Ngày 21-10-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tháng Mân Côi: Lễ mừng Đức Mẹ Mân Côi
Jos. Tú Nạc, NMS
11:11 21/10/2009
Chúng ta có thể kết luận về sự tuyệt vời của Kinh Mân Côi bởi sự cống hiến này do Cha sở xứ Ki-tô. DGH vĩ đại Leo XIII đã ban hành Tông thư thứ mười ba về việc lần hạt Mân Côi và đã đề nghị sự dâng hiến này như lời nguyện gia đình đối với mọi mái nhà Công giáo. Tháng Mười đã được tuyển chọn một cách đặc biệt là “Tháng Mân Côi,” và lễ mừng Đức Mẹ Mân Côi được kỷ niệm vào ngày 7 tháng này. Lễ mừng Đức Mẹ Mân Côi đầu tiên được cử hành xuất xứ của nó từ chiến thắng vĩ đại của những lực lượng Công Giáo vượt qua những người Mohammed tại trận chiến Lepanto vào ngày 7 tháng Mười, 1571. Thất bại của kẻ thù trước Giáo Hội và nền văn minh là do sự trợ giúp đặc biệt của Mẹ Thiên Chúa. Lần hạt Mân Côi đã được hưởng ứng khắp các quốc gia Âu châu vì sự thành công của các lực lượng Ki-tô giáo, và chiến thắng này đã được giải thích nguyên nhân đối với Đức Mẹ, được gọi là “sự giải thoát những người Ki-tô giáo.” Lần hạt Mân Côi không những đã trở thành vũ khí sắc bén chống lại tà giáo và sự bất trung, mà nó còn là sự bảo vệ chủ yếu cho sự bình an và tính chất thiêng liêng gia đình.

DTC Pius X mong ước xây dựng lần hạt Mân Côi như một bức tường thành ngăn chặn sự xâm lấn của những cuộc tấn công nguy hiểm và chống lại những mưu mô xảo quyệt của yêu ma quỉ quái nhằm mục đích phá hoại sự thiêng liêng trong đời sống gia đình. Xã hội tùy thuộc vào gia đình, và nếu chúng ta có những gia đình ấm êm hạnh phúc, không một mãnh lực nào của trần gian và Hỏa Nguc có thể tạo sự tiến bộ chống lại Giáo Hội trong sứ vụ của mình cho việc cứu rỗi những linh hồn. Chúng ta thấy một số nơi mà Đức Tin được bảo toàn mặc dù mọi thịnh nộ của Hỏa Ngục và đứng trước mọi quyền lực của thế giới. Làm thế nào chúng ta có thể hợp thành cho sự kiên định như vậy khi đang đứng trước những thử thách đó? Chúng ta phải đắm sâu xuống căn bản của đạo đức xã hội để được lời giải thích về chủ nghĩa anh hùng như vậy, và khi chúng ta tới đủ độ sâu, chúng ta sẽ thấy tính thiêng liêng gia đình trong những quốc gia này. Nếu chúng ta kiểm tra thêm một chút, chúng ta sẽ thấy rằng những phương tiện chủ yếu của việc bảo vệ sự thiêng liêng này trong cuộc sống gia đình là thực hiên lần hạt Mân Côi như một lời cầu nguyện gia đình.

Thánh Dominic vĩ đại đã thực hiện một công việc tuyệt vời trong sự hủy diệt của tà giáo Albigenses. Ngài đã dành một thời gian dài với những cuộc tranh luận để thuyết phục những người theo dị giáo, và như thường lệ ngài đưa ra những thay đổi bằng những lập luận của mình. Không bao giờ có thậm chí một cuộc cải đạo đơn lẻ bởi những cuộc tranh luận và tranh chấp đơn độc bởi những người theo dị giáo, như là quy luật, không muốn biết chân lý. Ma quỉ biết tất cả những chân lý của Giáo Hội thậm chí còn hơn nhiều người Công Giáo, và vì vậy nó đã không muốn phục vụ Thiên Chúa. Trong lúc Chúa của chúng ta chờ chết trên Thánh Giá Người đã cầu nguyện cho những người hành quyết mình, và Người đã tha tội cho họ vì lẽ rằng họ đã không biết việc họ làm. Lời cầu nguyên của Chúa chúng ta đã được nghe và hàng ngàn người đã thay đổi tín ngưỡng qua hành động tha thứ này mà người ta sẽ không bao giờ nhận được như vậy một ân huệ đã không có sự đau khổ và trái tim nhân từ của Chúa Giê-su đã cầu nguyện cho họ. Nơi đây Chúa Giê-su đã tha thứ cho họ vì lý do ngu dốt, nhưng trong trường hợp của nhiều người trong số họ, sự dốt nát thiếu hiểu biết của họ đáng khiển trách. Họ có thể biết sự thật nếu họ muốn. Nhưng họ vì hèn nhát thiếu can đảm, Pilate, người mà đã hỏi, “Thực tế là gì?” Nhưng đã không đợi câu trả lời. Sự tranh luận vượt lên trên những vấn đề tôn giáo với những ai bên ngoài Giáo Hội thì chỉ để cho kẻ thù có cơ hội báng bổ và chế nhạo những điều thiêng liêng. Lý do không được giúp đỡ bởi những ân sủng thì không thể nắm những chân lý tôn giáo trọng yếu bao hàm trong Giáo Hội Công Giáo.

Nếu có thể được yêu cầu rồi sau đó chúng ta phải làm gì với một quan điểm để hướng dẫn những người đứng bên ngoài Đức Tin. Giáo Hội lan tỏa khắp đế quốc La Mã vô thần vĩ đại bằng cách rao giảng Tin Mừng, được trợ giúp bằng máu của những người tử vì đạo và những lời cầu nguyện trung kiên. Khi một quốc gia hoặc một cá nhân đánh mất Đức Tin, điều đó không bao giờ là lý do thuộc trí tuệ cũng không phải vì họ không thể hài hòa với những niềm tin của Giáo Hội cùng triết lý sống của họ. Đức Tin bị mất thông qua sự mất mát của ân sủng vì chưng vắng bóng lời cầu nguyện và thông qua sự can phạm của tội lỗi. Đức Tin trong một đất nước phải được bảo tồn bằng việc giảng dạy giáo lý Ki-tô giáo và bằng cách tự hy sinh cuộc sống của các tín hữu. Sự thiêng liêng không đơn thuần là tự khước từ cho tình yêu đối với Thiên Chúa. Một số thực hiện những hành động tự hy sinh, nhưng đối với một số động cơ thế gian, và đến nỗi không có gì là thiêng liêng thánh thiện. Những dấu hiệu thiêng liêng thánh thiện đích thực là cầu nguyện, tự khước từ và nhiệt tâm cho sự vinh quang của Thiên Chúa.

Khi Thánh Dominic nhận thấy rằng những luận cứ của mình không còn giá trị, ngài đã nhờ cậy đến Mẹ Thiên Chúa, người mà vẫn luôn là nguồn an ủi cậy trông của những ai bị đau khổ và cần sự giúp đỡ tiếp tục những công việc cho sự cứu rỗi linh hồn. Sự ngọt ngào Thánh Mẫu đã dạy bảo vị thánh này gạt sang một bên những tranh luận và bắt đầu công việc giảng dạy học thuyết Ki-tô giáo đơn giản. Thông điệp của thiên sứ tới Mẹ Maria là khởi nguyên của công việc cứu độ, và Thánh Dominic đã dạy dân chúng lặp lại Lời Chào Mừng Thiên Sứ, điều mà lập tức nhắc nhở họ về huyền thoại tuyệt vời của sự Hiện Thân. Thánh Dominic đã bỏ ngay những tranh luận của mình với những người dị giáo và bắt đầu dạy dân chúng cầu nguyện Mẹ Maria bằng việc đọc lại kinh Kính Mừng. Trong lúc ngài lặp đi lặp lại kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng, ngài đã dạy dân chúng bằng ngôn ngữ đơn giản một số huyền bí về đời sống của Thiên Chúa chúng ta. Trong một thời gian ngắn, dân chúng đã từ bỏ tà giáo của mình và một lần nữa quay về để thực hiện tôn giáo của họ. Chúng ta thấy ở đây sự quan trọng của việc cầu nguyện trong công việc của sự cứu rỗi. Cầu nguyện loại bỏ những chướng ngại để đón nhận hồng ân, và sự hướng dẫn đơn giản sẽ thực hiện phần còn lại. Cầu nguyện thu được mọi điều từ Thiên Chúa, một cách đơn giản bởi vì người ta cầu nguyện để chuẩn bị linh hồn của mình cho những hạt giống của ân sủng và sự thánh hóa, và nếu chỉ những người dị giáo và tất cả những ai bên ngoài Giáo Hội có thể được thuyết phục để cầu nguyện, chắc chắn chẳng mấy chốc họ sẽ nhận lãnh món quà của Đức Tin. Trống vắng những lời khấn nguyện tức trống vắng hồng ân, và vì thế cái ác của tội lỗi và tà giáo đều là do ảnh hưởng thuộc kết quả cuối cùng đối với niềm khát khao cầu nguyện.

Chúng ta không được phép bỏ sót một yếu tố khác trong sự hủy diệt của tà giáo Albigenses, và đó là quyền năng trung gian của Mẹ Maria. Thánh Dominic đã cầu nguyện Đức Mẹ và dạy dân chúng làm y như vậy. Mẹ Maria là mối liên kết thắt chặt linh hồn đối với Chúa Giê-su. Mẹ cũng là mối liên kết thắt chặt những mối ràng buộc hết thảy các dân tộc với Chúa Giê-su, và do đó chúng ta có một sự giải thích nữa về sự thành công tuyệt diệu của Thánh Dominic. Những ai khẩn cầu sự trợ giúp về điều này thánh Mẫu bảo đảm thành công bởi những lời cầu bầu của Bà mạnh mẽ đến nỗi họ có thể đánh bại những quyền hạn của Hỏa ngục và mọi mưu mô của những kẻ xấu xa đểu cáng. Nó cũng xứng đáng để chú ý rằng Mệnh Lệnh của Thánh Dominic vẫn mãi trung thành với Giáo Hội trong thời đại Cải Cách này. Điều này được giải thích bởi sự dâng hiến của họ đối với việc lần hạt Mân Côi và bởi tính trung thực đối với việc giảng dạy về giáo lý Ki-tô giáo thường xuyên cho tín hữu. Thánh Thomas, người mà có lẽ sau Thánh Dominic viên ngọc trân tuyệt vời theo thứ bậc Dominic, đã đơn giản hóa thần học và triết học của Giáo Hội rằng khi thời gian thử nghiệm đã đến. Những người con của Thánh Dominic đã sẵn sàng để đưa ra một lời giải thích đơn giản của tất cả mọi chân lý của Giáo Hội, và bằng cách này họ có thể làm đảo lôn tất cả mọi thủ đoạn của những người dị giáo.

Việc lần hạt Mân Côi mãi mãi là sự bảo vệ tuyệt diệu của hết thảy các dân tộc trong những lúc căng thẳng và phong ba bão táp khi nanh vuốt của chủ nghĩa tà giáo đe dọa tiêu diệt những con cái trung thành của Chúa Giê-su và Mẹ Maria. Sự tôn sùng việc lần hạt Mân Côi đã gìn giữ Đức Tin trong toàn bộ những quốc gia, và chúng ta không có lý do để ngạc nhiên về điều này.Những suy tư đơn giản của việc lần hạt Mân Côi về cuộc đời của Chúa Giê-su và Mẹ Maria và sự cân nhắc một số bí ẩn về niềm tin đã duy trì những kiến thức chân lý siêu nhiên trước những khả năng trí tuệ của tín hữu, và những lời cầu nguyện hoặc sự lặp lại kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng nhắc nhở dân chúng về Lời Chúc Mừng của Thiên Sứ và Thánh Ý Chúa, trong cùng lúc nó đã được chuẩn bị phần hồn và gặt hái được ân sủng bởi sức mạnh của sự nài xin, hoặc bởi hiệu quả của nó vì lời cầu nguyện. Sự tôn sùng lần hạt Mân Côi đã trở nên huyền bí tuyệt diệu của sự thánh thiện gia đình và từ đó đã trở nên mạch nguồn của những thiên hướng và vô vàn sự thiêng liêng của Giáo Hội. Thiên hướng đến từ những gia đình mà Chúa Giê-su và Mẹ Maria có vị trí nổi bật và nơi mà gia đình được thánh hóa vào mỗi buổi tối bằng việc kể lể lời kinh Mân Côi, trút xuống ơn lành và mọi phù hộ của Mẹ ngọt ngào.

Chúng ta muốn nói bởi lòng tốt trong gia đình, tính tốt siêu nhiên. Nhiều gia đình có thể trở nên đáng kính và có thể tận hưởng sự vui vẻ của hàng xóm láng giềng, nhưng lòng tốt của họ có thể thuần khiết hoặc bao la tự nhiên, và có thể không cần lưu tiếng đời đời. Một số người ở đây bị bối rối và có thể họ có xu hướng sao chép lòng tốt tự nhiên của người khác bởi họ không thể phân biệt giữa tự nhiên và siêu nhiên. Một số lại hỏi tại sao người ta bị lôi cuốn vào những vấn đề của thế giới hiện tại lại phát đạt thịnh vượng, trong khi những người hiền lành lại gánh chịu khổ đau. Điều này một lần nữa gây sự nhầm lẫn giữa siêu nhiên và tự nhiên. Những người bị cuốn hút vào những vấn đề thế giới hiện tại, hoặc những ai hoạt động như thể thế giới này là thế giới duy nhất, có thể phát đạt thịnh vượng và được tôn trọng trong thế giới này, và Thiên Chúa ban cho họ phần thưởng này vì những việc làm tốt tự nhiên của họ. Nhưng ở đây không có ngôn từ của phần thưởng siêu nhiên vĩnh cửu, điều mà vượt lên trên bất kỳ trong những niềm vui qua mau trong thế gian này. Chúa chúng ta không bao giờ hứa hẹn những phần thưởng thế gian tới những môn đệ của Người. Những người bạn của Chúa Giê-su có thể nhận những món quà của thế gian này, nhưng đây chỉ là ngẫu nhiên. Chúa chúng ta khuyên bạn bè của Người tích trữ “kho báu trên Thiên Đàng”, nơi mà họ không thể bị hủy diệt, và là nơi kẻ trộm không đánh cắp. Gấp trăm lần hứa hẹn thậm chí trong cuộc đời này có thể không nhất thiết bao gồm giàu có hoặc danh dự. Nó có thể và nói chung gồm những ơn lành, điều mà mang lại an bình đích thực của tâm hồn và đề phòng những rủi ro bất trắc. Nhưng phần thường siêu nhiên đã hứa hẹn cho những ai tìm kiếm trước nhất Vương Quốc của Thiên Chúa sẽ bắt đầu trên những bến bờ vĩnh cửu và sẽ không bao giờ kết thúc. Việc lần hạt Mân Côi gia đình sẽ ngăn chặn những sự cố bất hạnh trong gia đình gây buồn bã da diết cho cả cha mẹ lẫn con cái và thường kết thúc bằng sự tàn phá lời cam kết hôn nhân. Lần hạt Mân Côi gia đình là một trong những lời nguyện cầu tốt nhất của Giáo Hội. Cầu nguyện là đưa tâm trí tới Thiên Chúa và dẫn dắt những suy nghĩ của chúng ta thoát khỏi những việc liên quan trải qua thế gian này. Lần hạt Mân Côi chiếm thời gian đủ để thu hút sự chú ý của chúng ta cho một thời gian thích đáng để cho phép chúng ta bỏ qua những lo lắng phiền muộn thế gian và điều này tốt cho cả tâm hồn và thể xác. Nó có thể được nói về một cuộc hành trình hoặc thậm chi khi được tham gia vào những ngành nghề của mình mà không yêu cầu mọi chú ý của chúng ta. Những đặc ân của việc lần hạt Mân Côi tuyệt diệu đến nỗi tận dụng lòng tôn sùng này cho sự cứu vớt những linh hồn trong Luyện Ngục. Lần hạt Mân Côi là sự tôn sùng đặc biệt đối với Đức Mẹ. Không ai là không mong muốn sự trợ giúp của Mẹ Maria mà bỏ qua chuỗi Mân Côi của Mẹ.

(Nguồn: “The Mother of God and Her Glorious Feasts” by Fr. H. O’Laverty, B.A. (1908), published by Tan Book & Publishers (1987). Imprimatur by Most Rev. J. Van der Meersch in Bruges, Belgeum (June, 27, 1925)
 
Xin cho con được sáng
LM Inhaxiô Trần Ngà
11:26 21/10/2009
Chúa Nhật 30 thường niên B (Mc 10, 46-52)

Rất nhiều người may mắn không bị mù loà, nhưng hầu như ai cũng có lúc bị mù quáng. Người mù quáng có thể thấy rõ những sai phạm của người khác nhưng mù tối về những lầm lỗi của mình, nên thiên hạ bảo: “việc người thì sáng, việc mình thì quáng."

Một điển hình của tình trạng mù quáng được Kinh Thánh ghi lại như sau:

Đa-vít là vị vua khôn ngoan, dũng cảm và đức độ; thế nhưng nhà vua cũng có lúc bị mù quáng nghiêm trọng. Dù đã có nhiều thê thiếp nhưng vua lại mê đắm bà Bát-sa-bê là vợ của Uria và sau đó lại mượn tay quân thù giết chết Uria ngoài mặt trận, để rồi chính thức cưới lấy bà Bát-sa-bê làm vợ.

Thế là cùng một lúc vua đã phạm hai tội ác tầy đình: tội ngoại tình và tội giết người. Ấy thế mà vua vẫn ung dung như không có gì xảy ra.

Sau đó, Thiên Chúa sai ngôn sứ Na-tan đến cảnh tỉnh nhà vua. Vị ngôn sứ tâu vua rằng: Trong thành kia, có một người giàu có đến cả ngàn dê cừu. Trong khi đó, bên cạnh nhà ông ta có một ông lão nghèo khó và cô độc, chỉ có một con chiên nhỏ làm bạn cho vui tuổi già. Ông lão thương con chiên đó như con gái của ông. Ông cho chiên ăn trên tay và cho ở trong nhà.

Thế rồi khi người giàu có khách, ông ta không chịu bắt chiên mình thiết tiệc; trái lại, cho tôi tớ qua nhà ông lão nghèo khổ bắt con chiên độc nhất của ông nầy làm thịt đãi khách.

Nghe đến đây, vua Đa-vít bừng bừng nổi giận. Vua muốn trừng trị tức khắc tên bất lương đó. Nhà vua phán: "Nó đáng chết vì tội ác nó đã phạm. Nó phải bồi thường gấp bốn thiệt hại mà nó đã gây ra."

Bấy giờ ngôn sứ Na-tan mới tỏ cho vua biết tên bất lương đó chính là nhà vua: vua đã có nhiều vợ con, thê thiếp lại đang tâm sát hại Uria và cướp lấy vợ ông ta!

Bấy giờ vua Đa-vít mới bừng sáng mắt, thấy rõ tội ác của mình nên đã ăn năn thống thiết. (II Samuel 11, 1-12,12)

Tuy bị mù loà là một thua thiệt lớn, nhưng không đáng sợ bằng mù quáng, vì người mù loà chẳng làm hại ai; còn người mù quáng có thể gây ra vô vàn điều tai hại cho mình và cho xã hội. Mặt khác, người mù quáng ít khi tự biết là mình mù quáng, vì thế việc chữa trị lại càng khó khăn hơn.

Đã mang lấy phận người, mấy ai không bị mù quáng? Nhưng điều quan trọng là mỗi người có nhận ra tình trạng mù quáng của mình và khao khát được Chúa Giê-su cứu chữa hay không?

Người mù trong Tin Mừng hôm nay (Mc 10, 46-52) có lòng khao khát thoát cảnh mù loà cách mãnh liệt. Khi nghe biết có Chúa Giê-su đi ngang qua, anh liền cất tiếng kêu to: "Lạy ông Giê-su, con vua Đa-vít, xin hãy thương xót tôi." Dù người qua kẻ lại quát mắng anh im đi nhưng không gì có thể dập tắt được ngọn lửa khao khát bừng lên mãnh liệt trong lòng, nên anh càng la to hơn: "Lạy ông Giê-su, con vua Đa-vít, xin hãy thương xót tôi!”

Thế rồi, khi được biết Chúa Giê-su cho vời mình đến, anh vui mừng đến độ vứt cả áo choàng, vứt cả bị gậy để đến với Chúa Giê-su. Chúa Giê-su hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Anh mau mắn thưa ngay: "Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy."

Cầu được ước thấy, ánh sáng đã bừng lên cho anh. Anh thấy được Đức Giê-su, thấy mọi người chung quanh, thấy thế giới rực rỡ muôn màu.

Muốn được chữa lành bệnh mù quáng, chúng ta phải có lòng khao khát mãnh liệt được sáng như anh mù Bartimê. Lòng khao khát đó sẽ thúc đẩy chúng ta đến với Đức Giê-su là Ánh Sáng đích thật và Ánh Sáng của Người sẽ xoá tan sự mù quáng đang vây phủ lòng trí chúng ta. Nhờ đó, chúng ta sẽ thoát khỏi nhiều sai lầm tai hại.

Lạy Chúa Giê-su là Ánh Sáng thế gian,

Người mù quáng sinh hoạt giữa đời cũng giống như tài xế chạy xe giữa đêm đen mà không có đèn chiếu sáng, chắc chắn sẽ gặp phải nhiều nguy hại xảy đến bất ngờ. Nguyện xin ánh sáng của Chúa soi dẫn cho chúng con thấy được nẻo chính đường ngay.

Hôm xưa Chúa đã từng mở mắt cho những kẻ mù loà được xem thấy thì nay xin Chúa xót thương giải thoát chúng con khỏi tình trạng mù quáng khiến chúng con sống trong mê muội, sai lầm. 30
 
Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su và anh mù thành Giê-ri-cô
Lm Ingatiô Hồ Thông
11:30 21/10/2009
CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN

Ba bài đọc của Chúa Nhật hôm nay nêu bật một chủ đề duy nhất: tấm lòng của Thiên Chúa đối với sự khốn cùng của nhân loại.

Gr 31: 7-9 Bài đọc I được trích từ sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a. Vị ngôn sứ ca ngợi tấm lòng ưu ái của Đức Chúa; khi đã quyết định dẫn đưa những người lưu đày trở về quê cha đất tổ, Ngài bày tỏ tình phụ tử đối với họ.

Dt 5: 1-6 Thư gởi tín hữu Do thái phác họa chân dung vị Thượng Tế Tân Ước biết cảm thương qua dung mạo của vị thượng tế Cựu Ước. Đức Giê-su là vị Thượng Tế thập toàn vì Ngài là Con Thiên Chúa.

Mc 10: 46-52 Thánh Mác-cô tường thuật việc anh mù thành Giê-ri-cô được nhìn thấy. Đức Giê-su đã lắng nghe lời khẩn cầu đầy lòng tin của anh và đã đáp trả ước nguyện của anh.

BÀI ĐỌC I (Gr 31: 7-9)

Bản văn nầy được trích từ chương 31 tác phẩm của ngôn sứ Giê-rê-mi-a. Chương 31 nầy liên kết với chương 30 trước đó để hình thành nên một đơn vị. Đây là một trong những bản văn cảm động nhất mà vị ngôn sứ đã viết để ca ngợi tấm lòng ưu ái của Thiên Chúa.

1. Bối cảnh:

Ngôn sứ Giê-rê-mi-a thực thi hành sứ vụ của mình ở Giê-ru-sa-lem vào khoảng những năm 626-587 trước Công Nguyên. Ông đã chứng kiến những năm tháng bi thương của đồng bào ông dưới gót dày xâm lược của đế quốc Ba-by-lon, nào cảnh nước mất nhà tan, cảnh hoang tàn đổ nát của thành thánh và Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. Đây là thảm họa mà ông có sứ mạng loan báo, nhưng đã không thuyết phục được đồng bào của ông.

Trước khi những biến cố bi thảm nầy xảy đến, ông đã trải qua một thời kỳ hạnh phúc dưới triều đại của vua Giô-si-gia-hu (522-509 BC.); chính từ thời kỳ nầy mà bản văn đầy hân hoan nầy được viết; cốt yếu liên quan đến những dân cư Ga-li-lê và Sa-ma-ri. Những miền này vào thế kỷ trước đó đã bị đế quốc Át-sua chiếm đóng; một phần dân cư đã bị dẫn đi lưu đày. Ấy vậy, đế quốc Át-sua trở nên suy yếu và bị đe dọa. Nhờ thế, vua Giô-si-gia-hu mới có thể trải rộng quyền hành của mình trên toàn cõi đất nước.

2. Giấc mơ của ngôn sứ Giê-rê-mi-a:

Ngôn sứ Giê-rê-mi-a tràn đầy hy vọng. Phải chăng giờ phục hưng Ít-ra-en và thống nhất dân Thiên Chúa đã điểm? Ông mơ ước, vì ít ra một sấm ngôn về giấc mơ được miêu tả ở 30 và 31: 1-22. Tấm lòng nhạy cảm của Giê-rê-mi-a cùng chung nhịp với tấm lòng của Thiên Chúa; vị ngôn sứ phác họa niềm cảm xúc của Đức Chúa trước cảnh khốn cùng của con cái Ngài (30: 1-11); chắc chắn Ngài đã trừng trị họ vì những lỗi phạm của họ (30: 11, 15), nhưng Ngài không bao giờ ngừng yêu thương họ “bằng mối tình muôn thuở” (31: 3). Và Giê-rê-mi-a tưởng tượng Đức Chúa kêu mời muôn dân: “Reo lên mừng Gia-cóp, hãy hoan hô dân đứng đầu chư dân!”. “Đứng đầu chư dân” vì dân này đã được Thiên Chúa tách riêng ra giữa chư dân và được Ngài rất mực yêu thương.

“Nào loan tin, ca ngợi và công bố: Đức Chúa đã cứu dân Người, số còn lại của Ít-ra-en”. “Số còn lại của Ít-ra-en” nhắm đặc biệt hơn đến những người đã chịu sự thử thách của cuộc lưu đày; số còn lại nầy sẽ như một chất xúc tác đối với toàn dân Chúa chọn. Cũng danh xưng nầy sẽ được ban cho những người lưu đày ở Ba-by-lon vào thế kỷ theo sau.

3. Ngày trở về:

“Nầy Ta đưa chúng từ đất Bắc trở về”: đây là cách nói kinh điển để chỉ ách thống trị của ngoại bang, dù đế quốc Át-sua hay đế quốc Ba-by-lon. “Chúng trở về, nước mắt tuôn rơi, Ta sẽ an ủi và dẫn đưa chúng”. Ngay cả những kẻ yếu nhược nhất, thông thường không thể tự mình trở về, Đức Chúa sẽ an ủi và nâng đỡ để không một ai vấp ngã trên đường, vì Đức Chúa là Người Cha tận tình săn sóc: “Vì đối với Ít-ra-en, Ta là một người Cha, còn đối với Ta, Ép-ra-im chính là con trưởng”. “Ép-ra-im chính là con trưởng”: tên “Ép-ra-im” được dùng để chỉ toàn bộ các chi tộc phương Bắc và “con trưởng” để chỉ đứa con rất mực yêu dấu.

Giấc mơ của ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã không được thực hiện. Đế quốc Ba-by-lon đã thay thế đế quốc Át-sua; cảnh đời nô dịch nầy thay thế cảnh đời nô dịch khác. Vì thế, những viễn cảnh của vị ngôn sứ chỉ được ứng nghiệm vào thời kỳ lưu đày Ba-by-lon sáu mươi năm sau: Chính cho những người lưu đày Ba-by-lon nầy mà ngôn sứ I-sai-a đệ nhị sẽ lấy lại và khai triển những chủ đề của vị tiền nhiệm mình.

Tuy nhiên, ngôn sứ Giê-rê-mi-a, trong trực giác sâu xa của mình, đã không bị đánh lừa. Khi mô tả tình phụ tử của Thiên Chúa: cảm thương thân phận con cái của Ngài, nhân loại vừa tội lỗi vừa đau khổ, vị ngôn sứ đã cho giấc mơ của mình một tầm mức mà chính ông không thể ngờ được, một tầm mức Mê-si-a.

BÀI ĐỌC II (Dt 5: 1-6)

Trọng tâm của thư gởi các tín hữu Do thái là sứ vụ của Đức Ki tô được xem như một vị Thượng Tế thập toàn và vô cùng siêu vượt trên vị thượng tế Cựu Ước.

Hai khía cạnh cốt yếu tiêu biểu chức tư tế: một mặt, vị thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm; mặt khác, ông là người của Thiên Chúa, vai trò của ông là vai trò trung gian giữa con người và Thiên Chúa.

Dưới ánh sáng của sự đòi hỏi kép nầy, tác giả thiết lập một sự đối chiếu giữa chức tư tế của vị thượng tế Cựu Ước và chức tư tế của Đức Ki tô, ở nơi sứ vụ đầy lòng xót thương đối với con người yếu đuối và tội lỗi.

1. Vị thượng tế Cựu Ước biết cảm thương:

Tác giả nhấn mạnh những phẩm chất phàm nhân của vị thượng tế: là một con người, ông chia sẻ những yếu đuối của con người; ông lại càng cảm thương hơn nữa đối với những tội lỗi của họ mà chính ông cũng là một tội nhân: “Mà vì yếu đuối, nên ông phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào, thì cũng dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy”.

Nhưng không ai có thể tự phong cho mình quyền là người của Thiên Chúa, nhưng phải lãnh nhận chức vị nầy từ chính Thiên Chúa. Thật ra, chức tư tế Cựu Ước là một chức vụ cha truyền con nối. Thiên Chúa đã gọi ông A-ha-ron một lần cho tất cả, hàm chứa ở đây hậu duệ của ông (Xh 28: 1 và Lv 18: 1-13).

2. Đức Ki tô, vị Thượng Tế Tân Ước:

Tác giả sẽ đối lập vị thượng tế biết cảm thương của Cựu Ước với Đức Ki tô, vị thượng tế biết cảm thương của Tân Ước. Ông tiến hành theo trật tự đảo ngược khi bắt đầu gợi lên lễ tấn phong của Đức Giê-su, lễ tấn phong mặc hai khía cạnh:

- Đức Ki tô là một vị Thượng Tế có phẩm chất khôn sánh, vì Ngài là Con Thiên Chúa.

- Đức Ki tô là vị Thượng Tế không theo phẩm trật A-ha-ron, nhưng theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.

Khi bắt đầu gợi lên tính siêu việt của chức tư tế Đức Ki tô, tác giả thư gởi tín hữu Do thái lưu ý rằng Đức Ki tô là vị Thượng Tế biết cảm thương tuyệt vời vì Ngài là vị Trung Gian trực tiếp của lòng xót thương Thiên Chúa; chức tư tế độc nhất vô nhị của Ngài diển tả một chuyển động từ trên xuống: chuyển động của Tình Phụ Tử Thiên Chúa đối với con người.

Quả thật, chính sáng kiến của Chúa Cha mà Chúa Con nhận được lễ tấn phong của mình: Tv 2 được trích dẫn để làm bằng chứng: “Con là con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra con”. Thánh Vịnh nầy là một Thánh Vịnh phong vương. Vào ngày phong vương, thời quân chủ Đa-vít, vị tân vương được công bố là Thiên Tử. Tước hiệu Thiên Tử của vị tân vương là biểu tượng, tước hiệu Thiên Tử của Đức Ki tô là đích thực; tước hiệu nầy hàm chứa cuộc Nhập Thể (“Cha đã sinh ra con”) nhưng cũng là tính cách vương đế của chức tư tế Đức Giê-su. Đức Ki tô vừa là vua vừa là tư tế, như vậy làm trọn giấc mơ Mê-si-a tuyệt vời.

3. Vị Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê:

Đức Giê-su không thuộc chi tộc Lê-vi; Ngài không thể tự nhận mình là tư tế theo luật Mô-sê. Chức tư tế của Ngài thuộc phẩm trật khác, phẩm trật Men-ki-xê-đê.

Men-ki-xê-đê là một nhân vật huyền nhiệm mà sách Sáng Thế nói về ông (14: 18-20). Ông vừa là “vua thành Sa-lem” (xem ra thành Giê-ru-sa-lem tương lai) vừa là “tư tế của Thiên Chúa Tối Cao”; ông đã chúc phúc cho ông Áp-ra-ham và đại diện vị tổ phụ, ông tiến dâng bánh và rượu lên Thiên Chúa; còn ông Áp-ra-ham biếu con người của Thiên Chúa nầy một phần mười chiến lợi phẩm của mình.

Truyền thống đối lập chức tư tế A-ha-ron với chức tư tế Men-ki-xê-đê với, một chức tư tế không giới hạn, không lai lịch, chức tư tế muôn đời, thuộc nguồn gốc từ trời. Chính ở nơi khuôn mẫu của chức tư tế Men-ki-xê-đê nầy mà Tv 110 quy chiếu đến: “Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Men Ki-xê-đê” (Tv 110: 4). Thánh Vịnh này cũng là một Thánh Vịnh phong vương và phóng chiếu dung mạo của vị thượng tế lý tưởng trong tương lai, vì thế, Thánh Vịnh nầy có một cung giọng Mê-si-a. Những sấm ngôn nầy được ứng nghiệm nơi Đức Ki tô. Đức Ki tô là vị Thượng Tế biết cảm thương, Ngài thực thi chức năng trung gian của Ngài muôn đời bên cạnh Chúa Cha.

TIN MỪNG (Mc 10: 46-52)

Việc chữa lành anh mù thành Giê-ri-cô được cả ba sách Tin Mừng nhất lãm thuật lại (tại Mát-thêu, có đến hai người mù được chữa lành). Câu chuyện nầy có một tầm quan trọng đặc biệt, bởi vì nó đóng chức năng như bản lề giữa lời loan báo thứ ba về cuộc Thương Khó và cuộc khải hoàn của Đức Giê-su vào thành thánh Giê-ru-sa-lem.

1. Bối cảnh:

Chúa Giê-su rời thung lũng sông Gio-đan và trực chỉ về thành thánh Giê-ru-sa-lem, bằng qua thành Giê-ri-cô. Giê-ri-cô là một trong những thành phố cổ xưa nhất miền Pha-lệ-tinh; những cuộc khai quật cho thấy nhiều di tích tường thành niên biểu lên đến thế kỷ thứ bảy trước Công Nguyên. Đây cũng là một trong những ốc đảo xanh tươi nhất ở dưới chân của những ngọn đồi khô cằn sa mạc Giu-đê. Vua Hê-rô-đê và triều thần của ông đã xây dựng nơi nghĩ đông ở đây.

Chính ở thành Giê-ri-cô nầy mà vào thời điểm lễ Vượt Qua những người hành hương từ Pê-rê và miền Thập Tỉnh quy tụ lại trước khi lên thành thánh Giê-ru-sa-lem, cách đó khoảng hai mươi sáu cây số. Đức Giê-su và các môn đệ của Ngài đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua; nếu đám đông quy tụ đông đúc chung quanh họ, như thánh ký ghi nhận, chính thật ra vì ngày đại lễ nầy sắp đến: thành Giê-ri-cô đông đúc các khách hành hương rồi.

Thánh Mác-cô và thánh Lu-ca nói khi Đức Giê-su ra khỏi thành Giê-ri-cô, còn thánh Lu-ca nói khi Đức Giê-su đến gần thành Giê-ri-cô, có một người mù “đang ngồi ăn xin bên vệ đường”.

2. Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su và anh mù thành Giê-ri-cô:

Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su và anh mù thành Giê-ri-cô được mô tả một cách sinh động và ngoạn mục. Mọi người đang lũ lượt kéo nhau đi trong khi anh ngồi mà lại ngồi một mình bên vệ đường. Tư thế này diễn tả cảnh ngộ của anh, anh hoàn toàn bị gạt ra ngoài cuộc sống, bị khai trừ khỏi cộng đoàn đang hoạt động nhộn nhịp chung quanh anh. Tuy nhiên, anh không cam chịu hoàn cảnh bị khai trừ của mình. Anh lắng nghe dư luận quần chúng mà biết rằng Đức Giê-su đang đi qua đây, vì thế, lòng anh tràn đầy hy vọng. Chắc chắn anh đã nghe nói về việc ông Giê-su Na-da-rét nầy đã chữa lành nhiều người mù. Vì thế, anh kêu gào hết sức mình, và bạo dạn gọi Đức Giê-su “Con vua Đa-vít”, tước hiệu của Đấng Mê-si-a mà dân chúng từ lâu mong đợi (2Sm 7: 1-17). Nhiều người quát nạt bảo anh im đi. Không thể loại trừ những yếu tố thù nghịch trà trộn trong đám đông, có thể có vài người Biệt Phái lắm chứ, họ không thể chịu nỗi bất cứ ai áp dụng tước hiệu “Con Thiên Chúa” nầy cho Đức Giê-su. Nhưng mặc kệ, không chịu thua cuộc, anh mù lại càng kêu to hơn nữa át cả những lời quát tháo ngăm đe bảo anh im đi.

Đức Giê-su cứ để mặc anh mù kêu to tước hiệu Mê-si-a mà không ngăn cản anh phải im lặng như trước đây nữa. Thời kỳ nầy đã qua, thời Ngài đã cố giữ mầu nhiệm chung quanh con người của Ngài để tránh những giải thích sai lạc về vai trò Mê-si-a của Ngài. Bây giờ Ngài đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem, con đường mặc khải tuyệt mức tước hiệu Mê-si-a của Ngài ở nơi biến cố Tử Nạn và Phục Sinh. Giờ của sự thật đã điểm. Chẳng bao lâu nữa dân thành Giê-ru-sa-lem sẽ tung hô Ngài dưới tước hiệu nầy.

3. Đức tin của anh mù thành Giê-ri-cô:

Đức Giê-su không thể nào làm ngơ trước những tiếng kêu đầy niềm tin vào Ngài của anh mù thành Giê-ri-cô nầy được, vì thế, Ngài dừng bước và nói: “Gọi anh ta lại đây!”. Một lần nữa, Đức Giê-su biểu lộ cho thấy Ngài muốn liên lụy đến những kẻ mà người ta khăng khăng muốn khai trừ, loại bỏ. Đám đông tức khắc thay đổi thái độ và còn khuyến khích anh mù: “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!”.

Như thử mình đã được nhìn thấy rồi vậy, “anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su”. Trong Kinh Thánh, y phục tượng trưng cho nhân cách người mặc nó. “Vất áo choàng” chính là vất thân phận bị khai trừ của mình. “Áo choàng” còn là của cải duy nhất mà người nghèo có (Xh 22: 25-26). Khi vất áo choàng, anh đã bỏ tất cả những gì anh có mà đến với Đức Giê-su, lời đáp trả mà Đức Giê-su đã mong đợi nhưng không gặp thấy ở nơi chàng thanh niên giàu có. “Đứng phắt dậy mà đến gần Chúa Giê-su” trong khi mắt vẫn mù, thì đúng là thái độ của đức tin.

Khi diện đối diện với anh mù, Ngài hỏi anh: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Dĩ nhiên, Đức Giê-su biết rõ ước muốn của anh, nhưng Ngài luôn luôn trọng tự do của những người đến gặp Ngài, vì thế Ngài muốn anh phải tự mình nói lên ước nguyện của mình: “Rabbouni, xin cho tôi nhìn thấy được”. Thánh Mác-cô đã gìn giữ từ A-ram nầy. Khi ngỏ lời với thầy mình, các môn đệ Do thái thường gọi đơn giản: “Rabbi” (“Thưa Thầy”). Còn ở đây, từ “Rabbouni” mang một sắc thái đầy kính trọng và thân ái hơn, nghĩa là “Thưa Tôn Sư của tôi” hay “Thưa Ngài của tôi”.

4. Anh mù đón nhận nhiều hơn anh ước mong:

Anh mù được nhìn thấy ngay tức khắc do lời của Đức Giê-su: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!”. Lời của Đức Giê-su mang lấy một chiều kích sâu xa bất ngờ đối với anh mù cũng như đối với đám đông vây quanh. Lệnh truyền “Anh hãy đi” hàm chứa một sứ mạng. Thay vì “lòng tin của anh đã chữa lành anh”, Đức Giê-su lại nói với anh: “lòng tin của anh đã cứu anh!”, nghĩa là, nhờ đức tin, Đức Giê-su không chỉ cứu chữa anh khỏi đôi mắt mù lòa của thể xác, mà còn ban cho anh được ơn cứu độ mà Ngài đem đến nữa.

Anh mù không chỉ được sáng mắt mà còn sáng cả cõi lòng trước sứ điệp Tin Mừng: “Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi”. Rõ ràng đây là dáng dấp của người môn đệ của Đức Giê-su. Động từ “đi theo” diễn tả lời đáp trả của anh trước động từ “gọi” ở nơi môi miệng của Chúa Giê-su: “Gọi anh ta lại đây!” và ở nơi lời công bố của đám đông: “Người gọi anh đấy!”. Đức Giê-su đã gọi anh mù ăn xin thành Giê-ri-cô, như Ngài đã gọi các môn đệ khác, “họ đã đi theo Ngài” (1: 18; 2: 14). Xem ra anh mù Ba-ti-mê đã trở thành môn đệ của Ngài, và chắc chắn vì lý do đó mà tên anh đã vẫn lưu lại trong ký ức của các Ki tô hữu tiên khởi.

Như vậy, câu chuyện anh mù thành Giê-ri-cô là dịp làm chứng về đức tin đầy tâm huyết và kiên vững trái ngược với thái độ không hiểu và cứng tin của các Tông Đồ; câu chuyện nầy cũng đã đánh dấu việc vén mở bí mật Mê-si-a, chuẩn bị cho việc dân chúng hân hoan đón tiếp Ngài vào thành thánh Giê-ru-sa-lem.

Một lần nữa, chúng ta thấy nghệ thuật kể chuyện của Mác-cô đã đạt đến độ hoàn hảo. Trong bốn tác giả Tin Mừng, thánh Mác-cô là người kể chuyện với nhiều chi tiết sinh động nhất và phong phú nhất.
 
Đức Giêsu chữ lành người mù thành Giê-ri-cô
Lm PX Vũ Phan Long, ofm
11:33 21/10/2009
Chúa nhật 30 thường niên B (Máccô 10,46-52)

1.- Ngữ cảnh

Mc 8,22-26 kể truyện một người mù được dẫn đến gặp Đức Giêsu, được Người chữa lành tiệm tiến, và được yêu cầu giữ kín việc này; trong 10,45-52, Báctimê tự mình tích cực tìm Đức Giêsu, được chữa lành ngay và trở thành môn đệ trên đường. Truyện thứ hai này, cùng với câu truyện thứ nhất, đóng khung một đơn vị văn chương, nhưng cũng cho thấy một sự tiến bộ trong đức tin. Truyện này có thể được coi như một truyện về chữa lành hoặc một truyện về ơn gọi. Truyện này còn là một lời khuyến khích các môn đệ đang đi theo Đức Giêsu mà không hiểu gì hết, lòng trĩu nặng kinh hoàng.

Hai đoạn 8,22-26 và 10,45-52 là những bài tường thuật có vai trò chuyển mạch. Hai đoạn này đưa độc giả đến một lời tuyên xưng công khai vào tư cách Mêsia của Đức Giêsu: đức tin vào tư cách Mêsia giả thiết có biến cố Khổ Nạn. Trong viễn tượng đối thần này, việc Đức Giêsu mở mắt có giá trị một dấu chỉ.

2.- Bố cục

Bản văn có thể chia thành ba phần:
1) Hoàn cảnh: nơi chốn và các nhân vật (10,46);
2) Phản ứng của anh mù khi nghe biết Đức Giêsu đang đi qua (10,47-50);
3) Đỉnh cao của bài: anh mù được chữa lành và trở thành môn đệ (10,51-52).

3.- Vài điểm chú giải

- con đường (hê hodos) (46): Chúng ta đang ở trong phân đoạn trọng tâm Trên đường (x. Bố cục). Mc 10,32 ghi: “Đức Giêsu và các môn đệ đang trên đường lên Giêrusalem. Người dẫn đầu các ông. Các ông kinh hoàng, còn những kẻ theo sau cũng sợ hãi”. Đề tài này với tất cả những gì liên hệ đến (tiến bước, dừng chân…) càng nổi bật trong 10,46-52: họ (các môn đệ, đám đông và Đức Giêsu) đến Giêrikhô. Nhưng rồi Giêrikhô cũng chỉ là một chặng trên “con đường” (“Khi Đức Giêsu … ra khỏi Giêrikhô”).

- môn đệ: Xem ghi chú ở 2,18. Các môn đệ (mathêtai) đi theo Đức Giêsu được phân biệt với đám đông tổng quát hơn (8,34; 9,14). Khi ghi nhận những lần tác giả sử dụng từ “đám đông” (ochlos), chúng ta có thể khẳng định rằng, cũng như các tác giả Tin Mừng khác, Mc ghi nhận sự hiện diện thường xuyên của đám đông. Trong một vài đoạn, ngài còn ghi là đám đông đi theo Người (3,20; 5,24; 8,2; x. plêthos ở 3,7 và polloi ở 2,15). Tuy nhiên, trong phân đoạn 8,27–10,52, hiếm khi Đức Giêsu ngỏ lời với đám đông. Trước 10,46, đám đông xuất hiện ở 9,14 và 10,1 (lần duy nhất ochloi ở số nhiều). Trong chuyến đi về Giêrusalem, Đức Giêsu săn sóc đặc biệt các môn đệ. Thông thường, khi cứu xét ngữ cảnh, ta có thể giả thiết là các đám đông là những người phát xuất từ vùng Đức Giêsu đi ngang qua (10,1). Trong trường hợp 10,46, vì đã gần lễ Vượt Qua, ta có thể nghĩ đến những người hành hương đang cùng đi với nhau tiến về thành thánh. Dù sao, Mc đã không quan tâm ghi chú lý do vì sao đám đông ra khỏi Giêrikhô với Đức Giêsu và các môn đệ Người.

- Báctimê: Báctimê là phiên âm cụm từ A-ram bar timay, có nghĩa là “con ông Timê”.

- một người hành khất mù, đang ngồi ở vệ đường: So với hành động của anh mù được kể ở c. 52 (“đi theo”), câu này cho thấy vị trí đầu tiên của Báctimê hoàn toàn ngược lại: “đang ngồi ở vệ đường” (para tên hodon). Đây là một tư thế cố định được coi như vĩnh viễn (thì vị hoàn của động từ ekathêto). Đã thế, anh lại là người hành khất (prosaitês) và bị mù. Tư cách hành khất diễn tả sự cố định, còn sự mù loà diễn tả sự xa cách. “Bên vệ đường” có nghĩa là “ở bên ngoài đường”. Như vậy, Báctimê ở trong thế bị loại trừ, cố định, xa cách người khác.

- Vừa nghe nói là Đức Giêsu Nadarét, anh ta bắt đầu kêu lên (47): Đám đông can thiệp nhiều lần. Lần đầu tiên, họ cho biết đó là “Đức Giêsu Nadarét” (c. 47). Báctimê nhận thông tin này bằng thính giác (“đã nghe”): vì mù loà nên xa cách. Nhưng có sự gần gũi: Giêsu người Nadarét là một con người; và hình như anh cũng đã được thông tin về Người rồi. Tuy nhiên, sự gần gũi này cũng chưa giúp gì cho anh. Anh kêu lên (vì xa cách): “Lạy Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!”. Đáng ngạc nhiên là đám đông chỉ giới thiệu Đức Giêsu như một con người (“người Nadarét”), mà anh này lại kêu cầu Người bằng một danh hiệu của Đấng Mêsia (“con vua Đavít”). Dù sao, truyền thống Do-thái chờ đợi Đấng Mêsia nhà Đavít đến giải phóng dân Ít-ra-en và can thiệp để cứu độ, chứ không chờ Người chữa bệnh. Do đó, nhiều nhà chú giải cho rằng Mc đã đặt vào miệng anh mù một lời cầu khẩn của Ki-tô giáo. Đức Giêsu còn ở xa anh, vừa về không gian vừa do tư cách, nên anh phải kêu để mong gặp Người. Lời kêu này đã giúp anh vượt qua khoảng cách đó để gặp được Đức Giêsu.

- nhiều người quát nạt… anh càng kêu lớn (48): Bây giờ, đám đông đã trở thành một trở ngại thật đáng kể; nhiều người muốn bắt anh im đi. Trong các Tin Mừng, sáng kiến đi đến với Đức Giêsu không bao giờ phát xuất từ dân chúng hay các môn đệ. Ở đây, chính sự ngăn cản của họ trở thành một thử thách cho đức tin của anh, nhưng anh càng kêu to hơn. Danh Giêsu đã biến khỏi công thức khẩn cầu, chỉ còn lại danh hiệu “con vua Đavít”.

- Đức Giêsu đứng lại và nói: “Gọi anh ta lại đây!” (49): Người cắt ngang cuộc tiến bước. Khi làm như thế, Người tách khỏi những kẻ đang ở với Người trên cùng một con đường, Người phá vỡ một sức năng động mà Người đã phát động và lôi kéo. Lời Người nói chứng tỏ giữa Người và anh mù, có một khoảng cách, và đám đông đang ở tại vị trí này. Hành vi cắt ngang chuyến đi của Đức Giêsu tạo ra một hậu quả bất ngờ: người mù vất áo choàng, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giêsu, y như thể anh không bị mù.

- anh mù: Đáng lưu ý là Báctimê được gọi là “anh mù” (ho typhlos: cc. 49 và 51) sau khi Đức Giêsu can thiệp. Nếu tác giả Mc chỉ gọi anh là “anh mù”, phải chăng ngài muốn nói rằng anh không “hành khất” nữa?

- vất áo choàng: Tấm áo choàng (himation: “áo”; “áo choàng”) có thể là y phục nói chung (2,21; 5,28-30; 9,3; 15,20.24), nhưng ở đây có thể là tấm vải dùng như áo choàng (5,27; 6,56; 11,7.8; 3,16) mà một người nghèo có thể dùng làm mền đắp (Xh 22,25-26; Đnl 24,13), còn anh mù có thể trải ra trước mặt mà nhận các món bố thí (những người hành khất Đông phương thường làm như thế). Hành vi “vất (apobalôn) áo” có thể là cách diễn tả một sự hứng khởi tột độ; nhưng dựa theo ý nghĩa của động từ ấy, có thể nói hầu chắc là anh mù làm một hành vi từ bỏ dứt khoát. Ý nghĩa chính của động từ này là “vất đi, quẳng ra sau (với sức mạnh)” và “bỏ lại bằng cách quăng ra” (Đnl 26,5) hoặc “đánh mất” (Is 1,30; Dt 10,35). Anh mù đã làm một động tác dứt khoát, nhằm bỏ cái áo đi. Hành vi này chứng tỏ một sự liều lĩnh của anh mù, nhưng cũng cho thấy anh hết sức tin tưởng vào sự trợ giúp của Đức Giêsu và không muốn để cho ngay cả một vật cần thiết cho cuộc sống gây cản trở cho mình. Cũng có thể coi động tác ấy có ý nghĩa biểu tượng là từ bỏ chính mình (8,34-35), cắt đứt với quá khứ (1,18.20; 10,28).

- đứng phắt dậy (50): Động từ anapêdaô là một hapax legomenon (từ dùng một lần) trong Tân Ước, và ngày cả trong LXX cũng không được dùng thường xuyên (7 lần). Từ này mô tả động tác “nhảy lên” theo cách cương quyết và bất ngờ (Tb 6,2) thường từ thế ngồi (1 Sm 20,34; Tb 2,4; 7,6; Et 5,1e) và vì sự phấn khích (Et 5,1e: “lo âu lao mình xuống”, agôniasas anepêdêsen). Trong những đoạn khác, Mc diễn tả hành vi “trỗi dậy” bằng động từ egeirô quen thuộc hơn (2,12; 4,27; 13,8.22; 14,27). Theo lời mời egeire (“Hãy đứng dậy!”) của Đức Giêsu ở 2,11 và 5,41, phản ứng đáp lại được mô tả cũng bằng động từ egeirô hoặc anistêmi (5,42; 9,27). Nếu chúng ta nhớ sự tương ứng của egeirô-anistêmi ở 5,41-42 và nhớ rằng ở 2,14, anastas mô tả sự đoạn tuyệt với cuộc sống đã qua nhằm đi theo Đức Giêsu, ta có thể giả thiết là, trong một ngữ cảnh nói về việc kêu gọi, động từ anapêdaô diễn tả mạnh mẽ hơn một sự sẵn sàng đáp lại lời mời gọi.

- đến: Đọng từ này mở đầu bài tường thuật dành cho đám đông (c. 46: “Đức Giêsu và các môn đệ đến”), nay được dành riêng cho anh: êlthen, ở thì quá khứ aorist, diễn tả một hành vi duy nhất, quyết liệt.

- Anh muốn tôi làm gì cho anh? (51): Đức Giêsu lưu tâm đến cá nhân anh mù. Người đã cho gọi anh đến như cho vào một cuộc tiếp kiến; bây giờ Người hỏi về điều anh muốn khiến ta nhớ lại 10,36: Đức Giêsu xử sự như Đấng có vương quyền.

- Thưa Thầy: Trong bản văn Hy-lạp, ta đọc là Rabbouni; đây là từ A-ram đã không được dịch ra hy-ngữ, tăng cường từ Rabbi (“đức ông”, “ngài”).

- ¬Anh hãy đi: Đức Giêsu đã ban cho anh được thấy, như là một dấu chỉ của đức tin (“Lòng tin của anh đã cứu anh”).

- anh đi theo Người trên con đường (52): Động từ êkolouthei ở thì vị hoàn hàm ý một sự tiếp diễn: tiếp diễn trong chuyển động. Bởi vì đây là việc bước đi “trên đường”, nhưng cũng là trong sự gần gũi, bởi vì người ta bước theo sau một ai đó. Ý tưởng cốt lõi ở đây là sự hiện diện vĩnh viễn “trên đường”. Anh trở thành môn đệ (“bước theo”).

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Hoàn cảnh: nơi chốn và các nhân vật (46)

Trong chuyến đi lên Giêrusalem, Đức Giêsu và nhóm các môn đệ đến Giêrikhô, thành phố cây chà là, cách Giêrusalem 23 cs về phía đông bắc, nằm ở 250m dưới măt biển, tại một ốc đảo trong vùng trũng bên sông Giođan. Giêrikhô Tân Ước ở về phía tây nam của “Giêrikhô của vua Hêrôđê”, nơi vị vua này đã xây một hoàng cung rộng lớn. Khác với TM Lc (18,35–19,10), ở đây Đức Giêsu và đoàn người đã không dừng lại Giêrikhô; cả đoàn đang đi ra khỏi thành thì gặp anh hành khất mù Báctimê. Vị trí của hai bên là hai vị trí không thể gặp nhau: Đức Giêsu và các môn đệ cùng đám đông thì đang di chuyển trên đường; anh mù thì đang ngồi ở vệ đường.

* Phản ứng của anh mù khi nghe biết Đức Giêsu đang đi qua (47-50)

Đáng ngạc nhiên là đức tin của anh mù “ngồi ở vệ đường”, tức lâu nay không “đi theo” Đức Giêsu, lại có phần sâu sắc (“Con vua Đavít”) hơn đức tin của đám đông dân chúng (“Giêsu người Nadarét”). Anh cứ kêu to hướng về Đức Giêsu, bởi vì anh muốn gặp Đức Giêsu mà anh lại không biết hướng. Đã thế đám đông lại trở thành trở ngại cho đức tin của anh: họ quát nạt bắt anh im đi. Nhưng anh càng kêu to hơn. Và Đức Giêsu đã dừng lại, truyền gọi anh lại. Đám đông thấy Đức Giêsu chiếu cố đến anh, liền “đổi giọng”. Đến đây xảy ra sự cắt đứt cuộc hành trình, Đức Giêsu đứng lại (c. 49): chính thái độ này đã làm thay đổi thái độ của đám đông và đưa lại cho anh mù sự di động và sự gần gũi. Lối xử sự của Đức Giêsu (đứng lại, truyền) đã làm cho hai bên có sự gặp nhau: anh ta có hướng đi tới. Sự việc anh vất áo choàng có nghĩa là đã chấm dứt sự cố định, để đạt sự di động. Hành vi “đến” (c. 50) đưa anh mù di chuyển mà gặp Đức Giêsu, và đưa anh vào “con đường” Người đang đi. “Đức Giêsu” và “con đường” là một; nói cách khác, sự gần gũi và di động phối hợp với nhau: con đường đã mở ra cho anh mù.

* Đỉnh cao của bài tường thuật: anh mù được chữa lành và trở thành môn đệ (51-52).

Cái nhìn cho phép gần gũi dù ở xa, và bảo đảm cho có sự an toàn trong khi di động. Từ đó, ta mới hiểu tình trạng mù loà thật sự là tình trạng của đám đông và các môn đệ, một đám đông đang đi đường với Đức Giêsu: họ ở gần mà thật ra họ ở xa, vì họ chỉ có thể thấy đây là “Giêsu Nadarét”. Nay đã được “thấy” bằng lòng tin, Báctimê phải di động, phải theo Đức Giêsu trên đường. Công thức này thường được Mc (và Mt) sử dụng trong khung cảnh một sứ vụ do Đức Giêsu giao phó cho người môn đệ (Mc 1,44; 5,19; 10,21; 14,13).

+ Kết luận

“Sự mù lòa” tượng trưng sự xa cách dù gần gũi; “sự thấy được” tượng trưng sự gần gũi dù xa cách. Toàn bài xoay quanh những khái niệm này.

Trong bài nổi lên một số nghịch lý: người mù lại là người thấy rõ hơn mầu nhiệm của Đức Giêsu, người ngồi bên vệ đường lại có thể đến gần Đức Giêsu hơn những kẻ đi theo Người lâu nay. Tất cả là do đức tin của người ấy và sự chiếu cố của Đức Giêsu.

Sự gần gũi (bằng lòng tin) phải kéo dài; muốn thế phải di động (“anh đi theo Người trên con đường Người đi”, ở thì vị hoàn). Đức Giêsu đã cắt đứt hành trình để kéo anh đi theo; anh cũng phải cắt đứt tình trạng bế tắc để đi theo Người. Đấy chính là kinh nghiệm về đời tín hữu.

5.- Gợi ý suy niệm

1. Chúng ta có thể suy nghĩ về thái độ của đám đông đi theo Đức Giêsu (trong đó có các môn đệ). Họ đã “đi theo” Người lâu nay, mà họ chỉ có thể giới thiệu về Người rất sơ sài: “Giêsu người Nadarét”. Vì thiếu lòng tin, họ đã không thể giới thiệu sâu sắc hơn về Người. Điều đó đã được tác giả Mc diễn tả bằng một câu thê lương: “Đức Giêsu dẫn đầu các ông. Các ông kinh hoàng, còn những kẻ theo sau cũng sợ hãi” (10,32).

2. Trong đời sống đức tin, đôi khi phải dám “đi ngược giòng”. Như anh mù, dù bị người ta quát nạt bắt im, anh vẫn cứ kêu lên Đức Giêsu, vì anh xác tín chỉ Người mới có thể mở cho đời anh một hướng mới. Chúng ta cũng được mời gọi gắn bó mật thiết với Người, vì chỉ Người mới là Đấng duy nhất dẫn chúng ta đi đúng đường.

3. Cần phải được Đức Giêsu mở mắt tâm hồn để hiểu bản thân và sứ mạng của Người, cũng như để có thể sẵn sàng bước theo Người, làm môn đệ Người. Và khi đã nghe tiếng Đức Giêsu kêu gọi trong cuộc sống, cần mau mắn dứt khoát bỏ đi mọi sự, như bốn môn đệ đầu tiên đã tức khắc bỏ tất cả để đi theo Người. Phải chấp nhận liều lĩnh, để từ đây cuộc sống của người Kitô hữu sẽ là một sự hiệp thông thân tình với Người.
 
Lòng tin của anh đã cứu chữa anh!
Lm. Giuse Nguyễn văn Nghĩa
11:35 21/10/2009
Chúa Nhật XXX TN B

Các đề tài liên quan đến các khuyết tật như câm, điếc, mù lòa…xem ra dễ trình bày và hình như cấu trúc xưa nay ít đổi thay. Trước hết đề cập đến các nổi khổ đau của những người mang khuyết tật về thể lý. Nào là chuyện câm thì không thể, đúng hơn là rất khó giao tiếp với tha nhân, rồi chuyện mù thì không được diễm phúc nhìn thấy ánh sáng mặt trời, không thấy được vẻ đẹp của hạt sương long lanh trên cành hoa, không thấy được khuôn mặt của người đối diện, vân vân và vân vân. Rồi sau đó lại triển khai nổi khốn khổ của những người mắc các khuyết tật tinh thần hay tâm linh như chuyện có mắt mà như mù, có tai mà chẳng biết nghe hay không thèm nghe…và dĩ nhiên sẽ kéo theo những mối nguy hại cho bản thân họ hay cho xã hội.

Trong văn thơ có thể loại được gọi là “huề vốn” nghĩa là có nói cũng không thêm gì. Một ví dụ: “Đứng bên này sông thấy bờ bên kia sông. Bơi qua bờ bên kia thì thấy bờ sông bên này. Bơi ra giữa sông, hụp đầu xuống thì không thấy bờ sông nào.” Đã là người thì không một ai đành cam chịu cảnh mù lòa khi còn khả năng làm sáng đôi mắt. Cũng chẳng một ai thấy dễ chịu khi đang sáng mắt mà bị chê trách là đui mù. Xin cũng được dùng kiểu nói “huề vốn” để vào thẳng vấn đề, đúng hơn là để luận bàn đôi điều về điều gọi là “thấy”. Ai là người đang bị mù ? Thưa đó là những người không thấy.

Đó là những ai không thấy người anh chị em mình đang túng cực, nghèo khổ mong kiếm cho được ba chục ngàn mỗi ngày để sinh sống, chưa kể nếu có người thân phải cưu mang. Đó là những ai không thấy người anh chị em của mình đang bị bóc lột sức lao công do bởi những người lắm tiền, nhiều quyền trong xã hội. Đó là những ai không thấy anh chị em của mình đang bị đối xử bất công do bởi những người nắm quyền bất nhân hay do bởi các luật lệ bất minh. Đó là những ai không thấy nền giáo dục nước nhà đang loay hoay trong ngõ cụt vì những cơ chế phi lý, lạc hậu, lỗi thời…Đó là những ai không thấy con thuyền của một vài Giáo Hội địa phương xem ra đang vất vả lướt sóng không nguyên chỉ vì bão tố thế gian mà còn có thể vì quá nặng nề với các “lễ hội” bên ngoài, để rồi dù không phải là xao lãng, nhưng chưa xem trọng nghĩa vụ sống yêu thương, làm chứng cho sự thật, bảo vệ công lý, loan truyền Tin mừng…Đó là…

Thế nhưng căn cứ vào đâu để xác định rằng ai đó đã và đang không thấy ? “Phản ứng hay hiệu ứng” là một trong những biểu hiện cho biết là ai đó đang còn thấy. Với người hấp hối hay người gặp một sự cố nặng về thể lý thì người ta thường lấy đèn soi vào mắt hay một kiểu cách vẩy ngón tay sát mắt nạn nhân để xem phản ứng đôi mắt của họ. Khi thấy được vẻ đẹp một cánh hoa, hay một quang cảnh kỳ lạ thì người ta không thể không có phản ứng cho dù có thể mỗi người một cách khác nhau. Một cái thấy được gọi là thấy, khi và chỉ khi đối tượng được thấy gây được một hiệu ứng nào đó nơi người thấy nó. Cũng thế, chúng ta chỉ có thể gọi là thấy, khi những điều đập vào mắt chúng ta làm phát sinh trong chúng ta những tâm tình như vui, buồn, hoan hỷ, giận dữ, đồng cảm, đồng thuận hay bất bình, phẫn nộ…

Nếu làm thống kê thì con số người không thấy có lẽ là rất ít. Dù không thể đòi hỏi cách tuyệt đối, nhưng thử hỏi trong số những người được gọi là có thấy thì được bao nhiêu phần trăm là thấy đúng sự vật hiện tượng, thấy đúng bản chất của đối tượng như nó là ? Mỗi khi đã thấy rõ, thấy đúng thì người ta sẽ dễ có phản ứng chính xác, hợp lý và cả hợp tình. Một nguy hiểm và cũng là vấn đề cần đặt ra, đó là chúng ta chỉ thấy cách phiếm diện, một chiều mà cứ tưởng rằng mình thấy đúng, thấy rõ. Vì thế các phản ứng của chúng ta nhiều khi vừa thiếu chính xác, lại vừa thiếu lý, thiếu tình. Dĩ nhiên với phận phàm hèn, không một ai dám to gan cho rằng mình có thể thấy đúng, chính xác cách hoàn toàn. Tuy nhiên không vì thế mà chúng ta có thể lơ là việc tìm cách để thấy các sự vật, hiện tượng ngày một đúng đắn và chính xác hơn, vì đây là một tiền đề không thể thiếu để có được những phản ứng hợp lý, hợp tình.

“Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”. Câu nói của Chúa Giêsu với anh mù Bactimê trong ngữ cảnh bài Tin mừng đề cập trực tiếp đến thái độ cậy trông của anh Bactimê vào tình yêu và quyền năng của Người. Và thái độ cậy trông ấy được thể hiện bằng việc anh ta cương quyết gặp Chúa Giêsu bất chấp mọi trở ngại. Tuy nhiên câu nói ấy cũng cho chúng ta chiếc chìa khóa giải quyết vấn nạn thấy. Để có thể thấy và thấy đúng thì cần có lòng tin. Chúng ta dễ đồng thuận với nhau về sự thật này nếu chấp nhận rằng tin là nhìn với cái nhìn của Thiên Chúa. Thế nhưng lại phải tự hỏi với nhau rằng khi nào thì chúng ta đang nhìn với cái nhìn của Thiên Chúa ? Quả thật, để tìm được câu trả lời khả dĩ có tính thuyết phục thì không mấy dễ. Tuy nhiên, là Kitô hữu, chúng ta biết rằng những ai ở trong ân sủng, tức là có sự kết hiệp mật thiết với Chúa thì sẽ biết cách nhìn như Chúa nhìn. Trong vấn đề này, các nhà tu đức chỉ dạy chúng ta kế sách tuyệt với đó là hãy chuyên chăm cầu nguyện: “ Lạy Chúa Giêsu, nếu Chúa ở trong hoàn cảnh này của con, Chúa sẽ thấy sự kiện, vấn đề này ra sao ?”. Qua đời sống câu nguyện, nỗ lực kết hiệp với Chúa thì ta sẽ biết nhìn như Chúa nhìn.

Một kinh nghiệm dân gian có thể nói là khá chính xác: “ Con chim sắp chết hót tiếng bi ai. Con người sắp chết nói lời lẽ phải”. Để nói được lời lẽ phải, thì người cận kề với cõi đời sau hẳn đã thấy được chân tướng các sự vật hiện tượng cách nào đó. Tin Mừng cho ta hay trong cuộc đời công khai rao giảng, Chúa Giêsu luôn hướng về cái giờ của Người, đó là giờ mà Người sẽ bỏ thế gian này mà về cùng Cha bằng cái chết trên thập giá. Và đây chính là một trong những chìa khóa giúp Chúa Giêsu nhìn thấy các sự vật hiện tượng theo cái nhìn của Cha trên trời, để rồi có được những cách thế phản ứng thuận ý Cha, đẹp lòng Cha ( x.Mt 3,17; Mc 1,11 ).

Vì sao còn có những phản ứng chưa thấu lý và đạt tình nơi Kitô hữu, giáo dân, tu sĩ, giáo sĩ ? Một trong những nguyên nhân đó là vì ta chưa thấy đúng sự vật hiện tượng. Vì sao ta chưa thấy đúng sự vật hiện tượng ? Vì ta chưa biết nhìn như Chúa nhìn. Chưa biết nhìn như Chúa nhìn, ngoài những lý do khách quan thì rất có thể vì ta chưa thực sự gắn bó thiết thân với Chúa và cũng ít nghĩ đến cái giờ ta rời bỏ thế gian.
 
Đôi mắt
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
19:36 21/10/2009
Chúa Nhật thường niên 30 B (Gr 31,7-9; Dt 5,12-6; Mc10, 46-52)

Nhạc sĩ Xuân Hồng viết ca khúc “Đôi mắt” với ca từ dễ thương.

Mẹ cho em đôi mắt sáng ngời,
Để nhìn đời và để làm duyên.
Mẹ cho em đôi mắt màu đen,
Để thương để nhớ, để ghen để hờn.
Đôi mắt em là cửa ngỏ tâm hồn,
Là bài thơ hay nhất,
Là lời ca không dứt,
Là tuyệt tác của thiên nhiên.
Đôi mắt là cửa ngỏ tâm hồn, là tuyệt tác thiên nhiên
.

Thi sĩ Lưu trọng Lư đã viết hai câu thơ thật đẹp về tình yêu trong đôi mắt:

Mắt em là một dòng sông,
Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em
.”

Mắt là cảm hứng cho thi sĩ, nhạc sĩ. Mắt là hồn cho thơ, là sóng cho nhạc. Có người nhìn đôi mắt như mùa thu. Có người nhìn đôi mắt như dòng sông. Trong văn chương, nghệ thuật, cảm hứng về mắt bao giờ cũng là đôi mắt đẹp.

Thế nhưng, khi Thánh Kinh nói về mắt lại nói về đôi mắt mù. Từ những trang đầu của sách Sách Sáng thế đã nói về mắt: “Rắn đã nói với người đàn bà: chẳng chết chóc gì đâu ! Quả nhiên Thiên Chúa biết, ngày nào các ngươi ăn nó mắt các ngươi sẽ mở ra và các ngươi sẽ nên như Thiên Chúa, biết cả tốt xấu. Và người đàn bà đã nhìn; quả là cây ăn phải ngon... mà nhìn thì đã sướng mắt. Nó đáng quý thực, cái cây ấy để được tinh khôn. Và bà đã ăn... Và mắt cả hai người đã mở ra. Và chúng biết là chúng trần truồng” (St 3, 4–7). (x.Nước mắt và hạnh phúc tr69–71, Linh mục Nguyễn Tầm Thường ) Đoạn Thánh Kinh nói về lịch sử sa ngã của loài người đã đề cập đến đôi mắt qua 3 tiến trình: - Rắn hứa là mắt hai ông bà sẽ mở ra. - E-và nhìn trái táo và thấy sướng mắt. - Mắt hai người mở ra và thấy mình trần truồng. Rắn hứa là mắt hai người sẽ mở ra để nhìn thấy mọi sự như Thiên Chúa, nhưng mắt đức tin đã nhắm lại nên không nhìn thấy điều mình muốn thấy. Họ không thấy mùa hoa nở rộ, những đồi cỏ bình yên, những dãi nắng hiền, những dòng suối êm ả. ( sđd. tr 72 ). “Mà nhìn thì đã sướng mắt”, cái nhìn ấy phải là đắm đuối, bằng cái nhìn đam mê đó, tội lỗi, khổ đau và sự chết đã vào trần thế.

Lời hứa của con rắn đã hiệu nghiệm: “mắt cả hai người đã mở ra”. Không phải mở ra để nhìn thấy vẻ đẹp mà nhìn thấy mình trần truồng. “Mắt hai người đã mở ra”. Câu Thánh kinh thật ngắn ngũi diễn tả cách tinh tế sự đau thương: mở ra cũng là lúc đóng lại. A-đam – E-và đã mở mắt, nhưng họ lẫn trốn không dám nhìn Thiên Chúa. Cả hai đã mở mắt nhưng để tìm lá che thân, không dám nhìn nhau. Khởi đầu lịch sử nhân loại là đôi mắt mù và sự mù loà chảy dọc theo thời gian mang tối tăm vào trong trần thế.

Chúa Ki-tô đã đến chữa lành sự mù loà ấy, hàn gắn lại vết thương thưở sa ngã của Nguyên Tổ. Khi liên kết phép lạ Chúa Giê-su chữa người mù từ thưở mới sinh với sự mù loà của Nguyên tổ, ta mới thấy ý nghĩa sâu xa của mầu nhiệm Con Thiên Chúa đến trong thế gian.

“Mù từ thưở mới sinh” là mù từ xa xưa, thưở địa đàng. Chúa Ki-tô đã mang ánh sáng cho thế gian. Ngài ban cho nhân loại đôi mắt mới: Mắt Đức Tin. Từ tiến trình đến ánh sáng tự nhiên, người mù có một hành trình tiếp cận ánh sáng đức tin. Chúa Giê-su chữa lành đôi mắt thể lý và mắt tâm hồn của người mù. Chúa đã mở mắt đức tin để anh ta tin vào Chúa. Anh ta tin vào lời Chúa là đi rửa mắt ở hồ Si-lô-ác và đã công khai nói lên sự thật ca ngợi Chúa trước mặt những người Pha-ri-siêu đang tra vấn, khủng bố anh: Chính tôi đây đã được người mà thiên hạ gọi là Giê-su lấy bùn xức mắt tôi và bảo tôi hãy đi rửa ở hồ Si-lô-ác. Tôi đã đi, đã rửa và đã trông thấy. Lòng bắt đầu rộng mở nên anh ta nhận ra: Nếu người đó không phải bởi Thiên Chúa thì đã không làm được gì. Bởi đó, khi gặp lại Chúa Giê-su và được hỏi: “Anh có tin Con Người không ?” thì anh đáp lại ngay: “Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin ?” Chúa Giê-su tỏ mình ra cho anh: “Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây”. Anh liền đáp: “Lạy Thầy, tôi tin.” Bước nhảy của niềm tin được kết tinh nơi thái độ quỳ xuống bái lạy. Qua việc chữa lành đôi mắt thể lý, Chúa Giê-su trao ban ánh sáng đức tin cho đôi mắt tâm hồn. Thoát khỏi bóng tối triền miên của cuộc đời, bát ngát một bầu trời mới khi anh được sáng đôi mắt. Lớn lao hơn nữa là tâm hồn anh thênh thang chứa chan lòng mến, anh đã quỳ bái lạy với tất cả lòng tin. Phép lạ chữa người mù thưở mới sinh là một dấu chỉ minh chứng: Đức Giê-su là sự sáng thế gian, đã chữa lành sự mù loà của nhân loại với điều kiện: Tin vào Ngài. Chúa Giê-su cũng chữa nhiều người mù loà tâm hồn. Ngài mở mắt cho Gia-kêu thấy được sự nguy hiểm của tiền tài đối với phần rỗi ( Lc 9, 1 – 10 ). Ngài mở mắt cho người đàn bà ngoại tình, giúp chị từ bỏ quá khứ lỗi lầm ( Lc 7, 36 – 50 ). Ngài mở mắt cho người trộm lành giúp nhận ra lòng Chúa xót thương ( Lc 23, 32 – 43 )...

Mỗi người chúng ta có lẽ không hoàn toàn mù tối tâm hồn, nhưng có những điểm tối mà ta thấy được. Chẳng hạn như những đam mê, tham vọng, hận thù, ghen ghét, kiêu căng, có thể làm ta mù tối không nhìn thấy sự tốt lành nơi tha nhân. Có một số người chỉ nhìn thấy điểm tối của người khác, chỉ nhìn thấy những lỗi lầm, những khuyết điểm mà không nhận ra những gì là xinh đẹp, những gì là cao quý, thánh thiện nơi họ. Cứ tiếp tục xét mình, ta sẽ thấy có nhiều điểm tối, sự mù tối của tâm hồn rất nguy hại. Chỉ có ánh sáng của Đức Ki-tô soi chiếu, chỉ có cái nhìn của Đấng tình yêu, mỗi người mới xoá tan những điểm tối đó. Chỉ có sự cầu nguyện và tin tưởng vào Đấng là ánh sáng thế gian, chúng ta mới có thể xua đuổi bóng tối ra khỏi tâm hồn và nhìn mọi sự trong ánh sáng Tin Mừng Đức Ki-tô.

Đôi mắt là tuyệt tác của thiên nhiên, là cửa ngỏ tâm hồn. Đôi mắt có thị giác và thị lực. Thị giác là khả năng của đôi mắt có thể thấy. Thị lực là mức độ thấy của khả năng ấy. Thấy nhiều hay ít. Thấy xa hay gần. Thấy rõ hay mờ. Người cận thị chỉ thấy được rất gần. Người viễn thị thì thấy xa hơn. Cần có thị giác tốt và thị lực tốt thì đôi mắt mới sáng ngời. Thị lực còn là của trí óc và của con tim. Có người chỉ thấy được cái thế giới chật hẹp và ích kỷ của bản thân mình; có người thấy được hoàn cảnh, tâm tư và nguyện vọng của người khác. Thị lực còn là niềm tin. Bar-ti-mê tuy mù nhưng lại có thị lực tốt. Anh đã thấy được Ðức Giê-su là Ðấng Mes-si-a "Con Vua Ðavít". Anh thấy nhiều cái mà những người sáng mắt không thấy. Anh thấy Chúa là con vua Đavít, là Đấng Thiên Sai, là Đấng Cứu Thế. Anh thấy quyền năng và tình thương của Chúa có thể cho anh được sáng mắt. Anh thấy bằng lòng tin. Chính vì lòng tin này mà Chúa Giê-su đã thương cứu chữa cho anh sáng mắt. Anh mù, mắt không thấy Chúa, nhưng lòng đã thấy Chúa rồi vì anh có lòng tin. Thị lực lòng tin cho anh tiếp nhận ánh sáng tình yêu đầy tràn hy vọng.

Lạy Chúa, xin cho con có đôi mắt với thị giác và thị lực tốt. Để con nhận ra Chúa nơi anh em với những cái hay cái tốt.

Để con nhận ra Chúa nơi các kỳ công kiệt tác thiên nhiên.

Để con biết nhận ra Chúa nơi các vị Đại Diện Chúa. Và lạy Chúa, xin cho con được thấy bản thân với những yếu đuối và khuyết điểm, biết nhận ra thân phận thụ tạo lệ thuộc Đấng Tạo Hóa; từ đó con biết được ơn phúc là do lòng Chúa yêu thương ban tặng, để con luôn biết dâng lời cảm tạ, tôn thờ, phụng sự và kính mến Chúa với cả tâm tình con thảo. Amen
 
Vệ đường
Lm Giuse Hoàng Kim Toan
19:38 21/10/2009
Hằng ngày, nếu ngồi vệ đường nhìn bao người qua lại, ta sẽ rất ngạc nhiên bởi nhiều khuôn mặt khác nhau. Những khuôn mặt khác nhau diễn tả sự bộn bề của cuộc sống. Cũng với cách nhìn ấy, nếu ngồi tại Thánh Đường, nhìn nhiều khuôn mặt khác nhau, lại thấy nhiều khuôn mặt chung một nét, vứt bỏ mọi lo âu phiền muộn, để sống niềm tin yêu xây lại hạnh phúc đời.

Bên dòng đời. Nếu có một lần ta tự hỏi, giữa dòng đời xuôi ngược quanh năm suốt tháng, ta đi tìm gì, những con người qua lại, những đồng tiền phiêu bạt, những của cải phù vân, những lúc rong chơi vui thỏa. Ra đường, ai cũng có một mục đích để chạy tới chạy lui, có những kiếm tìm khắc khoải; thế nhưng, có biết bao điều tìm kiếm vô ích, có bao điều thấy được để rồi nhàm chán, có bao điều tìm ra lại thất vọng. Ta vẫn tự hỏi, giữa dòng đời ta đang tìm gì mà ý nghĩa cuộc đời vẫn xa. Giống như người hành khất bên vệ đường những gì kiếm được tưởng rằng vô giá, nhưng chiều đến nhìn lại những thứ kiếm được ấy lại thấy nỗi buồn xâm chiếm. Ta mất thời gian, lỡ bao niềm vui vì những cái ta kiếm được chẳng khỏa lấp được nỗi buồn trong tâm. Thương vay cho một phận người rồi cứ long đong, lo buồn được mất, rồi cứ lận đận giữa đau khổ tìm kiếm.

Bờ ảo vọng, như người hành khất ngồi mơ giữa ảo vọng, tìm những bóng chẳng có hình, tìm những thật mà giả. Bởi mắt chưa trong để nhìn cho rõ sự vật, bởi cái đà của đam mê dục vọng vẫn phủ mờ đôi mắt. Tìm lợi nhuận để rồi mất cái tâm, tìm danh vọng để rồi mất nhân, tìm yêu thương để rồi mất tình yêu. Cái tìm được chẳng bù cho được cái mất đi, đời lữ khách bên bờ ảo vọng, buồn như người hành khất, chẳng kiếm được gì dù đã rong ruổi.

Vệ đường hành khất. Cuộc đời mỗi người giống như người hành khất, chờ đợi những con người mang đến lợi lộc hay mất mát cho mình, mang đến hay lấy đi niềm vui, trao tình yêu hay giận ghét. Thương cảm cho nhau những phận người hành khất, ai cũng nghèo như ai, trong hành trang người hành khất chẳng có gì là quý giá, chỉ có kẻ vác nặng người nhẹ vác. Của cải, vinh hoa, phú quý, bần cùng, tả tơi, cũng một phận hành khất, một sớm một chiều rồi để lại tất cả ra đi. Người hành khất buồn như chiều buồn không tên gọi.

Con đường đi đến Giêrikhô cũng vậy, bao nhiêu người mang phận hành khất theo Chúa, bên vệ đường hay trên đường đi. Bao nhiêu hoàn cảnh, bao nhiêu thương tật của những người hành khất. Tìm gì giữa phố đông chen chúc, người qua kẻ lại, nghe gì những tiếng giữa ồn ào huyên náo, thấy gì qua những đôi mắt mở to tìm kiếm. Cái trớ trêu thay người nhìn thấy là kẻ đui mù, kẻ lớn tiếng kêu đích danh lại là kẻ thường ngọng ngịu van xin người qua lại. Kẻ được nhiều nhất lại là kẻ chẳng có gì trong tay ngoài chiếc áo tả tơi. Cái bất ngờ này làm cho chúng ta tỉnh thức, giữa dòng đời hành khất.

Đôi mắt người mù.

Người mù chẳng ai có mắt sáng. Mù lòa là tình trạng rửa tâm, bởi chẳng còn bị nhiễu nhương bởi nhiều hình ảnh mờ ảo của bờ ảo vọng, là lúc ta nhìn thấy rõ nhất. Mù lòa giữa những cảnh đen tối dục vọng để nhìn rõ sự vật và con người trong ánh sáng chân lý. Sự mù tối cần thiết của con đường có được tấm lòng thanh. Lòng thanh tịnh, nhìn thấy Thiên Chúa. Người hành khất mù đã thực sự diễm phúc sống trong mối phúc. Thanh tịnh để nhìn thấy những gì cần thiết cho ý nghĩa cuộc đời, sẽ tìm điều đáng tìm cho phận hành khất thôi hết khất hành. Xin cho con đôi mắt của người hành khất mù để nhìn thấy Chúa.

Đôi tai người mù.

“Khi Thiên Chúa đóng các cửa ra vào, Chúa mở cho cánh cửa sổ trên cao”. Kinh nghiệm đời sống chiêm niệm của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu cho thấy hiệu quả của việc Thiên chúa thực hiện. Khi Thiên Chúa đóng đôi mắt kẻ mù, Chúa mở cho anh đôi tai để lắng nghe. Giữa những ồn ào huyên náo, nghe điều đáng nghe là một quá trình đã tập nghe. Nghe thấy tiếng Chúa mặc dầu Chúa chưa lên tiếng, tiếng nghe được ấy phải chăng là tiếng nói từ trái tim, một tiếng nói không lời từ những tâm hồn gặp gỡ. Xin Chúa cho con đôi tai người mù để nghe tiếng Chúa từ tận đáy trái tim, tình yêu đáp lại tình yêu.

Đôi chân người mù.

Bỏ lại tất cả để chạy đến Chúa, dù không thấy đường nhưng vẫn chạy đến. Cái vội vã của gặp gỡ giữa những ngày hành khất, rất khác với hình ảnh người hành khất mù trong bài thơ 50 trong tập “Lời Dâng”, chỉ trao hạt thóc nhỏ, người hành khất gặp Chúa bỏ lại tất cả. Có bao nhiêu lần vội vã chạy tới chạy lui trong cuộc đời để tìm kiếm lợi nhuận, danh vọng, địa vị để rồi thấy đời vẫn trống không. Xin Chúa cho con đôi chân người hành khất mù để nhắm đích chạy đến Chúa, bỏ lại tất cả phía sau, dù là chỉ được Ngài một lần gọi để được Ngài mãi mãi.

Xin cho con được thấy. Sự vật là đúng sự vật, người đúng là người, tất cả thấy rõ ràng trong chân lý, sự thiện và tình yêu. Thấy để yêu thương tất cả, làm triển nở phong phú tất cả những gì con thi hành, sử dụng. Yêu thương con người tất cả những con người con gặp gỡ, trong Chúa và vì Chúa.
 
Người mù thành Giêricô
Lm Giacôbê Tạ Chúc
20:11 21/10/2009
Chúa nhật 30 thường niên B

Nói đến tên thành Giêricô, chúng ta nhớ đến câu chuyện người lùn Giakêu. Vì tò mò muốn thấy Chúa, Giakêu đã phải vất vả trèo lên cây sung, khi nghe Chúa đi ngang qua thành Giêricô. Và hôm đó, Chúa Giêsu đã dừng chân ghé lại: “Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi ở lại nhà ông.”
(Lc 1, 5). Tin mừng của Chúa nhật tuần 30 cũng ghi lại dấu chân của Chúa và các môn đệ đến thành Giêricô, nhưng hôm nay không phải một bác lùn đón Chúa mà là một anh mù có tên: Bác-ti-mê, con ông Ti-mê. Ở cùng một địa điểm, xảy ra trong hai phận người tuy khác nhau, nhưng họ có chung một điểm hẹn: điểm hẹn đó có tên gọi là Giêsu.

Câu chuyện người mù

Người ta kể rằng, ở cuối một con hẻm nhỏ, ngày ngày có một chàng trai mù, khôi ngô tuấn tú ngồi ăn xin ở bên vệ đường. Cũng trong con hẻm không tên tuổi này, có một thằng bé cũng ngày đi bán báo kiếm sống qua ngày. Một hôm, khi nghe tiếng rao mời của thằng bé bán báo. Anh mù bèn kêu thằng bé lại và ngỏ ý mua một tờ. Thằng bé đến gần anh mù và mở tròn xoe đôi mắt, nó ngạc nhiên hỏi anh:
-“ Chú mù mắt thì làm sao mà đọc?”. Chàng trai nhẹ nhàng mỉm cười đáp lại:
-“ Vâng, chú mù không đọc được, chú mua báo của cháu, cháu sẽ đọc cho chú nghe chứ?”. Mặt thằng bé xịu lại, những giọt nước long lanh trên mi mắt của nó:
-“ Cháu mù chữ, không thể đọc được”.

Câu chuyện Tin mừng

Những người đi theo Chúa rất đông, bao gồm nhiều thành phần: Kinh sư, luật sĩ, biệt phái, các môn đệ, đám đông dân Chúa từ khắp nơi. Họ chẳng màng chi đến một kẻ hành khất bên vệ đường. Thân thể khuyết tật, ngày qua ngày sống nhờ vào sự thương hại của những người khác. Thế nhưng xem ra cái mù thể xác không làm cho anh này tuyệt vọng. Trong cỏi tâm hồn, điều gì đó rất mãnh liệt thôi thúc anh hướng tâm hồn mình về phía có Chúa Giêsu đang đi lại. Bất chấp mọi sự cản ngăn của: đố kỵ, ganh ghét, và loại trừ. Vượt ra khỏi những giới hạn về cái nhìn thể xác. Anh Bác-ti-mê vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giêsu (Mc 10, 50). Chính nghị lực phi thường của niềm tin mà anh mù thể hiện, làm cho Chúa Giêsu không bỏ đi được và Ngài đã cứu chữa người mù.

Câu chuyện thời nay

Trong cuộc sống hằng ngày, biết bao người bề ngoài mắt vẫn sáng, thế nhưng tâm hồn thì trở nên mù lòa. Họ không còn lương tri để nhận ra những giá trị cao quý của đời sống tâm linh. Cũng có nhiều người tàn phế đôi mắt thể xác, thế nhưng đôi mắt tâm hồn của họ vẫn rộng mở để đón nhận ánh sáng từ nguồn mạch là Thiên Chúa. Có người mù rất dễ thương như anh mù trong câu chuyện kể trên, cũng có nhiều người mù rất đỗi cương trực như câu chuyện của Tin mừng vừa kể.

Xin mượn Thánh Thi của giờ kinh sách sáng thứ năm, tuần II, để thân thưa cùng Đấng có quyền trên mọi phận người:

“ Ôi lạy Chúa, mở cho con đôi mắt,
Thấy tình yêu kỳ diệu Chúa khắp nơi.
Con mù lòa, bên vệ đường hành khất,
Xin chữa con để nhìn thấy mặt Ngài…”
 
Mù có phải là bất hạnh không?
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
21:57 21/10/2009
Chúa Nhật 39 thường niên B

Khi nghĩ đến người mù, ta thường nghĩ đến hai chữ “tội nghiệp”, “đáng thương”, hay “bất hạnh”. Dĩ nhiên có khi chính bản thân người mù cảm thấy bất hạnh thật vì họ không được nhìn thấy ánh sáng, không được nhìn thấy vẻ đẹp thiên nhiên, nhất là không được nhìn thấy những người thân yêu của mình. Và ngay cả khái niệm về màu sắc, họ cũng không biết đến.

Tuy nhiên, giữa người mù và người sáng, chưa chắc ai bất hạnh hơn ai. Có khi vì mắt sáng tỏ, nên người ta bất hạnh hơn là bị mù loà. Này nha, trong các vụ án trộm cắp, lường gạt, đâm chém, hiếp đáp, ngoại tình,…, bạn có thấy thủ phạm nào là người mù không, ngoại trừ những người sáng mắt ? Trong số những dân chơi cuồng quay nơi các vũ trường ngập ngụa ma tuý, thuốc lắc, bạn có bắt gặp bóng dáng người khiếm thị nào bên cạnh những người mắt sáng ở đó chăng ? Trước vành móng ngựa xét xử các quan tham vô lại, có lẽ bạn cũng khó mà tìm được một bị cáo nào là kẻ mù loà ở đấy; có chăng chỉ toàn là những người cả hai mắt đều tỏ đều tường. Và nếu bạn cất công thắp đuốc đi tìm các tù nhân là người mù trong các trại giam, chắc chắn bạn sẽ thất vọng vì nơi đó chỉ thấy toàn những người có đủ cả hai mắt. Vậy thì ai “bất hạnh” hơn ai ? Người mù hay người sáng ? Bởi đó, khi nhìn thấy một người mù, bạn khoan đã cho rằng người đó tội nghiệp, người đó bất hạnh. Hạnh phúc hay bất hạnh không hệ tại ở việc sáng hay mù cặp mắt thể lý, nhưng là hệ tại ở việc sáng hay mù cặp mắt tâm hồn, cặp mắt đức tin.

Trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay, ta thấy Bartimê là một người mù loà, hành khất bên vệ đường ngoại thành Giêrichô. Không biết anh có thuộc hội người mù nào hay không! Song thiết tưởng anh là một người lương thiện. Anh sống bằng những gì kiếm được từ lòng hảo tâm của người khác. Mặc dù nghèo, nghèo nên phải đi ăn xin, nhưng cuộc đời anh thanh thoát. Anh sống vô tư giản dị, không bon chen, giành giật, không tính toán hơn thua, không đua đòi ăn diện. Anh cũng không vợ nọ con kia, không rượu bia các thứ. Có lẽ anh cũng chưa bao giờ phạm vào những “tội đội sổ” của con người thời đại hôm nay: buôn gian bán lận, lậu thuế trốn thuế, tham ô, móc ngoặc, hối lộ, hay rút ruột các công trình xây dựng. Và chắc hẳn trong cả cuộc đời, anh cũng chưa hề lường gạt, bóc lột hay hãm hại ai. Tắt một lời, anh sống hoàn toàn ngay chính.

Hơn thế nữa, trong khi rất nhiều người sáng đôi mắt thể lý lại mù loà trước ánh sáng vô hình, không thể nhận ra Chúa Giêsu là ai, thì anh mù Bartimê này lại “thấy tỏ tường” chính Đức Giêsu là ai. Anh không van xin Chúa bằng danh xưng Giêsu Nazaret mà dùng danh xưng Con Vua Đavít – một danh xưng ám chỉ tước hiệu Đấng Mêsia. Tiếng kêu lớn tiếng của anh “Lạy Con Vua Đa vít” đồng thời cũng là một lời tuyên xưng niềm tin vào chính Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, Đấng mà anh tin là sẽ phục hồi sự sáng cho anh.

Đồng ý “đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”, nhưng không phải một khi “cửa sổ” ấy bí đóng vĩnh viễn do mù loà là đương nhiên tâm hồn trở nên tối tăm băng giá như vùng bắc cực đâu. Ngược lại nữa là khác. Khi đôi mắt của họ không còn khả năng thấy được những thực tại hữu hình, thì tâm hồn họ lại rất bén nhạy với những thực tại vô hình. Bởi đó người ta bảo rằng người mù thường cảm nhận rất sâu xa về những thực tại siêu linh, và họ cũng rất nhạy bén trước những nỗi thống khổ của anh em đồng loại. Nói cách khác, người mù thường có cặp mắt đức tin sáng tỏ, như trường hợp anh mù Bartimê hôm nay.

Dẫu chưa một lần được gặp gỡ hay diện kiến Đức Kitô; chưa một lần được trực tiếp nghe những lời Ngài giảng dạy, cũng chưa một lần được chứng kiến các phép lạ Chúa Giêsu đã làm; anh chỉ mới được nghe người ta nói về con người của Chúa Giêsu, thế mà anh đã tin. Anh tin một cách mãnh liệt. Và nhờ niềm tin đó, anh đã gặp được hiện thân lòng nhân hậu của Thiên Chúa, hiện thân của những mối phúc thật là Đức Giêsu Kitô. Anh được Chúa phục hồi sự sáng, sự sáng của cặp mắt thể lý, và quan trọng hơn là cặp mắt đức tin nơi anh vốn đã sáng nay sáng rỡ hơn. Từ đây đời anh hoàn toàn đổi mới. Còn hạnh phúc nào bằng. Anh đã tự nguyện dấn bước theo Chúa trong niềm vui tràn trào.

Lạy Chúa, sẽ thật hạnh phúc cho con, nếu con có đôi mắt thể lý lẫn đôi mắt tâm linh sáng ngời. Ngược lại sẽ thật bất hạnh cho con nếu con có đôi mắt thân xác sáng tỏ nhưng đôi mắt tâm hồn lại mù tối như đêm 30. Con xin tạ ơn Chúa vì ngài đã ban cho con có đôi mắt thể lý chưa một lần phải đến bác sĩ nhãn khoa. Xin Người gìn giữ con để đôi mắt đức tin của con cũng luôn được tinh tường sáng suốt. Đặc biệt xin Chúa cho những người mù luôn giữ được cái tâm trong sáng để cuộc đời của họ không bao giờ là “bất hạnh”, là “đáng thương” như người ta vẫn nghĩ. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Khai mạc Tổng Công hội XXIV của Dòng Chúa Cứu Thế
LM. Joseph C.Ss.R (lược dịch)
07:40 21/10/2009
Tổng Công hội (TCH) Dòng Chúa Cứu Thế sáng nay đã chính thức khai mạc bằng thánh lễ đồng tế. Cha Joseph Tobin, Bề trên Tổng quyền (BTTQ) chủ tế thánh lễ. Phó Bề trên Tổng quyền, cha Serafino Fiore và cha Juan Lasso de la Vega, nguyên Bề trên Tổng quyền, đứng bên cha Tobin cùng với 104 Đại biểu khác đại diện cho 5300 tu sĩ DCCT trên thế giới có mặt trên 78 quốc gia. Thánh lễ được cử hành trong nhà nguyện của Dòng Salesien.

TCH là cơ chế tối thượng điều hành nội bộ Dòng (Hiến pháp 104). TCH đầu tiên diễn ra vào năm 1743 sau cái chết của Đức Cha Tommaso Falcoia, người hướng dẫn hội Dòng ngay từ thuở khai sinh. Thánh Anphong đã triệu tập TCH đầu tiên tại Ciorani, Italy. TCH đầu tiên này gồm có 9 linh mục là 6 thầy trợ sĩ. Một trong những mục đích của TCH này là bầu ra vị Bề trên Tổng quyền tiên khởi. Thánh Anphong đã đắc cử sau 4 vòng đầu phiếu. Quy mô của TCH lần thứ 24 hôm nay phản ánh sự lớn mạnh của Dòng và sứ mạng hiến mình cho ơn Cứu Chuộc chứa chan cho những người bị bỏ rơi nhất.

Trong bài giảng sáng nay, cha Tobin nhắc lại với các đại biểu rằng TCH giúp cho chúng ta đặt lại một số vấn đề. Ngài đề xuất một số câu hỏi, trong số đó có câu: “Thưa anh em, vậy chúng ta phải làm gì?”

Ngài tiếp tục: “… anh em DCCT khắp nơi trên thế giới, cùng với vô số anh chị em giáo dân cộng tác với chúng ta trong việc loan báo Tin Mừng hôm nay trở về đây trong tư cách là những thành viên TCH lần thứ 24 với câu hỏi: ‘Thưa anh em, vậy chúng ta phải làm gì?’ (Cv 2,37) … Dĩ nhiên, chúng ta không thể trả lời câu hỏi này ngay hôm nay, vì chúng ta cần ngồi lại với nhau và cầu xin sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Trong những ngày tới đây, chúng ta cần lắng nghe nhau và suy nghĩ trong thinh lặng, tìm kiếm để ‘nghiệm ra dưới ánh sáng chân thực ý định cứu rỗi của Thiên Chúa và cuối cùng phân biệt được thực và hư.’” (HP 24)

Bản văn đầy đủ bài giảng của cha BTTQ được đưa vào tư liệu bằng các ngôn ngữ khác nhau trong phần tin tức TCH.

Vào buổi chiều, TCH giải thích và cho chạy thử hệ thống bầu cử điện tử. Sau đó, cha Father Brehl giới thiệu từng thành viên TCH. Tới lượt nhóm phiên dịch được giới thiệu, rồi đến những nhân viên hỗ trợ và nhân sự của Ban truyền thông và nghe/nhìn cũng được giới thiệu.

Cha Brehl công bố cho các đại biểu biết các Ủy ban khác nhau trong TCH và các Ủy ban này sẽ làm việc trong suốt thời gian diễn ra TCH.
 
Điều gì xảy ra giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Anh Giáo theo sau quyết định của Rôma?
Nguyễn Hoàng Thương
08:24 21/10/2009
Điều gì xảy ra giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Anh Giáo theo sau quyết định của Rôma?

Điều gì đã xảy ra?

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã phê chuẩn một Tông Hiến, hoặc còn gọi là sắc lệnh, về tình trạng của những người Anh giáo truyền thống không hài lòng với việc truyền chức linh mục cho phụ nữ và các giám mục sẽ được cai quản "các Giáo Hạt Tòng Nhân". Những điều này sẽ cho phép những người Anh giáo đi đến hiệp thông đầy đủ với Giáo Hội Công Giáo trong khi vẫn bảo tồn các yếu tố thuộc về bản sắc Anh giáo của họ.

Điều đó có nghĩa là gì?

Đó là điều gây xúc động mạnh cho những hy vọng vào cuộc đàm phán cho giải pháp hiệp nhất Anh Giáo - Công Giáo La Mã và một thất bại cho nỗ lực của Tiến sĩ Williams để duy trì sự thống nhất của Cộng đồng Anh Giáo. Vị Tổng Giám Mục đã không thấy nói đến trong diễn tiến lần này, mặc dù những lời thỉnh cầu xin hiệp thông của các nhà lãnh đạo của các nhóm Anh giáo truyền thống được công khai gởi đến Rôma. Thỏa thuận này được thực hiện bởi Thánh Bộ Giáo Lý và Đức Tin, chứ không phải bởi cơ quan về đại kết là Hội Đồng Giáo Hoàng về Hiệp Nhất Kitô Giáo. Như vậy, nó rút ngắn nhiều thập kỷ đối thoại.

Điều gì sẽ xảy ra sắp tới?

Các Đức Hồng y tại Rôma sẽ bổ sung chi tiết cho các Giáo Hạt Anh giáo mới. Đức Giáo Hoàng sẽ đến thăm Anh quốc vào tháng Chín năm tới, khi ngài có thể chọn để liên kết các cơ cấu mới để hầu hết Giáo hội Anh giáo trở lại với Rôma, Đức Hồng Y John Henry Newman, sẽ được tuyên phúc vào năm tới. Đồng thời, Giáo hội Anh giáo sẽ giành lại lý lẽ cực đoan về luân lý trong mắt của thế tục, thế giới nói tiếng Anh bởi việc tấn phong các nữ giám mục. Thậm chí nó cũng có thể tự do lập trường của mình về đồng tính luyến ái.

Dưới đây là những vấn đề đặt ra về Giáo Lý:

- Chúa Giêsu đã cầu nguyện xin cho những người môn đệ Ngài nên một. Người Công Giáo tin rằng Kitô giáo hiệp nhất dưới quyền bính của Đức Giáo Hoàng là điều bắt buộc. Ngài bất khả ngộ khi "ngài tuyên bố bằng một hành động dứt khoát một vấn đề giáo lý liên quan đến đức tin hoặc luân lý".

- Phụ nữ không bao giờ có thể được phong chức linh mục. Chỉ có người nam được rửa tội có thể được phong chức hợp pháp.

- Đức Maria, mẹ của Chúa Giêsu, đã được tuyên tín "Vô Nhiễm", có nghĩa là ngài đã được bảo vệ khỏi tội lỗi từ khi sinh ra.

- Hành vi đồng tính là "trái với quy luật tự nhiên… nên không có trường hợp nào họ có thể được chấp nhận".

- Biến đổi bản thể (Transubstantiation), hay giáo lý về bánh và rượu thực sự trở thành Mình và Máu của Chúa Kitô.

Nguồn: Ruth Gledhill, TimesOnline
 
Tuyên bố chung của Tổng Giám Mục Westminster và Tổng Giám Mục Canterbury
Nguyễn Hoàng Thương
08:26 21/10/2009
Tuyên bố chung của Tổng Giám Mục Westminster và Tổng Giám Mục Canterbury

Việc công bố Tông Hiến hôm 20/10/2009 là hồi đáp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đến một số yêu cầu trong vài năm qua đối với các nhóm Anh giáo mong muốn hiệp thông đầy đủ với Giáo Hội Công Giáo La Mã, và sẵn sàng tuyên bố rằng họ chia sẻ một niềm tin Công Giáo phổ quát và chấp nhận thừa tác vụ Phêrô cũng như ý định của Chúa Kitô về Giáo Hội của Ngài.

Đức Thánh Cha Bêneđictô XVI đã phê chuẩn, trong Tông Hiến, một cơ cấu theo giáo luật để bổ nhiệm các Giáo Hạt Tòng Nhân, vốn cho phép những người Anh giáo cũ đi đến hiệp thông đầy đủ với Giáo Hội Công Giáo trong khi vẫn bảo tồn các yếu tố riêng biệt thuộc về gia sản tinh thần của Anh giáo.

Thông cáo của Tông Hiến này chấm dứt một giai đoạn của tình trạng không rõ ràng của một số nhóm nuôi hy vọng về những đường hướng mới của việc ôm trọn hiệp nhất với Giáo Hội Công Giáo. Giờ sẽ là lúc dành cho những người đã đưa ra thỉnh cầu với Tòa Thánh đáp lại Tông Hiến.

Tông Hiến giúp cho sự công nhận phần gối lên nhau đáng kể trong đức tin, giáo lý và tu đức giữa Giáo Hội Công Giáo và Anh Giáo truyền thống. Nếu không có sự đối thoại trong bốn mươi năm qua, sự công nhận này sẽ không thể có được, và cũng sẽ không hy vọng sự hiệp nhất đầy đủ đã được nuôi dưỡng. Trong ý nghĩa này, Tông Hiến là một trong những kết quả của đối thoại đại kết giữa Giáo Hội Công Giáo và Hiệp Thông Anh giáo.

Cuộc đối thoại chính thức đang diễn ra giữa Giáo Hội Công Giáo và Hiệp Thông Anh Giáo cung cấp cơ sở cho việc tiếp tục hợp tác của chúng tôi. Những thỏa thuận của Ủy Ban Quốc Tế Anh Giáo – Công Giáo La Mã (ARCIC) và Ủy Ban Quốc Tế Anh Giáo – Công Giáo La Mã về Hiệp Nhất và Truyền Giáo (IARCCUM) làm rõ đường hướng chúng ta sẽ cùng nhau đi theo.

Với ơn Chúa và cầu nguyện chúng tôi xác định rằng việc dấn thân và tham khảo lẫn nhau hiện nay của chúng tôi về những vấn đề này và những vấn đế khác sẽ tiếp tục được củng cố. Bình diện địa phương, trên tinh thần của IARCCUM, chúng tôi mong muốn xây dựng theo mô hình các cuộc họp chia sẻ giữa Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Anh quốc và xứ Wales và Giám Mục Đoàn Anh Giáo tập trung vào sứ mạng chung của chúng ta. Những ngày làm việc chung suy tư và cầu nguyện đã được bắt đầu ở Leeds vào năm 2006 và tiếp tục ở Lambeth vào năm 2008, và các cuộc họp khác nữa đang được chuẩn bị. Sự hợp tác chặt chẽ này sẽ tiếp tục để chúng ta cùng nhau phát triển trong hiệp nhất và trong sứ mạng, trong việc làm chứng cho Tin Mừng trong đất nước chúng ta, và trong Giáo Hội rộng lớn.

Luân Đôn, 20 tháng Mười, 2009

+ Tổng Giám Mục Vincent Gerard Nichols

+ Tổng Giám Mục Rowan Williams
 
Mario Mauro, "Lời Đức Thánh Cha về Âu Châu là lời thiêng"
Bùi Hữu Thư
11:04 21/10/2009
Ông Mauro là đại diện của chủ tịch Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Âu Châu (OSCE) để chống việc kỳ thị.

STRASBOURG, Thứ ba ngày 20 tháng 10, 2009 (El Mundo visto desde Roma)- Lời tuyên bố của Đức Thánh Cha Benedict XVI ngày hôm qua về trách nhiệm của người dân Châu Âu trong việc tìm kiếm nguồn cội là những lời nói “thiêng liêng” trong một “thời đại đầy xáo trộn về sự suy đồi của dự án mang danh hiệu Hiệp Nhất Âu Châu.” Đó là lời ông Mauro nói hôm nay, khi ông đại diện cho tổ chức OSCE về việc Chống Phân Biệt Chủng Tộc, Bài Ngoại và Kỳ Thị.

Ông là người Ý, dân biểu của Nghị Hội Âu Châu, và cũng là chủ tịch của tổ chức Popolo della Libertà trong Hội Đồng Chung Âu Châu. Ông đã đề cập đến bài diễn văn của Đức Thánh Cha trước Nghị Hội Âu Châu ngày hôm qua khi ông tiếp kiến tân đại sứ Yves Gazzo, của các Uỷ Ban Âu Châu tại Tòa Thánh.

Ông nói: "Lời Đức Thánh Cha ngày hôm qua phải được nói là lời Chúa quan phòng đối với trách nhiệm của tất cả mọi người dân Âu Châu; mọi công dân và chính trị gia phải lưu tâm trong việc kết hiệp và cùng tìm kiếm chân lý; lời này phải là một động lực mạnh mẽ để tái thiết những gì quan trọng cho chính họ và cho các thế hệ tương lai.”

Ông Mauro nói: "Nếu Âu Châu không thể duy trì ký ức lịch sử giúp họ gìn giữ cho các truyền thống văn hóa và tôn giáo của họ luôn luôn sống động, họ không thể tự cho là mình có thể cất cánh bay lên.”

"Sự phát triển và nền văn minh phát xuất từ sự hiệp nhất tại Âu Châu chỉ lớn lao khi chuyển tiếp được các giá trị nền tảng bắt nguồn từ Đức Tin Kitô, giúp cho trở nên di sản của nền văn hóa và cá tính của các dân nước."

Ông tiếp: "Giáo huấn của Đức Thánh Cha không phải là một khẳng định về thần học, mà là một phương thức độc đáo để đạt được sự thắng lợi tiên quyết trong việc tái thiết Âu Châu như một cường quốc trên thế giới.

Đức Thánh Cha xác nhận tầm quan trọng của việc Âu Châu nhìn nhận các gốc rễ Kitô của các giá trị và nền văn minh, nếu không họ sẽ lâm nguy vì vị các cá nhân và các nhóm áp lực luôn luôn khai thác để trục lợi thay vì chăm lo cho lợi ích chung.”

Đức Thánh Cha nói: "Các giá trị này là kết quả của một lịch sự lâu dài và khúc khuỷu trong đó không ai có thể chối cãi là Kitô giáo đã đóng một vai trò quan trọng.”

Ngài tiếp: "Điều quan trọng là Âu Châu không được để cho mẫu mực văn hóa của mình sụp đổ từng mảnh. Tiềm năng nguyên thủy không thể để cho bị bóp nghẹt bởi chủ nghĩa cá nhân và duy ích.”
 
Tản mạn về biến cố GH Anh giáo trở về hiệp thông trọn vẹn với GH Công giáo
Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng sdb
17:54 21/10/2009
Tản mạn về biến cố GH Anh giáo trở về hiệp thông trọn vẹn với GH Công giáo

Ngày 20/10 vừa qua khi Vatican công bố chiếc cầu ngăn cách giữa Giáo hội Công giáo và Anh giáo chính thống đã được thông thương và các linh mục Anh giáo có gia đình được thừa hành chức linh mục trong Giáo hội Công giáo làm nhiều người Công giáo khi gặp các linh mục Công giáo nửa đùa nửa nói thiệt: “các cha sắp sướng rồi nhỉ!”

Tôi hơi ngạc nhiên và người đó nói tiếp ‘các cha trong tương lai sẽ được lấy vợ! Xem các cha Chính thống giáo và Anh giáo đó!’ Trong bữa ăn tối với một số linh mục, bàn về biến cố lịch sử này, khi đá động tới vấn đề linh mục có gia đình, một cha trẻ mới chịu chức được hai năm phát biểu: “chỉ có các linh mục mới chịu chức năm nay trở lại mới đuợc hưởng quy chế mới đó nghe chưa...’ và tất cả cười xòa...

Thật vậy phản ứng tổng quát của nhiều người trên thế giới hôm nay ca ngợi Đức Bênêđictô XVI đã có can đảm mở ra cánh cửa cho tất cả các giáo hội tin vào Chúa Kitô một con đường về hiệp nhất. Chúng tôi tự nhủ thầm đây là con đường tương lai, hiệp nhất để có một GH hùng mạnh, cho con số quân bình với tín đồ Hồi giáo trong một tương lai gần. Vì với hiện trạng, tín đồ Hồi giáo giáo sẽ vượt qua tổng số tín đồ Thiên Chúa giáo trong một ngày gần đây...

Nhìn vào thế giới có lẽ các nước không thuộc về khối thị trường chung Anh quốc thì biến cố Anh giáo trở về này là niềm vui nhưng khó nhìn ra những phức tạp về giáo xứ giáo phận... vì nhiều quốc gia trên thế giới không có Anh giáo hiện diện. Ngược lại trong các nước thuộc khối thị trường chung Anh quốc hay nói nôm na là thuộc địa Anh ngày xưa thì quen thuộc với các nhà thờ Anh giáo, nó giống hệt các nhà thờ Công giáo, các linh mục, giám mục Anh giáo cũng mặc phẩm phục và áo lễ giống hệt các linh mục giám mục Công giáo, cũng dân lễ cầu nguyện giống Công giáo.

Chúng tôi còn nhớ ngày mới qua Úc, đi xe lửa vào thành phố học tiếng Anh, chiều về trong bữa tối nói với mấy cha thầy trong tu hội rằng mình đi viếng Chúa trong nhà lớn đối diện với nhà ga xe lửa Flinders... Tất cả cười ‘ồ’... vì tôi đi viếng Chúa trong nhà thờ St Paul, nhà thờ chính tòa của Anh giáo!

Trong cuộc phỏng vấn tại thành phốn London sáng nay ĐTGM Anh giáo, thượng phụ của giáo phận Canterbury cho hay Ngài được thông báo tin này cách đây hai tuần, nhưng Ngài không ngạc nhiên lắm vì không chỉ có nhóm Anh giáo Chính thống đã đề cập tới vấn đề trở về này mà ngay cả hai giám mục dưới quyền ngài cũng đã có những cuộc họp ‘kín’ với Tòa Thánh Vatican vào dịp lễ Phục sinh năm nay.

ĐTGM và Anh giáo sẽ phải đối diện với một thời gian khó khăn của Giáo hội vì sự chia cắt có kẻ ra đi, kẻ ở lại... sẽ có các tín hữu Anh giáo - Công giáo và Anh giáo thuần túy.

Rồi trong các nước có đông Anh giáo như tại Anh, Úc hay các thuộc địa cũ của Anh quốc thì việc chia chác tài sản cũng là vấn đề. Những người theo Anh giáo Công giáo bây giờ sẽ được gì? Nhìn vào nhiều thành phố có dẫy đầy các nhà thờ và cơ sở Anh giáo mà số giáo dân lại không đông thì việc các tín hữu Anh giáo Công giáo phải đi xây nhà thờ, mua cơ sở là một việc không thể chấp nhận được! Thế nên sẽ có những nhà thờ Anh giáo sẽ trở thành nhà thờ Anh giáo Công giáo. Để tránh những cuộc cãi vã và tranh tụng thiết tưởng đức bái ái yêu thương của Chúa Kitô cần phải hiển hiện rõ và là trung tâm của mọi dàn xếp.

Nhiều người cũng cho rằng việc đối thoại giữa Anh giáo và Công giáo cần ngưng một thời gian, vì trong lúc dầu xôi lửa bổng này có thể xảy ra những cuộc chiến tranh lạnh như Nga Mỹ thời xưa! Dù vẫn biết việc đối thoại này cần được tiếp tục...

Việc thứ hai là người mà ĐTC đặt làm ‘đại diện của ĐTC’ là ai và sẽ ở đâu? Có thể ĐTC theo mô hình như ngai đã cắt cử những người đại diện ngài trong Giáo hội Đông phương, Chính thống hay nhóm ‘Piô X’ khi các nhóm này quay về hiệp nhất cùng Giáo hội...

Và cuối cùng là vai trò của GH Công giáo trong thiên niên kỷ mới này là gì? Không chỉ rập khuôn trong những tín điều truyền thống trong việc đại kết! vì chính Đức Bênêđictô đã mở ra một trang sử mới, một sứ điệp mới khi ngài nhấn mạnh tới niềm tin Kitô giáo: “Chúng ta hãy hiệp nhất trong một Đức Tin, một Giáo Hội và một Phép rửa." Ngài đã can đảm trước thách đố mời gọi tất cả các anh chị em ly khai trở về hiệp nhất với GH Roma. Ngài đã mở ra một cánh cửa.

ĐTGM John Hepworth, thượng phụ của GH Anh giáo Chính thống vui mừng đón nhận quyết định của ĐTC Benedictô, ĐTGM đã phát biểu: “Chúng tôi vui mừng cảm động trước nghĩa cử bao dung của ĐTC Benedict XVI, Ngài đã dồn hết tâm huyết của triều đại giáo hoàng của ngài vào việc hiệp nhất. Đây là việc ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi trước lời cầu xin được về hiệp thông với GH Roma hai năm nay. Đây là sức mạnh của lời cầu xin của cả Công giáo lẫn Anh giáo hơn là sức của con người! ”

ĐTGM tiếp: “... Đây cũng là công sức của Đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II khi ngài gửi tông thư "Ut Unum Sint" Xin cho chúng nên một… Điều vui mừng hơn nữa là lời phát biểu của ĐTGM Willimas, thượng phụ Canterbury của toàn GH Anh giáo khi ngài phát biểu ‘dù ngài không đứng cùng chiến tuyến với chúng tôi (trở về hiệp nhất), nhưng ngài vui mừng vì chúng tôi đã đạt được nguyện vọng và ngài thông hiểu điều đó’. Chúng tôi cám ơn sự hiểu biết cảm thông của Đức thượng phụ Canterbury và chúng tôi tiếp tục cầu nguyện cho ngài. Trong lời kinh sáng hàng ngày chúng ta cùng hát lên bài ca Cảm tạ (Te Deum) với cả tâm hồn chúng ta. Tạ ơn Chúa là Thiên Chúa và là nguồn mạch an bình và hiệp nhất. Tạ ơn về biến cố lịch sử này. Đây là giây phút của hồng ân, của lịch sử không phải vì qúa khứ đã thành tựu mà là qúa khứ đã được biến đổi”.

Tuy nhiên không phải khắp mọi nơi đều vui mừng! Tại Kenya, GH Anh giáo đã từ khước lời mời của ĐTC cũng như phủ nhận lời phát biểu của Tiến sĩ TGM Rowan Williams, TGM Canterbury đã đón nhận lời mời gọi của ĐTC như là một tin vui cho GH Anh giáo ở Anh quốc... Ngài không dám nói là cho Anh giáo toàn thế giới!

ĐTGM Eliud Wabukala TGM
TGM Eliud Wabukala
Anh giáo ở Kenya phát biểu trên đài phát thanh toàn quốc hôm nay rằng: “Tôi không hiểu tại sao lại cần công bố quyết định này ở thời điểm này? Vì những khác biệt quan trọng cho Anh giáo với Công giáo là GH Anh giáo có nhiều chiều kích Phúc âm hóa hơn và vai trò mục vụ bí tích hài hòa hơn bất cứ sự hiệp nhất nào trước đây”.

ĐTGM này còn cho hay bất luận linh mục Anh giáo nào trở về với GH Công giáo cần ý thức rằng: “Có những khác biệt thần học, cũng như cách thức chúng ta (Anh giáo) hiểu và thực hành các bí tích với GH Công giáo”.
 
Tòa Thánh và Phát Triển tại Phi Châu
Vũ Văn An
21:42 21/10/2009
Tại lần họp thứ 64 của Đại Hội Đồng LHQ, ngày 21 tháng Mười hôm qua, Đức Tổng Giám Mục Celestino Migliore, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại cơ quan này, đã đọc một tham luận về việc phát triển tại Phi Châu.

Đầu tiên, ngài nhận định rằng hiện nay, nhiều thiên kiến cần phải được loại bỏ ngay lập tức và loại bỏ vĩnh viễn. Vì cả trên báo chí lẫn giới khoa bảng và chính trị, hễ nói tới Phi Châu là người ta nói tới nạn đói cùng cực, đảo chánh, tham nhũng và tranh chấp vùng. Mà nếu có nói tích cực về Phi Châu, thì đó chẳng qua là nói về tương lai, dường như chả có chi để đề nghị vào lúc này.

Thực tế ra, ngay trong những năm khó khăn nhất, Phi Châu vẫn có khả năng cung cấp cho cộng đồng quốc tế nhiều tấm gương và giá trị đáng ca ngợi. Phi Châu cũng có thể đưa ra nhiều dấu chỉ cho thấy họ thực hiện được nhiều kỳ vọng của mình. Chỉ cần nghĩ tới một vài trường hợp trong đó Phi Châu tự chứng tỏ khả năng lớn lao của mình trong việc quản trị các diễn trình chuyển tiếp sang độc lập và tái thiết sau các hoàn cảnh tranh chấp. Cũng nên xem sét tới sự hiện diện của rất nhiều viên chức dũng cảm tại LHQ và các cơ quan phụ thuộc qua đó Phi Châu chứng minh cho thế giới thấy khả năng và tài năng của nhân dân mình trong nhiệm vụ điều hợp các lãnh vực đa phương. Cũng cần phải nghĩ tới phần đóng góp ngày một gia tăng của con cái Phi Châu vào sinh hoạt khoa học, khoa bảng và trí thức của nhiều quốc gia đã phát triển.

Một vài quốc gia Phi Châu còn thành công trong việc thể hiện được giấc mơ nông nghiệp đa dạng nữa, một giấc mơ đang gặt hái được những thành quả mà trước đây bị coi là không thể gặt hái được; họ cũng từng chứng tỏ được rằng: hình thức canh nông gia đình với qui mô nhỏ hay qui mô không đáng kể thực sự hết sức đa năng, có khả năng bảo đảm an toàn thực phẩm cho cả nước và còn sản sinh ra mức cân bằng nhờ xuất cảng và duy trì được sự bảo tồn đất đai và tài nguyên thiên nhiên. Hơn thế nữa, nhiều quốc gia Phi Châu còn tạo được nhiều thành quả đáng nể trong lãnh vực giáo dục tiểu học và cải thiện thân phận phụ nữ.

Tuy nhiên, theo Đức TGM Migliore, tại Phi Châu, vẫn còn nhiều người hiện đang sống trong cảnh nghèo cơ cực và việc nhổ tận gốc nạn nghèo đói bằng cách tới năm 2015, phải giảm một nửa số người có thu nhập dưới 1 Mỹ Kim một ngày, vẫn là điều nhiều quốc gia Phi Châu chưa với tới. Cho nên, Phi Châu cần một tình liên đới cụ thể, không những để đương đầu với các tác động tiêu cực của các cuộc khủng hoảng trên, mà còn giúp nhổ tận gốc cái họa nghèo đói vốn không thể chấp nhận được và giúp các quốc gia Phi Châu khác phát triển được tiềm năng thực sự của họ.

Phi Châu cần củng cố mạnh mẽ sự hỗ trợ kinh tế căn bản của nó bao gồm sự trợ giúp chính thức để phát triển cũng như các khoản trợ giúp để diệt nghèo đói cùng cực và tạo ra cũng như duy trì các cơ cấu xã hội căn bản. Các chương trình tài trợ dài hạn cần phải có để vượt qua cảnh nợ nần ngoại quốc nơi các nước nghèo quá mang nợ hiện nay, cũng như để củng cố các hệ thống kinh tế và hiến định và tạo ra hệ thống an toàn xã hội. Cũng vậy, các điều kiện giao thương quốc tế cũng cần phải phù hợp với nhu cầu và thách đố kinh tế của Phi Châu.

Theo Đức TGM Migliore, trong cuộc khủng hoảng hiện nay, các nước phát triển không nên giảm viện trợ phát triển của mình cho Phi Châu. Trái lại, họ nên có động thái nhìn nền kinh tế và nhìn thế giới nói chung bằng một cái nhìn có tầm xa hơn, để gia tăng đầu tư vào các quốc gia nghèo. Cùng một lúc, Phi Châu rất cần sự trợ giúp cho các chương trình canh nông của họ. Khi giải quyết vấn đề bất an về thực phẩm, người ta cần chú ý tới các hệ thống có tính cơ cấu, như việc trợ giá (subsidies) tại các quốc gia đã phát triển và việc đổ bỏ (dumping) hàng hóa vốn làm mất khả năng của nông dân Phi Châu trong việc tìm ra một đồng lương sống được. Thêm vào đó, phải đổi ngược lại việc giảm đầu tư lâu dài vào lãnh vực canh nông tại Phi Châu và phải tái cam kết trợ giúp các tiểu nông gia có thể sản xuất đủ lương thực cần thiết. Thất bại không giúp người Phi Châu tự nuôi sống được họ và lân bang họ chỉ tiếp tục đem lại chết chóc vô nghĩa phát sinh từ việc không có an toàn thực phẩm và các cuộc tranh chấp gia tăng để tranh giành tài nguyên thiên nhiên.

Phi Châu cũng cần trợ giúp để đa dạng hóa nền kinh tế của họ. Theo Đức TGM Migliore, mới đây, thế giới được chứng kiến cả khía cạnh tích cực lẫn khía cạnh tiêu cực của việc định chế hóa G20 thành điểm qui chiếu mạnh mẽ trong việc quản trị nền kinh tế thế giói. Tích cực vì đại đa số các quốc gia đã kỹ nghệ hóa cảm thấy nhu cầu cần mời các thị trường lớn đang xuất hiện tại Nam Ban Cầu bước vào bàn thương nghị. Việc tham dự của các quốc gia đang lên hay đang phát triển là điều hiện đương làm cho việc giải quyết khủng hoảng trở thành khả hữu hơn. Tiêu cực vì nguy cơ loại các nước nhỏ không được can dự vào các cuộc thảo luận quan trọng này. Tuy nhiên, người ta ghi nhận rằng nền kinh tế đang lên nào thành công trong việc đa dạng hóa được các cơ sở kỹ nghệ và canh nông của mình đều là những nền kinh tế sẽ gây ảnh hưởng đối với nền chính trị và kinh tế thế giới.

Cuối cùng, Đức TGM Migliore nhấn mạnh rằng Phi Châu cần được trợ giúp để hoà nhập. Chương trình Hùn Hạp Mới Để Phát Triển Phi Châu (New Partnership for Africa’s Development) cũng như mọi sáng kiến vùng cũng như bán vùng về giao thương, hợp tác kinh tế và văn hóa, giải quyết tranh chấp, duy trì hòa bình và tái thiết cần được cổ vũ và củng cố. Liên Hiệp Phi Châu đã chứng tỏ được vai trò làm tụ điểm mạnh nối kết Phi Châu với LHQ cũng như các cơ quan tài chánh và giao thương quốc tế. Cũng thế, Liên Hiệp Phi Châu đang hội tụ và phối hợp nhiều sáng kiến đa phương có tính cách bán vùng tại Phi Châu. Nền kinh tế đồng bộ hiện nay không làm vai trò nhà nước trở thành dư thừa. Ngược lại, nó làm cho các chính phủ cam kết hơn nữa vào việc hợp tác với nhau. Việc lên tiếng của thẩm quyền chính trị tại các bình diện địa phương, quốc gia và quốc tế là một trong những phương thế tốt nhất để điều hướng diễn trình hoàn cầu hóa về phương diện kinh tế.
 
Top Stories
The Opening of the XXIV General Chapter of the Redemptorists
Daily Bulletin of the XXIV General Chapter
07:28 21/10/2009
This morning the XXIV General Chapter of the Redemptorists opened with the celebration of the Eucharist. Father Joseph Tobin, Superior General, was the principal celebrant. Vicar General Serafino Fiore and Father Juan Lasso de la Vega, former Superior General, stood with Father Tobin in the Sanctuary as the other 104 Redemptorist delegates representing the 5300 Redemptorists around the world in 78 countries -- and others -- concelebrated the liturgy in the chapel of the Salesianum.

The General Chapter is the supreme organ of the internal government of the Congregation (Constitution 104). The first General Chapter was convened in 1743 after the death of Bishop Tommaso Falcoia who was guiding the Congregation in its infancy. Saint Alphonsus convoked the first General Chapter at Ciorani, Italy. That first chapter was composed of 9 priests and 6 brothers. One of the goals of that chapter was to elect the first Superior General. St. Alphonsus was elected after four ballots. The size and complexity of the General Chapter today is a reflection of the growth of the Congregation and its mission of offering plentiful redemption to the most abandoned.

In his homily this morning Father Tobin reminded the chapter members that it helps to remember to ask some questions. He proposed several questions, one of them being: “What are we to do, brothers?”

He went on to say “…that Redemptorists across the world, together with the myriad of lay men and women who accompany us in our mission, today turn to the members of the XXIV General Chapter with a question: ‘What are we to do, brothers?’ (Acts 2,37) For, our brothers and sisters are counting on us to help them to live faithfully the grandeur of our vocation without excuses or compromise. Of course, we cannot answer that question today, since we have just come together and are now evoking the help of the Spirit. In the days to come, we must listen to one another and ponder in silence, seeking to ‘glimpse his plan of salvation in its true light, and be able to distinguish between what is real and what is illusory.’” (Constitution 24)

The full text of Father General’s homily is posted in the documents section of the various languages of the General Chapter coverage.

After the liturgy the chapter members gathered in the Aula Magna to officially call the chapter to order. Among the activities were the welcoming of new units, a report by Father Jacek Dembek on the preparations for the Chapter by the Preparatory Comission and housekeeping details from Father Johanny Alvarez Castro. Four members of the four newest units were selected by the Moderators to be Tellers and the chapter members approved their selection.

The President of the Union of Superiors General, Father Pascual Chávez Villanueva, also Rector Major of the host Salesians, welcomed us to the Salesianum. Our Father General, Father Tobin, is finishing his second three year term as Vice President for of the Union of Superiors General.

In the afternoon, the electronic system of voting was explained and tested. Then Father Brehl introduced each member of the Chapter by Regions. After the Chapter members where introduced the teams of interpreters and translators were introduced, then the support staff, followed by the Communication and Audio/Visual personnel.

The Norms of Procedure were introduced and explained and an electronic vote was taken to approve them. The result of the ballot was 98 yes, 3 no, and 3 iuxta modum.

Father Brehl then announced the members of the various Chapter commissions that will be operating during the chapter.

To conclude the day, Father Brehl went through the Chapter agenda, week by week, to give an overall introduction to what to expect, reminding the chapter members that adjustments will be made along the way as the business of the Chapter proceeds.

The internet has played a part in relaying news about the previous three General Chapters. But the XXIV General Chapter is the first Redemptorist General Chapter to be video streamed and video recorded for its members using the constantly improving means of modern internet technology. For that purpose, below is a little help in finding the various resources to give you a full picture of events of the coming days.
 
Hue, la polizia sequestra gli ultimi terreni della parrocchia di Loan Ly
Asia-News
07:33 21/10/2009
Centinaia di agenti hanno assaltato i fedeli e recintato le proprietà cattoliche. I funzionari hanno interrotto le comunicazioni telefoniche e internet per impedire ai fedeli di lanciare l’allarme. L’area nel mirino di politici locali e impresari edili. Riprese le operazioni per la rimozione di una statua raffigurante Nostra Signora di La Vang.

Hue (AsiaNews) – Il governo vietnamita ha sequestrato ciò che rimaneva dei terreni cattolici della parrocchia di Loan Ly, nell’arcidiocesi di Hue, dopo la chiusura delle classi per il catechismo nel settembre scorso e i successivi scontri fra fedeli e forze dell’ordine. Il 16 ottobre Huynh Duc Hai, vice-presidente del Comitato popolare comunista della città, ha ordinato l’attacco di centinaia di poliziotti contro un gruppo di parrocchiani, intenti a ripulire il terreno (nella foto) dove la domenica si dovevano tenere le nuove lezioni di catechismo. Nella vicina diocesi di Vinh, intanto, i cattolici lanciano l’allarme: il governo ha ripreso le operazioni per rimuovere una statua dedicata a Nostra Signora di La Vang, prospiciente il cimitero.

Contro i cattolici in Vietnam accadono con sempre maggiore frequenza episodi di violenze, espropri forzati, violazioni. Di recente è intervenuta anche Elaine Pearson, vice-direttore di Human Rights Watch per l’Asia, che ha denunciato un “brusco peggioramento” nel rispetto di “diritti umani e libertà religiosa” da quando Washington ha rimosso il Paese “dalla sua lista nera e il Vietnam ha fatto il suo ingresso nell’Organizzazione mondiale del commercio”.

Il 16 ottobre la polizia di Loan Ly ha attaccato i cattolici che protestavano contro il sequestro delle classi di catechismo. Le forze dell'ordine erano guidate dal capitano Nguyen Tien Dung, il quale ha prima insultato i fedeli riuniti nei pressi della chiesa, poi ha ordinato l’assalto. Completato il raid, le forze dell’ordine hanno eretto una recinzione, annunciando che il terreno non appartiene più alla parrocchia, ma a Phan Van Tung, un funzionario del governo locale.

Contro i cattolici in Vietnam accadono con sempre maggiore frequenza episodi di violenze, espropri forzati, violazioni. Di recente è intervenuta anche Elaine Pearson, vice-direttore di Human Rights Watch per l’Asia, che ha denunciato un “brusco peggioramento” nel rispetto di “diritti umani e libertà religiosa” da quando Washington ha rimosso il Paese “dalla sua lista nera e il Vietnam ha fatto il suo ingresso nell’Organizzazione mondiale del commercio”.
Per evitare che i cattolici lanciassero l’allarme, tutte le linee di comunicazione nell’area – fra cui telefoni e internet – sono state interrotte; i funzionari hanno anche disposto un controllo serrato dell’attività nelle parrocchie limitrofe. A nulla sono valse le proteste dei fedeli, i quali spiegano che il terreno era stato donato ai cattolici nel 1956 dall’ex presidente vietnamita Ngo Dinh Diem. Terreni che fanno gola a molti politici locali e agli impresari edili, che lottano per accaparrarsi un pezzo di terra lungo l’esotica linea costiera del Vietnam centrale.

Nel frattempo nella diocesi di Vinh sono riprese le operazioni del governo locale per rimuovere la statua dedicata a Nostra Signora di La Vang. I fedeli di Bau Sen hanno difeso con forza il simbolo religioso, costruito nell’aprile del 2008 su una sommità rocciosa che domina il locale cimitero cattolico. Passata l’emergenza causata dal tifone Ketsana, il 16 ottobre scorso il governo locale ha mobilitato bulldozer e ruspe per abbatterla.

Una fonte anonima del Fronte popolare, organizzazione filo-governativa, spiega che per “completare il processo di rimozione” della statua il governo provinciale ha approvato un finanziamento di circa 68 mila dollari Usa: una somma notevole, per una provincia povera come Quang Binh. Il reverendo John Nguyen Van Huu, pastore della chiesa protestante di Bau Sen, lancia un appello ai cattolici e alle persone di buona volontà di tutto il mondo per “proteggere il simbolo sacro” e “difendere il diritto alla libertà religiosa in Vietnam”.
 
Police in Hue seizes last bit of land belonging to Loan Ly Parish
Asia-News
08:05 21/10/2009
Hundreds of agents attack parishioners, erect a fence around Catholic land. The authorities also block telephone and internet access to prevent the faithful from sounding the alarm. Local politicians and developers target the area. Work to remove the statue of Our Lady in La Vang resumes.

Hue (AsiaNews) – The Vietnamese government has seized the remaining land held by the Catholic Parish of Loan Ly, in the Archdiocese of Hue, following the closing of catechism classes last September and the subsequent clashes between parishioners and police. On 16 October, Huynh Duc Hai, deputy chairman of the local People’s Committee, ordered hundreds of police agents to take over the ground that a group of parishioners (pictured) were cleaning up in preparation for next Sunday’s catechism. At the same time, in the nearby Diocese of Vinh, Catholics have sounded the alarm because the government wants to remove a statue dedicated to Our Lady of La Vang, near the cemetery.

In recent days, anti-Christian violence and the seizure of assets owned by the Church has escalated. This has prompted Elaine Pearson, deputy director of Human Rights Watch for Asia, to say that “respect for human rights and religious freedom has sharply deteriorated [in Vietnam] since the US removed it from its blacklist” and Hanoi “was accepted into the World Trade Organization.”

On 16 October for example, police in Loan Ly attacked Catholics who were protesting the seizure of their catechism classrooms. Led by Captain Nguyen Tien Dung, police attacked the parishioners outside their church, yelling and using foul language. Agents erected fences around the premises and put up a board stating the land did not belong to the church of Loan Ly but to Phan Van Tung, a local government official.

To make sure Loan Ly parishioners’ call for help did not reach the outside world, all internet and phone access to the area were cut-off prior to the invasion. The authorities also placed all priests in the neighbouring areas under close surveillance.

In recent days, anti-Christian violence and the seizure of assets owned by the Church has escalated. This has prompted Elaine Pearson, deputy director of Human Rights Watch for Asia, to say that “respect for human rights and religious freedom has sharply deteriorated [in Vietnam] since the US removed it from its blacklist” and Hanoi “was accepted into the World Trade Organization.”
The land in question, located behind the Loan Ly Church, had been donated by President Ngo Dinh Diem in 1956.

Many believe the Loan Ly Parish is being slowly squeezed and parishioners deprived of space for religious activities because the former is located in an area along the exotic coastal line of Central Vietnam that developers want for themselves.

Similarly, in the neighbouring Diocese of Vinh, the local government is back in its attempt to remove a statue of the Virgin Mary placed by parishioners in April of last year on a boulder in the parish cemetery across the road from Bau Sen Church. With the emergency caused by typhoon Ketsansa over, local authorities have sent in bulldozers to remove the statue.

An anonymous source in the pro-government Fatherland Front said provincial authorities approved a budget of 1.2 billion dong (US$ 68,000), a considerable amount for a poor province like Quang Binh, to complete the demolition work.

Rev John Nguyen Van Huu, pastor at the local Protestant Church in Bau Sen, appealed to Catholics and people of good will to “protect this sacred religious symbol” and “defend religious freedom in Vietnam.”
 
Vietnamese Prelate Reports 30,000 New Catholics
Zenit
08:20 21/10/2009
KONTUM, Vietnam, OCT. 20, 2009 (Zenit.org).- The bishop of Kontum celebrated World Mission Sunday by announcing that 30,000 Vietnamese from his region became Catholic in the last year.

On Sunday, Bishop Michael Hoang Duc Oanh also reported to AsiaNews that 20,000 more of the Central Highlands people, called Montagnards, are currently preparing to enter the Church.

"It is the work of the Holy Spirit," he said, "with the sincere participation and contribution of so many people."

This year, the country is celebrating the 350th anniversary since the arrival of Catholic missionaries. The Redemptorist priests are also celebrating this year, the 40th year of their mission in this highland region of the country.

Vietnam has some 6 million Catholics, comprising 8% of the total population.
 
A Crackdown of Particular Concern
The Wall Street Journal
08:22 21/10/2009
Hanoi shuts down a monastery.

The U.S. State Department will soon release its annual list of countries of particular concern for religious-rights violations. Hanoi's recent crackdown on a Buddhist community shows why the authoritarian government needs to be reinstated on the roll of offenders.

The group at issue are followers of Thich Nhat Hanh, a Zen Buddhist based in France and well known outside Vietnam. Hanoi has been trying for a year to shut down the community's Bat Nha monastery in the central highlands. In late September, the authorities finally resorted to violence to evict the 350 monks and nuns after cutting off the electricity supply didn't work. They have taken shelter in a nearby monastery, but the government may not give them residence papers for their new address, in which case they could be forced to return home.

Hanoi claims the Bat Nha incident was an internal sectarian affair. But leaked government documents show that Hanoi has had the monastery in its sights for at least a year, largely because of what it calls Mr. Nhat Hanh's "political" activities. That's likely a referral to the monk's public calls for the Dalai Lama to return to Tibet—a statement that surely angered Hanoi's friends in Beijing. He also leaked 10 recommendations he made to the Vietnamese government in 2007 on improving religious freedom, including a request to disband the country's religious police.

The Bat Nha example exposes how prone to backsliding Hanoi is if it's not forced to follow such early steps with further progress. Now is a good time to ratchet up the diplomatic pressure again.
Meanwhile, his teachings simply became too popular. Mr. Nhat Hanh is a charismatic leader preaching a progressive form of Buddhism. Crowds of hundreds of Vietnamese regularly flocked to the monastery for special events to pray alongside the monks.

That Hanoi should view all this as a threat to communist one-party rule is predictable and routine. The regime has long harassed religious groups that don't accept full Communist Party control, whether Protestant Montagnards in the central highlands, members of the banned Unified Buddhist Church of Vietnam wanting to practice their faiths, or Catholic parishioners protesting state seizure of church lands. The U.S. Commission on International Religious Freedom, an agency within the White House, posts a detailed survey of abuses on its Web site.

But the Bat Nha case still stands out. Mr. Nhat Hanh's visit to Vietnam in 2005, after 39 years of exile, was heralded as a breakthrough for religious freedom, as was the fact that he was allowed to establish the Bat Nha community. He played by the rules early on, toning down public statements to avoid offending Hanoi. He even tried to effect a reconciliation between the state-run Buddhist church and the underground UBCV. Yet the authorities eventually cracked down on his followers anyway.

That's something for State to remember as it decides whether to name Vietnam as a Country of Particular Concern. Hanoi was listed from 2004 to 2006, and then removed as a reward for limited liberalization. Vietnam remains the only country that has changed its laws explicitly to get itself removed from the roster. The government made it easier to register religious groups, dropped some egregious policies such as forcing believers to renounce their faith, and improved its relations with the Vatican.

The Bat Nha example exposes how prone to backsliding Hanoi is if it's not forced to follow such early steps with further progress. Now is a good time to ratchet up the diplomatic pressure again.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Khóa đào tạo nhân sự của Caritas Việt Nam tại Trung Tâm Mục Vụ Huế
LM Đaminh Phan Hưng
19:54 21/10/2009
Trung Tâm Mục vụ Huế (21-10-2009) - Tình yêu chính là tính đặc thù của nhân bản con người: “Con người không thể thiếu tình yêu và con người được kêu gọi để trở nên những người có khả năng yêu”.

Đó là nhận định của thông điệp "Thiên Chúa là Tình yêu”. Và cũng chính từ những nhận định cơ bản đó mà hôm nay, lúc 17g chiều thứ Hai ngày 19 tháng 10, tại Trung tâm Mục vụ TGP Huế, 5 Giảng viên của UBBAXH-Caritas VN chuyên nghiệp, dưới sự điều hành tổng quát của cha Tổng Thư Ký Antôn Nguyễn ngọc Sơn, cùng với 40 tham dự viên trên khắp mọi miền thuộc Giáo Tỉnh Huế, đã cùng nhau tề tựu, khai mở cho một đợt tập huấn để đào tạo nhân sự chuyên môn, với chủ đề: "Khóa Đào Tạo Những giá Trị và Kỹ Năng Cần Thiết Để xây Dựng Nền Nhân Bản Toàn Diện và Liên Đới"

Như mục đích của của Caritas VN đề ra, đó là:

1. Thăng tiến và phát triển con người toàn diện.
2. Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc.
3. Phát huy tình yêu thương bác ái, liên đới giữa mọi người trong xã hội.
4. Giúp đỡ khẩn cấp khi có thiên tai hay dịch bệnh.

Với tôn chỉ phương châm hành động là:

1. Bảo vệ nhân phẩm: sự sống con người nhất là người nghèo khổ, yếu kém trong xã hội.
2. Dấn thân hoạt động để xây dựng xã hội trong công lý và hoà bình.
3. Cổ vũ tình liên đới để phát triển các mối quan hệ tốt đẹp giữa các dân tộc trong gia đình nhân loại.
4. Bảo vệ môi trường sống trong sạch, lành mạnh

Thì khóa đào tạo nhân sự chuyên môn của UBBAXH-Caritas VN này quả thực là cần thiết và hữu ích biết bao cho cơ đồ của UBBAXH-Caritas VN mới vừa gần tròn 1 tuổi khai sinh (kể từ "Bản Xác Nhận ngày 25.9.2008 của HĐGMVN về Caritas VN")

Như một sự đồng cảm với thao thức của những Đấng bậc trách nhiệm trong UBBAXH-Caritas VN, Trung Tâm Mục Vụ Huế cũng hết sức đáp ứng những nhu cầu cần thiết về nơi ăn chốn ở, các tiện nghi tối thiểu tương đối cho phòng ngủ, phòng Hội họp, phòng sinh hoạt, Nhà nguyện, nhà ăn..và các phương tiện truyền thông như mạng WLAN (wireless local area network), máy chiếu projector với màn hình lớn v.v...nhằm hổ trợ cho Ban Giảng viên có được những gì thoải mái nhất trong việc hoàn thành một giáo án khá "nặng":

- ban sáng 4 tiết làm việc từ 7:45 đến 11:15 và ban chiều 4 tiết từ 14:00 đến 17:30

- riêng ban tối thêm 1 giờ 30 phút học hỏi và thảo luận về Caritas VN. Cũng phải nói thêm là khi toàn thể các học viên đã lên giường đi vào giấc ngủ an lành sau một ngày làm việc cật lực lúc 21:30 tối, thì ban Giảng viên vẫn còn tiếp tục ngồi lại làm việc với nhau như những "chú tằm ăn đêm" miệt mài, chuẩn bị cho giáo trình ngày mai tốt hơn, dễ hiểu hơn, đạt chất lượng cao nhất như ước mơ đã đề ra!

Ở đây cũng phải ghi nhận một sự hổ trợ lớn lao có thể nói là "làm phấn khích" cho tất cả anh chị em Khóa tập huấn của Giáo tỉnh Miền Trung, đó là sự hiện diện gần như thường xuyên của Đức Tổng Giám Mục Têphanô Nguyễn Như Thể trong các buổi học tập! Ngay từ buổi tối đầu tiên khai mạc khóa học, Ngài đã hiện diện với anh chị em, trao ban đôi lời nhắn nhủ, rồi sau đó là "cùng ngồi học", và hầu như tranh thủ được giờ nào, là ngài lại đến ngồi nghe và học hỏi! Sự hiện diện đó phần nào đem lại niềm vui và phấn chấn cho mọi anh chị em tham dự viên trong Giáo Tỉnh, cũng đồng thời nói lên sự quan tâm ưu ái của Hội Đồng Giám mục Việt Nam đối với tổ chức này: "HĐGMVN cần tổ chức Caritas Việt Nam như một Hiệp Hội để giúp đỡ một cách có hiệu quả những ngừời nghèo khổ, bệnh tật, những nạn nhân thiên tai, những nạn nhân xã hội như những người nhiễm HIV/AIDS, những người nghiện ma túy, những phụ nữ trẻ em bị lạm dụng tình dục..." (trích "Cẩm Nang Caritas Việt Nam" trang 6)

Mỗi buổi sáng khởi đầu cho một ngày mới, 45 Anh chị em là thành viên của Caritas VN( gồm 5 Linh Mục, 7 Nữ tu, 4 Nam tu sĩ, 22 giáo dân nam, 7 giáo dân nữ) quây quần bên nhau trong nguyện đường ấm cúng của Trung Tâm mục vụ, cùng đọc Phụng vụ Giờ kinh, cùng nhau hiệp dâng thánh lễ, để kín múc từ Chúa Giêsu Thánh Thể mọi nguồn ơn trợ lực cho sứ mạng tông đồ cao cả mà họ đã tự nguyện cống hiến cho Giáo Hội và anh chị em đồng loại, bởi vì họ ý thức sâu sắc rẳng:"Caritas có nền tảng Linh đạo Bác ái: “Hội viên Caritas trước tiên là người được tình yêu Đức Kitô chinh phục.

Khởi đi từ cuộc gặp gỡ với Đức Kitô, họ có thể trao ban tình yêu này cho những anh chị em đồng loại qua những việc bác ái...

Họ phải luôn noi gương Đức Giêsu sống khiêm tốn “chúng tôi là những đầy tớ vô dụng” (Lc 17,10).

Họ phải luôn xác tín rằng: khả năng giúp đỡ người khác là một hồng ân của Thiên Chúa, chứ không phải là công đức và sự nghiệp của bản thân (x. Tđ. Thiên Chúa là Tình Yêu, số 35). Họ là những công cụ mà Thiên Chúa dùng để trao ban tình thương của Ngài.

Muốn được như vậy, họ cần phải có một tâm hồn cầu nguyện liên lỉ, gắn bó với Đức Giêsu Kitô.. ....

Theo linh đạo này, mỗi hội viên caritas trở thành người xây dựng nền văn minh tình yêu" ( Trích "Cẩm Nang Caritas VN", trang 38-40)

Như ngôi nhà chung của Giáo Tỉnh, Trung tâm Mục Vụ Huế ước mong lời nhắn nhủ của HĐGMVN trong Bản Xác Nhận ngày 25.9.2008 về Caritas VN trở thành mối ưu tư của mọi thành phần Dân Chúa:

" Hội Đồng Giám Mục Việt Nam mong ước nhiều tín hữu tham gia vào Caritas Việt Nam để thực hiện tình bác ái của Chúa Kitô cho mọi người"

(Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Huế ngày 19 tháng 10 năm 2009)
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Hồi ký: Câu chuyện về một thời: Ngày Nhật đảo chính Pháp 9-3-1945
+GM. Lê Đắc Trọng
09:20 21/10/2009
Hồi ký: Câu chuyện về một thời: Ngày Nhật đảo chính Pháp 9-3-1945

Chính hôm Đức Cha Thịnh (Chaize) đang kinh lược xứ Mang Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Tối hôm ấy ở Mang Sơn, chỉ nghe thấy tiếng súng nổ ầm ầm vùng Hà Nội, chưa biết là chuyện gì.

Mãi trưa hôm sau, vào 12 giờ trưa, Đức Cha và cha bộ Viết, cha xứ là cha Viên đang ăn cơm cùng cha Huyền và cha Bảo, thì thấy ông Quế (Jacques) là tây lai, coi trại bơm ở Đọi Đệp phóng ngựa lên, ông bảo tôi cần gặp Đức Cha vì có việc rất cần. Nên dù Đức Cha và các cha đang ăn cơm cũng phải trình Đức Cha để ông gặp. Ông nói: tối hôm qua, ở Hà Nội, người Nhật đ• đảo chính bắt hết các người Pháp, cả quân lẫn dân, và ra lệnh cho hết các người Pháp phải ra trình diện trong vòng ba ngày. Ai không ra trình diện, gặp đâu bắn đấy. Đức Cha phải về Hà Nội để trình diện. Đức Cha Thịnh nghe thấy vậy, ngài không ăn cơm nữa, bàn xem phải làm thế nào?

Các cha bàn: Đức Cha ở Mang Sơn không được, vì tiện đường ô-tô muốn đến lúc nào cũng được. Đức Cha phải vào xứ Kẻ Bèo cũng thuộc huyện Duy Tiên, nhưng là đồng chiêm, hẻo lánh, đường xá không đi ô-tô được, rồi sau sẽ liệu. Đức Cha đành phải nghe.

Quãng một giờ chiều, mời Đức Cha xuống một chiếc thuyền nhỏ, không có mui, giáo dân lội đun thuyền vào Đồng Bào (Kẻ Bèo), cách xa độ 4; 5 cây số. Thuyền đi bình yên, không ai hỏi gì. Cả cha bộ Viết, ông Bất cũng vào Đồng Bào với Đức Cha.

Ngày hôm sau, cha chính Hoá quản lý Nhà Chung, cho người cầm giấy mời Đức Cha phải về Hà Nội ngay để trình diện.

Đức Cha rất lo, cha bộ Viết và ông Bất bàn với nhau: tiếng Nhật chẳng ai biết, viết tiếng Pháp sợ người Nhật không biết. Sau đành phải viết bằng chữ Hán: “Giám Mục Hà Nội hồi Hà Nội”. Viết vào một tấm bảng để trước chiếc xe tay của Đức Cha đang ngồi. Sáng hôm sau, Đức Cha ngồi một xe có tấm bảng đi trước, cha bộ Viết và ông Bất mỗi người một xe đi hộ vệ. Từ Đồng Văn, ba xe vẫn đi không gặp người Nhật nào, chẳng ai hỏi.

Khi lên đến cầu Giẽ có lính Nhật gác cầu. Các anh thấy một người Pháp đầu đội mũ tím, mặc áo tím, trước xe có tấm bảng, chắc các anh không biết chữ, các anh đứng yên một lúc, rồi mời Đức Cha vào trong trạm gác. Họ nói gì với nhau, rồi một anh rút kiếm cắm xuống đất gọi điện thoại. Mấy phút sau, thấy một hiến binh Nhật đi xe máy đến. Anh nhìn ngắm Đức Cha một lúc, rồi anh cũng cắm kiếm của anh xuống đất rồi gọi điện thoại. Độ 10 phút thấy một xe ô-tô của quân đội đến. Anh hiến binh mời Đức Cha cùng đi về Hà Nội. Từ bấy giờ về sau, con không biết thêm gì nữa. (Trích bài tường thuật của Cha Văn Đình Khánh)

Còn tiếp
 
Việt Nam: Viện Khoa Học thuộc Bộ Công An mời gia đình liệt sĩ đi ''khấn'' - vô thần hay áp chế đạo?
Bộ Công an Đống Đa
11:08 21/10/2009
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Nắng Thu Bên Góc Phố
Sr. Thérésa Thanh Thảo
09:16 21/10/2009

NẮNG THU BÊN GÓC PHỐ



Ảnh của Sr. Theresa Thanh Thảo, CMRM, Nebraska.

Thu về lá đổ quỳnh tương

Quê người đất khách chạnh lòng nhớ thương

Cố hương xa cách nghìn trùng

Có còn nhung nhớ ngại ngùng thu sang…

(Trích thơ của Đỗ Xuân Nguyên)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền