Ngày 23-10-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Vỗ ngực - Đấm ngực
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
05:20 23/10/2019
Chúa Nhật 30 Thường Niên C

Dụ ngôn người Biệt phái và Thu thuế lên Đền thờ cầu nguyện cho thấy sự tương phản giữa hai thái độ của con người trước tình yêu thương bao la của Thiên Chúa. Người Biệt phái là nhân vật được xã hội đương thời kính trọng, vì thuộc thành phần nhiệt tâm giữ luật, thực thi đức ái hơn nguời khác. Người thu thuế, kẻ bị xã hội mạt sát, khinh chê. Hai mẫu người đối lập cùng bước vào Đền thờ và làm cùng một công việc là cầu nguyện. Tại đây, sự tương phản giữa hai con người trở nên rõ nét khi tâm tính và thái độ sâu kín được bộc bạch trước nhan Thiên Chúa. Ông Pharisêu đứng thẳng ngước cao vỗ ngực kể công và chê bai người khác. Người thu thuế đấm ngực và nguyện thầm: “Xin thương xót vì con đầy tội lỗi!”.

1. Vỗ Ngực

Người Biệt phái ung dung tự tại, đứng thẳng cầu nguyện : Lạy Thiên Chúa, con cảm tạ Chúa vì con không giống các người khác, không tham lam, không bất công, không ngoại tình hay như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, dâng một phần mười thu nhập của con. Người Biệt phái đang báo cáo thành tích. Ông nói điều ông đã làm và những gì ông làm thì không chê vào đâu được: không gian tham, không chiếm đoạt, không rối vợ rối chồng, không đam mê tội lỗi, thậm chí về phần đạo đức bác ái, ông còn làm quá điều luật dạy.Thường người ta chỉ ăn chay một ngày trong năm vào dịp lễ Sám hối, đàng này ông ăn chay hai ngày trong tuần. Luật buộc các nông dân nộp một phần mười sản phẩm cho việc phụng tự, ông lại nộp thuế thập phân tất cả thu nhập của ông. Đây là lời cầu nguyện mà nhiều người Do thái thời ấy mơ ước. Không thấy ông xin gì cho bản thân. Lời cầu nguyện chỉ là lời tạ ơn. Điều đáng tiếc là lời cầu nguyện của ông đầy nét tự hào, tự mãn và khinh bỉ tha nhân : Vì tôi không như bao người khác, tôi không như tên thu thuế kia. Rõ ràng người Biệt phái tốt lành quảng đại nhưng lại tự phụ khoe khoang, khinh người. Đây là biểu tượng cho hạng người hay chúc tụng, tôn thờ bản thân mình, tự “vỗ ngực xưng tên”. Thật đúng, kiêu căng đứng trước trong danh sách bảy mối tội đầu.

2. Đấm Ngực

Người thu thuế đến thú tội, anh ý thức mình là tội nhân nên run rẩy xấu hổ, đầu cúi xuống chẳng dám ngước lên. Anh đã nghe thấy lời cầu nguyện của người Pharisêu (hay như tên thu thuế kia), nên anh thấy khỏi cần cáo tội mình. Anh chỉ còn đặt mình trước nhan Thiên Chúa một cách trung thực và khẩn khoản nài xin : Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Điều anh khao khát là được Thiên Chúa tha thứ và được làm hoà với anh em. Anh chỉ đứng xa xa vì thấy mình bất xứng. Lời cầu hết lòng khiêm tốn đó có sức an ủi anh ngọt ngào biết bao. Anh cảm thấy đầy niềm tin tưởng vào lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa, vì anh biết rằng : dù tội lỗi như Aaron đúc bò vàng cho toàn dân thờ, dù thủ đoạn như vua Đavít đã cướp vợ giết chồng người khác nhưng họ đã hết lòng ăn năn sám hối và Thiên Chúa đã sẵn lòng tha thứ; dẫu rằng cả toàn dân bỏ Chúa và bị bắt lưu đày Babylon, lại bị thủ tướng Aman ra tay diệt trừ nhưng trong cơn cùng khốn như thế, hoàng hậu Ette cùng toàn dân đã biết ăn năn sám hối tội lỗi, Thiên Chúa đã ra tay giải thoát họ; hay tội lỗi như dân ngoại Ninivê, Thiên Chúa còn thương, bắt buộc Ngôn sứ Giona đến rao giảng cho họ biết cải tà qui chính, Thiên Chúa liền tha thứ cho họ khi họ sám hối chân thành. Thấy tất cả những sự kiện lịch sử thống hối đó, người thu thuế càng thêm tin tưởng vào lòng thương xót khoan dung cùa Thiên Chúa, anh càng đấm ngực hết lòng ăn năn.

3. Khiêm Nhường

Đức Giêsu kết luận: Người thu thuế trở nên công chính còn người biệt phái thì không được…. Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên.

Người thu thuế ra về và được tha hết mọi tội, tâm hồn thành trắng trong.

Người biệt phái ra về tội lỗi vẫn cứ còn đó.Cái tôi nặng quá nên còn phải gánh thêm sức nặng của tội lỗi nữa, thật đáng thương cho đời một người quá tự kiêu tự mãn.

Tội lỗi hay hành động xấu không làm người ta mất sự công chính cho bằng tính tự mãn thói kiêu căng. Người thu thuế đã thật sự phạm nhiều tội lỗi nên đã làm mất đi sự công chính, nhưng hành động khiêm tốn biết nhìn nhận mình tội lỗi và hết lòng thống hối nên được công chính trước Thiên Chúa.

Khiêm nhường có khả năng biến tội lỗi thành thánh thiện, bất chính thành công chính.Trái lại, kiêu ngạo tự mãn có thể biết điều tốt thành điều xấu. Khiêm nhường, tự hạ, quên mình luôn được coi là nền tảng của sự thánh thiện, là gốc rễ của các nhân đức. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I đã nói : Trên thiên đàng không thiếu bọn thu thuế và gái điếm, nhưng không có kẻ kiêu ngạo. Dưới hoả ngục có cả Hồng Y, Giám mục nhưng không có người khiêm nhường.

Khiêm nhường bao nhiêu cũng không đủ, chỉ một chút kiêu ngạo cũng quá nhiều. Đừng vì mình đạo đức mà khép kín trong tự mãn, cũng đừng vì mình tội lỗi mà khép kín trong tuyệt vọng. Ơn Chúa chỉ đến với người biết mở tâm hồn ra để đón nhận. Tội lỗi hay công đức đều có thể làm ta khép lại hay mở ra. Điều quan trọng là thấy mình luôn luôn cần Chúa. Sự triển nở trong đời sống thiêng liêng nằm chỗ là ta trở nên nhỏ lại, là nhường bước để cho Chúa xâm chiếm và chi phối trọn vẹn đời ta. Càng lớn lên trong Chúa, ta càng cảm thấy một cách mạnh mẽ rằng mình cần đến Chúa ngày một hơn.

Một Đấng Thánh vĩ đại như Phaolô mà đã tự nhận mình là kẻ thấp hèn nhất (1Cor 15,9); một ngôi sao chói lọi trong công việc bác ái từ thiện như Thánh Vincent Phaolô mà cũng đã tự gọi mình là người thấp hèn nhất trần gian thì huống là chúng ta ! Người tự cao tự đại không thể cầu nguyện được. Cửa thiên đàng hẹp và thấp, chỉ quì xuống mới vào được mà thôi. Thiên Chúa luôn chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng luôn ban ơn cho kẻ khiêm nhường (x. Gc 4,6; 1Pr 5,5).

Tại Đền Thờ Thánh Phêrô có một bức tượng Chúa Chịu Nạn do Thorvaldsen(1770-1844), nhà điêu khắc Đan Mạch nổi tiếng thực hiện. Ngày kia, một du khách đến viếng bức tượng, ông ta nhìn mãi rồi lắc đầu nói : tôi nghe đồn bức tượng này nổi tiếng là đẹp lắm nhưng tôi chẳng thấy có gì đẹp cả. Một người quỳ sau lưng ông nói : Ông phải quì gối xuống mới thấy đẹp. Ông du khách liền quì gối. Bây giờ ông mới khám phá ra vẻ đẹp lôi cuốn của bức tượng Chúa Chịu Nạn. Muốn gặp gỡ Chúa, muốn đón nhận lòng thương xót của Người, con người cần quì gối với tâm tình khiêm tốn.

Đức Cha Fulton J. Sheen viết trong cuốn “Người Galilê vĩnh cửu”: Chúa Giêsu không sinh ra ở giữa trời, nơi người ta có thể đứng thẳng, nhưng Ngài giáng sinh trong hang đá, nơi người ta phải cúi mình để đi vào. Đó là một cử chỉ khiêm nhường. Một số người quá tự mãn không hạ mình sẽ không thấy được niềm vui bên trong hang đá. Các mục đồng và các đạo sĩ đủ đơn sơ để nghiêng mình xuống. Khi làm như thế, họ thấy mình không ở trong một cái hang, nhưng ở trong một thế giới khác. Tại đó, một người nữ diễm lệ, đầu đội mặt trời, chân đạp mặt trăng, và cánh tay ẵm Hài Nhi, Đấng dùng những ngón tay bé nhỏ của mình nâng đỡ trái đất, nơi chúng ta đang sống. Và khi các mục đồng và các đạo sĩ quỳ gối, tôi tự hỏi : không biết những người thông thái ghen với những người đơn sơ, hay những người đơn sơ ghen với những người thông thái ? Tôi hướng tới xác tín rằng : các đạo sĩ ghen với các mục đồng, bởi vì con đường của các mục đồng ngắn hơn, họ tìm thấy sự khôn ngoan là chính Thiên Chúa mau hơn.

Tin Mừng hôm nay đề cao lời cầu nguyện khiêm nhường của người thu thuế, không nhìn sang người khác, không so sánh mình với kẻ khác, nhưng nhìn vào chính mình và so sánh mình với mẫu gương của Chúa, qua đó anh đã khám phá ra những khuyết điểm bản thân rồi khiêm tốn chấp nhận. “Lạy Chúa ! Xin thương xót con”. Lời cầu nguyện của người thu thuế thật đơn giản. Ý thức được thân phận yếu hèn tội lỗi của mình, anh hoàn toàn cậy dựa vào lòng thương xót của Chúa. Đó là lời cầu nguyện của người ở trong sự thật và được sự thật giải thoát khỏi tội lỗi. Lời cầu nguyện khiêm nhường là lời cầu nguyện đẹp lòng Chúa. Sách huấn ca dạy: “ Lời cầu nguyện của người khiêm tốn xuyên thấu các tầng mây” (Hc 35,17). Sách giáo lý cũng dạy :“Khiêm tốn là thái độ căn bản phải có để đón nhận ơn cầu nguyện” (GLCG số 1559).

Lạy Chúa Giêsu, chúng con có là gì mà chẳng do Chúa thương ban. Xin cho chúng con biết khiêm tốn đấm ngực nhận mình thiếu sót lỗi lầm để luôn được Chúa xót thương tha thứ.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã sống một cuộc đời rất khiêm nhường, đầy tinh thần tự hủy và vị tha tới tận cùng, xin cho chúng con biết sống quên mình, tự hạ, yêu thương và hòa đồng với tất cả mọi người chung quanh con. Amen.



 
Người Pharisêu và người thu thuế
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
11:38 23/10/2019
Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXX Năm – C

(Lc 18,9-14)

Chúa Nhật tuần trước, hai nhân vật mang tính biểu tượng được Chúa Giêsu trình bày cho chúng ta: một bên là vị thẩm phán bất công, đại diện kẻ áp bức, bên kia là bà góa đi kiện, điển hình của kẻ bị áp bức. Qua dụ ngôn đầy tính hài ước, Chúa Giêsu khuyên chúng ta phải cầu nguyện luôn đừng ngã lòng và xác tín rằng, Thiên Chúa hằng nhận lời chúng ta (x.Lc 18,1-8).

Để xác định thái độ nội tâm và hình thức bề ngoài khi hướng về Thiên Chúa, Chúa Nhật tuần này, Chúa Giêsu kể một dụ ngôn gồm hai nhân vật đại diện cho con người hôm nay: một bên là người pharisiêu tự cho mình là công chính tuân giữ Luật Chúa cách hoàn hảo, bên kia là người thu thuế, tội lỗi, tay sai cho bọn đế quốc, vơ vét tiền bạc trên lưng của đồng bào (x.Lc 18, 9-14).

Xem video và nghe bài giảng

Khi đọc lý do tại sao người Pharisiêu lại tạ ơn Chúa, chúng ta chiêm ngưỡng sự hào phóng của ông thực sự là một người " tốt ", không chê trách được gì. Điều này dường như không phải là quan điểm của Đức Giêsu, Người không kể dụ ngôn này cho những người công chính, nhưng "cho những ai hay tự hào mình là người công chính." (x.Lc 18,9-14)

Người Pharisêu

Người Pharisêu tiêu biểu cho người bảo thủ cảm thấy mình phù hợp với Thiên Chúa và tha nhân, khinh thường kẻ khác. Người thu thuế là kẻ đã phạm lầm lỗi, nhưng anh nhìn nhận lỗi lầm đó và khiêm tốn xin Chúa tha thứ. Anh nghĩ, mình không thể cứu được mình nhờ công nghiệp riêng mình, mà phải cậy nhờ vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Câu cuối cùng của dụ ngôn minh chứng: Người này, khi trở về nhà, thì được nên công chính, nghĩa là, được tha và hoà giải với Chúa; người Pharisêu trở về nhà trong tình trạng y như hồi ra đi vẫn giữ cảm giác về sự công chính của mình, đương nhiên mất sự công chính của Chúa (x.Lc 18,14).

Trong thực tế, người Pharisiêu đã đặt ra cho mình chỉ tiêu công chính. Ông không như người khác: ăn chay, nộp thuế… Ông tự xây dựng hình ảnh người công chính cho mình, quên mất điều quan trọng nhất của lề Luật là tình yêu tha nhân.

Tệ hơn nữa là thái độ của ông. Ông "tạ ơn Thiên Chúa"; nhưng không được, ông thích liệt kê những kẻ tội lỗi. Trong lời cầu nguyện, ông không cần đến Thiên Chúa. Như thế, ông không công chính với chính mình, sức mạnh nội tâm của ông cho phép ông vượt lên trên mức tầm thường, nhưng ông đã coi thường sự đáng kính của ông. Một người hài lòng với chính mình, làm sao có thể giao tiếp được với Thiên Chúa ?

Người thu thuế

Người thu thuế biết mình không có gì để khoe, và cũng chẳng có ai thấp kém hơn mình để đạp. Anh chỉ biết mình được xếp loại ngang hàng với gái điếm, nên đứng xa xa, không dám ngước lên trời, đấm ngực và nói lên điều mà lòng anh đang khao khát: "Lạy Chúa, xin thương con là kẻ có tội. " (Lc 18,13). Anh khao khát tình thương nên anh được Chúa đoái thương và lời anh cầu xin được chấp nhận. Một kẻ tội lỗi như anh, có thể chứa đựng lòng thương xót, bởi vì không giống như các pharisiêu đóng cửa lòng mình và thỏa mãn với sự đầy đủ của mình, anh mở rộng tâm hồn, sẵn sàng đón lấy ơn tha thứ của Thiên Chúa, Đấng mà anh đã đặt tất cả niềm tin và hy vọng của mình.

Bài học từ hai người trên

Giống như hầu hết các dụ ngôn, Đức Giêsu cho thấy hai nhân vật trái ngược nhau. Những người thu thuế hôm qua là những người Pharisêu mới của ngày nay! Ngày nay người thu thuế, kẻ phạm tội, nói với Chúa: "Lạy Chúa con tạ ơn Chúa, vì con không phải như những người Pharisêu có lòng tin kia, giả hình và bất bao dung, lo lắng về sự ăn chay, nhưng trên thực tế sống còn xấu hơn chúng con." Thật nghịch lý, xem ra dường như có những kẻ cầu nguyện như thế này: "Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa, vì con là kẻ vô thần! "

Rochefoucauld nói rằng sự giả hình là đồ cống nạp nết xấu trả cho nhân đức. Ngày nay nó thường là đồ cống nạp nhân đức trả cho nết xấu. Đúng thế, điều này được bày tỏ ra, nhất là những kẻ tỏ ra mình xấu hơn và vô sỉ hơn mình, ngõ hầu không xuất hiện kém hơn những kẻ khác. Nhà triết học Tin Lành Soren Kierkegaard viết: "Ngược lại với tội lỗi không phải là nhân đức, nhưng đức tin. "

Một kết luận thực tế: Rất ít người vừa Pharisêu vừa là người thu thuế, tức là, công chính trong mọi sự hay là tội lỗi trong mọi sự. Phần đông chúng ta có một chút ít cả hai trong cuộc sống. Lúc tồi tệ nhất chúng ta ứng xử như quan thu thuế trong cuộc sống, kinh doanh vô đạo đức, và lúc khác chúng ta như người Pharisiêu trong đền thờ, được cho là hợp lý bởi hành vi tôn giáo của chúng ta. Điều tệ nhất có lẽ là hành động như người thu thuế trong đời sống thường ngày của chúng ta và như người Pharisêu trong nhà thờ. Những người thu thuế là những kẻ tội lỗi, không có áy náy lương tâm, coi tiền bạc và nghề nghiệp trên hết mọi sự. Những người Pharisêu, ngược lại, là rất khắc khe và chăm chú đến lề luật trong sự sống hằng ngày của mình.

Nếu chúng ta đành cam chịu nên một ít của cả hai, bấy giờ chúng ta hãy nên kẻ nghịch của điều chúng ta mới diễn tả: Pharisêu trong sự sống hằng ngày và thu thuế trong nhà thờ! Như người Pharisêu, chúng ta phải cố gắng trong sự sống hằng ngày không làm kẻ trộm và người bất chính, nhưng theo những điều răn của Chúa và trả những món nợ chúng ta mắc; như người thu thuế, khi chúng ta ra trước mặt Chúa, chúng ta phải công nhận rằng chút ít gì chúng ta đã làm là hoàn toàn ân huệ của Chúa, và chúng ta hãy cầu xin cho chính chúng ta và cho tất cả mọi người lòng thương xót Chúa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Dẫn Nhập và Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật 30 Mùa Quanh Năm C 27.10.2019
Lm Francis Lý văn Ca
16:13 23/10/2019
Đầu Lễ: Anh Chị Em thân mến,
Với một vài nét chấm phá hy hữu, Chúa Kitô đã phát họa hai lối sống khác nhau, bắt nguồn từ hai quan niệm sống đạo đối nghịch nhau: "Cả hai người, biệt phái và thu thuế đều lên Đền Thờ cầu nguyện". Cứ sự thường mà xét, sau khi nghe người biệt phái cầu nguyện thì Thiên Chúa chỉ có việc phong thánh cho ông, vì ông đã chu toàn tất cả những gì Thiên Chúa đòi buộc. Còn người thu thuế, chắc là tội nhiều lắm, nên ông đã ẩn mình sau cây cột to nhất cuối Đền Thờ.

Chúng ta học lấy bài học khiêm nhường của Mẹ trong tháng dâng kính Mẹ và của người thu thuế trong bài Tin Mừng hôm nay, khi đến trước tôn nhan Chúa, trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống với tâm tình phó thác.

Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây, chúng ta cùng hiệp tiếng với ca đoàn bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀI I:
Chúa nhậm lời những kẻ cầu xin Ngài, với điều kiện là lời cầu xin đó phải thành tâm. Mỗi lần cầu nguyện, chúng ta cầu xin với tinh thần nào?

TRƯỚC BÀI II:
Thánh Phaolô đang bị cầm tù ở Rôma, đã viết bức thư khuyến khích Timôthêô vững tin và trung thành với Giáo Hội trong việc rao giảng Tin Mừng.

TRƯỚC BÀI PÂ:
Câu chuyện hai người lên Đền Thờ cầu nguyện, cách thức diễn đạt lời cầu xin khác nhau. Đã bao lần trong ngày chúng ta nhớ đến Chúa, đã cầu nguyện cho Giáo Hội, cho gia đình, cho Tổ Quốc hay những lời cầu cầu xin của chúng ta chỉ nhắm đến lợi ích cá nhân?

Lời Nguyện Giáo Dân

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,
Chúng ta quy tụ nơi đây là thành phần của cộng đoàn dân Chúa, cùng hiệp thông trong lời ca tiếng hát và lãnh nhận Bánh Thánh Thể. Giờ đây, chúng ta cùng hiệp ý trong những lời nguyện cầu sau đây:

1. Xin cho những thiếu nhi trong trong các cộng đoàn, đang được chuẩn bị để lãnh nhận bí tích Thánh Thể, được đầy tràn nguồn sung mãn nơi Bí Tích mến yêu. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Xin cho chúng ta biết học lấy sự khiêm nhu trong cách thức cầu nguyện, trong cách sống đối với mọi người và nhìn nhận mình cũng yếu hèn như anh em, cần được Thiên Chúa thứ tha. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Xin cho những anh chị em đang chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân trong những ngày sắp tới, được Chúa và Mẹ chúc phúc đời sống gia đình của họ sắp gầy dựng. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Qua Mẹ Maria, chúng ta đã cùng với anh chị em đồng hương tôn kính, xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa ban cho Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam được an bình. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Xin cho những linh hồn chúng ta nhớ đến trong thánh lễ tuần nầy, những linh hồn mồ côi, được hưởng nhờ lòng nhân ái, yên nghỉ trong nhà Chúa muôn đời. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Lạy Chúa, Chúa đã quy tụ chúng con trong nghi lễ bẻ bánh. Xin cho sự quy tụ nầy nối kết chúng con nên một trong tình yêu của Chúa. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:39 23/10/2019

65. Con người ta muốn đánh bại xác thịt, muốn làm cho khí huyết phải khuất phục, thì trước tiên phải thật lòng học biết khinh mạn bản thân mình.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


--------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:43 23/10/2019
45. TÔI KHÔNG CÓ NHÀ

Trong thị trấn Đồng có Phương Mưu rất bủn xỉn, ngày nọ có anh trai ở quê đến thăm, Phương Mưu vì để tiết kiệm một bữa ăn nên giả bộ đi xa.

Anh trai chỉ có nước là nhịn đói đi ngủ, nửa đêm có con chồn hôi đến tha gà, Phương Mưu không ngủ nên lên tiếng đuổi chồn hôi, anh trai nghe tiếng bèn thở dài nói:

- “Tiểu đệ, không phải em vắng nhà sao ?”

Phương Mưu vội vàng trả lời:

- “Không phải em, nhưng là em dâu của anh đấy !”

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 45:

Không ai keo kiệt đến nổi anh ruột đến nhà thăm bụng đói meo mà cũng không muốn mời ăn cơm, bởi vì như thế là –có thể nói- không có tình người, là người coi miếng ăn hơn tình cảm anh em ruột thịt, là người mà Đức Chúa Giê-su nghiêm khắc lên án: Của cải của nó ở đâu thì lòng trí nó ở đó.

Người không coi trọng tình cảm ruột thịt thì không thể coi trong tình cảm với tha nhân, bởi vì tình cảm ruột thịt là “giọt máu đào”, là tình cảm thiêng liêng nhất mà không coi ra gì, thì “ao nước lã” là cái thá gì chứ, do đó mà họ sẽ không bao giờ biết đến hai chữ thương người như thể thương thân.

Người Ki-tô hữu ngoài tình cảm ruột thịt ra thì họ còn có thứ tình cảm thiêng liêng khác mà bất kỳ ở đâu họ cũng đều thực hiện được, đó là tình cảm “anh chị em trong Đức Chúa Giê-su Kitô” với tất cả mọi người, do đó mà họ luôn ý thức rằng tình yêu của Đức Chúa Giê-su thúc bách họ phải yêu thương và phục vụ tha nhân trong cuộc sống của mình.

Sợ hao tốn một bữa cơm mà để anh ruột nhịn đói một bữa, nhưng cá nhân mình sẽ bị nhịn đói đời đời trong nơi nghiến răng và khóc lóc vì thiếu vắng tình yêu…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Đạo đức
Lm Vũđình Tường
19:01 23/10/2019
Người đạo đức chưa chắc đã thánh thiện, nhưng tâm hồn thánh thiện luôn có đời sống đạo đức. Thánh thiện và đạo đức đi chung với nhau là điều tuyệt hảo. Rất nhiều trường hợp đạo đức sống 'độc thân', đi một mình, không có thánh thiện kèm theo. Đạo đức 'độc thân' là đạo đức giả. Là đạo đức giả bởi đạo đức phô trương bề ngoài làm vinh danh chính họ. Cái đẹp tiềm ẩn sâu trong tâm hồn làm Vinh Danh Thiên Chúa bởi vẻ đẹp đó đến từ tâm hồn, từ con tim yêu mến. Thiên Chúa tìm kiếm một con tim khiêm nhường, con tim chân thành yêu mến. Người thành tâm cầu nguyện là người lắng nghe tiếng thổn thức của con tim mình, biết rõ con người tội lỗi của chính mình, và khiêm nhường dâng điều đó lên Thiên Chúa. Đức Kitô kể dụ ngôn hai người vào đền thờ cầu nguyện. Người Pharisiêu và người thu thuế. Người Pharisiêu tự nhận mình là người đạo đức. Anh vào đền thờ tiến lên gian cung điện dõng dạc kể trước Thiên Chúa các việc lành phúc đức anh làm. Anh tự nhận mình là người tốt hơn người thu thuế và tốt hơn nhiều người trong thiên hạ. Người thu thuế trái lại đứng cuối đền thờ, cúi gầm mặt xuống, không dám ngẩng lên, tay đấm ngực thú nhận mình là người tội lỗi. Anh xin chúa tỏ lòng thương xót vì anh là kẻ có tội. c.14

Người thu thuế nhận mình là kẻ có tội. Anh thành khẩn xin ơn tha thứ. Thiên Chúa nhận lời anh cầu xin. Người Pharisiêu ngoài việc vắn tắt cảm tạ Thiên Chúa, tiếp theo đó anh kể hàng loạt việc tốt anh đã làm. Sau đó anh ra về trắng tay. Anh không xin và Chúa cũng không ban cho. Trước khi đến đền thờ người Pharisiêu tự nhận mình là người công chính. Anh vào và ra khỏi đền thờ vẫn như trước, không thay đổi. Người thu thuế trước khi đến đền thờ anh là người tội lỗi và sau khi ra khỏi đền thờ anh là con người mới, con người công chính. Công chính không do giữ trọn các lề luật. Lề luật không có khả năng biến con người thành công chính. Người Pharisiêu tin là giữ trọn các lề luật anh sẽ trở nên công chính. Anh lầm to. Chính Thiên Chúa là Đấng công chính làm cho ta nên công chính. Ngài là Đấng duy nhất có quyền làm điều đó. Người Pharisiêu không biết là trước mặt Thiên Chúa mọi người đều như nhau. Ngoài xã hội anh có vị thế này nọ, nhưng trong đền thờ trước mặt Thiên Chúa mọi người đều là con người ngang hàng, bình đặng vì tất cả đều mang hình ảnh Thiên Chúa, tất cả đều do Thiên Chúa tạo thành, tất cả đều do Thiên Chúa cứu chuộc. Vì thế trong đền thánh không còn đẳng cấp. Thứ đến không phải việc tốt lành ta làm cứu ta mà chính là ân sủng Chúa, tình thương Chúa cứu ta. Ta làm việc lành, việc bác ái, việc thánh thiện, để làm Sáng Danh Chúa và yêu mến tha nhân. Mỗi người trong chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa để được sống đời này và được sống đời sau. Kiêu ngạo, tự cao, tự phụ là tự tin vào khả năng mình mà không cần Thiên Chúa. Khiêm nhường giúp ta nhận biết hình ảnh Thiên Chúa trong người anh em, và tất cả những gì chúng ta có đều do Chúa ban. Chúng ta cầu xin ơn khiêm nhường, luôn biết lắng nghe tiếng nói trong tâm hồn để cố gắng sống đời sống công chính.

TiengChuong.org

Piety

There is a difference between piety and holiness. Piety and holiness working together will help a person move forward to God's goodness. Piety without holiness serves God on the surface, and that is not the right way to honour God, because it serves only the person's pride. It focuses on the outside, on the appearance. Piety without holiness will not lead a person to love God, but rather to love oneself. On the contrary, holiness pays attention to the inside, the movements of one's heart. A prayerful person listens to her/his inner voice, which is deep rooted within a person's heart, and that helps the person to know the state of one's life. This week we hear about the parable of the Pharisee and the tax collector. Both entered the Temple to pray. The Pharisee was focussing on the appearance, his performance; the tax collector was listening to the inside, his heart's movements. The Pharisee went right to the front of the Temple. He stood before God, raised his eyes to heaven, and proudly listed a long list of what he had done, and felt how much better he was than the tax collector and the rest of mankind. The tax collector, however, in all his humility, stood a long way back, looked down and struck his breast. He timidly said to God how sorry he felt, and asked God to show mercy on him.

God, be merciful to me, a sinner'. v.14

The tax collector looked deep into his heart, and saw how wrong he was and repented. He begged God for forgiveness, and God forgave him. The Pharisee made claims of holiness based on his strict observance of the law. He was proud of good works he had done, and believed, that he was right with God. He believed that his good works saved him. Well, he was deadly wrong, because God alone has the power to save, nothing else can. Apart from saying 'I thank you, Lord' v.11 ; the rest of the speech, the Pharisee spoke about himself. He asked God for nothing and received nothing. When we enter the Temple, we are all the same, no matter what social status we hold in our society. We are all the same before God. We are all sinners, and all are in need of God's mercy. A good and humble person would not, and should not look down on others.

The Pharisee entered the Temple. He believed that he was righteous. Well, he went home the same, unchanged. He thought he could earn God's mercy. Again, he was wrong. God's mercy is a free gift given to a humble heart.

There are several points we can learn from the tax collector. First he entered the Temple acknowledging his state of disgrace. He admitted he was bad, a sinner, and asked for God's mercy. He went home with a new heart, beginning a new life in God. Second, we can't save ourselves, no matter how good we are; we are all in need of God's mercy. We totally depend on God for life in this world, and for eternal life to come. Third, pride makes a person rely on his/her abilities rather than to trust God. Humility helps a person to see God in others because everyone is God's work of art. God creates us all. We pray to have a humble heart, acknowledging, that without God we are nothing. We need God's grace always.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Biến động lớn trong triều đình Thái Lan trước thềm chuyến tông du của Đức Thánh Cha
Đặng Tự Do
08:53 23/10/2019
Quốc vương Thái Lan đã gây kinh ngạc thế giới khi tước bỏ tất cả các cấp bậc và danh hiệu của một thứ phi, chỉ vài tháng sau khi bà được trao tặng các tước hiệu danh dự này. Một số quan sát viên cho rằng động thái này của nhà vua là không nể mặt Đức Giáo Hoàng. Trong cuộc họp báo hôm thứ Ba 22 tháng 10, khi được hỏi về nhận xét này, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho biết ông không có ý kiến.

Chỉ mới tháng Bảy vừa qua nhà vua đã phong cho Sineenat Wongvajirapakdi là “thứ phi chính thức” bên cạnh tân hoàng hậu - nhưng giờ đây chính nhà vua đã ra lệnh tước bỏ tất cả để trừng phạt Sineenat vì tham vọng muốn đề cao bản thân lên một vị thế “giống như hoàng hậu”.

Quốc vương Maha Vajirusongkorn, lên ngôi năm 2016 khi cha ông qua đời. Trong lịch sử Thái Lan, các vua Thái thường lấy nhiều vợ. Họ kết hôn với con cái của các gia đình giàu có nhằm bảo đảm sự trung thành của các gia đình quyền thế trên khắp các tỉnh của vương quốc Thái. Nhu cầu này không còn cần thiết nữa khi Thái Lan trở thành quốc gia quân chủ lập hiến vào năm 1932. Thật vậy, cơ chế mới bảo đảm cho hoàng gia không bị lật đổ bất ngờ như trong các thế kỷ trước. Chính vì thế, suốt từ thập niên 1920 cho đến tháng 7 vừa qua, tước hiệu thứ phi không được phong cho bất cứ ai.

Sineenat, sinh năm 1985, trong một gia đình nghèo ở miền bắc Thái Lan. Đầu tiên cô làm y tá trong quân đội. Cô đã lọt vào mắt Vajirusongkorn lúc bấy giờ là hoàng tử. Cô được cất nhắc lên trở thành vệ sĩ, và rồi trở thành phi công lái máy bay chiến đấu. Đầu năm nay, cô được bổ nhiệm làm trung tướng không quân.

Cô mơ được trở thành hoàng hậu sau khi Vajirusongkorn lên ngôi vào năm 2016. Nhưng nhà vua đã chọn Suthida, một vệ sĩ 41 tuổi, lớn hơn cô đến 7 tuổi làm hoàng hậu thứ tư. Có lẽ để giảm bớt căng thẳng nên tháng Bẩy vừa qua, nhà vua đã ban cho danh hiệu “thứ phi chính thức” và hoàng gia tung lên trang web của mình một loạt các hình ảnh đẹp về Sineenat, đặc biệt là các hình ảnh cô lái các máy bay chiến đấu cùng với một tiểu sử chính thức của cô. Những động thái này đã khiến đông đảo người Thái ngưỡng mộ cô, một phụ nữ rất đẹp. Những thứ này đã được gỡ bỏ khỏi trang web chính thức vào hôm thứ Hai trong sự ngỡ ngàng của người dân Thái.

Tuyên bố của vua Vajirusongkorn cho biết cô có nhiều “tham vọng” và cố gắng “nâng mình lên vị thế ngang hàng với hoàng hậu”.

“Hành vi của thứ phi được coi là thiếu tôn trọng, thể hiện sự bất tuân chống lại nhà vua và hoàng hậu và lạm dụng danh nghĩa của nhà vua để đưa ra các lệnh lạc”.

Nhà vua, nói thêm “thứ phi không biết ơn các danh hiệu được ban cho mình, cũng không cô cư xử một cách thích hợp theo vị thế của một thứ phi”.

Đây không phải là lần đầu tiên Vajirusongkorn tước bỏ các danh hiệu của những người vợ của ông ta.

Những gì bất ngờ xảy ra với Sineenat chỉ lặp lại những gì đã xảy ra với hai người vợ cũ của ông.

Năm 1996, ông ta đã ra tuyên bố từ bỏ người vợ thứ hai của mình, là hoàng hậu Sujarinee Vivacharawongse và bốn người con trai mà ông ta có với cô. Hoàng hậu Sujarinee đã trốn sang Hoa Kỳ và im lặng từ đó đến nay.

Vào năm 2014, người vợ thứ ba của ông Srirasmi Suwadee đã bị tước bỏ mọi chức danh và bị trục xuất khỏi hoàng gia trong khi cha mẹ cô bị bắt và bỏ tù vì tội dám kêu ca bôi bác hoàng gia. Con trai của họ, năm nay 14 tuổi, hiện được ông ta nuôi dưỡng.

Những người vợ trước của ông ta chưa bao giờ đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về hoàn cảnh cụ thể của họ. Luật Thái Lan rất nghiêm khắc với những ai dám chỉ trích hoàng gia với những án tù rất nặng. Chúng tôi không phải là dân Thái nên mới dám nói với giọng điệu này. Nói kiểu này ở Thái là đi tù “mút mùa lệ thủy”.

Kể từ khi lên nắm quyền, vua Vajirusongkorn đã thực thi quyền lực của mình một cách trực tiếp hơn cha mình.

Đầu năm nay, hai đơn vị quân đội quan trọng nhất ở thủ đô Bangkok được đặt trực tiếp dưới quyền chỉ huy của ông, cho thấy sự tập trung quyền lực quân sự trong tay hoàng gia chưa từng có ở Thái Lan hiện đại.

Giáo sư Pavin của Đại Học Kyoto, Nhật Bản nhận xét rằng:

“Ngôn ngữ tàn bạo và thẳng thừng được nhà vua sử dụng để tố cáo Sineenat là cách nhà vua muốn hợp pháp hóa sự trừng phạt cho cô ấy. Nhà vua đang gửi một tín hiệu rằng ông ta là bất khả xâm phạm và rằng một khi bạn bị thất sủng đối với ông ta, bạn không còn quyền kiểm soát trên số phận của mình.”


Source:BBC
 
Chị Em Song Sinh Bị Chia Cách Ngay Khi Chào Đời Nhưng Cuối Cùng Ở Chung Trong Một Tu Viện.
Trầm Hương Thơ
16:23 23/10/2019
Chị Em Song Sinh Bị Chia Cách Ngay Khi Chào Đời Nhưng Cuối Cùng Ở Chung Trong Một Tu Viện.

Câu chuyện xảy ra vào ngày 23 tháng 2 năm 1962 khi cô Cecilia chuyển dạ và sinh đôi hai bé gái xinh đẹp. Tuy nhiên, chị phải trả gia bằng chính mạng sống của mình khi bị sinh mổ và sau đó vết thương bị biến chứng, cô đã qua đời bỏ lại người chồng và hai bé gái trong đau khổ và sự tiếc thương. Trong hoàn cảnh đau buồn này người chồng không thể nuôi nổi hai con nên giữ lại bé Elizabeth và để một cháu cho người dì bên ngoại nhận làm con, đặt tên là Gabriela và giấy tờ cũng ghi là con của dì. Từ đó hai chị em theo giấy tờ thì chính thức là chị em họ con Bá con Dì.

Elizabeth và Gabriela sống ở thị trấn lân cận nhau, hai cô bé lớn lên một chút đã được học cùng một ngôi trường. Hai đứa rất hợp với nhau và thường ngồi cạnh nhau ở hàng đầu tiên vì vấn đề về thị lực kém. Hai đứa rất hiểu nhau, thích chơi cùng nhau và thường chọn những hoạt động giống nhau. Họ cũng thích những màu giống nhau cả cách ăn mặc như những đôi giày và quần áo v.v...

Hai người là anh em họ, nhưng có vẻ giống như anh em sinh đôi!

Hai chị em thích các lớp giáo lý và các khóa tĩnh tâm hơn là đi chơi như những bạn bè khác. Vào Ngày lễ các Đẳng Linh Hồn chị em rất tận tâm với truyền thống là đi viếng thăm nghĩa trang. Và mỗi năm đều cùng gia đình đến cầu nguyện tại ngôi mộ mẹ của Elizabeth và cũng là Dì của Gabriela mà cô không hề biết rằng cũng là người mẹ ruột của mình.

Vì Trong suốt thời thơ ấu, Elizabeth và Gabriela thường chỉ nghe và biết mình là chị em họ như gia đình và bao nhiều ngươi hàng xóm nói thế thôi. Nhưng hai đứa tại sao lại có vẻ giống nhau như là chị em sinh đôi!. Vì từ khuôn mặt cho đến mắt cận đều rất giống nhau cũng như tính tình. Một ngày kia khi Gabriela khoảng 10 tuổi, thì tình cờ cô nghe được một cuộc trò chuyện của gia đình và phát giác ra bí mật về sự chào đời của bản thân mình. Chỉ ngay một thời gian ngắn sau đó Elizabeth cũng nghe được tin này và hai đứa đã biết được phần nào bí mật thân thế của mình. Thế là vào ngày hai cô bé được rước Mình Thánh Chúa lần đầu hai cô đã kể ra những gì mình nghe được là chị em ruột chứ không phải là chị em họ như từ trước tới nay gia đình đã nói.

Mặc dù chúng tôi hiểu rằng ý định của cha mẹ là tốt cho chúng tôi và chúng tôi vô cùng yêu quý cũng như biết ơn, nhưng đây cũng là một cú sốc khủng khiếp đối với cả hai cô bé.

Cuộc sống ở nông thôn rất tươi đẹp và mọi người nói về chuyện của hai cô hơi nhiều.

Khi còn là thanh thiếu niên chị em song sinh đã thường xuyên tham gia vào các nhóm cầu nguyện được hướng dẫn bởi các chị nữ tu sĩ của bệnh viện St. Elizabeth. Cả hai đều cảm thấy tiếng gọi của đời tu. Hai chị em song sinh đã thảo luận rất nhiều giữa họ và ơn gọi bởi sự thu hút của linh đạo cộng đoàn, cuối cùng họ quyết định cùng nhau vào dòng Thánh Elizabeth. Ngày giờ đã được ấn định, chỉ còn điều duy nhất là làm sao để thưa chuyện cho cha mẹ biết và chấp nhận cho họ nhập dòng theo ơn gọi tu trì.

Đối với Elizabeth thì mọi chuyện diễn ra rất suôn sẻ tốt đẹp. Cha của Elizabeth (cha đẻ của cặp song sinh) vui mừng và đã đồng ý, ông cầu nguyện cũng như chúc lành cho cô. Nhưng đối với cô Gabriela là vô cùng trở ngại vì người cha của cô không đồng ý cho cô đi tu và đã nổi giận đùng đùng, ông đã lấy hết giấy tờ dấu đi và cấm cô ra khỏi nhà.

Mãi đến một năm rưỡi sau, Gabriela nghĩ ra cách giả vờ xin đi mừng sinh nhật của Elizabeth và nhân cơ hội đó cô ở lại luôn trong tu viện với em gái mình. Cái giá cô phải chịu là bị cắt đứt mọi liên lạc với cha mẹ cô trong hai năm.

Cuộc đoàn tụ có hậu trong ơn Chúa.

Đây là khoảng thời gian đầy ân sủng hai chị em được sống bên nhau trong cùng một tu viện. Cùng học hỏi lời Chúa và các môn học và sống kết hợp với Thánh Thể Chúa cũng như công việc phục vụ. Năm năm sau, hai chị em đã đến ngày vĩnh khấn. Cha mẹ của Gabriela sau này đã hồi tâm và chấp nhận cùng với vị linh mục giáo xứ trong ngày khấn trọn. Mọi người cùng cầu nguyện cho hai Sơ được bền đỗ trong ơn gọi tu trì và vui vẻ hạnh phúc.

Elizabeth và Gabriela đã cùng tạ ơn Chúa và nói rằng: Khi mẹ chúng tôi qua đời, có một sơ trong cộng đoàn dòng tu này đã cầm lấy tay bà, và vì vậy chúng tôi tin rằng: mẹ của chúng tôi từ thiên đàng đã cầu nguyện cho ơn gọi của chúng tôi. Và cầu cho chúng tôi được đoàn tụ trong con đường ơn gọi của chúng tôi. Đây là món quà đẹp nhất của mẹ chúng tôi và món quà này đã được bà gửi đến từ thiên đàng.

Trầm Hương Thơ

Theo Aleteia
 
Cuộc họp báo ngày 23 tháng 10 tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về Amazon: vai trò phụ nữ, hội nhập văn hóa, tính đồng nghị
Vũ Văn An
18:14 23/10/2019
Theo Vatican News, vai trò phụ nữ; hội nhập văn hóa; và tính đồng nghị là một số chủ đề chính được nêu bật trong cuộc họp báo ngày thứ Tư, 23 tháng 10, về Thượng Hội Đồng Amazon.



Bắt đầu cuộc họp báo, Bộ trưởng Truyền thông, Tiến sĩ Paolo Ruffini, đã ngắn gọn duyệt lại diễn trình công bố tài liệu cuối cùng của Thượng Hội Đồng. Cha Giacomo Costa, dòng Tên, lưu ý rằng tài liệu cuối cùng sẽ được trình lên Đức Thánh Cha; ngài sẽ cung cấp hướng dẫn cho Giáo hội tiến bước. Cha Costa nhấn mạnh tầm quan trọng, trong diễn trình đồng nghị, phải “lắng nghe sâu sắc”, lưu ý rằng tài liệu cuối cùng là thành quả của một diễn trình, chứ không phải là mục tiêu cuối cùng của nó.

Nữ tu Roselei Bertoldo, I.C.M.

Vị khách đầu tiên trong buổi họp báo hôm nay, Nữ tu Roselei Bertoldo thuộc dòng Nữ tu Trái tim Vô nhiễm Đức Mẹ, đã nói về vấn đề buôn người, đặc biệt là các cô gái và phụ nữ. Thường là một “tội phạm vô hình”, buôn bán không chỉ liên quan đến khai thác tình dục, mà còn liên quan đến nô lệ trong gia đình và lao động trẻ em. Bà nói rằng Giáo hội phải giúp nâng cao ý thức về vấn đề này, và tiếp tục thực hiện các chiến lược phòng ngừa.

Đức Giám Mục Ricardo Ernesto Centellas Guzmán
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Bôlivia, Đức Giám Mục Ricardo Ernesto Centellas Guzmán nói rằng Giáo hội phải thay đổi não trạng liên quan đến vai trò của phụ nữ. Phụ nữ có một sự hiện diện rất mạnh mẽ trong Giáo hội, nhưng sự tham gia của họ vào việc ra quyết định là một điều “gần như vô hình”. Ngài nói rằng sự thay đổi phải chủ yếu phát xuất từ cộng đồng, chứ không phải ở bình diện phổ quát.

Đức Giám Mục Zenasy Luiz Pereira da Silva, C.SS.R.

Đức Giám Mục Zenasy Luiz Pereira da Silva, một Giám mục người Ba Tây, cho biết Giáo hội phải tìm ra những cách suy nghĩ mới, trong cuộc đối thoại với thế giới đương thời. Ngài nói, con đường đồng nghị không chỉ đơn giản là đề nghị câu trả lời, mà còn chỉ ra những con đường mới, xem xét lại những gì đã được thực hiện trong quá khứ.

Đức cha dòng Tên Gilberto Alfredo Vizcarra Mori

Đức cha Dòng Tên Gilberto Alfredo Vizcarra Mori, người đã từng là một nhà truyền giáo và hiện là giám quản tông tòa của Jaén en Peru o San Francisco Javier, nói về tầm quan trọng của việc gần gũi, và thậm chí trở thành một phần của xã hội bản địa. Điều này đòi hỏi nhiều hy sinh, bao gồm cả việc từ bỏ những suy nghĩ định sẵn của chúng ta. Ngài nói rằng sống với người bản địa đã giúp ngài nhận ra họ cảm thấy được nối kết xiết bao với toàn bộ sáng tạo. Đây là điều mà đôi khi chúng ta tự coi mình là “các ông thầy” về sáng thế, có thể học hỏi từ người bản địa.

Đức Hồng Y Oswald Gracias

Cuối cùng, Đức Hồng Y Oswald Gracias, Tổng Giám mục của Bombay, đã nói rằng ngài rất ngạc nhiên khi được mời tham dự Thượng hội đồng. Ngài nói rằng ngài đã học được điều này: “Amazon” là Ấn Độ; nghĩa là, các vấn đề Amazon phải đối đầu có tính phổ quát. Ngài đề cập đến bạo lực chống lại thiên nhiên; bất công đối với người bản địa; và thiếu chăm sóc mục vụ như ba lĩnh vực đặc biệt phải quan tâm. Đức Hồng Y Gracias cũng cho biết Ngài rất có ấn tượng đối với mối quan tâm nồng nhiệt mà các Giám mục Amazon dành cho người dân của các ngài.

Câu hỏi về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội

Đức Giám Mục Ricardo Centellas đã được hỏi liệu bây giờ có phải là “thời điểm phù hợp” để thay đổi cơ cấu trong Giáo hội liên quan đến vai trò của phụ nữ không. Ngài nói rằng Giáo hội không cấm phụ nữ tham gia tích cực và hữu hiệu, nhưng nhấn mạnh một lần nữa việc thiếu phụ nữ trong vai trò ra quyết định; và, Ngài nói, điều này phải thay đổi. Ngài nhấn mạnh rằng những thay đổi nhỏ phải được thực hiện ở nơi chúng có thể thay đổi.

Câu hỏi về những đóng góp mà phụ nữ có thể cung cấp

Trả lời câu hỏi tiếp theo về việc phụ nữ đã cống hiến những đóng góp độc đáo cho Giáo hội, Đức cha Centellas nói rằng đàn ông và đàn bà có quan điểm khác nhau, và tiếp cận sự việc theo các quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, Ngài nói, các viễn kiến và cách tiếp cận, mặc dù khác nhau, có tính bổ túc cho nhau.

Đức cha da Silva cho hay câu hỏi về vai trò của phụ nữ trong phụng vụ chỉ là một phần của vấn đề. Đức cha da Silva cho biết một phần lớn của hoạt động mục vụ trong Giáo hội được lấy cảm hứng từ trực giác của phụ nữ. Đức cha da Silva nói chúng ta nên nhớ sự đóng góp mạnh mẽ của phụ nữ trong các cộng đồng Công Giáo.

Nữ tu Roselei Bertoldo nói rằng sự hiện diện của phụ nữ trong các cộng đồng là điều không thể phủ nhận. Nữ tu nói “Chúng ta là Giáo Hội, và chúng ta làm Giáo Hội”. Việc phụ nữ được mời đến Thượng hội đồng, và họ có tiếng nói ở đó, rất có ý nghĩa. Nữ tu Bertoldo nói, Phụ nữ đòi và muốn trở thành các nhân vật chủ đạo trong Giáo hội.

Cuối cùng, Đức Hồng Y Gracias lưu ý rằng cả luật Giáo hội và thần học đều không cấm phụ nữ tham gia một cách chủ động trong Giáo hội. Ngoài một vài hành động nghi lễ - như nghe xưng tội, cử hành thánh lễ và ban phép Thêm sức - phụ nữ có thể làm gần như bất cứ điều gì trong Giáo hội. Ngài nói rằng bất chấp sự kiện Đức Giáo Hoàng vốn thúc giục phải áp dụng việc tản quyền, các Giám mục vẫn chưa sử dụng các cơ hội mà họ có liên quan đến việc phụ nữ tham dự nhiều hơn.

Câu hỏi về việc buôn bán người

Nữ tu Bertoldo nói rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô, ngay từ đầu triều đại giáo hoàng, đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải giải đáp tai họa buôn người. Bà nhấn mạnh một số hoa trái của diễn trình đồng nghị về phương diện này, như khuyến khích các Giáo Hội địa phương nâng cao ý thức về các vấn đề; giải quyết các trường hợp đã được xác định; và làm việc để phòng ngừa, đặc biệt là trong các bối cảnh giáo hội.

Câu hỏi về tính đồng nghị

Một phóng viên, khi nhắc đến những lời kêu gọi toàn thể Giáo hội phải có khuôn mặt của Amazon, đã nêu câu hỏi rằng, vì việc nhấn mạnh tới tính đồng nghị, liệu đã có bất cứ đề nghị nào được đưa ra từ những người ở các nơi khác trong Giáo hội không. Đức Hồng Y Gracias nói rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban cho Giáo hội nền thần học về tính đồng nghị, và rất chú trọng đến nó, và trong Thượng hội đồng Amazon, Giáo hội đã có trải nghiệm thực sự về nó.

Tiến sĩ Ruffini đã nhấn mạnh rằng Đức Giáo Hoàng đã nói về tính đồng nghị trong buổi Yết Kiến chung hôm nay. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã giải thích việc, tại Thượng hội đồng ở Giêrusalem, các Tông đồ đã giải quyết các vấn đề thần học ra sao bằng cách thảo luận về chúng và tìm ra một con đường chung. Điều này, theo ngài, “đã làm sáng tỏ” việc phải xử lý các khác biệt và giải quyết xung đột qua đối thoại như thế nào.

Giám mục Vizcarra nói thêm rằng kinh nghiệm của Giáo hội sơ khai được phản ảnh trong kinh nghiệm làm Giáo hội ở Amazon. Ngài nói, “Chúa Thánh Thần đang nói chuyện với chúng ta”, đang gửi lời mời chúng ta sống như Kitô hữu, biết chào đón Chúa Thánh Thần và sống trọn vẹn trong việc làm Kitô hữu trong bối cảnh sinh thái. Ngài nói rằng đối với ngài, Thượng hội đồng là một Thượng hội đồng lắng nghe.

Câu hỏi về việc tường trình của các phương tiện truyền thông

Câu hỏi cuối cùng đã được hỏi về các phản ứng đối với việc tường trình của phương tiện truyền thông về Thượng hội đồng, và “những giải thích rất khác nhau” về những gì xảy ra trong Thượng Hội Đồng.

Đức Giám Mục da Silva nói rằng có một số đề kháng chống lại ý niệm đồng nghị. Ngài nói, khi bắt đầu “nẻo đường đồng nghị”, Giáo Hội cho ta một dấu hiệu quan trọng. Theo ngài, Giáo hội không đi theo con đường tối tăm, nhưng là ánh sáng trong thời đại của chúng ta. Và ngài nói, vai trò của các phương tiện truyền thông, ngay cả khi nó phê phán, vẫn mang tính xây dựng.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo phận Hà Tĩnh: Thánh lễ truyền chức Linh mục tại nhà thờ Chính tòa Văn Hạnh
Francis Cao
11:33 23/10/2019
Sáng ngày 22/10/2019, hòa chung niềm vui cùng với Mẹ Giáo hội mừng kính Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, tại nhà thờ Chính tòa Văn Hạnh, Giáo phận Hà Tĩnh, Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã chủ sự Thánh lễ truyền chức Linh mục cho hai thầy Phó tế Giuse Lê Ngọc Dương và Gioan Đậu Đình Phùng. Đồng tế trong Thánh lễ có cha Tổng Đại Diện JB. Nguyễn Khắc Bá, quý cha quản hạt cùng quý cha trong và ngoài Giáo phận.

Xem Hình

Thánh lễ truyền chức diễn ra trong bầu khí trang nghiêm và sốt sắng. Mở đầu Thánh lễ, Đức cha Phaolô nói: “Hôm nay, trong ngày lễ kính Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Giáo phận Hà Tĩnh long trọng tổ chức Thánh lễ trao ban thừa tác vụ Linh mục cho hai người con của Giáo phận nhà. Hy vọng nhờ gương sáng của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng như của bao nhiêu cha anh chúng ta đã từng thi hành sứ vụ Linh mục trên mảnh đất này sẽ là động lực để hai tân chức vững tâm bền chí bước đi theo thầy Giêsu trên những nẻo đường loan báo Tin Mừng cứu độ của Ngài”.

Trong bài chia sẻ, Đức cha Phaolô quảng diễn về ý nghĩa của các bài đọc trong Thánh lễ truyền chức. Trước hết, trong bài đọc I, trích đoạn văn nổi tiếng của tiên tri Isaia, tiên tri khẳng định ông đã lãnh nhận Thần khí của Đức Chúa để công bố năm hồng ân vào thời thăm viếng của Người. Đồng thời, ông cũng nói đến ngày Chúa báo oán. Tuy nhiên, vào thời Đức Giêsu, Ngài chỉ dừng lại ở việc công bố năm hồng ân, chứ không nhắc đến việc báo oán. Thứ đến, trong bài đọc II, Thánh Phaolô làm nổi bật một số điểm tiêu biểu của chân dung người Tông Đồ. Theo ngài, người Tông Đồ được Thiên Chúa giao công việc phục vụ cộng đoàn, không nản chí sờn lòng, quyết tâm theo đuổi lý tưởng Đức Kitô, không xuyên tạc lời chân lý, không rao giảng về mình mà chỉ rao giảng về Đức Giêsu Kitô, ngỏ hầu cho mọi người biết vinh quang rạng ngời của Thiên Chúa. Cuối cùng, trong bài Tin Mừng của Thánh Matthêu, Đức Giêsu khuyến cáo các môn đệ đừng theo thói đời, đừng tìm hưởng thụ, đừng thích ăn trên ngồi trốc mà phải theo gương của Người, “Đấng đến trần gian không phải để được phục vụ mà để hiến thân phục vụ và hy sinh mạng sống mình làm giá chuộc muôn người” (Mt 22, 28).

Nhắn nhủ với hai tiến chức, Đức cha nói: “Hôm nay, các con được mời gọi tiếp tục sống lý tưởng Linh mục theo gương của các cha anh. Tuy nhiên, giữa một thời đại chập chùng ánh sáng và bóng tối, một thời đời bị cám dỗ bởi ba thù: thế gian, ma quỷ và xác thịt, các con cần nhìn lên tấm gương của Đức Giêsu Kitô và của cha anh chúng ta mà tiến bước trong niềm an vui, trong quyết tâm phục vụ Chúa và tha nhân. Đặc biệt, các con cần lắng nghe những tiếng than khóc, những tiếng kêu bị quên lãng của những anh chị em đau khổ. Để từ đó, các con sống trọn vẹn là người mục tử của Chúa, người mục tử ‘mang vào mình mùi chiên’ mà dẫn đưa họ đến niềm vui, bình an đích thực trong cuộc đời của mình”.

Đức cha cũng gửi lời cám ơn đến thân nhân, ân nhân trong gia đình của hai tân chức, cách riêng là quý ông bà cố. Ca dao có câu: “Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Ông bà cố không những có công ơn sinh thành dưỡng dục, mà còn có công đồng hành với tân chức trong hành trình đời tu, với những lời cầu nguyện, những lo toan, những lao nhọc vất vả, những thao thức, những hy sinh đủ mặt. Hơn hết, chính nhờ lòng quảng đại, hy sinh mà ông bà cố đã dâng những đứa con yêu quý của mình cho Chúa, để phục vụ Chúa và phục vụ tha nhân.

Thánh lễ truyền chức khép lại với những dấu ấn đặc biệt của niềm tin và mở ra niềm hy vọng vì cánh đồng truyền giáo của Giáo hội có thêm những thợ gặt lành nghề. Hồng ân thánh chức được diễn tả như một cam kết tình yêu để thi hành sứ mạng của những mục tử như Chúa muốn và để trưởng thành trong ơn sủng, trung thành với Đức Kitô, Đấng đã gọi họ giữa đêm tối trần gian. Nhờ đó, các tân chức trở nên sứ giả bình an và hiện thân của các giá trị Tin Mừng.

Hồng ân Linh mục vừa là một quà tặng nhưng không, là dấu chứng hùng hồn tình yêu của Thiên Chúa cho nhân loại; vừa là một sứ mạng cao cả, nhưng cũng đầy khắc nghiệt sẽ theo suốt chặng đường chứng tá của người được tuyển chọn. Nguyện xin Chúa luôn đồng hành nâng đỡ hai tân chức trong sứ vụ mới./.
 
Về Đại Hội Mẹ Lavang, Las Vegas 2019.
Giuse Thẩm Nguyễn
19:10 23/10/2019
Gia đình tôi có dịp được tham dự Đại Hội Mẹ Lavang Las Vegas 2019, kỳ VII cuối tuần qua. Dù đã trở lại với mọi sinh hoạt thường ngày, nhưng nhiều hình ảnh ghi đậm và cảm xúc đẹp vẫn còn đọng lại trong tâm trí tôi.

Mới đầu là đêm khai mạc Đại Hội với đội trống thanh thiếu niên, tiếng trống và ca múa về một cô gái Việt Nam bị lạc lõng, trôi dạt và sợ hãi trong chiến tranh…nhắc về một thời ly loạn nơi quê hương tôi. Mấy ai cầm lòng được khi nhắc về những gian nan, khổ cực, đau thương mà dân Việt chúng ta phải chịu. Dân ta khổ quá, hết bị cai trị bởi bọn vua quan ngu dốt, lại đến cuộc chiến bắc nam với chủ nghĩa Cộng Sản để rồi bây giờ đất nước bị băng hoại, lòng người khô cứng thờ ơ với tất cả, chỉ nghĩ đến mình, tội ác lan tràn, thực phẩm bị độc hại, ăn gì cũng chết và bên bờ vực thẳm làm nô lệ cho Tàu Cộng. Cùng với đoàn người hành hương, trong giây phút cảm động với màn vũ của đội trống, tôi cảm nhận được ánh mắt yêu thương của Mẹ. Tôi cũng chợt nhận ra được nỗi mong chờ sâu kín nơi cõi lòng của mỗi người hành hương, đó là niềm khao khát một ngày cho quê hương thanh bình, cho Việt Nam thoát khỏi ách Cộng Sản vô thần để mọi người được sống trong tự do, nhân quyền được tôn trọng và con dân Việt Nam hết thảy được chung tiếng ca khen, chúc tụng Mẹ và tôn vinh Thiên Chúa.



Kế đến là tinh thần phục vụ và sự khéo léo lo liệu của ban tổ chức. Từ các em thiếu nhi, thanh niên, đến những người già, ai cũng vui vẻ hăng say và phục vụ hết mình. Số người tham dự vào đêm Thứ Sáu ước khoảng trên 6 ngàn người. Vào giờ ăn tối, mọi người sắp hàng tiến vào khu nhà ăn. Cả biển người cứ ùn ùn tiến vào làm tôi tưởng tượng đến chiến thuật biển người trong binh pháp, thế nhưng chỉ trong vòng 30 phút, người nào cũng nhận được một tô phở thơm ngon, hay một phần cơm hay một phần mì xào thơm phức. Mọi người được phục vụ chu đáo và ăn uống no nê. Ai muốn ăn tô thứ hai thì cứ tự nhiên như người Hà Nội, cứ lấy mà ăn. Ban tổ chức dường như đã dự đoán mọi tình huống và đáp ứng mọi nhu cầu của khách hành hương. Thật tuyệt vời.

Điều tôi mãi suy gẫm là một ý trong bài giảng của ĐGM Micae Hoàng Đức Oanh. Ngài nói rằng hôm nay là ngày Chúa Nhật Truyền Giáo, Thiên Chúa đã dọn sẵn cho chúng ta một mảnh đất để chúng ta ra đi rao truyền Tin Mừng và làm chứng cho sự thật. Ở Việt Nam, sau khi Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam và áp đặt chế độ độc tài đảng trị thì đời sống của người dân vô cùng cực khổ. Cái nghèo, cái khổ trấn lột nhân cách của nhiều người và ngày nay sự giả dối lan tràn, đạo đức suy đồi, văn hóa lai căng mất gốc…Chừng ấy năm quằn quại dưới chế độ chuyên nói dối, người người nói dối, sự thật trở thành hiếm quý và người ta bắt đầu khao khát, đi tìm sự thật. Trong hoàn cảnh đó thì rõ ràng Việt Nam là một mảnh đất khô hạn đang mong đợi mưa Tin Mừng và sự thật. Quả là Thiên Chúa đã dọn sẵn mảnh đất này cho chúng ta. Chúng ta nghĩ gì và cần phải làm gì?

Tôi cũng có dịp trở về nguồn, hãnh diện là người Việt Nam, khi trong bài giảng của ĐGM George Leo Thomas, giáo phận Las Vegas, ngài đã ca ngợi bản chất sống đạo tuyệt vời của người Việt Nam là khuôn vàng thước ngọc trong di sản của các Thánh Tử Đạo, cha ông của chúng ta.

Cuối cùng là phần trang trí. Tôi thích nhất là cảnh ba lá cờ gồm cờ Hoa Kỳ, cờ Hội Thánh Công Giáo và cờ Việt Nam Cộng Hòa tung bay trước gió giữa cảnh trời bao la. Kiệu hoa được trang hoàng lộng lẫy với muôn ngàn hoa và ngay lối vào là một bản đồ Việt Nam hình chữ S được bao quanh bởi hoa vàng, hoa đỏ biểu tượng của lá cờ Việt Nam Cộng Hòa.

Tôi chờ sang năm, “đến hẹn lại lên” vì ở Đại Hội Mẹ Lavang, Las Vegas này, tôi tìm thấy niềm vui có Chúa và Mẹ, đồng thời cũng tìm thấy được cái nghĩa cái tình của người Việt Nam trong một nền văn hóa mà cha ông tôi đã truyền lại cho tôi ngay từ khi còn ấu thơ.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
VietCatholic TV
Rắc rối khi đặt những tượng gỗ phụ nữ khỏa thân của người Amazon trong nhà thờ Santa Maria
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:39 23/10/2019
Những tượng gỗ phụ nữ khoả thân đang mang thai của người bản địa Amazon đã gây ra những tranh cãi gay gắt tại Rôma.

Vào rạng sáng ngày 21 tháng Mười, hai người đàn ông đã vào Nhà Thờ Santa Maria ở Traspontina, kế cận Vatican và quảng trường Thánh Phêrô, nơi các tượng này được trưng bầy. Họ lấy các bức tượng này ra khỏi nhà thờ và liệng xuống dòng sông Tiber đang chảy xiết. Toàn bộ các hành động này ghi hình và phát trên Youtube với chú thích sau:

“Hành động này được thực hiện vì một lý do duy nhất: Chúa và Cứu Chúa của chúng ta là Chúa Giêsu Kitô, Mẹ Diễm phúc của Người và mọi người theo chân Chúa Kitô đang bị tấn công bởi chính các chi thể của Giáo Hội chúng ta. Chúng ta không chấp nhận việc này! Chúng ta không thể im lặng được nữa! Chúng ta phải hành động ngay bây giờ!”

Được hỏi về biến cố trên trong cuộc họp báo ngày 21 tháng 10, Ông Paolo Ruffini, đứng đầu ngành thông tin của Tòa Thánh, gọi đó là “cú chơi ngoạn mục lấy tiếng”.

Ông nói khó có thể hỏi một phản ứng của Vatican đối với một điều chỉ xẩy ra trước đó một thời gian ngắn, nhưng “đánh cắp một vật gì đó khỏi một nơi nào đó và rồi ném đi là một cú chơi ngoạn mục lấy tiếng”.

Nhắc lại nhận định của ông tuần trước rằng hình tượng này “tượng trưng cho sự sống, sinh sản, trái đất”, ngày 21 tháng 10, Ông Ruffini nói rằng việc liệng bức tượng đi “là một cử chỉ xem ra đối với tôi mâu thuẫn với tinh thần đối thoại, một tinh thần nên luôn sinh động hóa mọi sự”.

Ông Ruffini nói thêm: “tôi không biết phải nói gì thêm. Đây là một vụ đánh cắp”.

Cha Giacomo Costa, một viên chức truyền thông của Thượng Hội Đồng Amazon, hôm 21 tháng 10, nói rằng ở Amazon, bức tượng tượng trưng cho sự sống y hệt như “chai nước” hay “con vẹt” tượng trưng cho sự sống ở trong vùng.

Cha Costa cho rằng chú mục vào bức tượng và cử chỉ liệng chúng xuống Sông Tiber “không có nghĩa gì cả”.

Vị linh mục này nói rằng “tuy nhiên, lấy cắp một đồ vật không có tính xây dựng”.

Bức tượng gây tranh cãi từng là một phần trong nghi lễ trồng cây tại Vườn Vatican vào ngày 4 tháng 10.

Quý vị và anh chị em trong đoạn video này, sau khi nhảy múa chung quanh bức tượng, một linh mục và nhiều người khác đã cầu nguyện và sụp lạy bức tượng trần truồng này.

Đoạn video đó đã gây ra những tranh cãi gay gắt tại Rôma. Trong cố gắng làm nhẹ bớt căng thẳng, nhiều người giải thích bức tượng đó mô tả Đức Mẹ theo cách của người bản địa. Nhiều người lại cho rằng đó là Pachamama, hay Mẹ Trái Đất, một nữ thần được nhiều người bản địa tôn sùng.

Bức tượng đó cũng được rước trong một buổi đi đàng thánh giá “Amazon” ngày 19 tháng 10. Nó cũng hiện diện gần Vatican trong nhiều biến cố khác nhau diễn ra trong lúc Thượng Hội Đồng Giám Mục về vùng Amazon đang họp.

Ở quảng trường Thánh Phêrô cũng xảy ra nhiều nghi thức khá lạ lùng, như nghi thức xông hương mà quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.

Hôm thứ Tư 16 tháng Mười, cha Giacomo Costa đã tỏ ra mất bình tĩnh và khiến mọi sự trở nên căng thẳng hơn.

Khi được hỏi về bức tượng khỏa thân này, ngài nói:

“Đây không phải là Đức Trinh Nữ Maria, người nào nói đó là Đức Trinh Nữ Maria?”

Các ký giả đáp lại: “Nhiều người nói thế”, cha Giacomo Costa nói: “Nhiều người đã nói thế, OK, như ý các anh muốn, nhưng tôi chưa nghe điều đó bao giờ.”

Ngài nói thêm:

“Chẳng có gì lạ. Đó là hình ảnh một phụ nữ bản địa đại diện cho sự sống,”

Ngài cho biết ủy ban thông tin của ngài sẽ tìm kiếm thêm thông tin, nhưng theo ngài đó là “một hình ảnh phụ nữ không tiêu biểu cho ngoại giáo cũng chẳng biểu hiện cho sự gì thánh thiêng.”

Nhận định về biến cố này, Cha Mark Goring, cho rằng chúng ta tôn trọng mọi tín ngưỡng, nhưng trưng bầy ảnh tượng phiếm thần trong một nhà thờ Công Giáo là điều không thể chấp nhận được.

Thông tấn xã CNA cho biết một nhóm nhỏ người Mỹ đến từ Texas cũng có mặt bên ngoài Nhà thờ Santa Maria ở Traspontina ngày 21 tháng 10 để phản đối Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon. Họ mang các biểu ngữ nói Thượng Hội Đồng là dị giáo viết bằng tiếng Anh, tiếng Ý và tiếng Latin.


Source:Catholic News Agency