Ngày 26-09-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:27 26/09/2015
29. NGƯỜI NƯỚC TỐNG ĐIỀU KHIỂN NGỰA.
N2T

Nước Tống có người điều khiển xe ngựa.
Một hôm, ông ta muốn đem xe đi kéo đồ vật, bèn dắt lại một con ngựa, thắng càng lên xe, nhưng con ngựa không muốn đi về phía trước, lấy roi đánh cũng vô ích, người ấy liền nổi giận, chém một nhát rụng đầu ngựa, vứt trong khe núi.
Ông ta lại tiếp tục bắt con ngựa khác kéo, nó vẫn không dám tiến lên phía trước, ông ta lại càng thêm nổi giận, đầu ngựa lại lăn xuống khe núi.
Cứ thế giết liên tục ba con ngựa, chiếc xe cũng không thắng càng được.
(Luận Hoành)

Suy tư 29:
Trong thời gian giúp xứ tại một họ đạo ở quận Nhất - Saigon, chuyên môn của tôi là dạy giáo lý cho trẻ em cũng như cho người lớn, tôi rất nóng giận khi một em nào -bất kỳ gái hay trai- không nghe lời dạy, và sẵn sàng “lên lớp” ngay với nét mặt không vui.
Có một hôm, cha sở tôi –ngài là một nhà giáo dục- nói với tôi: “Làm công tác giáo dục, là công việc hệ trọng, không phải một sáng một chiều mà trẻ em nó nên người tốt, làm công tác giáo dục đòi buộc thầy phải kiên nhẫn, có khi một năm, hai năm, hoặc ba, bốn chục năm sau trẻ mới hiểu lời dạy, và trở nên người tốt, thầy phải kiên nhẫn và kiên nhẫn”.
Việc giáo dục không phải một sớm một chiều mà thành công, cũng không phải là do sự nóng giận mà thành công, nhưng là do thời gian và sự kiên trì dạy dỗ trong yêu thương của những người có trách nhiệm. Đó cũng chính là phương pháp mà Thiên Chúa đã dùng để dạy dỗ dân Ngài tuyển chọn là Ít-ra-en; đó cũng là cách thức mà Thiên Chúa đã dùng để dạy mỗi người trong chúng ta. Bởi vì chúng ta cũng như những đứa trẻ ngỗ nghịch không thèm nghe lời dạy của Ngài, hôm nay nghe ngày mai quên, nghe tai này bỏ qua tai kia, và đến khi có chuyện gì đó xảy ra, chúng ta mới nhớ lại lời của Ngài, nhưng Thiên Chúa vẫn cứ lấy lòng nhân ái yêu thương và kiên nhẫn để dạy dỗ chúng ta...
Người nước Tống vì nóng nảy vô cớ mà giết chết ba con ngựa của mình, cũng vậy, nóng giận trong lúc dạy dỗ thì chẳng được ích lợi gì cả, chỉ có yêu thương, hiền hòa và nhiệt tình mới cảm hóa được người khác mà thôi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 26 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:28 26/09/2015
Chúa Nhật 26 THƯỜNG NIÊN
N2T

Tin mừng : Mc 9, 38-43.45.47-48
“Ai không chống lại chúng ta, là ủng hộ chúng ta. Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi”.


Anh chị em thân mến,
Chống và ủng hộ là chuyện tất nhiên phải có của đời sống cộng đoàn cũng như trong một tập thể, chống và ủng hộ là bày tỏ quan điểm của mỗi người với một ý kiến, cho nên đó là chuyện thường tình của con người, bá nhân bá tính.

Đức Chúa Giêsu không hề rao giảng việc ủng hộ tội ác hay ủng hộ làm điều ác và tội lỗi, nhưng ủng hộ việc làm chính đáng của Ngài và của các tông đồ, mà việc làm chính đáng mà Ngài và các tông đồ đang làm chính là công việc bác ái và phục tha nhân mà người Do Thái chưa từng thấy được nơi các kinh sư, các thầy luật sĩ và những người biệt phái của họ. Nếu họ làm như Đức Chúa Giê-su và các tông đồ đã làm, thì chắc chắn sẽ có rất nhiều người ủng hộ họ và tôn họ làm đấng tiên tri, nhưng họ đã chống lại việc Đức Chúa Giê-su đang làm và đang rao giảng...
Có rất nhiều lần trong cuộc sống chúng ta đã phản đối, đã “đì”, đã trù giập người anh em chị em chúng ta, vì một lý do đơn giản là họ không ủng hộ việc chúng ta làm.

Trong cuộc sống chúng ta chống nhiều hơn là ủng hộ, bởi vì cái tôi của chúng ta quá lớn, lớn hơn cả lý trí và lương tâm của mình, cho nên chúng ta chỉ thấy được cái khuyết điểm của người anh em mà không nhìn thấy cái ưu điểm của họ :
Chúng ta chống vì họ nghèo,
Chúng ta chống vì họ quá hiền lành,
Chúng ta chống vì họ hay nói sự thật,
Chúng ta chống vì việc làm ngay thẳng của họ là cái gai trong mắt của mình.
Chúng ta chống vì họ được nhiều người ủng hộ.
Chúng ta chống vì chúng ta kiêu ngạo.
Chúng ta chống vì họ không về phe với mình...

Nhưng chúng ta lại ủng hộ những ai về phe với mình mặc dù họ làm sai trái; chúng ta ủng hộ vì họ là bạn bè thân thiết của mình tuy rằng họ đã làm không đúng sự thật; chúng ta ủng hộ vì hoàn cảnh của họ giống hoàn cảnh của mình đang hối lộ tham nhũng; chúng ta ủng hộ vì tâm hồn của chúng ta cũng đang hậm hực tức tối vì quyền lợi bị mất đi...

Anh chị em thân mến,
“Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi”, “tay anh” chính là bạn bè của anh, bạn bè làm cớ cho anh vấp ngã thì dứt tình bạn với họ, vì thà rằng không có bạn bè để được vào Nước Trời, còn hơn có người bạn xấu ấy để rồi cả hai sa hoả ngục; “tay anh” cũng chính là những cái mà anh yêu thích: xe cộ, áo quần, tiền bạc.v.v... thà không có xe cộ để được vào Nước Trời, hơn là có xe cộ rồi chạy long nhong đến quán cà-phê ôm, đến những nơi không đáng đến để rồi gây cớ vấp phạm cho người khác; thà không có lụa là gấm vóc, giàu sang phú quý để vào Nước Trời với bộ áo quần vải thô nhưng thơm tho sạch sẽ, hơn là có đầy đủ xa hoa thế gian mà xuống địa ngục...

Anh chị em thân mến,
Ở đời, có khi làm đúng cũng bị chống mà làm sai lại được ủng hộ, bởi vì thế gian chứ không phải là thế ngay, bởi vì con người ta ai cũng có cái tôi ích kỷ, ai cũng có cái tôi tham lam, ai cũng có phe cánh của mình.

Chống đối hay ủng hộ là việc của người khác, nhưng hết lòng chu toàn bổn phận vì Chúa vì anh chị em là việc của chúng ta –người Ki-tô hữu- cứ thế mà tiến lên, có Thiên Chúa ủng hộ chúng ta là được rồi.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:31 26/09/2015
N2T

14. Phàm người tiến vào cung thánh phụng thờ Thiên Chúa thì phải ghi nhớ, họ đến không phải được Thiên Chúa kêu gọi, mà là vì Thiên Chúa mà đón nhận đau khổ.

(Thánh Terese of Avila).

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần một ''Chuyện Rất Ngắn''
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:32 26/09/2015
127. TẾT TRUNG THU
Cha sở nghe tiếng quát tháo ở cổng nhà thờ thì đi tới coi chuyện gì xảy ra. Ngài thấy anh bảo vệ và một ông trong ban hành giáo đang quát mắng mấy em nhỏ, ngài định hỏi có chuyện gì, thì ông trong ban hành giáo nói:
- “Thưa cha, mấy thằng nhỏ này không phải trẻ em trong giáo xứ mình mà cũng đến lãnh quà trung thu, con không cho tụi nó vào…”
Cha sở cười nói:
- “Không sao, tết trung thu là của trẻ em, chúng ta mời tất cả trẻ em không phân biệt lương giáo đều đến vui trung thu, đừng cản ngăn các em đó, để cho các em vào…” Ngài nói với anh bảo vệ:
- “Bây giờ anh đừng canh cổng, để các em vào chơi tự do, đợi sinh hoạt xong rồi đóng cổng nhà thờ.”
-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Diễn Văn của Đức Phanxicô tại Liên Hiệp Quốc
Vũ Van An
01:38 26/09/2015
Thưa Ông Chủ Tịch,
Thưa qúi bà và qúi ông,

Tôi xin cám ơn các lời lẽ tốt đẹp của qúi vị. Một lần nữa, theo một truyền thống nhờ thế tôi cảm thấy được vinh hạnh, Ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc đã mời Giáo Hoàng tới nói chuyện với hội đồng các quốc gia đáng kính này. Nhân danh cá nhân tôi, và nhân danh toàn thể cộng đồng Công Giáo, tôi muốn bày tỏ với ngài, thưa ngài Ban Ki-moon, lòng biết ơn tận đáy lòng tôi. Tôi chào kính các vị cầm đầu các quốc gia và các vị cầm đầu các chính phủ hiện diện, cũng như các vị đại sứ, các nhà ngoại giao và các giới chức chính trị và kỹ thuật tháp tùng các vị, các nhân viên của Liên Hiệp Quốc làm việc tại Phiên Họp thứ 70 của Đại Hội Đồng, các nhân viên của nhiều chương trình và cơ quan của gia đình Liên Hiệp Quốc, và tất cả những ai tham dự vào phiên họp này, cách này hay cách khác. Qua qúi vị, tôi cũng xin chào kính các công dân của mọi quốc gia có đại diện tại hội trường này. Tôi xin cám ơn, mỗi và mọi vị, vì các cố gắng của qúi vị trong việc phục vụ nhân loại.

Đây là lần thứ năm, một vị giáo hoàng viếng thăm Liên Hiệp Quốc. Tôi theo chân các vị tiền nhiệm của tôi là Phaolô VI, năm 1965, Gioan Phaolô II năm 1979 và 1995, và vị tiền nhiệm gần đây nhất của tôi, nay là Giáo Hoàng Hưu Trí Bênêđíctô XVI, năm 2008. Tất cả các vị giáo hoàng này đã bày tỏ lòng qúy mến lớn lao đối với Tổ Chức, mà các ngài vốn coi là đáp án pháp lý và chính trị thích đáng cho giai đoạn hiện nay của lịch sử, được đánh dấu bằng khả năng kỹ thuật của chúng ta có thể thắng vượt các khoảng cách và biên giới và, xem ra, thắng vượt mọi giới hạn thiên nhiên đối với việc thi hành quyền lực. Nói về quyền lực kỹ thuật học, khi rơi vào tay các ý thức hệ duy quốc gia và duy đại đồng giả hiệu, đáp án chủ yếu này có khả năng phạm những tội ác tàn bạo khủng khiếp. Tôi chỉ có thể lặp lại sự đánh giá cao được các vị tiền nhiệm của tôi phát biểu, để tái khẳng định tầm quan trọng mà Giáo Hội Công Giáo vốn gán cho Định Chế này và niềm hy vọng mà Giáo Hội này đặt vào các hoạt động của nó.

Liên Hiệp Quốc hiện đang cử hành lễ kỷ niệm đệ thất thập kỷ của mình. Lịch sử của cộng đồng có tổ chức của các quốc gia này là một lịch sử của nhiều thành tựu quan trọng chung trong một thời kỳ có những thay đổi cực kỳ nhanh chóng. Không dám tự coi là thấu suốt, chúng ta có thể nhắc tới việc thiết lập và khai triển luật pháp quốc tế, thiết lập các qui định quốc tế liên quan tới các nhân quyền, các tiến bộ trong luật nhân đạo, giải quyết nhiều cuộc tranh chấp, các công trình duy trì hòa bình và hòa giải, và một số thành tựu khác trong mọi phạm vi của hoạt động và cố gắng quốc tế. Tất cả các thành tựu này đều là ánh sáng giúp đánh tan bóng tối vô trật tự do các tham vọng không biết tự chế và các hình thức tập thể đầy vị kỷ gây nên. Chắc chắn, nhiều vấn đề trầm trọng vẫn còn cần được giải quyết, thế nhưng điều rõ ràng là: nếu không có các can thiệp loại này trên bình diện quốc tế, nhân loại không thể nào có khả năng sống thoát việc sử dụng bừa bãi các khả thể của chính mình. Mọi tiến bộ chính trị, pháp chế và kỹ thuật này đều là đường dẫn tới việc đạt được lý tưởng huynh đệ nhân bản và là phương thế để thể hiện lý tưởng này tốt đẹp hơn.

Vì lý do trên, tôi xin ca ngợi mọi người nam nữ mà lòng trung nghĩa và sự hy sinh bản thân đã sinh ích cho nhân loại như một toàn thể trong suốt 70 năm qua. Một cách đặc biệt, hôm nay, tôi muốn tưởng nhớ những ai đã hiến mạng sống mình cho hòa bình và hoà giải giữa các dân tộc, từ Dag Hammarskjöld tới rất nhiều giới chức Liên Hiệp Quốc ở mọi cấp bậc từng bị sát hại trong các sứ vụ nhân đạo, và các sứ vụ hòa bình và hoà giải.

Ngoài các thành tựu trên, kinh nghiệm của 70 năm qua đã cho ta thấy rõ: cải tổ và thích ứng đối với thời gian luôn là điều cần thiết trong việc theo đuổi mục tiêu tối hậu là ban cấp cho mọi quốc gia, không trừ quốc gia nào, phần chia sẻ, và phần ảnh hưởng chân thực và công bình vào diễn trình đưa ra quyết định. Nhu cầu phải công bình hơn đặc biệt đúng khi nói tới các cơ phận có khả năng hành pháp hữu hiệu, như Hội Đồng An Ninh, Các Cơ Quan Tài Chánh và các nhóm cũng như các bộ máy được chuyên biệt tạo lập ra để đương đầu với các khủng hoảng kinh tế. Nhu cầu này sẽ giúp giới hạn mọi thứ lạm dụng hay cho vay nặng lãi, nhất là khi nói tới các quốc gia đang phát triển. Các Cơ Quan Tài Chánh Quốc Tế nên lưu tâm tới việc phát triển lâu dài của các quốc gia và phải bảo đảm rằng các quốc gia này không phải chịu các hệ thống cho vay cắt cổ, là các hệ thống, thay vì cổ vũ tiến bộ, đã bắt người ta tùy thuộc các bộ máy chỉ sản sinh ra nghèo đói, loại trừ và lệ thuộc lớn hơn.

Theo nguyên tắc trong Lời Mở Đầu và các điều đầu tiên của Hiến Chương thành lập, ta có thể thấy việc làm của Liên Hiệp Quốc là phát triển và phát huy pháp trị, đặt căn bản trên việc hiểu ra rằng công lý là điều kiện chủ yếu để đạt được lý tưởng huynh đệ đại đồng. Trong ngữ cảnh này, sẽ là điều hữu ích khi ta nhớ lại rằng việc giới hạn quyền lực là một ý tưởng đã hiện diện mặc nhiên trong chính quan niệm luật pháp. Theo câu định nghĩa cổ điển của công lý, thì việc trả cho mỗi người phần riêng của họ có nghĩa: không một cá thể hay một nhóm nhân bản nào có thể tự coi mình là tuyệt đối, được phép qua mặt phẩm giá và quyền lợi của các cá thể hay các nhóm xã hội khác. Việc phân phối quyền lực cách hữu hiệu (chính trị, kinh tế, liên quan tới quốc phòng, kỹ thuật…) giữa các chủ thể đa dạng, và việc tạo ra hệ thống pháp lý để điều hòa các yêu sách và quyền lợi, là cách cụ thể để giới hạn quyền lực. Thế nhưng, thế giới ngày nay trình bày với chúng ta nhiều quyền sai lạc và, đồng thời, nhiều khu vực rộng lớn đang rất yếu thế, là nạn nhân của việc sử dụng quyền hành cách xấu xa: thí dụ, môi trường thiên nhiên, và rất nhiều hàng ngũ những người bị loại bỏ. Các khu vực này có liên hệ qua lại mật thiết với nhau và càng ngày càng bị làm cho yếu ớt thêm bởi các mối liên hệ chính trị và kinh tế đang thống trị. Đây là lý do tại sao quyền lợi của họ cần phải được khẳng định một cách mạnh mẽ, bằng cách cố gắng bảo vệ môi trường và chấm dứt việc loại trừ.

Trước nhất, cần phải tuyên bố rằng “quyền môi trường” chân thực là quyền có thực, vì hai lý lẽ sau đây. Thứ nhất, vì con người nhân bản chúng ta vốn là một phần của môi trường. Ta sống hiệp thông với nó, vì chính môi trường bao hàm các giới hạn đạo đức mà hoạt động của con người phải nhìn nhận và tôn trọng. Bất chấp mọi tài năng đáng kể của họ, các tài năng “vốn là các dấu chỉ sự độc đáo vốn vượt lên trên các phạm vi vật lý và sinh học” (Laudato Si’, 81), con người, đồng thời vẫn là một phần của các phạm vi này. Họ sở hữu một thân xác gồm các yếu tố vật lý, hóa học và sinh học, và chỉ có thể sinh tồn và phát triển nếu có môi trường sinh thái thuận lợi. Do đó, bất cứ hư hại nào làm cho môi trường, là làm cho nhân loại. Thứ hai, vì mọi tạo vật, nhất là sinh vật, đều có một giá trị nội tại, trong chính hiện hữu của nó, trong chính sự sống của nó, trong vẻ đẹp của nó và trong sự liên lập với các tạo vật khác của nó. Kitô hữu chúng tôi, cùng với các tôn giáo độc thần khác, tin rằng vũ trụ là hoa trái của một quyết định đầy yêu thương của Đấng Tạo Hóa, Đấng đã cho phép con người một cách kính trọng được sử dụng tạo thế để gây ích cho đồng loại và cho vinh quang của Người; họ không được phép lạm dụng nó, càng không được hủy hoại nó. Trong mọi tôn giáo, môi trường luôn là sự thiện nền tảng (xem đã dẫn).

Việc sử dụng sai và việc phá hủy môi trường cũng được kèm theo bởi diễn trình loại bỏ liên lỉ. Thực vậy, việc thèm khát quyền lực và thịnh vượng vật chất một cách ích kỷ và vô giới hạn dẫn ta tới cả việc sử dụng sai lầm các tài nguyên thiên nhiên hiện có lẫn việc loại trừ những người yếu đuối và yếu thế, hoặc vì họ có khả năng khác với ta (khuyết tật) hay vì họ thiếu thông tin thoả đáng và chuyên môn kỹ thuật, hay họ không thể hành động có tính quyết định về chính trị. Việc loại trừ về kinh tế và xã hội hoàn toàn bác bỏ tình huynh đệ nhân bản và là vi phạm nặng nề đến nhân quyền và môi trường. Những người nghèo nhất là những người chịu các vi phạm này nhiều nhất vì ba lý do nghiêm trọng: họ bị xã hội xua đuổi, bị buộc phải sống nhờ những thứ phế thải và phải chịu thiệt hại bất công vì sự lạm dụng môi trường. Họ là một phần của “nền văn hóa phế thải” đang rất lan rộng và đang âm thầm phát triển.

Thực tại bi thảm của tình huống loại trừ và bất bình đẳng trên với những hậu quả hiển nhiên của nó khiến tôi, cùng với toàn thể dân chúng Kitô Giáo và nhiều người khác, rà xét lại trách nhiệm nặng nề của mình về phương diện này và lên tiếng, cùng với tất cả những ai đang đi tìm các giải pháp hữu hiệu hiện đang cần một cách khẩn thiết. Việc chấp nhận Nghị Trình 2030 Để Phát Triển Lâu Dài tại cuộc Họp Thượng Đỉnh Thế Giới, được khai mạc hôm nay, là dấu hiệu hy vọng quan trọng. Tôi cũng hy vọng rằng Hội Nghị Paris Về Thay Đổi Khí Hậu sẽ bảo đảm có được các thoả hiệp nền tảng và hữu hiệu.

Tuy nhiên, các cam kết long trọng mà thôi chưa đủ, dù chúng là bước cần thiết hướng tới giải pháp. Định nghĩa cổ điển của công lý mà tôi đã nhắc ở trên có chứa đựng một ý muốn liên lỉ và trường cửu, được coi như một trong các yếu tố chủ yếu của nó, đó là Iustitia est constans et perpetua voluntas ius sum cuique tribuendi (công lý là ý muốn liên lỉ và trường cửu ban cấp cho mỗi người điều họ có quyền). Thế giới chúng ta đòi nơi các nhà lãnh đạo chính phủ một ý chí để đưa ra các bước hữu hiệu, thực tiễn, liên lỉ và cụ thể cũng như các biện pháp tức khắc nhằm duy trì và cải thiện môi trường tự nhiên và nhờ thế, chấm dứt càng nhanh càng tốt hiện tượng loại trừ có tính xã hội, với những hậu quả tai hại của nó: nạn buôn người, mua bán các bộ phận và tế bào người, khai thác tình dục trẻ em trai gái, lao động nô dịch, trong đó có nạn đĩ điếm, buôn bán ma túy và vũ khí, nạn khủng bố và tội ác quốc tế có tổ chức. Tầm mức của các tình huống này và các thiệt hại chúng gây ra cho các cuộc đời vô tội lớn lao đến nỗi ta phải tránh cơn cám dỗ sa vào thứ chủ nghĩa duy danh ham tuyên bố chỉ nhằm xoa dịu lương tâm ta. Ta cần bảo đảm điều này: các định chế của ta phải thực sự hữu hiệu trong cuộc đấu tranh chống mọi tai họa kiểu này.

Con số và sự phức tạp của các vấn đề trên đòi buộc điều này: ta phải có các phương tiện kỹ thuật để kiểm chứng. Nhưng điều này bao hàm hai nguy cơ. Ta liều mình tự bằng lòng với công tác có tính bàn giấy, chỉ vẽ vời các bản liệt kê dài dòng, kể đủ mọi thứ đề xuất, nào là mục đích, nào là mục tiêu nào là chỉ tiêu thống kê, hay còn có thể nghĩ rằng một giải pháp đơn độc có tính lý thuyết và tiên thiên sẽ cung cấp được một đáp án cho mọi thách đố. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng hoạt động chính trị và kinh tế chỉ hữu hiệu khi được hiểu như là một hoạt động khôn ngoan (prudential), được các ý niệm công lý trường cửu hướng dẫn và không ngừng ý thức sự kiện này: trên và bên kia các kế hoạch và chương trình của ta, chúng ta đang xử sự với những con người nam nữ có thật đang sống, chiến đấu và chịu đau khổ, và thường bị buộc phải sống trong cảnh nghèo nàn lớn lao, bị tước đoạt mọi quyền lợi.

Muốn giúp những người đàn ông đàn bà có thực này thoát được cảnh bần cùng, ta phải để họ trở thành các tác nhân xứng đáng của chính số phận họ. Ta không thể áp đặt việc phát triển toàn diện con người và việc thực hành đầy đủ nhân phẩm. Chúng phải được xây dựng và được phép khai triển cho từng cá nhân, cho mọi gia đình, trong tình hiệp thông với người khác, và trong mối liên hệ đúng đắn với mọi lãnh vực trong đó đời sống xã hội của con người phát triển: bạn bè, cộng đồng, thị trấn và thành phố, trường học, ngành kinh doanh và nghiệp đoàn, quận tỉnh, quốc gia v.v… Việc này giả thiết và đòi hỏi quyền được giáo dục, cả cho con gái nữa (vốn bị một số nơi loại trừ), một quyền được bảo đảm trước nhất và hơn hết bằng cách tôn trọng và củng cố quyền hàng đầu của gia đình trong việc giáo dục con cái mình, cũng như quyền của các Giáo Hội và các nhóm xã hội trong việc hỗ trợ và giúp đỡ các gia đình trong việc giáo dục con cái họ. Được quan niệm như thế, giáo dục là căn bản để thực thi Nghị Trình 2030 và để giành lại môi trường.

Đồng thời, các nhà lãnh đạo chính phủ phải làm mọi điều có thể làm được để bảo đảm điều này: mọi người có thể có được những phương thế tinh thần và vật chất tối thiểu cần thiết cho việc sống xứng đáng và lập ra cũng như hỗ trợ một gia đình, vốn là tế bào hàng đầu của bất cứ cuộc phát triển xã hội nào. Nói cách thực tế, điều tối thiểu tuyệt đối này có ba cái tên: nhà ở, việc làm và đất đai; và một tên nữa thuộc tinh thần: tự do tinh thần, gồm tự do tôn giáo, tự do giáo dục và các dân quyền khác.

Đối với mọi điều trên, biện pháp đơn giản và tốt nhất và là tiêu chí của việc thực thi Nghị Trình phát triển mới sẽ là việc mọi người được quyền hữu hiệu, thực tiễn và tức khắc sử dụng các thiện ích vật chất và tinh thần có tính chủ yếu sau: nhà ở, việc làm xứng đáng và được trả công thích đáng, thực phẩm và nước uống thỏa đáng; tự do giáo dục và, nói tổng quát hơn, tự do và giáo dục tinh thần. Các trụ cột phát triển con người toàn diện này có một nền tảng chung, đó là quyền sống và, nói tổng quát hơn, điều mà ta có thể gọi là quyền hiện hữu của chính bản tính con người.

Cuộc khủng hoảng sinh thái, và việc tàn phá đại qui mô tính đa dạng sinh học, có thể đe dọa chính sự hiện hữu của chủng người. Các hậu quả tai hại của việc quản trị sai lầm vô trách nhiệm nền kinh tế hoàn cầu, chỉ được hướng dẫn bởi lòng ham giầu có và quyền lực, phải được dùng làm lời kêu gọi cho một suy tư thẳng thắn về con người: “con người không phải là thứ tự do họ tự tạo cho chính họ. Con người không tạo ra chính mình. Họ là tinh thần và ý chí, nhưng cũng là thiên nhiên” (Đức Bênêđíctô XVI, Diễn Văn Với Quốc Hội Liên Bang Đức, 22 tháng Chín, 2011, trích trong Laudato Si’, 6). Tạo thế bị xâm hại “nơi nào chính ta có lời nói sau cùng… Việc sử dụng tạo thế cách sai lầm bắt đầu khi ta không còn thừa nhận bất cứ sự xét xử nào ở trên chúng ta nữa, khi ta không thấy gì khác ngoài chúng ta ra” (Đức Bênêđíctô XVI, Diễn Văn với Hàng Giáo Sĩ của Giáo Phận Bolzano-Bressanone, 6 tháng Tám, 2008, cũng đã trích cùng nơi trong Laudato Si’). Thành thử, việc bảo vệ môi trường và cuộc chiến đấu chống loại trừ đòi hỏi điều này: chúng ta phải nhìn nhận luật luân lý vốn được ghi khắc vào chính bản tính con người, tức luật bao hàm sự khác nhau tự nhiên giữa người đàn ông và người đàn bà (xem Laudato Si’, 155), và việc tuyệt đối tôn trọng sự sống trong mọi giai đoạn và chiều kích của nó (xem ibid., 123, 136).

Không nhìn nhận một số giới hạn đạo đức tự nhiên có tính không thể tranh cãi và không tức khắc thực thi các trụ cột phát triển con người toàn diện nói trên, lý tưởng “cứu vớt các thế hệ tiếp nối khỏi tai họa chiến tranh” (Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, Lời Nói Đầu), và việc “cổ vũ tiến bộ xã hội và các tiêu chuẩn sống tốt hơn trong một tự do lớn hơn” (ibid.), có nguy cơ trở thành một ảo tưởng không thể đạt tới hay, tệ hơn, một câu nói huyên thuyên lúc rảnh rỗi dùng để khỏa lấp mọi thứ lạm dụng và thối nát, hay để thi hành chính sách thực dân ý thức hệ bằng cách áp đặt các mô thức và lối sống dị thường hết sức xa lạ đối với bản sắc con người và, cuối cùng, hoàn toàn vô trách nhiệm.

Chiến tranh triệt tiêu hết mọi quyền lợi và là cuộc tấn công bi thảm vào môi sinh. Nếu chúng ta muốn có một phát triển con người toàn diện cho mọi người, chúng ta phải làm việc không mệt mỏi để tránh chiến tranh giữa các quốc gia và giữa các dân tộc.

Để đạt mục đích trên, chúng ta cần phải bảo đảm nền pháp trị không bác bỏ được và việc không mệt mỏi sử dụng thương lượng, trung gian và trọng tài phần xử, như đã được đề xuất trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, là hiến chương thực sự đã tạo lập ra pháp qui nền tảng. Kinh nghiệm của 70 năm qua từ ngày thành lập Liên Hiệp Quốc nói chung, và nói riêng kinh nghiệm của 15 năm đầu của thiên niên kỷ thứ ba, cho thấy cả sự hữu hiệu của việc áp dụng trọn vẹn các pháp qui quốc tế lẫn sự thiếu hữu hiệu khi không chấp pháp chúng. Khi Hiến Chương Liên Hiệp Quốc được tôn trọng và áp dụng một cách trong sáng và thành thực, và không có những động lực phía sau lưng, làm điểm qui chiếu bắt buộc cho công lý chứ không làm phương tiện để ngụy trang cho các ý định giả mạo, thì ta sẽ có được các hoa trái hòa bình. Đàng khác, khi pháp qui này bị đơn thuần coi như một dụng cụ được dùng bất cứ khi nào thấy thuận lợi và cần phải tránh bất cứ khi nào thấy không thuận lợi, thì chiếc hộp thực sự của nàng Pandora sẽ được mở tung, để các lực lượng không thể nào kiểm soát được tha hồ thoát ra, tác hại trầm trọng đến những con người không người chống đỡ, đến môi trường văn hóa và cả môi trường sinh học.

Lời Nói Đầu và Điều thứ nhất của Hiến Chươg Liên Hiệp Quốc đặt để các nền tảng cho khuôn khổ pháp chế quốc tế: hòa bình, giải quyết cách hòa bình các tranh chấp và phát triển các liên hệ thân hữu giữa các dân tộc. Mạnh mẽ chống lại các tuyên bố này, và trên thực tế bác bỏ chúng, là khuynh hướng liên lỉ muốn lan tràn vũ khí, nhất là các vũ khí tiêu diệt hàng loạt, như vũ khí hạch nhân. Một nền đạo đức và một luật lệ đặt căn bản trên việc đe dọa tiêu diệt lẫn nhau, và có thể tiêu diệt toàn thể nhân loại, là điều tự mâu thuẫn và là một sự lăng nhục đối với toàn bộ khuôn khổ Liên Hiệp Quốc, một khuôn khổ kết cục trở thành “các quốc gia kết hợp vì sợ hãi và không tin tưởng nhau”. Chúng ta khẩn thiết phải làm việc cho một thế giới không có vũ khí hạch nhân, bằng cách áp dụng trọn vẹn Hiệp Ước cấm lan tràn, cả trong chữ nghĩa lẫn trong tinh thần, với mục đích hoàn toàn ngăn cấm các thứ vũ khí này.

Hiệp ước mới đạt được gần đây về vấn đề hạch nhân tại một vùng nhậy cảm của Á Châu và Trung Đông là bằng chứng của tiềm năng thiện chí chính trị và luật pháp, được thực hiện một cách thành thực, kiên nhẫn và kiên định. Tôi hy vọng rằng hiệp ước này sẽ kéo dài và có hiệu lực, và đem lại các hiệu quả mong muốn với sự hợp tác của mọi bên liên hệ.

Theo chiều hướng trên, chứng cớ rành rành không thiếu cho thấy nhiều hiệu quả tiêu cực của các cuộc can thiệp quân sự và chính trị thiếu sự hợp tác giữa các thành viên của cộng đồng quốc tế. Vì lý do này, dù ân hận phải làm như thế, tôi vẫn phải nhắc lại các lời khẩn khoản được lặp đi lặp lại của tôi liên quan tới tình thế đau lòng của toàn vùng Trung Đông, Bắc Phi và các quốc gia Phi Châu khác, nơi các Kitô hữu, cùng với các nhóm văn hóa hay sắc tộc khác, và thậm chí cả các thành viên của tôn giáo đa số, những người không muốn liên lụy tới hận thù và ngu xuẩn, vẫn buộc phải mục kích việc hủy hoại các nơi thờ phượng của họ, di sản văn hóa và tôn giáo của họ, nhà cửa và tài sản của họ, và phải lựa chọn hoặc là chạy trốn hoặc là phải trả giá cho việc trung thành với điều thiện và hòa bình bằng chính sự sống của mình, hay làm nô lệ.

Các thực tại trên nên được dùng để khẩn thiết kêu gọi những ai có trách nhiệm lèo lái sự việc quốc tế phải rà xét lương tâm mình. Không những chỉ trong các vụ bách hại tôn giáo hay văn hóa, mà trong mọi tình huống tranh chấp, như ở Ukraine, Syria, Iraq, Libya, Nam Sudan và vùng Đại Hồ, những con người nhân bản có thực phải được coi trọng hơn các quyền lợi phe phái, dù các quyền lợi này chính đáng tới đâu. Trong các cuộc chiến tranh và tranh chấp, luôn có những con người cá thể, các anh chị em của ta, đàn ông đàn bà, người già người trẻ, con trai con gái phải khóc, phải đau, phải chết. Những con người nhân bản dễ dàng bị vứt bỏ khi đáp án duy nhất của ta là vẽ ra một danh sách các vấn đề, các chiến lược và các bất đồng.

Như tôi viết trong lá thư của tôi gửi Ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc ngày 9 tháng Tám, năm 2014, “cái hiểu nền tảng nhất về phẩm giá con người buộc cộng đồng quốc tế, nhất là qua các qui định và bộ máy luật quốc tế, phải làm tất cả những gì có thể làm được để chấm dứt và ngăn ngừa việc có thêm bạo lực một cách có hệ thống nhắm vào các nhóm thiểu số sắc tộc và tôn giáo” và để che chở những người vô tội.

Cùng một đường lối như trên, tôi muốn nhắc đến một loại tranh chấp khác không luôn công khai, nhưng âm thầm sát hại hàng triệu người. Một loại chiến tranh khác mà nhiều xã hội chúng ta đang trải nghiệm do hậu quả của nạn buôn bán ma túy. Một cuộc chiến tranh được coi là đương nhiên và được đánh một cách tồi tệ. Buôn bán ma túy, do chính bản chất của nó, đang đi đôi với nạn buôn người, rửa tiền, buôn bán vũ khí, khai thác trẻ em và nhiều hình thức thối nát khác. Một thối nát đã vào sâu các tầng lớp khác nhau của đời sống xã hội, chính trị, quân sự, nghệ thuật và tôn giáo, và, trong nhiều trường hợp, đã phát sinh ra một cơ cấu song hành đang đe dọa tính khả tín của các định chế của ta.

Tôi bắt đầu bài diễn văn này bằng cách nhắc đến các cuộc thăm viếng của các vị tiền nhiệm của tôi. Tôi hy vọng rằng lời lẽ của tôi trước nhất được coi là tiếp diễn các lời lẽ sau cùng trong bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI; mặc dù nói ra đã gần 50 năm nay, chúng vẫn còn rất hợp thời. “Giờ đã đến khi một lúc dừng lại, một lúc hồi tâm, suy nghĩ, ngay cả cầu nguyện nữa, cũng tuyệt đối cần đến để chúng ta có thể nghĩ trở về với nguồn gốc chung của chúng ta, lịch sử của chúng ta, số phận chung của chúng ta. Lời kêu gọi với lương tâm luân lý của con người chưa bao giờ cần thiết như ngày hôm nay… Vì nguy hiểm không xuất phát từ tiến bộ hay khoa học; nếu những thực tại này được sử dụng đúng đắn, chúng có thể giúp ta giải quyết một số lớn vấn đề nghiêm trọng đang bao vây nhân loại (Diễn Văn trước Cơ Quan Liên Hiệp Quốc, 4 tháng Mười, 1965). Trong số các điều khác, thiên tài của con người, khi được áp dụng đúng đắn, chắc chắn sẽ giúp giải quyết các thách đố nghiêm trọng của việc xuy giảm sinh thái và việc loại trừ. Như Đức Phaolô VI từng nói: “mối nguy thực sự phát xuất từ con người; họ hiện có trong tay những khí cụ mạnh hơn, thích hợp cả để tạo ra tàn phá lẫn thực hiện được các chinh phục cao thượng” (ibid.).

Căn nhà chung của mọi người nam nữ phải tiếp tục dựng lên trên các nền tảng hiểu biết đúng đắn về tình huynh đệ đại đồng và tôn trọng tính thánh thiêng của mọi sự sống nhân bản, về mọi người đàn ông đàn bà, về người nghèo, người cao niên, trẻ em, người tàng tật, trẻ chưa sinh, người thất nghiệp, người bị bỏ rơi, tất cả những ai bị coi là có thể vứt bỏ vì bị coi chỉ như những con số thống kê. Căn nhà chung này của mọi người nam nữ cũng phải được xây trên cái hiểu về một sự thánh thiêng nào đó nơi thiên nhiên tạo dựng.

Một cái hiểu và tôn trọng như trên đòi phải có một trình độ khôn ngoan cao hơn, một trình độ biết nhìn nhận siêu việt, biết bác bỏ bất cứ việc tạo ra một lớp ưu tú toàn quyền nào, và biết thừa nhận điều này: ý nghĩa đầy đủ của đời sống cá nhân và tập thể nằm ở việc phục vụ người khác cách quên mình và hệ ở việc sử dụng tạo thế cách khôn ngoan và kính cẩn ví ích chung. Tôi xin nhắc lại lời của Đức Phaolô VI: “tòa nhà văn minh hiện đại phải được xây trên các nguyên tắc thiêng liêng, vì các nguyên tắc này là các nguyên tắc duy nhất có khả năng không những nâng đỡ nó, mà còn rõi sáng cho nó nữa” (ibid.).

El Gaucho Martín Fierro, một tác phẩm văn chương cổ điển của quê hương tôi, nói rằng “Anh em nên đứng bên cạnh nhau, vì đây là luật đầu tiên; hãy luôn duy trì sợi dây chân thực giữa các bạn, mọi thời mọi lúc, vì nếu các bạn đánh nhau, các bạn sẽ bị người ngoài nuốt trửng”.

Thế giới hiện thời, bề ngoài xem ra rất gắn bó, nhưng đang kinh qua sự phân mảnh xã hội mỗi ngày một rộng lớn và đều đặn hơn, một sự phân mảnh đe dọa chính “các nền tảng của đời sống xã hội” và do đó, dẫn tới “những cuộc chiến vì quyền lợi trái ngược nhau” (Laudato Si’, 229).

Thời hiện tại đang mời gọi ta dành ưu tiên cho các hành động có thể sản sinh ra các diễn trình mới mẻ trong xã hội, để đem hoa trái lại cho các biến cố lịch cử có ý nghĩa và tích cực (cf. Evangelii Gaudium, 223). Chúng ta không thể tự cho phép mình trì hoãn “một số nghị trình” dành cho tương lai. Tương lai đòi ta phải có các quyết định chủ yếu và có tính hoàn cầu trước các tranh chấp khắp thế giới, các tranh chấp hiện đang gia tăng con số những người bị loại trừ và những người túng thiếu.

Giống mọi cố gắng khác của con người, khuôn khổ pháp lý quốc tế đáng khen ngợi của Cơ Quan Liên Hiệp Quốc và của mọi hoạt động của nó có thể được cải thiện, tuy vẫn rất cần thiết; đồng thời, nó có thể là một bảo đảm cho tương lai an toàn và hạnh phúc của các thế hệ tương lai. Và nó sẽ như thế, nếu các vị đại diện các quốc gia có thể gạt các quyền lợi phe phái và ý thức hệ qua một bên, và thành thực cố gắng phục vụ ích chung. Tôi cầu xin Thiên Chúa Toàn Năng để điều này trở thành sự thật, và tôi bảo đảm với qúy vị tôi sẽ hỗ trợ và cầu nguyện cho qúy vị, mọi tín hữu của Giáo Hội Công Giáo cũng sẽ hỗ trợ và cầu nguyện để Định Chế này, để mọi quốc gia hội viên, và mỗi giới chức của nó, sẽ luôn luôn phục vụ nhân loại cách hữu hiệu, một phục vụ biết tôn trọng tính đa dạng và có khả năng rút ra được điều tốt nhất trong mỗi người và trong mọi cá nhân, ví ích chung.

Tôi khẩn xin sự chúc phúc của Đấng Tối Cao, và mọi hòa bình và thịnh vượng, xuống trên tất cả qúy vị và nhân dân mà qúy vị đại diện. Xin cám ơn qúy vị.
 
Diễn từ của Đức Thánh Cha trong lễ tưởng niệm các nạn nhân khủng bố tại Ground Zero
VietCatholic Network
04:42 26/09/2015
Sáng sớm ngày 11 tháng 9 năm 2001, 19 tên khủng bố đã cướp 4 chiếc máy bay di chuyển trong nội địa Hoa Kỳ. Lúc 8h45 sáng, chúng lao thẳng một chiếc máy bay chứa đầy 20,000 gallon xăng vào tháp phía Bắc của tòa nhà tháp đôi World Trade Center ở New York. 18 phút sau, một chiếc máy bay thứ hai đâm vào tháp phía Nam. Trong hai chiếc máy bay còn lại, một chiếc rơi xuống Pensylvania trong khi chiếc kia đâm vào Ngũ Giác Đài.

Cuộc tấn công đã khiến 2,996 người bị thiệt mạng cùng với 19 tên khủng bố; và gây ra biết bao phiền hà cho những ai phải sử dụng các phương tiện hàng không để di chuyển từ đó cho đến nay.

Sau khi đọc diễn văn tại Liên Hiệp Quốc, lúc 11:30 sáng Đức Thánh Cha đã tham dự một buổi cầu nguyện liên tôn tại đây cho những nạn nhân của vụ khủng bố này.

Trong diễn từ tại buổi lễ, Đức Thánh Cha nói:

Các bạn thân mến,

Tôi cảm thấy trào dâng nhiều cảm xúc khác nhau khi đứng đây tại Ground Zero này, nơi hàng ngàn mạng người đã bị lấy đi trong một hành động vô nghĩa của sự hủy diệt. Đây là nỗi đau đụng chạm đến được. Dòng nước chúng ta thấy đang chảy về cái hố trống rỗng đó nhắc nhở chúng ta về tất cả những cuộc sống đã phải làm mồi cho những kẻ nghĩ rằng sự hủy diệt, phá cho tan nát là phương thế duy nhất để giải quyết xung đột. Dòng nước đó là tiếng khóc thầm lặng của những người là nạn nhân của một lối nghĩ chỉ biết đến bạo lực, thù hận và trả thù trả oán. Một lối suy nghĩ chỉ có thể gây ra đau đớn, khổ đau, phá hủy và nước mắt.

Dòng nước đang chảy này cũng là một biểu tượng của nước mắt chúng ta. Nước mắt trước cơ man những tàn phá và hủy hoại, trong quá khứ và hiện tại. Đây là một nơi mà chúng ta phải rơi lệ, tiếng khóc của chúng ta bật ra từ một cảm giác bất lực khi đối mặt với sự bất công, giết người, và sự thất bại trong việc giải quyết các xung đột thông qua đối thoại. Ở đây, chúng ta thương tiếc cho sự mất mát sai trái và vô nghĩa những mạng sống vô tội vì sự bất lực không tìm ra được những giải pháp tôn trọng thiện ích chung. Dòng nước đang chảy này không chỉ nhắc nhở chúng ta về những giọt nước mắt của ngày hôm qua, mà còn của tất cả những giọt nước mắt vẫn đang tiếp tục đổ ra ngày hôm nay.

Một vài phút trước đây tôi đã gặp một số các gia đình những người tiếp cứu đầu tiên đã ngã gục. Gặp gỡ họ làm cho tôi thấy một lần nữa những hành vi phá hoại không bao giờ là khách quan, trừu tượng hay chỉ đơn thuần là vật chất. Chúng luôn luôn có một khuôn mặt, một câu chuyện cụ thể, và những tên tuổi. Nơi các gia đình những người thiệt mạng này chúng ta nhìn thấy những khuôn mặt đau đớn, một nỗi đau vẫn còn làm chúng ta xúc động và đang kêu thấu lên tới trời cao.

Đồng thời, các gia đình này cũng cho tôi thấy một khuôn mặt khác của cuộc tấn công này, khuôn mặt khác của nỗi đau buồn: đó là sức mạnh của tình yêu thương và nỗi nhớ. Một nỗi nhớ không làm chúng ta trống rỗng và chán nản. Tên của rất nhiều những người thân yêu được viết chung quanh chân tháp. Chúng ta có thể nhìn thấy họ, chúng ta có thể chạm vào họ, và chúng ta không bao giờ có thể quên họ.

Ở đây, giữa những đau đớn và buồn sầu, chúng ta cũng có cảm giác sờ thấy được sự tốt lành anh hùng mà con người có khả năng thực hiện, sức mạnh tiềm tàng từ đó chúng ta có thể rút ra. Trong sâu thẳm của nỗi đau và chịu đựng, các bạn cũng đã chứng kiến những đỉnh cao của lòng quảng đại và tinh thần phục vụ. Những cánh tay vươn ra, những mạng sống chiụ hy sinh để cứu người. Trong một thành phố có thể dường như là vô cảm, vô danh, cô đơn, các bạn đã chứng tỏ tình đoàn kết mạnh mẽ phát sinh từ sự hỗ trợ lẫn nhau, từ tình yêu và lòng xả kỷ. Không ai nghĩ về chủng tộc, quốc tịch, khu xóm, tôn giáo hay chính trị. Tất cả là tình liên đới đáp ứng những nhu cầu trước mắt, là tình huynh đệ. Đó chính là tình anh chị em với nhau. Các nhân viên cứu hỏa thành phố New York bước vào tòa tháp đổ nát, mà không quan tâm trưóc an nguy của chính họ. Nhiều người đã ngã xuống; nhưng sự hy sinh của họ khiến nhiều người được cứu sống.

Nơi của cái chết này cũng đã trở thành một nơi của sự sống, một nơi nhiều sinh mạng được cứu sống, là một bài thánh ca của sự sống chiến thắng khải hoàn trên những tiên tri của sự hủy diệt và chết chóc, là một bài thánh ca của sự tốt lành trên sự dữ, của hòa giải và thống nhất trên thù hận và chia rẽ.

Thật là một nguồn hy vọng lớn lao khi ở nơi của những nỗi buồn và những nỗi nhớ này tôi có thể tham gia cùng các nhà lãnh đạo đại diện cho các truyền thống tôn giáo đang làm phong phú cuộc sống của thành phố tuyệt vời này. Tôi tin tưởng rằng sự hiện diện của chúng ta với nhau sẽ là một dấu hiệu mạnh mẽ của lòng đồng tâm ước ao trở nên một lực lượng cho hòa giải, hòa bình và công lý trong cộng đồng này và trên toàn thế giới. Bất kể tất cả sự khác biệt và bất đồng của chúng ta, chúng ta vẫn có thể sống trong một thế giới hòa bình. Trong việc phản đối mọi nỗ lực tạo ra một sự đồng nhất cứng nhắc, chúng ta có thể và phải xây dựng sự hiệp nhất trên cơ sở đa dạng của chúng ta về ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo, và cất cao tiếng nói chống lại tất cả mọi thứ cản trở con đường hiệp nhất này. Cùng nhau, chúng ta được kêu gọi để nói "không" với mọi nỗ lực để áp đặt sự đồng nhất và nói "vâng" cho một sự đa dạng chấp nhận và hòa giải.

Điều này chỉ có thể xảy ra nếu chúng ta nhổ bật gốc từ con tim chúng ta tất cả tình cảm thù hận, trả thù và oán giận. Chúng ta biết rằng đó chỉ có thể là một ân sủng từ trời cao. Ở đây, ở nơi tưởng nhớ này, tôi sẽ yêu cầu tất cả mọi người hiệp ý với nhau, mỗi người theo cách riêng của mình, dành ra một lúc thinh lặng và cầu nguyện. Chúng ta hãy cầu xin từ trên cao những ân sủng để dấn thân cho sự nghiệp hòa bình. Hòa bình trong ngôi nhà của chúng ta, trong gia đình của chúng ta, trong trường học và cộng đồng của chúng ta. Hòa bình ở tất cả những nơi mà chiến tranh dường như không bao giờ kết thúc. Hòa bình cho những gương mặt không biết đến điều gì khác ngoài khổ đau. Hòa bình trên khắp thế giới mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta như là ngôi nhà của tất cả và cho tất cả mọi người. Đơn giản chỉ cần Hòa Bình.

Như thế, mạng sống của những người thân yêu của chúng ta sẽ không chỉ sống để rồi một ngày đó sẽ bị lãng quên đi. Nhưng thay vào đó, họ sẽ có mặt bất cứ khi nào chúng ta cố gắng trở thành những tiên tri không phải để phá nát nhưng là để xây dựng, những tiên tri của hòa giải, các ngôn sứ của hòa bình.
 
Chuyện kỳ dị có thật trong chuyến Tông Du: tên trộm lành cuả Đức Giáo Hoàng.
Trần Mạnh Trác
09:19 26/09/2015


'Cầm nhầm' cuả người khác là có tội. Điều răn thứ 7 "chớ lấy cuả người".

'Chôm' cuả công thì tội nặng hơn là lẽ đương nhiên. Ăn trộm cuả nhiều người mà, cứ mỗi người là mỗi lần nặng hơn, theo công thức 'toán học' đấy.

Mà 'Trộm' cuả 'Nhà Đức Chuá Trời' thì coi chừng còn bị thêm cái vạ là 'phạm sự Thánh' đấy.

Những ai 'đã lỡ' phạm tội (ai cũng cho mình là lỡ chứ có ai nói mình là cố tình đâu!) thì phải 'ăn năn đền tội','dục lòng thống hối', 'dốc lòng chừa' và 'lo lắng tránh xa dịp tội'.

Nếu là người Công Giáo thì mọi người đều biết 'nằm lòng' như vậy cả!

Vậy mà có một ông tự nhận là Công Giáo 'chính chuyên', 'quyền cao chức trọng', đã 'lén lút' (tức là cố tình) 'ăn cắp' đồ dùng cuả Đức Thánh Cha Phanxicô, mà không những đã không 'ăn năn' mà còn 'huyênh hoanh' đi rêu rao cho cả bàng dân thiên hạ biết về 'cái tội tầy đình' cuả mình thì mới lạ chớ.

Ông 'vỗ ngực xưng tên' là dân biểu Bob Brady, đơn vị 1 cuả Pennsylvania, chủ tịch đảng Dân Chủ cuả tiều bang, tái đắc cử 8 lần với trung bình 74% số phiếu. (thật là một nhân vật lẫy lừng.)

Câu chuyện ông ăn trộm như sau:

Ông đã 'không thể cầm lòng đặng', theo lời ông kể lại, mà phải 'làm bàn' (swipe) chụp cho được cái ly uống nước cuả Đức Thánh Cha.

Đúng thế, ông nói tiếp, trong khi các dân biểu nghị sĩ khác mải mê lo sáp lại gần ĐGH sau khi Ngài kết thúc bài diễn văn trước Quốc Hội, thì ông lén lút (sneaked) đi ngược chiều tới cái diễn đàn và 'chụp lấy' (snatched) cái ly nước cuả ĐTC.

Ông cẩn thận một tay đỡ đit ly, tay kia giữ miệng ly, không dám đụng vào thành ly vì sợ làm mất dấu tay, và mang về văn phòng cuả mình. Cái ly vẫn còn một nửa, ông bèn 'làm một hớp' rồi 'san sẻ' cho các đồng loã là bà vợ và hai cô thư ký. Sau đó ông tìm thêm đồng phạm bằng cách gọi thượng nghị sĩ Bob Casey tới, và rồi ông Casey cùng với vợ và mẹ nhúng tay vào nước và làm dấu thánh giá trên trán.

Văn phòng cuả TNS Casey chứng nhận việc đó là có thật.

Ông Brady dự tính sẽ nhờ 'thám tử' lấy dấu tay cuả ĐGH trên cái ly để làm bằng chứng. Ông sợ rằng còn có những người khác tuyên bố cũng có cái ly của ĐGH thì cái ly cuả ông mất giá trị. "Mọi cái ly đều giống nhau, ai mà biết được?" ông nói.

Không hết, ông Brady này còn cẩn thận đổ số nước còn lại vào bình và sẽ đem về nhà để 'làm phép' cho các con các cháu được hưởng cái 'ơn mưa móc'. "Đây sẽ là một 'của gia truyền' (heirloom)" ông cho biết.

Có người chỉ ra rằng ĐGH đã không làm phép nước thì làm sao mà gọi nước ấy là 'nước thánh' sao được?

Ông trả lời: "mặc kệ, đối với tôi thì đó là nước thánh, cái gì mà ĐGH đụng vào thì không thành cuả thánh chứ?"

Lòng tin như vậy thì quả là to lớn hơn là 'hột cải' nhiều lần lắm.

Ngày xưa có kẻ trộm lành bị đóng đinh bên tay hữu cuả Chuá đã xin với Chuá hãy nhớ tới anh ta. Để thưởng lòng tin cuả anh, Chuá đã nói "Ta bảo thật, ngay ngày hôm nay, anh sẽ ở trên Thiên đàng với Ta."

Ông Brady này chắc chưa muốn lên Thiên Đàng ngay đâu, nhưng nhiều người vẫn tự hỏi nếu mà ĐGH biết được, thì Ngài sẽ nói gì nhỉ?

Note: Được biết đây không phải là lần đầu tiên ông Brady 'kỳ dị' này ăn trộm như thế, ông cũng đã 'chôm' lấy cái ly cuả tổng thống Obama vì ông lý luận đó là cái ly cuả vị tổng thống da đen đầu tiên.
 
Phỏng vấn Đức Thánh Cha trên chuyến bay sang Hoa Kỳ
VietCatholic Network
10:34 26/09/2015
Chiều ngày 22-9-2015, trên chuyến bay dài 3 tiếng rưỡi từ Santiago de Cuba sang thủ đô Washington của Hoa Kỳ, Đức Thánh Cha đã dành cho các ký giả một cuộc họp báo.

Trong dịp đó ngài trả lời cho những người phê bình giáo huấn của ngài và nói: “Tất cả những gì tôi nói đều ở trong giáo huấn xã hội của Hội Thánh”. Về việc Mỹ cấm vận Cuba, Đức Thánh Cha nói: “Tôi hy vọng họ sẽ đạt tới một thỏa hiệp làm hài lòng hai bên”. Về những người đối lập, ngài nói: “Một số người đã được mời để chào tôi trong nhà thờ chính tòa. Không có người nào xưng mình là người đối lập, tôi không được tin về những vụ bắt bớ”. Sau cùng, Đức Thánh Cha cho biết với Fidel Castro, ngài đã nói về thông điệp Laudato sì (Hãy chúc tụng Chúa) và về giáo sư dòng Tên của ông xưa kia”.

Rosa Miriam Elizalde (Cuba): Con muốn biết các tiêu chuẩn của Đức Thánh Cha về cuộc cấm vận của Mỹ chống Cuba? Ngài sẽ nói về vấn đề này với quốc hội Mỹ hay không?

Đức Thánh Cha. “Vấn đề cấm vận là điều thuộc về cuộc thương thảo giữa Hoa Kỳ và Cuba, hai vị quốc trưởng đã nói tới vấn đề này, đó là điều công khai và tiến theo chiều hướng những quan hệ tốt mà họ đang tìm kiếm. Tôi hy vọng họ sẽ đạt tới một hiệp định làm hai bên hài lòng. Về lập trường của Tòa Thánh đối với việc cấm vận, các vị Giáo Hoàng trước đây đã nói về vấn đề này, và không phải chỉ về cuộc cấm vận Mỹ chống Cuba mà thôi. Giáo huấn xã hội Công Giáo cũng nói về vấn đề đó. Tại Quốc hội Mỹ, tôi đã soạn diễn văn, nhưng tôi không thể nói bây giờ.. (cười). Tôi sẽ không nói một cách đặc biệt về đề tài cấm vận, nhưng tôi sẽ nhắc đến một cách tổng quát tới các hiệp định song phương và đa phương như một dấu chỉ sự tiến bộ trong sự sống chung”.

Rosa Flores (đài CNN): Chúng con nghe nói có hơn 50 người đối lập bị bắt bên ngoài tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Cuba vì họ tìm cách gặp Đức Thánh Cha. Câu hỏi đầu tiên là Đức Thánh Cha có muốn gặp họ không? Và nếu gặp thì Ngài sẽ nói gì với họ?

Đức Thánh Cha. Trước hết, tôi không có tin về những vụ bắt bớ. Tôi không có tin về việc xảy ra những vụ bắt bớ như vậy. Hai câu hỏi tiếp theo là những điều tương lai, và tôi muốn có thể trả lời. Tôi muốn gặp tất cả mọi người, tất cả đều là con cái Thiên Chúa, mỗi cuộc gặp gỡ đều phong phú hóa. Điều hiển nhiên là tôi không phải chỉ tiếp kiến, gặp gỡ những người đối lập, nhưng cả những người khác, kể cả một số vị quốc trưởng. Tôi đến thăm một nước, không dự dự định cuộc tiếp kiến riêng nào. Từ tòa Sứ Thần Tòa Thánh, đã có một số điện thoại gọi đến những người thuộc nhóm những người đối lập, để nói với họ rằng khi tôi đến Nhà thờ Chính tòa, tôi sẽ vui lòng chào thăm họ. Nhưng không có ai xưng mình là người đối lập khi tôi chào thăm, tôi không biết trong số họ có người đối lập hay không, tôi đã chào tất cả mọi người có mặt ở đó. Nếu tôi gặp họ, tôi cũng không biết tôi sẽ nói gì với họ, vì tôi nói điều tôi nghĩ đến trong đầu lúc ấy.

Silvia Poggioli (National Public Radio, USA): Trong những thập niên khi Fidel Castro còn nắm quyền, Giáo Hội Công Giáo đã chịu đau khổ rất nhiều. Trong cuộc gặp gỡ của Đức Thánh Cha với ông ấy, Ngài có nhận thấy có gì là hối hận nơi Fidel không?

Đức Thánh Cha. Hối hận là điều ở trong sâu thẳm tâm hồn, một điều thuộc về lương tâm. Trong cuộc gặp gỡ với Fidel, chúng tôi đã nói về những tu sĩ dòng Tên mà ông ấy đã biết, vì tôi có mang đến cho ông như quà tặng một cuốn sách và một đĩa CD ghi các bài thuyết trình của cha Llorente (dòng Tên, cựu giáo sư của Ông Fidel) và 2 cuốn sách của cha Pronzato, mà chắc chắn là ông ấy sẽ thích. Chúng tôi đã nói về những điều ấy. Chúng tôi đã nói nhiều về thông điệp Laudato sì, ông rất quan tâm đến vấn đề môi sinh. Đó là một cuộc gặp gỡ không có tính cách chính thức, nhưng tự nhiên và gia đình ông cũng hiện diện, và cả những người tháp tùng tôi, tài xế của tôi nữa, nhưng chúng tôi hơi cách nhau nên họ không thể nghe được câu chuyện. Chúng tôi đã nói nhiều về thông điệp, Ông rất chú ý đến môi trường. Về quá khứ, chúng tôi đã nói về học viện dòng Tên và cách hoạt động của học viện ấy.

Gian Guido Vecci (báo Corriere della sera, Italia): Một số suy tư, một số lời tố giác của Đức Thánh Cha chống sự bất chính trong chế độ kinh tế hoàn cầu, nguy cơ tự hủy diệt của trái đất, nạn buôn bán khí giới.. cũng là những lời tố giác gây khó chịu, theo nghĩa chúng đ-ung đến quyền lợi rất lớn. Nhưng hôm trước cuộc viếng thăm này, có một số phản ứng lạ thường: - và cả những cơ quan truyền thông rất quan trọng đã lấy lại và truyền đi, đó là có thành phần trong xã hội Mỹ tự hỏi không biết Đức Giáo Hoàng này có phải là người Công Giáo hay không... Trước đây đã có những tranh luận của những người nói về “vị Giáo Hoàng cộng sản”, nay họ tự hỏi: “Đức Giáo Hoàng này có phải là Công Giáo hay không?” Ngài nghĩ gì về những nhận xét ấy?

Đ. Một người bạn Hồng Y đã kể với tôi rằng một bà đến gặp Hồng Y ấy và rất lo lắng, bà rất Công Giáo, và hơi cứng nhắc, nhưng là người tốt lành. Bà ấy hỏi vị Hồng Y xem có phải trong Kinh Thánh có nói về một Ngụy Kitô không. Đức Hồng Y giải thích cho bà ấy rằng Kinh Thánh có nói về Ngụy Kitô trong sách Khải Huyền. Rồi bà hỏi Đức Hồng Y xem có phải Kinh Thánh nói về một ngụy Giáo Hoàng hay không. Đức Hồng Y hỏi: tại sao bà hỏi tôi như thế? Bà ấy đáp: tại vì vị Giáo Hoàng này không đi giầy màu đỏ.!

Về việc tôi có phải là cộng sản hay không: tôi chắc chắn là tôi không nói một điều gì ngoài những gì đã được nói trong Đạo lý xã hội Công Giáo. Trong một chuyến bay khác, một ký giả đồng nghiệp của bạn đã hỏi tôi về vấn đề bài diễn văn của tôi với các phong trào nhân dân: Nhưng Giáo Hội có đi theo Đức Giáo Hoàng không?” Tôi đã trả lời: “Chính tôi đi theo Giáo Hội, và về điểm này tôi tin là mình không lầm. Sự việc có thể giải thích: có lẽ có cái gì đó tạo nên cảm tưởng tôi hơi thuộc phe tả, nhưng giải thích như thế thực là điều sai lầm. Đạo lý của tôi về tất cả những điều ấy, thông điệp Laudato sì và về chế độ đế quốc kinh tế là điều ở trong giáo huấn xã hội của Hội Thánh. Và nếu cần đọc kinh tin kính, tôi sẵn sàng làm.

Jean-Louis de la Vaissiere, hãng AFP: Trong cuộc viếng thăm chót (hồi tháng 7 năm nay) tại Mỹ châu la tinh, Đức Thánh Cha đã mạnh mẽ phê bình chế độ tư bản, nhưng tại Cuba ngài lại tỏ ra mềm dịu hơn với chế độ cộng sản? Tại sao?

Đức Thánh Cha. Trong các diễn văn tôi đã đọc tại Cuba, tôi luôn nhắc đến đạo lý xã hội của Hội Thánh. Nhưng những điều cần sửa chữa, tôi nói rõ ràng, không phải như kiểu “thuốc viên bọc đường”. Về chế độ tư bản luật rừng, tôi không nói hơn những gì đã được viết trong Tông huấn “Evangelii gaudium” (Niềm vui Phúc Âm) và trong thông điệp Laudato sì. Điều tôi viết như vậy là đủ rồi. Tại Cuba này cuộc viếng thăm có tính chất rất mục vụ, với cộng đồng Công Giáo, với các tín hữu Kitô và cả những người thiện chí. Những lời phát biểu của tôi là những bài giảng. Cả với những người trẻ, các tín hữu Kitô trẻ cũng như những người không tín ngưỡng, và trong số các tín hữu cũng có những người thuộc các tôn giáo khác, điều tôi nói là một diễn văn hy vọng, khích lệ đối thoại để tìm kiếm những điều chung. Đó là một ngôn ngữ có tính chất mục vụ nhiều hơn. Trái lại trong thông điệp, cần phải bàn tới những điều chuyên môn hơn”.

Nelson Castro (Radio Continental, Argentina): Tại sao Đức Thánh Cha quyết định không tiếp những người đối lập? Giáo Hội Công Giáo có thể có một vai trò trong việc giúp tìm một sự cởi mở về những tự do chính trị, xét vì Đức Giáo Hoàng cũng đã giữ một vai trò trong việc tái lập quan hệ giữa Mỹ và Cuba. Vấn đề tự do này là vấn đề đối với những người nghĩ khác ở Cuba. Phải chăng đó sẽ là một vai trò mà Tòa Thánh nghĩ cho Giáo Hội Công Giáo trong tương lai tại Cuba?

Đ. Trước tiên, tôi không tiếp riêng một ai, và cũng có một vị quốc trưởng xin được tiếp kiến riêng. Giáo Hội Cuba đã làm việc để thiết lập danh sách các tù nhân để xin ân xá, và có 2.200 tù nhân được ân xá. Còn có những vụ khác đang được cứu xét, vị Chủ tịch HĐGM Cuba nói với tôi như vậy. Có người nói với tôi: thật là đẹp nếu loại bỏ án tù chung thân! Án này như thể là một án tử hình được ngụy trang, tù nhân ấy chết dần chết mòn mỗi ngày và không có hy vọng hy vọng được trả tự do. Một giả thuyết khác là người ta toàn xá cho mọi tù nhân mỗi năm hoặc 2 năm một lần. Nhưng Giáo Hội đang làm và đã làm... Tôi không nói rằng tất cả 3 ngàn tù nhân Cuba được trả tự do đều ở trong danh sách do Giáo Hội đệ trình, không phải vậy. Nhưng Giáo Hội đã làm danh sách ấy, Giáo Hội đã xin ân xá và còn tiếp tục làm.

Rogelio Mora (Telemundo): Trong vòng 20 năm đã có 3 cuộc viếng thăm của 3 vị Giáo Hoàng tại Cuba. Phải chăng vì Cuba “bị bệnh” và chịu đau khổ vì cái gì đó?

Đức Thánh Cha. Không phải vậy. Cuộc viếng thăm đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 thật là “lịch sử”, nhưng bình thường: ngài đã viếng thăm bao nhiêu nước gây hấn đối với Giáo Hội. Cuộc viếng thăm thứ hai của Đức Giáo Hoàng Biển Đức, và đó cũng là một cuộc viếng thăm bình thường. Cuộc viếng thăm của tôi thì hơi tình cờ, vì ban đầu tôi đã nghĩ là sẽ đến Hoa Kỳ đi từ biên giới Mêhicô, từ thành phố Ciudad Juarez. Nhưng đi tới Mêhicô mà không kính viếng Đức Mẹ Guadalupe thì không thể được. Rồi ngày 17-12 năm ngoái có cuộc loan báo (về sự tan băng giữa Cuba và Hoa Kỳ) sau một tiến trình dài gần một năm. Và tôi nói: chúng ta hãy đến Mỹ qua ngả Cuba. Không phải vì nước này có những tai ương đặc biệt mà những nước khác không có. Tôi không giải thích 3 cuộc viếng thăm như thế. Ví dụ tôi đã viếng thăm Brazil, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 đã thăm nước này 3, 4 lần, không phải vì nước này có “một bệnh đặc biệt”. Tôi hài lòng vì đã viếng thăm Cuba.
 
Đức Thánh Cha chủ sự buổi hát kinh chiều với các linh mục, tu sĩ New York
VietCatholic Network
10:45 26/09/2015
Chiều tối ngày thứ Năm 24 tháng 9, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi hát kinh chiều tạ ơn tại nhà thờ chính tòa Thánh Patrick của New York.

Khi bắt đầu diễn từ, Đức Thánh Cha đã nhắc tới một thảm kịch vừa diễn ra tại thánh địa của người Hồi Giáo tại Mecca.

Hôm thứ Năm 24 tháng 9, ít nhất 700 người chết và 850 người bị thương trên cầu Jamarat, một cấu trúc khổng lồ mà từ đó khách hành hương ném đá vào những trụ cột đại diện cho ma quỷ, trong một nghi thức của ngày lễ Hiến Tế Haj. Ả rập Xêút cho biết hơn 1.4 triệu khách hành hương nước ngoài đã đến Mecca để tham dự biến cố này. Đây không phải lần đầu tiên thảm kịch này xảy ra. Thông thường, tai nạn xảy ra khi dòng người đông đảo trên cầu di chuyển theo hai hướng ngược với nhau, tạo ra một sức ép rất lớn. Một số người có thể cảm thấy khó thở, lúc đó người ta cố nhoi lên để thở, và nhiều người chết chỉ vì không thở được, và có cả những người chết vì bị người khác đạp lên trong cơn hoảng loạn.

Đức Thánh Cha nói:

Ngày hôm nay, tôi có hai tình cảm muốn gởi đến anh chị em Hồi giáo của tôi. Thứ nhất, là lời chúc mừng nhân ngày lễ Hiến Tế. Tôi ước ao gởi lời chúc mừng nồng nhiệt đến anh chị em. Tình cảm thứ hai là sự gần gũi của tôi trước thảm kịch mà nhiều người trong số các bạn đã phải chịu ngày hôm nay tại Mecca. Trong những giây phút cầu nguyện này, bản thân tôi và chúng tôi hiệp cùng anh chị em trong lời cầu nguyện cùng Thiên Chúa, là Cha chúng ta, Đấng quyền năng và đầy lòng thương xót.

Trở lại với bài chia sẻ của mình dành cho các linh mục và nam nữ tu sĩ, Đức Thánh Cha nói:

Tông Đồ Phêrô nói với chúng ta rằng “Có một lý do để hân hoan vui mừng”, mặc dầu “còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách” (1 Pr 1: 6). Những lời này nhắc nhở chúng ta về một điều quan trọng. Đó là: ơn gọi của chúng ta là sống trong niềm vui.

Ngôi nhà thờ Thánh Patrick xinh đẹp này, được xây dựng qua nhiều năm nhờ những hy sinh của đông đảo những người nam nữ, có thể coi là một biểu tượng cho công việc của bao thế hệ các linh mục, tu sĩ, và giáo dân người Mỹ đã giúp xây dựng Giáo Hội tại Hoa Kỳ. Chỉ riêng trong lĩnh vực giáo dục mà thôi đã có biết bao những linh mục và tu sĩ ở đất nước này đã đóng một vai trò trung tâm trong việc giúp đỡ các cha mẹ trong việc truyền lại cho con cái họ của ăn nuôi dưỡng linh hồn! Nhiều người đã làm như vậy với giá phải trả là những hy sinh phi thường và với một lòng bác ái anh hùng. Tôi nghĩ đến chẳng hạn như Thánh Elizabeth Ann Seton, người sáng lập trường Công Giáo đầu tiên miễn phí cho các trẻ nữ ở Mỹ, hay Thánh John Neumann, người sáng lập hệ thống giáo dục Công Giáo đầu tiên tại Hoa Kỳ.

Tối nay, anh chị em thân mến của tôi,

Tôi đã đến để tham gia cùng anh chị em trong kinh nguyện xin cho ơn gọi của chúng ta tiếp tục xây dựng các dinh thự lớn của Nước Trời trên đất nước này. Tôi biết rằng, là một linh mục giữa dân Chúa, anh em phải chịu đựng rất nhiều trong quá khứ gần đây khi phải gánh chịu những nhục nhã do một số anh em mình là những người đã làm hại và gây tai tiếng cho Giáo Hội nơi những thành viên dễ bị tổn thương nhất của Hội Thánh ... Lấy lại những lời trong Sách Khải Huyền, tôi biết rõ rằng anh em “đã trải qua cơn thử thách lớn lao” (Kh 7:14). Tôi đồng hành cùng anh em vào lúc đớn đau và khó khăn này, và tôi cảm ơn Chúa vì sự phục vụ trung thành của anh em cho dân Ngài.

Với hy vọng giúp anh em kiên vững trên con đường trung tín với Chúa Giêsu Kitô, tôi muốn đưa ra hai suy tư vắn tắt.

Suy tư đầu tiên liên quan tinh thần biết ơn. Niềm vui của những người nam nữ yêu mến Thiên Chúa thu hút những người khác đến với người ấy; linh mục và tu sĩ được mời gọi để tìm kiếm và chiếu tỏa rạng ngời sự hài lòng lâu bền đối với ơn gọi của mình. Niềm vui trào ra từ một trái tim biết ơn. Quả thật, chúng ta đã nhận được rất nhiều, rất nhiều ân sủng, và phước lành, và chúng ta vui mừng vì điều này. Thật là tốt khi chúng ta nghĩ lại cuộc sống của mình với ân sủng của ký ức. Ký ức về thời điểm chúng ta được gọi lần đầu tiên, ký ức về những nẻo đường đã qua, về những ân sủng nhận được ... và trên tất cả, ký ức về cuộc gặp gỡ giữa chúng ta với Chúa Giêsu Kitô thường xuyên trên đường đời. Ký ức về sự ngạc nhiên mà cuộc gặp gỡ giữa chúng ta với Chúa Giêsu Kitô đánh thức trong tâm hồn chúng ta. Anh chị em, những người sống đời tận hiến và các linh mục, chúng ta cần tìm kiếm ân sủng của ký ức này để chúng ta có thể phát triển tinh thần biết ơn. Có lẽ chúng ta cần tự hỏi: chúng ta có giỏi đếm những ân sủng của chúng ta hay không? Hay chúng ta đã quên khuấy đi rồi?

Suy tư thứ hai là tinh thần làm việc chăm chỉ. Một trái tim biết ơn thúc đẩy một cách tự nhiên trong ta ước muốn phục vụ Chúa và thể hiện ra trong cuộc sống nơi những dấn thân cho công việc của chúng ta. Một khi chúng ta nhận ra Thiên Chúa đã ban cho chúng ta rất nhiều, một cuộc sống tự hiến, phụng sự Ngài và tha nhân, trở thành một con đường chuyên biệt để đáp ứng tình yêu tuyệt vời của Ngài.

Tuy nhiên, nếu chúng ta thành thật, chúng ta biết tinh thần hy sinh quảng đại dễ biến mất biết chừng nào. Điều này có thể xảy ra vì nhiều lý do. Cả hai ví dụ tôi muốn đề cập đến cho thấy “tinh thần thế gian” có thể làm suy yếu những cam kết của chúng ta như những người nam nữ sống đời thánh hiến; và cũng có thể làm giảm đi sự kinh ngạc của chúng ta trong cuộc gặp gỡ đầu tiên với Chúa Kitô.

Chúng ta có thể thấy mình đang đo lường giá trị của hoạt động tông đồ theo các tiêu chuẩn về hiệu quả công việc, quản lý tốt và thành công bề ngoài là những điều đang chi phối thế giới kinh doanh. Không phải những điều ấy là không quan trọng! Chúng ta đã được giao phó một trách nhiệm lớn lao, và dân Chúa là đúng khi đòi hỏi chúng ta phải có những trách nhiệm. Nhưng những giá trị đích thực của việc tông đồ được đo bằng giá trị mà việc ấy có trong mắt của Thiên Chúa. Để xem xét và đánh giá mọi thứ theo quan điểm của Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi để hoán cải liên tục trong những ngày đầu và suốt những năm dài sống trong ơn gọi của chúng ta, và tôi phải nói là, với lòng khiêm tốn rất lớn. Thập tự giá chỉ cho chúng ta thấy một cách khác để đo lường thành công. Công việc của chúng ta là gieo trồng những hạt giống: Thiên Chúa trông đợi những thành quả lao động của chúng ta. Và nếu đôi khi những nỗ lực và công việc của chúng ta dường như thất bại và chẳng sản xuất ra được gì thì chúng ta cần phải nhớ rằng chúng ta là những người theo Chúa Giêsu ... và cuộc sống của Ngài, nói theo kiểu người ta thường tình, đã kết thúc trong thất bại, sự thất bại của thập giá

Một nguy cơ khác xảy ra khi chúng ta trở nên tiếc rẻ thời gian rảnh rỗi của mình, khi chúng ta nghĩ rằng nếu xung quanh chúng ta có các tiện nghi của thế gian thì chúng ta sẽ phục vụ tốt hơn. Vấn nạn trong cách lập luận này là nó có thể đẩy lùi sức mạnh trong lời mời gọi hoán cải hàng ngày của Thiên Chúa dành cho chúng ta ngõ hầu gặp gỡ Ngài. Dần dà, nó làm giảm đi tinh thần hy sinh, từ bỏ và làm việc chăm chỉ của chúng ta. Nó cũng làm ta xa rời với những người nghèo đói về vật chất và đang bị buộc phải hy sinh nhiều hơn chúng ta. Nghỉ ngơi là cần thiết; những khoảnh khắc giải trí và làm phong phú chúng ta cũng là cần thiết, nhưng chúng ta cần phải tìm hiểu làm thế nào để nghỉ ngơi trong một cách thế đào sâu mong muốn phục vụ quảng đại của chúng ta. Gần gũi với người nghèo, người tị nạn, những người nhập cư, người bệnh, người bị bóc lột, người cao tuổi sống một mình, các tù nhân và tất cả những người nghèo khác của Thiên Chúa, sẽ dạy cho chúng ta một cách nghỉ ngơi, Kitô Giáo hơn và quảng đại hơn.

Lòng biết ơn và làm việc chăm chỉ là hai trụ cột của đời sống tinh thần mà tôi muốn chia sẻ với anh chị em tối nay. Tôi cảm ơn anh chị em về những lời cầu nguyện và những việc làm, cũng như những hy sinh hàng ngày anh chị em đang thực hiện trong các lĩnh vực khác nhau trong các hoạt động tông đồ của mình. Nhiều hy sinh âm thầm trong số này chỉ mình Chúa biết, nhưng chúng đơm hoa kết trái làm phong phú đời sống của Giáo Hội. Cách riêng, tôi xin bày tỏ sự kính trọng và lòng biết ơn đến những nữ tu Hoa Kỳ. Điều gì sẽ xảy ra cho Giáo Hội nếu không có chị em? Những người phụ nữ với sức mạnh, nhiệt tình, với một tinh thần can đảm đã ở nơi tuyến đầu của việc loan báo Tin Mừng. Với chị em, những nữ tu, những người chị và những bà mẹ của dân tộc này, tôi muốn nói lời "cảm ơn", một lời cảm ơn rất lớn, cảm ơn chị em ... và tôi nói với chị em rằng tôi yêu mến chị em rất nhiều.

Tôi biết rằng nhiều người trong số anh chị em đang ở tuyến đầu trong việc đáp ứng những thách thức của việc thích nghi mục vụ đang tiến hoá. Dù phải đối mặt với những khó khăn và thử thách như thế nào đi nữa, tôi xin anh chị em, như Thánh Phêrô, giữ cho tâm hồn bình an và đáp lại những vấn nạn ấy như Chúa Kitô đã làm: Ngài tạ ơn Cha, vác lấy thập giá mình và nhìn về phía trước!

Anh chị em thân mến, chút nữa đây chúng ta sẽ hát bài Magnificat. Chúng ta hãy phó thác cho Đức Mẹ những công tác đã được giao phó cho chúng ta thực hiện; để chúng ta hiệp cùng Mẹ trong lời tạ ơn Thiên Chúa vì những điều kỳ diệu Ngài đã thực hiện, và vì những điều kỳ diệu Ngài sẽ tiếp tục thực hiện trong chúng ta và nơi những người mà chúng ta có hân hạnh được phục vụ. Amen.
 
Chuyện bên lề Tông Du: Ai là cái bóng cuả ĐGH vậy?
Trần Mạnh Trác
12:22 26/09/2015

Tới bây giờ thì mọi người đều thấy mỗi khi ĐGH đi đâu cũng đều có một cái 'bóng' không rời khỏi Ngài. Một linh mục trẻ, 'đẹp trai', má lúm đồng tiền.

Người ta, nhất là phái nữ, hỏi nhau rối rít : là ai vậy?

Xin thưa ngay đó là vị thông ngôn tiếng Anh cuả ĐGH, Đức Ông Mark Gerald Miles, một linh mục làm việc trong văn phòng Ngoại Giao cuả Toà Thánh.

Đ.Ô. Miles là công dân Anh Quốc, sinh quán ở Gilbralta, một lãnh địa cuả nước Anh nằm ngay cạnh Tây Ban Nha, và do đó Ngài thông thạo hai thứ tiếng, tiếng Anh (tiếng mẹ đẻ) và tiếng Tây Ban Nha (cuả ĐGH.)

Người ta bắt đầu 'để ý' đến ngài trong dịp ĐGH đi thăm Phi Luật Tân. Trong cuộc tông du ấy các bài diễn văn đều dọn sẵn bằng tiếng Anh nhưng khi đi tới thị trấn Tacloban là nơi mới trải qua một cơn bão lớn có tới 6300 người chết và lúc đó một cơn bão nữa đang ập tới, ĐGH nhận thấy bài giảng cuả mình không còn hợp cho hoàn cảnh, Ngài hỏi dân chúng rằng:

“I have a translator, a good translator,” Ngài noí. “May I do that? May I?” (Cha có một người thông ngôn, giỏi, Cha có thể nói tiếng (Tây Ban Nha) được không? có được không?)

Dân chúng reo vang chấp thuận, và ĐTC đã giảng một bài, xuất ra từ đáy lòng và chạm vào trái tim cuả từng người một. Bài giảng cảm động nhất cuả cuộc tông du.


Đ.Ô. Miles đã thông dịch nhịp nhàng theo sau lời nói cuả ĐTC, từng chữ một, gần như hoàn hảo. Goị là gần hoàn hảo vì chỉ có một lần duy nhất Đ.Ô. Miles đã phải ngập ngừng vì ĐTC dùng chữ 'pollera' (cái váy) theo thổ ngữ cuả Argentina trong khi đó thì các nơi khác dùng chữ 'falda'.

Ngay sau đó, Đ.Ô. Miles trở thành một 'ngôi sao sáng' trên cộng đồng Mạng cuả Phi Luật Tân.

Trong cuộc tông du Hoa Kỳ lần này, ĐTC sẽ ban tổng cộng là 18 bài giảng hoặc diễn văn, chỉ có 4 bài bằng tiếng Anh, những bài còn lại đều nhờ ở tài thông dịch cuả Đ.Ô. Miles.

ĐGH không muốn dùng những người thông ngôn chuyên nghiệp ngồi ở sau hậu trường và chỉ có tiếng nói như là tiếng dội phát ra, Ngài muốn có một con người sống động hiểu Ngài để có thể biểu lộ cái tâm tình chân thực cuả mình.

Những vị giáo hoàng tiền nhiệm đều nói tiếng Anh sành sõi, nhưng đức Phanxicô tuy có học tiếng Anh nhưng còn ngập ngừng lắm. Theo lời cuả ĐHY Timothy Dolan cuả New York thì "Tuy Ngaì có khả năng về tiếng Anh nhiều hơn là người ta nghĩ, nhưng Ngài không nói mau được."


Trong cuộc tông du Hoa Kỳ, mặc dù tất cả các diễn văn đều có in phụ bản Anh văn, nhưng như mọi người đã biết, ĐGH hay thường đi ra ngoài bản văn để nói lên cái tâm tình riêng cuả mình, đó là chưa kể những lúc đối thoại với công chúng, giữa những câu chuyên cười, những lời kể lể, và những bàn bạc riêng tư giữa các nhà lãnh đạo với nhau. Đ.Ô. Miles sẽ là cái tai và là cái miệng cuả ĐGH.

Tuy được phô trương nhiều trên các hệ thống truyền thông và gặp gỡ nhiều nhân vật chóp bu cuả thế giới như ông tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon và tổng thống Hoa Kỳ Obama, Đ.Ô. Miles luôn luôn nép mình lại để giữ một hình ảnh khiêm nhường về mình.

Ngài từ chối mọi cuộc phỏng vấn, lấy lý do luật lệ cuả văn phòng Toà Thánh không cho phép. "Luật về phỏng vấn thì khắt khe lắm," Ngài nói.

"Tôi sẽ rất nhàm chán," Ngài trả lời bằng một giọng tiếng Anh có British accent (giọng người nước Anh). Chỉ tiết lộ mình mới 48 tuổi.

Tuy thế vẫn có một số đông những người ham mộ lập ra những trang Facebook, Twitter nói về Ngài. Họ chuyền cho nhau những hình ảnh, bài viết và cả những bài báo nhắc đến tên Ngài. Họ theo dõi Ngài như theo dõi một minh tinh màn bạc vậy.

Có trang Web còn dám tuyên bố cái má lúm đồng tiền cuả ngài là "dễ thương chưa từng thấy"!

Ôi, thế gian mà, 'các cô đội gaọ lên chuà' đấy!...xin Chuá thương xót!
 
Độc Lập và Hoàn Cầu Hóa
Vũ Van An
15:35 26/09/2015
Điều đáng lưu ý nhất nơi Đức Phanxicô là lúc ngài nói ứng khẩu. Bởi thế, trong bài nói chuyện về tự do tôn giáo tại Independence Hall, Philadelphia, lúc 5 giờ chiều thứ Bẩy, giờ địa phương, quả là thú vị, khi ngài rời bài diễn văn soạn sẵn để nói tới sự kiện mấy phút trước đó, ngài có thảo luận với một người về hoàn cầu hóa.

Ngài nói rằng, tự nó, hoàn cầu hóa không xấu nếu nó thống nhất mọi người nam nữ khắp thế giới mà vẫn tôn trọng bản sắc riêng của họ, những nét đặc thù riêng của họ, niềm tin của họ, các xác tín của họ. Và ngài đưa ra một hình ảnh hết sức gợi hình mà ngài gọi là hình ảnh hình học: trái cầu. Trên trái cầu mọi điểm đều cách đều tâm điểm, đều như nhau mà lại đều khác nhau vì vẫn là mình, vẫn khác với mọi điểm vô cùng khác.

Không còn ở đâu hay bằng ở nơi tuyên bố độc lập Hoa Kỳ để nói về tự do tôn giáo vốn là cốt lõi triết lý di dân của người Quaker, người đã lập ra "nơi sinh" của độc lập Hoa Kỳ, người được Đức Phanxicô nhắc đến trong bài diễn văn. Và cũng không còn ở đâu bằng ở Cung Độc Lập để nói tới một thứ hoàn cầu hóa nhằm thống nhất, bình đẳng hóa mọi người mà vẫn tôn trọng sự độc lập bản vị của họ, không đánh đồng bắt người khác quên bản sắc mình, buộc người khác phải theo những mô thức dị thường như trong bài diễn văn tại Liên Hiệp Quốc của ngài có nhắc tới. Nói tóm, là không có chính sách thực dân hóa ý thức hệ, một điều mà chính phủ Obama đang bị vạch mặt tố cáo khắp Phi Châu và khắp thế giới.
 
Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Liên Hiệp Quốc
VietCatholic Network
15:52 26/09/2015
Sáng thứ Sáu, 25 tháng 9, vào lúc 8 giờ rưỡi, Đức Thánh Cha viếng thăm và đọc diễn văn tại trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York.

Cũng như trong bài phát biểu tại Quốc hội Hoa Kỳ, Đức Thánh Cha đã nhắc lại những trọng điểm trong việc bảo vệ ngôi nhà chung là trái đất chúng ta như đã được nêu trong thông điệp Laudato Si của ngài. Bên cạnh đó, Đức Thánh Cha sẽ mở rộng ra ngoài các vấn đề về biến đổi khí hậu và môi sinh để bao trùm cả một “hệ sinh thái tích hợp” trong đó xem xét bản chất siêu việt của con người với các quyền cơ bản, “đặc biệt là các quyền sống và quyền tự do tôn giáo.”

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Radio Vatican hôm 12 tháng 9, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki moon nói: “Đức Giáo Hoàng là một người khiêm tốn và nhân bản, là là một tiếng nói đạo đức, và là người có mục đích. Riêng tại thời điểm này, khi thế giới đang trải qua nhiều cuộc xung đột, với hàng loạt những vấn đề như người tị nạn, di dân, vi phạm nhân quyền, thay đổi khí hậu, chúng ta thực sự cần một tiếng nói đạo đức mạnh mẽ như tiếng nói của Đức Giáo Hoàng”.

Trong cuộc gặp gỡ hôm nay, Đức Thánh Cha sẽ có dịp nói chuyện với hơn 150 vị đứng đầu nhà nước và chính phủ trên thế giới đang có cuộc họp tại đây.

Ông Ban Ki moon nhận xét rằng:

“Bạn không thể mong đợi bất kỳ cuộc gặp gỡ nào có ý nghĩa hơn và quan trọng hơn của các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có cả Đức Giáo Hoàng. Tôi rất biết ơn sự lãnh đạo đầy lòng cảm thương của Đức Giáo Hoàng cho hòa bình và tình nhân loại”.

Trong bài phát biểu Đức Thánh Cha nói:

(Bản dịch của Vũ Văn An)

Thưa Ông Chủ Tịch,

Thưa quý bà và quý ông,

Tôi xin cám ơn các lời lẽ tốt đẹp của quý vị. Một lần nữa, theo một truyền thống nhờ thế tôi cảm thấy được vinh hạnh, ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc đã mời Giáo Hoàng tới nói chuyện với hội đồng các quốc gia đáng kính này. Nhân danh cá nhân tôi, và nhân danh toàn thể cộng đồng Công Giáo, tôi muốn bày tỏ với ngài, thưa ngài Ban Ki-moon, lòng biết ơn tận đáy lòng tôi. Tôi kính chào các vị lãnh đạo các quốc gia và các vị đứng đầu các chính phủ hiện diện, cũng như các vị đại sứ, các nhà ngoại giao và các giới chức chính trị và kỹ thuật tháp tùng các vị, các nhân viên của Liên Hiệp Quốc làm việc tại Phiên Họp thứ 70 của Đại Hội Đồng, các nhân viên của nhiều chương trình và cơ quan của đại gia đình Liên Hiệp Quốc, và tất cả những ai tham dự vào phiên họp này, cách này hay cách khác. Qua quý vị, tôi cũng xin kính chào các công dân của mọi quốc gia có đại diện tại hội trường này. Tôi xin cám ơn, tất cả mỗi vị, vì các cố gắng của quý vị trong việc phục vụ nhân loại.

Đây là lần thứ năm, một vị giáo hoàng viếng thăm Liên Hiệp Quốc. Tôi theo chân các vị tiền nhiệm của tôi là Phaolô VI, năm 1965, Gioan Phaolô II năm 1979 và 1995, và vị tiền nhiệm gần đây nhất của tôi, nay là Giáo Hoàng Hưu Trí Bênêđíctô XVI, năm 2008. Tất cả các vị giáo hoàng này đã bày tỏ lòng qúy mến lớn lao đối với Tổ Chức, mà các ngài vốn coi là đáp án pháp lý và chính trị thích đáng cho giai đoạn hiện nay của lịch sử, được đánh dấu bằng khả năng kỹ thuật của chúng ta có thể thắng vượt các khoảng cách và biên giới và, xem ra, thắng vượt mọi giới hạn thiên nhiên đối với việc thi hành quyền lực. Đó là một đáp trả thiết yếu cho việc lạm dụng kỹ thuật trong tay các ý thức hệ duy quốc gia và duy đại đồng giả hiệu, có khả năng gây ra những tội ác tàn bạo khủng khiếp. Tôi chỉ có thể lặp lại sự đánh giá cao được các vị tiền nhiệm của tôi phát biểu, để tái khẳng định tầm quan trọng mà Giáo Hội Công Giáo vốn gán cho Định Chế này và niềm hy vọng mà Giáo Hội này đặt vào các hoạt động của nó.

Liên Hiệp Quốc hiện đang cử hành lễ kỷ niệm 70 năm thành lập của mình. Lịch sử của một cộng đồng có tổ chức bao gồm các quốc gia này là một lịch sử của nhiều thành tựu quan trọng chung trong một thời kỳ có những thay đổi cực kỳ nhanh chóng. Không dám tự coi là thấu suốt, nhưng tôi có thể nhắc tới việc thiết lập và khai triển luật pháp quốc tế, thiết lập các qui định quốc tế liên quan tới các nhân quyền, các tiến bộ trong luật nhân đạo, giải quyết nhiều cuộc tranh chấp, các công trình duy trì hòa bình và hòa giải, và một số thành tựu khác trong mọi phạm vi của hoạt động và cố gắng quốc tế. Tất cả các thành tựu này đều là ánh sáng giúp đánh tan bóng tối vô trật tự do các tham vọng không biết tự chế và các hình thức tập thể đầy vị kỷ gây nên. Chắc chắn, nhiều vấn đề trầm trọng vẫn còn cần được giải quyết, thế nhưng điều rõ ràng là: nếu không có các can thiệp loại này trên bình diện quốc tế, nhân loại không thể nào có khả năng sống sót trước việc sử dụng bừa bãi các khả năng của chính mình. Mọi tiến bộ chính trị, pháp chế và kỹ thuật này đều là đường dẫn tới việc đạt được lý tưởng huynh đệ nhân bản và là phương thế để thể hiện lý tưởng này tốt đẹp hơn.

Vì lý do trên, tôi xin ca ngợi mọi người nam nữ mà lòng trung nghĩa và sự hy sinh bản thân đã sinh ích cho nhân loại như một tổng thể trong suốt 70 năm qua. Một cách đặc biệt, hôm nay, tôi muốn tưởng nhớ những ai đã hiến mạng sống mình cho hòa bình và hoà giải giữa các dân tộc, từ Dag Hammarskjöld tới rất nhiều giới chức Liên Hiệp Quốc ở mọi cấp bậc từng bị sát hại trong các sứ vụ nhân đạo, và các sứ vụ hòa bình và hoà giải.

Ngoài các thành tựu trên, kinh nghiệm của 70 năm qua đã cho ta thấy rõ: cải tổ và thích ứng đối với thời gian luôn là điều cần thiết trong việc theo đuổi mục tiêu tối hậu là mang lại cho mọi quốc gia, không trừ quốc gia nào, phần chia sẻ, và phần ảnh hưởng chân thực và công bình vào diễn trình đưa ra quyết định. Nhu cầu phải công bình hơn đặc biệt đúng khi ta nói tới các bộ phận có khả năng hành pháp hữu hiệu, như Hội Đồng An Ninh, Các Cơ Quan Tài Chánh và các nhóm cũng như các bộ máy được tạo lập chuyên biệt nhằm đương đầu với các khủng hoảng kinh tế. Nhu cầu này sẽ giúp giới hạn mọi thứ lạm dụng hay cho vay nặng lãi, nhất là khi nói tới các quốc gia đang phát triển. Các Cơ Quan Tài Chánh Quốc Tế nên lưu tâm tới việc phát triển lâu dài của các quốc gia và phải bảo đảm rằng các quốc gia này không phải chịu các hệ thống cho vay cắt cổ, là các hệ thống, thay vì cổ vũ tiến bộ, đã bắt người ta tùy thuộc vào những bộ máy chỉ sản sinh ra nghèo đói, loại trừ và lệ thuộc lớn hơn.

Theo nguyên tắc trong Lời Mở Đầu và các điều đầu tiên của Hiến Chương thành lập, ta có thể thấy việc làm của Liên Hiệp Quốc là phát triển và phát huy pháp trị, đặt căn bản trên nhận thức rằng công lý là điều kiện chủ yếu để đạt được lý tưởng huynh đệ đại đồng. Trong ngữ cảnh này, sẽ là điều hữu ích khi ta nhớ lại rằng việc giới hạn quyền lực là một ý tưởng đã hiện diện mặc nhiên trong chính quan niệm luật pháp. Theo câu định nghĩa cổ điển của công lý, thì việc trả cho mỗi người phần riêng của họ có nghĩa là không một cá thể hay một nhóm người nào có thể tự coi mình là tuyệt đối, được phép qua mặt phẩm giá và quyền lợi của các cá thể hay các nhóm xã hội khác. Việc phân phối quyền lực cách hữu hiệu (chính trị, kinh tế, liên quan tới quốc phòng, kỹ thuật…) giữa các chủ thể đa dạng, và việc tạo ra hệ thống pháp lý để điều hòa các yêu sách và quyền lợi, là cách cụ thể để giới hạn quyền lực. Thế nhưng, thế giới ngày nay trình bày với chúng ta nhiều quyền sai lạc và, đồng thời, nhiều khu vực rộng lớn đang rất yếu thế, là nạn nhân của việc sử dụng quyền hành cách xấu xa: thí dụ, môi trường thiên nhiên, và đông đảo những người bị loại ra ngoài lề xã hội. Các lãnh vực này có liên hệ qua lại mật thiết với nhau và càng ngày càng bị làm cho suy yếu thêm bởi các mối liên hệ chính trị và kinh tế đang thống trị. Đây là lý do tại sao quyền lợi của họ cần phải được khẳng định một cách mạnh mẽ, bằng cách cố gắng bảo vệ môi trường và chấm dứt việc loại trừ.

Trước nhất, cần phải tuyên bố rằng “quyền môi trường” chân thực là quyền có thực, vì hai lý lẽ sau đây. Thứ nhất, vì con người nhân bản chúng ta vốn là một phần của môi trường. Ta sống hiệp thông với nó, vì chính môi trường bao hàm các giới hạn đạo đức mà hoạt động của con người phải nhìn nhận và tôn trọng. Bất chấp mọi tài năng đáng kể của họ, các tài năng “là các dấu chỉ sự độc đáo vượt lên trên các phạm vi vật lý và sinh học” (Laudato Si’, 81), con người, đồng thời vẫn là một phần của các phạm vi này. Họ sở hữu một thân xác gồm các yếu tố vật lý, hóa học và sinh học, và chỉ có thể sinh tồn và phát triển nếu có môi trường sinh thái thuận lợi. Do đó, bất cứ hư hại nào gây ra cho môi trường, cũng gây hại cho nhân loại. Thứ hai, vì mọi tạo vật, nhất là sinh vật, đều có một giá trị nội tại, trong chính sự hiện hữu của nó, trong chính sự sống của nó, trong vẻ đẹp của nó và trong sự liên kết với các tạo vật khác của nó. Kitô hữu chúng tôi, cùng với các tôn giáo độc thần khác, tin rằng vũ trụ là hoa trái của một quyết định đầy yêu thương của Đấng Tạo Hóa, Đấng đã cho phép con người một cách kính trọng được sử dụng tạo thế để gây ích cho đồng loại và cho vinh quang của Người; họ không được phép lạm dụng nó, càng không được hủy hoại nó. Trong mọi tôn giáo, môi trường luôn là sự thiện nền tảng (xem đã dẫn).

Việc sử dụng sai và việc phá hủy môi trường cũng được kèm theo bởi diễn trình loại bỏ liên lỉ. Thực vậy, việc thèm khát quyền lực và thịnh vượng vật chất một cách ích kỷ và vô giới hạn dẫn ta tới cả việc sử dụng sai lầm các tài nguyên thiên nhiên hiện có lẫn việc loại trừ những người yếu đuối và yếu thế, hoặc vì họ có khả năng khác với ta (khuyết tật) hay vì họ thiếu thông tin thoả đáng và chuyên môn kỹ thuật, hay họ không thể hành động có tính quyết định về chính trị. Việc loại trừ về kinh tế và xã hội hoàn toàn bác bỏ tình huynh đệ nhân bản và là sự vi phạm nặng nề đến nhân quyền và môi trường. Những người nghèo nhất là những người chịu các vi phạm này nhiều nhất vì ba lý do nghiêm trọng: họ bị xã hội xua đuổi, bị buộc phải sống nhờ những thứ phế thải và phải chịu thiệt hại bất công vì sự lạm dụng môi trường. Họ là một phần của “nền văn hóa phế thải” đang lan rất rộng và đang âm thầm phát triển.

Thực tại bi thảm của tình huống loại trừ và bất bình đẳng trên với những hậu quả hiển nhiên của nó khiến tôi, cùng với toàn thể dân chúng Kitô Giáo và nhiều người khác, rà xét lại trách nhiệm nặng nề của mình về phương diện này và lên tiếng, cùng với tất cả những ai đang đi tìm kiếm các giải pháp hữu hiệu mà chúng ta hiện đang cần đến một cách khẩn thiết. Việc chấp nhận Nghị Trình 2030 Để Phát Triển Lâu Dài tại cuộc Họp Thượng Đỉnh Thế Giới, được khai mạc hôm nay, là dấu hiệu hy vọng quan trọng. Tôi cũng hy vọng rằng Hội Nghị Paris Về Thay Đổi Khí Hậu sẽ bảo đảm có được các thoả hiệp nền tảng và hữu hiệu.

Tuy nhiên, các cam kết long trọng mà thôi chưa đủ, dù chúng là bước cần thiết hướng tới giải pháp. Định nghĩa cổ điển của công lý mà tôi đã nhắc ở trên có chứa đựng một ý muốn liên lỉ và trường cửu, được coi như một trong các yếu tố chủ yếu của nó, đó là Iustitia est constans et perpetua voluntas ius sum cuique tribuendi (công lý là ý muốn liên lỉ và trường cửu ban cấp cho mỗi người điều họ có quyền). Thế giới chúng ta đòi nơi các nhà lãnh đạo chính phủ một ý chí để đưa ra các bước hữu hiệu, thực tiễn, liên lỉ và cụ thể cũng như các biện pháp tức khắc nhằm duy trì và cải thiện môi trường tự nhiên và nhờ thế, chấm dứt càng nhanh càng tốt hiện tượng loại trừ có tính xã hội, với những hậu quả tai hại của nó: nạn buôn người, mua bán các bộ phận và tế bào người, khai thác tình dục trẻ em trai gái, lao động nô dịch, trong đó có nạn đĩ điếm, buôn bán ma túy và vũ khí, nạn khủng bố và tội ác quốc tế có tổ chức. Tầm mức của các tình huống này và các thiệt hại chúng gây ra cho các cuộc đời vô tội lớn lao đến nỗi ta phải tránh cơn cám dỗ sa vào thứ chủ nghĩa duy danh ham tuyên bố chỉ nhằm xoa dịu lương tâm ta. Ta cần bảo đảm điều này: các định chế của ta phải thực sự hữu hiệu trong cuộc đấu tranh chống mọi tai họa kiểu này.

Con số và sự phức tạp của các vấn đề trên đòi buộc điều này: ta phải có các phương tiện kỹ thuật để kiểm chứng. Nhưng điều này bao hàm hai nguy cơ. Ta liều mình tự bằng lòng với công tác có tính bàn giấy, chỉ vẽ vời các bản liệt kê dài dòng, kể đủ mọi thứ đề xuất, nào là mục đích, nào là mục tiêu nào là chỉ tiêu thống kê, hay còn có thể nghĩ rằng một giải pháp đơn độc có tính lý thuyết và tiên thiên sẽ cung cấp được một đáp án cho mọi thách đố. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng hoạt động chính trị và kinh tế chỉ hữu hiệu khi được hiểu như là một hoạt động khôn ngoan (prudential), được các ý niệm công lý trường cửu hướng dẫn và không ngừng ý thức sự kiện này: trên và bên kia các kế hoạch và chương trình của ta, chúng ta đang xử sự với những con người nam nữ có thật đang sống, chiến đấu và chịu đau khổ, và thường bị buộc phải sống trong cảnh nghèo nàn lớn lao, bị tước đoạt mọi quyền lợi.

Muốn giúp những người đàn ông đàn bà có thực này thoát được cảnh bần cùng, ta phải để họ trở thành các tác nhân xứng đáng của chính số phận họ. Ta không thể áp đặt việc phát triển toàn diện con người và việc thực hành đầy đủ nhân phẩm. Chúng phải được xây dựng và được phép khai triển cho từng cá nhân, cho mọi gia đình, trong tình hiệp thông với người khác, và trong mối liên hệ đúng đắn với mọi lãnh vực trong đó đời sống xã hội của con người phát triển: bạn bè, cộng đồng, thị trấn và thành phố, trường học, ngành kinh doanh và nghiệp đoàn, quận tỉnh, quốc gia v.v… Việc này giả thiết và đòi hỏi quyền được giáo dục, cả cho con gái nữa (vốn bị một số nơi loại trừ), một quyền được bảo đảm trước nhất và hơn hết bằng cách tôn trọng và củng cố quyền hàng đầu của gia đình trong việc giáo dục con cái mình, cũng như quyền của các Giáo Hội và các nhóm xã hội trong việc hỗ trợ và giúp đỡ các gia đình trong việc giáo dục con cái họ. Được quan niệm như thế, giáo dục là căn bản để thực thi Nghị Trình 2030 và để giành lại môi trường.

Đồng thời, các nhà lãnh đạo chính phủ phải làm mọi điều có thể làm được để bảo đảm điều này: mọi người có thể có được những phương thế tinh thần và vật chất tối thiểu cần thiết cho việc sống xứng đáng và lập ra cũng như hỗ trợ một gia đình, vốn là tế bào hàng đầu của bất cứ cuộc phát triển xã hội nào. Nói cách thực tế, điều tối thiểu tuyệt đối này có ba cái tên: nhà ở, việc làm và đất đai; và một tên nữa thuộc tinh thần: tự do tinh thần, gồm tự do tôn giáo, tự do giáo dục và các dân quyền khác.

Đối với mọi điều trên, biện pháp đơn giản và tốt nhất và là tiêu chí của việc thực thi Nghị Trình phát triển mới sẽ là việc mọi người được quyền hữu hiệu, thực tiễn và tức khắc sử dụng các thiện ích vật chất và tinh thần có tính chủ yếu sau: nhà ở, việc làm xứng đáng và được trả công thích đáng, thực phẩm và nước uống thỏa đáng; tự do giáo dục và, nói tổng quát hơn, tự do và giáo dục tinh thần. Các trụ cột phát triển con người toàn diện này có một nền tảng chung, đó là quyền sống và, nói tổng quát hơn, điều mà ta có thể gọi là quyền hiện hữu của chính bản tính con người.

Cuộc khủng hoảng sinh thái, và việc tàn phá đại qui mô tính đa dạng sinh học, có thể đe dọa chính sự hiện hữu của chủng người. Các hậu quả tai hại của việc quản trị sai lầm vô trách nhiệm nền kinh tế hoàn cầu, chỉ được hướng dẫn bởi lòng ham giầu có và quyền lực, phải được dùng làm lời kêu gọi cho một suy tư thẳng thắn về con người: “con người không phải là thứ tự do họ tự tạo cho chính họ. Con người không tạo ra chính mình. Họ là tinh thần và ý chí, nhưng cũng là thiên nhiên” (Đức Bênêđíctô XVI, Diễn Văn Với Quốc Hội Liên Bang Đức, 22 tháng Chín, 2011, trích trong Laudato Si’, 6). Tạo thế bị xâm hại “nơi nào chính ta có lời nói sau cùng… Việc sử dụng tạo thế cách sai lầm bắt đầu khi ta không còn thừa nhận bất cứ sự xét xử nào ở trên chúng ta nữa, khi ta không thấy gì khác ngoài chúng ta ra” (Đức Bênêđíctô XVI, Diễn Văn với Hàng Giáo Sĩ của Giáo Phận Bolzano-Bressanone, 6 tháng Tám, 2008, cũng đã trích cùng nơi trong Laudato Si’). Thành thử, việc bảo vệ môi trường và cuộc chiến đấu chống loại trừ đòi hỏi điều này: chúng ta phải nhìn nhận luật luân lý vốn được ghi khắc vào chính bản tính con người, tức luật bao hàm sự khác nhau tự nhiên giữa người đàn ông và người đàn bà (xem Laudato Si’, 155), và việc tuyệt đối tôn trọng sự sống trong mọi giai đoạn và chiều kích của nó (xem ibid., 123, 136).

Không nhìn nhận một số giới hạn đạo đức tự nhiên có tính không thể tranh cãi và không tức khắc thực thi các trụ cột phát triển con người toàn diện nói trên, lý tưởng “cứu vớt các thế hệ tiếp nối khỏi tai họa chiến tranh” (Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, Lời Nói Đầu), và việc “cổ vũ tiến bộ xã hội và các tiêu chuẩn sống tốt hơn trong một tự do lớn hơn” (ibid.), có nguy cơ trở thành một ảo tưởng không thể đạt tới hay, tệ hơn, một câu nói huyên thuyên lúc rảnh rỗi dùng để khỏa lấp mọi thứ lạm dụng và thối nát, hay để thi hành chính sách thực dân ý thức hệ bằng cách áp đặt các mô thức và lối sống dị thường hết sức xa lạ đối với bản sắc con người và, cuối cùng, hoàn toàn vô trách nhiệm.

Chiến tranh triệt tiêu hết mọi quyền lợi và là cuộc tấn công bi thảm vào môi sinh. Nếu chúng ta muốn có một phát triển con người toàn diện cho mọi người, chúng ta phải làm việc không mệt mỏi để tránh chiến tranh giữa các quốc gia và giữa các dân tộc.

Để đạt mục đích trên, chúng ta cần phải bảo đảm nền pháp trị không bác bỏ được và việc không mệt mỏi sử dụng thương lượng, trung gian và trọng tài phần xử, như đã được đề xuất trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, là hiến chương thực sự đã tạo lập ra pháp qui nền tảng. Kinh nghiệm của 70 năm qua từ ngày thành lập Liên Hiệp Quốc nói chung, và nói riêng kinh nghiệm của 15 năm đầu của thiên niên kỷ thứ ba, cho thấy cả sự hữu hiệu của việc áp dụng trọn vẹn các pháp qui quốc tế lẫn sự thiếu hữu hiệu khi không chấp pháp chúng. Khi Hiến Chương Liên Hiệp Quốc được tôn trọng và áp dụng một cách trong sáng và thành thực, và không có những động lực phía sau lưng, làm điểm qui chiếu bắt buộc cho công lý chứ không làm phương tiện để ngụy trang cho các ý định giả mạo, thì ta sẽ có được các hoa trái hòa bình. Đàng khác, khi pháp qui này bị đơn thuần coi như một dụng cụ được dùng bất cứ khi nào thấy thuận lợi và cần phải tránh bất cứ khi nào thấy không thuận lợi, thì chiếc hộp thực sự của nàng Pandora sẽ được mở tung, để các lực lượng không thể nào kiểm soát được tha hồ thoát ra, tác hại trầm trọng đến những con người không người chống đỡ, đến môi trường văn hóa và cả môi trường sinh học.

Lời Nói Đầu và Điều thứ nhất của Hiến Chươg Liên Hiệp Quốc đặt để các nền tảng cho khuôn khổ pháp chế quốc tế: hòa bình, giải quyết cách hòa bình các tranh chấp và phát triển các liên hệ thân hữu giữa các dân tộc. Mạnh mẽ chống lại các tuyên bố này, và trên thực tế bác bỏ chúng, là khuynh hướng liên lỉ muốn lan tràn vũ khí, nhất là các vũ khí tiêu diệt hàng loạt, như vũ khí hạch nhân. Một nền đạo đức và một luật lệ đặt căn bản trên việc đe dọa tiêu diệt lẫn nhau, và có thể tiêu diệt toàn thể nhân loại, là điều tự mâu thuẫn và là một sự lăng nhục đối với toàn bộ khuôn khổ Liên Hiệp Quốc, một khuôn khổ kết cục trở thành “các quốc gia kết hợp vì sợ hãi và không tin tưởng nhau”. Chúng ta khẩn thiết phải làm việc cho một thế giới không có vũ khí hạch nhân, bằng cách áp dụng trọn vẹn Hiệp Ước cấm lan tràn, cả trong chữ nghĩa lẫn trong tinh thần, với mục đích hoàn toàn ngăn cấm các thứ vũ khí này.

Hiệp ước mới đạt được gần đây về vấn đề hạch nhân tại một vùng nhậy cảm của Á Châu và Trung Đông là bằng chứng của tiềm năng thiện chí chính trị và luật pháp, được thực hiện một cách thành thực, kiên nhẫn và kiên định. Tôi hy vọng rằng hiệp ước này sẽ kéo dài và có hiệu lực, và đem lại các hiệu quả mong muốn với sự hợp tác của mọi bên liên hệ.

Theo chiều hướng trên, chứng cớ rành rành không thiếu cho thấy nhiều hiệu quả tiêu cực của các cuộc can thiệp quân sự và chính trị thiếu sự hợp tác giữa các thành viên của cộng đồng quốc tế. Vì lý do này, dù ân hận phải làm như thế, tôi vẫn phải nhắc lại các lời khẩn khoản được lặp đi lặp lại của tôi liên quan tới tình thế đau lòng của toàn vùng Trung Đông, Bắc Phi và các quốc gia Phi Châu khác, nơi các Kitô hữu, cùng với các nhóm văn hóa hay sắc tộc khác, và thậm chí cả các thành viên của tôn giáo đa số, những người không muốn liên lụy tới hận thù và ngu xuẩn, vẫn buộc phải mục kích việc hủy hoại các nơi thờ phượng của họ, di sản văn hóa và tôn giáo của họ, nhà cửa và tài sản của họ, và phải lựa chọn hoặc là chạy trốn hoặc là phải trả giá cho việc trung thành với điều thiện và hòa bình bằng chính sự sống của mình, hay làm nô lệ.

Các thực tại trên nên được dùng để khẩn thiết kêu gọi những ai có trách nhiệm lèo lái sự việc quốc tế phải rà xét lương tâm mình. Không những chỉ trong các vụ bách hại tôn giáo hay văn hóa, mà trong mọi tình huống tranh chấp, như ở Ukraine, Syria, Iraq, Libya, Nam Sudan và vùng Đại Hồ, những con người nhân bản có thực phải được coi trọng hơn các quyền lợi phe phái, dù các quyền lợi này chính đáng tới đâu. Trong các cuộc chiến tranh và tranh chấp, luôn có những con người cá thể, các anh chị em của ta, đàn ông đàn bà, người già người trẻ, con trai con gái phải khóc, phải đau, phải chết. Những con người nhân bản dễ dàng bị vứt bỏ khi đáp án duy nhất của ta là vẽ ra một danh sách các vấn đề, các chiến lược và các bất đồng.

Như tôi viết trong lá thư của tôi gửi Ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc ngày 9 tháng Tám, năm 2014, “cái hiểu nền tảng nhất về phẩm giá con người buộc cộng đồng quốc tế, nhất là qua các qui định và bộ máy luật quốc tế, phải làm tất cả những gì có thể làm được để chấm dứt và ngăn ngừa việc có thêm bạo lực một cách có hệ thống nhắm vào các nhóm thiểu số sắc tộc và tôn giáo” và để che chở những người vô tội.

Cùng một đường lối như trên, tôi muốn nhắc đến một loại tranh chấp khác không luôn công khai, nhưng âm thầm sát hại hàng triệu người. Một loại chiến tranh khác mà nhiều xã hội chúng ta đang trải nghiệm do hậu quả của nạn buôn bán ma túy. Một cuộc chiến tranh được coi là đương nhiên và được đánh một cách tồi tệ. Buôn bán ma túy, do chính bản chất của nó, đang đi đôi với nạn buôn người, rửa tiền, buôn bán vũ khí, khai thác trẻ em và nhiều hình thức thối nát khác. Một thối nát đã vào sâu các tầng lớp khác nhau của đời sống xã hội, chính trị, quân sự, nghệ thuật và tôn giáo, và, trong nhiều trường hợp, đã phát sinh ra một cơ cấu song hành đang đe dọa tính khả tín của các định chế của ta.

Tôi bắt đầu bài diễn văn này bằng cách nhắc đến các cuộc thăm viếng của các vị tiền nhiệm của tôi. Tôi hy vọng rằng lời lẽ của tôi trước nhất được coi là tiếp diễn các lời lẽ sau cùng trong bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI; mặc dù nói ra đã gần 50 năm nay, chúng vẫn còn rất hợp thời. “Giờ đã đến khi một lúc dừng lại, một lúc hồi tâm, suy nghĩ, ngay cả cầu nguyện nữa, cũng tuyệt đối cần đến để chúng ta có thể nghĩ trở về với nguồn gốc chung của chúng ta, lịch sử của chúng ta, số phận chung của chúng ta. Lời kêu gọi với lương tâm luân lý của con người chưa bao giờ cần thiết như ngày hôm nay… Vì nguy hiểm không xuất phát từ tiến bộ hay khoa học; nếu những thực tại này được sử dụng đúng đắn, chúng có thể giúp ta giải quyết một số lớn vấn đề nghiêm trọng đang bao vây nhân loại (Diễn Văn trước Cơ Quan Liên Hiệp Quốc, 4 tháng Mười, 1965). Trong số các điều khác, thiên tài của con người, khi được áp dụng đúng đắn, chắc chắn sẽ giúp giải quyết các thách đố nghiêm trọng của việc xuy giảm sinh thái và việc loại trừ. Như Đức Phaolô VI từng nói: “mối nguy thực sự phát xuất từ con người; họ hiện có trong tay những khí cụ mạnh hơn, thích hợp cả để tạo ra tàn phá lẫn thực hiện được các chinh phục cao thượng” (ibid.).

Căn nhà chung của mọi người nam nữ phải tiếp tục dựng lên trên các nền tảng hiểu biết đúng đắn về tình huynh đệ đại đồng và tôn trọng tính thánh thiêng của mọi sự sống nhân bản, về mọi người đàn ông đàn bà, về người nghèo, người cao niên, trẻ em, người tàng tật, trẻ chưa sinh, người thất nghiệp, người bị bỏ rơi, tất cả những ai bị coi là có thể vứt bỏ vì bị coi chỉ như những con số thống kê. Căn nhà chung này của mọi người nam nữ cũng phải được xây trên cái hiểu về một sự thánh thiêng nào đó nơi thiên nhiên tạo dựng.

Một cái hiểu và tôn trọng như trên đòi phải có một trình độ khôn ngoan cao hơn, một trình độ biết nhìn nhận siêu việt, biết bác bỏ bất cứ việc tạo ra một lớp ưu tú toàn quyền nào, và biết thừa nhận điều này: ý nghĩa đầy đủ của đời sống cá nhân và tập thể nằm ở việc phục vụ người khác cách quên mình và hệ ở việc sử dụng tạo thế cách khôn ngoan và kính cẩn ví ích chung. Tôi xin nhắc lại lời của Đức Phaolô VI: “tòa nhà văn minh hiện đại phải được xây trên các nguyên tắc thiêng liêng, vì các nguyên tắc này là các nguyên tắc duy nhất có khả năng không những nâng đỡ nó, mà còn rõi sáng cho nó nữa” (ibid.).

El Gaucho Martín Fierro, một tác phẩm văn chương cổ điển của quê hương tôi, nói rằng “Anh em nên đứng bên cạnh nhau, vì đây là luật đầu tiên; hãy luôn duy trì sợi dây chân thực giữa các bạn, mọi thời mọi lúc, vì nếu các bạn đánh nhau, các bạn sẽ bị người ngoài nuốt trửng”.

Thế giới hiện thời, bề ngoài xem ra rất gắn bó, nhưng đang kinh qua sự phân mảnh xã hội mỗi ngày một rộng lớn và đều đặn hơn, một sự phân mảnh đe dọa chính “các nền tảng của đời sống xã hội” và do đó, dẫn tới “những cuộc chiến vì quyền lợi trái ngược nhau” (Laudato Si’, 229).

Thời hiện tại đang mời gọi ta dành ưu tiên cho các hành động có thể sản sinh ra các diễn trình mới mẻ trong xã hội, để đem hoa trái lại cho các biến cố lịch sử có ý nghĩa và tích cực (cf. Evangelii Gaudium, 223). Chúng ta không thể tự cho phép mình trì hoãn “một số nghị trình” dành cho tương lai. Tương lai đòi ta phải có các quyết định chủ yếu và có tính hoàn cầu trước các tranh chấp khắp thế giới, các tranh chấp hiện đang gia tăng con số những người bị loại trừ và những người túng thiếu.

Giống mọi cố gắng khác của con người, khuôn khổ pháp lý quốc tế đáng khen ngợi của Cơ Quan Liên Hiệp Quốc và của mọi hoạt động của nó có thể được cải thiện, tuy vẫn rất cần thiết; đồng thời, nó có thể là một bảo đảm cho tương lai an toàn và hạnh phúc của các thế hệ tương lai. Và nó sẽ như thế, nếu các vị đại diện các quốc gia có thể gạt các quyền lợi phe phái và ý thức hệ qua một bên, và thành thực cố gắng phục vụ ích chung. Tôi cầu xin Thiên Chúa Toàn Năng để điều này trở thành sự thật, và tôi bảo đảm với qúy vị tôi sẽ hỗ trợ và cầu nguyện cho qúy vị, mọi tín hữu của Giáo Hội Công Giáo cũng sẽ hỗ trợ và cầu nguyện để Định Chế này, để mọi quốc gia hội viên, và mỗi giới chức của nó, sẽ luôn luôn phục vụ nhân loại cách hữu hiệu, một phục vụ biết tôn trọng tính đa dạng và có khả năng rút ra được điều tốt nhất trong mỗi người và trong mọi cá nhân, ví ích chung.

Tôi khẩn xin sự chúc phúc của Đấng Tối Cao, và mọi hòa bình và thịnh vượng, xuống trên tất cả qúy vị và nhân dân mà qúy vị đại diện. Xin cám ơn qúy vị.
 
Đức Giáo Hoàng Phanxico kêu gọi:Hãy chấm dứt “ Việc Buôn Bán Cơ Phận và Phôi Thai Của Con Người”
Giuse Thẩm Nguyễn
15:56 26/09/2015
Đức Giáo Hoàng Phanxico kêu gọi:Hãy chấm dứt “ Việc Buôn Bán Cơ Phận và Phôi Thai Của Con Người”


Trong lời phát biểu tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày hôm qua (29-9-2015) Đức Giáo Hoàng Phanxico đã kêu gọi những nhà lãnh đạo các quốc gia hãy có những hành động cụ thể, ngay lập tức nhằm chấm dứt việc buôn bán cơ phận và phôi thai của con người và “hãy tôn trọng sự thánh thiêng nơi đời sống mỗi người.”

Đây là những lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng:

Thế giới của chúng ta đòi buộc tất cả những nhà lãnh đạo các quốc gia phải có một quyết tâm sắt son, liên tục cùng với những biện pháp thích đáng, ngay lập tức để duy trì và phát triển môi trường và càng sớm càng tốt chấm dứt những hiện tượng không thể chấp nhận được về xã hội và kinh tế đưa đến những hậu quả thật tai hại xấu xa như: việc buôn người, buôn bán cơ phận và phôi thai, khai thác bót lột tình dục các trẻ em nam và nữ, lao động nô lệ, cả việc bán dâm, buôn bán ma túy và vũ khí, khủng bố, tội phạm hình sự mang tính tổ chức quốc tế. Chúng ta phải tránh rơi vào chủ nghĩa này lý thuyết nọ để xoa dịu lương tâm của mình mà quên đi vấn đề nhức nhối nổi bật này và bao thảm họa của người vô tội. Chúng ta cần bảo đảm rằng những biện pháp của chúng ta thực sự có hiệu quả trong việc chiến đấu chống lại những thảm họa này.

Tạo dựng là một giao ước, nơi đó chính chúng ta có quyết đinh cuối cùng. Sự lạm dụng việc tạo dựng bắt đầu khi chúng ta không còn nhận ra điều gì ở trên chúng ta nữa, khi chúng không còn nhìn thấy gì khác nữa ngoài chính chúng ta. Hậu quả là việc bảo vệ môi trường và cuộc chiến chống lại đòi hỏi được loại trừ mà chúng ta nhận ra một luật luân lý đã được khắc ghi vào tâm hồn mỗi người, trong đó gồm sự khác biệt tự nhiên giữa người nam và người nữ và sự tôn trọng triệt để từng mỗi gian đoạn và chiều kích của cuộc sống.

“Ngôi nhà chung của mọi người, nam cũng như nữ, phải tiếp tục lớn lên dựa trên nền tảng của một sự hiểu biết trong tình huynh đệ không biên giới và việc tôn trọng sự thánh thiêng của đời sống con người, người nam, người nữ, người nghèo, người già, trẻ em, người tàn tật, trẻ chưa sinh, người thất nghiệp, người bị bỏ rơi, những người bị coi là phế bỏ vì họ chỉ được tính như là một phần của một thống kê. Ngôi nhà chung của mọi người, nam cũng như nữ, phải được xây dựng trên tinh thần hiểu biết về sự thánh thiêng nhất nơi mỗi tạo vật được Thiên Chúa tạo nên.

From CNSnews.com

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Đạo sĩ cao cấp Hồi Giáo ở New York lên tiếng cảm phục ĐTC.
Trần Mạnh Trác
15:57 26/09/2015

Ông đạo sĩ Khalid Latif là tuyên úy Hồi Giáo cuả viện đai học New York University, là giám đốc cuả trung tâm Hồi GIáo ở New York City và đồng thời là tuyên úy cho sở Cảnh Sát NYPD.

Ông đã phân phối bài cảm tưởng đầy xúc cảm sau đây sau khi tham dự buổi Lễ Liên Tôn với ĐTC tại Ground Zero ở NYNY.

Vị Giáo Hoàng dậy chúng ta điều gì về tôn giaó?

Chúng ta thường đánh giá thấp về sức mạnh cuả tình yêu. Không chỉ là tình yêu lãng mạn, nhưng là một thứ tình yêu bắt nguồn từ tình thương, sự tôn trọng, sự hiểu biết và hy vọng đối với những người mà bạn gặp cũng như với những người bạn không bao giờ gặp.

Tình yêu này được xây dựng dựa trên tính cách phổ quát chung cuả con người bằng cách, trước hết, đánh giá đúng mức sự khác biệt giữa chúng ta. Đây là thứ tình yêu mà tôi cảm thấy khi được ngồi bên cạnh Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong buổi lễ liên tôn cầu nguyện cho hòa bình hôm thứ Sáu để mặc niệm biến cố 9/11 ở thành phố New York.

Tôi không thể nhớ đã cảm thấy sự phấn khích như vậy đối với một nhân vật tôn giáo bao giờ. Hay là đã có một lần nào mà thế giới có một nhân vật tôn giáo như vậy cả.

Sức lôi cuốn cuả Đức Giáo Hoàng Phanxicô bắt nguồn từ sự mong muốn của Ngài để đưa nhân loại lên cao đến một cấp độ cao hơn của sự lưu tâm, và Ngài đã luôn chứng tỏ ra trong lời nói và hành động.

Đây là một người đã chọn để đến với những người vô gia cư thay vì đi dự yến tiệc với các chính trị gia trong chuyến thăm Washington. Đây là một người đã đi ra ngoài văn bản tại Nhà thờ Thánh Patrick và thốt ra những lời cầu nguyện cho 700 người Hồi giáo đã tử nạn và 900 người bị thương trong cuộc hành hương ở Mecca ngày hôm đó.

Đây là một người, khi tới thăm Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, đã dành thời gian để cảm ơn các nhân viên bảo vệ, các người lao công, các người dọn dẹp và các đầu bếp vì các công việc quan trọng mà họ làm. Đây là một người đã 78 tuổi mà còn bôn ba khắp nơi trên thế giới, không ngừng nghỉ, để đến được với những người mà ông phục vụ.

Ông là một người đủ can đảm để mời gọi nhiều người thuộc nhiều tín ngưỡng khác nhau để cùng đến với nhau tại một điạ điểm thánh thiêng của cuộc tấn công 9/11, nơi mà những người ngu xuẩn đã lạm dụng tôn giáo để gây ra nhiều sự tang thương. Ông là người đã cho rằng, để có thể chữa lành thực sự, chúng ta phải đến với nhau và từ đó cùng nhau di chuyển về phía trước.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đối với tôi, là một nhân vật tôn giáo; một người mà tôi không chia sẻ đức tin, nhưng là người mà tôi đã khá bồn chồn khi gặp mặt và cảm thấy bé nhỏ khi được ngồi ở bên cạnh. Tôi hy vọng rằng trái tim tôi đã thụ đắc một cái gì đó từ kinh nghiệm đó và nó sẽ còn tiếp tục ở lại trong tôi lâu dài, để tôi có thể một ngày nào đó được sống cùng một lòng vị tha và tình yêu (như Ngài), để mang lại sự hiểu biết và hòa bình rất cần thiết cho thế giới ngày nay.

Tôn giáo và đức tin là những phương tiện cho sự tốt lành. Vấn đề của chúng ta đối với các tôn giáo ngày nay bắt nguồn không phải từ các sự phê bình và những hoài nghi chống lại và bác bỏ niềm tin tôn giáo, nhưng là cách mà chúng ta tiếp cận nó. Tôn giáo đã trở nên quá máy móc, và chỉ còn là cơ chế. Đối với nhiều người trong số những người thực hành đức tin, các nghi lễ trở nên pháp chế và thoí tục, không còn ở trong trái tim của chúng ta nữa nhưng chỉ là những sự phô bày qua cử chỉ chân tay.

Chúng ta đã coi nghi lễ là cứu cánh cho chính nó, chứ không phải là một phương tiện cho một cái gì đó lớn hơn. Khi đức tin của chúng ta không còn có sự từ bi sống động, mất tình yêu và niềm hy vọng, thì tiềm năng của tôn giáo để biến đổi xã hội, để là một chất xúc tác cho sự thay đổi tích cực, đã bị suy giảm.

Tiềm năng đó còn suy yếu hơn nữa khi tôn giáo được sử dụng như một công cụ để đè nén con người xuống. Ngày hôm nay chúng ta chỉ nghe thấy các nhà lãnh đạo sử dụng tôn giáo để ra lệnh cho mọi người không thể làm gì hoặc chỉ được có gì. Một thứ tình yêu cho quyền lực đã được coi là ưu tiên hơn là sức mạnh của tình yêu. Chúng ta biện minh cho sự ngược đãi những kẻ kém may mắn và kém cỏi, những người khác chủng tộc, khác tầng lớp, hoặc chỉ đơn giản là khác, bằng cách tuyên bố đó là những gì mà Thiên Chúa muốn chúng ta làm.

Chúng ta nói như thế là không thể hiện được cái tình yêu vô điều kiện, lòng từ bi, hay lòng thương xót của Thiên Chúa trong hành động của chúng ta.

Đây là lý do tại sao Đức Thánh Cha Phanxicô là rất quan trọng cho ngày hôm nay. Khi mà những bộ máy chính quyền không đáp ứng được (những nguyện vọng cuả ) những người có đức tin, thì những người như Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể đóng một vai trò then chốt trong việc thách thức sự bất công xã hội và sự chênh lệch rất thịnh hành trên toàn thế giới.

Đức Giáo Hoàng giúp chúng ta hiểu rằng việc thay đổi thế giới bắt đầu bằng cách tạm dừng và tự thay đổi cái thế giới nội tại ở trong chính chúng ta. Chúng ta không thể đem bình an cho mọi người nếu chúng ta không có sự bình yên trong chính mình để có thể ban phát ra.
 
Bài giảng của Đức Thánh Cha với các giám mục, linh mục và tu sĩ Pensylvania, tại Nhà Thờ Chính Tòa Các Thánh Phêrô Phaolô,
Vũ Van An
17:36 26/09/2015
Sáng nay, tôi học được môt điều liên quan tới lịch sử Ngôi Nhà Thờ Chính Tòa này: một lịch sử đàng sau những bức tường cao và các cửa sổ của nó.Tuy nhiên, tôi dám nói rằng lịch sử Giáo Hội tại thành phố này và tại Tiểu Bang này thực sự là một lịch sử, không phải chỉ về việc xây dựng các bức tường mà còn cả về việc hạ chúng xuống nữa. Đó là một lịch sử các thế hệ các người Công Giáo dấn thân nối tiếp nhau, những người đi tới các vùng ngoại vi để xây dựng các cộng đồng thờ phượng, giáo dục, bác ái và phục vụ xã hội nói chung.

Lịch sử này thấy rõ trong nhiều đền thờ của thành phố này, và trong nhiều nhà thờ giáo xứ; những tháp cao và tháp chuông của chúng làm bằng chứng cho sự hiện diện của Thiên Chúa giữa lòng các cộng đồng của ta. Lịch sử này thấy rõ nơi các cố gắng của mọi linh mục, tu sĩ và giáo dân này, những người, với lòng tận tụy, suốt hơn hai thế kỷ qua, đã chăm sóc nhu cầu thiêng liêng cho người nghèo, di dân, người bệnh và tù nhân. Và lịch sử này thấy rõ nơi hàng trăm trường học nơi các tu sĩ nam nữ dậy trẻ em tập đọc tập viết, tập yêu mến Thiên Chúa và công bố Người, và đóng góp, trong tư cách các công dân tốt, vào đời sống xã hội Hoa Kỳ. Tất cả các điều này là một di sản lớn lao mà anh chị em đã tiếp nhận được, và anh chị em đã được kêu gọi phong phú hóa và lưu truyền.

Phần lớn những người trong anh chị em đều biết hạnh Thánh Nữ Catherine Drexel, một trong các vị thánh vĩ đại của Giáo Hội địa phương ở đây. Khi ngài trình bầy nhu cầu các xứ truyền giáo lên Đức Giáo Hoàng Léon XIII, vị Giáo Hoàng, vốn rất khôn ngoan này, hỏi ngài: "Còn con, con sẽ làm gì?". Những lời này đã thay đổi cuộc đời Thánh Catherine, vì chúng nhắc nhở ngài rằng dù sao, mỗi Kitô hữu nam hay nữ, vì phép rửa, đều đã tiếp nhận một sứ vụ truyền giáo. Mỗi người chúng ta đều phải hết lòng đáp lại lời kêu gọi của Chúa để xây dựng Nhiệm Thể Người là Giáo Hội.

‘‘Còn con?’’. Tôi muốn dừng lại ở hai khía cạnh của những chữ này trong ngữ cảnh sứ vụ đặc biệt của ta là thông truyền niềm vui Tin Mừng và xây dựng Giáo Hội, bất luận chúng ta là linh mục, phó tế hay thành viên nam nữ của các viện sống thánh hiến.

Trước nhất, các chữ "Còn con?" đã được ngỏ với một người trẻ, một thiếu nữ với những lý tưởng cao đẹp, và chúng đã thay đổi đời sống cô. Chúng đã làm cô nghĩ tới trách vụ lớn lao cần phải chu toàn, và chúng đã dẫn cô tới chỗ hiểu ra rằng cô được kêu gọi dự phần vào đó. Ước chi người trẻ trong các giáo xứ của ta, trong các học đường của ta cũng có cùng những lý tưởng cao đẹp như thế, cùng một lòng quảng đại trong tinh thần và cùng một tình yêu đối với Chúa Kitô và đối với Giáo Hội như thế! Tôi xin đặt cho anh chị em một câu hỏi: Chúng ta có nên phát động thách đố này với họ không? Chúng ta có dành cho họ một chỗ đứng và giúp họ chu toàn sứ vụ của họ không? Chúng ta có tìm cách để họ có thể chia sẻ niềm hứng khởi của họ và các ơn phúc của họ với các cộng đồng của ta, nhất là qua các công trình bác ái và chăm sóc người khác? Chúng ta có chia sẻ niềm vui và niềm hứng khởi phục vụ Chúa của chúng ta không?

Một trong các thách đố lớn lao nhất mà Giáo Hội đang phải đương đầu vào lúc này là khuyến khích mọi tín hữu có được cảm thức trách nhiệm bản thân đối với sứ mệnh của Giáo Hội, và chuẩn bị để họ có thể đảm nhiệm trách nhiệm này trong tư cách môn đệ truyền giáo, trong tư cách men Tin Mừng trong thế giới ngày nay. Điều này đòi phải có tính sáng tạo để thích ứng với các thay đổi của hoàn cảnh, trong khi thông truyền di sản quá khứ không những bằng cách duy trì các cơ cấu và các định chế, là những điều vốn hữu ích, mà trước hết còn bằng cách mở lòng mình ra đón nhận những khả thể được Chúa Thánh Thần mạc khải cho ta và bằng cách thông truyền niềm vui Tin Mừng, hết ngày này qua ngày nọ và trong mọi giai đoạn đời ta.

‘‘Còn con?’’. Quả là tuyệt diệu khi những chữ của vị giáo hoàng già nua này được ngỏ với một nữ tín hữu giáo dân. Ta biết rằng tương lai của Giáo Hội, trong một xã hội đang biến đổi nhanh chóng, từ nay hằng đòi nơi người giáo dân một sự dấn thân tích cực hơn. Giáo Hội tại Hiệp Chúng Quốc đã luôn dành một cố gắng hết sức lớn lao cho việc dạy giáo lý và việc giáo dục. Ngày nay, thách đố của ta là xây dựng trên các nền tảng vững chắc này và khuyến khích cảm thức hợp tác và trách nhiệm chung vào việc lên kế hoạch cho tương lai các giáo xứ và các định chế của ta. Điều này không có nghĩa từ khước thẩm quyền thiêng liêng mà ta vốn được trao phó; nhưng đúng hơn, điều này có nghĩa biện phân và sử dụng cách khôn ngoan các ơn đa dạng mà Chúa Thánh Thần vốn ban phát trên Giáo Hội. Cách đặc biệt, điều này có nghĩa biết đánh giá sự đóng góp lớn lao mà các phụ nữ, cả giáo dân lẫn tu sĩ, đã mang vào và tiếp tục mang vào đời sống các cộng đồng ta.

Anh chị em thân mến, tôi cám ơn anh chị em vì cung cách mỗi anh chị em dùng để đáp lại câu hỏi của Chúa Giêsu, Đấng đã linh hứng cho ơn gọi của chúng ta: "Còn con?". Và tôi khuyến khích anh chị em đổi mới niềm vui, niềm thán phục trước cuộc gặp gỡ đầu tiên với Chúa Giêsu này và rút ra được từ niềm vui này lòng trung thành và nghị lực đổi mới. Tôi nóng lòng chờ được hiện diện với anh chị em trong những ngày sắp tới và tôi xin anh chị em mang những lời chào âu yếm của tôi đến những ai không thể hiện diện với chúng ta, nhất là đến các linh mục, tu sĩ nam nữ cao niên, đang tham dự với chúng ta cách thiêng liêng.

Trong những ngày Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới này, tôi xin anh chị em, cách riêng, suy niệm về thừa tác vụ của ta cạnh các gia đình, cạnh các cặp đang chuẩn bị hôn nhân và cạnh giới trẻ. Tôi biết rằng trong các Giáo Hội đặc thù, nhiều người đã sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu của gia đình và nâng đỡ họ trên đường đức tin. Tôi xin anh chị em sốt sắng cầu nguyện cho các gia đình và cho các buổi bàn luận tại Thượng Hội Đồng về Gia Đình sắp tới.

Với lòng biết ơn đối với tất cả những gì chúng ta đã nhận lãnh, và với niềm tin tưởng vững chắc trước tất cả các nhu cầu của ta, chúng ta hãy hướng về Đức Maria, Mẹ rất thánh của ta. Với tình yêu mẫu tử, ước chi ngài bầu cử cho Giáo Hội Mỹ Châu, để Giáo Hội này tiếp tục lớn mạnh trong việc làm chứng đầy tiên tri cho quyền năng đem lại niềm tin, niềm trông cậy và sức mạnh cho thế giới chúng ta, mà Con ngài vốn có trên thập giá. Tôi cầu nguyện cho mỗi người trong anh chị em và tôi xin anh chị em, vâng xin anh chị em vui lòng, cầu nguyện cho tôi.
 
Các nghệ sĩ trình diễn cho Đức Phanxicô tại Philadelphia
Vũ Van An
18:47 26/09/2015
Lúc 6 giờ 30 giờ địa phương hôm 26 tháng Chín, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tới B. Franklin Parkway ở Philadelphia giữa tiếng hoan hô của rừng người tụ họp tại đây mở lễ hội mừng Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới lần thứ Tám. Ngài được rất nhiều nhạc sĩ, kịch sĩ hài hước, các nhà trình diễn và các nghệ sĩ khắp thế giới tới để củng cố sứ điệp gia đình và tình yêu Thiên Chúa cũng như trình diễn cho ngài.

Ngày 25 tháng Chín, CNA/EWTN News phỏng vấn một số trong các nghệ sĩ này. Jeannie Gaffinan, vợ của Jim Gaffinan, mẹ 5 đứa con, và là giám đốc sản xuất của Jim Gaffinan Show cho hay: "chúng tôi không xứng đáng bước vào nhà @Pontifex nhưng tin tưởng ngài có lời chữa lành!". Bà có ý nhại lời viên bách quản thưa với Chúa Giêsu hồi nào, và là lời người Công Giáo vốn đọc trước khi rước lễ: "con không đáng Chúa ngự vào lòng con nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hoần con sẽ lành mạnh".

Jim Gaffigan sẽ trình diễn màn hài hước của ông cho Đức Phanxicô hôm nay trong Lễ Hội Gia Đình, trước khi có buổi canh thức cầu nguyện tại Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới. Tham gia với Gaffinan và người điều khiển chương trình Mark Wahlberg sẽ có nhạc sĩ nhạc "soul" (nhạc tôn giáo Da Đen) Arethra Franklin, ban nhạc rock Hoa Kỳ nổi tiếng “The Fray”, ngôi sao nhạc rock Colombia Juanes, ca sĩ nhạc kịch Ý Andrea Bochelli, nghệ sĩ Kitô Giáo hiện đại Matt Maher, dàn giao hưởng Philadelphia và hàng chục diễn viên khác.

Marie Miller, một nghệ sĩ dân gian nổi tiếng và cũng là một người Công Giáo cho hay: khi cô thoạt nghĩ tới cách tham dự Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế giới, cô cố gắng tham dự như một người hành hương chứ không phải một người trình diễn. Sau khi gọi cho tổng giáo phận để lấy vé, "họ mời tôi tới và nói: này, chị có muốn hát cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô hay không?' Tôi liền trả lời: chắc chắn có!"

“Thực là một phép lạ", cô nói thế.

Cô sẽ hát một số bài hát của chính cô cũng như một số bài "cỏ xanh" (bluegrass) và bài ca tin mừng (gospel songs) truyền thống, để dẫn nhập Đức Phanxicô vào việc thưởng thức "mùi vị nhạc Hoa Kỳ" chưa hề được nghe ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới.

Miller nói rằng là một người Công Giáo, cô coi lần trình diễn này và mọi lần trình diễn của cô như một cơ hội để phúc âm hóa. Dù cả lúc hát các bài hát về tình bạn và tình yêu, cô vẫn cho rằng "nó nhắc tôi nhớ điều luôn nằm ở bên dưới nó, nó nhắc tôi nhớ rằng ơn gọi của tôi là đem người ta lại gần Thiên Chúa hơn bằng cái đẹp".

Joni Sledge, một thành viên của nhóm nhạc disco (gồm 3 chị em) nói với CNA rằng quả là "một vinh dụ tuyệt đối được mời trình diễn cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô".

Cô nói: "chúng tôi có lòng kính trọng và ngưỡng mộ rất lớn đối với các phát biểu mạnh bạo và quảng đại của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về tình yêu của Thiên Chúa dành cho mọi người.

Một số ca khúc nổi tiếng của nhóm như "We Are Family” cũng như sự kiện họ vừa là một gia đình vừa là một nhóm ca sĩ cũng đã củng cố sứ điệp của Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới rồi.

Sledge nói thêm: "hơn nữa, qua kinh nghiệm sống, chúng tôi hiểu ra rằng tất cả chúng ta đều là gia đình... Cùng nhau, chúng ta phải hợp nhất như anh chị em để làm cho nhân loại tốt hơn. Mọi người đàn bà, đàn ông và trẻ em đều có quyền nhận được tình yêu của Thiên Chúa. Chúng tôi mong được làm điều chúng tôi làm tốt nhất vào ngày 26 tháng Chín trước mặt Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến để hợp nhất và làm mọi gia đình khắp thế giới hân hoan".


 
Đức Thánh Cha cầu nguyện với những người Hoa Kỳ vô gia cư
VietCatholic Network
22:47 26/09/2015
Như chúng tôi đã đưa tin sáng thứ Năm 24 tháng 9, lúc 9:20 Đức Thánh Cha Phanxicô đã là vị Giáo Hoàng đầu tiên đọc diễn văn trước lưỡng viện Hoa Kỳ. Sau đó vào lúc 11:15 Đức Thánh Cha đã ghé thăm cơ sở bác ái của giáo xứ Thánh Patrick. Tại đây, ngài đã có cuộc gặp gỡ với những người vô gia cư của thủ đô Hoa Thịnh Đốn.

Giáo xứ Thánh Patrick là giáo xứ lâu đời nhất tại Hoa Thịnh Đốn. Được hình thành vào 1794, giáo xứ cung ứng những trợ giúp mục vụ cho những người lao động Ái Nhĩ Lan di dân tham gia vào việc xây dựng Tòa Bạch Ốc và nhà Quốc hội.

Đức Thánh Cha nói với anh chị em vô gia cư rằng đức tin giúp chúng ta đương đầu nổi với những tình huống bất công, khó khăn, và đau thương. Ngài nói rằng anh chị em vô gia cư nhắc nhở ngài đến thánh Giuse, trong hoàn cảnh không một mái nhà cho Đức Mẹ hạ sinh Chúa Cứu Thế. Kinh Thánh nói rõ không có chỗ cho họ trong quán trọ, Đức Giáo Hoàng nói, như thế Con Thiên Chúa đã đến thế gian này như một người vô gia cư.

Đức Thánh Cha nói thêm, giống như Thánh Giuse, nhiều khi anh chị em có thể tự hỏi mình hàng ngày ‘Tại sao chúng ta không nhà không cửa, không có một nơi để sinh sống?’ Và có một câu hỏi mà tất cả chúng ta cũng có thể hỏi: ‘Tại sao điều này lại xảy ra, tại sao anh chị em chúng tôi không có nơi để sống?’”

Chúng ta có thể không tìm thấy một lời biện minh nào về mặt xã hội hay đạo đức cho vấn nạn này nhưng chúng ta biết rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta trong sự đau khổ của mình. Đức tin cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa đang gõ cửa nhà chúng ta và kêu gọi chúng ta "hãy yêu, hãy thương, hãy phục vụ lẫn nhau".

Đức Thánh Cha nói:

Các bạn thân mến,

Lời đầu tiên tôi muốn nói với các bạn là "Cảm ơn". Cảm ơn các bạn đã đón tôi và cảm ơn những nỗ lực của các bạn để làm cho cuộc gặp gỡ này có thể xảy ra.

Ở đây tôi nghĩ về một người mà tôi yêu, một người rất quan trọng trong suốt cuộc đời của tôi. Người ấy đã là một hỗ trợ và là một nguồn cảm hứng cho tôi. Người ấy là người tôi chạy đến bất cứ khi nào tôi gặp phải những chuyện cần phải đương đầu. Các bạn làm cho tôi nghĩ đến Thánh Giuse. Khuôn mặt của anh chị em nhắc nhở tôi về ngài.

Thánh Giuse đã phải đối mặt với một số tình huống khó khăn trong cuộc sống của Người. Chẳng hạn là vào thời gian khi Đức Mẹ sắp đến ngày hạ sinh Chúa Giêsu. Kinh Thánh nói với chúng ta rằng “ Khi hai ông bà đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.” (Lc 2: 6-7).

Kinh Thánh nói rất rõ ràng về điều này: không có chỗ cho họ. Tôi có thể tưởng tượng Thánh Giuse, lúng túng bên cạnh hiền thê sắp sinh con nhưng không có chỗ ở, không có nhà, ngay cả là nhà trọ. Con Thiên Chúa đến thế gian này như một người vô gia cư. Con Thiên Chúa đã kinh qua tình cảnh của những con người phải bắt đầu cuộc sống mà không có một mái nhà che trên đầu mình. Chúng ta có thể tưởng tượng ra những gì Thánh Giuse đã phải nghĩ tới trong đầu. Làm thế nào mà Con Thiên Chúa lại không có nhà? Tại sao chúng ta không nhà, tại sao chúng ta không có chỗ dung thân? Đây là những câu hỏi mà nhiều anh chị em có thể tự hỏi hàng ngày. Giống như Thánh Giuse, anh chị em có thể hỏi: ‘Tại sao chúng ta không nhà, không có một nơi để sinh sống?’ Đây là những câu hỏi mà tất cả chúng ta cũng có thể hỏi. ‘Tại sao các anh chị em của chúng tôi, không có nơi để sống? Tại sao có những anh chị em của chúng ta vô gia cư?’

Những câu hỏi của Thánh Giuse vẫn là thời sự ngay cả ngày nay. Những câu hỏi ấy đồng hành cùng tất cả những người trong suốt lịch sử đã và đang vô gia cư.

Thánh Giuse là người thắc mắc. Nhưng trước hết, ngài là một người có đức tin. Đức tin đã cho Thánh Giuse sức mạnh để tìm thấy ánh sáng ngay tại thời điểm khi tất cả mọi thứ dường như đều đen tối. Đức tin nâng đỡ ngài trong bối cảnh khó khăn của cuộc sống. Nhờ đức tin, Thánh Giuse đã có thể tiến về phía trước khi tất cả mọi thứ dường như muốn giữ lại ngài lại.

Trong khi đối mặt với các tình huống bất công và đau đớn, đức tin mang đến cho chúng ta ánh sáng xua tan bóng tối. Như đã từng thực hiện nơi Thánh Giuse, đức tin làm cho chúng ta mở rộng cửa cho sự hiện diện lặng lẽ của Thiên Chúa ở mọi khoảnh khắc của cuộc sống chúng ta, trong mỗi người và trong mọi tình huống. Thiên Chúa hiện diện trong mỗi người trong các bạn, trong mỗi người chúng ta.

Chúng ta có thể không tìm thấy bất cứ giải thích về xã hội hay đạo đức nào có thể biện minh cho việc thiếu nhà ở. Có quá nhiều tình huống bất công, nhưng chúng ta biết rằng Thiên Chúa đang đau khổ với chúng ta, chịu đựng những điều đó ngay bên cạnh chúng ta. Ngài không bỏ rơi chúng ta.

Chúng ta biết rằng Chúa Giêsu muốn thể hiện tình liên đới với mọi người. Ngài muốn mọi người cảm nghiệm được sự đồng hành của Ngài, sự giúp đỡ của Ngài, và tình yêu của Ngài. Ngài đã xác định điều đó với tất cả những ai đau khổ, những ai than khóc, những ai phải chịu đựng bất kỳ hình thái bất công nào. Ngài nói với chúng ta rất rõ ràng rằng: "Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước” (Mt 25:35).

Đức tin làm cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa ở bên cạnh chúng ta, rằng Thiên Chúa ở giữa chúng ta và sự hiện diện của Ngài thôi thúc chúng ta có lòng mến. Lòng bác ái được nảy sinh từ lời gọi của một Thiên Chúa vẫn tiếp tục gõ cửa nhà của chúng ta, cánh cửa của tất cả mọi người, để mời gọi chúng ta yêu thương, bác ái, và phục vụ lẫn nhau.

Chúa Giêsu tiếp tục gõ cửa, các cánh cửa của cuộc đời chúng ta. Ngài không làm điều này bằng phép thuật, với các hiệu ứng đặc biệt, có đèn nhấp nháy và pháo hoa. Chúa Giêsu tiếp tục gõ cửa nhà của chúng ta trong khuôn mặt của những anh chị em của chúng ta, trong những khuôn mặt của các nước láng giềng với chúng ta, trong những khuôn mặt của những người ở bên cạnh chúng tôi.

Các bạn thân mến, một trong những cách hiệu quả nhất mà chúng ta phải giúp cho điều đó là lời cầu nguyện. Cầu nguyện hiệp nhất chúng ta; làm cho chúng ta thành anh chị em với nhau. Cầu nguyện mở lòng chúng ta ra và nhắc chúng ta một sự thật xinh đẹp mà đôi khi chúng ta quên. Trong cầu nguyện, tất cả chúng ta học cách nói "Cha", "Bố". Chúng ta học biết cách nhìn nhau như anh chị em. Trong cầu nguyện, không có người giàu và người nghèo, chỉ có con trai và con gái [của Thiên Chúa], và anh chị em [với nhau]. Trong cầu nguyện, không có giai cấp hạng nhất, hạng hai, mà chỉ có tình huynh đệ.

Chính là trong lời cầu nguyện mà tâm hồn chúng ta tìm thấy sức mạnh để không thể lạnh lùng và vô cảm khi đối mặt với những bất công. Trong cầu nguyện, Thiên Chúa vẫn tiếp tục kêu gọi chúng ta, mở lòng chúng ta ra cho tình bác ái.

Cùng nhau cầu nguyện thật là tốt đẹp dường bao. Tốt biết mấy khi chúng ta gặp nhau ở nơi này là nơi chúng ta nhìn thấy nhau như anh chị em, nơi chúng ta nhận ra rằng chúng ta cần nhau. Hôm nay tôi muốn là một với anh chị em. Tôi cần sự hỗ trợ của anh chị em, sự gần gũi của anh chị em. Tôi muốn mời anh em cùng nhau cầu nguyện, cho nhau, với nhau. Bằng cách đó chúng ta có thể tiếp tục giúp đỡ lẫn nhau cảm nghiệm niềm vui biết rằng Chúa Giêsu đang ở giữa chúng ta.

Anh chị em đã sẵn sàng chưa?

Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.

Trước khi chia tay, tôi muốn gởi đến anh chị em những lời chúc này của Thiên Chúa:

Nguyện Chúa chúc lành và gìn giữ anh chị em!

Nguyện Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh chị em và dủ lòng thương anh chị em!

Nguyện Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh chị em! (Ds 6: 24-26).

Và, xin đừng quên cầu nguyện cho tôi.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Theo Bước Chân Tông Đồ
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
09:01 26/09/2015
Theo Bước Chân Tông Đồ

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tôn phong Chân phước Junipero Serra lên bậc Hiển Thánh lúc 4 giờ chiều ngày thứ Tư 23.9 tại Đền thánh Quốc gia Đức Mẹ Vô Nhiễm, Thủ đô Washington - Hoa Kỳ.

Ngày 25.9, chúng tôi đi thăm một vài nơi nổi tiếng của thành phố Washington DC. Ban chiều chúng tôi đến Đền thánh Quốc gia Đức Mẹ Vô Nhiễm dâng thánh lễ.

Xem Hình

Cha Hoàng Ngọc Dũng chủ tế, ngài đã từng tu học 10 năm tại trường Đại học nơi này. Ngỏ lời với cộng đoàn, ngài cho biết: từ khi Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ chọn Đức Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội là bổn mạng của Giáo Hội Hoa Kỳ, thì HĐGMHK đã quyết định xây dựng ngôi thánh đường này để dâng hiến cho Đức Trinh Nữ Maria. Đây là công trình rất to lớn so với Nhà thờ Đức Bà Sài gòn.Vinh dự cho người Công Giáo Việt Nam là nơi đây có sự hiện diện của Đức Mẹ La Vang cùng với các tước hiệu Đức Mẹ nhiều nước trên thế giới. Chúng ta dâng thánh lễ cầu nguyện cho các gia đình. Đức Mẹ đã sống trong gia đình. Đức Mẹ sống đời sống gia đình. Đức Mẹ yêu thương từng người con cái trong gia đình. Xin Mẹ ban ơn lành cho các gia đình.

Cha Vương Sĩ Tuấn giảng lễ, chia sẻ những cảm nhận. Từ ngày 23-25.9, đoàn chúng ta đến các thành phố New York và Wasington DC của nước Mỹ. Sau đó dành hai ngày cuối đến hành hương, tham dự đại hội và dự lễ tại Philadelphia. Trải qua những ngày rồi, tôi thấu hiểu rằng, hành trình này là chuyến đi những bước chân cùng đồng hành với bước chân tông đồ của vị đứng đầu Giáo Hội Công Giáo, đó là Đức Thánh Cha Phanxicô. Những bước chân của ngài đến Hoa Kỳ đã làm cho cả thế giới đều chăm chú theo dõi trên truyền hình. Những bước đi đó đã làm cho sôi động lên tinh thần và đời sống đức tin của người Công Giáo tại Hoa Kỳ. Cho nên tại ba thành phố lớn mà Đức Giáo Hoàng hiện diện đó là New York, Washington DC và Philadelphia, thì một cách nào đó đã có sự sắp xếp của công ty Carnival, chúng ta đến New York để cảm được bầu không khí của những con người tại thành phố đó đã chuẩn bị đón tiếp Đức Giáo Hoàng như thế nào. Tại Wasington DC này, chúng ta nhìn lại trong những ngày qua dư âm của sự đón tiếp bước chân tông đồ của vị đại diện Chúa Kitô ở trần gian này ra sao. Và hai ngày tới, chúng ta cùng nhiều người Công Giáo trên toàn thế giới hiện diện tại đây và sống niềm cảm xúc được ở bên vị Giám Mục Rôma đấng kế vị thánh Phêrô của GHCG. Như thế, chúng ta đang sống ba chiều kích: quá khứ hiện tại và tương lai. Cuộc hành trình của chúng ta là những bước chân đi theo những bước chân vị tông đồ, đi để thấy và cảm nhận đời sống đạo của người tín hữu anh chị em. Chúng ta thấy ở đây không có khẩu hiệu to lớn, rầm rộ mà thấy việc người ta mạnh dạn giới thiệu Đức Giáo Hoàng, giới thiệu sự hiện diện của ngài, giới thiệu những lời của ngài dựa trên Thánh Kinh, chứ không phải bằng băng rôn bề ngoài hoành tráng. Thật cảm phục sự âm thầm nhưng mạnh mẽ và thể hiện niềm tin, niềm tự hào được nói về Giáo Hội Công Giáo nơi anh em tín hữu của chúng ta.

Sau thánh lễ, chúng tôi đến trước tượng Đức Mẹ Lavang đọc kinh cầu nguyện. Tham quan bên trong Vương cung thánh đường rộng lớn này.

Đến Hoa Kỳ trong những ngày này, tôi cảm nhận được đây là cơ hội tạo nên những cuộc gặp gỡ nhau trong đức tin và niềm vui, đặc biệt là người Công Giáo Việt Nam.Chính trong cuộc gặp gỡ các GM Hoa Kỳ trưa ngày 23-9-2015 tại Washington, ĐTC Phanxicô kêu gọi các vị thăng tiến tình hiệp thông, nền văn hóa đối thoại gặp gỡ, tiếp tục giúp đỡ người di dân. Và trong bài giảng ngày phong thánh Junipero Serra, Đức Thánh Cha nói: chúng ta cần hiểu rằng ước muốn duy nhất chân phước Junipero Serra là mang Chúa Kitô cho các dân tộc…Tôi nghĩ ngài tôn trọng các truyền thống và phong tục của các thổ dân Hoa Kỳ. Ngài chỉ mang Chúa Kitô đến cho dân chúng…

Như thế gặp gỡ nhau trong đức tin và niềm vui sẽ tạo nên mối tương quan liên đới với tình thân ái trong Chúa Kitô.

Những ngày qua và những ngày sắp tới, dõi theo bước chân tông đồ của vị đấng kế vị thánh tông đồ Phêrô, chúng ta sẽ cảm nghiệm về một Giáo Hội của đối thoại dấn thân và yêu thương phục vụ theo gương Chúa Giêsu Kitô.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An
 
Thiếu nhi GiồngTrôm vui Trung Thu
Người Giồng Trôm
09:17 26/09/2015
Thiếu nhi Giồng Trôm vui Trung Thu

Ở cái làng quê nghèo, có được tí quà, chiếc lồng đèn đã là hạnh phúc lắm rồi. Nhưng, thiếu nhi Giồng Trôm lại may mắn hơn là được đón những tấm lòng thiện nguyện đến chia sẻ niềm vui nhân ngày Tết của các trẻ.

Quá trưa một chút, đoàn thiện nguyện từ giáo xứ Tân Việt Sài Gòn và nhiều nơi khác nữa "lặn lội" tìm đến Giồng Trôm để chia sẻ niềm vui Trung Thu cho những trẻ quê. Cha quản xứ Đaminh Nguyễn Hữu Trung đã ân cần tiếp đoàn thiện nguyện.

Và rồi, chương trình cũng như kế hoạch vui chơi cho các em tối nay được lên "phương án".

Bữa lỡ của chiều hôm nay đón đoàn là những chiếc bánh tét nhà quê và những trái dừa ngọt chất chứa tình người.

Sau đó, mỗi người một việc: người lo phân chia quà, người lo trang trí trên gian cung thánh, người lo trang trí khu vực vui chơi. .. Mệt nhưng vui. Vui hơn là trước khi trang trí thì có một cơn mưa rào bất chợt. Hy vọng đến chiều tối nay trời sẽ ngưng mưa để cuộc chơi được trọn vẹn.

5 giờ, cộng đoàn quy tụ lại trong ngôi Thánh Đường khiêm tốn của họ đạo nhỏ bé Giồng Trôm.

Chiều hôm nay là thứ Bảy nên rồi có giờ hành hương kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp như thường lệ cũng như tâm tình quen thuộc của con cái Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Thầy phó tế Đaminh M. Nguyễn Vũ Phong đã mời gọi cộng đoàn cùng hướng về Mẹ trong giờ hành hương kính Mẹ chiều nay.

Thánh lễ tạ ơn Chúa với các em trong ngày vui Trung Thu hôm nay được cha phụ tá Giacôbê Võ Minh Quang chủ tế.

Trong bài chia sẻ của mình, Cha Giacôbê mời gọi cộng đoàn và đặc biệt các em sống tinh thần đơn sơ như trẻ nhỏ. Không chỉ vậy, Cha Giaccôbê mời gọi cộng đoàn nhìn nhận tất cả những gì mình có như ân huệ Chúa ban để tạ ơn Chúa và phó thác đời mình trong tay Chúa như trẻ nhỏ.

Thánh lễ kết thúc và niềm vui Trung Thu đến với các em thiếu nhi.

Cuộc vui hôm nay ngoài các em trong họ đạo còn có nhiều em không kể là người Công Giáo hay tôn giáo nào.

Sau khi tập trung tất cả các em vào trong nhà thờ, ổn định các em và Cha phụ tá Giacôbê Võ Minh Quang đã khai mạc đêm trung thu tại họ đạo Giồng Trôm. Cha cũng không quên lời cảm ơn các vị ân nhân đã yêu thương, chia sẻ với những em nhỏ ở đây.

Sau khi nhận quà và phiếu chơi trò chơi, các em quy tụ trước lễ đài Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (bổn mạng giáo họ) và thưởng thức những điệu múa vui Trung Thu của các anh các chị và các bạn thiếu nhi trong họ đạo. Xem múa xong các em chia nhau đến các gian hàng để chơi trò chơi.

Cuộc vui nào cũng kết thúc. Các em thiếu nhi không phân biệt lương - giáo ở Giồng Trôm đã có một đêm Trung Thu thật ý nghĩa. Vẫn mong có những tấm lòng thơm thảo dành tình cảm cho những em nhỏ ở vùng quê nhỏ bé này.

Người Giồng Trôm
 
ĐGM Thái Bình thăm mục vụ Giáo họ Phù Sa thuộc xứ Thiên Lộc
BTT GP Thái Bình
12:38 26/09/2015
Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ thăm mục vụ Giáo họ Phù Sa thuộc xứ Thiên Lộc

Tiếp nối chương trình thăm viếng mục vụ các giáo họ, chiều thứ Bảy (26.9.2015), Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ – Chủ chăn Giáo phận Thái Bình – đã đến với cộng đoàn Giáo họ Phù Sa nhỏ bé thuộc Giáo xứ Thiên Lộc, Giáo hạt Thái Thụy; cách Tòa Giám mục khoàng 30km về phía Đông Nam.

Xem Hình

Được biết, Giáo họ Phù Sa có những dấu ấn lịch sử rất đặc biệt. Vào Thế kỷ XIX, một nhóm người từ Nam Định đến lập cư tại vùng đất này và tự đặt tên làng là Phù Sa, vì nơi đây nằm gần ven sông Trà Lý nên được bồi đắp một lượng phù sa rất lớn.

Thời cha Quán coi sóc Giáo xứ Xuân Hòa (1914 - 1924), ngài đã đến giảng đạo tại vùng đất này và cử thầy Cán về dạy kinh bổn. Vào tháng 4 năm 1930, khoảng 40 gia đình được Rửa tội vào cùng một ngày. Cũng chính ngày hôm đó, Giáo họ Phù Sa được thành lập, nhận thánh Vinhsơn làm bổn mạng và trực thuộc Giáo xứ Xuân Hòa. Giáo họ đã dựng ngôi nhà nguyện 6 gian, tường đất, mái tranh làm nơi cầu nguyện.

Năm 1943, Giáo họ tậu được phần đất phía Nam làng Phù Sa và dựng ngôi nhà thờ mới tại đó. Tuy nhiên, do gặp cảnh nạn đói năm 1945, nên Giáo họ chỉ còn lại 5 hộ gia đình. Mãi đến năm 1990, Giáo họ tăng lên được 10 gia đình.

Cuối năm 1995, Giáo họ khởi công xây dựng ngôi nhà thờ mới. Nhờ sự giúp đỡ của Giáo phận, cha xứ và quý ân nhân, ngôi nhà thờ mới lợp Fibro-xi-măng được hoàn thành vào năm 1997. Đến năm 2005, Giáo họ tiếp tục xây dựng cây tháp và thay mái Nhà thờ lợp bằng tôn lạnh.

Tuy là một một cộng đoàn ít người, chỉ có 10 hộ gia đình với 35 nhân danh, nhưng việc đón tiếp và những tình cảm mến thương của người dân nơi đây, dành cho vị Cha chung của Giáo phận thì không hề nhỏ. Những tràng pháo tay giòn giã, những lời chào mừng hân hoan, những nụ cười rạng rỡ trên môi và những cử chỉ thân ái đã thể hiện tinh thần mến khách và lòng thảo hiếu của đoàn con với vị mục tử của mình.

Sau giờ phút gặp gỡ và thăm hỏi thân tình và chia sẻ với mọi người, Đức Cha đã chủ sự thánh lễ cầu nguyện cho cộng đoàn Phù Sa vào lúc 18g00. Đồng tế với ngài, có có cha quản xứ Giuse Nguyễn Hữu Ngọ, cùng với sự hiệp thông của thầy phó tế và và cộng đoàn liên giáo xứ, giáo khu lân cận.

Trong bài giảng, Đức Cha đã nêu lên những câu hỏi có liên quan đến Đấng mà người Công Giáo tin thờ. Đấng ấy là ai? Và Đấng ấy có đáng để cộng đoàn tin thờ hay không? Lần lượt, Đức Cha đã đưa ra những lời giải đáp cho niềm tin của người Công Giáo vào một Thiên Chúa là Cha chung của mọi người, và là Con của Trời; Đấng ấy chính là Đức Giêsu Kitô – Đấng Cứu Độ nhân loại, Ngài với Trời là một.

Những lời chia sẻ ấy không chỉ giúp cho người tín hữu trả lời cho những thắc mắc của những anh chị em không cùng tôn giáo đặt ra, mà còn giúp họ sống sao cho “chính danh Kitô hữu”. Với tư cách là người mục tử, Đức Cha tha thiết mời gọi mọi người hãy tích cực sống đức tin, nhiệt thành cộng tác với nhau để xây dựng giáo họ ngày một thăng tiến. Mọi người cần cố gắng và nỗ lực, để dầu có ít người, nhưng cộng đoàn vẫn tỏa sáng Tin Mừng của Chúa cho những người đang sống xung quanh qua đời sống chứng nhân yêu thương.

Sau thánh lễ, Đức Cha trao quà trung thu cho tất cả các em Thiếu nhi hiện diện hôm nay. Niềm vui của cuộc gặp gỡ và tình cha con còn được thêm thắm thiết qua bữa cơm tình gia đình tại sân cuối Nhà thờ.

Cuộc viếng thăm tuy ngắn ngủi nhưng đã đem lại cho người đến cũng như người được thăm những niềm vui lớn.

Ban Truyền thông Giáo phận