Ngày 15-11-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Di chúc của một Linh mục mới qua đời
LM Phaolô Đinh Huỳnh Hoa OFM
10:58 15/11/2010
Thiên Chúa là Tình Yêu

Địa giới, ngày khai mào thời gian vĩnh cửu

Chúa tốt lành đoái thương cho tôi những dấu hiệu để tôi chuẩn bị sẵn sàng chào đón Chúa khi Người đến gõ cửa. Tôi hết lòng cám ơn Chúa.

Tôi cám ơn Chúa vì Chúa ban cho tôi sự sống. Tôi cám ơn Chúa vì Chúa đã gọi tôi vào đời sống thánh hiến và chọn tôi làm linh mục của Chúa, của Hội Thánh, trong Dòng Anh Em Hèn Mọn, dù tôi bất xứng và đầy tội lỗi.

Tôi cám ơn Hội Dòng Anh Em Hèn Mọn và Tỉnh Dòng Việt Nam đã đón nhận, dạy dỗ, nâng đỡ tôi suốt từ khi tôi mười hai tuổi đến nay.

Tôi cám ơn Đức cha Batôlômêô Nguyễn Sơn Lâm đã truyền chức linh mục cho tôi trong thời điểm khó khăn đòi hỏi người phải liều lĩnh và sẵn sàng trả giá. Tôi thi hành chức năng thận trọng và phần lớn là âm thầm cho đến mười tám năm sau chính quyền Lâm Đồng mới cấp giấy công nhận chức năng linh mục của tôi!

Tôi cám ơn Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn và Giáo phận Đà Lạt thân yêu đã luôn tin tưởng và yêu thương tôi, tạo mọi thuận lợi để tôi sống và thi hành sứ vụ linh mục và tu sĩ trong Giáo phận suốt một thời gian dài ba mươi hai năm.

Tôi cám ơn cha mẹ, anh chị em, thân nhân và ân nhân đã đồng hành với tôi trong cuộc sống, hỗ trợ tôi bằng lời cầu nguyện, sự động viên và sự giúp đỡ cụ thể bằng vật chất nữa.

Tôi cám ơn anh chị em Phan sinh tại thế và Giới trẻ Phan sinh Việt nam về bao thiện chí, lòng quảng đại và gương sáng của anh chị em.

Tôi chỉ là một chiếc bình sành dễ vỡ, một đầy tớ vô dụng, một linh mục thấp hèn, chưa đáp ứng đủ những gì Chúa, Hội Thánh, Hội Dòng Anh Em Hèn Mọn, quí Đức cha, quí cha và toàn thể anh chị em mong đợi. Tôi xin lỗi Chúa, và mọi người. Xin thứ tha cho tôi các lầm lỗi, thiếu sót, những gương mù gương xấu và bao cớ vấp phạm.

Tôi biết chị Chết luôn chờ xác thịt, xưa nay chưa ai thoát bàn tay Chị. Tôi hy vọng Chị dịu dàng với tôi. Tôi không sợ Chị, vì Chị là Chị Chết thứ nhất đến với tôi. Noi gương Cha thánh Phanxicô, tôi xin mời Chị đến.

Tôi muốn rời thế gian nhẹ nhàng như khi vào thế gian. Tôi không nợ ai về vật chất, chỉ nợ lòng thương mến mà thôi. Tôi tha thứ cho mọi người về mọi sự, nếu có ai đó nghĩ rằng họ có lỗi với tôi.

Tôi không dám nói là tôi đã làm xong nhiệm vụ của tôi, nhưng tôi hài lòng về cuộc đời của tôi, về những gì tốt lành tôi đã làm. Chúa dùng tôi đến đâu, tôi “xin vâng” đến đó. Điều quan trọng đối với tôi lúc này, đó là khi tôi nói lên: “Trong tay Ngài, con xin phó thác hồn con”, tôi được nghe tiếng đáp lại: “Hỡi tôi tớ trung thành trong những việc nhỏ…” Vâng, hạnh phúc biết bao khi nhắm mắt lìa đời, tôi được Chúa nhân từ, bao dung, huệ ái, ghé nhìn, đôi môi mỉm cười và nói với tôi: “Đây là thế giới mới của con!”

Lạy Chúa, nguyện Danh Ngài được tôn vinh! Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Kinh Thánh - Từ 16 Đến 30 Thánh 11 - 2010
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
15:43 15/11/2010
MỖI NGÀY MỘT CÂU KINH THÁNH

Từ ngày16 đến 30-11-2010

Ngày 16-11-10: Mầu nhiệm đó là: trong Đức Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nhập với người Do thái, cùng làm thành một thân thể, và cùng chia sẻ…(Ep 3, 6) * Nhờ phép rửa và Tin mừng của Chúa Giêsu, mà hôm nay tôi được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa, là dân thánh, là hàng tư tế thánh.

Ngày 17-11-10: Tôi đã trở nên người phục vụ Tin Mừng đó, nhờ ân sủng đặc biệt Thiên Chúa ban cho tôi, khi Người thi thố quyền năng của Người. (Ep 3, 7) * Hôm nay tôi được phục vụ dân Chúa trong Hội Thánh là đặc ân Chúa ban tặng, để tôi nhớ là tôi tớ của Người.

Ngày 18-11-10: Tôi là kẻ rốt hết trong toàn thể các thánh, thế mà Thiên Chúa đã ban cho tôi ân sủng này là loan báo cho các dân ngoại Tin Mừng về sự phong phú khôn lường của Đức Kitô. (Ep 3, 8) * Các thánh là các Tín hữu mà Phaolô xưng mình là kẻ rốt hết. Tôi hết lòng phục vụ anh em là rao giảng Tin Mừng Chúa trao cho tha nhân.

Ngày 19-11-10: Vả lại, thưa anh em, anh em hãy vui mừng vì Chúa. Viết đi viết lại cho anh em cũng bấy nhiêu điều…(Pl 3, 1) * Khi tôi được vui mừng là do Chúa Thánh Linh tác động, không phải do nghi lễ bên ngoài do con người đặt ra. Tôi được tự do đến với Chúa.

Ngày 20-11-10: Anh em hãy coi chừng quân chó má !. Hãy coi chừng bọn thợ xấu ! Hãy coi chừng những kẻ giả danh cắt bì. (Pl 3, 2) * Phaolô dùng hai cụm từ “quân chó má” và để chỉ những người Do thái quá khích. Tôi cần xét mình là hang người nào, để đổi mới cách cắt bì tâm hồn của Chúa Kitô chứ không phải cắt bì thể xác.

Ngày 21-11-10: Vì chúng ta mới thật là những người được cắt bì, người được thờ phượng Thiên Chúa nhờ Thần Khí của Người…chứ không cậy vào xác thịt. (Pl 3, 3 ) * Chúa Thánh Thần thanh tẩy và dẫn dắt tôi sống theo sự công chính của Người. Vì xác thịt là sự chết, chính Thần Khí mới làm cho sống, chứ xác thịt nào ích chi !?

Ngày 22-11-10: Anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hóa, để được ơn thông hiểu. (Cl 3, 10) * Con người cũ là tội lỗi và những đam mê xấu, con người mới là người đã thay đổi, là cùng chết và phục sinh với Chúa.

Ngày 23-11-10: Vậy không còn phải phân biệt Hy lạp hay Do thái, cắt bì hay không cắt bì, man ri, mọi rợ, nô lệ, tự do; nhưng chỉ có Đức Kitô là tất cả và ở trong mọi người. (Cl 3, 11) * Con người mới mà Đức Kitô đã thanh tẩy qua phép rửa gồm đủ mọi loại người. Nên bạn không nên phân biệt văn hoá giai cấp, vì họ được bình đẳng trong Đức Kitô. Vậy tất cả đều là anh em do Thiên Chúa tạo thành.

Ngày 24-11-10: Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển chọn, hiến thánh và yêu thương. Vì thế anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. (Cl 3, 12) * Những nhân đức mà Phaolô kể trên là do hoa quả của Thánh Thần ban cho. Tôi hãy để Ngài làm cho tôi nên giống hình ảnh của Chúa.

Ngày 25-11-10: Khi người ta nói: “Bình an biết bao, yên ổn biết bao!” thì lúc ấy tại hoạ thình lình ập xuống, tựa con đau chuyển bụng của bà có thai, chẳng có ai trốn thoát được. (1 Tx 5, 3) * Đúng thế, sóng thần, núi lửa…cùng bao nhiêu biến cố khác mới xảy ra đây..Nhắc tôi tỉnh thức sửa đổi lỗi lầm và cầu nguyện không ngừng.

Ngày 26-11-10: Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về ban đêm, cũng không thuộc về bóng tôí. (1 Tx 5, 5) * Con cái ánh sáng là biết nghe và thực hành Lời Chúa, có Chúa Thánh Linh và Hội thánh dẫn dắt. Tôi hãy hành động một cách minh bạch, rõ ràng, không mờ ám, riêng tư, trục lợi…

Ngày 27-11-10: Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác; nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ. ( 1 Tx 5, 6) * Sống không ngủ mê là lo làm việc bác ái, tránh đam mê vật chất, Tham-Sân-Si quá.

Ngày 28-11-10: Lời tố cáo các kỳ mục, anh đừng chấp nhận, trừ phi có hai hoặc ba nhân chứng. (1 Tm 5, 19) * Thánh Phaolô khuyên nên tôi nên thận trọng khi nghe những người trong cộng đoàn nói xấu nhau, khi chưa thấy có bằng chứng cụ thể. Tôi cần dè dặt, cẩn thận.

Ngày 29-11-10:Trước mặt Thiên Chúa, trước mặt Đức Kitô Giêsu và các thiên thần được tuyển chọn, tôi tha thiết khuyên anh giữ các điều ấy một cách vô tư, không làm gì vì thiên vị. (1 Tm 5, 21) * Thiên thần được tuyển chọn là các thiên sứ, nên tôi phải cư xử cho đúng tác phong một người hướng dẫn công đoàn là tuyệt đối không thiên tư.

Ngày 30-11-10: Anh đừng vội đặt tay trên ai, đừng cộng tác vào tội lỗi của người khác. Hãy giữ mình trong sạch. (1 Tm 5, 22) * Phaolô khuyên ông Timôthê và cũng nhắc tôi cần có giờ cầu nguyện, xem xét kỹ tác phong của người sẽ tuyển chọn phục vụ Hội Thánh. Đừng vội làm vì tư lợi, tình cảm bất chính, gây lộn xộn Cộng đoàn.

Phó tế: GB. Maria Nguyễn Định * johndvn@yahoo.com
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:03 15/11/2010
BIỂN DÂU

N2T


Trong truyền thuyết, có một tiên nhân tên là Vương Phương Bình, một hôm ông ta đến làm khách ở nhà Thái Kinh, bỗng ông ta nghĩ đến mình cùng với Ma Cô tiên nữ không gặp nhau đã năm trăm năm rồi, thế là ông ta bèn mời Ma Cô tiên nữ đến cùng làm khách.

Trong bàn tiệc, Ma Cô tiên nữ cảm khái nói: “Từ khi tôi đắc đạo, nhận mệnh của trời cho đến nay, tận mắt nhìn thấy đông hải (1) ba lần biển dâu. Lần này đi đến Bồng Lai (2) thị sát thì cảm thấy nước biển quá ít so với lần trước, đại khái là sắp trở thành đất liền”.

Sau đó họ nói qua một vài tình hình sau khi ly biệt, đợi sau khi yến tiệc kết thúc, thì ai nấy chuẩn bị xe ngựa từ từ bay lên không trung.

(Thần tiên truyện)

Suy tư:

Biển dâu là sự biến đổi tình hình của xã hội loài người, hoặc sự thay đổi trong cuộc sống của mỗi người.

Có người rời quê nhà mấy chục năm, nay về lại thì thấy cuộc đời biển dâu thay đổi nhanh chóng không tìm lại ký ức kỷ niệm thời xưa ấu; có người mấy chục năm mới gặp lại bạn bè, thấy bạn tóc bạc răng rụng còn mấy cái, thì cảm thấy cuộc đời biển dâu xáo trộn vô chừng...

Cuộc sống của người Ki-tô hữu cũng có lúc thay đổi như biển dâu, trước đây vì hoàn cảnh khó khăn nên ngày ngày đến nhà thờ cầu nguyện dâng thánh lễ để cầu xin, nay việc làm đã có, vật chất tiền bạc không thiếu, thì ngày càng xa cách nhà thờ, xa cách Chúa và Mẹ, xa cách luôn cả những người bạn đã cùng chia ngọt xẻ bùi với mình.

Trung thành với tín ngưỡng và đức tin của mình, thì dù cho cuộc sống có thay đổi, dù cho cuộc đời lắm nỗi gian truân, thì người Ki-tô hữu cũng vẫn cứ luôn đi theo Chúa đến cùng, bởi vì họ biết rằng cuộc đời dù có thay đổi thế nào chăng nữa, thì Thiên Chúa vẫn cứ là Thiên Chúa toàn năng, nhân từ và yêu thương không bao giờ thay đổi.

(1) Đông hải còn gọi là biển xanh.

(2) Bồng Lai theo truyền thuyết là đảo tiên ở đông hải.

------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:05 15/11/2010
Chương 30:

HƯ VINH



“Chúng ta đừng có tìm hư danh, đừng khiêu khích nhau, đừng ganh tỵ nhau”. (G 5, 26)

N2T


1. Hư vinh hại người thì giống như mũi tên vậy, mũi tên vừa nhỏ vừa nhẹ, bắn ra thì phiêu phiêu lướt nhẹ, nhìn thì rất mềm mại, nhưng không biết rằng nó có thể đâm thâu qua xương cốt, trong chớp mắt, con người liền tuyệt mạng.

(Thánh Bernard)
 
Hãy tôn trọng nhau trong Chúa
Tuyết Mai
23:53 15/11/2010
"Càng cao trí tuệ, càng cao ngạo nhiều" là cá tánh rất thường tình của nhiều anh chị em đối xử rất khiếm nhã với nhau. Tôi không hiểu tại sao có rất nhiều người cứ phải xỉ nhục hay coi thường người đối diện, trong từng câu nói của họ, và trước mặt mọi người?. Có phải đó là lề luật bất bình thường của những con người tham sĩ diện muốn cho được nổi nang trước đám đông chăng? Chứng minh cho mọi người thấy rằng họ có quyền làm thế vì họ có vai vế và là người quan trọng trong xã hội; mà bất cứ ai cũng phải chấp nhận lối nói hay đối thoại với người một cách xống xược và chói tai của họ như thế?. Quả thật trường đời thường thì như thế đấy thưa anh chị em!. Những con người này chúng ta thường thấy trong đám đông họ thích được làm cho họ nổi nang hơn, là người quan trọng nhất trong một buổi họp hay một buổi tiệc. Rất nhiều khi họ muốn được nhiều người để ý tới (chỉ mình họ thôi!) cho nên bất kỳ câu nói gì, khôi hài, nghiêm trọng, hay một hành động gì của họ, xem ra rất là lố lăng, bất lịch sự, thô lỗ, và thiếu sự khiêm tốn tối thiểu. Có phải vì những con người này họ thiếu bản lãnh và thiếu tự tin hay không??.

"Hạ người là hạ chính mình", tôi thấy rất đúng vì tư cách của một người đáng kính trọng và được nhiều người nể nang, thường hãy nâng người anh chị em thấp kém của mình lên, để chính mình cũng được thiên hạ nâng lên, vì có phải chức phận, vai vế, và quyền hành, đã nằm trong tay của mình, thì không cớ gì phải hành xử một cách hà khắc, bạo lực, bạo tàn, với người anh chị em dưới mình. Trước mặt mọi người và trước mặt Thiên Chúa, thì người ấy mới đáng được khen thưởng. Vì anh đã biết hạ mình xuống và khiêm nhường trước mặt mọi người, và là một chuyện làm rất hiếm thấy ở nơi một con người có quyền cao chức trọng.

Anh có học, có bằng cấp cao, có tiền của nhiều, quyền cao chức trọng, anh cũng không được người đời nể trọng đâu thưa anh! Vì sao? Vì thật ra tất cả những gì anh đang có, chỉ có một mình anh hay gia đình anh đang tận hưởng đấy thôi! Chứ có mấy ai nhờ vả gì được anh đâu! Cũng chẳng mấy ai thèm đến vay nợ nhà anh, do đó sự lố lăng quá đáng của anh chỉ làm cho người đời cười chê, dè biểu; và tiếc quá cho một con người cả đời chỉ biết sống ích kỷ, chỉ biết tom góp cho chính mình. Tiếc quá cho một con người có học mà có tư cách của một con người ngoài chợ hay băng đảng ngoài đời. Lẽ ra công trình học tập của anh, đi theo sự giáo huấn của cha mẹ anh, phải làm cho anh trở thành một con người giúp ích cho chính anh, gia đình, xã hội, và cho tổ quốc của anh chứ!. Lẽ ra với những cố gắng, với số vốn cha mẹ anh bỏ ra, và thành quả của anh sẽ giúp anh trở thành một con người hữu dụng và trở nên thánh hơn trong một xã hội mà thành phần nghèo nhiều hơn giầu, xấu xa nhiều hơn tốt lành này chứ!?. Vâng, thật là tiếc quá!!!.

Trong cách xử sự giữa con người với nhau, hằng ngày cho tôi thấy có rất nhiều anh chị em quả xem trời và người không có ký lô gram nào cả!. Học cao có bằng cấp cao thì đã là gì chứ!? Anh học cao nhưng còn nhiều người học cao hơn anh nữa cơ mà! Cớ gì mà anh phải chứng minh cái học cao hiểu rộng đó của anh mà đi khinh rẻ anh chị em của mình? Cái hay của anh nó nằm trong khuôn khổ trong luật lệ bắt anh phải theo, vì đó là những gì anh được học và đem ra thực hành, nhưng đâu phải thế rồi anh chê bai khinh rẻ và coi thường anh chị em của mình, khi Chúa ban cho họ một tài năng riêng, một cá tánh riêng, và một chương trình riêng Chúa đã sắp đặt và dành sẵn cho họ. Thay vì anh cũng phải cảm ơn Thiên Chúa cho họ tuy dù rằng họ nghèo, thiếu cái ăn cái mặc, thất học, nhưng họ tự tay làm hàm nhai mà không là ung nhọt và là thành phần ăn bám của xã hội; chẳng lẽ thế rồi anh ghen cả những gì Chúa ban cho họ hằng ngày dùng đủ hay sao? Chẳng lẽ anh lại ghen với lòng thương xót của Chúa đối với những người thấp kém hơn anh sao?. Thế thì anh nhỏ bé và tội nghiệp quá!

Nếu ai tự cho mình là hay là giỏi thì trước hết hãy xấp mình cảm tạ Thiên Chúa ban cho ta được có cơ hội được sinh ra trong một gia đình giầu có, đi học có xe đưa xe rước, có kẻ ăn người hầu, có của cha mẹ để sẵn cho mà cả đời ăn không hết; mà có chắc của cha mẹ anh là của làm ra trong lương thiện?. Kế đến anh có được chức vụ và quyền hành dù anh đang sống ở đâu chăng nữa, anh cũng nên nhớ rằng đó là ơn ban của Chúa dành cho riêng anh, thì cũng phải nhớ mà san sẻ với những nơi khốn cùng và tất cả anh chị em có nhu cầu.

Cùng là con cái Chúa nhân lành, Ngài ban cho mỗi người những nén bạc khác nhau, và rồi Ngài sẽ đòi lại nơi từng người một cho tương xứng với những gì Ngài đã ban ơn. Chúa ban cho riêng anh đến 10 nén bạc, thật đó là điều bất hạnh cho anh, vì Chúa sẽ đòi lại nhiều nếu anh bây giờ không biết ra sức tu tâm tu đức làm việc bác ái cho thật nhiều. Còn nếu Chúa ban cho anh 5 hay 2 nén bạc thì cũng còn là điều khốn khó cho anh, vì nếu anh không lo làm ăn cho có lợi để trả cho Chúa phần lời thì anh cũng là phường vô dụng trước mặt Chúa. Còn chúng tôi vì là phận hèn trước mặt Chúa, nên Chúa chỉ ban cho có 1 nén bạc, nhưng hiểu được rằng Ngài ban cho chúng tôi có một chương trình riêng biệt cho những ai có khả năng và vốn liếng chỉ vỏn vẹn bấy nhiêu; và biết rằng Ngài rất nhân từ không nỡ đòi hỏi nơi chúng tôi nhiều hơn khi chúng tôi thật là người vô dụng và là tật nguyền của Chúa, so với những anh chị em khác có nhiều tài năng trội hơn chúng tôi.

Điều mà chúng ta ai cũng được nghe qua là nếu chúng ta không muốn người khác làm cho chúng ta những điều xấu và không tốt lành, thì chúng ta cũng chớ làm cho người phải đau khổ. Nhất là mắng nhiếc, xỉ nhục người, trong tư cách chủ và tớ trước mặt mọi người, là điều không nên và không phải là con cái Thiên Chúa đâu!. Người giầu có trong bài Tin Mừng và anh nghèo ghẻ chốc Lazarô kia dậy cho chúng ta bài học là sống phải biết xót thương. Anh nhà giầu có kia phải sa hỏa ngục chỉ vì anh lơ đãng, thờ ơ, và vô tình; thử hỏi nếu chúng ta là những con người giầu có mà còn sử xự tệ hơn anh nhà giầu có kia, thì tội lỗi của chúng ta phải chịu ở đời sau còn kinh hồn như thế nào nữa đây???.

Những lời nói "ác ý" của chúng ta thường trao cho nhau là những lời lẽ mang lại sự đau đớn và nặng lòng biết bao, chẳng khác nào như con dao không lưỡi, nó cắt từng thớ thịt của chúng ta. Giết người không cần gươm đao chỉ vì những lời nói độc địa từ trong con người của chúng ta chúng phun ra như rắn như rết vậy!. Có phải một lời nói tốt lành sẽ giúp chúng ta trở thành thánh; còn một lời nói chua ngoa độc địa và gian ác sẽ biến chúng ta thành những môn đệ của ma quỷ và nơi chúng ta đến sẽ là hỏa ngục đời đời??.

Ước gì chúng ta học hỏi Lời Chúa Hằng Sống mà bắt chước theo gương sống của Thầy Chí Thánh rất nhân lành của chúng ta là Đức Chúa Giêsu Kitô; một mẫu gương sống động rất hiền lành, nhân hậu, bác ái, trung tín, hy sinh cả mạng sống mình cho người mình yêu là nhân loại vô cùng tội lỗi bất xứng của chúng ta đây!.

Lậy Chúa Giêsu! Chúng con tạ ơn Chúa cho hằng ngày dùng đủ, sức khoẻ, và bình an trong tình yêu thương của Ba Ngôi Thiên Chúa, luôn hiện hữu và ngự trị trong trái tim của chúng con. Biết đem tình yêu Chúa san sẻ cho mọi người cùng khốn, và giới thiệu Chúa đến cho những ai chưa từng biết Chúa qua cuộc sống yêu thương, khiêm nhường, bác ái, hy sinh, và tha thứ, của chúng con; để tội lỗi của chúng con cũng được Chúa tha thứ. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tông huấn Verbum Dei về Lời Chúa trong Đời sống và Sứ vụ Hội thánh (1)
Phaolô Phạm Xuân Khôi dịch
11:41 15/11/2010
TÔNG HUẤN HẬU THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC
VERBUM DOMINI
CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI
VỀ LỜI CHÚA TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ HỘI THÁNH


VÀO ĐỀ

1. “Lời Chúa tồn tại đến muôn đời. Lời này là Tin Mừng mà tôi rao giảng cho anh em” (1 Phr 1:25; x. Is 40:8). Với quả quyết này từ Thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô, trích từ lời Ngôn Sứ Isaia, chúng ta tự đặt mình trước mầu nhiệm của Thiên Chúa, là Đấng tự tỏ mình ra qua hồng ân Lời Ngài. Lời này là Lời tồn tại đến muôn đời, đã đi vào thời gian. Thiên Chúa đã nói Lời muôn thủa của Ngài cách nhân loại; Lời Ngài “trở thành nhục thể” (Ga 1:14). Đây là Tin Mừng. Đây là lời rao giảng đã đến với chúng ta qua nhiều kỷ nguyên. Thượng Hội Đồng Giám Mục Thường Lệ kỳ thứ 12, được tổ chức tại Vatican từ ngày mùng 5 đến 26 tháng 10 năm 2008, đã có chủ đề là: Lời Chúa trong Đời Sống và Sứ Vụ Hội Thánh. Đó là một kinh nghiệm sâu sắc trong cuộc gặp gỡ Đức Kitô, Lời của Chúa Cha, là Đấng ở bất cứ nơi nào có hai hay ba người hợp lại nhân danh Người (x. Mt 18:20). Với Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng này, tôi sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của các Nghị Phụ là cho toàn thể Dân Thiên Chúa biết những thành quả phong phú phát sinh từ những khóa họp của Thượng Hội Đồng và những đề nghị là kết quả của những cố gắng chung của chúng ta.1 Vì vậy, tôi dự định duyệt xét lại công việc của Thượng Hội Đồng trong ánh sáng của các tài liệu của nó: Lineamenta, Instrumentum Laboris, Relationes ante và post disceptationem, các bài phát biểu, cả những bài được trình bày trước thềm Thượng Hội Đồng cũng như những bài dưới dạng văn viết, các báo cáo của những cuộc thảo luận nhóm nhỏ, Sứ Điệp Cuối Cùng dành cho Dân Chúa và, trên hết, một số đề nghị đặc biệt (Propositiones) mà các Nghị Phụ đã coi là rất quan trọng. Bằng cách này, tôi muốn vạch ra một số tiếp cận cơ bản cho một khám phá về Lời Chúa trong đời sống của Hội Thánh như là một mạch suối của sự canh tân liên tục. Đờng thời cũng trình bày hy vọng của tôi rằng Lời sẽ càng ngày càng trở nên trọng tâm mọi hoạt động hội thánh.
Để niềm vui của chúng ta được nên trọn

2. Trước hết tôi muốn nhắc lại vẻ đẹp và niềm vui của cuộc gặp gỡ mới với Đức Chúa Giêsu Kitô mà chúng ta đã cảm nghiệm trong khóa họp Thượng Hội Đồng. Khi ấy, trong sự hiệp thông với các Nghị Phụ, tôi đã nói với tất cả các tín hữu bằng lời của Thánh Gioan trong Thư Thứ Nhất của ngài: “chúng tôi công bố cho anh em sự sống đời đời, là sự sống đã ở cùng Chúa Cha và đã được tỏ ra cho chúng tôi. - điều mà chúng tôi đã thấy và đã nghe, thì chúng tôi công bố cho anh em, để anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà sự hiệp thông của chúng ta là hiệp thông với Chúa Cha và với Con của Ngài, là Ðức Chúa Giêsu Kitô”, (1 Jn 1:2-3). Thánh Tông Đồ nói cho chúng ta về nghe, thấy, chạm đến và nhìn lên (cf. 1 Ga 1:1) Lời ban Sự Sống, vì chính sự sống được biểu lộ trong Đức Kitô. Được mời gọi để hiệp thông với Thiên Chúa và giữa chúng ta với nhau, chúng ta phải rao giảng hồng ân này. Từ quan điểm công bố tin mừng này, khóa họp Thượng Hội Đồng Giám Mục đã là một bằng chứng, trước Hội Thánh và trước thế gian, về vẻ đẹp vô biên được gặp gỡ Lời Thiên Chúa trong sự hiệp thông của Hội Thánh. Vì lý do này mà tôi khuyến khích tất cả các tín hữu canh tân cuộc gặp gỡ cá nhân và công đoàn với Đức Kitô, Lời Ban Sự Sống được trở nên hữu hình, và trở thành những sứ giả của Người, ngõ hầu hồng ân sự sống của Thiên Chúa - sự hiệp thông - có thể lan tràn đầy đủ hơn bao giờ hết trên toàn thế giới. Thật vậy, được thông phần vào sự sống của Thiên Chúa, một Thiên Chúa Ba Ngôi của tình yêu, là niềm vui hoàn toàn (x. 1 Ga 1:4). Và đó là hồng ân và cũng là một nhiệm vụ không thể trốn tránh được của Hội Thánh để thông truyền niềm vui ấy, niềm vui phát sinh từ một cuộc gặp gỡ con người Đức Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa ở giữa chúng ta. Trong một thế giới thường coi Thiên Chúa là không cần thiết hoặc xa lạ, chúng ta tuyên xưng cùng Thánh Phêrô rằng chỉ một mình Người “có Lời ban sự sống đời đời” (Ga 6:68). Không có một ưu tiên nào lớn hơn điều này: là giúp dân của thời đại chúng ta một lần nữa được gặp gỡ Thiên Chúa, một Thiên Chúa nói với chúng ta và chia sẻ tình yêu của Ngài để chúng ta có thể có một cuộc sống sung mãn (x. Ga 10:10).

Từ “Dei Verbum” đến Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Chúa

3. Với Thượng Hội Đồng Giám Mục Thường Lệ kỳ thứ mười hai về Lời Chúa, chúng tôi đã ý thức về việc chọn một chủ đề, theo một nghĩa nào đó, cũng là trọng tâm của đời sống Kitô hữu, tiếp theo Thượng Hội Đồng trước đây về Thánh Thể như Nguồn Mạch và Tột Đỉnh Đời sống và sứ mệnh của Hội Thánh. Thật vậy, Hội Thánh được xây dựng trên Lời Chúa, được sinh ra từ và sống bởi Lời ấy.2 Trong suốt lịch sử của mình, Dân Thiên Chúa đã luôn luôn tìm thấy sức mạnh trong Lời Chúa, và ngày nay cũng thế, các cộng đồng giáo hội phát triển bằng cách lắng nghe, cử hành và học hỏi Lời ấy. Phải thừa nhận rằng trong những thập niên gần đây, đời sống Hội Thánh đã phát triển cách nhạy cảm hơn với chủ đề này, đặc biệt là với mặc khải Kitô giáo, Truyền Thống sống động và Thánh Kinh. Bắt đầu với triều đại của của Đức Thánh Cha Lêo XIII, chúng ta có thể nói rằng đã có một sự lớn mạnh dần dần của những can thiệp nhằm gia tăng ý thức về tầm quan trọng của Lời Chúa và việc nghiên cứu Thánh Kinh trong đời sống Hội Thánh,3 đạt đến cao điểm ở Công đồng Vaticanô II và đặc biệt là trong việc ban hành Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum. Biến cố thứ nhì đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử của Hội Thánh: “Các Nghị Phụ. .. thừa nhận với lòng biết ơn các lợi ích lớn lao mà tài liệu này đã mang đến cho đời sống Hội Thánh, trên bình diện chú giải, thần học, tâm linh, mục vụ và đại kết”4 Những năm ở giữa cũng đã chứng kiến một ý thức càng ngày càng gia tăng “trong phạm vi hiểu biết về Ba Ngôi và lịch sử cứu độ của mặc khải”5 dựa trên đó Đức Chúa Giêsu Kitô được công nhận như “Đấng Trung Gian và sự viên mãn của tất cả các Mặc Khải”6 Đối với mỗi thế hệ, Hội Thánh không ngừng rao giảng rằng Đức Kitô “qua tất cả sự hiện diện và tự tỏ mình ra của Người, qua các lời nói và việc làm, các dấu chỉ và phép lạ của Người, nhưng trên hết là qua cái chết và sự sống lại từ cõi chết của Người, và cuối cùng là qua việc sai Thần Chân Lý của Người xuống, đã làm trọn và hoàn hảo hóa Mặc Khải”.7
Mọi người đều nhận thức được sự thúc đẩy rất lớn mà Hiến Chế Tín Lý Dei Verbum đã đem lại cho việc phục hồi quan tâm đến lời của Chúa trong đời sống Hội Thánh, cho những suy tư thần học về Mặc Khải của Thiên Chúa và cho việc nghiên cứu Thánh Kinh. Trong bốn mươi năm qua, Huấn Quyền của Hội Thánh cũng đã phát hành rất nhiều công bố về những vấn đề này.8 Qua việc mừng Thượng Hội Đồng này, Hội Thánh, ý thức về cuộc hành trình tiếp tục của mình dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, cảm thấy được mời gọi để suy niệm về chủ đề Lời Chúa, để xét lại việc áp dụng các chỉ thị của Công Đồng, và để đương đầu với những thách thức mới mà thời đại hiện tại đặt ra trước các tín hữu Kitô giáo.

Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Chúa

4. Trong Thượng Hội Đồng Giám Mục thứ mười hai, các Giám mục từ khắp nơi trên thế giới quây quần chung quanh Lời Chúa và đặt một cách tượng trưng bản văn Thánh Kinh ở trung tâm của hội đồng, để nhấn mạnh một lần nữa điều mà chúng ta có nguy cơ coi thường trong cuộc sống thường nhật: một sự thật là Thiên Chúa nói [với chúng ta] và trả lời những thắc mắc của chúng ta.9 Chúng tôi cùng nhau lắng nghe và cử hành Lời Chúa. Chúng tôi kể lại cho nhau tất cả những gì Chúa đang làm ở giữa Dân Chúa, và chúng tôi chia sẻ những hy vọng cùng những quan tâm của chúng tôi. Tất cả điều này làm cho chúng tôi nhận ra rằng chúng ta chỉ có thể đào sâu sự liên hệ của chúng ta với Lời Chúa trong cái "chúng ta" của Hội Thánh, trong sự lắng nghe và chấp nhận lẫn nhau. Do đó chúng tôi tỏ lòng biết ơn vì những chứng từ về cuộc sống của Hội Thánh trong các phần khác nhau của thế giới, được nói lên từ những đóng góp khác nhau trên sàn. Cũng thật cảm động khi nghe các đại biểu huynh đệ, những người chấp nhận lời mời của chúng tôi để tham gia vào các cuộc họp của Thượng Hội Đồng. Tôi đặc biệt nghĩ đến bài suy niệm của Đức Thượng Phụ Giáo Chủ Constantinople, Đức Bartholomaios I, vì điều ấy mà các Nghị Phụ bày tỏ lòng biết ơn sâu xa.10 Hơn nữa, lần đầu tiên, Thượng Hội Đồng Giám Mục cũng mời một giáo sĩ Do thái để cung cấp cho chúng ta một chứng từ quý giá về Thánh Kinh Do Thái, cũng là một phần của Thánh Kinh của chúng ta.11

Bằng cách này chúng ta có thể nhìn nhận với niềm vui và lòng biết ơn rằng “trong Hội Thánh cũng có một Lễ Ngũ Tuần hôm nay - nói cách khác, Hội Thánh nói bằng nhiều ngôn ngữ, và không chỉ bề ngoài, theo nghĩa là tất cả các ngôn ngữ tuyệt vời của thế giới là đại diện trong ấy, nhưng sâu sắc hơn, vì trong Hội Thánh có những cách khác nhau để cảm nghiệm Thiên Chúa và thế gian, sự phong phú của các nền văn hóa, và chỉ bằng cách này, chúng ta có thể thấy sự bao la của những kinh nghiệm của con người và, kết cuộc là, sự bao la của Lời Chúa”.12 Chúng tôi cũng có thể nhìn thấy một lễ Hiện Xuống liên tục; nhiều dân tộc khác nhau vẫn đang chờ đợi Lời Chúa được công bố bằng ngôn ngữ và trong nền văn hóa riêng của họ.

Làm sao mà tôi không thể không nhắc đến rằng trong Thượng Hội Đồng chúng tôi đã được đồng hành với chứng từ của Thánh Tông Đồ Phaolô! Thật là một điều được Thiên Chúa quan phòng là Thượng Hội Đồng Thường Lệ kỳ thứ mười hai đã xảy ra trong năm dành riêng để kính vị Tông Đồ Dân Ngoại vĩ đại đúng vào dịp kỷ niệm hai ngàn năm sinh nhật của ngài. Cuộc đời của Thánh Phaolô đã hoàn toàn đánh dấu bằng lòng nhiệt thành đối với việc rao truyền Lời Chúa. Làm sao mà chúng ta không thể động lòng vì những lời sống động của ngài về sứ vụ của mình như một nhà thuyết giảng Lời Chúa: “Tôi làm mọi sự cho Tin Mừng” (1 Cor 9:23), hoặc, như ngài viết trong Thư gửi tín hữu Rôma: “Tôi không xấu hổ vì Tin Mừng, đó là quyền năng của Thiên Chúa để cứu độ những ai có đức tin” (1:16). Bất cứ khi nào chúng ta suy niệm Lời Chúa trong đời sống và sứ vụ Hội Thánh, chúng ta không thể không nghĩ đến Thánh Phaolô và cuộc đời của ngài đã dành cho việc truyền bá sứ điệp cứu độ trong Đức Kitô cho mọi dân tộc.

Lời Mở Đầu của Tin Mừng Thánh Gioan như một hướng dẫn.

5. Với Tông Huấn này tôi muốn công việc của Thượng Hội Đồng có một ảnh hưởng thực sự trên đời sống của Hội Thánh: trên mối quan hệ cá nhân của chúng ta với Thánh Kinh, trên việc giải thích Thánh Kinh trong phụng vụ và dạy giáo lý, và trong các nghiên cứu khoa học, để Thánh Kinh có thể không chỉ đơn thuần là một lời trong quá khứ, nhưng là một lời linh hoạt và hợp thời. Để hoàn thành điều này, tôi muốn trình bày và khai triển lao công của Thượng Hội Đồng bằng cách liên tục nhắc đến Lời Mở Đầu của Tin Mừng Thánh Gioan (Ga 1:1-18), là điều cho chúng ta biết nền tảng của cuộc đời chúng ta là: Ngôi Lời, Đấng từ nguyên thủy đã ở cùng Thiên Chúa, Đấng đã trở thành nhục thể và ở giữa chúng ta (x. Ga 1:14). Đây là một văn bản mỹ lệ, một bản văn cung cấp một sự tổng hợp của toàn bộ đức tin Kitô giáo. Từ kinh nghiệm cá nhân đã từng gặp và đi theo Đức Kitô của mình, Thánh Gioan, người mà truyền thống xác định là “người môn đệ được Chúa Giêsu yêu” (Ga 13:23, 20:02, 21:07, 20), đã đi đến một điều chắc chắn sâu xa: “Chúa Giêsu là Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa nhập thể, Người là Lời vĩnh cửu đã trở thành một người hay chết.”13 Chớ gì Thánh Gioan là đấng “đã thấy và đã tin” (x. Ga 20:08) cũng giúp chúng ta dựa vào ngực Đức Kitô (x. Ga 13:25), nguồn mạch của máu và nước (x. Ga 19:34), là những biểu tượng của các bí tích của Hội Thánh. Theo gương Thánh Tông Đồ Gioan và các tác giả được linh hứng khác, nguyện xin cho chúng ta có thể để cho mình được Chúa Thánh Thần dẫn dắt đến một khả năng yêu mến Lời Chúa mỗi ngày một hơn.

Chú thích
1 Cf. Propositio 1.
2 Cf. TWELFTH ORDINARY GENERAL ASSEMBLY OF THE SYNOD OF BISHOPS, Instrumentum Laboris, 27.
3 Cf. LEO XIII, Encyclical Letter Providentissimus Deus (18 November 1893): ASS 26 (1893-94), 269-292; BENEDICT XV, Encyclical Letter Spiritus Paraclitus (15 September 1920): AAS 12 (1920), 385-422; PIUS XII, Encyclical Letter Divino Afflante Spiritu (30 September 1943): AAS 35 (1943), 297-325.
4 Propositio 2.
5 Ibid.
6 SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIL, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, 2.
7 Ibid., 4
8 Noteworthy among various kinds of interventions are: PAUL VI, Apostolic Letter Summi Dei Verbum (4 November 1963): AAS 55 (1963), 979-995; Motu Proprio Sedula Cura (27 June 1971): AAS 63 (1971), 665-669; JOHN PAUL II, General Audience (1 May 1985): L’Osservatore Romano, 2-3 May 1985, p. 6; Address on the Interpretation of the Bible in the Church (23 April 1993): AAS 86 (1994), 232-243; BENEDICT XVI, Address to the International Congress held on the Fortieth Anniversary of “ Dei Verbum ” (16 September 2005): AAS 97 (2005), 957; Angelus (6 November 2005): Insegnamenti I (2005), 759-760. Also worthy of mention are the interventions of the PONTIFICAL BIBLICAL COMMISSION, De Sacra Scriptura et Christologia (1984): Enchiridion Vaticanum 9, Nos. 1208-1339; Unity and Diversity in the Church (11 April 1988): Enchiridion Vaticanum 11, Nos. 544-643; The Interpretation of the Bible in the Church (15 April 1993): Enchiridion Vaticanum 13, Nos. 2846-3150; The Jewish People and their Sacred Scriptures in the Christian Bible (24 May 2001): Enchiridion Vaticanum 20, Nos. 733- 1150; The Bible and Morality. Biblical Roots of Christian Conduct (11 May 2008): Vatican City, 2008.
9 Cf. BENEDICT XVI, Address to the Roman Curia (22 December2008): AAS 101 (2009), 49.
10 Cf. Propositio 37.
11 Cf. PONTIFICAL BIBLICAL COMMISSION, The Jewish People and their Sacred Scriptures in the Christian Bible (24 May 2001): Enchiridion Vaticanum 20, Nos. 733-1150.
12 BENEDICT XVI, Address to the Roman Curia (22 December 2008): AAS 101 (2009), 50.
13 Cf. BENEDICT XVI, Angelus (4 January 2009): Insegnamenti V, 1 (2009), 13.
 
ĐTC Bênêđictô XVI: mô hình kinh tế trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hôm nay
Đặng Thế Nhân
11:45 15/11/2010
Kinh truyền tin Chúa nhật 14.11.2010

Trước buổi đọc kinh truyền tin trưa Chúa nhật hôm qua, ngay từ mở đầu bài huấn từ, ĐTC Biển Đức XVI để cập thẳng đến vấn đề công việc, đặc biệt là nông nghiệp trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế, ĐTC nói Trong bài đọc hai phụng vụ hôm nay, thánh Phaolô tông đồ nhấn mạnh tầm quan trọng của công việc trong đời sống con người. Khía cạnh này gợi cho chúng ta “Lễ Tạ Ơn” chúng ta thường mừng trong truyền thống ở Italia vào Chúa Nhật thứ hai của tháng 11 như là một lời tạ ơn dâng lên Chúa sau vụ thu hoạch mùa màng. Mặc dù vụ mùa khác nhau tuỳ địa lý và thời gian, hôm nay tôi muốn lấy điểm này trong lời của thánh Phaolô để chia sẻ vài suy niệm, đặc biệt là công việc đồng áng.

Cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra, trong những ngày này tổ chức G20 đang nhóm họp bàn về những nguyên nhân của cuộc khủng hoảng và rà soát lại cách tận căn những mô hình phát triển kinh tế toàn cầu (x. Enc. Caritas in veritate, 21). Một hiện tượng nổi cộm chúng ta đã nghe biết rất rõ là sự mất cân bằng giữa giàu và nghèo, vấn nạn đói và sự cấp bách về biến đổi khí hậu và tựu chung hơn là vấn đề thất nghiệp. Trong bức tranh này, chúng ta cần đến sự tái đẩy mạnh cách chiến lược nền nông nghiệp. Thực ra, tiến trình công nghiệp hoá đôi khi che lấp nền nông nghiệp, mặc dù với những lợi ích có được từ sự hiểu biết và kỹ thuật hiện đại, ngành công nghiệp lại đánh mất tầm quan trọng với những hậu quả to lớn cho cả nền nông nghiệp. Tôi thiết nghĩ đã đến lúc chúng ta lượng giá lại nền nông nghiệp, không phải để hoài tưởng mà để thiết lập nguồn tài nguyên thiết yếu cho tương lai. ĐTC diễn giải tiếp…

Trong bối cảnh kinh tế hiện tại, mô hình kinh tế năng động nhất là phương thức hợp tác theo lợi nhuận. Tuy vậy, phương thức kinh tế này gây hậu quả nghiêm trọng cho những nước nghèo, làm kéo dài tình trạng nghèo đói của nhiều triệu người và làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên của Đất mà Thiên Chúa, như trong sách Sáng Thế trích dẫn, đã ban tặng cho con người để trồng trọt và canh tác (St 2,15). Ngoài ra, mặc dù cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại, ở những nước có nền công nghiệp phát triển, người ta vẫn đẩy mạnh lối sống tiêu thụ không thể kiềm chế. Điều này gây hậu quả cho môi trường sống và cho cả người nghèo. Như thế cần hướng đến phương thức cụ thể để đạt được sự cân bằng giữa nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ để sự phát triển nhắm đến mục tiêu không ai bị đói khát, không còn thiếu việc làm, không khí, nước uống và những tài nguyên thiết yếu khác, những thứ mà ai cũng có quyền được lãnh nhận (x. Enc. Caritas in veritate, 27) Một cách sâu xa, cần gieo mầm và phổ biến một ý thức đạo đức rõ ràng về những thách đố đầy phức tạp của thời đại này; cần ý thức về việc tiêu dùng một cách khôn ngoan và trách nhiệm hơn; cần đẩy mạnh ý thức trách nhiệm cá nhân trong liên đới với chiều kích xã hội của những hoạt động vùng thôn dã, đặt nền trên những giá trị trường tồn, giá trị liên đới và chia sẻ những vất và của công việc. Có không ít các bạn trẻ đã chọn con đường này, ngay cả những bạn đã tốt nghiệp nhiều bằng cấp khác nhau cũng trở về dấn thân với công việc đồng áng. Đây không chỉ là để đáp lại nhu cầu cấp thiết của cá nhân hay gia đình mà còn là câu trả lời cho một dấu chỉ thời đại, một cảm thức cụ thể cho lợi ích cộng đồng.

Chúng ta cùng cầu xin với Mẹ Maria để những suy niệm này có thể đánh động nhiều cộng đồng quốc tế trong khi chúng ta dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn vì những hoa trái từ đất đai và công lao của con người.

Kết thúc bài huấn từ, ĐTC đọc kinh truyền tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.

Sau kinh truyền tin, ĐTC ngỏ lời bày tỏ sự gần gụi và quan tâm đặc biệt với người dân Haiti, đất nước đã gánh chịu cuộc động đất khủng khiếp hồi tháng giêng năm ngoái, hiện tại đang có bệnh dịch tả hoành hành. ĐTC kêu gọi mọi người và các tổ chức quốc tế gấp rút cứu trợ và rộng lòng giúp đỡ người dân Haiti trong khi ngài không quên nhớ đến họ cách đặc biệt trong lời cầu nguyện của mình. Chào các tín hữu Ba Lan, ĐTC nhắc đến sáng kiến thiết lập tổ chức “Trợ giúp các giáo hội đau khổ” rằng hôm nay giáo hội Ba Lan cầu nguyện cho các anh chị em chịu bách hại vì Tin Mừng. Các tín hữu Ba Lan đã chịu nhiều bách hại trong quá khứ để trung thành với Chúa Kitô và Giáo hội, vì vậy họ có cảm thức đặc biệt với những ai ngày nay đang chịu thử thách. Chúng ta cùng cầu nguyện với Thiên Chúa cho việc tự do loan báo Tin Mừng.
 
Đức Thánh Cha đề cao vai trò của thể thao
LM Trần Đức Anh OP
11:45 15/11/2010
VATICAN -. Sáng 15-11-2010, ĐTC đã tiếp kiến phái đoàn 340 huấn luyện viên trượt tuyết người Italia. Ngài đề cao vai trò của thể thao và kêu gọi bảo vệ thiên nhiên và môi sinh.

Các huấn luyện viên trượt tuyết được ngoại trưởng Italia, Ông Franco Frattini, hướng dẫn. Trong dịp này ĐTC đặc biệt cám ơn ông vì đã giúp đỡ để hàng chục tín hữu Công Giáo Irak bị thương trong vụ khủng bố mới đây được mau lẹ đưa sang Italia chữa trị.

Ngài cũng nhận định rằng ”Khi được thực hành một cách hăng say và với ý thức luân lý đạo đức, thể thao không những giúp con người có tinh thần tranh đua lành mạnh, nhưng còn trở thành một trường để học hỏi và đào sâu các giá trị nhân bản và Kitô giáo. Thực vậy, thể thao dạy cách hòa hợp những chiều kích quan trọng của con người, tạo điều kiện cho sự phát triển toàn diện... Thể thao cũng giúp đạt được sự quân bình giữa chiều kích thể lý và tinh thần, để tránh được sự tôn thờ thân xác, nhưng tôn trọng nó, và tránh biến nó thành một dụng cụ phải tăng cường với bất cứ giá nào, kể cả những phương tiện không được phép”.

ĐTC cũng ghi nhận việc trượt tuyết nhiều khi giúp con người chiêm ngắm và ngưỡng mộ vẻ đẹp của thiên nhiên, có những phong cảnh giúp nâng cao tinh thần và mời gọi hướng cái nhìn lên cao, không những cái nhìn bên ngoài nhưng cả cái nhìn của nội tâm nữa”.

Sau cùng ĐTC kêu gọi cảnh giác chống lại thái độ lạm dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật để can thiệp và lèo lái thiên nhiên, đến độ muốn thay thế Đấng Tạo Hóa và biến thiên nhiên thành một thứ sản phẩm tùy tiện sử dụng và tiêu thụ.

Trong buổi tiếp kiến, các huấn luyện viên đã tặng ĐTC một bộ đầy đủ các dụng cụ để trượt tuyết để cả đôi ski bộ áo trắng với chữ ”Maestro”. Họ cũng tặng ngài pho tượng bằng gỗ ”Đức Mẹ Tuyết” (SD 15-11-2010)
 
Tông huấn "Lời Chúa" của Đức Bênêđictô XVI (2)
Vũ Văn An
17:29 15/11/2010
PHẦN MỘT: LỜI CHÚA

“Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa… Và Ngôi Lời trở nên xác phàm” (Ga 1:1-14)

Thiên Chúa lên tiếng

Thiên Chúa trong đối thoại

Cái mới mẻ của mạc khải Thánh Kinh hệ ở sự kiện: Thiên Chúa đã trở thành Đấng được biết tới nhờ cuộc đối thoại Người muốn có với chúng ta (14). Hiến Chế Tín Lý “Lời Chúa” đã diễn tả điều ấy khi nhìn nhận rằng Thiên Chúa vô hình “do sự viên mãn của tình yêu nơi Người, đã nói với con người như bằng hữu, và sống giữa họ, để mời gọi họ và tiếp nhận họ vào hàng ngũ của Người” (15). Ấy thế nhưng, ta sẽ không hiểu đầy đủ sứ điệp trong Tự Ngôn của Thánh Gioan, nếu ta dừng lại ở sự kiện: Thiên Chúa đã bước vào sự hiệp thông đầy yêu thương với chúng ta. Thực vậy, Ngôi Lời Thiên Chúa, nhờ Người “mọi sự được dựng nên” (Ga 1:3) và là Đấng “đã trở nên xác phàm” (Ga 1:14), cũng chính là Ngôi Lời đã có “từ nguyên thủy” (Ga 1:1). Nếu ta hiểu được rằng điều ấy ám chỉ thuở nguyên thủy của Sách Sáng Thế (xem St 1:1), ta sẽ thấy mình giáp mặt với một nguyên thủy tuyệt đối, một nguyên thủy nói với ta về sự sống bên trong của chính Thiên Chúa. Tự ngôn của Thánh Gioan giúp ta nhận ra rằng Ngôi Lời quả vĩnh cửu, và từ nguyên thủy, vốn là chính Thiên Chúa. Thiên Chúa không bao giờ hiện hữu mà lại không có Ngôi Lời. Ngôi Lời hiện hữu trước sáng thế. Thành thử, tại tâm điểm sự sống Thiên Chúa, có một hiệp thông, một hiến thân tuyệt đối. “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:16), cũng Thánh Gioan đã nói với ta điều đó tại một chỗ khác, và do đó hướng ta tới “hình ảnh Kitô Giáo về Thiên Chúa và hình ảnh từ đó mà ra về nhân loại và số phận của họ” (16). Thiên Chúa tự mạc khải cho ta như một mầu nhiệm yêu thương bất tận trong đó, Chúa Cha, từ thuở đời đời, thốt ra Lời của Người trong Chúa Thánh Thần. Do đó, Ngôi Lời, Đấng ngay từ khởi thủy đã ở với Thiên Chúa và là Thiên Chúa, mạc khải chính Thiên Chúa trong cuộc đối thoại yêu thương giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, và mời gọi ta chia sẻ tình yêu ấy. Được dựng nên theo hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa tình yêu, ta chỉ có thể hiểu được mình khi tiếp nhận Ngôi Lời và chịu để Chúa Thánh Thần làm việc. Dưới ánh sáng mạc khải của Ngôi Lời Thiên Chúa, mọi khó hiểu trong thân phận con người đều được soi sáng một cách dứt khoát.

Loại suy lời Thiên Chúa

Dưới ánh sáng những xem sét trên, những xem sét vốn phát sinh từ việc suy niệm mầu nhiệm Kitô Giáo như đã được Tự Ngôn Thánh Gioan phát biểu, giờ đây ta cần sét xem các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã khẳng định những gì về các cách thế khác nhau ta vốn dùng để nói về “lời Thiên Chúa”. Các ngài hoàn toàn đúng khi nhắc tới cuộc hòa tấu lời Chúa, một lời duy nhất nhưng được phát biểu nhiều cách: “một bản thánh ca đa điệu” (17). Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng nhấn mạnh rằng ngôn ngữ con người hành động một cách loại suy khi nói về lời Chúa. Thực vậy, kiểu phát biểu kia, trong khi nói tới việc Thiên Chúa tự thông đạt, cũng còn có nhiều nghĩa khác nhau nữa cần được xem sét và liên kết với nhau một cách thận trọng, xét theo cả quan điểm suy tư thần học lẫn quan điểm thực hành mục vụ. Như Tự Ngôn Thánh Gioan đã cho ta thấy rõ, Lời (Logos) trước nhất chỉ về Ngôi Lời Hằng Hữu, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Chúa Cha trước khi có thời gian và cùng một bản thể với Người: Lời đã ở với Thiên Chúa, và Lời là Thiên Chúa. Nhưng Thánh Gioan cũng cho ta hay cũng Lời này “đã trở nên xác phàm” (Ga 1:14); bởi thế, Chúa Giêsu Kitô, sinh bởi Trinh Nữ Maria, quả thực là Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở nên đồng bản thể với chúng ta. Do đó, kiểu nói “lời Chúa” ở đây ám chỉ con người Chúa Giêsu Kitô, Con hằng hữu của Chúa Cha, đã sinh ra làm người.

Dù biến cố Chúa Kitô nằm ở tâm điểm mạc khải Thiên Chúa, nhưng ta vẫn cần hiểu rõ rằng chính tạo vật, chính cuốn sách thiên nhiên (liber naturae), cũng là thành phần chủ yếu của cuộc hòa tấu đa điệu này trong đó lời duy nhất được nói lên. Chúng ta cũng tuyên xưng đức tin rằng Thiên Chúa đã nói lời của Người trong lịch sử cứu rỗi; Người đã làm cho lời của Người được nghe; bằng sức mạnh Chúa Thánh Thần, “Người đã nói qua các tiên tri” (18). Như thế, lời Thiên Chúa đã được nói trong suốt lịch sử cứu rỗi, và được nói đầy đủ nhất trong mầu nhiệm nhập thể, chịu chết và sống lại của Con Thiên Chúa. Ngoài ra, lời Chúa cũng là lời được các Tông Đồ rao giảng, theo lệnh của Chúa Giêsu phục sinh: “Hãy đi khắp thế gian và rao giảng Phúc Âm cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16:15). Như thế, lời Chúa được lưu truyền trong truyền thống sống động của Giáo Hội. Sau cùng, lời Chúa, lời được Thiên Chúa chứng thực và linh hứng, chính là Sách Thánh, là Cựu và Tân Ước. Tất cả những điều trên giúp chúng ta thấy: dù trong Giáo Hội, chúng ta rất tôn kính Sách Thánh, nhưng đức tin Kitô Giáo không phải là một “tôn giáo của sách vở”: Kitô Giáo là “tôn giáo của lời Thiên Chúa”, không phải “là lời viết ra và câm nín, nhưng là Lời nhập thể và sống động” (19). Do đó, Sách Thánh phải được công bố, lắng nghe, đọc, tiếp nhận và cảm nghiệm như là lời Thiên Chúa, trong giòng Tông Truyền mà nó không thể tách biệt được (20).

Như chính các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng tuyên bố, kiểu nói “lời Chúa” được dùng một cách loại suy, và ta nên để ý điều đó. Các tín hữu cần được giúp đỡ nhiều hơn để nắm vững các nghĩa khác nhau của kiểu nói này, nhưng họ cũng cần hiểu nghĩa thống nhất của nó nữa. Theo cả quan điểm thần học, ta cần phải học hỏi xa rộng hơn nữa để biết xem các ý nghĩa khác nhau của kiểu nói này có liên hệ với nhau ra sao, để sự thống nhất trong kế hoạch của Thiên Chúa và, với sự thống nhất này, tính trung tâm của con người Chúa Kitô, được rạng ngời hơn nữa (21).

Chiều kích vũ trụ của lời

Khi xem sét ý nghĩa căn bản của lời Chúa theo nghĩa Ngôi Lời Hằng Hữu của Thiên Chúa làm người, Đấng Cứu Độ và Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người (22), và khi lắng nghe lời ấy, ta được mạc khải Thánh Kinh dẫn dắt để thấy rằng đó là nền tảng của mọi thực tại. Tự Ngôn Thánh Gioan nói về Lời thần linh rằng “Nhờ Người, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1:3); còn thư gửi tín hữu Côlôxê thì nói về Chúa Kitô, “hoa quả đầu mùa của mọi thụ tạo” (1:15), rằng “muôn vật được tạo thành nhờ Người và cho Người” (1:16). Tác giả Thư gửi tín hữu Do Thái cũng viết rằng: “Nhờ đức tin, chúng ta hiểu rằng vũ trụ đã được hình thành bởi lời của Thiên Chúa” (11:3).

Đối với chúng ta, lời công bố đó chính là lời tự do. Sách Thánh cho ta biết: mọi sự hiện hữu không hiện hữu cách tình cờ mà là do ý Chúa muốn và là một phần trong kế hoạch của Người, mà ở tâm điểm kế hoạch này là lời mời gọi ta tham gia vào sự sống thiên Chúa trong Chúa Kitô. Sáng thế do Logos, do Ngôi Lời mà ra và do đó mãi mãi mang dấu ấn của Lý Trí sáng tạo vốn ra lệnh và điều hướng nó; các thánh vịnh đã ca ngợi với một niềm chắc chắn đầy hân hoan rằng: “một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú” (Tv 33:6); và một lần nữa, “Vì Người đã phán, và muôn loài xuất hiện, Người ra lệnh truyền, tất cả được dựng nên” (TV 33:9). Mọi thực tại đều nói lên mầu nhiệm này: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa; không trung loan báo việc tay Người làm” (Tv 19:1). Như thế, chính Sách Thánh mời gọi chúng ta nhìn nhận Đấng Hóa Công bằng cách chiêm ngưỡng công trình sáng tạo của Người (xem Kn 13:5; Rm 1:19-20). Truyền thống tư duy Kitô Giáo vốn khai triển yếu tố chủ chốt trong bản hòa tấu lời này. Như Thánh Bonaventura, chẳng hạn, người vốn theo truyền thống các Giáo Phụ Hy Lạp mà nhìn ra mọi khả thể sáng thế trong Logos (23), đã nói rằng “mọi tạo vật đều là lời Chúa, vì nó công bố Người” (24). Hiến Chế Tín Lý “Lời Chúa” đã tổng hợp các dữ kiện ấy khi cho rằng “Thiên Chúa, Đấng tạo dựng và duy trì mọi vật bằng chính lời của Người (xem Ga 1:3), đã cho ta chứng cớ mãi mãi về chính Người ngay trong các thực tại tạo dựng” (25).

Việc tạo dựng con người

Như thế, thực tại là do lời sinh ra, là thụ tạo của Lời (creatura Verbi), và mọi sự đều được kêu gọi phụng sự lời. Sáng thế là khung cảnh trong đó toàn bộ lịch sử yêu thương giữa Thiên Chúa và tạo vật của Người diễn tiến; bởi thế, việc cứu rỗi con người chính là lý do đứng đàng sau mọi sự. Khi chiêm ngưỡng vũ trụ từ vọng nhìn của lịch sử cứu rỗi, ta hiểu được vị thế độc đáo và nổi bật của con người trong sáng thế: “Thiên Chúa tạo nên con người theo hình ảnh Người, theo hình ảnh mình, Người đã tạo ra họ: Người tạo ra họ có nam có nữ” (St 1:27). Điều ấy giúp ta nhìn nhận đầy đủ các ơn phúc quí giá nhận được từ Đấng Hóa Công: giá trị thân xác, ơn phúc lý trí, tự do và lương tâm. Cả ở đây, ta cũng khám phá ra điều được truyền thống triết học thường gọi là “luật tự nhiên” (26). Thực vậy, “mọi hữu thể nhân bản có ý thức và trách nhiệm đều cảm nghiệm được từ nội tâm lời mời gọi làm điều tốt” (27) và do đó xa lánh điều xấu. Như Thánh Tôma Aquinô từng nói, nguyên lý này chính là căn bản của mọi giới điều khác của luật tự nhiên (28). Lắng nghe lời Chúa sẽ dẫn ta trước nhất và trên hết tới việc biết trân qúi nhu cầu phải sống theo luật vốn “viết sẵn trong trái tim con người” này (xem Rm 2:15; 7:23) (29). Rồi, Chúa Giêsu Kitô đã ban cho nhân loại một luật mới, luật Tin Mừng, một luật tiếp nối và hoàn tất luật tự nhiên một cách ưu việt, bằng cách giải thoát ta khỏi luật tội lỗi. Như Thánh Phaolô từng nói, kết quả là “tôi có thể muốn sự thiện, nhưng tôi không làm được điều đó” (Rm 7:18). Phải có ơn thánh, con người mới có khả năng tham dự vào sự sống Thiên Chúa và thắng vượt tính vị kỷ của mình (30).

Chủ nghĩa hiện thực về lời

Ai biết lời Chúa cũng biết đầy đủ tầm ý nghĩa của từng tạo tạo vật. Vì nếu mọi loài “đều tồn tại” trong Đấng vốn “có trước muôn loài” (xem Cl 1:17), thì ai xây dựng cuộc sống mình trên lời của Người quả đã xây nó một cách chắc chắn và bền vững. Lời Chúa giúp ta thay đổi quan niệm của mình về chủ nghĩa hiện thực: người theo chủ nghĩa hiện thực là người biết nhìn nhận lời Chúa chính là nền tảng mọi sự (31). Chủ nghĩa hiện thực này đặc biệt cần trong thời đại ta, khi nhiều sự vật được ta tin dùng để xây dựng đời mình, những sự vật ta muốn đặt hết hy vọng vào, đã chứng tỏ chỉ là phù du. Của cải, khoái lạc và quyền hành, chóng hay chầy, cũng sẽ tỏ ra bất lực, không thể thỏa mãn các khát vọng sâu xa nhất của trái tim con người. Khi xây dựng đời sống mình, ta cần có các nền tảng vững chắc, những nền tảng vẫn tồn tại khi mọi chắc chắn nhân bản đều thất bại. Thực vậy, vì “Muôn lạy Chúa, lời Ngài bền vững đến ngàn đời, trên cõi trời cao. Lòng thành tín Chúa trải bao thế hệ, Ngài củng cố địa cầu, địa cầu tồn tại mãi” (Tv 119:89-90), ai xây dựng trên lời này là xây nhà đời mình trên đá (xem Mt 7:24). Ước chi trái tim ta biết thưa với Chúa mỗi ngày: “Chúa là nơi con ẩn náu, là thuẫn đỡ, con vẫn trông cậy ở lời Ngài” (Tv 119:114) và như Thánh Phêrô, ước chi, trong mọi hoạt động hàng ngày, ta biết phó thác cho Chúa Giêsu Kitô: “vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới” (Lc 5:5).

Kitô học bằng lời

Từ cái thoáng nhìn vào mọi thực tại như công trình bàn tay Ba Ngôi Chí Thánh qua lời Thiên Chúa trên đây, ta hiểu được câu viết của tác giả Thư gửi tín hữu Do Thái: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các tiên tri; nhưng vào thời sau hết này, Người đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử, Đấng Người đã chỉ định làm người thừa kế mọi sự, nhờ Đấng này Người đã tạo dựng thế giới” (1:1-2). Đẹp đẽ biết bao khi thấy toàn bộ Cựu Ước đối với chúng ta chỉ là lịch sử trong đó Thiên Chúa thông đạt lời của Người: thực thế, “Sau khi ký giao ước với Abraham (x. St 15:18) và với dân Israel qua Môisen (x. Xh 24:8), Người đã dùng lời nói, việc làm mạc khải cho dân Người đã chọn để họ biết Người là Thiên Chúa độc nhất, chân thật và hằng sống, để Israel nghiệm thấy đâu là đường lối Thiên Chúa đối xử với loài người, và để nhờ chính Người phán dạy qua miệng các Tiên Tri, ngày qua ngày, họ thấu hiểu các đường lối ấy cách sâu đậm và rõ ràng hơn, để rồi đem phổ biến rộng rãi nơi các dân tộc (x. Tv 21,28-29; 95,1-3; Is 2,1-4; Gr 3,17) (32).

Sự “hạ cố” này của Thiên Chúa được thể hiện một cách cao vời trong việc nhập thể của Ngôi Lời. Lời hằng hữu, được phát biểu trong sáng thế và được thông truyền trong lịch sử cứu rỗi, trong Chúa Kitô làm người, “sinh bởi người đàn bà” (Gl 4:4). Ở đây, lời được phát biểu chủ yếu không bằng lời nói, quan niệm hay qui luật. Ở đây, ta đứng trước chính con người của Chúa Giêsu. Lịch sử độc đáo và nổi bật của Người là lời dứt khoát Thiên Chúa nói với nhân loại. Bởi thế ta thấy được tại sao “làm Kitô hữu không phải là kết quả của một chọn lựa đạo đức hay một ý tưởng cao cả, nhưng là một gặp gỡ với một biến cố, một con người, một cuộc gặp gỡ mang lại sự sống cho một chân trời mới, một hướng đi mới” (33). Việc đổi mới không ngừng cuộc gặp gỡ này và ý thức về nó làm tâm hồn tín hữu tràn ngập sự thán phục đối với sáng kiến của Thiên Chúa, một sáng kiến mà những con người nhân bản, với một lý trí và một trí tưởng tượng hữu hạn, không bao giờ dám mơ ước. Ta đang nói tới một sự mới mẻ vô tiền khoáng hậu và trí khôn con người không thể nào quan niệm nổi: “lời trở nên xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1:14a). Những lời này không phải là hình tượng của lời nói nữa; chúng dẫn ta tới một kinh nghiệm sống! Thánh Gioan, một chứng nhân tận mắt, nói với ta như thế: “Chúng tôi đã thấy vinh quang của Người, vinh quang của Con Một Chúa Cha, đầy ơn thánh và sự thật” (Ga 1:14b). Đức tin tông truyền làm chứng rằng Lời vĩnh hằng đã trở nên một với chúng ta. Lời Thiên Chúa thực sự đã được phát biểu bằng lời con người.

Truyền thống giáo phụ và trung cổ, khi chiêm ngưỡng “Kitô học bằng lời” này, đã dùng một kiểu nói khá gợi cảm: lời đã được “viết tắt” (abbreviated) (34). “Các Giáo Phụ thấy trong bản dịch Hy Lạp bộ Cựu Ước một đoạn từ sách tiên tri Isaia mà Thánh Phaolô cũng có trích dẫn để người ta thấy đường lối mới mẻ của Thiên Chúa đã được Cựu Ước tiên báo ra sao. Trong đoạn ấy, ta đọc thấy: ‘Chúa đã làm cho lời Người ngắn lại, Người đã “viết tắt” nó’” (Is 10:23; Rm 9:28)… Chúa Con là Lời, là Logos: lời vĩnh cửu ấy đã trở nên nhỏ mọn, nhỏ đến có thể vừa tầm với một máng cỏ. Người trở nên một con trẻ, để chúng ta có thể nắm được lời ấy” (35). Giờ đây, lời không những nghe được; không những có một tiếng nói, mà còn có một khuôn mặt, một khuôn mặt ta có thể nhìn được: đó là khuôn mặt của Chúa Giêsu Thành Nadarét (36).

Đọc các trình thuật Tin Mừng, ta thấy nhân tính của Chúa Giêsu đã xuất hiện ra sao với mọi nét độc đáo của nó trong tương quan với lời Thiên Chúa. Bằng nhân tính hoàn hảo của mình, Người thực hiện ý Chúa Cha mọi lúc; Chúa Giêsu nghe tiếng Người và vâng theo tiếng ấy bằng trọn con người của mình; Người biết Chúa Cha và tuân giữ lời Chúa Cha (xem Ga 8:55); Người nói với chúng ta về những gì Chúa Cha đã nói với Người (xem Ga 12:50); “Con đã cho chúng những lời Cha đã cho con” (Ga 17:8). Như thế, Chúa Giêsu cho thấy Người là Lời Thiên Chúa được ban cho chúng ta, nhưng đồng thời, Người là Adong mới, con người chân thực, không bao giờ làm theo ý riêng nhưng luôn theo ý Chúa Cha. Người “càng ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2:52). Người lắng nghe, nhập thân và thông đạt cho ta một cách toàn hảo lời của Thiên Chúa (xem Lc 5:1).

Sứ mệnh của Chúa Giêsu tối hậu đã được hoàn tất trong mầu nhiệm vượt qua: ở đây, ta đứng trước “lời thập giá” (1 Cor 1:18). Lời câm lặng; lời trở thành im lặng chết người, vì đã “nói” đến cùng kiệt, chẳng còn giữ lại điều chi cần phải nói cho ta. Các Giáo Phụ, khi suy niệm mầu nhiệm này, đã gán cho Mẹ Thiên Chúa câu nói cảm động sau đây: “Vô lời là Lời của Chúa Cha, Đấng đã làm cho mọi tạo vật nói, vô sinh là mắt của Đấng mà lời nói và cái gật đủ làm mọi sinh vật cử động” (37). Ở đây, tấm tình yêu “lớn hơn” kia, tấm tình yêu hiến mạng sống mình cho bằng hữu (xem Ga 15:13) quả là tấm tình yêu chia sẻ với chúng ta.

Trong mầu nhiệm vĩ đại này, Chúa Giêsu được mạc khải như lời của giao ước mới và trường cửu: tự do Thiên Chúa và tự do con người đã dứt khoát gặp nhau trong thân xác bị đóng đinh của Người, trong một thỏa hiệp bất khả tiêu và có giá trị vĩnh viễn. Chính Chúa Giêsu, trong Bữa Tiệc Ly, khi thiết lập Bí Tích Thánh Thể, đã nói tới một “giao ước mới và trường cửu” qua việc đổ máu mình ra (xem Mt 26:28; Mc 14:24; Lc 22:20), và tự cho thấy Người là Chiên hy sinh thật sự sẽ dứt khoát giải thoát ta khỏi nô lệ (38).

Trong mầu nhiệm vô cùng rực rỡ của phục sinh, sự im lặng này của lời được diễn tả bằng một ý nghĩa chân chính và dứt khoát. Chúa Kitô, Lời nhập thể, chịu đóng đinh và sống lại của Thiên Chúa, là Chúa Tể mọi loài; Người là Đấng chiến thắng, là Đấng Toàn Năng (Pancrator), và do đó, mọi loài được triệu tập trong Người mãi mãi (xem Eph 1:10). Như thế, Chúa Kitô là “ánh sáng thế giới” (Ga 8:12), ánh sáng “chiếu trong bóng tối” (Ga 1:5) và bóng tối không diệt được nó (Ga 1:5). Ở đây ta hiểu được đầy đủ ý nghĩa các lời sau đây của Thánh Vịnh 119: “Lời Ngài là đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (câu 105); Lời phục sinh dứt khoát là ánh sáng chỉ đường ta đi. Từ khởi thủy, Kitô hữu đã hiểu rõ rằng trong Chúa Kitô, lời Thiên Chúa vốn hiện diện như một ngôi vị. Lời Thiên Chúa quả là ánh sáng đích thực mà con người cần đến. Trong phục sinh, Con Thiên Chúa thực sự xuất hiện như ánh sáng thế giới. Giờ đây, nhờ sống với Người và trong Người, ta có thể sống trong ánh sáng.

Ở đây, ở tâm điểm của “Kitô học bằng lời”, có thể nói như thế, điều quan trọng là cần nhấn mạnh đến tính thống nhất của kế hoạch Thiên Chúa nơi Lời nhập thể: nghĩa là Tân Ước trình bày mầu nhiệm vượt qua như phù hợp với Sách Thánh và như sự nên trọn của Sách Thánh. Thánh Phaolô, trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, quả quyết rằng Chúa Kitô chết vì tội lỗi ta “đúng như lời Thánh Kinh” (15:3), và Người trỗi dậy vào ngày thứ ba “đúng như lời Thánh Kinh” (15:4). Như thế, Thánh Tông Đồ liên kết biến cố Chúa chịu chết và sống lại với lịch sử của Giao Ước Cũ của Thiên Chúa với dân của Người. Thực vậy, ngài cho ta thấy: từ biến cố ấy, lịch sử nhận được luận lý nội tại và ý nghĩa đích thực của nó. Trong mầu nhiệm vượt qua, “lời của Thánh Kinh” đã nên trọn; nói cách khác, cái chết diễn ra “đúng như lời Thánh Kinh” này là biến cố chứa một logos, một luận lý nội tại: cái chết của Chúa Kitô chứng thực rằng lời Thiên Chúa đã trở nên xác phàm hoàn toàn có tính nhân bản, trở nên “lịch sử” thực sự nhân bản (39).

Tương tự như thế, sự phục sinh của Chúa Giêsu đã diễn ra “vào ngày thứ ba, đúng như lời Thánh Kinh”: vì tín ngưỡng Do Thái vẫn cho rằng sau ngày thứ ba sự mục rữa sẽ xẩy ra, nên lời Thánh Kinh đã nên trọn nơi Chúa Giêsu, Đấng đã trỗi dậy không mục rữa. Như thế, Thánh Phaolô, khi trung thành chuyển giao giáo huấn của các Tông Đồ (xem 1 Cor 15:3), đã nhấn mạnh rằng chiến thắng sự chết của Chúa Kitô xẩy ra nhờ quyền năng sáng tạo của lời Thiên Chúa. Quyền năng thần linh này mang lại niềm hy vọng và niềm vui: tóm tắt, điều này chính là nội dung giải thoát của mạc khải vượt qua. Trong Lễ Phuc Sinh, Thiên Chúa tự mạc khải chính mình và quyền năng của tình yêu Ba Ngôi, một tình yêu phá tan tành quyền lực xấu xa của sự ác và sự chết.

Nhớ lại các yếu tố chủ chốt của đức tin, ta có thể chiêm ngưỡng tính thống nhất sâu sắc nơi Chúa Kitô giữa sáng thế, tân sáng thế và trọn lịch sử cứu rỗi. Như một thí dụ, một thí dụ mà chính Galileo cũng đã sử dụng, ta có thể so sánh vũ trụ như một “cuốn sách” và coi nó như “công trình của một tác giả muốn tự diễn tả về mình qua bản ‘hòa tấu’ của sáng thế. Trong bản hòa tấu này, ở một điểm nào đó, người ta sẽ thấy điều mà ngôn ngữ âm nhạc quen gọi là ‘độc tấu’ (solo), tức một chủ đề dành riêng cho một nhạc cụ hay một giọng hát, một chủ đề quan trọng đến nỗi ý nghĩa của toàn thể tác phẩm phải tùy thuộc vào. ‘Độc tấu’ đó chính là Chúa Giêsu… Con Người gồm tóm trong mình cả đất lẫn trời, cả sáng thế lẫn Đấng Sáng Tạo, cả xác phàm lẫn Thần Khí. Người là trung tâm của vũ trụ và lịch sử, vì nơi Người, cả tác giả lẫn công trình đều hội tụ mà không lẫn lộn (40).
 
Truyền thông Tin Mừng một cách rõ ràng và can đảm
Phaolô Phạm Xuân Khôi
18:13 15/11/2010
TRUYỀN THÔNG TIN MỪNG MỘT CÁCH RÕ RÀNG VÀ CAN ĐẢM

VATICAN, ngày 13 tháng 11, 2010 (Tin VIS) – Vào trưa hôm nay, ĐTC tiếp kiến thành viên tham dự phiên họp khoáng đại của Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa, trong đó các đại biểu đã dành phiên họp năm nay để bàn về “Nền Văn Hoá Truyền Thông và Các Ngôn Ngữ Mới”.

ĐTC mở đầu bằng cách bày tỏ lòng biết ơn của ngài đối với sáng kiến khai mạc phiên họp tại Tòa Thị Chánh Rôma với buổi hội thảo bàn tròn về chủ đề ‘Trong thành phố, lắng nghe những ngôn ngữ của linh hồn’. Ngài nói “Bằng cách này, Hội Đồng nhắm đến việc tìm cách tỏ bày một trong những công tác thiết yếu của mình là lắng nghe tiếng nói của những người nam nữ của thời đại chúng ta, để cổ võ những cơ hội mới cho việc rao giảng Tin Mừng”.

Trong phạm vi này, ĐTC cũng nhắc đến những vấn đề mà các mục tử và tín hữu gặp phải “trong việc truyền thông sứ điệp Tin Mừng và truyền lại đức tin trong chính cộng đồng hội thánh”, đặc biệt là, “khi Hội Thánh nói với những người xa lìa hay thờ ơ với cảm nghiệm về đức tin, là những người mà sứ điệp Tin Mừng đã đến với họ bằng một cách thế không có hiệu quả và thiếu hấp dẫn. Trong một thế giới mà người ta nhấn mạnh quá nhiều đến những chiến thuật truyến thông, Hội Thánh… không dửng dưng hay cô lập hóa; trái lại, phải tìm cách sừ dụng - với sáng kiến mới, với ý thức phê bình và phân định cẩn thận - các ngôn ngữ và những phương tiện truyền thông mới”.

ĐTC nói thêm “Sự thiếu khả năng của ngôn ngữ để truyền thông ý nghĩa sâu xa và vẻ đẹp của cảm nghiệm về đức tin có thể làm cho nhiều người thở ơ, đặc biệt là người trẻ, và có thể trở thành nguyên nhân cho việc bỏ đạo”. “Hội Thánh mong muốn thiết lập cuộc đối thoại với tất cả mọi người đang tìm chân lý. Nhưng để việc đối thoại và truyền thông có hiệu lực và kết quả thì người ta phải có cùng một tần số.”

ĐTC tiếp tục: “Ngày nay nhiều người trẻ, ngạc nhiên vì những khả năng vô tận mà các mạng lưới thông tin và các kỹ thuật khác cung cấp, những hình thức truyền thông sẵn có là những hình thức không đóng góp vào việc phát triển con người; thay vào đó, chúng có nguy cơ gia tăng cảm giác cô đơn và khủng hoảng. Đối diện với những hiện tượng như thế, tôi đã nói trong niều trường hợp về một sự cấp bách về giáo dục, một thách đố mà chúng ta có thể và phải trả lời với sự thông minh sáng tạo, bằng cách quyết tâm dấn thân vào việc phổ biến những hình thức truyền thông”, ĐTC đã nói về phụng vụ Chúa Nhật vửa qua tại Vương Cung Thánh Đường Sagrada Familia ở Barcelônia, Tây Ban Nha. Ngài nói, ngôi thánh đường ấy là một tuyệt tác của kiến trúc sư Antoni Gaudi “là người đã tài tình pha trộn những ý nghĩa thánh và phụng vụ vào những hình thức nghệ thuật vừa tân tiến vừa hoà hợp với những truyền thống kiến trúc hay nhất. Tuy nhiên, vẻ đẹp của đời sống Kitô hữu còn sâu sắc hơn nghệ thuật và hình ảnh trong việc truyền thông sứ điệp Tin Mừng”.

ĐTC kết luận bằng cách nhấn mạnh đến nhu cầu cần có “những người nam nữ có thể nói bằng chính đời sống mình, có thể truyền thông Tin Mừng một cách rõ ràng và can đảm với sự minh bạch của những hành động và đức ái say mê của họ”.
 
Top Stories
Beatification of Cardinal Van Thuan, a possible miracle in Denver
Asia-News
09:17 15/11/2010
A Vietnamese seminarian born in the U.S., in a coma for 32 days and twice declared dead by doctors, believes he owes his life to the intercession of the late Cardinal. Francois-Xavier Nguyen Van Thuan. The necessary documents were requested by the postulation in Rome.

Vatican City (AsiaNews) - Joseph Nguyen, the son of immigrants from Vietnam whose family was a friend of the cardinal was in a coma for 32 days in 2009. At a certain point doctors even filled out his death certificate. The doctors said that Joseph was dead. His heart rate had fallen to beyond any possible recovery, and and all brain activity was gone. But while they wrote his death certificate, Joseph's parents were asking an old family friend for help: a Vietnamese cardinal who is being considered for beatification. Since then Joseph has recovered and returned to the seminary, and has also taken note of his death certificate. He has only two memories of the coma of 32 days, of which he remembers as a "great night's sleep."

In the weeks when he was hovering between life and death, Joseph said he twice encountered Cardinal Van Thuan, who died in 2007. The cardinal was cited in Benedict XVI's encyclical "Spe Salvi" for his exemplary Christian witness in 13 years of prison, and in October of this year his cause of beatification began. Joseph's parents were friends of "Father Van Thuan”, who never met Joseph, because his family emigrated to America in 1975, where he was born. For his parents, "father" Van Thuan was practically a family member. In 2009 Joseph who was doing voluntary work in a hospital, became ill, with normal flu like symptoms. But his condition grew steadily worse, and he asked to leave the seminary for treatment at home. On October 1, he had a serious crisis: he could not breathe. His father took him to hospital, where he was admitted, and operated with a tracheotomy because he was no longer able to breathe. He has no memory of this or anything else from that period.

When he awoke 32 days later, he was told that he was suffering from severe pneumonia, complicated with H1N1, so-called "swine flu". But Joseph told his story when he could speak again. "During my coma, there are only two things I remember: two visions of Cardinal Van Thuan. He appeared to me twice. " Joseph said that not only did he see the cardinal but he also spoke to him, in two phases which he describes as "separation of body and soul." Although it is not able to reveal details of the encounter, he says that they probably occurred while the doctors were looking at his loss of brain activity and the disappearance of vital signs. "Shortly after the second visit from the Cardinal I awoke from a coma". He says he did not understand what was happening, and why of all those tubes and wires were attached to his body, and in particular the tube in his neck, which prevented him from speaking. When others heard of his story, and the possible involvement of Cardinal Van Thuan in his healing, he was asked to provide all information to officials who are following his beatification in Rome.

(Source: http://www.asianews.it/news-en/Beatification-of-Card.-Van-Thuan,-a-possible-miracle-in-Denver-19990.html)
 
Pope: Church Needs Creativity to Reach Digital Age
Zenit
09:22 15/11/2010
Says Society Is Often Indifferent to Messages of Faith

VATICAN CITY, NOV. 14, 2010 (Zenit.org).- If the Church is going to fulfill its mission to proclaim the truth of Christ to all peoples, it must use its "creative intelligence" to overcome certain challenges of the digital age, says Benedict XVI.

The Pope reflected on the Church's constant search for better means to proclaim the Gospel on Saturday upon receiving in audience participants in the Plenary Assembly of the Pontifical Council of Culture, which took place last week in Rome. The theme considered at the plenary was "Culture of Communication and New Languages."

"A profound cultural transformation is under way," the Pontiff affirmed, "with new languages and new forms of communication" being developed.

"In this context," he added, "pastors and the faithful notice with concern certain difficulties in the communication of the evangelical message and the transmission of the faith within the ecclesial community itself."

The Holy Father acknowledged that it can be difficult to address men and women who are "distant from or indifferent to an experience of faith," and to whom the message of the Gospel arrives "in a way that has little effectiveness or attractiveness."

But, he recalled, the Church is the "recipient of the mission to communicate to all the nations the Gospel of salvation," and it "does not remain indifferent."

Creativity

The Church, Benedict XVI continued, tries to avail, "with renewed creative effort, but also with critical sense and attentive discernment -- of the new languages and new modalities of communication."

"The incapacity of language to communicate the profound meaning and beauty of the experience of faith can contribute to the indifference of many, above all young people," he noted.

"The Church wants to dialogue with everyone in the pursuit of truth, but in order for that dialogue and communication to be effective and fruitful, it is necessary to be on the same frequency, in friendly and sincere environments," the Pope affirmed.

He explained: "Today not a few young people, deafened by the infinite possibilities offered by information networks or other technologies, maintain forms of communication that do not contribute to maturation in humanity, but rather threaten to increase the sense of solitude and forlornness.

"In the face of such phenomena, I have spoken many times of the educational crisis, a challenge to which we can and must respond with creative intelligence, committing ourselves to promoting a communication that is humanizing, and that stimulates the critical sense and the capacity to evaluate and discern."

The Holy Father offered the Gospel as the guide to reaching the digital age, and that the Church can also draw on "the extraordinary patrimony of symbols, images, rites and gestures of her tradition."

"In particular," he added, "the rich and dense symbolism of the liturgy must shine forth in all its power as a communicative element, to the point of deeply touching the human conscience, heart and intellect."

"The Christian tradition has always been closely linked to the liturgy and to the language of art," the Pontiff said, "the beauty of which has its special communicative power."

(Source: http://www.zenit.org/article-30963?l=english)
 
Shandong, Chine: nouvelle ordination d’un évêque « officiel » reconnu par Rome
Eglises d'Asie
09:24 15/11/2010
Lundi 15 novembre, un millier de fidèles ont pris place dans la grande église de la ville de Zibo (province du Shandong) pour assister à l’ordination de Mgr Joseph Yang Yongqiang, consacré évêque coadjuteur de Zhoucun avec l’accord des autorités chinoises et celui de Rome. Cette ordination porte à dix le nombre des nouveaux évêques « officiels » reconnus par Rome et ordonnés depuis le début de cette année.
En l’absence de l’évêque en titre du diocèse de Zhoucun, Mgr Ma Xuesheng, alité depuis plusieurs mois, c’est Mgr Johan Fang Xingyao, du diocèse de Linyi (Shandong), qui a présidé la cérémonie. Il était assisté de Mgr Joseph Li Mingshu, de Qingdao (Shandong), de Mgr Zhao Fengchang, de Liaocheng (1), de Mgr Zhang Xianwang, de Jinan (Shandong), et de Mgr Joseph Xing Wenzhi, évêque auxiliaire de Shanghai et natif de Zhoucun. Tous sont des évêques « officiels » reconnus par le pape.

Le nouvel évêque est issu d’une famille catholique du district de Boxing, région qui a donné nombre de vocations sacerdotales et religieuses à l’Eglise locale. Agé de tout juste 40 ans, il a connu un parcours aujourd’hui classique: formé au séminaire régional de Sheshan, près de Shanghai, il a été ordonné à l’âge de 25 ans pour ensuite revenir exercer son ministère de prêtre dans son diocèse d’origine, Zhoucun. Rapidement, il a été nommé curé, avant d’être appelé en 2005 à Jinan, chef-lieu de la province du Shandong, où il a enseigné au grand séminaire du Saint-Esprit. Parallèlement, il a exercé diverses responsabilités au sein de l’Association patriotique de la province et auprès du Comité pour les affaires de l’Eglise, branche locale de l’Administration d’Etat pour les Affaires religieuses. Fin 2009, il a été choisi à l’unanimité par ses frères prêtres pour devenir évêque coadjuteur de Zhoucun.

Avec quelque 18 000 fidèles, le diocèse de Zhoucun présente la particularité de ne compter que 13 prêtres et trois religieuses. Face à cette réalité, le nouvel évêque a exprimé le souhait de travailler à la promotion des vocations ainsi qu’au développement de l’engagement des laïcs, notamment dans l’aide sociale et les cercles d’études de la Bible. Concernant les rapports avec les communautés catholiques « clandestines » – qui sont sans évêque depuis le décès, en janvier 2005, de Mgr Gao Kexian, évêque des diocèses de Zhoucun et de Yantai –, Mgr Yang Yongqiang a déclaré que le dialogue pouvait être approfondi; il a noté à cet égard que des communautés « officielles » partageaient des lieux de culte avec des communautés « clandestines ».

A l’agence Ucanews (2), le P. Wu Kexing, prêtre du diocèse de Zhoucun, a exprimé l’espoir que la consécration d’un nouvel évêque contribue à donner un nouveau souffle à l’évangélisation dans la région. « Nous, les jeunes prêtres, nous nous démenons pour développer l’Eglise mais je pense que le nouvel évêque, qui est jeune, apportera un surcroît de vitalité », a-t-il expliqué.

Le même jour où, dans le Shandong, l’évêque coadjuteur de Zhoucun était ordonné, l’évêque de Shijiazhuang, dans le Hebei, décédait. Le 15 novembre, à l’âge de 84 ans, Mgr Paul Jiang Taoran est mort à l’hôpital d’un arrêt du cœur.

Ordonné sans mandat pontifical en 1989, Mgr Jiang Taoran était entré dans la communion apostolique en 2008 lorsque le pape Benoît XVI l’avait reconnu comme « un évêque légitime sans juridiction ». Ce statut tenait au fait qu’à la tête du diocèse de Zhengding (qui est le nom sous lequel Rome connaît le diocèse de Shijiazhuang), se trouve Mgr Julius Jia Zhiguo, évêque « clandestin » qui est régulièrement arrêté par la police et fait l’objet d’une étroite surveillance des autorités. Selon des témoignages sur place, Mgr Jiang Taoran « avait pleinement accepté cette situation, se plaçant sans ambiguïté sous l’autorité de Mgr Jia et devenant ainsi un exemple pour les prêtres ». Depuis, dans ce diocèse de Zhengding - Shijiazhuang, certaines paroisses sont co-administrées par des prêtres « clandestins » et « officiels ». Les deux communautés confondues, le diocèse de Zhengding compte 150 000 fidèles.

Quelles que soient les difficultés par lesquelles est passé Mgr Jiang Taoran (3), se pose aujourd’hui la question de ses funérailles. La date et le lieu ont été fixées: elles auront lieu le 19 novembre en sa cathédrale de l’Immaculée Conception (beitang, ‘l’église du nord’), à Shijiazhuang. De manière à exprimer l’unité de l’Eglise et la communion du diocèse, des prêtres souhaitent que la messe soit présidée par Mgr Julius Jia Zhiguo, mais rien n’indique, à cette heure, que les autorités autoriseront le prélat, âgé de 75 ans, à assumer cette responsabilité.

(1) Diocèse issu de la fusion, le 22 décembre 1999, des diocèses de Yanggu et de Linqing, dans le Shandong
(1) Ucanews, 15 novembre 2010.
(2) Né dans un district proche de Baoding, bastion catholique du Hebei, Mgr Jiang Taoran a étudié la philosophie et la théologie à Pékin dans les années troublées de la guerre civile et de la prise du pouvoir par les communistes. Ordonné prêtre en 1953, il a exercé son ministère jusqu’en 1957, année où le régime a mis fin aux activités de l’Eglise. Employé au sein d’un hôpital durant plusieurs années, il est condamné lors de la Révolution culturelle (1966-1976) à « la réforme par le travail ». Ce n’est qu’en 1982 que, sorti des camps, il peut regagner Shijiazhuang et reprendre son ministère de prêtre. En 1989, il est choisi pour devenir évêque du diocèse. Figure controversée pour avoir accepté l’épiscopat sans mandat pontifical ainsi que pour la manière dont les biens immobiliers du diocèse ont été gérés sous sa responsabilité, Mgr Jiang Taoran aura été pris en tenailles entre les principes de l’Eglise et les pressions des autorités, plaide en sa faveur des prêtres qui l’ont bien connu.

(Source: Eglises d'Asie, 15 novembre 2010)
 
Vietnam: A Persecuted Church Left to Fend for Itself
Simon Roughneen / NCR
12:15 15/11/2010
Vietnam’s government is trying to quietly crush a thriving Catholic Church. Will the U.S. do anything more than be ‘concerned’?

HANOI, Vietnam — Vietnam has the second largest population of Catholics in southeast Asia after the Philippines. But things seem to be getting harder for the Church here.

On Nov. 6, Cu Huy Vu, a lawyer who sought to defend six recently-jailed Catholic villagers, was detained on charges of “propaganda against the state,” according to state TV.

During the trial, the six, from Con Dau in central Vietnam, were denied a lawyer, after which Cu Huy Vu told the BBC that the verdict was pre-ordained. It is not clear if there is any link between Cu’s arrest and his attempts to defend the six.

But there has been a general crackdown on dissent in Vietnam ahead of the ruling Communist Party congress early next year. Prominent lawyers, journalists and activists have been arrested and jailed in recent months, while others remain under government surveillance.

Speaking in Hanoi last week, U.S. Secretary of State Hillary Clinton said that the United States “remains concerned about the arrests, and the curbs on religious freedom in Vietnam,” before joining the country’s Deputy Prime Minister in extolling growing US-Vietnam trade and investment ties.

The Con Dau 6 were among 59 people arrested after clashes between around 500 Catholics and government agents at the parish cemetery of Con Dau in May. Catholics had conducted a funeral procession for an 82-year-old woman and tried to bury her in the cemetery, which had been seized by the local government to build a tourist resort.

Vigils for the detained were held in Hanoi and Ho Chi Minh City, where people listened to a letter from Bishop Paul Nguyen Thai Hop, the president of the Vietnamese Bishop’s Peace and Justice Commission, which challenged the legality of the government’s property seizure. He asked why the government is “pushing the peaceful Con Dau parishioners into current tragic situation, causing one death, many arrests, others facing total loss of properties.” Forty of the villagers fled to Thailand after the incident, where they are seeking refugee status.

The Con Dau case has resonances for the Thai Ha parish, which was once the residence of the papal nuncio in Hanoi until the government confiscated it in 1954. In 2008, large-scale prayer vigils took place here. Police used violence to disband the estimated crowds of 15,000, and, according to the United States Commission on International Religious Freedom, deployed thugs, with “some wearing the blue uniforms of the Communist Youth League, to harass and beat Catholic parishioners and vandalize churches.”

Le Quoc Quan, a parishioner at Thai Ha, was himself previously detained for three months, shortly after he returned to Vietnam in early 2007. A lawyer, he had been on a five-month fellowship in Washington at the National Endowment for Democracy. “I am not afraid,” said Le.

Undercover in the Jungle

Looking from the church gate at barbed-wire-topped walls, blocking access to what was previously church ground, Le Quoc Quan points out that the Thai Ha grounds have been whittled down to 1/14 of the 1954 area, when the country gained its independence from France.

As this reporter walked with a parishioner outside the church grounds during rush-hour, edging though a narrow side street jammed with the crisscrossing tide of scooters and motorbikes taking commuters home from work, he was told that one should be wary of government agents keeping an eye on the church.

“They have surveillance around here,” said the parishioner, requesting anonymity.

The reporter was told that the government wanted a newly-opened, U.S.-government-funded methadone clinic beside the church to increase the psychological pressure on the parishioners.

“The idea is to make people uncomfortable by having many drug addicts hang around at the church gates,” said Le Quoc Quan. One of the parish’s Redemptorist priests, who requested that his name not be used, said that there are other ploys being used, such as state representatives handing out government propaganda close to church grounds.

In parts of the countryside, the situation appears to be worse. “In Son Ha, they are not allowed to have a priest, so cannot have Mass,” the priest lamented. “The government does not recognize them as Catholics.”

Grinning with boyish bravado, he recounts going undercover in the jungles to meet Catholics who are denied access to a priest or to regular sacraments. “We try to find somewhere quiet in the forest, or in some village,” he recounted. “But we have to make sure we don’t get caught; otherwise the police will make it impossible for outsiders to get in and out of some of these places.”

The official figures give a Catholic population of just over 6 million, but that is perhaps an understatement.

“Church figures estimate that there are over 8 million Catholics now in Vietnam,” according to the Thai Ha priest, making up around 10% of Vietnam’s population.

Conversions in Thai Ha are on the upswing, as well, in keeping with the national trend. Thanh Chu, age 22, is one of 200 readying for her baptism, before she marries her Catholic fiancé.

“Before I started to come to the church, I had no religion,” she said, adding that “we heard a lot of anti-Catholic propaganda.” Now, under Le Quoc Quan’s direction, she works alongside dozens of other Catholic university students,

Some of these were behind the church, filling relief supplies of food and clothing to be sent to flood-hit areas in rural Vietnam, where over 159 people have been killed over the past month

The trials faced by the parish have led to more positive developments, all told. “Fifteen thousand to 20,000 people come here for Mass every Saturday and Sunday,” said Le Quoc Quan. “Before the vigil started, we had three Masses each weekend, now we have 11.”

(Source: http://www.ncregister.com/daily-news/a-persecuted-church-left-to-fend-for-itself/ reprinted with permission from the National Catholic Register)
 
KonTum Bishop committed to bring The Words to remote regions despite local scrutiny
Emily Nguyễn
21:56 15/11/2010
In a recent letter sending to his priests and parishioners of Kon Tum diocese, Bishop Michael Hoang Duc Oanh had tried to calm down his fellow diocesans' sentiment and public outcry on what is being observed as a serious and deliberate attempt to prevent him and other clergymen to come celebrate mass with the local Catholics in his jurisdiction.

His account of what happened on Nov 7, 2010 helped to shed light on the reality of how risky and challenging it can be in this day and age in his tour of (pastoral) duty, in response to public enormous inquiry flooding in from both domestic and foreign sources, after an article had been posted anonymously online without his knowledge.

Kon Tum, a central highland province which had merged with Phu Bon province after the fall of Saigon in 1975 to form province of Gia Lai, known as a proud communist guerrilla stronghold. Kon Tum has also been dubbed the "white area" where the local authorities often proudly presents it as a province completely free of "superstition, idolatry, and religion". They seem to keep their money where their mouth is by doing anything to prevent the Christians clergymen to come celebrating mass with the local parishioners, despite the fact that “Vietnamese citizens have the right to religious freedom. Each person has the right to follow or not follow a religion”, as clearly stated in the 1982 Vietnamese Constitution.

In his latest letter dated Nov 11, 2010, Msgr. Michael Hoang Duc Oanh had told the congregations that he did inform the provincial government the schedule for his pastoral tour of duty in Yang Trung, An Trung and Son Lang since Sept 11, 2010 and requested a response in case his plan does not meet the requirement of the authorities. Since he received neither approval nor a denial from them, on Nov 7 he lead a group of 16 to the designated areas to conduct religious activities. However the group had met with great effort to prevent them from reaching destinations and the local parishioners who offered their homes as a place of mass celebration had to be summoned by the police to sign on citation admitting their "crimes" of illegal gathering and mass celebrating.

Msgr. Hoang Duc Oanh also disclosed that during a similar situation which took place right after the 2010 Lunar New Year he himself had also been threatened by communist cadres in front of his parishioners "If you keep coming to officiate mass for these people you will be arrested and put in jail"

Though the brave shepherd has never told anyone about his private agony, the public has been outraged by the absurdity and boldness of the threats and soon the unofficial reports about the incidents have been flooding the cyberspace, thanks to the brave whistle blowers.

Eager to calm down a huge number of concerned people, the prelate urged his diocesans to keep on living as good examples of Jesus Christ's disciples in order to bring the Good News to the atheist cadres who caused them so much pain and difficulties "as long as Christ's Holy Name is glorified and as long as our people will be respected and our country developed". In his letter, the prelate expressed no ill will toward his antagonists and offered his warm regards, calling them "the God sent envoy" who were there for the purpose of reinforcing the Catholics' zeal and commitment to Evangelical mission.

Also, in a gesture to find a common ground for the devote Catholics and hardcore communists to coexist and prosper in Kontum, bishop Michael Hoang Duc Oanh wrote a letter to the Chairman of the People's Provincial Committee Pham The Dung, earnestly suggesting him to adopt a tentative Sunday mass schedule for the local Catholics to maintain their regular religious activities. "If not" the determined bishop went on " please send us a formal notice to indicate your denial for our request so that we will no longer have to bother you and the local government"
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo Phận Bắc Ninh mừng kính Thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh và Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Xương Giang
09:42 15/11/2010
BẮC NINH: Sáng ngày lễ các thánh tử đạo Việt Nam(14/11/2010), hơn 700 vị ban hành giáo đại diện cho gần 2000 ban hành giáo trong các xứ họ của giáo phận Bắc ninh đã hành hương về nhà thờ Chính Tòa Bắc ninh, mừng lễ thánh Tổ Giuse Hoàng Lương Cảnh và các thánh tử đạo Việt nam.

Xem hình ảnh

Chủ sự thánh lễ mừng kính thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh và các thánh tử đạo Việt nam là đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt giám mục giáo phận Bắc ninh, cha tổng đại diện Giuse Trần Quang Vinh cùng một số cha trong và ngoài giáo phận.

Ngỏ lời cùng quí vị ban hành giáo, đức cha kêu mời các vị ban hành giáo hết lòng phục vụ Chúa, giáo phận và xứ họ. Ngài mời gọi quí vị ban hành giáo hãy noi gương thánh Tổ Giuse Hoàng Lương Cảnh, các thánh tử đạo Việt nam và 100 vị đầu mục (Trùm họ) tử đạo của Bắc ninh để làm cho giáo phận ngày một thánh thiện hơn.

Trong bài giảng, đức cha đã nêu lên mẫu gương của một ông Trùm họ: cụ là một thầy Lang hết lòng phục vụ bệnh nhân, không những vậy cụ còn là người rất đạo đức và thánh thiện, mọi người trong họ thấy cụ hết mình với những công việc chung trong giáo họ đã bầu cụ làm Trùm. Cho dù tuổi cao (75 tuổi) sức yếu, nhưng trên cương vị là ông Trùm trong giáo họ, cụ đã tận tụy hy sinh phục vụ mọi người. Đặc biệt, vì lòng yêu mến các linh hồn, cụ luôn luôn lén lút đi rửa tội cho các em bé sắp qua đời. Trong một lần đi rửa tội cho một em bé sắp chết, cụ đã bị binh lính bắt. Cho dù bị dụ dỗ cũng như dùng mọi cực hình tra tấn, cụ vẫn một mực không chịu quá khóa. Cuối cùng cụ đã chịu chết để trung thành với đức tin. Vị ban hành giáo đó chính là cụ Trùm Giuse Hoàng Lương Cảnh và là ông Tổ của ban hành giáo trong giáo phận Bắc ninh.

Tiếp theo trong bài giảng, đức cha nhắc đến mẫu gương của thánh linh mục Phêrô Nguyễn Văn Tự và 10 vị thánh khác có liên hệ đến giáo phận Bắc ninh. Đặc biệt, ngài nhấn mạnh đến mẫu gương của 100 vị đầu mục (giáo dân đứng đầu trong xứ, họ) và thứ mục (giáo dân trong ban lãnh đạo xứ, họ) đã cùng chịu tử đạo tại cổng thành Bắc ninh ngày 4 tháng 4 năm 1862.

Trong ngày hành hương mừng kính thánh Tổ Guse Hoàng Lương Cảnh và các thánh tử đạo Việt nam, các vị ban hành giáo cũng được chiêm ngắm và tôn thờ Tượng Chịu Nạn đang được trưng bày tại gian cung thánh nhà thờ Chính Tòa Bắc ninh. Theo tương truyền, thì đây chính là Tương Chịu Nạn mà quan quân đã bắt các vị đầu mục và thứ mục phải bước qua để đươc tha về, tuy nhiên đúng 100 vị đầu mục và thứ mục đã nhất quyết không chịu bước qua và đã phải chết. Sau đó, giáo dân của giáo xứ Xuân Hòa (Kẻ Roi) đã lấy được và cất giữ tại nhà thờ Xuân Hòa cho đến ngày nay.
 
Khai giảng chương trình bồi dưỡng thần học Tại Trung Tâm Mục Vụ giáo phận Bắc Ninh
Peter Nguyen, OP
09:50 15/11/2010
BẮC NINH: Vào lúc 8 giờ, ngày 15.11.2010 tại Trung Tâm Mục Vụ giáo phận Bắc Ninh, đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt đã khai giảng chương trình bồi dưỡng thần học cho các tu sĩ giáo phận Bắc ninh, cùng hiện diện trong lễ khai giảng còn có ban điều hành liên tu sĩ giáo phận, quý cha ban giảng huấn, quí bề trên các hội dòng và 38 học viên; là thành viên của hội dòng nữ Đaminh Xuân Hòa, Tu Hội Đức Mẹ Hiệp Nhất và Tu Hội Thánh Tâm trong giáo phận. Tuy là chương trình đào tạo thần học cơ bản dành cho các nữ tu từ khấn tạm trở lên nhưng trong lớp có cả những nữ tu sắp bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy” vẫn nhiệt tình ghi danh vào lớp học. Vì đây là chương trình thần học cơ bản đầu tiên dành cho nữ tu được mở lại sau hơn 50 năm bị gián đoạn. Nên con số đăng ký rất đông nhưng vì điều kiện hoàn cảnh thiếu tốn về cơ sở vật chất, cho nên không cho phép ban tổ chức có thể nhận thêm học viên.

Xem hình ảnh

Trong bài phát biểu đức cha Cosma đã trình bày sơ lược về lý do tại sao địa phận Bắc ninh đã gặp khó khăn về học tập trong suốt hơn 50 qua, vì hoàn cảnh lịch sử, vì bị o ép, vì thiếu nhân sự bởi có lúc giáo phận chỉ có một linh mục rưỡi. Đồng thời, đức cha cũng cám ơn những người nữ tận hiến đã hy sinh rất nhiều cho giáo phận trong những lúc khó khăn như thế. Đời sống tôn giáo của các xứ họ trong những thập niên 60 và 70 phần lớn chỉ dựa vào quí vị ban hành giáo và các người nữ tận hiến. Tuy các chị chỉ làm được những việc đơn sơ là dạy kinh bổn mà thôi. Nhưng chính nhờ vào lòng nhiệt thành và đạo đức của những người nữ tận hiến mà các sinh hoạt tôn giáo vẫn duy trì. Cho dù gặp nhiều khó khăn hạn chế nhưng những việc làm âm thầm nhỏ bé của các chị vô hình chung đã trở thành những mạch nước ngầm chảy nối kết truyền thống đức tin trong lòng giáo phận, và đã làm tiêu tan những âm mưu chia cắt làm cho giáo phận suy yếu.

Trải qua ba đời giám mục tiền nhiệm, (từ năm 1963 đến 2008) là đức cố hồng y Phaolô Phạm Đình Tụng, đức cố giám mục Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến và đức cha giám quản Giuse Ngô Quang Kiệt. Các ngài đã đặt nền móng cho các hội dòng và tu hội hình thành và phát triển; đã tu luật, có hiến pháp, và nội qui hoạt động, chia vùng truyền giáo cho các hội dòng và tu hội. Đúng là tình yêu và sức mạnh của Chúa Thánh Thần đang thổi mạnh vào đời sống thánh hiến của những người nữ dâng hiến của giáo phận, kể từ cuối thập niên 90 và những năm đầu thế kỷ 21 đã có những nữ tu tuyên khấn lần đầu và khấn trọn đời (tính đến ngày 02 tháng 10 năm 2010 con số những người khấn cả tạm và trọn đã lên tới hơn 170 trong toàn giáo phận). Đây quả là một hồng ân Thiên Chúa mà chỉ cách đây 20 năm không ai có thể nghĩ tới điều này. Thiên Chúa yêu thương và không bỏ rơi những ai yêu mến Ngài. Thiên Chúa gửi đến cho giáo phận Bắc ninh vị giám mục đương nhiệm đáng kính là đức cha Cosma, ngài không những là vị giám mục đạo đức thánh thiện mà còn trí thức nữa. Ngài rất yêu mến đời sống thánh hiến cho nên mới lãnh đạo giáo phận hai năm thôi mà ngài đã cho thành lập Ủy Ban Tu Sĩ lo việc liên lạc, chia sẻ mục vụ, và bồi dưỡng thần học cho các tu sĩ. Ngài muốn các hội dòng và tu hội phát triển trưởng thành hơn nữa. Trong tương lai gần, ngài sẽ ra văn thư tuyên bố chính thức thành lập các hội dòng và tu hội trong giáo phận Bắc ninh.

Ngài luôn nói rằng đã đến lúc Chúa cho giáo phận cơ hội bằng chị bằng em. Ngài luôn coi các tu sĩ là những đứa con tinh thần hơn nữa của giám mục. Vì thế, ngài đã lo liệu, chia sẻ, động viên và giảng huấn cho bất kỳ hội dòng và tu hội nào cần đến ngài.

Trong bài chia sẻ khai mạc chương trình bồi dưỡng thần học hôm nay, ngài dí dỏm nói rằng mong đàn con gái ta, không thua chị kém em, không thua giáo phận Hải Phòng quá xa, không thua giáo phận Bùi Chu quá nhiều. Đến lúc chúng ta phải học, nói như Lê nin: “học, học nữa học mãi”. Học như thánh Alberto mà hôm nay chúng ta mừng lễ: khoa học tự nhiên không đối chọi với đức tin, mà nhờ sự hiểu biết khoa học mà con người yêu mến Đấng Tạo Hóa là Thiên Chúa hơn nữa. Đức cha còn trích tiếp câu nói của Lê nin: “nhiệt tình và ngu dốt là đại phá hại.” Ngài nòi tiếp: trước đây chúng ta đi tu chỉ cần nhiệt tình đạo đức thôi là đủ, nhưng bây giờ phải học kiến thức về Chúa và Giáo hội nhiều hơn nữa để có thể đáp ứng được nhu cầu mới của thời đại.

Kết thúc bài chia sẻ, đức cha kính chúc ban điều hành, ban giảng huấn và các học viên hãy cố gắng học tập để xứng đáng với niềm tin mà giáo phận đang trông chờ nơi những người nữ tận hiến. Ngài nhắc lời câu nói của Lê nin: “học, học nữa, học mãi” để động viên các học viên cố gắng học hành, học đến bao giờ “con hơn cha là nhà có phúc”. Các học viên đã đáp lại lời cầu chúc của vị chủ chăn chung của giáo phận bằng lời nói khiêm tối đó là: chúng con chỉ cần học bằng đức cha là gia đình giáo phận Bắc Ninh đã “đại phúc” rồi.

Nghi thức khai giảng kết thúc, quý cha giáo và các học viên bắt đầu vào tiết học đầu tiên ngay. Chúc mừng liên tu sĩ giáo phận Bắc Ninh đã bắt đầu khởi động hành trình mới. Chúc các học viên hãy noi gương thánh Alberto trong đời sống học hành và dâng hiến.
 
Tìm hiểu địa danh Công giáo: Giáo phận Ban Mê Thuật
Đặng Quốc Minh Dương
10:56 15/11/2010
Địa danh là một hiện tượng ngôn ngữ, nó là “khối ngôn ngữ kí sinh” được dùng để định danh các đối tượng địa lí. Nhưng địa danh được sinh ra cùng văn hóa, phát triển cùng văn hóa, do vậy, nó cũng là một hiện tượng văn hóa. Địa danh không chỉ thực hiện chức năng cơ bản là định danh sự vật, cá thể hóa đối tượng mà còn thực hiện chức năng phản ánh. Mỗi địa danh đều ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử cụ thể nên nó phản ánh nhiều mặt xã hội xung quanh.

Từ lâu, địa danh học đã trở thành một ngành học khá thú vị. Nhiều nhà nghiên cứu suốt đời chỉ chuyên chú mỗi lĩnh vực này. Ở Việt Nam phải kể đến nhà địa danh học Lê Trung Hoa với các công trình như Địa danh học Việt Nam, Địa danh ở Tp. Hồ Chí Minh, TS. Nguyễn Kiên Truờng với công trình Những đặc điểm chính của địa danh Hải Phòng…Riêng địa danh của tỉnh Đăk Lăk cũng là một đề tài luận án tiến sĩ của Trần Văn Dũng (Những đặc điểm chính của địa danh Đăk Lăk). Kể ra thế để biết rằng, việc nghiên cứu về địa danh là một việc làm thiết thực, mang tính khoa học.

Bài viết của chúng tôi thử đặt vấn đề tìm hiểu địa danh công giáo ở giáo phận Ban Mê Thuật - chủ yếu tập trung ở hai tỉnh Đăk Lăk và Đăk Nông.

Địa danh công giáo ở Ban Mê Thuật

Tìm hiểu thực tế địa danh công giáo ở Ban Mê Thuật, chúng tôi thấy có một số đặc điểm sau đây:

Cách định danh dựa vào nguyên quán

Đây là cách định danh xuất hiện nhiều nhất. Các địa danh này thường gợi mở cho chúng ta biết rõ nguyên quán của giáo dân tại giáo xứ đó. Chẳng hạn như, các giáo xứ gốc địa phận Vinh thường có kết cấu theo công thức: “Vinh + X” như Vinh An, Vinh Hương, Vinh Hòa, Vinh Đức, Vinh Phước,… Các Gx như Quảng Đà, Nam Thiên, Hòa Bình, Quảng Nhiêu…cũng thuộc nhóm này. Không những là địa danh của giáo xứ, chúng tôi nhận thấy rằng cách đặt tên giáo họ tại một số giáo xứ cũng thể hiện rõ xu hướng này. Chẳng hạn như Gx Vinh Đức, phần đa tên gọi các giáo họ đều trùng lặp với tên của các giáo xứ ở địa phận Vinh như Xã Đoài, Phú Linh, Kẻ Tùng, Tam Đa, Mỹ Dụ, Bố Sơn… hay Gx Vinh An cũng vậy: tên gọi cả 10 giáo họ đều có gốc địa phận Vinh (Mỹ Yên, Kẻ Đọng, Xuân Hòa, Thanh Lâm, Xuân Sơn…)

Cách định danh này mang tính hoài cổ. Bởi như chúng ta biết, sau năm 1954, rất nhiều giáo dân của các địa phận Vinh, Bùi Chu, Phát Diệm đã di cư vào Nam. Nơi mãnh đất mới lạ này, tâm hồn của họ vẫn canh cánh hướng về cố hương. Cách gọi tên như vậy cũng góp phần nhắc nhớ cho con cháu biết về nguồn cội của mình.

Cách định danh đậm chất “nhà đạo”

Cách định danh này thường gọi theo tên một nhân đức, một danh xưng nào đó của Chúa Giêsu, Đức Mẹ hay các thánh như Gx Bác Ái, Gx Thánh Tâm, Gx Thánh Linh, Gx Chính Nghĩa, Gx Phúc Lộc, Gx Mẫu Tâm, Gx. Đức Hạnh, Gx Hòa An, Gx Dũng Lạc. Ở giáo phận Ban Mê Thuật chúng tôi chưa thấy cách định danh theo tên gọi của các Thánh (Gx Dũng Lạc?). Cách định danh này thấy xuất hiện nhiều ở Tổng giáo phận Tp. Hồ Chí Minh như Gx Mạctinho, Gx Phanxico, Gx Giuse, Gx Antôn…Tuy nhiên, cách định danh giáo họ, giáo khu theo tên các vị thánh lại xuất hiện khá nhiều, như giáo họ Gioan, giáo họ Antôn, giáo họ Phêrô, giáo họ Giuse (Gx Châu Sơn), giáo họ Phêrô, Antôn, Vô Nhiễm (Gx Xã Đoài), giáo họ Phêrô Tự, giáo họ Giuse thợ, giáo họ Phaolô trở lại, giáo họ Maria Mẹ Thiên Chúa, giáo họ Phanxico (Gx Thổ Hoàng)…Khác với cách định danh thứ nhất, cách định danh này mang màu sắc công giáo rõ nét. Cách gọi tên như vậy vừa có chức năng định danh, vừa có chức năng truyền giáo. Bởi vì, khi người ngoài Công giáo gọi tên những địa danh này, họ cũng đồng thời gọi tên các nhân đức, danh xưng… của tôn giáo mình.

Cách định danh mang tính bản địa

Đây là cách gọi tên Gx dựa vào các địa danh hành chính tại địa bàn mà Gx đó “đóng đô”. Chúng tôi xếp cách định danh các Gx Hưng Đạo, Thọ Thành, Kim Châu, Kim Phát, Kim Hòa, Giang Sơn, Châu Sơn, Nhân Cơ, Gia Nghĩa, Quỳnh Ngọc,…vào nhóm này. Cách định danh này thể hiện sự gắn kết đạo – đời.

Chúng tôi chỉ thấy 02 Gx có cách định danh theo công thức “Buôn + X” là Gx Buôn Hô, Buôn Hằng. Điều này cũng để lại trong tôi nhiều ưu tư, trăn trở. Ban Mê Thuật là một giáo phận có rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số - trong đó nhiều nhất là đồng bào dân tộc Ê đê và M’nông. Tuy vậy, lướt qua địa danh các giáo xứ làm tôi băn khoăn rằng: Phải chăng vấn đề truyền giáo cho đồng bào dân tộc thiểu số chưa được chúng ta quan tâm nhiều (như Gp Kon Tum)? Hay là chúng ta đã Việt hóa các giáo xứ, giáo họ của người dân tộc thiểu số? Rõ ràng, bức tranh màu sắc văn hóa, tính bản địa của giáo phận Ban Mê Thuật cần được chú ý hơn nữa.

Kết luận

Như đã nói, bài viết này chỉ là “bước đầu” nghiêm cứu về địa danh của công giáo (chủ yếu là giáo phận Ban Mê Thuật). Hy vọng đây sẽ là gợi mở cho nhiều nhà nghiên cứu, tìm hiểu về địa danh công giáo. Ước mong rang từ những chia sẻ trên đây sẽ góp thêm một ý kiến để trong tương lai, khi có những giáo xứ mới được thành lập thì các người có trách nhiệm có thêm 1 ý kiến tham khảo.

Từ những chia sẽ trên, chúng ta thấy rằng thành phần chủ yếu của giáo phận Ban Mê Thuật vẫn là giáo dân di cư từ các địa phận Vinh, Bùi Chu, Phát Diệm…Như vậy, cách định danh trên phản ánh rõ yếu tố văn hóa vùng miền. Qua cách định danh cũng thấy được “điểm lắng” của vấn đề truyền giáo cho anh em dân tộc thiểu số của giáo phận Ban Mê Thuật.

Bên cạnh chức năng định danh, chức năng cá thể hóa đối tượng, chức năng phản ánh, do đặc thù riêng, địa danh công giáo còn có chức năng giáo dục, chức năng truyền giáo.
 
Khai mạc tuần tĩnh tâm năm giáo phận Thanh hóa 2010
Vân Sơn
11:23 15/11/2010
Khai mạc tuần tĩnh tâm năm giáo phận Thanh hóa 2010

GPTH: Hôm nay, thứ Hai ngày 15 tháng 11 năm 2010, linh mục đoàn giáo phận đã tập trung về Tòa giám mục để tĩnh tâm năm 2010.

Xem hình tĩnh tâm

Tham dự tuần tĩnh tâm có Đức cha giáo phận Giuse Nguyễn Chí Linh, cha Tổng đại diện Phê-rô Vũ Tiến Phúc, quý cha trong giáo phận, quý thầy phó tế và các chủng sinh mãn trường đang đi thực tập mục vụ tại các giá xứ.

Người giảng phòng năm nay là Đức cha Giuse Nguyễn Năng, giám mục giáo phận Phát Diệm. Ngài đã chọn chủ đề theo chủ đề Năm thánh Giáo hội Việt Nam 2010: Mầu Nhiệm – Hiệp Thông – Sứ Vụ. Với đề tài này, Đức cha giảng phòng đã chia ra làm sáu bài giảng trong ba ngày.

Ngày thứ nhất với chủ đề: Mầu nhiệm:

- Đời sống thiêng liêng của linh mục

- Linh mục được mời gọi nên thánh.

Ngày thứ hai với chủ đề: Hiệp thông:

- Linh mục, con người của hiệp thông

- Linh mục và các mối tương quan trong giáo hội

Ngày thứ ba với chủ đề Sứ vụ:

- Linh mục là tông đồ của Đức Kitô

- Sống đời linh mục hạnh phúc

18g00: Trong giờ kinh Chiều hôm nay, tại nhà nguyện Tiểu chủng viện Lê Bảo Tịnh, linh mục đoàn giáo phận chính thức khai mạc tuần tĩnh tâm năm 2010. Sau giờ kinh chiều, Đức cha Giuse đưa ra một vài lưu ý mục vụ cần thiết trong tuần tĩnh tâm.

18g30: Tại nhà cơm Tòa giám mục, cha Tổng đại diện Phêrô Vũ Tiến Phúc thay lời cho linh mục đoàn giáo phận chào Đức cha giảng phòng. Một cách dí dỏm Đức cha giảng phòng nói “nghe từ giảng phòng to tác quá, chỉ là người chia sẻ với anh em linh mục thôi, còn người giảng chính là Chúa Thánh Thần…”.

19g45: Đức cha giáo phận chủ sự giờ chầu. Trong phần tâm sự trước Thánh thể, Đức cha đã dâng tuần tĩnh tâm cho Chúa. Ngài cũng mời gọi các linh mục hãy để cho tâm hồn mình lắng đọng để kính múc ơn Chúa sau một thời gian vật lộn với sứ mệnh trên cánh đồng truyền giáo tại các giáo xứ. Đây cũng là dịp để mỗi linh mục, mỗi chủng sinh quây quần bên Chúa, sống tình anh em linh mục để hâm nóng lại nhiệt huyết của những ngày đầu đời linh mục; hâm nóng lại lý tưởng của thời chủng sinh trong những ngày đang ngồi trên ghế Đại chủng viện…

20g30: Đức cha giảng phòng chia sẻ phần dẫn nhập chủ đề: Mầu Nhiệm – Hiệp Thông – Sứ Vụ.

21g00: Sau giờ kinh tối, các linh mục thinh lặng đi vào tuần tĩnh tâm…

Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện cho tuần tĩnh tâm năm của linh mục giáo phận được dồi dào ơn Chúa…

Tuần tĩnh tâm sẽ kết thúc sau lễ sáng thứ Sáu ngày 19 tháng 11.
 
Giáo xứ Phương Mai kỉ niệm 250 năm đón nhận Tin Mừng và 100 xây dựng Nhà thờ
Trường Giang
12:22 15/11/2010
THÁI BÌNH - Sáng ngày 14/11/2010, tại thánh đường giáo xứ Phương Mai diễn ra thánh lễ hết sức long trọng, với bốn biến cố lớn: Mừng kỷ niệm 250 đón nhận Tin Mừng, 100 năm xây dựng nhà thờ, tạ ơn được lên giáo xứ và tuần chầu Thánh Thể thay mặt giáo phận. Trong ngày trọng đại này có sự hiện diện của Đức cha Phê rô Nguyễn Văn Đệ, Giám mục giáo phận Thái Bình, các cha trong giáo phận, các nam nữ tu sĩ, các vị ân nhân và hàng ngàn giáo dân xa gần cùng về tham dự.

Đôi dòng lịch sử giáo xứ Phương Mai

Theo sử sách để lại bằng chữ Hán kể rằng: cụ Đoàn Văn Giang lúc 17 tuổi vì nạn đói, nên bỏ làng Hoàng Mai đi kiếm sống. Vào đầu năm 1760 từ vùng Nam Định cụ trở về quê hương cùng với vợ con đã được đón nhận Tin Mừng. Đây là gia đình Công Giáo đầu tiên của trại Hoàng Mai. Từ năm 1760-1810 dưới sự cai quản của cha thánh Hàn, số người theo đạo của trại Hoàng Mai tăng dần, gia đình cụ Lưu Đình Hương đã hiến một sào đất để làm ngôi nhà nguyện đầu tiên có 4 gian bằng tranh vách đất. Đầu năm 1850 cụ Lý Thủy và cụ Đoàn Văn Sơn tiến cúng ruộng đất để làm ngôi nhà nguyện thứ hai gồm 5 gian, chung quanh tường đắp đất, dàn gỗ tạp và lợp tranh. Cũng thời điểm này trại Hoàng Mai được các cụ đổi tên thành trại Phương Mai hay làng Phương Mai, nhận thánh nữ Têrêxa làm quan thày.

Đầu năm 1900 giáo họ đoàn kết cùng nhau xây dựng ngôi thánh đường mới. Trải qua 9 năm trường kỳ với bao mồ hôi và công sức ngôi thánh đường mới được hoàn thành, với tổng chiều dài 29m, rộng 11m, cao 8m, và tồn tại cho đến hôm nay là 101 năm. Đầu năm 1910, Đức giám mục giáo phận cho phép giáo họ nhận thánh Thomas Aquino làm quan thày. Năm 1913 giáo họ đồng tâm nhất trí xây dựng tháp chuông, sau gần 2 năm thi công, tháp chuông cao 21m đã được hoàn thành tốt đẹp. Năm 1918 giáo họ làm tòa chính và bàn thờ, năm 1921 được sơn son thếp vàng hoàn chỉnh. Năm 1965 giáo họ sửa lại hai mái ngói nhà thờ. Năm 1996 giáo họ đại tu lại ngôi thánh đường. Năm 2002 xây dựng nhà giáo lý và trung tâm mục vụ của giáo họ. Năm 2005 xây dựng lễ đài Đức Mẹ. Năm 2007 sửa chữa tháp chuông do bị hư hỏng nặng. Cuối năm 2009 đến đầu năm 2010 giáo họ sửa chữa lại gian cung thánh và một số công việc khác.

Hoa trái trổ sinh từ họ Phương Mai

250 năm trước, hạt giống Tin Mừng được bén rễ vào mảnh đất Hoàng Mai, hạt giống ấy không ngừng lớn lên, trưởng thành và đơm bông kết trái. Đến nay giáo xứ Phương Mai có 112 gia đình, với 390 nhân danh. Trong số những người con đó Thiên Chúa đã chọn một người lên chức linh mục - cha Thomas Aquino Đoàn Xuân Thỏa (chánh xứ Hoàng Xá), để phục vụ cho cánh đồng truyền giáo của giáo phận Thái Bình; thày Thomas Trần Công Hoàng hiện đang học tại Chủng viện Thánh Tâm Mỹ Đức Thái Bình. Ban hội đồng giáo xứ cũng như các hội đoàn trong giáo xứ hoạt động rất nhiệt tình và tích cực mọi công việc của giáo xứ.

Với sự trưởng thành trong Đức Tin và đời sống đạo sốt sáng, giáo họ Phương Mai được bề trên giáo phận nâng lên giáo xứ ngày 26/11/2009, trong đó có họ nhà xứ và họ lẻ Xuân Thọ.

Thánh lễ tạ ơn

Biết ơn tổ tiên đã dầy công xây dựng và bảo vệ kho tàng Đức Tin và công trình nhà Chúa quý giá tới ngày hôm nay, cũng như đánh dấu một bước trưởng thành của người con Phương Mai, đồng thời cũng là tuần chầu lượt đầu tiên của giáo xứ từ khi được lên xứ. Hôm nay giáo xứ Phương Mai được đón chào Đức cha Phê rô Nguyễn Văn Đệ, vị chủ chăn của giáo phận, quý cha, quý tu sĩ nam nữ, quý khách xa gần và cộng đoàn dân Chúa tới hiệp dâng thánh lễ tạ ơn. Đây cũng là một sự động viên khích lệ to lớn đối với một Phương Mai non trẻ trong cương vị là một giáo xứ mới thành lập.

Khi đặt chân tới giáo xứ này, trước tiên Đức cha giáo phận và cộng đoàn viếng Chúa Thánh Thể, sau đó Đức cha ngỏ lời với cộng đoàn, ngài thông qua các thông tin của giáo phận, cũng như chương trình tĩnh tâm năm của các linh mục giáo phận trong những ngày vừa qua. Đồng thời ngài lắng nghe những ý kiến, những tâm tình của người con Phương Mai chia sẻ. Đức cha đã giải đáp những ý kiến và những câu hỏi của cộng đoàn nêu ra, dù thời gian có hạn nhưng phần nào giáo dân cũng cảm nhận đực sự quan tâm và lòng nhiệt huyết của vị chủ chăn đối với từng con chiên và từng cộng đoàn giáo xứ.

10 thánh lễ, đoàn đồng tế khởi đi từ nhà xứ tiến ra thánh đường, cùng với nhiều hội đoàn trong xứ cũng như các xứ bạn: Đội trống sấm giáo xứ Hoàng Xá, đội kèn nam Hoàng Xá, đội kèn nữ giáo xứ Bồng Tiên, An Lạc, đội kèn nam Phương Mai, hội các bà mẹ, huynh đoàn Đaminh, ca đoàn và đoàn lễ sinh (40 em) giáo xứ Hoàng Xá. Trong đoàn rước còn có kiệu sắc phong lên xứ, do bốn thanh niên ca đoàn giáo xứ khiêng trên vai cách cung kính.

Trước khi cử hành thánh lễ, ông Thomas Bình, đại diện cộng đoàn giáo xứ sơ qua lịch sử giáo xứ Phương Mai từ khi đón nhận Tin Mừng, qua những giai đoạn trưởng thành và đến hôm nay. Cha quản nhiệm Phê rô Hùng đọc sắc phong thành lập giáo xứ của Tòa giám mục Thái Bình, gửi cho cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Phương Mai. Đọc xong cả cộng đoàn cùng tạ ơn Thiên Chúa và vui sướng vỗ tay chúc mừng, nhất là con dân Phương Mai niềm vui được vỡ òa, vì niềm mong ước đợi trông đã bao năm trường, đến nay đã thành hiện thực. Các đội kèn đồng thanh ca lên bài thật hùng tráng chúc mừng tân giáo xứ Phương Mai.

Mở đầu thánh lễ tạ ơn của giáo xứ và mừng kính các thánh Tử Đạo Việt Nam, Đức cha chủ sự thay mặt các cha chúc mừng bà con giáo xứ Phương Mai với bốn sự kiện: 250 đón nhận ánh sáng Đức Tin, 100 năm xây dựng thánh đường, và được nâng lên giáo xứ, nói lên sự trưởng thành của giáo xứ và lần đầu tiên được cung nghinh Thánh Thể thay mặt giáo phận. Đức cha kêu mời cộng đoàn, nhất là tín hữu Phương Mai hãy noi gương các bậc tiền nhân, các thánh Tử Đạo đã anh dũng hi sinh để Giáo Hội Việt Nam được thừa hưởng gia tài Đức Tin quý giá đến ngày hôm nay. Trong bài chia sẻ Tin Mừng, Đức cha nhắc nhớ lại bước đường đầu tiên khi hạt giống Tin Mừng được các thừa sai đem trồng vào mảnh đất Việt từ năm 1615, và từ đó đến nay đã 395 năm. Giáo Hội Việt Nam đang sống trong mầu nhiệm Năm Thánh, mừng 350 thành lập hai giáo phận Đàng Trong và Đàng Ngoài, 50 năm thiết lập hàng Giáo Phẩm Việt Nam. Đánh dấu sự trưởng thành của Giáo Hội Việt Nam, dù có phải trải qua biết bao sóng gió, thử thách. Sau cùng Đức cha chia sẻ sự lớn mạnh của Giáo Hội Việt Nam qua từng chặng đường và cho đến ngày hôm nay.

Kết thúc thánh lễ, đoàn đồng tế và cộng đoàn cùng hướng lên tòa Chúa, cùng cất cao bài ca “dương trần vang lên”, ca ngợi các thánh Tử Đạo Việt Nam. Các ngài đã lấy thân mình làm của lễ quý giá dâng lên Thiên Chúa thay cho con dân Việt Nam.
 
Thăm mục vụ giáo xứ Nam Lỗ
Thiên Bình
12:29 15/11/2010
THÁI BÌNH - Chiều ngày 14/11/2010, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, Giám mục giáo phận Thái Bình đã đến thăm và làm việc mục vụ tại giáo xứ Nam Lỗ, giáo hạt Đông Hưng, giáo phận Thái Bình. Cùng đồng tế với Đức cha có cha chánh xứ và quý cha.

Kể từ ngày về nhận giáo phận đến nay, đây là lần đầu tiên Đức cha Phêrô đến thăm mục vụ giáo xứ Nam Lỗ với cương vị là chủ chăn giáo phận. Trong niềm vui mừng, cha xứ và cộng đoàn giáo xứ Nam lỗ đã xếp hàng tại sân cuối nhà thờ để chào đón vị cha chung của giáo phận đến viếng thăm.

Đến với giáo xứ Nam lỗ vào 14 giờ chiều, cũng là lúc các em thanh thiếu nhi trong giáo xứ học giáo lý, Đức cha đã tới thăm từng lớp giáo lý, động viên khích lệ và cho quà các em.

Sau đó, tại khuôn viên nhà xứ, Đức cha đã ban lời huấn dụ cho cộng đoàn cũng như dành thời gian lắng nghe và trả lời những ý kiến, thắc mắc của cộng đoàn. Đức cha cám ơn cha xứ và cộng đoàn đã hy sinh thời gian để đón tiếp ngài. Đặc biệt, Đức cha vui mừng thấy các em thanh thiếu nhi trong giáo xứ được chăm sóc, được học hỏi Lời Chúa.

Ngỏ lời với cộng đoàn trong thánh lễ kính trọng thể các Thánh Tử Đạo Việt nam, Đức cha nhắn nhủ mọi hãy sống tâm tình tạ ơn Thiên Chúa vì muôn ơn lành Chúa ban cho chúng ta bấy lâu nay. Hãy tri ân và noi gương các thánh Tử Đạo vì các ngài đã dám sống ơn gọi của mình, dám hy sinh cả tính mạng để làm chứng cho Tình Yêu. Đặc biệt với giáo xứ Nam Lỗ, chúng ta tự hào là quê hương của 14 hiền phúc đã được Hội Thánh công nhận là chết vì đạo Chúa, hãy giữ vững truyền thống cha ông, tiếp nối truyền thống đầy hào hùng của cha ông để sống Đức Tin và mang Chúa đến cho mọi người.

Với những cám dỗ, lôi cuốn của xã hội ngày hôm nay, Đức cha cũng kêu gọi các bậc làm cha mẹ hãy quan tâm nhiều hơn nữa tới việc giáo dục con cái, lo cho chúng được học hỏi giáo lý và học văn hóa. Đây cũng là thách đố của các bậc làm cha mẹ, của giáo xứ, của giáo phận. Chúng ta hãy cùng cộng tác với nhau lo cho em chúng ta ngay từ bây giờ, mới có hy vọng tương lai tươi sáng.

Trước khi nhận phép lành cuối thánh lễ, cha chánh xứ đại diện cộng đoàn cám ơn Đức cha, quý cha, quý khách đã quan tâm đến dự lễ, cầu nguyện cho giáo xứ; xin tiếp tục cầu nguyện và giúp đỡ giáo xứ Nam Lỗ.

Ước mong trong ngày lễ mừng kính các thánh Tử Đạo Việt Nam giúp mỗi người luôn noi gương, can đảm sống xứng đáng là con cháu các thánh Tử Đạo và làm chứng cho Chúa bằng cuộc sống hằng ngày của mình.

Lược sử giáo xứ

Nam Lỗ cũng gọi là Sổ, trước đây thuộc tổng Cao Mỗ, phủ Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình. Nam Lỗ được các thừa sai Đaminh từ Sa Cát đến truyền giáo vào đầu thế kỷ thứ 18, rồi trở thành một họ lẻ thuộc xứ Sa Cát, nhận Đức Mẹ Mân Côi làm quan thầy.

Năm 1908, Đức Cha Pierre Munagorri Y Obineta Trung chia Sa Cát thành 3 giáo xứ, xứ Nam Lỗ được thành lập, gồm 17 họ, với 1197 nhân danh, ở trên địa bàn 13 xã của 2 huyện Đông Quan và Tiên Hưng trong đó 10 họ bổn đạo gốc và 7 họ bổn đạo mới. Cha xứ đầu tiên là Linh mục Phêrô Trứ, chịu chức năm 1891. Khi cha Trứ đổi về Tiên Chu, cha Phêrô Thiêm về coi sóc.

Năm 1929, Duyên Tục tách từ Nam Lỗ và lên xứ với 2 họ lẻ là Duyên Trang và Kim Ngọc. Sau 1954, Nam Lỗ bị xoá sổ 3 họ lẻ: Lô Xá, Phú Điền, và Kinh Môn. Hiện tại Nam Lỗ gồm 12 họ, một đền Đức Mẹ Fatima, 13 nhà thờ, với 1377 giáo dân rải rác trên 7 xã thuộc 2 huyện Đông Hưng và Hưng Hà.

Thời kỳ bắt đạo, tín hữu Nam Lỗ vẫn trung kiên giữ Đức Tin.Vùng Nam Lỗ thời đó có hai nơi giam giữ các tù Đạo là Thổ Khối và Trinh Nguyên, nhiều vị đã tử đạo tại hai nơi ấy. Nhờ gương sáng các đấng Tử Đạo, người Thổ Khối đã xin tòng giáo, trở thành một họ lẻ (họ Ngói) của giáo xứ bây giờ.

Nam Lỗ cũng có nhiều tín hữu hy sinh mạng sống để minh chứng đạo Chúa, trong đó có 14 hiền phúc đã được Hội Thánh công nhận là chết vì đạo Chúa, đã có hồ sơ làm án xin phong chân phúc. Các ngài là những ngành lá thắm tưới trong vườn vạn tuế Thái Bình.

Ngày 17/08/1908, giáo xứ được thiết lập với số giáo dân: 1397 người.

Ngày nay, Nam Lỗ thuộc thôn Ái Quốc, xã Hợp Tiến, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Cha xứ đương nhiệm Đaminh Nguyễn Văn Quát. Số giáo dân khoảng 1450 người.
 
Lễ khánh thành nhà thờ giáo họ Chỉ Kính giáo xứ Bạch Long
Bình Nguyên
12:37 15/11/2010
THÁI BÌNH - Sáng ngày 15/11/2010, Đức giám mục Phêrô, Giám mục giáo phận Thái Bình đã cắt băng khánh thành và chủ sự thánh lễ làm phép nhà thờ giáo họ Chỉ Kính, giáo xứ Bạch Long, giáo hạt Tiền Hải, giáo phận Thái Bình, nằm trên địa bàn xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

Đồng tế với Đức giám mục có cha chánh xứ Bạch long, cha quý hương giáo họ Chỉ Kính ở miền Nam và các cha trong giáo phận.

Về tham dự thánh lễ có đông đảo giáo dân trong các giáo xứ, giáo họ lân cận, quí ân nhân miền Nam, cũng như bà con lương dân trong khu vực.

Trong bài huấn dụ trước khi cắt băng khánh thành, Đức giám mục nói lên lời cám ơn các bậc tiền nhân đã để lại di sản Đức Tin cho con cháu ngày nay, cám ơn những người đã hy sinh góp công góp của để xây dựng ngôi thánh đường. Trong bài giảng, ngài nhấn mạnh đến việc xây dựng ngôi thánh đường tâm hồn. Nếu không nỗ lực xây dựng ngôi thánh đường tâm hồn thì cả trăm ngôi thánh đường gỗ đá cũng chẳng đáng gì trước mặt Chúa.

Được biết giáo họ Chỉ Kính đã có từ rất lâu rồi. Lúc đầu họ giáo có tên là Chỉ Trung, thuộc xứ Lương Điền, sau khi Bạch Long được tách ra khỏi xứ Lương Điền, giáo họ thuộc xứ Bạch Long. Ngày nay, giáo họ có khoảng 165 giáo dân. Người dân đa số là nông dân, trong lúc nông nhàn làm thêm nghề biển.

Ngôi tân thánh đường khánh thành và làm phép hôm nay được khởi công từ năm 2005. Với chiều dài 35m, rộng 11m, tháp chuông cao trên 20m.

Sau thánh lễ, cha quí hương giáo họ đại diện cho cộng đoàn đã nói lời tri ân Đức giám mục, các linh mục đồng tế, quý nam nam nữ tu sĩ, quý ân nhân và cộng đoàn dân Chúa, đã chung tay góp sức với giáo họ.
 
Bài tham luận Đại Hội Dân Chúa: Tin Mừng Chúa Giêsu trong môi trường xã hội Việt Nam hôm nay
+ HY Gioan B. Phạm Minh Mẫn
22:02 15/11/2010
TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ
TRONG MÔI TRƯỜNG XÃ HỘI VIỆT NAM HÔM NAY


I. BA MƯƠI NĂM SỐNG
VÀ LÀM CHỨNG NHÂN TIN MỪNG


1. Năm Thánh 2010 là cơ hội cho gia đình giáo phận nhìn lại đời sống và sứ mạng của Giáo Hội trong thành phố này. Nhìn lại để tạ ơn và sám hối, đồng thời để xác định hướng đi cho giai đoạn tới.

Tin Mừng Vượt Qua

2. Năm 1975 là thời điểm thay đổi chế độ chính trị tại Việt Nam. Sự thay đổi đó làm tan rã khung nếp văn hoá xã hội kinh tế chính trị cũ, lôi kéo theo nhiều mất mát và giới hạn cho Giáo Hội công giáo tại Việt Nam. Cộng thêm hơn 10 năm đất nước đóng cửa, mối liên hệ với thế giới và mối hiệp thông với Giáo Hội toàn cầu hầu như hoàn toàn bị cắt đứt.

Riêng Tổng giáo phận Saigon đổi tên là Tổng giáo phận Thành phố HCM, với nhiều mất mát: (1) về nhân sự, số linh mục từ 414 còn 226, số giáo dân từ 516.000 còn 387.184; (2) về cơ sở giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo, mất đi gần 400 cơ sở. Do đó không còn trường công giáo là nơi dạy giáo lý, giáo dục đức tin cho giới trẻ. Không còn bệnh viện công giáo, không còn những trung tâm từ thiện nhân đạo. Không còn hoạt động bác ái xã hội, chỉ còn những cơ sở và sinh hoạt thờ tự.

3. Tình hình đó mở đường cho gia đình giáo phận tập trung vào trung tâm và đỉnh cao của đời sống đạo là Chúa Giêsu Thánh Thể và Lời Chúa, đặt trọng tâm mục vụ vào công việc xây dựng các gia đình và cộng đoàn tín hữu thành gia đình Chúa, nơi đó có Chúa là Cha, mọi người là anh em một nhà, cùng chung một lòng tin cậy mến.

Và cũng từ đó, các gia đình cùng các cộng đoàn tín hữu dành nhiều thời giờ hơn cho việc xây đắp nếp sống hiếu thảo với Chúa, huynh đệ hiệp thông và hiệp nhất với nhau, bác ái và đồng cảm, bao dung và liên đới với đồng bào và đồng loại. Mọi người có nhiều cơ hội hơn để bước đi trong ánh sáng chân lý và tình yêu cứu độ của Chúa Kitô. Nhờ đó, đời sống đạo dần dần trở nên muối men và ánh sáng Tin Mừng trong môi trường còn xa lạ. Hình ảnh khiêm tốn làm chứng nhân Tin Mừng cũng dần dần đổi mới lối nhìn của nhiều người trong xã hội về Giáo Hội: từ một tổ chức bị coi là ngoại lại và thù nghịch trở thành một tổ chức có tiềm năng góp phần phục vụ dân tộc và phát triển đất nước cách vững bền.

Tin Mừng Sự Sống

4. Trong tình hình đó, Chúa vẫn thương đồng hành với dân Người, và gieo nhiều hạt giống hồng ân cứu độ vào lòng đất Việt Nam, hạt giống đức tin, hạt giống ơn gọi linh mục, tu sĩ. Nhờ đó đời sống gia đình giáo phận phục hồi và tăng trưởng qua những thăng trầm trong lịch sử. Hiện nay, giáo phận gồm có:

- 200 cộng đoàn giáo xứ với 662.148 giáo dân, 5.289 thành viên HĐGX, 6.254 giáo lý viên, 900 ca đoàn, 25 tổ chức tông đồ giáo dân,

- 318 linh mục giáo phận, 327 linh mục dòng, 5.047 tu sĩ, 180 đại chủng sinh của 3 giáo phận, 20 học viên dự bị, 300 dự tu, 15 tổ chức mục vụ giáo phận,

- 190 cơ sở nhà trẻ, lớp tình thương, dạy nghề, bác ái, từ thiện, nhân đạo, góp phần phát triển thành phố, đồng thời khắc phục những hậu quả tiêu cực đi kèm theo phát triển kinh tế xã hội.

Tin Mừng Tình Thương

5. Nhờ ơn Chúa thương ban, các gia đình công giáo, các cộng đoàn tín hữu trở nên thửa đất màu mỡ, được mọi người chăm sóc bằng đời sống cầu nguyện và phụng vụ bí tích, đời sống bác ái hy sinh và gian khổ. Đời sống đó khơi nguồn cho dòng nước trong lành của ơn thánh vun tưới cho các hạt giống hồng ân cứu độ phát triển xanh tươi và đơm bông kết trái như ngày nay.

Nay, theo lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha, gia đình giáo phận, trong sứ mạng yêu thương và phục vụ, tiếp tục chăm sóc cho những hạt giống đó đơm bông kết trái cho mọi người. Giáo phận xây mới Trung Tâm Mục vụ thành nơi mở rộng và nâng cao kiến thức đức tin và mục vụ cho các tín hữu, đặc biệt cho giáo dân; xây đắp tình huynh đệ hiệp thông và liên đới với nhau, trợ lực cho các gia đình công giáo, 200 cộng đoàn giáo xứ, 300 cộng đoàn tu sĩ, 15 Ban Mục vụ giáo phận, 25 đoàn thể tông đồ giáo dân, trở thành những mái trường giáo dục đức tin, thành trì bảo vệ đức tin, chứng nhân lưu truyền đức tin, nhằm bước theo Chúa Kitô yêu thương và phục vụ cho sự sống con người.

Tin Mừng cho mọi người

6. Cuộc gặp gỡ với Đức Kitô trên đường Đa Mát đã đổi mới Saolô bắt đạo thành Phaolô nhà truyền đạo cho lương dân. Thánh nhân đã cống hiến cuộc đời và mạng sống cho sứ vụ loan truyền Tin Mừng và xây dựng Giáo Hội Chúa Kitô trong lòng nhiều dân tộc. Từ đó, Thánh Phaolô lưu truyền lại nhiều kinh nghiệm cho người công giáo sống Phúc Âm trong lòng dân tộc Việt Nam hôm nay.

7. Kinh nghiệm thứ nhất: "Sống trong ánh sáng chân lý và tình yêu cứu độ, ta sẽ được lớn lên về mọi phương diện, vươn đến Chúa Kitô là Đầu" (Eph 4,15). Ánh sáng chân lý và tình yêu của Đức Giêsu Đấng cứu độ mời gọi mọi người bước theo Người trên con đường tình yêu cứu độ. Con đường mang bốn dấu ấn nổi bật: Hội Nhập, Dấn Thân phục vụ, Hy Sinh và Đổi Mới.

(1) HỘI NHẬP vào đời sống văn hoá xã hội của cộng đồng dân tộc;
(2) DẤN THÂN PHỤC VỤ cho sự sống cùng sự phát triển của con người cùng đất nước;
(3) HY SINH lòng tư kỷ và tự đại để đồng cảm cùng bao dung khắc phục những hậu quả tiêu cực kèm theo quá trình phát triển kinh tế xã hội, cũng như các tệ nạn xã hội;
(4) ĐỔI MỚI lòng dạ người người hướng đến tình huynh đệ liên đới, chung sức xây đắp nếp sống văn hoá sự sống và văn minh tình thương, vì sự sống và sự phát triển của mọi người.

8. Kinh nghiệm thứ hai: "Trong mọi gian truân thử thách, hãy kiên nhẫn và cầu nguyện" (Rm 12,12).

Theo giáo huấn của Giáo Hội công giáo dạy, bước đầu của con đường hội nhập và dấn thân phục vụ là đối thoại và hợp tác. Đối thoại trong ánh sáng chân lý và hợp tác trong tình bác ái của Chúa Kitô. Xem ra con đường đối thoại và hợp tác còn xa lạ đối với nhiều người. Vì lẽ, một mặt, tính đối kháng và thói quen đối đầu như đã ăn sâu trong cách nghĩ và cách sống của mỗi con người. Mặt khác, nhiều người vẫn quan niệm chân lý chỉ là những gì hợp với sở thích và tư lợi. Do đó, con đường đối thoại và hợp tác đòi hỏi sự kiên nhẫn và chuyên cần cầu nguyện.

9. Vậy chúng ta hãy kiên nhẫn và chuyên cần cầu nguyện. Cầu nguyện như Chúa Giêsu đã cầu nguyện và đã dạy. Ta cầu nguyện như Chúa dạy, không phải là khẩn nài Chúa làm theo ý riêng ta, song là lắng nghe lời Chúa dạy qua những dấu chỉ và những biến cố trong cuộc đời, đồng thời mở rộng lòng trí đón nhận ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, giúp ta nhận ra và thi hành ý Cha trên trời, là mọi người trên đất nước cùng thế giới hôm nay được sống và sống dồi dào.

II. TIN MỪNG MỜI GỌI
NGƯỜI NGƯỜI CHUNG SỨC VUN ĐẮP
NẾP SỐNG VĂN HOÁ SỰ SỐNG VÀ VĂN MINH TÌNH THƯƠNG


Lời mời gọi

1. Con Chúa mang phận người ở giữa chúng ta, nhằm làm chứng cho sự thật căn bản số một này là: Thiên Chúa là Sự Sống, là Tình Yêu, và là người Cha đã trao tặng cho gia đình nhân loại hai món quà cao quý nhất là sự sống và tình yêu.

Tin Mừng cứu độ mà Đức Giêsu loan báo cho loài người là Tin Mừng Sự Sống, Tin Mừng Tình Thương, và mời gọi mọi người thiện tâm hãy chung sức kiến tạo nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương, vì sự sống và hạnh phúc của mọi người.

2. Trong thư gửi dân Chúa Việt Nam ngày 7.10.2010, HĐGM.VN mời gọi người công giáo Việt Nam hãy chung sức xây đắp nếp sống hiếu trung đối với Cha trên trời, hiệp thông huynh đệ đối với mọi người anh em đồng đạo, đồng bào và đồng loại, nhằm chung sức vun đắp nếp sống văn hoá sự sống và văn minh tình thương trên quê hương đất nước hôm nay.

Trong sứ điệp nhân ngày Thế Giới Truyền Giáo 24.10.2010, Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI cũng kêu gọi người công giáo xây dựng sự hiệp thông trong Giáo Hội là chìa khoá loan Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, cũng nhằm mục đích phục vụ cho sự sống cùng sự phát triển của xã hội loài người hôm nay.

Tình hình xã hội

3. Là dân sống trong thành phố này, nhiều người nhận thấy trong thập niên đầu thiên niên kỷ thứ ba, bên cạnh sự phát triển rất nhanh về mặt kinh tế xã hội, có những dấu ấn văn hoá sự chết ngày càng lan rộng, như nạn phá thai hủy diệt sự sống, nạn xì ke ma tuý đưa nhiều bạn trẻ đến cái chết trắng, để lại nhiều bà mẹ, nhiều trẻ thơ sống với HIV, nạn trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ngày càng gia tăng, nạn bạo hành và phân hoá trong gia đình, cùng những quốc nạn và tệ nạn khác hủy hoại sự sống và phẩm giá con người...

4. Ai chịu trách nhiệm về sự hình thành và phát triển lối sống văn hoá sự chết này ? Khoa học xã hội xác định có ba nhân tố chung phần vào sự hình thành nhân cách của mỗi con người: (1) di truyền, (2) môi trường xã hội gồm gia đình, nhà trường, các tổ chức trong xã hội, đạo đời, truyền thống văn hoá cùng những nét văn hoá du nhập từ thế giới toàn cầu hoá hôm nay, (3) ý thức và ý chí của các đương sự.

5. Kỳ thực, một số tổ chức đạo đời trong thành phố đã có những biện pháp tình thế nhằm khắc phục những hậu quả nặng nề của lối sống văn hoá sự chết. Muốn giúp cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau từng bước vượt qua lối sống văn hoá sự chết trong xã hội hôm nay, thiển nghĩ cần có những giải pháp căn cơ. Hiện nay, chúng ta không có khả năng thay đổi những yếu tố về di truyền, nhưng chúng ta có thể góp phần xây dựng và cải tạo môi trường sống cho lành mạnh hơn, cùng huấn luyện và củng cố ý chí nơi mỗi con người.

Trách nhiệm liên đới trong xã hội hôm nay

6. Để đạt mục đích trên, ưu tiên là ba giải pháp như sau:

(1) Một là đổi mới cơ chế luật lệ hiện hành, mở ra cho mọi tổ chức đạo đời đồng trách nhiệm tham gia vào việc tổ chức và điều hành công cuộc phục vụ cho sự sống cùng nhân phẩm và nhân quyền, trước tiên là quyền sống và quyền được phát triển, của mọi người trong cộng đồng dân tộc hôm nay, đặc biệt người nghèo khổ, kém may mắn, bị bỏ rơi...

(2) Hai là liên kết mọi thành phần xã hội trong nỗ lực chung. Gia đình, nhà trường và nhà giáo, nhà báo và nhà khoa học, nhà thờ và nhà chùa, nhà kinh tế và nhà chính trị, với ý thức trách nhiệm liên đới, quan tâm liên kết, chung sức xác lập định hướng cho nếp sống văn hoá sự sống và văn minh tình thương cho thế hệ trẻ trong xã hội hôm nay.

(3) Ba là nêu gương sáng cho giới trẻ. Gia đình, nhà trường cùng giới lãnh đạo các tổ chức đạo đời trong xã hội thể hiện ý thức trách nhiệm nêu gương sáng thuyết phục, và truyền đạt kỹ năng sống nếp sống mới cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Thực hiện được ba giải pháp căn cơ đó, là xây nền móng cho nếp sống văn hoá mới, và mở ra một tương lai tươi sáng hơn cho người trẻ hôm nay.

Xây mới ngôi nhà chung trên nền vững chắc

7. Nếp sống văn hoá sự sống và văn minh tình thương là nếp sống mang những nét văn hoá nền tảng như sau:

(1) Thể hiện ý thức tôn trọng con người là mục đích tối cao của sự phát triển đất nước, hơn là coi họ chỉ là phương tiện sản xuất, là công cụ cho sự phát triển. Tôn trọng con người tất nhiên đòi hỏi quý trọng sự sống, nhân phẩm, nhân quyền, theo truyền thống văn hoá dân tộc, hơn là chỉ biết dùng luật lệ, quyền hành, vũ lực, tiền bạc để đối xử, giáo dục, cải tạo, đổi mới con người, nhất là người trẻ...

(2) Phát huy lòng nhân ái và lòng tự trọng theo truyền thống đạo lý của dân tộc, hơn là để mình bị cuốn hút chạy theo tiền tài, quyền lực, danh vọng, thời trang, hưởng thụ vật chất; đồng thời phát huy tính trung thực và sự trong sáng đáng tin cậy, hơn là chỉ coi sự thật là những gì mang tính thực dụng, đem lại lợi lộc...

(3) Và bài học trong truyền thống văn hoá "tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ", vẫn còn nguyên giá trị và thật cần thiết cho công cuộc xây đắp nếp sống văn hoá mới hôm nay.

8. Thể hiện những nét văn hoá nền tảng đó trong nếp sống gia đình và xã hội, vừa là tiến bước dưới ánh sáng chân lý trong trời đất, vừa là đáp lại đòi hỏi của đạo lý trong thiên hạ, vừa là góp phần xây mới ngôi nhà gia đình, ngôi nhà xã hội, ngôi nhà Việt Nam trên nền đá vững chắc là Lời Chúa, với bốn trụ cột vững bền là chân lý và tình thương, cùng công lý và hoà bình, cho đất nước cùng thế giới toàn cầu hoá hôm nay. Thông điệp "Tình Yêu Trong Chân Lý" của Đức Bênêđitô XVI xác minh điều đó.

9. Chung sức xây dựng nếp sống văn hoá sự sống và văn minh tình thương, gia đình giáo phận bước theo Chúa Kitô sống, làm chứng và loan báo Tin Mừng, và đồng hành với dân Người phục vụ cho sự sống cùng phẩm giá của mọi người anh em đồng bào và đồng loại trong thành phố này.

Năm Thánh 2010
Hồng Y Tổng Giám mục
 
Văn Hóa
Thương Về Miền Trung
Têrêxa Nguyễn Lễ Quyên
10:28 15/11/2010
Nơi phương xa hướng lòng về quê mẹ

Miền Trung ơi, xa cách đã bao ngày

Thương nhớ lắm, từng lời kinh nguyện ước

Mong quê nhà sớm rút nước bình an

*

Con nơi đây, đất Phù Tang rợp nắng

Chốn phồn hoa, đô thị cảnh thái bình

Mây quang đãng sao lòng người dậy sóng

Hướng lòng về quê, lệ đắng, quê ơi !

*

Con tìm, tìm giữa những mảnh đời,

Mãi héo hon vì bao mùa nước lũ

Giấc mơ em thơ, trang sách hồng ấp ủ

Cứ bồng bềnh, trắng xóa trên đời em

*

Tần tảo nắng mưa, cha nâng từng tấc đấc

Xuôi ngược sớm chiều, mẹ nặng trĩu gánh hàng rong

Đắp xây, xây đắp thương cho kiếp thân còng

Dựng đài cát giữa biển dâng trào sóng

*

Bởi vì đâu ? Hỏi sông sâu biển lặng

Ngước nhìn mây, mây lơ đãng bay đi

Muốn nhờ gió, gió khe khẽ thầm thì

Đấng Tạo Hóa, Ngài quyền uy hết thảy

*

Con gối quỳ, Chúa ơi xin thương đoái

Cứu con thơ mau thoát cảnh lầm than

Lũ qua đi, mai biển lặng yên hàn

Sau giông tố mong trời đông hửng sáng.

Tokyô 11.2010
 
Vùng Trời Bình Yên
Vọng Sinh
20:13 15/11/2010
Trời xanh mây trắng lững lờ trôi
Nắng sớm sưởi hong ấm bầu trời
Cỏ xanh lắng nghe lời trong gió
Như nhắc nhở ai giữa cuộc đời.

Người ơi ! “Trăm năm còn có gì đâu ?
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì.” *
Cả cuộc đời vật lộn những chi chi
Rồi ra đi xuôi tay buông thả hết.

Bao cực nhọc lo toan một kiếp
Ráng cho mình giành thắng lấy phần hơn
Tiền tài danh vọng áo cơm
Tình yêu sắc dục hương thơm của đời.
Một mai về cát bụi rồi
Mang theo được những gì nơi mộ phần.

Xin trả hết cho đời… hương phấn
Trả cho người những lận đận tình nhân
Trả cho ai những yêu dối thương gian
Xin trả hết muôn vàn oan trái.

Xin trả hết ghen tương hoài mãi
Trả đêm đen loài ma quái gian tham
Trả bóng tối vạn mối thù muôn kiếp
Trả hết đi những ngu si kiếp người !

Cho tôi đi về nơi Vùng Trời Mới
Gởi lại người một lời “Xin lỗi”
Xin lỗi người yêu bao nhiêu năm
Có những khi chẳng tha thứ lỗi lầm.

Xin lỗi con ta đã thiếu quan tâm
Chẳng dậy dỗ đỡ nâng cho đủ
Xin lỗi người anh em bạn cũ
Mấy lần rồi cứ ích kỷ nhỏ nhoi…

Lời cuối xin lỗi mọi người
Cho tôi về với Vùng Trời Bình Yên
Nguyện xin Lượng Cả Ơn Trên
Thiên Đường rộng mở đón lên Cõi Trời.

Xin Lòng Chúa xót thương, Cho Thiên Đường rộng mở
*Cung Oán Ngâm Khúc, Nguyễn Gia Thiều.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Nắng Thu
Đặng Đức Cương
09:54 15/11/2010
NẮNG THU

Ảnh của Đặng Đức Cương


Người đi trưa nắng lung linh

Nhớ thương từng sợi nắng xinh ngoan hiền.

(Trích thơ của HLNC)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ?nh Ngh? Thu?t và Chiêm/Ni?m/Thi?n