Ngày 04-10-2015
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tổng thống Ghana ca ngợi Đức Giáo Hoàng trước 150 nhà lãnh đạo thế giới
Đặng Tự Do
18:45 04/10/2015
Tổng thống John Dramani Mahama của Ghana đã nói với các nhà lãnh thế giới rằng họ có thể học được nhiều “bài học mạnh mẽ” từ sự đơn giản của Đức Thánh Cha Phanxicô khi ngài chọn đi trên một chiếc xe Fiat 500L tí hon trên các đường phố của New York, Hoa Thịnh Đốn và Philadelphia trong chuyến tông du Hoa Kỳ vừa qua.

Đức Thánh Cha trở thành tiêu điểm chú ý của thế giới sau khi rời khỏi máy bay ở Maryland trong một chiếc xe hơi màu đen Fiat nhỏ bé. Lối sống đơn giản của ngài, bất kể chức vụ đang nắm giữ, đã gây sự chú ý của Tổng thống Ghana John Dramani Mahama.

Phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 70, tổng thống Mahama nói cử chỉ khiêm tốn của Đức Giáo Hoàng để lại một “hình ảnh khó quên” về ngài.

“Năm nay chúng ta đã có một Đại hội đồng rất có hiệu quả. Chúng ta đã thông qua các mục tiêu phát triển bền vững, chúng ta đã thảo luận xem làm thế nào có thể thành lập hệ thống y tế ổn định, chúng ta đã có một hội nghị thượng đỉnh về việc gìn giữ hòa bình, và cũng đã thảo luận về các phương án đối phó với chủ nghĩa cực đoan tôn giáo. Chúng ta sẽ giữ trong ký ức mình nhiều kỷ niệm đẹp khi trở về quê hương, nhưng đối với tôi những hình ảnh đáng chú ý nhất, gây ấn tượng rất lớn đối với tôi trong những ngày đầu của cuộc gặp gỡ này là chiếc xe của Đức Giáo Hoàng.”

“Thật là ngoạn mục khi thấy Đức Giáo Hoàng được chào đón bởi những đám đông khổng lồ và thật là xúc động khi thấy ngay cả các quan chức chính phủ cũng rơi lệ; nhưng không có gì ngoạn mục hơn khi thấy ngài bước vào và được chở đi qua các đường phố của New York trong một chiếc Fiat 500L tí hon. Đó là một ẩn dụ tuyệt vời cho thời đại chúng ta đang sống, và một bài học mạnh mẽ về những thay đổi nhất định chúng ta phải thực hiện khi đối đầu với một tương lai đang thay đổi quá nhanh chóng của chúng ta”

Tổng thống Mahama nói thêm: “Có một cảm giác kỳ lạ của tình đoàn kết mà tôi cảm thấy với chiếc xe bé nhỏ này khi tôi thấy nó đang lướt qua các đường phố, bao quanh và bị mất hút trong đám đông các xe thể thao khổng lồ đa dụng. Nó nhắc nhở tôi về hoàn cảnh của cái gọi là ‘các quốc gia đang phát triển’ trong mối quan hệ của chúng tôi với các quốc gia giàu có, to lớn, thành đạt hơn của cái thế giới này. Có cái cảm giác được bảo vệ, nhưng cũng có cái cảm thức rõ rệt bị áp đảo; bị dẫn đường; và cả cái cảm thức bị đe dọa không được đi chệch ra khỏi một lộ trình đã được chỉ định.”

“Tuy nhiên, trên tất cả những điều đó, điều đánh động tôi là tính hiện đại của thời điểm này. Sự tồn tại của hành tinh của chúng ta phụ thuộc vào việc chúng ta tiếp cận thế nào với các khía cạnh tính hiện đại này. Nó đòi hỏi chúng ta phải xác định lại mối quan hệ của chúng ta với thiên nhiên và nhận ra rằng chúng ta chỉ là một phần của một hệ sinh thái lớn hơn. Cuối cùng chúng ta phải nhận thức được rằng chính chúng ta là những người phụ thuộc vào thiên nhiên, chứ không phải là điều ngược lại.”

Tổng thống cho biết châu Phi đang có những dấu chỉ rất đáng khích lệ. Ông nói:

“Trong những năm gần đây có những dấu chỉ ló dạng ở châu Phi đã tạo ra niềm hy vọng lớn lao và những kỳ vọng rất cao. Nhiều quốc gia châu Phi đã chấp nhận dân chủ. Bầu cử tự do và công bằng đã trở thành một một hiện tượng xuất hiện thường xuyên trên châu lục này. Một số quốc gia châu Phi đang nhìn thấy sự tăng tốc trong tăng trưởng kinh tế và nhiều biện pháp hợp lý hơn đã thành công trong việc giảm thiểu tình trạng nghèo đói ở châu lục này.”
 
Một số tường thuật về Lễ Khai Mạc Thượng Hội Đồng về Gia Đình năm 2015
Vũ Văn An
23:04 04/10/2015
Theo Đài Phát Thanh Vatican, Chúa Nhật vừa qua, tiền đình Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô đã được trang trí bằng mầu xanh và đỏ tươi khi các nghị phụ thượng hội đồng tụ tập quanh bàn thờ cử hành thánh lễ khai mạc Thượng Hội Đồng Thường Lệ về Gia Đình do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ tọa.

Chân lý và bác ái

Các bản văn Thánh Kinh là các bản văn của Chúa Nhật 27 Mùa Thường Niên, nhưng trong lời mở đầu bài giảng của ngài, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho rằng “xem ra chúng đã được chọn cho giờ phút ơn thánh này, một giờ phút Giáo Hội đang trải nghiệm”.

Bởi vì, theo ngài, các bài đọc đã xoáy vào ba trọng điểm sau đây: “cô đơn, tình yêu giữa người đàn ông và người đàn bà, và gia đình”.

Cô đơn đây là cô đơn của Adong, được Sách Sáng Thế thuật lại trong bài đọc một. Và cũng là nỗi cô đơn của rất nhiều người hiện nay: người già, người góa chồng góa vợ và những ai bị người phối ngẫu bỏ rơi. Nói chung: giữa những biệt thự sang trọng và nhà chọc trời, thế giới hoàn cầu hóa càng ngày càng thiếu hơi ấm của mái nhà, của gia đình. Vì con người hiện đại “càng ngày càng kém nghiêm túc trong việc xây dựng các liên hệ yêu thương sinh hóa trái: lúc mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, từ nay suốt đời”.



Đức Phanxicô không quên nói tới các đặc tính của hôn nhân Công Giáo: lâu dài, trung thành, có ý thức, ổn định và sinh hoa trái. Ngài cũng nhắc tới những yếu tố phá hoại hôn nhân và gia đình: sinh suất thấp, phá thai, ly dị cao.

Nhưng ngài bảo: Thiên Chúa dựng nên người đàn ông đàn bà không phải để sầu khổ hay cô đơn mà là để hạnh phúc. Vì theo Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy rằng: chính Thiên Chúa chúc phúc cho tình yêu của họ, Người là Đấng kết hợp trái tim hai người để họ yêu thương nhau, Người kết hợp họ nên một và vĩnh viễn bất khả phân.



Một kế hoạch tốt đẹp như trên, oái oăm thay, lại bị xã hội hiện đại chế nhạo trong khi vẫn đi tìm tình yêu đích thực “Ta thấy con người thời nay chạy theo những cuộc tình mau qua trong khi mơ ước một cuộc tình chân thực, họ chạy theo các thú vui xác thịt nhưng lại ước mong việc tự hiến hoàn toàn”.

Ngài cho rằng chính trong tình huống oái oăm ấy, “Giáo Hội có nghĩa vụ phải thực thi sứ mệnh của mình một cách đầy trung thành, sự thật và yêu thương”.

Giáo Hội phải trung thành với tiếng nói của Thầy mình và nhờ làm thế, đã bênh vực tính thánh thiêng của sự sống, tính đơn nhất và bất khả tiêu của hôn nhân, và là dấu chỉ ơn thánh Chúa và khả năng con người có thể yêu thương một cách nghiêm túc.

Đức Phanxicô lớn tiếng quả quyết rằng sự thật không thay đổi theo sở thích chóng qua hay theo dư luận quần chúng. Nó phải là “sự thật biết bảo vệ các cá nhân và nhân loại như một toàn thể tránh cơn cám dỗ lấy mình làm trung tâm và tránh biến tình yêu sinh hoa trái thành lòng ích kỷ cằn cỗi, biến cuộc kết hợp trung thành thành những mối dây tạm bợ”.

Dĩ nhiên phải là sự thật “trong bác ái”, như Đức Bênêđíctô XVI vốn nhấn mạnh. Giáo Hội phải là một người mẹ “ý thức được nghĩa vụ của mình là đi tìm và chăm sóc cho các cặp đang bị thương tích bằng dầu nóng chấp nhận và thương xót”. Giáo Hội phải là một bệnh viện dã chiến với “những cánh cửa mở rộng đón nhận bất cứ ai tới gõ để được giúp đỡ và nâng đỡ”.

Ngài nhấn mạnh rằng: Giáo Hội giảng dạy và bảo vệ các giá trị nền tảng nhưng không quên “Ngày Sabát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người được tạo nên cho ngày Sabát” (Mc 2:17).

Rồi ngài nhắc lại lời của Thánh Gioan Phaolô II dạy rằng “Sai lầm và sự ác luôn phải được kết án và chống đối; nhưng người sa ngã hay người sai lầm cần được hiểu biết và yêu thương… Ta phải yêu thời nay và giúp con người thời nay”. Giáo Hội phải đi tìm những người này để chào đón và đồng hành với họ, đừng trở thành rào cản mà hãy trở thành những cây cầu.

Chỉ chú trọng tới lòng thương xót

Lối tường thuật trên đây hết sức trung thực vì không bỏ sót bất cứ điểm trọng yếu nào trong Huấn Quyền Giáo Hội, được Đức Phanxicô, môt lần nữa, nói lên. Chắc chắn những điều ngài nói, không một nghị phụ nào không đồng ý vì đó vốn là quan điểm của Giáo Hội xưa nay, cụ thể qua giáo huấn của hai vị tiền nhiệm của ngài.

Đây cũng là lối tường thuật của các cơ quan truyền thông Công Giáo. Không như một số cơ quan truyền thông thế tục: nhân những lúc tường thuật các biến cố của Giáo Hội, luôn ngụ một ẩn ý nào đó khiến bài tường thuật ngả nghiêng sinh hàm hồ. Reuters/AFP, chẳng hạn, đặt tựa đề cho bài tường thuật của họ như sau: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô khai mạc Thượng Hội Đồng trước tấm phông tranh cãi về vấn đề gây chia rẽ đồng tính luyến ái”.

Họ có ý nói tới vị linh mục “thâm niên”, cha Krzystof Charamsa, vừa công bố mình là người đồng tính và đang sống trong mối liên hệ đồng tính, ngay trước ngày khai mạc Thượng Hội Đồng. Dù Tòa Thánh có phẫn nộ trước hành vi ngang ngược của vị linh mục này, ai cũng thấy hành động của ngài không thể có ảnh hưởng gì tới Thượng Hội Đồng này cả. Ấy thế mà Reuters/AFP dám cho rằng “Với cả việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô bị kéo vào cuộc tranh luận về hôn nhân đồng tính tại Hoa Kỳ, xem ra Thượng Hội Đồng đã được triệu tập chỉ để đề cập tới vấn đề Giáo Hội phải tiếp cận ra sao các tín hữu đồng tính nam nữ”.



Reuters/AFP, nhân dịp này, còn cho hay ngay trước khi có hành động của vị linh mục Ba Lan vừa nói ở trên, các thái độ của Công Giáo đối với đồng tính luyến ái cũng đã tạo ra các hàng tít lớn đáng lưu ý rồi. Tòa Thánh cũng đã phải xác nhận việc Đức Phanxicô ôm hôn người bạn cũ mang chứng đồng tính của ngài và cả người “phối ngẫu” của ông ta nữa trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ vừa rồi.

Reuters/AFP có nhắc tới cuộc gặp mặt, cũng trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ vừa qua, giữa Đức Phanxicô và Kim Davis, một người cực lực chống đối hôn nhân đồng tính, nhưng nhấn mạnh là Vatican không ủng hộ lập trường của bà này.

Nói tóm lại, trong ngày khai mạc Thượng Hội Đồng về Gia Đình, tập chú của Reuters/AFP chỉ là lòng thương xót. Tiểu đề của họ: “Đức Phanxicô thúc giục Giáo Hội tỏ lòng thương xót”. Tiếp theo, họ thuật lại diễn trình thảo luận về đồng tính luyến ái tại Thượng Hội Đồng năm ngoái với phe cải cách muốn Giáo Hội thừa nhận các liên hệ đồng tính và phe bảo thủ “coi đồng tính luyến ái như một thứ bệnh” nên đã chặn đứng được ý muốn kia.

Reuters/AFP coi đó là những “rạn nứt sâu xa trong Giáo Hội” trong khi các dị biệt trong lúc thảo luận chỉ là việc bình thường của một cơ cấu bao trùm 1.2 tỷ con người. Không thấy ai nói tới những “rạn nứt sâu xa” trong phán quyết 5 chọi 4 của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ nhằm hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính!

Mặt khác, họ còn coi lời kêu gọi thương xót như chỉ là của riêng Đức Phanxicô chứ không phải là của truyền thống Công Giáo: “tại tâm điểm nghị trình của Thượng Hội Đồng là niềm tin của đức Phanxicô rằng Giáo Hội phải tỏ lòng thương xót trong cố gắng giải quyết hố phân cách giữa điều Giáo Hội hiện đang nói về hôn nhân, tình yêu và giới tính và điều hàng chục triệu các tín hữu của mình thực sự đang làm hàng ngày.

“Nói một cách cụ thể, điều trên được chi tiết hóa rõ ràng nhất qua đòi hỏi cho những người Công Giáo ly dị và tái hôn được phép rước lễ và xưng tội, hơn là trên thực tế bị loại ra khỏi Giáo Hội như hiện nay”.

Không một lời tường thuật nào nói tới hôn nhân, tình yêu, và gia đình chân thực theo quan điểm Công Giáo.

Trèo đèo

Thiển nghĩ, John L. Allen Jr. đã nhận định đúng khi mô tả các cố gắng của Đức Phanxicô như một cuộc trèo đèo.

Một đàng, Đức Phanxicô rõ ràng muốn duy trì giáo huấn truyền thống Công Giáo về hôn nhân và gia đình. Ngài tin rằng các giáo huấn này không làm cho Giáo Hội thành “Bà Bác Sĩ Chuyên Nói Không” với thế giới hiện đại, nhưng đúng hơn vạch ra một con đường dẫn con người tới chỗ thành toàn chân chính.

Nhưng mặt khác, Đức Phanxicô cũng là vị giáo hoàng từng nói câu “Tôi là ai mà dám phê phán?” liên quan tới những người đồng tính cố gắng sống cuộc sống có đức tin; ngài muốn lùi bước trước bất cứ điều gì khiến người ta nhìn Giáo Hội như người bất khoan dung hay không thương xót.

Bởi thế, đối với Thượng Hội Đồng về Gia Đình, rõ ràng ngài muốn hai điều. Trước nhất, một cách tiếp cận quân bình đối với các vấn đề nóng bỏng như đồng tính luyến ái và cho phép ngườily dị tái hôn rước lễ, phối hợp việc bảo vệ thánh truyền với một ngôn từ mới và một phương thức mục vụ mới nhấn mạnh tới việc bao gồm mọi người.

Thứ hai, ngài không muốn Thượng Hội Đồng bị các vấn đề nêu trên tiêu hao. Khi đề cập tới các vấn đề này, ngài thường đặt chúng vào các bối cảnh rộng lớn hơn. Nhưng ngài cũng không muốn Thượng Hội Đồng tránh né xem xét các vấn đề này.

Ai cũng biết, các vấn đề trên quả có tạo ra một căng thẳng tại Thượng Hội Đồng năm ngoái. Có người hy vọng sự căng thẳng này sẽ nguôi dần trong khoảng một năm giữa hai kỳ họp của Thượng Hội Đồng. Nhưng hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy sự nguôi ngoai này.

Gần tới ngày khai mạc Thượng Hội Đồng năm 2015, một nhà báo nổi tiếng ở Rôma đã cho công bố một ebook với câu hỏi không biết Thượng Hội Đồng năm ngoái có bị chơi khăm hay không, có ý ám chỉ phe cấp tiến âm mưu đưa ra các quan điểm lỏng lẻo về đồng tính và ly dị.

Phe cấp tiến cũng không vừa. Đã có những “Thượng Hội Đồng trong bóng tối” chính thức lên tiếng ủng hộ đồng tính và Đức HY Kasper thì vẫn tin quan điểm của ngài sẽ được nhìn nhận tức cho phép người ly dị tái hôn được rước lễ. Trong khi ấy có vụ linh mục Chamrasa công bố hành vi sống đồng tính của mình, mà có người cho động lực là chuyện mua bán của phe ủng hộ đồng tính.

Thành thử, các cố gắng của Đức Phanxicô hẳn đúng là các cố gắng của một người trèo đèo cao. Tuy nhiên, ngài cũng là người không ngại chu toàn bổn phận của Giám Mục Rôma: ngài từng nói nhiều tới parrhesia, và ngài từng đưa ra các giải pháp mạnh dạn như hai tự sắc vừa qua đã chứng tỏ.
 
Rạn nứt giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô và đô trưởng Ignazio Marino của Rôma.
Đặng Tự Do
22:50 04/10/2015
Theo Catholic World News, trong một cuộc trao đổi với các phóng viên trên chuyến bay từ Philadelphia trở về Rome vào ngày 27 tháng 9, Đức Giáo Hoàng đã sử dụng một ngôn ngữ thẳng thừng để bác bỏ những báo cáo cho rằng Marino, người đã có mặt tại Đại hội thế giới của gia đình, đã đến Philadelphia theo yêu cầu của Đức Giáo Hoàng.

Ngài nói:

“Tôi đã không mời ông đô trưởng. Tôi nói như thế đã rõ ràng chưa?” Ngài còn nói thêm là các nhà tổ chức các sự kiện ở Philadelphia cũng đã không mời Marino.

Căng thẳng giữa Marino và Vatican đã hình thành và lớn dần vì sự hỗ trợ của vị đô trưởng này cho việc công nhận pháp lý “hôn nhân” đồng tính.

Tuy nhiên, các quan chức Vatican thường tránh xung đột với các quan chức địa phương. Đặc biệt là mối quan hệ giữa Tòa Thánh và thành phố Rôma sẽ tạo ra những ảnh hưởng mạnh vào những tháng tới, khi hàng triệu khách hành hương đổ về Rôma dự Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Khó khăn trong quan hệ giữa Đức Giáo Hoàng và thị trưởng Rôma đã được thấy rõ khi một đài phát thanh Italia gọi một cú điện thoại giả cho Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình. Giả vờ là Thủ tướng Ý Matteo Renzi, người gọi hỏi Đức Tổng Giám Mục về những căng thẳng giữa Đức Giáo Hoàng và đô trưởng Rôma. Đức Tổng Giám Mục Paglia nói rằng Marino “muốn lợi dụng” các cuộc họp tại Philadelphia để đẩy mạnh nghị trình phò đồng tính của mình, và điều này “thực sự gây khó chịu” cho Đức Giáo Hoàng.

Agence France-Presse cũng đã tung ra một câu chuyện trong đó trích thuật Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng Marino “chỉ giả vờ là một người Công Giáo.” Tuy nhiên, AFP không cho biết đó là nguồn gốc của lời trích dẫn này.
 
Tuyên bố của Tòa Giám Mục Pelplin về tình trạng của linh mục Krzysztof Charamsa
Đặng Tự Do
00:24 04/10/2015
Sau khi bị sa thải khỏi Bộ Giáo Lý Đức Tin, linh mục Krzysztof Charamsa giờ đây trực thuộc giáo phận Pelplin, Ba Lan.

Chiều ngày 03 tháng 10, Đức Cha Ryszard Kasyna, là đấng bản quyền đã ra một thông cáo về tình trạng của linh mục Krzysztof Charamsa.

Toàn văn thông cáo như sau:

Tiếp theo thông cáo do phòng Báo chí Tòa Thánh đưa ra liên quan đến những tuyên bố của cha Krzysztof Charamsa cũng như những phát biểu của ông với báo chí hoàn toàn trái với Kinh Thánh và giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo, theo các quy định của Bộ Giáo Luật, Đức Giám Mục giáo phận Pelplin nghiêm khắc cảnh cáo cha Krzysztof Charamsa phải quay về với con đường chức linh mục của Chúa Kitô.

Đồng thời Đức Giám Mục Pelplin yêu cầu tất cả các linh mục và các tín hữu cầu nguyện cho ý chỉ này.

Ấn Ký
Cha Ireneusz Smagliński, phát ngôn viên cho Đức Cha Ryszard Kasyna Giám Mục giáo phận Pelplin, Ba Lan
 
Một số điểm trong Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Đồng năm 2015 bị chỉ trích
Vũ Văn An
02:39 04/10/2015
Trước ngày khai mạc Thượng Hội Đồng Thường Lệ lần thứ 14, lần đầu tiên trong lịch sử, Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Đồng bị chỉ trích thẳng thừng. Thực vậy, trong một tác phẩm vừa được công bố, các giám mục Phi Châu không ngần ngại chỉ trích tài liệu quan trọng này, vốn được coi là bản đúc kết thành quả của Thượng Hội Đồng đặc biệt thứ ba năm 2014.

Mù mờ

Theo Catholic World News ngày 2 tháng Mười, trong cuốn Christ’s New Homeland- Africa, Đức Hồng Y Robert Sarah, bộ trưởng thánh bộ Thờ Phượng Thiên Chúa, chỉ trích Tài Liệu Làm Việc đã đem lại sự mù mờ, cho thấy bằng chứng “không những của một cuộc khủng hoảng đức tin sâu xa, mà còn của một cuộc khủng cũng không kém sâu xa trong thực hành mục vụ: các mục tử do dự không dám xác định ra một hướng đi rõ ràng”.

Ngài cũng bác bỏ ý niệm cho rằng các thực hành mục vụ có thể thay đổi mà không cần phải thay đổi tín lý tương ứng. Các thay đổi như thế, theo ngài, đem lại cho những người bị hướng dẫn sai một thứ lòng thương xót chẳng đạt được gì ngoài việc dấn họ sâu thêm vào tội lỗi.

Đức Hồng Y Sarah cũng lo ngại trước một số bối rối do Tài Liệu Làm Việc đem tới nhất là việc dường như Tài Liệu này muốn coi hôn nhân dân sự như là một chuẩn bị tiến tới hôn nhân bí tích. Ngài đặt câu hỏi: “tài liệu nói với ai về thực tại hôn nhân dân sự như là một chuẩn bị cho hôn nhân bí tích? Nói với các chi thể đã rửa tội của Giáo Hội hay với người ngoại giáo có cảm tình ở các khu vực đang có việc phúc âm hóa khởi đầu? Ngoại trừ áp dụng cho những người tân ngoại giáo tại các nước thuộc cựu thế giới Kitô Giáo!”.

Đức Hồng Y Sarah cho rằng Tài Liệu Làm Việc phản ảnh tình trạng bất ổn của Giáo Hội ở Tây Phương và nếu Giáo Hội cho phép người ly dị tái hôn rước lễ, “thì tại sao ta lại bác bỏ các tín hữu đa hôn? Có lẽ ta cũng phải bỏ cả ngoại tình ra khỏi danh sách các tội”.

Đức Cha Adoukonou, thư ký Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa, thì viết rằng “các hạn chế nền tảng về phương pháp luận mà ta nhận thấy nơi Tài Liệu Làm Việc hệ ở sự kiện này: nó sử dụng các nguồn tài liệu hầu hết của các khoa học nhân văn và xã hội để đem vào ngữ cảnh chủ đề gia đình ngày nay mà không đem ra ánh sáng bối cảnh quan trọng nhất, tức, các chọn lựa lịch sử từng dẫn tới thảm họa này”.

Theo ngài, ta cần một chủ trương rõ ràng. Trước lời phê phán của Nhà Nước Duy Hồi Giáo và nhiều nhóm cực đoán khác cho rằng Tây Phương đang sa đọa với Kitô Giáo, ta có nghĩa vụ tách mình ra khỏi nền văn minh hậu hiện đại, không phải vì sợ hãi, muốn thu mình vào vỏ ốc, mà vì lòng trung thành với căn tính Kitô Giáo và Phi Châu sâu sắc.

Đức Cha Adoukonou cho là không thể chấp nhận được ý niệm trong Tài Liệu Làm Việc cho rằng “Trong chính nó, Tin Mừng là một gánh nặng mà Giáo Hội, vì lòng thương xót, cần tìm cách làm nó ra nhẹ nhàng hơn cho những con người khốn khổ cùng thời với ta”.

Ngài còn đi xa đến độ cho rằng có một phần trong Tài Liệu chứa những yếu tố rất đáng bị tranh luận gắt gao, thậm chí còn mâu thuẫn với tín lý Công Giáo nữa.

Các giả định sai lầm về qui luật luân lý trong Tài Liệu Làm Việc

Trong khi đó, trong một tiểu luận, hai nhà thần học David S. Crawford và Stephan Kamkopowski cho rằng Đoạn 137 của Tài Liệu Làm Việc, khi nhắc tới Thông Điệp Humanae Vitae của Chân Phúc Giáo Hoàng Phaolô VI, đã nghi vấn giáo huấn của vị giáo hoàng này và đưa ra một phương pháp biện phân luân lý không hề có tính Công Giáo. Phương thức biện phân này mâu thuẫn với những gì xưa nay Huấn Quyền vốn giảng dậy về qui luật luân lý, lương tâm và phán đoán luân lý, khi cho rằng một lương tâm được đào tạo kỹ càng vẫn có thể mâu thuẫn với các qui luật luận lý khách quan.

Theo họ, đoạn trên cần bị loại bỏ và thay thế bằng một đoạn nói đến lương tâm một cách chuẩn xác hơn, cho thấy sự khôn ngoan và vẻ đẹp của Humanae Vitae.

Ai cũng biết Đoạn 137 của Tài Liệu Làm Việc viết thế này:

“Liên quan tới nội dung phong phú của Humanae Vitae và các vấn đề nó bàn, hai điểm chính đã được đặt ra và luôn phải liên kết với nhau. Một điểm liên quan tới vai trò của lương tâm, được hiểu như tiếng nói của Thiên Chúa vang lên trong tâm hồn con người, đã được huấn luyện để lắng nghe. Điểm kia là qui luật luân lý khách quan vốn không cho phép coi hành vi sinh sản như một thực tại được quyết định cách võ đoán tùy tiện, bất chấp kế hoạch của Thiên Chúa dành cho việc sinh sản của con người. Quá nhấn mạnh tới khía cạnh chủ quan của con người, sẽ có nguy cơ dễ dàng đưa ra các chọn lựa vị kỷ. Quá nhấn mạnh tới khía cạnh kia kết cuộc sẽ coi qui luật luân lý như một gánh nặng không thể nào chịu đượng được và không đáp ứng được nhu cầu và tài nguyên của con người. Kết hợp cả hai, dưới sự hướng dẫn thường xuyên của một người hướng dẫn tâm linh có khả năng sẽ giúp những người kết hôn thực hiện được các lựa chọn hoàn toàn có tính nhân bản và là những lựa chọn phù hợp với thánh ý Thiên Chúa”.

Đoạn trên dịch theo bản tiếng Anh chính thức của Tòa Thánh, một bản khá hàm hồ. Nhưng theo hai tác giả này, nguyên bản tiếng Y còn hàm hồ hơn nữa khi coi quy luật và lương tâm là “hai cực (poles)” thay vì “hai điểm chính” như trong bản tiếng Anh. Bản tiếng Anh nói tới việc “quá nhấn mạnh” đối với một trong hai điểm thì bản tiếng Ý lại nói tới việc “thắng thế” hay trổi vượt” của một trong hai điểm này.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là Đoạn này không trình bầy cả vai trò của lương tâm lẫn tầm quan trọng của qui luật. Vì nó ngả theo chiều mô tả qui luật luân lý như một điều ở bên ngoài con người nhân bản và cuộc sống tốt lành mà ta vốn được mời gọi sống. Thành thử qui luật luân lý là một điều hoàn toàn tiêu cực, và như thể có tính cưỡng bức. Việc nhấn mạnh tới chức năng ngăn cấm của qui luật đã bỏ qua vai trò tích cực của qui luật trong việc cổ vũ sự tăng trưởng và thành toàn bản thân của tác nhân luân lý trong điều thiện. Vì đoạn này cho người ta cảm tưởng này: qui luật luân lý là “một gánh nặng không chịu đựng nổi” và “không đáp ứng được các nhu cầu và tài nguyên của người ta”.

Hàm ý như thế về qui luật là quên cả lời dạy của Chúa Giêsu: “ách Ta êm ái và gánh Ta nhẹ nhàng” (1Ga 5:3). Quả thực, Đoạn này không hề khuyên người ta trông nhờ Chúa ban sức mạnh cho ta để ta sống theo giới răn của Người, thay vào đó, đã ngầm cho thấy tác nhân luân lý có thể tìm được một trung điểm, nhờ đó, họ có thể cân bằng “các nhu cầu và tài nguyên” chủ quan do chính mình biện phân được chống lại nội dung thực sự của qui luật luân lý.

Các giả định sai lầm về lương tâm trong Tài Liệu Làm Việc

Đoạn 137 trình bầy lương tâm như “tiếng nói của Thiên Chúa vang lên trong tâm hồn con người, đã được huấn luyện để lắng nghe”.

Theo hai tác giả trên, định nghĩa như thế là làm sai lệch đoạn 16 của Hiến Chế Gaudium et Spes, là đoạn nói rằng: “thẳm sâu trong lương tâm họ, con người nam nữ khám phá ra một luật lệ mà chính họ không lập ra nhưng họ phải vâng theo. Tiếng nói của nó, một tiếng nói lúc nào cũng kêu gọi họ yêu thương và làm điều tốt tránh điều xấu, nói với họ từ bên trong vào một lúc thích đáng rằng: hãy làm điều này, hãy tránh điều nọ. Vì trong trái tim của họ, Thiên Chúa đã khắc ghi một luật lệ. Phẩm giá của họ tùy thuộc việc tuân giữ lật lệ này, và họ sẽ bị luận án vì nó. Lương tâm người ta là cốt lõi bí mật nhất của họ, là cung thánh của họ. Ở đó, họ một mình với Thiên Chúa; tiếng nói của Người vang vọng trong thẳm sâu họ. Một cách kỳ diệu, nhờ lương tâm, người ta biết luật lệ này sẽ được chu toàn bằng tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với người lân cận”.

Tài Liệu Làm Việc đã không chịu nhấn mạnh điều này: lương tâm tham chiếu luật lệ đã được khắc ghi trong tâm hồn ta, đây mới là cách nên giải thích “tiếng Chúa”. “Tiếng” Chúa không nói với người này một điều gì đó về luân lý rồi lại nói với người kia một điều gì khác hẳn cũng về luân lý. Tiếng Chúa cũng không bao giờ nói ngược lại với qui luật khách quan được Giáo Hội giảng dậy. Nói về tiếng Thiên Chúa như thể nó tách biệt đối với luật luân lý, hay không tham chiếu gì luật này, là hết sức không thoả đáng. Sẽ là điều sai lạc, khi nói tới một cực chủ quan bên ngoài luật lệ rồi cực này buộc phải “kết hợp” với luật lệ.

Nguy hiểm do Đoạn 137 đem lại không những chỉ là “các chọn lựa vị kỷ” mà đúng hơn là một thuyết duy chủ quan triệt để trong cái hiểu của ta về đời sống luân lý, theo nghĩa lương tâm bị tách biệt khỏi sự hiện diện đầy soi sáng bên trong của luật luân lý. Một khi lương tâm tách biệt khỏi luật luân lý, thì nó hết còn đứng trước Thiên Chúa nữa. Đúng hơn, nó chỉ đứng trước chính nó.

Ý niệm tin rằng lương tâm, ngay trong nó, luôn tham chiếu sự thiện khách quan đã hoàn toàn vắng bóng ở Đoạn 137. Khi trình bầy lương tâm như một khả năng chủ quan trong thế đối lập một cách biện chứng với luật luân lý, Tài Liệu Làm Việc đã đề xuất một quan niệm không tương hợp chút nào với giáo huấn của Huấn Quyền Giáo Hội; quan niệm này còn giảm thiểu phẩm giá tâm linh của con người nhân bản, là chủ thể có khả năng hành động phù hợp với sự thật khách quan.

Các giả định sai lầm về phán đoán luân lý của Tài Liệu Làm Việc

Hai tác giả trên cũng cho rằng theo luận lý học trên đây của Đoạn 137, phán đoán luân lý không còn là một phán đoán lương tâm được luật luân lý soi sang nữa, mà đúng hơn là một “kết hợp” của hai cực, một cực chủ quan và một cực khách quan. Ta phải nhấn mạnh điều này: hai yếu tố biện chứng vừa nói kết hợp với nhau không dựa vào tiêu chuẩn nào cả. Với lương tâm và luật luân lý như hai cực cần hoà hợp với nhau, cả hai đều không thể cung cấp một tiêu chuẩn để sự kết hợp này diễn ra. Nói cách khác, Tài Liệu Làm Việc hình như ngụ ý rằng tiêu chuẩn tối hậu của tính luân lý hoàn toàn có tính võ đoán.

Sự trợ giúp từ bên ngoài của “một hướng dẫn tâm linh có năng quyền” không giải quyết được sự khó khăn trên. Đã đành việc linh hướng có nhiều ơn ích của nó, nhưng chạy tới với nó trong bối cảnh này không là gì khác ngoài thừa nhận sự kiện này: ta đang thiếu tiêu chuẩn, chỉ biết dựa vào sự hướng dẫn của vị linh hướng để quyết định. Ta nên lưu ý: phần lớn các cặp vợ chồng không có vị linh hướng. Nhưng quan trọng nhất là: giải pháp này bắt vợ chồng tùy thuộc phán đoán luân lý của các chuyên viên mục vụ, một sự tùy thuộc hoàn toàn đi ngược lại chính bản chất của lương tâm.

Các đóng góp trên đây cũng chỉ là những nhận định của các thần học gia cá thể, trong khi Tài Liệu Làm Việc là một công trình tập thể, và nếu không lầm, được sự chúc lành của chính Đức Phanxicô. Dù sao, hai tác giả đều là các giáo sư thần học luân lý và luật gia đình. David S. Crawford dạy tại Học Viện Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về Nghiên Cứu Hôn Nhân và Gia Đình ở Washington, DC. Stephan Kampowski dạy tại Học Viện Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về Nghiên Cứu Hôn Nhân và Gia Đình ở Rôma. Các nhận định của họ được sự ủng hộ đích danh của 49 thần học gia và giáo sư đại học khác.

Lắng nghe các gia đình

Phần Đức Phanxicô, trong buổi canh thức cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng tối thứ Bẩy, dường như có biết các đóng góp trên, nên đã khuyên các nghị phụ hãy lắng nghe các gia đình, kể cả Thánh Gia, trong suốt diễn trình tham nghị.

Ngài nói: “gia đình là nơi để biện phân, nơi ta học nhận ra kế hoạch của Thiên Chúa dành cho cuộc sống ta và học ôm lấy nó. Nó là nơi của tính nhưng không, của sự hiện diện và liên đới huynh đệ, là nơi ta học cách bước ra khỏi mình và chấp nhận người khác, học cách tha thứ và được tha thứ. Mỗi gia đình đều là ánh sang, dù mờ, giữa đêm đen thế giới”.

Ngài kêu gọi các nghị phụ “nhìn nhận, trân trọng và công bố những gì là đẹp, tốt và thánh thiện” trong gia đình và sẵn sàng “hỗ trợ các tình huống yếu kém và gian khổ: chiến tranh, bệnh tật, tang chế, các liên hệ bị thương tích và gẫy đổ, những thứ tạo ra đau buồn, giận ghét và chia ly”.

Ngài “mong Thượng hội Đồng nhắn nhủ các gia đình trên và mọi gia đình rằng Tin Mừng luôn là ‘tin tốt’ giúp ta khởi đầu lại”.

Ngài cũng khuyên mọi người nhìn lên Thánh Gia, một gia đình cũng giống như mọi gia đình khác, đủ cả “các vấn đề lẫn các niềm vui đơn sơ” của một cuộc sống “kiên nhẫn thanh thản giữa các nghịch cảnh, biết tôn trọng người khác”, khiêm nhường trong tự do và trong phục vụ, đầy tình huynh đệ theo nghĩa tất cả chúng ta đều là chi thể của một thân thể”.

Ngài khéo léo nhắc nhở một phương pháp luận tuyệt diệu khi nói rằng: “Ơn thánh Thiên Chúa không la ó; nó là lời thủ thỉ tới tai tất cả những ai sẵn sàng lắng nghe tiếng nói tĩnh lặng nho nhỏ của nó. Nó thúc giục họ lên đường, trở lại thế gian, làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại, để thế gian tin”.
 
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong buổi canh thức cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng về Gia Đình
J.B. Đặng Minh An dịch
05:02 04/10/2015
Lúc 19h thứ Bẩy 03 tháng 10, tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế giới Về Gia Đình, được khai mạc vào sáng Chúa Nhật 04 tháng tại Vatican.
Buổi cầu nguyện được cử hành ngoài trời đã quy tụ hàng chục ngàn tín hữu. Nhiều người đã có mặt tại quảng trường Thánh Phêrô từ ban chiều để chờ đợi buổi cầu nguyện.

Buổi cầu nguyện đã bao gồm các chứng từ của các cặp gia đình, các bài đọc Kinh Thánh, cầu nguyện, hát thánh ca và những bài suy tư về gia đình của Đức Thánh Cha Phanxicô và các vị tiền nhiệm của ngài.

Trong buổi cầu nguyện, Đức Thánh Cha đã có bài chia sẻ sau:


Các gia đình thân mến,

Chào buổi tối!

Nhóm lên một ngọn nến nhỏ trong bóng tối thì có ích chi? Còn cách nào hay hơn để xua tan bóng tối không? Có thể vượt qua bóng tối hay chăng?

Có những lúc trong cuộc đời - một cuộc đời quá dư dật những tài nguyên tuyệt vời - những câu hỏi như thế lại vang lên. Khi cuộc sống trở nên khó khăn và bức bách, chúng ta có thể bị cám dỗ để lùi bước, quay lưng lại, và tháo lui; có lẽ là nhân danh sự thận trọng và chủ nghĩa hiện thực, và như thế chạy trốn trách nhiệm phải làm phần việc của mình cách tốt nhất có thể.

Anh chị em có nhớ những gì đã xảy ra với tiên tri Ê-li-a không? Trên quan điểm người ta thường tình, vị tiên tri đã sợ hãi và cố gắng chạy trốn. “Ông Ê-li-a sợ nên trỗi dậy, ra đi để giữ mạng mình… Ông đi suốt bốn mươi ngày, bốn mươi đêm tới Khô-rếp, là núi của Thiên Chúa. Ông vào một cái hang và nghỉ đêm tại đó. Có lời Chúa phán với ông: ‘Ê-li-a ngươi làm gì ở đây?’” (1 Vua 19: 3,8-9). Ở núi Khô-rếp, ông nhận được câu trả lời không phải trong những trận cuồng phong làm tiêu tan những tảng đá, cũng không phải trong những trận động đất, thậm chí cũng chẳng phải trong những đám lửa. Ân sủng của Thiên Chúa không thét gào; ân sủng của Ngài là một lời thì thầm lọt vào tai những ai sẵn sàng để nghe tiếng nói thầm thì, nhỏ bé của nó. Nó thúc giục họ ra đi, để trở về với thế giới, để làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại, để thế giới tin. ..

Trong bối cảnh này, chỉ một năm trước đây, cũng tại quảng trường này, chúng ta cầu khẩn cùng Chúa Thánh Thần và cầu xin rằng – trong khi thảo luận về các chủ đề của gia đình - các nghị phụ có thể chăm chú lắng nghe nhau, với cái nhìn dán vào Chúa Giêsu, vào Lời chung cuộc của Chúa Cha và các tiêu chí mà tất cả mọi thứ được đánh giá.

Tối nay, lời cầu nguyện của chúng ta cũng không thể khác. Như Đức Thượng Phụ Athenagoras đã nhắc nhở chúng ta, nếu không có Chúa Thánh Thần thì Thiên Chúa là xa vời vợi, Chúa Kitô chỉ còn là quá khứ, Giáo Hội đơn thuần chỉ là một tổ chức, quyền bính trở thành sự thống trị, truyền giáo trở thành tuyên truyền, thờ phượng trở thành trò mê tín, đời sống Kitô hữu chỉ là đạo đức của những người nô lệ.

Vì vậy, chúng ta hãy cầu nguyện để Thượng Hội Đồng khai mở vào ngày mai sẽ chỉ ra kinh nghiệm về hôn nhân và gia đình là phong phú và viên mãn một cách nhân bản như thế nào. Xin cho Thượng Hội Đồng nhìn nhận, xiển dương, và công bố tất cả những gì là đẹp, là tốt và thánh thiện trong kinh nghiệm đó. Xin cho Thượng Hội Đồng có thể nắm bắt những tình huống dễ bị tổn thương và khó khăn: chiến tranh, bệnh tật, đau buồn, những mối quan hệ bị tổn thương và tan vỡ, gây ra những đau khổ, oán giận và chia ly. Xin cho Thượng Hội Đồng có thể nhắc nhở những gia đình này, và mỗi gia đình, rằng Tin Mừng luôn luôn là “tin tốt” cho phép chúng ta bắt đầu lại. Từ kho tàng truyền thống sống động của Giáo Hội xin cho các nghị phụ có thể rút ra những lời an ủi và hy vọng cho các gia đình đang được kêu gọi trong thời đại chúng ta để xây dựng tương lai của cộng đồng Giáo Hội và các thành phố của nhân loại.

Mỗi gia đình luôn luôn là một ánh sáng, dù là mờ nhạt, giữa bóng tối của thế giới này.

Kinh nghiệm trần thế của chính Chúa Giêsu đã được hình thành ở trung tâm của một gia đình, nơi Ngài đã sống ba mươi năm trời. Gia đình Ngài cũng giống như cơ man những gia đình khác, sống trong một ngôi làng ít người biết trong vùng ngoại ô của Đế quốc.

Charles de Foucauld, có lẽ giống như một vài người khác, nắm bắt được linh đạo tỏa ra từ Nazareth. Nhà thám hiểm vĩ đại này vội vã bỏ binh nghiệp của mình khi bị thu hút bởi mầu nhiệm của Thánh Gia, mầu nhiệm của mối quan hệ hàng ngày giữa Chúa Giêsu cùng với cha mẹ và hàng xóm, việc lao động lặng lẽ, và lời cầu nguyện khiêm nhường của Ngài. Chiêm niệm về gia đình Nazareth, anh Charles nhận ra ao ước giàu sang và quyền thế của mình thực sự là trống rỗng như thế nào. Thông qua việc tông đồ bác ái, anh trở thành tất cả mọi thứ cho mọi người. Khi bị thu hút bởi cuộc sống của một ẩn sĩ, anh hiểu rằng chúng ta không tăng trưởng trong tình yêu của Thiên Chúa bằng cách tránh xa sự vướng víu trong quan hệ với con người. Vì khi yêu thương tha nhân, chúng ta học cách yêu mến Thiên Chúa, khi khom lưng xuống để giúp đỡ hàng xóm của chúng ta, chúng ta được nâng lên cùng Thiên Chúa. Thông qua sự gần gũi huynh đệ và sự đoàn kết với những người nghèo và bị bỏ rơi, anh nhận ra chính họ là người đang rao giảng Tin Mừng cho chúng ta, chính họ giúp chúng ta lớn lên về mặt nhân bản.

Để hiểu được gia đình ngày hôm nay, chúng ta cũng cần phải bước - như Charles de Foucauld - vào mầu nhiệm của gia đình Nazareth, vào cuộc sống hàng ngày yên tĩnh của thánh gia, như hầu hết các gia đình, với những vấn đề của họ và những niềm vui đơn giản của họ, một cuộc sống được đánh dấu bằng sự kiên nhẫn thanh thản giữa bao nghịch cảnh, sự tôn trọng người khác và sự khiêm nhường được giải phóng và thăng hoa trong sự phục vụ, một cuộc sống huynh đệ bắt nguồn từ ý thức là chúng ta tất cả là các thành viên của cùng một nhiệm thể.

Gia đình là nơi sự thánh thiện của Tin Mừng được thể hiện trong điều kiện bình thường nhất. Ở đó chúng ta được hình thành từ ký ức về các thế hệ đi trước chúng ta và chúng ta đâm rễ để cho phép chúng ta tiến xa hơn. Gia đình là một nơi của sự phân định, nơi chúng ta học cách nhận ra kế hoạch của Thiên Chúa đối với cuộc sống của chúng ta và chấp nhận kế hoạch ấy với niềm tín thác. Đó là một nơi của sự nhưng không, của sự hiện diện kín đáo tình liên đới huynh đệ, một nơi mà chúng ta học cách bước ra khỏi chính mình và chấp nhận những người khác, sau đó tha thứ và được thứ tha.

Chúng ta hãy khởi hành một lần nữa từ Nazareth cho một Công Đồng trong đó thay vì chỉ nói về gia đình, chúng ta còn có thể học hỏi từ các gia đình, sẵn sàng thừa nhận phẩm giá của nó, sức mạnh và giá trị của nó, bất chấp tất cả các nan đề và khó khăn của nó.

Tại “Galilê của các quốc gia” trong thời đại chúng ta này, chúng ta sẽ tái khám phá sự phong phú và sức mạnh của một Giáo Hội là mẹ, luôn có khả năng đem lại và nuôi dưỡng cuộc sống, đồng hành cùng cuộc sống với sự tận tâm, dịu dàng, và sức mạnh đạo đức. Vì trừ phi chúng ta có thể liên kết lòng từ bi với công lý, chúng ta sẽ chỉ kết thúc nơi những bất công sâu nặng không cần thiết.

Một Giáo Hội là gia đình cũng có thể cho thấy sự gần gũi và tình yêu của một người cha, một người giám hộ có trách nhiệm là người bảo vệ nhưng không giam cầm, sửa chữa nhưng không hạ thấp phẩm giá, là người huấn luyện bằng gương sáng và lòng kiên nhẫn, đôi khi chỉ đơn giản là bằng một sự im lặng nói lên thái độ phó thác, nguyện cầu.

Trên tất cả, một Giáo Hội trong đó con cái xem mình là anh chị em, sẽ không bao giờ ra đến nông nỗi là xem người này người kia chỉ đơn giản là một gánh nặng và một vấn đề, một khoản chi phí, một mối quan tâm hoặc thậm chí là một nguy cơ. Tha nhân về cơ bản là một ân sủng, và luôn luôn là như vậy, ngay cả khi họ đi theo những con đường khác.

Giáo Hội là một ngôi nhà rộng mở không hào nhoáng bên ngoài nhưng hiếu khách với sự đơn giản của các thành viên của mình. Như thế, Giáo Hội mới có thể thu hút lòng khao khát hòa bình hiện diện nơi mỗi người nam nữ, bao gồm cả những ai - trong bối cảnh thử thách của đường đời - đã tan nát tâm can.

Giáo Hội thực sự có thể thắp sáng lên trong cái bóng tối rất nhiều người nam nữ đang cảm nhận. Giáo Hội có uy tín để chỉ cho họ con đường hướng về mục tiêu và bước đi bên cạnh họ chính vì bản thân Giáo Hội đã cảm nhận trước hết những gì là được tái sinh vô tận trong trái tim nhân hậu của Chúa Cha.
 
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ khai mạc Thượng Hội Đồng về Gia Đình
J.B. Đặng Minh An dịch
08:25 04/10/2015
Lúc 10h sáng Chúa Nhật, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ khai mạc Thượng Hội Đồng về Gia Đình. Dưới đây là toàn văn bài giảng của ngài.
“Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo.”(1 Gioan 4:12).

Các bài sách Thánh trong Chúa Nhật này dường như đã được lựa chọn chính xác cho thời điểm ân phúc mà Giáo Hội đang trải qua là Thượng Hội Đồng về Gia Đình, bắt đầu với buổi cử hành Thánh Thể này. Trung tâm của các bài đọc là ba chủ đề: sự cô đơn, tình yêu giữa người nam và người nữ, và gia đình.

Sự cô đơn

Adong, như chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ nhất, được sống trong Vườn Địa Đàng. Ông đặt tên cho tất cả các sinh vật khác như là một dấu chỉ về sự thống trị của mình, về quyền lực rõ ràng và không thể tranh cãi của mình, trên tất cả mọi loài. Tuy nhiên, ông cảm thấy cô đơn, bởi vì “chẳng tìm được một trợ tá cho ông” (St 2:20). Ông cô độc một mình.

Thảm trạng cô đơn là kinh nghiệm của vô số những người nam nữ trong thời đại chúng ta. Tôi nghĩ đến những người cao niên, bị bỏ rơi bởi chính những người thân yêu và con cái mình; những góa phụ và những người goá vợ; đến cơ man những người nam nữ bị người phối ngẫu của mình bỏ rơi; đến tất cả những người cảm thấy cô đơn, bị hiểu lầm và chẳng được lắng nghe; đến những người di cư và tị nạn chạy trốn khỏi chiến tranh và bách hại; đến những người già và đông đảo những người trẻ là nạn nhân của nền văn hóa tiêu dùng, văn hóa hoang phí và loại bỏ.

Ngày nay chúng ta cảm nhận được các nghịch lý của một thế giới toàn cầu hóa đầy những biệt thự sang trọng và các tòa nhà chọc trời, nhưng cùng với chúng là sự giảm thiểu cái ấm áp của mái ấm gia đình; cơ man những kế hoạch và các dự án đầy tham vọng, nhưng người ta càng ngày càng có ít thời gian để hưởng thụ chúng; nhiều phương tiện tinh vi của giải trí, nhưng lại có một sự trống rỗng nội tâm sâu sắc và lớn dần; nhiều thú vui, nhưng rất ít tình thương; nhiều thứ quyền, nhưng lại rất ít tự do. .. Số lượng những người cảm thấy cô đơn không ngừng tăng lên, cũng như số lượng những người đang bị cuốn hút vào thói ích kỷ, tâm trạng chán chường, bạo lực phá hoại và chế độ nô lệ cho khoái lạc và tiền bạc.

Kinh nghiệm ngày nay của chúng ta, một cách nào đó, cũng giống như của Adong với quá nhiều quyền lực nhưng đồng thời lại rất cô đơn và dễ bị tổn thương. Đây là hình ảnh của gia đình. Người ta càng ngày càng thiếu nghiêm túc trong việc xây dựng một mối quan hệ yêu thương vững chắc và sinh hoa kết quả: khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu. Tình yêu lâu dài, trung tín, tận tâm, ổn định và sinh hoa kết quả ngày càng bị đánh giá thấp, xem như là một di tích cổ kính thời xa xưa. Có vẻ như người ta cho rằng xã hội tiên tiến nhất chính là xã hội có sinh suất thấp nhất và có tỷ lệ phá thai, ly dị, tự tử, và ô nhiễm môi trường cao nhất.

Tình yêu giữa người nam và người nữ

Trong bài đọc thứ nhất, chúng ta cũng nghe thấy Thiên Chúa đã đau khổ vì sự cô đơn của Adong. Ngài nói: “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó.” (St 2: 18). Những lời này cho thấy rằng không có gì làm cho trái tim con người hạnh phúc bằng một trái tim như của chính mình, một trái tim yêu mến anh ta và làm mất đi cảm giác trơ trọi một mình. Những lời này cũng cho thấy Thiên Chúa không tạo nên chúng ta để phải sống trong nỗi buồn hay trong cô đơn. Người đã tạo ra có nam có nữ để được hạnh phúc, để chia sẻ cuộc hành trình của họ với người bổ túc cho mình, để sống kinh nghiệm kỳ diệu của tình yêu: để yêu và được yêu, để được nhìn thấy tình yêu sinh hoa kết trái nơi con cái, như được nêu trong Thánh Vịnh ngày hôm nay (x. Thánh Vịnh 128).

Đây là giấc mơ của Thiên Chúa cho kỳ công sáng tạo yêu quý của mình: đó là thấy nó thành toàn trong sự kết hiệp yêu thương giữa một người nam và một người nữ, khi họ vui mừng trong cuộc hành trình được chia sẻ với nhau, sinh hoa kết quả trong món quà trao tặng cho nhau là chính mình. Đó cũng là kế hoạch Chúa Giêsu trình bày trong Tin Mừng hôm nay: “Từ lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt.” (Mc 10: 6-8; x. St 1:27; 2:24).

Trước một câu hỏi chơi chữ - có lẽ hỏi như một cái bẫy để làm cho Ngài không còn được đám đông ưa chuộng nữa, trong đó nêu ra chuyện ly dị như là một thực tế đã được thiết định và bất khả xâm phạm - Chúa Giêsu phản ứng lại một cách thẳng thừng và bất ngờ. Ngài đã mang tất cả mọi thứ trở lại thời kỳ đầu của sáng tạo, mà dạy cho chúng ta rằng Thiên Chúa chúc phúc cho tình yêu con người, và chính Ngài đã kết hiệp trái tim của hai người yêu nhau lại với nhau. Ngài kết hiệp chúng trong sự hiệp nhất và bất khả phân ly. Điều này cho chúng ta thấy rằng mục tiêu của cuộc sống tri giao vợ chồng không đơn giản là để sống với nhau trọn đời, nhưng là để yêu thương nhau trọn cuộc sống! Bằng cách này, Chúa Giêsu tái lập trật tự đã có ngay từ đầu.

Gia đình

“Như thế, điều gì Thiên Chúa đã kết hiệp, loài người không được phân ly” (Mc 10: 9). Đây là một lời khích lệ các tín hữu đang vượt qua mọi hình thái của chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa duy luật trong đó che giấu một sự tập trung hẹp hòi vào cái tôi của mình và nỗi sợ hãi phải chấp nhận ý nghĩa đích thực của đời sống lứa đôi và tính dục của con người theo kế hoạch của Thiên Chúa.

Thật vậy, chỉ trong ánh sáng của sự điên rồ trong tình yêu nhưng không nơi mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu thì sự điên rồ trong tình yêu độc quyền trao cho nhau cách nhưng không suốt đời của vợ chồng mới có ý nghĩa. Đối với Thiên Chúa, hôn nhân không phải là một điều không tưởng vị thành niên, nhưng là một giấc mơ mà không có giấc mơ ấy thì mọi sinh vật của Ngài sẽ phải cam chịu cảnh cô đơn! Thật vậy, nỗi sợ phải chấp nhận kế hoạch này làm tê liệt trái tim con người.

Nghịch lý thay, con người ngày nay - những người thường xuyên chế nhạo kế hoạch này - tiếp tục bị cuốn hút và say mê bởi mọi tình yêu đích thực, mọi tình yêu bền vững, mọi tình yêu sinh hoa kết quả, mọi tình yêu trung tín và lâu dài. Chúng ta nhìn thấy bao người đuổi theo những tình yêu thoáng qua trong khi mơ về tình yêu đích thực; họ đuổi theo những thú vui xác thịt nhưng ao ước sự tự hiến hoàn toàn.

“Giờ đây, sau khi chúng ta đã nếm trải đầy đủ những lời hứa về thứ tự do không giới hạn, chúng ta lại một lần nữa bắt đầu đánh giá cao cái cụm từ cũ là ‘Thế giới mệt mỏi’. Những thú vui bị cấm mất hết sức hấp dẫn của chúng ngay tại thời điểm chúng hết bị cấm. Ngay cả khi chúng bị đẩy đến tận cùng và không ngừng được đổi mới, chúng tỏ ra vô vị, vì chúng chỉ là những thực tại hữu hạn trong khi chúng ta khao khát sự vô hạn”(Joseph Ratzinger, Auf Christus schauen. Einübung trong Glaube, Hoffnung, Liebe, Freiburg, 1989, p.73).

Trong bối cảnh xã hội và hôn nhân vô cùng khó khăn này, Giáo Hội được mời gọi để thực hiện sứ mệnh của mình trong sự trung tín, trong sự thật và tình yêu. Để thực hiện sứ mệnh trong sự trung tín với Thầy mình, Giáo Hội phải trở thành một tiếng kêu trong sa mạc trong việc bảo vệ tình yêu trung tín và khuyến khích nhiều gia đình sống cuộc sống hôn nhân như một kinh nghiệm chứng tá cho tình yêu của Thiên Chúa; trong việc bảo vệ sự thánh thiêng của sự sống, của mọi sự sống; trong việc bảo vệ sự thống nhất và bất khả phân ly của mối liên hệ hôn nhân như là một dấu chỉ ân sủng của Thiên Chúa và của khả năng con người có thể yêu thương nghiêm túc.

Giáo Hội được mời gọi để thực hiện sứ mệnh của mình trong sự thật, không đổi thay theo thị hiếu chóng qua hay theo những ý kiến được ưa chuộng. Đó là sự thật bảo vệ mỗi cá nhân và toàn thể nhân loại khỏi cám dỗ tự quy hướng về mình như là trung tâm, cũng như cám dỗ biến tình yêu sinh hoa kết quả thành thói ích kỷ vô sinh, và biến sự kết hiệp trung tín thành một hình thái kết hợp tạm thời. “Nếu không có sự thật, lòng bác ái thoái hoá thành mối cảm thương. Tình yêu trở thành một cái vỏ rỗng, được chất chứa một cách tùy tiện. Trong một nền văn hóa không sự thật, tình yêu đối mặt với một nguy cơ trầm trọng” (Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, Caritas in Veritate, 3).

Giáo Hội được mời gọi để thực hiện sứ mệnh của mình trong tình bác ái, không chỉ trỏ kết án người khác, nhưng – trung thành với bản chất của một người mẹ - ý thức về nhiệm vụ của mình là tìm kiếm và chăm sóc cho các cặp vợ chồng với dầu chấp nhận và thương xót; trở thành là một “bệnh viện dã chiến” với cửa rộng mở cho bất cứ ai đến gõ để tìm kiếm sự giúp đỡ và hỗ trợ; để vươn ra với những người khác với một tình yêu đích thật, để đồng hành với những người nam nữ đồng loại là những người đang đau khổ, để bao gồm họ và dẫn họ đến suối nguồn của ơn cứu rỗi.

Giáo Hội dạy và bênh vực những giá trị cơ bản, trong khi không quên rằng “Ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát” (Mc 2:27); và Chúa Giêsu cũng đã nói: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” (Mc 2:17). Một Giáo Hội dạy bảo tình yêu đích thực, có khả năng làm mất đi sự cô đơn, không bỏ qua nhiệm vụ của mình là trở thành một người Samaritano nhân lành cho một nhân loại bị thương.

Tôi nhớ Thánh Gioan Phaolô Đệ Nhị từng nói: “Tội lỗi và cái ác luôn luôn phải bị lên án và phản đối; nhưng người sa ngã hay sai lầm phải được thấu hiểu và yêu thương. .. chúng ta phải yêu thời đại chúng ta và giúp con người của thời đại chúng ta “(Gioan Phaolô Đệ Nhị, Diễn văn gửi các thành viên của Công Giáo Tiến Hành Italia, 30 Tháng 12 năm 1978). Giáo Hội phải tìm ra những người ấy, chào đón và đồng hành cùng với họ, vì một Giáo Hội với cánh cửa đóng kín phản bội lại chính mình và sứ mệnh của mình, và, thay vì là một cây cầu thì trở thành một rào cản: “Đấng thánh hoá là Đức Giêsu, và những ai được thánh hoá đều do một nguồn gốc. Vì thế, Người đã không hổ thẹn gọi họ là anh em” (Dt 2:11).

Trong tinh thần này, chúng ta cầu xin Chúa đồng hành cùng chúng ta trong suốt Thượng Hội Đồng này và hướng dẫn Giáo Hội của Ngài nhờ lời cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Giuse, người phối ngẫu khiết tịnh nhất của Mẹ.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo Đoàn Đức Mẹ Fatima Miller Sydney Mừng Bổn Mạng
Diệp Hải Dung
17:11 04/10/2015
Giáo Đoàn Đức Mẹ Fatima Miller Sydney Mừng Bổn Mạng

Sáng Chúa Nhật 04/10/2015 các Hội đoàn Đoàn thể của Giáo đoàn và quý quan khách Úc Việt đã đến nhà thờ St. Therese Miller Sydney tham dự Lễ mừng kính Đức Mẹ Fatima Quan Thầy của Giáo đoàn, Ca đoàn và Xứ đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể.

Xem Hình

Mọi người tập trung tại khuôn viên nhà thờ, Sau khi Cha Tuyên úy Trưởng Dương Thanh Liêm Đặc trách Giáo Đoàn Miller dâng lời nguyện lên Đức Mẹ. Cha Paulino Kolio Chính xứ xông hương kiệu Thánh tượng Đức Mẹ Fatima và cùng với quý Cha cung nghinh rước kiệu Thánh tượng Đức Mẹ vào Thánh đường, tất cả mọi Giáo dân sốt sắng và nghiêm trang trong cuộc kiệu dâng lên Đức Mẹ những bài Thánh Ca chúc tụng ngợi khen Mẹ và cũng để nguyện xin Mẹ chúc lành cho Gia Đình, cho Giáo đoàn và Cộng Đồng.

Sau khi kiệu Thánh tượng Đức Mẹ tiến vào Thánh đường và an vị trên cung thánh, Cha Tuyên úy Trưởng Dương Thanh Liêm ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Giáo Đoàn và giới thiệu quý Cha Chính xứ Paulino Kolio, Cha Đặng Đình Nên, Lê Xuân Khẩn, Cha Spa Phó xứ, Cha Nguyễn Trí Diễm và Cha Nguyễn Hữu Phước tham dự và cùng hiệp dâng Thánh lễ mừng Bổn Mạng.

Trong bài giảng Cha Tuyên úy Trưởng Dương Thanh Liêm nói về Gia đình Thánh Gia Nazareth đặc biệt về Mẹ Maria đã đáp hai tiếng “xin vâng” tức là Mẹ đặt cả niềm tin yêu vào Thiên Chúa, xin Thiên Chúa hãy làm điều Thiên Chúa muốn vì tôi chỉ là nữ tì của Thiên Chúa là khí cụ để Chúa có thể dùng tôi….mừng Lễ ngày hôm nay ngoài những chuyện Đức Maria mời gọi chúng ta hãy ăn năn sám hối, tôn sùng mẫu tâm Mẹ, và năng lần hạt Mân Côi. Chúng ta đặt để những ưu tư của chúng ta và phó thác cuộc đời và gia đình chúng ta vào trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa và sự che chở của Đức Trinh Nữ Maria…

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Cha Paulino Kolio Chính xứ Miller lên ngỏ lời chúc mừng Lễ bổn mạng của Giáo đoàn và Cha cám ơn sự đóng góp của mọi người trong Giáo đoàn những năm tháng qua, đặc biệt Cha khen ngợi Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam có Đức Tin mạnh và tiến triển trong Giáo Hội. Kế tiếp Anh Trần Anh Chủ tịch CĐCGVN TGP Sydney lên ngỏ lời chúc mừng Lể Quan Thầy của Giáo đoàn, Ca đoàn và Xứ Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Anh khen ngợi Giáo Đoàn đã đóng góp rất nhiều công ích cho Cộng Đồng và đặc biệt là đóng góp cho Giáo Xứ Miller rất nhiều công ích như lời Cha Paulino Chính xứ đã khen ngợi Giáo Đoàn. Anh cũng chúc mừng Tân Ban Mục Vụ Giáo Đoàn nhiệm kỳ 2015 – 2018 và cám ơn quý thành viên cựu Ban Mục Vụ đã dấn thân đóng góp rất nhiều công ích cho Giáo Đoàn.

Sau cùng anh Đường Phước Lộc Trưởng Ban Mục Vụ Giáo đoàn Miller lên ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Sơ, quý Quan Khách và tất cả mọi người đã đến tham dự Lễ mừng kính Bổn Mạng, đặc biệt là quý vị ân nhân đã góp công góp của trợ giúp cho Giáo đoàn tổ chức ngày Lễ bổn mạng hôm nay được mọi sự tốt đẹp hoàn mỹ.

Sau khi kết thúc Thánh lễ mọi người ở lại tham dự buổi liên hoan tại khuôn viên của nhà thờ và thưởng thức văn nghệ giúp vui do Ca đoàn và Xứ đoàn Thiếu Nhi trình diễn với những tiết mục Ca, Múa rất đậm tình quê hương và kết thúc bế mạc vào lúc 1.30pm

Diệp Hải Dung
 
Lễ Hội kính Đức Mẹ Mân Côi - Giáo xứ St Margaret Mary Brunswick 4/10/2015
Tô Tịnh
17:28 04/10/2015
Lễ Hội kính Đức Mẹ Mân Côi - Giáo xứ St Margaret Mary Brunswick 4/10/2015
Hàng năm khi tháng Mân Côi về, tiếng cầu kinh lần chuỗi Mân Côi ngân vang trong các gia đình, Tại giáo xứ St Margaret Mary ngay từ ngày 1/10 hội Mân côi, mỗi tối các hội viên trong Hội đã qui tụ để lần chuỗi và tham dự những ngày tĩnh tâm chuẩn bị tâm hồn mừng lễ Mẹ Mân Côi. Năm nay cộng đoàn hân hạnh được linh mục Phêrô Trần Mạnh Hùng, một tiến sĩ chuyên về luân lý, đang giảng dạy trong các đại chủng viện Perth Úc châu cũng như Auckland, Tân Tây Lan, giảng thuyết tĩnh tâm… trong suốt ba ngày cha đã hướng dẫn cộng đoàn dân Chúa hiểu biết và ý thức về thần dược và sức mạnh của kinh Mân Côi và các lời mời gọi của Mẹ “Hãy xiêng năng lần hạt cầu nguyện cho hòa bình thế giới”… Mệnh lệnh của Mẹ năm xưa đã được các vị cha chung của Giáo Hội và Hội thánh ý thức thực thi như thế nào qua dòng thời gian lịch sử…
Coi Hình
Cao điểm là ngày đại lễ 4/10, chương trình được khởi đầu bằng giờ chầu Lòng Chúa Thương Xót lúc 3 giờ chiều, tiếp theo là giảng thuyết và cuộc kinh nghinh tượng Mẹ Fatima Nữ Vương Rất thánh Mân Côi được rước từ Trung tâm Thiên Ân vào thánh đường… Con cái Mẹ: nữ trong áo dài mầu xanh lam và nam trong đồng phụ cà vạt xanh, các em thiếu nhi áo dài khăn đống đi trước kiệu Mẹ… Mỗi người một đóa hồng trắng bước vào thánh đường và tiến lên dâng hoa cho Mẹ cũng như tận hiến cuộc đời, gia đình cho Mẹ.
Thánh lễ hôm nay được linh mục Anthony Nguyễn Hữu Quảng, chính xứ chủ sự cùng đồng tế và giảng lễ là linh mục Phêrô Trần Mạnh Hùng … Ca đoàn Mân côi đã sốt sắng dâng lên Chúa và Mẹ những bài ca tuyệt diệu… Sau thánh lễ, cả cộng đoàn được mời vào Hội trường thưởng thức món ‘Bún Bò Huế’ do các hội viên Mân Côi sửa soạn và khoản đãi… Hơn 400 tô bún được phân phối cho người lớn còn các em thì thưởng thức món cánh gà chiên với khoai tây chiên và pizza…
Lễ Hội mừng Mẹ Mân Côi tại giáo xứ St Margaret Mary’s năm 2015 được khép lại với tâm tình tạ ơn Chúa và Mẹ Maria và tất cả mọi người hiện diện... Chúa đã thương cho thời tiết tuyệt vời của những ngày đầu mùa hè nắng ấm và bà con anh chị em tham dự thật nhiệt tình đông đảo. Lễ Hội cũng để lại trong tâm lòng những người tham dự dấu ấn yêu thương của Chúa và Mẹ trong niềm vui yêu thương hiệp nhất của cộng đoàn giáo xứ.
Tô Tịnh

 
Thánh lễ tạ ơn - Mừng cắt băng khánh thành Nhà thờ Giáo họ Thọ Cách, Giáo phận Thái Bình
BTT GP Thái Bình
09:03 04/10/2015
Thánh lễ tạ ơn - Mừng cắt băng khánh thành Nhà thờ Giáo họ Thọ Cách, Giáo phận Thái Bình

Sáng Chúa Nhật (04.10.2015), cộng đoàn Giáo họ Thọ Cách thuộc Giáo xứ Vâm Am, Giáo hạt Thái Thụy đã hân hoan cùng với Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ - Chủ chăn Giáo phận, quý cha, quý tu sĩ và quý khách hiệp dâng thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa, nhân ngày mừng cắt băng khánh thành ngôi Nhà thờ mới.

Xem Hình

Như chúng ta đã biết, cách nay chưa đầy hai năm, vào ngày 10.11.2013, nhân chuyến viếng thăm mục vụ, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ đã cử hành thánh lễ tạ ơn, đặt viên đá khởi công xây dựng ngôi Nhà thờ mới của Giáo họ Thọ Cách. Nay ngôi nhà thờ đã hoàn thành, với chiều dài 40m, rộng 17m và tháp chuông cao 37m. Hiện Giáo họ có trên 400 nhân danh.

Hôm nay là ngày vô cùng đặc biệt và có ý nghĩa đối với Giáo họ Thọ Cách. Ngày cộng đoàn mừng cắt băng khánh thành ngôi Nhà thờ và hiệp lời tạ ơn Thiên Chúa không những chỉ trùng vào Chúa Nhật đầu tháng 10 – Lễ kính Đức Mẹ Mân Côi, mà còn là ngày kính thánh Phanxicô Assisi – Quan thầy của Giáo họ nữa.

Ngay từ đầu giờ sáng, mọi công tác chuẩn bị của Giáo họ cho ngày cắt băng khánh thành và thánh lễ tạ ơn đã hoàn tất; các đoàn thể đủ màu cờ sắc áo đứng thành hai hàng danh dự từ cổng nhà thờ vào tới nhà phòng để chờ đón vị Chủ chăn Giáo phận.

Khoảng 8g15, Đức Cha Phêrô đặt chân đến Thọ Cách, tiến ra đón ngài từ trên xe bước xuống là cha xứ Giuse Nguyễn Văn Kha và cha quý hương F.Ass. Lê Quang Đăng. Đi giữa hai hàng chào đón danh dự với những tràng pháo tay nồng nhiệt của cộng đoàn nơi đây, Đức Cha tiến về nhà phòng nghỉ ngơi ít phút.

Trong ngày vui trọng đại này, cộng Giáo họ Thọ Cách còn được đón cha Giuse Phạm Thanh lên- Giám tỉnh Dòng Tên Việt Nam, quý cha Bền trên Dòng, các cha quý hương từ miền Nam trở về, quý cha trong Giáo phận, quý tu sĩ, quý khách từ Hải Ngoại và hai miền Nam, Bắc, quý ân nhân và thân nhân.

Hồi 8g30, tiếng chuông Nhà thờ đổ dồn báo hiệu giờ phút thiêng lêng mà người dân Thọ Cách từng mong đợi đã đến. Đoàn rước từ từ di chuyển từ nhà phòng theo sân cạnh xuống cổng cuối, vòng quanh bờ hồ và tiến về sân khấu cuối Nhà thờ.

Khi mọi thành phần đã ổn định vị trí tại quảng trường cuối Nhà thờ, Đội nữ công thể hiện bài trống hội truyền thống để chào mừng Đức Cha, quý cha và quý khách.

Tiếp đến, nhà thơ Lê Đình Bảng, một người con quê hương Thọ Cách (cũng là MC trong ngày này) đã sơ qua về lịch sử hình thành và phát triển của Giáo họ. Với những thành quả mà cộng đoàn Giáo họ đạt được như ngày hôm nay, cha xứ Giuse Nguyễn Văn Kha và cha quý hương F.Ass. Lê Quang Đăng đã dâng lên Đức Cha Phêrô tấm hình biểu tượng của ngôi Thánh đường mới.

Ngay sau đó, Đức Cha, cha xứ và ba cha quý hương cử hành nghi thức cắt băng khánh thành ngôi Thánh đường, trước niềm vui của tất cả mọi thành phần hiện diện. Người trong cuộc cảm thấy như chìm trong cả một khung trời đầy mầu sắc và âm thanh hoành tráng, tạo nên niềm hy vọng mới mẻ về một tương lai đầy hứa hẹn.

Kết thúc nghi thức cắt băng, Đức Cha mở cửa Nhà thờ và dẫn đoàn dân Chúa tiến vào để hiệp dâng thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa.

Mở đầu thánh lễ, Đức Cha ngỏ lời chào chúc cộng đoàn hiện diện; cách riêng, ngài chúc mừng cộng đoàn Giáo họ Thọ Cách đã hoàn thành công trình đức tin vĩ đại của mình. Đồng thời, trong ngày mừng cắt băng khánh thành, Đức Cha mời gọi cộng đoàn nhớ ơn, cầu nguyện cho các bậc Tiền nhân và những người đã giúp công, giúp của để xây dựng ngôi Nhà thờ này. Tiếp đến, trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, Đức Cha cử hành nghi thức làm phép ngôi Nhà thờ mới.

Chia sẻ trong thánh lễ, Đức Cha đã nhấn mạnh đến ý nghĩa của ngôi Nhà thờ này được xây dựng để dâng cho Đấng mà các bậc Tổ tiên và cộng đoàn tin thờ. Do đó, ngôi Nhà thờ dù có khang trang, to đẹp đến mấy cũng sẽ trở nên vô nghĩa nếu chúng ta không có niềm tin mạnh mẽ vào Đấng mà chúng ta hằng tôn thờ, Đấng ấy chính là Thiên Chúa, là Cha chung của tất cả mọi người, được mạc khải nơi Đức Giêsu Kitô.

Để kết thúc bài giảng, Đức Cha nguyện chúc cho Giáo họ Thọ Cách không chỉ có ngôi Nhà thờ vật chất khang trang mà còn có những đền thờ vững chắc trong tâm hồn, mỗi gia đình trở thành một Giáo Hội của Chúa Kitô tại gia, và quan tâm đến các thế hệ trẻ để các em có được nền văm minh khoa học phù hợp với thời đại.

Kết thúc phần tuyên xưng đức tin và lời nguyện tín hữu, Đức Cha đã long trọng cử hành nghi thức làm phép Bàn thờ.

Sau lời nguyện hiệp lễ, ông Chủ tịch Giáo họ đã bày tỏ tâm tình cám ơn Đức Cha, quý cha, quý khách và toàn thể cộng đoàn đã hiện diện và cầu nguyện cho giáo họ trong ngày trọng đại này. Cùng với tâm tình ấy, các vị đại diện đã dâng lên Đức Cha, cha quý hương và cha xứ những lẵng hoa tươi thắm. Tiếp nối tâm tình này, cha F.Ass. Lê Quang Đăng đã đại diện cho những người con quê hương đang sống trong các tỉnh phía Nam cũng như cộng đoàn ở nhà cám ơn tấm lòng và những tâm tình nhắn nhủ của Đức Cha Phêrô.

Thánh lễ tạ ơn kết thúc trong niềm hân hoan, vui mừng, trong tình thân án, trong những lời chúc mừng. Ngôi Thánh đường mới sẽ là tiền đề giúp nâng cao đời sống đức tin của cộng đoàn, và lan tỏa niềm tin Kitô giáo rộng khắp miền quê.

Ban Truyền thông Giáo phận
 
Lễ Truyền Thống nhóm Sinh Viên Công Giáo Thái Hà - Bùi Chu lần thứ nhất - năm 2015
Phêrô Nguyễn Văn Quynh
10:09 04/10/2015
Sinh Viên Công Giáo Bùi Chu Kỷ niệm 10 năm thành lập, mừng kính Thánh quan thầy Têrêsa Hài Đồng Giêsu

Mười năm – một chặng đường hoạt động với rất nhiều thăng trầm, có cả niềm vui xen lẫn nỗi buồn, thành công xen lẫn sự tiếc nuối nhưng hơn cả ở nơi đó Chúa Thánh Thần luôn hiện diện và hướng dẫn. Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, ngày 03.10.2015, nhóm SVCG Thái Hà – Bùi Chu hân hoan tổ chức Lễ Truyền Thống lần thứ nhất với nhiều ý nghĩa sâu sắc: kỷ niệm 10 năm thành lập, mừng kính Thánh Quan Thầy Têrêsa Hài Đồng Giêsu và chào mừng năm học mới tại Đền Thánh Giêrađô – Giáo xứ Thái Hà (TGP Hà Nội) với chủ đề“Giữa lòng Hội Thánh con sẽ là tình yêu”.

Xem Hình

Trong bầu khí hân hoan vui mừng, quý vị ân nhân, quý vị khách mời, các anh chị cựu sinh viên của nhóm từ khắp mọi miền đất nước đã trở về với ngôi Đền Thánh quen thuộc này, trở về với “mái nhà thân yêu”, hòa chung niềm vui gặp gỡ và cùng hiệp thông tâm tình tri ân trong Thánh Lễ Tạ Ơn của nhóm.

Anh chị cựu nhiều người đã có gia đình ấm êm, các em trẻ nhất của nhóm chỉ mới mấy tháng trong cuộc sống “sinh viên”. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, hỏi han sức khỏe, hàn huyên câu chuyện…ai cũng rạng ngời niềm vui. Ban Đại Diện đón mừng niềm nở. Cha linh hướng, quý Soeur Mân Côi Bùi Chu đồng hành vui tươi đón tiếp, hoan hỉ đến gặp gỡ chia vui với các anh chị em.

Thánh lễ tạ ơn được Cha linh hướng Gioan Lưu Ngọc Quỳnh C.Ss.R cử hành lúc 19h00 cùng với sự tham dự sốt sắng của hơn 300 người. Trong bài giảng của mình, Cha Gioan nhắn nhủ các bạn sinh viên hãy noi theo gương sáng của Chị Thánh Têrêsa đơn sơ và khiêm nhường. Chị Thánh là vị Thánh trẻ nhất được tôn vinh danh hiệu Tiến sĩ Hội thánh. Con đường thiêng liêng của Thánh nhân chứng tỏ sự trưởng thành sung mãn nơi Ngài. Cảm nhận Đức Tin còn lưu lại trên bút tích của Thánh nhân quả thực sâu rộng, khiến Thánh nhân xứng đáng chen vai thích cánh cùng các bậc Thầy lừng danh về tu đức của Giáo Hội Công Giáo. Thánh Nhân đã khởi đi “Con đường nhỏ” của mình bằng việc chiêm niệm để nhận ra “ơn hoàn hảo nhất chẳng là gì cả, nếu không có tình yêu. Và Đức ái là con đường tuyệt hảo chắc chắn dẫn tới Thiên Chúa”. “Con đường nhỏ bé thiêng liêng” lại là một con đường vĩ đại. Con đường này là con đường tình yêu “Tình yêu dâng hiến và trao hiến”.

Mừng kính Thánh nữ hôm nay, trong không khí vui mừng kỷ niệm 10 năm thành lập nhóm SVCG Thái Hà – Bùi Chu, cùng với Giáo Hội hoàn vũ, chúng ta hiệp lời cầu xin Thánh Nữ cầu bầu cùng Chúa, Mưa Hoa Hồng thiêng liêng đổ xuống chúng ta, làm cho chúng ta được yêu mến Chúa như người, cho khắp mọi nơi được an lành, hạnh phúc, hợp nhất và yêu thương.

Dâng của lễ

Thánh lễ kết thúc, anh chị em lại quây quần nơi phòng giáo lý để bắt đầu chương trình văn nghệ và liên hoan chào mừng. Nhóm hân hoan vui mừng chào đón sự hiện diện của các anh cựu trưởng nhóm suốt 10 năm qua, cùng quy tụ bên cha linh hướng, thổi nến và cắt bánh mừng sinh nhật tròn 10 năm. Thật sự xúc động và tự hào khi được là một thành viên của SVCG Thái Hà – Bùi Chu, trong không khí chan hòa niềm vui gặp gỡ, nhân dịp nhóm tròn 10 năm tuổi…Nếu 10 năm qua là KHÚC DẠO ĐẦU của bản GIAO HƯỞNG SVCG THÁI HÀ – BÙI CHU với nhiều chương kế tiếp thì mỗi người trong chúng ta là một nốt nhạc, dẫu cung bậc khác nhau, trường độ khác nhau, âm sắc khác nhau nhưng rất hòa đồng, hòa quyện với nhau để làm nên giai điệu đầy ấn tượng cho khúc dạo đầu ấy…

Kết thúc chương trình đặc sắc lúc 10h30, anh chị em ra về còn có quà tặng của nhóm là bức tượng Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu tuyệt đẹp và cuốn Kỷ yếu 10 năm Nhóm SVCG Thái Hà – Bùi Chu, một món quà tinh thần được in ấn rất đẹp bên trong rất nhiều bài viết của các thế hệ đã sinh hoạt trong Nhóm,.. ngoài ra có rất nhiều tư liệu hình ảnh gốc ấn tượng...

Ngày Lễ truyền thống của SVCG Thái Hà – Bùi Chu đã khép lại trong niềm hân hoan. Lớp lớp thế hệ sinh viên đã dựng xây nên một mái nhà chan chứa tình yêu thương và tinh thần phục vụ. Tất cả như cùng hòa vào nhau và vâng theo lệnh truyền của Chúa Giêsu “Hãy đi Loan báo Tin Mừng”. Tạ ơn sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa, ngày lễ diễn ra tốt đẹp và mang lại nhiều ý nghĩa. Để có được những thành công đó chúng con không quên cám ơn Cha linh hướng, quý Soeur Mân Côi Bùi Chu, quý Cộng đoàn xa quê Xuân Dục, đặc biệt chúng con không quên quý vị ân nhân, quý vị khách mời, BĐD Cộng đoàn, các nhóm, các giáo hạt, giáo xứ, những anh chị cựu đã về với anh chị em sinh viên chúng em, cùng tất cả mọi người đã đến và giúp đỡ chúng con, và đặc biệt đã cầu nguyện cho chúng con. Đôi lúc trong công tác chuẩn bị chúng con còn có nhiều thiếu sót và làm không vui đến quý vị thì xin quý vị thứ lỗi cho chúng con, chúng con không biết lấy gì đáp đền, chỉ biết tỏ lòng biết ơn chân thành. Nguyện xin Thiên Chúa ban nhiều ơn lành hồn xác trên quý vị. Cũng xin quý vị luôn cầu xin cho sự hiệp nhất trong chúng con hôm nay sẽ luôn mãi rực cháy trong gia đình SVCG

Suốt chặng đường dài 10 năm, dưới sự cầu bầu của Mẹ Hằng Cứu Giúp, Thánh Martino de Porres, Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu bổn mạng, Thiên Chúa luôn gìn giữ chúc lành cho nhóm. Chính từ vườn ươm này đã có nhiều thế hệ sinh viên trưởng thành phục vụ Giáo Hội, xã hội. Dầu có trải qua những thăng trầm của lịch sử, nhóm SVCG nhỏ bé này vẫn tồn tại và thăng tiến trong bàn tay ấp ủ của Chúa. Bây giờ cho dù mỗi người một nẻo đường sống, học tập, sinh hoạt khác nhau, nhiều hoàn cảnh, nhưng tất cả đều chung một tấm lòng và tinh thần gia đình Thái Hà: hiệp nhất, yêu thương đùm bọc nhau trong tình yêu Thiên Chúa.

Nhờ lời chuyển cầu của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, xin Thiên Chúa ban muôn ơn lành cho quý cha linh hướng, quý Soeur và anh chị em sinh viên chúng con.

Phêrô Nguyễn Văn Quynh

Cựu trưởng nhóm khóa 2013 - 2014
 
Nghi thức trao tác vụ Đọc Sách - Giúp Lễ tại Dòng Thừa Sai Đức Tin
Pet. Hoàng Nguyễn, MF
17:15 04/10/2015
Lễ Đức Mẹ Mân Côi Và Nghi Thức Trao Tác Vụ Đọc Sách – Giúp Lễ

Vào lúc 5h30 sáng Chúa Nhật ngày 04.10.2015, cha Giám tỉnh Micae Hoàng Đô Đốc, MF đã chủ sự thánh lễ Đức Mẹ Mân Côi và Nghi thức trao thừa tác vụ Đọc sách - Giúp lễ cho 11 thầy Học viện. Hiện diện trong thánh lễ đặc biệt có cha Benjamin ( nguyên Tổng Đại diện Hội dòng), quý cha, quý thầy, các anh em trong tỉnh dòng và một số giáo dân. Hòa cùng niềm vui đó, hôm nay cũng là ngày lễ thánh Phanxicô Assisi, bổn mạng của một lớp học viện mang tên ngài. Niềm vui ba trong một này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trên hành trình dâng hiến, đưa người tu sĩ đến gần hơn với thiên chức linh mục cao quý.

Xem Hình

Mở đầu thánh lễ, cha chủ tế đã nói lên ý nghĩa của lễ Đức Mẹ Mân côi. Đức Mẹ là một nhân vật đặc biệt quan trọng trong lịch sử cứu độ và ngài đã ban ơn cho tất cả những ai tin tưởng cầu khẩn, nài xin. Tràng chuỗi Mân Côi là sức mạnh để liên kết ta đến gần Chúa hơn. Vì thế, người Kitô hữu, đặc biệt là người Thừa Sai Đức Tin, cũng hãy biết cầm lấy tràng chuỗi chạy đến kêu cầu Mẹ không chỉ trong tháng 10 này mà còn suốt cả cuộc đời.

Giảng trong thánh lễ, cha chủ tế đã làm nổi bật lên lịch sử của ngày lễ Mẹ Mân Côi và vai trò của Đức Mẹ trong lịch sử cứu độ cũng như những hiệu quả của việc lần chuỗi Mân côi. Từ xa xưa, ngôn sứ Isaia đã loan báo trước về một con người sẽ được tuyển chon làm mẹ Chúa Cứu Thế, đó là Maria. Thành sử Luca đã thuật lại biến cố Sứ Thần truyền tin cho Đức Mẹ. Có thể nhắc lại ở đây khung cảnh của miền Nagiarét xưa, khi Sứ Thần vào nhà trinh nữ và nói: “Kính chào Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ”. Lời chào của Sứ Thần hôm ấy hẳn đã làm Đức Maria ngạc nhiên như Tin mừng diễn tả: “Nghe lời ấy, bà rất bối rối và tự hỏi xem lời ấy có ý nghĩa gì”. Sứ Thần liền giải thích và sau đó, Đức Maria đã thưa lời “XIN VÂNG”. Khởi đầu từ lời “xin vâng” ấy mà chương trình cứu độ của Thiên Chúa đã được thực hiện. Tràng chuỗi mân côi là một cuốn Tin mừng thu gọn. Thế nên, là một người tu sĩ Thừa Sai Đức Tin, chúng ta đặc biệt quý trọng việc siêng năng lần chuỗi mân côi vì đó chính là cầu nối dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu.

Tiếp đó là phần Nghi thức trao Thừa tác vụ Đọc sách và Giúp lễ. Cha Tôma Đinh Ngọc Lộc, phụ trách khối Học Viện, công bố danh sách các thầy được chọn tiến lên trước mặt cha Giám tỉnh. Cha Giám tỉnh dâng lời nguyện và trao Sách Thánh cho 5 thầy: “Con hãy nhận lấy Sách Thánh để truyền đạt Lời Chúa cho mọi người”. Rồi ngài cũng trao Thừa tác vụ Giúp lễ cho 6 thầy, Ngài trao bình đựng Mình Thánh Chúa tượng trưng cho việc các thầy được phụ giúp các công việc trên bàn thờ.

Sau lời nguyện hiệp lễ, một anh em đại diện lớp Phanxicô Assisi nói lên lời cám ơn quý cha, quý thầy và anh em. Sau đó, cha chủ tế cũng đã chúc mừng và chia vui với quý thầy lãnh nhận tác vụ này. Thừa tác vụ Đọc sách và Giúp lễ, tuy chưa phải là chức Thánh nhưng tác vụ này sẽ dọn đường cho các thầy tiến đến chức linh mục, là chặng đường giúp các thầy trở nên thánh thiện hơn để theo Chúa và phục vụ tha nhân.



Pet. Hoàng Nguyễn, MF
 
Chủng sinh Đại Chủng viện Giuse Sài gòn thăm Giáo xứ Củ Chi Giáo phận Phú Cường
Tôma Đỗ Lộc Sơn
21:22 04/10/2015
Chủng sinh Đại Chủng viện Giuse Sài gòn thăm Giáo xứ Củ Chi Giáo phận Phú Cường

11 giờ sáng ngày 4/10/2015. Cha Đaminh Đỗ Bùi Quốc Thuấn là cha chánh xứ Củ Chi. Ban đại diện giáo xứ và 11 anh chị em phong trào Cursillo vui mừng chào đón quý cha: Dennis Phạm Bùi Vượng và Giuse Maria Đỗ Đình Ánh cùng 68 chủng sinh thuộc Đại chủng viện Giuse Sài Gòn đến thăm giáo xứ.

Xem Hình

Trước đó đoàn đã đến thăm Trung tâm Mai Hòa, nơi nuôi dưỡng các bệnh nhân liệt kháng thời kỳ cuối của các Sơ Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn thành lập, ở ấp Lô 6, xã An Nhơn Tây, Huyện Củ Chi.

Trước tiên, quý cha quý thầy đã lên nhà thờ trên lầu để viếng Thánh Thể, để mọi công việc làm của chúng ta được Thiên Chúa chúc phúc.

Tại nhà sinh hoạt, cha Dennis đã giới thiệu đến cha Đaminh. 68 chủng sinh quy tụ từ 4 giáo phận: Saigòn, Phan Thiết, Mỹ tho và Phú cường, đây chỉ là ¼ số chủng sinh đang theo học tại Đại chủng viện Saigòn. Các thầy về đây là để thấy những sinh hoạt, khó khăn hay thuận lợi và để có chí hướng cho mình trong việc học tập cho tương lai.

Sau khi dùng cơm trưa, các thầy đã có những tiết mục văn nghệ là: Đơn ca, hợp ca và có cả ảo thuật. Các tiết mục này đã tạo nên những tiếng cười sảng khoái.

Tiếp theo, cha Đaminh đã chia sẻ những băn khoăn, cả những khó khăn từ khi cha về nhậm xứ cách đây 2 năm. Đó là: Đức tin còn lỏng lẻo, theo đạo là chỉ để đối phó và công việc xây dựng các phòng học giáo lý bị đình trệ ảnh hưởng đến việc học của các em.

Đứng trước các vấn nạn trên, cha đã cùng với các hội đoàn, phong trào như: Lêgiô, Hiền mẫu, Cursillo v.v... đốt lên ngọn lửa nhiệt thành.

Phong trào Cursillo giáo hạt Củ Chi và giáo xứ Củ Chi với số lượng chưa nhiều, nhưng sẽ là điểm tựa dù là nhỏ sẽ cất cao tinh thần phụng vụ để ngày một cháy sáng hơn.

Đại diện phong trào Cursillo là anh Giuse Nguyễn Hoan cũng đã giới thiệu đến quý cha, quý thầy hoạt động của phong trào trong những năm qua tại giáo phận cũng như tại giáo hạt giáo xứ.

Phong trào Cursillo được khôi phục lại từ năm 2009. 6 năm qua vừa xây dựng vừa đào tạo cũng chỉ là những bước đi nhỏ. nhưng với Ơn Thầy Chí Thánh, giáo phận đã có gần 400 cursilitas, giáo hạt Củ Chi có khoảng 30, hy vọng đó là những điểm nóng được cháy sáng trong tương lại

Quý thầy đã có những câu hỏi về sinh hoạt giáo xứ, sinh hoạt các hội đoàn. Các câu hỏi này đã được cha Đaminh giải đáp một cách nhiệt thành.

Buổi gặp gở tham quan kết thúc lúc 14 giờ. Đại diện quý thấy đã có lời cảm ơn cha xứ Đaminh cùng đại diện phong trào Cursillo và tất cả sau đó đã chụp hình lưu niệm trước sân khấu nhà sinh hoạt.

Tôma Đỗ Lộc Sơn
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Thân Cò Một Bóng
Đỗ Vinh
20:40 04/10/2015
THÂN CÒ MỘT BÓNG
Ảnh của Đỗ Vinh
Từ thuở còn nằm nôi
Trong lời ru đã có cánh cò đến đậu
Con cò đôn hậu
Bay đi từ núi biếc đồng xanh.
(Trích thơ của Lê Phú Hải)