Ngày 06-11-2017
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cập nhật tin tức 4 về cuộc trưng cầu ý dân Úc về “hôn nhân” đồng tính
Vũ Văn An
04:56 06/11/2017
Ngày mai, 7 tháng 11 là ngày chót để trả lời cuộc thăm dò ý dân Úc về việc thay đổi định nghĩa của hôn nhân để bao gồm các cặp đồng tính. Tuy nhiên, cơ quan thống kê Úc, tức cơ quan có nhiệm vụ đặc trách cuộc thăm dò này, cho hay: muốn chắc chắn được đếm, các thư trả lời nên được gửi về cơ quan này trước thời hạn 7 tháng 11 một tuần. Trong khi ấy, có lời mách nước: cử tri có thể mang thư trả lời của mình bỏ thẳng vào thùng thư của cơ quan này đúng ngày 7 tháng 11, thư họ vẫn được cứu xét.

Chính vì thế, cả hai phía ủng hộ và chống hôn nhân đồng tính đều khẩn thiết kêu gọi cử tri tiếp tục gửi câu trả lời của mình về sở thống kê Úc, dù hiện nay đã có đến hơn 12 triệu trong tổng số 16 triệu thư gửi ra đã được trả lời. Cả hai phía đều nhấn mạnh rằng: đừng nghĩ thư trả lời của mình không làm lệch cán cân đã có. Thắng hay thua là câu trả lời của bạn!

Bên nào sẽ thắng

Bên bênh hôn nhân đồng tính đang rất hân hoan trước viễn tượng thắng cuộc của họ. Vì cứ dựa vào các cuộc thăm dò dư luận trước đây, số người ủng hộ hôn nhân đồng tính luôn luôn trổi vượt số người chống lại.

Nhất là giới trẻ, kể cả giới trẻ Công Giáo, nghiêng hẳn về phía hôn nhân đồng tính. Họ như con ngựa bị bịt hai phía, chỉ nhìn thấy phía trước, phía “cảm thông”, thậm chí “công bình”. Mấy sinh viên cựu học sinh các trường Công Giáo có tiếng, khi được hỏi, phần lớn đều cho biết đã bỏ phiếu ủng hộ hôn nhân đồng tính. Đây rõ ràng là một trong các thất bại của hệ thống giáo dục Công Giáo Úc, một thất bại mà hình như một số vị giáo phẩm lấy làm mừng.

Sự kiện trên khiến nhà luật học Edward Peters lên tiếng cảnh cáo “sự nông cạn của một số vị giáo phẩm Úc gần đây”, những vị, đáng lẽ nên cung cấp cho các tín hữu câu trả lời rõ ràng như pha lê cho câu hỏi thăm dò lần này.

Theo ông, nói chung, người Công Giáo không có câu trả lời rõ rệt nào cho các cuộc trưng cầu chính trị. Nhưng khi cuộc thăm dò chính trị đụng đến chính “tín lý của Giáo Hội”, thì là một chuyện khác: phải có câu trả lời rõ ràng, ít nhất về phía những người có nhiệm vụ giảng dậy tín lý này.

Hẳn ai cũng biết: giáo luật điều 209 § 1 quả quyết rằng “tín hữu Kitô Giáo, ngay trong phong cách hành động riêng, luôn luôn có nghĩa vụ phải duy trì sự hiệp thông với Giáo Hội”. Luôn luôn, nghĩa là ở cả thùng phiếu nữa.

Còn giáo luật điều 1055 § 1 thì dạy rằng hôn nhân hiện hữu giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Trong lịch sử của Giáo Hội, không bao giờ lại có sự công nhận một hôn nhân mà không phải là sự kết hợp một người đàn ông và một người đàn bà. Không hề bao giờ.

Giáo huấn hàng nhiều thiên niên kỷ trên có tính thường hằng và nhất quán đến độ ta phải kết luận giáo huấn này là giáo huấn định tín và đã được huấn quyền thông thường của Giáo Hội công bố một cách vô ngộ (xem giáo luật điều 749 § 2). Mà sự kiện một khẳng định nào đó được Giáo Hội công bố một cách chắc chắn không thể sai lầm có nhiều hệ luận giáo luật đối với người Công Giáo chúng ta, trong đó, có hệ luận này: ai bác bỏ một khẳng định như thế là “chống lại tín lý của Giáo Hội Công Giáo” (giáo luật điều 750 § 2) và do đó, theo điều 1371, tiết 1, có thể bị “phạt thích đáng”.

Hơn nữa, giáo huấn về hôn nhân, như trình bầy trên đây, không những được Giáo Hội công bố một cách vô ngộ, mà nó còn được chính Thiên Chúa mạc khải. Do đó, ai chống lại nó, còn phạm tội lạc giáo nữa, theo giáo luật điều 750, một lạc giáo khiến người vi phạm có thể bị tuyệt thông và nếu người vi phạm là giáo sĩ, thì còn bị hoàn tục nữa (điều 1364).

Thành thử người ta không thể hiểu làm thế nào một số vị giáo phẩm, trong đó, có Đức Cha Long, lại cho rằng vấn đề hôn nhân đồng tính là một vấn đề phức tạp và gợi ý rằng có chỗ để người Công Giáo bất đồng trong giáo huấn này vì việc thông qua luật lệ cho phép hôn nhân đồng tính chẳng có chi là “tận thế” hết.

Nhiều người cho rằng những vị như Đức Cha Long, một phần vì mặc cảm tự ti tị nạn muốn chứng tỏ mình Úc hơn cả người Úc, nên đã đi theo khuynh hướng mà nhiều người cho là của đa số người Úc hiện nay là ủng hộ hôn nhân đồng tính.

Nhưng thực ra, không có chi là chắc chắn phe ủng hộ hôn nhân đồng tính đã đắc thắng. Thực vậy, theo Mark Kenny và Michael Koziol của tờ Sydney Morning Herald, phe ủng hộ hôn nhân đồng tính cho rằng họ đang dẫn đầu số phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý “ngoại trừ nhiều người thẳng thừng nói dối” đối với họ trong các cuộc thăm dò và nghiên cứu trước đây.

Đó là nhận định của một nhà thăm dò có tiếng John Stirton. Ông ta bảo: “Khó có thể thấy phe ‘no’ sẽ thắng thế ngoại trừ một số rất lớn người ta nói dối thẳng thừng với các nhà thăm dò”. Theo ông, kết quả hai cuộc thăm dò hồi tháng Tám, trước khi cuộc trưng cầu được công bố, và hồi tháng Mười, sau khi cuộc trưng cầu đã bắt đầu, người ủng hộ chiếm 65 phần trăm, trong khi người chống đối chỉ có 35 phần trăm.

Cuộc trưng cầu ý dân về nền cộng hòa Úc, do chính Ông Turnbull chủ xướng hồi thập niên 1990 rồi cuộc bỏ phiếu Brexit ở Anh và cuộc bầu tổng thống Hoa Kỳ năm 2016 đều cho thấy không hẳn người được thăm dò nói dối mà chỉ vì mẫu thăm dò có vấn đề mà thôi, chúng không hẳn đại diện cho đa số trầm lặng!

Không theo đám đông mà theo sự thật

Dù sao chạy theo đám đông chưa chắc là cái hiểu đúng đắn đối với việc đọc các dấu chỉ thời đại. Tín lý vô ngộ của Giáo Hội là điều phải được giảng dậy mọi nơi mọi lúc.

Thiển nghĩ những vị như Đức Cha Long nên học ở những người như Tony Abbott: dù biết chủ trương của mình bị chống đối, chống đối đến bị cụng đầu, vẫn can đảm hết lòng bênh vực. Một trong những người không ưa gì Tony Abbott, nhưng vẫn tranh đấu bên cạnh ông cho lương tri: hôn nhân là phải giữa một người đàn ông và một người đàn bà, đó là Mark Latham, cựu Thủ Lãnh Đối Lập trong Quốc Hội Liên Bang, người hiện đang đi ngược lại chủ trương của đa số dân biểu nghị sĩ Lao Động, những người ông từng lãnh đạo.

Thực vậy, theo Stephen Johnson của tờ Daily Mail Australia, Mark Latham cho rằng “hôn nhân đồng tính không nhằm tình yêu mà chiến dịch đồng ý hôn nhân đồng tính nhằm kiểm soát tâm trí người ta, nó đe dọa dân chủ”.

Thực thế, nhiều người chống đối hôn nhân đồng tính đã bị ngăn cản, không được lên tiếng tại ít nhất hai diễn đàn ở Hobart. Ông bảo: “Đây là việc kiểm soát điều người ta có thể nói, có thể nghĩ, có thể tin và kiểm soát cả nơi họ có thể nói”.

Mark Latham cho rằng lá phiếu ‘no’ đang giảm dần khoảng cách với lá phiếu ‘yes’. Người ta mỗi ngày mỗi thấy chiến dịch ‘yes’ nhằm kiểm soát tâm trí người ta.

Mark Latham cũng quan tâm tới tự do tôn giáo và tự do ngôn luận nếu Úc bắt chước các nền dân chủ khác như Hoa Kỳ, Gia Nã Đại và Anh trong vấn đề hôn nhân đồng tính. Ông bảo: “Nếu hiện nay ta cho đó là xấu, thì kinh nghiệm ở nước ngoài cho ta hay được lá phiếu ‘yes’ làm cho dạn dĩ, phong trào đấu tranh đồng tính, cánh tả sẽ trở nên hung hăng hơn và còn nhấn mạnh nhiều hơn đến việc kiểm soát điều người ta tin”.

Ông nói thêm: “hôn nhân đồng tính giống như một thứ tôn giáo: không tin nó, bạn sẽ bị đóng đinh!”.

Mark Latham ủng hộ các cuộc kết hợp đồng tính nhưng không ủng hộ việc tái định nghĩa hôn nhân để bao gồm các cuộc kết hợp này. Mark Latham nhìn rõ vấn đề, trong khi những người đáng lẽ phải nhìn rõ lại cố tình lơ mơ như Đức Cha Long.

Thượng nghị sĩ Matt Canavan cũng là người can đảm như Mark Latham. Trong một cuộc tranh luận công khai về hôn nhân đồng tính, bị một người đồng tính văn hỏi, cho rằng phe ‘no’ từng hành hạ anh ta chỉ vì anh ta là người đồng tính, coi anh ta không hơn những kẻ ấu dâm, và hỏi tại sao các chính trị gia không che chở những người “dễ bị thương tổn nhất trong xã hội” như anh ta, đã cho anh ta hay: nạn nhân của xã hội này không phải chỉ có người đồng tính, người có quan điểm khác với phe ‘yes’ cũng từng trở thành nạn nhân.

Thực thế, Thượng Nghị Sĩ Canavan cho biết Đảng Xanh từng đưa ra một nghị quyết ở Thượng Viện gọi những người có quan điểm ủng hộ hôn nhân cổ truyền là cuồng tín với ngụ ý cho rằng không nên để họ phát biểu quan điểm ấy.

Nhân dịp này, Thượng Nghị Sĩ Canavan cũng lột mặt nạ một e-mail của ngân hàng Westpac gửi các nhân viên, thúc giục họ bỏ phiếu ‘yes’. E-mail này phịa ra chuyện: hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính sẽ ngăn cản được 3,000 vụ tự tử mỗi năm. Trong khi thực ra, con số tự tử mỗi năm ở Úc chỉ là 2,800 vụ, và không phải tất cả là vì không được “cưới” người đồng tính!

Trong khi các vị trên không ngần ngại nói lên quan điểm của mình, thì trong lòng Giáo Hội, có vị linh mục, vì sợ bị “trả thù” nên chỉ dám nói lén. Phải chăng vị linh mục này thuộc giáo phận Parramatta hay giáo phận Mailtland-Newcastle, là hai giáo phận có các vị giám mục lơ mơ về lá phiếu hôn nhân đồng tính. Trường hợp này được tờ LifeSiteNews tường trình.

Vị linh mục này cho rằng phe ‘yes’ đã được tăng cường rất nhiều nhờ những người ủng hộ thật bất ngờ là Giám Mục Bill Wright của Maitland-Newcastle và Giám Mục Vincent Long của Parramatta.

Không lạ gì, người ủng hộ hôn nhân đồng tính càng ngày càng hung hăng. Thực vậy, theo CatholicHerald.co.uk, những người này không ngại phá phách các thánh đường ở Melbourne, bôi bẩn bằng những khẩu hiệu “đập những tên cuồng tín” và “đóng đinh những tên bỏ phiếu ‘no’”. Một hình nguệch ngoạc khác vẽ thánh giá bình phương với chữ vạn Quốc Xã. Tại Sydney, nhiều nhà thờ cũng bị vẽ nguệch ngoạc. Linh mục Morgan Batt cho biết bị đánh và bị gọi là “đ… mẹ thằng bỏ phiếu ‘no’” khi đang đi qua một khu buôn bán ở Brisbane. Ngài cho hay: chỉ biết “mỉm cười và tiếp tục bước”. Viết trên Facebood, ngài bảo: “Hỡi Nước Úc, điều này thực sự không phải là chúng ta”.
 
Dù chết hay phải ra tòa cũng không lay chuyển niềm tin Kitô của bà về hôn nhân
Giuse Thẩm Nguyễn
09:45 06/11/2017
(EWTN News/CNA) Từ khi bà Barronelle Stutzman đứng lên vì niềm tin Kitô giáo của mình cách đây bốn năm, bà chẳng bao giờ nghĩ rằng cuối cùng bà lại có thể kháng cáo lên tòa Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ để bảo vệ quyết định của mình.

Nhưng việc ấy đã xảy ra chính xác là như vậy. Barronelle nói với hãng tin EWTN rằng “Việc này không bao giờ có trong dự định của tôi.”

Là một bà ngoại 72 tuổi và cũng là chủ nhân của tiệm trang hoàng và bán hoa Arlenne ở Richmond, Washington, bà Barronellle đang dính líu đến một vụ kiện của một khách hàng tên là Rob Ingersoll, đã kéo dài gần mười năm nay.

Từ rất lâu, bà Barronelle đã biết Rob là một người đồng tính, nhưng “đó không phải là vấn đề”. Bà thích làm việc với cậu và cậu ấy có thể đem giao những bình hoa hay những chậu bông mới sáng tạo, hay mang về tiệm những đơn đặt hàng như hoa sinh nhật, kỷ niệm và những dịp đặc biệt khác.

“Tôi thích trang trí như thế cho Rob vì tôi thông cảm với cậu ta và muốn làm một vài món đặc biệt cho cậu ấy.”

Nhưng một hôm cậu Rob đến và nói với bà Barronelle rằng cậu ấy đã hứa hôn với một người bạn trai của cậu ấy. Bà đã cầm tay cậu và thân tình giải thích cho cậu ấy rằng bà tin rằng hôn nhân là một dấu ấn về sự liên hệ giữa Chúa Kitô và Hội Thánh của Ngài, và vì thế bà không thể trang hoàng hoa cho một cặp hôn nhân đồng tính.

Mới đầu Rob nói rằng cậu ấy thông cảm và nhờ bà có thể giới thiệu cho một tiệm hoa khác mà họ nhận làm hoa cho đám cưới của cậu.

Nhưng sau này, người bạn đồng tính của cậu ta đã tung lên mạng xã hội về việc bà Barronelle từ chối làm hoa đám cưới cho họ và rồi tin ấy đã lan truyền rất nhanh. Chẳng bao lâu, bà được báo cho biết là bà đã bị kiện bởi Bộ Trưởng Tư Pháp tiểu bang Washington và Hiệp hội Tự Do Công Dân Mỹ (ACLU). Hôm nay, hơn bốn năm sau, bà Barronelle vẫn đang chờ đợi xem Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ có xử vụ kháng cáo của bà không.

Trong lúc cặp đồng tính này chỉ đòi tiền bồi thường thiệt hại là 7 Mỹ Kim, tương đương với số tiền trả cho một cuốc xe chạy đến một tiệm hoa khác, thế mà bà Barronelle đã có thể phải trả một số tiền lên tới hơn một triệu Mỹ Kim, lệ phí tòa cho đám luật sư của ACLU chống lại bà trong vụ án này.

Bà Barronell là một người Tin Lành Miền Nam, đã lên tiếng vào ngày 01 tháng Mười Một trước một hội đồng ở thành phố New York, được tổ chức bởi Hiêp Hội Bảo Vệ Tự Do Quốc Tế (ADF),một chi nhánh hỗ trợ luật pháp quốc tế không lợi nhuận đại diện cho bà trước tòa.

Hội đồng này bàn thảo về cuộc trưng cầu ý kiến về hôn nhân đang diễn ra tại Úc và các mối đe dọa đối với tự do tôn giáo khi mà người ta tái định nghĩa về hôn nhân trong đó bao gồm cả hôn nhân đồng tính.

Barronelle nói rằng “Bởi vì tôi tin rằng hôn nhân là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ, vì thế chúng tôi rất có thể mất tất cả mọi thứ chúng tôi có, mọi tài sản chúng tôi dành dụm cho con cháu của chúng tôi.”

Bà giải thích thêm rằng dù biết khi quyết định từ chối làm hoa cho cặp đồng tính là một khó khăn, nhưng đó là cách duy nhất đề sống đúng với niềm tin của bà. Đối với bà, trang hoàng hoa cho một đám cưới không chỉ đơn giản là một công việc, nhưng là một lao động với một tình yêu sâu xa và bà đã dồn hết tâm trí và linh hồn cho công việc của bà.

“Tôi đã mất cả hàng tháng, có khi cả năm để chuẩn bị cho cô dâu và chú rể. Tôi phải biết nhiều về con người của họ, những gì họ muốn chuyển tải, cô dâu muốn gì và viễn ảnh của cô là gì. Có rất nhiều thứ liên quan đến con người trong việc này.”

Tại đám cưới, bà Barronelle sẽ thường giúp việc chào đón khách cũng như giúp cha mẹ hai bên tránh quá hồi hộp. “Khi mà chúng tôi dẫn cô dâu bước vào lối dành riêng, thì lúc ấy chúng tôi mới tin là công việc của mình hoàn tất.”

Việc trang hoàng hoa cho các đám cưới phải được coi là nỗ lực cá nhân. Bà biết rằng bà sẽ phản lại mối thân tình với Chúa Kitô nếu bà tham dự vào nghi lễ của một đám cưới đồng tính.

Trong bốn năm rưỡi vừa qua, bà Barronelle đã nhận được sự nâng đỡ rộng khắp, những khách hàng đến thăm bà với những lời an ủi, những ôm hôn cảm thông. Cả những người xa lạ cũng nói với bà là họ cầu nguyện cho gia đình bà và các tin nhắn khuyến khích đến từ 68 quốc gia. Tuy nhiên bà cũng nhận được những lời hăm dọa giết bà. Bà đã phải gắn hệ thống an toàn và thay đổi lộ trình đến làm việc.

Bà nói rằng “Ngay cả hôm nay, chúng tôi luôn đề phòng có ai đó đến để làm hại chúng tôi.” Và cái khó nữa là bà đã bị mất một người bạn như Rob.

“Tôi có thể nói với bạn rằng nếu hôm nay Rob bước vào cửa tiệm của tôi, tôi sẽ ôm cậu ấy, sẽ lại làm việc với cậu ấy và dù tôi có phải đợi tới 10 năm nữa, tôi cũng sẽ đợi.”

Bà cũng có lời muốn nhắn gởi đồng bào người Mỹ của bà : Hãy đứng lên vì tự do tôn giáo trước khi quá trễ.

“Đừng nghĩ rằng nó sẽ không thể xảy ra với bạn. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng chúng ta lại có một chính quyền có thể đến và bảo bạn phải nghĩ gì, làm gì, nói gì, sáng tạo cái gì, và nếu bạn không tuân theo, bạn sẽ bị phá hủy hoàn toàn.”

“Nếu bạn không đứng lên bây giờ, sẽ không còn gì để tranh đấu cho nữa.”

Giuse Thẩm Nguyễn
 
ĐTC mời gọi Cầu nguyện cho kitô hữu Á châu
Linh Tiến Khải
13:11 06/11/2017
Trong tháng 11 ĐTC mời gọi chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho các kitô hữu Á châu để khi làm chứng cho Tin Mừng bằng lời nói việc làm họ tạo thuận tiện cho cuộc đối thoại, hoà bình và sự hiểu biết lẫn nhau, nhất là với tín đồ các tôn giáo khác.

Theo thống kê do Diễn đàn Pew là trung tâm nghiên cứu Hoa Kỳ công bố hồi năm 2011 số tín hữu kitô toàn cầu đã lên tới 2 tỷ 180 triệu. Con số này hiện đã tăng lên hơn 2 tỷ 400 triệu trên tổng số 7 tỷ 200 triệu dân toàn cầu. Trong số hơn 2 tỷ 400 triệu kitô hữu có hơn 565 triệu sống tại Âu châu, 532 triệu sống tại Châu Mỹ Latinh và vùng quần đảo Caraibi, hơn 517 triệu sống bên Phi châu, hơn 375 triệu sống tại Á châu, hơn 267 triệu sống tại bắc Mỹ, hơn 25 triệu sống tại châu Đại dương, khoảng 16 triệu sống trong vùng Trung Đông và Bắc Phi.

Trên tổng số 2 tỷ 400 triệu kitô hữu tín hữu Công Giáo chiếm hơn 50,1%, tin lành chiếm 37%, chính thống chiếm 12% và 12% còn lại bao gồm hàng ngàn giáo phái kitô khác.

Nếu tính theo vùng địa lý số kitô hữu đã thay đổi rất nhiều. Nếu vào năm 1910 có 66,3% kitô hữu sống bên Âu châu, 27,1% tại châu Mỹ, 4,5% tại Á châu và Thái Bình Dương, 1,4% tại Phi châu dưới sa mạc Sahara, thì ngày nay tình hình đã thay đổi một cách triệt để. Âu châu chỉ còn có 25,9% kitô hữu, trong khi số kitô hữu Châu Mỹ là 36,8%. Nhưng số kitô hữu tại Phi châu nam sa mạc Sahara tăng lên 23,6%, tại Á châu và Thái Bình Dương tăng lên 13,1% và tại vùng Trung Đông và Bắc Phi chỉ còn 0,6% thay vì 0,7% hồi năm 1910.

Việc phân chia toàn cầu cũng thay đổi. Nếu trong năm 1910 số kitô hữu sống tại bắc bán cầu gấp 4 lần kitô hữu sống tại nam bán cầu, thì hiện nay số kitô hữu sống tại miền nam bán cầu là 61%, trong khi số kitô hữu bắc bán cầu chỉ còn có 39%.

Trên bình diện địa phương số tín hữu kitô của Phi châu nam sa mạc Sahara chỉ chiếm 9% tổng số dân hồi năm 1910, hiện nay tăng vọt lên 63%, trong khi tại Á châu Thái Bình Dương hồi năm 1910 số kitô hữu chỉ chiếm 3% hiện tăng lên 7% trên tổng số dân.

Kitô hữu chiếm đa số dân trong 158 trên tổng số 232 quốc gia trên thế giới. Nhưng đây thường là các nước nhỏ. Trái lại kitô hữu là một thiểu số tại nhiều quốc gia khác thuộc khối A rập vùng Trung Đông và bắc Phi. Trong vài quốc gia có đông dân nhất thế giới như Trung Quốc và Ấn Độ số kitô hữu là 67 triệu trên tổng số 1 tỷ 400 triệu dân Tầu, và 32 triệu trên tổng số 1 tỷ 200 triệu dân Ấn. Tiếp đến là Indonesia với 21 triệu rưỡi kitô hữu chiếm 8,8% tổng số dân, Nam Hàn với hơn 14 triệu chiếm hơn 10 % tổng số dân, Việt Nam 7 triệu rưỡi chiếm 8% tổng số dân, Kazakhstan với hơn 4,14 triệu kitô hữu chiếm 26,2% tổng số dân.

Riêng tại Á châu Kitô giáo chỉ là một thiểu số nhưng hiện diện tại nhiều nơi với 6 nước có đa số theo Kitô giáo là Liên bang Nga với Giáo Hội chính thống, đảo Chypre có đa số theo Chính thống Hy Lạp, Philippines là quốc gia có số tín hữu kitô đứng hàng thứ ba trên thế giới, Đông Timor, Armenia và Georgia.

Nam Hàn có số tín hữu tin lành đông nhất Á châu với 18,3 % tổng số dân. Kitô hữu Nam Hàn chiếm 29,2% tổng số dân. Các cộng đoàn kitô Trung Đông gồm chính thống đông phương tại Libăng cũng như Siria. Ấn Độ có 24 triệu kitô hữu. Trong khi kitô hữu Trung Quốc chiến 4%, Malaysia 9% và Indonesia chiếm 9% tổng sô dân.

Theo các thống kê mới nhất kitô hữu chiếm đa số tại 157 quốc gia, tín hữu hồi chiếm đa số tại 49 quốc gia bao gồm cả 19 trên 20 nước vùng Trung Đông và Bắc Phi. Ấn giáo chiếm đa số tại Ấn Độ, Nepal và đảo Mauritius. Trong khi các quốc gia có đông kitô hữu nhất là Hoa Kỳ, Brasil, Mehicô, Nga và Philippines.

Á châu là đại lục có tới 62% tổng số dân toàn cầu sinh sống, nhưng có tới 85% dân không phải là kitô hữu. Trên tổng số 4 tỷ 262 triệu dân chỉ có 170 triệu là tín hữu kitô gần phân nửa sống tại Philippines. Kể cả các tín hữu của các Giáo Hội đông phương, tin lành, số kitô hữu á châu chưa tới 300 triệu. Hơn 2.000 năm sau ngày các thiên thần báo tin vui cho các mục đồng Bếtlehem “Hôm nay Đấng Cứu Thế đã được sinh ra cho các ngươi và cũng là tin vui cho toàn dân”, vẫn còn có rất nhiều người chưa biết Chúa. Chính vì thế trong Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm ĐTC Phanxicô khích lệ mọi tín hữu Công Giáo hăng hái rao truyền Tin Mừng cho tất cả mọi người bằng chính cung cách sống của mình.

Vì thế trong tháng 11 ĐTC mời gọi chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho các kitô hữu Á châu để khi làm chứng cho Tin Mừng bằng lời nói việc làm họ tạo thuận tiện cho cuộc đối thoại, hoà bình và sự hiểu biết lẫn nhau, nhất là với tín đồ các tôn giáo khác.
 
Đại hội Giới trẻ Toàn quốc Philippines
Hồng Thủy
13:15 06/11/2017
Đại hội Giới trẻ Toàn quốc Philippines đang diễn ra tại thành phố Zamboango, đảo Mindanao, Philippines, từ ngày 6-10/11. Đại hội có chủ đề với những lời được trích từ Kinh Magnificat (Ngợi khen): “Đấng Toàn năng đã làm cho tôi những việc trọng đại và Danh Ngài là Thánh.” (Lc 1,49). Có hơn 2300 người trẻ từ 13-39 tuổi đến từ các giáo phận trên toàn Philippines tham dự đại hội. Sau 11 năm, từ lần cuối đại hội được tổ chức tại thành phố Davao năm 2006, đại hội lại được tổ chức trên đảo Mindanao.

Đại hội lần này được cộng đoàn Công Giáo địa phương và chính quyền dân sự cộng tác tổ chức. Bà Maria Isabelle Climaco-Salazar, một tín hữu Công Giáo, thị trưởng thành phố Zamboanga, ủng hộ nhiệt tình sự kiên này và nhận xét: “Đây là một cơ hội diễn tả ước mong của người trẻ mang lấy sứ vụ của Chúa Kitô đến với các người đồng hương.”

Tổng giáo phận Zamboango và Ủy ban mục vụ Giới trẻ của Hội đồng Giám mục đồng tổ chức sự kiện, đã đưa ra chương trình chi tiết các hoạt động: vào ngày khai mạc, các bạn trẻ sẽ diễu hành trong cuộc cầu nguyện hòa bình, ca hát trên đường phố của thành phố để tỏ cho toàn dân thấy sự hiện diện của họ. Các ngày đại hôị được đánh dấu bởi các cuộc gặp gỡ cầu nguyện, cử hành phụng vụ, trình diễn nghệ thuật và âm nhạc, và các buổi chia sẻ.

Đức Tổng Giám Mục De La Cruz chia sẻ với hãng tin Fides: “Hy vọng của tôi là Ngày Đại hội Giới trẻ giúp người trẻ ở những nơi khác nhau gặp gỡ nhau để họ có thể loan báo cho thế giới về vẻ đẹp, sự quý giá và năng động của người trẻ. Các người trẻ tham dự với ao ước biết Chúa hơn và trở thành những khách hành hương và các tông đồ, để chia sẻ với người khác mối liên hệ với Chúa." Ngài cũng hy vọng rằng đại hội giúp người trẻ ý thức hơn về vai trò của họ trong Giáo hôị, cho họ cơ hội diễn tả mong ước của người trẻ là mang lấy sứ vụ của Chúa Kitô. Đức cha cũng nhận thấy đây là cơ hội để Giáo hội chú ý đến những dấu chỉ của thời đại, dấn thân trong các hoạt động và đồng hành với người trẻ trong hành trình sống để họ có thể để cho Chúa Kitô yêu thương họ.

Bán đảo Zamboango là miền đất lịch sử truyền giáo của Giáo hội Philippines. Các thừa sai Kitô có vai trò quan trọng trong việc thăng tiến đức tin và công bình. Cha Wilfredo Samson, một linh mục địa phương, hy vọng rằng sau những ngày đại hội, người trẻ nhận thức lại rằng mình là các tác nhân thay đổi Giáo hội và đất nước. Cha cũng hy vọng đại hộii này đóng góp vào việc đào tạo người trẻ như những nhà lãnh đạo tương lai và các thừa sai của Tin mừng trên thế giới để xây dựng Nước Chúa. (REI 06/11/2017)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ tưởng niệm cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm lần thứ 54 tại Seattle.
Nguyễn An Qúy
17:27 06/11/2017
Tukwila.Trời đã vào thu và bắt đầu những ngày se lạnh khi bước vào tháng 11 nơi cao nguyên tình xanh. Mùa thu nơi cao nguyên tình xanh khá đẹp khi những ngọn lá vàng rơi khắp mặt đường tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp. Hôm nay thứ bảy ngày 4 tháng 11 tại nhà thờ giáo xứ CTTĐVN có lễ tưởng niệm cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm lần thứ 54 và cầu nguyện cho các Quân Dân Cán ChínhVNCH đã hy sinh để bảo vệ nền tự do. Đây là truyền thống tốt đẹp được duy trì hằng năm để tưởng nhớ đến vị Tổng Thống đầu tiên sáng lập nền đệ nhất cộng hoà cũng như để cầu nguyện cho các anh linh đã chết cho chính nghĩa tự do mỗi khi tháng 11 về, tháng mà Giáo Hội dành cầu nguyện cho Các Đẳng linh hồn. Bước vào nhà thờ, mọi người đều nhìn thấy một bàn thờ có di ảnh cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm được đặt nơi cung thánh ở một vị trí khá trang trọng. Nhiều giáo dân từ các thành phố xa nhà thờ cũng về tham dự lễ tưởng niệm như Everett , Lynnwood, ngược về phía Nam như Tacoma, nên nhà thờ đã đầy kín các ghế ngồi trước khi đến giờ lễ. Phía quan khách, ngươì viết ghi nhận có một số nhân sĩ đồng hương và các vị đại diện các Hội Đoàn người Việt Nam Quốc Gia tham dự như nhân sĩ Tôn Thất Quý, anh Quốc Nam, anh chị Nguyễn Diệp hội Học Viện CSQG, anh Nguyễn Đô chủ tịch Hội Đồng Đại diện người Việt Quôc Gia và nhiều đồng hương khác...

Xem Hình

Đúng 6 giờ , anh Nguyễn Lân phó chủ tịch Hội Đồng Mục Vị làm MC giới thiệu chương trình, anh Lân nói: kính thưa quý vị quan khách, quý đồng hương và toàn thể cộng đoàn dân Chúa: trong khung cảnh ấm cúng của ngôi thánh đường, hôm nay giáo xứ CTTĐVN cùng với người Việt Quốc giá khắp nơi trên thế giới cử hành lễ tưởng niệm cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và cầu nguyện cho các chiến sĩ VNCH, lễ tưởng niệm gồm 2 phần, phần đầu là nghi thức tưởng niệm cố Tổng Thống, phần 2 là thánh lễ, để mở đầu chương trình, trân trọng kính mời anh Nguyễn Quân lên đọc diễn từ tưởng niệm cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

Anh Nguyễn Quân bắt đầu bài diễn từ: Kính thưa qúy vị quan khách, quý đồng hương , quý Giáo Đoàn, Hội Đoàn cùng toàn thể cộng đoàn dân Chúa.

Hôm nay cùng với cộng đồng người Việt Quốc gia trên khắp thế giới, giáo xứ CTTĐVN Tổng Giáo Phận Seattle cùng với quý đồng hương hiện diện trong ngôi thánh đường này để cùng nhau cử hành lễ tưởng niệm Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và bào đệ của Người, và cùng cầu nguyện cho các quân dân cán chính VNCH đã hy sinh cho lý tưởng tự do và nhất là cầu nguyyện cho quê hương Việt nam sớm được hưỏng nền công lý và hoà bình đích thực.

Kính thưa quý vị, hằng năm cứ đến tháng 11 , tháng mà giáo hội hướng đến Các Đẳng linh hồn và cũng là dịp để ngươì Việt Quốc Gia khắp nơi cùng tưởng nhớ đến cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và các chiến sĩ VNCH. Trong giây phút thiêng liêng này, chúng ta cùng tưởng nhớ đến vị Tổng Thống của nền đệ nhất Cộng Hòa đã bị thảm sát cách đây 54 năm cùng với bào đệ của Người để cầu nguyện cho các ngài. Cố Tổng Thống Ngô Đinh Diệm lúc sinh thời là một vị tổng thống yêu nước, đã kiên cường trong công cuộc đấu tranh bảo vệ nền tự do , độc lập của dân tộc , người luôn đặt quyền lợi tổ quốc trên hết, nhưng rồi vận nước đến, Người đã bị sát hại một cách bi thương trong biến cố của cuộc đảo chánh năm 1963. Kính thưa quý vị , 54 năm trôi qua, một khoảng thời gian dài hơn nửa thế kỷ, theo dòng thời gian, nhiều tài liệu lịch sử đã xác minh về sự thật bi thương của cuộc đảo chánh này vì tự nó đã không mang lại lợi ích gì cho Miền Nam VN, mà còn gây nên hệ lụy đưa miền Nam đến thảm họa của biến cố 30 tháng 4 năm 1975, lịch sử cũng đã làm sáng ngời về đức hạnh và lòng yêu nước của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Hôm nay, nhân ngày tửơng niệm cố Tồng Thống Ngô Đinh Diệm và bào đệ của Người, chúng ta cùng cầu nguyện cho các Quân Dân Cán Chính VNCH đã hy sinh vì đại nghĩa, cùng các đồng bào ruột thịt đã chết trên vạn nẻo đường khi đi tìm tự do, và tất cả các anh hùng vị quốc vong thân qua các thời đại . Nhất là xin Chúa đoái thương ban cho quê hương Việt Nam sớm thoát khỏi nạn cộng sản vô thần để mọi người dân được sống trong an bình. Tưởng niệm cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm cũng là dịp để các thế hệ trẻ tìm hiểu về lòng yêu nước của vị Tổng Thống đầu tiên tại Miền Nam Việt Nam. Trân trọng kính chào.

Anh Nguyễn Quân với giọng đọc khá rõ ràng nên đã tạo được sự chú ý của mọi người khi nghe bài diễn từ ngắn gọn và đầy ý nghĩa.

Sau bài diễn từ, vị MC nói : sau đây là phút mặc niệm để tưởng nhớ đến cố Tổng Thống, mời công đoàn đứng, MC nói tiếp: phút mặc niệm bắt đầu( trong thinh lặng, mọi người lắng đọng tâm hồn để tưởng nhớ đến cố Tổng Thống và các anh linh đã bỏ mình vì tổ quốc qua điệu kèn truy điệu khá cảm động ). Phút mặc niệm vừa dứt, ba hồi chiêng trống ngân vang làm tăng thêm phần long trọng cho buổi tưởng niệm theo nghi thức cổ truyền Việt Nam. Tiếng chiêng trống vừa dứt, MC nói: "trân trọng kính mời cha chủ tế , quý cha và nghi đoàn tiến lên bàn thờ" . Đoàn đồng tế cùng với nghi đoàn cung nghinh Thánh Giá trong thinh lặng tiến lên bàn thánh với tiếng chiêng trống điểm từng 3 tiếng một tạo nên sự thiêng liêng của nghi lễ. Giây phút thiêng liêng nhất khi quý cha và một số đại diện các Hội Đoàn niệm hương trước di ảnh của Cố Tổng Thống. Phần niệm hương vừa dứt. MC nói " trân trọng kính cám ơn quý cha và quý vị, nghi gthức tưởng niệm đến đây chấm dứt và thánh lễ bắt đầu". Cha chánh xứ Đào Xuân Thành chủ tế cùng đồng tế có quý cha trong giáo xứ gồm cha Nguyễn Sơn Miên, cha Trần Hữu Lân và thầy phó tế Nguyễn Đức Mậu phụ tế thánh lễ.

Mở đầu thánh lễ, cha chủ tế nói: giáo xứ hân hoan chào đón quý quan khách, quý lãnh đạo các tôn giáo, quý đại diện các Hội Đoàn người Việt Quốc Gia, quý đồng hương và toàn thể cộng đoàn dân Chúa từ nhiều nơi về tham dự thánh lễ hôm nay, xin cho một tràng pháo tay để cùng chào đón nhau ( tiếng vỗ tay khá dài), ngài nói tiếp: "Tháng 11, tháng mà Giáo hội dành cầu nguyện cho Các Đẳng linh hồn, hôm nay chúng ta cùng qui tụ nơi đây để tưởng niệm cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã bị sát hại vào ngày 2 tháng 11 năm 1963, Tổng Thống Ngô Đình Diệm là vị sáng lập nền tự do dân chủ tại miền Nam Việt Nam đầu tiên và cùng cầu nguyện cho bào đệ của Người cùng các Quân Dân Cán Chính VNCH đã hy sinh để bảo vệ nền tự do tại miền Nam Việt Nam, trong tâm tình cầu nguyện chúng ta cùng bước vào thánh lễ ".

Thánh lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Chúa Nhật 31 mùa Thường Niên. Tin Mừng hôm nay Thánh Matthêu giới thiệu đoạn kinh thánh mà Chúa Giêsu phán cùng dân chúng và các môn đệ rằng: "Các Luật sĩ và các người biệt phái ngồi trên toà Môsê: vậy những gì họ nói với các ngươi, các ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ: vì họ nói mà không làm. Họ buộc những bó nặng và chất lên vai người ta, còn chính họ lại không muốn giơ ngón tay lay thử. Mọi công việc họ làm đều có ý cho người ta thấy: vì thế họ nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là "Thầy". Phần các ngươi, các ngươi đừng muốn được người ta gọi là Thầy, vì các ngươi chỉ có một Thầy, còn tất cả các ngươi đều là anh em với nhau. Và các ngươi cũng đừng gọi ai dưới đất là cha: vì các ngươi chỉ có một Cha, Người ngự trên trời. Các ngươi cũng đừng bắt người ta gọi là người chỉ đạo: vì các ngươi có một người chỉ đạo, đó là Ðức Kitô. Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi. "Hễ ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên".

Trong bài giảng lễ, cha chủ tế nhấn mạnh về đoạn tin mừng với lời khuyên mỗi giáo dân hãy tự tôi luyện cho mình đức tính khiêm nhường khi dấn thân phục vụ giáo xứ và giáo hội. Đề cập đến lễ tưởng niệm cố Tổng Thống, ngài cũng đã bày tỏ lòng ngưỡng mộ cố Tổng Thống khi nhìn lại thời gian mà Tổng Thống lãnh đạo miền Nam Việt Nam, ngài nói: "Khi còn tại chức Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã mang lại cho miền Nam một thời kỳ thanh bình, một thời kỳ thật vàng son". Ngài nhấn mạnh: "trên thực tế cuộc đảo chánh năm 1963, nay đã 54 năm , qua các tài liệu ngày càng lên án sự tệ hại của cuộc đảo chánh vì đã không mang lại cho miền Nam Việt Nam một lợi ích thiết thực cho cuộc chiến đối đầu với khối cộng sản quốc tế để bảo vệ nền tự do của miền Nam và đã đưa đến hậu quả của biến cố 30 tháng 4 năm 1975. Qua nhiều tài liệu theo dòng thời gian, càng ngày người ta càng nhận đức độ của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm là một vị lãnh đạo có lòng yêu nước tuyệt vời. Hôm nay chúng ta cùng tưởng nhớ đến cố Tổng Thống, đến Bào Đệ của Người và cùng cầu nguyện cho các ngài cũng như cho các chiến sĩ VNCH đã nằm xuống và cùng cầu nguyện cho Việt Nam được Chúa thương ban cho sự bình an cho mọi người dân, ban sự bình an cho đất nước được vẹn toàn và xin cho toàn dân Việt trên quê hương VN được hưởng một nền công lý đích thực không còn cộng sản.."

Trước khi ban phép lành kết thúc thánh lễ, một lần nữa cha chánh xứ cám anh Phó chủ tịch HĐMV, cám ơn ban tổ chức nghi lễ, cám ơn quý quan khách và toàn thể cộng đoàn dân Chúa hiện diện trong than1h lễ cầu nguyện này.

Thánh lễ kết thúc lúc 7 giờ 15, mọi người chia tay ra về trong tâm tình tạ ơn.

Nguyễn An Quý
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Tại sao vợ chồng không tuyên xưng lại thề hứa hôn phối?
Nguyễn Trọng Đa
09:39 06/11/2017
Giải đáp phụng vụ: Tại sao vợ chồng không tuyên xưng lại thề hứa hôn phối?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Trong Sách nghi thức cử hành Hôn phối, có một "nghi thức chúc lành cho cặp vợ chồng trong Thánh Lễ Kỷ Niệm Hôn phối". Nghi thức này mời gọi hai vợ chồng nhắc lại lời cam kết của họ cách âm thầm, nhưng cũng cho phép có một cam kết lại công khai, nhưng không cho phép sự tuyên xưng lại thề hứa hôn phối. Nhiều cặp vợ chồng xin tuyên xưng lại thề hứa hôn phối - tại sao điều này không được phép? Tại sao lại có sự khác biệt của lời thề này so với lời khấn của đan sĩ và tu sĩ, khi họ mừng kỷ niệm khấn Dòng và tuyên đọc lại lời khấn Dòng? Tại sao lời thề hứa hôn phối không được phép tuyên xưng lại? Tương tự như vậy, trong Sách Lễ Rôma, có việc các linh mục tuyên đọc lại lời hứa truyền chức trong Lễ Truyền Dầu. - L. P., Tampa, Florida, Hoa Kỳ.

Đáp: Sách Ordo Celebrandi Matrimonium, editio typica altera (1991), có trong Phụ lục III nghi thức: "Ordo benedictionis coniugum intra Missam, occasione data anniversarii Matrimonii adhibendus" (nghi thức chúc lành cho cặp vợ chồng trong Thánh Lễ Kỷ Niệm Hôn phối). Phụ lục này cho phép kỷ niệm đặc biệt hôn phối, vào các dịp mừng chính như kỷ niệm 25 năm, 50 năm hoặc 60 năm ngày cưới.

Trong Sách nghi thức này, Hội Thánh phổ quát đã đề nghị một sự nhắc lại cam kết hôn phối, mặc dầu cụm từ ngữ “tuyên xưng lại thề hứa hôn phối, renewal of vows” được tránh dùng.

Tuy nhiên, ngay cả trước khi công bố nghi thức phổ quát này, một số Hội Đồng Giám Mục đã đưa vào trong Sách Nghi Thức Hôn Phối một nghi thức nhắc lại cam kết hôn phối để sử dụng vào các ngày lễ đặc biệt. Cũng có thể sử dụng các văn bản này vào các ngày kỷ niệm khác, vì lý do mục vụ tốt. Sách Các Phép cũng cung cấp các văn bản phù hợp cho các dịp khác, chẳng hạn như các kỳ tĩnh tâm, đặc biệt là dành cho các cặp vợ chồng.

Các nghi thức này có một phân biệt nhỏ nhưng có ý nghĩa, giữa lời thề hứa ban đầu và lời tuyên xưng lại thề hứa hôn phối. Có các khoảnh khắc khác nhau trong thánh lễ cho việc tuyên xưng lại thề hôn phối. Trong một số nước, việc tuyên xưng lại thề hứa hôn phối vào dịp Ngân khánh hoặc Kim khánh được thực hiện sau bài giảng, trong khi ở một số nước khác, việc này được thực hiện sau lời nguyện hiệp lễ.

Ở Hoa Kỳ, công thức của lời thề hứa là hơi khác với công thức ban đầu, để phản ánh một sự canh tân tinh thần.

Trong Sách Nghi thức Hôn nhân Canada, Phụ lục IX, "Lễ Kỷ niệm ngày cưới", cụm từ ‘tuyên xưng lại thề hứa hôn phối’ được sử dụng, và chính lời giới thiệu của linh mục giải thích ý nghĩa và lý do của việc tuyên xưng lại thề hứa hôn phối.

Xin mời đọc:

"Anh N và chị M thân mến, anh chị đến đây cùng với gia đình và bạn bè, để kỷ niệm sự trung thành của anh chị đối với nhau, và để cảm tạ Thiên Chúa trong những năm tháng, mà Ngài ban cho anh chị để sống trong tình yêu lẫn nhau. Qua các vui buồn, sướng khổ, chiến thắng và thử thách của cuộc sống, Thiên Chúa đã luôn ở với anh chị.

"Hôm nay Hội Thánh chia sẻ niềm vui của anh chị, và cảm ơn anh chị,vì anh chị là dấu chỉ mạnh mẽ của tình yêu chân thành và trung tín của Thiên Chúa đối với thế gian.

(* Thiên Chúa đã làm phong phú và củng cố anh chị trong nhiều năm qua bí tích hôn nhân).

Hôm nay, khi anh chị nhắc lại lời thề hứa, anh chị lại làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa.

"Anh chị đã chứng tỏ sự kính trọng lẫn nhau qua đời sống chung với nhau.

Giờ đây anh chị cầm tay phải của nhau và nhắc lại lời đồng ý của mình trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh của Ngài".

Nghi lễ đề cập đến việc linh mục nói đến lời thề hứa hôn nhân ban đầu. Văn bản của lời thề hứa là không thay đổi.

Một trong các văn bản gần đây nhất, vốn tuân theo Sách Nghi thức Rôma, là nghi thức của Hội đồng Giám mục Anh Quốc và xứ Wales. Toàn bộ nghi thức có thể được tìm thấy tại trang điện tử: http://www.liturgyoffice.org.uk/Resources/Marriage/OCM-Anniversary.pdf:

"275. Sau đó, bằng các lời này hoặc tương tự, Linh Mục mời gọi hai vợ chồng thinh lặng cầu nguyện, và lặp lại trước mặt Chúa quyết tâm sống thánh thiện trong bậc hôn nhân.

"Anh N. và chị M., tưởng nhớ lại lễ cử hành năm xưa, trong đó, qua Bí tích Hôn Phối, anh chị đã liên kết cuộc sống với nhau bằng mối dây không thể tháo gỡ. Giờ đây trước mặt Chúa, anh chị muốn lặp lại những lời hứa, mà năm xưa anh chị đã cam kết với nhau. Anh chị hãy khẩn cầu Chúa ban ơn, để các lời hứa này được nên vững bền.

"276. Sau đó, hai vợ chồng âm thầm lặp lại lời quyết tâm.

"277. Hoặc tùy nghi hoàn cảnh, đôi vợ chồng lặp lại lời quyết tâm cách công khai như sau đây:

"Người chồng: Lạy Chúa, chúc tụng Chúa, vì nhờ ơn Chúa, con đã nhận bà M đây làm vợ.

"Người vợ: Lạy Chúa, chúc tụng Chúa, vì nhờ ơn Chúa, con đã nhận ông N đây làm chồng.

"Cả hai: Lạy Chúa, chúc tụng Chúa, với lòng nhân hậu, Chúa đã hiện diện trong suốt cuộc sống của chúng con, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan. Chúng con nài xin Chúa phù trợ, để chúng con luôn trung thành yêu thương nhau, hầu trở nên những nhân chứng của giao ước, mà Chúa đã ký kết với loài người.

"Linh mục:

"Xin Chúa gìn giữ ông bà mọi ngày trong suốt cuộc đời. Xin Ngài an ủi ông bà lúc gian nan, phù giúp ông bà khi thịnh vượng, và cho nhà ông bà được tràn đầy phúc lành của Ngài. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng ta.

Đáp: Amen».

Sau đó, là làm phép nhẫn mới, và lời nguyện tín hữu như thường đọc trong Thánh lễ, hoặc lời nguyện chung dưới hình thức được cung cấp trong nghi thức. Sau Kinh Lạy Cha, bỏ qua kinh “Lạy Chúa, xin cứu chúng con”. Linh mục, quay về phía hai vợ chồng, dang tay đọc:

"Chúng con ca ngợi và chúc tụng Chúa, là Thiên Chúa và là Đấng tạo dựng muôn loài, ngay từ đầu, Chúa đã dựng nên người nam và người nữ, để họ làm nên một cộng đoàn sự sống và tình yêu;

Chúng con cũng cảm tạ Chúa, vì Chúa đã đoái thương ban phúc lành cho cuộc sống gia đình của các tôi tớ Chúa đây là ông N. và bà M., để cuộc sống này biểu lộ hình ảnh sự kết hợp giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Vậy, hôm nay, xin Chúa nhân từ nhìn đến các tôi tớ Chúa đây, và như Chúa đã gìn giữ họ thông hiệp với nhau, khi được vui mừng cũng như lúc phải lao nhọc, xin Chúa không ngừng làm cho giao ước hôn nhân của họ được sống động, củng cố tình yêu và mối dây an bình nơi họ, để (cùng với đàn con cái bao quanh), họ luôn được hưởng phúc lành của Chúa.

Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Cộng đoàn: Amen” (Một phần bản dịch trên đây là của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam)

Lý do cho các thay đổi nhỏ nhưng có ý nghĩa, là bởi vì một cách thiết yếu, việc tuyên xưng lại thề hứa hôn phối là không hứa điều gì mới. Việc tuyên xưng lại thề hứa hôn phối được xem như là hình thức bí tích, và do đó là chỉ dành riêng cho cùng một cặp vợ chồng như khi họ nói lời hứa ban đầu. Thông qua sự đồng ý của họ, hai người hiến dâng cho nhau và đón nhận nhau, thông qua một giao ước vĩnh viễn và không thể đổi thay, để thiết lập hôn phối. (xem khoản luật 1057.2 của Bộ Giáo Luật, và Sách Giáo Lý, số 1638).

Chính lý do của mối dây bất khả phân ly, vốn được tạo ra bởi việc cử hành hôn phối, làm cho Hội Thánh hơi lưỡng lự để cho phép một sự tuyên xưng lại đơn giản lời thề hứa hôn phối. Người ta không thể tuyên xưng lại một hôn phối hợp lệ theo nghĩa là khởi đầu lại hoặc tiếp tục.

Tuy nhiên, sự cam kết liên tục của hôn phối có thể được cử hành, chúc phúc và được tuyên xưng lại, theo nghĩa là tăng sức lực hoặc gia tăng sức mạnh.

Quả thật rằng hàng năm người Công Giáo tuyên đọc lại lời hứa rửa tội, các linh mục tuyên đọc lại lời hứa truyền chức và nhiều tu sĩ tuyên đọc lại lời khấn Dòng. Tuy nhiên, các lời hứa này là bổ túc cho bí tích, và không tạo nên hình thức bí tích thật sự.

Do đó, mặc dù tất cả chúng ta tuyên xưng lại lời hứa rửa tội của chúng ta trong Lễ Vọng Phục Sinh, và các linh mục tuyên đọc lại lời hứa truyền chức vào ngày thứ Năm Tuần Thánh, công thức rửa tội hay công thức truyền chức không bao giờ được đọc lại.

Tương tự, việc khấn Dòng là á bí tích chứ không phải bí tích. Nhưng ngay cả trong các trường hợp này, các tu sĩ có thói quen đọc lại lời khấn Dòng hàng năm sẽ đôi khi có các điều chỉnh nhẹ đối với nghi thức và công thức, để nhấn mạnh tình hình khác nhau.

Thí dụ, các tu sĩ có thể bỏ qua sự nhắc đến vị bề trên nhận lời khấn của mình, vì về phương diện kỹ thuật, không ai cần phải tiếp nhận một sự đọc lại lời khấn Dòng, vốn trước đây đã được tuyên bố và tiếp nhận cách công khai bởi bề trên hợp pháp. Theo cách tương tự, họ cũng có thể xử sự theo cùng một chiều hướng, như khi một lần nữa, tất cả các tu sĩ, kể cả bề trên, đọc lại lời khấn Dòng của họ và không cần ai tiếp nhận lời đọc ấy. (Zenit.org 24-10-2017)

Nguyễn Trọng Đa
 
Giải đáp phụng vụ: Giới hạn của Thừa tác viên ngoại thường. Nói thêm về kinh đọc khi tráng chén
Nguyễn Trọng Đa
09:41 06/11/2017
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi 1: Con phục vụ trong một giáo xứ rộng lớn, làm việc chăm sóc mục vụ cho người bệnh, đến với người già, bệnh nhân và người bị bệnh ở giai đoạn cuối. Trong tác vụ này, chúng con thực thi chức năng mục vụ bao gồm việc chia sẻ lời Chúa, đọc kinh, lắng nghe và hiện diện với người bệnh, và chúng con cho họ Rước lễ. Gần đây chúng con đã được thông báo rằng để chúng con có thể tiếp tục cho người ta Rước lễ trong các lần thăm viếng của chúng con, chúng con phải giúp cho Rước lễ trong Thánh lễ đã. Con hiểu rằng, một cách lý tưởng, các thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ nên thực hiện chức năng mục vụ trong khi đi thăm viếng, nhưng sự duy trì cả hai chức năng thật là nặng nề, và rất ít người cảm thấy mình có thể duy trì được như vậy. Con muốn đề cập đến bài "Chỉ dẫn về một số câu hỏi liên quan đến sự cộng tác của các tín hữu không có chức thánh vào Thừa tác vụ thánh của linh mục", trong đó có nói rằng “một thành viên không có chức thánh trong hàng ngũ tín hữu, trong trường hợp thật cần thiết, có thể được Giám mục giáo phận ban quyền, dùng hình thức ban phép thích hợp cho các tình huống này, để hành xử như một thừa tác viên ngoại thường để trao Mình Thánh cho người khác Rước lễ bên ngoài các buổi cử hành phụng vụ ad actum vel ad tempus (theo việc và theo lúc), hoặc cho một thời gian ổn định hơn". Thưa cha, liệu có thể là đúng để hiểu từ câu này rằng các tín hữu giáo dân có thể được ban quyền để hành xử như một thừa tác viên ngoại thường, để trao Mình Thánh ngoài Thánh Lễ, nghĩa là được ban quyền để cho Rước Lễ ngoài Thánh Lễ, chứ không phải cho Rước lễ trong Thánh Lễ chăng? - E. T., Singapore.


Đáp: Một cách hiệu quả, số quy định này và các quy định khác sẽ cho phép một thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ được chỉ định trước hết là chú ý đến người bệnh và một số tình huống khác. Cụm từ "bên ngoài các buổi cử hành phụng vụ" không phải là cách diễn đạt tốt nhất, vì việc cho Rước lễ thường là trong bối cảnh cử hành phụng vụ, mặc dù không phải lúc nào cũng là một cử hành Thánh lễ.

Thật vậy, có thể hình dung một số tình huống mục vụ, mà ở đó đây là chức năng duy nhất của họ. Thí dụ, có thể có một giáo xứ, mà ở đó số người tham dự Thánh Lễ là ít, nên việc thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ là không cần nữa, trong khi một số lớn người buộc phải ở nhà và người già yếu cần Rước lễ, nhưng linh mục khó đến với họ tất cả.

Tôi không biết lý do tại sao giáo xứ đã đưa ra quy định ấy, và tôi không biết bất cứ luật nào đòi hỏi điều đó. Tôi đoan chắc linh mục có lý do mục vụ tốt nào đó, có lẽ để chứng tỏ rằng các thừa tác viên ngoại thường là một phần đầy đủ của cộng đồng giáo xứ.

Tôi sẽ không coi đó là quá nặng nề, nếu các thừa tác viên ngoại thường chỉ phục vụ trong Thánh Lễ Chúa Nhật mà họ tham dự.

Tôi nghĩ rằng với thiện chí của mọi bên, tình hình này có thể được giải quyết sao cho việc phục vụ rộng lượng về thời gian của các thừa tác viên ngoại thường có thể được đánh giá cao đầy đủ.

Hỏi 2: Liên quan đến kinh đọc khi tráng chén trong bài trả lời ngày 26-9-2017, một bạn đọc ở Ontario, Canada, hỏi: "Nếu việc tráng chén được thực hiện sau Thánh lễ, liệu việc này phải được thực hiện bởi linh mục, thầy phó tế hay thầy giúp lễ chăng, hay có thể bởi người khác, chẳng hạn người phòng thánh, hay một thừa tác viên ngoại thường phụ trách cho Rước lễ chăng? Ngoài ra, nếu việc tráng chén được thực hiện sau Thánh lễ, thì có cần đọc kinh tráng chén không?"

Đáp: Đối với phần câu hỏi trước, tôi sẽ trả lời là đúng. Việc tráng chén chỉ dành cho các thừa tác viên này. Ở Hoa Kỳ, có một thời kỳ mà trong đó có một đặc miễn tạm thời (một sự lệch chính thức của luật) vốn cho phép các thừa tác viên ngoại thường tráng chén. Tuy nhiên, Tòa Thánh minh nhiên từ chối kéo dài thời hạn cho đặc miễn này, và nó không còn nữa.

Một người phòng thánh, hoặc một người xứng đáng khác, có thể giúp rửa sạch các chén thánh, vào các thời điểm khác, để cho chúng được giữ gìn đẹp đẽ.

Đối với kinh đọc khi tráng chén: Như chúng tôi đã nói trong bài báo gốc về chủ đề này, bản văn của lời kinh này phù hợp với việc tạ ơn chung sau khi Rước lễ, hơn là với hành động tráng chén. Do đó, bất cứ khi nào việc tráng chén được trì hoãn cho đến sau Thánh lễ, như thường xảy ra khi có nhiều chén thánh, lời kinh được quy định này có thể được bỏ qua.

Tuy nhiên, xin đề nghị rằng thừa tác viên tráng chén sau Thánh lễ nên giữ bầu khí cầu nguyện và chú ý, cho đến khi nhiệm vụ được hoàn thành với sự chăm chỉ và tôn kính cần có. (Zenit.org 31-10-2017)

Nguyễn Trọng Đa
 
Văn Hóa
Tháng Linh Hồn : Kính các Thánh Tử Đạo
Lê Đình Thông
09:29 06/11/2017
Tháng mười một, cộng đoàn kính nhớ
Bao người thân quá cố lâm nguy
Thân bằng, sinh ký tử quy
Và bao giáo sĩ giấc vùi thiên thu.

Lễ Các Đẳng đời tu kể chuyện :
Bẩy giờ kinh, Đan viện Cluny
Khấn xin Thiên Chúa diệu kỳ
Xót thương các đẳng âm ty đọa đầy.

Nhờ kinh nguyện các thầy đan sĩ
Hồn lìa xa lao lý cực hình
Về nơi sáng láng Thiên đình
Ngợi khen Thiên Chúa phúc vinh đời đời.

Vào thế kỷ thứ mười, tờ lịch :
Thêm mồng hai, lễ kính linh hồn
Ngàn năm bia đá thì mòn
Ngàn năm kinh nguyện xuống ơn luyện hình.

Ngày mười chín quang vinh Tử Đạo
Nhờ máu đào tiết tháo tiền nhân
Gieo trồng lúa chín phúc âm
Ruộng đồng truyền giáo từng đàn cò bay.

Ba thế kỷ đọa đầy cực khổ
Hơn trăm ngàn tiên tổ hy sinh
Trăm cay ngàn đắng khổ hình
Tuyên xưng anh dũng Đức Tin hào hùng.

Thánh Tử Đạo cùng chung chết thảm
Chịu đốt thiêu xử trảm chém đầu
Lời kinh các đấng nguyện cầu :
Danh Cha cả sáng nhiệm mầu trần gian

Giang sơn Việt tràn lan sĩ khí
Máu giáo dân giáo sĩ hòa chung
Viết nên trang sử hào hùng
Vẻ vang nòi giống Lạc Hồng noi chung.

Tuổi mười chín tuyên xưng dũng cảm
Thánh Anrê quê quán Phú Yên
Ngài là người chứng đầu tiên
Nêu gương cho các thiếu niên cộng đoàn.

Người phụ nữ đoan trang Thanh Hóa
Bà Anê đầy đọa xác phàm
Đức Tin thắp sáng trời Nam
Tấm thân mòn mỏi, vững vàng thủy chung.

Thánh Tử đạo hào hùng nam nữ
Gương can trường nhà xứ soi chung
Trong ngày đại lễ tưng bừng
Cộng đoàn Giáo xứ tuyên xưng tôn thờ.

Lê Đình Thông
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bên Cổng Vườn
Nguyễn Trung Tây Lm
09:13 06/11/2017
BÊN CỔNG VƯỜN
Ảnh của Nguyễn Trung Tây Lm. (SVD)
Lá hoa ngập ngừng bên khung cửa
Thẹn thò nửa bước chân!
Khi nào mới tới mùa xuân?
Vườn ơi, mở cửa mời hoa lá vào!
(NTT)
 
VietCatholic TV
Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 07/11/2017: Câu chuyện người hiện về từ luyện ngục
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
20:20 06/11/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Hôm nay là ngày của hy vọng, cũng là ngày của nước mắt.

Hôm nay là ngày của hy vọng, cũng là ngày của nước mắt. Ðức Thánh Cha chia sẻ như trên trong Thánh Lễ ngày mùng 02 tháng 11 cầu nguyện cho người đã khuất tại nghĩa trang Nettuno, cách Roma 70km. Trong ngày lễ các đẳng linh hồn, tất cả chúng ta tụ họp nơi đây trong niềm hy vọng. Mỗi người chúng ta trong tâm hồn mình, có thể nhẩm đi nhắc lại những lời của ông Gióp mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc Một. Lời ấy là: “Tôi biết rằng Ðấng Bênh Vực tôi hằng sống và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất”. Niềm hy vọng của chúng ta là được diện kiến Thiên Chúa, là được gặp gỡ, là gặp lại nhau như anh chị em: niềm hy vọng này không làm cho chúng ta thất vọng. Thánh Phaolô đã mạnh mẽ diễn tả điều ấy trong bài đọc Hai (Rm 5,5-11), khi thánh nhân nói: Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng.

Đức Thánh Cha nói:

Thế nhưng biết bao lần, niềm hy vọng ấy đã nảy sinh và phát xuất từ những vết thương, từ những đau khổ của con người. Trong những lúc đau đớn ấy, trong giờ phút cùng cực ấy, chúng ta cầu nguyện, chúng ta khổ đau nhìn lên trời mà than van: “Tôi tin rằng Ðấng Cứu Chuộc tôi hằng sống. Nhưng Chúa ơi, xin hãy dừng lại!”. Ðây là lời nguyện thống thiết phát xuất từ chúng ta mỗi khi chúng ta nhìn về nghĩa trang này. Chúng ta thân thưa rằng: “Chúa ơi, con chắc chắn rằng, những người anh chị em này đang ở cùng con, con chắc chắn như thế. Nhưng làm ơn đi Chúa ơi. Xin dừng lại. Ðừng thêm nữa. Ðừng có thêm chiến tranh nữa. Ðừng thêm những thời khắc vô dụng ấy nữa”. Ðức Thánh Cha Benedicto XV cũng từng nói như thế.

Tốt hơn hãy hy vọng đừng có thêm sự hủy diệt nữa. Vì những người trẻ... hàng ngàn hàng ngàn hàng ngàn... đã tan vỡ hy vọng. Chúa ơi, xin đừng. Hôm nay ở đây chúng ta phải cầu nguyện điều ấy, chúng ta cầu nguyện cho những người đã khuất, nhưng cũng tại nơi này, chúng ta cần cầu nguyện cách đặc biệt cho những người trẻ. Bởi vì ngày nay thế giới một lần nữa lại đang lún sâu vào chiến tranh, và đang chuẩn bị mạnh mẽ hơn nữa cho các cuộc chiến. “Chúa ơi, xin đừng, xin đừng”. Bởi vì nếu chiến tranh xảy ra, thì tất cả đều bị hủy diệt.

Tôi nhớ lại một bậc cao niên đứng nhìn đống đổ nát của Hiroshima, với đầy khổ đau và sự khôn ngoan, cụ nói: “Người ta đã làm mọi sự, đã tuyên bố này nọ, đã gây ra chiến tranh, và thực sự là họ hủy hoại chính họ”. Ðó là chiến tranh. Chiến tranh hủy diệt tất cả chúng ta. Người cha người mẹ mất con, người ông người bà mất cháu. Chỉ còn lại con tim tan vỡ và đầy nước mắt. Nếu như hôm nay là ngày của hy vọng, thì hôm nay cũng là ngày của nước mắt. Ðó là nước mắt của người phụ nữ nhận được tin: “Thưa bà, thật đáng tự hào vì chồng của bà là anh hùng của Tổ quốc, thật là tự hào vì con của bà là anh hùng của quê hương.” Ðó là những giọt nước mắt mà nhân loại không thể quên. Niềm tự hào ấy có lẽ không cần học và cũng chẳng muốn học.

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói:

Nhiều lần trong lịch sử, người ta nghĩ rằng họ thực thi một cuộc chiến để thuyết phục rằng, họ sẽ mang lại một thế giới mới, để thuyết phục rằng, họ sẽ đem đến “mùa xuân”. Nhưng kết cục chỉ mang lại một mùa đông xấu xí, ác độc, khủng bố và chết chóc. Hôm nay, chúng ta cầu nguyện cho những người đã khuất, cho tất cả, nhưng một cách đặc biệt là cầu nguyện cho những người trẻ này, vào một thời điểm mà có quá nhiều người bị chết trong các trận đánh từng ngày. Chúng ta cũng cầu nguyện cho những người đã khuất của hôm nay, những người bị chết vì chiến tranh, cả những trẻ em và người dân vô tội. Hậu quả của chiến tranh chính là chết chóc. Và vì thế, xin Chúa ban cho chúng ta ơn biết khóc than.

2. Câu chuyện người hiện về từ luyện ngục

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Cuộc đời cha Piô Năm Dấu Thánh là trang sử lạ thường ghi dấu các cuộc hiện ra của Chúa Giêsu, Mẹ Maria, các Thiên Thần, Các Thánh, và Các Đẳng Linh Hồn. Có thể nói được rằng, Cha thánh Pio sống cùng lúc ở hai thế giới: một hữu hình và một vô hình, thiêng liêng.

Trong chương trình hôm nay, Như Ý xin thuật hầu quý vị và anh chị em câu chuyện Linh Hồn Luyện Ngục hiện về xin Cha thánh Pio cầu nguyện cho.

Một buổi tối, Cha Pio đang nghỉ ở tầng trệt của Cộng Đoàn nơi căn phòng dành đón tiếp khách lạ. Lúc ấy Cha Pio chỉ có một mình và vừa đặt lưng nằm xuống thì bất thình lình một người đàn ông xuất hiện, mình trùm kín chiếc áo choàng đen. Ngạc nhiên, Cha Pio tức khắc đứng bật dậy và hỏi cho biết ông là ai và muốn gì. Người khách lạ cho biết ông là Linh Hồn nơi Lửa Luyện Tội. Ông nói: Con là Pietro Di Mauro, tức Nicola và có biệt danh “Precoco”. Con bị chết trong trận hỏa hoạn xảy ra vào đêm 18-9-1908, tại chính Tu Viện này, lúc ấy bị truất hữu và biến thành Viện Tế Bần. Con bị cháy giữa các ngọn lửa, ngay trên tấm nệm rơm, lúc đang ngủ say, trong căn phòng số 4. Con hiện về từ Luyện Ngục. Thiên Chúa Nhân Lành cho phép con đến xin Cha dâng một Thánh Lễ với ý chỉ cầu cho con vào sáng ngày mai. Nhờ Thánh Lễ này con mới có thể vào được Thiên Đàng.

Cha Pio hứa sẽ dâng Thánh Lễ cầu cho ông. Chính Cha kể lại như sau. Phần tôi, tôi muốn đích thân tháp tùng Linh Hồn Luyện Ngục ra tận cửa Tu Viện. Và tôi chỉ ý thức rõ ràng mình đã nói chuyện với Linh Hồn Luyện Ngục khi ra tới thềm, bởi vì, người đàn ông đang đi bên cạnh tôi bỗng nhiên biến mất. Tôi thành thật thú nhận lúc ấy tôi cảm thấy hoảng sợ. Tôi đi thẳng đến phòng Bề Trên là Cha Paolino da Casacalenda. Cha Bề Trên nhận ra nét kinh hoảng của tôi. Sau khi nghe tôi giải thích và xin phép dâng Thánh Lễ vào sáng hôm sau cầu cho Linh Hồn Luyện Ngục, Cha Bề Trên hiểu lý do và chấp thuận ngay lời xin.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Vài ngày sau, vì bị tính tò mò thúc đẩy, Cha Bề Trên Paolino muốn làm cuộc kiểm chứng. Cha ra tòa thị chính thành phố San Giovanni Rotondo và xin phép xem Cuốn Sổ Tử của thành phố vào năm 1908. Và đúng như lời tôi kể, trong Sổ Tử tháng 9 năm 1908 có ghi mấy hàng: Ngày 18 tháng 9 năm 1908, trong trận hỏa hoạn Viện Tế Bần có một người bị chết mang tên Pietro di Mauro, tức Nicola.

3. Mục tử tốt lành gần gũi dân chúng và có lòng trắc ẩn.

Mục tử tốt lành là người đến với những người bị loại bỏ hất hủi, là người có lòng thương xót và không xấu hổ khi đụng chạm đến các thân thể bị thương tích. Ngược lại, những người theo chủ nghĩa giáo sĩ trị thì luôn tìm cách tiếp cận với quyền lực hoặc là tiền bạc. Ðức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh những điều này trong bài giảng Thánh lễ sáng thứ Hai 30 tháng 10 tại nhà nguyện thánh Marta, dựa trên đoạn tin mừng theo thánh Luca chương 13, thuật lại sự kiện Chúa Giêsu chữa lành người phụ nữ bị còng lưng từ 18 năm trời.

Vào ngày sabát, ngày thứ Bảy, ngày nghỉ lễ của người Do thái, Chúa Giêsu vào hội đường và ngài gặp một phụ nữ bị còng lưng, không thể đứng thẳng được. Tin mừng nói là bà bị bệnh; đó là một căn bệnh khiến cho bà phải chịu cảnh cúi gầm, không thể đứng thẳng và nhìn lên, từ nhiều năm trời. Thánh sử Luca dùng 5 động từ để nói về những việc Chúa Giêsu làm: Chúa nhìn thấy bà, Chúa gọi bà, nói với bà, “đặt tay trên bà và chữa lành cho bà”.

Ðây là 5 động từ diễn tả sự gần gũi, bởi vì một mục tử luôn luôn gần với dân của mình. Trong dụ ngôn người mục tử nhân lành, người mục tử gần với con chiên lạc, bỏ lại những con chiên khác và đi tìm con chiên lạc. Mục tử không thể xa rời dân của mình.

Trái lại, các giáo sĩ, các thày thông luật, những người biệt phái, Sađusêu, lại sống tách biệt khỏi dân chúng và luôn luôn trách mắng họ. Ðây không phải là những mục tử tốt lành; họ là những người chỉ thu mình trong nhóm của mình và không quan tâm đến dân chúng. Có thể, đối với họ, điều quan trọng là đến cuối các nghi thức phụng vụ, đi xem có bao nhiêu tiền được dâng cúng. Họ không gần với dân chúng. Nhưng Chúa Giêsu thì ngược lại, sự gần gũi của Ngài với dân chúng xuất phát từ điều ngài cảm thấy trong tim Ngài. Một đoạn Tin mừng khác nói rằng “Chúa Giêsu động lòng thương.”

Do đó, Chúa Giêsu luôn luôn ở với người dân bị loại bỏ hắt hủi bởi một nhóm nhỏ các giáo sĩ: ở đó có những người nghèo, người đau yếu bệnh tật, các tội nhân, những người phong cùi, nhưng tất cả họ ở đó, bởi vì Chúa Giêsu có khả năng động lòng thương trước bệnh tật; Ngài là một mục tử tốt lành. Một mục tử tốt lành đến gần dân và có khả năng thương xót. Ðức tính thứ ba của một mục tử tốt lành là không xấu hổ, dám đụng chạm đến thân xác thương tích, như Chúa Giêsu đã tỏ ra đối với người phụ nữ: Ngài chạm đến bà và đặt tay trên bà, Ngài chạm đến người cùi, Ngài chạm đến người tội lỗi.

Mục tử tốt lành thì không nói “được rồi, tôi gần với anh em trong tinh thần”; đó là sự xa cách. Nhưng mục tử tốt lành thực hiện những điều mà Chúa Cha đã làm, đó là gần gũi, để cảm thông, để thương xót, trong thân xác của chính Con của Ngài.” Chúa Cha, vị Mục tử cao cả, đã dạy chúng ta cách thức trở nên mục tử tốt lành: hạ mình xuống, làm cho mình trở nên không, tự loại bỏ mình, mang lấy thân nô lệ.

Còn những người theo con đường của chủ nghĩa giáo sĩ thì họ gần ai? Họ luôn gần hay tiếp cận với quyền lực hay tiền bạc. Ðó là mục tử xấu. Họ chỉ nghĩ đến việc leo lên nắm quyền cao hơn, nghĩ đến làm bạn với quyền lực và thỏa hiệp với mọi thứ hoặc nghĩ đến túi tiền của họ. Ðây là những kẻ giả hình, có khả năng làm mọi điều. Ðối với họ, dân chúng không quan trọng. Và khi Chúa Giêsu dùng tính từ “giả hình”, nhiều lần, để nói về họ, thì họ phản đối: “nhưng chúng tôi không làm vậy, chúng tôi tuân giữ lề luật.”

Mục tử tốt lành là Chúa Giêsu; Ngài nhìn, Ngài nghe, Ngài nói, Ngài đụng chạm và chữa lành. Ðó chính là Chúa Cha, qua Chúa Con nhập thể làm người, thực hiện những điều này vì lòng thương xót

Ðối với dân Chúa, thật là một ân phúc khi có được những mục tử tốt lành, những mục tử như Chúa Giêsu, những mục tử không xấu hổ khi chạm đến thân thể bị thương tích , những mục tử biết rằng không chỉ họ, mà cả chúng ta, sẽ bị phán xét về điều này: Chúa Giêsu sẽ hỏi: khi Ta đói, khi Ta bị giam tù, khi Ta đau bệnh... Các tiêu chuẩn cuối cùng là tiêu chuẩn gần gũi dân chúng, các tiêu chuẩn gần gũi hoàn toàn, để động chạm, chia sẻ với hoàn cảnh của dân Chúa. Chúng ta đừng quên điều này: mục tử tốt lành luôn đến gần dân chúng, luôn luôn, như Chúa Cha của chúng ta, Ngài đã đến gần chúng ta trong chính Chúa Giêsu, Con của Ngài sinh ra làm người để ở gần và ở cùng chúng ta.

4. Nước Trời tựa hạt cải: tuy bé nhỏ nhưng đầy sức tăng trưởng.

Ðể làm cho Nước Thiên Chúa được lớn mạnh, chúng ta cần can đảm trở nên hạt cải và nắm men. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba 31 tháng 10 tại nhà nguyện Santa Marta. Trong bài Tin Mừng hôm nay (Lc 13,18-21) Chúa Giêsu sánh ví Nước Trời giống như hạt cải và nắm men. Cả hai tuy bé nhỏ nhưng lại mang trong mình một sức phát triển lớn mạnh. Nước Thiên Chúa cũng thế, vì sức mạnh của Nước Trời là đến từ bên trong.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Trong bài đọc trích thư gửi tín hữu Roma, thánh Phaolô cũng nhấn mạnh rằng, những đau khổ đời này không thể sánh với vinh quang sắp tới, vinh quang đang đợi chờ chúng ta. Luôn có sự căng thẳng giằng co giữa đau khổ và vinh quang. Trong mối giằng co ấy, có lòng mong đợi mặc khải lớn lao về Nước Thiên Chúa. Lòng mong đợi ấy không chỉ dành cho chúng ta mà thôi, còn cho cả các tạo vật nữa. Các tạo vật cùng với chúng ta, đợi trông mặc khải của Con Thiên Chúa. Ðó là sức mạnh nội tại đưa chúng ta tới sự viên mãn trong Nước Thiên Chúa. Sức mạnh ấy là sức mạnh bởi Chúa Thánh Thần.

Ðây là hành trình hy vọng. Niềm hy vọng ấy đưa chúng ta tới sự viên mãn, đưa chúng ta thoát khỏi nhà tù, thoát khỏi những giới hạn, thoát khỏi kiếp nô lệ, thoát khỏi những thứ lạm dụng lạm quyền tham nhũng, để đưa chúng ta tới bến bờ vinh quang. Ðó là cuộc hành trình của niềm hy vọng. Niềm hy vọng ấy là quà tặng của Chúa Thánh Thần. Ðiều ấy Chúa Thánh Thần ban tặng trong cõi lòng chúng ta. Ðiều ấy thật tuyệt vời, thật tự do, thật là vinh quang lớn lao. Chúa Giêsu đã nói: hạt cải quả là bé nhỏ, nhưng có một sức lớn mạnh không thể tưởng tượng được.

Trong chúng ta, trong các loài thụ tạo, có một sức mạnh lớn lao, có một sức sống vĩ đại, đó là Chúa Thánh Thần. Ngài ban cho chúng ta niềm hy vọng. Sức mạnh của Chúa Thánh Thần giúp chúng ta lớn mạnh để vươn tới độ hoàn thiện, và đợi chờ chúng ta trong vinh quang. Khi hạt cải được gieo vãi và nắm men được vùi vào đấu bột, dường như chẳng có gì thay đổi, nhưng kỳ thực sức mạnh nội tại vẫn có đó. Ðó là sức mạnh của Nước Thiên Chúa. Sức mạnh ấy là sức mạnh nội tại, sức mạnh toát ra từ bên trong.

Nước Trời phát triển từ bên trong, cùng với sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Giáo hội luôn cần can đảm để trở thành hạt cải được gieo vãi, trở thành nắm men vùi trong bột. Tuy nhiên luôn có nỗi sợ khi làm điều ấy. Nhiều lần chúng ta thấy rằng, chúng ta thích một loại mục vụ nắm giữ bảo tồn, chứ không biết để cho Nước Trời phát triển. Nếu cứ nắm giữ như thế, chúng ta vẫn chỉ là chúng ta, vẫn bé nhỏ như thế, chúng ta an toàn... Nhưng khi ấy, Nước Trời không phát triển. Bởi vì, để Nước Trời có thể phát triển, chúng ta phải can đảm gieo hạt, can đảm trộn men với bột.

Thật sự là khi gieo hạt giống, chúng ta chấp nhận mất mát. Khi trộn men vào trong bột, chúng ta chấp nhận bàn tay bị lấm lem. Và như thế, chúng ta luôn cần chấp nhận sự mất mát nào đó, để Nước Thiên Chúa có thể lớn lên. Khốn cho những ai công bố Nước Trời với ảo tưởng rằng bàn tay không hề bị lấm lem. Những người ấy chỉ giống như người bảo vệ chăm sóc các bảo tàng, chỉ muốn bảo tồn những gì đẹp đẽ, nhưng không có sức mạnh của việc gieo vãi, không có sức mạnh của việc đi ra, không có sức sống, không có sức phát triển. Còn sứ điệp của Chúa Giêsu và của thánh Phaolô luôn có sức giằng co, để kéo chúng ta thoát khỏi vòng nô lệ của tội lỗi, để dẫn chúng ta đến sự viên mãn trong vinh quang. Niềm hy vọng ấy là hành trình tiến bước, tiến bước trong hy vọng, không thoái lui. Niềm hy vọng ấy quá bé nhỏ, rất bé nhỏ, tựa hạt cải, tựa nắm men.

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói:

Hy vọng là “nhân đức khiêm tốn nhất, nhỏ bé nhất”, nhưng nơi nào có hy vọng, nơi ấy có Chúa Thánh Thần. Ở nơi đó, Chúa Thánh Thần dẫn chúng ta tới Nước Trời. Hôm nay chúng ta tự hỏi lòng mình về niềm hy vọng. Hãy ở lại trong niềm hy vọng ấy, hãy ở lại trong nội tâm mình và thân thưa với Chúa Thánh Thần.