des informations font état des détails suivants: Mgr Peter Fang Jingping, évêque de Tangshan, présiderait la messe d’ordination; il serait assisté de Mgr Joseph Li Liangui, de Cangzhou (Xianxian), de Mgr Peter Feng Xinmao, de Hengshui (Jingxian) et de Mgr Francis An Shuxin, évêque coadjuteur de Baoding. Mgr Pei Junmin serait aussi du nombre des évêques co-consécrateurs.

Comme en réponse aux inquiétudes qui montaient de l’Eglise de Chine face aux pressions exercées par Pékin sur ces évêques, le Saint-Siège, dans son communiqué d’aujourd’hui, se dit « troublé par les nouvelles provenant de Chine continentale concernant le fait qu’un certain nombre d’évêques en communion avec le pape seraient contraints par des fonctionnaires du gouvernement à participer à une ordination épiscopale illicite à Chengde, dans le nord-est du Hebei, prévue aux alentours du 20 novembre ».

Le ton du communiqué romain monte ensuite d’un cran, le Saint-Siège considérant que, « si ces informations se révélaient authentiques », « de telles actions » constituent « de graves violations de la liberté de religion et de la liberté de conscience ». Le communiqué du Saint-Siège reprend ici des termes qui avaient déjà été utilisés en 2000 et en 2006, lorsque Pékin avait fait procéder à des ordinations épiscopales illicites (4). Toutefois, contrairement aux réactions du Vatican de 2000 et 2006, le Saint-Siège ne fait pas état, cette fois-ci, de la possibilité d’une sanction canonique, à savoir l’excommunication latae sententiae, l’excommunication de fait, pour les prêtres ou les évêques qui portent un geste contraire à la communion ecclésiale. Connaissant certainement la réalité des pressions subies par les évêques que Pékin voudraient voir officier pour l’ordination épiscopale du P. Guo Jincai, Rome se contente de préciser que cette ordination est « illicite » – car le P. Guo Jincai « n’a pas reçu l’approbation du Saint-Père pour être ordonné évêque de l’Eglise catholique » – et qu’elle est « dommageable pour les relations » tissées ces derniers temps entre le Saint-Siège et la République populaire.

Pour conclure, le communiqué indique qu’« intéressé à développer des relations positives avec la Chine », le Saint-Siège « a contacté les autorités chinoises à propos de l’ensemble de la question et a clarifié sa position ». Etant donné que dix ordinations épiscopales ont été menées en Chine continentale depuis le début de cette année et que, toutes, ont concerné des évêques « officiels » reconnus par Rome, on peut penser que « l’ensemble de la question » renvoie au mode opératoire par lequel Pékin et le Saint-Siège œuvrent à la nomination de nouveaux évêques pour l’Eglise en Chine: d’un côté, le Saint-Siège s’abstient de nommer de nouveaux évêques « clandestins », et, de l’autre, Pékin s’abstient de mener à l’épiscopat des candidats qui n’ont pas été acceptés par le pape. Dans le cas du P. Guo Jincai, le processus a failli. Les raisons en sont peut-être dans la mise en place prochaine de l’Assemblée nationale des représentants catholiques, instance non reconnue par Rome et qui doit élire le futur président de la Conférence des évêques « officiels » et le futur président de l’Association patriotique des catholiques chinois. Le P. Guo Jincai, qui est vice-secrétaire général de l’Association patriotique, est sans doute appelé par Pékin à une promotion au sein de cette instance et, aux yeux de Pékin, il a besoin pour cela de revêtir des habits épiscopaux.

(1) Voir dépêche diffusée par Eglises d’Asie le 17 novembre 2010
(2) Ucanews, 18 novembre 2010.
(3) Pour plus de détails, voir la dépêche diffusée par Eglises d’Asie le 17 novembre 2010.
(4) Voir EDA 312, 441

(Source: Eglises d'Asie, 18 novembre 2010)
 
Japon: Inquiétude des évêques japonais et sud-coréens dont les pays se partagent des taux de suicide record
Eglises d'Asie
11:08 18/11/2010
A l’occasion de leur rencontre annuelle, les évêques catholiques japonais et sud-coréens ont réfléchi ensemble aux moyens d’enrayer l’accroissement alarmant du taux de suicide dans leurs deux pays.
Le XVIème rassemblement des évêques du Japon et de Corée du Sud s’est tenu à Cheongju, en Corée du Sud, du 16 au 18 novembre derniers, en présence de 19 prélats coréens et de 13 évêques japonais. Présidaient conjointement ce rendez-vous annuel, Mgr Peter Kang U-il, évêque de Cheju et président de la Conférence des évêques catholiques de Corée du Sud (CBCK) et Mgr Leo Ikenaga Jun, archevêque d’Osaka et président de la Conférence épiscopale du Japon (1).

« Ces cinquante dernières années, la Corée du Sud a réalisé un développement économique remarquable. Mais paradoxalement, ce succès a été à l’origine d’un accroissement considérable du nombre des suicides », explique Michael Hong Kang-eui, de l’Association coréenne pour la prévention du suicide.

Les bouleversements économiques consécutifs à la crise financière des années 1997-1998 ont fait basculer dans la précarité toute une frange de la société; ce sont les « nouveaux pauvres », qui représenteraient aujourd’hui deux Coréens sur dix. Selon Hong Kang-eui, les principales causes de l’augmentation des suicides sont à chercher dans l’isolement que provoque la précarité – lequel est renforcé par le matérialisme ambiant – mais aussi dans un ensemble de facteurs propres à la société coréenne, dont le stress dû à une compétition sociale menée dès l’enfance ou encore le manque d’infrastructure familiale forte, avec des foyers brisés et des enfants surprotégés par leurs parents.

En Corée du Sud, si le nombre total de morts par suicide est inférieur à celui du Japon (15 413 décès contre plus de 30 000 pour son voisin insulaire), le pays se retrouve en tête de classement, si l’on considère la proportion des suicides pour l’ensemble de sa population. Avec un ratio de 31 pour 100 000, le pays détient le record du taux de suicide des pays membres de l’OCDE, suivi de près par le Japon (2).

Une tendance qui ne fait que s’accentuer. En 2006, l’Eglise de Corée du Sud s’alarmait des chiffres de l’année 2004, qui le désignait déjà comme le pays développé comptant le nombre de suicides le plus élevé, avec un taux de 24,2 pour 100 000 (3). A plusieurs reprises, la Conférence des évêques sud-coréens a souligné la gravité de la situation d’une société qui cumule le taux de natalité le plus faible au monde avec l’un des taux les plus élevés de suicide et d’avortement (4). « Une culture de mort » contre laquelle les chrétiens doivent s’élever fortement, rappelle-t-elle, et ce d’autant plus que les Eglises chrétiennes jouissent d’une influence et d’une crédibilité non négligeable, représentant toutes tendances confondues, plus de 30 % de la population.

Même constat du côté de l’Eglise du Japon, qui, par la bouche de Mgr James Koda Kazuo, évêque auxiliaire de Tokyo et vice-président de Caritas-Japon, s’est exprimée à la conférence de Cheongju: « L’Eglise devrait être le lieu où ces personnes pourrait exprimer leurs angoisses et leurs souffrances. Nous devons prêter une oreille attentive à leur appel. »

Comme leurs confrères sud-coréens, les prélats japonais estiment que le taux élevé des suicides a pour origine principale l’effondrement de la communauté traditionnelle qui soutenait auparavant les individus. Difficultés économiques, chômage et endettement sont autant de facteurs de fragilisation, qui peuvent, à terme, conduire à envisager le suicide. Pour remédier à ce manque de soutien de la société, des groupes de chrétiens tentent d’offrir une alternative aux personnes isolées. Parmi eux, le FIND (Inochi No Denwa - ‘le téléphone pour la vie’), un service d’assistance téléphonique bénévole, ou encore le site du Rév. Saito qui s’adresse aux adolescents, de plus en plus nombreux à être tentés par un « pacte suicidaire », préparé collectivement sur Internet. Selon le pasteur méthodiste, cette vague de suicides collectifs est à mettre en relation directe avec le hikikomori (‘repli sur soi’), un phénomène psychologique bien connu au Japon, qui pousse à s’enfermer chez soi, sans avoir aucune relation avec l’extérieur ni sortir, pendant des mois, voire des années (5). Par son site, qui rencontre un grand succès, il cherche à offrir aux jeunes « un lieu où trouver l’espérance à travers une communication interpersonnelle ».

Le principe d’une assemblée annuelle entre les évêques catholiques de Corée et du Japon a été lancé en 1995, dans une démarche de réconciliation entre ces deux nations qui partagent une histoire contemporaine encore marquée par les blessures de la colonisation et de la guerre. La prochaine réunion se tiendra au Japon en 2011.

(1) Ucanews, 17 novembre 2010.
(2) Au sujet de l’augmentation du nombre des suicides pour la Corée du Sud, voir EDA 453, 460. Pour le Japon, voir EDA 382, EDA 444, Supplément EDA 1/2008
(3) A titre de comparaison, l’étude de 2006 évaluait le taux de suicide au Japon à 20,3 pour 100 000, en Finlande à 18,4 et en Autriche à 14,5. D’après le Bureau national des statistiques, 12 047 Coréens se sont suicidés en 2005 (soit trois suicides par jour). Parmi eux, 4 844 étaient des chômeurs, des employés de maison ou des étudiants, 1 016 des employés de commerce ou des ouvriers sans qualification, 671 des agriculteurs ou des pêcheurs et 597 des employés de bureau. En 1995, on ne comptait « que » 4 840 suicides.
(4) Le Bureau national des statistiques coréen a indiqué qu’en 2005 le taux de natalité a été de 10,8 ‰, soit le plus bas au monde. Enfin, selon l’Eglise catholique, le nombre des avortements dans le pays s’élève chaque année à près de 1,5 million. Voir EDA 460
(5) Ces dernières années au Japon, les « pactes suicidaires », surtout entre jeunes, se sont multipliés sur Internet, démontrant la défaillance du lien social, lequel n’est activé que pour « mourir ensemble » avec des inconnus.


(Source: Eglises d'Asie, 18 novembre 2010)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thăm viếng mục vụ giáo xứ Ninh Cù, Thái Bình
Trường Giang
11:12 18/11/2010
THÀI BÌNH - Thứ Ba (16/11/2010), Đức cha Phê rô Nguyễn Văn Đệ đã đến viếng thăm đoàn chiên giáo xứ Ninh Cù, với tư cách chủ chăn giáo phận. Đây là chuyến viếng thăm cuối cùng trong tổng số 102 giáo xứ thuộc 6 giáo hạt, giáo phận Thái Bình. Như vậy, từ ngày về coi sóc giáo phận Thái Bình (09/09/2009) đến ngày hôm nay 16/11/2010, Đức cha Phê rô đã thực hiện hết hành trình mục vụ của năm 2010 là đến viếng thăm từng đoàn chiên, từng giáo xứ toàn giáo phận. Dự định những năm tiếp theo, bắt đầu từ năm 2011 ngài sẽ viếng thăm các họ lẻ thuộc 102 giáo xứ trong toàn giáo phận.

Đôi dòng lược sử giáo xứ Ninh Cù

Giáo xứ Ninh Cù cách Tòa giám mục Thái Bình khoảng 40km về hướng đông bắc, tọa lạc bên dòng sông Hóa, ranh giới giữa giáo phận Thái Bình và Hải Phòng, thuộc xã Thụy Ninh, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Căn cứ vào lịch sử lập xứ Kẻ Bái (nay là giáo xứ Bồ Ngọc) thì Ninh Cù cũng gọi là Kẻ Hệ, đã được đón nhận Đức Tin đạo Chúa từ đời vua Lê Thần Tông, đầu thế kỷ thứ XVIII (1704). Lúc đầu Ninh Cù là một họ lẻ thuộc xứ Kẻ Bái, nhận Đức Mẹ hồn xác lên trời làm quan thày giáo xứ. Có lẽ Ninh Cù trở thành giáo xứ vào đầu thế kỷ thứ 19. Năm 1721 cha chính Bá (Bartolomeo Sabuquillo) đã coi sóc xứ Kẻ Hệ. Khoảng giữa thế kỷ thứ 19 (1852-1857), Đức cha thánh An (J.M. Diaz Sanjujo) đã lập một nữ tu viện dòng Đaminh tại Ninh Cù. Đầu thế kỷ thứ 20, Ninh Cù có một nhà thương do các nữ tu chăm sóc cho những người già lão bệnh tật cô đơn, không có người thân thuộc, không phân biệt lương giáo. Thời bách đạo, tín hữu Ninh Cù rất trung kiên giữ vững Đức Tin, đã đóng góp vào Vườn Vạn Tuế Thái Bình 18 vị hiền phúc tử đạo.

Trước kia, Ninh Cù có tới 10 họ lẻ. Sau đó được cắt bớt để thành lập các xứ mới. Ngày nay Ninh Cù còn 2 họ lẻ là họ Minh Đức và họ An Bài. Trước năm 1954, Ninh Cù là một xứ đạo đông giáo dân, sầm uất một thời. Cũng chính vì thế nơi đây đã sản sinh ra rất nhiều hạt giống ơn gọi cho cánh đồng truyền giáo của Chúa. Gần hai chục linh mục, tu sĩ gốc Ninh Cù đang phục vụ các nơi trong nước cũng như nước ngoài. Giáo xứ Ninh Cù hiện nay có khoảng hơn 700 nhân danh; họ nhà xứ khoảng 30 nhân danh, họ Minh Đức khoảng 600 nhân danh và họ An Bài khoảng 80 nhân danh, dưới sự quản nhiệm của cha Phê rô Đinh Văn Hùng. Ngôi thánh đường kiến trúc kiểu Á-Đông bằng gỗ, lợp ngói, tường xây gạch rất cao to và thoáng mát được xây dựng từ năm 1938, với tổng diện tích 490m2, bàn tòa sơn son thếp vàng. Ngôi thánh đường ngâm mình trong mưa nắng và chịu đựng trong chiến tranh nên đã bị xuống cấp, giáo xứ đã trùng tu lại, đến nay ngôi thánh đường vẫn hiên ngang đứng vững. Hai tháp chuông cao đối xứng nhau làm cho toàn cảnh tạo nên một công trình Đức Tin nổi lên giữa làng của miền quê lúa, sớm tối vẫn vang vọng lời kinh nguyện cầu.

Ninh Cù đón chủ chăn giáo phận

Sau hơn một năm về coi sóc giáo phận Thái Bình, Đức cha đã dành nhiều thời gian cho việc chăm sóc đoàn chiên các giáo xứ. Hôm nay là giáo xứ cuối cùng của 102 giáo xứ trong chương trình mục vụ của Đức cha trong năm 2010. Mặc dù giáo xứ ít người, hẻo lánh, xa Tòa giám mục, đường xá đi lại rất khó khăn, nhưng ngày hôm nay Ninh Cù vẫn dành cho Đức cha giáo phận một tình cảm thật đơn sơ, chất phác. Cha quản xứ Phê rô Đinh Văn Hùng và đoàn tây nhạc của giáo họ Minh Đức, ca đoàn họ Minh Đức và một vài đoàn hội của giáo xứ ra đón Đức cha tại cổng vào nhà thờ. Sau khi viếng Chúa Thánh Thể xong, Đức cha chia sẻ với cộng đoàn nơi đây về các hoạt động của giáo phận trong thời gian qua, cũng như đường hướng cho năm tới và nhất là các lễ lớn cấp giáo phận sắp được diễn ra.

Sau khi gặp gỡ và chia sẻ với đoàn chiên Ninh Cù về tình hình chung của giáo phận, 17 giờ 30 Đức cha chủ sự thánh lễ đồng tế. Lời Chúa cũng như những tâm tình của vị chủ chăn giáo phận, được Đức cha quảng diễn xoay quanh chủ đề những thế hệ trẻ, là hậu duệ của các tiền nhân, kế thừa một gia tài Đức Tin quý giá và cả một ngôi thánh đường nguy nga, rộng rãi, thoáng mát vẫn còn in đậm dấu ấn của biết bao mồ hôi, nước mắt và những hi sinh xương máu của các đấng bậc, các tiền nhân. Các ngài đã chấp nhận tất cả để đổi lại một kho tàng Đức Tin lưu truyền cho con cháu, đồng thời giữ gìn được ngôi thánh đường tồn tại đến hôm nay.

Trước khi Đức giám mục ban phép lành cuối thánh lễ, một vị đại diện giáo dân xú Ninh Cù cám ơn Đức cha và quý cha đã tới thăm và làm mục vụ cho đoàn chiên nơi đây. Thật cảm động khi lời cám ơn đó chất chứa cả một nỗi lo của một giáo xứ vùng sâu vùng xa, nhất là họ nhà xứ còn quá ít người. Hy vọng với sức mạnh của các chứng nhân anh dũng đã đổ máu mình ra để xây dựng nên quê hương giáo xứ Ninh Cù, các ngài sẽ luôn cầu thay nguyện giúp trước tòa Thiên Chúa, chắc chắn Ninh Cù sẽ vững bước tiến lên cả về đời sống thiêng liêng lẫn đời sống hằng ngày, để tình yêu của Chúa được lan tỏa đến nhiều người chung quanh.
 
Đức Giám Mục Thái Bình thăm và làm mục vụ tại Giáo Xứ Ninh Cù
Trường Giang
13:22 18/11/2010
Thứ Ba (16/11/2010), Đức cha Phê rô Nguyễn Văn Đệ đã đến viếng thăm đoàn chiên giáo xứ Ninh Cù, với tư cách chủ chăn giáo phận. Đây là chuyến viếng thăm cuối cùng trong tổng số 102 giáo xứ thuộc 6 giáo hạt, giáo phận Thái Bình. Như vậy, từ ngày về coi sóc giáo phận Thái Bình (09/09/2009) đến ngày hôm nay 16/11/2010, Đức cha Phê rô đã thực hiện hết hành trình mục vụ của năm 2010 là đến viếng thăm từng đoàn chiên, từng giáo xứ toàn giáo phận. Dự định những năm tiếp theo, bắt đầu từ năm 2011 ngài sẽ viếng thăm các họ lẻ thuộc 102 giáo xứ trong toàn giáo phận.

Đôi dòng lược sử giáo xứ Ninh Cù

Giáo xứ Ninh Cù cách Tòa giám mục Thái Bình khoảng 40km về hướng đông bắc, tọa lạc bên dòng sông Hóa, ranh giới giữa giáo phận Thái Bình và Hải Phòng, thuộc xã Thụy Ninh, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Căn cứ vào lịch sử lập xứ Kẻ Bái (nay là giáo xứ Bồ Ngọc) thì Ninh Cù cũng gọi là Kẻ Hệ, đã được đón nhận Đức Tin đạo Chúa từ đời vua Lê Thần Tông, đầu thế kỷ thứ XVIII (1704). Lúc đầu Ninh Cù là một họ lẻ thuộc xứ Kẻ Bái, nhận Đức Mẹ hồn xác lên trời làm quan thày giáo xứ. Có lẽ Ninh Cù trở thành giáo xứ vào đầu thế kỷ thứ 19. Năm 1721 cha chính Bá (Bartolomeo Sabuquillo) đã coi sóc xứ Kẻ Hệ. Khoảng giữa thế kỷ thứ 19 (1852-1857), Đức cha thánh An (J.M. Diaz Sanjujo) đã lập một nữ tu viện dòng Đaminh tại Ninh Cù. Đầu thế kỷ thứ 20, Ninh Cù có một nhà thương do các nữ tu chăm sóc cho những người già lão bệnh tật cô đơn, không có người thân thuộc, không phân biệt lương giáo. Thời bách đạo, tín hữu Ninh Cù rất trung kiên giữ vững Đức Tin, đã đóng góp vào Vườn Vạn Tuế Thái Bình 18 vị hiền phúc tử đạo.

Trước kia, Ninh Cù có tới 10 họ lẻ. Sau đó được cắt bớt để thành lập các xứ mới. Ngày nay Ninh Cù còn 2 họ lẻ là họ Minh Đức và họ An Bài. Trước năm 1954, Ninh Cù là một xứ đạo đông giáo dân, sầm uất một thời. Cũng chính vì thế nơi đây đã sản sinh ra rất nhiều hạt giống ơn gọi cho cánh đồng truyền giáo của Chúa. Gần hai chục linh mục, tu sĩ gốc Ninh Cù đang phục vụ các nơi trong nước cũng như nước ngoài. Giáo xứ Ninh Cù hiện nay có khoảng hơn 700 nhân danh; họ nhà xứ khoảng 30 nhân danh, họ Minh Đức khoảng 600 nhân danh và họ An Bài khoảng 80 nhân danh, dưới sự quản nhiệm của cha Phê rô Đinh Văn Hùng. Ngôi thánh đường kiến trúc kiểu Á-Đông bằng gỗ, lợp ngói, tường xây gạch rất cao to và thoáng mát được xây dựng từ năm 1938, với tổng diện tích 490m2, bàn tòa sơn son thếp vàng. Ngôi thánh đường ngâm mình trong mưa nắng và chịu đựng trong chiến tranh nên đã bị xuống cấp, giáo xứ đã trùng tu lại, đến nay ngôi thánh đường vẫn hiên ngang đứng vững. Hai tháp chuông cao đối xứng nhau làm cho toàn cảnh tạo nên một công trình Đức Tin nổi lên giữa làng của miền quê lúa, sớm tối vẫn vang vọng lời kinh nguyện cầu.

Ninh Cù đón chủ chăn giáo phận

Sau hơn một năm về coi sóc giáo phận Thái Bình, Đức cha đã dành nhiều thời gian cho việc chăm sóc đoàn chiên các giáo xứ. Hôm nay là giáo xứ cuối cùng của 102 giáo xứ trong chương trình mục vụ của Đức cha trong năm 2010. Mặc dù giáo xứ ít người, hẻo lánh, xa Tòa giám mục, đường xá đi lại rất khó khăn, nhưng ngày hôm nay Ninh Cù vẫn dành cho Đức cha giáo phận một tình cảm thật đơn sơ, chất phác. Cha quản xứ Phê rô Đinh Văn Hùng và đoàn tây nhạc của giáo họ Minh Đức, ca đoàn họ Minh Đức và một vài đoàn hội của giáo xứ ra đón Đức cha tại cổng vào nhà thờ. Sau khi viếng Chúa Thánh Thể xong, Đức cha chia sẻ với cộng đoàn nơi đây về các hoạt động của giáo phận trong thời gian qua, cũng như đường hướng cho năm tới và nhất là các lễ lớn cấp giáo phận sắp được diễn ra.

Sau khi gặp gỡ và chia sẻ với đoàn chiên Ninh Cù về tình hình chung của giáo phận, 17 giờ 30 Đức cha chủ sự thánh lễ đồng tế. Lời Chúa cũng như những tâm tình của vị chủ chăn giáo phận, được Đức cha quảng diễn xoay quanh chủ đề những thế hệ trẻ, là hậu duệ của các tiền nhân, kế thừa một gia tài Đức Tin quý giá và cả một ngôi thánh đường nguy nga, rộng rãi, thoáng mát vẫn còn in đậm dấu ấn của biết bao mồ hôi, nước mắt và những hi sinh xương máu của các đấng bậc, các tiền nhân. Các ngài đã chấp nhận tất cả để đổi lại một kho tàng Đức Tin lưu truyền cho con cháu, đồng thời giữ gìn được ngôi thánh đường tồn tại đến hôm nay.

Trước khi Đức giám mục ban phép lành cuối thánh lễ, một vị đại diện giáo dân xú Ninh Cù cám ơn Đức cha và quý cha đã tới thăm và làm mục vụ cho đoàn chiên nơi đây. Thật cảm động khi lời cám ơn đó chất chứa cả một nỗi lo của một giáo xứ vùng sâu vùng xa, nhất là họ nhà xứ còn quá ít người. Hy vọng với sức mạnh của các chứng nhân anh dũng đã đổ máu mình ra để xây dựng nên quê hương giáo xứ Ninh Cù, các ngài sẽ luôn cầu thay nguyện giúp trước tòa Thiên Chúa, chắc chắn Ninh Cù sẽ vững bước tiến lên cả về đời sống thiêng liêng lẫn đời sống hằng ngày, để tình yêu của Chúa được lan tỏa đến nhiều người chung quanh.
 
Tặng miễn phí cuốn Kỷ Yếu La Vang -- và Niên Giám Giáo Hội Việt Nam
VietCatholic
14:42 18/11/2010
Kính thưa qúi vị độc giả:



Cho tới ngày hôm nay 22.11.2010 -- sau 3 ngày đăng trên internet -- số 100 cuốn Niên Giám Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã được tặng cho 100 qúi vị theo ưu tiên 100 người đã ordered trước tiên. Chúng tôi xin loan báo không nhận thêm order cuốn Niên Giám nữa. Xin qúi vị thông cảm.

Hiện tại chúng tôi chỉ còn 20 cuốn Kỷ Yếu La Vang (sách gồm 500 trang, nặng 5 pounds). Sách này được tặng miễn phí. Nếu qúi vị muốn chúng tôi gửi cho qúi vị. Xin gửi về VietCatholic $US12.00 cho chi phí bưu điện và điều hành. Chúng tôi chỉ nhận tặng và gửi trong nội địa Hoa Kỳ mà thôi
Total Cost, for Postage and Handling - tổng cộng:
Ở trong Hoa Kỳ xin Qúi vị gửi $US 12.00

VietCatholic
P.O. Box 735
Avalon, CA 90704

Quý vị có thể dùng Paypal hay Credit Cards để gởi cho VietCatholic (rất an toàn).

Sau khi nhấn vào nút Donate qúi vị sẽ thấy một giao diện khác cũng có chữ Donate. Xin nhấn vào đó một lần nữa, và giao diện như dưới đây hiện ra để điền vào những chi tiết cần thiết:
Xin qúi vị điền vào Box Item price = 12
Trong Box Quantity, không cần thay đổi gì cả, cứ để nguyên =1
Sau đó sang phía bên phải, vui lòng điền vào ô trống Paypal email account và password của qúi vị. Nhấn nút Log in. Rồi theo chỉ dẫn tiếp...


Cuốn Kỷ Yếu La Vang được Liên Đoàn Công Giáo hợp tác cùng các Cộng đoàn Việt Nam biên soạn chi tiết tổng quát về hiện tình các xứ đạo và Cộng đoàn Việt Nam ở Hoa Kỳ. Sách gồm có 500 trang, hầu như mỗi trang sách đều có hình ảnh mầu, in trên giấy tốt, khổ rộng 8 x 11 inches, sách nặng gần 5 pounds. Cuốn Kỷ yếu gồm 10 phần và một phụ chương.
  • Phần 1: trình bầy về nguyện đường Đức Mẹ La Vang tại thủ đô Washington DC,
  • Phần 2: Các giáo xứ và các Cộng đoàn Việt Nam tại Hoa Kỳ
  • Phần 3: Các Dòng tu Nam Nữ
  • Phần 4: Sơ lược về Giám mục và các Linh mục
  • Phần 5: Các Phó tế vĩnh viễn
  • Phần 6: Danh sách các Cộng đoàn Việt Nam tại 8 Miền Hoa Kỳ
  • Phần 7: Danh sách các Linh mục Việt Nam tại Hoa Kỳ
  • Phần 8: Danh mục các Linh mục trong Kỷ Yếu
  • Phần 9: Danh mục các Phó tế trong Kỷ Yếu
  • Phần 10: Các Tân Linh mục năm 2006


Giới thiệu một vài trang sách tượng trưng trong Kỷ Yếu và Niên Giám
Trang giới thiệu Kỷ yếu La Vang




Cuốn Niên Giám Giáo Hội Việt Nam được biên soạn rất công phu, mỹ thuật và chi tiết. Sách gồm gần 1000 trang có 48 chương, khổ 15x21,5cm, Sách nặng gần 4 pounds. Niên Giám được chia thành 3 phần và một phụ chương.
  • Phần I: gồm 9 chương: trình bày lịch sử hình thành đạo Công giáo, cơ cấu phẩm trật và các tổ chức Công giáo thế giới, các số liệu về Giáo Hội toàn cầu.
  • Phần II: gồm 14 chương nói về Giáo hội Công giáo Việt Nam trong dòng lịch sử trải qua các thời kỳ từ năm 1533 đến nay, với cơ cấu tổ chức, HĐGM, các chủng viện, dòng tu nam nữ, Công giáo Tiến hành, các dân tộc thiểu số.
  • Phần III: Hiện tình Giáo Hội CGVN: lịch sử, thống kê, địa chỉ nhân sự (gồm tất cả địa chỉ các Đức giám mục và trên 4.000 linh mục Việt Nam) và tất cả các giáo xứ của tất cả 25 Giáo Phận tại Việt Nam
  • Phần Phụ Lục: Chương cuối cùng dành cho cộng đồng Công giáo Việt Nam hải ngoại giới thiệu 18 cộng đồng Công giáo Việt Nam ở 5 châu, kèm thêm danh sách của khoảng 1.000 linh mục Việt Nam ở nước ngoài.


Một trang về lịch sữ trong Niên Giám Việt Nam

 
Nhìn người, nghe Chúa, mà nghĩ đến ta
+ Giám Mục Gioan B. Bùi Tuần
23:15 18/11/2010
Tiến tới Đại Hội Dân Chúa

Từ mấy năm nay, một vấn đề hay được nhắc tới tại Việt Nam ta, đó là vấn đề đạo đức. Càng ngày vấn đề đạo đức càng được quan tâm. Trong mọi lãnh vực, trên khắp các địa phương, đâu đâu vấn đề đạo đức cũng được nêu lên. Chứng tỏ đạo đức đang được trân trọng như một yếu tố cần cho hạnh phúc của dân tộc.

Đại Hội Dân Chúa chắc sẽ không quên nhìn nhận tính cách bức xúc của vấn đề.

Việc nhận định và đánh giá đạo đức của dân Chúa cần sát với thực tế. Với ý thức đó, tôi xin phép nhìn sang những đạo đức ngoài Công giáo tại Việt Nam hôm nay. Tất nhiên phải căn cứ vào Lời Chúa. Nhìn người, nghe Chúa, là một cách giúp xét mình.

Nhìn bằng con mắt Phúc Âm, chúng ta thấy ngoài Công giáo tại Việt Nam có nhiều tia sáng được Phúc Âm kể là đạo đức đáng trân trọng. Sau đây chỉ xin nêu lên một số tiêu biểu.

1/ Những tia sáng đạo đức ngoài Công giáo

a) Khi đưa ra Tám mối phúc, Chúa Giêsu đã đóng ấn đạo đức trên những người: "Tinh thần nghèo khó, hiền lành, chịu đau khổ, khát khao điều công chính, xót thương người, tâm hồn trong sạch, xây dựng hoà bình, bị bách hại vì lẽ công chính" (Mt 5,3-10).

Tại Việt Nam hôm nay, nhiều người ngoài Công giáo đang phấn đấu sống cho những giá trị tốt đẹp đó.

b) Khi nêu lên các hoa trái của Chúa Thánh Thần, thánh Phaolô đã kể ra những khuôn mặt đạo đức này: "Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết kiệm" (Gl 5,22).

Tại Việt Nam hôm nay, không thiếu người ngoài Công giáo đang phấn đấu để toả sáng nơi chính mình sự hiện diện của những đạo đức đậm chất nhân bản đó.

c) Khi nói về ngày phán xét chung, Chúa Giêsu đã đưa ra tiêu chuẩn bác ái đối với người khác, để thẩm định những người được chọn lên thiên đàng (x. Mt 25,40).

Tại Việt Nam hôm nay, biết bao người ngoài Công giáo đang coi việc làm từ thiện là lẽ sống đời mình.

d) Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã nêu lên một số dấu chỉ của người môn đệ Người, đặc biệt là yêu thương nhau (x. Ga 13,35), hiền lành và khiêm nhường (x. Mt 11,29).

Tại Việt Nam hôm nay, người ta cũng dễ tìm thấy những dấu chỉ ấy nơi bao người ngoài Công giáo.

e) Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã khen đức tin của viên đại đội trưởng ngoại đạo với những lời rất đặc biệt: "Tôi nói cho các ông hay: Ngay cả trong dân Israel, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế" (Lc 7,9).

Tại Việt Nam hôm nay, nhiều người ngoài Công giáo đang có một đức tin mạnh, mà nhiều người Công giáo không có.

f) Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã rất nhấn mạnh đến việc tha thứ cho nhau (x. Mt 18,21), thậm chí cũng phải yêu thương những kẻ ngược đãi mình (x. Mt 5,43-48).

Tại Việt Nam hôm nay, không thiếu người ngoài Công giáo đã vượt qua được những mối bất hoà và những mối thù, để sống hoà giải chân thành.

Nói chung, thái độ của nhiều người Việt Nam ngoài Công giáo đối với kẻ nghèo, người bệnh, kẻ cô đơn, kẻ bị loại trừ, kẻ thù nghịch, phải nhận là rất đạo đức.

Thái độ của họ đối với những người đã qua đời rất đáng được trân trọng.

Thái độ của họ đối với Tổ Quốc và những người dựng Nước và bảo vệ Nước được coi là rất tích cực.

Phần lớn họ là những tín đồ sùng đạo của nhiều tôn giáo truyền thống tại Việt Nam.

2/ Sức mạnh của đạo đức ngoài Công giáo

Đạo đức ngoài Công giáo tại Việt Nam hôm nay đang giữ một vị trí quan trọng.

Thực vậy, đạo đức ngoài Công giáo với những nét kể trên và nhiều nét khác, đang làm thành một dòng chảy vô hình. Dòng chảy này đang chuyển tải một sự sống thiêng liêng nào đó vào tất cả mọi tầng lớp của xã hội Việt Nam. Từ bình dân đến trí thức, từ dân thường đến cấp lãnh đạo.

Nó làm nên một môi trường văn hoá rộng, gây ảnh hưởng mạnh đến toàn thể cuộc sống người dân.

Đạo đức ngoài Công giáo còn đang trở thành một cầu nối, đem Việt Nam gắn kết lại với các nước xung quanh.

Sức mạnh đạo đức ngoài Công giáo là một thực tại khẳng định mình và được xã hội công nhận. Nhờ vậy, người đạo đức ngoài Công giáo đang được xã hội Việt Nam trân trọng và tin cậy.

3/ Khiêm tốn nhìn vào mình

Trước những chuyển biến mau lẹ về tình hình đạo đức tại Việt Nam như thế, Hội Thánh Việt Nam rất cần để ý đến việc chấn chỉnh đạo đức của nội bộ mình. Ưu tiên là đạo đức nơi hàng giáo sĩ.

Đạo đức Công giáo vẫn được đón nhận tại Việt Nam. Nhưng nếu nó không sáng bằng đạo đức ngoài Công giáo, mà vì thế bị coi thường, thì lỗi tại chúng ta. Thời nay người Việt Nam không tin vào lý thuyết đạo đức. Họ chỉ tin vào những người đạo đức. Các bậc chân tu vẫn được kính trọng.

Lịch sử Đất Nước đang chuyển biến mau lẹ. Con người đạo đức đi giữa lịch sử hôm nay sẽ gặp nhiều thuận lợi mới, nhiều bất lợi mới và nhiều bất ngờ. Hành trình sẽ không dễ dàng, nhưng luôn phải hướng về phía trước. Nhận thức như vậy, chúng ta càng phải khiêm nhường sống kết hợp với Chúa. Chính Chúa sẽ hướng dẫn chúng ta.

Nhờ Chúa Giêsu khiêm nhường, chúng ta sẽ thấy:

Khiêm nhường là không dám nghĩ mình đạo đức hơn những người ngoài Công giáo. Lời sau đây Chúa Giêsu nói với người Do Thái bất trung cũng có thể áp dụng cho chúng ta:

"Ta không biết các ngươi từ đâu tới. Hãy cút đi cho khuất mắt Ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính.

Ở đó, các ngươi sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Abraham, Isaác và Giacóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài. Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa. Và kìa, có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót" (Lc 13,27-30).

Khiêm nhường là không dám tin những công trình hoành tráng của chúng ta sẽ có giá trị cứu độ. Lời Chúa Giêsu phán về đền thờ Giêrusalem cũng có thể áp dụng cho những công trình hoành tráng của chúng ta.

"Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn hòn đá nào trên hòn đá nào" (Lc 21,6).

Khiêm nhường là, cho dù chúng ta "tất cả đều đồng tâm nhất trí, chuyên chăm cầu nguyện (Cv 1,14) "chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa (Cv 1,4) trong tinh thần khó nghèo khao khát, như các thánh tông đồ xưa ngày lễ Ngũ Tuần, thì chúng ta cũng không dám khẳng định đã có một lễ Hiện Xuống mới cho toàn thể chúng ta.

Nếu cho khiêm nhường là yếu, thì xin hãy nhớ lại lời thánh Phaolô: "Khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh" (2 Cr 1
 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News