Ngày 12-10-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 13/10: Khiêm nhường và bác ái. Linh mục Phaolô Nguyễn Trọng Thiên, SVD. Kinh Thánh Giuse
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:31 12/10/2021

PHÚC ÂM: Lc 11, 42-46

“Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái, và khốn cho các ngươi, hỡi những tiến sĩ luật”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa phán rằng: “Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái! Vì các ngươi nộp thuế thập phân, bạc hà, vân hương, và các thứ rau, mà lại bỏ qua đức công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa: Phải thi hành những điều này, và không được bỏ những điều kia. Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái! Vì các ngươi ưa thích ngồi ghế nhất trong các hội đường, và ưa thích được chào hỏi ngoài phố chợ. Khốn cho các ngươi, vì các ngươi giống những mồ mả không rõ rệt, người ta bước đi ở trên mà không hay biết!” Có một tiến sĩ luật trả lời Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy nói như thế là Thầy sỉ nhục cả chúng tôi nữa”. Người đáp lại rằng: “Hỡi những tiến sĩ luật, khốn cho các ngươi nữa! Vì các ngươi chất lên người ta những gánh nặng không thể vác được, mà chính các ngươi dù một ngón tay cũng không động tới”.

Ðó là lời Chúa.
 
Mục Đích Và Phương Tiện
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:58 12/10/2021
Mục Đích Và Phương Tiện

Một cô giáo gốc lương dân đã vào Công Giáo hỏi rằng: “Mục đích của chủ nghĩa cộng sản là muốn xây dựng thiên đàng ngay tại trần thế. Kitô hữu được mời gọi nỗ lực làm cho Nước Chúa trị đến. Vậy tại sao thường nghe nói là chủ nghĩa cộng sản và Công Giáo xung khắc nhau, có người nói là không đội trời chung?

Vì là hỏi đáp nhanh trong cuộc hội thảo nên tôi đã giải thích: Trước hết cần phân biệt chủ nghĩa cộng sản với người anh em theo chủ nghĩa cộng sản. Người anh em cộng sản và người Công Giáo rất có thể sống chung hài hòa trong yêu thương và liên đới nhiều mặt. Cũng có thể có trường hợp “phải chung sống” vì nhiều lý do khách quan và cả chủ quan. Xin đề cập đến niềm tin Kitô giáo, cách riêng Công Giáo với lý thuyết cộng sản xét như một chủ nghĩa. Có sự khác biệt lớn giữa hai phạm trù này và nhiều sự khác biệt xem như là tương khắc. Chẳng hạn niềm tin Công Giáo là hữu thần còn chủ nghĩa cộng sản là vô thần. Công Giáo thì xác tín rằng mục đích không thể biện minh cho phương tiện. Để đạt mục đích tốt thì phải sử dụng những phương tiện tốt, ít nữa là trung dung nghĩa là không xấu. Chủ nghĩa cộng sản thì chủ trương ngược lại: mục đích biện minh cho phương tiện. Để đạt được mục đích tốt thì có thể sử dụng bất cứ phương tiện nào. Nói cách cụ thể như lời ông Đặng Tiểu Bình đó là “không cần biết mèo vàng hay hay mèo đen, chỉ cần bắt được chuột đều là mèo tốt”. Để đạt được sự ổn định về chính trị hay để giữ được quyền cai trị thì có thể sử dụng mọi phương thế cho dù theo cái nhìn Kitô giáo là không chính đáng và phải đạo chẳng hạn như tuyên truyền, bạo lực…

Sau khi nói rằng thế hệ này đòi điềm lạ nhưng sẽ chẳng cho thế hệ này điềm lạ nào ngoài điềm lạ ngôn sứ Giona thì Chúa Giêsu khẳng định mình còn hơn cả Giona nữa (x.Lc 11,32). Điềm lạ ở đây đó là sự can đảm nói lời chân lý khi mà chân lý đụng tới lối sống bất chính của nhiều người chức cao, vị trọng. Thánh sử Luca tường thuật tiếp liền sau đó là những lời khiển trách rất gay gắt của Chúa Giêsu nhắm vào nhóm biệt phái và luật sĩ với cụm từ lặp đi lặp lại: “khốn cho các ngươi”.

Bài Tin Mừng ngày thứ Năm sau Chúa Nhật XXVIII TN tường thuật những lời kết án của Chúa Giêsu nhắm vào cả hai nhóm người trên. Với nhóm biệt phái thì Chúa Giêsu đã vạch rõ sự sai lạc của họ khi họ cố tình làm một việc tốt với mục đích xấu. Họ bỏ công sức xây lăng mộ cho các ngôn sứ để che đậy gian ý của họ hiện nay là đang tìm cách hãm hại Chúa Giêsu, người mà dân chúng tôn kính như là một sứ ngôn. Khi mục đích đã là xấu rồi thì việc chúng ta làm dù có tốt cũng thành xấu mà nhiều khi trở thành tệ hại vì nó thường có tính lường gạt tha nhân và nhiều khi cả chính mình cũng bị lầm.

Với các ngài tiến sĩ luật thì Chúa Giêsu khiển trách họ đã “cất giấu sự hiểu biết” con đường vào Nước Trời. Bản thân đã lầm đường mà họ lại còn dẫn dắt dân chúng đi lạc lối (x.Lc 11,52). Vì sự cao ngạo và với lòng tham lam họ đã vẽ vời nhiều con đường nhỏ quanh co mà bỏ qua chính lộ Thiên Chúa đã vạch ra. Chúa Giêsu đã trưng dẫn nhiều đan cử cụ thể: họ dạy dân chúng giữ kỷ lưỡng việc đóng thuế thập phân đến cả các thứ rau nhỏ xíu như bạc hà, thì là… mà bỏ qua đức công bình, lòng nhân và sự thành tín (x.Mt 23,23). Thậm chí họ dạy dân chúng rằng những gì mình có để phụng dưỡng cha mẹ mà nếu đã dâng vào đền thờ rồi thì được miễn sống đạo thảo hiếu (x.Mt 15,1-6). Chắc hẳn các vị tiến sĩ luật đều muốn cho bản thân và người mình dạy dỗ vào Nước Trời. Thế nhưng mục đích tốt là vào Nước Trời không thể biện mình cho cách thế giảng dạy sai lạc của họ. Vì thế chúng ta mới hiểu được thái độ nghiêm khắc của Chúa Giêsu khi phê phán nhóm người này.

Dưới ánh sáng lời mạc khải và theo lời dạy của giáo hội, thiển nghĩ rằng hàng giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và Kitô hữu giáo dân trưởng thành trong Công Giáo cách nào đó vốn nắm rõ các mối tương quan giữa các phạm trù: “chính việc làm, ý hướng, mục đích và phương tiện” theo chiều kích thần học luân lý. Sự hiểu biết và việc tin nhận có song hành với cuộc sống ra sao thì còn nhiều vấn đề phải xét suy và tự kiểm. Chẳng hạn xây nhà Chúa vốn thường là một việc tốt. Nhưng để có ngân khoản để xây dựng mà dùng cách thế “khích lòng háo danh” của người dâng cúng thì có đẹp lòng Chúa không? Đã hiểu biết nguyên tắc luân lý mà còn vô tình vi phạm thì thật đáng tiếc. Giả như hữu ý sai lỗi thì chắc chắn lời khiển trách nặng nề của Chúa Cứu Thế lại phải vọng vang: “Khốn cho các ngươi! Khốn cho các ngươi!”

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Công Bố Trên Mái Nhà
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:31 12/10/2021
Công Bố Trên Mái Nhà

“Cây kim giấu trong bọc lâu ngày cũng sẽ lộ ra”. Ngẫm lời cha ông chúng ta xưa để nhớ lời Chúa Giêsu: “Anh em phải coi chừng men Pharisêu, tức là thói đạo đức giả. Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra. Không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết” (Lc 12,1-2). Người ta có thể qua mặt một người nhiều lần, qua mặt nhiều người một vài lần, nhưng khó có thể qua mặt nhiều người nhiều lần. Và chắc chắn không một ai có thể qua mặt được Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn tâm can (x.Mt 6).

Tin Mừng ngày thứ Sáu sau Chúa Nhật XXVIII TN tường thuật lời cảnh báo của Chúa Giêsu trước lối sống giả hình, gian dối. Nhưng rồi tiếp liền sau đó Người dạy chúng ta rằng để giúp nhau tránh được thứ “men gian dối, giả hình” ấy thì hãy can đảm rao truyền sự thật. Hãy công khai loan báo lời chân lý. Đừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác mà không làm gì được linh hồn. Hãy vững tin vào tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa Toàn Năng, Đấng chăm sóc chúng ta đến cả từng sợi tóc trên đầu (x.Lc 12,4-7).

Mục sư Martin Luther King, nhà hoạt động cho nhân quyền, đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 1964 đã từng nói: “Trong thế giới này chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của những người xấu mà còn cả vì sự im lặng của những người tốt”. Qua miệng ngôn sứ Isaia Thiên Chúa đã gọi các mục tử không biết mở miệng nói lời chân lý là “lũ chó câm, không biết sủa” (Is 56,10). Ngôn sứ Êdêkiel đã minh nhiên lời dạy của Thiên Chúa: “Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta nói cho chúng biết. Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: “Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết”, mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, thì Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó” (Ed 33,8).

Quả thật đã là người thì ai cũng ngại ngần khi phải nói lời sự thật. Sự thật thì dễ mất lòng. Và thật khó tránh được sự khiếp hãi khi phải công khai những sự thật xấu xa của những người quyền cao chức trọng ngoài xã hội và cả trong giáo hội. Tuy nhiên nếu biết sống tình liên đới thì nhờ ơn Chúa giúp chúng ta có thể dần dần vượt qua. Trước hết khi biết rằng chính dân chúng, nhất là những người nghèo, người kém phận là những người gánh lấy hậu quả của sự gian dối do tha nhân, đặc biệt là giới giàu có, đủ đầy quyền chức gây ra. Và khi biết liên đới với những thân phận thấp hèn ấy thì Thiên Chúa sẽ ban ơn cho chúng ta can đảm công bố sự thật.

Ngoài ra chúng ta cũng phải biết xót thương cả những người đang gieo rắc “men dối gian, giả hình”. Vì chính họ cũng phải gánh lấy hậu quả có thể ngay ở đời này khi mà “cái kim trong bọc” lộ ra, và nhất là họ phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa, Đấng đầy lòng xót thương nhưng cũng công bình vô cùng. “Điều anh em nghe rỉ tai thì hãy lên mái nhà mà rao giảng”(Mt 10,26). Và Chúa Giêsu cũng đã khẳng định với chúng ta rằng hãy xem cách thế mà anh em nghe biết sự thật. Nếu chúng ta có chút tấm lòng với tha nhân trong tình liên đới thì “ai có sẽ cho thêm và ai không có thì ngay cả cái đang có cũng sẽ bị lấy mất” (Mt 13,12).

Vấn đề đặt ra là bằng phương thế nào chúng ta có thể chu toàn nhiệm vụ sứ ngôn đã lãnh nhận từ khi chịu bí tích Thánh Tẩy. Bên cạnh nhiều phương pháp đáng áp dụng, thiển nghĩ rằng không gì hơn hãy tập luyện cách tiệm tiến. Nghĩa là tập công bố sự thật từ việc nhỏ đến việc lớn, từ chuyện có va chạm ít đến chuyện có va chạm nhiều. Phương pháp tiệm tiến là phương pháp khá hữu hiệu trong nhiều lãnh vực nhất là việc vượt qua các nỗi sợ hãi. Tiếp đến khi công bố sự thật thì cần có thái độ khiêm nhu nhìn nhận cả khiếm khuyết và lầm lỗi của chính mình, của tập thể mình. Khi biết “trách kỷ” thì chúng ta sẽ mạnh dạn hơn để biết “trách nhân”. “Tiên trách kỷ hậu trách nhân”. Kinh nghiệm của cha ông mãi vẫn hữu dụng cho con cháu.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Chết đến nơi rồi
Lm. Thái Nguyên
16:55 12/10/2021
SUY NIEM VA CAU NGUYEN CN 29 TN - CAU NGUYEN XIN ƠN CHUA LANH CON ĐAI DICH



CHẾT ĐẾN NƠI RỒI

Ngày Toàn Quốc cầu nguyện xin Ơn Chữa lành: Mc 4,35-41

(Chúa Nhật 17.10.2021)

Suy niệm

Trong lễ này, Giáo Hội đặt bài Tin Mừng kể lại trận cuồng phong nổi lên, khi Chúa Giêsu và các Tông đồ đang trên thuyền đi qua “bờ bên kia”. Trước cơn sóng dữ ập vào thuyền, các Tông đồ hoang mang, sợ hãi, các ông hốt hoảng chạy đến đánh thức và kêu cứu Thầy. “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” Có gì đáng sợ bằng đứng trước cái chết, nó cho ta một cảm giác kinh hoàng. Lời kêu cứu của các tông đồ xem ra cũng là lời trách móc, có vẻ như Thầy quá vô tư hững hờ trước mạng sống của các đồ đệ. Nhưng có lẽ cần phải như thế để các ông nhận ra sự yếu đuối và bất lực của con người mình.

Ðức Giêsu đã thức dậy, ra lệnh cho gió và biển: “Câm đi! Im đi!”. Thế là sóng yên biển lặng như tờ. Lúc đó, Đức Giêsu mới trách lại các ông: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?”. Nếu có lòng tin thì đâu có cuống cuồng như vậy. Có Thầy mà cũng như không. Mặc dù các ông đã từng chứng kiến những phép lạ lớn lao Thầy làm, nhưng hôm nay các ông mới thực sự kinh ngạc và thốt lên: “người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”. Nhìn các Tông đồ đối mặt với trận cuồng phong, ta thấy được phần nào về thế giới, về thái độ của con người khi đối diện với bão tố của cuộc đời.

Thế giới mà nhiều người ảo tưởng là vĩnh cửu dường như sắp sa chìm trong biển cả của sự dữ. Chỉ cần nhìn lại một năm rưỡi nay (từ 2020), ta đã thấy nhiều thảm họa xảy ra: trước tiên là cuộc cháy rừng ở Úc, hơn 10 triệu ha bị phá hủy; khoảng 1.400 ngôi nhà ở bang New South Wales bị thiêu rụi. Tiếp đến là trận “lụt hồng thủy” 40 ngày đêm ở Trung Quốc nhấn chìm hàng trăm ngàn ngôi nhà, khiến cho hàng ngàn người chết, đó là chưa kể đến lũ lụt ở các tỉnh miền Trung Việt Nam làm chết hàng trăm người, và cuộc chiến tàn sát nhau vì màu da sắc tộc trên nước Mỹ. Vượt lên trên các thảm họa kia là thảm họa Covid 19. Cơn đại dịch này làm cho thế giới kinh hoàng, làm tê liệt nền kinh tế và các hoạt động xã hội. Số người chết vì Covid 19 tính tới thời điểm này đã lên đến 10 triệu người (https://zingnews.vn/so-ca-tu-vong-thuc-te-vi-covid-19-tren-toan-cau-la-bao-nhieu-post1254231.html (24.08.2021) ). Thảm họa này làm cho con người điên đảo, cạn kiệt niềm hy vọng vào một thế giới tươi sáng.

Có nhiều người nghĩ đây đúng là cuộc chiến tranh thế giới thứ ba. Nó làm cho nhà nhà, người người phải chia ly, kẻ ở người đi không một lời trăn trối. Bao gia đình tan tác, bao người thân chết không thấy xác, bao thương đau về tinh thần và đói khát về thể xác; thời gian héo hắt phai tàn, và không gian im lìm chìm vào hoang vắng; nhà thờ và chùa chiền không bóng người. Mỗi ngày ở Việt Nam có hàng ngàn người phải cách ly, họ đang phải chiến đấu để giành giật lấy từng hơi thở, không biết ngày mai mình có còn có mặt trên đời nữa không,… Tất cả mọi người đều rơi vào hoang mang, sợ hãi, thậm chí bị stress, và rồi những khó khăn lại nối tiếp như thất nghiệp, nghèo đói, không nơi nương tựa… Bao người tự hỏi: liệu Thiên Chúa có hay không? Nếu có thì Ngài ở đâu trong biến cố này? Ngài có nghe thấy tiếng con cái đang ngày đêm kêu cầu lòng thương xót của Ngài không? Có khi chúng ta cũng trách Chúa như các Tông đồ xưa: Chúng con chết đến nơi rồi mà Chúa không ra tay cứu chữa! Ngài còn chờ gì nữa đây?

Nếu cứ loay hoay tìm câu trả lời cho những vấn nạn đó thì không bao giờ thỏa đáng, nhưng nếu ta nhớ lại câu chuyện Ladarô trong Tin Mừng Gioan, thì ta sẽ có được tia sáng đầy hy vọng về cách hành động của Thiên Chúa. Mặc dù Chúa Giêsu rất yêu quí Ladarô nhưng Ngài không đến cứu ngay, mà để chết rồi mới đến cứu. Điều này cho ta thấy “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa cứu thoát cho bằng một Thiên Chúa cứu chuộc. Ngài không can thiệp để cứu ta khỏi nhục nhã, đau khổ và chết chóc, nhưng Ngài cứu chuộc ta khi ta đã qua nhục nhã, đau khổ và phải chết cách nào đó” (Ronald Rolheiser). Thật không dễ để hiểu được điều này nếu thiếu cảm nghiệm dưới ánh sáng đức tin.

Tuy nhiên, câu chuyện Chúa ngủ trên chiếc thuyền đang bị bão bùng năm xưa vẫn còn nguyên giá trị. Ngài vẫn ở đó, vẫn bên cạnh các Tông đồ, nhưng lo sợ đã làm các ông quên mất sự hiện diện của Chúa. Lúc này cũng vậy, Chúa đang ở đây, đang đau niềm đau của con người, đang khổ nổi khổ của nhân loại. Nhưng vì quá hoảng sợ, ta không còn nhận ra Chúa. Ngài vẫn ở bên chúng ta, “cho dù người mẹ có quên đứa con của mình, phần Ta, Ta sẽ không quên ngươi” (Is 49,15).

Thập giá là điều tất yếu của cuộc sống con người. Đau khổ cũng là lẽ tất nhiên trong thân phận làm người. Chúng ta không thể trốn chạy hay đổ lỗi cho Thiên Chúa, mà trái lại, thực tế lại thường là hậu quả của tội lỗi loài người. Mỗi người đều phải vác thập giá của mình, và những đau khổ chúng ta đang chịu lúc này đều liên hệ với những những đau khổ của Chúa Giêsu trên thập giá. Chúa đảm nhận tất cả những đau khổ ấy để thánh hóa mọi người chúng ta. Ta đừng ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối, nhưng hãy thắp lên một ngọn lửa của niềm tin và hy vọng; cần vác đỡ thập giá cho nhau. Được như vậy, thập giá sẽ trở nên Thánh giá, vì nó được đón nhận từ trái tim chúng ta trong sự kết hiệp với trái tim Chúa Giêsu, Đấng đã đổ máu để cứu chuộc chúng ta.

Virus Corona làm cho nhiều người khiếp sợ, nhưng có một loại virus đáng sợ hơn, đó là virus của lòng kiêu căng, ích kỷ, tham lam, hận thù, ghen ghét, nhất là chủ nghĩa bá quyền đang bành trướng dưới nhiều hình thức. Con người đã có lúc tự mãn nghĩ rằng “mình làm được mọi sự” nhưng qua biến cố đại dịch này, con người mới biết mình là ai? Làm được cái gì? Quả thật, nếu không có Chúa, thiếu Chúa, vắng Chúa, thế giới sẽ trở thành “ngôi nhà ma”, và biển cả của sự dữ là mồ chôn tất cả. Hãy nhìn mọi sự dưới cái nhìn đức tin để thấy Chúa đang hành động, và hành động cụ thể qua những con người đầy thiện chí, đầy nhiệt tình, đang xả thân cho anh em đồng loại ở mọi góc độ của cuộc sống hôm nay. Ta đừng hoang mang, sợ hãi nhưng “mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em” (1Pr 5,7). Cuộc sống của thế giới giờ đây có nhiều thay đổi, có thể mọi người phải tiếp tục sống chung với lũ, nhưng dù trong hoàn cảnh nào “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8,28).

Ước gì nạn Covid không làm cho sự hiện diện của Thiên Chúa bị “phong tỏa” bằng những suy nghĩ tiêu cực, bi quan, nhưng mở rộng tâm hồn ta để tiếp nhận ánh sáng, tình yêu và ân sủng, mà Thánh Thần Chúa hằng tiếp tục tuôn đổ xuống cho những kẻ tin.

Cầu nguyện

Lạy Chúa!

Cuộc đời như biển cả mênh mông,

có những khi đầy sóng gió chập chùng,

với dịch bệnh, tai ương và nghèo túng,

biết bao người phải lâm cảnh khốn cùng,

chúng con thấy hoang mang và nao núng,

lại thấy Chúa như xa cách muôn trùng.

Cuộc sống với đau khổ không thể tránh,

bao lần con ưu phiền và than trách,

nhưng thử thách lại là phương cách,

Chúa muốn tôi luyện đời sống con,

qua những đau thương thêm vững vàng,

qua những nguy nan thêm tin cậy.

Thử thách như cơ hội triển nở,

giúp con khai mở những tiềm năng,

để con khai sáng cuộc đời mình,

theo như chương trình tình yêu Chúa.

Thử thách như thập giá hằng ngày,

cho con biết luôn kề vai vác lấy,

trong an vui và hy vọng tràn đầy,

vì thấy mình được nên giống Chúa hơn.

Trong thử thách con thấy mình chới với,

nhưng tin rằng Chúa có mặt ở mọi nơi,

luôn yêu thương và hành động kịp thời,

không để đời con phải chơi vơi,

Thuyền đời con chẳng bao giờ êm ả,

chỉ êm ả khi về tới bến quê,

chỉ mong sao con giữ vẹn lời thề,

biết sống đức tin giữa cuộc đời trần thế.

Xin cảm tạ và tôn vinh danh Chúa,

trong gian nan thử thách của đời con. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nhà lãnh đạo Anh giáo cho biết ngài đeo chiếc nhẫn của Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục
Đặng Tự Do
05:37 12/10/2021


Tổng giám mục của Canterbury, Justin Welby, đang ở Rôma để thực hiện các sáng kiến liên tôn khác nhau đã diễn ra trong vài ngày qua, bao gồm các kháng nghị chung về giáo dục và môi trường, và Cuộc họp Quốc tế về Hòa bình ngày 7 tháng 10.

Khi kết thúc cuộc phỏng vấn với Vatican News, hoàn toàn bất ngờ, nhà lãnh đạo Anh Giáo đã cho biết một chi tiết thú vị: chiếc nhẫn mục tử mà ngài đang đeo là chiếc nhẫn được Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục tặng cho Anh Giáo.

Chiếc nhẫn được Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục trao cho Giám Mục Anh giáo lúc bấy giờ, là Michael Ramsey, vào ngày 23 tháng 3 năm 1966, trong chuyến thăm lịch sử của ngài tới Rôma. Đó là chuyến thăm đầu tiên của một người đứng đầu Liên Hiệp Anh giáo đến thăm một vị giáo hoàng kể từ khi bắt đầu cuộc Cải cách ở Anh, bốn thế kỷ trước đó. Vào ngày đó, vị Giáo hoàng người Ý, hiện là một vị Thánh, đã tháo chiếc nhẫn của mình và đeo nó vào ngón tay của Đức Tổng Giám Mục Canterbury.

Vatican News giải thích rằng:

Trước khi thực hiện cử chỉ đặc biệt này, Đức Phaolô VI đã nhờ thư ký riêng của ngài, Cha Pasquale Macchi, hỏi Đức Cha Phụ Tá của Đức Tổng Giám Mục Ramsey, là Đức Cha John Andrew, liệu vị tổng giám mục có nhận món quà hay không.

Đức Tổng Giám Mục Ramsey rất vui đồng ý nhưng không dám mong đợi một cử chỉ công khai.

Việc trao tặng chiếc nhẫn diễn ra tại Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành, nơi Đức Phaolô Đệ Lục và Đức Tổng Giám Mục Ramsey đã cùng nhau cầu nguyện và ký một tuyên bố chung lịch sử giữa hai cộng đồng.

Đến gần Đức Tổng Giám Mục Ramsey, Đức Phaolô Đệ Lục yêu cầu nhà lãnh đạo Anh Giáo tháo chiếc nhẫn của mình ra và sau khi ngài đã làm như vậy, Đức Giáo Hoàng đã tháo chiếc nhẫn của chính mình và đeo nó vào ngón tay của Đức Tổng Giám Mục Canterbury.

Đây là một cử chỉ bất ngờ đối với Đức Tổng Giám Mục Ramsey. Nhà lãnh đạo Anh giáo còn khiến chính Đức Giáo Hoàng Montini bất ngờ hơn nữa khi quỳ gối một cách tự nhiên và bất ngờ trước mặt ngài trong buổi tiếp kiến riêng vào ngày hôm trước.

Đức Tổng Giám Mục Ramsey đã giữ chiếc nhẫn đó trên ngón tay của mình như “một dấu hiệu của lòng quý trọng, tình bạn và sự hiệp nhất” - và hôm nay, người kế nhiệm là Tổng giám mục Welby đang đeo nó trong chuyến thăm của ngài ở Rôma. Chiếc nhẫn vàng đính đá quý mang quốc huy của Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục


Source:Aleteia
 
Phiên tòa xét xử lạm dụng ở Vatican: Tòa trắng án cho một cậu bé giúp lễ và Giám đốc chủng viện
Đặng Tự Do
05:37 12/10/2021


Hôm thứ Tư 6 tháng 10, Tòa án Vatican đã bác bỏ các cáo buộc liên quan đến một linh mục trước đây từng là cậu bé giúp lễ cho Đức Giáo Hoàng và một cựu Giám đốc một tiền chủng viện có trụ sở tại Vatican về các tội danh lạm dụng tính dục, và che đậy.

Cha Gabriele Martinelli, 29 tuổi, được trắng án đối với cáo buộc tấn công tình dục được cho là xảy ra tại tiền chủng viện Piô X. Giám đốc cũ của trường, Cha Enrico Radice, 72 tuổi, cũng đã được minh oan tội che đậy.

Phán quyết được đưa ra vào cuối phiên tòa kéo dài một năm đối với các cáo buộc lạm dụng tại tiền chủng viện Piô X, nơi cư trú ở Thành phố Vatican dành cho khoảng chục cậu bé từ 12 đến 18 tuổi phục vụ trong các thánh lễ của Đức Giáo Hoàng và các nghi lễ khác ở Đền Thờ Thánh Phêrô và đang xem xét chức tư tế.

Vào tháng Năm, Vatican đã thông báo rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã quyết định chuyển tiền chủng viện ra ngoài Quốc gia Thành phố Vatican bắt đầu từ tháng Chín.

Trong phiên điều trần cuối cùng từ ngày 15 đến 16 tháng 7, công tố viên của Vatican đã yêu cầu các thẩm phán tuyên phạt Cha Martinelli 8 năm tù, giảm án còn 4 năm và tuyên phạt Cha Radice 4 năm tù.

Chánh án Giuseppe Pignatone đã đưa ra quyết định vào ngày 6 tháng 10. Tòa án nói rằng Cha Martinelli không thể bị trừng phạt vì những tội ác khi ngài còn là một trẻ vị thành niên, theo luật của Vatican là trước sinh nhật 16 tuổi, và do đó tuyên bố trắng án đối với các cáo buộc lạm dụng trước ngày 9 tháng 8, 2008.

Đối với các cáo buộc lạm dụng tính dục từ ngày 9 tháng 8 năm 2008 đến ngày 19 tháng 3 năm 2009, khoảng thời gian khi nạn nhân chưa qua 16 tuổi và còn là trẻ vị thành niên, tòa án cho biết các hành vi tình dục “đã được chứng minh cụ thể”, nhưng thiếu chắc chắn là có bị cưỡng chế hay không.

Trong trường hợp này, theo tòa án cho biết, các hành vi sẽ cấu thành một tội danh khác, “tội sách nhiễu trẻ vị thành niên”, nhưng thời hiệu đã hết bốn năm khi vụ kiện được đệ trình vào năm 2018.

Nhóm Opera don Folci, điều hành tiền chủng viện và được giám sát bởi Giáo phận Como, là bị cáo trong một vụ kiện dân sự liên quan đến các cáo buộc lạm dụng. Không có quyết định trong vụ kiện dân sự được công bố vào ngày 6 tháng 10.

Các luật sư cho các bị cáo, đồng ý với phán quyết vào ngày 6 tháng 10, nói rằng “có rất nhiều nghi ngờ” về việc liệu các tội phạm bị tố cáo có xảy ra hay không.

Một luật sư của Martinelli lưu ý rằng người đàn ông nói rằng anh ta bị lạm dụng đã khai trước tòa rằng hành vi này đôi khi diễn ra trong phòng của anh ta ở tiền chủng viện và đôi khi có sự hiện diện của những người khác. Nhưng trong quá trình diễn ra phiên tòa, những người bạn cùng phòng cũ của nạn nhân cho biết họ chưa từng nghe thấy hay nhìn thấy gì.

“Vì vậy, nó đã rõ ràng,” luật sư nói, “có những nghi ngờ về thực tế là nó đã xảy ra.”

Qua 13 phiên điều trần bắt đầu từ năm ngoái, các thẩm phán Vatican đã lắng nghe lời khai từ các bị cáo, người tuyên bố mình là nạn nhân, các cựu học sinh và các giáo viên linh mục tại tiền chủng viện, và những người khác.

Cha Martinelli, người được thụ phong linh mục cho Giáo phận Como, miền bắc nước Ý, vào năm 2017, luôn phủ nhận những cáo buộc chống lại mình, gọi chúng là “vô căn cứ”


Source:Catholic News Agency
 
Giáo dân đau buồn sâu sắc về việc dòng Đa Minh phải rời khỏi nhà thờ New Haven lịch sử
Đặng Tự Do
17:10 12/10/2021


Việc buộc Dòng Đa Minh phải rời khỏi Nhà thờ Đức Bà lịch sử ở New Haven, Connecticut sau 135 năm phục vụ tại đây đã khiến một số giáo dân vô cùng thất vọng và cảm thấy khó hiểu. Họ đặt câu hỏi tại sao việc di chuyển này là cần thiết như một phần của việc tái cấu trúc Tổng giáo phận Hartford.

“Thành thật mà nói, chúng tôi đang rất đau buồn,” giáo dân Erika Ahern nói với CNA trong một email. “Cả với tư cách là một gia đình và một cộng đồng giáo xứ, chúng tôi coi việc loại bỏ các tu sĩ Dòng Đa Minh là một bi kịch tinh thần lớn lao”.

Được thành lập vào năm 1886, giáo xứ St. Mary là giáo xứ Công Giáo lâu đời thứ hai ở Connecticut và là nhà thờ quê hương của các Hiệp sĩ Kha Luân Bố. Người sáng lập phong trào các Hiệp sĩ Kha Luân Bố là Chân Phước Michael J. McGivney, từng là cha phụ tá của giáo xứ, và thi hài của ngài được chôn cất ở đó.

Để đối phó với số lượng giáo xứ ngày càng giảm, tổng giáo phận có kế hoạch hợp nhất nhiều giáo xứ trong vùng New Haven thành một giáo xứ duy nhất tập trung tại giáo xứ St. Mary, nơi các linh mục triều của tổng giáo phận sẽ quản lý.

Trong một tuyên bố, tổng giáo phận nói với New Haven Register rằng St. Mary “đặc biệt thích hợp để trở thành trung tâm của mô hình chăm sóc mục vụ của thành phố với một số linh mục sống cùng nhau và phục vụ mười nhà thờ trong thành phố.”

Tờ báo đưa tin, số lượng người Công Giáo ở New Haven đã giảm từ 70,000 người vào những năm 1930 xuống chỉ còn 10,000 người ngày nay.

Ahern cho biết một khi giáo dân nhận ra rằng việc loại bỏ các tu sĩ Đa Minh là “một kết quả khả dĩ có thể xảy ra trong kế hoạch mục vụ của tổng giáo phận”, cô và các giáo dân khác đã bắt đầu một nhóm cầu nguyện vào cuối tháng 6 để cầu nguyện để các tu sĩ có thể không bị trục xuất khỏi St. Mary.

“Chúng tôi đến cùng nhau để ăn chay và cầu nguyện một tuần với Đức Mẹ Mân Côi,” Ahern nói. “Khi việc đó hoàn thành, chúng tôi đã cầu nguyện 54 ngày cho các ý định của cả giám tỉnh và Đức Tổng Giám Mục.”

Vào ngày 5 tháng 10, Cha John Paul Walker, cho biết:

“Sau các cuộc thảo luận trong mùa hè, gần đây, tổng giáo phận đã thông báo cho Tỉnh Dòng Đa Minh của chúng tôi rằng khi giai đoạn hai này được thực hiện, việc chăm sóc mục vụ của giáo xứ thành phố này sẽ được giao phó hoàn toàn cho các linh mục của Tổng giáo phận Hartford - và do đó chúng tôi không thể tiếp tục hiện diện ở đây”. Cha Walker nói trong một lá thư gửi cho giáo xứ của mình rằng công việc mục vụ của Dòng Đa Minh tại Giáo xứ St. Mary và tại Tu viện St. Mary sẽ không còn nữa.

“Vì vậy, tôi vô cùng đau buồn chia sẻ với các bạn rằng vào tháng Giêng năm 2022, việc chăm sóc mục vụ của chúng tôi tại giáo xứ St. Mary sẽ chấm dứt.”

Đối với Ahern, và nhiều người khác tại giáo xứ, quyết định loại bỏ các tu sĩ Đa Minh khỏi tổng giáo phận trong bối cảnh thiếu linh mục là một quyết định khó hiểu.
Source:Catholic News Agency
 
Giám mục Colombia cầu xin một phụ nữ bất hạnh đừng chết
Đặng Tự Do
17:11 12/10/2021


Nhà lãnh đạo Ủy ban Cổ vũ và Bảo vệ sự sống của các giám mục Colombia đã gửi một tin nhắn video tới Martha Liria Sepúlveda Campo, một phụ nữ 51 tuổi bị bệnh nhưng không phải là bệnh nan y, thúc giục cô từ bỏ quyết định xin trợ tử của mình.

“Với tư cách một mục tử của Giáo Hội Công Giáo, với sự kính trọng và tình cảm trìu mến, tôi muốn nói với người chị em của tôi là Martha rằng cô ấy không đơn độc, rằng Chúa của sự sống luôn đồng hành cùng chúng ta,” Đức Cha Francisco Antonio Ceballos Escobar của Riohacha nói trong một video ngày 6 tháng 10.

Ngài bảo đảm với cô “rằng nỗi đau của cô có thể tìm thấy một ý nghĩa siêu việt nếu nó trở thành lời kêu gọi Tình yêu chữa lành, Tình yêu đổi mới, Tình yêu tha thứ.”

Năm ngoái, Sepúlveda, 51 tuổi, mắc chứng xơ cứng teo cơ một bên, khiến cô không thể cử động chân.

CaracolTV đã phát sóng một báo cáo vào ngày 3 tháng 10, trong đó cư dân Medellin nói rằng cô ấy “yên bình” về quyết định xin trợ tử và rằng cô ấy là “một người Công Giáo, tôi tự cho mình là một người rất tin vào Chúa, nhưng, tôi nhắc lại, Chúa không muốn thấy tôi đau khổ và tôi tin rằng không ai phải đau khổ. Không người cha nào muốn nhìn thấy những đứa con của mình đau khổ”.

Báo cáo nói rằng Sepúlveda đã được lên lịch trợ tử vào ngày 10 tháng 10.

Sepúlveda sẽ là người phụ nữ đầu tiên xin trợ tử sau phán quyết của Tòa án Hiến pháp Colombia vào tháng 7 cho phép những bệnh nhân không mắc bệnh nan y được yêu cầu các bác sĩ chích cho mình chết.

Trong video của mình, Đức Cha Ceballos nói: “Martha, tôi mời cô bình tĩnh suy nghĩ về quyết định của mình, hy vọng, nếu hoàn cảnh cho phép, tránh xa sự quấy rối của giới truyền thông đã không ngần ngại lấy nỗi đau của cô và của gia đình cô và sử dụng nó như một hình thức tuyên truyền cho trợ tử, ở một đất nước bị đánh dấu sâu sắc bởi bạo lực”.

Sau đó, ngài nhắc nhớ những lời của Đức Bênêđíctô XVI trong bài huấn đức buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật ngày 1 tháng 2 năm 2009: “phản ứng thực sự không thể là giết một người nào đó, bất kể 'tử tế' kiểu gì đi nữa. Nhưng điều cần thiết là làm chứng cho tình yêu giúp mọi người đối mặt với nỗi đau và sự đau khổ của họ trong một cách thế nhân bản.”

Đức Cha Ceballos cũng khuyến khích các tín hữu cầu nguyện cho cô và gia đình cô ấy xem xét lại quyết định của mình.

“Chúng ta hãy bao quanh cô ấy trong khi cô suy tư về ý định của mình, tôi trìu mến mời tất cả những người Công Giáo cùng tham gia cầu nguyện cho chị Martha của chúng ta, cho con trai của chị ấy, cho những người thân của chị ấy và cho những người chuyên nghiệp đang cố vấn cho chị ấy, để Thiên Chúa Sự Sống, Đấng là Tình Yêu Tối Cao, sẽ lấp đầy cô ấy với lòng thương xót của Người”.

Đức Cha Ceballos cũng mời Sepúlveda tham gia Thánh lễ ngày 9 tháng 10, trong đó ngài sẽ cầu nguyện cho cô.

“Tôi cũng mời Martha Liria đến với Bí tích Thánh Thể… trong đó chúng tôi sẽ cầu nguyện cho sự sống của cô, để Chúa, Đấng đã mang trên mình Ngài những đau đớn cho đến chết và chết trên thập tự giá, sẽ ban cho cô ơn can đảm để đồng hành cùng Ngài.”

Trong thông điệp của mình, Giám mục Riohacha giải thích rằng “phù hợp với niềm tin Kitô sâu sắc nhất của chúng ta, cái chết không thể là câu trả lời mang tính trị liệu cho nỗi đau và sự đau khổ trong mọi trường hợp.”
Source:Catholic News Agency
 
Đức Tổng Giám Mục Naumann nhận định rằng: Chính quyền Biden sai lầm khi tài trợ cho các nhà cung cấp dịch vụ phá thai
Đặng Tự Do
17:11 12/10/2021


Hôm thứ Năm, Chủ tịch ủy ban các hoạt động phò sinh của các giám mục Hoa Kỳ cho biết chính quyền Biden đã “sai lầm” khi mở lại nguồn tài trợ liên bang cho các nhà cung cấp dịch vụ phá thai trong chương trình Title X.

Tuần này, chính quyền đã công bố một quy tắc cuối cùng nêu rõ các phòng khám nhận tài trợ kế hoạch hóa gia đình Title X có thể giới thiệu phá thai, và không phải tách biệt về cơ sở và tài chính với các cơ sở phá thai. Quy tắc đã đảo ngược các quy định do chính quyền Trump đưa ra nhằm tách nguồn tài trợ Title X khỏi các nhà cung cấp dịch vụ phá thai.

Đức Tổng Giám Mục Joseph Naumann của Thành phố Kansas ở Kansas, Chủ tịch ủy ban các hoạt động phò sinh của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, tuyên bố: “Chính quyền này đã sai khi cho phép lấy tiền thuế của người dân tài trợ cho các nhà cung cấp dịch vụ phá thai tham gia vào một chương trình được thiết kế đặc biệt để loại trừ việc phá thai.

Title X là một chương trình liên bang được thành lập vào năm 1970 nhằm trợ cấp cho các dịch vụ y tế dự phòng và kế hoạch hóa gia đình, bao gồm cả biện pháp tránh thai, cho các gia đình có thu nhập thấp. Quy chế ban đầu tạo ra chương trình quy định rằng không có quỹ nào “sẽ được sử dụng trong các chương trình mà phá thai là một phương pháp kế hoạch hóa gia đình.”

Đức Tổng Giám Mục Naumann nói: “Title X được dự định và trao phó trách nhiệm là một chương trình hoàn toàn tách biệt với phá thai.

Ngài nói: “Phá thai không phải là kế hoạch hóa gia đình. Phá thai là lấy đi mạng sống của một đứa trẻ đã được thụ thai và đang lớn lên. Bạo lực của việc phá thai làm tổn thương vô số phụ nữ về thể chất, tinh thần và tình cảm”.

Đức Cha Naumann nói thêm rằng các giám mục lo ngại nghiêm trọng về việc chính phủ khuyến khích các biện pháp tránh thai, và từ lâu đã ủng hộ các nỗ lực nhằm bảo đảm rằng việc phá thai được giữ về mặt cơ sở và tài chính tách biệt với kế hoạch hóa gia đình theo Title X.

Theo bản cập nhật của chính quyền Clinton đối với chương trình vào năm 2000, những người nhận tài trợ phải cung cấp dịch vụ tư vấn phá thai và giới thiệu phá thai cho khách hàng khi có yêu cầu.

Sau đó, vào năm 2018, chính quyền Trump lần đầu tiên đề xuất ra một ranh giới nghiêm ngặt về cơ sở và tài chính tách biệt giữa những người nhận Title X và bất kỳ chương trình hoặc cơ sở nào thực hiện phá thai hoặc giới thiệu phá thai. Yêu cầu này, hiện được gọi là Quy tắc Bảo vệ Sự sống, đã được thực hiện vào tháng 3 năm 2019.

Quy tắc Bảo vệ Cuộc sống cấm những người nhận Title X giới thiệu hoặc thực hiện phá thai và yêu cầu người nhận phải tách biệt cả về cơ sở và tài chính với các cơ sở thực hiện phá thai. Planned Parenthood vào tháng 8 năm 2019 thông báo sẽ ngừng tham gia chương trình thay vì không thể tuân thủ các quy định mới.

Bây giờ, chính quyền Biden đã chính thức hủy bỏ Quy tắc Bảo vệ Sự sống của tổng thống Trump.
Source:Catholic News Agency
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: Hội Nghị Trực Tuyến
Lm. Giuse Đào Nguyên Vũ
09:42 12/10/2021
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: Hội Nghị Trực Tuyến

WHĐ (12.10.2021) - Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGM) đã tổ chức Hội nghị thường niên kỳ II năm nay vào sáng ngày 12 tháng 10 năm 2021. Ủy ban Truyền thông trực thuộc HĐGM đã chuẩn bị các chi tiết kỹ thuật để Hội nghị tổ chức trực tuyến lần đầu tiên diễn ra tốt đẹp.

Theo chương trình đã được ấn định, giáo phận Thái Bình đã chuẩn bị tiếp đón và tổ chức Hội nghị lần này nhưng tình trạng dịch bệnh COVID-19 hiện nay đã ngăn trở các dự định trước đây. Trong hoàn cảnh đó, qua phương tiện và kỹ thuật trực tuyến, các mục tử của Hội Thánh đã hiện diện đầy đủ và cùng chia sẻ các sinh hoạt phong phú của cộng đồng dân Chúa trong giáo phận của mình.

Chưa đầy một tháng sau khi Hội nghị thường niên kỳ I năm 2021 kết thúc ngày 16 tháng 4 tại Nha Trang, đại dịch COVID-19 tái phát khiến các sinh hoạt mục vụ và cử hành tại hầu hết các giáo phận bị ngưng trệ do giãn cách xã hội. Tuy nhiên, như Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski, Đại diện Toà Thánh ghi nhận trong bài phát biểu trực tuyến từ Singapore: … “kể cả trong thời điểm khó khăn, [Giáo Hội] vẫn gia tăng nhiều hoạt động sáng tạo và bác ái, như dấu chỉ liên đới với người nghèo…” Tất cả các chia sẻ về sinh hoạt của 27 giáo phận đều nói lên những khó khăn và thách đố mục vụ trong thời gian vừa qua vì những giới hạn sinh hoạt cộng đoàn, nhưng, trong chính giai đoạn này, Thiên Chúa đã ban tặng cho dân Chúa tại Việt Nam những cơ hội lịch sử để cùng dấn thân cho anh chị em mình trong mọi hoàn cảnh: cứu trợ lương thực và thực phẩm, chung tay với HĐGM thực hiện chương trình Thương quá Sài Gòn ơi, chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại khu cách ly tập trung, bệnh viện điều trị COVID-19, bếp ăn hằng cho tuyến đầu và người nghèo, phát thuốc và nhu yếu phẩm tại nhà và trên các nẻo đường.

Hội nghị ghi nhận chứng từ đức ái sống động của dân Chúa trong thời gian qua, đồng thời cũng chia sẻ những thách đố trong đời sống đức tin suốt thời gian giãn cách xã hội vừa qua và hành trình khó khăn phía trước. HĐGM gửi đến cộng đồng dân Chúa những tâm tình mục tử và hướng dẫn đức tin trong Thư Mục vụ sẽ được phổ biến.

Cụ thể, HĐGM đã chọn:

- Chúa nhật, ngày 17 tháng 10 năm nay để Giáo Hội Việt Nam cùng nhau cử hành Ngày cầu nguyện xin ơn chữa lành trong thời gian đại dịch, các chương trình cử hành ở giáo phận sẽ được quý Đức cha giáo phận hướng dẫn cụ thể.

- Tiếp đến, ngày Thứ sáu 22 tháng 10 cũng được chọn làm ngày giữ chay theo tinh thần của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, qua đó mời gọi các Kitô hữu thực thi một việc bác ái giúp nạn nhân đại dịch. Đây là dịp để toàn thể Hội Thánh tại Việt Nam hiệp thông và hợp nhất trong cầu nguyện, khẩn khoản nài xin cho đại dịch chóng qua và mọi người được tiếp tục vui hưởng cuộc sống an lành.

Hội nghị cũng trao đổi về tiến trình và những ưu tiên của Thượng Hội đồng Giám mục đang mời gọi các Giáo Hội địa phương cùng hướng đến một Hội Thánh mang tính “hiệp hành”.

Hội nghị trực tuyến lần đầu tiên của HĐGM Việt Nam đã mang lại cuộc gặp gỡ và chia sẻ vượt trên những giới hạn của đại dịch và giãn cách. Và cho dù chương trình nghị sự trực tuyến giới hạn những tiếp cận thông thường vốn có tại các Hội nghị thường niên, quý Đức cha đã gặp gỡ dân Chúa qua những chứng từ sống động từ các mục tử của 27 giáo phận.

Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ
 
Văn Hóa
Tiểu luận II của Edith Stein về Phụ nữ: Các Ơn gọi Riêng biệt của Đàn ông và Đàn bà Theo Bản nhiên và Ơn thánh, tiếp theo
Vũ Văn An
18:17 12/10/2021

III

Chúng ta đã nhấn mạnh rằng bản chất và ơn gọi nguyên thủy của người nam và người nữ có thể được tìm kiếm và phục hồi ra sao; chỉ với tư cách là con cái của Thiên Chúa, điều này mới có thể đạt được. Nếu, ngoài ra, chúng ta góp phần của mình vào, thì việc chúng ta được tái chấp nhận làm con cái Thiên Chúa sẽ được bảo đảm nhờ hành động cứu chuộc của Chúa Kitô. Dân Do Thái trong Cựu ước đã góp phần vào việc cứu chuộc khi họ chờ đợi Đấng Mêxia bằng sự tuân thủ Lề luật thực sự. Đối với phụ nữ, điều này có nghĩa là khiêm tốn phục tùng chủ quyền của người đàn ông, cảnh giác thận trọng để duy trì sự trong sạch của họ, ra kỷ luật cho giác quan khắc khổ hơn so với những gì được thực hiện bởi người đàn ông, khao khát hậu thế mà trong chúng họ có thể mường tượng ơn cứu rỗi của chính họ, và thực sự cố gắng nuôi dạy con cái của họ trong sự kính sợ Thiên Chúa. Đối với mỗi người đàn ông, điều này có nghĩa là trung thành với những lời cầu nguyện đã định và thờ phượng bằng tế lễ, tuân theo các giới luật luân lý và xã hội, chịu trách nhiệm trong tư cách chủ gia đình đối với vợ và con cái, quí mến người đàn bà như mẹ của con cái mình.



Trong Tân Ước, con người chu toàn phần của mình trong ơn cứu chuộc qua sự kết hợp bản thân gần gũi nhất với Chúa Kitô: qua đức tin bám lấy Người như con đường cứu rỗi, như sự thật được Người mạc khải, và như con đường dẫn đến hạnh phúc mà Người cung ứng; qua đức cậy chờ đợi với lòng tin tưởng tuyệt đối sự sống được Người hứa ban; qua đức mến vốn tìm mọi cách có thể để đến gần Người. Hữu thể nhân bản luôn tìm cách để biết Người một cách mật thiết hơn qua việc chiêm niệm về cuộc đời của Người và suy gẫm về lời của Người; Họ nỗ lực đạt tới việc kết hợp gần gũi nhất với Người trong Bí tích Thánh Thể; họ chia sẻ cuộc sống huyền nhiệm, phục sinh của Người qua việc tham gia vào Năm Giáo Hội và trong phụng vụ của Giáo Hội. Ơn cứu rỗi không thừa nhận bất cứ sự khác biệt nào giữa hai giới tính; đúng hơn, ơn cứu rỗi của mỗi người và mối liên hệ của họ với nhau đều phụ thuộc vào cùng một sự kết hợp bản thân chặt chẽ với Chúa Kitô.

Hành động cứu chuộc không khôi phục bản chất bị hư hỏng cái rụp. Chúa Kitô đã gieo hạt giống cứu rỗi trong nhân loại để hạt giống ấy có thể phát triển không chỉ trong đời sống bên trong và bên ngoài của Giáo hội, nhưng còn có thể phát triển đặc biệt trong linh hồn mỗi cá nhân. Chúng ta, những người đang “trên đường” trong cuộc hành hương về Giêrusalem trên trời, tự trải nghiệm trong mình cuộc xung đột giữa thiên nhiên băng hoại và ân sủng, một điều giống như một cây đang phát triển, có thể phát triển và nở hoa, chiến thắng mọi dịch bệnh.

Ở khắp nơi quanh chúng ta, chúng ta thấy, trong sự tương tác giữa các giới tính, những hậu quả trực tiếp của tội nguyên tổ dưới những hình thức đáng sợ nhất: một đời sống tình dục buông thả, trong đó mọi dấu vết của ơn gọi cao cả của họ dường như đã mất đi; một cuộc đấu tranh giữa hai giới tính, một bên đọ sức với bên kia, khi họ đấu tranh cho quyền lợi của mình và khi làm như vậy, dường như họ không còn nghe thấy tiếng nói của thiên nhiên và của Thiên Chúa nữa. Nhưng chúng ta cũng có thể thấy nó có thể khác ra sao bất cứ khi nào có sự hoạt động của sức mạnh ân sủng.

Trong hôn nhân Kitô giáo, người chồng, trong tư cách là đầu của gia đình, quan tâm đến sự lành mạnh của nó: không những họ phải nỗ lực theo khả năng của mình để kiếm sinh kế và “thành công” trần thế cho nó, mà còn phải đóng góp phần mình vào hạnh phúc thiêng liêng của nó nữa.

Điều này có nghĩa có lúc họ phải hướng dẫn và giúp đỡ, có lúc thấy cần phải nhín nhường một cách thận trọng, và thậm chí thỉnh thoảng còn phải có hành động ngăn ngừa hoặc chống đối. Họ phải hỗ trợ sự phát triển các tài năng và nghị lực của vợ con mình bất cứ khi nào có thể và bất cứ khi nào cần. Nếu họ phải xử lý với những bản chất yếu hơn và khả năng hạn chế, nếu họ quan sát thấy có sự thiếu can đảm và tự tin, họ phải cố gắng rút ra được các tài năng giấu ẩn. Một trong các nhiệm vụ của họ là củng cố đời sống tâm linh của vợ mình, không để nàng sa vào một cuộc sống chỉ biết nhục dục; điều này có thể được thực hiện bằng cách để nàng tham gia vào công việc sáng tạo của riêng chàng hoặc trong hoạt động độc lập của riêng nàng. Nếu nàng bị tước đoạt cả hai lựa chọn này, nếu chàng cố gắng giới hạn nàng vào một phạm vi quá hẹp so với các tài năng của nàng, hoặc chàng phó mặc nàng hoàn toàn cho cuộc sống nhục dục đơn thuần, chàng sẽ gánh một phần trách nhiệm lớn về hậu quả do đó mà ra: trách nhiệm đối với sự hao mòn cuộc sống cao hơn của nàng, đối với sự xáo trộn bệnh lý, đối với việc quá phụ thuộc vào chồng con, một sự phụ thuộc trở thành gánh nặng cho họ, và đối với cảnh hiu quạnh của cuộc đời nàng nếu một ngày nào đó nàng bị bỏ lại một mình xoay xở. Một điều tương tự cũng có thể xẩy ra trong mối liên hệ với con cái. Mặt khác, nghĩa vụ của chàng trong tư cách chủ gia đình là bảo đảm trật tự và sự hòa hợp của cuộc sống gia đình, lo sao cho mọi thành viên không chỉ quan tâm đến sự phát triển của cá nhân mình mà còn phải quan tâm đến những người khác và thực hành tính quên mình rất cần thiết để thi hành các nhiệm vụ gia hộ của mình. Và cuối cùng, nhờ sự quan tâm đến cuộc sống tự nhiên có trật tự của mỗi cá nhân và của toàn bộ gia hộ, chàng không được bỏ bê đời sống tâm linh của gia đình. Trong cộng đồng nhỏ bé của mình, người chồng nên noi gương Chúa Kitô làm người đứng đầu Giáo Hội; họ nên coi sứ mệnh lớn nhất của mình là dẫn dắt cả gia đình noi gương Chúa Kitô và, theo khả năng của mình, thúc đẩy mọi hạt giống ân sủng đang phát triển nơi các thành viên gia đình. Sự kết hợp của chính họ với Chúa càng mật thiết, thì họ càng thành công nhiều hơn.

Gánh nặng gia đình mà người chồng gánh chịu ngoài các nhiệm vụ chuyên môn sẽ có vẻ quá nặng nếu người bạn trợ giúp họ không đứng bên cạnh họ; nàng được kêu gọi theo bản chất của nàng để mang hơn một nửa gánh nặng này. Nàng khao khát một sự phát triển nhân cách không bị cản trở của mình cũng nhiều như nàng muốn giúp đỡ những người khác hướng tới cùng một mục tiêu đó. Và như vậy, người chồng sẽ thấy nàng có thể cho chàng những lời khuyên vô giá trong việc hướng dẫn cuộc sống của con cái cũng như của chính họ; thật vậy, thường thì chàng sẽ chu toàn tốt nhất các nhiệm vụ của mình trong tư cách người lãnh đạo nếu chàng chịu nhường nhịn nàng và để mình được nàng dẫn dắt. Một phần trong mối quan tâm nữ tính tự nhiên của nàng đối với sự phát triển đúng đắn của những con người xung quanh nàng bao gồm việc tạo ra một môi trường, trật tự và đẹp đẽ, giúp cho sự phát triển của họ.

Một phẩm tính độc đáo ở phụ nữ là sự nhạy cảm khác thường của nàng đối với các giá trị đạo đức và sự ghê tởm đối với tất cả những gì thấp kém và hèn hạ; phẩm tính này bảo vệ nàng chống lại những nguy cơ rù quyến và hoàn toàn đầu hàng trước nhục dục. Điều này được phát biểu qua lời tiên tri đầy mầu nhiệm, đã trở thành huyền thoại, rằng người phụ nữ sẽ dấn thân vào trận chiến chống lại con rắn; và lời tiên tri này được ứng nghiệm qua việc thắng điều ác đã giành được cho toàn thể nhân loại qua Đức Maria, nữ hoàng của mọi phụ nữ. Liên minh gần gũi với sự nhạy cảm này trước các giá trị đạo đức là sự khao khát thể thần linh của nàng và sự kết hợp bản thân nàng với Chúa, sự sẵn sàng và ước muốn của nàng được tràn đầy và được hướng dẫn hoàn toàn bởi tình yêu của Người. Đó là lý do tại sao, trong một cuộc sống gia đình có nề nếp, sứ mệnh giáo dục đạo đức và tôn giáo chủ yếu được trao cho người vợ. Nếu đời sống của nàng được hoàn toàn dựa vào Chúa Giêsu, thì nàng cũng sẽ được bảo vệ tốt nhất chống lại việc mất điều độ một cách nguy hiểm. Điều này có thể xảy ra khi nàng quá được bảo bọc bởi những người xung quanh nàng; hoặc ngược lại, điều đó có thể xảy ra khi nàng chỉ quan tâm tới chính nàng và cắt hết đất ở dưới chân nàng, đất mà nàng phải đứng nếu muốn có khả năng hỗ trợ và giúp đỡ người khác. Hoạt động nghề nghiệp của nàng làm cân bằng nguy cơ muốn pha mình quá gần gũi vào cuộc sống của người khác và do đó hy sinh chính cuộc sống bản thân; tuy nhiên, mối bận tâm chuyên nhất với hoạt động nghề nghiệp của nàng sẽ mang đến nguy cơ ngược lại là không chung thủy đối với ơn gọi nữ tính của nàng. Chỉ những ai phó mình hoàn toàn trong tay Chúa mới có thể tin tưởng rằng họ sẽ tránh được thảm họa giữa Scylla và Charybdis. Bất cứ điều gì được phó cho Người đều sẽ không bị mất đi nhưng được cứu vớt, thanh tẩy, nâng cao và được làm cho cân đối theo đúng kích thước của chúng.

Chúng ta được những lời bình luận vừa kể trên dẫn đến câu hỏi về ơn gọi được thực hành bên ngoài gia đình và về mối liên hệ giữa người nam và người nữ trong cuộc sống nghề nghiệp. Nay, vì sự phát triển của những thập niên vừa qua và những năm gần đây, hiển nhiên chúng ta phải coi như đã đóng lại kỷ nguyên lịch sử từng đưa ra sự dị biệt hóa tuyệt đối giữa các nhiệm vụ của hai giới, tức là phụ nữ phải đảm đương các nhiệm vụ nội trợ còn đàn ông phải đấu tranh cho một kế sinh nhai. Ngày nay, không quá khó để chúng ta hiểu được quá trình tiến hóa này đã diễn ra như thế nào. Những thành tựu của khoa học tự nhiên và kỹ thuật từng thay thế dần sức lao động của con người bằng các phương tiện máy móc đã mang lại cho phụ nữ một sự giải phóng lớn lao và mong muốn sử dụng các năng lực mới phát sinh của họ một cách khác. Trong giai đoạn chuyển tiếp, nhiều năng lực không được sử dụng đã bị lãng phí một cách vô nghĩa trong la cà trống rỗng; và vì điều này, năng lực quý giá của con người đã bị lãng phí. Những thay đổi cần thiết chỉ được đưa ra sau một loạt các cuộc khủng hoảng khó khăn. Những cuộc khủng hoảng này một phần được gây ra bởi niềm đam mê quá mức, cả về phía những người tiên phong của phong trào duy nữ lẫn đối thủ của họ, mặc dù cả hai thường đấu tranh với những lý lẽ nhân đạo. Một phần, những cuộc khủng hoảng này là do sự chống đối thụ động của quần chúng trì trệ vốn có xu hướng bám vào những cách thức quen thuộc của quá khứ mà không xem xét chúng một cách khách quan. Cuối cùng, các điều kiện sau chiến tranh ở Đức đã mang lại những thay đổi cách mạng ngay cả trong lĩnh vực này; và sự suy thoái kinh tế kèm theo đã buộc ngay cả những người cho đến lúc đó vẫn chưa có ý nghĩ nào về việc đào tạo chuyên môn để làm việc kiếm sống. Do đó, điều kiện trong đó chúng ta tự thấy mình hiện diện ngày nay là một điều bất thường và không tạo cơ sở thích hợp để phân tích từ nền tảng.

Trên hết, đối với lời giải thích trước đây, chúng ta phải hỏi: Nhìn chung, cuộc sống chuyên nghiệp của người phụ nữ bên ngoài gia đình có vi phạm trật tự của tự nhiên và ơn thánh không? Tôi tin rằng người ta phải trả lời "không" cho câu hỏi này. Đối với tôi, dường như tính sáng tạo chung trong mọi lĩnh vực đều đã được chỉ rõ trong trật tự nguyên thủy, ngay cả khi điều này được thực hiện với sự phân bổ các vai trò cách khác nhau. Sự thay đổi trong trật tự nguyên thủy diễn ra sau cuộc Sa Ngã không có nghĩa nó bị chấm dứt hoàn toàn; do đó thiên nhiên cũng không bị biến chất hoàn toàn mà vẫn duy trì được các năng lực như cũ, bây giờ chỉ là suy yếu và dễ dàng bị lầm lỗi. Sự kiện tất cả các năng lực mà người chồng sở hữu cũng hiện diện trong bản chất nữ giới - mặc dù nói chung, chúng có thể xuất hiện ở các mức độ và mối liên hệ khác nhau - là một dấu chỉ cho thấy chúng nên được sử dụng vào hoạt động tương ứng. Và bất cứ nơi nào phạm vi các bổn phận nội trợ quá hẹp để người vợ có thể sở đắc được một sự đào tạo trọn vẹn cho các năng lực của họ, cả bản chất lẫn lý trí đều đồng ý để nàng vươn ra ngoài phạm vi này. Tuy nhiên, tôi thấy có một giới hạn đối với các hoạt động nghề nghiệp như vậy bất cứ khi nào nó gây nguy hiểm cho cuộc sống gia đình, tức là cộng đồng sự sống và đào tạo bao gồm cha mẹ và con cái. Thậm chí đối với tôi, có vẻ như mâu thuẫn với trật tự thần linh khi các hoạt động nghề nghiệp của người chồng leo đến mức cắt đứt hoàn toàn với cuộc sống gia đình. Điều này càng đúng hơn đối với người vợ. Bất cứ điều kiện xã hội nào cũng là một điều kiện không lành mạnh khi buộc phụ nữ đã kết hôn phải tìm kiếm công ăn việc làm có lương và khiến họ không thể quản lý tổ ấm của họ. Và chúng ta nên chấp nhận là bình thường việc người phụ nữ đã kết hôn được giới hạn vào cuộc sống gia đình vào lúc các nhiệm vụ gia đình của họ đòi hỏi hết mọi năng lực của họ.

Sau cuộc Sa Ngã, người phụ nữ buộc phải quan tâm đến những nhu cầu ban sơ nhất của cuộc sống, vốn khiến cho các năng lực của họ bị rút ngắn nghiêm trọng; về mặt này, họ đã được hưởng lợi nhờ các điều kiện do thay đổi văn hóa mang lại. Hơn nữa, sự thay đổi trong số phận của họ ngụ ý họ phải phục tùng người đàn ông: mức độ và loại hoạt động của họ trở thành tùy thuộc vào ý chí của người đàn ông; và, vì phán đoán và ý chí của chàng không phải là không thể sai lầm, nên không hề có bảo đảm gì là sự kiểm soát của chàng đối với nàng sẽ được điều chỉnh bởi lý trí đúng đắn. Hơn nữa, vì sự hòa hợp giữa hai giới bị xáo trộn bởi cuộc Sa Ngã, nên vấn đề phục tùng của người phụ nữ đã liên hệ đến một cuộc xung đột gay gắt liên quan đến các hoạt động phù hợp với bản chất hư hỏng của nam tính cũng như nữ tính.

Trật tự cứu chuộc đã khôi phục mối liên hệ nguyên thủy; càng nhiều ơn cứu chuộc được đích thân tiếp nhận, thì càng có thể tạo ra một sự hợp tác hài hòa và một thỏa thuận liên quan đến việc phân bổ các vai trò ơn gọi. Nó gây ra một sự thay đổi căn bản hơn nữa về tư thế của người phụ nữ bằng việc khẳng định lý tưởng khiết trinh. Điều này phá vỡ quy tắc của Cựu ước vốn cho rằng người phụ nữ chỉ thể hiện được ơn cứu rỗi của mình bằng cách sinh con. Và trong những trường hợp đặc thù khi các phụ nữ cá thể như Deborah và Judith được Thiên Chúa kêu gọi đạt tới những thành tựu phi thường cho dân Thiên Chúa, thì ngay cả tiêu chuẩn của Giao ước Cũ cũng đã bị thay đổi. Giờ đây, một cách thức mới cho thấy phụ nữ có thể dâng mình chuyên nhất để phụng sự Thiên Chúa, và họ có thể phát triển một hoạt động đa dạng trong việc phụng sự Người. Ngay cả Thánh Phaolô, người mà các trước tác thường xuyên mạnh mẽ nhắc lại các quan điểm của Cựu Ước cũng đã tuyên bố rõ ràng rằng, theo quan điểm của ngài, điều tốt là đàn ông cũng như đàn bà nên kết hôn nhưng không kết hôn vẫn tốt hơn. Và đây đó, ngài nhấn mạnh đến thành tích đáng khen ngợi của phụ nữ trong việc phục vụ các cộng đồng mục vụ đầu tiên (45).

Trước khi xem xét ơn gọi chung của nam giới và nữ giới trong việc phụng sự Thiên Chúa, chúng ta muốn xem xét vấn đề phân bổ các ơn gọi theo trật tự tự nhiên. Có nên chỉ dành một số chức vụ nào đó cho nam giới mà thôi, những chức vụ khác chỉ dành cho nữ giới và có lẽ một số chức vụ được dành cho cả hai không? Tôi tin rằng câu hỏi này cũng phải được trả lời một cách tiêu cực. Sự khác biệt cá thể mạnh mẽ hiện hữu ở cả hai giới tính phải được tính đến. Nhiều phụ nữ có đặc điểm nam tính cũng giống như nhiều đàn ông có đặc điểm nữ tính. Thành thử, mọi nghề nghiệp được gọi là “nam tính” có thể được thực hiện bởi nhiều phụ nữ cũng như nhiều nghề nghiệp “nữ tính” được thực hiện bởi một số đàn ông nào đó.

Do đó, hình như đúng là không nên có bất cứ rào cản pháp lý thuộc bất cứ loại nào. Thay vào đó, người ta có thể hy vọng rằng một sự lựa chọn ơn gọi tự nhiên có thể được thực hiện nhờ vào sự dưỡng dục, giáo dục và hướng dẫn phù hợp với bản chất của mỗi cá nhân; những yếu tố không phù hợp cần được loại bỏ bởi những yêu cầu khách quan khắt khe. Các khác biệt giữa bản chất nam tính và nữ tính cho thấy rõ ràng rằng mỗi người có một năng khiếu chuyên biệt đối với một số ngành nghề nào đó. Vì vậy, việc lựa chọn một nghề nghiệp thường tự giải quyết lấy.

Các ơn gọi của nam giới thường đòi hỏi sức mạnh cơ thể, khả năng suy nghĩ chủ yếu trừu tượng và khả năng sáng tạo độc lập: xin đơn cử một thí dụ, chúng ta có thể trích dẫn lao động chân tay nặng nhọc cần thiết trong ngành kỹ nghệ, thương mại và nông nghiệp; hoặc, xin trích dẫn một thí dụ khác, sy nghĩ trừu tượng cần thiết trong các lĩnh vực kỹ thuật như toán học và vật lý lý thuyết; và cuối cùng, điều này có thể được thấy ngay ở tính chính xác cần thiết trong công việc hành chính và văn thư, vốn có bản chất không cần suy nghĩ, và trong một số ngành nghệ thuật nào đó. Những phẩm tính nữ tính thực sự đều được cần đến ở bất cứ nơi nào cảm giác, trực giác, sự tương cảm và khả năng thích ứng đóng vai trò quan trọng. Trên hết, hoạt động này liên quan đến toàn bộ con người trong việc chăm sóc, vun đắp, giúp đỡ, hiểu và khuyến khích các năng khiếu của người khác. Và vì người phụ nữ chủ yếu quan tâm đến việc phục vụ người ta và cung ứng cho họ, nàng có thể hoạt động tốt trong tất cả các ngành nghề giáo dục và y tế, trong mọi công tác xã hội, trong các khoa học nhân văn, trong nghệ thuật mô tả nhân tính, cũng như trong thế giới kinh doanh và trong nền quản lý nhà nước và giáo xứ.

Trong thời kỳ kinh tế cùng cực như thời chúng ta, sẽ không khả thi hoặc khả thể phân biệt được nghề nam giới và nghề nữ giới; mọi người phải nhận bất cứ công việc nào ngay sau khi nó được cung ứng, cho dù nó có phù hợp với tài năng cá nhân chuyên biệt của họ hay không. Ngày nay, gần như trung bình, mọi người đang ở trong những “ơn gọi” mà họ không được kêu gọi theo bản chất; người ta gần như có thể coi đó là một cú may mắn trong khi thực sự ngược lại. Sau đó, không còn gì khác ngoài việc tận dụng tối đa tình huống: các yêu cầu chuyên môn thích đáng phải được thỏa mãn nhưng không phải trả giá bằng cách phủ nhận bản chất riêng của người ta bằng cách để nó hao mòn đi; thay vào đó, nó nên đóng góp vào thiện ích của các người cùng cộng tác với mình. (Thí dụ, điều này có thể có nghĩa là người phụ nữ được tuyển làm công việc cơ khí sẽ tỏ ra có thiện cảm và bác ái với các đồng nghiệp của nàng; còn người đàn ông bị dính vào một công việc không phù hợp tuy nhiên vẫn cho thấy những phẩm tính sáng tạo trong việc tổ chức việc làm của mình). Tất nhiên, điều này đòi hỏi một mức độ trưởng thành bản thân cao và một thiện chí vô điều kiện trong việc nỗ lực hết mình trong bất cứ tình huống nhất định nào. Khó có thể đạt được quan điểm như vậy nếu không hiểu rằng các hoàn cảnh của cuộc sống là do Thiên Chúa ban, việc làm của người ta là phục vụ Thiên Chúa, và các ơn phúc do Thiên Chúa ban phải được phát triển để vinh danh Người trong việc làm này. Điều này có giá trị không những đối với các ơn gọi thánh hiến cho Thiên Chúa mà còn đối với mọi ơn gọi; và tuy nhiên, ơn gọi được chỉ định là được thánh hiến cho Thiên Chúa thực sự nổi bật như có ý nghĩa đặc biệt.

Trong cách sử dụng phổ biến, chúng ta nói rằng các linh mục và tu sĩ phải được kêu gọi đặc biệt, có nghĩa là một lời kêu gọi đặc thù phải được Chúa gửi đến cho họ. Có sự khác biệt nào giữa ơn gọi ngỏ cùng người đàn ông và ơn gọi ngỏ cùng người đàn bà hay không? Nữ giới cũng như nam giới luôn được kêu gọi vào bậc tu trì. Và khi chúng ta xem xét các biểu hiện đa dạng của đời sống tu trì đương thời, khi chúng ta thừa nhận rằng các công việc bác ái vô cùng đa dạng trong thời đại của chúng ta cũng được thực hành bởi các Dòng và tu đoàn nữ, chúng ta chỉ có thể thấy một sự khác biệt chủ yếu vẫn tồn tại trong thực tế: công việc linh mục thực sự được dành riêng cho nam giới. Bây giờ, điều này dẫn chúng ta vào một câu hỏi khó khăn và được tranh luận nhiều về chức linh mục cho phụ nữ.

Nếu chúng ta xem xét thái độ của chính Chúa, chúng ta hiểu rằng Người đã chấp nhận sự phục vụ đầy tự do yêu thương của phụ nữ đối với chính Người và các Tông đồ của Người và các phụ nữ là những môn đệ và những người bạn tâm giao thân thiết nhất của Người. Tuy nhiên, Người đã không ban cho họ chức linh mục, thậm chí không ban cho cả Mẹ của Người, Nữ Vương các Tông Đồ, người được tôn vinh trên toàn thể nhân loại trong sự hoàn hảo nhân bản và viên mãn ân sủng.

Trong Giáo hội sơ khai, các phụ nữ đóng một vai trò tích cực trong các tổ chức bác ái khác nhau của Giáo Hội, và việc tông đồ tích cực của họ với tư cách là những vị hiển tu và tử đạo đã có một ảnh hưởng sâu sắc. Sự tinh trong trinh tiết được cử hành trong phụng vụ, và đối với các phụ nữ, cũng có một chức vụ thánh hiến trong Giáo hội — chức phó tế với việc phong chức vụ đặc biệt của nó (46) — nhưng Giáo hội cũng không đi xa đến mức nhận họ vào chức linh mục. Và trong những diễn biến lịch sử sau này, các phụ nữ đã bị thay thế khỏi những chức vụ này; ngoài ra, dường như dưới ảnh hưởng của các khái niệm tư pháp Do Thái và La Mã, tư thế giáo luật của họ đã bị suy giảm dần dần. Chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi được quyết định ở đây trong thời gian gần đây: các năng lực nữ giới hiện đang được yêu cầu mạnh mẽ nhằm giúp một tay trong các tổ chức bác ái của Giáo Hội và công việc mục vụ. Trong các phong trào đấu tranh gần đây, các phụ nữ đòi cho các hoạt động của họ được công nhận một lần nữa như một thừa tác vụ thụ phong trong giáo hội, và rất có thể một ngày nào đó người ta sẽ chú ý đến những yêu cầu của họ. Như thế, cuối cùng, câu hỏi là liệu đây có phải là bước đầu tiên trên con đường dẫn các phụ nữ vào chức linh mục hay không.

Đối với tôi, dường như việc thực thi như thế của Giáo hội, cho đến nay tuy chưa từng được nghe đến, nhưng không thể bị cấm đoán bởi tín điều. Tuy nhiên, tính thực tế của một khuyến nghị như vậy mang lại nhiều lập luận khác nhau cả ủng hộ lẫn phản bác. Toàn bộ truyền thống chống lại nó ngay từ đầu. Nhưng theo ý kiến của tôi, điều quan trọng hơn là sự kiện mầu nhiệm được nhấn mạnh trên đây - rằng Chúa Kitô đã đến thế gian với tư cách là Con Trai của Con Người (Son of Man). Tạo vật đầu tiên trên trái đất được tạo dựng trong một ý nghĩa vô song như hình ảnh của Thiên Chúa, do đó, là một người đàn ông; điều đó dường như cho tôi thấy rằng Người chỉ muốn chọn những người đàn ông làm đại diện chính thức của Người trên trái đất. Tuy nhiên, Người ràng buộc chính Người một cách mật thiết với một người phụ nữ như không với ai khác trên trái đất: Người đã dựng nên bà rất gần với hình ảnh của chính Người như không có một con người nào khác trước hay sau; Người đã trao cho bà một vị trí trong Giáo hội một cách vĩnh viễn như đã không trao cho một con người nào khác. Và chính vì vậy, Người đã kêu gọi các phụ nữ trong mọi thời đại kết hợp mật thiết nhất với Người: họ phải là sứ giả của tình yêu Người, những người công bố ý muốn của Người cho các vị vua chúa và giáo hoàng, và là những tiền hô của Vương quốc của Người trong trái tim các người đàn ông. Được làm Người phối ngẫu của Chúa Kitô là một ơn gọi cao cả nhất đã được ban cho, và bất cứ người đàn bà nào nhìn thấy con đường này rộng mở trước mắt mình sẽ không còn khao khát con đường nào khác nữa.

Ơn gọi của mỗi Kitô hữu, chứ không phải chỉ của một số ít người được tuyển chọn, là thuộc về Thiên Chúa trong một sự phó thác tự do của tình yêu và phụng sự Người. Dù nam hay nữ, dù được thánh hiến hay không, mỗi người đều được kêu gọi noi gương Chúa Kitô. Cá nhân càng tiếp tục đi xa trên con đường này, họ sẽ càng trở nên giống như Chúa Kitô. Chúa Kitô là hiện thân của lý tưởng hoàn thiện nhân bản: nơi Người mọi thành kiến và khiếm khuyết đều bị loại bỏ, và các nhân đức nam tính và nữ tính được hợp nhất và các yếu điểm của họ được cứu chuộc; do đó, các môn đệ chân chính của Người sẽ được nâng cao dần dần vượt trên các giới hạn tự nhiên của họ. Đó là lý do tại sao chúng ta thấy nơi những người đàn ông thánh thiện một sự dịu dàng của phụ nữ và một lo lắng đầy tình mẫu tử thực sự dành cho những linh hồn được giao phó cho họ trong khi nơi những người phụ nữ thánh thiện có sự táo bạo, thành thạo và cương quyết của đàn ông.

Do đó, nhờ việc noi gương Chúa Kitô, chúng ta được dẫn dắt tới chỗ phát triển ơn gọi nhân bản nguyên thủy của chúng ta, đó là trình bầy hình ảnh của Thiên Chúa trong chính chúng ta: Chúa của sự sáng tạo, như một người bảo vệ, gìn giữ và thăng tiến mọi tạo vật trong phạm vi riêng của họ; người Cha, trong tư cách sinh ra và giáo dục con cái cho vương quốc của Thiên Chúa qua tư cách làm cha và làm mẹ thiêng liêng. Vượt trên các giới hạn tự nhiên là hiệu quả cao nhất của ân sủng; tuy nhiên, điều này không bao giờ có thể đạt được bằng một cuộc chiến võ đoán chống lại tự nhiên và bằng cách phủ nhận các giới hạn tự nhiên mà chỉ bằng cách khiêm tốn phục tùng trật tự do Thiên Chúa ban cho.

Ghi Chú

(1) St 1:26

(2) Đd 1:27.

(3) Đd 1:28.

(4) St 2:7tt.

(5) Đd.2:20.

(6) Đd.2:18.

(7) Đd.2:23.

(8) Đd.2:24.

(9) Đd.2:25.

(10) St 3:12.

(11) Đd.3:17.

(12) Đd.3:18.

(13) Đd.3:19

(14) Đd.3:16.

(15) Đd.3:21.

(16) Đd.3:15.

(17) Mt.19:1-12; Mc.10:1-12.

(18) 1Cr 11:3-4.

(19) Đd.11:5.

(20) Đd.11:7.

(21) Đd.11:8.

(22) Đd.11:9.

(23) Đd.11:11.

(24) Đd.11:16.

(25) 1Cr 7:14, 16.

(26) Eph 5:22tt.

(27) Đd.5:22-23.

(28) Đd. 5:24.

(29) Đd.5:25.

(30) Đd. 5:26.

(31) Đd.5:27.

(32) Đd.5:28.

(33) Đd.5:29.

(34) Đd.5:30.

(35) Đd.5:31.

(36) Đd.5:32.

(37) Đd.5:33.

(38) 1Tm 2:9.

(39) Đd.2:11.

(40) Đd.2:12.

(41) Đd.2:13.

(42) Đd.2:14.

(43) Đd. 2:15.

(44) Gl 3:23-24,28.

(45) 1Cr 6.

(46) V.Borsinger, Rechtstellung der Frau in der Katholischen Kirche (Leipzig,1931).

Kỳ tới: Tiểu luận III: Linh đạo Phụ nữ Kitô giáo
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền:Gia Đình
Nguyễn Trung Tây Lm.
11:53 12/10/2021
GIA ĐÌNH
Ảnh của Nguyễn Trung Tây Lm. (SVD)

Gia đình êm ấm mẹ cha!
Con thơ gạch nối, đôi ta mặn nồng.
(LM NTT)
 
VietCatholic TV
Cảm động: Người Hồi giáo mù cõng Kitô Hữu bại liệt – Xuất xứ li kì chiếc nhẫn TGM Welby đeo trên tay
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:36 12/10/2021


1. Bức tranh đẹp về tình bạn: Người Hồi giáo mù cõng Kitô Hữu bại liệt

Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, số ra ngày 5 tháng 10, có bài nhan đề “A picture of a friendship: The paralyzed Christian and the blind Muslim”, nghĩa là “Một bức tranh về tình bạn: Kitô Hữu bị liệt và người Hồi Giáo mù.”

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Câu chuyện đầy cảm hứng về một Kitô Hữu tên Samir và một người Hồi giáo tên Muhammad, được cho là đã sống ở Damascus thuộc Ottoman Syria trong những năm cuối của thế kỷ 19, đang lan truyền trên các mạng xã hội.

Theo các tài khoản được chia sẻ bởi hàng chục trang web và các bài đăng trên mạng xã hội, và thậm chí một số trang tin tức như Egypt Independent, Samir là một Kitô Hữu bị liệt, còn Muhammad là một người Hồi giáo mù.

Nếu không có ánh sáng từ đôi mắt của Samir, Muhammad không có cách nào để tự mình đi quanh những con đường như mê cung của Damascus cổ kính, trong khi Samir bị liệt không thể đi đến đâu nếu không có đôi chân của Muhammad. Người này phụ thuộc vào người kia: Tình bạn phi thường của họ đã bổ sung cho nhau theo đúng nghĩa đen.

Những lời kể về người Kitô Hữu bị liệt và người Hồi giáo mù nói thêm rằng cả hai đều là trẻ mồ côi, cùng sống chung một ngôi nhà nghèo và luôn sống cùng nhau.

Khi Samir qua đời, Muhammad được tường trình đã khóc suốt 7 ngày vì mất đi nửa kia của mình. Cuối cùng, anh ta sẽ chết vì đau buồn trước cái chết của người bạn - cũng là cái chết của đôi mắt anh ta.

Không có nguồn nào ghi lại tính xác thực của tên tuổi và lý lịch cá nhân của hai người đàn ông này. Tuy nhiên, bức ảnh mô tả họ là chân thực.

Hình ảnh được chụp vào năm 1889 bởi nhiếp ảnh gia Tancrède Dumas sinh năm 1830 và qua đời năm 1905. Anh chào đời ở Ý với cha mẹ là người Pháp.

Dumas học chụp ảnh ở Florence và mở xưởng chụp ảnh của mình ở Beirut vào năm 1860. Anh được Hiệp hội Thám hiểm Palestine của Mỹ, tiền thân của Trường Nghiên cứu Phương Đông Hoa Kỳ, thuê để ghi lại hình ảnh các khu vực phía đông sông Jordan. Dumas cũng đi du lịch với Đại Công tước Mecklenburg-Schwerin, người đã khiến ông nhận được danh hiệu “Nhiếp ảnh gia cho Hoàng gia và Tòa án Hoàng gia Phổ”.

Bức ảnh của anh ấy về người Kitô Hữu bị liệt được người Hồi giáo mù cõng trên lưng được lưu trữ tại Phòng In và Ảnh của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ với số nhận dạng kỹ thuật số cph.3b41806. Hình ảnh này cũng có sẵn từ Wikimedia Commons.

Cầu mong cho hình ảnh người Kitô Hữu bị bại liệt và người Hồi giáo mù sẽ trở thành nguồn cảm hứng thực sự ngày hôm nay, khi chúng ta cần tiếp cận với nhau hơn bao giờ hết trước những khác biệt về sắc tộc, tôn giáo và mọi rào cản khác.


Source:Aleteia

2. Không tin cũng xảy ra: Nhà lãnh đạo Anh giáo cho biết ngài đeo chiếc nhẫn của Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục

Tổng giám mục của Canterbury, Justin Welby, đang ở Rôma để thực hiện các sáng kiến liên tôn khác nhau đã diễn ra trong vài ngày qua, bao gồm các kháng nghị chung về giáo dục và môi trường, và Cuộc họp Quốc tế về Hòa bình ngày 7 tháng 10.

Khi kết thúc cuộc phỏng vấn với Vatican News, hoàn toàn bất ngờ, nhà lãnh đạo Anh Giáo đã cho biết một chi tiết thú vị: chiếc nhẫn mục tử mà ngài đang đeo là chiếc nhẫn được Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục tặng cho Anh Giáo.

Chiếc nhẫn được Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục trao cho Giám Mục Anh giáo lúc bấy giờ, là Michael Ramsey, vào ngày 23 tháng 3 năm 1966, trong chuyến thăm lịch sử của ngài tới Rôma. Đó là chuyến thăm đầu tiên của một người đứng đầu Liên Hiệp Anh giáo đến thăm một vị giáo hoàng kể từ khi bắt đầu cuộc Cải cách ở Anh, bốn thế kỷ trước đó. Vào ngày đó, vị Giáo hoàng người Ý, hiện là một vị Thánh, đã tháo chiếc nhẫn của mình và đeo nó vào ngón tay của Đức Tổng Giám Mục Canterbury.

Vatican News giải thích rằng:

Trước khi thực hiện cử chỉ đặc biệt này, Đức Phaolô VI đã nhờ thư ký riêng của ngài, Cha Pasquale Macchi, hỏi Đức Cha Phụ Tá của Đức Tổng Giám Mục Ramsey, là Đức Cha John Andrew, liệu vị tổng giám mục có nhận món quà hay không.

Đức Tổng Giám Mục Ramsey rất vui đồng ý nhưng không dám mong đợi một cử chỉ công khai.

Việc trao tặng chiếc nhẫn diễn ra tại Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành, nơi Đức Phaolô Đệ Lục và Đức Tổng Giám Mục Ramsey đã cùng nhau cầu nguyện và ký một tuyên bố chung lịch sử giữa hai cộng đồng.

Đến gần Đức Tổng Giám Mục Ramsey, Đức Phaolô Đệ Lục yêu cầu nhà lãnh đạo Anh Giáo tháo chiếc nhẫn của mình ra và sau khi ngài đã làm như vậy, Đức Giáo Hoàng đã tháo chiếc nhẫn của chính mình và đeo nó vào ngón tay của Đức Tổng Giám Mục Canterbury.

Đây là một cử chỉ bất ngờ đối với Đức Tổng Giám Mục Ramsey. Nhà lãnh đạo Anh giáo còn khiến chính Đức Giáo Hoàng Montini bất ngờ hơn nữa khi quỳ gối một cách tự nhiên và bất ngờ trước mặt ngài trong buổi tiếp kiến riêng vào ngày hôm trước.

Đức Tổng Giám Mục Ramsey đã giữ chiếc nhẫn đó trên ngón tay của mình như “một dấu hiệu của lòng quý trọng, tình bạn và sự hiệp nhất” - và hôm nay, người kế nhiệm là Tổng giám mục Welby đang đeo nó trong chuyến thăm của ngài ở Rôma. Chiếc nhẫn vàng đính đá quý mang quốc huy của Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục


Source:Aleteia

3. Phiên tòa xét xử lạm dụng ở Vatican: Tòa trắng án cho một cậu bé giúp lễ và Giám đốc chủng viện

Hôm thứ Tư 6 tháng 10, Tòa án Vatican đã bác bỏ các cáo buộc liên quan đến một linh mục trước đây từng là cậu bé giúp lễ cho Đức Giáo Hoàng và một cựu Giám đốc một tiền chủng viện có trụ sở tại Vatican về các tội danh lạm dụng tính dục, và che đậy.

Cha Gabriele Martinelli, 29 tuổi, được trắng án đối với cáo buộc tấn công tình dục được cho là xảy ra tại tiền chủng viện Piô X. Giám đốc cũ của trường, Cha Enrico Radice, 72 tuổi, cũng đã được minh oan tội che đậy.

Phán quyết được đưa ra vào cuối phiên tòa kéo dài một năm đối với các cáo buộc lạm dụng tại tiền chủng viện Piô X, nơi cư trú ở Thành phố Vatican dành cho khoảng chục cậu bé từ 12 đến 18 tuổi phục vụ trong các thánh lễ của Đức Giáo Hoàng và các nghi lễ khác ở Đền Thờ Thánh Phêrô và đang xem xét chức tư tế.

Vào tháng Năm, Vatican đã thông báo rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã quyết định chuyển tiền chủng viện ra ngoài Quốc gia Thành phố Vatican bắt đầu từ tháng Chín.

Trong phiên điều trần cuối cùng từ ngày 15 đến 16 tháng 7, công tố viên của Vatican đã yêu cầu các thẩm phán tuyên phạt Cha Martinelli 8 năm tù, giảm án còn 4 năm và tuyên phạt Cha Radice 4 năm tù.

Chánh án Giuseppe Pignatone đã đưa ra quyết định vào ngày 6 tháng 10. Tòa án nói rằng Cha Martinelli không thể bị trừng phạt vì những tội ác khi ngài còn là một trẻ vị thành niên, theo luật của Vatican là trước sinh nhật 16 tuổi, và do đó tuyên bố trắng án đối với các cáo buộc lạm dụng trước ngày 9 tháng 8, 2008.

Đối với các cáo buộc lạm dụng tính dục từ ngày 9 tháng 8 năm 2008 đến ngày 19 tháng 3 năm 2009, khoảng thời gian khi nạn nhân chưa qua 16 tuổi và còn là trẻ vị thành niên, tòa án cho biết các hành vi tình dục “đã được chứng minh cụ thể”, nhưng thiếu chắc chắn là có bị cưỡng chế hay không.

Trong trường hợp này, theo tòa án cho biết, các hành vi sẽ cấu thành một tội danh khác, “tội sách nhiễu trẻ vị thành niên”, nhưng thời hiệu đã hết bốn năm khi vụ kiện được đệ trình vào năm 2018.

Nhóm Opera don Folci, điều hành tiền chủng viện và được giám sát bởi Giáo phận Como, là bị cáo trong một vụ kiện dân sự liên quan đến các cáo buộc lạm dụng. Không có quyết định trong vụ kiện dân sự được công bố vào ngày 6 tháng 10.

Các luật sư cho các bị cáo, đồng ý với phán quyết vào ngày 6 tháng 10, nói rằng “có rất nhiều nghi ngờ” về việc liệu các tội phạm bị tố cáo có xảy ra hay không.

Một luật sư của Martinelli lưu ý rằng người đàn ông nói rằng anh ta bị lạm dụng đã khai trước tòa rằng hành vi này đôi khi diễn ra trong phòng của anh ta ở tiền chủng viện và đôi khi có sự hiện diện của những người khác. Nhưng trong quá trình diễn ra phiên tòa, những người bạn cùng phòng cũ của nạn nhân cho biết họ chưa từng nghe thấy hay nhìn thấy gì.

“Vì vậy, nó đã rõ ràng,” luật sư nói, “có những nghi ngờ về thực tế là nó đã xảy ra.”

Qua 13 phiên điều trần bắt đầu từ năm ngoái, các thẩm phán Vatican đã lắng nghe lời khai từ các bị cáo, người tuyên bố mình là nạn nhân, các cựu học sinh và các giáo viên linh mục tại tiền chủng viện, và những người khác.

Cha Martinelli, người được thụ phong linh mục cho Giáo phận Como, miền bắc nước Ý, vào năm 2017, luôn phủ nhận những cáo buộc chống lại mình, gọi chúng là “vô căn cứ”


Source:Catholic News Agency
 
Đức Giám Mục cầu xin một phụ nữ chớ qua đời. Giáo dân New Haven khóc lóc cầu xin đừng trục xuất Dòng Đa Minh
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:09 12/10/2021


1. Giáo dân 'đau buồn sâu sắc' về việc dòng Đa Minh phải rời khỏi nhà thờ New Haven lịch sử

Việc buộc Dòng Đa Minh phải rời khỏi Nhà thờ Đức Bà lịch sử ở New Haven, Connecticut sau 135 năm phục vụ tại đây đã khiến một số giáo dân vô cùng thất vọng và cảm thấy khó hiểu. Họ đặt câu hỏi tại sao việc di chuyển này là cần thiết như một phần của việc tái cấu trúc Tổng giáo phận Hartford.

“Thành thật mà nói, chúng tôi đang rất đau buồn,” giáo dân Erika Ahern nói với CNA trong một email. “Cả với tư cách là một gia đình và một cộng đồng giáo xứ, chúng tôi coi việc loại bỏ các tu sĩ Dòng Đa Minh là một bi kịch tinh thần lớn lao”.

Được thành lập vào năm 1886, giáo xứ St. Mary là giáo xứ Công Giáo lâu đời thứ hai ở Connecticut và là nhà thờ quê hương của các Hiệp sĩ Kha Luân Bố. Người sáng lập phong trào các Hiệp sĩ Kha Luân Bố là Chân Phước Michael J. McGivney, từng là cha phụ tá của giáo xứ, và thi hài của ngài được chôn cất ở đó.

Để đối phó với số lượng giáo xứ ngày càng giảm, tổng giáo phận có kế hoạch hợp nhất nhiều giáo xứ trong vùng New Haven thành một giáo xứ duy nhất tập trung tại giáo xứ St. Mary, nơi các linh mục triều của tổng giáo phận sẽ quản lý.

Trong một tuyên bố, tổng giáo phận nói với New Haven Register rằng St. Mary “đặc biệt thích hợp để trở thành trung tâm của mô hình chăm sóc mục vụ của thành phố với một số linh mục sống cùng nhau và phục vụ mười nhà thờ trong thành phố.”

Tờ báo đưa tin, số lượng người Công Giáo ở New Haven đã giảm từ 70,000 người vào những năm 1930 xuống chỉ còn 10,000 người ngày nay.

Ahern cho biết một khi giáo dân nhận ra rằng việc loại bỏ các tu sĩ Đa Minh là “một kết quả khả dĩ có thể xảy ra trong kế hoạch mục vụ của tổng giáo phận”, cô và các giáo dân khác đã bắt đầu một nhóm cầu nguyện vào cuối tháng 6 để cầu nguyện để các tu sĩ có thể không bị trục xuất khỏi St. Mary.

“Chúng tôi đến cùng nhau để ăn chay và cầu nguyện một tuần với Đức Mẹ Mân Côi,” Ahern nói. “Khi việc đó hoàn thành, chúng tôi đã cầu nguyện 54 ngày cho các ý định của cả giám tỉnh và Đức Tổng Giám Mục.”

Vào ngày 5 tháng 10, Cha John Paul Walker, cho biết:

“Sau các cuộc thảo luận trong mùa hè, gần đây, tổng giáo phận đã thông báo cho Tỉnh Dòng Đa Minh của chúng tôi rằng khi giai đoạn hai này được thực hiện, việc chăm sóc mục vụ của giáo xứ thành phố này sẽ được giao phó hoàn toàn cho các linh mục của Tổng giáo phận Hartford - và do đó chúng tôi không thể tiếp tục hiện diện ở đây”. Cha Walker nói trong một lá thư gửi cho giáo xứ của mình rằng công việc mục vụ của Dòng Đa Minh tại Giáo xứ St. Mary và tại Tu viện St. Mary sẽ không còn nữa.

“Vì vậy, tôi vô cùng đau buồn chia sẻ với các bạn rằng vào tháng Giêng năm 2022, việc chăm sóc mục vụ của chúng tôi tại giáo xứ St. Mary sẽ chấm dứt.”

Đối với Ahern, và nhiều người khác tại giáo xứ, quyết định loại bỏ các tu sĩ Đa Minh khỏi tổng giáo phận trong bối cảnh thiếu linh mục là một quyết định khó hiểu.
Source:Catholic News Agency

2. Giám mục Colombia cầu xin một phụ nữ bất hạnh đừng chết

Nhà lãnh đạo Ủy ban Cổ vũ và Bảo vệ sự sống của các giám mục Colombia đã gửi một tin nhắn video tới Martha Liria Sepúlveda Campo, một phụ nữ 51 tuổi bị bệnh nhưng không phải là bệnh nan y, thúc giục cô từ bỏ quyết định xin trợ tử của mình.

“Với tư cách một mục tử của Giáo Hội Công Giáo, với sự kính trọng và tình cảm trìu mến, tôi muốn nói với người chị em của tôi là Martha rằng cô ấy không đơn độc, rằng Chúa của sự sống luôn đồng hành cùng chúng ta,” Đức Cha Francisco Antonio Ceballos Escobar của Riohacha nói trong một video ngày 6 tháng 10.

Ngài bảo đảm với cô “rằng nỗi đau của cô có thể tìm thấy một ý nghĩa siêu việt nếu nó trở thành lời kêu gọi Tình yêu chữa lành, Tình yêu đổi mới, Tình yêu tha thứ.”

Năm ngoái, Sepúlveda, 51 tuổi, mắc chứng xơ cứng teo cơ một bên, khiến cô không thể cử động chân.

CaracolTV đã phát sóng một báo cáo vào ngày 3 tháng 10, trong đó cư dân Medellin nói rằng cô ấy “yên bình” về quyết định xin trợ tử và rằng cô ấy là “một người Công Giáo, tôi tự cho mình là một người rất tin vào Chúa, nhưng, tôi nhắc lại, Chúa không muốn thấy tôi đau khổ và tôi tin rằng không ai phải đau khổ. Không người cha nào muốn nhìn thấy những đứa con của mình đau khổ”.

Báo cáo nói rằng Sepúlveda đã được lên lịch trợ tử vào ngày 10 tháng 10.

Sepúlveda sẽ là người phụ nữ đầu tiên xin trợ tử sau phán quyết của Tòa án Hiến pháp Colombia vào tháng 7 cho phép những bệnh nhân không mắc bệnh nan y được yêu cầu các bác sĩ chích cho mình chết.

Trong video của mình, Đức Cha Ceballos nói: “Martha, tôi mời cô bình tĩnh suy nghĩ về quyết định của mình, hy vọng, nếu hoàn cảnh cho phép, tránh xa sự quấy rối của giới truyền thông đã không ngần ngại lấy nỗi đau của cô và của gia đình cô và sử dụng nó như một hình thức tuyên truyền cho trợ tử, ở một đất nước bị đánh dấu sâu sắc bởi bạo lực”.

Sau đó, ngài nhắc nhớ những lời của Đức Bênêđíctô XVI trong bài huấn đức buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật ngày 1 tháng 2 năm 2009: “phản ứng thực sự không thể là giết một người nào đó, bất kể 'tử tế' kiểu gì đi nữa. Nhưng điều cần thiết là làm chứng cho tình yêu giúp mọi người đối mặt với nỗi đau và sự đau khổ của họ trong một cách thế nhân bản.”

Đức Cha Ceballos cũng khuyến khích các tín hữu cầu nguyện cho cô và gia đình cô ấy xem xét lại quyết định của mình.

“Chúng ta hãy bao quanh cô ấy trong khi cô suy tư về ý định của mình, tôi trìu mến mời tất cả những người Công Giáo cùng tham gia cầu nguyện cho chị Martha của chúng ta, cho con trai của chị ấy, cho những người thân của chị ấy và cho những người chuyên nghiệp đang cố vấn cho chị ấy, để Thiên Chúa Sự Sống, Đấng là Tình Yêu Tối Cao, sẽ lấp đầy cô ấy với lòng thương xót của Người”.

Đức Cha Ceballos cũng mời Sepúlveda tham gia Thánh lễ ngày 9 tháng 10, trong đó ngài sẽ cầu nguyện cho cô.

“Tôi cũng mời Martha Liria đến với Bí tích Thánh Thể… trong đó chúng tôi sẽ cầu nguyện cho sự sống của cô, để Chúa, Đấng đã mang trên mình Ngài những đau đớn cho đến chết và chết trên thập tự giá, sẽ ban cho cô ơn can đảm để đồng hành cùng Ngài.”

Trong thông điệp của mình, Giám mục Riohacha giải thích rằng “phù hợp với niềm tin Kitô sâu sắc nhất của chúng ta, cái chết không thể là câu trả lời mang tính trị liệu cho nỗi đau và sự đau khổ trong mọi trường hợp.”
Source:Catholic News Agency

3. Đức Tổng Giám Mục Naumann nhận định rằng: Chính quyền Biden 'sai lầm' khi tài trợ cho các nhà cung cấp dịch vụ phá thai

Hôm thứ Năm, Chủ tịch ủy ban các hoạt động phò sinh của các giám mục Hoa Kỳ cho biết chính quyền Biden đã “sai lầm” khi mở lại nguồn tài trợ liên bang cho các nhà cung cấp dịch vụ phá thai trong chương trình Title X.

Tuần này, chính quyền đã công bố một quy tắc cuối cùng nêu rõ các phòng khám nhận tài trợ kế hoạch hóa gia đình Title X có thể giới thiệu phá thai, và không phải tách biệt về cơ sở và tài chính với các cơ sở phá thai. Quy tắc đã đảo ngược các quy định do chính quyền Trump đưa ra nhằm tách nguồn tài trợ Title X khỏi các nhà cung cấp dịch vụ phá thai.

Đức Tổng Giám Mục Joseph Naumann của Thành phố Kansas ở Kansas, Chủ tịch ủy ban các hoạt động phò sinh của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, tuyên bố: “Chính quyền này đã sai khi cho phép lấy tiền thuế của người dân tài trợ cho các nhà cung cấp dịch vụ phá thai tham gia vào một chương trình được thiết kế đặc biệt để loại trừ việc phá thai.

Title X là một chương trình liên bang được thành lập vào năm 1970 nhằm trợ cấp cho các dịch vụ y tế dự phòng và kế hoạch hóa gia đình, bao gồm cả biện pháp tránh thai, cho các gia đình có thu nhập thấp. Quy chế ban đầu tạo ra chương trình quy định rằng không có quỹ nào “sẽ được sử dụng trong các chương trình mà phá thai là một phương pháp kế hoạch hóa gia đình.”

Đức Tổng Giám Mục Naumann nói: “Title X được dự định và trao phó trách nhiệm là một chương trình hoàn toàn tách biệt với phá thai.

Ngài nói: “Phá thai không phải là kế hoạch hóa gia đình. Phá thai là lấy đi mạng sống của một đứa trẻ đã được thụ thai và đang lớn lên. Bạo lực của việc phá thai làm tổn thương vô số phụ nữ về thể chất, tinh thần và tình cảm”.

Đức Cha Naumann nói thêm rằng các giám mục lo ngại nghiêm trọng về việc chính phủ khuyến khích các biện pháp tránh thai, và từ lâu đã ủng hộ các nỗ lực nhằm bảo đảm rằng việc phá thai được giữ về mặt cơ sở và tài chính tách biệt với kế hoạch hóa gia đình theo Title X.

Theo bản cập nhật của chính quyền Clinton đối với chương trình vào năm 2000, những người nhận tài trợ phải cung cấp dịch vụ tư vấn phá thai và giới thiệu phá thai cho khách hàng khi có yêu cầu.

Sau đó, vào năm 2018, chính quyền Trump lần đầu tiên đề xuất ra một ranh giới nghiêm ngặt về cơ sở và tài chính tách biệt giữa những người nhận Title X và bất kỳ chương trình hoặc cơ sở nào thực hiện phá thai hoặc giới thiệu phá thai. Yêu cầu này, hiện được gọi là Quy tắc Bảo vệ Sự sống, đã được thực hiện vào tháng 3 năm 2019.

Quy tắc Bảo vệ Cuộc sống cấm những người nhận Title X giới thiệu hoặc thực hiện phá thai và yêu cầu người nhận phải tách biệt cả về cơ sở và tài chính với các cơ sở thực hiện phá thai. Planned Parenthood vào tháng 8 năm 2019 thông báo sẽ ngừng tham gia chương trình thay vì không thể tuân thủ các quy định mới.

Bây giờ, chính quyền Biden đã chính thức hủy bỏ Quy tắc Bảo vệ Sự sống của tổng thống Trump.
Source:Catholic News Agency
 
Hồi hộp chờ Tin Vui cho Việt Nam - Báo Ý: ĐTC sẽ công bố danh sách tân Hồng Y từ Chúa Nhật 17/10.
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
19:20 12/10/2021

Trong một bản tin hôm thứ Hai 11 tháng 10, hãng tin Sismografo của Italia đã đưa ra dự đoán rằng trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 17 tháng 10 tới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ công bố danh sách các tân Hồng Y được tấn phong vào tháng 11.

Sau cái chết ở tuổi 94 của vị Hồng Y người Chí Lợi, Jorge Medina Estévez, ngày 8 tháng 10 vừa qua, tình trạng của Hồng Y Đoàn hiện nay có thể tóm tắt như sau: Tổng số Hồng Y là 215 vị, trong đó 121 vị là Hồng Y cử tri và 94 vị không còn quyền bầu Giáo Hoàng. Từ ngày 7 tháng 11, Đức Hồng Y Angelo Scola, tổng giám mục hiệu tòa của Milan, sẽ qua tuổi 80, và do đó, số Hồng Y cử tri giảm xuống còn 120 vị, là con số được Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục ấn định. Vào năm 2022, từ ngày 7 tháng Giêng đến ngày 29 tháng 12, 11 Hồng Y cử tri khác sẽ mất quyền bầu Giáo Hoàng.

Trách nhiệm thể chế mà Giáo hội trao phó cho Đức Giáo Hoàng là bảo đảm sự kế vị của Thánh Phêrô, Giám mục của Rôma. Như nhiều người nói, điều này giải thích và cho thấy sự hợp lý của khả thể Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tuyên bố tấn phong các tân Hồng Y trong tương lai rất gần. Trong suốt triều Giáo Hoàng của ngài, năm nào ngài cũng tấn phong Hồng Y. Qua 7 công nghị, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tấn phong cho 101 Hồng Y.

Khả thể rất cao là Đức Giáo Hoàng có thể sẽ công bố danh sách các tân Hồng Y vào Chúa Nhật tới, ngày 17 tháng 10, hoặc sau đó, để chuẩn bị cho công nghị tấn phong có lẽ diễn ra trong tháng 11. Những người sành sỏi về chủ đề này dự đoán sẽ có thêm một công nghị tấn phong khác nữa vào giữa năm 2022.

Việc dự báo danh sách các tân Hồng Y trong triều đại Đức Giáo Hoàng Phanxicô ngày càng khó khăn. Đức Giáo Hoàng hầu như luôn luôn mang đến cho Giáo hội những bất ngờ đáng kể. Theo truyền thống, các vị được tấn phong sẽ được thông báo trước. Tuy nhiên, trong những năm qua, nhiều vị cho biết rất ngạc nhiên khi hay tin.

Dù thế nào, tên của một số nhân vật quan trọng trong Giáo triều Rôma liên tục được lưu truyền: Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher (67 tuổi), đương kim Bộ trưởng Quan hệ với các dân nước của Vatican; Đức Tổng Giám Mục Hàn Quốc Lagiarô Du Huỳnh Trị Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ từ ngày 11 tháng 6 năm 2021, ngài sẽ 70 tuổi vào tháng 11; Đức Tổng Giám Mục Arthur Roche (72 tuổi), tân Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Đức Tổng Giám Mục Fernando Vérgez Alzaga (76 tuổi), nguyên Tổng Giám Mục Leeds; tân Chủ tịch của Ủy ban Giáo hoàng về Quốc gia Thành phố Vatican.

Trong số 7 công nghị tấn phong Hồng Y trước đây của ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự 2 công nghị vào tháng Hai, 2 công nghị vào tháng Sáu, 2 công nghị vào tháng Mười Một và một công nghị vào tháng Mười.

Trong số 121 vị Hồng Y cử tri

13 vị được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tấn phong.

38 vị được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI tấn phong.

70 vị được Đức Giáo Hoàng Phanxicô tấn phong.

Trong số 94 Hồng Y không còn quyền bầu Giáo Hoàng

44 vị được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tấn phong.

27 vị được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI tấn phong.

23 vị được Đức Giáo Hoàng Phanxicô tấn phong.

Các vị Hồng Y không còn quyền bầu Giáo Hoàng thường là các vị trên 80 tuổi, trừ trường hợp Hồng Y Angelo Becciu mới 73 tuổi nhưng bị mất các đặc quyền liên quan đến tước vị Hồng Y.
Source:Sismografo