Ngày 23-09-2014
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hoa Kỳ bất ngờ tấn công quân khủng bố Hồi Giáo IS tại Syria
Đặng Tự Do
03:09 23/09/2014
Trong những giờ đầu tiên của ngày thứ Ba 23 tháng 9, Hoa Kỳ và một số nước đồng minh tại Trung Đông đã bất ngờ tấn công bọn khủng bố Hồi Giáo IS tại thành phố Raqqa, nơi đặt tổng hành dinh của IS, và vùng ngoại ô Aleppo, thành phố lớn thứ hai của Syria.

Các tên lửa Tomahawk đã được bắn từ ngoài khơi vào thành phố Raqqa, trước khi các máy bay chiến đấu của Hoa Kỳ và các nước đồng minh thực hiện 14 cuộc không kích.

Sáng thứ Ba, Bộ Ngoại giao Syria cho biết Hoa Kỳ đã thông báo cho đặc phái viên của Syria tại Liên Hợp Quốc trước khi tung ra các cuộc tấn công.

Trong thông cáo báo chí hôm thứ Ba, Jordan khẳng định lực lượng không quân của mình đã "phá hủy một số mục tiêu của bọn khủng bố để chống lại những nỗ lực của nhóm này muốn thực hiện hành vi khủng bố bên trong Jordan".

Một tuyên bố của Ngũ Giác Đài cho biết các cuộc không kích đã được thực hiện với các chiến đấu cơ của Bahrain, Jordan, Ả Rập Saudi, Liên Hiệp Các Tiểu Vương Quốc Ả rập và Qatar.

Cuộc tấn công đã xảy ra sau khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS tràn ngập hơn 100 ngôi làng của người Kurd ở phía Bắc Syria giáp với Thổ Nhĩ Kỳ. Phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ là ông Numan Kurtulmuş, cho biết hôm thứ Hai là “một nhân tai” đã xảy ra. Trong vòng vài ngày đã có 130,000 người tị nạn tràn vào Thổ Nhĩ Kỳ để tránh bị bọn khủng bố Hồi Giáo tàn sát.

Các nhân chứng cho biết quân khủng bố Hồi Giáo IS đã dùng các vũ khí hạng nặng để tấn công những người tị nạn đang bỏ chạy về biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

 
Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm 5 phụ nữ vào Ủy ban Thần học Quốc tế.
Chỉnh Trần, S.J.
20:45 23/09/2014
Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm 5 phụ nữ vào Ủy ban Thần học Quốc tế.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người đã từng nói rằng Giáo Hội Công Giáo “chưa đưa ra một nền thần học nữ giới sâu sắc”, đã bổ nhiệm 5 phụ nữ – một con số kỷ lục vào Ủy ban Thần học Quốc tế.

Có mặt trong số những phụ nữ vừa được bổ nhiệm này là nữ tu Prudence Allen, người Mỹ, nguyên trưởng khoa triết tại Chủng viện Thần học John Vianney ở Denver và hiện là thành viên của ban tuyên úy Đại học Lancaster, Anh Quốc.

Hôm 23 tháng 9 vừa qua, Vatican đã công bố danh tính 30 nhà thần học sẽ phục vụ với nhiệm kỳ 5 năm tại Ủy ban Thần học Quốc tế. Cho đến trước dịp bổ nhiệm này, đã có một số phụ nữ được bổ nhiệm phục vụ tại Ủy ban (kể từ năm 2004) nhưng số người được bổ nhiệm chưa bao giờ vượt quá 2 người.

4 phụ nữ khác cùng được bổ nhiệm với sơ Allen gồm: tiến sĩ Tracey Rowland, người Úc, khoa trưởng Học viện Gioan Phaolô II tại Melbourne về Hôn nhân và Gia đình, một chuyên gia thần học lỗi lạc của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI; tiến sĩ Moira Mary McQueen, một công dân Canada gốc Anh, giám đốc Viện Đạo đức Sinh học Công Giáo Canada tại Đại học thánh Michael, Toronto; sơ Alenka Arko, thuộc cộng đoàn Loyola (Slovenia-Russia) và tiến sĩ Marianne Schlosser, người Đức.

Ủy ban Thần học Quốc tế gồm một nhóm thần học gia Công Giáo tiếng tăm trên thế giới, được thành lập năm 1969 và được đặt dưới sự chủ tọa của vị tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin nhằm mục đích nghiên cứu những vấn đề tín lý quan trọng để trợ giúp cho Đức Giáo Hoàng và Bộ Giáo lý Đức tin. Những tài liệu đã được Ủy ban phát hành những năm gần đây là: “Thuyết độc thần Kitô giáo và việc nó chống lại bạo lực” và “Cảm thức đức itn trong đời sống Giáo Hội.”

Dưới đây là danh sách các thành viên của Ủy ban Thần học Quốc tế nhiệm kỳ 2014-2019

- Linh mục Serge Thomas BONINO, O.P., Tổng thư ký, Pháp

- Linh mục Terwase Henry AKAABIAM, Nigeria;

- Nữ tu Prudence ALLEN, R.S.M., Hoa Kỳ

- Nữ tu Alenka ARKO, Cộng đoàn Loyola, Liên bang Nga và Slovenia

- Đức ông Antonio Luiz CATELAN FERREIRA, Brazil;

- Đức ông Piero CODA, Italy;

- Linh mục Lajos DOLHAI, Hungary;

- Linh mục Peter DUBOVSKÝ, S.J., Slovakia;

- Linh mục Mario Angel FLORES RAMOS, Mexico;

- Linh mục Carlos María GALLI, Argentina;

- Linh mục Krzysztof GÓŹDŹ, Ba Lan

- Linh mục Gaby Alfred HACHEM, Lebanon;

- Linh mục Thomas KOLLAMPARAMPIL, C.M.I., Ấn Độ

- Linh mục Koffi Messan Laurent KPOGO, Togo;

- Linh mục Oswaldo MARTÍNEZ MENDOZA, Colombia;

- Giáo sư Moira Mary McQUEEN, Canada – Anh

- Linh mục Karl Heinz MENKE, Đức

- Linh mục John Junyang PARK, Hàn Quốc

- Linh mục Bernard POTTIER, S.J., Bỉ

- Linh mục Javier PRADES LÓPEZ, Tây Ban Nha

- Giáo sư Tracey ROWLAND, Australia;

- Giáo sư Héctor Gustavo SÁNCHEZ ROJAS, S.C.V., Perú;

- Giáo sư Marianne SCHLOSSER, Áo – Đức

- Linh mục Nicholaus SEGEJA M’HELA, Tanzania;

- Linh mục Pierangelo SEQUERI, Italy;

- Linh mục Željko TANJIĆ, Croatia;

- Linh mục Gerard Francisco P. TIMONER III, O.P., Philippines;

- Linh mục Gabino URIBARRI BILBAO, S.J., Tây Ban Nha

- Linh mục Philippe VALLIN, Pháp

- Linh mục Thomas G. WEINANDY, O.F.M.Cap., Hoa Kỳ

Chỉnh Trần, S.J.

 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Nam Đinh: Thánh Lễ cầu cho Năm Học Mới và chào đón Tân Sinh Viên
Nguyễn Thị Ánh Hồng
16:45 23/09/2014
Trong không khí tưng bừng phấn khởi của những ngày đầu năm học, các bạn Tân Sinh Viên với khuôn mặt không che giấu được niềm vui khi được Ba Mẹ dẫn lên trường nhập học, trên vai trĩu nặng balo, mồ hôi nhễ nhại nhưng ai nhìn vào cũng cảm thấy nét hạnh phúc ẩn sau đó; đặc biệt là các bạn Sinh Viên đang học tập tại Thành phố Nam Định, cũng được nhớ lại phần nào khoảnh khắc của những ngày đầu nhập trường với bao ưu tư lo lắng về việc tìm phòng trọ, làm quen với cuộc sống Sinh Viên, nhất là phải xa rời vòng tay của Ba Mẹ, tự chăm sóc cho bản thân mình. Các bạn Tân Sinh Viên cũng thế, có lẽ chỉ cần nhìn thầy một màu áo đồng phục trông quen quen, hoặc gặp bạn nào đó khoác áo đồng phục trường mình thì đã thấy vui biết bao...

Hình ảnh

Thấu hiểu được những lo lắng ấy, quý cha trong xứ Nam Định cùng với Hội Sinh Viên Công Giáo Nam Định đã tổ chức Lễ Khai giảng năm học mới và chào đón các bạn Tân Sinh Viên vào lúc 17h00 ngày 21/9/2014 nhằm tạo bầu khí thân quen cho các bạn Tân Sinh Viên tại ngôi thánh đường của giáo xứ.

Thánh Lễ được Cha Phan-xi-co Trần Truyền Giáo – phó xứ Nam Định chủ tế và cử hành long trọng trong ngôi Thánh đường của Giáo xứ. Trong Thánh lễ, với chất giọng trầm hùng của Cha Phan-xi-co, bài giảng về Ông chủ vườn nho và người làm thuê như được diễn ra trước mắt các bạn Sinh Viên. Bài Tin Mừng có sự khác thường trong cách trả tiền lương của ông chủ, thực chất ông chỉ trả lương theo lòng bác ái, và ông ta có quyền làm như thế. Qua dụ ngôn trong bài Tin Mừng, cha phó Phanxico đã cho cộng đoàn thấy được: 1/Nước Trời là ân huệ Chúa ban ân huệ phát xuất từ tình thương của Chúa chứ không do công đức của ta. 2/ Ông chủ vườn nho là Thiên Chúa, Ngài yêu thương hết mọi người và ước mong tất cả mọi người đều cứu độ. 3/ Thiên Chúa yêu thương hết mọi người, không phân biệt người giầu hay người nghèo, người tài giỏi hay người kém cỏi, người đạo đức hay người tội lỗi…và Ngài mời gọi ta biết yêu thương như Ngài…

Sau Thánh Lễ, là phần chào đón các bạn Tân Sinh Viên. Trong phần này, Cha Giu-se Ma-ri-a Vũ Thanh Cảnh chánh xứ Nam Định đã hiện diện nhắn nhủ các bạn sinh viên và cùng với cha phó Phanxico tặng quà cho hơn 100 bạn Tân Sinh Viên. Bạn nào cũng cảm thấy vui mừng, như tìm thấy một điểm tựa tinh thần trong những ngày mới xa nhà.

Lễ xong, tất cả các bạn Sinh Viên trở về tầng 5 Trung Tâm Mục Vụ của Giáo xứ để giao lưu văn nghệ và liên hoan nhẹ. Các tiết mục văn nghệ được các bạn Sinh Viên chuẩn bị chu đáo, hấp dẫn. Đến dự chương trình giao lưu văn nghệ này, có sự hiện diện của Cha phó Phanxico, các vị khách mời, các anh chị cựu sinh viên đã tạo nên sức nóng, tinh thần Sinh Viên Công Giáo năng động, nhiệt huyết cho mỗi bạn Sinh Viên, tạo không khí vui tươi, hứng khởi cho các bạn sinh viên trong những ngày đầu năm học mới.

Qua thánh lễ hôm nay, các bạn Sinh Viên như được tiếp thêm sức mạnh, Đức Tin, lòng nhiệt huyết, lòng hăng xay nhiệt thành, sẫn sang cho hành trình năm học mới.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Vấn đề ly dị và tái hôn trong Đạo Công Giáo (11)
Vũ Văn An
18:38 23/09/2014
Thập niên thứ ba 1990-1999

Lá thư của linh mục Theodore Davey gửi tờ The Tablet: Tháng 7 năm 1991

Ta bắt đầu thập niên này với bài báo của linh mục Theodore Davey trên tờ The Tablet (164). Bài báo này đề cập tới các biến cố quá khứ, tức tuyên bố của Đức Hồng Y Seper năm 1973 và câu trả lời của Đức Tổng Giám Mục Hamer cho Đức Tổng Giám Mục Bernardin (165). Linh mục Davey nhắc tới sự khó khăn của những người tham dự chương trình khai tâm Kitô Giáo dành cho người lớn. Những người này thấy hoàn cảnh của mình (ly dị và tái hôn) dám dẫn mình vào Giáo Hội để rồi bị cấm không được rước lễ hay không được vào cả Giáo Hội nữa. Do đó, ngài bảo hiện có quan tâm mới đối với việc có thể giải quyết hoàn cảnh này nhờ “thực hành tòa trong vốn được chấp thuận trong Giáo Hội”. Ngài trích dẫn tông thư Familiaris consortio liên quan tới hoàn cảnh tranh cãi; còn về hoàn cảnh khó khăn, ngài trích dẫn lời Đức Giáo Hoàng nói về việc phải thận trọng biện phân các hoàn cảnh. Sau đó, ngài đưa ra một số hướng dẫn liên quan tới việc giáo dân có thể lãnh nhận các bí tích. Ở đây, ngài không phân biệt hai hoàn cảnh. Một trong các hướng dẫn này là nên tham khảo linh mục chánh xứ trước khi đưa ra phán đoán khách quan về gương mù. Ngài kết luận bằng cách nhấn mạnh rằng trong số các thần học gia giúp nói lên các hướng dẫn này có Đức Hồng Y Ratzinger!

Đức Hồng Y Ratzinger lên tiếng

Câu trả lời của Đức Hồng Y Ratzinger được công bố trên tờ The Tablet( 166). Ngài muốn đính chính các giải thích sai lầm liên quan đến chủ trương của ngài. Hiểu lầm thứ nhất liên quan đến thẩm quyền tối cao của Đức Giáo Hoàng. Hiểu lầm thứ hai liên quan tới vấn đề ly dị và tái hôn. Ngài quả quyết rằng các hướng dẫn được linh mục Davey nói tới không phải là các qui phạm theo nghĩa chính thức, mà chỉ là những gợi ý do ngài đưa ra năm 1972. Ngài trích dẫn chính lời ngài rằng “Với sự thận trọng cần có, tôi muốn cố gắng đưa ra một số gợi ý cụ thể xem ra thuộc các giới hạn này” (167). Việc thực hiện chúng thì còn cần phải được hành động chính thức của huấn quyền chứng thực. Mặt khác, ngài không bao giờ ủng hộ ý niệm một huấn quyền kép (dual magisteria), tức huấn quyền của các vị giám mục và huấn quyền của các nhà thần học (168). Đức Hồng Y Ratzinger nói rằng huấn quyền đã lên tiếng một cách dứt khoát trong tông huấn Familiaris consortio, và ngài trích dẫn số 84 là số ngăn cấm những người ly dị và tái hôn chịu các bí tích. Ngài tiếp tục cho biết: nhận định của linh mục Davey còn chứa nhiều sai lầm và bóp méo khác mà vì giới hạn của câu trả lời nên ngài không đi vào chi tiết được.

Nhưng ngài nhắc tới Đức Hồng Y Hamer và lá thư năm 1973 của Đức Hồng Y Seper. Liên quan đến lá thư vừa nói, câu “thực hành tòa trong đã được chấp thuận” viết trong đó không có ý nói tới điều vốn được gọi là giải pháp tòa trong, là tòa chỉ quan tâm tới hoàn cảnh khó khăn, nhưng có ý nói tới trường hợp những người đang sống trong cuộc hôn nhân thứ hai, một cuộc hôn nhân bất hợp pháp, những người này có thể lãnh nhận các bí tích, với điều kiện, trong sự ăn năn hối cải, họ sẵn sàng tiết dục, có những lý do chính đáng khiến họ không thể sống tách biệt nhau và phải tránh gương mù.

Mặt khác, Đức Hồng Y Ratzinger còn nhấn mạnh rằng “giải pháp tòa trong” chưa được huấn quyền cho phép vì nhiều lý do, trong đó có sự kiện này: có sự mâu thuẫn nội tại trong việc giải quyết một điều ở toà trong nhưng tự bản chất, điều này vốn thuộc tòa ngoài, thành thử sẽ mang lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.

“ Hôn nhân, vì là một hành vi không tư riêng, nên dĩ nhiên có nhiều hệ luận sâu xa cho cả hai người phối ngẫu cùng con cái do họ sinh ra, và cả xã hội Kitô Giáo lẫn xã hội dân sự nữa. Chỉ có tòa ngoài mới đem lại một bảo đảm có thực chất cho người yêu cầu rằng ông ta không mắc tội biện giải (rationalisation), vì (xét cho cùng) ông ta đâu phải là bên vô tư. Cũng thế, chỉ có tòa ngoài mới có thể giải quyết quyền lợi và yêu cầu của người phối ngẫu kia thuộc cuộc phối hợp trước, và, trong trường hợp tòa công bố án vô hiệu (nullity), mới làm cho ông ta có khả năng bước vào một cuộc hôn nhân bí tích, có giá trị trước giáo luật. Đàng khác, tôi cũng muốn thêm rằng nhiều lạm dụng xẩy ra dưới danh nghĩa giải pháp tòa trong ở một số quốc gia đã chứng minh rằng giải pháp tòa trong trên thực tế khó có thể thi hành được. Chính vì những lý do như thế, những năm gần đây, Giáo Hội, nhất là qua Bộ Giáo Luật mới, đã mở rộng các tiêu chuẩn áp dụng cho việc chấp nhận việc làm chứng và chứng cớ tại các tòa hôn phối để nhu cầu phải nại tới giải pháp tòa trong sẽ không xẩy ra nữa. Dĩ nhiên, trong một số trường hợp cực kỳ hiếm hoi trong đó việc nại tới thủ tục giáo luật của Giáo Hội không thành công và vấn đề lương tâm được đặt ra, thì có thể chạy tới với Tòa Ân Giải Thánh (Sacred Penitentiary)” (169).

Đức Hồng Y Ratzinger kết thúc thư trả lời của ngài bằng cách cho rằng tuyên bố của Đức Hồng Y Hamer trong lá thư năm 1975 cho phép những người đã ly dị rồi tái hôn, dù cuộc hôn nhân trước của họ chưa được tuyên bố vô hiệu, được phép lãnh nhận các bí tích “nếu họ cố gắng sống phù hợp với đòi hỏi của các nguyên tắc luân lý Kitô Giá” không có nghĩa gì khác ngoài việc phải tiết chế các hành vi đặc trưng vợ chồng như đã đề cập tới trong số 84 tông huấn Familiaris consortio. Sự nghiêm nhặt trong kỷ luật hiện hành không phát sinh từ luật lệ chỉ có tính thuần kỷ luật mà là phát sinh từ chính lời phán dạy của Chúa Giêsu.

Thư Mục Vụ của Các Vị Giám Mục Miền Thượng Sông Rhine: Tháng 7 năm 1993

Ngày 10 tháng 7 năm 1993, ba vị giám mục của miền Thượng Sông Rhine đã công bố một lá thư mục vụ trong đó các ngài xem sét hoàn cảnh các Kitô hữu ly dị và tái hôn (170).

Vì vấn đề này vượt quá trách nhiệm của một giám mục cá thể, nên ba giám mục của giáo tỉnh Thượng Sông Rhine quyết định hướng lá thư mục vụ chung này tới các tín hữu của họ và đưa ra những hướng dẫn mục vụ chung cho những ai có trách nhiệm chăm sóc mục vụ” (171).

Các vị giám mục này cho biết các nguyên nhân tạo ra quá nhiều các đổ vỡ hôn nhân trong xã hội hiện đại, trong số đó có a) sự phân ly giữa gia đình và thế giới việc làm, phát sinh ra các căng thẳng giữa gia đình và nghề nghiệp, b) cái hiểu mới về các vai trò của người đàn ông và người đàn bà, c) việc gia tăng thời gian kéo dài của hôn nhân , d) sự tiêu hủy của hình thức đại gia đình theo truyền thống và sự cô lập của hình thức tiểu gia đình và e) không đủ sự hỗ trợ cho hôn nhân và gia đình trong bầu khí xã hội hiện nay. Các ngài cũng nhắc đến các nguyên nhân có tính bản thân như các mong chờ hạnh phúc vô lý, thiếu chín chắn nhân bản và thất bại bản thân trong cuộc sống hàng ngày, không đủ tận hiến đến độ bất trung, tiêu diệt hiệp đoàn phu thê hoặc có khi còn bạo hành thể lý trong hôn nhân nữa. Các ngài nhấn mạnh rằng những người bị mất mát hôn nhân vì đổ vỡ có thể cảm thấy mình bị kỳ thị, bị loại bỏ, ngay cả kết án nữa, và do đó, hết sức khó khăn trong việc chấp nhận phán quyết của Giáo Hội, có khi còn bác bỏ nữa, vì coi những phán quyết này là khó khăn đến hiểu không nổi và tàn ác là đàng khác. Đây quả là một bức thư mạnh bạo. Các ngài còn trích dẫn nhiều câu trong Tin Mừng nói về hôn nhân (172)

Chúa Giêsu… đặt câu trả lời của Người liên quan đến hôn nhân và ly dị trong khuôn khổ sứ điệp của Người về việc xuất hiện Nước Thiên Chúa… Do đó, lời lẽ của Người không phải là luật lệ đè người, mà đúng hơn là lời đề nghị, là lời mời, lời huân dụ và một tặng phẩm, để ta thể hiện ý nghĩa nguyên thủy của hôn nhân với một lòng trung trinh suốt đời. Vì nơi đâu Thiên Chúa hiến mình trọn vẹn, nơi ấy người đàn ông và người đàn bà cũng có thể hiến mình trọn vẹn và tận cùng và kết hợp nên một trong yêu thương và trung thành (173).

Các vị giám mục trên tiếp tục cho hay: Giáo Hội không thể coi thường lời lẽ của Chúa Giêsu liên quan đến tính bất khả tiêu của hôn nhân; nhưng Giáo Hội cũng không thể nhắm mắt trước sự thất bại của quá nhiều cuộc hôn nhân.

Vì bất cứ nơi nào con người rơi về phía sau thực tại cứu chuộc, Chúa Giêsu đều gặp họ trong xót thương vì Người rất thông cảm với hoàn cảnh của họ (174).

Nhưng Giáo Hội lúc nào cũng trung thành với sứ điệp của Chúa Giêsu và không thể thiết lập ra một trật tự luật pháp theo đó việc ly dị và sau đó tái hôn có thể trở thành biến cố bình thường hay có khi còn là một cái quyền nữa. Mặt khác, Giáo Hội phải tỏ tình liên đới với những người thất bại trong hôn nhân. Các vị giám mục này quả quyết rằng những người như thế vẫn là thành phần của cộng đoàn giáo xứ nơi họ sinh sống, và các ngài trích dẫn tông huấn Familiaris consortio nói về những người ly dị nhưng không tái hôn. Không có trở ngại nào đối với việc họ lãnh nhận bí tích. Một lần nữa, lời của Đức Giáo Hoàng dạy phải biện phân đã được trích dẫn liên quan tới những người tái hôn, cho thấy sự khác biệt giữa người phối ngẫu bị bỏ rơi cách bất công và người đã tiêu hủy một cuộc hôn nhân thành sự do chính lỗi lầm đáng trách của mình. Khi đề cập tới chủ đề cho phép người ly dị và tái hôn được rước lễ, các ngài nhắc lại giáo huấn mới đây cho rằng xét chung, những người này không được rước lễ vì lối sống của họ mâu thuẫn một cách khách quan với yếu tính của hôn nhân Kitô Giáo. Sau đó, các ngài nói rằng:

Tuy nhiên, giáo luật chỉ có thể ‘thiết lập một trật tự có giá trị tổng quát; nó không thể qui định mọi trường hợp cá biệt hết sức phức tạp được’ (175). Do đó, phải dùng đối thoại mục vụ để minh giải xem có thể áp dụng điều có giá trị tổng quát vào một hoàn cảnh đặc thù nào đó hay không. Điều này, xét chung, có thể coi là áp dụng được, nhất là khi những người liên hệ, dựa vào những cơ sở chắc chắn, thấy lương tâm mình chắc mẩm về tính vô hiệu của cuộc hôn nhân thứ nhất nhưng không có chứng cớ hợp luật nào để có được một tuyên bố vô hiệu của tòa án Giáo Hội. Trong những trường hợp này và những trường hợp tương tự, một cuộc đối thoại mục vụ có thể giúp những người liên hệ đạt được một quyết định bản thân và có trách nhiệm phù hợp với phán đoán của lương tâm họ, một quyết định mà Giáo Hội và cộng đoàn phải tôn trọng (176).

Các vị giám mục coi điều trên là việc phục vụ và sứ mệnh chăm sóc mục vụ của những linh mục biết quan tâm tới hợp nhất và hòa giải.

Các nguyên tắc chăm sóc mục vụ của các vị giám mục

Với lá thư trên, các vị giám mục đã đưa ra các nguyên tắc chăm sóc mục vụ đối với những người ly dị và tái hôn (177). Về việc nhận cho chịu các bí tích, các vị giám mục trên một lần nữa tuyên bố rằng không thể nhận những người này nhưng cho biết thêm: đây chỉ là một tuyên bố tổng quát. Các ngài trích dẫn tông huấn Familiaris consortio rồi cho hay:

Tông huấn Familiaris Consortio chỉ rõ những khác biệt này về hoàn cảnh, nhưng rõ ràng để các hậu quả cụ thể tùy sự phán đoán mục vụ khôn ngoan của từng vị cố vấn thiêng liêng cá biệt. Không nên coi việc này như "tấm thẻ trắng" (carte blanche) để hoàn toàn tùy hứng hành động. Tuy nhiên, việc lượng định các hoàn cảnh khác nhau không thể và không nên phó mặc cho các ý kiến cá nhân (178).

Rồi các vị giám mục đưa ra một loạt tiêu chuẩn cần phải tuân theo trong một quyết định có trách nhiệm của lương tâm.

• Khi có chuyện thất bại nghiêm trọng liên hệ tới việc xụp đổ cuộc hôn nhân thứ nhất, trách nhiệm phải được nhìn nhận và hối hận;
• phải thiết lập được bằng chứng có tính thuyết phục rằng việc trở về với người phối ngẫu thứ nhất thực sự không thể thực hiện được và rằng dù có thiện chí bao nhiêu thì cuộc hôn nhân thứ nhất cũng không thể phục hồi được;
• đền bù thiệt hại phải được thực hiện đối với những lỗi lầm phạm phải và những thương tích đã gây ra khi có thể;
• trước nhất, việc đền bù này phải bao gồm việc chu toàn các nghĩa vụ đối với vợ con của cuộc hôn nhân thứ nhất (xem Giáo Luật, điều 1071, 1.3);
• phải xét xem người phối ngẫu có phá vỡ hay không cuộc hôn nhân thứ nhất của mình dưới sự chú ý lớn của công chúng, có khi còn gây ra gương mù gương xấu nữa;
• Phải chứng minh cuộc kết hợp hôn nhân thứ hai trong một thời gian dài để cho thấy nó tượng trưng cho một ý chí dứt khoát và dễ được công chúng nhìn nhận là mình muốn sống chung với nhau vĩnh viễn, phù hợp với các đòi hỏi của hôn nhân, như một thực tại luân lý;
• phải xét xem lòng trung thành với mối liên hệ thứ hai có trở thành hay không một nghĩa vụ luân lý đối với người phối ngẫu và con cái;
• Phải cho thấy rõ một cách đầy đủ việc hai người phối ngẫu sống theo đức tin Công Giáo, với những động lực chân thực, nghĩa là được các ước muốn tôn giáo đích thực thúc đẩy, muốn được tham dự đời sống bí tích của Giáo Hội. Đối với việc giáo dục con cái cũng vậy (179).

Các vị giám mục nhấn mạnh rằng phải có đối thoại mục vụ giữa linh mục và các người phối ngẫu của cuộc hôn nhân thứ hai và điều này giúp các người phối ngẫu có được một lương tâm trong sáng đủ để lên rước lễ (điều 843 # 1).

Đặc biệt đây là trường hợp lương tâm xác tín rằng cuộc hôn nhân trước, bị tiêu hủy một cách không thể cứu vãn được, chưa bao giờ thành sự (Familiaris Consortio, 84). Hoàn cảnh cũng tương tự như thế khi những người liên hệ đã suy nghĩ lâu dài và làm việc đền tội. Đàng khác, cũng có thể có những kình chống về bổn phận không thể giải quyết được vì nếu rời bỏ cuộc hôn nhân thứ hai sẽ gây ra những bất công gây đau đớn (180).

Các ngài ngăn cấm nghi lễ phụng vụ cho người ly dị muốn tái hôn vì nghi lễ này có thể dẫn tới hiểu lầm nghiêm trọng nơi các tín hữu về tính bất khả tiêu của một cuộc hôn nhân đã kết ước hợp lệ. Các ngài đề nghị nên tổ chức một buổi cầu nguyện cộng đoàn cùng với hai người phối ngẫu liên hệ, không phải với những lời cầu nguyện theo nghi thức hay chính thức, nhưng là những lời cầu nguyện có tính bản thân hay các lời chuyển cầu đặc thù.

Ladislas Orsy

Linh mục Ladislas Orsy nhận định thuận lợi đối với sáng kiến của các vị giám mục Đức năm 1994 (181). Ngài cho rằng các vị “đã cân bằng tình hiệp thông không lay chuyển của các vị với Giáo Hội hoàn vũ và việc các vị xác định thẩm quyền riêng của mình một cách âm thầm”. Ngài coi lời tuyên bố của các vị về việc cần phải khảo sát từng trường hợp cá thể một như một điển hình cho việc sử dụng sự công bằng (equity) và tính tối thượng của lương tâm.

Ta phải lưu ý rằng thư mục vụ này không phải chỉ là một tuyên bố được ba vị giám mục cá thể ký nhận: nó thực sự là giáo huấn tập thể của hàng giám mục một giáo tỉnh. Theo truyền thống xưa của Giáo Hội, khi các giám mục một miền họp nhau nhân danh Chúa, thì Người hiện diện với họ một cách đặc biệt. Đàng khác, cả ba vị giám mục đều là những học giả được thừa nhận, hai trong ba vị (Lehmann và Kasper) là các nhà thần học có tiếng quốc tế (182).

Cha Orsy kết luận bằng cách cho thấy: tạp chí The Tablet cũng tường trình (ngày 16 tháng 4 năm 1994) rằng ba vị giám mục trên được mời về Rôma để thảo luận các quan điểm của mình. Cha hy vọng các vị làm luật tại đó sẽ được “phong phú hơn nhờ kinh nghiệm và tầm nhìn thấu suốt của các vị giám mục, những người trực tiếp săn sóc linh hồn tín hữu” (183)! Cha thấy trong thư mục vụ của các ngài một điển hình tốt đẹp của việc phối hợp akribeia (trung thành giữ luật) với oikonomia (tinh thần cảm thương).

Thư Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin gửi các giám mục thế giới, 14 tháng 9 năm 1994 (184).

Ngày 14 tháng 9 năm 1994, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin (CDF) viết một lá thứ cho các vị giám mục hoàn cầu liên quan tới vấn đề chấp nhận cho các người đã ly dị và tái hôn được chịu các bí tích. Thư naỳ khởi đầu bằng cách bày tỏ sự quan tâm đối với những ai bị lâm vào hoàn cảnh khó khăn và cần đến sự trợ giúp của mục vụ. Sau đó, thư nhắc tới việc tại nhiều vùng, trong nhiều năm qua, nhiều giải pháp mục vụ đã được gợi ý theo đó những người đã ly dị và tái hôn có thể được tiếp nhận Thánh Thể trong những trường hợp đặc thù khi họ thấy mình như được lương tâm cho phép làm như thế. Đó là trường hợp những người phối ngẫu bị bỏ rơi một cách bất công sau khi đã cố gắng cứu vãn cuộc hôn nhân đầu, hay những người phối ngẫu tin chắc rằng cuộc hôn nhân trước của họ không thành sự nhưng không có khả năng chứng minh điều đó ở tòa ngoài, hay khi họ đã trải nghiệm một cuộc suy niệm và thống hối lâu dài, hoặc họ không thể thỏa mãn được việc ly thân vì những lý do chính đáng về luân lý. Một số nơi còn đề nghị rằng việc tham khảo mục vụ là điều phải có nhưng các linh mục nên kính trọng quyết định của những người liên hệ.

Về phần mình, Thánh Bộ gợi ý rằng cho dù các hoàn cảnh tương tự đã được một số giáo phụ của Giáo Hội đề nghị và đã được đem ra thi hành, nhưng việc này chưa bao giờ nhận được sự nhất trí và chưa tạo thành một học lý chung của Giáo Hội cũng như ấn định ra kỷ luật trong Giáo Hội. Thư viết như sau: “Về các đề nghị mục vụ vừa nêu ra trên đây, Thiểm Bộ thấy mình có bổn phận nhắc lại học lý và kỷ luật của Giáo Hội về vấn đề này. Để trung thành với lời dạy của Chúa Giêsu Kitô, Giáo Hội quả quyết rằng không thể công nhận một cuộc phối hợp mới là thành sự, nếu cuộc hôn nhân trước đó đã thành sự. Nếu những người đã ly dị nay tái hôn theo luật dân sự, họ lâm vào tình thế đi ngược lại luật của Chúa một cách khách quan. Thành thử, họ không thể rước lễ bao lâu tình thế kia còn tiếp diễn. Qui định này không hề là một trừng phạt hay một kỳ thị chống lại người ly dị và tái hôn, nhưng đúng hơn, chỉ nói lên một tình thế khách quan, tự nó, làm cho việc chịu lễ kia trở thành bất khả” (185).

Thư trích dẫn Familiaris consortio số 84 và nhắc tới giải pháp coi nhau như “anh trai em gái” (186). Thánh Bộ nhấn mạnh rằng giáo huấn chính thức của Giáo Hội được chứa đựng trong Familiaris consortio, các mục tử phải biện phân cẩn thận các hoàn cảnh khác nhau nhưng tông huấn này cũng đưa ra các lý do tại sao không thể cho phép những người đã ly dị và tái hôn rước lễ. Đàng khác, nếu có thể, các mục tử và cha giải tội có bổn phận nghiêm trọng phải giải thích cho họ thấy phán đoán lương tâm như trên là đi ngược lại giáo huấn của Giáo Hội.

Xác tín lương tâm có tính bản thân của một người cho rằng cuộc hôn nhân trước của mình không thành sự và cuộc phối hợp mới có giá trị không cho phép họ tới rước lễ được. Hôn nhân không thuộc lãnh vực tư riêng; nó là việc công cộng, là hình ảnh mối tương quan phu thê giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Việc cá nhân chuẩn bị để rước lễ một cách xứng đáng đặt căn bản trên một lương tâm luân lý được đào tạo thích đáng, nhưng hôn nhân không phải là quyết định tư riêng, nên phán đoán của lương tâm liên quan đến tình trạng hôn nhân của một người không thể “tách biệt khỏi sự trung gian của Giáo Hội, một sự trung gian cũng bao gồm cả các khoản giáo luật có tính trói buộc lương tâm. Không nhìn nhận khía cạnh chủ yếu ấy, trên thực tế, có nghĩa là chối bỏ việc hôn nhân không phải là một thực tại của Giáo Hội, nghĩa là, không phải một bí tích” (187)

Các hòan cảnh tranh cãi thì cần được giải quyết bằng tòa án ở tòa ngoài. Bí tích ta kết hợp với Chúa Kitô cũng là bí tích hợp nhất của Giáo Hội. Rước lễ trái với các qui định của hiệp thông Giáo Hội, do đó, tự nó là một mâu thuẫn.

Nhận định của Ba Vị Giám Mục Đức trong một Thông Điệp gửi Giáo Dân, ngày 14 tháng 10 năm 1994

Không lạ gì khi các vị giám mục vùng Thượng Sông Rhine cảm thấy nhu cầu phải nhận định về lá thư của CDF. Các ngài bắt đầu các nhận định này bằng cách giải thích rằng các ngài chờ mong các giải pháp mục vụ chứ không chờ mong các đổi mới về học lý. Sau đó, các ngài cho hay lá thư của mình dựa trên nguồn nào và được viết cho ai, tức cho giáo tỉnh Thượng Sông Rhine.

Cuối tháng 12 năm 1993, các ngài nhận được một lá thư từ CDF cho hay các ngài đã không “hoàn toàn tuân giữ” học lý Công Giáo trong lá thư mục vụ của các ngài và trong các nguyên tắc đính kèm (188). Tháng 2 năm 1994, các ngài tới Rôma để thảo luận với CDF. Các ngài trình bày luận chứng bênh vực các quan điểm của mình cả bằng miệng lẫn bằng văn bản một cách chi tiết. Dù quan điểm căn bản về thần học của các ngài không bị thách thức trong nguyên tắc, nhưng về vấn đề rước lễ, thì các ngài đã không đạt được một thỏa hiệp trọn vẹn nào cả. Do đó, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin đã quyết định cho công bố phần trình bày học lý Công Giáo của mình. Tháng 6 năm đó, lại có cuộc thảo luận thêm. Thư của Thánh Bộ ngày 14 tháng 9 khiến các ngài chú ý. Dù Thánh Bộ bảo đảm rằng lá thư này không chỉ nhằm vào giáo huấn riêng của các ngài mà thôi. Các ngài công bố lá thư này cho giáo dân của mình ngay lập tức và cho hay: ở các điểm căn bản, thư của Thánh Bộ nhất trí với các tuyên bố của các ngài: “Chúng tôi cũng xác tín, và từng cố ý ghi nhận điều này nhiều lần, rằng việc tái giải quyết các vấn đề phức tạp trong chăm sóc mục vụ đối với những người đã ly dị và tái hôn chỉ có thể xẩy ra trong sự trung thành vô điều kiện với chứng tá Thánh Kinh và với truyền thống trói buộc của Giáo Hội, chứ không phải bằng cách thích ứng với các khuynh hướng đương thời” (189).

Các ngài tiếc rằng thay vì vấn đề cho phép rước lễ được nhìn như là một phần trong phương thức mục vụ đối với người ly dị và tái hôn, thì nó lại có khuynh hướng bị nhấn mạnh như là có hại cho toàn bộ. “Vì chúng tôi cũng quan niệm rằng tái hôn khi người phối ngẫu của cuộc hôn nhân đầu đã thành sự theo bí tích vẫn còn sống (190) là khách quan đi ngược lại trật tự của Thiên Chúa mà Chúa Giêsu Kitô đã canh tân; trật tự này tiên thiên loại bỏ việc chính thức cho phép rước lễ, cả tổng quát lẫn trong từng trường hợp cá thể. Nhiều lần, chúng tôi đã nhấn mạnh như thế. Điều quan trọng chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là không hề có bất cứ bất đồng nào trong các vấn đề căn bản này của giáo huấn Giáo Hội” (191).

Cac ngài tiếp tục cho hay: phải áp dụng luật chung của Giáo Hội vào những con người cụ thể và vào các hoàn cảnh cá biệt tuy không đi ra ngoài chính luật chung này. Nhưng giáo luật chỉ có thể ấn định trật tự sự vật một cách tổng quát, chứ không thể qui định mọi trường hợp cá biệt, là những trường hợp thường rất phức tạp. Vì mục đích này, truyền thống tín lý của Giáo Hội từng khai triển ra ý niệm epikeia (công bình, equity), trong khi giáo luật đưa ra nguyên tắc aequitas canonica (công bình theo giáo luật). Nguyên tắc này áp dụng luật vào các tình thế phức tạp và khó khăn tùy theo công lý và công bình giúp người ta chú trọng tới tính độc đáo của những con người cá thể. Các ngài hết sức cố gắng đem đến một trật tự nào đó cho việc thực hành mục vụ, một việc không luôn luôn chính xác.

Sự tranh cãi nằm ở chỗ liệu có thể áp dụng nguyên tắc công bình và công bình theo giáo luật vào vấn đề rước lễ của người ly dị và tái hôn hay không, không phải vì họ được chính thức cho phép rước lễ, mà vì những cá nhân này, sau khi được các linh mục hướng dẫn thích đáng, tự thấy lương tâm đã được hướng dẫn kia biện minh cho việc tiến lên rước lễ của mình. Các vị giám mục Đức muốn nhấn mạnh tới sự khác nhau giữa việc chính thức cho phép và việc tiến lên rước lễ không chính thức. Các ngài cho rằng việc sau không được cho phép nhưng được khoan thứ (tolerated). Tuy nhiên, CDF không đồng ý với quan điểm ấy vì dựa vào Familiaris Consortio. “Do đó, ta phải ghi nhận sự kiện này là do lá thư của Thánh Bộ, một số các tuyên bố trong thư mục vụ của chúng tôi và trong các nguyên tắc đã không được Giáo Hội phổ quát chấp nhận và do đó, không thể trở thành các qui định trói buộc trong thực hành mục vụ” (192).

Điều đáng lưu ý là dựa vào các chứng tá được trích dẫn trong Các Nguyên Tắc Mục của các ngài (193), các vị giám mục vẫn còn tin rằng “Dựa vào các nghiên cứu mới đây hơn, và dưới ngưỡng cửa giáo huấn bó buộc, hiện vẫn còn chỗ dành cho sự mềm dẻo trong các trường hợp cá biệt phức tạp mà ta cần phải sử dụng một cách có trách nhiệm. Sự mềm dẻo này không đi ngược lại tính bất khả tiêu của hôn nhân” (194).

Kết luận, các vị giám mục cho rằng: các ngài có bổn phận đối với cả tín lý có giá trị phổ quát và sự hợp nhất của Giáo Hội lẫn đối với những con người hiện sống trong các hoàn cảnh khó khăn. Các ngài yêu cầu giáo dân tìm kiếm các giải pháp có trách nhiệm đối với từng trường hợp cá biệt mà vẫn trung thành với sứ điệp của Chúa Giêsu và đức tin của Giáo Hội và trong tình hiệp thông với toàn thể Giáo Hội.

Thiển nghĩ chủ trương của ba vị giám mục này có tính lưỡng diện phần nào. Vì một đàng, các ngài nhấn mạnh tới lòng trung thành đối với Giáo Hội và chấp nhận các nguyên tắc do CDF đưa ra nhưng, đàng khác, lại đi thụt lùi để kiếm tìm một thứ mềm dẻo nào đó dựa trên các nghiên cứu mới có… Theo Kelly, trong thư của CDF, hình như không có điều gì khiến các vị giám mục thay đổi quyết định của mình, vì lá thư chỉ nhắc lại giáo huấn của Đức Gioan Phaolô II trong Familiaris consortio mà thôi (195). Người ta rất có thể ngạc nhiên không hiểu tại sao CDF đã chỉ nhắc lại một giáo huấn mà các vị giám mục vốn biết rõ. Rõ ràng, bức thư chỉ nhắc lại các giới hạn mà nếu vượt qua, các vị giám mục sẽ chống lại huấn quyền. Và quả thực, các giám mục đã nắm được điều ấy. Tuy nhiên, theo Kelly, đối với các giám mục này, lá thư của Vatican không hẳn kết thúc mọi thảo luận và loại trừ mọi khả thể có những phương thức mục vụ cởi mở hơn.

Khảo sát bộ Giáo Luật 1983 liên quan tới việc cho phép người ly dị và tái hôn rước lễ

Năm 1995, một bài viết của Linh Mục Patrick Travers đã được đăng trên tập san The Jurist (196). Bài này nói đến việc khảo sát bộ Giáo Luật được ngài coi là có liên hệ tới việc có thể cho phép người ly dị và tái hôn rước lễ. “Bài nghiên cứu này… chuyên biệt có tập chú giáo luật. Nó giả thiết tính bất khả tiêu tuyệt đối của một cuộc hôn nhân ratum et consummatum (thành sự và hoàn hợp) như đã được tín lý Công Giáo quan niệm xưa nay. Nó cũng coi bất cứ cố gắng tái hôn nào của người Công Giáo sau khi ly dị theo dân luật trái với luật của Giáo Hội, trong căn bản, có bản chất tội nặng. Nó cũng nhìn nhận đặc quyền của các vị thừa hành thẩm quyền trong Giáo Hội trong việc loại các tín hữu ra khỏi các bí tích dựa vào bản chất tội nặng trong hành vi của họ bất chấp có hay không có thiên hướng chủ quan khiến cho tác phong ấy trở thành tội nặng. Thực vậy, luật lệ điều hướng việc chế tài của Giáo Hội này dựa trên đặc quyền ấy. Vấn đề căn bản của bài nghiên cứu thu gọn ở điểm này: liệu thẩm quyền tối cao của Giáo Hội có quyết định thi hành đặc quyền này, và thi hành đến mức nào, bằng cách sử dụng bộ giáo luật 1983 đối với những người Công Giáo mưu toan tái hôn sau khi ly dị (phần đời) (197).

Travers bắt đầu bài nghiên cứu của mình bằng cách thừa nhận lá thư ngày 14 tháng 9 năm 1994 của CDF (198). Ngài cho rằng Thánh Bộ loại người ly dị và tái hôn khỏi Bí Tích Thánh Thể là do tính tội lỗi nặng một cách khách quan của mưu toan tái hôn nơi người Công Giáo sau khi ly dị, chứ không hẳn do vấn đề liệu người này, về phương diện chủ quan, có ý thức được bản chất tội nặng của nó hay không. Ngài nhắc đến các Nguyên Tắc Mục Vụ công bố hồi tháng 7 năm 1993 của các giám mục vùng Thượng Sông Rhine (1999) trong đó, các ngài phác thảo một phương thức theo đó, một số người Công Giáo có thể được phép rước lễ bất kể sự tiếp diễn tình trạng hôn nhân không bình thường của họ. Travers cho rằng lá thư của Thánh Bộ luôn có tính bắt buộc đối với các mục tử Công Giáo nhưng đó không phải là việc thực thi duy nhất thẩm quyền tối cao của Giáo Hội liên quan đến vấn đề này. Lời phát biểu hay nhất của Tòa Thánh về các điều kiện để được rước lễ nằm trong các điều 912-923 của Bộ Giáo Luật năm 1983. Đặc biệt nhất là các điều 915 và 916.

Điều 915: Không được nhận rước lễ: những người bị vạ tuyệt thông và cấm chế sau khi hình phạt đã tuyên kết hay tuyên bố; những người khác cố chấp trong một tội nặng công khai.

Ðiều 916: Ai ý thức mình phạm tội nặng và chưa xưng tội trước, thì không được làm lễ và không được rước lễ, trừ khi có lý do quan trọng và không có dịp tiện đi xưng tội. Trong trường hợp này, họ phải tâm niệm về bổn phận thống hối trọn vẹn, bao gồm lòng dốc quyết đi xưng tội sớm ngần nào có thể.

Ta đã thấy các thay đổi trong Bộ Giáo Luật năm 1983 liên quan đến song hôn và ô danh (infamy) được Bộ Giáo Luật 1917 nhắc tới (200). Travers tóm tắt quan điểm ấy như sau. Xem ra trong Bộ Giáo Luật 1983, một người trưởng thành Công Giáo đã rửa tội và đầy đủ khả năng, chưa bị bất cứ chế tài nào của Giáo Hội đặt để hay công bố, đều phải được phép rước lễ ngoại trừ (1) người này ương ngạnh tiếp tục sống trong tội nặng một cách rõ ràng (điều 915); hay (2) người này ý thức rõ mình có tội nặng (điều 916). Vậy, người Công Giáo ly dị và tái hôn có rơi vào một trong hai loại người đó hay không? Giáo luật các điều 17 và 18 có mục đích giải thích các luật lệ của Giáo Hội.

Ðiều 17: Các luật của Giáo Hội cần phải được hiểu theo ý nghĩa riêng của các từ, xét trong văn bản và văn mạch; nếu có chỗ hoài nghi hay tối tăm, thì phải nại đến các chỗ tương tự nếu có, đến mục đích và các hoàn cảnh của luật, và đến ý định của nhà lập pháp.

Ðiều 18: Các luật quy định hình phạt, hoặc hạn chế sự tự do thi hành quyền lợi, hoặc bao hàm một khoản trừ của luật, thì phải được giải thích một cách chặt chẽ.

Travers cho rằng các khoản Giáo Luật cần được giải thích ở đây là các khoản giới hạn việc thi hành một quyền lợi, tức quyền được rước lễ (xem điều 912), nên việc giải thích chúng phải dựa trên nguyên tắc chặt chẽ nói ở điều 18. “Giải thích chặt chẽ là thu hẹp nghĩa chính xác của các từ ngữ của điều luật để thu hẹp hiệu quả của nó tới mức tối thiểu mà nếu vượt quá giới hạn này, luật lệ sẽ trở thành vô nghĩa hay phi lý” (201).

Travers tiếp tục thảo luận xem có cần hay không việc xem sét chứng cớ bên ngoài bản văn để biết ý định của nhà làm luật khi giải thích một điều luật. Ngài tham chiếu một tác giả chủ trương phải làm việc này (202). Tuy nhiên, ngài nghiêng về ý kiến của Bouscaren và Ellis, những người cho rằng: “Nếu lời lẽ của luật trong bản văn và trong ngữ cảnh đã rõ ràng, thì chúng là qui phạm duy nhất của việc giải thích (điều 18 của bộ Giáo Luật 1917)… Chỉ trong trường hợp bản văn tỏ ra tối tăm mới cần nại tới các qui phạm giải thích khác” (203).

Do đó, Travers khảo sát ý nghĩa chính xác của lời lẽ trong các điều luật trên đây. Ngài cho hay: việc tổng quát loại người Công Giáo ly dị và tái hôn lệ thuộc hai kiểu nói này; (sống) trong tội nặng một cách rõ ràng (in manifesto gravi peccato) trong điều 915, và ý thức mình có tội nặng (qui conscius est peccati gravis) trong điều 16. Ngài phân tích các thuật ngữ ấy và đạt tới kết luận như sau: “Dưới giáo luật điều 915 (in manifesto gravi peccato), để bị loại ra khỏi việc rước lễ, người nào đó phải (1) phạm một tội nặng một cách hiển nhiên và rõ ràng, nghĩa là, một tội có liên quan tới một việc nặng với đầy đủ hiểu biết và tự ý ưng thuận; (2) tiếp tục ở lại trong tình trạng tội nặng vì người này không chịu làm hành vi thống hối hoàn hảo hay chưa được tha thứ một cách thành sự khỏi tội lỗi ấy trong bí tích hoà giải, và, trong nhiều trường hợp, vì việc phạm tội nặng vẫn tiếp diễn một cách hiển nhiên và rõ ràng cho tới nay; và (3) còn kèm theo thái độ ương ngạnh, cứng lòng và bướng bỉnh một cách chủ quan cho tới nay.

Dưới giáo luật điều 916 (qui conscius est peccati gravis), để bị loại khỏi việc rước lễ, người nào đó phải: (1) phạm một tội nặng; (2) tiếp tục sống trong tình trạng tội nặng; và (3) một cách chủ quan ý thức rằng mình đang sống trong tình trạng tội nặng (204).

Travers kết luận rằng: không phải mọi người Công Giáo ly dị và tái hôn đều bị loại khỏi Bí Tích Thánh Thể. Trong một số trường hợp, một cuộc hôn nhân có thể là tội nặng lúc được kết ước, nhưng rồi sau đó, người Công Giáo đã thống hối bằng hành vi ăn năn tội cách trọn, thì tình thế kết hợp bất hợp pháp kia chả lẽ vẫn hạn chế họ không được rước lễ. Ông cũng cho rằng những người như thế đâu có ương ngạnh, cố chấp hay bướng bỉnh. Thành thử, hình như giáo luật có khác với qui định của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin trong vấn đề này.

Còn tiếp
_________________________________________________________________________________________________________
164. Theodore Davy, The Internal Forum, 27 July 1991, các tr.905-906, cf., Kelly, Op. cit., các tr.178-182.
165. Xem trang 5l tt. bên trên.
166. The Tablet, 26 October 1991, tr.1311, cf., Kelly, Op. cit., các tr.183-185.
167. Cf., Ibid, p.185.
168. Liệu Davey có ý nói điều này không? Ông nói: "Tôi không nhớ trong thập niên 1970 truyền thống đáng kính của Giáo Hội liên quan tới tính vĩnh viễn của hôn nhân có bị tấn công nặng nề bởi một giới nào không, dù là từ huấn quyền của các vị giám mục hay là từ các nhà thần học". "Từ" gì của các nhà thần học? Từ "giới" hay từ "giáo huấn"? Xin xem Kelly, Op. cit., tr.178
169. Kelly, Op. cit., tr.184.
170. Dịch trong Origins, 10 tháng Ba, 1994. Xem Kelly Op. cit., Phụ Chương 2, các tr. 90-97.
171. Kelly, Ibid, tr.90.
172. Mc 10: 6-9; Xh. 1:27-28; 2:24.
173. Kelly, Op. cit., các tr.92-93.
174. Ibid.
175. Hội Đồng GM Đức, Giáo Lý cho Người Trưởn Thành, 'Kinh Tin Kính của Giáo Hội' , tr. 395
176. Kelly, Op. cit., tr.96.
177. Origins, 10 tháng Ba, 1994.
178. Kelly, Op. cit., tr.111
179. Ibid., các tr.111-112.
180. Ibid., tr.113. Ở đây hình như các vị giám mục không phân biệt giữa hoàn cảnh khó khăn và hoàn cảnh tranh chấp.
181. The Tablet, 18 tháng Sáu, 1994, tr.787. XemKelly, Op. cit., các tr.118-120.
182. Kelly, Op. cit., tr.119.
183. Ibid., tr.120.
184. Bản dịch trong Origins 27 tháng Mười, 1994, các tr.337-341. Xem Kelly, Op. cit., các tr.121-126.
185. Ibid., tr.122.
186. Điều quan trọng phải ghi nhận là khi nhắc tới con số này, giải pháp chính thức không được nại tới.
187. Kelly, Op. cit., tr.124.
188. Ibid, tr.129.
189. Kelly, Op. cit., tr.130.
190.Trường hợp khó khăn (JAD)
191. Kelly, Op. cit., các tr.130-131.
192. Ibid, tr.133
193. Thánh Basilêô, Công Đồng Arles 314, Thánh Lêô Cả. Xem Kelly, Op. cit., tr.104.
194. Ibid., tr.133. Cũng nên xem các nhận định của CDF trên đây.
195. Kelly, Divorce and remarriage: conflict in the Church, The Tablet, 29 tháng Mười, 1994, các tr. 1374-1375.
196. Patrick J. Travers, Reception of the Holy Eucharist by Catholics attempting Remarriage after Divorce and the 1983 Code of Canon Law, The Jurist 55 (1995), các tr. 187-217.
197. Travers, Op. cit., các tr. 209-210.
198. Xem trang 69 ở trên. Xem Travers, Op. cit., tr.192.
199. Xem các tr. 67-8 ở trên.
200. Xem tr.61 ở trên.
201. Travers, Op. cit., p.194.
202. Ibid., các tr. 194-195.
203. Bouscaren and Ellis, Op.cit., tr.33.
204. Travers, Op. cit.,các tr.203-204. Muốn coi cách lý luận, xem các tr. 197-203.
 
Tin Đáng Chú Ý
Kiến nghị của một số cựu sĩ quan Lực lượng vũ trang nhân dân gửi Chính phủ CHXHCN Việt Nam
Danh sách người ký tên
10:00 23/09/2014
KIẾN NGHỊ của một số cựu sĩ quan Lực lượng vũ trang nhân dân gửi Lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ CHXHCN Việt Nam

Ngày 2 tháng 9 năm 2014

Kính gửi: - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thống lĩnh các lực lượng vũ trang Nhân dân, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh

-Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng

Chúng tôi là những người lính trọn đời “Trung với Nước, Hiếu với Dân”, luôn trăn trở với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và Nhân dân. Đứng trước tình hình nghiêm trọng, đe dọa an ninh, chủ quyền và sự phát triển của Quốc gia, chúng tôi vô cùng lo lắng và thấy cần phải kiến nghị với Lãnh đạo Nhà nước một số điểm như sau.

1. Lực lượng vũ trang mang tên Nhân dân phải luôn luôn vì Nhân dân, nên không được huy động Quân đội và Công an vào bất cứ việc gì có hại cho Nhân dân. Sức mạnh của Lực lượng vũ trang chỉ có được khi dựa vào Nhân dân, nên không được đánh mất tín nhiệm đối với Nhân dân. Vì vậy, để bảo vệ uy tín của Quân đội là lực lượng có nhiệm vụ hiến định “quốc phòng”, tức là bảo vệ Tổ quốc trước ngoại xâm, cần chấm dứt ngay việc huy động Quân đội vào những sự vụ mang tính đối kháng với Nhân dân, như giải tỏa đất đai, ngăn chặn các cuộc biểu tình yêu nước ôn hòa… Để khôi phục uy tín của Công an, nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ hiến định “bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm”, tuyệt đối không lạm dụng lực lượng Công an vào việc đàn áp những người dân vô tội, chỉ yêu cầu giải quyết quyền lợi hợp pháp của mình.

2. Các chiến sĩ Lực lượng vũ trang chỉ có thể yên tâm rèn luyện và sẵn sàng hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc khi tin tưởng rằng cống hiến của họ luôn được Nhà nước ghi nhận thỏa đáng và gia đình của họ sẽ được Nhà nước chăm sóc chu đáo. Việc cố tình phớt lờ cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 và mấy trận chiến bảo vệ biển đảo không chỉ phủ nhận lịch sử, xúc phạm đồng bào và chiến sĩ đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới tinh thần và quyết tâm chiến đấu của Lực lượng vũ trang. Đó là sai lầm không được phép tái phạm. Để khắc phục hậu quả, phải nhanh chóng giải quyết những cách cư xử không đúng đối với với thương binh và gia đình liệt sĩ. Đặc biệt, phải sớm khôi phục danh dự và quyền lợi đã bị lãng quên của các liệt sĩ và thương binh đã hy sinh xương máu trong chiến tranh biên giới phía bắc và ngoài biển đảo, gấp rút tu bổ các nghĩa trang liệt sĩ dọc biên giới phía Bắc đã bị bỏ bê hơn hai chục năm qua.

3. Lực lượng vũ trang cần được xác định rõ ràng và chính xác đối thủ, không thể mơ hồ biến thù thành bạn hoặc coi bạn là thù. Đối tượng tác chiến của Quân đội phải là những thế lực có thể đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong hiện tại và tương lai, chứ không thể là những đối thủ đã thuộc về quá khứ. Đối tượng khống chế của Công an phải là những kẻ tội phạm và các hành vi vi phạm hiến pháp, pháp luật, dù ở trong hay ngoài bộ máy cầm quyền, chứ không thể là những người dân vô tội. Lịch sử đã chỉ ra rằng Nhân dân ta phải thường xuyên đề cao cảnh giác trước nguy cơ ngoại xâm từ nước láng giềng phương Bắc. Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 trên vùng đặc quyền kinh tế của của chúng ta, tuy nay đã tạm rút đi, nhưng vẫn cho thấy họ không hề từ bỏ quyết tâm bá chiếm Biển Đông. Lịch sử cũng cho thấy, sau chiến tranh thế giới thứ hai, nhiều nước cựu thù đã hợp tác với nhau rất hiệu quả và bền vững, ví dụ như mối quan hệ giữa CHLB Đức và ba nước Mỹ, Anh, Pháp, giữa Nhật Bản và Mỹ, giữa Việt Nam và hai nước Pháp, Nhật Bản. Do đó, không thể vì những quan niệm bảo thủ, giáo điều mà đánh mất các cơ hội hợp tác với các cường quốc tiên tiến văn minh, nhằm phát triển kinh tế, công nghệ, nâng cao sức mạnh quốc phòng và tăng cường sự ủng hộ quốc tế trong sự nghiệp bảo vệ đất nước.

4. Là người chủ và người bảo vệ đất nước, Nhân dân và lực lượng vũ trang phải được biết chính xác hoàn cảnh thực tế của Quốc gia. Vì vậy, Nhà nước phải báo cáo rõ ràng với Nhân dân về thực trạng quan hệ Việt-Trung và về những ký kết liên quan đến lãnh thổ trên biên giới, biển đảo và các hợp đồng kinh tế ảnh hưởng lớn đến an ninh và chủ quyền của Quốc gia. Về Hội nghị Thành Đô, có tin nói rằng Tân Hoa xã và Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc đã công bố nội dung thỏa thuận giữa hai bên, trong đó trích dẫn: “Việt Nam mong muốn sẵn sàng chấp nhận làm một khu vực tự trị thuộc chính quyền trung ương tại Bắc Kinh như Trung Quốc đã dành cho Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây... Phía Trung Quốc đồng ý và chấp nhận đề nghị nói trên, và cho Việt Nam thời gian 30 năm (1990-2020) để Đảng Cộng sản Việt Nam giải quyết các bước tiến hành cần thiết cho việc gia nhập đại gia đình các dân tộc Trung Quốc”. Chúng tôi không biết thật giả thế nào, yêu cầu Chủ tịch và Thủ tướng cho chúng tôi và nhân dân biết rõ thỏa thuận tại Hội nghị Thành Đô năm 1990. Chuyến đi thăm Trung Quốc gần đây của đặc phái viên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã thỏa thuận với phía Trung Quốc về ba nguyên tắc chỉ đạo phát triển quan hệ Việt-Trung mà nội dung chỉ nhắc lại những câu sáo ngữ, không nói gì tới thực trạng và các biện pháp chấm dứt các hành động ngang ngược của thế lực bành trướng Trung Quốc xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta trong mưu đồ bá chiếm Biển Đông. Chưa biết bên trong còn có những thỏa thuận cụ thể gì, nhưng toàn dân và toàn quân yêu cầu lãnh đạo Đảng và Nhà nước có đối sách đúng đắn trước mưu đồ và hành vi xâm lược của thế lực bành trướng Trong Quốc, không thể chấp nhận thái độ thể hiện sự thần phục họ, và càng đòi hỏi phải công khai, minh bạch thực trạng quan hệ giữa hai bên.

Trên đây là mấy đòi hỏi cấp bách, nhằm khôi phục uy tín của Quân đội và Công an trong Nhân dân, đồng thời tăng cường sức chiến đấu của Lực lượng vũ trang, để có thể đáp ứng được những thách thức to lớn trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

DANH SÁCH NGƯỜI KÝ

1. Lê Hữu Đức, Trung tướng – nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham Mưu.

2. Trần Minh Đức, Thiếu tướng – nguyên Phó Tư lệnh về hậu cần Mặt trận Trị Thiên – Huế.

3. Huỳnh Đắc Hương, Thiếu tướng – nguyên Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào.

4. Lê Duy Mật, Thiếu tướng – nguyên Tư lệnh Phó Tham mưu trưởng Quân khu 2.

5. Bùi Văn Quỳ, Thiếu tướng – nguyên Phó Tư lệnh về chính trị bộ đội Tăng–Thiết giáp.

6. Nguyễn Trọng Vĩnh, Thiếu tướng – nguyên Chính ủy Quân khu 4.

7. Bùi Văn Bồng, Đại tá – nguyên Trưởng Đại diện báo Quân đội Nhân dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

8. Phạm Quế Dương, Đại tá – nguyên Tổng Biên tập tạp chí Lịch sử Quân sự.

9. Nguyễn Gia Định, Nghệ sĩ ưu tú Điện ảnh quân đội.

10. Lê Hồng Hà – nguyên Chánh Văn phòng Bộ Công an, ủy viên Đảng đoàn Bộ Công an.

11. Phạm Hiện, Đại tá – nguyên Chánh Văn phòng B 68 đoàn chuyên gia giúp Campuchia.

12. Xuân Phương, Đại tá – nguyên chuyên viên Cục Nghiên cứu Tổng cục Chính trị.

13. Nguyễn Đăng Quang, Đại tá – nguyên cán bộ thuộc Bộ Công an.

14. Đào Xuân Sâm, Cựu chiến binh Hà Nội – nguyên chủ nhiệm khoa Quản lý kinh tế Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

15. Tạ Cao Sơn, Đại tá – nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu 2.

16. Đoàn Sự, Đại tá– nguyên Phó Cục trưởng Cục Xuất bản Tổng cục Chính trị.

17. Lê Văn Trọng, Đại tá – nguyên Trưởng Ban lịch sử Cục Nghiên cứu Bộ Tổng Tham Mưu.

18. Nguyễn Thế Trường, Đại tá – nguyên Tổng Biên tập báo Quân giải phóng Trung Trung bộ.

19. Nguyễn Văn Tuyến, Đại tá cán bộ tiền khởi nghĩa – nguyên cán bộ Viện Lịch sử Quân sự.

20. Nguyễn Huy Văn (tức Kim Sơn), Đại tá lão thành cách mạng – nguyên Phó Trưởng phòng Sở chỉ huy Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham Mưu.
 
Văn Hóa
Vào Thu
Nguyễn Kim Ngân
09:41 23/09/2014
VÀO THU

Hôm nay trời lại vào thu. Mầu lá úa vàng đỏ lẫn lộn ngời lên trong ánh nắng thu sang và chút mơn man của ngọn gió heo may càng làm sắc thu thêm phần rực rỡ. Biết bao nhiêu bức tranh, họa phẩm, bao nhiêu bài thơ, bản nhạc đã được đan dệt trên nền thu quyến rũ ấy. Mùa thu nơi đây cũng mang về những ngày buồn u ám, trời thấp với tầng mây vần vũ, cho dù năm nay “trời (vẫn còn) vắng những cơn mưa.” Trong cái hơi thu ảm đạm ấy, không dưng lòng người bỗng chợt dậy những nỗi bâng khuâng pha lẫn chút xuyến xao chẳng biết từ đâu tới. Hay là thu gợi nhớ những cuộc tình chia xa, những tàn tạ phôi pha theo mầu nắng thu phai? Bài hát năm nào thu về cũng phải nghe lại: “Trời vào thu tiễn em sầu lạnh giá.” Thu khiến con người thấm thía nỗi buồn chia ly, những đổ vỡ xót xa khiến cho kẻ đi người ở. Thu để lại mối sầu cô đơn len nhẹ vào hồn theo từng cánh lá vàng rơi, rồi gậm nhấm từng phút, từng ngày.

Thu đến cũng nhắc nhở đến cái mong manh của kiếp người, cứ theo định luật tuần hoàn mà chuyển từ xanh ngời sang nhợt nhạt vàng võ, rồi phai tàn héo úa, để cuối cùng rơi rụng tan tác như lá thu trên thềm vắng? Trong cùng một ngày, mấy tờ báo địa phương đều đăng cáo phó về ba cái chết của một vài người quen biết ít nhiều, cả ba đều do cùng một căn bệnh. Người ta lại có dịp kéo đến nghĩa trang, thắp lên một nén nhang hay ném xuống mộ phần người quá cố một đóa hồng thay cho lời tiễn biệt gửi về người vừa chìm vào giấc ngủ ngàn thu. Thực ra, “an giấc ngàn thu” không phải là một mỹ từ suông, mà là một thực tế, nhất là với các tín hữu Chúa, bởi vì họ “sẽ không chết bao giờ” (x. Gioan 6:47-51). Bởi thế, trong bầu khí tĩnh lặng của nghĩa trang, không gì tốt đẹp hơn là phó thác những người đã nằm xuống vào lòng nhân từ thương xót vô biên của Chúa, rồi để mặc cho năm tháng như liều thuốc làm nguôi ngoai đi những trăm nhớ ngàn thương. Bước chân vào nghĩa trang rốt cuộc trở thành một bước hành trình tâm linh của người đang sống đi vòng quanh cái chết vốn là định mệnh và thân phận của chính mình, để từ đó có thể sống yêu đời hơn, trọn vẹn hơn, và có thêm nghị lực vượt qua những trở ngại không tránh được trong kiếp nhân sinh.

Khắc khoải về nỗi chết là một thao thức khôn nguôi bởi đó chính là giới hạn cuối cùng của kiếp con người. Chẳng thế mà Oscar Wilde, nhà văn Ái Nhĩ Lan, đã viết: “Con người có thể vượt thoát được tất cả, ngoại trừ cái chết.” “Ta sinh ra đời không hề bình đẳng, nhưng khi chết đến thì mọi người đều bình đẳng như nhau.” Câu nói này của triết gia thời cổ Roma, Lucius Annaeus Seneca, đã nêu lên một chân lý mà dù thích hay không, ai ai cũng phải chấp nhận. Đứng trước giới hạn này, sợ hãi pha chút khuất phục là phản ứng thông thường và tự nhiên. “Ai cũng muốn lên thiên đàng, nhưng chẳng ai muốn chết!” Câu nói này của Joe Louis, nhà vô địch Quyền Anh của Mỹ, đã nói lên thái độ “kính nhi viễn chi” tất yếu đối với cái chết. Đôi khi thái độ ngạo mạn, nghênh ngang hoặc khinh thị đối với cái chết chính là sự biểu lộ nỗi ám ảnh sợ chết mà thôi. Chết mãi mãi là một thực tại bất biến đúng như Will Rogers, tài tử và bình luận gia Hoa Kỳ, đã diễu cợt: “Giữa cái chết và thuế má chỉ thấy có một dị biệt duy nhất: đó là cái chết sẽ không hề tệ hơn mỗi khi Quốc Hội nhóm họp.” Dường như ông ta bị ảnh hưởng bởi câu nói thời danh của Benjamin Franklin: “Trên đời này chỉ có hai thứ là chắc chắn hơn cả: cái chết và thuế má.”

Thật ra thì không thiếu gì những tấm gương cho thấy thái độ thanh thản trước cái chết cận kề: đó là thái độ can trường của bẩy mẹ con nhà Machabê trước khi bị hành quyết vì muốn trung thành tuân giữ Luật Môisen (xem 2 Mcb 7:1-2.9-14). Đó cũng là thái độ anh hùng của các Thánh Tử Đạo Việt Nam muốn đánh đổi cái chết để giữ vững đức tin của mình. Nhưng chẳng riêng gì các thánh nhân mới có thái độ thanh thản trước cái chết, nói đâu xa, hiền nội người bạn vừa mới qua đời cũng đã lạc quan chờ đợi cái chết sau hơn một năm trời lưỡi hái tử thần đã kề sát cổ. Chỉ vì niềm tin yêu và hy vọng vững vàng vào Đức Kitô, Đấng đã chết, nhưng đã phục sinh. Xem thế thì cái chết, tuy là một giới hạn, nhưng không phải là một tận cùng hay một dấu chấm hết. Hình như nó lại là một khởi đầu cho một cái gì mới. Cần mở ngoặc ngay ở đây: cái khởi đầu này không phải theo nghĩa thực tế đến độ phũ phàng, như tuyên bố của Ambrose Bierce, một văn sĩ Hoa Kỳ: “Chết không phải là hết đâu. Nó là khởi đầu cho những kiện tụng, tranh chấp về của cải và tài sản!” Tuy thực tế có thể là như vậy, nhưng ý nghĩa sâu xa của cái khởi đầu mà cái chết mở ra chính là một chân trời mới, một thực tại mới, một thế giới mới: thế giới bất tử, cõi linh thiêng, miền cực lạc, thượng giới vô song. Cái chết như là một cảnh báo cho ta, những kẻ ở thuê trên cõi trần này, là hợp đồng thuê nhà đã chấm dứt, chuẩn bị dọn nhà đi là vừa. “Trần gian là cõi tạm,” và “con người chỉ là khách trọ trên cõi tạm này” là những ý tưởng khá thông dụng và quen thuộc. Nó gióng lên tiếng chuông cảnh giác con người luôn phải ý thức rằng trần gian và thế giới này—dù đẹp đẽ và hấp dẫn đến mấy chăng nữa—cũng không phải là tất cả, hay là cùng đích. Không phải thế, bên kia cõi tạm này, còn có một thế giới khác, một cõi đời sau, của thiên thu vĩnh cửu. Đó chính là ý nghĩa mà Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc tới trong bài giảng năm ngoái: “Đời sống mà Chúa sửa soạn cho chúng ta không chỉ là một cuộc sống đẹp đẽ hơn cuộc đời này, mà còn tốt đẹp vượt xa trí tưởng tượng của chúng ta, bởi vì Chúa luôn làm cho chúng ta ngỡ ngàng với tình yêu là lòng thương xót của Ngài …Nếu chúng ta chỉ nhìn bằng con mắt người trần thì chúng ta nghĩ rằng con đường của con người là đi từ sự sống đến sự chết. Nhưng nếu con người chỉ nhìn bằng mắt thế gian thì Chúa Giêsu đã thay đổi ý niệm này và quả quyết rằng cuộc lữ hành trần gian là đi từ sự chết đến sự sống: một sự sống viên mãn! Chúng ta đang đi trên con đường lữ hành hướng đến sự sống toàn vẹn, vĩnh cữu, một sự sống đang rạng rỡ soi sáng con đường chúng ta đi. Như vậy sự chết đang đi theo sau lưng chúng ta, chứ không đi trước mặt chúng ta. Trước mặt chúng ta là Thiên Chúa của người sống, Chúa của sự kết hợp, Chúa mang tên của tôi, của anh và của bạn.. . Với danh tánh của chúng ta, Chúa là Chúa của những người sống! Và tội lỗi cũng như sự chết đã đầu hàng, và chúng ta bắt đầu một đời sống đầy hoan lạc và trong ánh sáng không hề chấm dứt” (xem: PT Huỳnh Mai Trác, Cuộc lữ hành trần thế đem chúng ta từ sự chết đến sự sống, trong www.vietcatholics.net, ngày 11/18/13)

Thiết tưởng ít có lời kinh nào có tác dụng trấn an và khích lệ cho bằng lời kinh Tiền Tụng vị Linh Mục xướng lên trong Thánh Lễ dành cho người quá cố: “Lậy Chúa, đối với các tín hữu Chúa, sự sống thay đổi chứ không mất đi, và khi nơi nương náu ở trần gian này bị hủy diệt tiêu tan thì lại được một chỗ cư ngụ vĩnh viễn trên trời.” Như vậy, thực tại “gớm ghét” của cái chết đã không còn ghê rợn như ta thường nghĩ tưởng! Với người tín hữu, khi suy niệm về thái độ của Chúa Giêsu trước cái chết do chính Ngài xin vâng đón nhận vì đó là ý của Cha Ngài, và nhất là khi chiêm niệm chính cái chết của một Thượng Đế bất tử, ta mới thấy được mối liên kết huyền nhiệm giữa cái chết và tội lỗi, khởi từ tội nguyên tổ loài người. Thì ra “chỉ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể mà huyền nhiệm con người và kiếp nhân sinh mới được soi tỏ” (Gaudium et Spes số 22). Nhưng cũng chính vì thế mà ta mới thanh thản hát lên được cùng tác giả Thánh Vịnh 23: “Dù qua thung lũng tử thần, tôi cũng chẳng sợ lo, vì Chúa ở cùng tôi. Cây roi và cái trượng của Người chính là điều an ủi lòng tôi.”

Không dưng, cái biện chứng sinh-tử, đi-ở, thắng-thua, được-mất, bỗng như bừng dậy trong ánh sáng của một trật tự mới, mang thật nhiều ý nghĩa sâu xa: “Ta nói thật cho các con: nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không chết đi, thì nó chỉ trơ trọi thế thôi. Nhưng nếu nó chết đi thì nó mới nẩy mầm sinh hạt. Ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất nó. Còn ai ghét mạng sống mình thì sẽ giữ được nó cho đời sống trường cửu” (Gioan 12:24-25). Làm sao ta hiểu được những tuyên bố “ngược đời” kiểu này? Nhưng hình như, chính trong một xã hội đang đảo lộn tùng phèo như hôm nay, khi con người—dù đã bước vào thời kỳ I-Phone 6—nhưng lại đang trở về thời kỳ đồ đá trong cung cách cư xử con người với nhau, trong lối sống buông tuồng “thích gì làm nấy,” và bất kỳ cái gì cũng làm được, không cấm kỵ, cứ thoải mái “vô tư,” cho như thế mới là tự do, thì hơn bao giờ hết, những lời nói và hành động “lạ lùng” của Chúa lại càng phải được khơi lên để có thể thấm sâu hơn nữa trong từng mỗi tâm hồn thiện chí. Phải, tuy là một Thiên Chúa quyền uy, nhưng Đức Kitô đã tự hủy mình, xuống trần gian làm người, không phải làm kẻ cao sang quyền quý, mà chọn cuộc sống cơ cực khốn khổ, giữa những hạng người tầm thường đến bần cùng trong xã hội. Hiến Chương Nước Trời của Ngài là Phúc Thật Tám Mối mà phúc thứ nhất lại là cái phúc nghèo khó; giới răn của Ngài là “hãy thương yêu nhau,” kể cả kẻ thù, và đừng đoán xét; thái độ của Ngài là cứng rắn và thẳng thắn trước kẻ giả hình, nhưng luôn hiền lành và khiêm nhường trong lòng, bởi Ngài hằng quan tâm tới những kẻ khốn cùng, bé nhỏ; ưu tiên của Ngài là một trật tự đảo lộn: giầu có sẽ trở thành tay không; thiếu thốn thì Ngài lại cho dư dật, còn kẻ trước hết lại trở thành sau hết; tặng thưởng hậu hĩ cho đám thợ xuất hiện vào giờ thứ hai mươi lăm; phong thánh lập tức cho Ông Trôm Lành cùng chịu đóng đanh với Ngài; lối sống của Ngài là vác thập giá mỗi ngày để làm trọn Thánh Ý Chúa Cha, kể cả cái chết thập giá đớn đau tủi nhục. Thế nhưng tất cả các hành động và lời nói khác lạ đến khó hiểu ấy lại có sức thần vô song: đem lại ơn cứu độ cho con người.

Thu ảm đạm với những cánh lá vàng úa lìa cành may ra có thể làm cho lòng ta lắng đọng!

Ngày Lập Thu

09/22/2014

Nguyễn Kim Ngân
 
Giỗ 100 ngày : Cha An -Bê-Tô Trần Phúc Nhân và nỗi oan còn đó
Lm. Vinh-sơn Trần Minh Thực
08:57 23/09/2014
Giỗ 100 ngày: CHA AN-BÊ-TÔ TRẦN PHÚC NHÂN VÀ NỖI OAN CÒN ĐÓ

Sáng 14-6-2014, còn chút thời gian tại Sài Gòn, tôi tranh thủ ghé thăm cha An-bê-tô Trần Phúc Nhân. Cửa phòng của ngài tại nhà hưu dưỡng linh mục Chí Hóa đóng chặt. Tôi bấm chuông hai lần, chỉ nghe được tiếng nói vọng ra từ bên trong, nhưng không thể hiểu được nội dung lời nói. Tôi thử vặn tay nắm cửa, nhưng chốt cửa cũng đã gài chặt. Tôi đành tới thăm cha Lu-y Trần Phúc Vỵ và nhờ cha Vỵ chuyển lời thăm cha Nhân. Trưa hôm đó, tôi nhận được tin cha Nhân đã từ trần. Bao nhiêu kỉ niệm về cha ùa về như trong những đoạn phim quay chậm. Tôi xin được lựa ra đây đôi ba đoạn kí ức nhỏ, như nén hương lòng để tưởng nhớ cha giáo kính yêu.

Đôi mốc thời gian

Tuy sinh trưởng tại miền bắc, nhưng tôi lại có hân hạnh quen biết cha An-bê-tô Trần Phúc Nhân từ khá lâu, trong tương quan cũng khá đặc biệt.

Lần đầu tiên tôi được gặp cha An-bê-tô là vào năm 1989, khi cha về thăm quê hương Phát Diệm và nói chuyện với anh em tu sinh trẻ. Các vị hữu trách giới thiệu cha như là một học giả uyên thâm trong nhiều lĩnh vực. Anh em chúng tôi được phép nêu vài thắc mắc để cha giải đáp. Lúc đó tôi đang đọc cuốn Đời sống mới trong Chúa Ki-tô, nên đã đặt câu hỏi về Thánh Kinh với thuyết độc tổ và đa tổ. Cha đã trả lời như trong sách.

Giữa tháng 10 năm 1992, tôi thuộc nhóm mười anh em tu sinh giáo phận Phát Diệm được gửi vào Sài Gòn để hình thành một dạng chủng viện chui. Cha An-bê-tô Trần Phúc Nhân lãnh trách nhiệm làm giám học với một ban giáo sư đông hơn số chủng sinh. Kể từ đó cho tới khi rời Sài Gòn vào năm 1999, cùng với anh em, tôi được cha giáo ân cần dìu dắt. Dường như cha giáo cũng dành cho tôi một sự quan tâm ưu ái đặc biệt.

Quả thật, thời gian được thụ huấn bên cha giáo cùng với những nâng đỡ đầy yêu thương đã dệt nên giữa cha giáo và tôi một tương quan gắn bó thầy - trò như tình phụ - tử.

Vài ba biệt lệ

Trong suốt thời gian được học hành tại Sài Gòn, cha giáo đã dành cho tôi khá nhiều biệt lệ.

Ngay từ những năm đầu theo chương trình triết học, cha đã khích lệ tôi học tiếng Hi-lạp Tân Ước. Vốn kiến thức tiếng Hi-lạp học được từ cha giáo đã là nền tảng căn bản giúp tôi đi xa hơn khi có dịp nghiên cứu chuyên sâu về Kinh Thánh. Khi tới học tại Học Viện Công Giáo Paris, tôi đã có thể dễ dàng bỏ qua năm đầu để bắt đầu môn tiếng Hi-lạp năm thứ hai, rồi với hành trang đó, tôi đã vượt qua kì thi môn cổ ngữ Hi-lạp tại Viện Thánh Kinh Rô-ma.

Ngoài việc cho phép tôi học thêm tiếng Hi-lạp, cha giáo đã luôn khích lệ tôi duy trì và trau dồi ngoại ngữ, đặc biệt là vốn tiếng Pháp đã học ở đại học. Cha đã uốn nắn cách phát âm, đã tạo cơ hội cho tôi sử dụng tiếng Pháp. Đặc biệt, năm 1995, cha cho phép tôi được học song song chương trình thần học và chương trình Anh ngữ tại Đại Học Tổng Hợp, cùng với lời nhắc nhở: “Tôi cho anh đi học đại học, nhưng tôi sẽ theo dõi. Nếu điểm các môn thần học của anh bị thấp xuống thì anh sẽ phải nghỉ chương trình đại học ngay lập tức.”

Sau một năm theo dõi, năm 1996, cha lại khuyên tôi theo môn tiếng Híp-ri. Điểm lại bàn bè đồng môn trong khóa học này, tôi nhận thấy khá nhiều anh chị em đang đảm nhận những nhiệm vụ quan trọng tại giáo phận hay dòng tu của mình. Tôi không dám cho rằng điều đó là kết quả của môn tiếng Híp-ri năm nào, nhưng tôi nghĩ có thể khẳng định mà không sợ sai lầm rằng những anh chị em đó đã ít nhiều chịu ảnh hưởng từ những năm tháng theo học với cha giáo.

Cha An-bê-tô Trần Phúc Nhân và các học trò lớp tiếng Híp-ri niên khóa 1996-1997 tại tu viện Mai Khôi, 44 Tú Xương

Phải nói thêm rằng bận tâm lớn của cha giáo trong nhiều năm trời, nhất là vào những thời điểm khó khăn, là lo đào tạo những chuyên viên trẻ về Kinh Thánh. Trong số những người đang giảng dạy Kinh Thánh ở Việt Nam hiện nay, không ít người đã từng là học trò của cha giáo.

Và nỗi oan của cha giáo

Tôi nghĩ mình đã hơi lan man dài dòng, đã kể về cái tôi hơi nhiều, nhưng mối thâm giao đặc biệt cùng với những năm dài thụ huấn với cha giáo khiến tôi thấy mình có thẩm quyền và trách nhiệm giải oan cho cha giáo.

Đi đâu tôi cũng thường nghe người ta đồn thổi, thậm chí đặt vè về ác mộng mang tên Trần Phúc Nhân. Nào là cha Nhân bắt học đúng từng dấu chấm dấu phẩy, nào là cha Nhân bắt học đúng từng câu từng chữ theo sách cha viết.

Tôi đồng ý là cha giáo rất kĩ lưỡng khi ra đề và chấm bài thi. Tôi đồng ý là cha giáo soi xét từng con số, từng dấu chấm, dấu phẩy trong các bài làm. Nhưng đổ cho cha giáo cái tội bắt học trò học từng dấu chấm dấu phẩy là đổ oan cho cha giáo. Tôi đã học rất nhiều môn với cha giáo trong suốt bẩy năm trời, từ năm 1992 tới năm 1999, tôi chưa bao giờ học thuộc lòng một bài học nào của cha giáo. Thường thường, tôi chỉ học các ý chính trong một bài, rồi khi làm bài, tôi viết lại các ý đó theo lối văn của mình. Thế mà điểm số của tôi thường khá cao, thậm chí có những lần cha giáo đã cho tôi điểm tối đa. Tôi đã nói chuyện này với một vài anh em linh mục từng học với cha giáo, những anh em này cũng đồng ý với nhật xét của tôi.

Phải nói rằng cha An-bê-tô Trần Phúc Nhân là người rất cẩn trọng trong việc đào tạo nhân sự cho Hội Thánh. Với những ai quen biết, đặc biệt là với học trò, cha luôn tận tình chỉ bảo từng chi tiết nhỏ. Khi viết lách, cha lựa chọn câu chữ rất kĩ càng. Giáo trình của cha cũng được viết rất cẩn thận. Vì thế, học trò làm bài với cha mà viết lách lôi thôi về câu cú hay từ ngữ, hoặc nội dung bài làm thiếu sót, nếu có bị “chỉnh” thì cũng phải coi là chuyện bình thường. Sự cẩn trọng của cha toát lên tình yêu và trách nhiệm đối với Hội Thánh.

Nhưng ngay cả một người luôn đòi hỏi sự rành mạch và rõ ràng trong ngôn ngữ cũng đến lúc không thể nói những câu đơn giản một cách mạch lạc. Sáng ngày 14-6-2014, đứng ở cửa phòng cha, tôi chỉ còn có thể nghe thấy từ bên trong phát ra những âm thanh yếu ớt, không còn tròn vành rõ chữ. Đó âu cũng là giới hạn của kiếp người. Sinh thời, cha giáo từng băn khoăn tìm kiếm lớp người kế tục. Thế hệ học trò nên tiếp tục công việc của cha giáo, như một vế đối thời xưa nhắc nhở : “Phụ nghiệp tử năng thừa”.

LM.Vinh-sơn Trần Minh Thực
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Cánh Đồng Hoa
Đặng Đức Cương
21:27 23/09/2014
CÁNH ĐỒNG HOA
Ảnh của Đặng Đức Cương
Thanh thoát vươn theo ánh sáng mặt trời
Rạng rỡ thay cánh hoa vàng khác lạ
Ân phúc lộc hướng dương hoa tháng Hạ
Nắng càng nồng hoa càng nở thêm to
(Trích thơ của Nguyên Đỗ)