Ngày 05-11-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Trao tặng chính mình
Lm. Jude Siciliano, OP
05:30 05/11/2009
CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN (B)

I V: 17:10-16 Tv 146 Dt 9: 24-28

Mc 12: 38-44

Thưa quý vị,

Vương quốc Israel và Giuđa không có một quy tắc luật lệ đáng kể. Thực ra, đa số những luật lệ đó là những thất bại thảm hại. Ngay cả ngày nay, những nhà lãnh đạo chuyên chế và lệch lạc cũng thường gây ra không ít những khốn khó cho đất nước họ đang điều hành – nhất là với những người bần cùng. Điều đó lẽ ra không phải đường lối cho Israel và Giuđa; những nhà lãnh đạo đáng ra phải trung thành với Lời Chúa. Nhưng đa số những nhà lãnh đạo lại bất tín với Lời Chúa nên Ngài gởi các ngôn sứ đến kêu gọi họ trở về sự công chính. Elia là một ngôn sứ như thế, người phát ngôn của Thiên Chúa, không chỉ kêu gọi người lãnh đạo nhưng cũng kêu gọi tất cả những ai đã quay qua tôn thờ thần ngoại và những nghi lễ ngoại bang. Như sự trừng phạt cho tội bất trung với Thiên Chúa, vùng đất đã phải chịu một cơn đói kém, như chúng ta đọc thấy trong bài trích sách các Vua quyển I hôm nay.

Xa-rep-ta, một thành phố ở Phi-ni-xi, là vùng đất của dân ngoại, ở đó dân chúng thờ thần Ba-an. Hoàn cảnh của người đàn bà thật sự tuyệt vọng cho chính bà và con của bà. Bà có thể là một người dân ngoại nhưng Thiên Chúa đã biết nhu cầu của bà. Elia đã an ủi người góa phụ nghèo khổ nhưng, thật ra, có vẻ ích kỷ khi yêu cầu bà làm cho ông một chiếc bánh. Điều tích cực ở đây là phong tục hiếu khách của người Trung Đông – áp dụng với cả người nghèo nhất không có gì, nhưng miếng ăn, cái uống cuối cùng của họ cũng dành cho người qua đường. Tuy nhiên, bên cạnh yêu cầu xin cái bánh là lời hứa Thiên Chúa sẽ cho bà ấy no đầy trong suốt thời gian hạn hán.

Thiên Chúa có thể thực sự làm được như thế, là cung cấp thức ăn cho chúng ta khi mà dường như không còn sự cứu trợ nào? Câu chuyện của Elia quả là một niềm an ủi cho dân lưu đày Do Thái đang sống ở Babylon. Họ đã được khuyến khích tin tưởng vào thông điệp của ngôn sứ: Thiên Chúa có thể kết thúc “cơn hạn hán” của họ - ban cho họ tất cả những gì họ cần trong suốt thời gian lưu đày và cuối cùng chấm dứt tình trạng lưu này, đưa họ trở về quê cha đất tổ. Bà góa và con trai bà đã có đủ thực ăn cho đến “ngày Thiên Chúa cho mưa xuống trên mặt đất.” Dân bị lưu đày cũng sẽ không bị hủy diệt ở trên vùng đất ngoại bang, vì Thiên Chúa sẽ cứu thoát họ, như Ngài đã giải thoát cha ông họ khỏi người Ai Cập.

Cái gì bảo đảm cho dân lưu đày này; điều gì bảo đảm cho chúng ta trong thời gian hạn hán? Điều mà họ và chúng ta có được là Lời của Chúa: một lời hứa được nói qua miệng ngôn sứ ngay trong cơn hạn hán: Thiên Chúa sẽ phù trợ chúng ta và Ngài sẽ trợ giúp chúng ta cho đến cùng. Câu chuyện về bà góa trong bài đọc thứ nhất đưa chúng ta đến với chuyện kể về bà góa trong bài Tin mừng. Cả hai câu chuyện nói cho chúng ta rằng Thiên Chúa biết những điều không ai thấy, không ai biết, những điều bị làm ngơ. Thiên Chúa cứu những người thấp cổ bé miệng và những ai “bé mọn” trong xã hội và trong Giáo hội.

Đức Giêsu ở trong đền thờ cùng với đám đông và Người quan sát kẻ qua người lại. Ở phía sảnh dành cho phụ nữ có một cái thùng cho người ta bỏ tiền dâng cúng. Bà góa tiến đến và bỏ vào thùng “hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư xu Rôma.” Đức Giêsu tận dụng cơ hội này dạy cho các môn đệ một bài học. Người gọi các ông đến và bảo các ông quan sát điều vừa mới xảy ra.

Thông điệp Tin mừng mang một bối cảnh là: Đức Giêsu đã tranh luận với những người Pha-ri-sêu và những nhà lãnh đạo tôn giáo. Người đã lên án họ vì họ củng cố quyền lực và sự giàu sang trên lưng những người nghèo kẻ khổ, Người trách họ vì họ đã nuốt hết “tài sản của những bà góa.” Dù họ có làm thế, họ vẫn đọc những lời nguyện dài lê thê và tỏ ra mẫu mực trong việc thực hành những điều luật tôn giáo tỉ mỉ. Bà góa nghèo đóng góp phần tiền đó là để tu sửa đền thờ. Chẳng quá đáng lắm sao! Những người lãng đạo tôn giáo và đầy quyền lực sẽ trích phần lợi tức và cấp dưỡng từ chính những người nghèo như bà góa của chúng ta.

Trong bài Tin mừng hôm nay đức Giêsu ngưỡng mộ sự quảng đại của bà góa “đã túng thiếu, lại còn bỏ vào đó tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân.” Điều đó có vẻ như một gương mẫu và sự khích lệ cho những ai bé nhỏ từ bỏ nhu cầu của họ - nếu như tách tình tiết câu chuyện bà góa và phần đóng góp của bà ra khỏi bối cảnh ấy. Nhưng phải lưu ý điều mà ngôn sứ Giêsu nói với đám đông: Người nghiêm khắc phê phán thói phô trương đạo đức của những kinh sư, “trong những bộ áo thụng”, muốn cho những người nơi cộng cộng biết, ngồi ghế danh dự phía trên trong các hội đường và trong các bữa tiệc. Chúa Giêsu còn thêm rằng họ “nuốt chủng tài sản của các bà góa” trong khi vẫn lải nhải những lời nguyện dài lê thê.

Đức Giêsu lên án những ai chỉ lo theo đuổi địa vị tôn giáo và những lời ca tụng nhưng lại làm gơ hay thậm chí bóc lột người nghèo. Những tâm hồn nhiệt thành và đạo đức đáng nể đó thực chất lại là những người chiếm đoạt tài sản của bà góa nghèo này, mà việc dâng cúng của bà có thể làm bà thêm cùng cực. Chúng ta có cho rằng Đức Giêsu khen ngợi cách trao tặng khiến cho một người đã sẵn thiếu thốn thành ra không còn gì? Theo sách luật và các ngôn sứ, cô nhi quả phụ có một vị trí rất đặc biệt trong trái tim của Chúa. Niềm tin Dothái giáo đã dạy rằng người hèn yếu trong xã hội phải được bảo vệ. Những ai làm tổn hại đến họ thì đáng bị quở trách.

Câu chuyện của bà góa trong bài Tin mừng hôm nay thường được chúng ta sử dụng như cách thức để bắt đầu những chiến dịch kinh doanh hay xây dựng. Thông điệp là, “Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có sẵn lòng trao tặng cho đến cùng không?” Trước khi định soạn bài bài giảng hôm nay về việc cho đi, khích lệ lòng quảng đại khi giỏ được chuyền tay trong nhà thờ, tôi muốn chắc rằng mọi người một lần nữa nghe rõ sự quan tâm của đức Giêsu đến những người nhỏ nhất trong xã hội và làm thế nào mà một người đạo đức lại có thể mất đi tầm quan trọng của người nghèo khổ trong con mắt đức Giêsu. Hãy cứ để những người đó xem xét liệu họ có còn lòng quảng đại hay không; còn chúng ta hãy chắc rằng những người nghèo khi bước vào “đền thờ” của chúng ta thì phải được lưu tâm và được phục vụ.

Những lời của đức Giêsu hôm nay dường như không giống lời khen ngợi bà góa cho bằng một lời than vãn. Người chỉ muốn khuyến cáo các tông đồ về những con người có lòng đạo mà nuốt mất tài sản của những bà góa. Khi người để ý đến bà góa, có vẻ Người muốn nói rằng “Hãy nhìn, đây là một mẫu gương khác của một người nghèo cho đi tất cả những gì bà có vì lợi ích chung.” Dù là than vãn nhưng lời của đức Giêsu cũng chứa đựng tin mừng, vì Người cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa thấu suốt cảnh khốn khổ của người nghèo. Người nghèo có thể bị tổ chức tôn giáo bỏ quên nhưng Thiên Chúa biết hoàn cảnh của họ. Chúa biết sự khác biệt giữa những gian lận tôn giáo và lòng đạo đức đích thực, và Thiên Chúa đã thực hiện điều gì đó qua đức Giêsu. Người vô tội gặp phải cảnh trắng tay; nhưng Thiên Chúa thấy được lòng bà và đã khen ngợi bà. Cũng vậy, khi những nhà lãnh đạo tôn giáo băng hoại kia trục lợi từ lòng quảng đại của bà, qua đức Giêsu, Thiên Chúa cũng đã thực hiện điều gì đó với họ.

Dĩ nhiên mẫu gương quảng đại của bà góa là một lời nhắc nhở và đòi hỏi chúng ta về lòng quảng đại. Nhu cầu trong thế quanh ta là rất lớn. Chúng ta đã từng bị đòi hỏi phải cho đi, không chỉ những dư thừa của chúng ta, mà từ chính nhu cầu của chúng ta chưa? Và đó không chỉ là tiền của: có lẽ tài sản quý giá nhất chúng ta có là thời giờ của chính chúng ta. Chúng ta có quá ít thời gian. Đôi lúc cho đi ít tiền lại là điều dễ thực hiện hơn; cái khó là cho đi chính tài năng và khả năng của chúng ta. Như một người kế toán bận rộn, tôi biết ai giúp những gia đình nghèo chuẩn bị thuế của họ. Quảng đại – chẳng phải là những gì chúng ta được đòi hỏi cho đi trong mối tương quan bạn bè, hôn nhân, gia đình và những người thân cận hay sao? Đức Giêsu để ý đến bà góa nghèo, lòng trắc ẩn của Người dành cho bà góa cũng gợi lên trong ta một lòng trắc ẩn tương tự cho những “bà góa nghèo” mà hằng ngày chúng ta bắt gặp.

Đức Giêsu đưa ra hình ảnh bà góa như một ví dụ về người đã đóng góp hết tất cả những gì mình có. Trong tháng này, chúng ta tưởng nhớ những người đã qua đời. Chúng ta đã mừng lễ Các Thánh và Kính nhớ những tín hữu đã qua đời. Khi chúng ta mừng lễ nhớ những người quá cố chúng ta cũng biết rằng ngày nào đó mình cũng sẽ chết; chúng ta cũng sẽ được yêu cầu từ bỏ tất cả những gì thuộc về chúng ta để đặt mình trong bàn tay nhân từ của Thiên Chúa. Chúng ta không thể mang theo vàng hay danh vọng. Như bà góa, chúng ta dâng hiến tất cả những gì thuộc về chúng ta trong sự tín thác. Chúng ta sẽ làm gì để chuẩn bị cho giây phút đó? Chúng ta sẽ chết theo cách mà chúng ta đã sống. Khi chúng ta theo đức Giêsu lên Giêrusalem, chúng ta cũng được mời gọi cho đi cuộc sống của mình theo cách Người đã làm, để phục vụ anh chị em chúng ta. Điều này đòi hỏi nhiều lần chết từng chút trước khi chúng ta đối diện với cái chết cuối cùng của mình. Có lẽ đó là cách mà chúng ta chuẩn bị cho giờ chết của chúng ta. Từng bước trong suốt cuộc hành trình, với ân sủng trao ban chính mình của đức Giêsu, chúng ta cũng hãy bỏ đi tất cả những gì ngăn cản chúng ta phụng sự đức Kitô: trao tặng chính mình cho những ai chúng ta được mời gọi để phục vụ họ. Một tinh thần tông đồ như thế là một lời “Xin vâng” suốt đời trên cuộc hành trình, để chúng ta có thể nói, trong niềm tin, lời “Xin vâng” tại cuối cuộc hành trình lên Giêrusalem cùng với đức Giêsu.

Nói đến “đồng xu” – tôi mới giảng tại một giáo xứ ở đó có một thùng quyên góp đề là “Tiền lẻ cho người nghèo.” Trong các lớp giáo lý, trẻ em được dạy về sự nghèo khó và được khuyến khích đóng góp những đồng tiền lẻ của chúng – đó là một bài học vỡ lòng thật tốt vầ lòng bác ái. Trong khi đó, cha sở không ngừng nhắc nhớ cộng đoàn về cái thùng ở cuối nhà thờ và đảm bảo với họ rằng tất cả số tiền thu được sẽ trao thẳng cho người nghèo; không lấy đồng nào cho việc tu sửa nhà thờ, cho việc quản trị, hay thuế giáo phận, … Sẽ có những khoản thu khác cho những nhu cầu này! Mỗi tháng thu được khoảng 500 đến 900 đô la trong thùng “Tiền lẻ cho người nghèo.” Tôi hỏi cha sở: “Chỉ tiền lẻ thôi ư?” Ngài trả lời: “Không. Người lớn cũng đóng góp cùng với trẻ em, vì họ biết chúng tôi dùng tiền đó để giúp đỡ những ai cần giúp: người thất nghiệp, những bà mẹ độc thân, người bệnh, …” Đó là một mẫu gương khác mà giáo xứ thực hiện: như đức Giêsu, họ quan sát những người nghèo bước vào đền thờ. Amen.

Chuyển ngữ Quốc Vinh, OP
 
Tấm lòng quảng đại
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
05:35 05/11/2009
CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN, năm B

Mc 12, 38-44

Câu chuyện người đàn bà góa nghèo nàn đoạn Tin Mừng của thánh Marcô thuật lại hôm nay, gây nhiều ấn tượng cho con người, cho nhiều người. Bởi vì, đồng xu nhỏ bà góa bỏ vào hòm tiền trong nhà thờ là tất cả sản nghiệp của bà. Đây là số tiền bà dành dụm để nuôi sống chính bản thân của bà. Chúa nhật 32 thường niên, năm B muốn nói gì với tất cả chúng ta ?

Bài Tin Mừng này cho chúng ta hiểu rõ hơn bài đọc I trích sách các vua quyển thứ 1:” …Tôi chỉ còn nắm bột trong hũ và chút dầu trong vò. Tôi đang đi lượm vài thanh củi, rồi về nhà nấu nướng cho tôi và cho con trai tôi. Chúng tôi sẽ ăn rồi chết “. Bà góa trong bài đọc I đã sống trong cảnh lầm than cùng cực, chỉ còn một chút dầu, một chút bột để làm bánh nuôi sống con trai và bản thân, nhưng bà lại có tấm lòng vàng, tấm lòng cao cả nhường cho người của Thiên Chúa ăn và sẵn sàng chờ chết. Vâng, hai người đàn bà: bà góa ở Sarepta và bà góa trong đoạn Tin Mừng đều là hai mẫu người có tấm lòng thật cao cả, tấm lòng vàng. Bà góa bỏ vao hòm tiền dâng cúng hoàn toàn khác với những đồng tiền của những người giầu. Người có của dâng cúng nhiều tiền, nhiều vàng, còn bà góa bỏ vào hòm tiền đồng tiền nhỏ nhoi ít ỏi, tuy nhiên, Chúa chứng kiến và đáng giá, đồng tiền của bà góa nghèo lại là đồng tiền lớn vì bà đã bỏ cả gia sản của bà vào hòm tiền cho Chúa, cho nhà thờ. “ Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết “ ( Mc 12, 43 ). Chúng ta không thể đánh giá chính xác lòng người khác nhưng chính từ câu chuyện Tin Mừng của thánh Márcô 12, 38-44, chúng ta nghiệm ra rằng trần gian này thật có những người nghèo tiền, nghèo của cải nhưng lại giầu lòng hảo tâm, giầu tình thương. Và như thế, của dâng hiến quà tặng không quan trọng bằng tấm lòng dâng hiến, và thái độ trao tặng. Trên thế này, có những người cho rất nhiều, dâng hiến bao la nhưng chưa đụng tới chút nào gia sản của họ, chỉ là của dư của thừa vv…Còn nắm bột, chút dầu, đồng xu nhỏ nhoi của hai bà góa lại là “ tất cả những gì mình có để nuôi sống “ ( Mc 12, 44 ).

Chúa dạy một bài học thật lớn, thật ý nghĩa. Làm việc, dâng cúng, trao tặng mà không có tấm lòng, dâng cúng nhiều để khoe khoang, để ghi sổ vàng nhưng tấm lòng lại khô cứng, của cải thì chưa đụng tới cả cái sản nghiệp to lớn, dâng cúng, trao tặng mới như như hạt cát. Chúa không tán dương những hạng người này. Người nghèo thật nhiều đang ở chung quanh chúng ta. Người đau khổ, bơ vơ vất vưởng đang ở xung quanh chúng ta. Liệu có ai biết ghi ơn họ khi họ dâng cúng, trao tặng những món tiền nhỏ nhoi, nhưng là những đồng tiền mồ hôi nước mắt của họ.

Chúng ta cần có những suy nghĩ thật đứng đắn, thật công bằng. Lẽ dĩ nhiên giầu mà có tấm lòng vàng thì thật đáng khen ngợi. Giầu mà có tinh thần nghèo khó thì cũng đáng tán dương biết bao. Giầu nghèo là điều thường tình trong cuộc đời, nhưng sống có nghĩa có tình, có tấm lòng vàng, tấm lòng cao cả như hai bà góa, như nhiều người trong đời sống chúng ta đã gặp. Đó là điều Chúa muốn và Chúa mời gọi…

Chúng ta hãy luôn tâm niệm “ của ít lòng nhiều “. Đó là tấm lòng của những con người hảo tâm.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con một con tim biết quảng đại để chúng con không đang tâm đóng chặt tấm lòng trước những người nghèo, những người đau khổ, những người bị tật nguyền…Amen.
 
Của ít lòng nhiều
Đinh lập Liễm
08:31 05/11/2009
CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN B

CỦA ÍT LÒNG NHIỀU

+++

A. DẪN NHẬP

Người đời thường hành động theo phương châm: “Đẹp đẽ khoe ra, xấu xa che lại” (Tục ngữ). Ai cũng muốn cho mình được người ta ca tụng, không muốn bị người ta chê cười, nên tìm cách ếm nhẹm những cái xấu mà chỉ phô ra những cái tốt của mình. Luật sĩ là những người chỉ thích khoe những cái tốt đẹp của mình để lòe thiên hạ, nhưng những cái họ khoe ra không có thực mà chỉ là ảo, nghĩa là họ giả hình giả bộ cốt lấy tiếng khen của mọi người.

Vì thế trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu đưa ra hai khuôn mặt tiêu biểu: luật sĩ và bà góa để nói lên cái tương phản của hai loại người: giả dối và thành thực. Luật sĩ dâng cúng cho Đền thờ không vì lòng mến Chúa mà cốt tìm tiếng khen, còn bà góa đã dâng cúng với tất cả tấm lòng thành, với lòng mến yêu nồng nàn đối với Chúa. Bà đã âm thầm dâng cúng tất cả những gì thiết yếu đối với bà, kể cả mạng sống, mà không cần ai biết đến. Nhìn cung cách dâng cúng của bà, Đức Giêsu đã khen: ”Bà này đã dâng cúng nhiều hơn hết mọi người”.

Thiên Chúa không xét giá trị theo của dâng cúng nhưng xét theo tấm lòng của người dâng cúng. Người ta thường nói: ”Cách cho quí hơn của cho”. Người ta có thể cho một cách miễn cưỡng, hay cho vì bổn phận bó buộc hay cho vì lòng hảo tâm, vì lòng thương mến. Bà góa này đã cho đi một cách tự nguyện, quảng đại, thơm thảo, bất vụ lợi… nên việc dâng cúng của bà được đánh giá cao. Bà góa này đã dâng cúng với cung cách tốt đẹp đó, nên đã được Đức Giêsu khen là bà đã dâng cúng nhiều hơn hết mọi người vì bà là người có “của ít lòng nhiều”.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: 1V 17,10-16

Khi tiên tri Êlia phải lánh nạn để tránh cơn giận của hoàng hậu Jézabel, ông cảm thấy mệt nhọc và kiệt sức. Ông xin bà góa làng Serepta cho trú nhờ và xin cho ăn một chút bánh hiếm hoi của bà. Bà sẵn sàng làm bánh cho ông ăn và Chúa đã thưởng công do lòng quảng đại của bà: ”Hũ bột sẽ không vơi, vò dầu sẽ không cạn cho đến ngày Đức Chúa đổ mưa xuống trên mặt đất”.

+ Bài đọc 2: Dt 9,24-28

So sánh chức tư tế Do thái giáo và chức Thượng Tế của Đức Giêsu, tác giả thư Do thái làm nổi bật sự siêu việt của lễ tế do Đức Giêsu dâng hiến hoàn hảo và đời đời.

1. Trong tư tế là Con Thiên Chúa làm người, Ngài là Ngôi Lời nhập thể. Hiến tế mà Ngài dâng trên đồi Calvê có một giá trị vô cùng và tuyệt đối.

2. Từ khi phục sinh và lên trời, Ngài còn tiếp tục hiến dâng lễ vật này, tiến dâng mãi mãi để tôn vinh Chúa Cha và không ngừng nguyện cầu ơn phúc cho nhân loại.

+ Bài Tin mừng: Mc 12,38-44

Hình ảnh trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy có hai đối chọi: luật sĩ và bà góa. Bề ngoài có vẻ như không ăn khớp, nhưng thực tế bổ túc cho nhau.

1 Người luật sĩ chỉ có cái vỏ bề ngoài, trong lòng thì rỗng tuếch: kiêu căng, tham lam, khoe khoang, giả hình.

2 Bà góa thì khiêm nhường, âm thầm, thành thật, nghèo tiền nhưng giầu lòng.

Đức Giêsu coi đây là hình ảnh đẹp nên “gọi môn đệ đến” chỉ cho thấy và khuyên các ông hãy noi gương bà góa đó.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.

Vật khinh nhưng hình trọng

Tục ngữ Việt nam dùng câu “Vật khinh hình trọng” có ý nói đến con người là quí trọng, còn của cải thì coi thường. Con người có giá trị hơn của cải.

Cũng có câu khác ý nghĩa tương tự: ”Thèm lòng chẳng ai thèm thịt” hoặc: ”Vị tình vị nghĩa, không ai vị đĩa xôi đầy”, đều có ý nói: người ta đến giỗ tết hiếu hỷ vì quan hệ tình cảm chứ không phải cốt để ăn uống.

Trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy có hai hình ảnh trái ngược. Bà góa đã sống theo phương châm “vật khinh hình trọng” nghĩa là bà đã dâng cúng cho Chúa với “của ít lòng nhiều” hay “của một đồng công một nén” (Tục ngữ): của dâng cúng của bà thì tít, nhưng tâm tình thì dạt dào.

Ngược lại, các luật sĩ lại sống trái ngược với phương châm trên mà họ đã đổi lại thành “vật trọng hình khinh”, họ chỉ chú trọng đến số lượng mà quên đi chất lượng hay phẩm chất, điều mà Thiên Chúa đòi hỏi nơi người dâng cúng. Họ chỉ thích sống theo cái vỏ bề ngoài mà trong lòng thì trống rỗng. Trước mặt Chúa họ đúng là những người sống theo tiêu chẩn “Thùng rỗng kêu to”, mà kiểu sống đó đã bị Đức Giêsu chỉ trích.

I. HAI KHUÔN MẶT ĐIỂN HÌNH.

1. Khuôn mặt người luật sĩ.

Các luật sĩ là những người chuyên nghiên cứu Thánh Kinh và pháp luật. Họ giải thích Thánh Kinh cho người khác và làm cố vấn pháp luật cho dân chúng. Họ là bậc thầy thuộc giới thượng lưu nên được người ta kính trọng. Nhưng Đức Giêsu lại chỉ trích miệt thị họ vì họ là những người kiêu căng và giả hình giả bộ.

Những người này làm việc đạo đức chỉ vì cầu danh, cầu lợi, cầu địa vị. Họ mặc lễ phục trịnh trọng, làm bộ đọc kinh nguyện lâu giờ chỉ để cầu được kính trọng chào hỏi, cầu ngồi chỗ danh dự nhất, cầu kiếm được nhiều tiền của biếu tặng, lợi dụng chức quyền để nuốt trửng tài sản của các bà góa… Họ hoàn toàn có mục đích xấu, vụ lợi, ích kỷ, kiêu căng. Xét theo giá rị đạo đức họ bị Đức Giêsu xếp vào hạng xấu: “Họ sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn”.

2. Khuôn mặt hai bà góa.

Phụng vụ hôm nay đề cập tới hạng người mà dư luận thương hại hay coi thường là các bà góa. Họ là những người giữa đường đứt gánh, một mình gánh vác giang sơn nhà chồng. Vì không có sự bao bọc của người chồng, người góa phụ chỉ còn nhờ vào tài sản của chính mình, không ai giúp đỡ. Bởi vì họ có gì đâu ? Của cải chồng họ để lại thuộc về trưởng nam. Có thể trước đó họ đã gửi gắm ở đâu được một chút của nào đó. Hay tài sản riêng họ có trước khi về nhà chồng, họ đã gửi nơi các luật sĩ mà họ tưởng là những người đạo đức nâng đỡ họ. Ai ngờ bọn này lại lợi dụng và dã tâm ngốn cả nhà cửa của họ.

Theo Thánh Kinh các bà góa được liệt vào số những người nghèo khổ nhất cùng với những kẻ mồ côi và những kẻ tha phương cầu thực (Đnl 24,17-22).

a) Bà góa thành Serepta.

Sách Các Vua hôm nay kể lại truyện có một bà góa ở Serepta đang đi kiếm củi. Tiên tri Êlia thấy bà đội một cái bình dầu trên đầu thì tưởng bà ta đi múc nước. Nhưng không, đó là một cái vò đựng một chút bột còn sót lại. Bà đi kiếm mấy thanh củi rồi về nướng làm bánh cho con trai ăn và mình ăn rồi cũng chết. Sống trong nạn đói cùng cực như vậy, mà theo lời yêu cầu của Êlia, bà vẫn sẵn sàng hy sinh nhường cho nhà tiên tri ăn, dù không biết ông là ai. Chính vì lòng hy sinh bác ái tột độ đó, Thiên Chúa đã làm phép lạ cho hũ bột không vơi, vò dầu không cạn để cứu sống bà, con bà và tiên tri Êlia nữa.

Bà góa này không những tỏ ra rất nhân đạo, nhưng nhất là còn tin ở lời vị tiên tri và tin vào Lời Chúa. Chính niềm tin này khiến bà dám làm bánh cho nhà tiên tri ăn trước. Bà như quên và như bỏ mạng sống của mẹ con bà vì tin lời nhà tiên tri. Và Chúa đã thưởng công lòng tin này, khiến câu chuyện về bà hôm nay đáng được dùng để dẫn nhập vào bài Tin mừng.

b) Bà góa trong Tin mừng.

Đức Giêsu cùng với các môn đệ sau khi giảng dạy cho dân chúng trong Đền thờ, liền sau đó Thầy trò đi ra ngoài quan sát dân chúng dâng cúng tiền để giúp cho Đền thờ, chính tại đây, Đức Giêsu đã giáo huấn các môn đệ về ý nghĩa và giá trị của việc dâng cúng.

Khung cảnh của Tin mừng hôm nay nằm rất gần kho bạc vốn được dùng để chứa các đồ dâng cúng (x. 2V12,10). Các thùng tiền dâng cúng được thiết kế theo hình dáng cái loa kèn và được đặt rất nhiều trong sân dành cho phụ nữ. Chính vì đặt trong địa thế như vậy, tạo điều kiện thuận lợi cho giới quan sát là chính các luật sĩ và tay chân lân cận. Đức Giêsu cùng các môn đệ dễ dàng quan sát những thùng tiền cũng như những người bỏ tiền dâng cúng.

Trong dòng người tấp nập bỏ tiền dâng cúng Đền thờ, Đức Giêsu đặc biệt chú ý đến người đàn bà góa nghèo nàn. Bà đã âm thầm bỏ vào hai đồng tiền kẽm với giá trị chỉ bằng một phần tư đồng bạc Rôma. Bởi dân Do thái thời Đức Giêsu bị thống trị bởi đế quốc Rôma. Chính vì thế, người dân phải sử dụng đồng tiền Rôma trên đó có mang hình và ký hiệu hoàng đế Rôma. Đây là loại tiền bằng bạc, một đồng cân nặng 3,8 g và tương đương với 0,875 quan vàng. Thấy được như thế, chúng ta mới thấy rằng đồng tiền mà bà góa trong Tin mừng dâng cúng vốn giá trị chẳng đáng là gì, nhưng đối với Đức Giêsu, Ngài đã khen: ”Bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết”(Mc 12,43).

II. BÀI HỌC TỪ HAI BÀ GÓA

1. Giá trị việc dâng cúng.

Tại sao Đức Giêsu lại nói với các môn đệ:”Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà góa này đã bỏ nhiều hơn hết” ? Lý do để Đức Giêsu khen thật rõ ràng: đó là số tiền mà dòng người kia tấp nập bỏ vào thùng tiền dâng cúng Đền thờ là những đồng tiền dư thừa. Số tiền mà họ bỏ vào dâng cúng không làm hụt đi tài sản và thanh thế của họ mà còn tô thêm uy danh cho kẻ lắm bạc nhiều tiền. Còn bà góa, trái lại, bà đã rút ra từ cái túng thiếu, cái nghèo đói của mình, từ giá trị của hai đồng tiền kẽm chính là tài sản duy nhất nuôi sống mình để dâng cúng vào Đền thờ.

Như vậy, giá trị của việc dâng cúng không hệ tại ở số lượng của cải nhiều hay ít, có giá trị hay không, mà chính là tùy thuộc vào tấm lòng chân thành của người dâng cúng.

Muốn của dâng trở thành một của dâng đích thực thì phải là của dâng do lòng hy sinh. Vấn đề không nằm ở số tiền dâng mà ở cái giá người dâng phải trả, không phải là tầm cỡ của lễ vật, nhưng là sự hy sinh.

Chính vì vậy mà chân phước Têrêsa Calcutta nói: “Khi ta trao tặng một món quà, mà nếu là một mất mát hy sinh lớn đối với ta, thì đó mới thật là món quà”.

Truyện: Bà Oseola Mc Carthy

Báo New York Times đưa tin bà Oseola Mc Carthy: Biểu tượng “Lòng từ thiện” của nước Mỹ, vừa qua đời ngày 03/10/1999 ở tuổi 91.

Vào một ngày của tháng 7/95, ông hiệu trưởng đại học phía bắc Missisipi đã vô cùng ngạc nhiên, khi có một phụ nữ xa lạ tên Oseola Mc Carthy xin được tặng 150.000 đôla làm quỹ học bổng cho các sinh viên nghèo của trường, mà không cần được ghi danh tưởng niệm hay tuyên bố công khai. Nhà trường còn sửng sốt hơn khi biết người phụ nữ ấy làm nghề giặt ủi, và số tiền kia là tiền dành dụm cả một đời người.

Ngay khi biết câu chuyện bà Mc Carthy tặng tất cả tiền bạc mình có làm quỹ học bổng cho trường, ông tỷ phú Ted Turner, trùm ngành kinh doanh cáp truyền hình Mỹ, đã tuyên bố góp thêm một tỷ đôla cho quỹ. Ông nói: ”Người phụ nữ nhỏ bé ấy đã dám ban tặng tất cả những gì bà có, thì tôi thấy mình cũng phải đóng góp phần của tôi là một tỷ đôla”(Thiên Phúc).

2. Có ba cách cho.

Người ta nói rằng có ba cách cho: người cho một cách bất đắc dĩ, người cho vì bổn phận và người cho với tâm tình yêu thương.

Người cho một cách bất đắc dĩ thì nói: ”Tôi bực mình vì phải cho…”. Người cho vì bổn phận thì nói: ”Tôi buộc phải cho…”. Còn người cho vì tình thương thì nói: ”Tôi muốn cho…”

Nói cách khác, kẻ cho một cách bất đắc dĩ thì cho một cách miễn cưỡng, bực mình vì phải cho. Kẻ cho vì bổn phận thì cũng cho một cách miễn cưỡng nhưng lòng nặng trĩu vì bị bổn phận trói buộc. Còn người cho vì tình thương thì tự ý cho và cho thật lòng.

Câu chuyện bà góa trong Tin mừng hôm nay là một ví dụ tuyệt hảo về sự trao tặng với tâm tình yêu thương trìu mến. Bà cho đi mà không phải vì bị ép buộc hay vì bổn phận thúc đẩy, nhưng với tất cả tấm lòng.

Truyện: Nhường phòng cho khách

Cách đây khá lâu, một đêm kia, có đôi vợ chồng mới cưới đi về một vùng quê xa xôi thì bị mắc phải cơn mưa rào dữ dội. Không thể đi xa hơn nữa, họ liền rời khỏi xe và đi bộ về hướng một căn nhà có thắp ngọn đèn lù mù. Khi họ bước vào nhà thì gặp đôi vợ chồng già tay cầm đèn dầu tiến ra cửa. Người thanh niên trình bầy tình trạng khó khăn, đoạn yêu cầu: ”Quí ngài có thể cho chúng tôi trú ngụ đến sáng được không ? Nằm trên sàn nhà hay trên ghế bành cũng được”.

Ngay lúc đó có vài hạt cơm dính trên mái tóc người thiếu phụ mới đến rơi xuống sàn nhà. Đôi vợ chồng chủ nhà liếc thấy liền đưa mắt nhìn nhau thông cảm. Bà chủ nhà lên tiếng: ”Được chứ, các cháu ! Chúng tôi vừa có được một căn phòng trống. Nào hãy ra thu xếp đồ đạc trong xe khi chồng tôi và tôi dọn dẹp căn phòng cho tươm tất một chút”.

Sáng hôm sau, đôi tân hôn thức dậy sớm và chuẩn bị ra đi. Vì không muốn quấy rầy hai vợ chồng già, họ lặng lẽ mặc quần áo, đoạn họ đặt tờ 10 đôla lên chiếc tủ, rồi nhón chân đi xuống cầu thang. Khi mở cánh cửa thông qua phòng khách, họ bỡ ngỡ nhìn thấy đôi vợ chồng già đang nằm ngủ trên những chiếc ghế dựa. Té ra cặp vợ chồng già này đã nhường cho đôi tân hôn căn phòng ngủ duy nhất của họ. Chàng thanh niên và cô vợ nén lại vài phút, đoạn anh ta nhón chân quay lên cầu thang và đặt thêm 5 đôla nữa lên chiếc tủ (Mark Link, Giảng lễ Chúa nhật năm B, tr.78).

3. Cho với tấm lòng chân thành.

Qua nội dung ba bài đọc Thánh lễ hôm nay, chúng ta thấy giáo huấn của Đức Giêsu gồm ba điểm chính:

a) Thương thì phải cho, vì yêu là cho đi.

b) Của cho không bằng tấm lòng người cho.

c) Chỉ chính cái mình quí nhất mới là cái cho lớn nhất, giá trị nhất.

Ở đây chúng ta chú trọng vào tấm lòng của người cho. Các luật sĩ dâng cúng cho Chúa nhiều thật, nhưng với những ý đồ không tốt. Họ dâng cúng chỉ là để khoe khoang, chứ không với tấm lòng chân thành để dâng kính Chúa vì lòng mến Chúa. Kiểu dâng cúng như thế cũng đi ngược với tâm lý người Việt nam: ”Người ta thèm lòng chứ đâu thèm thịt”(Tục ngữ).

Người Việt nam cũng đề cao giá trị đạo đức chân chính bằng những câu châm ngôn như:

“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”

Hoặc:

“Cái nết đánh chết cái đẹp

Gỗ là giá trị chân chính, nước sơn mầu mè bên ngoài là phụ thuộc. Tính nết là giá trị cốt cách của con người, còn vẻ đẹp duyên dáng bên ngoài là phụ thuộc, chóng phai, chóng tàn. Tuy nhiên, thời đại ngày nay, người ta bị hấp dẫn về mẫu mã, quảng cáo, tuyên truyền, hơn là phẩm chất tốt của vật dụng.

Truyện: Người buôn cam

Ngày xưa, ở Hàng châu có một người đi buôn cam. Anh ta khéo để dành cam lâu ngày mà không ủng. Lâu ngày mà vỏ vẫn đỏ hồng, trông tốt đẹp như vàng ngọc.

Đem ra chợ bán, thiên hạ tranh nhau mua. Ai thấy cam như vậy mà không thèm ? Cơ tôi cũng mua một quả. Đem về nhà bóc ra, thì ôi, hơi thối xông lên mặt, múi thì xác xơ như bông nát. Tôi liền ra chợ lại, tìm gặp người bán cam trách móc:

- Anh bán cam cho người ta để làm của cúng lễ, đãi tân khách, hay là chỉ để làm cho choáng mắt bên ngoài, đánh lừa thiên hạ ? Tệ thật ! Anh giả dối lắm.

Người buôn cam mỉm cười nói:

- Tôi làm nghề này đã lâu lắm để kiếm tiền nuôi thân. Tôi bán thì người ta mua. Chẳng ai nói năng gì cả. Chỉ có ông là kêu ca thôi. Thiên hạ giả dối nhiều, chẳng phải riêng gì một mình tôi. Ong thật không nghĩ cho đến nơi. Này thử xem, người đeo hổ phù, ngồi da hổ, hùng dũng, trông ra dáng quan võ lắm. Kỳ thực họ có giỏi được như Ngô Khởi, Tô Tẫn không ? Người đội mũ cao, đóng đai dài, trông ra dáng quan văn lắm. Kỳ thực họ có giỏi được như Cao Dao, Y Doãn không ? Giặc nổi lên không biết dẹp, dân khổ không biết cứu. Quan lại tham nhũng không biết trừng trị. Pháp hộ hỏng không biết sửa đổi. Ngồi không ăn lương, chẳng biết xấu hổ… Thế mà lúc ra ngồi công đường, đi xe ngựa, uống rượu ngon, ăn của lạ, oai vệ hách dịch vô cùng!...

Đó, bề ngoài họ chẳng như vàng ngọc, mà bên trong lại chẳng hôi thối, và xác xơ, như bông nát là gì ? Sao ông không chịu xet những hạng người như thế, mà lại đi xét quả cam tôi “?

Câu chuyện buôn cam trên đây nói lên thực trạng mai mỉa của xã hội ngày nay. Đức Kitô đã nhiều lần lên án gắt gao bọn mũ cao áo dài thể ấy:

Hỡi những kẻ giả hình,

Các ngươi không khác chi những nấm mồ bôi vôi

Vỏ ngoài thì xem xinh xắn lắm,

Nhưng bên trong là thây ma và mọi thứ xú uế.

Bên ngoài các ngươi có vẻ công chính đối với ngươi ta

Nhưng bên trong thì đầy giả dối và vô đạo”

(Mt 23,27-28)

Cụ Nguyễn Khuyến thì gọi họ là nộm, hữu danh vô thực:

Ghế tréo lọng xanh ngồi bảnh chọe

Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi.

III. BIẾT LẤY GÌ DÂNG CHÚA BÂY GIỜ ?

Mỗi khi đọc câu Thánh vịnh:

Tôi biết lấy gì dâng lại cho Chúa

Để đền đáp những gì Ngài ban tặng cho tôi.

Tô xin nâng chén hồng ân cứu độ

Và kêu cầu danh thánh Chúa.

Chúng ta cảm thấy lòng dạt dào lòng tri ân đối với Chúa vì muôn hồng ân Chúa đã ban tặng cho ta. Nhìn trời, nhìn trăng sao, nhìn đất, nhìn hoa lá cỏ cây… tất cả đều nói lên tình thương yêu của Chúa đối với chúng ta, trong việc tạo dựng mọi sự vật cho chúng ta một cách dồi dào:

Chúng tôi xin một bông hoa, thì Ngài cho cả bó,

Chúng tôi xin một giọt nước, thì Ngài cho cả đại dương,

Chúng tôi xin một hạt cát, thì Ngài cho cả một bờ biển,

Chúng tôi xin một lá cỏ, thì Ngài cho cả một bồn,

Chúng tôi xin ăn, thì Ngài ban cho cả Thịt Máu Ngài.

(Mark Link)

Trước tình thương bao la của Chúa, chúng ta không bao giờ được trở nên những kẻ vô ơn. Chúng ta phải đáp lại tình thương đó bằng những của hiến dâng xứng đáng được Chúa chấp nhận. Của dâng Chúa phải là những của lễ thơm thảo nhất, thân thiết nhất mà chúng ta dành cho tha nhân.

Văn hào Louis Veuillot khi chết, có để lại một bao thơ dầy cộm với mấy hàng chữ ghi: ”Tiền nhịn hút thuốc trong các mùa Chay để giúp cho người nghèo”.

Tư tưởng của Chúa, cách phán đoán và đánh giá sự vật cũng như con người của Ngài không phải là của chúng ta. Ngài thấu suốt tận thẳm sâu tâm hồn. Chúa không nhìn theo dáng vẻ bên ngoài đâu.

Thường người ta thích hình thức hơn là thực chất, thích tự đề cao giá trị thực sự. Trái lại, Thiên Chúa không nhìn diện mạo, y phục, không nhìn vật chất nhưng nhìn vào tâm hồn. Thánh Kinh đã không nói rằng “Người thấu suốt tâm can sao” ? Không thể đánh lừa Ngài được đâu. Vàng quí không phải là thứ vàng giới thiệu trên tay, nhưng là thứ vàng hiện diện trong tâm hồn.: vàng ròng của tình yêu.

Chúng ta hãy theo gương bà góa trong Tin mừng, hãy biết cho đi, cho đi tất cả. Với hai đồng tiền kẽm, bà góa đã cho đi tất cả, trao phó tất cả mạng sống cho Thiên Chúa vì bà tin rằng Đấng bà tin theo không bao giờ để bà thiệt thòi. Vâng, khi chúng ta cho đi chính là lúc chúng ta nhận lãnh và nhận lãnh càng dồi dào những hồng ân của Thiên Chúa. Một thi sĩ đã gợi cho chúng ta những ý tưởng rất hay:

Quà tặng đẹp nhất

Cho kẻ thù, chính là sự tha thứ

Cho bạn bè, là sự trung thành

Cho các em bé, là những gương sáng

Cho một người cha, là lòng tôn kính

Cho một bà me, là trái tim ta

Và cho người lân cận, là đôi tay ta.

(Cảm hứng do Francis Balfour)

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt
 
Chúng ta phải độ lượng cho nhau
Jos. Tú Nạc, NMS
10:48 05/11/2009
Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B (1 Kings 17: 10-16; Hebrews 9: 24-28; Mark 12: 38-44)

Người quả phụ nghèo nàn của Zarephath có lẽ không biết nhiều những gì để hiểu yêu cầu của của Elijah. Bà ta đã ở vào cảnh khánh kiệt của mình – hầu như không còn gì để ăn và để uống và sự kết thúc đã lờ mờ hiện ra tất cả đều quá gần. Không chỉ thế, bà ta thậm chí không phải là người gốc Israel củng không phải là người thờ kính Thiên Chúa của dân Israel. Nhưng bà là một người khiêm tốn và có trái tim nhân hậu.

Sự nghẹn ngào tuyết vọng và lo sợ của bà, bà đề ý lời hứa của Elijah: nếu bà cho một cách hào phóng và xuất phát từ trái tim bà sẽ không bị mất mát.

Lời hứa này được thực hiện như sự phong phú dẫn đến từ sự rộng lượng và sẻ chia. Câu chuyện này sẽ có một cuộc sống tương lai, vì trong bối cảnh giáo hội Do Thái theo Tin Mừng của Thánh Lu-ca, Chúa Giê-su của Thánh Lu-ca ám chỉ trực tiếp đến biến cố này để chứng minh tính phổ quát về lòng khoan dung và nhân từ của Thiên Chúa.

Có nhiều phương thức để diễn tả về sự thay đổi mà Chúa Giê-su đã bằng cuộc sống của Người, tử nạn và phục sinh. Tác giả của sách Do Thái là sự cố gắng để giải thích những thay đổi trong những điều khoản của một sự đổi hướng trong những thời đại này và một sự chuyển đổi trong tâm thức.

Toàn bộ ý niệm về sự hy sinh và xoa dịu này, giờ đây Thiên Chúa đã sinh thì. Với cuộc tử nạn và phục sinh của Người, Đức Ki-tô đã tự Người trở thành lề luật. Chúa Giê-su không bị đóng đinh lặp đi lặp lại nhiều lần trong phong cách hiến tế. Hết thảy chúng ta đều tham gia và hiệp thông một sự kiện mà nó đã được thực hiện một lần và cho tất cả, một sự kiện vượt lên trên hết tất cả những ý niệm thời gian và không gian.

Trong Thánh Thư gửi đến dân Do Thái biểu tượng và ngôn ngữ hiến tế được dùng để đặt một kết thúc đối với hệ thống hiến tế này. Đáng tiếc là những yếu tố của một hệ thống thần học hiến tế xa xưa đã trì trệ quá dài lâu.

Sự hiến tế không cho phép hiểu như sự thay thế hoặc xoa dịu nhưng phải được hiểu như cái giá mà Chúa Giê-su đã trả về sứ mệnh của Người cho việc lấy làm mẫu gương một phương thức mới của sự sống và việc phụng thờ Thiên Chúa.

Nếu chúng ta tự thấy thiếu sót để nhìn thấy chính mình trong những câu chuyện Tin Mừng sau đó chúng ta khiếm khuyết sự hiểu biết một cách thực tế của thông điệp. Những Tin Mừng này là sự phàn ảnh trung thực – những tính cách của Herod, của Pharasee, của những tong đồ, của những đám đông tất cả nói với chúng ta một điều gì đó thuộc vế chính chúng ta. Câu chuyện hôm nay không nói vế những học giả Do Thái thời xưa mà nói về tất cả chúng ta.

Chúa Giê-su đã khẩn khoản đến nỗi chúng ta không được dùng tôn giáo như một phương cách để thực hiện quyền lực vượt lên trên những người khác hoặc thu hút sự tôn trọng và danh dự. Sự khước từ địa vị là một phần của tính chất thiết yếu thuộc thời kỳ bình minh Ki-tô giáo và vì chúng ta dành cho nó sự thiếu chú ý, thích tập trung vào một vài vấn đề vụn vặt nóng bỏng.

Những yêu cầu của bản ngã có thể làm ô uế ngay cả những nguyện vọng tâm linh cao quí nhất và thậm chí có thể bị hủy diệt nếu phải mang đến cực độ. Duy chỉ sự khiêm nhường có ý thức và nhất quán có thể ngăn cản tôn giáo tránh khỏi hành động lừa dối.

Tổ chức từ thiện có thể dễ trở thành một vấn đề của những biên lai thuế má và đòi hỏi sự thừa nhận công cộng. thậm chí nó có thể âm thầm chuyển thành một doanh nghiệp lớn và chấp nhận những cạm bẫy và giá trị của thế giới kinh doanh thế tục.

Câu chuyện nổi tiếng về sự cống hiến tầm thường có vẻ bề ngoài của người quả phụ nghèo nàn là một thử thách tới cách nhìn của chúng ta vào tiếng gọi đối với long hảo tâm. Nó không bao giờ là vấn đề thuộc những con số hoặc tổng số mà là tình yêu và long hảo tâm. Như trong câu chuyện của người quả phụ Zarephath này, người quả phụ này thực sự đã không có gì để cho và từ một quan điểm hữu lý chính xác sự đóng góp của bà đã không tạo ra nhiều ý nghĩa. Thật kỳ lạ, mà thường những ai nghèo khó ít ỏi lại là những người rộng lượng hào phóng. Bà ta sẵn sang để cảm nhận sự khốn khổ và phiền toái của sự hy sinh và phụ thuộc vào sự bảo toàn và niềm tin mà bà sẽ được chăm sóc và ban phúc với những phương tiện sống thích đáng.

Việc đưa ra sự hào phóng luôn giảm sút một cách bi thảm trong những lúc kinh tế khó khăn.

Trong lúc điều này có thể dễ hiểu chúng ta cũng bị thử thách để bước vào tình yêu thay vì sợ hãi. Đây là lúc chia sẻ nhiều hơn chứ không phải ít hơn.

Tình yêu và lòng hảo tâm là nguyên tắc thiêng liêng và khi được thực hiện chúng bảo đảm rằng tất cả sẽ được chu cấp. Nhưng sự hy sinh to lớn nhất không phải là tiền mà là cá tính – việc cho thời gian và năng lực mà có thể chúng ta không có vì những ai nghèo khó thiếu thốn.

Thông điệp này vang vọng qua cả hai giao ước: chúng ta phải có trách nhiệm với nhau – đừng gắn bó với nhau môt cách e dè sợ hãi, mà hãy yêu thương nhau với lòng độ lượng khoan dung.

(Nguồn: Regis College – The School of Theology)
 
Quảng đại với Thiên Chúa
Pm Cao Huy Hoàng
13:54 05/11/2009
Quảng đại với Thiên Chúa

Lời Chúa CN 32 TN đề cập đến lòng quảng đại của Thiên Chúa Cha và lòng quảng đại hai bà góa nghèo đối với công trình của Thiên Chúa.

Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban người Con một mình, người Con duy nhất cho nhân loại. Thiên Chúa Cha không tiếc cái “núm ruột” quí báu của mình, và Người Con Duy Nhất cũng bằng lòng vâng ý Cha để thực hiện chương trình yêu thương của Cha. Và cuối cùng, chỉ một của lễ duy nhất ấy, chỉ một hy sinh duy nhất ấy, đủ để làm đẹp lòng Cha và mang lại cho nhân loại niềm vui ơn cứu độ muôn đời. Vì thế, Thánh Phaolô kết luận:

-“ Đức Kitô đã xuất hiện chỉ một lần, để tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính mình” (Dt 9,26)

-“Người đã tự hiến tế chỉ một lần, để xóa bỏ tội lỗi muôn người” (Dt 9,28)

Nếu hình ảnh người Con Một duy nhất là Đức Giêsu Kitô nói lên lòng quảng đại vô cùng của Thiên Chúa Cha đối với nhân loại, thì hình ảnh bà góa trong Mc 12,41-44 với hai đồng tiền kẻm duy nhất cuối cùng bỏ vào thùng tiền dâng cúng đền thờ và hình ảnh của bà góa ở Xarépta (1 V 17,10-16) với phần lương thực duy nhất cuối cùng dành cho tiên tri Elia lại nói lên lòng quảng đại đối với Thiên Chúa của con người.

Bà góa ở Xarepta biết rằng với một nắm bột và một chút dầu, mẹ con bà chỉ còn một bữa cơm trần gian cuối cùng, và sau đó là chết chắc. Không thể khác hơn được. Nhưng tiên tri Elia, “người được Thiên Chúa sai đến”, có yêu cầu bà cộng tác với Thiên Chúa, qua việc giúp ông một chén nước, một bữa cơm.

-"Bà làm ơn đem bình lấy cho tôi chút nước để tôi uống."

-"Bà làm ơn lấy cho tôi miếng bánh nữa!"

-"Có Đức Chúa, Thiên Chúa hằng sống của ông tôi thề là tôi không có bánh. Tôi chỉ còn nắm bột trong hũ và chút dầu trong vò. Tôi đang đi lượm vài thanh củi, rồi về nhà nấu nướng cho tôi và con tôi. Chúng tôi sẽ ăn rồi chết."

Trước sự do dự của bà góa vì việc bảo toàn sinh mạng mẹ con ít là một thời gian ngắn, Tiên tri Elia nói cho bà biết ý định của Thiên Chúa:

-"Bà đừng sợ, cứ về làm như bà vừa nói. Nhưng trước tiên, bà hãy lấy những thứ đó mà làm cho tôi một chiếc bánh nhỏ, và đem ra cho tôi, rồi sau đó bà sẽ làm cho bà và con bà. Vì Đức Chúa, Thiên Chúa của Ítraen phán thế này: "Hũ bột sẽ không vơi, vò dầu sẽ chẳng cạn cho đến ngày Đức Chúa đổ mưa xuống trên mặt đất."

Việc đã xảy ra đúng như lời tiên tri đã nói: “Hũ bột đã không với, vò dầu đã chẳng cạn”.

Một phép lạ của ba nhân đức đối thần: tin tuyệt đối vào Thiên Chúa, yêu mến Chúa và yêu mến người của Chúa, việc của Chúa, vững dạ cậy trông hết tình như lời Chúa hứa qua miệng tiên tri. Một phép lạ ngay tức khắc và bền vững để giữ uy tín cho “người nói thay Lời Thiên Chúa”. Một phép lạ tiên báo về Đức Giêsu Kitô, Con Một yêu dấu và duy nhất của Thiên Chúa Cha mà Ngài cũng chẳng tiếc chẳng tha, để chương trình cứu rối nhân loại của Thiên Chúa Cha được thực hiện và hoàn tất.

Thế rồi, con người được loan báo ấy cũng đã đến trong “ngày Đức Chúa đổ mưa xuống trên mặt đất”, ấy chính Đức Giêsu Kitô. Chúa Giêsu, trong trình thuật của Thánh Marco hôm nay cho biết Ngài đang có mặt trong đền thờ và “ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao”.

Thấy một bà góa nghèo bỏ vào thùng tiền hai đồng kẻm, Ngài nói:

-"Thầy bảo thật anh em: bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết.(Mc 12,43)

-Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình." (Mc 12,44)

Chúa Giêsu trân quí nghĩa cử cao đẹp của bà góa nghèo một cách đồng cảm. Vì chính Ngài cũng mang thân phận đồng tiền duy nhất của Chúa Cha. Ngài thấu hiểu lòng Chúa Cha khi hy sinh cái quí giá nhất là Con Một mình cho chương trình cứu rỗi nhân loại. Vì thế, trước mắt Ngài, đồng bạc nhỏ nhoi mà quí giá của bà góa nghèo kia lại là hình ảnh của Ngài, mà thế gian chưa chắc đã nhận ra.

Liên kết ba bài đọc hôm nay, có thể rút ra một bài học cho hành trình đức tin chúng ta: Hãy biết rằng Thiên Chúa đã quảng đại với chúng ta là dường nào, và hãy quảng đại với Thiên Chúa.

Không có gì quí hơn Chúa Giêsu, vì Chúa Giêsu là món quà vô giá mà Thiên Chúa Cha đã ban tặng cho nhân loại. Không nên chỉ biết điều ấy, mà hãy đón nhận Chúa Giêsu với tất cả tấm lòng thành kính, rồi cộng tác với Ngài, tiếp tục sứ mạng cứu rối nhân loại. Một trong những cách cộng tác ấy, là hãy quảng đại với Chúa một đồng, hãy quảng đại với Chúa một giờ, hãy quảng đại với Chúa chút hơi sức còn lại, hãy quảng đại với Chúa một lời yêu thương giũa thế giới ngập tràn thù hận, gian ác…

Vài tuần trước đây, tôi có việc về Nha Trang, và ghé thăm Cha MT, cha kể rằng: một Chúa nhật nọ, Cha nói chuyện với Giáo dân về tư thế tham dự phụng vụ của Giáo Dân: quì, ngồi, đứng trước mặt Chúa đều tốt cả, miễn là chúng ta có lòng chân thành. Nhưng, tư thế quì, bao giờ cũng trang nghiêm sốt sắng hơn và nhất là tỏ được lòng khiêm tốn, lòng yêu mến, quí trọng Thiên Chúa là Cha. Ví dụ, khi rước lễ, ta quì đón nhận Chúa Giêsu Thánh Thể, thì xứng đáng hơn.

Sáng thứ hai trong tuần, một cụ bà 80 tuổi đem đến cho Cha một triệu đồng.

Cha hỏi: -“Tiền gì đây bà cụ?”

-“Thưa Cha, tiền con dâng cúng để đóng bàn quì rước lễ”

-“Tôi mới ví dụ thôi mà!”

-“Ví dụ gì nữa, cha đóng bàn quì đi, bọc khăn trắng nữa!”

-“Úi chà! Bà cụ già thế, ở đâu ra mà tiền nhiều vậy?”

-“Hết rồi Cha ạ, có bấy nhiêu thôi! Con cháu nó cho mối lúc ít đồng, để dành mua cái áo quan, nhưng bây giờ thì cái áo quan không cần bằng cái bàn quì rước lễ!!!”

Không thiếu những hình ảnh quảng đại như bà cụ 80 tuổi trên đây, mỗi khi chúng ta bước vào nhà thờ, nhất là những nhà thờ ở Việt Nam sau 1975, nếu chúng ta liên tưởng đến những đồng tiền chắt chiu của các bà góa trên khắp thế giới. Có những người rất điển trai, đẹp gái, và cả những lão bà lão ông đang ăn mày cho Giáo Hội những đồng xu rất nhỏ, để các cơ quan từ thiện có điều kiện mà thi thố tình thương của Chúa khắp nơi.

Tôi nhớ năm 1990, Cha FX, cha sở trước đây của GX tôi, cùng với Giáo Xứ khởi công xây dựng Ngôi Thánh Đường Anrê Kim Thông với sự đóng góp tiền bạc thật ít ỏi, nếu không nói là hầu như không có gì, vì giáo dân quá nghèo. Cha cũng chạy vạy hành khất khắp nơi, nhưng khó khăn quá. Thế là Cha có chương trình: “Tôi sẽ làm kỹ sư, tất cả chúng ta là thợ xây, nhà nào cũng có thợ xây Nhà Chúa, để giảm thiểu tối đa sự tốn kém”. Mọi người cùng đồng lòng, cùng quyết tâm. Cha sở ngày ngày mang đôi bata, mặc đồ lính, đội nói cời cùng với Giáo dân thi công suốt hai năm ròng! Trước ngày Cung Hiến Thánh Đường Anrê Kim Thông, nụ cười Cha rạng rỡ trên khuôn mặt đen sì màu nắng rám! Cha nói: “ Xin cảm ơn anh chị em, chúng ta đã xây dựng ngôi thánh đường nầy chỉ với số tiền 240 triệu, nhờ những đồng tiền của các bà góa trên khắp thế giới, nhờ những đóng góp của anh chị em, chúng ta đã tiết kiệm được của Chúa rất nhiều. Hãy tạ ơn Chúa và xin Chúa trả công cho các bà góa âm thầm trên khắp thế giới, mỗi khi anh chị em đến sum họp trong ngôi thánh đường nầy.”

Cũng với kế hoạch ấy, Cha FX ĐQH, đang chuẩn bị cho lễ Đặt Viên Đá trong tháng này, sau hơn hai năm gõ cửa các bà góa khắp nơi, đồng thời cũng ngần ấy thời gian “Cha, con cùng tiết kiệm”. Nghe nói, phần Cha, góp tất cả bỗng lễ của Giáo dân trong xứ (theo luật, Cha được hưởng) vào kinh phí xây dựng nhà thờ, và riêng các em thiếu nhi, tuổi chưa bao đồng, đã dành phần làm cái cửa tiền đường với giá 40 triệu từ những hủ pig!

Chúa muốn chúng ta quảng đại với Chúa, vì Chúa đã không tiếc gì cho ta, vì Chúa không keo kiệt, không tính toán, không kể đếm, không khoe khoang khi Ngài thi thố tình thương của Ngài đối với chúng ta. “Một đồng của đức tin cậy mến”, quảng đại cho Chúa, cho công việc của Chúa, sẽ là một đồng trổ sinh muôn phép lạ. Chúa muốn chúng ta quảng đại với Chúa một giờ giữa trăm công ngàn việc, giữa bao bề bộn lo toan, và cả giữa những gọi mời tiêu khiển giải trí của trần thế… để đến với Chúa, nghe và nói với Ngài một lời tạ lỗi, một lời xin ơn, một câu chúc tụng. Chúa muốn chúng ta đóng góp với Chúa một chút sức lực, một chút cố gắng, một chút hy sinh bắt nguồn từ lòng biết ơn và lòng tin cậy mến.

Hơn thế nữa, Chúa muốn chúng ta trân quí sự đóng góp của mọi người cho công cuộc Nước Chúa. Có người dâng cho Chúa tiền bạc, có người hiến cho Chúa thời gian, sức lực, có người hiến cho Chúa cả danh dự mình, cả sĩ diện mình, có người đóng góp bằng lời cầu nguyện âm thầm, cũng có người không nói gì cả, nhưng bằng lòng làm chứng cho chân lý, bằng lòng chịu thương chịu khó vì Chúa trong cảnh tù đày, quản thúc, bức bách…. Kẻ ít người nhiều, mọi sự đóng góp đều có giá trị cứu rỗi trước mặt Chúa. Không vì phần đóng góp nhiều hơn mà có giá trị hơn và đóng góp ít hơn mà kém giá trị. Giá trị của lễ dâng không do bởi số lượng mà do lòng yêu hết tâm hồn, hết linh hồn hết trí khôn.

Bà Tám nghèo ở xóm nghèo của chị tôi siêng đi xin lễ cho các linh hồn mồ côi. Ky cóp được vài chục ngàn là đi xin lễ, hoặc nhà thờ có công việc gì kêu gọi bà đều có tiền đóng góp, nhưng không nhiều, rát ít. Một lần bà nói với Cha sở: “Cha ơi, con xin được cái bì thư bỏ tiền vào xin lễ, mà lần nào xin lễ, con cũng thấy Cha lấy tiến ra đếm, con ngại quá”. Từ đó, linh mục ấy không đếm tiền trước mặt người xin nữa.

Vâng, người nghèo, tự họ đã cay đắng với cái nghèo của họ lắm rồi. Chỉ có Chúa Giêsu biết rõ, sự giàu có nơi họ. Chúng ta cũng bắt chước Chúa Giêsu mà thay đổi cách thẩm định các giá trị của những đóng góp.

Chúa cần một đồng của lòng quảng đại. Chúa không cần một ngàn của lòng khoe khoang tự phụ. Vì một đồng của lòng quảng đại mới có sức làm nên phép lạ lớn lao, còn một ngàn của lòng khoe khoang không sinh ích lợi gì cho người dâng hiến, và cả cho Thiên Chúa.

Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa đã không tiếc Chúa Giêsu, Con Một Chúa, mà đã ban cho chúng con như quà tặng quí giá mang ơn cứu rỗi. Xin cho chúng con cũng biết quảng đại với Chúa luôn.
 
Tin tưởng và phó thác hoàn toàn vào Chúa
LM. Ignatio Hồ Thông
15:27 05/11/2009
Chúa Nhật XXXII thường niên

Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật nầy mời gọi chúng ta suy gẫm về tấm lòng quảng đại của những người nghèo, họ biết cho tất cả những gì mình có với trọn niềm tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa.

1V 17: 10-16

Bài đọc I thuật lại tấm lòng quảng đại của một bà góa xứ Sa-rép-ta ngoại giáo, bà cho vị ngôn sứ Ê-li-a tất cả phần còn lại của mình trong thời kỳ đói kém để đón nhận tất cả từ Thiên Chúa.

Dt 9: 24-28

Đoạn trích thư gởi các tín hữu Do thái ca ngợi việc Đức Giê-su đã tận hiến một lần cho tất để vĩnh viễn tiêu hủy tội lỗi và thánh hóa những ai tin vào Ngài.

Mc 12: 38-44

Tin Mừng thuật lại tấm lòng quảng đại của một bà góa nghèo khổ, bà cho tất cả những gì mình có. Xét về lượng, hai đồng xu của bà là của dâng thật khiêm tốn, nhưng về phẩm, của dâng nầy chất chứa biết bao lòng yêu mến và niềm tin của bà.

BÀI ĐỌC I (1V 17: 10-16)

Trong bộ Kinh Thánh Cựu Ước, hai cuốn sách Các Vua chứa đựng một số lượng lớn nhất những giai thoại ngoạn mục; truyện dài nhiều tập về ngôn sứ Ê-li-a và ngôn sứ Ê-li-sa là một minh họa rõ nét nhất điều nầy. Được lưu truyền lâu dài trong dân gian trước khi được biên soạn, những chuyện tích nầy được thêu dệt thành những chuyện anh hùng ca, nhưng cũng chứa đựng tính lịch sử.

Cuộc mạo hiểm của ngôn sứ Ê-li-a đến xứ Xa-rép-ta là “cổ học tinh hoa” minh chứng về tấm lòng quảng đại của những người nghèo và chuẩn bị cho câu chuyện Tin Mừng về tấm lòng quảng đại của một bà góa. Hơn nữa, hoàn cảnh, nơi chốn, các nhân vật đem lại cho câu chuyện một tầm mức tôn giáo.

1. Hoàn cảnh của ngôn sứ Ê-li-a:

Ngôn sứ Ê-li-a sống vào thế kỷ thứ chín trước Công Nguyên, trong vương quốc phương Bắc, dưới triều đại vua A-kháp (874-853 BC). Vị ngôn sứ thực thi sứ vụ ngôn sứ của mình trong một hoàn cảnh rất gian nan, vì vua đã cưới công chúa I-da-ven, ngoại giáo. Bà hoàng hậu nầy rất sùng đạo thờ thần Ba-an nên tìm mọi cách loại bỏ việc phụng thờ Đức Chúa trong vương quốc Ít-ra-en, trong khi vị ngôn sứ ra sức bảo vệ việc phụng thờ Đức Chúa.

Ngôn sứ Ê-li-a tuyên sấm trước vua A-kháp một cơn hạn hán sẽ giáng xuống xứ sở vì tội thờ ngẫu tượng. Cơn hạn hán nầy sẽ kéo dài trong suốt ba năm. Ngôn sứ Ê-li-a rời miền Sa-ma-ri, nơi không dung thứ cho ông vì lòng oán hận của hoàng hậu I-da-ven đối với ông; ông đến tá túc ở phía bắc sông Gio-đan, bên con suối vẫn còn nước chảy. Nhưng khi con suối nầy cạn khô, ngôn sứ Ê-li-a ra đi tìm một nơi lánh nạn khác. Ông đi về miền duyên hải Phê-ni-xi ngoại giáo và đến làng Xa-rếp-ta, cách địa hạt Xi-đôn khoảng mười lăm cây số về phía đông và ở lại đó.

2. Cuộc gặp gỡ của vị ngôn sứ với một bà góa xứ Xa-rếp-ta:

Một bà góa xứ Xa-rếp-ta nhận ra người khách lạ xin bà một chút nước và miếng bánh là một người Do thái, bà trả lời: “Có Đức Chúa, Thiên Chúa hằng sống của ông tôi thề là tôi không có bánh”.

Được đặt lại vào trong bối cảnh sứ vụ của ngôn sứ Ê-li-a, tình tiết mang đến một lời chứng đáng chú ý khác về những người khiêm hạ mà các ngôn sứ Cựu Ước luôn luôn nói đến; nhưng ngoài ra, tình tiết nầy nêu bật sự tương phản giữa thái độ của một bà góa nghèo xứ Xa-rếp-ta, bà bày tỏ niềm tin tưởng vào Đức Chúa khi phó thác vào lời hứa của vị ngôn sứ của Ngài, và cách hành xử của một người phụ nữ ngoại đạo khác, hoàng hậu I-da-ven, bà nầy dùng quyền lực và sự giàu có của mình để lôi kéo dân Chúa chọn sa vào tội bội giáo. Bà góa ngoại giáo xứ Xa-rép-ta sẽ được trích dẫn trong Tin Mừng như tiên trưng cuộc hoán cải của lương dân (Lc 4: 25-26).

Mặt khác, được đặt lại vào trong khung cảnh của cuộc khủng hoảng tôn giáo khắp vương quốc Ít-ra-en, cuộc mạo hiểm của ngôn sứ Ê-li-a đến Xa-rép-ta cung cấp cho vị ngôn sứ một dịp chứng tỏ rằng chính Đức Chúa – chứ không thần Ba-an – là Đấng phân phát đích thật những của cải trần gian và Ngài ban cho những ai tin tưởng phó thác vào Ngài, ngay cả vào lúc túng thiếu.

BÀI ĐỌC II (Dt 9: 24-28)

Tác giả thư gởi các tín hữu Do thái tiếp tục chứng minh chức tư tế của Đức Ki tô cao vời trên chức tư tế Cựu Ước. Viễn cảnh của tác giả được định vị trên hai bình diện: bình diện “trên trời”: Đức Ki tô vinh quang là Đấng Trung Gian bên cạnh Chúa Cha; bình diện “dưới thế”: Chức vụ trung gian đòi hỏi Đức Ki tô phải vượt qua cuộc Tử Nạn.

Như trước đây, tác giả sử dụng những so sánh của mình, mặc nhiên hay minh nhiên - nghi thức lễ Đền Tội ở đó vị thượng tế cầu nguyện và dâng hy lễ lên Thiên Chúa để cầu xin Thiên Chúa tha thứ tội lỗi mà mình và toàn thể cộng đoàn con cái Ít-ra-en đã phạm phải trong năm.

1. Chức vụ cao trọng của Vị Thượng Tế Tân Ước:

Vào ngày đại lễ Đền Tội, để lời chuyển cầu của mình có thể thấu đến Thiên Chúa chừng nào có thể, vị thượng tế Cựu Ước vào tận nơi cực thánh của Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, “do bàn tay người phàm làm ra”. Còn Đức Ki tô “đã vào chính cõi trời”. Vị thượng tế Cựu Ước không thể đến tận nơi Thiên Chúa, nhưng chỉ đến chỗ mà xưa kia đặt Hòm Giao Ước, biểu tượng nơi ở cõi thế của Đức Chúa; trong khi Đức Ki tô “đứng trước mặt Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta”.

2. Phẩm chất cao trọng của Hy Lễ Tân Ước:

Vị thượng tế Cựu Ước dâng máu của tế vật chứ không phải máu của chính mình. Đức Ki tô dâng máu của chính mình. Thế nên người ta có thể dâng hiến mạng sống mình chỉ một lần. Vì thế, hiến lễ tự nguyện và tự hiến của Đức Giê-su có một hiệu quả dứt khoát. Những hy lễ được vị thượng tế Cựu Ước hằng năm dâng lên để xin ơn tha thứ tội lỗi; hy lễ của Đức Giê-su có giá trị cho mọi thời và mọi thế hệ.

3. Một thế giới mới không bóng dáng tội lỗi:

Việc Đức Ki tô nhập thể đã đặt Ngài vào trong mối liên đới với các tội nhân, nhằm tiêu diệt tội lỗi, như sấm ngôn về người tôi trung của Đức Chúa “đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân; nhưng thực ra, nó đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi” (Is 53: 12).

Việc Đức Ki tô xuất hiện lần thứ hai sẽ không còn bất kỳ liên hệ nào với tội lỗi. Đức Ki tô sẽ phục hồi một thế giới không bóng dáng của sự chết và tội lỗi; Ngài sẽ cứu độ những ai trông đợi Ngài.

TIN MỪNG (Mc 12: 38-44)

Mới đây, những người Pha-ri-sêu đã ca ngợi nhân cách của Ngài: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật. Thầy chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta, nhưng theo sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa” (Mc 12: 14). Tiếc thay họ đã sử dụng lời ngợi ca nầy để gày bẩy Đức Giê-su, nhưng điều ấy càng minh chứng đây là nhân cách thường hằng của Ngài mà đoạn Tin Mừng hôm nay bày tỏ rõ nét nhất.

Khi đặt hai lời dạy bên cạnh nhau, thánh ký muốn nêu bật sự tương phản giữa cách sống đạo của các kinh sư, tiêu biểu thành phần có trí thức, uy thế và địa vị, và thái độ khiêm hạ và quảng đại của một bà góa, đại diện thành phần thấp kém nhất.

1. Tránh xa thói giả hình của những kinh sư:

Các kinh sư là những người học rộng biết nhiều về Kinh Thánh và được ký thác truyền thống các tiền nhân, vì thế họ là những nhà chú giải có thẩm quyền. Nhưng vì tự hào và tự phụ về kiến thức của mình, họ hình thành nên một giai cấp tách biệt ra khỏi quần chúng. Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su thẳng thắn vạch mặt chỉ tên họ và phác họa chân dung của họ với vài nét tiêu biểu mang tính châm biếm: “Những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ ưa thích chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cổ nhất trong đám tiệc”.

Nhưng lời tố cáo nặng nề nhất mà Ngài gởi đến cho các kinh sư chính là: “Họ nuốt hết tài sản của các bà góa”. Bản văn không nói cho chúng biết làm thế nào những kinh sư nuốt hết tài sản của các bà góa. Phải chăng họ đã khai thác sự nhẹ dạ cả tin của những người hiền lành chất phát mà thu góp tiền của cho riêng mình? Hay họ lợi dụng uy tín của những người giải thích lề luật có thẩm quyền mà giải thích lề luật theo chiều hướng có lợi cho riêng mình? Hoặc với tư cách những nhà thông luật, họ biết rất rõ luật Mô-sê lên án nghiêm khắc những ai ức hiếp mẹ góa con côi và hứa cho những kẻ ấy cơn giận của Đức Chúa (Xh 22: 21), nhưng lại nhắm mắt làm ngơ trước thực trạng bất công của những kẻ có thế có quyền hà hiếp bóc lột những người thấp cổ bé miệng? Chúng ta không biết chính xác, nhưng quả thật, ngôn sứ I-sai-a đã nghiêm khắc tố cáo thái độ nầy rồi: “Khốn thay những kẻ đặt ra các luật lệ bất công, những kẻ viết nên các chỉ thị áp bức, để cản người yếu hèn hưởng công lý, tước đoạt quyền lợi người nghèo trong dân tôi, để biến bà góa thành mồi ngon cho chúng, và bóc lột kẻ mồ côi” (Is 10: 1-2).

Về đời sống tôn giáo, “họ còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ”. Việc đọc kinh cầu nguyện lâu giờ là một nhu cầu tâm linh tất yếu của bất cứ tín hữu đạo hạnh nào; nhưng điều đáng nói ở đây chính là “họ làm bộ” chứ không thực tâm, chỉ cốt phô trương đạo hạnh của mình trước mặt người đời. Quả thật, họ cầu nguyện tại những nơi và theo những cách mà ai cũng phải thấy rằng họ là những người đạo hạnh. Ngay từ bài diễn từ trên núi của Ngài, Đức Giê-su đã lên án nghiêm khắc thói đạo đức giả này rồi: “Khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy” (Mt 6: 5).

Đức Giê-su kết thúc những lời lên án những kinh sư nầy với những lời như sau: “Cho nên, họ sẽ bị kết án nghiêm khác hơn” mà Ngài đã khai triển trong phần kết thúc dụ ngôn “Phải sẳn sàng chờ Chủ trở về”: “Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị săn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều…Hể ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều, và được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn” (Lc 12: 47-48).

Lời kết án của Đức Giê-su xem ra quá cứng rắn, nếu không muốn nói vơ đủa cả nắm; bởi vì ngay trước đoạn Tin Mừng này, thánh Mác-cô kể cho chúng ta một người kinh sư thành tâm thiện chí tìm kiếm Nước Thiên Chúa đến nổi Đức Giê-su đã khen: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!” (12: 34).

Dĩ nhiên, chúng ta không phủ nhận tính lịch sử của đoạn Tin Mừng nầy, chính vì sự xung đột giữa Đức Giê-su và những gia cấp lãnh đạo Do thái đã dẫn đến cuộc Tử Nạn của Ngài. Nhưng đoạn Tin Mừng nầy khó thoát khỏi những ảnh hưởng của những cuộc khẩu chiến giữa Giáo Hội non trẻ và Hội Đường Do thái khi Tin Mừng được biên soạn.

Tuy nhiên, khi đoạn Tin Mừng được công bố trong cộng đoàn Ki tô hữu tiên khởi, nó mang tính thời sự và vẫn tiếp tục mang tính thời sự xuyên suốt lịch sử của Giáo Hội tại thế. Việc Đức Giê-su lên án nghiêm khắc thói giả hình của các kinh sư là những lời nhắc nhở cho các môn đệ của Ngài. Đến phiên mình, các môn đệ của Ngài sẽ là những người có nguy cơ đi lại lối mòn xưa cũ của những người kinh sư nầy, khoe khoang vì đã được sống mật thiết với Thầy, đã nhận được trực tiếp lời giáo huấn của Thầy, nên đòi hỏi được hưởng những đặc quyền đặc lợi trong các cộng đoàn Ki tô hữu. Các môn đệ của Đức Giê-su phải tránh xa đừng để mình rơi vào những thói giả hình của các kinh sư nầy bằng cách noi gương cách sống đạo đơn sơ, chân thành và quảng đạo của một bà góa nghèo. Sứ vụ của họ phải là phục vụ một cách khiêm tốn và vô vị lợi…Đây là bài học mà các môn đệ của Đức Giê-su sẽ không bao giờ được quên.

2. Noi gương cách sống đạo của một bà góa:

Xét về hình thức, thánh ký đã nối kết rất khéo hai lời dạy khác nhau của Đức Giê-su vào cùng một đơn vị. Lời dạy về các kinh sư đóng lại với việc lên án “nuốt hết tài sản của các bà góa”, thì cũng chính “một bà góa” mở ra lời dạy thứ hai. Xét về nội dung, việc liên kết hai lời dạy vào thành một đem lại một bài học nhớ đời. Các môn đệ phải tránh xa cách sống đạo giả hình của các kinh sư, những người đại diện hàng lãnh đạo của dân Chúa chọn, trong khi cách sống đạo đơn sơ, chân thành và quảng đại của một bà góa, đại diện hạng người rốt hết, lại trở nên mẫu gương cho các môn đệ Ngài noi theo.

Đức Giê-su cùng với các môn đệ đang ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng vào việc chi phí cho việc phụng tự hằng ngày và chi phí của Đền thờ. Ngài quan sát thấy nhiều người giàu có đến dâng cúng những món tiền lớn, nhưng Ngài chỉ để ý đến một bà góa nghèo đến dâng cúng hai đồng xu. Theo Kinh Thánh, các bà góa được liệt vào số những người nghèo khổ nhất cùng với những kẻ mồ côi và những kẻ tha phương cầu thực (Đnl 24: 17-22). Số tiền bà bỏ vào thùng dâng cúng chẳng đáng là bao so với những món tiền lớn của những người giàu có. Nhưng Chúa Giê-su không đánh giá của dâng cúng dựa trên số lượng mà trên chất lượng, và Ngài muốn các môn đệ của Ngài phải ghi khắc điều nầy: “Thầy bảo thật anh em: bà góa nghèo nầy đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều rút ra từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà nầy, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình”. Của dâng cúng của bà góa nầy, xét về số lượng, chẳng có nghĩa lý gì, nhưng xét về chất lượng, lại chất nặng đức tin, đức cậy và đức mến của bà, vì bà đã đặt mọi ngày sắp đến của mình vào trong niềm tin tưởng và phó thác vào Chúa.

Dung mạo của bà góa nầy là dung mạo sau cùng xuất hiện trong sứ vụ công khai của Đức Giê-su. Giáo huấn của Ngài đã bắt đầu với “Phúc cho những người nghèo khó” và đóng lại với lời ca ngợi một người ngheo khó biết cho tất cả những gì mình có để đón nhận tất cả từ Thiên Chúa và để Thiên Chúa trở nên tất cả cuộc đời mình.
 
Chuyện Vợ Chuyện Chồng: Hai Xu Bà Góa
LM Nguyễn Trung Tây, SVD
17:21 05/11/2009

Chuyện Vợ Chuyện Chồng: Hai Xu Bà Góa

Tâm thành dâng lên, Ảnh NTT

Chuyện thời bây giờ kể rằng ở thung lũng điện tử Silicon, San Jose, California của Hoa Kỳ có một đôi vợ chồng với hai người con, con trai tên Bòn, bốn tuổi, con gái tên Bon, mười tháng. Chồng Kỹ Sư điện. Vợ làm Assembler hãng điện tử. Cả hai vợ chồng là những thành viên trung thành trong Ban Giáo Lý của giáo xứ Việt Nam vùng thung lũng.

Chiều thứ Sáu vợ chân bước vào nhà, tay đóng mạnh lại cánh cửa. Nhìn đôi mắt hằn sâu nét ưu tư của vợ, chồng dò hỏi,

— Sao buồn như bún thiu như thế kia? Ai lại bắt nạt vợ của tôi rồi?

Vợ nóng nảy quẳng chùm chìa khóa xuống mặt bàn một cái cốp,

— Xời! Ai mà dám? Trên đời này, người dám bắt nạt em may ra chỉ có anh là một.

Chồng xòe tua tủa lông nhím,

— Ơ! Hay chửa, đừng có mà dựng chuyện nói điêu nhé. Thế mà không sợ tội à!

Chồng chép miệng,

— Làm thân nam nhi ai lại đi bắt nạt vợ… Chưa kể có cho vàng cũng không dám nhé, bởi các cụ đã dậy, “Nhất vợ nhì trời”. Vợ còn ăn đứt ông “Giời” như vậy thì tôi là cái chi mà dám bắt nạt vợ…

Vợ cản lại cấp kỳ,

— Thôi đi! Đệ nhất thiên hạ là anh, con trai Bắc kỳ miệng ngọt như chuối.

Vợ thở dài, quay lại chuyện hiện tại,

— Mà thôi, mình ơi, em có chuyện muốn nói. Anh biết chi không?

Vợ ngập ngừng,

— Chiều nay xếp gọi nguyên cả một đám vô văn phòng phát cho mỗi tên một cái check.

Vợ chép miệng, lại thở dài sườn sượt,

— Cái check cuối tuần cũng là cái check cuối cùng rồi đó…

Chồng o tròn miệng,

— À, thì ra là vậy. Hèn chi có người mặt hoa da phấn tàn phai nhan sắc.

— Chứ còn gì nữa. Em thất nghiệp rồi đó...

Chồng khua khua hai tay điệu bộ như đánh đàn guitar,

— Nên từ đó em buồn... Tứng tưng! Tưng tưng! Tưng từng!

Vợ cự nự,

— Anh, anh cứ thích giỡn chơi không à. Em đang buồn thúi ruột ra đây nè. Em thất nghiệp rồi đó. Giờ kiếm đâu ra cho đủ tiền để trả tiền nhà? Còn một đống bill đó, nào là tiền điện thoại nè, tiền nước, rồi tiền trả góp cho cái xe Camry em mới mua. Một mình anh đi làm, anh lo mà thanh toán hết đống giấy nợ đó đi. Ngồi đó mà ca với hát…

— Giời ạ! Đến là khó tính. Vậy thôi, để anh ngồi khóc. Hay em muốn anh gọi vào hãng năn nỉ, “Xếp ơi, thôi đừng lay off vợ tôi nữa” nhé.

Chồng tiếp tục gây chiến,

— …Bởi cô ấy là một người phụ nữ Việt Nam đảm đang, cả đời cần cù lo toan, bận rộn tính toán cho gia đình, cho chồng, và cho con”.

Vợ gay gắt,

— Không lo toan, không tính toán thì lấy gì mà ăn? Ai giống như anh đó, mới đặt mình xuống là há to miệng ngáy sập nhà sập cửa.

— Ố ồ, nè, đừng có mà nói điêu nhé. Không phải chỉ có mình tôi đâu nhé…

Vợ dáng điệu mệt nhọc, không buồn đôi co. Đi tới tủ lạnh, vợ mở cửa, rót đầy ly nước cam, rồi ngồi xuống trước mắt chồng,

— Mình ơi! Thôi, nói chuyện đàng hoàng đi. Em buồn quá à. Hôm nay trên đường lái xe về nhà, em suy nghĩ hoài, em thấy làm sao đó. Tụi mình lấy nhau hơn năm năm rồi. Nhưng em thấy chẳng tên nào làm ăn khấm khá cho ra hồn cả. Nhà thì mới mua. Xe thì mới trả góp. Tiền gửi nhà trẻ cho thằng Bòn với con bé Bon tháng tháng không thôi cũng đủ sập tiệm rồi. Chán thì thôi! Em thấy Chúa cho em có tí ti à, được có mỗi một nén bạc mà thôi. Mấy người khác, em thấy Chúa cho họ, người hai nén, người được năm nén. Anh thấy cô Thanh không?

— Thanh? Thanh nào nhỉ?

Vợ liếc xéo chồng, ánh mắt sắc hơn dao bổ cau,

— Thanh, thì cô Thanh dậy trong Ban Giáo Lý đó chứ còn Thanh nào nữa? Thiên Thanh của một thời làm ai si mê đó.

Chồng phá ra cười,

— Vậy à? Thế mà tớ lại chẳng biết chi cả.

Vợ cau mặt,

— Thôi đi! Đừng có làm mặt giả nai!

Vợ uống một ngụm nước cam, nuốt xuống cần cổ,

— Cô Thanh giờ này bán bảo hiểm. Mua được mấy cái nhà rồi. Một cái trên núi, sáu phòng ngủ, ba phòng tắm, hai cái garage, có hồ bơi. Căn nhà trên núi, hai vợ chồng ở. Còn mấy căn khác, hình như là hai căn thì phải, hai cái nhà đó, cô Thanh cho người ta mướn. Tháng tháng từ trên núi, cô ấy ngồi đếm tiền cho mướn nhà thôi cũng đủ mỏi tay rồi. Còn chị Hương, cô bạn học của anh đó, kỳ này em nghe nói chị ấy được thăng chức Kỹ Sư trưởng trong hãng Apples. Em thấy chị Hương bay sang Âu Châu, Nhật, Đài Loan, Singapore công tác ào ào. Mà anh biết chi không? Chị Hương đâu thèm nấu ăn, nhưng mướn người nấu cơm, trông con, coi nhà cửa. Cuối tuần hai vợ chồng bay sang Hawaii đi tắm biển Waikiki. Hứng nữa, họ bay sang New York, khu Manhattan, khu Times Square ăn beefsteak, đi shopping. Em nghĩ cô Thanh được Chúa cho hai nén bạc chẵn chòi. Còn chị Hương, Chúa cho chị ấy đứt năm nén. Còn riêng em, Chúa quẳng thí cho mỗi một nén bạc à!

Vợ cúi mặt xuống không nói chi nữa, nhưng nhìn ly nước cam còn một nửa. Nghe vợ than thở, chồng khựng lại một giây, rồi nhìn vợ, tay gỡ gỡ cái cà-vạt màu nâu,

— Em được tới một nén bạc lận ư! Vậy là giàu rồi. Còn than thở gì nữa! Còn anh, em biết Chúa cho anh được mấy nén bạc hay không?

Vợ đáp ngay,

— Anh? Anh cũng giống em. Chỉ được có mỗi một nén à. Hai đứa góp gạo thổi chung, nhưng cơm nhão hoài. Hèn chi nghèo mạt rệp!

— Được một nén đã tốt. Anh, anh nghèo rớt mùng tơi!

Vợ ngước lên nhìn chồng, ánh mắt nghi ngờ, tia nhìn tìm kiếm. Chồng nhún vai, giơ cao hai ngón tay,

— Chúa cho em tới những một nén bạc lận. Vậy là giàu rồi. Còn anh, anh chỉ có vỏn vẹn hai xu của bà góa mà thôi... Nhưng tối tối anh vẫn đọc kinh, cám ơn Chúa đã cho anh hai xu...

Chồng dừng lại, mở miệng nghêu ngao hát,

Lạy Chúa, con chỉ là tạo vật. Chúa thật (í a) sang giàu. Có gì mà dâng Chúa đâu. Có gì mà dâng Chúa đâu....

Vợ ngước lên nhìn chồng, những thớ thịt căng thẳng trên khuôn mặt phấn hồng dịu xuống,

— Giỏi dữ đa! Sao hồi đó không đi tu đi? Bây giờ làm cha giảng trong nhà thờ cho con chiên lạc đàn này nghe.

— Thì bây giờ cũng đang làm cha vậy thôi.

— Đúng rồi, cha nội thì có!

— Cũng chẳng sao, tôi mà là cha nội, thì nè, “bà nội” ơi, nhìn kỹ đi. Ngoại trừ hai xu, “cha nội” không có trong tay một nén bạc nào hết. Nada! Nothing! Trống rỗng! Nhưng tạ ơn Chúa, với hai đồng xu này, tôi đi học, ra trường, làm Kỹ sư, cưới được cô vợ xinh như tiên, mua được căn nhà, mua được cái xe Camry cho “bà nội” lái đi làm, cho “cha nội” có thằng Bòn có con bé Bon. Thế là dư thừa hạnh phúc rồi!

Những nếp nhăn trên vầng trán của vợ tự nhiên chùng xuống phẳng lỳ,

— Đến là khéo nói. Mồm miệng dẻo quẹo. Hèn chi cô giảng viên Giáo lý Thiên Thanh mê chồng tôi như điếu đổ. Còn chị Kim Hương thì sao nhỉ? Em chưa có dịp nghe qua đó nghen.

— Thế à! Có vụ đó hay sao? Sao tôi lại không biết chi nhỉ?

Cầm ly nước cam lên tay, vợ uống một hơi cạn sạch ly nước,

— Thôi, đừng có làm bộ ngây thơ.

Liếc nhìn đồng hồ trên tường, vợ đứng dậy,

— Anh đi đón thằng Bòn và con Bon đi. Em chuẩn bị đi nấu cơm đây.

Bước đi được mấy bước, vợ quay lại,

— Anh ơi, thứ Hai, em sẽ lên Văn Phòng Thất Nghiệp xin tiền trợ cấp vậy.

— Vợ tôi sẽ không ăn tiền thất nghiệp lâu đâu. Lanh lợi như vợ tôi, kiếm đâu chẳng ra việc.

Vợ đi thẳng một mạch lên lầu, miệng nói vọng lại,

— Hết tiền lẻ rồi nhé. Đừng có nịnh.

Lời Chúa
Ðức Giêsu ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Ðền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng bạc Rôma. Ðức Giêsu liền gọi các môn đệ lại và nói: "Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người điều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để sống" (Mark 12:41-44).

Lời Nguyện
Lạy Chúa, xin cho con biết thôi, không nhìn vào những nén bạc của người khác, nhưng tiếp tục hân hoan với "hai xu bà góa" Chúa đã ban cho con. Xin dậy con biết sử dụng hai xu con được Thiên Chúa trao tặng vào những phúc lợi cho xã hội, cho gia đình, và cho chính tâm hồn của con.

www.nguyentrungtay.com
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:49 05/11/2009
CHÚC TỤNG DANH ĐỨC CHÚA

N2T


Trong một thôn nhỏ nọ, trú ngụ một công nhân dệt, anh ta rất thành kính, ngày ngày đều đọc chúc tụng danh Đức Chúa, người trong thôn rất tín nhiệm anh ta. Sau khi dệt thành vải thì anh ta mang ra chợ để bán, khi khách hàng hỏi giá cả bao nhiêu thì anh ta nói:

- “Theo thánh ý của Chúa thì một mét là ba mươi lăm đồng; công giá là muời đồng; lợi nhuận –theo thánh ý Chúa- là bốn đồng, do đó một mét vải là bốn mươi chín đồng.” Dân trong thôn rất là tin tưởng anh ta, từ đó về sau không trả giá nữa, cứ theo giá bán mà mua vải.

Người dệt vải mỗi tối đều đi đến giáo đường trong thôn để cầu nguyện, tán tụng danh Chúa. Một đêm nọ, anh ta một mình cầu nguyện trong giáo đường thì có một đám ăn trộm đến, đám người này đang cần người giúp khuân vác đồ ăn trộm, thế là kêu anh ta đi theo họ. Anh ta tùng phục đem đồ vật đội trên đầu và đi theo họ.

Cảnh sát đã nhanh chân đuổi đến nơi, bọn trộm đều vắt giò mà chạy, anh thợ dệt là người đã có tuổi đương nhiên chạy không kịp. Khi cảnh sát đuổi theo anh ta thì bắt được người và tang vật, thế là giam anh ta vào tù.

Ngày hôm sau bắt đầu xử tội, pháp quan hỏi anh ta có gì nói không, anh ta bèn trả lời như thế này:

- “Thưa quan tòa, theo thánh ý của Chúa, hôm qua tôi ăn tối xong, lại tuân theo thánh ý Chúa đi đến giáo đường cầu nguyện tán tụng danh Chúa. Sau đó đột nhiên tuân theo thánh ý Chúa một đám ăn cướp xông vào giáo đường, lại tuân theo thánh ý Chúa, chúng nó bắt tôi vác đồ đi theo chúng nó, vâng theo thánh ý Chúa cảnh sát đuổi đến, sau đó tôi bị bắt như thế này đây, lại còn nhốt trong ngục tù. Sáng hôm nay lại tuân theo thánh ý Chúa, tôi đứng trước mặt tòa án.”

Pháp quan nói với cảnh sát: “Thả anh ta ra, tôi coi người này có chút bệnh loạn thần kinh.”

Về đến nhà có người hỏi anh ta chuyện gì xảy ra. Anh thợ dệt thành thật nói:

- “Chúc tụng danh Chúa tôi bị bắt tới nơi pháp đình bị xử án, sau đó vâng mệnh danh Chúa tôi lại được tòa phán là vô tội.”

(Bài ca của loài ếch)

Suy tư:

Cũng có những lúc người đời cho chúng ta –người Ki-tô hữu- bị loạn thần kinh, như vua Hê-rô-đe đã khinh dễ chế giễu Chúa Giê-su (Lc 23, 11) bởi vì chúng ta nhân danh Đức Chúa để phục vụ tha nhân, làm việc bác ái và nhân danh Đức Chúa để chịu những án bất công...

Cũng có những lúc người đời chê cười chúng ta –người Ki-tô hữu- là những kẻ dại dột, vì chúng ta luôn cam chịu thiệt thòi vì đức ái, vì tinh thần yêu thương của Phúc Âm...

Có những lúc người đời vu oan giá họa cho chúng ta, vì chúng ta vâng mệnh danh Đức Chúa để tìm kiếm sự công bằng, bác ái và yêu thương cho tha nhân, cho mọi người.

Vâng mệnh danh Đức Chúa là việc phải làm không những của người Ki-tô hữu, mà còn là của tất cả những ai có tâm hồn ngay thẳng và lương tâm chân chính.

---------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:50 05/11/2009
N2T


2. Phàm nơi nào có kiên nhẫn và khiêm tốn, thì ở đó không có buồn rầu, cũng không có đau khổ.

(Thánh Phan-xi-cô Năm Dấu)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:52 05/11/2009
N2T


273. Đem một cỗ bài tốt mà đánh thắng thì chẳng có gì là nổi bật, nhưng người có thể đem một cổ bài xấu mà đánh thắng, mới là đáng bái phục.

 
Tâm tình hiến dâng
LM. Anmai, CSsR
21:21 05/11/2009
(Chúa Nhật XXXII thường niên - Năm B - 1 V 17, 10-16; Dt9, 24-28; Mc 12, 38-44)

Người ta vẫn thường bé cái lầm với nhau là những người khá giả, giàu có thì dễ dâng hiến, dễ trao tặng hơn người nghèo nhưng không, thực tế hoàn toàn trái ngược. Những người nghèo, những người hơi kha khá một chút thì lại dễ biết chia sẻ, biết dâng hiến hơn những người giàu. Chuyện thực tế ấy ngày hôm nay được vẽ nên bởi hai bức tranh của hai bà goá: một bà thời Cựu Ước và một bà của thời Tân Ước. Hai bức tranh, hai hình ảnh, hai bà goá ấy nhưng tựu trung chỉ có một đó là tâm tình dâng hiến của một con người nghèo, một con người mà thường thì bị xã hội xếp vào hàng thứ yếu.

Bà goá ở cái thành Xarepta ngày xưa thật là hay. Có sao nói vậy, bà đã nói với “kẻ xin ăn” là Êlia rằng bà chỉ còn có một nắm bột trong hũ và một chút dầu trong vò. Dầu và bột đó có chăng chỉ đủ cho một bữa cho hai mẹ con thôi. Bi đát nhất cái câu của bà là “chúng tôi sẽ ăn rồi sẽ chết”. Quá bi đát bởi vì thời đó đang bị hạn hán, chẳng có gì mà ăn hết. Mẹ goá con côi chỉ có chút bột, chút dầu ấy vậy mà một chàng thanh niên đến để xin ăn. Sức khoẻ của chàng thanh niên ấy mà ăn mớ bột và dầu được làm thành bánh thì chắc hai mẹ con chẳng còn gì để mà ăn nữa.

Sau khi nghe lời trần tình của chàng thanh niên, bà goá đã chia sẻ bánh cho chàng thanh niên và rồi hũ bột không vơi và bình dầu không cạn như lời Chúa đã phán qua miệng ngôn sứ Êlia.

Với trang Tin mừng theo Thánh Maccô hôm nay thật là hay. Nơi trình thuật này, Maccô đã khéo léo vẽ lên một hình ảnh đẹp của bà goá nghèo ở đền thờ.

Trình thuật nhỏ này cũng được ghi lại nơi Luca 21,1-4, song không thấy nơi Matthêu. Điều này cũng dễ hiểu, vì đối với Thánh Matthêu, những cuộc tranh luận của Chúa Giêsu về phe ký lục giữ một tầm vóc quan trọng. Nên chi, thánh ký bỏ đi câu chuyện về bà goá nghèo này. Đang khi đó, Tin Mừng Luca lưu ý nhiều đến góc cạnh xã hội. Như vậy, câu chuyện này sẽ luôn là một thứ chủ đề hấp dẫn.

Trở lại với Maccô, câu chuyện hấp dẫn này được phác hoạ như một hình ảnh đối chọi lại với cuộc sống ích kỷ và giả tạo của ký lục mà Chúa Giêsu vừa phác họa.

Xét về nguồn tài liệu, câu chuyện đại loại như thế khá quen thuộc trong truyền thống Do Thái và cả thế giới ngoại giáo. Khiến chúng ta nhớ lại câu chăm ngôn quen thuộc mà các bậc khôn ngoan thởi đó ưa sử dụng: “Hai con chim câu được hiến dâng bởi một kẻ nghèo khó có giá trị hơn 1.000 hy lễ của vua Agrippa”

Có một câu chuyện rất phù hợp với bản văn Maccô như sau: ngày kia có một người đàn bà nghèo đến dâng một nắm bột bé nhỏ. Vị tư tế nhận lễ vật với thái độ khinh bỉ và sau đó ông ta đã ném đi. Ban đêm trong giấc ngủ, ông nghe có tiếng quở trách: “Đừng khinh bỉ bà ta. Đó dường thể bà ấy đã dâng hiến cả cuộc sống mình”.

Ngồi đối diện với hòm tiền. Người xin dân chúng bỏ tiền vào hòm tiền như thế nào. Lắm người giàu có bõ nhiều. Bà góa nghèo khó nọ cũng đến và bỏ vào hai trinh, tức một xu (c. 41-42).

Hòm tiền: Hồi đó ở khu tiền đường phụ nữ, người ta xây một “phòng Hòm tiền” gồm 13 hộc, như thể thứ hộc bỏ thư ở bưu điện. Đây là nơi dành cho việc dâng cúng của các tín hữu Do Thái.

Cũng theo thông lệ thời đó, các khách hành hương Đền thờ sẽ không tự ý bỏ vào đó tiền bạc hay lễ vật. Họ trao của dâng cúng cho vị tư tế phụ trách và vị tư tế này sẽ đặt lễ dâng vào một trong các hòm tiền, tùy theo ý lễ.

Bởi thế, Chúa Giêsu có thể ngồi đó và quan sát được số tiền hay lễ vật dâng cúng. Người thấy bà góa nghèo đến bỏ vào hai trinh, tức một xu (c. 42).

Hai trinh, tức một xu.

Thời đó 1 lepton là đồng tiền nhỏ nhất được lưu hành. Nó bằng ½ kodrantes.

Hạn từ kodrantes dịch từ La ngữ quadrans. Như vậy 2 lepta khoảng 1 quadrantes. Lương công nhật của người thợ trung bình là 64 quadrans tức là 128 lepta.

Như vậy, hai trinh của bà góa là một số tiền quá ít oi bé nhỏ.

Người gọi môn đệ lại mà nói: Quả thật, Ta bảo các ngươi, bà góa nghèo khó ấy đã bỏ vào nhiều hơn hết thảy. Vì mọi người đều lấy của dư bỏ vào, còn bà ấy lấy túng thiếu mà bỏ vào mọi sự mình có, tất cả của độ thân (c. 43-44)

Hơn… hết thảy Người phụ nữ góa và nghèo này được Chúa Giêsu đánh giá cao nhất: Bà đã dâng cúng hơn mọi người khác, đang khi mà nếu xét theo cái nhìn của người đời, thì 2 trinh của bà là ít nhất. Vì chưng, bà đã “lấy túng thiếu mà bỏ vào mọi sự mình có”; Bà dã dâng hiến tất cả của độ thân.

Lồng kết vào trong nhãn quan thần học Maccô, sự dâng hiến đó của người góa phụ là biểu tượng của một thứ lòng đạo hạnh đích thực, khác hẳn với phe ký lục và các thành phần Do Thái tự mãn khác. Vì bởi, sự đạo đức đúng nghĩa là một sự phó thác toàn vẹn cho Thiên Chúa, một thái độ mà qua đó người ta để cho Thiên Chú hoàn toàn thu xếp, không giữ lại sự tính toán nào.

Y hệt như hình ảnh người phụ nữ lấy ngay cả sự túng thiếu của mình mà hiến dâng.

Cách diễn tả đó gợi nhắc đến giới luật trọng nhất mà Chúa Giêsu nêu lên ở trước: yêu Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực. Và yêu đồng loại như chính mình (Mc 12,29-31).

Trong truyền thống Do Thái, thành ngữ hết sức lực ám chỉ tới mọi nguồn lợi vật chất mà kẻ ấy có.

Bà góa chỉ có 2 lepton. Nếu bà muốn giữ lại 1 lepton chẳng hạn, chẳng ai trách cứ gì bà. Song le, bà đã cho đi tất cả, cho đi chính mình. Một con người như thế ắt sẽ dễ dàng nhìn thấy khổ đau và thiều thốn của đồng loại và cũng sẽ yêu thương đồng loại như chính mình.

Đến đây, chúng ta có thể hiểu rằng: bà góa còn là một thứ biểu tượng của kẻ dám hiến dâng tất cả, dám hy sinh cả mạng sống cho Thiên Chúa cho đồng loại.

Trong bối cảnh kết thúc sứ vụ rao giảng của Chúa Giêsu với viễn tượng tử nạn cận kề, hình ảnh của bà góa phải chăng là sự gợi nhắc trước đến sự hiến dâng mạng sống của Người cho Thiên Chúa ngõ hầu cứu độ nhân loại.

Trong đời sống thường ngày, Thiên Chúa luôn luôn mời gọi con người biết cho đi, biết trao tặng và cũng phải nói rằng có quá nhiều quá nhiều cơ hội để cho đi, để trao tặng. Khi cuộc sống đầy đủ, dư giả mà trao tặng ắt hẳn sẽ không có ý nghĩa cho bằng khi cuộc sống vẫn còn đó trong cái cảnh thiếu trước hụt sau.

Một anh chàng nghèo, vợ mới sinh con đầu lòng được vài tháng cầm 200.000 đồng vào biếu cha để phụ Cha sửa chữa trường cho các em khuyết tật trong giáo điểm của anh. Ngày hôm nay, 200.000 ấy chẳng thấm là bao so với công trình sửa chữa nhưng tấm lòng của anh chàng ấy quá lớn. Chàng thanh niên ấy sống đắp đổi qua ngày với cái nghề buôn bán quần áo sida. Vì hoàn cảnh sinh nhai, chàng thanh niên phải lội ngược lội xuôi về Sài Gòn mua quần áo rồi chạy mãi ra các khu công nghiệp như Nhơn Trạch, Bình Dương để bán. Do đi lại như vậy chàng ít có thời gian ở nhà nhưng ngày nào có ở nhà là ngày ấy chàng đi dự lễ.

Hôm ấy, chàng về đúng cái ngày mà cha đang sửa nhà cho các em khuyết tật, thế là chàng ghé nhỏ vào tai cha: Cha cho vợ chồng con phụ với cha một ít để cha lo cho các em !

Không nỡ cầm 200.000 của chàng thanh niên nghèo nên đã từ chối nhưng không thể nào từ chối được trước cái lòng thành của anh.

Hình ảnh của anh chàng bán quần áo si-da phải chăng là hình ảnh của bà goá nghèo hôm nay trong Tin mừng ? Anh chàng đã cho số tiền thật sự chẳng là bao so với xã hội bây giờ nhưng anh cho với hết cả tấm lòng của anh.

Trong cuộc sống đời thường, có thể nói tâm tình hiến dâng là một tâm tình hết sức là đẹp. Chưa nói đến chuyện dâng hiến cho Chúa mà chỉ cần nói đến chuyện dâng hiến cho nhau. Vợ có dám dâng hiến tất cả những gì mình có cho chồng cho con hay không ? Chồng có dám dâng hiến tất cả những gì mình có cho vợ cho con hay không ? Con cái có dám dâng hết tất cả những gì mình có cho cha mẹ không ?

Khi nói đến dâng hiến, người ta sẽ bảo là người ta đâu có gì để mà dâng hiến để biện luận, để bào chữa cho thái độ ích kỷ của người ta. Có đấy chứ nhưng không chịu dâng hiến đấy thôi. Chẳng lẽ ai trong chúng ta không có sức khoẻ, không có thời gian và không có tiền bạc. Chúng ta có cả một cái quỹ về thời gian, về sức khoẻ, về tiền bạc nhưng chúng ta cứ khư khư giữ cho mình mà chúng ta không dám mở lòng ra để mà dâng hiến, để mà chia sẻ đấy thôi.

Gọi là không có cũng được nhưng chẳng lẽ chúng ta không có tấm lòng ? Chúng ta cứ dâng hiến, chúng ta cứ cho đi tấm lòng của chúng ta cho những người sống chung quanh chúng ta. Mỗi khi chúng ta dốc hết “hầu bao” để dâng hiến cho anh chị em đồng loại chính là lúc chúng ta dâng hiến cho Chúa vậy. Chúng ta cứ quảng đại mở lòng ra dâng hiến cho Chúa như hai bà goá hôm nay trong bài đọc cũng như trong Tin mừng, chúng ta sẽ được Thiên Chúa sẽ ghi nhận cũng như sẽ ban những ơn lành cần thiết cho mỗi người chúng ta.

Nguyện xin Chúa là Cha giàu lòng từ bi nhân ái đến và ở lại với mỗi người chúng ta, mở lòng chúng ta ra để chúng ta cũng biết quảng đại để dâng hiến, để trao dâng tất cả những gì mình có cho Chúa như bà goá ngày hôm nay trong Tin mừng vậy.
 
Đạo đức giả và quảng đại thật
LM. PX Vũ Phan Long, ofm
21:44 05/11/2009
(Chúa Nhật XXXII thường niên - năm B - Mc 12,38-44)

1.- Ngữ cảnh

Giáo huấn của Đức Giêsu và lời nhắc đến các kinh sư đi với nhau, khiến chúng ta nhớ đến đoạn văn trước (Mc 12,35). Bản văn này là như bức tranh bộ đôi trong đó nổi rõ những nét tương phản. Các kinh sư khoe khoang và đạo đức giả bị chỉ trích trong đoạn văn này là hình ảnh ngược lại với hình ảnh người môn đệ của Đức Giêsu.

2.- Bố cục

Bản văn có thể chia thành hai phần:

1) Lối sống đạo đức giả của các kinh sư (12,38-40);

2) Câu truyện bà goá nghèo (12,41-44).

Hai phần này được liên kết với nhau bằng từ móc nối “bà góa” (cc. 40.42).

3.- Vài điểm chú giải

- Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa … thích … (38): Các lời cáo buộc của Đức Giêsu được nêu theo một mức độ trầm trọng tiệm tiến: xúng xính trong áo thụng, thích được chào và thích ghế danh dự. “Áo thụng” (Hl. stolê) là áo choàng các kinh sư thường mặc để cư xử trong một số trường hợp. Mt 23,5 trách là họ đã nối dài tua áo. Thật ra chính bộ áo cũng đã “thụng”, khi đi thì kéo lê sát đất. Cũng có thể đây là cử chỉ quấn mình vào trong áo khi cầu nguyện, khi tuyên một bản án hoặc khi giải gỡ các lời khấn. Dù thế nào, đây cũng là một lối khoe khoang áo xống, nhằm được tôn kính. “Ưa được chào hỏi” tại các nơi công cộng cũng là một tật xấu, cùng với tật “ưa chiếm chỗ danh dự” trong các hội đường hay các đám tiệc. Chỗ nhất trong hội đường là vị trí ở trước hòm chứa tôrah, chỗ này được dành cho những nhân vật cao trọng và các quan chức. Chỗ danh dự trong bữa tiệc là chỗ bên cạnh chủ nhà hoặc người khách đặc biệt.

- Họ nuốt hết tài sản của các bà goá (41): Bản văn Hy-lạp viết là “nuốt trửng các nhà”. Vào thời ấy, các kinh sư có thể được nhờ cậy quản lý giúp số tài sản nhỏ nhoi của các bà goá. Nhờ đó, họ có thể trục lợi. Cũng có thể là họ tư vấn về pháp luật cho các bà góa rồi đòi một thù lao cắt cổ. Dưới mắt một số chuyên pháp lý và các ngôn sứ Cựu Ước, bóc lột bà goá, người ít được luật bảo vệ nhất (vì: 1) là phụ nữ; 2) đại diện cho tình trạng nghèo túng), là một tội đặc biệt đáng ghét (Xh 22,21tt; Đnl 27,19; Is 1,7.23; 10,2; Gr 7,6; 22,3; Tv 93/94,6), còn nâng đỡ cô nhi quả phụ theo gương Thiên Chúa (Đnl 10,18t; 24,17-22; 26,12t; G 29,13; 31,16) là một việc lành được kể ở hàng đầu.

- làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ: x. Mt 6,5. Đức Giêsu không kết án việc cầu nguyện lâu giờ, nhưng kết án việc cầu nguyện để cho người ta thấy. Các kinh sư đã làm hỏng hành vi tôn giáo là cầu nguyện khi nối kết nó với thái độ khoe khoang kệch cỡm của họ.

- thùng tiền (41): Từ Hy-lạp gazophylakion (do từ ngữ Ba-tư gaza = kho tàng). Đây có thể là phòng tàng trữ của cải ở bên trong khuôn viên Đền Thờ; khuôn viên này, chỉ người Do-thái mới được vào. Trong căn phòng này, có đặt mười ba hòm đựng của dâng cúng. Theo 2 Mcb 36, vào thời vua Sêlêukhô IV, phòng này đầy ứ những của cải. Theo Phl. Gioxép (Chiến tranh Do-thái 6,282), vào năm 70 sau CG, khi Đền Thờ bị thiêu hủy, phòng này đã bị thiêu rụi cùng với vàng bạc châu báu, xiêm y, tiền bạc.

- Người quan sát xem (41): Đức Giêsu ngồi đó như một khán giả xem (etheôrei) cảnh sinh hoạt. Thật ra lối mô tả của Mc không rõ ràng: Trong khi Đức Giêsu ngồi đối diện với phòng tàng trữ của cải (gazophylakion), dân chúng ném tiền vào trong các hòm của dâng cúng (gazophylakion); mà dường như người ta không được phép ngồi ở đây, nhất là lại ngồi để xem như xem trình diễn!

- đám đông bỏ tiền: “Tiền” đây dịch từ Hy-lạp chalcos, “tiền đồng”, nhưng ở đây có nghĩa là “tiền bạc” nói chung.

- một bà goá nghèo (42): Tác giả dùng từ chỉ số lượng mia (one) thay vì dùng tis (a certain), nhưng đấy là lối viết thông thường thời đó. Tuy vậy, hẳn là ngài cũng muốn lưu ý đến một sự cố đặc biệt (“một bà goá nghèo đến bỏ vào đó…”).

- hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng bạc: Hai đồng tiền kẽm”, lepta (số đơn: lepton), bằng một kodrantês; một kodrantês bằng 1/4 as hoặc assarion; một assarion bằng 1/6 quan (một quan, denarius, là lương công nhật một người thợ).

- Mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa …, bà này thì rút từ cái túng thiếu … (44): Ở đây không có một bài học luân lý nào được minh nhiên rút ra. Nhưng vì đã quen với giáo huấn của Thầy, hẳn các môn đệ Đức Giêsu có thể rút ra được nhiều bài học như: đừng phê phán ngưòi ta dựa vào dáng vẻ bề ngoài (x. Mc 12,40; Mt 23,27); những người quảng đại nhất cũng như những người đạo đức nhất không nhất thiết là những người đã tỏ ra như thế; chỉ một mình Thiên Chúa thấy trong nơi bí ẩn (x. Mt 6,4.6.18) và biết các cõi lòng (Lc 16,15; x. Cv 1,24; 15,8)…

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Lối sống đạo đức giả của các kinh sư (38-40)

Giáo huấn của Đức Giêsu được chia thành một lời khuyến cáo mở đầu (c. 38b), một lời mô tả các kinh sư (cc. 38c-40b), và một lời kết đe dọa phán xét (c. 40c). Các kinh sư là những người “chuyên về các lời diễn tả mệnh lệnh và các thánh chỉ của Đức Chúa liên quan đến Ít-ra-en” (Er 7,11); họ được coi là có tư cách để giải thích Lề luật của Thiên Chúa và phán đoán nhưng ai không tuân giữ Lề luật. Với lời chỉ trích đầu tiên, Đức Giêsu nhắm đến sự khoe khoang của họ. Họ phô trương phẩm giá của họ bằng cách mặc những áo dài đại lễ và yêu cầu được người ta cung kính chào tại các quảng trường: không chỉ là một lời chào đơn giản như shalôm, mà còn phải cúi mình trước họ và hôn tay họ chẳng hạn. Họ muốn có những chỗ danh dự trong các cử hành tôn giáo và tại bữa tiệc. Đau xót hơn, đó là lời chỉ trích thứ hai liên hệ đến sự tham lam của các kinh sư. Lối sống của họ càng đáng trách hơn nữa khi họ nối kết hành vi bóc lột với việc cầu nguyện lâu dài và giả hình.

Họ sẽ bị kết án nghiêm khắc tại cuộc xử án cánh chung, tức là mất ân ban sự sống đời đời (x. Mc 10,30).

* Câu truyện bà goá nghèo (41-44)

Khung cảnh Đền Thờ, phòng tàng trữ của cải, cùng với những người giàu dâng cúng thật nhiều tiền, càng làm nổi bật sự nhỏ bé, bần khốn của bà góa, một con người không được luật lệ quan tâm bảo vệ. Nhưng Đức Giêsu thấy được tấm lòng của bà. Lời giáo huấn Ngài ban cho các môn đệ bắt đầu bằng câu “Thầy bảo thật (amên) anh em” cho thấy rằng Đức Giêsu ở trong thế có thể thật sự lượng định giá trị của lối xử sự của loài người. Không phải là nguyên sự tự do thanh thoát đối với của cải đã đưa lại giá trị cho hành vi dâng cúng, nhưng là tình yêu đối với Thiên Chúa được diễn tả qua hành vi đó.

+ Kết luận

Đấng “dò thấu lòng dạ” (Xh 2,23; x. Tv 7,10; 17,10), và không bị đánh lừa bởi những dáng vẻ bề ngoài, mời gọi các môn đệ đừng để bị lừa bởi một bộ mặt đạo đức che đậy sự khoe khoang, tham lam và đạo đức giả, hoặc bởi vẻ không đáng kể của những hành vi bác ái do những người nghèo và những người thất học thực hiện. Mỗi người được mời gọi ý thức về sự mỏng dòn của mình mà cậy dựa vào ân sủng của Thiên Chúa, và học biết trân trọng thiện chí của kẻ khác.

Đức Giêsu đã giới thiệu một bà góa nghèo làm gương cho các môn đệ về sự trung thực trước nhan Thiên Chúa. Hơn nữa, không như người thanh niên giàu có đã tuân giữ các giới răn, nhưng không đủ can đảm từ bỏ của cải (Mc 10,22), bà góa này “đã bỏ vào đó tất cả tài sản” (12,44). Bà đã thực hiện được một điều kiện cần và đủ để trở thành môn đệ.

5.- Gợi ý suy niệm

1. Lời lẽ Đức Giêsu phê phán các kinh sư có thể có phần phóng đại. Tuy thế, những người đang có trách nhiệm phục vụ dân Chúa ở các cấp vẫn cảm thấy được mời gọi đánh giá lại phong cách, lời ăn tiếng nói của mình, cũng như ý hướng của mình khi làm các công việc phục vụ. Đức Giêsu không “dị ứng” đối với mọi “áo xống”, nhưng Người không chấp nhận những thứ “đồng phục” để khoe khoang, gây chia rẽ người với người và thiết lập một hệ thống giai cấp.

2. Sự lừa dối đã là đáng trách, nhưng càng đáng trách hơn nữa hành vi lừa dối bằng cách vận dụng những yếu tố liên hệ đến sự thánh thiện (như đọc kinh cầu nguyện, thánh lễ, viếng nhà thờ…) để che giấu một thực trạng tiêu cực. Các kinh sư tự hào là mình đạo đức và thánh thiện để thuyết phục dân chúng hiểu rằng Thiên Chúa ở với họ. Phê phán họ, chống đối họ, từ chối kính trọng họ là xúc phạm đến chính Thiên Chúa!

3. Trước nhan Thiên Chúa, điều quan trọng không phải là của dâng cúng to lớn, nhưng là tâm tình trung thực khi dâng cúng. “Của cho không bằng cách cho”! Cách Đức Giêsu nhận định về hành vi của bà góa mời gọi các Kitô hữu đừng đánh giá con người theo bề ngoài. Thế nhưng đây lại là một điểm yếu rất dễ mắc phải: ta có thiện cảm hơn với người biếu tặng cho ta nhiều hơn, chẳng hạn …

4. Vì ý thức rằng người nghèo được Thiên Chúa kính trọng, cộng đoàn Kitô hữu không những cần nghiền ngẫm tấm gương của bà góa, không những âm thầm kín đáo làm các hành vi đạo đức, mà còn sẵn sàng giúp đỡ những người đang sống cảnh cô độc neo đơn. Một Kitô hữu chân chính thì quảng đại chia sẻ với kẻ khác “tất cả” những gì mình có. Không ai trong chúng ta nghèo đến nỗi không có gì để chia sẻ.
 
Hai bà goá
LM. Guise Nguyễn Hữu An
22:10 05/11/2009
(Chúa Nhật XXXII thường niên - Năm B - 1V 17, 10-16; Dt 9, 24-28; Mc 12, 38-44)

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đề cao hai bà goá. Một bà trong bài Tin Mừng một bà trong bài Sách Các Vua. Chúa Giêsu gặp bà góa trong sân Đền Thờ Giêrusalem. Tiên tri Êlia gặp bà góa ở xứ Serepta. Một bà đã dâng vào thùng tiền Đền thờ hai đồng kẽm và một bà đã cho tiên tri Êlia một chiếc bánh nhỏ.

Thời ngôn sứ Êlia, khi Thiên Chúa làm hạn hán trên đất nước Do Thái để phạt vua tôi của nước này, ngôn sứ Êlia được lệnh Chúa tạm lánh sang xứ Sarepta. Ở đó ngôn sứ đã gặp một phụ nữ đầy lòng tin cậy vào lời hứa của Chúa. Bà đã dâng chút bột và dầu ít ỏi làm bánh nuôi ngôn sứ. Lương thực còn lại để nuôi sống gia đình, bà đã giúp Êlia. Chúa đã trả công bội hậu cho bà và đứa con trai duy nhất thoát cảnh đói khổ. Một bà góa thời Chúa Giêsu. Gầy gò bé nhỏ, ăn mặc rất đơn sơ. Nghèo nàn nhưng bà đem tất cả số tiền mình có, hai đồng tiền kẽm là những gì bà có để nuôi sống mình. Bà dâng vào đền thờ giữa đám đông nhiều người bỏ nhiều tiền vào hòm tiền. Chúa đã khen bà là bỏ nhiều, dâng cúng nhiều hơn những người giàu khác.

Hai bà góa có một đặc điểm giống nhau. Đó là họ đã dâng cả những gì cần thiết nhất cho cuộc sống của mình và gia đình. Bà góa tại Sarepta dâng nắm bột chút dầu cuối cùng. Bà góa tại đền thờ dâng những đồng tiền cần thiết nhất của mình. Hai bà góa được đề cao có phải vì quà tặng mà họ đã cho không? Hiển nhiên là không. Hai đồng kẽm thì có đáng là bao. Một chiếc bánh nhỏ thì có thấm tháp gì! Thánh Kinh đề cao họ là vì quà tặng ấy tuy nhỏ mọn mà gói ghém cả tấm lòng người dâng. Đồng kẽm của bà goá bỏ vào thùng tiền Đền thờ là cả một tấm lòng của một bà già nghèo, là cả tài sản của bà. Chiếc bánh nhỏ của bà goá xứ Sarepte là cả một cuộc sống của hai mẹ con trong lúc sắp chết đói.

Của cho không bằng tấm lòng người cho. Cho của mình dư thừa thì chẳng quý gì. Cho cái mình đang cần mới là quý. Và cho cái mình vừa cần vừa tiếc mới là quý nhất.

Của cho không bằng tấm lòng người cho. Của nhiều mà lòng ít thì không quý cho bằng của ít mà lòng nhiều. Hai bà góa được đề cao là vì lòng yêu mến đối với người của Chúa và đối với nhà của Chúa. Họ được đề cao nhờ lòng yêu mến Chúa. Chính lòng yêu mến đã làm cho những hành động của hai bà góa có được một giá trị to lớn trước mặt Chúa. Và chính Chúa đã lên tiếng ca ngợi các bà. Chúa khen bà góa đã cho nhiều hơn tất cả những người khác đã bỏ tiền vào thùng hôm đó. Vì những người kia đã cho cái mà họ dư thừa, còn bà goá này cho tất cả tài sản của bà.

Biết bao người giàu có quý phái sang trọng bỏ tiền vào đền thờ, nhưng Chúa chẳng khen. Chúa chỉ khen bà góa và cho rằng bà này bỏ nhiều hơn những người khác “Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để sống”. Bà goá bỏ tiền ít hơn mọi người, nhưng dưới mắt Chúa Giêsu, bà đã bỏ nhiều hơn cả, vì bà đã bỏ tất cả. Chúa đánh giá không dựa theo khối lượng nhưng dựa theo chất lượng. Chúa không nhìn bề ngoài nhưng nhìn vào tấm lòng.

Lối đánh giá của Chúa Giêsu đòi ta xét lại lối đánh giá của mình về người khác. Có khi chúng ta ca ngợi một người chỉ vì người ấy đã có những đóng góp lớn lao, đã đem lại những kết quả cụ thể, rõ ràng. Có khi chúng ta chê một người vì người đó kém cỏi, thiếu năng lực. Tiếng khen chê của ta thường dựa trên hiệu quả bề ngoài, và ít đụng đến phần nội tâm sâu thẳm. Lối đánh giá của Chúa Giêsu cũng đòi ta xét lại lối đánh giá của mình về chính mình.Tôi xao xuyến khi bị chê, tự mãn khi được khen. Tôi quá trọng dư luận đến nỗi trở nên nô lệ cho dư luận. Thật ra tôi cần đánh giá mình dựa trên cái nhìn của Chúa. Chúa thấy tôi thế nào thì tôi là thế ấy. Điều quan trọng khiến tôi bận tâm đó là tôi có dâng tất cả bản thân cho Chúa không, chẳng giữ lại gì cho mình, dù chỉ một xu nhỏ. Cần rất nhiều liều lĩnh khi bỏ nốt đồng xu cuối cùng để thực sự trở nên người tín thác trọn vẹn vào Chúa. (Mana).

Việc từ thiện, việc đạo đức, nếu không có lòng yêu mến thì chỉ là phương tiện tìm danh giá và tìm lợi nhuận. Hạng người như thế ở thời đại nào và ở đâu cũng có với những cách thức khác nhau. Họ là tỷ phú hay triệu phú, họ bỏ ra một vài triệu để đóng góp vào công việc từ thiện hay xây cất những công trình công cộng với động lực chính là mua tiếng tăm.

Đối với Thiên Chúa, điều quan trọng không phải là bao nhiêu, nhiều hay ít, mà là với cả tấm lòng. Cách cho quý hơn của cho. Của cho kèm theo tấm lòng là của cho quý hóa nhất. Yêu mến thì phải cho. Nhưng của cho không bằng tấm lòng người cho. Và cho chính cái mình quý nhất mới là cái cho lớn nhất, giá trị nhất. Bà góa đã cho nhiều nhất vì đã cho cả tấm lòng. Xét về số lượng khách quan thì số tiền một phần tư xu so với năm, ba chục ngàn hoặc từng mấy trăm ngàn hay một triệu thì thật mỉa mai, thật tức cười. Nhưng với Chúa Giêsu hai đồng tiền nhỏ của người phụ nữ vô danh lại nhiều hơn hết. Điều có nghĩa là những công việc đạo đức và từ thiện, bác ái hơn nhau ở động lực và lý do hay mục đích chứ không phải ở số lượng. Giá trị của việc dâng cúng, việc bác ái không hệ tại ở số lượng của cải nhiều hay ít, có giá trị hay không, mà chính là tùy thuộc vào tấm lòng chân thành của người dâng cúng.Muốn của dâng trở thành một của dâng đích thực thì phải là của dâng do lòng hy sinh. Vấn đề không nằm ở số tiền dâng mà ở cái giá người dâng phải trả, không phải là tầm cỡ của lễ vật, nhưng là sự hy sinh.MẹTêrêsa Calcutta nói: ”Khi ta trao tặng một món quà, mà nếu là một mất mát hy sinh lớn đối với ta, thì đó mới thật là món quà”.Thiên Chúa nhận định giá trị về một con người không dựa trên những gì họ có mà dựa trên những gì họ đã cho đi. Ai không bao giờ biết cho đi mới thực sự là người nghèo khốn cùng. Chính lúc cho đi là lúc lãnh nhận. Câu chuyện “Một ly sữa” như một chứng từ minh họa cho chân lý ấy.

Trước đây, có một cậu bé nghèo bán hàng rong để kiếm tiền đi học. Một hôm cậu không có được một đồng bạc dính túi mà bụng thì đói.

Cậu quyết định sẽ đến xin ăn tại căn nhà gần đó. Tuy nhiên, khi một cô gái trong nhà ra mở cửa thì cậu ngại quá nên thay vì xin ăn, cậu xin một ly nước lã! Cô gái nhìn thấy dáng vẻ của cậu thì biết rằng cậu đang đói, nên đem cho cậu một ly sữa lớn. Cậu uống chậm rãi, rồi hỏi: “Tôi phải trả bao nhiêu tiền?” Cô gái cười nhẹ và trả lời: “Cậu chẳng phải trả gì cả. Mẹ chúng tôi dạy rằng không bao giờ nhận tiền công khi làm một hành vi tử tế!” Cậu bé nói: “Vậy thế thì…tôi hết lòng cám ơn cô.”

Khi cậu rời ngôi nhà ấy thì chẳng những cậu cảm thấy thân thể mình khỏe mạnh hơn, mà lòng tin vào Thiên Chúa và con người cũng tăng mạnh thêm lên. Cậu từng nghĩ rằng cuộc đời mình khổ cực quá nên nhiều lần có ý muốn bỏ học.

Nhiều năm sau, cô gái ấy trở thành một phụ nữ và mắc bệnh hiểm nghèo. Các bác sĩ gần như bó tay. Cuối cùng họ gửi cô đến một thành phố lớn để mong tìm những chuyên viên chữa trị căn bệnh lạ của cô. Bác sĩ Howard Kelly được mời đến để chẩn bệnh. Khi nghe nói đến tên thành phố cũ của mình, mắt ông ánh lên một cách lạ lùng. Ông đứng dậy ngay để xuống phòng khám. Trong chiếc áo trắng của bác sĩ, ông đến gặp và nhận ra cô ngay. Ông trở về phòng khám và quyết tâm chữa cứu người phụ nữ ấy cho bằng được. Kể từ ngày hôm đó, ông nghiên cứu và theo dõi kỹ tình trạng sức khoẻ của cô. Sau những ngày cam go, căn bệnh đã thua cuộc.

Bác sĩ yêu cầu phòng tài chánh chuyển hoá đơn tính tiền viện phí của cô để cho ông phê trước. Ông nhìn vào tờ hóa đơn, rồi ghi vài chữ bên lề trước khi gửi đến cho cô. Cô rất sợ phải mở tờ hóa đơn ấy ra, vì cô biết rằng cô sẽ trả món nợ ấy suốt cả đời mình. Cuối cùng, cô cũng phải nhìn xuống hoá đơn và dừng lại để ý đến hàng chữ bên lề. Cô đọc thấy: “Đã thanh toán đầy đủ bằng một ly sữa!” Ký tên: Bác sĩ Howard Kelly.

Mắt cô đẫm lệ vì vui mừng và từ trái tim ngập tràn hạnh phúc vươn lên lời nguyện cầu: “Tạ ơn Chúa! Chính Tình Yêu của Chúa đã lan truyền sang quả tim và bàn tay của con người.”

Cậu bé ngày xưa được tặng một ly sữa trong cơn đói đã trở thành Tiến Sĩ y khoa Howard Kelly, ông đã từng là một bác sĩ lỗi lạc tài ba. Năm 1895 chính ông là người sáng lập Johns Hopkins Division of Gynecologic Oncology (Phân khoa Ung Thư Phụ Sản) tại Đại Học Johns Hopkins, trường Đại Học đầu tiên của Hoa Kỳ dành cho việc nghiên cứu y khoa, được thiết lập năm 1876, tại Baltimore, Maryland.

Bạn, có bao giờ trong cơn đói bạn đã nhận được một hành vi tử tế, và bạn đã đền đáp thế nào với cuộc đời và con người đã tử tế với bạn? Hoặc bạn đã và sẽ làm gì cho một ai đó trong nỗi đói khát tinh thần hay vật chất của một người thân thương hoặc tha nhân Chúa đang gửi đến trong đời?
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Con người cần trở về với sự thinh lặng nội tâm
Linh Tiến Khải
12:39 05/11/2009
Phỏng vấn ông Eugenio Borgna, giáo sư tâm thần về sự cần thiết của sự thinh lặng trong thế giới ngày nay

Mới đây ông Eugenio Borgna, giáo sư tâm thần và là nhà văn đã cho xuất bản cuốn sách tựa đề ”Các cảm xúc bị thương”, để trình bầy về các cảm xúc của con người. Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của giáo sư về vấn đề này.

Giáo sư Eugenio Borgna sinh tại Novarra bắc Italia năm 1930 và là giáo sư dậy môn bệnh tâm thần tại dại học Milano. Giáo sư cũng nguyên là bác sĩ trưởng tâm thần tại nhà thương lớn tỉnh Novarra. Giáo sư Eugenio Borgna đã viết nhiều sách và nhiều bài khảo luận về các bệnh tâm thần, và các sách của giáo sư là loại rất được phổ biến. Như là chuyên viên về hiện tượng học, giáo sư Borgna phản đối kiểu giải thích duy tự nhiên về các bệnh tâm thần vẫn thịnh hành cho tới ngày nay, vì coi chúng là hậu qủa của sự không hoạt động của các trung tâm não bộ, do đó chủ trương chữa trị người bệnh tâm thần bằng thuốc và điện giật.

Trong số các tác phẩm của giáo sư có các sách trình bầy thảm cảnh của người trẻ, các xung khắc của sự hiểu biết, cấu trúc và việc hiểu biết sự điên loạn, các bộ mặt của sự lo âu, đối thoại trong việc trị bệnh tâm thần, ý nghĩa kinh nghiệm loạn thần kinh, sự buồn sầu, sự chờ đợi và hy vọng, vấn đề tự tử vv....

Hỏi: Thưa giáo sư tại sao các cảm xúc mà giáo sư nói tới lại bị thương tích?

Đáp: Bởi vì các cảm xúc sâu thẳm và sáng láng nhất của con người ngày nay có nguy cơ bị sự vội vã và thái độ trơ trẽn vô luân đảo lộn. Chúng làm cho con người ”mất thời giờ”, chúng không sản xuất và sinh lợi ích, chúng làm ngưng cái máy giết người cần phải thực hiện mà không dừng lại để suy nghĩ. Các cảm xúc bị thương thường là các cảm xúc của người trẻ, bị thái độ trơ trẽn vô luân đốt cháy. Nó thường đánh gục những ai muốn ra khỏi các ranh giới của tính cách lý luận, mà người lớn áp đặt cho họ một cách mặc nhiên.

Hỏi: Thưa giáo sư cần phải cho các cảm xúc nội tâm tiếng nói. Giáo sư viết rằng các lời nói có thể là các ngưỡng cửa bị hóa đá hay các xà lúp cứu sống con người. Thế thì khi nào và các lời nói nào là dụng cụ cứu rỗi?

Đáp: Mgày sống của chúng ta đầy dẫy những lời nói, nhưng chúng chỉ diễn tả những gì liên quan tới chuyện cá nhân chúng ta và chúng trở thành các thác nước ầm ĩ. Trái lại các lời nói sáng tạo là những lời nói nảy sinh trong chúng ta một cách cấp bách để nói lên những gì chúng ta là, bên trong một tương quan, và như thế chúng là các lời nói hướng tới tha nhân. Lời nói cứu thoát chỉ là lời nói hướng tới người khác. Chỉ điều này mới giúp chúng ta phân biệt các lời nói gây kinh hãi với các lời nói giải thoát. Thế rồi để thiết lập một tương quan đích thực, tương quan đó phải song song với nhau chừng nào có thể. Sự thiếu song song giữa đau khổ và niềm vui nơi người nói và người nghe được biến trở thành ít gay gắt hơn trong việc cảm thông, trong việc chia sẻ nỗi khổ đau của tha nhân.

Hỏi: Thưa giáo sư, trong sách giáo sư cũng đề cập tới sự thinh lặng. Thế thì thinh lặng cũng có thể là một cuộc đối thoại hay sao?

Đáp: Có nhiều thứ thinh lặng. Và có một sự thinh lặng nội tâm từ nó nảy sinh ra các lời nói mang dấu ấn của sự thinh lặng bên trong này, được hiểu như là dấu ấn của trực giác tức thì, của việc chiêm niệm điều chính yếu. Trong sự thinh lặng của chiêm niệm có thể tiếp nhận điều chính yếu có thể nói với người lắng nghe chúng ta.

Hỏi: Như là bậc thầy của sự thinh lặng giáo sư đã nhắc tới cô Etty Hillesum, một thiếu nữ do thái đã chết trong trại tập trung đức quốc xã Auschwitz. Cô đã để lại các thư của mình và cuốn nhật ký. Cô viết các bức thư và cuốn nhật ký đó trong khi đức quốc xã lan tràn khắp nơi chung quanh. Hillesum viết: ”Trong tôi có một sự thinh lặng ngày càng sâu xa hơn. Các lời nói gây mỏi mệt chỉ mấp mé chung quanh, vì chúng không diễn tả được điều gì cả”.

Đáp: Vâng, tôi như bị sét đánh bởi cô Etty Hillesum. Những gì mà cô đã để lại cho chúng ta hướng chúng ta tới cõi vô tận, cõi vô tận mà chúng ta chỉ có thể tiếp nhận, nếu chúng ta thoát khỏi cái phân tích lạnh lùng của lý trí: cõi vô tận mà chúng ta chỉ có thể sống, nếu chúng ta không giảm lược nó vào một cái gì có thể tính toán theo nghĩa duy thực nghiệm. Nó là cõi vô biên khiến cho chúng ta tiếp nhận được một hình ảnh khác của thực tại: làm như thể là các lý lẽ của con tim mở ra các chân trời rộng rãi hơn các chân trời của lý trí tính toán.

Hỏi: Cô Hillesum đã viết về một “cái giếng rất sâu thẳm”, mà cô cảm thấy hiện hữu trong chính mình, nơi giếng nội tâm đó cô kín múc, nhưng nó thường bị phủ lấp bởi cát và đá sỏi”. Sự vô tận có hiện hữu thật sự trong chính chúng ta hay không thưa giáo sư?

Đáp: Thánh Agostino đã nói rằng ”chân lý ở trong con người nội tâm”. Trong từng người chúng ta có các suối nguồn vô tận của tình yêu thương và tình liên đới. Các suối nguồn ấy thường bị che lấp bởi rác rưởi của thói quen, của sự vội vã hấp tấp, của thái độ không có khả năng cầu nguyện. Bởi vì lời cầu nguyện hệ tại điều gì nếu không phải là nơi sự thinh lặng, đặt để chúng ta vào trong cuộc đối thoại vô tận, trong các chân trời bất tận?

Giếng hiện hữu trong chính chúng ta, đầy tràn nước rất mát mẻ, nhưng bị ô nhiễm vì sự sợ hãi phải nhìn vào trong chính mình.

Hỏi: Như vậy thì phải làm sao để tìm lại được giếng nước đó thưa giáo sư?

Đáp: Nếu chúng ta tin vào một vài chân trời giác quan nào đó, thì chúng ta phải vất vả thích ứng với các mất mát, với các thất bại của chúng ta, cả trong một viễn tượng thần bí nếu muốn. Nó tự nhiên nới rộng các biên giới khả năng của chúng ta tham dự vào ý nghĩa của sự sống và cái chết. Như thế phải tự lắng nghe chính chúng ta trong tận cùng thẳm con người mình, cả trong khi gặp đau đớn và thất bại nữa. Và lắng nghe tiếng nói của ơn thánh, bởi vì sau cùng tất cả đều là ơn thánh, như nhà văn Bernanos đã viết.

Hỏi: Thưa giáo sư, trong trại tập trung đức quốc xã cô Etty Hillesum đã tìm thấy niềm vui một cách phi thường, chỉ qua ”một mảnh trời nhỏ”. Niềm vui đó là niềm vui nào vậy? Nó là cái gì thế và bản chất của nó ra sao?

Đáp: Niềm vui của cô Etty Hillesum là niềm hy vọng nhập thể. Tự bản chất của nó niềm hy vọng là cái gì chưa có, nhưng lại đang chiếu soi tương lai. Trái lại niềm vui mà chúng ta nói tới ở đây là niềm hy vọng đang hoạt động, nó không chú ý tới ba chiều kích của thời gian là qúa khứ hiện tại và tương lai. Niềm vui sống trong một hiện tại mà thánh Agostino gọi là hiện tại được vĩnh cửu hóa. Trong khi hạnh phúc cần có hiện tại và tương lai, còn niềm vui trong cái hiện tại được vĩnh cửu hóa của nó thì xóa bỏ cả dấu vết của cái chết nữa.

Hỏi: Thưa giáo sư, trong một cuốn sách của cha Giussani, người sáng lập phong trào Hiệp thông và giải phóng, cha Giussani có nói tới ”những lúc chắc chắn”. Chúng là cái gì vậy?

Đáp: Đúng như thế: cho dù hiện tại không thể nắm bắt được, lúc chắc chắn, hiện tại của niềm vui trở thành tổng số mầu nhiệm của điều chúng ta là, nhưng rộng mở cho vô tận. Cách đây mấy tháng tôi đã tham dự lễ khấn của một nữ tu trẻ dòng biển đức. Khi vị Giám Mục chủ sự lễ khấn hỏi chị có sẵn sàng từ bỏ tất cả hay không, thì tôi nhận thấy trong đôi mắt của chị hai vực thẳm của ơn thánh và mầu nhiệm, trong một niềm vui rộng mở cho vô tận mà các lời nói không đủ để diễn tả nổi.

Hỏi: Niềm vui như là niềm hy vọng nhập thể. Nhưng mà thưa giáo sư đối với tín hữu Kitô niềm hy vọng nhập thể là chính Đức Giêsu Kitô mà, có phải thế không?

Đáp: Nó giống như trong các dịp đặc biệt, nhờ ơn thánh một người có thể nhận được một tri giác của niềm hy vọng nhập thể ấy. Ơn thánh của niềm vui tràn đầy: vì thế khi cô Etty Hillesum bị dẫn tới trại tập trung đức quốc xã ở Auschwitz, cô trông thấy bóng tối và cái chết bị xé rách ra.

(Avvenire 30-9-2009)
 
Giáo hạt tòng nhân cho các tín hữu Anh giáo theo Công Giáo
Linh Tiến Khải
12:41 05/11/2009
Phỏng vấn mục sư John Milbank về tông hiến của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cho phép thành lập Giáo hạt tòng nhân để đón nhận các tín hữu Anh giáo gia nhập Công Giáo

Ngày 20-10-2009, Đức Hồng Y William Levada, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin đã chủ sự một cuộc họp báo và cho biết Đức Thánh Cha Biển Đức XVI sắp công bố Tông Hiến cho phép thành lập các Giáo Hạt tòng nhân (Ordinariato personale) dành cho các giáo sĩ và giáo dân cựu Anh giáo trở về hiệp nhất với Công Giáo. Giáo Hạt tòng nhân là một loại giáo phận không lãnh thổ, dành cho các giáo sĩ và giáo dân Anh giáo trở về hiệp nhất với Giáo Hội Công Giáo.

Đức Hồng Y William Levada cũng cho biết rằng từ lâu nhiều tín hữu Anh giáo đã ngỏ ý xin hiệp nhất trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo, đồng thời vẫn duy trì một số yếu tố thuộc gia sản tinh thần và phụng vụ Anh giáo. Đức Thánh Cha đáp ứng nguyện vọng trên đây và cho phép thành lập Giáo hạt tòng nhân.

Tông hiến của Đức Thánh Cha sẽ được công bố trong vòng vài tuần lễ tới đây, qua đó ngài cho phép truyền chức Linh Mục Công Giáo cho các giáo sĩ cựu Anh giáo đã lập gia đình, nhưng không cho phép truyền chức Giám Mục cho những người đã lập gia đình. Vị Bản quyền của Giáo hạt tòng nhân có thể là một Linh Mục hoặc một Giám Mục không lập gia đình. Các chủng sinh của Giáo hạt được huấn luyện cùng với các chủng sinh Công Giáo, tuy Giáo hạt có thể mở nhà đào tạo riêng để đáp ứng nhu cầu huấn luyện trong gia sản Anh giáo.

Đức Hồng Y Levada cũng nói rằng các Giáo hạt tòng nhân sẽ được thiết lập theo nhu cầu, sau khi tham khảo ý kiến các Hội Đồng Giám Mục địa phương và cơ cấu của Giáo hạt tòng nhân cũng phần nào tương tự như các Giáo hạt quân đội.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI hy vọng rằng các giáo sĩ và giáo dân Anh giáo sẽ tìm được trong cơ cấu giáo luật này cơ hội bảo tồn các truyền thống Anh giáo quí giá đối với họ và phù hợp với đức tin Công Giáo. Sự hiệp nhất với Giáo Hội không đòi hỏi sự đồng nhất, không biết tới những khác biệt văn hóa, như lịch sử Kitô giáo đã chứng tỏ.

Trong cùng ngày 20-10-2009 Đức Cha Vincent Nichols, Tổng Giám Mục giáo phận Westminster, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Anh quốc, và Tiến Sĩ Rowan Williams, Giáo Chủ Liên hiệp Anh giáo, đã công bố tuyên ngôn chung về việc Đức Thánh Cha sắp công bố Tông Hiến nhắm đáp ứng yêu cầu từ vài năm nay của các nhóm Anh giáo muốn được hiệp nhất trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo.

Hai vị khẳng định rằng việc loan báo Tông Hiến này chấm dứt một giai đoạn bấp bênh đối với các nhóm tín hữu Anh giáo ấy và nay họ có nhiệm vụ đáp ứng Tông Hiến. Văn kiện này nhìn nhận những điểm chung trong đức tin, đạo lý và linh đạo giữa Giáo Hội Công Giáo và truyền thống Anh giáo. Nếu không có những cuộc đối thoại trong 40 năm qua, thì sự nhìn nhận này chắc chắn không thể xảy ra được và cũng không có viễn tượng hiệp nhất hữu hình trọn vẹn.

Theo nghĩa đó, Tông Hiến là một kết quả của việc đối thoại đại kết giữa GIáo Hội Công Giáo và Liên Hiệp Anh giáo. Sự tiếp tục đối thoại chính thức sẽ tạo căn bản cho việc tiếp tục cộng tác giữa hai bên.

Trong những năm gần đây, nhất là từ sau khi Anh giáo cho phép truyền chức Linh Mục cho phụ nữ, rồi một số giáo tỉnh cho phép truyền chức Giám Mục cho người đồng tính luyến ái và chúc hôn cho những cặp đồng phái, có nhiều tín hữu Anh giáo tuyên bố ly khai với Liên hiệp Anh giáo, một số khác muốn hiệp nhất với Công Giáo.

Anh giáo hiện có khoảng 80 triệu tín hữu hơn phân nửa bên Phi châu: đông nhất là tại Anh quốc 26 triệu, tiếp đến là bên Nigeria 17,5 triệu, Uganda 8 triệu, Sudan 5 triệu, Úc 3,8 triệu, Hoa Kỳ 2, triệu, Kenya 2,5 triệu, Tanzania 2 triệu, miền Nam Phi châu 2 triệu miền Tây Phi châu 1 triệu, các đảo thuộc Anh quốc 777.000, miền Trung Phi châu 600.000 và Niu Dilen 584.000.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của mục sư John Milbank về quyết định này của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI. Mục sư John Milbank là một trong các thần học giả nổi tiếng nhất của thế giới Anh giáo và tin lành. Hiện nay mục sư dậy môn tôn giáo, chính trị và luân lý tại đại học Nottingham bên Anh quốc.

Hỏi: Thưa mục sư, hồi Đức Ratzinger được bầu làm Giáo Hoàng người ta kể là mục sư đã kêu lên: ”Tôi hy vọng rằng vị Giáo Hoàng này có thể tái áp đặt sự hiệp nhất các tín hữu Kitô”, có đúng thế không?

Đáp: Tôi không nhớ rõ là mình có nói như thế không, nhưng chắc chắn là tôi đã nói rằng với vị Giáo Hoàng này Kitô hữu có thể bắt đầu tìm lại sự hiệp nhất. Tôi tin thế bởi vì nền thần học của ngài khai triển truyền thống thần học mới hướng tới chỗ sát nhập lý trí và đức tin là điều rất hấp dẫn đối với các tín hữu chính thống và anh giáo.

Hỏi: Thế mục sư nghĩ gì về quyết định của Đức Thánh Cha ban bố Tông hiến tiếp đón các tín hữu anh giáo muốn gia nhập công giáo?

Đáp: Tôi tin rằng đây là điều rất đáng kể. Trước hết vì nó thừa nhận một gía trị nào đó của truyền thống anh giáo. Tiếp đến nó cho thấy Đức Thánh Cha thừa nhận rằng Giáo hội Công Giáo có thể được diễn tả trong nhiều văn hóa khác biệt. Và thứ ba vì nó tạo ra một cơ may cho phép một nhóm tín hữu công giáo có hàng giáo sĩ lập gia đình, như trong Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp sự kiện hàng giáo sĩ có gia đình là một gia tài của qúa khứ. Sau cùng theo tôi Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cho rằng ngày nay có một khả thể mới để tái hiệp nhất các Kitô hữu dưới quyền của Đức Giáo Hoàng.

Hỏi: Như thế theo mục sư đây không phải là một hành động ”hiếu chiến” như có người tưởng nghĩ?

Đáp: Chắc chắn là không rồi. Tôi nghĩ đúng hơn nó là một hành động sáng tạo, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI có trong trí các viễn tượng rộng rãi hơn là việc đem một số tín hữu anh giáo về dưới quyền của Ngài. Cả khi tôi thấy quyết định của Đức Thánh Cha khiến cho Đức Tổng Giám Mục Westminster bối rối, nhưng Đức Tổng Giám Mục đã trả lời một cách tích cực, và về lâu về dài nó sẽ có thể có lợi cho tất cả mọi Kitô hữu.

Hỏi: Có người nói rằng sự kiện này sẽ gây ra cảnh mất máu của các tín hữu anh giáo, mục sư có tin như thế không?

Đáp: Khó mà biết được. Nó có thể sinh ra hậu qủa này tại Bắc Mỹ. Bên Anh quốc Anh giáo được cột buộc chặt chẽ vào các giáo xứ, và trên bình diện pháp luật các giáo xứ này không dễ gì mà được chuyển qua quyền của Giáo Hội Công Giáo Roma. Và có nhiều tín hữu anh giáo sẽ tiếp tục cảm thấy do dự với tư tưởng phải ly dị với một hệ thống giáo xứ đâm rễ trong thực tại sống của họ một cách sâu đậm hơn là hệ thống giáo xứ công giáo tại Anh quốc.

Hỏi: Mục sư có nghĩ rằng quyết định này có thể trợ giúp Anh giáo đang phải trải qua một lúc khó khăn như hiện nay hay không?

Đáp: Chắc chắn là nó sẽ giúp nhiều người một cách cá nhân. Ngoài ra tôi nghĩ nó cũng góp phần tạo ra một khoảng không gian linh động giữa Anh giáo và Công giáo. Có thể là đa số các tín hữu anh giáo gần với Công giáo hơn sẽ bỏ Anh giáo, điều này có thể hướng Anh giáo tới Tin Lành trong chiều kích lớn hơn là đã xảy ra cho tới nay. Tuy nhiên tôi tin rằng nó sẽ không xảy ra đâu, trước hết vì những lý do mà tôi đã nêu trên kia. Thứ hai là bởi vì nhiều tín hữu anh giáo gần gũi với Công giáo, kể cả Đức Tổng Giám Mục Rowan Williams lại chấp nhận việc truyền chức linh mục cho nữ giới.

Tôi tin rằng bên Italia này nhiều người sẽ ngạc nhiên, khi biết rằng nhiều tín hữu anh giáo với Đức Tổng Giám Mục Williams đứng hàng đầu, đồng ý với Đức Giáo Hoàng liên quan tới mọi đề tài thần học và giáo hội học, kể cả một vài lập trường đối với tính dục và vần đề phái tính, nhưng họ vẫn tiếp tục tin rằng phụ nữ có thể được truyền chức linh mục một cách có gía trị, và tôi cũng là người ở trong số những người nghĩ như vậy.

Hỏi: Theo mục sư cuộc đối thoại đại kết có được lợi ích gì từ tình trạng sắp sửa thành hình hay không?

Đáp: Tôi tin là có, chính nhờ khoảng không linh động đó. Các tín hữu anh giáo hiệp nhất này có thể trở thành một cây cầu nối giữa tín hữu anh giáo và tín hữu công giáo. Tuy nhiên tôi cũng nghĩ rằng một trong các hậu qủa của tình trạng này có nguy cơ trở thành mâu thuẫn, vì về lâu về dài nó có thể gia tăng cuộc thảo luận liên quan tới việc truyền chức linh mục cho nữ giới trong Giáo Hội công giáo. Chính tôi đã bị ấn tượng bởi sự kiện một số các người trẻ công giáo thủ cựu rất thích nhận Thánh Thể từ tay các phụ nữ linh mục anh giáo. Nhưng khó mà có thể đoán trước được. Hiện nay thì chúng ta phải tiếp nhận sáng kiến này của Đức Thánh Cha, nó chứng minh cho thấy óc tưởng tượng hơn là thái độ xu thời. Phần lớn phong trào đại kết đa phương đã không dẫn đưa tới đâu hết. Trái lại hành động một chiều này đã thực sự mở ra một khoảng không gian mới của sự hiệp thông liên giáo hội.

(SD 20-10-2009; Avvenire 30-10-2009)
 
Đức Thánh Cha dâng lễ cầu nguyện cho các Hồng Y, Giám Mục qua đời
LM Trần Đức Anh, OP
12:42 05/11/2009
VATICAN - Lúc 11 giờ rưỡi sáng 5-11-2009, ĐTC Biển Đức 16 đã chủ sự thánh lễ cầu nguyện cho 7 HY và 100 GM qua đời trong vòng 12 tháng qua.

Trong số các vị có ĐHY Phaolô Giuse Phạm đình Tụng, nguyên TGM giáo phận Hà Nội, qua đời ngày 22 tháng 2 năm nay, hưởng thọ 90 tuổi.

Đồng tế với ĐTC tại Đền thờ thánh Phêrô có 32 HY tại Roma, trước sự tham dự của đông đảo các GM, chức sắc Tòa Thánh, ngoại giao đoàn và hơn 1 ngàn tín hữu. Trong bài giảng, ĐTC nhắc đến các Hồng Y và GM quá cố và nói rằng: ”Chúng ta thân ái nhớ đến các vị và cảm tạ Chúa vì những điều lành các vị đã thực hiện.. Chúng ta nghĩ đến các vị trong tình hiệp thông thực sự và huyền nhiệm liên kết chúng ta, những người đang lữ hành trên mặt đất với những người đã ra đi trước, bước vào đời sau, với niềm xác tín chắc chắn rằng sự chết không phá hủy mối liên hệ huynh đệ thiêng liêng được đóng ấn bằng bí tích rửa tội và truyền chức thánh”.

ĐTC cũng nói rằng: ”Thật là đau thương khi phải chia lìa những người thân yêu; cái chết là một điều bí ấn đầy lo âu, nhưng đối với các tín hữu, dù điều gì xảy ra đi nữa, sự chết luôn được chiếu sáng nhờ niềm hy vọng về sự bất tử. Đức tin nâng đỡ chúng ta trong những lúc đầy đau buồn theo cái nhìn của loài người...

”Anh chị em thân mến, chúng ta biết rõ và cảm nghiệm trong hành trình của chúng ta rằng trong cuộc sống không thiếu những khó khăn và vấn đề, có những hoàn cảnh đau thương, những lúc khó hiểu và khó chấp nhận. Nhưng tất cả những điều ấy đều thủ đắc giá trị và ý nghĩa nếu được xét trong viễn tượng vĩnh cửu. Thực vậy, mỗi thực thách đều mang lại ích lợi thiêng liêng cho chúng ta, đời này và nhất là đời sau, nếu nó được đón nhận trong sự kiên trì bền vững và dâng hy sinh vì Nước Chúa”. (SD 5-11-2009)
 
Sự hữu ích và cần thiết của việc thảo luận thần học lành mạnh trong Giáo Hội
Linh Tiến Khải
12:43 05/11/2009
Thần học là việc kiếm tìm một sự hiểu biết có lý lẽ các mầu nhiệm của Mạc khải được được tin nhận bởi đức tin. Việc thảo luận thần học lành mạnh trong Giáo Hội là điều hữu ích và cần thiết, đặc biệt khi nó liên quan tới các vấn đề chưa được Giáo quyền định nghĩa, nhưng Giáo quyền luôn luôn là điểm tham chiếu. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến 15.000 tín hữu và du khánh hàng hương năm châu sáng thứ tư 4-11-2009 tại quảng trường thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã đề cập tới cuộc tranh luận lớn giữa thánh Bernardo thành Chiaravelle đại diện cho nền thần học đan tu hay ”thần học của con tim” và Abelardo đại diện cho nền thần học kinh viện hay ”thần học của lý trí”. Trong khi thánh Bernardo nhấn mạnh trên đức tin, thì Abelardo nhấn mạnh trên trí thông minh, nghĩa là việc hiểu biết qua lý trí. Đức Thánh Cha nêu bật sự khác biệt như sau: Đối với thánh Bernardo đức tin có sự chắc chắn nội tại dựa trên chứng tá của Kinh Thánh và giáo huấn của các giáo phụ. Ngoài ra đức tin được củng cố bởi chứng tá của các thánh và sự linh ứng của Chúa Thánh Thần trong linh hồn các tín hữu. Trong các trường hợp nghi ngờ và không rõ ràng đức tin được che chở và soi sáng bởi Huấn quyền giáo hội. Vì thế Bernardo không đồng ý với Abelardo và nói chung với những người đặt để đức tin dưới sự quan sát phân tích của lý trí. Sự quan sát này dẫn tới một nguy hiểm là chủ trương duy trí thức, việc tương đối hóa chân lý, đem chính các chân lý đức tin ra để thảo luận. Và như thế nó dẫn tới sự táo bạo không ngần ngại là hậu qủa sự kiêu căng qua đó trí thông minh con người yêu sách ”bắt giữ” mầu nhiệm của Thiên Chúa. Trong một bức thư gửi cho Abelardo thánh Bernardo đau đớn viết như sau: ”Trí khôn con người chiếm hữu tất cả và không để lại gì cho đức tin. Nó đương đầu với điều cao vượt hơn nó, dò xét điều cao vượt hơn nó, tràn vào thế giới của Thiên Chúa và làm hư hại các mầu nhiệm đức tin hơn là soi sáng chúng; nó không mở điều được đóng kín và niêm ấn, nhưng nhổ nó tận gốc rễ và điều nó thấy không thể đi được đối với mình, thì nó coi là không có và từ chối tin vào đó” (Epistula CLXXXVIII, 1 PL 182,353).

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói đối với thánh Bernardo thần học chỉ có một mục đích duy nhất là thăng tiến kinh nghiệm sống động thân tình với Thiên Chúa. Khi đó thần hoc là một trợ giúp ngày càng yêu mến Chúa hơn như đề tài khảo luận ”Bổn phận yêu mến Thiên Chúa” của thánh nhân. Lộ trình này có nhiều bậc từ dưới thấp cho tới tột đỉnh, khi linh hồn tín hữu say mến trong các đỉnh cao của tình yêu. Ngay trên trái đất này linh hồn con người có thể đạt tới sự kết hiệp thần bí với Ngôi Lời Thiên Chúa. Sự kết hiệp mà ”Tiến sĩ chảy mật” miêu tả như là ”đám cưới thiêng liêng”. Ngôi Lời viếng thăm linh hồn, loại trừ mọi kháng cự, soi sáng, đốt cháy và biến đổi linh hồn. Trong sự kết hiệp ấy linh hồn hưởng nếm sự thanh thản ngọt ngào lớn lao và hát lên thánh thi tươi vui cho Phu Quân.

Trong phần hai của bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói về Abelardo. Sinh tại Bretagne tây bắc nước Pháp, Abelardo là người rất thông minh và có ơn gọi nghiên cứu học hỏi. Ban đầu Abelardo chuyên về triết lý, sau đó áp dụng các kết qủa vào thần học, mà ông là thầy dậy tại Paris và trong nhiều đan viện khác. Chính Abelardo đã đưa từ ”thần học” vào lãnh vực nghiên cứu như chúng ta hiểu ngày nay. Là môt giáo sư có tài ăn nói nên các lớp dậy học của ông thu hút rất đông sinh viên. Là người có tinh thần tôn giáo, nhưng bất an nên cuộc sống của Abelardo cũng có nhiều biến cố: phản đối các thầy dậy, có con với Eloisa, một phụ nữ học thức và thông minh; hay tranh cãi với các thần học gia đồng nghiệp và bị giáo quyền kết án, nhưng khi qua đời đã giao hòa và hiệp thông với Giáo Hội. Chính thánh Bernardo đã xin ĐGH Innocenzo II can thiệp và kết án vài giáo thuyết sai lầm của Aberlardo trong công nghị tại tỉnh Sens năm 1140. Thánh nhân phản đối phương pháp qúa duy trí thức của Abelardo, vì nó giản lược đức tin thành một ý kiến tầm thường, bị tách rời khỏi chân lý được mặc khải.

Đức Thánh Cha nhận định về phương pháp của Abelardo như sau: Thật vậy, việc dùng triết lý thái qúa khiến cho giáo lý về Ba Ngôi Thiên Chúa và ý tưởng về Thiên Chúa của Abelardo trở thành giòn mỏng một cách nguy hiểm. Trong lãnh vực luân lý giáo huấn của ông không khỏi hàm hồ vì ông coi ý định của chủ thể là nguồn duy nhất để miêu tả sự tốt lành hay ác ý của các hành động luân lý, mà bỏ qua ý nghĩa khách quan và giá trị luân lý của các hành động: đây là một khuynh hướng duy chủ quan nguy hiểm. Nó cũng là một khía cạnh rất thời sự trong thời đại chúng ta ngày nay, trong đó nền văn hóa xem ra ngày càng hướng tới chủ trương tương đối hóa luân lý: chí có cái tôi quyết định điều gì tốt cho tôi, trong lúc này. Tuy nhiên cũng không nên quên các công lao lớn của Abelardo và nhiều môn sinh của ông đã đóng góp cho sự phát triển của nền thần học kinh viện, sẽ chín mùi vào thế kỷ sau đó. Ngoài ra một vài trực giác của Abelardo cũng đáng được chú ý như khẳng định trong các truyền thống tôn giáo không kitô đã có sự chuẩn bị cho việc tiếp đón Chúa Kitô Ngôi Lời Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ bằng cách rút tỉa ra bài học của cuộc tranh luận này giữa thánh Bernardo và Abelardo như sau: Trước hết là sự hữu ích và cần thiết của việc thảo luận thần học lành mạnh trong Giáo Hội, đặc biệt liên quan tới các vấn đề chưa được Giáo quyền định nghĩa, nhưng Giáo quyền luôn luôn là điểm tham chiếu. Ngoài ra trong lãnh vực thần học cần có sự quân bình giữa các nguyên tắc cấu trúc do Mạc khải cung cấp và các nguyên tắc giải thích do triết lý nghĩa là lý trí gợi hứng và tuy quan trọng chúng chỉ có nhiệm vụ là dụng cụ. Khi không có sự quân bình giữa các nguyên tắc này thì suy tư thần học có nguy cơ rơi vào các lầm lạc, và khi đó Huấn quyền phải thi hành nhiệm vụ can thiệp để phục vụ chân lý. Ngoài ra trong các lý do khiến cho thánh Bernardo chống lại Abelardo và xin giáo quyền can thiệp là sự lo lắng cứu giúp các tín hữu đơn sơ khiêm tốn khỏi lẫn lộn hay lac đường vì các ý kiến qúa riêng tư và các đề tài thần học có thể nguy hại cho đức tin của họ. Cuối cùng nhờ trung gian của viện phụ Cluny là Pietro Vị Đáng Kính thánh Bernardo và Abelardo đã làm hòa với nhau. Abelardo khiêm tốn thừa nhận các sai lầm của mình và Bernardo quảng đại tha thứ. Cả hai đều xác tín rằng khi nảy sinh ra cuộc tranh luận thần học thì phải duy trì đức tin của Giáo Hội và làm cho chân lý chiến thắng trong bác ái.

Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm khác nhau. Chào các bạn trẻ các người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới Đức Thánh Cha nhắc cho mọi người biết hôm qua là lễ nhớ thánh Carlo Borromeo Tổng Giám Mục nổi tiếng của giáo phận Milano bắc Italia, được linh hoạt bởi tình yêu nồng nhiệt đối với Chúa Kitô và là bậc thầy không mỏi mệt và người hướng dẫn các anh em khác. Đức Thánh Cha cầu mong thánh nhận trợ giúp các bản trẻ biết để cho Chúa Kitô hướng dẫn trong các lựa chọn hàng ngày. Ngài xin thánh nhân khích lệ các anh chị em đau yếu dâng khổ đau cầu nguyện cho các Chủ chăn của Giáo Hội và ơn cứu rỗi của các linh hồn. Đức Thánh Cha cũng xin thánh Carlo Borromeo trợ lực các cặp vợ chồng mới cưới xây dựng gia đình họ trên các giá trị tin mừng. Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.
 
Vatican tổ chức hội thảo về thể thao và đời sống tâm linh
Bùi Hữu Thư
18:16 05/11/2009
Vatican ngày 5 tháng 11, 2009 (CNA).- Vatican sẽ tổ chức một chương trình hội thảo độc đáo về sự liên quan giữa thể thao và việc trau dồi nhân đức và đời sống tâm linh. Các tham dự viên sẽ được nghe lời chia sẻ của lực sĩ chèo thuyền thế vận hội người Hoa Kỳ Susan Saint Sing và ông Edio Constantini, chủ tịch Hiệp Hội Thể Dục Gioan Phaolô II, và nhiều diễn giả khác.

Cuộc hội thảo được Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân tổ chức vào các ngày 6 và 7 tháng 11, 2009 tại Trung Tâm Hội Nghị Villa Aurelia tại Rôma.

Chủ đề của hai ngày hội thảo là: “Thể thao, giáo dục và đức tin: một thời kỳ mới cho các hội đoàn thể thao Công Giáo.” Mục đích của biến cố này là khám phá mối tương quan giữa các sinh hoạt thể thao, với việc đào tạo con người, và đức tin, bên trong lãnh vực của các hội đoàn thể thao Công Giáo.

Những tham dự viên sẽ bao gồm các đaị diện của các thừa tác viên thể thao và giới trẻ, các chủ tịch các hiệp hội thể thao Công Giáo ở cấp quốc gia và quốc tế, và các nhân vật đại diện cho các môn thể thao chuyên gia và tài tử quốc tế.

Khởi đầu ngày thứ nhất vào sáng thứ sáu là đề tài nói về sứ mệnh của Giáo Hội bên trong thế giới của các môn thể thao cho giới trẻ. Sau khi đọc một điện văn của Đức Thánh Cha Benedict XVI và diễn từ khai mạc của Đức Hồng Y Stanislaw Rylko, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân, buổi hội thảo sẽ hướng về vai trò của các hội thể thao trong thế giới Công Giáo, dưới ánh sáng của giáo huấn của Giáo Hội. Buổi sáng chấm dứt với bài nói chuyện của ông Mike McNamee, giáo sư Đại Học Swansea ở Wales, ông nghiên cứu sự tương quan giữa thể thao và các nhân đức con người.

Lời tuyên cáo của ban tổ chức cho hay: buổi chiều thứ sáu có một thuyết trình đoàn gồm các lực sĩ chuyên môn thảo luận về ý nghĩa của một nhà vô địch, “nghĩa là đề nghị một ý tưởng mới về sự thành công không chỉ giới hạn ở danh tiếng hay chiến thắng nhưng được định nghĩa bởi những hành vi nhân đức trong cuộc sống bên trong và bên ngoài vận động trường.”

Susan Saint Sing, cựu lực sĩ chèo thuyền thế vận hội người Hoa Kỳ, sẽ kết thúc ngày thứ sáu bằng bài phân tích mối tương quan giữa thể thao và đời sống thiêng liêng.

Ngày thứ bẩy, ông Edio Constantini, chủ tịch Hiệp Hội Thể Dục Gioan Phaolô II, sẽ trình bầy về các đường lối và các sách lược giáo dục mới trong các môi trường thể thao, tiếp theo là một thuyết trình đoàn thảo luận về các cơ hội cho các hội thể thao Công Giáo làm nhân chứng cho Chúa Kitô.

Buổi hội thảo sẽ kết thúc với diễn từ của Đức Giám Mục Josef Clemens, Thư Ký của Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân.
 
Duyệt qua kết quả bầu cử tuần qua tại Hoa Kỳ
Trần Mạnh Trác
21:07 05/11/2009
Washington (CNS) - Cử tri Maine ngày 3 tháng 11 đã từ chối hôn nhân đồng tính, đảo ngược luật bình đẳng hôn nhân được thông qua hồi tháng năm.

Nhưng ở tiểu bang Washington, một cuộc trưng cầu dân ý để duy trì điều luật cho phép đối tác gia đình cùng giới tính có cùng các quyền như là vợ chồng có thể được phê duyệt khít khao, 51 phần trăm đối với 49 phần trăm. Cuộc trưng cầu dân ý này đã bị các giám mục Công giáo của Washington phản đối.

Các giám mục cũng đã phản đối một sáng kiến hạn chế mức tăng trưởng chi tiêu của chính phủ không được quá tỷ số lạm phát cộng với tỷ số dân số tăng trưởng, doanh thu vượt quá số chuẩn chi sẽ được sử dụng để giảm thuế tài sản. Các cử tri, ủng hộ cấp lãnh đạo Công giáo và các tôn giáo khác, đã đánh bại sáng kiến này bởi một tỷ số 5-chọi-4.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo đã cảnh báo rằng sáng kiến đó sẽ cắt giảm các dịch vụ phục vụ nhân sinh và tạo ra suy thoái thường trực về kinh tế.

Tại Maine sau khi tổng số phiếu được công bố, Giám mục Richard J. Malone, Giáo phận Portland, cho biết: "Tôi xin cảm ơn người dân Maine đã bảo vệ và tái khẳng định sự hỗ trợ cho định chế hôn nhân như đã được hiểu từ nhiều ngàn năm trước của các nền văn minh và các tôn giáo trên thế giới. "

"Tôi xin cám ơn những người tham gia vào các tranh luận một cách chân thành và lịch sự về vấn đề tối nghiêm trọng cho xã hội này".

"Những tháng vừa qua là một cơ hội để giải thích cho giáo dân và cho cộng đồng rộng lớn hơn về quan điểm cuả giáo hội và về giá trị hôn nhân như là một sự kết hợp giữa một người đàn ông và một người phụ nữ," giám mục Malone nói thêm. "Tôi tin tưởng rằng những người đã bỏ phiếu cho sự thay đổi cấp tiến như vậy cũng đã làm với sự quan tâm đối với anh em và chị em đồng tính.. .. Tuy Giáo Hội Công Giáo sẽ tiếp tục cam kết tranh đấu cho các quyền cơ bản cuả tất cả mọi người, Giáo Hội vẫn dành hết sức lực để bảo tồn và tăng cường món quà quý giá của hôn nhân."

Luật (hôn nhân đồng tính) này đã bị tạm ngưng khi đơn khởi kiện được đưa ra để nhằm xóa bỏ nó. Cử tri đã bác bỏ hôn nhân cùng giới tính trong 31 tiểu bang, mọi nơi mà nó được đưa ra bầu. Hiện tại chỉ có năm tiểu bang cho phép hôn nhân cùng giới tính là: Iowa, Connecticut, Massachusetts, New Hampshire và Vermont.

"Hôn nhân là một định chế đến trước tất cả những định chế khác, dù chính trị hay tôn giáo, xứng đáng được nhà nước tăng cường và bảo vệ", là lời tuyên bố ca ngợi Maine ngày 4 Tháng Mười cuả Đức Tổng Giám Mục Joseph E. Kurtz của Louisville, Ky, chủ tịch ‘Ủy ban đặc biệt bảo vệ Hôn nhân’ của các giám mục Hoa Kỳ.

"Bản chất của hôn nhân được viết bằng chân lý của chúng ta là con người, là đàn ông và phụ nữ," ngài nói thêm. "Có thể nói nó được viết không chỉ đơn thuần trong trái tim của chúng ta, nhưng trong chính thân xác của chúng ta."

Tổng giám mục Kurtz nói, "Bảo vệ hôn nhân khẳng định sự vĩnh viễn và độc quyền cuả tình yêu giữa vợ chồng, là một sự tuyệt vời và tốt lành không thể so sánh được đã phát sinh ra những hệ quả xã hội và những thực hành tốt lành... Đáng buồn thay, Các nỗ lực xác định lại hôn nhân ngày hôm nay đã bỏ quên hay từ chối thực thể duy nhất và những quà tặng của người đàn ông và phụ nữ. Sự chối bỏ này chỉ nuôi dưỡng thêm những nhầm lẫn về ý nghĩa làm người.. "

Trong khu District of Columbia, Giáo Hội Công Giáo và những người ủng hộ hôn nhân truyền thống đã vận động cơ quan lập pháp của thành phố và đã thúc giục các công dân bỏ phiếu về một dự luật hôn nhân cùng giới tính hiện đang được xem xét tại Hội đồng Thành phố và dự kiến sẽ được ra bỏ phiếu vào cuối năm nay.

Điều lệ hiện hành tại đây là cấm bỏ phiếu để hạn chế quyền cuả một người nào. Tất cả các luật được thông qua có thể được duyệt lại bởi Quốc hội.

Đảng Cộng hòa thắng hai cuộc đua thống đốc.

Tại Virginia, các cử tri bầu cho một thống đốc phò sự sống, Bob McDonnell, một người Công giáo, chiến thắng với gần 60 phần trăm so với đối thủ Dân chủ của ông, R. Creigh Deeds.

Ông Deeds đã cố gắng khai thác luận án cao học cuả McDonnell đã viết 21 năm trước, khi ông còn là sinh viên tại Đại học Regent University, cuả mục sư Pat Robertson, trong đó ông vạch ra một chiến lược chính trị tập trung vào các điểm nóng xã hội, vào vấn đề kinh tế của tiểu bang, vào việc làm và giao thông vận tải.

Ở New Jersey, thống đốc đương nhiệm đảng Dân chủ Jon Corzine đã bị lật đổ trong một cuộc đua ba chiều. Ứng viên Cộng hòa, Chris Christie, một người Công giáo, chiến thắng với 49 phần trăm so với 43 phần trăm của Corzine. Chris Daggett, độc lập, trong những ngày tàn cuả chiến dịch đã thấy sự hỗ trợ cuả mình tan đi và chỉ thu được có 6 phần trăm.

Một cuộc bầu cử để thế chỗ trống ởmiến Bắc tiểu bang New York đã bất ngờ trở thành lôi thôi trong hai tuần chung kết. Ứng viên Cộng hòa Dede Scozzafava đã bị bỏ xa trong vòng tay ba với Bill Owens đảng Dân chủ và Doug Hoffman đảng Bảo thủ, nhiều đảng viên Cộng hòa đã hỗ trợ Hoffman và kêu gọi Scozzafava - ủng hộ phá thai và quyền đồng tính, ngược với chủ trương cuả giới lãnh đạo Công Hoà - ra khỏi cuộc đua.

Bà Scozzafava đã bỏ cuộc nhưng đã hỗ trợ Owens, người đã thắng 49 phần trăm số phiếu so với 46 phần trăm cuả Hoffman.

Ở Ohio, bằng một tỳ số 53-47 phần trăm, các cử tri đã chấp thuận thay đổi hiến pháp tiểu bang để cho phép mở sòng bạc tại Cincinnati, Cleveland, Columbus và Toledo. Sửa đổi này đã bị các giám mục Công giáo phản đối.

Sòng bạc Casino, trong một tuyên bố cuả các giám mục trước khi bầu cử thì "không tốt về đạo đức, xã hội và lợi ích kinh tế" cho công dân. "Nhiều Người và gia đình sẽ lâm vào cảnh khó khăn tài chính, các vấn đề xã hội sẽ trở nên trầm trọng hơn là cải thiện."

Bằng một tỷ số gần 2-1, cử tri Ohio cũng đã thông qua một thay đổi hiến pháp để tạo ra một tiêu chuẩn chăm sóc nuôi gia súc, mà các giám mục hỗ trợ, để điều trị các loài động vật trang trại. Và bằng tỷ số gần 3-1, các cử tri chấp thuận một trái phiếu $ 200,000,000 để trả lương cho khoảng 200.000 cựu chiến binh trong cuộc chiến tranh tại Iraq, Afghanistan và Vịnh Ba Tư. Các giám mục Ohio đã không phản đối các biện pháp này.

Thị trưởng thành phố New York Michael Bloomberg, một cựu đảng viên Cộng hòa và nay đã trở thành độc lập, giành được một nhiệm kỳ thứ ba, với 51 phần trăm số phiếu so với 46 phần trăm cuả đối thủ của ông, William C. Thompson, Jr

Tờ báo giáo phận ở Brooklyn, NY, The Tablet, đã gây ra phản ứng bằng cách chạy cả một trang quảng cáo màu cho Bloomberg, có hình Giám mục Nicholas DiMarzio cuả Brooklyn đứng với thị trưởng tại Sân vận động Yankee, cả hai đều mặc áo Yankees. Quảng cáo viết: "Mike Bloomberg: Hãy bảo vệ các trường Công Giáo NYC cho chúng tôi.."

Trong một cột báo ngày 7 của tháng mười một cuả tờ The Tablet, phát ngôn viên của giáo phận Đức Ông Kieran Harrington viết rằng phản ứng với quyết định của tờ báo cho thấy một lần nữa việc chấp nhận quảng cáo chính trị đã lên đến "cao độ."

Trong những năm qua, tờ báo đã từ chối chạy quảng cáo chính trị và quyết định của các giáo xứ không tổ chức diễn đàn cho ứng cử viên đã "dẫn đến một trạng thái là những tiếng nói Công giáo bị gạt ra ngoài lề của diễn đàn công cộng," Đức Ông viết. Bây giờ các tờ báo phải chấp nhận quảng cáo từ tất cả các ứng cử viên, Đức Ông nói thêm.

Liên quan đến quảng cáo của Bloomberg, Đức Ông Harrington cho biết giáo phận biết ơn sự trợ giúp của thị trưởng đối với giáo dục, nhưng đồng thời đức giám mục không đồng ý "sâu sắc" với sự hỗ trợ của thị trưởng cho phá thai và hôn nhân đồng tính.

"Đức Giám mục không hổ trợ ứng viên hay đảng phái chính trị nhưng giao dịch với các viên chức dân cử để quảng bá quan điểm Công giáo và lợi ích của cộng đồng ở Brooklyn và Queens," Đức Ông thêm.
 
Top Stories
Vietnam Jubilee’s preparations well underway, archbishop says
J.B. An Dang
07:43 05/11/2009
Archbishop of Hanoi has dismissed concerns over the preparations for the Holy Jubilee opening ceremony scheduled to be taken place in three weeks time, assuring that all are well underway and going well.

“There have been enormous obstacles. The local government did not understand how Holy Jubilee ceremonies are to be taken place,” said Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet of Hanoi during an interview published on the Vietnamese Episcopate’s website on Nov. 3.

Moreover, it is estimated that hundreds of thousands Catholics will attend the opening ceremony. “Such a huge crowd coming from multiple dioceses will make coordination effort a real challenge,” the prelate added.

“After all”, he continued, “So Kien is only a small town with shortcomings in logistic support.”

"Nonetheless, everything is all well underway now,” added the prelate attributing the turnaround for generous efforts of northern dioceses and the archdiocese of Hanoi in particular.

The grand opening ceremony is scheduled to take place at So Kien (formerly known as Ke So) on the evening of Nov. 23, the Vigil of the Feast of the Vietnamese martyrs Andrew Dung Lac and 116 companions, beatified by John Paul II in 1988. It is estimated that 30 Cardinals and Bishops, 4000 priests and at least 100,000 faithful will attend the ceremony which is believed to be the largest gathering of Catholics in North Vietnam in recent history.

“The diocese of Hai Phong has designed a giant torch for the event. There will be a large musical troupe with 200 trumpeters from Bui Chu Diocese, and 200 drummers from Thai Binh Diocese; and a large choir of 750 singers from dioceses of Thanh Hoa, Hung Hoa, and Lang Son,” the prelate continued adding that a large number of young volunteers to assist during the ceremony had registered with the Jubilee Organizing Committee in which 300 of these come from remote dioceses of Vinh and Phat Diem.

The decision to select So Kien as the site to host the opening ceremony has caused some concerns. “However, historically, it was the first site the Church in Vietnam could build a large and durable complex of constructions. The harmonic architecture of So Kien on an area of 4 hectares consists of a Cathedral, the Vicariate Office of Tay Dang Ngoai and a Major Seminary. Everything is still intact with the exception of the Major Seminary,” Monsignor Joseph Ngo explained.

The Ly Doan Major Seminary has been downgraded severely due to the failure of Catholics to overcome bureaucratic challenges in obtaining renovation permission.

Also, “Right in So Kien, we are able to place in secure custody many relics of martyrs and their belongings,” the prelate emphasized.

Moreover, “Geographically speaking, So Kien is almost equidistant from Hanoi to the cities of Ninh Binh, Nam Dinh, Thai Binh. It’s very convenient for faithful from these dioceses to attend the ceremony,” said Archbishop Joseph Ngo.

All dioceses in Vietnam will observe a Novena from Nov. 15- 23 in preparation for the Holy Year celebrating 350 years since the establishment of Vietnam’s first two apostolic vicariates and 50 years since the hierarchy was put in place. On Sept. 9, 1659, Pope Alexander VII established the vicariates of Dang Ngoai (Tonkin) and Dang Trong (Cochinchine) with Bishops Francois Pallu and Lambert de la Motte, both from France, appointed first prelates. On Nov. 24, 1960, Blessed Pope John XXIII established the Catholic hierarchy in Vietnam, elevating Ha Noi, Hue and Saigon to archdioceses.

After the grand opening ceremony at So Kien, each diocese will have a diocesan opening ceremony on Nov. 28. The Holy Jubilee will run through Jan. 6, 2011 with the Closing Ceremony on the Feast of the Epiphany at La Vang National Sacred Marian Centre.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ Tưởng niệm cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm tại Seattle
Nguyễn An Quý
07:47 05/11/2009
SEATTLE - Chúa nhựt ngày 1 tháng 11 năm 2009, một ngày nắng ấm đến với thành phố của xứ cao nguyên tình xanh thật đẹp. Khung cảnh Thánh Đường Các Thánh Tử Đạo Việt Nam của Cộng Đồng Công giáo Việt nam tại Seattle hôm nay lại mang một hình ảnh khá đặc biệt: bên cạnh bàn Thánh của ngôi Thánh Đường, là một bàn thờ khói hương nghi ngút với di ảnh của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Bàn thờ được trang trí đơn sơ nhưng đầy trang nghiêm gồm 2 Quốc Kỳ Việt Mỹ với một Logo mang bản đồ Việt Nam và Lá Cờ Quốc Kỳ màu vàng ba sọc đỏ đã một thời ngạo nghễ tung bay trên trường Quốc tế và hiện đang sát cánh với người Việt tỵ nạn cộng sản khắp nơi trên thế giới.

Khối tinh thần Ngộ Đình Diệm tại tiểu bang Wahington tổ chức Thánh Lễ cầu hồn cho Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, cụ Ngộ Đình Nhu và các chiến sĩ VNCH đã hy sinh để bảo vệ chính nghĩa tự do vào lúc 11 giờ 30. Buổi lễ được cử hành hoàn toàn theo nghi thức tôn giáo. Thánh lễ do linh mục Phanxicô Nguyễn Sơn Miên chủ tế, cùng đồng tế Thánh lễ gồm cha khách Giuse Phạm Khắc Thẩm, linh mục nhạc sĩ đến từ Úc Châu cha Paul Văn Chi và thầy sáu Nguyễn Đức Mậu.

Mới hơn mười một giờ, Thánh Đường đã đầy kín chỗ ngồi, hơn 600 giáo dân tham dự Thánh lễ, ngoài ra còn có một số các vị nhân sĩ đại diện các đoàn thể trong Cộng Đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Seattle, vì lòng mộ mến Cố Tổng Thống nên cũng đến tham dự như ông Phan Rang, ông Phùng Hữu Trung, ông Tôn Thất Quý, ông Tôn Thất Hồng, ông Nghiêm Hoà…

Đúng 11 giờ 20, nghi thức tưởng niệm bắt đầu, người điều khiển chương trình ngỏ lời chào mừng quan khách, chào mừng Cha Văn Chi và các cha đồng tế Thánh lễ, chào mừng Cộng Đoàn dân Chúa. Sau lòi chào mừng là lời giới thiệu Thánh lễ theo phụng vụ của Giáo hội, người MC nói:

Kính thưa toàn thể Cộng Đồng dân Chúa, hôm nay ngày 1 tháng 11 năm 2009, Giáo hội mừng lễ Các Thánh Nam Nữ trên Trời. Tin mừng Thánh Matthêô nói đến giá trị của 8 mối phúc thật. Thánh Matthêô mô tả lời Chúa: nếu những ai đã sống với tinh thần nghèo khó, sống hiền lành, gặp đau buồn, đói khát điều công chính, hay thương xót người, có lòng trong sạch, ăn ở thuận hoà, bị bách hại vì công chính, thì quả đó là 8 mối phúc thật của những người theo Chúa. Trong ngày Giáo hội vui mừng kính các thánh Nam Nữ ở trên Trời. Khối tinh thần Ngô Đình Diệm tại Tiểu bang Washington lại liên tưởng đến ngày 1 tháng 11 năm 1963, ngày đầy đau thương đã xẩy ra tại miền Nam Việt nam qua cái gọi là cuộc đảo chánh 1-11-1963. Những người cầm đầu cuộc đảo chánh đã cố tình giết chết Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và cụ Ngô Đình Nhu bằng cuộc thảm sát vô nhân đạo. Hôm nay chúng tôi cùng với quý vị hiện diện nơi đây tham dự giây phút tưởng niệm để tưởng nhớ đến công ơn Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, vị Tổng Thống đầu tiên của đất nước Việt Nam, người đã mang lại cho toàn dân đời sống hạnh phúc, thanh bình trong những năm tháng mà Tổng Thống còn lãnh đạo.

Chúng tôi trân trọng kính mời quý vị theo dõi phần diễn từ của ban tổ chức: Kính mời bà Nguyễn Thị Trinh lên đọc điễn từ.

Hình ảnh Bà Trinh xuất hiện trong chiếc áo dài có in hình Quốc Kỳ Việt Nam màu Vàng Ba Sọc Đỏ đã tạo một hình ảnh quý giá của người phụ nữ Việt Nam nơi đất khách quê người với niềm khát vọng tự do dân chủ cho Việt nam. Bài diễn từ ngắn gọn nói lên lòng quả cảm, yêu quê hương và dân tộc của Tổng Thống Ngô Đình Diệm với giọng đọc đầy cảm động khiến mọi người hiện diện ngậm ngùi thương tiếc và than trách vận nước không may.

Sau phần diễn từ là phút niệm hương được bắt đầu với ba hồi chiêng trống, các linh mục đồng tế Thánh lễ cùng với nghi đoàn tiến lên bàn thờ Cố Tổng Thống để niệm hương. Tiếp đến là Đại diện các đoàn thể, các vị bô lảo và những người mộ mến đều tiến lên niệm hươnng. Ca Đoàn Cecilia với giọng ca trầm bổng của các ca viên trong bài Kinh Hoà bình “đem yêu thương vào nơi oán thù …” cùng với tiếng chiêng trống ngân dài pha lẫn mùi hương thơm ngào ngạt đã tạo nên giây phút thiêng liêng lạ thường. Nhiều giáo dân muốn lên niệm hương nhưng ban tổ chức đã hạn chế vì sợ kéo dài thời gian buổi lễ. Buổi tưởng niệm kết thúc và Thánh lễ bắt đầu.

Cha Nguyễn Sơn Miên chủ tế Thánh Lễ mở đầu Thánh lễ bằng lời giới thiệu các cha cùng đồng tế Thánh lễ là cha Giuse Phạm Khắc Thẩm, Cha nhạc sĩ Paul Văn Chi, ngài nói: “Cha Văn Chi sẽ phụ trách phần chia sẻ Lời Chúa trong Thánh Lễ hôm nay”. Một tràng pháo tay dài khi cha Miên vừa dứt lời giới thiệu.

Được biết, cha Văn Chi từ Úc Châu qua Mỹ trong một chuyến du lịch nước Mỹ. Khi hay tin về ngày giỗ của Cố Tổng Thống Diệm tổ chức tại Seattle, sáng nay ngài đã từ thành phố hoa hồng Portland lái xe lên Seattle để kịp dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho Cố Tổng Thống và các chiến sĩ VNCH trong dịp lễ hôm nay.

Điểm đáng được mọi người lứu ý trong ngày lễ giỗ Cố Tổng Thống là bài chia sẽ lời Chúa của cha Văn Chi. Với lối trình bày rất rõ ràng qua giọng nói nhẹ nhàng đầy hấp dẫn, cha đã đưa người nghe vào một trạng thái khác thường, nên nhiều giáo dân như đã thầm khóc khi nghe lại về cuộc sống đơn sơ, đạo đức, mộ đạo của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, khi nghe lại về cuộc đời của một vị nguyên thủ Quốc gia suốt đời, luôn sống cần, kiệm, liêm, chính đã bị giết chết một cách thê thảm, ngài nói: “xác của cố Tổng Thống và cụ Ngô Đình Nhu đã thấm đầy máu me nằm chết thê thảm trong căn hầm của một chiếc thiết vận xa M113, ôi đau đớn làm sao….”

Thánh lễ kết thúc lúc 1 giờ với lời cám ơn của ông Phạm Quang Thái trưởng ban tổ chức. Mọi người ra về và lòng thầm biết ơn vị linh mục đã chia sẻ những đau buồn khi vận nước không may, nên một lãnh tụ yêu nước đã bị sát hại một cách oan uổng.
 
Phóng sự lễ tưởng niệm Cố TT Ngô Đình Diệm tại Herne, Đức quốc
Hồng Lĩnh
08:17 05/11/2009
Phóng sự lễ tưởng niệm Cố TT Ngô Đình Diệm
(do Khối Thân Hữu Tinh Thần Ngô Đình Diệm Đức quốc tổ chức tại Herne vào ngày 31/11/2009)

Vài giòng lịch sử ghi nhớ buổi thành lập Khối Thân Hữu Tinh Thần Ngô Đình Diệm

ĐỨC QUỐC - Trong văn hóa dân tộc xứ Việt có nét đậm đặc «Ăn qủa nhớ kẻ trồng cây». Vì thế, tuy xa rời quê hương kể từ năm 1975 tới nay đã 34 thu qua. Nhưng con dân Việt luôn hướng về nơi chôn nhau cắt rốn và tưởng nhớ tới các bậc tiền bối đã hy sinh và đã dày công gầy dựng quê hương yêu dấu ấy, nhất là vị TT tiên khởi của Việt Nam đã có công lập chiến tuyến chống miền Nam để bảo vệ tự do và đã tạo ra một thời thanh bình, an cư lạc nghiệp cho người dân. Đó là Cố TT Ngô Đình Diệm.

Trong ý nghiã ấy, thể theo sự khuyến khích của đồng hương cư ngụ nơi đất khách quê người Đức quốc, một số anh chị em từ các tỉnh Köln, Mönchengladbach, Krefeld, Kempen, Oberhausen, Aachen đã tìm đến với nhau và thành lập vào dịp lễ song thất 07/07/2002 một nhóm với danh xưng: Khối Thân Hữu Tinh Thần NGÔ ĐÌNH DIỆM và tồ chức lễ tưởng niệm lần đầu tiên vào tháng 11 cùng năm ấy tại Thánh Đường Bonifatius thuộc tỉnh

Krefeld, do LM Giuse Nguyễn Văn Tịnh chủ tế. Từ đó tới nay lễ tưởng niệm Vị anh hùng vì quốc vong thân đã trở thành một thông lệ, vào dịp lễ các Thánh và lễ linh hồn, một lễ hiệp thông giữa kẻ đã qua đời và kẻ còn sống, khi hơi giá len vào và lá vàng buồn rơi trên hè phố gợi lại nét hùng tráng cũng như nỗi đau thương của Vị Tổng Thống qúa cố trong biến cố 01/11/1963.

Lễ tưởng niệm Cố TT Ngô Đình Diệm năm nay

Được ban tổ chức của khối Thân Hữu Tinh Thần Ngô Đình Diệm mời tới tham giữ buổi lễ tưởng niệm Cố TT Diệm. Sao tôi thấy ngậm ngùi cho người qúa vãng qúa. Một con người cả đời hy sinh cho tổ quốc với một ý thức cao độ vể ý niệm danh dự, uy tín và chủ quyền quốc gia.


Sao bội bạc và tàn nhẫn thế hở trời! Rồi máu nóng dâng trào trong tâm can và con mắt một giòng lệ rơi. Tôi nhất định chuẩn bị lên đường qua với anh chị em bên ấy để đốt nén hương tưởng niệm và luôn dịp ủng hộ tinh thần của khối. Tuy đường sá xa xôi và cách trở. Đường bay của Easy Jet từ Genève tới Dussendorf không có. Nếu dùng phương tiện xe lửa tốc hành với tồc độ trung bình 140km/giờ và vài trạm dừng, thời cũng phải tới 9 giờ sau mới tới nơi.

Lập tức tôi liên lạc với anh giáo sư toán Lê Hùng, chủ diễn đàn Ba Cây Trúc tại Bruxelles Bỉ, và rủ anh ấy cùng đi. Anh ấy nhận lời và hứa đợi tôi tại sân bay quốc tế Bruxelles của chuyến bay cất cánh tại Genève lúc 6.30 giờ sáng tinh sương. Tuy thế, nhưng cũng phải ra khỏi nhà vào lúc 3.00 giờ sáng để tới trước làm thủ tục. Rồi hai anh em chúng tôi lấy xe lửa sau đó để qua Dussendorf Đức quốc.

Tại sân ga chính, anh Châu Văn Phước, thành viên trong ban tổ chức, đã chờ sẵn chúng tôi. Anh em chúng tôi gặp nhau tay bắt mặt mừng, tuy chưa một lần gặp nhua trước đây. Mừng mừng tủi tủi hiện diện bên nhau trong mùa tranh đấu, theo tinh thần Ngô Đình Diệm, cho quê hương có một ngày mai tươi sáng. Nhiệm mầu nào đã tạo mẫu số chung nối kết? Tinh thần nào đã sưởi ấm lòng người xa quê trong tranh đấu? Nếu không phải là tinh thần Ngô Đình Diệm?

Khác với những lần trước luôn được tổ chức tại Mönchengladbach, trong tình hình sôi bỏng của cao trào dân chủ hóa Vịệt Nam nở rạng, năm nay thành phần thuộc ban tồ chức xem ra thật đông đảo. Xin ghi lại tên một chị và tên của 12 anh: Nguyễn Thị Phước,Trần Văn Bi, Châu văn Mầu, Nguyễn duy Sâm, Nguyễn Hữu Dõng, Châu Văn Phước, Từ Khiếu, Trần Ngọc Khử, Bùi Văn Toàn, Nguyễn Văn Rị, Nguyễn Tiến, Nguyễn Tấn Năng.

Năm nay Khối Thân Hữu Tinh Thần Ngô Đình Diệm tổ chức thánh lễ cầu nguyện tại Thánh đường và lễ tửởng niệm tại phòng họp của Thánh đường St Bonifatius Glockenstr. 7, 44623 Herne vào chiều ngày thứ bảy ngày 31/10/2009. Vủng nầy xem như là trung tâm có khả năng truyền đạt tinh thần Ngô Đình Diệm tới nhiều vùng xinh quanh.


Về Thánh lễ có hai LM đồng tế. Đó là LM tiến-sĩ Phêrô Nguyễn Trọng Qúy chủ tế và thuyết giảng và LM tiến-sĩ Giuse Nguyễn Văn Tịnh làm phó tế. Thành phần tham giữ buổi lễ nguyện cầu và tưởng niệm có khoảng chùng 220 người. Gồm một Mục sư J.B. Hà Đậu Đồng và một số đại diện các chính đảng như đàng Đại Việt và đàng Việt Tân và các hội đoàn khác. Thành phần phật tử cũng khá đông. Một số người tới từ các thành phố xa xôi ở phái bắc như Stuggat.

Nghi ngút ban thờ tỏa khói hương
Mọi người tưởng niệm ngậm ngùi thương
Uy linh Chí Sĩ còn oan khuất
Hệ lụy miền Nam mãi vấn vương
Bởi giữ chủ quyền, mang thảm họa
Vì gìn chánh nghĩa, chuốc tai ương
Ván bài chính tri, ôi tàn nhẫn
Nước Việt tiêu hao sức tự cường
!!! (Từ Phong)
 
ĐHY Phạm Minh Mẫn chủ sự thánh lễ cầu cho các Giám mục và Linh mục qua đời
Phêrô Nguyễn Quang Ngọc
08:58 05/11/2009
SAIGÒN - Vào lúc 08h30 sáng thứ năm, ngày 05/11/2009, tại nhà thờ Chí Hoà, số 149 đường Bành Văn Trân, phường 07, quận Tân Bình, Saigòn, Đức Hồng Y GB. Phạm Minh Mẫn đã chủ sự Thánh Lễ đồng tế cầu cho các Đức Giám Mục và các Linh Mục đã qua đời. Thánh Lễ có sự hiện diện của Đức Giám Mục phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm và các Linh Mục đại diện đồng tế.

thánh lễ cầu cho các giám mục và các linh mục

Trong thánh lễ có các Linh Mục nước ngoài đang công tác mục vụ tại Saigòn – các Linh Mục hạt trưởng cùng đầy đủ các Linh Mục đoàn trong giáo phận về tham dự thánh lễ đặc biệt này, cùng với khoảng 1.500 giáo dân từ nhiều giáo xứ trong giáo phận cũng đến tham dự và cầu nguyện rất sốt sắng.

Lời nói mở đầu thánh lễ của Đức Hồng Y Tổng Giám Mục, mời gọi mọi người tham dự thánh lễ hôm nay để cầu nguyện cho các Đức Giám Mục và các Linh Mục đã qua đời. Ngài cùng bày tỏ sự tương quan mật thiết và rất gần gũi giữa người còn sống và người đã ra đi trước có một tình hiệp thông liên kết thắm thiết trong tình yêu của Đức Kitô, của thừa tác vụ Linh Mục.

Trong thánh lễ Đức Cha Phêrô phụ tá chia sẻ ý nghĩa – vai trò và trách nhiệm định hướng của Linh Mục, trong sứ vụ được Chúa trao cho chăn dắt đoàn chiên của Chúa, và đích điểm cuối cùng của Linh Mục là đi về đâu. Ngài đã dựa theo bài Tin Mừng của thánh Gioan mà trong Thánh Lễ vừa đọc. “Tất cả những ai mà Chúa Cha đã ban cho Ta, thì cũng sẽ ở với Ta”. Vậy Linh Mục là những người được Thiên Chúa Cha ban cho Đức Giêsu Kitô, để tiếp tục thi hành sứ vụ của Người, thì cũng sẽ được ở với Người.

Sau Thánh Lễ, cộng đoàn giáo dân cùng với Linh Mục đoàn, ra nghĩa trang Linh Mục cách cổng chính Nhà thờ Chí Hoà khoảng 200m (hướng về đường CMT8). Quây quần chung quanh Đức Hồng Y GB. Phạm Minh Mẫn và Đức Cha Phêrô phụ tá, cầu nguyện cho các Đức Giám Mục và các Linh Mục. Đặc biệt hơn 200 phần mộ Linh Mục đang an nghỉ trong Chúa tại nghĩa trang. Giây phút cầu nguyện được kết thúc bằng bài hát cầu hồn thật xúc động và trang nghiêm.
 
Giáo xứ Vĩnh Hội chầu Thánh thể cầu nguyện cho Các Mục Tử trong Năm thánh Linh mục
J.B. Nguyễn Quốc Tuấn
10:43 05/11/2009
VINH - Tuy là một giáo xứ nhỏ nằm giữa miền đại ngàn của huyện Vũ Quang - Hà Tĩnh, nhưng thời gian gần đây, Vĩnh Hội đã trở nên điểm sáng bởi đời sống Đức Tin sống động thể hiện qua việc sống mối tương giao trong lòng Giáo hội và xã hội. Một trong những nét đẹp ấy là tinh thần hiệp thông sâu đậm của cộng đoàn Vĩnh Hội với các mục tử.

Trong thời gian của chầu đền tạ vừa qua, Giáo xứ đã tổ chức giờ thắp nến trọng thể theo chủ đề “Đức Ái Mục Tử” cầu nguyện cho các đấng chăn nhân Năm Thánh Linh Mục. Về tham dự giờ cầu nguyện cùng giáo xứ, có đông đảo quý Cha thuộc Giáo Hạt Ngàn Sâu, cùng quý Cha Dòng Phanxicô đang làm mục vụ trên địa bàn Giáo phận Vinh.

Giờ cầu nguyện đã diễn ra trong bầu khí trang nghiêm, sốt mến, ấm áp tình chủ chăn và đàn chiên. Cộng đoàn cùng quý Cha đã dành thời thời khắc đặc biệt suy niệm về Đức Ái Mục Tử của Vị Mục Tử Tối Cao là Đức Giêsu Kitô. Chủ đề giờ cầu nguyện được dựa trên đoạn Tin Mừng Ga 10, 11 - 16: “Tôi chính là Mục Tử Nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên…Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử”. Tự sâu thẳm, cộng đoàn đã nói lên: “Chúng ta vô cùng hạnh phúc được làm chiên của Chúa Giêsu, vị Mục Tử nhân lành. Người biết ta, yêu thương ta và thí mạng vì ta. Còn ta thì ta đã biết Người tới mức nào và có thái độ làm sao ? Giấc mơ của Người khi muốn đưa những chiên khác không thuộc ràn này quy về một mối tuỳ thuộc vào chúng ta. Chính chúng ta là cánh tay nối dài của Người có thể làm cho thế gian này trở thành đoàn chiên duy nhất, mà Người là chủ chăn”.

Trước Chúa Giêsu Thánh Thể, cộng đoàn đã bộc bạch trăn trở của mình trước thực trạng của đời sống xã hội hôm nay, đặc biệt những gì đang diễn ra ngay trong lòng Giáo hội: “Trong Giáo hội hôm nay, đàn chiên đang được nhân lên, nhưng số lượng “sói dữ” cũng không dẫm chân tại chỗ. Chúng đang rình rập để tấn công chiên lành cách đầy tinh vi và xảo quyệt. Số chiên lành cũng nhiều, nhưng chiên ốm yếu không phải ít. Hơn thế nữa, số chiên lạc ngày một gia tăng. Có loại chiên lạc đàn, có loại chiên lạc chuồng, và cũng có loại chiên ở giữa đàn, giữa chuồng, nhưng tâm hồn thì xa chủ. Trong khi người mục tử không phải là người chăn thuê, để cho chiên ly tán; cũng không phải là người chỉ an phận với chiên lành; nhưng người mục tử là người hy sinh vì đàn chiên, người quan tâm chăn dắt chiên ốm yếu, người đi tìm chiên lạc, người đưa chiên ở chuồng khác về…. Muốn làm được điều đó, người mục tử phải có một tấm lòng nhiệt thành, một tâm hồn bao dung, và một trái tim quảng đại…, nói ngắn gọn hơn, người mục tử phải khoác lên mình tâm hồn Đức ái. Chân dung Đức Giêsu, vị Mục Tử nhân lành, chính là mô mẫu cho các mục tử thời đại hôm nay”.

Cộng đoàn đã hiệp dâng lên Chúa Giêsu Thánh Thể ước nguyện chân thành: “Lạy Chúa Giêsu, thế giới hôm nay, vẫn còn đó những nỗi đau thương mất mát, như: những cuộc bạo động bất công, sự hành xử quyền bính bất chấp công lý và lẽ phải, những cuộc bạo hành nơi gia đình và học đường…Hơn bao giờ hết, thế giới đang cần những vị mục tử nhân từ, can đảm, dám hy sinh để bảo vệ chân lý, hầu cứu vớt đoàn chiên đang lạc lối giữa biển đời đầy sóng gió. Xin Chúa ban tràn đầy tình thương xuống trên các mục tử của Chúa, để các ngài sẵn sàng hiến thân làm chứng cho công lý và sự thật hầu loan truyền sứ điệp cứu rỗi đến cho muôn người trên toàn thế giới”; và “nguyện xin cho mỗi người chúng ta biết đến với Đức Kitô, vị mục tử nhân lành, để kín múc từ trái tim Người nguồn suối yêu thương vô tận; nhờ đó tất cả chúng ta được tràn đầy ân thiêng, và hăng say nhiệt thành trong sứ vụ làm chứng cho Người, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”.

Giờ thắp nến cầu nguyện cho các mục tử của Giáo xứ Vĩnh Hội kết thúc trong lời ca nguyện: “Lạy Cha xin hãy cho mỗi người hiệp nhất nên một, như Cha ở trong con và như con ở trong Cha. Xin Cha cho mỗi người nên một trong chúng ta, hầu cho thế gian tin rằng Cha đã sai con”.
 
Chân dung linh mục Việt Nam: Đức cha Giuse Phạm Văn Thiên
GP Phú Cường
13:09 05/11/2009
Đức cha Giuse Phạm Văn Thiên (1907–1997)
Giám mục tiên khởi giáo phận Phú Cường

Sơ lược tiểu sử Đức cha Giuse:

– Sinh ngày 2-5-1907
­– Thụ phong linh mục: 17-03-1934
– Tấn phong giám mục: 06-01-1966
– Qua đời: 15-02-1997 tại Bình Dương
– Khẩu hiệu giám mục: “Ơn Chúa ở cùng tôi”

Một đời sống tu đức sâu xa

Nền tảng của đời sống thiêng liêng là thinh lặng và hồi tâm. Hai đặc điểm đó, ai tiếp xúc với Đức cha Giuse đều có thể dễ dàng nhận ra: ngài chỉ nói những lúc cần, những điểm cần và vừa đủ. Ngài ít nói, nhưng nhìn ngài quỳ trước Nhà Tạm, cung kính nghiêm chỉnh và như bất động, người ta có thể đoán được ngài đang nói thật nhiều.

Một vẻ đẹp của nhân cách

Nếp sống kỷ luật của Đức cha Giuse Phạm Văn Thiên là kết quả của một nền giáo dục kỹ càng: ngài rất đúng giờ. Mọi chương trình làm việc được ghi chú cẩn thận vào agenda. Thời đại của ngài chưa có “thiết bị nhớ” để lưu trữ lịch trình cần thực hiện. Nhưng chưa thấy ngài quên ngày giờ và công việc ngài đã chuẩn nhận.

Tới thăm giáo xứ nào, nếu thấy giáo dân xếp hàng chào đón, ngài liền chủ động bảo tài xế dừng xe, xuống đi bộ để đáp lễ mọi người.

Một bông hồng khiêm tốn

Có một tin đồn, chỉ mang tính “hành lang” nhưng đã đến tai nhiều người: lúc nhận được quyết định bổ nhiệm của Tòa Thánh, ngài đã mời cha Antôn Phùng Thành, đang làm quản lý của Đại chủng viện Sài Gòn, giúp ngài quản trị công việc tài chính cho giáo phận mới. Khi trao đổi với cha Antôn, ngài đã nhấn mạnh: “Nếu cha từ chối, có lẽ tôi cũng không dám lãnh nhận sứ vụ.” Không rõ thực hư câu chuyện, nhưng nếu đúng, quả thật ngài đã biết “tri kỷ”, biết mình “sở đoản” trong lãnh vực tài chính. Nhưng cũng “tri bỉ”, biết người, cha Antôn có nhiều “sở trường” trong lãnh vực đó.

Từ thấy đi đến tin tưởng và trao trách nhiệm. Sự tín nhiệm đó được duy trì suốt cả đời ngài. Khi trao tác phẩm đầu tay “Từ Thánh Thể đến Chúa Ba Ngôi” cho một cha phát hành, ngài đã không ngại ngùng ngỏ lời: “Cha vui lòng giúp sửa lại lời văn”.

Một dịp tĩnh tâm thường niên, trong giờ hội thảo, ngài đã đưa ra một vài chỉ thị về phụng vụ: “Phần ca dâng lễ: hát hay đọc?” Một cha góp ý. Ý này khác hẳn ý ngài. Đầu tiên có vẻ ngài không hài lòng, nhưng sau đó, duyệt xét lại, ngài đã thẳng thắn và công khai xin lỗi.

Một dịp tĩnh tâm thường niên khác, lúc đã trọng tuổi, ngài kết thúc giờ huấn thị bằng một câu rất ấn tượng: “Cám ơn quý cha đã vui lòng nghe!” Câu nói vừa được thốt ra, cộng đoàn linh mục ai nấy đều tươi nở nụ cười, nụ cười của yêu thương, chất ngất niềm cảm xúc.

Một tấm lòng dễ rung cảm

Mỗi khi đề cập với Đức cha Giuse về tình cảnh nghèo khổ của anh chị em giáo dân, là thấy ngay được nỗi xúc cảm hằn sâu trên khuôn mặt của ngài. Trong giai đoạn khó khăn của những ngày đầu sau 1975, ngài đã gợi ý với các linh mục: “Hãy cố sắp xếp gọn nhẹ những giờ phụng vụ, để tạo sự dễ dãi cho công việc lao động của bổn đạo”, mặc dù ngài rất nghiêm chỉnh và cẩn thận trong việc phụng vụ.

Bất cứ một linh mục, tu sĩ nào trong giáo phận lâm trọng bệnh, ngài đều thân hành đến tận nơi thăm hỏi và giúp đỡ tài chính nếu cần.

Một con người dám đổi mới

Tinh thần vâng phục của Đức cha Giuse cũng rất đáng lưu ý. Mọi quyết định từ Tòa Thánh, ngài hết sức trân trọng và thực thi tỉ mỉ, không phải chỉ với Tòa Thánh, mà ngay cả với Tòa Tổng giám mục, ngài vẫn luôn tỏ lòng tôn kính.

Con người của ngài thấm sâu một nền tu đức, lấy sự nhiệm nhặt làm nền tảng. Nhưng ngài vẫn sẵn sàng đổi mới khi thấy đó là hướng đi chung của Giáo Hội. Một chứng cớ cho thấy rõ điều đó là: chỉ một lần qua Rôma viếng mộ thánh Phêrô vào năm 1980, lúc trở về, cộng đoàn linh mục đã thấy nơi ngài nhiều thái độ và cách ứng xử mới.

Một người cha biết phòng xa

Đại đa số linh mục trong giáo phận đều là học trò của Đức cha Giuse, từ ngày ngài còn làm giám đốc Đại chủng viện thánh Giuse Saigon. Vì thế, ngoài tư cách là chủ chăn của giáo phận, ngài còn dùng tình “sư đệ” để giúp hàng ngũ linh mục duy trì lòng đạo đức và trung thành với lời khấn độc thân và vâng phục.
 
Ngày Khánh Nhật Truyền Giáo tại Đức quốc
Duy Tâm
15:55 05/11/2009
Ta cùng tiến ai ơi theo tình Chúa quên mình, lý tưởng thần linh muôn đời tôn kính. Người đi trong nước mắt, và người về trong câu ca, tay ôm bó lúa lòng mừng bao la."

SANKT AUGUSTIN 24-10-2009 - Sự tĩnh mịch Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời tại Sankt Augustin hôm nay được thay thế những nụ cười rạng rỡ, những bước chân con cháu các Thánh Tử Đạo Việt Nam từ muôn phương tề tựu về đây hiệp thông cùng Giáo Hội Đức mừng “Khánh Nhật Truyền Giáo“. Do Đức Giáo hoàng Piô XI khởi xướng mời gọi toàn thể Giáo Hội kể từ năm 1926.

Hình ảnh ngày Khánh Nhật Truyền Giáo

Năm nay, Ngày thế giới Truyền giáo lần thứ 83 của Giáo Hội diễn ra với tinh thần được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nêu lên trong Sứ điệp truyền giáo ban hành ngày 29-06 vừa qua: “Các dân sẽ bước đi nhờ ánh sáng của thành” (Kh 21,24). Trong Sứ điệp này, Đức Thánh Cha nhắc lại truyền giáo là nhiệm vụ chủ yếu của Hội Thánh: “Tôi nhắc nhở các Giáo Hội kỳ cựu cũng như các Giáo Hội trẻ trung rằng Chúa đã sai họ đi làm muối đất và ánh sáng thế gian. Người kêu gọi họ loan báo Chúa Kitô Ánh sáng muôn dân, cho đến tận bờ cõi trái đất. Họ phải coi sứ mạng truyền giáo cho dân ngoại là công việc mục vụ hàng đầu”.

Đồng thời ngài giải thích sứ mạng truyền giáo là làm cho niềm hy vọng được “lây nhiễm” khắp mọi nơi trên thế giới: “Tương lai công trình sáng tạo mới đã chiếu sáng trong thế giới chúng ta, và làm bừng lên niềm hy vọng cuộc sống mới, tuy vẫn còn những mâu thuẫn và đau khổ. Sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội là làm cho niềm hy vọng ấy được (lây nhiễm) nơi mọi dân tộc”. Đức Thánh Cha cũng đã nhắc đến công cuộc truyền giáo hiện đang gặp thử thách tại nhiều quốc gia: “Đặc biệt tôi muốn nói đến các Giáo Hội địa phương và các vị thừa sai đang làm chứng nhân và mở mang Nước Chúa trong hoàn cảnh bị bách hại, đang bị đàn áp nhiều cách: từ tình trạng bị kỳ thị về mặt xã hội cho đến ngục tù, tra tấn và sát hại. Ngày nay vẫn còn không ít nhà thừa sai bị giết vì “Danh Chúa”. Nhưng Giáo Hội vẫn trung thành với sứ mạng loan báo Tin Mừng Đức Kitô của mình. Đồng thời Đức Thánh Cha kêu gọi các tín hữu: “Chúng ta cần có niềm khao khát và say mê soi sáng cho mọi dân tộc bằng ánh sáng của Chúa Kitô, ánh sáng đang chiếu tỏa trên khuôn mặt Giáo Hội, để họ được qui tụ thành một gia đình nhân loại duy nhất trong tình yêu thương phụ tử của Thiên Chúa”.

Thánh lễ đồng tế các Cha dòng ngôi lời:

Giuse Huỳnh Công Hạnh, SVD
Đa-minh Nguyễn Ngọc Long tuyên úy liên giáo phận Köln – Aachen
Giuse Lê Văn Thắng, SVD
Phêrô Nguyễn Trọng Đường, SVD
Thầy phó tế Martin Vũ Quốc Vinh, SVD

Trong bài giảng cha Phêrô Nguyễn Trọng Đường chia sẻ ý nghĩa Truyền giáo là gì? Mời gọi cộng đồng dân Chúa tích cực tham gia vào sứ vụ loan báo Tin Mừng để chu toàn bổn phận của người Kitô hữu mà chúng ta đã lãnh nhận qua Bí tích rửa tội. Trong tâm tình Cha cũng chia sẻ một đời ước mơ của Cha Thánh Arnold Janssen là tổ phụ của Dòng Ngôi Lời, thực hiện sứ điệp tình yêu của Đức Kitô trao ban. Thánh Nhân đã ghi tâm khắc cốt vào những lời sau đây, như là kim chỉ nam cho việc truyền giáo của Dòng:

Cuộc sống của Ngài là cuộc sống của chúng ta,
Sứ vụ của ngài là sứ vụ của chúng ta,
Anh em hãy nên hoàn thiện
…"

Kết thúc bài chia sẻ với lời mời….. Anh em hãy là muối cho đời… Anh em hãy là ánh sáng cho trần gian (Mt 5, 13.14)”.

Phần kết lễ các em thiếu nhi từ 6 - 8 tuổi như những thiên thần dâng hoa và đặc hoa dưới chân Mẹ như phó thác các thừa sai, các nhà truyền giáo cho Đức Mẹ.

Sau Thánh lễ mọi người kéo nhau vào hội trường, chỉ đến cửa thôi hương thơm ngào ngạt của các món ăn Việt Nam đã quyến rủ làm bao tử dậy sóng. Thật khó mà chọn vì món nào cũng ngon và hấp dẫn mang hương vị quê hương, hỏi ra mới biết các chị đang học và thực hiện truyền giáo bằng cách dồn hết tâm tư, tình cảm cũng như nhiệt huyết để chế biến những món ăn giúp các em nạn nhân AIDS tại Botswana nằm về phía nam của Châu Phi nơi đó có khoảng 2 triệu người nhưng trên 40% dân số nhiễm HIV. Số người tử vong vì căn bệnh thế kỷ ngày càng cao. Phía mày râu cũng không kém, phiếu ăn không mua từng phiếu mà mua bằng thước.

Để mở đầu chương trình văn nghệ Cha Đa-minh Nguyễn Ngọc Long, tuyên úy các cộng đoàn Việt Nam trong Liên giáo phận Köln – Aachen, nói lên ý nghĩa của những gì mọi người đang làm: Lấy tình thương đáp lại tình thương, bằng cách này cách khác đóng góp công sức để giúp các em bệnh nhân nghèo Châu Phi, thực thi mến Chúa yêu người. Cha cũng mời gọi mọi người cộng tác trong công cuộc truyền giáo của Giáo Hội bằng những hy sinh nhỏ bé trong cuộc sống và đồng hành với các thừa sai trong lời nguyện và giúp đỡ vật chất khi có dịp. Trong ngày Truyền Giáo này, chúng ta hãy nhớ đến trong kinh nguyện những người đã tận hiến cuộc sống cho việc công cuộc rao giảng Tin Mừng. Đặc biệt nhắc đến các Giáo hội quê nhà từ tình trạng bị kỳ thị về mặt xã hội cho đến ngục tù, tra tấn và sát hại. Ngày nay vẫn có những thừa sai bị giết vì ”Danh Chúa”.

Đêm văn nghệ “tình thương“ nhiều tiếc mục thật độc đáo từ những vũ khúc do các em thiếu nhi biểu diển, độc tấu dương cầm thấy đàn mà không thấy người (bởi bé quá nhỏ mà đờn thì lớn), đến những giọng ca oanh vàng ru đời vào mộng. Một đêm tranh tài bất phân thắng bại.

Để tỏ lòng biết ơn đến nhau kẻ góp công, người góp sức, góp tài góp của Cha Giuse Huỳnh Công Hạnh ngẫu hứng:

Mừng ngày truyền giáo hôm nay
Qúy Cha, Qúy khách xum vầy bên nhau
Dâng lên Thiên Chúa lời cầu
Xin cho lời Chúa trổ màu xanh tươi
Trên đồng truyền giáo khắp nơi
Đơm bông, kết hạt tuyệt vời lúa thơm
Chúng ta kết việc lẻ đơn
Mọi người chung sức thiệt hơn chẳng màng
Tâm hồn hăng hái sẵn sàng
Chung tay phục vụ mùa màng khắp nơi
Nguyện xin Thiên Chúa trên trời
Ban muôn hồng phúc trên đời chúng ta
. (HCH)

Có hợp thì phải có tan đó là lẽ thường tình trong cuộc sống, mặc dù còn nhiều luyến tiếc, cùng nhau hẹn “Khánh Nhật Truyền Giáo“ năm sau nhé!
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Vài suy nghĩ quanh vụ Vedan
Alfonso Hoàng Gia Bảo
07:37 05/11/2009
Tuần qua, sự kiện làm hao tốn giấy mực nhiều nhất ở VN ta có lẽ là vụ “trao nhầm” giải “Sản phẩm An toàn vì Sức khỏe Cộng đồng Năm 2009” cho Vedan làm cho tên tuổi công ty này một lần nữa lại ‘nổi đình nổi đám’ do sự bất bình của nhiều người vì sao một tên ‘tội đồ’ mới bị bắt quả tang lén lút xả nước thải thẳng từ nhà máy không qua xử lý gây ô nhiễm nặng cho con sông Thị Vải đến nay vẫn chưa khắc phục hết hậu quả, mà lại có kẻ dám vinh danh sản phẩm của họ làm ra là ‘vì sức khỏe cộng đồng’!?

Chuyện trớ trêu như vậy mà có kẻ dám làm thì ắt phải vì động lực gì ghê gớm lắm!? Khi nhìn vào sự bất cân xứng giữa sự ‘vô danh’ của nhà tổ chức là Trung tâm Tư vấn Phát triển Thương hiệu và Chất lượng (NATUSI) và hoàn cảnh ‘tội đồ’ của Vedan sau vụ nước thải, không khó lắm để chúng ta nhận ra đã có một sự câu kết giữa nhà tổ chức và công ty này để hai bên cùng được hưởng lợi: ‘kẻ được tiền – người được tiếng’. Và trong thực tế đã xảy ra đúng như vậy. Vedan đã phải chi ra hàng trăm triệu đồng từ thiện cứu trợ bão lụt Miền Trung, vài chục triệu cho nhà tổ chức và tất nhiên đây mới chỉ là khoản chi có tên tuổi chưa tính các khoản chi ‘trà nước’, boa biếc…để ‘bôi trơn’ giải. Bởi nếu không vì lợi lộc, chắc chắn chẳng quan chức nào lại dại dột đi làm cái việc dễ bị hiểu là thách thức lại chủ trương chống tiêu cực, tham nhũng của nhà nước.

Bằng khen hay mớ ‘giấy lộn’?

Với thâm niên gần 20 năm làm ăn ở VN (bắt đầu từ 1991) chắn chắn đây không phải là lần đầu Vedan được trao giải thưởng. Quí vị nào từng có dịp đến các công ty, nhà máy trong các khu công nghiệp chắc hẳn đều thấy trong phòng khách, phòng họp của họ treo lủ khủ ‘kính thưa’ các kiểu bằng khen giấy khen, thậm chí xuống nhà bếp cũng thấy treo!

Cơ quan nào muốn khen ai thì cứ việc bỏ chút tiền ra mua mẫu bằng khen bán sẵn ngoài nhà sách hoặc tự thiết kế lấy rồi đem in, đem về điền tên ‘ân nhân, đối tác’ của mình vào cứ thế ban phát thoải mái mà chẳng hề bị chi phối bởi qui chế khen thưởng nào cả. Chính sự lạm dụng tâng bốc nhau như vậy đã biến giá trị của những mảnh giấy khen, chứng nhận ở VN bây giờ chỉ còn ngang ngửa cỡ mấy mảnh… ‘giấy lộn’!

Trong thực tế bây giờ người dân cũng chẳng còn ai thiết tha gì đến các ‘danh hiệu XHCN cao quí’ do nhà nước ban tặng nữa. Vì sao ư? Cứ xem các bác dân oan lôi đến cả ‘bửu bối’ của gia đình là những tấm bằng “Tổ quốc Ghi công” đủ các kiểu mà ông bà, chồng con họ phải đổ máu ra mới có được, vậy mà khi ‘đụng chuyện’ chúng cũng chẳng thể cứu gia đình họ khỏi nạn bị cướp nhà mất đất thì thử hỏi ba cái bằng khen, giấy chứng nhận vớ vẩn kia là ‘cái đinh rỉ’ gì?

Bởi vậy, mối bận tâm duy nhất của hầu hết người được lĩnh thưởng bây giờ chỉ còn là cái phong bì đi kèm dày mỏng ra sao mà thôi. Còn bằng khen ư? xin quên đi! sau khi ‘lột ruột’ chúng nhiều người đã lạnh lùng “bỏ quên” luôn lại chỗ ngồi, mặc dù hơi ‘khó coi’ nhưng xem ra vẫn còn ‘tử tế’ hơn là làm theo câu mà dân chúng thường bảo đem về “lộng kiếng” tức đem ‘liệng cống’ !!!

Thời bao cấp chuyện khen thưởng là để tuyên truyền chính trị theo kiểu “nhờ sự lãnh đạo tài ba của đảng bộ mà đơn vị ta đã đạt được thành tích này nọ…” sang thời ‘đổi mới’ việc này đã được ‘định hướng’ sang mục đích thương mại. Các show trao giải được truyền hình live khắp cả nước, và nhất là có thêm mục làm từ thiện đã trở thành những cơ hội béo bở giúp các đại gia khoe khoang, đánh bóng tên tuổi mình. Tiền không biết đến với người lĩnh thưởng và dân nghèo được bao nhiêu nhưng các nhà tổ chức, các đài truyền hình chắc chắn không bao giờ biết lỗ là gì cả!

Vedan và NATUSI, ai là “nạn nhân” của ai?

Trở lại vụ trao giải, ngay sau vụ việc ‘vỡ lở’ đại diện nhà tổ chức, bà Nguyễn Thị Sinh- Giám đốc Trung tâm Tư vấn Phát triển Thương hiệu và Chất lượng (NATUSI) vội vã thanh minh với báo giới vào chiều 27/10 rằng họ đã “trao nhầm” giải thưởng cho Vedan chứ không hề có chuyện họ muốn vinh danh công ty này !!! (bà này chắc hòi nhỏ từng ăn mật cua nên mới ăn nói ngang dữ vậy?)

Bởi một lời tuyên bố như vậy có khác nào họ tặng cho Vedan ‘cái tát’ vào giữa mặt “các anh không xứng đáng” trong khi trên thực tế thì ai cũng biết một công ty tầm vóc quốc tế như Vedan họ đâu cần gì tới cái giải thưởng ‘bèo nhèo’ không tên tuổi của NATUSI, mà khi tham gia họ chẳng những không được gì mà còn phải tốn kém tiền ủng hộ từ thiện, lo lót thủ tục đủ thứ v.v…

Ai từng lăn lộn làm ăn ở VN đều có thể hiểu chính cái tâm lý cả nể, sợ làm mất lòng các quan chức địa phương và các sở ngành dọc đã khiến Vedan muốn ‘qua sông mà phải lụy đò’ miễn cưỡng tham gia giải, thế thôi! Hoặc nếu họ nhiệt tình thì chẳng qua cũng chỉ vì cái ‘phốt’ vụ xả nước thải năm ngoái mà đành phải “lập công chuộc tội”.

Nếu không vì lý do này, chắc chắn NATUSI đã phải ‘lạy lục’ Vedan tham gia để còn ké tên tuổi họ chứ không thể có chuyện tuyên bố ‘kẻ cả’ như trên được. Rõ ràng! Nếu không có vụ lùm xùm này mấy ai torng chúng ta biết có NATUSI trên cõi đời này?

Bởi vậy, việc Vedan ấm ức ‘tự phong’ cho mình là “nạn nhân” chắc chắn không phải vì lý do lãnh hụt mảnh ‘giấy lộn’ ấy. Thiếu nó, một đại gia tầm cỡ Vedan sẽ chẳng bao giờ chết vì bột ngọt ở VN chưa bao giờ bán ế cả. Mà đó có thể do công ty này bất bình trước lối hành xử hèn mọn của các quan chức qua việc họ trắng trợn ‘phủi tay’ tên tuổi Vedan khi thấy không còn có lợi cho họ nữa. Và để cho ra vẻ công bằng họ đã lôi hai chú ‘dê con’ ra làm vật tế thần: Hoàng Thủy Tiến, Phó cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bộ Y tế bị “tạm đình chỉ công tác” (nhưng mà cũng chỉ ‘tạm’ thôi à nghen!) và cô thư ký của NATUSI là Nguyễn Thị Hiền Vân bị buộc thôi việc và không được hưởng bất cứ chính sách gì. Thế là xong! (Số cô ta sao mà cũng đen đủi giống “cậu đánh máy” của bác Quát thế nhỉ? các trường đào tạo nghiệp vụ thư ký ai nhanh chân gấp rút biên soạn ngay giáo trình ‘kỹ thuật phòng ngừa tai bay vạ gió từ… sếp’ chắc nay mai sẽ ăn nên làm ra đấy!).

Dẫu sao thì lời khẳng định của ông thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ Nguyễn Quân rằng “Vedan vô tội” điều này có nghĩa Vedan đúng là ‘nạn nhân’. Vấnđề là một khi đã có “nạn nhân” ắt phải có “thủ phạm” gây ra vụ việc. Vậy thủ phạm ấy gồm những ai, chúng đang ẩn nấp ở đâu?

Cái lý lẽ mà bà giám đốc NATUSI Nguyễn Thị Sinh đưa ra “dùng nhầm danh sách đơn vị có sản phẩm đạt tiêu chí đề cử xét chọn” quả là loại nhầm lẫn độc nhất vô nhị trước nay. Tên tuổi của Vedan ‘bự’ là thế mà bà Sinh lại bảo “nhầm” có khác nào khi hỏi bà có tin là con lạc đà chui qua cái lỗ kim không, bà trả lời “không thấy, không biết” thay vì phải khẳng định ngược lại.

Việc dám cả gan lấp liếm sự việc bằng khẳng định “Vedan Việt Nam lên sân khấu chỉ để nhận chứng nhận ủng hộ 100 triệu đồng cho đồng bào bị bão lụt” hôm 27/10 trong lúc hình chụp ba tấm bằng tuyên dương mà họ đã trao cho Vedan đã được phát tán khắp các trang mạng, rốt cuộc bà ta chỉ làm chuyện phơi bày sự ngu dốt của mình ra trước công luận, tiêu biểu cho lối ứng xử hết sức hèn hạ thường thấy ở phần lớn quan chức VN ta mỗi khi việc làm sai trái nào đó của họ bị phanh phui.

Nếu thực sự vì sự “nhầm lẫn” của một cô thư ký quèn NATUSI mà gây ra bao nhiêu phiền lụy cho hàng loạt quan chức từ trung ương đến Tp.HCM như vậy, lẽ ra, vì tương lai của chính bản thân mình, bà giám đốc Sinh không nên vội đuổi việc cô ta mà phải cám ơn là đằng khác. Bởi nếu không có sự ‘nhầm lẫn’ bà ta đâu có cơ hội ‘vá’ lại cái lỗ hổng kém cỏi về quản lý, sự bất cẩn khi ra quyết định. Còn nếu vì xét về trình độ nhầm lẫn, bà ta cũng đáng “xách dép” cho cô ta nốt, bởi phải có chuyên môn rất cao nên mới có thể qua mặt hàng loạt ông bà quan chức khiến để xảy ra chuyện ‘trao nhầm’ hi hữu như vậy.

Tệ ngôn, bởi đâu?

Không hiểu thời vận đất nước mình nay đang ở vào ‘cung’ gì, ‘quẻ’ gì mà càng lúc dân chúng càng phải chứng kiến nhiều sự ‘khác thường’ mà không phải ‘phi thường’ đã như xảy ra với kiều bào của mình trên đất khách quên người, như chuyện ‘thuyền nhân’ Joshep Cao Quang Ánh (sinh 1967 tại VN) trở thành dân biểu Mỹ gốc Việt đầu tiên, hay mới gần đây nhất là chuyện một đứa bé người Việt mồ côi cả cha lẫn mẹ tên Philipp Roesler được ‘bốc’ ra khỏi VN từ năm 1973 nay đã leo lên làm bộ trưởng của một cường quốc thuộc vào hạng nhất nhì Châu Âu trước sự thán phục của nhiều người khắp nơi

Chỉ riêng trong chuyện phát ngôn thời gian gần đây quan chức khắp ba miền xứ ta đã khiến người dân đi hết ngạc nhiên này sang xấu hổ khác.

Đó là vụ ‘bác’ Quát copy nguyên con một bài báo hải quân TQ ‘dương oai diễu võ’ ngoài biển Đông đem dán vào báo đảng như muốn tiếp tay họ uy hiếp dân mình, đến khi bị thiên hạ phát hiện liền chối leo lẻo bảo… “quên” ngọt sớt !!! Vụ ông chủ tịch Triết với phát biểu ở La Havana gây sốc thiên hạ năm châu khi bảo “hai anh em sinh đôi VN-Cuba, đứa Đông đứa Tây cùng nhau canh giữ hòa bình cho thế giới” !!! trong lúc dân mình bị TQ bắt nạt ngoài khơi thì về nhà lại nín khe chẳng dám bảo thằng anh Cuba sang lập lại trị an dùm ??? … và nay là đến lượt ‘quan bà’ Nguyễn Thị Sinh Giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển thương hiệu và chất lượng (NATUSI). Hai chữ “trao nhầm” mà bà này phân bua cùng báo chí hôm 27/10 đã khiến nhiều người ‘ngẩn ngơ’ vì cứ nghĩ bà ta đang nói về chuyện ‘lầm lỡ’ yêu đương của bà ngày xưa chứ chẳng phải vụ trao giải thưởng “Sản phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng năm 2009” v.v...

Suy cho cùng việc gì cũng có cội nguồn của nó. Sở dĩ thỉnh thoảng chúng ta vẫn còn nghe đâu đó những lời phát biểu hớ hênh ‘khác thường’ là vì đang còn có quá nhiều những cái đầu ‘không bình thường’ nắm giữ các trọng trách trong xã hội.

Điển hình như trong số khoảng chục vị giám đốc sở của Tp.HCM hiện nay có một người mà tôi cùng một số bạn bè biết rõ anh ta từ khi còn làm ‘lon ton’ cấp phường của một quận ven khoảng hơn 20 năm trước. Anh này có cái tên khá là ‘nhà quê’ bắt đầu bằng một phụ âm nặng nằm gần cuối bảng alphabet. Phong cách làm việc bây giờ thì không biết anh ta có tiến bộ gì chưa nhưng hồi ấy ‘rặt’ chất nông dân (xin mấp mé thế thôi kẻo anh ta lại ‘thất thu’ khi chưa kịp thu hồi vốn, tội nghiệp!).

Đó là khoảng đầu những năm 80s sau khi ra trường tôi được điều về làm công việc kỹ thuật tại một sở của thành phố, và do sự phân công nên thỉnh thoảng phải xuống nắm tình hình sản xuất của một số quận huyện ven, trong đó có phường điểm do anh này phụ trách.

Những lần xuống công tác tại địa bàn như vậy, mặc dù chỉ là nhân viên bình thường nhưng nhờ mang cái ‘mác’ cán bộ thành phố, thỉnh thoảng lại có sếp đi cùng, nên chuyện cơm bưng nước rót, mời mọc café thuốc lá đối với chúng tôi anh ta chẳng nề hà.

Sau đó vì không còn làm việc trong nhà nước nữa nên tôi cũng chẳng còn dịp gặp anh ta… bẵng đi hơn chục năm, một hôm tình cờ đọc báo thấy tên anh này đi kèm với chức danh giám đốc một sở quan trọng của thành phố mà đâm ra… ‘giật mình’!

Cái tên thuộc vào loại ‘hàng hiếm’ như anh với dân thành thị như anh chắc khó có thể trùng với ai khác, ngẫm nghĩ vậy nhưng để cho chắc tôi gọi điện hỏi thử anh bạn xem sao, thì quả nhiên được xác nhận: “đúng là hắn đấy! nhưng bây giờ thì nó khác rồi, hách lắm! nhiều lúc tớ gọi điện nó chẳng buồn nghe” và còn cho chua thêm “nghe nói nó bây giờ đi đâu cũng giắt cạp quần tới hai cái bằng tiến sĩ!”.

Tôi ‘giật mình’ không phải vì chuyện anh ta ‘làm nhớn’ hay có bao nhiêu tấm bằng tiến sĩ, mà vì không hiểu nổi làm cách nào, đi kiểu nào, bò kiểu nào mà một anh lính quèn cấp phường, ngày ấy có lần bảo với tôi tối tối còn phải đi học bổ túc văn hóa, vậy mà mới chỉ sau mươi mười lăm năm đã có thể leo đến chức giám đốc một trong vài sở quan trọng nhất của thành phố lớn nhất nước, có tầm ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn chục triệu cư dân?

Việc nỗ lực để tiến thân bằng học vấn, kể cả khi tuổi tác đã cao ở một đất nước có truyền thống trọng thị bằng cấp như VN ta không phải là chuyện hiếm và những tấm gương siêng năng sách đèn như thế đều rất xứng đáng được trân trọng.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải phân biệt rạch ròi trình độ tư duy, khả năng làm việc sáng tạo trong công việc của một người lấy được bằng tiến sĩ ở lứa tuổi U40-50-60 và một em sinh viên mới ở lứa tuổi dưới 30 chắc chắn không thể cùng ‘tiến sĩ’ như nhau được. Nhất là một khi não trạng của những loại ‘tiến sĩ cụ’ ấy đã bị xơ cứng bởi những giáo điều cứng ngắt, sai lầm, giả dối của hệ thống giáo dục XHCN. Và đó là còn chưa nói đến nạn ‘học dùm thi hộ’ lộng hành khắp nơi ở nước ta.

Ấy vậy mà theo chúng tôi biết phần lớn các quan đương chức ở Tp.HCM đã tiến thân bằng con đường sách đèn như thế đó !!!

Bởi vậy, nếu một ngày ‘đẹp giời’ nào đó đọc báo quí nghe anh giám đốc sở nói trên có ‘lỡ’ buông ra những lời lẽ nghe ‘ngồ ngộ’ như bao bậc đàn anh đàn chị khác như ông Quát, như bà Sinh v.v… chúng ta cũng đừng ngạc nhiên.

Tp.HCM là trung tâm văn hóa khoa học kỹ thuật lớn nhất nước mà vẫn còn đang có nhiều quan chức ‘tầm cỡ’ đi lên chỉ nhờ ngày xưa từng là ‘kiện tướng’ đào kênh làm thủy lợi trong lực lượng thanh niên xung phong như ông quan Huỳnh Ngọc Sỹ vừa phải vào tù vì vụ ODA Nhật Bản, hay nhờ “phấn đấu” siêng học bổ túc văn hóa như anh lính phường kể trên v.v… thì chuyện làm sai, sửa sai, khắc phục hậu quả… chắc chắn sẽ còn bộ phim dài nhiều tập chiếu dần cho dân chúng ta ‘thưởng lãm’.

Như mấy hôm triều cường hiện nay chiều chiều đi làm về dọc theo kênh Nhiêu Lộc thấy các quan ta điều lính lác hì hụi bơm nước từ trong xóm xuống kênh, trong khi hai đầu vào ra chỉ cách nhau khoảng một hai chục mét, thấy mà ngao ngán vì không hiểu cái ‘đỉnh cao trí tuệ’ nào đã nghĩ ra cách ‘lo cho dân’ một cách ‘thật thà như đếm’ khi cho tát nước qua lại giữa hai cái thùng thông đáy như thế nhỉ?

Nhớ hồi trước 1975 thỉnh thoảng tôi nghe mấy anh lớn tuổi hay nói “Nhân bất học bất tri lý / Nhỏ không học lớn làm đại úy!” tưởng chỉ là nói đùa để chọc ghẹo số ít nhà giàu học dở thi rớt tú tài, sợ đi lính nên phải chạy chọt vào trường sĩ quan Thủ Đức làm lính kiểng có giá trị cho thời chiến. Nhưng nay mới thấy câu này đã diễn tả hết sức chính xác tình trạng ‘bất học’ của các ông quan XHCN ngày nay, khi mà học hành kiến thức đối với nhiều người đơn giản chỉ còn là phương tiện để tiến thân.

Bởi vậy, ngày nào mà sự nghiệp của những loại quan chức này còn ‘tỏa sáng’ thì ngày ấy tương lai dân tộc này sẽ còn đen đủi dài dài…

Sàigòn, 04/11/2009
 
Từ bài học Ấn Độ nghĩ về Việt Nam
John Chang
10:45 05/11/2009
Tuần báo Time, có uy tín hàng đầu không những ở Mỹ mà còn trên khắp thế giới, trong số ra 2-11-2009 (tr 48-49) viết rằng cuộc đối đầu giữa Ấn Độ và Trung Quốc có thể trở thành cuộc chiến quan trọng nhất của thế kỷ.

Nói đến Ấn Độ thì không ai dám coi thường. Đây là quốc gia đông dân thứ nhì trên thế giới (1.2 tỷ dân), trong tương lai không xa sẽ trở thành nước đông dân nhất. Ấn Độ có 9 ngàn năm lịch sử, là cái nôi phát sinh của 4 tôn giáo lớn: Ấn Giáo, Phật Giáo, Jainism, và Sikhism. Ấn Độ còn là cường quốc về kinh tế, GPP là 3,3 ngàn tỷ dollars, lợi tức đầu người là 2.8 ngàn dollars. Ấn Độ còn là cường quốc quân sự, có hàng không mẫu hạm, có vũ khí hạt nhân công khai. Nhưng cũng như các nước có cùng biên giới với Trung Quốc, Ấn Độ cũng bị Trung Quốc xâm lấn. Năm 1962 TQ xua quân chiếm luôn vùng Aksai Chin của Ấn Độ và tấn công vào bang Arunachal Pradesh. Việc này gây nên một mối quốc nhục không bao giờ nguôi ngoai cho người Ấn Độ đến tận ngày nay. Báo chí Ấn Độ luôn sôi sục khuynh hướng phục thù. Hiện nay TQ vẫn chưa dừng lại tham vọng bành trướng lãnh thổ sang phía Ấn Độ. Trung Quốc vẫn coi bang Arunachal Pradesh là một phần của Tây Tạng mà trước đó Trung Quốc đã đánh chiếm. Mới đây Trung Quốc gây áp lực với Ngân Hàng Phát Triển Á Châu để phong tỏa số tín dụng 2.9 tỷ dollars cấp cho chương trình chống lụt của bang Arunachal Pradesh. Một trong các nguyên nhân đưa đến chiến thắng của Trung Quốc trong cuộc chiến vào năm 1962 là trước đó họ đã xây dựng rất nhiều đường giao thông tiện lợi ở khu vực biên giới giúp quân TQ di chuyển rất nhanh chóng khiến quân Ấn Độ trở tay không kịp. Vì thế Ấn Độ luôn coi việc Trung Quốc giúp xây dựng các cơ sở hạ tầng ở Nepal, Pakistan, Sri Lanca là nằm trong chiến lược bành trướng của TQ. Hiện nay quân đội hai nước đang dàn trận dày đặc ở khu vực biên giới chung dài đến 3,200 cây số.

Không phải chỉ có Ấn Độ, Liên Xô thời hùng mạnh nhất vẫn bị TQ xâm lấn. Tháng 7-1964 Mao Trạch Đông tuyên bố với 1 phái đoàn đảng Xã Hội Nhật là các Sa Hoàng Nga đã cướp mất vùng Tây Bá Lợi Á rộng mênh mông của Trung Hoa. Ngày 2-3-1969, một đội quân TQ phục kích các binh lính biên phòng Liên Xô giết chết 31 người. Liên Xô trả đũa bằng việc oanh kích các trại lính TQ làm 800 binh lính TQ thiệt mạng.

Nhật Bản và Hàn Quốc thừa biết rằng TQ nuôi dưỡng chế độ cộng sản bất nhân Bắc Hàn là để khống chế hai nước này.

So với Ấn Độ, Liên Xô, Nhật Bản, và Hàn Quốc thì Việt Nam yếu hơn nhiều về mọi mặt mà cái yếu nhất là tinh thần bạc nhược khiếp sợ TQ của giới lãnh đạo ngu muội cộng sản. Bất kỳ một người VN bình thường nào cũng thấy được âm mưu đen tối của TQ trong các dự án phát triển giao thông, khai thác bauxite tại Việt Nam.

Nhưng TQ cũng không phải là toàn năng. Sự phát triển có vẻ thần kỳ của TQ cũng có cái giá phải trả nhất là môi trường bị hủy hoại. Người dân TQ sản xuất ra nhiều hàng hóa nhưng không được thụ hưởng vì bị chính quyền mang đi xuất khẩu gần hết với giá rẻ mạt. Họ chỉ biết mang tiền gởi vào các ngân hàng nhà nước. Các ngân hàng này cũng chỉ biết dùng tiền này mua công khố phiếu của Mỹ để lấy lời. Nhưng đồng tiền Mỹ luôn bị mất giá, gởi tiền vào Mỹ tuy có lời nhưng thật ra lại lỗ. Bất công xã hội lan tràn ở TQ, hàng năm có đến mấy chục ngàn vụ biểu tình đình công. TQ chi tiền quá đáng vào quốc phòng và lập lại sai lầm của Liên Xô trước đây khi mang quá nhiều tiền viện trợ cho các nước gọi là anh em để bành trướng ý thức hệ cộng sản. Sự chịu đựng của người dân chỉ có giới hạn. Bài học Thiên An Môn 1989 còn đó. Trong nhất thời quân đội có thể tàn sát vài ngàn người dân nhưng trong trường kỳ nhân dân sẽ là người chiến thắng sau cùng.

Giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã quỳ gối thần phục TQ để được hưởng sự che chở, hầu kéo dài được ngày nào hay ngày nấy ngày toàn dân chắc chắn sẽ vùng lên lật đổ ách thống trị tai hại của cộng sản trên quê hương. Nhưng đảng cộng sản TQ sẽ không phải là thành trì vững chắc muôn đời cho bọn mãi quốc cầu vinh đâu.
 
Độc giả góp ý về: Vụ Nhà Dòng Thánh Phaolô Vĩnh Long
Người Hà Nội cũ
15:30 05/11/2009
Mấy hôm nay trên mạng có hai đề tài liên quan đến nhà các Sơ nuôi trẻ mồ côi.

- Thứ nhất: Bài báo của phóng viên Mac-André Russau từ Đức về Việt Nam điều tra nơi nhà trẻ mồ côi ở Sóc Trăng mà Bộ Trưởng Y Tế của nước Đức đã xuất thân. Bài báo viết “và giờ đây đã trở thành một người đàn ông quyền lực tại nước Đức.” Dù ông là Bộ Trưởng nước Đức, hơn ba mươi năm trước ông là một đứa trẻ mồ côi mang dòng máu Việt Nam hòan tòan. Dù ông là Bộ Trưởng nước Đức nhưng người Việt nếu hãnh diện thì cũng nên tạ ơn Trời Phật vì nếu không có nhà nuôi trẻ mồ côi của các Sơ thì nước Đức hôm nay không có ông Bộ Trưởng tài ba này.

- Thứ hai: Tiếng kêu của Đức Cha Tân và các Sơ Dòng Thánh Phaolô về vụ nhà nước cưỡng chiếm, đập phá nhà “nuôi trẻ mồ côi.”

DÒNG SỰ KIỆN

- Theo những tài liệu trên VietCatholic thì các Sơ còn đủ hình ảnh nhà nước đập phá nhà Dòng, văn bản nhà nước vu khống các Sơ thay vì nuôi trẻ mồ côi thì nuôi thành phần chống cách mạng. Ngay cả hình chụp ý định của nhà nước là sẽ dựng khách sạn. Vì bị phản đối nên bây giờ họ mới giả hình chuyển thành công viên xanh.

- Theo dòng sự kiện cả nước đều biết ông Phạm Văn Đồng ký văn bản nhường đất hải đảo cho Trung Quốc.

- Theo dòng sự kiện cả nước đều thấy trên Google Map, ngày trước, biên giới phía Bắc các địa danh mang tên Việt Nam, bây giờ mang tên Trung Quốc.

- Theo dòng sự kiện cả nước biết trong 6 tháng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ba lần lên tiếng khuyến cáo vụ nhà nước dám trao cho Trung Quốc khai bauxite và đem dân Trung Quốc sang ở Tây Nguyên. Tổ chức IDS các nhà trí thức Việt Nam phải tự giải thể vì áp lực và đe dọa của nhà nước, họ không thể góp ý để xây dựng đất nước và gìn giữ sự sống còn của dân tộc.

- Theo dòng sự kiện, cả nước biết quan chức nhà nước không còn khả năng “đỏ mặt” khi bị Nhật Bản bỏ ra về không dự tiệc khỏan đãi vì nhà nước tham nhũng. Ngay hôm nay, trên trang web của BBC vẫn còn đăng tin nhà nước tìm cách giấu diếm nên đã gỡ bài ca ngợi ông Lương Ngọc Anh về vụ tham nhũng in tiền với công ty Securency lên hàng triệu đô la. Nếu không bị nhân dân khám phá ra thì bài viết xác định Trung Quốc tập trận ở hải đảo của chúng ta vẫn còn trên web chính thức của nhà nước.

- Theo dòng sự kiện, những ngày tháng gần đây biết bao người đã vào tù vì liên hệ tới bảo vệ lãnh thổ quê hương, vào tù vì kêu gọi cho dân oan.
Với vài sự kiện nêu trên cho thấy tiếng kêu của Đức Cha Tân sẽ chỉ là lá thư mục vụ với tiếng thở dài. Các giấy tờ khiếu nại theo đúng thủ tục của các Sơ sẽ chỉ là giấy vụn.

ĐỀ NGHỊ

Sự kiện Bộ Trưởng Y Tế nước Đức là đứa trẻ mồ côi Việt Nam do các Sơ đã săn sóc đang là đề tài thời cuộc. Nhà nuôi trẻ mồ côi của các Sơ Phaolô đang bị quan chức nhà nước cấu xé cũng là đề tài thời cuộc. Tôi xin đề nghị Đức Cha Tân, các Sơ Dòng Thánh Phaolô, tập thể người Việt bên Đức cùng với đóng góp của người Việt khắp nơi, dùng hình ảnh nhà nuôi trẻ mồ của các Sơ ở Vĩnh Long đã bị nhà nước đập phá đăng trọn vẹn một trang, trên chính tờ báo do phóng viên Marc-André Rüssau đã viết về nhà mồ côi ở Sóc Trăng. Cùng một tờ báo, hai nhà nuôi trẻ mồ côi với hai dòng sự kiện hôm nay. Tôi xin góp năm trăm đô la cho dự tính đăng báo này.

Hà Nội ngày 4.11.2009
_____________________________________

Xin mời đọc:
Chuyện về Philipp Rösler: Thưa bà, bà có nhận ra đứa trẻ mồ côi trong ảnh này không?
(X-Cafe chuyển ngữ)

BAMS - Báo Tấm Ảnh Bild am Sonntag CHLB Đức, ngày chủ nhật có mặt ở Khánh Hưng, một thị trấn tại Nam Việt nam, nơi tân Bộ trưởng y tế của chúng ta khi còn nhỏ đã từng sống trong một trại trẻ mồ côi.

Con đường trở về với quá khứ của Rösler quả là khó khăn. Hít thở không khí bụi bặm, tiếng còi xe máy đinh tai nhức óc, cái nóng ngột ngạt oi bức tạo nên một lớp mồ hôi bao bọc thân thể tôi.

Bảy giờ đồng hồ chạy taxi từ Sài gòn, nay là thành phố Hồ Chí Minh, bị nhồi lên nhồi xuống bởi những ổ gà trên con lộ của miền Nam Việt nam, qua những gánh hàng cơm bụi những ngôi nhà được lợp bởi là dừa. Cuối cùng khoảng 11 giờ trưa tôi cùng với người phiên dịch Bình (34 tuổi) cũng đã tới được thành phố Sóc Trăng thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây, một thành phố lớn, cho đến trước khi Việt Cộng tiến vào năm 1975 có tên là Khánh Hưng, năm 1973, có nghĩa là trước đây 36 năm, tân bộ trưởng y tế của chúng ta đã chào đời. Một đứa trẻ khi ấy chưa mang tên là Philipp, và với chỉ 9 tháng tuổi đã được một cặp vợ chồng người Đức nhận làm con nuôi.

Chúng tôi tìm đến nhà thờ công giáo tại số 190 Tôn Đức Thắng. "Ở đây có Xơ nào tên là Mary-Marthe và Sylvie không?", phiên dịch của tôi hỏi thăm người quản gia. Những cái tên này của các bà Xơ đã được Rösler, mới chỉ có một lần trở Việt nam (do hối thúc của vợ), nhắc đến trong một lần phỏng vấn trước đây. Ngoài ra không có thông tin gì thêm. Ông ta cũng chưa hề về thăm các Xơ, và cho đến nay Rösler cũng vẫn không cảm thấy có đòi hỏi phải đi tìm kiếm cội nguồn của mình: "Có lẽ ông cũng vậy, ông sẽ chỉ đi tìm những cái gì mà ông cảm thấy thiếu", ông ta nói vậy, "và tôi không hề cảm thấy mình thiếu cái gì đó."

Người quản gia chỉ đường cho chúng tôi tới hai ngôi nhà khác, "ở đó là chỗ của các bà Xơ", ông ta nói. Vào trong sân, một bà Xơ già người Việt tiến về phía chúng tôi. "Bà có thể cho chúng tôi biết các Xơ ngày ấy bây giờ ra sao?", "Xơ Sylvie đã qua đời", bà ta nói, "bây giờ chỉ còn có mình tôi, Xơ Đỗ Thị Suôn."

"Thế còn Xơ Mary-Marthe? Người đàn bà mỉm cười. "Chính là tôi, đó là tên thánh của tôi."

Xơ Mary-Marthe cầm hình Philipp Rösler trong tay
Bà Xơ 78 tuổi tin chắc: "Anh ta khi còn nhỏ đã sống trong Cô Nhi Viện của chúng tôi, sau đó được đưa về Sài gòn để bay sang Đức."

Lạy chúa, chúng tôi đã tìm thấy bà ta! Tôi kể cho bà ta về Philipp Rösler, năm 1973 đã được nhận làm con nuôi, và giờ đây đã trở thành một người đàn ông quyền lực tại nước Đức. Chúng tôi đưa cho người đàn bà 78 tuổi một tấm hình của Bộ trưởng. Một cách trìu mến bà ta nâng nưu tấm ảnh trong đôi bàn tay khẳng khiu lốm đốm tàng nhang dấu ấn của tuổi già, và bắt đầu kể: "Philipp chắc chắn đã từng ở chỗ chúng tôi", bà ta nói. "Xơ Sylvie và tôi khi đó đã chăm sóc khoảng 100 trẻ mồ côi và cùng với tổ chức "Terre des Hommes" chúng tôi tiến hành tìm kiếm cha mẹ nuôi cho chúng. Chúng tôi đã thành công, tất cả mọi đứa trẻ đều có được cha mẹ nuôi. Phần lớn tụi chúng được đưa đi Pháp hoặc Hoa Kỳ, số sang Đức nhiều lắm cũng chỉ vào khoảng 30 cháu."

Chúng tôi đứng trước ngôi nhà Cô Nhi Viện thủa ấy, một ngôi nhà quét vôi màu vàng với những cửa sổ ô kính khung gỗ. "Đây là nơi chúng tôi khi đó đã chăm sóc nuôi nấng các cháu", Xơ Mary kể và đưa ngón tay run rẩy chỉ, "các cháu trai ngủ ở tầng một còn các cháu gái ngủ ở tầng 2. " Một giai đoạn kinh khủng khi đó trong chiến tranh Việt nam.

"Những người mẹ chạy trốn khỏi những xóm làng rực lửa, nhấn vào tay chúng tôi những đứa trẻ gần như chết đói", Xơ kể lại, "hoặc có khi có những người lính họ đến chỗ chúng tôi và trao lại những đứa trẻ mà họ tìm thấy ở một nơi nào đó."

Chỗ này, chỉ một vài mét sau hàng rào, những bà Xơ theo đạo công giáo đã chăm sóc hồi phục sức khỏe những đứa trẻ-cho dù không phải lúc nào họ cũng có thể cứu sống được tất cả bọn chúng.

"Tụi trẻ nằm chật khắp tất cả các gian, nhiều cháu mang bệnh, bị tiêu chảy, giun sán hoặc viêm phổi", Xơ Mary kể lại, "tất cả những gì chúng tôi có thể đem lại cho các cháu là một chút gì đó để ăn, thỉnh thoảng cũng có thuốc men, còn lại là tình yêu của chúng tôi."

1975, sau chiến thắng của Việt Cộng, nhà nước đã tịch thu cơ sở của dòng tu "Oder of Providence", hiện nay những tòa nhà này được sử dụng làm khu nội trú của một bệnh viện trẻ em. Chúng tội không được phép ở đó. Ở một góc trong sân có những chú heo đang ủn ỉn và những chú chó chạy qua chạy lại. "Khi xưa chúng tôi cũng có một chỗ chăn nuôi heo và một vườn rau", Xơ Mary kể, "cái này cho đến tận bây giờ vẫn vậy."

Chúng tôi len lỏi tiếp tục đến một trường học bên cạnh. Trên cái bàn cạnh lối vào có một bình hoa giả màu vàng, các cháu gái tóc tết đuôi sam cười khúc khích. Xơ Mary ngồi vào chỗ. Xơ sang Pháp khi tuổi mới 22 để học tiếng, giờ đây Xơ là chứng nhân duy nhất còn lại ở Khánh Hưng, người có thể kể về ngày xa xưa ấy: "Xơ Sylvie luôn tháp tùng lũ trẻ về Sài gòn, đưa chúng đến những Sứ quán của các nước nơi hoàn tất thủ tục nhận con nuôi", Xơ kể, "sau khi nắm quyền những người Cộng sản đã tiêu hủy chứng chỉ khai sinh của rất nhiều cháu nhỏ trai và gái đã được môi giới làm con nuôi ở các nước phương Tây."

Lũ trẻ được đưa về Sài gòn, còn Xơ Mary thì ở lại Cô Nhi Viện. "Bởi vì tôi là giáo viên, tôi phải dạy học", Xơ kể, nhưng người ta cũng cảm nhận được, nỗi lòng của Xơ trước mỗi cuộc chia tay. Xơ lại ngắm nhìn tấm hình Philipp: "Chúng tôi biết, rằng cuộc sống của những đứa trẻ này ở một nơi nào khác sẽ tốt hơn là ở tại quê hương chúng", Xơ nói, "để cho tất cả chúng ra đi đó là một điều đúng đắn."

Việc các con "của Xơ" ngày nay "bằng lòng và hạnh phúc", đó là điều duy nhất mà Xơ Mary cầu mong cho tương lai. "đối với tôi không còn mong muốn gì hơn nữa", Xơ nói và cười. "hay là còn một điều", Xơ như sực nhớ ra, "có thể chỉ là một mong muốn rất nhỏ: Liệu tôi có được phép giữ lại tấm hình của Philipp?" (Nguồn: www.bild.de)
 
Nỗi khổ của Dân di dời
Người Thủ Thiêm
16:54 05/11/2009
Chuyện đền bù đất bao giờ cũng là chuyện dài nhiều tập, không chỉ ở một nơi mà chỗ nào cũng vậy, Thủ Thiêm cũng không nằm ngoài cái ngoại lệ ấy. Để biến đổi thành khu đô thị mới, với biết bao nhiêu là dự án tốt đẹp các cấp “ lãnh đạo” đã làm bao nhiêu điều “ tốt đẹp” cho chúng tôi, những người dân vùng này.

CHUYỆN ĐỀN BÙ GIÁ ĐẤT

Trước đây, nhà nước đề nghị một giá đất để đền bù cho người dân bỏ nhà của mình, giao đất cho nhà nước, di dời đến nơi khác hầu nhà nước dễ bề xây dựng một khu đô thị mới. Dân có khiếu nại thì nhà nước giải quyết bằng cách...giảm giá tiền đền bù. Ví dụ, trước đây giá đền bù là 5 triệu một mét vuông, dân không đồng ý và khiếu nại, thì giá đền bù rớt xuống 4 triệu và cứ còn khiếu nại thì còn giảm giá cho đến khi.. .hết khiếu nại mới thôi. Giảm giá đền bù là vũ khí tối hậu để “ bịt mồm” không cho dân tiếp tục khiếu nại.

CHUYỆN ĐO ĐẠC

Khi đã ngã giá cả xong xuôi thì chúng tôi được chính quyền đến đo đạc. Cũng một cây thước đấy thôi mà hai người đo có kết quả khác nhau, chủ nhà đo thì có một con số khác còn chính quyền chính thức đến đo thì diện tích đất tự nhiên “khiêm nhường” hẳn đi. Ví dụ nhà tôi 500 mét vuông mà khi đo lại chỉ còn có 450 mà thôi. Có nhờ chính quyền đo đi đo lại thì con số nó cũng chỉ có ngần ấy mà thôi. Vì khi đo các anh đã tìm đủ mọi cách để trừ bớt đầu này hoặc đầu kia mà tính con số cho “ gọn”!

TÌNH NGUYỆN DI DỜI

Trên giấy tờ và trên danh nghĩa thì người dân được chính quyền cho lựa chọn và khuyến khích dân tình nguyện di dời. Tuy nhiên, đây là mảnh đất đã gắn bao nhiêu đời của họ hàng, gia đình chúng tôi. Kỷ niệm từng góc đường, từng mảnh vườn, và tình làng nghĩa xóm mấy trăm năm qua, từ khi Thủ Thiêm con là một đầm lầy. Bao nhiêu ân tình và yêu thương gắn bó như vậy bảo sao mà chúng tôi muốn tình nguyện bỏ đi. Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải ngậm ngùi mà đi trên danh nghĩa là tình nguyện, nhưng kỳ thực tình nguyện trong “ nước mắt” và cả trong tiếng “ lẩm bẩm” của người dân thấp cổ bé miệng. Công an đến và đưa một tờ giấy nói rằng: trong vòng 7 ngày gia đình phải ký giấy tình nguyện đi. Nếu không đi chính quyền sẽ tự động gửi món tiền đền bù này vào ngân hàng. Nên cuối cùng người dân buộc lòng phải đi.

LÃNH TIỀN ĐỀN BÙ

Cù cưa mãi cũng không xong, những gia đình đồng ý di dời khỏi nơi chôn nhau cắt rốn của mình trong buồn tủi và ngậm ngùi cũng đành nuốt lệ đi lãnh tiền đền bù. Nhưng đoạn trường đã xong đâu, nếu muốn lãnh tiền sớm và lãnh giấy bạc có mệnh giá lớn thì phải “ gửi anh ít tiền uống nước” thì mới may mắn được lãnh sớm. Anh nào không biết cái “ thủ tục đầu tiên” này thì coi như vừa lãnh tiền trễ lại vừa được một bao.. .tải tiền, mệnh giấy nhỏ. Việc này rất nguy hiểm cho người dân. Xe hơi đâu mà đi nên họ đi xe máy đến lãnh tiền, chở một bao tải rõ to từ ngân hàng bước ra thì coi như đưa cả cái nhà của mình nhử mồi cho ăn cướp!

Chuyện nhiêu khê của di dời có lẽ sẽ còn nhiều tập nữa, nhưng sao mà vất vả cho người dân ở khu vực Thủ Thiêm, nơi mà dân lao động chân tay là chủ yếu, nơi người dân chân chất mỗi ngày vượt qua phà Thủ thiêm sang phía Saigon tráng lệ làm công. Chiều về lại lủ khủ kéo nhau về nơi ở tưởng đã an cư lạc nghiệp nhưng nay đã trở thành nhiều âu lo và cả nước mắt.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Chiều Thu
Nguyễn Ngọc Danh
10:37 05/11/2009

CHIỀU THU



Ảnh của Nguyễn Ngọc Danh

Thiên di tiếng hạc lưng trời

Đầm laubãi sậy ngàn đời vô ngôn

Cửa thành dế giục hòang hôn

Bờ xa rặng liễu bên cồn nắng treo

(Ngọc Danh)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Vui Giữa Rừng Thu
Sông Thanh
10:40 05/11/2009

VUI GIỮA RỪNG THU



Ảnh của Sông Thanh


Hồn con, con vẫn trước sau

Giữ cho thinh lặng giữ sao thanh bình

Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ,

Trong con hồn lặng lẽ an vui.

(Thánh Vịnh 131:2-3)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Áng Mây Trời
Sr. Hoàng Yến Phạm
23:09 05/11/2009

ÁNG MÂY TRỜI



Ảnh của Sr. Hoàng Yến Phạm (Carmelite of St. Joseph, Oklahoma)

Mây ơi! mây có biết

Mây đẹp lắm mây ơi!

Hay thẹn thùng với gió

Làm chú trăng mỉm cười

Xin ca ngợi Chúa Trời

Tặng con làn mây đẹp.

(Sr Hoàng Yến)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Từ Điển Thuật Ngữ Công Giáo
Từ Điển Thuật Ngữ Báo Chí Công Giáo: Precepts of Charity – Primate
Nguyễn Trọng Đa
16:51 05/11/2009
Precepts Of Charity
Giới luật bác ái, giới luật yêu thương. Là hai giới luật lớn của Mặc khải, đã được nói đến lần đầu tiên trong Luật Cũ, sau đó được Chúa Kitô khẳng định lại trong Tin Mừng. Đó là: 1. “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi"; và 2. “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình" (Đnl 6:4-5; Lv 19:18; Mc 12:30-31). Cụm từ “hết trí khôn” được Chúa Kitô thêm vào cho lời dạy của Cựu Ước, và chính Chúa nhận xét rằng “Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó" (Mc 12:31).
Precious Blood
Bửu huyết, Máu Châu Báu, Bảo huyết Chúa Kitô. Là máu của Chúa Kitô đang sống như là một phần đầy đủ của bản tính con người, được kết hợp với Ngôi Hai của Ba Ngôi. Được gọi là Máu Châu Báu, bởi vì, theo Đức Giáo hòang Clement VI, “giá trị của Máu Chúa Kitô, do hiệp nhất với Logos (Ngôi Lời), là quá lớn lao đến nỗi chỉ cần một giọt máu nhỏ là đủ để cứu chuộc tòan thể nhân lọai” (Unigentius Dei Filius) (Denzinger, 1025).
Precious Blood (Worship)
Lễ Máu Châu Báu. Là Máu của Chúa Giêsu Kitô được nhắc đến rõ ràng nhiều lần khác nhau trong Tân Ước. Đây là biểu tượng sống động của công cuộc Cứu Độ và của cái chết của Chúa Cứu Thế trên Thánh giá. Máu Châu báu là đối tượng việc thờ phượng, như là một phần của Nhân tính thánh thiêng, khi Nhân tính kết hiệp với Ngôi Hai của Ba Ngôi. Hơn nữa, Máu là một phần của Chúa Kitô, Đấng thực sự hiện diện trong Phép Thánh thể. Năm 1849, Đức Giáo hòang Piô IX mở rộng lễ Máu Châu Báu cho tòan thể Giáo hội, qui định mừng lễ vào Chủ nhật đầu tiên của tháng Bảy, sau đó từ năm 1914 được thánh Giáo hòang Piô X qui định mừng lễ vào ngày 1-7 hàng năm. Kể từ Công đồng chung Vatican II, lễ này được nhập chung vào lễ Corpus (Mình) Chúa Kitô, do đó lễ mới mang tên Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô (Festum Corporis et Sanguinis Christi) và mừng vào ngày thứ Năm sau Chủ Nhật lễ Ba Ngôi. Tại một số quốc gia lễ được dời vào Chủ nhật kế tiếp, tức Chủ nhật sau Chủ Nhật Ba Ngôi.
Precious Blood, Society Of
Dòng Bửu Huyết. Là Dòng Thừa Sai Máu Châu Báu Chúa Kitô (1786-1836), được thánh Caspar del Bufalo thành lập năm 1815. Đây là dòng giáo sĩ có đời sống chung, với mục đích là cổ vũ việc tôn thờ Máu Châu Báu, giáo dục giới trẻ, truyền giáo và làm công tác mục vụ giáo xứ. Có nhiều cộng đoàn nữ tu cũng đặc biệt tôn thờ Máu Châu Báu.
Precious Blood Scapular
Áo Bửu Huyết. Là áo của phụng hội Bửu Huyết. Áo màu đỏ, và một phần mang hình ảnh của một Chén thánh được các thiên thần tôn thờ.
Preconciliar
Tiền Công đồng. Là từ ngữ dùng để mô tả thời kỳ trước Công đồng chung Vatican II. Nó thường so sánh thời kỳ này với sự phát triển của Giáo hội kể từ Công đồng trở về sau.
Preconization
Công bố bổ nhiệm giám mục, nhiệm mệnh. Là việc Đức Đức Giáo hòang công bố công khai trong Hội nghị Hồng y, long trọng xác định các bổ nhiệm trước đó cho các tòa giám mục và các chức vụ khác. Đã có thời, mọi Giám mục được Đức Giáo hòang bổ nhiệm trước khi diễn ra hội nghị như thế; tuy nhiên, ngày nay việc này không luôn xảy ra như thế. Do đó, các việc bổ nhiệm được long trọng tuyên bố trong Hội nghị Hồng y. Việc công bố bổ nhiệm, chứ không phải việc bổ nhiệm trước đó, sẽ xác định thâm niên của các Giám mục. (Từ nguyên Latinh praeconizatio, công bố; từ chữ praeco, hô vang.)
Precular
Người nhận cầu nguyện. Là một người bị ràng buộc bởi một điều kiện dâng cúng nào đó để cầu nguyện, như đã hứa hoặc đồng ý, cho ân nhân. (Từ nguyên Latinh precare, cầu nguyện.)
Precursor
Tiền hô, người đi báo trước. Là thánh Gioan Tẩy Giả, người đi trước Chúa, được cả bốn Thánh sử kể khá chi tiết, và được thân phụ là ông Zechariah (Da-ca-ri-a) mô tả trong bài ca Chúc tụng (Benedictus) “Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người" (Lc 1:76). (Từ nguyên Latinh praecursor, người đi trước.)
Predefinition
Tiền định nghĩa, tiền xác định. Là ý niệm của một vật gì trong tâm trí Chúa trước khi nó được sáng tạo. Như thế mọi linh hồn con người được cho rằng đã được tiền xác định, trước khi Chúa sáng tạo nên chúng vào lúc con người thụ thai. (Từ nguyên Latinh prae, trước + definire, dựng rào chung quanh.)
Predella
Đài bàn thờ, đế tranh tượng. Là phần bệ cao trên đó một bàn thờ được đặt. Đôi khi nó có nghĩa là phần bậc cao phía sau bàn thờ. (Từ nguyên Ý predella, bậc bàn thờ, bậc lên xuống.)
Predestinarianism
Thuyết tiền định. Là thuyết chối bỏ rằng Chúa có ý muốn cứu độ toàn nhân lọai, bởi vì Chúa chỉ muốn những người được Chúa chọn vào thiên đàng mà thôi. Trong thuyết này không hề có chỗ cho sự tự do nội tại thực sự của ý chí con người, nhưng chỉ có sự tự do ngọai tại do sự ép buộc. Ý định đời đời của Chúa sẽ tiền định vinh quang hay hình phạt cho con người. Người được chọn nhận lãnh ân sủng không thể cưỡng lại được; những người khác có sự thúc đẩy của ý chí là phạm tội, và do đó không được ban ơn cứu độ. Thuyết tiền định là trung tâm học thuyết Cải cách của Gioan Calvin. (Từ nguyên Latinh prae, trước + destinare, dự định, qui định.)
Predetermination
Tiền khiến. Còn gọi là “tiền khiến thể lý,” để giải thích cách thức quyền uy của Chúa cũng bao gồm các hành vi tự do của con người. Theo thuyết này, vốn được Dominic Bañez (1529-1604) khai triển lần đầu, sau đó được Dòng Đaminh chấp nhận, Chúa đã tiền định từ cõi đời đời rằng một số người sẽ được cứu độ. Để thực hiện việc này, Chúa ban ơn công hiệu trên những người này. Như thế Chúa tác động về thể lý đến ý chí tự do của người được chọn, và bảo đảm rằng họ sẽ quyết định một cách tự do để cộng tác với ơn Chúa ban. Do đó, ơn công hiệu, nhờ sức mạnh nội tại của nó, sẽ giúp đỡ cách chắc chắn cho người được chọn, để họ đồng ý một cách tự do làm những hành vi cứu rỗi, vốn sẽ hưởng được sự cứu độ đời đời. Như thế ơn này khác hẳn với ơn túc dụng, vốn chỉ trao sức mạnh để làm một hành vi cứu rỗi. Để làm cho khả năng này có thể biến thành hành động, một ơn mới khác nũa, gọi là ơn hữu hiệu, phải xuất hiện. Từ đời đời, Chúa đã qui định rằng ý chí con người phải đồng ý tự do với ơn hữu hiệu, qua đó Chúa mang ơn cứu độ cho những người nằm trong qui định này của Chúa.
Pre-Evangelization
Tiền Phúc Âm hóa, chuẩn bị rao giảng Phúc Âm. Là sự chuẩn bị cho một người hay cho nhiều người đón nhận Tin Mừng. Nhu cầu cho sự chuẩn bị này trong thế giới hôm nay nổi lên do người ta quá lơ là với Chúa và việc thiêng liêng. Công đồng chung Vatican II giải thích: “Khác với thời xưa, sự từ chối hoặc tránh né đề cập tới Thiên Chúa hay tôn giáo không còn là một hành vi dị thường và có tính cách cá nhân nữa, vì ngày nay, biết bao người coi đó như một đòi hỏi của tiến bộ khoa học hay của nền nhân bản mới” (Hiến chế Gaudium et Spes, 7). Qua các phương tiện truyền thông xã hội, tinh thần không tin Chúa này đã thấm vào mọi tầng lớp xã hội. Do đó cần có sự chuẩn bị cho con người biết lắng nghe Tin Mừng, đặc biệt trong các nền văn hóa Âu-Mỹ của Kitô giáo trước đây.
Preface
Kinh Tiền tụng. Là hành vi tạ ơn, mở đầu cho phụng vụ Thánh Thể. Qua kinh Tiền tụng, linh mục nhân danh dân Chúa dâng lời ca tụng ngợi khen Thiên Chúa là Cha, vì toàn bộ công cuộc cứu độ hoặc, vì các ơn đặc biệt được tưởng nhớ trong phụng vụ. (Từ nguyên Latinh praefatio, lời nói đầu; nghĩa đen là lời nói trước.)
Prefect Apostolic
Phủ dõan tông tòa, giám quản giáo phận. Một linh mục với các quyền tài phán trong một lãnh thổ truyền giáo, và vùng đất nơi chưa có hàng giáo phẩm. Lệ thuộc trực tiếp với Tòa Thánh, vị linh mục này hưởng các quyền giống như quyền của một Giám mục chính tòa, nhưng không thể ban phép truyền chức thánh. (Từ nguyên Latinh praefectus, người trông nom, người đứng đầu, giám quản.)
Prefecture Of The Pontifical Household
Văn Phòng Quản gia Giáo hòang, Văn phòng Đặc Trách Các Vấn Đề Nội Chính cho Đức Giáo Hoàng. Văn phòng này do Đức Giáo hòang Phaolô VI thành lập năm 1967, và mang tên này từ năm 1968. Văn phòng hợp nhất hai chức năng riêng rẽ trước đây của Thánh bộ Lễ Nghi, cùng hai văn phòng của Majordomo (Quản lý trưởng) và của Trưởng văn phòng Quản gia Giao hoàng (Maestro di Camera.) Dưới sự chỉ huy của Trưởng Văn phòng, Văn phòng quản lý kỷ luật của việc quản gia, tổ chức cuộc triều yết cho các nhân vật quan trọng, các cuộc tiếp kiến riêng, đặc biệt và chung, và các buổi lễ không thuần túy phụng vụ, các kỳ tĩnh tâm cho Đức Giáo hòang, các Hồng Y, và các Giám chức của Giáo triều Roma.
Prejudice
Thành kiến, thiên kiến. Trong đạo đức học, là một ý kiến được quan niệm trước, mà không quan tâm đến các yếu tố đã biết và thường dựa vào kiến thức sai lầm. Nó dẫn đến các phán đóan sai lầm, và làm cho con người bị mù trong lý luận, và khép kín với lý lẽ có sức thuyết phục. Nó thường xâm phạm lẽ công bình bởi vì người thiên kiến thường bỏ qua quyền lợi của người khác. Những người ấy quá quan tâm đến nhóm người và hội giống như mình, nên họ có thành kiến trái ngược với người khác. Thiên kiến là nền tảng chung cho phán đóan khinh xuất có tội.
Prelate
Giám chức, giáo sĩ cao cấp. Là một chức sắc có thẩm quyền ở tòa ngòai do quyền chức vụ của họ. Có các giám chức “biệt hạt” (nullius), có quyền trên giáo sĩ và giáo dân của một lãnh thổ không thuộc quyền của một giáo phận thiết định. Do đó các viện phụ, mặc dầu không phải là giám mục, có thẩm quyền của một giám chức. Các chức giám chức này đã giảm nhiều kể từ Công đồng chung Vatican II. Trong các Dòng tu miễn trừ, các bề trên giáo sĩ, như giám tỉnh, thủ viện và bề trên tu viện, chia sẻ trong quyền tài phán của giám chức. Danh tánh và tước giám chức cũng có thể trao cho linh mục, như một dấu hiệu của Giáo hòang nhìn nhận công lao to lớn phục vụ Giáo hội của các vị. (Từ nguyên Latinh praelatus, giám chức, bề trên.)
Prelate, Domestic
Giám chức thân gia. Là một linh mục được Tòa thánh tôn vinh, vì các công tác đã làm cho Giáo hội và được ghi tên vào Niên giám Tòa thánh (Annuario Pontificio) theo bậc riêng của họ, chẳng hạn Tuyên úy của Đức Thánh Cha hoặc Giám chức Danh dự của Đức Thánh Cha.
Prelate Nullius
Prelate Nullius, Giám chức biệt hạt. Là một lãnh thổ không thuộc về một giáo phận nhưng có bề trên riêng, gọi là “Giám chức biệt hạt,” và có các giáo sĩ riêng và giáo dân riêng. Nếu lãnh thổ này có một số giáo xứ, giám chức này hưởng quyền tài phán giống như quyền tài phán của một Giám mục bản quyền.
Premonstratensians
Kinh sĩ Prémontré. Là các kinh sĩ ở Prémontré, còn gọi là kinh sĩ thánh Norbert. Dòng này được thánh Norbert thành lập năm 1120 tại Prémontré, gần Laon, Pháp, được Tòa thánh phê chuẩn lần đầu năm 1126, và phê chuẩn lại năm 1617-24. Mục tiêu của Dòng nhằm vào cử hành phụng vụ long trọng, truyền giáo, mục vụ giáo xứ, và giáo dục giới trẻ. Luật Dòng dựa vào Luật thánh Âu Tinh, với một số ảnh hưởng của Xitô, và Hiến chương bao gồm một điều khổ hạnh, chẳng hạn kiêng ăn thịt.
Preparation Of The Gifts
Chuẩn bị lễ vật. Là phần dâng lễ trong Thánh lễ. Người ta đề nghị rằng các tín hữu mang lễ vật gồm bánh và rượu, được linh mục hoặc thầy phó tế nhận lấy và đặt lên bàn thờ. Trong khi làm như thế, linh mục đọc một số kinh qui định. Tiền bạc hoặc quà khác dành cho người nghèo hoặc dành cho Giáo hội có thể được các tín hữu đóng góp lại vào lúc này, và được đem tới gần bàn thờ, nhưng đặt vào một nơi thích hợp thay vì đặt trên bàn thờ. Điệp ca dâng lễ được hát lúc rước lễ vật, sau đó bàn thờ có thể được xông hương, bay lên như hương thơm trước mặt Chúa, như một biểu tượng của lời cầu nguyện và hy lễ của tín hữu. Sau đó linh mục rửa tay như một dấu hiệu ngài mong ước thanh luyện tâm hồn. Tiếp đến ngài nói lời quen thuộc Orate Fratres (Anh chị em hãy cầu nguyện), trong đó các tín hữu được mời cầu xin rằng hy lễ chung của họ sẽ làm đẹp lòng Chúa. Lời nguyện Tiến Lễ dẫn vào đỉnh cao của Thánh lễ.
Preparing For Communion
Kinh dọn mình Rước lễ. Là kinh ngắn trong Thánh lễ sau kinh Lạy Chiên Thiên Chúa (Agnus Dei), trong đó linh mục đọc riêng để dọn mình Rước lễ. Lúc này tín hữu cũng nên thinh lặng cầu nguyện dọn mình.
Presanctified, Mass Of The
Phụng vụ Rước lễ thứ sáu tuần thánh. Là Phụng vụ Thánh thể ngày thứ Sáu Tuần Thánh, trong đó linh mục và tín hữu rước Mình Thánh Chúa đã được truyền phép ngày trước đó.
Presbyter
Trưởng lão, niên trưởng, linh mục. Trong thời Giáo hội sơ khai, là thành viên của một nhóm (thường là linh mục) làm cố vấn cho Giám mục. Họ lập thành một Hội đồng cố vấn, và dưới quyển của Giám mục, họ là cơ quan quản trị cộng đòan. Vị niên trưởng này, không có các bổn phận chính thức, và thường được Giám mục ủy quyền để giảng dạy, dâng Thánh lễ, và rửa tội. Các vị thường là linh mục lớn tuổi, và cũng giống như Giám mục, được cộng đòan chọn lựa. Thứ bậc của các vị là cao hơn các phó tế, nhưng thấp hơn Giám mục. Không có qui định về số lượng các vị này.
Presbyterate
Hàng niên trưởng, chức Linh mục. Là chức Linh mục, như là bậc thứ hai của các chức thánh, cao hơn chức Phó tế nhưng thấp hơn chức Giám mục. (Từ nguyên Hi Lạp presbyteros, niên trưởng.)
Presbyteri Sacra
Thư luân lưu Presbyteri Sacra. Là thư luân lưu của Thánh bộ Giáo sĩ, giải thích chức năng của Hội đồng linh mục trong một giáo phận, hoặc trong địa hạt khác của Giáo hội. Sau khi nói rõ ràng rằng các hội đồng này chỉ có tính tham vấn, và chỉ có Giám mục quản trị giáo phận, văn kiện nêu ra nhiều cách thức mà trong đó hội đồng có thể trợ giúp cho Đấng bản quyển của giáo phận (ngày 11-4-1970).
Presbyterorum Ordinis
Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, Sắc Lệnh của Công đồng chung Vatican II về Chức Vụ và Ðời Sống các Linh Mục. Linh mục được định nghĩa như là “những người nhờ bí tích Truyền Chức được quyền dâng thánh lễ, quyền tha tội và thực hành chức vụ linh mục nhân danh Chúa Kitô." Sứ vụ các ngài phát sinh từ chức vụ của các ngài. Đó là chia sẻ với mọi người chân lý của Tin mừng, “nhưng trong tình trạng thế giới ngày nay, lời giảng thuyết của Linh Mục thường gặp rất nhiều khó khăn.” Sự độc thân của linh mục được tái khẳng định. Sự thánh thiện của các ngài được tuyên bố là rất cần thiết và “được nuôi dưỡng bằng Ngôi Lời nơi Bàn Thánh Kinh và Bàn Thánh Thể" (ngày 7-12-1965).
Presbytery
Hội đồng cố vấn của Giám mục, Cung thánh, nhà xứ. Nguyên thủy từ này có nghĩa là một hội đồng trong các giáo phận thời kỳ đầu, để giúp đỡ giám mục quản trị giáo phận của ngài. Sau đó từ ngữ được áp dụng cho phần nhà thờ dành cho việc dâng Thánh lễ, nay gọi là cung thánh, thường chỉ dành cho các giáo sĩ khi cử hành phụng vụ, ngoại trừ người làm thừa tác viên và trong nghi lễ hôn phối. Hiện nay từ ngữ đôi khi được dùng để gọi nhà xứ hoặc nhà ở của giáo sĩ.
Prescience
Tiền thức, tiền tri. Nói chung, là sự biết trước. Đặc biệt là sự biết trước của Chúa về các sự kiện tương lai, mà sự xảy ra tùy thuộc vào ý chí tự do của các thụ tạo. Đó là các sự kiện xảy ra, nếu một số lựa chọn được thực hiện. Tiền tri cũng là sự biết trước của Chúa về các công trạng mà con người thủ đắc được, nhờ sự cộng tác cố ý với ơn Chúa. (Từ nguyên Latinh prae, trước + scientia, biết, tri thức.)
Prescribed Prayer
Lời nguyện được qui định. Là lời nguyện đặc biệt được thêm vào, do linh mục chủ tế đọc trong Thánh lễ. Lời nguyện này có thể được qui định bởi Đức Giáo hòang hay một Giám mục cho một lý do đặc biệt, chẳng hạn hạn hán, lễ vàng, lễ bạc, sự bách hại; hoặc lời nguyện có thể được Chữ đỏ qui định cho các lễ đặc biệt; hoặc có thể đã được soạn sẵn trước để hưởng các ân xá.
Presence
Hiện diện. Là việc ở gần bên một người hay một vật, hoặc thực sự hoặc hữu hiệu, hay một cách thiêng liêng. Hiện diện thật sự có nghĩa là đối tượng hiện diện thực sự và đầy đủ ở đó; hiện diện hữu hiệu có nghĩa là tạo được ảnh hưởng lên đối tượng, mặc dầu nguyên nhân của ảnh hưởng có thể ở nơi khác thật sự; hiện diện thiêng liêng là sự đáp trả nội tại cho một người, khi người kia có thể là vắng mặt về thể xác, nhưng ảnh hưởng tâm trí và ý chí của người này, vì người kia được cho là vẫn hiện diện gần bên. (Từ nguyên Latinh prae, trước + ens, hữu thể: praesens, hiện diện, dự phần vào.)
Presence Of God
Sự hiện diện của Chúa. Là sự hiện diện của Chúa hành động có lợi cho các thụ tạo. "Chúa ở trong mọi sự, trước tiên vì Chúa là nguyên nhân của họ, thứ nhì bởi vì Chúa là đối tượng họat động của họ, như được biết trong người hiểu biết và được yêu mến trong người mến yêu, và điều riêng của linh hồn, đó là sự hiện diện đặc biệt của Chúa qua ân sủng với các thụ tạo có lý trí (tức là con người), là con người biết Chúa và yêu mến Chúa thực sự hoặc thường xuyên" (Thánh Tôma Aquinas, Summa Theologica, I, VIII, 3). Nuôi dưỡng ý thức về sự hiện diện của Chúa trong linh hồn, và trong việc Chúa quan phòng mọi loài, là cần thiết cho sự tiến triển trong đời sống thiêng liêng.
Present
Hiện nay, hiện thời, bây giờ, hiện tại. Là thời điểm hiện giờ, để phân biệt với quá khứ, là thời đã qua, và tương lai, là thời sẽ tới.
Presentation
Giới thiệu, đề cử, trình xuất. Là quyền giới thiệu một giáo sĩ cho một nhà thờ trống chủ chăn hay cho một ân bổng giáo sĩ. Đây là một trong các đặc quyền của quyền bổ nhiệm, vốn có thể được trao cho những người tài trợ cho một nhà thờ hay một ân bổng giáo sĩ. Giới thiệu một giáo sĩ không có nghĩa là bổ nhiệm vị ấy vào chức vụ. Việc bổ nhiệm chỉ thuộc về một bề trên của Giáo hội, và vị này phải chấp nhận giáo sĩ được đề cử nếu người này là phù hợp theo giáo luật.
Preservation Of Life
Duy trì sự sống, bảo vệ sự sống. Là bổn phận mà mỗi người phải sử dụng ít là các phương tiện thông thường như lương thực, ngủ nghỉ, nơi ở và thuốc men cần thiết để duy trì sự sống cơ thể. Nếu sự sống của một người là đặc biệt quan trọng cho gia đình người ấy, cho Giáo hội hay xã hội, người ấy buộc sử dụng các phương tiện ngọai thường theo tỉ lệ cân xứng để duy trì sự sống.
P.R.E.S.S.
P.R.E.S.S., Praefectura Rerum Oeconomicarum Sanctae Sedis--Văn Phòng Đặc Trách Các Vấn Đề Kinh Tế của Tòa Thánh.
Prestige Motive
Động cơ uy tín, thanh thế. Là mong ước có được sự thừa nhận của bạn bè và của xã hội nói chung. Nó được các tác giả tu đức xem như là một bản năng cơ bản của con người, cần được kiểm sóat, vì là điều kiện tiên quyết cho sự thánh thiện.
Presumption
Tự phụ, tự cao tự đại. Là ước muốn đảm nhận, hoặc đang đảm nhận, điều gì vượt quá khả năng của mình. Đây là kết quả của tự phụ, vốn làm cho một người đánh giá quá cao khả năng của mình, và làm cho mình không nhìn thấy các điểm yếu của mình. Nó cũng dẫn một người hy vọng vào các ơn của Chúa, mà không làm điều gì để đạt được kết quả, và thậm chí làm điều ngược lai, và khi phạm tội, người ấy cứ nghĩ rằng mình chắc chắn có sự tha thứ của Chúa. (Từ nguyên Latinh praesumere, giả thiết, cứ cho là.)
Preternatural
Ngọai nhiên. Là điều gì vượt quá tự nhiên, nhưng chưa phải là siêu nhiên đúng nghĩa. Gọi là ngoại nhiên, hoặc bởi vì các sức mạnh tự nhiên được Chúa sử dụng để tạo ra công hiệu vượt quá khả năng bình thường, hoặc bởi vì các sức mạnh cao hơn con người, như của thiên thần hay ma quỷ, hoạt động trong thế giới của không gian và thời gian. (Từ nguyên Latinh praeter, vượt quá + natural, thiên nhiên.)
Preternatural Gifts
Ơn ngọai nhiên. Là các ơn do Chúa ban vượt quá sức mạnh hoặc khả năng của thiên nhiên, vốn tiếp nhận các ơn ấy nhưng không vượt quá khả năng của loại thụ tạo. Các ơn này làm cho thiên nhiên thêm hoàn hảo, nhưng không đem thiên nhiên vượt quá giới hạn của thiên nhiên được tạo thành. Các ơn này bao gồm ba đặc ân lớn mà con người có được—đó là tri thức được phú bẩm, vắng bóng dục vọng, và bất tử thể xác. Ông Adam và bà Eva có các ơn này trước khi Sa ngã.
Preventing Grace
Ơn dự phòng. Là ơn đi trước sự đồng ý tự do của ý chí. Nó lay động ý chí một cách tự phát, hướng ý chí về Chúa. Ơn dự phòng có thể là một tư tưởng tốt hoặc một xung năng tốt, mà không cần nỗ lực của con người, để thực hiện một số hành động dẫn về thiên đàng.
Pride Of Life
Yêu thế gian. Là xu hướng tự nhiên đến tính ích kỷ, vốn là kết quả phần nào của tội tổ tông, nhưng chủ yếu là ước vọng bí mật của con người để làm theo ý mình, ngay cả khi điều đó là trái với ý Chúa. Nó là sự thúc đẩy đi đến tự tôn thờ mình, hoặc tự thần thánh hóa mình, và là nằm ở gốc rễ của mọi tội.
Prie-Dieu
Bàn quỳ. Là một bàn quỳ được sử dụng trong nhiều nhà thờ châu Âu, và chủ yếu dùng để cầu nguyện riêng tư. Hình dáng hiện nay của nó đã xuất hiện từ thế kỷ 17. Nó giống như một bàn gỗ có một phần nghiêng phía trước để kê tay, và thường có hộc đựng sách vở nữa.
Priesthood
Bí tích Truyền chức thánh. Là bí tích của Luật Mới, được Chúa Kitô thiết lập trong Bữa Tiệc Ly, vốn ban cho một người có quyền truyền phép và dâng Mình và Máu Chúa Kitô, và có quyền tha tội hay không tha tội. Có hai bậc hoặc hai cấp của bí tích truyền chức, đó là chức Linh mục và chức Giám mục. Bình thường bí tích truyền chức nhắc đến chức linh mục và là cấp thứ hai của các chức thánh, trên chức phó tế. Chỉ có Giám mục mới truyền chức linh mục cho ứng viên được, sau khi các vị này đã được truyền chức phó tế. Trong việc truyền chức linh mục, “chất thể” của bí tích là việc Giám mục đặt tay trên từng ứng viên, vốn được làm trong thinh lặng, trước khi Giám mục đọc lời nguyện truyền chức, trong đó các lời sau đây gắn liền với bản tính của chức thánh, và do đó tạo nên tính hiệu lực của việc truyền chức: “Lạy Chúa toàn năng, chúng con nài xin Chúa ban Chức Linh Mục cho tôi tớ Chúa đây. Xin lại ban Chúa Thánh Thần thánh hóa trong lòng các Thầy. Lạy Thiên Chúa, xin ban cho các Thầy được lãnh nhận nơi Chúa Chức Phụ Tá và cho đời sống các Thầy nêu gương cải thiện phong hóa thế gian.”
Priesthood Of Christ
Chức Linh mục của Chúa Kitô. Là vai trò của Chúa Kitô như là vị được truyền chức thánh, để dâng lễ hy sinh và cầu nguyện cho loài người với Thiên Chúa Cha. Việc Chúa Kitô được truyền chức hoặc được xức dầu để làm Thầy cả Thượng phẩm diễn ra vào lúc Chúa Nhập thể, có nghĩa là khi Ngôi Lời mặc lấy xác con người trong cung lòng Đức Mẹ Maria. Trong cuộc sống ở trần gian, Chúa Kitô thực thi chức linh mục của Ngài bằng mọi hành vi của ý chí Ngài, và tại Bữa Tiệc Ly và trên đồi Canvê, Chúa Kitô hiệp nhất mọi hành vi thể xác vào hy tế tối cao dâng lên Thiên Chúa Cha. Cùng với hy tế, Chúa Kitô cũng cầu nguyện như một linh mục, nhất là khi Chúa thiết lập phép Thánh Thể và trong kinh nguyện linh mục được thánh Gioan ghi lại (17:1-26). Hơn nữa, chức linh mục của Chúa Kitô tiếp tục kéo dài vĩnh viễn trên thiên đàng, như được bộc lộ trong Thư gửi tín hữu Do Thái (Dt). Về cách thức Chúa thực thi chức linh mục đời đời của Ngài, mặc khải chỉ nói: “Thật vậy, Người hằng sống để chuyển cầu cho họ" (Dt 7:25; Rm 8:34), vốn là một chức năng linh mục thật sự, bởi vì như thánh Phaolô khẳng định, chức này có liên quan mật thiết với hy tế Thập giá. Thật ra, chức linh mục tiếp diễn của Chúa Kitô là nền tảng trong đức tin cho sự hiện hữu và tính công hiệu của Hy tế Thánh lễ.
Priesthood Of The Faithful
Chức tư tế giáo dân. Là sự chia sẻ trong chức linh mục thượng phẩm của Chúa Kitô, mà mỗi người nhận được khi chịu phép Rửa tội, và được củng cố bởi phép Thêm sức và phép Thánh Thể. Điều cốt yếu của chức linh mục này là quyền nhận lãnh các bí tích khác, quyền tham dự vào phụng vụ Giáo hội, và được kết hiệp với Chúa Kitô Linh mục đời đời khi Chúa tự hiến mình, với các thành viên khác của Nhiệm thể, với Chúa Cha trên trời trong Hy lễ tạ ơn.
Priests' Council
Hội đồng linh mục. Còn gọi là hội đồng linh mục giáo phận. Đây là hội đồng linh mục được bầu chọn, được tổ chức để phụ giúp đấng Bản quyền của giáo phận. Các linh mục được bầu chọn theo qui chuẩn hiến pháp, và hội đồng được điều hành bởi một ban chấp hành, cùng với các ủy viên được bầu chọn. Chức năng của hội đồng linh mục không là thay thế cho Giám mục, nhưng là cố vấn cho Ngài để quản trị giáo phận một cách hữu hiệu hơn và thích hợp thoải mái hơn.
Primate
Giáo chủ. Là một Giám mục thực thi quyền bính, không chỉ trên giáo tỉnh của Ngài, mà còn trên cả lãnh thổ quốc gia. Quyền của Ngài còn mở rộng, chẳng hạn triệu tập và chủ tọa các công nghị quốc gia, xét các án phúc thẩm, và trao vương miện cho lãnh đạo quốc gia. Ngày nay chức Giáo chủ chỉ còn là chức danh dự mà thôi. Quyền của Giáo chủ không hề được thiết định bởi giáo luật.