Ngày 21-10-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật 29 Mùa Quanh Năm 22/10 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
01:15 21/10/2023


BÀI ĐỌC 1 Is 45:1,4-6

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

Đức Chúa phán với kẻ Người đã xức dầu, với vua Ky-rô:

“Ta đã cầm lấy tay phải nó, để bắt các dân tộc suy phục nó, Ta tước khí giới của các vua, mở toang các cửa thành trước mặt nó, khiến các cổng không còn đóng kín nữa.

Vì lợi ích của tôi tớ Ta là Gia-cóp, và của người Ta đã chọn là Ít-ra-en, Ta đã gọi ngươi đích danh, đã ban cho ngươi một tước hiệu, dù ngươi không biết Ta.

Ta là Đức Chúa, không còn chúa nào khác; chẳng có ai là Thiên Chúa, ngoại trừ Ta.

Dù ngươi không biết Ta, Ta đã trang bị cho ngươi đầy đủ,

để từ Đông sang Tây, thiên hạ biết rằng chẳng có thần nào khác, ngoại trừ Ta. Ta là Đức Chúa, không còn chúa nào khác.”

Đó là lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2 1Tx 1:1-5b

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca.

Chúng tôi là Phao-lô, Xin-va-nô và Ti-mô-thê, kính gửi Hội Thánh Thê-xa-lô-ni-ca ở trong Thiên Chúa Cha, và trong Chúa Giê-su Ki-tô. Chúc anh em được ân sủng và bình an. Chúng tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa về tất cả anh em. Chúng tôi nhắc đến anh em trong lời cầu nguyện, và trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta, chúng tôi không ngừng nhớ đến những việc anh em làm vì lòng tin, những nỗi khó nhọc anh em gánh vác vì lòng mến, và những gì anh em kiên nhẫn chịu đựng vì trông đợi Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô.

Thưa anh em là những người được Thiên Chúa thương mến, chúng tôi biết rằng Thiên Chúa đã chọn anh em, vì khi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho anh em, thì không phải chỉ có lời chúng tôi nói, mà còn có quyền năng, có Thánh Thần, và một niềm xác tín sâu xa.

Đó là lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG Pl 2:15d,16a

Alleluia. Alleluia.

Giữa thế gian, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời, là làm sáng tỏ lời ban sự sống.

Alleluia.

TIN MỪNG Mt 22:15-21

Tin mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Bấy giờ những người Pha-ri-sêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giê-su phải lỡ lời mà mắc bẫy. Họ sai các môn đệ của họ cùng đi với những người phe Hê-rô-đê, đến nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta. Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không?”

Nhưng Đức Giê-su biết họ có ác ý, nên Người nói: “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình! Cho tôi xem đồng tiền nộp thuế!” Họ liền đưa cho Người một quan tiền. Người hỏi họ: “Hình và danh hiệu này là của ai đây?” Họ đáp: “Của Xê-da.” Bấy giờ, Người bảo họ: “Thế thì của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.”

Đó là lời Chúa.
 
Bước Ra Tháp Ngà...
Lm. Michael Nguyễn Quang SVD
01:28 21/10/2023
Nguyễn Trung Tây
Khánh Nhật Truyền Giáo (24/10/2021)
Bước Ra Tháp Ngà...


Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhận xét: “Cha thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình” (Niềm Vui Tin Mừng 49).

Giáo hội nguyên thủy mang căn tính truyền giáo (Ad Gentes 2). Dựa vào Công đồng Vatican II, Đức Giáo Hoàng Phanxicô tái khẳng định nếu Giáo hội ngưng những bước chân rao giảng Tin Mừng, Giáo hội mất đi căn tính Giáo hội, hoặc nói một cách khác, Giáo hội tự đánh mất chính mình.

Bởi thế Giáo hội không có chọn lựa nào khác nhưng phải bước ra ngoài tổ kén ấm cúng, vượt qua hàng rào kẽm gai, hòa mình vào với những băn khoăn và những thực thể của thế giới để mà rao giảng Đức Giêsu tới những người Giáo hội (sẽ) gặp gỡ trên con đường hành hương. Và bởi Giáo hội là một Giáo hội của truyền giáo, Giáo hội sẽ bị bầm dập thâm tím mặt mày, đôi bàn tay đen cháy nám, bùn dơ bám đen loang lổ áo trắng.

Nhưng, những vết bầm dập thâm tím, đôi tay cháy nám, bùn dơ áo trắng, theo như ĐGH Phanxicô, là những dấu hiệu của một Giáo hội lành mạnh. Ngược lại, nếu chúng ta tiếp tục ngồi thoải mái trong bốn bức tường của tháp ngà, Giáo hội không còn làm chứng và rao giảng tới bất cứ ai.

Trong trường hợp này, rất tiếc, theo như Công đồng Vatican II và Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Giáo hội không còn là Giáo hội của Đức Giêsu nữa, mà là Giáo hội của ai đó…

Suy Niệm
Khánh Nhật Truyền Giáo nhắc nhở người Kitô hữu một thực thể: Đức Giêsu vẫn mời gọi mọi người đệ tử của bang phái Kitô, từ những vị lãnh đạo tới giáo dân, bước ra ngoài đường để chia sẻ những băn khoăn và ngay cả niềm vui tới mọi người gặp gỡ trên đường lộ!

Khánh Nhật Truyền Giáo 2023 cũng nhắc nhở con số Kitô hữu Việt Nam không tăng trong vòng 400 năm vừa qua bởi chúng ta vẫn chỉ quanh quẩn trong một góc giáo đường. Thật sự ra, chúng ta hiếm khi rao giảng Đức Kitô tới ai, ngay cả với Kitô hữu trong cùng một xứ đạo!
 
Tôi đang thuộc về Liên minh ma quỷ ?
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
02:08 21/10/2023

TÔI ĐANG THUỘC VỀ "LIÊN MINH MA QUỶ"?
CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN NĂM A

"Chúng tôi có được nộp thuế cho Sêzarê không?". Cái bẫy sẵn sàng đưa Chúa Giêsu vào sự thâm độc đầy tính toán, đầy mưu mô của cả hai nhóm, vốn luôn kình địch nhau: Pharisiêu và Hêrôđê.

1. "Liên minh ma quỷ".

Nhóm Pharisiêu tuyệt đối trung thành với đức tin, với Kinh Thánh, với truyền thống sống đạo của cha ông. Họ giữ luật rập khuôn mặt chữ, cứng nhắc khiến họ nệ luật, không cởi mở, hình thức, quá khích, thiếu từ bi... Họ không chấp nhận chính quyền Rôma, căm ghét nhóm Hêrôđê.

Nhóm Hêrôđê bợ đỡ đế quốc Rôma. Bản thân Hêrôđê không phải gốc Do thái, cũng không là người Do thái giáo nòi, được Rôma bổ nhiệm nắm chính quyền. Ông và nhóm theo ông, ủng hộ lập trường của Rôma, chấp nhận sự thống trị của hoàng đế ngoại lai này.

Hai nhóm nếu không thù, thì cũng đối lập, lại liên kết nhau chống Chúa Giêsu. Thái độ hợp tác hiếm thấy nói lên sự căm thù, sự thâm độc của những kẻ rình rập Chúa và quyết tâm hại Chúa, lớn đến mức nào.

Chúa là kẻ thù chung, họ cần hợp lực hủy diệt. Chúa là cái gai, là nỗi ám ảnh đáng sợ, là sự đe dọa kinh hoàng đến ảnh hưởng và quyề lực của họ. Họ nhất quyết khử trừ. Họ thực sự là liên minh ma quỷ.

Sự chân thật, ngay thẳng, công minh của Chúa khiến lương tri họ bị đánh, bị xé. Họ cần sức. Sự hợp lực cho họ cảm giác an tâm. Họ tin sức mạnh chung mà họ đang sử dụng, không còn kẽ hở để Chúa thoát thân...

"Chúng tôi có được nộp thuế cho Sêzarê không?". Bảo "không", Hêrôđê tố cáo Chúa chống chế độ, bất trung với hoàng đế. Bảo "có", Pharisêu tố cáo Chúa phản truyền thống, phản luật, làm chính trị, chống Kinh Thánh.

Cái bẫy tưởng hoàn hảo? Không! Hoàn hảo với kẻ bày mưu. Nó không thắng Chúa Giêsu. Câu trả lời Chúa giải gỡ mình, lại đòi kẻ thâm ác nhìn lại mình, Chúa dạy họ và chúng ta chỗ đứng đích thực của Thiên Chúa trong cuộc đời từng người: "CỦA THIÊN CHÚA HÃY TRẢ THIÊN CHÚA".

2. Trả Thiên Chúa những gì?

Với câu trả lời hoàn hảo để nói với lương tâm từng người, Chúa vạch một ranh giới: Thiên Chúa - thế gian.

Thời đại này luôn tìm gạt bỏ Thiên Chúa, chối đức tin, phủ nhận Thiên Chúa hiện diện, trong khi con người lại muốn chiếm vị trí của Chúa. Bởi loại trừ Chúa, thế giới phải chứng kiến bạo lực, chiến tranh, sự tàn bạo, sự mạnh được yếu thua... từ bình diện quốc tế đến đời sống cá nhân.

Không còn Thiên Chúa, người ta càng thâm độc, tàn nhẫn, vô cảm. Trong những chiến trận hủy diệt, họ sẵn sàng sử dụng vũ khí giết hàng loạt, tấn công nơi đông dân, không nương tay cả việc bắt cóc trẻ con, đánh vào bệnh viện, trường học, cơ sở nuôi dạy trẻ con......

Để xây dựng một thế giới và một bầu khí mang mầm sống, mang hy vọng, người ta phải trở về với Thiên Chúa, phải trả lại cho Thiên Chúa trong lòng người ta đúng vị trí của Người. Họ phải để lương tâm tùng phục Đấng Toàn Năng. Họ phải loại trừ những đối nghịch với Thiên Chúa, trả lại thế gian những tội ác, sự xấu xa, sự nhẫn tâm, sự tàn độc của nó.

Riêng tín hữu Kitô phải thâm tín: "Sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian" (Ga 15, 19). Chúng ta có bổn phận công dân nhưng không được trái luật Chúa, luật Hội Thánh. Tỉnh táo, khôn ngoan để không cộng tác vào những sai trái, không biến mình thành "liên minh ma quỷ" với cái xấu, nhưng luôn trả cho Thiên Chúa đúng vị trí của Thiên Chúa và trả tất cả những gì đen tối của thế gian, của ma quỷ về đúng chỗ của chúng.

Chẳn hạn luật ly dị, phá thai, tử hình... không bao giờ phù hợp với đức tin, với giáo huấn của Huấn quyền. Người Công Giáo xem ly dị là phản bội giao ước của bí tích Hôn phối. Họ dứt khoát chống lại mọi hình thức giết người, trong đó có phá thai và thi hành án tử hình.
Để trả lại chỗ đứng của Thiên Chúa trong lòng mình, người tín hữu hãy luôn học cùng Chúa Giêsu như Chúa dạy: "Học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng" (Mt 11, 29).

Sốnh hiền lành, nhân từ, khiêm nhường là cách mà Hội Thánh sử dụng để đến với con người, nhất là nguời đau khổ, người nghèo, người bị bỏ rơi, người đơn thân...

Đi cùng Hội Thánh học với Chúa Giêsu những bài học thánh, là cách ta mang Chúa trong lòng, trong cuộc đời, trong từng giây phút sống.
Học cùng Chúa Giêsu, ta trả lại hình ảnh của Thiên Chúa, chỗ đứng của Thiên Chúa, tình yêu của Thiên Chúa, lòng xót thương ngút ngàn của Thiên Chúa trong chính cõi hồn mình, trong chính nội tâm mình.
 
Đồng tiền hai mặt
Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
15:21 21/10/2023
Đồng tiền hai mặt

Nếu có dịp được qua Anh Quốc, ghé vào bảo tàng viện Manchester, ta đi thẳng đến khu trưng bày các đồng tiền cổ của đế quốc Roma, sẽ gặp ở đó một đồng tiền bằng bạc có niên hiệu vào khoảng thời đại Chúa Giêsu. Đó chính là đồng bạc người Do Thái thời đó đã dùng (tiếng chuyên môn gọi là đồng bạc Denarius nặng 3,8g).

Nếu được cầm đồng bạc đó trên tay, ta nhớ đến dụ ngôn người Samaritano nhân lành mà thánh Luca kể, đã trao hai đồng bạc đó cho người chủ quán để săn sóc người bị cướp đánh dọc đường.

Nếu được cầm đồng bạc đó trên tay, ta cũng nhớ đến dụ ngôn những thợ làm vườn nho mà thánh Matthêu kể : Cuối ngày mỗi người ai nấy đều được một đồng, dù là vào làm sớm tinh sương hay vào làm lúc chiều tà đã đến. Nhất là hôm nay nếu được cầm đồng bạc đó trên tay, ta nhớ đến đồng bạc mà hai phe vốn kình địch nhau, phe Herode và phe Pharisêu, nhưng đứng trước một đối thủ chung là Chúa Giêsu, thì đã tạm hợp lực để giăng bẫy Chúa và trao cho Chúa cũng chính đồng bạc đó.

Cầm đồng bạc đó trên tay, một mặt ta thấy hình hoàng đế Tiberius Caesar. Hoàng đế này trị vì đế quốc Roma trong thời gian hoạt động công khai của Chúa; một mặt là hình bà Livia, mẹ của hoàng đế (hoàng thái hậu). Bà xuất hiện trong tư thế ngồi, và tay cầm cành lá ôliu tượng trưng cho hoà bình.

Đó là đồng tiền.

Và đây là bối cảnh. Có 3 hạng người trên đất nước Israel thời Chúa Giêsu : công dân Roma; người tự do nhưng không có quốc tịch Roma; và người nô lệ. Chỉ có loại thứ hai mới phải đóng thuế, và đây là thuế thân, từ 14-65 tuổi là phải nộp. Phái Sađốc và bè Herode sẵn sàng nộp, vì chính quyền Roma là chỗ dựa của họ. Bè Pharisêu thì miễn cưỡng nộp. Còn phái Nhiệt Thành mà một trong 12 tông đồ của Chúa Giêsu, ông Simon Zelot thuộc phái này, nhất định không nộp. Kẻ nộp, người không, kẻ miễn cưỡng nộp : vậy có nộp thuế thân, một dấu chỉ thần phục, hay không?

Trả lời “nộp” : là kẻ bán nước, phản quốc

Trả lời “không” : là người xúi loạn, phản động.

Họ đặt bẫy, thế nào Chúa cũng bị, lại còn cho dầu mỡ trơn tru để thế nào Chúa cũng tuột vào bằng một câu rào đón nịnh hót : "Thầy là người chân thật, dạy đường lối Thiên Chúa cách chân thật, không thiên tư vị nể ai, không đánh giá người theo bề ngoài. Vậy Thầy hãy dạy chúng tôi, có được phép nộp thuế cho Cesar không?"

Chúa Giêsu đã không trơn tuột vào mà dừng lại : “Hãy đưa cho ta xem đồng tiền.” Họ đưa cho Chúa Giêsu đồng Denarius như mô tả trên đây.

Kính thưa anh chị em,

Đồng tiền nào cũng có hai mặt. Huy chương nào cũng có hai phía. Và câu trả lời của Chúa Giêsu khi người ta giăng bẫy bằng câu hỏi “có được phép nộp thuế cho Cesar không” cũng có hai vế : Của Cesar hãy trả cho Cesar; và Của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa.

Linh mục G. Bornkamin rất nhạy bén để nhìn thấy chữ “hình ảnh” móc nối cho cả hai vế :

-Đồng tiền mang "hình" của Cesar = hãy trả cho Cesar thuế "thân" đó. Chúng ta mang "hình" ảnh của Thiên Chúa = hãy trả cho Thiên Chúa bản "thân"của mình.

Nhưng chúng ta mắt hướng về trời mà chân vẫn còn đạp đất, vì thế chúng ta mang trong mình hai hình ảnh - hai bổn phận – hai quốc tịch. Là công dân của hai nước : Nước Trời và nước Đất, phải sống sao tốt đời đẹp đạo. Bình thường hai nước đó với hai bổn phận đi song song nhau, nhưng cũng có khi xung đột. Lúc xung đột ta đã biết ta phải ưu tiên cho bổn phận nào rồi, nhưng hay nhất là chẳng những đừng để xung đột tranh chấp mà lại biết trợ giúp nhau, như Chúa Giêsu đã nói trong dụ ngôn người quản lý bị đuổi việc. Hãy dùng tiền bạc ở đời này mà mua lấy bạn hữu để họ đón anh em vào Nước Trời đời sau.

Câu nói : Đồng tiền có hai mặt. Theo nghĩa chặt, nghĩa đen, cũng đúng như đồng tiền Denarius thời Chúa Giêsu : một mặt hình hoàng đế Tiberius, vua chinh chiến; một mặt hình bà hoàng thái hậu Livia cầm nhành ô liu mang lại hòa bình. Mà đồng tiền có hai mặt theo nghĩa bóng thì cũng dễ hiểu: có thể dùng đồng tiền mua súng ống gây chiến tranh, mà cũng có thể dùng đồng tiền mua lúa gạo tạo an lành. Có thể dùng đồng tiền thuê người tạt a-xít trả thù, nhưng cũng có thể dùng đồng tiền tạo công ăn việc làm giúp đỡ kẻ nghèo người khổ. Có thể dùng đồng tiền gian dối mà mua lấy vé vào Nước Trời đích thật (x. Lc 16,9).

Phải làm sao biết dùng hình của đồng tiền để làm sáng, làm bóng cái hình (ảnh) của Thiên Chúa mà chúng ta mang trong mình.

Hôm nay là Chúa nhật Truyền giáo. Truyền giáo có nhiều nghĩa. Nhưng hôm nay ta hiểu theo nghĩa này: Truyền giáo là giới thiệu khuôn mặt Chúa Giêsu cho người khác. Khuôn mặt đó, hình ảnh đó, ta mang sẵn trong người mình, vì mình là con Chúa (Giêsu cũng là Con Chúa) khi lãnh nhận Phép Rửa. Vậy truyền giáo là làm sáng lên khuôn mặt, hình ảnh Giêsu, Con Chúa và cũng là hình ảnh Thiên Chúa có nơi mình, bằng những hành vi bác ái, tức là dùng hình đồng tiền làm sáng lên, làm bóng lên hình con Thiên Chúa trong mỗi người chúng ta. Ước được như vậy. Amen

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Đặt mọi thứ đúng chỗ
Lm. Minh Anh
16:39 21/10/2023

ĐẶT MỌI THỨ ĐÚNG CHỖ
“Của Caesar, trả về Caesar; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa!”.

“Đồng xu của Caesar được làm bằng vàng, trên đó khắc hình người; đồng vàng của Thiên Chúa là con người, trên đó khắc hình Chúa. Hãy dâng của cải của bạn cho Caesar và giữ lương tâm trong sạch của bạn cho Thiên Chúa!” - Hilary Poitiers.

Kính thưa Anh Chị em,

Câu nói tuyệt vời của vị thánh tiến sĩ được gặp lại qua Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay. Những người biệt phái hỏi Chúa Giêsu có nên nộp thuế cho hoàng đế không; họ cố gài bẫy Ngài. Chúa Giêsu trả lời, “Của Caesar, trả về Caesar; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”; nghĩa là đối với mọi vật, mọi người, bạn và tôi phải ‘đặt mọi thứ đúng chỗ’ của nó!

Hiểu được ác ý của những kẻ gài bẫy, Chúa Giêsu trả lời họ một cách có tính toán nhưng hoàn toàn bất ngờ, ngoài mong đợi! Nếu Ngài chống lại Caesar, họ đã có thể tố cáo Ngài; ngược lại, nếu Ngài ủng hộ việc nộp thuế, Ngài trúng kế của họ. Tuy nhiên, khi không lên tiếng chống lại Caesar, Chúa Giêsu đã tương đối hoá câu trả lời, như thể “Người khôn ăn nói nửa chừng, để cho kẻ dại nửa mừng nửa lo”. Ngài cho biết, phải trả lại Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài vì Ngài là Thiên Chúa, và là Chúa của mọi quyền lực thế gian.

Như mọi người cai trị khác, Caesar không thể tuỳ tiện sử dụng quyền lực. Các đầy tớ trong dụ ngôn “Những Nén Bạc” phải giải trình cho Chủ về việc sử dụng chúng; cũng thế, quyền lực của Caesar! Ngài sẽ nói với Philatô, “Ông không có quyền gì trên tôi nếu từ trên không ban xuống”. Bài đọc Isaia hôm nay cho biết, “Chúa phán với vua Kyrô, Ta đã cầm lấy tay phải nó, bắt các dân tộc suy phục nó”. Thánh Vịnh đáp ca rất ý tứ, “Hãy dâng Chúa quyền lực và vinh quang!”. Vì thế, trả lời cho những kẻ gài bẫy mình, Chúa Giêsu không muốn tỏ ra là một kẻ kích động chính trị, Ngài chỉ đơn giản ‘đặt mọi thứ đúng chỗ!’.

Với câu nói của Chúa Giêsu, nhiều người cho rằng, Giáo Hội không nên ‘can thiệp’ vào chính trị, để chỉ quan tâm đến sứ mệnh cứu độ và các vấn đề đức tin. Cách giải thích này hoàn toàn sai! Xử lý các vấn đề của Thiên Chúa không chỉ là quan tâm đến việc thờ phượng, mà còn quan tâm đến những gì liên quan đến ‘con người và mọi người’; đồng thời, quan tâm đến ‘công lý của con người!’. Vờ vịt cho rằng, Giáo Hội không rời phòng áo; điếc, mù và câm trước các vấn đề đạo đức cũng như những lạm dụng của thời đại… chẳng khác gì ăn trộm của Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài. Đức Bênêđictô 16 nói, “Khoan dung thừa nhận Thiên Chúa vốn chỉ can dự vào những việc riêng tư, nhưng từ chối Ngài ở các lĩnh vực công cộng… không phải là khoan dung mà là đạo đức giả!”.

Anh Chị em,

“Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa!”. Bạn và tôi là con cái Chúa, điều Phaolô khéo nhắc trong thư Thessalônica hôm nay, “Thiên Chúa đã chọn anh em”. Vì thế, phó thác tất cả cho Chúa và hy vọng nơi Ngài không có nghĩa là trốn tránh thực tại; đúng hơn, chuyên tâm trả lại cho Chúa những gì thuộc về Ngài. Đồng thời, trả lại cho ‘hoàng đế thế gian’ những gì thuộc về nó bằng cách từ bỏ hoặc đơn giản là tách mình ra khỏi nó. Chúng ta, “những đồng vàng khắc hình Chúa” dâng điều vĩnh cửu, tức là linh hồn mình, cho Thiên Chúa vì chúng ta là của Ngài! Làm như thế, bạn và tôi đã ‘đặt mọi thứ đúng chỗ!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con là đồng vàng của Chúa. Đừng để thế gian mê hoặc làm con hoen ố. Giữ tim con luôn hướng về Ngài, ‘thiên đàng phú túc’ hôm nay và mai ngày của con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tin tức mới nhất về Thượng Hội Đồng
Vũ Văn An
14:13 21/10/2023



Những ngày cận cùng của Phiên họp tháng 10, 2023

Theo Justin McLellan của hãng tin Catholic News Service, các thành viên của Thượng Hội đồng Giám mục sẽ ban hành một “Thư gửi dân Chúa” khi kết thúc phiên họp đầu tiên của Thượng Hội đồng, vào ngày 29 tháng 10.

Bức thư, việc soạn thảo nó đã được phiên họp Thượng Hội đồng phê duyệt, sẽ được thảo luận cả trong các phiên làm việc nhóm nhỏ và tại cuộc họp toàn thể vào ngày 23 tháng 10 sau Thánh lễ dành cho những người tham gia Thượng Hội đồng tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, văn phòng Tổng thư ký Thượng hội đồng đã công bố trong một tuyên bố ngày 19 tháng 10 như thế.

Bản tuyên bố nói thêm rằng sẽ có thêm thời gian để những người tham gia thượng hội đồng thảo luận về phương pháp và các bước cho giai đoạn tiếp theo của diễn trình thượng hội đồng sẽ diễn ra từ khi phiên họp đầu tiên kết thúc vào ngày 29 tháng 10 đến phiên họp thứ hai dự kiến diễn ra tại Vatican vào tháng 10 năm 2024. Tuyên bố cho biết tài liệu tổng hợp của hội nghị sẽ không được trình bày và thảo luận bởi những người tham gia thượng hội đồng theo hai phần – “A” và “B” - như lúc ban đầu đã nêu trong lịch trình của thượng hội đồng.

Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, tổng tường trình viên của phiên họp, sẽ trình bày dàn ý cho tài liệu tổng hợp của thượng hội đồng trước các người tham gia vào ngày 25 tháng 10, tài liệu này sẽ được từng người tham gia đọc riêng trước khi được thảo luận cả trong các nhóm nhỏ và tại một cuộc họp chung chiều ngày 25/10 và sáng ngày 26/10.

Toàn bộ phiên họp thượng hội đồng sẽ họp trong một cuộc họp chung vào chiều ngày 26 tháng 10 “để thu thập các đề xuất về phương pháp và giai đoạn trong những tháng giữa phiên họp thứ nhất và thứ hai” của phiên họp thượng hội đồng thay vì tổ chức các phiên làm việc nhóm nhỏ để thảo luận tài liệu tổng hợp như dự kiến ban đầu.

Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội đồng thông báo rằng các phiên làm việc dự kiến ban đầu vào chiều ngày 23 tháng 10 và cả ngày 24 tháng 10 sẽ không được tổ chức.

Những người tham gia cũng được khuyến khích tham dự buổi cầu nguyện cho hòa bình tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô vào ngày 27 tháng 10, sẽ không có phiên họp nào được lên lịch vào ngày này.

Một ngày tại Thượng Hội Đồng của phái đoàn Mỹ

Hannah Brockhaus của hãng tin CNA phỏng vấn một số tham dự viên thuộc phái đoàn Hoa Kỳ để biết xem một ngày làm việc đặc trưng của phái đoàn tại thượng hội đồng ra sao. Cha Ivan Montelongo, 30 tuổi, mới thụ phong năm 2020, thuộc giáo phận El Paso, Texas, cho hay: chuông đánh thức thường vào khoảng 6 giờ sáng.

Ngài và các đại biểu Hoa Kỳ khác đang ở tại Học viện Giáo hoàng Bắc Mỹ (NAC), một chủng viện dành cho nam giới đang học làm linh mục ở Hoa Kỳ.

Vào những ngày Thượng Hội đồng không cử hành Thánh lễ cùng nhau tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, ngài và các đại biểu Hoa Kỳ khác bắt đầu buổi sáng với Thánh lễ lúc 7 giờ sáng tại nhà nguyện của học viện.

Sau thánh lễ là bữa sáng nhanh trước khi lên xe tải lúc 8 giờ sáng để đi xuống đồi đến Hội trường Phaolô VI không xa ở Thành phố Vatican.

Ngài nói, khoảng thời gian trước khi mọi sự bắt đầu thường tràn ngập những lời chào hỏi mọi người, kết nối, tìm bàn và ngồi vào chỗ.

Lúc 8:45 sáng, phiên họp thượng hội đồng bắt đầu. Hàng trăm đại biểu cùng nhau đọc thánh vịnh và nghe Tin Mừng trong ngày. Đôi khi cũng có những suy tư thiêng liêng.

Linh mục cho biết, dù chương trình nghị sự có các nhóm nhỏ hay các buổi lắng nghe toàn nhóm, được gọi là các cuộc họp toàn thể, thì giờ uống cà phê giữa buổi sáng luôn được đánh giá cao.

“Mọi người [di chuyển] về phía cà phê và trong khi chúng tôi xếp hàng, hoặc sau khi uống cà phê, các cuộc trò chuyện cứ thế diễn ra, đôi khi về những gì đã được thảo luận nhưng đôi khi chỉ về bản thân chúng tôi, về những ngày cuối tuần của chúng tôi, về các thừa tác vụ của chúng tôi.”

Montelongo, người được thụ phong vào năm 2020, là đại diện tư pháp và giám đốc ơn gọi của Giáo phận El Paso. Dù sinh ra ở California, ngài đã trải qua thời thơ ấu ở Mexico cho đến năm 15 tuổi, khi ngài chuyển đến Texas cùng gia đình.

Phiên họp Thượng Hội đồng nghỉ trưa từ 12:30-2 giờ chiều, trong thời gian đó các đại biểu Hoa Kỳ quay trở lại trường Cao đẳng Bắc Mỹ để ăn uống và tham gia vào “truyền thống tốt đẹp về thời gian ngủ trưa”.

Montelongo cho biết ngài cũng sẽ tận dụng thời gian nghỉ ngơi để xử lý một số công việc hoặc email về quê nhà.

Một chiếc xe buýt khởi hành để đưa các đại biểu trở lại Vatican lúc 3:30 chiều. Phiên họp Thượng Hội đồng làm việc từ 4 giờ đến khoảng 7 giờ 15 tối, khi họ quay lại Cao đẳng Bắc Mỹ để ăn tối.

Sau bữa tối, “đôi khi có công việc của Thượng Hội đồng phải làm. Thí dụ, những người được chọn làm “tường trình viên” tại bàn của họ phải chuẩn bị những gì họ sẽ phát biểu thay mặt cho nhóm của mình trong một cuộc họp toàn thể. Mọi người cũng có thể chuẩn bị các nhận xét nếu họ muốn phát biểu trong thời gian phát biểu “tự do”.

Sau đó cha Montelongo đọc lời cầu nguyện ban đêm và đi ngủ.

Vào Thứ Bảy, ngày 14 tháng 10, các đại biểu Thượng Hội đồng đã nghỉ họp vào buổi chiều. Vị linh mục trẻ cho biết ngài dùng thời gian đó để “hồi phục sức khỏe” và làm một số công việc và giặt giũ. “Những điều bình thường đó,” ngài mỉm cười giải thích. Lịch trình "kjá mệt mỏi."

Chúa nhật tuần sau, một ngày “nghỉ” cho Thượng hội đồng về tính đồng nghị, Montelongo đi dự Thánh lễ tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô và sau đó đến thăm khu phố Do Thái ở Rome cùng với một số bạn bè để ăn trưa.

Một đại biểu khác của Hoa Kỳ, Wyatt Olivas, 19 tuổi, vì lần đầu tiên đến Rome, nên anh nói rằng họ đang cố gắng đưa anh đi tham quan xung quanh, “nhưng rất khó tìm được những thời điểm đó”.

“Thật buồn vui lẫn lộn,” anh nói khi Thượng hội đồng đã đi được nửa chặng đường. “Tôi đang có một khoảng thời gian vui vẻ, nhưng công việc đang chờ xử lý ở giáo phận.”

“Tôi thực sự tin rằng điều này rất quan trọng, vì vậy tôi rất biết ơn vì đã có mặt ở đây và tham gia vào thời điểm lịch sử này của Giáo hội. Tôi cũng sẵn sàng trở về nhà và thậm chí mang theo tất cả sự phong phú mà tôi đã thấy ở đây.”

Montelongo cũng cho biết ngài đã suy nghĩ về việc chuẩn bị “sẵn sàng cho phiên họp tiếp theo”, phiên họp thứ hai của hội nghị, sẽ diễn ra vào tháng 10 năm 2024.

“Đó là một cơ hội tuyệt vời,” ngài nói.

Công trình đồng nghị sẽ bắt đầu sau các phiên họp tại Rôma

Theo hãng tin ACI Africa, cha Agbonkhianmeghe Orobator, khoa trưởng Trường Thần học Dòng tên tại Đại Học Santa Clara, California, một tham dự viện Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị nói rằng tính đồng nghị nói về cách người ta sống.

Trong cuộc họp báo tại Đại hội đồng thường kỳ lần thứ 16 của Thượng Hội đồng Giám mục vào thứ Ba, ngày 17 tháng 10, ngài nói, “Theo tôi được biết, công việc của Thượng Hội đồng sẽ bắt đầu khi các cuộc tụ họp ở đây kết thúc. Tính đồng nghị là về cách chúng ta sống và hành trình cùng nhau. Điều đó sẽ được thử thách trong những năm tới”

Tuy nhiên, vị linh mục Công Giáo gốc Nigeria lưu ý rằng các cuộc đối thoại đang diễn ra ở Rome là “trải nghiệm một lần trong đời” đối với các nhà thần học và “sẽ cung cấp các nguồn lực để cuộc hành trình đồng nghị này tiếp tục và thành công”.

Cha Orobator, cựu chủ tịch trực tiếp của Hội nghị Dòng Tên Châu Phi và Madagascar, cho biết các cuộc đối thoại đang diễn ra ở Rome quan trọng hơn kết quả của diễn trình.

Cha Orobator nói “Tôi vẫn tin rằng diễn trình sẽ quan trọng hơn kết quả. Và đối với tôi, quá trình này thực sự phong phú, tập trung vào các yếu tố, cơ chế hoặc khuôn khổ lắng nghe, đối thoại và biện phân”.

Ngài nói thêm: “Tôi tin rằng đây là loại khuôn khổ và cơ chế sẽ dẫn chúng ta như một cộng đồng được gọi là Giáo hội trải nghiệm một lối sống mới, nơi mà mọi người bất kể họ là ai, tư thế, hay tình huống trong Giáo hội đều có thể trở thành một phần của một tiến trình trong đó họ không chỉ được lắng nghe mà còn có thể đóng góp vào tiến trình biện phân. Tôi rất biết ơn về diễn trình đã được tiếp nhận.”

Cha Orobator lưu ý rằng sự đa dạng, khôn ngoan và hiểu biết sâu sắc được chia sẻ bởi những người tham gia Thượng Hội đồng là một món quà dành cho Giáo hội.

Ngài nói: “Từ kinh nghiệm, không hề thiếu [sự bất đồng] và khác biệt. Các quan điểm bất đồng và các dị biệt ý kiến cũng như những gì diễn trình cho phép chúng tôi làm không chỉ ghi nhận sự hội tụ hoặc đồng thuận mà còn ghi nhận sự bất đồng và khác biệt và đó là một phần của diễn trình.”

Cha Orobator nói tiếp: “Tôi có thể làm chứng rằng những bất đồng và khác biệt này không biến thành thù nghịch và thù địch, đến nỗi, chính sự hội tụ của những bất đồng và khác biệt sẽ là vấn đề để tạo ra một điều gì mới để không tiếng nói nào bị dẹp bỏ về bất cứ vấn đề nào.”

Điều chúng ta muốn không phải là loại bỏ điều hiện hữu rồi, nhưng là củng cố nó

Trong cuộc phỏng vấn của ACI Prensa (Tây Ban Nha), Đức Tổng Giám Mục Faustino Ar-mendáriz của Durango, Mexico, và là một tham dự viên Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị nói rằng “Người ta nghe thấy nhiều tiếng nói cho rằng ‘đây là điều sắp xẩy ra’, ‘đây là điều sắp thay đổi’, ‘đây là điều sắp bị loại bỏ’. Không phải vậy. Đâu là thánh ý Thiên Chúa? Đó là điều chúng ta cần khám phá”.

Đức Tổng Giám Mục Armendáriz cho rằng nhiều đề xuất và kinh nghiệm được chia sẻ sẽ soi sáng cho những người tham gia để giúp họ “nhìn thấy con đường này của Giáo hội với nhiều hy vọng hơn”, trong đó có một số tiếng nói “rất xa so với việc tưởng tượng những gì chúng ta thực sự muốn”.

Ngài nhấn mạnh: “Điều chúng ta muốn không phải là loại bỏ những gì hiện hữu rồi mà là củng cố nó với mong muốn các Giáo Hội của chúng ta trở thành các Giáo Hội sống động”.

Đức Tổng Giám Mục Mexico thừa nhận rằng để mọi người “tham gia vào tính đồng nghị không phải là điều dễ dàng” vì có những người “có những ý tưởng rất khác nhau” và đến từ các nền văn hóa khác nhau.

Ngài nhận định thêm: “Ở đây, điều chúng ta nói không quan trọng mà là điều Chúa Thánh Thần soi sáng nơi mỗi người tham gia Thượng Hội đồng”.

Ngài nói tiếp, nếu những gì được thực hiện trong Thượng Hội đồng được thực hiện “nhân danh Thiên Chúa, tôi tin rằng chúng ta không rơi vào nguy cơ tính toán, nhưng chúng ta có thể đơn giản chia sẻ”.

Khi được hỏi về tài liệu về Con đường đồng nghị Đức mà các giám mục của quốc gia đó đã ngỏ cùng các đại biểu, Đức Tổng Giám Mục Durango trả lời rằng “cách suy nghĩ của họ được tôn trọng, nhưng nó không hề ảnh hưởng đến sắc thái tâm linh mà chúng tôi đang theo đuổi trong Thượng Hội Đồng này.”

Con đường đồng nghị Đức từng phê chuẩn các biện pháp nhằm kết hợp ý thức hệ phái tính vào giáo huấn Công Giáo, phong chức phó tế cho phụ nữ, chúc lành cho các kết hợp đồng tính luyến ái và yêu cầu Vatican “xem xét lại” kỷ luật độc thân linh mục.
 
Các nhà lãnh đạo Giáo hội Jerusalem, cùng với Tổng Giám mục Canterbury kêu gọi hãy kiềm chế giao chiến ở giải Gaza
Thanh Quảng sdb
17:04 21/10/2023
Các nhà lãnh đạo Giáo hội Jerusalem, cùng với Tổng Giám mục Canterbury kêu gọi hãy kiềm chế giao chiến ở giải Gaza
Nhà thờ Chính thống Hy Lạp Thánh Porphyrios ở Gaza


Các nhà lãnh đạo Giáo hội tại Jerusalem cùng với Tổng Giám mục Canterbury, Justin Welby, kêu gọi kiềm chế, giảm leo thang và bảo vệ thường dân trong cuộc chiến giữa Israel và Hamas.

(Tin Vatican - Devin Watkins)

Các Thượng phụ và Người đứng đầu các Giáo hội ở Jerusalem, cùng với Justin Welby, Tổng Giám mục Canterbury, đã đưa ra một tuyên bố chung lên án các cuộc không kích của Israel vào gần Nhà thờ Chính thống Hy Lạp Thánh Porphyrios ở Gaza.

Vụ nổ đã khiến hai hội trường nhà thờ sụp đổ, nơi đang có rất nhiều người lánh nạn, bao gồm nhiều phụ nữ và trẻ em.
Nhà thờ Chính thống Hy Lạp Thánh Porphyrios bị dội bom ở Gaza

Vụ tấn công đã khiến 18 người thiệt mạng, 9 trong số đó là trẻ em và nhiều người khác bị thương.

Trong tuyên bố, các nhà lãnh đạo Giáo hội đã tố cáo vụ tấn công và những vụ khác tương tự dẫn đến cái chết của thường dân.

“Khi lên án cuộc tấn công nhằm vào nơi linh thiêng này, chúng tôi không thể bỏ qua rằng đây chỉ là trường hợp mới nhất về việc thường dân vô tội bị thương hoặc thiệt mạng do các cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào những nơi trú ẩn của kẻ thù.”

Lực lượng Phòng vệ Israel thừa nhận đã đánh bom một trung tâm chỉ huy và điều hành của Hamas, và nhà thờ không phải là mục tiêu của cuộc tấn công.

Sứ mệnh Kitô giáo phục vụ những người đau khổ

Các Thượng phụ và Người đứng đầu các Giáo hội cho biết họ cam kết thực hiện nghĩa vụ của mình là cung cấp mọi trợ giúp cho những người gặp khó khăn, bất chấp cuộc chiến của các tổ chức xã hội, tôn giáo và nhân đạo.

Các ngài và Đức Tổng Giám Mục Canterbury, người đang thực hiện chuyến viếng thăm mục vụ ở Thánh địa bày tỏ tình đoàn kết với cộng đồng Anh giáo địa phương, hứa rằng các nhà thờ sẽ tiếp tục cung cấp nơi trú ẩn cho những người lánh nạn.

Các ngài xác quyết: “Ngay cả khi đối diện với các đòi hỏi của quân đội liên tục bắt phải sơ tán, các tổ chức từ thiện và nhà thờ của chúng tôi sẽ không từ bỏ sứ mệnh Kitô giáo này, vì thực sự không có nơi nào an toàn hơn cho những người dân vô tội này hơn các nơi này.”

Nhắc lại lệnh truyền của Chúa Giêsu về việc cho ăn và cho mặc cho những người thiếu thốn, các nhà lãnh đạo Kitô giáo nói rằng Giáo hội phải đặc biệt hành động như Giáo hội “trong thời chiến, vì đó là lúc nỗi đau khổ của con người lên đến đỉnh điểm”.

Kêu gọi ngừng bắn và giảm căng thẳng

Thừa nhận rằng Giáo hội không thể hoàn thành sứ mệnh này một mình, lời tuyên bố kêu gọi cộng đồng quốc tế thực thi các biện pháp bảo vệ ở giải Gaza đối với vùng đất Thánh này, bao gồm trường học, bệnh viện và các nơi thờ phượng.

Các nhà lãnh đạo Giáo hội cũng kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, “để thực phẩm, nước uống và các vật tư y tế quan trọng có thể được chuyển giao một cách an toàn đến các cơ quan cứu trợ đang phục vụ hàng trăm ngàn thường dân đang chạy loạn ở giải Gaza, bao gồm cả những người do các nhà thờ của chúng ta điều hành.”

Tóm lại, các Thượng phụ và người đứng đầu các Giáo hội ở Jerusalem đã kêu gọi tất cả các bên tham chiến hãy “giảm leo thang bạo lực, ngừng nhắm mục tiêu bừa bãi vào thường dân thuộc mọi phía và hoạt động theo các quy tắc chiến tranh quốc tế”.

“Chúng tôi tin rằng chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể đặt nền móng cho việc ngoại giao đối với những bất bình lâu dài để cùng đạt được một nền hòa bình công bằng và lâu dài cho vùng đất Thánh yêu dấu này của chúng ta - cho thời đại của chúng ta và cho các thế hệ mai sau.”
 
Israel đang chuẩn bị một thảm họa Nakba khác cho Gaza?
Vũ Văn An
19:18 21/10/2023

Samer Badawi, ngày 19 tháng 10 năm 2023, viết trên tạp chí The Land, một tạp chí của các nhà báo Do Thái và Palestine được thành lập từ năm 2010 để phổ biến các tin tức và nhận định về Do Thái và Palestine, nhận định rằng: Việc buộc người Palestine rời khỏi dải đất bị bao vây dường như là điều không tưởng cách đây nhiều tuần. Nhưng cuộc chiến của Israel cho thấy những nỗ lực có thể đang được tiến hành để giải quyết vấn đề này.

Người Palestine tại một trại lều tạm thời được dựng lên cho những người sơ tán khỏi nhà của họ, trong khuôn viên trường UNRWA ở Khan Yunis, phía nam Dải Ga-za, ngày 19 tháng 10 năm 2023. Ảnh của Abed Rahim Khat-ib/Flash90


Những hình ảnh khủng khiếp xuất hiện từ Bệnh viện Al-Ahli của Gaza hôm thứ Ba cho thấy cuộc tàn sát ở quy mô làm lu mờ cả những vụ thảm sát liên tiếp tồi tệ nhất của Israel tại dải đất bị bao vây trong 11 ngày qua, khi các máy bay chiến đấu do Mỹ sản xuất đổ mưa hỏa ngục xuống dân số dân sự. Ít nhất hai trong số các vụ thảm sát này đã xảy ra trước đó vào thứ Ba, khi hàng chục người thiệt mạng do các cuộc không kích ở các thị trấn phía nam Khan Younis và Rafah. Tuy nhiên, những điều này gần như đã bị lãng quên khi các thảm cảnh ở Al-Ahli bắt đầu xuất hiện. Khi khói tan, các quan chức y tế ước tính khoảng 500 người đã thiệt mạng, nhiều người trong số họ bị xé nát từng chi thể.

Với các chi tiết về thảm họa vẫn đang chờ cuộc điều tra độc lập, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, người đến thăm Tel Aviv ngày hôm qua, đã công khai đổ lỗi vụ thảm sát “cho bên kia” dựa trên “bằng chứng” được cho là do Israel cung cấp. Người Palestine phản đối lời giải thích này, chỉ ra một kiểu đi chệch hướng tương tự của Israel thường xuyên bị bác bỏ, kể cả sau vụ sát hại nhà báo người Mỹ gốc Palestine Shireen Abu Akleh vào tháng 5 năm ngoái.

Nếu, đối với người Palestine, vụ thảm sát hôm thứ Ba có dấu hiệu của một cuộc tấn công của Israel, thì đó không chỉ vì nhà nước này có lịch sử đánh bom các trường học và bệnh viện được đánh dấu rõ ràng. Mặc dù nguyên nhân của vụ thảm sát Al-Ahli vẫn còn đang được tranh cãi, nhưng mức độ nghiêm trọng của cuộc chiến ở Gaza này chỉ có một điểm tương đồng rõ ràng: cuộc thanh lọc sắc tộc của Israel ở các thị trấn và làng mạc của người Palestine vào năm 1948.

Thật vậy, tác động tâm lý của cuộc tấn công hôm thứ Ba gợi lên ký ức kinh hoàng về vô số vụ thảm sát khác, đặc biệt là ở làng Deir Yassin của người Palestine, nơi những kẻ khủng bố theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái (zionists) đã hành quyết hơn 100 người Palestine vào tháng 4 năm 1948. Chỉ huy Irgun Ben-Zion Cohen, người giám sát “hoạt động” sau đó nói rằng mục đích của nó là gieo rắc nỗi kinh hoàng trong cộng đồng người dân bản địa Palestine, khiến họ phải rời đi. “Ba hoặc bốn Deir Yassins nữa,” Cohen khoác lác, “và sẽ không một người Ả Rập nào còn ở lại trong nước.”

Đây là một lý do tại sao người Palestine và các đồng minh của họ coi việc ở lại trên đất liền là một lời kêu gọi tập hợp của cuộc chiến này. Từ cách nó được thực hiện cho đến những lời lẽ khoa trương mà Israel và các đồng minh của họ đang sử dụng để biện minh cho hành động đó, cuộc tấn công dữ dội này đối với người Palestine dường như được thiết kế để đẩy người dân Gaza, tất cả họ, ra khỏi lãnh thổ.

Lính Israel tại khu vực tập trung không xa hàng rào Is-rael-Gaza, ngày 19 tháng 10 năm 2023. Ảnh Chaim Gold-berg/Flash90


Dấu hiệu hữu hình đầu tiên của điều này đến vào thứ Sáu tuần trước. Lệnh sơ tán của Israel, được công bố vào sáng hôm đó, đã để lại cho hơn một triệu người Palestine ở nửa phía bắc Gaza một lựa chọn bất khả: ở lại và có nguy cơ tử vong trước một cuộc tấn công trên bộ sắp xảy ra của Israel, hoặc thực hiện hành trình về phía nam, nơi hàng trăm người đã thiệt mạng và hàng nghìn người khác đã phải di dời bởi sự tàn phá toàn diện của Israel đối với toàn bộ khu dân cư. Không có sự đảm bảo về nơi ở và nguồn cung cấp ngày càng cạn kiệt, một số người chọn ở nhà hoặc cùng các gia đình khác đến sân của các trường học hoặc bệnh viện gần đó như Al-Ahli. Giờ đây, hàng trăm người cũng đang biến mất khỏi phía bắc Gaza.

Cuộc di cư hàng loạt - mà Liên Hợp Quốc cảnh báo là "không thể" trong thời hạn 24 giờ do quân đội Israel đặt ra ban đầu - diễn ra trong bối cảnh các cuộc bắn phá đang diễn ra và tình trạng thiếu nước, thực phẩm và nhiên liệu vốn đã trầm trọng. Phóng viên ảnh Mohammed Zaanoun mô tả những thường dân hối hả mang theo những gì họ có thể mang theo khi cuốc bộ, đi xe hơi hoặc chen chúc trên xe tải dọc theo đường cao tốc trung tâm của Gaza, nơi bị một cuộc không kích của Israel khiến 70 người thiệt mạng.

Tại thành phố Khan Younis phía nam, nhà báo tự do Ruwaida Kamal Amer đã nói chuyện với những người Palestine trốn thoát đến đó từ các thị trấn gần đó dọc theo rìa phía đông của Gaza, làm tăng thêm áp lực phải tìm nơi trú ẩn cho hàng chục nghìn người khác đang đến hoặc đang trên đường đi. Như Fadi Abu Shammalah, giám đốc điều hành của Tổng Liên minh các Trung tâm Văn hóa Gaza, kể lại trong một câu chuyện thấm thía trên tờ New York Times, những cảnh tượng ở miền nam đã gợi lên ký ức về Nakba, hay thảm họa, khi khoảng 3/4 người dân bản địa ở Palestine dân bỏ chạy hoặc bị trục xuất vào năm 1948.

Khả năng một vụ “chuyển giao” dân số khác với quy mô lớn như vậy – dân số Gaza chiếm hơn 1/3 số người Palestine ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng – có vẻ như không thực tế, nếu không muốn nói là không thể, chỉ hai tuần trước. Nhưng các sự kiện và tuyên bố gần đây cho thấy những nỗ lực có thể đang được tiến hành để giải quyết vấn đề này, thậm chí ngụy trang như một giải pháp “nhân đạo”.

‘Thành phố lều’

Mặc dù thông tin chi tiết về cách thức và thời điểm một sự chuyển dịch cưỡng bức như vậy có thể xảy ra vẫn còn hiếm hoi, điều rõ ràng là việc buộc hàng trăm ngàn người Palestine vào sa mạc Sinai, nơi Ai Cập có chung biên giới với Gaza và Israel, sẽ không nhằm đảm bảo một “nơi trú ẩn an toàn” cho dân thường mà là một cách để Israel tránh các đòi hỏi cốt lõi của một cộng đồng dân cư vốn đã mất gốc - một dân số mà họ coi là có thể dùng một lần rồi vứt bỏ được.

Những người Palestine đã bỏ trốn khỏi nhà chờ đợi ở cửa khẩu Rafah sang Ai Cập ở phía nam Dải Gaza, ngày 14 tháng 10 năm 2023. (Abed Rahim Khat-ib/Flash90)


Như thể số người chết đáng kinh ngạc không đủ bằng chứng cho thái độ khinh thường này, những người phát ngôn của Israel đã công khai đề nghị việc trục xuất. Nói chuyện với Marc Lamont Hill của Al Jazeera hôm thứ Sáu, chỉ vài giờ sau khi lệnh sơ tán được phát đi, Danny Ayalon, cựu thứ trưởng ngoại giao Israel và đại sứ tại Hoa Kỳ, đã chỉ ra “một không gian rộng lớn, gần như vô tận ở sa mạc Sinai, Ông nói, nơi mà Israel và cộng đồng quốc tế có thể chuẩn bị “các thành phố lều trại… giống như cho những người tị nạn ở Syria”.

Đàm phán điều này dường như là một mệnh lệnh cao cả: Israel đã nhiều lần ném bom Giao lộ Rafah ngăn cách Ai Cập với Gaza, và chính phủ Ai Cập cho đến nay vẫn từ chối mở cửa. Nhưng Ngoại trưởng Mỹ An-thony Blinken, phát biểu với các phóng viên khi ông lên máy bay tới khu vực này vào ngày thứ Tư tuần trước, dường như đã ám chỉ các kế hoạch nhằm làm lung lay lập trường của Ai Cập. Khi được hỏi về những trở ngại trong việc đảm bảo “việc ra khỏi Gaza an toàn” cho dân thường Palestine, Blinken, không đưa ra thông tin chi tiết, cho biết: “Chúng tôi đang nói chuyện với Ai Cập về điều đó”.

Ý tưởng này có thể cũng được đưa lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của các cuộc gặp của Blinken với các nhà lãnh đạo Ả Rập khác, mặc dù từ đó Hoa Kỳ đã cẩn thận hơn khi không nói về nó một cách công khai. Hôm thứ Bảy, Ngoại trưởng đã gặp Tổng thống Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan, người mà việc bình thường hóa quan hệ với Israel vào năm 2020 được cho là sẽ định hình trước một thỏa thuận tương tự giữa Isra-el và Ả Rập Saudi. Kết quả của cuộc họp ở Abu Dhabi vẫn chưa được biết, và thông tin của Bộ Ngoại giao không đưa ra gợi ý nào về việc chuyển giao người Pal-estine sang Ai Cập đã được cân nhắc.

Đầu ngày hôm đó, trong cuộc trao đổi được ghi lại với Bộ trưởng Ngoại giao Ả Rập Saudi, Hoàng tử Faisal bin Farhan Al Saud, Blinken chỉ nói về việc “thiết lập các khu vực an toàn ở Gaza”. Thông tin chi tiết về cuộc gặp sau đó của Blinken với Thái tử Ả Rập Saudi Mo-hammed bin Salman vẫn còn rất ít, nhưng tờ Washing-ton Post hôm Chủ nhật đưa tin rằng bin Salman, trái ngược với quan điểm của Mỹ, đã kêu gọi ngừng hoạt động của Israel.

Antony Blinken, Ngoại trưởng Hoa Kỳ phát biểu trong cuộc họp báo ở Tel Aviv, ngày 12 tháng 10 năm 2023. (Tomer Neuberg/Flash90)


Ngoài vùng Vịnh, ý tưởng chuyển giao đã nhận được nhiều lời chỉ trích trực tiếp hơn. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan, phát biểu tại cuộc họp báo ở Istanbul với người đồng cấp Ai Cập, Sameh Shoukry, nói với các phóng viên rằng chính phủ của ông bác bỏ “chính sách đưa người Palestine ra khỏi nhà của họ ở Gaza và lưu đày sang Ai Cập”. Theo Wall Street Journal, Ai Cập đã đồng ý mở cửa tạm thời cho công dân Mỹ ở Gaza đi qua Rafah vào thứ Bảy, nhưng thỏa thuận đó đã hết hạn vào lúc 5 giờ chiều, giờ Palestine mà không có người Mỹ nào vượt qua.

Trong khi đó, tờ Mada Masr của Ai Cập, trong một báo cáo được công bố trước cuộc gặp của Blinken với Tổng thống Abdel Fattah El-Sisi vào Chúa nhật, đã trích dẫn các quan chức chính phủ nói rằng “một số bên quốc tế đã thảo luận về các khuyến khích kinh tế khác nhau với Ai Cập để đổi lấy việc nước này chấp nhận lượng lớn người Palestine di tản vào Sinai.” Trên trương mục X (Twitter) của mình, Mada Masr sau đó đã đưa ra lời giải thích rõ ràng, trong đó nó cho biết bất cứ sự xem xét nào của chính phủ đối với các điều khoản được đưa ra đều bị thúc đẩy bởi “một cuộc di cư của người Palestine có thể xảy ra do Israel áp đặt”, điều mà Sisi nói với Blinken đã áp đặt “hình phạt tập thể” đối với người dân Gaza.

Hôm thứ Tư, phát biểu cùng với Thủ tướng Đức Olaf Scholz ở Cairo, Sisi nhấn mạnh quan điểm còn đang diễn biến của Ai Cập, rằng chính phủ của ông sẽ không chấp nhận “nỗ lực buộc cư dân dân sự phải tị nạn và di cư sang Ai Cập”, đề nghị thay vào đó, Israel cho phép họ đến sa mạc Negev. Sự từ chối của Sisi giờ đây đã được lặp lại bởi mọi nhà lãnh đạo Ả Rập trong chuyến công du của Blinken, và thậm chí cả Chủ tịch đang bị tả tơi của Chính quyền Palestine là Mahmoud Abbas, người đã nói nhiều trong một bài phát biểu trên truyền hình vài giờ sau khi hủy bỏ việc tham gia hội nghị thượng đỉnh bốn bên với Biden, Sisi và Vua Abdullah II của Jordan.

‘Gaza phải nhỏ hơn’

Bất chấp sự nhất trí rõ ràng giữa các nguyên thủ quốc gia Ả Rập, tổng thống Mỹ và nhà ngoại giao hàng đầu của nước này vẫn tiếp tục tránh xa việc kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, bỏ ngỏ vấn đề về việc chính quyền Biden sẽ đảm bảo nơi trú ẩn an toàn cho số lượng ngày càng tăng của người Palestine tập trung ở phía nam hoặc bị mắc kẹt ở nơi khác với nguồn cung cấp thực phẩm và nước uống bị thu hẹp.

Khói bốc lên sau các cuộc không kích của Israel ở Ra-fah, phía nam Dải Gaza, ngày 17 tháng 10 năm 2023. (Abed Rahim Khatib/Flash90)


Trong khi đó, người Israel, dựa vào Chuyến thăm Tel Avivcủa Biden, nơi ông nhắc lại sự ủng hộ vô điều kiện của Mỹ đối với Israel, dường như đang tập trung vào một “giải pháp” khác. Sáng thứ Tư, Đài phát thanh Quân đội Israel đưa tin rằng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Eli Cohen đã ám chỉ đến việc sáp nhập một phần. Co-hen nói: “Khi cuộc chiến này kết thúc, Hamas không chỉ không còn ở Gaza nữa mà lãnh thổ của Gaza cũng sẽ giảm đi”.

Quan điểm này được lặp lại bởi Gideon Sa'ar, một thành viên đối lập được MK đưa vào chính phủ khẩn cấp của Israel vào tuần trước, người nói rằng Gaza “phải nhỏ hơn khi kết thúc chiến tranh… bất cứ ai bắt đầu cuộc chiến chống lại Israel đều phải mất lãnh thổ”. Một động thái như vậy của Israel không phải là không có tiền lệ: như giáo sư Sara Roy của Harvard đã lên tài liệu, các vùng đệm do Israel áp đặt đã chiếm “gần 14% tổng diện tích Gaza và ít nhất 48% tổng diện tích đất có thể trồng trọt [của nó]”.

Với một cuộc tấn công trên bộ sắp xảy ra, đề xuất của Ayalon trên Al Jazeera rằng Israel sẽ đảm bảo bất cứ sự di dời nào của người Palestine sẽ chỉ diễn ra “trong một thời gian tạm thời” dường như ngày càng ít đáng tin cậy. Đừng quên rằng cụm từ của Ayalon có ý nghĩa lịch sử sâu xa đối với người Palestine ở Gaza, những người biết rất rõ mối nguy hiểm khi thực hiện những lời hứa của Israel. (Thí dụ, hãy nhớ lại lệnh ngừng bắn sau “Chiến dịch Bảo vệ Edge” hay cuộc chiến Gaza năm 2014 được cho là sẽ dẫn đến các cuộc đàm phán về việc mở cảng Gaza - một viễn cảnh nhanh chóng mờ đi khi cuộc bao vây của Israel ngày càng cố thủ hơn trong những năm dẫn đến cuộc chiến này.) Việc Israel từ chối cấp quyền hồi hương cho hàng triệu người tị nạn khác, bao gồm gần 1.5 triệu người đã đăng ký ở Gaza, là bằng chứng đủ để người Palestine thấy rằng bất cứ cuộc “tái định cư” nào đều nhất định sẽ vĩnh viễn.

Họ có lý do chính đáng để kết luận điều đó. Các nhà lãnh đạo kế tiếp của Israel trong nhiều thập niên đã than thở về sự hiện diện của người Palestine dọc dải đất hẹp. Thủ tướng Levi Eshkol nói về dân số Gaza vào năm 1967: “Tôi muốn tất cả họ rời đi, ngay cả nếu phải lên mặt trăng”. 25 năm sau, không lâu trước khi ký Hiệp định Oslo, Thủ tướng Yitzhak Rabin cũng đưa ra ước muốn tương tự. - “Tôi muốn Gaza chìm xuống biển” - trước khi thừa nhận rằng điều này là không thể. Tuy nhiên, những người kế nhiệm ông trong chính phủ ngày nay dường như có ý định biến mong muốn đó thành hiện thực.

Hiện tại, khi bóng ma về một cuộc di cư khác đang rình rập dân chúng bị bao vây và bắn phá, Gaza tiếp tục hứng chịu một cuộc tấn công khủng khiếp của Israel đã cướp đi sinh mạng của hơn 3,000 người Palestine. Isra-el khiến họ tin rằng việc bị từ chối nơi trú ẩn an toàn hoặc nguồn dinh dưỡng, sự sống còn của họ có thể xo-ay quanh việc cưỡng bức di chuyển dân cư - một tội ác chiến tranh mà cộng đồng quốc tế dường như không thể hoặc không muốn tìm kiếm một giải pháp thay thế.

______________________________________________________________________________________________________________

Samer Badawi tham gia The Land vào năm 2014 và đưa tin về Operation Protection Edge cho tạp chí từ Ga-za và West Bank vào mùa hè và mùa thu năm đó. Ông viết về chính sách của Hoa Kỳ đối với khu vực, hoạt động của Israel-Palestine và mối liên hệ giữa phong trào đòi quyền của người Palestine và các cuộc đấu tranh giải phóng khác. Báo cáo và phân tích của ông đã được The Washington Post trích dẫn, đăng trên Al Jazeera, BBC và các cơ quan truyền thông chính thống khác, và được Arad Nir của Kênh 2 của Israel gọi là "phải đọc".

(*) Nakba, chữ Palestine dùng để chỉ các biến cố năm 1948, khi nhiều người Palestine bị di dời bởi việc tạo lập nhà nước mới Israel. Người Palestine coi là một thảm họa, vì đã hủy diệt xã hội và quê hương Palestine và di dời vĩnh viễn đa số dân Palestine.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Cánh Đồng Mark 4:1-8 và Quảng Trường Areopagus Mới
Lm. Michael Nguyễn Quang SVD
14:18 21/10/2023
Lm. Michael Nguyễn Quang SVD
Truyền Giáo Hôm Nay: Cánh Đồng Mark 4:1-8 và Quảng Trường Areopagus Mới

https://www.youtube.com/watch?v=9KdMsReZ4RI

1. Cánh Đồng Mark 4:1-8 và Quảng Trường Areopagus, Acts 17:16-34
Đức Kitô, người truyền giáo đầu tiên của dòng lịch sử ơn cứu độ, trong bối cảnh văn hóa Do Thái của thiên niên thứ nhất, đã miêu tả hình ảnh truyền giáo của Thiên Chúa như một người gieo giống trên nương đồng. Hạt giống từ tay Người rơi vào các khu vực khác nhau của cánh đồng. Hạt rơi vào đất tốt sinh ra năng suất của ba mươi, sáu mươi và một trăm hạt mới (Mark 4:1-8).
Theo như Tông đồ Công Vụ, trong hành trình truyền giáo lần thứ hai, thánh Phaolô đã dừng chân tại quảng trường Areopagus ở thành phố Athens. Tại đây, trong khi tham gia vào cuộc đối thoại tôn giáo với tầng lớp thượng lưu tại Areopagus, Phaolô đã trình bày một đề xuất tôn giáo. Đó là, vị thần mà họ thờ phượng với danh xưng, “Chúa, Đấng không biết tên” thật ra không ai khác ngoài Thiên Chúa Cha, Người đã phục sinh Đức Giêsu từ trong cõi chết (Acts 17:16-34).

2. Nền tảng Trực Tuyến Xã Hội: Cánh Đồng và Areopagus Mới
Trong thời đại kỹ thuật số, Cánh Đồng trong Tin Mừng Mark 4 và quảng trường Areopagus có thể được so sánh với các nền tảng truyền thông xã hội của thời đại kỹ thuật số.

Hiện nay, mọi người trên thế giới trung bình dành 151 phút hàng ngày để tương tác với các nền tảng kỹ thuật số, gần 3 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Broadband Search ghi nhận người dân của ngôi làng toàn cầu trung bình dành ra 147 phút, gần 2 tiếng rưỡi mỗi ngày trên các nền tảng truyền thông xã hội. Nam Mỹ dẫn đầu với thời gian trung bình của 3 giờ 24 phút, tiếp theo là châu Phi với 3 giờ 10 phút, châu Á/châu Đại Tây Dương với 2 giờ 16 phút, Bắc Mỹ với 2 giờ 6 phút, và châu Âu với 1 giờ 15 phút. Khi xem xét 7 nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất của ngôi làng toàn cầu, người ta nhận ra Facebook dẫn đầu với trung bình 33 phút một ngày cho một người sử dụng trang mạng, tiếp theo là TikTok với 32 phút, Twitter và Snapchat chia sẻ con số 31 phút, Instagram với 29 phút, WhatsApp với 28 phút và YouTube với 19 phút.

Belle Wong đưa ra con số khoảng 4.9 tỷ người trong số 8 tỷ dân trên thế giới sử dụng mạng xã hội vào năm 2023, tính đến ngày hôm nay. Trung bình, người sử trụng trang mạng xã hội thường tương tác với 6 hoặc 7 nền tảng trực tuyến hàng tháng. Các nghiên cứu về trang mạng xã hội cũng cho thấy trong những năm đầu đời, người ta thường sử dụng trang mạng để giao tiếp. Tuy nhiên, mọi người ở mọi lứa tuổi đều chuyển sang các diễn đàn trực tuyến để thảo luận về các vấn đề liên quan đến kinh doanh, chính trị, hẹn hò và đối thoại hàng ngày.

Các dữ liệu vừa được liệt kê ở trên giúp mọi người nhận ra khuôn mặt của Cánh Đồng và quảng trường Areopagus mới trong thời đại kỹ thuật số, nơi đây mọi người của ngôi làng toàn cầu tụ họp hàng ngày để kết nối và sinh hoạt. Nói một cách khác, khi xem xét qua góc độ truyền giáo, những nền tảng trang mạng xã hội có thể được ví như một Cánh Đồng và Areopagus đương đại, nơi đây nhiều người của nguồn gốc, độ tuổi, văn hóa và tôn giáo đa dạng tụ họp hàng ngày để trao đổi suy tư về đời sống và tâm linh.

3. Đối thoại với Thời Đại Kỹ thuật số
Trong bối cảnh mới, Cánh Đồng và Areopagus mới, Giáo hội phải hiện diện rõ ràng. Đơn giản là, Giáo Hội trong thế giới đương đại phải tham gia vào cuộc đối thoại với thời đại kỹ thuật số. Trong Cánh Đồng và Areopagus mới này, Giáo Hội tham gia tích cực trong các cuộc thảo luận, đề xuất suy tư, cung cấp câu trả lời, và đặt ra các câu hỏi, tất cả từ góc độ của Đức Giêsu Kitô và Tin Mừng.

Theo tinh thần tông đồ Phaolô tại Areopagus, tất cả mọi tín hữu đều được khuyến khích bắt đầu hoặc tiếp tục hành trình đến quảng trường Areopagus mới này. Trên những trang mạng xã hội, người tín hữu lắng nghe và chia sẻ Tin Mừng tới tất cả những người thường xuyên thăm viếng không gian kỹ thuật số này. Các dòng tu duy trì các trang web, với thông tin được cập nhật hàng ngày, và các kênh thông tin xoay quanh Đức Kitô, Tin Mừng và hoạt động mục vụ tông đồ của Giáo Hội toàn cầu.

Giống như Phaolô đã phải đối mặt với sự từ chối khi thảo luận về việc Đức Kitô sống lại tại quảng trường Areopagus, Giáo hội phải tiếp cận đối thoại kỹ thuật số với lòng khiêm nhường. Tương tự như những thách thức của thời Phaolô, Giáo hội có thể gặp phải sự phản đối từ khán giả trên quảng trường Areopagus mới này. Và Giáo hội vẫn khiêm nhường chấp nhận bất đồng tôn kiến với tinh thần tri ân trong sự hiểu biết.
(Trích "5 Phương Cách Rao Giảng Tin Mừng trong Thời Đại Kỹ Thuật Số")
 
Church Documents
Cẩm Hạnh – News 22 October, 2023
Đặng Tự Do
19:38 21/10/2023
1. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết như sau:

Vào ngày 18 tháng 10 năm 2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo rằng Nga sẽ bắt đầu tiến hành các cuộc tuần tra bằng chiến đấu cơ ở phía đông Hắc Hải bằng cách sử dụng máy bay đánh chặn MiG-31I được trang bị hỏa tiễn đạn đạo phóng từ trên không Kh-47M2 KINZHAL, nghĩa là dao găm.

Lời biện minh của ông ta tham chiếu đến việc tăng cường hiện diện hàng hải gần đây của Hoa Kỳ ở phía đông Địa Trung Hải, với mục đích đe dọa các tàu này khi sử dụng hệ thống vũ khí có tầm bắn được công bố lên tới 2000 km.

Thông báo này phù hợp với luận điệu điển hình của Nga nhắm vào khán giả trong nước, gọi phương Tây là những kẻ xâm lược trong khi coi hoạt động của Nga là cần thiết để bảo vệ nhà nước.

Việc Putin đề cập cụ thể đến hỏa tiễn KINZHAL và khả năng của nó gần như chắc chắn là nhằm mục đích truyền tải thông điệp chiến lược, nhằm chứng minh rằng Nga vẫn có thể sản xuất và vận hành các loại vũ khí mới được phát triển, bất chấp cuộc xung đột Ukraine đang diễn ra.

KINZHAL vẫn đang trong quá trình thử nghiệm hoạt động, với hiệu suất hoạt động ở Ukraine cho đến nay vẫn còn kém.

Trên giấy tờ, nó vẫn có khả năng cao, có thể bay ở tốc độ siêu thanh và tránh các hệ thống phòng không hiện đại, mặc dù gần như chắc chắn cần phải cải thiện đáng kể cách Nga sử dụng nó để đạt được tiềm năng này.

2. Lực lượng đặc biệt SBU phá hủy thêm hai hệ thống phòng không Nga, hai radar, 10 kho đạn

Trong hai tuần qua, lực lượng của Trung tâm Tác chiến Đặc biệt A của SBU đã phá hủy 2 hệ thống phòng không, 10 hệ thống tác chiến điện tử, 6 máy cắt, 2 radar Murom và 10 kho đạn của Nga.

Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Thượng Úy Andriy Yusov, đã cho biết như trên. Để tấn công các mục tiêu, SBU đã triển khai máy bay không người lái tấn công và các khả năng khác.

Lực lượng SBU cũng tiêu diệt 232 quân xâm lược, 20 xe tăng, 42 xe chiến đấu bọc thép, 21 hệ thống pháo binh, 96 xe tải quân sự và 157 công sự.

Ngoài ra, quân SBU còn phát hiện hỏa lực pháo binh, giúp tiêu diệt gần 170 quân xâm lược và phá hủy 50 đơn vị khí tài quân sự của Nga, bao gồm 6 xe tăng, 7 xe chiến đấu bọc thép, 21 hệ thống pháo binh, 3 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt và các thiết bị khác.

Như Ukrinform đưa tin, số quân nhân Nga thiệt mạng ở Ukraine hiện ở mức 292.850.

3. Nga tấn công vào bưu điện trung tâm Kharkiv

Theo Oleh Synehubov, Thống Đốc khu vực Kharkiv, sáng thứ Bẩy 21 Tháng Mười, Nga đã tấn công vào bưu điện trung tâm Kharkiv.

Ông cho biết, cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào bưu điện trung tâm Kharkiv, đông bắc Ukraine đã khiến ít nhất 6 người thiệt mạng và 14 người khác bị thương.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã chia sẻ một đoạn video vào tối thứ Bảy cho thấy một nhà kho bị hư hỏng nặng được bao quanh bởi đống đổ nát và một container có logo của nhà điều hành bưu chính Ukraine Nova Poshta. Ông cho biết đây là cơ sở dân sự và kêu gọi các đồng minh của Ukraine đoàn kết trong “cuộc chiến chống khủng bố”.

Thống đốc vùng Kharkiv Oleh Synehubov cho biết: “Tất cả 6 người chết và 14 người bị thương do cuộc tấn công của quân xâm lược đều là nhân viên của công ty đang ở bên trong bưu điện Nova Poshta. “Đây hoàn toàn là một địa điểm dân sự,” ông nói. “Người Nga đã gây thêm khủng bố cho người dân yên bình ở Kharkiv.”

Ông nói thêm: “Các nạn nhân, trong độ tuổi từ 19 đến 42, bị thương do mảnh đạn và vụ nổ”.

Trong số 14 người đang được điều trị tại bệnh viện, có 7 người trong tình trạng nghiêm trọng. Ông nói: “Các bác sĩ đang chiến đấu vì sự sống của họ.

Theo văn phòng công tố khu vực, lực lượng Nga ở khu vực Belgorod phía bắc Kharkiv đã bắn hỏa tiễn S-300, hai trong số đó đã bắn trúng bưu điện trung tâm.

“Việc phân tích các mảnh vỡ vẫn tiếp tục diễn ra tại hiện trường nhằm xác định chính xác số người bị thương và thiệt mạng”, phát ngôn viên văn phòng Dmytro Chubenko nói với đài truyền hình nhà nước Suspilne của Ukraine.

4. Ukraine: Hơn 1/3 lãnh thổ Ukraine bị nhiễm mìn và vật liệu nổ

Hơn một phần ba lãnh thổ Ukraine bị ô nhiễm mìn và vật nổ do chiến tranh với Nga. phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, đã cho biết như trên trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng Chúa Nhật 22 tháng 10.

Trong tuần qua, các chuyên gia của Bộ chỉ huy lực lượng hỗ trợ của lực lượng vũ trang Ukraine đã kiểm tra và rà phá hơn 260 ha đất nông nghiệp và các vùng lãnh thổ khác khỏi các vật thể nổ, trong đó 3.530 vật thể nổ đã được loại bỏ và vô hiệu hóa.

Tổng cộng, kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược vũ trang quy mô lớn của Liên bang Nga chống lại Ukraine, các nhóm rà phá bom mìn thuộc các đơn vị chỉ huy lực lượng hỗ trợ của lực lượng vũ trang Ukraine đã rà phá hơn 11.285 nghìn ha đất nông nghiệp chứa vật nổ, loại bỏ các vật thể nổ; và vô hiệu hóa 135.792 vật thể nổ.

5. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phàn nàn về việc Thổ Nhĩ Kỳ và Hung Gia Lợi tiếp tục cản trở Thụy Điển gia nhập NATO

Jens Stoltenberg, tổng thư ký NATO, cho biết ông đã nói chuyện với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan về chủ nghĩa khủng bố, tình hình ở Trung Đông và việc Thụy Điển gia nhập NATO.

Thụy Điển và Phần Lan nộp đơn xin gia nhập NATO vào năm ngoái sau khi Nga xâm chiếm Ukraine. Tư cách thành viên của Phần Lan đã được ký kết vào tháng 4, đánh dấu sự mở rộng lịch sử của khối quốc phòng phương Tây, nhưng nỗ lực của Thụy Điển đã bị Thổ Nhĩ Kỳ và Hung Gia Lợi cản trở.

Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Thụy Điển phải thực hiện nhiều bước đi hơn nữa trong nước để trấn áp Đảng Công nhân người Kurd, gọi tắt là PKK, là nhóm mà Liên Hiệp Âu Châu và Mỹ cũng coi là một nhóm khủng bố.

Trong cuộc họp khoáng đại của NATO ở Vilnius, Lithuania, Thổ Nhĩ Kỳ, với lực lượng quân sự lớn thứ hai trong NATO, cho biết sẽ tán thành đơn xin gia nhập của Thụy Điển và có thể nhanh chóng thực hiện đề xuất này. Tuy nhiên, ba tháng sau vẫn chưa có một chuyển động tích cực nào.

6. Thống đốc khu vực Serhiy Lysak yêu cầu phải có các hành động cụ thể để tránh Nga bắn phá từ nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia

Thống đốc khu vực Serhiy Lysak cho biết một người đàn ông đã thiệt mạng khi lực lượng Nga pháo kích vào thị trấn Nikopol do Ukraine nắm giữ từ thành trì của họ tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, là nhà máy hạt nhân lớn nhất Ukraine.

Lysak cho biết các dịch vụ khẩn cấp ở Nikopol đang làm việc để đánh giá thiệt hại, hãng tin AP đưa tin.

Quân đội Nga đã chiếm được nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ngay từ đầu cuộc chiến, làm dấy lên lo ngại về khả năng gây ra phóng xạ khi pháo kích vẫn tiếp diễn gần địa điểm này, thường nhắm vào các khu định cư do Ukraine kiểm soát trên sông Dnipro.

Hôm 7 tháng 10, nhà lãnh đạo Tổng cục Tình báo, gọi tắt là GUR, Trung Tướng Kyrylo Budanov, xác nhận rằng các đội hoạt động đặc biệt của Tổng cục đã ba lần cố gắng đổ bộ vào tả ngạn sông Dnipro nhằm tạo đầu cầu giải phóng Enerhodar bị tạm chiếm và nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ông cho biết như trên trong cuộc phỏng vấn với radio New Voice Of Ukraine, gọi tắt là NV.

Năm ngoái, vào tháng 8, binh lính GUR đã vượt qua Hồ chứa nước Kakhovka lúc đó vẫn còn đầy nước ở khu vực Enerhodar. Mục tiêu của họ là tạo ra một đầu cầu ở tả ngạn phù hợp cho việc giải phóng thành phố hơn nữa. Volodymyr, một người tham gia hoạt động đó, trước đó đã nói với NV về hoạt động đó với điều kiện giấu tên.

Vào thời điểm đó, người Nga đã tìm cách kết nối nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia với mạng lưới năng lượng của họ, điều này sẽ giúp Nga đánh cắp được nguồn điện của Ukraine.

Các chiến binh đổ bộ gần Enerhodar, nhưng không đạt được mục tiêu. Theo Volodymyr, họ thiếu pháo binh yểm trợ. Dưới áp lực của lực lượng xâm lược vượt trội, quân Ukraine đã rút lui. Trước khi thực hiện nỗ lực đó, các đơn vị tình báo quốc phòng không có kinh nghiệm thực hiện các hoạt động như vậy.

Nhưng, Tướng Budanov và người của ông không từ bỏ ý định giải phóng Enerhodar và nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Lực lượng GUR đã cố gắng đổ bộ vào tả ngạn Dnipro hai lần nữa. Hàng trăm người đã tham gia vào nỗ lực mới nhất này.

“Nhưng khi GUR có được kinh nghiệm trong các hoạt động đổ bộ, người Nga trong khu vực ngày càng chuẩn bị kỹ càng hơn. Và vào thời điểm diễn ra chiến dịch đổ bộ thứ ba, họ đã triển khai các khí tài quân sự hạng nặng, bao gồm cả xe tăng, tới tận bờ sông”

Vì vậy, các chiến binh GUR không giành được chỗ đứng nữa, buộc phải rút lui. Budanov thừa nhận rằng sự thành công của ba cuộc hành quân bị cản trở bởi những thiếu sót trong cả chỉ huy và điều hành. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo cơ quan tình báo nhấn mạnh, người Nga không dám kết nối nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia với hệ thống năng lượng của họ.

“Ngoài ra, các hoạt động này còn đóng một vai trò khác: nó cung cấp các kỹ năng thực tế cho mọi người – từ ban chỉ huy đến các chiến binh – cách hoạt động trên mặt nước. Kinh nghiệm này đã được áp dụng rất tốt và được sử dụng sau này. Ví dụ như trong cuộc đổ bộ ở Crimea”, Budanov lưu ý.

Tướng Budanov cho biết khó khăn là làm sao bắt sống được bọn chỉ huy Nga và lính canh. 822 nhân viên nhà máy điện hạt nhân Ukraine vẫn ở bên trong nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Quân xâm lược sử dụng họ như con tin. Cả nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia cũng là con tin cho quân Nga. Nếu có gì bất trắc, chúng sẽ bắn chết các con tin hay làm nổ tung nhà máy.

7. Ít nhất hai thường dân đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công qua đêm của Nga

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng Chúa Nhật 22 tháng 10, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska, cho biết ít nhất hai người đã thiệt mạng và những người khác bị thương trên khắp Ukraine khi lực lượng Nga tiếp tục pháo kích các khu vực tiền tuyến và các khu vực khác của đất nước.

Tại Kryvyi Rih, quê hương của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy ở miền trung Ukraine, một người đàn ông 60 tuổi đã chết vào tối thứ Sáu khi một hỏa tiễn của Nga bắn trúng một cơ sở công nghiệp.

Lyutnytska cho biết thêm vợ của người đàn ông này phải vào bệnh viện trong tình trạng bị mảnh đạn nặng.

Đầu ngày thứ Bảy, hỏa tiễn và máy bay không người lái của Nga qua đêm lại tấn công cùng một địa điểm, gây ra thiệt hại chưa xác định và gây ra một đám cháy đã được dập tắt vào buổi sáng. Cô cho biết không ai bị thương trong cuộc tấn công thứ hai.

Hôm thứ Bảy tại vùng Kherson của Ukraine, một thường dân đã thiệt mạng và một người khác bị thương khi lực lượng Nga tiến hành các cuộc tấn công bằng pháo kích.

Lyutnytska cho biết quân đội Nga đã sử dụng súng cối, pháo binh, xe tăng, máy bay không người lái và hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt để nhắm vào một số khu dân cư.

8. Đức cam kết thêm 175 triệu bảng để tái thiết Ukraine

Đức được tường trình sẽ cung cấp thêm 200 triệu euro cho Ukraine để hỗ trợ đất nước khôi phục hệ thống giáo dục và chăm sóc sức khỏe, nguồn cung cấp nước uống và tái thiết các thành phố.

Đầu tháng này, Đức đã công bố một gói hỗ trợ khác cho Ukraine, trị giá khoảng 1 tỷ euro, theo Bộ Quốc phòng nước này.

Bộ trưởng Quốc phòng nước này, Boris Pistorius, cho biết:

Đức sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine những thứ nước này cần khẩn cấp nhất – phòng không, đạn dược và xe tăng.

Với 'gói mùa đông' mới này, chúng tôi sẽ tăng cường hơn nữa khả năng sẵn sàng hoạt động của lực lượng vũ trang Ukraine trong những tháng tới.

9. Tình báo Mỹ cho biết Nga đang làm suy yếu niềm tin vào các cuộc bầu cử trên toàn cầu

Mạc Tư Khoa sử dụng mạng lưới gián điệp, phương tiện truyền thông nhà nước và phương tiện truyền thông xã hội để làm lung lay niềm tin vào nền dân chủ, Giám đốc CIA William Burns cho biết như trên trong một báo cáo được gửi tới 100 quốc gia.

Ông nhấn mạnh rằng Nga đang sử dụng mạng lưới gián điệp, phương tiện truyền thông nhà nước và mạng xã hội để làm suy yếu niềm tin của công chúng vào các cuộc bầu cử trên toàn thế giới.

Báo cáo công bố hôm thứ Sáu cho biết: “Nga đang tập trung thực hiện các hoạt động nhằm làm suy giảm niềm tin của công chúng về tính liêm chính trong bầu cử”.

“Đây là một hiện tượng toàn cầu. Thông tin của chúng tôi chỉ ra rằng các quan chức cao cấp của chính phủ Nga, bao gồm cả Điện Cẩm Linh, nhìn thấy giá trị của loại hoạt động gây ảnh hưởng này và nhận thấy nó có hiệu quả”.

Đánh giá này được gửi dưới dạng điện tín tới đại sứ quán của khoảng 100 quốc gia ở Âu Châu, Á Châu, Phi Châu và Bắc Mỹ, diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Washington và Mạc Tư Khoa về cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine.

Báo cáo cho biết Nga đã thực hiện một “nỗ lực phối hợp” từ năm 2020 đến năm 2022 nhằm làm suy yếu niềm tin của công chúng vào ít nhất 11 cuộc bầu cử ở 9 nền dân chủ, bao gồm cả Hoa Kỳ.

Ông cho biết thêm, 17 nền dân chủ khác đã bị tấn công thông qua các phương pháp “ít rõ ràng hơn” liên quan đến hoạt động nhắn tin và truyền thông xã hội của Nga nhằm tìm cách khuếch đại các câu chuyện trong nước liên quan đến tính liêm chính trong bầu cử.

Không nêu tên các quốc gia mục tiêu, báo cáo cho biết chính phủ Mỹ đã chia sẻ với họ thông tin về các hoạt động của Nga.

Ông cáo buộc Nga sử dụng cả “cơ chế bí mật và công khai” để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử.

Điều đó bao gồm các mạng lưới ảnh hưởng do cơ quan an ninh của họ, Cơ quan An ninh Liên bang, gọi tắt là FSB, quản lý, đã bí mật cố gắng đe dọa các nhân viên chiến dịch trong cuộc bầu cử năm 2020 ở một quốc gia Âu Châu không được nêu tên vì tính chất nhạy cảm của vấn đề.

Truyền thông nhà nước Nga đã phóng đại “những tuyên bố sai sự thật về gian lận bầu cử” trong nhiều cuộc bầu cử ở Á Châu, Âu Châu, Trung Đông và Nam Mỹ vào năm 2020 và 2021, báo cáo nói thêm.

Báo cáo cho biết, Nga cũng khai thác các nền tảng truyền thông xã hội và “trang web ủy quyền” để gây nghi ngờ về tính trung thực của cuộc bầu cử ở một quốc gia Nam Mỹ vào năm ngoái.

Báo cáo nhấn mạnh rằng: “Đối với Nga, lợi ích của các hoạt động này có hai mục tiêu: thứ nhất là gieo rắc sự bất ổn trong xã hội dân chủ và thứ hai là mô tả các cuộc bầu cử dân chủ là gian lận và các chính phủ được cử lên là bất hợp pháp”.

Báo cáo cho biết, Hoa Kỳ nhận ra “điểm yếu của mình trước mối đe dọa này”, đồng thời nhắc lại rằng các tác nhân Nga đã tìm cách làm suy yếu niềm tin của công chúng vào cuộc bầu cử năm 2020.

Trong một cuộc họp báo trên phương tiện truyền thông, một quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Nga được khuyến khích thúc đẩy các hoạt động gây ảnh hưởng đến bầu cử sau khi được cho là đã thành công trong việc truyền bá thông tin sai lệch về cuộc bầu cử Mỹ năm 2020 và đại dịch Covid-19.

“ Nga đang tận dụng những gì họ cho là thành công tương đối rẻ tiền vào năm 2020 ở Hoa Kỳ để thực hiện điều này một cách rộng rãi hơn trên toàn cầu”.

Không có phản ứng ngay lập tức đối với báo cáo từ chính phủ Nga.
 
VietCatholic TV
Nga chạy không kịp: 1380 quân tử trận cùng 55 tăng, 120 thiết giáp. Stockholm cho Kyiv máy bay quý
VietCatholic Media
01:54 21/10/2023


1. Chiến đấu cơ Gripen của Thụy Điển được thiết kế để chống lại Nga. Ukraine sắp có những chiến đấu cơ ấy nếu Thụy Điển gia nhập NATO.

Ký giả CHARLIE DUXBURY của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “Sweden edges closer to sending Gripen fighter jets to Ukraine”, nghĩa là “Thụy Điển tiến gần hơn đến việc gửi chiến đấu cơ Gripen tới Ukraine”.

Saab JAS 39 Gripen của Thụy Điển, một chiến đấu cơ công nghệ cao được phát triển trong Chiến tranh Lạnh với Liên Xô, có thể sắp chứng kiến một cuộc xung đột nóng bỏng với Mạc Tư Khoa lần đầu tiên.

Trong những tuần gần đây ở Thụy Điển, chính phủ trung hữu đã nhẹ nhàng chuẩn bị cơ sở cho khả năng triển khai máy bay tới Ukraine sau thông báo của các nước láng giềng Âu Châu là Na Uy, Đan Mạch, Bỉ và Hà Lan rằng họ có kế hoạch gửi máy bay phản lực F-16 của Lockheed Martin. tới Kyiv.

Bộ trưởng Quốc phòng Pål Jonson cho biết hồi đầu tháng này rằng ông đã chỉ đạo lãnh đạo quân đội Thụy Điển kiểm tra tác động tiềm tàng của việc cung cấp nhiều loại hỗ trợ khác nhau cho năng lực chiến đấu cơ của Ukraine, bao gồm xuất khẩu hoặc tặng máy bay Gripen. Jonson cho biết quân đội sẽ báo cáo lại trước ngày 6 tháng 11.

Ông nói với các phóng viên ở Stockholm: “Phân tích này sẽ cần xem xét khả năng phòng thủ của chúng tôi bị ảnh hưởng như thế nào, cả khả năng hoạt động của chúng tôi ở đây và hiện tại cũng như tài chính quốc phòng dài hạn của chúng tôi”.

Các quyết định về F-16 đang khiến việc triển khai Gripen trở thành một điểm thảo luận tích cực.

Stefan Ungerth, chuyên gia về phòng không tại Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Thụy Điển, gọi đó chỉ là “vấn đề thời gian”.

Nếu Thụy Điển quyết định gửi máy bay phản lực, các chuyên gia cho rằng có thể phải mất tới một năm trước khi chúng bay qua Ukraine, vì các phi công và kỹ sư sẽ cần được đào tạo về các hệ thống độc đáo của nước này. Tuy nhiên, các máy bay có thể có tác động lớn.

Ungerth nói: “Ngay cả một số lượng máy bay tương đối nhỏ, chẳng hạn như 10 chiếc, cũng sẽ mang lại lợi ích lớn cả về mặt hoạt động lẫn tinh thần cho Ukraine”.

Khả năng triển khai Gripens ở Stockholm diễn ra trong bối cảnh Kyiv ngày càng lo ngại về khả năng bị lung lay trong sự hỗ trợ quân sự kiên định của phương Tây, đặc biệt là ở Mỹ, nơi các thành viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện ngày càng phản đối viện trợ thêm.

Trong khi đó, ở Slovakia, việc Robert Fico tái đắc cử chức thủ tướng gần đây cũng gây ra nhiều lo ngại. Fico đã đề xuất chấm dứt hỗ trợ quân sự cho nước láng giềng phía đông của đất nước mình.

Nhưng ở Thụy Điển, cũng như ở các nước Bắc Âu khác và khắp các nước vùng Baltic, nơi vị trí địa lý gần với Nga làm gia tăng lo ngại về an ninh, có rất ít dấu hiệu cho thấy bất kỳ sự dao động nào.

Cuộc thăm dò cho thấy sự ủng hộ việc cung cấp vũ khí cho Ukraine của người dân Thụy Điển là một trong những mức ủng hộ mạnh mẽ nhất ở Âu Châu, và trong bình luận của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Jonson đã tăng gấp đôi cam kết của chính phủ ông.

Jonson nói: “Tôi biết có sự hiểu biết rằng mặt đất đang rung chuyển trong liên minh quốc tế nhưng đó không phải là sự hiểu biết của tôi”. “Điều quan trọng hiện nay là chúng tôi nằm trong số những quốc gia tăng cường hỗ trợ và gói hỗ trợ thứ 14 của chúng tôi sẽ được coi là tín hiệu về sự tham gia sâu sắc của Thụy Điển đối với hỗ trợ lâu dài và bền vững. “

Thụy Điển đã gửi hỏa tiễn chống tăng di động, xe thiết giáp và hệ thống pháo binh tới Ukraine. Gói thứ 14 bao gồm các phụ tùng thay thế và đạn dược cùng những thứ khác.

Sự ủng hộ đó thể hiện rõ ở Stockholm, nơi người dân địa phương tập trung tại quảng trường trung tâm vào thứ Hai hàng tuần để phản đối cuộc xâm lược của Nga.

Từ trên sân khấu, cựu thành viên Nghị viện Âu Châu Gunnar Hökmark kêu gọi những người Thụy Điển đồng hương của mình hãy tập trung vào cuộc xung đột và đừng rời mắt.

Trong đám đông, Sture Vikman, một người hưu trí 70 tuổi, nói rằng Thụy Điển nên cử Gripens đến Ukraine.

Ông nói: “Điều đó sẽ tốt nhất cho Ukraine và toàn bộ Âu Châu”. “Nếu họ thua, tất cả chúng ta đều thua.”

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiyy từ lâu đã nói rõ rằng quân đội của ông muốn có Gripen, và các chuyên gia cho rằng ông có thể tìm kiếm 16 đến 20 máy bay.

Trong chuyến thăm Stockholm vào tháng 8, tổng thống Ukraine đã gọi Gripen là “niềm tự hào của Thụy Điển”.

“Đó là niềm tự hào mà bạn nên chia sẻ với bạn bè của mình,” anh nói.

Gripen có thể giúp ích một cách có ý nghĩa cho những nỗ lực của Ukraine trong việc kiểm soát không phận của mình. Nó được coi là tương đối rẻ, dễ bảo trì và có thể hoạt động từ các phi đạo ngắn hơn, hẹp hơn, bao gồm cả các phi đạo hạ cánh ngẫu hứng trên các đoạn đường cao tốc thẳng tắp. Điều này làm giảm nguy cơ máy bay tập trung tại một căn cứ lớn hơn và bị tiêu diệt chỉ sau một cuộc tấn công của đối phương.

Các nhà phân tích tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia, một cơ quan cố vấn của Anh, đã lưu ý trong một báo cáo năm ngoái rằng Gripen được trang bị đặc biệt để chống lại radar hỏa tiễn đất đối không và chiến đấu cơ của Nga.

Trong video quảng cáo của Saab, có thể thấy một phi công đang hạ cánh trên đường cao tốc ở phía nam Thụy Điển và nhanh chóng dừng lại.

Pär Henriksson, phát ngôn nhân của Saab cho biết: “Gripen có những năng lực rất phù hợp với quan điểm của Ukraine”. “Có lẽ điều quan trọng nhất là ngay từ đầu Gripen đã được thiết kế để chống lại mối đe dọa từ Nga”.

Máy bay này đã được bán cho các nước trong đó có Brazil và Hung Gia Lợi. Các nhà quan sát cho rằng nếu nó được triển khai ở Ukraine và hoạt động tốt thì điều đó có thể giúp tạo dựng danh tiếng cho nó.

Mới gần đây vào tháng 5, Jonson đã nói rằng Thụy Điển không đủ khả năng gửi bất kỳ chiếc Gripens nào tới Ukraine vì chiến lược phòng thủ quốc gia của nước này từ lâu đã phụ thuộc rất nhiều vào sức mạnh không quân và việc làm suy yếu sức mạnh này sẽ là quá nhiều rủi ro.

Nhưng đến tháng 8, áp lực lên Đảng Ôn hòa cầm quyền của Jonson và Thủ tướng Ulf Kristersson bắt đầu gia tăng khi các đối tác liên minh cấp dưới là Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo và Đảng Tự do nói rằng Thụy Điển nên gửi máy bay, lặp lại lời kêu gọi của đảng đối lập lớn nhất, là Đảng Dân chủ Xã hội.

“Chúng ta không thể để Nga giành chiến thắng,” lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội Magdalena Andersson nói khi đó. “chiến đấu cơ Gripen sẽ tạo ra sự khác biệt lớn cho Ukraine”.

Tuy nhiên, cả chính phủ và Đảng Dân chủ Xã hội đều đưa ra một lời cảnh báo, nói rằng Thụy Điển phải là thành viên của NATO - và là một bên tham gia các cam kết phòng thủ chung - trước khi có thể mạo hiểm gửi bất kỳ chiếc Gripens nào tới. Tư cách thành viên NATO của Thụy Điển vẫn đang bị Thổ Nhĩ Kỳ và Hung Gia Lợi cản trở.

Vikman, người về hưu, cho biết ông có thể thấy rằng Thụy Điển phải cẩn thận để việc quyên góp máy bay phản lực không khiến nước này dễ bị tổn thương.

“Nhưng trên hết, chúng ta phải giúp Ukraine.”

2. Nga vừa trải qua một trong những ngày tang tóc nhất cho đến nay

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Just Suffered One of Its Deadliest Days So Far, According to Kyiv”, nghĩa là “Kyiv cho biết Nga vừa trải qua một trong những ngày chết chóc nhất cho đến nay.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Cẩm Hạnh.

Quân đội Kyiv cho biết trong một bản cập nhật hôm thứ Sáu rằng Nga đã mất hơn 1.300 quân chỉ trong một ngày, đánh dấu một trong những ngày đẫm máu nhất của Nga kể từ khi xâm chiếm Ukraine.

Khi Kyiv đẩy mạnh phản công để đòi lại lãnh thổ bị tạm chiếm, lực lượng Mạc Tư Khoa đã mất 1.380 quân nhân trong 24 giờ qua, nâng tổng số thương vong của Nga kể từ tháng 2 năm 2022 lên 292.060, theo số liệu do Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang công bố vào ngày 20 tháng 10.

Newsweek không thể xác minh độc lập các số liệu. Các ước tính về con số thương vong khác nhau, trong đó con số của Kyiv thường vượt quá con số của các đồng minh phương Tây. Nga hiếm khi công bố thông tin về tổn thất quân đội, nhưng vào tháng 9/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết 5.937 binh sĩ đã thiệt mạng trong cuộc chiến.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để yêu cầu bình luận qua email.

Nga cũng mất 5.047 xe tăng, trong đó 55 chiếc bị phá hủy trong 24 giờ qua, 9.557 xe thiết giáp, trong đó 120 chiếc bị phá hủy chỉ trong một ngày. Theo bản cập nhật, tổng cộng 29 hệ thống pháo binh của Nga cũng bị phá hủy trong ngày qua, nâng tổng thiệt hại lên 7.012.

Các tổn thất khác của Nga bao gồm 9.370 xe chuyển quân và nhiên liệu, 822 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 548 hệ thống phòng không, 985 thiết bị đặc biệt, 1.535 hỏa tiễn hành trình, 320 máy bay, 324 máy bay trực thăng, 5.326 máy bay không người lái, 20 tàu thuyền và một tàu ngầm. tới Kyiv.

Thương vong của Ukraine và Nga tiếp tục gia tăng trong bối cảnh cuộc phản công của Kyiv bắt đầu vào đầu tháng 6. Các cuộc đụng độ nặng nề đã được báo cáo khi Mạc Tư Khoa cố gắng chiếm giữ thị trấn Avdiivka ở vùng Donetsk của Ukraine, nơi đã trở thành mục tiêu xâm lược của Nga kể từ năm 2014, khi Putin sáp nhập bất hợp pháp miền nam bán đảo Crimea từ Ukraine.

Các lực lượng của Mạc Tư Khoa, bắt đầu từ ngày 10 tháng 10, đã tiến hành cuộc tấn công lớn nhất trong nhiều tháng nhằm cố gắng chiếm Avdiivka, đổ hàng nghìn binh sĩ, xe tăng và xe thiết giáp.

Vào ngày 11 tháng 10, nhà lãnh đạo chính quyền quân sự địa phương ở Avdiivka, Vitaliy Barabash, cho biết trên truyền hình quốc gia rằng các trận chiến xung quanh Avdiivka “không hề suy giảm” và “hai chục hỏa tiễn” đã tấn công khu vực, dẫn đến nhiều thương vong.

Radu Hossu, một chiến lược gia chính trị đăng bài về cuộc chiến ở Ukraine trên X, trước đây gọi là Twitter, cho biết trong một bản tóm tắt về cuộc tấn công ở Avdiivka tuần trước rằng hàng trăm lính bộ binh Nga đang bị pháo binh Ukraine “nghiền nát”.

Hossu viết: “Thật khó tin và gần như không thể tưởng tượng được cách người Nga coi thường quân đội của họ, tấn công hoàn toàn vô tổ chức và vô nghĩa trong nỗ lực bao vây thị trấn pháo đài ở rìa Donetsk”.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh hôm thứ Năm cho biết Mạc Tư Khoa đã thực hiện “một bước tiến nhỏ được xác nhận” về hướng Avdiivka và lực lượng của Kyiv đã tiến hành các cuộc phản công hạn chế gần thị trấn và “được cho là đã tiến lên”.

3. Trong vụ tấn công Avdiivka thất bại, Nga đã bị quân Ukraine ngăn chặn quyết liệt.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia 'Violently Stopped' in Avdiivka Assault Failure”, nghĩa là “Nga bị 'ngăn chặn quyết liệt' trong vụ tấn công Avdiivka thất bại.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Đoạn phim được phát hành trên mạng xã hội cho thấy một cuộc tấn công bị ngăn chặn của Nga, nơi lực lượng Mạc Tư Khoa đang tiến hành cuộc tấn công lớn nhất trong nhiều tháng.

Ukraine nói rằng nỗ lực của Nga nhằm chiếm Avdiivka ở tỉnh Donetsk của Ukraine với sự tham gia của xe tăng, xe thiết giáp và hàng nghìn binh sĩ đã thất bại khi họ tấn công vào thành phố được bao quanh bởi lãnh thổ do Nga nắm giữ ở mặt trận phía đông Donbas.

Nhà lãnh đạo Cơ quan quản lý quân sự thành phố Avdiivka, Vitaliy Barabash, nói với truyền hình Ukraine hôm thứ Năm rằng các lực lượng Nga đang cố gắng bao vây thành phố mà họ đang tấn công “bằng mọi thứ họ có”, nhưng lực lượng của Kyiv đã cố gắng cầm chân họ, New Voice of Ukraine đưa tin.

Trong khi đó, một đoạn video được đăng lên kênh Telegram thân Ukraine DeepState cho thấy điều mà họ nói là một cuộc tấn công khác của quân đội Nga ở sườn phía bắc thành phố.

Đoạn clip dài 26 giây cho thấy cảnh quay từ trên không mà kênh này tuyên bố là một đoàn xe quân sự của Nga đang di chuyển về phía đường ray xe lửa từ thị trấn Krasnohorivka, khoảng 25 dặm về phía tây nam, “với mục đích giành được chỗ đứng” cho lối ra vào phía làng Stepovoye ở phía tây bắc.

Những đoạn cắt nhanh của video cho thấy các vụ nổ và khói cuồn cuộn bay lên không trung ở phía chân trời và mức độ thiệt hại đối với các mục tiêu có thể được nhìn thấy khi máy ảnh phóng to.

Newsweek chưa thể xác minh cả hai clip này và đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để yêu cầu bình luận.

DeepState nói rằng các Lữ đoàn 31, 110 phòng vệ phủ Tổng thống Ukraine “không cho phép một nắm đấm bọc thép khác của đối phương thành công”, theo bản dịch của bài đăng, lưu ý rằng điều đó không có nghĩa là cuộc tấn công của Nga trong khu vực đã kết thúc.

“Không biết họ còn bao nhiêu quân dự bị nữa để tiến hành một cuộc tấn công, và cuộc tấn công hôm nay là một ví dụ về thực tế là giai đoạn hoạt động vẫn tiếp tục.”

Đoạn clip được chia sẻ trên X (trước đây là Twitter) bởi War Translated, một tài khoản thân Ukraine chuyên đăng bài về cuộc chiến, viết rằng quân đội Nga đã “bị ngăn chặn một cách quyết liệt. Vẫn còn nguồn dự trữ để tiếp tục tấn công.”

Nó diễn ra trong bối cảnh phương Tây đánh giá rằng những nỗ lực của Nga nhằm chiếm thành phố này sẽ thất bại. Trong khi đó, các nguồn tin của Nga trên Telegram, chẳng hạn như của blogger quân sự Vozhak Z, đã phàn nàn về hiệu suất kém của hỏa lực phản pháo của Nga trong khu vực.

Một blogger quân sự khác của Nga đã chia sẻ ảnh chụp màn hình tin nhắn từ một người lính Nga gần Avdiivka phàn nàn rằng hỏa lực của pháo binh và trực thăng Ukraine đang ngăn cản lực lượng Mạc Tư Khoa di chuyển ra khỏi chiến hào, nơi có điều kiện vệ sinh kém.

Barabash cảnh báo hôm thứ Tư rằng các lực lượng Nga dường như đang tập hợp lại và có thể sẽ có một giai đoạn giao tranh mới trong những ngày tới. Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết lực lượng Nga vẫn chưa từ bỏ nỗ lực bao vây thành phố.

4. Tòa Bạch Ốc yêu cầu viện trợ 106 tỷ Mỹ Kim cho Ukraine, và Israel, cũng như cho biên giới phía nam Hoa Kỳ

Hôm thứ Sáu 20 tháng 10, Tòa Bạch Ốc đã yêu cầu Quốc hội phê duyệt gói viện trợ khẩn cấp trị giá 106 tỷ Mỹ Kim cho Israel và Ukraine, cũng như cho biên giới phía nam Hoa Kỳ, Politico đưa tin.

Yêu cầu này bao gồm 61,4 tỷ Mỹ Kim cho Ukraine, trong đó 44,4 tỷ Mỹ Kim là để cung cấp thiết bị quốc phòng cho nước này. Đối với Israel, chính quyền Biden đang yêu cầu 14,3 tỷ Mỹ Kim. Ngoài ra, gói này còn bao gồm 9,15 tỷ Mỹ Kim để Bộ Ngoại giao Mỹ cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine, Israel và Gaza.

Chính quyền Biden phải đối mặt với một số trở ngại trong việc phê duyệt gói viện trợ này. Hạ viện đang rơi vào tình trạng bế tắc vì không có Chủ tịch Hạ Viện, trong đó một số thành viên có tiếng nói bảo thủ hơn trong Hạ viện đang phản đối số tiền viện trợ gửi đến các nước khác.

5. Chính trị gia Israel cảnh báo Putin ngay trên truyền hình nhà nước Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Israeli Official Issues Warning to Putin on Russian State TV”, nghĩa là “Viên chức Israel đưa ra cảnh báo với Putin trên truyền hình nhà nước Nga.”

Một chính trị gia Israel đã đưa ra cảnh báo tới Tổng thống Nga Vladimir Putin trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra ở Israel và ở Ukraine.

Amir Weitmann, nhà lãnh đạo phe tự do trong Đảng Likud của Israel, đã xuất hiện trên mạng RT News do nhà nước Nga điều hành trong tuần này và nói về cuộc giao tranh giữa Israel và các chiến binh Hamas, cũng như cuộc chiến của Nga với Ukraine.

Khi nói về những tuyên bố gần đây liên quan đến Bệnh viện al-Ahli ở Thành phố Gaza, Weitmann chỉ trích Nga, nói rằng “chúng tôi sẽ kết thúc cuộc chiến này, chúng tôi sẽ thắng vì chúng tôi mạnh hơn. Sau chuyện này, Nga sẽ phải trả giá, tin tôi đi, Nga sẽ phải trả giá”.

“Nga đang hỗ trợ đối phương của Israel. Nga đang hỗ trợ những người Đức Quốc xã muốn phạm tội diệt chủng đối với chúng tôi và Nga sẽ phải trả giá”, Weitmann nói. “Chúng tôi sẽ thắng cuộc chiến này. Sau đó, chúng tôi không quên những gì các bạn đang làm, chúng tôi không quên, chúng tôi sẽ đến, chúng tôi sẽ bảo đảm Ukraine sẽ thắng. Chúng tôi sẽ bảo đảm rằng các bạn phải trả giá cho những gì các bạn đã làm, các bạn với tư cách là nước Nga.”

Chương trình được phát trực tiếp nên đài truyền hình nhà nước Nga đã không trở tay kịp.

Giao tranh bắt đầu vào ngày 7 tháng 10, khi nhóm khủng bố Hamas dẫn đầu cuộc tấn công đẫm máu nhất vào Israel trong lịch sử của nước này. Israel sau đó đã tiến hành các cuộc không kích dữ dội vào Gaza và cảnh báo rằng họ đang chuẩn bị cho một cuộc xâm lược trên bộ khi cuộc khủng hoảng nhân đạo gia tăng trên lãnh thổ Palestine. Theo hãng tin AP, gần 2.800 người đã thiệt mạng ở Gaza, trong khi hơn 1.400 người Israel đã thiệt mạng.

Israel và Hamas tuần này đã cáo buộc lẫn nhau về vụ nổ tại Bệnh viện al-Ahli.

Phát ngôn nhân của Hamas Fawzi Barhoum nói với Newsweek hôm thứ Tư: “Hamas có một ủy ban thu thập tất cả bằng chứng về trách nhiệm của lực lượng xâm lược của Israel đối với các vụ thảm sát ở Gaza và vụ thảm sát ở Bệnh viện Baptist”.

“Có rất nhiều bằng chứng, nhân chứng và video từ Hamas về việc xâm lược gây ra vụ thảm sát Bệnh viện Baptist và đống đổ nát của hỏa tiễn. Hamas sẽ công bố tất cả bằng chứng cho thế giới xác nhận vụ thảm sát này được thực hiện có chủ ý và sẽ trình nó lên các cơ quan pháp lý quốc tế.”

Trong một loạt bài đăng trên X, trước đây là Twitter, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cáo buộc Hamas về vụ đánh bom, nói: “Một vụ phóng hỏa tiễn thất bại của tổ chức khủng bố Jihad Hồi giáo đã đánh trúng bệnh viện Al Ahli ở Thành phố Gaza”.

“Thánh chiến Hồi giáo đã tấn công một bệnh viện ở Gaza - IDF thì không. Hãy lắng nghe những kẻ khủng bố khi chính chúng nhận ra điều này”, IDF cho biết trong một bài đăng khác, chia sẻ những gì họ khẳng định là cuộc trò chuyện qua điện thoại giữa hai chiến binh Hamas nói về vụ tấn công.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã tới Tel Aviv hôm thứ Tư và nói về vụ đánh bom bệnh viện, nói rằng: “Dựa trên những gì tôi đã thấy, có vẻ như nó được thực hiện bởi nhóm khác chứ không phải bạn. Nhưng ngoài kia có rất nhiều người không chắc chắn nên chúng tôi phải vượt qua rất nhiều thứ.”

Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Nga gọi vụ việc là hành động mất nhân tính và kêu gọi Mỹ, Israel công bố hình ảnh vệ tinh để chứng minh họ không liên quan.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để yêu cầu bình luận.

6. Quân Nga cướp phá tại thành phố Melitopol

Ivan Fedorov, thị trưởng lưu vong của thành phố, cho biết lực lượng kháng chiến Ukraine ở Melitopol bị Nga tạm chiếm đã cho nổ tung một chiếc xe hơi của binh lính Nga, những người được tường trình đang cướp bóc những căn nhà trống trong thành phố.

“Chúng thường xuyên theo dõi và cướp phá những căn nhà trống trong thành phố. Và vào thời điểm này, lực lượng kháng chiến của chúng tôi đang truy tìm quân xâm lược”, Fedorov nói. “Trong một cuộc đi săn đêm khác ở khu vực Aviamistechka, đúng lúc đang chất hàng cướp được lên xe thì một vụ nổ đã xảy ra.”

7. Mỹ lo ngại sâu sắc trước mối giao hảo giữa Orbán và Putin

Ký giả Pierre Emmanuel Ngendakumana của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “US finds Orbán-Putin love-in ‘troubling’”, nghĩa là “Mỹ thấy giao hảo giữa Orbán và Putin là 'có vấn đề'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Cẩm Hạnh.

Hung Gia Lợi từ lâu đã từ chối tham gia cùng các đồng minh phương Tây khác trong việc hỗ trợ quân sự cho Kyiv dù nước này là thành viên của cả NATO và Liên Hiệp Âu Châu.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Hung Gia Lợi David Pressman hôm thứ Sáu cho biết Washington “lo ngại về mối quan hệ của Hung Gia Lợi với Nga”, đồng thời cho biết thêm rằng quyết định gần đây của Thủ tướng Viktor Orbán gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin khiến Hoa Kỳ lo ngại sâu sắc, theo Reuters.

Hôm thứ Tư, Pressman đã đổ lỗi cho Orbán trên X (trước đây là Twitter) vì “đã chọn đứng về phía một người phải chịu trách nhiệm về tội ác chống lại loài người ở Ukraine và đơn độc làm như thế trong số các Đồng minh của chúng tôi”.

Ngày hôm trước, người ta nhìn thấy Orbán bắt tay Putin bên lề diễn đàn kéo dài hai ngày đánh dấu kỷ niệm 10 năm Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, khiến quốc tế chỉ trích.

Kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine vào năm ngoái, Orbán đã bị chỉ trích vì phản đối các sáng kiến của Liên Hiệp Âu Châu nhằm giúp Kyiv chống lại Mạc Tư Khoa. Chính phủ của ông duy trì mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga so với các nước thành viên khác và được coi là thúc đẩy một số mục tiêu của Mạc Tư Khoa, bao gồm cả việc ngăn cản sự mở rộng của NATO.

Ukraine cáo buộc Hung Gia Lợi tài trợ cho tội ác chiến tranh của Nga thông qua các thỏa thuận năng lượng với một quan chức hàng đầu của Mạc Tư Khoa, đồng thời cảnh báo rằng “một loạt thỏa thuận mới thúc đẩy liên kết năng lượng của Hung Gia Lợi với Nga sẽ chỉ kéo dài cuộc chiến ở Ukraine”.

8. Kharkiv hứng chịu nhiều vụ pháo kích của quân Nga

Oleg Sinegubov, nhà lãnh đạo chính quyền nhà nước khu vực Kharkiv, cho biết tỉnh Kharkiv đã hứng chịu một số cuộc tấn công từ lực lượng Nga, khiến một số người bị thương và làm hư hại các ngôi nhà và tòa nhà dân sự.

Cuộc pháo kích của Nga vào thành phố Vovchansk hôm Thứ Sáu đã làm hai người đàn ông bị thương, 57 và 69 tuổi, đồng thời làm hư hại một tòa nhà dành cho trẻ em và thanh thiếu niên sáng tạo cũng như bốn tòa nhà dân cư.

Một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào Kupyansk-Vuzloviy đã làm hư hại các cửa hàng gần đó nhưng không gây thương tích.

Tại làng Pidlyman, một hỏa tiễn của Nga đã bắn trúng một sân tư nhân, làm hư hại một nhà kho và mái một ngôi nhà. Trong khi đó, cuộc pháo kích của Nga vào làng Pisky-Radkivski đã làm hư hại hai ngôi nhà dân và các trang trại.

Tại thành phố Kharkiv, một người đàn ông dân sự 42 tuổi đã bị thương khi đang thu thập phế liệu và giẫm phải một thiết bị nổ không xác định.”

9. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy mong mỏi nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng tại Hoa Kỳ

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết sau cuộc điện đàm với tổng thống Mỹ Joe Biden rằng sự ủng hộ của lưỡng đảng từ Hoa Kỳ là “hết sức đáng khích lệ” đối với Ukraine và quân đội của nước này.

Một nguồn tin quen thuộc với kế hoạch của ông cho biết, Biden, người đã thảo luận về việc hỗ trợ quân sự cho Kyiv với Zelenskiy trong cuộc gọi hôm thứ Năm, sẽ yêu cầu Quốc hội cấp 100 tỷ Mỹ Kim chi tiêu mới, bao gồm 60 tỷ Mỹ Kim cho Ukraine và 14 tỷ Mỹ Kim cho Israel.

Mỹ là nguồn hỗ trợ lớn nhất cho Kyiv kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine vào tháng 2 năm ngoái. Nguồn tin cho biết, một nửa trong số 60 tỷ Mỹ Kim mà Biden yêu cầu dành cho Ukraine sẽ dùng để thay thế và hiện đại hóa kho vũ khí của Mỹ.

“Sự ủng hộ vững chắc của lưỡng đảng dành cho Ukraine ở Hoa Kỳ là điều vô cùng đáng khích lệ đối với tất cả các chiến binh của chúng tôi và cho toàn thể đất nước chúng tôi,” Zelenskiy cho biết như trên.

Ông nói: “Đầu tư của Mỹ vào quốc phòng của Ukraine sẽ bảo đảm an ninh lâu dài cho toàn bộ Âu Châu và thế giới”.

10. Cảnh báo về 'Hạm đội ma' của Putin

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia's 'Ghost Fleet' Is Going Undetected”, nghĩa là “'Hạm đội ma' của Nga sẽ không bị phát hiện.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo một báo cáo mới, Nga đang vận hành một “con tàu ma” ở Hắc Hải như một phần của “hạm đội độc đáo” nhằm phá vỡ các hạn chế ở vùng biển xung quanh miền nam Ukraine.

Theo nghiên cứu được công bố bởi Ủy ban Quốc phòng NATO hôm thứ Tư, Mạc Tư Khoa đã sử dụng “một hạm đội độc đáo, bao gồm các tàu hiện đại có thể di chuyển hàng hóa quan trọng mà không bị phát hiện” qua eo biển do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát nhằm hạn chế quyền tiếp cận Hắc Hải.

Các tác giả của báo cáo cho biết, các tàu chở hàng mang cờ Nga đã qua lại giữa một căn cứ của Nga ở cảng Tartus của Syria và các cơ sở quân sự Novorossiysk của Hạm đội Hắc Hải qua eo biển Bosphorus, kể cả kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine vào tháng 2 năm 2022.

Việc đi vào Hắc Hải qua ngã Địa Trung Hải, sử dụng eo biển Bosphorus và Dardanelles, hiện nay do Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên NATO, kiểm soát. Ankara có thể đóng quyền tiếp cận Hắc Hải thông qua các tuyến đường thủy này theo Công ước Montreux trong điều kiện thời chiến, là điều mà họ đã thực hiện ngay sau cuộc xâm lược của Mạc Tư Khoa. Nó hạn chế các tàu chiến đi qua Hắc Hải, mặc dù nó không chặn các tàu quay về căn cứ quê hương.

Báo cáo được công bố gần đây đề cập đến SPARTA IV mang cờ Nga, một tàu chở hàng mà họ lập luận thông qua dữ liệu theo dõi, hình ảnh vệ tinh và nguồn thông tin tình báo nguồn mở đã được sử dụng làm tàu quân sự để vận chuyển thiết bị cho nỗ lực chiến tranh của Mạc Tư Khoa ở Ukraine.

Theo báo cáo, SPARTA IV có liên kết trực tiếp với Bộ Quốc phòng Nga và được biết đến là con tầu vận chuyển các phương tiện quân sự.

Ủy ban lập luận rằng một “mô hình” đã xuất hiện kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine, trong đó SPARTA IV sẽ rời khỏi các cơ sở quân sự của hải quân Nga ở Novorossiysk, trước khi hướng tới lãnh hải của Syria và sau đó nó sẽ ngừng gửi các dữ liệu liên quan đến vị trí và hướng đi. Báo cáo lập luận rằng con tàu không cập cảng dân sự ở Novorossiysk mà tại các cơ sở quân sự.

Sau đó, tàu chở hàng sẽ đến căn cứ của Nga tại Tartus để “xếp hoặc dỡ thiết bị trước khi ra khơi trở lại”, khởi động lại dữ liệu theo dõi sau khi rời khỏi vùng biển Syria và “quay trở lại Novorossiysk để bốc hoặc dỡ hàng”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để yêu cầu bình luận qua email.

Hạm đội Hắc Hải của Nga đã duy trì áp lực lên bờ biển phía nam Ukraine và có trụ sở một phần ở Novorossiysk và thành phố cảng Sevastopol của Crimea. Các căn cứ này giúp Nga có cơ hội triển khai sức mạnh hải quân của mình tới Địa Trung Hải.

Các eo biển Dardanelles và Bosphorus do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát đã nhiều lần gây chú ý khi Ankara môi giới một thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc Ukraine qua đường thủy vào tháng 7 năm 2022. Thỏa thuận này được duy trì trong một năm cho đến khi Nga rút lại sự tham gia vào tháng 7 năm 2023.

11. Biden tỏ ra cứng rắn với Iran khác xa với chính sách thời Obama

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Biden Talks Tough on Iran in Clearest Break With Obama-Era Policy”, nghĩa là “Biden cứng rắn với Iran trong bước đột phá rõ ràng nhất với chính sách thời Obama.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Năm tuyên bố sẽ “bắt Iran phải chịu trách nhiệm” về liên minh với Nga và sự hỗ trợ của nước này đối với các chiến binh chống Israel như Hamas. Bình luận của ông dường như đang vạch ra ranh giới cho những nỗ lực giao tiếp với Tehran.

Tổng thống thường xuyên bị chỉ trích vì chính sách Iran của mình, điều này tiếp tục một số nỗ lực nối lại quan hệ do chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama khởi xướng, trong đó Biden giữ chức phó tổng thống.

Biden đã cố gắng lôi kéo Iran quay trở lại thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân thời Obama đã bị người tiền nhiệm của ông, cựu Tổng thống Donald Trump loại bỏ. Biden thậm chí còn giải ngân tiền từ tài khoản ngân hàng bị ràng buộc bởi lệnh trừng phạt trong một thỏa thuận giải phóng tù nhân Mỹ.

Chính sách về Iran của Biden, vốn luôn gây tranh cãi, đã trở nên không thể chấp nhận được sau khi các chiến binh từ Hamas — được cho là do Iran tài trợ và trang bị vũ khí — đã tàn sát 1.400 người ở Israel vào ngày 7 tháng 10 trong cuộc tấn công tồi tệ nhất từ trước đến nay của người Palestine nhằm vào nhà nước Do Thái.

Biden có lẽ đã sử dụng ngôn ngữ cứng rắn nhất của mình đối với Iran trong bài phát biểu trước quốc dân vào tối thứ Năm, buộc Tehran phải chịu trách nhiệm về cuộc tấn công của Hamas cũng như cuộc chiến kéo dài 20 tháng ở Ukraine do Tổng thống Nga Vladimir Putin tiến hành.

“Iran đang hỗ trợ Nga ở Ukraine, đồng thời hỗ trợ Hamas và các nhóm khủng bố khác trong khu vực. Và chúng tôi sẽ tiếp tục buộc họ phải chịu trách nhiệm,” ông nói thêm.

Vài giờ trước khi Biden phát biểu, Hải quân Mỹ đã bắn hạ hỏa tiễn và máy bay không người lái của phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen. Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài cho biết Israel có khả năng là mục tiêu của cuộc tấn công bị ngăn chặn.

Trong những tuần cuối cùng của chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020, Biden đã viết một bài báo quan điểm cho CNN.com. Trong đó, ông chỉ trích chính sách Iran của Trump là một “thất bại nguy hiểm” đồng thời ca ngợi những công việc đã làm dưới thời Obama.

Bài xã luận cũng đưa ra cho Tehran “một con đường đáng tin cậy để quay trở lại ngoại giao” nếu các nhà lãnh đạo quốc gia đồng ý tuân thủ một thỏa thuận hạt nhân nghiêm ngặt.

Biden viết: “Nếu Iran chọn đối đầu, tôi sẵn sàng bảo vệ lợi ích sống còn và quân đội của chúng tôi. Tuy nhiên, tôi sẵn sàng đi theo con đường ngoại giao nếu Iran thực hiện các bước để chứng tỏ họ đã sẵn sàng”.

Newsweek đã liên hệ với Tòa Bạch Ốc qua email để yêu cầu bình luận vào tối thứ Năm.

Iran đã bị xem xét kỹ lưỡng về mối quan hệ của mình với các chiến binh chống Israel trước sự việc Biển Đỏ hôm thứ Năm. Các quan chức Mỹ và Israel chưa xác định được bất kỳ mối liên hệ rõ ràng nào giữa Tehran và vụ tấn công ngày 7 tháng 10, đồng thời Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei đã bác bỏ các báo cáo về sự liên quan của Tehran. Tuy nhiên, Iran từ lâu đã bị cáo buộc cung cấp hỗ trợ quân sự và tài chính cho Hamas.

Đúng một tuần sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel, Iran đã thể hiện tình đoàn kết mang tính biểu tượng khi Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian gặp Ismail Haniyeh, thủ lĩnh của nhóm chiến binh Palestine Hamas, tại Doha, Qatar.

Hãng truyền thông nhà nước Iran cho biết Ngoại trưởng Iran đã ôm và hôn Haniyeh trong cuộc họp.

Iran cũng là một trong những đồng minh thân cận nhất của Putin trong suốt cuộc chiến với Ukraine, cung cấp máy bay không người lái chiến đấu cho lực lượng vũ trang Nga. Mùa hè này, Tòa Bạch Ốc cho biết tình báo Mỹ đã phát hiện ra Iran đã cung cấp cho Nga những vật liệu cần thiết để xây dựng một nhà máy sản xuất máy bay không người lái gần Mạc Tư Khoa.

12. Một người thiệt mạng trong cuộc không kích của Nga vào tỉnh Kherson

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm thứ Bẩy 21 tháng 10, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska cho biết một phụ nữ đã thiệt mạng trong cuộc không kích của Nga vào Beryslav ở tỉnh Kherson sáng nay.

Cô cho biết lực lượng Nga đã sử dụng bom dẫn đường nhằm vào Beryslav và bắn 4 khẩu súng phòng không vào thành phố. Một cụ bà 80 tuổi cũng bị thương nặng tại nhà.

Cô nói: “Những người dân bất khuất của Berislav vẫn ở lại quê hương của họ. Sự can đảm của họ thật đáng kinh ngạc.”

Lực lượng Nga cũng tấn công Novoberislav bằng hai quả bom dẫn đường. Cơ quan chức năng vẫn đang đánh giá thiệt hại ở đó.

“Mọi người luôn sống trong nỗi sợ hãi. “Đối phương đang ở gần.”
 
Cảnh giác: Khủng bố gài bom trong quà tặng cha sở. Nữ thần học gia: Đừng tranh biện về nữ linh mục
VietCatholic Media
05:09 21/10/2023


1. Các tín hữu họp nhau tại nhà thờ Thánh Gia cầu nguyện hòa bình

Mặc dù có nguy cơ bị Israel tấn công, các tín hữu Kitô vẫn họp nhau cầu nguyện cho hòa bình, tại nhà thờ Thánh Gia, nhà thờ Công Giáo duy nhất ở Gaza.

Qua các mạng xã hội, các tín hữu cho biết họ vẫn họp nhau mỗi ngày để cầu nguyện, dù ý thức rằng có thể sẽ đến lượt họ chịu chung số phận như hàng trăm người láng giềng, cả Israel lẫn Palestine.

Họ cũng chia sẻ trên mang sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxico, qua đó ngài nói rằng: “Cần bảo đảm hành đang nhân đạo ở Gaza. Nhiều người đã chết, vì thế đừng để máu người vô tội đổ ra nữa, dù ở Thánh địa, hay ở Ukraine hoặc các nơi khác. Chiến tranh luôn luôn là một thất bại”.

Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Tôi cảm thấy đau buồn vì những gì đang xảy ra ở Israel và Palestine. Tôi nghĩ đến các trẻ em và người già. Tôi tái kêu gọi trả tự do cho những người bị bắt cóc, để không còn một thường dân nào là nạn nhân của các cuộc xung đột”. Sau cùng, Đức Thánh Cha kêu gọi các tín hữu tham dự ngày ăn chay và cầu nguyện cho hòa bình, cử hành ngày 17 tháng Mười này.

2. Cảnh sát Uganda phá vỡ âm mưu đánh bom nhà thờ của ADF

Tổng thống Yoweri Museveni cho biết cảnh sát Uganda đã phá vỡ một âm mưu của các phiến quân có liên quan tới Nhà nước Hồi giáo nhằm đánh bom các nhà thờ ở quận trung tâm Butambala.

Ông Museveni cho biết, hai quả bom được liên kết với Lực lượng Dân chủ Đồng minh, gọi tắt là ADF, là một nhóm chiến binh có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo. Cả hai quả bom đã được gửi đến các linh mục, được ngụy trang dưới dạng quà tặng.

Ông nói thêm trên X, trước đây gọi là Twitter, các thành viên của công chúng trở nên nghi ngờ về các món quà này và báo cảnh sát.

Tổng thống đổ lỗi âm mưu này cho ADF, một nhóm khủng bố có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo. ADF vẫn chưa bình luận.

Được thành lập vào những năm 1990, ADF đã vũ trang chống lại Tổng thống Museveni, cáo buộc đàn áp người Hồi giáo.

Sau khi chịu thất bại nặng nề dưới tay quân đội Uganda vào năm 2001, tổ chức này đã chuyển đến tỉnh Bắc Kivu ở nước Cộng hòa Dân chủ Congo lân cận.

Nhóm này đã cam kết trung thành với IS vào năm 2016.

Nhóm này bị cáo buộc gây ra hàng loạt vụ tấn công chết người ở Uganda, trong đó có vụ sát hại hơn 40 người, chủ yếu là học sinh, tại một trường nội trú hồi tháng 6.

Ông Museveni cho biết phiến quân đã lên kế hoạch cho nổ hai quả bom tại các nhà thờ ở Kibibi, cách thủ đô Kampala khoảng 50 km vào Chúa Nhật, nhưng các thiết bị này “đã được báo cáo cho cảnh sát và được vô hiệu hóa”.

“Kế hoạch xấu xa đã bị thất bại”, ông nói, đồng thời kêu gọi mọi người “không nhận quà từ người lạ”.

Trước đó vào Chúa Nhật, ông Museveni cho biết lực lượng Uganda đã thực hiện các cuộc không kích nhằm vào bốn vị trí của ADF ở CHDC Congo.

Tổng thống nói: “Có vẻ như khá nhiều kẻ khủng bố đã bị tiêu diệt”.

Ông cảnh báo rằng ADF “đang tái tiến vào Uganda và cố gắng thực hiện một số hành động khủng bố ngẫu nhiên”.


Source:radiotamazuj.org

3. Nhà thần học tại Thượng Hội đồng về tính đồng nghị: Có 'quá nhiều sự nhấn mạnh' đến các linh mục nữ

Một nhà thần học tham gia Thượng Hội đồng về Thượng hội đồng cho biết hôm thứ Ba rằng việc dành quá nhiều thời gian cho “vấn đề phù phiếm” về các nữ linh mục hoặc phó tế sẽ khiến Giáo hội mất tập trung vào việc giải quyết những gì phụ nữ thực sự cần.

Renée Köhler-Ryan, một trong 54 đại biểu nữ tham dự Thượng Hội đồng về Thượng hội đồng, cho biết trong cuộc họp báo ngày 17 tháng 10: “Là một phụ nữ, tôi không hề tập trung vào thực tế rằng tôi không phải là một linh mục”.

Vị giáo sư Công Giáo nói thêm: “Tôi nghĩ rằng có quá nhiều sự nhấn mạnh vào câu hỏi này”. “Và điều xảy ra khi chúng ta tập trung quá nhiều vào câu hỏi này là chúng ta quên mất điều mà phần lớn phụ nữ trên toàn thế giới cần.”

Köhler-Ryan là hiệu trưởng Trường Triết học và Thần học tại Đại học Notre Dame ở Sydney. Cô đã tham gia vào hội đồng toàn thể của Giáo hội tại Úc và đang viết một cuốn sách sắp xuất bản về Các bài tiểu luận về phụ nữ của Thánh Edith Stein.

Paolo Ruffini, chủ tịch ủy ban thông tin của Thượng Hội đồng, nói với các nhà báo rằng các cuộc thảo luận của Thượng hội đồng vào chiều ngày 16 tháng 10 tập trung rất nhiều vào vai trò của phụ nữ trong Giáo hội, bao gồm cả việc liệu phụ nữ có được phép giảng trong Thánh lễ và việc “phục hồi chức phó tế nữ.”

Một chủ đề thảo luận khác, ông nói, là “làm thế nào để vượt qua các mô hình giáo sĩ cản trở sự hiệp thông hoặc có thể cản trở sự hiệp thông của tất cả những người đã được rửa tội”.

Köhler-Ryan cho biết “một số người rất tập trung vào ý tưởng này rằng chỉ khi phụ nữ được phong chức thì họ mới có được bất kỳ hình thức bình đẳng nào”.

Nhưng sự bình đẳng “không phải là chuyện một chọi một” trong Giáo hội, bà nói và chỉ ra rằng Thượng hội đồng về Tính đồng nghị đã tập trung rất nhiều vào ý tưởng hiệp nhất trong đa dạng.

“một phần của sự đa dạng đó là có những thực tế về vai trò làm mẹ và làm cha vừa mang tính tâm linh vừa mang tính sinh học và điều đó thực sự quan trọng để hiểu những gì đang diễn ra trên toàn thể Giáo hội”, người vợ và người mẹ nói thêm.

Bà nói rằng vấn đề truyền chức cho phụ nữ “làm xao lãng” Giáo hội khỏi những gì có thể làm để giúp đỡ phụ nữ theo những cách khác, chẳng hạn như hỗ trợ nhiều hơn cho các gia đình và các bà mẹ đang đi làm.

Köhler-Ryan nói: “Tôi nghĩ đó là một cuộc trò chuyện thú vị hơn nhiều đối với hầu hết phụ nữ so với những gì tôi thường nghĩ là một loại vấn đề phù phiếm”.

Bình luận của Köhler-Ryan được đưa ra ngay sau khi một đại biểu khác mô tả sự tham gia của phụ nữ vào Thượng hội đồng về tính đồng nghị, nơi lần đầu tiên họ là thành viên có đầy đủ quyền bỏ phiếu, là điều “ tạo tiền đề cho những thay đổi trong tương lai”.

Nữ tu Maria de los Dolores Valencia Gomez, Nữ tu của Thánh Giuse, đã chủ trì Thượng Hội đồng về tính đồng nghị vào ngày 13 tháng 10 với tư cách là một trong 10 đại biểu chủ tịch của Đức Thánh Cha Phanxicô. Cô mô tả trải nghiệm được ngồi với Đức Thánh Cha “như một biểu tượng của sự cởi mở này, như mong muốn mà Giáo hội có… về một điều gì đó đặt tất cả chúng ta ở cùng một đẳng cấp.”

Một tham dự viên khác của Thượng Hội Đồng, một trong 13 người được giao nhiệm vụ giúp biên soạn tài liệu tóm tắt của phiên họp từ ngày 4 đến ngày 29 tháng 10, đã nói với National Catholic Reporter tuần trước rằng ông sẽ sẵn sàng bỏ phiếu thuận cho chức phó tế nữ.

“Vấn đề truyền chức cho phụ nữ rõ ràng là một vấn đề cần được giải quyết một cách phổ quát. … Và nếu kết quả là việc phong chức phó tế được mở ra cho phụ nữ, thì tôi chắc chắn hoan nghênh điều đó,” Đức Giám Mục Shane Mackinlay Địa phận Sandhurst, Úc, cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên podcast.

Ruffini cho biết các cuộc thảo luận hôm thứ Hai cũng bao gồm các yêu cầu “chú ý nhiều hơn đến ngôn ngữ bao hàm trong các tài liệu phụng vụ và giáo hội” và từ “cộng tác” trong Điều 208 của Bộ Giáo luật, trong đó nói rằng tất cả các Kitô hữu “cộng tác trong việc xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô tùy theo tình trạng và chức năng của mỗi người,” nên được đổi thành “đồng trách nhiệm”.

Về “khả năng phục hồi chức phó tế nữ”, Ruffini cho biết có liên quan đến việc nghiên cứu đầu tiên về bản chất chính xác của chức phó tế.

Trong triều đại giáo hoàng của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thành lập hai ủy ban tạm thời để nghiên cứu vấn đề nữ phó tế.

Cuộc họp đầu tiên vào năm 2016 xem xét vấn đề lịch sử về vai trò của các nữ phó tế trong Giáo hội sơ khai. Vào năm 2019, có thông báo rằng ủy ban gồm 12 người đã không đạt được bất kỳ sự đồng thuận nào về vấn đề này.

Vào tháng 4 năm 2020, Đức Thánh Cha đã thành lập ủy ban thứ hai sau khi chủ đề về các nữ phó tế được thảo luận tại thượng hội đồng Amazon vào tháng 10 trước đó, cùng với yêu cầu tái lập ủy ban năm 2016.

Vào cuối cuộc họp vào tháng 10 năm 2019, các thành viên Thượng Hội đồng đã đề nghị với Đức Thánh Cha Phanxicô rằng phụ nữ nên được xem xét cho một số mục vụ nhất định trong Giáo hội, bao gồm cả chức phó tế vĩnh viễn, là một chức vụ trong bí tích truyền chức thánh.

Nhưng trong Tông huấn về Amazon, được xuất bản vào tháng 2 năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi phụ nữ ở khu vực Nam Mỹ hãy tham gia vào các hình thức phục vụ mới trong Giáo hội, nhưng không phải trong các thừa tác vụ được phong chức như phó tế hoặc linh mục vĩnh viễn.

Chủ đề về nữ phó tế trước đây đã được Giáo hội nghiên cứu, kể cả trong một tài liệu năm 2002 của Ủy ban Thần học Quốc tế, gọi tắt là ITC, một cơ quan cố vấn cho Bộ Giáo lý Đức tin.

Trong tài liệu, ITC kết luận rằng các phó tế nữ trong Giáo hội sơ khai không tương đương với các phó tế nam và không có “chức năng phụng vụ” cũng như bí tích. ITC cũng khẳng định rằng, ngay cả trong thế kỷ thứ tư, “cách sống của các nữ phó tế rất giống với lối sống của các nữ tu”.


Source:National Catholic Register
 
Hạm đội Hắc Hải của Nga bị thêm cú nữa. ATACMS đã hạ gục 14 trực thăng. TT. Tiệp phản ứng với Orbán
VietCatholic Media
16:42 21/10/2023


1. Thêm một tai ương mới cho Hạm đội Hắc Hải của Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia's Black Sea Fleet Suffers Another Setback in Crimea: Report”, nghĩa là “Báo cáo cho thấy Hạm đội Hắc Hải của Nga gặp tai họa khác ở Crimea.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Một hỏa tiễn được tường trình vừa tấn công kho đạn dược của Hạm đội Hắc Hải của Nga gần cảng Sevastopol, giáng thêm một đòn nữa vào Tổng thống Vladimir Putin khi Ukraine tăng cường tấn công vào vùng Crimea bị sáp nhập.

Kênh Telegram của Nga ASTRA đưa tin về vụ tấn công hỏa tiễn, cho biết hôm qua hỏa tiễn đã đánh trúng một khu vực gần Sevastopol do “đơn vị quân đội 63876” chiếm giữ, làm hư hại một điểm lưu trữ vũ khí thuộc Hạm đội Hắc Hải của Nga.

Các chuyên gia thân cận với Bộ Quốc phòng Ukraine trước đây đã nói với Newsweek rằng Kyiv đang bắt tay vào chiến lược “phi quân sự hóa” Hạm đội Hắc Hải như một phần trong các bước hướng tới giải phóng Crimea, nơi đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin sáp nhập vào năm 2014.

“Doanh trại của đơn vị quân đội đã bị hư hại và một binh sĩ bị thương”, ASTRA cho biết, đồng thời công bố một đoạn video về cuộc tấn công được báo cáo, cho thấy một đám khói đen bốc lên bầu trời. “Trong cuộc tấn công hỏa tiễn, hơn 350 cảnh sát đã được di tản khỏi các tòa nhà của Bộ Nội vụ Sevastopol.”

Vụ nổ cũng được một số kênh Telegram đưa tin, trong đó có Crimea Realities, cho biết ít nhất 4 kho đạn được quân đội Nga sử dụng để chứa vũ khí, trong đó có hỏa tiễn, nằm gần nơi phát hiện vụ nổ.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, cho biết lực lượng phòng không của họ đã bắn hạ hai hỏa tiễn trên bán đảo bị sáp nhập và đổ lỗi cho Kyiv về vụ tấn công. Ukraine chưa nhận trách nhiệm.

Các cuộc tấn công ở Crimea, trung tâm hậu cần trung tâm của Nga cho lực lượng của nước này ở miền nam Ukraine, đã trở nên thường xuyên trong những tháng gần đây trong bối cảnh Kyiv phản công nhằm đòi lại lãnh thổ bị lực lượng Nga xâm lược. Các cuộc tấn công tập trung vào các mục tiêu quân sự nhằm làm suy yếu hệ thống phòng thủ của Mạc Tư Khoa và ngăn cản Nga vận chuyển thiết bị, vũ khí và quân đội từ đất liền Nga vào bán đảo.

Hạm đội Hắc Hải đã bị giáng một đòn mạnh khi Ukraine tiến hành cuộc tấn công hỏa tiễn vào trụ sở của lực lượng này ở Sevastopol vào ngày 22/9, được cho là đã giết chết một số sĩ quan lãnh đạo.

Vài ngày trước đó, vào ngày 13 tháng 9, một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Ukraine vào xưởng đóng tàu Sevastopol đã làm hư hại một tàu ngầm và Hàng Không Mẫu Hạm mang hỏa tiễn hành trình của Nga—Rostov-on-Don—và một tàu lớn, Minsk, khi chúng đang được sửa chữa.

Các hình ảnh vệ tinh công bố trong tháng này cho thấy đối diện với hàng loạt các cuộc tấn công, Nga dường như đang di chuyển hạm đội khỏi cảng Sevastopol ở Crimea.

Trung tướng đã nghỉ hưu Ben Hodges, cựu chỉ huy của Quân đội Hoa Kỳ ở Âu Châu, nói với Newsweek rằng Ukraine đang tiến hành một cuộc tấn công “đa diện” để giải phóng bán đảo, bao gồm việc tấn công Cầu eo biển Kerch nối Crimea với đất liền của Nga.

Tướng Hodges nói: “Tất cả điều này là một phần khiến Crimea không thể trụ được, không thể sử dụng được đối với quân đội Nga, cho đến khi người Ukraine có đủ sức mạnh chiến đấu để họ thực sự có thể giải phóng bán đảo”.

2. Hệ thống hỏa tiễn chiến thuật lục quân tầm xa trong tay Ukraine đã hạ gục 14 máy bay trực thăng Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “US-Provided ATACMS Destroy 14 Russian Helicopters: UK”, nghĩa là “Vương Quốc Anh cho biết ATACMS do Mỹ cung cấp Tiêu diệt 14 máy bay trực thăng của Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Cẩm Hạnh.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết, Nga có thể đã mất 14 máy bay trực thăng trong cuộc tấn công vào hai phi trường của Nga mà Ukraine cho biết họ đã tấn công bằng hỏa tiễn đạn đạo tầm xa bắn từ hệ thống hỏa tiễn chiến thuật lục quân tầm xa, gọi tắt là ATACMS, do Mỹ cung cấp trong tuần này.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tuyên bố rằng Kyiv đã sử dụng ATACMS để tấn công các phi trường của Nga ở vùng Luhansk của Ukraine và thành phố cảng Berdyansk ở vùng Zaporizhzhia hôm thứ Ba.

ATACMS có khả năng tiếp cận mục tiêu cách xa 100 dặm hoặc hơn. Cuộc tấn công hôm thứ Ba đánh dấu lần đầu tiên Ukraine sử dụng vũ khí này.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong bản cập nhật tình báo hôm thứ Sáu rằng mặc dù mức độ thiệt hại hiện chưa được xác nhận, nhưng có khả năng 9 máy bay trực thăng quân sự của Nga tại Berdyansk và 5 chiếc tại Luhansk đã bị phá hủy.

Điện Cẩm Linh vẫn chưa bình luận về thông tin về cuộc tấn công nhưng hôm thứ Tư, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi việc Mỹ chuyển hỏa tiễn ATACMS cho Ukraine là “một sai lầm khác của Mỹ”.

Putin nói: “Chiến tranh là chiến tranh”. “Và tất nhiên, tôi đã nói rằng ATACMS là một mối đe dọa. Chắc chắn là như thế. Nhưng điều quan trọng nhất là họ hoàn toàn không thể thay đổi mạnh mẽ tình hình trên chiến trường. Điều đó là không thể.”

Các quan chức quốc phòng Anh cho biết, nếu được xác nhận, rất có thể việc mất số trực thăng sẽ ảnh hưởng đến khả năng của Nga trong việc bảo vệ tài sản cũng như tiến hành các hoạt động tấn công tiếp theo trên trục phía nam Ukraine.

Bản cập nhật tình báo của Bộ cho biết: “Do sự hỗ trợ từ trên không của các máy bay cánh cố định của Nga cho đến nay cực kỳ kém, các tuyến phòng thủ của Nga ngày càng phụ thuộc vào sự hỗ trợ của máy bay cánh quay khi đối mặt với cuộc tấn công của Ukraine”. “Berdyansk đang được sử dụng làm Căn cứ điều hành tiền phương chính trên trục phía nam, cung cấp cả khả năng hậu cần, tấn công và phòng thủ.”

Bộ Quốc phòng Anh cho biết: “Với tình trạng căng thẳng hiện nay đối với hoạt động sản xuất quân sự của Nga, việc mất bất kỳ khung máy bay nào đã được xác nhận sẽ khó có thể thay thế trong ngắn hạn và trung hạn”.

Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh cho biết: “Tổn thất này cũng có thể sẽ tạo thêm áp lực lên các phi công và máy bay của Nga, những người gần như chắc chắn đang phải đối mặt với các vấn đề về kiệt sức trong chiến đấu và bảo trì do chiến dịch kéo dài không lường trước được”.

Bộ Quốc phòng Anh nói thêm rằng có khả năng thực tế là cuộc tấn công sẽ buộc Nga một lần nữa phải di dời các căn cứ điều hành cũng như các nút chỉ huy và kiểm soát ra xa tiền tuyến, làm tăng gánh nặng cho chuỗi hậu cần.

Không quân Hoàng gia Anh cho biết Mạc Tư Khoa có 899 máy bay trực thăng vào thời điểm bắt đầu cuộc tấn công toàn diện của Nga vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Theo số liệu mới nhất từ Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine, Mạc Tư Khoa đã mất 324 chiếc trực thăng kể từ khi chiến tranh bắt đầu.

3. Nga đã mất 5.000 xe tăng trong cuộc xâm lược Ukraine. Mất 55 xe tăng chỉ trong 24 giờ qua

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Celebrates Russia Losing '5,000 Tanks' in War”, nghĩa là “Ukraine ăn mừng Nga mất '5.000 xe tăng' trong chiến tranh.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Các quan chức Kyiv hôm thứ Sáu ăn mừng việc Nga mất hơn 5.000 xe tăng kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine từ tháng 2 năm 2022.

“Hơn 5000 xe tăng Nga đã bị phá hủy trong cuộc xâm lược toàn diện. Sức mạnh của Ukraine mạnh hơn thép của kẻ xâm lược!” phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết hôm thứ Sáu, sau khi công bố thông tin cập nhật hàng ngày về những tổn thất của Nga trong cuộc chiến.

Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine ngày 20/10 cho biết lực lượng của nước này đã tiêu diệt 55 xe tăng chỉ trong một ngày, nâng tổng số xe tăng thiệt hại trong cuộc chiến lên 5.047 chiếc.

Số liệu hôm thứ Sáu từ Kyiv đánh dấu một trong những ngày nguy hiểm nhất của Nga kể từ khi nước này xâm chiếm Ukraine. Theo Kyiv, lực lượng của Mạc Tư Khoa mất 1.380 quân nhân trong 24 giờ qua, nâng tổng số thương vong của quân Nga lên 292.060.

Theo bản cập nhật, Nga mất 9.557 xe thiết giáp, trong đó 120 chiếc bị phá hủy chỉ trong một ngày, cùng với tổng cộng 29 hệ thống pháo binh của Nga, nâng tổng thiệt hại lên 7.012 chiếc.

Theo Kyiv, những tổn thất khác của Nga bao gồm 822 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 548 hệ thống phòng không, 320 máy bay, 5.326 máy bay không người lái, 20 tàu thuyền và một tàu ngầm.

Newsweek không thể xác nhận độc lập số liệu của Kyiv và đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để yêu cầu bình luận qua email. Các ước tính về con số thương vong và tổn thất quân sự khác nhau, trong đó con số của Kyiv thường vượt quá con số của các đồng minh phương Tây.

Trang web phân tích quốc phòng tình báo nguồn mở Oryx của Hà Lan đã xác nhận trực quan rằng Nga đã mất 2.404 xe tăng kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine. Nó nói rằng 1.571 chiếc đã bị phá hủy, 137 chiếc bị hư hại, 146 chiếc bị bỏ lại trên đường tháo chạy và 550 chiếc đã bị bắt.

Oryx cũng xác nhận trực quan rằng Ukraine đã mất 668 xe tăng trong chiến tranh, trong đó 439 chiếc bị phá hủy, 54 chiếc bị hư hại, 33 chiếc bị bỏ lại và 142 chiếc bị bắt.

Putin cho biết trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Trung Quốc hôm thứ Hai rằng tổn thất của Ukraine trong cuộc phản công của họ cao gấp 8 lần so với tổn thất của Nga.

Putin nói: “Tổn thất đơn giản là rất lớn, tỷ lệ khoảng từ 1 đến 8”.

Ngày 5/10, ông Putin cho biết Ukraine đã mất 90.000 quân trong cuộc phản công.

Tổn thất của cả hai bên xảy ra khi Kyiv nỗ lực đòi lại lãnh thổ bị tạm chiếm. Lực lượng Ukraine đã nỗ lực từ đầu tháng 6 để đẩy quân Nga ra khỏi khu vực do Mạc Tư Khoa kiểm soát ở miền đông và miền nam Ukraine như một phần của cuộc phản công, nhưng tiến độ diễn ra rất chậm.

Giao tranh ác liệt đang diễn ra ở khu vực phía đông Donetsk và phía nam Zaporizhzhia của Ukraine.

Tuần này, các video lan truyền trên mạng xã hội xuất hiện cho thấy Nga chịu tổn thất lớn về xe thiết giáp và xe tăng ở hướng Avdiivka, nơi một trận chiến khốc liệt đang diễn ra. Đoạn phim từ máy bay không người lái từ trên cao đã ghi lại khoảnh khắc lực lượng Ukraine tấn công xe tăng Nga bằng chất nổ.

Tướng Valery Zaluzhny, tổng tư lệnh Ukraine, cho biết trong một video trên Telegram vào cuối ngày thứ Năm rằng Nga “không ngừng cố gắng xuyên thủng hệ thống phòng thủ của chúng tôi và bao vây Avdiivka.”

Ông nói: “Đối phương đang tích cực điều động các đơn vị tấn công và một lượng lớn thiết bị thiết giáp và xe tăng cũng như sử dụng máy bay và pháo binh”.

4. Các nhà lãnh đạo Âu Châu sôi sục vì cuộc gặp Putin-Orbán

Các nhà lãnh đạo Âu Châu không được “mắc bẫy” trước chiến thuật của Vladimir Putin, Tổng thống Tiệp, Petr Pavel, nói, hai ngày sau khi thủ tướng Hung Gia Lợi bắt tay nhà lãnh đạo Nga.

Viktor Orbán, trong một động thái hiếm hoi đối với nhà lãnh đạo một quốc gia thuộc Liên Hiệp Âu Châu và NATO, đã gặp Putin tại Bắc Kinh hôm thứ Ba vì điều mà văn phòng lãnh đạo Hung Gia Lợi mô tả là một cuộc thảo luận về hợp tác năng lượng và hòa bình.

Hung Gia Lợi từ lâu đã bị chỉ trích vì sự thụt lùi dân chủ trong nước cũng như các chính sách thân thiện với Nga và Trung Quốc ở nước ngoài.

Ngoại trưởng nước này, Péter Szijjártó, thường xuyên đến thăm Mạc Tư Khoa. Và trong một động thái khiến các đồng minh của mình thất vọng, Hung Gia Lợi - cùng với Thổ Nhĩ Kỳ - vẫn chưa phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển.

Cuộc gặp giữa Orbán và Putin trong tuần này đã khiến các quan chức ở thủ đô phương Tây sôi sục. Trong một tuyên bố bằng văn bản gửi cho Guardian hôm thứ Năm, Tổng thống Tiệp, Petr Pavel, cựu tướng NATO, cho biết: “Như đã nhiều lần được chứng minh, Putin không gặp các nhà lãnh đạo Âu Châu với mục đích đạt được hòa bình ở Ukraine. Hòa bình có thể đạt được mà không cần bất kỳ cuộc đàm phán nào từ phía ông ta, chỉ bằng cách ngừng tấn công và rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine.”

“Putin chỉ tổ chức những cuộc họp này với mục đích phá vỡ sự thống nhất của các nước Âu Châu và toàn bộ thế giới dân chủ. Chúng ta không nên mắc phải chiến thuật của hắn ta.”

Hôm thứ Tư, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas nói với Reuters rằng hình ảnh thủ tướng Hung Gia Lợi bắt tay Putin là “rất, rất khó chịu” và bất chấp logic.

Đại sứ Mỹ tại Budapest, David Pressman, cũng chỉ trích gay gắt cuộc gặp. Ông viết trên mạng xã hội: “Nhà lãnh đạo Hung Gia Lợi chọn đứng về phía người đàn ông có lực lượng phải chịu trách nhiệm về tội ác chống lại loài người ở Ukraine và đứng một mình trong số các đồng minh của chúng tôi”. “Trong khi Nga tấn công thường dân Ukraine, Hung Gia Lợi lại cầu xin các thỏa thuận kinh doanh.”

Đại sứ Đức tại Hung Gia Lợi, Julia Gross, cũng lặp lại điều này. “Sau cuộc gặp gỡ đó Putin có chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine, có chấm dứt việc bắn phá dân thường, pháo kích vào trường học và bệnh viện, bắt cóc trẻ em không?” cô ấy đã viết trên X, trước đây là Twitter. “Điều đó chắc chắn là có ý nghĩa và được thảo luận rồi phải không?”

Orbán đang ở Bắc Kinh để tham dự một diễn đàn quốc tế về sáng kiến cơ sở hạ tầng vành đai và con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Phát ngôn nhân của chính phủ Hung Gia Lợi, Zoltán Kovács, đáp trả những người chỉ trích: “Lập trường của Hung Gia Lợi đối với Nga và cuộc chiến ở Ukraine đã rõ ràng ngay từ đầu. Chúng tôi luôn ủng hộ đối thoại cởi mở và minh bạch với các bên liên quan nhằm hỗ trợ tìm ra giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột đẫm máu này.

“Tôi cảm thấy thích thú khi thấy các chính trị gia này đổ xô chỉ trích chính phủ Hung Gia Lợi và lợi ích được tuyên bố công khai của chúng tôi trong việc duy trì mối quan hệ ngoại giao với Nga, trong khi tính ưu việt về mặt đạo đức của họ lại bị ảnh hưởng.

5. Tòa Bạch Ốc rút lại bình luận của Biden cho rằng Israel nên trì hoãn cuộc tấn công trên bộ vào Gaza

Tòa Bạch Ốc đã rút lại bình luận của Joe Biden, dường như đồng ý rằng Israel nên trì hoãn một cuộc xâm lược trên bộ tiềm năng vào Gaza cho đến khi nhiều con tin có thể thoát ra ngoài, đồng thời nói rằng tổng thống Mỹ chưa nghe hết câu hỏi.

Reuters đưa tin rằng vào cuối ngày thứ Sáu, các phóng viên đã hét lên để đặt câu hỏi với Biden khi ông đang leo cầu thang lên chiếc Air Force One, qua tiếng động cơ của máy bay. Một trong những câu hỏi là liệu Israel có nên trì hoãn cuộc xâm lược Gaza cho đến khi có thêm nhiều con tin có thể thoát ra ngoài hay không.

Biden trả lời: “Đúng thế.”

Nhưng Tòa Bạch Ốc sau đó cho biết Biden chưa nghe hết câu hỏi.

Lập luận cho rằng Israel nên ngưng cuộc tấn công để có thêm nhiều con tin được trả tự do là hết sức nguy hiểm vì sẽ không có con tin nào được trả tự do nữa. Khủng bố sẽ cảm thấy có nhu cầu cần giữ các con tin như một phương thế hiệu quả để ngăn chặn cuộc tấn công của Israel.

“Tổng thống đang ở rất xa. Ông ấy không nghe được toàn bộ câu hỏi”, giám đốc truyền thông Tòa Bạch Ốc Ben LaBolt nói và cho biết thêm:

Câu hỏi nghe như: “Tổng thống có muốn thấy thêm nhiều con tin được thả không?” Tổng thống không bình luận về bất cứ điều gì khác.

Israel đã tập trung xe tăng và quân đội gần vành đai Gaza để chuẩn bị cho một cuộc xâm lược trên bộ theo kế hoạch. Theo các quan chức Palestine, cuộc bắn phá của nước này vào Gaza đã giết chết ít nhất 4.137 người Palestine, trong đó có hàng trăm trẻ em, trong khi hơn 1 triệu người phải di dời.

Vụ tấn công xảy ra sau khi các tay súng Hamas xông vào Israel vào ngày 7 tháng 10, giết chết 1.400 người - chủ yếu là dân thường - và bắt khoảng 200 con tin.

6. Nga đang xúc tác cho một cuộc chiến tranh thế giới

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Ally Issues Ominous Warning of World War”, nghĩa là “Đồng minh của Putin đưa ra cảnh báo đáng ngại về chiến tranh thế giới.”

Nhà tuyên truyền của Điện Cẩm Linh, Vladimir Solovyov, đã cảnh báo về một cuộc chiến tranh thế giới mới sắp xảy ra mà theo tuyên bố của ông, sẽ chứng kiến phương Tây đọ sức với người Hồi giáo trên toàn thế giới, những người mà Nga sẽ hỗ trợ cung cấp vũ khí.

Solovyov là đồng minh lâu năm của Tổng thống Nga Vladimir Putin và là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất trên các phương tiện truyền thông được Điện Cẩm Linh hậu thuẫn. Phát biểu trên chương trình phát sóng trên kênh Russia-1, người dẫn chương trình truyền hình chỉ trích Mỹ gần đây đã cung cấp cho Ukraine hỏa tiễn ATACMS /a-tá-kừm/ tầm xa, nói rằng người Mỹ tin rằng “họ có thể làm bất cứ điều gì”.

“Họ đã giao ATACMS. Chúng ta nên cung cấp mọi thứ mà đối phương của Mỹ cần”, Solovyov nói trong một đoạn trích được chia sẻ (và dịch) trên YouTube bởi Russian Media Monitor, một dự án độc lập giám sát truyền thông Nga và hoạt động tuyên truyền của Điện Cẩm Linh.

“Hãy gửi tất cả cho bọn họ! Bất kỳ loại vũ khí nào họ cần!” anh ta tiếp tục. “Để bảo đảm rằng không có nơi nào trên Trái đất này mà đất không bị cháy dưới chân những sinh vật theo chủ nghĩa thực dân mới này.”

Anh ta nói thêm: “Bạn muốn giết người Nga hả? bạn đang vận chuyển vũ khí—bạn đang hy vọng thoát khỏi chuyện này à? Hãy cung cấp bất kỳ loại vũ khí nào—Triều Tiên, Syria, hoặc bất kỳ ai khác cần, bất kỳ ai là đồng minh của chúng ta dù đồng minh tình huống trong cuộc chiến này— hãy cung cấp cho họ mọi thứ để không một người lính Mỹ nào trên lãnh thổ nước ngoài trong tư cách kẻ xâm lược..có thể cảm thấy an toàn !”

Solovyov sau đó nói rằng một cuộc chiến tranh thế giới mới đang đến. “Bạn có hiểu điều gì sẽ xảy ra nếu một cuộc thánh chiến toàn cầu bắt đầu không?” ông nói và nói thêm rằng không ai có thể thực sự hiểu được tác động của một cuộc chiến tranh tôn giáo là gì, mặc dù ông nói rằng “các sinh vật NATO và các đồng minh của nó” sẽ là nguyên nhân.

Newsweek đã liên hệ với Ngũ Giác Đài để yêu cầu bình luận qua email.

Solovyov, người đưa ra nhận xét sau vụ nổ tại Bệnh viện al-Ahli ở thành phố Gaza, không phải là nhà tuyên truyền đầu tiên của Điện Cẩm Linh lo lắng về khả năng xảy ra Thế chiến thứ ba. Một đồng minh khác của Putin, tổng biên tập RT Margarita Simonyan, đã làm như vậy vào đầu tuần này. Trong bình luận của mình về tình hình này, Simonyan ca ngợi thực tế rằng việc bắt đầu cuộc chiến Israel-Hamas đã chuyển hướng sự chú ý của các cường quốc phương Tây khỏi Ukraine.

“Điều này thật tuyệt vời, thật đẹp! Hãy xem cách các giảng viên người Anh rời Ukraine vì họ không còn thời gian ở Ukraine, giống như người Mỹ và những người khác, bởi vì thế giới đang trên bờ vực của Thế chiến thứ 3,” cô ta nói, được Russian Media Monitor dịch lại.

Hôm thứ Năm, Dmitry Medvedev, phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cảnh báo rằng cuộc chiến Israel-Hamas có thể leo thang thành một “cuộc chiến tranh khu vực toàn diện”, theo hãng thông tấn nhà nước Nga TASS.

“ Trung Đông đang chứng kiến một cuộc chiến khác. Một cuộc chiến tàn khốc không có luật lệ. Một cuộc chiến dựa trên sự khủng bố và học thuyết sử dụng vũ lực không cân xứng đối với dân thường. Như người ta nói hôm nay, cả hai bên đều đã trở nên 'nổi điên'“, Medvedev nói.

“Tất nhiên, điều quan trọng hơn đối với chúng ta là đạt được thành công trong chiến dịch quân sự đặc biệt trong cuộc chiến chống lại Đức Quốc xã mới ở Ukraine, nhưng những gì đang diễn ra ở Palestine và Israel không thể không gây ra lo ngại,” ông tiếp tục, nhắc lại một số điều trong những tuyên bố mà Điện Cẩm Linh vẫn sử dụng để biện minh cho việc xâm lược Ukraine.

“Cuộc xung đột hiện nay giữa người Palestine và người Israel cũng không phải là ngoại lệ. Cuộc xung đột này có mọi cơ hội để phát triển thành một cuộc chiến tranh khu vực toàn diện. Hoặc thậm chí trở thành một cuộc chiến tranh toàn cầu nếu tình hình diễn biến theo chiều hướng xấu”, Medvedev nói.

7. Tổn thất quá lớn, Nga buộc phải thay đổi chiến thuật sử dụng trực thăng Ka-52

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Forced to Change Ka-52 Helicopter Tactics After Slew of Losses: Kyiv”, nghĩa là “Kyiv cho biết Nga buộc phải thay đổi chiến thuật trực thăng Ka-52 sau nhiều tổn thất.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Cẩm Hạnh.

Một quan chức Ukraine hôm thứ Năm cho biết Nga buộc phải thay đổi cách thức hoạt động của trực thăng Ka-52 trong cuộc chiến Ukraine sau khi chịu tổn thất đáng kể.

Đại tá Oleksandr Shtupun, phát ngôn nhân của nhóm lực lượng Tavria của Ukraine bao trùm thị trấn Avdiivka ở Donetsk, đã giải thích sự thay đổi chiến thuật của Mạc Tư Khoa khi xuất hiện trên Svoboda.Ranok, một dự án của Đài Âu Châu Tự Do.

Dữ liệu công khai cho thấy Nga đã mất một số lượng đáng kể máy bay trực thăng kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine của Tổng thống Vladimir Putin bắt đầu vào tháng 2 năm 2022. Ka-52, được Nga gọi là “Alligator” và NATO gọi là “Hokum-B”, được các chuyên gia quân sự mô tả là một trong những máy bay trực thăng tấn công có khả năng nhất của Nga.

“ Ở giai đoạn này, chúng tôi đang tiêu diệt chúng bằng các cuộc tấn công hỏa tiễn”, Shtupun nói và cho biết thêm rằng lực lượng Mạc Tư Khoa đã buộc phải thay đổi chiến thuật và tiến hành các cuộc tấn công bằng trực thăng Ka-52 từ xa.

Ông nói: “Người Nga hiện không tiến vào phạm vi hoạt động hiệu quả của hệ thống phòng không của chúng tôi. “Những người lính của chúng tôi đã học cách bắn hạ chúng khá chuyên nghiệp. Vì vậy, người Nga đang phát động các cuộc tấn công từ xa.

“Những chiếc trực thăng này kém hiệu quả hơn nhiều ở khoảng cách xa so với khi chúng bay gần hơn. Đơn giản là người Nga bây giờ đang sợ hãi.”

Theo Không quân Hoàng gia Anh, gọi tắt là RAF, Nga có 899 máy bay trực thăng vào thời điểm bắt đầu cuộc tấn công toàn diện vào Ukraine. Số liệu mới nhất của Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine lưu ý rằng kể từ khi chiến tranh bắt đầu, Mạc Tư Khoa đã mất 324 máy bay trực thăng.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để yêu cầu bình luận qua email.

Trang web phân tích tình báo quốc phòng nguồn mở Oryx của Hà Lan đã xác nhận trực quan rằng Nga đã mất 115 máy bay trực thăng kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine. Người ta nói rằng 100 chiếc đã bị phá hủy, 13 chiếc bị hư hại và 2 chiếc bị bắt.

Theo Oryx, cho đến nay Mạc Tư Khoa đã mất 49 máy bay trực thăng Ka-52 trong cuộc xung đột.

Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh nhận định rằng Ukraine cũng đã phá hủy 14 máy bay trực thăng trong các cuộc tấn công vào hai phi trường quân sự của Mạc Tư Khoa ở các khu vực bị Nga tạm chiếm ở Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết lực lượng của ông đã sử dụng hỏa tiễn đạn đạo tầm xa bắn từ hệ thống hỏa tiễn chiến thuật lục quân tầm xa, gọi tắt là ATACMS, do Washington tài trợ.

8. Phi trường Kyiv đã sẵn sàng cho các chuyến bay sau chiến tranh

Ký giả Mari Eccles của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “Prepare for takeoff … soon: Kyiv airport readies for post-war flights”, nghĩa là “Chuẩn bị cất cánh … sớm: Phi trường Kyiv sẵn sàng cho các chuyến bay sau chiến tranh”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Phi trường đã giữ lại nhân viên và đang đầu tư cho tương lai - nó chỉ cần chiến tranh kết thúc.

Phi trường lớn nhất Ukraine — phục vụ 9 triệu hành khách vào năm 2021, bằng khoảng 2/3 mức cao trước đại dịch — đã đóng cửa kể từ khi Nga xâm lược vào tháng 2 năm 2022

Tổng giám đốc phi trường Oleksiy Dubrevskyy nói với POLITICO: Phi trường Boryspil của Kyiv có thể đón các máy bay chở khách quay trở lại phi đạo ngay một tháng sau khi chiến tranh ở Ukraine kết thúc.

Phi trường lớn nhất Ukraine - phục vụ 9 triệu hành khách vào năm 2021, bằng khoảng 2/3 so với mức cao trước đại dịch - đã đóng cửa kể từ cuộc xâm lược của Nga vào tháng 2 năm 2022. Phi trường này đã hứng chịu hai cuộc tấn công của Nga vào đầu cuộc chiến.

Nhưng Dubrevskyy cho biết phi trường đã sẵn sàng cho cuộc sống hậu chiến tranh. Nó đã giữ lại hầu hết nhân viên của mình và đạt được thỏa thuận với các hãng hàng không.

Ông nói: “Chúng tôi không muốn mất một hoặc hai năm để suy nghĩ: 'Chúng ta sẽ làm gì sau chiến tranh?'“. “Chúng tôi đang thực hiện tất cả các hoạt động cần thiết để có chuyến bay sớm nhất có thể. Chúng tôi đã cố gắng khắc phục mọi thiệt hại. Chúng tôi sẵn sàng bắt đầu hoạt động trong thời gian ngắn.”

Ngay sau cuộc xâm lược, phi trường đã chặn các phi đạo, tắt hệ thống định vị, di tản nhiên liệu và bố trí lại máy bay khi lực lượng quân sự tiếp quản.

Nhưng họ cũng đã giữ chân nhân viên của mình, trả cho họ 2/3 số tiền lương và luân phiên ngày làm việc của họ để bảo đảm rằng tất cả các chứng chỉ đều được cập nhật – một bài học mà phi trường đã học được từ đại dịch coronavirus, khi các trung tâm sa thải công nhân và sau đó đã phải vật lộn để thuê lại họ.

Nhưng điều đó phải trả giá. Để đào tạo mọi người và bật đèn, phi trường tiêu tốn 3,2 triệu euro mỗi tháng; trung tâm cũng đã chi 1,8 triệu euro để xây dựng lại cơ sở hạ tầng bị hư hỏng.

Dubrevskyy nói: “Nó không hề rẻ… chúng tôi đang ăn những gì chúng tôi kiếm được vào năm 2021”.

Ông đã đến Brussels vào tháng trước để cập nhật cho các quan chức từ Liên Hiệp Âu Châu và các tổ chức ngân hàng quốc tế về tình hình hiện tại của phi trường và yêu cầu hỗ trợ tài chính.

Phi trường nhận thức được rằng ngành công nghiệp rộng lớn hơn, đặc biệt là ở Âu Châu, đang tập trung vào quá trình khử cacbon và không muốn bị tụt lại phía sau trong khi Ukraine đang tái thiết. Các số liệu do Dubrevskyy trình bày với các quan chức Liên Hiệp Âu Châu cho thấy rằng sẽ tốn khoảng 420 triệu euro để hiện đại hóa Boryspil.

Giám đốc phi trường cũng muốn nêu bật tiềm năng của ngành hàng không sau chiến tranh của đất nước.

Theo Liên Hiệp Quốc, khoảng 3/4 trong số khoảng 8 triệu người Ukraine phải rời bỏ nhà cửa hồi đầu năm nay cho biết họ muốn trở về nhà sau khi chiến tranh kết thúc.

Dubrevskyy nói: “Chúng tôi có một thị trường mới mà chúng tôi chưa từng có trước đây: thăm bạn bè và người thân”.

Ông cho biết, các hãng hàng không - đặc biệt là hãng giá rẻ - đã công bố ý định quay trở lại Ukraine sau chiến tranh và các hãng hàng không đang làm việc với phi trường để xác định các tuyến đường mới nối Kyiv với các trung tâm ở Âu Châu có số lượng lớn người tị nạn Ukraine..

Ba Lan và Đức đều tiếp nhận hơn 1 triệu người Ukraine, trong khi Rumani, Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Đức và Áo mỗi nước tiếp nhận hơn 100.000 người.

Sergiy Khyzhnak, giám đốc thương mại của phi trường, so sánh tình hình với thời điểm các nước Trung và Đông Âu gia nhập Liên minh Âu Châu.

“Tôi nghĩ trường hợp này giống với trường hợp Ba Lan gia nhập Liên Hiệp Âu Châu năm 2004 và nhiều người Ba Lan đã cố gắng làm việc tại Liên Hiệp Âu Châu. Với 8 triệu người Ukraine sống ở nước ngoài, việc đi lại gần như giống nhau,” ông nói. “Chúng tôi nhìn thấy rất nhiều cơ hội để phát triển kinh doanh ở Ukraine sau chiến tranh”.

Ngay trước chiến tranh, Wizz Air và Ryanair đã công bố kế hoạch mở rộng quy mô lớn trong nước. Liên Hiệp Âu Châu và Ukraine đã ký thỏa thuận hàng không vào tháng 10 năm 2021, mở ra tiềm năng cho nhiều chuyến bay hơn.

Dubrevskyy cũng cho biết dự kiến sẽ có thêm nhiều chuyến bay chở hàng gắn liền với quá trình tái thiết Ukraine sau chiến tranh. Ông cũng thấy trước nhu cầu du lịch bị dồn nén.

Ông nói: “Chúng tôi cho rằng sau chiến tranh, rất nhiều người từ cộng đồng quốc tế sẽ đến Ukraine để tận mắt chứng kiến những chiến tích anh hùng của chúng tôi và bắt tay những người anh hùng của chúng tôi cũng như chứng kiến đất nước của những anh hùng đã dũng cảm bảo vệ các giá trị Âu Châu của chúng tôi”.

Nhưng bức tranh ở Ukraine không giống nhau; Ông cho biết chỉ có 3 trong số 13 phi trường của đất nước ở trong tình trạng tốt: Kyiv, Lviv và Odesa.

Ông cho biết những khu vực bị hư hại nặng nhất - bao gồm Kherson, Mariupol và Dnipro - sẽ mất từ 5 đến 7 năm để hoạt động trở lại.

Ông nói: “Sẽ cần rất nhiều đầu tư để xây dựng chúng từ đầu.

Và tất cả những kế hoạch đó đều dựa vào sự kết thúc của chiến tranh. Hơn 600 ngày sau khi Nga xâm lược, với cuộc giao tranh ác liệt dọc tiền tuyến - điều đó có vẻ sẽ không xảy ra sớm.

“Nga đã huy động ngành công nghiệp và xã hội của mình cho một cuộc chiến kéo dài với Ukraine”, Tướng Úc đã nghỉ hưu Mick Ryan viết trong bài đánh giá về tình hình cuộc chiến.
 
Nguyền rủa Tổng thống và biện minh cho cuộc xâm lược, TGM Chính thống thân Nga bị kết tội phản quốc
VietCatholic Media
17:40 21/10/2023


1. Ủy ban Tông đồ ủng hộ sự sống của Giáo hội Syro-Malabar hoan nghênh phán quyết của Tòa án Tối cao

Ủy ban Tông đồ Bảo vệ Sự sống của Giáo hội Syro-Malabar đã hoan nghênh phán quyết của Tòa án Tối cao vào ngày 17 tháng 10 trong đó từ chối công nhận giá trị của các cuộc hôn nhân đồng giới trong nước.

Phán quyết ủng hộ các giá trị gia đình được các tôn giáo khác nhau ở Ấn Độ hoan nghênh vì sẽ giúp bảo đảm sự thánh thiêng của hôn nhân cũng như sự an toàn và an ninh cho trẻ em. Mỗi đứa trẻ sinh ra đều có quyền được cha mẹ chăm sóc và bảo vệ. Sabu Jose, thư ký điều hành Ủy ban Tông đồ Bảo vệ Sự sống của Giáo hội Syro-Malabar cho biết, và nhấn mạnh rằng không thể có lý do chính đáng nào để phủ nhận quyền đó đối với trẻ em.

Nhu cầu kết hôn đồng giới chỉ xuất phát từ một bộ phận thiểu số và đi ngược lại lợi ích chung của công chúng. Thật đáng khen ngợi khi Tòa án Tối cao đã lưu ý đến quan điểm của các tôn giáo về vấn đề này, đặc biệt vì sự ổn định của gia đình là chìa khóa cho sự tiến bộ của bất kỳ quốc gia nào. Không thể hy sinh nó bằng cách nhấn mạnh quá mức vào “quyền cá nhân”. Ông nói thêm rằng lệnh của Tòa án Tối cao sẽ đi một chặng đường dài trong việc duy trì phẩm giá của sự sống con người.


Source:The Hindu

2. Đức Tổng Giám Mục Gänswein phê bình sự quá chú tâm vào cơ cấu Giáo hội

Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, cựu thư ký của Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđíctô 16 (1927-2022), phê bình sự quá chú tâm vào các cơ cấu của Giáo hội, làm lu mờ các vấn đề đức tin.

Đức Tổng Giám Mục bày tỏ lập trường trên đây, trong bài thuyết trình hôm 14 tháng Mười vừa qua, tại cuộc họp thường niên của Tổ chức bác ái Trợ giúp các Giáo hội đau khổ, nhóm tại thành phố Graz bên Áo. Ngài nhận xét rằng sự mất đức tin tại các nước Tây Phương, đặc biệt là tại các nước nói tiếng Đức, không được quan tâm đủ. Đời sống tôn giáo và kiến thức về đức tin “xuống dốc không phanh”.

Tại các đại lục khác thường xảy ra tình trạng khác: các tín hữu Công Giáo chỉ là thiểu số tại nhiều nước, với ít cơ cấu, và các cộng đoàn bé nhỏ, nhưng đức tin phát triển, vui tươi và sinh động. Hướng nhìn về Giáo hội hoàn vũ và các môi trường truyền giáo khác, có thể là một trợ giúp cho chúng ta ở đây. Ngoài ra, các cơ cấu trong Giáo hội phải luôn phục vụ đức tin và không được thay thế đức tin. Nơi nào các cơ cấu không còn hữu ích cho việc loan báo đức tin, thì cần thay đổi các cơ cấu đó chứ không phải thay đổi đức tin.

Đức Tổng Giám Mục Gänswein cũng nhận xét rằng đức tin góp phần vào sự sống chung tốt đẹp trong Giáo hội. Các tín hữu phải làm chứng về đức tin không phải với bộ mặt chua cay, nhưng là đối thoại với Thiên Chúa, cầu nguyện và sống một cuộc sống thiêng liêng vững mạnh.

Trong bài thuyết trình, Đức Tổng Giám Mục Gänswein cũng kêu gọi gia tăng tình liên đới với các tín hữu Kitô bị bách hại trên toàn thế giới: trên hoàn cầu, chưa bao giờ các Kitô hữu bị bách hại nhiều như ngày nay. “Giáo hội bị bách hại có một chỗ đứng đặc biệt trong đời sống của Đức Giáo hòag”.

Hội nghị thường niên năm nay của Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ có đề tài là tình trạng khó khăn tại Ukraine vì chiến tranh. Cha John Reves, thuộc Giáo Hội Công Giáo Đông phương, Giám đốc trung tâm cầu nguyện Byzantine ở thành phố Salzburg bên Áo, cho biết mong ước của dân chúng tại Ukraine, sau hàng thế kỷ ở dưới sự áp bức của Nga rất lớn lao. Hiện thời, dân Ukraine rất lo âu trước những tấn công trong mùa đông sắp tới, nếu không có trợ giúp từ Tây Phương, Ukraine sẽ bị giao nạp”.

Bà Agnes Truger đã tường trình về việc trợ giúp Ukraine từ miền Steiermark bên Áo. Từ năm 2000 vẫn có các dự án trợ giúp mục vụ và xã hội cho nước này. Nhưng từ năm 2014, các hoạt động chuyển sang lãnh vực trợ giúp nhân đạo, cộng tác với giáo phận Ivano-Frankivsk cùng với Caritas của Giáo Hội Công Giáo Đông phương ở địa phương. Bà Truger nói: “Chúng tôi giúp đỡ dân chúng tìm lương thực, y phục, chăn mền, máy phát điện, trợ giúp về tâm lý, vì có rất nhiều người Ukraine bị chấn thương vì chiến tranh. Một cảm giác bất lực bao trùm xã hội”

3. Giám mục Chính Thống Giáo Ukraine bị buộc tội biện minh cho việc Nga xâm lược Ukraine

Cơ quan An ninh Ukraine đã gửi bản cáo trạng tới tòa án chống lại nhà lãnh đạo tu viện Chính thống Ukraine Kyiv-Pechersk Lavra.

Các nhà chức trách buộc tội Tổng Giám Mục Pavel, là nhân vật thứ hai của Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, vi phạm quyền bình đẳng của công dân với tư cách là một chức sắc tôn giáo và cũng dùng thế giá ấy để biện minh, công nhận là hợp pháp hoặc phủ nhận hành vi xâm lược vũ trang của Liên bang Nga chống lại Ukraine.

Cơ quan An ninh Ukraine cho rằng Pavel đã nhiều lần công khai phủ nhận sự tồn tại của Ukraine với tư cách là một quốc gia có chủ quyền và gọi cuộc xâm lược vũ trang của Nga chống lại Ukraine là một “cuộc xung đột dân sự” đã diễn ra kể từ năm 2014.

Pavel đã bị quản thúc tại gia kể từ tháng Tư. Kyiv từ lâu đã cáo buộc Giáo hội Chính thống Ukraine cộng tác với Nga. Các cơ quan an ninh đã đột kích Kyiv-Pechersk Lavra, một tu viện hàng nghìn năm tuổi và một số địa điểm Chính thống giáo khác vào năm ngoái. Trước khi bị bắt, Pavel đã nguyền rủa Volodymyr Zelenskiy, một người Do Thái, và đe dọa trừng phạt anh ta.

Nhưng Pavel nói với các phóng viên rằng ông ta chưa “làm gì cả”. “Tôi tin rằng đây là một mệnh lệnh chính trị,” ông nói vào tháng Tư.

Bản cáo trạng của Pavel được đưa ra khi quốc hội Ukraine ban đầu phê chuẩn vào hôm thứ Năm một đạo luật cấm Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa hoạt động tại Ukraine.