Ngày 20-10-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Bác ái và truyền giáo
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
00:46 20/10/2023

BÁC ÁI VÀ TRUYỀN GIÁO

"Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: rửa tội cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, và dạy họ mọi điều Thầy truyền cho các con" (Mt 28, 19- 20). Đó là lệnh truyền qua mọi thời cho mọi người, nếu xưng mình là Kitô hữu.

Để loan Tin Mừng tình thương, người rao giảng phải sống bác ái. Hơn tất cả mọi sứ điệp, chính đời sống yêu thương là sứ điệp, là hành động truyền giáo thiết thực, hiệu quả, lôi cuốn và đáng quý.

Bác ái là minh họa cho con đường phục vụ. Bởi nếu loan Tin Mừng là dẫn anh chị em đến chân trời của sự thánh thiện, thì bác ái là phương tiện - để chiếm niềm tin, chiếm cảm tình của anh chị em - nhờ đó dần dần dẫn anh chị em đến gặp Thiên Chúa, nguồn cội của sự thánh thiện ấy.

1. CỰU ƯỚC ĐỀ CAO TINH THẦN BÁC ÁI.

Đệ Nhị luật: "Vì trong đất của anh em sẽ không thiếu những người nghèo, nên tôi truyền cho anh em hãy mở rộng tay giúp đỡ" (15, 7.11).
Không chỉ bất chấp mọi sợ hãi để lo hậu sự cho xác chết của đồng loại, ông Tôbia còn dạy con ông phải làm việc từ thiện: "Đối với ai nghèo khổ, con đừng ngoảnh mặt làm ngơ, để rồi đối với con, Thiên Chúa cũng sẽ không ngoảnh mặt làm ngơ" (Tb 4, 7).

Tiên tri Isaia đòi tinh thần chay tịnh phải đi liền với "mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc…, chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người không nơi trú ngụ…thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục" (58, 6-7).

2. TÂN ƯỚC VÀ CHÍNH CHÚA GIÊSU.

Chúa Giêsu nêu cao nơi chính bản thân Người lòng xót thương dành cho bất cứ ai bất hạnh, ai đau khổ. Chúa bênh vực người nghèo, không ngừng tha thứ cho tội nhân, đi đến đâu là thực hiện lòng tốt đến đó. Chúa còn dạy:

- Kẻ nào cho một trong những người bé mọn này uống chỉ một bát nước lã mà thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, Thầy nói với các con: người ấy không mất phần thưởng đâu (Mt 10, 42).
- Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình (Mt 18, 21).
- Dụ ngôn về ngày xét xử (Mt 25, 31-46), Chúa khẳng định: "Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy".
- Cho đến giây phút cuối cuộc đời, khi mà lòng thù hận của con người đến tột cùng, thì từ trên thánh giá, Chúa vẫn tiếp tục ban bố lòng yêu thương tha thứ: "Lạy Cha xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm" (Lc 23, 34).
- Trong nhiều hướng dẫn, Tân Ước đặt tình yêu ở hàng đầu. Chẳn hạn, thánh Giacôbê viết: "Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?”. (Giac 2, 15-16).

3. SỐNG BÁC ÁI LÀ KHỞI SỰ TRUYỀN GIÁO.

Bác ái điểm cần thiết nơi chứng nhân Tin Mừng. Giảng về Thiên Chúa yêu thương mà người giảng không biết yêu thương, không tận tâm, tận tình, nhất là với người bần cùng, bất hạnh, cách sống đó là phản chứng của lời rao giảng.

Mẹ Têrêsa thành Calcutta trở thành nhà truyền giáo lừng danh vì Mẹ sống tinh thần bác ái ấy. Mẹ là mẫu gương thời đại cho mọi Kitô hữu.

Phát biểu tại Thượng Hội đồng Giám mục Á châu (4.1998), Đức Hồng Y Giuse Phạm Đình Tụng nói về Mẹ Têrêsa: “Bởi sự kính trọng sâu xa và tình yêu thương hữu hiệu của Mẹ đối với mọi người, Mẹ đã giảng dạy một cách hữu hiệu cho chúng ta biết thế nào là Đấng Thiên Chúa tình thương của người Kitô”.

Bác ái còn là thông cảm, tha thứ đối lỗi lầm của anh chị em. Ta không bao che, hay dung túng cho tội, nhưng độ lượng với người có tội, mời gọi họ đi về nẻo chính. Chúa Giêsu luôn nêu gương độ lượng, thông cảm và tha thứ này.

Với phụ nữ xứ Samari sáu đời chồng, bằng lời ân cần hết sức, nhưng không kém dứt khoát, Chúa đánh thẳng vào vấn đề của chị, buộc chị nhìn nhận phận mình mà vẫn không cảm thấy bị xúc phạm: "Người bảo chị: ‘Chị hãy gọi chồng chị rồi trở lại đây’. Người phụ nữ đáp: ‘Tôi không có chồng’. Đức Giêsu bảo: ‘Chị nói: tôi không có chồng là phải, vì chị đã có năm đời chồng, và hiện người đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị nói đúng" (Ga 4, 1- 30).

Còn phụ nữ ngoại tình bị quả tang, Chúa hết sức nhẹ nhàng: "Người bảo họ: ‘Ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi’… Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi… Người ngẩng lên và nói: ‘Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?’… ‘Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!’" (Ga 8,1-11).

Lời của Chúa nhẹ nhàng là thế, nhưng cũng rất dứt khoát, làm cho những kẻ to tiếng kết tội chị phải cúi mặt nhận ra thân phận của mình.
Cũng chính thái độ nhẹ nhàng và dứt khoát của Chúa lại mang lại sự giải thoát cho chị phụ nữ. Không chỉ giải thoát chị khỏi tay những kẻ kết án mà còn giải thoát đúng nghĩa và quan trọng: Cứu chị khỏi vòng kềm hãm của tội, đưa chị vào thế giới của bình an và tình yêu.

Lòng bác ái và độ lượng lớn lao như thế, chắc chắn sẽ đem lại thành quả cũng lớn lao không kém cho những người tha thiết với trách vụ truyền giáo.
 
Ngày 21/10: Suy niệm theo Thánh I-nhã – Lm. Phêrô Nguyễn Văn Cao, SJ
Giáo Hội Năm Châu
00:46 20/10/2023


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thầy nói cho anh em biết: phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.

“Bất cứ ai nói phạm đến Con Người, thì còn được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng được tha.

“Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói.”

Đó là lời Chúa
 
Vấn nạn quyền bính
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
01:15 20/10/2023

VẤN NẠN QUYỀN BÍNH
(Chúa Nhật XXIX TN A)

“Của Xêda hãy trả cho Xêda. Của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa” (Mt 22,21). Câu nói của chúa Giêsu năm nào đã làm cho nhiều người Pharisêu và nhóm người phe Hêrôđê là những người đầy dã tâm đang tìm mọi cách hãm hại Người phải chưng hửng. Chúa Giêsu đã thoát khỏi cái bẫy hiểm độc của những người vốn không thích nhau, thì nay lại hợp sức giăng ra. Nhân câu chuyện thú vị này và nhất là qua câu trả lời của Chúa Giêsu, xin có một cái nhìn về vấn nạn quyền bính trong các xã hội dân sự cũng như trong các tập thể tôn giáo.

Con người là hữu thể có tính xã hội, một trong những yếu tố nền tảng làm nên con người. Quyền bính có ra là do yêu cầu của tính xã hội. Đã là tập thể thì phải có người đứng đầu để lãnh đạo. Không có người lãnh đạo thì sẽ dẫn đến tình trạng hỗn độn, cá lớn nuốt cá bé. Chính vì thế sự hiện hữu của quyền bính là điều tất yếu. Quyền bính có ra là để gìn giữ xã hội ổn định trong trật tự, công bằng, xây dựng công ích, bảo vệ kẻ cô thân, yếu thế, người bất hạnh, tạo điều kiện cho mỗi người và mọi người có được môi sinh thuận lợi để tồn tại, phát triển và được hưởng hạnh phúc đích thực. Theo viễn kiến này và dưới ánh sáng đức tin, chúng ta nhìn nhận rằng Thiên Chúa muốn có sự hiện hữu của quyền bính và quyền bính là một trong những công trình của Thiên Chúa, nghĩa là do Thiên Chúa làm nên.

Những gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa. Xêda là hoàng đế của La mã hoặc bất cứ vị hoàng đế của nước nào cũng đều thuộc về Thiên Chúa. Ngày nay, Tổng thống, Thủ tướng, Bộ trưởng, Quốc Hội, Tòa án…là quyền bính xã hội và chúng đều thuộc về Thiên Chúa. Vì thuộc về Thiên Chúa thì những người nắm giữ quyền bính ấy phải hành động theo thánh ý Thiên Chúa. Hoàng đế Kyrô khi ra sắc chỉ cho dân Do Thái bị lưu đày trước đây được hồi hương và tái thiết Đền thờ thì đã được ngôn sứ Isaia nhìn nhận như là người được Thiên Chúa tuyển chọn. Hoàng đế Kyrô còn được gọi là người được xức dầu vì ông đã thực thi thánh ý Thiên Chúa (x.Is 45,1).

Chúng ta cần phân biệt sự hiện hữu của quyền bính với người nắm quyền bính. Sự hiện hữu của quyền bính là chính đáng, hợp pháp và phải đạo vì do Thiên Chúa làm nên. Tuy nhiên không phải bất cứ ai nắm quyền bính cũng đều chính đáng, vì có thể họ chiếm lấy quyền bính cách không hợp pháp hoặc họ thực thi quyền bính cách không phải đạo. Lịch sử cho thấy có trường hợp người ta đã chiếm lấy quyền bính cách “ma đạo” và hành quyền kiểu độc tài, phi nhân và phi luân.

Xét quyền bính như là một cơ cấu tổ chức điều hành một tập thể xã hội hay tôn giáo thì nó thật chính đáng và hợp lý. Tuy nhiên hình thức quyền bính này cũng cần phải được chỉnh sửa cho phù hợp với sự phát triển của con người và xã hội để phục vụ cách hữu hiệu ngày mỗi hơn. Nhiều hình thái cơ cấu, tổ chức không chỉ cần phải được đổi mới mà thậm chí còn phải bị thay thế. Ngày nay xem ra những hình thái quyền bính mang tính độc tài, chuyên chế không còn lý do để hiện hữu. Xin đừng quên một trong những nội dung họp bàn của Thượng Hội Đồng đang tiến hành ở Rôma hiện nay đó là chỉnh sửa, thay đổi cơ cấu, thiết chế...tức là quyền bính trong Giáo Hội Công Giáo.

Xét những con người nắm quyền bính thì trước hết chúng ta cần xem xét cách thức họ nắm giữ quyền hành có hợp pháp không, có minh bạch và công bằng không. Một cách thức xem ra được gọi là khá công bằng hiện nay để xây dựng công quyền xã hội đó là “phổ thông đầu phiếu”. Và dù được tổ chức bầu bán công khai thì cũng cần phải xét xem việc bầu bán ấy có tiến hành trong sự tự do và công bằng hay không. Thực tế đã có đó những cuộc bầu bán tuy là công khai những chỉ là một thứ hình thức hợp pháp hóa sự độc quyền.

Kế đến chúng ta cần xem xét những người cho dù đảm nhận quyền bính cách hợp pháp nhưng họ có hành quyền cách công tâm và đúng mực không, dĩ nhiên là ở một mức độ nào đó khả dĩ có thể chấp nhận. Nếu người đang nắm quyền mà thực thi quyền bính trái với đường lối của Thiên Chúa cách minh nhiên thì họ không chỉ không đáng được tôn trọng mà thậm chí còn cần phải bị thay thế.

Chúng ta phải thực thi nghĩa vụ “con người mang tính xã hội” của mình, phải tích cực tham gia và xây dựng quyền bính xã hội cũng như tôn giáo để làm cho nó ngày càng thuộc về Thiên Chúa hơn. Giáo Hội Công Giáo chỉ cấm hàng giáo sĩ và tu sĩ không được tham gia vào các chức vụ công quyền, trừ khi có lý do thật khẩn thiết và được ban phép (GL Đ.287.2; Đ.672). Với tín hữu hàng giáo dân thì việc trực tiếp hay gián tiếp tham gia công quyền và xây dựng công quyền ngày càng trở thành “chính quyền” là một nghĩa vụ khẩn thiết, không thể xao nhãng hay bỏ qua vì bất cứ lý do gì.

“Giáo sĩ trị” không chỉ là một tệ nạn trong Giáo Hội Công Giáo mà ngày nay còn được xem như là một hình thái tội lỗi. Kitô hữu chúng ta phải có bổn phận làm lành mạnh hoá cơ chế hữu hình của Giáo hội và góp phần theo khả năng và hoàn cảnh của mình để những người nắm quyền bính, cụ thể là các mục tử ngày càng trở nên là những người tôi tớ, những người phục vụ thiện ích của con người, phục vụ phần rỗi các linh hồn.

(Ban Mê Thuột)
 
Của ai ?
Lm. Nguyễn Xuân Trường
05:14 20/10/2023

CỦA AI?

Khi người ta hỏi bổn phận nộp thuế cho vua Xêda, Chúa Giêsu đã trả lời: “Của Xêda trả Xêda, của Thiên Chúa trả Thiên Chúa.” Thế rồi, trong dòng lịch sử, người ta đã áp dụng lời đó để tách biệt hai lãnh vực Đạo với đời, tôn giáo với chính trị, thần quyền với thế quyền. Tuy nhiên cần phải nhận rõ điều này: quyền Thiên Chúa và quyền chính trị lãnh đạo các quốc gia không phải song song với nhau hoặc đối nghịch nhau, nhưng quyền Thiên Chúa ở trên quyền của loài người.

1. Của công. Các nước đều có ngân sách quốc gia nhằm phục vụ công ích và công bằng xã hội. Thuế đóng góp phần lớn cho ngân sách quốc gia. Thế nên, người dân có bổn phận và vinh dự nộp thuế để xây dựng đất nước. Tránh trốn thuế và càng phải tránh tham nhũng khi lấy tiền thuế của dân đút túi riêng của mình.

2. Của Chúa. Nhiều khi người ta chủ trương của Chúa chỉ ở nơi các địa điểm tôn giáo thờ tự, còn ngoài ra là của nhà nước xã hội. Nhầm to! Chúa sáng tạo con người, muôn loài muôn vật, cả vũ trụ trời đất này. Thế nên, mọi sự là của Chúa. Chúa bao trùm tất cả, Chúa làm chủ muôn loài. Chúa là Đấng Tối Cao không cần phải cạnh tranh với bất cứ nhà cầm quyền trần gian nào. Vấn đề là con người đừng vô lễ, vô ơn, bất hiếu với Chúa, với thần thánh.

3. Của tôi. “Của Xêda trả Xêda, của Thiên Chúa trả Thiên Chúa.” Chúa bảo con người để ý lo cho của công, của Chúa, nhưng con người thì lại hay để ý lo cho của mình. Chỉ lo vun vén cho quyền lợi của tôi, lo vơ vét cho tài sản của tôi, đấy là nguồn gốc của độc tài và tham lam, tham nhũng.

Người Công Giáo cần chu toàn bổn phận của người giáo dân và công dân để tích cực tham gia xây dựng Giáo hội cũng như xã hội quốc gia. Hãy sống thoát ra khỏi sự ích kỷ chỉ lo cho mình để yêu thương tha nhân, phục vụ công ích và làm sáng danh Chúa. Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:01 20/10/2023

31. Đức trinh khiết là đóa hoa tươi tốt phơi phới của Giáo Hội, là phẩm vật điểm xuyết vẻ vang ân sủng của Thiên Chúa.

(Thánh Cyprianus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:03 20/10/2023
79. NHỤC CHƯỚNG NHỤC CHƯỚNG

Dương Quốc Trung là sủng thần thời Đường Huyền Tôn, hể khi mời khách uống rượu thì chú trọng xa xỉ cách kỳ lạ, lúc nào cũng ra lệnh cho thị nữ vợ lẽ bê một loại thức ăn để cung ứng cho khách dùng có tên là “nhục đài bàn”.

Mùa đông, ra lệnh cho thị nữ vây quanh để phòng chống lạnh, gọi là “nhục bình phong”. Lại tuyển trong các vợ lẽ người béo mập cao to đứng phía trước cản gió lạnh gọi là “nhục chướng, nhục chướng”.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 79:

Xa xỉ đến như Dương Quốc Trung thì có gì là lạ, thời nay có những ông được bao che hơn cả sủng thần còn xa xỉ gấp trăm ngàn lần: họ dùng tiền của công ty ăn uống một đêm vài ngàn đô la Mỹ, họ không đem vợ bé của họ để hầu hạ khách nhưng để cho các cô tiếp viên nhà hàng săn sóc, họ không ăn uống nhiều nhưng thích nhục dục, họ không sợ lạnh nhưng thích “nhục bì”, họ không sợ nóng nhưng thích “nhục thể”…

“Nhục chướng” là lấy thịt làm vật để ngăn, nhưng ma quỷ thì thích dùng “nhục” để cám dỗ chúng ta vào vòng tội lỗi, cho nên người ta có thể chiến thắng tiền bạc, chiến thắng khó khăn, chiến thắng nóng lạnh, nhưng rất ít khi chiến thắng “nhục dục”.

Xa xỉ là chơi trội quá trán, chơi trội quá trán là vì đó không phải là tiền của mình, nên dễ dàng phạm tội.

Người Ki-tô hữu thì luôn đề cao cảnh giác với những cám dỗ kiểu xa xỉ này, bởi vì chính nó đã khiến cho nhiều bậc tu hành sa ngã, thì cũng sẽ làm cho họ điêu đứng chết không xong mà sống cũng không ổn…

“Nhục” nguy hiểm thật, nên cần phải cầu nguyện và hy sinh luôn..

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Để Thánh Thần lên tiếng
Lm. Minh Anh
16:17 20/10/2023

ĐỂ THÁNH THẦN LÊN TIẾNG
“Thánh Thần sẽ dạy cho các con biết những điều phải nói!”.

“Khiêm tốn, sự yên tĩnh hoàn hảo của trái tim! Tôi không băn khoăn, bực tức, đau đớn hay thất vọng. Tôi bình yên khi không ai khen tôi hoặc chê trách, coi thường tôi. Đó là ngôi nhà phước huệ, nơi tôi có thể vào, đóng cửa và bí mật quỳ lạy Cha tôi. Và tôi bình an như chìm trong biển sâu yên tĩnh khi chung quanh đầy khó khăn. Đó là kết quả công trình cứu chuộc của Chúa Kitô trên đồi Canvê, thể hiện nơi những ai thuộc về Ngài, những người chắc chắn vâng phục Chúa Thánh Thần!” - Andrew Murray.

Kính thưa Anh Chị em,

Tâm sự đáng ao ước của Andrew Murray được gặp lại qua của Lời Chúa hôm nay! Chúa Giêsu tiết lộ một sự thật, chúng ta rất yếu hèn; đặc biệt, khi phải làm chứng cho Ngài! Vì thế, Kitô hữu phải gắn kết với Chúa Thánh Thần, đầy Chúa Thánh Thần; để mỗi khi khó khăn, bạn và tôi không dao động, nhưng cứ ‘để Thánh Thần lên tiếng!’.

Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta rất khó để thừa nhận Chúa Giêsu trước người khác chứ chưa nói đến việc tử đạo. Hãy nghĩ đến khả năng tử đạo và hãy tự hỏi, liệu chúng ta có thể trung thành với Chúa nếu điều đó đồng nghĩa với cái chết! Chúng ta làm chứng cho Ngài khá tốt hằng ngày, nhưng có thực sự như vậy? Lắng nghe những lời phỉ báng Chúa Giêsu và Giáo Hội, chúng ta không dám phản đối. Đôi khi, chúng ta thậm chí còn gật đầu hoặc mỉm cười như thể tán thành.

Bản thân chúng ta sẽ không bao giờ nói những điều xúc phạm đó, nhưng bạn và tôi không thực sự đứng lên bảo vệ niềm tin cả khi ‘không thể’ tử đạo. Có bao giờ bạn cảm thấy khó chịu khi làm dấu thánh giá ở nơi công cộng? Đó là một điều đơn giản mỗi khi đến bàn ăn, nhưng nó có thể cực kỳ khó khăn khi bạn đang ở trong một nhà hàng, nơi mà gánh nặng duy nhất là “mọi người nghĩ bạn và tôi là người Công Giáo!”.

Có thể không quá lo lắng về việc bị đưa ra toà vì Chúa, nhưng tôi vẫn phải làm chứng điều đó hàng ngày bằng cuộc sống mình. Bất kể đi đâu, làm gì, chúng ta vẫn là chứng nhân. Bạn và tôi cần ‘để Thánh Thần lên tiếng’ qua cuộc sống mình trước mặt mọi người. Chúa Giêsu đã hứa, Thánh Thần sẽ dạy chúng ta những gì cần nói, cần làm. Thư Rôma hôm nay nói đến sự trung tín của Chúa, điều Ngài hứa với Abraham, Ngài đã giữ. Thánh Vịnh đáp ca xác tín, “Giao ước đã lập ra, muôn đời Chúa nhớ mãi!”.

Anh Chị em,

“Thánh Thần sẽ dạy cho các con biết những điều phải nói!”. Đời sống của chúng ta phải là một đời sống “chìm trong biển sâu yên tĩnh” của Thánh Thần tình yêu “khi chung quanh đầy khó khăn!”. Vì lẽ, mọi người sẽ phán xét không chỉ tôi, mà còn ‘tất cả các Kitô hữu’ qua tôi, vì vậy tôi cần sống bác ái như dấu hiệu của một Kitô hữu đích thực. Tôi cần nuôi dưỡng sự khiêm nhường của một người nhìn vào sự cao cả và thánh thiện của Thiên Chúa nhưng vẫn nhận ra sự yếu hèn và tội lỗi của mình. Cách duy nhất tôi có thể làm tất cả những điều này là mỗi ngày, đi vào “ngôi nhà phước huệ” của mình, “quỳ lạy Cha tôi” và ‘để Thánh Thần lên tiếng’ trong mọi sự!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, để có sự “yên tĩnh hoàn hảo của trái tim”, giúp con đừng bao giờ rời xa ngôi nhà phước huệ của mình; ở đó, con đắm chìm trong Thánh Thần!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Chúa nhật lễ Truyền Giáo
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:05 20/10/2023
CHÚA NHẬT LỄ TRUYỀN GIÁO

Tin mừng: Mt 28, 19-20.

“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”.


Bạn thân mến,

Mỗi năm một lần, giáo hội –trong ngày truyền giáo- đều long trọng nhắc nhở chúng ta về vai trò và bổn phận của người Ki-tô hữu trong cuộc sống ở trần gian, đó là sống và làm chứng nhân cho Tin Mừng, tức là truyền giáo. Truyền giáo tức là đem cái mình đã tin, đã cảm nghiệm và đã sống cho người khác cùng tin, cùng cảm nghiệm, và cùng sống như chúng ta.

Truyền giáo ở đâu? Thưa, ở đâu có mặt chúng ta thì đó là địa điểm truyền giáo của mình, nhưng có ba nơi mà chúng ta cần làm chứng cho Tin Mừng.

1. Tôi thường nhắc nhở giáo dân rằng gia đình là nơi truyền giáo đầu tiên của người Ki-tô hữu, họ cười và nói rằng gia đình của mình toàn là đạo gốc, ai cũng có đạo hết, truyền giáo làm gì nữa ! Vâng, gia đình toàn là người có đạo, nhưng cuộc sống của mỗi người trong gia đình chưa chắc là cuộc sống của người có đạo: cha thì cả ngày say lè nhè, mẹ thì buồn bực hết la rầy con cái đến mắng chồng, thế là gia đình mất đi cái hạnh phúc thuở ban đầu mới cưới nhau, hoặc là cha mẹ thì siêng năng đi lễ đọc kinh, làm việc lành, nhưng con cái thì sống như những người vô đạo, có đứa thì lấy chồng lấy vợ không theo phép đạo, có đứa thì bỏ nhà đi bụi, có đứa thì không đến nhà thờ.v.v...

Cha mẹ có trách nhiệm truyền giáo cho con cái bằng những gương lành gương tốt, con cái có bổn phận truyền giáo cho cha mẹ bằng sự vâng lời, chăm chỉ học hành vì lòng yêu mến Thiên Chúa.

2. Địa điểm thứ hai mà chúng ta phải truyền giáo là giáo xứ của chúng ta
, trong giáo xứ có cha sở, cha phó, ban đại diện giáo dân và giáo dân, tất cả tập hợp lại thành một cộng đoàn thờ phượng Thiên Chúa và rao truyền Lời của Thiên Chúa cho mọi người, tuy nhiên không phải tất cả mọi giáo dân đều trở thành người gương mẫu, không phải tất cả giáo dân đều là con cái ngoan của giáo hội và của Thiên Chúa !

Có những giáo dân vì bất mãn một ai đó mà không đến nhà thờ hoặc không tham dự các sinh hoạt chung ở giáo xứ, chúng ta phải truyền giáo cho họ; có những giáo dân chỉ có tên trong sổ Rửa Tội mà thôi, nhưng cuộc sống của họ thì không phải là người công giáo; có những giáo dân thích chia rẻ người này với người nọ trong giáo xứ.v.v…tất cả những thực trạng ấy, cũng rất đáng để cho chúng ta quan tâm và cầu nguyện, cũng có nghĩa là chúng ta phải truyền giáo cho giáo xứ của chúng ta.

Cha sở và cha phó có trách nhiệm làm gương lành gương tốt cho giáo dân noi theo, bởi vì giáo dân đều nhìn vào các linh mục để bắt chước các ngài: tốt cũng bắt chước mà xấu cũng bắt chước; mỗi giáo dân đều có bổn phận truyền giáo cho nhau bằng chính đời sống phục vụ và yêu thương của mình.

3. Nơi thứ ba mà chúng ta phải truyền giáo là công sở, công ty, trường học, chợ búa hoặc là nơi nào có sự hiện diện của chúng ta.

Khi mà trong gia đình và nơi giáo xứ chúng ta đã làm tốt bổn phận của người Ki-tô hữu, thì tinh thần truyền giáo này cũng đi theo chúng ta đến những nơi mà chúng ta đang làm việc, học hành, buôn bán. Trong tất cả những nơi ấy, chúng ta đều trở nên những nhà truyền giáo sống động và nhiệt tình, bằng những việc làm cụ thể đơn giản và rất đời thường như một cái bắt tay với nụ cười tươi, như chu toàn bổn phận được giáo phó, như sống hòa nhã với mọi người.v.v...tất cả đều thấm nhuần tinh thần bác ái của Phúc Âm, thế là người ta dần dần nhận ra khuôn mặt của Đức Đức Chúa Giê-su Ki-tô nơi chúng ta rồi vậy.

Bạn thân mến,

Tất cả chúng ta đều là con cái của Thiên Chúa, ngày hôm nay chúng ta tự hỏi: cuộc đời tôi đã có bao nhiều lần làm chứng nhân cho Đức Đức Chúa Giê-su, và có bao nhiêu lần tôi đã bỏ qua cơ hội làm chứng cho Đức Đức Chúa Giê-su, cho đức tin mà tôi đã tin theo?

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thượng Hội đồng, ngày 19 tháng 10: Đức Hồng Y Czerny nói rằng ‘sự đồng nhất’ giữa các Chức Thánh và các chức vụ của Giáo hội đang được ‘vượt qua’
Vũ Văn An
13:38 20/10/2023

Bản tin của Catholic World News ngày 20 tháng 10 năm 2023 cho hay vào ngày 19 tháng 10, những người tham gia phiên họp đầu tiên của Thượng Hội Đồng Giám Mục thường lệ lần thứ 16 tiếp tục thảo luận về chủ đề thứ tư của Thượng Hội Đồng: “Sự tham gia, quản trị và thẩm quyền. Có những tiến trình, cơ cấu và định chế nào trong một Giáo hội đồng nghị truyền giáo?”



Mỗi nhóm trong số 35 nhóm làm việc (nhóm nhỏ) đang thảo luận một trong năm câu hỏi trong bảng câu hỏi:

* B 3.1 Làm thế nào chúng ta có thể đổi mới thừa tác vụ thẩm quyền và thực thi trách nhiệm trong một Giáo hội đồng nghị truyền giáo?

* B 3.2 Làm thế nào chúng ta có thể phát triển các thực hành phân định và các quá trình đưa ra quyết định theo cách thức đồng nghị đích thực, tôn trọng vai trò chính của Chúa Thánh Thần?

* B 3.3. Những cơ cấu nào có thể được phát triển để củng cố một Giáo hội đồng nghị truyền giáo?

* B 3.4 Làm thế nào chúng ta có thể đưa ra cấu trúc cho các trường hợp về tính đồng nghị và tính hợp đoàn liên quan đến các nhóm Giáo hội địa phương?

* B 3.5 Làm thế nào định chế Thượng Hội đồng có thể được củng cố để nó trở thành biểu thức của tính hợp đoàn giám mục trong một Giáo hội toàn đồng nghị?

Họp báo

Cuộc họp báo hàng ngày, do ông Paolo Ruffini, Bộ trưởng Bộ Truyền thông chủ trì, nhấn mạnh đến thừa tác vụ dành cho người di cư và người tị nạn.

Ông Ruffini và một số người tham gia cuộc họp báo khác cũng thảo luận về thủ tục của Thượng Hội đồng và các vấn đề liên quan đến việc quản trị của Giáo hội.

Ông Ruffini nói với các nhà báo rằng các chuyên gia thần học của Thượng Hội đồng sẽ chia sẻ những suy nghĩ của họ về B 3.3, B 3.4 và B.3.5 với tất cả những người tham gia Thượng Hội đồng – gợi ý rằng ban lãnh đạo Thượng Hội đồng muốn cuộc thảo luận về ba mục này được hướng theo một hướng nhất định. Vatican News tường trình:

Ông Ruffini nhắc lại sự kiện, đã được Đức Hồng Y Jean-Claude Holler-ich, Tổng tường trình viên, cho biết ngày hôm qua, rằng “ba nhóm làm việc gồm các chuyên gia thần học và giáo luật đã được thành lập để chia sẻ với các cuộc họp toàn thể, trong ba báo cáo, những suy nghĩ của họ về các điểm” của Tài liệu làm việc B3/3 (“Những cơ cấu nào có thể được phát triển để củng cố một Giáo hội đồng nghị truyền giáo?”); B3/4 (“Làm thế nào có thể cấu hình các trường hợp về tính đồng nghị và tính hợp đoàn liên quan đến các nhóm Giáo hội địa phương?”); và B3/5 (“Làm thế nào định chế Thượng Hội đồng có thể được củng cố để nó trở thành biểu thức của tính hợp đoàn giám mục trong một Giáo hội toàn đồng nghị?”).

Quyết định của Đức Hồng Y Hollerich để các chuyên gia thần học của Thượng Hội đồng ảnh hưởng đến cuộc thảo luận về B 3.3, B 3.4 và B.3.5—cùng với thông báo của ngài vào ngày hôm trước rằng báo cáo cuối cùng của Thượng Hội đồng sẽ không phải là tài liệu làm việc của phiên họp Thượng Hội đồng tháng 10 năm 2024, như ông Ruffini trước đây đã ngụ ý - cho thấy rằng Thượng hội đồng không tiến hành hoàn toàn theo kế hoạch của những người tổ chức. National Catholic Register đưa tin, vào ngày 16 tháng 10, sự can thiệp (bài phát biểu) của một giáo dân chống lại việc phong chức cho phụ nữ “đã nhận được những tràng pháo tay lớn”.

Các Chức Thánh và việc quản trị Giáo Hội

Có lẽ, bình luận quan trọng nhất tại cuộc họp báo, Đức Hồng Y Michael Czerny, SJ, Bộ trưởng Bộ Cổ vũ sự Phát triển Con người Toàn diện, đã nói: “Tôi nghĩ sự đồng nhất giữa các chức thánh và các chức vụ là điều đã được vượt qua”.

Ngài nói tiếp:

“Nói cách khác, chúng ta hiểu rằng các chức thánh không cần thiết đối với mọi chức vụ, cho đến nay vẫn do một giáo sĩ đứng đầu và trên thực tế là một giáo phẩm và trong một số trường hợp thậm chí là một Hồng Y. Không có mối nguy hiểm nào đối với bản chất của Giáo hội vì có những trách nhiệm đã được giao cho và có lẽ sẽ ngày càng được giao cho những người không phải Hồng Y, không phải giám mục, không phải linh mục”.

Đức Giám Mục Daniel Flores của Brownsville (Texas) đã được hỏi về một thuyết “âm mưu” trong đó “các giám mục đang bị một nhóm cấp tiến thao túng”.

Giám mục Flores trả lời: “Tôi không thấy có âm mưu nào cả. Tôi chỉ đơn giản nghe những cuộc trò chuyện trung thực, chân thành, chung thủy và bác ái dưới sự, tôi có thể nói sub tutela Petri [dưới sự quan tâm của Phêrô]. Đó không phải là mối đe dọa đối với đức tin.”
 
Những lời nhắn thứ hai gửi Thượng Hội Đồng về Tính Đồng nghị
Vũ Văn An
14:23 20/10/2023

Trong Letters from the Synod số 4, Cha Gerald E. Murray, cha xứ Nhà thờ Thánh Gia của New York City, đôi khi, được gọi là Giáo xứ Liên Hiệp Quốc, từng đậu tiến sĩ tại Đại Học Gregoriana ở Rôma, tha thiết nhắn gửi các tham dự viên Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị.



Lời nhắn của một cha xứ

Kinh nghiệm của tôi trong giáo xứ đã dạy tôi rằng người Công Giáo nói chung không biết về Thượng hội đồng về tính đồng nghị là gì. Những người chú ý kỹ hơn sẽ lo lắng khi nghe rằng Thượng Hội đồng có thể tán thành việc thay đổi giáo huấn Công Giáo. Họ không chắc tại sao lại có người nghĩ rằng điều đó là có thể. Họ lo lắng.

Lời khuyên mục tử của tôi dành cho các bạn, các thành viên của phiên họp thượng hội đồng, rất rõ ràng và thẳng thắn: hãy chống lại mọi áp lực nhằm tán thành việc thay đổi giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo. Dân Thiên Chúa chính là như vậy, một dân được hiệp nhất bởi ân sủng của Thiên Chúa trong việc tuyên xưng một đức tin được Thiên Chúa mạc khải. Đức tin này dạy một số điều mà một số người trong Giáo Hội ngày nay không ưa chuộng. Những người mong muốn thay đổi một số giáo lý nhất định để theo đuổi “sự công bằng và hòa nhập” đang coi đức tin như một thành tựu của con người cần phải được xem xét lại và viết lại hoàn toàn. Họ cho rằng hoàn cảnh xã hội hiện tại, hoặc các tiêu chuẩn đạo đức ngày càng phát triển, hoặc tiến bộ khoa học khiến cho người ta “không thể” tin vào một số điều mà Giáo hội luôn dạy. Họ cho rằng những lời dạy đó giờ đây nên bị loại bỏ vì lỗi thời và sai lầm.

Thưa các tham dự viên Thượng Hội đồng, cách tiếp cận đó sẽ gây ra đau khổ to lớn cho những tín hữu Công Giáo bình thường, những người đã được dạy một cách đúng đắn rằng các giáo huấn của Giáo hội không thể bị vứt bỏ vào đống phế liệu khi những giáo huấn đó bị những người có ảnh hưởng bác bỏ và thấy chúng không thể chấp nhận được. Những người trong hàng ghế nhà thờ biết rằng Giáo hội đã phong thánh cho nhiều vị thánh đã chịu đau khổ và chết để bảo vệ giáo huấn của Giáo hội chống lại những người bác bỏ giáo lý này hay giáo lý nọ. Các tín hữu đau lòng khi thấy các khía cạnh của di sản đức tin bị đối xử một cách nhẫn tâm như những điều xấu hổ - hoặc tệ hơn nữa, là bất công và xúc phạm đối với những người cho rằng một số giáo lý là trở ngại cho việc họ được “chấp nhận hoàn toàn” trong Giáo hội.

Tất cả chúng ta đều là anh chị em trong Chúa Kitô. Chúa Kitô là trung tâm của mọi sự. Lời dạy của Người là sự thật của Thiên Chúa, hôm qua, hôm nay và cho đến đời đời không hề thay đổi. Bất cứ sự nhượng bộ nào trước những yêu cầu gạt bỏ một số giáo lý nhất định sẽ là một vụ tai tiếng lớn lao và sẽ gây ra xung đột không cần thiết.

Đức tin đơn giản của người Công Giáo bình thường phải là mẫu mực và nguồn cảm hứng cho các bạn, những thành viên của phiên họp thượng hội đồng. Hãy bảo vệ đức tin đó trước những người nghĩ rằng việc thay đổi lời giảng dạy của Giáo hội là mục đích của phiên họp của các bạn. Những người ngồi trong hàng ghế nhà thờ biết rằng Chúa Thánh Thần không tự mâu thuẫn. Điều gì đúng thì vẫn đúng và không thể trở thành sai. Sự hiệp nhất trong Giáo hội không thể được tìm thấy trong việc xoa dịu những người bác bỏ một số học thuyết Công Giáo. Sự hiệp nhất mà tôi cảm nghiệm được trong giáo xứ của tôi là sự hiệp nhất xuất phát từ việc tuyên xưng chung một đức tin duy nhất được các Tông đồ truyền lại và được Giáo hội giảng dạy qua các thời đại.

Tôi cầu nguyện cho các bạn khi các bạn thảo luận và cân nhắc các vấn đề trước mắt. Hãy nhớ rằng tất cả chúng ta đều là công cụ trong tay Chúa và chúng ta phải trả lời Người.

Lời nhắn của một bà mẹ sáu con

Thành thật mà nói, tôi phải thừa nhận rằng bản chất mơ hồ của “Thượng hội đồng về tính đồng nghị” tự nó không dễ hiểu. Tôi đang “ở trên hiện địa”, đòi hỏi phải làm việc một cách chiến thuật hơn những người tham gia Thượng Hội đồng này. Vì vậy, tôi sẽ chia sẻ với các bạn những gì tôi mong đợi ở các bạn dựa trên kinh nghiệm của tôi; làm việc như tôi làm với mọi người trong vườn nho mỗi ngày, và tiết lộ những gì họ đã dạy tôi cũng như cách họ hướng dẫn thừa tác vụ của tôi trong sự hiệp thông, tham gia và sứ mệnh.

Các bạn hãy bén rễ trong Sự thật. Làm một người Công Giáo trong thế kỷ 21 không phải là một cuộc sống dễ dàng. Chúng ta từ bỏ một cách vui vẻ và không miễn cưỡng những cám dỗ của thế giới này. Và chúng ta làm như vậy vì lời hứa về thiên đàng và vĩnh cửu với Thiên Chúa. Nếu chúng ta mong mọi người hiểu rằng sự hy sinh đáng với nỗ lực của họ, thì Giáo hội phải rõ ràng trong việc trình bày ăn khớp các giáo huấn của Chúa Kitô, tự tin truyền đạt Lời Chúa cho thế giới. Giáo Hội phải kiên quyết và yêu thương hướng dẫn mọi người trong Sự Thật. Trong một nền văn hóa không ngừng rao giảng rằng sự thật chỉ là tương đối, con người vẫn cố hữu thừa nhận sự lừa dối. Họ muốn sự chắc chắn trong một thế giới không chắc chắn và sự kiện trong một thời đại mà sự kiện dường như không thể nhận thấy được.

Chúng ta phải hiểu rằng khi sứ điệp của Chúa Kitô bị giảm sút đến mức các tín hữu không thể nhận ra, Giáo hội không những mất đi sức thu hút mọi người đến gần; nó còn đẩy lùi họ ra xa. Bằng cách không lên án tội lỗi và bằng cách pha loãng giáo lý nhằm cố gắng truyền cảm hứng cho những người ở bên lề—nhiều người theo sự lựa chọn của riêng họ—Giáo hội đã làm điều ngược lại với những gì mình dự định. Điều này chỉ truyền đạt cho những người đang ráng nắm lấy ân sủng thánh hóa của Thiên Chúa rằng việc tìm kiếm sự thánh thiện của họ là không chính đáng.

Chúng ta phải đối mặt với một nền văn hóa bóng tối chuyên tôn vinh những gì hoàn toàn trái ngược với thông điệp mà Chúa Giêsu Kitô đã trao cho chúng ta. Nhưng trong bóng tối đó luôn có một tia sáng le lói. Ánh sáng đó phải là một Giáo hội nắm giữ Kho tàng Đức tin thánh thiêng được các tông đồ của Chúa Giêsu truyền lại cho chúng ta. Giống như thiêu thân lao vào ngọn lửa, chúng ta sẽ bay về phía ánh sáng đó. Nhưng một con bướm đêm không bị thu hút tới những phạm vi bên ngoài, nơi ánh sáng quá mờ nhạt đến nỗi nó không còn hấp dẫn nữa. Chỉ có nguồn ánh sáng rực rỡ nhất mới duy trì được sự chú ý của chúng ta. Tương tự như vậy với đức tin, những nỗ lực gần đây nhằm mang con cái Chúa trở lại với Người bằng cách làm giảm sức mạnh của ánh sáng chỉ làm tiêu tan ánh sáng đến mức nó không tỏa sáng hơn những gì xung quanh nó. Điều này đã không thu hút được ai ở ngoại vi và khiến những người đã đến gần nguồn cảm thấy bối rối.

Các bạn hãy chính xác. Trong thế giới mất trật tự và hỗn loạn này, mọi người đang hướng tới, thậm chí đòi hỏi, sự chân chính và rõ ràng chỉ có thể tìm thấy trong giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta phải hiểu rõ những gì Chúa Giêsu đã truyền, cách Người yêu cầu chúng ta sống trong đức tin và chúng ta phải yêu thương nhau như thế nào. Đừng để đàn chiên suy đoán xem những lời dạy này và Giáo hội của Người có thay đổi hay không. Gần đây, những thông điệp giả mạo và những nhận xét thẳng thắn liên quan đến Kho tàng Đức tin, đôi khi trái ngược với giáo lý hai ngàn năm, đôi khi gây kinh ngạc đến mức khiến người ta tự hỏi liệu những tuyên bố này có chủ ý nhằm làm ô nhục Thân Mình Chúa Kitô hay không.

Các bạn hãy nói với các tín hữu một cách trực tiếp và không hàm hồ, không yêu cầu họ phải giải thích những gì đã dự định. Không làm được điều này sẽ tạo ra sự nhầm lẫn không chỉ khiến các tín hữu Công Giáo bối rối mà còn đánh mất uy tín của Giáo hội như một nguồn chân lý và là người bảo vệ đức tin. Tình trạng hỗn loạn gây ra bởi sự không chắc chắn về việc Giáo hội sẽ hướng dẫn những người theo mình ở đâu không chỉ làm nản lòng những người phấn đấu sống một cuộc sống đức tin; điều đó thật khó chịu đối với những người đang nỗ lực đưa mọi người đến với Chúa Kitô bằng những cách thực tế và có ý nghĩa.

Các bạn hãy tôn vinh thể thần thiêng. Có vẻ như gần đây chúng ta đã được yêu cầu giảm thiểu phép lạ vốn là sáng kiến của Thiên Chúa trong Thánh Lễ và các bí tích. Khuyến khích mọi người trải nghiệm tình yêu của Thiên Chúa qua những hồng ân này, tôn kính chúng với sự thán phục mà chúng đòi hỏi. Chúa Giêsu đã ban cho Giáo Hội Công Giáo một điều gì đó khác biệt với thế giới này, một điều gì đó thánh thiêng. Trong Hy Tế Thánh Lễ, chúng ta kết hợp với thực tại thiên quốc. Lời hứa ban cánh cổng này thật đáng kinh ngạc đến nỗi nếu được phép thâm nhập vào chúng ta, nó sẽ dễ dàng nâng trái tim và tâm trí của chúng ta lên thiên đàng. Đừng cố gắng tạo ra những trải nghiệm “của thế giới này”. Khuyến khích chúng ta trải nghiệm sự thánh thiêng và cho phép tâm trí chúng ta hấp thụ ý nghĩa sâu sắc, tính biểu tượng phong phú và ân sủng sâu sắc chỉ có thể tìm thấy trong Giáo Hội Công Giáo.

Các bạn hãy can đảm. Khi chúng ta bước vào thế giới, chúng ta giống như đang bước vào trận chiến. Đó là một cuộc chiến chống lại sự dữ và tội lỗi, một cuộc chiến trong đó chúng ta thấy mình đang bảo vệ các tín hữu, Giáo hội và những lời dạy của Chúa Kitô. Những người làm nên Thân Thể Chúa Kitô đang sống dũng cảm và can đảm đến mức tôi thường thấy mình vô cùng kính phục. Thật là chán nản khi nhìn vào những người lãnh đạo, những mục tử của chúng ta và thấy họ yếu đuối hoặc mơ hồ trong cuộc chiến. Hãy kêu gọi chúng tôi sắp xếp lại phòng tuyến hoặc thay đổi kế hoạch tác chiến, nhưng đừng yêu cầu chúng tôi rút lui và cho phép chúng tôi tấn công kẻ thù để giành được đất. Hãy dũng cảm lên. Dẫn đầu với sự tự tin khi biết rằng cuối cùng Chúa Kitô sẽ chiến thắng.

Ơn gọi của tôi là làm mẹ. Tôi ước muốn yêu thương, bảo vệ và nuôi dưỡng gia đình mình để sau cuộc sống trần thế, sống trong đức tin và phục vụ, họ sẽ được đón vào thiên đàng. Tôi thất vọng, thậm chí tức giận khi Giáo hội của chúng ta không còn là đường dẫn đến mục đích đó nữa, nhưng đôi khi hành động như một trở ngại. Tôi nài xin các bạn hãy trung thành với những gì Chúa Kitô yêu cầu nơi Giáo Hội của Người. Hãy cam kết với dân của Người. Hãy là một ví dụ về lòng trung thành mà thế giới mong đợi ngày nay. Hãy rõ ràng. Hãy dũng cảm lên. Xin giúp chúng ta trở thành một dân gắn bó chặt chẽ với nền tảng của Chúa Kitô đến nỗi chúng ta tỏa sáng rực rỡ với ánh sáng rực rỡ chỉ có thể tìm thấy trong hành trình đích thực của một dân Chúa biết hoàn toàn đón nhận sứ mệnh của Chúa Kitô. Khi đó thế giới sẽ thấy rằng “dân đi trong bóng tối đã nhìn thấy ánh sáng huy hoàng” (Is 9:2).

Lời nhắn gửi của một người “đương đầu với việc bị thu hút đồng tính” và chủ trương khiết tịnh

Letters from the Sydnod số 6 đăng tải lời nhắn gửi các tham dự viên Thượng Hội Đồng của Andrew Comiskey, một nhà văn và nhà hướng dẫn giáo dân Công Giáo chuyên giúp các Kitô hữu tìm được chữa lành và nâng đỡ trong việc tìm cách sống khiết tịnh, cuốn sách mới nhất của ông là cuốn Rediscovering our Lost Fullness (Sophia Press).

Một sự lừa dối mà Giáo hội ngày nay phải đối đầu là quan niệm của thế gian cho rằng những người phải đối mặt với xung đột về bản sắc giới tính là một nhóm thiểu số, một sắc tộc và một nhóm người bị áp bức. Một nhóm như vậy thường đòi tư thế “được bảo vệ” và bất cứ ai phản đối điều đó đều bị coi là “kẻ ghét người”, thậm chí là kẻ giết người, vì đã kích động họ tự sát bằng cách không đáp ứng yêu cầu của họ.

Xin hãy vạch trần lời dối trá này tận gốc rễ và kéo nó lên ánh sáng. Nếu không, nó sẽ phát triển để chia rẽ các trường học, giáo xứ, giáo phận và Giáo hội nói chung. Những cuộc tụ họp bất tận sẽ tranh luận xem chúng ta chúc phúc cho các cuộc kết hợp, hàng giáo sĩ, các chủng sinh và thành viên Giáo hội “đồng tính nam” và “chuyển giới” đến mức nào. Thay vào đó, hãy cung ứng sự vận động và đồng hành đầy thương xót cho phẩm giá của người đó qua Thập Giá: sám hối để sống khiết tịnh; không có cách nào khác ngoài Chúa Kitô bị đóng đinh và các thành viên mến thập giá của Người.

Giáo Hội Công Giáo không thể để quyền lực của mình bị xói mòn và chuyển hướng bởi những cuộc tranh cãi “đồng tính”. Hãy chú ý đến những người anh em Thệ phản của chúng ta hiện đang bị chia rẽ và suy giảm do đòi hỏi của LGBTQ+. Chúng ta phải đọc rõ ràng được sự lừa dối và phải hành động một cách chân thật trong yêu thương. Giáo hội chào đón những tội nhân bị chia rẽ, chứ không phải một nhóm “những người bị áp bức” được vũ khí hóa. Từ chối các cấu trúc xã hội LGBTQ+ trên nền tảng vững chắc của nhân chủng thần học, đạo đức tình dục của chúng ta và Lòng Thương Xót Chúa nâng người ăn năn khỏi hàng loạt bất xứng tình dục.

Chưa bao giờ Giáo hội cần phản văn hóa hơn thế. Các thực tại LGBTQ+ cám dỗ một thế hệ xem xét lại liệu nhân tính có tính nhị phân hay không. Điều này có sức thuyết phục về mặt xã hội đối với nhiều người hiện đang thử nghiệm hàng loạt các lựa chọn không hề xấu hổ, như các mối quan hệ “đồng tính” và nhận dạng “chuyển giới”.

Chúng ta có thể làm tốt hơn. Tôi biết ơn những người cha, người mẹ trong đức tin đã kêu gọi tôi từ sự bối rối đến sự rõ ràng về bản sắc và hành động tỉnh táo. Tôi đặc biệt quý trọng những người cha trong đức tin, những người đã nhìn thấy nhiều hơn tôi về nam tính đang ngủ yên của tôi và đồng hành cùng tôi trong việc đánh thức nó. Đức hạnh từ bên ngoài kêu gọi đức hạnh từ bên trong. Mặc dù một vài “người cha” đã khiến tôi hiểu lầm khi khẳng định bản thân “đồng tính” của tôi là khó chữa, nhưng tôi vẫn biết ơn đa số đã hiểu được bản chất thực sự của khiết tịnh - một hồng ân và một mục tiêu (Giáo lý Giáo Hội Công Giáo, 2342, 2345) mà tôi, với tư cách là con của Chúa Cha, có thể khao khát vươn tới: thực tiễn và đầy hy vọng.

Bổ sung cho giới lãnh đạo vững chắc Giáo hội là hồng phúc “lẫn nhau”, những người đàn ông và đàn bà mà tôi tập hợp lại để thúc đẩy nhau tiến lên trong khát vọng khiết tịnh của chúng tôi. Trong những năm qua, tôi đã phát triển những cách hiệu quả để tụ tập trong các nhóm nhỏ trong giáo xứ để cầu nguyện, khuyến khích và trưởng thành trong bản sắc nam nữ của chúng tôi. Chúng tôi tụ tập để đón nhận tình yêu và trao tặng nó theo tinh thần Imago Dei [hình ảnh Thiên Chúa] (x. 1 Cr. 11:11-12). Chúng tôi hàn gắn để hiện diện “cho” nhau.

Là một lễ dâng được trưởng lão ban phước nhưng được điều hành bởi giáo dân, chúng tôi đã học được những giới hạn vững chắc và phong cách giảng dạy đơn giản giúp giữ cho “nước” trong lành và chuyển động. Trong đó, chúng tôi hợp nhất với các chi hội tông đồ Courage [Dũng Cảm] trên khắp thế giới. Những người đấu tranh như chúng tôi nhận ra rằng mỗi người chúng tôi đều được tạo ra theo hình ảnh Thiên Chúa; do đó chúng tôi có trách nhiệm giúp đỡ người khác biết được hồng phúc tình dục của họ. Khi trở nên đủ tự do để nới rộng phước lành (lúc đầu trong môi trường nhóm nhỏ “an toàn”), chúng tôi trở nên trọn vẹn hơn.

Và trong trạng thái trọn vẹn đó chúng tôi trở thành nhân chứng. Con rồng có thể rình mò và gầm lên để đe dọa chúng tôi, nhưng chúng tôi chống lại hắn bằng máu và lời chứng của mình (xem Khải huyền 14:7–12). Những cám dỗ của chúng tôi về tội dâm ô ngày càng gia tăng bởi những nhân chứng giả trong và ngoài Giáo hội. Mạnh mẽ hơn, chúng tôi chống lại những câu chuyện sai lệch bằng cách lên tiếng về những rung động của sự hòa nhập mà chúng tôi trải qua.

Tôi thích điều đó! Chúng tôi tìm thấy tiếng nói của mình bằng cách khớp nối quyền năng biến đổi của Chúa Giêsu giữa chúng tôi. Lời nơi anh chị em tôi củng cố tôi và tôi đáp lại ân huệ đó. Nếu biết lắng nghe, Giáo Hội xung quanh chúng tôi có thể nghe được Tin Mừng qua việc một tội nhân tình dục trở thành một vị thánh. Ít bài giảng về đức khiết tịnh đưa ra một tầm nhìn một cách đẹp đẽ hơn một tội nhân khiêm nhường biết làm chứng về cách Chúa Giêsu và Giáo Hội đã thống nhất cuộc sống chia rẽ của họ. Vinh quang. Chúng ta tạo ra không gian thánh thiêng để phục hồi người khác bằng cách tuyên bố tình yêu không bao giờ phai nhạt của Người với những chi tiết chuyên biệt về những gì có thể đã hủy hoại chúng ta.

Bí tích xưng tội và Bí tích Thánh Thể ban sức mạnh cho những chứng nhân như vậy. Lời nói của tôi chẳng có ý nghĩa gì trừ khi chúng phù hợp với cuộc sống thực. Điều đó xoay quanh việc thường xuyên trút bỏ tội lỗi của tôi với một đại diện khá tốt của Chàng Rể, người chuẩn bị cho tôi bằng cách phơi bày những điều khiến tôi buồn tẻ và làm tôi chuyển hướng tập trung vào vẻ đẹp của Người và lợi ích của người khác.

Tôi không muốn bất cứ điều gì cản trở lòng thương xót của Người. Tôi mạnh dạn bước tới ngai vàng của Người trong tòa giải tội và được giải tỏa. Nó đơn giản. Sự hòa giải với Chúa Kitô và Giáo hội chuẩn bị cho tôi lãnh nhận Bí tích Thánh Thể. Tôi sẽ không tham gia một cách không xứng đáng (xem 1 Cr 11:27–28): Nếu trí tưởng tượng và tình cảm của tôi bị làm xáo trộn bởi những thứ không trong sạch, tôi muốn và cần được tẩy rửa. Tôi muốn trái tim mình được rửa sạch hơn đôi tay khi chuẩn bị cho bữa ăn thánh.

Tôi muốn thưởng thức chính Chúa, dành thời gian tại bàn ăn và được nuôi dưỡng bởi chính yếu tính của Người để tôi có thể trung thành với Người bằng cách tiếp tục thực hiện những bước đi đúng hướng. Nó có hiệu quả. Mỗi lần tôi đọc (tôi thường xuyên làm như vậy), “Lạy Chúa Cứu Thế, xin cứu chúng con,” và “Chỉ cần Chúa nói một lời thì linh hồn con sẽ được sạch,” ý tôi muốn nói như vậy. Ngôi Lời ban chính Người cho tôi để tôi có thể trung thành. Phải lấy Thiên Chúa để yêu Thiên Chúa. Làm sao tôi lại không thể được cứu nhiều hơn, được chữa lành nhiều hơn tại bàn ăn? Không có cách nào khác ngoài Chúa Kitô chịu đóng đinh, bữa ăn thánh.

Tất cả những điều này là cách mọi Kitô hữu có thể và nên sống. Tất cả chúng ta đều là những con người tan tác, và con đường dẫn đến tích nhập, tới khiết tịnh đối với tôi cũng không khác mấy so với con đường của các bạn. Điểm khởi đầu của chúng ta có thể khác nhau nhưng Con đường vào là Con đường tiếp tục, liên tục, bất chấp xung đột. Tôi hy vọng các bạn có thể đồng ý với người dìu dắt của tôi, người đã từng nói: “Sự phục hồi của những người bị thu hút đồng tính là sự phục hồi của tất cả mọi người…'một Chúa, một đức tin, một lễ rửa tội, một Thiên Chúa và là Cha của tất cả mọi người' ” (Êphêsô 4:4).

Lời nhắn gửi của một học giả

Letters from the Synod 2023 số 7 đăng tải lời nhắn gửi của Mary Eberstadt, hiện giữ Ghế Panula về Văn hóa Kitô giáo tại Trung tâm Thông tin Công Giáo ở Washington và là Nghiên cứu viên Cao cấp của Viện Đức tin và Lý trí. Là mẹ của 4 đứa con, bà là tác giả của nhiều tiểu luận và một số cuốn sách, trong đó cuốn gần đây nhất là Adam and Eve After the Pill, Revisited; lời tựa của nó được viết bởi Đức Hồng Y George Pell ngay trước khi ngài qua đời vào đầu năm nay. Bà đặc biệt muốn nói tới cuộc cách mạng tình dục và chiều hướng gia tăng cả ở bên ngoài tôn giáo muốn tra vấn cuộc cách mạng này, trong khi một số người bên trong Giáo Hội lại cổ vũ, muốn rước nó vào trong Giáo Hội.

Áp lực phải đầu hàng cuộc cách mạng tình dục xuất phát từ hai hướng. Một là phong trào phản văn hóa theo chủ nghĩa thế tục rộng rãi hơn, trong đó xu hướng tân ngoại giáo phản đối Kitô giáo đang ngày càng tăng cường. Áp lực còn lại nguy hiểm hơn phát sinh từ chính bên trong Giáo hội. Chứng kiến đàn chiên thường được dạy giáo lý sơ sài, tân ngoại giáo hóa của họ bị quét sạch, một số mục tử than thở rằng những giáo lý cốt lõi về hôn nhân và tình dục không được “tiếp nhận tốt lắm”—thứ ngôn ngữ tiên định dùng cho chiến dịch làm chúng bớt khắc nghiệt, với hy vọng rằng một ngày nào đó chúng sẽ bị xóa bỏ. Ý niệm ngụ hàm trong đó là sự thật của tín điều không phải là tuyệt đối, mà tương đối, tùy thuộc mức độ ưa chuộng nó ở hàng ghế nhà thờ.

Trước tiên, các thành viên của Thượng Hội đồng có thể xem xét vấn đề gây mệt mỏi nhưng có thực sự của độ dốc trơn trượt. Nếu giáo lý phải bị vứt bỏ do không được ưa chuộng, thì thao tác này sẽ kết thúc ở đâu? Đo lường bằng số liệu thống kê, nghĩa vụ tham dự Thánh lễ vào các ngày Chúa nhật và các ngày lễ thánh cũng không được “tiếp nhận tốt lắm”. Đánh giá bằng việc tiêu dùng phô trương rõ ràng vào mỗi mùa nghỉ lễ và trong mọi mùa khác, điều răn chống lại sự ham muốn [vợ người, của người] cũng không được tiếp nhận bao nhiêu. Xưng tội thường xuyên, làm việc thương xót về thể xác, hành xác: càng thêm nhiều người tiếp nhận không đúng.

Không còn nghi ngờ gì nữa, nhiều người Công Giáo muốn vứt bỏ các giáo huấn khiến những người hàng xóm duy tục của chúng ta khó chịu, bao gồm cả lệnh cấm tránh thai cổ xưa. Điều này đưa chúng ta đến một loại tai họa khác xảy đến với các giáo phái đã làm việc đó. Sự thay đổi đó không những dẫn đến sự sụp đổ định chế hết trường hợp này đến trường hợp khác. Nó còn kéo theo hệ quả đen tối. Nếu nửa thế kỷ hợp pháp hóa việc phá thai trên khắp thế giới đã cho thấy điều gì đó thì đó là việc tránh thai làm gia tăng tỷ lệ phá thai. Theo nghĩa này, một Giáo hội bị thay đổi không phải chỉ là một Giáo hội có khuôn mặt tươi cười. Một Giáo hội bị thay đổi sẽ vấy máu trên tay mình.

Bùa phép “tiếp nhận” thất bại vì một lý do khác: Thực tại tốt lành nhất thời hậu cách mạng ngày nay không phải là việc người ta phẫn nộ với giáo huấn Công Giáo về tình dục. Đó là tin cũ - đã hai nghìn năm rồi. Không, thực tại tốt lành nhất và ít được quan tâm nhất là phản ứng hoài nghi đối với cuộc cách mạng tình dục đang gia tăng bên trong và bên ngoài Giáo hội.

Vào quý đầu tiên của thế kỷ 21, khi đống đổ nát khủng khiếp của cuộc cách mạng tình dục ngày càng chồng chất, điều khiến nhiều người phương Tây trở lại với Giáo hội không phải là sự phản kháng chống lại giáo huấn Công Giáo, mà là mong muốn trung thành với giáo huấn đó. Họ tìm cách thoát khỏi nền văn hóa thấp kém, bẩn thỉu, tân ngoại giáo – đặc biệt là tính dục xuống cấp của nó. Tương tự như vậy, công cuộc truyền giáo phi thường ngày nay ở Châu Phi và Châu Á vẫn tiếp tục, không phải bất chấp quy tắc khắt khe của Kitô giáo, mà bởi vì các giáo huấn này về tính thánh thiêng của sự sống và hôn nhân đã tỏa sáng chống lại các phương thức phản Kitô giáo và phi Kitô giáo, bao gồm nhưng không giới hạn vào chế độ đa thê.

Điều này đưa chúng ta đến một điểm cuối cùng dành cho tất cả người Công Giáo, không chỉ những người đang mơ về một Giáo hội sành điệu hơn, phất cờ cầu vồng. Các giáo huấn tương tự mà một số người hy vọng sẽ tận diệt đang nhận được những sự lắng nghe mới và bất ngờ bên ngoài Giáo hội, ở cùng một phương Tây đang tái ngoại giáo.

Điều này một phần là do sự uyên bác đầy nhiệt huyết của chính những người theo chủ nghĩa truyền thống tôn giáo - bao gồm cả công việc của các nhà thần học và triết gia nữ. Những bằng chứng ngày càng tăng đó phải được đặt lên hàng đầu và trung tâm khi Thượng Hội đồng cân nhắc – đặc biệt đối với những người lớn tiếng thắc mắc phụ nữ của Giáo hội ở đâu. Một câu trả lời là: họ đang bảo vệ Con Thuyền Phêrô.

Hãy xem xét một hội nghị chuyên đề mang tính bước ngoặt được tổ chức tại Washington, D.C., vào năm 2018 về “Suy nghĩ lại về Cách mạng Tình dục,” được đồng tài trợ bởi Diễn đàn Phụ nữ Công Giáo tại Trung tâm Chính sách Công và Đạo đức, Trung tâm Đạo đức và Văn hóa de Nicola của Đại Học Notre Dame, và Tổng Giáo phận Washington. Nó có chứng từ của các nhà thần học, triết gia và các học giả khác, cùng với luật sư, nhà trị liệu và nhà báo - gần như tất cả đều là phụ nữ ở các vị trí có thế giá trí thức, sử dụng sức mạnh tập thể của họ nhân danh những chân lý đạo đức cổ điển. Ngoài thí dụ đó, có thể bổ sung thêm những thí dụ khác đã nảy sinh trong tình liên đới, đưa ra lập luận chống lại sự đầu hàng bằng một nghị lực mới và nền học giả mới.

Một sự thật nữa mà chúng ta không thể giả vờ không biết, và trên hết, các thành viên của Thượng Hội đồng có thể ghi nhớ: Một phần để đáp lại một công trình như vậy, các nhà văn từ các khu vực bên ngoài tôn giáo đang dần dần xem xét lại cuộc cách mạng tình dục—và họ cũng đang thu hút được sự chú ý.

Thí dụ, tại Vương quốc Anh, Pháp và Đức, ba cuốn sách mang tính hoài nghi như vậy đã được công bố chỉ trong vài năm gần đây, tất cả đều là đối tượng được thảo luận sôi nổi và tất cả đều đến từ bên ngoài Hành tinh Công Giáo. Trên các phương tiện truyền thông thế tục ngày nay, những câu hỏi về thuốc tránh thai, việc chung sống và ly hôn mà trước đây không thể nghĩ tới đang tràn ngập. Hoặc hãy xem xét một hiện tượng khác bị cấm vì quy tắc xưa của Kitô giáo: văn hóa khiêu dâm. Ngày nay, những người phỉ báng nó không chỉ bao gồm những người trong giới tôn giáo, mà còn có một danh sách dài những người nổi tiếng và những nhân chứng thế tục khác.

Các phân tích tiên tiến ngày nay, cả thế tục lẫn tôn giáo, đang xếp hàng sau chủ nghĩa xét lại về cuộc cách mạng tình dục, chứ không đầu hàng nó. Những diễn biến này đánh dấu một sự chuyển đổi ở phương Tây thời hậu cách mạng. Vì lý do đó, những người làm loãng giáo huấn Công Giáo không thể chọn thời điểm tồi tệ hơn để gây áp lực cho lập luận của mình. Thật vô nghĩa khi hoan hô sự xâm nhập của cuộc cách mạng tình dục vào Giáo hội, khi rất nhiều người bên ngoài đang chập chững trở lại với những sự thật cổ xưa, và rất nhiều người ở bên trong đang bảo vệ những sự thật đó với một sức sống mới.

Cuối cùng, đó là lời kêu gọi cuối cùng đối với những người có mặt tại Thượng Hội đồng: Thật tuyệt vời biết bao khi Giáo hội duy trì một cách không nao núng những giáo huấn lâu đời của mình, bất kể nó có nhàm chán và không được ưa chuộng đến thế nào trong một thời gian dài. Thật là một thảm kịch cho thế giới nếu, vào thời điểm này, chính các nhà lãnh đạo Công Giáo lại bỏ lỡ, giữa tình trạng hỗn loạn hậu cách mạng ngày nay, một sự minh chứng rõ ràng và sâu sắc.
 
Các Giáo hội lên án cuộc không kích vào tòa nhà thờ Chính thống giáo Hy Lạp ở Gaza
Thanh Quảng sdb
16:11 20/10/2023
Các Giáo hội lên án cuộc không kích vào tòa nhà thờ Chính thống giáo Hy Lạp ở Gaza

Một cuộc không kích vào một tòa nhà liền kề với Nhà thờ Chính thống Hy Lạp Thánh Porphyrios, giết chết một số người đang trú ẩn ở đó; khiến các Giáo hội lên án mạnh mẽ.

(Tin Vatican)

Có ít nhất 16 tín hữu, trong đó có 10 người trong một gia đình, đã thiệt mạng vào tối thứ Năm trong một cuộc không kích vào một trong những tòa nhà trong khuôn viên Nhà thờ chính tòa Chính thống Hy Lạp Thánh Porphyrios ở Gaza. Một số người khác vẫn bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.

Theo Tòa Thượng phụ Chính thống Hy Lạp cho biết thì tòa nhà – xây liền với nhà thờ, một trong những nhà thờ lâu đời nhất ở giải Gaza - đã sụp đổ trong vụ không kích do tên lửa của Israel.

Khoảng 400 người, phần đa là người Thiên Chúa giáo, đã trú ẩn trong khu nhà này khi chiến tranh bùng nổ gần hai tuần trước đây.

Tòa Thượng phụ cho hay một số người lớn bị thương do vụ nổ - một số bị thương nặng - trong số những người di tản Công Giáo và các gia đình Hồi giáo đang trú ẩn trong nhà thờ liền kề với tòa nhà bị phá hủy nhưng không bị ảnh hưởng trực tiếp.

Theo Tổ chức Viện trợ các Giáo hội Đau khổ (ACN), trong số các nạn nhân có một số Kitô hữu trẻ tham gia “Dự án tạo việc làm” dành cho giới trẻ Kitô giáo, do Tòa Thượng phụ Latinh ở Jerusalem điều hành.

Tòa nhà nằm cách Nhà thờ Công Giáo Holy Family vài trăm mét, nơi có hơn 500 Kitô hữu khác đang trú ẩn.

Nhiều gia đình từ khu phức hợp Chính thống giáo Hy Lạp đã phải chuyển đến nhà thờ giáo xứ Holy Family, nơi đã chật ních người. Theo nguồn tin của ACN, khu nhà thờ Công Giáo cũng bị tấn công vào tối thứ Năm bởi bom điện.

Tội ác chiến tranh không thể bỏ qua

Trong một tuyên bố với lời lẽ mạnh mẽ, Tòa Thượng phụ Chính thống Hy Lạp Hy Lạp đã lên án cuộc dội bom.

Một tuyên bố đưa ra ngày 19 tháng 10 nhấn mạnh rằng “nhắm mục tiêu vào các nhà thờ và các tổ chức liên quan của nó, là những nơi trú ẩn để bảo vệ những công dân vô tội, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ bị mất nhà cửa do vụ đánh bom của Israel vào các khu dân cư trong 13 ngày qua” là tội ác chiến tranh không thể bỏ qua.”

Hội đồng Giáo hội Thế giới (WCC) cũng đã lên án mạnh mẽ vụ tấn công.

Tổng thư ký Hội đồng Giáo hội Thế giới (WCC), Linh mục Jerry Pillay cho hay: “Chúng tôi lên án cuộc tấn công vô lương tâm này vào một khu nhà linh thiêng và kêu gọi cộng đồng thế giới thực thi các biện pháp bảo vệ ở Gaza đối với các khu bảo tồn nơi trú ẩn, bao gồm bệnh viện, trường học và nhà thờ”. “Những lời thỉnh nguyện của chúng tôi gửi đi mong chữa lành cho tất cả những người bị thương, cùng với lời chia buồn của chúng tôi tới Thượng phụ Theophilos II và tất cả anh chị em Chính thống Hy Lạp trong Chúa Kitô.”
 
Vatican – Thống Kê Giáo Hội Công Giáo năm 2023
Thanh Quảng sdb
17:12 20/10/2023
Vatican – Thống Kê Giáo Hội Công Giáo năm 2023

Vatican - (Agenzia Fides) - Như mọi năm, nhân dịp Chúa nhật Truyền giáo, năm nay kỷ niệm 97 năm thành lập vào Chúa nhật, ngày 22 tháng 10 năm 2023, Thông tấn xã Fides đưa ra một số số liệu thống kê được chọn lọc để đưa ra một bức tranh toàn cảnh về Giáo hội truyền giáo trên toàn thế giới.

Các bảng được lấy từ ấn bản mới nhất của «Sách Thống kê của Giáo hội» được xuất bản (cập nhật đến ngày 31 tháng 12 năm 2021) liên quan đến các thành viên của Giáo hội, cơ cấu Giáo hội, y tế, phúc lợi và giáo dục. Cuối cùng, bức tranh về các giáo khu phụ thuộc vào Bộ Truyền giáo được báo cáo.

Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2021, dân số thế giới là 7.785.769.000, tăng 118.633.000 so với năm trước.

Sự gia tăng dân số đã được ghi nhận, ngay cả trong năm nay, ở mọi châu lục ngoại trừ Châu Âu.


Cùng ngày, ngày 31 tháng 12 năm 2021, số người Công Giáo trên thế giới đạt 1.375.852.000 trên tổng mức tăng 16.240.000 so với năm trước. Sự gia tăng ảnh hưởng đến tất cả các châu lục, ngoại trừ Châu Âu (-244.000). Như trước đây, mức tăng được ghi nhận chủ yếu ở Châu Phi (+8.312.000) và ở Châu Mỹ (+6.629.000), tiếp theo là Châu Á (+1.488.000) và Châu Đại Dương (+55.000).

Tỷ lệ người Công Giáo trên thế giới giảm nhẹ (-0,06) so với năm trước đạt 17,67%. Các lục địa có những biến đổi nhỏ.

Tổng số Giám mục trên thế giới giảm 23 vị, xuống còn 5.340. Số lượng giám mục giáo phận giảm (-1) và giám mục dòng (-22). Giám mục giáo phận là 4.155, trong khi Giám mục dòng là 1.185.

Tổng số linh mục trên thế giới giảm xuống còn 407.872 (-2.347). Châu lục ghi nhận mức giảm lớn lại là Châu Âu (-3,632) cũng như Châu Mỹ (-963). Mức tăng được ghi nhận ở Châu Phi (+1,518), ở Châu Á (+719) và ở Châu Đại Dương (+11). Linh mục giáo phận trên thế giới giảm 911 vị, đạt tổng số 279.610. Linh mục dòng giảm 1.436 vị, tổng số 128.262.

Các phó tế vĩnh viễn trên thế giới tiếp tục gia tăng, năm nay tăng 541 vị, lên 49.176. Mức tăng cao nhất được ghi nhận ở tất cả các châu lục: Châu Phi (+59), Châu Mỹ (+147), Châu Á (+58), Châu Âu (+268) và Châu Đại Dương (+9).

Các tu sĩ không phải linh mục giảm 795 vị, xuống còn 49.774. Mức giảm được ghi nhận ở Châu Mỹ (-311), Châu Âu (-599) và Châu Đại Dương (-115). Tăng ở Châu Phi (+205) và ở Châu Á (+25).

Ngay cả trong năm nay, số nữ tu nói chung cũng giảm 10,588 vị, xuống còn 608,958. Mức tăng một lần nữa được ghi nhận ở Châu Phi (+2,275) và Châu Á (+366), giảm ở Châu Âu (-7,804), Châu Mỹ (-5,185) và Châu Đại Dương (–240).

Số lượng Đại chủng sinh, giáo phận và tu sĩ giảm trong năm nay, trên toàn cầu có 1.960 vị, đạt tổng số 109.895. Mức tăng chỉ được ghi nhận ở Châu Phi (+187), giảm ở Châu Mỹ (-744), Châu Á (-514), Châu Âu (-888) và Châu Đại Dương (-1). Tổng số tiểu chủng sinh, giáo phận và tu sĩ năm nay tăng thêm 316 vị lên 95.714. Mức giảm được ghi nhận ở Châu Mỹ (-372), Châu Á (-1.216), Châu Âu (-144) và Châu Đại Dương (-5) trong khi mức tăng được ghi nhận ở Châu Phi (+2.053).

Trong lĩnh vực giáo dục, Giáo Hội Công Giáo điều hành 74.368 trường mẫu giáo với số 7.565.095 học sinh; 100.939 trường tiểu học với 34.699.835 học sinh; 49.868 trường Trung học với 19.485.023 học sinh. Giáo hội cũng trông coi 2.483.406 sinh viên kỹ thuật và 3.925.325 sinh viên đại học.

Các tổ chức y tế, từ thiện và hỗ trợ trên thế giới do Giáo Hội Công Giáo quản lý: 5.405 bệnh viện, 14.205 trạm xá, 567 bệnh viện cùi, 15.276 viện dưỡng lão, bệnh mãn tính và khuyết tật, 9.703 trại trẻ mồ côi, 10.567 trường mẫu giáo, 10.604 trung tâm tư vấn hôn nhân, 3.287 trung tâm phục hồi chức năng xã hội và 35.529 cơ sở loại hình khác.

Các giới hạn Giáo hội phụ thuộc vào Bộ Truyền giáo là 1.121 trung tâm. Hầu hết các giáo phận được ủy thác cho Bộ là ở Châu Phi (523) và Châu Á (481), tiếp theo là Châu Mỹ (71) và Châu Đại Dương (46). (Theo thống kê của Agenzia Fides, 22/10/2023)
 
Tờ Times Of Israel: Chiến Tranh Ngày Thứ 14, Trong Khi Lực Lượng Phòng Vệ Israel Chuẩn Bị Vào Đất Hamas, Israel Nín Hơi
Vũ Văn An
19:04 20/10/2023

Trong bài xã luận bìa sau của David Horovitz, tờ Times of Israel [https://www.timesofisrael.com/day-14-of-the-war-as-the-idf-prepares-to-enter-hamastan-israel-holds-its-breath] cho rằng “tất cả chúng ta đều biết sứ vụ này phải thành công. Vì chúng ta phải có khả năng sống trong an ninh trên mảnh đất nhỏ nhoi của chúng ta, và, từ ngày 7 tháng 10, chúng ta không biết chắc mình có thể được như vậy hay không”.



Chợ rau Mahane Yehuda của Jerusalem, luôn là một trong những nơi sôi động nhất ở thủ đô của Israel, đã thiếu dân số một cách đáng thương vào thứ Năm, tệ hơn nhiều so với bất cứ điều gì được thấy ở đỉnh cao của COVID. Đến đầu giờ tối, nhiều quầy hàng đã đóng cửa và những quầy hàng khác đang kéo cửa chớp kim loại xuống với số lượng lớn sản phẩm chưa bán được và phần lớn trong số đó có thể sẽ không còn sử dụng được vào thời điểm chợ chuẩn bị mở cửa trở lại, sau ngày lễ Shabbat, vào sáng Chúa nhật.

Trên thế giới, phần lớn cộng đồng quốc tế hiện đang tranh cãi một cách thô tục về việc liệu những con quái vật Hamas hai tuần trước đã tàn sát, chặt đầu, đốt, hãm hiếp và bắt cóc công dân của chúng ta, trong nhà và cộng đồng của chúng ta, trong vùng đất có chủ quyền của chúng ta, có nên được coi là “những kẻ khủng bố” hay không. Phần lớn cộng đồng quốc tế đang chọn cách tin tưởng vào tuyên bố không có bằng chứng của Hamas rằng Israel đã đánh bom một bệnh viện ở Gaza, thay vì kết luận dựa trên thực tế của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) rằng nguyên nhân là do tên lửa của nhóm khủng bố Hồi giáo Jihad bắn nhầm.

Nhưng ở đây, bên trong Israel, ngay bây giờ, với tất cả sự phẫn nộ và ghê tởm của chúng ta trước sự hiểu sai và xuyên tạc về những gì đang diễn ra, chúng ta đang bận tâm đến sứ vụ sắp xảy ra của quân đội là gửi lực lượng bộ đến Gaza để cố gắng bảo đảm Hamas không bao giờ có thể làm hại chúng ta nữa.

Người Israel đã được sơ tán khỏi miền nam. Hiện họ đang được sơ tán khỏi các vùng phía bắc, khi Hezbol-lah dần dần tăng cường các cuộc đối đầu ở đó.

Hỏa tiễn bắn từ Gaza diễn ra không ngừng - gây tổn thương cho miền trung Israel, tuy nhiên chúng có ít thời gian để lao tới các phòng an toàn và hầm tránh bom, cũng như sự bảo vệ nói chung đáng tin cậy của hệ thống phòng thủ Iron Dome; có khả năng gây tử vong cho miền nam, nơi có rất ít thời gian quý giá để vội vã tìm kiếm sự an toàn. Trong số ít người mua sắm ở Mahane Yehuda hôm thứ Năm, một tỷ lệ lớn đến từ miền Nam, tận hưởng cơ hội ra ngoài, vào những khu vực xung quanh tương đối an toàn.

Đất nước yên tĩnh hơn tôi từng biết. Hiện tại, âm thanh duy nhất tôi có thể nghe thấy trong toàn bộ khu phố của mình là tiếng chim hót. Đường phố Israel tắc nghẽn giao thông nay vắng tanh hơn so với trước đây trong nhiều thập niên. Các cửa hàng đang hoạt động với đội ngũ nhân viên ít ỏi, đóng cửa sớm, không mở cửa - có quá nhiều nhân viên được gọi vào Lực lượng Phòng vệ Israel. Mỗi ngày đều có thêm những tài liệu không thể xem được về những điều khủng khiếp mà Hamas đã gây ra đối với con cái, cha mẹ và ông bà của chúng ta. Mỗi ngày lại có thêm nhiều đám tang.

Mọi người ở đây không những biết một hoặc nhiều người hơn trong số 1,400 người Israel đã bị Hamas tàn sát hoặc bắt cóc trên khắp miền nam Israel vào và sau ngày 7 tháng 10, mà còn biết một hoặc nhiều người hơn trong số hàng trăm nghìn binh sĩ trong quân đội thường trực và lực lượng dự bị của chúng ta. trong một Lực lượng Phòng vệ Israel sắp dấn thân vào lãnh thổ Hamas - một địa ngục với những ngôi nhà gài bẫy, những đường hầm khủng bố dưới lòng đất, những tay súng ăn mặc như thường dân và nhiều điều nữa chỉ có quỷ dữ mới biết.

Tất cả chúng ta đều biết quân đội nhân dân của chúng ta sẽ làm chính xác những gì Hamas - một đội quân khủng bố cực đoan Hồi giáo thề sẽ tiêu diệt chúng ta - muốn Lực lượng Phòng vệ Israel làm: bước đi, mở mắt to vào một cái bẫy. Và tất cả chúng ta đều biết rằng Hamas đã bị giới lãnh đạo chính trị và quân sự của chúng ta đánh giá thấp một cách khủng khiếp trước ngày 7 tháng 10.

Chúng ta hết sức đánh giá cao sự liên đới và hỗ trợ thiết thực mà chúng ta nhận được từ Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và chính quyền của ông. Chuyến viếng thăm của ông đã sưởi ấm tâm hồn chúng ta. Ông nói như một người ông biết gia đình mình đang gặp khó khăn thực sự, truyền tải sự đồng cảm bản thân dựa trên trải nghiệm mất mát của chính ông. Và ông đã hứa với chúng ta: “Hoa Kỳ sẽ không đi đâu cả. Chúng tôi sẽ sát cánh cùng các bạn. Chúng tôi sẽ đi bên cạnh các bạn trong những ngày đen tối đó và chúng tôi sẽ đi bên cạnh các bạn trong những ngày tốt đẹp sắp tới. Và chúng sẽ đến.”

Chúng có đến không? Từ miệng Biden đến tai Thiên Chúa.

Chúng ta biết cuộc chiến này sẽ mất thời gian và còn gây ra những mất mát khủng khiếp hơn - ở cả hai phía, tại Gaza nơi người dân không thể dễ dàng thoát khỏi chiến tranh, và trong nhiều trường hợp, chúng ta được biết, đang bị Hamas ngăn cản việc sơ tán.

Làm thế nào để bạn tiêu diệt một đội quân khủng bố rộng lớn, man rợ, sử dụng dân thường làm lá chắn sống một cách trắng trợn ngay từ quê hương của nó? Hai tuần sau khi 2,500 kẻ sát nhân Hamas tràn qua biên giới, chúng ta vẫn không chắc đã đuổi hết bọn chúng ra khỏi Israel. Bây giờ Lực lượng Phòng vệ Israel đang tìm cách loại bỏ chúng, với số lượng hàng chục nghìn người, khỏi Gaza.

Tất cả những điều này trong khi Hezbollah, ở miền nam Lebanon, tìm cách lôi kéo Lực lượng Phòng vệ Israel vào cuộc chiến trên mặt trận thứ hai, West Bank đang sôi sục, Iran đang chờ đợi, và cộng đồng quốc tế phần lớn tỏ ra không có khả năng lặp lại sự trong sáng về mặt đạo đức của Biden và có thể ngày càng lớn tiếng chống lại chúng ta.

Chúng ta biết rằng những người lính của chúng ta dũng cảm, tinh tế và có động lực. Chúng ta thấy họ động viên lẫn nhau tại các “khu vực tập trung” xung quanh Gaza. Chúng ta hy vọng họ được trang bị đúng cách. Chúng ta biết rằng các đơn vị đặc công của Lực lượng Phòng vệ Israel và Lực lượng Không quân là vô song. Tinh thần rất cao.

Họ biết rằng đất nước đang đứng sau họ. Họ là đất nước. Số phận của Israel nằm trong tay họ và trong tay những người chỉ huy, những người mà chúng ta chỉ có thể hy vọng đã tìm lại được năng lực của mình.

Chúng ta nín thở.

Tất cả chúng ta đều biết rằng sứ vụ phải thành công. Bởi vì chúng ta phải có khả năng sống an toàn trên mảnh đất nhỏ bé của mình và kể từ ngày 7 tháng 10, chúng ta không chắc liệu mình có thể làm được điều đó hay không.

Và bởi vì, như Biden cũng đã lưu ý, chúng ta biết điều gì sẽ xảy ra với người Do Thái ở khắp mọi nơi nếu không có Israel. Thật vậy, chúng ta có thể thấy nó bắt đầu xảy ra lần nữa.
 
Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher O.P. của Sydney: đề xuất nào ngược với Tin Mừng không phải của Chúa Thánh Thần
Vũ Văn An
23:57 20/10/2023

Theo Courtney Mares của hãng tin CNA, Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher O.P. của Sydney nói rằng Trong Thượng Hội đồng về tính đồng nghị, chúng ta phải cẩn thận về việc “đổ lỗi mọi thứ cho Chúa Thánh Thần”, Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher của Sydney đã nói như thế, đồng thời lưu ý rằng nếu một đề xuất hoàn toàn trái ngược với Tin Mừng thì “đó không phải là của Chúa Thánh Thần”.



“Chúa Thánh Thần là Thần Khí của Chúa Kitô. Người là Thánh Thần của Chúa Cha và Chúa Con, và vì vậy Người sẽ chỉ nói những điều phù hợp với những gì Chúa Kitô đã mặc khải cho chúng ta trong truyền thống tông đồ,” Đức Tổng Giám Mục Fisherr đã nói như thế với CNA trong một cuộc phỏng vấn ở Rome tuần này.

Người ta nhấn mạnh nhiều đến việc lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần trong phiên họp tháng 10 với các đại biểu Thượng Hội đồng tập trung cho “các cuộc đàm luận trong Chúa Thánh Thần” theo nhóm nhỏ gần như hàng ngày, được mô tả trên trang web của Thượng Hội đồng là “một cuộc phân định năng động trong một Giáo hội đồng nghị”.

Vị tu sĩ Đa Minh người Úc giải thích rằng nếu một đề xuất nào đó của Thượng Hội đồng “hoàn toàn trái ngược” với Tin Mừng và truyền thống tông đồ, thì “điều đó không thuộc về Chúa Thánh Thần bởi vì chúng ta không thể để Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần gây chiến với nhau”.

Đức Tổng Giám Mục Fisher nói: “Chúng ta phải cẩn thận về đổ lỗi mọi điều - tất cả ý kiến, lợi ích, hoạt động vận động hành lang và phe phái của chúng ta – lên đầu Chúa Thánh Thần”.

“Người Công Giáo thích nghĩ rằng Chúa Thánh Thần bầu chọn giáo hoàng, Chúa Thánh Thần chọn các giám mục và linh mục cho chúng ta, Chúa Thánh Thần làm điều này điều kia. Và chắc chắn rằng có bàn tay của Thiên Chúa, sự quan phòng của Thiên Chúa, hiện diện trong tất cả những điều quan trọng đó trong cuộc sống của chúng ta và trong đời sống của Giáo hội. Nhưng chúng ta cũng có một số giáo hoàng tồi tệ trong lịch sử. Chúng ta đã có một số linh mục và giám mục tồi tệ và những điều khủng khiếp xảy ra trong cuộc sống của mọi người. Và Chúa Thánh Thần có vắng mặt không? Không, nhưng Người đã cho phép những điều đó xảy ra.”

Ngài nói thêm, “Vì vậy, chúng ta đừng gán mọi thứ cho Chúa Thánh Thần diễn ra tại Thượng Hội đồng hoặc bất cứ nơi nào khác trong cuộc sống của chúng ta. Tôi nghĩ làm điều đó thực sự là mê tín”.

Ngài giải thích rằng thách thức của Thượng Hội đồng là lắng nghe và hỏi xem Thiên Chúa đang nói gì với chúng ta và với Giáo hội vào thời điểm này, đồng thời cho biết thêm rằng Giáo hội đã cung cấp những “kim chỉ nam” hữu ích khi cố gắng phân biệt ý muốn của Thiên Chúa.

Ngài nói, “Chúa Kitô đã ban cho chúng ta mọi thứ chúng ta cần để được cứu rỗi, đã được mạc khải. Chúng ta truyền lại điều đó từ thế hệ này sang thế hệ khác, Tin Mừng và các giáo huấn của Giáo hội”.

“Chúng ta đã có cả một bộ giáo huấn, suy tư, bởi hàng ngàn và hàng ngàn người qua các thế hệ, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn về đủ loại câu hỏi ở đó để giúp chúng ta, tức kho tàng đức tin như chúng ta gọi, nó ở đó sẽ được khai thác.”

Ngài nói thêm, “Vì vậy, chúng ta không chỉ có các thiết bị của riêng mình, suy nghĩ của riêng mình - bất kể tâm trạng trong cuộc họp về một vấn đề đặc thù như thế nào. Chúng ta thực sự có điều gì đó vững chắc để dựa vào và kiểm tra tâm trạng cũng như trực giác”.

Về việc truyền chức cho phụ nữ, vị tổng giám mục 62 tuổi của Sydney lưu ý rằng đã có “một cuộc thảo luận lâu dài về việc phong chức cho phụ nữ” trong phiên họp thượng hội đồng.

Ngài nói thêm, “Tôi không nghĩ điều đó tiết lộ bất cứ điều gì mà mọi người chưa biế. Và có rất nhiều căng thẳng và cảm xúc xung quanh một vấn đề như thế.”

Ngài nói rằng thật khó để biết toàn thể phiên họp cảm thấy thế nào về vấn đề này vì mọi người nghe thấy báo cáo từ mỗi bàn trong số 35 bàn trong hội trường, nhưng “bạn không biết liệu báo cáo đó có báo cáo những gì một người nói hoặc tất cả 12 người ở bàn đó đã nói”.

Ngài nói: “Vì vậy, bạn không biết đó là sự nhiệt tình của một hoặc hai người ở mỗi bàn hay sự nhiệt tình thực sự được hầu hết cả phòng ủng hộ”.

Đức Tổng Giám Mục Fisher nói với EWTN News rằng ngài nghĩ Thượng Hội đồng có thể là một cơ hội để nói về những vấn đề lớn hơn trong Giáo hội ngày nay, chẳng hạn như có bao nhiêu người trẻ đang nói rằng họ không có tôn giáo nào cả.

Ngài nói: “Cuối cùng, điều này cấp bách hơn nhiều, nghiêm trọng hơn nhiều so với việc mày mò ở rìa về việc liệu 0,001% phụ nữ có thể là nữ phó tế”.

“Điều đó thật tầm thường so với sự mất niềm tin to lớn đang xảy ra cho chúng ta, đặc biệt trong ngay thế hệ này.”

Ngài nói thêm rằng khi mọi người mất niềm tin, họ đi nơi khác để tìm kiếm ý nghĩa, và “mọi người đi đến rất nhiều nơi rất tàn khốc để tìm kiếm ý nghĩa, hy vọng và hạnh phúc”.

Ngài nói thêm: “Vì lợi ích của họ, chúng ta phải tích cực hơn nhiều trong việc truyền giáo nền văn hóa của chúng ta và đặc biệt là những người trẻ tuổi của chúng ta”.

Ngài nói: “Điều tôi mong muốn đạt được từ Thượng Hội đồng là sự nhiệt tình mang đức tin trở lại với những người lẽ ra phải có đức tin đó và vì bất cứ lý do gì đã bị mất kết nối”.

Đức Tổng Giám Mục Fisher, người đã giữ chức vụ tổng giám mục Sydney trong gần một thập niên, lưu ý rằng Thượng hội đồng về tính đồng nghị “hoàn toàn khác” so với Thượng hội đồng Giám mục trước đây mà ngài tham dự.

Ngài mô tả toàn bộ quá trình này là “một cuộc thử nghiệm” và nói thêm: “Nó đặt ra đủ loại câu hỏi thần học khá nghiêm túc”.

Ngài giải thích, Thượng Hội đồng Giám mục do Đức Phaolô VI thiết lập sau Công đồng Vatican II “có mục đích thể hiện tính hợp đoàn giám mục của giám mục đoàn với nhau, giống như sự hợp tác của các tông đồ với nhau… và đặc biệt là huấn quyền của họ, sự giảng dạy của họ với nhau.”

Trong khi đó, Thượng Hội đồng về Tính đồng nghị giống như “sự kết hợp” giữa Thượng hội đồng Giám mục và các hình thức họp mặt và gặp gỡ khác của Giáo hội với các giám mục, linh mục, nữ tu và giáo dân.

“Nó vừa là Thượng Hội đồng Giám mục vừa là một cuộc tụ họp của giáo hội, tất cả trong một thứ. Và có những câu hỏi mà nó đặt ra. Vậy bản chất giáo hội của nó là gì? Thẩm quyền của nó là gì? … Có phải nó cố gắng trở thành các giám mục giống như việc tập hợp các tông đồ không? Hay nó đang cố gắng trở thành sự quy tụ của tất cả những người đã được rửa tội?”

“Tôi nghĩ có lẽ chúng ta cần phải suy nghĩ nhiều hơn về việc tất cả những điều đó có ý nghĩa gì về mặt giáo hội, giáo luật, thực tế?”

Đức Tổng Giám Mục Fisher nói rằng cũng có cuộc thảo luận về tỷ lệ giáo dân, đặc biệt là phụ nữ, trong Thượng Hội đồng về tính đồng nghị.

Ngài lưu ý: “Có nhiều phụ nữ hơn bao giờ hết trước đây và [thượng hội đồng] vẫn phải đương đầu với rất nhiều lời chỉ trích rằng vẫn không có đủ phụ nữ”.

Đức Tổng Giám Mục Úc nói thêm rằng một trong những mặt tích cực của Thượng Hội đồng về Tính đồng nghị là nhiều người Công Giáo từ khắp nơi trên thế giới đã tụ tập cùng nhau tại Vatican trong tháng này.

Ngài nói, “Trong hai tuần qua, tôi đã gặp nhiều giám mục hơn hẳn so với 20 năm trước của tôi. Và đó phải là một điều tích cực”.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Sứ điệp Tử đạo
Pt Phạm Bá Nha
01:09 20/10/2023
SỨ ĐIỆP TỬ ĐẠO

Sứ Điệp của các Thánh Tử Đạo VN rất phong phú, để lại cho chúng ta được viết bằng xương máu. Các Ngài còn muốn gửi cho thế hệ con cháu giữ lấy mà sống sao như cha ông đã sống. Các Thánh Tiền nhân muốn nhắn nhủ con cháu, qua các nếp sống đạo hàng ngày: Sống đức tin và làm tông đồ

Năm 1789, hai vị truyền giáo đầu tiên đến Cửa Bạng, Thanh Hóa, khai đầu cuộc giảng đạo, tại VN. Các Ngài hết sức cảm động vì thấy một mỏm đá, giữa giòng sông, tự nhiên không biết ai vẽ hình một Thánh Giá bằng vôi. Xúc động, ngước mặt lên trời, các ngài cảm tạ Thiên Chúa và nghĩ ngày nào đó Thánh Giá sẽ hiển trị trên phần đất mai này. Hứa hẹn mùa gặt mới. Nhưng trước khi Iúa chín, báo hiệu nông vụ có biết bao nhiêu đau khổ mồ hôi nước mắt đổ ra.

Quả thật, 1625-1885, trong gần 300 năm bách đạo đã có 42 cuộc bách hại và đã được 130.000 anh hùng hy sinh tử đạo. Trong đó 117 thánh và một chân phước. Niềm hãnh diện và vui sướng cho con dòng giống VN.

Sống đức tin của tiền nhân là suy niệm và sống ơn Rửa Tội. Giữ gìn ơn thánh trong tâm hồn Iuôn xứng đáng là con thờ Thiên Chúa. Lánh xa tội lỗi. Nếu có trót xa ngã biết trở về làm hòa với Chúa qua bí tích tình thương giải tội. Tuân theo thành ý Chúa, vui lòng lãnh nhận mọi đau khổ, thánh giá Chúa gửi đến. Sống bác ái, chia sẻ cơm áo cho những ai thiếu thốn. Tha thứ cho những ai lỗi phạm. Đơn thành nhất là các kinh cầu nguyện tối sáng trong gia đình. Lời cầu nguyện là hơi thở của linh hồn.

Các Thánh Tử Đạo VN không phải là ‘‘siêu nhân’’. Họ là những người đã có lúc yếu đuối, lỗi lầm, sa ngã...nhưng biết hối lỗi, cải thiện đời sống và lấy máu đào rửa sạch vết dơ. Tử đạo là làm chứng cho đức tin.

Thánh Thầy Giảng Phêrô Nguyễn Khắc Tự (Ninh Bình, 1808-1840) từ nhỏ sống trong nhà Đức Chúa Trời và làm Thầy Giảng. Sau khi mồ côi cha, thầy Tự theo thừa sai Borie Cao. Cha Cao và thầy bị bắt. Nhờ đức tin kiên vững, Thầy đã chịu đựng những trận Çòn tra tấn ghê gớm. Thầy khuyên nhû các tín hữu đến thăm trung thành giữ đạo, cầu nguyện cho nhau chịu đựng đến cùng. Tại pháp trường thầy xin qui chính cho thừa sai Cao đổ máu. Thầy và Ông Năm Quỳnh cùng bị giây xiết chặt cổ cho chết, 10.7.1840.

Ba thánh quân nhân là Augustinô Phan Viết Huy (Bùi Chu, 1796-1839), Thánh Nicôla Bùi Đức Thể (Bùi Chu, 1792-1839) và Thánh Đa Minh Đinh Đạt (Thanh Hóa, 1803-1839) đã một thời quân nhân sống tự do phóng đãng. Ba vị nghe lời hứa hẹn đường mật của quan coi ngục, và vì bị ép buộc đã bước qua thánh Giá. Năm 1839, biết ăn năn hối cải đã trở lại dâng thú với vua Minh Mạng tuyên xưng đức tin. Nôi dung thư như sau: Cha ông chúng tôi theo đạo Gia Tô. Năm ngoái các quan ép buộc chúng tôi bước qua Thánh giá. Chúng tôi miễn cưỡng làm theo, chứ thực tâm không muốn. Nay chúng tôi xin tiếp tục giữ đạo để tròn đạo hiếu với cha ông chúng tôi. Lá thư này đã đưa ba anh hùng đến phúc tử đạo. (7. 1839). Các Thánh VN đã sống và tin vào Lời Chúa hứa:

- Chúa khuyên các Tông Đồ khi tiên báo ngày tử nạn: Anh em đừng xao xuyến, hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy (Ga 14,1).
-Chúa đã nhắc Maria, khi buồn vì em là Lazarô qua đời: Thầy chẳng nói với chị rằng, nếu chị tin, chị sẽ thấy vinh quang Thiên Chúa sao? (Ga 11, 40)
- Quyền năng cứu chuộc, Chúa đã quả quyết với Nicôđêmô: Bất cứ người nào tin (vào thập giá), thì được sống muôn đời...Ai tin vào Con Người, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. (Ga 3, 15-16)

Thánh hóa gia đình và cộng đoàn giáo xứ

Đời sống đức tin của giáo dân trải qua khuôn khổ gia đình và giáo xứ. Trong số 117 thánh, có 59 vị có gia đình. Đủ mọi giai cấp, nghề nghiệp và chức sắc trong giáo xứ. Các ngài ý thức trách nhiệm giáo dục con cái sống đức tin. Giáo dục không bằng lời nói mà bằng gương sáng, làm việc lành trước cho cho con cháu theo.

Thánh Lý Trưởng Gioan Baotixita Cỏn (Nam Định, 1805-1840), siêng năng việc làng, nhưng do bạn bè lôi kéo quyến rũ lại chẩnh mảng việc tôn giáo. Nhưng rất mực chu toàn việc nhà thờ xứ đạo và nhất là nhiệt tình giúp đỡ các vị truyền giáo. Ông bị bắt vì chứa chấp các linh mục truyền giáo và nuôi dưỡng các linh mục già yếu, bệnh tật, chữa trị thuốc men, tại nhà. Các cha Nghi, cha Ngân, cha Thịnh, Ông Martinô Thể cùng bị bắt cùng với Ông Cỏn là chủ nhà. Trước tòa, quan dụ dỗ: Cứ đạp Thánh Giá, rồi sau xưng tội, là khỏi tội. Rồi quan bắt lính khiêng ông qua ảnh Chuộc Tội. Thánh nhân giơ tay lên và tuyên bố: Đạo tại tâm, quan cưỡng bách mà lòng chúng tôi chẳng muốn, thì chẳng mắc tội gì. Quan còn dự định bày kế đem vợ con đến trước mặt, cốt vì tình cãm xót thương mà Ông chối Đạo. Nhưng gia đình biết trước, chạy trốn. Quan nói: Nếu ta đưa vợ con đến đây để giết, thì ngươi có chịu bỏ Đạo không?

Ông thưa: Cửa nhà, vợ con đều do Chúa ban, chúng tôi không tiếc xót gì cả. Nếu vợ con cùng tử đạo, chúng tôi càng mong ước về thiên đàng. Nghe thế quan nổi giận cho Ông ban ngày phơi nắng, ban đêm nằm ngoài cống rãnh nước thải của tù nhân.

Thánh nông dân Augustino Nguyễn Văn Mới (Thái Bình, 1806- 1839) vốn lương giáo. Năm 31 tuổi mới được rửa tội, và lập gia đình với người trong xứ đạo. Vợ chồng sống đạo rất tốt. Dù lao động vất vả, khuya mấy, gia đình không bỏ đọc kinh Mân Côi mỗi tối.

Yêu mến Giáo Hội và quê hương

Giáo Hội là Mẹ hiền (Mater Ecclesia), đã sinh chúng ta trong đời sống thiêng liêng, nuôi dưỡng bằng bí tích, dạy dỗ theo đường chân lý. Đi trước là các thánh tiền bối, đi sau là con cháu. Tất cả phải ghi lòng tạc då biết ơn, yêu mến và xây dựng Giáo Hội. Mong cho ngôi nhà Giáo Hội VN ngày một đẹp, chững chạc hơn. Trong số các thánh có 37 linh mục, 16 thầy giảng, 6 trùm họ.

Thánh cai đội Giuse Lê Đặng Thị (Quảng Trị, 1825-1860) theo sắc chỉ cấm đạo của Tự Đức: trong hàng ngũ lãnh đạo là người Công Giáo, ai không bỏ đạo, bị giải ngũ, bị khắc chữ tả đạo vào má và phát lưu. Cai đội Lê Đặng Thị làm đơn xuất ngũ, về quê Nghệ An sinh sống với vợ con. Năm 1860, lệnh cấm đạo áp dụng triệt để. Ông bị tố giác và bị bắt với 31 quân nhân. Ông nhận mình là cai đội và Công Giáo. Ông bị án xử giảo. Trong lá thư gửi cho vợ, ông viết: Anh nghĩ chúng ta không cần gặp nhau, dầu chuyện gì xảy ra, chúng ta vẫn yêu nhau.
Anh luôn nhớ đến mẹ con em. Trong tù Ông đã khuyên, dạy giáo lý và rửa tội cho một bạn tù. Hai người cùng bị xử giảo tại pháp trường An Hòa, Huế.

Các thánh còn nêu gương lòng yêu nước yê tổ quốc. Trong thời kỳ bách đạo, có nhiều nhóm phản loạn, nhưng không người Công Giáo nào về phe phản loạn.

Thánh Cai Đội Phanxicô Trần Văn Trung (Quảng Trị, 1825-1858) là sỹ quan sẵn sàng đi đánh Pháp ở cửa Hàn,1.9.1858. Trước khi lâm trận, Ông bị ép buộc bước qua Thánh Giá. Thánh nhân tuyên bố: Tôi là người Công Giáo, tôi sẵn sàng đi đánh địch để bảo vệ đất nước, nhưng không bao giờ chịu bỏ Đạo. Thánh nhân cũng căn dặn vợ: Tôi có chết, mình lo săn sóc các con. Hết lòng yêu thương các con. Đừng tái hôn với ai nữa nhé.

Giáo Hội VN tự hào về hai sự nghiệp vĩ đại để lại cho sử xanh: có các Thánh Tử Đạo và cho quốc gia. Lịch sử VN gắn liền với dân tộc.

Lòng sùng kính Đức Mẹ

Lòng sùng kính Đức Mẹ là nét đặc thù của tinh thần đạo đức mà cha ông chúng ta, gia tài qúi báu để lại. Bên Đức Mẹ các Ngài đã kiên trì trong đức tin. Đức Mẹ là đường dẫn đến Thiên Chúa, là Nữ Vương Việt Nam thân yêu.

Thánh Linh Mục Philipphê Phan Văn Minh (Vĩnh Long, 1815-1853) Tay cầm chuỗi ra pháp trường, trước khi bị chém đầu (1853) đã trối cho Ông trùm Phượng cùng cảnh, cầm bông chúc thấm máu vào cỗ tràng hạt, ngài cầu nguyện to tiếng: Lạy Mẹ Maria, xin cầu cho chúng con trong giờ lâm chung nguy hiểm này.

Ngày 7.1.1862, nhóm Văn Thân đứng nhìn 200 đàn ông, 106 đàn bà và 50 trẻ em Công Giáo, bị thiêu sống trên nền nhà thờ Bà Rịa, trong tiếng kinh lần hạt sang sảng, càng lâu càng tàn lụi trong ánh lửa bập bùng.

Thánh Linh Mục Francesco Federich Tế (Dòng Đa Minh, Tây Ban Nha, 1702-1745)
Tự nhận là “con điên” của Đức Mẹ, khi dừng bước ở Macao đợi tàu đến VN, ngài đã cầu nguyện:
Lạy Thánh Mẫu cao vời nhân ái
Tấm lòng con điên dại đáng thương
Ngày đêm nung nấu can trường
Lòng bao la Mẹ đâu phương đáp
Trong tâm tưởng con hằng mơ ước
Khắp muôn phương loan báo Tin Mừng
Giờ con gặp cảnh sầu thương
Như thuyền neo bến trùng dương xa vời

Thánh Giám Mục Pierre Dumoulin Borie Cao (MEP, 1808-1838)
Ghi lại trong nhật ký lời nguyện ngày tận hiến cho Mẹ tại chủng viện
Lạy Mẹ của con, xin hãy tin con, khi con trưởng thành. Con sẽ hiến toàn thân con cho việc cải hóa các người chưa tin. Xin Mẹ giúp con theo đường và tinh thần ơn gọi đó. Xin cho được chịu đau khổ, đón nhận nghành lá tử đạo và về bến vinh quang.

Trong tù, Đc Cao cùng với hai Thánh Linh mục Tử Đạo Vinh Sơn Nguyễn Thế Điểm (Quảng Trị, 1761-1838) và Vũ Đăng Khoa (Nghệ An, 1790-1938) hát bài Ave Maria Stella (Kính chào Mẹ Ngôi sao sáng) và cầu nguyện :
Như xưa, Mẹ đã dâng Con yêu qúi trong đền thờ. Nay cũng xin hiến dâng chúng con trong cuộc tử đạo hồng phúc này.

Thánh Lê Thị Thành (Phát Diệm, 1781-1841) tâm sự :
Nhờ ơn Đức Mẹ giúp sức tôi không thấy đau đớn

Thánh Linh Mục Jean Charles Cortay Tân (MEP, 1809-1837) ngay gần tử hình đã kêu cầu Đức Mẹ :
Xin Đức Mẹ chứng giám cho việc xám hối của chúng con.

Trong trại tù Thánh Tân cùng với Thánh Jacinto Castaneda Gia (Dòng Đa Minh, Tây Ban Nha, 1743-1773) và Thánh Jeronimo Hermosilia Vọng (Liêm) (Dòng Đa Minh, Tây Ban Nha, 1800-1861) đã hát vang bài kinh Salve Regina (Lạy Nữ Vương)
Lạy Mẹ nhân lành,
làm cho chúng con được sống
được vui được cậy…
Xin cho được thấy Chúa Giêsu lòng Mẹ

Thánh Giám Mục Valentino Berriochoa Vinh (Dòng Đa Minh, Tây Ban Nha, 1837-1861)
Trong thư gửi cho mẹ (thư số 61) đã nói lên suy nghĩ:
Mẹ à, với tràng hạt Mân Côi trong tay, lời kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng Maria tươi nở trên môi.
Với tư tưởng thánh thiện trong tâm trí
Hỏi thế giới còn chi đẹp đẽ hơn?
Mẹ hãy thưa với Đức Mẹ về con
Lời cầu nguyện tốt ấy sẽ bẻ gẫy răng kẻ dữ.

Thánh Jean Théophane Vénard Ven (MEP 1829-1860) ghi lại lời gửi cho Giám Mục Theurel Chiêu :
Lạy Mẹ Vô Nhiễm,
Khi đầu con rơi xuống dưới lưỡi gươm của lý hình
Xin nhận lấy tôi tớ nhỏ bé
Như trái nho chín được hái
Như bông hồng nở rộ
Được ngắt về dâng kính trên bàn thờ. Ave Maria.

Thánh Linh Mục Augustin Schoeffler Đông (MEP, 1822-1851) tỏ ra mừng rỡ vì biết mình được tử đạo vào 1.5, đầu tháng hoa kính Đức Mẹ.Thánh Linh mục Gioan Đoạn Trinh Hoan (Huế, 1798-1861) trên cổ luôn trên cổ ảnh Đức Mẹ đến giờ xử giảo, và nói: Đây là ảnh Đức Trinh Nữ Matia, Bà Chúa của tôi, không cho ai được.

Trong lần họp T HĐ GM TG tại Roma (10.1987), hai Giám Mục đại diện cho VN đã kể cho các thượng phụ tham dự nghe những chuyện thông thường. Khi đi chợ, phụ nữ miền quê, đầu đội thúng khoai, tay kia lần Chuỗi. Vừa đi vừa đọc Kính Mừng Maria. Người mẹ VN có nhiều khó khăn do thời cuộc. Nhưng vẫn tin vào Chúa Quan Phòng.
Một bà khác dành dụm ít tiền mua được một radio nho nhỏ. Tình cờ, đêm khuya, bà mở nghe được ĐGH Gioan Phaolô II đang lần Chuỗi. Thông lệ vào tối thứ Bảy đầu tháng. Bà sung sướng bỏ hết mọi sự, lần chuỗi chung với Ngài, sau đó nhận phép lành của Ngài. Sáng hôm sau bà khoe với Giám Mục : Hôm đó, con được bảy mươi phúc đời. Từ đó, con cảm thấy an ủi vui sống.
ĐC Giuse Nguyễn Văn Sang (1932-2017) trình bày giữa phiên họp trên đã phát biểu : Giáo dân VN ý thức mình là nhiệm thể Chúa Kitô. Nhưng hiện thực, vì thiếu thốn ‘có thực mới vực được đạo’. Họ không thuộc những bản văn của công đồng Vatican II. Tuy nhiên trong đời sống họ đã thi hành căn bản giáo lý từ lâu. Giáo dân VN sống đạo bằng năng chịu các phép Bí Tích và sống tốt đời sống Công Giáo.
Người giáo dân VN nhớ mãi lời ĐHY Giuse Maria Trịnh Như Khuê (1898-1978) giảng dạy: Đời sống thánh thiện của giáo dân VN trong môi trường xã hội ví như đài phát thanh, vô tuyến truyền hình, nó thay thế được sách và báo chí. Vì nó có quyền lực làm chứng cho Chúa Kitô và Giáo Hội.
Cũng từ đó, trong triều yết (1987) thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dành cho 40 linh mục VN, đã chỉ thị cho các gia đình VN: phải trở nên trường dạy đức tin, cầu nguyện, nơi đào tạo con người và hun đúc tinh thần truyền giáo. Vấn đề ơn gọi phải chiếm chỗ ưu tiên trong tư duy mục vụ. (ĐÔ Trần Ngọc Thụ. ĐM HCG số 2&3, 1988. Tr. 17-21)

Lời nói của Tertullianô (Catharge, Tunisie 160-220): “Máu tử đạo là hạt giống sinh nhiều giáo hữu” đã ứng nghiệm trên quê hương VN. Tính từ ngày Inêkhu tới VN (1533) đến nay, thì hạt cải đã biến thành cộng đoàn hùng mạnh, hơn 8 triệu giáo dân trong nước, không kể ngoài nước.

Cảm tạ Chúa và dâng lời cầu xin với các Thánh Tử Đạo VN (kinh thứ nhất)
Lạy các Thánh Tử Đạo VN là con thảo của Cha trên Trời, là chứng nhân anh dũng của Chúa Kitô, là thành phần trung kiên của Hội Thánh.
Nay chúng con xin hợp với các Ngài và Đức Mẹ Maria là Nữ Vương các Thánh Tử Đạo VN mà ca tụng Chúa muôn trùng cao cả.
Xin Chúa ban cho các Ngài được vững tin vào Lời Chúa và đầy sức mạnh của các Thánh, nên các Ngài đã kiên tâm chịu gian lao đau khổ, quyết một lòng theo Đức Kitô trên con đường Thập Giá và hy sinh đến giọt máu cuối cùng.
Các Ngài đã chấp nhận nên hạt lúa gieo vào lòng đất, để Giáo Hội VN thu lượm được mùa lúa dồi dào. Nay Hội Thánh lại dâng các Ngài lên Chúa, như hoa qủa đầu mùa để cảm tạ tri ân
Các Ngài đã yêu mến quê hương. Xin cầu cho Đất Nước được an vui hạnh phúc và góp phần xây dựng một thế giới hòa bình.
Các Ngài đã cam lòng chịu chết mà không oán hận. Xin cầu cho đồng bào mọi người biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau.
Các Ngài đã hy sinh tất cả vì đức tin, và cầu xin cho mọi Kitô hữu biết sống và chia sẻ niềm tin của mình.
Lạy các Thánh Tử Đạo VN, là những bậc tiền nhân đã hoàn thành sứ mạng. Xin chuyển cầu cho chúng con là con cháu, được noi gương các Ngài, biết đem lòng bác ái mà dấn thân phục vụ, để một ngày kia trên Thiên Quốc, chúng con được hợp tiếng với các Ngài ca tụng tạ ơn Chúa muôn đời vinh hiển. Amen. (TGM Nguyễn Văn Bình, Imprimatur, 10.8.1988)

Kết luận bằng trích đôi lời trong bài bài giảng của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phalô II, trong ngày phong thánh 19.6.1988.
“Chúng tôi rao giảng Đức Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (1Cr 1,23). Bằng những lời này của Thánh Phaolô Tông Đồ, hôm nay Hội Thánh Roma xin chào Hội Thánh và dân tộc VN, dù xa xôi về địa lý, vẫn gần với trái tim chúng tôi… (số 1). Các Thánh Tử Đạo VN “đã gieo trong nước mắt”…(số 5). Những ai trông cậy vào Người sẽ hiểu biết chân lý. Những ai trung thành sẽ gần Người trong tình yêu, vì ân sủng đã dành cho ai Người truyển chọn (x. Kh, 3, 9)… Nguyện cho mùa gặt của các Ngài kéo dài trong hân hoan!..(số 9). (HĐ GM VN. Hạnh Các Thánh Tử Đạo VN. 2018. Sài Gòn. ttr. 321-329)


Tài liệu tham Khảo
- HĐ GM VN. Hạnh Các Thánh Tử Đạo VN. 2018. Sài Gòn
- Thiên Hùng Sử. San Jose. CA. 1990. Hoa Kỳ
- Ns Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Tháng 2&3.1988; tháng 6. 1989
 
Church Documents
Cẩm Hạnh - News 21 October 2023
Đặng Tự Do
17:56 20/10/2023
1. Giám mục Chính Thống Giáo Ukraine bị buộc tội biện minh cho việc Nga xâm lược Ukraine

Cơ quan An ninh Ukraine đã gửi bản cáo trạng tới tòa án chống lại nhà lãnh đạo tu viện Chính thống Ukraine Kyiv-Pechersk Lavra.

Các nhà chức trách buộc tội Tổng Giám Mục Pavel, là nhân vật thứ hai của Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, vi phạm quyền bình đẳng của công dân với tư cách là một chức sắc tôn giáo và cũng dùng thế giá ấy để biện minh, công nhận là hợp pháp hoặc phủ nhận hành vi xâm lược vũ trang của Liên bang Nga chống lại Ukraine.

Cơ quan An ninh Ukraine cho rằng Pavel đã nhiều lần công khai phủ nhận sự tồn tại của Ukraine với tư cách là một quốc gia có chủ quyền và gọi cuộc xâm lược vũ trang của Nga chống lại Ukraine là một “cuộc xung đột dân sự” đã diễn ra kể từ năm 2014.

Pavel đã bị quản thúc tại gia kể từ tháng Tư. Kyiv từ lâu đã cáo buộc Giáo hội Chính thống Ukraine cộng tác với Nga. Các cơ quan an ninh đã đột kích Kyiv-Pechersk Lavra, một tu viện hàng nghìn năm tuổi và một số địa điểm Chính thống giáo khác vào năm ngoái. Trước khi bị bắt, Pavel đã nguyền rủa Volodymyr Zelenskiy, một người Do Thái, và đe dọa trừng phạt anh ta.

Nhưng Pavel nói với các phóng viên rằng ông ta chưa “làm gì cả”. “Tôi tin rằng đây là một mệnh lệnh chính trị,” ông nói vào tháng Tư.

Bản cáo trạng của Pavel được đưa ra khi quốc hội Ukraine ban đầu phê chuẩn vào hôm thứ Năm một đạo luật cấm Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa hoạt động tại Ukraine.

2. Mỹ lo ngại sâu sắc trước mối giao hảo giữa Orbán và Putin

Ký giả Pierre Emmanuel Ngendakumana của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “US finds Orbán-Putin love-in ‘troubling’”, nghĩa là “Mỹ thấy giao hảo giữa Orbán và Putin là 'có vấn đề'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Cẩm Hạnh.

Hung Gia Lợi từ lâu đã từ chối tham gia cùng các đồng minh phương Tây khác trong việc hỗ trợ quân sự cho Kyiv dù nước này là thành viên của cả NATO và Liên Hiệp Âu Châu.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Hung Gia Lợi David Pressman hôm thứ Sáu cho biết Washington “lo ngại về mối quan hệ của Hung Gia Lợi với Nga”, đồng thời cho biết thêm rằng quyết định gần đây của Thủ tướng Viktor Orbán gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin khiến Hoa Kỳ lo ngại sâu sắc, theo Reuters.

Hôm thứ Tư, Pressman đã đổ lỗi cho Orbán trên X (trước đây là Twitter) vì “đã chọn đứng về phía một người phải chịu trách nhiệm về tội ác chống lại loài người ở Ukraine và đơn độc làm như thế trong số các Đồng minh của chúng tôi”.

Ngày hôm trước, người ta nhìn thấy Orbán bắt tay Putin bên lề diễn đàn kéo dài hai ngày đánh dấu kỷ niệm 10 năm Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, khiến quốc tế chỉ trích.

Kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine vào năm ngoái, Orbán đã bị chỉ trích vì phản đối các sáng kiến của Liên Hiệp Âu Châu nhằm giúp Kyiv chống lại Mạc Tư Khoa. Chính phủ của ông duy trì mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga so với các nước thành viên khác và được coi là thúc đẩy một số mục tiêu của Mạc Tư Khoa, bao gồm cả việc ngăn cản sự mở rộng của NATO.

Ukraine cáo buộc Hung Gia Lợi tài trợ cho tội ác chiến tranh của Nga thông qua các thỏa thuận năng lượng với một quan chức hàng đầu của Mạc Tư Khoa, đồng thời cảnh báo rằng “một loạt thỏa thuận mới thúc đẩy liên kết năng lượng của Hung Gia Lợi với Nga sẽ chỉ kéo dài cuộc chiến ở Ukraine”.

3. Hệ thống hỏa tiễn chiến thuật lục quân tầm xa trong tay Ukraine đã hạ gục 14 máy bay trực thăng Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “US-Provided ATACMS /a-tá-kừm/ Destroy 14 Russian Helicopters: UK”, nghĩa là “Vương Quốc Anh cho biết ATACMS do Mỹ cung cấp Tiêu diệt 14 máy bay trực thăng của Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Cẩm Hạnh.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết, Nga có thể đã mất 14 máy bay trực thăng trong cuộc tấn công vào hai phi trường của Nga mà Ukraine cho biết họ đã tấn công bằng hỏa tiễn đạn đạo tầm xa bắn từ hệ thống hỏa tiễn chiến thuật lục quân tầm xa, gọi tắt là ATACMS, do Mỹ cung cấp trong tuần này.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tuyên bố rằng Kyiv đã sử dụng ATACMS để tấn công các phi trường của Nga ở vùng Luhansk của Ukraine và thành phố cảng Berdyansk ở vùng Zaporizhzhia hôm thứ Ba.

ATACMS có khả năng tiếp cận mục tiêu cách xa 100 dặm hoặc hơn. Cuộc tấn công hôm thứ Ba đánh dấu lần đầu tiên Ukraine sử dụng vũ khí này.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong bản cập nhật tình báo hôm thứ Sáu rằng mặc dù mức độ thiệt hại hiện chưa được xác nhận, nhưng có khả năng 9 máy bay trực thăng quân sự của Nga tại Berdyansk và 5 chiếc tại Luhansk đã bị phá hủy.

Điện Cẩm Linh vẫn chưa bình luận về thông tin về cuộc tấn công nhưng hôm thứ Tư, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi việc Mỹ chuyển hỏa tiễn ATACMS cho Ukraine là “một sai lầm khác của Mỹ”.

Putin nói: “Chiến tranh là chiến tranh”. “Và tất nhiên, tôi đã nói rằng ATACMS là một mối đe dọa. Chắc chắn là như thế. Nhưng điều quan trọng nhất là họ hoàn toàn không thể thay đổi mạnh mẽ tình hình trên chiến trường. Điều đó là không thể.”

Các quan chức quốc phòng Anh cho biết, nếu được xác nhận, rất có thể việc mất số trực thăng sẽ ảnh hưởng đến khả năng của Nga trong việc bảo vệ tài sản cũng như tiến hành các hoạt động tấn công tiếp theo trên trục phía nam Ukraine.

Bản cập nhật tình báo của Bộ cho biết: “Do sự hỗ trợ từ trên không của các máy bay cánh cố định của Nga cho đến nay cực kỳ kém, các tuyến phòng thủ của Nga ngày càng phụ thuộc vào sự hỗ trợ của máy bay cánh quay khi đối mặt với cuộc tấn công của Ukraine”. “Berdyansk đang được sử dụng làm Căn cứ điều hành tiền phương chính trên trục phía nam, cung cấp cả khả năng hậu cần, tấn công và phòng thủ.”

Bộ Quốc phòng Anh cho biết: “Với tình trạng căng thẳng hiện nay đối với hoạt động sản xuất quân sự của Nga, việc mất bất kỳ khung máy bay nào đã được xác nhận sẽ khó có thể thay thế trong ngắn hạn và trung hạn”.

Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh cho biết: “Tổn thất này cũng có thể sẽ tạo thêm áp lực lên các phi công và máy bay của Nga, những người gần như chắc chắn đang phải đối mặt với các vấn đề về kiệt sức trong chiến đấu và bảo trì do chiến dịch kéo dài không lường trước được”.

Bộ Quốc phòng Anh nói thêm rằng có khả năng thực tế là cuộc tấn công sẽ buộc Nga một lần nữa phải di dời các căn cứ điều hành cũng như các nút chỉ huy và kiểm soát ra xa tiền tuyến, làm tăng gánh nặng cho chuỗi hậu cần.

Không quân Hoàng gia Anh cho biết Mạc Tư Khoa có 899 máy bay trực thăng vào thời điểm bắt đầu cuộc tấn công toàn diện của Nga vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Theo số liệu mới nhất từ Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine, Mạc Tư Khoa đã mất 324 chiếc trực thăng kể từ khi chiến tranh bắt đầu.

4. Nga vừa trải qua một trong những ngày tang tóc nhất cho đến nay

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Just Suffered One of Its Deadliest Days So Far, According to Kyiv”, nghĩa là “Kyiv cho biết Nga vừa trải qua một trong những ngày chết chóc nhất cho đến nay.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Cẩm Hạnh.

Quân đội Kyiv cho biết trong một bản cập nhật hôm thứ Sáu rằng Nga đã mất hơn 1.300 quân chỉ trong một ngày, đánh dấu một trong những ngày đẫm máu nhất của Nga kể từ khi xâm chiếm Ukraine.

Khi Kyiv đẩy mạnh phản công để đòi lại lãnh thổ bị tạm chiếm, lực lượng Mạc Tư Khoa đã mất 1.380 quân nhân trong 24 giờ qua, nâng tổng số thương vong của Nga kể từ tháng 2 năm 2022 lên 292.060, theo số liệu do Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang công bố vào ngày 20 tháng 10.

Newsweek không thể xác minh độc lập các số liệu. Các ước tính về con số thương vong khác nhau, trong đó con số của Kyiv thường vượt quá con số của các đồng minh phương Tây. Nga hiếm khi công bố thông tin về tổn thất quân đội, nhưng vào tháng 9/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết 5.937 binh sĩ đã thiệt mạng trong cuộc chiến.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để yêu cầu bình luận qua email.

Nga cũng mất 5.047 xe tăng, trong đó 120 chiếc bị phá hủy trong 24 giờ qua, 9.557 xe thiết giáp, trong đó 120 chiếc bị phá hủy chỉ trong một ngày. Theo bản cập nhật, tổng cộng 29 hệ thống pháo binh của Nga cũng bị phá hủy trong ngày qua, nâng tổng thiệt hại lên 7.012.

Các tổn thất khác của Nga bao gồm 9.370 xe chuyển quân và nhiên liệu, 822 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 548 hệ thống phòng không, 985 thiết bị đặc biệt, 1.535 hỏa tiễn hành trình, 320 máy bay, 324 máy bay trực thăng, 5.326 máy bay không người lái, 20 tàu thuyền và một tàu ngầm. tới Kyiv.

Thương vong của Ukraine và Nga tiếp tục gia tăng trong bối cảnh cuộc phản công của Kyiv bắt đầu vào đầu tháng 6. Các cuộc đụng độ nặng nề đã được báo cáo khi Mạc Tư Khoa cố gắng chiếm giữ thị trấn Avdiivka ở vùng Donetsk của Ukraine, nơi đã trở thành mục tiêu xâm lược của Nga kể từ năm 2014, khi Putin sáp nhập bất hợp pháp miền nam bán đảo Crimea từ Ukraine.

Các lực lượng của Mạc Tư Khoa, bắt đầu từ ngày 10 tháng 10, đã tiến hành cuộc tấn công lớn nhất trong nhiều tháng nhằm cố gắng chiếm Avdiivka, đổ hàng nghìn binh sĩ, xe tăng và xe thiết giáp.

Vào ngày 11 tháng 10, nhà lãnh đạo chính quyền quân sự địa phương ở Avdiivka, Vitaliy Barabash, cho biết trên truyền hình quốc gia rằng các trận chiến xung quanh Avdiivka “không hề suy giảm” và “hai chục hỏa tiễn” đã tấn công khu vực, dẫn đến nhiều thương vong.

Radu Hossu, một chiến lược gia chính trị đăng bài về cuộc chiến ở Ukraine trên X, trước đây gọi là Twitter, cho biết trong một bản tóm tắt về cuộc tấn công ở Avdiivka tuần trước rằng hàng trăm lính bộ binh Nga đang bị pháo binh Ukraine “nghiền nát”.

Hossu viết: “Thật khó tin và gần như không thể tưởng tượng được cách người Nga coi thường quân đội của họ, tấn công hoàn toàn vô tổ chức và vô nghĩa trong nỗ lực bao vây thị trấn pháo đài ở rìa Donetsk”.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh hôm thứ Năm cho biết Mạc Tư Khoa đã thực hiện “một bước tiến nhỏ được xác nhận” về hướng Avdiivka và lực lượng của Kyiv đã tiến hành các cuộc phản công hạn chế gần thị trấn và “được cho là đã tiến lên”.

5. Tổn thất quá lớn, Nga buộc phải thay đổi chiến thuật sử dụng trực thăng Ka-52

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Forced to Change Ka-52 Helicopter Tactics After Slew of Losses: Kyiv”, nghĩa là “Kyiv cho biết Nga buộc phải thay đổi chiến thuật trực thăng Ka-52 sau nhiều tổn thất.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Cẩm Hạnh.

Một quan chức Ukraine hôm thứ Năm cho biết Nga buộc phải thay đổi cách thức hoạt động của trực thăng Ka-52 trong cuộc chiến Ukraine sau khi chịu tổn thất đáng kể.

Đại tá Oleksandr Shtupun, phát ngôn nhân của nhóm lực lượng Tavria của Ukraine bao trùm thị trấn Avdiivka ở Donetsk, đã giải thích sự thay đổi chiến thuật của Mạc Tư Khoa khi xuất hiện trên Svoboda.Ranok, một dự án của Đài Âu Châu Tự Do.

Dữ liệu công khai cho thấy Nga đã mất một số lượng đáng kể máy bay trực thăng kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine của Tổng thống Vladimir Putin bắt đầu vào tháng 2 năm 2022. Ka-52, được Nga gọi là “Alligator” và NATO gọi là “Hokum-B”, được các chuyên gia quân sự mô tả là một trong những máy bay trực thăng tấn công có khả năng nhất của Nga.

“ Ở giai đoạn này, chúng tôi đang tiêu diệt chúng bằng các cuộc tấn công hỏa tiễn”, Shtupun nói và cho biết thêm rằng lực lượng Mạc Tư Khoa đã buộc phải thay đổi chiến thuật và tiến hành các cuộc tấn công bằng trực thăng Ka-52 từ xa.

Ông nói: “Người Nga hiện không tiến vào phạm vi hoạt động hiệu quả của hệ thống phòng không của chúng tôi. “Những người lính của chúng tôi đã học cách bắn hạ chúng khá chuyên nghiệp. Vì vậy, người Nga đang phát động các cuộc tấn công từ xa.

“Những chiếc trực thăng này kém hiệu quả hơn nhiều ở khoảng cách xa so với khi chúng bay gần hơn. Đơn giản là người Nga bây giờ đang sợ hãi.”

Theo Không quân Hoàng gia Anh, gọi tắt là RAF, Nga có 899 máy bay trực thăng vào thời điểm bắt đầu cuộc tấn công toàn diện vào Ukraine. Số liệu mới nhất của Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine lưu ý rằng kể từ khi chiến tranh bắt đầu, Mạc Tư Khoa đã mất 324 máy bay trực thăng.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để yêu cầu bình luận qua email.

Trang web phân tích tình báo quốc phòng nguồn mở Oryx của Hà Lan đã xác nhận trực quan rằng Nga đã mất 115 máy bay trực thăng kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine. Người ta nói rằng 100 chiếc đã bị phá hủy, 13 chiếc bị hư hại và 2 chiếc bị bắt.

Theo Oryx, cho đến nay Mạc Tư Khoa đã mất 49 máy bay trực thăng Ka-52 trong cuộc xung đột.

Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh nhận định rằng Ukraine cũng đã phá hủy 14 máy bay trực thăng trong các cuộc tấn công vào hai phi trường quân sự của Mạc Tư Khoa ở các khu vực bị Nga tạm chiếm ở Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết lực lượng của ông đã sử dụng hỏa tiễn đạn đạo tầm xa bắn từ hệ thống hỏa tiễn chiến thuật lục quân tầm xa, gọi tắt là ATACMS, do Washington tài trợ.

6. Cuộc điều tra của Liên Hiệp Quốc tìm thấy bằng chứng mới về tội ác chiến tranh của Nga

Reuters đưa tin, một ủy ban điều tra của Liên Hiệp Quốc về Ukraine đã tìm thấy thêm bằng chứng cho thấy lực lượng Nga đã thực hiện “các cuộc tấn công bừa bãi” và tội ác chiến tranh ở Ukraine, bao gồm hãm hiếp và bắt cóc trẻ em đưa sang Nga.

“Ủy ban đã tìm thấy bằng chứng mới cho thấy chính quyền Nga đã vi phạm nhân quyền quốc tế và luật nhân đạo quốc tế cũng như các tội ác tương ứng tại các khu vực nằm dưới sự kiểm soát của họ ở Ukraine”. Báo cáo trình lên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cũng nêu rõ các cuộc tấn công ở các thành phố Uman và Kherson, cùng những nơi khác.

“Ủy ban gần đây đã ghi nhận các cuộc tấn công ảnh hưởng đến các đối tượng dân sự, chẳng hạn như các tòa nhà dân cư, nhà ga, cửa hàng và nhà kho dành cho dân sự, dẫn đến nhiều thương vong.”

Mặc dù Nga phủ nhận phạm tội ác chiến tranh nhắm vào dân thường, nhưng ủy ban cho biết họ đã ghi nhận các trường hợp cưỡng hiếp “bằng cách sử dụng vũ lực hoặc ép buộc tâm lý”.

“ Hầu hết các vụ việc xảy ra sau khi thủ phạm đột nhập vào nhà các nạn nhân”, tổ chức này cho biết. “Nạn nhân cho biết họ bị hãm hiếp bằng súng và đe dọa giết người hoặc gây tổn hại nghiêm trọng khác cho nạn nhân hoặc người thân của họ.”

Ủy ban cũng ghi nhận việc chuyển 31 trẻ em từ Ukraine sang Nga hồi tháng 5 và “kết luận rằng đây là hành động bắt cóc bất hợp pháp và là tội ác chiến tranh”. Mạc Tư Khoa nhiều lần phủ nhận việc ép buộc nhận trẻ em Ukraine.

Phái đoàn ngoại giao Nga tại Geneva đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
 
Thu Trinh - News 21 October, 2023
Đặng Tự Do
18:17 20/10/2023
1. Tòa Bạch Ốc yêu cầu viện trợ 106 tỷ Mỹ Kim cho Ukraine, và Israel, cũng như cho biên giới phía nam Hoa Kỳ

Hôm thứ Sáu 20 tháng 10, Tòa Bạch Ốc đã yêu cầu Quốc hội phê duyệt gói viện trợ khẩn cấp trị giá 106 tỷ Mỹ Kim cho Israel và Ukraine, cũng như cho biên giới phía nam Hoa Kỳ, Politico đưa tin.

Yêu cầu này bao gồm 61,4 tỷ Mỹ Kim cho Ukraine, trong đó 44,4 tỷ Mỹ Kim là để cung cấp thiết bị quốc phòng cho nước này. Đối với Israel, chính quyền Biden đang yêu cầu 14,3 tỷ Mỹ Kim. Ngoài ra, gói này còn bao gồm 9,15 tỷ Mỹ Kim để Bộ Ngoại giao Mỹ cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine, Israel và Gaza.

Chính quyền Biden phải đối mặt với một số trở ngại trong việc phê duyệt gói viện trợ này. Hạ viện đang rơi vào tình trạng bế tắc vì không có Chủ tịch Hạ Viện, trong đó một số thành viên có tiếng nói bảo thủ hơn trong Hạ viện đang phản đối số tiền viện trợ gửi đến các nước khác.

2. Quân Nga cướp phá tại thành phố Melitopol

Ivan Fedorov, thị trưởng lưu vong của thành phố, cho biết lực lượng kháng chiến Ukraine ở Melitopol bị Nga tạm chiếm đã cho nổ tung một chiếc xe hơi của binh lính Nga, những người được tường trình đang cướp bóc những căn nhà trống trong thành phố.

“Chúng thường xuyên theo dõi và cướp phá những căn nhà trống trong thành phố. Và vào thời điểm này, lực lượng kháng chiến của chúng tôi đang truy tìm quân xâm lược”, Fedorov nói. “Trong một cuộc đi săn đêm khác ở khu vực Aviamistechka, đúng lúc đang chất hàng cướp được lên xe thì một vụ nổ đã xảy ra.”

3. Lãnh đạo Âu Châu sôi sục vì cuộc gặp Putin-Orbán

Các nhà lãnh đạo Âu Châu không được “mắc bẫy” trước chiến thuật của Vladimir Putin, Tổng thống Tiệp, Petr Pavel, nói, hai ngày sau khi thủ tướng Hung Gia Lợi bắt tay nhà lãnh đạo Nga.

Viktor Orbán, trong một động thái hiếm hoi đối với nhà lãnh đạo một quốc gia thuộc Liên Hiệp Âu Châu và NATO, đã gặp Putin tại Bắc Kinh hôm thứ Ba vì điều mà văn phòng lãnh đạo Hung Gia Lợi mô tả là một cuộc thảo luận về hợp tác năng lượng và hòa bình.

Hung Gia Lợi từ lâu đã bị chỉ trích vì sự thụt lùi dân chủ trong nước cũng như các chính sách thân thiện với Nga và Trung Quốc ở nước ngoài.

Ngoại trưởng nước này, Péter Szijjártó, thường xuyên đến thăm Mạc Tư Khoa. Và trong một động thái khiến các đồng minh của mình thất vọng, Hung Gia Lợi - cùng với Thổ Nhĩ Kỳ - vẫn chưa phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển.

Cuộc gặp giữa Orbán và Putin trong tuần này đã khiến các quan chức ở thủ đô phương Tây sôi sục. Trong một tuyên bố bằng văn bản gửi cho Guardian hôm thứ Năm, Tổng thống Tiệp, Petr Pavel, cựu tướng NATO, cho biết: “Như đã nhiều lần được chứng minh, Putin không gặp các nhà lãnh đạo Âu Châu với mục đích đạt được hòa bình ở Ukraine. Hòa bình có thể đạt được mà không cần bất kỳ cuộc đàm phán nào từ phía ông ta, chỉ bằng cách ngừng tấn công và rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine.”

“Putin chỉ tổ chức những cuộc họp này với mục đích phá vỡ sự thống nhất của các nước Âu Châu và toàn bộ thế giới dân chủ. Chúng ta không nên mắc phải chiến thuật của hắn ta.”

Hôm thứ Tư, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas nói với Reuters rằng hình ảnh thủ tướng Hung Gia Lợi bắt tay Putin là “rất, rất khó chịu” và bất chấp logic.

Đại sứ Mỹ tại Budapest, David Pressman, cũng chỉ trích gay gắt cuộc gặp. Ông viết trên mạng xã hội: “Nhà lãnh đạo Hung Gia Lợi chọn đứng về phía người đàn ông có lực lượng phải chịu trách nhiệm về tội ác chống lại loài người ở Ukraine và đứng một mình trong số các đồng minh của chúng tôi”. “Trong khi Nga tấn công thường dân Ukraine, Hung Gia Lợi lại cầu xin các thỏa thuận kinh doanh.”

Đại sứ Đức tại Hung Gia Lợi, Julia Gross, cũng lặp lại điều này. “Sau cuộc gặp gỡ đó Putin có chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine, có chấm dứt việc bắn phá dân thường, pháo kích vào trường học và bệnh viện, bắt cóc trẻ em không?” cô ấy đã viết trên X, trước đây là Twitter. “Điều đó chắc chắn là có ý nghĩa và được thảo luận rồi phải không?”

Orbán đang ở Bắc Kinh để tham dự một diễn đàn quốc tế về sáng kiến cơ sở hạ tầng vành đai và con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Phát ngôn nhân của chính phủ Hung Gia Lợi, Zoltán Kovács, đáp trả những người chỉ trích: “Lập trường của Hung Gia Lợi đối với Nga và cuộc chiến ở Ukraine đã rõ ràng ngay từ đầu. Chúng tôi luôn ủng hộ đối thoại cởi mở và minh bạch với các bên liên quan nhằm hỗ trợ tìm ra giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột đẫm máu này.

“Tôi cảm thấy thích thú khi thấy các chính trị gia này đổ xô chỉ trích chính phủ Hung Gia Lợi và lợi ích được tuyên bố công khai của chúng tôi trong việc duy trì mối quan hệ ngoại giao với Nga, trong khi tính ưu việt về mặt đạo đức của họ lại bị ảnh hưởng.

4. Kharkiv hứng chịu nhiều vụ pháo kích của quân Nga

Oleg Sinegubov, nhà lãnh đạo chính quyền nhà nước khu vực Kharkiv, cho biết tỉnh Kharkiv đã hứng chịu một số cuộc tấn công từ lực lượng Nga, khiến một số người bị thương và làm hư hại các ngôi nhà và tòa nhà dân sự.

Cuộc pháo kích của Nga vào thành phố Vovchansk hôm Thứ Sáu đã làm hai người đàn ông bị thương, 57 và 69 tuổi, đồng thời làm hư hại một tòa nhà dành cho trẻ em và thanh thiếu niên sáng tạo cũng như bốn tòa nhà dân cư.

Một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào Kupyansk-Vuzloviy đã làm hư hại các cửa hàng gần đó nhưng không gây thương tích.

Tại làng Pidlyman, một hỏa tiễn của Nga đã bắn trúng một sân tư nhân, làm hư hại một nhà kho và mái một ngôi nhà. Trong khi đó, cuộc pháo kích của Nga vào làng Pisky-Radkivski đã làm hư hại hai ngôi nhà dân và các trang trại.

Tại thành phố Kharkiv, một người đàn ông dân sự 42 tuổi đã bị thương khi đang thu thập phế liệu và giẫm phải một thiết bị nổ không xác định.”

5. Một người thiệt mạng trong cuộc không kích của Nga vào tỉnh Kherson

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm thứ Bẩy 21 tháng 10, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska cho biết một phụ nữ đã thiệt mạng trong cuộc không kích của Nga vào Beryslav ở tỉnh Kherson sáng nay.

Cô cho biết lực lượng Nga đã sử dụng bom dẫn đường nhằm vào Beryslav và bắn 4 khẩu súng phòng không vào thành phố. Một cụ bà 80 tuổi cũng bị thương nặng tại nhà.

Cô nói: “Những người dân bất khuất của Berislav vẫn ở lại quê hương của họ. Sự can đảm của họ thật đáng kinh ngạc.”

Lực lượng Nga cũng tấn công Novoberislav bằng hai quả bom dẫn đường. Cơ quan chức năng vẫn đang đánh giá thiệt hại ở đó.

“Mọi người luôn sống trong nỗi sợ hãi. “Đối phương đang ở gần.”

6. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy mong mỏi nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng tại Hoa Kỳ

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết sau cuộc điện đàm với tổng thống Mỹ Joe Biden rằng sự ủng hộ của lưỡng đảng từ Hoa Kỳ là “hết sức đáng khích lệ” đối với Ukraine và quân đội của nước này.

Một nguồn tin quen thuộc với kế hoạch của ông cho biết, Biden, người đã thảo luận về việc hỗ trợ quân sự cho Kyiv với Zelenskiy trong cuộc gọi hôm thứ Năm, sẽ yêu cầu Quốc hội cấp 100 tỷ Mỹ Kim chi tiêu mới, bao gồm 60 tỷ Mỹ Kim cho Ukraine và 14 tỷ Mỹ Kim cho Israel.

Mỹ là nguồn hỗ trợ lớn nhất cho Kyiv kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine vào tháng 2 năm ngoái. Nguồn tin cho biết, một nửa trong số 60 tỷ Mỹ Kim mà Biden yêu cầu dành cho Ukraine sẽ dùng để thay thế và hiện đại hóa kho vũ khí của Mỹ.

“Sự ủng hộ vững chắc của lưỡng đảng dành cho Ukraine ở Hoa Kỳ là điều vô cùng đáng khích lệ đối với tất cả các chiến binh của chúng tôi và cho toàn thể đất nước chúng tôi,” Zelenskiy cho biết như trên.

Ông nói: “Đầu tư của Mỹ vào quốc phòng của Ukraine sẽ bảo đảm an ninh lâu dài cho toàn bộ Âu Châu và thế giới”.
 
VietCatholic TV
Tư Lệnh Nga, biệt danh Ông Kẹ, công thần vụ chiếm Crimea, tử trận. Mỹ đỡ cho Israel vụ tấn công lớn
VietCatholic Media
03:40 20/10/2023


1. Chỉ huy Nga khét tiếng, có biệt danh Ông Kẹ, đã tử trận ở Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Infamous Russian Militant Killed in Ukraine: Reports”, nghĩa là “Các báo cáo cho thấy chiến tướng Nga khét tiếng đã bị hạ sát.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy,

Một chỉ huy khét tiếng người Nga, là người đóng vai trò quan trọng trong vụ sáp nhập Crimea năm 2014, được tường trình đã bị giết ở Ukraine.

Alexander Mozhayev – người được biết đến với biệt danh “Babai”, là từ tiếng Nga có nghĩa là “ông kẹ” – đã bị giết vào đêm thứ Tư trong một trận chiến ở vùng Zaporizhzhia phía nam Ukraine, theo một báo cáo hôm thứ Năm từ The Moscow Times dẫn lời Đại tá quân đội Ukraine Anatoly Stefan và nhiều blogger quân sự Nga.

Mozhayev được cho là chỉ huy của nhóm chiến binh Cossack Volchya Sotnya, hay “Trăm Sói”. Ông đã tham gia vào nỗ lực thành công của Nga nhằm sáp nhập Crimea vào năm 2014 và là chỉ huy phó cho cựu chỉ huy quân đội Nga hiện đang bị bỏ tù Igor Girkin trong việc chiếm giữ thành phố Slovyansk của Donbas trong cùng năm đó.

Vào thời điểm đó, Ukraine đã đưa ra những gì họ nói là bằng chứng chụp ảnh cho thấy Mozhayev là điệp viên của đơn vị tình báo Nga, là điều mà Kyiv tuyên bố đã chứng minh mối liên hệ giữa chính phủ Nga và phong trào ly khai thân Nga đang đấu tranh để giành quyền kiểm soát Donbas.

Mozhayev đã bác bỏ tuyên bố này trong một bài báo trên tạp chí Time năm 2014, tự nhận mình là “một võ sĩ có phong cách ôn hòa với bộ ngực như cái thùng”. Anh ta cũng cho rằng các hoạt động của anh ta ở nước ngoài có liên quan đến những khó khăn đối với việc thực thi pháp luật ở trong nước, đồng thời cho rằng chính quyền Nga cáo buộc anh ta “cố ý giết người bằng dao” và anh ta đang bị nhắm đến vì từ chối đưa hối lộ. Nói cách khác, anh ta tìm cách phủ nhận các liên quan đến chính quyền Nga, mặc dù, cả cha và mẹ anh ta đều là người Nga.

Trước khi trở thành một chiến binh trong lực lượng ly khai thân Nga, Mozhayev được cho là đã phải ngồi tù 5 năm sau khi bị kết án năm 2005 về tội buôn bán ma túy.

Newsweek đã đưa ra bình luận với Bộ Ngoại giao Nga qua email vào thứ Năm.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến tranh, tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Washington, DC, các lực lượng Ukraine được tường trình đã đạt được một số tiến bộ trên lãnh thổ do Nga nắm giữ ở Zaporizhzhia vào hôm thứ Tư.

Theo một bài đăng trên Telegram của Chuẩn tướng Ukraine Oleksandr Tarnavskyi, cuộc phản công của Ukraine đã “thành công một phần” gần Verbove, một thị trấn cách khu định cư Robotyne mà Ukraine tái chiếm khoảng 6 dặm.

Tarnavskyi tuyên bố rằng 322 chiến binh của Nga đã bị tiêu diệt hôm thứ Tư. Ông cũng nói rằng “những kẻ khủng bố Nga” đang “sử dụng dân thường làm lá chắn sống” khi định cư “hàng loạt” tại các chung cư cao tầng ở thành phố Tokmak bị Nga tạm chiếm.

Cuộc phản công của Ukraine đang dần tiến về phía Tokmak. Thị trưởng Melitopol lưu vong Ivan Fedorov cho biết gia đình các sĩ quan Nga đã được di tản khỏi Tokmak hồi đầu tháng này.

“Người Nga nói không có rối loạn, nhưng thực ra đang có hoảng loạn,” Fedorov nói trên Telegram. “Vài tuần trước, quân xâm lược Nga bắt đầu di tản các cơ quan 'chính quyền', và vài ngày trước, các sĩ quan Nga bắt đầu ráo riết di tản gia đình họ... đối phương chắc chắn không vui.”

2. Người Ukraine biết chính xác nơi để nhắm hỏa tiễn M39 mới của họ: Một góc đông đúc của phi trường Berdyansk

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “The Ukrainians Knew Exactly Where To Aim Their New M39 Missiles: A Crowded Corner Of The Berdyansk Airfield”, nghĩa là “Người Ukraine biết chính xác nơi để nhắm hỏa tiễn M39 mới của họ: Một góc đông đúc của phi trường Berdyansk”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân

Quân đội Ukraine biết chính xác nơi để nhắm các hỏa tiễn M39 do Mỹ sản xuất mới giao vào đêm thứ Hai hoặc sáng sớm thứ Ba: đó là sân đậu máy bay trực thăng phía bắc tại phi trường bên ngoài Berdyansk bị Nga tạm chiếm.

Đó là nơi lực lượng không quân Nga đã đậu một số trực thăng tấn công mà họ đã triển khai cho các hoạt động ở miền nam Ukraine.

Các chuyên gia hỏa tiễn Ukraine đã đưa tọa độ vào bộ điều khiển hỏa lực của Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao của họ. Ba quả M39 lao lên bầu trời đêm và vài phút sau, rải gần một nghìn quả đạn con ra khắp sân đậu máy bay.

Theo Fighterbomber, một kênh Telegram nổi tiếng của Nga, kết quả là “một trong những cuộc tấn công nghiêm trọng nhất mọi thời đại” trong cuộc chiến kéo dài 21 tháng của Nga với Ukraine. Quân đội Ukraine tuyên bố họ đã phá hủy tổng cộng 9 máy bay trực thăng trong cuộc tấn công Berdyansk và một cuộc đột kích đồng thời vào một cơ sở ở Luhansk, xa hơn về phía đông.

Nhóm phân tích Frontelligence Insight của Ukraine đã so sánh hình ảnh vệ tinh Planet Labs có độ phân giải cao từ tháng 9 với hình ảnh có độ phân giải thấp hơn từ thứ Tư để xác nhận tuyên bố của quân đội.

Frontelligence Insight đã xem xét kỹ lưỡng hình ảnh từ ngày 29 tháng 9 và xác định chính xác 4 chiếc trực thăng Kamov Ka-52 và một chiếc Mil Mi-24 đậu trên sân đỗ phía bắc của căn cứ Berdyansk. Sau đó, nhóm đã xem xét kỹ lưỡng hình ảnh từ ngày 17 tháng 10 — và tìm thấy những vết cháy xém ở nơi mà lẽ ra năm chiếc trực thăng đó đã ở đó.

Về bốn chiếc trực thăng còn lại, Kyiv khẳng định nó đã bị phá hủy: có thể chúng ở Berdyansk, có thể chúng ở Luhansk. Frontellect Insight lưu ý: “Có thêm dấu hiệu tàn phá trên phi trường” ở Berdyansk. “Tuy nhiên, chúng tôi chưa đưa những chi tiết đó vào báo cáo này do khó khăn trong việc xác định chính xác các vật thể và đánh giá mức độ thiệt hại của chúng.”

Thiệt hại mà Frontellect Insight có thể xác nhận được là trải dài trên chiều dài khoảng 400 yard của sân máy bay. Việc người Ukraine có thể tấn công chính xác khu vực cụ thể của phi trường nhấn mạnh tính chắc chắn cơ bản của hỏa tiễn M39.

Hệ thống hỏa tiễn chiến thuật lục quân M39, hay ATACMS, là hỏa tiễn đạn đạo nặng 2 tấn, nặng 13 feet với động cơ hỏa tiễn rắn và đầu đạn chứa 950 quả đạn con cỡ lựu đạn. Được bắn bằng bệ phóng bánh xích hoặc bánh lốp, hỏa tiễn cổ điển của những năm 1990 có tầm bắn xa tới 100 dặm dưới sự dẫn đường quán tính.

Một quả M39 thường tấn công trong phạm vi 50 thước tính từ điểm rơi của nó. Điều này không phải là siêu chính xác theo tiêu chuẩn hiện đại, nhưng nó đủ chính xác khi coi M39 là vũ khí bao trùn khu vực. Khi hỏa tiễn lao thẳng về phía mục tiêu, nó quay tròn và nổ tung, rải các quả bom bằng thép và vonfram ra khắp một khu vực có thể rộng hàng chục nghìn feet vuông.

Đầu đạn con là lựa chọn hoàn hảo để tấn công các cơ sở lớn có nhiều thiết bị không được bảo vệ. Ví dụ, một phi trường với những chiếc máy bay mỏng manh, trực thăng, máy cung cấp nhiên liệu và thiết bị hỗ trợ.

Không phải vô cớ mà khi thử nghiệm M39, Quân đội Mỹ đã nhắm hỏa tiễn vào một phi trường giả, nơi quân đội đậu những chiếc trực thăng và xe tải cũ. Đoạn phim thử nghiệm cho thấy đạn con xé toạc các phương tiện.

Với quy mô của phi trường Berdyansk, dàn hỏa tiễn Ukraine vẫn cần nhắm ATACMS của mình vào các góc cụ thể của mục tiêu và dựa vào độ chính xác cũng như hiệu ứng khu vực của hỏa tiễn để thực hiện phần còn lại.

Nó đã hoạt động. Và bây giờ người Nga phải đưa ra một số lựa chọn khó khăn để bảo vệ các máy bay trực thăng còn sống sót của họ khỏi các cuộc đột kích ATACMS tiếp theo.

Frontellect Insight lưu ý: “Tác động của cuộc tấn công tàn khốc này là không thể phủ nhận. “Nó có thể sẽ làm gián đoạn các hoạt động của trực thăng ở miền nam Ukraine trong một thời gian, buộc người Nga phải điều chỉnh hậu cần và hoạt động của các căn cứ trực thăng gần đó.”

3. Bộ trưởng Quốc phòng Vương Quốc Anh cảnh báo các nhà lập pháp Mỹ không được rời mắt khỏi cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Ký giả TIM ROSS của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “Don’t let Israel-Hamas war distract from Ukraine, Grant Shapps tells US”, nghĩa là “Grant Shapps nói với Mỹ: Đừng để chiến tranh Israel-Hamas làm xao lãng Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Phương Tây không được để Putin thoát khỏi cuộc xâm lược Ukraine mà không bị trừng phạt, Bộ trưởng Quốc phòng Anh nói với POLITICO trong chuyến thăm DC.

Ông cảnh báo các nhà lập pháp Mỹ không được rời mắt khỏi cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Trong một cuộc phỏng vấn với POLITICO trong chuyến thăm Washington, Shapps đã đưa ra quan điểm - lịch sự về mặt ngoại giao nhưng rõ ràng - rằng sẽ là một thảm họa nếu cuộc khủng hoảng “diễn biến nhanh” ở Trung Đông khiến phương Tây mất tập trung vào nhu cầu hỗ trợ Kyiv.

Shapps nói: “Chúng ta đừng quên Ukraine. “Điều thực sự quan trọng là chúng ta cũng phải giữ được sự tập trung của thế giới ở đó. Chúng ta co thể lam được việc nay. Chúng ta có thể tập trung vào cả Âu Châu và Trung Đông cùng một lúc và tôi chỉ muốn có mặt ở đây để thực hiện một số hoạt động phối hợp đó.”

Câu hỏi về sự hỗ trợ liên tục của Mỹ dành cho Ukraine đã được đặt ra trước cuộc tấn công của Hamas vào Israel vào ngày 7 tháng 10, là biến cố đã thống trị các cuộc tranh luận chính trị của phương Tây kể từ đó. Một gói viện trợ mới của Mỹ cho Ukraine đã bị hoãn lại sau khi Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy bị cách chức, đó là một sự thật khiến Kyiv lo lắng hồi đầu tháng này. Shapps sẽ trình bày vấn đề về việc gắn bó với Ukraine với các nhà lập pháp Hoa Kỳ vào thứ Tư.

“Tôi dành thời gian với Quốc Hội, nhưng tôi nghĩ rằng mọi người đều hiểu rằng bạn không để một tên bạo chúa như Putin thoát khỏi việc xâm chiếm người hàng xóm dân chủ của họ; bởi vì những người khác trên khắp thế giới cũng sẽ đi đến kết luận tương tự rằng họ có thể làm điều tương tự mà không phải gánh hậu quả,” ông nói. “Thực ra, tôi nghĩ rằng, cuối cùng, dù gặp khó khăn, cho dù bạn là Đảng viên Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa, Đảng Bảo thủ và một số người thuộc Đảng Lao động, hãy thừa nhận đó là sự thật.”

Shapps là một trong những bộ trưởng Anh đã gọi điện cho các chính phủ Trung Đông để cố gắng ngăn chặn cuộc xung đột vượt khỏi tầm kiểm soát. Ông nói: “Răn đe là lý do chính khiến ông gửi khí tài quân sự đến khu vực.

Nhưng nguy cơ vẫn còn thực tế là cuộc khủng hoảng có thể leo thang, với sự lôi kéo của Iran và các cường quốc khác trong khu vực. Nếu điều đó xảy ra, câu hỏi sẽ chuyển sang việc liệu quân đội phương Tây có cần được triển khai hay không. Shapps nói: “Chắc chắn không có kế hoạch đưa quân đội đến đó”.

“Chúng tôi đã gửi tàu, chúng tôi đã gửi máy bay, trực thăng và thủy quân lục chiến. Chúng tôi đã mở rộng sự hỗ trợ của mình ở nhiều địa điểm khác nhau ở Trung Đông. Tại sao chúng tôi đã làm điều đó? Thứ nhất là răn đe. Đừng ai nhìn vào chuyện này và nghĩ rằng đây là cơ hội để chúng tôi nhúng tay vào và khuấy động mọi chuyện.”

Cuộc phỏng vấn diễn ra hôm thứ Ba đúng lúc có tin tức về vụ tấn công bệnh viện ở Gaza. Mặc dù Shapps không bình luận cụ thể về vụ việc đó, nhưng ông nhấn mạnh rằng ông đã nói với các bộ trưởng Israel một cách riêng tư cũng như công khai rằng Anh ủng hộ quyền của họ nhắm vào Hamas, một cách “tương xứng”.

Ông nói: “Anh tin rằng Israel hoàn toàn có quyền truy lùng Hamas, một tổ chức khủng bố vừa tràn vào và giết chết khoảng 1.500 người, làm bị thương và nhiều người khác”. “Những phán xét về cách thực hiện điều đó, miễn là nó phù hợp với luật nhân đạo quốc tế, là dành cho Israel. Tôi sẽ không tham gia vào cuộc trò chuyện riêng tư của chúng tôi với họ, nhưng tôi có thể nói với bạn rằng tôi nói điều tương tự ở nơi riêng tư cũng như ở nơi công cộng, đó là, theo luật nhân đạo quốc tế, hãy bảo đảm hành xử một cách tương xứng, nhưng có một công việc cần phải làm xong.”

4. Biden chọc giận Điện Cẩm Linh khi so sánh Putin với Hamas

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Biden Compares Putin to Hamas as US Navy Takes Rare Action to Defend Israel”, nghĩa là “Biden so sánh Putin với Hamas khi Hải quân Hoa Kỳ thực hiện hành động hiếm hoi là bảo vệ Israel.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tổng thống Joe Biden hôm thứ Năm đã so sánh trực tiếp giữa cuộc chiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Ukraine và cuộc tấn công gần đây của Hamas vào Israel.

Bài phát biểu của Biden từ Phòng Bầu dục được đưa ra ngay sau khi Ngũ Giác Đài công bố một tàu khu trục mang hỏa tiễn dẫn đường của Hải quân Hoa Kỳ ở phía bắc Biển Đỏ đã bắn hạ nhiều hỏa tiễn và máy bay không người lái do lực lượng Houthi được Iran hậu thuẫn ở Yemen phóng đi. Ngũ Giác Đài cho biết Israel có khả năng là mục tiêu của cuộc tấn công bị ngăn chặn.

Hôm thứ Tư, Biden đã tới Israel, nơi ông nhắc lại tình đoàn kết của Mỹ với Israel sau cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 của Hamas vào nước này. Cuộc tấn công của Hamas là cuộc tấn công đẫm máu nhất của phiến quân Palestine vào Israel trong lịch sử. Israel sau đó đã tiến hành các cuộc không kích dữ dội nhất từ trước đến nay vào Gaza. Theo số liệu của hãng tin AP, ít nhất 1.400 người Israel và ít nhất 3.478 người Palestine đã thiệt mạng. Gần 200 người cũng bị bắt làm con tin trong vụ tấn công.

Tổng thống hôm thứ Năm tuyên bố Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ cả Ukraine và Israel.

“Hamas và Putin đại diện cho những mối đe dọa khác nhau nhưng họ có điểm chung: Cả hai đều muốn tiêu diệt hoàn toàn nền dân chủ láng giềng,” Biden nói.

5. Hệ thống hỏa tiễn chiến thuật lục quân tầm xa làm được những gì và không làm được những gì?

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “There’s One Thing Ukraine’s ATACMS /a-tá-kầm/ Missiles Can’t Do: Blow Up Tanks”, nghĩa là “Có một điều hỏa tiễn ATACMS /a-tá-kầm/ của Ukraine không thể làm được: đó là làm nổ tung xe tăng”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Hỏa tiễn M39 mới do Mỹ sản xuất của Ukraine có thể quét sạch toàn bộ trung đoàn trực thăng khỏi phi trường của họ và chọc thủng các đoàn xe tiếp tế cũng như khẩu đội phòng không.

Nhưng có rất nhiều điều M39 không thể làm được. Trong số đó, là việc tiêu diệt những phương tiện chiến đấu được bảo vệ tốt nhất. Lý do rất đơn giản: đầu đạn của M39 có thể phóng ra khoảng một nghìn quả đạn con cỡ lựu đạn, nhưng nếu không có một quả may mắn trúng đích thì không có quả đạn con nào đủ mạnh để gây sát thương nghiêm trọng cho xe tăng.

Hệ thống hỏa tiễn chiến thuật quân đội M39 là hỏa tiễn đạn đạo nặng 2 tấn, dài 13 feet hay gần 4 mét với động cơ hỏa tiễn rắn và đầu đạn chứa 950 quả đạn con M74 cỡ lựu đạn. Được bắn bằng bệ phóng Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao có bánh xích hoặc M270, hỏa tiễn cổ điển của những năm 1990 có tầm bắn xa tới 100 dặm dưới sự dẫn đường quán tính.

Quân đội Hoa Kỳ có hàng trăm khẩu M39 đã hết hạn hoặc gần hết hạn sử dụng trong kho vũ khí của mình. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong những tuần gần đây đã lặng lẽ chuyển đến Ukraine một số lượng hỏa tiễn cũ không được tiết lộ - có lẽ là sau khi kiểm tra động cơ hỏa tiễn rắn của chúng.

Vào đêm thứ Hai hoặc sáng sớm thứ Ba, ba chiếc HIMARS của quân đội Ukraine đã bắn mỗi chiếc một quả M39 vào một phi trường bên ngoài Berdyansk, ở Ukraine bị Nga tạm chiếm. Các hỏa tiễn lao thẳng qua các hệ thống phòng không của Nga và rải gần 3.000 quả đạn con M74 của họ trên sân đậu máy bay phía bắc của phi trường, làm nổ tung các trực thăng tấn công Mil Mi-24 và Kamov Ka-52 của không quân Nga đậu ở đó.

Quân đội Ukraine tuyên bố đã phá hủy 9 máy bay trực thăng. Các nhà phân tích đã xác nhận có tới sáu chiếc bị phá hủy hoàn toàn. Dù thế nào đi nữa, đó cũng là một tổn thất nặng nề - “một trong những cuộc tấn công nghiêm trọng nhất mọi thời đại” trong cuộc chiến kéo dài 21 tháng của Nga với Ukraine, theo Fighterbomber, một kênh Telegram nổi tiếng của Nga.

M39 và đạn con M74 nặng 1 pound, bằng thép và vonfram là loại đạn hoàn hảo để tấn công các mục tiêu ở khu vực mềm. “Khi va chạm và phát nổ, mỗi quả lựu đạn sẽ vỡ thành một số lượng lớn mảnh thép tốc độ cao, có tác dụng chống lại các mục tiêu như lốp xe tải, đạn hỏa tiễn, xe có vỏ mỏng và ăng-ten radar”, thiếu tá quân đội Mỹ James Hutton viết cho tờ báo The Center for Army Lessons Learned.

Nhưng đừng lãng phí một quả M39 trị giá hàng triệu đô la cho một trung đoàn xe tăng. Hutton nhấn mạnh rằng đạn con của nó “không có hiệu quả đối với xe thiết giáp”.

Đúng vậy, một cơn bão M74 có thể làm hỏng hệ thống quang học của xe tăng và may mắn lắm, có thể chọc thủng lớp giáp mỏng trên thân xe và làm hỏng động cơ. Nhưng đừng mong đợi một đòn tấn công trực tiếp của M74 sẽ ngăn chặn được cuộc tấn công của thiết giáp nếu xe tăng được đậy nắp và tản ra.

Không phải vô cớ mà vào cuối những năm 1990, Quân đội Hoa Kỳ đã phát triển một phiên bản mới của hỏa tiễn ATACMS có thể mang theo 13 loại đạn chống tăng dẫn đường.

Chính quyền Biden đã nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ sẽ cung cấp ATACMS cho Ukraine “mà không gây nguy hiểm cho khả năng sẵn sàng quân sự của chúng tôi”. Điều đó dường như có nghĩa là những quả M39 đã hết hạn hoặc gần hết hạn có đủ điều kiện để chuyển giao — và những quả M48 cũ với đầu đạn đơn nhất nặng 500 pound cũng vậy. Những quả M57 mới sẽ vẫn còn trong lực lượng Hoa Kỳ.

Các quả M39 và M48 mang lại cho các bệ phóng M270 và khoảng 60 chiếc HIMARS của Ukraine rất nhiều lựa chọn. Đạn con M74 của M39 có thể quét sạch các phi trường và địa điểm hậu cần của Nga. M48 với đầu đạn xuyên thấu - mượn từ hỏa tiễn chống hạm Harpoon - có thể làm nổ tung các boongke bị chôn vùi và phá hủy các tòa nhà.

Nhưng khi xe tăng Nga tấn công, người Ukraine có thể phải yêu cầu các loại đạn khác.

6. Hệ thống hỏa tiễn chiến thuật lục quân tầm xa của Ukraine khiến Nga khiếp sợ

Ở Nga mọi người đều sợ nhà độc tài Putin. Ngay cả trùm Wagner Yevgeny Prigozhin nổi tiếng ăn nói ngang tàng cũng không dám công khai chỉ trích đích danh Putin.

Tuy nhiên, sau khi quân Ukraine dùng ATACMS phá tan 9 máy bay trực thăng và cày nát phi đạo của hai phi trường, phe diều hâu ở Nga tỏ ra thất vọng với Putin, cho rằng đáp trả của ông ta đối với việc Hoa Kỳ gởi ATACMS là quá yếu. Một blogger nổi tiếng có tên Rybar đã viết hôm thứ Tư rằng Hoa Kỳ và phương Tây đã vượt qua hết lằn ranh đỏ này đến lằn ranh đỏ khác mà chúng ta chẳng có biện pháp gì như đã cảnh cáo ban đầu ngoài những lời lẽ quá yếu như “đây lại là một sai lầm khác” hay “họ đã lún sâu hơn.” Đó chính xác là những từ ngữ mà Putin đã đưa ra từ Bắc Kinh.

Một blogger quân sự thân Ukraine nhận xét rằng có lẽ người Nga bây giờ sợ ATACMS còn hơn là sợ Putin.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Why Ukraine's ATACMS Missiles Will Terrify Russia”, nghĩa là “Tại sao hỏa tiễn ATACMS của Ukraine sẽ khiến Nga khiếp sợ.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Hỏa tiễn ATACMS do Ukraine vận hành hiện đang được sử dụng ở quốc gia bị chiến tranh tàn phá này sẽ đe dọa ưu thế trên không cực kỳ quan trọng của Nga, cho dù Putin đã vỗ tay đáp trả Washington vì đã cung cấp hỏa tiễn tầm xa cho Ukraine.

Kyiv đã sử dụng các phiên bản tầm ngắn của ATACMS để tấn công các căn cứ quân sự của Nga ở thành phố Zaporizhzhia của Berdiansk và thành phố Luhansk do Nga kiểm soát vào sáng sớm thứ Ba, trong lần đầu tiên sử dụng vũ khí tầm xa do Mỹ cung cấp ở Ukraine.

Lực lượng tác chiến đặc biệt của Ukraine cho biết, Kyiv đã phá hủy 9 máy bay trực thăng của Nga và một số tài sản khác của Nga tại các căn cứ quân sự, bao gồm một bệ phóng phòng không, một kho đạn dược, phi đạo và các thiết bị đặc biệt không xác định. Tuy nhiên, Kyiv ban đầu không xác nhận việc sử dụng ATACMS trong tuyên bố của lực lượng đặc nhiệm.

Vladimir Rogov, một quan chức được Mạc Tư Khoa hậu thuẫn tại vùng Zaporizhzhia phía nam Ukraine, nơi Berdiansk tọa lạc, cho biết các biến thể của ATACMS đã được sử dụng trong thành phố, cũng như một dạng Bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất, gọi tắt là GLSDB.

“ATACMS đã chứng tỏ được bản lĩnh”, xác nhận của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy sau đó vào thứ Ba.

Phát ngôn nhân Hội đồng An ninh Quốc gia Adrienne Watson cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Ba: “Chúng tôi tin rằng những ATACMS này sẽ mang lại sự tăng cường đáng kể cho khả năng chiến trường của Ukraine mà không gây nguy hiểm cho sự sẵn sàng của quân đội chúng tôi”.. Tờ New York Times đưa tin, dẫn lời hai quan chức phương Tây cho đến nay, Mỹ đã gửi khoảng 20 hỏa tiễn ATACMS. Tuy nhiên, người ta cho rằng ATACMS được cung cấp, loại bom chùm thứ hai mà Mỹ gửi tới Ukraine, không có tầm bắn tối đa mà hệ thống có thể tiếp cận.

Một số người đã báo trước cuộc tấn công này là loạt đạn mở đầu cho một giai đoạn mới trong nỗ lực chiến tranh của Ukraine, và là một cuộc tấn công khiến Mạc Tư Khoa không hề hay biết, giống như đợt phản công trên bộ mà Ukraine đã ngăn chặn kể từ đầu tháng 6 đang hướng tới giai đoạn mùa đông khó khăn hơn, lầy lội hơn.

Volodymyr Omelyan, một đại úy trong quân đội Ukraine và cựu bộ trưởng cơ sở hạ tầng, nói với Newsweek hôm thứ Tư rằng “một nhân tố thay đổi cuộc chơi khác” sẽ “cứu được nhiều sinh mạng” trong hàng ngũ Ukraine.

Hệ thống hỏa tiễn chiến thuật lục quân tầm xa, có thể “thay đổi đáng kể toàn bộ chiến lược và chiến thuật của cuộc chiến”, chuyển sự chú ý từ cuộc chiến tranh trên bộ mệt mỏi của Ukraine sang các cuộc tấn công tầm xa, Dan Rice, cựu cố vấn của quân nhân hàng đầu Ukraine, cho biết. Tướng Valery Zaluzhny, nói với Newsweek hôm thứ Ba khi đoạn phim xuất hiện được cho là cho thấy các cuộc tấn công.

Mykhailo Podolyak, cố vấn của văn phòng Zelenskiy, cho biết hôm thứ Tư: “Hôm qua, mọi người đều có thể thấy kết quả hoàn hảo của ATACMS. ATACMS hiện nằm trong tay Kyiv có nghĩa là Ukraine có thể tấn công vào hậu cần của Nga “với độ chính xác phẫu thuật và giảm bớt tình hình ở tiền tuyến”, Podolyak viết trong một bài đăng trên X.

ATACMS chắc chắn sẽ hữu ích cho Ukraine khi tấn công vào các căn cứ của Nga như phi trường, thay vì các mục tiêu kiên cố hoặc các công sự mà hỏa tiễn Storm Shadow và SCALP do Anh và Pháp cung cấp đã được thiết kế nhằm mục đích đó.

“Nga sẽ buộc phải phân tán các tài sản quân sự của mình để tránh bị tổn thương trước các cuộc tấn công ATACMS” bằng các đầu đạn chùm này. Ông nói với Newsweek rằng điều này có thể làm suy yếu hệ thống phòng không của Nga và có thể gây thêm áp lực lên hoạt động hậu cần của Mạc Tư Khoa. Ông nói thêm: “Hiệu quả của Không Quân Nga cũng có thể bị suy giảm do Nga phải rút một số tài sản Không Quân của mình ra xa tiền tuyến”.

Phân tích từ Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Hoa Kỳ cũng cho thấy hệ thống hỏa tiễn chiến thuật lục quân tầm xa, sẽ khiến các cuộc tấn công của Ukraine vào các phi trường Nga hiệu quả hơn, phá hủy nhiều máy bay và tài sản của Nga hơn. ISW dự đoán hôm thứ Ba rằng nó có thể sẽ buộc các chỉ huy Nga phải giải tán lực lượng không quân của mình và rút một số máy bay ra xa chiến tuyến.

Omelyan cho biết, với việc Ukraine không có ưu thế trên không là điều cho đến nay vẫn mang lại lợi thế cho Mạc Tư Khoa, khả năng tấn công vào các căn cứ không quân của Nga đặc biệt hữu ích.

Các cuộc tấn công chớp nhoáng của ATACMS dường như cũng khiến Mạc Tư Khoa bất ngờ, với các nguồn tin Ukraine và các nhà phân tích phương Tây đồng tình với giá trị của việc chuyển giao vũ khí bí mật.

ISW cho biết: “Mỹ có thể đã bí mật chuyển giao các hệ thống ATACMS để gây bất ngờ cho lực lượng Nga trong hoạt động và cú sốc tổng thể trong không gian thông tin của Nga cho thấy Ukraine đã đạt được hiệu quả mong muốn”.

“Thật tuyệt vời khi đây là một bất ngờ lớn đối với người Nga,” Omelyan đồng tình với Newsweek.

Oleksiy Goncharenko, một thành viên quốc hội Ukraine, cho biết cuộc tấn công của ATACMS cho thấy “vũ khí có thể hiệu quả đến mức nào”.

Ông nói với Newsweek rằng Nga sẽ “cần xây dựng lại hệ thống hậu cần của họ cho thực tế mới này”, nơi tầm ảnh hưởng của Ukraine mở rộng hơn nữa về phía sau chiến tuyến, nhưng nói thêm rằng các khả năng “quan trọng” đã đến vào cuối chiến dịch tấn công chính của Ukraine trong năm nay.

Mạc Tư Khoa đã phản ứng với sự giận dữ mà nước này thường gây ra bằng việc thông báo về việc gửi vũ khí mới tới Ukraine. Anatoly Antonov, đại sứ Mạc Tư Khoa tại Hoa Kỳ, cho biết: “Quyết định của Tòa Bạch Ốc gửi hỏa tiễn tầm xa tới Ukraine là một sai lầm khủng khiếp”. Antonov nói thêm trong một tuyên bố: “Hậu quả của bước đi này, vốn được cố tình giấu kín với công chúng, sẽ có tính chất nghiêm trọng nhất”.

Vladimir Putin đáp lại thông báo này, nói rằng hỏa tiễn gây ra “mối đe dọa bổ sung” cho lực lượng Nga ở đất nước bị chiến tranh tàn phá này, nhưng Mạc Tư Khoa đã chuẩn bị đối phó với hỏa lực bổ sung.

“Tất nhiên, chúng tôi sẽ có thể đẩy lùi những cuộc tấn công này”, ông Putin nói trong bài phát biểu được hãng thông tấn nhà nước Nga Tass đăng tải. Các hỏa tiễn tầm xa sẽ “không thể thay đổi hoàn toàn tình hình trên chiến trường. Không thể được,” ông nói thêm.

7. Mối đe dọa trực tuyến ngày càng tăng của Nga đối với Phần Lan

Ký giả Miranda Bryant thường trú ở Stockholm của tờ The Guardian có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “Finland faces growing Russian online threat, Finnish security services say”, nghĩa là “Cơ quan an ninh Phần Lan cho biết Phần Lan phải đối mặt với mối đe dọa trực tuyến ngày càng tăng của Nga”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Cơ quan an ninh cho biết Phần Lan đã phải gánh chịu ngày càng nhiều các nỗ lực gián điệp trực tuyến từ Nga kể từ khi Vladimir Putin xâm chiếm Ukraine.

Supo, cơ quan an ninh và tình báo Phần Lan, cho biết nước này phải đối mặt với nhiều mối đe dọa khác nhau từ Nga, bao gồm các cuộc tấn công mạng và thông tin sai lệch.

Tuần trước, Supo cho biết Nga là một trong những thủ phạm tích cực nhất trong các hoạt động tình báo nhắm vào Phần Lan, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng sau khi nước này gia nhập NATO và cuộc chiến ở Ukraine.

Elina Valtonen, Bộ Trưởng Ngoại Giao Phần Lan, trích dẫn Suvi Alvari, nhà phân tích cấp cao của Supo cho biết: “Các nỗ lực gián điệp của Nga nhằm vào chúng tôi đã gia tăng trong chiến tranh, chủ yếu là trên không gian mạng”.

Nga được cho là đang chuyển trọng tâm thu thập thông tin tình báo sang các hoạt động trực tuyến sau khi trục xuất một số nhà ngoại giao khỏi Helsinki. Vào tháng 6, tổng thống Phần Lan tuyên bố nước này sẽ trục xuất 9 người khỏi đại sứ quán Nga, nói rằng “hành động của họ đã trái với công ước Vienna về quan hệ ngoại giao”. Na Uy và Thụy Điển cũng đã trục xuất người Nga trong những tháng gần đây với cáo buộc họ là sĩ quan tình báo.

Valtonen nói: “Có khá nhiều vấn đề an ninh hoặc mối đe dọa trực tiếp từ Nga vào thời điểm này”. “Chúng tôi thấy rằng Nga ngày càng có động lực thu thập thông tin tình báo hướng tới chúng tôi”. Cô nói thêm, có khả năng xảy ra các cuộc tấn công mạng tiếp theo.

Các lĩnh vực được quan tâm đáng kể bao gồm tư cách thành viên NATO của Phần Lan, hỗ trợ cho Ukraine và trốn tránh các lệnh trừng phạt thông qua Phần Lan.

Cô nói: “Rõ ràng là Nga có khả năng trong không gian mạng nên chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng”. “Chúng tôi đánh giá rằng có khả năng Nga sẽ tiếp tục sử dụng các cuộc tấn công từ chối dịch vụ [khi tin tặc khiến hệ thống thông tin, thiết bị và các tài nguyên khác không thể truy cập được đối với người dùng hợp pháp] đối với chúng tôi.”

Cô cho biết mục đích của các cuộc tấn công như vậy là “tạo ra hình ảnh về các dịch vụ gặp trục trặc”. “Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá rằng khó có khả năng Nga sẽ cố gắng gây tổn hại về mặt vật lý cho cơ sở hạ tầng quan trọng của chúng tôi trên đất Phần Lan trong tương lai gần”.

Thụy Điển hôm thứ Hai cho biết họ đang phải đối mặt với các mối đe dọa chiến tranh mạng ngày càng gia tăng từ Nga và các chủ thể nhà nước khác.

Người đứng đầu lực lượng phòng thủ mạng của lực lượng vũ trang Thụy Điển, Thiếu tướng Johan Pekkari, nói với đài truyền hình SVT rằng nước này đang trải qua “hoạt động gia tăng trong lĩnh vực mạng” và đang chuẩn bị bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng khỏi các cuộc tấn công mạng trong tương lai.

Tại Phần Lan, Valtonen cho biết thay đổi lớn nhất trong quan hệ với Nga kể từ khi Phần Lan gia nhập NATO năm nay là “thái độ của Nga đối với chúng tôi - cách Nga nói chuyện với chúng tôi trước công chúng”.

Cô nói, trước khi Nga xâm lược Ukraine, hai nước đã có “mối quan hệ lạnh nhạt”, nhưng giờ đây “Nga coi chúng tôi là một quốc gia không thân thiện, là điều mà chúng tôi đã không thấy trong nhiều thập kỷ”.

Với các cuộc bầu cử ở Nga và Phần Lan dự kiến diễn ra vào mùa xuân tới, các cơ quan an ninh sẽ cảnh giác trước những can thiệp có thể xảy ra. Nhưng Supo cho đến nay vẫn chưa thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy điều đó sẽ xảy ra.

Cô cho biết thông tin sai lệch đã được sử dụng để tạo ra hình ảnh tiêu cực về Phần Lan trên các phương tiện truyền thông nhà nước Nga, khiến 80.000 người nói tiếng Nga ở Phần Lan có thể dễ bị tổn thương.

Cô nói: “Nga muốn làm suy yếu hình ảnh của Phần Lan trong mắt người dân nước này và đó là lý do tại sao có nhiều báo cáo tiêu cực về chúng tôi”.

Tuần trước, các nhà điều tra Phần Lan cho biết họ không thể loại trừ “một tác nhân nhà nước” phải chịu trách nhiệm về thiệt hại đối với đường ống dẫn khí đốt dưới biển ở Biển Baltic. Putin đã bác bỏ bất kỳ tuyên bố nào cho rằng Nga đứng đằng sau vụ việc là “rác rưởi”.

Trong một tuyên bố đưa ra vào tối thứ Hai, Cục điều tra quốc gia Phần Lan cho biết công việc của họ vẫn đang tiếp diễn và “vẫn còn một số hướng điều tra”.

Sau đó, vào thứ Ba, chính quyền Thụy Điển tiết lộ rằng đường dây cáp viễn thông dưới biển giữa đất nước họ và Estonia cũng đã bị hư hỏng. Bộ trưởng dân phòng Thụy Điển Carl-Oskar Bohlin cho biết nguyên nhân chưa rõ ràng.
 
Những người bạn của ĐGH nằm trong số các nạn nhân của Hamas. Dùng bùa ngải, pháp thuật, kết quả?
VietCatholic Media
05:27 20/10/2023


1. Đức Thánh Cha Phanxicô nói những người bạn Á Căn Đình của ngài có thể nằm trong số nạn nhân của cuộc tấn công Hamas

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài lo ngại một số người bạn Á Căn Đình của mình nằm trong số nạn nhân của cuộc tấn công của Hamas vào Israel.

Nhà báo Israel Henrique Cymerman đã đăng lên mạng xã hội của mình một đoạn video ghi lại cuộc trò chuyện qua điện thoại với Đức Thánh Cha vào thứ Bảy, ngày 14 tháng 10.

Cymerman là bạn của Đức Thánh Cha Phanxicô. Trong cuộc trò chuyện của mình, ông nói rằng nhiều người Á Căn Đình nằm trong số những người thiệt mạng và bị thương, và một số đã bị Hamas bắt làm con tin. Đức Giáo Hoàng trả lời: “Tôi biết, tôi biết. Tôi nghĩ có lẽ vài người bạn của tôi cũng nằm trong số đó.”

Nhà báo này đề nghị với Đức Thánh Cha rằng ngài sẽ gặp gia đình các con tin Israel và Á Căn Đình, vì điều này sẽ cho thấy “niềm an ủi lớn lao vào thời điểm tang tóc này”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói với Cymerman rằng ngài sẵn sàng gặp họ.


Source:National Catholic Register

2. Đức Thánh Cha kêu gọi cha sở giáo xứ tại Gaza bảo vệ các trẻ em

Cha Gabriel Romanelli, cha sở giáo xứ Thánh Gia duy nhất ở Gaza, cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi điện cho cha lần thứ tư, vài phút trước khi lệnh tối hậu do quân đội Israel đưa ra yêu cầu một triệu 100.000 dân cư tại miền Bắc Gaza phải di tản về miền Nam, trong vòng 24 tiếng đồng hồ, trước khi Israel tấn công vào miền này.

Cha Romanelli còn bị kẹt ở Bethlehem, không thể trở về nhiệm sở Gaza. Cha lo âu vì tại giáo xứ, có 150 người tị nạn tại đó. Cha cho biết Đức Thánh Cha cũng rất lo lắng vì những gì đang xảy ra tại Gaza và ngài hy vọng có khoảng trống cho một sự tạm ngưng dội bom để mở ra những hành lang nhân đạo cho hàng ngàn người đang bị khốn cùng trong lúc này.

Trong số các trẻ em tị nạn tại giáo xứ ở Gaza, có các em Kitô cũng như Hồi giáo, những người khuyết tật và bị thương được các nữ tu của Mẹ Têrêsa Calcutta giúp đỡ săn sóc.

Israel tố giác Hamas tàn ác đã giết hại 40 trẻ em Do thái trong một Kibbutz, nhưng với các cuộc dội bom mới đây, đã có 70 trẻ em Palestine bị thiệt mạng. Tổ chức Unicef của Liên Hiệp Quốc tố giác thảm trạng này và kêu gọi Israel ngưng dội bom.

Hàng trăm người Palestine đã rời gọi miền bắc Gaza, nhưng còn hàng trăm ngàn người khác còn bị kẹt tại đây. Các tổ chức của Liên Hiệp Quốc tố giác tình trạng vô nhân đạo mà dân Palestine phải chịu: hơn 2.000 bệnh nhân ở một nhà thương ở Gaza không biết đi đâu nên họ ở lại, vì ra đi thì cũng chết, ở lại cũng chết!

3. Nhật Ký Trừ Tà số 262: Trái cây đen tối của phù thủy

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #262: The Dark Fruits of Witchcraft”, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà số 262: Trái cây đen tối của phù thủy”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một người đàn ông ở độ tuổi 30 tự giới thiệu mình là một nhà phù thủy. Anh ta thú nhận đã dính líu đến phép thuật phù thủy trong bảy năm qua. Anh ta thành lập tổ chức của riêng mình và say mê sử dụng phép thuật. Khi tôi đang cầu nguyện cho anh ta, tôi bị ấn tượng bởi bóng tối, nỗi bất hạnh, sự cô lập và tâm trạng chán nản mà anh ta bộc lộ. Tôi đã đề cập đến điều đó và anh ta nói rằng đó là kết quả của việc anh ta tham gia vào những điều huyền bí. Anh ta chỉ đến trừ tà vài lần rồi dừng lại. Anh ta nghiện cảm giác quyền lực và sự kiểm soát mà nó mang lại cho anh ta. Anh không thể từ bỏ nó.

Một cựu phù thủy khác thừa nhận rằng việc thực hành này đã khiến cô “tuyệt vọng, tức giận, trống rỗng và có vẻ ngoài kiểm soát”.* Cô đã có thể dừng lại và quay trở lại với đức tin Công Giáo. Cô nhận ra rằng thuật phù thủy hứa hẹn mang lại kết quả nhưng không bao giờ thực sự mang lại kết quả. Nó cám dỗ những người thực hành nó bằng cách kiểm soát cuộc sống của họ và hứa hen sẽ gặt hái những lợi ích to lớn, nhưng thực tế nó lại khiến họ ngày càng đi sâu vào bóng tối.

Chúng tôi đang cầu nguyện cho một số người đã ăn năn về quãng đời trước của họ trong phép thuật huyền bí và đã quay trở lại với đức tin. Không có gì lạ khi các thành viên trong nhóm cũ của họ đang nguyền rủa họ và sử dụng bùa chú. Những đối tác cũ của họ trong lĩnh vực huyền bí giờ đây đang muốn họ đau khổ vì đã tách ra khỏi họ.

Để phân định điều gì thực sự đúng và sai, câu ngạn ngữ trong Kinh thánh là chìa khóa: “Xem hoa quả mà nhận biết” (Mt 7:15). Thuật phù thủy treo trái cây hấp dẫn trước mặt những người thực hành nó nhưng cuối cùng không thể thực hiện được. Những phù thủy đã cải đạo cho chúng ta biết rằng họ đã bị lừa dối bởi ảo tưởng về quyền lực và sự kiểm soát. Nhiều người bắt đầu là phù thủy “da trắng” nhưng con đường này đã đưa họ trở thành phù thủy “đen” và xa hơn là trở thành ác quỷ.

Mỗi ngày, tôi cầu nguyện cho sự hoán cải của những người thực hành phép thuật phù thủy và những điều huyền bí. Chỉ có một nguồn vui và bình an đích thực. Cầu mong họ tìm thấy Chúa Giêsu và được bình an.


Source:Catholic Exorcism

4. Đức Hồng Y Müller: Hướng dẫn mới nhất của Vatican về việc Rước lễ của những người ly dị-tái hôn cho thấy sự ‘đổ vỡ’ với giáo huấn của Giáo hội

Tám năm sau khi một trong những tài liệu có chữ ký của Đức Thánh Cha Phanxicô dường như mở ra cánh cửa cho những người Công Giáo đã ly dị và tái hôn được rước lễ trong khi vẫn có các sinh hoạt tình dục ngoài hôn nhân thành sự, một đợt xung đột công khai mới về tính hợp pháp của giáo lý đã phơi bày vấn đề đáng lo ngại như thế nào ở cấp cao nhất của Giáo Hội.

Một cựu lãnh đạo giáo lý tại Vatican, Hồng Y người Đức Gerhard Müller, đã nổ ra sau khi Đức Giáo Hoàng và tân bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin (DDF), Hồng Y Víctor Fernández, người được cho là người đứng đằng sau nhiều tác phẩm mang chữ ký của Đức Thánh Cha như Amoris Laetitia (Niềm vui của tình yêu), vào ngày 3 tháng 10 đã đưa ra câu trả lời chung cho một loạt câu hỏi chính thức, hay dubia, do Đức Hồng Y người Tiệp Dominik Duka đệ trình.

Đáp lại, Đức Hồng Y Müller đã trả lời vào ngày 13 tháng 10 bằng cách đưa ra phân tích của riêng mình về phản ứng của Vatican, gọi đó là “sự gián đoạn” với những giáo huấn rõ ràng của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI. Ngài nói rằng nó cũng mâu thuẫn với các giáo lý đã được thiết lập của Giáo hội về tội trọng và việc rước lễ hợp pháp.

Theo Đức Hồng Y, điểm tranh cãi chính được nêu ra bởi tài liệu này là tiêu chuẩn để lãnh nhận các bí tích đối với những người ly dị và tái hôn. Thật vậy, bản trả lời của Vatican đã tuyên bố rằng các giám mục nên phát triển các tiêu chí dựa trên Amoris Laetitia trong giáo phận của họ để “có thể giúp các linh mục trong việc đồng hành và phân định những người đã ly dị đang sống trong một cuộc kết hợp mới”. Bản trả lời nói thêm rằng lá thư chấp thuận của Đức Giáo Hoàng đối với các hướng dẫn do các giám mục trong vùng mục vụ của Buenos Aires ban hành để giải thích tông huấn vào năm 2016 là “huấn quyền đích thực”.

Tài liệu Buenos Aires này, được DDF trích dẫn, gợi ý rằng sau khi phân định và trước “những hoàn cảnh phức tạp”, các linh mục có thể mở rộng khả năng tiếp cận bí tích hòa giải và Bí tích Thánh Thể cho những người ly hôn tái hôn dân sự tiếp tục trong kết hiệp mới của họ.

Trong câu trả lời cho dubia, Đức Hồng Y Fernández đã giải thích chi tiết về các hướng dẫn của các giám mục Á Căn Đình, nói rằng Đức Phanxicô “thừa nhận rằng có thể có những khó khăn trong việc thực hành sự tiết dục và do đó cho phép, trong một số trường hợp, sau khi có sự phân định thích hợp, ban bí tích Hòa giải ngay cả khi người ta không chấp nhận trung thành với việc tiết dục do Giáo hội đề xuất. “

Đức Hồng Y Müller chỉ ra rằng đường lối như vậy không phù hợp với những lời dạy của Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI, vốn “cho phép những người, vì những lý do nghiêm trọng, sống cùng nhau trong một kết hợp lần thứ hai được rước lễ miễn là không có quan hệ tình dục.”

“Các ngài không cho phép Rước lễ khi những người này thường xuyên quan hệ tình dục, bởi vì trong trường hợp này có một tội trọng khách quan mà những người này muốn ở lại và tội này, vì liên quan đến bí tích hôn nhân, mang tính chất công khai,” Đức Hồng Y Müller nói

Đức Hồng Y cũng công khai cáo buộc rằng câu trả lời đã không trích dẫn chính xác đoạn văn trong thông điệp Ecclesia de Eucharistia, của Đức Gioan Phaolô II, do đó chỉ giữ lại ý tưởng rằng “việc phán xét tình trạng ân sủng rõ ràng chỉ thuộc về người có liên quan, vì đó là vấn đề kiểm tra lương tâm của một cá nhân,” đồng thời bỏ qua câu nói rằng, “trong trường hợp hành vi bề ngoài trái ngược nghiêm trọng, rõ ràng và kiên quyết với chuẩn mực luân lý, Giáo hội, trong mối quan tâm mục vụ của mình đối với trật tự tốt đẹp của cộng đồng và vì tôn trọng bí tích, không thể không cảm thấy có liên quan trực tiếp.”

Đức Hồng Y Müller cũng chỉ ra hai cách trong đó câu trả lời thậm chí còn vượt xa giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô. Thứ nhất, theo quan điểm của ngài, DDF gợi ý rằng việc rước lễ cuối cùng phải là quyết định của các tín hữu sống trong cuộc kết hợp thứ hai trên cơ sở kiểm tra lương tâm cá nhân của họ.

“Hóa ra các tín hữu tự quyết định có nhận ơn xá tội hay không, và chỉ có linh mục mới phải chấp nhận quyết định này! Nếu chúng ta áp dụng kết luận này cho mọi tội lỗi thì Bí tích Hòa giải sẽ mất đi ý nghĩa Công Giáo của nó”, ngài nhận xét.

Một tiến triển khác do trách nhiệm mang lại liên quan đến huấn quyền của Đức Thánh Cha là sự tự do được trao cho mỗi giáo phận để phát triển những hướng dẫn riêng cho việc phân định này. Nhấn mạnh rằng “sự hiệp nhất của Giáo Hội Công Giáo luôn có nghĩa là sự hiệp nhất trong Bí Tích Thánh Thể”, cựu tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin nói rằng “việc một người có thể rước lễ tại một Giáo hội địa phương chứ không phải ở một Giáo hội khác là một định nghĩa chính xác cho sự ly giáo.”

Đức Hồng Y Müller lập luận rằng tài liệu DDF này, thay vì đưa ra hướng dẫn và khôi phục sự đồng thuận về chủ đề này, vốn đã là chủ đề của một loạt nghi ngờ vào năm 2016 và đã gây ra sự bất hòa sâu sắc và lâu dài trong Giáo hội trong những năm gần đây – vẫn duy trì một sự mơ hồ tổng thể vì “sự thiếu chính xác trong cách diễn đạt” của nó có thể “cho phép có những cách giải thích khác”.

Ngài chỉ ra rằng, những nghi ngờ của ngài về độ tin cậy của bản phản hồi càng được củng cố bởi sự thiếu vắng công thức thường chính thức hóa việc phê chuẩn của Đức Giáo Hoàng đối với các tài liệu do bộ ban hành, mà trong trường hợp này chỉ mang một chữ ký ghi ngày tháng, như thể nó không gì khác hơn là một “chú thích bất cẩn.”

Vị Giám Mục người Đức tin rằng bối cảnh không chắc chắn như vậy đòi hỏi phải có một sự nghi ngờ mới: “Có những trường hợp nào, sau một thời gian phân định, có thể ban phép giải tội cho một người đã được rửa tội mà vẫn duy trì quan hệ tình dục ngoài hôn nhân bí tích với người mà mình đang chung sống hay không?”


Source:National Catholic Register
 
Hai Lữ Đoàn TQLC Ukraine vượt sông, Putin họp khẩn. Lính Nga đói quá không mặc nổi áo chống đạn
VietCatholic Media
16:11 20/10/2023


1. Vladimir Putin đã đến thăm trụ sở lực lượng Nga ở thành phố Rostov-on-Don phía nam vào cuối ngày thứ Năm để nghe báo cáo về tiến độ hoạt động ở Ukraine

Truyền hình nhà nước đưa tin hôm thứ Sáu rằng Tướng Valery Gerasimov, tổng tham mưu trưởng và chỉ huy cuộc chiến ở Ukraine, nói với Putin rằng quân đội đang “thực hiện nhiệm vụ của mình phù hợp với kế hoạch hoạt động”.

Valery Gerasimov cho biết như trên bất kể các tổn thất kinh hoàng tại thị trấn Avdiivka với hơn 3000 tử sĩ chỉ trong một tuần.

Hôm 10 tháng 10, khi quân Nga bắt đầu cuộc tấn công vào thị trấn Avdiivka, Putin đưa ra nhận xét rằngg cuộc phản công của lực lượng Ukraine đã “hoàn toàn thất bại” và các nước phương Tây ủng hộ Ukraine đã bớt diều hâu hơn trước.

Chuyến viếng thăm của Putin cho thấy trái với những luận điệu do ông ta đưa ra, quân Nga đang hứng chịu những tổn thất to lớn khiến ông ta phải lo lắng. Do đó, mới từ Trung Quốc về, ông ta đã vội vã bay xuống phía Nam.

Các quan chức quân sự cao cấp Ukraine hôm thứ Năm cho biết quân đội của họ đã đạt được một số tiến bộ trong cuộc phản công ở phía nam. Tình hình tại thị trấn Avdiivka cũng bớt căng thẳng hơn so với tuần trước.

2. Thảm trạng của lính Nga: Đói quá đến mức không mặc nổi áo chống đạn

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Soldier Too Weak From Hunger to Wear Bulletproof Vest: Audio”, nghĩa là “Âm thanh bị chặn cho thấy người lính Nga quá yếu vì đói không thể mặc nổi áo chống đạn.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Tình báo quân đội Ukraine hôm thứ Ba đã công bố đoạn ghi âm về những gì họ nói là một cuộc điện thoại bị chặn, trong đó một người lính Nga ở Ukraine than thở rằng anh ta quá yếu vì thiếu lương thực đến mức không mặc nổi chiếc áo chống đạn.

Trong đoạn ghi âm do Tổng cục Tình báo Quân đội Ukraine, gọi tắt là GUR, đăng trên kênh Telegram, một người đàn ông được xác định là thành viên của quân đội Nga nói chuyện điện thoại với vợ mình về điều kiện tồi tệ mà đơn vị của anh ta phải đối mặt. Tại một thời điểm trong cuộc trò chuyện, anh ta tuyên bố rằng đơn vị của anh ta đã không được cung cấp thực phẩm trong ba tuần.

GUR thường xuyên đăng tải đoạn ghi âm về những gì họ cho là các thông tin liên lạc bị chặn liên quan đến lực lượng Nga. Các cuộc gọi này thường là ví dụ về tinh thần xuống thấp của lực lượng của Vladimir Putin ở Ukraine. Đầu tháng này, GUR đã chia sẻ một đoạn clip ghi lại cảnh một người lính Nga thề sẽ đốt hộ chiếu của mình và lấy một cái tên Mỹ do thất vọng về diễn biến của cuộc chiến.

Theo bản dịch từ Kyiv Post của đoạn ghi âm gần đây được GUR chia sẻ, người lính nói với vợ rằng lực lượng Nga nơi anh đóng quân đã mất 100 người “trong vài ngày”.

“Cuộc tấn công đã thất bại. Mọi thứ đều ở trong tình trạng tồi tệ. Mọi người đều bị giết,” anh ta nói. “Mọi thứ tụi anh chiếm được, người Ukraine đã chiếm lại rồi.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để yêu cầu bình luận vào thứ Năm.

GUR không đưa ra thông tin về vị trí của người lính Nga, nhưng Post lưu ý rằng quân đội của Putin đã chịu thương vong nặng nề trong những tuần gần đây khi chiến đấu ở thị trấn Avdiivka của tỉnh Donetsk.

Người lính tiếp tục khẳng định rằng bộ chỉ huy quân sự Nga đã không mang thức ăn hoặc nước uống đến cho quân nhân ở vị trí của anh ta một cách kịp thời.

“Tụi anh đã không được giao đồ ăn suốt ba tuần rồi. Tụi anh đã không nhận được bất cứ lương thực nào, chẳng được giao trong ba tuần rồi. Hôm nay đã là ngày thứ bảy kể từ khi tụi anh được tiếp tế nước.”

Do thiếu lương thực và nước uống, người lính sau đó cho biết anh ta không thể mặc áo giáp.

Sau một tràng chửi thề, anh ta nói “Anh đã cởi áo chống đạn rồi. Anh không còn sức để mặc nó. Chẳng có khác biệt gì, hoàn toàn vô nghĩa. Bị thương cũng như là chết thôi vì không được đưa ra ngoài”, anh ta nói.

Người lính tiếp tục lên án các nhà chức trách quân sự, nói rằng “họ không quan tâm đến tụi anh và không quan tâm đến cuộc tấn công.”

“Anh đói và khát… cuộc chiến đã thất bại”, người quân nhân nói.

Các đơn vị Nga đã chiếm được một số vị trí gần thị trấn Avdiivka. Nhưng quân Ukraine chống trả quyết liệt. Một số đơn vị Nga may mắn chạy thoát. Một số vẫn còn bị kẹt lại, không thể di tản vì đạn pháo liên tục của quân Ukraine. Không chết vì đạn pháo, họ cũng chết vì đói khát.

3. Những động thái của Ukraine ở Kherson đang khiến Nga lo lắng

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Moves in Kherson Are Worrying Russia”, nghĩa là “Những động thái của Ukraine ở Kherson đang khiến Nga lo lắng.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy

Người dùng mạng xã hội Nga đang bày tỏ lo ngại về các báo cáo về những bước tiến của Ukraine ở khu vực Kherson phía nam bên sông Dnipro.

Ukraine phát động cuộc phản công vào đầu tháng 6, với mục đích chiếm lại lãnh thổ bị Nga tạm chiếm. Trọng tâm chính của cuộc giao tranh là trong và xung quanh Bakhmut thuộc tỉnh Donetsk, cũng như ở phía tây Zaporizhzhia xa hơn về phía nam.

Nga vẫn còn chiếm một phần của tỉnh Kherson, giáp với Crimea, là bán đảo hiện bị Mạc Tư Khoa kiểm soát mà Kyiv đã thề sẽ lấy lại.

Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine cho biết trong tuần này quân đội của họ đã tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào làng Pishchanivka, nằm ở bờ đông sông Dnipro do Nga nắm giữ. Phía Nga cũng cho biết có các cuộc không kích nhắm vào ngôi làng này trong cố gắng đẩy lui quân Ukraine.

Đoạn phim định vị được công bố hôm thứ Tư cho thấy quân Ukraine đang tiến về phía bắc thị trấn cũng như tiến vào Poyma, cách con sông khoảng 2 dặm. Những tiến bộ được Kyiv báo cáo hôm thứ Tư và thứ Năm phù hợp với các báo cáo trên các kênh Telegram của Nga rằng Ukraine đã chiếm được các lãnh thổ trong khu vực.

Blog quân sự Nga Rybar, người đã đưa ra cảnh báo về một cuộc tấn công của Ukraine qua sông, cho biết Lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến số 35 và 36 của Hải quân Ukraine đã tạm thời chiếm được Poyma vào chiều thứ Ba, mặc dù lực lượng Nga sau đó đã cố đẩy lùi lực lượng Ukraine về phía con sông.

“Nó đặt ra câu hỏi làm thế nào một bước đột phá như vậy có thể tiếp cận được hai khu vực đông dân cư mà không gặp kháng cự?” Rybar nói. Các nguồn tin khác của Telegram của Nga cho biết những tiến bộ này cho thấy Ukraine đang tìm cách mở rộng đầu cầu ở bờ đông và là giai đoạn đầu của một chiến dịch tấn công lớn hơn qua sông.

Bộ Quốc phòng Nga, mà Newsweek đã gửi email để bình luận, thừa nhận các hoạt động mới nhất của Ukraine, nhưng cho biết quân đội Nga đã ngăn chặn được bốn nhóm trinh sát và phá hoại của Ukraine ở Kherson.

Vladimir Putin đã mô tả hoạt động của Ukraine ở Kherson là “cuộc phản công tiếp theo”, mặc dù ông bác bỏ động thái đó vì cho rằng “chưa có kết quả” trong cuộc họp báo nhân chuyến thăm Trung Quốc hôm thứ Tư.

Trong bản cập nhật hàng ngày, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) hôm thứ Tư cho biết những lo ngại của Nga về khả năng đẩy lùi một hoạt động tấn công của Ukraine trên sông Dnipro có thể liên quan đến tình trạng của lực lượng Nga ở bờ Đông con sông.

Họ cho biết Bộ chỉ huy Nga đã thu hút thêm các đơn vị tinh nhuệ từ hướng Kherson để hỗ trợ các hoạt động phòng thủ ở phía tây Zaporizhzhia vì Kherson được coi là “khu vực yên tĩnh”. Kết quả là lực lượng Nga ở đó được cho là “tương đối kém hiệu quả chiến đấu”.

Theo nhận định của các tướng Nga các lực lượng Ukraine khó có thể tạo ra một đầu cầu ở bờ đông Kherson “phù hợp cho việc điều động thêm các lực lượng cơ giới hóa quy mô lớn vào thời điểm này”. Đó là cơ sở cho quyết định rút các Lữ Đoàn Dù từ Kherson để tấn công thị trấn Avdiivka.

4. Ukraine tuyên bố đã tiến thêm được 400 m về phía tây nam của Verbove ở vùng Zaporizhzhia.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Sáu 20 tháng 10, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết cuộc tiến công về phía nam vẫn còn khó khăn vì các bãi mìn của Nga và hệ thống phòng thủ kiên cố.

Tuy nhiên, ông cho biết quân Ukraine đã tiến thêm được 400 m về phía tây nam của Verbove ở vùng Zaporizhzhia. Verbove là một thị trấn cách Robotyne vài km về phía đông, mà Ukraine đã chiếm lại vào tháng trước.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết Nga nỗ lực tấn công gần các thị trấn Kupiansk và Avdiivka, mặc dù các cuộc giao tranh tại thị trấn Avdiivka đã giảm so với tuần trước.

5. Zelenskiy biết ơn Biden vì 'tín hiệu ủng hộ mạnh mẽ'

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết ông biết ơn Joe Biden vì “tín hiệu ủng hộ mạnh mẽ” của ông, sau khi nói chuyện với tổng thống Mỹ ngay trước khi ông có bài phát biểu hiếm hoi tại Phòng Bầu dục, trong đó ông yêu cầu người Mỹ hỗ trợ thêm viện trợ quân sự cho cả Ukraine và Israel.

Zelenskiy cho biết ông đã thảo luận về “gói hỗ trợ quan trọng cho đất nước chúng ta” trong cuộc điện đàm với Biden, người đã nói trong bài phát biểu rằng ông sẽ gửi yêu cầu ngân sách khẩn cấp tới Quốc hội vào thứ Sáu để tài trợ cho Ukraine và Israel.

Biden nói: “Đó là một khoản đầu tư thông minh sẽ mang lại lợi ích cho an ninh nước Mỹ trong nhiều thế hệ”.

Mạc Tư Khoa ngay lập tức đáp trả, cho rằng bình luận của Biden thể hiện thái độ vô luân đối với cuộc chiến ở Ukraine. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Maria Zakharova nói: “Họ từng gọi đó là 'đấu tranh cho tự do và dân chủ'. “Bây giờ hóa ra đó chỉ là tính toán. Luôn là như vậy, họ chỉ đánh lừa thế giới bằng cách sử dụng những giá trị mà Washington chưa bao giờ thực sự ủng hộ.”

Zakharova nói thêm: “Các cuộc chiến tranh theo truyền thống là 'khoản đầu tư thông minh' đối với Hoa Kỳ vì chúng không diễn ra trên đất Mỹ và chúng không quan tâm đến chi phí do người khác gánh chịu”.

6. Cảnh sát Phần Lan hôm thứ Năm cho biết họ đã hoàn tất cuộc điều tra hiện trường vụ án về thiệt hại đối với đường ống dẫn khí đốt dưới biển giữa Phần Lan và Estonia.

Bộ trưởng Nội Vụ Mari Rantanen của Phần Lan cho biết đường ống Balticconnector nối Phần Lan và Estonia đã bị vỡ hồi đầu tháng này, là điều mà chính quyền cho rằng có thể là một hành động phá hoại có chủ ý, cắt đứt dòng khí đốt giữa hai nước ít nhất cho đến tháng Tư.

Cô nhấn mạnh rằng các mẫu được thu thập tại địa điểm này với sự hợp tác của lực lượng vũ trang và lực lượng bảo vệ bờ biển Phần Lan, và giờ đây sẽ được phân tích.

Rantanen cho biết Phần Lan không thể loại trừ khả năng có một “tác nhân nhà nước” đứng đằng sau thiệt hại. Đường ống này kết nối hai quốc gia NATO, trong đó Phần Lan gia nhập liên minh vào tháng 4 năm 2023 do ghi danh sau khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022.

7. NATO tăng cường tuần tra biển Baltic sau sự việc cáp ngầm dưới biển

NATO đang tăng cường tuần tra ở Biển Baltic sau những thiệt hại gần đây đối với cơ sở hạ tầng dưới biển trong khu vực, liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương cho biết hôm thứ Năm.

NATO cho biết trong một tuyên bố rằng “Các biện pháp gia tăng bao gồm các chuyến bay giám sát và trinh sát bổ sung, bao gồm cả máy bay tuần tra hàng hải, máy bay NATO Awacs và máy bay không người lái. Một đội gồm 4 thợ săn mìn của NATO cũng đang được điều động tới khu vực này”

Các nhà chức trách cho biết đường ống Balticconnector nối Phần Lan và Estonia đã bị vỡ hồi đầu tháng này trong một hành động phá hoại có chủ ý. Cả hai nước đều là thành viên NATO giáp Nga.

8. Nga phản ứng mạnh trước những bình luận của Tổng thống Joe Biden

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova cho rằng bình luận của Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong đó ông gọi hỗ trợ cho Ukraine và Israel là một “khoản đầu tư” cho thấy Washington được hưởng lợi từ các cuộc chiến ủy nhiệm hơn là đấu tranh vì lý tưởng. Maria Zakharova đã đưa ra lập trường trên hôm thứ Sáu 20 tháng 10.

Hôm thứ Năm, Biden cho biết rằng việc giúp đỡ hai đồng minh của Hoa Kỳ là “một khoản đầu tư thông minh sẽ mang lại lợi ích cho an ninh Mỹ trong nhiều thế hệ”, khi ông tìm cách huy động sự ủng hộ cho các gói viện trợ mới.

Maria Zakharova nói bình luận của Biden phản ánh đường lối vô luân.

Bà ta nói: “Họ thường gọi đó là 'đấu tranh cho tự do và dân chủ'. “Bây giờ hóa ra đó chỉ là tính toán. Luôn là như vậy, họ chỉ đánh lừa thế giới bằng cách sử dụng những giá trị mà Washington chưa bao giờ thực sự ủng hộ.”

“Không có gì cá nhân, chỉ là công việc,” bà ta nói, sử dụng một bình luận nổi tiếng trong bộ phim “Bố già” để tóm tắt những gì bà ta nói là lập trường thực sự của Hoa Kỳ về các cuộc xung đột ở nước ngoài.

Zakharova nói: “Chiến tranh theo truyền thống là 'khoản đầu tư thông minh' đối với Hoa Kỳ vì chúng không diễn ra trên đất Mỹ và chúng không quan tâm đến chi phí do người khác gánh chịu.”

9. Scholz khiển trách Putin là 'vô luân' trước những bình luận của tổng thống Nga về thương vong dân sự

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã chỉ trích mạnh mẽ Tổng thống Nga Vladimir Putin về những bình luận “bất chấp đạo lý” của ông ta về thương vong dân sự.

Tại quốc hội Đức hôm thứ Năm, Scholz nói: “Tôi càng tức giận hơn khi nghe Tổng thống Nga liên tục cảnh báo rằng có thể có thương vong dân sự do xung đột vũ trang”, ám chỉ bình luận của Putin về cuộc chiến Israel-Hamas nổ ra sau khi Hamas tấn công Israel vào ngày 7 tháng 10.

“Không có gì vô luân hơn thế,” Scholz nói, nhấn mạnh rằng cuộc xâm lược Ukraine của Putin phát động vào tháng 2 năm 2022 đã gây ra một số lượng đáng kể thương vong cho dân thường.

Mặc dù Nga nhiều lần tuyên bố rằng cái mà họ gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” của họ không nhắm vào dân thường, nhưng Liên Hiệp Quốc đã ghi nhận 22.468 người thương vong, trong đó có 7.649 người thiệt mạng trong lãnh thổ do chính phủ Kyiv kiểm soát kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu.

Scholz trước đó cũng phát biểu tại quốc hội rằng Âu Châu vẫn phải cung cấp viện trợ và ổn định tài chính cho Ukraine, nhưng đó không phải là giải pháp lâu dài.

10. Ukraine hoan nghênh quyết định của nhà lãnh đạo Kazakhstan

Andriy Yermak, nhà lãnh đạo văn phòng tổng thống Ukraine, lưu ý rằng Kazakhstan đã đưa ra quyết định tạm dừng xuất khẩu 106 sản phẩm cụ thể sang Nga.

Ông nói: “Kazakhstan đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu sang Nga 106 loại hàng hóa, bao gồm cả các mặt hàng công nghệ có thể được sử dụng cho mục đích quân sự. Đây là những hàng hóa mà Kazakhstan không sản xuất. Nga đã cố gắng mua các linh kiện của phương Tây thông qua tái xuất khẩu.”

Kazakhstan từng là một quốc gia trong khối Liên Xô, và nay trong khối Tổ Chức Hiệp Ước An Ninh Tập Thể, gọi tắt là CSTO, do Nga dẫn đầu bao gồm 6 nước cựu Liên Xô là Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Russia, và Tajikistan. Tương tự như Điều 5 của NATO, Điều 4 của CSTO quy định nước nào tấn công một trong 6 nước này là tấn công vào tất cả.

Tuy nhiên, Kazakhstan cũng đang hướng đến Liên Hiệp Âu Châu. Trong cuộc gặp gỡ tại Bắc Kinh trong hai ngày 17 và 18 tháng 10 vừa qua, Putin được tường trình đã tỏ ra bất mãn với Kassym-Jomart Tokayev, Tổng thống của Kazakhstan.

11. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra nhận định về cuộc tấn công bằng hệ thống hỏa tiễn chiến thuật lục quân tầm xa, gọi tắt là ATACMS /a-tá-kừm/ vào 2 căn cứ không quân trong các lãnh thổ bị Nga tạm chiếm. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Vào ngày 17 tháng 10 năm 2023, một số máy bay trực thăng và thiết bị phòng không của Nga có thể đã bị tấn công tại các phi trường Berdyansk và Luhansk.

Mặc dù mức độ thiệt hại hiện chưa được xác nhận, nhưng có khả năng 9 máy bay trực thăng quân sự của Nga tại Berdyansk và 5 chiếc tại Luhansk đã bị phá hủy, trong đó Ukraine tuyên bố đã sử dụng hỏa tiễn chiến thuật quân đội tầm xa do Mỹ cung cấp lần đầu tiên.

Do việc hỗ trợ trên không bằng máy bay của Nga cho đến nay cực kỳ kém nên các tuyến phòng thủ của Nga ngày càng phụ thuộc vào sự hỗ trợ của trực thăng khi đối mặt với các cuộc tấn công của Ukraine.

Berdyansk đang được sử dụng làm căn cứ hành quân tiền phương chính trên trục phía nam, cung cấp cả khả năng hậu cần, tấn công và phòng thủ.

Nếu được xác nhận, rất có thể những tổn thất này sẽ tác động đến khả năng phòng thủ và tiến hành thêm các hoạt động tấn công của Nga trên trục này.

Với tình trạng căng thẳng hiện nay đối với hoạt động sản xuất quân sự của Nga, việc mất bất kỳ khung máy bay nào đã được xác nhận sẽ khó có thể thay thế trong ngắn hạn và trung hạn.

Sự mất mát này cũng có thể sẽ tạo thêm áp lực lên các phi công và máy bay của Nga, những người gần như chắc chắn phải đối mặt với các vấn đề về kiệt sức trong chiến đấu và bảo trì do chiến dịch kéo dài ngoài dự kiến ban đầu.

Có khả năng thực tế là cuộc tấn công này sẽ buộc Nga một lần nữa phải di dời các căn cứ điều hành cũng như các nút chỉ huy và kiểm soát ra xa tiền tuyến, làm tăng gánh nặng cho chuỗi hậu cần.

12. Bộ Quốc phòng Nga cho biết hôm thứ Năm, Nga đã điều động chiến đấu cơ để ngăn chặn máy bay quân sự của Anh xâm phạm không phận Nga trên Hắc Hải.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov cho biết cơ quan kiểm soát không lưu của Nga “đã phát hiện ba mục tiêu trên không đang tiếp cận biên giới quốc gia của Liên bang Nga. Các phi công chiến đấu của Nga đã xác định các mục tiêu trên không là máy bay trinh sát và tác chiến điện tử RC-135 và hai chiến đấu cơ đa năng RAF Typhoon.”

Ông nói thêm : “Các máy bay Nga đã trở về phi trường quê hương an toàn. Không có sự vi phạm biên giới nhà nước của Liên bang Nga. Chuyến bay của chiến đấu cơ Nga được thực hiện tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc quốc tế về sử dụng không phận trên vùng biển trung lập, không vượt qua đường biên giới không phận hoặc tiếp cận nguy hiểm máy bay của quốc gia nước ngoài.”

Reuters cho biết các máy bay Anh đã quay trở lại sau khi bị tiếp cận. Việc lực lượng Nga và NATO thử nghiệm không phận và khả năng phòng thủ của nhau không phải là điều bất thường.

Vào tháng 6 năm 2023, Bộ Quốc phòng Anh tuyên bố NATO đã điều động máy bay phản lực RAF sáu lần trong ba tuần trước đó, đánh chặn 21 máy bay Nga trong 21 ngày. Một cuộc chạm trán giữa máy bay Nga và Anh vào tháng 9 năm 2022 gần Hắc Hải đã dẫn đến điều được mô tả là “một vụ suýt bắn hạ”.

13. Ông Lavrov chỉ trích Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc trong chuyến thăm Bình Nhưỡng

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã chỉ trích Mỹ cùng các đồng minh Nhật Bản và Nam Hàn theo đuổi chính sách quân sự “nguy hiểm” đối với Bắc Hàn, khi ông hội đàm với các quan chức ở Bình Nhưỡng.

Tại cuộc họp báo ở Bình Nhưỡng, ông nói:

“Giống như những người bạn Triều Tiên của chúng tôi, chúng tôi thực sự lo lắng về việc tăng cường hoạt động quân sự của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn trong khu vực cũng như các chính sách của Washington.

Chúng tôi phản đối đường lối thiếu tính xây dựng và nguy hiểm này.”

Ông nói thêm rằng Mỹ đang đặt “cơ sở hạ tầng chiến lược, bao gồm cả các cơ sở hạt nhân” trong khu vực, AFP đưa tin. Ông không nói chi tiết cơ sở hạ tầng chiến lược này bao gồm những gì.

Lavrov cho biết Nga ủng hộ “tiến trình đàm phán thường xuyên về các vấn đề an ninh trên bán đảo Triều Tiên”, đồng thời cho biết thêm rằng Mạc Tư Khoa, Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đang tìm cách đề xuất “các giải pháp thay thế mang tính xây dựng” nhằm giảm căng thẳng trong khu vực.

Chuyến viếng thăm Bắc Hàn của nhà ngoại giao kỳ cựu của Nga dự kiến sẽ đặt nền móng cho chuyến thăm trong tương lai của nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin, người được lãnh đạo Triều Tiên Kim Chính Ân mời vào tháng trước tại hội nghị thượng đỉnh cao cấp ở vùng Viễn Đông của Nga.

14. Người nữ nghệ sĩ Nga bị điệu ra trước tòa vì phản đối cuộc xâm lược của Putin

Sasha Skochienko xuất hiện tại tòa hôm thứ Năm ở St Petersburg. Nữ nghệ sĩ, nhạc sĩ 33 tuổi bị bắt vào tháng 4 năm 2022 và phải đối mặt với cáo buộc truyền bá thông tin sai sự thật về quân đội. Cô bị cáo buộc thay thế bảng giá siêu thị bằng khẩu hiệu phản đối cái gọi là hoạt động quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.

Sasha Skochienko được cảnh sát hộ tống tới phòng xử án ở St Petersburg.

Các công tố viên vào tháng 4 năm 2022 mô tả động cơ của cô là “lòng căm thù chính trị đối với Nga”, nghĩa là cô phải đối mặt với mức án từ phạt 3 triệu rúp hay 31.000 Mỹ Kim cho đến tù từ 5 đến 10 năm.

15. Một nhà báo người Mỹ gốc Nga đã bị giam giữ ở Nga với cáo buộc vi phạm luật đặc vụ nước ngoài, được cho là do cô đưa tin về việc Nga huy động quân sự cho cuộc xâm lược Ukraine.

Alsu Kurmasheva, biên tập viên của đài Tatar-Bashkir của đài Âu Châu Tự Do, đã bị bắt giữ hôm thứ Tư bởi các nhân viên thực thi pháp luật đeo mặt nạ của Nga.

Đài Âu Châu Tự Do xác nhận việc giam giữ cô trong một tuyên bố hôm thứ Năm và cho biết Kurmasheva đã bị buộc tội không ghi danh làm tác nhân nước ngoài và phải đối mặt với án tù 5 năm.

Kurmasheva là nhà báo Mỹ thứ hai bị giam giữ ở Nga kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Evan Gershkovich, phóng viên của tờ Wall Street Journal, bị bắt vào tháng 3 và bị buộc tội gián điệp.

Chính phủ Nga chưa công khai chi tiết về vụ án hình sự chống lại Kurmasheva. Đài Âu Châu Tự Do đã đình chỉ hoạt động ở Nga sau cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine của Vladimir Putin và các phóng viên của cơ quan này đã phải chịu áp lực rất lớn với tư cách là những nhà báo độc lập có quan hệ với một hãng thông tấn do Quốc hội Hoa Kỳ tài trợ.