Ngày 26-10-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mến Chúa yêu người
+GM FX Nguyễn Văn Sang
04:42 26/10/2011
Chúa Nhật XXX, ngày truyền giáo và chầu lượt.

Chúa Nhật hôm nay chúng ta nghe diễn giảng về ba ý nghĩa: Mến Chúa, yêu người, tinh thần truyền giáo, và tôn sùng Thánh Thể. Trước hết bài Phúc Âm chúng ta vừa nghe đọc, các Tiến sĩ biệt phái đã hỏi Chúa Giêsu về giới răn trọng nhất, Chúa đã trả lời: Mến Chúa, yêu người.

Thực ra, trong đạo Do Thái, trong sách đệ nhị luật đã có đoạn dạy rõ ràng rằng về giới răn này, mà người Do Thái đã lấy làm kinh nhật tụng: “Hỡi Itsaen hãy nghe” nhưng Chúa Giêsu còn thêm vào giới răn đó, bằng một giới răn liên kết: Yêu thương người anh em. Đó là hai giới răn và cũng là một, quan trọng nhất của người Kitô giáo. Mến Chúa vì Chúa đã dựng lên ta, sinh ra ta, và cứu độ chúng ta, và cho chúng ta được hạnh phúc muôn đời, yêu người vì người là hình ảnh của Thiên Chúa và cũng đã được giá máu cứu chuộc của Thiên Chúa và dành để cho hạnh phúc muôn đời, hai giới răn có quan hệ mật thiết như là một, không thể tách biệt được nên Thánh Gioan tông đồ đã viết trong thư: “Ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà không yêu mến anh em là người nói dối...”.

Trong một dịp gặp gỡ một số các nhà lãnh đạo, tôi được biết cụ Hồ khi sang Trung Quốc đã phát biểu: “Phật giáo dậy lòng từ bi, Đức Giêsu dậy lòng bác ái... tôi chỉ là học trò nhỏ của các Ngài mà thôi” lúc đầu một số các nhà lãnh đạo không muốn cho phổ biến câu nói đó, vì sợ làm cho uy tín của cụ Hồ thấp kém sánh với các vị lãnh đạo tôn giáo, sau cùng có vị phát biểu nên cho phổ biến, vì câu nói đó Bác Hồ tỏ ra thật vĩ đại, vì khiêm nhường hạ mình xuống. Song đối với chúng ta những người theo Chúa, thì cụ Hồ khiêm tốn vĩ đại nhưng chưa học hết bài học của chính Chúa đã dạy chỉ học một vế sau cùng là bác ái yêu người, trong khi Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta phải mến Chúa hết lòng hết sức vv, và yêu người như mình ta vậy.

Chúng ta có giữ trọn giới răn đó thì mới xứng đáng là người Kitô hữu hoàn toàn của Chúa Giêsu.

Vấn đề truyền giáo chúng ta nói đến nhiều, song chúng ta vẫn bỏ quên giới răn thứ hai phải yêu người, nhất là những người ốm đau, bệnh tật, nghèo khó, thực ra không ai trong chúng ta chối bỏ bổn phận đó và đôi lúc cũng thực hiện nhưng trong xã hội ngày nay. Chúng ta cảm thấy thiếu thốn những phương tiện hoàn cảnh môi trường giúp chúng ta hoàn thành sứ mệnh làm việc từ thiện cho mọi người mà theo lời Đức Thánh Cha Gioan PhaoLô II: “Bác ái từ thiện là bước khởi đầu cho việc phúc âm hóa. Ví dụ trong xã hội chúng ta ngày nay, tôn giáo vẫn chưa được phép mở bệnh viện, phòng khám bệnh, và các cơ sở bác ái khác, như thế làm lãng phí không xử dụng những tài nguyên phong phú, và những tâm hồn bác ái yêu thương của những người tôn giáo rất phong phú đa dạng. Trong khi xã hội chúng ta đang thiếu thốn những vấn đề đó.

Một điều kiện nữa mà theo Cha Matteo de Ricci một nhà truyền giáo Dòng Tên ở Trung Quốc vào thế kỷ XVIII. Ngài đã chủ trương đem Tin Mừng đến người Trung Quốc, cần phải thông qua tình Thân hữu, tôn trọng hiểu biết văn hóa tốt đẹp của họ. Ngài đã thành công chinh phục được các nhà cầm quyền, các vị trí thức lúc đó vv. Hiện nay nước Trung Hoa cộng sản vẫn còn ca ngợi Ngài, lập tượng, đền thờ để kính nhớ Ngài. Thực ra quan hệ thân hữu đã bắt nguồn từ chính Chúa Giêsu, Ngài đã dậy: “Ta không gọi các con là tôi tớ nữa mà gọi là bạn hữu....” thực ra trong quan niệm Á Đông tình bạn là một tình cảm thiêng liêng sâu sắc nhất. Trong Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu trước đây tôi đã đề nghị dùng chữ người Bạn, chỉ chính Chúa Giêsu, song song với danh hiệu người lãnh đạo, cứu độ, lời đề nghị của tôi đã được chấp nhận trong thư Thượng Hội Đồng gửi toàn thể Giáo hội.

Thật thế chúng ta chỉ đem Tin Mừng được cho anh em chúng ta, nếu chúng ta xây dựng được tình bạn thân thiết đối với nhau, như câu ca dao đã nói “Giầu vì bạn, sang vì vợ” nhiều khi tình bạn tri âm thắm thiết như, Bá Nha Tử Kỳ vượt xa tình vợ chồng rất nhiều.

Sau hết xứ chúng ta hôm nay Chầu Thánh Thể thay mặt Giáo phận, chúng ta hãy lấy Thánh Thể làm gương mẫu để mến Chúa yêu người, vì chính Chúa Giêsu là hiến tế đẹp đẽ vô song tận tình dâng lên Thiên Chúa Cha, nhưng cũng trở nên lương thực đem lại ơn cứu độ cho mọi người đên chỗ kết hợp người với Chúa như Chúa Giêsu với Đức Chúa Đức Cha.

Anh chị em thân mến chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau được mến Chúa yêu người thật tình, đem tình bạn hữu đối xử với nhau, và giới thiệu Tin Mừng cho nhau, sau cùng được kết hợp với nhau và với Chúa là bằng chứng bảo đảm cho chúng ta được sống đời đời. Amen
 
Tư cách của người lãnh đạo
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
08:10 26/10/2011
CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN A
+++
A. DẪN NHẬP

Người ta thường nói :”Tốt danh hơn lành áo”(Tục ngữ) hay “Hổ tử lưu bì”(Cọp chết để da), tất cả đều nói lên chân lý này : trên đời ai cũng muốn có danh thơm tiếng tốt, ngay cả sau khi chết. Danh thơm tiếng tốt phải phát xuất tự con người, cả trong lẫn ngoài, chứ không phải chỉ có cái mẽ bề ngoài, nhất là cái bề ngoài giả dối.

Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy sống trung thực với lòng mình : có thì nói có, không thì nói không. Đừng đưa cái giả dối bề ngoài mà loè mắt thiên hạ. Chúa dạy các môn đệ hãy nghe và thực hiện những lời dạy dỗ của luật sĩ và biệt phái dạy vì họ được trao ban quyền giáo huấn ; nhưng Chúa cảnh giác mọi người : đừng bắt chước việc họ làm vì những việc làm của họ chỉ có tính cách khoe khoang, muốn cho người ta biết tới để ca ngợi họ.

Còn chúng ta hãy sống trung thực với lòng mình để lúc nào ngôn hành cũng đồng nhất, không cần sống kiểu cách như nhiều người chủ trương : “Đẹp đẽ khoe ra, xấu xa che lại”(Tục ngữ). Tốt nhất trong mọi trường hợp hãy cố ở khiêm nhường trước mặt Chúa và trước mặt người ta, vì Chúa đã phán :”Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”(Mt 23,12).

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1 : Ml 1,14 – 2,2.8-10

Sau khi dân Do thái được vua Cyrô cho hồi hương, đền thờ được xây dựng lại, việc thờ phượng Chúa phát triển rầm rộ. Nhưng với thời gian, đà tiến của những ngày đầu tiên dừng lại . Từ đó, việc thờ phượng dần dần xuống cấp, các tệ nạn phát sinh như dung túng cho việc ly dị, hôn nhân với người ngoại, trốn thuế thập phân ; các nhà lãnh đạo đối xử với dân chúng một cách quan liêu, chỉ nhằm tư lợi.

Tiên tri Malakia xuất hiện vào thế kỷ V trước công nguyên tuyên sấm lời Chúa. Tiên tri qui trách nhiệm vào các nhà lãnh đạo tôn giáo về sự xuống cấp trầm trọng ấy, đặc biệt là các tư tế : họ làm nhiệm vụ một cách chểnh mảng, chỉ lo tìm lợi riêng. Thiên Chúa dùng tiên tri Malakia nhắc nhở về cung cách lãnh đạo : làm cho dân biết tôn vinh Thiên Chúa, trung thành với Giao ước, và đối xử với mọi người trong tình anh em cùng một Cha.

+ Bài đọc 2 : 1Tx 2,7-9 . 13

Thánh Phaolô nhắc nhở tín hữu Thessalonica về cách hành xử của Ngài đối với họ :Yêu thương săn sóc họ như người vú nuôi sẵn sàng hy sinh tất cả cho tín hữu cả mạng sống của Ngài. Khỏi làm phiền lòng họ trong việc nuôi ăn, Ngài đã muốn tự túc bằng một nghề lao động chân tay. Ngài vui mừng khi thấy họ đón nhận Tin mừng do Ngài giảng dạy như chính Lời Chúa.

+ Bài Tin mừng : Mt 23,1-12

Các nhà lãnh đạo của dân Do thái, đặc biệt là luật sĩ và biệt phái là những “rabbi”, bậc thầy của dân, có nhiệm vụ dạy dỗ. Nhưng lời nói và việc làm của họ không am hợp nhau, chức vụ và cách sống của họ không tương xứng. Vì thế, Chúa Giêsu nhắc nhở các Tông đồ cũng là cho chúng ta. :
a) Phải tôn trọng chức vụ của họ vì họ ngồi “trên toà Maisen” mà giảng dạy. Hãy làm theo những gì họ dạy.
b) Nhưng đừng bắt chước việc họ làm vì họ là người kiêu căng, cứng cỏi, hám danh, thích chỉ tay năm ngón.
c) Ngược lại, Chúa đòi ở các môn đệ phải có thái độ khác : phải thành thực, thẳng thắn, khiêm nhường và phục vụ.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA
Ai tự nâng mình lên

I. NHỮNG NGƯỜI LUẬT SĨ VÀ BIỆT PHÁI

Bất kỳ ai cũng tỏ ra khó chịu và dứt khoát không chấp nhận lối sống giả hình, giả dối của một người nào đó. Chúa Giêsu cũng cảm thấy như vậy, đặc biệt đối với những luật sĩ và biệt phái. Chúng ta thử xem họ sống như thế nào mà trong bài Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu đã cảnh cáo chúng ta đừng theo gương họ.

1. Địa vị của họ trong xã hội

Họ là những người được “ngồi tòa Maisen”, nghĩa là những người kế vị Maisen, có quyền chính thức giải thích luật Maisen. Chúa Giêsu công nhận các luật sĩ và biệt phái có quyền chính thức. Vì thế, dân chúng và các môn đệ phải lắng nghe và tuân giữ những lời họ nói vì đây là tiếng nói của Thiên Chúa. Mọi người phải tôn trọng họ vì họ là những bậc thầy, những người được chính thức giảng dạy.

2. Những nết xấu của họ

Nết xấu triền miên của luật sĩ và biệt phái là giả hình giả bộ, giả nhân giả nghĩa. Trong lòng và bộ điệu bên ngoài khác hẳn nhau. Họ chỉ là những người diễn kịch, cách sống của họ chỉ có bề ngoài, chứ không có bề trong. Họ thuộc vào hạng người :
Bề ngoài thơn thớt nói cười,
Mà trong nham hiểm giết người không dao.
(Truyện Kiều)
Dựa vào Tin mừng hôm nay, chúng ta có thể vạch ra một số nết xấu nổi bật của họ :

a) Hám danh cầu lợi

Mọi công việc họ làm đều có tính cách cầu lợi, muốn cho mọi người chú ý đến mình, ca ngợi mình , cho nên họ mới :

* Nới rộng thẻ kinh :

Thẻ kinh đây là tấm da mỏng, trên có viết 4 đoạn Kinh thánh quan trọng (Xh 13,1-10 ; 13,11-16 ; Đnl 6,4-9 ; 11,13-21). Thể kinh có mục đích rất tốt là nhắc nhở người ta luôn nhớ đến luật Chúa. Người Do thái thường đeo thẻ này mỗi khi đọc kinh cầu nguyện ; các luật sĩ và biệt phái đeo những thẻ này dài hơn, rộng hơn và nết chữ đậm mầu hơn để người ta chú ý và cho mình là đạo đức.
* May dài tua áo :

Áo khoác ngoài của người Do thái giống như tấm khăn mỏng, 4 đầu dính tua bằng len làm giải buộc, có mầu tím tượng trưng trời, mục đich nhắc nhở người ta nhớ đến các giới răn (Ds 15,38-40 ; Đnl 22,12). Chính Chúa Giêsu cũng mang tua áo (Mt 14,36, Mc 6,56 ; Lc 8,44).

Các người Do thái đều mang tua áo, nhưng các luật sĩ và biệt phái thì tăng kích thước quá đáng để có ý khoe mình sốt sắng đạo đức hơn người.

b) Ưa được tôn trọng và ưu đãi

Luật sĩ và biệt phái muốn được người ta tôn trọng và biệt đãi nơi công cộng, nhất là trong đám tiệc và nơi hội đường.

* Nơi đám tiệc và hội đường :

Theo phong tục , người Do thái xếp chỗ theo tuổi tác và chức vụ hay tài trí, cũng giống như ở Việt nam chúng ta. Tuổi tác và chức vụ là cái dễ nhận ra, nhưng còn tài trí và khôn ngoan thì khó nhận ra. Các luật sĩ và biệt phái muốn tỏ ra là mình tài trí khôn ngoan, nên thường chọn những chỗ cao nhất.

* Nơi phố xá :

Người Do thái có thói quen chào người trên mình trước theo tuổi tác hay chức vụ của họ. Các luật sĩ và biệt phái ưa được bái chào nơi phố xá và còn thích được xưng hô là “Thầy” (x. Trần hữu Thành, Suy niệm Tin mừng CN, A, tr 319-320).

c) Họ nói mà không làm

Các luật sĩ và biệt phái phải dạy dỗ và đòi hỏi người ta giữ luật cách tỉ mỉ và nghiêm khắc. Họ chất những gánh nặng của lề luật trên vai người dân mà họ không động tay đến. Họ nói mà không làm. Họ là những người ngôn hành bất nhất, họ thuộc hạng người :”Mồm miệng đỡ chân tay”(Tục ngữ).

3. Chúa Giêsu nhắc nhở

Chúng ta thấy Chúa Giêsu phân biệt quyền giáo huấn và những người thi hành quyền đó. Ngài nhìn nhận những người luật sĩ và biệt phái có quyền giáo huấn, vì họ là những người được chính thức trao phó nhiệm vụ dạy bảo dân chúng. Do đó, khi họ thi hành nhiệm vụ nhân danh Chúa thì phải nghe và thi hành những gì họ dạy bảo.

Nhưng tại sao Chúa lại bảo đừng bắt chước hay noi theo những việc họ làm ? Phải chăng họ đã làm những điều bất chính ? Không, Chúa nhìn nhận họ có làm nhiều việc thật, bình thường thì đó là những việc tốt đáng ca tụng, nhưng đối với Chúa thì chẳng ra gì, vì thái độ giả hình, giả dối của họ. Lòng đạo đức của họ chỉ có tính cách giả dối, một thứ đạo đức chỉ có cái vỏ bề ngoài.

II. TÂM LÝ CỦA NGƯỜI TỰ NÂNG MÌNH LÊN

Những người tự nâng mình lên là những người kiêu ngạo. Họ ham danh vọng, ham tiếng khen, thích được tỏ vinh quang ra cho người ta thấy, nhưng đấy chỉ là vinh quang ảo, không có thật. Tất cả là do trí tưởng tượng của họ bầy ra và tự gán cho mình vinh dự ấy. Cái uy tín không phải mình tự tạo ra và gán cho mình nhưng phải do người khác tặng cho mình qua nhận xét của người ta.

Những luật sĩ và biệt phái muốn cho người ta chào mình với danh hiệu “Thầy”. Tước hiệu Thầy để gọi các luật sĩ và biệt phái kể ra thì mới lắm, bắt đầu từ ông Simon con ông Hittel, ông giáo huấn đời Hêrôđê cựu nhân.

Từ câu 8 -12 nói riêng với các Tông đồ, Chúa Giêsu khuyên giữ đức khiêm nhường. Chúa không bài trừ khỏi Giáo hội tất cả những tước hiệu đáng kính. Trong một xã hột trật tự tất nhiên phải có. Song đòi hỏi cho được và giận hờn khi không được lại là một chuyện khác. Chính những luật sĩ và biệt phái đã muốn, đã ước ao được cái danh dự hão mình không đáng được ấy.

Truyện : Bé cái lầm.
Có một thi sĩ kia sáng tác được một số bài thơ, bắt đầu nổi tiếng. Một buổi chiều ra công viên thành phố đi dạo, rồi ngồi nghỉ trên ghế đá kê sát vào tường. Ông hết sức ngạc nhiên và rồi lại tỏ ra hãnh diện sung sướng khi thấy nhiều người đi qua trước mặt ông đã ngả mũ cúi chào. Trong khi còn nghĩ ngợi, thắc mắc thì có một bà già cũng đến trước mặt ông. Sau khi cúi chào, bà đã nhìn lên và miệng lâm râm nhiều lời mà ông không nghe rõ. Thế rồi bà cũng đi. Lúc ấy ông mới quay lại và nhìn lên theo hướng bà già kia đã nhìn. Ông nhận ra rằng ngay sau lưng và phía trên đầu ông có một cây thánh giá đã được dựng lên ở đó. Và ông xấu hổ bỏ đi nơi khác.

Chúng ta cũng thường lầm lẫn như thế. Lời Chúa muốn giải thoát chúng ta khỏi những danh lợi hão huyền và rất đáng hổ thẹn của thế gian. Bởi vì, thật là dại dột và lố bịch khi con người không biết rõ giá trị của mình, lại thích được chiếm địa vị cao, ham được những ưu đãi. Những ham ước ấy chỉ khiến họ bị lợi dụng và trở nên trò cười cho thiên hạ. Có khi còn gây nhiều tai họa cho người khác nữa.
(Báo Cg và Dt, Giáng sinh 1995, tr 281)

III. BÀI HỌC CHO CHÚNG TA

1. Nội thánh ngoại vương

Suy nghĩ về bài Tin mừng hôm nay, chúng ta phải tự hỏi mình : đời sống chúng ta có gì là giả hình hoặc đóng kịch không ? Ngôn hành của chúng ta đồng nhất hay bất nhất ? Chúng ta hãy nhớ : chúng ta có thể sống đóng kịch, che đậy, giấu giếm người này người nọ, nhưng chúng ta có thể sống mãi như thế không ? Không. Có ngày mọi sự kín đáo sẽ bị phơi ra ánh sáng, lúc đó mới “cháy nhà ra mặt chuột”. Phải cố sống sao cho trung thực trước mặt Thiên Chúa cũng như trước mặt mọi người.

Truyện : Hai người bộ hành.
Có hai người bộ hành đi đường xa. Đêm đến họ phải vào một cái miếu để ngủ nhờ. Đây là một ngôi miếu nổi tiếng là nhiều ma quái. Bầu không khí lạnh lẽo đến rợn người làm cho hai người khách bộ hành cảm thấy sợ khi đã vào trong miếu.
Trong hoàn cảnh này, người không Kitô nói với bạn Kitô rằng :”Anh làm ơn cho tôi mượn cây thánh giá anh đang đeo ở cổ đi. Tôi sợ quá. Hy vọng rằng cây thành giá của anh sẽ làm cho tôi bớt sợ”.
Thế là người Kitô kia đã gỡ cây Thánh giá anh đang đeo ở cổ trao cho người bạn không Kitô. Hai người nằm nghỉ đêm.
Trời về khuya, con yêu tinh xuất hiện, nó rờ vào cổ của người Kitô, tính sát hại người này, bỗng nó thốt lên :
- Người này có trong mà không có ngoài.
Con yêu tinh có ý nói rằng người này là người Kitô đích thực, tuy không mang trong mình một dấu hiệu Kitô nào.
Qua người không Kitô, con yêu tinh chạm đến cây Thánh giá người này đeo ở cổ, nó thốt lên :
- Người này có ngoài mà không có trong.
Con yêu tinh có ý nói rằng, người này tuy mang Thánh giá ở cổ, nhưng không phải là người Kitô đích thực.

Câu truyện trên đây cho chúng ta hiểu rằng bản chất của người Kitô không hệ tại những tô điểm bên ngoài. Chiếc áo dòng không làm nên ông thầy tu. Cây Thánh giá mang vào cổ cũng chẳng thể biến ngay một người trở thành Kitô hữu được.

Lời Chúa trong Thánh lễ hôm nay đòi hỏi chúng ta phải lo sao cho đời Kitô hữu của mình có được sự thống nhất trong ngoài… Nhất là giữa niềm tin và cuộc sống có sự ăn khớp với nhau. Bởi vì nếu không như thế chúng ta sẽ chẳng khác nào mồ quét vôi và thành trò hề cho thiên hạ mà thôi.

Ngày xưa, vua Thành Thang và vua Thương được người đời gọi là “thánh vương” vì các vị đó có một đời sống tốt lành gương mẫu, trong ngoài ăn khớp với nhau. Chính vì thế, người Á đông lấy câu nói của Vương Dương Minh làm châm ngôn cho cuộc sống của mình hằng ngày :”Nội thánh ngoại vương” : bên trong là một vị thánh, bên ngoài là một ông vua.

2. Hãy hạ mình xuống

Người đời ai cũng có tham sân si, ai cũng muốn cho mình vượt trên các người khác, nhất là những người lãnh đạo. Có những người kiêu căng đã tự tôn mình lên làm chúa tể như bao nhiêu bạo chúa : Kiệt, Trụ, Tần thủy Hoàng bên phương Đông. Nabuchodonosor, César, Néron bên phương Tây. Luật sĩ , biệt phái và tư tế Do thái cũng thuộc hạng tự cao tự đại như vậy, nên Chúa Giêsu đã nhiều lần cảnh cáo họ ; họ như mồ mả quét vôi bên ngoài mà trong đầy xác chết thối tha. Thối tha vì họ dám ngạo mạn “ngồi trên tòa Maisen...” . Họ làm như thế cốt làm cho người ta thấy.

Chúa khuyên mọi người hãy biết tự hạ, nhất là các cấp lãnh đạo. Trong bài đọc I hôm nay Thiên Chúa đã dùng tiên tri Malakia mà khiển trách họ. Ngoài ra, Chúa Giêsu còn đưa ra một mô hình người lãnh đạo gương mẫu theo Tin mừng : như Mt 20,24-28 ; Ga 13,1-20vv...

* Tấm lòng của người lãnh đạo : yêu thương những kẻ được mình hướng dẫn.

* Phương châm của người lãnh đạo : tự coi mình là đầy tớ, có bổn phận phục vụ những kẻ được mình hướng dẫn.

* Cung cách của người lãnh đạo : hạ mình, hy sinh, gương mẫu.

Truyện : Đức Giáo hòang Gioan 23
Đức Giáo hoàng Gioan 23 đã kể lại kinh nghiệm của Ngài như sau :
“Khi tôi mới được bầu làm Giáo hoàng để lãnh đạo Giáo hội hoàn vũ, tôi rất lo lắng, sợ hãi trước một trách vụ quá nặng nề. Nhưng một đêm kia, trong giấc ngủ, tôi nghe một tiếng bảo tôi :”Gioan đừng tự xem mình quá quan trọng”. Tôi đã áp dụng câu nói này, và từ dạo ấy, tôi ăn ngon, ngủ yên như trước khi được chọn làm Giáo hoàng”.

Khiêm nhường là một đức tính được Thiên Chúa ưa thích, khác với tính tự cao tự đại, có thể so sánh với những ngọn đồi. Trái lại, đức khiêm nhường giúp chúng ta đào sâu những trũng thấp để đón nhận những hồng ân của Thiên Chúa, không thể dừng lại ở những ngọn đồi, nhưng chảy xuống và đọng lại ở những trũng thấp dưới chân đồi (Thiên Phúc, Tất cả là hồng ân, tr 12).

“Lạy Chúa, Chúa yêu thương người khiêm nhường, vì người khiêm nhường nhận biết sự thật. Mà Chúa là sự thật, nên Chúa không chấp nhận sự lừa dối. Xin cho con luôn biết sự thật về con chính là lúc thụ tạo yếu hèn và bất toàn. Xin cho con luôn ý thức rằng tất cả những gì con có, từ tiền bạc của cải vật chất, cho đến những tài năng của trí tuệ, tất cả đều thuộc về Chúa. Và xin cho con luôn biết quảng đại để trao lại cho những ai cần đến con. Vì con biết rằng Chúa sẽ thương yêu con nhiều hơn”. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
CBI điều tra cái chết của một linh mục
Trầm Thiên Thu
07:07 26/10/2011
ẤN ĐỘ (UCANews, 26-10-2011) – Tuần này, Cục điều tra trung ương (CBI – Central Bureau of Investigation), cơ quan điều tra hàng đầu của Ấn Độ, đã điều tra cái chết của một linh mục Công giáo bị sát hại 2 năm trước.
LM Mukalel, chết lúc 39 tuổi, quản nhiệm giáo xứ Đức Mẹ Maria ở Kutrupady, GP Belthangady. Hôm trước ngài dự một đám tang và đi tham các bệnh nhân trong giáo xứ. Hôm sau người ta phát hiện thi thể ngài không mảnh vải che thân trên một con đường ở phía nam Karnataka.
Tháng 7-2011, Tòa án Tối cao Karnataka ra lệnh cho CBI điều tra sau khi ông bà cố làm đơn kêu cứu và không bằng lòng với 2 lần mổ tử thi khám nghiệm.
Một bệnh viện ở Mangalore, thuộc Karnataka, mổ khám nghiệm lần thứ nhất sau khi tổng đại diện GP Belthangady là đức ông Jose Valiaparambil nghi ngờ có điều ám muội trong cái chết của LM Mukalel.
Prince Isaac, luật sư bào chữa cho gia đình của Lm Mukalel, nói rằng sau khi mổ khám nghiệm tử thi lần thứ nhất, cảnh sát nói rằng nạn nhân chết do rối loạn tim, nhưng các bác sĩ khám nghiệm tử thi lần thứ hai nói không biết nguyên nhân.
Mổ khám nghiệm lần thứ hai tại một bệnh viện nhà nước ở Kerala không cho nguyên nhân gây tử vong liên quan tim mạch và họ thấy 3 vết thương trên thi thể nạn nhân.
Linh mục tổng đại diện nói rằng giáo phận vui vì CBI điều tra lại và sẽ hợpp tác với CBI để tìm hiểu sự thật. Tuy nhiên, ngài nói rằng chưa có giả thuyết nào cho rằng LM Mukalel chết vì bị giết hay vì nguyên nhân tự nhiên.
 
Đám tang nhà truyền giáo Fausto Tentorio
Trầm Thiên Thu
07:09 26/10/2011
PHILIPPINES (UCANews, 10-2011) – LM Fausto Tentorio, nhà truyền giáo người Ý, thuộc Viện Truyền giáo Ngoại quốc (Pontifical Institute of Foreign Missions), đã bị bắn chết ở Bắc Cotabato hồi tuần trước, vừa được an táng ngày 25-10-2011 tại TP Kidapawan.

LM Tentoria bị một tay súng bắn chết ở gần TP Arakan ngày 17-10-2011 khi ngài đang trên đường đi họp các giáo sĩ.

“Ngài đang làm điều mà Chúa Giêsu đã làm hàng ngàn năm trước”, ĐGM Romulo de la Cruz của GP Kidapawan nói về LM Tentoria trong thánh lễ an táng tại nhà thờ chính tòa. Thánh lễ an táng do ĐGM Romulo đồng tế với 2 TGM, một số linh mục triều và dòng.

Thân nhân của LM Tentorio có em trai và các cháu, họ khóc suốt bài giảng 15 phút. Rất đông người tham dự thánh lễ an táng.

ĐGM Romulo cũng đọc sứ điệp của ĐGH Bênêđictô XXVI nói rằng ngài rất xúc động khi biết tin LM Tentorio bị sát hại và kêu gọi mọi người phản đối những cuộc tấn công nhắm vào các linh mục và tu sĩ. Ngai nói với các thân nhân rằng LM Tentorio là người can đảm và thương người, đã bảo vệ những người cần được giúp đỡ nhất.

ĐGM Romulo nói: “LM Tentorio tỏ ra thương người Ấn Độ, đòi công lý cho họ khi đất đai của họ bị nhà nước cướp mất; khi họ bị những người vũ trang quấy rầy; khi chính phủ có vẻ làm ngơ họ”.

Theo ĐGM Romulo, LM Tentorio đã nhiều lần thoát chết, kể cả 1 lần hồi năm 2003, khi ngài phải lẩn trốn sau khi biết có một nhóm dân quân vũ trang tìm kiếm ngài.

LM Tentorio được an táng gần một nhà truyền giáo khác là LM Tullio Favali, đã bị sát hại 26 năm trước.
 
Kitô giáo chống nền văn hóa băng hoại ngày nay
Linh Tiến Khải
07:14 26/10/2011
Phỏng vấn nhà báo Jean Pierre Denis, về Kitô giáo như lực lượng chống lại nền văn hóa băng hoại thống trị ngày nay

Trong các ngày 7-10 tháng 10 năm 2011 đại hội văn hóa Pháp đã diễn ra tại thành phố Lille, miền bắc nước Pháp. Tham dự đại hội đã có hàng trăm nhà trí thức gồm cả các Giám Mục, các Mục sư tin lành, các triết gia, văn nghệ sĩ, giới báo chí và hàng ngàn người thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau. Trong ba ngày đại hội hàng trăm thuyết trình viên đã hướng dẫn 60 cuộc hội thảo khác nhau về đề tài: ”Có cần phải sợ hãi hay không?”.

Trong số các thuyết trình viên có ông Jean Vanier, người sáng lập cộng đoàn ”Con Tầu”, Jean Claude Guillebaud, nhà báo chuyên viết khảo luận, Fabrice Hadjadj, triết gia, Chantal Delsol, nữ tư tưởng gia, Therèse Lebrun, nữ viện trưởng đại học công giáo Lille, Claude Baty, Chủ tịch Liên hiệp tin lành Pháp, Đức Cha Vincent Landel, Tổng Giám Mục Rabat bên Marốc vv...

Ngoài ra còn có hai buổi hòa nhạc, một trong nhà thờ chính tòa Lille với đề tựa ”Người hành hương Santiago” do Jean Francois Capony sáng tác; một trong nhà thờ thánh Maurice với tựa đề ”Đêm của Kitô giáo”.

Xem kẽ cũng có những lúc thinh lặng cầu nguyện, và các chứng từ của Marine Ulrich thành viên đại nhạc hội ”Anuncio” Madrid, và của Guy Aurenche, chủ tịch tổ chức Trái đất liên đới.

Cùng tham dự đại hội nói trên cũng có ông Jean Pierre Denis, văn sĩ, nhà báo, phóng viên kiêm thi sĩ, chủ bút tuần san “La Vie Đời Sống” và là tác giả cuốn sách mới xuất bản tựa đề ”Tại sao Kitô giáo gây gương mù gương xấu?”. Trong sách văn sĩ Denis đã lấy lại luận thuyết của triết gia Jacques Ellul, cho rằng khi bị gạt ra ”vùng ngoại ô” và trở thành một lực lượng chống lại nền văn hóa duy vật, tiêu thụ, hưởng thụ và tương đối hóa luân lý hiện đại, Kitô giáo bị coi là ”phá hoại” đối với tư tưởng đang thống trị xã hội ngày nay. Tuy là thiểu số, các tín hữu công giáo có thể trở thành một điểm tham chiếu, vì chỉ có họ là có các câu trả lời cho cuộc khủng hoảng xã hội hiện nay.

Ngày 26 tháng giêng năm nay 2011, trong buổi thuyết trình thảo luận về đề tài ”Tại sao Kitô giáo gây gương mù gương xấu?” tại thành phố Saint Etienne, văn sĩ Denis khẳng định ý muốn của mình là tái lập uy tín cho Kitô giáo trong niềm tin và tinh thần lạc quan, trong một xã hội đã đánh mất đi các giá trị kitô nhưng đồng thời cũng đang mò mẫm kiếm tìm các giá trị vững vàng cho cuộc sống. Thật thế, rất nhiều tín hữu kitô bị mất tinh thần bi quan tự hỏi ”Kitô giáo sẽ đi về đâu? Ai sẽ là những người làm đầy các nhà thờ của chúng ta trong tương lai? Chúng ta có thế đứng nào trong một xã hội không còn là xã hội kitô nữa?” Nhà văn Denis lấy lại câu nói của Linh Mục chính thống Alexander Men, bị ám sát trong các đường phố thủ đô Matscơva ”Kitô giào mới chỉ bắt đầu” và ông bầy tỏ sự lạc quan hy vọng của mình. Theo ông, Giáo Hội không bị khủng hoảng, chỉ có xã hội nói chung là bị khủng hoảng mà thôi. Lịch sử Kitô giáo bao gồm các cuộc khủng hoảng đối với khoa học, nhưng các cuộc khủng hoảng này mời gọi Giáo Hội chuyển động và duyệt xét lại nhiều vấn đề quan trọng.

Chủ thuyết duy khoa học có các hạn hẹp của nó, vì nó không có các câu trả lời cho mọi câu hỏi, nhất là câu hỏi liên quan tới ý nghĩa cuộc sống của con người. Cũng chính vì thế Giáo Hội phải luôn luôn hiện diện trong các vấn đề liên quan tới nhân loại như luân lý sinh học, trợ tử hay vũ khí nguyên tử vv...

Tuy nhiên, Kitô giáo không còn ở trong trung tâm của nền văn hóa ngày nay nữa, nhưng là ở ngoài lề xã hội và trở thành lực lượng chống lại nền văn hóa hiện đại. Các kitô hữu là những người ”không tưởng” trong nghĩa tích cực của từ này, vì họ cho rằng xã hội loài người có thể tốt lành hơn. Họ là những người đem lại niềm hy vọng với các giá trị mà họ bảo vệ; chúng khác xa với các giá trị đang khống chế xã hội hiện nay.

Hỏi: Thưa văn sĩ Denis, nhiều người trong giới văn hóa đời như Régis Debray và Marcel Gauchet, thừa nhận sức nặng của nền văn hóa kitô tại Âu châu. Nhưng trên bình diện xã hội và truyền thông, đức tin kitô đã phải chịu một sự thụt lùi nặng nề. Làm thế nào để ra khỏi ngõ cụt này thưa ông?

Đáp: Tôi tin rằng giới ưu việt truyền thông văn hóa tiếp tục nghĩ rằng Kitô giáo không còn có gì để nói với xã hội chúng ta nữa; trái lại cần phải trấn áp Kitô giáo và khóa miệng tín hữu kitô. Tuy nhiên, trên bình diện tổng quát hơn, trong xã hội tại Pháp so với cách đây vài năm, người ta được biết là có sự tò mò lớn hơn đối với Kitô giáo. Vì vậy phải đạp đổ bức tường phân cách giữa Giáo Hội và cuộc sống xã hội. Thực tế là Kitô giáo bị gạt ra bên lề trong môi trường văn hóa của chúng tôi. Tự nó đây không phải là một điều xấu, vì nó diễn tả việc trở lại với tình trạng ban đầu, nghĩa là với bản chất bị chỉ trích và gạt ra ngoài lề trong các thế kỷ đầu của Giáo Hội. Tại Pháp các kitô hữu không phải là một sức mạnh xã hội, trái lại họ là thí dụ của ”sự yếu đuối”. Và với các giá trị của Kitô giáo tín hữu có thể thực sự phục vụ nhân loại, đặc biệt trong các xã hội Tây Phương. Chúng ta đang đứng trước một điểm quặt trong lịch sử của Kitô giáo tây phương: việc bị gạt bỏ ngoài lề trở thành yếu tố canh tân đối với đức tin, và một khả năng mới của sự hợp thức hóa văn hóa.

Hỏi: Văn sĩ coi vài giá trị kitô như sự khiết tịnh, tính chất nhưng không, sự giòn mỏng, việc phụng tự vv... như là các yếu tố ”ngược với văn hóa” của thời đại chúng ta. Cả từ phía những người không tín ngưỡng cũng có các tín hiệu như thế hay sao?

Đáp: Xã hội âu châu đang thay đổi: càng ngày càng có nhiều người nhận ra rằng họ bị hệ thống duy vật hiện hành khống chế, trong đó người ta buôn bán mọi sự, và tiêu chuẩn cuối cùng chỉ là kinh tế. Nhưng cũng có những người, có tín ngưỡng cũng như không có tín ngưỡng, hiểu cuộc khủng hoảng của mô thức này, và họ tìm kiếm các giá trị khác để tái định nghĩa minh ước xã hội. Họ tin nơi một xã hội có mô thức hợp với con người. Vì thế khi thấy giới truyền thông trình bầy Kitô giáo như là cái gì già nua và bảo thủ, thì nó khiến cho tôi nực cười. Đức tin chính là điều trái ngược: nó ”tiến bộ”, nó ”đi trước” vì nó đề nghị các kiểu sống chống lại khuynh hướng duy tự do và chống lại chủ trương duy tiêu thụ. Càng ngày càng có nhiều người coi các kitô hữu và các giá trị kitô như là ”chống văn hóa”. Tôi cầu mong cho các người ấy gặp gỡ Chúa Kitô và các giá trị kitô.

Hỏi: Thưa văn sĩ Denis, ông có thể đơn cử vài thí dụ liên quan tới các giá trị khác, giữa những người tin và những người không tin hay không?

Đáp: Cách đây vài năm tại Pháp này người ta đã hăng say thảo luận về việc mở các siêu thị và hàng quán trong ngày Chúa Nhật. Giáo Hội đã mạnh mẽ chống lại chủ trương này, và giải thích rằng lập trường của mình không có tính cách ”tôn giáo”, nhưng là để bảo vệ thiện ích của con người, bảo vệ giá trị của ngày lễ, của tính cách nhưng không, giá trị của gia đình... Các tín hữu công giáo đã bênh vực giá trị cho rằng thời gian không thể là một món hàng để buốn bán. Rất nhiều người Pháp đã hiểu rằng Giáo Hội chống lại hiện tượng làm việc ngày Chúa Nhật không phải vì lợi lộc của mình, mà chỉ vì thiện ích và hạnh phúc của con người mà thôi.

Một thí dụ khác là vấn đề luân lý sinh học: từ vài năm nay càng ngày người ta càng hiểu hơn rằng Giáo Hội không nói ”không” với vài lập trường nào đó, bởi vì Giáo Hội là kẻ thù của sự tiến bộ. Nhưng Giáo Hội nói không vì bảo vệ phẩm giá con người như giá trị đại đồng. Một thí dụ cụ thể đó là cách đây ít lâu trong một cuộc thảo luận trên đài truyền hình, bà Sylvie Agacinski, triết gia theo huynh hướng nữ quyền, vợ của nguyên thủ tướng Jospin, tuy là người không tín ngưỡng nhưng cũng đã đồng ý với lập trường của Giáo Hội công giáo liên quan tới đề tài ”cho mướn tử cung”, chính vì lý do bảo vệ phẫm giá con người của Giáo Hội.

Hỏi: ”Ở đâu có Thiên Chúa, ở đó có tương lai” đó là khẩu hiệu chuyến viếng thăm mục vụ Cọng hòa Liên Bang Đức của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI và là điều được ngài nhấn mạnh nhiều lần. Văn sĩ là một trong những người linh hoạt đại hội ”Các tình trạng chung của Kitô giáo” tại Lille này. Trong cuộc khủng hoảng hiện nay tín hữu kitô phải góp phần như thế nào?

Đáp: Trong đại hội tại Lille chúng tôi đưa ra câu hỏi này: ”Có cần phải sợ hãi không?”. Tại Pháp chúng tôi đã bất đầu sống bầu khí bầu cử tống thống sẽ diễn ra vào năm 2012 tới đây. Có các nỗi lo sợ len lỏi vào trong lòng xã hội: lo sợ không chỉ trên bình diện kinh tế, nhưng cũng còn có sự sợ hãi hồi giáo và sợ hãi cho tương lai của con người nữa. Thế rồi còn có sự không chắc chắn khiến cho chúng tôi lo sợ rằng con cái của chúng tôi sẽ không có được cùng các điều kiện sống như chúng tôi. Các nỗi sợ hãi cũng phổ biến trong các quốc gia khác của Âu châu. Vì thế, theo tôi, vai trò của các kitô hữu trước hết là phải lắng nghe các nỗi sợ hãi đó, và đừng làm như thể là không có các sợ hãi liên quan tới kinh tế, môi sinh, ý nghĩa cuộc sống. Câu trả lời thứ hai liên quan tới việc loan báo sự hiệp nhất của con người đối với mọi nỗi sợ hãi: các sợ hãi đó liên quan tới toàn con người và chúng cần một câu trả lời toàn cầu. Tại Âu châu ngày nay các kitô hữu là những người đuy nhất có một câu trả lời mạnh mẽ cho cuộc khủng hoảng hiện nay trong xã hội. (Avvenire 7-10-2011)
 
Công bố sứ điệp của ĐTC nhân ngày di dân và tị nạn
LM Trần Đức Anh OP
07:16 26/10/2011
VATICAN. Trong sứ điệp nhân ngày thế giới di dân và tị nạn, ĐTC Biển Đức 16 kêu gọi nâng đỡ đời sống đức tin của người di dân trong hoàn cảnh mới, và tạo điều kiện để chính các tín hữu di dân trở thành những người loan báo Lời Chúa.

Sứ điệp của ĐTC nhân ngày Thế giới di dân và tị nạn lần thứ 98 đã được công bố tại Vatican sáng 25-10-2011 trong cuộc họp báo của Đức TGM Antonio Vegliò, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh mục vụ di dân và người lưu động, cùng với các vị phụ tá. Ngày di dân sẽ được cử hành vào ngày 15-1-2012 với chủ đề ”Di dân và tái truyền giảng Tin Mừng”.

Trong Sứ điệp, ĐTC nói đến hoàn cảnh mới ngày nay trên thế giới, trong đó nhiều biên giới được bãi bỏ và tiến trình hoàn cầu hóa làm cho con người và các dân tộc trên nên gần gũi nhau hơn, các phương tiện truyền thông phát triển, sự đi lại của con người trở nên dễ dàng hơn. Ngài viết: ”Trong hoàn cảnh mới, chúng ta phải thức tỉnh nơi mỗi người sự hăng say và lòng can đảm đã từng thúc đẩy các cộng đoàn Kitô tiên khởi trở thành những người kiên cường rao giảng Tin Mừng”.

ĐTC cũng tố giác những toan tính xóa bỏ Thiên Chúa và giáo huấn của hội Thánh ra khỏi chân trời cuộc sống, trong khi sự ngờ vực, chủ nghĩa hoài nghi và dửng dưng bành trướng, muốn loại bỏ mọi biểu hiệu cụ thể của đức tin Kitô ra khỏi đời sống xã hội.

Ngài nhận xét rằng: ”Trong bối cảnh đó, những Kitô hữu di dân bị thúc đẩy không còn coi Chúa Kitô là quan trọng nhất trong cuộc sống của họ, đánh mất cảm thức sức tin và không còn coi mình là thành phần của Giáo Hội, và nhiều khi sống không còn chịu ảnh hưởng của Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài nữa.. Ở đây Giáo Hội đang đứng trước thách đố làm sao giúp người di dân duy trì đức tin vững chắc, cả khi họ bị thiếu sự nâng đỡ về văn hóa như tại quốc gia nguyên quán, đồng thời phải tìm ra những kế hoạch mới về mục vụ, những phương pháp và ngôn ngữ để giúp người di dân luôn đón nhận Lời Chúa một cách sinh động”.

ĐTC mời gọi coi hiện tượng di cư ngày nay như một cơ hội Chúa Quan Phòng ban, để loan báo Tin Mừng trong thế giới hiện thời. ”Cần tìm ra những phương thức thích hợp để giúp người di dân gặp gỡ và nhận biết Chúa Giêsu, cảm nghiệm hồng ân cứu độ vô giá của Chúa; và chính người di dân cũng có một vai trò quí giá trong lãnh vực này, vì họ có thể trở thành những người loan báo Lời Chúa và trở thành chứng nhân của Chúa Giêsu Phục Sinh, niềm hy vọng của thế giới” (tông huấn Verbum Domini, 105).

Sau cùng, ĐTC đặc biệt nhắn nhủ các nhân viên mục vụ, LM, tu sĩ nam nữ và giáo dân, trong niềm hiệp thông với các vị Bản Quyền, đảm nhận vai trò quyết định, tìm điểm những con đường chia sẻ huynh đệ, loan báo trong sự tôn trọng, vượt thắng sự đối nghịch và chủ nghĩa quốc gia. (SD 25-10-2011)
 
''Tinh thần Assisi'', theo Thủ viện Vương cung thánh đường thánh Phanxicô
Nguyễn Trọng Đa
07:35 26/10/2011
"Tinh thần Assisi", theo Thủ viện Vương cung thánh đường thánh Phanxicô

Vào ngày trước chuyến hành hương của các tôn giáo vì hòa bình

ROMA – Ngày 27-10, thành phố Átxidi (Assisi, Ý) một lần nữa tiếp đón một trong các sự kiện tinh thần lớn nhất của thời đại chúng ta: cuộc hành hương của các đại diện tôn giáo trên thế giới để cùng nhau cầu nguyện cho hòa bình.

Sáng kiến này được đưa ra bởi ĐTC Gioan Phaolô II cách đây 25 năm vào năm 1986. ĐTC Biển Đức XVI muốn thực hiện lần nữa, khi Ngài kêu gọi ngày 1-1-2011 các tín hữu của các giáo phái Kitô giáo khác và đại diện các tôn giáo trên thế giới hãy đến thành phố của thánh Phanxicô thành Átxidi, để mừng kỷ niệm 25 năm ngày diễn ra cuộc hội tụ "lịch sử" ấy.

Átxidi, khi chào đón những người tham gia cuộc gặp này, đã biến thành một thánh đường lớn, trong đó sẽ bay lên tận trời các lời cầu xin nhiệt thành cho sự trợ giúp gia đình nhân loại.

Vào ngày trước cuộc gặp gỡ, chúng tôi nói chuyện với linh mục Giuseppe Piemontese, "Thủ viện" của Vương Cung Thánh Đường thánh Phanxicô thành Átxidi, nơi thánh nhân được chôn cất và nơi diễn ra cuộc gặp gỡ cầu nguyện của các lãnh đạo tôn giáo.

Được bầu làm Thủ viện (Bề trên) của tu viện Átxidi vào năm 2009, Cha Giuseppe Piemontese là người Puglia, Ý. Tốt nghiệp thần học, ngài cũng đã là Giám tỉnh của Tỉnh Dòng quê hương của mình. Chúng tôi muốn cùng cha đào sâu ý nghĩa của cuộc gặp gỡ quan trọng này.

ZENIT - Thuật ngữ "tinh thần Átxidi" đã trở thành biểu tượng: biểu tượng này phát sinh ra sao và ý nghĩa sâu xa của nó là gì?

Giuseppe Piemontese – ĐTC Gioan Phaolô II là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ này ngày 29-10-1986 khi Ngài tiếp kiến tại Vatican một nhóm đại diện các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Hai ngày trước đó, các vị đã cùng Ngài đến Átxidi và, trước khi rời Ý, các vị đã muốn hội kiến với Ngài.

ĐTC nhắc lại cho các vị ý nghĩa của việc đã diễn ra tại Átxidi, cảm ơn các vị đã tham gia vào ngày ấy, và kết luận: "Quý vị sắp trở về nhà và trung tâm của quý vị. Xin cám ơn quý vị một lần nữa vì đã đến, và chúc quý vị một chuyến đi thật bình an. Chúng ta hãy tiếp tục sống ‘tinh thần Átxidi’". Sau đó, ĐTC Gioan Phaolô II đã sử dụng thuật ngữ này, đặc biệt trong các sứ điệp Ngài gửi nhân các cuộc họp "Con người và tôn giáo", được tổ chức bởi Cộng đoàn Sant’Egidio, kỷ niệm cuộc gặp gỡ đầu tiên tại Átxidi.

Thuật ngữ "tinh thần Átxidi" tóm tắt một cách hữu hình và cụ thể điều mà Công Đồng chung Vatican II thể hiện trong Hiến chế "Lumen Gentium" (Ánh sáng muôn dân). Giáo Hội được trình bày ở đây như là một "dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại" (Lumen Gentium, 1), và nhất là giáo huấn Công đồng được nhấn mạnh trong tương quan giữa Kitô giáo và các tôn giáo khác (Tuyên ngôn "Nostra Aetate, Trong thời đại chúng ta").

Ý nghĩa chính xác của thuật ngữ "tinh thần Átxidi" có thể được tóm tắt trong ba điểm: giá trị cao quí của hòa bình và trách nhiệm của các tôn giáo để đạt được hòa bình; nhận thức được tầm quan trọng của lời cầu nguyện để có ơn hòa bình; cần có sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau giữa mọi người, bất phân tôn giáo của họ.

Hỏi: Tất cả các thánh là những người cổ vũ hòa bình, nhưng tại sao ĐTC Gioan Phaolô II, trong việc quyết định thực hiện "trực giác" phi thường này, lại nghĩ đến Thánh Phanxicô thành Átxidi?

Đáp: Thánh Phanxicô là vị Thánh đã sống Tin mừng một cách trọn vẹn nhất, trở thành một "hình ảnh sống động của Chúa Kitô chịu đóng đinh". Kinh nghiệm con người và kinh nghiệm Kitô giáo của Ngài, giàu tính nhân văn, tâm linh, thơ ca, đại diện cho lý tưởng của con người, mà mọi con người nam nữ ở khắp mọi nơi, mọi nền văn hóa, mọi tôn giáo nào, đều hoài niệm.

Sự tìm kiếm của Ngài cho hòa bình đã trở thành phương ngôn, nó là biểu tượng của cuộc đời Ngài. Câu cứu rỗi của Ngài, do chính Thiên Chúa tiết lộ, là: "Xin Chúa ban bình an cho bạn!”. Tất cả các lý do này làm cho nhiều người đến với Ngài mà không có thành kiến, vốn do lịch sử nêu ra, hoặc phát sinh từ các diễn tả sai trái về các sự việc.

Và trong tinh thần của lòng tốt và sự cảm thông, và ý thức được một tính cách đặc biệt có ý nghĩa, vĩ đại và phổ quát, của một người hiểu biết như thánh Phanxicô, ĐTC Gioan Phaolô II đã đến Átxidi, nơi sinh của thánh nhân, nơi Ngài được an táng và là cái nôi lịch sử con người và Kitô giáo của Ngài.

Hỏi: Năm 1986, sáng kiến của ĐTC Gioan Phaolô II đã được chào đón thật nhiệt tình nhưng cũng có sự dè dặt. Tại sao như vậy?

Đáp: Trong Giáo hội Công giáo một số người cho rằng không nên có mối quan hệ lớn với người tuyên xưng một tôn giáo khác. Họ lo sợ rằng các cuộc gặp gỡ cầu nguyện với đại diện của các tôn giáo khác dẫn đến thuyết tương đối và chủ nghĩa chiết trung tôn giáo. Năm 1986, thái độ này đã được phổ biến, và ĐTC Gioan Phaolô II, ngày 22-12-1986, đã can thiệp, khi Ngài nhấn mạnh trong một bài phát biểu với Giáo Triều Rôma rằng ở Átxidi tất cả đã được suy nghĩ “mà không có bóng tối của sự nhầm lẫn và chủ nghĩa chiết trung”. Ngài đặc biệt nhấn mạnh các lợi ích của việc cầu nguyện cho hòa bình: "cùng nhau cầu nguyện" trong một tình huống bất thường và khẩn cấp, để cho tất cả mọi người tìm thấy ở gốc rễ của mình chất lượng của sự thiện hảo và sự qui chiếu đến hòa bình, quà tặng của Thiên Chúa.

Hơn nữa, Công đồng chung Vatican II đã can đảm kêu gọi sự đối thoại đại kết và liên tôn. ĐTC, không nhầm lẫn về thần học, đã giải thích sự cần thiết của cuộc gặp gỡ tại Átxidi, đi từ chủ đề nghiên cứu và cổ vũ hòa bình.

Hỏi: Anh em Tu sĩ Phanxicô tham gia đặc biệt vào sự kiện này. Phong trào "tinh thần Átxidi" được sinh ra ở Dòng, lấy cảm hứng từ Đấng sáng lập Dòng, và linh đạo “đặc biệt” của Dòng: Điều này đã có ảnh hưởng đặc biệt cụ thể trên đời sống cộng đoàn và cá nhân của cha không?

Đáp: “Tinh thần Átxidi" đã nâng cao vài vấn đề trật tự thực tế ở đây, trong đời sống của Tu viện này. Từ một thái độ phòng vệ đã đi đến một thái độ can đảm hơn của lời khuyến nghị.

Trong khi chờ đợi, việc này khuyến khích chúng tôi cổ vũ và khuyến khích đối thoại, cuộc cuộc gặp gỡ với người của mọi tôn giáo, và với người không tín ngưỡng nữa; các cuộc gặp và các cuộc đối đầu về các vấn đề thần học, chủ yếu là về các vấn đề như hòa bình, thăng tiến con người, công lý, bảo vệ công cuộc tạo thành.

Người ta đã phát biểu nhân các sự kiện đặc biệt, ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng chúng tôi thực hành một tinh thần đại kết và một cuộc đối thoại gần như mỗi ngày và có tính gia đình với đại diện các tôn giáo khác, và những người không tín ngưỡng, khi họ đến viếng mộ Thánh Phanxicô hoặc thăm Tu viện này: một cuộc hành trình tâm linh và nghệ thuật thường kết thúc bằng bữa ăn huynh đệ, vốn để lại một dấu ấn trong ý nghĩa của sự chia sẻ và tình anh em đặc biệt với anh em Phanxicô, vì nó vượt ra ngoài mọi bài phát biểu.

Hỏi: Tinh thần Átxidi cũng đã đi vào ngành du lịch không?

Đáp: Átxidi đi vào tinh thần này, vì nó thấm nhuần sự hiện diện của Thánh Phanxicô, người anh em phổ quát, một Chúa Giêsu Kitô khác và là một khí cụ hòa bình của Chúa. Du khách có lẽ không hiểu hết các vấn đề này, nhưng họ bị hấp dẫn bởi nghệ thuật. Khi nhìn thấy vẻ đẹp của các Vương cung thánh đường, các tranh tường, họ nắm bắt được bầu khí hòa bình và đi vào bầu khí ấy.

Hỏi: Trong số các khách hành hương, có ai nhấn mạnh đến các chủ đề hòa bình và hòa giải trong cuộc hội thoại của họ không?

Đáp: Khách hành hương đã có một sự hiểu biết về các chủ đề này. Họ tìm kiếm, đào sâu và tìm thêm sự xác nhận, bằng cách đi trên các nơi thánh Phanxicô đã đi, hoặc tham gia vào các sáng kiến khác nhau (hội nghị, tĩnh tâm, các sự kiện,…).

Hỏi: Tu sĩ Phanxicô đã có những sáng kiến nào trong Vương cung thánh đường, để truyền đạt "tinh thần Átxidi"?

Đáp: Ngay cả trước năm 1986, Tu viện này, với sự hỗ trợ của một số anh em tu sĩ, đã tổ chức, nhờ có “Trung tâm Đại kết của Tu viện”, các cuộc họp và thảo luận với đại diện các tôn giáo khác ở Átxidi, cũng như ở các nơi khác trên thế giới. Sau năm 1986, các sáng kiến này đã nhân rộng và củng cố.

Linh mục Massimiliano Mizzi (1930-2008), một người cổ vũ không mệt mỏi cho đối thoại với các nhóm và đại diện của tất cả các tôn giáo tại tu viện này, cũng như ở nhiều nơi trên thế giới, trở thành người linh hoạt và người phụ trách ‘Trung tâm Phan sinh quốc tế cho đối thoại’ (CEFID), vốn đề nghị các sáng kiến đào tạo, tiếp nhận và gặp gỡ với đại diện các giáo phái Kitô giáo khác nhau và ngoài Kitô giáo.

Hiện nay Tu viện, phối hợp với ‘Trung tâm Phan sinh quốc tế cho đối thoại’ (CEFID) theo đuổi mục tiêu của mình bằng cách tổ chức các cuộc họp, các ngày học hỏi và đối thoại với đại diện các tôn giáo khác nhau, như tôi đã nói.

Trong các quốc gia khác nhau, có bảy trung tâm quốc gia đối thoại và hòa bình, được linh hoạt bởi các tu sĩ Anh Em Hèn Mọn nhánh Viện tu, vốn đề xuất nhiều chương trình phong phú. (Zenit.org 25-10-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Một cây ô liu Nazarét trong vườn Vatican
Phạm Kim An
07:36 26/10/2011
Một cây ô liu Nazarét trong vườn Vatican

Đây là "cây ô liu thứ hai của Israel" tặng một Giáo Hoàng

ROMA - Quỹ Quốc gia Do Thái (FNJ), với mục đích chính là trồng cây gây rừng cho Israel, đã quyết định tặng một cây ô liu cho ĐTC Biển Đức XVI, theo tuyên bố của Đại sứ quán Israel bên cạnh Tòa Thánh.

Tin này được Đài phát thanh Vatican phổ biến ngày 25-10.

Đây là một cây ô liu 200 tuổi, được chuyển đi hơn 2.000 km từ Israel đến Roma. Nó được trồng ngày 26-10 bên đại lộ Degli Ulivi (Đại lộ cây Ô liu), trong khu vườn Vatican.

Trong chuyến thăm mới nhất đến Ý, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã hứa sẽ tặng một cây ô liu già cho Nhà nước Vatican.

Trước đây, một cây ô liu đã được Nhà nước Israel tặng cho Vatican, nhân dịp thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh dưới triều ĐTC Gioan Phaolô II vào năm 1993.

Theo một tuyên bố của Đại sứ quán Israel bên cạnh Tòa Thánh, sáng kiến mới này tượng trưng cho sự nở hoa của tình hữu nghị giữa hai quốc gia.

Cây ô liu có chiều rộng hai mét và chiều cao bốn mét. Nó mọc trên các ngọn đồi của Nazareth, miền hạ Galilê, một nơi yêu quý của Kitô giáo.

Quỹ Quốc gia Do Thái (FNJ) sở hữu và quản lý hàng trăm ngàn hecta đất ở Israel. (Zenit.org 25-10-2011)

Phạm Kim An
 
Dùng Sách Lễ cầm tay trong Thánh lễ
Nguyễn Trọng Đa
07:38 26/10/2011
Dùng Sách Lễ cầm tay trong Thánh lễ

ROMA - Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô, giáo sư phụng vụ tại đại học Regina Apostolorum (Nữ vương các thánh Tông đồ), Roma.

Hỏi: Cộng đoàn theo dõi phụng vụ, kể cả các bài đọc, bằng cách sử dụng Sách lễ nhỏ cầm tay được không? Một số Giám mục và linh mục nói rằng Lời Chúa là cần được lắng nghe, chứ không đọc. Sách lễ nhỏ chỉ dành cho các phần khác của Thánh Lễ, đúng không? - M.R., Greenville, bang Rhode Island (Mỹ).

Đáp: Mặc dù đây là một điểm mở cho cuộc tranh luận, đúng là nói chung người ta khuyên không đọc Sách Lễ nhỏ như một sự trợ giúp để tham gia Thánh lễ.

Năm 1998, Ủy ban phụng vụ của Hội đồng giám mục Mỹ đã ban hành một tập sách thật hay về "Hướng dẫn cho việc công bố các công cụ giúp tham gia phụng vụ”. Về Phụng Vụ Lời Chúa, sách này cho biết:

"Qua việc Lời Chúa được công bố trong Thánh Lễ, Chúa Thánh Thần làm ‘cho những gì chúng ta nghe bên ngoài có ảnh hưởng bên trong chúng ta’ (GILFM [Giới thiệu chung Sách Bài Đọc Thánh Lễ] 8). Tuy nhiên, việc này chỉ có thể diễn ra khi các bài đọc được công bố trong ‘một phong cách nói về phía người đọc sách, nghĩa là dễ nghe, rõ ràng, và thông minh’ (GILFM 14), và khi có sự khuếch đại âm thanh đầy đủ (GILFM 34).

"Rõ ràng, tốt hơn là Lời Chúa được nghe rõ ràng bởi tất cả những người tham gia trong phụng vụ, vì ‘Trong khi nghe Lời Chúa, Giáo hội được xây dựng và lớn lên’ (GILFM 7). Vì lý do này, việc in các bài đọc và lời nguyện của chủ tế trong sách trợ giúp tham gia phụng vụ không được khuyến khích, trừ khi các hoàn cảnh khác không thể làm cho Lời Chúa được công bố có hiệu quả. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp này, tốt hơn là có các bước để bảo đảm việc công bố Lời Chúa, thay vì cung cấp bản đọc kèm theo cho các thành viên của cộng đoàn".

Vì vậy, điều lý tưởng là tham gia, bằng sự lắng nghe bên ngoài và bên trong cách chăm chú, việc công bố Lời Chúa và các lời nguyện của chủ tế trong Thánh Lễ, thay vì chỉ đơn giản là đọc theo.

Việc sử dụng của Sách Lễ cầm tay trở nên phổ biến trong những năm đầu thế kỷ 20, để theo dõi Thánh lễ trong những gì bây giờ gọi là hình thức ngoại thường (tiếng Latinh). Bằng cách này, việc sử dụng Sách Lễ nhỏ đánh dấu một bước tiến trong Phong trào Phụng vụ, vì nó đặt các bản văn phụng vụ Latinh, cùng với bản dịch tiếng địa phương, vào tay các tín hữu.

Sự việc rằng hình thức thông thường của Thánh lễ hiện nay thường được thực hiện bằng tiếng địa phương, không có nghĩa là Sách Lễ cầm tay bị gạt sang một bên. Nó là một công cụ tuyệt vời để chuẩn bị tham gia tích cực, bằng cách người ta dùng nó để suy niệm các bài đọc và lời nguyện trước khi dự lễ. Nó cũng có thể được sử dụng để nắm bắt được logic bên trong của nghi thức và lời ngưyện dài, nhờ đó giúp duy trì sự tập trung.

Ngoài ra còn có một yếu tố chủ quan nữa. Không ít người cảm thấy khó khăn trong việc đạt lý tưởng của việc lắng nghe chăm chỉ bên ngoài và bên trong, vì nhiều lý do chính đáng. Tôi sẽ nói rằng nếu một người Công Giáo tìm thấy lợi ích tinh thần trong việc sử dụng Sách Lễ cầm tay trong Thánh Lễ, người đó có tự do để làm như vậy.

Sự việc, rằng Ủy ban phụng vụ của Hội đồng Giám mục Mỹ cảm thấy sự cần thiết công bố các hướng dẫn trên, là bằng chứng rằng các Ngài không mong muốn chỉ đơn thuần là xóa bỏ việc sử dụng Sách Lễ cầm tay và các hỗ trợ khác cho việc tham gia phụng vụ. (Zenit.org 25-10-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Đức Thánh Cha cầu cho cuộc hành hương Assisi sẽ hỗ trợ cho đối thoại và hoà bình
Bùi Hữu Thư
09:22 26/10/2011

VATICAN (CNS) -- Đức Thánh Cha Benedict XVI cầu nguyện cho cuộc hành hương của ngài đến Assisi sẽ cổ võ cho việc đối thoại giữa các tín hữu thuộc nhiều tôn giáo khác nhau và giúp cho thế giới tiến bước tới hoà bình và hòa giải.

Đức Thánh Cha nói ngày 26 tháng 10 trong một buổi cầu nguyện tại Vatican: "Trong một thế giới vẫn còn bị xâu xé vì thù hận, chia rẽ, ích kỷ và chiến tranh, chúng ta muốn cầu nguyện rằng cuộc gặp gỡ ngày mai tại Assisi sẽ cổ võ cho có sự đối thoại giữa những người thuộc các tôn giáo khác nhau."

Đức Thánh Cha Benedict cầu nguyện là cuộc hành hương Assisi sẽ giúp soi sáng tâm trí của tất cả mọi người nam và nữ để cho giận dữ thay thế bằng tha thứ, chia rẽ thay thế bằng hòa giải, thù hận thay thế bằng yêu thương, bạo tàn thay thế bằng hiền hòa, để cho hòa bình có thể ngự trị trên thế giới."

Đức Thánh Cha nói trong buổi cầu nguyện Kitô giáo, có sự tham dự của nhiều hồng y và giám mục, cũng như các lãnh đạo Chính Thống giáo và Tin Lành. Cũng có nhiều đaị biểu Hồi giáo tham dự.

Buổi cầu nguyện được tổ chức trong buổi triều kiến hàng tuần của Đức Thánh Cha. Có khoảng 25.000 people được dự trù tại Quảng Trường Thánh Phêrô, nhưng một trận mưa lớn buộc Vatican phải chất đầy Sảnh Đường Vatican và số còn lại phải vào bên trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, nơi Đức Thánh Cha ghé qua để ban phép lành.

Trong bài giảng trong buổi cầu nguyện, Đức Thánh Cha Benedict nói Chúa Kitô đến để đem hòa bình cho thế gian và những môn đệ của Người có một trách nhiệm quan trọng là phải tuyên xưng tình yêu, sự cưú chuộc và hoà bình của Người cho tất cả mọi dân nước.

Đức Thánh Cha nói: Dụng cụ Chúa Kitô dùng để khai mở vương quốc hòa bình của Người là Thánh Giá. Tình yêu, thay vì vũ khí, là chìa khóa.

Ngài nói: Những ai muốn thực sự là môn đệ của Chúa Kitô, phải sẵn sàng "bỏ mạng sống mình vì Người, để cho sự thiện hảo, tình yêu và hòa bình sẽ chiến thắng thế gian."

Đức Thánh Cha tiếp: Phúc Âm nói Chúa Giêsu sai các môn đệ đi "như đàn chiên giữa bầy sói. Các Kitô hữu không bao giờ được để cho mình bị cám dỗ để trở nên 'những con sói giữa đàn sói'; vương quốc hòa bình Chúa Kitô không được loan truyền bằng quyền lực, sức mạnh hay bạo lực, nhưng bằng sự tận hiến, với tình yêu lên tột đỉnh, và cho cả kẻ thù của mình."

Ngài nói: các Kitô hữu phải bắt đầu bằng cách làm cho những cộng đồng của họ trở thành những "hòn đảo hòa bình", ở đó những khác biệt về chủng tộc, ngôn ngữ và tình trạng kính tế không có gì là quan trọng.

Các bài đọc trong buổi cầu nguyện bằng tiếng Anh và Ý; lời nguyện giáo dân bằng tiếng Đức, Ba Lan, Pháp, Bồ Đào Nha, Swahili, Ả Rập,Tây Ban Nha,và Trung Hoa.

Những lời cầu xin Chúa ban cho qùa tặng của "sự khôn ngoan và thông minh để cho chúng ta trở thành những môn đệ của sự thật," và sự tha thứ cho "tính kiêu ngạo, ích kỷ, bạo tàn thường theo liền với cách thức lựa chọn và lối sống của chúng ta."

Lời cầu bằng tiếng Ả Rập xin Chúa giúp cho các Kitô hữu biết yêu chuộng Lời và gương sáng của Chúa Giêsu và "tránh xa chiến tranh và bạo lực bằng bất cứ hình thức nào."
 
Tòa án Âu Châu không cấp môn bài liên quan tới sự sống con người
Vũ Văn An
17:44 26/10/2011
ROME, 24 Tháng 10, 2011 (Zenit.org).- Tòa án Âu Châu đã bác bỏ khả thể cấp môn bài cho các diễn trình nghiên cứu dùng tế bào gốc lấy từ phôi thai người.

Phán quyết ngày 18 tháng 10 là kết quả của một vụ án liên quan tới Oliver Bruestle thuộc Đại Học Bonn. Người này, ngày 19 tháng 12 năm 1997, đã nạp đơn xin môn bài cho các tế bào được sản xuất từ các tế bào gốc của phôi thai người dùng để chữa trị các bệnh về thần kinh.

Greenpeace đã thách thức môn bài này tại các tòa án ở Đức và đã thắng khi Tòa Môn Bài Liên Bang phán quyết rằng môn bài này vô giá trị. Bruestle đã kháng án và sự việc đã được chuyển lên Tòa Âu Châu. Trong quyết định của mình, Tòa Âu Châu đã phán rằng các khía cạnh y khoa và đạo đức học nằm ngoài thẩm quyền của họ và chỉ có yếu tố luật lệ mới được xem sét mà thôi. Tòa cho rằng “Bất cứ trứng nhân bản nào, ngay khi được thụ tinh, cũng phải được coi là ‘phôi thai người’ nếu việc thụ tinh ấy diễn ra cách nào đó khiến diễn trình phát triển của một con người được bắt đầu”. Ngoài ra, cũng phải xếp các trứng do diễn trình sinh sản đơn tính (parthenogenesis) tạo ra là các phôi thai người.

Toà tuyên phán rằng môn bài không thể được cấp khi phôi thai người được sử dụng. Tuy nhiên, tòa không loại bỏ khả thể cấp môn bài đối với các mục đích trị liệu và khám nghiệm, được áp dụng vào phôi thai người và có lợi cho các phôi thai này.

Định nghĩa

Ủy Ban của Các Hội Đồng Giám Mục Cộng Đồng Âu Châu (COMECE) hoan nghinh phán quyết này. Trong một thông cáo báo chí, COMECE nhận định rằng phán quyết trên đã đưa ra “một định nghĩa giá trị có tính rộng rãi, hợp khoa học về phôi thai người”. Thụ tinh đúng là đã đánh dấu việc khởi đầu của sự sống mới nơi con người. “Do đó, phôi thai người, ngay từ lúc đầu mới phát triển, phải được coi là một hữu thể nhân bản có tiềm năng, chứ không phải chỉ là ‘hữu thể nhân bản tiềm tàng’ (a human being with potential, not just a ‘potential human being’).

Do kết quả trên, COMECE tuyên bố rằng các nghiên cứu khoa học sử dụng các nguồn khác sẽ được khuyến khích. Cho đến nay, các nghiên cứu sử dụng tế bào gốc trưởng thành vẫn chưa được chú ý bằng các nghiên cứu sử dụng tế bào gốc phôi thai. COMECE cho hay: “Việc sử dụng tế bào gốc trưởng thành, tức các tế bào gốc lấy từ máu cuống rốn hay các chất khác, trong nhiều trường hợp, đã đem lại nhiều khả thể đáng kể cho nền y khoa về tái tạo (regenerative medicine)”.

Trung Tâm Âu Châu về Luật Pháp và Công Lý cũng hoan nghinh quyết định trên. Gregor Puppinck, giám đốc trung tâm đưa ra lời tuyên bố cho rằng “Quyết định này che chở sự sống và nhân phẩm ngay ở giai đoạn đầu mới phát triển”. Tuy nhiên, theo ông, Toà Âu Châu để các tòa án quốc gia tự quyết định xem liệu các tế bào gốc lấy từ phôi thai người ở giai đoạn phôi bào đã tạo thành một phôi thai người hay chưa.

Nhân phẩm

Tờ L'Osservatore Romano gọi quyết định trên là một chiến thắng cho nhân phẩm. Tờ báo này nhận định rằng trước khi có phán quyết trên, nhiều người đã cố gắng tạo áp lực để Tòa phán quyết có lợi cho phe nộp đơn xin môn bài. Hồi tháng Tư, tập san Nature có đăng lời kêu gọi của một số khoa học gia ủng hộ việc cấp môn bài cho việc sử dụng phôi thai người. Những người này cho rằng các tế bào gốc phôi thai mới chỉ thuộc tuyến tế bào, chưa phải là phôi thai. Nhưng tờ L'Osservatore Romano nhấn mạnh rằng những người này quên không nói rằng các tuyến này là sản phẩm của việc tiêu diệt các phôi thai người.

Tòa Thánh rất tích cực trong cuộc tranh luận về tế bào gốc. Gần đây, Vatican đã ký một thỏa thuận trị giá 1 triệu dollars với một công ty nghiên cứu Hoa Kỳ tên là NeoStem. Theo tường trình ngày 20 tháng 10 của tờ Los Angeles Times, số tiền này sẽ dùng để tài trợ chương trình giáo dục và nghiên cứu việc sử dụng các tế bào gốc đã trưởng thành.

Cha Tomasz Trafny, thuộc Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa, cho hay: thỏa thuận trên vô tiền khoáng hậu. Ngài cho tờ Los Angeles Times hay Vatican quyết định tiến hành thoả thuận vì 2 lý do: “Thứ nhất, vì họ lưu ý mạnh mẽ tới việc … tìm tòi tác động văn hóa của việc họ làm, một việc ít có xưa nay… Nhiều công ty chỉ biết lo lợi nhuận và lợi nhuận mà thôi… Thứ hai, dĩ nhiên, vì họ chia sẻ cùng một nhậy cảm về luân lý, đạo đức… Chính do quan điểm đạo đức ấy mà chúng tôi bước vào sự hợp tác độc đáo này”.

Công ty trên cũng tham dự một hội nghị sẽ được tổ chức tại Vatican từ ngày 9 tới ngày 11 tháng 11 sắp tới. Chủ đề của hội nghị sẽ là “Tế Bào Gốc Trưởng Thành: Khoa Học và Tương Lai Con Người và Văn Hóa”.

Trong một nhận định ngắn về buổi họp báo của Văn Phòng Báo Chí Tòa Thánh để công bố về hội nghị trên, Robin Smith, CEO của NeoStem, giải thích rằng cuộc hùn hạp với Tòa Thánh này sẽ chú tâm tới 4 điều: “thăng tiến khoa học, loại bỏ đau khổ của con người, giáo dục xã hội ngày nay cũng như các thế hệ tương lai, và khuyến khích sự hợp tác để đẩy mạnh các mục tiêu này”.

Trong khi đó, Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Sự Sống đang chuẩn bị mở Hội Nghị Quốc Tế về Việc Nghiên Cứu Tế Bào Gốc Có Trách Nhiệm. Hội nghị này sẽ được tổ chức tại Rôma từ ngày 25 tới ngày 28 tháng Tư, 2012.
 
Top Stories
Organisés chaque année depuis neuf ans, les rassemblements de la jeunesse catholique du Nord Vietnam rencontrent un succès grandissant
Eglises d'Asie
10:33 26/10/2011
Organisés chaque année depuis neuf ans, les rassemblements de la jeunesse catholique du Nord Vietnam rencontrent un succès grandissant

Un premier rassemblement des jeunes catholiques s’était tenu en 2001 à Thai Binh. Depuis, il a eu lieu chaque année dans un diocèse différent et attire désormais des représentants de l’ensemble de la jeunesse du Nord Vietnam. Le Neuvième Congrès annuel se déroulera, cette année, dans le diocèse de Bac Ninh, du 11 au 12 novembre, dans le centre culturel de la ville de Bac Ninh. Comme le fait remarquer, dans un article présentant cet événement (1), ...

... l’évêque de Hai Phong, responsable de la Commission épiscopale pour la jeunesse, Mgr Joseph Vu Van Thiên, ce congrès est un phénomène unique dans le pays. Il se déroule à intervalles réguliers et rassemble des jeunes de l’ensemble des diocèses de la province ecclésiastique de Hanoi. Jusqu’à présent, les provinces ecclésiastiques de Saigon et de Huê n’ont pas été autorisées à organiser un rassemblement de la jeunesse commun à tous leurs diocèses.

L’une des initiatives de Jean Paul II, au cours de son pontificat, avait été l’organisation des journées mondiales de la jeunesse, dont la première édition eut lieu en 1986 : leur succès a été grandissant et cette rencontre est devenue aujourd’hui un événement marquant de la vie de l’Eglise. Grâce aux témoignages de représentants du Vietnam y ayant participé, ce rassemblement de la jeunesse a eu un grand retentissement parmi les jeunes Vietnamiens qui souhaitèrent en reprendre l’esprit à l’échelle du pays. C’est ainsi qu’à Thai Binh, en 2001, fut organisé à l’initiative de Mgr F.-X. Nguyên Van Sang, alors évêque du diocèse, la première rencontre de ce type. Elle ne tarda pas à faire tache d’huile. Des journées de la jeunesse ont été depuis organisées dans chacun des diocèses du Nord, avec, à chaque fois, des représentants de la jeunesse de tous les autres diocèses.

Ce congrès annuel est devenu aujourd’hui le rendez-vous de tous les jeunes catholiques du Nord. Organisé à chaque fois avec les ressources et les traditions culturelles de la région où il a lieu, il est en même temps, pour les participants, une source de mobilisation plus grande, d’un engagement plus réfléchi dans l’Eglise et d’un renforcement de la foi, soulignent les responsables de l’Eglise du Vietnam.

Un certain nombre d’usages, pour la plupart empruntés aux journées mondiales de la jeunesse, ont pris, dans la version vietnamienne de cette rencontre, une valeur toute particulière. Il en est ainsi du passage de la croix du rassemblement des jeunes, de diocèses en diocèse. De véritables relais sont organisés qui la font voyager dans le diocèse durant toute l’année qui précède l’assemblée. Les jeunes se la transmettent de main en main et la transportent dans chaque paroisse où elle est entourée et vénérée. La croix arrive ainsi à sa destination finale, porteuse de la vie quotidienne du diocèse, après avoir parcouru les grands et petits chemins de la région où elle a côtoyé la vie des hommes. Mais beaucoup d’autres activités, rencontres et réflexions communes marquent cette préparation de l’assemblée annuelle.

Cette communauté d’esprit, d’idéal s’épanouit durant les deux jours de l’assemblée annuelle. Les différences de mentalité, le chauvinisme régional s’effacent dans la découverte des différentes facettes de la jeunesse du Nord Vietnam. Par ailleurs, cette rencontre est une occasion pour les jeunes venus d’ailleurs de découvrir les particularités culturelles, l’histoire particulière de l’évangélisation dans les lieux où ils se rendent. Ils accomplissent ainsi une sorte de pèlerinage dans les hauts lieux de l’histoire de leur Eglise. En 2005, par exemple, dans le diocèse de Thanh Hoa, ils découvraient le village de Ba Lang où en 1627, le P. Alexandre de Rhodes et le P. Marquez avaient abordé le rivage vietnamien et apporté l’Evangile, alors qu’ils se rendaient à Hanoi. En 2003, à Phat Diêm, les jeunes du Nord Vietnam avaient admiré le chef-d’œuvre d’architecture catholique qu’est la cathédrale du diocèse et sa longue histoire. A Bui Chu, à Hai Phong, ils s’étaient rendus dans des lieux marqués par l’histoire du christianisme. Ils n’avaient pas non plus négligé l’histoire de leur pays puisque lors du rassemblement de Hung Hoa, ils avaient fait une longue visite au temple où sont vénérés des restes de la première dynastie du Vietnam, celle des rois Hung.

Notes

(1) Article paru dans le n° 65 de Communion, bulletin de la Conférence épiscopale et unique organe de presse catholique officiellement autorisé à paraître dans un nombre réduit d’exemplaires. L’article a été reproduit par VRNs (Vietnam Redemtorist News) le 26 octobre 2011.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Caritas và Giám mục Mỹ Tho cứu trợ lũ lụt ở Tân Long, Cù Lao Tây
LM Giuse Nguyễn Tuấn Hải
04:52 26/10/2011
ĐỒNG THÁP (25.10.2011) - Trước chuyến đi cứu trợ đầu tiên vào ngày 17 tháng 10 năm 2011 ở huyện Tân Hồng, Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc – Giám mục Giáo phận – đã biết tin vùng đất Cù Lao Tây, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, đang bị sạt lở nghiêm trọng cũng rất cần được trợ giúp. Một số nhà dân bị sụp xuống sông và nước cuốn trôi một phần hoặc toàn bộ; đặc biệt có nhà ở của 2 Dì thuộc Dòng Chúa Quan Phòng (Cần Thơ) đang giúp ở Giáo xứ Tân Long bị sạt lở xuống sông hoàn toàn. Nhạy bén và yêu thương trước tình trạng khốn khó của những người nghèo bị thiên tai, đặc biệt là những người bị mất nhà cửa, Đức Cha đã sớm chỉ đạo và lên kế hoạch cứu trợ cho Tân Long.

Xem hình ảnh

Chỉ cách một tuần sau đợt cứu trợ trước, Tòa Giám mục và Caritas Giáo phận đã tổ chức đoàn cứu trợ đến Nhà thờ Tân Long, (địa chỉ: Ấp Tân Phú A, xã Tân Bình, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp), vào ngày 25 tháng 10 năm 2011 để cảm thông, chia sẻ và động viên tinh thần cho những nông dân nghèo nhất của vùng Cù Lao Tây vượt qua cơn nguy khốn “họa vô đơn chí”: vừa bị lũ lụt dâng cao, vừa bị sạt lở đất.

Khi biết tin nhà của quí Dì và nhà dân bị lở sụp xuống sông trôi mất, Đức Cha đã thao thức không yên; mà yên lòng sao được khi Người Mục Tử, Vị Cha Chung của Giáo phận đang có những đứa con đang bị thương tích do thiên tai như thế. Người Việt Nam thường nói “Trăm nghe không bằng một thấy”, nên Đức Cha muốn đến tận nơi để tận mắt chứng kiến hậu quả của các vụ sạt lở đất do nước cuốn, và nhìn thấy những đôi vai nặng nề của dân nghèo trong Giáo phận đang gánh gồng thêm những khó khăn bên dòng nước lũ hung dữ.

Đức Cha và phái đoàn cứu trợ đã khởi hành từ Tòa Giám mục vào lúc 6 giờ 15 phút sáng ngày 25 tháng 10 năm 2011. Chiếc xe 15 chỗ của Tòa Giám mục trực chỉ về Đồng Tháp mang theo phái đoàn cứu trợ gồm: Đức Cha, Cha Giám đốc Caritas Giacôbê Hà Văn Xung, Cha Giám đốc Truyền Thông Giuse Nguyễn Tuấn Hải, Cha Thư ký Tòa Giám mục Phêrô Phạm Bá Đương, Cha G.B. Nguyễn Nhựt Cương, 3 thành viên Caritas của Giáo xứ Chánh Tòa và 1 thành viên Caritas của Họ Thánh Giuse (Gò Công).

Khoảng 2/3 hành trình cũng giống như lần trước, đến thành phố Cao Lãnh khoảng 8 giờ thì phái đoàn ghé quán ăn sáng khoảng 15 phút; sau đó tiếp tục lên đường theo Quốc Lộ 30 để đến huyện Thanh Bình. Rời khỏi thành phố Cao Lãnh thì xe chạy qua hàng loạt những chiếc cầu mang những cái tên nghe ngồ ngộ như Cầu Cái Nỗ, Cầu Cái Dầu, Cầu Cái Tre,…Đường giao thông có nhiều cầu là đặc trưng của Miền Tây Nam Bộ, vì là vùng sông nước nên sông rạch chằng chịt. Sông rạch nhiều cũng có 2 mặt: vừa dẫn thoát nước thủy lợi, nhưng cũng là nguyên nhân đưa nước lũ về nhanh chóng gây ngập lụt nặng, và sông rạch nhiều cũng chia cắt cục bộ các khu vực tạo nên khó khăn trong việc kết nối giữa con người và các vùng.

Từ thành phố Cao Lãnh theo tuyến Quốc Lộ 30 đến bến đò Tân Lập Tây khoảng hơn 30km. Các ruộng lúa dọc theo 2 bên đường trước kia, giờ nhìn qua kính xe chỉ thấy mênh mông biển nước không phân biệt đâu là bến bờ. Khi đến bến đò, phái đoàn phải xuống xe đứng chờ chiếc đò ngang đang khó nhọc băng qua sông Mêkông do nước chảy xiết. Khoảng cách từ bờ bên này sang tới Cù Lao Tây bên kia khoảng hơn 1000m, dòng nước rộng lớn đục ngầu và chảy xiết chia cắt đôi bờ. Chiếc đò (còn gọi là chiếc trẹt) với chiều ngang 3m và dài 8m, nhìn xa xa cứ như chiếc lá mỏng manh đang oằn mình gắng gượng nổi trên mặt nước lũ đục ngầu cuồn cuộn để đưa khách sang sông. Nước chảy xiết đến nỗi muốn sang sông, mũi và lái của chiếc trẹt không hướng thẳng từ bờ bên này sang bờ bên kia, mà mũi trẹt phải hướng lên trên phía thượng nguồn, chạy ngược nước cứ như đò dọc chứ không phải đò ngang, nhờ vậy mà nó mới từ từ nặng nhọc băng ngang sông được. Nếu ai là người lần đầu đi ngang qua đây vào mùa nước lũ như thế này, chắc chắn không tránh khỏi cảm giác bất an khi sang sông. Vậy mà những người dân của 5 xã trong Cù Lao Tây hàng ngày phải sang sông trên những chiếc trẹt như thế, những chiếc trẹt lắc lư bập bềnh đưa họ sang sông như đưa họ đến những cuộc sống bấp bênh, những cảnh đời cơ cực trong những ngôi nhà xiêu vẹo.

Khi xe vừa lên khỏi bến đò Tân Lập Tây, phái đoàn được một vị đại diện chính quyền địa phương dẫn đường đưa xe đến trước cửa nhà thờ Tân Long; lý do là vì đường nhựa quanh Cù Lao Tây đang bị sạt lở nên chính quyền cấm xe 4 bánh chạy. Đoàn đến nơi lúc 10 giờ, bà con đã tập trung ngoài đường trước cửa nhà thờ rất đông chờ nhận quà cứu trợ. Khi đoàn đến, bà con cũng theo vào nhà thờ. Cha Sở Đaminh Nguyễn Công Diện và Cha Phó F. At. Nguyễn Minh Hoàng đón Đức Cha và phái đoàn ngay cổng vào Nhà thờ Tân Long. Đức Cha, phái đoàn và mọi người vào nhà thờ viếng Chúa và cầu nguyện mươi phút.

Sau đó Cha Sở, Cha Phó và dân chúng hướng dẫn Đức Cha và phái đoàn đi thăm nhà của quí Dì đã bị sạt lở. Nếu không được kể lại cho biết, thì chúng tôi không thể hình dung được một khoảng nước rộng lớn đục ngầu đang chảy xiết rất mạnh ở bờ sông, cách bờ sông hiện tại hơn 50m trước đây là nhà, sân vườn và đường đi. Tất cả đã bị sạt lở và cuốn trôi mất hết không để lại dấu vết, dòng nước hung dữ kia đã khéo léo xóa mọi chứng cứ tội lỗi do nó gây ra. Cũng may là không có người nào chết chìm trong các vụ sạt lở, như người ta thường hay nói “của đi thay người”. Nhà của quí Dì chỉ còn lại mặt tường dựng đứng nức nẻ của phòng khách. Chúng tôi đứng sát bờ sông quan sát và chụp hình. Nhà Xứ cấp 4 lụp xụp đang xuống cấp là chỗ ở của Cha Sở và Cha Phó, cách bờ sông mới sạt lở khoảng chưa tới 10m. Chúng tôi vào Nhà Xứ uống nước và nói với Cha Sở: “Cha coi chừng nhà của Cha cũng theo Hà Bá đi xuống sông mất.” Theo Cha Phó cho biết thì các ông trong HĐMVGX đã đo chỗ sạt lở hiện tại có chiều sâu mười mấy thước, và đang bị khuyết “hàm ếch” (lở vào sâu trong bờ như chiếc hàm ếch).

(Thật quá bất ngờ, sáng ngày 26.10.2011, trong lúc tôi đang ngồi viết bài này thì Đức Cha Phaolô điện thoại cho tôi: “Cha Hải ơi, Nhà xứ Tân Long đêm hôm qua bị sụp xuống sông mất hết rồi. Tối qua sạt lở thêm mười mấy thước nữa. Bây giờ Cha Phó phải đi lánh nạn ở nhà ông Chủ Tịch HĐMVGX, còn Cha Sở thì vào ở trong phòng thánh của nhà thờ.” Tôi lặng điếng người, quá bất ngờ và sửng sốt. Tôi hỏi Đức Cha: “Thưa Đức Cha, vậy chỗ bờ sông hôm qua mình đứng xem, bây giờ đi xuống sông hết rồi?”. “Hết rồi. Sụp mất hết rồi. Cha cầu nguyện cho Cha Sở và Cha Phó trên đó nghe.” “Vâng, thưa Đức Cha”…!!!)

Sau khi thăm vị trí sạt lở và Nhà xứ xong, chúng tôi vào nhà thờ để phát quà cứu trợ cho bà con. Cha Phó mời mọi người tập trung trong nhà thờ để giới thiệu Đức Cha và phái đoàn. Đức Cha và Cha Giám đốc Caritas phát biểu nói lên tâm tình quan tâm và yêu thương gởi đến cho bà con nghèo vùng lũ, không phân biệt lương giáo. Sau đó mọi người nghe đọc tên và nhận quà. Có 210 phần quà tất cả, hơn phân nửa được dành cho người ngoài Công giáo. Cũng như lần trước, các phần quà gồm: gạo, mì gói, nước tương và tiền mặt; mỗi phần quà trị giá 300.000VNĐ.

Cù Lao Tây nằm giữa sông Mêkông, bờ bên này thuộc tỉnh Đồng Tháp, bờ bên kia thuộc tỉnh An Giang. Dòng sông sau khi chảy qua Cù Lao Tây và Cù Lao Giêng thì chia ra thành 2 nhánh Tiền Giang và Hậu Giang. Cù Lao Tây có 5 xã thuộc huyện Thanh Bình gồm: Tân Huề, Tân Hòa, Tân Quới, Tân Long, và Tân Bình. Người dân vùng Cù Lao Tây hay truyền miệng câu thơ lục bát vui rằng:

“Tân Huề, Tân Quới, Tân Long;
Ba làng hợp lại không xong làng nào.”


Xã Tân Long có 9.787 nhân khẩu, trong đó có 890 người Công giáo. Đây là xã được lập sau cùng và cũng là xã nghèo nhất trong 5 xã, đó cũng là một trong các lý do để phái đoàn cứu trợ đến đây.

Sau khi phát quà xong, Cha Sở và một vị đại diện chính quyền địa phương phát biểu cám ơn Đức Cha và phái đoàn. Mọi người vui vẻ vỗ tay để bày tỏ lòng quí mến và biết ơn Đức Cha đã quan tâm đến họ. Cha Sở dù đang đau bệnh cũng rất thương bà con, nên lo tổ chức và hiện diện suốt buổi phát quà cứu trợ.

Khoảng 11 giờ thì phái đoàn phát quà cứu trợ xong. Sau đó, phái đoàn dùng cơm trưa với Cha Sở, Cha phó, hai Dì và Ban Mục Vụ tại Phòng Thánh. Đức Cha và phái đoàn được ăn các món bình dân đặc sản của mùa nước nổi như chim xanh, ốc bưu, lươn, cá,… Từ chỗ phòng ăn nhìn ra cửa sổ là cánh đồng lúa bát ngát đang chín trĩu vàng. Thấp thoáng có những chiếc lưng của các chị các cô đang còng xuống để gặt những bông lúa chín. Đó là những ruộng lúa đang nằm trong đê bao được bảo vệ kỹ lưỡng ngày đêm. Theo lời của một vị cán bộ địa phương, chính quyền và người dân rất lo lắng ăn ngủ không yên để bảo vệ đê bao; vì nếu vỡ đê thì nhiều héc-ta lúa đang mùa trổ bông sẽ mất trắng, mà đó chính là tài sản của những người nghèo. Nhìn nông dân thu hoạch lúa, lòng chúng tôi cũng cảm nhận được niềm vui của người đã vất vả gieo trồng và nay có kết quả thu hoạch. Ước mong sao mọi người dân nơi đây có được hạnh phúc đơn sơ nhưng rất cơ bản là có cơm no áo ấm.

Cha Sở, Cha Phó, 2 Dì và mấy ông trong HĐMVGX tiễn đoàn ra xe để về. Phái đoàn rời nhà thờ Tân Long để trở về Tòa Giám mục vào lúc 12 giờ 15. Buổi sáng suốt chặng đường chúng tôi đến thì trời nắng rất đẹp, nhưng lúc ra về thì trời đầy mây như có cơn mưa đang rình rập chực chờ đổ xuống bất cứ lúc nào. Đúng là “họa vô đơn chí” cho người dân vùng lũ: dưới chân nước dâng lên, trên đầu nước đổ xuống.
 
Cộng Đoàn Học Viện Dòng Đức Mẹ Lên Trời Sống Tinh Thần Đối Thoại Liên Tôn
Fx. Phan Dương, a.a.
10:25 26/10/2011
Cộng Đoàn Học Viện Dòng Đức Mẹ Lên Trời Sống Tinh Thần Đối Thoại Liên Tôn

Có thể nói, từ sau Công Đồng Vatican II, Giáo Hội Công Giáo nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại liên tôn. Công việc này được tiến triển và đẩy mạnh một cách đặc biệt từ cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Tân chân phước Gioan Phaolô II với các vị đại diện các tôn giáo khác nhau tại thành phố Assisi (Italy) vào năm 1986. Và năm nay chúng ta kỷ niệm 25 năm sự kiện này.

Hướng tới “Tinh thần Assisi”, cộng đoàn học viện Emmanuel d’Alzon dòng Đức Mẹ Lên Trời đã tổ chức buổi gặp gỡ với vị đại diện Giáo hội Phật Giáo, Hòa thượng Thích Đạt Đạo, phó viện trưởng Viện Hóa Đạo Phật Giáo Việt Nam.

Buổi gặp gỡ diễn ra trong bầu khi đơn sơ, cởi mở và thân tình. Hòa thượng chia sẻ cho anh em về “cái duyên” mà ngài cũng như Giáo hội Phật giáo VN có được với Giáo hội Công giáo. Ngài cho biết, cái duyên ấy phát xuất từ biến cố 1975. Lúc ấy, giữa Hòa Thượng và Đức cố Tổng giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình có những cuộc gặp gỡ và những lần cộng tác chung với nhau. Dần dần về sau, Hòa thượng có những cuộc gặp gỡ với một số linh mục ở Sài Gòn, trong đó, lần gặp gỡ đáng nhớ nhất là với cố linh mục Antôn, chánh xứ Xóm Thuốc. Hòa Thượng cho hay : “Những cuộc gặp gỡ đó đã để lại trong tôi những dấu ấn tốt đẹp. Tôi nhận ra được tình thương mến nhau giữa những con người, dù họ không cùng tôn giáo …” Hòa thượng nói tiếp : “Tôi không thể quên được ngày ấy – ngày mà linh mục Antôn về với Chúa. Hôm đó, nhận được tin linh mục qua đời, tôi và 10 người anh em khác đến để viếng xác và cầu nguyện. Trước khi cầu nguyện, tôi ngỏ lời với tất cả mọi người xung quanh và với cả vị linh mục đã qua đời rằng vì chúng tôi là những tu sĩ Phật Giáo, nên chúng tôi không thể cầu nguyện bằng lời kinh của Công Giáo, chúng tôi xin được cầu nguyện cho linh mục Antôn bằng lời kinh trong đạo Phật của chúng tôi… Ngay lúc ấy, tôi nhận được sự tán thành của các tín hữu bằng những tràng vỗ tay rất dài. Tôi hết sức cảm động. Đó là ngày mà tôi không thể nào quên được…”

Tiếp tục bài chia sẻ, Hòa thượng cho biết thêm : Sự gần gũi và mến yêu nhau giữa các bạn và chúng tôi ngày thêm thân thiết hơn là nhờ vào nhiều cuộc gặp gỡ khác sau đó tại Trung tâm mục vụ, Tòa tổng giám mục và những nơi khác. Gặp gỡ rất quan trọng, vì qua đây, mọi người có cơ hội chia sẻ với nhau để hiểu và yêu mến nhau nhiều hơn.

Ngoài việc chia sẻ những cảm nhận về mối tương quan giữa Giáo hội Công giáo và Phật giáo, Hòa thượng còn trình bày sơ lược cho anh em giáo lý căn bản của đạo Phật ; bên cạnh đó, với vai trò của phó viện trưởng Viện Hóa Đạo Phật Giáo, ngài còn giúp anh em hiểu thêm về chương trình đào tạo tại Học Viện Phật Giáo.

Trước khi kết thúc buổi gặp gỡ, anh em trong cộng đoàn đặt ra những câu hỏi liên quan đến giáo lý, đời tu, chương trình đào tạo và vấn đề đối thoại liên tôn. Với kiến thức sâu rộng và những cảm nhận sâu sắc, Hòa thượng đã giúp anh em hiểu hơn về Giáo hội Phật giáo và những vấn đề liên quan.

Cộng đoàn chia tay Hòa thượng với mong ước sớm có dịp gặp lại, để cùng nhau chia sẻ hầu hiểu biết và yêu mến nhau nhiều hơn. Theo chương trình của cộng đoàn, vào thời gian gần đây nhất, cộng đoàn sẽ tới một vài ngôi chùa của Phật Giáo để tham dự các nghi thức phụng tự.

Ước gì các tôn giáo trên thế giới tiếp tục mở lòng mình ra với “lòng chân thành, thái độ thân ái và kính trọng nhau, cởi mở nhìn nhận các tôn giáo khác trong sự khác biệt của họ…, sẵn sàng khám phá ra trong các truyền thống tôn giáo khác những di sản khác về các giá trị đạo đức chung…” để mọi người cùng nhau vun đắp nền văn minh tình thương và phục vụ cho công lý và hòa bình.

Tất cả vì tình yêu Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta. (Cha E. d’Alzon)

Fx. Phan Dương, a.a.
 
Báo cáo tổng kết 4 năm hoạt động Liên Đoàn CGVN tại Hoa Kỳ 2007-2011
Phó tế Giuse Nguyễn Hòa Phú
21:47 26/10/2011
BÁO CÁO TỔNG KẾT 4 NĂM HOẠT ĐỘNG
Của Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ

(Từ tháng 10 năm 2007 đến tháng 10 năm 2011)

Kính thưa:
- Đức cha Mai Thanh Lương
- Quý Đức Ông, quý Cha, quý Phó tế, quý Tu sĩ nam nữ, Quý Chức Ban Lãnh Đạo
- và Cộng Đoàn Dân Chúa tại Hoa Kỳ

Ngày 14 tháng 8 năm 2011, Cha Chủ Tịch Giuse Nguyễn Thanh Liêm đã chính thức công bố kết quả cuộc bầu cử Chủ Tịch Cộng Đồng Linh Mục Việt Nam tại Hoa Kỳ, và là Chủ Tịch Liên Đòan CGVNHK, cho nhiệm kỳ 2011-2015 là Đức Ông Giuse Trịnh Minh Trí. Ngài hiện đang phục vụ trong Tổng Giáo Phận Philadelphia. Tiến trình và tinh thần cuộc bầu cử đã phản ánh đức tin có việc làm của tòan thể thành viên trong Liên Đòan và nói lên ý thức trách nhiệm của mỗi Kitô hữu Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Nhiệm kỳ 2007-2011 được liên kết sống đạo tốt đẹp với sự phối hợp của các Linh mục và Giáo dân phụ trách từ 8 Miền Hoa Kỳ: Miền Đông Bắc với cha Vũ Xuân Thư, cha Nguyễn Quang Vinh & ông Nguyễn Long Quân; Miền Trung Đông với Đức ông Trịnh Minh Trí & Gs. Bùi Hữu Thư; Miền Đông Nam với cha Nguyễn Thanh Châu & Bs. Nguyễn Tiến Cảnh; Miền Nam với cha Đoàn Đình Bảng & ông Bùi Công; Miền Tây Nam với cha Đinh Ngọc Quế, cha Mai Khải Hoàn & Ls. Phạm Văn Phổ, Ls. Nguyễn Đình Khương; Miền Tây với cha Phan Quang Cường; Miền Tây Bắc với cha Nguyễn Anh Tuấn & ông Nguyễn Văn Lành; Miền Trung với cha Nguyễn An Ninh & ông Nguyễn Văn Luận.

Bốn năm trôi nhanh, nhân dịp này Ban Điều Hành LĐCGVNHK nhiệm kỳ 2007-2011 xin báo cáo tổng quát các việc phục vụ như sau:

I. Hành Hương và Đại Hội
II. Ban Chuyên Môn
III. Công Tác Phục Vụ
IV. Tài Chánh

I- Đại Hội Hành Hương Đức Mẹ La Vang, Washington D.C. và các Đại Hội

Liên tiếp trong các năm qua, tháng 6 hàng năm Đại Hội Hành Hương Đức Mẹ La Vang tại thủ đô Washington DC đã được Liên Đoàn tổ chức rất long trọng, quy mô, mang lại tinh thần liên kết sống đạo với nhiều ấn tượng tốt đẹp cho mọi người tham dự. Giáo sĩ và giáo dân, ai nấy đều kín múc ơn lành Đức Mẹ La Vang đã ban cho cá nhân và cộng đồng. Các buổi hội thảo dựa trên tuổi tác và tâm lý khách hành hương đã là những nét đáng ghi nhận sau ngày đại hội. Nhiều người cũng có cơ hội về tham viếng Nguyện Đường Đức Mẹ Lavang, ở trong Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, và tham quan thủ đô Hoa Kỳ.
Song song với Đại Hội Hành Hương Đức Mẹ La Vang, các Đại hội khác có tầm mức quốc gia như: Đại Hội Linh Mục VN - Hành Trình Emmaus III và IV; Đại hội Phó Tế Việt Nam III và IV; Đại hội Giới Trẻ; Đại hội về Đất Hứa của Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể, Đại Hội Thánh Mẫu do Tỉnh Dòng Đồng Công, Đại Hội Giáo Lý toàn quốc, cũng được long trọng tổ chức; nhiều Miền, Giáo Xứ cũng tổ chức Đại hội, Hành Hương hằng năm được các chủ chăn và dân địa phương hết lời khen ngợi.

II- CÁC BAN CHUYÊN MÔN

Theo nhu cầu sống đạo tại các địa phương, và trong tầm vóc quốc gia, một số Ban và đoàn thể, phong trào đã được thành hình và hoạt động để thực hiện các công tác mục vụ và phục vụ cộng đồng dân Chúa tại Hoa Kỳ như sau:

1- Ủy Ban Gia Đình
Do hai cha Vũ Minh Nhiên dòng Đồng Công và cha Uông Quang Lượng dòng Chúa Cứu Thế phụ trách. “Gia đình là Giáo hội thu nhỏ”, vì tầm quan trọng của “Giáo hội thu nhỏ” này, theo lời cha Nhiên, ngài đã thâm cứu và soạn thảo những chủ đề và tài liệu liên quan đến mục vụ gia đình. Một số khóa hội thảo cuối tuần đã được thực hiện tại vài địa phương. Các tài liệu học hỏi lần lượt được phổ biến và thông tin trên Website Liên Đoàn.

2- Ủy Ban Giao Tế
Cha Joachim Lê Quang Hiền, Cựu Chủ Tịch Liên Đoàn, là Trưởng Ban Giao Tế Liên Đoàn, trong các năm qua đã đại diện cho Cha Chủ Tịch và Liên Đoàn làm nhịp cầu liên lạc giữa hai Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ và Việt Nam. Nhiều cuộc gặp gỡ giữa các giám mục hai quốc gia, cũng như những vấn đề xảy ra trong Giáo Hội Việt Nam, đều được Liên Đoàn đóng góp ý kiến hữu ích cho cả hai Giáo Hội.

3- Ủy Ban Giáo Luật
Cha Peter Ngô Công Thắng đặc trách Ban Giáo Luật. Những tài liệu liên quan đến tôn giáo và Hội Thánh Công giáo của Liên Đoàn đều được tham khảo ý kiến với các thành viên liên hệ. Ban Giáo Luật cũng đã thực hiện buổi hội luận chuyên môn về Luật của Giáo hội tại Orange, California.

4- Ủy Ban Giáo Lý
Trong sự liên đới chung và nhìn thấy nhu cầu học giáo lý cho các trẻ em thanh thiếu niên, cha Nguyễn Việt Hưng tu hội Tận Hiến đã khởi xướng Ủy Ban Giáo Lý Toàn Quốc từ 20 năm qua, Đại Hội Giáo Lý Tòan Quốc hai năm một lần đã quy tụ các giáo lý viên trên toàn quốc cùng về tham dự tại Baton Rouge, Louisiana. Có thể tham khảo những tài liệu song ngữ Việt-Anh nơi giaoly.org. Nhiều năm qua, cha Việt Hưng phối hợp với Liên Đòan ấn hành Niên Lịch Phụng Vụ trong đó có danh sách Linh mục, Phó tế Vĩnh viễn, Liên Dòng Nữ Tu VN tại HK.

5- Ủy Ban Giới Trẻ
Cha Đồng Minh Quang là Trưởng Ban. Với năng khiếu “thiên bẩm”, cha đã khéo léo liên kết các linh mục trẻ để phối hợp và yểm trợ giới trẻ Việt Nam cách hữu hiệu, đem lại nhiều thành quả tâm linh và dư âm tốt đẹp trong các Đại Hội Giới Trẻ Việt Nam.

6- Ủy Ban Liên Tôn
Do hai cha Nguyễn Uy Sỹ và cha Nguyễn Tiến Bình phụ trách. Ban Liên Tôn liên đới với các tôn giáo bạn trong những nỗ lực liên quan đến các vấn đề chung về quyền làm người và sự tự do tôn giáo, đề cao việc sống công bằng và tôn trọng sự thật nhằm mưu cầu hạnh phúc cho mọi người và xã hội.

7- Ủy Ban Phụng Vụ
Do Cha Đặng Hà phụ trách phối hợp việc phụng vụ trong các nghi lễ liên hệ.

8- Ủy Ban Thánh Nhạc
Do cha Nguyễn Đức Vượng dòng Đaminh, cũng là đệ I Phó Chủ Tịch Liên Đoàn, phụ trách. Ban Thánh Nhạc phối hợp các việc phụng tự và thánh nhạc, cách riêng hằng năm đều mời các ca đoàn trên toàn quốc cùng về hội thảo và hợp tác dịp Hành Hương Đức Mẹ La Vang tại Washington D.C., nhờ đó các buổi thờ phượng được thêm phần long trọng, trang nghiêm, thánh thiện.

9- Ủy Ban Thần Học
Cha Matthew Nguyễn Khắc Hy là trưởng ban. Trong năm Thánh Phaolô, với nhiệt tình phục vụ và nhất là với lãnh vực thần học chuyên môn, cùng với vài linh mục, phó tế, tu sĩ và giáo dân, cha Hy đã cố công thực hiện và cổ động việc học hỏi các chủ đề liên hệ đến lịch sử và cuộc đời cây “Đại Thụ Phaolô”. Dưới nhiều hình thức, Ban Thần Học đã viết tài liệu gồm nhiều bài học hỏi đơn giản với nội dung súc tích phổ biến đến các cộng đoàn giáo xứ, và tổ chức thuyết trình, hội luận, giảng thuyết v.v… Các tài liệu nghiên cứu liên hệ không những chỉ mang lợi ích cho cộng đồng dân Chúa tại Mỹ, mà còn được phổ biến rộng rãi trên khắp thế giới và về đến Việt Nam.

10- Ủy Ban Truyền Thông
Cha Trần Công Nghị phụ trách truyền thông. Ngoài việc phổ biến các thông tin, Cha đã tận tình giúp Liên Đoàn trong việc phối trí và điều hợp các buổi hội luận dịp Hành Hương Đức Mẹ La Vang tại Washington D.C. Hơn thế nữa, qua VietCatholic, cha cũng đã giúp quảng bá cách mau lẹ mọi thông tin của Liên Đoàn và thế giới.

11- Website Liên Đoàn
Website Liên Đoàn được cải tiến về mọi mặt theo tiêu chuẩn các hệ thống truyền thông quốc tế; hiện nay do Tiến sĩ Nguyễn Duy An đảm nhiệm phối trí và điều hành. Mặc dù mới tái hoạt động từ tháng 3 năm 2009, Website-LĐ đã được nhiều độc giả vào thăm, góp ý cũng như nhận xét là rất tân kỳ, hiện đại, chính xác và hữu ích. liendoanconggiao.net là cơ quan ngôn luận và thông tin chính thức của Liên Đoàn; do đó, Liên Đoàn kính mời quý Đức Ông, Linh mục, Phó tế, Tu sĩ và quý Chức đóng góp bài viết, tài liệu nghiên cứu và các hình ảnh sinh hoạt cũng như tin tức tại cộng đoàn giáo xứ, giáo phận để phổ biến đến cộng đồng dân Chúa trong ý hướng liên kết và hiệp thông.

12- Ủy Ban Văn Hóa
Do cố Linh mục Anrê-Dũng Lạc Trần Cao Tường phụ trách. Cuộc hội thảo các cây viết công giáo diễn ra tại Boston, Massachusetts năm 2009 được ghi nhận là một dịp gặp gỡ ý nghĩa mang lại nhiều sự nối kết và niềm hy vọng. Mạng Lưới Dũng Lạc (dunglac.org) do cha Tường khởi xướng từ mấy năm qua là một nỗ lực rất hữu ích trong việc liên kết làng văn hóa Việt Nam.

III- Công Tác Phục Vụ

A- Hội Đoàn, Phong trào và Ban Ngành

Ngoài việc mục vụ chuyên môn nêu trên, nhiều phong trào và hội đoàn Công Giáo Tiến Hành có những chương trình đặc thù và sinh hoạt liên tục theo nhu cầu riêng, như Chương trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình (tthngdtg.net) với cha Chu Quang Minh (Dòng Tên) và anh chị Phạm Văn Quyết & Điệp, Phong trào Cursillo (cursillovietinusa.com) với cha Trần Công Vang dòng Chúa Cứu Thế, Cộng đoàn Đồng Hành CLC (donghanh.org) với cha Đinh Minh Trí (Dòng tên) và chị trưởng Vũ Nguyễn Kim Anh, Hiệp sĩ Đoàn Columbus với cha Nguyễn Nhị và anh Nguyễn Ngọc Lễ, Phong trào Thanh Sinh Công (tscvietnam.org) với cha Nguyễn Xuân Hòa, Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể (tntt.org) với cha Trần Quốc Tuấn và trưởng Đào Văn Đức, Phong trào Tông Đồ Fatima (tnfatima.org) với cha Đinh Công Huỳnh và trưởng Cao Tấn Tĩnh, Phong trào Liên Minh Thánh Tâm (lienminhthanhtam.org) với cha Phan Quang Cường và anh Nguyễn Đức Thắng; vài hội đoàn khác như Các Bà Mẹ Công Giáo, Ca Đoàn v.v… đều có sinh hoạt sống động thường xuyên tại các địa phương nhưng chưa có được sự phối kết tổ chức chung trên bình diện toàn quốc.

Hơn nữa, Cộng đồng Giáo sĩ và Tu sĩ Nam, Cộng đồng Phó tế Vĩnh viễn, Liên Dòng Nữ Tu, Cộng đồng Giáo dân là bốn cột trụ của ngôi nhà LĐCGVNHK, hằng năm đều có những cuộc sinh hoạt gặp gỡ liên kết toàn quốc hoặc họp mặt theo đơn vị các Miền địa phương nhằm xây dựng và phát huy chung trong một lối sống “Bác ái, Huynh đệ, Hiệp nhất, Phục vụ”.

Theo dòng thời gian, Ban Lãnh Đạo Phục Vụ Liên Đoàn cố gắng củng cố mối liên hệ chặt chẽ hơn với các đấng bản quyền Hội Thánh tại Hoa Kỳ cũng như nơi quê nhà Việt Nam thân yêu. Mối quan hệ hiện nay rất tốt đẹp qua những liên lạc thông tin, hội họp thường xuyên; nhờ đó có sự nối kết làm việc chung với nhau về những vấn đề liên quan tới giáo hội quê nhà và các sinh hoạt mục vụ của đồng bào dân Việt tại Hoa Kỳ.

Mục tiêu hàng đầu của Liên Đoàn là đẩy mạnh Hành Trình Sống Đạo, Nên Thánh và Loan Báo Tin Mừng qua các chương trình mục vụ chung, song song với việc liên kết góp phần cụ thể trong các chương trình từ thiện, nhân đạo… như góp sức trong Chương Trình Nâng Đỡ Linh Mục hưu Dưỡng VN của Hội Đồng Giám Mục VN đề ra, giúp đỡ những người nghèo túng hoặc lâm cảnh tai ương bão lụt, động đất tại Việt Nam, Haiti, Nhật Bản v.v… trong các năm qua.

B- Họp Viễn Liên, thăm viếng mục vụ

Ban Lãnh Đạo Phục Vụ Liên Đoàn nhận được những nhận xét, ý kiến và lời khích lệ nhiều nhờ sự tường trình từ các địa phương cũng như từ 8 Miền Hoa Kỳ qua các cuộc họp thường niên và các buổi họp viễn liên “Tele-Conference” mỗi tam cá nguyệt, hoặc các phiên họp được triệu tập bất thường. Với phương tiện họp viễn liên trong tình hiệp nhất huynh đệ, nhiều vấn đề đã được chia sẻ, thông tin nhanh chóng và giải quyết thỏa đáng.
Thời gian qua, một mặt duy trì và cố gắng phát triển mối liên hệ tốt đẹp với Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ qua vai trò Cố Vấn Quốc Gia Ủy Ban Á Châu Thái Bình Dương của HĐGM Hoa Kỳ, Cha Chủ Tịch cũng đã đến thăm viếng mục vụ nhiều Giáo Xứ, Cộng Đoàn ở các nơi, cổ vỗ và nối kết sự Hiệp Nhất, Đoàn Kết giữa người Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ với nhau.
Với Giáo Hội Việt Nam ở quê nhà, trong tinh thần ‘uống nước nhớ nguồn’, Cha Chủ Tịch về viếng thăm các giáo phận, tham dự Đại Hội Khai Mạc Năm Thánh 2008, và đại diện Liên Đoàn đóng góp ý kiến trong Đại hội Dân Chúa 2010 tổ chức tại Sài Gòn. Liên Đoàn trong tinh thần xây dựng, cũng đã nhiều lần lên tiếng, bày tỏ sự quan ngại trong những vụ việc liên quan đến Giáo Hội và đất nước Việt Nam.

IV. Tài Chánh

Tài Chánh nhận được khi bàn giao 10/2007: $252,490.60

Tài Chánh hiện tại tính tới ngày 20 tháng 10, 2011 trong account chính của Liên Đoàn là $293,634.62, và Ban Tổ Chức Hành Hương Đức Mẹ Lavang, thủ đô Washington DC còn giữ $2,416.44 trong account của Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo VN, Arlinton, VA, để chi phí cho Hành Hương 2012, theo ý muốn của ĐO Trí chia sẻ với Cha Nguyễn Đức Vượng, Chánh Xứ GX Các Thánh Tử Đạo VN.

Tổng cộng tài chánh cả hai account: $296,051.06

Sau khi Đại Hội Emmaus IV kết thúc và kết toán tất cả chi thu trong Đại Hội, văn phòng Khai Thuế và Giữ Sổ Sách Tài Chánh của ông Anh Cao đang thuê giữ sổ sách tài chánh của Liên Đoàn từ 4 năm nay, sẽ chính thức đóng hồ sơ tài chánh của Ban Chấp Hành cũ, và tất cả hồ sơ tài chánh sẽ được chuyển cho ĐO Trí, bất cứ khi nào ĐO Trí yêu cầu. Account cũ cũng sẽ được đóng, và tất cả tài chánh sẽ chuyển về account mới do ĐO Trí mở, chậm nhất trong vòng 2 tuần lễ sau Đại Hội Emmaus, để các check, bill ký chi phí trong Emmaus được thanh toán, không gặp trở ngại cho Ban Tài Chánh mới.

V. Thay Lời Kết

Nhìn lại 4 năm qua, chúng ta tạ ơn Chúa và hết lòng cám ơn các đấng bậc và mọi người đã hết lòng yểm trợ các sinh hoạt của Liên Đòan. Tuy đã cố gắng phục vụ trong khả năng và điều kiện cho phép, chắn chắn có những giới hạn và thiếu sót, rất mong được mọi người cảm thông và tha thứ.

Xin Thiên Chúa và Mẹ Lavang luôn chúc lành cho Liên Đoàn chúng ta.

Chiều ngày 26/10/2011 tại Houston

Kính trình,
Tổng Thư ký LĐCGVN HK
 
Giáo xứ Chúa Kitô Vua, Fort Worth, Texas mừng 15 năm thành lập
Nguyễn Diễm Trang
21:48 26/10/2011
Giáo xứ Chúa Kitô Vua, Fort Worth, Texas mừng 15 năm thành lập

Bức tranh mùa thu thật tuyệt vời được vẽ nên với những chiếc lá vàng bay, những tà áo dài muôn màu sắc, những ánh mắt vui tươi, và những nụ cười rạng rỡ trên từng khuôn mặt của dòng người đang tiến về ngôi Thánh Đường Chúa Kitô Vua. Chúng tôi vui vẻ bên nhau bởi lẽ hôm nay là ngày sinh nhật của mỗi người trong giáo xứ chúng tôi, Sinh Nhật lần thứ 15. Thánh Lễ kỷ niệm được tổ chức lúc 6giờ chiều thứ bảy 22/10/2011 với sự hiện diện của nhiều linh mục, đại diện các giáo xứ lân cận, và đông đảo bà con trong giáo xứ tham dự.

Xem hình

Nhìn lên cung thánh, chúng tôi thấy có sự hiện diện của Cha Louis Vũ Minh Nhiên - Giám Tỉnh Dòng Đồng Công, quý Cha cựu chánh xứ Marcô Nguyễn Thành Huynh, Polycarp Nguyễn Đức Thuần, Martin Trần Dũng Lực, hai Cha khách Thomas Nguyễn Huy Châu và Cha Phaolô Phạm Minh Tân, Cha chánh xứ Louis Phạm Hữu Độ và Cha phó xứ Marcô Lê Tiến Hóa. Sự hiện diện của quý Cha cựu chánh xứ và Cha khách làm ấm lòng con chiên.

Cha Huy Châu đã chia sẻ Lời Chúa thật sâu sắc và cảm động. “Giới răn mến Chúa yêu người của Phúc Âm hôm nay là một sứ điệp rất thích hợp cho chúng ta cùng nhau suy nghĩ về Khánh Nhật Truyền Giáo. Sự hiện diện và phát triển của giáo xứ chúng ta trong suốt thời gian qua là một công trình truyền giáo cụ thể, phát xuất từ lòng mến Chúa và yêu người của biết bao nhiêu người, qua những hy sinh đóng góp thời giờ, sức lực, tinh thần và vật chất để giáo xứ chúng ta có được ngày hôm nay. Để tiếp tục sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội, giáo xứ chúng ta cần làm gì? Việc truyền giáo của giáo xứ chúng ta sẽ hữu hiệu nếu người ta chứng kiến giáo dân Kitô Vua biết kính trọng và giúp đỡ lẫn nhau về vật chất và tinh thần. Các Cha đến, rồi các Cha lại đi, nhưng - giáo xứ còn mãi…! Giáo xứ là ngôi nhà của mình, chúng ta nên hãnh diện nếu giáo xứ chúng ta gồm những người yêu mến Chúa và yêu mến nhau chân tình. Chúa Giêsu nói: “Người ta thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên Trời”. Ước mong rằng khi người ta nhìn thấy những sinh hoạt và gương sống Đạo, những sự quảng đại, hy sinh với một trái tim yêu thương không tính toán và chân thành của những giáo dân Kitô Vua thì người ta sẽ ngợi khen Cha chúng ta trên Trời. Nếu được như vậy chúng ta có thể xem là mình đã chu toàn nhiệm vụ truyền giáo mà Chúa Giêsu đã trao ban...”

Thánh Lễ kết thúc trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa vì những hồng ân Chúa đã thương ban và Mẹ Maria dìu dắt trong suốt 15 năm qua “Xin dâng lời cảm tạ, hồng ân Thiên Chúa bao la…”. Sau Thánh Lễ, quý Cha và mọi người sang hội trường để dự tiệc mừng và thưởng thức văn nghệ cây nhà lá vườn do các giáo khu và hội đoàn trong giáo xứ đóng góp với nhiều tiết mục thật đặc sắc…! Với 1200 phần ăn, mọi người được no nê, cười nói, và thăm hỏi nhau rất vui vẻ. Cám ơn anh chị Vinh & Thùy và Hội Các Bà Mẹ Công Giáo đã lo bữa ăn. Cùng nhau tạ ơn Chúa, cám ơn quý Cha, và biết ơn tất cả những đóng góp của mọi người trong giáo xứ đã góp phần làm cho ngày vui chung của giáo xứ được trọn vẹn.

Niềm vui khép lại sau những ngày tháng chuẩn bị cả về tâm hồn cũng như mọi thứ cho buổi lễ được diễn ra tốt đẹp. Đêm mùa thu thật vắng lặng và yên bình…như tâm hồn chúng tôi. Hơn bao giờ hết, chúng tôi cảm thấy lòng mình thật ấm áp và đầy ắp yêu thương trong mái ấm gia đình giáo xứ Chúa Kitô Vua.

Nguyễn Diễm Trang – Gx Chúa Kitô Vua, Fort Worth, Texas
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bình Yên
Joseph Nguyễn Tro Bụi
21:35 26/10/2011
BÌNH YÊN
Ảnh của Joseph Nguyễn Tro Bụi
Mặt hồ xanh phẳng như gương
Bình yên trải khắp dòng thương nối bờ,
Một chiều êm mượt nhung tơ…
(Joseph Nguyễn Tro Bụi)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền