Ngày 23-09-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ý lực sống của Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay có thể được gọi là “chia sẻ”
Lm. Ignatiô Hồ Thông
10:09 23/09/2009
CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN

Ds 11: 25-29: Chia sẻ những ân ban của Thần Khí hướng đến chia sẻ những trách nhiệm, mà không bất kỳ áp lực phàm nhân nào có thể giới hạn tác động của Thần Khí Thiên Chúa. Đây là ý nghĩa của chuyện tích trong sách Dân số về việc tấn phong các Kỳ Mục Ít-ra-en để là những công tác viên của ông Mô-sê.

Gc 5: 1-6: Chia sẻ những của cải trong các cộng đoàn Ki tô hữu hướng đến cùng một lý tưởng của đức khó nghèo Tin Mừng, đó là lời khuyên của thánh Gia-cô-bê.

Mc 9: 38-43, 45, 47-48: Chia sẻ những ân ban Thần Khí, thậm chí bên ngoài cộng đoàn Ki tô hữu, đó là giáo huấn của Đức Giê-su trong Tin Mừng Mác-cô.

BÀI ĐỌC I (Ds 11: 25-29)

Sách Dân Số là sách thứ tư trong số năm cuốn sách của bộ Ngũ Thư; sách nầy được đặt ở giữa sách Lê-vi và sách Đệ Nhị Luật; tên sách do từ việc điều tra dân số của dân Do thái mà ông Mô-sê tiến hành trước khi rời bỏ miền Si-nai. Việc điều tra dân số chiếm trọn những trang đầu tiên.

Tiếp đó, sách tiếp tục chuyện tích về cuộc hành trình của dân Do thái qua sa mạc. Vài tình tiết, đã được tường thuật rồi trong sách Xuất Hành, được lập lại, thường với những biến thể hay những viễn cách khác. Như vậy chúng ta có hai bản văn về việc ông Mô-sê chọn những cộng tác viên để giúp đỡ ông trong công việc của mình: một bản văn “phàm trần” và một bản văn “đặc sủng”; chính bản văn thứ hai, mà chúng ta đọc ở chương 11 của sách Dân số.

1. Bản văn phàm trần:

Trong bản văn phàm trần (Xh 18: 13-26), chính bố vợ của ông Mô-sê đến gặp con rể của mình. Ông Gít-rô lo lắng khi nhận thấy ông Mô-sê đảm nhận công việc quá nặng nhọc và kiệt sức, vì thế, ông khuyên ông Mô-sê chọn “những ai là người có tài, biết kính sợ Thiên Chúa, đáng tin cậy, không ham của bất chính, thì đặt họ làm những người chỉ huy…Họ sẽ thường trực xử kiện cho dân” (Xh 18: 21-22). Ông Mô-sê vâng theo lời khuyên nầy.

2. Bản văn đặc sủng:

Bản văn đặc sủng của sách Dân Số thuộc một nhà biên soạn khác. Ông Mô-sê phàn nàn với Thiên Chúa về công việc vất vả khó khăn mà ông đảm nhận. Việc dẫn dắt dân nầy, một dân không ngừng kêu ca ta thán, là một công việc quá nặng nề khó mà gánh vác nổi. Đức Chúa khuyên ông Mô-sê chọn cho mình những cộng tác viên ở giữa các Kỳ Mục của dân Ít-ra-en.

Những Kỳ Mục nầy là ai? Chắc chắn những tộc trưởng mà chức vụ của họ có nhiều điểm song song trong nhiều tổ chức bộ lạc của các xứ sở khác (Phi Châu, Á Châu). Ở Ít-ra-en, chúng ta mất dấu vết của định chế nầy khởi đi từ thế kỷ thứ mười hai trước Công Nguyên. Tước vị Kỳ Mục tái xuất hiện chỉ vào thời đại Ba tư, nhất là trong việc thiết lập Thượng Hội Đồng.

Ông Mô-sê chọn, nhưng chính Thiên Chúa tấn phong.

3. Việc Tấn Phong:

Cách thức Thiên Chúa tấn phong bảy mươi Kỳ Mục thật lạ lùng nhưng có ý nghĩa. Đức Chúa lấy một phần thần khí đang ngự trên ông Mô-sê mà đặt trên bảy mươi vị Kỳ Mục, cách thức nầy nhấn mạnh rằng các Kỳ Mục nầy lãnh nhận cùng một sứ mạng như ông Mô-sê và chia sẻ những trọng trách của ông, trong khi vẫn lệ thuộc ông và đường lối của ông.

“Khi thần khí ngự xuống trên các ông, các ông xuất thần như ngôn sứ”, nghĩa là cuộc tấn phong của các ông được bày tỏ bằng những dấu chỉ bên ngoài. Được thần khí chiếm đoạt, các Kỳ Mục phát ngôn, nghĩa là có những hành động như các ngôn sứ thời xưa: “xuất thần nhập định” (1Sm 10: 10-13; 19: 20-24). Hiện tượng ấy chỉ ngắn ngũi. Những cách bày tỏ theo loại nầy sẽ biến mất với truyền thống ngôn sứ lớn sau nầy. Chúng hãy ghi nhận ở đoạn văn nầy rằng những tình trạng nầy chỉ là phụ, không bao giờ do những nghi thức chè chén say sưa hay theo những phương thức đồng bóng của dân ngoại. Trường hợp Ê-li-sê cần đến âm nhạc để xuất thần ngôn sứ, vẫn cá biệt (2V 3: 15). Các ngôn sứ Ít-ra-en vẫn luôn luôn ý thức về nguồn gốc thần hứng của mình.

4. Sự tự do của thần khí:

Hai thành viên của nhóm Kỳ Mục, được ghi trong danh sách các Kỳ Mục, nhưng đã không thuộc nhóm bảy mươi có mặt tại Lều Thánh, lý do không được nêu lên. Do hờn dỗi? hay sợ trách nhiệm? Dù sao đi nữa, thần khí không quên họ, mặc dầu họ vẫn ở trong trại; các ông cũng được lãnh nhận ơn xuất thần ngôn sứ.

Một người thanh niên chạy đi báo tin cho ông Mô-sê. Ông Giô-suê, từng hầu ông Mô-sê từ hồi còn nhỏ, lo lắng. Những người được Đức Chúa tuyển chọn nầy đã không tham dự buỗi nhóm họp chính thức của Lều Hội Ngộ, liệu họ sẽ hành xử ơn gọi ngôn sứ mà không vâng phục ông Mô-sê chứ? Ông Mô-sê trả lời: “Phải chi Chúa ban thần khí trên toàn dân của Người để họ đều làm ngôn sứ!”.

Qua câu trả lời nầy, chúng ta hiểu ông Mô-sê, ông ước mong rằng dân nầy quá khó khăn để hướng dẫn, cần phải được thần khí thực sự ở cùng. Nếu dân để cho mình được sự khôn ngoan của Thiên Chúa hướng dẫn, họ sẽ thay đổi biết mấy!

Lời cầu chúc của ông Mô-sê đi xa hơn ước muốn tức thời của ông nhiều; lời cầu chúc nầy sẽ được lập lại trong những viễn cảnh ngôn sứ của ngôn sứ Giê-rê-mi-a và ngôn sứ Ê-dê-ki-en và sẽ được ứng nghiệm một cách viên mãn vào ngày lễ Hiện Xuống (Cv 2: 16-21) và trong Giáo Hội (Ep 4: 3-4; 1Cr 12: 4-11). Tác động của Thần Khí thì không bị giới hạn vào bất cứ ranh giới nào được xem là chính thức, vì Thần Khí hoàn toàn tự do trong việc ban phát Thiên Ân của Ngài. Đây là bài học vĩ đại của đoạn văn sách Dân Số nầy; bài học nầy được Tin Mừng hôm nay xác nhận.

BÀI ĐỌC II (Gc 5: 1-6)

Đoạn trích thư của thánh Gia-cô-bê hôm nay trình bày một trong những đề tài chủ đạo: bênh vực những người nghèo và nhắc nhở lý tưởng Tin Mừng về sự nghèo khó.

Thánh Gia-cô-bê vừa mới chê bai sự khôn ngoan của thế gian (4: 13-17); bây giờ thánh nhân buộc tội những người giàu tích trữ của cải và những kẻ áp bức bốc lột những người nghèo. Thánh nhân định vị những cảnh báo của mình vào trong viễn cảnh của cuộc phán xét chung cuộc. Những lời kêu trách của ngài thì dữ dội: “Hỡi những người giàu có, các ông hãy khóc lóc than van”, những lời nầy nhắc nhớ ngôn từ của các ngôn sứ, như ngôn từ của ngôn sứ I-sai-a gởi đến cư dân Ba-by-lon: “Hãy khóc lóc than van! Vì ngày của Đức Chúa sắp đến gần”. Ý tưởng thì cũng như nhau ở đây, viễn cảnh cũng là cánh chung. Những bất hạnh đang chờ đợi những người giàu có là những bất hạnh họ phải chịu vào ngày xử án.

1. Sự phù du của nhũng giàu có.

Chất đống của cải có ích gì? Được nhìn ở trong ánh sáng của vương quốc Thiên Chúa, của cải được chất đống, được giữ cho riêng mình, tiền bạc tích trử này, là gì ? Đó là “tài sản của các ông đã hư nát, quần áo của các ông đã bị mối ăn”. Hình ảnh kinh thánh nầy rất kinh điển. Đức Giê-su đã dùng cũng những hình ảnh như vậy: “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi.” (Mt 6: 19-20).

Thánh Gia-cô-bê thêm vào ở đây một sự gợi ý “vàng bạc của các ông bị rĩ sét”. Thật ra, vàng không bị oxi hóa và tiền bạc thì khá bền vững, nhưng hình ảnh thì rất mạnh: việc bị rĩ sét làm chứng, trước tòa án Thiên Chúa, về sự không chia sẻ của những giàu có.

“Các ông đã lo tích trữ làm giàu trong những ngày sau hết”, nghĩa là trong thời kỳ nầy được khai mạc bởi kỷ nguyên Thiên Sai và sẽ hoàn tất bởi ngày Quang Lâm của Chúa. Xưa kia, trong thời Cựu Ước, sự giàu có của cải có thể xem ra như lời chúc của Đức Chúa thưởng cho sự trung thành tuân giữ Lề Luật. Một phán đoán như vậy không còn có thể nữa. Vương quốc Thiên Chúa đã đến: những của cải tinh thần được dâng hiến cho con người thì khôn sánh và đòi hỏi một sự siêu thoát khỏi những của cải trần thế. Từ đó, thái độ ích kỷ của những người giàu có không chỉ là có tội, nhưng cũng là ngu xuẩn.

2. Người nghèo:

Còn thậm tệ hơn! “Các ông trở nên giàu do từ mồ hôi nước mắt của những kẻ nghèo”. Ở đây, thánh Gia-cô-bê không còn nhắm đến những nhà tài chánh hay những thương nhân, nhưng những điền chủ.

Luật đòi buộc rằng tiền lương của người thợ được trả ngày nào theo ngày đó. Vì người nghèo sống theo tiền công nhật của mình. “Chính ngày hôm ấy, anh em phải trả công cho họ, đừng để mặt trời lặn mà không trả công, vì họ nghèo khổ và nóng lòng mong đợi được trả công; như vậy họ sẽ không kêu lên Đức Chúa tố cáo anh em, và anh em sẽ không mang tội” (Đnl 24: 15).

Người giàu giữ lại tiền lương của người thợ, dù chỉ một thời gian, là phạm đến sự bất công. Hiền nhân Si-rác đã diễn tả nổi công phẩn tương tự: “Người túng nghèo còn chút bánh độ thân, ai lấy đi là kẻ hút máu. Cướp phương tiện sống của kẻ khác là giết người; đoạt lương của người làm thuê là gây đổ máu” (Hc 34: 21-22).

3. Thiên Chúa của những người nghèo khổ:

Đức Chúa, Chúa Tể hoàn vũ, là Đấng bênh vực những người cùng khổ. Thánh Gia-cô-bê đối lập thái độ của những kẻ giàu có “trên cõi đất” nầy, những kẻ khinh bĩ người nghèo và sống xa hoa vô độ với thái độ của Thiên Chúa, vua của trời đất. Giờ phán xét sẽ bất ngờ ập xuống trên họ trong khi họ “đã ăn uống linh đình, đã buông theo khoái lạc, lòng họ đã được thỏa thuê vui thú trong ngày sát sinh”. Quả thật, hình ảnh về ngày của Chúa đôi khi được diễn tả bằng hình ảnh về “ngày sát sinh”, vì Đức Chúa sẽ hủy diệt vào ngày đó mọi kẻ thù của Ngài.

Câu kết thúc của đoạn văn nầy quả thật khó hiểu. Ai là người ông chính đã bị kết án và bị giết hại bởi những người giàu có mà đã không thể cưỡng kháng lại? Người ta có thể nghĩ rằng thánh Gia-cô-bê trở lại hình ảnh của người nghèo bị tước đoạt tiền lương của mình, mà người giàu là kẻ sát nhân của họ, theo cách diễn tả của hiền nhân Si-rác. Vài người gợi ra rằng đây cốt là Đức Ki tô, những người khác cho rằng Người Công Chính nầy là Người Công Chính theo cách chung chung đối lập với những kẻ gian ác như các sách minh triết thường hay gợi lên.

Ý tưởng căn bản vẫn là vào ngày phán xét người nghèo và người công chính sẽ được Thiên Chúa báo oán.

TIN MỪNG (Mc 9: 38-43, 45, 47-48)

Trong phân đoạn Tin Mừng nầy, thánh Mác-cô tường thuật những giáo huấn khác nhau của Chúa Giê-su, ở giữa chúng chỉ có những liên hệ khá lỏng lẽo. Tuy nhiên, Đức Giê-su không đánh mất mục đích của mình: huấn luyện các môn đệ của Ngài, tức Giáo Hội tương lai của Ngài. Nỗi bận lòng đối với Giáo Hội nầy là tuyến phát triển nối kết các yếu tố xem ra rời rạc.

1. Tinh thần khoan dung rộng mở của người môn đệ Chúa Ki tô.

Giáo huấn đầu tiên trong các giáo huấn nầy được khơi lên bởi câu chuyện về một sự cố: một người trừ quỷ, không thuộc nhóm các ông, đã nhân danh Đức Giê-su mà trừ quỷ.

Thánh Gioan và các môn đệ khác đã cố ngăn cản, vì người đó không theo chúng ta. Thái độ bất khoan dung nầy của thánh Gioan, một trong hai anh em vừa mới được phong biệt danh là “Con của Sấm Sét” (3: 17), sau nầy chính ông là người hỏi Chúa Giê-su có muốn các ông sai lửa từ trời xuống thiêu hủy những người Sa-ma-ri, vì họ không đón tiếp Ngài cũng như nhóm Mười Hai (Lc 9: 54). Đối mặt với người trừ quỷ, thánh Gioan có cùng một phản ứng như ông Giô-suê của sách Dân Số: phải chận đứng kẻ trừ quỷ nhân danh Đức Giê-su mà không thuộc nhóm môn đệ của Ngài.

Chúa Giê-su giữ thái độ thanh thản của một bậc thầy khôn ngoan và trả lời với một lương tâm ngay lành: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy”. Nếu người nầy nhận ra quyền năng siêu nhiên của Đức Giê-su, chính rằng có nơi người ấy rồi một bước khởi đầu chấp nhận sứ điệp. Ngài truyền cho họ phải trải lòng ra tối đa với mọi kẻ không công khai thù địch họ: “Ai không chống đối chúng ta là ủng hộ chúng ta”.

Lời chú giải tốt nhất của những lời nầy chắc chắn được gặp thấy trong thư thứ nhất của thánh Phao-lô gởi các tín hữu Cô-rin-tô: “Chẳng có ai ở trong Thần Khí Thiên Chúa mà lại nói: ‘Giê-su là đồ khốn kiếp!’; cũng không ai có thể nói rằng: ‘Đức Giê-su là Chúa’, nếu người ấy không ở trong Thần Khí” (1Cr 12: 3).

Chúa Giê-su còn đi xa hơn khi cho họ một ví dụ: “Ai cho anh em uống một ly nước vì lẽ anh em là người của Đức Ki tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”. Cử chỉ của người ấy là một cử chỉ tiếp đón; người ấy bày tỏ thái độ thiện cảm rồi.

2. Thần Khí hoàn toàn tự do trong hành động:

Như vậy bài học thì rõ ràng; bài học móc nối với bài học về tình tiết của sách Dân Số. Giáo Hội không được tin rằng mình giữ độc quyền những ân ban của Thần Khí; vì Thần Khí hoàn toàn tự do trong hoạt động của Ngài.

Quả thật, ơn gọi của các ngôn sứ Cựu Ước cho chúng ta thấy điều đó. Trong Cựu Ước, ơn gọi ngôn sứ không là một định chế cha truyền con nối như định chế tư tế, nhưng là đặc sủng. Vì thế, không phải tất cả các ngôn sứ đều là các tư tế. Trong số những vị ngôn sứ bút ký thời danh, chỉ có hai người: Giê-rê-mi-a và Ê-dê-ki-en là tư tế trước khi lãnh nhận sứ vụ ngôn sứ, còn đa số còn lại đều là những con người bình thường với những nghề nghiệp khác nhau trước khi được gọi làm ngôn sứ. Trong những hoàn cảnh Thiên Chúa thấy cần lên tiếng, Ngài chọn những ngôn sứ của Ngài để thay Ngài chuyển giao sứ điệp của Ngài đến những đối tượng mà Ngài muốn. Câu trả lời của ngôn sứ A-mốt với ông A-mát-gia, tư tế đền thánh Bết-Ên cũng đủ nói lên điều đó: “Tôi không phải ngôn sứ, cũng chẳng phải là người thuộc nhóm ngôn sứ. Tôi chỉ là người chăn nuôi súc vật và chăm sóc cây sung. Chính Thiên Chúa đã bắt lấy tôi khi tôi đi theo sau đàn súc vật, và Đức Chúa đã truyền cho tôi: Hãy đi tuyên sấm cho Ít-ra-en, dân Ta” (Am 7: 14-15).

Một trong những nét đặc trưng của các ngôn sứ Cựu Ước đó là, họ ý thức rất rõ họ được Chúa sai đi để chỉ nói lời Thiên Chúa không được nói lời của mình hay bất kỳ lời của ai khác. Tuy nhiên, trong bối cảnh mà các ngôn sứ giả cũng tự cho mình là phát ngôn viên của Thiên Chúa, một trong những tiêu chuẩn để phân biệt giữa ngôn sứ giả và ngôn sứ thật khiến chúng ta phải suy nghĩ: ngôn sứ thật nhân danh Thiên Chúa lên án những bất công xã hội, bênh vực những kẻ nghèo khổ, những người bị áp bức; trong khi các ngôn sứ giả lại tâng bốc bợ đỡ những kẻ có quyền có thế, những kẻ áp bức và bốc lột những người nghèo hèn cô thế. Cuộc tranh cãi giữa ông Kha-nan-gia, vị ngôn sứ giả, và ông Giê-rê-mi-a, vị ngôn sứ thật, cho thấy điều đó (Gr 28: 1-17). Chính nhờ truyền thống ngôn sứ nầy mà Do thái giáo không chỉ đóng khung trong việc tôn kính Thiên Chúa nhưng còn trong mối liên đới với anh em đồng loại của mình. Chúng ta có thể nói họ chuẩn bị con đường mặc khải viên mãn nơi giáo huấn của Đức Ki tô: “mến Chúa và yêu người là một”.

Thêm nữa, ân ban ngôn sứ đôi khi không chỉ giới hạn trong dân Chúa chọn nhưng tràn ra bên ngoài nữa như câu chuyện của ông Bi-lơ-am trong Ds 22-24. Quả thật, ngày hôm nay, chúng ta cũng gặp thấy những người, đôi khi họ không phải là những người Ki tô hữu, nhưng vì lương tâm ngay thẳng, lại xả thân bênh vực những người nghèo, lên án những bất công trong xã hội. Một cách nào đó, họ cũng đang thi hành ơn gọi ngôn sứ mà Thần Khí Chúa thúc đẩy. Nói cho cùng, Thần Khí hoàn toàn tự do trong hoạt động của Ngài như lời khẳng định của Đức Giê-su trong cuộc nói chuyện với ông Ni-cô-đê-mô: “Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu” (Ga 3: 8).

3. Kinh trọng những kẻ bé mọn. Nghiêm túc đối với chính mình.

Trong tất cả mọi cộng đoàn, đều có những người vững mạnh và những những người yếu nhược. “Những kẻ bé mọn đang tin đây” chắc chắn là những người mà đức tin của họ cần được soi sáng và được nâng đỡ bởi mẫu gương của những người vững mạnh trong đức tin nhất và được giáo dục nhất. Thánh Lu-ca, trong một đoạn văn sóng đôi, nói một cách giản dị: “những kẻ bé nhỏ”; qua diễn ngữ nầy, thánh ký nhấn mạnh đức khiêm tốn, tự xóa nhòa của những người khiêm hạ nầy. Dù thế nào, Đức Giê-su nhấn mạnh trách nhiệm nghiêm trọng của những người mà qua cách hành xử của mình, khiến những kẻ bé mọn đang tin đây có nguy cơ lầm đường lạc lối. Thái độ đòi buộc là một sự nghiêm túc đối với chính mình. Trong một bút pháp mãnh liệt với lối nói ngoa dụ nhắc nhớ ngôn từ của các ngôn sứ, Đức Giê-su khuyên chặt tay, chặt chân, móc mắt nếu chúng gây cớ vấp ngã của những người bé mọn đang tin nầy.

Bởi vì có gì quý giá hơn sự sống đời đời. Nếu không, giòi bọ và lửa hỏa ngục sẽ là hình phạt cho kẻ gây cớ vấp ngã; đây là hình ảnh truyền thống được dành cho cái chết tinh thần của quân vô đạo.

Việc bảo vệ những kẻ bé mọn và những người khiêm hạ cho đến tận trong đức tin mõng dòn của họ, thì rõ ràng ở trong hàng của sứ điệp Tin Mừng. Đức Giê-su phối hợp sứ điệp nầy với những yêu sách cứng rắn mà một môn đệ chân chính và đặc biệt những người hướng dẫn cộng đoàn trên con đường của Nước Trời phải bị đòi buộc.
 
Một cộng đoàn lý tưởng trong đó mọi người sống hoà thuận và phục vụ lẫn nhau
Lm PX Vũ Phan Long, ofm
10:14 23/09/2009
Chúa nhật XXVI Thường niên B (Mc 9,38-48)

1.- Ngữ cảnh

Bản văn này dường như là một tổng hợp những chất liệu khác biệt.

Ở cc. 38-41: Ta thấy điều đó ngay khi nhìn bề ngoài nơi việc thay đôi thường xuyên các nhân vật: Gioan nói ở ngôi thứ nhất số nhiều, Đức Giêsu trả lời ngay bằng một câu ở ngôi thứ nhất số ít, rồi bằng một câu khác ở ngôi thứ nhất số nhiều và cuối cùng, ở c. 41 thì ngỏ lời với các môn đệ (hymas, “anh em”). Rồi, c. 41 nối với c. 37 thì khớp hơn là nối với cc. 38-40. Khối cc. 38-40 dường như là một đơn vị độc lập được viết nhằm giải quyết một một vấn đề cụ thể của cộng đoàn, với nội dung và cấu trúc Sê-mít: c. 39 là một mệnh đề điều kiện theo kiểu Sê-mít; c. 10 có giọng văn một cách ngôn. Dường như c. 41 được ghi giữ lại trong Mt 10,42, ở dạng cổ hơn: “Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi…”; bản văn nói về đề tài “những kẻ bé nhỏ” đã được tác giả Mc chuyển thành đề tài “các môn đệ”.

Đến cc. 42-48, chúng ta cũng nhận thấy có những câu nói thuộc các thể văn khác nhau. Dường như c. 42 tiếp nối đề tài những kẻ bé mọn của cc. 37 và 41. Các câu 43, 45 và 47 có cùng một cấu trúc và lặp lại nhịp nhàng đề tài cớ làm sa ngã. Có thể nói, các tư tưởng được liên kết với nhau chỉ về mặt từ ngữ, bằng những “từ móc nối”. Điều đó đặc biệt rõ ràng trong cc. 48-50: “lửa” ở c. 48 đưa đến “lửa” ở c. 49; tại đây “(ướp bằng) muối” đưa tới “muối” ở c. 50. Nhưng trước đó, động từ “làm cớ sa ngã” làm cho cc. 42-48 được thống nhất. Và thuật ngữ “vì danh” móc nối cc. 37 (“vì danh Thầy”), 38-39 (“vì danh Thầy, “vì danh Ta [Thầy]”) và 41 (“vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô” diễn tả trong hy ngữ là en onomati hoti, là một kiểu nói Sê-mít). Ngoài ra “một em nhỏ như em này” ở c. 37 móc nối với “một trong những kẻ bé mọn đang tin đây” ở c. 42 (cho dù trong hai câu ấy có hai từ khác nhau: paidion / micro).

Tuy đây là một bản văn gồm những tư tưởng được liên kết với nhau bằng những “từ móc nối”, nhưng khi đã thành một đơn vị văn chương, và đưa vào trong tác phẩm, hẳn tác giả phải có một chủ ý khi đặt nó vào một chỗ nhất định.

Đây là một cuộc chuyện trò giữa Đức Giêsu và Nhóm Mười Hai: Đức Giêsu ngồi (tư thế của vị thầy). Truyện diễn ra “ở nhà” (c. 33), một ngôi nhà ta không biết rõ ai là chủ và toạ lạc ở đâu. Ở đây, ngôi nhà được xác định là tại Caphácnaum, nhưng ta vẫn có thể gặp ở nơi khác, mỗi khi Mc cần có để diễn tả sự kín đáo thân mật trong những giáo huấn Đức Giêsu ban riêng cho các môn đệ, tách khỏi đám đông (7,17; 9,28; 10,10). Trong cuộc trò chuyện, Đức Giêsu nhấn mạnh rõ ràng đến mối nguy đe doạ cộng đoàn khi các môn đệ còn tìm cho được ăn trên ngồi trước.

Cuối cùng, Mc 9,35-50 đến sau lời loan báo Thương Khó lần thứ hai. Từ 8,31 đến 10,45, có ba lời loan báo Thương Khó, mỗi lời đều có kèm theo những mẩu chuyện minh họa tình trạng tăm tối không hiểu của các môn đệ, khiến Đức Giêsu lại có cơ hội ban một giáo huấn về tình trạng cộng đồng sinh mệnh giữa Người và các môn đệ. Riêng ở đây, sau lời loan báo lần hai, vì các môn đệ còn quan tâm đến việc “trên trước”, Đức Giêsu dạy cho họ biết đâu là đường lối của Thiên Chúa.

2.- Bố cục

Tuy bản văn rất tản mạn, chúng ta có thể chia thành hai đơn vị:

1) Người ở ngoài nhóm (cc. 38-41);
2) Các cớ làm sa ngã (cc. 42-48).

3.- Vài điểm chú giải

- Người lấy danh thầy mà trừ quỷ... không theo chúng ta (38-40): Trong Cựu Ước, có một đoạn song song với câu truyện này, đó là câu truyện Enđa và Mêđa không đến họp mà cũng tuyên sấm (Ds 11,26-30; x. Cv 8,18; 19,13-14). Môsê đã tỏ thái độ khoan dung. Trong bài tường thuật Mc, người trừ quỉ đã sử dụng danh Đức Giêsu như một thứ khí cụ đầy sức mạnh (x. Mc 1,24; 5,7). Đức Giêsu dạy các môn đệ tỏ ra khoan dung với người ấy. Thái độ của Người dựa trên ý tưởng này là bất cứ ai đã trừ quỷ nhân danh Người, không thể ngay sau đó lại đi nói xấu Người. Hẳn là Mc đang muốn nêu ví dụ này để phê bình những khuynh hướng độc quyền trong Giáo Hội tiên khởi. Câu 9,40 là một câu tổng-quát-hoá giáo huấn trong c. 39 thành dạng châm ngôn.

Công thức “vì người ấy không theo chúng ta”, chứ không phải là “vì người ấy không theo Thầy” khiến hiểu rằng nhóm các môn đệ là một thực thể khép kín và có thể lời báo cáo của Gioan phản ánh một vấn đề của cộng đoàn.

- Cho anh em uống một chén nước (41): Nên nối kết lời khẳng định này với c. 37: Hai câu này soi sáng cho nhau vì ta thấy Đức Giêsu nói về em nhỏ bằng những từ ngữ thích hợp với một sứ giả, một vị thừa sai hơn. Chính truyền thống Tin Mừng đã áp dụng cho các môn đệ những lời và những cử chỉ của Đức Giêsu liên hệ đến các em nhỏ: người ta dễ dàng chuyển đi từ em nhỏ sang người môn đệ được mời trở nên bé mọn (Mt 18,2-5; Mc 9,33-37) hoặc sang “kẻ bé mọn đang tin”, nghĩa là người môn đệ yếu đuối nhất hoặc tầm thường nhất (Mc 9,42; Mt 18,6). Câu 37 liên hệ đến việc tiếp đón em nhỏ nhân danh Đức Giêsu, nghĩa là phù hợp với tinh thần và điều răn của Người, dường như nối kết hai câu được nói trong hai hoàn cảnh khác nhau, một câu (c. 37a) nói về các em nhỏ, câu kia (c. 37b) nói về những sứ giả của Đức Giêsu (x. Mt 10,40; Lc 10,16; Ga 13,20). Được diễn tả trong TM II, c. 37 này hoàn toàn phù hợp với người môn đệ được tiếp đón trong tư cách môn đệ. Nếu chén nước cho người ấy có giá trị đến thế, chính là vì Đức Giêsu tự đồng hoá với người ấy (x. Mt 25,35-45).

Nhờ những lời ấy, các ki-tô hữu đầu tiên ý thức rằng họ thuộc về Đức Kitô và do đó, có những trách nhiệm: nhờ các môn đệ, Đức Giêsu tiếp tục hiện diện nơi thế gian này.

- Làm cớ cho những kẻ bé mọn đang tin phải sa ngã (42): “Những kẻ bé mọn” đây chính là những Kitô hữu yếu đuối hơn hoặc ít sáng suốt hơn những người khác. Phaolô có lưu ý rằng những người hiểu biết hơn cũng có thể trở thành cớ khiến người yếu phải sa ngã (x. 1 Cr 8,7-13; 9,22; 10,24-29; Rm 14,1-23). Giọng nghiêm khắc của Đức Giêsu khiến ta hiểu phải tôn trọng phẩm giá của những kẻ ấy và phải ân cần săn sóc họ.

- ai làm cớ cho… sa ngã (43-48): Phân đoạn này có cấu trúc giống nhau (“Nếu tay … nếu chân … nếu mắt…”; x. cc. 43.45.47): nếu một chi thể nào là cớ đưa anh em đến chỗ phạm tội, thì loại nó đi để tránh được geenna (hoả ngục) và được vào Nước Thiên Chúa. Không cần phải tìm hiểu xem những tội của tay, của chân, của mắt là những tội nào. Vả lại, loại bỏ những chi thể này đâu hẳn là loại trừ được mối nguy? Chúng tượng trưng cho tất cả các dịp tội mà một Kitô hữu có thể khám phá nơi bản thân hoặc trong các quan hệ bên ngoài. Đức Giêsu chỉ muốn nhấn mạnh đến giá trị tuyệt đối của “sự sống”, của “Nước Thiên Chúa”, tiêu chuẩn tối hậu của mọi chọn lựa của con người (x. Mc 8,35-37 // 10,23-27 // Mt 13,44-45; …).

“Sự sống” thì đối lại với “hoả ngục”, được coi như nơi có những khổ hình dành cho những kẻ tội lỗi bị loại khỏi “sự sống”. Câu trích khá thoáng ở c. 48 gửi chúng ta về với bản văn Is 66,22-24 trong đó vị ngôn sứ gợi lên vinh quang của Giêrusalem, kinh đô tôn giáo của thế giới, trong khi đó ở bên ngoài thành, tử thi của những kẻ phản loạn chống lại Thiên Chúa đang bị giòi bọ rúc rỉa và lửa thiêu đốt. Đây là thung lũng (Híp-ri ghê) Hinnôm (hoặc “con cái Hinnôm”: ghê-Hinnôm hoặc ghê ben-Hinnôm; Hy-lạp: ghêenna) gần các cổng thành ở phía nam. Ngôn sứ Giêrêmia đã tuyên sấm rằng đây là nơi mà dân Giuđa sẽ bị trừng phạt nặng nề, vì tội lỗi của họ (sát tế con cho thần Môlốc) đã lên tới cực độ (Gr 7,30-8,3; 19,7; 32,35). Lúc đầu, lửa và giòi bọ là những cách thế xử lý các tử thi, nay đi với nhau (Gđt 16,17; Hc 7,17) hoặc riêng rẽ (giòi bọ: G 25,5; Hc (Híp-ri) 7,17; lửa: Mt 13,42.50…), trở thành biểu tượng của số phận khủng khiếp của những kẻ không chịu đáp lại lời Thiên Chúa kêu gọi hoán cải. Viễn tượng của Mc 9,43-48 là viễn tượng cuộc phán xét chung. Không nên dựa vào những bản văn này mà suy đoán về thế giới bên kia, nhưng mà soi sáng và hỗ trợ sự chọn lựa con đường đưa đến sự sống (x. Mt 7,13-14 so sánh với cc. 24-27).

Một ghi chú: C.S. Mann giữ lại một gợi ý thú vị của J.R. Harris: tác giả TM II đã lấy từ La-tinh salis (muối) ở thể đối-cách (accusative) (salem) rồi liên kết từ ấy với Híp-ri salem nghĩa là “bình an, hoà bình” (x. Dt 7,2). Kết quả là chúng ta có một lời khuyến khích các môn đệ giữ cho được sự bình an nơi chính mình và duy trì sự bình an giữa họ với nhau (Mc 9,50).

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Người ở ngoài nhóm (38-41): Khi viết đoạn văn này, tác giả có hai mục tiêu. Trước tiên, sau 8,33-37, cách xử sự của Gioan lại cung cấp một ví dụ khác về tình trạng thiếu hiểu biết của các môn đệ và sự cần thiết phải sửa chữa. Các môn đệ không những tranh nhau về chỗ trên trước, các ông còn khoe khoang về những đặc quyền. Đó là một điểm tiêu cực cần điều chỉnh. Kế đó, cách Đức Giêsu đánh giá hoạt động trừ quỉ cho hiểu rằng Người không nhắm thành lập một nhóm khép kín để hưởng các đặc quyền đặc lợi, nhưng là một nhóm biết phục vụ bất cứ ai, trong âm thầm, khiêm tốn.

* Các cớ làm sa ngã (42-48): Trong khi đi theo Đức Giêsu trong cuộc chiến đấu chống lại sự dữ, các môn đệ phải sẵn sàng tránh làm cớ sa ngã trong mọi trường hợp và phải sẵn sáng chấp nhận những hy sinh. Khi làm như thế, họ không nhắm đạt tới sự hoàn thiện cá nhân nhờ một việc khổ chế, hãm mình, nhưng là để củng cố sự hiệp thông giữa các thành viên. Sự hiệp thông này bị đe dọa bởi sự tranh cãi vê quyền trên trước, bởi việc tìm kiếm các đăc quyền đặc lợi, bởi các cớ làm sa ngã, bởi thái độ khinh bỉ những người thấp kém. Do đó, lệnh truyền cuối cùng là duy trì sự bình an có nghĩa là góp phần giúp người ta vượt lên trên tất cả các mối đe dọa trên (x. Dt 12,14-17).

+ Kết luận

Cho dù là tản mạn, các lời nói trên đây của Đức Giêsu luôn luôn có thể giáo huấn các Kitô hữu. Mc đã trình bày các lời này như những chỉ thị ban cho các môn đệ dấn thân trên nẻo đường đã từng đưa Đức Kitô đến những đau khổ thập giá. Toàn bộ những giáo huấn này nhắm tới lý tưởng một cộng đoàn trong đó mọi người sống hoà thuận với nhau (c. 50b) bởi vì sẵn sàng phục vụ lẫn nhau (cc. 33-35).

5.- Gợi ý suy niệm

1. Đức Giêsu như đang nói: Cứ để cho những người ở ngoài nhóm trừ quỷ! Người đang khuyến khích người ta làm những việc phục vụ ít lộ liễu. Quan trọng không phải là làm những việc ngoạn mục, tạo cảm giác mạnh, nhưng là tình yêu diễn tả cách âm thầm, như đơn giản trao một ly nước cho người đang khát.

2. Lời kết án nặng nề của Đức Giêsu đối với kẻ làm cớ cho người khác sa ngã có thể hiểu như là một lời an ủi khích lệ hay một lời răn đe tùy người được nhận lời nói này. Là lời an ủi khích lệ cho những người đạo đức, để họ cứ vững vàng sống đúng tư cách dù có bị thế gian khinh bỉ. Là lời răn đe đối với những người lãnh đạo cộng đoàn: coi chừng kẻo lối ăn nói, cư xử của các ngài lại thành cớ cho những kẻ mà các ngài đã đưa vào đức tin phải mất tinh thần và buông xuôi, hoặc học lấy một cách sống không phù hợp với người môn đệ của Đức Kitô.

3. Những ai có tinh thần của Đức Giêsu thì phải phục vụ như Người: quan tâm đến những kẻ thấp cổ bé miệng, những người cô thế cô thân, và cứ phục vụ họ trong thái độ kín đáo, khiêm tốn. Chỉ những người đó, vì kiến tạo được sự hiệp nhất trong các cộng đoàn, mới có thể làm chứng cho thế giới thấy rằng Nước Thiên Chúa đã ở giữa loài người.
 
Phe này, cánh nọ
Anmai, CSsR
10:22 23/09/2009
CHÚA NHẬT 26 Thường niên B (Ds 11, 25-29; Gc 5,1-6; Mc 9, 38-43.45.47-48)

Con người, tự lâu lắm rồi, đã mang trong mình cái đầu óc bè phái. Thấy người khác, nhóm khác thành công hơn mình, làm được việc hơn mình thì không chịu cố gắng, nỗ lực để được như người khác, nhóm khác. Hành động của những người ấy hết sức buồn cười là họ dèm pha, chỉ trích, nói hành, nói xấu.

Một kinh nghiệm hết sức thực tế ngay ở dân tộc Do Thái. Thuở xa xưa, khi đưa dân Do Thái ra khỏi nô lệ của Ai Cập thì Thiên Chúa đã nhờ đến bàn tay của Môsê. Ông quá vất vả với đám đông ô hợp. Mệt mỏi quá nên ông than thân trách phận với Thiên Chúa. Thiên Chúa đã nghe lời than vãn ấy, Thiên Chúa sợ ông phải cán đáng công việc một mình mệt nhọc nên Thiên Chúa đã gọi Môsê và truyền cho Môsê quy tụ 70 kỳ mục lại để cộng tác với Môsê.

Khi Thần Khí của Thiên Chúa xuống trên 70 người thì có 2 người trong nhóm họ tên là En-đát, một người tên là Mê-đát. Các ông đã được ghi trong danh sách kỳ mục, nhưng đã không đến Lều như sách Dân Số vừa thuật lại. Vì lý do nào đó không đến lều nhưng Thần Khí của Thiên Chúa vẫn đậu xuống trên các ông và các ông bắt đầu phát ngôn trong trại. Thấy sự kiện như vậy, Ông Giô-suê con ông Nun, từng theo hầu ông Mô-sê từ hồi còn nhỏ, lên tiếng nói với ông Mô-sê: "Thưa thầy, xin thầy ngăn cản họ !" Nhưng ông Mô-sê trả lời: "Anh ghen dùm tôi à ?”

Thế đấy, ông Giô-suê đã ghen tương khi thấy Thần Khí đậu trên 2 người kia khi họ còn ở trong trại và xin Mosê ngăn cản 2 người ấy. Với Môsê thì khác, Môsê đã mắng rằng họ đã ghen tuông với 2 người ấy.

Trang Tin mừng mà chúng ta vừa nghe thánh Máccô thuật lại hình như cũng mang âm hưởng của sự ghen tuông. Các môn đệ đã ghen tuông khi những người không thuộc nhóm với Chúa Giêsu, không thuộc nhóm các môn đệ mà trừ được quỷ.

Nếu để ý trình thuật trước trình thuật này bối cảnh là "ở nhà", nơi đó Chúa Giêsu "ngồi" giảng dạy cho các môn đệ. Thánh ký Máccô tiếp nối khung cảnh bằng cách chuyển mạch từ câu hỏi của môn đệ Gioan nhằm trình bày những giáo huấn mới của Chúa Giêsu.

Phải chăng việc gợi nhắc Gioan ở đây nằm trong dụng ý của thánh ký liên hệ đến một vấn nạn dù nhiệt tình song cũng không ít phần cục bộ: "lấy danh Thầy mà trừ quỉ, nhưng hắn lại không theo chúng tôi, và chúng tôi đã cố ngăn cản vì hắn không theo chúng tôi". Vì chưng, trong một truyền thống khác chỉ có trong Tin Mừng Luca (Lc 9,54), chính Gioan và anh mình là Giacôbê đã đòi khiến lửa từ trời xuống mà tiêu diệt dân Samaria không đón tiếp Chúa Giêsu và các môn đệ.

Trong thời đại của Chúa Giêsu việc chữa bệnh bằng cách trừ quỉ cũng được một số người Do Thái thực hành. Sử gia Flaviô Giôsêphê (Antiquités VIII, 46t) có kể lại trường hợp một người Do Thái tên là Elêazar chuyên chữa bệnh bằng một việc trừ quỉ rất mê tín và phù phép nhân danh vua Salômon.

Ở đây, thánh ký đề cập tới việc trừ quỉ nhân danh Chúa Giêsu, gợi nhắc đến bối cảnh thời Giáo hội sơ khai, ở đó việc trừ quỉ được coi là khá thịnh hành.

Sách công vụ tông đồ 8,19-24 có kể lại trường hợp Simon phù thủy muốn mua ở Phêrô quyền làm các phép lạ. Sách Cv 19,13t cũng trình thuật câu chuyện một số người Do Thái trừ quỉ nhân danh Chúa Giêsu: "Có ít người trừ tà rong đường, gốc Do Thái, cũng đã thử kêu danh Chúa Giêsu trên những người có quỉ ám" (Cv 19,13).

Cách miêu tả: không theo chúng tôi là một chi tiết biên soạn đậm nét thời Giáo hội sơ khai ở đó công đoàn các Kitô hữu tiếp tục quanh quẩn bên nhóm môn đệ, những kẻ đã từng theo Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu nói: "chớ ngăn cản người ấy, vì không có ai nhân danh Ta làm phép lạ, rồi lại có thể vội nói xấu Ta. Vì ai không chống cự chúng ta là ủng hộ chúng ta, Kẻ nào cho các ngươi uống một bát nước, vì danh nghĩa các ngươi thuộc về Đức Kitô... nó sẽ không mất phần thưởng đâu" (Câu 39-41).

Sự kiện các môn đệ muốn ngăn cản những kẻ không theo họ, gợi nhắc tinh thần hẹp hòi của họ sánh với cái nhìn của Thầy họ. Từ đó, Chúa Giêsu đã dựa vào suy tư của các môn đệ để đưa ra những lời dạy nhằm khơi mở tâm hồn họ. Trong bối cảnh Chúa Giêsu đang tiến về cuộc khổ nạn cũng như đang đối diện với phe Biệt phái ký lục tìm cách hãm hại Người, câu trả lời của Chúa Giêsu (câu 39) có thể được hiểu như sau: một kẻ nại đến Ta, nhân danh Ta, dựa vào sức mạnh của Ta để làm phép lạ, thử hỏi Người đó có thuộc về phe Biệt phái ký lục không? Thử hỏi kẻ ấy có chủ ý tìm cách hãm hại Ta không?

Cách miêu tả: vội nói xấu ta Gợi nhắc rằng việc làm các phép lạ và trừ quỉ... chưa hẳn diễn tả được một cách dứt khoát đức tin bền vững vào Chúa Giêsu.

Dầu sao, trong nhãn quan thần học của Maccô, câu trả lời trên của Chúa Giêsu nói lên chủ đích của Người muốn các môn đệ hiểu thái độ thiếu nền tảng của họ. Vì chưng, "ai không chống đối chúng ta, là ủng hộ chúng ta" (câu 40).

Làm sao dung hợp được kiểu này và câu nói được trình bày ở Tin Mừng Matthêu cũng như ở Luca: Bản Mt 12,30 viết: "Ai không đi với Ta, tức là chống lại Ta. Kẻ không cùng Ta thu họp tức là làm tan nát" (x. Lc 11,23). Phải chăng đây là bằng chứng của các truyền thống mâu thuẫn nhau?

Một lần nữa, độc giả Tin Mừng được mời gọi để hiểu những lời của Chúa Giêsu trong mạch văn biên soạn tùy theo nhãn quan thần học của thánh ký.

Như vậy, mạch văn ở đây của Máccô là gì ? Đó là sự mời gọi của Chúa Giêsu ngỏ cho các môn đệ biết theo chân Người làm tôi tớ mọi người (câu 35c), nhất là những ai thấp hèn hơn. Nếu Người đã từng nặng lời kết án phe Biệt phái ký lục và Hêrôđê như những kẻ mù quáng đối nghịch lại với Người, thì ngược lại, Người cũng luôn tỏ bày khuôn mặt của Đấng Thiên sai mang ơn cứu độ cho hết mọi người, Do Thái hay dân ngoại. Thế nên, chỉ có những kẻ chủ ý chống lại Người, phủ nhận quyền năng của Người, sẽ phải hụt mất cơ may cứu độ. Còn bất cứ ai không chống lại quyền năng của Người, cũng như muốn làm những sự thiện nào đó, đều được mời gọi để tin theo Người...

Lồng kết vào trong bối cảnh thời Giáo hội sơ khai ở đó Tin Mừng Maccô được biên soạn, kiểu này ngỏ cho các môn đệ và qua đó cho cộng đoàn Kitô hữu của sơ thời cũng như của mọi thời, như là lời mời gọi họ biết vượt qua tinh thần ích kỷ hẹp hòi phe phái. Vì chưng những ai theo Chúa không được phép trở thành những nhóm đóng kín, kẻo có nguy cơ sống trái ngược với tinh thần của Thầy họ. Ai tự cho mình là môn đệ đích thực của Đức Kitô và ai dám kết án người khác không phải là môn đệ của Người ? Ai dám xác quyết rằng quyền lực cứu độ của Người chỉ tỏ bày cho họ chứ không cho kẻ khác ? Ai có thể biết được quyền lực đó hoạt động như thế nào nơi người khác không ?

Đang khi đó về bản văn của Matthêu và Luca: Nếu các Tin Mừng này trình bày một kiểu với ý nghĩa đối chọi, chính vì mạch văn đổi khác. Nơi Matthêu chẳng hạn, mạch văn nói về ý nghĩa vẫn đục của nhiều kẻ gán quyền lực trừ quỉ của Chúa Giêsu như xuất phát từ Satan. Hơn nữa trong bối cảnh của cộng đoàn mà Tin Mừng Mathêu được biên soạn, mối bận tâm nằm ở tầm vóc nội bộ cộng đoàn: "không phải mọi kẻ nói với Ta, Lạy Chúa, là sẽ vào được nước Trời” (Mt 7,21).

Trở lại với mạch văn Máccô người môn đệ của Chúa Giêsu được kêu mời ý thức sâu sắc về tâm nhìn cứu độ phổ quát của Người. Họ cần biết vượt thoát tinh thần phe nhóm để thấy được nơi mỗi sự thiện, mỗi sự góp phần tích cực nào đó như là khởi điểm cho ơn cứu độ, cho sự đón nhận Tin Mừng. Vì chưng, như đã được gợi nhắc ở trước trong Tin Mừng, sự thiện thuộc về Thiên Chúa, Đấng đã nhìn thấy mọi sự Ngài sáng tạo đều tốt lành quá đỗi.

Nhìn vào cuộc sống của chúng ta, cái máu phe nhóm, cái máu cục bộ nó len lỏi vào trong đầu của con người chúng ta lúc nào không hay.

Tâm trạng phe nhóm rất dễ thấy nơi các công sở, xí nghiệp và ngay cả trong gia đình. Chẳng hiểu vì sao và lúc nào mà tinh thần cục bộ, phe nhóm, bè phái nó đã len vào trong gia đình, trong công sở, trong xí nghiệp. Nhìn ở góc độ nào đi chăng nữa thì tinh thần cục bộ, óc bè phái và phe nhóm vẫn mang yếu tố tiêu cực hơn là tích cực dẫu rằng có chuyện thi đua để cho mọi sự nên tốt. Con người vẫn mang trong mình những giới hạn để rồi nhóm này thành công thì nhóm kia sẽ thất bại và rồi hai bên cứ kình địch nhau mãi. Tốt hơn hết là ta nên dung hoà và ta nên cùng làm việc chung với nhau chứ đừng vì hư danh mà ganh tỵ.

Anh em vẫn dùng cơm chung với nhau, thi thoảng Cha Sở đã nhắc nhở anh em nên sống công bằng, sống cư xử mọi người như nhau chứ đừng tạo phe nhóm, đừng tạo nên não trạng cục bộ. Chắc có lẽ kinh nghiệm với biết bao nhiêu năm sống cộng đoàn, giúp mục vụ nên Cha Sở đã thấy được những tổn thương, những thiệt hại của tinh thần bè phái, phe nhóm và cục bộ.

Mỗi thành viên góp phần cho sự phát triển của gia đình và cộng đoàn. Nếu từng thành viên ấy chung tay góp sức lại thì gia đình, cộng đoàn ấy vững mạnh và hạnh phúc. Nếu như gia đình, cộng đoàn nào gặp phải tình trạng phe nhóm thì buồn thật vì khi ấy, căn nhà, cộng đoàn ấy cứ mãi bị khập khiễng do sự ganh ghét, hơn thua của phe này nhóm nọ.

Thiệt hại về phe này cánh nọ chúng ta thấy hết sức bi đát. Dẫu bên ngoài họ có che lấp bằng những vẻ đẹp hào nhoáng đi chăng nữa nhưng bên trong nội bộ vẫn là sự bất an. Bất an là vì một bên thì cố gắng hết sức thủ cho mình hết chiêu này đến thức nọ để bảo vệ cho phe của họ còn phe kia thì cứ rình rập xem phe kia có sơ hở gì không và nếu có sơ hở là họ bắt đầu chỉ trích, bắt đầu lên án, bắt đầu dèm pha như các môn đệ hôm nay trong Tin mừng.

Nguyện xin Chúa Giêsu, Vua của Bình An, Vua của Hiệp Nhất đến và ở lại với mỗi người chúng ta để chúng ta dẹp bớt đi cái tôi của mình, dẹp bớt đi cái não trạng bè cánh để cộng đoàn, gia đình chúng ta được bình an và hạnh phúc hơn.
 
Sự công bình và hòa thuận - phần thưởng mở ra trước Thiên Chúa
Jos. Tú Nạc, NMS
10:24 23/09/2009
Chúa Nhật thường Niên XXV – Năm B (Wisdom 2: 12, 17-20; Psalm 54, James 3: 16-4: 3; Mark: (: 30-37)

Điều gì đã làm cho người công bình, chính trực phải đáng lãnh nhận sự bách hại, tra tấn và hành hạ? Chỉ vì rằng – anh ta công chính. Những ai sống trong sự chờ đợi người đó ước muốn một cách thầm kín những gì mình có: sự yên bình nội tâm, liêm chính và sự quan hệ mật thiết với Thiên Chúa. Lòng từ nhân của Người làm họ cảm thấy lung túng và không thoải mái. Họ cảm thấy cắn rứt của một điều gì đó họ có thể hoặc sẽ và tính trung thực của một điều gì đó làm họ day dứt. Họ có thể có tất cả mọi điều đó nếu họ cùng chung bước trên một con đường mà họ thực hiện, nhưng rồi họ phải từ bỏ những lề thói ích kỷ của bản thân.

Hạ thấp anh ta là một điều dễ dàng hơn nhiều và thậm chí thời gian sống của chính chúng ta chúng ta đã thấy biết bao nhiêu người tốt và chính trực đã bị đán áp hoặc bị giết. Ngoài bạo lực ra, nền văn hóa riêng của chúng ta có một hình thức tinh vi hơn đối với việc hạ thấp con người: làm giảm giá trị đạo đức của người khác. Hoặc không thể hoặc không muốn tin vào lòng tốt của người nào đó, chúng ta moi móc những thiếu sót và những chứng cứ thuộc nhược điểm khác và những đặc tính nhân bản và sau đó khai thác hết mức. Điều thiện họ làm thì cực nhỏ hoặc bỏ qua, còn những thiếu sót, khuyết điểm thì phóng đại hoặc thổi phồng không cân xứng. Đây là chứng cứ trong chính trị, tôn giáo, văn hóa và đời sống hàng ngày. Có quá nhiều cách để làm tan biến những điều tốt lành trên thế giới với sự tiêu cực và yếm thế và điều này bắt nguồn sự sợ hãi của chúng ta để điều thiện thử thách và chi phối chúng ta.

Thánh Gia-cô-bê quả quyết rằng lòng thèm khát và sự ước muốn là mạch nguồn của vô vàn xung đột, bạo lực và sát nhân. Ông có nhiều đối tác. Đó là chủ thuyết căn bản của Phật giáo mà sự thèm khát là cội nguồn của đau khổ, của loài người và sự phủ nhận, và giải pháp phải tự giải thoát những thèm muốn này qua việc thiền, tự kỷ, và lòng từ bi. Nhà triết học Công giáo René Girard nhìn sự thèm muốn đua tranh và lòng đố kỵ là căn nguyên của mọi bạo lực xã hội. Chúng ta thèm khát một điều gì đó bởi người nào đó sở hữu hoặc ta coi trọng nó. Khi sự xung đột và trạng thái căng thẳng phát sinh tạo ra bởi sự tranh đua và thèm khát như thế đạt đến đỉnh điểm, một công cụ bung xung – cá nhân hoặc một nhóm – được tuyển chọn cho việc khủng bố hoặc bạo lực trong sự tin tưởng rằng cái chết của họ sẽ giải quyết được vấn đề.

Bản ngã của con người lại một lần nữa nơi làm việc trong câu chuyện Tin Mừng khi các môn đệ của Chúa Giê-su tranh luận người nào trong số họ lớn nhất. Họ đã chứng tỏ bằng những hành động rằng họ chỉ đơn thuần là họ đã được đi cùng trong suốt cuộc hành trình của họ với Chúa Giê-su. Họ đã không hiểu những gì Người đã dạy hoặc những gì Người đã đề cập và manh nha nói về ý nghĩa của cuộc khổ nạn và tử nạn sắp xảy ra của Người một cách chắc chắn. Sự phúc đáp của Người tới họ hẳn làm họ bối rối và kích động: người lớn nhất là người cuối cùng và người đầy tớ của tất cả. Nó trái với quá nhiều những gì đã chiếm lĩnh nhân cách của con người: sự đua tranh, quyền lực, sự chú ý và tự cao tự đại.

Để cho mọi người hiểu, Chúa Giê-su dùng điển hình một em bé. Chào đón một đứa trẻ không làm tăng tư thế của con người trong một nền văn hóa dựa trên sự cạnh tranh và danh dự. Một đứa trẻ không địa vị cũng không thể tri ân thiện ý đó. Không có những dấu ghi để được gọi mời. Bởi sự bất công và thiên vị bị chối bỏ, các tông đồ được chào đón một đứa trẻ như tự thân Chúa Giê-su chào đón. Lòng tốt mở rộng với những ai không quyền hành và không được coi trọng trong xã hội là lòng tốt rộng mở không chỉ đối với Chúa Giê-su mà còn là đối với Thiên Chúa Đức Chúa Cha.

Giảm bớt cái tôi thèm khát là công việc khó khăn nhưng là điều gì đó chúng ta phải chú ý nhiều hơn. Nếu chúng ta không chú ý, rồi thậm chí cái thiện ắt trở nên ô nhiễm với sự tự tư tự lợi và nhu cầu ích kỷ. Sự ích kỷ trơ trẽn và thèm khát quyền lực lố bịch có thể tự nó luồn lách một cách dễ dàng trong ngôn ngữ và những biểu tượng tôn giáo và chẳng may điều này là một thực tế vẫn còn rất nhiều với chúng ta. Tinh thần mà Chúa Giê-su dạy các môn đệ của Người được dự định để mang lại một sự thay đổi nội bộ sâu sắc. Những tông đồ chân chính là những ai biết kiềm chế đời sống của mình bằng lề luật yêu thương và những ai cố gắng để trờ thành những người nam hay nữ vì tha nhân.

(Nguồn: Regis College – The School of Theology)
 
Văn khấn Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
LM Phêrô Nguyễn Hữu Đăng
11:42 23/09/2009
Đội ơn trọng Ba Ngôi cao cả:
Đạo Tình Thương bay toả xa gần.
Tôn phúc công vạn Đấng Anh Hùng:
Gương huyết lệ đã lẫy lừng kim cổ.

Thịt dầu tan: Đức Mến chẳng mòn,
Xương dẫu nát: Lòng Tin càng tỏ.

Nhớ các Đấng xưa:

Kẻ nông dân, người ngư phủ,
Công, thương, văn, vũ,
Mùi danh lợi ai nấy vẫn sạch không.

Hàng Tu sĩ, lớp Giáo dân,
Nam, nữ, trẻ, già,
Chí hy sinh giới nào đều cũng có.

Sống giữa đời, mơ Thiên Quốc, nguyện cầu khắng khít, kho nhân đức tích mãi cho đầy.
Vui duyên Đạo, kiếp trần ai, lao động miệt mài, phận công dân lo sao gánh đủ.

Bởi chưng lòng mến Chúa, nóng quá lửa hồng,
Vả lại đức yêu người, mạnh hơn giông tố.

Gặp phải lúc Xa-tan xúi dục:
Lớp thế quyền trăm khoanh lắt léo,
Quyết ra tay nhổ sạch rể Đức Tin.

Ấy là thời chúng tử giải tình:
Đoàn Tín hữu một dạ đinh ninh,
Thề vững chí đáp đền ơn tri ngộ.

Mang danh tả đạo, phép nước cũng đành,
Chịu tiếng thị phi, tình Thầy chẳng hổ.

Nào roi, nào vọt, nào kẹp, nào kềm, voi giày, ngựa xé, cực hình kia thật đủ thứ dữ dằn.
Nọ ngục, nọ tù, nọ xiềng, nọ xích, lửa bỏng, dầu sôi, thân phận ấy đã hết bề thống khổ.

Trong gông cùm, than oán chẳng nửa lời,
Giữa tra tấn, nguyện cầu hằng ấp ủ.

Theo chân Mẹ dưới chân Thánh giá,
Nuốt lệ sầu cho vẹn nghĩa đồng công.
Dõi bước Thầy trên đỉnh Can-vê,
Dâng máu thắm để khơi nguồn cứu độ.

Than ôi !

Một lát gươm vung,
Một vòng dây xiết:
Hồn trung liệt siêu thoát Cõi Trời,
Ngát hương trầm vời vợi chốn Cao quang.

Từng mảnh thịt nát,
Từng dòng máu tuôn:
Thân tro bụi trở về lòng đất,
Gieo hạt giống mênh mông vườn đại thụ.

Vẻ vang thay chiến thắng,
Đài công danh dù chẳng khắc bia xanh.
Rực rỡ mấy cuộc đời,
Sổ Hằng Sống đã ghi bằng máu đỏ.

Chúng con nay, ngày huý kỵ,

Thiết lễ đài chiêu hồn Thánh Khí,
Trong lung linh ánh nến hương trầm,
Nhìn non nước đượm máu hy sinh,
Còn vương vấn lá cây ngọn cỏ.

Trí thô thiển vụng suy nên lẽ:
Cây tìm cội, nước tìm nguồn.
Lòng ngây thơ khôn sống vẹn tình:
Người có tông, chim có tổ.

Các Đấng nay cõi phúc tiêu diêu,
Luỵ trần thế lâng lâng rủ sạch:
Đoái tưởng đoàn con nơi đất khách,
Xin dắt dìu cho tới bến Trường sinh.

Chúng con còn bến mê đắm đuối,
Lưới quỷ ma lớp lớp bủa vây:
Trông vời các Thánh chốn Quê Trời,
Nguyện khắng khít dõi theo đường Chính lộ.

Thành kính dám nguyện cầu,
Linh thiêng xin phù hộ.
 
''... vì lẽ các con thuộc về Đấng Kitô”
Gioan Lê Quang Vinh
12:14 23/09/2009
Chúa nhật 26 thường niên B

Trong khi khát vọng lớn của đời người là được tự do, và tự do là quà tặng lớn lao của Thiên Chúa dành cho nhân loại, thì nhân loại vẫn bị ràng buộc tưởng không tài nào gỡ ra được. Những ràng buộc đến từ tứ bề thập hướng làm cho con người cứ mãi loay hoay và vướng víu. Và khi họ hả hê la lên rằng mình tự do thì có khi họ lại vướng vào vòng bi luỵ khác của kiếp nhân sinh. Chỉ có một “thuộc về” mang lại tự do thật cho con người, ấy là “thuộc về Đấng Kitô”.

Các môn đệ đã bỏ hết mọi sự mà đi theo Đức Kitô, đi theo không chỉ là bước với Người trên những nẻo đường Palestine vất vả, mà còn nên đồng hình đồng dạng với Người, như cành nho chia sẻ sức sống từ thân nho. Và Chúa Giêsu không ít lần nhắc nhở rằng các ông thuộc về Người để các ông vững tâm bước theo Người. “Thầy không gọi các con là tôi tớ, nhưng là bạn hữu”, “các con hãy ở lại trong Thầy”…

Đặc biệt trong đoạn Tin Mừng Chúa Nhật 26 hôm nay, Chúa Giêsu không chỉ hứa phần thưởng cho những người thuộc về Người mà thôi, nhưng còn là phần thưởng cho những ai cư xử tốt với những người ấy nữa. Hoá ra khi người ta cư xử tốt với môn đệ Chúa, họ cũng là môn đệ của Người và thuộc về Người. Vậy thì dấu chỉ nào cho thấy ai thuộc về Đức Kitô, những người mà trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã nghĩ đến việc ở lại với họ vì “yêu họ đến cùng”?

Những người thuộc về Đức Kitô trước hết là những người sẵn sàng từ bỏ tất cả để bước theo Người, từ bỏ đời sống với những ràng buộc, dù là ràng buộc “êm ái nhất” như lời Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận diễn tả. Họ từ bỏ để nhẹ nhàng thanh thoát bước theo Chúa, gói cuộc đời mình trong tình yêu Chúa.

Những người thuộc về Đức Kitô là những người lăn xả vào giữa giòng đời để giành lấy công lý, tình yêu và sự sống cho anh chị em mình. Họ sẵn sàng chịu áp bức, chịu gian khổ và lắm khi bị thế gian lên án, để chọn đứng phía bên hữu Thánh Giá Chúa, để mắng vào kẻ dữ đang mỉa mai Chúa, và họ bênh vực cho chân lý, rằng “Người có tội gì đâu?”.

Thuộc về Đức Kitô còn là những con người dù chưa đứng trong hàng môn đệ, vẫn nhân danh Đức Kitô mà xua trừ ma quỉ, xua trừ sự ác và xua trừ những mưu mô hiểm độc. Môn đệ Chúa có thể không hiểu họ, có khi không tin họ, nhưng Chúa bảo: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Điều này dễ hiểu. Cuộc đời này, thế gian này thật sự chỉ có hai nhóm: theo Chúa và theo thần ác. Ai tìm cách loại trừ “đầu mục của quỉ” thì đứng về phía ánh sáng của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu đã hứa phần thưởng cho những người “thuộc về Chúa” và phần thưởng cho những người ủng hộ họ nữa. “Cho một chén nước cho anh em” nghĩa là gì nếu không phải là nâng đỡ, ủi an, trợ giúp và lên tiếng bênh vực? Khi cuộc sống đã ổn định, người ta ít khi muốn bước ra khỏi vị trí của mình để trao một bát nước, nhưng chính hành động nhỏ bé ấy giúp hoàn thành bức chân dung người môn đệ đích thực.

Hồi tôi còn sinh viên, bạn bè kháo nhau một chuyện cũng hay hay. Vào một giờ học chính trị mà tôi không đi học, thầy giáo nói: “Tôn giáo là mê tín”. Trong giảng đường hôm ấy chắc chắn có nhiều người có đạo, nhưng chỉ một bạn nữ lớp tôi, con cán bộ cấp cao, đứng lên nói: “Em không nghĩ vậy, tôn giáo khác với mê tín”. Sau này bạn ấy lập gia đình rồi theo chồng sang Pháp chứ không đi con đường của bố mẹ. Ai có thể quả quyết cô bạn ấy không thuộc về Đức Kitô?

Tin Mừng Chúa Nhật 26 năm B đòi chúng ta tự vấn lương tâm: chúng ta thuộc về Đức Kitô theo nghĩa nào và mức độ nào? Chúng ta tự hào mình là môn đệ Chúa nhưng đã mấy lần can đảm và nhân hậu trao bát nước lã cho những đồng môn đang lao nhọc vất vả, bị lên án và thử thách trăm bề?

Xin Mẹ Maria, Đấng đã thuộc trọn về Đức Kitô trong tước hiệu Đồng Công Cứu Chuộc, giúp chúng con hành xử như một môn đệ thật sự của Đức Kitô, hiền lành nhưng can đảm, nhân hậu nhưng bất khuất, và sẵn sàng liên đới với anh em mình bởi vì đã gắn bó với thân mình mầu nhiệm Chúa Kitô.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:28 23/09/2009
SƯ PHỤ MẮT LÁC

N2T


Hươu sao muốn xây nhà, mời khỉ thợ nề đến.

Sau khi xây nhà xong, chẳng ngờ các bức tường đều nghiêng lệch một bên, hươu sao chỉ ra cái sai lầm, nhưng khỉ lại lồng lộn lên, nói:

- “Tôi xây nhà đã hơn mười năm, làm sao sai được chứ ?”

Đến khi cửa sổ làm xong đem tới, nhưng ráp vào lại không ăn khớp với nhau, khỉ lớn tiếng chửi: “Thằng thợ mộc nào đây thật khốn nạn, làm cửa sổ mà để cho bị lệch”.

Thật là kỳ quái, sau chuyện đó mỗi khi khỉ làm nhà đều bị nghiêng lệch, đến bác sĩ kiểm tra thì mới phát hiện ra bệnh của khỉ là nhìn lệch.

(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")

Suy tư:

Con người ta hay bị cái nhìn thành kiến làm cho lệch đi. Thành kiến + ích kỷ +ghen ghét = sai sự thật.

Sai sự thật tức là nhìn nghiêng lệch, nhìn trắng thành đen, nhìn tốt thành xấu.

Cái nhìn thành kiến của người bình thường đôi lúc ít nguy hiểm hơn cái nhìn thành kiến của người có trách nhiệm, của bề trên, của linh mục v.v…

Có một linh mục coi sóc một xứ đạo lớn, vì đã có thành kiến với một giáo dân của mình, nhưng vị giáo dân này rất tích cực với việc của giáo xứ, ông ta làm chuyện gì thì vị linh mục cũng không bằng lòng, cuối cùng ông ta bỏ luôn nhà thờ.

Có một thầy đại chủng sinh, trong thời gian giúp xứ có một lỗi nhỏ không đáng kể (so với các linh mục mắc lỗi này), bề trên đã cho thầy ấy hoàn tục, thầy ấy chuyển qua tu hội khác và sống đời tu đức rất tốt đẹp, nhưng khi xin giấy chứng nhận của chủng viện mà thầy đã học thì vị bề trên này không cho, thế là thầy ấy tìm cách khác để đi nốt con đường tu trì của mình và thầy đã trở nên một linh mục thánh thiện, nhiệt thành...

Nhưng cũng có những bề trên đã phá bỏ cái nhìn thành kiến cũ, để giúp đỡ và khuyến khích ơn gọi, khuyến khích cộng sự viên của mình.

Thành kiến chính là cái nhìn nghiêng lệch vậy.

-----------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:29 23/09/2009
N2T


63. Ai muốn đến trước tòa Thiên Chúa thì phải khiêm tốn tự nhận mình là vô dụng, so với các bác học thì con đường của họ càng vững vàng chắc chắn hơn.

(sách Gương Chúa Giê-su)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:31 23/09/2009
N2T


235. Con người ta giải thích cuộc sống hoàn toàn là mỗi người một ý.

 
Làm cớ vấp ngã
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
20:57 23/09/2009
CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN, năm B

Mc 9,38-43.45.47-48

Sống trong thế giới, con người không thể nào tránh được những gương xấu bởi vì không phải là không có gương tốt nhưng gương xấu có lẽ nhiều hơn những gương tốt, những gương mẫu mực. Ngày nay, phương tiện truyền thông là con dao hai lưỡi khiến những gương mù, gương xấu dễ lan tràn nhanh chóng khắp nơi, gây nên một sự ô nhiễm thật khó chịu cho nhiều người. Giáo Hội là một tập thể thánh thiện nhưng trong đó lại có những con người tội lỗi, nên cũng có những gương xấu khiến nhiều người bị lung lạc đức tin. Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy thái độ dứt khoát, không khoan nhượng, không thỏa hiệp của Ngài: ” Ai làm cho một trong những tín hữu bé mọn này phạm tội, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà quăng xuống biển thì hơn ( Mc 9, 42 ).

Bài đọc I cho thấy rõ thần khí của Thiên Chúa luôn rất tự do và lan tràn khắp nơi. Thiên Chúa không chỉ ban thần khí cho ông Môisen, nhưng thần khí của Thiên Chúa còn đổ trên 70 vị kỳ mục và cho cả hai người không vào Lều thánh. Điều này chỉ ra rằng thần khí được ban cho mọi người, mọi dân tộc, bất kỳ ở đâu hay bất cứ ở chỗ nào.Thiên Chúa đã chọn ông Môisen lãnh đạo dân Chúa, đã ban thần khí cho ông, nhưng ông không ích kỷ, không co cụm thiển cận, nhưng ông rất quảng đại, bao dung,với cái nhìn đúng đắn Môisen cầu xin Chúa ban thần khí cho toàn dân để họ có thể trở thành ngôn sứ. Con người luôn có cái tốt và cái xấu. Thế giới không phải luôn chỉ có cái xấu, chỉ có gương mù. Mỗi người là một khác biệt, khác biệt về tính tình, về cách sống nhưng thần khí của Chúa qui tụ mọi người trong cả những cái khác biệt của nhau. Vậy làm sao chúng ta có thể nhận ra được những biểu hiện của Thần khí Chúa đang tác động trong thế giới, trong các biến cố cuộc đời, trong con người, kể cả những người chưa có niềm tin vào chúa.

Ngay trong đoạn Tin mừng của thánh Marcô hôm nay cũng bầy tỏ sự ích kỷ, quan niệm sai lầm của các môn đệ khi ngăn cản những người không thuộc nhóm mười hai nhân danh Chúa mà trừ quỉ. Đây cũng là gương xấu cần phải tránh. Cần phải sống cởi mở, chứ không được sống khép kín và ích kỷ đèn nhà ai nấy sáng. Các môn đệ cũng rơi vào tình trạng độc quyền chân lý, bao thầu tất cả mọi sự, độc quyền chiếm đoạt Thiên Chúa. Ở đây Tin mừng nhắc nhở chúng ta và mọi người chỉ có thái độ cởi mở, chân thành và hướng tới kẻ khác ngay trong những sự khác biệt của họ, mới giúp chúng ta ra khỏi óc bè phái và độc quyền, đặc biệt muốn chiếm hữu cả Thiên Chúa cho riêng mình.

Chúa Giêsu tỏ ra thái độ dứt khoát và nghiêm khắc đối với những người gây cớ làm cho người khác phạm tội, đặc biệt là ngăn cản người khác đến với Thiên Chúa. Chúa nghiêm khắc răn đe và chống lại những thái độ độc quyền, ích kỷ, hẹp hòi, nhưng lại đánh giá cao những hành động, thái độ, việc làm quảng đại, cởi mở, bác ái. Chúa đánh giá rất cao ngay cả việc làm nhỏ bé như cho người khát uống ly nước lã vv…Chúa nghiêm khắc cảnh cáo những ai làm cho một kẻ nhỏ bé tin vào Chúa vấp ngã. Chúa răn đe cương quyết kẻ làm người khác sa ngã thà chặt tay, chặt chân, móc mắt vv…thà còn một tay, một chân, một mắt mà giữ được tâm hồn toàn vẹn cho Chúa còn hơn còn đầy đủ tay, chân, hai mắt mà xa Chúa, tiếp tay với ma quỉ, làm gương xấu cho anh em, cho người khác.Thực tế qua những lời hết sức khắt khe ấy, Chúa kêu mời mọi người hãy mau quay về với Chúa, cắt đứt tận căn những dính bén, tiếp tay với ma quỉ để sống cho Chúa:” Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi “. Hãy cởi bỏ con người cũ, con người tội lỗi mà mặc lấy Đức Kitô. Chúa Giêsu không thuộc riêng ai. Chân lý không là của một người nào. Thánh Thần Chúa được ban cho mọi người để con người tôn vinh danh Chúa. Của cải, vật chất là những thực tế cần có để sống, nhưng biết dùng của cải, tiền bạc cho đúng mục đích.Dùng của cải, tiền bạc mà không dính bén, luôn có tâm hồn nghèo khó.Đó là điều Chúa chúc phúc, là lời khuyên của Tin Mừng.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một lòng tin vững bền để chung con biết ra khỏi chính mình mà sống quảng đại, chia sẻ với anh chị em chúng con. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế lần thứ 50 sẽ diễn ra ở Ireland
Nguyễn Hoàng Thương
08:43 23/09/2009
Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế lần thứ 50 sẽ diễn ra ở Ireland

Vatican (VIS) – Trong thông cáo báo chí hôm 22/09, Ủy Ban Giáo Hoàng về Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế đã công bố Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế lần thứ 50 sắp tới sẽ diễn ra từ ngày 10 đến 17 tháng Sáu năm 2012 tại Dublin, Ái Nhĩ Lan (Ireland), với chủ đề: "Bí Tích Thánh Thể: Hiệp Thông với Chúa Kitô và với nhau".

Thông cáo giải thích rằng: "Việc lựa chọn chủ đề nảy sinh từ thực tế là việc cử hành đại hội trùng với kỷ niệm lần thứ 50 khai mạc Công Đồng Vatican II, như Đức Tổng Giám Mục Diarmuid Martin của Dublin đã khẳng định, đó là thời điểm canh tân giáo huấn của Giáo Hội và canh tân sự hiểu biết của bản thân Giáo Hội như là Thân Thể của Chúa Kitô và là Thân Thể của Thiên Chúa".

Thông cáo viết tiếp: "Chủ đề lấy cảm hứng trực tiếp từ số 7 của Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội 'Lumen gentium', trong đó có đoạn: 'Khi bẻ bánh tạ ơn, chúng ta thực sự thông dự vào Thân Thể của Chúa nên chúng ta được nâng lên để hiệp thông với Người và với nhau. 'Chúng ta tuy nhiều, nhưng là một tấm bánh, một thân thể, vì hết thảy chúng ta đồng thông hưởng cũng một tấm bánh' (1Cor 10,17). Thế nên tất cả chúng ta trở thành chi thể của Thân Thể ấy (x. 1Cor 12,27), 'vì mỗi người là chi thể của nhau' (Rm 12,5)".

Thông cáo nói thêm: "Tổng giám mục của Dublin cũng đã nhấn mạnh đến khả năng phát triển chủ đề của Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế sắp tới bằng cách suy tư về các đề tài mang tầm quan trọng nhất định như: hiệp thông với Chúa Kitô như là nền tảng cho đời sống Kitô hữu; Bí Tích Thánh Thể như là một cách sống đối với giáo sĩ, đối với các gia đình Kitô giáo và các cộng đoàn tu sĩ; cử chỉ 'bẻ bánh' là một nguyên tắc liên đới Kitô hữu; Bí Tích Thánh Thể, hạt giống của cuộc sống cho thế giới của đau khổ và mong manh; đại kết và chia sẻ một tấm bánh".
 
Đức Thánh Cha yêu cầu các giám mục giúp đỡ các linh mục
Bùi Hữu Thư
09:30 23/09/2009
Ngài nhắc ưu tiên chính phải là đời sống thiêng liêng

CASTEL GANDOLFO, Ý, Ngày 22 tháng 9, 2009 (Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI nói, luôn luôn sẵn sàng để phục vụ giáo dân không được làm giảm sự sẵn sàng cho Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha khẳng định điều này ngày Thứ Hai vừa qua khi ngài tiếp kiến các giám mục mới được phong chức năm ngoái tại Castel Gandolfo, ngài nhắc đến Năm Linh Mục và nhấn mạnh nhu cầu yểm trợ các linh mục của các giám mục.

Đức Thánh Cha nói "Việc bắt chước Chúa Giêsu, vị mục tử nhân lành, đối với tất cả mọi linh mục, là con đường bắt buộc phải noi theo để nên thánh, và là điều kiện thiết yếu để thi hành sứ mệnh mục vụ. Các giám mục thân mến, điều này đúng cho các linh mục, nhưng còn đúng hơn cho chúng ta nữa. Ngoài ra, điều quan trọng là không được quên trách vụ chính của giám mục là phải yểm trợ các linh mục, bằng gương sáng và bằng sự giúp đỡ trong tình huynh đệ, để họ có thể theo đuổi ơn gọi của họ cách trung thành, và làm việc hăng hái và với lòng yêu thương trong vườn nho của Thỉên Chúa.”

Đức Thánh Cha nói sứ vụ đặc biệt của các giám mục là hun đúc đời sống thiêng liêng của các linh mục, để “nuôi dưỡng họ trong sự hài hòa giữa việc cầu nguyện và việc tông đồ, bằng cách noi theo gương Chúa Giêsu và các Thánh Tông Đồ, là những người đầu tiên Chúa đã mời gọi ‘đến ở với Người.’”

Đức Thánh Cha Benedict XVI công nhận rằng các linh mục, và cả các giám mục nữa, phải đương đầu với “rất nhiều công việc bận rộn khiến cho bị chi phối liên tục và hoàn toàn."

Ngài khẳng định, "Tuy nhiên, việc chú tâm đến các vấn đề khó khăn hàng ngày và các nỗ lực nhằm hướng dẫn giáo dân đi theo đường của Thiên Chúa, không bao giờ được làm cho chúng ta sao lãng việc kết hiệp sâu xa và đích thân với Chúa Kitô. Luôn sẵn sàng phục vụ cho dân Người không được làm giảm thiểu hay hủy bỏ sự sẵn sàng của chúng ta đối với Thiên Chúa. Thời giờ linh mục và giám mục dành cho Thiên Chúa trong lời cầu nguyện vẫn luôn luôn là thời gian sử dụng tốt đẹp nhất, vì cầu nguyện là linh hồn của các sinh hoạt mục vụ."

Về việc này, Đức Thánh Cha khuyến khích một đời sống Thánh Thể sâu xa, cũng như một sự tôn kính Giờ Kinh Phụng Vụ, đọc phúc Âm, và kinh Mân Côi.

Ngài kết luận bằng việc nhắc đến Thánh Vianney, quan thầy của Năm Linh Mục, là người “với Lời Chúa và các bí tích đã kiến tạo giáo dân của cha,” và nhờ đó đã có thể gieo trồng “Tình Yêu Thiên Chúa” tại giáo xứ thành Ars.
 
Những bổ nhiệm cho Thượng Hội Đồng Giám Mục đặc biệt về Phi Châu lần thứ hai
Peter Nguyễn Minh Trung
13:30 23/09/2009
VATICAN (CNA) - Đức Thánh Cha Benedict XVI vừa bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Wilton D. Gregory của Atlanta làm thành viên của Thượng Hội Đồng Giám Mục đặc biệt về Phi Châu được tổ chức tại Vatican từ ngày 4 đến 25 tháng 10-2009.

Đức TGM Gregory là người Mỹ duy nhất được bổ nhiệm tham gia hội đồng này. Đây là Thượng Hội Đồng Giám Mục đặc biệt về Phi Châu lần thứ hai. Lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1994 do Đức Gioan Phaolô II triệu tập.

Đức cha Gregory từng là thành viên trong Ủy ban Phụng tự của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ từ năm 1991 đến 1993. Ngài là người chủ xướng và viết nhiều về phụng vụ, đặc biệt là những nghi thức dành cho cộng đồng Mỹ gốc Phi.

Linh mục Dòng Chúa Thánh Thần, Paulinus Ikechukwu Odozor, dịp này cũng được bổ nhiệm làm chuyên viên của Thượng Hội Đồng. Cha Odozor là phó giáo sư thần học đang giảng dạy tại đại học Công giáo Notre-Dame Hoa Kỳ, nhưng không phải là người Mỹ.
 
Hiệp sĩ Tối cao Columbus được bổ nhiệm vào Ban Giám Đốc Ngân hàng Vatican
Peter Nguyễn Minh Trung
13:31 23/09/2009
VATICAN (CNA) - Ủy Ban Hồng Y phụ trách trông coi các hoạt động của Ngân hàng Vatican, thường được gọi tắt là IOR, vừa bổ nhiệm lại một số chức danh trong ban giám đốc Ngân hàng Vatican. Một trong số những nhân vật mới được bổ nhiệm là Hiệp sĩ Tối cao của Đoàn Hiệp Sĩ Columbus, ông Carl Albert Anderson.

IOR là một định chế tài chính được quản lý bởi Hội Đồng Giám Sát, đây là hội đồng được Ủy Ban Hồng Y mà đứng đầu là ĐHY Tarcisio Bertone (Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh) bổ nhiệm sau mỗi nhiệm kỳ. Chức năng chính của IOR là quản lý tài khoản ngân hàng của các Dòng tu và những Tổ chức, Hiệp hội, Liên đoàn Công giáo...v.v.

Dịp này, Tòa Thánh Vatican cũng bổ nhiệm Hiệp sĩ Tối cao Anderson làm thành viên của Hội đồng Giáo hoàng về Giáo dân và thành viên của Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình. Năm 2007, Đức Thánh Cha Benedict XVI đã bổ nhiệm ông làm cố vấn cho Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội.

Ông Anderson hiện đang là ủy viên Hội đồng Quản trị Đại học Công giáo Hoa Kỳ và là thành viên của Hội đồng Quản trị Đền thánh Quốc gia Đức Mẹ Đồng Trinh. Ông còn là thành viên của hội đồng tòa án Quận Columbia (D.C.) và được kết nạp vào Tòa án Tối cao Hoa Kỳ.

Hiệp sĩ Anderson sẽ giữ vị trí mới trong Ban Giám Đốc tại Ngân hàng Vatican dưới quyền của tân Giám đốc vừa được bổ nhiệm Ettore Gotti Tedeschi, người Italia, là một giám đốc ngân hàng kỳ cựu và nổi tiếng. Phó giám đốc vừa được bổ nhiệm của IOR là ông Ronaldo Hermann Schmitz, người Đức.
 
Đức Giáo Hoàng chia buồn vụ giết hại cha Ruggero Ruvoletto tại Brazil
Peter Nguyễn Minh Trung
14:16 23/09/2009
VATICAN (ZENIT) - Đức Thánh Cha Benedict XVI đã bày tỏ sự đau buồn sâu sắc trước cái chết của cha Ruggero Ruvoletto, một giáo sĩ người Italia bị giết hại tại Brazil hôm thứ bảy.

Điện chia buồn của Đức Giáo Hoàng ký bởi Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tarcisio Bertone đã được gửi đến Tổng Giám Mục Luiz Soares Vieira của Manaus.

Trong điện thư, Đức Thánh Cha mạnh mẽ lên án vụ giết hại "là một hành động tội ác đầy ghê tởm chống lại người tôi tớ trung tín của Tin Mừng" và bày tỏ sự gần gũi tinh thần sâu xa trong lời cầu nguyện.

Cha Ruvoletto bị giết chết hôm thứ bảy tại giáo xứ St. Evelina, vùng ngoại ô của Manaus, nằm ở phía Đông Bắc Brazil. Đây là giáo xứ do ngài coi sóc.

Những kết luận ban đầu của cảnh sát cho rằng vụ án có liên quan đến trộm cướp. Tuy nhiên, cơ quan thông tấn của Hội Đồng Giám Mục Italia (SIR) hôm nay cho biết đang có xu hướng lớn mạnh của một loạt các sự việc được coi như "những hành động hăm dọa chống lại Giáo hội tại vùng Manaus vì Giáo hội tại đây trong suốt thời gian dài đã lên án mạnh mẽ những tội ác, việc buôn bán thuốc phiện và nạn buôn lậu của tội phạm."

Có những tài liệu và hồ sơ phỏng vấn của cha Ruvoletto từ năm 2006 cho thấy ngài mạnh mẽ lên án "thuốc phiện và mại dâm là những dịch bệnh của xã hội."

Cha Ruggero Ruvoletto sinh ngày 23-03-1957 tại Galta di Vigonovo, gần thành Venice, Italia. Cha Ruvoletto thụ phong linh mục năm 1982.

Ngài được bài sai đến Brazil 6 năm trước với sứ mệnh "Fidei Donum" (Hồng Ân Đức Tin).
 
Hai bổ nhiệm mới cho Thánh Bộ Giáo Lý - Đức Tin
Peter Nguyễn Minh Trung
14:17 23/09/2009
VATICAN (ZENIT) - Đức Thánh Cha Benedict XVI đã bổ nhiệm hai thành viên mới cho Bộ Giáo lý - Đức tin phục vụ dưới quyền Đức Hồng Y Tổng trưởng William Levada.

Một thông cáo của Vatican đã công bố các bổ nhiệm dành cho Đức Tổng Giám Mục Walmor Oliveira de Azevedo của Tổng Giáo Phận Belo Horizonte (Brazil) và Đức cha Mario del Valle Moronta Rodríguez của San Cristobal (Venezuela).

Đức cha Walmor Oliveira de Azevedo năm nay 55 tuổi, sinh ngày 26-01-1954 tại Cocos (Brazil), thụ phong linh mục năm 1977. Năm 1998, ngài được Đức Gioan Phaolô II đặt làm Giám mục phụ tá São Salvador da Bahia, hiệu tòa Caliabria, và được tấn phong Giám mục ngày 10-05-1998. Ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Belo Horizonte, bang Minas Gerais, ngày 28-01-2004.

Từ năm 2003, Đức cha Walmor là chủ tịch Ủy ban Giáo lý - Đức tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Brazil.

Vị thứ hai là Đức cha Mario del Valle Moronta Rodríguez năm nay 60 tuổi, sinh ngày 10-02-1949 tại Caracas (Venezuela), thụ phong linh mục ngày 19-04-1975. Đức Gioan Phaolô II nâng ngài lên hàng Giám mục ngày 04-04-1990, Giám mục phụ tá Caracas - Santiago de Venezuela, hiệu tòa Nova. Năm 1995 và 1999 ngài lần lượt được bổ nhiệm làm Giám mục chánh tòa Los Teques và San Cristóbal de Venezuela.
 
Bạn đánh giá các linh mục thế nào - Bản trắc nghiệm của một Giám Mục Tây Ban Nha
Peter Nguyễn Minh Trung
16:19 23/09/2009
PALENCIA, TÂY BAN NHA (ZENIT) - Năm Linh Mục không phải là chuyện nội bộ của hàng giáo sĩ, nhưng là cơ hội tốt để các giáo dân đánh giá và suy ngẫm về những biến cố của đời linh mục. Đức cha José Ignacio Munilla, Giám mục giáo phận Palencia, đã đưa ra bản trắc nghiệm để mọi người có thể tham gia nhận xét các linh mục trong suy nghĩ của mình. Tham gia bản trắc nghiệm dưới đây, người ta có thể tự đặt câu hỏi: "Chúng ta có quý trọng thiên chức linh mục và yêu mến các linh mục của mình không?". Câu hỏi này cần một chút dí dỏm khi trả lời.
Bản trắc nghiệm sau đây mang tên: "Đánh giá linh mục".

01/ Gần đây bạn có cầu nguyện cho cha xứ, cho Giám mục địa phận của bạn hoặc cho Đức Giáo Hoàng không ?
a. Thậm chí tên các vị tôi cũng chẳng biết.
b. Trong thánh lễ thường có lời cầu nguyện cho các vị ấy, tôi cũng hiệp vào lời cầu nguyện đó.
c. Khi cầu nguyện riêng mỗi ngày, tôi vẫn thường cầu nguyện cho các ngài.

02/ Có bao giờ bạn xưng tội với một linh mục và tin vị đó có thể giải quyết những vấn đề của bạn không ?
a. Ai cũng có cách giải quyết của riêng mình.
b. Dù sao có góp ý của người khác thì cũng tốt hơn chỉ có một mình. Biết lắng nghe và đón nhận lời khuyên của người khác luôn là điều tốt giúp dễ giải quyết vấn đề của mình.
c. Sự giúp đỡ tốt nhất mà tôi nhận được từ vị linh mục là khi những lời khuyên của ngài liên kết với ơn tha thứ của Thiên Chúa trao ban trong Bí Tích Hòa Giải.

03/ Khi nghe bạn bè mình chỉ trích, bình phẩm xấu các linh mục, bạn sẽ...
a. Bạn bè nói sao thì nghe vậy thôi, chứ không bị xem như lạc loài.
b. Giả bộ như nghĩ đến chuyện khác và không nghe họ nói.
c. Nói ra những gì suy nghĩ và làm chứng cho niềm tin của mình.

04/ Nơi một linh mục, tôi thấy…
a. “Tàn tích” của một thời đã qua.
b. Một chuyên gia về lĩnh vực "tôn giáo".
c. Một thừa tác viên của Chúa, một "Đức Kitô khác" giữa chúng ta.

05/ Đã bao nhiêu lần bạn mời cha xứ đến nhà ?
a. Chỉ khi nhà có người qua đời thì mới vào mời cha đến.
b. Chỉ khi nào cha đến trao Mình Thánh Chúa cho bà ngoại.
c. Cũng nhiều lần. Rất vui khi cha ghé vào nhà dùng bữa và kể cho gia đình nghe chuyện hồi nhỏ cha đi tu.

06/ Khi nghe cha giảng thì...
a. Sẽ lắng nghe nếu ngài có tài giảng thuyết.
b. Lắng nghe vì rất thích chủ đề của bài giảng.
c. Nhận thấy linh mục là khí cụ Chúa dùng để nói với chúng ta.

07/ Khi trong xứ có quyên góp cho chủng viện và đào tạo ơn gọi, bạn nghĩ…
a. Mấy ông cha lúc nào cũng đi xin.
b. Lại nữa, sao cứ thấy quyên góp hoài, hết đợt này đến đợt khác !
c. Tự nguyện tham gia vì cho rằng phải cổ súy ơn gọi để ơn gọi không bị suy giảm vì thiếu các phương tiện tài chính.

08/ Khi gặp một linh mục già trong nhà thờ hoặc trên đường phố, bạn…
a. Giáo hội đang suy tàn.
b. Cầu cho ông cha này làm lễ lẹ lẹ cái còn về.
c. Cảm tạ chúa vì ngài đã cho vị linh mục được trung thành trọn vẹn với ơn gọi thánh hiến và những điều tốt vị ấy làm.

09/ Khi gặp một linh mục trẻ trên bàn thờ, bạn sẽ…
a. Ông cha này chắc chẳng có kinh nghiệm. Vậy giảng ai thèm nghe ?
b. Quan sát những gì vị linh mục trẻ làm rồi mới "đánh giá" sau.
c. Tạ ơn Chúa đã chọn vị linh mục trẻ vào thánh chức và cầu nguyện liên lỉ cho ơn gọi của ngài bền đỗ tới cùng.

10/ Bạn sẽ phản ứng thế nào nếu con trai mình nói nó muốn làm linh mục ?
a. Chửi thẳng mặt con trai và hỏi xem cậu bé có điên không khi quyết định như vậy, rồi bảo nó suy nghĩ cho kỹ lại.
b. Bảo con trai bây giờ hãy quên đi ý nghĩ đó và trước mắt lo tốt nghiệp đại học cái đã.
c. Đó là niềm vui lớn nhất cuộc đời và hoàn toàn ủng hộ quyết định của con.

11/ Có bao giờ bạn từng hỏi một thiếu nhi, thiếu niên hay thanh niên nếu một ngày nào đó cậu ấy muốn trở thành linh mục ?
a. Hỏi chi cho mệt. Muốn sống đời sống ra sao thì kệ người ta.
b. Cho rằng mọi ơn gọi vào mỗi bậc sống khác nhau đều đáng trân trọng, dù cho ơn gọi đó không giống với mình.
c. Vâng, tôi đã từng nghĩ đến và cầu nguyện cho người đó...Rồi lúc nào đó thích hợp sẽ nói với người đó điều mình nghĩ.

12/ Bạn nghĩ gì về câu nói của thánh Gioan Maria Vianney, cha sở họ Ars: "Linh mục là tình yêu của Thánh Tâm Chúa Giêsu" ?
a. Nói gì tâm linh cao siêu quá, ai mà hiểu !
b. Trời, mấy câu này chỉ đúng cho những ông cha đức độ cỡ thánh Vianney thôi.
c. Quả là câu nói hoàn toàn chính xác, dù cho các linh mục có "đựng kho tàng trong những chiếc bình sành" (2 Cr 4:7).

Hướng dẫn giúp bạn tự đánh giá kết quả:

- Nếu phần lớn câu trả lời của bạn là "a" thì thật ngạc nhiên khi bạn còn đủ quan tâm để làm những bài trắc nghiệm kiểu này. Nhưng tôi tạ ơn Chúa vì điều này xảy ra. Là một linh mục, tôi có thể chia sẻ với bạn rằng Thiên Chúa yêu bạn quá đỗi và đang chờ bạn đáp trả bằng tình yêu.

- Nếu phần lớn câu trả lời là "b", tôi xin được nói với bạn rằng kho tàng mà Thiên Chúa tặng ban cho bạn, qua trung gian là các linh mục, chưa sinh ích lợi gì cho bạn.

- Nhưng nếu chữ "c" được bạn chọn làm phần lớn câu trả lời, tôi mong bạn hãy liên lỉ cầu nguyện nài xin Thiên Chúa thương thánh hóa các linh mục và ban cho nhiều ơn gọi linh mục thánh thiện. Và tôi tuyệt đối tin chắc Chúa sẽ lắng nghe lời bạn cầu khẩn.
 
Top Stories
Vietnam Communist Party Web site fined
Associated Press
16:33 23/09/2009
Associated Press 2009-09-23 -- Authorities have fined the editor of the official Communist Party Web site for running an article that seemed to endorse China's position in a sensitive territorial dispute that has stirred nationalist passions in Vietnam.

The piece, which appeared on the Web site on Sept. 4, described a Chinese military exercise on the disputed Paracel Islands in the South China Sea. It quoted a Chinese officer who said the purpose of the mission was to "defend the fatherland's southern sea frontier."

Editor Dao Duy Quat was fined 30 million dong ($1,700) for reprinting the article, which originally appeared in a Chinese newspaper, said Nguyen Van Hung, chief inspector at the Ministry of Information and Communications.

Hung said Quat had violated a government decree that prohibits publication of unauthorized information.

The editor was not available for comment Wednesday.

The story unleashed a wave of protests in Vietnam's flourishing blogosphere.

"Only blind people did not see how dangerous it was to publish such an article on the online newspaper of the Party," blogger and writer Nguyen Quang Lap wrote.

The party Web site ran an apology, saying the article was a "mistake that caused regrettable consequences and created discontent among readers."

The largely uninhabited islands in the South China Sea, claimed by both Vietnam and China, straddle busy sea lanes and are believed to have large oil and natural gas reserves.

Many Vietnamese are deeply suspicious of their giant northern neighbor's territorial and natural resources ambitions.

Chinese involvement with a bauxite mine in Vietnam's Central Highlands has also prompted widespread concern among Vietnamese bloggers, as has another territorial dispute with China over the Spratly Islands.

Recently, two Vietnamese bloggers and an online journalist were detained for posting entries critical of the government's handling of relations with China.

(Source: http://www.etaiwannews.com/etn/news_content.php?id=1064169&lang=eng_news)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ an táng cố Linh Mục Phêrô Tuần Nguyễn Cao Hiên
Đoan Hùng
08:31 23/09/2009
THÁNH LỄ AN TÁNG CỐ LINH MỤC PHÊRÔ-TUẦN NGUYỄN CAO HIÊN

Sáng ngày 22-9-2009, vào hồi 8g30, tại nhà thờ GX Châu Bình Thủ Đức, thánh lễ an táng cố Linh Mục Phêrô-Tuần Nguyễn Cao Hiên đã diễn ra trong bầu khí trang nghiêm, sốt sắng và cảm động.

Thánh lễ do Đức cha Vincent Nguyễn Văn Bản, Giám Mục Chính Tòa Ban Mê Thuột, học trò cũ của cố Linh Mục Phêrô, làm chủ tế. Cùng đồng tế có các cha: Giuse Trương Đình Hiền, chánh xứ Tuy Hòa, hạt trưởng giáo hạt Phú Yên, đại diện cho Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn, GM GP Qui Nhơn, cha Tổng Phụ trách 2 dòng Đức Mẹ Đồng công Cứu chuộc, Đức Ông Đinh Đức Đạo, cùng với hơn 50 Linh Mục thuộc GP Qui Nhơn, dòng Đồng công và các cha linh tông huyết tộc bằng hữu xa gần...

Tham dự thánh lễ có rất đông các thầy dòng Đồng công, nam nữ tu sĩ các dòng, anh chị em CCSLSQN, đại diện giáo dân các giáo xứ thuộc GP Qui Nhơn mà cố Linh Mục đã từng phục vụ, giáo dân GX Châu Bình cùng bà con thân bằng quyến thuộc của cố Linh Mục Phêrô...

BÀI CHIA SẺ LỜI CHÚA TRONG THÁNH LỄ AN TÁNG CHA PHÊRÔ TUẦN NGUYỄN CAO HIÊN

Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ,

Đứng trước cái chết của người thân, trước sự chia xa vĩnh viễn với cuộc đời dương thế của những người đã từng chung sống, đã từng chiến đấu và làm việc, đã từng đồng lao cộng khổ… trong lòng mỗi người chúng ta đều dậy lên một thứ tình cảm mất mát, đau thương, một nổi xót xa của sinh ly tử biệt. Đã mang thân phận người là phải đi qua “chiếc cầu bi thương” đó. Và phải chăng, đó chính là một trong những “dư quả” của tội Nguyên Tổ mà ngay từ những trang đầu, Thánh Kinh đã cắt nghĩa bằng ngôn ngữ của một lời tuyên án: “Ngày nào ngươi ăn trái cây nầy, ngươi sẽ phải chết” (St 2,17)

Tuy nhiên, trong cái chết của người Kitô hữu, đặc biệt trong cử hành Phụng vụ Tang lễ của những người tin vào Chúa Kitô Phục Sinh, lại toát lên một vẻ khác thường: Niềm hân hoan của cuộc hành hương về nhà cha, nổi vui của ngày đoàn tụ... “Khi Chúa thương gọi tôi về, lòng tôi hân hoan như trong một giấc mơ…”. Đặc biệt, chính trong trích đoạn Lời Chúa của Sách Khôn Ngoan mà chúng ta vừa nghe, không chỉ loan báo một tín thư an ủi nhưng là một khẳng định, một tuyên tín của tin yêu và hy vọng:

“Linh hồn người công chính ở trong tay Chúa…Khi đến giờ được Thiên Chúa viếng thăm, họ sẽ rực sáng như tia lửa bén nhanh khắp rừng sậy…Những ai trung thành, sẽ được Người yêu thương và cho ở gần Người, vì Người ban ân phúc và xót thương những ai Người tuyển chọn”. (BĐ 1)

Phải chăng, đó là một cắt nghĩa rõ nét và chính xác của mầu nhiệm cứu độ trong Chúa Kitô, mầu nhiệm “Vượt Qua từ cõi chết đến sự sống vĩnh hằng” mà dụ ngôn “hạt lúa mì gieo vào lòng đất thối rửa đi sẽ sinh nhiều bông hạt” lại là một cách diễn tả khác của Tin Mừng như chúng ta vừa nghe.

Vâng, đối với chúng ta, những người được dìm xuống trong dòng nước tái sinh của nhiệm tích Thánh Tẩy, để được chỗi dậy cùng với Đấng Phục Sinh, chết chính là cuộc hồi hương tìm về tổ ấm, là đĩnh đạc đi vào quê hương hằng sống để sống hạnh phúc miên viến, là cuộc tiến bước vào nhà cha, căn nhà chính Đấng Cứu Độ đã ra công dọn sẵn: “Thầy đi dọn chỗ cho anh em…để Thầy ở đâu anh cũng sẽ ở đó” (Ga 14,3).

Và cách riêng, cái chết của một linh mục, một linh mục thánh thiện đạo đức, đã hoàn tất sứ vụ của mình, như cha cố Phêrô Tuần Maria Nguyễn Cao Hiên của chúng ta đây, lại càng làm cho dấu chỉ nầy trở nên đầy thuyết phục và rõ nét.

Tuy nhiên, để trả giá cho cái ngày chung cuộc tuyệt vời hôm nay, cha Phêrô Tuần Maria đã phải trãi qua một cuộc hành trình dương thế đầy nhiêu khê và phấn đấu của 87 năm cuộc sống làm “Ecce Homo” và 59 năm cuộc đời của một “Alter Christus”. Sau đây là những “cột mốc” trên cuộc hành trình thăm thẳm đó:

Sinh ngày: 05/02/1922

Nguyên quán: Tân Mỹ, Quỳnh Lang, Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình.

Cha: Đaminh Nguyễn Văn Thứ, Mẹ: Maria Nguyễn Thị Yên

1934 – 1937: Học Trường Tập, Trung Linh.

1937 – 1941: Tiểu Chủng Viện Ninh Cường.

1941 – 1943: Học Đại Chủng Viện Xuân Bích, Hà Nội.

1943 – 1944: Giúp Tiểu Chủng Viện Ninh Cường.

1945 – 1950: Học Đại Chủng Viện Quần Phương, Bùi Chu.

16- 04- 1950: Thụ phong Linh Mục.

1950 – 1954: Phụ tá Trường Tập, Ninh Cường, Bùi Chu.

1954 – 1955: Linh hướng công binh Bùi Chu - Phát Diệm tại Nha Trang.

1955 – 1956: Văn phòng giám mục di cư tại Sài Gòn.

1956 – 1959: Giám đốc khu B Latinh (Tiểu Chủng Viện), Tân Phước, Sài Gòn.

1960 – 1963: Nhập Dòng Đồng Công, Thủ Đức, Sài Gòn.

1963 – 1964: Linh hướng Dòng Lasan tại Qui Nhơn.

1964 – 1966: Cha phó Chính Tòa, Qui Nhơn.

1966 – 1969: Linh hướng Tiểu Chủng Viện Qui Nhơn.

1969 – 1971: Cha sở Qui Hải, giáo phận Qui Nhơn.

1971 – 1997: Cha sở Tịnh Sơn, giáo phận Qui Nhơn.

8/1997 – 11/1997: Cha sở Mằng Lăng, giáo phận Qui Nhơn.

11/1997 – 4/1998: về lại giáo xứ Tịnh Sơn, giáo phận Qui Nhơn.

1998 – 2001: Cha sở Đông Mỹ, giáo phận Qui Nhơn.

2001 – 2002: Hưu dưỡng tại nhà hưu Làng Sông Qui Nhơn.

2002 – 2005: Hưu dưỡng tại nhà hưu Giáo Phận Qui Nhơn.

2005 – 2007: Hưu dưỡng tại trụ sở Bùi Chu, Sài Gòn, và linh hướng các thầy thần học tại TGM Bùi Chu.

2007 – 2009: Hưu dưỡng tại Dòng Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc, Thủ Đức.

19- 9- 2009: Qua đời tại Dòng Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc, Thủ Đức, Tp. HCM. Lúc 19 giờ 15

Kính thưa cộng đoàn,

Để đánh giá sự thánh thiện, hoàn hảo của cha Phêrô Tuần Maria, có lẻ cách diễn tả của cố linh mục Phêrô Bùi Huy Bích là thích hợp, khi ngài chia sẻ với một linh mục trẻ đang phụ tá cha Phêrô, cha Giuse Lê Thu Thâu: “Thâu ơi, tao cá mầy. Mầy có thắng 5 con ngựa cũng không theo kịp ngài đâu !”. Chúng ta tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo Hội, Giáo Phận có được một linh mục tuyệt vời như thế. Rồi đây, trong những chuyện kể về ngài, chúng ta sẽ được sẻ chia nhiều giai thoại, nhiều bài học quí giá để làm hành trang cho cuộc đời linh mục và cho tất cả những ai muốn sống trọn vẹn những chân lý của Tin Mừng; nhất là Tin Mừng về bác ái hy sinh, Tin mừng về khiêm hạ phục vụ, Tin mừng về khó nghèo trinh khiết, Tin mừng về tình yêu nồng cháy đối với Chúa Giêsu Thánh Thể và tình yêu chân tình huynh đệ đới với những người nghèo…

Có một từ ngữ ngắn gọn của Ngài mà anh em linh mục Qui Nhơn hay nhắc đó là “Đủ xài”…Trong một tại nạn xe trên tuyến đường mục vụ cho một họ đạo vùng sâu trở về, chân ngài bị thương khá nặng. Người ta hỏi ngài: “Có sao không cha?”. Ngài chỉ mĩm cười thanh thản trả lời: “Đủ xài”. Với cha, “đủ xài” phải chăng đó chính là “đủ chút hy sinh nhỏ bé dâng cho Chúa và dâng hiến cho đoàn chiên”, là “đủ sự chịu đựng và can đảm để tiếp tục dấn thân phục vụ”; là “đủ nhận ra những khó nghèo, đau khổ, thiếu thốn, yếu đuối của đoàn chiên để quảng đại biết cho đi và khoan dung tha thứ”; là “biết đủ giới hạn của thân phận người mõng dòn, yếu đuối để sẵn sàng phó thác trong tin yêu khiêm hạ”, là “đủ tìm thấy nụ cười và niềm vui trong chính nổi đau trong tâm hồn và trên thân xác”, đặc biệt những cơn đau dữ dằn của căn bệnh ung thư giai đoạn cuối…

Một cuộc sống như thế, thì một cái chết làm sao mà không đẹp được. Điều nầy làm chúng ta nhớ lại câu chuyện của cha thánh Gioan Maria Vianney, vị thánh linh mục được Giáo Hội dùng làm điểm qui chiếu canh tân đời sống linh mục trong Năm Linh mục này…

Một ngày kia, sau nhiều giờ miệt mài với hối nhân nơi tòa giải tội, cha thánh Vianney trở về với những bước chân kiệt sức và té ngã trên cầu thang. Giáo dân hay được chạy đến và hô hoán lên: “Cha bị bệnh, đi kêu bác sĩ gấp!”. Ngài chỉ khoác tay, ôn tồn bảo: “Kêu linh mục chứ không kêu bác sĩ”…Và sau khi được lãnh các bí tích sau hết, ngài đã ôn tồn nói với vị linh mục trẻ: “Đẹp làm sao cái chết của một linh mục hoàn tất trách nhiệm của mình”.

Ở gữa chúng ta hôm nay, hình như cũng đang có một Viaaney của thời đại đã hoàn tất trách nhiệm mục tử cách hoàn hảo và đã chết một cái chết đẹp tuyệt vời.

“Thưa Cha Phêrô, Cho dù lời thánh vịnh nào đó vẫn thường nhắc nhở chúng con về cái hữu hạn, bé bỏng, mỏng manh, dễ mất hút, lãng quên của cuộc đời:

“Một cơn gió thoảng, đủ làm nó biến đi, nơi nó mọc cũng không còn mang vết tích...” xin Cha hãy tin rằng, Giáo Phận Qui Nhơn nầy, cộng đoàn Dòng Đức Mẹ Đồng Công cứu chuộc nầy, bao thế hệ học sinh và cháu con nầy, những người nghèo hèn khốn khổ nầy…sẽ không bao giờ quên Cha trong lời kinh, trong thánh lễ, trong những nhắc nhớ nhau thực hiện những gương lành, những bài học, những lời huấn đức, những dặn dò của cha trối lại đâu !

Xin Cha hãy luôn nhìn về Giáo Phận, đặc biệt, nhìn đến và nguyện cầu cho Đức Cha Giáo Phận đang đau bệnh, luôn nhìn đến chúng con, các chủng sinh, tu sĩ, các linh mục học trò, các thế hệ Kitô hữu đã được Cha ban các bí tích và nuôi dạy trong mái trường Giáo Hội…để một ngày không xa, chúng ta sẽ đoàn tụ trong nổi vui ngút ngàn vì tất cả được Đức Kitô Phục Sinh “biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,21); và đó cũng là ngày lời tiên tri ngày nào của Đấng Cứu Thế sẽ dứt khoát hện thực miên viễn: “Hạt lúa mục nát đi sẽ sinh nhiều bông hạt”. Chúng con xin bái biệt Cha. Amen.

Sau thánh lễ là nghi thức phó dâng và tiễn biệt do cha Tổng Phụ trách 2 dòng Đức Mẹ Đồng công Cứu chuộc chủ sự. Sau đó đoàn rước đi bộ đưa linh cửu cha Phêrô ra nghĩa trang của nhà dòng cách đó chừng hơn một km. Tại đây, Linh Mục Giuse Trương Đình Hiền chủ sự nghi thức hạ huyệt kết thúc tiến trình lễ Tang.
 
Hình ảnh Trung Thu tại giáo xứ Các Thánh Tử Đạo VN ở Stuttgart, Đức quốc
Bản tường trình Chuyến Đi Thăm Linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý tại Trại tù Ba Sao, tỉnh Hà Nam
LM GB Lê Quang Quý
10:05 23/09/2009
HUẾ - Sau lần thăm nuôi linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý trở về, chị ruột ngài, bà Nguyễn Thị Hiểu, đã cho Tòa Tổng Giám Mục Huế biết những thông tin về sức khỏe không được tốt của ngài. Hai Đức Cha và các Cha trong Giáo Phận đã cầu nguyện nhiều cho ngài luôn được mọi sự bình an.

Tòa Tổng Giám Mục Huế đã cử hai linh mục đại diện Giáo Phận, là linh mục Gioan Baotixita Lê Quang Quý, Quản xứ Nhà thờ Trí Bưu, kiêm Hạt Trưởng Hạt Quảng Trị, và linh mục Bênêđictô Lê Quang Viên, Quản Lý Nhà Chung, đi thăm linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý vào ngày 17 tháng 9 năm 2009.

Trước khi gặp linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý, hai linh mục đại diện Giáo Phận đã gặp Ban Giám Đốc Trại tù và Bộ Công An, và đã trao đổi những điều như sau:

1/ Tòa Tổng Giám Mục yêu cầu Bộ Công An và Ban Giám Đốc Trại tù cho linh mục Nguyễn Văn Lý đi bệnh viện khám và chữa bệnh.

Về đề nghị nầy, Bộ Công An và Ban Giám Đốc Trại tù đồng ý theo yêu cầu của Tòa Tổng Giám Mục Huế, là để linh mục Nguyễn Văn Lý được đi chữa bệnh bên ngoài Trại tù với điều kiện linh mục Nguyễn Văn Lý yêu cầu.

2/ Tòa Tổng Giám Mục Huế yêu cầu Bộ Công An và Ban Giám Đốc Trại tù xem xét để linh mục Nguyễn Văn Lý sớm trở về với Giáo Phận Huế.

Về đề nghị nầy, Bộ Công An và Ban Giám Đốc Trại tù chưa có ý kiến.

3/ Tòa Tổng Giám Mục Huế đề nghị Trại tù hãy tạo mọi điều kiện để linh mục Nguyễn Văn Lý được làm phận vụ của một linh mục và tạo điều kiện cho gia đình của ngài được phép thường xuyên thăm nuôi.

Về đề nghị nầy, Bộ Công An và Ban Giám Đốc Trại tù chấp thuận.

Sau khi hai linh mục đại diện đã trao đổi với Bộ Công An và Ban Giám Đốc Trại tù xong, linh mục Nguyễn Văn Lý được mời lên để nói chuyện.

Trước mặt đại diện Bộ Công An và Ban Giám Đốc Trại tù, hai linh mục của Toà Tổng Giám Mục Huế nói lại ba điều đã đề nghị trên đây để cho linh mục Nguyễn Văn Lý nghe và xin ngài cho ý kiến.

Linh mục Nguyễn Văn Lý rất vui vẻ khi được hai linh mục đại diện Tòa Tổng Giám Mục Huế ra thăm với tình anh em linh mục. Ngài nhờ hai linh mục đại diện chuyển những lời sau đây đến hai Đức Cha và các Cha:

“Con rất vui sướng khi được Hai Đức Cha và các Cha Giáo phận Huế lo lắng và cầu nguyện cho con rất nhiều, đặc biệt là hình ảnh của Hai Đức Cha đã yêu thương con, hình ảnh mà con thấy rõ như hôm nay, là khi nghe tin con đau chưa biết thật hư thế nào, hai Đức Cha đã thu xếp gởi hai cha đến đây và còn gởi quà cho con nữa. Xin hai Đức Cha và quý Cha trong Giáo phận nhà tiếp tục cầu nguyện cho con. Mỗi ngày, trong khi con dâng lễ, hình ảnh hai Đức Cha và quý Cha cũng như mọi người trên Đất Nước Việt Nam, luôn hiện diện trong tâm trí con. Con xin dâng lên Thiên Chúa tất cả mọi ưu tư của Giáo Phận vì Thiên Chúa là tình yêu”.

Trong cuộc nói chuyện, linh mục Nguyễn Văn Lý còn cho hai linh mục đại diện biết thêm vài suy tư của ngài như sau:

“Con xin cám ơn Tòa Tổng Giám Mục Huế đã đề nghị những ý kiến với Trại và vị đại diện Bộ Công An để con được khám và chữa bệnh ở bên ngoài Trại. Đối với con, con chưa thấy có nhu cầu vì con vẫn chưa đến nỗi gì, trong lúc bên cạnh con, biết bao anh em khác cũng đang đau ốm, nhưng không được săn sóc cách đặc biệt như con. Con được Trại cử một bác sĩ giỏi để khám bệnh và phát thuốc cho con mỗi ngày. Trong thâm tâm, con thấy cũng áy náy vì làm phiền Trại và bác sĩ hơi nhiều. Nên con có đề nghị với Trại rằng từ nay, xin bác sĩ khám bệnh cho con mỗi tuần một lần là đủ rồi, để thì giờ lo cho các anh em khác”.

“Mỗi ngày, con được Trại cấp thuốc tai biến để uống. Thế là từ nay, thứ thuốc này sẽ gắn liền với cuộc đời của con như hình với bóng. Còn loại thuốc bổ não mà Trại cấp cho con uống, thì không hạp lắm vì đôi lúc con cảm thấy khó chịu, nên con đã tâm sự với bác sĩ để xin thay loại thuốc này. Trại đã đồng ý, thế là con xin gia đình mỗi lần thăm, thì đem thuốc ra cho con uống, vì uống nhiều thuốc tây quá, cũng không tốt. Hơn nữa, con cũng muốn cho gia đình con có tinh thần chia sẻ bớt gánh nặng cho Trại vì Trại không chỉ có một mình con, mà còn có nhiều anh em khác nữa. Con biết rằng con chỉ là hạt cát nhỏ của vũ trụ bao la này, một cơn gió thoảng qua, cũng làm nó biến đi, nhưng sao Chúa lại thương con như thế! Biết bao người hiền lành đạo đức, nhưng họ cũng bệnh tật đau yếu rồi chết, nên con xem những ngày trong tù là những ngày tháng con tĩnh tâm để nhận ra tình Chúa vẫn yêu con”.

“Con cũng nói cho hai cha biết sự việc con bị tai biến xảy ra như thế nào”.

“Lần thứ nhất, vào ngày 13/5/2009, con đi lui đi tới trong phòng để lần hạt, thì con thấy máu đen rơi vãi dưới nền nhà, nhưng không biết do đâu, vì mình có bị thương tích gì đâu mà chảy máu. Tìm mãi thì máu bẩm đó xuất ra từ dưới bìu. ... Con gọi bác sĩ đến thì bác sĩ đã cho con uống thuốc và xức thuốc để cầm máu, và con thấy mình vẫn không sao. Lần này, con có viết thư gởi về gia đình để nói sự việc như vậy, nhưng không rõ vì sao mà gia đình lại không nhận được tin do con gởi”.

“Lần thứ hai, vào ngày 25/5/2009, con lại bị nặng hơn bởi vì ngày hôm đó, con nhận được tờ báo Nhân Dân, nội dung trong đó có mục nói láo trắng trợn về con như sau: nói con có những hành vi xấu, chống đối Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa khi ra tước Tòa án vì con đã đạp đổ vành móng ngựa, vung tay chống trả lại người thi hành công vụ..., nhưng lúc đó, sức đâu mà con chống cự, khi con bị người ta giữ chặt và cách con hai mét, làm sao mà con đạp đổ vành móng ngựa được. Bức xúc vì những lời nói xuyên tạc trên tờ báo nầy, con đã bị choáng ngợp, rồi bị té ngửa, chảy máu một chút sau đầu do bị rách da. Sau đó, con thấy tay chân mình hơi bị cứng đi, nhưng các bác sĩ cũng đã kịp thời để chữa trị cho con. Ngày 14/7/2009, con viết một lá thư xin gia đình ra thăm con vào dịp đầu tháng 8/2009, mặc dù chữ viết của con lần này không được đẹp lắm vì căn bệnh tai biến. Con nói thế để hai cha biết rõ sự việc”.

“Hai cha biết không, mặc dù ở trong Trại, nhưng con biết cũng khá nhiều tin tức bên ngoài, như chuyện ở giáo xứ Loan Lý, chuyện ở Tam Tòa và nhiều chuyện khác nữa. Con nói vậy để hai cha biết rằng con luôn hiệp thông và cầu nguyện cho Giáo Phận nhà”.


Khi hai linh mục hỏi thăm đời sống của ngài thế nào ở trong Trại tù, thì linh mục Nguyễn Văn Lý nói:

“Con cho hai cha biết sơ qua, là giờ giấc ngủ thì tự do, lúc nào mệt là ngủ thôi, sáng thức dậy, làm xong phận vụ của mình, là coi ti vi và đọc báo, trồng cây cảnh chơi trong vườn, rồi đem chưng trong phòng cho có màu xanh. Chỗ ở thì phòng ốc cũng khá lắm, được lót men và có phòng vệ sinh tắm rửa đàng hoàng. Ăn uống thì đôi lúc cũng không có giờ giấc cho lắm vì vừa ăn, vừa xem ti vi, vừa đọc báo, nên đôi lúc, con cũng làm khổ bác sĩ đôi chút”.

Trước khi kết thúc buổi gặp mặt, linh mục Lê Quang Quý giải tội cho linh mục Nguyễn Văn Lý.

Hai linh mục đại diện Toà Tổng Giám Mục Huế chia tay linh mục Nguyễn Văn Lý, sau một giờ thăm viếng.

Tường trình từ Huế, ngày 20 tháng 9 năm 2009
Linh mục Gioan Baotixita Lê Quang Quý, Quản Xứ Trí Bưu, Hạt Trưởng Hạt Quảng Trị
Linh mục Bênêđictô Lê Quang Viên, Quản Lý Nhà chung
 
Hình ảnh Chủng viện Thánh Tâm GP Thái Bình khai giảng niên học mới
Học Viện Mục Vụ TGP Sài Gòn và Lễ Khai giảng Niên khoá mới
HVMV TGP Sài Gòn
10:31 23/09/2009
SAIGÒN - Học Viện Mục Vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn đã bắt đầu niên khoá 2009-2010 vào thứ hai 31-8-2009, và ba tuần sau, vào lúc 19:00 thứ hai 21-9-2009, Học viện đã tổ chức Lễ Khai Giảng niên khóa, cũng là để Chiều ngày Khai Giảng, trời quang đãng mát mẻ, các học viên đến đông. Sau phần tập hát để chuẩn bị, chương trình bắt đầu:

- Cha Rôcô Nguyễn Duy giới thiệu chương trình và các thành phần tham dự.

- Cha Giám học Phêrô Nguyễn Văn Hiền trình bầy quá trình hình thành, định hướng của Học viện, số giảng khoá, giảng viên, và những vấn đề cần lưu ý trong niên khoá mới. Số học viên ghi danh trong niên khóa mới tính đến ngày Khai Giảng được công bố như sau:

Số ghi danh:



Ngoài ra, còn phải kể đến học viên của các lớp Thánh Kinh 100 tuần, các khoá Giáo lý Hôn Nhân, các khoá Huấn luyện Giáo lý viên...

- Đức cha Giám đốc Học viện Phêrô Nguyễn Văn Khảm diễn giảng, đào sâu định hướng học tập của Học viện dựa trên thông điệp Caritas in Veritate

- Thánh lễ đồng tế với chủ tế là ĐGM Phêrô, 8 linh mục và cộng đoàn gia đình Học viện. Trong Bài giảng lễ, ĐGM Phêrô khuyên nhủ các học viên, noi gương Thánh sử Matthêu, diễn tả dung mạo Đức Kitô dưới góc nhìn thích hợp với thời đại và môi trường của mình, thể hiện ra trong cách sống và cách cư xử của mình

Tất cả chương trình Lễ Khai Giảng đã diễn ra trong Hội trường Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, một Hội trường lớn với khoảng 500 chỗ ngồi, một sân khấu bề thế, và một sảnh đường rộng rãi. Trong khu nhà mới sắp hoàn thành của Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn, còn có hai Phòng hội khác cũng được trang bị khá hiện đại sẽ mang tên: Phòng hội Phaolô Nguyễn Văn Bình và Phòng hội Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận.

Khu nhà mới của Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn được khởi công xây dựng vào ngày 2-4-2008, và nếu có đủ kinh phí trang trải, dự trù sẽ được khánh thành vào giữa tháng 12-2009. Ngoài Hội trường, và 2 Phòng hội nói trên, khu nhà mới còn có một Nguyện đường, một tầng lầu dành làm chỗ huấn luyện các chủng sinh dự bị nội trú, và khoảng hơn 30 phòng ở dành cho khách đến tham dự các hội nghị như: Hội nghị của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, các loại Hội nghị của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu…

Chúng ta hãy cảm tạ Chúa và cám ơn các ân nhân xa gần đã góp công góp của cho việc xây dựng khu nhà mới của Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn. Xin Chúa chúc lành cho các vị hảo tâm. Chúng ta cũng cầu xin Chúa cho Trung tâm Mục vụ có đủ kinh phí để thanh toán nợ nần xây dựng trong những ngày qua, và đủ trang trải mọi chi phí trong những ngày hoàn thiện sắp tới, để Trung tâm Mục vụ có thể tổ chức khánh thành đúng vào dịp Khai mạc Năm Thánh 2010. Ngày đó chắc chắn sẽ là một cột mốc rất đặc biệt trong lịch sử của Tổng Giáo phận Sài Gòn.

Chúng ta đặc biệt cầu xin Chúa cho niên khoá mới của Học viện Mục vụ TGP Sài Gòn được diễn tiến tốt đẹp.
 
Chân dung và gương linh mục Việt Nam: ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận (4)
Hà-Minh Thảo
14:24 23/09/2009
GƯƠNG LINH MỤC VIỆT-NAM 4
(Tiếp theo và hết)

IX. MỤC TỬ VIỆT-NAM LÀM VIỆC TẠI GIÁO TRIỀU.

Năm 1989, các Giám mục Việt-Nam hy vọng trao cho Cha trách vụ Chủ tịch hay Tổng thư ký Hội đồng Giám mục trong kỳ Đại hội thường niên dự trù diễn ra vào cuối năm. Tuy nhiên, cùng thời gian đó, Cha bệnh nặng phải đưa vào điều trị tại Sài-Gòn vì Hà Nội không đủ phương tiện.

Bộ Nội vụ gởi ông Nguyễn tư Hà vào gặp Cha tại bệnh viện và yêu cầu Cha từ chối bất cứ chức vụ nào, kể cả Chủ tịch các Ủy ban hay Tiểu ban. Cha trả lời Cha không kiểm soát sự chỉ định của Hội đồng và nếu được cử, Cha không thể từ chối. Ông Hà đã đến phiên họp của các Giám mục và thông báo rằng chánh phủ không muốn thấy Cha được bầu vào một chức vụ nào trong Hội đồng.

Trong khi Hội đồng Giám mục nhóm Đại hội, Cha phải chịu giải phẫu, chẳng những không thành công mà còn bị nhiễm độc. Cha không thể đến họp và các Giám mục không bầu cho Cha được.

Nhờ sự can thiệp của Medical Community of Saint Egidio tại Rôma, Cha được phép sang chữa trị tại Ý. Cuộc giải phẫu thành công và sau vài tuần tịnh dưỡng, Cha đã trở lại Quê Nhà. Về đến phi trường, hộ chiếu của Cha bị tịch thu để Cha không thể đi lại, dù trong nước và Cha bị canh chừng cẩn mật… vì, lúc đó, chế độ cộng sản tại các quốc gia Đông Âu lần lượt tan râ.

Đầu năm 1991, Đức Hồng Y Phạm đình Tụng viết thư xin Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm Cha vào Sứ nhiệm Tổng Giám mục phó Tổng Giáo phận Hà nội với quyền kế vị. Giáo quyền Vatican thăm dò đề nghị này với thẩm quyền Việt-Nam. Họ nổi giận tức thì.

Cha được mời đến Bộ Nội vụ gặp Đại tá Nguyễn hồng Lam, đứng đầu cơ quan phản gián và phụ trách tôn giáo vụ. Ông này vừa cáo buộc Cha ‘chơi trò’ với chánh phủ vừa nói rằng Vatican không thể bổ nhiệm Cha mà không hỏi ý họ trước. Ông nổi xung nói: « Bây giờ, những người lãnh đạo ở Rôma đã đi xa. Bao nhiêu năm qua, cả họ và ông (Đức cha Thuận) đã biết chúng tôi không chấp nhận ông là Tổng Giám mục TP.Hồ chí Minh. Giờ đây, thật bất ngờ, khi Vatiacn muốn ông trở thành Tổng Giám mục tương lai của Hà nội. Đây là một mưu đồ lớn hơn kế hoạch được đề ra bởi Vatican và đế quốc vào năm 1975.»

Cha đã im lặng nghe và, sau đó, nhẹ nhàng trả lời: « Đó là một sự hiểu lầm, Tòa Thánh không ‘chỉ đạo’, đó không phải là một sự ‘bổ nhiệm’ tôi. Các Giám mục Việt-Nam đề nghị Tòa Thánh chọn tôi trở thành Tổng Giám mục phó Hà nội. Các Vị này đã làm như vậy vì muốn xây dựng một tương lai lâu dài (cho Giáo hội Việt-Nam). Các Vị biết tôi không được cho phép giữ một chức vụ lãnh đạo nào trong hiện tại, nên ‘chỉ định tôi lãnh nhận một chức vụ trong tương lai’. Tòa Thánh hiểu sự khôn ngan này và, do đó, Tòa Thánh yêu cầu chính phủ Việt-Nam chấp thuận đề nghị này.»

« Ông luôn luôn nói với một vọng dịu dàng ». Ông Lam trả lời, « nhưng ông không ngừng gây cho chúng tôi những vấn đề. Hiện giờ, chúng tôi có những chuyện phải giải quyết gấp. »

Ông quay lưng đi và, khi đối diện lại với Cha, bổng nhiên, ông đổi ý: « Sao ông không đi thăm song thân? » Ông Lam tử tế nói « và ở lại với ông bà một thời gian và trở lại khi mọi sự yên lặng lại. »

- Tôi đã đi thăm cha mẹ tôi rồi. Cha đáp.
Nhưng ông lại đề nghị:
- Như vậy, sao ông không đi Rôma trong một thời gian?

Câu chuyện được chấm dứt khi Cha nói:
- Được rồi. Tôi sẽ suy nghĩ đến việc đó.
(Tóm dịch theo ‘The Miracle of Hope’)

Ngày 21.09.1991, Cha rời Việt-Nam và chánh phủ Việt-Nam đã không cho Cha trở lại Quê Hương.

Sau nhiều lần Tòa Thánh thương nghị với Việt-Nam để Cha về lại Quê Hương, nhưng không kết quả. Ngày 09.04.1994, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm Cha làm Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Công Lý và Hòa Bình. Ngày 24.11.1994, Cha chính thức từ chức Tổng Giám mục phó Sài-Gòn. Quyết định như vậy, Cha phó thác mình cho Chúa Quan Phòng để phục vụ tại Giáo Triều Rôma. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói với Cha: « Hiền huynh đến từ một quốc gia chiến tranh và hiền huynh đã bị giam cầm trong mười ba năm. Bây giờ, hiền huynh chia sẻ kinh nghiệm đó cho những người dân tại các quốc gia đang chịu đau khổ và bất công. Như vậy, chúng ta có thể thăng tiến Công lý và Hòa bình và giúp họ tìm hiểu những quyền của họ. »

Cha đã học hỏi những vấn đề của thế giới phức tạp về chính trị và công bằng xã hội từ Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano và Đức Hồng Y Roger Etchegaray, Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Công lý và Hòa bình. Những vấn đề về nhân quyền, thương mại thế giới, toàn cầu hóa, các quốc gia đang phát triển và những hậu quả tiếp diễn do sự sụp đổ của Liên bang Sô viết và các chế độ Cộng sản tại Đông Âu. Cha rất thích những cuộc tiếp xúc với các Giám mục đến từ các quốc gia khắp Năm Châu.

Tiếp đến, ngày 24.06.1998, Đức Cha được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Công lý và Hòa bình, thay thế Đức Hồng Y Roger Etchegaray.

Vài tháng sau, ngày 18.11.1998, Cha kêu gọi sự xóa giảm nợ cho các quốc gia Trung Mỹ châu bị tàn phá bởi cơn bão xoáy (cyclone) Mitch. Sau đó, Cha gởi lời cám ơn những quốc gia giảm nợ theo lời Cha yêu cầu và, đồng thời, Cha cũng nhắc nhở lãnh đạo các quốc gia Trung Mỹ trách nhiệm của họ khi vay nợ ngoại quốc.

Trong Nhà Nguyện Mẹ Đấng Cứu Thế, từ chiều ngày 12 đến 18.03.2000, Đức Cha đã giảng tĩnh tâm cho Đức Giáo Hoàng và Giáo Triều Rôma và đã được Đức Giáo Hoàng cám ơn như sau: « …Tôi đã ước mong rằng trong năm Đại Toàn Xá nầy, cần có một chỗ đặc biệt được dành cho chứng tá của những người đã chịu ‘đau khổ vì đức tin, đã trả bằng máu sự gắn bó của họ đối với Chúa Kitô và Giáo Hội, hoặc can đảm chịu đựng những năm thật dài cảnh tù ngục và thiếu thốn đủ loại’ (Tông sắc ‘Mầu nhiệm nhập thể’, số 13). Hiền Đệ đã chia sẻ chứng tá đó một cách nồng nhiệt và đầy xúc động, chứng tỏ rằng, trong toàn thể cuộc sống con người, tình thương xót của Thiên Chúa, Đấng vượt trên mọi lý luận của loài người, tại những phần đất khác nhau trên thế giới, đang tiếp tục phải trả giá thật đắt cho chính niềm tin của mình nơi Chúa Kitô… ». Những bài giảng tĩnh tâm nầy đã được in thành sách ‘Chứng Nhân Hy Vọng’, phát hành bằng ít nhất 12 thứ tiếng.

Ngày 19.03.2000, Lễ Thánh Giuse, ngày bế mạc cuộc tĩnh tâm cũng là ngày mà Giám mục kế vị Cha tại Giáo phận Nha Trang, Đức cha Nguyễn văn Hòa, khánh thành một nhà thờ mới tại Cây Vong, nơi Cha bị tù trong giai đoạn đầu tiên.

Ngày 21.01.2001, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố tuyển chọn Cha vào Hồng Y Đoàn.

X. SỰ HÌNH THÀNH ‘TÓM LƯỢC HỌC THUYẾT XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO’

Đáp ứng nguyện vọng của các Đức Giám mục tham dự Thượng hội đồng Giám mục Mỹ châu năm 1997, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã yêu cầu Hội Đồng Giáo hoàng Công Lý và Hoà Bình thực hiện một ‘Toát yếu về Học thuyết Xã hội Giáo Hội’.

Khi đó, Cha đang là Phó Chủ tịch Hội Đồng Giáo hoàng Công Lý và Hoà Bình và, từ ngày 24.06.1998, Đức Gioan-Phaolô II bổ nhiệm Cha giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng này. Đầu năm 1999, Đức Gioan-Phaolô II đề nghị Cha viết ‘Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo’.

Như vậy, vị Mục Tử Việt-Nam đã chịu nhiều bất công (13 năm tù không bản án, công dân mang hộ chiếu Việt-Nam bị cấm trở về Quê hương) nay giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Võ Công Lý và Hoà Bình. Với trách vụ đó, tại Vatican City, ngày 01.05.2000, Lễ kính Thánh Giuse Thợ, Cha đã ký ban hành ‘SƯU TẬP NHỮNG BẢN VĂN CỦA HUẤN QUYỀN VỀ HỌC THUYẾT XÃ HỘI CÔNG GIÁO’. Trong bản Sưu Tập nầy, Đức Cha đã thu nhặt từ các văn kiện đang có trong kho tàng Giáo huấn về xã hội và viết thành 11 chương về các đề tài: Bản chất Học thuyết Xã hội Công giáo, Con Người, Gia Đình, Trật tự Xã hội, Vai trò Nhà Nước, Kinh tế, Lao Động và Tiền Lương, Sự Nghèo đói và Đức Bác ái, Môi trường, Cộng Đồng Quốc tế và Chương Kết. Văn kiện này được dùng làm căn bản cho việc hoàn thành ‘Toát yếu về Học thuyết Xã hội Giáo Hội’.
Cha tiếp tục viết ‘Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo’. Nhưng tình trạng sức khỏe Cha không cho phép như Đức Hồng Y Renato Raffaele Martino, đã viết trong ‘Lời Giới Thiệu’:
« Vị tiền nhiệm của tôi, Đức cố Hồng y đáng tiếc và khả kính Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận, với sự khôn ngoan, sự kiên quyết và tầm nhìn xa trông rộng, đã thực hiện phần chuẩn bị phức tạp của tài liệu này. Chứng bệnh hiểm nghèo đã không cho ngài cơ hội hoàn thành phần kết thúc và xuất bản. Công việc trên đã được giao phó cho tôi và hôm nay dành cho tất cả những ai đọc quyển sách này, vì thế công trình này mang dấu ấn vị chứng nhân vĩ đại của Thập Giá, người đã có niềm tin mãnh liệt trong những năm gian khổ của đất nước Việt-Nam. Vị chứng nhân này sẽ thấu hiểu lòng biết ơn của chúng ta đối với sự lao động quý báu, tràn ngập bởi tình yêu và sự tận tuỵ của ngài, và ngài sẽ chúc lành cho những ai biết dừng lại để suy tư khi đọc những trang sách này.

XI. CHÚA GỌI CHA RA KHỎI THẾ GIAN.

Lúc 18 giờ, ngày 16.09.2002, Cha đã được Thiên Chúa gọi ra khỏi thế gian. Ngay khi hay tin Cha qua đời, Đức Cha Giampaolo Crepaldi, Tổng Thư Ký Hội đồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình, đã tuyên bố với báo chí: « Một vị Thánh vừa qua đời. »

Chiều ngày 20.09.2002, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II từ Castel Gandolfo đã trở về Vatican, để chủ sự Thánh Lễ An táng Cha với Giáo Triều và 172 phái đoàn ngoại giao cạnh Tòa Thánh đã tiển biệt trong một Thánh Lễ trọng thể.

Nhân dịp nầy, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã ngỏ lời:

« Trong 13 năm ngục tù, ngài (Đức Hồng Y Thuận) đã hiểu nền tảng của đời sống Kitô hữu là ‘chọn một mình Chúa mà thôi’ như các vị tữ đạo Việt-Nam đã làm trong những thế kỹ trước. Chúng ta được mời gọi rao giảng cho tất cả mọi người ‘Tin Mừng Hy Vọng’, và Đức Hồng Y giải thích rằng: chúng ta chỉ có thể chu toàn Ơn Gọi ấy với sự hy sinh quyết liệt, dù phải chịu những thử thách cam go nhất. Đức Hồng Y nói: ‘Hãy nêu cao giá trị của sự đau khổ như một trong muôn vàn khuôn mặt của Chúa Giêsu chịu đóng đanh và hiệp nhất đau khổ của mình với khổ đau của Chúa, có nghĩa là đi vào chính năng động khổ đau, yêu thương có nghĩa là tham dự vào ánh sáng, sức mạnh, an bình của Chúa; có nghĩa là tìm lại được nơi chính mình một sự hiện diện mới mẻ, sung mãn, của Thiên Chúa.

Đây không phải là sự anh hùng, nhưng là sự trung thành chín chắn, hướng cái nhìn về Chúa Giêsu là mẫu gương của mọi chứng nhân và mọi vị tử đạo. Một gia sản cần được đón nhận mọi ngày trong một cuộc sống đầy yêu thương và dịu hiền.

Con người Đức Hồng Y là một tấm gương sáng ngời về đời sống Kitô, phù hợp với Đức Tin, cho đến độ tử đạo. Đức Hồng Y nói về mình với sự đơn sơ thật đặc biệt: "Trong vực thẳm những đau khổ của tôi,.. . tôi không bao giờ ngừng yêu mến tất cả mọi người, tôi không hề loại trừ một ai khỏi tâm hồn tôi". Bí quyết của Đức Hồng Y là lòng tín thác kiên cường nơi Thiên Chúa, được nuôi dưỡng bằng kinh nghiệm và đau khổ được Đức Hồng Y chấp nhận với lòng yêu mến. Trong tù, mỗi ngày Đức Hồng Y đã cử hành Thánh Lễ với ba giọt rượu và một giọt nước trên lòng bàn tay. Đó là bàn thờ của Người, là Nhà thờ chính tòa của Người, Mình Thánh Chúa Kitô là ‘thuốc’ của Người, Đức Hồng Y cảm động kể lại: ‘Mỗi lần như thế tôi được dịp giang tay ra và chịu đóng đinh bản thân trên Thánh giá với Chúa Giêsu, được sống chén đắng với Chúa. Mỗi ngày khi đọc lời truyền phép, tôi hết lòng củng cố một giao ước mới, giao ước đời đời giữa tôi và Chúa Giêsu, nhờ máu của Chúa hòa lẫn với máu của tôi’.

Trung thành cho tới chết, Ngài giữ được sự bình thản và niềm vui cả trong lúc nằm lâu và phải đau đớn trong bệnh viện và, trong những ngày cuối, khi không còn nói được nữa, Ngài nhìn chăm chú vào ảnh Thánh giá, Ngài cầu nguyện trong thinh lặng, khi hy lễ tối cao của Ngài tới tuyệt đỉnh, hoàn thành cách vinh quang một cuộc đời đánh dấu bằng sự đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô trên Thánh giá.

Trong chúc thư tinh thần, sau khi xin lỗi, Đức Hồng Y cam đoan tiếp tục yêu mến tất cả mọi người. Đức Hồng Y quả quyết: ‘Tôi thanh thản ra đi, và tôi không giữ lòng oán hận nào đối với ai. Tôi dâng tất cả những đau khổ tôi đã trải qua cho Đức Mẹ Vô Nhiễm và Thánh Giuse’. Chúc thư tinh thần kết thúc với ba lời nhắn nhủ: ‘Hãy yêu mến Đức Mẹ, hãy tín thác nơi Thánh Giuse, hãy trung thành với Giáo hội, hãy đoàn kết và yêu thương tất cả mọi người’. Đây chính là tổng hợp trọn cuộc sống của Đức Hồng Y. »

và Đức Thánh Cha đã kết luận:

« Giờ đây, ước gì cùng với Thánh Giuse và Mẹ Maria, Đức Hồng Y được đón nhận vào trong niềm vui của Thiên Đàng, chiêm ngắm Tôn Nhan rạng ngời của Chúa Kitô, Đấng trên trần thế đã nhiệt thành tìm kiếm như niềm Hy vọng duy nhất của mình. Amen! »

XII. ÁN PHONG CHÂN PHƯỚC

Năm năm sau ngày Người về Nhà Cha, Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình đã tổ chức Thánh Lễ đồng tế do Đức Hồng Y Renato Raffael Martino, đương kim Chủ tịch và là người kế vị Cha, chủ sự lúc 11 giờ ngày chúa nhật 16.09.2007 tại Nhà thờ Đức Mẹ Cầu Thang (Santa Maria della Scala, nhà thờ dành cho Cha tại Rôma), để tưởng nhớ một chứng nhân hòa bình và hy vọng.

Tham gia sáng kiến mở án phong Chân Phước cho Đức Hồng Y, ngoài Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình còn có Quỹ Thánh Matthêu tưởng niệm Cha, Hội Quan sát Quốc tế Văn Thuận về Đạo lý xã hội Công Giáo, thân nhân và bạn hữu của Cha, cũng như cộng đoàn Công giáo Việt-Nam ở Rôma.

Đức Hồng Y Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình đã mời bà luật sư Silvia Monica Correale làm thỉnh nguyện viên Án phong Chân phước cho Cha.

Nhân dịp này, một buổi triều yết đã diễn ra ngày thứ hai 17.09.2007 tại Dinh thự Giáo Hoàng ở Castel Gandolfo. Trong diễn văn, Đức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã nói:

« Tôi vui mừng, nhân cơ hội này để, một lần nữa, nêu lên chứng tá Đức Tin sáng ngời mà vị Mục Tử anh dũng này đã để lại cho chúng ta. Giám Mục Phanxicô Xavie đã được vị tiền nhiệm Gioan Phaolô 2 đáng kính của tôi bổ nhiệm làm Chủ Tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa Bình. Nguời đã tiến hành ‘Toát Yếu Giáo Huấn xã hội của Hội Thánh’. Làm sao quên được những nét nổi bật về sự đơn sơ và thân thiện ngay của Người?

Chúng ta tưởng nhớ Ngài với sự thán phục lớn lao, trong khi chúng ta nghĩ lại trong tâm trí chúng ta những dự phóng lớn lao và tràn đầy Hy vọng, đã làm cho Ngài luôn sống động và Ngài tìm cách thế để dễ dàng loan truyền ra và thuyết phục nhiều người; sự dấn thân đầy nhiệt huyết của Ngài để quảng bá học thuyết xã hội của Hội Thánh giữa những người nghèo trên thế giới, và lòng hăng say truyền bá Phúc âm trong lục đia Á Châu của Ngài, khả năng Ngài điều hợp các hoạt động bác ái và thăng tiến con người mà Ngài làm tăng thêm và nâng đỡ tại những nơi nặng nề nhất trên thế giới.

Đức Hồng Y Văn Thuận là một con người của Hy Vọng, Ngài sống bằng Hy Vọng, Ngài phổ biến Hy Vọng cho tất cả những ai Ngài gặp. Chính nhờ năng lực thiêng liêng này mà Ngài đã chống lại được tất cả những khó khăn thể lý và luân lý. Hy Vọng đã nâng đỡ Ngài khi là Giám mục bị cô lập trong vòng 13 năm trời, xa cách khỏi cộng đoàn giáo phận của Ngài;

Hy Vọng giúp Ngài biết nhìn ra qua cái vô lý của các biến cố xảy đến cho Ngài - không bao giờ được xét xử trong những năm tù ngục - một kế đồ của sự quan phòng của Thiên Chúa.

Tin về bệnh ung thư, căn bệnh đưa Ngài tới cái chết, tin này đã đến với Ngài cùng lúc với việc Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đặt Ngài làm Hồng Y, vị Giáo Hoàng này bày tỏ với Đức Hồng Y một sự trân trọng và tình cảm thật lớn lao.

Đức Hồng Y Văn Thuận thường nhắc lại rằng Kitô hữu là một con người của từng giờ, của lúc này, của giây phút hiện tại, cần được đón nhận và sống với tình yêu Chúa Kitô. Trong khả năng sống giây phút hiện tại này chiếu tỏa ra cái sâu thẳm của việc phó thác trong bàn tay Thiên Chúa và tính đơn sơ như trong Phúc âm dạy mà chúng ta tất cả đều kính phục Ngài. Và làm sao có thể xấy ra điều này - người ta tự hỏi - một người đặt tin tưởng vào Chúa Cha trên trời mà lại từ chối để mình được ôm ấp vào cánh tay của Chúa Cha sao? Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận là một người hy vọng, đã sống hy vọng và phổ biến hy vọng nơi tất cả những người Người gặp. Chính nhờ năng lực tinh thần ấy, Đức Hồng Y đã chống lại tất cả những khó khăn về thể lý và tinh thần. Niềm hy vọng ấy đã nâng đỡ Người như một Giám Mục bị cô lập trong 13 năm trời xa cách cộng đoàn giáo phận của Người; niềm hy vọng đã giúp Người nhận thấy, trong sự vô lý của các biến cố xảy ra cho Người, một kế hoạch của Chúa Quan Phòng - Đức Hồng Y không hề được xét xử trong thời gian lâu dài bị giam cầm. »

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng:

« Anh chị em thân mến, tôi vui mừng sâu xa đón nhận tin về việc khởi sự án phong chân phước cho vị Ngôn Sứ đặc biệt này của niềm hy vọng Kitô, và trong khi chúng ta phó thác cho Chúa linh hồn ưu tuyển của Người, chúng ta hãy cầu nguyện để tấm gương của Đức Cố HY là giáo huấn hữu hiệu cho chúng ta. Với lời cầu chúc đó, tôi thành tâm ban phép lành cho tất cả anh chị em. »

XIII. KHEN THƯỞNG VÀ VINH DANH

A.- Lúc 18 giờ ngày 09.06.1999 tại Tòa Đại sứ Pháp cạnh Tòa Thánh, ở Roma, ông Đại sứ Pháp, đã nhân danh Tổng thống Cộng hòa Pháp, trao tặng Huy Chương ‘Commandeur de l’Ordre National du Mérite’ (Huân chương Quốc gia cho Người có Công Trạng, Đệ Tam Đẳng) cho Cha.

Trước khi trao tặng Huy chương, Ông Đại sứ nói đến công trạng của Cha đối với Nước Pháp và cách riêng với Giáo hội Pháp. Ông cũng nhắc đến những năm Cha bị giam tù và những tác phẫm rất hấp dẫn và bổ ích, đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, do Cha viết trong những năm dài của cuộc thử thách. Trong đáp từ, Cha cám ơn Tổng thống, Dân tộc và Giáo hội Pháp về cử chỉ tốt đẹp này. Rồi Cha nhắc lại những mối giây liên kết từ lâu đời của gia đình mình và của chính Cha với nền văn hóa Pháp, với các nhà truyền giáo Pháp và với Giáo hội Pháp, nhất là trong những năm vừa qua, nhờ vào những hoạt động tại nhiều nơi, tại nhiều đoàn thể và nhờ vào tình nghĩa thiết với nhiều vị Linh mục và Giám mục tại Pháp và tại Rôma.

B.- Năm 2000, Cha được trao tặng hai giải thưởng hòa bình: Giải Man For Peace (Người Vì Hòa Bình) và giải thứ hai là Artefice della Pace (Người Kiến Tạo Hòa Bình).

C.- Sáng ngày 15.09.2009, tổ chức ‘San Matteo’ mở cuộc họp báo tại Văn phòng Báo chi Tòa thánh để tuyên bố kết quả giải thưởng Nguyễn Văn Thuận lần thứ hai và các giải thưởng Đoàn kết và Phát triển Nguyễn Văn Thuận. Giải này được tưởng thưởng cho những người xuất chúng trong sự nghiệp đề cao và bảo vệ nhân quyền.

Tham dự cuộc họp báo có Đức Hồng Y Renato Martino, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình, và Đức ông Marco Frisina, Giám đốc ca đoàn Tổng Giáo phận Rôma đồng thời là tác giả ca khúc vinh danh cố Hồng y Thuận nhan đề ‘Sentieri della speranza’ (những nẻo Đường Hy vọng), trích từ các kinh Cha đã biên soạn.

Trong buổi lễ trao giải vào ngày 16.09.2009 tại Palazzo Colonna ở Roma, Giải Nguyễn Văn Thuận năm 2009 được trao cho Đại Công tước (Grand Duke, tương đương Quốc trưởng) Henri de Nassau của Luxembourg vì những nỗ lực của ông trong việc bảo vệ quyền sống và quyền tự do tôn giáo. Mùa thu 2008, ông lên tiếng cho biết ông sẽ từ chối ký ban hành Dự luật Trợ Tử, khiến Quốc hội Luxembourg phải tu chính Hiến pháp để Dự luật trở thành Luật được áp dụng hợp hiến.

Các giải Đoàn kết và Phát triển, mỗi giải trị giá 15000 euro, được trao cho 4 dự án hoạt động nhân đạo nhằm tài trợ các hoạt động cho nhân quyền và xã hội:

1- Trung tâm Phát triển Khả năng cho Người Khiếm thị tại Pakkred, Thái lan, do Lm Carlo Velardo dòng Don Bosco điều hành.
2- Dự án ALAS của Tổ chức "Caminos de Libertad" thuộc tổng giáo phận Bogota nước Colombia, để xây dựng một trung tâm quốc gia dành cho công tác mục vụ trong các trại giam.
3- Tổ chức Bất vụ lợi "Cooperazione Missionaria e Sviluppo" do Đức ông Andrea Vece điều hành tại giáo xứ Đức Mẹ Fatima ở Salemo, nước Ý.
4- "ROCHER L'oasis des cites", một hiệp hội chuyên về các dự án giáo dục và xã hội để phục vụ cư dân những vùng ngoại ô gặp ‘khó khăn’ cạnh các đô thị ở Pháp.

Ngày 17.09.2009, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã tiếp Đại Công tước Henri de Nassau và đại diện 4 tổ chức nhận giải thưởng tại Castel Gandolfo. Đức ông Marco Frisina và ca đoàn Tổng Giáo phận Rôma trình diễn ca khúc vinh danh Cha nhan đề ‘Sentieri della speranza’ (những nẻo Đường Hy vọng).

C.- Ngoài ra, một tổ chức khác mang tên Viện Quan sát Quốc tế Văn Thuận www.vanthuanobservatory.org có nhiệm vụ phổ biến các văn kiện, tổ chức hội thảo các vấn đề liên quan đến Giáo huấn xã hội Công giáo.

XIV. LỜI NGƯỜI ĐI TRƯỚC.

Sau khi trở thành Hồng Y, Cha đã đi Sydney để gặp Bà Cố. Một người đã hỏi Bà, trước sự hiện diện của Cha, là Bà có hãnh diện về sự thăng chức Hồng Y của con mình. Bà trả lời: « Tôi luôn hãnh diện về con tôi. Là Hồng Y, hay Tổng Giám mục, hay một Linh mục ý nghĩa gần như nhau miễn sao Cha luôn phụng sự Thiên Chúa một cách xứng đáng nhất. Được tham gia Hồng Y Đoàn để làm sáng danh Thiên Chúa. Lúc đó, dĩ nhiên, tôi rất hạnh phúc. »

Mạng lưới VietCatholic News ngày 14.07.2009 có đăng ‘10 ĐIỀU RĂN CỦA LINH MỤC’ do Cha viết:

1. Những gì tôi sống trong tư cách là một Linh Mục, thì quan trọng hơn những gì tôi làm.
2. Những gì Chúa Kitô làm qua trung gian của tôi, thì quan trọng hơn những gì do chính tôi làm.
3. Những gì tôi với anh em Linh Mục cùng sống, thì quan trọng hơn những gì tôi làm một mình, dù hăng say tới mức suýt bị mất mạng.
4. Những gì tôi sống cho Kinh nguyện và Lời Chúa, thì quan trọng hơn những tổ chức sinh hoạt bên ngoài.
5. Những gì tôi sống vì lợi ích thiêng liêng của người cộng tác, thì quan trọng hơn những công việc tôi làm cho lợi ích của mình.
6. Hiện diện ít nơi nhưng thiết yếu để đem lại sức sống, thì quan trọng hơn có mặt khắp nơi nhưng vội vàng và nửa vời.
7. Hoạt động cùng với người cộng tác, thì quan trọng hơn là làm một mình, cho dù mình có nhiều khả năng hơn họ. Nói cách khác, hợp tác thì quan trọng hơn hành động riêng rẽ.
8. Hy sinh thập giá âm thầm bên trong, thì quan trọng hơn những thành quả đạt được bên ngoài.
9. Mở rộng tâm hồn đến những thao thức của cộng đoàn, Giáo phận và Giáo hội toàn cầu, thì quan trọng hơn chăm chú vào những bận tâm riêng, cho dù thiết yếu đến đâu đi nữa.
10. Làm chứng về Đức Tin trước mặt mọi người, thì quan trọng hơn tìm cách thoả mãn thị hiếu của họ.
 
Được tháp tùng đức tân GM Phát Diệm trong chuyến đi thăm Miền Nam đầy ấn tượng (2)
LM. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
16:19 23/09/2009
MỘT CHUYẾN ĐI ẤN TƯỢNG HÀNH TRÌNH CÁC XỨ

Theo chương trình đã định, Đức cha đi thăm giáo xứ Phúc Nhạc, giáo phận Xuân Lộc do cha quản hạt Gia Kiệm Giuse Nguyễn Việt Tiến coi sóc và giáo xứ Kim Thượng do cha Giuse Lê Minh Hiến làm chính xứ. Hai cha là bạn thân từ hồi Tiểu chủng viện với Đức cha. Vì cha xứ là tình bạn nên cả hai giáo xứ đều đón tiếp Đức cha ân cần, nồng hậu mà ấm áp tình thân. Phúc Nhạc gồm toàn giáo dân Phúc Nhạc gốc Bắc, còn Kim Thượng quy tụ 90% giáo dân gốc các xứ thuộc giáo xứ thuộc giáo phận Phát Diệm ngoài Bắc như: Tôn Đạo, Khiết Kỷ, Cách Tâm, Dưỡng Điềm, v.v...

Nhờ sự ân cần và nồng hậu này, Đức cha có được một ngày thư thái chút ít để lấy lại sức tiếp tục đi về giáo xứ Hà Nội, giáo hạt Hố Nai, gặp lại giáo xứ cách đây 35 năm Đức cha đã từng là thầy giúp xứ tận tâm tận lực, đặc biệt trong phong trào đạo đức “Hùng tâm Dũng chí”

Trên đường về giáo xứ Hà Nội, Đức cha ghé thăm và dâng lễ mừng Bổn mạng thầy giám tỉnh dòng Trợ thế - lễ thánh Mathêu Tông đồ thánh sử - đây là Dòng chuyên về hoạt động, được các thầy Canada thiết lập tại Bùi Chu vào năm 1952. Năm 1954 di cư vào Nam lập tại Hố Nai – Biên Hòa. Hiện dòng có 60 thầy khấn trọn, 15 khấn tạm, 10 tập sinh, 20 đệ tử. Các thầy theo đúng linh đạo thánh tổ phụ Gioan Thiên Chúa thi hành đức bác ái qua việc phục vụ các
bệnh nhân đau yếu. Hiện dòng có một bác sĩ, hơn chục y sĩ, 5 dược sĩ, còn lại là các điều dưỡng đều đã qua 3 năm đào tạo. Cơ sở dòng hiện có thể phục vụ 200 bệnh nhân và đang được mở rộng thêm.

Khi Đức cha về tới giáo xứ Hà Nội thì 'băng rôn' đề nội dung: “THÁNH LỄ TẠ ƠN MỪNG ĐỨC TÂN GIÁM MỤC GIUSE” đã được căng sẵn cuối nhà thờ. Ba mươi cha trong giáo hạt Hố Nai đã quy tụ về trong thánh lễ tạ ơn. Đặc biệt có cha Phêrô Vũ Công Bình là bạn 47 năm với Đức cha: cùng vào Tiểu chủng viện một ngày, khi mãn chủng viện cùng trải qua đời sống “không có nơi dựa đầu”, cùng được sai về giúp giáo xứ Hà Nội cách nhau năm trước năm sau, cuối cùng được thụ phong Linh mục cùng một ngày. Trong thánh lễ, cha ngồi tả hữu bên Đức cha cùng với cha Vinh-sơn Nguyễn Văn Tuyền cũng là bạn từ Tiểu chủng viện với Đức cha.

Hành trình của Đức cha còn tiếp nối về thăm và dâng lễ tại giáo xứ Long Định, giáo phận Mỹ Tho do cha cậu Antôn Vũ Sĩ Hoằng coi sóc. Đức cha giáo phận Mỹ Tho Phaolô Bùi Văn Đọc và 40 cha đã cùng về dâng thánh lễ tạ ơn với Đức tân giám mục. Thật là vui và cảm động khi cha cậu Antôn kể về 4 mối liên hệ với Đức cha Giuse Nguyễn Năng vào:

1. Thời thơ ấu một tuổi, chính cha cậu đã từng cõng cháu Nguyễn Năng.

2. Thời niên thiếu 10 tuổi đi tu nhờ cậu gợi ý.

3. Thời khó khăn 1978 thầy Nguyễn Năng sáng tác bài hát: “ Tình Chúa trung kiên” trên chuyến xe hai cậu cháu cùng từ Học viện vừa bị giải thể trở về. Bài hát đã giúp nhiều chủng sinh kiên vững trong ơn gọi và được phổ biến rộng rãi tại các chủng viện hiện nay.

4. Năm 1998 biến cố khi Đức cha đã lên máy bay du học Rôma còn trở về kịp gặp phụ thân hấp hối nhờ cha cậu quyết định đưa tin.

Ai cũng cảm phục và ôn lại một thời quá khứ đau thương nhưng cũng đầy yêu thương và chính những trang hào hùng ấy tạo nên sự hào hứng cho tất cả những nơi Đức cha đã đi qua.

THĂM CÁC TÒA GIÁM MỤC

Đặt chân tới đất Sàigòn. Điểm đến đầu tiên của Đức cha là tòa tổng giám mục Saigòn. Đức Hồng y Gioan B. Phạm Minh Mẫn có phong cách riêng khi ngài cần tiếp xúc cá nhân với những nhân vật vị vọng.

Kế đến là Tòa giám mục Phú Cường, Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ đón tiếp Đức tân giám mục trong tinh thần huynh đệ, cởi mở chân thành. Ngài đánh giá cao Phát Diệm có truyền thống đạo đức, có nhà thờ đẹp quy tụ khách du lịch cả nước. Đức cha mới bày tỏ lòng cám ơn chân thành, và khiêm tốn xin được sự giúp đỡ, trao đổi kinh nghiệm của bậc cha anh.

Cũng trong tinh thần khiêm tốn ấy, Đức cha Giuse về với giáo phận Xuân Lộc trong tâm tình người con tri ân sâu xa tới Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, chia sẻ tình bạn đồng trách nhiệm với Đức cha phụ tá Tôma Vũ Văn Hiệu.

Sau giờ gặp gỡ, đoàn có dịp thăm công trình kiến trúc Tòa giám mục Xuân Lộc và Đại chủng viện thánh Giuse cơ sở 2 giáo phận Xuân Lộc. Công trình kiến trúc quy mô, đồng bộ và trang trí nội thất theo nét hiện đại. Đặc biệt là nhà truyền thống với hệ thống thuyết minh bằng cảm ứng màn vi tính thông tin chính xác và cập nhật các sinh hoạt cũng như sử liệu về giáo xứ, giáo hạt, giáo phận và Tòa thánh Vatican. Giáo phận Xuân Lộc đang tích cực chuẩn bị cho khóa họp thường niên của HĐGMVN đầu tháng 10 và lễ tấn phong Đức giám mục phụ tá giáo phận Xuân Lộc Tôma Vũ Văn Hiệu vào ngày 10/10/2009.

Xuôi đường về Vũng Tàu, Đức cha chào và cám ơn Đức cha giáo phận Bà Rịa – Vũng Tàu. Đón tiếp Đức cha như hiền đệ thân thiết, Đức cha Tôma Nguyễn Văn Trâm khen ngợi giáo dân Phát Diệm dự lễ dưới trời nắng nóng và sốt sắng tới phút cuối cùng.

Giáo phận Bà Rịa – Vũng Tàu vừa được tách ra từ giáo phận Xuân Lộc, mọi hoạt động còn đang đón đợi phía trước, bắt đầu từ cơ sở hạ tầng là công trình xây dựng nhà thờ Chính tòa và Tòa giám mục tại trung tâm thị xã Bà Rịa. Nơi đây còn cần rất nhiều tinh thần hiệp thông và phục vụ.

Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc giám mục giáo phận Mỹ Tho đón tiếp Đức cha Giuse trong bầu khí vui vẻ không những tại Tòa giám mục Mỹ Tho mà còn ở giáo xứ Long Định nơi cha cậu của Đức cha Giuse coi sóc. Ngài đã chia sẻ với cộng đoàn Dân Chúa: “Đức cha Giuse Nguyễn Năng có gương mặt đẹp, vui tươi, phong cách hòa nhã nên đi đến đâu cũng được mọi người quý mến. Ngài là tương lai của Xuân Lộc nhưng được dành lại cho Phát Diệm vì Phát Diệm cần một vị chủ chăn khôn ngoan tài đức. Chữ Năng có nghĩa là năng lực, là tài năng. Giáo hội Việt Nam cần những con người trẻ, tài năng và đức độ. Hy vọng ngài sẽ đúng với tên của ngài.

Tòa giám mục Giáo phận Vĩnh Long xây dựng trên một diện tích hạn hẹp nhưng tấm lòng Đức cha Tôma Nguyễn Văn Tân thì rộng lớn. Ngài thương giáo dân Phát Diệm trong lễ tấn phong Giám mục suốt mấy tiếng ngồi dưới trời nắng như thiêu đốt của mùa hè miền Bắc khí hậu khắc nghiệt.

Rời Tòa giám mục Vĩnh Long, Đức cha Giuse không vào Tòa Giám mục Long Xuyên (vì Đức cha Long Xuyên đang đi viện chữa mắt) nhưng đi thẳng tới Tòa giám mục Cần Thơ. Đức cha Emmanuel Lê Phong Thuận và Giám mục phó của ngài là Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên niềm nở đón tiếp Đức cha, giới thiệu Đức cha cho khóa Linh mục thường huấn tại Tòa Giám mục.

Đức cha phó Stêphanô mời Đức cha Giuse thăm phòng riêng, trao đổi kinh nghiệm cập nhật tri thức hiện đại và trau dồi tiếng Anh. Chính ngài đích thân mở cổng tiễn đoàn và khép cổng lại phía sau.

Đó cũng là khép lại hành trình đi thăm và cám ơn các Đức cha tại các tòa Giám mục thuộc giáo tỉnh Tp Hồ Chí Minh của Đức cha Giuse Phát Diệm.

Ngày mai, chuyến bay cất cánh, không phải từ Phát Diệm vào Xuân Lộc, nhưng là từ Xuân Lộc về Phát Diệm. Đức cha Giuse Nguyễn Năng không còn là Giám đốc Đại chủng viện Xuân lộc, nhưng đã là Giám mục chính tòa Phát Diệm, ngài sẽ cùng con cái Phát Diệm tiếp tục cất cánh bay cao…

 
Những Chuyện Buồn Vui, Trong Chuyến Hành Hương ''Niềm Tin Úc Châu 2009''
Jos. Vĩnh SA
19:54 23/09/2009
Hành Hương Niềm Tin Úc Châu 2009


Như đã tường trình tháng trước. Phái đoàn hành hương mũ vàng của chúng tôi gồm 56 người, từ các thành phố Adelaide, Brisbane, Melbourne và Perth thủ phủ của 4 tiểu bang: Queensland, Tây Úc, Nam Úc và Victoria cùng với nhóm 5 người từ Mỹ quốc sang Úc Châu du lịch. Sau hơn 7 tuần chúng tôi đã đi vòng quanh 14 quốc gia trên thế giới, từ Úc sang Á, Âu rồi qua Mỹ Châu, Canada sau đó trở về Úc giữa tháng 9 mnăm 2009, chấm dứt một chuyến hành hương khá dài.

Trưởng phái đoàn của chúng tôi gồm có 2 linh mục và 1 nữ tu, đã sắp xếp điểm hẹn, cho các nhóm gặp gỡ nhau vào chiều thứ Sáu ngày 31 tháng 7 năm 2009 trong phi trường quốc tế Chek Lap Kok Hồng Kông, để nhập chung lại thành phái đoàn hành hương >“Niềm Tin Úc Châu 2009”.B>

Các tu sĩ trưởng đoàn, trong Ban Dẫn Đạo của phái đoàn đã phân chia phần vụ và trách nhiệm như sau:

1. Lm. Anthony Nguyễn Hữu Quảng chủ nhiệm nguyệt san Dân Chúa Úc Châu, chánh xứ St Margarett, Melbourne là người luôn đi trước, dẫn đầu phái đoàn cùng với Hướng Dẫn Viên du lịch phục vụ cho phái đoàn, tại địa phương nơi các quốc gia. Cha Quảng:

-Lo liệu sắp xếp chương trình di hành

-Liên lạc các nơi thánh địa, linh địa để khi phái đoàn tới các nơi kính viếng, có chỗ dâng Thánh Lễ và cầu nguyện

-Làm thông dịch viên thường trực cho phái đoàn

-Giúp mọi người check in tại các phi trường và khách sạn

-Dự bị và tính toán tiền tips, để tặng nhân viên phục vụ ở các nơi và tài xế mỗi khi thay đổi xe bus....

2. Sơ Mỹ Nga luôn luôn đi giữa phái đoàn đặc trách công tác:

- Lo mọi thủ tục cần thiết, giúp đỡ các chị em phụ nữ trong bất cứ trường hợp nào, như bị trở ngại giấy tờ, hành lý, ngay

cả khi ốm đau hay những việc riêng tư của quí bà, nếu họ cần trợ giúp..

3. Lm. Giuse Nguyễn Thanh Liêm trưởng phái đoàn giữ nhiệm vụ:

- Tập trung các nhóm của các tiểu bang lại thành một phái đoàn, khi đã có mặt đầy đủ trong phi trường Hồng Kông. (Hầu như Cha Liêm biết mặt hết mọi người).

- Người luôn đi sau cùng, đặc trách tống hậu. Cha lên máy bay và xe bus chót cùng.

-Kiểm diện mọi người có mặt đầy đủ.

-Tìm kiếm những người đi lạc.

-Giúp những người không thể đi bộ nhanh chân, kịp với phái đoàn.

-Liên lạc về công ty du lịch chính bên Úc, khi gặp trở ngại.

-Đốc thúc mọi người giữ đúng giờ giấc (time keeper) theo lịch trình di chuyển của phái đoàn, để tránh bị chậm trễ.

-Lo mọi thủ tục cho “Giới Mày Râu” khi gặp phải bất cứ trở ngại nào, kể cả trục trặc Pass Port, Visa và an ninh nhập cảnh các nước.

-Mỗi khi di chuyển, Cha Liêm báo cáo con số 56 người đủ hết, thì xe bus mới được lăn bánh, không bỏ xót một ai.

Vui Lúc Gặp Nhau:Nhóm 10 người chúng tôi, từ Adelaide sang du lịch Singapore trước mấy ngày, sau đó mới bay qua Hồng Kông.

Ngày đầu tiên gặp gỡ ở Hồng Kông, chúng tôi ôm nhau, chào nhau rối rít mừng rỡ như Mẹ về chợ. Có người từng quen biết nhau đã lâu, có người đã từng đi hành hương chung những lần trước đây, bây giờ gặp lại. Có người chưa hề biết nhau bao giờ. Người quen thì tay bắt mặt mừng, người chưa quen thì giới thiệu đến người khác.

Có một vị, mà tôi chưa từng gặp bao giờ, đến bắt tay, làm quen với tôi, rồi nói: Hân hạnh chào anh, tôi đã từng nghe và biết tên anh trên báo Dân Chúa và trên Vietcatholic net work, nhưng bây giờ được bắt tay anh và gặp tận mặt. Vị này vừa nói xong, đã làm cho 2 cái lỗ mũi của tôi, cứ tự động nhấp nháy, phồng lên, xẹp xuống, rồi nở to lên như quả chua..thúi....Tôi cảm ơn và nói chuyện vài câu xã giao, hỏi thăm gia cảnh, công ăn việc làm: Nào là anh ở tiểu bang nào?? Được mấy cháu rồi ?? Lớn nhỏ ra sao ?? Chắc lần này anh chị lấy ngày nghỉ hàng năm, đi hành hương, hay lấy long services. Chúng tôi kết thân với nhau từ đó.

Đang nói chuyện dông dài ngon lành, thì mấy cô A Muối Hồng Kông phục vụ ở quầy vé check in Boarding Pass, đến phán với chúng tôi một câu: Thưa quí ông và quí bà, theo luật của hãng máy bay E Thụy Sĩ (Swiss Air) của chúng tôi, những ai có 2 cái túi xách nhỏ kéo theo lên máy bay, thì hãng chúng tôi yêu cầu quí vị chỉ được đem lên máy bay 1 túi duy nhất có trọng lượng 07kg. Túi nhỏ còn lại, chúng tôi bắt buộc phải giữ lại đây, để đem đi gửi theo hành lý lớn của quí vị, chứ các ngăn, hộc đựng luggages trong cabin trên trần máy bay, không thể chứa hết hành lý của quí vị được.

Oh! My God....Thế là mọi người bàn tán xôn xao, hổng có ai đồng ý. Các Cha trưởng đoàn đã phân bua với các dì A Muối này. Nhưng các thị vẫn không nghe..Nhất là các bà, ai nấy, tay xách nách mang. Có bà đã từng đi máy bay nhiều lần, rút kinh nghiệm, thủ sẵn trong vali nhỏ, những quần áo và vật dụng cần thiết cho chuyện riêng của các bà, để đề phòng trường hợp, rủi ro bị thất lạc hành lý lớn, thì có những bộ đồ sơ cua để mà thay. Ngoài ra trong túi xách tay của mấy bà con chứa giấy tờ cần thiết, tiền bạc và nhiều thứ lỉnh kỉnh, linh hồn của mỗi người trong chuyến hành hương mà.

Tuy rằng nó là cái bóp xách tay, nhưng với những thứ lỉnh kỉnh kể trên, các bà đã phải mua sắm một cái bóp to (như hand bag) thì mới chứa hết được.

Riêng cá nhân tôi cũng vậy, một cái vali nhỏ size (4 tấc) x (6 tấc). Tôi xếp vào đó ít quần áo gọn nhẹ và một Lap Top computer đem theo, để khi ngồi trong máy bay, tôi hành sự gõ vớ vẩn ít chữ, hay dùng để coi film cho đỡ boring khi phải ngồi mười mất tiếng đồng hồ ở trên trời. Còn một cái túi xách học trò nữa, tôi đeo trên vai với 2, 3 cái máy chụp hình lớn, nhỏ, một cái máy quay film. Tôi đem theo nhiều máy, đề phòng khi đi đường xa, không có chỗ charge battery, thì có máy khác dùng và những phụ tùng linh tinh cho 4 cái máy như: Batteries, Charger, Portable External Hard Disk, dây cable nối từ Camera vào Lap Top và internet.v.v.... Hai cái hành lý này, tôi không thể để chúng rời xa tôi được, vì nó chứa những thứ cần phải take care thật cẩn thận, dễ bị bẻ. Lap Top computer giá gần $2,000 dollars, máy chụp hình và máy quay film lớn nhỏ của tôi cũng 2- 3 ngàn dollars, đâu có ít. Cho nên tôi không thể rời chúng ra được. Những nhân viên bốc xếp hành lý lên máy bay, họ đâu có care, họ quẳng hành lý lên xe và lên máy bay như quăng bao xi măng vậy, tôi đã nhìn thấy rõ ràng ở các phi trường rồi.

Tôi không chịu gửi bất cứ bag nào, nên mấy nàng A Muối phải gọi cabin manager của họ đến nói chuyện với tôi. Tôi mở 2 cái bags ra chứng minh các vật dụng dễ bẻ, cần phải take care của tôi, thế là ông ta đồng ý, cho tôi kéo theo 2 cái bags này lên máy bay. Còn một số người khác, thì phải gửi. Đó là một chặng đường khó đầu tiên cho một số người trong phái đoàn chúng tôi.

Chúng tôi đáp rất nhiều chuyến bay của nhiều hãng khác nhau. Có hãng cho đem hành lý 25kg. Xách tay thì 1 hay 2 bags thoải mái, như hãng: Qantas, American Airways hay Bristish Airways..vv.. Có hãng chỉ cho hành lý có 20kg và 1 bag xách tay....Economy tickets là thế đó... và lúc nào chúng tôi cũng lo hành lý quá kilô..

Sau 10 mấy tiếng đồng hồ, bay xuyên qua đêm từ Hồng Kông sang Thụy Sĩ, chúng tôi lưu lại quốc gia này 1 ngày và 1 đêm, các Hotel của Thụy Sĩ và bên Âu Châu, loại 2 hay 3 sao, chỉ bằng 1 sao bên Úc, các phòng ngủ đều chật hẹp, không có nhiều tiện nghi. Phòng họp chung cũng không có để cho phái đoàn sinh hoạt. Phái đoàn chúng tôi phải nán lại sang đến bên Do Thái. Tối đầu tiên ở Shalom Hotel bên Jerusalem, nhờ có hội trường rộng, nên chúng tôi có dịp sinh hoạt văn nghệ tập thể chung với nhau và có đủ thời giờ giới thiệu tên tuổi từng người để biết nhau. Kể từ đó chúng tôi bắt đầu kết thân và nhận diện ra nhau dễ dàng.

Những tuyến đường dài hành hương, ngồi trên xe bus là những giờ đọc kinh rôm rả nhất. Chấm dứt đọc kinh cầu nguyện, thì ôi thôi! Đủ mọi thứ chuyện vui lôi ra kể, từ tiếu lâm, ca hát, rồi nhảy múa, mặc dù xe bus vừa chạy vừa lắc lư. Chúng tôi chỉ tạm ngưng văn nghệ, khi nào Hướng Dẫn Viên Du Lịch (Tour Guider) cần giải nghĩa về những linh địa và thắng cảnh du lịch. Tôi xin sơ lược qua những chuyện vui buồn trong chuyến hành hương để quí độc giả, cùng chia sẻ với phái đoàn chúng tôi.

Những Chuyện Vui của Phái Đoàn:

-Ngày đầu tiên gặp nhau, chúng tôi vồn vã cười nói tíu tít, cười vang trời, có những vị nói to muốn át cả tiếng máy bay trong phi trường Hồng Kông, cười như nắc nẻ, không thể thắng được, vì những câu nói vui đùa tiếu lâm, cho tới khi lên máy bay mới tạm im.

-Mỗi sáng dậy, trong hotel, tầng lầu nào có phe Mít ta, thì ơi ới nói tiếng Việt, đánh thức, gọi nhau inh ỏi đi ăn sáng. Xuống phòng ăn, với 56 người cười nói tíu tít như đàn chim hót lúc bình minh, chỉ có phe ta hiểu nhau. Còn mấy ông Tây, bà Tàu đi du lịch, thì họ chẳng hiểu mô tê gì, họ ngủ chung hotel, cùng xuống phòng ăn chung.

-Cười vì đồ ăn trưa: Trưởng phái đoàn của chúng tôi đã phát ra các thông tin và thông báo với mọi người, là trong lịch trình hành hương, các hãng du lịch chỉ bao ăn sáng và ăn tối mà thôi, ăn trưa phải tự túc. Thế là bà con ta, không ai bảo ai, lúc xuống phòng ăn, tự động thủ đồ ăn của khách sạn vào túi xách riêng, đem theo đi ăn trưa cho đỡ tốn tiền. Có vị lòn trái cây, trứng luộc, bánh mì của khách sạn vào xách tay riêng đem lên xe bus. Khi vừa nâng bao bị lên, nhét vào hộc đựng hành lý ở trên trần xe bus. Bất cẩn, túi bung ra, cam táo, rơi loỏng roỏng xuống giữa lối đi trong xe bus. Một số người trông thấy, ôm bụng cười. Khổ chủ vội vàng lượm lên, nhét vào túi lại. Đúng là, dấu đầu lòi đuôi. Lạy ông con ở bụi này..

-Mỗi lần lên xe bus rời khỏi hotel, là các tu sĩ mời mọi người đọc kinh, dâng lời cầu nguyện sáng, trưa và tối, xin cho đi đường được bằng an. Mọi người từ già trẻ lớn bé, ai nấy đều đọc kinh ca hát ròn rã, chúng tôi nói là, Đài Vatican bắt đầu phát thanh. Tài xế và Tour Guider chẳng hiểu gì, nhưng họ đoán biết, chúng tôi đang cầu nguyện. Tất cả các Hướng Dẫn Viên của các công ty du lịch, phục vụ cho phái đoàn chúng tôi, đều là những người công giáo tốt lành và am hiểu tường tận kinh thánh, cũng như các danh lam, thắng cảnh. Những người này đều nói thông thạo tiếng Anh, Pháp và đã được các công ty du lịch tuyển lựa sẵn cho chúng tôi.

-Vui khi nhìn các bà, lúc đi đều giống như có bầu:

Phái đoàn được thông tin, một số địa danh ở các nước, lợi dụng sự thánh thiện và chất phác của khách hành hương, nên đã thừa cơ móc túi, chôm chĩa giấy tờ, bắt chuộc. Vì thế các bà lo lắng, mỗi người mua một cái ruột tượng, nhét hết những thứ quan trọng vào trong, rồi cột vào bụng, cho quần áo che đi. Nhìn bà nào bà nấy như có bầu 2 – 3 tháng. Bà này giỡn, vỗ bụng bà kia kêu bình bịch.

Bà Dì N.. của tôi, thì lúc nào Dì cũng tiếu lâm. Bà nói với tôi: Linh hồn của Dì, thì Dì bắt em của Dì giữ cho chắc ăn. Đầu tiên tôi không hiểu, vì Dì có một bà em ở bên Mỹ, đâu có đi trong chuyến hành hương này. Tôi hỏi lại Dì: Ủa!! Dì H.. ở bên Mỹ đâu có đi trong phái đoàn này, mà giữ đồ cho Dì... Bà đấm vai tôi một cái.....Thằng này sao mà ngây thơ thế!!!!....Em của Dì là nó ở dưới này, này!!. Tôi phì cười!! À thì ra, em của Dì là chỗ đó....Mấy bà VN ta, hay dấu tiền và vàng bạc trong quần Xì cho chắc ăn, mỗi lần đi mua bán, móc tiền ra trả, thì các bà phải quay vào chỗ kín, kéo quần xuống móc $$ ra...Tôi nói với Dì, vậy là tiền của Dì lấy ra, thì phải xức nước bông rồi... Mẹ tôi thì còn chắc ăn hơn, các quần xì của Mẹ tôi, bà cụ bắt Ba tôi may thêm cho bà một cái túi dính liền với quần Xì, trước cái Tý em và có zip đàng hoàng, để bà đựng tiền và Pass Port cho chắc ăn..Cướp thì chỉ có rạch quần bà ra, mới lấy được. Ngày đến Mỹ chặng cuối cùng, tiền cạn, ví xẹp, nên nhìn bụng các bà nhỏ nhắn, gọn gàng, như đã sanh con..

-Vui Đi còn răng, Về mất răng: Có một ông, vừa mới đến phi trường Melbourne, hổng biết ổng cắn nhằm cái giống gì mà gẫy mất 2 cái răng cửa giả, thế là trong suốt cuộc hành hương ông không dám nói, mà cũng hổng dám cười, chỉ ăn nói chúm chím thôi... Lại còn một bà, khi xuống phòng ăn sáng, sợ mang răng giả khó ăn, nên đã tháo răng ra, cuộn vào giấy napkin tissue để trên bàn. Ăn xong rồi, vội vàng lên xe bus, quên răng giả trên bàn, đi nửa đường mới nhớ ra, rất may, bà này còn cặp răng giả sơ cua.

Trên đường hành hương thì có nhiều chuyện rất vui, như:

-Trở ngại Toilet: Có những nơi đến thăm quan, toilet thì ở khá xa, những người mót quá, phải đi tìm chỗ giải quyết bầu tâm sự. Thoải mái xong, không nhớ đường trở về chỗ xe bus đậu. Cha Liêm phải đi kiếm, tìm hộc hơi, mới bắt gặp.

-Vui vì ăn uống: Ở hotel thì các bữa ăn toàn là các món All You Can Eat (Buffet) thức ăn ngon, nên ai nấy, cứ thoải mái chất cho đầy đĩa, lại còn return. Người nào, người nấy sau chuyến hành hương bị Over Weight tròn như hạt mít. Ăn nhiều, uống nhiều, nên phải đi toilet. Tài xế và Tour Guider lúc nào cũng phải bận rộn, tính toán, tìm chỗ thuận tiện cho bà con xả bầu tâm sự. Bên Âu Châu, cứ mỗi lần xuống xe vào toilet, người Tour Guider phải vội vàng vào quầy mua vé cho 56 người đi toilet, mỗi người phải trả $0.50 cents Euro. Có những nơi quá đông, đàn ông chúng tôi phải rủ nhau bắn chung 2 người một cái Bô cho nhanh. Tôi rủ một ông bạn cùng bắn chung. Ông ta nhất trí tiến vào, tôi quá mót, nên bắn ra ào ào. Còn ông ấy mắc cở, thằng nhỏ nhất định không chịu bắn, mặc dù ông ấy cũng mót quá trời. Đợi lâu không được, bà con yêu cầu ông ta đi ra cho 2 người kế tiếp. Thế là ông ta phải đi ra, xuống cuối, nối đuôi xếp hàng lại, đoàn hành hương phải chờ.

Các bà thì mới là trở ngại, đi tới toilet nào, các bà cũng bị kẹt, xếp hàng dài cả mấy chục mét. Có bà vào được toilet xong, bên trong hết giấy toilet tissue, thật là bất tiện các bà...vv...

-Vui và mệt vì mua rượu đem xuống tàu thủy. Chúng tôi bàn nhau, mua bia rượu và mồi nhậu đem xuống tàu thủy, rồi lên boong tàu, vừa nhậu, vừa ngắm biển lúc ban đêm, trong lúc tàu băng qua biển Balkan sang Ý. Thế là ông bạn tôi vào shop trên bến cảng, mua một thùng bia 24 loong, tôi mua 2 chia rượu mạnh. Lúc xuống tàu, chúng tôi vừa phải kéo hành lý nặng lên tàu, vừa phải vác thùng bia và rượu, lại còn phải leo cầu thang lên lầu nữa, mệt ơi là mệt. Khi lên boong tàu, mới phát giác ra, trên tàu có rất nhiều quán bia và rượu, mua uống thoải mái.

Thời gian chúng tôi đợi tàu ở bến cảng quá lâu, bia của chúng tôi từ lạnh ấm lại, vì thời tiết khá nóng bên Âu Châu. Khi lên boong tàu, mua nước đá ở Pub, họ không bán, thế là chúng tôi đành phải uống bia nóng và đắng. Thế nhưng chúng tôi vẫn vui vẻ uống và chuyện trò cho đến khuya, gần 2 giờ sáng mới vào phòng ngủ..

-Vui vì mua đồ: Đi đến quốc gia nào, bà con cũng rà vào shop, để mua một vài vật dụng kỷ niệm làm quà, đến khi check in trong phi trường, quá tải, hãng máy bay không chịu cho qua. Nhiều người phải tách ra khỏi hàng, mở Vali hành lý, móc đồ đem đi giục bớt. Có người đi năn nỉ, gửi người này, người kia, nhưng Vali của ai nấy đều đầy ứ lên có ngọn, không ai nhận giùm, đành phải móc những thứ không cần thiết ra giục vào thùng rác trong phi trường. Người có 2 Vali, phải nhồi nhét vào một, rồi vội vàng bỏ một cái lại phi trường.

-Vui vì được bồi thường Vali bẻ: Xuống phi trường Heathrow, London, một cặp vợ chồng anh chị Brisbane, khi lấy hành lý, thì thấy Vali của mình bị bẻ văng mất một bên khóa. Có người mách, hãy kéo Vali vào văn phòng Customer services để khiếu nại. Nhân viên ở đây đã lấy ra một cái Vali mới, còn trong bọc nylon bồi thường cho vợ chồng anh chị này. Vali với nhãn hiệu good quality, bảo đảm 5 năm. Anh chị này đem ra ngoài khoe với phái đoàn là được bồi thường Vali mới, vội vã mở ngay Vali cũ bị bẻ ra, bốc đồ đạc chuyển sang Vali mới láng coóng ngay trong phi trường. Thế là một chị bên Perth cũng vội vàng kiểm soát Vali của mình, sờ sờ, thấy có một chỗ bị móp. Bà con trong phái đoàn nói giỡn chơi, xúi chị ta kéo Vali vào văn phòng bắt thường. Chị ta làm thiệt và cũng được nhân viên Customer services bồi thường cho cái Vali mới tương tự. Thế là mọi người trong phái đoàn, không ai bảo ai, lén lén kéo Vali của mình riêng ra, kiểm soát kỹ càng, rờ tới, mó lui, xem có chỗ nào bị trầy trụa không, để sẵn sàng bắt thường. Nhưng ôi thôi! các Vali đều tốt cả…Thế là bà con tiếc rẻ, lại có chuyện bàn tán, cái vụ bồi thường Vali trên xe bus cho đến khi tới khách sạn…

-Vui vì chụp hình: Nơi các thánh địa bên Do Thái, nhiều nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, họ chờ sẵn khách hành hương, vừa cho mướn thánh giá vừa dụ khị chụp hình lia lịa để kiếm tiền. Nhất là cái màn vác Thánh Giá, ai cũng muốn dành vác Thánh Giá lên núi Golgotha, để chụp tấm hình làm kỷ niệm. Tôi giơ máy lên chụp cho phái đoàn. Mấy tên Do Thái cản không cho tôi chụp, vì nồi cơm và mánh làm ăn của họ, tụi nó cứ đứng chắn phía trước và xô tôi ra. Họ bỏ nhỏ với Tour Guider, dẫn phái đoàn đi chừng 1 tiếng đồng hồ, sau đó lộn lại chỗ cũ. Hình rửa đã xong, rất nhanh, ai nấy chen nhau coi hình. Nhiếp ảnh gia lợi dụng, bán với giá cắt cổ, $15 Euro một tấm ($30 Úc Kim), nhiều người chê đắt không mua. Nhiếp ảnh gia đem tới tận khách sạn dụ khị bán. Đắt quá cũng chẳng có người mua, số hình thặng dư hơi nhiều. Có tay nhiếp ảnh còn lưu manh, nghĩ ra cái kế, giao cho một người trong nhóm hành hương giữa hình, rồi đi phát cho những ai muốn lấy free. Vì là đồ chùa, nên mọi người hí hửng, ai cũng muốn lấy ít nhất là một tấm làm kỷ niệm, có người lấy 2 hoặc 3 tấm để dành, đem về tặng bạn bè. Ai ngờ! Sáng hôm sau, chuẩn bị hành lý rời hotel, lên xe. Tên nhiếp ảnh lộn lại, đến sớm đòi tiền bà con. Thế là những ai đã lấy hình tối qua, phải móc ra. Trưởng nhóm phải đi thu hình, trả lại cho tụi nhiếp ảnh. Chúng đợi cho đến lúc mọi người đã ổn định trên xe bus, chuẩn bị rời bến. Thấy không móc được tiền của ai nữa, chúng làm bộ nhân đạo, giao cho tài xế xe bus, tặng free các hình dư cho bà con... Đây là một kinh nghiệm chụp hình đi du lịch...Khi nhiếp ảnh gia rao bán. Quí vị thấy có ảnh mình trong hình, đừng nên vội mua ngay, đợi đến giờ phút chót, chúng sẽ bán rẻ, còn rẻ thúi ra nữa, ngay cả biếu không. Họ đâu có muốn giữ hình của quí vị lại làm gì, để làm mắm à!!!

-Chuyện vui kể lại, mua lạc đà có 3 chân. Mỗi lần xe bus ngừng là bọn buôn bán dạo, đem các món hàng gift địa phương, leo lên xe bán, như bên VN. Họ nói thách, bà con ta xem xong, trả giá rẻ, chúng không bán. Đợi cho đến khi xe bus lăn bánh, thì chúng làm bộ vội vàng gói kỹ, bán gấp cho khách du lịch. Đi được một đọan đường, bà con mở món quà tặng mới mua ra xem, tốt xấu thế nào? Ôi thôi! Khi mở ra, thì thấy con Lạc Đà chỉ có 3 chân, thiếu một cái chân đã bị gẫy, lúc đó chỉ có nước dở khóc, dở cười, vừa mất tiền, vừa tức, đành phải vất con lạc đà 3 chân vào thùng rác cho nhẹ túi...Dân Do Thái và Palestine cũng ma giáo, không thua gì dân bán dạo bên VN...

-Vui kể chuyện tiếu lâm, có những đoạn đường dài, ngồi trên xe bus 5-6 tiếng đồng hồ, đọc hết kinh nọ đến kinh kia rồi, mà đường vẫn còn xa. Thì chuyện tiếu lâm lại đem ra kể. Có ông, có bà chưa hề kể chuyện trước công chúng bao giờ. Chuyến hành hương này vui quá, nên cũng không thể ngồi im, phải tham gia kể chuyện. Hoạt náo viên của phá đoàn: Các Cha và Chị Tô K. đã khéo léo khích động hết mọi người cùng tham gia, cùng vui, cho quên những đoạn đường dài. Ôi thôi! Nào là đủ thứ chuyện. Từ chuyện tự thuật, cho đến những chuyện linh tinh, một kho, sao ở đâu mà ra lắm thế.. cười muốn bẻ xe luôn. Hết chuyện, thì đến ca hát, nhiều ca sĩ có giọng oanh vàng, nay mới trổ tài. Lúc tới bến, thì mọi người lại vội vàng xuống xe, chen nhau tìm hành lý, nhiều Vali màu sắc giống nhau. Có người lật đật, kéo lộn Vali của người khác. Người không tìm thấy Vali, thì kêu oai oái lên là bị mất. Ai ngờ người kia kéo lộn..

-Vui vì tìm thấy người lạc: Ngày rời Do Thái, có một gia đình đổi phòng trong hotel, ông với trưởng phái đoàn, đến sáng Receptionist không nhớ phòng để đánh thức, nên ngủ dậy trễ. Toàn phái đoàn đã dọn hành lý lên xe bus, ngồi chờ mãi không thấy xuống. Vì quá trễ giờ, Cha Quảng buộc lòng phải kêu xe bus rời bến đến phi trường check in. Vì phái đoàn có tới 56 người, nếu trễ chuyến bay, sẽ gặp gặp trở ngại rất lớn. Không có máy bay kế tiếp nào có thể chứa hết nguyên một phái đoàn. Trễ là phải chờ đợi một thời gian khá lâu, mới book được một chuyến bay riêng cho 56 hành khách, sẽ trật đường rầy toàn chuyến hành hương. Thế là Cha Liêm đành phải ở lại, cùng với nhân viên Hotel đi tìm cho bằng được ông bà này. Khi tìm được, Cha Liêm đã phải vội vàng nhờ hotel kêu Taxi chở gia đình này, chạy bạt mạng ra phi trường. Đến nơi, vừa đúng lúc phái đoàn đang check in lên máy bay. Rất hên là bắt kịp và cũng đứng tim. Mọi người hết lo lắng xôn xao..vui mừng vỗ tay...Thật là một màn hú vía..

Những Chuyện Hên của Phái Đoàn

Những ngày trùng hợp và may mắn, khi phái đoàn chúng tôi đến thăm các thánh địa.

-Chúng tôi lên núi Tabort đúng ngày Lễ Chúa Biến Hình trên núi Tabor. Do đó chúng tôi được gặp rất nhiều phái đoàn và nhiều người đến đây tham dự lễ. Vào lúc sáng sớm, chúng tôi được hướng dẫn lên núi Tabor nơi Chúa Biến Hình. Chúng tôi phải đi từ chân núi lên tới đền thờ trên đỉnh núi, bằng 10 chuyến xe Taxi. Từ trên đỉnh núi nhìn xuống chung quanh thật hùng vĩ. May mắn hơn nữa, là anh hướng dẫn viên của chúng tôi có cái tên họ làTabar, giống tiếng Tabot. Anh là người Do Thái công giáo gốc Ả Rập. Thật bất ngờ, không hẹn, Tabar đã gặp Bố Mẹ và gia đình của anh ở Be Lem, cũng lên đây tham dự thánh lễ. Anh đã giới thiệu song thân và gia đình anh đến phái đoàn chúng tôi. Anh Tabar có bằng cử nhân Thần Học và Kinh Thánh, nên anh đã hướng dẫn tận tình và cắt nghĩa rất tỉ mỉ các đoạn kinh thánh trên đường hành hương kính viếng các nơi thánh địa. Có nhìn tận mắt, có nghe thấu bằng tai, thì mới biết rõ và thông hiểu thêm về kinh thánh Tân Ước..

-Đến Ba Lan trùng ngày Lễ Đức Mẹ Lên Trời ngay trên Đền Thánh Đức Mẹ, đền thánh Đức Bà Đen, Tu Viện và Mộ Thánh Faustina với Lòng Thương Xót Chúa. Dân Ba Lan mặc dù là nước cựu Cộng Sản lâu năm, nhưng họ rất đạo đức, đi rước quá sức đông..

-Đến nhiều quốc gia, Phái Đoàn được các Linh Mục và Tu sĩ người Việt Nam làm tuyên úy hay du học ở địa phương, hướng dẫn cặn kẽ và lý thú..Sang Roma có Cha Tuấn, sang Pháp Cha Hào, sang Ba Lan Cha Khánh, sang Lộ Đức có Thầy...Hòa ??

Những chuyện Buồn của Phái Đoàn

-Buồn khi vừa tới Do Thái thì một chị trong phái đoàn bị giữ lại trong phi trường, Random Check (Security Check), Sơ Nga phải ở lại giúp thông dịch và trấn an, chừng hơn một tiếng đồng hồ sau, chị ta được pass out.

-Buồn vì lạc hành lý: Phái đoàn vừa đến Croatia thì 2 người bị lạc hành lý, không có quần áo thay thế. Cha trưởng phái đoàn phải vất vả liên lạc với các hãng máy bay và công ty du lịch, mãi 4 ngày sau hãng hàng không Thụy Sĩ mới tìm được hành lý, đem tới tận Hotel bên Rôma, nơi đến của quốc gia kế tiếp.

-Buồn vì bịp bợm ở Paris: Đến Paris, một chị người Việt sinh sống ở Pháp mò tới hotel, tự giới thiệu, làm cho Travel agent ở Paris, đến dụ chúng tôi, dẫn đi Tour chợ VN ở Quận 13 và đi Show Lido Paris, nhưng không nói giá cả là bao nhiêu. Chị ta quảng cáo Show Lido chưa từng có trên thế giới, hết xảy và có nhảy đầm, không xem sẽ hối tiếc khi đến Paris, chị ta sẽ order xe Limouse đến chở. Nghe bùi tai, một số người ghi tên đóng tiền đi xem.

Buổi chiều chị ta đem xe van 15 chỗ đến chở đi chợ Việt Nam, đòi mỗi người $20 Euro tiền xe (khoảng $40 Úc kim), chưa kể tiền thù lao cho chị ta. Mọi người chửng hửng và xù đẹp, làm chị ta quê... Hotel chúng tôi ở trong Quận 12, khu phố Chợ VN ở Quận 13. Tôi coi bản đồ, có thể đi bộ được, khoảng chừng hơn 1 cây số. Cha Hào ở bên Pháp dẫn chúng tôi đi bằng xe lửa Metro, mỗi người chỉ tốn có $1.2 Euro, vé có thể dùng trong vòng 3 tiếng đồng hồ, very cheap. Thế mà chị Mít này dám bắt nạt khách lạ, chặt chúng tôi $20 Euro, chỉ chở sang chợ VN quận 13, chưa kể tiền thù lao và tips cho chị ta. Đến tối, những người ghi danh đi Show, diện đồ láng coóng, ngồi chờ xe Limouse đến chở đi xem Show. Ai ngờ! Thay vì chị ta đến đón mấy người đi Show bằng Limouse, thì chị ta lại lù lù đến bằng chiếc xe Van hồi chiều và đã thu tiền vé đi Show mỗi người $120 Euro ($100 vé vào cửa + $20 tiền xe). Khi vào rạp, chị ta dẫn nguyên nhóm vào ngồi các bàn ở góc rạp. Show thì không có gì đặc sắc lắm và cũng không có nhảy đầm.

Tối về hotel, kiếm được tờ thông tin quảng cáo, bỏ ở các phòng ngủ trong khách sạn (Brouchers) ghi giá một show chỉ có $60 Euro + lại có cả dinner nữa....Thế mà chị Mít này dẫn đi, chỉ có ngồi ngó và được một ly nước ngọt thôi, phải trả $100 Euro. Người Việt mình là thế đấy! Gặp khách lạ, là bịp ngay. Mặc dù đây chỉ là chuyện vui chơi riêng rẽ của từng cá nhân, ai muốn đi thưởng lãm văn nghệ Paris cho biết thì đi. Show này không nằm trong chương trình du lịch chung của phái đoàn. Những người không đi xem Show, nghe kể như vậy, thì cảm thấy thoải mái, an phận..Kinh nghiệm, đừng nên tin những dân mánh mung, ngon ngọt người Việt nơi xứ lạ, quê người, sẽ bị lừa đấy..

-Buồn vì nhà hàng VN bên Luân Đôn. Chúng tôi được công ty du lịch booking cho ăn nhà hàng Quê Việt bên Luân Đôn. Khi đến nơi mới biết chủ nhân và Ê Kíp là người miền Bắc ở Hà Nội. Họ tiếp đón phái đoàn chẳng có chút gì là nồng hậu. Chủ nhân cho sắp một bàn dành riêng cho 3 Leaders. Còn chúng tôi thì ngồi 4 dẫy bàn dài. Khi mọi người ngồi sẵn. Các Cha nói bữa nay gần ngày chót và là ngày đầu tiên phái đoàn được ăn chung món ăn Việt ở nhà hàng Việt Nam, nên quí ông được quyền kêu bia, rượu uống thoải mái..Mọi người tỏ ra hồ hởi..Khi sắp các thức ăn, chúng tôi được họ bưng ra 6 – 7 món ăn trước, tưng bừng ăn uống, nhậu nhẹt, có khoảng 8 ông uống bia, mỗi người tối đa uống chừng 3 chai thì xỉn. Theo tôi nghĩ, tổng cộng chỉ chừng 1 thùng bia 24 chai là cùng.

Còn 3 Leadres ngồi chờ mãi, họ mới bưng thức ăn ra. Chủ nhà hàng cho 3 Leaders ăn chay, rất thanh đạm và chỉ có 3 món, trong khi chúng tôi được ăn 6 – 7 món. Chúng tôi hỏi tại sao, các Leaders của phái đoàn mà các anh phục vụ như vậy. Chủ nhà hàng trả lời: Vì 3 người này là Leaders, nên nhà hàng không tính tiền, đãi free, nên chỉ cho ăn chay như vậy thôi...Sau khi ăn uống xong, chúng tôi gọi tính tiền nước. Quí vị biết không? Họ tính chúng tôi trên $355 pound tiền nước, bia rượu. Oh! My God tương đương với $700 dollars Úc. Quí vị thấy chưa?? Con cháu Bác Hồ ở đâu, chúng nó cũng lừa thế cắt cổ, tụi nó chém đẹp người cùng quê Việt Nam. Dân Bắc Kỳ nấu canh chua, thì lấy gì làm ngon. Chúng tôi phải té ngửa và nhớ nhà hàng Quê Việt muôn đời: Cách tiếp đãi 3 leaders và tính tiền nước rất đẹp.. Cạch mặt cái nhà hàng này..

-Buồn bị giữ security tại phi trường Los Angles (LA):

Khi máy bay chúng tôi đáp xuống California chấm dứt cuộc hành trình hành hương Úc Châu 2009. Phi trường LA quá cũ lại busy, máy bay chúng tôi đáp, chạm bánh lúc 4 giờ chiều, phải ngồi trong máy bay chờ trên phi đạo nơi Taxi Way hơn một tiếng rưỡi đồng hồ, mới có chỗ đậu cho máy bay, hành khách phải xuống ngoài trời. Gần 6 giờ mới được ra khỏi máy bay. Đã thế, chúng tôi còn phải leo lên xe bus chở vào Trạm Hàng Không, để trình Pass Port nhập cảnh di trú và lấy hành lý. Phi trường Mỹ, người ngoại quốc nhập cảnh rất khó. An ninh check rất kỹ, mọi người đều phải chụp hình, lăn 2 bàn tay mới vào Mỹ được. Chẳng may một cặp vợ chồng trong phái đoàn chúng tôi, Bad Luck bị Random Check, an ninh giữ lại ở phòng cách ly trong phi trường, để thẩm vấn. Mặc dù cặp vợ chồng này rất hiền từ. Họ bắt ngồi chờ rất lâu, hơn 7 tiếng đồng hồ, vì đông người nhập cảnh, nên an ninh chỉ phỏng vấn sơ sơ, làm cho du khách bực mình và hồi hộp. Cha Liêm Trưởng Phái Đoàn cùng với Anh Ken phải ở lại ngồi chờ trong phi trường, đợi vợ chồng anh chị này. Đến gần 2 giờ sáng, 4 người mới về tới khách sạn. Cha Quảng và phái đoàn, ngồi chờ trên xe bus quá lâu, đến hơn 7 giờ chiều, Cha quyết định cho xe bus chở phái đoàn 52 người đến Ramada Hotel tại Little Sài Gòn check in.

9 giờ tối, xe bus mới chở phái đoàn đi ăn tối nhà hàng Bò 7 món Ánh Hồng, Travel Agent đã book sẵn cho chúng tôi lúc 5:00pm. Mặc dù thấm mệt và đói, mọi người đang thèm món ăn VN, nhưng ai nấy đều lo lắng cho vợ chồng người bạn đồng hành, thật tội nghiệp họ và thương hại cho Cha Liêm và anh Ken nữa, nên mọi người cảm thấy ăn không ngon, khi được thưởng thức Bò 7 món Ánh Hồng đầu tiên trên đất Mỹ.

-Buồn vì phải chia tay: Sau khi ngủ đêm tại khách sạn Ramada, Little Sài Gòn, hôm sau xuống phòng ăn sáng, mọi người chia tay. Mỗi người một đi một phương. Người thì bay đi tiểu bang khác thăm thân nhân, người thì về nhà, người thì đi thăm quan vòng vòng các nơi trong tiểu bang Cali. Một nhóm booking đi Las Vegas chơi.

Riêng một số người quen biết với chúng tôi, ráp thành nhóm mới, gồm 14 người, chuẩn bị lên đường bay lên xứ Canada. Chúng tôi cảm thấy bùi ngùi lưu luyến trước giờ chia tay, sau bữa ăn sáng ngắn ngủi. Mặc dù sống chung với nhau trong chuyến hành hương gần 2 tháng, nhưng chúng tôi cảm thấy rất thân thiện và gần gũi nhau, có thể như anh em một nhà, biết được cá tính của nhau. Mủi lòng từ giã, không biết bao giờ có dịp gặp lại đông đủ như thế này..

-Trên tuyến đường xe bus dài nhất và cuối cùng cho chuyến hành hương của phái đoàn, chúng tôi được các Tu Sĩ trong Ban Tổ Chức Hành Hương, mời gọi mọi người chia sẻ cảm nghiệm và đóng góp ý kiến. Từng người, từ ghế trên xuống tới ghế cuối của xe bus, thứ tự ai nấy đều chia sẻ những cảm nghiệm vui buồn của chuyến hành hương, thật vui và cảm động. Có một ông bạn chia sẻ rất thành thật là: Trước đây ông đã từng có ác cảm với một người, mà ông đã nhiều lần cầu nguyện:

Xin cho con đừng xem thấy nó


Xin cho nó đừng ngó thấy con


Nhờ chuyến hành hương này, ông cảm nhận được tình thương của Chúa và Mẹ Maria. Ông hứa là sau khi trở về nhà, ông sẽ tìm đến gặp đối tượng để xin lỗi và làm hòa. Nhiều người chia sẻ đã được ơn, cảm thấy thoải mái và muốn đi chuyến nữa..

Sau khi chia sẻ cảm nghiệm hành hương. Chúng tôi mở cuộc bình bầu, tuyển chọn những người đứng hạng nhất và xuất sắc nhất, cho từng bộ môn đặc biệt trong chuyến hành hương của phái đoàn. Những người được tuyển chọn. Ban Tổ Chức phái đoàn đã trao giải thưởng và gắn huy chương ngay trên xe bus.. Màn trao giải thưởng xuất sắc và gắn huy chương này, thì ôi thôi!! Cười bẻ bụng, rung rinh xe bus..

Các hình ảnh lưu niệm chuyến hành hương được ghi lại và có trên Web Site:

http://travel.webshots.com/album/574653022CLkfno#forum


NHỮNG HẠNG NHẤT TRONG PHÁI ĐOÀN HÀNH HƯƠNG NIỀM TIN


-Người lớn tuổi nhất: Ô/b. Đặng Q. T -Melbourne

-Người trẻ tuổi nhất: Bé Huỳnh T. Brigid -Brisbane

-Người dễ thương nhất: Ô/b. Cố Nguyễn V. P -Perth

-Người nhanh nhẹn nhất: B. Cố Phạm T. N -Perth

-Người phải nói và diễn giải nhiếu nhất: Cha Nguyễn Anthony -Melbourne

-Người phải lo liệu cho phái nữ nhiều nhất: Sr. Vũ Maria -Brisbane

-Người hay giúp đỡ người khác nhiếu nhất: A. Huỳnh Ken -Brisbane

-Người hoạt bát và năng động nhất: Chị Tô A. K -Brisbane

-Người vui vẻ nhất: Em Huỳnh Martin -Brisbane

-Người phục vụ Phòng Thánh và siêng năng đọc kinh nhiều nhất: Ô. Nguyễn V. Đ -Adelaide

-Người nghe đĩa CD Lòng Thương Xót Chúa nhiều nhất: Chị Nguyễn T. H -Adelaide

-Người lần đầu tiên Lần Hạt nhiều nhất: Ô.Nguyễn Đ. L. -Perth

-Người Đọc Kinh Lần Hạt hay nhất: Chị Mary Nguyễn K. O. -USA

-Người hay bái qùi và cúi đầu nhiều nhất: Chị Huỳnh T.C -USA

-Người ngủ trên xe nhiều nhất: Chị Nguyễn T. KT -USA

-Người xem DVD trên Xe Bus và trên Máy Bay nhiều nhất: Chị Nguyễn T. N -Adelaide

-Người đi chậm nhất: Ô. Trần Đ. -Melbourne

-Người đi nhanh và đi Toilets nhiều nhất: Chị Vương H.V -Perth

-Người có giọng ca truyền cảm hay nhất: Ô. Ng. Đ. N -Perth

-Người ca hát nhiều bài nhất: Chị Đặng T. H -Perth

-Người kể chuyện tiếu lâm nhiều nhất: Ô. Nguyễn V. T -Perth

-Người nói ngọt và lễ phép nhất: Chị Bùi T. L -Adelaide

-Người cười nhiều to nhất: Chị Hoàng T. M và Chị Đào T. K -Perth

-Người ít cười, ít nói nhất: Bà Nguyễn T. Đ. -Melbourne

-Người giúp khuân vác hành lý nhiều nhất: A. Ng.V.T -Adelaide

-Người kéo lộn Vali nhiếu nhất: Ô. Nguyễn V.V -Adelaide

-Người hiền lành nhất: Chị Nguyễn T. L. -Adelaide

-Người có mái tóc duyên dáng nhất: Chị Nguyễn T.M.C -Adelaide

-Người mặc đồ điệu nhất: Bà Nguyễn T. T -Perth

-Người uống bia giải khát nhiều nhất: Ô.Trần B. -Brisbane

-Người mua hàng vặt nhiều nhất: Chị Tăng T.T -Brisbane

-Người hay hỏi vặt nhiều nhất: Cô Đinh T. -Melbourne

-Người hay bị bịnh bất thường nhiều nhất: C. Nguyễn T. V -USA

-Người chụp hình nhiếu nhất: A. Jovi và A. Vinc. Th -Adelaide & Melbourne

-Người quay Video nhiều nhất: Chị Phạm T.T -Adelaide

-Người hay thường xuyên bỏ bữa ăn nhất: Ô. Ng. T. N -USA

-Người hay cất hát trong Thánh Lễ nhất: B. Vũ T. M -Melbourne

-Người nấu cơm lén trong hotel nhiều nhất: B. Phạm T. L -Melbourne

-Người bị giữ lại Phi Trường lâu nhất: Ô/b. Nguyễn H. D -Brisbane

-Người ra Phi Trường trễ nhất: Ô/b. Phạm N. S -Perth

-Người hay ngồi ghế gấp nhiều nhất: Ô/b. Nguyễn T. Q -Melbourne

-Người có duyên tình đậm đà nhất: A/c. Vũ V. H & D -Perth

-Người phải xách Máy Speaker nhiếu nhất: A. Cao V. Tr -Melbourne

-Người tìm đồ nhậu nhiều nhất: A. Nguyễn X. H -Brisbane

-Người đàn ông dành lên xe trước nhiều nhất: Ô. Ng. V.V -Adelaide

-Người lúc nào cũng vất vả và sẵn sàng hy sinh để giúp lo

cho Phái Đoàn và đi sau cùng nhiều nhất: Cha Nguyễn Joseph -Brisbane

Sau gần hai tháng bỏ nhà đi hành hương nhiều nơi. Bây giờ về nhà đã mấy ngày rồi, mà cứ nằm mơ, sáng dậy vội vã chuẩn bị kéo Vali lên xe đi hành hương tiếp...

Kỷ niệm một chuyến hành hương

Miệt Dưới
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Thông báo của Toà Tổng Giám Mục Huế về “Vụ việc Loan Lý”
+ TGM Têphanô Nguyễn Như Thể
09:10 23/09/2009
 
Hoàng Sa: Chuyện 35 năm trước
Lữ Giang
10:46 23/09/2009
Báo Tuổi Trẻ online từ 8 đến 14.9.2009 đã đăng một thiên ký sự về trận đánh Hoàng Sa giữa Hải Quân VNCH và Trung Quốc năm 1974 do Chuẩn Úy Nguyễn Văn Đức, Đảo Trưởng Hoàng Sa, và Thượng Sĩ Lê Công Bảy, giám lộ (giám sát lộ trình - hàng hải) trên khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ-4 kể lại. Bài ký sự đã được viết rất nghiêm túc, Đây là chuyện chưa từng xẩy ra trên các báo chí ở trong nước. Phải chăng “khi tổ quốc lâm nguy” thì “chiến tuyến” không còn nữa? Cả hai ông Nguyễn Văn Đức và Lê Công Bảy đều là “chiến sĩ VNCH” còn ở lại trong nước.

Chuyện làm đảo trưởng Hoàng Sa chúng ta chưa hề được nghe đến, nhưng trận hải chiến giữa Hải Quân Trung Quốc và Hải Quân VNCH, chúng ta đã nghe các đàn anh của Thượng Sĩ Lê Công Bảy kể lại nhiều rồi. Tuy nhiên, mỗi người nhìn vấn đề dưới những khía cạnh khác nhau. Câu chuyện Thượng Sĩ Lê Công Bảy kể lại cũng có nhiều chi tiết chưa từng được nghe, có thể góp phần làm sáng tỏ thêm lịch sử. Vì thế, chúng tôi xin tóm lược lại dưới đây hai câu chuyện nói trên.

ĐẢO TRƯỞNG ĐẢO HOÀNG SA

Mở đầu thiên ký sự, báo Tuổi Trẻ đã giới thiệu như sau:

“Hơn 35 năm trước, những người con đất Việt đã nhận lệnh vượt trùng dương ra quần đảo Hoàng Sa canh giữ biển trời Tổ quốc. Họ tự hào ra đi trong tâm thế của người Việt ra canh giữ đảo biển của người Việt! Bây giờ nhắc lại, mắt họ rưng rưng, tim họ nghẹn lại khi Hoàng Sa vẫn còn trong tay nước ngoài.

“Từ số báo này, Tuổi Trẻ đăng tải hồi ức của những người từng canh giữ biển trời Hoàng Sa 35 năm trước. Thời gian dài trôi qua, nhưng những gì tận mắt họ chứng kiến, những gì họ trực tiếp tham gia không thể phai mờ trong tâm trí.”

Chuẩn Úy Nguyễn Văn Đức đã được Biệt Khu Quảng Đà cử đi làm Đảo Trưởng đảo Hoàng Sa cách đây 40 năm do Sự Vụ Lệnh số 1445/BCH/TK/75/5/4 ngày 14.10.1969 do Trung Tá Lê Tri Tín, Tiểu Khu Trưởng Tiểu Khu Quảng Nam ký, cùng với 34 quân nhân thuộc Trung Đội Hoàng Sa. Lúc đó anh mới 22 tuổi.

Chuẩn Úy Nguyễn Văn Đức
Được hỏi ông có lo lắng gì trước lúc lên đường làm nhiệm vụ hay không, ông trả lời:

“Tại sao phải lo lắng? Đó là đất của cha ông mình để lại, là máu mủ thân yêu của Tổ quốc nên chúng tôi ra đi như lẽ bình thường, hiển nhiên. Chẳng có chút gì phải lo sợ khi chúng tôi đi trong tâm thế của một người Việt ra canh giữ đảo biển của người Việt! Khi đó quần đảo Hoàng Sa thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Sài Gòn, thuộc về người Việt, đó là sự thật lịch sử không thể chối cãi”.

Một ngày cuối tháng 10-1969, ông Đức cùng trung đội Hoàng Sa gồm 34 người và bốn nhân viên khí tượng rời cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) lên đường làm nhiệm vụ. Sau hơn 24 giờ lênh đênh trên biển, Hoàng Sa thân yêu hiện dần lên trước mắt ông. Ông Đức nhớ lại:

“Lúc đầu biển khá êm, nhưng khi rời đất liền được khoảng hơn 100km thì sóng lớn dần. Từ xa Hoàng Sa hiện lên giữa nền xanh của đại dương. Bao bọc quanh Hoàng Sa là những rạn san hô rộng lớn, vì thế chúng tôi không thể cặp tàu vào được mà phải dùng canô để chuyển quân và quân trang vào đảo. Trên đảo có một tòa nhà lớn được xây dựng từ thời Pháp thuộc, cao khoảng 8m, tường dày 2m dành cho đảo trưởng.

“Trong phòng làm việc của đảo trưởng có một bức tường ghi tên tất cả những người lính đã ra đây giữ đảo. Và tên của chúng tôi đã được ghi lên đó, đó là niềm vinh dự lớn lao của một người con đất Việt. Xung quanh đảo là những rừng cây, tuy không to lớn nhưng cũng đủ để che chắn nắng gió cho lính đảo. Hình ảnh lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất tuyệt đẹp của Tổ quốc nơi xa đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ y nguyên. Xúc động lắm”.

Ông Nguyễn Văn Đức kể tiếp:

“Nhiệm vụ của chúng tôi là đo đạc, báo cáo về sở chỉ huy ở đất liền những tin tức ở Hoàng Sa mỗi ngày. Anh em khí tượng làm nhiệm vụ quan trắc và báo cáo tình hình thời tiết để phục vụ cho tàu bè lưu thông trong vùng. Trang bị vũ trang lúc ấy không nhiều, chỉ có hai khẩu đại liên 50mm nhưng anh em vẫn kiểm soát được toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Tàu bè quốc tế ngang qua đều tôn trọng chủ quyền của chúng ta, và chúng ta cũng sẵn sàng hỗ trợ tàu bè khi gặp bão tố. Những lúc rảnh rỗi chúng tôi thường dùng canô đi qua các đảo lân cận để chơi vì cảnh quan ở đây rất hữu tình. Đảo Cát, đảo Chim, đảo Elbe, đảo Duncan, đảo Drumond... chúng tôi đều đã đặt chân đến”.

Trầm ngâm nhớ lại những ngày tháng gắn bó với mảnh đất xa xôi của Tổ quốc, Chuẩn Úy Nguyễn Văn Đức nói:

“Khi thủy triều xuống, cả rạn san hô hiện lên tuyệt đẹp như một rừng hoa biển. Mỗi khi nhớ đất liền, anh em lại lấy vài cành san hô bỏ vô chậu, bắt vài con cá nhỏ ngồi ngắm nghía bên tách cà phê đen. Có sống ở đảo mới thấy nhớ đất liền, yêu quê cha đất tổ. Thời tiết ở đây khá ôn hòa nhưng gió mạnh lắm, nhiều khi anh em bị gió đẩy ngã sóng soài. Tuy vất vả, thiếu thốn nhưng anh em thấy vui và hãnh diện khi được trấn giữ biển đảo quê nhà”.

Ông cho biết có hai di tích ở đảo Hoàng Sa ông không thể nào quên. Đó là cái miếu nhỏ ở góc đảo mà anh em lính đảo vẫn thường ra đó để tìm chút an bình giữa sóng gió. Ông kể:

“Mỗi khi sóng to gió lớn hay thấy lòng bất an, anh em chúng tôi thường tìm đến ngôi miếu. Lạ lắm, chỉ cần ngửi thấy mùi nhang khói là cảm giác ở xa đất liền như được gần lại. Hơn nữa, mùi nhang khói như gợi lên những tiềm thức về quê cha đất tổ, nhớ về nguồn cội. Đó là những điều cần thiết để những người con đất Việt như chúng tôi yên lòng nơi đầu sóng ngọn gió giữ gìn biển đảo của cha ông để lại. Cạnh đó là một nghĩa trang có hơn 30 ngôi mộ là hài cốt của những chiến sĩ người Việt ngã xuống vì bệnh tật nơi đảo xa, là nắm xương của những người con Việt đã nằm xuống sau những lần đụng độ với âm mưu xâm lược của ngoại bang.

“Ở đó còn có cả hài cốt của những ngư dân từ miền Trung, miền Bắc gặp nạn trên đường mưu sinh. Và cũng có cả những nắm xương của lính nước ngoài bị chúng ta hạ gục khi âm mưu đánh chiếm đảo. Có một điều là chúng tôi không phân biệt địch ta khi họ đã ngã xuống, mỗi ngày rằm hay cuối tháng chúng tôi đều thắp nhang lên những nấm mồ hoang. Có lẽ đó là một nét đặc biệt của người Việt mình, là một hành xử đầy tính nhân văn, “lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn” mà mỗi người Việt chúng ta còn lưu giữ được từ dòng máu Lạc Hồng!”.

Ngày 19-1-1974, ngày quân Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa là ngày ông Đức cảm thấy đau đớn nhất trong cuộc đời mình. Ông xúc động kể lại:

“Khi hay tin Hoàng Sa bị quân Trung Quốc tước đoạt bằng vũ lực, tôi đau đớn đến mức nước mắt không thể chảy được, lòng dạ như ai xát muối. Tôi biết ngoài kia những đứa con của đất Việt sẽ phải đổ máu vì quê hương. Tôi đau vì một mảnh đất tuyệt đẹp và giàu có của nước nhà đã bị ngoại bang vô cớ cướp đoạt. Đó là nỗi đau của một người con đất Việt!”.

TRẬN HẢI CHIẾN HOÀNG SA

Ông Lê Công Bảy cho biết ông là Thượng Sĩ giám lộ (giám sát lộ trình - hàng hải) trên khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ-4 (chiến hạm tối tân nhất của Hải Quân VNCH thời bấy giờ) với chức danh hạ sĩ quan phụ tá trưởng ngành giám lộ, kiêm hạ sĩ quan phụ tá trưởng khối hành quân. Hiện ông là bảo vệ của Đài truyền hình VN tại Sài Gòn.

Thượng Sĩ Lê Công Bảy
Ông kể lại với báo Tuổi Trẻ rằng với chức danh nói trên, lúc nào (trong nhiệm sở tác chiến hay hải hành) ông đều phải có mặt thường xuyên trên đài chỉ huy, thường xuyên bên hạm trưởng Vũ Hữu San (Trung Tá Hải Quân, Hạm Trưởng). Nhiệm vụ của anh em chúng tôi là ghi lại nhật ký tác chiến, nhật ký hàng hải, xác định vị trí của chiến hạm, đồng thời nhận và chuyển những tài liệu bằng đèn và cờ. Ông cho biết:

“Hôm ấy, ngày 16.1.1974, gió mùa đông bắc thổi mạnh trên biển Đông. Biển động mạnh. Chiến hạm chúng tôi đang tuần tiễu vùng biển Quảng Ngãi từ Sa Huỳnh đến cù lao Ré (đảo Lý Sơn). Đây đã là ngày thứ 14 lênh đênh trên biển. Chỉ còn một ngày nữa chiến hạm sẽ được về Đà Nẵng nghỉ bến, anh em thủy thủ đoàn rộn ràng nghĩ đến ngày được vào đất liền.

“Chưa kịp dùng cơm trưa thì từ trung tâm truyền tin đưa lên đài chỉ huy một công điện thượng khẩn: lệnh cho tàu về ngay Đà Nẵng. 17 giờ tàu về đến quân cảng Đà Nẵng (cảng Tiên Sa). Hạm Trưởng San và Đại Úy Diên - trưởng khối hành quân, được lệnh lên họp khẩn cấp ở trung tâm hành quân Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải. Từ trung tâm hành quân, hạm trưởng điện về tàu lệnh cho ban ẩm thực lên bờ đi chợ (tiếp tế lương thực).

“20 giờ Hạm Trưởng San về tàu. Lệnh cấm trại 100% được ban ra. Ban cơ khí chuẩn bị bắt ống để nhận dầu và nước ngọt. Đến 21g, hai chiếc xe GMC chở một trung đội với đầy đủ vũ khí đạn dược xuất hiện. Lần đầu tiên trước mắt tôi được chứng kiến một toán quân mặc quân phục lạ lùng. Sau một hồi dọ hỏi tôi mới biết đây là Lực Lượng Biệt Hải. Tôi được lệnh từ Đại Úy Diên chuẩn bị hải đồ đi Hoàng Sa. 23g, tàu khẩn cấp rời cảng Tiên Sa trực chỉ Hoàng Sa. Tôi cảm giác có một chuyện gì lớn lao sắp xảy ra.”

Ông Lê Công Bảy kể tiếp như sau:

11g30 ngày 17-1, khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ-4 đã có mặt tại quần đảo Hoàng Sa. Trước đó ngày 16-1, tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ-16 do Hải Quân Trung Tá Lê Văn Thự làm hạm trưởng cũng đã có mặt tại Hoàng Sa.

HQ-4 tiến gần đảo Vĩnh Lạc. Còi tác chiến vang lên, tất cả thủy thủ đoàn đã sẵn sàng ở vị trí chiến đấu. 14 giờ, trung đội biệt hải được lệnh rời tàu trên ba xuồng cao su, 20 phút sau trung đội biệt hải đã đổ bộ lên rìa đảo an toàn và nhận lệnh tiến sâu vào đảo lục soát.

Báo cáo từ đoàn quân gửi về: không phát hiện gì ngoài vài nấm mộ hình như mới đắp, không có bia, chỉ có cọc gỗ và bảng gỗ đóng trước đầu mộ ghi bằng chữ Trung Quốc với ngày sinh và ngày chết hàng mấy chục năm về trước.

Các chiến sĩ biệt hải được lệnh đào bới các nấm mộ giả lên, hóa ra chẳng thấy xương cốt gì cả. Đây là những nấm mộ ngụy tạo mà ai đó đã dựng lên để chứng tỏ có người Trung Quốc đã sống và chết trên đảo mà thôi. 16g30, lực lượng biệt hải được lệnh rút về tàu.

Đến buổi chiều, phòng chiến báo rằng theo dõi qua hệ thống rađa tầm xa đã phát hiện hai mục tiêu trên biển đang di chuyển đến quần đảo Hoàng Sa. Từ nóc đài chỉ huy, các bộ phận quan sát bằng ống nhòm đã nhìn thấy hai tàu chiến lạ. Trung tâm chiến báo được lệnh theo dõi và báo cáo thường xuyên mọi hoạt động, hướng đi, khoảng cách của hai tàu trên.

Đêm 17 rạng 18-1 là một đêm cực kỳ căng thẳng. Còi nhiệm sở tác chiến báo động suốt đêm. Phía Trung Quốc tăng cường lực lượng và cố tình khiêu khích, các chiến hạm của họ tiến sâu vào lãnh hải Hoàng Sa. Tàu HQ-4 và HQ-16 dùng tín hiệu cảnh cáo: Đây là lãnh hải của Việt Nam. Yêu cầu các ông hãy rời khỏi đây ngay! Phía Trung Quốc đáp trả, cho rằng Hoàng Sa là của họ.

Tàu đánh cá vũ trang Trung Quốc chặn VN ra Hoàng Sa
Sáng 18-1, chiến hạm HQ-4 của chúng tôi tiến về đảo Cam Tuyền. Lúc 8g, trung đội biệt hải được lệnh đổ bộ lên đảo. Sau khi lục soát chỉ phát hiện những nấm mộ mới đắp không hài cốt y như ở đảo Vĩnh Lạc.

Đến 11g, đài khí tượng và quân đồn trú đảo Hoàng Sa báo cáo có hai tàu đánh cá vũ trang mang cờ Trung Quốc xâm nhập và tiến gần đến đảo Hoàng Sa, tàu HQ-4 và HQ-16 được lệnh tiến về đảo Hoàng Sa. Khi tiến đến gần tàu đánh cá vũ trang của Trung Quốc, tàu HQ-4 dùng tín hiệu cảnh cáo và đuổi đi, nhưng cả hai tàu Trung Quốc cố tình khiêu khích.

Tàu HQ-4 tiến thẳng đến một tàu đánh cá vũ trang Trung Quốc. Trên tàu có khoảng 30 thuyền viên mặc đồng phục màu xanh dương đậm. Tàu được trang bị hai thượng liên (một đằng trước mũi và một đằng sau lái tàu), ngoài ra có rất nhiều súng AK-47. Tàu HQ-4 quyết định áp sát mạn tàu đánh cá Trung Quốc để xua đuổi.

Hai bên đánh nhau bằng... võ mồm. Thấy không tác dụng, tàu HQ-4 lùi ra dùng mũi tàu ủi thẳng vào tàu Trung Quốc, mũi tàu HQ-4 và neo mũi vướng vào cửa và hành lang phòng lái làm gãy hành lang và cong cửa phòng lái của tàu Trung Quốc. Trước thái độ cương quyết của Hải Quân VN, họ vội vàng tháo lui. Chiến hạm HQ-16 cũng quyết liệt xua đuổi tàu đánh cá vũ trang còn lại.

Cũng trong sáng 18-1, tuần dương hạm Trần Bình Trọng HQ-5 do Trung Tá Hải Quân Phạm Trọng Quỳnh làm hạm trưởng được lệnh tăng cường ra Hoàng Sa. Cùng đi trên HQ-5 có Đại Tá Hà Văn Ngạc, được giao nhiệm vụ chỉ huy trưởng lực lượng bảo vệ Hoàng Sa. Ngoài ra, đi theo tàu có một trung đội người nhái (lực lượng đặc biệt của Hải Quân).

Lúc 15g30 chiều 18-1, lệnh Đại Tá Ngạc cho ba chiến hạm HQ-4, HQ-5, HQ-16 sắp đội hình hàng dọc tiến thẳng về đảo Duy Mộng. Khoảng 16g, có hai tàu chiến Trung Quốc bắt đầu khiêu khích, cắt đường ngang mũi HQ-4 và HQ-16. Đội hình bị chia cắt không thể tiến lên được vì các tàu rất gần nhau, các khẩu đại bác sẵn sàng nhả đạn nhưng không ai được lệnh nổ súng.

Đêm 18 rạng ngày 19-1, tàu chiến và tàu đánh cá vũ trang Trung Quốc vẫn tiếp tục khiêu khích, tiến đến gần đảo Hoàng Sa. Chiến hạm HQ-4 phải dùng còi hơi thật to và đèn hồ quang trên nóc đài chỉ huy rọi thẳng vào đội hình tàu Trung Quốc. Tình hình dịu hơn khi tàu Trung Quốc rút lui về hướng bắc.

Đến nửa đêm, hộ tống hạm Nhật Tảo HQ-10 do thiếu tá hải quân Ngụy Văn Thà làm hạm trưởng đã ra chi viện cho lực lượng bảo vệ Hoàng Sa.

Tình hình tại biển Đông đột ngột trở nên căng thẳng vào ngày 11.1.1974 khi Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một phần lãnh thổ của họ. Ngay sau tuyên bố nói trên, Hải Quân Trung Quốc đã mở màn chiến dịch xâm chiếm Hoàng Sa bằng cách tung nhiều chiến hạm và tàu đánh cá vũ trang xâm nhập hải phận Hoàng Sa.

Trong các ngày kế tiếp, phía Trung Quốc bất ngờ đổ người lên các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa. Đến ngày 15-1-1974, quân Trung Quốc đã chiếm đóng các đảo Cam Tuyền (Robert), Vĩnh Lạc (Money), Quang Hòa (Duncan) và Duy Mộng (Drummond)...

Lúc 6g sáng 19-1-1974, khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ-4 đã tiến sát đảo Quang Hòa và trung đội biệt hải được lệnh đổ bộ khẩn cấp lên đảo. Không một tàu chiến nào của Trung Quốc phát hiện được HQ-4 và tuần dương hạm Trần Bình Trọng HQ-5.

Khi gần đến đảo, bằng ống nhòm và mắt thường từ đài chỉ huy, chúng tôi đã phát hiện doanh trại mới toanh và cột cờ có cờ Trung Quốc. Hai mươi phút sau, lực lượng biệt hải đổ bộ lên đảo (mặt đông nam). Lực lượng đổ bộ cắm cờ Việt Nam lên bờ cát và hốc đá, rồi khẩn cấp tiến vào bên trong đảo. Trong khi đó, lực lượng người nhái vẫn còn ngoài xa chưa vào được vì HQ-5 không thể vào sát bờ, gió mùa đông bắc thổi khá mạnh, các xuồng cao su bị sóng gió giật dữ dội không vào bờ được. HQ-5 phải thả tàu cứu hộ xuống để kéo các xuồng cao su vào. Từ đài chỉ huy, bộ phận quan sát chúng tôi đã phát hiện một tàu Trung Quốc đang đổ bộ một đội quân đông đảo lên phía bắc đảo, hàng trăm quân Trung Quốc ồ ạt vào đảo rất nhanh vì xuôi gió.

Thế rồi báo cáo bất lợi dồn dập gửi về đài chỉ huy tàu HQ-4. Một số đông quân Trung Quốc nấp sau các tảng đá chĩa thẳng mũi súng vào đội hình biệt hải. Trên mặt biển lúc ấy, chúng tôi thấy tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ-16 và hộ tống hạm Nhật Tảo HQ-10 đang tiến về rìa tây nam đảo, theo sau là bốn tàu chiến Trung Quốc đang tiến vào đội hình của ta. Tình hình bắt đầu căng thẳng, báo hiệu một trận đụng độ sinh tử không thể nào tránh khỏi. Trong khi đó ở phía bắc đảo, những chiếc tàu đánh cá vũ trang Trung Quốc tiếp tục cho đổ người ồ ạt lên đảo của ta.

Và họ nổ súng trước. Vào lúc 8g30, một loạt đạn đại liên và cối 82 bắn vào đội hình người nhái Việt Nam làm hai binh sĩ tử thương và hai bị thương. Nhưng chỉ huy phía Việt Nam không thể ra lệnh cho các tàu nổ súng vì lực lượng người nhái đang ở vị trí cực kỳ nguy hiểm.

Lúc đó, sát bên tàu HQ-4 của chúng tôi đã xuất hiện hai tàu chiến Kronstadt của Trung Quốc mang số hiệu 274 và 271 sơn màu xám đen, trang bị đại bác 100 li và nhiều đại bác 37 li. Các họng súng đại bác Trung Quốc đều đang chĩa thẳng vào tàu HQ-4.

Các tín hiệu bằng đèn hiệu được liên tục chuyển đến HQ-4. Chúng tôi nhận những tín hiệu từ tàu Trung Quốc và trình cho hạm trưởng HQ-4 Vũ Hữu San. Nghe xong một nội dung cực kỳ khiêu khích từ tàu Trung Quốc, hạm trưởng San tức thì đỏ mặt, quát tháo ầm ĩ. Quay sang chúng tôi, ông ra lệnh không nhận tín hiệu từ tàu Trung Quốc nữa.

Tần số liên lạc bị phá rối, trên hệ thống bộ đàm chỉ nghe toàn tiếng Hoa. Đại tá Hà Văn Ngạc, lúc đó đang ở trên chiến hạm HQ-5, được giao toàn quyền hành động. Đại Tá Ngạc ra lệnh: Tất cả đại bác đều phải hướng lên đảo. Khi nhận lệnh bắn thì tất cả khai hỏa lên đảo, dọn đường lập đầu cầu để biệt hải và người nhái đổ bộ tái chiếm đảo. Hạm trưởng Vũ Hữu San gằn từng tiếng trong bộ đàm: “Trình đại bàng, tôi là quân nhân, tôi chấp hành quân lệnh nhưng hiện nay nước cờ đã bị lộ, không còn yếu tố bất ngờ, muốn đổ bộ lên chiếm đảo trước mắt phải tiêu diệt lực lượng trên biển trước khi tính đến việc đổ quân, hiện nay số tàu địch gấp đôi tàu ta, quân địch đã đổ bộ từ sáng đến giờ đầy trên đảo, ta chỉ có hai trung đội thì làm sao thành công được?”. Rồi hạm trưởng San nói tiếp: “Tôi là quân nhân, tôi chấp nhận hi sinh vì Tổ quốc, nhưng...”.

Ông cúp máy và ra lệnh: “Tất cả khẩu súng nhắm thẳng vào tàu địch!”.

Đúng 10g20, bốn chiến hạm HQ-4, HQ-5, HQ-10, HQ-16 đồng loạt khai hỏa. Như đã chuẩn bị trước, hạm trưởng Vũ Hữu San ra lệnh “bắn”. Chiến hạm di chuyển với tốc độ cực nhanh, khói đen bốc lên ngùn ngụt, thân tàu rung lên bần bật vì trúng đạn, vì tiếng dội của các khẩu đại bác vừa khai hỏa.

Chiến hạm HQ-4 chạy uốn lượn như con rắn, hết sang phải lại sang trái nên đã tránh được loạt đạn đại bác của đối phương. Thế rồi các cột nước bùng lên, đạn rít xung quanh tàu vèo vèo. Một mảnh đạn phạt lủng đài chỉ huy, văng ra trúng chân Trung Úy Roa đang cố gắng theo dõi tàu Trung Quốc qua màn hình rađa. Thượng sĩ nhất giám lộ Ry trúng mảnh đạn nơi cánh tay trái. Hạ sĩ giám lộ Phấn, xạ thủ đại liên 30 trên nóc đài chỉ huy, bị thương nơi ngực, máu thấm đỏ cả áo. Tiếng la ơi ới của các anh em bị thương vọng lên đài chỉ huy.

Tuy nhiên, chiến hạm HQ-4 vẫn vững vàng trong cuộc hải chiến. Đài quan sát trên nóc báo cáo có tàu Trung Quốc đang đuổi theo. Tôi nhìn ra phía sau vừa thấy hai tàu chiến Trung Quốc. Liền lúc đó từ mạn phải HQ-5 cắt đuôi HQ-4 rồi phóng thẳng vào hai tàu đối phương. Những khối cầu lửa từ mũi HQ-5 bắn ra (đại bác 127 li) bay thẳng vào tàu Trung Quốc. Một chiếc trúng đạn bốc cháy, một chiếc quay ngang và sau đó lãnh đủ hàng loạt đạn từ HQ-4.

Nhưng ngay lúc đó, thông tin từ HQ-5 cho biết ụ tháp đại bác 127 li của tàu này đã bị trúng đạn, ba quân nhân tử thương, hai bị thương nặng. HQ-4 vòng lại yểm trợ HQ-5. Không thấy tàu HQ-16 và HQ-10 đâu cả. Liên lạc mãi với hai tàu này vẫn không được.

Thật ra lúc ấy tàu HQ-10 đã bị thương nặng. Tàu này nhỏ, cũ kỹ, các khẩu đại bác xoay trở bằng tay nên bị trúng liền hai quả 100 li từ tàu Trung Quốc.

HQ-4 và HQ-5 quay đầu về hướng nam. Sau đó một giờ không còn thấy HQ-5 ở đâu. HQ-5 do máy yếu và một máy bị sự cố chưa kịp khắc phục nên “rớt” lại đâu đó. Trên biển HQ-4 trở nên lẻ loi một mình. Đó cũng là lúc hải quân Trung Quốc tung xuống một lực lượng rất mạnh từ đảo Phú Lâm gần đó và từ căn cứ ở đảo Hải Nam. Trước tình hình đó, để bảo toàn lực lượng, hạm trưởng Vũ Hữu San đã vẽ một đường trực chỉ về Đà Nẵng.

Khoảng 16g30, tôi đang trong giấc ngủ sâu vì đã mấy hôm không chợp mắt thì còi tập họp vang lên. Tất cả thủy thủ đoàn tập họp đầy đủ nghe thông báo: “Tất cả chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, tàu được lệnh quay lại Hoàng Sa. Nếu cần sẽ ủi thẳng lên bờ đảo Hoàng Sa, chiến đấu đến cùng để giữ đảo”. Nhìn sau lái tàu, tôi biết tàu đang quay lại và hướng thẳng về Hoàng Sa. Tất cả đều bất động, không ai nói với ai một lời nào trước giờ phút cảm tử này.

Tôi vào phòng hải đồ phía sau đài chỉ huy mệt lả và thiếp đi, đến khi thức dậy trời tối hẳn, trung sĩ nhất giám lộ Khiết cho biết tàu đang quay đầu về Đà Nẵng. Anh nói hạm trưởng San báo cáo thẳng với tư lệnh hải quân là HQ-4 không còn khả năng chiến đấu, lương thực cạn, cơ số đạn không còn đủ để tác chiến, các khẩu đại bác đều có trục trặc... Lệnh từ đất liền: các tàu quay về, hủy bỏ lệnh tấn công tái chiếm Hoàng Sa.

5g30 sáng 20-1 HQ-4 về đến cảng Tiên Sa, 9g tàu HQ-5 tiến vào vịnh Đà Nẵng. Lúc 12g30, tàu HQ-16 bị thương nặng, từ từ tiến vào vịnh với sự trợ giúp của hai tàu lai dắt biển.

Ông Lữ Công Bảy kết luận:

“Trận hải chiến Hoàng Sa chỉ kéo dài hơn 30 phút, nhưng nỗi đau ấy vẫn làm quặn thắt trái tim chúng tôi dù 35 năm đã trôi qua.”

Bây giờ cả Hoàng Sa và Trường Sa không còn nữa. Trung Quốc coi hai đảo này như “món nợ” mà đảng CSVN phải trả cho Trung Quốc khi nhận viện trợ của Trung Quốc để chiếm miền Nam.

(21.9.2009)
 
Tâm Thư Cho Thiếu Nhi Thánh Thể giáo xứ Loan Lý
LM Simon Hoàng Thời, SVD
11:14 23/09/2009
Thành phố Memphis Thứ Ba ngày 22 tháng 9 năm 2009

Các anh chị Huynh Trưởng
và các em Thiếu Nhi Thánh Thể Loan Lý thân thương,

Cha viết những dòng tâm thư này cho anh chị Huynh Trưởng và cho các con, mà những giòng nước mắt của Cha cứ còn mãi tuôn rơi. Cha không biết làm sao để diễn tả hết nổi lòng của mình trong lúc này!

Cha muốn nói với chúng con là cha luôn luôn đồng hành bên cạnh Đoàn TNTT Loan Lý chúng con, từng người trong các con và từng anh chị Huynh Trưởng. Nổi đau của các con cũng là nổi đau của Cha. Nổi tủi nhục của các con, cũng là nổi tủi nhục của Cha. Nổi mất mát lớn lao này của các con cũng là nổi mất mát lớn lao của Cha. Nổi sợ hải của các con cũng là nổi sợ hải của Cha. Tóm lại, Cha đang ở với các con, đồng hành với các con, cho dù cách xa ngàn dặm.

Cha cám ơn các con về những hy sinh, những lời cầu nguyện, những lời ca tiếng hát của các con dâng lên mỗi ngày, và nhất là trong những ngày tang thương này của Giáo xứ mình. Nhìn những khuôn mặt của các con qua những tấm hình ngồi ngoài trời học giáo lý, lòng Cha như bị cắt ra từng mãnh nhỏ. Chúng con có hiểu không? Cũng như các con, ngôi trường đó, sân trường đó, những cây dừa đó, Nhà Thờ đó, Giáo xứ Loan Lý là một phần của cuộc đời và hành trình ơn gọi của Cha!

Nếu các con có đọc tâm thư của Cha gửi cho toàn thể Giáo xứ Loan Lý, thì các con hiểu được thêm nổi lòng của Cha. Cha viết cho Giáo xứ với tính cách riêng tư, tính cách của một người con của Giáo xứ, chứ không vì một ai. Giờ đây Cha viết những giòng chữ này với tư cách của một người anh, một người đi trước chúng con trong hành trình Đức Tin.

Cha mong chúng con hãy tiếp tục cầu nguyện, tiếp tục sinh hoạt và vui chơi với hết tinh thần của tuổi thơ của mình. Hãy luôn cất cao khúc khát hoà bình của Thánh Phanxico: “Lạy Chúa từ nhân, xin cho biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người…” Hãy sống trọn tinh thần đoàn kết, yêu thương và vị tha của một người Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam, của một thành viên của Giáo xứ Loan Lý, và của một người Kitô Hữu Việt Nam. Hơn hết, hãy sống trọn Đức Tin mà các tiền nhân Ông Bà chúng ta để lại và các vị Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam đã đổ máu đào để chứng minh.

Cha mong chúng con hãy can đảm lên, tiếp tục đồng hành với nhau, với Cha Xứ và mọi người trong Giáo xứ. Ở bên đây, Cha vẫn tiếp tục cổ động và làm những gì có thể, để đem lại công lý cho Giáo xứ mình, và để làm cho mọi người trên thế giới nghe được tiếng nói của lương tâm và sự thật về những xảy ra cho các con và cho Giáo xứ Loan Lý thân yêu của mình.

Cha mong cuộc viếng thăm của Đức Cha Phụ tá Phanxico Xaviê Lê Văn Hồng vào thứ Tư ngày 23 tháng 9 năm 2009 sẽ đem lại cho chúng con và Giáo xứ mình chút an ủi về tinh thần lẫn thể xác, và hung nóng trong chúng con Đức Tin Kitô giáo và tinh thần yêu chuộng hoà bình và công lý của người Công Giáo Việt nam.

Giáo dân thuộc Giáo xứ Chúa Thăng Thiên, các sinh viên trong trường Đại Học, và toàn thể giáo dân của Giáo Phận Memphis, nơi Cha đang làm việc sẽ tiếp tục cầu nguyện cho các con và cho Giáo xứ của mình. Cha tin rằng bà con Loan Lý Hải Ngoại cũng đang hướng về chúng con và Giáo xứ mình với những lời cầu nguyện và hy sinh. Thế giới đang nghe tiếng nói và thấy hình ảnh của các con.

Xin Thiên Chúa Từ Bi và Mẹ La Vang chúc lành cho chúng con, ban ơn gìn giữ và bảo vệ chúng con trong cánh tay yêu thương của Ngài. Cha chúc lành cho từng người trong chúng con! Hãy luôn nhớ nhau trong lời cầu nguyện mỗi ngày.

Trong Chúa Kitô, Vị Huynh Trưởng Tối cao, chúng ta cùng hiệp thông.

Mến thương,