Ngày 16-11-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chứng Nhân Kitô Giáo
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:12 16/11/2018
Chứng Nhân Kitô Giáo

Hằng năm cứ vào dịp đại lễ kính nhớ Tổ tiên ông bà Tử Đạo Việt Nam, đoàn tín hữu, con dân đất Việt lại thêm một lần được củng cố niềm tin. Ít ra, “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Để sống xứng danh là cháu con các anh hùng tử đạo, Kitô hữu Việt Nam cần hiên ngang, anh dũng một cách nào đó trong niềm tin, trong cách sống đạo của mình. Trong tâm tình ấy, xin phác họa đôi nét về chân dung các Thánh Tử đạo Việt Nam như là những chứng nhân Kitô giáo.

1.Chứng từ khả tín của các chứng nhân: Xin được gọi các Ngài bằng nghĩa gốc của từ “tử đạo” là “chứng nhân” (martyr). Thiết tưởng cần trở về với nghĩa gốc là chứng nhân hơn là tử đạo, cho dù hai từ tử đạo đã quá phổ biến trong cách dùng. Bởi vì hai từ tử đạo có vẻ như đang bị méo mó ý nghĩa một cách nào đó khi mà vô tuyến truyền hình tường thuật những người ôm bom tự sát để giết hại nhiều người, trong đó có cả thường dân vô tội, và họ cũng tự cho là tử vì đạo. Hơn nữa một thánh tử đạo trong tôn giáo này chưa chắc được kính trọng bởi người của tôn giáo khác cho bằng các thánh hiển tu hay các thánh xả thân vì tình yêu đồng loại.

Nói đến chứng nhân là nói đến những người dùng chính cuộc sống của mình, dùng cả sự sống và sự chết của mình để làm chứng cho một lý tưởng cao đẹp như nền hòa bình của nhân loại hay sự độc lập tự do của dân tộc…hoặc cho một niềm tin tôn giáo. Khi có ai, có một tập thể hiến dâng cả cuộc sống, hiến dâng cả mạng sống để làm chứng về một chân lý nào đó thì chứng từ ấy có tính khả tín nghĩa là chân lý có tính thuyết phục và đáng tin theo. Tuy nhiên mức độ khả tín của các chứng từ còn tùy thuộc vào cách thế làm chứng của các chứng nhân.

Nếu xét về hình thức chịu cực hình cho đến chết như bị “rũ tù” (bị tra tấn và giam tù cho đến chết), “xữ giảo” (bị thắt cổ cho chết),”xữ trảm” (bị chém đầu), “lăng trì” (bị ném cho voi chà đạp, xé xác), bị thiếu sống hay chịu xử “bá đao” (bị róc từng mãnh thịt cho đến chết), thì các bậc cha ông chúng ta tuy có bị khổ hình ghê rợn, thế nhưng các anh hùng dân tộc nhiều khi cũng đã can đảm đón nhận các cực hình tương tự không kém. Tuy nhiên qua cuộc sống, nhất là sự hiến dâng mạng sống của các chứng nhân Kitô giáo, của cha ông anh hùng hy sinh vì đức tin, chúng ta nhận ra mức độ trỗi vượt của tính thuyết phục nơi cách làm chứng của các Ngài.

Nét trỗi vượt và cũng là nét khác biệt nơi chứng từ của cha ông chúng ta đó là cách thế đón nhận khổ hình. Không một ai tự mình quyên sinh và nhất là khi bị khổ hình, không một ai căm phẩn, hận thù hay hô đả đảo những người bắt bớ, giết hại mình. Các ngài khoan thai, an bình, có khi tỏ vẻ hân hoan và cầu nguyện cho cả người giết hại mình đến độ nhiều “đao phủ” đã phải thành khẩn xin tha thứ trước khi hành hình các Ngài. Một thái độ làm chứng nhân khó thấy, hiếm thấy và có thể nói là không thấy có nơi các anh hùng dân tộc khi chịu cực hình, chịu chết vì lý tưởng. Và đây chính là nét khả tín tuyệt vời của nhứng chứng nhân bỏ mình vì “danh Đức Kitô”.

2.Một chân lý đức tin nền tảng mà các chứng nhân Kitô giáo làm chứng:

Chân lý đức tin Kitô giáo thì nhều, nhưng có thể nói một chân lý nền tảng mà tổ tiên ta đã anh dũng làm chứng đó là: Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa duy nhất, ta phải tôn thờ và yêu mến Người hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ta, vì ngoài Người ra thì không có đấng nào khác. (x.Dnl 6,4-7; Mc 12,28-34).

Tôn thờ một ai đó, một Đấng nào đó là nói lên sự thần phục, sự lệ thuộc của mình với Đấng ấy, với người ấy. Một trong những hình thức biểu lộ sự thần phục hay thờ phượng đó là sự phủ phục. Ta phủ phục trước một Đấng nào đó là ta nhìn nhận những gì ta đang là, ta đang có đều do Đấng ấy ban tặng. Kitô hữu chỉ dâng tâm tình thần phục, phượng thờ này lên một mình Thiên Chúa mà thôi. Và dĩ nhiên tâm tình, thái độ ấy kéo theo hệ quả tất yếu là xem các loài khác như mặt trời, mặt trăng, sông núi…chỉ là loài thọ tạo do Chúa dựng nên. Ngay cả loài thọ tạo cao trọng nhất trong các loài hữu hình là loài người thì dù là kẻ quyền thế, nhiều tiền, cao đức, trọng vị…cũng chỉ là loài phàm hèn không hơn không kém. Có thể có người, có vị đáng trọng, đáng kính vì tài đức cao dầy, nhưng không phải là người để ta phải lệ thuộc hay thần phục, nghĩa là bày tỏ sự tôn thờ.

Sự thường một ai đó, khi đã ở ngôi cao, khi đã nắm trong tay quyền lớn thì rất dễ bị cám dỗ muốn tuyệt đối hóa uy quyền của mình. Và một trong những cách thế để tuyệt đối hóa quyền lực và danh phận của mình thi phải tự phong thần, phong thánh cho mình bằng cách này cách khác. Các vua chúa ngày xưa đã từng tự xưng là thiên tử (con trời) và thế là bắt mọi người thần phục mình cách tuyệt đối. Nếu sống và hành xử như “con của trời” thì vẫn tốt, đằng này họ lại hành xử như là những “ông trời con”. Xưa vua Nabunôcônôdo của đế quốc Ba Tư đã cho tạc tượng mình để bắt thần dân thờ lạy. Và nay vẫn có người, có tập thể muốn kẻ khác lệ thuộc mình bằng việc “thần thánh” hóa bản thân hay luật pháp hóa cái thể chế, cái tổ chức, cơ cấu của mình.

Ngày nay người ta khi đã có quyền, có thế cũng có thể bắt kẻ khác suy tôn mình, suy tôn tập thể của mình…là muôn năm, là bất diệt… Và thế là hễ có ai không chịu thần phục, không chịu lệ thuộc thì tức khắc sẽ bị bắt bớ, đàn áp, thậm chí là loại trừ. Vác thập giá là thân phận của Kitô hữu mọi thời, mọi nơi. Tuy nhiên đó cũng là niềm vinh dự cho đoàn con cái Chúa. Vì đó là cách thế tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất hùng hồn và rõ nét.

3.Chuyện xưa và chuyện nay: Có thể nói là rất hiếm người phủ nhận sự hiện hữu của Đấng Tối Cao, Đấng Sáng Tạo đất trời. Các vua chúa xưa bách hại Kitô hữu có thể vì do một vài hiểu lầm nào đó về cách sống đạo, cung cách thờ kính ông bà tổ tiên của Kitô hữu, nhưng thường ẩn đằng sau đó là có lý do thực tiển khác: cái uy quyền cai trị của mình bị ảnh hưởng. Các lãnh đạo địa phương như các quan hàng tỉnh, huyện, xã thì ít vương cái lý do này. Tuy nhiên các vị này lại lợi dụng lệnh trên để “làm tiền”. Đọc hạnh các thánh tử đạo Việt Nam chúng ta thấy chuyện bắt rồi đòi tiền chuộc như là chuyện cơm bữa. Phải chăng chuyện xưa vẫn là chuyện luôn có tính thời sự như hôm nay và trong tương lai? Đã là Kitô hữu thì phải làm chứng nhân và vác thập giá là chuyện như đương nhiên của những ai muốn theo Chúa Kitô đến cùng.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa- Ban Mê Thuột
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Diễn từ bế mạc phiên khoáng đại mùa thu 2018 Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ của Đức Hồng Y Daniel DiNardo
J.B. Đặng Minh An dịch
00:21 16/11/2018
Dưới đây là toàn văn diễn từ quan trọng, nói lên hướng đi của các Giám Mục Hoa Kỳ, đã được Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo, Tổng Giám Mục của Galveston-Houston, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đọc trước các Giám Mục tại buổi bế mạc phiên khoáng đại diễn ra tại Baltimore ngày 14 tháng 11, 2018.

Nguyên bản tiếng Anh: President of U.S. Conference of Catholic Bishops Makes Statement at Close of Public Sessions; Fall General Assembly, Baltimore Nov. 12-14


Anh em thân mến

Tôi khai mạc cuộc họp này với một số thể hiện thất vọng. Giờ đây tôi kết thúc cuộc họp này trong hy vọng.

Niềm hy vọng của tôi trước hết được căn cứ vào Chúa Kitô, Đấng mong muốn Giáo Hội được thanh tẩy và những nỗ lực của chúng ta mang lại kết quả.

Mùa hè vừa qua, thay mặt cho anh em, tôi đã bày tỏ tình cảm huynh đệ của chúng ta đối với Đức Thánh Cha. Tháng Chín, Ủy ban Thường trực cũng đã bày tỏ thay cho tất cả chúng ta “tình yêu, sự vâng phục và lòng trung thành” đối với Đức Thánh Cha Phanxicô. Giờ đây, cùng với anh em đang tụ họp tại Baltimore trong Hội nghị Khoáng đại, chúng ta, các thành viên của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ cam kết với Đức Thánh Cha lòng trung thành và tận tụy của chúng ta trong những ngày khó khăn này. Tôi chắc chắn rằng, dưới sự lãnh đạo của Đức Thánh Cha Phanxicô, cuộc hội thảo toàn cầu của Giáo Hội vào tháng Hai sẽ giúp chúng ta tẩy sạch tội ác lạm dụng tính dục khỏi Giáo Hội chúng ta.

Anh em thân mến,

Anh em và những người phát biểu, mà chúng ta đã lắng nghe, mang lại cho tôi hướng đi và một sự đồng tâm nhất trí. Tôi sẽ xem đó như là bàn đạp để hành động. Lắng nghe là điều cần thiết, nhưng lắng nghe phải định hướng cho hành động có tính quyết định. Các nạn nhân bị lạm dụng và các chuyên gia đã cho chúng ta những lời khuyên và hướng dẫn tốt như vậy trong những ngày qua.

Khi tin tức trong mùa hè qua vừa nổ ra, chúng ta đã cam kết thực hiện 3 mục tiêu: [thứ nhất là] làm mọi điều có thể được để đi đến cùng về tình trạng của Tổng giám mục McCarrick; [thứ hai là] làm sao cho việc báo cáo hành vi lạm dụng và các hành vi không đúng của các giám mục được dễ dàng hơn; và [cuối cùng là] phát triển một phương thế ràng buộc trách nhiệm của chính chúng ta có tính chất thực sự độc lập, có thẩm quyền phù hợp và có sự tham gia đáng kể của anh chị em giáo dân.

Giờ đây, chúng ta đang trong tiến trình hoàn thành các mục tiêu này. Đó là phương hướng mà anh em và các nạn nhân bị lạm dụng khắp quốc gia này trao phó cho tôi tại cuộc họp tháng Hai ở Rôma. Hơn thế nữa, trong những ngày trước cuộc họp của các chủ tịch các Hội Đồng Giám Mục trên thế giới, nhóm Đặc Nhiệm mà tôi đã hình thành trong tuần này sẽ diễn dịch phương hướng này thành một số bước hành động cụ thể. Những bước hành động này bao gồm:

  • Một quy trình điều tra khiếu nại liên quan đến các giám mục theo đúng nguyên tắc báo cáo thông qua đường dây nóng của bên thứ ba. Chúng ta sẽ hoàn thành một đề xuất thành lập một ủy ban toàn quốc duy nhất do giáo dân điều hành và một mạng lưới quốc gia dựa trên các hội đồng xét duyệt giáo phận, với các chuyên gia giáo dân, được giám sát bởi vị Tổng Giám Mục giáo tỉnh hay một Giám Mục Cao Cấp trong giáo tỉnh.
  • Hoàn thiện các tiêu chuẩn trách nhiệm đối với các Giám mục.
  • Hoàn thiện Quy Định dành cho các Giám mục bị loại bỏ.
  • Nghiên cứu các chỉ dẫn quốc gia về việc công bố danh sách các giáo sĩ đang phải đối diện với những cáo buộc lạm dụng chứng minh được.
  • Ủng hộ việc hoàn thành công bằng và kịp thời những cuộc điều tra đa dạng liên quan đến tình trạng xung quanh Đức Tổng Giám Mục McCarrick và công bố những kết quả này. Chúng ta rất biết ơn Tuyên bố của Tòa Thánh vào ngày 6 tháng 10 liên quan đến vấn đề này.
Chúng ta rời khỏi nơi này với cam kết có những hành động mạnh nhất vào thời điểm sớm nhất có thể được. Chúng ta sẽ làm như vậy trong tình hiệp thông với Giáo Hội Phổ Quát. Tiến lên nhịp nhàng với Giáo Hội trên toàn thế giới sẽ làm cho Giáo Hội tại Hoa Kỳ vững mạnh hơn và sẽ làm cho Giáo Hội Hoàn Vũ mạnh mẽ hơn.

Nhưng hy vọng của chúng ta cho sự cải cách thực sự và sâu sắc cuối cùng hệ tại không chỉ ở việc có nhiều hơn các hệ thống xuất sắc, dù điều này là thiết yếu. Nó còn đòi hỏi sự thánh thiện: sự xác tín sâu sắc về các chân lý Tin Mừng, và thao thức muốn diễn dịch những chân lý ấy thành mọi khía cạnh của cuộc sống.

Như Đức Sứ thần Tòa Thánh nhắc nhở chúng ta hôm thứ Hai: “Nếu Giáo hội muốn cải cách chính bản thân và cấu trúc của mình, thì sự cải cách ấy phải bật lên từ sứ vụ loan báo Chúa Kitô, Con Thiên Chúa Hằng sống”. Không có hệ thống quản trị hay giám sát nào, dù tuyệt vời và cần thiết đến đâu, tự mình nó là đủ cho chúng ta, tất cả đều là những kẻ yếu đuối, có thể sống đúng theo những yêu cầu cao chúng ta nhận được từ Chúa Kitô.

Chúng ta phải tái cam kết hướng đến sự thánh thiện và sứ vụ của Giáo Hội.

Anh em thân mến,

Tôi đã được nghe anh em ngày hôm nay. Tôi tin rằng trong tình hiệp nhất với Đức Thánh Cha và với cuộc trao đổi vào tháng Hai, chúng ta sẽ tiến lên phía trước.

Còn nhiều việc phải làm nhưng những gì chúng ta đã làm là một dấu chỉ của hy vọng.

Phó dâng mọi sự cho sự cầu bầu của Đức Mẹ, chúng ta hãy cầu nguyện cùng nhau.. .

Kính mừng Maria..


Source: USCCB President of U.S. Conference of Catholic Bishops Makes Statement at Close of Public Sessions; Fall General Assembly, Baltimore Nov. 12-14
 
Vận động tuyên thánh cho vị Linh Mục Tuyên Úy sau cùng đã hy sinh trong Thế Chiến Thứ II
Lệ Hằng, F.M.A.
03:37 16/11/2018
Hải quân Hoa Kỳ đang có những vận động tuyên thánh cho Cha Thomas Conway, vị linh mục tuyên úy cuối cùng hy sinh trong thế chiến thứ Hai ở tuổi 37.

Dưới đây là bản dịch bài của Joseph Pronecheni, được đăng trên tờ National Catholic Register: The Memory of the Last Chaplain to Die in World War II Remains Alive

Còn Mãi Ký Ức Về Vị Linh Mục Đã Hy Sinh Sau Cùng Trong Thế Chiến Thứ 2

Cha Thomas Conway đã hiến tế cuộc sống của mình cho đàn chiên hải quân của mình.

Joseph Pronecheni

Khi chiến hạm USS Indianapolis lướt ngang vùng biển Phi Luật Tân vào khoảng 12:14 sáng ngày 30 tháng 7 năm 1945, thì thật không may nó đã bị trúng phải 2 trái thuỷ lôi của tàu ngầm Nhật. Trái đầu tiên làm đứt phăng mũi tàu. Trái thứ hai nổ tung ngay giữa boong tàu. Thảm hoạ này đã đánh dấu thiệt hại nhân mạng lớn nhất trên biển trong lịch sử hải quân Hoa Kỳ, cho đến tận ngày hôm nay, một thảm hoạ với tầm mức tàn phá thật kinh hoàng. Chiếc Indianapolis đã chìm dần xuống lòng biển trong vòng 12 phút hỗn loạn.

Đã có hơn 300 quân nhân trong số 1,195 thuỷ thủ và lính Thủy quân lục chiến trên tàu đã chìm theo chiếc Indianapolis vì không kịp thoát thân.

Một tháng trước khi Thế chiến thứ II chính thức kết thúc, Cha Thomas Conway đã trở thành vị linh mục tuyên úy Công Giáo cuối cùng – thật ra phải nói là vị tuyên úy cuối cùng của tất cả các tôn giáo trong quân đội Mỹ - đã hy sinh mạng sống vì đàn chiên trong chiến tranh. Cha đã là một trong số 880 người mới đầu còn sống sót, nhưng đã phải đối mặt với nhiều ngày trên biển trong những điều kiện thật khủng khiếp. Ngài đã chết cùng với những người bị chìm theo tàu sau khi nó bị trúng đạn.

Nhưng từ giây phút con tàu bắt đầu chìm xuống lòng biển, hành động của Cha Conway lại chính là điều cho chúng ta nhận biết thế nào là một vị anh hùng thực sự.

Một vị tuyên úy quả quyết

Trong ngày tháng Bảy định mệnh đầy hỗn loạn đó, đầy rẫy bóng dáng người nhấp nhô trên vùng đại dương rộng mở. Chẳng ai có cơ hội mặc áo phao an toàn. Nhiều người trong số họ bị thương và nhiên liệu của chiến hạm phủ khắp người họ. Ngay sau đó họ lại phải đối mặt với các cuộc tấn công của cá mập. Và trong vài ngày, bộ Tư Lệnh Hải quân đã không hề hay biết gì về sự mất tích của con tàu.

Ông Robert Dorr, thư ký Ủy ban Tưởng niệm Cựu chiến binh Waterbury ở thành phố Waterbury, tiểu bang Connecticut, cho biết:

“Cha Conway đã là linh hướng và người chăm sóc tinh thần cho họ trong suốt ba ngày rưỡi”.

Trong vài năm qua, Uỷ ban này đã cố gắng vận động để vị tuyên úy can đảm này, một người gốc gác ở thành phố này, được lãnh nhận các giải thưởng hậu tử.

“Ngài đã phải lặn ngụp trên biển với 400 người sống sót trên một tấm lưới dùng để phủ hàng hóa đang nổi lềnh bềnh”, ông Dorr nói. “Khi sắp chết, ngài đã làm các phép bí tích sau cùng, giải tội hoặc rửa tội cho họ”

Cùng ở đó với Cha Conway là đại uý Lewis Haynes, bác sĩ y khoa trên tàu. Trong hồi ức cá nhân về cuộc thử thách được in trên tờ The Saturday Evening Post vào năm 1955, ông Haynes đã bày tỏ lòng tôn kính Cha Conway khi nói rằng “chúng tôi đã tìm thấy một sự an ủi- một niềm tin mạnh mẽ để chúng tôi bám víu vào. Thiên Chúa có vẻ rất gần gũi. Phần lớn cảm xúc của chúng tôi đã trở nên mạnh mẽ hơn nhờ vị tuyên úy này là người đã di chuyển từ nhóm này sang nhóm khác để cùng cầu nguyện với mọi người. Cha tuyên úy Conway, không phải là người mạnh mẽ về thể xác, nhưng lòng can đảm và sự tốt lành của ngài dường như không có giới hạn.”

Hai người này thật sự không có giới hạn. Trong hơn ba ngày, cha và ông Haynes đã bơi đi bơi lại giữa những người còn sống sót xung quanh họ. Bám vào tấm lưới dùng để phủ hàng hóa, họ càng ngày càng cạn dần lương thực và nước uống, trong khi mặt trời vẫn chói chang trên mặt đại dương rộng mở.

Cha Conway không ngừng bơi đến từng nhóm riêng lẻ, giúp đỡ những người bị thương, tổ chức các nhóm cầu nguyện, nâng đỡ tinh thần họ, làm công tác mục vụ và làm các phép sau cùng cho những người sắp chết. Ngài thường bơi đằng sau những người yếu quá bị nước cuốn trôi và quăng giây để lôi họ trở lại, cố giữ lấy những người đang chết đuối, và khuyến khích mọi người không được từ bỏ hy vọng.

Ngài an ủi họ “Anh em hoặc sẽ về với gia đình hoặc sẽ về với Chúa.”

Frank Centazzo, một trong những người sống sót viết trong một cuốn hồi ký khác như sau: “Cha Conway thì nhìn từ hướng nào cũng là một sứ giả của Thiên Chúa. Ngài yêu công việc của mình…được tất cả những người lính tôn trọng và yêu thương. Tôi là người ở trong nhóm Cha Conway. … Tôi thấy ngài đã bơi từ nhóm này sang nhóm khác, tụ tập những người lính lại cùng nhau cầu nguyện và bảo họ không được từ bỏ hy vọng sẽ được giải cứu. Ngài đã tiếp tục làm việc cho đến khi kiệt sức. Tôi còn nhớ vào ngày thứ ba, vào cuối buổi chiều hôm ấy, khi ngài đến bên tôi và Paul McGiness. Ngài đang chống trả với dòng nước. Tôi và Paul ráng kẹp chặt ngài để ngài có thể nghỉ ngơi vài giờ. … Cha Conway đã thành công trong sứ mệnh của mình để tăng sức mạnh tinh thần cho tất cả chúng tôi. Cha đã khiến chúng tôi tin rằng mình sẽ được giải cứu.”

Nhiều năm sau, một người sống sót khác là Donald McCall sẽ chia sẻ như sau “Cha Conway hướng dẫn chúng tôi cầu nguyện khi ở dưới nước và nói với chúng tôi rằng anh em mình sẽ gặp an toàn, những người giúp đỡ đang đến.”

Đó là cách điển hình mà vị tuyên úy đã luôn giúp sức cho thuỷ thủ đoàn chiếc Indianapolis.

Trước chuyến hải hành định mệnh cuối cùng của nó, ngày 25 tháng 8 năm 1944, chiếc tàu tuần dương hạng nặng Indianapolis, vừa hoàn thành một nhiệm vụ bí mật chuyển giao các bộ phận của trái bom nguyên tử đầu tiên tới trại không quân Tinian. Là tàu đi đầu của Hạm đội Số 5, thuỷ thủ đoàn của tàu đã giành được 10 ngôi sao chiến đấu.

Tháng Ba, 1945, chiếc tàu bị hư hại nghiêm trọng tại Okinawa trong một cuộc tấn công theo kiểu quyết tử kamikaze của người Nhật. Chín thủy thủ thiệt mạng khi các chiến đấu cơ Nhật đâm xuống con tàu này để tự sát, và Cha Conway đã làm lễ an táng cho họ.

Sau vụ này, con tàu được đưa về California để tu bổ toàn diện. Trong khi con tàu đang chờ được sửa chữa, Cha Conway, tự bỏ tiền túi của mình, đi đến từng nhà trong số chín gia đình của những thủy thủ thiệt mạng để cầu nguyện, bày tỏ niềm cảm thông, và kể cho họ nghe về những đứa con đã anh dũng hy sinh của họ.

Dõi mắt theo bước những người lính của mình với các nhu cầu của họ - cả thể chất lẫn tinh thần - chính là mối quan tâm chính trong công việc mục vụ của ngài.

Richard Thelen, một thủy thủ sống sót đã chia sẻ như sau “Sáng ngày thứ hai sau khi nhào xuống nước, Cha Conway bơi đến nhóm của tôi và hỏi có người Công Giáo nào ở đây không? Dĩ nhiên là có tôi, và ngài đã bảo chúng tôi bơi về hướng này. Chúng tôi bơi theo, và ngài đã ban bí tích sau cùng của Giáo Hội cho tôi, rồi ngài bơi đi chỗ khác để tiếp tục công việc của mình.

Ông Centazzo tiếp lời “Ngài đã cho chúng tôi hy vọng và ý chí để chịu đựng. Ngài vắt kiệt sức ra để làm việc việc và cuối cùng ngài đã không còn sức chịu đựng vào buổi tối ngày thứ ba”.

Sau ba ngày rưỡi làm mục vụ cho đoàn chiên, hoàn toàn kiệt sức, cha Conway mới 37 tuổi đời đã chết đuối vào ngày 2 tháng Tám, 1945. Đúng một tháng sau, Nhật Bản đầu hàng đồng minh.

Ông Centzzo nói “Tất cả những ai sống sót đều nhớ đến ngài vì những công việc ngài đã làm trên tàu Indianapolis, và đặc biệt là trong ba ngày lênh đênh trên mặt biển”

Ngày 5 tháng Tám, lực lượng giải cứu tìm thấy họ. Nhưng chỉ còn 317 người trong tổng số 880 thuỷ thủ rời tàu còn sống sót. Những người khác đã chết vì thương tích, vì kiệt sức, vì uống quá nhiều nước biển và trở nên mê sảng rồi chết đuối, hay chết vì bị cá mập tấn công.


Source: National Catholic Register The Memory of the Last Chaplain to Die in World War II Remains Alive
 
Tổng thống Israel cám ơn Đức Thánh Cha về lập trường chống chủ nghĩa bài Do Thái
Đặng Tự Do
04:46 16/11/2018
Tổng thống Reuven Rivlin đã gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong điện Tông Tòa của Vatican vào sáng thứ Năm 15 tháng 11. Thay mặt cho Israel và thế giới Do Thái, ông bày tỏ lòng biết ơn Đức Thánh Cha về lập trường chống chủ nghĩa bài Do Thái.

Tổng thống nói: “Sự kết án tuyệt đối của ngài đối với các hành vi bài Do Thái và định nghĩa của ngài về những hành động đó như những gì không phù hợp với các Kitô hữu là một bước quan trọng trong cuộc chiến đấu vẫn đang tiếp diễn nhằm quét sạch chủ nghĩa bài Do Thái”.

Tổng thống cũng đề cập đến những tranh cãi chung quanh việc thành phố Giêrusalem áp đặt các loại thuế lên tài sản của các Giáo Hội tại thành thánh này.

Ông khẳng định với Đức Thánh Cha: “Nhà nước Israel hoàn toàn tôn trọng tự do thờ phượng của mọi tôn giáo ở mọi nơi thánh”.

Tháng Hai vừa qua, chính quyền thành phố Giêrusalem đã công bố ý định bắt đầu thu thuế trên các tài sản không phải là nhà cầu nguyện. 887 tài sản của các Giáo Hội tại Giêrusalem phải đóng hàng năm một con số lên đến 650 triệu tiền Do Thái, tương đương 175 triệu Mỹ Kim. Số tiền khổng lồ này đủ làm sạt nghiệp các Giáo Hội Kitô trong điều kiện khách hành hương không có bao nhiêu do tình hình an ninh bất ổn trong khu vực.

Các Giáo Hội Kitô đã đóng cửa Nhà thờ Thánh Mộ để gây áp lực ngăn chặn loại thuế này.


Source: The Jerusalem Post Rivlin thanks Pope Francis for fighting antisemitism
 
Lord Alton: Chính phủ Anh nên đình chỉ các khoản viện trợ cho Pakistan để gây áp lực trong vụ Asia Bibi
Đặng Tự Do
05:18 16/11/2018
Chính phủ Anh nên đình chỉ các khoản viện trợ dành cho Pakistan cho đến khi Asia Bibi được phép xuất cảnh.

Lord David Alton, dân biểu đảng Dân Chủ Tự Do thuộc đơn vị Liverpool, cho rằng chính quyền Anh nên sử dụng kinh phí - tổng cộng lên đến 463 triệu bảng Anh - làm đòn bẩy giúp Asia Bibi có thể xuất cảnh tị nạn an toàn ở một quốc gia khác.

Lord Alton, một người Công Giáo, nói tại Quốc Hội Anh rằng “thất bại của chính phủ” không dám “nói hay hành động [thay mặt cho cô Bibi] là rất hèn nhát và đáng xấu hổ”.

Trước đó, Bộ Trưởng Nội Vụ Anh Sajid Javid, một người Hồi Giáo gốc Pakistan, viện dẫn các lý do lo sợ bị tấn công khủng bố đã khuyên chính phủ không nên cho Asia Bibi và gia đình được tị nạn tại Anh. Tuyên bố này của Sajid Javid đã bị lên án từ nhiều phía.

Tuy nhiên, thủ tướng Anh có vẻ xuôi theo chiều hướng này. Hôm thứ Tư 14/11, bà Theresa May nói rằng Vương quốc Anh đã “tiếp xúc gần gũi” với các nước khác để bảo đảm an toàn cho Asia Bibi và gia đình.

Lord Alton nói thêm: “Nước Anh cần làm hai việc. Đầu tiên, hãy cho cô ấy tị nạn ở đây. Thứ hai là, cho đến khi Pakistan tái lập sự cai trị bằng pháp luật và bảo vệ những sắc dân và các tôn giáo thiểu số, chúng ta nên chuyển hướng số tiền viện trợ lên đến 2.8 tỷ Anh trong hai thập kỷ qua – cho một quốc gia xứng đáng hơn.”

Asia Bibi đã được trả tự do và đưa ra khỏi nhà tù phụ nữ ở Multan và được đưa về một địa điểm bí mật tại thủ đô Islamabad của Pakistan.

Những kẻ Hồi Giáo cực đoan vẫn tiếp tục các cuộc biểu tình đòi treo cổ cô ngay lập tức.


Source: Premier UK urged to halt Pakistan aid over Asia Bibi
 
Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha ngày 14/11/2018: ‘Đừng làm chứng gian”
Phan Du Sinh dịch
06:55 16/11/2018
Giáo lý về điều răn thứ tám

Thưa anh chị em, chào buổi sáng!

Trong bài giáo lý hôm nay, chúng ta sẽ đề cập đến Điều răn thứ tám trong Mười Điều răn: “Ngươi không được làm chứng gian hại người.”

Điều răn này – Sách Giáo lý viết - "cấm xuyên tạc chân lý trong những tương quan với tha nhân" (n. 2464). Sống không trung thực thì đáng lo ngại vì nó cản trở các mối quan hệ và, do đó, cản trở tình yêu. Nơi nào có gian dối, nơi ấy không có tình yêu, tình yêu không thể được thực hiện. Và khi chúng ta nói về giao tiếp giữa những người với người, chúng ta có ý không chỉ đề cập đến lời nói mà còn cả cử chỉ, thái độ, thậm chí là sự thinh lặng và sự vắng mặt. Một người nói với tất cả những gì anh ta là hay đang làm. Chúng ta luôn giao tiếp. Tất cả chúng ta đều sống mối giao tiếp và chúng ta liên tục lơ lửng giữa sự thật và sự dối trá.

Nhưng nói sự thật nghĩa là gì? Nó có nghĩa là chân thành hay chính xác không? Trong thực tế, điều này không đủ, bởi vì người ta có thể chân thành trong sai lầm, hoặc người ta có thể chính xác trong chi tiết nhưng không nắm được ý nghĩa của toàn thể. Đôi khi chúng ta biện minh cho bản thân mình khi nói: “Nhưng tôi đã nói những gì tôi cảm thấy!” Vâng, nhưng bạn đã tuyệt đối hoá quan điểm của mình. Hoặc "Tôi chỉ nói sự thật!" Nó có thể là như vậy, nhưng bạn đã tiết lộ những điều riêng tư hoặc dành riêng. Biết bao chuyện ngồi lê đôi mách đã phá hủy sự hiệp thông bởi vì nó không thích hợp hoặc thiếu tế nhị! Đúng hơn, tin đồn nhảm gây chết chóc, và Tông đồ Giacôbê nói điều đó trong Thư của ông. Người nói hành là những kẻ giết người: họ giết người khác bởi vì cái lưỡi gây chết chóc như một con dao. Cẩn thận! Người nói hành là một tên khủng bố bởi vì với cái lưỡi, anh ta ném bom và rời đi một cách bình tĩnh, nhưng điều mà người ném bom đó nói lại phá hủy danh tiếng của người khác. Đừng quên: nói hành là giết người.

Như vậy, sự thật là gì? Đây là câu hỏi mà Philatô đã đặt ra, chính xác khi Chúa Giêsu đang thực hiện Điều răn thứ tám trước mặt ông (Cf. Ga 18,38). Quả thế, các từ "Đừng làm chứng gian hại người" thuộc về ngôn ngữ của toà án. Các sách Tin Mừng lên đến đỉnh điểm trong bài tường thuật về cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu; và đây là bài tường thuật về một phiên tòa, về việc thi hành án và một kết quả chưa từng nghe thấy.

Bị Philatô thẩm vấn, Đức Giêsu nói: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật.” (Ga 18,37). Và Đức Giêsu “làm chứng” về cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài. Tác giả Tin mừng Máccô kể lại rằng “Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Đức Giêsu, thấy Người tắt thở như vậy liền nói: "Quả thật, người này là Con Thiên Chúa" (15,39). Vâng, bởi vì Ngài nhất quán, Ngài đã nhất quán: với cách chết này của mình, Đức Giêsu biểu lộ Chúa Cha, tình yêu thương xót và trung tín của Người.

Sự thật tìm thấy sự thể hiện trọn vẹn trong chính con người của Đức Giêsu (Cf. Ga 14, 6), trong cách sống và cách chết của Ngài, kết quả của mối quan hệ giữa Ngài với Chúa Cha. Cuộc sống này trong tư cách là con cái Thiên Chúa, Đức Giêsu, một khi sống lại, cũng trao ban cho chúng ta bằng cách gửi Chúa Thánh Thần là Thần chân lý, Đấng chứng thực cho lòng chúng ta rằng Thiên Chúa là Cha chúng ta (Cf. Rm 8,16).

Trong mọi hành động của mình, con người khẳng định hoặc phủ nhận sự thật này - từ những tình huống hàng ngày đến những lựa chọn khắt khe hơn. Nhưng luôn là cùng một logic: điều mà cha mẹ và ông bà dạy chúng ta khi họ bảo chúng ta không được nói dối.

Chúng ta hãy tự hỏi: đâu là những chân lý chứng thực các việc làm của chúng ta trong tư cách là Kitô hữu, những lời nói hoặc những lựa chọn của chúng ta? Mỗi người có thể tự hỏi: tôi có phải là một chứng nhân của sự thật không, hay tôi ít nhiều là một kẻ nói dối cải trang thành sự thật? Mỗi người phải tự hỏi mình. Chúng ta, những kitô hữu, không phải là những người nam người nữ ngoại thường. Tuy nhiên, chúng ta là con cái của Cha trên trời, Đấng tốt lành và không lừa chúng ta và đặt trong lòng chúng ta tình yêu đối với anh em. Sự thật này không được nói bằng nhiều lời; đó là một lối hiện diện, một cách sống, và có thể được thấy rõ trong mỗi hành động đơn lẻ (Cf. Ga 2,18). Ông này là con người chân thực, bà đó là con người chân thực: người ta có thể thấy điều đó. Nhưng tại sao, nếu người ấy không mở miệng nói? Nhưng người ấy cư xử chân thật. Người ấy nói sự thật, hành động với sự thật - một cách sống tốt cho chúng ta.

Sự thật là sự mặc khải tuyệt vời của Thiên Chúa, về khuôn mặt Chúa Cha, và tình yêu vô biên của Ngài. Chân lý này tương hợp với lý trí con người nhưng vượt qua nó cách vô hạn, bởi vì đó là một quà tặng đã ngự xuống trên trái đất và được nhập thể trong Đức Kitô chịu đóng đinh và sống lại; nó được hiển thị bởi những người thuộc về nó và thể hiện thái độ của chính nó.

Không được làm chứng gian nghĩa là sống như con cái Thiên Chúa, Đấng không bao giờ, không bao giờ phủ nhận bản thân mình, không bao giờ nói dối; sống như con cái của Thiên Chúa, để cho xuất hiện trong mọi hành động sự thật vĩ đại: rằng Thiên Chúa là Cha và chúng ta có thể tin cậy nơi Ngài. Tôi tin cậy Chúa: đây là sự thật vĩ đại. Từ sự tín thác của chúng ta vào Thiên Chúa là Cha và yêu thương tôi, yêu thương chúng ta, sự thật của tôi được sinh ra và tôi là người chân thật, chứ không phải là kẻ nói dối.
 
Các Giám Mục Ý bỏ phiếu sửa lại bản dịch Kinh Lạy Cha
Đặng Tự Do
15:03 16/11/2018
Các Giám Mục Ý đã thông qua một bản dịch mới những lời cầu nguyện trong thánh lễ, bao gồm những sửa đổi trong Kinh Vinh Danh và Kinh Lạy Cha. Các ngài cũng thông qua quyết định hình thành một văn phòng quốc gia dành riêng cho việc giúp các giáo phận trong việc bảo vệ trẻ vị thành niên và người lớn dễ bị tổn thương.

Phiên họp khoáng đại của Hội Đồng Giám Mục Ý đã diễn ra từ 12 đến 15 tháng 11 tại phòng họp Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới của Vatican. Các Giám Mục Ý đã phê chuẩn bản dịch của ấn bản thứ ba sách lễ Rôma, là sách lễ được sử dụng trong các Thánh Lễ, trong đó bao gồm những thay đổi đối với văn bản của Kinh Lạy Cha và Kinh Vinh Danh.

Bản dịch cũ của Kinh Lạy Cha kết thúc với lời cầu “non ci indurre in tentazione” (“xin đừng đưa chúng con vào chước cám dỗ”) nay được đổi lại “non abbandonarci alla tentazione” (“xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”)

Năm 2002, các Giám Mục Ý đã phê chuẩn cách dịch “xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” khi các ngài phê duyệt bản dịch Kinh Thánh được đọc trong Phụng Vụ.

Bản dịch cũ của Kinh Vinh Danh bắt đầu với câu “Gloria a Dio nell'alto dei cieli e pace in terra agli uomini di buona volontà.” (“Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho người thiện tâm”), được sửa thành “Gloria a Dio nell'alto dei cieli e pace in terra agli uomini amati dal Signore.” (“Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho người Chúa thương”).

Bản dịch mới sang tiếng Ý của sách lễ Rôma còn phải được Vatican chấp thuận.

Các giám mục cũng đã phê duyệt hai đề xuất được thực hiện bởi ủy ban bảo vệ trẻ vị thành niên và người lớn dễ bị tổn thương.

Đề xuất thứ nhất là hình thành tại Hội Đồng Giám Mục Ý một văn phòng “dịch vụ quốc gia” dành riêng cho việc bảo vệ. Văn phòng sẽ có các đạo luật, tiêu chuẩn và ban thư ký thường trực là anh chị em giáo dân, các linh mục, tu sĩ và các chuyên gia nhằm giúp các giám mục trên toàn quốc.

Đề xuất thứ hai là chọn từ mỗi giáo phận một hay nhiều đại diện tham dự các khóa học được tổ chức ở các miền với sự giúp đỡ của Trung Tâm Bảo Vệ Trẻ Em của Đại Học Giáo Hoàng Grêgôriô.


Source: Catholic Herald - Italian bishops vote to change translation of the Our Father
 
Bọn cầm đầu Khmer Đỏ bị kết tội diệt chủng.
Giuse Thẩm Nguyễn
16:25 16/11/2018


Một Tóa Án của Liên Hiệp Quốc đã kết án hai tên cầm đầu chế độ Khmer Đỏ phạm tội diệt chủng.

Gần hai triệu người gồm nam phụ lão ấu, đàn ông, đàn bà và trẻ em đã bị giết chết dưới bàn tay của chế độ Khmer Đỏ trong thời gian ngắn với luật cai trị khắc nghiệt, tàn bạo tại Cambốt vào cuối thập niên 1970.

Một chế độ khủng khiếp

Khmer Đỏ là một phong trào theo chủ nghĩa Maoist ( Đảng Trưởng Mao Trạch Đông, Trung Cộng) chủ yếu mục tiêu hành quyết vào người Chàm Hồi Giáo và ngừoi Việt Nam thiểu số. Những nỗi khủng khiếp của chế độ này được mô tả trong một phim đạt giải thưởng năm 1984, có tên “The Killing Fields” (Cánh Đồng Chết)

Bản án buộc tội lần này là án lệnh đầu tiên của một tòa án quốc tế công nhận những tội ác này là “tội diệt chủng.” Theo luật quốc tế, tội diệt chủng bao gồm “ý định tiêu diệt toàn bộ hay một phần, một quốc gia, một chủng tộc, hay một nhóm tôn giáo.”

Để tiến tới gian đoạn khác.

Hai tên lãnh đạo đó là Nuon Chea, một tay lãnh đạo khét tiếng của Khmer Đỏ, Pol Pot và Khieu Samphan, tay cầm đầu chính quyền Cambốt vào thời điểm đó.

Cả hai đều đã già, một ở tuổi 92 và tay kia ở tuổi 87. Cả hai đều bị buộc phạm tội ác chống lại nhân loại, giết người, bắt nô lệ và tra tấn.

Chúng đã bị ở tù chung thân vì những tội trên và là hai trong số ba tên bị đã bị kết án bởi tòa án được triệu tập lần đầu tiên vào năm 2006

Bản án này rất quan trọng bởi vì nó được xem như sự phán quyết cuối cùng của loại tội phạm này. Người dân Cambốt nói rằng họ muốn tiến tới một trang sử mới và đây cũng là thời gian để xóa bỏ hình ảnh đất nước của họ như là “Cánh Đồng Chết.”

.
Source: Vatican News 'Cambodian former Khmer Rouge leaders found guilty of genocide'
 
Thánh lễ tại Santa Marta 15/11/2018: Thế gian bưng bít chứng tá tử đạo
Lệ Hằng, F.M.A.
18:06 16/11/2018
Giáo Hội phát triển “trong sự đơn sơ, trong lặng lẽ, trong lời chúc tụng Chúa, trong hy tế Thánh Thể, trong cộng đồng huynh đệ, nơi mọi người đều được yêu thương,” và không ai bị từ chối. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 15 tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta. Bình luận về bài Tin Mừng trong ngày (Lc 17:20-25), Đức Thánh Cha nói rằng Nước Trời “không ngoạn mục”, nhưng phát triển trong lặng lẽ.

Các việc lành phúc đức không là đầu đề tin tức

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Giáo hội của Chúa Kitô, được thể hiện “nơi Thánh Thể và các việc lành phúc đức,” ngay cả khi những điều ấy “không phải là đầu đề tin tức.” Hiền thê của Chúa Kitô chuộng sự yên lặng; Giáo Hội sinh hoa kết quả mà không thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng, không kèn không trống nghinh ngang như người Pharisêu.

Chúa giải thích với chúng ta cách thức Giáo Hội phát triển trong dụ ngôn người gieo giống. Người gieo giống gieo hạt xuống đất và hạt giống lớn lên đêm ngày. Thiên Chúa làm cho nó lớn lên. Và những hoa trái sẽ được nhìn thấy tỏ tường. Nhưng điều quan trọng là: Thứ nhất Giáo Hội tăng trưởng trong lặng lẽ và kín đáo; Đó là phong cách của Giáo Hội. Thứ hai là sự tăng trưởng ấy được thể hiện thế nào trong Giáo Hội? Thưa, qua những hoa trái của những việc lành phúc đức để thiên hạ thấy và tôn vinh Chúa Cha, Đấng ngự trên trời, như Chúa Giêsu nói. Giáo Hội cũng thể hiện điều ấy trong việc cử hành, trong lời ngợi ca và hy tế của Chúa – nghĩa là trong Bí Tích Thánh Thể. Giáo Hội được thể hiện chính nơi Thánh Thể và trong các việc lành phúc đức.

Cám dỗ quyến rũ người ta

“Giáo Hội phát triển nhờ các chứng tá, nhờ những lời cầu nguyện, nhờ sự thu hút của Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động bên trong, chứ không phải nhờ các sự kiện.” Những sự kiện chắc chắn là hữu ích, nhưng sự tăng trưởng đích thực nơi Giáo Hội, sự tăng trưởng sinh hoa kết quả, là sự tăng trưởng trong lặng lẽ, kín đáo, qua những công việc lành và việc cử hành Hy Lễ Vượt Qua của Đức Kitô, và trong lời chúc tụng tôn vinh Thiên Chúa.

Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng sa vào cám dỗ quyến rũ người ta. “Chúng ta mong muốn Giáo Hội được rạnh danh trong thiên hạ nhiều hơn, và chúng ta tự hỏi chúng ta có thể làm gì để Giáo Hội được vang danh nhiều hơn nữa? Và thường ta lại rơi vào một Giáo Hội của những sự kiện nghĩa là một Giáo Hội không có khả năng tăng trưởng trong lặng lẽ qua những việc lành phúc đức một cách kín đáo.

Tinh thần thế gian không chấp nhận phúc tử đạo

Chúng ta đang sống trong một thế giới quá thường chiều theo cám dỗ muốn phô trương, chạy theo tinh thần thế gian, ưa chuộng vẻ bên ngoài. Đức Thánh Cha nhắc nhớ rằng ma quỷ cũng đã từng cám dỗ Chúa Giêsu phô trương quyền năng Ngài: “Sao lại phải mất nhiều thời gian để hoàn tất công trình cứu chuộc như thế? Hãy làm một phép lạ ngoạn mục xem nào. Ông hãy nhảy xuống từ nóc đền thờ này và mọi người sẽ xem thấy, sẽ chứng kiến tận mắt và sẽ tin ông.” Nhưng Ngài đã chọn con đường rao giảng, cầu nguyện, thi hành các việc lành, con đường thập giá và khổ đau.

Thập giá và sự đau khổ. Giáo Hội lớn lên cùng với máu của các vị tử đạo, là những người nam và những người nữ trao ban cuộc sống mình. Ngày nay, có quá nhiều [những vị tử đạo]. Điều lạ lùng là: những điều này không phải là đầu đề của tin tức. Thế gian che giấu sự kiện này. Tinh thần thế gian không chấp nhận phúc tử đạo, nó bưng bít đi.


Source: Vatican News Pope at Mass: Martyrdom doesn’t make the news
 
Thánh lễ tại Santa Marta 12/11/2018: Giám Mục là người đầy tớ khiêm nhường và hiền lành chứ không phải là một ông hoàng
Lệ Hằng, F.M.A.
19:23 16/11/2018
Một tôi tớ khiêm nhường, hiền lành chứ không phải là ông hoàng. Đó là hình ảnh đúng đắn của một giám mục theo như mô tả của Đức Thánh Cha Phanxicô về phẩm chất phải có của một giám mục trong bài giảng thánh lễ tại nhà nguyện Thánh Marta hôm thứ Hai 12/11.

Đức Thánh Cha đã đưa ra những nhận xét trên từ thư của thánh Phaolô tông đồ gửi cho Titô trong bài đọc Phụng Vụ ngày thứ Hai sau Chúa Nhật thứ 32 mùa Thường Niên, trong đó thánh nhân mô tả chi tiết về những phẩm hạnh của một giám mục nhằm mang đến trật tự trong Giáo Hội.

Giáo Hội không được sinh ra trong một trật tự hoàn chỉnh

Đức Thánh Cha chỉ ra rằng Giáo Hội được sinh ra trong sự nhiệt thành và hỗn độn nhưng cũng có “nhiều điều tuyệt vời” đã được hoàn tất. Ngài lưu ý rằng luôn có sự nhầm lẫn và mất trật tự với sức mạnh của Thánh Thần nhưng chúng ta không cần phải sợ hãi vì đó là một dấu chỉ đẹp đẽ.

Nói bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha giải thích rằng :

“La Chiesa non è nata tutta ordinata”, Giáo Hội chưa bao giờ được sinh ra trong một trật tự hoàn chỉnh, mọi thứ đâu vào đó, không có vấn đề gì, không có mơ hồ nhầm lẫn nào – không bao giờ. Tuy nhiên, sự nhầm lẫn và hỗn độn này phải được giải quyết và đưa vào trật tự. Ngài đã đưa ra một ví dụ, đó là Công đồng đầu tiên tại Giêrusalem: đã có mâu thuẫn giữa những người Do Thái và không phải Do Thái nhưng Công đồng Giêrusalem cuối cùng đã sửa chữa những điều ấy.

Giám mục, người quản lý của Thiên Chúa, chứ không phải người quản lý của cải

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết thánh Phaolô đã để Tito ở lại Creta để ông sửa lại mọi thứ cho đúng và nhắc nhớ ông điều quan trọng nhất là đức tin. Đồng thời, thánh Phaolô cũng đưa ra những tiêu chuẩn và chỉ dẫn về chân dung của một vị giám mục.

Đức Thánh Cha tóm lược định nghĩa của một giám mục như sau:

Giám mục là một “người quản lý của Thiên Chúa”, chứ không phải người quản lý của cải, quyền lực, không phải người quản lý những lợi lộc tư riêng với nhau nhưng là những lợi lộc của Thiên Chúa. Vị giám mục phải luôn phải sửa sai và tự vấn: “tôi có phải là người quản lý của Thiên Chúa hay tôi chỉ là một thương gia?”. Giám mục, là người quản lý của Thiên Chúa. Ngài phải là người không thể chê trách vào đâu được: đó chính là điều Thiên Chúa đã yêu cầu Abraham: “Ngươi hãy bước đi trước mặt Ta và hãy sống trọn hảo.” Điều này, theo Đức Thánh Cha, là phẩm chất căn bản của một nhà lãnh đạo.

Phẩm hạnh của một giám mục

Đức Thánh Cha cũng đề cập đến những gì là không nên đối với một giám mục. Ngài không được ngạo mạn hay kiêu căng tự cao tự đại, không được nóng nảy hay chè chén say sưa, là một trong những thói xấu thường thấy trong thời thánh Phaolô, không được tham lam trục lợi hay dính bén với tiền bạc vật chất. Đức Thánh Cha cảnh cáo rằng một giám mục chỉ cần mắc vào một trong những khiếm khuyết ấy thôi cũng đủ trở thành một điều tai hại cho Giáo Hội rồi. Giám mục phải là “người hiếu khách”, một người “yêu mến sự thiện”, tế nhị, công chính, thánh thiện, tự chủ, trung thành với những Lời xứng đáng với đức tin mà ngài đã được dạy bảo”

Thật là tốt để tìm hiểu về những vấn đề trên ngay buổi đầu của việc điều tra trước khi bổ nhiệm giám mục, trước khi tìm hiểu bất cứ thứ gì khác.

Theo Đức Thánh Cha:

Trên hết, vị giám mục phải khiêm tốn, hiền lành, là một người phục vụ, chứ không phải ông hoàng. Đó chính là Lời Chúa, chứ không phải điều gì mới được đưa ra sau Công Đồng Vaticano II. Điều đó đã có sớm hơn rất nhiều ngay từ thời thánh Phaolô. Ngay từ đầu, Giáo Hội đã nhận thức được cần phải sửa chữa những vấn đề của các giám mục.

Điều đáng kể trước mặt Chúa, theo Đức Thánh Cha, không phải là dễ thương, giảng hay, nhưng là sự khiêm nhường và phục vụ.

Đức Thánh Cha đã kết thúc bài giảng của ngài với lời mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cho các vị giám mục để “các vị có thể nên, và cả chúng ta cũng phải nên, như Thánh Phaolô yêu cầu”


Source: Vatican News Papa a Santa Marta: il vescovo è un servitore e non un principe
 
Thảm sát kinh hoàng tại Cộng Hòa Trung Phi: 42 người bị thiêu sống, Tòa Giám Mục bị cướp phá, cha Tổng đại diện bị giết
Đặng Tự Do
20:21 16/11/2018
Cha Mathieu Bondobo, Tổng đại diện của tổng giáo phận thủ đô Bangui của Cộng Hòa Trung Phi cho biết Tòa Giám Mục Alindao bị cướp phá và nhà thờ chánh tòa bị đốt cháy. Ít nhất 42 người chết trong cuộc tấn công của người Hồi giáo bắt đầu từ hôm thứ Năm 15/11 và kéo dài sang đến ngày thứ Sáu.

Cha Marcellin Kpeou, một linh mục người Cộng Hòa Trung Phi, đã từng sống tại Rôma trong 20 năm, hiện đang làm mục vụ tại Alindao cho Vatican News biết quân du kích Hồi Giáo trong cái gọi là Union for Peace in CAR (Liên minh vì hòa bình của Trung phi – gọi tắt là UPC) đã mở cuộc tấn công vào hôm thứ Năm. Chúng cướp phá Tòa Giám Mục Alindao và giết chết cha Tổng đại diện của giáo phận này. Đức Cha Cyr-Nestor Yapaupa, Giám Mục Alindao được tin là không có mặt tại Tòa Giám Mục khi xảy ra vụ tấn công.

Sau đó, chúng quay sang tấn công một trại tị nạn nằm đối diện với Tòa Giám Mục. Chúng thiêu sống các nạn nhân trong các lều bạt của họ. Nhà thờ chánh tòa Thánh Tâm của giáo phận cũng bị đốt cháy.

Ít nhất 42 người bị thiêu sống và một linh mục bị bọn UPC bắt đi mất.

UPC được các quan sát viên xem là một biến thể của quân Hồi Giáo Séneka.

Tòa Giám Mục Alindao thuộc về thành phố Alicia trên trục giao thông chiến lược Nam Bắc, là một điểm nóng trong cuộc nội chiến hiện nay tại Cộng Hòa Trung Phi.

Ước lượng khoảng 20,000 đã bỏ chạy tán loạn sau vụ tấn công hôm thứ Sáu.

Vladimir Monteiro, người phát ngôn cho quân gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, nói với AFP “Nhiều người đã chạy trốn vào các bụi rậm trong rừng. Họ sẽ gặp những khó khăn về lương thực và những nguy hiểm về an ninh vì giờ đây không ai bảo vệ cho họ”.

Giáo phận Alindao được thành lập từ năm 2004, tách ra từ giáo phận Bangassou. Tổng dân số là 162,000 dân trong đó có 39,200 tín hữu Công Giáo chiếm tỷ lệ 24% dân số.


Source: Vatican News Massacro in Centrafrica, tra le vittime anche due sacerdoti
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại hội Liên hiệp Bề trên thượng cấp Việt Nam lần thứ VI
Lm Giuse Phan Trọng Quang, mf
10:36 16/11/2018
ĐẠI HỘI LIÊN HIỆP BỀ TRÊN THƯỢNG CẤP VIỆT NAM
LẦN THỨ VI NHIỆM KỲ 2018-2021


Trong bối cảnh của Năm Thánh mừng kính các Thánh Tử đạo Việt Nam, Đại hội Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam lần thứ VI nhiệm kỳ 2018-2021 đã được tổ chức tại Tòa giám mục Xuân lộc từ ngày 12 đến 15 tháng 11 năm 2018, với chủ đề: Phong cách lãnh đạo mới: Sinh động và Đồng hành.

1. Tham dự Đại hội có 147 đại biểu là Bề trên và đại diện Bề trên của các Dòng tu, Tu hội, Tu đoàn trên toàn quốc.

2. Đại hội vui mừng chào đón và lắng nghe:

  • Đức Ông Yovko Genov Pishtiyski, Tham Tán Xử Lý Thường Vụ Tòa Sứ Thần Tòa Thánh tại Singapore, đại diện Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski - Đại diện Toà thánh không thường trú tại Việt Nam- đến chủ sự Thánh lễ khai mạc và chia sẻ với Đại hội về định hướng cho đời sống Thánh hiến trong bối cảnh toàn cầu hóa.
  • Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục giáo phận Mỹ Tho – Tổng Thư ký Hội Đồng Giám mục Việt Nam, đến chia sẻ với Đại hội những thao thức về thực trạng của Giáo hội và hướng nhìn tương lai của đời sống Thánh hiến.
  • Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, Giám mục giáo phận Thái Bình – Chủ tịch Uỷ Ban Tu sĩ, thuộc Hội Đồng giám mục Việt Nam, đã đến chủ sự Thánh lễ Bế mạc Đại hội và trình bày với Đại hội về: Thực trạng và thách đố của Giáo hội trước vấn đề lạm dụng tình dục.
  • Cha Giuse Nguyễn Ngọc Bích, Giám tỉnh Tỉnh dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, trình bày với Đại hội đề tài: Giáo luật liên quan đến vai trò lãnh đạo.
  • Cha Giuse Nguyễn Thịnh Phước, Trưởng ban đào tạo Tỉnh dòng Don Bosco Việt Nam, trình bày với Đại hội đề tài: Sinh động hóa, một phong cách lãnh đạo mới.

3. Đại hội cũng dành nhiều thời gian để các đại biểu thảo luận nhóm và đúc kết những đề tài đã được trình bày trong Đại hội, liên quan đến chủ đề của Đại hội: Phong cách lãnh đạo mới: Sinh động và Đồng hành.

4. Đại hội cũng đã biểu quyết tu chính điều 6 của Quy chế Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam và giao cho Ban Điều Hành nhiệm kỳ mới của Liên Hiệp trình Tòa Thánh xin phê chuẩn.

5. Đại hội đã lắng nghe Cha Giuse Phan Trọng Quang, Tổng thư ký Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam, đại diện Ban Điều Hành báo cáo tổng kết hoạt động và quỹ của Liên Hiệp cũng như những hoạt động của Ban Điều Hành nhiệm kỳ 2015-2018

6. Đại hội Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam lần VI đã bầu Ban Thường vụ của Ban Điều Hành cho nhiệm kỳ mới 2018-2021 gồm 04 thành viên như sau:

Ban Thường vụ
  • Chủ tịch: Cha Giuse Nguyễn Văn Quang- Giám tỉnh Dòng Don Bosco.
  • Phó Chủ tịch I: Sr Maria Lê Thị Thanh Nga – Giám tỉnh Dòng Đức Bà.
  • Phó Chủ tịch II: Cha Giuse Đỗ Duy Châu – Bề trên Dòng Anh em Đức Mẹ Người Nghèo.
  • Tổng Thư ký: Cha Giuse Phan Trọng Quang – Dòng Thừa Sai Đức Tin.

Các khối đã bầu các Đại diện khối tham gia Ban Điều Hành:
  • Đại diện khối Dòng Nam thuộc quyền Giáo hoàng: Thầy Giuse Vương Hoài Đức – Giám tỉnh Dòng Gioan Thiên Chúa.
  • Đại diện khối Dòng Nữ thuộc quyền Giáo hoàng: Sr Teresa Đinh Thị Anh Đào – Giám tỉnh Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể.
  • Đại diện khối Dòng Nam thuộc quyền Giáo phận: Cha Pio X Nguyễn Đán – Bề trên Dòng Mẹ Đấng Cứu Chuộc.
  • Đại diện khối Dòng Nữ thuộc quyền Giáo phận: Sr. Maria Nguyễn Thị Ngoan – TPT Dòng MTG Thủ Thiêm.
  • Đại diện khối Tu hội, Tu đoàn Nam: Cha Gioakim Nguyễn Văn San – Bề trên Tu Đoàn Giáo sĩ Nhà Chúa.
  • Đại diện khối Tu hội, Tu đoàn Nữ: Sr MariaTrần Thị Kim Quyên – Bề trên Tu Hội Gia Đình Mẹ Maria Thăm Viếng.

7. Đại hội Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam lần VI đã ghi nhận và quyết nghị

Ghi nhận:
  • a. Hồng ân đời sống Thánh hiến tại Việt Nam. Đại hội tạ ơn Chúa vì Ngài đã thương ban cho Đất nước và Giáo Hội Việt Nam nhiều ơn gọi Tu sĩ, Linh mục. Đó là hồng ân đặc biệt Chúa thương ban cho Giáo Hội, cách riêng cho các Dòng tu, Tu hội, Tu đoàn tại Việt Nam. Số lượng các bạn trẻ quảng đại dấn thân cho Chúa trong đời sống tu trì vẫn còn phong phú. Đó là nhờ hạt giống đức tin đã được vun tưới bằng dòng máu tử đạo của các bậc tiền bối, nhờ truyền thống đạo đức của người tín hữu Việt Nam, nhờ môi trường giáo xứ và gia đình đã nuôi dưỡng ơn gọi sống đời Thánh hiến.
  • b. Thành phần các Bề trên trẻ gia tăng đáng kể trong Đại hội Liên Hiệp Bề Trên Thượng Cấp lần VI cũng là một tín hiệu đáng mừng về một sức sống mới đầy nhiệt tâm và sinh động cho đời sống Thánh hiến tại Việt Nam.
  • c. Qua những hội nghị thường niên và các khóa thường huấn trong nhiệm kỳ vừa qua, các Bề trên và các Tu sĩ, đặc biệt các Tu sĩ trẻ đã có nhiều ưu tư về những thách đố của đời sống Thánh hiến và thao thức tìm kiếm những phương thế để sống đúng theo những định hướng của Giáo hội, nhằm hướng đến việc canh tân và thăng tiến đời sống Thánh hiến.

Quyết nghị:
Từ những ghi nhận trên, Đại hội Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam lần VI quyết nghị:
  • a. Các Bề trên là thành viên của Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam sẽ thu xếp tổ chức cho các thành viên trong đơn vị của mình được học biết về văn kiện định hướng “Rượu mới bầu da mới” của Bộ Đời sống Thánh hiến và các Tu đoàn Tông đồ.
  • b. Ủy thác cho Ban Điều Hành nhiệm kỳ 2018-2021 lên chương trình, kế hoạch tổ chức các khóa học về “Phong cách lãnh đạo mới: Sinh động và Đồng hành” cho các Bề trên, các phụ trách cộng đoàn và các nhà đào tạo của các Dòng tu, Tu đoàn, Tu hội.
  • c. Ủy thác cho Ban Điều hành nhiệm kỳ 2018-2021 tổ chức các hội thảo liên quan đến giáo luật về đời sống Thánh hiến và các vấn đề lạm dụng trong đời sống Thánh hiến.

8. Đại hội Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam lần VI được tổ chức trong bầu khí hiệp thông, thân ái đã khép lại trong niềm hy vọng về một nỗ lực hoán cải, canh tân và đổi mới trong đời sống Thánh hiến theo những chuẩn mực của Tin mừng, để hướng đến niềm vui “Rượu mới bầu da mới”.

Lm Giuse Phan Trọng Quang mf
TTK.LHBTTCVN




 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Ai Đã Trực Tiếp Chỉ Huy Bắt Tây Dương Đạo Trưởng Y Ty Anh ?
Nguyễn Văn Nghệ
09:17 16/11/2018
Ai Đã Trực Tiếp Chỉ Huy Bắt Tây Dương Đạo Trưởng Y Ty Anh (3)?

Ngày 1/9/1858 liên quân Pháp và Y Pha Nho nổ súng tấn công Đà Nẵng, triều đình càng nghi ngại người theo đạo Công Giáo: “ Rằng : quân Tả đạo với Tây/ Một lòng sinh sự phá rày biên cương”, cho nên vào tháng 4 năm Kỷ Mùi (1859) triều đình đã ban dụ Phân sáp: “ Lại dụ bảo các điều khoản nên làm: ( Người nào đã đi theo Tây dương thì bắt giam cha mẹ vợ con, bắt phải gọi về; người nào chưa đi theo Tây dương thì tìm nhiều cách ngăn giữ không cho chúng được đi lại với Tây dương. Người nào là hào cường đầu mục đi theo đạo thì ngầm giam giữ lại không cho đi đâu. Người già, trẻ con cùng phụ nữ, nếu yên phận giữ phép thì thôi; nếu còn vớ vẩn trông ngóng, thì lập tức đem sáp nhập vào xã thôn không có đạo Da tô để tiện quản thúc).Giao cho viên khâm phái châm chước mà làm. Còn 5 tỉnh thì dân theo đạo còn biết giữ phép, chưa đám sinh lòng khác: Sai quan tỉnh đều chiểu theo địa hạt phòng bị, khiến cho Gia Định được tiện việc thi hành.( Rồi thì bọn dân theo đạo ra thú rất nhiều. Những người nào ở xa đồn Tây dương thì cho xã dân sở tại kết nhận về quản thúc; người ở gần đồn Tây dương đều chia ghép vào xã thôn khác: Viên Khâm phái đều phân biệt tâu lên mà thi hành).(1)

Đến tháng 6 năm Tân Dậu (1861) lệnh Phân sápđược triều đình thắt chặt hơn: “ Sức nhắc lại các địa phương phải nghiêm nhặt chia ghép bọn dân đạo. Trước đây, chia ghép các dân đạo, còn nhiều sót lậu. Đến bây giờ, nghiêm bắt phủ huyện các địa phương: phàm những dân đạo trai gái già trẻ, không cứ đã bỏ đạo hay chưa, đều thích chữ vào mặt, chia ghép đến ở vào xã thôn không có đạo, mà phải quản thúc cho nghiêm. Những tên đầu mục hung ác vẫn nghiêm giam như cũ. Nếu người Tây dương đến nơi, thì đem bọn dân đạo ấy giết cho hết.Phủ huyện nào lại còn nhu nhơ dong kẻ gian, để đến nỗi sinh ra việc gì lo ngại, tất phải chiểu quân luật trị tội” (2).

Các quan lại khuyến khích dân chúng: “ Bắt đặng tả đạo thưởng cho bạc tiền”. Giám mục địa phận Đông Đàng Trong (Qui Nhơn) là Étienne Théodore Cuénot Thể (nếu không gọi Étienne thì gọi Stéphane, người Việt đọc là Tê pha nô) cũng trốn tránh lệnh bắt đạo tại vùng Gò Bồi (nay thuộc thôn Gò Bồi, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước). Vào tháng 10 năm Tân Dậu, Giám mục Cuénot Thể bị bắt. Linh mục Đặng Đức Tuấn(1806-1874) thuật lại việc Giám mục bị bắt: “ Cha, thầy khác thể ngọn đèn/ Giấu che sao kín, chúc chen sao rồi?/ Các cha bắt đặng lần hồi/ Đức Thầy bắt đặng Gò Bồi, Thị Lưu/ Số là có đứa gian cừu/ Điềm chỉ cậu Thọ tạm lưu chốn này/ Quan quân hỏa tốc đến vây/ Soát nhà lái Sĩ thấy Thầy ở mô?/ Tịch phong ba chỗ nhà to/ Quan quân ở đó ra vô ba ngày/ Soát đặng áo lễ đồ Tây/ Hỏi tra ông Quả phải Thầy hay không?/ Ông ta chối mãi ròng ròng/ Tôi là bổn đạo biết sòng chi đâu!/ Quan quân tính việc còn lâu/ Dạy đóng gông giải để hầu tỉnh tra/ Đức Thầy khát nước thiết tha/ Ở trong lẫm lúa bước ra nhà ngoài/ Quan quân xem thấy kinh oai/ Kêu la truyền báo dậy tai vang làng/ Thanh la, mõ trống tứ bàng/ Dùi gậy giáo mác kéo đoàn phủ vây/ Lâu nay mới thấy ông Tây/ Baquân thiên hạ chật đầy đến coi/ Quan dạy đóng cũi cho rồi/ Bỏ vào trong ấy để ngồi coi chơi”.Giám mục Cuénot Thể bị quan quân nhốt vào cũi giải lên tỉnh đường Bình Định.

Sách Đại Nam thực lục do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn đã ghi lại việc bắt Giám mục Cuénot Thể: Tháng 10 năm Tân Dậu. Tự Đức năm thứ 14 (1861) “ Tỉnh Bình Định bắt được tên đạo trưởng người Tây dương tên là Y-ty-anh(3). Các quan tỉnh huyện đều được thưởng gia một cấp và tiền vàng, tiền bạc có thứ bậc khác nhau (Tỉnh thần là Nguyễn Đức Hựu, Bùi Huy Phan, Dương Vinh mỗi người đều một đồng tiền vàng Phi long hạng lớn, đi đốc bắt là quyền huyện Tuy Viễn Hoàng Hữu Xứng được thưởng tiền “Triệu dân” bằng bạc hạng lớn, hạng nhỏ mỗi thứ đều 5 đồng. Bọn người thám báo hiệp sức đi bắt chiểu lệ thưởng cấp (bạc 300 lạng)”(4)

Giám mục Cuénot Thể bị bắt vào tháng 10 âm lịch là vào mùa lụt: “ Trời lụt nước hãy còn to/ Quan truyền khiêng cũi lần dò đi lên/ Nam nữ hai mươi bốn tên/ Dẫn đi một lượt gông xiềng dọc ngang/ Giải trình lên nạp tỉnh quan/Lịnh truyền các trại phân tang giam cầm”.

Giám mục Cuénot Thể do bị nhiễm bệnh nên khoan tra xét: “ Đức cha quá nỗi ưu phiền/ Bịnh mang đã nặng quan truyền khoan tra/ Đòi thầy đầu dược điều hòa/ Kỳ mười lăm bửa may mà đặng thuyên/ Nào hay mạng tại hồ thiên/ Đến ngày kỳ hẹn bỏ miền dương gian”. Giám mục Cuénot Thể qua đời trong tù vào ngày 14/11/1861 và được quan tỉnh sai đem chôn: “Đức cha quan dạy táng rồi/ Mấy người còn lại ngậm ngùi than van”.

Sau khi bắt Giám mục Cuénot Thể, thì vào tháng 3 năm Nhâm Tuất (1862): “ Cất nhắc viên huấn đạo huyện Tuy Viễn (thuộc Bình Định) là Hoàng Hữu Xứng(5) làm tri huyện ( Xứng đỗ cử nhân, người Quảng Trị. Khi ấy bổ thụ huấn đạo mới được hơn 4 tháng, lệ chưa được thăng chức. Duy Hữu Xứng khi làm quyền huyện, tiết thứ bắt được một người đạo trưởng người Tây dương và 4 đạo trưởng người nước ta và bọn người theo đạo cùng là đồ dùng ở nhà thờ đạo giải nộp để xét,…Tỉnh thần đem việc ấy tâu lên.Bộ Hình cho là tra bắt xuất sắc, xin cho vượt cách cất dùng, chuẩn cho cất lên làm chức tri huyện Hà Đông (thuộc Quảng Nam) (6).

Hoàng Hữu Xứng trong thời gian làm quyền Tri huyện huyện Tuy Viễn đã bắt Giám mục Cuénot Thể và 4 đạo trưởng người Việt (4 đạo trưởng này chưa rõ danh tánh) và nhiều tín đồ Công Giáo khác nữa.

Nguyễn Văn Nghệ

Giáo xứ Cây Vông- Nha Trang

Chú thích:

1- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 7, Nxb Giáo dục, tr.608-609

2- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 7, Nxb Giáo dục , tr. 725

3- Y-ty-anh: Quốc sử quán triều Nguyễn phiên âm chữ Étienne trong tên của Giám mục Cuénot Thể thành Y-ty-anh

4- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 7. Nxb Giáo dục, tr.736

5- Hoàng Hữu Xứng người xã Bích Khê, huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị( nay là xã Triệu Long, huyện Triệu Phong). Đỗ cử nhân vị thứ 9/22 khoa Nhâm Tý (1852) tại trường thi Hương Thừa Thiên (X. Cao Xuân Dục, Quốc triều hương khoa lục, Nxb. TPHCM, tr. 312). Rạng sáng ngày 25/4/1882 (8/3 năm Nhâm Ngọ) quân Pháp chiếm thành Hà Nội, Hoàng Hữu Xứng (1831- 1905) đang giữ chức Tuần phủ Hà Nội tạm lánh vào hành cung, sau khi nghe Tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết, Hoàng Hữu Xứng cũng định quyên sinh, nhưng lại nghe lời Tôn Thất Bá nên thôi ý định quyên sinh. Sau đó triều đình cách chức ông nhưng cho lập công chuộc tội, chẳng bao lâu lại được thu dụng như cũ.

6- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 7, Nxb Giáo dục, tr.765-766
 
Ngày tận thế?
LM. Daminh Nguyễn Ngọc Long
11:02 16/11/2018
Ngày tận thế?

Xưa nay thỉnh thoảng có truyền khẩu nói đến ngày tận thế: tối ba ngày ba đêm! Và còn khuyên mua nến đốt thắp để không phải sống trong đêm tối.

Không biết tin tức như thế căn cứ do đâu. Dẫu vậy, nghe thế cũng gây hoang mang chút lo sợ. Nhưng sự việc đã không xảy ra như truyền tụng rỉ tai nhau.

Tạ ơn Chúa.

Thế giới ngày 11.11.2018 vừa mới kỷ niệm 100 năm chấm dứt chiến tranh thế giới thứ nhất 1918 -2018.

Chiến tranh gây ra đổ nát, tàn phá chết chóc kinh hoàng, mất đất đai quê hương nhà cửa cho hàng triệu người. Sự kiện biến cố chiến tranh đó tưởng chừng như ngày tận thế ụp xuống trên thế giới. Nhưng thế giới công trình sáng tạo của Thiên Chúa không chấm dứt ở đó. Năm 1918 nước Đức thua trận đã cùng ký hiệp ước chấp nhận chấm dứt gây chiến tranh và xây dựng hòa bình trên đống tro tàn đổ nát.

Thế giới đã trải qua kinh hoàng sợ hãi, nhưng không phải là ngày tận thế.

Và trong dòng lịch sử thời gian trên thế giới xưa nay từ cổ chí kim đã xảy rất nhiều biến cố tai ương động đất, sóng thần lụt lội, cháy rừng, chiến tranh tàn phá gây chết chóc khinh hoàng tưởng chừng như đến ngày tận cùng đời sống rồi! Nhưng dẫu vậy chưa là ngày tận thế.

Niềm hy vọng sự sống vẫn phát mọc bừng lên trong đêm tối kinh hoàng tàn phá do chiến tranh, những biến cố tai ương gây ra.

Hằng năm vào cuối niên lịch phụng vụ, Chúa Nhật 33. mùa thường niên Giáo Hội nhắc nhớ đến hình ảnh trong phúc âm Chúa Giesu : “Trong những ngày ấy, sau cảnh khốn cực, mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng sẽ mất sáng, các ngôi sao sẽ từ trời rơi xuống và các sức mạnh trên trời sẽ bị lay chuyển„ ( Mc 13, 24).

Nhắc đến những lời Chúa Giesu nói tiên báo không phải để gieo rắc sợ hãi, và lời Chúa không chấm dứt dừng lại chỗ này, mà còn tiếp tục loan báo muốn nói hướng đến ánh sáng niềm hy vọng bừng lên ở cuối con đường hầm tăm tối kinh hoàng:

„ Và bấy giờ Người sẽ sai các thiên thần của Người đi quy tụ những kẻ đã được tuyển chọn từ khắp bốn phương, từ chân trời cho đến cùng kiệt trái đất.“ ( Mc 13, 25).

Con người có kinh nghiệm đời sống: có khởi đầu và cũng có tận cùng. Điều này có đúng với công trình sáng tạo thiên nhiên của Thiên Chúa không? Không ai là con người có thể biết được, cùng qủa quyết được điều này.

Nhưng chúng ta tin rằng Thiên Chúa đã tạo dựng nuôi sống công trình sáng tạo thiên nhiên của Ngài từ thuở tạo thiên lập địa cho sự sống phát tiển tồn tại nơi cây cỏ, thú vật và con người. Ngài sẽ dẫn dắt hướng đến đích điểm tốt lành hoàn thiện, dù có trải qua những biến cố kinh hoàng khó khăn.

Thánh sử Marco viết phúc âm Chúa Giêsu muốn khơi lên nuôi dưỡng niềm hy vọng, lòng can đảm nơi người tín hữu Chúa Gisu Kito. Đó là thức ăn tnuôi dưỡng đời sống đức tin vào Chúa cho hôm qua, hôm nay và ngày mai trong đời sống trên trần gian.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

 
Thông Báo
Phân Ưu: Cụ Bà Maria Phạm Thị Tốn vừa qua đời tại Vũng Tầu
VietCatholic Network
09:59 16/11/2018
PHÂN ƯU
Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh
Chúng tôi thành kính phân ưu cùng
Anh Chị Lê Sự là cộng tác viên của VietCatholic
đã mất đi nhạc mẫu thân yêu:

Cụ Bà Maria Phạm Thị Tốn
Sinh năm 1928 tại Đông Lâm - Hải Dương
đã được Chúa gọi về lúc 16 giờ, ngày 12 tháng 11 năm 2018
tại Tư Gia Giáo xứ Thủ Lựu, Vũng Tầu.
Hưởng Thọ 90 tuổi.

Chương Trình An Táng
Thứ Ba, ngày 13 tháng 11 năm 2018

5 giờ 30 sáng: Nghi Thứ Phát Tang và Làm Phép Xác
2:00PM - 9:00PM. Giờ kinh các Hội Đoàn
Thứ Tư, ngày 14 tháng 11 năm 2018
2:00PM - 9:00PM. Giờ kinh các Hội Đoàn
Thứ Năm, ngày 15 tháng 11 năm 2018
4 giờ 45 sáng: Thánh Lễ An Táng được cử hành tại Thánh Đường Giáo Xứ Thủ Lựu.
Sau Thánh Lễ tiễn đưa Linh Cữu đến Trung Tâm Hỏa Táng Long Hương Thị Xã Bà Rịa - Vũng Tầu.

Chúng tôi hiệp thông dâng lời cầu nguyện cho linh hồn Maria chóng được về Thiên Quốc.

Thành kính phân ưu

LM Gioan Trần Công Nghị
và Toàn Ban VietCatholic
 
Văn Hóa
Ghi Chú về Kinh Lạy Cha của Raissa Maritain, Chương III, tiết 6
Vũ Văn An
19:08 16/11/2018
Tiết 6: Chớ để chúng con sa chước cám dỗ

Καὶ μὴ εἰσενέγϰῃς ἡμᾶς εἰςπειρασμόν (Kai eisenegkês hemas eis peirasmon). Et ne nos inducas in tentationem {1}. Bản dịch tiếng Pháp đang được sử dụng không theo sát từng chữ của Tin Mừng Mátthêu và Tin Mừng Luca. “Chữ cám dỗ [tentation] trong tiếng Pháp gợi ý một sự dữ [mal], do đó, có sự cần thiết phải thay đổi công thức để đọc là ‘chớ để chúng con sa vào cơn cám dỗ’ vì Thiên Chúa không cám dỗ ai theo nghĩa này. Nhưng πειρασμός có nghĩa là thử thách [épreuve]) {2}.



Hai lỗi lầm phải tránh khi suy niệm về lời cầu xin thứ sáu. Chúng ta không được tưởng tượng (như bản dịch theo nghĩa đen, "Và đừng dẫn chúng con vào cơn cám dỗ" có thể dẫn chúng ta đến chỗ tin) rằng để thử nghiệm sự kháng cự của chúng ta, Thiên Chúa đôi khi cám dỗ chúng ta hoặc xúi giục chúng ta làm điều ác. Những rắc rối bên trong và những cuộc xâm lấn đen tối mà sự hấp dẫn của sự ác đột ngột hoặc qủy quyệt tạo ra trong linh hồn nảy sinh từ sự yếu đuối của chúng ta và “tư dục của chính chúng ta”{3}, chúng cũng phát xuất từ Thiên thần sa ngã, kẻ kích thích tư dục kia và là kẻ, tan quam leo rugiens (như con sư tử gầm thét), "rảo quanh tìm mồi cắn xé” {4}. Chính ma quỷ cám dỗ chúng ta, chứ không phải Thiên Chúa. "Khi bị cám dỗ, đừng ai nói: ‘Tôi bị Thiên Chúa cám dỗ’, vì Thiên Chúa không thể bị cám dỗ làm điều xấu, và chính Người cũng không cám dỗ ai” {5}.

"Đừng nói: chính Thiên Chúa đã làm tôi phạm tội: vì Người không làm điều Người vốn ghét. Đừng nói: Người đã khiến tôi sai lầm: vì Người vốn không cần những kẻ gian ác." {6}. “Trời gìn giữ chúng ta để khỏi tin rằng Thiên Chúa có thể cám dỗ chúng ta”{7}.

Nhưng theo một quan điểm khác, chúng ta phải ý tứ đừng giảm thiểu hoặc làm nhẹ ý nghĩa các lời lẽ của Chúa Giêsu. Chúng ta không nên tưởng tượng rằng chúng ta được dạy để xin cho được miễn trừ mọi điều có thể sẽ khiến chúng ta phải vượt qua lửa thử thách, và là những điều bởi đó có thể hàm ngụ một nguy cơ khiến chúng ta yếu đuối hay phạm tội, là trường hợp xẩy ra với đa số những dịp mà cuộc sống con người khiến chúng ta gặp phải, và đặc biệt là với mọi lựa chọn trong đó chúng ta phải tổn thất điều gì đó vì đã chọn điều tốt, và với mọi phiền não nghiêm trọng, hoạn nạn, bất hạnh hay bách hại, và đặc biệt hơn nữa với mọi cám dỗ đúng nghĩa, và với những cám dỗ cực độ mà một linh hồn đang hấp hối trên thập giá đang phải đương đầu. "Phúc thay người biết kiên trì chịu đựng cơn thử thách, vì một khi đã được tôi luyện, họ sẽ lãnh phần thưởng là sự sống Chúa đã hứa ban cho những ai yêu mến Người” {8}. "Nhưng khi được chia sẻ những đau khổ của Chúa Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu”{9}.

"Bao lâu còn ở trên mặt đất, chúng ta còn bị vướng vào xác thịt, một xác thịt đang đấu tranh chống lại tinh thần ... do đó, chúng ta bị phơi bày cho sự cám dỗ ... Ai có thể tưởng tượng con người thoát khỏi các cơn cám dỗ, khi họ biết con người luôn bị áp đảo ra sao bởi những cơn cám dỗ này? Liệu có lúc nào người ta được bảo đảm là không phải đấu tranh để không phạm tội không? ”{10}" Chúa có bảo chúng ta cầu xin để không bị cám dỗ chút nào hay không? Tuy nhiên, trong Sách Thánh, có nói: "Người không bị thử thách, không chứng minh được khả năng của mình” {11} Và ở một nơi khác: {12}'Thưa anh em, anh em hãy trân quí nó một cách hân hoan, khi anh em sa vào các cơn thử thách khác nhau'"{13}.

Thánh Tôma đã viết cùng một điều: trong lời cầu xin thứ sáu "chúng ta không xin đừng bị cám dỗ, nhưng đừng bị chinh phục bởi cám dỗ" {14}.

Thánh Tông Đồ nói gì? " những ai muốn sống đạo đức trong Chúa Giêsu Kitô, đều sẽ bị bắt bớ” {15}.

Còn Chúa Giêsu đã nói gì? "Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế” {16}.

*

Điểm đầu tiên do đó cần được lưu ý. Đó là chữ peirasmos có nghĩa là thử thách (mọi điều đòi chúng ta làm chứng cho một nhân đức nào đó, đặc biệt là lòng trung thành và tình yêu của chúng ta), và "thử thách" có ý nghĩa rộng hơn so với "cám dỗ ". Chính vì thế, Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ: Vos autem estis, qui permansistis mecum in tentationibus meis. Rõ ràng chữ tentatio (πειρασμός [peirasmos]) ở đây có nghĩa thử thách, chứ không phải cám dỗ. “Còn anh em, anh em vẫn một lòng gắn bó với Thầy, giữa những lúc Thầy gặp thử thách gian nan”{17}. Những thử thách này “là những khó khăn của đời sống, những mai phục của người Pharisiêu và của những người thuộc phái Hêrôđê, sự phản đối rõ ràng của các nhà lãnh đạo tôn giáo, bất chấp hành động đạo đức giả hình của họ"{18}.

Tương tự như vậy, có lời chép về người công chính: "Thiên Chúa đã thử thách họ, và thấy họ xứng đáng với Người. Người đã tinh luyện họ như người ta luyện vàng trong lò lửa, và đón nhận họ như của lễ toàn thiêu... Khi đến giờ được Thiên Chúa viếng thăm, họ sẽ rực sáng như tia lửa bén nhanh khắp rừng sậy {19}. Và câu này nữa: {20}"Vâng lạy Chúa, Ngài đã từng thử thách, luyện chúng con như luyện bạc trong lò. Ngài đã để chúng con rơi vào bẫy lưới” (không phải bẫy lưới tà ác hay cám dỗ mà là bẫy lưới thử thách và bất hạnh).

Và thử thách cực độ, thử thách của Áp-ra-ham, không phải là cơn cám dỗ (kích động làm điều ác), mà là một mệnh lệnh nhận được trực tiếp từ Thiên Chúa Chí Thánh. "Há Áp-ra-ham không được chứng tỏ là trung thành trong thử thách đó sao?" {21}



Tuy nhiên, vì tất cả các điều trên, chữ "thử thách" vẫn không loại bỏ ý nghĩa cám dỗ; trái lại thì có - cám dỗ là một trong những hình thức thử thách đáng sợ nhất. Nó không tha ông Giuse, con Giacốp; cũng không tha Ông Gióp trên đống phân của ông; cũng không tha chính Chúa Giêsu trong sa mạc, cũng không tha bất cứ vị thánh nào của Người.

Một điểm cần lưu ý khác là về loại thử thách đau khổ, Thiên Chúa không phải là nguyên nhân trực tiếp (per se), mà là nguyên nhân gián tiếp (per accidens); Người cho phép nó hiện hữu vì nó là mặt trái của một cái tốt mà Người dự định, hoặc một điều kiện hay một phương tiện giả định cho cái tốt đó. Và về loại thử thách cám dỗ, Người không hề là nguyên nhân, Người đơn giản cho phép nó mà thôi. Tuy nhiên, rõ ràng là nếu không có sự cho phép của Người, cám dỗ sẽ không xảy ra{22}. "Kẻ thù không thể làm gì chống lại chúng ta nếu không có sự cho phép trước của Thiên Chúa" {23}.

Đó là lý do tại sao Thánh Grêgôriô Cả đã viết: "con người nên biết rằng ý muốn của Satan luôn luôn không chính trực, nhưng quyền lực của hắn không hề bất chính, bản thân hắn thực hiện ý muốn của hắn, nhưng hắn nắm quyền lực của mình từ Thiên Chúa. Các điều xấu xa hắn xin phép làm, Thiên Chúa đã cho phép một cách công chính”{24}. Như Charles Journet đã nói thêm: "sau Thiên Chúa, không ai làm việc chăm chỉ hơn cho sự nên thánh của Gióp bằng Quỷ, và không ai có thể muốn điều này ít hơn"{25}.

Và chúng ta sẽ trở thành gì, và nỗi khốn cùng của chúng ta sẽ là gì, nếu Thiên Chúa không có quyền kiểm soát tuyệt đối trên mọi thử thách và mọi cám dỗ có thể tấn công chúng ta? Người hơi nghiêng đầu một chút, cuộc thử thách sẽ không còn đi xa hơn nữa, và các thiên thần trên trời sẽ đến để an ủi và giúp linh hồn trong đau đớn. Và khi ngươi ở dưới đáy vực sâu, và Người đã bác khước và bỏ rơi ngươi, và Người đã phó mặc ngươi cho sự chết và điều còn tệ hơn sự chết, Người vẫn chăm sóc linh hồn ngươi một các kín đáo, và đặt hoa trên khăn liệm ngươi và ngăn cản diều hâu lại gần ngươi.

“Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng” {26}.

Diligentibus Deum Omnia cooperantur in bonum. “Với những ai yêu mến Thiên Chúa, mọi sự sẽ hợp tác gây ích cho họ” {27}.

Lời cầu xin thứ sáu là lời cầu xin cho sự yếu đuối của chúng ta, lời cầu xin của một người biết mình yếu đuối và cầu xin để ngày nay không còn yếu đuối nữa, trong những giờ phút nguy hiểm, vốn là giờ phút của kẻ khốn cùng này ngày hôm nay.

Nó giữ gìn chúng ta khỏi rơi vào ngạo mạn. Nó là lời cầu xin cho được khiêm nhường (và sự khiêm nhường không biết dừng ở chỗ nào, mặc dù không có sự khiêm nhường thực sự nào mà lại không kèm theo sự hào hiệp).

Có một loại ngạo mạn chỉ có tính biểu kiến, bởi vì nó chỉ là một sự bùng nổ ngây thơ của tình yêu và sự tự tin. Chính vì thế, Thánh Vịnh gia đã xin được thử thách: "Lạy Chúa, xin dò xét và thử thách con, tâm can này, xin đem thử lửa” {28}. Và người ta nên nói gì về Giacôbê và Gioan? Không những họ buộc mẹ xin Chúa Giêsu cho họ được ngồi bên tay phải và tay trái trong vương quốc của Người{29}, hoặc trong vinh quang của Người {30} (với lời xin này, Chúa Giêsu trả lời: "Các con không biết điều các con xin"), nhưng khi Người hỏi họ,"các con có thể uống chén mà Thầy sắp uống không?" họ không sợ nhưng đã thưa với Người "Chúng con sẵn sàng uống”. Tuy nhiên, Chúa không quở trách họ vì điều này, nhưng đã nói: "Quả thực, các con sẽ uống chén của Thầy...". {31}

Nhưng sự ngạo mạn đích thực thì khá đắt giá. Tội nghiệp Phêrô! "Cho dù mọi người sẽ vấp phạm vì Thầy, con cũng sẽ không bao giờ vấp phạm ... Dù con phải chết với Thầy, con cũng sẽ không chối Thầy" {32}.

Vào giờ chiến đấu tối hậu, chúng ta phải cầu nguyện để khỏi rơi vào cơn cám dỗ; cơn cám dỗ luôn có nguy cơ vượt quá sức lực yếu ớt của chúng ta. Khi đến Vườn Ôliu, Chúa Giêsu "nói với họ, ‘hãy cầu nguyện để khỏi rơi vào cơn cám dỗ’"{33}. Và một lần nữa, khi Người thấy họ ngủ thiếp vì buồn bã : "Simon, con ngủ sao? Con không thể canh thức được một giờ hay sao? Hãy canh thức và cầu nguyện, kẻo sa vào cơn cám dỗ"{34}.

Người thực sự biết yếu điểm của mình sẽ không từ chối thử thách; họ không quên rằng giữa những phiền não và những cám dỗ tồi tệ nhất, Thiên Chúa luôn luôn giúp đỡ họ. Nhưng chính bản thân họ đã không tin tưởng; họ biết rằng một trò vặt vãnh đơn giản cũng đủ dẫn họ lạc lối, rằng họ có thể làm bất cứ hành vi hèn nhát và điên rồ nào, mọi sự mất ơn thánh nào {35}. Họ có tốt hơn Đavít, họ có tốt hơn Simong Phêrô không? Chỗ những vị này sa ngã, liệu họ có đứng vững được không? Và liệu họ có khóc lóc rồi trỗi dậy như các vị này hay không? Lạy Chúa, nếu Chúa đem con đến chỗ thử thách - với ơn trợ giúp của Chúa, con sẽ cố gắng tránh mọi sự sa ngã, và nếu Chúa muốn đi xa hơn, Chúa cứ đi, con sẽ không cố gắng trốn thoát. Nhưng con có sẽ hợp tác với ơn thánh của Chúa không? Con có sẽ không rơi vào hầm hố hay không? Chúa có nhận ra nỗi khốn cùng của con không? Lạy Chúa, đừng đem con vào cơn thử thách.



Ở đây, chúng ta tin rằng, trong mọi tính đa dạng và biến đổi nhưng hội tụ của chúng, là những cảm quan phức tạp của linh hồn tương ứng với lời cầu xin thứ sáu. Lời lẽ nào chính xác dịch được bản văn tiếng Hy Lạp mà từ đó lời cầu xin này đã đến với chúng ta? Đây không phải là một câu hỏi dễ dàng. Xét hết mọi điều (và ít nhất, theo ý kiến của những người có tư cách nhất để phán đoán) dường như điều chắc chắn thích hợp là dành ưu tiên cho công thức của bản dịch tiếng Do Thái: "Và đừng dẫn chúng con vào bàn tay thử thách".

Dù sao, ý nghĩa của lời cầu xin thứ sáu cũng khá rõ ràng. Đó là ý nghĩa, bằng cách sửa đổi chút đỉnh và kết hợp giữa công thức của Thánh Ambrôsiô {36} và công thức của Cha Lagrange {37}, người ta có thể phát biểu như sau: Đừng để chúng con bị thử thách hoặc cám dỗ mà chúng con không thể chịu đựng; Xin ơn quan Phòng của Chúa, luôn sẵn sàng nghe lời cầu nguyện của chúng con, không bao giờ để chúng con gặp những dịp tội lỗi quá nguy hiểm cho sự yếu đuối của chúng con.

_________________________________________________________________________________
{1}Mt 6:13; Lc 11:4
{2} M.J. Lagrange, Evang. selon saint Luc, p. 324, n. 4. -- Xem Evang. selon saint Matthieu, pp. 130-1, n 13
{3} Gcb 1:14.
{4} 1 Pr 5:8.
{5} Gcb 1:13.
{6} Huấn Ca 15:11 -- 12.
{7} Tertullianô, De Oratione, cap. 8, P.L., 1, 1164.
{8} Gcb 1:12.
{9} 1 Pr 4:13.
{10} Origène, De Oratione, 29 P.G., II, 532-3.
{11} Huấn Ca 34:10. Chính xác hơn: “ai không chịu thử thách, ít biết sự việc”.
{12} Gcb 1:2
{13} Thánh Cyriliô Thành Giêrusalem, Catéchèses mystagogiques, XVII, P.G., 33, 1121.
{14} Sum. theol., II-II, 83, 9.
{15} 2 Tm. 3:12.
{16} Mt. 5:11.
{17}Lc 22:28
{18} M. J. Lagrange, Evang. selon saint Luc, p. 551, n. 28.
{19} Kn 3:5-6.
{20} Tv. 66 (65):10-11.
{21} 1 Mcb. 2:52. – Trong Sách Tôbia, thiên thần Raphaen nói với Tôbia: “Và khi ngươi không ngại chỗi dậy bỏ dở bửa ăn để đi vùi chôn kẻ chết, và bấy giờ ta được sai đến để thử lòng ngươi” (Tb 12:13)
{22} Do đó, tư tưởng sêmitích, thường quan tâm trước hết tới các biến cố cụ thể, nên ít lưu ý tới sự phân biệt này giữa việc cho phép và việc muốn. Xem Đnl 13:4, nhân nói đến sự thử thách cám dỗ: “chính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), thử thách anh em cho biết anh em có yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ không”
{23} Thánh Cyprianô, De Orat. Domin., n. 25, P.L., 4, 536.
{24} Thánh Grêgôriô Cả, Moralium, lib. II, in cap. 1 Job; P.L., 75, 564.
{25} Charles Journet, Le Mal, p. 282.
{26} 1 Cor. 10:13.
{27} Rom. 8:28.
{28} Tv 26 (25) :2.
{29} Mt. 20:21.
{30} Mc 10:37.
{31} Mt. 20:23.
{32} Mt. 26:33-35.
{33} Lc 22:40.
{34} Mc 14:38.
{35} "Chúng ta biết rằng Chúa đã cân đo sức gió cho hợp với con chiên bị xén lông. Nên chúng tô cần xin Người, vì lòng tốt vô lượng của Người, đừng để chúng ta ngày nay phải gặp cơn cám dỗ lớn hơn khả năng chống đỡ của chúng ta; hoặc nếu Người muốn, xin Người tăng cường chúng ta bằng cách ban thêm ơn thánh của Người cho chúng ta. Và cũng xin Người đừng để chúng ta bị thử thách quá lớn đến độ mong nơi ta mọi điều Người có quyền đòi hỏi... Và xin Người xét đến sự yếu đuối của chúng ta” Charles Journet, Le Mal, p. 261.
{36} "Và chớ để chúng con bị dẫn vào cơn cám dỗ mà chúng con chịu đựng không nổi” De Sacram., lib. VI, n. 29, P.L., 16,454.
{37} Ơn Quan Phòng của Chúa, luôn sẵn sàng nghe lời chúng con cầu nguyện, đừng bao giờ phó mặc chúng con cho cạm bẫy của các dịp tội vốn đe dọa sự yếu đuối của chúng con”. L’Évangile de Notre-Seigneur Jésus-Christ, p.321

Kỳ sau: Chương 3, tiết 7: nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ