Ngày 18-10-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:52 18/10/2014
N2T

10. Con người, đương nhiên là có thể ngã nhào và thất lời, nhưng tình yêu có thể tiêu diệt những gì mà Đức Chúa Giê-su không thích, và ở trong đáy lòng chỉ lưu lại một sự bình an vừa khiêm tốn vừa tĩnh lặng thâm sâu.

(Thánh Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

-----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:52 18/10/2014
LỰC HẤP DẪN CHẾT NGƯỜI
N2T

Có một người được bạn bè mời đến nhà ăn cơm, đúng lúc chủ nhà bận nghe điện thoại ở phòng đọc sách, anh ta một mình ở phòng khách đi khắp phòng xem lướt qua cách bài trí của các thứ trong phòng.
Có một cái đồng hồ nhỏ rất tinh xảo làm anh ta chú ý, vì dáng nó được chế tạo rất dễ thương, lợi dụng khi chung quanh không có người, anh ta thuận tay lấy bỏ vào trong túi.
Khi tất cả các bạn bè ở phòng khách uống rượu đến đỏ mặt tía tai, cùng nhau ăn rất vui vẻ, thì đột nhiên cái đồng hồ nhỏ trong túi của anh ta kêu reng reng inh ỏi.
Anh ta bị mọi người chăm chú nhìn thì mặt mày đỏ ửng, hình như rất lúng túng, chỉ có cách là đem cái đồng hồ mình đã ăn cắp trả lại cho chủ nhân, và cố nói lời xin lỗi.
(Ngôn ngữ kỳ diệu của tâm hồn)

Suy tư:
Mọi vật đều có lực hấp dẫn của nó, nhưng lực hấp dẫn mạnh nhất là tiền tài, là danh vọng và xác thịt. Ba lực hấp dẫn này có khi làm cho gia đình tan nát mất hạnh phúc, tình cảm bè bạn sứt mẻ, xã hội rối loạn, quốc gia đảo điên và bản thân thì cứ hồi hộp lo âu vì các lực hấp dẫn chết người ấy.
Người Ki-tô hữu có gương sáng của Đức Chúa Giê-su để chống lại ba lực hấp dẫn này khi Ngài bị ma quỷ cám dỗ trong hoang địa, đó là siêng năng đọc Kinh Thánh và thực hành Lời Chúa ; sống khiêm nhường với mọi người ; thờ phượng tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa .
Lực hấp dẫn của tiền tài, danh vọng và xác thịt, thì chỉ lôi kéo được những người Ki-tô hữu hữu danh vô thực (tức là những người tuy mang danh Công Giáo, nhưng không hề đến nhà thờ, cuộc sống của họ như những người chưa hề biết Chúa Mẹ là ai), hoặc những người chỉ lấy sự hưởng thụ làm mục đích của đời mình mà thôi.
Cái đồng hồ chẳng đáng là bao, nhưng vì lòng tham đã bị lực hấp dẫn của nó lôi kéo, thế là người khách ấy mất cả danh dự của mình; người bị ba lực hấp dẫn (tiền tài , danh vọng và xác thịt) ấy lôi kéo mà không chống trả, thì không những mất danh dự ở đời này, mà mất luôn cả nước thiên đàng đời sau nữa.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Chúa nhật lễ truyền giáo
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:56 18/10/2014
Chúa Nhật LỄ TRUYỀN GIÁO
N2T

Tin mừng : Mt 28, 19-20.
“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”.


Anh chị em thân mến,
Mỗi năm một lần, Giáo Hội –trong ngày Truyền Giáo- đã long trọng nhắc nhở chúng ta về vai trò và bổn phận của người Ki-tô hữu trong cuộc sống ở trần gian, đó là sống và làm chứng nhân cho Tin Mừng, tức là truyền giáo. Truyền giáo tức là đem cái mình đã tin, đã cảm nghiệm và đã sống cho người khác cùng tin, cùng cảm nghiệm, và cùng sống như chúng ta.

Truyền giáo ở đâu ? Thưa, ở đâu có mặt chúng ta thì đó là địa điểm truyền giáo của mình, nhưng có ba nơi mà chúng ta cần làm chứng cho Tin Mừng.

1. Tôi thường nhắc nhở giáo dân rằng gia đình là nơi truyền giáo đầu tiên của người Ki-tô hữu, họ cười và nói rằng gia đình của mình toàn là đạo gốc, ai cũng có đạo hết, truyền giáo làm gì nữa ! Vâng, gia đình toàn là người có đạo, nhưng cuộc sống của mỗi người trong gia đình chưa chắc là cuộc sống của người có đạo: ông bố thì cả ngày say lè nhè, bà mẹ thì buồn bực hết la rầy con cái đến mắng chồng, thế là gia đình mất đi cái hạnh phúc thuở ban đầu mới cưới nhau, hoặc là bố mẹ thì siêng năng đi lễ đọc kinh, làm việc lành, nhưng con cái thì sống như những người vô đạo, có đứa thì lấy chồng lấy vợ không theo phép đạo, có đứa thì bỏ nhà đi bụi, có đứa thì không đến nhà thờ.v.v...

Cha mẹ có trách nhiệm truyền giáo cho con cái bằng những gương lành gương tốt, con cái có bổn phận truyền giáo cho cha mẹ bằng sự vâng lời, chăm chỉ học hành vì lòng yêu mến Thiên Chúa.

2. Địa điểm thứ hai mà chúng ta phải truyền giáo là giáo xứ của chúng ta, trong giáo xứ có cha sở, cha phó, ban đại diện giáo dân và giáo dân, tất cả tập hợp lại thành một cộng đoàn thờ phượng Thiên Chúa và rao truyền Lời của Thiên Chúa cho mọi người, tuy nhiên không phải tất cả mọi giáo dân đều trở thành người gương mẫu, không phải tất cả giáo dân đều là con cái ngoan của Giáo Hội và của Thiên Chúa !

Có những giáo dân vì bất mãn một ai đó mà không đến nhà thờ hoặc không tham dự các sinh hoạt chung ở giáo xứ, chúng ta phải truyền giáo cho họ; có những giáo dân chỉ có tên trong sổ Rửa Tội mà thôi, nhưng cuộc sống của họ thì không phải là người Công Giáo; có những giáo dân thích chia rẻ người này với người nọ trong giáo xứ.v.v…tất cả những thực trạng ấy, cũng rất đáng để cho chúng ta quan tâm và cầu nguyện, cũng có nghĩa là chúng ta phải truyền giáo cho giáo xứ của chúng ta.

Cha sở và cha phó có trách nhiệm làm gương lành gương tốt cho giáo dân noi theo, bởi vì giáo dân đều nhìn vào các linh mục để bắt chước các ngài: tốt cũng bắt chước mà xấu cũng bắt chước; mỗi giáo dân đều có bổn phận truyền giáo cho nhau bằng chính đời sống phục vụ và yêu thương của mình.

3. Nơi thứ ba mà chúng ta phải truyền giáo là công sở, công ty, trường học, chợ búa hoặc là nơi nào có sự hiện diện của chúng ta.

Khi mà trong gia đình và nơi giáo xứ chúng ta đã làm tốt bổn phận của người Ki-tô hữu, thì tinh thần truyền giáo này cũng đi theo chúng ta đến những nơi mà chúng ta đang làm việc, học hành, buôn bán. Trong tất cả những nơi ấy, chúng ta đều trở nên những nhà truyền giáo sống động và nhiệt tình, bằng những việc làm cụ thể đơn giản và rất đời thường như một cái bắt tay với nụ cười tươi, như chu toàn bổn phận được giáo phó, như sống hòa nhã với mọi người.v.v...tất cả đều thấm nhuần tinh thần bác ái của Phúc Âm, thế là người ta dần dần nhận ra khuôn mặt của Đức Chúa Giê-su Ki-tô nơi chúng ta rồi vậy.

Anh chị em thân mến,
Mệnh lệnh truyền giáo của Đức Chúa Giê-su không những cho các tông đồ mà thôi, nhưng còn cho tất cả những ai đã được lãnh nhận bí tích Rửa Tội, tức là những người Ki-tô hữu chúng ta.

Tất cả chúng ta đều là con cái của Thiên Chúa, ngày hôm nay chúng ta tự hỏi: cuộc đời tôi đã có bao nhiều lần làm chứng nhân cho Đức Chúa Giê-su, và có bao nhiêu lần tôi đã bỏ qua cơ hội làm chứng cho Chúa Giê-su, cho đức tin mà tôi đã tin theo ?

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.
-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 29 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:02 18/10/2014
Chúa Nhật 29 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mt 22, 15-21.
“ Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”.


Anh chị em thân mến,
Làm người, ai cũng có những bổn phận phải làm và những trách nhiệm phải chu toàn, làm người ai cũng có những cái tốt và cái xấu, ai cũng có những khuyết điểm và ưu điểm, bài Tin Mừng hôm nay Đức Chúa Giê-su đã nói với chúng ta như sau: của Xê-da thì trả về cho Xê-da và của Thiên Chúa thì trả lại cho Thiên Chúa, đó là điều mà chúng ta phải suy nghĩ luôn trong cuộc sống của mình.

Mỗi người là một đồng tiền có hai mặt: mặt trái và mặt phải, mặt trái thì đi ngược lại với những giáo huấn của Đức Chúa Giê-su và của Giáo Hội, luôn xúi giục con người làm điều ác và đối nghịch lại với Thiên Chúa, luôn tìm cách hãm hại tha nhân và sống trong sự bất an. Mặt phải thì luôn muốn thực hành lời của Đức Chúa Giê-su và Giáo Hội dạy, luôn tìm cách giúp đỡ tha nhân và sống hiền hòa với mọi người.

Mỗi người có hai bổn phận phải chu toàn: bổn phận đối với Thiên Chúa và bổn phận đối với xã hội. Tất cả mọi người đều có bổn phận thờ kinh Thiên Chúa –nhất là những người Ki-tô hữu- vì Ngài là Đấng tạo thành vũ trụ và là Cha của mọi người, bổn phận của người Ki-tô hữu là làm chứng cho mọi người biết có một Thiên Chúa là Cha muôn loài, yêu thương hết mọi loài, và sống xứng đáng với bổn phận làm người Ki-tô hữu của mình. Bổn phận đối với tổ quốc, với xã hội và với những người thân cận chung quanh chúng ta, chúng ta sẽ không làm tròn bổn phận của một người Ki-tô hữu nếu chúng ta không chu toàn bổn phận đối với xã hội, bởi vì khi chúng ta nói yêu mến Thiên Chúa mà không yêu thương anh chị em thì chỉ là lời nói dối.

Của Xê-ra trả về Xê-da, của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa, của Xê-da là những lo toan tính toán trong cuộc sống, của Xê-da là những đố kỵ ghen tương với người khác, của Xê-da là những tham vọng ăn trên ngồi trước.v.v...tất cả những thứ đó hãy trả lại cho Xê-da.

Của Thiên Chúa là yêu thương và phục vụ, của Thiên Chúa là chu toàn bổn phận mục tử của linh mục và tu sĩ, là chu toàn bổn phận của người Ki-tô hữu; của Thiên Chúa là lòng xót thương trước cảnh bất công đói nghèo của tha nhân, tất cả những cái đó là của Thiên Chúa nơi người Ki-tô hữu, hãy trả về cho Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến,
Của ai thì trả về cho người ấy, nhưng trong cuộc sống chúng ta thường đi đôi với sự dữ hơn là sự lành, đi đôi với ma quỷ hơn là với Thiên Chúa, chúng ta hồi tâm lại thử xét mình xem sao, để rồi thấy được mình đã đi quá đà tự do mà Thiên Chúa ban cho để chối bỏ hoặc quên mất Thiên Chúa :

1. Tôi thích làm những gì tôi thích hơn là làm theo lời của Đức Chúa Giê-su dạy, chẳng hạn như Ngài dạy tôi phải sẵn lòng bỏ qua những lỗi lầm của tha nhân, nhưng tôi vẫn cứ nhớ căm căm trong lòng...
2. Của Thiên Chúa là thánh lễ ngày Chúa Nhật và các ân sủng của bí tích, nhưng tôi thường lợi dụng ngày Chúa Nhật để đàn đúm ăn chơi, để thỏa mãn dục vọng con người nên tôi bỏ cả thánh lễ, thế là tôi chỉ trả về cho Xê-da mà không trả về cho Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài đó là chu toàn lề luật của ngày Chúa Nhật...
3. Của Xê-da là tham danh tham vọng, là ham tài háo sắc, những việc ấy tôi tích cực tìm kiếm, nhưng của Thiên Chúa là khiêm tốn là nhẫn nại, là bao dung, thì tôi lại không kiếm tìm...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:06 18/10/2014
N2T

11. Con nên biết, nếu con ở trong tình yêu của Đức Chúa Giê-su thì tình trạng sẽ như thế nào ? Có thể nhìn được với dấu hiệu dưới đây: một nhân linh càng tấn tới trong việc yêu mến Thiên Chúa thì nhất định càng yêu thích đau khổ, chịu bị khinh thường, đó chính là dấu hiệu của lửa tình ái, những thứ khác đều là mây khói.

(Thánh Vincentius de Paul)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong “Cách ngôn thần học tu đức”

------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần một “Chuyện Rất Ngắn”
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:10 18/10/2014
QUAN TÂM
Tháng Mân Côi, giáo dân trong giáo xứ đi hành hương kính Đức Mẹ.
Cha sở thấy những ông bà trong ban đại diện cứ chăm sóc cho mình những việc không cần thiết như chuẩn bị khăn mát, nước uống hoặc mua một vài thứ quà biếu mình.v.v...
Ngài tế nhị nói nhỏ với trưởng ban đại diện:
- “Tôi tự chăm sóc cho mình được rồi, ông nói với họ đừng lo cho tôi, nhưng cố gắng để ý quan tâm đến những người già yếu, bệnh tật cùng đi trong đoàn với chúng ta, họ cần sự quan tâm của mọi người hơn tôi.”
------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Sứ điệp của Thượng Hội Đồng Ngoại Thường về Gia Đình gởi cho cộng đoàn Dân Chúa trên thế giới
J.B. Đặng Minh An dịch
09:00 18/10/2014
Sáng thứ Bẩy 18 tháng 10, một cuộc họp báo đã được tổ chức tại phòng báo chí Tòa Thánh để trình bày sứ điệp của Thượng Hội Đồng Ngoại Thường Kỳ thứ Ba nhóm từ ngày 05 tháng 10 đến ngày 19 Tháng 10 để bàn về các "thách thức mục vụ đối với gia đình trong bối cảnh phúc âm hóa". Tham dự trong buổi họp báo có Đức Hồng Y Raymundo Damasceno Assis, Tổng Giám Mục Aparecida, Brazil, Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa và Đức Hồng Y Oswald Gracias, Tổng Giám Mục Bombay, Ấn Độ.

Toàn văn sứ điệp gởi cộng đoàn Dân Chúa được công bố dưới đây:


"Chúng tôi, các nghị phụ của Thượng Hội Đồng, tập trung tại Rôma cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thượng Hội Đồng Ngoại Thường, gởi lời chào đến tất cả các gia đình ở các châu lục khác nhau và đặc biệt là tất cả những ai đang tiến bước theo Chúa Kitô, Đấng là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống. Chúng tôi bày tỏ lòng ngưỡng mộ và biết ơn đối với những chứng tá hàng ngày mà anh chị em đưa ra cho thế giới với sự trung tín, đức tin, hy vọng và tình yêu của anh chị em.

Mỗi người chúng tôi, các vị mục tử của Giáo Hội, lớn lên trong một mái gia đình, và chúng tôi đến từ những bối cảnh và kinh nghiệm rất đa dạng. Là những linh mục và giám mục, chúng tôi đã từng sống cùng với các gia đình, những người đã chuyện trò với chúng tôi và trình bày cho chúng tôi thấy những câu chuyện về niềm vui và khó khăn của họ.

Việc chuẩn bị cho cuộc họp Thượng Hội Đồng này, được bắt đầu với bản câu hỏi được gửi đến các Giáo Hội trên toàn thế giới, đã cho chúng tôi cơ hội để lắng nghe những kinh nghiệm của nhiều gia đình. Cuộc thảo luận của chúng tôi tại Thượng Hội Đồng này giúp chúng tôi làm phong phú lẫn nhau, giúp chúng tôi nhìn vào các tình huống phức tạp mà các gia đình ngày nay phải đối mặt.

Chúng tôi muốn gởi đến anh chị em những lời này của Chúa Kitô: "Nầy đây, Ta đứng ngoài cửa mà gõ. Nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa, Ta sẽ vào nhà và dùng bữa tối với người ấy, và người ấy sẽ ở cùng Ta. Trên hành trình của Ngài qua các nẻo đường Thánh Địa, Chúa Giêsu thường vào những ngôi nhà trong các làng mạc. Ngay cả ngày nay, Ngài vẫn tiếp tục đi qua những đường phố của chúng ta. Trong ngôi nhà của anh chị em có ánh sáng và bóng tối. Những thách đố và đôi khi thậm chí cả những gian nan vẫn thường xuyên xuất hiện trong cuộc sống. Bóng tối có thể phát triển sâu đến mức trở thành một màn đêm dày đặc khi xấu xa và tội lỗi len vào vào trung tâm của gia đình.

Chúng tôi nhìn nhận có những thách đố lớn lao để trung thành trong tình yêu vợ chồng. Đức tin yếu đuối và sự thờ ơ với những giá trị đích thực, chủ nghĩa cá nhân, các mối quan hệ bị làm nghèo nàn đi, và những căng thẳng khiến con người không còn có thể suy tư chín chắn để lại những vết thẹo trong cuộc sống gia đình. Quá thường khi những khủng hoảng trong hôn nhân được giải quyết một cách vội vàng và người ta không có can đảm, kiên nhẫn và suy tư chín chắn để hy sinh và tha thứ cho nhau. Những thất bại làm gia tăng các mối quan hệ mới, các cặp vợ chồng mới, các kết hợp dân sự mới, và những cuộc hôn nhân mới, tạo ra những hoàn cảnh gia đình rất phức tạp và khó giải quyết, trong đó lựa chọn Kitô trong cách hành động không phải là mặc nhiên.

Chúng tôi cũng nghĩ đến những gánh nặng áp đặt bởi cuộc sống trong những khổ đau có thể xảy ra khi con cái cần phải được chăm sóc đặc biệt, khi bệnh tật nghiêm trọng ập đến, trong sự suy thoái của tuổi già, hoặc trong cái chết của một người thân yêu. Chúng tôi ngưỡng mộ lòng trung thành của rất nhiều gia đình đã phải chịu đựng những thử thách với lòng dũng cảm, đức tin và tình yêu. Họ thấy đó không phải là một gánh nặng gây ra để làm khổ họ, nhưng là một cái gì đó mà chính qua đó họ nhìn thấy Chúa Kitô đang đau khổ trong thể xác yếu đuối của mình.

Chúng tôi nhớ đến những khó khăn gây ra bởi hệ thống kinh tế bị thống trị bởi "sự sùng bái ngẫu tượng tiền bạc và tính chất độc tài của một nền kinh tế phi nhân thiếu vắng một cùng đích nhân bản thực sự" đang làm suy yếu phẩm giá con người. Chúng tôi nghĩ đến những người làm cha làm mẹ đang thất nghiệp, là những người bất lực trong việc cung cấp những nhu cầu cơ bản cho gia đình mình, và những thanh niên đang đối diện với một viễn ảnh trống rỗng, những người là miếng mồi ngon cho ma túy và tội phạm.

Chúng tôi nghĩ đến rất nhiều những gia đình nghèo, những người bám víu vào những con thuyền mong manh hy vọng đến được một bến bờ sống sót, những người tị nạn lang thang vô vọng trong sa mạc, những người bị bách hại vì đức tin và vì những giá trị nhân bản và tinh thần mà họ đề cao. Đó là những người bị ảnh hưởng bởi sự tàn bạo của chiến tranh và áp bức. Chúng tôi nhớ đến những người phụ nữ bị bạo hành và khai thác, là nạn nhân của tệ buôn bán người, những trẻ em bị lạm dụng bởi những người lẽ ra phải bảo vệ họ và thúc đẩy sự phát triển của họ, và các thành viên của rất nhiều gia đình đã bị suy thoái lại còn phải đương đầu với những gánh nặng khó khăn chồng chất. "Nền văn hóa của sự thịnh vượng đang làm chúng ta chết dần mòn .... tất cả những người đang phải còi cọc trong cuộc sống vì thiếu cơ hội dường như chỉ là một cảnh tượng không hơn không kém; không còn làm chúng ta mủi lòng ". Chúng tôi kêu gọi các chính phủ và tổ chức quốc tế hãy thúc đẩy các quyền của gia đình vì lợi ích chung.

Chúa Kitô muốn Giáo Hội của Người là một ngôi nhà luôn mở rộng cửa chào đón tất cả mọi người. Chúng tôi nhiệt liệt cảm ơn các vị mục tử của chúng ta, những anh chị em giáo dân trung thành, và các cộng đồng đang đồng hành với các cặp vợ chồng và các gia đình, và đang chăm sóc cho vết thương của họ.

Cũng có ánh đèn đêm tỏa sáng rực rỡ làm ấm áp thể xác và tâm hồn con người đằng sau những ô kính cửa sổ trong những ngôi nhà thành phố, trong những mái nhà khiêm tốn ở vùng ngoại ô và trong các làng mạc, và thậm chí trong các túp lều. Ánh sáng này - ánh sáng của một mối lương duyên - tỏa sáng từ cuộc gặp gỡ giữa vợ chồng: đó là một ân sủng, một hồng ân được thể hiện như trong Sách Sáng Thế khi hai người "mặt đối mặt" như những người giúp đỡ lẫn nhau và bình đẳng. Tình yêu của người nam và người nữ dạy chúng ta rằng mỗi người cần đến người khác để mình được thực sự là mình. Mỗi người vẫn khác với người kia nhưng tự mở mình ra và hiểu mình hơn trong ân sủng hỗ tương này. Chính vì thế mà cô dâu trong Diễm Tình Ca đã hát bài ca vịnh của mình: “Người tôi yêu thuộc trọn về tôi và tôi trọn vẹn thuộc về chàng.”

Cuộc gặp gỡ đích thực này bắt đầu với sự theo đuổi nhau, với một thời gian chờ đợi và chuẩn bị. Nó được hiện thực hóa trong bí tích mà Thiên Chúa đóng lên dấu ấn của Ngài với sự hiện diện của Ngài, và ân sủng. Con đường này cũng bao gồm các mối quan hệ tình dục, sự dịu dàng, thân mật, và vẻ đẹp có khả năng kéo dài sức sống và sự tươi mát của tuổi trẻ. Tình yêu như thế, tự bản chất của nó, cố gắng kéo dài mãi mãi đến độ dám hy sinh mạng sống cho người mình yêu. Trong ánh sáng này tình yêu phu phụ, là duy nhất và bất khả phân ly, mới được bền vững dù gặp bao gian nan thử thách. Tình yêu ấy là một trong những phép lạ đẹp nhất và phổ biến nhất.

Tình yêu này lây lan qua khả năng sinh sản và thông truyền cho thế hệ trẻ, trong đó bao gồm không chỉ việc đón nhận con cái nhưng còn là trao ban món quà của sự sống thiêng liêng qua việc rửa tội, dạy giáo lý, và giáo dục con cái. Nó bao gồm khả năng trao ban cuộc sống, tình cảm, và các giá trị - một kinh nghiệm có thể thực hiện ngay cả bởi những người không thể sinh con. Các gia đình sống tràn ngập trong ánh sáng này trở thành một dấu chỉ cho tất cả, đặc biệt là cho những người trẻ.

Cuộc hành trình này đôi khi là một chuyến leo núi dốc dác đầy những khó khăn và vấp ngã. Thiên Chúa luôn luôn ở đó để đi cùng với chúng ta. Các gia đình cảm nghiệm được sự hiện diện của Ngài trong tình cảm và trong cuộc đối thoại giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái, anh chị em. Họ đón nhận Ngài trong lời cầu nguyện gia đình và trong việc lắng nghe Lời Chúa – như một ốc đảo nhỏ để nương tựa tinh thần hàng ngày. Họ nhận ra Ngài mỗi ngày khi họ giáo dục con cái trong đức tin và trong vẻ đẹp của một đời sống theo Tin Mừng, một cuộc sống thánh thiện. Ông bà cũng chia sẻ nhiệm vụ này với tình cảm tuyệt vời và sự tận tụy. Như thế, gia đình là một Giáo Hội đích thực mở rộng ra thành cộng đồng Giáo Hội là gia đình của các gia đình. Các đôi vợ chồng Kitô hữu cũng được mời gọi để trở thành những thầy dạy về đức tin và tình yêu cho những cặp vợ chồng trẻ.

Một biểu hiện khác của sự hiệp thông huynh đệ là tình bác ái, là sự cho đi, là sự gần gũi với những người ở tận cùng của xã hội, những người chịu thiệt thòi, người nghèo, người cô đơn, người bệnh tật, những người xa lạ, và các gia đình đang trong cuộc khủng hoảng, với nhận thức từ lời Chúa rằng "Cho thì có phúc hơn là nhận". Đó là ân sủng của những điều thiện, của tình bạn, của tình yêu và lòng thương xót, và cũng là một chứng tá cho sự thật, ánh sáng, và ý nghĩa của cuộc sống.

Đỉnh cao tổng hợp tất cả những mối dây hiệp thông với Thiên Chúa và tha nhân là việc cử hành Thánh Thể Chúa Nhật khi gia đình và toàn thể Giáo Hội ngồi đồng bàn với Chúa. Ngài ban chính mình cho tất cả chúng ta, những người lữ hành qua dòng lịch sử hướng tới mục tiêu là cuộc gặp gỡ cuối cùng khi "Chúa Kitô là tất cả và trong tất cả". Do đó, trong giai đoạn đầu tiên của chương trình nghị sự tại Thượng Hội Đồng này, chúng tôi đã suy tư về những cách thế để đi cùng với những người đã ly dị và tái hôn; và về sự tham gia của họ trong các bí tích.

Chúng tôi, các nghị phụ tại Thượng Hội Đồng xin anh chị em đồng hành với chúng tôi tại Thượng Hội Đồng tiếp theo. Thánh Gia Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse dưới mái nhà khiêm tốn của các Ngài vẫn hiện diện trên anh chị em. Hiệp với Thánh Gia Nazareth, chúng ta dâng lên Chúa Cha lời thỉnh cầu của các gia đình trên thế giới:

Lạy Cha, xin ban cho tất cả các gia đình sự hiện diện mạnh mẽ và khôn ngoan của những đôi vợ chồng, là những người có thể là nguồn mạch cho một gia đình tự do và hiệp nhất.

Lạy Cha, xin ban cho những bậc cha mẹ có thể có một mái nhà, để sống trong an bình với gia đình họ.

Lạy Cha, xin cho những trẻ em có thể là một dấu chỉ của sự tin cậy và hy vọng và cho những người trẻ tuổi có can đảm để chấp nhận những cam kết lâu dài, và trung tín.

Lạy Cha, xin cho tất cả mọi người có thể kiếm được lương thực hàng ngày với đôi tay của họ, xin cho họ có thể tận hưởng sự thanh thản về tinh thần và có thể giữ cho ngọn đuốc đức tin bùng cháy ngay cả trong những thời kỳ bóng tối.

Lạy Cha, xin ban cho tất cả chúng con được thấy một Giáo Hội phát triển mạnh, trung thành và khả tín hơn bao giờ hết, một thành phố công lý và nhân bản, một thế giới yêu mến sự thật, công lý và lòng thương xót ".
 
Thượng Hội Đồng về Gia Đình: tường trình sau cùng
Vũ Văn An
19:18 18/10/2014
Đêm thứ Bẩy, THĐ về Gia Đình phiên đặc biệt đã kết thúc với bản tường trình sau cùng, hay bản tường trình của THĐ (Relatio Synodi), được công bố chi tiết. Theo đó, đã có sự sửa đổi lớn đối với cả hai vấn đề đồng tính và ly dị tái hôn so với bản tường trình giữa khoá hay còn gọi là bản tường trình sau thảo luận (relatio post deceptationem).

Thực vậy, các đoạn nói về hai vấn đề trên là những đề mục không hội đủ 2 phần 3 số phiếu để được thông qua, mặc dù đã được sửa lại với những lối nói thận trọng hơn. Một phát ngôn viên của Tòa Thánh cho rằng điều này không cho thấy “một đồng thuận mạnh của cả THĐ”.

Nhà báo John Allen nhận định về việc này như sau: “Căn cứ vào cuộc tranh luận đôi khi rất căng thẳng diễn ra trong hai tuần của THĐ, tài liệu sau cùng có lẽ phản ảnh trung thực các quan điểm đã được trình bày: có giám mục sẵn sàng thay đổi thì cũng có giám mục lo ngại trước việc xâm hại tới truyền thống Công Giáo.

Đức HY Raymundo Damasceno Assis, TGM Aparecida, Ba Tây, cho rằng đây là một “tài liệu thỏa hiệp” nghĩa là phản ảnh cố gắng dung hoà khuynh hướng muốn có sự cởi mở lớn hơn và khuynh hướng bảo thủ lo lắng trước viễn ảnh giáo huấn GH bị lu mờ.

Điều này xem ra cũng phản ảnh viễn kiến của Đức Phanxicô. Trong bài diễn văn dài 10 phút, Đức GH nói rằng Giáo Hội Công Giáo cần mở ra con đường trung dung giữa “cứng cỏi chống đối” và “thương xót sai lầm”. Ngài nói thêm: Giáo Hội không nên “ném đá người tội lỗi, người yếu đuối và người bệnh hoạn” mà cũng không nên “xuống khỏi thập giá” bằng cách tự thỏa hiệp với “tinh thần thế gian”.

Ngài được THĐ đứng lên hoan hô trong 5 phút đồng hồ, 1 kỷ lục chăng?

Tài liệu này được dùng để hướng dẫn các cuộc thảo luận trong suốt năm tới để chuẩn bị cho THĐ thông thường về gia đình dự trù được tổ chức vào tháng Mười, 2015. Sau đó, tất cả tùy thuộc Đức Phanxicô quyết định.

Ngài quyết định cho công bố số phiếu của từng đoạn. Có người nghĩ rằng điều này chứng tỏ việc cởi mở đối với người đồng tính và ly dị tái hôn vẫn còn là những vấn đề được tranh cãi ra sao.

Như mọi người đã rõ: thứ Hai tuần rồi, khuynh hướng cấp tiến dường như thắng thế với bản tường trình giữa khóa. Hôm thứ Năm, Đức HY Reinhard Marx của Đức còn cho rằng: “hãy lấy trường hợp hai người đồng tính đã sống với nhau cả 35 năm nay và vẫn còn chăm sóc cho nhau, ngay cả vào lúc cuối đời, làm sao tôi có thể bảo điều này vô giá trị được?”.

Những lối nói như trên đã thúc đẩy các nghị phụ khác phản công, vì các ngài lo âu trước việc những kiểu nói như “chào đón” và “có nhiều yếu tố tích cực” bị hiểu lầm như thể GH không còn nhất quán đối với giáo huấn luân lý của mình nữa.

Đến giữa tuần, khuynh hướng bảo thủ đã đủ mạnh khiến THĐ phải cho công bố phúc trình thảo luận tại các nhóm nhỏ, là các nhóm tranh luận về bản tường trình giữa khóa kia.

Nhóm do Đức HY Robert Sarah của Guinea, chẳng hạn, nhấn mạnh rằng “đồng hành mục vụ với một người không có nghĩa là hợp thức hóa hình thức tính dục hay lối sống của họ”.

Kết cục, tài liệu sau cùng nói như sau: người đồng tính phải được “chào đón một cách tôn trọng và tế nhị’ không nên “bị kỳ thị một cách bất công”; nhưng đồng thời cũng quả quyết rằng “không có căn bản nào” để so sánh “dù là xa xôi” các mối liên hệ đồng tính này với cuộc hôn nhân giữa 1 người đàn ông và 1 người đàn bà.

Về những người CG ly dị và tái hôn dân sự, tường trình sau cùng cho hay: việc cho phép họ rước lễ được cả hai phe nhiệt tình tranh luận và kết cục, THĐ đã quyết định để nó lại cho một cuộc nghiên cứu thấu đáo hơn.

Riêng thủ tục tuyên bố hôn nhân vô hiệu, đại đa số các nghị phụ THĐ ủng hộ một hệ thống nhanh hơn, đơn giản hơn và lý tưởng nhất là miễn phí. Tuyên bố vô hiệu là tuyên bố rằng một cuộc phối hợp chưa bao giờ là hôn nhân cả vì thiếu một trong những điều làm nó thành sự. Trên thực tế, lời tuyên bố này cho phép người ta kết hôn lần thứ hai trong GH.

Nhiều người cho rằng với kết quả trên, việc cởi mở của GH đã bị chặn đứng. Thực ra không đúng như thế. Việc cởi mở nay đã được chính thức nhìn nhận và tiếp tục được khai triển trên thực tế. Đó là nhận định của Đức HY Luis Antonio Tagle của Phi Luật Tân. Ngài nói: “Một số người… dường như có cảm thức cho rằng việc chào đón, khung trời vừa được mở ra, bỗng nhiên đã bị đóng lại. Điều này không đúng… việc cởi mở vẫn còn đó”.

John Allen cho rằng ngôn ngữ thỏa hiệp nói lên hai điều: Thứ nhất, như người giáo dân Ý, ông Francesco Miano nói vào hôm thứ Năm, có một sự căng thẳng rõ ràng cả bên trong THĐ lẫn trong Giáo Hội rộng lớn hơn giữa sự thật và lòng thương xót. Mọi người đồng ý chúng phải đi đôi với nhau, nhưng có sự khác nhau lớn giữa những người nhấn mạnh tới điểm này hay điểm nọ.

Thứ hai, không có lý do nào để tin rằng các dị biệt vừa nói sẽ được dung hoà trước khi THĐ thông thường về Gia Đình được khai mạc vào tháng Mười năm 2015.

Nicole Winfield của AP, tuy hơi thất vọng về việc THĐ không đi mạnh hơn theo chiều hướng ủng hộ người đồng tính và ly dị tái hôn, nhưng trung thực tường trình rằng các nghị phụ gần như nhất trí nhấn mạnh tới việc phải khẳng định tín lý của GH về hôn nhân và gia đình một cách trọn vẹn hơn và phải đề cao các gia đình Công Giáo trung thành với tín lý ấy làm gương mẫu, phải khuyến khíc họ thay vì tập chú vào các vấn đề gia đình và các cuộc kết hợp không hợp lệ.

Cô cũng tường trình nội dung của Sứ Điệp THĐ, trong đó có câu: “Chúa Kitô muốn Giáo Hội của Người là một căn nhà với cánh cửa luôn luôn mở để chào đón mọi người, không loại trừ ai”.

Đức HY Wilfrid Fox Napier của Nam Phi, người góp công soạn bản tường trình sau cùng, nói với Đài Phát Thanh Vatican rằng tài liệu này cho thấy một “viễn kiến chung” mà bản tường trình giữa khóa không có. Ngài cho rằng các lãnh vực chính khiến người ta lo ngại là “trình bày các cuộc kết hợp đồng tính như thể chúng là một điều hết sức tích cực” và gợi ý cho rằng người ly dị và tái hôn có thể rước lễ không cần án vô hiệu.
 
Tiểu sử Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục
J.B. Đặng Minh An dịch
19:27 18/10/2014
Tiểu sử của Tân Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục – Văn Phòng Nghi Lễ Phủ Giáo Hoàng

Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục tục danh là Giovanni Battista Montini. Ngài chào đời tại Concesio (Brescia, nước Ý) vào ngày 26 tháng 9 năm 1897. Ngài đã theo học dòng Tên và là thành viên của Tu Hội Thánh Philip Neri tại Brescia. Ngài được thụ phong linh mục ngày 29 tháng 5 năm 1920.

Ngài hoàn tất chương trình triết học và luật dân sự tại Rôma, và giáo luật tại Milan. Ngài được bổ nhiệm làm tùy viên tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở thủ đô Warsaw, Ba Lan vào năm 1923, và năm sau, 1924, ngài trở lại Rôma để phục vụ trong Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Ngài là tuyên úy cho Liên Đoàn Sinh Viên Đại Học Công Giáo Ý tại Rôma (FUCL - "Federazione Universitaria Cattolica Italiana"), và từ năm 1923 đến 1925, ngài là tuyên úy của Liên Đoàn cấp quốc gia. Trong hai thập niên 1920 và 1930, ngài đã có nhiều hoạt động về tôn giáo và văn hóa tại Ý và cả bên ngoài nữa.

Thời gian làm việc tại Tòa Thánh của ngài đã được Đức Giáo Hoàng Piô XI và Đức Giáo Hoàng Piô XII đánh giá cao. Giữa những năm 1930 và 1937, ngài giảng dạy môn lịch sử ngoại giao Tòa Thánh tại Đại học Latêranô, cho đến ngày 13 tháng 12 năm 1937, khi Đức Giáo Hoàng Piô XI bổ nhiệm ngài làm Phụ Tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Dù phục vụ chủ yếu trong ngành ngoại giao, ngài đã thực hiện mọi nỗ lực để có thể tham gia trực tiếp vào các công tác mục vụ và chăm sóc cho các linh hồn; ngài cũng đã có nhiều hoạt động bác ái trong các vùng ngoại ô Rôma và đã tham gia vào tổ chức Saint Vincent De Paul.

Trong Thế chiến thứ II, ngài tích cực giúp đỡ người tị nạn và người Do Thái và lãnh đạo phòng Báo Chí Tòa Thánh. Trong giai đoạn cuối chiến tranh, ngài đã giúp hình thành Hiệp hội Công Giáo của người lao động Ý (ACLI - "Associzioni Cattoliche Lavoratori Italiani"). Ngài quan tâm đặc biệt đến sự phát triển của phong trào đảng Dân chủ Kitô Giáo và cổ vũ việc hình thành các tổ chức quốc tế của giáo dân.

Ngày 29 tháng 11 năm 1952, ngài được bổ nhiệm làm Thứ Trưởng Ngoại Giao đặc trách hành chánh sự vụ. Ngày 01 Tháng Mười Một năm 1954, ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Milan và được tấn phong vào ngày 12 Tháng 12 cùng năm.

Trong giáo phận rộng lớn và phức tạp này, ngài đã sử dụng những phương pháp mới để rao giảng Tin Mừng hầu đối phó với sự gia tăng nhập cư và giúp người dân vượt qua chủ nghĩa duy vật và ý thức hệ Mác-xít, đặc biệt là ở những nơi làm việc. Ngài đã viết chín thư mục vụ cho Giáo Hội nghi lễ Ambrosiô, đã phê duyệt việc xây dựng trên 123 nhà thờ mới, và lãnh đạo một chương trình truyền giáo đô thị lớn nhất chưa từng có trong thế giới Công Giáo. Ngài đã thực hiện các chuyến đi đến Hoa Kỳ, Brazil và nhiều miền truyền giáo ở Châu Phi do tổng giáo phận Milan đảm trách.

Ngày 15 tháng 12 năm 1958, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, người đã từng là một người bạn thân thiết với ngài từ năm 1925, đã tấn phong Hồng Y cho ngài. Ngài đã tích cực tham gia vào công tác chuẩn bị cho Công Đồng Chung Vatican II và sau đó tham gia vào đại Công Đồng này.

Vào ngày 21 Tháng Sáu 1963, ngài được bầu làm giáo hoàng với Tông Hiệu là Phaolô Đệ Lục. Trong bối cảnh nhiều thách đố trong xã hội, ngài đã đưa Công Đồng gồm 3 thời kỳ đến kết thúc thành công, khuyến khích các Giáo Hội địa phương mở cửa cho thế giới hiện đại đồng thời bảo tồn truyền thống của mình, trong khi luôn luôn tìm kiếm sự hiệp thông giữa các nghị phụ của Công Đồng.

Ngài đã thực hiện những chuyến tông du đến khắp các lục địa, bắt đầu từ vùng Thánh Địa, nơi đã xảy ra cuộc gặp lịch sử giữa ngài với Đức Thượng Phụ Chính Thống Athenagoras. Những chuyến tông du đã đưa ngài đến Ấn Độ và Liên Hiệp Quốc (1965), Fatima và Thổ Nhĩ Kỳ (1967), Columbia (1968), Geneva và Uganda (1969), và xa hơn về phía đông là Úc và Châu Đại Dương (1970). Ngài cũng thực hiện nhiều chuyến viếng thăm khắp nơi trên lãnh thổ Ý.

Thông điệp đầu tiên của ngài, Ecclesiam Suam (1964), đề cao phương pháp "đối thoại cứu độ" trong Giáo Hội và giữa Giáo Hội với toàn thế giới. Thông điệp khác của ngài là Mysterium Fidei – “Mầu Nhiệm Đức Tin” bàn về bí tích Thánh Thể (1965); Mense Maio – “Tháng Năm" (1965) và Christi Matri - "Mẹ Chúa Kitô" (1966) khẩn cầu Đức Mẹ ban hòa bình cho thế giới; Populorum Progressio - "Sự phát triển của các dân tộc" (1967); Sacerdotalis Caelibatus - "Về đời sống độc thân linh mục" (1967); Humanae vitae "di truyền cuộc sống con người" (1968).

Ngài đã áp dụng các văn bản của Công Đồng và thực hiện các cải tổ do Công Đồng đề xướng. Ngài đưa ra những giáo huấn về hòa bình và thiết lập ngày hòa bình thế giới.

Ngài phải chịu nhiều đau khổ vì các cuộc khủng hoảng liên tục ảnh hưởng đến Giáo Hội trong thời gian đó, nhưng ngài đã tìm thấy niềm an ủi lớn lao trong việc thông truyền đức tin, và bảo đảm nền móng tín lý của Giáo Hội trong một khoảng thời gian đầy những biến động về ý thức hệ (“Năm đức tin”: 1967-1968 và "Kinh Tin Kính của Dân Chúa": 1968). Ngài đã cho thấy một khả năng đáng kể trong việc hòa giải ở mọi lĩnh vực. Ngài thận trọng trong các quyết định của mình, kiên trì những nguyên tắc đã được khẳng định, và hiểu biết sự yếu đuối của con người.

Bằng cách viếng thăm thường xuyên những nơi làm việc và với tông thư Octogesima Adveniens (1971), ngài đã chứng minh cho thế giới thấy mối quan tâm thận trọng và chu đáo của Giáo Hội trước các vấn đề xã hội. Ngài thử nghiệm những cách thức mới để truyền bá đức tin (Tông huấn Evangelii Nuntiandi, 1975), và chia sẻ cách trìu mến những đau khổ của người nghèo. Ngài bảo vệ các giá trị của gia đình và của chính cuộc sống, chống lại ly dị và phá thai. Ngài phải đối diện với những căng thẳng chính trị và xã hội ở một số nước lên đến mức tạo ra những hình thức bạo lực và chủ nghĩa khủng bố; sự phản đối chân thành của Đức Phaolô Đệ Lục đối với bạo lực này được cảm nhận trên thế giới.

Ngài có một cá tính thâm trầm, khiêm tốn và dịu dàng, tin tưởng và chân thành, và có một sự nhạy cảm nhân bản đặc biệt. Ngài là một người có tâm linh sâu sắc - được hình thành trên Kinh Thánh, và trên giáo huấn của các nghị phụ, cũng như các nhà thần học lừng danh trong Giáo Hội. Ngài đã cho thấy đức tin mạnh mẽ, niềm hy vọng vững vàng, và một cuộc sống hàng ngày đầy tình bác ái, thận trọng và đơn giản. Lời cầu nguyện của ngài, đâm rễ sâu trong lời Chúa, phụng vụ và chầu Mình Thánh, tập trung vào Chúa Kitô và được củng cố bởi một lòng sùng kính gương mẫu dành cho Đức Mẹ (Tông huấn Marialis Cultis, 1974).

Từ khi bắt đầu sứ vụ thánh Phêrô của mình, ngài đặc biệt quan tâm đến thệ hệ trẻ, chia sẻ với họ, và với tất cả các tín hữu niềm vui đức tin (Tông huấn Gaudete in Domino, 1975) và "nền văn minh tình yêu" (Năm Thánh, 1975).

Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã qua đời tại Castel Gandolfo sau một thời gian ngắn nhiễm bệnh vào ngày 6 tháng 8 năm 1978 đang khi đọc kinh Lạy Cha.

Hai kiệt tác của ngài về tâm linh và tình yêu dành cho Giáo Hội vẫn còn là những tác phẩm thời danh, đó là cuốn Pensiero alla Morte ("Một suy niệm về cái Chết") và Testamento ("Chứng tá").

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã công bố rằng Đức Phaolô Đệ Lục đã "sống một cuộc sống với nhân đức anh hùng" vào ngày 20 Tháng Mười Hai 2012.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Kỷ niệm 10 năm thành lập hội Têrêsa Hài Đồng tại xứ Cửa Lò. GP Vinh
An Bình Têrêxa
09:05 18/10/2014
KỶ NIỆM 10 NĂM THÀNH LẬP PHÂN HỘI TÊRÊXA HĐ GIÊSU CỬA LÒ 2004 - 2014

Chiều ngày 15/10/2014, Tại nhà thờ giáo xứ Tân Lộc, giáo hạt Cửa Lò, Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã chủ sự thánh lễ đồng tế cùng với 10 Linh mục, tạ ơn hồng ân 10 năm thành lập phân hội Têrêxa Hài Đồng Giêsu Cửa Lò – Giáo Phận Vinh.

Xem Hình

Trước thánh lễ quý cha giúp các em giải tội, tĩnh tâm và quý thầy dòng tên đã cùng chủ giờ chầu tĩnh tâm thật sốt sắng, sau đó tất cả khoảng gần 400 Hội viên, quý cha, quý thầy cùng vui bữa cơm đứng bffet thật đông vui.

6g30’ thánh lễ đồng tế trong tâm tình tạ ơn Chúa qua 10 năm thành lập.

Đặc biệt, đầu thánh lễ tạ ơn, sau lời chào mừng và trình bày lược sử hình thành và phát triển của Phân Hội Têrêxa Cửa Lò, cha Giuse Phan Sỹ Phương Hạt trường hạt Cừa Lò đã long trọng công bố Văn Thư của Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp bổ nhiệm Cha Gioan Nguyễn Văn Niên làm linh giám Hội Têrêxa Khu Vực Miền Trung Việt Nam. Đồng thời, theo ý của Tòa Giám Mục Vinh, sau thánh lễ Tạ Ơn, cha Gioan Nguyễn Văn Niên đã trình cho anh Giuse Têrêxa Vũ Đình Tuấn - Tổng Phụ Trách Hội Têrêxa Việt Nam Văn Thư bổ nhiệm như một dấu chỉ của sự hiệp nhất toàn thể Hội Têrêxa Hài Đồng Giêsu Việt Nam.

Hành trình 10 năm qua của Phân Hội Cửa Lò là hành trình đi trong ân sủng và phúc lành của Thiên Chúa, qua bàn tay dắt dìu của chị thánh. Dấu mốc đó là một điểm nhấn lịch sử / tuy thời gian chưa phải là dài so với cột mốc lịch sử của thời gian / nhưng qua đó để tất cả Hội viên nhìn lại quá khứ với niềm tri ân cảm tạ / chấn hưng hiện tại với niềm vui và bình an / hướng tới tương lai với một hy vọng và xác tín trong đức tin và đức ái / bước theo linh đạo của Hội Têrêxa Việt Nam. Với tôn chỉ là điều răn mới của Chúa Giê-su “ Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”.

Xin Đức Cha, Quý cha và cộng đoàn tiếp tục cầu nguyện cho chúng con, để qua đó chúng con nhận được nhiều sức mạnh của Thiên Chúa qua bàn tay chị thánh mà sống xứng đáng là những bông hồng đơn sơ, nhỏ bé trong vườn hoa thiêng của Hội Thánh.

An Bình Têrêxa
 
Ngày gia đình Đaminh tại Việt Nam
Nt. Maria Nguyễn Thị Minh Du
10:26 18/10/2014
NGÀY GIA ĐÌNH ĐAMINH TẠI VIỆT NAM

Buổi sáng thứ bảy 18/10/2014, trong ánh nắng nhẹ nhàng của một ngày mới, 750 cha, sơ, thầy và anh chị em trong đại gia đình Đaminh, gồm tề tựu tại nhà Mẹ Trung Ương Dòng Đaminh Thanh Tâm hân hoan họp mặt ngày truyền thống Dòng.

Xem Hình

Ngoài sự hiện diện của 11 Dòng Nữ Đaminh: Anunciata, Bà Rịa, Bắc Ninh, Bùi Chu, Lạng Sơn, Monteils, Phú Cường, Rosa Lima, Tam Hiệp, Thái Bình, Truyền Giáo; các chị em đan sĩ Đaminh, các anh chị em Huynh đoàn giáo dân Đaminh VN, các anh em thuộc cựu gia đình Đaminh, quý Cha và quý thầy tỉnh dòng Đaminh Việt Nam như thường lệ, năm nay còn có sự hiện diện của cha Bề Trên Tổng Quyền Bruno Cadoré, hai cha phụ tá Bề Trên Tổng Quyền là cha Grariel Samba và cha Vinh sơn Hà Viễn Lự.

Với hai bài múa khởi động là “Family of Dominican” ( M. F. Fleischaker, OP.) và bài Mừng ngày thành lập Dòng của Sr. Chu Linh thuộc dòng Đaminh Rosa Lima đã làm cho hội trường ấm lên và nóng lên bởi những tiết tấu sôi động và mọi người đã làm quen nhau qua cái bắt tay bất chợt từ bài múa, băng đã được phá và mọi người như cùng chung một nhịp đập trong trái tim vĩ đại của gia đình Đaminh.

Trong lời chào mừng ngắn gọn, sơ M. Madalena Phạm Thị Huy, Bề trên Tổng quyền Dòng Đaminh Thánh Tâm bày tỏ lời chào mừng và hân hoan của toàn thể chị em trong Dòng đón tiếp anh chị em khắp nơi và đặc biệt đón Cha Bề trên Tổng quyền cùng hai cha phụ tá.

Trong ngày họp mặt có bốn chia sẻ của đại diện anh chị em. Đầu tiên là anh Giuse Đỗ An Ninh, Huynh Đoàn Giáo Dân Đaminh, đại diện cho hơn 100.000 thành viên. Trong phần chia sẻ Anh nói tới việc Huynh Đoàn hướng tới sự kiện Dòng mừng 800 năm trong 2 năm tới, anh chị em huynh đoàn sẽ canh tân củng cố bằng việc: củng cố đời sống đức tin, mở mang và thăng tiến qua việc học hành, loan báo Tin Mừng trong đời sống hàng ngày, mời gọi nhiều anh chị em trẻ tham gia vào huynh đoàn. Với bài chia sẻ của sơ M. Madalena Phạm Thị Huy, chúng ta được biết hiện nay số nữ tu Đaminh trên toàn đất Việt của 10 hội dòng và 2 cộng đoàn là 1545 Dì khấn trọn, 658 Dì khấn tạm, 202 Tập sinh, 114 Tiền tập và 698 em Thỉnh Sinh với 215 cộng đoàn trải dài trên khắp các vùng đất của dải đất hình chữ S và một số nhỏ chị em đang học tập cũng như làm mục vụ tại những nơi khác trên thế giới. Các chị em làm các công việc như: mục vụ giáo xứ, truyền giáo, giảng thuyết, giáo dục, tham gia công tác bác ái xã hội…

Với bài chia sẻ ngắn gọn và đơn sơ Sr. Teresa Bùi Thị Tâm, đã cho mọi người có một cái nhìn khái quát về những sinh hoạt thường ngày của một chị Dòng Đaminh đan tu. Cầu nguyện, thánh hóa bản thân, thánh hóa công việc và đọc kinh Mân Côi trong khi thêu từng mũi chỉ, khi đi chặt cây cũng như khi làm nước rửa chén. Trong bài chia sẻ cuối cùng, cha Vinh Sơn Phạm Xuân Hưng,, phụ tá giám tỉnh Dòng Đaminh Việt Nam chia sẻ về ba điểm: các sự kiện, V.S. O.P và năm thánh của Dòng. Trong ba điểm này, có lẽ đánh động người nghe nhất là V.S.O.P. Thoạt nhìn qua, những người sành rượu nghĩ là tên laoij rượu (viết tắt của very superior old pale), rượu được ủ tối thiểu 4 năm trong thùng gỗ sồi, nhưng tuổi của loại gỗ sồi dùng đóng thùng phải lâu hơn nhiều. Theo cha Vinh Hưng, Chữ OP cuối cùng mình gán ghép vào tên Dòng. Và thương hiệu mới được hình thành V.S.O.P since 1216. Dòng Đaminh rất quý và rất cổ, có từ năm 1216. Dòng đã hiện diện gần 800, gần một thiên niên kỷ và chúng ta có một quá khứ tự hào là các thánh tử đạo trên con đường truyền giáo. Ngày nay, chúng ta có tới 215 cộng đoàn nữ, chưa kể dòng nam cùng hơn 100 ngàn anh chị em huynh đoàn Đaminh, hiên diện ở khắp nơi, trên nhiều lãnh vực khác nhau, cho thấy sức hấp dẫn của Đaminh. Hơn nữa hướng đến năm thánh, là dịp anh chị em chúng ta lục trong “ nhà kho” của mình những áng sách, những “ bửu bối”, những “đồ cổ”… đã bị lớp bụi thời gian phủ bám lâu ngày. Mỗi người lục lại trong kho tàng của Dòng để đọc lại, học lại và để áp dụng vào đời sống một người Đaminh.

Một người đặc biệt trong gia đình Đaminh hiện diện ngoài dự kiến của Ban tổ chức là Đức Cha Phaolo Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh. Bỏ lại sau lưng công việc bộn bề của giáo phận, Ngài đến trong tình gia đình Đaminh, cùng ngồi lắng nghe, cùng suy tư và Ngài chia sẻ rất gần gũi với cử tọa: Ước mong anh chị em Đaminh can đảm dấn thân nhiều hơn nữa trên cánh đồng truyền giáo, như vùng đất Lai Châu, Điện Biên, Sơn La… chưa có bóng Đaminh, biên cương mới được mở ra cho người Đaminh là kinh tế, văn hóa, nghệ thuật, xã hội… hãy đem Tin Mừng vào những vùng này và người trí thức đang trông chờ vào Giáo Hội vào các dòng tu.

Xen kẽ vào các bài báo cáo là những tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn nhưng đặc sắc của chị em huynh đoàn trẻ và quý sơ cũng như quý thầy. Niềm vui của những nụ cười và nước mắt lăn dài khi anh chị em được các diễn viên nhập vai như thật trên sân khấu.

Bài chia sẻ tâm tình nhất có thể nói là của cha Bề Trên Tổng Quyền Bruno Cadoré. Ngài là vị Tổng quyền thứ 87 của Dòng được anh em bầu vào năm 2010. Với một phong cách tự nhiên gần gũi, Ngài như đang nói với từng người về sự hiện diện của mình ở đây như là đang hiện diện giũa trái tim của Dòng. Ngài cũng gửi lời chào đến các anh chị em đang làm công tác, không đến tham dự được, những anh chị em đang trên giường bệnh, và tưởng nhớ những anh chị em đã đi trước chúng ta. Ngài nhắn nhủ: là người phục vụ cho Lời Chúa, chúng ta làm công việc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người và giúp cho con người có thể đối thoại được với nhau. Đó là sứ vụ Dòng của chúng ta trong thời đại hôm nay. Với lối diễn ta mộc mạc, sinh động, cách nói với hết cả tâm hồn Ngài giải thích thêm: Tình huynh đệ trong gia đình Đaminh mà chúng ta đang sống là một mầu nhiệm hướng thần. Vì tình huynh đệ là bí tích giữa Thiên Chúa và con người. Tình huynh đệ đưa chúng ta vào can đảm đi vào thi hành sứ vụ Tin Mừng. Chúng ta múc lấy can đảm của Đức Giê-su và đó là điều chiêm niệm của chúng ta. Chiêm niệm can đảm của Đức Giê-su và của anh chị em đang sống quanh chúng ta. Xin cảm ơn Cha Giám tỉnh Giuse Ngô Sĩ Đình đã chuyển dịch một cách rất duyên dáng và sinh động cho anh chị em tham dự cùng lắng nghe.

Trước khi dung bữa Agape, anh chị em trong đại gia đình Đaminh cùng nhau vào nhà Chúa, suy tôn Thánh Thể, tạ ơn cho lần gặp mặt, tạ ơn cho sự hiện diện của Dòng gần 800 năm, tạ ơn về những gì Thiên Chúa đã hứng khởi nơi Cha thánh Tổ Phụ Đaminh trong đêm ở quán trọ hơn 800 năm về trước, đêm khơi gợi trong tâm hồn Ngài về một Dòng Giảng thuyết, để đến hôm nay chỉ tại một Việt Nam bé nhỏ, Anh Chị Em Dòng Thuyết Giáo đã hiện diện khắp nơi và ước mong dấn thân xa hơn vào những biên cương mới.

Xin Thánh Tổ Phụ chúc lành cho chúng con Amen.

Nt. Maria Nguyễn Thị Minh Du
 
Ông Nguyễn Tấn Dũng nói: Gặp giáo hoàng mang ''tầm quan trọng lớn lao''
Khương Duy Hải
11:58 18/10/2014
Ông Nguyễn Tấn Dũng nói: Gặp giáo hoàng mang "tầm quan trọng lớn lao"

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng vừa có cuộc hội kiến với Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican. Nhưng trước đó, phóng viên tạp chí America đã có cuộc phỏng vấn độc quyền với ông Nguyễn Tấn Dũng.

Trả lời phỏng vấn qua email, ông Dũng cho biết cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican vào ngày Thứ Bảy 18 tháng 10 "sẽ thể hiện một cơ hội để cả hai bên tăng cường hiểu biết lẫn nhau, từ đó nâng tầm mối quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh."

"Nó thể hiện tầm quan trọng lớn lao khi Việt Nam tham gia vào mối quan hệ với Tòa Thánh và chính sách nhất quán của chúng tôi là tôn trọng và bảo đảm quyền chính đáng về tự do tôn giáo và tín ngưỡng, khuyến khích Giáo Hội Công Giáo Việt Nam tham gia tích cực trong sự phát triển kinh tế xã hội và quá trình xây dựng đất nước "

Ông Dũng nhắc lại rằng "Việt Nam và Tòa Thánh đã gặp nhau lần đầu tiên vào năm 1990 trong chuyến thăm Việt Nam của Hồng Y Etchegaray, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình".

"Bạn có thể thấy được là mối quan hệ giữa Việt Nam và Vatican đã phát triển trong những năm qua, đặc biệt là thông qua những cuộc hội kiến giữa các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và giáo hoàng", ông nói thêm.

Thực tế, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là lãnh đạo cấp cao đầu tiên của nước CHXHCN Việt Nam hội kiến Đức Giáo Hoàng kể từ lúc nước này cắt đứt quan hệ với Tòa Thánh vào năm 1975, sau khi người cộng sản lên nắm chính quyền cả nước. Ông Dũng đã gặp Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI hồi Tháng Giêng năm 2007, rồi hai năm sau đó, vào Tháng 12 năm 2009, Chủ tịch nước Việt Nam là ông Nguyễn Minh Triết cũng đã đến gặp Đức Giáo Hoàng.

Những cuộc hội kiến cấp cao này khẳng định ý muốn và thiện chí hợp tác của cả hai bên mà kết quả quan trọng là đã thành lập được một nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam - Tòa Thánh. Cuối Tháng Ba vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam là ông Nguyễn Sinh Hùng đã gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Vatican, cũng được coi là một hình thái một cuộc gặp cấp cao.

Thủ tướng Việt Nam cho biết rằng trong những năm gần đây, hai bên đã tổ chức 5 cuộc họp của Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam - Vatican. Cuộc họp mới nhất được tổ chức vào ngày 10-11 Tháng 9 năm 2014 tại Hà Nội. Ông nói, "những cuộc họp này cho thấy mong muốn tăng cường hợp tác song phương".

Ông Dũng cũng nhắc lại là "tại cuộc họp lần thứ 2 [của nhóm công tác hỗn hợp] hồi Tháng Sáu năm 2010, Việt Nam đồng ý để Vatican bổ nhiệm một đặc phái viên không thường trú để nâng tầm hơn nữa mối quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh".

Đây là lần đầu tiên Tòa Thánh có một vị đại diện tại Việt Nam kể từ sau năm 1975, và đó được xem là một bước tiến lịch sử trên lộ trình bình thường hóa quan hệ song phương, cả hai bên đều đồng ý rằng việc thành lập quan hệ ngoại giao đầy đủ là mục tiêu cuối cùng.

Vẫn phải duy trì gặp gỡ đối thoại

Khi Tòa Thánh đã sẵn sàng thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, người phỏng vấn hỏi ông Nguyễn Tấn Dũng là chính phủ của ông đã sẵn sàng cho việc này hay chưa, và nếu chưa thì ông có thể chỉ ra đâu là những trở ngại còn tồn tại để đạt được mục tiêu chung này?

Ông Dũng đã không trả lời câu hỏi đó, nhưng nhìn về tương lai, ông nói rằng "trong thời gian tới, dựa trên mong muốn của hai bên là tăng cường hơn nữa quan hệ Việt Nam - Vatican, tôi cho rằng hai bên cần duy trì gặp gỡ để đối thoại và tiếp tục tạo thuận lợi cho đặc phái viên không thường trú của Vatican hoạt động tại Việt Nam."

Ông Dũng nói rằng sẽ "giúp Giáo Hội Công Giáo Việt Nam thực hiện thành công những lời giáo huấn của Đức Giáo Hoàng: 'Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc', 'Người Công Giáo tốt phải là công dân tốt', để cộng đồng Công Giáo Việt Nam tiếp tục đóng góp, chia sẻ nhiệm vụ của đất nước".

Công Giáo với hơn 6 triệu tín hữu (trong tổng số hơn 90 triệu dân), là tôn giáo lớn thứ hai (sau Phật giáo) tại đất nước Đông Nam Á này. Giáo Hội Công Giáo vẫn còn có những căng thẳng với chính quyền một số nơi về tài sản và các vấn đề khác.

Tòa Thánh và Việt Nam đã tìm ra cách thức khá ổn trong việc đề cử giám mục để hai bên có thể cùng chấp thuận, và tin tưởng rằng với sự kiên nhẫn và thiện chí thì các vấn đề khác có thể được giải quyết làm hài lòng cho cả hai bên.

Ngày nay, Giáo Hội tại Việt Nam có 26 giáo phận, một số chủng viện và hơn 10.000 cơ sở thờ phượng, Giáo Hội cũng có các hoạt động bác ái như là trợ giúp di dân nội địa trong những tình cảnh khó khăn và giúp đỡ các nạn nhân của AIDS.

Một sự kiện mang tính bước ngoặt là chính phủ đã tạo điều kiện và hỗ trợ Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) tổ chức hội nghị toàn thể tại Việt Nam, kỷ niệm 40 thành lập hồi Tháng 12 năm 2012. Đó là một sự kiện mang tính lịch sử không chỉ cho Giáo Hội Việt Nam mà còn cho cả Giáo Hội hoàn vũ. Đức Giáo Hoàng đã gửi đặc phái viên của ngài đến dự sự kiện đó.

Chưa biết có được mở trường Công Giáo hay không

Ở nhiều nước Á Châu ngày nay, một trong những đóng góp chủ yếu của Giáo Hội Công Giáo dành cho xã hội là việc mở các trường học và viện đại học. Nhưng cho đến tận nay, Giáo Hội vẫn không thể thực hiện đóng góp này tại Việt Nam. Người phỏng vấn đã hỏi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng chính phủ của ông có dự định cho phép Giáo Hội mở trường học không? Nhưng ông Dũng cũng không trả lời câu hỏi này.

Cuối cùng, người phỏng vấn hỏi rằng Chính phủ của ông sẽ mời Đức Giáo Hoàng đến thăm Việt Nam chứ? Vẫn không nhận được câu trả lời từ ông Thủ tướng Việt Nam.

(Dịch giả có chỉnh sửa về bố cục và cách hành văn trong bản dịch)

Khương Duy Hải
 
Giáo Đoàn Thánh Tử Đạo Lê Đăng Thị Fairfield Sydney Mừng Bổn Mạng
Diệp Hải Dung
20:41 18/10/2014
Giáo Đoàn Thánh Tử Đạo Lê Đăng Thị Fairfield Sydney Mừng Bổn Mạng

Chiều thứ Bảy 18/10/2014 các Hội Đoàn và các Giáo Đoàn bạn đã đến nhà thờ St. Therese Fairfield Heights Sydney tham dự Thánh lễ mừng kính Thánh Tử Đạo Giuse Lê Đăng Thị Quan Thầy của Giáo Đoàn. Kiệu tượng Thánh Tử Đạo Lê Đăng Thị đặt trong khuôn viên nhà thờ sau khi Cha Josue Moran Phó xứ xông hương kiệu tượng Thánh Lê Đăng Thị cuộc kiệu bắt đầu cung nghinh Thánh Lê Đăng Thị, dẫn đầu là Cờ Úc Việt và Cờ Hội Thánh, kế tiếp là các Hội Đoàn Đoàn Thể, Quan Khách và Giáo Dân, cuộc kiệu rất trang nghiêm và sốt sắng.

Xem Hình

Sau khi kiệu Thánh Lê Đăng Thị rước vào trong nhà thờ an vị trên cung thánh, Cha Phêrô Đặng Đình Nên Tuyên úy Đặc trách Giáo Đoàn Fairfield xông hương kiệu và Ban Mục Vụ tuyên đọc sơ lược tiểu sử về Thánh Giuse Lê Đăng Thị. Ngài là một Cai Đội nhưng rất có lòng yêu mến Chúa và bất chấp mọi thủ đoạn hành hạ tra khảo của quan quân triều đình. Ngài chọn cái chết để vinh danh Chúa và làm gương cho hậụ thế. Sau đó Cha Đặng Đình Nên ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Giáo Đoàn và chào mừng quý Cha Tuyên úy Trưởng Dương Thanh Liêm, Cha Nguyễn Văn Tuyết, Cha Nguyễn Thái Hoạch và Cha Josue Moran Phó xứ đến tham dự và hiệp dâng Thánh lễ mừng Bổn Mạng Giáo Đoàn.

Trong bài giảng Cha Đặng Đình Nên nói về Lời Chúa Giêsu nói cách đây hơn 2000 năm nhưng vẫn bất hủ và lưu truyền mãi mãi cho hậu thế dù là người Công Giáo hay không Công Giáo cũng đều biết qua câu “Cái gì của Xêsa thì trả về cho Xêsa” và chính bài Phúc Âm hôm nay nói về nhóm người Luật sĩ và Biệt Phái muốn gài bẫy bắt bẻ Chúa Giêsu qua câu hỏi có nên nộp thuế cho đế quốc Rôma không ? Nhưng Chúa không trả lời và hỏi ngược lại về đồng tiền xuất xứ từ đâu và Ngài nói “Cái gì của Xêsa thì trả về cho Xêsa. Cái gì của Thiên Chúa thì trả về cho Thiên Chúa”…

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Cha Josue Moran Phó xứ Fairfield chúc mừng Giáo Đoàn và khen ngợi mọi người trong Giáo đoàn rất sốt sắng. Kế tiếp Anh Trần Anh Vũ Chủ tịch CĐCGVN TGP Sydney cũng ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Giáo Đoàn, Ca Đoàn và Huynh Đoàn Đa Minh Fairfield anh cũng khen ngợi Giáo đoàn đã đóng góp giúp cho 2 ngày Đại Hội Thánh Mẫu vừa qua, đặc biệt là Giáo đoàn cung nghinh kiệu tượng Thánh Tử Đạo Lê Đăng Thị trên Trung Tâm Hành Hương Bringelly ngày Thánh Mẫu.

Sau cùng ông Trần Thái Toản Trưởng Ban Mục Vụ Giáo Đoàn Fairfield ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Sơ, quý Quan Khách và mọi người đã đến tham dự Thánh lễ mừng kính Quan Thầy của Giáo Đoàn Fairfield. Đặc biệt cám ơn quý ân nhân đã đóng góp công của để giúp cho Giáo Đoàn tổ chức Lễ Bổn Mạng được tốt đẹp và cũng cám ơn Ca đoàn Fairfield đã tích cực đóng góp giúp cho Giáo đoàn được thêm phần sốt sắng trong những Thánh lễ hàng tuần.

Thánh lễ kết thúc mọi người ở lại tham dự tiệc liên hoan mừng Bổn Mạng Giáo Đoàn Fairfield Thánh Tử Đạo Giuse Lê Đăng Thị. Diệp Hải Dung
 
Văn Hóa
Nhân chuyện trang Facebook giả mạo mang tên LM Nguyễn Tầm Thường
Micae Bùi Thành Châu
08:50 18/10/2014
THẬT GIẢ - GIẢ THẬT

Ở đời, thật và giả là hai mặt của cuộc sống. Với công nghệ hiện nay, thật giả thật khó lường. Để hưởng lợi, bằng mọi giá, người ta giả từ vật chất đến tinh thần.

Cách đây ít năm, khi chiếc iphone đời đầu mới xuất hiện, người quen của tôi khá cẩn thận khi đặt hàng 1 chiếc từ Mỹ qua một người quen. Vui vẻ cầm trên tay sản phẩm mới và khi đó còn là hàng hiếm. Thế nhưng khi sử dụng thì hỡi ôi ! Chiếc iphone tưởng chừng như hàng chính hãng đó lại hàng hàng nhái từ phương trời của Hồ Cẩm Đào. Tiếc thương cũng rồi ! Đành thôi đã trả tiền ! Người hỡi tính làm sao đây ?

Mới đây, mua đậu xanh đã bóc vỏ về để nấu chè đậu xanh đánh theo kiểu người Huế. Chẳng hiểu sao khi đậu nhừ thì không như bình thường nhưng nó ra chất gì đó sệt sệt. Cả nhà nhìn kỹ thì nó giống ... bột hơn là đậu xanh. Hóa ra là mua nhầm đậu xanh người ta làm từ đất nước của Tập Cận Bình.

Các bà các cô ra chợ thì sẽ rõ hơn chuyện hàng giả hàng nhái. Hàng nhái đôi khi còn làm đẹp mắt hơn là hàng thật.

Không chỉ vật dụng, thực phẩm giả và nhái mà nay ta lại thấy xuất hiện facebook nhái !

Từ dòng chia sẻ của linh mục Nguyễn Tầm Thường trên trang báo điện tử Vietcatholic, tôi vào thử trang facebook mang tên của Ngài.

Thật bất ngờ và sửng sốt bởi lẽ trang facebook mang tên cha Nguyễn Tầm Thường có hình của Ngài hẳn hoi. Không những thế, trong trang cá nhân này có nhiều bài viết lấy từ những trang khác cũng như gắn luôn cả hình của Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài nữa.

Thử vào phần trang bè bạn thì càng ngạc nhiên hơn là không ít các linh mục tu sĩ kết bạn và được nhận lời từ facebook mang tên linh mục Nguyễn Tầm Thường. Với lòng quý mến từ nhiều bài viết của cha Thường nên chuyện kết thân là điều dễ hiểu nhưng đến khi nghe những dòng tâm sự của cha Thường mọi người mới tá hỏa ...

Cứ thử vào trang cá nhân mang tên linh mục Nguyễn Tầm Thường không ai nghĩ được rằng nó là giả. Thế nhưng, sự thật thật trang mạng này là giả.

Mạng xã hội luôn phức tạp và nó chứa đựng muôn điều muôn vẻ trong đó, thật cũng có mà giả cũng có.

Qua chuyện facebook giả mạo này một lần nữa nhắc nhớ những ai dùng mạng xã hội phải cẩn thận hơn khi tiếp chuyện hay đặc biệt là giúp đỡ, chia sẻ. Không gì bằng tận mắt, tận tay cả.

Cũng may là ai nào đó lập trang mạo danh cha Thường chỉ để "mua vui" chứ chưa đặt vấn đề xin giúp đỡ hay bác ái ...

Những ai dùng mạng xã hội cũng nên dè dặt trước những thông tin khuyến mãi cho không cái gì đó như nạp thẻ điện thoại nhận được tài khoảng khủng. Một người bạn cũng tò mò với hướng dẫn hấp dẫn là nạp thẻ được nhận tài khoản khủng ... Khi làm theo hướng dẫn mới tá hỏa nhận ra rằng đó là lời nhắn giả mạo, lời nhắn lừa đảo nhằm nạp tiền cho những người bất lương.

Rồi cũng có những trang mạng rủ rê mua iphone với giá rẻ mạt. Cũng có nhiều người ngậm đắng nuốt cay trước những chiêu trò giả mạo ấy. Không chỉ iphone nhưng tất cả những món hàng rao trên mạng với giá hời cần nên xem lại.

Nên nhớ rằng trên đời cái gì nó cũng có cái giá của nó và không ai cho không ai cái gì. Khi nhận được lời mời cho không cái gì ta nên cẩn thận duyệt xem đó là lời thật hay là lời giả trước khi nhận lời kẻo phải rơi vào cảnh "tiền mất tật mang".

Thật tế nhị và nhạy cảm với các trang mạng xã hội bởi lẽ trên đó thật thật ảo ảo khó lường được. Chỉ có lòng thật lòng mới nhận ra khuôn mặt thật của nhau trên những phương tiện thông tin đại chúng mà thôi.

Micae Bùi Thành Châu