Ngày 14-11-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 15/11: Chúa đến để cứu người tội lỗi – Lm. Giuse Lăng Kinh Luân, CS
Giáo Hội Năm Châu
02:23 14/11/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, Đức Giê-su vào Giê-ri-khô, đi ngang qua thành phố ấy. Ở đó có một người tên là Da-kêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó. Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông : “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ !” Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, tôi xin lấy phân nửa tài sản của tôi mà cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” Đức Giê-su mới nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”

Đó là lời Chúa
 
Chúa Kitô Vua Vũ trụ
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
06:16 14/11/2022
CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN

CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ

2 Sm 5,1-3; Cl 1,12-20; Lc 23,35-43

Khép lại chu kỳ năm C, phụng vụ của ngày đại lễ hôm nay mời gọi chúng ta chiêm ngắm Chúa Kitô là Vua vũ trụ. Các bài đọc Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe giúp khám phá ý nghĩa tước hiệu vua của Chúa Kitô, Nước Chúa Kitô và những điều kiện để vào Nước Chúa.

1- Ý nghĩa tước hiệu vua của Chúa Kitô

Chúng ta có thể hiểu sai về tước hiệu vua của Chúa Kitô. Điều này đã xảy ra vào thời Chúa Giêsu.

Quả thế, trong Tin Mừng, dân chúng và nhiều môn đệ của Đức Giêsu có một quan niệm về Đấng Mêsia theo nghĩa chính trị. Họ chờ đợi một Đấng Mêsia, một vị vua đến để giải phóng dân tộc Do Thái khỏi ách đô hộ và thống trị của người La Mã. Bởi thế, khi Đức Giêsu xuất hiện như là một người giảng dạy có uy quyền, có khả năng làm nhiều phép lạ, chữa lành bệnh hoạn tật nguyền, họ tôn Người lên làm vua.

Tuy nhiên, Đức Giêsu đã thẳng thắn khước từ kiểu làm vua theo nghĩa chính trị và trần thế như vậy. Một đàng, Người tự nhận mình là Vua và đến trong thế gian để làm Vua. Nhưng đàng khác, Người xác định rõ tước hiệu vua của mình theo một kiểu khác. Trong cuộc đối thoại với Philatô, Chúa Giêsu làm rõ điều đó. Philatô hỏi Chúa: “Ông có phải là vua không? Chúa Giêsu trả lời: “Chính ông nói điều đó, tôi là vua” (x. Ga 18,37).

Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật về biến cố quan trọng nhất trong cuộc đời của Chúa Giêsu, đó là biến cố thập giá. Nếu thập giá là hình phạt ô nhục nhất đối với người Do Thái và là sự điên rồ đối với người Hy Lạp, thì theo cái nhìn thần học của Luca, thập giá là tột đỉnh của tình yêu và nguồn mạch ơn cứu độ. Bởi thế, cả cuộc đời Đức Giêsu hướng về Giêrusalem và nhất quyết đi lên đó. Đức Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá cùng với hai tên gian phi. Một tên chết đến gần cửa cổ mà vẫn còn chế nhạo Người. Còn một tên nhận ra Người là Con Thiên Chúa và là vua; anh ta cầu khẩn Người: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi” (Lc 23,42). Đây là lúc Đức Giêsu thể hiện khuôn mặt đích thực của một vị vua uy quyền. Câu trả lời của Chúa Giêsu vượt quá lời cầu xin. Thay vì hứa một tương lai bất định, Người nói: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng” (Lc 23,43).

Như thế, Đức Giêsu trên thập giá thực thi quyền bính của một vị vua của tình yêu. Đúng như bản án được ghi trên thập giá: “Đây là Vua người Do Thái.” Người không chỉ là vua Do Thái mà còn là Vua muôn dân, Vua vũ trụ. Trước đây Đức Giêsu tránh tước hiệu vua kẻo người ta hiểu lầm. Bây giờ, tước hiệu vua xuất hiện trước mắt mọi người một cách rõ ràng nhất. Từ khi Người hiến mình trên thập giá, Người là vua đích thực cai quản theo cách của mình mà Philatô và những người lãnh đạo Do Thái không thể nào hiểu.

2- Ý nghĩa Nước Chúa Kitô

Vậy nếu Chúa Kitô là Vua, Người làm Vua ở đâu hay ở nơi nào? Khi nói đến Nước Chúa Kitô, chúng ta có thể hình dung về một vị Vua cai quản một vùng đất, một quốc gia hay một địa hạt nào đó. Thực ra, Nước Chúa Kitô không được đồng hóa với bất cứ quốc gia hay vương quyền trần thế nào trên thế giới, nó vô hình, người ta không quan sát được. Chính Chúa Giêsu quả quyết với Philatô rằng: “Nước tôi không thuộc về thế gian này… Nước tôi không thuộc chốn này” (Ga 18,36).

Nhưng Nước Chúa là “sự công chính, bình an và hoan lạc trong Chúa Thánh Thần” (x. Rm 14,17); Nước Chúa hiện diện trong tâm hồn mỗi người. Và Đức Kitô là vua các tâm hồn con người. Lời cầu nguyện rất ý nghĩa của Kinh Tiền Tụng nhắc nhở chúng ta rằng vương quốc của Người là “một vương quốc vĩnh cửu và vô biên: vương quốc đầy tràn sự thật và sự sống, đầy tràn ân sủng và thánh thiện, đầy tràn tình thương, công lý và bình an.”

Trong Nước đó, thập giá là ngai tòa, mão gai là vương miện, lưỡi đòng là vương trượng, áo mặc là long bào, hai cánh tay giang ra là cán cân công lý, lề luật xét xử là tình yêu, sự yếu hèn của thập giá là sức mạnh và quyền năng vô biên của Thiên Chúa. Vương quốc này không có quyền lực, không có binh đội nào để sử dụng. Ai, đứng về sự thật và tình yêu thì thuộc về Nước Chúa.

3- Để thuộc về Nước Trời

Nhờ mầu nhiệm tử nạn và phục sinh, Đức Kitô là Vua nhân loại; Người giải thoát chúng ta khỏi mọi tội lỗi và cho ta được gia nhập vào Nước Chúa, như lời thánh Phaolô nói ở trong bài đọc II: “Người đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái; trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi… Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1,13-14.20).

Đức Giêsu là Vua dẫn chúng ta vào Nước Trời để hiệp thông với Thiên Chúa và để lãnh nhận ơn cứu độ. Người trộm lành trở thành hình ảnh của hy vọng – sự an ủi chắc chắn, lòng nhân từ của Thiên Chúa có thể đến với chúng ta ngay trong giây phút cuối cùng; dù có lầm lạc hay yếu đuối thế nào, nhưng nếu chúng ta biết hoán cải và cầu xin ơn lòng khoan hậu của Thiên Chúa. Lời cầu nguyện đó sẽ không vô ích.

Từ những ý nghĩa trên, có một câu hỏi mà mỗi người chúng ta đặt ra trong ngày lễ này là Chúa Kitô có phải là Vua của tâm hồn tôi không? Tôi có nhận biết và tôn thờ Người như là Vua không? Theo thánh Phaolô, có hai cách thế sống: hoặc là sống cho chính mình hoặc là cho Chúa (Rm 14,7-9). Sống cho mình nghĩa là khép kín trên chính mình, chỉ lo tìm thỏa mãn và vinh quang cá nhân mà không có hướng nhìn về vĩnh cửu. Ngược lại, sống cho Chúa là hiến mình cho Người, sống theo ý Người, vì vinh quang và Nước Chúa.

Sống cho Thiên Chúa cũng có nghĩa là thực thi lòng bác ái đối với tha nhân, nhất là phục vụ những người nghèo và người đau khổ. Đây cũng là điều kiện để được vào thiên đàng. Bởi lẽ, vào ngày sau hết, Chúa Kitô Vua sẽ xét xử chúng ta dựa trên những gì chúng ta làm hoặc không làm cho những kẻ bé mọn nhất. Tin Mừng Mátthêu 25 nói về tiêu chuẩn của sự phán xét chung: Vị Vua nói: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng vương quốc dọn sẵn cho các ngươi… vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng các ngươi đã cho mặc, Ta đau yếu các ngươi thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mt 25,34-36).

Như thế, để được vào hưởng hạnh phúc thiên đàng, chúng ta được mời gọi thực thi lòng thương xót đối với những người nghèo và những ai gặp đau khổ. Nguyện xin Đức Maria, Nữ Vương trời đất, hướng dẫn chúng ta trên con đường hướng về Nước Trời. Amen.

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An

http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:37 14/11/2022

34. Người đi thì chết rồi, người đến có thể truy điệu, noi gương vua thánh Đa-vít nói: “Hôm nay tôi mới bắt đầu yêu mến Thiên Chúa của tôi”.

(Thánh Francis of Sales)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:39 14/11/2022
51. MƯA ĐẦU MÙA

Thích nhất là cơn mưa đầu mùa sau những ngày trời nắng lâu, mưa xối xả trên mặt đất, cuồn cuộn đẩy lên nồng nàn mùi bùn, có chút nghẹt mũi, nhưng lại rất dễ ngửi (thực ra, sau cơn mưa xối xả bùn cũng có mùi vị như thế, nhưng mang theo mùi vị cỏ mục, không như đất sét có mùi hương cồn khi mưa đầu mùa trút xuống).

Té ra trời đất cũng có mùi khai của thân thể nó, khi tắm thì mới biết.

(Bài học của cuộc sống)

Suy tư 51:

Vạn vật cũng có mùi tự nhiên của nó, như đi trong rừng có những mùi tự nhiên của hương hoa rừng làm người ta dễ chịu, đứng trên núi cao ngửi trong gió được mùi không khí trong lành làm người ta phấn chấn.

Có những vị thánh được Chúa ban cho ơn đặc biệt, chẳng hạn như thánh Don Bosco, hễ đứa học trò nào có tội trọng thì ngài thấy trong người nó toát ra mùi hôi thối nồng nặc, và ngài bắt nó phải ăn năn và đi xưng tội.

Có những người xức nước hoa đầy mình, nhưng vẫn cứ toát ra mùi hôi nách khó chịu; có những người đứng trước gương soi cả tiếng đồng hồ để làm đẹp, và lựa chọn dầu thơm để xịt trên tóc trên áo quần, nhưng người ta vẫn cứ thấy họ xấu và toát ra mùi khó chịu. Bởi vì mùi thơm tự nhiên được xuất phát từ tâm hồn khiêm tốn đơn sơ, chứ không bằng nước hoa xức bên ngoài da và xịt lên áo quần.

Câu nói “hữu xạ tự nhiên hương” là nói đến những người có tư cách khiêm tốn đoan trang, có cuộc sống đầy tình người và tình Chúa. Mà những người như thế không phải mùi hương thơm thánh thiện đơn sơ của họ bay tỏa xa lan rộng hay sao?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mở từ bên trong
Lm. Minh Anh
20:56 14/11/2022

MỞ TỪ BÊN TRONG
“Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!”.

“The Light of the World”, “Ánh Sáng Của Thế Giới” là tên một bức tranh, kiệt tác của Holman Hunt. Bức tranh cho thấy Chúa Giêsu, đội mão của một vị Vua, tay xách một ngọn đèn. Ngài đang đứng ngoài cửa của một ngôi nhà, gõ cửa và đợi để được nhận vào. Điều thường được chỉ ra là cửa không có tay nắm ở bên ngoài; nó chỉ có thể được ‘mở từ bên trong!’.

Kính thưa Anh Chị em,

Chúa Giêsu rất tôn trọng chúng ta, Ngài đứng trước cửa linh hồn mỗi người và gõ. Ngài chờ đợi cho đến khi nào linh hồn chúng ta ‘mở từ bên trong’ để Ngài bước vào. Đó sẽ là những gì Luca kể về Giakêu trong Tin Mừng hôm nay. Một khi Chúa Giêsu thấy cửa ‘hé mở’, Ngài đẩy vào ngay và không ngần ngại nói, “Hôm nay, Ta phải ở lại nhà con?”. Giakêu đã mở toang cánh cửa trái tim, cánh cửa đời mình để Giêsu vào, và Ngài sẽ dẫn dắt cuộc đời còn lại của anh.

Thật trùng hợp, bài đọc Khải Huyền hôm nay cũng nói đến việc Chúa đứng ngoài cửa và gõ, “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta”. Đây là một trong những hình ảnh đẹp nhất của Tân Ước, nó bao hàm một ước muốn rằng, Chúa Giêsu phải đến, trở thành một phần cuộc đời chúng ta; và không chỉ một phần, Ngài sẽ là chủ tâm hồn chúng ta, bởi chúng ta là tạo vật tay Ngài tác tạo. Nhưng việc cho phép Ngài đi vào hoàn toàn tuỳ thuộc chúng ta; tuỳ thuộc vào việc chúng ta có hoán cải trái tim để chào đón Ngài hay không! Như thế, việc thay đổi tâm hồn của một người, quả là một chiến thắng vẻ vang oai hùng nhất trong tất cả mọi chiến thắng. Thánh Vịnh đáp ca thật ý nghĩa, “Ai thắng, Ta sẽ cho ngự bên Ta trên ngai của Ta!”.

Giakêu đã thắng, anh được đồng bàn với Chúa Giêsu! Vậy tại sao Chúa Giêsu chỉ chọn một mình anh, ban cho anh vinh dự được Ngài ở lại nhà? Thưa bởi lẽ, Giakêu đã ‘hé mở’ lòng mình; anh can đảm đánh mất sĩ diện, coi thường danh dự, quên cả tuổi tác khi leo lên cây như một em bé hòng xem tỏ tường con người Giêsu. Sở dĩ anh làm được điều đó bởi anh biết, chỉ một mình Ngài mới có thể cảm thông, thấu hiểu khi Ngài nhìn anh với ánh mắt nhân từ xót thương. Đúng thế, anh thấy mình cần đến lòng thương xót và sự tha thứ đó. Gặp gỡ Ngài, anh đã tìm thấy nhiều hơn những gì có thể tưởng tượng. Anh tìm được chính mình trong lòng thương xót bao dung của Thiên Chúa; anh không còn “hâm hẩm, không nóng, không lạnh”; anh thể hiện sự ăn năn sâu sắc bằng quyết định trao một nửa tài sản cho người nghèo và đền bù gấp bốn cho mỗi hành vi biển lận. Lời chứng của Giakêu bao gồm nhiều điều hơn là lời nói. Thay đổi của trái tim đã dẫn anh đến thay đổi cuộc đời, một sự thay đổi mà cả cộng đồng có thể chứng thực. Thánh Augustinô khuyến khích chúng ta ‘trèo lên cây sung’ để có thể nhìn thấy Chúa Giêsu, đón Ngài vào nhà, và ôm lấy thập giá của Ngài cho cuộc đời của mình.

Anh Chị em,

“Hôm nay Ta phải ở lại nhà con?”. Chúa Giêsu luôn ước được ở trong tâm hồn chúng ta, bởi “nhà con” cũng là “nhà Ngài” trên trần gian này; Ngài là một phần không thể thiếu trong cuộc đời chúng ta. Thế nhưng, Ngài rất tôn trọng tự do của mỗi người; và dù là Chúa, Ngài không cưỡng bức ai, cũng không đột nhập trái phép; Ngài sẽ chỉ vào theo lời mời của bạn và tôi. Ngài ở đó ngay giờ này và sẽ ở đó suốt ngày hôm nay và hàng ngày. Ngài không ngần ngại cho chúng ta những cơ hội, những biến cố, những con người, để chúng ta ‘hé mở’ cho Ngài. Chúng ta có mời Ngài vào hay không; nghĩa là có cần đến lòng thương xót và sự tha thứ của Ngài hay không! Biết đến sự chần chừ của chúng ta khi phải “leo lên” cao thì chính Ngài đã tự ý leo lên, leo lên cây thập giá, một loại cây ‘quá ngớ ngẩn’ hầu chúng ta có thể thấy rõ Ngài mà ‘hé mở’ cho Ngài; và Ngài chỉ ước cánh cửa ấy sẽ được sớm ‘mở từ bên trong’, sớm nhất có thể!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa đã tự nguyện ‘leo lên cao’ để con thấy được chính mình trong lòng thương xót của Chúa. Cho con biết tự nguyện ‘mở từ bên trong’ linh hồn con mỗi khi nhìn lên Thánh Giá, hầu ngôi nhà tâm hồn con là nơi cư ngụ luôn mãi của Chúa!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Tân Việt: Bổn mạng Hội Đồng Mục Vụ
Vinh sơn Trần văn Đẩu
09:56 14/11/2022
Giáo xứ Tân Việt: Bổn mạng Hội Đồng Mục Vụ

“ Hồi chuông dứt tiếng đầu rơi chốn pháp trường. Hồn thiêng lâng lâng về thiên quốc xa vời”… Lời bài ca nhập lễ đã giúp cộng đoàn sốt sáng tham dự Thánh lễ kính trọng thể các Thánh Tử Đạo VN, bổn mạng HĐMV giáo xứ diễn ra lúc 17g Chúa nhật 13/11/2022 tại giáo xứ Tân Việt. Thánh lễ do Lm chánh xứ Đaminh Vũ Ngọc Thủ chủ tế cùng với sự hiện diện của đông đảo cộng đoàn dân Chúa. 17g sau ba hồi chiêng cổ. Quý chức và đại diện các đoàn thể đón Lm chủ tế lên cung thánh bắt đầu Thánh lễ tạ ơn.

Xem Hình

Qua bản văn Tin mừng, Lm chủ tế chia sẻ: Hôm nau giáo hội VN được mừng kính trọng thể các Thánh Tử Đạo VN cha ông của chúng ta. Một bầu khí thật đặc biệt vì chúng ta nhớ đến chính ông bà tổ tiên chúng ta, các ngài là những người việt nam như chúng ta, các ngài đã lắng nghe các vị thừa sai rao giảng Tin mừng, đã mở lòng ra để ơn Chúa soi sáng và trở thành Kitô hữu. Trong hoàn cảnh bị cấm, bị hiểu lầm bị bách hại, các ngài vẫn đón nhận một cách can đảm và tuyên xưng niềm tin dẫu các ngài phải đổ máu đào ra. Còn chúng ta, chúng ta là hậu duệ của các ngài, chúng ta được kêu gọi làm chúng cho Chúa, sống có Chúa và sống trong tình yêu của Chúa. Tạ ơn Chúa vì nhờ các vị thừa sai và các Thánh Tử Đạo mà ngày nay, chúng ta có một đức tin mạnh mẽ, một đức tin sống động. Các ngài đã hun đúc đức tin trong công việc hang ngày để rồi niềm tin ấy đủ lớn các ngài đã can đảm đổ máu đào ra để tuyên xưng niềm tin của mình.

Xin các Thánh Tử Đạo VN chúc lành cho Giáo hội VN, đang trên đường phát triển, chúc lành cho giáo xứ đặc biệt HĐMV giáo xứ luôn biết hy sinh để chu toàn bổn phận mà giáo dân đã tin tưởng trao phó.

Thánh lễ tiếp tục với phần phụng vụ Thánh Thể.

Thánh lễ kết thúc lúc 18g. Toàn thể quý chức và đại diện các đoàn thể cùng chụp hình lưu niệm với Lm chủ tế.

Được biết để chuẩn bị mừng bổn mạng HĐMV và quý chức tân cựu đã có buổi hành hương tại Đức Mẹ Bãi Dâu ngày 07/11/2022 thật sốt sáng cũng như đi thăm viếng các cựu quý chức đau yếu trong giáo xứ thể hiện hiệp thông trong cộng đoàn giáo xứ.

Mừng kính các Thánh Tử Đạo VN, xin cho chúng con là con cháu các ngài, biết can trường sống đức tin của bậc cha ông, biết làm chứng cho Chúa bằng đời sống hiến thân phục vụ.

Vinh sơn Trần văn Đẩu

 
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Mừng lễ bổn mạng Hội đồng Mục vụ 2022
Văn Minh
09:58 14/11/2022
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Mừng lễ bổn mạng Hội đồng Mục vụ 2022

“Các thánh tử đạo là những con người tín thác tuyệt đối vào quyền năng của Thiên Chúa, và chấp nhận hy sinh mạng sống để bảo vệ đức tin của mình”

Trên đây là lời chia sẻ của Linh mục (Lm) Gioan Baotixita Trần Quốc Phong SCJ, các linh mục thuộc dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu - khi ngài chủ sự dâng Thánh lễ mừng kính trọng thể Các Thánh Tử Đạo Việt Nam – bổn mạng của Hội đồng Mục vụ giáo xứ Vĩnh Hòa – diễn ra lúc 17g30 Chúa nhật ngày 13-11-2022.

Xem Hình

Trước Thánh lễ, đại diện Hội đồng Mục vụ (HĐMV) giáo xứ và các em Ban Lễ sinh đã rước Lm chủ tế từ trước sân nhà thờ vào trong ngôi thánh đường hòa trong bài ca nhập lễ “Lòng trung nghĩa” do ca đoàn Cêcilia phụ trách.

Trong phần giảng lễ, khởi đi từ bài Tin Mừng Lc 9, 23-26, Lm Gioan Baotixita đã quảng diễn về nét cao đẹp của các thánh tử đạo qua những tấm gương và lòng đạo đức của các ngài, và mời gọi mỗi người chúng ta hãy học hỏi và noi theo. “Các thánh tử đạo là những con người tín thác tuyệt đối vào quyền năng của Thiên Chúa, và chấp nhận hy sinh mạng sống để bảo vệ đức tin của mình”

Do đó, mà tất cả các ngài đã không sợ thương tích gian nguy, sẵn sàng chịu bắt bớ và tùng xẻo từng mảnh thịt cho đến chết.

Tiếp đó, Lm Gioan Baotixita chia sẻ cho cộng đoàn qua ba chữ (T).

Tín thác vào quyền năng của Thiên Chúa

Tin tưởng và xác tín tuyệt đối vào Thiên Chúa

Tình yêu của Đức Giêsu Kitô là tất cả

Qua đây, chúng ta cũng nhìn lại đôi chút về các vị trong HĐMV giáo xứ Vĩnh Hòa. Các ông bà trùm là những người sống bậc hôn nhân gia đình, nhưng tất cả các vị trùm đều có một điểm chung là tín thác vào quyền năng của Thiên Chúa, hy sinh thời gian công sức của mình ra phục vụ cộng đoàn giáo xứ, và cùng nhau xây dựng giáo xứ ngày một phát triển.

Thánh lễ tiếp nối với lời nguyện tín hữu và dâng của lễ.

Sau lời nguyện hiệp lễ, ông cố Giuse Phạm Văn An – Chủ tịch, thay mặt cộng đoàn giáo xứ lên cảm ơn Lm Chánh xứ và Lm chủ tế, cùng mọi thành phần dân Chúa đã đến hiệp dâng Thánh lễ và đã cộng tác cùng HĐMV trong thời gian qua được tốt đẹp.

Đáp từ, Lm Gioan Baotixita thay mặt cộng đoàn phụng vụ ngỏ lời chúc mừng bổn mạng HĐMV và ước mong tất cả các vị trùm luôn sống theo tình thần ba chữ (T).

Thánh lễ khép lại lúc 18g30, Lm Gioan Baotixita Trần Quốc Phong cùng các vị trong HĐMV lưu lại tấm hình kỷ niệm trước thềm Cung thánh trước khi ra về.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giáo Huấn Công Giáo Về Luyện Tội Có Nền Tảng Kinh Thánh Không?
Lm. Phaolô Nguyễn Văn Tùng
10:28 14/11/2022
Giáo Huấn Công Giáo Về Luyện Tội Có Nền Tảng Kinh Thánh Không?

Cần lưu ý bốn Nguyên Tắc Kinh Thánh trong giáo lý Công Giáo:

1. Nguyên tắc thứ nhất: Vẫn cần một sự thanh tẩy cho tội lỗi, cho dù con người đã được tha tội, và đôi khi công lý, bao gồm hình phạt và lòng thương xót hay ân sủng, xảy ra cùng một lúc.

Theo sách Samuel II (12:13-18): “Bấy giờ Ða-vít nói với Na-than: ‘Tôi đã phạm tội chống lại Chúa.’ Và Na-than nói với Ða-vít: ‘Chúa cũng đã bỏ qua tội của vua; vua sẽ không phải chết. Tuy nhiên, vì hành động này, vua đã hoàn toàn khinh thường Chúa, nên con trẻ được vua sinh ra sẽ phải chết.’ Và Chúa đã khiến đứa con mà vợ Uriya đã sinh ra cho Ða-vít, ngã bịnh…. Đến ngày thứ bảy thì đứa trẻ chết.”

Máccabê II (6:12-13; 16): “Vậy tôi khuyến khích những ai đọc được sách này, đừng nản lòng trước những bất hạnh, nhưng hãy lưu tâm rằng, các hình phạt ấy không phải để gây tai họa, nhưng chỉ để sửa phạt dân tộc của chúng tôi. Vì thực ra, đó là một ân huệ lớn lao khi những kẻ bội tín phải bị sửa phạt ngay tức khắc, còn hơn là để chúng nhởn nhơ lâu dài… Cho nên Đức Giavê chẳng bao giờ rút lại lòng thương xót của Ngài đối với chúng tôi. Mặc dù Ngài lấy bất hạnh mà sửa phạt, Ngài không bỏ dân của Ngài.”

Trong Tông Thư “Salvifici Doloris” (Sự Đau Khổ Cứu Rỗi) của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ngài cũng trích các câu Kinh Thánh này, và rằng: “Lòng thương xót của Chúa sửa phạt để giúp chúng ta cải đổi.”

J. Budziszewski, một giảng sư triết học của Đại Học Texas (UT) ở Austin, Mỹ, đã chỉ ra rằng công lý bao gồm cả hình phạt và lòng thương xót, và cả hai đều có thể là đạo đức (virtue). Tuy nhiên, kẻ soạn bài này, nghĩ rằng, trong nền văn hóa (Tây phương) ngày nay, người ta đã diễn giải đến độ cực đoan về lòng thương xót mà chẳng còn chỗ nào cho công lý. Họ đã nhân danh lòng thương xót để thản nhiên dung túng các tội phạm, tệ hơn nữa là đã biến sai thành đúng. Trong khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ở Thông Điệp “Evangelium Vitae” (Tin Mừng của sự sống) của ngài, đã nhắc đến một “nền văn hóa của sự chết.”

2. Nguyên tắc thứ hai: Không có sự ô uế nào, không có điều gì còn vướng vết nhơ sửa sự tội, mà được vào nước Thiên Đàng.

Sách Khải Huyền (21:27) “Không có gì ô uế, hay bất cứ người nào làm điều quái gở, gian tà, sẽ được vào Thiên Đàng, nhưng chỉ có những ai mà tên của họ đã được ghi trong Sổ Sự Sống của Chiên Con…”

Phúc Âm theo thánh Mát-thêu (5:48): “Nên, các con phải nên trọn hảo, như Cha các con ở trên trời là Ðấng Trọn Hảo.”

3. Nguyên tắc thứ ba: Có một cách, một tiến trình, qua đó, thần khí (spirit - có thể hiểu là linh hồn) của những người công chính được trở nên trọn hảo.

Thư gửi các tín hữu Do Thái (12: 22-23): “Nhưng anh em đã tiến đến núi Sion và thành phố của Thiên Chúa hằng sống; Giêrusalem thiên quốc… và Thiên Chúa, Ðấng phán xét mọi người; thần khí (linh hồn) của những người công chính đã được trở nên trọn hảo.”

Thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi tín hữu thành Côrintô (3:13-15): “Công việc của mỗi người sẽ được biểu lộ: vì Ngày (phán xét) sẽ lộ ra tất cả, nó sẽ được mặc khải trong lửa; và lửa sẽ thử nghiệm loại công việc của mỗi người đã được hoàn tất như thế nào. Nếu công việc của bất cứ ai bị lửa thiêu hủy, người đó sẽ bị thiệt hại, tuy người ấy sẽ được cứu rỗi, nhưng vẫn như phải trải qua lửa. Còn công việc của ai vẫn tồn tại, người ấy sẽ được trọng thưởng.”

Có nơi nào mà một người, sau khi chết, phải chịu thiệt hại, như qua lửa, nhưng vẫn được cứu rỗi, Hỏa Ngục chăng? Không, vì khi đã vào đó thì chẳng bao giờ được ra. Thiên Đàng ư? Không, không ai phải chịu thiệt hại trên Thiên Đàng. Vậy nơi đó, chỉ có thể là một nơi thứ ba, mà Giáo Hội Công Giáo gọi là LUYỆN TỘI.

Phúc Âm theo thánh Mát-thêu (12:32): “Và kẻ nào nói lời xúc phạm đến Con Người, kẻ đó sẽ vẫn có thể được tha; nhưng kẻ nào nói xúc phạm đến Thánh Thần, kẻ ấy sẽ không được tha, vào thời này cũng như vào thời sẽ đến."

Malaki (3: 2-3): “Nhưng ai chịu đựng nổi ngày Người đến? Ai đứng vững được khi Người hiện ra? Vì Người như lửa của thợ luyện kim, như bột tẩy của người thợ giặt. Người sẽ ngự mà luyện kim, mà lọc bạc. Người sẽ thanh luyện con cái Lêvi và đãi lọc chúng như vàng như bạc. Và chúng sẽ là những kẻ tiến dâng lễ vật cho Giavê đúng theo lễ nghĩa.”

Giacaria (13: 8-9): “Sẽ xảy ra là trên toàn xứ, hai phần ba sẽ bị chặt bỏ và tiêu diệt, và một phần ba sẽ được chừa lại. Ta sẽ đem một phần ba ấy vào lửa, Ta sẽ luyện chúng như người ta luyện bạc, Ta sẽ thử chúng như người ta thử vàng. Phần chúng, chúng sẽ kêu khấn Danh Ta, và Ta, Ta sẽ nhậm lời của chúng. Ta đã nói: ‘Chúng là dân của Ta!’ Còn chúng, chúng sẽ nói: ‘Giavê là Thiên Chúa của chúng tôi!’"

4. Nguyên tắc thứ bốn: Có một nơi, hay một tình trạng hiện hữu, khác với Thiên Đàng hay Hỏa Ngục.

VIỆC THA THỨ TRONG THỜI SẼ ĐẾN. Chúng ta phải đến đâu để được tha thứ trong thời sẽ đến? Thiên Đàng? Ở đấy, chúng ta không còn cần phải được tha thứ nữa. Hỏa Ngục? Nơi đó không bao giờ còn có sự tha thứ. Vậy, phải có một nơi khác, và nơi đó, người Công Giáo gọi là LUYỆN TỘI.

Tóm tắt bốn nguyên tắc nói trên: (1) Hậu quả của sự tội vẫn tồn tại, ngay cả khi một người đã được tha thứ, và đôi khi hình phạt cùng ân sủng đi đôi với nhau. (2) Chúng ta phải trở nên trọn hảo như Thiên Chúa Cha là Đấng Trọn Hảo, vì không có sự ô uế nào sẽ vào được nước Thiên Đàng. (3) Có một cách nào đó, một tiến trình nào đó, khiến thần khí (linh hồn) của những người công chính được trở nên trọn hảo. (4) Có một nơi, ngoài Thiên Đàng hay Hỏa Ngục, mà người ta có thể thanh tẩy, như thể qua lửa, để đạt được sự trọn hảo, đó là LUYỆN TỘI.

Những câu Kinh Thánh kể trên đã giúp chúng ta hướng về một kết luận hiển nhiên: Giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về sự hiện hữu của Luyện Tội đã có sẵn trong Kinh Thánh.

LM. Phaolô Nguyễn Văn Tùng

(Tóm tắt từ bài của John Martignoni)
 
TIN MỪNG SỰ SỐNG VÀ TÍNH TOÀN VẸN CỦA SỰ CHẾT, tiếp theo
Vu Van An
18:09 14/11/2022

II. Tình yêu và sự chết

1. Hiện không có giáo huấn Tin Mừng nào có tính nền tảng như giáo huấn dạy rằng sự sống ở đời này là sự thiện áp hậu [penultimate] và tương đối. Đồng thời, có lẽ không có giáo huấn nào liên tục như giáo huấn dạy rằng sự sống có tính thánh thiêng, nó thuộc về Thiên Chúa và cố ý lấy đi sự sống — ngay cả sự sống của chính mình — là một trong những tội nặng nhất chống lại Thiên Chúa. Như thế, giống như các nỗ lực thống trị sự sống và sự chết, chúng ta đối diện với tính đồng thời nơi tính tuyệt đối và tính tương đối của sự sống như một điều tốt lành. Quả thật, tính đồng thời này được mô tả rõ ràng trong một đoạn dẫn nhập của Evangelium Vitae:

Con người được mời gọi tới sự viên mãn của sự sống vốn vượt quá các chiều kích của cuộc hiện sinh ở đời này, bởi vì nó hệ ở việc chia sẻ chính sự sống của Thiên Chúa. Sự cao cả của ơn gọi siêu nhiên này cho thấy sự vĩ đại và giá trị khôn lường của sự sống con người ngay trong giai đoạn trần thế của nó. Thực thế, sự sống trong thời gian là điều kiện căn bản, giai đoạn đầu và một phần làm nên toàn bộ diễn trình hiện hữu thống nhất của con người. Nó là một diễn trình mà, một cách không ngờ và không do công lao của mình, được khai sáng bởi lời hứa và được đổi mới bởi ơn phúc sự sống thần linh, sẽ đạt đến sự thể hiện trọn vẹn của nó trong vĩnh cửu (xem 1 Ga 3: 1–2). Đồng thời, chính lời kêu gọi siêu nhiên này làm nổi bật tính cách tương đối của sự sống trên trái đất của mỗi cá nhân. Dù sao, sự sống trên trái đất không phải là một thực tại “tối hậu” mà là một thực tại “áp hậu”; dù là vậy, nó vẫn là một thực tại thánh thiêng được giao phó cho chúng ta, để được bảo tồn với một tinh thần trách nhiệm và đưa đến sự hoàn hảo trong tình yêu và trong việc chúng ta hiến mình cho Thiên Chúa và cho anh chị em của chúng ta [14].

Do đó, trước hết, “Tin Mừng sự sống” bày tỏ tính ưu tiên và tính dư dật của sự sống mà tất cả mọi người đều được tiền định đạt tới trong Chúa Kitô.

Cuộc sống trần gian chỉ là “áp hậu”, chỉ là sự khởi đầu của “tính viên mãn của sự sống vượt xa các chiều kích của việc hiện hữu trên trái đất này".

Đó là điểm khởi đầu cho một "ơn gọi siêu nhiên" để chia sẻ "chính sự sống của Thiên Chúa”. Đồng thời, nó sự khởi đầu này. Nó là "Điều kiện căn bản, giai đoạn khởi đầu" của sự viên mãn của sự sống. Tuy nhiên, không những nó là sự khởi đầu, nó còn là “một thành phần cấu tạo ra toàn bộ diễn trình thống nhất của hiện sinh con người”. Vì vậy, nó có tính tuyệt đối theo nghĩa nó vốn là sự khởi đầu thánh thiêng của sự sống ngày càng vĩ đại hơn đó là lời hứa của Tin Mừng. Nhưng thông điệp cũng hiểu "sự sống trần gian" là điều tốt "tự trong nó". Tự trong nó, nó là điều tốt chính vì nó thủ diễn một lịch sử bản thân. Nó không những là nẻo đường dẫn đến sự sống vĩnh cửu, nó còn sở hữu hình thức và cùng đích riêng của nó, như một đáp trả căn bản cho tình yêu mà sự sống vĩnh cửu vốn cốt ở.

Giống như các khuynh hướng được thảo luận ở trên, đức tin khẳng định rằng sự sống con người không những là sự hiện hữu hữu cơ đơn giản của nó. Thật vậy, đức tin vốn kính trọng một cách lành mạnh đối với ý tưởng cho rằng sự sống không cần phải được bảo toàn bằng bất cứ và mọi giá nào, bất kể "phi thường" ra sao. Như Thông điệp đã chỉ rõ, phúc tử đạo làm chứng cho sự tốt lành tương đối của sự sống này. Sự sống phải được sống trong phương thức con người, và người ta có thể sai sót ở điều này bằng cách quên hoặc bỏ qua chính mục đích và ý nghĩa của việc sống. “Chắc chắn, sự sống của cơ thể ở trạng thái trần thế không phải là một sự thiện tuyệt đối cho tín hữu, đặc biệt khi họ được yêu cầu hiến nó cho một điều tốt đẹp hơn. Như Chúa Giêsu nói: ‘ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy' (Mc 8:35)” [15]. Thật vậy, thông điệp tiếp tục nói, “Chúa Giêsu công bố rằng sự sống tìm được trung tâm của nó, ý nghĩa của nó và sự thành toàn khi nó được cho đi” [16].

2. Tuy nhiên, Kitô giáo, dường như đề cao mầu nhiệm nghịch lý của cái chết hơn là loan truyền nó. Tuy nhiên, nếu có sự sống bên ngoài sự chết, thì khi chúng ta chết, chúng ta vẫn là người thực sự chết. Chúng ta không thể nghĩ tới sự chết chỉ như một diễn trình hữu cơ và linh hồn như không bị tác động bởi sự chết. Do đó, khi chúng ta nghĩ đến sự chết, điều đúng là nghĩ không những đến việc đi vào cuộc sống vĩnh cửu, nhưng cũng nghĩ đến thảm họa bản thân. Quả vậy, điều này không những bởi vì trong một số trường hợp, cuộc sống dường như đã bị cắt ngắn một cách bi thảm, bỏ lại đàng sau những người phụ thuộc hoặc công việc chưa hoàn thành. Chúng ta đau buồn vì sự mất mát ngay cả những người cao niên đã tới hồi viên mãn của năm tháng, đã hoàn thành công việc của đời họ và nay chính họ đang phụ thuộc vào người khác. Bởi vì chúng ta thực sự chết, bởi vì chúng ta trải nghiệm sự chết bằng cốt lõi hữu thể của chúng ta, hẳn chúng ta phải nghĩ tới sự chết như một đau khổ thực sự. Ngay cả với đức tin Kitô giáo, đặc tính bi thảm của sự chết vẫn còn đó. Trong khi cái chết là một phần của chu kỳ tự nhiên của cuộc sống trên thế giới như chúng ta biết nó, đối với người phàm chúng ta không có gì có thể được trải nghiệm như là không tự nhiên, không đồng bộ với mong ước của chúng ta, hơn sự chết.

Sự hiểu biết về cái chết như một hình phạt vì Cuộc Sa Ngã vang dội với cảm thức không tự nhiên này về sự chết. Thật vậy, giống như tội lỗi, nó không nằm trong kế hoạch nguyên thủy. Quan điểm này tạo ra một ánh sáng tiêu cực về sự chết, nhưng quả như vậy. Trong chừng mực cái chết là một hình phạt do Thiên Chúa áp đặt lên cha mẹ đầu tiên và tất cả các thế hệ, nó phải thỏa mãn (hoặc có lẽ tốt hơn nên nói, nó thiết lập) các đặc điểm chủ yếu của hình phạt chân chính như chúng ta đã biết [17]. Ý niệm hình phạt gợi lên một bối cảnh đạo đức và luật pháp. Một hình phạt chỉ thực sự là hình phạt khi nó được sắp xếp để phục hồi công lý. Theo nghĩa này, nó phục vụ một mục đích liên quan đến việc tái lập các mối liên hệ thích đáng giữa người vi phạm và người bị xúc phạm. Do đó, nó đòi hỏi một mục đích và ý nghĩa sửa trị. Chúng ta có thể nói nó là một điều ác áp đặt cho một điều tốt cao hơn và lớn hơn. Nhưng điều tốt cao hơn hoặc lớn hơn này không bao giờ có thể hoàn toàn không liên quan gì tới lợi ích của kẻ vi phạm. Điều này cũng cho thấy không được tùy tiện chọn và áp đặt các hình phạt đích thực, một cách nào đó, chúng phải phát xuất một cách tự nhiên và do đó "phù hợp" với việc vi phạm. Truyền thống Kitô giáo luôn luôn nhìn sự chết dọc theo các đường hướng này. Nó không được áp dụng một cách đơn giản như một hình phạt không liên quan gì đến bản chất của tội phạm, nhưng trên thực tế là kết quả tự nhiên của việc Ađam mưu toan và là các mưu toan liên tiếp của chúng ta muốn nên “giống như Thiên Chúa” mà không có Thiên Chúa, muốn tuyên bố chúng ta độc lập đối với đặc tính được ban tặng của hiện hữu chúng ta.

Sống ngoài Thiên Chúa là chết. Điều này luôn được ngụ ý bởi sự hiểu biết Cựu ước, vốn coi Sheol như một vực thẳm, tách biệt khỏi và không có lời ngợi khen Giavê [18]. Sự chết, vốn là sự sống bên ngoài Thiên Chúa, rõ ràng là một điều ác, nhưng việc Thiên Chúa cho phép hậu quả "tự nhiên" này và hệ lụy của việc vi phạm, cùng một lúc, có tính chữa lành.

Sự thật liên quan đến vấn đề sống và chết đã được Chúa Kitô tiết lộ trong các hành động và câu chuyện cuộc đời Người và cái chết của Người trên thập giá. Không những xuống Sheol để mang lời ngợi khen và sự hiện diện của Thiên Chúa, Người còn tái lập cho chúng ta một chỗ trong Vương quốc. Bằng cách thăm dò vực thẳm sự chết, Người cho chúng ta thấy ý nghĩa nhân bản của nó. Nếu số phận của nhân loại là và luôn luôn là “chia sẻ chính sự sống của Thiên Chúa” qua “tình yêu và... việc hiến mình của chính chúng ta”, thì việc quá độ cả từ sự ngây thơ của thiên đường đến một kết thúc siêu phong phú được ban cho chúng ta sẽ bao hàm việc bắc cầu qua hố sâu triệt để đến mức tạo nên sự khác biệt về thể loại. Khó mà nói chúng ta nên hiểu bước quá độ này ra sao, dù đã đặt qua một bên vấn đề tội lỗi. Như Guardini từng viết:

Ngay cả khi con người không phạm tội, sự sống của họ vẫn sẽ kết thúc, vì sự sống thuộc về thời gian. Nhưng kết thúc này sẽ không phải là sự chết của con người như chúng ta biết nó. Chúng ta không biết gì về hình thức nó sẽ mang lấy, vì hình thức đó không bao giờ trở thành hiện thực. Chúng ta chỉ có thể nói rằng sẽ có một kết thúc, một kết thúc đồng thời là một khởi đầu, một quá độ và một biến đổi [19].

Henri de Lubac đi xa hơn một chút, nói rằng "đoạn đường dẫn đến trật tự siêu nhiên, ngay cả đối với bản chất vô tội và lành mạnh, có thể không bao giờ diễn ra mà không có một cái chết nào đó” [20]. Hố sâu vô tận ngay giữa cả Vườn Địa Đàng và số phận siêu nhiên chỉ có thể được bắc cầu bằng sự sẵn sàng giống như cái chết để được tái dựng bởi ơn phúc nhân từ và hoàn toàn có tính biến đổi của Thiên Chúa. Nó vẫn sẽ là bước quá độ từ sự sống "trong thời gian" đến một "sự sống mới" trong tình yêu Ba Ngôi. Trong tư cách đó, nó sẽ yêu cầu lòng tín thác và sự sẵn lòng trở thành dễ bị tổn thương trong sự phụ thuộc và tình yêu, giống như Đấng Tạo Hóa đã cởi mở chấp nhận "rủi ro" tạo ra một sự tự do khác. Mặt khác, tội lỗi đã biến đổi việc quá độ nguyên thủy này thành trải nghiệm sự chết, thành việc linh hồn lìa khỏi xác điều được trải nghiệm như một sự mất đi tính toàn vẹn bản thân.

3. Vậy thì đâu là cơ sở gốc rễ và bản chất của sự chết? Hiệp thông với Thiên Chúa là tình yêu cao cả nhất mà vì nó con người đã được tạo dựng.

Nhưng như đoạn văn từ Evangelium Vitae nói rõ, tình yêu này không được nên trọn cho đến khi nó được ban tặng lúc cánh chung, trong việc "chia sẻ chính sự sống của Thiên Chúa". Sự viên mãn mà đoạn văn nói đến trên thực tế đồng thời là sự viên mãn của sự sống và tình yêu. Đi theo tội lỗi, số phận cao nhất của chúng ta chỉ có thể được thể hiện bằng cách buớc qua sự vong thân triệt để — cả với Thiên Chúa lẫn với chính mình — mà chúng ta hiểu là khoảnh khắc chết. Ngay cả Chúa Kitô cũng không được miễn trừ khỏi trải nghiệm này (Mt 27: 45–46). Sự suy sụp hướng tới sự chết luôn tự áp đặt như việc tiến gần đến sự lãng quên. Ấy thế nhưng, vì Chúa Kitô đã chịu chết vì chúng ta và để vâng lời Đức Chúa Cha, chúng ta được ban cho cơ hội trong ơn chuẩn bị cho sự chết không như sự lãng quên mà như một khoảnh khắc cuối cùng của lòng tín thác con thảo và việc thanh tẩy yêu thương.

Những xem xét này làm rõ cơ sở cho mối liên hệ “chia sẻ chính sự sống của Thiên Chúa” trong thông điệp với “Sự hoàn hảo trong tình yêu và... việc chúng ta hiến mình cho Thiên Chúa và cho anh chị em chúng ta". Sự chuyển dịch của tạo vật vào Thiên Chúa chỉ có thể được hiểu theo nghĩa tình yêu. Nếu đúng là ngay một bản chất không sa ngã cũng vẫn phải trải qua "một số loại sự chết", có phải điều này cũng có nghĩa là có "một loại sự chết nào đó" ở tâm điểm của tình yêu? Đây chính là gợi ý của Ratzinger.

Việc khám phá ra sự sống bao hàm việc phải vượt ra khỏi cái tôi, bỏ nó lại phía sau. Nó chỉ xảy ra khi một người mạo hiểm dọc theo con đường của tự bỏ mình, để mình rơi vào tay người khác.

Nhưng nếu mầu nhiệm sự sống, theo nghĩa này, đồng nhất với mầu nhiệm tình yêu, thì nó gắn liền với một biến cố mà chúng ta có thể gọi là ‘giống như chết’ [21].

Chính ý niệm hình phạt, như chúng ta đã thấy, gợi ý rằng những mối nguy hiểm, dễ bị tổn thương và đau khổ của tình yêu chỉ cho ta thấy một điều gì đó nguyên thủy hơn tội lỗi, một điều gì đó vượt ra ngoài tầm hiểu biết của chúng ta. Có một nghịch lý, một căng thẳng cần thiết nào đó, trong nền tảng giống như sự chết này, cho tình yêu. Con người, được tạo ra theo hình ảnh của Thiên Chúa và do đó sở hữu chiều sâu và khả năng mầu nhiệm, và do đó “ước muốn” được hiệp thông với Thiên Chúa, không thể đạt được, bằng chính tài nguyên riêng của họ, sự nên trọn duy nhất và sau cùng này, và do đó, là độc nhất, theo nghĩa chân thực. Hành động duy nhất có thể mang lại sự nên trọn này là hành vi tiếp nhận. Ratzinger nói với chúng ta rằng cái chết buộc ta phải lựa chọn. Nó là sự lựa chọn giữa thiên hướng tín thác yêu thương và thiên hướng cố gắng vô ích muốn đem sự sống và sự chết vào quyền lực của chính chúng ta.

Nếu ngay cả một con người không sa ngã cũng sẽ trải qua “một số loại sự chết”, đó là bởi vì sự chuyển dịch căn bản của tạo vật vào Thiên Chúa chỉ có thể được hiểu là hành động cao nhất của tình yêu của Thiên Chúa dành cho tạo vật của Người và đồng thời là phản ứng cao nhất của tình yêu mà vì nó tạo vật đã được tạo ra. Đặc tính "giống như sự chết"được tìm thấy trong sự kiện này là điều cuối cùng chúng ta ước mong là hiến chính bản thân mình. De Lubac diễn tả nghịch lý này bằng cách nói với chúng ta rằng điều chúng ta thực sự ước muốn trong "mối phúc" là phục vụ, trong "hưởng nhan" là tôn thờ, trong "Tự do" là tùy thuộc, trong "sở hữu" là "ngất trí" [22]. Hành vi căn bản để mình hiện hữu vừa là một mất mát vừa là một lấy lại bản thân, vừa là hoàn thành mong muốn vượt quá mong đợi vừa là đảo ngược khao khát. Sự đảo ngược biểu kiến của những gì chúng ta ước muốn một cách rõ ràng là điều đòi phải có do sự bất cân xứng vô hạn giữa tạo vật và cùng đích của nó, giữa ước muốn và sự nên trọn của tạo vật. Nhưng sự bất cân xứng này không phải là việc bác bỏ sự thật của ước muốn. Đúng hơn, nó là sự thể hiện sự thật đó. Dịch vụ, tôn thờ, phụ thuộc và ngất trí thực sự là những việc nên trọn của ước muốn cõi phúc, hưởng nhan, tự do và chiếm hữu. Ước muốn vừa vượt quá vừa nên trọn một cách dư tràn. Khía cạnh nghịch lý này của ước muốn không những là sản phẩm của tội lỗi (chắc chắn làm tăng thêm khó khăn của nó), nhưng là một phần của chính cấu trúc tình yêu, như được thể hiện một cách tinh túy trong chính chuyển dịch của tạo vật hướng về cùng đích của nó. Tình yêu, vì liên quan đến cả hai việc nên trọn trong và tạo không gian cho người yêu, nên hàm ngụ cả việc làm rỗng bản ngã lẫn việc sở hữu nó. Đây chính là đặc tính "giống như sự chết" của tình yêu.

4. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi các nạn nhân đầu tiên và bi thảm nhất của Cuộc Sa Ngã cũng đại diện hiển hiện và mang tính biểu tượng nhất của tình yêu này — các mối liên hệ gia đình. Sự đoạn giao của tội lỗi đầu tiên và hình phạt của nó trong sự vong thân của cái chết ngay lập tức đi vào tận những liên hệ căn bản nhất của con người này. Điều này được làm rõ bởi từng "lời nguyền rủa": đối với người phụ nữ, sự đau đớn của việc sinh con và "khao khát" đối với người chồng mà tình âu yếm của người này bị ngụ ý có thể trở thành lạnh nhạt hoặc lang bang ở nơi khác; đối với người đàn ông, lao động cực khổ và thường vô ích để chu cấp cho gia đình mình. Sự phụ thuộc vào nhau của tất cả các thành viên trong gia đình kéo theo tính dễ bị tổn thương và rủi ro trước khả thể liên tục xảy ra bệnh tật, tai nạn hoặc chết chóc. Sau Cuộc Sa Ngã, và như những hậu quả tự nhiên của ý nghĩa bên trong của nó, tình yêu hôn nhân và gia đình là đầy dẫy những khó khăn, nguy hiểm và đau khổ không thể tránh khỏi này.

Ngay cả khi các liên hệ hôn nhân và con thảo vẫn tiếp tục là loại suy đệ nhất cho mối liên hệ giữa Thiên Chúa và thế giới, sự mong manh cực kỳ của những tình yêu này đã bị phơi bày. Từ quan điểm này, không có gì đáng ngạc nhiên khi vụ giết người đầu tiên là huynh đệ tương tàn, ngay cả khi Evà tiếp tục cảm nghiệm sự ra đời của đứa con như một hồng ân (St 4: 1), mối liên hệ cha mẹ - con cái bị đè nặng bởi mối liên kết của nó với việc truyền tải Nguyên tội.

Kinh nghiệm về cái chết như sự vong thân và xé nát sự toàn vẹn bản thân đã thâm nhập vào cốt lõi của các mối liên hệ nhân bản nền tảng chính là vì tính ưu việt của chúng. Tuy nhiên, Sự ra đời và cái chết của Chúa Kitô đã thấm nhập một cách phổ quát vào tình yêu con người và hoa trái của nó. Chính tính dễ bị tổn thương của những tình yêu này, khi sống trong Chúa Kitô, đã thâm hậu hóa hồng phúc. Giống như bậc hôn nhân, khả thể đồng trinh thánh hiến của Kitô giáo cung cấp một hình thức khách quan của tình yêu giáo hội. Cả hai bậc sống đều là những phương thức sống theo tình yêu vốn tạo thành Thân thể và Hiền thê của Chúa Kitô. Cả hai đều là những cách tiếp nhận hình thức và sự toàn vẹn của cuộc sống và cái chết — “lịch sử” — của Chúa Kitô làm của mình. Thật vậy, sự thánh hiến tự nó được coi là một dự ứng ơn gọi cánh chung của chúng ta, một sự chết cho thể xác của thế giới này để cứu được nó. Tội lỗi có nghĩa là những ai thấy Thiên Chúa phải trước nhất vượt qua cái chết, và nó cũng như vậy đối với những người kiên trì trong tình yêu đích thực, dù là trong gia đình hay trong bậc thánh hiến. Đây chính là ý nghĩa của một bậc sống trong Giáo hội. Sau Cuộc Sa Ngã, đây chỉ có thể là sự thực hành cái chết — dùng đòn bẩy đẩy sự chết vào việc mất bản thân giống như chết đó là tình yêu.

Không có gì lạ khi vấn đề tình yêu được luôn luôn kéo vào các cuộc tranh luận về sự thống trị sự sống và sự chết của kỹ thuật. Tình yêu và sự chết buộc phải nêu ra một loạt câu hỏi, ngay cả theo gót sự thống trị. Tuy nhiên, các câu hỏi mang tính cấp thiết mới:

Há bạn lại không tháp tùng tôi đến kết cục của tôi hay sao? Hay cách khác:

Tại sao bạn phải ra đi? Há bạn lại không ở lại với tôi bao lâu mình còn được ban cho hay sao?

Liệu đau khổ và sự chết có thể mạnh hơn tình yêu của chúng ta không? Tương tự như vậy, mặc dù ít hiển nhiên hơn, tình yêu đang bị đe dọa trong sự thúc đẩy hướng về sự bất tử nhờ kỹ thuật. Tất nhiên, có các hệ luận nhân khẩu học và giải pháp "đơn giản" cho rằng sự sinh sản cần được cắt giảm đáng kể (một lần nữa bằng các phương tiện kỹ thuật). Nhưng "Vấn đề kỹ thuật" này dẫn tới một vấn đề nhân học sâu xa hơn. Trong thực tế, người ta luôn biết rằng việc sinh ra một đứa con báo hiệu cả việc đến thời của con và sự ra đi của cha mẹ.

Sinh con đòi hỏi lòng đại độ cuối cùng, sự sẵn lòng đón nhận tuổi tác như một bài học trong tình yêu. Ngoài vấn đề chuyên biệt về nhân khẩu học, không có sự qua đi của nhiều thế hệ thì không có không gian nhân học để sinh con. Cậu bé chỉ có thể trở thành một người đàn ông khi bắt đầu thế chỗ cha em; cô gái trở thành phụ nữ khi cô ấy bắt đầu thế chỗ mẹ cô. Đứa con phải trưởng thành và trở thành người lớn. Chỉ có việc nhìn thấy cảnh hoàng hôn của chính mình mới có thể thúc đẩy ta siêu thoát, một điều vốn tạo ra khôn ngoan. Không có các thế hệ, sẽ không có không gian nhân bản để phát triển bản thân. Do đó, vấn đề sống và chết có tính nhân học và đạo đức, chứ không phải kỹ thuật và thực dụng.

Do đó, những xem xét này dẫn ta tới vấn đề căn bản với những nỗ lực kỹ thuật để thống trị sự sống và sự chết.

Phong trào hướng tới sự thống trị không sai vì việc nó tuyệt đối hóa hoặc tương đối hóa sự sống. Đúng hơn, nó sai lầm vì đã lật ngược những việc này. Quả thế, việc quản lý kỹ thuật sự sống và sự chết ngụ ý việc trốn tránh sự cần thiết của tình yêu, hay nói đúng hơn, nó ngụ ý một loại giả mạo tình yêu và hoa trái của nó, một việc bác bỏ cả hai tính yêu trẻ thơ và sự đơm hoa kết trái, bác bỏ sự luân phiên giữa việc được ban sự sống và sinh ra sự sống, một sự cởi mở đối với việc sinh con và việc được sinh ra. Nó phủ nhận trong tình yêu không có bất cứ điều gì "giống như sự chết".

****

Socrates trong Phaedo nổi tiếng nói với bạn bè của mình rằng một triết gia chân chính phải dành cả cuộc đời để chuẩn bị cho sự chết, nhưng ông cũng nói rằng lấy đi cuộc sống của chính mình là điều đáng xấu hổ. Sự sống đang chuẩn bị cho sự chết này, ít nhất từ một góc độ, dường như là sự sống được sống để trở thành một toàn bộ — một sự sẵn sàng cho sự chết, nhưng không phải là sự vội vàng nắm bắt sự chết. Chính ý tưởng cho rằng cho đến khi một cuộc sống hoàn tất, nó vẫn chưa thể được nhìn như một tổng thể và không thể được gọi là đẹp đẽ, cao quý hay tốt lành. Nhưng đối với Socrates, sự chuẩn bị suốt đời cho sự chết có ý nghĩa hơn sự hoàn tất của toàn bộ cuộc sống. Nó cũng có nghĩa là bước sang một điều tốt hơn. Toàn bộ xuất hiện với việc hoàn tất sự sống sống theo một cách nào đó này là sự chuẩn bị để bước vào cuộc sống khác hoặc xa hơn. Đây là lý do tại sao ngay cả một Kitô hữu đơn giản nhất cũng được gọi là một nhà triết học Socrate. Triết lý gốc rễ của Kitô giáo dạy rằng sự sống là việc chuẩn bị cho sự chết, và chuẩn bị cho loại chết đúng trên thực tế là đã thực sự sống.
______________________________________________________________________________________________________________

[14] Evangelium Vitae, 2. Bản gốc nhấn mạnh.

[15] Đd., 47.

[16] Đd., 51.

[17] Josef Pieper đưa ra quan điểm này trong Death and Immortality [Sự chết và Sự bất tử] (South Bend: St. Augustine Press, 2000), ch. IV.

[18] Tv 6: 6; 30:10; 94:17; 115: 17; Is. 38:15. xem Ratzinger, Eschatology[cánh chung học], 80ff.

[19] Guardini, The Last Things [Những điều cuối cùng], 20.

[20] Henri de Lubac, The Mystery of the Supernatural, Rosemary Sheed dịch (New York: Crossroad Herder, 1998, tái bản từ năm 1967), 28. De Lubac tiếp tục nói rõ tuyên bố này: “Trong trường hợp này, chúng ta phải phân biệt giữa sự chết như một cánh cổng cần thiết để bước vào Sự sống, và hình thức của sự chết mà chúng ta biết là hậu quả của tội lỗi ”(sđd, tr. 52).

[21] Eschatology [cánh chung học], 94.

[22] Henri de Lubac, Surnaturel: Études historiques: nouvelle édition avec la traduction intégrale des citations latines et grecques [Siêu nhhiên: Các Nghiên cứu Lịch sử: ấn bản mới với bản dịch toàn diện các trích dẫn Latinh và Hylạp] (Paris: Aubier-Montaigne, 1946, tái bản Desclée de Brouwer, 1991), 492: “... la béatitude est le service, la vision est adoration, la liberté est dépendance, la possession est extase” [Mối phúc là phục vụ, hưởng nhan là thờ lạy, tự do là lệ thuộc, sở hữu là ngất trí].
 
VietCatholic TV
Diễn biến dồn dập: Thắng lớn, Ukraine áp sát thủ phủ Donetsk. Chỉ hai tuần, Nga mất đến 10,000 quân
VietCatholic Media
03:20 14/11/2022


1. Lực lượng vũ trang Ukraine giải phóng thành phố Makiyivka trong vùng Luhansk, người Do Thái vui mừng

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Hai 14 tháng 11, Thống Đốc Luhansk là ông Serhiy Haidai cho biết thành phố Makiivka đã được hoàn toàn giải phóng.

Theo Ông Serhiy Haidai, biến cố này rất có ý nghĩa vì Makiyivka chỉ cách thủ phủ Donetsk của cái gọi là Cộng hòa Nhân dân Donetsk có 15km. Thứ hai là thành phố này đã bị Nga chiếm từ năm 2014. Thứ ba, quân Nga trong thành phố Svatove rúng động vì bị bọc hậu.

Mới tuần trước, quân Chechnya và quân Nga đã phải hứng chịu thương vong hết sức nặng nề. Chỉ trong một trận duy nhất 200 quân chỉ còn 30 người. Quân Nga cáo buộc quân Chechnya chơi TikTok làm lộ vị trí. Hai bên tranh cãi bắn nhau, ít nhất đã có 3 người bị thương.

Makiivka trước đây là Dmytriivsk, là một thành phố công nghiệp ở miền đông Ukraine trong tỉnh Donetsk. Nằm cách thủ đô Donetsk 15 km, thành phố hai trên thực tế chỉ là một vùng ngoại ô của Donetsk. Makiivka là trung tâm luyện kim và khai thác than hàng đầu của lưu vực Donetsk, với công nghiệp nặng và các nhà máy luyện than đá hỗ trợ ngành công nghiệp thép và than của địa phương. Mặc dù được quốc tế công nhận là một phần của Ukraine, thành phố này trên thực tế đã bị cái gọi là Cộng hòa Nhân dân Donetsk chiếm giữ từ ngày 13 tháng 4, 2014.

Nó có dân số 338,970 người, theo ước tính năm 2022.

Trong một thời gian dài Makiivka được cho là đã được thành lập vào năm 1777, nhưng nghiên cứu gần đây cho thấy rằng nó đã được đề cập trong các ghi chép lịch sử từ khoảng năm 1696. Mỏ đầu tiên được khai trương vào năm 1875. Năm 1899, một khu định cư luyện kim được thành lập gần đó có tên là Dmytrievsk, được đặt theo tên của Dmitry Ilovaisky, con trai của bá tước Ilovaysky - chủ đất của vùng.

Makiivka sau đó đã phát triển thành một trong những trung tâm công nghiệp và khai thác than lớn nhất trong vùng Donetsk, và là nơi có cộng đồng Do Thái lớn nhất vùng Donbas.

Trong Thế chiến thứ hai, thị trấn nằm dưới sự chiếm đóng của Đức từ ngày 22 tháng 10 năm 1941 đến ngày 6 tháng 9 năm 1943.

Năm 1939, dân số Do Thái ở Makiivka là 8,000 người. Ngày 6 tháng 3 năm 1942, người Do Thái trong hai quận Horlivka và Makiivka đã bị tiêu diệt.

Sau cuộc cach mạng lật đổ cộng sản thành công. Người Do Thái lại kéo về sinh sống ở đây. Vào tháng 9 năm 2006, hội đường Do Thái đầu tiên đã được thánh hiến tại Makiivka sau gần 70 năm. Ngôi nhà ở số 51 đường Lva Tolstogo không chỉ là một hội đường Do Thái mà còn là một trung tâm cộng đồng cho một cộng đồng Do Thái Makiivka có 2,000 thành viên.

Tuy nhiên, trong cuộc chiến Donbas, người Do Thái một lần nữa lại phải di tản. Các quan sát viên nhận định rằng người Do Thái sẽ rất vui mừng khi quân Ukraine tái chiếm được thành phố này.

Theo Ông Serhiy Haidai, chỉ trong mấy ngày cuối tuần vừa qua, quân Ukraine đã tái chiếm được 11 làng mạc, thị trấn và thành phố.

2. Quân Nga âu lo Ukraine sẽ tấn công giải phóng Melitopol trong vài ngày tới

Trong bản báo cáo sáng thứ Hai 14 tháng 11, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết các biện pháp ổn định đang được tiến hành tại các khu định cư đã được giải phóng của vùng Kherson. Trong khi đó, lực lượng chiếm đóng của Nga đã thiết lập các công sự ở khu vực Melitopol, trong vùng Zaporizhzhia vì lo ngại quân Ukraine sẽ tấn công từ phía Bắc.

Sau khi quân Nga bỏ chạy khỏi Kherson sang bờ phía đông sông Dnipro, quân Ukraine có thể truy kích tàn quân của Putin bằng cách vượt sông Dnipro. Tuy nhiên, đó là cách thức nguy hiểm và dường như quân Ukraine không có ý làm như thế. Họ cũng có thể sang bờ phía Đông ở Kakhovka, như một lực lượng lớn của Nga đã làm. Giao tranh tại khu vực này có thể gây nguy hiểm cho đập thủy điện Kakhovska. Người Nga xem ra đang đoán rằng quân Ukraine sẽ tấn công từ phía bắc bằng cách tái chiếm thành phố Melitopol.

Trung tướng đã nghỉ hưu Ben Hodges, cựu tướng chỉ huy quân đội Mỹ ở Âu Châu, cho biết ông tin rằng cả 3 khả năng đều có thể xảy ra vì có một yếu tố thay đổi bàn cờ là HIMARS.

“HIMARS sẽ sớm khai hỏa từ Kherson. Các vị trí quan trọng ở Crimea đều nằm trong tầm bắn. Điều này sẽ làm suy giảm khả năng phòng thủ của Nga ở bán đảo Crimea, mở ra khả năng giải phóng Mariupol vào Melitopol chậm lắm là vào tháng Giêng. Sau đó bắt đầu giai đoạn quyết định của chiến dịch là giải phóng Crimea.”

Phát ngôn nhân Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết: “Quân xâm lược đang xây dựng ráo riết các công sự phòng thủ tại khu vực Melitopol, vùng Zaporizhzhia. Công sự đang được thiết lập xung quanh thị trấn. Thường dân bị cấm tiếp cận khu vực sân bay. Các đoàn xe đang đến thị trấn từ phía Tokmak”

Tại các khu định cư bị chiếm đóng tạm thời Kakhovka, Tavriysk và Nova Kakhovka của vùng Kherson, quy mô nhân sự của kẻ thù đang giảm rất nhanh. Có rất ít quân xâm lược lảng vảng trong các thị trấn, và người ta không thấy các đội tuần tra di chuyển dọc theo các đường phố như trước đây.

Phát ngôn nhân Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine nhấn mạnh rằng lực lượng Vũ trang Ukraine đã giải tỏa 179 khu định cư trên diện tích hơn 4,500 km vuông ở hữu ngạn sông Dnipro trong tuần.

3. Cái bẫy tinh vi của người Nga ở Kherson. Không quân Ukraine thực hiện 16 cuộc không kích trong ngày Chúa Nhật 13 tháng 11

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Hai 14 tháng 11, phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine Yurii Ihnat cho biết trong ngày Chúa Nhật 13 tháng 11, lực lượng không quân Nam Ukraine đã thực hiện 16 cuộc tấn công vào kẻ thù nhắm vào 10 khu vực tập trung nhân sự, vũ khí và thiết bị quân sự.

Chống chế cho cuộc rút lui nhục nhã tại Kherson, các bloggers quân sự Nga phò Điện Cẩm Linh cho rằng cuộc rút lui tại Kherson là một cái bẫy tinh vi. Quân Nga sau khi rút sang bờ phía Đông sẽ pháo kích san bằng Kherson như họ đã làm tại Mariupol. Đó có thể là một khả năng, vì quân Nga khét tiếng với những thủ đoạn tàn bạo như thế.

Tuy nhiên, thủ đoạn tàn ác này chưa xảy ra và ngày càng khó xảy ra vì quân Ukraine khẩn cấp kéo HIMARS vào Kherson pháo kích tới tấp vào các vị trí của quân Nga.

Trong bản báo cáo chiều thứ Bẩy 12 tháng 11, phát ngôn nhân Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine Valeria Podkich cho biết Bộ Tư Lệnh tiền phương của quân Nga sau khi rút lui khỏi Kherson đã bị trúng hỏa tiễn.

“Quân đội Ukraine đã tiến hành các cuộc tấn công chính xác vào trụ sở mới được thành lập của quân xâm lược Nga ở làng Chervonyi Maiak, vùng Kherson, loại khỏi vòng chiến hơn 30 quân xâm lược, trong đó có các sĩ quan cao cấp, và phá hủy hai xe tăng và bốn xe tải.”

Phát ngôn nhân của không quân Ukraine Yurii Ihnat nói thêm

“Máy bay Ukraine đã thực hiện 16 cuộc tấn công vào kẻ thù trong ngày Chúa Nhật. Mười khu vực tập trung nhân sự, vũ khí và thiết bị quân sự của địch và sáu vị trí phòng không đã bị tấn công. Các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh của chúng tôi đã tấn công một sở chỉ huy và 10 khu vực tập trung nhân sự, vũ khí và thiết bị quân sự.”

Trung Tá Yurii Ihnat nhấn mạnh rằng “Lực lượng Không quân Ukraine đã tấn công các cơ sở thiết bị của kẻ thù ở quận Kakhovka, trong một nỗ lực phối hợp với pháo binh trong 40 nhiệm vụ khai hỏa kể từ đầu ngày Chúa Nhật”.

Trung Tá Yurii Ihnat cảnh báo rằng quân xâm lược Nga ở phía Đông sông Dnipro và từ Crimea cũng như từ các tầu chiến thuộc Hạm Đội Hắc Hải vẫn có khả năng tiến hành các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn, sử dụng máy bay không người lái kamikaze vào các vùng lãnh thổ giáp ranh giới tuyến, vì vậy người dân nên trú ẩn trong trường hợp báo động không kích. Trong các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, người dân được khuyến cáo nên cẩn thận và không đến gần các đối tượng khả nghi.

4. Sinh viên Đại Học Lâm Nghiệp gia nhập lính dù Ukraine đã hạ hơn 15 máy bay không người lái, và 2 trực thăng của Nga

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Hai 14 tháng 11, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Trung Tá Oleksandr Motuzianyk, đã vinh danh một sinh viên Đại Học Lâm Nghiệp Kyiv đã hạ hơn 15 máy bay không người lái, và 2 trực thăng của Nga.

Trung Tá Motuzianyk nói: “Một lính dù từ Zhytomyr, mật danh ‘Celt’, đã bắn hạ hơn 15 máy bay không người lái và 2 trực thăng Ka-52 của Nga”.

“Khi xạ thủ phòng không, mật danh ‘Celt’, thuộc Lữ đoàn Dù số 95 người Nga không nên hy vọng họ sẽ nhìn thấy máy bay không người lái hoặc trực thăng của họ một lần nữa”

“Chàng trai này hơn 20 tuổi một chút, đang học khoa lâm nghiệp tại một trong những trường đại học Ukraine. Tuy nhiên, trước sự thất vọng của người Nga, ‘Celt’ đã trải qua khóa huấn luyện ở nước ngoài vào mùa xuân và giờ đây không để kẻ thù được yên”

Lính dù cũng công bố video mới nhất cho thấy cách “Celt” bắn hạ một máy bay không người lái khác của Orlan bằng HVM Starstreak.

5. 179 khu định cư ở miền nam Ukraine được giải phóng trong tuần qua

Chỉ trong tuần qua, lực lượng Phòng vệ Ukraine đã giải phóng 179 khu định cư ở phía Tây sông Dnipro với tổng diện tích hơn 4.5 nghìn km vuông.

Phát ngôn nhân Bộ Tư Lệnh Phía Nam Nataliya Humenyuk cho biết như trên trong bản báo cáo hôm thứ Hai 14 tháng 11.

“Ở hữu ngạn của sông Dnipro, các lực lượng của chúng ta đã giải phóng 179 khu định cư với tổng diện tích hơn 4.5 nghìn km vuông trong tuần qua.”

Quân đội Nga tiếp tục nổ súng vào các vị trí của lực lượng Ukraine và các cộng đồng lãnh thổ nằm gần giới tuyến, đồng thời tiến hành trinh sát đường không.

Ngoài ra, quân xâm lược Nga tấn công các cơ sở hạ tầng quan trọng và các đối tượng dân sự ở các khu vực hậu phương.

Đêm qua, kẻ thù đã nổ súng từ tả ngạn của sông Dnipro bằng hệ thống hỏa tiễn phòng không S-300. Không có thương vong đã được báo cáo cho đến nay.

Quận Nikopol cũng bị địch tấn công đêm qua. Người Nga đã bắn hơn 80 quả đạn từ hệ thống hỏa tiễn hàng loạt và pháo vào cộng đồng Nikopol và cộng đồng Marhanets.

Khoảng một nửa số đạn của đối phương đã bắn trúng thành phố Nikopol. Hai thường dân được báo cáo bị thương. Hơn 40 khu chung cư và nhà biệt lập bị hư hại, cũng như khoảng 20 nhà dân, một số đường ống dẫn khí đốt và đường dây tải điện.

Ngoài ra, kẻ thù đã bắn hai hỏa tiễn hành trình, được cho là Kh-22, từ vùng Oryol của Nga vào vùng Cherkasy. Không có thương vong hoặc thiệt hại được báo cáo.

6. Nga mất 10,000 quân trong hai tuần khi hàng phòng thủ sụp đổ

Người Nga đã có các phản ứng trái ngược nhau sau thảm bại kinh hoàng của Putin tại thành phố Kherson. Nhà phân tích người Nga Igor Shishkin đã chỉ trích Điện Cẩm Linh liên tục nói dối trong việc rút quân khỏi Kherson. Ông kêu gọi Putin hãy ngừng mô tả những thất bại như các chiến thắng. Trong khi Alexander Dugin, người được gọi là “quân sư của Putin” thẳng thừng kêu gọi bắn chết Putin. Ngược lại cũng có những kẻ nói năng mê sảng như Vladimir Solovyov, đang kêu gọi Putin phát động một cuộc chiến tranh toàn diện để đẩy NATO trở lại. Solovyov nói năng mê sảng vì các tướng Nga hiểu rõ hơn ai hết mức độ thương vong của quân Nga. Trong hai tuần qua, họ mất ít nhất 10,000 quân, đó là chưa kể số lính Nga chìm dưới dòng sông Dnipro trong cuộc tháo chạy tán loạn khỏi Kherson.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Loses 10,000 Troops in Two Weeks as Defenses Crumble: Ukraine”, nghĩa là “Ukraine cho biết: Nga mất 10,000 quân trong hai tuần khi hàng phòng thủ sụp đổ.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo các quan chức Kyiv, Nga đã mất 10.000 quân trong hai tuần khi Ukraine tiếp tục phản công.

Tổng thống Nga Vladimir Putin rõ ràng đã không tận dụng được những thành công mà lực lượng Nga đã đạt được trong giai đoạn mở đầu của cuộc chiến, và người Ukraine hiện đã giải phóng lãnh thổ của mình, bao gồm cả thành phố Kherson quan trọng về mặt chiến lược.

Phóng viên nước ngoài James Longman của ABC News hôm thứ Bảy cho biết Ukraine hiện đã giành lại được 50% lãnh thổ của mình.

Trong một bản cập nhật vào hôm Chúa Nhật, Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết Nga đã mất khoảng 10,000 quân chỉ trong hơn hai tuần, với con số tổng thể hiện là 80,860 lính Nga bị loại khỏi vòng chiến. Kể từ lần cập nhật cuối cùng hàng ngày, các quan chức Ukraine cho biết “650 người” khác đã thiệt mạng.

Báo cáo nói thêm rằng 1,837 hệ thống pháo của Nga đã bị bắt giữ hoặc phá hủy cùng với 278 máy bay và 261 trực thăng.

Biến cố này diễn ra sau khi các quan chức Ukraine thông báo vào ngày 29 tháng 10 rằng 70,000 người Nga đã thiệt mạng kể từ khi cuộc chiến bùng nổ vào ngày 24 tháng 2.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy trước đây đã nói rằng thương vong của Nga có thể lên tới 100,000 người thiệt mạng trong chiến tranh, nhưng nói thêm rằng cái chết của họ sẽ không thay đổi suy nghĩ hoặc đường lối của Điện Cẩm Linh đối với cuộc xung đột.

Nga hiếm khi công bố số liệu thương vong và tử vong, và lần cuối cùng cho biết vài nghìn người đã chết. Cả ước tính của họ và của Ukraine đều bị các nhà phân tích chiến tranh nghi ngờ vì khó xác minh trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra ác liệt.

Dù thương vong của binh lính Nga chưa được xác nhận, Mạc Tư Khoa đã ra lệnh cho các lực lượng rút khỏi thành phố Kherson, miền nam Ukraine.

Zelenskiy và các quan chức Ukraine khác đã kêu gọi thận trọng và nói thêm rằng họ nghi ngờ ý định rút lui của Nga.

Đầu tuần này Zelenskiy nói: “Cảm xúc của chúng ta phải được kiềm chế. Kẻ thù không mang quà cho chúng ta. Vì vậy, chúng ta di chuyển rất cẩn thận, không cảm xúc, không rủi ro không đáng có”.

Kherson là khu vực lớn đầu tiên rơi vào tay Nga khi chiến tranh bùng nổ và là thành tựu rõ ràng nhất trong cuộc xâm lược do vị trí chiến lược và gần với Crimea đã bị sáp nhập.

Tuy nhiên, việc rút lui khỏi Kherson trong tuần này đã khiến các đồng minh của Putin tấn công quân đội Nga và chính nhà lãnh đạo Putin.

Người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan Alexander Dugin, được biết đến với biệt danh “quân sư của Putin,” hôm thứ Bảy đã gọi tổng thống Nga là một kẻ chuyên quyền, có trách nhiệm tối hậu đối với cuộc chiến, và cáo buộc ông ta đang chuẩn bị “đầu hàng”.

Dugin nói rằng cuộc rút lui làm suy yếu hệ tư tưởng của Nga do không bảo vệ được “các thành phố của Nga”.

Sau đó, anh ta tiến thêm một bước và hô hào lật đổ Putin trong một ví von với “vua mưa”.

Dugin đã đề cập đến cuốn sách The Golden Bough của Sir James George Frazer. Cuốn sách bao gồm cảnh một “vị vua thiêng liêng”, được Frazer gọi là “vua mưa”, bị hy sinh bằng cách mổ bụng vì không mang được mưa trong một trận hạn hán.

Dugin tuyên bố: “Kherson đã đầu hàng... Nếu bạn không quan tâm, thì bạn không phải là người Nga.”

Ông nói tiếp: “Chính quyền. Họ phải chịu trách nhiệm về việc này,” và cảnh báo rằng nếu những người cầm quyền không “cứu” được nước Nga, thì họ sẽ phải đối mặt với “số phận của 'vua mưa'“

Dugin nói thêm: “Chế độ chuyên quyền cũng có mặt trái. Họ nắm được toàn bộ quyền lực trong trường hợp thành công, nhưng cũng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu thất bại. Putin là ngoại lệ à?”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine và Điện Cẩm Linh để xin bình luận.

7. Zelenskiy cáo buộc Nga về tội ác chiến tranh Kherson

Sau hai đêm hân hoan sau ngày thành phố được giải phóng, người dân Kherson hôm Chúa Nhật bắt đầu đánh giá mức độ thiệt hại do 8 tháng dài bị Nga chiếm đóng, với việc cư dân vẫn không có điện và nước.

Trong một diễn từ video gởi quốc dân đồng bào, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã cáo buộc các binh sĩ Nga phạm tội ác chiến tranh và giết hại thường dân ở Kherson. “Các nhà điều tra đã ghi nhận hơn 400 tội ác chiến tranh của Nga. Thi thể của thường dân và quân nhân thiệt mạng đã được tìm thấy. Quân đội Nga đã để lại sự tàn bạo tương tự như họ đã làm ở các khu vực khác của đất nước mà họ xâm nhập,” ông nói.

Ông cũng cho biết các lực lượng Nga đã phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng trước khi rút lui, trong khi thị trưởng Kherson cho biết tình hình nhân đạo “nghiêm trọng” vì thiếu thuốc men và bánh mì.

Hàng nghìn quả mìn, dây bẫy và đạn chưa nổ đã bị quân đội bỏ lại.

Roman Golovnya, cố vấn của chính quyền địa phương thành phố, cho biết: “Các lực lượng chiếm đóng và cộng tác viên của Nga đã làm mọi cách có thể để khiến những người ở lại thành phố phải chịu đựng nhiều nhất có thể trong những ngày, tuần và tháng chờ đợi này.”

Quân Nga rút lui đã phá hủy toàn diện tất cả các cơ sở hạ tầng quan trọng bao gồm thông tin liên lạc, điện, nước, nhiệt, tháp truyền hình cao 100 mét và ít nhất 7 cây cầu.

Các nhà chức trách Ukraine đang cố gắng đánh giá thiệt hại đối với đập Nova Kakhovka, trên sông Dnipro, cách khoảng 40 dặm về phía đông bắc, mà người Nga đã cố gắng cho nổ tung khi họ rút quân. Hình ảnh vệ tinh cho thấy dấu hiệu bị phá hủy “với các phần của đập và cửa cống bị phá hủy”. Tuy nhiên, không rõ liệu tính toàn vẹn cấu trúc của hồ chứa có nguy cơ hay không. Với thể tích nước 18.2 ký lô mét khối, nếu hồ chứa Kakhovka bị phá hủy có thể gây ngập lụt một khu vực rộng lớn, trong đó có thành phố Kherson.

Một số người dân đã bắt đầu thu thập củi để chuẩn bị cho một mùa đông lạnh giá và ảm đạm.

Theo các quan chức Mỹ, quyết định rút khỏi Kherson của Điện Cẩm Linh một phần dựa trên những lo ngại rằng binh lính của họ sẽ “bị cắt nguồn cung cấp khi mùa đông đến”.

Các biện pháp an ninh bổ sung đang được thực hiện, khi cảnh sát quân sự kiểm tra giấy tờ của người dân địa phương và săn lùng binh lính Nga và những kẻ phá hoại có thể đã cải trang thành dân thường. Thống đốc khu vực, Yaroslav Yanushevych, cho biết nhà chức trách sẽ duy trì lệnh giới nghiêm từ 5 giờ chiều đến 8 giờ sáng và cấm người dân ra vào thành phố.

“ Kẻ thù đã gài mìn tất cả các cơ sở hạ tầng quan trọng. Chúng tôi đang cố gắng phá bom mìn trong vòng vài ngày và sau đó mở cửa thành phố,” ông nói với Ukraine TV, và nói thêm rằng các hoạt động điện thoại di động đã có thể bắt đầu hoạt động vào hôm Chúa Nhật.

Các bom mìn do quân đội Nga bỏ lại đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất của Ukraine, đặc biệt là khi nước này gấp rút dọn dẹp và khôi phục lại những tàn tích. Theo Kyiv, hơn 2,000 những thứ gây nổ từ bẫy mìn đến dây mìn đã được gỡ bỏ.

Tại khu vực Kharkiv, hai công nhân làm đường đã thiệt mạng và bốn người bị thương do trúng mìn khi cố gắng khôi phục lại con đường trong một khu vực trước đây đã bị chiếm đóng.

Zelenskiy cho biết cuộc phản công ngoạn mục của quân đội Ukraine sẽ tiếp tục.

Ông nói: “Chúng tôi chắc chắn sẽ đến được biên giới quốc gia của mình - tất cả các phần của biên giới Ukraine được quốc tế công nhận. Ông hứa giải phóng sự chiếm đóng của các thành phố phía nam như Henichesk – vừa được Nga đặt tên là “thủ đô” hành chính mới cho vùng Kherson và Melitopol.

Tuyên bố của ông cho thấy Crimea - được Mạc Tư Khoa sáp nhập bất hợp pháp vào năm 2014 - là một mục tiêu quân sự của Ukraine trong thời gian tới.
 
ĐTGM Tikhon, cha giải tội của Putin, chuẩn bị dư luận chấp thuận dự thảo ĐẦU HÀNG. Huấn đức của ĐTC
VietCatholic Media
05:17 14/11/2022


1. Tổng Giám Mục Nga, cha giải tội của Putin, kêu gọi ông ta chấp thuận dự thảo đầu hàng

Một giám mục được mệnh danh là 'cha giải tội' của Vladimir Putin đã đưa ra lời cầu xin thật phi thường về việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraine sau nhiều tháng đổ máu.

Đức Tổng Giám Mục Tikhon Shevkunov, người được biết đến là đặc biệt thân thiết với tổng thống Nga, nói rõ ràng cần có 'hòa bình theo thánh ý Chúa' giữa hai quốc gia.

Vị Tổng Giám Mục, người được nhiều người coi là cố vấn tinh thần của Putin đã gọi cuộc chiến bắt đầu bằng cuộc xâm lược trái phép của Nga vào Ukraine vào tháng 2, là một 'thảm kịch chưa từng có' và nói rằng nó 'nên kết thúc bằng hòa bình'.

Những lời nhận xét vừa được đưa ra là một sự can thiệp bất thường của hàng giáo sĩ Chính Thống Giáo Nga và đã làm dấy lên những đồn đoán rằng Putin có thể sẵn sàng chấp nhận một thỏa thuận đầu hàng sau thất bại nhục nhã ở Kherson.

Quân đội Nga buộc phải rời khỏi thành phố vào cuối tuần trước trong bối cảnh quân đội Ukraine phản công, với báo cáo rằng hành ngàn người Nga đã chết chìm trong cuộc tháo chạy tán loạn.

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh Rossiya 1, và có lẽ là cuộc nói chuyện với sự cho phép của Putin, vị giám mục 64 tuổi thừa nhận cuộc xung đột đang bắt đầu đè nặng lên tâm trí người Nga.

“Chúng ta phải nói về những gì xuất hiện trong đầu óc chúng ta khi chúng ta thức dậy, những gì trong đầu chúng ta cả ngày và những gì chúng ta mang theo khi đi ngủ - đó là Ukraine,” ông nói.

'Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta đang phải trải qua một thảm kịch chưa từng có, một giai đoạn định mệnh trong cuộc đời của người dân, đất nước chúng ta và Ukraine.

'Nó sẽ kết thúc như thế nào?’

'Tất nhiên, chúng tôi sẽ cầu nguyện rằng mọi chuyện sẽ kết thúc trong hòa bình và an toàn. Mọi người đang kêu gọi hòa bình ngay bây giờ. '

Vị giám mục nói thêm rằng ông có quan điểm rằng 'chỉ có Chúa toàn năng' mới có thể kết thúc cuộc đổ máu.

Shevkunov nói: “Chúng ta cần hòa bình theo ý muốn của Chúa, để giải quyết vấn đề này, những trận chiến, và những thù hận giữa những người anh em.”

Putin có thói quen sử dụng hàng giáo sĩ Chính Thống Giáo Nga để cung cấp các vỏ bọc thần học cho các quyết định của mình, và như thế thu hút được sự đồng tình của đông đảo các tín hữu Chính Thống Giáo. Đầu hàng là một quyết định khó khăn đối với Putin. Đó là bối cảnh Đức Tổng Giám Mục Tikhon Shevkunov đã bất ngờ xuất hiện. Cũng có thể an toàn để nói rằng, nếu Putin chấp nhận đầu hàng, và trong thời gian ngắn sắp tới Thượng Phụ Kirill không tuyên bố câu nào nhằm ủng hộ quyết định khó khăn ấy, Đức Cha Tikhon Shevkunov sẽ sớm trở thành Tân Thượng Phụ của Chính Thống Giáo Nga.

Giáo sư Valery Solovey, trước đây làm việc tại Học viện Quan hệ Quốc tế có uy tín của Mạc Tư Khoa và người tuyên bố có mối quan hệ bên trong Điện Cẩm Linh, cho biết thỏa thuận đầu hàng sẽ khiến Nga phải từ bỏ tất cả lãnh thổ ở Ukraine, ngoại trừ Crimea, nơi sẽ trở thành một khu phi quân sự và vị thế của nó sẽ không được thảo luận lại cho đến năm 2029.

Đổi lại, Putin và những người thân cận của mình sẽ tránh được các cáo buộc hình sự về chiến tranh và được phép tiếp tục nắm quyền.

Ông cho biết đề xuất này, về danh xưng, được gọi là thỏa thuận đầu hàng, không phải là những đề nghị cho một cuộc đàm phán, đã được thảo luận giữa Kyiv và các đồng minh phương Tây trước khi được trình bày trước vòng tròn bên trong của Putin - những người đã phản ứng rất tích cực với ý tưởng này vì nó loại bỏ trách nhiệm chiến tranh của họ. Họ sẽ được tại vị và không bị bắt ra trước một tòa án quốc tế.

2. Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô cho biết các tín hữu Công Giáo, Chính thống giáo đang suy nghĩ về một ngày chung để cử hành lễ Phục sinh

Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô tuyên bố rằng cả hai phía Chính thống và Công Giáo đều có ý định tốt là cuối cùng thiết lập một ngày chung cho việc cử hành Lễ Phục sinh, cử mừng sự Phục sinh của Chúa Kitô. Tuy nhiên, ngài nói vẫn còn quá sớm để nói về bất kỳ chi tiết nào.

Đức Thượng phụ Chính thống giáo đã bày tỏ ý kiến này trong cuộc gặp ở Istanbul với một nhóm các linh mục và nhà báo đến Thổ Nhĩ Kỳ để thăm những địa điểm liên quan đến cuộc đời của Thánh Phaolô, Vatican News đưa tin.

Chuyến đi do Văn phòng Hành hương và Du lịch Vatican tổ chức. Trả lời câu hỏi của các nhà báo, Đức Thượng phụ Đại kết nói về những nỗ lực chung với Đức Giáo Hoàng Phanxicô liên quan đến việc cử hành lễ kỷ niệm 1.700 năm Công đồng Đại kết đầu tiên, diễn ra tại Nicea vào năm 325.

Đức Thượng phụ nhắc lại rằng trong số các quyết định của Công đồng có việc ấn định ngày cử hành Lễ Phục sinh. “Nhưng, thật không may, trong nhiều năm, chúng ta không còn cử hành nó cùng nhau nữa, trong nhiều thế kỷ. Do đó, trong khuôn khổ của lễ kỷ niệm này, chủ đề của những nỗ lực chung của chúng tôi với Đức Giáo Hoàng là tìm ra giải pháp cho vấn đề này. Có thể chưa đến lúc để nói về bất kỳ chi tiết nào, nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng có ý định tốt từ phía Chính thống giáo và Công Giáo để cuối cùng ấn định một ngày chung cho lễ kỷ niệm Phục sinh của Chúa Kitô”

Trả lời câu hỏi về những hy vọng cho hòa bình khi đối mặt với cuộc chiến tàn khốc mà Ukraine đã trở thành nạn nhân, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô nhấn mạnh rằng “cuộc chiến này không thể được biện minh bằng bất cứ điều gì” và điều này cần được nhấn mạnh “nhân danh đức tin Kitô của chúng ta.”

“Đối với tôi, dường như tất cả những người có cái nhìn đúng đắn về sự việc không thể không lên án cuộc chiến này. Đức Giáo Hoàng cũng muốn gia tăng sự nhạy cảm của toàn thế giới đối với hòa bình. Trong thông điệp của ngài vào ngày đầu tháng Giêng tức là Ngày Thế giới Hòa bình vài năm trước, Đức Giáo Hoàng đã tuyên bố rằng không thể có hòa bình nếu không có công lý. Đây là những từ ngữ thực sự rất chính xác,” Đức Thượng Phụ Đại Kết nói

Trong chuyến thăm tới Tòa Thượng phụ Đại kết lần này có phái đoàn của chính phủ Ukraine. Đệ nhất phu nhân Ukraine Olena Zelenska cùng với Chánh văn phòng Tổng thống Andriy Yermak, Phó Thủ tướng thứ nhất Yulia Svyridenko, Phó Văn phòng Tổng thống Andriy Sybiha, và Đại sứ Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ Vasyl Bondar cảm ơn Đức Thượng Phụ đã hỗ trợ và giúp đỡ Ukraine.

3. Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 14 tháng 11

Chúa Nhật 13 tháng 11, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 33 Mùa Quanh Năm và cũng là Ngày Thế Giới Người Nghèo lần thứ 6.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca

Khi ấy, Đức Giêsu nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Bài Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta lên Giêrusalem, nơi thánh thiêng nhất: đó là đền thờ. Ở đó, xung quanh Chúa Giêsu, một số người nói về vẻ tráng lệ của tòa nhà đồ sộ đó, “được tô điểm bằng những viên đá quý” (Lc 21:5). Nhưng Chúa nói: “Sẽ không còn hòn đá nào trên hòn đá nào mà không bị ném xuống” (Lc 21:6). Sau đó, Ngài thêm vào câu chuyện, giải thích rằng trong lịch sử, hầu hết mọi thứ đều sụp đổ như thế nào: Ngài nói, sẽ có các cuộc cách mạng và chiến tranh, động đất và đói kém, ôn dịch và bách hại (xem các câu 9-17). Như thể Chúa muốn nói: không nên đặt quá nhiều niềm tin vào những thực tại trần thế chóng qua. Đây là những lời khôn ngoan, tuy nhiên có thể khiến chúng ta hơi cay đắng. Đã có rất nhiều điều tiêu cực. Tại sao Chúa lại còn đưa ra những tuyên bố tiêu cực như thế? Trên thực tế, ý định của Ngài không phải là tiêu cực, mà ngược lại – Chúa muốn ban cho chúng ta một giáo huấn có giá trị, đó là con đường để có thể thoát khỏi tất cả sự bấp bênh này. Và đâu là lối thoát? Làm thế nào chúng ta có thể thoát ra khỏi thực tại đang trôi qua và sẽ không còn nữa?

Nó nằm trong một từ mà có lẽ sẽ làm chúng ta ngạc nhiên. Chúa Kitô mạc khải điều đó trong câu cuối cùng của Tin Mừng, khi Người nói: “Có bền đỗ, anh em mới giữ được mạng sống mình” (c. 19). Bền đỗ. Bền đỗ là gì? Từ này chỉ ra một cái gì đó “rất nghiêm ngặt”; nhưng nghiêm ngặt theo nghĩa nào? Phải chăng là nghiêm ngặt với chính mình, cho rằng mình không đạt tiêu chuẩn? Không. Phải chăng là nghiêm ngặt với những người khác, trở nên cứng nhắc và không linh hoạt? Cái này cũng không. Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta phải “nghiêm nhặt”, không khoan nhượng, kiên trì với những gì Ngài nghĩ trong lòng, với những gì đáng kể. Bởi vì, những gì thực sự quan trọng, thường không trùng khớp với những gì thu hút sự quan tâm của chúng ta. Giống như những người ở đền thờ, chúng ta thường ưu tiên cho công việc do bàn tay chúng ta thực hiện, những thành tựu, truyền thống tôn giáo và dân sự, những biểu tượng thiêng liêng và xã hội của chúng ta. Điều này là tốt, nhưng chúng ta dành quá nhiều ưu tiên cho những sự ấy. Những điều này quan trọng thật, nhưng chúng qua đi. Thay vào đó, Chúa Giêsu nói hãy tập trung vào những gì còn lại, đừng dành cuộc đời của chúng ta để xây dựng một cái gì đó rồi sẽ bị phá hủy, chẳng hạn như ngôi đền đó, và quên xây dựng những gì sẽ không sụp đổ, được dựng xây trên lời của Người, trên tình yêu, trên sự tốt lành. Hãy kiên trì, nghiêm khắc và kiên quyết xây dựng trên những gì không qua đi.

Vì thế, đây là sự bền đỗ của chúng ta: hãy xây dựng lòng tốt mỗi ngày. Bền đỗ là luôn luôn hướng thiện, đặc biệt là khi thực tế xung quanh thúc giục chúng ta làm khác đi. Chúng ta hãy suy ngẫm về một vài ví dụ: Tôi biết rằng lời cầu nguyện là quan trọng, nhưng, giống như mọi người, tôi cũng luôn có rất nhiều việc phải làm, và vì vậy tôi nói: “Không, tôi đang bận, tôi không thể, tôi 'sẽ làm điều đó sau’. Hoặc, tôi thấy nhiều người xảo quyệt lợi dụng các tình huống, những người né tránh các giới luật, và vì vậy tôi cũng ngừng tuân giữ những giới luật ấy, ngừng kiên trì với những gì là công lý và hợp pháp: “Nhưng nếu những kẻ vô lại này làm điều đó, thì tôi cũng vậy!”. Hãy coi chừng điều này! Và một lần nữa: Tôi thực hiện công việc phục vụ Giáo hội, cho cộng đồng, cho người nghèo, nhưng tôi thấy nhiều người trong thời gian rảnh rỗi chỉ nghĩ đến việc tận hưởng bản thân, nên tôi cảm thấy muốn từ bỏ và làm những gì họ làm. Bởi vì tôi không nhìn thấy kết quả, hoặc tôi cảm thấy buồn chán, hoặc nó không làm cho tôi hạnh phúc.

Thay vào đó, sự bền đỗ phải dựa vào sự thiện. Chúng ta hãy tự hỏi mình: sự bền đỗ của tôi là như thế nào? Tôi có liên tục không, hay tôi sống đức tin, công bằng và bác ái theo thời điểm: Tôi cầu nguyện nếu tôi cảm thấy thích; Tôi công bằng, sẵn lòng và giúp đỡ người khác nếu điều đó phù hợp với tôi; trong khi nếu tôi không hài lòng, nếu không ai cảm ơn tôi, tôi có dừng lại không? Tóm lại, lời cầu nguyện và sự phục vụ của tôi phụ thuộc vào hoàn cảnh hay vào tấm lòng kiên trung trong tình yêu Chúa? Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng nếu chúng ta bền đỗ, chúng ta không có gì phải sợ hãi, ngay cả trong những biến cố đau buồn và tối tăm của cuộc sống, thậm chí trước những điều xấu xa mà chúng ta thấy xung quanh mình, bởi vì chúng ta vẫn dựa vào điều tốt. Dostoevsky viết: “Đừng sợ tội lỗi của con người. Hãy yêu mến một người ngay cả trong tội lỗi của anh ta, vì đó là vẻ vang của Tình yêu Thiên Chúa và là tình yêu cao cả nhất trên trái đất “ (Anh em nhà Karamazov, II, 6, 3g). Sự bền bỉ là sự phản chiếu trong thế giới tình yêu của Thiên Chúa, bởi vì tình yêu thương của Thiên Chúa là sự chung thủy, nó bền bỉ, không bao giờ thay đổi.

Xin Đức Mẹ, tôi tớ Chúa, Mẹ luôn kiên trì cầu nguyện (x. Cv 1,12), xin Mẹ thêm sức cho chúng con.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến!

Ngày mai sẽ là ngày kỷ niệm đầu tiên ra mắt Nền tảng hành động Laudato si ', thúc đẩy chuyển đổi sinh thái và lối sống phù hợp với nó. Tôi muốn cảm ơn tất cả những người đã chấp nhận sáng kiến này: có khoảng sáu nghìn người tham gia, bao gồm các cá nhân, gia đình, hiệp hội, doanh nghiệp và các tổ chức tôn giáo, văn hóa và chăm sóc sức khỏe. Đây là một khởi đầu tuyệt vời cho cuộc hành trình kéo dài bảy năm nhằm đáp lại tiếng kêu của trái đất và tiếng kêu của người nghèo. Tôi khuyến khích sứ mệnh này, có ý nghĩa quan trọng đối với tương lai của nhân loại, để nó có thể thúc đẩy mọi người cam kết thực sự chăm sóc tạo vật.

Từ góc độ này, tôi muốn nhắc lại Hội nghị cấp cao COP27 về biến đổi khí hậu đang diễn ra tại Ai Cập. Tôi hy vọng rằng các bước tiến về phía trước sẽ được thực hiện, với lòng dũng cảm và quyết tâm, sau Hiệp định Paris.

Chúng ta hãy luôn gần gũi với anh chị em của chúng ta ở Ukraine tử vì đạo. Hãy gần gũi trong lời cầu nguyện và với tình liên đới cụ thể. Hòa bình là có thể! Chúng ta đừng cam chịu chiến tranh.

Và tôi xin chào tất cả anh chị em, những người hành hương đến từ Ý và các quốc gia khác nhau, các gia đình, giáo xứ, hiệp hội và cá nhân tín hữu. Đặc biệt, tôi xin chào nhóm đặc sủng “El Shaddai” đến từ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, các nhạc công “bandoneon” người Uruguay – Tôi thấy lá cờ của các bạn ở đó, hoan hô! – Phái đoàn Công Giáo-Hy Lạp Rumani ở Paris, các đại diện mục vụ của trường từ Limoges và Tulle cùng với các giám mục của họ, và các thành viên của cộng đồng người Eritrea ở Milan, những người mà tôi cam kết cầu nguyện cho đất nước của họ. Tôi vui mừng chào đón những chú giúp lễ của Ovada, hợp tác xã “Gia đình Nuova” của Monza, lực lượng bảo vệ dân sự của Lecco, các tín hữu của Perugia, Pisa, Sassari, Catania và Bisceglie, cũng như các chàng trai và cô gái của Immacolata.

Chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Tổng thống Zelensky thăm Kherson. Quân Nga tháo chạy khỏi Kherson đang hối hả chạy tiếp về Mariupol
VietCatholic Media
15:53 14/11/2022


1. Tổng thống Zelensky thăm Kherson: Bất chấp những trận chiến khó khăn, Ukraine đã giải phóng nhiều vùng lãnh thổ bị chiếm đóng

Ukraine đang từng bước giải phóng các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và bất chấp những trận chiến khó khăn và cái giá phải trả cho chiến thắng, họ sẽ đi trên con đường khó khăn này.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết như trên trong chuyến viếng thăm thành phố Kherson vừa được giải phóng giữa những tiếng reo hò cổ vũ nồng nhiệt của người dân Kherson.

“Chúng ta đang từng bước tái chiếm tất cả các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời của đất nước chúng ta. Tất nhiên là khó, đó là một con đường dài và vất vả. Những anh hùng tốt nhất của đất nước chúng ta đang tham gia cuộc chiến này,” Zelensky nói.

Vị nguyên thủ quốc gia nhấn mạnh rằng Ukraine không tin những tuyên bố của Nga, nước đang cố gắng đánh lừa cộng đồng toàn cầu.

“Chúng ta đang tiếp tục chiến đấu và chiến thắng. Chúng ta đã sẵn sàng cho hòa bình, nhưng hòa bình cho cả đất nước của chúng ta. Đó là hòa bình toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia chúng ta. Chúng ta tôn trọng luật pháp quốc tế và chủ quyền của mọi quốc gia, và bây giờ chúng ta đang nói về chủ quyền của quốc gia chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng ta đang chiến đấu chống lại sự xâm lược của Nga”

Theo ông Zelensky, Ukraine sẽ tiếp tục giải phóng các vùng lãnh thổ bị kẻ xâm lược chiếm đóng.

“Chúng ta không quan tâm đến lãnh thổ của các quốc gia khác. Chúng ta chỉ quan tâm đến việc xóa bỏ sự chiếm đóng các vùng lãnh thổ của chúng ta.”

Theo lời của ông, ngày nay Ukraine đang phải trả giá đắt cho những chiến thắng ở mặt trận, bởi vì kẻ thù không muốn tự nguyện trả lại những gì đã chiếm được.

“Không ai cho đi thứ gì dễ dàng như vậy. Giá của cuộc chiến này là cao. Nhiều người bị thương, nhiều người chết. Khi quân đội Nga rút lui hoặc tháo chạy – chúng ta tin rằng họ chạy vì quân đội của chúng ta đã bao vây kẻ thù, và họ đang gặp nguy hiểm. Đã có những trận chiến khốc liệt và kết quả là ngày nay chúng ta đang ở vùng Kherson”.

Zelensky đã gặp gỡ quân đội và tham gia nghi lễ chính thức kéo cờ Ukraine.

Tổng tư lệnh Zaluzhnyi cảm ơn Lực lượng Phòng vệ vì những nỗ lực phi thường để giải phóng Kherson

Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine Valerii Zaluzhnyi đã gửi lời cảm ơn tới các đơn vị thuộc Lực lượng Phòng vệ vì những nỗ lực phi thường của họ để giải phóng thành phố Kherson khỏi sự chiếm đóng của Nga.

Ông nói: “Tôi muốn cảm ơn các đơn vị của Lực lượng Phòng vệ vì những nỗ lực phi thường của họ để giải phóng Kherson! Hoạt động đã kéo dài từ đầu tháng 9 và kết thúc với thành công của chúng ta. Tất nhiên, nó có giá của nó.”

Theo lời ông, người Ukraine biết họ đang chiến đấu vì ai và vì cái gì.

Ngày 12 tháng 11 năm 2022, Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết Thống Đốc Kherson Yaroslav Yanushevych, Cảnh sát Quốc gia Ukraine và Cơ quan An ninh Ukraine đã tiếp tục làm việc tại thành phố Kherson và vùng Kherson.

2. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh

Mùa đông sẽ mang lại sự thay đổi trong điều kiện xung đột cho cả lực lượng Nga và Ukraine. Những thay đổi về thời gian có ánh sáng mặt trời, nhiệt độ và thời tiết sẽ mang đến những thách thức đặc thù cho những người lính chiến đấu. Bất kỳ quyết định nào mà Bộ Tổng tham mưu Nga đưa ra sẽ được thông báo một phần trước khi mùa đông bắt đầu.

Ánh sáng ban ngày sẽ giảm xuống ít hơn 9 giờ một ngày, so với 15 tới 16 giờ vào thời gian cao điểm của mùa hè. Điều này dẫn đến ít giao tranh hơn và các tuyến phòng thủ yên tĩnh hơn. Khả năng nhìn ban đêm là một thứ quý giá, càng làm trầm trọng thêm việc không muốn chiến đấu vào ban đêm.

Nhiệt độ cao trung bình sẽ giảm từ 13 độ C trong suốt tháng 9 đến tháng 11, xuống còn 0 độ qua tháng 12 đến tháng 2. Các lực lượng thiếu quần áo và chỗ ở trong thời tiết mùa đông có khả năng cao bị thương do lạnh giá. Thêm vào đó khung thời gian quý giá để cứu chữa một binh lính bị thương sẽ giảm xuống chỉ còn khoảng một nửa, khiến cho nguy cơ tử vong khi giao tranh với đối phương tăng gấp bội.

Bản thân thời tiết có khả năng gây ra sự gia tăng lượng mưa, tốc độ gió và tuyết rơi. Mỗi điều trong số này sẽ mang đến thêm những thách thức đối với tinh thần của các lực lượng Nga vốn đã thấp, nhưng cũng gây ra các vấn đề đối với các bộ bảo trì. Các diễn tập cơ bản như làm sạch vũ khí phải được điều chỉnh theo điều kiện thời tiết và nguy cơ trục trặc vũ khí tăng lên.

3. Nga hối hả rút quân từ phía Đông Kherson về Mariupol

Chống chế cho cuộc rút lui nhục nhã tại Kherson, các bloggers quân sự Nga phò Điện Cẩm Linh cho rằng cuộc rút lui tại Kherson là một cái bẫy tinh vi. Quân Nga sau khi rút sang bờ phía Đông sẽ pháo kích san bằng Kherson như họ đã làm tại Mariupol. Đó có thể là một khả năng, vì quân Nga khét tiếng với những thủ đoạn tàn bạo như thế.

Tuy nhiên, thủ đoạn tàn ác này chưa xảy ra và ngày càng khó xảy ra vì quân Ukraine khẩn cấp kéo HIMARS vào Kherson pháo kích tới tấp vào các vị trí của quân Nga. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã đến thăm Kherson và ung dung làm lễ thượng kỳ tại trước tòa nhà hành chính của khu vực tại quảng trường Tự Do. Đó là một minh chứng cho thấy cái bẫy tinh vi chỉ là trò tuyên truyền rẻ tiền.

Như thế, quân Nga sau khi bỏ chạy từ phía Tây sông Dnipro sang phía Đông thì làm gì tiếp theo. Thưa: Việc tiếp theo của họ là chạy tiếp. Điều này được khẳng định trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Hai 14 tháng 11.

Trong ngày thứ hai liên tiếp, gần Mariupol, xe tăng, thiết giáp và hàng trăm quân nhân và dân thường Nga rút chạy khỏi Kherson đang đến trên những chiếc xe mang biển số Nga. Họ đang được định cư trong các khu nhà trọ và trung tâm giải trí. Vadym Boychenko, thị trưởng Mariupol, đã cho biết như trên.

“Trong ngày thứ hai liên tiếp, người ta đã quan sát thấy sự xuất hiện ở thành phố Mariupol của quân xâm lược từ hướng Kherson. Hôm qua, những đoàn xe lớn gồm hàng trăm xe chở quân đã đến dọc theo đường cao tốc Mangush-Urzuf. Những người mới đến đang được giải quyết cư trú trong các nhà trọ và trung tâm giải trí ở các khu định cư Yalta, Nova Yalta và Yuriyivka,” Boychenko nói.

Theo quan chức này, tại mọi giao lộ trên con đường nói trên, lực lượng tuần tra quân sự đã được triển khai “với dự đoán sẽ có nhiều đợt tiếp theo của quân xâm lược từ vùng Kherson”

Ngoài ra, Boychenko lưu ý, số lượng xe dân dụng mang biển số Nga đang tăng nhanh theo hướng Mariupol. “Các chủ xe và tài xế nói rằng họ đến từ Kherson. Tất cả những người mới đến - cả quân sự và dân thường - đều sử dụng tiền Ukraine khi mua sắm”.

Các cuộc pháo kích tàn bạo của Nga đã gây ra một thảm họa nhân đạo lớn ở Mariupol. Gần 90% thành phố bị phá hủy bởi pháo kích. Các xí nghiệp, cơ sở hạ tầng tiện ích thành phố, trường học, nhà trẻ, bệnh viện, và các tòa nhà dân cư đã bị xóa sổ.

Mariupol hiện không có nguồn cung cấp điện, nước và khí đốt ổn định. Hiện tại, hơn 100.000 cư dân vẫn còn trong khu vực bị phong tỏa.

Những kẻ xâm lược cũng tiếp tục phá bỏ những ngôi nhà mà chúng đã làm hư hại để che giấu những dấu vết tội ác của chúng. Một danh sách các tòa nhà mà những kẻ xâm lược có ý định phá hủy ở Mariupol trong năm nay đã xuất hiện gần đây, bao gồm 136 khu chung cư.

4. Putin 'tước hộ chiếu của những công dân chỉ trích cuộc chiến của Nga với Ukraine' sau khi quân đội Điện Cẩm Linh rút lui nhục nhã khỏi Kherson

Putin đang bị chỉ trích gay gắt sau thảm bại tại Kherson. Alexander Dugin, được biết đến với biệt danh “quân sư của Putin”, đã đi xa đến mức cáo buộc Putin đang chuẩn bị đầu hàng và kêu gọi giết chết nhà độc tài. Trong một động thái được xem là để dằn mặt những người chống đối Putin vừa đề xuất một biện pháp nhằm trừnh phạt những ai dám chỉ trích cuộc chiến của Nga tại Ukraine.

Ký giả Arthur Parashar của tờ Daily Mail có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “Putin 'to strip passports of citizens who criticise Russia's war with Ukraine' after Kremlin troops' humiliating retreat from Kherson”, nghĩa là “Putin 'tước hộ chiếu của những công dân chỉ trích cuộc chiến của Nga với Ukraine' sau khi quân đội Điện Cẩm Linh rút lui nhục nhã khỏi Kherson”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ 'tước hộ chiếu của những công dân chỉ trích cuộc chiến của Nga với Ukraine' chỉ vài ngày sau khi rút quân khỏi Kherson một cách nhục nhã.

Vào tháng 3, quốc hội Nga đã đưa ra luật hình sự hóa việc phản đối cuộc xung đột ở Ukraine và 'làm mất uy tín' của quân đội Nga. Những người không tuân theo được cho biết họ có thể phải đối mặt với án tù 15 năm.

Và bây giờ, Putin được cho là đang đề xuất những thay đổi đối với một dự luật nhắm vào những công dân không được sinh ra ở Nga và đã có hộ chiếu Nga trong thời gian lực lượng Mạc Tư Khoa chiếm đóng thành phố trọng điểm phía nam này.

Tờ Kyiv Independent đưa tin, nhiều người Ukraine bị ép buộc hoặc không có lựa chọn nào khác để chuyển quốc tịch do các mối đe dọa từ Nga.

Các hành động sẽ bị coi là tội ác là 'làm mất uy tín của quân đội Nga', 'tung tin giả' và 'tham gia vào các hoạt động của một tổ chức không mong muốn', hãng truyền thông độc lập Meduza của Nga đưa tin, trích dẫn một hãng thông tấn do Điện Cẩm Linh điều hành.

Các sửa đổi đã được đề xuất cho một dự luật mới được thông qua ngay trong lần đọc đầu tiên.

Việc thực thi dự luật này diễn ra hai ngày sau khi Nga mất Kherson đáng xấu hổ sau khi lực lượng Kyiv tái chiếm thành phố,

Thành phố phía nam là thủ đô khu vực duy nhất mà lực lượng Điện Cẩm Linh đã chiếm được kể từ khi Putin bắt đầu cuộc xâm lược vào tháng Hai.

Trong hành động dường như là hành động trả đũa cuối cùng, quân đội Mạc Tư Khoa đã cho nổ tung một phần đập Nova Kakhovka khi họ rút lui qua sông Dnipro, cũng như phá hủy cầu Antonovsky, một điểm vượt sông chính khác ở vùng Kherson..

Người ta không biết liệu vụ phá hủy được thực hiện để trả thù vì phải rút lui hay một động thái chiến thuật để ngăn chặn quân đội Ukraine truy kích lực lượng Nga - Putin vẫn chưa bình luận công khai về hành động này.

Một quan chức Ukraine mô tả tình hình ở Kherson là “thảm họa nhân đạo”.

'Tôi không hiểu đây là loại người gì. Tôi không biết tại sao họ lại làm như vậy', cư dân Yevhen Teliezhenko, khoác trên mình lá cờ Ukraine, cho biết.

Tuy nhiên, ông nói thêm, “mọi chuyện trở nên dễ thở hơn” khi người Nga đã ra đi.

Quân đội Ukraine đã được chào đón bởi dân thường tưng bừng cổ vũ và vẫy cờ khi họ đến Kherson vào tuần trước.

Nó báo hiệu sự kết thúc cho sự chiếm đóng tàn bạo của Nga đã diễn ra kể từ tháng Hai, với kết nối điện thoại và internet được khôi phục, cho phép mọi người gọi điện thoại cho những người thân đang lo lắng sống bên ngoài thành phố lần đầu tiên sau nhiều tháng.

Các lá cờ của Nga đã bị xé bỏ bên ngoài các tòa nhà hành chính và thay thế bằng màu vàng và xanh của Ukraine, với video cho thấy những người dân rơi nước mắt cảm ơn các binh sĩ.

5. Người dẫn chương trình truyền hình nhà nước Nga cho rằng cuộc rút lui của Kherson có thể là cái bẫy để thu hút quân đội NATO

Thảm bại của quân Nga ở Kherson đang làm người Nga choáng váng. Thành ra, không thiếu các nhân vật trên các phương tiện truyền thông của Nga nói năng mê sảng.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian State TV Host Says Kherson Retreat May Be Trap To Lure NATO Troops”, nghĩa là “Người dẫn chương trình truyền hình nhà nước Nga cho rằng cuộc rút lui của Kherson có thể là cái bẫy để thu hút quân đội NATO.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Một chuyên gia truyền hình nhà nước Nga gợi ý rằng việc nước ông rút lui khỏi Kherson có thể là một phần của “kế hoạch bí mật” nhằm thu hút quân đội NATO đến Ukraine để “tiêu diệt họ”.

Quân đội Nga đã từ bỏ Kherson vào đầu tuần này, cho phép các lực lượng Ukraine tiến quân vào thành phố mà không gặp kháng cự nào.

Việc rút lui thể hiện một bước lùi đáng kể đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin sau khi ông chính thức sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine vào nước này, bao gồm cả tỉnh Kherson, vào đầu năm nay.

Người dẫn chương trình truyền hình Tigran Keosayan đã xuất hiện trên một chương trình thảo luận vào hôm thứ Bảy, trong đó anh ta nói rằng mình hy vọng việc Nga rút quân là để ru ngủ quân đội phương Tây vào một cảm giác an toàn sai lầm.

Trong một đoạn clip ngày 12 tháng 11 được chia sẻ trên Twitter bởi Russian Media Monitor, Keosayan nói: “Tôi hy vọng rằng có lẽ đây là một kế hoạch bí mật để thu hút họ. Hãy nhớ rằng, chúng ta đã thảo luận về vấn đề này một tuần trước. Chúng ta đã nói rằng rất có thể, đây là một cái bẫy nhưng bây giờ tôi đang nói về một cái bẫy có tính chất toàn cầu hơn”.

“Hiện tại, chúng ta đang chứng minh rằng chúng ta không thể tự vệ nổi trước quân đội của NATO. Sau khi vượt qua tất cả các giới hạn, quân đội NATO đã vượt biên giới Ba Lan, Slovakia, Czechia - họ chiếm toàn bộ Ukraine thì lúc đó chúng ta sẽ tiêu diệt tất cả”.

“Với bom nổ hạng nặng không điều khiển và bom napalm. Sợ hãi, họ sẽ bỏ chạy. Mọi thứ sẽ như thế. Tôi không thấy có bất kỳ khả năng nào khác. Thật lòng thì thật là đáng buồn. Buồn vì những luận điệu đang được nêu ra trong xã hội chúng ta hoàn toàn trái ngược với tình trạng thực tế của vấn đề.”

Các nhà lãnh đạo thế giới đã nhiều lần loại trừ việc đưa quân đội NATO vào Ukraine và thay vào đó đã viện trợ quân sự hàng tỷ Mỹ Kim. Riêng Mỹ đã cam kết ít nhất 19.3 tỷ Mỹ Kim kể từ khi bắt đầu chiến tranh.

Michael Clarke, giáo sư nghiên cứu chiến tranh tại Đại học King's College London nói với Newsweek: “Câu hỏi đặt ra là Điện Cẩm Linh nghĩ gì khi có những tuyên bố hoang đường như thế này được đưa ra trên kênh truyền hình quốc gia do nhà nước kiểm soát. Phải chăng họ xem những trò này như một van an toàn để đối phó với nhận thức ngày càng tăng trên khắp nước Nga rằng đây là một cuộc chiến ngu xuẩn, tổn thất đang gia tăng, sai lầm đã mắc phải.”

“Lời hùng biện của Điện Cẩm Linh đã trải qua 4 giai đoạn của mục tiêu chiến tranh: Đầu tiên họ nói đó là một hoạt động quân sự đặc biệt nhằm loại bỏ chính phủ Kyiv đang phản bội công dân. Rồi họ nói đó là một hoạt động quân sự đặc biệt để bảo vệ những người nói tiếng Nga ở Donbas.”

“Bây giờ là cuộc chiến chống lại khối NATO đang sử dụng Ukraine làm tiền tuyến để tấn công Nga. Và mới nhất, Điện Cẩm Linh cho rằng đây là cuộc chiến vì sự sống còn của chính nước Nga trước một âm mưu thâm độc của phương Tây nhằm phá hoại nền văn hóa Slavic.”

Clarke nhấn mạnh rằng: “Những người đàn ông ngây ngô này – và cả một số phụ nữ - trên truyền hình nhà nước đang phản ánh một số tư tưởng ấm ớ và hoang đường trong quan điểm chiến tranh của Điện Cẩm Linh”.

“Nhưng họ cũng vô tình phản ánh cái mà tôi gọi là phản ứng 'thực tế bị trì hoãn'. Một thời gian sau khi những sự thật không thể phủ nhận được đã xuất hiện. Bây giờ đây là một cuộc chiến, có những tổn thất lớn, rằng người Ukraine đang làm tốt, rằng các chỉ huy Nga rất kém. Họ tìm cách giải thích những thực tế bị các phương tiện truyền thông nhà nước giấu diếm, trì hoãn cho đến khi mọi người đều biết và đưa ra những lý thuyết điên rồ này để cố gắng giải thích tại sao sự thật bây giờ lại như vậy.”

Newsweek đã liên hệ với Điện Cẩm Linh để xin bình luận.
 
Chính quyền Brazil coi việc cô gái rớt từ lầu ba xuống mà không sao là một phép lạ nhãn tiền
VietCatholic Media
17:05 14/11/2022


1. Cô gái rơi từ tầng 3 xuống và được cứu bởi người hàng xóm: “Đó là công việc của Chúa!

Cuộc giải cứu đáng kinh ngạc đã xảy ra ở Brazil, và cha của cô gái nói: “Chúa sử dụng bất cứ ai Ngài muốn, theo thánh ý của Ngài.”

Một bé gái 9 tuổi đã rơi từ cửa sổ tầng 3 một tòa nhà ở thành phố João Pessoa thuộc bang Paraíba, đông bắc Brazil, và được hàng xóm cứu sống.

Camera an ninh đã ghi lại khoảnh khắc này vào ngày 26/10 vừa qua. Theo cư dân của tòa nhà, đứa trẻ mắc chứng tự kỷ và có vẻ như đã rất lo lắng vì tiếng ồn của một đoàn xe đi qua đường. Không thể kiểm soát phản ứng của mình, cô quyết định đi ra ngoài cửa sổ.

Theo mạng Globo Brazil, TV Cabo Branco, Thallyta Kelciene, một lính cứu hỏa, sống cùng tòa nhà với cô bé và đang trong bãi đậu xe của chung cư. Người quản lý căn hộ đã nhìn thấy cô gái và chạy ngang qua bãi đậu xe la thất thanh; điều đó khiến Thallyta nhìn lên, và cô thấy cô bé đang lảng vảng ngoài cửa sổ. Thallyta đang hồi phục sau ca phẫu thuật gần đây, nhưng không ngần ngại mạo hiểm bị thương để cứu cô gái. Cô bước lại gần phía dưới cửa sổ, và đúng lúc đó, đứa trẻ bị ngã; vòng tay rộng mở của Thallyta đã đệm cho cú ngã.

“Khi tôi nhìn, cháu bé đã 100% ra khỏi tòa nhà. Tôi chỉ bước được hai bước, và ngay khi tôi vừa giơ tay lên, cô ấy đã ngã xuống. Cô ấy đáp xuống tôi, nhưng sức nặng đánh và xoay người tôi lại và tôi chúi người xuống vẫn nắm lấy cô ấy. Cô ấy ngã xuống đất và nằm im nhưng tôi không thấy dấu hiệu bị thương”.

Dịch vụ y tế khẩn cấp đã được gọi đến và đưa cô gái đến bệnh viện. Cô ấy được thông báo là trong tình trạng ổn định.

“Đó là công việc của Chúa”

Cũng trong một cuộc phỏng vấn với TV Cabo Branco, cha của cô gái, Erasmo Henrique, tuyên bố rằng Chúa đã dùng người hàng xóm để cứu con gái mình. “Đó là công việc của Chúa… Tôi luôn ghi nhớ rằng Chúa sử dụng bất cứ ai Ngài muốn”

Cha của cô gái cũng nói lời cảm ơn người hàng xóm. “Cô ấy đã cứu sống con gái tôi. Trước hết là Chúa Giêsu, Thiên Chúa toàn năng của con, con chỉ có Chúa và Mẹ để tạ ơn. Chúa đã sử dụng cô ấy và cô ấy đã để mình được Chúa sử dụng,” ông kết luận.

Vào ngày 1 tháng 11, hội đồng thành phố João Pessoa đã trao cho Thallyta anh dũng bội tinh vì đã hành động “không sợ hãi, với quyết tâm và chủ nghĩa anh hùng”, lưu ý rằng cô “được Chúa sử dụng để bảo vệ một bé gái chín tuổi đang té ngã,” ủy viên hội đồng Coronel Sobreira cho biết.
Source:Aleteia

2. Bối cảnh: Ngày Thế giới Người nghèo

Vào ngày 13 tháng 11, Chúa Nhật trước Lễ Chúa Kitô Vua, Giáo Hội cử hành Ngày Thế Giới Người Nghèo lần thứ 6. Chủ đề sứ điệp Đức Thánh Cha cho ngày này là “Vì anh em, Chúa Kitô đã trở nên nghèo khó” (2 Cr 8:9) đã được công bố vào ngày 13 tháng 6 nhân lễ nhớ Thánh Antôn thành Padua, vị thánh quan thầy của người nghèo.

Thánh Bộ Truyền giáo đã công bố các sáng kiến của Vatican trong ngày này.

Trong tông thư Misericordia et misera năm 2016, được ban hành vào lúc kết thúc Năm Thánh Lòng Thương Xót ngoại thường, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố việc thiết lập Ngày Thế Giới Người Nghèo:

Trong “Năm Thánh dành cho những người bị xã hội loại trừ,” khi các Cửa Thánh Lòng Thương Xót đang được đóng lại ở tất cả các nhà thờ chính tòa và đền thánh trên thế giới, tôi có ý tưởng rằng, như một dấu hiệu hữu hình khác của Năm Thánh Ngoại Thường này, toàn thể Giáo hội có thể cử hành vào Chúa Nhật 33 Thường Niên, Ngày Thế Giới Người Nghèo.

Đây sẽ là cách xứng đáng nhất để chuẩn bị cho việc cử hành Lễ Trọng Chúa Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ, Đấng đã đồng cảm với những người bé mọn và người nghèo và sẽ phán xét chúng ta về những việc làm bác ái của chúng ta (x. Mt 25: 31-46). Đó sẽ là một ngày để giúp các cộng đồng và mỗi người đã được rửa tội suy tư về nhân đức thanh bần là trọng tâm của Tin Mừng như thế nào, và bao lâu Ladarô còn nằm trước cửa nhà chúng ta (x. Lc 16:19-21) thì không thể có công lý hay hòa bình xã hội. Ngày này cũng sẽ tiêu biểu cho một hình thức tân phúc âm hóa đích thực (x. Mt 11:5), một hình thức có thể đổi mới bộ mặt của Giáo hội khi Giáo hội kiên trì hoạt động lâu dài là hoán cải mục vụ và làm chứng cho lòng thương xót.

3. Các trang web Bahrain bị tấn công khi nước này tổ chức bầu cử quốc hội

Bahrain đã bỏ phiếu hôm thứ Bảy trong một cuộc bầu cử quốc hội và địa phương chỉ vài giờ sau khi tin tặc nhắm mục tiêu vào các trang web của chính phủ ở đảo quốc này.

Bộ Nội vụ không nêu rõ các trang web nào bị nhắm mục tiêu, đến mức không thể truy cập trực tuyến nhưng nhiều người cho biết hãng thông tấn Bahrain do nhà nước điều hành cũng như trang web của quốc hội Bahrain nằm trong những trang web không thể truy cập. Sau đó, trang web bầu cử của Bahrain cũng không thể truy cập được từ nước ngoài.

Bộ Nội vụ cho biết: “Các trang web đang được nhắm mục tiêu để cản trở cuộc bầu cử và lan truyền các thông điệp tiêu cực trong nỗ lực tuyệt vọng là ảnh hưởng đến quyết định của công dân sẽ đến các điểm bỏ phiếu.”

Ảnh chụp màn hình do người dùng internet chụp cho thấy một bức ảnh sau khi vụ hack tuyên bố nó được thực hiện bởi một tài khoản chưa từng biết trước đây có tên là Al-Toufan trong tiếng Ả Rập có nghĩa là “Cơn Lũ”. Các tài khoản mạng xã hội liên kết với Al-Toufan cho biết nhóm nhắm mục tiêu vào trang web của quốc hội “do cuộc đàn áp do chính quyền Bahrain thực hiện và để thực hiện ý chí phổ biến tẩy chay các cuộc bầu cử giả mạo”.

Một nhóm đối lập dòng Shiite bị cấm và những người khác đã kêu gọi cử tri tẩy chay cuộc bầu cử.

Các quan chức Bahrain đã không trả lời yêu cầu bình luận về vụ hack. Truyền hình nhà nước Bahrain đã phát sóng hình ảnh người dân đi bỏ phiếu.

Vụ tấn công xảy ra chỉ vài giờ trước cuộc bầu cử quốc hội và thành phố ở Bahrain. Các cử tri đang chọn ra 40 thành viên của Hạ viện Quốc hội Bahrain, thường được gọi là Hội đồng Dân biểu. Thượng viện của Quốc hội, Hội đồng Tham vấn, được bổ nhiệm theo sắc lệnh hoàng gia của Vua Hamad bin Isa Al Khalifa.

Bahrain đang trong cuộc đàn áp kéo dài một thập kỷ đối với tất cả những người bất đồng chính kiến sau cuộc biểu tình nổi dậy Ả Rập năm 2011, nơi chứng kiến đa số người Shiite trên đảo và những người khác đòi hỏi nhiều tự do chính trị hơn.

Kể từ khi Bahrain dập tắt các cuộc biểu tình với sự giúp đỡ của Ả Rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, họ đã bỏ tù các nhà hoạt động Shiite, trục xuất những người khác, tước quyền công dân của hàng trăm người và đóng cửa tờ báo độc lập hàng đầu của họ.

Bahrain, có diện tích tương đương thành phố New York, là nơi đóng quân của Hạm đội 5 của Hải quân Hoa Kỳ.
Source:AP
 
Khôi hài: Người có tham vọng và khả năng lật đổ Putin cao nhất lúc này là tên đầu bếp của ông ta
VietCatholic Media
22:03 14/11/2022


Thật khôi hài: Người có tham vọng và có khả năng lật đổ Putin cao nhất trong lúc này là tên đầu bếp của ông ta

Yevgeny Prigozhin, một thương gia, thường được gọi là “đầu bếp của Putin” vì công ty của ông ta chuyên cung cấp ẩm thực cho Điện Cẩm Linh trong các tiệc tùng lớn. Trước đây, ông ta không nhìn nhận, nhưng trong vài tuần qua, ông ta xác nhận mình là người sáng lập nhóm lính đánh thuê Wagner. Đồng thời với việc xác nhận này, Prigozhin cũng tung ra những chỉ trích chống lại Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và các tướng lãnh Nga đang tham gia trực tiếp cuộc xâm lược Ukraine. Nhiều quan sát viên nhận định rằng thật khôi hài khi nhận ra rằng người có tham vọng và có khả năng lật đổ Putin cáo nhất trong lúc này là tên đầu bếp của Putin.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Could 'Putin's Chef' Yevgeny Prigozhin Be Russian Leader's Biggest Threat?”, nghĩa là “Phải chăng 'Đầu bếp của Putin là Yevgeny Prigozhin có thể là mối đe dọa lớn nhất của nhà lãnh đạo Nga?”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.

Yevgeny Prigozhin, một doanh nhân có quan hệ mật thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã gây chú ý trong những tuần gần đây vì những lời chỉ trích gay gắt về cuộc chiến Ukraine.

Prigozhin, biệt danh “Đầu bếp của Putin”, đã công khai chỉ trích Bộ Quốc phòng Nga và người đứng đầu Bộ Quốc phòng, Sergei Shoigu, về những thất bại của Mạc Tư Khoa trên chiến trường.

Anh ta đã công khai phỉ báng Shoigu về một loạt thất bại thảm hại khiến các lực lượng Nga phải rút lui. Các lực lượng phản công của Ukraine đã chiếm lại các vùng lãnh thổ rộng lớn ở phía nam và đông bắc.

Trong khi đó, lính đánh thuê thuộc Tập đoàn Wagner của Prigozhin, một đơn vị tư nhân khét tiếng, đang hỗ trợ quân đội Nga trong nỗ lực đánh chiếm các vùng lãnh thổ ở Ukraine.

Các nhà phân tích và tổ chức tư vấn đánh giá rằng Prigozhin có động cơ thầm kín trong việc đổ quân vào cuộc chiến, trong khi các chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, một tổ chức tư vấn về các vấn đề đối ngoại và quốc phòng của Mỹ, đánh giá rằng tổ chức này có thể “đặt ra mối đe dọa đối với sự cai trị của Putin “.

Các nhà phân tích của ISW tuần trước cho biết rằng Prigozhin tiếp tục tích lũy quyền lực và đang thiết lập một cơ cấu quân sự song song với Lực lượng vũ trang Nga, điều này có thể gây ra mối đe dọa đối với sự cai trị của Putin - ít nhất là trong không gian thông tin.

Prigozhin đang xây dựng một cách hiệu quả một “khu vực bầu cử” gồm những người ủng hộ và lực lượng chiến đấu của riêng anh ta không nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của quân đội Nga hoặc Bộ Quốc phòng, nhà tư vấn cho biết, đồng thời nói thêm rằng anh ta có thể tự do quảng bá bản thân và lực lượng của mình trong khi chỉ trích các quan chức Điện Cẩm Linh hoặc quân đội Nga mà không sợ bị bắn chết.

ISW cũng cho biết hôm thứ Hai rằng các nhà báo Nga thường nêu ra các câu hỏi đối với Prigozhin về tham vọng của ông đối với Điện Cẩm Linh, điều đó cho thấy ông đã tạo ra nhận thức của công chúng về việc ông có thể bước vào một vị trí quyền lực.

Ông ta dường như bước ra khỏi bóng tối và có vị trí lớn hơn trong lĩnh vực chính trị của Nga. Vào tháng 9, ông thừa nhận đã thành lập Tập đoàn Wagner, và hôm thứ Hai đã mỉa mai thừa nhận các báo cáo của Bloomberg liên quan đến việc ông dính líu vào việc lèo lái cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022 của Hoa Kỳ.

Nhưng liệu Prigozhin có thể gây ra mối đe dọa lớn nhất đối với sự cai trị của nhà lãnh đạo Nga hay không?

Khả năng đe dọa Putin của Prigozhin?

Ivan Klyszcz, một nhà nghiên cứu của Trung tâm Quốc phòng và An ninh Quốc tế, nói với Newsweek rằng việc mở các cơ sở Wagner gần đây ở nhiều vùng khác nhau của Nga chứng tỏ sự táo bạo của Prigozhin khi hoạt động công khai.

Ông Klyszcz cho biết Prigozhin cũng có rất nhiều đòn bẩy khi Putin ngày càng phụ thuộc vào ông ta về nhân lực trong chiến tranh và ảnh hưởng ở nước ngoài.

Ông đánh giá rằng ở giai đoạn này, không hoàn toàn rõ ràng Prigozhin sẽ sử dụng đòn bẩy này như thế nào, nhưng cho biết có khả năng cuối cùng ông ta giành vị trí lãnh đạo Nga.

“Có lẽ ông ấy sẽ nhắm đến việc mở rộng ảnh hưởng của mình trong chính trường liên bang. Theo nghĩa này, Putin sẽ có nghĩa vụ phải thích ứng với anh ta. Nếu không, Putin có nguy cơ xa lánh một đồng minh hùng mạnh thực sự có thể quay lưng lại với ông ấy hoặc ít nhất là ngừng hợp tác”, Klyszcz nói.

Krista Viksnins, trợ lý tại Chương trình Quốc phòng và An ninh Xuyên Đại Tây Dương của Trung tâm Phân tích Chính sách Âu Châu, gọi tắt là CEPA, bày tỏ nghi ngờ rằng Prigozhin là mối đe dọa lớn nhất đối với sự cai trị của Putin, lưu ý rằng bất kỳ ai cố gắng ngăn cản Putin tiến hành chiến tranh đều không thành công.

“Trong khi có ảnh hưởng, các nhà tài phiệt Nga đã không ngăn cản Putin xâm lược Ukraine ngay từ đầu. Tiền mang lại cho bạn nhiều quyền lực hơn ở Nga, nhưng cuối cùng, đây là cuộc chiến của Putin ở Ukraine. Vẫn còn phải xem liệu các nhà tài phiệt như Prigozhin có thể thay đổi tiến trình của cuộc chiến ở Ukraine hay không.”

Quân đội Wagner

Theo Vlad Mykhnenko, một chuyên gia về chuyển đổi hậu cộng sản ở Đông Âu và Liên Xô cũ tại Đại học Oxford của Anh, các hoạt động truyền thông gần đây của Prigozhin có thể chỉ ra mối lo ngại ngày càng tăng của ông đối với khả năng tiếp tục nắm quyền của Putin.

Mykhnenko nói với Newsweek rằng cả Prigozhin và nhà lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov, người cũng đã lên tiếng chỉ trích Bộ Quốc phòng Nga, cảm thấy cuộc chiến chống Ukraine đã không diễn ra “theo đúng kế hoạch” và Putin đang mất kiểm soát.

Ông nói: “Trong môi trường trong nước ngày càng biến động, tôi nghi ngờ Prigozhin và Kadyrov đang lên kế hoạch hỗ trợ cho thời điểm mà Putin phải quyết định từ chức hoặc bị lật đổ.”

Chuyên gia chỉ ra các báo cáo gần đây từ Vladimir Ovechkin của Gulagu.net rằng các chiến binh Wagner trở về từ các nhiệm vụ gần đây ở Tây và Trung Phi đã được các quan chức của Prigozhin thăm dò xem họ có đồng ý tham gia vào các hoạt động quân sự trên lãnh thổ của Nga, bao gồm cả các “trận chiến đô thị với vũ khí tự động và súng cối trên đường phố Mạc Tư Khoa” hay không.

Mykhnenko cho biết: “Điều này cho thấy Prigozhin sẽ cố gắng đóng một vai trò nào đó trong quá trình chuyển giao quyền lực của Putin và sẽ sử dụng lực lượng quân sự, nếu cần, để bảo đảm sự sống còn của chính mình”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để đưa ra bình luận.