Ngày 29-10-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lễ Các Linh Hồn 2.11.2009 - Báo Hiếu Mẹ Cha
Lm Jos Tạ Duy Tuyền
05:24 29/10/2009
Ngày 02.11

Báo Hiếu Mẹ Cha

Có một mẩu chuyện có thật được ghi lại trên một trang blog như sau:

Bạn tôi mở ngăn tủ của chồng mình và lấy ra một gói nhỏ. Gói kỹ càng trong lớp giấy lụa. Chị bảo: Đây không phải là gói đồ bình thường, đây là một chiếc áo thật đẹp. Chị vứt lớp giấy bọc, và lấy ra chiếc áo mịn màng và bảo: Tôi mua chiếc áo này tặng anh ấy, lần đầu tiên chúng tôi sang New York, cách đây 8 - 9 năm rồi, nhưng anh ấy chưa bao giờ mặc! Anh ấy muốn dành cho một dịp nào đặc biệt. Vậy thì hôm nay, tôi nghĩ là dịp đặc biệt nhất rồi. Chị đến cạnh giường và đặt gói áo ấy cạnh những món đồ mà tí nữa sẽ được bỏ vào áo quan mà liệm. Chồng chị vừa mới qua đời.. .

Quay sang tôi, chị bảo: Đừng bao giờ giữ lại một cái gì mà chờ cơ hội đặc biệt cả. Mỗi ngày sống đã là một cơ hội đặc biệt rồi! Có thể sẽ không có dịp nào đặc biệt như ngày hôm nay. Thế nên, điều gì đáng bỏ công, đáng làm, hãy làm từ ngày hôm nay. Điều gì chúng ta muốn làm cho anh em mình, hãy làm ngày hôm nay, đừng để ngày mai khi mà chúng ta không còn cơ hội để tỏ lòng quan tâm, yêu thương chăm sóc anh em mình. Đừng để những giọt nước mắt của nuối tiếc chảy dài trước chiếc quan tài mà người ta yêu đã nằm bất động chẳng còn có thể hạnh phúc khi được chúng ta quan tâm, chăm sóc, yêu thương.

Vâng, có lẽ lúc này, chúng ta cũng nuối tiếc một điều gì đó khi đứng trước nấm mồ của người thân yêu chúng ta. Có những điều, những việc, những lời nói đáng lý chúng ta phải dành cho họ, nhưng chúng ta lại chần chừ, lại trì hoãn. Nhưng giờ đây, chúng ta không còn cơ hội để làm điều gì đó cho họ. Họ cũng không còn cần những điều ấy nơi chúng ta. Họ đã ra đi và bỏ lại tất cả những vui buồn của kiếp người. Họ không còn cảm thấy hạnh phúc khi chúng ta đối xử ân cần, chân thành với họ. Họ cũng không còn những giọt nước mắt tủi hận vì sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của chúng ta. Đối với họ giờ đây, những tình cảm, những vật chất mau qua đã không còn giá trị, đã không đủ mang lại niềm vui hay buồn đau cho họ. Vậy giờ đây, họ cần điều gì nơi chúng ta ?

Trong đức tin Kitô giáo, chúng ta biết rằng chết không phải là hết. Nó chỉ là khởi đầu của một hành trình đi vào cõi thiên thu. Sau cái chết tôi sẽ đi gặp gỡ Đấng Tạo Hoá, và tính sổ cuộc đời mình. Cùng đích của cuộc đời là được sống mãi với Thiên Chúa. Nếu tôi đã sống trong ân nghĩa của Ngài, thì chuyến đi cũng giống như trở về nhà của mình. Sinh ký tử quy, tôi trở về nhà để sống với Thiên Chúa, Đấng dựng nên tôi. Danh từ bình dân gọi đây là Nước Thiên Đàng, nơi không còn nước mắt, chỉ có niềm vui và hạnh phúc viên mãn.

Dầu vậy, trong chuyến đi này, chúng ta cũng cần được thanh luyện, như vàng được thử trong lửa. Vì trong cuộc sống, ít nhiều có lần, tôi cũng đã không sống trong ân sủng của Ngài, tôi đã để những quyến luyến của tạo vật làm chủ trái tim tôi, đóng những lớp bụi trần trên con người thật của tôi. Tôi sinh đến trong đời với hai bàn tay trắng, và khi ra đi, tôi cũng chẳng mang gì theo được ngoại trừ công phúc và tội lỗi. Giai đoạn thanh tẩy này gọi là Luyện Tội, nơi chúng ta được tái tạo lại theo hình ảnh của Thiên Chúa. “Lửa” luyện tội sẽ đốt cháy tất cả những lớp bụi bặm, sơn phết mà tôi đã tô vẽ cho mình trong cuộc sống.

Như vậy, người đã chết cần nơi chúng ta lời cầu nguyện, cần thánh lễ chúng ta dâng để thanh tẩy họ, cần việc lành phúc đức chúng ta làm thay cho họ, để nhờ công phúc của chúng ta kết hợp với hiến tế của Con Chiên Thiên Chúa, giúp họ thoát khỏi những đau khổ của luyện tội. Đây cũng có thể là những nghĩa cử cao đẹp mà chúng ta có thể dành cho những người thân yêu ở cõi vĩnh hằng. Đây cũng là cách chúng ta tỏ lòng thảo hiếu với công ơn sinh thành của ông bà, cha mẹ. Vì đạo hiếu Việt Nam luôn đề cao công đức sinh thành. Đạo hiếu dạy phải ‘thờ cha kính mẹ mới là đạo con”. Đó còn là công bằng phải trả cho ông bà cha mẹ, vì “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Đó còn là cách chúng ta để đức về sau: “Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó”. Vì vậy, người khôn ngoan không ai lại không thảo kính cha mẹ. Người khôn ngoan luôn làm mọi cách để báo hiếu cha mẹ khi còn sống và cả khi các ngài đã qua đời. Khi sống quan tâm, chăm sóc. Khi chết dâng lễ, cầu nguyện.

Chính vì lẽ đó, tháng 11 là dịp để chúng ta nhớ đến công ơn sinh thành, để đền đáp ơn nghĩa chín chữ cù lao mà các ngài đã dành cho chúng ta bằng những thánh lễ chúng ta dâng, bằng những hy sinh, những việc lành phúc đức chúng ta làm cho các ngài. Người Phật giáo có mùa Vu Lan là mùa báo hiếu. Người Công giáo cũng có thể nói tháng 11 là mùa báo hiếu để chúng ta làm tất cả những gì có thể để đền đáp ân nghĩa mẹ cha, mà nay đã qua đời. Với ý nghĩa đó, giờ đây chúng ta cùng nhìn lại một chút công ơn mà ông bà cha mẹ đã dành cho chúng ta qua những lời ca dao, những vần thơ trong kho tàng văn học Việt Nam.

Trước tiên là ân nghĩa sinh thành:

"Công cha đức mẹ cao dày

Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ

Nuôi con khó nhọc đến giờ

Trưởng thành con phải biết thờ song thân".

Những bậc làm cha mẹ thường đánh mất chính mình để lo cho con có cơm có áo, có những ngày đến trường để bằng bạn bằng bè. Cha mẹ chẳng tiếc gì những giọt mồ hôi rơi rớt trên nương đồng, lai láng trên công trường:

"Nuôi con buôn tảo bán tần

Chỉ mong con lớn nên thân với đời

Những khi trái nắng trở trời

Con đau làm mẹ đứng ngồi không yên

Trọn đời vất vả triền miên,

Chạy lo bát gạo đồng tiền nuôi con".

Thế nên, phận làm con phải hiếu để bù đắp lại phần nào những đắng cay vất vả mà các ngài đã sẵn lòng vì ta bằng cách:

"Mẹ già ở túp lều tranh,

Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con".

Và dù không được ở gần cha mẹ, thì người con thảo hiếu luôn dành cho cha mẹ những tình cảm chân thành từ những cây nhà lá vườn, những hoa trái đầu mùa dâng tặng mẹ cha:

"Ai về tôi gởi buồng cau,

Buồng trước kính mẹ, buồng sau kính thầy.

Ai về tôi gởi đôi giầy,

Phòng khi mưa gió để thầy mẹ đi".

Vâng, đứng trước biết bao ân sâu nghĩa nặng của cha mẹ, phận làm con phải thảo hiếu. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng: những gì chúng ta có là do công cha nghĩa mẹ. Mỗi người chúng ta đều có nguồn cội. Mỗi người chúng ta đều phải khắc ghi trong lòng ân sâu nghĩa nặng mẹ cha. Với tâm tình đó, chúng ta cùng hát với nhau bài “Ơn nghĩa sinh thành” để ghi khắc mãi trong tim về tình yêu trời bể của cha mẹ đã dành cho chúng ta.

“Uống nước nhớ nguồn

Làm con phải hiếu

Anh ơi hãy nhớ năm xưa

Những ngày còn thơ

Công ai nuôi dưỡng.

Công đức sinh thành

Người hỡi đừng quên

Công cha như núi thái sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Người ơi, làm người ở trên đời

Nhớ công người sinh dưỡng

Đó mới là hiền nhân

Vì ai ta nên người tài ba

Hãy nhớ công sinh thành

Vì ai mà có ta. Uống nước ….

Lm.Jos Tạ duy Tuyền
 
Lễ Các Thánh 1.11.2009 -Hoa Đời Dâng Chúa
Lm Jos Tạ Duy Tuyền
05:28 29/10/2009
Ngày 01.11

Hoa Đời Dâng Chúa

Có một bài hát sinh hoạt được hát như sau: “mỗi người là một nụ hoa cùng đem về đây góp gió, làm thành vườn hoa muôn màu muôn sắc tươi xinh. Mỗi người là một cành hoa, cùng đem về đây góp gió, làm thành vườn hoa, vườn hoa, vườn hoa chúng mình”. Bài hát đơn sơ nhưng nói lên ý nghĩa cuộc đời thật thi vi. Cuộc đời của chúng ta là một cành hoa: Hoa lan, hoa huệ, hoa cúc, hoa hồng … Hoa nào cũng đẹp. Hoa nào cũng có cách thể hiện mình giữa đời thật nên thơ và hữu ích. Nụ hoa muôn màu như con người với những thể xác, cá tính, nhân cách khác nhau. Nụ hoa muôn vẻ như con người mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười.

Hôm nay, Hội thánh mừng kính các thánh nam nữ như là những bông hoa đầu mùa trong vườn hoa mà Thiên Chúa vun trồng. Hội thánh là vườn ươm. Thiên Chúa đã ra công vun trồng cho cây hoa lớn lên trong ân sủng, trong sự chăm sóc tận tụy của Ngài. Các thánh là những bông hoa luôn quy về hướng mặt trời để nhờ mặt trời ban sức sống, chăm sóc, dưỡng nuôi nên vẹn tuyền. Các thánh luôn cần lòng từ bi, ân sủng của Chúa chữa lành những thương tích do mối mọt tội lỗi gây ra. Các thánh cũng như những bông hoa luôn được chăm sóc tỉ mỉ khỏi những cám dỗ tội lỗi, những vương vấn bụi trần.

Như vậy, sẽ có bao nhiêu vị thánh hôm nay chúng ta mừng kính? Thưa, có rất đông. Bởi vì ai cũng có thể nên thánh. Ai cũng được mời gọi nên thánh. Nên thánh là ơn gọi mà Thiên Chúa đã tiền định: “Anh em hãy hoàn thiện như Cha anh em ở trên trời là Đấng hoàn thiện”. Nên thánh không khó. Nên thánh là làm theo ý Chúa, là sống trong ân nghĩa cùng Chúa. Nên thánh không phụ thuộc vào giai cấp, không tính theo năng lực. Nên thánh tùy theo ơn gọi và hoàn cảnh của mình. Như những bông hoa muôn sắc, dù là hoa nhỏ bé hay to lớn, dù là loài hoa không hương không sắc nhưng vẫn là đóa hoa đáng yêu, đáng quý và đáng được nâng niu. Các thánh nam nữ cũng thuộc mọi tầng mọi lớp xã hội. Có thể các ngài thuộc hàng giáo sĩ nhưng cũng có thể là hàng giáo dân. Các ngài có thể là cha mẹ, là anh em, là bè bạn của chúng ta. Các ngài là những người đã nỗ lực hoàn thiện mình trong ân thánh Chúa. Các ngài không vương vấn tội lỗi. Các ngài không để những đam mê làm chủ. Các ngài luôn chọn Chúa hơn là những tạo vật trần gian. Các ngài cũng có thể là những tội nhân được ơn trở lại như kẻ trộm trên cây thập giá. Các ngài cũng có thể từng có những lầm lỡ nhưng biết đứng dậy sau những lần vấp ngã. Điểm chung của các ngài là đã được chết trong ân sủng và tình thương của Chúa.

Nhìn lại cuộc đời của Chúa Giê-su, với ba mươi ba năm dương thế, Chúa Giê-su đã lôi kéo bên Ngài những bông hoa đầu mùa của Hội thánh thật giản dị, âm thầm, và đơn sơ. Một bác thợ mộc thành Nagiaret, luôn tận tụy với công việc và gia đình. Một Maria đơn sơ chân thành, dám nói lời xin vâng ngay cả khi chẳng biết điều gì sẽ đến trong ngày mai. Một Phê-rô, Simon. . . những ngư phủ chất phác, đầu hôm sớm mai trên biển cả đã bỏ thuyền chài mà đi theo Chúa. Một Gia-kêu, Madalena, là những tội nhân đã được ơn hoán cải trở về. Một người trộm lành đã ra đi bình an trong lời tha thứ đón nhận của Đấng tạo thành. ..

Và hôm nay, những khuôn mặt phản chiếu hình ảnh của các thánh dường như vẫn tiếp tục tỏ hiện trong dòng đời dương thế hôm nay. Họ có thể là cha, là mẹ chúng ta, những con người đang khổ sở vì chúng ta, đang hy sinh từng ngày cho chúng ta. Họ có thể là những người lao công đang dệt đời mình trên công trường hay trên nương đồng với hy sinh, tận tụy hoàn thành nhiệm vụ và trách nhiệm của mình. Họ có thể là những người bất hạnh bởi tai nạn, bởi nghèo đói, hay những bệnh nhân đang đón nhận thập giá Chúa gửi với lời xin vâng thẳm sâu. Vâng, những vị thánh đó vẫn đang sống, đang đồng hành với chúng ta trong cuộc sống. Họ đang hiến tế đời mình trong những đau khổ trần gian, trong những hy sinh từ bỏ, trong quảng đại dấn thân hết mình vì anh em đồng loại. Họ có thể chưa hát bài ca chiến thắng như các thánh nam nữ trên trời nhưng cuộc đời họ đáng là thánh vì họ luôn yêu mến Chúa trên hết mọi sự và yêu mến tha nhân như chính mình. Họ đã dám sống một cuộc đời mà người ta bảo rằng: “Người trồng cây phúc người chơi – Ta trồng cây hạnh để đời về sau”.

Nguyện xin các thánh nam nữ đã được sống trong ân nghĩa cùng Chúa cầu thay nguyện giúp cho mỗi người chúng ta luôn nhận ra tình thương của Chúa để biết sống đền đáp ân tình Chúa ban. Xin giúp cho mỗi người chúng ta biết gìn giữ ân sủng cao quý là con cái của Chúa bằng việc sống thanh sạch, và can đảm dũ bỏ bụi trần mê muội. Xin cho mỗi người chúng ta biết đón nhận ý Chúa qua việc vui với phận mình và chu toàn bổn phận làm người và làm con Chúa. Amen

Lm.Jos Tạ duy Tuyền
 
Không có gì qúi bằng ''Có Chúa Giêsu''
Cao Huy Hoàng
05:34 29/10/2009
Lễ Các Thánh Nam Nữ

Các Thánh Nam Nữ ở trên trời…Nhưng hành trình nên thánh của các Ngài, đã khởi đầu từ những ngày làm thân lữ khách trên trần thế.

Các Ngài đủ mọi dân nước, mọi thành phần: mù chữ hay trí thức, bần cùng hay sang trọng, tật nguyền đau yếu hay khỏe mạnh, giáo dân hay giáo sĩ… đều có. Tất cả đã sống tinh thần của Hiến Chương Nước Trời: tinh thần khó nghèo, hiền lành, sầu khổ, khao khát công chính, hay thương xót người, trong sạch, thuận hòa, bị bách hại vì đạo ngay.

Người nghèo nhan nhản khắp nơi trên địa cầu, nhưng được mấy ai chấp nhận cuộc sống nghèo khó ấy làm con đường nên thánh. Cuộc sống nghèo khó không mặc nhiên bảo đảm cho một hạnh phúc nước trời, nếu không có tinh thần nghèo khó. Và hẳn ngược lại, cuộc sống giàu có không hẳn bị Nước Trời từ chối, nếu biết sống tinh thần nghèo khó, như lời Chúa Giêsu chúc phúc.

Tinh thần nghèo khó cho tôi và bạn nhận ra rằng chúng ta là “không có gì” nếu không có Thiên Chúa, và chúng ta “có tất cả” vì tin có Thiên Chúa, vì “có Thiên Chúa”, hoặc bằng lòng để Thiên Chúa chiếm hữu.

Người nghèo không ở đâu xa, nhưng đang rất gần với chúng ta: ngay tại Việt Nam, một đất nước tự hào đang phát triển; ngay trong nhà bạn, trong nhà tôi, trong gia tộc bạn trong gia tộc tôi, tổng cộng có đến năm bảy chục triệu con người nghèo khổ bất hạnh. Có thể có cả tôi, cả bạn nữa. Có phải họ cùng chúng ta thực sự đang nên thánh chưa? Việc ấy còn tùy thuộc ở mỗi đương sự, nhưng sức mạnh của sự tương tác không phải là không có. Đằng khác, việc giúp nhau nên thánh lại là một cấp thiết của Tin Mừng.

Một gánh cháo lòng đơn sơ từ đầu hẻm đến cuối phố đèn hoa rực rở… Một gánh gion thơm gõ nhịp dưới những tầng cao từ mờ sương đến nửa buổi mai …Một cọc vé số rã rời chân đi khản lời mời mọc… Một đóa hồng nhan tiều tụy dưới cột đèn bóng ngã đường khuya…!

Hình ảnh những người nghèo gắn liền với đau thương dập vùi, nước mắt sầu khổ…Họ đang rất gần với Nước Trời, nếu họ tin rằng có một Người đang đồng hành với họ. Người ấy là “Người nghèo rất đỗi giàu có”, là “Người đau khổ biến khổ đau thành hoan lạc”, là “Người đổi máu lệ nên sự sống vĩnh cửu”. Người ấy, không ai khác, chính là Đức Chúa Giêsu – là người đồng hành, và là Chúa Cứu Thế.

Đôi khi bạn và tôi lầm tưởng về những người giàu có trên trần gian, vì họ không cảm nếm được nỗi đau của người nghèo, nỗi khổ của người bất hạnh, có thể họ xa Nước Thiên Chúa. Nhưng thực ra, không thiếu những người giàu có đã quì hằng giờ trước bàn thờ nhà mình mỗi đêm, mà cảm tạ tôn vinh Thiên Chúa, mà xét mình cho ra những dững dưng, hờ hững, mà đấm ngực vì sự vô tình trước những thiếu thốn của tha nhân. Có người giàu có đã sắp xếp thời gian để cùng được kết hiệp với sự khổ nạn và lòng thương xót của Chúa vào 3 giờ chiều cùng với lời “xin Chúa thương xót con và toàn thế giới”. Và qua những giờ gặp gỡ Thiên Chúa qua Chúa Giêsu đau khổ, họ đã nhận được thông điệp nên thánh bằng cách chia vui sẻ buồn, sẻ chia cơm áo gạo tiền và chia chính nỗi lòng cảm thông với người bất hạnh. Ấy vậy, không hẳn là người giàu có, không có con đường nên thánh.

Có thể, bạn và tôi nằm trong danh sách những người nghèo. Nhưng ước mong không nằm trong danh sách những người trách móc Thiên Chúa, và cụ thể là trách móc những người giàu có không giúp đỡ cho ta. Không phải người giàu nào cũng keo kiệt xấu tính cả đâu. Đòi hỏi lòng bác ái của người khác lại là sự lỗi đức bác ái trong lòng ta. Cầu nguyện cho người khác gặp được Chúa Giêsu đau khổ nơi tha nhân, mới là việc làm của lòng yêu người. Vì chính khi gặp được Chúa Giêsu, kết hợp mật thiết với Ngài, con người ta không còn cái cảm giác đói nghèo thiếu thốn hay đau khổ nữa.

Những người nghèo thực sự được nên thánh ngay trên trần gian nầy, khi kết hợp với Chúa Giêsu nghèo khó, để ngài biến đổi đời mình nên hiền lành khiêm nhượng, nên hân hoan trong sầu khổ, nên khát khao điều đáng khao khát là sự công chính, nên tinh tuyền trước những lời mời mọc ô nhơ, nên người biết sẻ chia thương xót, nên hiếu thuận hiếu hòa với mọi người nhờ sự bình an sâu thẳm của tâm hồn, và nên can đảm làm chứng cho Thiên Chúa không ngại gian khó, bức bách.

Người giàu có tự nhận mình là người nghèo khó của Chúa khi ngộ ra rằng tất cả những gì mình có, không quí bằng “có Chúa Giêsu”, “có ơn cứu rỗi” cuộc đời mình.

Vì thế, giây phút thánh thiện nhất, giàu có sung mãn nhất đối với người giàu cũng như người nghèo là giây phút kết hiệp hoàn toàn với Chúa Giêsu qua bí tích Thánh Thể, khi rước lễ, và khi giữ được Chúa Giêsu Thánh Thể trong lòng mình, suốt ngày, suốt đời.

Tạ ơn Chúa Giêsu Thánh Thể, chính nhờ Thánh Thể Chúa, không những bảo đảm cho chúng con Nước Trời, mà còn biến đổi chúng con nên thánh ngay trong trần gian nầy.

Tạ ơn Chúa đã ban muôn phước lộc cho người thế chúng con và ơn phước quí giá nhất là được sống đời đời với Chúa trên Thiên Quốc. Và xin được bắt đầu niềm vui Thiên Quốc bằng việc kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể.

Xin cho chúng con yêu mến và khát khao kết hiệp với Thánh Thể Chúa, và giữ Chúa Thánh Thể trong lòng chúng con thật lâu cho đến suốt đời chúng con.

Xin Các Thánh Nam Nữ cầu bầu cho chúng con ơn luôn khát khao kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể, để nhờ Thánh Thể Chúa, sự nghèo khó, đau khổ trở nên chìa khóa hạnh phúc cho chúng con hôm nay và đời sau trên Thiên Quốc. A men.

Xin mời mọi người cùng hát tâm tình bài thánh ca: “Chúa ở đây” lời thơ của Văn Thao (Lm. Nguyễn Xuân Văn) được Lm Ns Ánh Thiều dệt nhạc:

“Chúa ở đây trong hồn tôi thầm lặng
Dầu nhà tôi chật hẹp hơn chuồng chiên
Dầu hồn tôi nhớp nhơ phai màu sáng
Người yêu tôi không chê tôi thấp hèn

Lạy Chúa Giêsu
Con tin, con lạy, con thờ Chúa ở đây
Ngự giữa tim con
Phút thẳm sâu hồn con rung động ngất ngây
Phút thẳm sâu hồn con mong quên những ngày…”
 
Xin được làm thánh vô danh
Lm Giuse Nguyễn Thành Long
05:35 29/10/2009
Có lẽ trong suốt cả năm Phụng vụ không có thời điểm nào mà mầu nhiệm hiệp thông được Giáo Hội đề cao một cách sống động khác thường như là thời gian đầu tháng 11 này. Ngày hôm nay, Giáo hội hướng chúng ta về các thánh, tức là Giáo Hội chiến thắng. Ngày mai Giáo Hội hướng chúng ta về các đẳng linh hồn, tức là Giáo Hội đang thanh luyện. Hướng nhìn như thế để cho chúng ta, những người đang sống trong Giáo hội tại thế, tức là Giáo Hội chiến đấu, biết tìm cho mình một hướng đi, để mai sau chúng ta cũng đạt được vinh quang như các thánh mà chúng ta mừng kính hôm nay.

1. Các thánh là những ai ?

Sách khải huyền cho ta câu trả lời: “Các ngài là những người từ đau khổ lớn lao mà đến và đã giặt áo mình trong máu con chiên”. Rõ ràng các thánh không phải là những con người của quá khứ, cũng không phải là những nhân vật thần thiêng, siêu phàm, bẩm sinh đã là thánh, càng không phải là những con người lập dị. Các ngài cũng là những con người như chúng ta, đã giữ đạo, đã sống đạo và đã phản chiếu được sự thánh thiện của Thiên Chúa khi sống triệt để các mối phúc Chúa dạy, tức là “đã giặt áo mình trong máu con chiên”. Các ngài dám sống đức tin, dám dấn thân vì đức tin, dù có phải gặp “đau khổ lớn lao”. Các ngài có thể là những người thuộc gia đình, gia tộc của chúng ta; có khi là những người hàng xóm láng giềng của chúng ta nữa.

Nếu chúng ta được lên trời để thăm các thánh, chắc hẳn chúng ta sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước sự đa dạng của các ngài. Các Ngài thuộc đủ bậc đủ hạng (Tông đồ, tử đạo, hiển tu, đồng trinh; là giáo hoàng, giám mục, linh mục, phó tế, giáo dân….), thuộc đủ màu da, tiếng nói, nghề nghiệp, tuổi tác, hoàn cảnh, giới tính… (có thánh già, có thánh trẻ; có thánh nam, có thánh nữ. Có người còn nói là có cả thánh pêđê nữa kìa. Tại sao không ?) Đại đa số các thánh là vô danh. Bởi chưng con số được Giáo hội tôn phong là rất ít. Còn con số chưa được tôn phong là vô cùng lớn, như sách Khải Huyền đã nói: “Tôi thấy một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi nước mọi dân và mọi ngôn ngữ” (Kh 7,9). Trong số đó chắc chắn là có những người thân yêu của chúng ta. Chúng ta hãnh diện vì có các ngài cầu bầu cho chúng ta trước tòa Chúa.

2. Sứ điệp ngày Lễ Các Thánh muốn nói điều gì với chúng ta ?

Thiết tưởng ngày lễ Các Thánh muốn nói với chúng ta 2 điều. Thứ nhất, lời mời gọi nên thánh không dành riêng cho một ai, hay một nhóm người nào. Chúng ta thường nghĩ rằng nên thánh là chuyện cao siêu dành cho một thiểu số đặc biệt nào đó, như các đấng, các bậc trong Hội Thánh. Nên thánh không có chuyện độc quyền. Mọi Kitô hữu đều được mời gọi nên thánh, và nên thánh là là bổn phận của hết mọi người chúng ta, như lời Chúa Giêsu đã dạy: “Anh em hãy nên thánh như Cha anh em trên trời là Đấng Thánh”. Thứ hai, nên thánh là bổn phận của hết mọi người. Vì sao? Bởi vì tất cả những ai được lên thiên đàng thì đều là thánh, ít là cũng thánh vô danh. Nói cách khác, muốn lên thiên đàng, phải sống thánh. Mọi Kitô hữu dù sống trong chức phận nào, địa vị nào cũng được mời gọi sống thánh, sống thánh ngay giữa đời. Được lãnh nhận bí tích rửa tội, được làm con cái Chúa, con cái của Giáo hội. Mà con cái Chúa, con cái của Giáo hội là con cái của sự sáng; con cái của sự sáng, nghĩa là phải trở nên thánh.

3. Cách thế nào để nên thánh ?

Tâm lý thường tình ai cũng muốn được phong thánh, nhưng lại sợ, lại ngại sống thánh. Thế nhưng, nên thánh không hệ tại ở nỗ lực sống luân lý, hay tuân giữ lề luật như quan niệm của những người Luật sĩ và Biệt phái Do thái.

Nên thánh là để cho tình yêu chi phối toàn bộ cuộc sống, là ra khỏi cái tôi hẹp hòi ích kỷ của mình để sống hết tình cho Thiên Chúa và sống hết mình cho tha nhân. Nên thánh là luôn lắng nghe tiếng Chúa và nỗ lực đáp trả trong từng giây phút hiện tại. Nên thánh là yêu mến cuộc sống mà Chúa đã tặng ban, là để cho Chúa yêu mình, nắm lấy tay mình dắt mình vào tình yêu diệu huyền của Ngài. Tắt một lời, nên thánh hệ tại ở việc thuộc trọn về Chúa, kết hiệp với Chúa là Đấng Thánh, đồng thời trung thành sống giới răn của Ngài là mến Chúa và yêu người.

Vậy mừng lễ các thánh hôm nay, chúng ta hãy cầu xin với các ngài cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta, để chúng ta có thêm sức mạnh và lòng can đảm sống đức tin như các ngài đã sống, hầu mai sau cũng được hưởng vinh phúc với các ngài trên thiên quốc. Amen.
 
Thực thi tám mối phúc thật - Đường nên thánh
Lm. Jude Siciliano, OP
07:08 29/10/2009
CHÚA NHẬT LỄ CHƯ THÁNH

Kh. 7: 2-4, 9-14 Tv 24 I Ga 3:1-3 Mt 5:1-12

Chúng tôi vừa hoàn tất kỳ giảng tĩnh tâm cho một giáo xứ ở Pear River, N.Y. ở đó có nhóm nhóm người tình nguyện giúp các trẻ em tàn tật. Họ tổ chức trại hè cho các em, buổi du khảo, mở lớp học, tổ chức thánh lễ. Họ gởi điện thư kêu gọi mạnh thường quân trợ giúp. Và điện thư luôn có câu mở đầu là "Thưa quý Thánh". Mỗi lần nhận thư của họ tôi hơi băn khoăn, tôi nghĩ những người khác có thể là thánh, chứ còn tôi mà gọi là thánh thì hơi sớm đấy!.

Trong giáo hội sơ khai, “Thánh” được dành cho những người có liên kết mật thiết với Thiên Chúa qua đức Kitô. Vì thế việc phong “Thánh” được giáo hội quy định rất chặt chẽ. Nhiều vị thánh được ghi ngày kính vào niên lịch phụng vụ. Nhưng, mặc dù chúng ta kính những vị thánh được giáo hội công nhận, chúng ta không nên quên mỗi cá nhân chúng ta. Trong sách Khải Huyền chúng ta được gọi là những người được tẩy áo mình trong “Máu Con Chiên” nên trắng, đó là đời sống, sự chết và sự sống lại của Chúa Kitô. Máu Chúa Kitô Phục Sinh đang chảy trong huyết quản chúng ta, và như thế chúng ta có thể gọi nhau là “Thánh”. Làm như thế, chúng ta không tuyên xưng những gì chúng ta đã làm, nhưng là tuyên xưng ơn thánh chúng ta đã được lãnh nhận. Chúng ta đã được gọi nên thánh bởi chính Thiên Chúa, và chúng ta đã được ban những ơn cần để sống đời sống thánh thiện.

Thường những người đọc Kinh Thánh ít khi đọc sách Khải Huyền. Có người cho là sách Khải Huyền nói đến những hình ảnh, và những thứ vật kỳ lạ. Ngay đoạn sách đọc ngày hôm nay cũng có những chi tiết lạ lùng cho người thời nay.

Nếu tôi là một thiếu niên, tôi sẽ không thèm đọc, vì đoạn sách này có những điều rất khó hiểu. Vì sao những người mặc áo trắng lại giặt áo họ trong “Máu Con Chiên”? Nếu giặt trong máu thì áo sẽ đỏ chứ? Tôi không thể hiểu được hình ảnh ấy, và hãy để cho các người chuyên về Kinh Thánh giải thích vậy. Đối với tôi, tôi không thể nghiền ngẫm bài đọc này như là một học sinh trung học trong giờ vật lý, nhưng tôi sẽ đọc theo người học về văn chương, bởi vì sách Khải Huyền có nhiều tính chất văn thơ hơn là một sách về khoa học.

Vào cuối thế kỷ thứ nhất, những Kitô Hữu tiên khởi trải qua một thời đại bị bắt bớ ngược đãi tàn khốc dưới thời vua Domitian, và nhiều người có cảm tưởng như Thiên Chúa đã bỏ rơi họ. Lời văn trong sách Khải Huyền nói với họ dưới cái nhìn của tác giả đó là lời hứa: Tương lai họ sẽ huy hoàng nếu họ trung thành với Chiên Thiên Chúa. Vinh quang đây không phải chỉ để cho họ trong tương lai, mà ngay cả bây giờ họ có thể dự phần vào vinh quang thánh thiện của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Kitô. “Thưa quý Thánh”, có thể đúng đấy, vì chúng ta được Thiên Chúa trìu mến gọi chúng ta. Áo rửa tội của chúng ta đã được xóa trắng bởi Chúa Giêsu qua máu của Người trong đời sống chúng ta.

Chuyện một em bé học tiểu học. Một giáo viên dạy giáo lý hỏi các học sinh lớp hai “Thánh là gì?” Một bé gái trả lời “Thánh là những vị có ánh sáng chiếu qua họ”, vì em bé nghĩ đến các tấm gương hình của các vị thánh trên các cửa sổ trong nhà thờ. Em đó nói tiếp “những tia sáng lớn” chiếu qua các cửa sổ ở nhà thờ. Ánh sáng chiếu qua các vị thánh với rất nhiều màu sắc rực rỡ. Tiểu sử các vị thánh trình bày mỗi người một khác, không ai giống ai cả. Mỗi vị thánh được nêu gương sáng đến mọi nơi trên thế gian này.

Vì ánh sáng chiếu qua các vị Thánh đó rực rỡ quá nên hình ảnh họ minh họa cao lên để soi chiếu chúng ta để chúng ta thêm hy vọng. Nếu Thiên Chúa có thể chiếu những ánh sáng rực rỡ ấy qua Đức Maria, Thánh cả Giuse, Thánh Đaminh, Thánh Catarina de Siena, Thánh Phanxicô và thánh Clara, thì Thiên Chúa cũng có thể làm như vậy qua chúng ta. Thiên Chúa có thể giúp chúng ta thêm nghị lực trong những lúc gian khổ, hay nghi ngờ; can đảm vượt qua cơn thử thách; biết thông cảm với những người bị yếu đuối; thêm khôn ngoan; can đảm nói lên sự thật cho những người im lặng vì sợ hãi; khiêm nhường lánh mình khi làm việc thiện; trung thành chiến đấu bênh vực công lý khi thế gian phế bỏ để trấn áp những kẻ cô thế; hiền hòa nhưng cương quyết đối kháng với những gì chống lại phúc âm.

Những nhân đức tôi vừa nói trên là bởi ở đâu ra? Tôi chắc còn nhiều hơn nữa, nhưng đó là những nhân đức tôi tìm được khi đọc qua tiểu sử các vị thánh mà tôi quý mến, nhưng những vị thánh mà tôi đã kể tên. Đó là những vị Thánh lớn. Nhưng tôi cũng nghĩ đến những vị thánh nhỏ mà tôi đã biết và đã mến và đã kính trọng. Các vị thánh đó đã nhắc nhở tôi trong những việc nhỏ trong đời sống hàng ngày của tôi. Tôi chắc các bạn cũng có những vị thánh mà các bạn quý mến cách riêng, và các bạn cũng có thể viết tên và kể các nhân đức của các vị thánh đó. Khi đó các bạn sẽ thấy nhân đức của họ có tương xứng với các điều mà Chúa Giêsu gọi là các mối phước thật chăng…

Các mối phước thật không phải là giới răn chúng ta phải theo. Đó là những hướng dẫn cho chúng ta cách sống theo đời sống của Chúa Giêsu. Nhờ Chúa Giêsu mà chúng ta được hưởng “phước thật”. Lối sống của chúng ta phải phản ảnh một sự thay đổi sâu đậm, vì đó là thành quả của ơn Chúa để làm cho chúng ta: có tâm hồn nghèo khó, nên hiền lành; thương xót người, xây dựng hòa bình v.v…

Trong bài đọc hai, thánh Gioan diễn tả một cách khác “…chúng ta được gọi là con Thiên Chúa”. ngay bây giờ, trong thánh lễ nầy. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người. Và Thánh lễ nhắc chúng ta nhớ đến những người đang chiêm ngưỡng ánh quang của Thiên Chúa, và chúng ta đang hiệp thông với họ qua lời cầu nguyện. Và vì đời sống của họ nên chúng ta hy vọng được ơn như họ trong đời sống của chúng ta.

Tôi có một đứa cháu gái 4 tuổi vẽ tặng tôi một tấm hình. Cháu nói “Đây là hình của ông đấy”. Cháu vẽ hình tôi bằng viết chì, nét mặt coi cũng được, mắt mở to, và có thêm nụ cười, tai vễnh và hai cánh tay mở rộng ra. Cháu cũng hơi sửa chữa đôi chút. Một nhà tâm lý học có thể nói hình vẽ này là của một người mạnh khỏe. Tôi có thể nói rằng cháu tôi vẽ hình tôi theo như cảm nhận của cháu. Và tôi cũng có thể nghĩ rằng cháu vẽ hình tôi như Chúa đang trông thấy tôi, một người con đầy ơn Chúa và là một người do Chúa dựng nên.

Lần sau, khi tôi nhận được bức điện thư gởi đề “Thưa quý Thánh”, tôi sẽ không ngạc nhiên và thắc mắc nữa, và tôi sẽ nói “Đúng đấy” vì tôi đã được ơn Chúa trong tôi, và Chúa sẽ không bỏ rơi tôi, và Ngài sẽ tiếp tục ban ơn cho tôi cho đến ngày tôi về nhà Cha. Ở đó tôi sẽ gặp các vị Thánh đã được trình bày trên các cửa sổ nhà thờ. Tôi cũng sẽ được gặp các thánh khác, một số đông không thể đếm được mà không có hình trên các cửa sổ của nhà thờ. Chúng ta đã là những thánh của Thiên Chúa, không phải vì chúng ta đang được ơn huệ đó, hay chúng ta đã sống một đời sống không tội lỗi, nhưng là vì lòng nhân hậu của Chúa qua Chúa Giêsu. “Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta”. Thánh Phaolô trong các thơ viết cho các giáo hữu đã gọi là các thánh, thánh Phaolô không chỉ nghĩ là trong tương lai, nhưng cũng nghĩ là ngay từ bây giờ, họ đã là các thánh.

Chuyển ngữ FX Trọng Yên, OP
 
Alpha và Omega
Lâm Huyền Vi
09:21 29/10/2009
Alpha và Omega

Cha dạy con: vào nơi thanh vắng *
Hãy dặn lòng xa cách nhân gian
Tìm thanh thản chiều sắc lá vàng
Tắm an vui nơi bờ suối mát

Cha bảo con: nghỉ ngơi một lát *
Ghi tạc lời, phúc lộc trổ sinh
Sáp lệ rỏ đẫm nến khiết trinh
Hồng lửa reo: ôi tình, chân tình!

Cha bên con như bóng với hình
Nghìn năm vẫn thệ nghĩa yêu thương
Uyên nguyên chung thủy mòn dâu bể
Alpha và Omega

* (Mark 6, 30-31)
 
Dấu ấn của Thiên Chúa là Tình yêu
Jos. Tú Nạc, NMS
09:24 29/10/2009
Lễ Các Thánh Nam Nữ – Năm B (Revelation 7: 2-4, 9-14; 1 John 1: 1-3; Matthew 5: 1-12)

Sách Khải Huyền có thể là một cuốn sách nguy hiểm và khó hiểu – nhất là ở trong những bàn tay vô đạo đức với một cách hiểu méo mó sai lệch về nội dung của nó. Nhưng khi nó được dùng với mục đích sáng tạo nó có thể lên tiếng một cách trực tiếp đến trái tim và trí tưởng tượng.

Nó không có những ý định cung cấp những vấn đề thiết đặt cho học thuyết tôn giáo hoặc để biện minh chiến tranh hoặc việc dùng uy lực và bạo lực. Như một điển hình về văn học khải huyền mục đích của nó là mang đến hy vọng, ủi an và sức mạnh tới những ai bị bức hại, đau khổ và đấu tranh với những quyền hạn đối lập mà dường như vô địch, bất khả chiến bại. Đoạn trích không mang phong cách văn chương hoặc lịch sử mà như một tác phẩm văn học được dàn dựng như một vở kịch thần học thuộc vũ trụ luận làm rung động con tim và truyền cảm hứng cho trí tưởng tượng.

Qua việc khắc họa chân dung của nó về sự sùng kính thiên đàng, biểu tượng tập trung diễn đạt vào uy lực và vương quyền tối cao của Thiên Chúa, và quyền năng cứu rỗi của Thiên Chúa đã bộc lộ trên danh nghĩa của chúng ta. Quyền năng của Thiên Chúa vĩ đại hơn quyền hạn tiêu cực nhất mà thế giới của chúng ta tạo ra và chúng ta không bao giờ nghĩ rằng luật lệ và quyền lực của cái ác là không thể tránh khỏi và vĩnh cửu. Thiên Đàng không có một sức chứa giới hạn và con số 144,000 chắc chắn không phải là con số cố định được tuyển chọn hoặc cứu vớt. Nó truyền tín hiệu rộng khắp và bao gồm ơn cứu độ của Thiên Chúa. Hãy lưu ý vô số những đám đông từ mọi sắc tộc, quốc gia và ngôn ngữ.

Ai là những người đã giặt áo của mình trong máu cừu và ai là những người niêm dấu ấn của Thiên Chúa trên trán họ? Chúng ta có thể hiểu họ như những người đã chịu đựng những đấu tranh và thách thức về cuộc đời của mình với lòng dũng cảm, phẩm cách, nhân từ và công chính còn nguyên vẹn. Dấu ấn của Thiên Chúa có thể là nhưng điều duy nhất là: tình yêu. Nó không thể là sự giả tạo và chú ý ta không thể che giấu một tình yêu thiếu thốn đằng sau những biểu tượng tôn giáo. Hoặc chúng ta có hoặc không.

Là con Thiên Chúa có nghĩa là vượt xa hơn nhiều những di sản nhân loại tự nhiên cung cấp cho chúng ta. Sự thanh tẩy mà chúng ta không có nghĩa chỉ để thừa nhận một tiền sự trong sạch hoặc tránh khỏi tội lỗi vì chúng ta vẫn bị giam giữ bởi những khuyết điểm. Nó đòi hỏi một tiến trình chi dùng nghị lực về nhiệm vụ và sự tự nguyện của chúng ta để hợp tác với ân sủng vì nó liên quan đến sự trưởng thành chuyển đổi tinh thần liên tục. Tâm hồn và tâm trí phải được tẩy sạch sự ích kỷ, sợ hãi, hận thù, tự phụ và một loạt những lỗi lầm khác của con người.

Những Đại Phúc trong Bài Giảng trên Núi thường được xem như một bộ sưu tập những lời “hoa mỹ” – tuyệt vời và hoàn toàn phi thực tế. Những cử tọa lần đầu tiên được nghe những lời này gồm có những người bị áp bức và bất công, đàn áp đến lạ thường. Họ bị áp bức về mặt chính trị với tư cách là một dân tộc. Họ đã bị nghiền nát bởi những loại thuế khóa tàn khốc và nhiều thứ đã bị cuốn đi từ những vùng đất của họ bởi việc tăng những khoản nợ và những điền chủ tham lam. Họ dai dẳng nỗi đau và cơ cực nhưng lại rất mong manh hy vọng và đã trở nên chai đá thô bạo và thậm chí bằng sự trấn tĩnh và những lời tôn kính phục tùng. Những Đại Phúc là những ngôn từ linh ứng và một sự tự tin mà những sầu khổ của họ không phải là ý định và việc làm của Thiên Chúa và rằng hoàn cảnh sẽ thay đổi đầy xúc động.

Có lẽ điều xúc động nhất là sự khẳng định của Thiên Chúa và tình yêu của một dân tộc bị áp bức và tàn phá. Thay bị nguyền rủa hay bị trừng phạt, họ đã được Thiên Chúa thực sự chúc phúc ban ơn. Những ngôn từ là tiếng gọi để cam chịu một cách kiên trì và không để khát khao mong mỏi hòa bình cảu họ và sự khôi phục quốc gia của họ suy tàn. Nếu họ vẫn trung thành và kiên định họ sẽ không phải hổ thẹn. Nhưng điều này sẽ không được hoàn thành bằng cách vẫy cây đũa thần kỳ diệu. Những nỗ lực của Chúa Giê-su Đấng Cứu Thế sẽ là quyết định nhưng để có những nỗ lực của tất cả những ai theo Người và mang Danh Người.

Phi bạo lực, lòng nhân từ, khiêm nhường, hòa giải, tình trạng đói khát sự công bình và nhiệt tình để khoan dung cho họ là tất cả những công cụ đầy quyền lực và những dụng cụ tạo ra một thế giới mới. chúng ta đau khổ từ sự áp bức nhiều hơn mà chúng ta có lẽ nhận thức. Chúng ta đến với lòng thương xót của những quyền lực mà dường như quyền uy hơn chúng ta và nó dễ dàng để cảm thấy bị nhận chìm và không có sự giúp đỡ. Những ảnh hưởng kinh tế, chính trị, xã hội và tôn giáo điều khiển và nhào nặn cuộc sống của chúng ta trong vô số cách không thể tưởng tượng được. Nhưng khi những nguyên tắc này được thực hành với kỷ luật, hiệp nhất, kiên trì và những điều làm sửng sốt yêu thương bắt đầu nảy sinh và chúng ta có thể khám phá một cách cởi mở và hiệu quả một cách không ngờ mà chúng ta thực sự có thể được.

(Nguồn: Regis College – The School of Theology)
 
Xin được vào sổ những người được chọn
LM. Trần Bình Trọng
09:26 29/10/2009
XIN ÐƯỢC VÀO SỔ NHỮNG NGƯỜI ÐƯỌC CHỌN

Lễ Các thánh Nam Nữ
Kh 7:2-4, 9-14; 1 Ga 3:1-3; Mt 5:1-12a


Hôm nay Giáo hội mừng đại lễ các thánh. Với thời gian, Giáo hội nhận ra đời sống thánh thiện của một số tín hữu và ban tặng cho các ngài danh hiệu là thánh. Có những vị thánh đã một thời, sống đời tội lỗi trước khi làm quyết định tuân giữ giới răn Chúa và sống theo đường lối Phúc âm. Và như vậy thì có vô số các vị thánh không tên tuổi ở trên trời, suốt đời tại trần thế, không làm gì đặc biệt, ngoại trừ những việc thông thường hằng ngày với tình yêu mến Chúa.

Như trong bài trích sách Khải huyền hôm nay ghi lại, thánh Gioan trong một thị kiến, nghe nói đến con số một trăm bốn mươi bốn ngàn người được đóng ấn thuộc mọi chi tộc Ít-ra-en (Kh 7:4) là những người Ítraen mới, những người tín hữu trung kiên của Ðức Kitô. Số một trăm bốn mươi bốn ngàn là con số biểu tượng, cao đầy đủ, chỉ những người được cứu rỗi. Theo hệ thống đếm của người Do thái, một người có thể đếm cao tới mười hai ngàn. Mười hai ngàn nhân với mười hai, tượng trưng cho mười hai chi tộc Ítraen, thành một trăm bốn mươi bốn ngàn, một con số cao trọn vẹn tuyệt đối, chứ không phải chỉ theo nghĩa đen là một trăm bốn mươi bốn ngàn mà thôi. Thánh Gioan còn nhìn thấy con số đông đảo những người: mình mặc áo trắng, tay cầm cành lá thiên tuế (Kh 7:9). Ðó là các vị tử đạo thuộc mọi dân nước, mọi tầng lớp trong xã hội.

Lí do tại sao hôm nay Giáo hội thiết lập ngày lễ Các Thánh, là để mừng kính chung các thánh gồm cả các thánh không tên tuổi, trong đó phải có tổ tiên, họ hàng gần xa của mỗi người.

Phụng vụ lời Chúa trong thánh lễ Các Thánh nam nữ nhắc nhở cho ta rằng mỗi người tín hữu tại thế đều phải đương đầu với những thử thách và cám dỗ. Và mỗi người đều muốn được hạnh phúc. Hạnh phúc là điều mà loài người đều ước muốn và tìm kiếm. Tuy nhiên người ta sẽ phải ngạc nhiên và sửng sốt, khi nghe những người được chúc phúc trong Tám mối Phúc thật (Mt 5:1-12) lại là những người mà người đời coi là khờ dại, bất hạnh và đáng thương hại. Họ là những người sống tinh thần nghèo khó, mặc dù họ giàu sang, có tiền của. Sống tinh thần nghèo khó là không cậy dựa vào tiền cùa, nhưng phó thác vào quyền năng của Chúa. Họ còn là những người hiền lành, những người đau khổ, những người đói khát sự công chính, những người hay thương xót người, những người có lòng trong sạch, những người ăn ở thuận hoà và những người bị bách hại vì lẽ công chính. Sống tám mối Phúc thật là được trở nên trọn lành, trở nên thánh và được hạnh phúc thật..

Có những vị thánh là những nhân vật đặc biệt, tách biệt ra khỏi tầng lớp đa số quần chúng vì các ngài có tiểu sử và sự nghiệp để lại. Còn nhiều vị thánh cũng là người như ta, cũng mang trong mình những yếu đuối, ham muốn về đàng trái, và những thất bại. Nhưng họ cố gắng tuân giữ giới răn Chúa, sống theo đường lối Phúc âm và Tám mối Phúc thật.

Ðời sống các thánh là những mẫu gương nhân đức để chỉ cho ta thấy đâu là đường đạo hạnh và công chính, đâu là cùng đích của đời sống. Người công giáo cần những mẫu gương nhân đức để noi theo bắt chước. Ðó cũng là lí do tại sao Giáo hội phong thánh. Giả như Giáo hội không phong thánh, thì họ cũng vẫn làm thánh rồi. Tuy nhiên bằng việc phong thánh, Giáo hội muốn chỉ cho ta thấy đây là những tấm gương nhân đức để ta noi theo.

Không may, trong thời đại và trong xã hội ta đang sống, người ta thấy thiếu những mẫu gương nhân đức. Người ta không thấy mấy ai dám đi ngược lại trào lưu của đời. Trào lưu đời là tự do cá nhân, muốn hưởng thụ, không muốn bị ràng buộc với gia đình và tôn giáo. Người ta còn sợ làm điều tốt lành và phải lẽ theo tiếng gọi của lương tâm, theo sự xác tín về tôn giáo vì sợ mất bạn bè, mất việc làm. Do đó mà ngay cả ông bà cũng có thể không muốn nhắc bảo cho con cháu về điều ngay lẽ phải vì sợ con cháu cho là cổ hủ hay bố mẹ chúng không hài lòng.

Một trong những lí do khiến thanh thiếu niên đời nay dễ bị sa đoạ và phạm pháp là vì không tìm thấy những người mẫu, người lí tưởng và người đạo hạnh trong họ hàng, khu xóm, xứ đạo và trong xã hội để nhìn lên mà noi gương bắt chước. Trái lại, khi thanh thiếu niên thấy những người có thế giá trong làng xóm, có điạ vị trong xã hội và đạo giáo mà cũng hút xách, xì ke, ma tuý, lại còn sa đoạ thì làm sao người trẻ muốn gồng mình vươn lên? Cha mẹ cứ thử vào phòng con cái mà xem, chúng treo những hình ảnh gì trên tường? Thần tượng của con cái là những nhân vật nào? Có phải hình ảnh các thánh trẻ như Gioan Boscô, Bernadette, Maria Goretti, Têrêsa Hài Ðồng Giêsu, Phaolô Bột, Anrê Phú Yên, Phanxicô Martô, Jacinta Martô, thầy Marcel Văn, hay những mẫu người tài tử màn ảnh, thể thao, võ sĩ, âm nhạc đi hoang đàng, vào sa đoạ? Thần tượng của con cháu mà là những mẫu người hư đốn như vậy thì quả là điều đáng quan ngại cho phụ huynh. Như vậy trong gia đình hay cộng đoàn cần có những người đứng ra làm cột trụ cho người khác dựa vào để có thể giữ vững đức tin cho gia đình và cộng đoàn. Vậy ai dám đứng lên làm chuyện đó?

Nếu làm thánh mà chỉ cần sống theo lối sống của thánh nữ Têrêsa hài đồng Giêsu thì ai cũng có thể theo được. Chuyện kể rằng khi đang ngồi giặt quần áo, có chị dòng kia vì ghen tuông cứ làm bắn bọt sà bông vào quần áo chị Têrêsa. Chị Têrêsa không phản đối, nhưng coi đó như những cánh hoa hồng thiêng dâng lên Chúa để cầu cho kẻ có tội ăn năn trở lại. Chị Têrêsa chỉ học hết trình độ tám năm tiểu học. Thế mà năm 1998, Ðức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã phong làm tiến sĩ Hội thánh. Tại sao lại có chuyện ngược đời như vậy? Thưa rằng Têrêsa đã dạy nhân loại: tu cũng như không tu, học cao hay ít học, đường lối sống đạo và đường lối nên thánh bằng cách sống kết hợp với Chúa. Chị Têrêsa không thể viết sách hệ thống hoá nền thần học kết hợp, nhưng đã sống nền thần học đó trong đời sống. Các thanh thiếu niên nam nữ, các ông chồng, bà vợ, các cụ già, ai cũng có thể làm những việc thường ngày của mình trong gia đình, trong sở làm vì yêu mến Chúa, kết hợp với Chúa, để làm sáng danh Chúa. Ai cũng có thể dâng lên Chúa những thánh giá của bệnh tật và đau khổ về thể xác cũng như tinh thần vì yêu mến Chúa để làm giá đền tội cho mình và cho thế gian..

Hôm nay ta cầu xin các thánh nhất là vị thánh ta tôn kính đặc biệt phù hộ và bầu cử cho ta trước toà Chúa. Khi sùng kính các thánh là ta ca tụng Thiên Chúa vì quyền năng và ân sủng của Chúa đã làm những việc lạ lùng nơi các thánh. Nhờ lời cầu bầu và công nghiệp của các thánh, ta nguyện xin Chúa tác động tâm hồn người tín hữu và xin quyền năng Chúa biến đổi đời sống mỗi người.

Lời cầu nguyện xin cho được xếp vào sổ những người được chọn:

Lạy Chúa, Chúa là vinh quang của các thánh
và là hi vọng của người tín hữu.
Xin cho chúng con được nhận thức rằng
hạnh phúc của người tín hữu không hệ tại ở đời này
nhưng được tim thấy ở đời sau.
Xin dạy con biết tích trữ những kho tàng trên trời.
Và xin Chúa là nguồn hi vọng của con ở đời này
và là vinh quang của con ở đời sau. Amen.

- - - - - -- - -- -
Cũng có thể đọc bài này trên Mạng lưới Mục vụ Văn bút:
www.chuanoitadap.net của Lm Trần Bình Trọng - Xin kính mời.
 
Cõi Lặng
Lm Giuse Hoàng Kim Toan
14:25 29/10/2009
Không ồn ào, không xáo động, không bất ổn nhưng không bất động. Cõi lặng trong tâm mỗi người đều có, tâm có lặng mới nhìn rõ sự vật, trí có lặng mới thấy rõ căn nguyên, hồn có lặng thân xác mới năng động, xác có lặng hồn mới sâu xa.

Sống trong cõi lặng là lối sống của người biết sống chiều sâu cuộc sống, biết hưởng tận nguồn thanh khiết của sự sống, biết cuộc đời hạnh phúc ở tận ngọn nguồn chúc phúc và hết ý nghĩa cuộc sống. Lặng tìm thấy trong ba giai đoạn, thấy, nhận và sống.

Giai đoạn Thấy:

Thấy lặng giữa ồn ào huyên náo, như đang đi giữa phố đông chen chúc người qua lại, lạc lối đi vào rừng cây tĩnh lặng. Như đang chỗ huyên náo bỗng nghe lòng trống lặng. Thấy lặng ngay cuộc sống bộn bề, giây phút của tĩnh lặng tuy ngắn ngủi nhưng khơi lên một ý thức dài lâu tiềm ẩn trong cõi lặng. Giai đoạn cần thiết cho hạt mầm đang hé mở giữa ồn ào của rừng cây ồn ào trước gió. Hạt mầm âm thầm hé lộ để triển nở rễ và nhú ngọn. Hành trình của giai đoạn thấy nơi con người cũng giống vậy. Chẳng biết tự lúc nào hạt giống âm thầm nảy lên, đôi khi vô tình giữa ồn ào huyên náo con người đạp chết mầm non mới nhú, nhưng sự kỳ diệu của cuộc sống vẫn âm thầm nảy nở, hết lần này đến lần khác, khiến con người không thể dập tắt cõi lặng cho đến khi đón nhận. Thời gian lần hồi đón nhận của con người tùy theo cách mỗi người thấy và tiếp nhận. Tình trạng này giống như dụ ngôn Chúa Giêsu dùng để chỉ: Người gieo giống ra đi gieo hạt, hạt rơi trên sỏi đá, hạt rơi trong bụi gai, hạt rơi bên vệ đường và hạt rơi vào đất tốt. Người gieo hạt vẫn gieo cho đến khi tất cả đều đón nhận từ đất tốt, cho dù đó là giai đoạn con người cuối cuộc đời trên giường bệnh, trong lúc nghỉ hưu, trong lúc già nua. Kinh nghiệm cho thấy, tuổi già là tuổi cõi lặng để thấy. Kinh nghiệm của thấy cho biết, con người nên dừng lại giữa ồn ào huyên náo để tiến vào chiều sâu cuộc sống.

Giai đoạn nhận:

Nhận cõi lặng là giai đoạn con người tách dần ra khỏi bon chen, ồn ào, tranh chấp của cuộc sống. Tuy tách biệt khỏi ồn ào nhưng vẫn hoạt động hiệu quả vì bắt đầu biết tích lũy sức lực để đạt tới kết quả chiều sâu cuộc sống. Nhận cõi lặng như đêm về nghỉ ngơi của ngày hành động, để cảm nghiệm đầu tiên về sự chết đang ươm mầm sự sống, đêm về ươm mầm cho ngày mới. Chúa Giêsu dùng một dụ ngôn khác để nói đến giai đoạn này, như người đàn bà đem nắm men ủ vào trong ba đấu bột, như hạt cải bé nhỏ âm thầm mọc lên cho đến khi trở thành đại thụ. Bắt đầu nhận là bắt đầu có sự chuyển hóa dịch dần về phía hoàn thành. Cuộc sống con người cảm nhận thấy sự khơi mào của hạnh phúc khi bắt đầu tách ra khỏi ràng buộc trần thế. Kinh nghiệm dần dà lớn lên để thấy hạnh phúc không tùy thuộc vào cái có mà phụ thuộc vào nhận thức cái mình đang là. Men của Tin Mừng đi vào cuộc sống theo lối đó, như kinh nghiệm của Thánh Augustine cầu xin: “xin cho con biết Chúa để con biết con”. Hạnh phúc được thực hiện khi nhận biết được khởi đầu. Kinh nghiệm giai đoạn này không dừng lại được vì đã qua giai đoạn thấy, như Chúa dùng ẩn dụ: “không ai thắp đèn rồi để bên dưới cái thùng, mà đặt trên giá”. Con đường nhận làm tăng trưởng hạnh phúc cuộc sống, cõi lặng phát sinh hiệu quả để thấy nhiều anh chị em khác đang đau khổ giữa những thực hư, hiệu quả cũng bắt đầu sống tự bản chất hạnh phúc không thể giữ cho riêng mình mà chia sẻ, thông hiệp. Sự vật, của cải, địa vị, danh vọng, vẫn còn đó nhưng đã đổi hướng, không cho mình mà cho người khác, trở nên phương tiện để thực thi cho người khác đón nhận hạnh phúc.

Giai đoạn sống.

Con đường triết lý của chữ nhàn của Phương Đông đạt đến mục đích có thể diễn tả qua bài thơ Chongdan, của Tư Không Đồ:

“Ai đắm chìm trong im lặng
Kết vào bí mật của vạn vật
Say đắm trong hài hòa tột đỉnh
Bay bổng cùng hạc trên trời cao”


Đạt tới cõi trời cao nhưng lại không thấy kết trái trong hoạt động, dường như đó là một thực tại của cõi sống đã ra khỏi cuộc sống.

Sống cõi lặng trong niềm tin Phục Sinh là đạt tới mục đích quan trọng của đời sống của Tin Mừng. “Sống trong thế gian mà không thuộc về thế gian”. Cõi lặng đạt tới là cõi không gì phiền muộn có thể gây sầu não. Đó là một giai đoạn đáng mơ ước trong cuộc đời con người, Thánh Phao Lô cho thấy kinh nghiệm về giai đoạn này: “Vui luôn trong niềm vui của Chúa” bởi đang sống một mầu nhiệm lớn nhất trong đời sống: “không có gì có thể tách ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, tù đày, giam cầm, đói khát trần truồng, hiểm nguy”. Sống cõi lặng theo nghĩa Tin Mừng là cách sống: “Không phải tôi sống mà chính Chúa Kitô sống trong tôi”. Kinh nghiệm lớn lao này đã sinh hoa kết trái trong đời sống cho đến tột cùng, đến tận ở tâm điểm, cho dù có làm gì được những gì lớn lao đi chăng nữa vẫn tự nhủ ở điểm cuối cuộc đời: “Con chỉ là đầy tớ vô dụng, vô duyên, bất tài”. Sống cõi lặng là sống “dồi dào sự sống phong phú của Chúa đã mang đến. Sống dồi dào phong phú mà Thiên Chúa ban tặng sự sống và còn làm cho nhiều người nhận ra dấu chứng sự sống cõi lặng ở nơi Thiên Chúa. “Chúa đã làm cho tôi những điều trọng đại” và “linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa”. Cõi lặng Phục Sinh tiềm ẩn như Ngôi Mồ Trống, tĩnh mà dạt dào sức sống, lặng mà hoạt động hiệu quả.

Lạy Chúa, xin cho con biết sống cõi lặng trong Chúa, để sống hết chiều sâu ý nghĩa cuộc đời mà Chúa ban tặng cho con và sống dồi dào phong phú cho người khác.
 
Sao Ngài quên?
Lm Giuse Hoàng Kim Toan
14:26 29/10/2009
Tựa đề bài hát “Bỏ Ngài con biết theo ai”, trong lời hai của tiểu khúc nghe chừng khác lạ: “Ngài ơi sao lỡ quên con, để sầu héo tháng năm ngẩn ngơ”.

Thiên Chúa, Ngài quên?

Có lẽ lúc tưởng chừng cuộc đời bỏ rơi ta, bạn bè đã xa ta, dòng đời ngập tràn đau khổ, khi tưởng rằng chính Chúa cũng bỏ quên ta.

Có lẽ lúc cùng đường không lối thoát, vào lúc lạc lõng cô đơn, người thân nhất phản bội ta, ta tưởng Chúa cũng quay lưng với ta.

Có lẽ vào lúc ta tưởng dưới vực sâu tội lỗi, ta chẳng dám nhìn mặt ai, và Chúa cũng chẳng nhìn mặt ta.

“Không, Ta sẽ chẳng bao giờ quên con, dù cha mẹ con có bỏ con” (Is 49, 15)

Từ vực sâu thẳm của ngã sa, con người cần được tha thứ, đó là tiếng nói của Thiên Chúa trong thâm tâm mỗi người. Vào lúc con người không gì có thể bám víu, Thiên Chúa lên tiếng bênh vực, đỡ nâng. Vào lúc con người không còn gì để tự hào, Thiên Chúa để Danh Ngài trổi vượt. Con người được Chúa yêu thương đến tận sâu thẳm của kiếp người, bởi một điều đơn giản: Thiên Chúa yêu thương đã “tạo dựng nên con người theo hình ảnh và họa ảnh của Ngài”.

Thiên Chúa, im lặng?

Im lặng là một cách nói của Thiên Chúa cho con người. Con người cũng cần thinh lặng để nghe tiếng lặng im của Thiên Chúa. Tiếng nói không lời, là tiếng nói của hành động. Vào lúc Thiên Chúa không lên tiếng, Thiên Chúa đang cõng con người trên vai của Ngài. Ngài đã từng âm thầm vác thập giá đời của con người giữa ồn ào huyên náo. Ngài đã từng đón nhận lời thách thức trên Thập Giá bằng lời lặng thinh. Lặng im trong sức chịu đựng tất cả cũng chỉ nhằm đến một tha thứ tất cả. Thiên Chúa lặng im là một hành động lớn lao nhất trong hy sinh tất cả, hiến tế thay cho con người: “chết cho con người được sống”. Đó là cách trả lời của Thiên Chúa trong thinh lặng.

Thiên Chúa, ở đâu?

Ở đâu? Là một câu hỏi của con người để khởi sự đi tìm Thiên Chúa, Chúa hiện diện ở đó nhưng con người không gặp. Có biết bao điều trong cuộc sống này vẫn gặp, những lúc giữa anh chị em chung niềm tin vào Chúa lại xô xát lẫn nhau, gánh chịu nhau trong giận hờn, oán ghét, nhẫn nhịn nhau với những thói xấu của nhau. Chúa ở đâu khi chính Chúa cũng chịu sỉ nhục, lăng mạ của người đồng đạo, đón nhận nỗi khổ do chính anh em mình gây nên?. Trong tâm khảm của đau khổ đó, cũng lời cầu xin của Thánh Augustine: “Xin Chúa làm mưa xuống lòng con một trận mưa sa êm dịu để con có thể chịu đựng được những người như vậy”. Đón nhận đau khổ ở nơi con người, lúc đó mới biết Chúa ở đâu, câu trả lời chỉ thấy trong việc đón nhận. Đón nhận khổ đau để biết Chúa ở đâu, biết Chúa ở đâu để can đảm lãnh nhận đau khổ.

Sao Ngài lỡ quên con? Hay chính con người đang quên Chúa, để rồi đau khổ cứ loay hoay không ra khỏi bế tắc. Xin Chúa cho con nhận ra sự hiện diện của Chúa trong mọi hoàn cảnh và khoành khắc cuộc đời con.
 
Bác ái với người đã chết
Pm. Cao Huy Hoàng
14:28 29/10/2009
Suy niệm lễ Các Đẳng Linh Hồn

Nhân lễ Các Đẳng, và tháng cầu cho các linh hồn, xin gửi mấy suy tư.

Có những sự thật trong cuộc đời không ai chối cãi được: Sự chết cố định, giờ chết bất ngờ, cách chết không ai giống ai, cách an táng … Nhưng từ chuyện giờ chết và cách chết, cách an táng…nẩy sinh ra bao nhầm lẫn không đáng có về sự chết lành chết dữ, có thể làm mất đức bác ái đối với người đã chết.

Giờ chết, cách chết

Sự chết lành - chết trong tình trạng ân nghĩa Chúa, và chết dữ - chết trong tình trạng mất ân nghĩa Chúa, chỉ có thế, không thể suy diễn khác hơn.

Vậy mà, cho đến hôm nay, khi nhìn thấy những cách chết thảm thương, hay đột tử, chúng ta còn ép người đã chết rồi phải nghe bao lời nguyền rủa cay đắng. Đôi khi bị chúng ta phán xét ấy là cách chết dữ. Với các tín hữu công giáo, nhất là những người theo quan niệm xưa cũ rằng đồng nghĩa việc chết dữ và cách chết bi thảm hay đột tử ăn năn tội chẳng kịp, thì thiết nghĩ, nên đổi ngay cách nhìn mới mẻ hơn: bác ái với người đã chết.

Việc bác ái ấy bắt đầu từ khi chứng kiến hoặc nghe tin người đã chết. Có lần, một giáo lý viên đến thăm tôi, vừa đến nhà, cô ta nói:

-“Ở dưới kia có tai nạn khủng khiếp. Ba bốn người chết tại chỗ”.

-“Rồi em làm gì lúc đó?”.

-“Làm gì được, sợ quá, em chạy một mạch về đây”.

-“lần sau nếu gặp trường hợp tương tự, em đọc thầm câu này ngay: chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ, cho (các) linh hồn mới qua đời được lên chốn nghỉ ngơi” hoặc là” “Chúa ơi, xin thương xót thứ tha cho những người mới chết, nếu họ chưa kịp ăn năn tội mình”.

-“ Biết họ có đạo không mà đọc, biết linh hồn gì mà cầu”, Cô ta khó chịu.

-“Chúa ban ơn cứu độ cho người công chính mà em, biết đâu, họ còn công chính hơn mình!”.

Chúa nhật, tôi đi lễ sớm, nghe GLV ấy nói với các em học viên những tâm tình tương tự…

Chắc chắn hình ảnh của những cái chết thê thảm luôn ẩn ẩn hiện hiện trong tâm trí chúng ta, và ấy là cơ hội tốt để chúng ta thi hành đức bác ái với người đã chết bằng lời cầu nguyện cho họ. Và còn là cơ hội tốt để nhắc nhớ chúng ta luôn sống trong tình trạng ân sủng, sống trong sự kết hiệp mật thiết với Chúa, cụ thể là với Chúa Giêsu Thánh Thể.

Nếu việc tưởng nhớ các linh hồn của những người thân đã ra đi trước chúng ta là một bổn phận của chữ hiếu, chữ tình, chữ nghĩa thì việc tưởng nhớ các linh hồn của những người dưng, người có cách chết bi thảm hơn ai hết, lại là một bổn phận của Đức Bác ái.

Bên ngoài nghĩa trang của Giáo Xứ tôi, còn có một khoảng trời riêng dành cho những người được gọi là tội nhân công khai như rối vợ rối chồng, ngoại tình công khai, chống phá giáo hội bị chế tài…. Những năm trước, đúng là riêng một góc trời tăm tối. Những năm gần đây, tôi đã thấy có chương trình viếng nghĩa trang của anh em Phan Sinh, Giáo Lý Viên, Legio Ca đoàn… thật đẹp, thật ý nghĩa. Họ không chỉ viếng và đọc kinh bên các phần mộ trong nghĩa trang, mà còn viếng và đọc kinh sốt sắng trước những phần mộ bị kể là “ tội nhân” của Chúa, của Giáo Hội. Mỗi em học Giáo Lý được chọn cho mình một phần mộ bên ngoài để viếng và cầu nguyện suốt tháng 11.

Việc làm bác ái ấy chắc chắn sẽ đẹp lòng Chúa, và động lòng thương xót của Chúa.

Cách an táng

Lòng bác ái đối với người đã chết không nhất thiết thể hiện qua cách an táng.

Cách an táng chắn chắn không phải là một bảo đảm cho phần rỗi đời đời.

Vậy mà, khi có người qua đời, chúng ta vẫn thường xem trọng cách an táng, như là, càng trọng thể, càng có giá trị ơn cứu rỗi vậy! Đôi khi chúng ta lại quên rằng, ông hàng xóm ở nhà bên, tuần trước mới chết vợ, không mua nổi cái áo quan cho vợ mình! Ông ta lại tủi phận rồi thầm thỉ bên di ảnh vợ: “ Em ơi, anh chỉ mong em về với Chúa, cầu xin cho em về với Chúa. Khi nào được về trong nước Chúa, xin em nhớ đến anh, phù hộ cho anh.”

An táng theo nghi thức của Giáo Hội là một niềm vui lớn cho gia đình, một dấu chỉ trở về với Thiên Chúa đối với người đã chết. Nhưng cũng không thiếu gì những trường hợp một Kitô hữu không được an táng theo nghi thức của giáo hội, hoặc là bị chế tài, hoặc là do một sự trói buộc của gia đình của xã hội. Cả hai đều đáng nhận được nhiều hơn nữa lòng bác ái của chúng ta. Lòng bác ái ấy không chỉ là sự cảm thông với hoàn cảnh của người đã chết, mà còn trân quí hạt giống Tin Mừng lớn lên trong phong ba bão tố.

Gia đình Ông Nồi ở xứ tôi là một gia đình Phật Giáo. Bà Nồi có thân thích với nhiều vị thượng tọa và cả thân nhân bà cũng là giới tu hành của Phật Giáo. Ông có cô con dâu công giáo. Ông muốn trở lại đạo, và đã học giáo lý với cô con dâu. Ông đã xin Cha sở FX cho ông nhập đạo trước sự phản đối kịch liệt của gia đình. Gia đình không cho ông gặp Cha sở, ông bảo cô con dâu ghi âm lại những lời ông nói và trình lên Cha sở. Ông nói: “Thưa Cha, con muốn theo đạo Chúa, vì con biết Chúa thương con, Chúa sẽ cứu con khỏi chết muôn đời, Chúa sẽ cho con sống lại. Xin Cha rửa tội cho con”. Nhận được băng cassette, cha FX đã tìm cách gặp ông và cha đã nhờ một hội viên Legio kín đáo rửa tội cho ông, tên thánh là Dominico. Ông đã nói với gia đình rằng ông đã được rửa tội. Nhưng Ông phải lén lút đi lễ vì sự cấm cản. Rồi ông bịnh. Legio kín đáo đem Mình Thánh Chúa cho ông. Mấy tháng sau, ông chết. Các Thượng Tọa và phật tử lo việc chôn cất. Legio và giáo dân tham dự lễ nghi của họ, lòng thầm nguyện cho linh hồn Dominico cách chân thành.

Cô NĐ kể chuyện của ba mình. Chuyện xảy ra tại nhà thờ Cha Tam. Sau một vụ nổ, Ba của cô bất động. Ông được đưa vào nhà xứ. Vừa tỉnh dậy, đã thấy chung quanh có các nữ tu và giáo dân. Ông nói, ông không có đạo. Trong lúc thập tử nhất sinh, một người đã gợi ý cho ông về Thiên Chúa, về ơn cứu độ. Ông đã vui vẻ tuyên xưng đức tin và lãnh bí tích rửa tội, trước khi đưa vào bệnh viện gần đó. Tên thánh là Giuse. Một linh mục đã quàng xâu chuỗi Mân Côi vào cổ ông như một dấu chứng tín hữu. May mắn, ông đã được cứu sống. Khi ra viện, ông mang xâu chuỗi ấy về trong gia đình toàn là người Phật Giáo. Sau nầy, khi được nghe chuyện của Ba, và khi lên Thành Phố Sài gòn làm việc, cô NĐ cũng một mình theo Chúa. Hai mươi mấy năm sau, ông bệnh vì già, và lại cũng đã được một Linh Mục quản xứ Nhà thờ Cha Tam ban các phép sau cùng tại bệnh viện năm xưa! Gia đình ông đã chôn cất ông theo nghi thức của Phật Giáo. Cô NĐ và các bạn trong ca đoàn đã cầu nguyện cho linh hồn Giuse và Maria nữa - một tên thánh xin đặt cho Mẹ của cô, để nhờ Đức Mẹ cầu bầu, với niềm tin “Chúa ban ơn cứu độ cho người công chính”.

Vì có những cách an táng khá đặc biệt như thế, nên mới có chuyện thấy người Công Giáo viếng các nghĩa trang Phật Giáo trong tháng các linh hồn. Ban đầu, chỉ là viếng những phần mộ của những người mà mình biết là công giáo, nhưng sau nầy, được ơn cách nào đó, mà các em lại viếng luôn cả nghĩa trang Phật Giáo và cầu nguyện cho hết thảy các linh hồn được Chúa Thương Xót.

Các linh hồn cần lòng xót thương của Thiên Chúa. Lòng Thương xót của Thiên Chúa sẽ mở ra, khi Thiên Chúa thấy lòng thương xót của chúng ta dành cho các Linh Hồn một cách chân thành, với lời khẩn cầu tha thiết, với lòng bác ái bao dung không phán xét, không phân biệt, với niềm tin tưởng vào ước muốn đầy lòng thương xót của Chúa Giêsu: “ Lạy Cha, những kẻ Cha đã ban cho con, thì con muốn rằng: Con ở đâu, chúng cũng ở đấy với con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu mến con trước khi tạo thành thế gian”. (Jn 17, 24).

Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ, cho các đẳng linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi.

Hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. A men.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:17 29/10/2009
NHÀ VUA VÀ VỊ TĂNG KHỔ HẠNH

N2T


Nhà vua trông thấy một vị tăng Hồi giáo khổ hạnh, bèn theo phong tục đông phương mà hỏi:

- “Ông yêu cầu ân huệ gì ?”

Vị tăng khổ hạnh trả lời:

- “Tôi xin một ân huệ nơi nô lệ của tôi thì thật là không thích hợp.”

Tên thị vệ quở trách nói:

- “Thật là to gan, ngươi dám khinh mạn nhà vua như thế à ?”

Vị tăng khổ hạnh nói:

- “Ta có một nô lệ, đó là chủ nhân của nhà vua ngươi.”

- “Có chuyện đó à, ai vậy ?”

- “Sự sợ hãi.”


(Bài ca của loài ếch)

Suy tư:

Làm tổng thống, làm chủ tịch nước hoặc làm vua thì không còn sợ ai cả, bởi vì tất cả mọi quyền hành đều ở trong tay họ, nhưng có một chủ nhân mà tất cả mọi người đều phải toát mồ hôi sợ hãi, đó là sự sợ hãi của con người.

Làm người thì ai cũng có một sự sợ hãi: tổng thống thì sợ đảo chánh, chủ tịch nước thì sợ dân làm loạn, nhà vua thì sợ ám sát, người nghèo thì sợ đói, công nhân thì sợ mất việc.v.v...địa vị càng cao thì nổi sợ hãi càng lớn, nhưng nổi sợ hãi này rồi cũng hết khi tai qua nạn khỏi.

Có một chủ nhân mà tất cả mọi người đều phải sợ hãi, đó là sự công bằng của Thiên Chúa.

Sự công bằng của Thiên Chúa làm cho người hiền đức vui mừng và người lương thiện được vui vẻ, nhưng nó lại làm cho kẻ ác đức, gian manh với anh chị em đồng loại phải sợ hãi tột cùng, bởi vì sự công bằng của Thiên Chúa nhận chìm kẻ gian ác xuống trong địa ngục đời đời kiếp kiếp, cho nên đó là nổi sợ hãi khủng khiếp nhất của ma quỷ và của những kẻ tàn ác bất lương.

Kẻ lành thánh thì không sợ hãi, bởi vì chính Chúa là nơi nương náu của họ.

-------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 31 B)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:19 29/10/2009
CHỦ NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mc 12, 28b-34.

“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngươi phải yêu người thân cận.”


Bạn thân mến,

Mỗi người trong chúng ta đều thuộc nằm lòng Mười điều răn của Đức Chúa Trời, bạn và tôi cũng thuộc làu như ăn cháo Sáu điều răn của Hội Thánh, và quan trọng hơn là bạn và tôi cũng như các người Ki-tô hữu khác, vẫn thường dùng giới răn của Thiên Chúa và của Hội Thánh để xét mình trước khi xưng tội, nhưng rồi mấy ai trong chúng ta nhớ thực hành kính mến Thiên Chúa và yêu thương người thân cận như chính mình !

Mọi lề luật và giới răn đều quy về Thiên Chúa và hướng đến con người, đó chính là yêu thương, và đó cũng chính là “cái ách nhẹ nhàng” mà Chúa Giê-su muốn mỗi người môn đệ của Ngài phải mang trong cuộc sống.

Có cái ách của con trâu mới có những luống cày thẳng tắp. Người Ki-tô hữu được lề luật Thiên Chúa và giới răn của Hội Thánh hướng dẫn trong sự soi sáng của Thánh Thần, nên đời sống của họ phản ảnh tình yêu của Thiên Chúa đến những người chung quanh. Họ tuân giữ và thực hành lề luật cách nhẹ nhàng bởi vì họ đã xác tín được rằng: tất cả mọi lề luật đều làm cho họ trở nên con cái của Thiên Chúa và là anh em với nhau.

Kính mến Thiên Chúa thì là điều tự nhiên ai cũng biết và có bổn phận phải tuân giữ, nhưng yêu người là điều rất khó đối với con người ta, khó là vì chính những con người ấy đã bách hại người tin vào Chúa, họ đã giết chết và đã ghen ghét những người có niềm tin vào Đức Ki-tô, bây giờ lại phải yêu thương họ, đúng là một điều rất khó và trái với “truyền thống” của những người Pha-ri-siêu, các thầy thông luật và những người chỉ giữ luật Chúa bằng môi bằng miệng. Nhưng Chúa Giê-su đã mời gọi bạn và tôi hãy kính mến Thiên Chúa và yêu thương anh em...

Thánh Gioan tông đồ đã nói với bạn và tôi rằng:

“Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu.”

Có người thuộc nằm lòng tinh thần và lề luật của Thiên Chúa, nhưng lại cố chấp thực hành lề luật theo từng nét chữ, để rồi họ trở nên xa lạ với tha nhân và cô độc trong tâm hồn; có người coi lề luật chỉ là cái gông nặng nề mà họ phải mang, cho nên họ vẫn luôn thấy đau khổ khi yêu thương những kẻ ghét mình...

Bạn thân mến,

Mười điều răn của Thiên Chúa chỉ tóm gọn trong hai điều này: một là kính mến Thiên Chúa, hai là yêu người như chính mình. Cả hai chỉ là một, bởi vì khi bạn và tôi kính mến Thiên Chúa thì đồng thời cũng phải yêu thương tha nhân, và ngược lại khi chúng ta yêu người thì cũng phải kính mến Thiên Chúa.

Chúng ta thường đi tham dự thánh lễ và đón nhận các bí tích để bày tỏ lòng kính mến Thiên Chúa, nhưng có lẽ chúng ta rất ít khi nhìn đến người anh em chị em chung quanh chúng ta đang cần chúng ta giúp đỡ vật chất cũng như tinh thần...

Xin Chúa ban cho bạn và tôi có một tâm hồn nhiệt tình yêu mến Chúa, và tấm lòng quãng đại với tha nhân.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

----------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:21 29/10/2009
N2T


94. Người khiêm tốn trong lòng thì bên ngoài không cao ngạo, hoàn toàn bắt chước Chúa Cứu Thế khiêm tốn của chúng ta, và họ sẽ được triều thiên đẹp đẽ.

(Thánh nữ Bernadette)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:23 29/10/2009
N2T


266. Không hỏi cơ hội tại sao không đến, mà nên hỏi khi cơ hội đến thì bạn đã chuẩn bị tốt hay chưa ?

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Anh Giáo tại Mã Lai nhiệt liệt ủng hộ hợp nhất với Công Giáo.
Nguyễn Long Thao
09:22 29/10/2009
BANGKOK: Tin của mạng lưới Công Giáo Ấn Độ cho biết Đức Giám Mục Anh Giáo Ng Moon Hing cai quản giáo phận miền tây Mã Lai nhiệt liêt ủng hộ việc hợp nhất giữa Giáo Hội Anh Giáo tại Mã Lai với Giáo Hội Công Giáo Roma.

Vào ngày 20 tháng 10 vừa qua, Đức Hồng Y William Levada, Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Và Đức Tin cho biết ĐGH Bênêđictô XVI sắp sửa ban hành Tông Hiến để các giáo sĩ và tín hữu Anh Giáo dễ dàng hội nhập với Giáo Hội Công Giáo trong khi vẫn giữ bản sắc Anh Giáo của mình.

Theo dự trù, tông hiến của Đức Thánh Cha sẽ được ban hành trong vài tuần lễ tới và dựa trên Tông Hiến này, các giới chức sẽ đề ra khoản luật để các người anh em Anh Giáo gia nhập Giáo Hội Công Giáo.

Đức Giám Mục Ng Moon Hing cho biết Giáo Hội Anh Giáo của Ngài biết rất rõ những hoạt động của ĐTC nhằm đoàn kết khối Anh Giáo và Công Giáo. Tuy nhiên Ngài cũng cho biết hiện nay, không thể nói được gì hơn vì chưa biết chi tiết tông hiến sắp tới sẽ ra sao. Nhưng Ngài cũng nói tin về hợp nhất giữa Anh Giáo và Công Giáo đã được phổ biến tới tất cả các giáo xứ trong điạ phận của Ngài

ĐGM Ng Moon Hing tuyên bố mối liên lạc giữa Anh Giáo và Giáo Hội Công Giáo tại miền Tây Mã Lai rất tốt đẹp. Hàng tháng các vị lãnh đạo của hai Giáo Hội đều gặp gỡ nhau trong khuôn khổ đối thoại liên tôn của Liên Đoàn Kitô Giáo Mã Lai.

Theo Đức Giám Mục Ng Moon Hing, số tín hữu Anh Giáo tại Mã Lai như sau: Miền Tây Mã Lai: 30,000 người. Miền Sarawak 160,000 người và miền Sabah 60,000 người. Anh Giáo được du nhập vào Mã Lai khi người Anh đến đô hộ nước này. Nhà thờ đầu tiên được xây dựng vào năm 1819 tại Penang. Số người Công Giáo tại Mã Lai có khoảng 900,000 người chia ra làm 9 giáo phận.

Tưởng cũng nên nói thêm Giáo Hội Anh Giáo tại Mã Lai từng nghiêm khắc lên án các cộng đồng Anh Giáo tại, Hoa Kỳ, Canada, Anh đã ủng hộ việc truyền chức Linh Mục cho phụ nữ, phong chức Giám Mục cho người đồng tính, và thừa nhận hôn nhân đồng tính.

Tuyệt đại đa số 25 triệu dân Mã Lai là người Hồi Giáo. Số ít theo Ấn Độ Giáo và Phật Giáo.
 
ĐTC: Lắng nghe lời Chúa, suy niệm và cầu nguyện để hiểu biết và yêu mến Chúa hơn
Linh Tiến Khải
10:00 29/10/2009
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã đưa ra lời mời gọi trên đây trong buổi tiếp kiến gần 30.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu sáng thứ tư 28-10-2009.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã duyệt qua lịch sử phát triển thần học hồi thế kỷ XII. Nó trùng hợp với một loạt các sự kiện tích cực như bầu khí hòa bình ngự trị tại các nước tây phương hồi đó khiến cho thương mại cũng phát triển, các cơ cấu chính trị được vững chãi và văn hóa được thăng tiến. Bên trong Giáo Hội cuộc ”cải cách gregoriana” bắt đầu vào thế kỷ trước đã khiến cho cuộc sống các cộng đoàn và nhất là hàng giáo sĩ được thấm nhuần Tin Mừng hơn, Giáo Hội và Đức Giáo Hoàng cũng được thực sự tự do hành động. Phong trào canh tân tinh thần cũng như cuộc sống thánh hiến phát triển mạnh. Chính trong bầu khí đó nền thần học cũng nở hoa, ý thức hơn về bản chất của mình và tìm ra phương pháp để đương đầu với các vấn đề mới, tiến sâu hơn vào việc chiêm ngưỡng các mầu nhiệm của Thiên Chúa và sản xuất các tác phẩm nền tảng, gợi hứng cho các sáng kiến văn hóa quan trọng từ nghệ thuật tới văn chương, và chuẩn bị cho các trước tác của thế kỷ đến sau của thánh Toma Aquino và thánh Bonaventura thành Bagnoregio.

Đề cập đến các sinh hoạt thần học Đức Thánh Cha nói:

Có hai môi trường trong đó sinh hoạt thần học nồng nhiệt diễn ra: đó là các đan viện và các trường học thành phố, một vài trường sẽ mau chóng cho ra đời các đại học, là sáng kiến đặc thù của thời Trung Cổ Kitô. Chính từ hai môi trường này có thể nói tới hai mẫu thần học khác nhau là thần học đan tu và thần học kinh viện. Đại diện nền thần học đan tu là các đan sĩ, thường là các Viện phụ khôn ngoan và sốt mến chú ý tới việc dưỡng nuôi ước muốn yêu mến Thiên Chúa. Đại diện của nền thần học kinh viện là các bậc thầy muốn cho thấy lý lẽ và nền tảng của các mầu nhiệm của Thiên Chúa và của con người.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giải thích các phương pháp của hai nền thần học. Phương pháp thần học của các đan viện thế kỷ XII là giải thích Kinh Thánh, đặc biệt là thần học kinh thánh. Các đan sĩ thực thi việc đọc Lời Chúa và cầu nguyện để hiểu sứ điệp siêu việt tiềm ẩn trong đó. Kinh Thánh được giải thích một cách ám tỉ để khám phá ra những gì nói tới Chúa Kitô và công trình cứu chuộc của Người trong các trang cựu ước và tân ước.

Thần học đan tu kết hiệp việc tìm hiểu văn chương, chú ý tới văn phạm và ngữ học với việc đọc hiểu tu đức, như được học giả biển đức Jean Leclerq trình bầy trong khảo luận ”Yêu mến các lời và ước mong Thiên Chúa”. Ước muốn hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa được hiện thực qua cố gắng đón nhận suy tư và thực hành đào sâu các văn bản kinh thánh trong tất cả mọi chiều kích của chúng. Ngoài ra thần học đan tu còn nhấn mạnh một thái độ khác nữa đó là thái độ cầu nguyện phải đi trước, chuẩn bị, đồng hành và bổ túc việc nghiên cứu Kinh Thánh. Vì nói cho cùng thần học đan tu là lắng nghe Lời Chúa nên không thể không thanh tẩy tâm lòng để tiếp nhận Lời Chúa và nhất là không thể đốt lên lòng sốt mến để gặp gỡ Chúa. Vì thế thần học trở thành suy niệm, cầu nguyện, chúc tụng, và thúc đẩy con người hoán cải thực sự. Đã có không ít đại diện của nền thần học này đạt kinh nghiệm thần bí. Nó mời gọi chúng ta dưỡng nuôi cuộc sống bằng lời Chúa qua việc chăm chú lắng nghe các bài đọc trong thánh lễ đặc biệt trong thánh lễ Chúa Nhật. Ngoài ra cũng là điều quan trọng dành một thời gian trong ngày cho việc suy niệm Kinh Thánh để Lời Chúa là đèn soi sáng con đường ngày sống của chúng ta trên trần gian này.

Trong phần hai của bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giải thích nền thần học kinh viện. Ngài nói:

Thần học kinh viện trái lại được thực hành trong các trường, được thành lập bên cạnh các nhà thờ chính tòa thời đó để chuẩn bị hàng giáo sĩ, chung quanh một bậc thầy thần học và các môn sinh, để đào tạo các chuyên viên của nền văn hóa, trong một thời đại trong đó sự hiểu biết ngày càng được đánh giá cao hơn. Trong phương pháp kinh viện câu hỏi hay vấn đề là điều chính. Vấn đề được nêu lên cho người đọc trong việc đương đầu với các lời của Kinh Thánh và Truyền Thống, và thầy trò thảo luận trao đổi với nhau. Mục đích là tìm ra một tổng kết giữa quyền bính và lý trí để đi tới chỗ hiểu biết lời Chúa một cách sâu đậm hơn. Thánh Bonaventura sẽ nói rằng thần học thêm chiều kích của lý trí vào Lời Chúa và tạo ra một lòng tin sâu đậm hơn, cá nhân hơn vì thế cũng cụ thể hơn trong cuộc sống con người. Trong nghĩa này người ta đã tìm ra các giải pháp khác nhau và tạo ra các kết luận và bắt đầu xây dựng một hệ thống thần học. Việc tổ chức các câu hỏi và các câu trả lời tạo ra một tổng hợp gọi là Tổng Luận là các khảo luận thần học tín lý nảy sinh từ việc đối chiếu lý trí với Lời Chúa. Thần học kinh viện nhắm trình bầy sự thống nhất và hài hòa của Mặc Khải Kitô với một phương pháp tin tưởng nơi lý trí con người. Văn phạm và ngữ học phục vụ sự hiểu biết thần học, nhưng luận lý học kiểu hoạt động của lý trí lại còn phục vụ hơn nữa. Ngày nay khi đọc lại các tổng luận ấy chúng ta phải ngạc nhiên trước trật tự, sự sáng sủa và tiếp nối luận lý của các đề tài cũng như sự sâu sắc của một vài trực giác. Với từ vựng kỹ thuật mỗi một từ có một ý nghĩa chính xác, và giữa tin và hiểu có một sự chuyển động minh giải cho nhau.

Kết thúc bài huấn dự Đức Thánh Cha nói: Anh chị em thân mến lấy lại lời mời của thư thứ I thánh Phêrô, nền thần học kinh viện thúc đẩy chúng ta ngày càng sẵn sàng trả lời cho những ai hỏi lý do niềm hy vọng nơi chúng ta (x. 3,15). Nghe các câu hỏi như là của chúng ta và cũng có khả năng đưa ra câu trả lời. Nó nhắc nhớ chúng ta biết rằng giữa lòng tin và lý trí có một tình bạn tự nhiên dựa trên chính trật tự của việc tạo dựng. Vị tôi tớ Chúa Gioan Phaolo II trong phần mở đầu Thông điệp ”Lòng tin và lý trí” viết rằng: ”Lòng tin và lý trí như hai cánh, với chúng tinh thần con người được nâng lên cao hướng tới việc chiêm ngưỡng chân lý”. Đức tin rộng mở cho nỗ lực hiểu biết của lý trí; tới phiên mình lý trí thừa nhận rằng đức tin không hành hạ nó, trái lại thúc đẩy nó tới các chân trời rộng rãi và cao hơn. Đây là bài học của nền thần học viện tu. Đức tin và lý trí đối thoại với nhau rung nhịp tươi vui, khi cả hai được linh hoạt bởi việc kiếm tìm sự kết hiệp thân tình với Thiên Chúa. Chân lý được kiếm tìm với lòng khiêm nhường, được tiếp nhận với sự kinh ngạc và biết ơn. Tắt một lời sự hiểu biết chỉ lớn lên khi ta yêu mến chân lý. Tình yêu trở thành sự hiểu biết và thẫn học đích thực, sự khôn ngoan của con tim định hướng và nâng đỡ đức tin và cuộc sống của tín hữu. Chúng ta hãy cầu nguyện để con đường hiểu biết và đào sâu các Mầu nhiệm Thiên Chúa của chúng ta luôn được soi sáng bởi tình yêu của Chúa.

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Hungari, Lituani, Hòa Lan, Ucraine và Ý. Ngài cầu chúc mọi người có cuộc hành hương sốt sắng và bổ ích. Rồi Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
 
Đức Thánh Cha kêu gọi Iran cởi mở và cộng tác với cộng đồng quốc tế
LM Trần Đức Anh, OP
10:01 29/10/2009
VATICAN - ĐTC kêu gọi chính quyền Iran cởi mở và tăng cường cộng tác đối với cộng đồng quốc tế, đồng thời gia tăng bảo vệ tự do tôn giáo của các cộng đồng Kitô tại Iran.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến tân đại sứ Iran cạnh Tòa Thánh, Ông Ali Akbar Naseri, đến trình quốc thư sáng 29-10-2009. Chức vụ đại sứ này bị khuyết từ tháng 12-2007. Đại sứ Akbar Naseri năm nay 53 tuổi (1956), đã học luật, thần học và triết học, từng làm đại biểu quốc hội Iran từ 2004 đến 2008, rồi làm cố vấn của chủ tịch quốc hội từ tháng giêng năm nay.

ĐTC nói: ”Iran là một nước lớn có những truyền thống tinh thần trổi vượt và dân nước này có một sự nhạy cảm sâu xa về tôn giáo. Điều này có thể là một động lực hy vọng có sự cởi mở ngày càng rộng lớn hơn và cộng tác trong sự tín nhiệm đối với cộng đồng quốc tế”.

Đề cập đến tự do tôn giáo, ĐTC nhắc lại rằng trong số các quyền phổ quát, tự do tôn giáo và tự do lương tâm chiếm một chỗ đứng cơ bản, vì chúng là nguồn mạch của các tự do khác. Việc bảo vệ các quyền khác phát sinh từ phẩm giá con người và của các dân tộc, đặc biệt là sự thăng tiến bảo vệ sự sống con người, công lý và tình liên đới, cũng phải là đối tượng mà sự cộng tác đích thực nhắm đến”... ”Việc thiết lập các quan hệ nồng nhiệt giữa tín đồ các tôn giáo khác nhau là một điều cấp thiết thời nay để xây dựng một thế giới nhân bản hơn”.

Cũng trong diễn văn chào mừng tân đại sứ Iran cạnh Tòa Thánh, ĐTC đề cập đến cộng đồng Công Giáo đã hiện diện tại Iran từ những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo và vẫn luôn luôn là thành phần của đời sống và của nền văn hóa đất nước.. Tòa Thánh tin tưởng rằng chính quyền Iran sẽ củng cố và bảo đảm cho các tín hữu Kitô được tự do tuyên xưng đức tin, đảm bảo cho cộng đồng Công Giáo những điều kiện thiết yếu để sinh sống, nhất là có thể có những nhân viên tôn giáo đầy đủ các tín hữu và có những phương tiện di chuyển tại Iran để phục vụ các tín hữu. Trong viễn tượng này tôi mong ước có sự đối thoại tin tưởng và chân thành giữa Tòa Thánh với các cơ quan của Iran để cải tiến tình trạng các cộng đồng Kitô và các hoạt động của Giáo Hội trong xã hội dân sự, để giúp các tín hữu gia tăng cảm thức mình thuộc về đời sống quốc gia.

Về phần đại sứ Iran, ông xin Tòa Thánh cộng tác để chống lại sự lan tràn thái độ ghét Hồi giáo tại tây phương. Ông cổ võ sự cộng tác giữa Kitô và Hồi giáo, nhưng tránh không nói tới Do thái giáo. Về vấn đề năng lượng hạt nhân, Ông cũng quả quyết rằng Iran hành động phù hợp với tổ chức Aiea về năng lượng hạt nhân.

Dân số Iran hầu hết theo Hồi giáo, với 89% thuộc Hồi giáo Shiite và 10% theo Hồi giáo Sunnit. Phần còn lại là Kitô hữu, đạo Zoroastre, Bahai và Do thái. (SD 29-10-2009)
 
Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội Đồng Tòa Thánh truyền thông xã hội
LM Trần Đức Anh, OP
10:02 29/10/2009
VATICAN - ĐTC Biển Đức 16 kêu gọi các tín hữu Công Giáo đáp ứng thách đố sử dụng các kỹ thuật truyền thông mới mẻ để truyền giảng Tin Mừng.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 29-10-2009 dành cho 60 tham dự viên Hội nghị toàn thể của Hội đồng Tòa Thánh truyền thông xã hội, trong đó có nhiều Hồng Y, Giám mục và các chuyên gia.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC đề cao tầm quan trọng và các chức năng của các kỹ thuật truyền thông mới, cũng như sự quan tâm của Giáo Hội đối với các phương tiện này và ngài nhấn mạnh rằng ”Sử dụng các phương tiện ấy để truyền bá sứ điệp Kitô và giáo huấn của Giáo Hội mà thôi, vẫn chưa đủ, còn cần phải hội nhập chính sứ điệp vào trong nền văn hóa mới do truyền thông tân thời tạo nên” (Red. Missio,37,c). Đây thực là một thách đố đối với Giáo Hội được kêu gọi loan báo Tin Mừng cho con người ngày nay đồng thời bảo tồn nội dung nguyên vẹn của Tin Mừng, làm cho Sứ điệp trở nên dễ hiểu nhờ các phương tiện và thể thức phù hợp với các não trạng và các nền văn hóa ngày nay”.

ĐTC cũng cổ võ các vị hữu trách trong tiến trình truyền thông ở mọi cấp độ thăng tiến một nền văn hóa tôn trọng phẩm giá và giá trị nhân vị, một cuộc đối thoại dựa trên sự chân thành tìm kiếm sự thật, và tình thân hữu có khả năng phát triển những năng khiếu của mỗi người để phục vụ cộng đoàn.

Sau cùng, ĐTC khích lệ Hội đồng Tòa Thánh truyền thông xã hội đào sâu mỗi yếu tố của nên văn hóa truyền thông mới mẻ, bắt đầu từ các khía cạnh luân lý đạo đức, và hướng dẫn để các Giáo Hội địa phương ý thức tầm quan trọng của truyền thông, như một điểm không thể thiếu được trong các chương trình mục vụ”.

Hội đồng Tòa Thánh truyền thông xã hội nhóm khóa họp toàn thể tại Roma từ ngày 26 đến 29-10-2009 dưới quyền chủ tọa của Đức TGM Chủ tịch Claudio Celli. (SD 29-10-2009)
 
Tòa thánh giới thiệu cuộc triển lãm về Linh mục Matteo Ricci
Phụng Nghi
15:48 29/10/2009
VATICAN CITY (VIS) - Sáng 28 tháng 10 tại Văn phòng Báo chí Tòa thánh có buổi giới thiệu cuộc triển lãm với đế tài “Đến Cao điểm của Lịch sử: Matteo Ricci (1552-1610) Giữa Rome và Bắc kinh”. Hướng dẫn cuộc giới thiệu là giáo sư Antonio Paolucci, giám đốc Viện Bảo tàng Vatican, và cũng là người tổ chức cuộc triển lãm.

Cuộc triển lãm diễn ra tại Khu Charlemagne ở Vatican từ ngày 30 tháng 10 này cho tới 24 tháng giêng năm tới, được tổ chức do Ủy ban Mừng Thế kỷ thứ 4 của cha Matteo Ricci, cùng cộng tác với Viện Bảo tàng Vatican, Tổng Tu hội Dòng Tên, và Học viện Giáo hoàng Gregorian.

Phát biểu trong buổi giới thiệu cuộc triển lãm có Giám mục Claudio Giuliodori thuộc giáo phận Macerata-Tolentino-Recanati-Cingoli-Treia (nước Ý, quê hương của Cha Matteo Ricci); Antonio Paolucci, giám đốc Viện Bào tàng Vatican; Giovanni Morello, Chủ tịch Cơ quan về Di sản và các hoạt động nghệ thuật của Giáo hội; Adriano Ciaffi, chủ tịch Ủy ban mửng kỷ niệm thế kỷ thứ tư sau ngày qua đời của Cha Matteo Ricci; và Linh mục Dòng Tên Federico Lombardi, Giám đốc Văn phòng báo chí Tòa thánh.

Cha Matteo Ricci là nhà truyền giáo Dòng Tên người Tây phương đầu tiên được triều đình Bắc kinh đón tiếp vào Tử cấm thành Trung quốc. Hoàng đế trị vì nước Tầu lúc đó là Minh Thần Tông.
Cha Ricci và một vị quan Trung quốc


Tên cha Matteo Ricci được người Trung hoa phiên âm thành Lợi Mã Đậu

Cha đã học hỏi, nghiên cứu sâu xa về văn hóa Trung hoa, và cung cấp cho người Trung quốc những kiến thức của Tây phương về các lãnh vực như địa lý, thiên văn, vật lý và hình học.

Cha cũng trình bầy cho người Hoa lúc đó hiểu rằng tuân theo đức tin Kitô giáo chẳng khác gì thực hiện chính các truyền thống tôn giáo riêng của họ, và cha cũng đem đến cho họ sự tái khám phá đạo Khổng, một tôn giáo đã bị mai một suốt bao nhiêu thế kỷ.

Giám mục Giuliodori giải thích: “Cuộc phiêu lưu và sứ vụ truyền giáo thần kỳ của Cha Matteo Ricci, đã dẫn ngài đến chỗ xây dựng, lần đầu tiên trong lịch sử, một cây cầu đối thoại và trao đổi thực sự giữa châu Âu và Trung quốc.
Cha Ricci mặc y phục Trung quốc


“Ngoài việc tôn vinh con người vĩ đại nêu gương đức tin và tình thân ái giữa các dân tộc này, cuộc triển lãm còn tìm cách cung ứng cho mọi người một cơ hội học hỏi và được cảm hứng bởi một mẫu mực của người rao truyền lời Chúa bằng văn hóa Phúc âm và hội nhập văn hoá mà xét theo nhiều khía cạnh, đây là con người độc nhất trong lịch sử nhân loại chưa ai sánh kịp.”

Giám mục Giuliodori nói ngài hy vọng nhờ cuộc triển lãm này “mối thân hữu với người Trung quốc có thể lớn mạnh” và còn “củng cố sự hiệp thông với những người Công giáo của đất nước vĩ đại này, phù hợp với những ước nguyện của Đức thánh cha đã bày tỏ trong Lá thư gửi tín hữu Trung quốc hồi tháng 5 năm 2007, trong đó ĐGH đã đề cập đến Cha Ricci, đến gương mẫu và lối sống của người (đoạn 4).”
 
Đức Thánh Cha Benedict XVI cầu nguyện cho ông Camillo Cibin
Bùi Hữu Thư
17:44 29/10/2009
Cựu Tổng Thanh Tra Nha Cảnh Sát Vatican

Rôma, thứ Năm 29 tháng 10, 2009 (Le Monde vu de Rome) - Đức Thánh Cha Benedict XVI đã ngỏ lời phân ưu sau khi ông Camillo Cibin, cựu Tổng Thanh Tra Nha Cảnh Sát Vatican qua đời, ngài đã nhắc đến ông như “một phụng sự viên trung thành và người bảo vệ âm thầm cho cá nhân các Giáo Hoàng.”

Điện văn phân ưu của Đức Thánh Cha đã được đọc trong các nghi thức an táng Camillo Cibin, ngày 27 tháng 10 tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô.

Đức Thánh Cha Benedict XVI cũng nhắc đến “đời sống công chính, chứng tá Kitô gương mẫu cũng như công trình quảng đại và có lương tâm của ông” tại Vatican.

Ông Camillo Cibin, Tổng Thanh Tra Nha Cảnh Sát Vatican từ năm 1971 đến 2006, đã qua đời ngày 25 tháng 10 vừa qua, hưởng thọ 83 tuổi. Ông bắt đầu phục vụ cho ngành cảnh sát tại Vatican từ năm 1948, ông đã chăm nom trong quá nửa thế kỷ cho sự an ninh của 6 Giáo Hoàng: Piô XII, Gioan XXIII, Phaolô VI, Gioan Phaolô I, Gioan Phaolô II và Benedict XVI.

Ngày 13 tháng 5, 1981, vào lúc Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bị mưu sát, ông đã nhẩy qua hàng rào an ninh để bắt giữ Ali Agca, và năm 1982, tại Fatima, ông đã làm khiên che cho Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II khi ngài bị một người mất trí tấn công. Ông đã đi theo Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong 104 chuyến tông du khắp thế giới.

Thánh Lễ an táng được Đức Hồng Y Giovanni Lajolo, chủ tịch chính phủ Thánh Đô Vatican chủ sự.

Theo báo L'Osservatore Romano, Đức Thánh Cha cũng muốn đến trước linh cữu ông Camillo Cibin, được đặt trong một nhà nguyện trong Thánh Đường Thánh Etienne Abyssins tại Vatican để cầu nguyện.

“Đức Thánh Cha đã nhờ ông Domenico Giani, người kế vị ông Camillo Cibin tại Nha Dịch Vụ An Ninh và và Bảo Vệ Dân Sự, chuyển lời ngài và lòng cảm mến và kính phục ngài hằng nuôi dưỡng đối với ông.”
 
Vấn đề độc thân Linh Mục đã trì hoãn việc ban hành tông hiến đối với Anh Giáo.
Nguyễn Long Thao
21:16 29/10/2009
Vấn đề độc thân Linh Mục đã trì hoãn việc ban hành Tông Hiến đối với Anh Giáo.

ROME 29/10/09.- Theo tin của hai tờ báo đáng tin cậy ở Ý: tờ Il Giornale và tờ Il Foglio, thì việc Tòa Thánh Vatican trì hoãn công bố tông hiến để Anh Giáo hội nhập với Công Giáo là vì vấn đề độc thân linh mục.

Về nguyên tắc tổng quát tất cả các Mục Sư Anh Giáo đã có gia đình, một khi trở về với Công Giáo, đều sẽ được chấp nhận là Linh Mục của Công Giáo. Nhưng vấn đề đặt ra là sau khi tiến trình hội nhập đã hoàn tất thì liệu các người có gia đình có được phép gia nhập Chủng Viện để sau này trở thành Linh Mục không?

Ký giả Andrea Tornielli của tờ Il Giornale viết rằng trong những ngày qua Hội Đồng Giáo Hoàng Soạn Thảo Văn Bản Luật tiếp tục minh định vấn đề liệu các người có gia đình có được nhận vào chủng viện dành cho các giáo phận thể nhân (Personal Ordinariates) của các tín hữu Anh Giáo ?

Ký giả này viết tiếp: Các chủng sinh sau này thuộc các cộng đồng Anh Giáo-Công Giáo (Anglo-Catholic) cũng sẽ phải giữ luật độc thân như tất cả các chủng sinh thuộc Giáo Hội Công Giáo Latin
 
Top Stories
Son La: le prêtre responsable de la communauté catholique apporte des rectifications et des précisions concernant la célébration du culte
Eglises d'Asie
05:32 29/10/2009
VIETNAM Son La: le prêtre responsable de la communauté catholique apporte des rectifications et des précisions concernant la célébration du culte

Interrogé par le responsable de l’information du site de la Conférence épiscopale du Vietnam (1), le prêtre chargé de la communauté catholique de la ville de Son La, le P. Joseph Nguyen Trung Thoai, vient d’apporter des explications et des précisions supplémentaires concernant les assemblées eucharistiques de cette communauté et plus particulièrement la messe célébrée le 24 octobre dernier, à laquelle avait assisté une délégation de la Sécurité locale. La veille, un coup de téléphone avait informé le prêtre que des agents de la sécurité viendraient seraient présents à la messe pour filmer et photographier les cérémonies afin de fournir des documents à leurs dirigeants. Au début de la célébration, le P. Joseph Thoai avait présenté la délégation aux 500 fidèles présents et avait exprimé l’espoir que grâce aux documents recueillis, les autorités civiles pourraient prendre la mesure des véritables besoins religieux d’une part importante de la population de Son La et pourraient y répondre.

Cependant, a ajouté le prêtre, il ne s’agissait pas là de la première messe célébrée à Son La. Depuis le mois d’avril 2006, le P. Joseph Thoai qui est aussi chargé du secrétariat de l’évêché de Hung Hoa vient assurer le culte une fois toutes les deux semaines pour la communauté de la ville. L’assemblée se réunit dans le domicile de l’un des fidèles. Le prêtre a confirmé que cette célébration n’avait pas été possible pour les fêtes de Noël 2008 et de Pâques 2009. Dans la nuit du 24 au 25 décembre 2008, un couvre-feu avait été décrété dans le quartier où devait être célébrée la messe. Le jour de Noël, des forces de la Sécurité et de la milice avaient empêché les catholiques d’accéder au lieu de la célébration. Une nouvelle intervention des forces de sécurité et de la milice avait eu lieu le jour de Pâques suivant, le 12 avril 2009. Le prêtre n’avait pu entrer dans le lieu de culte que grâce à l’intervention des fidèles, mais une fois à l’intérieur, le président du comité populaire du quartier lui avait interdit de célébrer la messe. Le prêtre avait alors élevé une protestation publique.

Le P. Joseph Thoai à complété son récit en soulignant que, entre Noël 2008 et les fêtes de Pâques 2009, les assemblées dominicales anticipées bihebdomadaires s’étaient déroulées sans incident majeur. Ce fut aussi le cas de Pâques jusqu’à aujourd’hui. Il a cependant laissé entendre que la situation restait précaire en déclarant: « Nous espérons que dans un avenir proche nous serons officiellement autorisés à mener des activités religieuses ordinaires, comme c’est le cas dans les autres provinces du diocèse de Hung Hoa ».

Le P. Joseph Nguyên Trung Thoai a exposé ensuite la situation religieuse dans le reste de la province de Son La. II existe deux autres communautés catholiques, l’une dans le district de Moc Châu et l’autre dans celui de Mai Son. Chacune d’elles compte approximativement 500 fidèles. Comme la communauté de la ville de Son La, au mois de mars 2006, elles ont été déclarées aux autorités provinciales par l’évêque de Hung Hoa, afin d’être enregistrées, comme l’exige l’ordonnance sur la croyance et la religion et les décrets d’applications qui l’ont suivi. Depuis lors, c’est le P. Joseph Thoai qui a la charge des trois centres catholiques de la province et qui y célébre la messe une fois toutes les deux semaines. D’autres catholiques sont également disséminés dans les autres districts de cette province montagneuse du nord-ouest. Un certain nombre d’entre eux appartiennent à l’ethnie h’mong. C’est là une œuvre immense que le P. Joseph Thoai ne désespère pas de mener à bien, en s’inspirant de l’attitude missionnaire décrite par saint Paul au chapitre IV de la 2e épître aux Corinthiens.

(1) L’interview du P. Joseph Nguyen Trung Thoai a été mis en ligne le 28 octobre 2009, sur le site de la conférence épiscopale du Vietnam à l’adresse: http://hdgmvietnam.org/News.aspx?Type=8&Act=Detail&ID=968&CateID=63

(Source: Eglises d'Asie, 29 octobre 2009)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đệ tử Dòng Thánh Tâm Huế đến với dân nghèo vùng ngoại ô Thành Huế
Joseph Phan
09:40 29/10/2009
HUẾ, 28.10.2009 - Vào những ngày hạ tuần tháng mười vừa qua (10.2009), dưới sự hướng dẫn của Thầy Phó Giám Đốc Đệ Tử Vinhsơn Trần Văn Đường, Đoàn Đệ Tử chúng tôi cấp tốc xây dựng lại túp lều để cụ bà Thuận có chổ trú thân và nhanh chóng chuyển những món quà tình thương của một số ân nhân hảo tâm từ Giáo xứ Thị Nghè (Sài Gòn) đến với những mảnh đời rách nát từ sau cơn bão Ketsana, tại những vùng ngoại ô của Kinh Thành Huế.

Hình ảnh các Thầy Dòng làm công tác cứu trợ

Cơn bão Ketsana đổ vào khu vực Miền trung đến nay đã hơn một tháng, nhưng sức tàn phá của nó vẫn còn hằn sâu trên bao cảnh đời lam lũ. Nhìn cảnh nước lũ gây hư hại vụ mùa làm điêu đứng người nông dân chân lấm tay bùn bao nhiêu, thì người dân nghèo trong vùng ngoại ô Thành Huế cũng khổ bấy nhiêu, khi nơi ở ngập nước và công việc kiếm cơm hằng ngày bỗng dưng đình trệ.

Để chuyển những món quà nghĩa tình đến với những gia đình nghèo nhất, cánh Đệ Tử chúng tôi đã đi thăm dò từ mấy hôm sau bão; do đó, 55 gia đình được nhận quà lần này bao gồm 1 thùng mì cua, 1 chai dầu ăn, một chai dầu thơm và một số sách vở bút viết được cung cấp cho mỗi hộ gia đình, coi như tạm sống phần nào cho những cư dân ngoại ô, sau một tháng tròn khi cơn bão số 9 thổi qua.

Từ cuộc sống bấp bênh nơi các khu bãi chợ Đông Ba, gầm cầu Gia Hội trước đây, những cư dân này được quy về tại một vùng ven của Kinh Thành, nhưng cũng chỉ là tạm trú; do đó phận đời của họ cũng không ngoài cảnh nước nỗi bèo trôi...

Khúc Ruột Miền Trung quê tôi bao đời nay vẫn thế, bão lụt vô thường chợt đến thoạt đi... chỉ có những cái chết thương tâm do bởi phận nghèo, và chuyện miếng cơm manh áo gạo tiền cho bao đứa em thơ cùng những mẹ già đơn độc... điều chẳng muốn chẳng mong thì mãi còn lưu lại chốn này.
 
Đại hội Giới trẻ châu Á lần thứ năm sắp khai mạc
+ GM Giuse Vũ Văn Thiên
10:15 29/10/2009
Giáo Hội công giáo Philippines đang nô nức chuẩn bị và chào đón các bạn trẻ đến tham dự Đại hội Giới trẻ châu Á lần thứ năm (5th Asian Youth Day), được tổ chức tại Giáo phận Imus, từ ngày 20 đến 27 tháng 11 năm 2009. Đại Hội Giới Trẻ Châu Á lần thứ năm do chính Uỷ ban Giới trẻ thuộc Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC) tổ chức, với chủ đề: “Hãy đến cùng nhau chia sẻ Lời Chúa và sống mầu nhiệm Thánh Thể – Come together, Share the Word, Live the Eucharist”. Chủ đề của Đại hội nhằm tiếp nối và thực hiện tinh thần của Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới năm 2008, với đề tài về Lời Chúa.

Đại hội Giới trẻ Châu Á lần thứ tư được tổ chức tại Hongkong từ ngày 30-07 đến 05-08-2006, quy tụ các bạn trẻ từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chủ đề của Đại hội 2006 là: “Giới trẻ, niềm hy vọng của gia đình Á châu – Youth, Hope of Asian Families”

Cũng giống như Đại hội Giới trẻ thế giới, nội dung của Đại hội bao gồm những cuộc hành hương, những buổi cầu nguyện, chia sẻ Lời Chúa dành cho giới trẻ, kèm theo những buổi học hỏi giáo lý, những cuộc thảo luận và những chứng nhân đức tin. Các gia đình công giáo Philippines cũng được mời gọi mở rộng cánh cửa để đón tiếp các bạn trẻ đến từ nhiều nơi, đặc biệt là Châu Á, đến tham dự Đại Hội.

Trước khi tổ chức Đại hội, những cuộc cung nghinh Thánh Giá đã được tổ chức trong các giáo phận của Philippines. Các bạn trẻ công giáo đã sốt sắng tham gia cuộc rước Thánh giá liên giáo phận, qua những quảng trường, những nơi công cộng để biểu lộ và tuyên xưng đức tin. Những cuộc rước này đã giúp nhiều bạn trẻ cảm nghiệm được sức mạnh của đức tin, giúp họ suy tư và đổi mới trong cung cách sống đạo. Cây Thánh Giá của Đại hội Giới trẻ được làm bằng tre, một loại cây phổ biến ở nhiều nước châu Á, đồng thời là biểu tượng cho sự trường thọ (đối với người Trung Hoa), tình bạn (đối với người Ấn Độ), tình đoàn kết (đối với người Việt Nam). Tại một số nền văn hóa Á châu, cây tre được coi như tượng trưng của sự sống. Một truyền thuyết của Philippines cho rằng người nam và người nữ đầu tiên được tạo dựng từ một thân tre tách ra. Tre thường được trồng xung quanh một số đền thờ Phật giáo và Shinto vì các tín đồ cho rằng chúng sẽ canh gác những ngôi đền này khỏi mọi ác thần.

Sống mầu nhiệm Thánh Thể tại Á Châu” là lời mời gọi của Đại hội. Lời mời gọi này liên hệ mật thiết với nội dung Hội nghị khoáng đại của FABC tổ chức tại Manila từ ngày 10 đến 16 tháng 8 vừa qua.

Các bạn trẻ thời nay quan niệm thế nào về Bí tích Thánh Thể? Ủy ban Giới trẻ của FABC đã thực hiện một cuộc thăm dò ý kiến nơi 1.200 bạn trẻ thuộc 12 Giáo Hội tại châu Á, từ tháng giêng đến tháng sáu năm 2008. Kết quả cho thấy:

- 65% các bạn trẻ tin rằng họ nhận lãnh Thân Mình Đức Giêsu khi rước lễ.
- 30% tin rằng việc rước lễ sẽ bảo vệ người tín hữu khỏi mọi sự dữ
- 17% cho rằng rước lễ sẽ giúp ta có được những may mắn.
- Chỉ có 0.6% bạn trẻ công giáo công nhận rằng giáo xứ là nơi đào tạo và giúp các tín hữu hiểu biết về Bí tích Thánh Thể.
- Rất nhiều bạn trẻ thú thực rằng Bí Tích Thánh Thể không có ảnh hưởng quan trọng đối với công việc thường ngày của họ. (theo FABC Office of the Laity and Family, Vol. 2009, No. 2)

Trong bối cảnh cụ thể như trên, Đại hội thao thức và mong ước tạo nên một điểm nhấn cho đời sống đức tin của các bạn trẻ công giáo, giúp họ sống màu nhiệm Thánh Thể trong cuộc sống hằng ngày.

Ban tổ chức Đại hội đã gửi thư mời và mong ước sẽ được đón tiếp các đại biểu từ Việt Nam tham dự Đại hội. Rất tiếc là Đại hội Giới trẻ châu Á lần thứ năm trùng hợp với dịp khai mạc Năm Thánh Giáo Hội Việt Nam (24-11-2009) nên không có giám mục nào tham dự. Cha Gioan Lê Quang Việt, Tổng thư ký của Ủy ban Giới trẻ, trực thuộc HĐGM Việt Nam, sẽ cùng với một phái đoàn gồm khoảng 40 bạn trẻ tham dự Đại hội.

Chúng ta cùng cầu nguyện cho Đại hội Giới trẻ Á châu lần thứ năm thực sự là nơi gặp gỡ và là nơi kết nối tình bạn giữa các bạn trẻ đến từ nhiều nước và nhiều vùng khác nhau. Xin Chúa cho các bạn trẻ Châu Á luôn nhiệt thành đi theo Đức Giêsu, làm môn đệ của Người và trở nên nhân chứng của Người trong cuộc sống hôm nay.

+ Giuse Vũ Văn Thiên
Giám mục Hải Phòng
Chủ tịch UB Giới trẻ – HĐGM Việt Nam
 
Chân dung linh mục Việt Nam: Linh mục Phanxicô Xaviê Trần Ngọc Khiết
GP Hưng Hóa
16:10 29/10/2009
Cha Phanxicô Xaviê Trần Ngọc Khiết (1909–2000) - Người mục tử tận tụy

Cha Phanxicô Xaviê Trần Ngọc Khiết là chứng nhân một đời mến Chúa - yêu người, tận tụy yêu thương đoàn chiên của mình. Hình ảnh một con người nhỏ bé, đơn sơ, khiêm tốn được ghi khắc trong tâm khảm của mỗi người dân Chúa. Nhắc đến ngài, người giáo dân không thể không nhắc đến hình ảnh một cụ già trèo đèo, lội suối, băng rừng đi tìm kiếm từng con chiên. Nhắc đến ngài, người ta thường nói đến lòng quảng đại, sự hy sinh quên mình vì đoàn chiên, luôn quan tâm giúp đỡ mọi người. Dù ngài đã được Chúa gọi về, nhưng hình ảnh một con người, một linh mục đáng kính vẫn sống mãi trong lòng đoàn chiên mà ngài được trao phó.

1. Đôi dòng tiểu sử

Cha Phanxicô Xaviê Trần Ngọc Khiết sinh năm 1909, tại giáo họ Thạch Sơn, giáo xứ Hà Thạch, giáo phận Hưng Hóa, là con thứ sáu trong một gia đình có 7 anh chị em (4 trai, 3 gái). Thân phụ là ông cố Phanxicô Xaviê Trần Văn Thạch. Thân mẫu là bà cố Maria Trần Thị Gián.

Năm 1918, khi mới được 9 tuổi, cậu Khiết được gửi vào học tại Tiểu Chủng viện Hà Thạch. Sau khi học xong chương trình văn hóa, chú Khiết được các cố thừa sai dạy Triết học và Thần học.

Vì hoàn cảnh đất nước chiến tranh, Tiểu Chủng viện phải đóng cửa, Thầy Khiết được cử đến giúp các giáo xứ Trù Mật, Hoàng Xá, Sơn Dương, Yên Khoái, Sơn Tây, và tiếp tục con đường tu trì như một “thầy giảng”cho đến năm 1971, vào năm 62 tuổi, nên thường được gọi là thầy già Khiết.

Năm 1973, thầy già Khiết được Đức cha Phêrô Nguyễn Huy Quang chọn làm linh mục. Lúc đầu thầy không nhận vì tuổi cao, nhưng sau đó thầy đã vâng lời Đức cha. Ngày 25 tháng 10 năm 1973, thầy già Khiết được trao ban thừa tác vụ linh mục lúc đã 64 tuổi.

Tân linh mục Khiết được cử đến coi sóc các giáo xứ: Nhân Nghĩa, Yên Bái, Yên Bình, Vĩnh Quang, Nghĩa Lộ, Lao Cai, Sa Pa… Địa bàn hoạt động của ngài rộng hàng ngàn cây số vuông.

Ngày 25 tháng 10 năm 1998, ngài kỷ niệm Ngân khánh Linh mục, khi đã được 89 tuổi.

Ngài được Chúa gọi về ngày 22 tháng 04 năm 2000, hưởng thọ 91 tuổi. Ngài được an táng tại khuôn viên nhà thờ giáo xứ Nhân Nghĩa, giáo phận Hưng Hóa.

2. Gương chứng nhân và công việc mục vụ

Sau khi cha già Nghĩa qua đời ngày 06-10-1973, cha Khiết được Đức cha bổ nhiệm coi sóc các giáo xứ thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay thuộc hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai). Ngài đã bắt tay vào việc đi tìm gặp những người công giáo trong các cộng đoàn trên 20 năm chưa bao giờ được gặp linh mục. Ngoài ra, cha Khiết còn tìm ra nhiều cộng đoàn tin Chúa nhờ nghe các chương trình phát thanh, chứ chưa hề được ai giảng dạy. Họ tin có Chúa và cùng nhau quy tụ lại đọc kinh, cầu nguyện.

Ngoài việc xây dựng và củng cố đức tin cho các cộng đoàn, cha Khiết cùng với bà con giáo dân đã lấy lại được một số đất đai của các nhà thờ bị chiếm dụng, đã xây dựng lại các cơ sở thờ tự ở Yên Bái và Lào Cai bằng tranh tre, vách đất, những nhà thờ đã đổ nát, hoang tàn vì chiến tranh tàn phá và từ lâu không có linh mục coi sóc.

Cha Khiết không những chỉ dâng lễ ở các nhà thờ giáo xứ như Nhân Nghĩa, Yên Bái, Yên Bình, Vĩnh Quang, Nghĩa Lộ, Lao Cai, Sa Pa…, mà còn thường xuyên đến dâng lễ tại các họ lẻ như Đại Phác, Văn Yên, Hoàng Thắng, Hầu Thào, Lao Chải, Tằng Loỏng, Phình Hồ, Giàng La Pán. Ngài luôn ân cần động viên thăm hỏi bà con giáo dân. Mỗi khi có kẻ liệt, ngài đến tận nơi, đến từng nhà để động viên, yên ủi, không quản đường xa, đêm hôm, giá rét.

Ngoài việc chăm lo cho đời sống tinh thần của giáo dân, cha Khiết còn quan tâm nuôi dưỡng ơn gọi làm linh mục, tu sĩ cho người bản xứ nơi cha coi sóc.

Phương tiện đi lại thời đó chủ yếu bằng xe đạp, bằng ngựa, thuyền, võng, hoặc đi bộ. Đường xá thì xa xôi cách trở, đèo dốc, núi rừng, nhưng cha vẫn không quản gian lao vất vả để tìm đến với đoàn chiên của mình. Gia tài quý nhất của cha là chiếc xe đạp. Có khi cha phải đạp xe vài chục cây số, thậm chí hàng trăm cây số, một thân một mình giữa đường xa vắng vẻ.

Cha không có người giúp việc, phải tự lo cho mình về sức khỏe, về ăn uống và công việc mục vụ. Cha đến với mọi người bằng tình thương và tấm lòng của mình. Cha khiêm nhường bình dị, đi dép cao su, đội mũ lá, khăn vắt vai. Hình ảnh người cha già đáng kính đơn sơ giản dị vẫn được giáo dân say sưa kể lại.

Thay lời kết, xin mượn lời một giáo dân, ông Nguyễn Văn Thơm, nói lên những cảm nhận của ông về cha Phanxicô Xaviê Trần Ngọc Khiết như sau: “Cha già Khiết là một linh mục đạo đức, thánh thiện, chuyên lo giảng dạy đạo thánh Chúa cho mọi người. Cha đã sống nghèo, chia sẻ kiếp nghèo với mọi người dân ở đây. Cha thật sự là một người cha trong gia đình giáo xứ, giáo họ. Cha rất nhân hậu, không bẳn giận, cáu gắt. Tâm đức ngài căn dặn con chiên rất sâu sắc. Cha sống cuộc đời thanh bạch, giản dị, hòa đồng với người dân đến nỗi nhiều người không nhận ra ngài là linh mục trong cuộc sống đời thường. Ngài là một linh mục gương mẫu sống mãi trong lòng mọi tín hữu nơi đây”.

(Nguồn: www.hdgmvietnam.org)
 
Đức GM Giuse Vũ Duy Thống thăm giáo hạt Đức Tánh
Lm Giacôbê Tạ Chúc
16:37 29/10/2009
PHAN THIẾT - Thật là một niềm vui lớn lao cho các Giáo xứ thuộc Hạt Đức Tánh. Sáng hôm nay, ngày 29 tháng 10 năm 2009, Đức Giám mục Giuse, sau gần hai tháng trời về Giáo phận Phan thiết. Ngài cùng với cha quản lý Phêrô Nguyễn Đình Sáng, đến thăm các giáo xứ.

Giáo hạt Đức Tánh có 14 Giáo xứ và nhiều Giáo họ, v ới tổng số giáo dân trên 40 000 người nằm trải dài trong hai huyện Đức linh và Tánh linh. Con số linh mục là 16. Từ lâu, người ta biết đến Hạt Đức tánh với trung tâm hành hương Đức Mẹ Tàpao. Chương trình thăm viếng được chia làm hai ngày, mỗi ngày Ngài dành riêng cho một số giáo xứ. Các cha trong hạt cũng tề tựu về khá đông đủ, để dùng cơm trưa rất thân mật với Đức cha, cha hạt trưởng và cha quản lý tại Giáo xứ Võ
Đắt. Hai ngày, với thời gian tương đối ngắn ngủi, thế nhưng những gặp gỡ “ban đầu lưu luyến ấy” của Đức cha, sẽ là những kỷ niệm khó phai trong lòng người giáo dân.

Kính chúc cho cuộc ra đi “xem mắt” (cách nói của Đức cha), được nhiều thành quả tốt đẹp trong đời mục vụ của Ngài tại Giáo phận Phan thiết thân yêu.
 
Hà Nội: Hội thảo quốc tế “Văn hóa tôn giáo trong bối cảnh toàn cầu hóa”
Quốc Ngọc
17:48 29/10/2009
HÀ NỘI - Sáng 29/10, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu tôn giáo đương đại thuộc Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp cùng Viện Nghiên cứu tôn giáo Aachen (CHLB Đức) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Văn hóa tôn giáo trong bối cảnh toàn cầu hóa”.

Hơn 50 nhà khoa học, nhà nghiên cứu đại diện cho các cơ quan, viện nghiên cứu như Ban Tôn giáo chính phủ, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia … đã đến tham dự hội thảo.

Hơn 30 bài tham luận được chia làm 4 chủ đề lớn đã lần lượt được các đại biểu trình bày, đóng góp và thảo luận sôi nổi, thẳng thắn. 4 chủ đề như sau:
-Tôn giáo học và thời đại,
-Tôn giáo và toàn cầu hóa,
-Tôn giáo và văn hóa,
-Nhà nước Việt Nam và văn hóa tôn giáo

Đặc biệt, CLB Phaolô Nguyễn Văn Bình gồm LM Nguyễn Thái Hợp, LM Thiện Cẩm, Nhà báo Vương Đình Chữ và Nhà thơ Nguyễn Quốc Thái cũng tham dự và trình bày 3 tham luận:
-Tôn giáo trong tiến trình toàn cầu hóa,
-Công giáo với toàn cầu hóa,
-Kitô giáo và đối thoại văn hóa.


Ngoài ra, còn có các đại biểu quốc tế như GSTS Trần Văn Đoàn (Đại học quốc gia Đài Loan) với tham luận về
-Việc tự tuyên xưng chân lý và tự do của tôn giáo
,

GSTS Kim Chae Young (Đại học Sogang, Hàn Quốc) với tham luận đề tài:
-Wilfred Cantwell Smith, Bernard Lonergan và Đức tin….

Những kết quả bước đầu của hội thảo lần này cho thấy sự quyết tâm và nỗ lực của Đại học Khoa học xã hội và nhân văn cũng như Đại học Quốc gia Hà Nội trong việc xây dựng và phát triển ngành Tôn giáo học còn non trẻ ở Việt Nam.
 
Tưởng nhớ Cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm
Tổng hợp
20:02 29/10/2009
Một Lòng Vì Nước Vì Dân

. .. Thương thay, ba anh em ông Diệm đã bị bọn phiêu lưu chính trị tay mơ thanh toán tàn bạo, nghịch thường với đạo lý Khổng Mạnh, với truyền thống hiền hòa, ân nghĩa của dân tộc...Ông nằm xuống mà hồn non sông rung động !...

"Không vì tình riêng mà quên phép nước", lúc còn thủ đắc quyền lực, TT Diệm đã một lần trực tiếp ra lệnh cho Phòng Quan Thuế Phi Trường Tân Sơn Nhất khám xét kỹ càng hành lý của Đại Sứ Ngô Ddình Luyện khi ông này từ chuyến du ngoạn Hồng Không trở về lại Sài Gòn. Kết qủa bất ngờ là không một món hàng lậu thuế nào được tìm thấy để biến thành ngòi nổ cho một xì căng đan chính trị ầm ỹ. Chuyện tưởng nhỏ và tầm thường ấy lại đặc biệt mang ý nghĩa quan trọng, đáng cho mọi người suy nghĩ vì cách đối xử nghiêm minh nội trong gia đình họ Ngô và việc thi hành nghiêm chỉnh luật pháp Quốc Gia.

Thân danh là bào đệ của một vị cố Tổng Thống, lại là cựu đại sứ tại Anh Quốc, thế mà không một chút ngượng ngập, ông Luyện nhỏ nhẹ thổ lộ với cựu Đại Tá Duệ rằng đã trên mười năm ông vẫn chưa để dành đủ tiền để may sắm bộ quần áo mới cho tươm tất mỗi khi ra ngoài xã hộị Trong chuyến đi liên lục địa từ Âu Châu qua Mỹ, ông Luyện may mắn được một Mạnh Thường Quân ở Nữu Ước tặng vé máy baỵ Suốt thời gian ở San Diego thăm bà con và dự lễ cầu hồn cho bào huynh, ông Luyện tá túc tại nhà tác gỉa hồi ký (tức Đại Tá Nguyễn Hữu Duệ). Được khoản đãi và được đài thọ mọi chi phí ăn uống di chuyển. Rời California lên Missouri thăm Tổng giám mục Ngô Đình Thục đang lâm trọng bệnh, ông lại được tác gỉa bỏ tiền riêng mua vé. Trên máy bay vào phòng vệ sinh xong, lúc ra thình lình dây lưng qúa cũ phựt đứt khiến ông phải túm vội lấy quần không cho tụt xuống, trong lúc khẩn cấp tác gỉa mau mắn rút giây lưng của mình đưa biếu ông Luyện thắt ta.m. Ngày chia tay về lại Pháp, rút ví kiểm tiền tổng cộng được $600 (sáu trăm đô) đô la y nguyên lúc ra đi, ông Luyện bùi ngùi xin được chia xẻ số tiền nhỏ nhoi ấy với tác gỉa. Bằng một cử chỉ đẹp cuối cùng, tác gỉa từ chối không nhận đồng nào mặc dù ông Luyện khẩn khoản. Chiếc thắt lưng kỷ niệm ân tình được ông Luyện gìn giữ đến ngày cuối đời. Chuyện kể lại mủi lòng qúa đổi !

Tình cảnh bần hàn của ông Luyện đã làm nổi bặt nếp sống thanh bạch, không hối mại quyền thế, không tham nhũng vơ vét của mấy anh em ông khi họ còn tại chức. Ghê gớm thay và cũng chán chường biết mấy trò bẩn thỉu ngậm máu phun người !

Cuộc đời của nhà ái quốc bất đắc kỳ tử Ngô Đình Diệm bàng bạc huyền thoạị Cuộc đời ấy giống như một cuốn sách tuyệt vời lôi cuốn nhiều thế hệ tương laị Những người yêu nước thật sự, yêu dân tộc, yêu quê hương, thiết tha mong muốn nghiên cứu sự nghiệp của ông sẽ hiểu thật rõ lịch sử sóng gío Việt Nam thời cận đạị

Quanh năm nằm phản gỗ không nệm, sống bằng cá kho, canh đậu, hút thuốc Basto rẻ tiền, áo quần dăm bộ, màu xám cho mùa đông, màu trắng cho mùa hè, với chiếc mũ phớt, cây ba toong, con người uy vũ bất năng khuất ấy chỉ thích đây đó kinh lý các khu trù mật, dinh điền, thống khoái trước cảnh sung túc của đồng bào chất phác nơi thôn dã, lâm tuyền. Sống kiếp thầy tu, không vợ con, lấy anh em, giòng họ, người thân cận chung quanh, đồng bào nghèo khó khắp nơi làm nguồn vui gia đình. Hộp thuốc lá cũ hư hỏng cũng không muốn vứt bỏ, đưa nhờ sĩ quan quân cụ cố sửa lại dùng tiếp, không phí phạm, không tơ hào của công một xu, đó có phải là đức tính của mẫu người Á Đông không ? Ý muốn cuối đời trước khi bị thảm sát, sẽ từ bỏ địa vị và danh vọng khi hết nhiệm kỳ hiến định, sẽ nghĩ hưu về Huế phụng dưỡng mẹ gìa, sẽ vào dòng tu Chúa cứu thế nếu mẹ gìa qua đời trước, sẽ quanh quẩn bên các "Quốc gia nghĩa tử" con cháu những vị anh hùng hy sinh vì đất nước.... Toàn những tình cảm nhân ái trong một con người phi thường !

Giết ông xong, bọn cách mạng gỉa hiệu 1/1/1963 chỉ tìm thấy hai triệu tám trăm ngàn tiền lương và phụ cấp do Chánh Văn Phòng Võ Văn Hải và linh mục Nguyễn Văn Toán, hai người thân nhất cất giữ. Những nhà cách mạng rởm năm xưa, có phút giây nào ăn năn, hối lỗi không ??

Tự nhiên tôi xót xa ứa lệ !...

(Bác Sĩ Nguyễn Anh Tuấn)
---------------------------------

Từ tín tưởng tới thảm kịch

Ông Đại Sứ Hoa Kỳ Frederick Nolting trong cuốn "From Trust To Tragedy" của ông ta, đã viết về Tổng Thống Ngô Đình Diệm như sau:

"Tôi đã có đọc lịch sử Việt Nam, và đã biết các cuc chiến tranh giành độc lập của xứ sở này, và cũng đã biết là ông Diệm hiểu biết tường tận, thấu đáo vấn đệ. May mắn là tôi cũng đã có một căn bản hiểu biết đáng kể về triết học và khoa tôn giáo đối chiếu. Nhưng tôi hoàn toàn không được chuẩn bị để nghe những điều như thế nàỵ Càng nghe tôi càng thích thu’. Tôi đặt những câu hỏi. Mỗi câu hỏi lại mở ra một chương mới, và sau một thời gian tôi nhận ra sữ dấn thân tận hiến và lòng say mê của con người này, là người đã hiến trọn đời mình để giữ cho bằng được căn cước lịch sử của dân tôc của ông ta và ông ta hiểu nó, yêu thích nó.

. ...Cho đến lúc này cáo buộc quan trọng nhất của ông ta là người Mỹ can thiệp vào nội bộ Việt Nam. Ông ta (TT Diệm) không muốn người Mỹ đoạt lấy trách nhiệm của VN. Ông ta không muốn quân lực Mỹ chiến đấu cho nền đc lập và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam VN.

Ông bảo tôi: "Nếu chúng tôi không tự mình thắng cuộc chiến này với sự viện trợ vô gía của qúy quốc thì như vậy chúng tôi sẽ thua và thua là đáng đời". Ông ta vô cùng cương quyết trong vấn đề này và ông ta cảm thấy rằng nếu chính phủ Nam VN trở nên lệ thuộc vào Hoa Kỳ thì như vậy chứng tỏ luận cứ của Việt cộng là đúng. Việt cộng thường nói rằng: "Nếu các anh cúi đầu thần phục Hoa Kỳ thì các anh sẽ thấy các anh đúng chỉ là thuộc địa của Mỹ cũng như 75 năm về trước VN đã từng là thuộc địa của Pháp". Về điểm tế nhị này tôi đã có thể trấn an ông ta, vì toàn bộ ý niệm của những khuyến cáo cho toán đặc nhiệm cũng như những huấn thị cho tôi do TT Kennedy ban hành, là phải giúp Nam VN tự bảo vệ nền độc lập tự Do của họ cho chính họ" (Đại Sứ Hoa Kỳ Frederick Nolting trong cuốn "From Trust To Tragedy").

3) "... Gần như tất cả các sách báo Mỹ và Tây Phương viết về nền đệ Nhât Cng Hòa đều kết tội ông Nhu là một người tuy thông minh, tài giỏi nhưng tàn ác, qủy quyệt, khát máụ Tuy vậy nếu đem so sánh ông Nhu với các lãnh tụ độc tài khi phải đối phó với địch thủ nguy hiểm như CS thì không thấm vào đâu. Tướng Franco sau khi chiến thắng CS Tây Ban Nha đã đem ra xử tử hàng vạn đảng viên nên Tây Ban Nha mới được yên, tướng Suharto đã giết hơn 1 triệu đảng viên CS Nam Dương trong vụ đảo chính 1965 (nhờ có CIA giúp sức), khi đem quân sang Đài Loan tỵ nạn thì Tưởng Giới Thạch cũng giết hơn 1 vạn dân địa phương biểu tình chống lại Quốc Dân dảng.

Nếu đem so sánh với Stalin, Mao, Hồ chí Minh, Phạm Văn Đồng, Lê Khải Phiêu, Lê Duẩn. ..vv.. thì qủa thực hai anh em ông Diệm và Nhu đã qúa hiền lành, trung hậu nên mới mắc na.n. Ngay cả Hồ chí Minh khi được báo chí hỏi về cái chết của ông Diệm cũng phải khen ngợi "ông ta (Ngô Đình Diệm) là một người yêu nước, tuy rằng ông ta có đường lối riêng của ông ta".

Trong một cuộc chiến sống còn với một kẻ thù nguy hiểm như CSVN thì bên cạnh mt quân đội thống nhất và thiện chiến như quân đi VNCH mà không có một bộ máy Mật Vụ tinh vi, một ý thức hệ riêng biệt, một hệ thống đảng phái để yểm trợ cho chính phủ thì làm sao có thế thắng CS được ? Các chính phủ ở Trung Nam Mỹ khi bị CS khuấy rối ở bên trong đã phải nhờ đến các đảng bí mật như "La Man Blanco" hoặc Justicialist để chống lại theo kiểu dĩ đc trị đc. Nhờ tổ chức La Guardia Civil nên tướng Franco đã dẹp tan được CS. Ngay cả Mỹ và các nước Tây Phương cũng phải trông cậy vào những cơ quan tình báo như CIA, FBI, Phòng Nhì, Intelligence Service và trước đây Đức thì có Gestapo, Nhật có Kempetai, đảng Hắc Long để chống lại CS. (Điểm Sách: Những Ngày Tháng Với TT Ngô Đình Diệm của Nguyễn Hữu Duệ, Xuân Sơn, Văn Nghệ Tiền Phong số 669, trang 52)

"...Cu. (Ngô Đình Diệm) sống giản dị, không ăn cao lương mỹ vị, Cụ nằm phản không nệm, Cụ không xa hoa phung phí, khi đương thời Cụ chỉ lo cho Quốc Gia, chẳng lo gì cho bản thân, nay Cụ được chôn ở đây (Lái Thiêu), nghĩa trang sơ sài này, cạnh đồng bào nghèo khổ của Cụ, chắc Trời định vậy để hợp với đức tính khiêm nhường của Cụ. Con mừng vì nơi Thiên Đàng Cụ ở, Cụ cũng còn thấy nhiều người nhớ đến Cụ và đến thăm viếng Cụ. Con từ nơi xa xôi về đây viếng mong Hồn Cụ có thiêng, xin phù hộ cho tổ quốc thân yêu."

(Trương Phú Thứ)
---------------------------------

Ngày 1 tháng 11 Tưởng nhớ Cố Tổng Thống Ngô đình Diệm

Anh Mâm, người trông coi nghĩa trang cắm nhang trước mộ Tổng Thống Ngô
Sau khi bị quân đảo chính do Dương Văn Minh cầm đầu giết vào tháng 11/1963, thi hài Tống Thống Ngô Đình Diệm và Ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu được chôn ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Áo quan của Tổng Thống Ngô Đình Diệm hình hộp, áo quan của Ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu có nắp tròn. Một nhân chứng thời kỳ này giải thích, người thân của hai ông đi mua vội quan tài nên chỉ mua được một chiếc hạng tốt dành cho Tổng Thống, còn chiếc hạng vừa dành cho Ông Cố Vấn.

Mộ Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi khá đặc biệt: không có nấm mộ, bia, chỉ có tấm đan bê tông đặt bên trên cao hơn mặt đất vài chục phân. Suốt từng ấy năm trước ngày cộng sản chiếm Miền Nam, hai ngôi mộ nằm lọt thỏm, đìu hiu giữa nghĩa trang bộn bề mộ kiên cố. Những kẻ cơ hội xưa vụt quay lưng với gia đình họ Ngô đã đành, những người thân tín cũng ngại đến thăm viếng vì sợ bị dòm ngó. Năm 1964 Bà Phạm Thị Thân, thân mẫu của hai ông mất, đám tang không người đưa tang.

Một nhân chứng cải táng sau này kể: Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu được chôn trong kim tĩnh rất khô ráo. Khi cải lên, thi thể của cả hai ông chỉ khô lại chứ không tan rữa, vẫn có thể nhận ra từng người. Đầu hai người đều quấn băng trắng in dấu máu đen từ những vết thương trước khi chết. Khi băng được mở, vết máu vẫn còn cứng. Sau gáy Ông Cố Vấn có một vết thương khá lớn do Thiếu Tá Dương Hiếu Nghĩa và Đại Úy Nguyễn Văn Nhung tay sai của Dương Văn Minh đánh trước khi giết.

Khi nhà cầm quyền cộng sản ra lệnh giải tỏa nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, thi hài Tổng Thống và Ông Cố Vấn được cải táng tại nghĩa trang Lái Thiêu tỉnh Bình Dương, với áo quan loại tốt và kim tĩnh. Mộ ông Ngô Đình Cẩn trước kia được chôn tại nghĩa trang phi trường Tân Sơn Nhứt sau khi bị nhóm đảo chính cầm đầu bởi Dương Văn Minh xử bắn vào năm 1965, và mộ bà thân mẫu Phạm Thị Thân cũng được quy tụ về nghĩa trang Lái Thiêu. Trong khu đất rộng hàng ngàn mẫu tây với những rặng cây lớn xanh và mát, mộ gia đình họ Ngô nằm cùng một dãy. Mộ bà Phạm Thị Thân nằm ở giữa, mộ Tổng Thống và Ông Cố Vấn hai bên. Cách mộ Ông Cố Vấn một quãng là mộ ông Ngô Đình Cẩn. Trước đây, vì sợ rắc rối đối với nhà cầm quyền cộng sản nên mộ không đề tên, mà chỉ đề "mẫu", "huynh", "đệ". Sau, theo đề nghị của một số người, trong đó có Việt kiều về thăm, mộ được đề đích danh.

Mộ bà Phạm Thị Thân nằm giữa, mộ Tổng Thống và Ông Cố Vấn hai bên
Anh Mâm, anh Chẩy, hai trong số hàng chục người trông coi mướn mộ phần tại đây, cho hay: Thời gian đầu, mộ gia đình họ Ngô không có người chăm nom, trong khi đa số ngôi mộ khác có thân nhân thường xuyên lui tới và thuê người chăm nom. Thấy những ngôi mộ đó cỏ mọc, rêu phong, anh em bảo nhau dọn cỏ, dùng bàn chải chà rêu như những ngôi mộ khác. "Lẽ nào mình quanh quẩn ở đây cả ngày mà nỡ để cho ngôi mộ ngay gần mình lạnh lẽo!" - Mâm nói, sau khi chia đều nắm hương ngút khói, cắm vào từng bát nhang trước bốn ngôi mộ gia đình họ Ngô.

Một thời gian sau ngày mộ cải táng được hoàn thành, thỉnh thoảng có một số Việt kiều về nước thăm viếng, đọc kinh cầu nguyện, cho tiền những người trông nom. Có người để lại cả tên tuổi. Thỉnh thoảng, đại diện Công giáo cũng đến thăm viếng.
(Nguyễn Đinh Hoài)
__________________________

CỐ TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM

Ngô chí sĩ, người anh hùng vĩ đại,
Đã ra đi còn để lại tiếng thơm
Quan tài Ông Ngô Đình Nhu và TT Ngô Đình Diệm bên phải được làm phép trước khi chôn
Như mặt trời, người ngự trị trong tim
Lòng thế hệ muôn ngàn năm tưởng nhớ.
Ngô Tổng Thống, đệ nhất người dân cử
Đã khai sinh nền móng sử Cọng Hòa,
Làm vẽ vang dân tộc Việt Tự Do
Xây dựng nước Việt cơ đồ nhung gấm.
Ngô Chí Sĩ, người anh hùng chết thảm
Do bàn tay nhóm phản loạn phi nhân.
Vì tham tiền, đành bán rẻ lương tâm,
Gây xáo trộn dâng miền Nam cho Cộng.
Cầu Thượng Đế cho linh hồn Tổng Thống
Vị anh hùng vì tổ quốc vong thân,
Được đời đời vui tận hưởng Thiên Nhan,
Và sống mãi trong lòng dân bất tử.
Nhân kỷ niệm ngày tang chung quốc giổ,
Toàn quân dân đoàn kết nhớù ơn Ngài
Xin dâng lên nén hương qúy lòng người
Lời cảm tạ với cả trời thương nhớ.
(Nguyễn Đình Hoài Việt)
______________________________

Tiếc Thương

Một ánh sao băng tắt giữa trời
Giang sơn từ đấy tối thêm thôi.
Thương người nghĩa khí tàn giấc mộng
Tiếc bậc tài hoa úa mãnh đời.
Khinh bọn túi cơm loài rắn rít
Giận phường giá áo lũ đười ươi.

Nếu không phản phúc không tham vọng
Đất nước bây giờ hẳn kịp người.
(Ngô Minh Hằng)
___________________________

MỘT NÉN HƯƠNG LÒNG

MỘT đời tận tụy gánh non sông
NÉN bạc phản thùng, nghiệp hóa không
HƯƠNG ngát nghìn thu, gương chính khí
LÒNG son một thuở dáng linh hồng
THẮP cao ngọn đuốc soi đêm tối
DÂNG tận đài mây gọi gió đông
CHÍ lớn chưa thành, thân dẫu thác
SĨ dân thương tiếc biển, trời trong
(Thiên Tâm 18-10- 03)
 
Tôi viếng mộ Cố Tổng Thống Ngô đình Diệm
Kim Hoa
20:07 29/10/2009
Đọc trên X Café VN bài “Một nén hương cho Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm”. Tôi biết được mộ Ông TT hiện đang nằm trong Nghĩa Trang Lái Thiêu, thuộc Tỉnh Bình Dương.

Ngay ngày Giỗ 45 năm của Ông tôi đã lên kế hoạch phải đến thắp nhang cho Ông trong ngày Giỗ, nhưng rồi tôi không thực hiện được, mãi đến tối hôm qua nghe ông xã nói:
- Mai rảnh không ? Đi Lái Thiêu …

Tôi gật đầu ngay, ông xã biết chắc là không nói ra, nhưng tôi nôn nao có ngày này lắm, ngày anh ấy rãnh rỗi để chở tôi đi viếng mộ Ông TT.

Mười ngày chờ đợi để thực hiện tâm nguyện, sáng nay 12-11-2008, vợ chồng tôi đi honda đến viếng Mộ TT.

Cũng chỉ là địa chỉ Nghĩa Trang Lái Thiêu, Hóa An, Bình Dương, không rỏ ràng lắm, khi người đi đường lại nói Lái Thiêu có nhiều nghĩa trang. Chúng tôi cứ đi đại đến nghĩa trang lớn nhất của Lái Thiêu.

Từ Sài Gòn đi Quốc lộ 13 đến ngã tư Cầu Ông Bố chúng tôi rẽ phải, vào khoảng gần 3km cũng bên tay phải, có một cổng nghĩa trang rất lớn, chúng tôi rẽ vào, có một quán cóc trong nghĩa trang, nhưng chúng tôi không dừng lại, vì thấy bên trong có số người thợ đang xây mộ, bèn ghé hỏi thăm:
- Anh ơi! Anh làm ơn cho biết mộ của Ông Diệm nằm ở đâu anh ?
- Anh chị theo con đường này sẽ thấy cái quán, hỏi quán ấy họ chỉ cho, có người dẫn đến tận nơi luôn.

Mừng thầm trong bụng “hỏi thăm dể quá”, chúng tôi đến quán người ta vừa chỉ. Ông xã ra dấu cho tôi im lặng, anh đến hàng nhang lựa gói nhang lớn nhất, mua thêm cái hộp quẹt, trong khi chờ cô bán hàng thối tiền anh hỏi:
- Cô cho tôi hỏi thăm, mộ Ông Diệm nằm chổ nào cô có biết, chỉ giùm chúng tôi.

Cô gái trả lời ngay.
- Biết, con dẫn cô chú đi, cô chú có bà con gì không ?
- Không, chúng tôi muốn thăm và thắp nhang cho Ông ấy thôi.
- Cách đây vài ba ngày, có người báo cho chúng con là sẽ có người nước ngoài về thăm mộ Ông ấy, chúng con chờ hoài mà chưa thấy ai.

Thế rồi cô ấy nhanh nhẩu lấy honda đi trước, đưa chúng tôi ra lại đường chính, đi thêm hơn 100m cô dừng lại nơi những ngôi mộ nằm sát bên đường, dựng xe trên thềm đường, cô dẫn vào qua 2 dảy mộ (khoảng 6,7m), cô chỉ “đây là mộ ông Cẩn, mộ Ông Diệm ở bên kia”. Cùng một dãy, cách nhau khoảng hơn 10m, chúng tôi dừng lại Mộ Ông TT bên phải, mộ bà Cố nằm chính giữa, bên trái là mộ ông Nhu.

Còn đang bồi hồi xúc động thì thấy 5,6 người bao quanh chúng tôi. Nhìn họ, tôi nhớ lại những lần đi thăm mộ của ông bà Nội chồng chôn ở nghĩa trang Gò Dưa…

Chúng tôi đốt nhang, vái lạy bà Cố, Ông TT, ông Nhu, tôi dành một ít thắp cho ông Cẩn và bà Xơ tên Isave Trương thị Ba là nữ tu của Dòng Vinh Sơn mà ở đó người ta nói: “Những năm trước chỉ có bà Xơ này đến thắp nhang cho những ngôi Mộ này thôi, giờ bà Xơ ấy đã mất rồi, được chôn ở gần đây”.

Thấy họ vẫn ngồi tại đó như chờ chúng tôi điều gì, tôi nói:
- Đây là mộ của Ông TT ngày xưa của mình, tôi đọc báo thấy họ nói ở đây, nên tìm đến thăm Mộ Ông

Họ nói:
- Chúng tôi ở đây luôn chăm sóc cho phần Mộ của gia đình Ông, cô có tiền đưa chúng tôi để chúng tôi lo cho mộ phần họ.
- Chúng tôi chỉ là người biết tin rồi đi thăm thôi, chúng tôi không là người nhà. Tôi cũng chẳng có tiền, gửi các anh tiền uống cà phê cho vui nhe.

Họ cầm 100 ngàn như không vừa ý, bảo tôi đưa thêm 100 nữa. Họ kể là họ đã chà rửa sạch sẽ những ngôi mộ này như thế nào, có người đặt họ ghi rỏ tên Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu trên bia mộ, nhưng họ bị công an Bình Dương gọi lên, bắt xóa hết, chỉ ghi chữ Huynh, chữ Đệ thôi …mộ Ông TT lại bị sứt bể họ phải tô sửa lại …

Tôi lắc đầu, mĩm cười: “Tôi không có tiền, thế nào cũng có người nước ngoài họ về, họ sẽ gởi lại tiền cho các anh”.

Hai chúng tôi đọc kinh, cầu nguyện. Xin Ông TT thương phù hộ, giúp Đất Nước Việt Nam sớm thoát cảnh lầm than, khổ cực …

Tôi thì thầm với Ông TT nhiều điều, thấy họ từ từ bỏ đi hết 4,5 người gì đó. Số còn lại họ than thở:
- Tụi tui mới dọn dẹp chứ tụi nó có làm gì? cô đưa tiền cho tụi nó cũng như không. Chính tui lau chùi, dọn sạch cỏ hai hôm nay, cô mà lên trước ba ngày cũng không thấy đường đi đâu, cỏ bao phủ hết. Giờ cô cho tụi tui tiền đi, chính tui đắp lại chổ bể ấy, rồi sơn lại chữ mới rõ ràng đó chứ phải tụi nó đâu! Công an kêu tui lên chứ phải nó lên đâu, tụi nó nói dốc không hà.

Nhìn người đang ông đang ngồi càm ràm bên cạnh, tôi hiểu ra câu chuyện. Việt Nam mình bây giờ là thế, làm ở đâu cũng có ban bệ, vào trong nghĩa trang cũng thế, có trên, có dưới, có cũ, có mới.

Như trong nhà chồng tôi, anh em đều là công nhân, thầu xây dựng, nhưng không làm sao xây được mộ phần Ông Bà Nội của mình, phải giao toàn bộ cho những người quản lý ở nghĩa trang làm. Nếu mình không làm theo quy định (trong im lặng) đó, thì ngày hôm nay mình xây, sáng mai sẽ thấy thành bình địa tất cả, ngoan cố thêm một hai ngày nữa, cũng trở về con số không (0) thế thôi. Trước khi chúng tôi chưa giao mộ phần cho ông chủ lớn ở đó trông coi, thì mỗi lần đến mộ đều có người hầu chuyện, kể công lao chăm sóc hằng ngày …cho đến khi chúng tôi chi tiền trà nước mới để yên. Từ ngày trả công mỗi năm 300.000$ cho 2 ngôi mộ Ông Bà, chúng tôi không còn bị kèo nài mỗi khi lên thăm mộ nữa.

Phía bên mộ Ông Cẩn, chồng tôi cũng đang lắng nghe những người dọn dẹp, và cô bé dẫn đường phàn nàn,(có anh thanh niên bị câm) họ không dám nói gì khi có mặt nhóm người trước, có lẽ họ được những người kia thuê làm, nhìn chung thì họ cũng chịu khó chăm sóc mộ của Tổng Thống mình, những ngôi mộ mà ít khi có thân nhân lui tới, tiếc rằng mình không khá giả chứ tý quà cho họ cũng là phải đạo.

Gởi cho họ và cô bé dẫn dường thêm 100 ngàn nữa chúng tôi cám ơn và mọi người vui vẻ chia tay ra về.

Tôi quay lại, cúi chào Ông TT, “Từ nay con sẽ thường quay lại thăm Ông”.

Kể lại cho mọi người biết. Nếu muốn viếng mộ TT, thì đến ngã tư cầu Ông Bố quẹo phải vào khoảng 3km thấy cổng nghĩa trang đầu tiên (đừng vào cổng), đi quá khoảng gần 300m nữa sẽ thấy quán cóc bên đường, cạnh nghĩa trang. Dừng xe, có đường mòn, đi qua vài nấm mộ là thấy mộ TT ngay, nếu đi honda dắt vào lối này gần mộ TT, dể trông chừng xe hơn.

Nhìn Mộ một Vị Tổng Thống tài ba, nổi tiếng, khắp thế giới mọi người đều ngưỡng mộ Tài, Đức của ông, mà nằm đơn sơ như thế, tên tuổi cũng không được phép ghi chép rỏ ràng, tôi không sao cầm được nước mắt. Lòng tự hỏi biết đến ngày nào, người dân Việt nghĩ lại công lao của Ông, mà đặt mộ phần Ông vào một nơi xứng đáng hơn, gần gủi hơn, để mọi người yêu mến Ông được thường xuyên thăm viếng Mộ phần Ông ???

Sài Gòn 12-11-2008
 
Tưởng Nhớ Ngày 2-11
Kim Hoa
20:08 29/10/2009
Hôm nay 2 tháng 11 năm 2008, dự định trong tôi, ngày Lễ Các Đẳng năm nay là sẽ đi tìm cho được mộ Tổng Thống Ngô Đình Diệm, để thăm viếng và thắp nhang cho Ông trong ngày Lễ Cầu cho Các Đẳng và cũng là ngày Giỗ 45 năm của Ông.

Nhưng ngay từ sáng đi Lễ Chủ nhật về, thì kế hoạch đã bị vỡ, tôi chọn phương án hai, là đưa người chú từ Miền Trung vào, đi thăm Dinh Độc Lập. Trong lòng tôi tự nhủ: “ Đây cũng là cách tưởng nhớ đến Ông”. Đến chiều thì có thể đi Mộ như dự định.

Chúng tôi bốn người, đến Dinh Độc Lập bằng phương tiện xe buýt. Chú tôi người em chú bác ruột của Ba tôi. Suốt một đời ở mãi một vùng quê xa xôi, nghèo nàn chẳng hiểu Dinh Độc Lập là gì, mọi cái đối với ông thật là mới mẻ, ông cứ nói: “Đi như vậy thật đáng đi”. Ông bám sát cô hướng dẫn viên để nghe, để biết từng căn phòng, từng cách bài trí của các phòng, phòng Khánh tiết, phòng họp Nội Các, Phòng Đại yến, Phong tiếp khách trong nước, phòng tiếp khách nước ngoài, Bàn làm việc của Tổng Thống, phòng trình Quốc thư…

Đi lần này là lần thứ tư, sau nhiều năm không đi, tôi cũng cảm thấy hài lòng vì các cô hướng dẫn viên không còn gọi các Tổng Thống là tên nữa, họ lịch sự và nhẹ nhàng hơn mọi năm, chú tôi luôn miệng khen với con gái tôi: “Nó nói giỏi quá hỉ, mi làm răng nói được rứa, mà đi làm nghề hướng dẫn viên ni ?” Con gái tôi cười: “Con sẽ tập nói hay và nói nhanh như cô gái ấy” …

Hôm nay là ngày chủ nhật nên khách tham quan có rất nhiều đoàn, nói nhiều thứ tiếng, tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Trung Hoa… Các đoàn đi trùng nhau, nên hướng dẫn viên tự động cắt bớt lịch trình của đoàn Việt Nam, tuy thế Chú tôi cũng vô cùng hài lòng vì đã được mở mang một kiến thức mới, để về quê nhà khoe với các con, các cháu biết thế nào là Dinh Độc Lập ngày xưa, Chú lại vô cùng hài lòng với tấm hình một mình chụp toàn cảnh Dinh mà người thợ chụp hình hiểu ý, cho ông đứng trong tư thế thật oai phong, trước ngôi nhà bề thế mà chỉ có những vị Tổng Thống mới được sinh sống nơi đây.

Ông chăm chú xem từng bức hình từ thời thành lập Dinh đến ngày hôm nay. Phần tôi tách riêng ra, đến bên quyển album đầu tiên lưu lại thời kỳ Tổng Thổng Ngô Đình Diệm, tôi mở hình chân dung Ông ra và thì thầm câu nguyện ”Xin Chúa cho linh hồn Tổng Thống Gioan Baotixita được lên chốn nghĩ ngơi…”. Tôi yêu quí Ông vô cùng.

Tôi vẫn còn nhớ, ngày Ông về thăm thành phố Đà Nẵng, nhà tôi đông người lắm, tất cả những đoàn thể ở trên quê đều kéo về nhà tôi nghĩ ngơi chờ giờ đón Tổng Thống, không nhớ đó là năm nào, nhưng tôi được những người ấy cho chui vào hàng ngũ để nhìn xe Tổng Thống đi qua, tuy là còn rất nhỏ nhưng tôi vẫn thuộc những bài ca họ hát để chào đón Ông “Ai bao năm vì sông núi quên thân mình, gương hy sinh ngàn muôn kiếp không hề phai….Toàn dân Việt Nam nhớ ơn Ngô Tổng Thống. Ngô Tổng Thống, Ngô Tổng Thống muôn năm, Toàn dân Việt Nam nhớ ơn Ngô Tổng Thống, xin Thượng Đế ban phúc lành cho Người …

Giờ hát lại bài đó, nước mắt tôi rưng rưng. .

Đến năm 1960, Ba tôi bị Việt cộng ám sát, anh chị em tôi trở thành “Quốc Gia Nghĩa Tử”, tôi phải đi xa nhà.

Năm 1963, tôi về lại Đà Nẵng, nhưng lại đi Tu ở Dòng Phao Lô Đà nẵng, năm đó tôi mới 11 tuổi. Ngày Đảo Chánh 1-11-1963 tôi còn nhớ, trong Tu viện các chị lớn khóc nhiều lắm, ai cũng thương Ông Tổng Thống, lớp chúng tôi là lớp nhỏ nhất, không biết gì, nhưng nghe Ông Tổng Thống bị nạn cũng thương lắm, cũng lấy tay quẹt nước mắt chảy theo với các chi, chúng tôi bàn với nhau cất những đồng xu có in hình Tổng Thống để nhớ đến Ông, để làm kỷ niệm.

Những ngày đó thật kinh hoàng, tuy không được ra khỏi nhà, sống trong bốn bức tường Tu Viện, nhưng chúng tôi cũng biết được Tổng Thống đã bị ám sát vào ngày 2-11 năm ấy. Chúng tôi hát Lễ Qui lăng cho Ông, tất cả nhà Dòng, từ Mẹ Bề Trên người Pháp,… đến lớp nhỏ nhất như tôi đây đều buồn đau, không thiết tha cười đùa với nhau nữa, ngày nào cũng săm se đồng bạc có in hình Tổng Thống mà nhìn, mà nhớ, mà thương Ông.

Cũng trong những ngày đó, nghe rằng có những người trong Đảng Cần Lao vào xin tị nạn trong nhà thờ, đám đông quá khích vào cổng nhà thờ xô đẩy, la hét đòi trả người, các LM nhỏ nhẹ can thiệp, xin đừng làm hại các ông ấy, việc gì cũng còn có luật lệ, tòa án …, họ hứa sẽ không làm gì ông ấy, chỉ giữ ông ấy để chờ xét xử, nhưng ông ta đi ra khỏi nhà thờ chưa được bao xa thì người ta đã đập búa vào đầu ông chết ngay trên đường.

Ông Ngoại tôi nói với tôi một câu mà tôi còn nhớ mãi “Ba mi mà còn sống, cũng bị họ giết y như vậy, họ tìm giết những người trung thành với Ngô Tổng Thống”.

Để khỏa lấp, để xóa đi những gì tốt đẹp Ông đã ra tay làm cho Tổ Quốc, cho dân tộc, họ đã bêu xấu Ông, họ kể tội Ông đủ điều, kể cả những điều Ông không hề vấp phạm. Họ phản bội, dành Công, ham Danh, phần ai nấy phủ lên người Ông Tổng Thống biết bao nhiêu là tội, để người dân đang hoang mang cũng cảm thấy rằng Ông Tổng Thống của mình đã có tội, họ cũng vội vàng lên án Tổng Thống của mình, mà thật sự trong thâm tâm, tận đáy lòng vẫn có điều gì hồ nghi (?)

Lớp người lớn như thế, thì lớp trẻ của chúng tôi làm gì khá hơn được? Thời gian trôi qua, đồng tiền có hình Tổng Thống vẫn còn cất giữ, năm thứ nhất tưởng nhớ Linh hồn Gioan Baotixita, và thưa dần …, mất cả đồng tiền. Đất nước không còn nhắc nhở gì đến Ngài Tổng Thống thân yêu ấy nữa, họ che giấu Ông đến độ chúng tôi không hề biết được Ông cũng còn có một ngôi Mộ, càng ở xa Sài Gòn càng ít thông tin về Ông hơn, rồi thêm bao nhiêu thăng trầm của đất nước, lớp trẻ chúng tôi hầu như quên hết những gì về Ông Tổng Thống, kể cả những Công và cả những Tội …

Hơn ba mươi năm, sau ngày 30-4-1975, chúng tôi được đọc những bài viết về Ngô Tổng Thống trên các mạng internet. Người ta ghi lại tất cả những diễn biến của thời kỳ lãnh đạo Đất Nước của Ngô Tổng Thống, họ mở ra cho lớp trẻ ngày ấy chưa đủ trí khôn của chúng tôi thấy được là:

Họ đã giết đi một vị Lãnh Đạo vĩ đại, có một không hai trên thế giới, yêu Dân, yêu Nước, hơn cả yêu chính bản thân mình của chúng tôi.

Khi những người làm sai, quay đầu nhìn lại. Những người lớn ngày xưa xóa được sự hồ nghi, thì lớp trẻ chúng tôi không còn gì để mất hơn được nữa.

1963 – 1975, mười hai năm sống trong hoang mang, lớn dần lên với súng đạn, với những ngày tháng bất an, nhà nhà xây hầm tránh đạn, tiếng đạn pháo kích trong trường học, trên đường phố, bên hiên nhà, trên sân chợ … thanh niên với lệnh tổng động viên đang chờ trước mắt, thiếu nữ chuẩn bị theo nhau chít trên đầu những vành khăn xô cho người chồng vừa mới cưới … Mười hai năm chuẩn bị cho sự trưởng thành của chúng tôi là thế đấy …

Để rồi vừa qua tuổi 20 chúng tôi lại trở thành những Ngụy quân, Ngụy quyền của Xã hội Chủ nghĩa … Chúng tôi không đủ thời gian để làm gì cho Đất Nước, chưa có thời gian để tìm hiểu Lịch sử đã qua, để tìm đường lối minh chính cho tương lai của mình, thì đã trở thành những thành phần phế thải của XHCN.

Có lẽ lứa tuổi chúng tôi là lứa tuổi chịu nhiều cay nghiệt nhất trên đất nước Việt nam dấu yêu này. Quí vị thử tính lại xem, được bao nhiêu viên Sĩ quan mới ra trường được hưởng chế độ HO của Mỹ ? Có anh sinh viên chế độ cũ nào đang học dở dang, được nhà trường cho hưởng tý quyền lợi nào không ? hay từ từ rời xa trường lớp, để chọn một vùng kinh tế mới nào đó, lấy lao động làm vinh quang, để xin được nhận hai chữ bình yên ? Có những Ngụy quyền nào được hưởng chế độ ưu đãi của chế độ này không ? hay chúng tôi phải mất việc, đuổi về vùng kinh tế mới, hoặc lê la ngoài chợ trời, gian trá, luồn lách, để kiếm những miếng ăn phụ giúp cho gia đình. Hãy nhìn lại đi, nguyên thế hệ của chúng tôi, chẳng nên tích sự gì cả … Thật là buồn!

Hôm nay đã 45 năm ngày Ông mất đi, con không biết phải nói gì với Ông, Ông biết rỏ là thế hệ chúng con chưa làm nên một chuyện gì? lại bị mất tất cả. Nếu họ đừng giết mất Ông, thì thế hệ chúng con không ra nông nổi này, chúng con đau buồn lắm, nhưng biết phải làm sao ? Hằng năm, trước 75 cũng như sau này, con vẫn âm thầm nhớ đến Ông. Con tin những người Công Giáo, và những người chân chính vẫn âm thầm nhớ đến Ông mỗi khi tháng 11 lại về.

Ông sống đã là một người xã thân cho chính nghĩa, bảo vệ non sông, yêu dân như con, bao nhiêu người kính phục Ông. Thì Ông chết, Thiên Chúa vẫn cho Ông được hưởng niềm hạnh phúc là hàng triệu người Công Giáo vẫn phải nhớ đến Ông. Chúa chọn cho Ông ngày Lễ Các Đẳng để ra đi, có nghĩa Chúa bảo mọi người Công Giáo đều phải nhớ đến Ông, đến cái chết của Ông, không một ai có thể quên được Ông, trong ngày cầu cho những người thân yêu đã qua đời, những linh hồn mồ côi trong Luyên tội, thì làm sao quên đi được người Tổng Thống thân yêu đã oan ức ra đi chính ngay trong ngày này?

Con tin chắc rằng Ông đang hưởng hạnh phúc trên Nước Trời. Xin Ông hãy cầu nguyện cho chúng con, những con dân của Ông đang còn lầm than, khốn khó. Xin Ông hãy tha tội cho những người đã hãm hại Ông, mà cứu lấy Dân Tộc Việt Nam chúng con, để Việt Nam chúng con tìm lại được những ngày thanh bình xa xưa,

45 năm miệt mài trong chiến tranh, đánh đấm, dành giựt quyền lợi với nhau, chúng con chỉ còn lại một đất nước nghèo nàn, xấu xa, thiếu nhân cách, thiếu nhân phẩm, sống với nhau trong sự giã dối, lừa bịp, đất nước thì chia năm xẻ bảy, người phân tán đi khắp nơi trên thế giới, chẳng còn lại gì sau ngày Ông mất cho đến nay. Hãy thương chúng con, đàn con cháu vô tội chưa hiểu biết gì, mà phải lãnh nhận một hậu quả thảm khốc như thế này.

Xin hãy cho những người đã từng làm sai lệch Lịch sử, họ còn lương tâm để đính chính lại những sai sót của họ, mà trả lại cho Ông sự trong sáng, tìm lại sự công bình cho Ông, để chúng con không phải trả giá cho sự vô ơn bội nghĩa mà họ đã làm.

Ông ơi! Thời gian không còn bao lâu nữa, chúng con những đứa trẻ bé thơ ngày ấy sẽ chuẩn bị bước vào tuổi “thập cổ lai hy”, gần đất xa trời… Chúng con chỉ ao ước được chứng kiến ngày đất nước đổi thay,con cháu chúng con tìm lại hạnh phúc thanh bình xa xưa, một vị Lãnh Đạo xuất chúng giống như Ông, sẽ xuất hiện để làm lại tất cả, sửa dạy lại tất cả, xây dựng lại tất cả, như Ông đã từng xây dựng đất nước từ con số không trở nên tốt đẹp, mà nhiều cường quốc trên thế giới đã ngã mũ kính chào.

Như thế chúng con mới đành lòng từ giã, bình yên ra đi, về bên kia thế giới với Ông, Ông Tổng Thống vô cùng quý yêu của chúng con ạ.

Sài Gòn, viết vào ngày 2/11/08 Giỗ 45 năm của Ngô Tổng Thống VN
 
Nén hương lòng tưởng niệm cố Tổng thống Ngô Đình Diệm
Hồng Lĩnh
20:15 29/10/2009
NÉN HƯƠNG TƯỞNG NIỆM CỐ TỔNG THỐNG TIÊN KHỞI CỦA VIỆT NAM

Nguyên tắc của Tôn Tử phương tây Clausewitz:

«Sau một chiến bại,
phe thua trận chỉ có thể phản công,
sau khi đã tìm ra lý do của bại trận
».

Vị Tồng Thống tiên khởi, có công xây dựng Đệ Nhất Cộng Hòa của quốc gia Việt Nam, đã anh dũng và can cường hy sinh tại trận địa, «cho đồng bào ruột thịt Bắc cũng như Nam». Đó là 9 chữ chót trong câu nói sau cùng của vị nguyên thủ quốc gia vào đêm 23/10/1963 với ông Nguyễn Mâu. Và TT Diệm đã vĩnh viễn đơn côi ra đi trong chiếc thiết vân xa M 113 vào sáng sớm ngày 02/11/1963.

Một bất hạnh kinh hoàng trời giáng đã xảy ra ngay tại chiến tuyến chống cộng miền Nam, cách đây đã 46 năm. Lần đầu tiên tại nơi quê hương yêu dấu của TT, vào hồi ấy, giấy lên một hiện tượng liên kết chưa bao giờ thấy, giữa bạn và thù, qua một bọn phản trắc khốn nạn, đã phá nát chiến tuyến chống cộng Miền Nam và sát hại một vị nguyên thủ quốc gia đang xung trận trong tư thế tướng tiên phong.

Từ đó: «Việt Nam tự do ơi! Ngươi đã bất đắc kỳ tử». Một món qùa trên khay vàng tặng không cho CSVN. Địch đột nhập vào bộ máy chính quyền cả hành chánh lẫn quân đội. Mất chính nghiã của cuộc chiến cho tự do. Rối loạn liên miên ! Các trung sĩ tự phong tướng ! Tôn giáo nầy tấn công tôn giáo nọ ! Một sự kiện đầy hệ qủa tang thương còn vẫn còn dài lê thê cho đến hôm nay. Thử đặt câu hỏi ai là kẻ đã tạo ra nỗi nầy cho chiến tuyến chống cộng Miền Nam? Ai đã phá nát nền Cộng Hòa đầu tiên của quốc gia Việt Nam? Ai đã giết hại lãnh tụ và Tồng Thống tiên khởi của quốc gia nầy? Áo choàng tu nào đang mang nhiều vết máu? «A goddam bunch of thug», cựu TT Johnson đã phải thốt lên như vậy !

Thời gian giật lùi xem như đã đủ. Các tài liệu bí mật phần đông đã đuợc giải mật. Tuy vai trò của lịch sủ chỉ là ghi chép các sự kiện và không phê phán hay kết án một ai. Nhưng phe chiến bại phải trực diện với vấn đề, để tìm cho ra các lý do đã tạo cái bại trận thảm thương ấy, hầu có thể phản công.

Nỗi lòng của Tổng Thống Diệm vào một đêm khuya

Con chim trước khi chết kêu lên những tiếng não nùng. Con người biết trước định mệnh, thường đi vào tâm sự với chinh mình. Bên ngoài, giặc CSVN và bạn Mỹ «đồng minh» đang bao vây tung những chưởng độc hại tấn công. Và bên trong, một bọn côn đồ đáng nguyền rủa (A goddam bunch of thug) đang chuẩn bị thi hành nhiệm vụ tôi tớ ngoại bang, cố TT Diệm đã linh cảm sẽ phải ra đi vĩnh viễn, với hiệu quả vận nước và con dân sẽ ba chìm bảy nổi.

Nên vào đêm 23/10/1963 Cố TT Diệm đã tâm sự với ông Nguyễn Mâu tại dinh Gia Long. Đêm ấy, ông Mâu mang tới biếu cố TT Diệm một gói nhãn đầu mùa, món qùa giản dị và thanh bạch, nhưng mang nặng tình quê hương và ông Nguyễn Mâu đâu có ngờ đây là lần chót gặp TT Diệm và cũng là món qùa chót biếu TT.

Nguyễn Mâu ghi chép các lời nói của cố TT Diệm
(báo Chính Nghiã số I, 3/1/1983)

1.- «Quốc gia đang trải qua một giai đoạn cực kỳ nguy hiểm. Quân lực ta thiếu cán bô. Các tướng lãnh được người Pháp đặt để trong ý thức dùng thâm niên quân vụ như một yếu tố hợp lý cho sự tùng phục chỉ huy. Quân đội cần những tướng lãnh có học, có tài, có óc hơn cái gọi là thâm niên quân vụ».

2.- «Quân đội còn yếu, hiện thời chưa thanh toán được các nhóm du kích võ trang miền Nam, làm sao đương đầu được với toàn bộ chính quy Bắc Việt, sẽ được thâm nhập vào Nam, tăng cường độ chiến tranh du kích chiến lên vận động chiến, rồi trận địa chiến? Nều đề bạt gấp rút sĩ quan trẻ có học e rằng sự lựa chọn thiếu cẩn trọng và hàm hồ, ta cần thời gian làm nỗi bật các phần tử ưu tú. Cần bộ chỉ huy tốt cho quân lực và thay thế các tướng lãnh thiếu học, nghe súng nổ ở đâu chạy ngay đến đó (Chương Thiện, Đồng Xoài)».

3.- «Ta cần thời gian để xây dựng quân đội và kiện toàn tổ chức quốc gia hầu ứng phó với Cộng sản. Các quan hệ chính trị quốc tế vẫn có khả năng kềm hãm Hà Nội và cho ta thời gian cần thiết. Nhưng người Mỹ không đồng quan điểm với ta».

4.- «Họ muốn quân đội Mỹ vào Việt Nam đánh Cộng sản. Ngày người Mỹ bước chân xuống tàu sang Việt Nam cũng là ngày quân chính quy Bắc Việt đổ vào miền Nam và cũng là ngày quân đội Trung cộng với chính nghiã do quân Mỹ dâng cho, đổ vào Việt Nam để đóng vai hậu bị quân và nếu cần, bảo vệ miền Bắc cho Hà Nội rảnh tay động viên toàn lực vào Nam. Hành động quân sự của Mỹ sẽ làm cho Hà Nội có thái độ bất chấp và thái độ bất chấp đó sẽ được chính hành động quân sự của Mỹ công nhiên giải thích trước công luận và các cường quốc. Ông Thích Trí Quang không thấy rõ được vấn đề, đồng bào Phật giáo không thấy được thâm ý của Mỹ trở thành xúc động và dễ bị xách động».

5.- «Một số linh mục và sĩ quan Công giáo nghĩ lầm rằng lực luợng Công giáo đang đóng một vai trò trọng yếu bảo vệ chế độ, nên đòi hỏi được đối xử như công thần khai quốc với thái độ vừa bất mãn vừa yêu sách».

6.- «Người Mỹ liên tục khuếch trương các mâu thuẫn nội tại ấy để làm một cuộc đảo chánh quân sự».( Nói tới đảo chánh. Cố TT Diệm trầm mặt lặng yên giây lát nhìn khói thuốc (Basto xanh) nhẹ tỏa, nhếch môi cười, Ông Nguyễn Mâu ghi lại).

7.-«Họ muốn lật đổ chế độ nầy để cho lính Mỹ vào Việt Nam. Việt Nam không cần lính Mỹ mà chỉ cần duy trì các quan hệ chính trị quốc tế hiện hữu, dành thời gian cho quân lực trưởng thành và cho tổ chức quốc gia kiện toàn từ trên xuống dưới».

8.- Lính Mỹ đến. Lính Mỹ không dẹp được du kích Cộng sản. Lính Mỹ không ngăn chận được quân Bắc Việt vào Nam. Lính Mỹ tạo chính nghiã và cơ hội cho quân Trung Cộng xuôi Nam. Lính Mỹ sẽ ra đi và lính Mỹ để lại xã hội Việt Nam băng hoại thui chột đạo đức cổ truyền».

9.- «Một Mc Arthur đã thành công ở Triều Tiên trong thế liên hoàn trận địa chiến, ngược lại họ sẽ thất bại ở đây vì hai hình thái chiến tranh khác ngược. Lính Mỹ đến và lính Mỹ sẽ ra đi với miền Bắc ngập tràn quân Trung Cộng và miền Nam tràn những đứa con lai».

10.-« Lính Mỹ đến rồi lính Mỹ sẽ ra đi. Ta để cho lính Mỹ đến rồi khi cần ra đi, ra đi theo lính Mỹ chăng? Không! Ta sẽ chết ở đây cho quê hương. Không! Ta sẽ chết ở đây cho đồng bào ruột thịt. Bắc cũng như Nam».

Lý do nào làm dân gian ghi ơn và nhớ thương cố TT Diệm?

Từ hậu bán thế kỳ tới nay, lịch sử đậm nét ghi ba người trên trên chính truờng của Việt Nam. Đó là Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Thiệu và Ngô Đình Diệm.

Nhưng trên phạm trù ghi ơn và tưởng nhớ trong dân gian, nhân vật Ngô Đình Diệm chiếm một chổ cao ngời như trời với vực, khi đem so sánh với hai người kia.

Thật thế, trên bình diện quốc gia, một người của quần chúng được ghi ơn, phải là con người đã có một tổng hợp hành động, tạo được hạnh phúc thật sự cho dân gian và kế hoạch thái bình cho xứ sở, tối thiểu trong giai đoạn cầm quyền. Về điềm nầy, Hồ Chí Minh tuy thuộc loại lãnh tụ, nhưng bị rớt đài, vì nay cả dân tộc đang nguyển rủa ông ta. Còn ông Nguyễn Văn Thiệu không có tự thế lãnh tụ và cũng không có một điểm son nào gọi là đã tạo được hạnh phúc cho người dân và thái bình cho xứ sở, vì hổi ấy Mỹ hoàn toàn chủ động tại Việt Nam. Riêng cố TT Diệm có đủ 2 yếu tố thoả mãn bắt buộc kể trên. Việc dân gian ghi ơn cố TT Diệm không có gì là ngoại lệ trong văn hóa dân tộc Việt Nam.

Riêng về tuởng nhớ. Một khái niệm tinh thần nối kết giữa “qủa và kẻ trồng cây”. Nếu xem hạnh phúc và an bình xứ sở là quả. Qủa ấy không tự nhiên mà có. Nó phải tới từ một cây và cây ấy do ai trồng? Ăn qủa nhớ kẻ trồng cây là vậy. Một khi đã có qủa, nó sẽ dẫn tới cây và cây sẽ dẫn tới người trồng. Khi dân gian đã nhận được qủa, họ phải nhớ kẻ trồng cây và kẻ ấy là cố TT Diệm.

Tuy thế, Hồ Chí Minh, sau khi đã làm cho Việt Nam tan nát, lại có một đển thờ. Có người cho rằng đó là chứng tích của tội ác.

Riêng về ông Nguyễn Văn Thiệu, cái lý do mà một số người hôm nay dùng để vinh danh ông ta, đó là sự việc ông ta đã chống lại các áp lực của Mỹ, vào các năm 69-72, để bắt VNCH ký vào thỏa ưóc Paris.

Nhưng những áp lực ấy xem ra thật nhỏ bé trước các áp lực và tấn công của Mỹ vào cố TT Diệm của những năm 62-63. Song le điều này chưa phải là điểm giá trị nỗi bật nơi cố TT Diệm. Do đó, lý do tạo vinh danh ông Thiệu là một ý nghĩ rất tầm thường. Vinh danh cái tầm thường và không xem các khía cạnh căn bản cần có để vinh danh. Phải chăng đó chỉ là chiêu bài cho mục tiêu khác hay là một lạm dụng và một lạm phát vinh danh?

Vì các lý do kể trên. Người dân hôm nay mỗi lần ghi ơn và nhắc nhỡ tới Cố TT Diệm là ghi ơn và nhắc nhở “công thần lập quốc”hay cái “hạnh phúc”mà Cố TT đã tạo ra cho họ. Cùng một lúc họ phẫn nộ trước sự tàn nhẫn và bất nhân dành cho bản thân Cố TT Diệm. Nó tới từ bạn lẫn thù.

Vào dịp húy nhật, chúng ta nên nhắc lại các nét đậm đặc ấy:

Nét khai quốc: Chí sĩ Ngô Đình Diệm lập tuyến chống cộng miền Nam

Vào lúc đàm phán tại Geneve gần kết thúc với viễn ảnh chia đôi đất nước, người ăn chơi (Hoàng đế Bảo Đại) và nhà đạo đức (Chí-sĩ Ngô Đình Diệm), tuy không hợp nhau, đã gặp nhau tại Paris.

Vua Bảo Đại bắt Chí–sĩ Ngô Đỉnh Diệm thề:«Yêu cầu ông cam kết với tôi hai điều trước bàn thờ Chúa, là phải giữ vững miền Nam, và nếu không làm được sứ mạng ấy thì phải trao trả quyền lại cho tôi». Kể từ giây phúc đó, chiến tuyến chống cộng miền Nam được thành lập. Tuy hôm nay chiến tuyến ấy không còn nữa, như ng vẫn để lại cái tinh tuý tạo thành cái nhân tiếp tục chiến đấu giải thể CSVN.

Nét vị sự sống còn của nhân dân: Thủ tướng Diệm đón và an cư lạc nghiệp cho gần một triệu đồng bào di cư, nét cứu tử.

Cuộc di cư tị nạn Cộng Sản năm 1954 đã đưa vào Miền Nam gần một triệu đồng bào miền Bắc. Trong số này, có khoảng 200 ngàn quân nhân, công chức và dân các thành thị. Và ai đã tiếp đón họ cũng như đã tạo an cư lạc nghiệp cho những người dân nầy, nếu không phải là cố TT Diệm? Đậy là một hành động có tính cách cứu tử đối với ngừơi dân trên bước đường lánh nạn CSVN.

Nét vị hạnh phúc cho nhân dân: Chín năm dân chủ và an bình dưới Đệ I Cộng Hòa

Kể từ năm 1930 tới nay, dù khách quan hay chủ quan, không một ai có thể phủ nhận, suốt chín năm dưới sự lãnh đạo của Cố TT Diệm, một chiều dài lịch sử chẳng bao lăm, cái hạnh phúc của người dân được sống trong dân chủ và an lành?

Về uy tín quốc tế cố TT Diệm đã làm rạng ngời xứ Việt. Hãy nhìn bức ảnh nầy.Tới nay chưa ai làm được cho quốc gia Việt Nam. Ngoài Cố TT Diệm.

Sống chiến đấu, chết thãm thương vì dân tộc.

Dân tộc nào đã đối xử như thế nầy với chính lãnh tụ của họ?

Lãnh tụ Ngô Đình Diệm suốt đời vì dân !

Về đau thương, Cố TT Diệm có nét của một định mệnh tàn khốc giống Jules César La Mã (101-44) trước kỷ nguyên cứu thế, hay Sir William Wallace Écossais, biệt hiệu William Braveheart Wallace (1270-1305) hay Jeanne d'Arc Pháp (1412-1431). Họ là những anh hùng dân tộc.

Nén hương lòng ghi ơn và tưởng niệm Chí sĩ Ngô Đình Diệm

Về tính cách khai quốc của hậu bán thế kỷ XX và khía cạnh tạo hạnh phúc cho người dân, nét làm cho người dân ghi nhớ và truyền miệng lâu dài và cũng như về uy danh quốc tế làm con dân hãnh diện một thời, chưa ai bằng Cố TT Diệm từ hậu bán thế kỷ XX tới nay.

Nhưng ngày nay tại Lái Thiêu, chỉ có ba nấm mộ sơ sài dưới nắng mưa cho cả Cố TT Ngô Đình Diệm và hai bào đệ cố vấn Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Cẩn. Hai bào đệ cố vấn nầy vì theo anh giúp nước nên cũng theo anh vào cảnh thảm thương! Một hình ảnh của ba anh em Nguyễn Huệ ngày xưa.

Nhưng lòng ngưỡng mộ và kính yêu tự phát của toàn thể đồng bào trong và ngoài nước dành cho ba Vị «Vì Nuớc Vong Thân », nhất là vào dịp húy nhật hàng năm, luôn tăng trưởng theo thời gian và kèm theo một bia miệng trong dân gian ghi ơn và tuởng niệm ngày càng lớn. Ba Vị quả thật xứng đáng với câu ca dao muôn thưở của giống nòi Việt: Vì đã chết ở đây cho đồng bào ruột thịt. Bắc cũng như Nam».

Trăm năm bia đá thì mòn
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Chuẩn bị Đại hội XI đảng CSVN: Có nên kiên định con đường xã hội chủ nghĩa?
Nguyễn Thanh Giang
09:38 29/10/2009
Chuẩn bị Đại hội XI đảng CSVN: Có nên kiên định con đường xã hội chủ nghĩa?

“… Còn đeo đẳng Mác-Lênin và CNXH thì nhiều cộng đồng dân lành vẫn có nguy cơ bị coi là kẻ thù của ĐCSVN. Làm sao mà hết Thái Hà đến Tam Toà; hết Loan Lý đến An Hải… và nay lại đang Bát Nhã! …”

Đại hội XI đảng CSVN sẽ khai mạc trong quý 1 năm 2011. Nguy cơ tiếp tục đưa đất nước theo con đường XHCN, để qua bước quá độ này tiến lên Chủ nghĩa Cộng sản, hầu như vẫn là một khẳng định của những người lãnh đạo đảng CSVN. Bài viết này nhằm góp phần ngăn chặn nguy cơ đó.

I. Hình hài CNXH trong lịch sử hiện đại

Gương mặt CNXH từ buổi lọt lòng đến nay thật dữ dằn, nếu không muốn nói là ghê sợ. Nói về cái xấu, cái sai, cái tàn ác của CNXH đã diễn ra trong thế kỷ qua là chuyện tưởng đã nhàm chán bởi hai lẽ: Một là, vì những chuyện ấy có quá nhiều. Hai là, thực tế đã chứng minh quá rõ. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là, nhiều giới hữu quan vẫn cứ tuồng như không nghe, không thấy, không biết; cho nên ở đây, để làm cứ liệu cho việc bàn thảo, xin vẫn được lược qua đôi chút:

1 - Về chính trị

Được chỉ đạo bởi tinh thần đấu tranh giai cấp, lợi dụng chuyên chính vô sản, các nhà nước XHCN và đảng Cộng sản đã tiến hành nhiều cuộc thanh trừng nội bộ hết sức tàn bạo. Không kể chiến tranh giữa các nước, riêng các cuộc “cách mạng nội bộ” đã tàn sát hàng chục triệu người.

a - Ở Liên Xô

Với chủ trương quốc hữu hoá ruộng đất triệt để, Stalin đã lùa nông dân Nga vào các trại tập trung một cách dã man và khủng khiếp không thua gì các trại tập trung của Đức Quốc Xã ở Auschwitz Ba Lan.

Khoảng 61 triệu 911 ngàn công dân Liên Xô bị chết trong các trại tù Gulag của Liên Bang Xô Viết.

Lãnh tụ cộng sản không chỉ giết công dân mà giết cả đồng chí của họ, Khroutsev đã báo cáo trong phiên họp Đảng ngày 25 tháng 11 năm 1956: “Cuộc điều tra cho thấy: 98 người trong số 139 ủy viên TW chính thức và dự khuyết do Đại hội XVIII (năm 1934) bầu ra, tức là 70%, đã bị bắt và bị xử bắn (phần lớn vào những năm 1937 – 38 )… Không những các ủy viên TW mà đa số dại biểu dự Đại hội XVII của Đảng cũng chịu chung số phận. Trong số 1956 đại biểu chính thức và dự bị thì 1108 người (tức hơn nửa số đại biểu) bị bắt và bị ghép tội phản cách mạng”.

b - Ở Trung Quốc

Nhằm gò ép đất nước vào con đường XHCN theo cách hiểu, cách nghĩ của mình, Mao Trạch Đông đã tiến hành hàng loạt cuộc thanh trừng nội bộ qua những cái gọi là “Chống xét lại, phòng ngừa xét lại”, “Ngăn chặn diễn biến hoà bình”, “Tiếp tục cách mạng dưới nền chuyên chính vô sản”, “Ngăn chặn phục hồi chủ nghĩa tư bản”, “Chống phái đương quyền đi con đường tư bản chủ nghĩa trong Đảng”, “Lôi ra nhân vật kiểu Khrousev” ….

Riêng cuộc Đại Cách mạng Văn hoá tiến hành trong 10 năm đã giết chết 20 triệu người, 100 triệu người bị đem ra đấu tố. (Theo Diệp Kiếm Anh tiết lộ tại lễ bế mạc Hội nghị công tác Trung ương ĐCSTQ ngày 13/12/1978). Tám mươi phần trăm đảng viên cộng sản cương trung bị xử lý trong cuộc Đại cách mạng này. Từ khi nước Cộng hoà Nhân dân Trung hoa thành lập năm 1949 đến ngày Mao Trạch Đông chết (1976), không chính thức có nội chiến, không có thiên tai nghiêm trọng mà số người chết không bình thường lên tới 57,55 triệu. Lớn hơn rất nhiều so với số tử vong trên toàn cầu trong Đại chiến Thế giới thứ hai.

Chế độ độc tài toàn trị kiểu Cộng sản cho phép các “lãnh tụ tối cao” không chỉ tàn sát dân lành mà cả các đảng viên của Đảng. Không chỉ đảng viên thường mà cả các lãnh tụ khác. Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ cũng bị Mao Trạch Đông hạ sát rất thê thảm.

Lâm Bưu, người từng được Mao hứa truyền ngôi song chỉ vì dám làm phật ý, đã bị cho nổ máy bay chết tan xác cùng vợ, con trên đường trốn chạy.

c - Ở Campuchia

Quan triệt tinh thần cách mạng triệt để, cách mạng vô sản phải thông qua bạo lực tiêu diệt toàn bộ những tàn tích các chế độ cũ, xây dựng một thiên đường cộng sản hoàn toàn mới, chính quyền cộng sản Camphuchia trong thời gian cai trị từ 14/04/1975 đến 07/01/1979 đã tàn sát 2.035.000 người dân Campuchia vô tội. Tuân theo giáo huấn của “Tuyên ngôn ĐCS”: “Chủ nghĩa Cộng sản phải xoá bỏ buôn bán, xoá bỏ chế độ sản xuất tư sản, xoá bỏ ngay cả giai cấp tư sản nữa”, đối tượng tiêu diệt của chính quyền Cộng sản Campuchia gồm:

- Bất cứ ai có liên hệ đến chính quyền cũ hay các chính quyền ngoại quốc.
- Những người trí thức hoặc chuyên gia, nhất là những người có đeo kính vì cho rằng họ đã đọc nhiều!
- Những người thuộc sắc tộc Việt Nam; những người theo Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo và các tu sĩ Phật giáo.
- Tiểu chủ, thương nhân… vì bị coi là những người không có khả năng sản xuất ra của cải vật chất

d - Ở Việt Nam

Không kể cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn vì ý thức hệ, cuộc chiến tranh không phải “vì ta ba chục triệu con người”, mà “vì ba ngàn triệu trên đời” (Thơ Tố Hữu) đã tiêu phí 1,1 triệu liệt sỹ, 559 200 thương bệnh binh, hơn 300.000 người mất tích, hơn 2 triệu dân thường bị chết, hơn 2 triệu người lớn và trẻ em bị tàn tật, nhiều cuộc đàn áp phi nhân tính đã diễn ra, nhiều vết thương tinh thần còn xiết đau tâm can dân tộc không biết đến bao giờ mới nguôi ngoai:

- Học tập cách mạng thổ cải của Trung Quốc, Cải cách Ruộng đất ở Việt Nam đã treo cổ, chôn sống, xử bắn, đầy đọa cho đến chết hàng loạt người dân Việt Nam không chỉ vô tội mà còn là những nhân tài kinh tế nông nghiệp bị quy địa chủ, phú nông. Không ai đếm xuể và ước định chính xác được con số thảm họa này. Mười lăm ngàn theo tuần báo Time ngày 1 tháng 7 năm 1957 hay 500.000 người theo nhà văn-nhà báo Pháp Michel Tauriac. Thống kê chính thức của nhà nước Việt Nam được đăng trong cuốn “Lịch sử kinh tế Việt Nam” (tập hai) cho biết là đã có 172.008 người bị quy vào thành phần địa chủ và phú nông mà theo quan điểm của những người thực hiện cuộc cải cách ruộng đất lúc bấy giờ, đây là những người bị xếp vào loại kẻ thù của nhân dân, bị "đào tận gốc, trốc tận rễ". Điều này đồng nghĩa với việc họ có thể bị bắn tại chỗ hoặc bị lãnh án tù rồi chết trong nhà giam.

- Chỉ vì đòi được tư do tư tưởng để tinh thần văn nghệ sỹ có cơ hội thăng hoa trong tác phẩm, đòi văn nghệ được thoát khỏi xiềng chính trị, đòi trả văn nghệ về phục vụ cho nhân dân chứ không chỉ phục vụ Đảng mà văn nghệ sỹ, trong đó có cả những đảng viên Cộng sản kỳ cựu, những trí thức tiền bối của cách mạng bị quy chụp, bị mạt sát là “ một ổ phản động toàn những gián điệp, mật thám, lưu manh, trốt-kít, địa chủ tư sản phản động, quần tụ trong những tổ quỷ với những gái điếm, bàn đèn, sách báo chống cộng, phim ảnh khiêu dâm…. đủ mặt các loại "biệt tính": từ bọn Phan Khôi, Trần Duy mật thám cũ của thực dân Pháp đến bọn gián điệp Thuỵ An, từ bọn trốt-kít Trương Tửu, Trần Đức Thảo đến bọn phản Đảng Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Lê Đạt” (**).

Họ là những trí thức tài ba, giàu lòng yêu nước, từng có công đầu đối với cách mạng nhưng hoặc bị cách mạng “ăn thịt”, hoặc bị đầy đọa đằng đẵng.

- Chỉ vì đấu tranh chống lại việc áp dụng CNXH theo Mao-ít, một vụ đàn áp trí thức dã man lại được lãnh đao đảng CSVN xúc tiến dưới tên goi “Vụ án Xét lại Chống Đảng”. Trong vụ này, nhiều công thần cách mạng như Dương Bạch Mai, Bùi Công Trừng, Lê Liêm, Vũ Đình Huỳnh, Đặng Kim Giang, Nguyễn Minh Cần, Ung văn Khiêm, Trần Minh Việt, Hoàng Minh Chính, Nguyễn văn Vịnh…; nhiều học giả, nhà văn, nhà báo trứ danh như Nguyễn Kiến Giang, Phạm Viết, Hoàng Thế Dũng, Văn Doãn, Vũ Thư Hiên, Minh Tranh, Đào Phan, Bùi Ngọc Tấn… hoặc bị giết hoặc bị đầy đọa khốn đốn.

2 - Về kinh tế

Sau Đại chiến Thế giới lần thứ Hai, trừ Mỹ, tất cả các nước đều phục hồi đất nước theo con đường kinh tế TBCN. Không kể Nhật Bản từ đống tro tàn của mấy quả bom nguyên tử đã vươn cao vời vợi thành một trong hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, tất cả các nước TBCN ngày nay không chỉ dân chủ hơn, công bằng hơn mà còn giàu mạnh hơn, văn minh hơn các nước XHCN.

Trong khi đó, Cuba khi mới gia nhập gia đình XHCN đã mang theo một La Habana hoa lệ nổi tiếng toàn cầu, đời sống nông dân không kém các nước TBCN là bao, thế mà nay, phải ngửa tay xin cái anh bạn nghèo Việt Nam mấy tấn gạo, vài cái computer. ...

Triều Tiên xác xơ đến nỗi nhân dân tìm mọi con đường trốn khỏi đất nước không chỉ để thoát khổ nghèo mà còn để thoát khỏi cái địa ngục tinh thần XHCN ấy. Trong khi đó Nhà nước, dưới sự lãnh đạo của ĐCS đang trở thành “kẻ cố cùng” đem vũ khí nguyên tử ra quấy rầy cộng đồng quốc tế, để ân vòi, ăn vạ và dọa phá bĩnh !

Sự tương phản oái oăm giữa CNTB và CNXN càng phơi bày trực diện hơn ở các nước bị chia cắt hai miền.

Nếu Hàn Quốc chưa được là thiên đàng thì Triều Tiên là địa ngục.

Thu nhập bình quân đầu người ở Tây Đức gấp 4 lần Đông Đức. Đến năm 1961 dã có 2,7 triệu người Đông Đức bỏ đi hoặc chạy trốn sang Đông Đức, phần vì tỵ nạn chế độ chính trị hà khắc, phần vì không chịu được cuộc sống nghèo khổ do chế độ XHCN đem lại. Ngày mới sáp nhập hai nước, giá trị sản phẩm của Tây Đức chiếm 93% trong toàn bộ, Đông Đức chỉ có 7%.

“Chế độ XHCN bạo lực – giai đoạn đầu của chủ nghĩa Cộng sản – trải qua hơn 70 năm nỗ lực hết sức mình để đuỏi kịp và vượt các nước tư bản chủ nghĩa, chỉ riêng Liên Xô và Trung Quốc đã phải trả giá 50 triệu người chết đói (Liên Xô 13 triệu, Trung Quốc 37 triệu) mà cũng không đuổi kịp các nước TBCN chủ yếu trên phương diện “sản xuất và tái sản xuất trong đời sống hiện thực” (*).

“GDP của Trung Quốc năm 1955 chiếm 4,7% thế giới, năm 1980 tụt xuống 2,5%; năm 1955 gấp 2 lần Nhật Bản đến năm 1980 chỉ còn bằng 1 phần tư. GDP bình quân đầu người năm 1955 bằng một nửa Nhật Bản, đến năm 1980 còn chưa được một phần 20. Năm 1960 GDP Trung Quốc chỉ kém Mỹ 460 tỷ USD, đến năm 1980, con số này vọt lên tới 3.680” (*).

“Mao phát động phong trào Đại tiến vọt và Công xã hoá, tiến hành cuộc thực nghiệm CNXH không tưởng lớn chưa từng thấy và cũng gây ra tấn thảm kịch lớn chưa từng thấy trong lịch sử loài người: 35,55 triệu người chết đói”(*). “Nạn ăn thịt người đã diễn ra ở Tứ Xuyên và nhiều nơi khác: khi chôn người chết chỉ vùi nông, tối đến bới lên xẻo lấy thịt ăn, hoặc tang chủ đã lóc thịt thân nhân trước khi mai táng.... Kẻ nhẫn tâm thì làm thịt con ngay tại nhà mình. Kẻ mềm yếu hơn thì “gạt nước mắt đánh đổi với hàng xóm”, trao con mình cho người khác ăn, mang con người khác về làm thịt”(*).

Trong khi nền kinh tế Phương Tây chưa phát triển đáng kể thì Việt Nam đã có Kinh Kỳ, Phố Hiến, tuy nhiên nói đến sự tụt hậu quá xa so với thế giới ngày nay, người ta thường nguỵ biện đổ lỗi cho chiến tranh, nhưng, hết chiến tranh rồi mà năm 1975 Sài gòn có tiềm lực kinh tế ngang với Băng Cốc, và được xem là Hòn Ngọc của Viễn Đông, thì 20 năm sau, Sài Gòn tụt hậu so với Băng Cốc 20 năm. Đây là nhận xét của ngài Lý Quang Diệu – người được lãnh đạo Việt Nam mời làm cố vấn một cách rất cung kính.

II. Ai đưa Việt Nam vào con đường XHCN?

“Một số người cộng sản ngày nay nói một cách khẳng định rằng: “chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản là sự lựa chọn của nhân dân Việt Nam”. Đúng thế chăng? Tôi xin phép được nghi ngờ. Có lẽ không có gì rõ hơn sự lựa chọn của nhân dân Việt Nam trong thời kỳ cách mạng Tháng Tám. Hồi đó, nhân dân lựa chọn cái gì? Lựa chọn độc lập, tự do, hạnh phúc, lựa chọn Nhà nước cộng hoà dân chủ, lựa chọn Việt Minh như một mặt trận thống nhất dân tộc thật sự với những thành viên khác nhau của nó, lựa chọn những người có đức có tài lãnh đạo quốc dân. Lựa chọn bằng những cuộc khởi nghĩa tháng Tám đầy khí thế. Lựa chọn bằng tham gia Giải phóng quân, Vệ quốc đoàn, Nam tiến… Lựa chọn bằng Tổng tuyển cử (6/1/1946) một cuộc bầu cử hoàn toàn tự do, có sự tham gia của nhiều tổ chức và cá nhân thuộc những xu hướng chính trị khác nhau. Lựa chọn bằng Hiến pháp thật sự dân chủ tháng 11/1946 do Quốc hội đầu tiên thông qua”.

Đấy là ý kiến của học giả Nguyễn Kiến Giang trong tiểu luận “Nhìn lại quá trình du nhập chủ nghĩa Mác-Lenin vào Việt Nam”.

Đại văn hào Pháp Victor Hugo đã rất đúng khi ông nói: “Chủ nghĩa Cộng sản là giấc mơ của một vài người, nhưng là cơn ác mộng cho mọi người”.

Các nhà lãnh đạo đảng CSVN ngày nay hết vu vạ cho nhân dân, lại “đổ tội” cho Cụ Hồ là người đã chọn con đường XHCN nhằm gỡ thế bí trước cả thực tiễn lẫn lý luận, đồng thời để làm khiên chắn cho mình,.

Kể ra thì cũng có những sự thực trớ trêu như:

Trong báo cáo chính trị đọc tại Đại hội 2 (tháng 2 năm 1951) Hồ Chí Minh từng thành thực giãi bầy: “Cách mạng Việt Nam phải học nhiều kinh nghiệm của cách mạng Trung Quốc. Kinh nghiệm và tư tưởng Mao Trạch Đông đã giúp chúng tôi hiểu thấu đáo hơn học thuyết của Mác-Anghen-Lênin-Stalin”.

Trong “Báo cáo về dự thảo Hiến pháp sửa đổi năm 1959” Cụ cũng khẳng định: “chế độ ta phải xoá bỏ các hình thức sở hữu không XHCN, làm cho nền kinh tế gồm nhiều thành phần phức tạp trở nên một nền kinh tế thuần nhất dựa trên chế độ sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể”.

Tuy nhiên, trong buổi nói chuyện ngày 11 tháng 4 năm 2001 tại Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục, nhà văn Sơn Tùng lại cho rằng: “Bây giờ họ sai lầm đến mức nói đi theo con đường Bác Hồ đã chọn, có đi theo Bác đâu. Bác Hồ là đảng Lao động, là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà….. Thế rồi từ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà lại đổi thành Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, rồi đảng Lao động thành đảng Cộng sản… những cái mà Bác Hồ đặt ra thì người ta xoá bỏ. Và năm đó, họ định sau Đại hội 5 sẽ rời thủ đô vào Đắc Lắc. Đó là chuyện của ông Lê Duẩn”.

Quả đúng như vậy. Cụ Hồ đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và cho đến ngày Cụ qua đời, nước ta vẫn là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Trong suốt thời kỳ nước ta bị Pháp đô hộ, tinh thần chống ngoại xâm giành độc lập dân tộc không ngừng âm ỷ và đã từng bùng phát qua nhiều phong trào: phong trào Cần Vương (1885-1912), phong trào Văn Thân (1907-08), phong trào Đông Du (1905-39) và Việt Nam Quốc Dân Đảng (1925-22 và 1945-46)..

Phong trào Cần Vương bao gồm nhiều vụ nổi dậy vũ trang như: vụ Tôn Thất Thuyết chống Pháp và mang vua Hàm Nghi ra khỏi kinh thành (1885-88), vụ Phan Đình Phùng khởi nghĩa (1885-95), vụ Bãi Sậy (1885-89), vụ Hoàng Hoa Thám lập chiến khu ở Yên Thế (1890-1913). Tất cả những vụ này đã nổ ra liên tiếp và có khi đồng thời nhưng rời rạc không liên kết, và đã lần lượt thất bại.

Phong trào Văn Thân, tiêu biểu là Phan Châu Trinh, tin rằng bằng cách đề huề hợp tác với Pháp, khai dân trí, chấn dân khí thì có thể canh tân được xứ sở và dân chủ hoá được chế độ. Tuy nhiên, mặc dầu lời kêu gọi của Cụ được giới trí thức nhiệt liệt hoan nghênh, nhưng kết quả đấu tranh chưa buộc người Pháp nhân nhượng được là bao thì tiếc thay cụ đã qua đời.

Phong trào Đông Du tin tưởng ở tinh thần đoàn kết Á Châu, dưới sự lãnh đạo của |Nhật Bản có thể vũ trang vùng dậy giành lại chủ quyền. Tuy nhiên sau khi lãnh tụ Phan Bội Châu bị bắt thì phong trào cũng tan rã.

Dựa vào tinh thần dân tộc được khơi dậy mạnh mẽ qua các cuộc bãi khoá khi cụ Phan Bội Châu bị bắt năm 1925 và bùng phát khi nhiều học sinh, sinh viên bị đuổi khỏi trường và cấm không được thi cử vì tham gia phong trào để tang Phan Châu Trinh, Nguyễn Thái Học - một sinh viên Đại học Sư phạm - đã lập nên Việt Nam Quốc dân đảng. Số đảng viên đã từng lên tới hàng ngàn nhưng phần đông là trí thức, học sinh, sinh viên, tiểu thương, tiểu chủ và hạ sĩ quan trong quân đội. Thế mà, sau tiếng bom Phạm Hông Thái vang rền, phong trào cũng vỡ theo.

Trước ngổn ngang những con đường đã dẫn những người đi trước đến thất bại đau lòng, Nguyễn Ái Quốc bật khóc khi lần đầu tiếp cận được với luận cương cách mạng của Lênin. Ông nói: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” (***)

Năm 1960, nhân dịp sinh nhật thứ 70, Người tâm sự: “Lúc đầu, chính chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lê-nin, tin theo Quốc tế Thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác-Lê, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.

Trong bài viết “Niềm tin và nỗi lo” nhà báo, nguyên ủy viên Ban Bí thư TW ĐCSVN Hoàng Tùng kể rằng: “Lê văn Lương nói với tôi: Trong những tháng nằm giường bệnh, Bác Hồ dặn lại ông: Mình không có điều gì ân hận, chỉ tiếc không loại trừ được ảnh hưởng của chủ nghĩa tả khuynh của Liên Xô và Trung Quốc vẫn còn kéo dài trong nội bộ Đảng ta. Nhờ đường lối độc lập tự chủ mà ta đã tập hợp được lực lượng của toàn dân tộc, đưa cách mạng nước nhà đến những thắng lợi vẻ vang. Do tác động từ bên ngoài, ta đã phải chịu đựng những tổn thất to lớn. Vì cuộc kháng chiến còn kéo dài, tôi chưa thể nêu vấn đề này ra. Sau này các chú phải làm cho được”.

Vậy là chủ yếu Nguyễn Ái Quốc chỉ muốn sử dụng chủ nghĩa Mác-Lenin như một phương tiện để chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc. Sau này Cụ cũng có lúc nói đến CNXH nhưng không nhiều, cũng không sâu sắc mặn mà lắm.

Có thể nói, Hồ Chí Minh đã góp phần du nhập chủ nghĩa Mác vào Việt Nam, nhưng tập đoàn Lê Duẩn- Lê Đức Thọ mới là người chính thức đưa nước ta vào con đường XHCN !

Sự thực là, Hồ Chí Minh cũng chưa có điều kiện để đọc nhiều và tìm hiểu tường tận chủ nghiã Mác-Lênin. Điều này không có gì lạ cả, chủ nghĩa Mác vốn đã mù mờ, sau đó lại còn bị Lênin, Stalin, Mao Trạch Đông … bẻ quẹo đi rất nhiều.

Nó mù mờ đến nỗi, ngay từ năm 1936 Stalin đã dám ngang nhiên tuyên bố: Liên Xô đã xây dựng thành công CNXH. Có lẽ Stalin còn tin rằng ngay trong kiếp sống của ông, ông đã có thể đưa Liên Xô vào thiên đường Cộng sản. Bởi vì, Lênin đã định chuẩn một cách dễ dàng: “Chủ nghĩa Cộng sản là chính quyễn Xô viết cộng với điện khí hoá toàn quốc”.

Trong bài “Những trang nhật ký của một nhà chính luận” Lênin còn giảng giải: “Chúng ta không kỳ vọng rằng Mác hay những người theo chủ nghĩa Mác đều hiểu biết mọi mặt cụ thể của con đường tiến lên CNXH. Như thế là phi lý. Chúng ta chỉ biết phương hướng của con đường đó và những lực lượng giai cấp nào dẫn đến con đường đó; còn như về cụ thể và trên thực tế con đường đó ra sao, thì kinh nghiệm của hàng triệu con người sẽ chỉ rõ, khi họ bắt tay vào hành động”.

Hãy văn học hoá lời giảng giải kia bằng mẩu chuyện sau:

Cắm một ngọn cờ bằng kim cương óng ánh trên một đỉnh núi cao ngàn mét rồi hỏi: Ai muốn lên chiếm lĩnh ngọn cờ vinh quang và quý báu đó? Tất cả đều trả lời muốn. Lại hỏi, làm thế nào để lên được? Mọi người, kể cả các lãnh tụ tài ba, các trí thức uyên thâm còn đang suy ngẫm lao lung thì cậu bé lên ba trả lời ngay, trèo! Lại hỏi, trèo theo phương hướng, đường lối nào? Cậu bé nhanh nhảu: toán học đã dạy, đường thẳng là đường ngắn nhất, cứ theo đường nối từ chân cháu lên lá cờ mà trèo! (bỏ qua phát triển tư bản). Lại hỏi: ai trèo?, “lực lượng giai cấp nào dẫn đường”? Cậu bé lên ba: Ông cháu là lão nông đã ngoại tám mươi dẫn đường cho cháu trèo!

Cho nên chính tổng bí thư ĐCS Liên Xô Brezhnev từng nói với em trai mình: “Chủ nghĩa Cộng sản cái quái gì, đều là những lời nói trống rồng lừa bịp” (Theo Hồi ức của Liuba, cháu gái Brezhnev).

III. Chủ nghĩa xã hội nào?

Nói Lênin, Stalin, Mao Trạch Đông đã bẻ quẹo chủ nghĩa Mác là mới nói nửa chừng. Thực tế, Lênin, Stalin và đặc biệt Mao Trạch Đông đã chống lại Mác. Đến lượt mình, chính Mác già đã phủ định Mác trẻ.

Trong cuốn Mao Trạch Đông ngàn năm công tội Tân Tử Lăng có kể một truyện cười chính trị: “Một người Trung Quốc đến thăm nơi ở cũ của Mác tại thành phố Trier hỏi người giữ của: “Nước Đức các ngài sản sinh ra Mác, vì sao không tôn thờ chủ nghĩa Mác?” Người gác cửa nói: “Mác là người học vấn uyên thâm, để lại cho đời hai cuốn kinh điển, một cuốn chủ nghĩa Mác nghèo và một cuốn chủ nghĩa Mác giàu. Nghe các cụ già nói thế kỷ trước, có một người tên gọi Lênin rất lợi hại, ông ta cướp mất cuốn chủ nghĩa Mác nghèo, chúng tôi chỉ còn lại cuốn chủ nghĩa Mác giàu, cũng chẳng chính thống gì, nhưng cuộc sống thật dễ chịu” ( * ).

Nói về sự bẻ quẹo chủ nghĩa Mác của Lênin, Stalin, Mao Trạch Đông e lại rơi vào chuyên “nói xấu” CNXH, mà đây là chuyện “khổ lắm, biết rồi, nói mãi”, bây giờ xin nói qua về sự phủ định chủ nghĩa Mác của chính Mác-Anghen.

Về quyền tư hữu của con người, Tuyên ngôn ĐCS viết: “Những người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành một luận điểm duy nhất này là: xoá bỏ chế độ tư hữu”. Mác xem tư hữu là “vật đáng ghét nhất” và nhiệm vụ cơ bản của cách mạng vô sản là xoá bỏ tư hữu. Nhưng trong tiểu luận “Tư hữu và khát vọng cá nhân”, Vũ Cao Quận lại cho rằng “… phải đến khi khác với các loài vật đi kiếm ăn bằng các sản vật tự nhiên, các cụ tổ ngày xưa đã biết gieo trồng, cấy hái…. để có của ăn của để và làm kho cất dấu để dự trữ. …. Với riêng tôi, tôi xin viết hoa hai chữ “Tư Hữu”, là sáng tạo vĩ đại để từ con vật tiến lên thành con người ngày càng giàu có. Hai anh em: “Động lực Cá nhân” và “Tư Hữu” chính là “Động lực phát triển của xã hội loài người” …. “Tư Hữu” được các cụ loài vượn của chúng ta phát minh ra và “vác” chúng trên vai lừng lững đi trên con đường tiến hoá nhân loại, xuyên qua bao chế độ xã hội, bao thể chế chính trị, đưa cuộc sống từ hồng hoang man dại đến văn minh hôm nay”.

Đòi tiêu diệt chế độ tư hữu, tiêu diệt giai cấp tư sản, chấm dứt phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, tuyên án tử hình ngay chủ nghĩa tư bản là sai lầm lớn của Mác-Anghen. Đành rằng Mác là một trong những bộ óc vĩ đại của nhân loại, nhưng khi công bố “Tuyên ngôn ĐCS” Mác mới có 30 tuổi, cho nên rất có thể lúc ấy, ở Mác còn rơi rớt cái tuổi xốc nổi.

Sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 1866 các công ty cổ phần và các ngân hàng đầu tư quy mô lớn ra đời, tích lũy tư bản không còn dựa vào các chủ xí nghiệp tự tập hợp vốn qua tiết kiệm và dự trữ mà dựa vào dự trữ của toàn xã hội. Các công ty cổ phần ra đời dựa vào quy trình thu hút vốn xã hội để xây dựng xí nghiệp. Thực trạng đó đưa Mác đến nhận định rằng các công ty cổ phần “đã từ bỏ sản nghiệp tư hữu của CNTB trên cơ sở bản thân hệ thống TBCN”. Nhà tư bản không còn xí nghiệp tư nhân, mà chỉ có tài sản tư nhân, phần tài sản tư nhân này là bộ phận tài sản xí nghiệp được lượng hoá bằng tiền. Việc tách quyền sở hữu và quyền quản lý là một cuộc “cách mạng” hoà bình, tạo khả năng quá độ hoà bình sang một chế độ mới. (*)

Công ty cổ phần ra đời khiến Mác chẳng những tìm được hình thức coi tư liệu sản xuất “là tài sản chung của những người cùng sản xuất, tài sản xã hội trực tiếp”, mà còn tìm được điểm quá độ “tư bản chuyển hoá thành sở hữu của người sản xuất” (*).

Anghen cho rằng: “Sản xuất TBCN do các công ty cổ phần kinh doanh, không còn là sản xuất tư nhân, mà là sản xuất mưu lợi cho rất nhiều người kết hợp cùng nhau”.

Ngay trong Tư bản luận tập Một, Mác đã đã phủ định luận điểm xoá bỏ chế độ tư hữu trong “Tuyên ngôn ĐCS” bằng câu: “thiết lập lại chế độ sở hữu cá nhân, trên cơ sở cùng chiếm hữu tư liệu sản xuất”.

Về vấn đề xác định lực lượng sản xuất tiên tiến của xã hôi, Tân Tử Lăng cho rằng: “Lực lượng sản xuất” và “lực lượng sản xuất tiên tiền” là hai khái niệm khác nhau. Lực lượng sản xuất duy trì dây chuyền sản xuất vận hành cân bằng theo tiêu chuẩn chất lượng và số lượng nhất định; lực lượng sản xuất tiên tiến phải phá vỡ sự cân bằng cũ, tạo ra tiêu chuẩn chất lượng và số lượng mới, nâng sản xuất lên một mức thang mới. Công nhân đại diện cho lực lượng sản xuất, nhưng không đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến; người đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến là nhà tư bản. Đó là điều đã được lịch sử phát triển lực lượng sản xuất chứng minh” (*).

Muốn tiên tiến trong sản xuất phải coi trọng sáng kiến, phát minh và máy móc mới. Vì sợ mất ổn định cuộc sống, sợ việc ứng dụng phát minh và máy móc mới sẽ buộc phải ngừng việc để đi hoc thêm, phải đổi nghề hoặc mất việc, công nhân thậm chí thù ghét máy móc mới. Chính Mác đã nói: “Máy móc không những là người cạnh tranh rất hùng mạnh, lúc nào cũng có thể khiến công nhân làm thuê trở nên dư thừa, mà nó còn được các nhà tư bản công khai tuyên bố là lực lượng thù địch công nhân, và ra sức lợi dụng. Máy móc trở thành vũ khí mạnh mẽ nhất đàn áp bãi công tức những cuộc bạo động mang tính chu kỳ của lao động phản kháng ách chuyên chế tư bản…. Có thể viết cả một pho sử chứng minh rằng nhiều phát minh từ 1830 đến nay chỉ nhằm bảo hộ nhà tư bản đối phó với các cuộc bạo động của công nhân” (*).

Phát minh, sáng chế của các nhà khoa học nếu chỉ dừng lại trên văn bản thì không thể hình thành lực lương sản xuất. Do được thôi thúc bởi lợi nhuận siêu ngạch, các nhà tư bản trở thừnh những người nhiệt tình nhất, tích cực nhất, dù phải chấp nhận rủi ro để thử nghiệm rồi chuyển hoá thành quả nghiên cứu thành lực lượng sản xuất.

Là người phổ cập hoá kỹ thuật mới, máy móc mới, vật liệu mới, các nhà tư bản là người nắm vị trí chủ đạo trong xí nghiệp hiện đại, họ mới chính là người đại diện cho quan hệ sản xuất tiên tiến, đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến, chứ không phải giai cấp công nhân.

Giai cấp công nhân không nên và không thể thông qua đấu tranh giai cấp để đào mồ chôn giai cấp tư bản.

Ngày 6 tháng 3 năm1895, trong lời nói đầu cuốn Đấu tranh giai cấp ở Pháp, Anghen đã viết: “Lịch sử chứng tỏ chúng ta từng mắc sai lầm, quan điểm của chúng ta hồi đó chỉ là một ảo tưởng. Lịch sử còn làm được nhiều hơn: không những đã loại bỏ được những sai lầm mê muội của chúng ta hồi đó, mà còn thay đổi hoàn toàn điều kiện đấu tranh của giai cấp vô sản. Phương pháp đấu tranh năm 1848 nay đã lỗi thời về mọi mặt… Không có cái gọi là mục tiêu lớn “Cộng sản chủ nghĩa”, đây là mệnh đề mà người sáng lập chủ nghĩa Mác nêu ra khi còn trẻ và từ bỏ lúc về già”.

Ở tuổi 73, trong lời phát biểu với phóng viên báo Le Figaro Pháp ngày 11 tháng 5 năm 1893 ông càng khẳng định đoạn tuyệt với Chủ nghĩa Cộng sản: “Chúng tôi không có mục tiêu cuối cùng, chúng tôi là những người theo thuyết không ngừng phát triển, chúng tôi không tính chuyện áp đặt cho loài người quy luật cuối cùng nào”.

IV. Vì sao cần phải từ bỏ chủ nghĩa xã hội?

Vào khoảng cuối thập kỷ 70, thế kỷ trước, phó thủ tướng phụ trách công nghiệp Trung Quốc Vương Chấn sang thăm Vương quốc Anh, trở về, ông phát biểu: “Tôi thấy nước Anh làm hay lắm, vật chất cực kỳ dồi dào, ba chênh lệch lớn cơ bản không còn nữa, xã hội công bằng, phúc lợi xã hội được tôn trọng, nếu cộng thêm đảng Cộng sản cầm quyền thì nước Anh là xã hội Cộng sản chủ nghĩa trong lý tưởng của chúng ta”.

Câu nói đó bộc bạch tâm can của những “nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc thông minh”:

Hãy xây dựng xã hội tư bản dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ và gọi đấy là Chủ nghĩa Cộng sản.

Muốn duy trì được quyền cai trị của ĐCSTQ hãy cứ hô cộng sản nhưng phải dốc lòng xây dựng chủ nghĩa tư bản.

Đây chính là sách lược “Bật tín hiệu rẽ trái, bẻ tay lái sang phải” của “những nhà cải cách thông minh” Trung Quốc.

Thực tế cho thấy Trung Quốc đã từ bỏ CNXH.

Tại Hội nghị Trung ương 3 khoá 14 ĐCSTQ do Giang Trạch Dân chủ trì đã quyết định loại bỏ kinh tế kế hoạch, thực hiện kinh tế thị trường.

Tháng 3 năm 2004, Hồ Cẩm Đào vừa nhậm chức, kỳ họp thứ 2 quốc hội Trung Quốc khoá 10 đã đưa tư tưởng quan trọng “Ba đại diện”, và điều khoản quan trọng bảo vệ chế độ tư hữu vào Hiến pháp.

Hiến pháp sửa đổi đã bẻ quặt hẳn tay lái ĐCSTQ khỏi đường lối chính trị cũ:

- Khôi phục cơ sở chính trị kiến quốc, thừa nhận và bảo vệ chế độ tư hữu, khôi phục chính sách hợp tác với giai cấp tư sản.

- Thừa nhận chủ xí nghiệp tư nhân (giai cấp tư sản) là lực lượng xây dựng CNXH. Họ không còn bị xem là giai cấp bóc lột, chỉ được tồn tại trong thời gian nhất định rồi sẽ bị tiêu diệt.

- Thừa nhận lực lượng sản xuất do phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa tạo ra là lực lượng sản xuất tiên tiến, các xí nghiệp tư nhân đại diện cho quan hệ sản xuất tiên tiến.

Sau những chiến dịch cách mạng XHCN Đại nhảy vọt, Đại Cách mạng Văn hoá của Mao Trạch Đông làm cho Trung Quốc sắp hấp hối, khẩu lệnh cứu nguy “Mèo trắng, mèo đen, miễn bắt được chuôt” của Đặng Tiểu Bình lúc bấy giờ có thể hiểu là: TBCN hay XHCN, miễn Trung Quốc thoát đói khổ, tiến lên no ấm; XHCN hay TBCN miễn cứu được ĐCSTQ.

Tay lái ngoằn ngoèo của Đặng Tiểu Bình tài ba ở chỗ ông dùng giọng cộng sản để hô lớn: “Một yêu cầu đặt ra trong quá trình lâu dài của công cuộc xây dựng CNXH là phải cho phép một số người và một số địa phương giàu trước, người giàu trước lôi cuốn người giàu sau, cuối cùng tất cả cùng giàu”.

Đấy là cách nói lái của nội dung sau: phải để cho giai cấp tư bản phát triển rồi mới xây dựng được CNXH.

Trung Quốc cũng giỏi ở chỗ biết dõng dạc tuyên bố: Xây dựng CNXH mang đặc sắc Trung Quốc. Độ mở của lời tuyên bố này rất rộng, cho phép họ muốn làm gì thì làm, muốn na ná XHCN cũng được, muốn giống hẳn chủ nghĩa tư bản hiện đại cũng chẳng ai dễ dàng bắt bẻ.

Trong khi đó, ở Việt Nam, người ta muốn nói dối cũng không biết đường nói dối!

Cũng phải thôi. Trong khi Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào … đều có trình độ học vấn cơ bản tương đối cao thì các Tổng Bí thư của ta chỉ tương đương tiểu học, trung học! Cầm đầu công tác lý luận của Đảng lại nếu không phải hai cụ tiểu học, trung học chỉ được học lỏm về Mác -Lênin thì cũng chỉ mấy ông thư lại viết mướn diễn văn cho các cụ, được các cụ sơn vẽ cho mấy cái tước danh giáo sư tiến sỹ nhưng, mấy ông này, đến thực tế cuộc sống xã hội cũng không có chứ đừng nói đã qua trui rèn cách mạng.

Sao lại cứ phải là “Kinh tế thị trường định hướng XHCN” nhỉ? Trong tâm khảm mọi người bốn chữ XHCN có tốt đẹp gì đâu, hấp dẫn gì đâu. Cụ Trần Độ vốn là người thích hài hước nhưng Cụ đã nói rất đúng: “Đinh hướng XHCN là định hướng vào chỗ chết thì định hướng làm gì!”.

Hãy bắt chước người ta mà tuyên bố “Xây dựng nền kinh tế thị trường XHCN mang đặc sắc Việt Nam” cũng được chứ sao. Rồi muốn vẽ rồng vẽ voi gì chẳng được. Tất nhiên chưa thể đủ tầm trí tuệ làm khác các nước tư bản hiện đại được đâu.

Có người bảo thôi đừng tranh luận làm gì, nhỡ mang vạ vào thân, họ nói gì mặc họ, họ đang làm tư bản đấy mà.

Không được.

“Kinh tế thị trường định hướng XHCN” là biểu hiện dốt nát của vài người này nhưng là sự gian ngoan, xảo trá của bọn người kia. Người ta lợi dụng kinh tế thị trường (không theo định chuẩn của kinh tế thị trường) để làm giàu bất chính và trở thành tư bản đỏ. Người ta lợi dụng định hướng XHCN để cướp đọat, bóc lột công nhân và nông dân tàn tệ hơn CNTB và đàn áp chính trị dã man kiểu chuyên chính vô sản.

“Định hướng XHCN” cho phép người ta đổ vô tội vạ xương máu, nước mắt, mồ hôi của nhân dân vào các doanh nghiệp nhà nước rồi đem chia chác tư bản cho nhau.

“Định hướng XHCN” cho phép người ta không cần đa dạng hoá sở hữu ruộng đất, cứ để vậy mà biếu xén, ban phát cho nhau; cho cả tư bản nước ngoài để được lại quả tỷ tỷ đồng! Dân lành bị cướp đất bỗng biến thành dân oan và bị trừng trị thẳng tay, bất kể cựu chiến binh, bất kể bà mẹ Việt Nam anh hùng!

Còn đeo đẳng Mác-Lênin và CNXH thì nhiều cộng đồng dân lành vẫn có nguy cơ bị coi là kẻ thù của ĐCSVN. Làm sao mà hết Thái Hà đến Tam Toà; hết Loan Lý đến An Hải… và nay lại đang Bát Nhã! Phải chăng trong đầu người ta vẫn còn lởn vởn lời dạy của Lênin: “Chúng ta phải đấu tranh với tôn giáo. Đó là điều sơ đẳng của toàn bộ chủ nghĩa duy vật và do đó của chủ nghĩa Mác”, bởi vì Lênin coi tôn giáo là “một trong những thứ đê tiện nhất đã từng có trên trái đất này”.

Có thể có câu hỏi: Không định hướng XHCN thì là cái gì? Câu trả lời sẽ phải bằng nhiều bài viết khác nữa.

Hà Nội 15 tháng 10 năm 2009
Nguyễn Thanh Giang
Số 6 – Tập thể Địa Vật lý Máy bay
Văn – Từ Liêm – Hà Nội
Điện thoại: 35 534 370



(*) Rút trong cuốn Mao Trạch Đông ngàn năm công tội của Tân Tử Lăng
(**) Trong cuốn Qua cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại " Nhân Văn - Giai Phẩm" trên mặt trận văn nghệ. Nhà xuất bản Văn Hoá, 1958. (***) Lời tựa viết cho bản tiếng Nga quyển Hồ Chí Minh, Những bài viết và nói chọn lọc.

 
Với Thứ trưởng Nguyễn Quân: Không có tội hay không có đạo đức xã hội?
J.B Nguyễn Hữu Vinh
09:52 29/10/2009
Tội hay đạo đức?

Đọc bài trả lời phỏng vấn của một Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ về việc Vedan được trao giải thưởng với câu trả lời tỉnh queo: “Sản phẩm của Công ty Vedan VN không có tội…” tôi lại nhớ đến câu nói tương tự của một cô bé học sinh khi đoạn phim quay cảnh sinh hoạt tình dục với bạn trai bị phát tán lên mạng tạo nên cơn sốc cho toàn xã hội. Cô bé đó được Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đưa lên màn ảnh để diễn màn khóc lóc, cảm thông và phát biểu với 84 triệu dân VN rằng: “Em không có tội”.

Vâng, có tội hay không có tội, những người dân VN đều hiểu, có thể pháp luật không can thiệp, nhưng có một tòa án khác, tòa án đạo đức xã hội và dư luận luôn cảnh giác và lên tiếng. Chỉ biết rằng dư luận nhân dân đã coi việc làm của VTV là một việc làm phản cảm với cộng đồng. Đưa hình ảnh một cô bé học sinh chưa chồng, đã coi việc sinh hoạt tình dục là chuyện bình thường và tỉnh queo “Em không có tội” thì không thể được sự đồng thuận của dân chúng và nhất là khó có thể ăn nhập với đạo đức xã hội truyền thống của VN.

Và đến nay, ông Thứ trưởng của một Bộ mà người ta coi rằng Bộ này phải là người hiểu nhất và quản lý tốt nhất về khoa học, công nghệ của đất nước, lẽ ra ông Thứ trưởng phải hiểu cặn kẽ việc một sản phẩm được tạo thành như thế nào, công nghệ nào thì không bị coi là ảnh hưởng đạo đức xã hội.
Không phải ngẫu nhiên mà các hãng lớn trên thế giới, khi đưa sản phẩm ra thị trường đều có những cam kết về nguồn gốc sản phẩm cũng như những yếu tố đạo đức xã hội liên quan gọi là “Nguyên tắc đạo đức của nhà cung cấp sản phẩm”.

Chẳng hạn, hãng IBM tuyên bố “Chúng tôi luôn đặt ra các tiêu chuẩn cao cho cách thức thực hiện kinh doanh của chúng tôi – trong các phạm vi từ trách nhiệm công ty và trách nhiệm xã hội cho đến các đạo đức kinh doanh lành mạnh, kể cả việc tuân thủ tất cả các luật pháp và qui định hiện hành”. Trong bản tuyên bố đó, họ cam kết đảm bảo các vấn đề liên quan như sau:

- Không sử dụng lao động Cưỡng bức hoặc Không tự nguyện.
- Không sử dụng lao động Trẻ em
- Đảm bảo lương và Phúc lợi
- Đảm bảo giờ làm việc
- Không phân biệt đối xử
- Tôn trọng và Phẩm giá
- Tự do Nhập hội
- Sức khỏe và An toàn
- Bảo vệ Môi trường
- Bảo vệ Môi trường Luật, Kể cả những Qui định và yêu cầu Pháp lý khác
- Hành vi phù hợp với Đạo lý
- Truyền thông
- Giám sát/Lưu giữ hồ sơ


Hình như, ông Thứ trưởng Bộ khoa học – Công nghệ không bao giờ đọc đến điều này?
Vài hình ảnh về Dòng Thị Vải chết bởi Vedan


Vedan, một nhà sản xuất đã lén lút đổ nước thải gây ô nhiễm môi trường, giết chết cả một vùng môi trường rộng lớn. Việc Công ty Vedan không tuân thủ các văn bản pháp luật về xây dựng, về môi trường đã cố tình thiết kế xây dựng hệ thống đổ nước thải thẳng ra sông mà không qua hệ thống xử lý một cách rất tinh vi, chống chế đoàn kiểm tra của nhà nước về môi trường… đã thể hiện rõ ràng ý thức đạo đức xã hội của nhà sản xuất này. Mỗi tháng Vedan “đầu độc” sông Thị Vải bằng 105.600m3 nước thải.

Sản phẩm của Vedan, một nhà sản xuất bất chấp môi trường sống của cộng đồng, của dân chúng, tạo ra thảm họa môi trường ở Việt Nam chỉ nhằm tạo nên sản phẩm thương mại cung cấp cho thị trường kiếm lợi nhuận có được coi là đảm bảo đạo đức xã hội hay không? Thiết nghĩ ông Thứ trưởng là người phải hiểu rõ hơn ai hết.
Giải thưởng cho Vedan(!?)


Vậy nhưng, ông Thứ trưởng không biết, ông vẫn lý luận rằng “sản phẩm tốt thì phải nói là tốt”… thậm chí ông còn đưa ví dụ về thuốc lá, về tham nhũng để chứng minh cho lập luận của mình và bảo vệ cho cái “giải thưởng” “Vì sức khỏe cộng đồng” mà Vedan đã nhận.

Vấn đề cần xem xét là quan niệm của ông Thứ trưởng này như thế nào là tốt?

Giả sử có một tên trộm khét tiếng nào đó đến tặng ông Thứ trưởng một sản phẩm nó vừa chôm được sau vụ giết người cướp của, ông có lý luận rằng: “Sản phẩm này không có tội, có tội chỉ là thằng ăn trộm, vì vậy việc tôi có nhận cái này chẳng sao cả, nó tốt thì phải bảo là nó tốt”?

Trong các tác phẩm văn học, có nói đến thời chiến tranh thế giới lần thứ II, Đức quốc xã đã dùng sản phẩm của các lò thiêu người: dùng tóc người Do Thái để làm len, dùng da của họ để làm chao đèn, mỡ của họ dùng làm xà phòng… Thật sự thì những chiếc áo len đó rất tốt, bền và ấm, những chiếc chao đèn đó rất bền, “đẹp và sang”, những cục xà phòng đó dùng giặt tẩy rất sạch…

Vậy nếu với tư duy này thì khi đưa các sản phẩm trên dự thi, chắc chắn ông Thứ trưởng Nguyễn Quân cũng sẽ trao giải thưởng “Vì sức khỏe cộng đồng” “vì nó tốt”?

Nếu một Thứ trưởng của một bộ quản lý về khoa học, công nghệ mà vẫn có não trạng quan niệm cái tốt chỉ ở sản phẩm mà không quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ tội ác của nó, thì chúng ta không thể cứ chỉ trách các doanh nghiệp, các tập đoàn tội phạm vẫn cứ có đất tồn tại.

Vấn đề ở đây, người ta không nói đến “tội” của sản phẩm, mà người ta nhắc đến vấn đề đang thiếu trầm trọng ngay cả nơi những quan chức cấp cao là “Đạo đức xã hội”.

Đằng sau đó là gì?

Vụ việc Vedan nhận giải thưởng “vì sức khỏe cộng đồng” tạo nên cơn sốc dư luận đã được nhiều báo chí, blogger nói đến.

Một số quan chức và cơ quan báo chí đã tốn khá nhiều công để đưa đến cho nhân dân hình ảnh sản phẩm của Vedan “vì sức khỏe cộng đồng” thật sự qua việc kể lể những công lao, tiền bạc của Vedan đóng góp, mà không đoái hoài đến đời sống cộng đồng dân cư đang chịu cảnh thiệt hại lớn lao và dòng sông Thị Vải đã bị bức tử.

Bài viết trên báo Nhân Dân về Vedan nhận giải


Báo Nhân dân – Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam đưa tin: “Một trong những doanh nghiệp đạt giải “Sản phẩm chất lượng an toàn vì sức khỏe cộng đồng năm 2009” là Công ty Cổ Phần Hữu Hạn Vedan Việt Nam đã ghi nhận nỗ lực của doanh nghiệp này trong việc lấy lại niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam và xây dựng thương hiệu sản phẩm thân thiện với môi trường sau vụ “tai tiếng” xả chất thải gây ô nhiễm sông Thị Vải. Tại buổi lễ, Vedan Việt Nam đã trao tặng 100 triệu đồng cho các gia đình bị hại do cơn bão số 9.

Trước đó, Vedan Việt Nam đã ủng hộ 200 triệu đồng cho đồng bào bị lũ quét tại tỉnh Bắc Cạn, trao tặng 15 căn nhà tình thương (mỗi căn trị giá 15 triệu đồng) cho các hộ nghèo tại huyện Long Thành, Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) và huyện Tân Thành (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), và trao tặng 130 triệu đồng cho 13 hộ gia đình thương binh liệt sĩ tại huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) để sửa chữa nhà tình nghĩa đã bị hư hỏng xuống cấp
”. (Nguồn: http://www.nhandan.org.vn/tinbai/?top=39&sub=62&article=159003)

Đọc những dòng này trên báo Đảng, người dân quan tâm rằng tờ báo muốn đưa đến thông tin gì? Phải chăng là Vedan sau vụ này lấy lại được niềm tin của người tiêu dùng VN hay chính là ở chỗ số tiền Vedan ủng hộ đi đằng sau đó? Thông tin nào các doanh nghiệp cần biết để mà noi theo? Điều này bạn đọc sẽ tự biết và trả lời.

Một ông Thứ trưởng Bộ khoa học – Công nghệ đã bất chấp nguồn gốc sản phẩm để bảo vệ cái “tốt” của sản phẩm Vedan, một tờ Nhân dân đã đưa tin “ghi nhận nỗ lực của doanh nghiệp” chỉ nhăm nhăm vào số tiền đã được trao tặng, biết, ủng hộ… mà không hề nói lên rằng “Nông dân đang chờ dài cổ đòi đền bù thiệt hại, môi trường đang bị bức tử, dòng sông Thị Vải vẫn đang chết”.

Phải chăng, ở đây đồng tiền có giá trị cao nhất cho mọi đánh giá và phán quyết?

Phải chăng, những gia đình nghèo, những nạn nhân bão lụt, những gia đình thương binh, liệt sỹ ở Long Thành, Đồng Nai đã phải nhờ đến những đồng tiền mà Vedan kiếm được qua việc đầu độc môi trường Long Thành mới có tiền sửa chữa những ngôi nhà tình nghĩa bị hư hỏng, xuống cấp? Và nhờ có vậy Vedan vẫn ung dung tồn tại và tiếp tục tàn phá môi trường?

Và vì vậy Vedan vẫn nghênh ngang tồn tại thậm chí còn được khen thưởng, và ngược lại môi trường vẫn cứ thế mà đi, nông dân quanh dòng Thị Vải cứ thế mà… chờ.

Hà Nội 29/10/2009
 
Liên Đoàn CGVN Hoa Kỳ
Phân Ưu: LM Gioan Baotixita Trần Chấn chỉnh vừa qua đời tại Houston
Lm. Giuse Nguyễn Thanh Liêm
14:47 29/10/2009

PHÂN ƯU

Được tin
Cha Cố Gioan Baotixita Trần Chấn Chỉnh
thuộc Tổng Giáo phận Galveston-Houston, Texas
đã an nghỉ trong Chúa đêm Chúa nhật 25 tháng 10 năm 2009 tại tư gia
sau thời gian dài thọ bênh. Hưởng thọ 95 tuổi.

Chương Trình Lễ viếng và an táng như sau:
Lễ cầu nguyện, thăm viếng: 7 giờ tối thứ Năm 29/10
tại Thánh Đường St. Christopher, 8050 Park Place BLVD, Houston TX 7701
Lễ phát tang, thăm viếng và cầu nguyện: thứ Sáu 30/10 từ 5 giờ chiều đến 9 giờ tối
Lễ an táng: 10 sáng thứ Bẩy 31/10 tại Thánh Đường St. Christopher.

Xin thành kính phân ưu với thân quyến và CĐCGVN TGP Galveston-Houston.
Xin Thiên Chúa đón nhận linh hồn Cha Cố Gioan Baotixita về hưởng Thánh Nhan Chúa
và trả công bội hậu cho ngài trong bao nhiêu năm phục vụ Thiên Chúa và Hội Thánh.

Kính xin quý Linh mục và Cộng đồng Dân Chúa LĐCGVNHK
hiệp dâng Lễ cầu nguyện cho người anh em của chúng ta.

Thành kính,
Chủ tịch LĐCGVNHK

 
Văn Hóa
Trại tù Ramsey
Đông Khê
09:19 29/10/2009
Ở đây cũng có vuờn hoa
Nhưng hoa quên nở, vầng trăng quên về,
Huy Cận “nhớ nhà châm điếu thuốc”
Tù nhân không thuốc để mà châm.

Thầy ơi !
Xin đốt hồn con thành ngọn lửa
Dâng lên Thiên Chúa mối tình thâm
Con quên dâng trầm hương thơm ngát
Vì lòng con còn đang ngơ ngác:
Trại tù đày mang nghĩa hoàn lương?

Thuyền con chuyên chở Tình Thương
Vào nơi ngục thất, thăm nguời tù nhân,
Con không thấy vòng gai máu chảy
Vẫn tin Thầy quằn quoại nơi đây.
Những lời chia sẻ, đôi mắt cay
Cho thấy họ vô cùng trơ trọi. ...

Con thấy rõ họ đang nghèo đói
Nỗi đói nghèo mong đợi yêu thương,
Người điểm danh ra vào không nói
Chỉ liếc trông gương mặt đối phương,
Họ chẳng nhìn nhau bằng đôi mắt
Mắt của Con Tim khép lại rồi !
Hàng rào kẽm gai, vòng cửa sắt
Phân chia xã hội của loài người !

Con ra về, rộng rãi mười phương
Họ nhìn theo con đường trước mặt,
Ôi ! con đuờng tầm thường sỏi đất
Gần gũi như gang tấc bàn tay
Mà cách xa, ngăn trở đêm ngày !
Quay mặt đi, cúi đầu, lui buớc
Họ trở về thê’ giới tù đày. ..

Thầy ơi !
Chỉ có thế
Mà sao con thấy
Trên đường về
Gió lạnh buốt xương da !

Mất hết rồi, thân quyến, mẹ cha,
Mỗi tù nhân chỉ còn là con số
Số điểm danh trở thành tên gọi
Tên gọi này xa xót lòng Cha. ...

(Mục vụ Trại Tù - Prison Ministry)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Soi Bóng
Dominic Đức Nguyễn
22:11 29/10/2009

SOI BÓNG



Ảnh của Dominic Đức Nguyễn

Non cao ngạo nghễ ngửi trời

Nghiêng mình soi bóng tuyệt vời như tranh!

(nđc)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền