Ngày 16-09-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:13 16/09/2017
5. CHỌN NGƯỜI GẦY MÀ CHỮA
Lang băm dùng sai thuốc làm cho người bệnh bị chết, người nhà của bệnh nhân giận dữ, bèn quyết định đem tất cả vợ con của thầy thuốc phải hát văn điếu và khiêng linh cửu ra huyệt mới được nghỉ tay, lang băm cứ như thế mà làm.
Lúc khiêng ra huyệt, ông ta ca rằng:
- “Tổ tông ba đời làm thái y, hô hô hồ !”
Bà vợ ca tiếp:
- “Chồng làm liên luỵ đến vợ, hô hô hồ !”
Đứa con út nhỏ người, cảm thấy trên vai nặng nề, bèn ca lên:
- “Chẳng may vong linh quá là nặng, hô hô hồ !”
Đứa con trưởng tức giận tràn hông, bèn hát:
- “Lần sau nhớ chọn người gầy mà chữa, hô hô hồ !”
(Giải Uẩn thiên)

Suy tư 5:
Sự hối hận chỉ đến sau khi phạm tội, nhưng nếu mỗi người biết hối hận trước khi phạm tội thì chắc chắn là sẽ không phạm tội, nhưng thực tế thì không ai biết hối hận trước khi phạm tội, sự hối hận đến sau thường muộn màng hơn, nhưng vẫn cứ là còn hơn là không biết hối hận.
Những người càng có chức quyền càng “không biết” hối hận, cho nên sự hối hận của họ thường có ảnh hưởng rất lớn đối với người khác.
Một linh mục hối hận sau khi biết mình làm sai là một người lãnh đạo có uy tín và là nhà mô phạm của mọi người; một tu sĩ biết hối hận là một tu sĩ đứng trước ngưỡng cửa của sự thánh thiện; một Ki-tô hữu biết hối hận là một nhà truyền giáo trong môi trường sống của mình.
Hối hận là bày tỏ một tấm lòng khiêm tốn và đau khổ vì đã làm mất lòng Thiên Chúa qua tội phạm của mình, và là một an ủi cho người anh em chị em mà chúng ta đã xúc phạm đến họ.
Con người ta ai cũng đều là tội nhân trước mặt Chúa và ai cũng có một tâm hồn biết hối hận, nhưng không phải ai cũng biết hối hận và sữa lại sau khi làm sai !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:15 16/09/2017

Chúa Nhật 24 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mt 18, 21-35.
“Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.”


Bạn thân mến,
Bạn đã mắc nợ ai một số tiền lớn chưa ? Nếu có rồi thì tôi tin chắc bạn rất cảm nghiệm đoạn Phúc Âm hôm nay: người mắc nợ được tha khỏi phải trả nợ. Bạn sẽ hồi hộp sung sướng khi chủ nợ nói với bạn rằng: thôi khỏi trả nợ anh yên tâm làm ăn. Đức Chúa Giê-su mời gọi bạn và tôi học cách tha thứ của Ngài, không phải tha thứ bảy lần, nhưng là bảy mươi lần bảy, có nghĩa là tha hoài tha mãi, tha suốt đời của chúng ta.
Bạn có lần nào tha thứ cho người khác khi họ xúc phạm đến bạn chưa ? Tôi tin chắc là đã có. Bạn thấy tâm hồn mình thế nào khi bạn nói với người đã xúc phạm đến bạn: thôi bỏ qua nhắc làm gì chỉ là hiểu lầm. Tôi cũng tin chắc rằng tâm hồn của bạn rất thảnh thơi, vui sướng và bình an, bởi vì bạn đã biết tha thứ. Đức Chúa Giê-su vẫn thường luôn tha thứ tội lỗi cho chúng ta, bởi vì Ngài chết trên thánh giá không phải để lên án trả thù, nhưng là để xóa tội và tha thứ tội lỗi cho nhân loại.
Tha thứ để được thứ tha, đó là điều tất yếu mà Đức Chúa Giê-su đã dậ chúng ta trong bài Phúc Âm hôm nay: “Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.”
Bạn thân mến,
Đã nhiều lần bạn bị người khác xúc phạm, và cũng có ít là một lần bạn đã xúc phạm đến người khác, do đó mà Đức Chúa Giê-su đã dạy chúng ta hãy tha thứ cho anh chị em của mình cách quãng đại đến bảy mươi lần bảy.
Bảy mươi lần bảy là tha thứ mãi mãi, và cũng có nghĩa là tha thứ và quên đi những sai lầm của người khác. Bởi vì có người tha thứ cho anh chị em nhưng lại không quên được việc làm xấu của họ; có người tha thứ cho anh chị em nhưng lại thường nhắc đến những sai lầm của họ. Đó chưa phải là tha thứ đến bảy mươi lần bảy như Đức Chúa Giê-su đã dạy.
Bạn nhớ nhé, tha thứ để được thứ tha.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
---------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:17 16/09/2017

41. Dù cho tinh thần khô cạn kéo dài đến chết thì linh hồn cũng không được bỏ cầu nguyện, sẽ có một ngày Thiên Chúa sẽ khảng khái ban cho giá trị rất phong phú.

(Thánh nữ Terese of Avila)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Thánh lễ Chúa Nhật Thứ 24 Mùa Quanh Năm 17/09/2017 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
03:52 16/09/2017
Bài đọc 1: Hc 27,30 – 28,7
Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha.
Bài trích sách Huấn ca.
Oán hờn và giận dữ là những điều ghê tởm,
về chuyện đó kể tội lỗi có biệt tài.
Kẻ báo thù sẽ chuốc lấy báo thù của Đức Chúa,
tội lỗi nó, Người xem xét từng ly.
Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác,
thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha.
Người với người cứ nuôi lòng hờn giận,
thế mà lại xin Đức Chúa chữa lành!
Nó chẳng biết thương người đồng loại,
mà lại dám xin tha tội cho mình!
Nó chỉ là người phàm mà để tâm thù hận,
thì ai sẽ xin tha tội cho nó?
Hãy nhớ đến ngày tận số mà chấm dứt hận thù,
nhớ mình sẽ phải hao mòn và phải chết
mà trung thành giữ các điều răn.
Hãy nhớ đến các điều răn mà đừng oán hờn kẻ khác,
nhớ đến giao ước của Đấng Tối Cao
mà không chấp nhất điều lầm lỗi.
Đó là lời Chúa.

Đáp ca: Tv 102,1-2.3-4.9-10.11-12
Đ. Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương.
Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi,
toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh!
Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi,
chớ khá quên mọi ân huệ của Người. Đ.

Chúa tha cho ngươi muôn vàn tội lỗi,
thương chữa lành các bệnh tật ngươi.
Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt,
bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà. Đ.

Chúa là Đấng chẳng trách cứ luôn luôn,
không oán hờn mãi mãi.
Người không cứ tội ta mà xét xử,
không trả báo ta xứng với lỗi lầm. Đ.

Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất,
tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao.
Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm, tội ta đã phạm,
Chúa cũng ném thật xa ta. Đ.

Bài đọc 2: Rm 14,7-9
Dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa Ki-tô.
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.
Thưa anh em, không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa; vì Đức Ki-tô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết.

Đó là lời Chúa.

Tung hô Tin Mừng Ga 13,34
Allêluia. Allêluia. Chúa nói: Thầy ban cho anh em một giới răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em. Allêluia.

Tin Mừng: Mt 18,21-35
Nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình, thì Chúa Cha cũng không tha thứ cho anh em.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mát-thêu.
Khi ấy, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.”

Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn nén vàng. Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: “Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết.” Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: “Trả nợ cho tao!” Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: “Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh.” Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?” Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.”

Đó là lời Chúa.
 
Chuá Nhật 24 A : tha Thứ
Lm. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
09:09 16/09/2017
CN 24A : Tha Thứ

Nếu lịch sử của một dân tộc, cho dù là lâu đời hay non trẻ, đều có thể tóm tắt trong một vài ba chữ – như dân tộc VN, lịch sử lâu dài là một cuộc trường kỳ lập nước và giữ nước, tức là luôn phải đấu tranh để chống ngoại xâm,- thì lịch sử của Dân thánh với thời gian cũng gần tương tự gồm Dân thánh cũ: Israel Cựu ước 2000 năm – và Dân thánh mới : Hội thánh 20 thế kỷ, cộng chung là 4000 năm, cũng có thể tóm tắt bằng hai chữ : tha thứ.

Tha thứ nằm nhan nhản trong suốt chiều dày lịch sử Dân thánh: Dân phản bội, rồi ăn năn, Chúa tha thứ; Dân lại bội phản, rồi sám hối, Chúa lại thứ tha; rồi Dân lại sa đọa, ăn năn, Chúa lại tha thứ. Tha thứ thứ tha nằm dẫy đầy trong lịch sử Dân Thánh. Mà cũng vì vậy giảng về sự tha thứ rất dễ. Làm thì khó, nhưng nói, giảng về sự tha thứ thì dễ lắm.

Hôm nay bài Tin Mừng gợi ý cho chúng ta về sự tha thứ – 7 lần đủ chưa như Phêrô hỏi Chúa Giêsu. Và Ngài đã trả lời bằng dụ ngôn : một bề tôi nợ vua 10.000 nén vàng được tha nhưng lại đi bóp cổ kẻ nợ hắn 100 đồng xèng.

Dựa vào dụ ngôn của Chúa, hôm nay tôi chỉ muốn trả lời 2 câu hỏi về sự tha thứ : câu Tại sao và câu Thế nào ?

1- Tại sao phải thứ tha ?

Bài Tin Mừng với dụ ngôn 10.000 nén vàng và 100 đồng bạc đã được Chúa Giêsu trả lời giúp ta.

a)Tại sao phải thứ tha – vì chính ta là kẻ có nợ cũng phải được tha và đã được tha.

Dụ ngôn Chúa Giêsu còn nói chúng ta nợ gấp bội, không phải 100 lần, một ngàn lần, mười ngàn lần mà là 600 ngàn lần người khác nợ ta. Vậy sao ta được tha nhiều như vậy mà lại không tha cho kẻ khác chỉ nợ ta có cỏn con vài trăm bạc. Nếu ta có nợ máu với ai, ta được tha. Tại sao ta lại không tha cho kẻ chỉ có nợ với ta đúng một giọt mồ hôi mặn. Lời kinh Lạy Cha đòi hỏi chúng ta một điều kiện để được thứ tha là phải biết tha thứ. Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.

Vậy tại sao phải thứ tha – thưa vì chính ta cũng cần được tha thứ.

b) Và hỏi tại sao phải thứ tha, ta còn có thể trả lời thêm: vì oán thù chẳng lợi ích gì mà thường khi lại gây thiệt hại. Tha thứ sẽ làm cho ta thảnh thơi. Còn nuôi oán thù ghim căm hận sẽ làm cho tâm hồn ta nặng chĩu.

Có một người ăn mày đến xin cơm nơi cửa một nhà phú hộ. Ông phú hộ chẳng những không cho người ăn mày tí gì mà lại sẵn tay đang cầm viên đá liền ném vào mặt anh ta. Người ăn mày một tay bịt vết thương, một tay lượm viên đá vừa ném đó, cất vào bị. Anh ta nghĩ : Ta sẽ dùng chính viên đá này ném vào mặt nhà ngươi khi ngươi bị sa cơ thất thế. Quả vậy ít lâu sau, người ta khám phá ra người phú hộ này giàu có vì gian lận, nên bị xử ném đá. Người ăn mày nghe tin cầm viên đá xưa đến để sẽ ném vào mặt nhà phú hộ. Khi đến nơi thấy mặt nhà phú hộ đã ra tiều tuỵ, người ăn mày vất hòn đá xuống đất, không ném vào mặt người phú hộ đó nữa. Anh ta nghĩ : bấy lâu ta cất giữ viên đá này như nuôi một mối thù mà đến giờ cũng không trả được, vì viên đá này có là gì so viên đống đá mà người ta sắp ném. Còn riêng ta, vì do cứ giữ kỹ viên đá trong bị, mà ta chẳng ngóc đầu lên được. Nó chẳng có lợi lộc gì mà lại trì kéo ta không cho ta nghĩ ra con đường kiếm sống.

Thù oán, không tha thứ chẳng lợi ích gì mà thường khi lại gây thiệt hại. Trong y khoa, người ta thường nói kẻ nuôi thù oán hay đau bao tử, bị sạn thận, sạn gan. Không biết trúng không. Thường là trúng. Nhưng ngược lại thì không nên, tức là đừng cứ thấy ai đau bao tử, sạn gan sạn thận, ta vội kết luận ngay, đúng người này đang ghim oán hận

2. Tha thứ thế nào ?

a) Tha thứ là bỏ qua.

Chính bài Tin Mừng hôm nay cũng cho ta một giải đáp : tha thứ vô số lần và thứ tha vô số lượng. Dân gian mình có câu : quá tam ba bận. Các Rabbi Do thái cũng nói 3 lần trong một ngày là tối đa. Phê-rô muốn vượt quá gấp đôi điều luật bảo để hỏi Chúa mỗi ngày tha 7 lần thì đủ chưa. Tưởng là Thầy Giêsu sẽ khen mình, ai ngờ Chúa Giêsu còn dạy cho bài tính nhân 70 lần 7, tức là vô số lần. May mà thời đó chưa có toán lũy thừa, chứ nếu không, 70 lũy thừa 7 (8.235.430.000.000) hay 7 lũy thừa 70, thì con số lần phải là vô tận. Tha thứ vô số lần. Và tha thứ phải là vô số lượng nữa.

Dụ ngôn cho ta thấy, ta được tha 10.000 nén vàng, so với người khác nợ ta 100 đồng xèng, thì qua dụ ngôn đó Chúa còn có ý bảo ta nếu ta muốn “và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha” – chúng ta muốn có một tương đương nào đó thì ta hãy tha thứ không những vô số lần mà vô số lượng nữa, tức là bao nhiêu cũng tha, nợ gì (mồ hôi, máu…) cũng bãi, oán gì cũng giải..

b) Tha thứ là biến chế.

Tha thứ không những loại bỏ, bỏ qua, tha thứ phải đi đến chỗ biến chế. Chế oán thành ân, biến thù thành bạn.

Trong một túp lều tranh lụp xụp tại một xóm nghèo bên Ấn Độ, một người đàn bà phải sống những ngày hẩm hiu với đàn con thơ dại. Chồng bà là một người thô bạo cộc cằn lại hay ăn chơi nhậu nhẹt. Ông vắng nhà suốt ngày và chỉ trở về trong men rượu vào buổi tối để đánh đập vợ con, những lúc như vậy bà chỉ biết đem giấu con cái để bảo toàn tính mạng cho lũ trẻ.

Một hôm, người chồng trở về cũng vào buổi tối sớm hơn thường lệ, ít say hơn nên tỉnh táo hơn. Từ xa xa ông đã nghe được tiếng thì thầm rầm rì từ trong túp lều. Nghi ngờ xâm chiếm, máu ghen dâng lên. Ông tự nhủ vô phúc cho thằng nào rơi vào tay ta. Rồi ông đến sát cửa ghé mắt nhìn vào trong lều. Ông thấy các con nhỏ đang ngồi quanh vợ ông và ông nghe rõ tiếng vợ ông nói : Các con hãy đọc thêm một kinh Lạy Cha để cầu nguyện cho người cha tốt lành của các con”. Thì ra họ đang thầm thì rầm rì đọc kinh.

Trước khung cảnh đầm ấm tình mẫu tử đó, lửa hung ác trong trái tim ông bị tắt ngụm, tâm hồn cứng cỏi trở nên mềm như sáp trước hơi nóng. Mắt ông bừng sáng sau một cơn mê ngủ dài. Ông đã nhận ra lòng tốt, quảng đại của vợ ông, chẳng những tha thứ mà còn biến hình ảnh xấu về ông trong đầu mấy đứa con thành hình ảnh người cha tốt lành.

Gandhi, nhà lãnh tụ của Ấn độ, người có công đuổi người Anh khỏi đất nước Ấn Độ của mình đã nói: Người Anh sẽ ra đi như những người bạn.

Thật ra chính tha thứ tự nó có sức biến đổi. Biến thù thành bạn, chế oán thành ân.

Chúng ta hãy tha thứ để người mà chúng ta tha thứ sẽ biến đổi và chính chúng ta cũng biến đổi – biến đổi theo chiều hướng xứng đáng trở nên người con cái của người Cha nhân từ toàn năng mà chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính đây.

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Hồng Y Sarah và cuộc cải tổ phụng vụ mới nhất của Đức Phanxicô
Vũ Văn An
01:42 16/09/2017
Như mọi người đã biết Thứ Bẩy tuần trước, trong lúc Đức Phanxicô đang tông du Colombia, Tòa Thánh đã công bố tự sắc Magnum Principium của ngài nhằm sửa đổi điều 838 của Giáo Luật nói về việc các bản văn phụng vụ và việc dịch các bản văn đó sang các ngôn ngữ địa phương.

Về phương diện cơ cấu, việc cải tổ trên có nghĩa Bộ Phụng Thờ Thánh và Kỷ Luật Bí Tích của Đức Hồng Y Robert Sarah, người Guinea, sẽ bị lấy mất quyền kiểm soát việc dịch các bản văn này để chuyển qua các hội đồng giám mục địa phương.

Nhân dịp Đức Hồng Y Sarah đọc một bài diễn văn vào hôm thứ Năm tuần này, nhà báo John Allen cho rằng những ai tưởng Đức Hồng Y sẽ im lặng trước việc trên thì nên quên điều đó đi; nhưng những ai nghĩ rằng ngài chống lại Đức Phanxicô, thì cũng nên quên điều ấy nốt. Vì cả hai lối suy nghĩ ấy đều không đúng.

Khung cảnh của bài diễn văn trên khá đặc biệt: hội nghị tại Đại Học Angelicum của các Cha Đa Minh, nhân dịp kỷ niệm 10 năm Tông Thư Summorum Pontificum của Đức Bênêđíctô XVI, tức tông thư mở rộng việc cho phép cử hành Thánh Lễ bằng tiếng La Tinh cũ.

Tại hội nghị trên Đức Hồng Y Sarah nói gần một tiếng đồng hồ, mà trọng điểm là ngài không im lặng trong việc bảo vệ truyền thống phụng vụ.

Theo ngài, việc thờ phượng của Công Giáo không phải là nơi để “sáng tạo và thích ứng” vì “nó đã được thích ứng rồi” giúp nó trở thành nơi “dĩ vãng, hiện tại và tương lai gặp nhau cùng một lúc”. Ngài từng quảng bá Thánh Lễ “hướng đông” (ad orientem) và vừa thiết tha bênh vực những người ủng hộ Thánh Lễ La Tinh vừa kêu gọi các giám mục anh em dành chỗ cho hình thức cử hành này.

Tuy nhiên, ngài không hề chỉ trích đường lối cải cách phụng vụ của Đức Phanxicô. Tuy không minh nhiên nhắc tới tự sắc mới của Đức Giáo Hoàng, ngài cũng không chỉ trích nó chút nào. Trái lại, ngài minh nhiên nói rằng Tông Thư Summorum Pontificum là một điều do Đức Bênêđíctô XVI khởi xướng và được “Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp tục”.

Đức Hồng Y Sarah bắt đầu bài nói chuyện của ngài bằng cách ca ngợi Tông Thư Summorum Pontificum như “dấu chỉ sự hòa giải trong Giáo Hội” do Đức Bênêđíctô XVI khởi xướng. Ngài cho rằng Tông Thư này đã đem lại “nhiều kết quả”. Ngài nhắc mọi người nhớ rằng Đức Bênêđíctô từng quả quyết một cách minh nhiên rằng Thánh Lễ La Tinh “chưa bao giờ bị bãi bỏ cả”.

Đối với Đức Hồng Y Sarah, hình thức phụng vụ tôn kính và nghiêm trang hơn, một hình thức biết nhấn mạnh tới “tính tối thượng của Thiên Chúa” chưa bao giờ quan trọng như lúc này, khi ta đương đầu với một thế giới bị ngự trị bởi “chủ nghĩa duy tục và duy tiêu thụ hung hăng hơn, một chủ nghĩa khủng bố phi Thiên Chúa và một nền văn hóa chết chóc chuyên khiến cho anh chị em yếu kém nhất của ta lâm nguy”.

Ngài gợi ý rằng nếu Giáo Hội ngày nay thấy mình không nhiệt thành đủ với sứ vụ của mình, thì nền phụng vụ quá chịu ảnh hưởng của thị hiếu và thời trang hiện đại hẳn là một trong các nguyên nhân. Ngài cũng quả quyết rằng “nhiều điều vẫn còn phải đạt được mới có được một áp dụng trọn vẹn và chính xác” viễn kiến của Công Đồng Chung Vatican II (1962-1965) về phụng vụ thánh.

Như vẫn làm xưa nay, Đức Hồng Y Sarah đưa ra lời cổ vũ cho việc cử hành Thánh Lễ theo lối ad orientem (quay về hướng đông), nghĩa là cả vị linh mục lẫn giáo dân cùng quay về hướng Đông, tức về hướng bàn thờ, và sau cùng, hướng về chính Thiên Chúa. Ngài gọi đây là một cử chỉ “gần như đã được giả dụ một cách phổ quát trong các hình thức cổ xưa của Nghi Lễ Rôma, và đã được Đức Bênêđictô XVI cho phép những ai muốn sử dụng nó được tự do thực hành”.

Tuy nhiên, Đức Hồng Y Sarah nói rằng “thực hành cổ xưa đẹp đẽ, hết sức hùng hồn nói về sự tối thượng của Thiên Chúa toàn năng này, không chỉ giới hạn cho nghi lễ cổ xưa mà thôi.

“Nó được phép và được khuyến khích, và, tôi xin nhấn mạnh, rất có lợi về phương diện mục vụ, dưới hình thức hiện đại hơn của Nghi Lễ Rôma”.

Về tầm quan trọng của những sự vật nhỏ như các bình đựng được dùng trong Thánh Lễ Công Giáo, Đức Hồng Y Sarah kể lại gương sáng của hai chủng sinh Mỹ: trước Thánh Lễ, hai chủng sinh này đem đến cho ngài một chén lễ mà ngài sẽ dùng và yêu cầu ngài làm phép chén lễ này trước khi họ đặt nó gần bàn thờ. Ngài nói rằng cử chỉ này quả “rất cảm động”.

Dựa theo cuốn sách gần đây của ngài, Đức Hồng Y Sarah khẩn khoản xin người ta dành nhiều giây phút im lặng trong lúc thờ phượng; ngài gọi việc này là “hành vi trước nhất của phụng sự thánh”.

Đức Hồng Y Sarah cũng nhấn mạnh điều ngài mô tả là “nhiều người trẻ đang khám phá ra hình thức phụng vụ này; họ cảm thấy nó lôi cuốn và thấy hình thức này đặc biệt thích hợp với họ.

“Họ gặp gỡ được mầu nhiệm Thánh Thể, vốn càng ngày càng là ưu điểm chủ yếu đối với họ trong thế giới hiện đại”.

Ngài nhìn nhận rằng “nhiều người thuộc thế hệ của tôi chật vật lắm mới hiểu được điều này”, nhưng ngài nhấn mạnh rằng “Tôi có thể đưa ra chứng từ bản thân để chứng minh lòng thành thực và sự cống hiến của thế hệ trẻ hơn này gồm cả linh mục lẫn giáo dân, và rồi nhiều ơn gọi tốt lành làm linh mục và đời sống thánh hiến đã phát sinh trong các cộng đồng dùng nghi lễ cổ xưa này”.

Nếu có ai còn hoài nghi điều ấy, thì Đức Hồng Y Sarah thúc giục họ “đến thăm các cộng đồng này, làm quen với họ, nhất là giới trẻ thành viên của họ.
“Hãy mở tâm và trí anh em ra cho các anh chị em trẻ trung này, và nhìn vào các việc tốt họ đang làm. Họ không luyến tiếc hoặc bị đè nặng bởi các cuộc đấu tranh nội bộ của Giáo Hội trong các thập niên gần đây, trái lại họ rất hân hoan sống cuộc sống với Chúa Kitô giữa nhiều thách thức của thế giới hiện đại”.

Đức Hồng Y Sarah đưa ra lời kêu gọi trực tiếp để các giám mục anh em của ngài cởi mở đón nhận những ai gắn bó với Thánh Lễ xưa và các phong tục và tuân giữ truyền thống.

Ngài nói: “Các cộng đồng này cần sự chăm sóc phụ thân và chúng ta không nên để sở thích hay hiểu lầm bản thân bỏ rơi các tín hữu gắn bó với hình thức đặc biệt của nghi lễ Rôma. Các giám mục và linh mục chúng ta được kêu gọi trở thành dụng cụ hòa giải và hiệp thông trong Giáo Hội cho mọi Kitô hữu, và tôi khiêm hạ xin qúy anh em, trong cùng một đức tin duy nhất ta có chung và trong sự phù hợp với lời lẽ của Đức Bênêđíctô XVI và Đức Giáo Hoàng Phanxicô, xin anh em quảng đại mở rộng lòng mình ra đối với mọi sự do đức tin cung hiến và tạo không gian cho hình thức phụng vụ này”.

Về phương diện thống kê, những người trên có thể vẫn chỉ là “một phần nhỏ trong đời sống Giáo Hội” nhưng theo ngài, sự kiện này “không khiến họ trở thành thấp kém hay tín hữu bậc hai”.

Đức Hồng Y Sarah đề cập tới kiểu nói gây tranh cãi tức “cuộc cải tổ của cải tổ”. Kiểu nói này của các nhà phê bình đôi khi được dùng để mô tả quyết định của Đức Bênêđíctô khi ngài mở rộng việc cho phép cử hành Thánh Lễ La Tinh; họ coi nó như một mưu toan lật ngược các cải tổ do Công Đồng Vatican II khởi xướng.

Đức Hồng y Sarah nói rằng ngài thích nói đến việc “tích cực phong phú hóa” cả hai hình thức qua việc tiếp xúc rộng rãi hơn giữa hai phía; ngài cho rằng dành nhiều chỗ hơn cho im lặng là một điều Thánh Lễ mới nên học nơi Thánh Lễ cũ, dù ngài nói thêm rằng ngài chỉ nói tới các khả thể thôi và các thay đổi phụng vụ không nên bị “áp đặt mà không nghiên cứu và chuẩn bị cũng như huấn luyện thích đáng”.

Sau cùng, Đức Hồng Y Sarah yêu cầu cử tọa ngưng đừng tự gọi mình là “duy truyền thống” và đừng để người khác gọi mình như thế.
Ngài nói: “anh em đâu có giam mình trong một chiếc hộp, hay trong một thư viện hoặc một bảo tàng viện gồm những của lạ. Anh em đâu phải là ‘người duy truyền thống’. Anh em là những người Công Giáo thuộc nghi lễ Rôma, giống như tôi, giống như Đức Thánh Cha, không phải là các công dân bậc nhì trong Giáo Hội Công Giáo chỉ vì lòng sùng kính và các thực hành thiêng liêng”. Ngài nhấn mạnh rằng các thực hành này cũng là các thực hành của “muôn vàn các thánh”.

Ngài nói với hội nghị rằng họ không nên trở thành “đóng kín hay rút vào khu khép kín, những khu vốn nổi bật về thái độ phòng ngự và làm ngột ngạt chứng tá của anh em trước thế giới ngày nay mà anh em đã được phái tới".

Có ý nhắc đến việc kỷ niệm 100 năm Tông Thư Summorum Pontificum, ngài nói “Mười năm sau nếu chúng ta chưa phá tan được khu khép kín duy truyền thống, thì hãy làm nó lúc này đi!”

Bài nói chuyện của Đức Hồng Y Sarah là một phần của hội nghị do nhóm Cœtus Internationalis Summorum Pontificum đứng ra tổ chức; nhóm này chuyên nghiên cứu và cổ vũ văn kiện năm 2007 của Đức Bênêđíctô XVI.

Buổi sáng thứ Năm, Đức Hồng Y Gerhard Müller, người Đức, cựu bộ trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, cũng đã nói chuyện với hội nghị. Ngài nói rằng “phụng vụ cổ xưa sẽ tiếp tục tươi trẻ hóa Giáo Hội”.

Đức Hồng Y Müller cũng không đề cập chi tới tự sắc mới đây về việc dịch các bản văn phụng vụ, nhưng nói tới việc các quyết định về phụng vụ quan trọng đến nỗi “chúng ta không thể phạm lầm lỗi” và cho rằng ngay trong lúc Giáo Hội sơ khai tạo nên qui điển Thánh Kinh, một tiêu chuẩn chủ yếu đã là việc sử dụng các bản văn trong việc thờ phượng tại các giáo hội địa phương quan trọng nhất, trong đó, ngài nhấn mạnh, có cả “giáo hội Rôma”.
 
Vatican công bố danh sách các Giám Mục Trung Quốc chết thảm thời cộng sản
Đặng Tự Do
06:06 16/09/2017
Nhà xuất bản Vatican - Libreria Editrice Vaticana – vừa xuất bản một cuốn sách dầy trình bày những cái chết bi thảm của 75 Giám Mục Trung Quốc. Cuốn sách có tựa đề “Vescovi Nella Terra Di Conucio” – "Các Giám Mục trên miền đất của Khổng Tử." Sandro Magister của tờ L’Espresso có bài nhận định sau đây:

Dal Vaticano una doccia gelata sui negoziati con Pechino (Một gáo nước lạnh từ Vatican tạt vào các cuộc thương thảo với Trung Quốc)

Đức Phanxicô là vị giáo hoàng đầu tiên bay qua không phận Trung Quốc. Nhưng liệu ngài có đặt chân được trên mảnh đất này hay không vẫn là một điều còn phải chờ xem. Tháng 8 vừa qua, nhà xuất bản Libreria Editrice Vaticana của Tòa Thánh đã công bố một hồ sơ, như một gáo nước lạnh tạt vào mặt những ai tiếp tục cho rằng một thỏa thuận giữa Tòa thánh và Bắc Kinh sắp xảy ra.

Cuốn sách này do Gianni Cardinale biên tập. Ông là một chuyên gia về địa chính trị của Vatican và là một ký giả danh tiếng của hai tờ “Avvenire” và “Limes”. Ông không đưa ra lời bình luận nào mà chỉ đơn thuần là tổng kết những tài liệu của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh mà cho đến bây giờ người ta chỉ được biết từng phần một chứ không có một bức tranh tổng thể.

Đây là lần đầu tiên Vatican công bố tên của các giám mục của mỗi giáo phận Trung Quốc, cả các giám mục công khai lẫn các giám mục hầm trú, cả các vị hợp lệ lẫn những kẻ bất hợp lệ.

Nhưng trên hết, cuốn sách này bao gồm tiểu sử của 75 giám mục Trung Quốc đã chết thảm từ năm 2004 đến nay, tất cả đều bị bách hại trong nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ trong lao tù lao động cưỡng bức, các trại cải tạo, quản thúc tại gia, hay chí ít cũng bị công an mật vụ Trung Quốc liên tục đeo bám.

Qua việc công bố tài liệu này, Tòa Thánh có lẽ muốn nêu rõ với những ai hoài nghi về thái độ của Vatican đối với bọn cầm quyền Bắc Kinh là những cách hành xử mà chế độ cộng sản gây ra đối với các giám mục Trung Quốc tại quốc gia này cần phải được chấm dứt trước khi Vatican có thể đồng ý ký một hiệp định với chính quyền Bắc Kinh trong việc bổ nhiệm các giám mục.

Việc bách hại các giám mục Trung Quốc, trên thực tế, không chỉ diễn ra từ năm 2004 cho tới nay, nhưng đã được bắt đầu và có lẽ còn tàn khốc hơn dưới triều đại của Mao Trạch Đông và cuộc Cách mạng Văn hoá, khi bọn cầm quyền tuyên bố rõ ràng rằng mục tiêu của chế độ là hủy diệt Giáo hội Công giáo, hay chí ít là tạo ra một mô hình Giáo Hội Công Giáo Trung Hoa tách khỏi Rôma và hoàn toàn phục tùng bọn cầm quyền.

Việc hành hạ các Giám Mục cũng đã được tiếp tục sau cuộc Cách mạng Văn hoá ngay cả khi một số các Giám Mục hoặc các ứng viên Giám Mục được thả ra khỏi các nhà tù. Để sống sót các ngài bắt buộc phải làm việc trong các mỏ muối hoặc mỏ đá, chăn nuôi heo, nung gạch. Nếu may mắn hơn, các vị làm việc trong một tiệm ăn hay như những người bán rong trên hè phố.

Tiêu biểu trong danh sách các Giám Mục bị chết thảm dưới bàn tay sắt của bọn cầm quyền Bắc Kinh là Đức Giám Mục Gioan Gao Kexian thuộc giáo phận Yên Đài, chết thảm với nhiều thương tích trên người sau khi bị bắt cóc vào năm 1999.

Một Giám Mục phụ tá của giáo phận Yongnian là Đức Cha Gioan Han Dingxiang bị cầm tù trong 20 năm, được thả ra nhưng sau đó lại biến mất vào năm 2006, và năm 2007 Trung Quốc cho biết là ngài đã chết, được hỏa táng và chôn tại một địa điểm tới nay vẫn chưa được tiết lộ.

Năm 2010, lại có một giám mục khác là Gioan Yang Shudao thuộc giáo phận Phúc Châu, đã chết sau hai mươi sáu năm tù, và phần đời còn lại của ngài “hầu như luôn bị quản thúc tại gia và bị giám sát chặt chẽ.”

Chưa kể những khó khăn của các vị giám mục gần đây nhất của Thượng Hải, như Đức Cha Giuse Fan Zhingliang, Dòng Tên, qua đời năm 2014, là Giám Mục hầm trú; và người kế nhiệm của ngài là Đức Cha Thaddeus Mã Đạt Khâm, bị bắt giữ từ năm 2012 vì đã từ chức khỏi Hiệp hội Công giáo yêu nước vì cho rằng đường lối của hội này là “không phù hợp” với đức tin Công Giáo.

Trong năm qua lại xảy ra vụ bắt cóc và giam giữ Đức Giám Mục Phêrô Thiệu Chúc Mẫn thuộc giáo phận Ôn Châu tại một địa điểm chưa được tiết lộ. Đại sứ quán Đức ở Trung Quốc và sau đó chính Tòa Thánh đã lên tiếng hôm 26 tháng 6. Nhưng đến nay cả phía chính phủ Đức cũng như Tòa Thánh đều không nhận được bất kỳ phản hồi nào của bọn cầm quyền Bắc Kinh.

Trước những điều này, sự lạc quan mà Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ mỗi khi ngài được hỏi về Trung Quốc chỉ có thể được giải thích như là một thái độ đầy tính ngoại giao hơn là thực chất. Đúng là đang có một cuộc đàm phán giữa Vatican và Trung Quốc, với các cuộc họp ba tháng một lần luân phiên nhau giữa Rome và Bắc Kinh. Nhưng ngoài tình trạng thiếu tự do tôn giáo tại Hoa Lục và chính sách công khai bách hại người Công Giáo mà tài liệu vừa được công bố của Vatican trong những ngày gần đây đã nêu rõ, có ít nhất hai trở ngại đối với một thỏa thuận về các thủ tục bổ nhiệm giám mục trong tương lai.

Thứ nhất là Hội Đồng giám mục Trung Quốc, cơ cấu có trách nhiệm tuyển chọn ứng viên, hiện giờ chỉ gồm toàn các giám mục chính thức được Bắc Kinh công nhận, mà không có ba mươi vị giám mục “hầm trú” chỉ được Vatican công nhận. Đến nay, Tòa Thánh vẫn không có cách nào thuyết phục bọn cầm quyền Bắc Kinh nhìn nhận các vị này.

Trở ngại thứ hai, cũng nghiêm trọng không kém, là trường hợp của bảy vị giám mục “chính thức”, trong đó có ba người đã bị công khai rút phép thông công, một người có “con đàn cháu đống”, và một người có nhân tình.
 
Ấn Giáo cực đoan đốt hình nộm Đức Hồng Y Telesphore Toppo
Đặng Tự Do
07:13 16/09/2017
Làn sóng Ấn Giáo cực đoan đang lan nhanh tại Ấn. Hôm 12 tháng 8 vừa qua, bang Jharkhand thuộc miền Đông Ấn Độ đã là bang thứ Tám trong số 29 bang của Ấn Độ thông qua luật cấm người Ấn Giáo cải đạo sang bất cứ tôn giáo nào khác.

Raghubar Das, thủ hiến bang Jharkhand, thành viên của đảng Ấn Giáo cực đoan BJP, là kẻ công khai vận động cho dự luật cấm cải đạo này. Trong những ngày gần đây, Raghubar Das đã đưa ra các phát biểu kích động bạo lực tôn giáo dẫn đến những cuộc biểu tình khổng lồ của các thành phần Ấn Giáo cực đoan.

Trong một diễn biến bi đát, những người biểu tình đã đốt thánh giá, và hình nộm của Đức Hồng Y Telesphore Toppo, là Tổng giám mục Ranchi và là nhà lãnh đạo hàng đầu của Giáo hội Công giáo ở Jharkhand.

Trước diễn biến này, Tổng thư ký Hội Đồng Giám mục Ấn Độ, là Đức Cha Theodore Mascarenhas, đã kêu gọi Thủ tướng Narendra Modi “can thiệp để ngăn chặn hận thù” đang bùng phát ở bang Jharkhand.

Trong một bức thư gửi cho ông Modi, Đức Tổng Giám Mục Theodore cáo buộc thủ hiến Raghubar Das của bang Jharkhand đang theo đuổi đường lối cực đoan tôn giáo bằng những bài phát biểu kích động hận thù tôn giáo càng ngày càng táo tợn.

Bức thư của Đức Cha Theodore được công bố hôm 13 tháng 9, cảnh giác rằng nếu hành động của thủ hiến Raghubar Das “không được kiềm chế ngay lập tức,” bạo lực và hận thù sẽ bùng phát.

Thủ tướng Modi cũng là một thành viên của BJP.

Đức Cha Theodore viết rằng ngài bị thúc giục phải hành động vì “một bức ảnh khủng khiếp, đáng lo ngại và đáng sợ” mà một thanh niên Công Giáo đã gửi ngài cho thấy những người Ấn Giáo đang đốt hình nộm của Đức Hồng Y Telesphore Toppo.

Đức Cha Theodore cũng từng là Giám Mục Phụ Tá của Ranchi nơi vụ việc đáng tiếc vừa diễn ra.

Ngài nhắc cho thủ tướng Modi nhớ rằng trong bài diễn văn Ngày Độc lập năm nay ông Modi nói rằng “bạo lực nhân danh niềm tin tôn giáo là điều không thể chấp nhận”. Phát biểu này được người dân Ấn chào đón và hoan nghênh nhưng Đức Cha Theodore nhận xét cay đắng rằng “trong vài tháng qua đã không có sự liên hệ nào giữa thực tế và hệ tư tưởng mà ngài đã tuyên bố”

“Lịch sử cho chúng ta thấy rằng hận thù bắt đầu như một tia lửa nhỏ nhưng có thể bùng phát thành một ngọn lửa kinh hoàng không thể ngăn cản được. Như ngài thừa biết, việc đốt cháy một hình nộm là khúc dạo đầu cho một thứ bạo lực thể chất”.

Các Kitô hữu, phần lớn là người Công giáo, chiếm chưa tới 5% trong số 27 triệu dân Jharkhand.
 
Viễn ảnh chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Ấn Độ
Đặng Tự Do
07:47 16/09/2017
Trên chuyến bay trở về Rome sau ba ngày tông du đến vùng Caucasus, hôm 2 tháng 10 năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho các phóng viên biết ngài chắc chắn sẽ đến thăm Ấn Độ và Bangladesh vào năm 2017.

Phát biểu của Đức Thánh Cha dựa trên niềm tin vào sự thành thật của thủ tướng Ấn Narendra Modi. Tuy nhiên, ông Modi, một lãnh tụ của đảng Ấn Giáo cực đoan BJP, có lẽ chỉ muốn “mời lơi”, hay thậm chí chỉ muốn lợi dụng Đức Giáo Hoàng nhằm làm giảm bớt những chỉ trích về tình trạng tự do tôn giáo tồi tệ hiện nay tại Ấn trong khi ông chuẩn bị thăm các nước trong khối Liên Hiệp Âu Châu.

Theo dự trù ban đầu chuyến tông du tới Ấn Độ và Bangladesh sẽ diễn ra từ ngày 30 tháng 11 đến ngày 2 tháng 12.

Hôm 28 tháng 8, Tòa Thánh công bố rằng Đức Thánh Cha sẽ tông du Miến Điện vào ngày 27 tháng Mười Một, và ở đó cho đến ngày 30. Sau đó, ngài sẽ dừng chân tại Dhaka, Bangladesh, từ ngày 30 tháng 11 đến ngày 2 tháng 12 trước khi trở lại Rôma. Sau tuyên bố này của Tòa Thánh, tại Ấn, kế hoạch chuẩn bị cho chuyến tông du Ấn Độ của Đức Thánh Cha đã chậm hẳn lại vì ít người tin rằng điều đó có thể xảy ra.
 
Tuyên bố của Tòa Thánh về cáo buộc của Hoa Kỳ đối với một linh mục trong tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Washington
Đặng Tự Do
08:10 16/09/2017
Trong một diễn biến quá sức nhục nhã, một linh mục, là thành viên của phái đoàn ngoại giao Tòa Thánh đang phục vụ tại Washington đã bị triệu hồi về Vatican, nơi ông sẽ bị điều tra hình sự về những cáo buộc liên quan đến việc tàng trữ sách báo khiêu dâm trẻ em.

Hôm thứ Sáu 15 tháng 9, ông Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho biết hôm 21 tháng 8, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã thông báo cho Tòa Thánh về “những vi phạm luật pháp có liên quan đến hình ảnh khiêu dâm trẻ em của một thành viên trong đoàn ngoại giao Tòa Thánh tại thủ đô Washington”.

“Tòa Thánh, theo thực hành của các quốc gia có chủ quyền, đã triệu hồi linh mục đang bị đặt vấn đề, về Vatican”.

Phòng Báo Chí Tòa Thánh nói thêm rằng danh tính của linh mục này và các chi tiết khác được bảo vệ bởi “sự bảo mật điều tra” trong giai đoạn điều tra sơ bộ. Theo Niên giám Tòa thánh, tại Tòa Sứ thần ở Washington DC, ngoài Đức Tổng Giám Mục Christoph Pierre, là sứ thần Tòa Thánh, còn có ba linh mục khác trong đoàn ngoại giao Tòa Thánh.

Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết sau khi nhận được thông báo từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, “Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã chuyển thông tin này đến Toà án Vatican để thụ lý”.

Ông Greg Burke cho biết: “Tòa án của Vatican đã mở một cuộc điều tra và đã bắt đầu hợp tác trên quy mô quốc tế để có được các yếu tố liên quan đến vụ án.”

Ông Greg Burke nhấn mạnh rằng tại thời điểm này cuộc điều tra đang tập trung vào các vấn đề được định nghĩa như là “tội phạm chống trẻ em” trong “Các luật bổ sung về các vấn đề hình sự năm 2013” của Vatican.

Cụ thể, ông nói, cuộc điều tra đang đề cập đến những gì luật định nghĩa là “hình ảnh khiêu dâm trẻ em”, có nghĩa là bất kỳ biểu tượng nào, bằng bất cứ phương tiện nào, liên quan đến trẻ vị thành niên tham gia vào các hoạt động tình dục.

Ông Greg Burke cũng giới thiệu với các phóng viên về điều 10 trong luật bổ sung về các vấn đề hình sự năm 2013 trong đó thảo luận các hình phạt hình sự đối với một người bị kết tội sản xuất hoặc buôn bán các nội dung khiêu dâm trẻ em; trong những trường hợp đó, luật lệ của Vatican quy định đến 12 năm tù giam và phạt tiền lên đến 250,000 euro.
 
Đức Hồng Y Charles Bo yêu cầu bà Aung San Suu Kyi lên tiếng về tình trạng bách hại người Hồi Giáo Rohingya
Đặng Tự Do
16:46 16/09/2017
Trong khi hàng trăm ngàn người Hồi giáo Rohingya lũ lượt chạy trốn khỏi Miến Điện và giữa những chỉ trích toàn cầu về sự im lặng của chính phủ dân sự nước này đối với cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra, Đức Hồng Y Charles Bo nói rằng nhà lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi “lẽ ra đã phải lên tiếng.”

Đức Hồng y Charles Maung Bo, Tổng giám mục Yangon, nhận định rằng người dân ở bang Rakhine đã và đang phải đối diện với những thống khổ kinh hoàng, sau nhiều thập niên bị bỏ rơi và ngược đãi, mà không có sự khắc phục nhanh chóng.

Liên Hiệp Quốc cho biết hơn 370,000 người Hồi giáo Rohingya đã trốn khỏi bang Rakhine của Miến Điện để chạy sang Bangladesh trong ba tuần vừa qua. Cuộc xung đột gần đây bắt đầu vào ngày 25 tháng 8, khi quân đội Miến Điện tiến hành một cuộc đàn áp ở bang Rakhine. Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc đã nhận được các báo cáo theo đó các lực lượng an ninh và dân quân đang đốt cháy nhiều thị trấn của người Rohingya và bắn vào những thường dân bỏ trốn. Cao Ủy Trưởng về Nhân quyền của Liên Hợp Quốc nói trước Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm thứ Hai 11 tháng 9 rằng tình hình dường như là “ví dụ trong sách giáo khoa về cách thế người ta thanh lọc chủng tộc”.

Cho đến nay bà Aung San Suu Kyi, vẫn chưa lên án bạo lực chống lại thiểu số Hồi giáo ở nước có đa số dân theo Phật giáo này. Hôm thứ Tư, 13 tháng 9, bà Suu Kyi đã hủy bỏ kế hoạch thăm Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York, bắt đầu vào tuần tới, và bà đổ lỗi cho một chiến dịch thông tin sai lệch và “những tin giả mạo” liên quan đến cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra tại bang Rakhine.

Những người từng đoạt giải Nobel hòa bình như Đức Đạt Lai Lạt Ma, và Đức Giám Mục Desmond Tutu đã kêu gọi bà Aung San Suu Kyi can thiệp vào cuộc khủng hoảng.
 
ĐGH Phancicô cầu nguyện cho các gia đình đau khổ.
Giuse Thẩm Nguyễn
17:12 16/09/2017
(News.va) Vatican Radio. Hôm nay Thứ Bẩy, ĐGH Phanxicô đã kêu gọi tất cả tín hữu hãy cùng với ngài cầu nguyện cho tất cả các gia đình đang gặp khó khăn vì thất nghiệp, những người đang bị bách hại vì đức tin cũng như bao gia đình đang gánh chịu đau khổ cách này hay cách khác .

ĐHY Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin đã thay mặt ĐGH ký vào thông điệp gởi cho những người tham dự Cuộc Hành Hương Quốc Gia thứ Mười của các Gia Đình vì Gia Đình, được tổ chức bởi phong trào “Canh Tân Thánh Linh”, diễn ra tại hai thành phố Scafati và Pompei, thuộc vùng Campania, phía nam của nước Ý với khoảng trên 10,000 người tham dự đổ về từ khắc nước Ý.

Trong thông điệp chào mừng, ĐGH đã bày tỏ sự đồng hành của ngài với các tham dự viên. Ngài cũng vui mừng khi ban tổ chức đã có sự chuẩn bị chương trình cho cuộc Họp Mặt Các Gia Đình Thế Giới 2018 được tổ chức tại Dublin.

Tổng Thư Ký của Hội Đồng Giám Mục Ý là ĐTGM Nunzio Galantino cũng gởi lời chào đến các tham dự viên và đề cao nhân chứng sống động của phong trào “Canh Tân Thánh Linh” và nhắc lại vai trò cơ bản của gia đình trong xã hội, khoa nhân chủng học và thể chế hiện nay.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Thảm cảnh bị bỏ quên: 8 ngày sau động đất nhiều làng bên Mexico vẫn còn bị cô lập
Trần Mạnh Trác
19:10 16/09/2017
Oaxaca (Agenzia Fides 15/9/2017)-Một tuần đã trôi qua kể từ trận động đất ngày 7 tháng 9 ở Mexico mà vẫn còn ít nhất là 20 làng bị cô lập chưa thể đến được, theo Đức GM Alfonso Miranda Guardiola, phụ tá giáo phận Monterrey và là tổng thư ký hội đồng giám mục công giáo Mexico (CEM)..

Xảy ra cùng lúc với các cơn bão lớn ở Hoa Kỳ, cuộc động đất có cường độ cực mạnh là 8.2 và sau đó thêm vào 634 rung chuyển phụ đã không gây chú ý nhiều ở bên ngoài Mexico.

Mức thiệt hại là khủng khiếp với ít nhất 90 người thiệt mạng, trong đó có 71 người ở bang Oaxaca, 15 người ở bang Chiapas và 4 người ở bang Tabasco, hàng nghìn gia đình đang lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, thiệt hại về tài sản thì không thể đếm được và nhiều cơ sở hạ tầng trong 3 bang nói trên vẫn còn bị tê liệt.

Giáo hội công giáo địa phương đã ngay lập tức đưa Caritas Mexico vào hoạt động, cung cấp viện trợ cho các khu vực bị ảnh hưởng. Trên bình diện quốc gia, giaó hội phối hợp với các cấp từ bộ xuống tới ty sở địa phương để cung cấp thực phẩm và y tế, cũng như phối trí tình nguyện viên để phân phối nhu yếu phẩm.

Linh mục Rogelio Narvaez, giám đốc điều hành của Caritas Mexico và cũng là giám đốc mục vụ xã hội cuả hội đồng giám mục công giáo Mexico, cho biết các khu vực bị thiệt hại tồi tệ nhất là Minatitlan (Veracruz), Oaxaca và Chiapas.

Mặc dù tuy có thiệt hại, hầu hết các cơ sở cuả các giáo xứ như hội trường và nhà nguyện đã được sử dụng làm chỗ ở hoặc là địa điểm cứu cấp và phân phối.

Theo đức giám mục Miranda thì tuy chưa có thể đánh giá chính xác các thiệt hại, nhưng ít ra là có 122 nhà thờ đã bị ảnh hưởng trong đó có tới 90 nhà thờ phải đóng cửa vì không được an toàn.

Giáo hội công giáo Mexico đang kêu gọi và nhận được trợ giúp từ các tổ chức hỗ trợ công giáo trên toàn thế giới, đặc biệt từ Đức, Na Uy, Tây Ban Nha, Pháp và Hàn Quốc.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ và rước kiệu trọng thể mừng Sinh Nhật Đức Mẹ tại Ta Pinu Melbourne
Trần Văn Minh
02:24 16/09/2017
Melbourne, vào lúc 11 giờ sáng Thứ Bảy Ngày 16 tháng 9 năm 2017. Tại Trung Tâm Thánh Mẫu Các Sắc Tộc Tổng giáo phận Melbourne Ta’ Pinu, vùng Bacchus Marsh. Giáo dân Công giáo Việt Nam trong khắp các vùng Melbourne đã cùng tụ họp về đây để hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn và rước kiệu Đức Mẹ Lavang mừng kính Sinh nhật Đức Mẹ.

Xem hình

Mặc dù theo dự báo thì thời tiết không được tốt lắm cho một ngày sinh hoạt ngoài trời, vì mưa, vì gió và cả lạnh nữa, nhiệt độ từ 3 độ C tới 13 độ C. Nhưng với một lòng sốt mến và không ai muốn bỏ lỡ cơ hội để về mừng Sinh nhật với Đức Mẹ, nên đoàn con thảo tuy không được đông đảo như năm trước, nhưng cũng có rất nhiều người đến Trung Tâm Thánh Mẫu trên Đồi Ta’ Pinu.

Bàn thờ Đức Mẹ Lavang với hoa đèn được đặt trang trọng bên cạnh gian cung thánh. Thánh lễ do Linh mục Tuyên úy Peter Hoàng Kim Huy SDB chủ tế. Ca đoàn Hồng Ân dùng lời ca để ca khen nhân ngày sinh nhật Đức Mẹ. Đặc biệt, có sự góp tiếng hát ca khen mừng Sinh nhật Đức Mẹ của Ca sỹ Ngọc Huệ ở phần cuối lễ. Trước khi cử hành mầu nhiệm Thánh, Linh mục chủ tế nhắc lại cho chúng ta thấy, chỉ trong hai Tháng Tám và Chín. Giáo hội đã cho chúng ta đến bốn lễ kính Đức Mẹ như: Đức Mẹ Hồn Xác lên Trời, Đức Maria Trinh Nữ Vương, Sinh nhật Đức Mẹ, và Đức Mẹ Sầu Bi vv.

Điều đó đã nói lên vị trí quan trọng của Đức Mẹ đối với Giáo hội và chúng ta những người con cái Mẹ. Trong phần chia sẻ, Linh mục đã nói về tiểu sử của Đức Mẹ mà chúng ta mừng kính sinh nhật trọng thể hôm nay, nhờ sinh nhật của Mẹ Maria Giáo hội có thêm hai ngày sinh nhật quan trọng nữa. đó là sinh nhật Thánh Gioan Tẩy giả và Sinh nhật Chúa Giêsu. Và sự liên kết giữa chúng ta được trở thành con Mẹ, qua lời trối của Đức Giêsu con Mẹ với Thánh Gioan: Đây là con Mẹ, và hướng về Đức Mẹ, Chúa nói: Người ấy là Mẹ Con. Linh mục chia sẻ nhấn mạnh đến bảy sự khó của Đức Mẹ mà qua Phúc Âm đã kể lại để thấy đời Đức Mẹ là một chuỗi những sự khổ đau.

Mặc dù, ngày này trong Cộng đồng Công giáo Việt Nam của TGP cũng có những sự kiện quan trọng. Nhưng không vì thế mà mà mọi người không tới. Với đủ mọi thành phần nam, phụ, lão, ấu. Nhiều cụ phải chống gậy vẫn sốt sắng, tay lần chuỗi đọc kinh để theo chân đoàn kiệu Mẹ trên con đường dốc đá để đến Đền thờ Mẹ La Vang.

Sau Thánh lễ, qua lời cám ơn của ông Nguyễn Văn Thi đại diện ban tổ chức gửi đến Cha chủ tế cùng mọi người đến dâng lễ mừng Sinh nhật Đức Mẹ, ông cũng mời gọi mọi người cùng tiếp tục tham dự buổi rước Đức Mẹ xuống dưới Đền La Vang.

Trước khi cung nghinh kiệu Đức Mẹ, ban tổ chức đã trao cho mỗi người một trái bóng bay để cầm theo đoàn rước cho thêm phần vui tươi mừng sinh nhật Mẹ. Sau Thánh Gía nến cao là quốc kỳ của các quốc gia có đền Đức Mẹ trong trung tâm, cờ bay nhẹ trong gío đi trước kiệu Đức Mẹ Lavang rất đẹp. Mọi người sốt sắng hát ca khen Mẹ đi theo kiệu Mẹ xuống đồi để cung nghinh Mẹ về lại đền thờ Mẹ.

Trong mấy lời khẩn nguyện và tâm tình cùng Mẹ, Linh mục Hoàng Kim Huy đã hướng về quê hương, và Ngài đã xin mọi người cùng cầu nguyện cho Giáo hội quê nhà có thêm ơn can đảm, cất lên tiếng nói để mọi người được sống trong an bình và hưởng được sự tự do tín ngưỡng đích thực như nơi chúng ta đang sống. Mọi người cất cao tiếng hát mừng sinh nhật Đức Mẹ. Tiếng hát, câu kinh được mọi người gửi vào những trái bóng bay đầy mầu sắc thả bay lên trời cao đầy ý nghĩa.

Mọi người được ban tổ chức mời dùng bữa ăn nhẹ và nước uống. Đứng bên đền Đức Mẹ mọi người cùng nhau trao đổi và tâm sự. Trời buổi trưa trở lên đẹp và trong xanh, mây lững lờ làm lòng người cảm thấy vui hơn vì được cùng nhau bên Mẹ mùa Xuân. Được biết hằng năm, Cộng đồng Việt Nam có hai dịp tổ chức các Thánh lễ tạ ơn tại đây, một vào dịp Lễ Phục Sinh và một vào Lễ mừng sinh nhật Đức Mẹ như hôm nay. Mọi người lên gần bàn thờ Mẹ để chụp những tấm hình kỷ niệm
Xin Mẹ chứng cho lòng con thảo
Cậy trông nép bên áo Mẹ Hiền
Đoàn con xin dâng lời khấn nguyện
Cho dân muôn nước được bình yên.

Chia tay nhau ra về trong niềm vui hội ngộ

 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Sơ Mary Kenneth Keller, nhà nghiên cứu tin học và máy tính nổi tiếng
Hồng Thủy
12:56 16/09/2017
Ngày nay, ngành tin học và máy vi tính dường như là thứ không thể thiếu trong thế giới chúng ta và đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực khoa học và sinh hoạt của cuộc sống con người. Có một nữ tu đã đóng góp vai trò không nhỏ vào sự phát triển của ngành tin học và máy tính trong những ngày đầu của ngành công nghệ này. Đó là sơ Mary Kenneth Keller.

Keller sinh tại Cleveland, tiểu bang Ohio năm 1913. Sau khi hoàn thành trung học ở trường các nữ tu Bác ái, năm 1932, Keller gia nhập dòng các nữ tu Bác ái Đức Trinh nữ Maria tại Dubuque, tiểu bang Iowa. Đây là một hội dòng được thành lập vào những năm 1800 tại Ai len, nhưng hoạt động chính tại Hoa kỳ. Nhìn thấy sự say mê học hành của Keller trong các môn cả nhân văn lẫn khoa học, nhà dòng đã bổ nhiệm sơ vào công việc dạy học. 8 năm sau đó, sau khi được tuyên khấn trọn đời, sơ Keller được phép học cao học về toán tại đại học De Paul ở Chicago. Chính nơi đây, cuộc gặp gỡ với máy tính đã thay đổi cuộc sống của sơ; sơ Keller say mê với ngành công nghệ thông tin còn mới mẻ lúc bấy giờ.

Trong thời gian theo học, sơ Keller cũng học một số học kỳ tại các trường khác như đại học Dartmouth ở New Hampshire. Đại học này đã dành cho sơ một số đặc biệt, nhờ thế sơ là phụ nữ đầu tiên được nhận vào làm việc tại trung tâm tin học và đóng góp vào việc phát triển ngôn ngữ lập trình BASIC, là ngôn ngữ căn bản cho các thế hệ đầu tiên của các lập trình viên và giúp cho sự phát triển máy tính cá nhân vài năm sau đó. Vì là thời trước công đồng chung Vatican, sơ Keller vào phòng thí nghiệm với tu phục có chiếc khăn lúp như thấy trong phim Sister Act và được các đồng nghiệp, những người thường trao đổi bằng ngôn ngữ kỹ thuật, kính trọng.

Năm 1964, sơ Mary Kenneth Keller trở thành người đầu tiên tại Hoa kỳ đạt học vị tiến sĩ ngành tin học ở đại học Wisconsin-Madison. Sau đó sơ được mời làm giáo sư tại đại học Clarke, một đại học Công giáo ở Dubuque, tiểu bang Iowa; sơ đã lập ngành tin học tại đây và làm trưởng khoa trong 20 năm trời. Sơ Keller được mệnh danh là “computer của đại học Clark”. Các học sinh cũ của sơ nhớ về sơ như một người ít nói, nghiêm khắc, nhưng lại nhiệt tình hết mình khi dạy dỗ. Sơ trở thành người có uy tín và là điểm tham chiếu cho những người quan tâm về tin học. Trong cuộc đời hoạt động khoa học, sơ Keller đã giám sát việc xây dựng một số chương trình máy tính, một trong những chương trình này cho phép các sinh viên khoa Hóa của đại học Clarke thử nghiệm cách mô phỏng.

Sơ Keller đã là một trong những người đầu tiên ủng hộ các phụ nữ tham gia nhiều hơn vào việc học hỏi nghiên cứu máy vi tính. Sơ cũng dạy các học sinh lớn tuổi, như các bà mẹ, những ngừoi có thể mang các con còn nhỏ của mình đến lớp. Sơ là người đã dự báo về thế kỷ của internet khi nói: “Chúng tôi đang thử nghiệm, trong nhiều điều, sự bùng nổ của thông tin và hiển nhiên là tin tức sẽ không hữu dụng nếu không có sẵn.” Sơ cũng nói trước về tầm quan trrọng của việc cần có các máy tính trong việc tìm tòi nghiên cứu và khẳng định rằng khả năng hồi phục nhanh chóng các thông tin của máy tính sẽ biến chúng trong “các thư viện trong tương lai.” Sơ Keller qua đời ngày 10 tháng 1 năm 1985, thọ 72 tuổi. Trường đại học nơi sơ đã từng dạy, ngày nay trở thành trung tâm tin học Keller và cung cấp học bổng với tên của sơ cho các học sinh ngành tin học năm thứ nhất.

Không chỉ là một nhà khoa học nổi tiếng, sơ Keller còn là một nữ tu gương mẫu, chiêm niệm về mầu nhiệm Chúa Ba ngôi. Trong cuộc đời sơ luôn tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa, điều đã được thể hiện trong các ghi chép của sơ. Sơ đã viết rằng computer giúp cho sơ thực hành hai nhân đức: thứ nhất là khiêm nhường, vì các sai lỗi không phải là của máy tính nhưng là của người lập trình, và thứ hai là sự kiên nhẫn. Ơn gọi phục vụ của sơ được trung thành cho đến cùng. Năm 1983, ngay cả khi bị ung thư và nghỉ dưỡng ở Pensylvania, sơ mang theo một máy tính cá nhân và tổ chức lớp học cho các bệnh nhân. Với chiếc máy tính, sơ còn giúp nhà hưu dưỡng sắp xếp các bữa ăn, theo dõi nhu cầu ăn kiêng của bệnh nhân và các loại thuốc họ phải dùng. Sơ chỉ ngừng hoạt động khi cơn đau không cho phép sơ làm việc thêm. (Aleteia 10/08/2017)
 
Văn Hóa
Lá thư Canada: Mọi sự mọi xong
Trà Lũ
08:56 16/09/2017
Thời gian đi nhanh quá. Mới ngày nào tôi báo tin Canada đã vào xuân, đã vào hè, rồi mới vào thu, thế mà hôm nay Canada đã giữa mùa thu. Mấy tiệm bán hoa ở ngã tư gần nhà tôi đã bày la liệt các chậu cúc. Xưa nay hễ nói tới cúc là ta nghĩ tới cúc vàng, nhưng ở nước thiên đàng Canada này không chỉ có cúc vàng mà cúc trăm sắc. Trí khôn con người thật siêu việt. Canada đã biết trộn màu và pha giống. Thật quá sức tưởng tượng của tôi. Cúc tím đậm, cúc tím lạt, cúc xanh da trời, cúc xanh lá cây, cúc hồng, cúc đỏ... Các nhà trồng hoa lại còn cấy xen lẫn nhau. Mỗi lần nhìn các chậu hoa thì bao giờ tôi cũng nhớ tới lời Cha Paolo bảo chúng tôi năm xưa : Thiên Chúa hiện diện nơi đây rõ ràng. Tại sao cũng từ một nắm đất đen mà tự nhiên lại mọc lên hoa muôn sắc là thế nào ?

Vâng, Canada đang chìm ngập trong vườn hoa mùa thu huy hoàng của Thượng Đế, và đang đón chào các em học sinh cắp sách đến trường bắt đầu niên học mới. Tháng này tôi có cái say mê là mỗi buổi sáng ra trước cửa ngồi ngắm các em bé đi học . Ôi những em bé con mắt nai tơ đẹp như những thiên thần bé nhỏ lẫm chẫm theo mẹ tới trường mới đẹp làm sao. Mỗi lần thấy các em thì tôi thường nhớ tới bài văn ‘Ngày khai trường’ của Thanh Tịnh ban xưa. Các cụ còn nhớ bài này chứ, hồi còn bé ta phải học thuộc lòng mà.

Tương lai đất nước là đây, những dòng học sinh đang tới trường đây. Báo chí cho biết các trường từ tiểu học tới trung học và đại học Canada đều tăng sĩ số một cách kinh ngạc. Dân số thì giảm vì dân Canada lười đẻ mà sao sĩ số lại tăng ? Thưa, sĩ số tăng đáng kinh ngạc vì các bậc cha mẹ khắp nơi trên thế giới đều gửi con đến đây. Bộ giáo dục cho biết họ đến từ Trung Cộng, Ấn Dộ, Đại Hàn, Pháp, Mỹ, Saudi Arabia, Nigeria... Tất nhiên trong số du sinh to lớn này có rất nhiều học sinh từ VN sang đây. Bạn tôi cho biết là ở VN hiện nay việc gửi con đi ngoại quốc du học là một phong trào mang tên ‘ Lên Thuyền ‘. Ngày xưa lên thuyền vượt biên tỵ nạn, bây giờ không phải vượt biên vì tỵ nạn chính trị mà tỵ nạn giáo dục, trốn cái giáo dục sai lầm và ngu dốt của CS. Chính sách giáo dục của CSVN càng ngày càng sa sút nên những cha mẹ có tiền bạc đều gửi con du học các nước tiên tiến ở Âu Châu và Mỹ Châu. Ai cũng mong con cháu mở mắt nhìn thấy sự thực và học được những điều tốt đẹp.

Xin chúc các em du sinh học hành thành công để về giúp nước và mở mắt hết nha, và nhớ lời nổi tiếng của TT Nguyễn Văn Thiệu : Đừng tin những gì CS nói mà hãy nhìn kỹ những việc chúng làm.

Anh H.O. trong làng nghe tôi kể đến đây thì giơ tay xin phát biểu : Tôi thấy bọn CSVN đầy tội ác với nhân dân và tổ quốc, tội ác ngập đầu, rõ ràng đây là cái nhân rất xấu, thế mà chúng có bị trời phạt đâu. Ông nào cũng nhà lầu xe hơi và tiền bạc đầy túi, cho con du học nước ngoài, sắm nhà ở nước ngoài. Luật Nhân Quả có xảy ra cho bọn này đâu ?

Cụ B.95 nghe tới tiếng ‘CSVN’ thì không cho anh H.O. nói nữa. Cụ bảo chúng gieo nhân xấu thì nhất định sẽ bị trái xấu, vấn đề là thời gian mà thôi.

Ông ODP nói them : Cầu mong Tổng Thống Trump bên Hoa Kỳ theo được gương của Tổng Thống Reagan ngày xưa. Các bạn nhớ TT Reagan đã làm tan khối Cộng sản Nga Xô năm 1990 chứ, và giải phóng toàn bộ Đông Âu. Bây giờ CSVN được Tàu Cộng bao bọc. Ai cũng cầu mong Tổng Thống Trump theo được gương cụ già gân Reagan mà làm cho chế độ Tập Cận Bình tan, Trung Cộng tan thì CSVN sẽ tan theo tức thì.

Tôi cũng ao ước như vậy, vì mới đây tôi đọc được một bài rất hay bàn về tương lai thế giới của BS Trần Mộng Lâm ở Montreal. Bài viết về người lính máy rôbô tương lai của Hoa Kỳ. Mê quá và lên tinh thần qúa. Lính rôbô được chứng minh bằng chuyện ở Dallas. Năm 2016 vừa qua, anh chàng Micah Johnson ở Dallas nổi điên đã ám sát 5 cảnh sát da trắng rồi rút vào garage tử thủ. Cảnh sát trưởng David Brown đến hiện trường thuyết phục Johnson ra đầu hàng nhưng tên này cương quyết không, nhất định cố thủ và chống trả. Tức thì anh lính rôbô được đem tới. Anh rôbô được trang bị đủ máy móc và súng đạn. Anh rôbô tiến tới và hạ sát anh Johnson cái rẹt. Từ biến cố này dẫn tới chương trình thay thế quân nhân hiện tại bằng quân nhân rôbô. Quân nhân rôbô không biết sợ hãi, không biết lùi, cứ mục tiêu tiến tới. Hiện nay quân đội Hoa Kỳ có dự án Furure Combat System, thay thế quân nhân người bằng quân nhân rôbô, với ngân sách 127 tỷ đô la. Việc gì sẽ xảy ra trong tương lai, thưa các cụ ? Dưới đất là quân nhân người máy, và xe tăng với người máy, trên không là máy bay ném bom cũng do người rô bô lái. Liệu đoàn quân của Tập Cận Bình và Kim Chính Ủn có kháng cự nổi đoàn quân rôbô của Hoa Kỳ không ? Có thể thế hệ chúng ta chưa thấy rõ câu trả lời, nhưng thế hệ con cháu chúng ta sẽ thấy rõ.

Nhân nói tới lực lương quân nhân rôbô tôi chợt nhớ tới lời tiên tri về các hệ thống xe hơi chạy xăng hiện nay. Rằng trong tương lai, kỹ nghệ xe hơi chạy bằng điện sẽ tràn ngập thị trường. Không còn ô nhiễm không khí nữa. Sẽ không còn tranh chấp các mỏ dầu như hiện nay vì ta không cần xăng nữa. Rồi xe hơi không cần người lái. Tự nhiên các hãng làm xe hơi hiện nay phải đóng cửa. Thế giới sẽ bớt ô nhiễm. Sẽ không còn tai nạn xe hơi. Các hãng bảo hiểm xe hơi cũng đóng cửa... Đây là cách chúng ta để lại gia sản tốt nhất cho các thế hệ tương lai.

À, còn tin thời sự này liên quan tới Canada và VN. Đó là việc Bộ Y tế VN phát hiện thuốc trị bệnh ung thư giả mang tên H-Capita , những người bị bắt khai rằng thuốc H-Capita sản xuất ở Canada. Điều này gian dối, Canada không hề sản xuất thuốc này. Nghe nói tay tổ buôn thuốc này là bà con gì đó trong bộ y tế VN. Bộ Y tế mà bán thuốc giả cũng như Bộ Giáo Dục mà dạy sử VN bị bóp méo, thì tổ tiên ơi, xin cứu chúng con...

Trên đây là những chuyện ‘chung’, sau đây xin mời các cụ nghe những chuyên ‘riêng’ của làng tôi.

Trong tháng này có lễ Vu Lan, làng An Lạc chúng tôi được hai cô Huế Tôn Nữ và Cao Xuân đãi món cơm gà Huế, ngon hết biết. Ông ODP là anh cả của làng, trước 1975 ông là trung tá của quân đội VNCH, ông đã đóng quân ở Huế rất lâu và có lần ông tiết lộ rằng ông xém chết vì cô gái Huế nấu cơm tháng... Bữa nay ông ăn xong chén cơm gà Huế thì gật gù phán : ‘Ngon tuyệt, rất Huế !’. Chị Ba Biên Hoà đã vào bếp xem hai cô nấu món cơm này. Chị bảo : nét chính là cơm với gà luộc, nhưng cơm nấu cách đặc biệt, thịt luộc tẩm với các hương liệu đặc biệt. Tôi nghe hai cô giảng nghĩa mà nghe không kịp. Rồi Chị Ba cười hì hì. Hai cô Huế này nói chuyện với cả làng thì ai cũng hiểu, nhưng khi hai cô nói chuyện riêng với nhau, toàn tiếng Huế và giọng Huế, thì trời ơi, có trời mới hiểu. Chị Ba đã phải mở tài liệu trên mạng xem chi tiết nấu món Huế này và thấy hai cô Huế đã nấu y chang lời viết trên mạng : Nước luộc gà dùng để nấu cơm nên hạt cơm có màu vàng nhạt và ngọt mùi vị gà. Gà luộc xong xé nhỏ thấm với hành tây, rau răm, muối tiêu. Nước chấm là tương ớt sền sệt. Đĩa cơm được trang trí với chút bạc hà, rau răm, hành tây. Cái hay của đĩa cơm gà là miếng thịt thơm và cay nhưng không bở. Dân làng đã ăn say sưa, ai cũng xít xa vừa vì ngon vừa vì cay.

Cụ Chánh phát biểu : người Việt mình , mỗi địa phương có một cách nấu cơm khác nhau. Theo như lão biết thì người Miền Nam có cơm Tấm và cơm dừa Bến Tre, miền Trung có cơm gà Hội An, cơm Hến Huế, cơm Âm Phủ, miền Bắc có Cơm Cháy Ninh Bình và cơm niêu đập, miền Thượng có cơm Lam. Hôm nay làng ta dưọc hai cô Huế cho ăn món cơm gà kiểu Huế, chính ra đây là món cơm gà Hội An. Vậy lần sau, xin hai cô Huế làm lại, làm món cơm Hến nha.

Mọi người vỗ tay nhiệt liệt vì rồi đây làng tôi sẽ lần lượt được ăn cơm đặc sản của bốn miền đất nước. Các cụ có thấy làng tôi sung sướng chưa !

Cụ bà B.95 lên tiếng : Bữa nay được ăn cơm Huế thì phải có chuyện cười Huế. Các cô Tôn Nữ và Cao xuân đâu, hai cô mang hai dòng họ lớn của xứ Huế, hai cô đã cho ăn ngon, bây giờ xin cho dân làng nghe vài chuyện cười đặc biệt Huế coi. Hai cô Huế liền chắp tay vái cụ B.95 xin tha cho việc kể chuyện cười. Rồi hai cô đưa mắt xin phe liền ông tiếp cứu. Tức thì anh H.O. nhảy vào ngay.

Anh kể rằng có một anh Bắc kỳ kia, tên Tư, mới có người yêu gốc Huế. Bữa đó anh mời người yêu đi ăn nhà hàng. Ăn xong cô Huế liền mời anh về nhà ra mắt bố mẹ. Cô chỉ đường cho anh lái xe. Đến ngã tư thì cô Huế nói ‘ thặng’. Anh Bắc kỳ này bối rối vô cùng vì không biết cô muốn bảo anh thặng là đi thẳng hay thặng là thắng xe lại. Anh ngần ngừ trong giây lát rồi thấy người yêu ra dấu chỉ tay về phía trước thì anh mới hiểu là người yêu bảo đi thẳng. Tuần sau, thay vì đi ăn nhà hàng thì anh được cô mời tới nhà đãi cơm do cô nấu. Anh vừa bước vào nhà thì bị con chó chạy ra táp vào chân. Cô Huế liền nói : Không có răng mô. Anh Bắc Kỳ bị chó cắn chảy máu chân mà người yêu lại bảo con chó không có răng là làm sao. Mãi sau thì anh mới hiểu ‘không có răng mô’ là tiếng Huế đặc, có nghĩa là ‘không có sao đâu’. Từ hôm đó, anh Tư Bắc kỳ về nhà cố học tiếng Huế để hiểu cho đúng ý của người yêu.

Rồi anh H.O. xin hết chuyện. Cả làng vỗ tay râm ran khen câu chuyện hay. Bà cụ B.95 nghe xong chuyện này thì cũng thích nhưng vẫn muốn nghe chuyện cười từ thần tượng của cụ cơ, anh John ấy mà. Anh John tỏ vẻ như chưa sẵn sàng, cụ liền nhắc tuồng : Anh cứ kể chuyện học tiếng Việt, so sánh tiếng Việt với tiếng Mỹ, cũng đủ hay rồi. Anh John được cụ gợi hứng bèn xin kể : Cháu có 2 chuyện . Thứ nhất là chuyện cái tên VN chuyển sang tên Canada, như sau :

. Có 2 ông bạn kia tên là Phạm Vi và Phạm Thủ. Khi viết tên mình theo lối Canada là phải đảo ngược, Phạm Vi hoá ra ‘vi phạm’ và Phạm Thủ hoá ra ‘thủ phạm’, nghe kỳ quá, phải không các cụ ? Tôi đã gợi ý là hai ông nên chọn thêm tên Canada, ông Vi Phạm biến ra Vincent V. Phạm và Thủ Phạm biến ra Thomas T. Phạm. Bây giờ thì tên hai ông ngon lành và đẹp quá rồi, phải không cơ.

. Một gia đình kia có 3 anh em tên là Lý Cần, Lý Cẩn và Lý Cận. Sang tới Canada thì tên viết ngược và không có dấu. Cả ba anh em đều mang tên CAN LY. Nếu có người Canada gọi điện thoại đến nhà muốn xin nói chuyện với ông Can Ly thì mọi người lúng túng, không biết Can Ly là ông nào. Cuối cùng thì cả ba anh em đều phải chọn thêm tên Canada, Peter C. Ly, Paul C. Ly, Mike C. Ly. Bây giờ thì cả 3 anh em có tên rõ ràng, không còn lẫn lộn và lúng túng nữa.

Đó là chuyện thứ nhất. Còn đây là chuyện thứ hai liên hệ tới tiền bạc. Ở Bắc Mỹ này chúng ta có đồng tiền tên là đô la. Nhưng không phải lúc nào đồng tiền cũng gọi là đô la. Nó có nhiều tên khác nhau và rất chính xác, ví dụ :

- Tại nhà thờ hay chùa, tiền ta dâng cúng thì tên nó là donation

- Tại nhà trường, tên nó là fee, học phí,

- Trong hôn nhân, tên nó là dowry, của hồi môn

- Khi ly hôn, tên nó là alimony, tiền cấp dưỡng

- Khi vay ai, tên nó là debt, tiền nợ

- Khi đóng cho chính phủ, tên nó là tax, tiền thuế

- Ở tòa án, tên nó là fines, tiền phạt

- Khi hưu trí, tên nó là pension, hưu bổng

- Chủ nhân trả tiền cho nhân viên, tên nó là salary, tiền lương

- Tiền cho trẻ em, tên nó là allowance, phụ cấp nhi đồng

- Tiền vay ngân hàng , tên nó là loan , tiền nợ

- Tại nhà hàng, tiền thưởng cho người phục vụ, tên nó là tips

- Tiền phải đóng cho tên bắt cóc, đó là tiền ransom, tiền chuộc

- Tiền lấy lòng, tên nó là bribe, tiền hối lộ

Và câu kết của anh John, anh vừa cười vừa nói : Khi anh chồng lãnh lương về rồi nộp hết cho vợ thì tiền này gọi là DUTY, tiền nghĩa vụ .

Mọi người vỗ tay khen hay hết ý. Thấy cụ B.95 không hiểu lắm về các tên tiếng Anh nên anh xin kể đền cho cụ một chuyện cũng liên hệ tới tiền. Rằng có cặp vợ chồng xồn xồn kia, họ lấy nhau đã ngoài 20 năm. Một hôm bà vợ có ý trêu chồng nên hỏi :

- Anh là người nghiện bia. Vậy mỗi ngày anh uống bao nhiêu ly ?

- 3 ly.

- Mỗi ly anh trả bao nhiêu tiền ?

- 5 đồng, vừa tiền bia vừa tiền tip.

- Như vậy một tháng anh tiêu cho bia 450 đồng, một năm 5400 đồng, và 20 năm qua anh đã tiêu hết 108.000 đồng. Nếu anh để dành số tiền này trong ngân hàng, và với tiền lời, thì bây giờ anh có thể mua một cái máy bay.

Nghe đến đây, anh chồng cười hà hà rồi hỏi lại vợ :

- Thế em có uống bia không ?

- Không bao giờ !

- Thế bây giờ máy bay của em đâu ?

Phe liền ông trong làng nghe đến đây thì thích quá, vỗ tay ào ào. Phe các bà bị các ông trêu, không đáp lại được, bèn quay vào cụ Chánh tiên chỉ làng xin cứu.

Cụ Chánh bèn cười rồi nói : Các bà đừng buồn, bữa nay phe liền ông chúng tôi được ăn cơn Huế và uống bia ngon quá nên sung sướng quay ra chọc các bà chút xíu mà thôi. Nãy giờ lão thấy bác ODP im lặng lâu quá, xin bác ODP mở lời coi.

Ông ODP liền lên tiếng. Rằng từ khi sống ở Saigon, tôi được nghe chuyện một ông lãnh binh có 5 vợ nức tiếng ở đây. Đố các bạn biết ông lãnh binh nổi tiếng này tên là gì và 5 bà vợ cũng nổi tiếng này là ai ?

Cả làng chịu thua, ngay cả Chị Ba là người Saigon cũng chịu thua. Ông ODP liền cười ha ha rồi nói : Ban đầu nghe việc này tôi thấy hay mà hỏi thì chẳng ai biết, tôi bèn tìm sách vở nghiên cứu. Sách của Cụ Trương Vĩnh Ký đã cho tôi câu trả lời rất rõ ràng và chính xác. Ông lãnh binh đây tên là Nguyễn Ngọc Thăng ( 1798-1866) là một võ tướng nổi tiếng triều Vua Tự Đức. Ông thuộc giới cách mạng chống Pháp đầu tiên ở Nam Kỳ. Ông quê ở tỉnh Bến Tre, từng tham dự các trận đánh Pháp ở đồn Cây Mai, ở Thủ Thiêm khi quân Pháp chiếm thành Gia Định. Ông nổi tiếng với trận Mù U làm quân Pháp thiệt hại rất nặng. Năm 1866 ông tử trận ở Gò Công, được đem về an táng tại quê nhà. Hiện ông được thờ tại đình Nhơn Hòa, quận I Saigon. Một cây cầu mang tên Cầu Ông Lãnh, ban đầu do chính ông xây. Ông có 5 bà vợ mang tên Bà Chiểu, Bà Hạt, Bà Điểm, Bà Quẹo và Bà Hom, mỗi bà trông coi một cơ sở ở một địa điểm xa nhau. Chợ Bà Chiểu lâu đời nhất ở Saigon. Chợ Bà Điểm ở huyện Hóc Môn với 18 thôn vườn trầu nổi tiếng. Chợ Bà Quẹo nổi tiếng về việc mua nông sản ở các miền lân cận. Chợ Bà Hom do việc buôn bán bàu ngâm hom tre. Rồi ông ODP xin hết chuyện. Chị Ba Biên Hòa liền vái ông ba vái và nói : Em là người địa phương mà không rành chuyện bằng bác. Xin bái phục.

Ông ODP từ tốn đáp ngay : Đó không phải là tôi nói mà là sách nói. Cái gì không biết thì tôi tìm trong sách, xưa là sách giấy, bây giờ là sách mạng. Nhiều thứ hay lắm. Như gần đây tôi may mắn đọc được một cuốn sách cai nghiện thần diệu. Tin thời sự cho biết là bắt đầu từ tháng 8 sang năm, Canada cho phép xử dụng cần sa. Tôi lo quá vì từ cần sa sang ma túy rất gần. Từ tự do xử dụng cho tới lúc nghiện không bao xa. Mà đã nghiện là tàn đời. Khi cơn nghiện đến thì người nghiện sẽ làm bất cứ hành động gì cho có tiền mua ma túy, như ăn cắp, cướp của, tống tiền, giết người. Cuốn sách tôi vừa đọc đã chỉ cho những người nghiện một toa thuốc chữa lành thần diệu. Đó là cuốn’ Những Cuộc Đời Đưọc Biến Đổi’, tác giả Nguyễn Đặng Thu Vân, do Mục Vụ Phục Hồi VCRM xuất bản. Nội dung cuốn sách là 7 bài do chính những người đã tuyệt vọng vì bị nạn nghiện tàn phá nay đã hết bệnh nhờ vào quyền năng biến đổi của Chúa Giê-xu. Bảy bài do chính các nạn nhân tự thuật. Cuối sách có những hình ảnh chứng minh. Độc giả có thể hỏi tin và hỏi mua sách qua Mục Sư Hồ Bình Minh, email : binhminh@sympatico. ca , và cell : (416) 833-9904.

Những chuyện hồi phục thành công trong sách làm tôi nhớ ngay tới lời một linh mục già ở VN ngày xưa, vị này đạo đức như Cha Thánh Gioan Vienney xứ Ars bên Pháp. Cha già này dạy tôi một câu mà tôi nhớ đời :

Có Chúa mọi sự mọi xong

Không Chúa, long đong suốt đời !

Xin giới thiệu cuốn sách qúy này tới những ai muốn cai nghiện hay muốn giúp thân nhân đang nghiện.

Trà Lũ

Lời NXB : Kho sách của Trà Lũ hiện chỉ còn 3 cuốn : 300 cười, 400 cười và cuốn chuyện phiếm ĐấtQuêHương2 đầy tiếng cười, giá 3 cuốn là 65 mỹ kim gồm tiền sách và bưu phí.. Bạn đọc muốn mua xin liên lạc petertralu@gmail.com.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bay Trong Trời Xanh
Nguyễn Đức Cung
08:34 16/09/2017
BAY TRONG TRỜI XANH
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
Con chim có cánh thì bay
Con người không cánh mà bay mới..kền
(nđc)