Ngày 28-10-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ Chúa Nhật Thứ 30 Mùa Quanh Năm 29/10/2017 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
03:56 28/10/2017
Bài Ðọc I:

Xh 22, 21-27

"Nếu các ngươi hà hiếp các cô nhi quả phụ, Ta sẽ nổi giận các ngươi".

Trích sách Xuất Hành.

Ðây Chúa phán: "Ngươi chớ làm phiền lòng và ức hiếp khách ngoại kiều: vì các ngươi cũng là khách ngoại kiều ngụ trong đất Ai-cập. Các ngươi đừng làm hại cô nhi quả phụ. Nếu các ngươi hà hiếp những kẻ ấy, họ sẽ kêu thấu đến Ta, và chính Ta đã nghe tiếng họ kêu van. Ta sẽ nổi cơn thịnh nộ, sẽ dùng gươm giết các ngươi, vợ các ngươi sẽ phải goá bụa, và con cái các ngươi sẽ phải mồ côi.

"Nếu ngươi cho người nghèo khó nào trong dân cùng định cư với ngươi mượn tiền, thì ngươi chớ hối thúc nó như kẻ đặt nợ ăn lãi quen làm, và chớ bắt nó chịu lãi nặng. Nếu ngươi nhận áo sống của người láng giềng cầm cố, ngươi hãy trả lại cho kẻ ấy trước khi mặt trời lặn: vì nó chỉ có một áo ấy che thân, và không còn chiếc nào khác mặc để ngủ; nếu kẻ ấy kêu van đến Ta, Ta sẽ nhậm lời nó, vì Ta là Ðấng thương xót".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 17, 2-3a. 3bc-4. 47 và 51ab

Ðáp: Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa

Xướng: Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa, lạy Chúa là Ðá Tảng, chiến luỹ, cứu tinh.

Xướng: Lạy Chúa là Thiên Chúa, là sơn động chỗ con nương mình, là khiên thuẫn, là uy quyền cứu độ, là sức hộ phù con. Con xướng ca ngợi khen cầu cứu Chúa, và con sẽ được cứu thoát khỏi tay quân thù.

Xướng: Chúa hằng sống, chúc tụng Ðá Tảng của con, tán tụng Thiên Chúa là Ðấng cứu độ con. Ngài đã ban cho vương nhi Ngài đại thắng, đã tỏ lòng từ bi với Ðấng được xức dầu của Ngài.

Bài Ðọc II: 1 Tx 1, 5c-10

"Anh em đã bỏ tà thần trở về với Thiên Chúa để phụng sự Người và để trông đợi Con của Người".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

Anh em thân mến, khi chúng tôi còn ở giữa anh em, anh em biết chúng tôi sống thế nào vì anh em. Và anh em đã noi gương chúng tôi và noi gương Chúa, đã nhận lấy lời rao giảng giữa bao gian truân, với lòng hân hoan trong Thánh Thần, đến nỗi anh em đã nên mẫu mực cho mọi kẻ tin đạo trong xứ Macêđônia và Akaia.

Vì từ nơi anh em, lời Chúa vang dội không những trong xứ Macêđônia và Akaia, mà còn trong mọi nơi; lòng tin của anh em vào Thiên Chúa đã quá rõ rồi, đến nỗi chúng tôi không còn nói thêm làm gì nữa. Vì người ta thuật lại việc chúng tôi đã đến với anh em thế nào, và anh em đã bỏ tà thần trở về với Thiên Chúa làm sao để phụng thờ Thiên Chúa hằng sống và chân thật, để trông đợi Con của Người từ trời mà đến, "Ðấng mà Người đã làm cho từ cõi chết sống lại", là Ðức Giêsu, Ðấng đã giải thoát chúng ta khỏi cơn thịnh nộ sắp đến.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! - Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu thương người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 22, 34-40

"Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi, và yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, những người biệt phái nghe tiếng Chúa Giêsu đã làm cho những người Sađốc câm miệng, thì họp nhau lại, đoạn một người thông luật trong nhóm họ hỏi thử Người rằng: "Thưa Thầy, trong lề luật, giới răn nào trọng nhất?"

Chúa Giêsu phán cùng người ấy rằng: "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Ðó là giới răn thứ nhất và trọng nhất. Nhưng giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy là: Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi. Toàn thể Lề luật và sách các Tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó".

Ðó là lời Chúa.
 
Chúa Nhật 30 : Ý nghiã ba chữ ''Hết''
LM. Anphong Nguyễn công Minh, ofm
08:21 28/10/2017
Khi chúng ta dồn tâm gắng sức cho một công việc gì đó, như mua đất, xây nhà, lấy vợ, gả chồng…, ta mô tả : Tôi đã dành cho công việc đó biết bao thời gian, biết bao công sức, biết bao suy tư, biết bao tiền của… . Tức là nhiều lắm !

Rồi khi mô tả một người mệt quá sức, ta không chỉ nói mệt lắm. Nhưng có thể thêm : Ông ấy mệt thở chẳng ra hơi, nói không thành lời, tay giơ không nổi, chân động chẳng lay. Những kiểu mô tả đó nhằm nói lên một phó từ (trạng từ) : lắm, rất, nhiều : rất mệt, gắng nhiều …

Khi Chúa Giêsu tóm tắt lề luật bằng một giới răn mà một trong hai, đó là “yêu Chúa thật nhiều” thì Kinh Thánh cũng dùng kiểu nói : “Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi, hết lòng ngươi, hết linh hồn ngươi, hết trí khôn ngươi.” Nhưng ba cái “hết” đó có phải chỉ là nhiều lắm, hay còn có ý nghĩa gì thêm ? Chắc hẳn là có nhiều ý nghĩa hơn, nhất là khi được gắn với động từ “yêu.” Ta thử tìm hiểu ý nghĩa của ba cái “hết” đó.

Tôi tò mò mở lại vừa học vừa xem nguyên bản Kinh Thánh Do thái (Hipri) dùng 3 cái “hết” đó là những cái “hết” nào, còn Kinh Thánh Hi lạp thì dùng 3 cái “hết” nào.

Do Thái là Đông phương, thì : “hết trái tim, hết linh hồn, hết sức lực” (bơkôl lơbavơka, ubơkol nápơka, ubơkol mơôdeka).

Hy Lạp là Tây phương, viết : “hết lòng (kardia), hết linh hồn (shukhe), hết trí khôn (dianoia).

Người Tây phương nặng óc phân tích, nhất là người Hi Lạp. Thời kỳ khai nguyên Triết học Tây phương là thời đại của Hi lạp. Nói cách khác, Hi lạp là quê hương của các tổ sư Triết Tây, như Socrates, Platon, Aristote, Zénon, Héraclite…, cho nên thay vì như kiểu nói Do Thái: “hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực,” thì Hi Lạp đã chữa “hết sức lực” thành “hết trí khôn”. Tại sao ?

Trong chương trình Triết lớp 12 trước đây, người ta chia sinh hoạt con người làm 3 lãnh vực: đời sống tình cảm, đời sống hoạt động và đời sống tri thức (lý trí).

Vì thế : hết lòng, hết trái tim : đời sống tình cảm

Hết linh hồn #: tức hết ý chí : đời sống hoạt động

#Và thay vì hết sức như Do Thái, Hilạp đổi thành hết trí khôn : tức là đời sống tri thức, lý trí.

Mỗi đời sống có thể lệ thuộc nhau, nhưng cũng có thể độc lập.

Kinh nghiệm hoặc những cảnh diễn ra trước mắt cho ta thấy :

Một người chồng có thể yêu một người khác (đ/s tình cảm). Người chồng này có thể nhớ nghĩ một người khác (đ/s tri thức), và hành động theo ý người vợ trước mặt (đ/s hoạt động). Nói đại như sau: Anh Khanh có thể yêu cô Thương, nhớ cô Tưởng, nhưng lại tuân lệnh bà Xã là vợ của anh đang ở trước mặt.

Có thể ba đối tượng của yêu, của nhớ, của hành động cũng là một, mà cũng có thể là ba đối tượng khác nhau, hoặc hai đối tượng khác nhau : yêu và nhớ một người, và hành động theo lệnh một người khác. Trong một tiểu thuyết của Quỳnh Dao tôi không nhớ rõ, có mô tả chàng kia hỏi nàng nọ “tim em đập làm sao, óc em nghĩ cái gì và hồn em thuộc về ai,” thì nàng đã trả lời “tim em đập hai tiếng Tâm Đan, óc em nghĩ tới hai chữ Tâm Đan và hồn em thuộc về chàng trai mang tên Tâm Đan.” Tâm Đan chính là tên của chàng kia hỏi nàng nọ. Thiên Chúa đòi chúng ta ba đối tượng đó phải là một : một Chúa.

Yêu Chúa hết lòng (đời sống tình cảm), nhớ Chúa không nguôi (đời sống tri thức) và làm theo ý Chúa mãi (đời sống hoạt động). Đó là ý nghĩa mệnh lệnh Chúa theo bản Kinh Thánh Hy Lạp : “Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi, hết lòng ngươi, hết linh hồn ngươi, hết trí khôn ngươi.” Các thánh giáo phụ, đặc biệt Augustinô giải thích thêm cho ta :

Yêu Chúa hết lòng tức không yêu ai, yêu gì bằng Chúa. Có một trái tim thì Chúa ngự trị trọn vẹn trong đó.

Yêu Chúa hết linh hồn tức là yêu hết ý chí mình, sẵn sàng vâng theo ý Ngài, dù có phải chết. Chúng ta nghe nói đến thôi miên. Người bị thôi miên là mất hồn, không còn ý chí nữa, mà hành động theo lệnh của người thôi miên mình. Yêu Chúa hết linh hồn là như vậy : bị Ngài thôi miên để lúc nào cũng làm theo ý của Ngài sai khiến.

Yêu Chúa hết trí khôn nghĩa là luôn nhớ tới Chúa, không lúc nào ngơi. Nói theo kiểu nói của ngôn ngữ computer, thì yêu Chúa hết bộ nhớ luôn. Yêu Ngài, là out of memory. Tràn bộ nhớ. Không có cái nào khác lọt vào nữa.

Dân Israel ngày xưa và ngay cả ngày nay khắc ghi mệnh lệnh này của Đức Chúa một cách tuyệt đối. Đây là kinh Sơ ma, “Kinh Hãy Nghe” của họ. Chúng ta nghe trọn vẹn lời kinh “Hãy Nghe” theo bản dịch Hi Lạp:

“Hãy nghe, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Thiên Chúa hết trái tim ngươi, hết linh hồn ngươi, hết trí khôn ngươi, những lời ta truyền cho ngươi hôm nay, ngươi phải ghi lòng tạc dạ và thuật lại cho con cháu. Ngươi hãy lập lại các lời ấy lúc ngồi ở nhà, lúc đi ngoài đường, khi nằm ngủ cũng như khi thức dậy. Ngươi phải buộc những lời ấy vào tay để làm dấu, mang trên trán làm phù hiệu. Phải viết lên khung cửa nhà và khung cửa thành của ngươi” (Đnl 6, 4-8).

Là người Do thái, Đức Giêsu ngay từ nhỏ đã thuộc nằm lòng Kinh Hãy Nghe này rồi. Vì thế mệnh lệnh “hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn” phải là mệnh lệnh đệ nhất. Người Do Thái thời đó ai cũng biết, nên khi hỏi Đức Giêsu : Trong lề luật, điều nào trọng nhất ? Ngài trả lời dễ dàng.

Nhưng cái hay, cái cả gan của Đức Giêsu là dám nói câu này : Còn một điều nữa cũng giống như vậy : Hãy yêu anh em. Đức Giêsu cả dám đặt “hãy yêu anh em” bằng, như “hãy yêu Chúa.” Đây là mảng đề tài lớn và phong phú mà chúng ta đã được giải thích và ngẫm nghĩ nhiều lần, nhiều cách. Hôm nay chúng ta không đả động gì tới điểm này. Chỉ xin nói một câu : Nếu Chúa Giêsu đã nói “toàn thể lề luật tóm lại trong hai giới răn đó” (mến Chúa, yêu người), thì chúng ta xin tóm tắt hai luật đó thành một : yêu người vì Chúa : ngươi hãy yêu mến anh em hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn vì Ta là Chúa. Bài đọc I rất thấm thía để minh hoạ thêm cho điều này. Chỉ trích tóm một câu : “Nếu các ngươi ức hiếp mẹ goá con côi, thì cơn giận Ta sẽ bốc lên chống lại các ngươi” (x. Xh 22, 21-23).

Để kết luận : Tại sao phải yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn. Thưa bởi vì Ngài yêu ta trước.

Trong cuốn “tự thuật”, một người cha ghi lại câu chuyện và ý nghĩ sau : một đêm kia trong lúc tôi đang đọc báo, tôi nghe đứa con gái bé nhỏ của tôi bảo : “Bố ơi, để con đếm xem trên trời có mấy ngôi sao ?” Rồi tôi nghe nó đếm (1,2,3,…) trong khi tôi vẫn chăm chú đọc báo. Đến khi đọc xong bài báo tôi chú ý lắng nghe và tiếng đứa con gái vẫn tiếp tục 300, 301, 302…. Chợt nó dừng lại quay sang nói với tôi : Bố ơi con không dè trên trời lại có nhiều sao đến thế ! Nghe con gái bình luận vậy, tôi chợt nhớ là thỉnh thoảng tôi cũng nói với Chúa “Chúa ơi để con thử đoán xem con đã nhận lãnh bao nhiêu ơn lành của Chúa ? Và càng đếm trái tim tôi hình như càng cảm thấy thổn thức không phải vì âu sầu mà vì bị quá nhiều hồng ân Chúa đè nặng. Rồi tôi cũng thấy phải thốt lên như con gái của tôi : Lạy Chúa, con không dè đời con lại có quá nhiều hồng ân của Chúa đến thế !”

Anh chị em thân mến,

Chúng ta cứ thử đếm mà xem, tưởng ít mà hoá ra vô số các ân huệ của Chúa. Tôi có thể kể cả giờ những ý tứ của lời Kinh Cám Ơn “Tôi cám ơn Đức Chúa Trời là Chúa lòng lành… ,” lời kinh cho ta được một số ý niệm về ân huệ của Chúa.

“Hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn” vì Ngài yêu ta trước.

Mỗi thánh lễ là một lễ tế tạ ơn. Con người chúng ta tạ ơn không xứng. Ta phải hợp với Đức Chúa Con mà tạ ơn Đức Chúa Cha. Trước khi bước vào phần lễ tế tạ ơn, ta hãy tuyên xưng lòng tin của ta vào Đức Chúa.

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:01 28/10/2017
17. TỰ GÁNH LẤY HÀNH LÝ
Có ba anh em đi làm ăn buôn bán, trú tại một khách điếm, mua về một con cá, nấu xong thì bày ra trên bàn.
Người anh cả hát một câu trong sách “Trú vân phi”:
- “Con cá này, tôi muốn đoạn giữa.”
Người anh thứ hai hát tiếp:
- “Tôi muốn đầu và đuôi, ai dám đến tranh miệng chứ !”
Người em út nói:
- “Nước canh là của tôi.”
Tên đầy tớ nấu cá thì muốn được chút mùi vị của cá, nghe như thế thì vội vàng chạy lên, chấp tay vái chào và hát:
- “Báo cho các ngài biết, ngày mai trên đường đi thì các ngài phải tự gánh lấy hành lý, lúc ấy gian nan vất vả thì oán ai ! Lúc ấy gian nan vất vả thì oán ai !”
(Giải Uẩn thiên)

Suy tư 17:
Người Việt Nam ta có câu nói rất là đạo lý: “Uống nước phải chừa cặn”, tức là đừng tham lam quá, hãy để cho người khác cùng hưởng với.
Đạo Công Giáo là một đạo không những “uống nước chừa cặn” mà con là cùng chia sẻ với tha nhân nguyên cả “con cá”, nghĩa là luôn có tình liên đới với anh em, bởi vì người Ki-tô hữu luôn tâm niệm rằng mình là anh em cùng một Cha trên trời, bởi vì họ chỉ có “một Thiên Chúa, một đức tin và một phép Rửa”, cho nên họ luôn nhìn thấy anh em trong khi vui cũng như khi buồn mà chia sẻ, mà an ủi và hiệp thông.
Người “uống nước không chừa cặn” là người coi thường tình anh em, là người chỉ biết mình mà không nghĩ đến tha nhân, họ chưa xứng đáng là anh em con một Cha trên trời.
Làm ông chủ bà chủ thì nên nhớ đến đầy tớ để chia sẻ cho họ; làm cấp trên thì luôn nhớ đến thuộc hạ để đỡ nâng họ; làm cha sở thì càng quan tâm hơn nữa đến bổn đạo của mình, đó chính là những con người biết mình uống được nước thì kẻ khác cũng uống được, do đó mà họ vui vẻ chia sẻ với tha nhân vậy. Hạnh phúc thay những con người như thế, bởi vì họ là những người thay mặt Thiên Chúa để giúp đỡ tha nhân ngay tại trần gian nầy.
Người đầy tớ nấu canh cá dạy cho chúng ta –người Ki-tô hữu- hôm nay một bài học, đó là nếu không chia sẻ với tha nhân thì đường lên thiên đàng chúng ta phải nặng nhọc vất vả lắm đấy.
Ai hiểu thì hiểu !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nha ntai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 30 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:03 28/10/2017
Chúa Nhật 30 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mt 22, 34-40.

“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, và yêu người thân cận như chính mình.”


Bạn thân mến,

Đạo Công Giáo chúng ta được gọi là đạo Yêu Thương, đạo Bác Ái, bởi vì Đức Chúa Giê-su xuống thế làm người cứu chuộc nhân loại cũng chỉ thực hành điều ấy mà thôi đó là yêu thương, và chính Ngài cũng đã dạy chúng ta hãy yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta vậy.

Kính mến Thiên Chúa và yêu thương người thân cận là hai giới luật lớn nhất của người Ki-tô hữu, cho nên không thể nói yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, cũng như không thể nói yêu mến tha nhân nhưng lại chối từ Thiên Chúa, thánh Gioan tông đồ cho như thế là kẻ gian dối, giới luật ấy tuy là hai nhưng chỉ là một.

Nhưng trong thực tế, có rất nhiều lần chúng ta tách hai giới răn này làm đôi để đối xử với tha nhân, nghĩa là chúng ta chăm chăm chú chú coi ngày coi giờ để đi lễ nhà thờ, nhưng chúng ta chưa bày tỏ được nội dung thánh lễ sau khi trở về nhà đó là yêu thương, nghĩa là chúng ta vẫn cứ hằng ngày đi lễ thờ phượng kính mến Thiên Chúa, nhưng hằng ngày vẫn cứ chửi rủa, ghen ghét, kiêu căng hợm hĩnh với người hàng xóm, vẫn lăm le cái chức vụ quyền cao để đè đầu đè cổ anh em chị em trong cộng đoàn, hoặc trong công ty của mình.

Thiên Chúa là Đấng mà chúng ta không thấy, nhưng nhờ đức tin mà chúng ta thấy Ngài trong vũ trụ vạn vật nên yêu mến Ngài; còn người anh em chị em thì mỗi ngày chúng ta đều thấy, nhưng chúng ta lại không dùng đức tin để nhìn thấy Thiên Chúa trong họ, đó là một thiếu sót lớn lao của chúng ta, là bức tranh không thuận mắt nơi người Ki-tô hữu khi người khác nhìn vào.

Bạn thân mến,

Đức Chúa Giê-su đã kéo giới răn trọng nhất là kính mến Thiên Chúa xuống, và đưa giới răn thứ hai là yêu người lên cho cả hai giới răn bằng nhau, là để cho chúng ta thấy tình liên đới giữa con người với nhau cũng quan trọng như liên kết với Thiên Chúa vậy, cho nên có thể nói rằng bác ái, yêu thương là cái hồn sống của người Ki-tô hữu, bởi vì sống mà không biết xúc động trước cảnh nghèo khó của tha nhân, thì cũng không thể biết được Thiên Chúa là tình yêu để mà kính mến.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

------------

http://www.vietcatholic.net

http://www.vietcatholic.net/nhant ai

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:06 28/10/2017

6. Khi cầu nguyện mà cố ý nghĩ bậy bạ lung tung thì có tội, và phá hoại công hiệu của cầu nguyện.

(Thánh Thomas Aquinas)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Trích dịch từ tiếng Hoa trong " Cách ngôn thần học tu đức"


-------------

http://www.vietcatholic.net

http://www.vietcatholic.net/nhant ai

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha tiếp Hội nghị về Công pháp quốc tế nhân đạo
Lm. Trần Đức Anh OP
09:08 28/10/2017
VATICAN. ĐTC cầu mong các tổ chức nhân đạo có thể luôn hoạt động theo các nguyên tắc cơ bản của tình nhân đạo, không thiên vị, trung lập và độc lập.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 28-10-2017, dành cho các tham dự viên Hội nghị quốc tế kỳ 3 về công pháp quốc tế nhân đạo, nhóm tại Roma. Hiện diện tại buổi tiếp kiến cũng có một số vị Bộ trưởng của các nước.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC nhận xét rằng mặc dù có công pháp quốc tế về nhân đạo, nhưng người ta thấy vẫn còn nhiều hậu quả tiêu cực của chiến tranh trên các thường dân, những tội ác kinh khủng, chà đạp con người và phẩm giá của họ, bất chấp những nguyên tắc sơ đẳng nhất về nhân đạo. Ngoài ra cũng có tình trạng bao nhiêu gia sản, kho tàng văn hóa của nhân loại bị biến thành đống gạch vụn, nhà thương, trường học, nhà thờ bị cố tình tấn công và phá hủy.

ĐTC cảnh giác trước nguy cơ theo đó sự phổ biển các tin tức thuộc loại đó đưa tới tình trạng con người không còn nhạy cảm trước tính chất trầm trọng của vấn đề, và không cảm cảm thương và cởi mở tâm hồn trong tình liên đới. Vì thế cần phải có một sự hoán cải tâm hồn, cởi mở con tim đối với Thiên Chúa và tha nhân, thúc đẩy con người khắc phục sự dửng dưng lãnh đạm và sống tình liên đới thực sự.

Tuy có hiện tượng trên đây, ĐTC cũng ca ngợi nhiều tổ chức từ thiện và phi chính phủ, trong và ngoài Giáo Hội, với các thành viên bất chấp vất vả và nguy hiểm chăm sóc những ngừơi bị thương và các bệnh nhân, chôn cất những người qua đời, cung cấp lương thực và nước uống cho những người đói khát, viếng thăm những người bị cầm tù. Ước gì các tổ chức nhân đạo có thể luôn luôn hành động phù hợp với các nguyên tắc căn bản về tình nhân đạo, giữ thái độ khách quan không thiên vị, và độc lập. (Rei 28-10-2017)
 
Bị đàn áp ngay tại sân nhà, phải chăng một nhóm sinh viên Công Giáo đang bị cấm hành đạo ngay tại trường ĐH Công Giáo Georgetown?
Trần Mạnh Trác
16:16 28/10/2017
Một nhóm sinh viên cuả Đại học Công Giáo Georgetown, quảng bá lý tưởng hôn nhân theo đúng giáo huấn cuả Giáo Hội, đã bị những nhóm ủng hộ đồng tính cáo buộc là quảng bá sự bất khoan dung và do đó đang bị đưa ra hội đồng kỷ luật cuả trường Đại học Georgetown.

Nhóm Love Saxa có thể bị cúp ngân khoản phụ cấp (chỉ có vài trăm Đô) nhưng quan trọng hơn là có thể bị mất tư cách một hiệp hội sinh viên.

Cuộc điều trần sẽ diễn ra ngày 30 tháng 10 này trước Ủy Ban Sinh Hoạt Sinh Viên, là một trong những ủy ban sinh viên vụ cuả nhà trường.

Sự kiện một nhóm sinh viên trung thành với giáo huấn cuả Giáo Hội có thể bị 'cấm đạo' ngay tại một trường đại học Công Giáo là một biến cố không thể tưởng tượng nổi, nó cho thấy sự 'đàn áp' cuả những nhóm 'liên minh đồng tính' là vô hạn và vượt ra ngoài mọi khuôn phép cuả người đời, do đó, dù cho kết quả chưa biết ra sao, sự việc đã tạo ra một làn sóng phẫn nộ mạnh mẽ trong giới học giả, ngay cả từ những học giả có tiếng là 'phóng khoáng'.

Linh mục Dòng Tên James Martin, tác giả cuốn sách gây tranh cãi có tên "Xây dựng một cây cầu," cuốn sách đề nghị những cách thức đối thoại giữa Giáo Hội và các nhóm LGBT, nói rằng Ngài phải hỗ trợ "Love Saxa," họ có quyền thúc đẩy quan điểm của mình tại Georgetown.

"Tại sao một nhóm sinh viên trung thành với giáo lý Công Giáo lại bị cúp ngàn khoản ở một trường đại học Công Giáo nhỉ? Miễn là nhóm Love Saxa đối xử với những người đồng tính (ở trong và ngoài khuôn viên trường) một cách 'tôn trọng, từ bi và nhạy cảm,' như những điều giáo lý đã dạy, thì họ sẽ có thể có tiếng nói trong khuôn viên cuả trường chứ," Cha Martin tuyên bố.

Chủ trương cuả nhóm Love Sexa là "thúc đẩy những mối quan hệ lành mạnh trong khuôn viên trường qua việc phổ biến sự hiểu biết đúng đắn về quan hệ tình dục, về giới tính, về hôn nhân và gia đình trong giới sinh viên cuả Georgetown".

Giáo sư Robert P. George, dậy môn luật hiến pháp tại Đại học Princeton và là học giả nổi tiếng về hôn nhân và tự do tôn giáo, cũng lên tiếng hỗ trợ cho nhóm Love Saxa.

"Cái tinh thần phóng khoáng đến độ trở thành độc tài đang điều khiển những nỗ lực chống lại nhóm sinh viên Love Saxa tại Georgetown là một mối quan tâm nghiêm trọng cho mọi người không phân biệt ý thức hệ," ông nói.

"Và thêm vào đó, theo linh mục Martin, thật là ngớ ngẩn khi nghĩ rằng tại một trường đại học Công Giáo, một nhóm phát huy những điều giảng dạy về hôn nhân theo nguyên tắc đạo đức cuả Giáo hội, lại phải bị cúp tài trợ."

Một phát ngôn viên của đại học Georgetown cho biết biện pháp trừng phạt chỉ được sử dụng như một phương sách cuối cùng, các nhóm vi phạm sẽ có cơ hội để khắc phục vi phạm.

"Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ việc cung cấp cho sinh viên một bối cảnh mới và sâu sắc hơn để hấp thụ truyền thống và bản sắc Công Giáo của chúng tôi. Tuy nhóm Love Saxa là một trong nhiều nhóm hoạt động với chủ trương duy trì những lời giảng dạy của Giáo Hội Công Giáo. Nhưng chúng tôi cũng hỗ trợ một bầu không khí cởi mở để chào đón tất cả các loại sinh viên và hỗ trợ cộng đồng LGBTQ," người phát ngôn nói thêm.

Trong khi khiếu nại đang được xem xét bởi Ủy ban cố vấn, người phát ngôn của Georgetown nói thêm rằng "chúng tôi khuyến khích tất cả sinh viên thực hiện sự cam kết cuả cộng đồng Đại Học là đối thoại cởi mở và tôn trọng lẫn nhau."

Cha Martin cũng khuyến khích sự đối thoại tôn trọng, chứ không phải là xung đột tại Georgetown.

"Các nhóm phản đối quan điểm của Love Saxa cũng có thể có nói lên tiếng của họ," Cha Martin nói. "Để có một cuộc đối thoại thực sự cho vấn đề LGBT, đặc biệt là tại các trường đại học Công Giáo, mọi người tham gia phải sẵn sàng, thứ nhất là, đối xử với nhau trong trân trọng và yêu thương; thứ hai là, lắng nghe nhau với tâm trí cởi mở; và thứ ba, sẵn sàng để học hỏi từ người khác."

Giáo sư George cũng kêu gọi tôn trọng các cuộc bàn luận về vấn đề này.

"Không thể phủ nhận một thực tế rằng nhiều người thiện chí đang có bất đồng về một câu hỏi cơ bản là mục đích xã hội của hôn nhân và tình dục và đạo đức tình dục," ông nói.

"Khi những người thiện chí có những bất đồng, dù vấn đề bất đồng ấy có tầm quan trọng về xã hội và ý nghĩa sâu sắc, họ vẫn tham gia mạnh mẽ và lịch sự và tôn trọng, họ không cố gắng giành những chiến thắng giá rẻ bằng cách bôi xấu những người không đồng ý với họ, như những kẻ mù quáng ('bigots') hoặc căm thù,"GS George nói tiếp. "Họ nhận rằng họ có thể sai lầm và không cố gắng bào chữa bằng những vu cáo. Họ thừa nhận rằng niềm tin sâu sắc nhất, yêu mến nhất, thậm chí là sự hình thành bản sắc của họ, có thể sai. Điều đó thúc đẩy họ lắng nghe người khác phê bình, chứ không phải cố gắng để trục xuất người khác."

GS George nói thêm rằng là một trường đại học Công Giáo, Georgetown "không trình bày chính nó như là một tổ chức trung lập trên các câu hỏi về đạo đức đang tranh chấp hiện nay."

"Vì vậy trường Đại Học sẽ hoàn toàn có quyền từ chối cấp quỹ cho những nhóm quảng bá các giá trị đi ngược với trường ĐH", ông nói. "Tuy nhiên, như Cha Martin quan sát, chính nhóm Love Saxa là nhóm đang phát huy các giá trị Công Giáo của trường Georgetown. Còn những người đang gây áp lực để ngăn cản nhóm Love Saxa thì mới là những nhóm quảng bá những học thuyết hôn nhân và tình dục trái với Giáo Hội Công Giáo".
 
Tin quá tốt lành của Phó tổng thống Hoa Kỳ gây xúc động cho các tổ chức bác ái Công Giáo
Đặng Tự Do
16:44 28/10/2017
Những người ủng hộ cho những Kitô hữu bị ngược đãi và các nhóm thiểu số ở Trung Đông đã nhận được một tin tức quá tốt lành từ Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence vào tối thứ Tư 25 tháng 10. Chuyển biến này có thể thay đổi sâu xa khả thể tồn tại của Kitô giáo tại Trung Đông.

Phó Tổng thống Pence đã trình bày một bài phát biểu quan trọng tại khách sạn JW Marriott trong bữa tiệc Liên Đới Thường Niên nhằm hỗ trợ các Kitô hữu. Ông nói với hàng trăm người tham dự rằng Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ “từ bây giờ trở đi” ngừng tài trợ cho những nỗ lực thiếu hiệu quả của Liên Hợp Quốc. Thay vào đó, ông cho biết Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) sẽ hỗ trợ cho các Giáo Hội, các cơ quan và tổ chức làm việc trực tiếp với các cộng đồng bị khủng bố Hồi giáo ISIS và các nhóm khủng bố khác bách hại.

“Các Kitô hữu ở Trung Đông không cần phải dựa vào các tổ chức đa quốc gia nữa khi Mỹ có thể giúp họ trực tiếp”, ông Pence nói.

Ông nói thêm: “Chúng tôi sẽ không còn chỉ dựa vào Liên Hiệp Quốc để hỗ trợ các Kitô hữu và những người thiểu số bị bách hại sau các vụ diệt chủng và những hành động tàn ác của các nhóm khủng bố. Hoa Kỳ sẽ hợp tác với các nhóm của các tôn giáo và các tổ chức tư nhân để giúp đỡ những người bị bách hại vì đức tin của họ. Đây là lúc, là thời điểm, Hoa Kỳ phải hỗ trợ những người này trong lúc quẫn bách của họ.”

Thông báo này của Phó tổng thống Hoa Kỳ đã gây xúc động cho những người ủng hộ các cộng đồng Kitô của Iraq, cũng như những người Yazidi và các cộng đồng tôn giáo bản địa khác, đã bị diệt chủng khi ISIS, hay còn gọi là Daesh, tràn vào Iraq vào năm 2014, chiếm Mosul và vùng bình nguyên Nineveh. Mặc dù bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã gần như bị đánh bại ở Iraq, việc xây dựng lại nhà cửa và cơ sở hạ tầng của người Kitô hữu ở miền bắc Iraq này vẫn cần đến những trợ giúp rất lớn về vật chất và an ninh để họ không bị bứng gốc khỏi cái nôi của Kitô Giáo.

Tưởng cũng nên nhắc lại là các vị Thượng Phụ Công Giáo Đông Phương đã có một cuộc họp tại Rôma trong hai ngày 9 và 10 tháng Mười để đánh giá khả thể tồn tại được của Kitô Giáo tại Trung Đông nhân dịp các vị về Rôma tham dự kỷ niệm một trăm năm thành lập Bộ Các Giáo Hội Đông Phương, do Đức Thánh Cha Benedict XV sáng lập.

Trong một cuộc họp báo tổ chức tại Vatican sau đó, các nhà lãnh đạo Giáo Hội trong khu vực nói rằng đa số các Kitô hữu Trung Đông cảm thấy bị bỏ rơi bởi cộng đồng quốc tế, điều này khiến cho tình hình trở nên nghiêm trọng vì các cộng đoàn Kitô trong khu vực có thể biến mất hoàn toàn khi các tín hữu quyết định di cư sang các quốc gia phương Tây.

Đức Thượng Phụ Ignatius Joseph III Younan của Công Giáo nghi lễ Syria nhận xét rằng Kitô hữu ở Trung Đông “cảm thấy bị bỏ rơi, thậm chí bị phản bội, bởi vì chúng tôi hy vọng rằng cộng đồng quốc tế sẽ bảo vệ quyền của chúng tôi và cung cấp cho chúng tôi những cơ hội bình đẳng để sinh sống trên quê hương của chính mình, nhưng điều đó đã không xảy ra.”

Ngài nói, “Thật khó chịu đựng nổi những biến động bạo lực ở hai quốc gia Iraq và Syria”. Khi chiến tranh đã bước sang đến năm thứ Bẩy, cả các nhà lãnh đạo lẫn các tín hữu trong khu vực đều cảm thấy bị bỏ rơi và bị phản bội bởi các nước phương Tây, là những người “cơ hội” hơn là những bạn bè đích thật.

“Chúng tôi, những người đứng đầu các Giáo hội, cùng với một anh chị em giáo dân và những người khác, đã cố gắng hét lên như Thánh Gioan Tẩy Giả, nhưng có vẻ như chúng tôi đang la hét trong sa mạc”

Theo Đức Thượng Phụ Younan “những chính sách cơ hội nhằm thủ đắc ưu thế địa chính trị” là một trong những lý do chính khiến các Kitô hữu bị bỏ mặc cho bọn khủng bố bách hại. Họ không có tiền để xây dựng lại các thành phố của họ, hoặc phải ở lại dài hạn trong các trại tị nạn vì visa của họ bị từ chối bất kể họ là những người tị nạn chân chính.”

Đức Thượng Phụ nhận xét chua chát rằng:

“Các chính trị gia đang nắm quyền ở các nước phương Tây không hứng thú với đức tin của chúng tôi. Chúng tôi không đông đảo, chúng tôi không có dầu, chúng tôi không đặt ra bất kỳ mối đe dọa khủng bố nào đối với thế giới văn minh, và do đó, chúng tôi đã bị bỏ qua và phản bội”

Đức Thượng Phụ Younan cho biết đến nay hơn 50 phần trăm Kitô hữu Iraq đã rời khỏi đất nước mình, trong khi một phần ba số Kitô hữu còn lại phải tị nạn bên trong quốc gia này.

Source: National Catholic Register - White House Reveals ‘Game Changer’ for Persecuted Middle East Christians
 
T.T. Trump tuyên bố khủng hoảng loại thuốc phiện giảm đau là nguy hiểm cho sức khỏe công cộng.
Giuse Thẩm Nguyễn
18:57 28/10/2017
(EWTN News/CNA) Hôm Thứ Năm T.T. Donald Trump đã tuyên bố rằng cuộc khủng hoảng loại thuốc phiện giảm đau là một nguy hiểm cho sức khỏe công cộng và kêu gọi các cơ quan của chính phủ liên bang tập trung tìm các nguồn lực để giải quyết vấn đề này, kể cả việc cấm nhập một số loại thuốc và sự chữa trị cho những người bị loại nghiện này.

T.T. Trump nói, “Chúng ta có thể là thế hệ chấm dứt loại dịch thuốc giảm đau này.”

Lời tuyên bố như trên không đưa ra ngân khoản nào thêm để giải quyết cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau nhưng nó cho phép phân phối lại những khoản tài trợ hiện có để chống lại dịch bệnh.

Pháp lệnh mở rộng việc khám và chữa bệnh qua kỹ thuật thông tin hiện tại cho phép những người dân ở miền hẻo lánh nhận được sự chữa trị tốt hơn về bệnh tâm thần hay chữa trị việc lạm dụng thuốc. Nó cũng giúp tránh khỏi những chậm trễ vì thủ tục giấy tờ quan liêu và chuyển các nguồn lực để giải quyết khủng hoảng.

Không có thành phần nào trong xã hội của chúng ta, không có người trẻ hay người già, người giàu hay nghèo, thành thị hay thôn quê , có thể thoát thoát khỏi nạn dịch nghiện thuốc này. Chúng ta không thể việc này tiếp tục xảy ra. Đây chính là lúc giải thoát các cộng đồng của chúng ta ra khỏi tầm ảnh hưởng của loại ma túy này.

Trung tâm Kiểm Soát và Phòng Bệnh tại Hoa Kỳ (CDC,) đã tuyên bố loại thuốc phiện giảm đau này là một bệnh dịch ở Hoa Kỳ. Mỗi ngày có khoảng 91 người chết vì dùng quá liều loại thuốc này. Những loại thuốc này được kê toa nhằm giảm đau như ocycodone, codeine và morphine, nhưng heroin và hợp chất opioid như fentanyl thì mạnh hơn morphine từ 50 đến 100 lần.

Dùng thuốc quá liều đã trở thành nguyên nhân tử vong hàng đầu cho người Mỹ ở tuổi dưới 50, trong đó dùng quá liều thuốc phiện giảm đau đã lên tới 60 phần trăm trên toàn quốc. Theo Trung tâm Kiểm Soát và Phòng Bệnh, việc dùng quá liều lượng thuốc phiện giảm đau đã tăng gấp bốn vào khoảng từ năm 1999 và 2015.

Nhiều người Mỹ cho biết là lần đầu tiên xử dụng thuốc theo toa trước khi dùng heroin, rồi tỷ lệ dùng heroin qua

“tháng này” và “năm nọ” cứ tăng dần và rồi nghiện chất heroin, nhất là giới trẻ từ 18-25 vào những năm 2002-2013. Theo CDC, chất heroin đã trở thành phổ biến và nguyên chất hơn. Những vụ chết người liên quan đến chất heroin đã tăng gấp ba giữa năm 2010 và 2015, một phần là do việc tăng chất thuốc tổng hợp giảm đau opioids như fentanyl được thêm vào chất heroin và cocain để tăng hiệu lực của thuốc.

Trong cuộc họp thường niên của các Giám Mục Hoa Kỳ ở Indianapolis vào giữa tháng Sáu, một số Giám Mục đã đề cập đến việc khủng hoảng chất thuốc phiện giảm đau opioid và bàn thảo về cách thức để giúp những người nghiện thuốc này và gia đình họ.

ĐHY Daniel Dinardo của Galveton, Houton, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ nói rằng “vấn đề càng lúc càng trở nên phổ quát”.

Cũng trong hội nghị này, ĐGM Christopher Coyne của Burlington cũng nói rằng ở Vermont, các giáo xứ đang tìm cách tiếp xúc với các nạn nhân cũng như các gia đình của họ. “Thường thì chúng ta bị giới hạn việc có thể làm trong phạm vi tiểu bang, nhưng các giáo xứ cũng như các ban, nghành của chúng tôi đang cố gắng tiếp xúc với các gia đình có người nghiện, không chỉ những người đã bình phục, nhưng cả với gia đình họ.” Chúng tôi tìm các cha mẹ đỡ đầu cho những bậc phụ huynh bị nghiện, đặc biệt là những người đã quen dùng thuốc quá liều và đang phải chịu đau đớn qua hội chứng bệnh Neonatal Abstinence Syndrome (NAS). Người giáo dân phải nhận thức ra rằng đây không chỉ là vấn đề nghiện, nhưng nó làm cho cả gia đình phải đau khổ.

Hội Bác Ái Công Giáo của Giáo Phận Galveston, Houston đã nhận biết được vấn đề này và đang giúp đỡ các gia đình nạn nhân bằng cách biếu quà, khuyên bảo, cố vấn và tìm những nhà chuyên môn cho họ.

Vào ngày 29 tháng Sáu, Trong thư mục vụ “Từ Cái Chết và Thất Vọng của Khủng Hoảng về Lạm Dụng Thuốc đến Sự Sống và Hy Vọng” của ĐGM Edward Malesic của Greensburg, PA có đề cập đến cuộc khủng hoảng thuốc phiện giảm đau. Ở miền Đồng Pennsylvania thuộc giáo phận của ngài, những năm trước đây đã có tới 300 người chết vì loại thuốc này gây đau thương cho cộng đồng. Trong thư mục vụ. ĐGM nhấn mạnh tới việc đối phó với nạn dịch “Chúng ta hoặc là có thể chìm xuống vào thất vọng hoăc là đứng lên với hy vọng. Nạn dịch này đã lây lan vào khắp mọi nhà, trong khắp các thành phố và ngay cả trong giáo phận của chúng ta.

“Hy vọng là niềm tin sắc son mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta khi cần thiết để vượt qua những khó khăn đang gặp phải. Nếu chúng ta không được hướng dẫn trong hy vọng, chúng ta sẽ dễ đầu hàng. Chúng ta phải nuôi hy vọng. Người Công Giáo phải mang hy vọng đến cho những người đang sa lầy vào trong thất vọng của nghiện ngập. Chúng ta đồng hành với họ với một niềm tin tín thác. Chúng ta nhắc nhở họ về sự hiện diện và quyền năng của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã sống lại từ cõi chết và Chúa Giêsu sẽ nâng đỡ họ.”

ĐGM Malesic đã ca ngợi các linh mục, phó tế và giáo dân đã nhân danh Chúa Kitô đến với những người đang đau khổ vì nghiện ngập và “cho họ biết là họ không cô đơn”. Và chúng ta phải cầu nguyện cho những anh chị em này.

“Với sức mạnh của cầu nguyện, chúng ta có thể dâng lên những nhu cầu của chúng ta và những nhu cầu của những anh chị em nghiện lên Thiên Chúa Tình Yêu, Ngài luôn quan tâm đến chúng ta. Chúng ta biết rằng cầu nguyện là sự liên kết thân mật với Thiên Chúa và có thể làm thay đổi toàn diện cuộc đời của những người đã dính đến cuộc khủng khoảng thuốc nghiện này.”

ĐGM cũng đã công bố những sáng kiến của giáo phận trong việc đối phó với khủng hoảng này trong đó gồm có việc giáo dục tại giáo xứ và lập ra những nhóm phát triển gia đình phục hồi.

Tháng Ba vừa qua, các Giám Mục ở Massachusetts cũng ra một thông báo trong việc đối phó với việc gia tăng khủng hoảng dùng thuốc nghiện giảm đau quá liều sau khi tỉ lệ những người chết vì thuốc quá liều đã tăng lên mức kỷ lục.

Bản tuyên bố viết rằng, “Chúng ta khuyến khích anh chị em của chúng ta, những người đang chịu đau khổ vì nghiện hay những gia đình có người nghiện hãy quay về với cộng đồng đức tin của mình để được nâng đỡ, khuyên nhủ và cảm thông, và chúng ta cũng cầu nguyện cho những người bị ảnh hưởng nhất sẽ nhận được sự nâng đỡ về vật chất, tình cảm và tinh thần của mọi người khi cần thiết.”

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo khu Martino Melbourne mừng bổn mạng 2017
Trần Văn Minh
04:14 28/10/2017
Melbourne, vào lúc 3 giờ chiều Thứ Bảy 28/10/2017. Tại Nhà thờ Saint Paul vùng West Sunshine. Giáo khu Martino thuộc Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm đã dâng thánh lễ mừng kính Thánh Martino là bổn mạng giáo khu thật trọng thể.

Xem hình

Đúng 3 giờ chiều, đoàn trống trắc thuộc giáo khu đã vang vọng trước sân hội trường. Hai cỗ kiệu được sơn son thiếp vàng đã sẵn sàng. Một kiệu tượng Đức Mẹ Fatima và một kiệu nữa đặt tượng Thánh bổn mạng Giáo khu Martino. Rất đông người trong cộng đoàn tề tựu chung quanh để chuẩn bị rước kiệu sau khi đội trống với nghi thức mở đầu bái tượng Đức Mẹ và Thánh Bổn mạng.

Đoàn rước do Linh mục Giuse Trần Ngọc Tân Quản nhiệm Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm chủ sự được rước vòng ra lộ chính và vào cổng chính của nhà thờ. Khi Tượng Mẹ Fatima và tượng Thánh Martino an vị. Thánh lễ tạ ơn mừng bổn mạng được cử hành với Ca đoàn Belem phụ trách phần thánh ca phụng vụ Thánh lễ. Với lời mở đầu của Linh mục chủ tế: chúng ta cùng hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện cho hết thảy mọi người trong giáo khu, người còn sống luôn được bình an, người đau yếu xin Chúa chữa lành về phần xác, người đã qua đời được Thiên Chúa yêu thương đón nhận vào nơi vinh phúc đời đời. Cũng xin cầu cho các vị trong ban chấp hành giáo khu các khóa trước và khóa đương nhiệm được mọi sự lành bằng an.

Trong phần chia sẻ, linh mục chủ tế cũng nhắc lại gương Thánh nhân, một con người đơn sơ hèn mọn, nhưng có một trái tim thương xót. Ngài luôn nhìn xuống để thấy đời mình còn nhiều điều để thực hiện giúp đỡ những người cùng khổ. Xin Thánh nhân luôn là gương sáng để chúng ta biết noi theo, để con người biết yêu thương con người, con người không vô cảm với đồng loại. Để chúng ta biết sống theo Tin Mừng làm sáng danh chúa.

Sau lời cám ơn của ông Trưởng Giáo khu Lê Văn Miện, cám ơn Cha Quản nhiệm, Ban mục vụ cộng đoàn, các ban chấp hành các giáo khu, các ban ngành đoàn thể, cám ơn Ca đoàn cộng đoàn và tất cả mọi người trong giáo khu đã bằng mọi hình thức đóng góp giúp đỡ để tổ chức lễ mừng bổn mạng.

Linh mục quản nhiệm đáp từ rằng truyền thống giáo khu đã có từ lâu đời, cho nên chúng ta phải luôn tôn trọng và vun đắp truyền thống tốt đẹp và truyền lại cho con cháu chúng ta.

Một bữa tiệc mừng được tổ chức tại hội trường lớn của giáo xứ với đông đảo người tham dự với phần phụ diễn văn nghệ Karaoke. Được sự đóng góp tiếng hát của linh mục quản nhiệm hai bài Trở về cát bụi và Trái Tim không ngủ quên và Soeur Tố Anh đơn ca bản Môi Tím rất đặc sắc.
Được biết, Giáo khu Martino là một trong những giáo khu lâu đời trong cộng đoàn, với số giáo dân đông đảo và sinh hoạt tôn giáo rất sinh động. Đây cũng là giáo khu độc nhất trong cộng đoàn có rước kiêu và cũng là giáo khu có hội trống phục vụ trong cộng đoàn và trong Cộng đồng Công Giáo Việt Nam.

 
Giáo Đoàn Thánh Tử Đạo Giuse Lê Đăng Thị Fairfield – Sydney Mừng Bổn Mạng
Diệp Hải Dung.
08:27 28/10/2017
Chiều thứ Bảy 28/10/2017 các Hội Đoàn và các Giáo Đoàn bạn đã đến nhà thờ St. Therese Fairfield Heights tham dự Thánh lễ mừng kính Thánh Tử Đạo Giuse Lê Đăng Thị, Quan Thầy của Giáo Đoàn. Kiệu tượng Thánh Tử Đạo Lê Đăng Thị đặt trong khuôn viên nhà thờ, Cha Phêrô Đặng Đình Nên Đặc trách Giáo Đoàn Fairfield xông hương kiệu tượng Thánh Lê Đăng Thị và sau đó cung nghinh kiệu Thánh Lê Đăng Thị, dẫn đầu là Cờ Úc Việt và Cờ Hội Thánh, kế tiếp là các Hội Đoàn Đoàn Thể, Quan Khách và Giáo Dân, cuộc kiệu rất trang nghiêm và sốt sắng.

Xem Hình

Khi kiệu Thánh Lê Đăng Thị rước vào trong nhà thờ an vị trên cung thánh, đại diện Ban Mục Vụ Giáo Đoàn đọc sơ lược về tiểu sử của Thánh Giuse Lê Đăng Thị. Ngài luôn phó thác và đặt hết niềm tin vào Chúa cho dù là cái chết Ngài cũng không sợ, vì Ngài xác tín là sẽ có Chúa ở vớí Ngài, sau đó Cha Đặng Đình Nên ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Giáo Đoàn đồng thời giới thiệu qúy Cha Tuyên úy Trưởng Bùi Sơn Lâm, Nguyễn Văn Tuyết và Cha Nguyễn Thái Hoạch cùng hiệp diện trong Thánh lễ. Đặc biệt Cha Chính xứ Fairfield cũng đến và ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Giáo Đoàn.

Trong bài giảng Cha Đặng Đình Nên nó hôm nay Giáo Đoàn chúng ta dâng Lễ tôn Thánh Tử Đạo Giuse Lê Đăng Thị, vậy Thánh Tử Đạo là ai ? Cứ theo như những gì chúng ta vừa nghe qua tiểu sử của Ngài thì Các Thánh Tử Đạo là những người dám gắn bó với Chúa Giêsu một cách hết sức là sâu thẳm, mật thiết đến nỗ không có gì có thể tách các Ngài ra khỏi tình yêu của Chúa Giêsu…

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Cha Tuyên úy Bùi Sơn Lâm ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Giáo Đoàn và anh Nguyễn Ngọc Khiêm Phó Chủ tịch Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Sydney thay mặt cho Ban Thường Vụ và Hội Đồng Mục Vụ cũng ngỏ lời chúc mừng Quan Thầy của Giáo Thánh Tử Đạo Lê Thị Fairfiled.

Sau cùng ông Trần Thái Toản Trưởng Ban Mục Vụ Giáo Đoàn Fairfield ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Sơ, quý Quan Khách và mọi người đã đến tham dự Thánh lễ mừng kính Quan Thầy của Giáo Đoàn Fairfield. Đặc biệt cám ơn quý ân nhân đã đóng góp công của để giúp cho Giáo Đoàn tổ chức Lễ Bổn Mạng được tốt đẹp và cũng cám ơn Ca đoàn Fairfield đã tích cực đóng góp giúp cho Giáo đoàn được thêm phần sốt sắng trong những Thánh lễ hàng tuần.

Thánh lễ kết thúc mọi người ở lại tham dự tiệc liên hoan mừng Bổn Mạng Giáo Đoàn Fairfield Thánh Tử Đạo Giuse Lê Đăng Thị.

Diệp Hải Dung
 
Hành trình Emmaus VII: NIềm Vui có Nhau
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
23:24 28/10/2017
NIỀM VUI CÓ CHÚA CÓ NHAU
HÀNH TRÌNH EMMAUS VII.


Danh ngôn của Aristotle nói rằng: “Một con én không làm nên Mùa Xuân”. Luôn luôn có một con én khởi đầu báo hiệu mùa Xuân tới. Rồi sau đó, cả đàn én xuất hiện tạo nên một Mùa Xuân rạng rỡ và tươi vui. Mùa Xuân Hành Trình Emmaus VII cũng thế, một linh mục ghi danh và rồi nhiều linh mục cùng ghi danh để tham dự. Đại Hội đã có trên 160 thành viên tham dự, gồm giám mục và linh mục. Những cánh én từ khắp miền Đông, Tây, Nam, Bắc của Nước Hoa Kỳ đã tụ về thung lũng hoa vàng, San Jose, Califorrnia, để tham dự ngày Đại Hội, 23-26 tháng 10, 2017. Đặc biệt có thêm những cánh én đơn lẻ đến từ Đài Loan, Việt nam và Canada. Niềm vui vỡ òa khi anh em linh mục có cơ hội hiện diện bên nhau.

Tuy xa mà gần. Một lần gặp gỡ nên thân. Anh em cảm thấy ấm lòng được Ban Tổ Chức chào đón khi bước vào khuôn viên nơi Đại Hội. Các cha và các Dì vui tươi hướng dẫn mọi thủ tục cần có. Bầu khí khách sạn Wyndham đang yên tĩnh, bỗng rộ lên tiếng nói tiếng cười. Ban Tổ Chức đã tiên liệu và sắp xếp mọi sự chu đáo cho ngày hội. Chúng ta biết rằng không có gì tự nhiên mà có. Dù một chi tiết nhỏ trong hành trình, cũng cần có sự quan tâm và thi hành. Những bàn tay đẹp, kẻ góp công, người góp của, đã tạo nên một khung cảnh rất ấn tượng.

Đại Hội Linh Mục Emmaus có thể được gọi là Hội Ái Hữu Linh Mục. Mỗi linh mục đều hoàn toàn tự nguyện mang niềm vui đến góp chung và chia sẻ tâm tình với nhau. Các anh em linh mục không bị một sự ràng buộc pháp lý nào. Tại Hoa Kỳ, chúng ta biết, tất cả có khoảng trên 1000 linh mục Việt Nam, Dòng và Triều. Con số ghi danh tham dự Đại Hội là trên 160 linh mục. Thật đáng trân quý. Anh em linh mục nào cũng có Sứ Vụ riêng trong ơn gọi phục vụ phải chu toàn. Niềm vui có Chúa có nhau, cứ hai năm một lần, Ban Chấp Hành Liên Đoàn đã thiết tha mời gọi từng anh em cố gắng tụ về bên nhau để cùng cầu nguyện, trao đổi kinh nghiệm, gặp gỡ, chia sẻ thông tin và tạo tình huynh đệ linh mục.

Niềm vui có Chúa. Năm nay Giáo Hội mừng kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Khi đến thăm chị họ Isave, Đức Maria phấn khởi vui mừng thốt lên rằng: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa. Thần trí tôi hớn hở vui mừng. Vì Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi”. Đức Mẹ là Mẹ của các linh mục. Còn niềm vui nào cao quý hơn niềm vui có Chúa. Trong Hành Trình Emmaus VII, anh em linh mục cùng đọc Kinh Thần Vụ, Dâng Lễ, Chầu Thánh Thể, ca hát cầu nguyện chung và lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải. Của ăn tinh thần giúp anh em an lòng, tịnh trí và bình tâm an lạc.

Niềm vui có nhau. Cần lắm một nụ cười, một cái bắt tay, một lời chào hỏi và một sự thông cảm. Anh em xum họp một nhà, bao là tốt đẹp, bao là hân hoan. Vui lắm! Quay phải, quay trái, nhìn trước, nhìn sau, đâu đâu cũng có anh em linh mục bên cạnh suốt ba ngày dài. Tâm tình và niềm vui được gom nhặt xuất phát từ trái tim nồng cháy nơi các anh em đang phục vụ tại các Giáo Xứ, Cộng Đoàn, Tu Viện, Trường Học và các sứ vụ riêng... Sự hiện diện của các cha cố, các vị cao niên và các cha đã nghỉ hưu, thật là một niềm vui đáng trân quý. Tuy đường xá xa xôi, sức khỏe yếu kém, phải chờ đợi và đi lại khó khăn, giờ giấc thay đổi, các ngài cũng vẫn dành trọn ba ngày với anh em linh mục đoàn.

Niềm vui được lắng nghe những bài chia sẻ thật hữu ích từ các vị chuyên môn. Khơi dậy suy tư và thực hành trong chức linh mục. Noi gương Mẹ Maria, linh mục là thừa tác viên của niềm vui. Làm sao các linh mục có thể chuyển tải niềm vui của Tin Mừng đến với cộng đoàn dân Chúa. Niềm vui từ tâm hồn qua khuôn mặt và cử chỉ có sức đánh động lòng con người. Niềm vui sẽ làm tan biến những dằn vặt khổ đau và khó khăn đang đè nặng trong cuộc sống thường ngày của nhiều người. Tìm đến với Chúa là tìm sự bình an và thanh thản. Linh mục là hiện thân của Chúa Kito, suối nguồn của sự thánh thiện và niềm vui. Linh mục có bổn phận mang niềm vui đến cho mọi người.

Niềm vui mở rộng tới chân trời mới của Truyền Thông Xã Hội và Hiện trạng cuộc sống của Giới Trẻ hiện nay. Linh mục lắng nghe: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Khoa học kỹ thuật ngày nay đang có những bước tiến nhảy vọt gây ảnh hưởng vô lường tới cách sống của con người thời đại. Là mục tử, các linh mục phải có cái nhìn phân định chính xác và nhanh nhậy, để hướng dẫn giới trẻ thích ứng với trào lưu của xã hội văn minh. Các phương tiện truyền thông rất lợi hại, như con dao hai lưỡi, rất cần sự chọn lựa và nhận định bén nhậy. Chúng ta dùng phương tiện và sử dụng công nghệ để xây dựng tình liên đới, bắc cầu thông cảm, truyền đạt Tin Mừng, trau dồi tri thức và nối kết với nhau trong tình yêu.

Niềm vui gặp gỡ nhau. Hành trình Emmaus VII đã đón tiếp các Đức Cha Patrrich J. McGrath (GP San Jose), Đức Cha Oscar A. Solis (GP Salt Lake City), Đức Cha Kevin W. Vann (GP Orange County), ngài là Liên Lạc Viên (Episcopal Moderator) giữa Liên Đoàn và Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Đức Cha Matthew Nguyễn Văn Khôi (GP Quy Nhơn), quý cha giảng thuyết: Cha Đinh Văn Nghị, OP. Cha Nguyễn Khắc Hy, PSS, STD., Cha Trần Công Nghị, Bác Sĩ Thanh Tâm và quý Đức ông, quý cha phụ trách chuyên môn. Những trình bày sinh hoạt của quý cha rất cụ thể, phong phú và đa dạng.

Niềm vui truyền giáo. Cả phái đoàn linh mục được Ban Tổ Chức hướng dẫn tham quan các di tích lịch sử truyền giáo tại Carmel Mission. Anh em đã đến tận nơi và nhìn tận mắt những di tích của thánh Junipero Serra tại Carmel Mission ở Montery. Thánh Junipero Serra y Ferrer, O.F.M (1713-1784), linh mục Tây Ban Nha đã thi hành Sứ Mệnh, cái nôi đầu tiên trong việc truyền giáo tai California.

Niềm vui chia sẻ. Quý cha trong Ban Tổ Chức đã cho anh em linh mục được gặp gỡ và chia sẻ với giáo dân của các Cộng Đoàn vùng San Jose và phụ cận trong bữa tiệc tại Nhà Hàng Dynasty, khoảng 700 khách. Qua tài khéo của cha chủ tịch Miền Tây, Phêro Phan Thế Lực, cha Giuse Đồng Minh Quang và quý Cha, quý Sơ và quý thầy cùng cộng đoàn dân Chúa địa phương đã khoản đãi bữa tiệc liên hoan rất ấm cúng và thân tình. Anh em linh mục chúng con rất cảm kích tấm lòng quảng đại và rộng lượng của quý vị.

Niềm vui tình huynh đệ anh em linh mục. Gặp nhau rồi chia tay. Những ngày vui bên nhau đã khép lại. Hành Trình Emmaus còn tiếp tục trong sứ vụ linh mục. Trong tâm tình biết ơn, chúng con xin chân thành cám ơn Hội Đồng Lãnh Đạo Liên Đoàn, đặc biệt Đức ông Trịnh Minh Trí và Ban Tổ Chức Đại Hội Emmaus VII. Xin tri ân quý Đức cha, Đức ông, quý Linh mục, Phó tế, quý Tu Sĩ Nam Nữ, quý Cộng đoàn và Hội Đoàn, quý vị ân nhân và tất cả quý ông bà và anh chị em đã tân tụy hy sinh vất vả để giúp đỡ cho những ngày Đại Hội Emmaus VII được thành công tốt đẹp.

Chia tay trong Niềm Vui Có Chúa Có Nhau. Xin Chúa thương ban mọi ơn lành hồn xác cho chúng ta.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Ông Ngô ÐÌnh Diệm Vị Quốc Vong Thân
Hà Minh Thảo
18:25 28/10/2017
Sáng mùng một Tết Quí Mão (1963), những Đại sứ thành viên Ngoại giao đoàn có nhiệm sở tại Sài gòn khi đến Dinh Tổng thống để chúc Năm Mới, đã lưu ý đến một cành đào thật lớn có đính danh thiếp ghi ‘Chủ tịch Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ chí Minh tặng Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô đình Diệm’. Cành đào này được gởi qua trung gian Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến và được nhận về bởi Đại úy Lê Châu Lộc, tùy viên quân sự Tổng thống. Tại sao Hồ chí Minh đã tỏ thiện chí như vậy ? Phải chăng đây là điềm xấu cho Người ?

I.- CƯƠNG QUYẾT BẢO VỆ CHỦ QUYỀN QUỐC GIA.

Ngày 09.05.1961, Phó Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson, khi đến Việt Nam, đã gặp Tổng thống Ngô Ðình Diệm. Bắt đầu câu chuyện, ông ca tụng ông Diệm là một Churchill của Á châu : « Đối với thế đứng của Hoa kỳ tại Á châu, Tổng thống Ngô Đình Diệm là nhân vật, là người bạn không thể thiếu được». Vì cương quyết bảo vệ Chủ quyền Quốc gia và luôn hy sinh để tranh đấu cho sự Độc lập Dân tộc, Tổng thống Ngô đình Diệm đã trả lời rằng ‘Chính phủ Việt Nam Cộng hòa rất biết ơn sự viện trợ quân sự và cố vấn Mỹ. Nhưng, việc gửi Quân đội tác chiến Hoa kỳ đến Việt Nam, ông nhất quyết từ chối : « Nếu quý Vị mang Quân đội Mỹ vào Việt Nam, tôi phải giải thích thế nào đây với đồng bào tôi? Với người Việt, hình ảnh hãi hùng của Quân đội Viễn chinh Pháp còn ghi sâu trong tâm trí họ. Sự hiện diện Quân đội Mỹ sẽ làm cho dân chúng dễ tin những lời tuyên truyền của cộng sản. Sự can thiệp của bất cứ quân đội ngoại quốc nào vào Việt Nam cũng đem lại sự bất lợi cho Việt Nam, vì làm cho cuộc chiến đấu của chúng ta mất chính nghĩa ». Tháng 11.1961, Đại sứ Frederick Nolting nhận được yêu cầu từ tòa Bạch ốc phải gặp Tổng thống Diệm về vấn đề quân chiến đấu Mỹ (được xem như ‘chia sẽ trách nhiệm’). Nhưng, ông Diệm trả lời : « Chắc Đại sứ cũng hiểu, những đề nghị ấy đụng chạm tới vấn đề trách nhiệm của Chính phủ Việt Nam, Việt Nam không muốn là một nước bị bảo hộ (Vietnam does not want to be a protectorate) ».

Cùng lúc việc bổ nhiệm Henry Cabot Lodge vào chức vụ Đại sứ tại Việt Nam, đám chủ chiến* Mỹ William A. Harriman, Roger Hilsman, George W. Ball, Getsinger và James V. Forrestal đã đồng ký một công điện mang số 243 chỉ thị cho ông Lodge thực hiện cuộc đảo chánh lật đổ chính phủ Ngô đình Diệm. Đây là loại công điện tối mật cần hành động lập tức (top secret and operation immediate). Đô đốc Harry Felt, Tư lệnh Mỹ tại Thái Bình Dương, cũng đã góp ý kiến vào việc soạn công điện này. Công điện đã được đánh đi khẩn cấp vào tối thứ bảy 24.08.1963 ghi rõ: ‘Chính phủ Mỹ không thể để cho Nhu nắm quyền. Chúng ta sẽ cho Diệm cơ hội để tách rời ra khỏi Nhu và bè đảng của Nhu và thay vào đó bằng những nhân vật có khả năng trong giới quân nhân và chính trị có thể tìm thấy. Tuy nhiên, sau khi dùng mọi nỗ lực mà Diệm vẫn khước từ và chống lại, chúng ta sẽ phải đối diện với một khả thể: chính ông Diệm cũng không thể nào được để tồn tại’.

* {Những phản đối từ Tổng thống Ngô đình Diệm không làm ông Kennedy hài lòng, nhưng đã làm bực bội các cố vấn của ông tại tòa Bạch ốc. Chúng biết bản tính Tổng thống là do dự, thiếu cương quyết và dễ thay đổi ý kiến. Các thất bại tại vịnh Con Heo (Cuba) năm 1962, vụ Lào 1962 và Việt Nam 1963 là những thí dụ. Do đó, khi một đề nghị hay quyết định của Tổng thống Mỹ bị Vị đồng nhiệm Việt Nam chống đối là họ tức tối vì chính họ là những kẻ đã soạn thảo những đề nghị hay quyết định đó. Những kẻ hung hãn nhất trong họ là Hillsman và Harriman, những tên thực dân không chấp nhận Tổng thống một nước nhận viện trợ của Mỹ lại dám hành động như Nguyên thủ một quốc gia có chủ quyền. Do đó, chúng đã tìm một lý do để đảo chính chống vị Tổng thống dân cử Việt Nam Cộng hòa và ‘cơ may’ đã đến : Đó là vụ Phật giáo}.

Để hoàn thành ‘vụ Phật giáo’, nhà cầm quyền Washington đã phải dùng ‘hung thần’ Henry C. Lodge (một ứng viên Phó Tổng thống thất cử năm 1960) vào ngôi vị Đại sứ Mỹ tại Sài gòn. Ngày 27.08.1963, khi trình ủy nhiệm thư lên Tổng thống Ngô đình Diệm, hắn đã lên tiếng thăm dò:

1.- Việt Nam nhường hải cảng Cam Ranh cho Hoa kỳ 99 năm ;

2.- Việt Nam chấp thuận để Hoa kỳ đưa 200.000 quân vào lãnh thổ mình ;

3.- Tổng thống Ngô đình Diệm đặt Bộ Quốc phòng Việt Nam Cộng hòa dưới quyền chỉ huy của các Tướng lãnh Quân đội Hoa kỳ ;

4.- Tổng thống Diệm phải đưa ông cố vấn Ngô đình Nhu ra nước ngoài.

Tổng thống Ngô đình Diệm đã lờ đi toàn bộ.

II./ KỲ THỊ PHẬT GIÁO NĂM 1963 : CÓ THẬT hay KHÔNG ?

Ngày 06.05.1963, Đổng lý văn phòng Phủ Tổng thống Quách Tòng Đức theo chỉ thị của Tổng thống đã gởi công điện số 5159 yêu cầu các địa phương áp dụng quy định chỉ treo cờ tôn giáo trong khuôn viên cơ sở tôn giáo. Hôm sau, trong khi Phật tử Huế và Thừa thiên sửa soạn làm lễ Phật đản thì cảnh sát đến tận nhà buộc họ hạ cờ Phật giáo. Sau đó, Phật giáo và chính quyền đã đạt được thỏa thuận cho phép treo Phật kỳ trong ngày lễ Phật đản và những xe thông tin đi loan báo là đồng bào cứ treo cờ như thường lệ. Nhưng lúc đó, bao nhiêu dồn nén trong quần chúng được khơi dậy và họ quyết định sẽ nhân cơ hội này đấu tranh chống chính quyền, đòi quyền bình đẳng tôn giáo và dễ dàng lôi cuốn được mọi Phật tử.

Ngày 08.05.1963, đến dự lễ Phật đản ở chùa Từ Đàm, Thiếu tướng Lê văn Nghiêm, Tư lịnh Quân đoàn I và Vùng I Chiến thuật, Đại biểu Chính phủ Hồ đắc Khương và Tỉnh trưởng Nguyễn văn Đẳng đều khăn đóng áo dài vừa với tư cách chính quyền vừa với tư cách Phật tử. Trong bài thuyết pháp, Thượng tọa Thích Trí Quang, một vị sư bị các nhà phân tích CIA (Central Intelligence Agency, Cơ quan Tình báo Trung ương) mô tả là một kẻ mị dân, chống Công Giáo (năm 1966, ông xách động đồng đạo mang bàn thờ Phật xuống đường) … lên tiếng công kích chính quyền rất nặng nề và tố cáo sự kỳ thị tôn giáo, bất bình đẳng tôn giáo và có tính cách kêu gọi Phật tử tranh đấu cho Phật Pháp. Lúc 19 giờ 30, Phật tử tụ tập thật đông tại chùa Từ Đàm. Bỗng nhiên ban tổ chức loan báo thay đổi chương trình : thay gì có đốt pháo bông như đã dự định thì mời mọi người đến tập trung tại Đài Phát thanh Huế. Nơi đây, ông Quản đốc Ngô Ganh đang sửa soạn để phát vào lúc 8 giờ 15 chương trình Lễ Phật Đản đã thu thanh trước và đã được kiểm duyệt theo thể lệ chung. Đám đông tập trung quanh Đài Phát thanh, nhiều Thượng tọa, Đại đức và thanh niên Phật tử xông thẳng văn phòng Quản đốc buộc ông phải thay đổi chương trình phát thanh bằng loan đi cuộn băng mà họ đã thu buổi lễ ban sáng với bài thuyết pháp của Thượng tọa Trí Quang. Ông Ngô Ganh từ chối vì ông chỉ được phép cho truyền thanh những cuộn băng nào đã được kiểm duyệt. Khi đám đông tràn vào sân Đài, ông gọi điện thoại cầu cứu với Thiếu tá Đặng Sỹ, Phó Tỉnh trưởng Nội an. Sau khi nhận lịnh giải tán từ cấp trên, Thiếu tá Sỹ tập họp các đơn vị thi hành lịnh tại sân Tiểu khu và giải thích cho quân nhân các cấp rõ về lệnh dùng súng Garant và lựu đạn MK3. Đây là lựu đạn thuộc loại huấn luyện có mục đích làm cho tân binh quen với tiếng nổ, cũng dùng khi tấn công địch nhưng không có tác dụng giết người và, nếu đứng gần chỗ nổ, có thể bị chói tai và bị thương nhẹ. Đại úy Lê nguyên Phu, Tiểu khu phó, nhắc chỉ ném MK3 nơi không có người như vào bãi cỏ hay gốc cây.

Nhận lịnh từ thượng cấp, các sĩ quan hiện diện đều đồng ý là phải hết sức thận trọng vì đây là vấn đề thuộc phạm vi tôn giáo, dù có giải tán một cách êm đẹp cũng vẫn bị mang tiếng là đàn áp. Trong lúc họ bàn thảo kế hoạch đối phó thì Đài Phát thanh đang lâm nguy trầm trọng do gạch đá bị đám đông ném, bay vun vút vào. Từ Đà nẵng, Thiếu tướng Nghiêm gọi điện thoại hỏi tình hình và ra lệnh cho ông Sỹ: ‘Việc đã gấp rồi giải tán thì giải tán ngay đi’. Ông Sỹ, sau hai đợt giải tán bằng xe phun nước và Quân cảnh cùng Cảnh sát vô hiệu, đã cho 2 trung đội lính tiến theo đội hình ngang với ba xe phóng thanh kêu gọi đồng bào giải tán, gạch đá tung cùng hàng ngàn tiếng la ó, đả đảo, hoan hô. Tỉnh trưởng Đẳng yêu cầu Thượng tọa Trí Quang : « Thầy dùng micro, Thầy nói dùm như thế này nguy hiểm quá ». Thầy ngần ngại: « Bây giờ tôi phải nói với Phật tử sao đây? ». Đám đông vẫn tiến vào Đài. Thầy Trí Quang đứng ở cửa Đài và nói : « Phật tử cứ bình tĩnh, mọi việc Thầy đang tìm cách giải quyết »… Nhưng vô hiệu.

Thiếu tá Sỹ đi trên xe cơ giới đang tiến vào Đài khoảng 50 thước thì bổng có một tiếng nổ kinh hồn và tiếp theo một tiếng nổ khác. Lúc ấy lối 22 giờ 30. Một cận vệ ông la lớn ‘Nổ ! Thiếu tá coi chừng Việt cộng’. Theo các sĩ quan ở gần Đài thì tiếng nổ làm rung chuyển tất cả và ánh sáng từ phía nổ phát ra một tia sét mà họ đều chưa nghe thấy một tiếng nổ nào lạ tai như vậy. Cảnh tượng trở nên vô cùng hỗn loạn và kinh hoàng. Đồng bào xô đẩy nhau tìm đường thoát thân trong tiếng khóc kêu la… Tám người tử thương, không xác chết nào được toàn thây do sức hơi (soufflement) ép, chứ không bởi mảnh (écletements).

Dựa vào các giảo nghiệm y tế, ngày 09.06.1963, trong một công điện đánh đi tử Tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn thông báo rằng phúc trình hoàn tất của Trưởng ty Y tế xác nhận là ‘những người chết hôm 8 tháng 5 là do sự chấn động hơn là do các lựu đạn có mãnh’ (May 8 deaths resulted from concussion than fragmentation grenades).

Không tìm được thủ phạm : chính quyền nghi Việt cộng; Phật giáo buộc tội chính quyền. Hoa kỳ buộc chính phủ phải thỏa mãn 5 đòi hỏi của Phật giáo. Vì Đại sứ Nolting đang nghỉ phép, nên xử lý thường vụ William Trueheart phúc trình, ngày 11.06.1963, về Bạch ốc : 1. Không có dấu hiệu là các lãnh đạo Phật giáo bị ảnh hưởng cộng sản ; 2. Họ xử dụng báo chí ngoại quốc cho cuộc đấu tranh và một số trong họ hy vọng lật đổ chính quyền ; 3. Vẫn còn cơ may Tổng thống Diệm sẽ giải quyết thỏa đáng vấn đề Phật giáo.

Cùng ngày phúc trình được gởi đi, Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu (hay ‘bị thiêu’, 52 năm sau, nghi vấn vẫn còn đặt ra), một thành công tuyệt vời để báo chí và truyền hình Mỹ, rồi dư luận và, cuối cùng, chính quyền Hoa kỳ kết luận : tại Việt Nam, Phật giáo đang bị bách hại. Lúc xảy ra vụ tự thiêu, Tổng thống Ngô đình Diệm, Chủ tịch Quốc hội và ngoại giao đoàn đang hiệp dâng Thánh Lễ cầu hồn cho Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII tại Vương cung Thánh đường do Đức Cha Phao lô Nguyễn văn Bình, Tổng Giám mục Sài gòn, chủ lễ. Thánh Lễ vừa xong, Bộ trưởng Nội vụ Bùi văn Lương đến bên ông Diệm để báo tin vụ tự thiêu. Tổng thống khựng lại, mặt biến sắc thương tiếc ‘có gì mà phải làm như vậy !’. Theo giới thân cận xác nhận thái độ Tổng thống lúc đó thật bàng hoàng, đau xót… Là một Kitô hữu đạo đức, Giáo lý Công Giáo không cho phép tự hủy mình, ông thấy mình có phần trách nhiệm.

Trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 1971, ông Dương văn Minh tranh cử chống Tổng thống Nguyễn văn Thiệu và vấn đề ông Diệm chết được đặt ra. Khi được phỏng vấn, ông Minh tuyên bố ông Thiệu phải chịu trách nhiệm về cái chết của anh em ông Diệm : « Thiệu, lúc đó là một đại tá tham gia cuộc đảo chánh, đã không đem quân vào dinh Tổng thống đúng thời điểm để ngăn chận họ trốn thoát ». Nếu 2 ông bị bắt giữ ngay trong dinh Gia Long, họ đã không bị giết. Đồng thời, một quyển sách tựa đề ‘Làm Thế nào để Giết một Tổng thống’ xuất hiện. Đọc trong đó, chúng ta có giải đáp cho những thắc mắc vụ nổ tại Đài Phát thanh Huế đêm 08.05.1963 :

1./ Thủ phạm mang tên Scott. Tại phiên tòa xử Thiếu tá Đặng Sĩ ngày 02.06.1964, các chuyên viên quân cụ đã phân tích các loại chất nổ M26 và MK3. Giả thuyết M26 đã bị loại và MK3, dù các thẩm phán đặc biệt lưu ý, nhưng rồi cũng bị loại vì, tuy có thể làm chết người do áp lực của hơi nổ, nhưng tác dụng không thể nào đạt tới con số thương vong cao như vậy nhất là ở nơi có khoảng trống.

Năm 1966, Đại úy Scott, cố vấn Tiểu đoàn 1/3 Sư đoàn I Bộ binh, cho biết sự thật. Năm 1965, miền Trung đang sôi động trong ngọn lửa Phật giáo đấu tranh. Nhân một cuộc trò chuyện tình cờ bắt qua chuyện Phật giáo lúc đó, ông Scott nói với Đại úy Bửu đại ý ‘Phật giáo miền Trung sẽ không thành công trong vụ này’ vì không tạo đủ yếu tố để thành công như năm 1963. Tuy có khí giới tinh thần, nhưng không được đồng minh ủng hộ : Hoa kỳ không giúp đỡ Phật giáo nữa. Vụ 1963 thì tôi biết rõ’. Đại úy Bửu hỏi : « Năm 1963, ông ở đâu? ». Scott nói: « Tôi hiểu rõ Phật giáo có thể còn hơn các anh. Tháng 05/63 tôi ở Đà nẵng và đến Huế một ngày trước khi xảy ra vụ nổ tại Đài Phát thanh Huế. Chỉ người ngây thơ tin Việt cộng gây ra vụ nổ đó. Tội nghiệp cho Thiếu tá Sĩ đang ở tù vì bị kết tội đã đàn áp Phật giáo và làm chết 8 Phật tử. Người ta tin đó là tiếng nổ của Plastic Việt cộng hay lựu đạn của chính quyền Việt Nam? Đó là một chất nổ đặc biệt của CIA…

2./ Vợ chồng Bác Sĩ Wuff. Trong cơn hổn loạn sau tiếng nổ kinh hồn tại Đài Phát thanh, một viên chức Mỹ đến hiện trường để lo chụp hình quay phim nhưng bị nhân viên công lực không cho. Vợ chồng Bác sĩ Wuff, người Đức thuộc Đại học Y khoa Huế, xin vào trong Đài để săn sóc nạn nhân nhưng bị từ chối. Ông này đã nhanh tay chụp được mấy tấm hình nạn nhân và vài chiếc xe cơ giới Bảo An đang đậu trước Đài. Đêm đó, họ cắt và ghép những hình này để cho thấy xe cơ giới cán người và, trong nội sáng ngày 09.05.1963, những tấm hình ghép này được gởi về Saigon và mấy ngày sau xuất hiện trên báo chí Tây Đức, Pháp, Mỹ. Một chi tiết cần lưu ý năm 1965, ba Bác sĩ Đức ở Đại học Y khoa Huế kể cả Wuff chụp hình và ráp nối hình đêm 08.05.1963 đều bị an ninh Sư đoàn I thời Tướng Nguyễn chánh Thi làm Tư lịnh, trong một cuộc hành quân tại khu Nam Đồng khánh khám phá được tài liệu mật cho biết rằng họ đều là người Đông Đức vượt qua Tây Đức và là những điệp viên cộng sản thuộc loại quốc tế.

[Mời đọc thêm. Trong khi làm Thủ tướng, Tướng Nguyễn Khánh muốn làm hài lòng Đại sứ Mỹ Henry C. Lodge và Thích Trí Quang, nên đã dùng ‘Tòa án Cách mạng’ để tuyên án tử hình ông Ngô đình Cẩn cùng Trung úy Phan Quang Đông và cả hai bị xử bắn ngày 09.05.1964. Không thể để ‘bọn lợi dụng cách mạng để đàn áp Công Giáo’ đối với Thiếu tá Đặng Sĩ, ngày 07.06.1964, Khối Công dân Công Giáo đã tổ chức cuộc biểu tình lớn với khoảng cả 100.000 người tại Công trường Lam Sơn. Chiều hôm đó, ông Khánh đã phái Tướng Albert Nguyễn Cao đến gặp Đức Cha Nguyễn văn Bình, Linh mục Trần tử Nhãn, Dòng Chúa Cứu Thế, và gia đình Thiếu tá Đặng Sĩ cho biết : ‘Thiếu tá Đặng Sĩ sẽ không bị tuyên án tử hình và đừng quan tâm đến bản án tòa sẽ tuyên trong ngày mai. Tòa chỉ tuyên án để thỏa mãn những đòi hỏi của Phật giáo mà thôi. Trong một thời gian ngắn, khi tình hình lắng dịu, Đặng Sĩ sẽ được trả tự do’.

Ngoài ra, ngày 24.11.1963, Thiếu tá Đặng Sĩ bị bắt, giải vào Sài gòn giam tại Nha An ninh Quân đội. Buổi chiều, ông được đưa đến gặp Thiếu tướng Đỗ Mậu để vị tướng này nói ‘Anh khai cho ông Ngô đình Thục đã ra lệnh cho anh đàn áp Phật giáo ở Huế thì anh sẽ được trả tự do’. Ông Sĩ từ chối vì không đúng sự thật. Hôm sau, một Trung úy đã cho ông Sĩ biết ‘nếu đồng ý khai theo ý của Thiếu tướng thì sẽ được cho vào làm việc tại Sài Gòn, vẫn mang cấp bậc cũ và còn được cho một chiếc xe Peugeot 203 mới nữa’.

Ông Sĩ đề nghị ‘Nếu Thiếu tướng đã chỉ thị rõ ràng như vậy thì xin viết tay ra lệnh cho tôi thì tôi mới thi hành’. Đỗ Mậu viết trên một mảnh giấy nhỏ ‘Lưu ý Đặng Sĩ đừng khai dài dòng, chỉ nói mục đích chính cuộc đàn áp. Hỏi Ngô đình Thục đã ra lệnh cho y khi nào?’. Sau đó, một Đại úy nhắc lại ‘Theo ý của Thiếu tướng, Thiếu tá chỉ khai một lời duy nhất: Chính ông Ngô đình Thục đã ra lệnh cho Thiếu tá ngày nào, giờ nào, trực tiếp hay qua trung gian... Chỉ cần viết một trang, rồi ký tên là đủ, không cần dài dòng’. Viết xong, trở về phòng giam, ông Sỹ liên lạc nhờ một người quen ở Nha An ninh Quân đội để nhờ photocopy chỉ thị viết tay của Đỗ Mậu và đem đến trao cho bà vợ ông Sĩ để trao cho Đức Tổng Giám Mục Nguyễn văn Bình gởi cho Hội đồng Giám mục Hoa kỳ hầu báo cho thẩm quyền Mỹ.

Hồ sơ bị bại lộ, Tín hữu Công Giáo biểu tình, Hội đồng Quân nhân Cách Mạng bắt Tướng Mậu rời khỏi Nha An ninh Quân đội. Chiều 07.06.1964, Tướng Nguyễn Khánh đã cho Chuẩn tướng Albert Nguyễn Cao, đại diện cho Hội đồng Quân nhân Cách Mạng, đến thông báo cho gia đình Đặng Sĩ biết Tòa chỉ tuyên án để thỏa mãn đòi hỏi của Phật Giáo. Trong một thời gian, khi tình hình lắng dịu, Đặng Sĩ sẽ được trả tự do.]

Mời chúng ta trở lại cuộc khủng hoảng Phật giáo.

Cuộc thương nghị giữa Phái đoàn Liên phái (Phật giáo do Thượng tọa Thích Tâm Châu làm Trưởng đoàn) khởi đầu từ 14.06.1963 với Phái đoàn Liên bộ (Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ và hai Bộ trưởng Nguyễn Ðình Thuần, Bùi Văn Lương). Ngày 16.06.1963, Bản Thông cáo chung được ký kết gồm 5 điểm để giải quyết 5 nguyện vọng do Tổng hội Phật giáo Việt Nam đề ra. Chữ ký chưa khô mực, ngay chiều cùng ngày, hơn 100 tăng ni, trong đó có Thượng tọa Thích Tâm Châu đã biểu tình trước nhà Đại sứ Mỹ để yêu cầu chính quyền Mỹ và các nước khối Tự do phải áp lực chính quyền Việt Nam thực thi đứng đắn Bản Thông cáo chung. Sau cuộc biểu tình, một số tăng ni lại kéo nhau về Chùa Xá Lợi mở đầu cuộc tuyệt thực… Mỗi lần biểu tình, tuyệt thực và, lại thêm, tự thiêu như vậy cung cấp thêm cho báo chí ngoại quốc những đề tài mới lạ và hấp dẫn.

Do đó, để tái lập trật tự, nhất là để tránh sự ‘nổi loạn’ lan tới giới sinh viên, học sinh, chính quyền Việt Nam phải ra tay bằng tấn công các chùa Xá lợi và Aán quang, những địa điểm tổ chức tuyệt thực và xuất phát các vụ xuống đường, sáng sớm ngày 21.08.1963, do Lực lượng Đặc biệt và Cảnh sát phụ trách. Các đơn vị hành quân truy lùng, bắt giữ đám Cộng sản trà trộn vào các chùa, cũng như các thành phần bất hảo phá rối trị an. CIA đã biết trước cuộc tấn công và báo cho Thượng tọa Thích Trí Quang chạy trốn vào USAID (United States for International Development, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa kỳ) và, sau đó, đến Tòa Đại sứ Mỹ để được sự bảo vệ của Henry C. Lodge cho đến ngày 04.11.1963. Đồng thời, Tổng thống cũng ban bố lịnh Thiết Quân luật trên toàn quốc và giao cho Quân đội trách nhiệm bảo vệ an ninh trật tự. Tại Thủ đô, quyền hành được trao cho Thiếu tướng Tôn thất Đính, Tư lịnh Quân đoàn III và Vùng 3 Chiến thuật, Tổng trấn Sài gòn Gia định.

III./ CÁC TƯỚNG ĐẢO CHÍNH VÌ TỔ QUỐC HAY VÌ THAM LAM?

Sáng ngày 01.11.1963, Tổng thống Ngô Ðình Diệm tiếp kiến một cách thoải mái trong văn phòng của ông với Đại sứ Lodge và Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa kỳ, Đô đốc Harry Felt. Ôâng này đến Sài Gòn như là một cuộc thanh sát thường lệ về sự trợ giúp quân sự cho Việt Nam Cộng hòa. Trong lúc đó, các tướng lãnh Việt đang âm mưu chống ông Diệm đã dàn cảnh để, nhờ sự có mặt của Felt, để giữ ông Diệm ở trong Dinh suốt buổi sáng. Dinh Tổng thống yên lặng vì các con của ông Nhu đã đi Đà lạt. Chúng đang nghỉ lễ Chư Thánh. Con trai trưởng ông Nhu đang học tại Trường Lason Taberd.

Trưa ngày 01.11.1963, nhân dịp nghỉ Lễ Các Thánh Nam Nữ, tôi đạp xe đ ịnh đi đến Ðất Thánh để viếng nơi an nghỉ của các Sư huynh Dòng Lasan. Nhưng tới ngả tư Cộng hòa và Nguyễn Trãi, các quân nhân buộc phải quay về… Sau đó, qua đài phát thanh Sài Gòn, người dân nghe các tướng tá kể lại các trọng tội mà nhà nước cùng báo chí Mỹ lẫn Hà nội cộng sản gắn cho Tổng thống dân cử Ngô Ðình Diệm. Sau đó, từng người trong họ xứng danh mình. Ðược đào tạo bởi thực dân Pháp, nay được phục vụ bọn thực dân Mỹ, họ mơ thành những tướng văn võ vẹn toàn. Nhân danh Quân đội Việt Nam Cộng hòa để đảo chánh, họ làm ô nhục Tập thể Quân nhân vì ‘quân nhân chỉ phục vụ Tổ quốc, chứ không làm chính trị đảng phái. Hơn nửa, tiền của CIA (Central Intelligence Agency, Trung ương tình báo Hoa kỳ).

Ngày 01.11.1963, nhân danh Quân đội Việt Nam Cộng hòa, các tướng Trần thiện Khiêm, Dương văn Minh… đã sai thuộc cấp nổ súng giết các chiến hữu theo lịnh ngoại bang, như vào các Đại tá Hồ tấn Quyền (Tư lịnh Hải quân), Lê quang Tung (Tư lịnh Lực lượng Đặc biệt) và Thiếu tá Lê quang Triệu (Lực lượng Đặc biệt)… Lối 13 giờ, tên CIA Lucien E. Conein mang vô bộ Tổng Tham mưu một bao tiền là ba triệu đồng và một máy truyền tin đặc biệt để liên lạc với Toà Đại sứ Mỹ. Cuộc tạo phản bắt đầu lúc 13 giờ 30…

Trái hẳn với họ, nghĩa cử cao thượng của vị Tổng thống là : Ông Cao xuân Vỹ, Thủ lãnh Thanh niên Cộng hòa (một Tổ chức dân sự ủng hộ chế độ) có tường thuật : « Khi đảo chính 01.11.1963 khởi diễn, Thiếu tá Nguyễn hữu Duệ (Lữ đoàn Liên binh Phòng vệ Tổng thống phủ) xin phép Tổng thống đem thiết giáp lên bộ Tổng Tham mưu để bắt các tướng và dẹp đảo chính. Nhưng Tổng thống không cho. Lúc đó, tôi đang ở bên Tổng thống Diệm và ông Nhu tại dinh Gia Long. Tôi nghe điện thoại và trình lên Tổng thống. Ông la ‘Các anh muốn gì? Ở với tôi bấy lâu mà không hiểu ý tôi sao? Dân Nghệ an các anh chỉ thích làm loạn. Đem quân đội chống quân đội là cách bảo vệ tổ quốc hả?’. Tôi thưa ‘Nhưng người ta đánh mình thì mình phải đánh lại chứ Tổng thống. Chẳng lẽ để phải chết sao?’. Ông quát lên ‘Chết thì đã sao’».

Đúng, đối với ông Diệm chết thì đã sao. Nhưng đối với chúng ta thì cái chết của ông là cái chết dần dần của Miền Nam. Ông còn nói ‘Quân đội là để bảo vệ Tổ Quốc chứ không phải để bảo vệ cá nhân Tổng thống’. Tiếp đó, ông Diệm bảo ông Vỹ liên lạc với ông Trương vĩnh Lễ, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu triệu tập Quốc hội để ông ra từ chức trước Quốc Hội, hòng tránh cảnh đổ máu. Ông Vỹ gọi ông Lễ 4 lần nhưng không gặp (Ngày 01.11.1963, Lễ các Thánh là ngày nghỉ). Ngoài ra, thật vậy, khi quân đội bị chia rẽ, khi chính nghĩa bị hy sinh, khi đất nước mất người lãnh đạo anh minh, tài đức, để giao tiền đồ Tổ Quốc vào tay những con người kém tài đức, phản loạn, thì trước sau gì cũng mất về tay cộng sản miền Bắc tháng 4/1975.

{Lúc đó, ngoài Lữ đoàn xin lên tấn công hành dinh phe đảo chính, còn có một đại đội biệt kích Lực lượng Đặc biệt vừa hành quân ở Tây ninh về đến Sài gòn báo cáo lực lượng phòng vệ các tướng đảo chính yếu, nên xin phối hợp với 2 tiểu đoàn Lữ đoàn Phòng vệ Tổng thống phủ đột kích vào bắt hết các tướng đảo chính. Tổng Thống không chấp thuận.}

Khoảng 19 giờ, ông Cao xuân Vỹ, Thủ lãnh Thanh niên Cộng hòa, đưa Tổng thống và ông Ngô đình Nhu cùng 2 Đại úy Đỗ Thọ và Bằng (sỹ quan tùy viên) đến nhà ông Mã Tuyên (Bang trưởng người Hoa và Trưởng Thanh niên Cộng hòa quận 5). Tại đây, hai ông Diệm, Nhu và Đại úy Thọ tạm trú qua đêm. Từ nửa đêm cho đến sáng, chuông điện thoại reo liên tiếp. Gần sáng, Tổng thống nói cho ông Mã Tuyên biết Lữ đoàn Phòng vệ đã ngưng tiếng súng rồi. Sau đó, hai ông ngồi cầu nguyện. Sau khi cám ơn ông Mã Tuyên và gia đình, tài xế của ông đưa Tổng thống, ông Nhu và Đại úy Thọ đến nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê (còn có tên Cha Tam).

Tại đây, là những tín hữu kính sợ Đức Kitô, Thiên Chúa Chân Thật, Người đã hứa ‘Phúc cho ai xây dựng hòa bình’ thì ‘Họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa’, nên hai người Công Giáo tốt Ngô đình Diệm và Ngô đình Nhu đã ‘xây dựng hòa bình’ qua việc tham gia vào chính trị xứng đáng ‘được gọi là con Thiên Chúa’. Do đó, ngày 02.11.1963, trước khi chấm dứt cuộc lữ thứ trần gian, hai ‘con Thiên Chúa’ này, sau khi gặp Linh mục (là Đức Kitô thứ hai) đã lãnh nhận những Bí tích cuối cùng và Lương thực đi đường, xứng đáng được Chết Lành hầu Linh hồn Gioan Baotixita và Giacobê được Ngôi Hai Thiên Chúa đón vào Thiên Đàng. Sau đó, Tổng thống nhờ Đại úy tùy viên Đỗ Thọ mượn điện thoại nhà xứ gọi về Tổng tham mưu thông báo là hiện Tổng thống đang ở nhà thờ Cha Tam Chợ lớn.

IV./ NHỮNG KẺ GIẾT NGƯỜI VÀ CHẠY TỘI.

Dù biết ‘Dinh Gia Long thất thủ được coi như chế độ sụp đổ’, nhưng vẫn có đôi ba Tướng còn sợ uy quyền Tổng thống (như Khiêm, Lễ, Oai chủ trương ‘nhổ cỏ phải nhổ tận gốc’) nên nghĩ xa hơn về hậu họa nếu ông Diệm còn sống. Do đó, kế hoạch giết ông được bàn cãi trong Hội đồng Tướng lãnh. Vì tham vọng quyền lợi mỗi người trong họ, nên cuộc thảo luận tạo nên hố chia rẽ bắt đầu đào lên giữa họ. Các tướng ít quyền, do mặc cảm cấp bực thua kém, đã tự động bỏ ra về. Cuộc bỏ phiếu được thực hiện bằng lựa chọn 1 trong 3 ký kiến:

1.- Tha cả 2 và cho đi ngoại quốc.

2.- Giết cả 2.

3.- Giết Nhu, tha Diệm.

Tướng Kim là người đi nhận phiếu, bỏ vào nón của ông. 9 phiếu đầu đòi giết cả hai. Dương văn Minh, cầm lá phiếu trên tay không bỏ phiếu và nói ‘Tôi xin được tha cho Tổng thống và ông Nhu’. Tướng Kim, im lặng một lúc, rồi đề nghị: « Ý kiến anh Chủ tịch là tha cả hai. Tôi đề nghị anh em là nên theo ý kiến của anh Chủ tịch ». Tất cả đều đồng ý tha. Tướng Minh giao cho tướng Khiêm phụ trách việc đón hai ông Diệm và Nhu cùng dặn đưa 2 ông về trình diện Hội đồng Tướng lãnh.

Tướng Khiêm kéo hai Đại tá Dương ngọc Lắm, Huỳnh văn Tồn, và Đại úy Dương hiếu Nghĩa (đều là đảng viên Đại Việt) về phòng riêng để cho biết ý kiến của Mỹ (qua CIA Conein) là phải giết ông Diệm. Sau đó, Lắm và Tồn ra trước để điều động lực lượng. Nghĩa ở lại để Khiêm bàn chi tiết hơn. Khi rời phòng Khiêm, Nghĩa gặp Đại úy Phan hoà Hiệp. Ông này hỏi Nghĩa :

- Có chuyện gì mà hồi nãy anh Lắm nói với tao ‘Ê, các cậu được lịnh vô Chợ lớn đón Tổng thống. Hễ thấy gì thì cũng yên lặng, chớ có lộn xộn coi chừng bay cái đầu đó nghen !’. Nghĩa nói nhỏ ‘Anh Tư Mắt Kiếng (tướng Khiêm) có lịnh giết ông Diệm rồi’.

Lúc 7 giờ ngày 02.11.1963, một đoàn quân xa gồm 3 chiếc Jeep, 2 thiết vận xa M113, 2 quân xa GMC chở đầy lính vũ trang cùng các quân nhân : Tướng Mai hữu Xuân, hai Đại tá Dương ngọc Lắm và Nguyễn văn Quan, bốn Đại úy Nguyễn văn Nhung, Dương hiếu Nghĩa và Phan hòa Hiệp đến nhà thờ Cha Tam để đón hai anh em Tổng thống. Đại tá Lắm chào và nói ‘ Thừa lệnh Trung tướng Chủ tịch Hội đồng Quân nhân Cách mạng, chúng tôi đến đón cụ và ông cố vấn’… Đại úy Nhung sai hai lính chạy đến đẩy hai ông lên xe M113 và kéo cửa lên. Tùy viên Đỗ Thọ và Linh mục đi theo hai ông. Sĩ quan tùy viên vừa đưa chiếc cập da cho Tổng thống và Nhung chớp lấy ngay. Sau đó, Nhung đuổi Đại úy Thọ và cha Jean trở lên nhà thờ. Đoàn xe lăn bánh.

Thượng sĩ trưởng xe M113 hỏi nhỏ anh Hạ sĩ xạ thủ đại liên ‘Này mày, sao không để 2 ông ấy đi xe jeep cho tiện, đút vào đây làm chi cho cực ?’. Vị hạ sĩ ghé vào tai tao nói giọng lạnh như tiền ‘Ông ngu bỏ mẹ đi. Nếu người ta muốn ‘đón’ thì đi bằng xe jeep. Còn muốn ‘giết’ thì còn gì kín đáo hơn là hầm chiếc xe này’. Nghe xong, vị Thượng sĩ bất giác lạnh từ xương sống lên tới đầu. ‘Giết ? Sao lại giết? Có gì mà đến nỗi phải giết ? Đối phương đã đầu hàng, đã xin chịu thua, nhất là đã chỉ chỗ cho mình đến mà đưa người ta đi. Vậy thì cách chức, đuổi cổ người ra khỏi nước đã là nhục lắm rồi, cớ chi mà phải giết ?’.

Chiếc M113 rầm rộ rời nhà thờ cha Tam, chạy đến đường Đồng Khánh và tới đường Nguyễn Trãi thì đoàn xe đâu mất, chỉ còn một xe jeep chạy đầu, với ngồi đứng 5, 6 người, súng ống chỉa lên trời, lựu đạn đeo lủng lẳng xem thật hùng dũng. Hết đường Nguyễn Trãi, bước vào đường Võ Tánh và ngừng lại trước trụ sở Tổng Nha Cảnh sát Quốc gia, nhưng không một bóng dáng cảnh sát, chỉ toàn binh sĩ Sư đoàn 5, thuộc quyền chỉ huy của Đại tá Nguyễn văn Thiệu, súng lăm lăm cầm tay canh gác rất cẩn mật. Từ trong một xe jeep khác chạy ra, trên xe có một Đại tá. Ông chỉ tay lên chiếc M113 và ra lệnh:

- Xuống! xuống hết! Tất cả ở ngoài đứng chờ lệnh, chỉ có chiếc xe này được chạy vào với một tài xế và… anh kia.

Theo tay chỉ thì anh kia là anh chàng hạ sĩ xạ thủ đại liên. 8 người trên xe M113 nhảy xuống, đồng số phận với những người trên xe jeep ở bên ngoài... ngắm cảnh. Tưởng đến đây là hết: giết hay giam hai ông ở đây. 20 phút sau, chiếc M113 lại lù lù chạy ra, tới cửa nó chạy chậm lại để lính đu lên, rồi xe rú lên vọt chạy ngược lại đường Võ Tánh rồi quẹo phải, đến đường Cộng Hòa. Mắt chàng hạ sĩ dại đi, mặt tái mét, mười ngón tay như muốn co rúm lại khi vị Thượng sĩ thì thầm bên tai :

- Ông Diệm, ông Nhu đâu ?

- Ở dưới.

- Sao rồi ?

- Ông Nhu bị tra tấn khủng khiếp rồi bị xiết cổ chết bằng dây điện.

- Còn ông Diệm ?

- Ông bị đè cổ ra trói thúc ké rồi ném vào thùng xe.

- Chết hay sống ?

- Không biết.

- Người ta là ai ?

- Không biết.

Chiếc M113 cùng xe jeep chạy qua đường Pétrus Ký thì tới ngã rẽ Hồng Thập Tự, bên kia là Lý Thái Tổ, đường Hùng Vương, bên trái là Nguyễn Hoàng, thì gặp lại đoàn xe Đại tá Lắm, các Đại úy Nhung, Hiệp, Nghĩa. Như vậy, đội hình mau chóng được xếp lại. Qua ngả tư Cao Thắng, Hồng Thập Tự, khoảng bên hông bệnh viện Từ Dũ thì tạm ngừng vì bên kia chạy ngược chiều là đoàn xe nhiều chiếc của tướng Mai hữu Xuân. Lúc đó có một số đồng bào thấy lạ nên đổ xô đến. Xuân xuống xe đứng bên này đường, nhìn về xe Đại úy Nhung, ra tay trái 3 lần đưa lên 2 ngón tay, rồi đưa tay phải qua khỏi đầu, ngón tay trỏ được duỗi ra co vào đến 4 lần (giống như bóp cò súng). Nhung gật đầu rồi đưa tay lên chào. Đoàn xe Xuân chạy đi thì 3 chiếc xe bên này cũng lăn bánh. Mới chạy được một quảng ngắn thì phải ngừng vì xe lửa sắp chạy qua.

Trong giây phút chờ đợi, đột nhiên Đại úy Nhung từ trên xe jeep bên hông xe M113 nhảy sang xe này và hét : -Xuống ! Xuống !

Bảo xuống thì tất cả nhảy xuống. Tiếp theo, mọi người bỗng nghe nhiều tiếng súng nổ. Âm thanh không chát chúa, vì chỉ nổ trong lòng chiếc thiết vận xa M113. Biết chuyện gì đã xảy ra, vị Thượng sĩ ngước mặt lên trời cao xanh thăm thẳm, cắn chặt môi cố ngăn những giọt nước mắt không chảy ra để thấy tâm hồn như bị chẻ đôi, để thấy cõi lòng như đang trải qua cơn giông bão tang thương thê thảm nhất cuộc đời.

Về đến bộ Tổng tham mưu, thi hài hai ông Tổng thống Ngô đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu được đưa vào bệnh xá Bộ Tổng tham mưu để khám nghiệm. Theo chứng nhận của bác sĩ Huỳnh Văn Hưỡn, Giám đốc bệnh xá và cũng là người đã tiến hành vụ khám nghiệm thì hai ông Diệm, Nhu bị bắn từ sau gáy ra phía trước. Xác ông Diệm có nhiều vết bầm, chứng tỏ đã bị đánh đập trước khi bị bắn. Xác ông Nhu bị đâm nhiều nhát, áo rách nát và đầy máu. Trước đó, phản tướng Dương Văn Minh có đến bên xác ông Diệm để mở nút quần xem có ‘chim’ hay không.

Lối 10 giờ ngày 02.11.1963, Đài phát thanh Sài gòn loan tin vắn tắt ‘Anh em ông Diệm bị bắt tại Chợ lớn, và đã tự tử!’ Dư luận không tin là nhị Vị tự sát vì ai cũng biết: Tổng Thống Diệm và bào đệ là những người ngoan đạo, mà đạo Thiên Chúa cấm tự sát.

Nghe tin Tổng thống Ngô Đình Diệm bị thảm sát, Tổng thống Đài loan Tưởng giới Thạch thương tiếc nói rằng: « Người Mỹ có trách nhiệm nặng nề về vụ ám sát xấu xa nầy, Trung hoa Dân quốc mất đi một đồng chí tâm đầu ý hợp... Tôi khâm phục ông Diệm, Ông xứng đáng là một lãnh tụ lớn của Á Châu ». Đồng thời, cái chết của anh em Ngô Đình Diệm cũng đã làm cho các lãnh tụ Á châu, đồng minh của Mỹ giật mình. Tổng thống Hồi quốc (Pakistan), Ayub Khan, đã nói với Tổng thống Hoa kỳ Richard Nixon: « Cuộc thảm sát Tổng thống Ngô đình Diệm đã khiến các lãnh tụ Á châu chúng tôi rút ra được một bài học khá chua chát: Đồng Minh với Mỹ thật nguy hiểm! Có lợi hơn nên đứng thế trung lập. Và có lẽ hưu ích hơn nữa khi là kẻ thù của Hoa kỳ ».

Ðến chiều ngày 02.11.1963, Hồ Chí Minh, được tin Ngô Đình Diệm bị lật đổ và ám sát, mừng rỡ ‘Bác cháu sẽ thắng. Ông Diệm là người yêu nước theo kiểu của ông ấy. Tôi không thể nào tin người Mỹ lại ngu ngốc đến vậy’. Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam nói rõ hơn: ‘Hậu quả của cuộc đảo chính ngày 1 tháng 11 sẽ trái với những tính toán của đế quốc Mỹ... Diệm là một trong số những nhân vật mạnh nhất chống lại nhân dân và Chủ nghĩa cộng sản. Tất cả những gì có thể làm nhằm cố gắng đè bẹp cách mạng đã được Diệm thực hiện. Diệm là một trong những tay sai có tài nhất của đế quốc Mỹ... Trong số những người chống cộng ở miền Nam Việt Nam hoặc đang lưu vong ở nước ngoài, không ai có đủ tài lực chính trị và khả năng làm người khác tuân phục. Do đó, chính quyền tay sai sẽ không thể vững bền. Cuộc đảo chính ngày 1 tháng 11 năm 1963 sẽ không phải là cuộc đảo chính cuối cùng.

Lúc 20 giờ ngày 08.11.1963, Linh mục Claude Larre, Đại diện Đức Khâm sứ Tòa Thánh tại Sài gòn (Đức Khâm sứ đang họp Công đồng chung Vatican 2), cử hành Thánh lễ An táng cho Tổng thống Gioan Baotixita Ngô đình Diệm và ông Giacôbê Ngô đình Nhu.

Năm 1991, Bộ Ngoại giao Hoa kỳ xuất bản ‘Foreign Relations of the Unitied States’ Tập IV, 1961 – 1963, về việc tổ chức đảo chánh này. Năm 1995, ‘In Retrospect, Tragedy and Lesson of Vietnam’, hồi ký của Bộ trưởng Quốc phòng Robert S. McNamara được xuất bản. Năm 1998, Thư viện John F. Kennedy công bố bộ băng thu tại tòa Bạch ốc dài 37 giờ, ghi lại những phát biểu của Tổng thống Kennedy về cuộc đảo chánh. Ba tài liệu đã cho thấy sự thật lịch sử.

Ông McNamara viết sự kiện tại Tòa Bạch ốc như sau khi nghe tin ông Diệm đã bị giết : « Lúc 9 giờ 30 ngày 02.11.1963, chúng tôi gặp Tổng thống để tiếp tục cuộc họp chiều qua, thảo luận về các biến cố. Lúc bắt đầu, chưa ai rõ số phận ông Diệm và ông Nhu ra sao. Sau đó, Mike Forrestal từ Phòng Tình hình tông cửa chạy vào. Trạm CIA tại Saigon báo cáo rằng họ được các nhân vật đối tác của Saigon cho biết hai anh em ông đã tự vẫn ‘trên đường đến Bộ Tổng Tham mưu... Nhận được tin này, mặt ông Kennedy tái xanh. Tôi chưa bao giờ thấy ông xúc động mạnh đến như thế. Cái chết của hai người ‘đã làm cho ông buồn bực về cả phương diện luân lý lẫn tôn giáo... làm lung lay lòng tin tưởng... về những gì ông đã khuyến cáo liên quan đến Nam Việt Nam». Đọc xong bản tin, ông Kennedy nghĩ đến ảnh hưởng của cái chết của hai người có tác dụng xấu ngay trong nước và ở hải ngoại... Rằng sau hai mươi năm phục vụ quê hương Việt nam, sinh mạng ông Diệm không thể kết thúc như vậy. Ðó cũng giống như lời Mao Trạch Đông đã nói với Edgar Snow khi đến phỏng vấn năm 1965 rằng Hoa kỳ không chịu nghe lời ông Diệm. Mao cho biết ông và Hồ Chí Minh đều nghĩ rằng ông Ngô Đình Diệm là người có tài. Rốt cuộc, ông hỏi rằng sau khi giết ông Diệm thì chuyện giữa Thiên đàng và Địa ngục có bình yên không? Những ám chỉ trong lời nói của Mao về các biến cố tại Việt Nam chỉ được biết sau khi cả Trung cộng lẫn Việt cộng mở văn khố của họ, nhưng quan trọng hơn, câu nói đó đang tạo rất nhiều vấn đề. Sự xúc động lớn nhất là Hoa kỳ phải đối phó với một khoảng trống chính trị hoàn toàn ở Nam Việt Nam và không có căn bản nào để xúc tiến về bất cứ tiến trình nào phù hợp với các mục tiêu của Hoa kỳ.’ Chiều hôm 02.11.1963, ông Kennedy và vợ con dùng trực thăng bay về ngôi nhà mới ở Rattlesnake Mountain. Khi dùng cơm, bà Mary Gimbel, một người bạn, đã nói với ông về ông Diệm và ông Nhu: - Họ đúng là những nhà độc tài.

Ông Kennedy trả lời: - Không, họ ở trong một tình trạng khó khăn. Họ đã làm cái tốt đẹp nhất mà họ có thể làm cho quê hương họ. (Richard Reeves, President Kennedy, Profile of Power, Touchstone, New York 1994, tr. 651).

Ngày 22.11.1963, Tổng thống Kennedy bị ám sát tại Dallas (Texas).

Sau khi ông Diệm và Cố vấn Nhu bị sát hại, Tổng thống Kennedy nói: «Tôi cảm thấy tôi phải chịu phần trách nhiệm lớn đối với vụ việc, bắt đầu với công điện hồi đầu tháng Tám trong đó chúng tôi gợi ý đảo chính. Theo tôi, công điện đó đã được viết ẩu và lẽ ra không nên gửi nó đi vào thứ Bảy.

« Đáng ra tôi không nên đồng ý mà không có hội nghị bàn tròn để nghe ý kiến của ông McNamara và Tướng Maxwell Taylor ». Các tài liệu giải mật gần đây cho thấy Tổng thống Kennedy đồng ý phải lật đổ người đồng nhiệm ở Sài Gòn, ông Ngô Đình Diệm, hồi năm 1963.

Hà Minh Thảo
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
500 năm phong trào cải cách
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
18:19 28/10/2017
500 năm phong trào cải cách

Ngày 31.10.2017 Giáo hội Tin Lành mừng kỷ niệm 500 năm Phong trào cải cách. Phong trào cải cách - reformatio - mang ý nghĩa đổi mới, điều chỉnh trở về cho đúng. Phong trào khởi đầu ở trong đời sống nội bộ Giáo Hội Công Giáo thời thế kỷ 16. bên Âu châu.

Phong trào cải cách ở nước Đức do linh mục Dòng Augustino Martin Luther khởi xướng . Ở nước Thụy Sĩ do Gioan Calvin và Huldrych Zingli.

Xưa nay nói đến Phong trào cải cách về đạo Công Giáo, rồi từ đó tách ra khỏi Giáo Hội Công Giáo và phát sinh Giáo hội Tin lành ở Âu châu ,và lan rộng ra trên toàn thế giới, khuôn mặt Martin Luther là người nổi bật, được kể là người tiên khởi hay sáng lập ra phong trào này.

1. Vị sáng lập Martin Luther

Martin Luther sinh ngày 10. 11. 1483 ở Eisleben bên nước Đức. Martin Luther được mẹ giáo dục rất cẩn thận nghiêm khắc. Theo sử sách, Ông là một học sinh chăm chỉ, nhưng tính tình rụt rè như có vẻ sợ sệt sự gì.

Năm 1501 Luther bắt đầu học đại học ở Erfurt. Cha của Martin muốn con mình học môn Luật để sau này có thể trở thành luật sư. Nhưng Ông lại chọn đi theo con đường khác. Năm 1505 Ông xin đi tu, gia nhập Dòng khổ tu Augustino ở Erfurt.

Năm 1507 Martin Luther được nhận chức Linh mục. Ông học thần học và 1512 trở thành giáo sư ở đại học Wittenberg. Là giáo sư thần học, Ông

nghiên cứu kinh thánh rất kỹ, nhất là thư của Thánh Phaolo gửi Giáo đoàn Roma.Và từ hiểu biết của nguồn đó Ông nhận ra chỉ nhờ ơn Chúa con người được công chính chứ không phải do công trạng việc làm của con người.

Ý tưởng mong muốn cải cách nhen nhúm trong tâm trí Ông từ ngày đó.

2. Ngày lịch sử 31.10.1517

Điều nhận thức đó trái ngược với giáo huấn về mua bán ơn toàn xá trong Giáo hội xảy ra thời lúc đó, và đã thúc đẩy Luther đưa ra 95 luận đề ngày muốn phản bác , cùng cải tổ lối sống lạm dụng trong Giáo Hội Công Giáo Roma.

Ngày 31.10.1517 Mrtin Luther đã viết 95 luận đề lên án đòi hỏi phải hủy bỏ tệ nạn mua bán ân xá để được tha các tội lỗi, mua bán chức tước trong đời sống Giáo hội, nhất là việc mua bán bằng ân xá để lấy tiền xây dựng đền thờ Thánh Phero bên Roma.

Linh mục Martin Luther thấy những việc làm mua bán đó trái ngược với nền tảng trong phúc âm của Chúa Giêsu.

95 đề án cải cách của Martin Luther được Ông dán công bố nơi cửa thánh đường ở Wittenberg. Bản văn 95 đề án này nhanh chóng được in ra phân phát rộng rãi trong dân chúng

Những luận đề này gây tranh cãi quyết liệt giữa Thầy Dòng Linh mục Martin Luther và Giáo Hội Công Giáo Roma, giữa phe nhóm ủng hộ Luther và phe chống lại Luther. Và sau cùng đi đến phạt vạ cho nhau gây ra chia rẽ ly giáo.

Năm 1521 Martin Luther dịch Kinh Thánh từ nguyên bản tiếng Hy Lạp sang tiếng Đức. Đây có thể nói vào thời điểm lúc đó là một cuộc cách mạng trong lòng Giáo Hội Công Giáo.Vì vào thời điểm lúc đó Kinh Thánh chỉ được chính thức đọc bằng tiếng Latinh.

Linh mục Martin Luther lên tiếng muốn cải tổ đời sống Giáo hội, nhưng từ phong trào cải cách đã trở thành đạo Tin lành thệ phản Luther bên Đức, và trên toàn thế giới song song hay đối nghịch với Giáo Hội Công Giáo Roma.

Martin Luther tiếp tục giảng dậy viết sách bênh vực cho công cuộc cải cách xây dựng Giáo hội Tin lành thệ phản mới cho tới khi qua đời ngày 18.02.1546 ở Eisleben, thọ 62 tuổi.

3. Cuộc chiến giữa Hoàng đế Corolo V. và các vị Bá Tước cai trị vùng

Vào thời Trung cổ, ảnh hưởng, tiếng nói của Giáo Hội Công Giáo rất mạnh ở bên xã hội Âu châu không những trong lãnh vực đạo mà cả trong lãnh vực chính trị vục trần thế xã hội nữa.

Chung cho toàn nước Đức vào thế kỷ 16. có Hoàng đế được Giáo hội Roma phong vương, Hoàng đế Carolo V. . Nhưng các vùng hay tỉnh thành phố tự trị lại do các Bá Tước, các Ông Hoàng trực tiếp cai trị.

Khi những đòi hỏi cải cách của Luther được nêu ra lan truyền đã đụng chạm đến không những đời sống Giáo hội, mà còn cả đời sống chính trị nữa: Hoàng đế và các Bá Tước. Hoàng đế Carolo V. một bên ủng hộ Giáo Hội Công Giáo Roma và một số vị Bá Tước vùng một bên ủng hộ theo cải cách của Martin Luther.

Các vị Bá Tước vùng mạnh mẽ ủng hộ bảo vệ Luther cùng những đề án cải cách của Ông. Họ đã thực hiện cải cách như Luther đòi hỏi ngay trong những vùng tỉnh thành của họ về đời sống tôn giáo, và như thế thoát khỏi quyền bính của Hoàng đế và của Giáo hoàng.

Càng ngày càng có nhiều vùng tự trị ủng hộ theo phong trào cải cách Luther đe dọa vương quốc phân hóa chia rẽ làm hai về phương diện tôn giáo. Năm 1530 Quốc hội của vương quốc họp ở thành phố Augsburg trao đổi về những vị trí khác biệt thời lúc đó. Những người Thệ Phản theo ủng hộ cải cách Luther vận động để đi đến hòa bình hầu tránh chia rẽ đụng độ nhau.

Họ đề nghị lên Hoàng đế Carolo V. bản „ Confessio Augustana - Bản tự thú thành August“ . Trong bản này yêu cầu có sự độc lập về tôn gíao thoát ra khỏi sự chi phối ảnh hưởng của Giáo hoàng Roma. Nhưng Hoàng đế Carolo V. bác bỏ bản văn yêu sách đề nghị này.

Các vị Bá Tước vùng liền thành lập liên minh bảo vệ nhau. Nhưng Liên minh này trong trận chiến 1547 ở Muehlberg bị quân đội của Hoàng đế đánh dẹp tan.

Đến năm 1555 hoà bình trong vương quốc và hòa bình về tôn giáo được thỏa thuận kiến tạo giữa Hoàng đế và các Bá Tước theo phe thệ phản cải cách. Nó cho phép mỗi vị Bá Tước được chọn tôn giáo trong vùng cai trị của mình.

Trên thực tế từ khi có bản văn đề nghị ở Augsburg năm 1530, học thuyết của Luther đã được công nhận công khai hóa. Và như thế sự cố gắng đưa phong trào cải cách, những người Thệ Phản trở về với Giáo Hội Công Giáo không thành công rồi.

Phong trào cải cách lan rộng ra khắp nơi, không chỉ ở nước Đức, mà toàn Âu châu. Nguyên phong trào cải cách cũng phân chia thành các tôn giáo Thệ Phản khác nhau vì những học thuyết suy luận khác biệt nhau. Phong trào cải cách Luther là một trong các phong trào cải cách theo hướng Giáo Hội Thệ phản Tin Lành.

4. Nền tảng đạo giáo theo Giáo hội tin lành thệ phản Luther

Sự phân chia tách rời Giáo hội thệ phản Luther khỏi Giáo Hội Công Giáo được chính nhà cải cách Martin Luther xây dựng đặt trên bốn yếu tố nền tảng: Sola gratia, solus Christus, sola scrpitura, et sola fide.

Sola gratia - duy chỉ một mình ơn Chúa - theo M. Luther, con người được cứu chuộc không do tự sức của công việc riêng mình. Nhưng cho tất cả và cho từng người do bởi ơn của Chúa mà thôi.

Thiên Chúa là đấng cứu chuộc con người. Ngài là Đấng Tạo hoá nên con người. Và ngài cũng là Đấng Tạo Hóa mới sau khi con người chết. Ngài trao tặng con người không vì thành tích của con người đạt được hay làm ra. Ngài ban tặng con người sự công chính.

Duy chỉ ơn Chúa ban tặng con người chúng ta, nên chúng ta được cứu rỗi, và chúng ta được quyền tin tưởng vào ơn của Chúa thôi.

Solus Christus - duy chỉ một mình Chúa Kitô - Người tín hữu gắn bó chỉ với một mình Chúa Kitô của Thiên Chúa thôi, không với Đức Mẹ Maria, không với các Thánh hay với con người nào, không với công cụ, vật chất nào, không với hành hương rước kiệu hay bất cứ hình thức nào.

Duy chỉ riêng một mình Chúa Kitô mà chúng ta tuyên xưng, ngài là hiện thân của Thiên Chúa nơi trần gian cho con người, là người mang đến Lời Chúa cho ta, và sau cùng hy sinh hiến thân chịu chết trên thập tự và sống lại. Đó là đức tin và niềm hy vọng cho chúng ta.

Sola scriptura - duy chỉ kinh thánh - không bị làm cho sai lệch là căn bản nói về sự chân thật, loan truyền sứ điệp phúc âm.

Không truyền thống nào, không bài giáo lý nào của Giáo hoàng, của Giám mục là điều quyết định hay bắt buộc cả. Duy chỉ Kinh thánh thôi.

Nơi Kinh thánh chứa đựng Lời của Chúa với toàn thể sức lực và sự trong sáng. Sứ điệp của Chúa Giêsu Kitô là trung tâm điểm của Kinh Thánh và diễn tả về lòng thương xót của Thiên Chúa. Kinh thánh là thước đo cho đời sống Kitô giáo, và đồng thời cũng là quan tòa thẩm phán về những việc làm của con người.

Kinh Thánh là căn bản cho giáo huấn, cho những việc làm và truyền thống của giáo hội.

Sola Fide - duy chỉ đức tin - Nhờ đức tin con người bất toàn yếu đuối được cứu chuộc. Không việc làm, không lời cầu thay phù hộ nào của các Thánh, không sự trung gian qua Giáo hội, không nhờ thánh lễ, không nhờ hành hương rước kiệu, không nhờ ơn toàn xá hay bất cứ việc làm gì khác, mà con người đạt được ơn cứu rỗi của Chúa, nhưng chỉ duy nhờ đức tin.

Đức tin trước hết và sau đó đến những việc làm tốt lành, đến đời sống, lời nói và hành động ngay lành.

“““““““““““““““““““““““““““““

Martin Luther căn cứ suy tư của mình dựa trên nền tảng Kinh Thánh nơi thư của Thánh Phaolo gửi Giáo đoàn Roma: „ Vì trong Tin Mừng, sự công chính của Thiên Chúa được mặc khải, nhờ đức tin để đưa đến đức tin, như có lời chép: Người công chính nhờ đức tin sẽ được sống.“ ( Rm 1,17).

Thầy Dòng Linh mục Martin Luther với luận cứ thần học như vậy đã trở thành Nhà-cải-cách trong lòng Giáo Hội Công Giáo. Ông phủ nhận trật tự phẩm trật, các truyền thống trong Giáo Hội Công Giáo Roma. Và do bị Giáo Hội Công Giáo không chấp nhận cùng bị lên án, Nhà cải cách Martin Luther đã trở thành nhà sáng lập ra đạo Tin lành thệ phản Luther.

Theo thuật lại, Martin Luther đã có lần nói lên suy niệm sự hay đúng hơn lời tuyên tín “ Chúng ta là người hành khất“.

Phải, chúng ta tất cả là người hành khất đi tìm xin ơn đức của Thiên Chúa tình yêu, sự che chở chúc lành, sự tha thứ ơn cứu chuộc cho đời sống hôm qua, hôm nay và ngày mai.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Nắng Thu Trên Ngàn
Tấn Đạt
08:42 28/10/2017
NẮNG THU TRÊN NGÀN
Ảnh của Tấn Đạt
Nắng thu ngọt dòng nhựa nguyên tuôn đổ
Nắng thu thơm dậy hương khí hoa trời
Nắng thu sáng đón hồn xưa tao ngộ
Nắng thu hoà chuyển sức sống ngàn khơi
(Trích thơ của Dã Trường Cát)