Ngày 15-09-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Một nỗi buồn thánh, một nỗi buồn Thiên đàng
Lm Minh Anh
00:26 15/09/2020

MỘT NỖI BUỒN THÁNH, MỘT NỖI BUỒN THIÊN ĐÀNG

“Về phần Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà,
để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ”.

Kính thưa Anh Chị em,

Ngay sau lễ Suy Tôn Thánh Giá, Giáo Hội cử hành lễ Mẹ Sầu Bi, một lễ sâu sắc với nhiều ý nghĩa và rất thực. Cùng với Đức Mẹ,hôm nay, chúng ta đi vào nỗi buồn sâu xa của trái tim ngài, để hiểu ngài, để yêu ngài; từ đó, cũng để cho tâm tư của tâm hồn mình được biểu lộ.

Với các mầu nhiệm Vui, Thương, Mừng, Sáng, của chuỗi Mân Côi, đã bao lần, chúng ta ngắm nhìn Đức Mẹ qua những tâm tình của ngài; thế nhưng, chưa bao giờ chúng ta nghenói đến việc Đức Mẹ buồn. Thế mà những gì cụ già trong đền thờ tiên báo về Chúa Giêsu, “mục tiêu cho người ta chống đối” là một thực tế rất buồn. Thực tế này được Đức Mẹ ghi đậm trong lòng một cách sâu sắc; và hẳn trên bước đường rao giảng của Con, Mẹ đã chứng kiến sự chống đối người ta dành cho Ngài thế nào và đỉnh điểm là cái chết của Con trên thập giá. Vì thế, đã yêu con, Đức Mẹ càng yêu Con nhiều hơn; Mẹ yêu Chúa Giêsu bằng tình yêu trọn vẹn của một người mẹ, và thật thú vị, chính tình yêu trọn vẹn này lại trở nên nguồn gốc của một nỗi đau tâm hồn và một nỗi buồn linh thánh sâu thẳm. Tình yêu của Mẹ đã kéo Mẹ hiện diện can trường với Con trong những khổ đau cùng tột dưới chân thập giá và vì lý do đó, như Con đã chịu đựng bao nhiêu,Mẹ cũng phải chịu đựng bấy nhiêu.

Thư Do Thái hôm nay viết, “Dẫu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu”. Chúa Giêsu đã vâng phục để làm con của Mẹ; Mẹ vâng phục để làm Mẹ của Giêsu. Vì thế, nỗi đau của Chúa là nỗi đau của Mẹ, lưỡi gươm đâm thấu tim Chúa cũng là lưỡi gươmđâm thâu tim Mẹ; Mẹ đã học vâng phục đến cùng khi được hiệp thông với sự vâng phục của Con.

Vậy mànỗi đau của Mẹ Maria không phải là nỗi đau của tuyệt vọng, nhưng là nỗi đau của tình yêu, nỗi đau của hiệp thông cứu độ; nỗi buồn của Mẹ Maria không phải là một nỗi buồnnhân thế, nhưng là một nỗi buồn thánh, nỗi buồn của thiên đàng.Không như bao nỗi buồn khác, nỗi buồn của Mẹ, đúng hơn, là một sự chia sẻ sâu sắc về tất cả những gì Con mình phải chịu. Trái tim Mẹ đã hoàn toàn hiệp nhất với trái tim của Con, do đó, Mẹ đã chịu đựng tất cả những gì Con chịu đựng và điều Chúa Con chịu đựng lớn lao nhất chính là tội lỗi của nhân loại, đây là sự chịu đựng của một tình yêu đích thực ở một mức độ sâu sắc nhất, đẹp đẽ nhất.

Hôm nay, khi kính nhớMẹSầu Bi, chúng ta được mời gọi sống hiệp nhất với nỗi buồn của Mẹvà của Chúa Giêsu, nỗi buồn do tội lỗi thế giới gây ra. Những tội lỗi đó bao hàm tội lỗi của chúng ta, là những gì đã đóng đinh Con chí ái của Mẹ vào thập giá. Chúng ta đau buồn vì tội lỗi; trước hết, tội lỗi của chính mình; sau đó, tội lỗi của người khác. Nhưng một điều quan trọng cần biết là, nỗi buồn chúng ta trải qua vì tội lỗi cũng là nỗi buồn của tình yêu; một nỗi buồn thánh, mà cuối cùng, thúc đẩy và nhen lên nơi chúng ta một sự cảm thương, một lòng trắc ẩn cũng như một ước muốn hiệp nhất sâu sắc hơn với những anh chị em chung quanh mình, đặc biệt với những người đang thương tổn, những người đang vướng vào tội lỗi. Nỗi buồn đó cũng thúc đẩy chúng ta từ bỏ tội lỗi của chính mình và đó là sự biểu lộ tâm tư đẹp đẽ nhất, đúng đắn nhất và đáng ước mong nhất.

Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Thuận nói, “Con trào trào nước mắt, đến với Mẹ, ‘Đức Bà an ủi kẻ âu lo’; con đau khổ ê chề, đến với Mẹ, ‘Đức Bà phù hộ các giáo hữu”; con tội lỗi ngã sa, đến với Mẹ, ‘Đức Bà bầu chữa kẻ có tội’ và chính con, sẽ trở thành một Maria khác, để đón tiếp mọi người đến trú ẩn và cũng như Mẹ, con sẽ là ‘nguồn sức sống, nguồn an vui, nguồn hy vọng’ của anh em con”.

Anh Chị em,

Chiêm ngắm nỗi buồn thánh nơi Đức Mẹ, chúng ta ước ao một nỗi buồn thánh trong lòng mình; nỗi buồn do tội của mình, tội của anh em. Đó là điều Chúa muốn tâm tư mỗi người được tỏ lộ.Hiệp thông với nỗi buồn thánh của Mẹ, chúng ta được mời gọi dâng hy tế đời mình mỗi ngày cùng với Đức Kitô trong thánh lễ; nhờ Ngài, dâng lên Thiên Chúa Cha hiến lễ tạ ơn thay cho nhân loại.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con cảm nhận được một nỗi buồn thánh như nỗi buồn của Đức Mẹ; nhờ đó, con biết run sợ cho linh hồn con trước tội lỗi và từ đó, lòng trắc ẩn và thương cảm của con đối với anh chị em con ngày càng trở nên sâu sắc hơn”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Thi ca suy niệm Chúa Nhật tuần 25A thường niên
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
08:46 15/09/2020
CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN. A
(Mt. 20:1-16)
CÔNG BẰNG.


Dụ ngôn làm việc vườn nho,
Người thuê lao động, phát cho lương ngày.
Đồng lòng lợi tức hôm nay,
Ra vườn từ sáng, hăng say việc làm.
Nhiều người thất nghiệp khổ cam,
Không ai thuê mướn, hãm giam đợi chờ.
Ngóng tin sốt ruột hững hờ,
Chủ thương gọi tới, giúp nhờ việc đây.
Khoảng giờ thứ sáu hôm nay,
Giờ ba, giờ chín, gọi ngay ra đồng.
Vui mừng có việc ngóng trông,
Thù lao tùy chủ, trả công gọi mời.
Một đồng lương trả từng người,
Người sau, kẻ trước, xin mời lãnh công.
Số người từ sớm kể công,
Chúng tôi vất vả, mà không hơn gì.
Chủ rằng đồng ý đã ghi,
Chúng ta thỏa thuận, cầm đi số tiền.
Công bằng đối xử trước tiên,
Rộng lòng quảng đại, nhân hiền có sao.

Trong bài Phúc Âm đã kể rằng chủ vườn nho mướn những người làm việc được trả lương theo thỏa thuận. Xem ra rất công bằng. Nhưng truyện xảy ra, có những người làm ít mà lại được hưởng nhiều, đã gây nên sự ghen tương chành cạnh. Những người đến sau, làm có mấy giờ mà cũng được hưởng lương đồng đều như những người vất vả từ sáng sớm. Thật là khó chịu với cách đối xử của ông chủ. Ông chủ đã trả lương cho các người làm công theo cách thế của riêng ông với sự đại lượng từ bi.

Làm việc là cộng tác vào công trình sáng tạo của Chúa. Chúa ban cho mỗi người khả năng riêng biệt để cùng nhau góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp. Ai trong chúng ta cũng cần có công ăn việc làm. Làm việc để phát triển khả năng. Làm việc để kiếm sống. Có những người may mắn, làm ít mà hưởng nhiều. Có những người cầy sâu cuốc bẫm, làm việc cực nhọc vất vả, đổ mồ hôi, sối nước mắt mới có của ăn. Hằng ngày họ chạy lo kiếm công ăn việc làm, không có việc kể như không có của ăn.

Suy lại cuộc đời, chúng ta vào làm vườn nho của Chúa đã lâu. Chúng ta đã được những gì? Có lẽ chúng ta đã nhận lãnh vô vàn ân huệ. Còn có những người vừa mới vào làm vườn nho, mới gia nhập đạo, họ cũng được thừa hưởng những ân lộc như chúng ta, đôi khi còn có hơn nữa, chúng ta có ghen tị không?

Làm việc trong vườn nho của Chúa đã là một ân phúc. Điều quan trọng không phải làm nhiều giờ hay ít giờ, mà làm việc với lòng mến hay không? Đừng ngồi đó kể lể rằng: Tôi là đạo gốc ba bốn đời. Tôi đáng được hưởng những đặc quyền hơn những người khác. Điều so sánh này không ích lợi gì cả. Mỗi người được lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội là được mời vào làm vườn nho. Thời gian dài ngắn không quan trọng, tùy thuộc chúng ta thi hành với lòng bác ái và yêu thương. Mọi ân huệ đều là ơn sủng nhưng không mà Chúa đã ban. Chúa rộng lượng ban đầy dư hơn là chúng ta đáng được.

Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa cho chúng ta được làm trong Vườn Nho của Chúa.

THỨ HAI, TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN
(Lc 8, 16-18).
ÁNH SÁNG


Thắp đèn trên giá soi chung,
Tỏa lan ánh sáng, khắp vùng tối tăm.
Chúa là sự sáng muôn năm,
Chiếu soi tỏa sáng, viếng thăm loài người.
Không gì kín nhiệm ở đời,
Mà không tỏ lộ, giữa nơi phố phường.
Không gì ẩn dấu náu nương,
Khơi ra ánh sáng, tứ phương rõ ràng.
Ai có sẽ được trao ban,
Lập thân công đức, tràn lan sống đời.
Tưởng mình có sẵn mọi thời,
Lấy đi mất trắng, của hời dối gian.
Các con ánh sáng trần gian,
Nêu gương đức ái, xua tan bóng sầu.
Thiên cung chiếu sáng nhiệm mầu,
Chứng nhân gương mẫu, hàng đầu rạng soi.

THỨ BA, TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN
(Lc 8, 19-21).
THI HÀNH


Anh em với mẹ tới thăm,
Đám đông chen lấn, chuyên chăm nghe Lời.
Nhắn tin thông báo đôi lời,
Bà con đứng đó, xin mời Chúa ra.
Chúa rằng ai đó mẹ Ta,
Mọi người có mặt, cũng là anh em.
Đoàn dân hãy đến mà xem,
Thực hành lời Chúa, giữ kèm luật yêu.
Gia đình của Chúa bao nhiêu,
Kết thành Nhiệm Thể, cao siêu Nước Trời.
Thiện nam tín nữ gọi mời,
Tôn thờ Thiên Chúa, Ngôi Lời Chúa Con,
Thần Linh ân sủng sắt son,
Ba Ngôi một Chúa, vuông tròn kính tin.
Nguyện cầu khấn vái van xin,
Yêu thương tha thứ, muôn nghìn phúc ân.

THỨ TƯ, TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN
(Lc 9, 1-6).
PHÓ THÁC


Tông đồ Chúa gọi trao ban,
Quyền năng sức mạnh, phá tan xích xiềng.
Tâm thần bệnh hoạn thiêng liêng,
Chữa lành thân xác, mọi miền truyền rao.
Xua trừ ma quỷ tự hào,
Cứu người chữa bệnh, biết bao sự lành.
Vâng lời cất bước thực hành,
Không mang bao bị, tranh dành hơn thua.
Không tiền không bạc không mua,
Tin Mừng rao giảng, trong mùa hồng ân.
Bình an thần trí vọng ngân,
Ăn năn sám hối, canh tân cuộc đời.
Nơi nào đón tiếp kêu mời,
Yêu thương lưu lại, dậy khơi lòng người.
Thành tâm mở cửa Nước Trời.
Loan truyền rảo khắp, mọi nơi chúc lành.

THỨ NĂM, TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN
(Lc 9, 7-9).
TỰ VẤN


Hê-rô-đê mãi phân vân,
Giê-su cao cả, thần dân kính thờ.
Suy đi nghĩ lại lờ mờ,
Đa nghi tính toán, vật vờ không yên.
Nhiều người kháo láo huyên thuyên,
Gio-an sống lại, như tiên xuống trần.
Có người suy đoán thần nhân,
Ê-li-a đến, canh tân lòng người.
Tiên tri sống lại vào đời,
Thuở xưa đã đến, một thời ân ban.
Vua quan thắc mắc hỏi han,
Hê-rô-đê nói, Gio-an chém đầu.
Ông này quyền phép bởi đâu,
Mong tìm gặp gỡ, ngõ hầu thực hư.
Yêu thương Chúa rất nhân từ,
Ban ơn đại phúc, tràn dư bởi trời.

THỨ SÁU, TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN
(Lc 9, 18-22).
CON NGƯỜI


Chúa thường cầu nguyện mọi nơi,
Cha Con liên kết, Ngôi Lời dấu yêu.
Nhiệm mầu Thiên Chúa huyền siêu,
Môn đồ chưa tỏ, nhiều điều quanh đây.
Giê-su muốn họ trình bầy,
Người ta suy tưởng, nghĩ Thầy là ai?
Gio-an Tẩy Giả thiên sai,
Ê-li-a đến, trên ngai từ trời.
Tiên tri xuất hiện trong đời,
Thuở xưa tái hiện, cao vời thánh ân.
Yêu thương cảm mến ân cần,
Tông đồ theo Chúa, sống gần ngay bên.
Trí lòng mạc khải ơn trên,
Là ai? Thầy hỏi, con nên trả lời.
Phê-rô đại diện đáp lời,
Ki-tô Đấng Thánh, cứu đời độ nhân.

THỨ BẢY, TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN
(Lc 9, 44b-45).
ĐAU KHỔ


Mọi người thán phục xưng tôn,
Thực hành dấu lạ, cứu hồn thế nhân.
Vinh quang tỏa chiếu nhân trần,
Con đường cứu chuộc, thanh bần hy sinh.
Giê-su phục vụ hết mình,
Yêu thương tha thứ, thập hình khổ đau.
Người đời toa rập với nhau,
Ghen tương thù ghét, trước sau cứng lòng.
Cứng đầu cứng cổ suy vong,
Tà tâm phản phúc, lưỡi đòng đâm thâu.
Xác thân đòn đánh hằn sâu,
Tử hình thập giá, thảm sầu vì yêu.
Tình yêu của Chúa cao siêu,
Nhiệm mầu hy tế, ban nhiều ân thiêng.
Chương trình của Chúa linh thiêng,
Hiến thân cứu độ, tội khiên xóa nhòa.
 
Lễ Mẹ Sầu Bi –2020 : Huyền Thoại Thanh Gươm Và Mẹ Đứng
LM. Trương Đình Hiền
11:37 15/09/2020
Trong Ca nhập lễ của lễ Đức Mẹ Sầu bi Giáo Hội mượn lời của ông Simêon để nhấn mạnh cũng như gồm tóm những đau khổ mà Đức Mẹ phải trải qua rong cuộc đời “XIN VÂNG” của mình để góp phần vào công trình cứu độ của Chúa Con: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà”.

Hình ảnh “một lưỡi gươm đâm thấu con tim” đã vẽ lên một nỗi đau xé lòng, một vết thương đầy oan nghiệt.

Tuy nhiên, “lưỡi gươm” trong trích đoạn Tin Mừng Luca trong sự kiện “Đức Mẹ dâng con” hình như muốn chuyển tải cho chúng ta một ý nghĩa khác đầy oai hùng, khí phách, mà quan niệm Á Đông-Việt Nam vẫn thường nhắc đến:

Thù trả chưa xong đầu đã bạc

Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày (Cảm hoài của Đặng Dung, Nguyễn Bính dịch sang quốc ngữ).

Chín lần gươm báu trao tay

Nửa đêm truyền hịch đợi ngày xuất chinh. (Chinh phụ ngâm - bản dịch Đặng Trần Côn)

Trông vời trời bể mênh mang

Thanh gươm yên ngựa lên đàng thẳng rong. (Truyện Kiều của Nguyễn Du)

Từ độ mang gươm đi mở cõi

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long. (Nhớ Bắc của Huỳnh Văn Nghệ)…

Sống lãng mạn bốn nghìn năm sừng sững

Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa. (Đi trên mảnh đất này của Huy Cận)[1]


Thật vậy, lời tiên báo “đầy oan nghiệt” nầy về cuộc đời của Mẹ đã xảy ra trong một biến cố có thể nói được là một “cột mốc” quan trọng trong việc thực hiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa: biến cố Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong đền thánh. Vâng, chính trong sự kiện đặc biệt nầy, cùng với “lưỡi gươm đâm thấu” đã xuất hiện niềm hy vọng về “ánh sáng cứu độ”; niềm hy vọng mà Thiên Chúa đã thắp lên trong lịch sử của Dân Chúa suốt bao ngàn năm, nay đã bắt đầu hiện thực: “Vì chính mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường ch dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài” (Lc 2,30-32).

Như vậy, chúng ta có thể nói được rằng, đi liền với “lưỡi gươm đâm thâu”, đã bừng lên “ánh quang cứu độ”. Nói cách khác, trong “chân trời cuối độ của Thiên Chúa”, “cặp đôi” lưỡi gươm mang “dấu vết của Thập giá khổ nạn” và ánh sáng mang “niềm hy vọng cứu độ Phục sinh” luôn song hành hoặc “kẻ trước người sau” liền lạc, như câu tục ngữ truyền thống của Giáo Hội: PER CRUCEM AD LUCEM (NHỜ THẬP GIÁ ĐẾN CÙNG ÁNH SÁNG).

Cho nên, ý nghĩa thâm sâu của mầu nhiệm “Sầu Bi” của Đức Mẹ không là một dừng lại ở một thứ tình cảm sướt mướt, ẻo lả, nhưng luôn hướng đến sự kiên cường, mạnh mẽ của tín trung và vâng phục trọn hảo thánh ý Chúa như Hiến Chế Giáo Hội khẳng quyết: “Đức Trinh Nữ đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, trung thành hợp nhất với Con cho đến tận bên chân Thập giá, Mẹ đã đứng đó theo như ý định của Thiên Chúa (x. Ga 19,25), sẵn sàng cùng chịu đau khổ với người Con một và dự phần vào hy lễ của Con với cả tấm lòng hiền mẫu…” (GH 58).

Chúng ta cũng dễ dàng nhận ra ý nghĩa đó qua trích đoạn thư gởi tín hữu Do Thái (Bđ 1). Quả thật, Lời Chúa trong đoạn văn ngắn ngủi nầy đã một lần nữa cho chúng ta thấy mối tương quan giữa đau khổ và chiến thắng, giữa thập giá và phục sinh: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người”.

Những lời trên hoàn toàn có thể áp dụng cho Đức Trinh Nữ Maria, Đấng mà ngày Truyền Tin, đã đánh cược cuộc đời mình trong hai tiếng “XIN VÂNG” khi trả lời cho thiên sứ Gabriel; và sau tiếng “Xin Vâng” đó là cả một cuộc đời “trải qua nhiều đau khổ để học biết thế nào là vâng phục”; và như thế, cũng như Người Con đã “trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho những ai tùng phục Người”, thì Đức Mẹ xứng đáng nhận được lời chúc tụng là Đấng “Đầy ơn phúc” (như lời của sứ thần Gabriel) hay “Em được chúc phúc giữa các người phụ nữ” của người chị họ Isave !

Chắc chắn, vì cảm nhận được ý nghĩa thâm sâu đầy hy vọng nầy của mầu nhiệm “Sầu Bi” mà nhà điêu khắc vĩ đại của thời phục hưng – Michelangelo (1475-1564) đã thực hiện một kiệt tác là pho tượng mang tên PIETA (Đức Mẹ SẦU BI) được long trọng đặt tại Đại Thánh Đường Phêrô tại Rôma. Thật vậy, toàn thể thần thái của Đức Mẹ và Chúa Giêsu qua bức tượng mang chủ đề “Phần 6” trong “Bảy sự thương khó”: Đức Mẹ ĐÓN NHẬN XÁC CON, đều toát lên một sự thanh thản, dịu dàng, trong sáng, ẩn chứa niềm hy vọng phục sinh.

Sứ điệp của ngày lễ “Mẹ Sầu Bi” còn muốn nói với chúng ta răng: qua những chỉ dẫn của Tin Mừng, chúng ta không chỉ tìm thấy “1 lần Đức Mẹ sầu bi” mà là “7 lần Đức Mẹ đón nhận thương khó”: 3 sự thương khó xuất hiện trong mầu nhiệm Nhập Thể (Giáng Sinh-Ẩn dật): Lời tiên báo của Simêon, trốn sang Ai Cập và Lạc mất Chúa trong đền thờ; 4 sự thương khó diễn ra trong mầu nhiệm Tử nạn: Theo chân Con trên đường khổ giá, đứng dưới chân thập giá, đón nhận xác Con và An táng Con trong mộ đá.

Cho dù Tin mừng hôm nay chỉ nhắc tới “sự thứ 5”: Đức Mẹ dưới chân thánh giá, thì chúng ta cũng có thể qua đó để thấy Đức Mẹ thuộc trọn về Con mình, nhất là, thuộc trọn về Con trong mầu nhiệm Cứu độ, trong “Giờ Hiến Tế và Tôn Vinh của Con”, trong việc đón nhận, tin tưởng và thực thi Thánh ý Chúa, đón nhận “GIỜ” của Đức Kitô từ Nhập Thể tới Tử nạn-Phục sinh: “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi” (Mc 3,35).

Phải chăng cũng trong ý nghĩa thâm sâu đó mà trong Tin Mừng Gioan, Đức Mẹ chỉ xuất hiện hai lần: Lần thứ nhất trong “Tiệc cưới Cana” (Ga 2,1-12) và lần thứ hai “dưới chân thập giá” (Ga 19,25-27); và cả “hai lần nầy”, đều liên quan tới cái “GIỜ” của Đức Kitô, “Giờ Con Người được tôn vinh”, Giờ hiến tế của thập giá. (x. HIỀN LÂM, Mẹ đứng – Stabat Mater)[2]

Hơn nữa, khi trao Mẹ cho Thánh Gioan và trao Gioan cho Mẹ, Chúa Giêsu còn nói với chúng ta và ngàn muôn thế hệ Dân Chúa, Đức Mẹ mãi mãi giữ một vai trò quan trọng không thể thiếu trên cuộc lữ hành của Dân Chúa tiến về quê hương vĩnh cửu, một cuộc lữ hành mà “thanh gươm của bách hại”, tử đạo, oán ghét, loại trừ…chưa bao giờ vắng bóng !

Vì thế, “lưỡi gươm đâm thâu tâm hồn Mẹ” cùng với tiếng “Xin vâng” mãi mãi sẽ là hành trang cho tất cả những ai dấn thân vào sứ vụ tông đồ. Tuy nhiên, chúng ta đừng quên, đằng sau thanh gươm đó luôn thấp thoáng vẽ đẹp rạng ngời lung linh của ánh lửa, lửa của Thánh Thần, lửa của “ánh sáng phục sinh”, lửa của tình yêu cứu độ chiến thắng trên bóng tối của nền văn minh sự chết, như cách diễn tả trong đoạn cuối của bài thơ “THANH GƯƠM VÀ ÁNH LỬA”:

Vâng, cuộc đời của chúng ta,
Của những ai đã một lần
Gặp gỡ Đức Kitô trên vạn nẻo đường xuôi ngược,
Nhất là của những con người,
đã quyết chọn sống (tu trì…tông đồ…) và dấn thân tiến bước,
Làm chứng tình yêu và thắp sáng u minh.
Thì mãi mãi mang theo hành trang bên mình,
thanh gươm báu chữ tình

để chịu đâm thâu và kiên trung chiến đấu,

với ngọn lửa Thánh Linh nóng bừng hồn hậu,

để rạng ngời soi dấu bước lên đường.

Vâng, thanh gươm và ánh lửa yêu thương,

Cho chị, cho anh và cho chúng ta hết thảy !

Simêon, Anna, Giuse, Maria…không trừ ai cả,

những con người,

đã một lần “thấy ánh quang cứu độ” bừng lên !

Vâng, trong khi thế giới đang bị bao phủ bởi bóng tối của sự chết, đồi Canvê xưa hay hôm nay đang như vắng bóng Thiên Chúa, thì vẫn còn đó, “sừng sững dưới chân thập giá” bóng hình của một Đấng được “rợp bóng Thánh Thần” để làm chứng cho tình yêu và sự chiến thắng của ơn cứu độ. Hình ảnh “Mẹ đứng – Stabat Mater” mãi mãi là hình ảnh của mỗi người môn đệ Chúa Giêsu hôm nay.


LM. Trương Đình Hiền





[1] TRẦM NGƯ, Luận về đao kiếm trong thơ. Nguồn:

http://antgct.cand.com.vn/Nhan-dam/Luan-ve-dao-kiem-o-trong-tho-315059/

[2] HIỀN LÂM, Mẹ đứng – Stabat Mater. Nguồn: Trang mạng của Dòng Xito Thánh Gia: http://hoidongxitothanhgia.com/than-hoc/15-09-me-dung-stabat-mater-1915.html
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:11 15/09/2020

21. Giữ chay và khắc chế mình là binh khí để hộ thân, có thể chận đứng những tấn công của ma quỷ.

(Thánh Ambrosius)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:15 15/09/2020
27. NHÌN CÁ MÀ ĂN CƠM

Hai anh em xới xong cơm liền hỏi ông bố:

- “Bố à, gắp món gì để ăn với cơm?”

Ông bố lấy tay chỉ con cá mắm treo trên đầu bàn cơm nói:

- “Tụi bây nhìn nó một cái rồi và một miếng cơm !”

Đột nhiên đứa em kêu lên:

- “Anh hai nhìn hai lần luôn.”

Ông bố trợn mắt nhìn đứa anh rồi an ủi đứa em:

- “Cho nó ăn mặn chết luôn !”

(Tinh tuyển nhã tiếu)

Suy tư 27:

Thời đại văn minh ngày nay người ta có lối học gọi là phương thức hàm thụ, hay nói cách phổ thông hơn là “đào tạo từ xa”, tức là sinh viên lấy bài về nhà làm bài nghiên cứu, hoặc nghe chương trình dạy học trên truyền hình hoặc radio để học bài, phương pháp này có cái ưu là ai không có giờ đến trường thì có thể học, nhưng cái khuyết thì nhiều hơn, đó là chất lượng...

Dạy con khi ăn cơm nhìn lên con cá mắm để ăn cơm tưởng tượng, thì cũng có thể nói được là “ăn hàm thụ” hoặc là “ăn từ xa”, mà ăn kiểu ấy thì không bao giờ no được.

Có một vài người Ki-tô hữu vì làm biếng đến nhà thờ, vì lo buôn bán làm ăn, vì bận mánh mung nên nại những lý do ấy để không đến nhà thờ, họ nói với cha sở là “có Chúa trong mình rồi, cần gì phải đến nhà thờ nữa...”, họ đang ăn Mình Thánh Chúa hàm thụ, họ ăn uống tiệc thánh từ xa, những người này chất lượng thánh thiện và làm chứng nhân cho Tin Mừng thì không có bao nhiêu, bởi vì cứ đến ngày chúa nhật hay lễ trọng, thì họ lại dự thánh lễ hàm thụ trên giường, họ dự thánh lễ từ xa nơi các quán nhậu hoặc nhà hàng karaoke...

Con người ta thường “xả láng” với bản thân nhưng lại hay tính toán với người khác và tính toán chi li với Thiên Chúa, họ có sáu ngày dành cho mình, nhưng một giờ dành cho Thiên Chúa ngày chúa nhật cũng bị tính toán, những người hay tính toán với Thiên Chúa thường là người thích “ăn hàm thụ”, thích “ăn từ xa”, cho nên không lạ gì họ coi việc rước lễ còn thua kém hơn bữa nhậu của họ trong ngày chúa nhật hoặc những ngày lễ trọng.

Ăn hàm thụ thì không bao giờ no được, chỉ càng làm cho linh hồn ngày càng đói mà đói đến chết đời đời mà thôi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Lòng tốt
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
20:29 15/09/2020
Chúa Nhật 25 Thường Niên A

LÒNG TỐT

Người ta thường nói rằng: “Lòng tốt là thứ mà người điếc có thể nghe và người mù có thể thấy”. Bởi vậy hãy bắt đầu làm điều tốt lành cho ai đó xung quanh mình, bạn sẽ thấy điều đó ở khắp nơi. Hương thơm của lòng tốt lan tỏa rất xa. Hương vị của lòng tốt chan hòa trong một cuộc sống an lành. Không cần “khắc cốt” những gì mình đã trao đi, nhưng cần “ghi tâm” những gì mình được nhận từ những người khác, đó là điều thật đáng quý.

Tin mừng hôm nay kể về Dụ ngôn “thợ làm vườn nho”. Ông chủ vườn nho 5 lần trong ngày đi kiếm người làm vườn vào những thời điểm khác nhau, cuối ngày ông trả tiền công cho mỗi người 1 đồng. Ý nghĩa dụ ngôn diễn tả lòng tốt của Thiên Chúa. Lòng tốt vượt trên lẽ công bình. Thiên Chúa kêu gọi mọi người vào hưởng hạnh phúc là do lòng nhân hậu của Ngài.



“Quả thế, về Nước Trời thì cũng như một gia chủ kia, ngay vừa tảng sáng, đã ra thuê thợ cho vườn nho của ông...”. Giữa một “chợ người” ít việc nhiều người, các ông chủ ra thuê thợ làm việc và trả công nhật. Chúa Giêsu quan sát và lấy hình ảnh cụ thể này ở Do thái để mạc khải mầu nhiệm Nước Trời. Người kể dụ ngôn ông chủ vườn nho với các thợ làm việc các giờ khác nhau trong ngày.Tiền công nhật là 1 đồng, giá thỏa thuận đôi bên.Gia chủ thuê thợ làm vườn nho vào các giờ giấc khác nhau.

Những người được vào làm vườn nho trước nhất: “Sau khi đã thỏa thuận với họ là mỗi ngày một đồng, ông sai họ vào vườn nho làm việc”. Đây là sự công bằng.

Những người được vào làm vườn nho sau hết. Họ muốn có việc làm, họ đứng đợi từ sáng sớm. Khi nghe ông chủ nói: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho”, họ rất đỗi vui mừng, vội vàng đi làm việc mà không có thỏa thuận. Đây là tình thương do lòng tốt của ông chủ.

Theo lệ thường, công nhật sẽ chấm dứt lúc 12 giờ tức là 6 giờ chiều. Vậy mà lúc 5 giờ chiều ông chủ còn ra thuê nhân công. Những người làm từ giờ 11, họ chỉ làm việc 1 giờ là nghĩ. Trong khi đó người làm từ sáng, lao động cả ngày. Vậy mà cuối ngày khi trả lương, ông chủ lại trả bắt đầu từ người sau hết là 1 đồng. Những người làm trước tưởng là được nhiều hơn, nhưng cũng chỉ 1 đồng mà thôi. Họ phản đối, họ trách móc vì họ bị hai thiệt thòi: kẻ khác làm 1 giờ mà họ 12 giờ, kẻ khác làm lúc trời mát mẻ, họ làm cả ngày dưới trời nắng nóng. Họ càm ràm với chủ. Nếu ông chủ trả lương cho người làm sau ít hơn, chắc họ chẳng hề tỏ vẻ khó chịu. Nếu họ không hay biết số tiền mà ông chủ trả cho người làm sau chắc là họ vui vẻ và biết ơn khi trở về nhà. Nhưng vì biết được nên họ giận dữ và ghen tị. Rõ ràng người ghen tị không vui được với người vui, bởi lẽ họ không biết yêu thương.

Ông chủ trả lương như vậy có bất công không? Chắc chắn là không vì ông trả đủ số tiền đã thỏa thuận là 1 đồng. Vì người ghen tị lầm bầm than phiền nên ông trả lời: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn, bạn chẳng thỏa thuận với tôi là 1 đồng hay sao? Cầm lấy phần bạn mà về đi, còn tôi, tôi muốn cho ai là tùy tôi, chẳng lẽ tôi không có quyền tùy ý định đoạt là những gì của tôi sao? Hay vì tôi tốt bụng mà bạn ghen tức?”. Hành động của ông chủ không phải là do ông bất thường, bất công, nhưng do ông chủ tốt lành.Tốt ở chỗ là không muốn ai phải thua thiệt sút kém. Ông muốn ai cũng may mắn, ai cũng có tiền về nuôi gia đình. 1 đồng ông phát cho người làm giờ 11 không phải là do công bình. Đồng bạc ấy là do lòng tốt của ông ban tặng.

Gia chủ là Thiên Chúa. Các tay thợ là loài người nhận ra Thiên Chúa qua nhiều thời kỳ khác nhau. Thợ làm giờ thứ 11 là người tội lỗi. Làm vườn nho là vào Nước Trời và thực thi luật pháp Nước Trời. Các thợ cằn nhằn là nhóm Pharisiêu, Luật sĩ. Họ ghen tương vì Chúa Giêsu đối xử khoan dung với người tội lỗi, yêu thương dân ngoại. Các thợ làm ít lãnh nhiều là các người ngày hôm qua sống trong tội lỗi, ngày hôm nay là công dân Nước Trời. 1 đồng là vé vào Nước Trời. Kẻ làm trước người làm sau, tất cả đều được Thiên Chúa ban cho Nước Trời. Thiên Chúa ban cho ai là do lòng tốt của Ngài. Yếu tố chính Chúa Giêsu nhấn mạnh là Thiên Chúa quảng đại vô cùng. Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót đối xử rất nhân từ với mọi người. Đặc biệt đối với dân ngoại là những người được gọi vào Giáo hội qua những giờ sau hết. Đối với những người này, Thiên Chúa cũng ban cho mọi quyền lợi và đặc ân như người Do thái là những kẻ được gọi từ đầu. Thiên Chúa nhìn nhận sự việc theo lòng lân tuất của Ngài. Con người nhìn theo quyền lợi, tính toán hơn thiệt. Thiên Chúa ân thưởng, trả công cho ai tùy theo lòng tốt của Ngài. Thiên Chúa trả công, không làm thiệt hại ai, Ngài luôn công bằng. Qua dụ ngôn, Chúa Giêsu muốn minh chứng rằng: trong cách thức hành động của mình, Thiên Chúa không đi theo những qui tắc lề luật của sự công bình hạn hẹp, cứng nhắc. Ngài chỉ thực thi theo sự tốt lành, theo thúc đẩy bởi tình yêu của mình. Ngài hào phóng thi thố lòng thương xót và hoàn toàn tự do trong các việc thiện hảo.

Thiên Chúa yêu thương hết mọi người và mong muốn mọi người được ơn cứu độ. Nhiều lần trong ngày ông chủ ra chợ tìm thuê thợ làm việc vườn nho là hình ảnh của Chúa yêu thương. Không phải con người tìm Chúa, nhưng chính Chúa đi tìm con người. Không phải tìm một lần mà tìm suốt ngày, từ giờ này sang giờ khác. Nếu những người được thuê vào buổi sáng sớm tượng trưng cho những người có số phận may mắn, có khả năng hơn người khác, thì những người được thuê vào cuối ngày tượng trưng cho những người kém may mắn, kém khả năng, bị thiệt thòi trong xã hội. Ông chủ thuê hết mọi người từ sáng sớm cho đến chiều tà, từ người sang đến kẻ hèn, từ người tài giỏi đến những người kém cỏi, từ người khỏe mạnh đến người yếu kém, là hình ảnh diễn tả tấm lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Ngài muốn mời gọi hết mọi người, mong muốn hết mọi người được ơn cứu độ, được hưởng hạnh phúc trong Nước Chúa.

Một xã hội công bằng bác ái, ai ai cũng ước mơ và hướng tới. Công bằng luôn phải đi đôi với bác ái.Thiên Chúa là Đấng công bình và yêu thương, Ngài ân thưởng, trả công cho mỗi người đúng theo việc họ làm. Chúa Giêsu cũng đã từng dạy: làm thợ thì đáng được trả công. Tuy nhiên, tình yêu Thiên Chúa bao la, con người không thể hiểu thấu. Bài đọc 1, ngôn sứ Isaia nói: lòng nhân từ của Thiên Chúa vô biên, vượt trên mọi toan tính của con người, vượt qua mọi chuẩn mực, vượt trên tất cả những lý sự và mong ước của con người. Con đường Ngài đi là con đường tình yêu, vượt lên trên mọi luật lệ, phép tắc của con người. Tình yêu của Ngài cũng vượt lên trên cả đức công bình, vượt xa mọi ranh giới và mọi nghĩ suy của con người. Thiên Chúa không chỉ là một ông chủ mà còn là một người cha. Thiên Chúa công bình yêu thương, tốt lành. Hồng ân Ngài ban chan chứa. Con người đón nhận với lòng biết ơn.

Hồng ân thì khác với công lao. Hồng ân là một ơn ban dựa vào lòng tốt của người ban ơn. Hồng ân làm cho người lãnh nhận tràn đầy lòng biết ơn. Công lao là tính toán dựa trên công sức người làm việc. Công lao thì cần phải đòi lại điều gì tương xứng bằng tiền lương, bằng đền bù, bằng trả lại theo lẽ công bằng.

Có một sự khác biệt giữa lối sống đạo dựa trên hồng ân và lối giữ đạo nhằm vào công trạng. Người ta có thể chấp nhận "giữ đạo" để được "lên thiên đàng". Nhưng người ta cũng có thể "sống đạo" chỉ vì muốn đền đáp hồng ân bao la của Thiên Chúa. Lối giữ đạo theo công trạng sẽ làm cho người Kitô hữu trở thành "kẻ làm công". Chẳng hạn, việc quét nhà thờ hàng tuần, nhiều người so bì cò kè tính toán, với cái nhìn ích kỷ ghen tị với người khác. Tại sao mình không nghĩ đến bao nhiêu ơn lành Chúa đã thương ban cho mình và gia đình, mỗi tháng chỉ dành 1-2 giờ quét nhà thờ làm sạch sẽ đẹp khuôn viên, công việc ấy như một tâm tình đáp lại hồng ân Chúa thương ban?

Sống đạo kiểu người làm công nên người ta hay càm ràm phản đối ông chủ: “Chúng tôi lao lực suốt cả ngày mà ông trả công cho chúng tôi bằng những người đến sau hết!”. Ông chủ trả lời: “Tôi có bất công với mấy anh đâu! Mấy anh đã thỏa thuận với tôi là một đồng một ngày, thì tôi đã trả đủ cho mấy anh rồi. Tôi muốn trả cho những người đến sau bằng các anh thì có can gì đến các anh? Hay là các anh ganh tị vì tôi rộng rãi?”. Các anh thật hẹp hòi. Đáng lý ra, các anh phải mừng cho những người đến sau, vì họ may mắn gặp được một ông chủ có lòng tốt. Tại sao các anh lại nhăn nhó vì tình thương của ông chủ đối với những người đến sau?

Lối sống đạo như một hồng ân làm cho người Kitô hữu trở thành con cái hiếu thảo với Thiên Chúa là Cha yêu thương. Nhờ đó Kitô hữu sẽ nhận ra hồng ân của Chúa nơi mọi sự, khắp mọi nơi, trong mọi lúc, tràn ngập cuộc đời, để biết hân hoan ca tụng Chúa, biết vui mừng vì hồng ân Chúa nơi anh chị em của mình. Sống yêu thương quan tâm đến những người kém cỏi, bé nhỏ, nghèo hèn.

Một xã hội tốt đẹp là mọi người ân cần giúp đỡ những người bé nhỏ. Một xã hội văn minh khi mỗi người biết quan tâm tới những người kém may mắn. Nếu chỉ nghĩ đến bản thân mình, ta sẽ thấy cuộc đời chỉ toàn bất công. Nếu biết nghĩ đến người khác, ta sẽ thấy cuộc đời thật tươi đẹp và chan chứa tình người.Cuộc đời ai cũng cảm thấy ấm áp khi được quan tâm, bởi vậy lòng tốt là một nguồn năng lượng tích cực giúp cho con người xích lại gần nhau hơn.Lòng tốt giúp con người có thêm niềm tin. Tin rằng mình luôn làm điều tốt thì mình đang đi trên con đường yêu thương. Lòng tốt mang đến cho ta niềm vui, niềm hy vọng.
 
Không biết mình được viếng thăm
Lm. Minh Anh
23:44 15/09/2020

KHÔNG BIẾT MÌNH ĐƯỢC VIẾNG THĂM

Nhiều người phi thường bị coi là tầm thường trước khi được chấp nhận. Fulton Sheen, nhà giảng thuyết lừng danh những 40 năm trên truyền hình, truyền thanh Mỹ, viết 73 cuốn sách, từng bị một giáo sư chê bai, “Anh đúng là diễn giả tồi nhất mà tôi từng gặp”; Ernest Hemingway, một tiểu thuyết gia bậc thầy, từng bị thầy giáo miệt thị, “Hãy quên việc viết lách đi! Anh không đủ khả năng để làm việc đó”.

Kính thưa Anh Chị em,

Như Hồng Y Fulton Sheen và Ernest Hemingway thoạt đầu phải thất vọng vì những định kiến của các thầy mình, Tin Mừng hôm nay cũng cho thấy nỗi thất vọng của Chúa Giêsu trước những định kiến của người đương thời khi họ cứng lòng không đón nhận sứ điệp của Gioan Tiền Hô, cũng như không chấp nhận sứ vụ của Ngài. Ngài ví họ như lũ trẻ ngoài chợ vốn bất nhất, thất thường, điều mà các nhà tâm lý thời nay gọi là ‘thái độ bạo chúa của trẻ lên hai’; họ cho Gioan là bị quỷ ám, và gọi Chúa Giêsu là mê ăn uống. Họ đã không nhận biết ‘giờ được Thiên Chúa viếng thăm’.

Thói quen thường xuyên sàng lọc thực tế thông qua những định kiến của bản thân có thể khiến chúng ta từ chối sứ điệp của Thiên Chúa và ngày giờ Người viếng thăm. Thay vì để mình được định hình theo tiêu chí của Người, chúng ta lại khéo tìm cách đặt Thiên Chúa ngay ngắn trong thế giới tự tạo và thiết định trước của mình.

Trong đời sống ơn gọi hay ngay cả trong đời sống thiêng liêng của người Kitô hữu, chính sự bất nhất nơi mỗi người dẫn chúng ta đến việc chối từ Thiên Chúa khi Người viếng thăm. Thành kiến khiến chúng ta mất kiên định, định kiến khiến chúng ta mất khả năng đi trọn con đường thiêng liêng của mình; chúng ta sẽ xa rời mục tiêu hoặc thậm chí, gãy gánh giữa đường. Không quan trọng việc đi theo con đường khổ chế của các môn đệ Gioan hay sự phóng khoáng dễ thấy của các môn đệ Chúa Giêsu; điều quan trọng là liệu chúng ta có đi trọn con đường mà Thiên Chúa đã định cho đấng bậc của mình không. Bao lâu chúng ta còn tiến tới, bấy lâu Thiên Chúa còn dẫn bước; nếu chúng ta không dịch chuyển, Thiên Chúa không có gì để dẫn dắt. Trong thực tế, việc chúng ta chỉ muốn ngồi chờ một số “điều kiện hoàn hảo” như thần thoại, điều đó chỉ cho thấy sự bất nhất và thiếu cam kết nơi mỗi người.

S
ự khôn ngoan là quà tặng của Thánh Thần; nhờ Thánh Thần, chúng ta biện phân để nhận biết và thấu hiểu các thực tại thiêng liêng cũng như các sứ giả được Thiên Chúa gửi đến; qua đó, chúng ta nhận biết chính Thiên Chúa đang viếng thăm mình. Sự khôn ngoan của Thánh Thần giúp chúng ta vô tư và quân bình trong các phán đoán và đánh giá; từ đó, đưa ra những quyết định đúng đắn và sống theo chúng; đó cũng là những gì Thiên Chúa đang chờ mong. Người chờ mong những con người đầy tình mến, đầy sức sống và luôn kiên định. Đó cũng là điều Thánh Phaolô nói đến trong thư Côrintô hôm nay, “Đức mến thì kiên tâm, nhân hậu; bác ái, không đố kỵ, không khoác lác, không kiêu hãnh, không ích kỷ, không nổi giận, không suy tưởng điều xấu, không vui mừng trước bất công, nhưng chia vui cùng chân lý. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, trông cậy tất cả, chịu đựng tất cả”.

Chúa Giêsu đã sống trọn tình yêu với tất cả phẩm tính mà Thánh Phaolô nêu ra; Ngài say mê Chúa Cha và say mê con người đến nỗi hoá mình trở thành người và hoà mình với con người khi đồng bàn với phường tội nhân. Thế nhưng, Ngài đau đớn vì sự cứng lòng, bất nhất của những người ‘đạo đức’ đương thời, những kẻ không nhận ra vòng tay yêu thương của Thiên Chúa và giờ ngày họ được viếng thăm. Đây không phải là một vở kịch vốn chỉ xảy ra trong lịch sử và kết thúc với Chúa Giêsu; đây là một bộ phim truyền hình nhiều tập, bộ phim cuộc đời mỗi người. Mỗi chúng ta có thể tự hỏi, “Làm thế nào tôi nhận biết thời gian tôi được Thiên Chúa viếng thăm?”, vì rằng, mỗi chúng ta đều có thể rơi vào sự cứng lòng như Israel, như Giêrusalem, như người đương thời với Chúa Giêsu vì đã không nhận biết ‘giờ được viếng thăm’. Mỗi ngày Chúa đến thăm chúng ta, gõ cửa nhà chúng ta qua Thánh Lễ, qua cầu nguyện, qua các biến cố, qua những con người... Tôi có cảm nhận được lời mời nào, nguồn cảm hứng nào để gần Chúa hơn, sống bác ái hơn hay cầu nguyện nhiều hơn một chút không?

Anh Chị em,

Mc. Kenzie nói, “Người có tình yêu nhìn bằng viễn vọng kính; người ghen tỵ nhìn bằng kính hiển vi”. Với một tâm hồn chân thật, một con tim mềm mại, một ý hướng ngay lành và một ý chí kiên định, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra ngày giờ Thiên Chúa viếng thăm; đồng thời, dễ dàng nhận biết sứ điệp của Người qua mọi con người, mọi hoàn cảnh, mọi biến cố, kể cả các tai nạn và cái chết.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ơn Chúa qua đi, không bao giờ trở lại; xin đừng để con không múc được một ân huệ nào vào giờ Chúa viếng thăm”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tây Ban Nha ra phán quyết 133 năm tù cho cựu đại tá đã giết 5 linh mục Dòng Tên ở El Salvador
Đặng Tự Do
05:15 15/09/2020


Một tòa án ở Tây Ban Nha hôm thứ Sáu đã kết án một cựu đại tá người Salvador 133 năm tù về tội giết 5 linh mục người Tây Ban Nha ở El Salvador hơn ba thập kỷ trước.

Tòa án quốc gia của Tây Ban Nha đã ra phán quyết rằng Inocente Orlando Montano, một cựu đại tá từng là thứ trưởng bộ nội vụ của El Salvador trong cuộc nội chiến 1979-1992, phải chịu trách nhiệm về “vụ ám sát khủng bố” năm 1989.

Montano, 77 tuổi, ngồi trên xe lăn khi các thẩm phán đọc bản án, phạt ông 26 năm, tám tháng và một ngày cho mỗi cái chết. Bản án có thể bị kháng cáo.

Mỹ đã dẫn độ Montano sang Tây Ban Nha vào năm 2017. Trong phiên xét xử đầu năm nay, Montano phủ nhận đã tham gia hoặc ra lệnh thực hiện các vụ thảm sát dẫn đến cái chết của 8 người trong khuôn viên Đại học Trung Mỹ.

Năm trong số các nạn nhân là các linh mục Dòng Tên người Tây Ban Nha, bao gồm linh mục Ignacio Ellacuría, người thường được coi là đi tiên phong trong thần học Giải phóng.

Tổng cộng bản án lên đến hơn 133 năm tù. Trước tòa Montano nhìn với vẻ mặt bàng quang, mặt lạnh như tiền, không để lộ cảm giác nào khi tòa tuyên án.


Source:AP
 
Đức Tổng Giám Mục Brisbane phê bình nghị viện tiểu bang thông qua luật buộc các linh mục phải vi phạm ấn tín tòa giải tội
Đặng Tự Do
05:16 15/09/2020


Ðức Cha Mark Coleridge, Tổng giám mục Brisbane, thủ phủ bang Queensland, Úc Đại Lợi, phê bình nghị viện tiểu bang thông qua luật buộc các linh mục phải vi phạm ấn tín tòa giải tội, phải trình báo khi có hối nhân xưng tội lạm dụng tính dục trẻ em, ai vi phạm sẽ bị phạt ba năm tù.

Dự luật này đã được thông qua, hôm 8 tháng 9 năm 2020, với sự ủng hộ của phe đối lập là đảng Quốc gia tự do ở bang Queensland.

Phản ứng về vụ này, Ðức Tổng Giám Mục Mark Coleridge, cũng là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Úc Đại Lợi nhận định rằng đòi hỏi vừa nói của luật sẽ không gia tăng an ninh cho người trẻ và dự luật này dựa trên một “kiến thức nghèo nàn về bí tích giải tội thực sự được thi hành như thế nào trong thực tế”.

Trong tuần lễ trước đây, Hội đồng Giám mục Úc cũng đã phổ biến các câu trả lời của Tòa Thánh về 12 đề nghị, trong phúc trình năm 2017 của Ủy ban Hoàng gia Úc, trong đó có đề nghị Giáo Hội Công Giáo bãi bỏ ấn tín bí mật tòa giải tội trong trường hợp hối nhân xưng tội lạm dụng tính dục trẻ em, và cha giải tội chỉ được ban phép xá giải sau khi hối nhân thú tội với cảnh sát.

Trong câu trả lời, Tòa Thánh bác bỏ đề nghị của Ủy ban Hoàng gia và khẳng định đặc tính bất khả xâm phạm của bí tích, và việc ban phép xá giải không thể chịu pháp chế đối với những hành động tương lai ở tòa ngoài lương tâm. Nhưng Tòa Thánh nhận xét rằng linh mục giải tội “có thể, và trong một số trường hợp, phải khuyến khích nạn nhân tìm kiếm sự giúp đỡ ngoài tòa giải tội”. Linh mục cũng có thể khuyến khích hối nhân trình báo với chính quyền.

Ðức Tổng giám mục Coleridge cũng nhận xét rằng luật mới của nghị viện bang Queensland biến các linh mục trở thành những nhân viên nhà nước, hơn là người phục vụ Thiên Chúa và Ðức Cha nêu vấn đề lớn về tự do tôn giáo của người dân tại Australia.

Cho đến nay đã có bốn bang ở Úc Đại Lợi ban hành luật tương tự, buộc các linh mục vi phạm bí mật tòa giải tội, đó là bang Victoria, Tasmania, Nam Australia và Vùng Thủ đô Canberra, trong hai hai bang New South Wales và Tây Australia, không có luật như vậy.

Hồi đầu năm 2020, Tòa Thánh nói với các giám mục Úc Đại Lợi rằng ấn tín tòa giải tội là điều bất khả xâm phạm và được áp dụng cho tất cả mọi tội linh mục biết được trong tòa giải tội, từ hối nhân hoặc từ người khác. Giáo huấn truyền thống của Giáo hội về vấn đề này là một đòi hỏi do chính bản chất của bí tích giải tội, và như vậy có nghĩa là từ chính luật của Chúa.

Tại Mỹ, trước đây cũng có một vài nơi muốn làm luật bó buộc các cha giải tội phải báo cáo với chính quyền về những tội lạm dụng tính dục đã nghe được từ hối nhân. Một số linh mục nhận xét rằng làm luật như thế là vô ích, vì không một hối nhân nào đi xưng tội lạm dụng nếu biết rằng mình sẽ bị cha giải tội tố cáo với cảnh sát.


Source:Catholic News Agency
 
Tổng thống Trump mở rộng danh sách các ứng viên thẩm phán Tòa án Tối cao Hoa Kỳ
Đặng Tự Do
05:16 15/09/2020


Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Tư đã công bố thêm tên của các ứng viên mà ông sẽ đề cử vào Tòa án Tối cao, mặc dù hiện tại tòa án không còn chỗ trống.

Ngoài danh sách hiện có của Toà Bạch Ốc gồm hai mươi ứng viên của Tòa án Tối cao, Tổng thống Trump đã bổ sung thêm 20 người nữa vào ngày 9 tháng 9, bao gồm ba thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đang tại chức.

Trong số những người có tên trong danh sách mới có Stewart Kyle Duncan thuộc Tòa phúc thẩm Quận Hạt Năm — cựu tổng cố vấn cho tập đoàn luật sư về tự do tôn giáo Becket — và Peter Phipps của Tòa phúc thẩm Quận Hạt Ba, là thành viên trong Đoàn Hiệp sĩ Kha Luân Bố. Ông đã là nạn nhân của những câu hỏi hóc búa do Thượng nghị sĩ Kamala Harris đưa ra khi ông là ứng viên của tòa án Quận Hạt Ba vào năm 2018.

Amy Coney Barrett của tòa án Quận Hạt Bẩy, một cựu giáo sư tại Đại học Notre Dame và là một bà mẹ Công Giáo của bảy người con, nằm trong danh sách đề cử hiện có của Toà Bạch Ốc.

Các nhà lãnh đạo phò sinh đã ca ngợi tuyên bố hôm thứ Tư của Tổng thống Trump. Jeanne Mancini, chủ tịch March for Life, cho biết việc bổ nhiệm các thẩm phán phò sinh cho các tòa án liên bang là “một trong những thành tựu lớn nhất của Tổng thống Trump” trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông và cô bày tỏ hy vọng rằng “quá trình đó sẽ tiếp tục trong nhiệm kỳ thứ hai.” Marjorie Dannenfelser, chủ tịch của Susan B. Anthony List và là đồng chủ tịch của chiến dịch ủng hộ cuộc sống của tổng thống Trump nói rằng danh sách mới này “chứa đầy những ngôi sao”.

Thông báo hôm thứ Tư được đưa ra tám tuần trước cuộc tổng tuyển cử và đây không phải là lần đầu tiên ông Trump đưa ra danh sách các ứng viên vào Tòa án Tối cao trong một năm bầu cử.

Sau khi ông được tuyên bố là ứng viên tổng thống của Đảng Cộng Hòa vào tháng 5 năm 2016, ông Trump đã công bố danh sách ban đầu gồm 11 ứng viên của Tòa án Tối cao. Thẩm phán Antonin Scalia đã qua đời vào tháng Giêng và Lãnh đạo thiểu số Thượng viện Mitch McConnell đã từ chối xác nhận ứng viên của Tổng thống Obama cho Tòa Án Tối Cao, là ông Merrick Garland, nói rằng Thượng viện sẽ đợi cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống để điền vào ghế của Scalia.

Tháng 9 năm 2016, Tổng thống Trump đã thêm vào danh sách đó và một lần nữa vào năm 2017, mở rộng danh sách lên hai chục người trước thông báo của ông vào hôm thứ Tư.

Tại một cuộc tranh luận tổng thống vào tháng 10 năm 2016, ông Trump cam kết sẽ bổ nhiệm các thẩm phán, những người sẽ lật đổ phán quyết Roe chống Wade. Năm 2017, ông đề cử Neil Gorsuch làm người thay thế Scalia và vào năm 2018 đề cử Brett Kavanaugh thay thế cho thẩm phán Anthony Kennedy, người đã nghỉ hưu. Cả hai đều đã rất vất vả đối phó với các Thượng nghị sĩ của đảng Dân Chủ. Thẩm phán Brett Kavanaugh đặc biệt đã phải đối phó với những câu hỏi hóc búa của bà Kamala Harris.


Source:Catholic News Agency
 
Nước Ý: Một linh mục dấn thân hy sinh cho người nghèo, bị sát hại!
Thanh Quảng sdb
06:09 15/09/2020
Nước Ý: Một linh mục dấn thân hy sinh cho người nghèo, bị sát hại!
Linh mục Roberto tại giáo xứ thánh Rocco

Thông tấn xã Fides từ Como loan báo ngày 15/9/2020: "Sáng nay cha Roberto Malgesini đã bị một người đàn ông vô gia cư, bị tâm thần giết hại ở Como!"

Giáo phận Como, nơi linh mục Roberto, 51 tuổi, người gốc ở Valtellina, đã bị sát hại, ngay ở trung tâm thành phố, không xa Giáo xứ thánh Rocco là bao. Theo thông tấn xã Fides cho hay thì vào khoảng 7 giờ sáng, cha Roberto bị đâm chết bằng một con dao! Sau đó chính tên sát nhân đã tự ra đầu thú.

Cha Roberto được biết đến là một "linh mục hè phố", một “linh mục của người nghèo”, ngài đã dấn thân trọn vẹn để hỗ trợ người vô gia cư và người di cư.

Đêm nay 15/9/20 lúc 8 giờ 30 tại Nhà thờ Chính tòa Como, Đức cha Oscar Cantoni sẽ chủ sự lần chuỗi Mân Côi cầu nguyện cho cha Roberto. Giáo phận Como cũng cho hay: "Đối diện với thảm kịch này, Giáo phận Como cầu nguyện cho cha Roberto và cho cả người đã sát hại cha”. (Agenzia Fides, 15/9/2020)
 
Tổng thống Trump cảnh báo cử tri tại Michigan: Nếu Biden thắng, Trung Quốc thắng
Đặng Tự Do
16:45 15/09/2020


Tổng thống Donald Trump đã tăng cường các cuộc tấn công của mình đối với ứng cử viên Dân chủ Joe Biden, cáo buộc rằng ông Joe Biden đã đứng về phía tả khuynh trong đảng Dân Chủ và đứng về phe Trung Quốc.

Tổng thống Trump đã thắng tại Michigan với một chiến thắng sít sao chưa đến 11,000 phiếu trong cuộc bầu cử vào năm 2016, trở thành ứng cử viên Cộng hòa đầu tiên chiến thắng tại tiểu bang này kể từ thời ông Bush cha vào năm 1988.

Phát biểu trước đám đông ở Freeland, tổng thống cảnh báo các cử tri rằng nếu đắc cử, ông Biden sẽ đẩy công việc của người Mỹ cho Trung Quốc.

“Nếu Biden thắng, Trung Quốc thắng. Nếu Biden thắng, những kẻ gây rối sẽ thắng. Nếu Biden thắng, những kẻ bạo loạn và vô chính phủ, những kẻ đốt phá và đốt cờ sẽ thắng,” ông nói.

Tổng thống Trump cho biết bất chấp thành tích ôn hòa trong Quốc Hội của ông Biden, ông hiện đang đứng về phía cánh tả của đảng Dân chủ.

“Joe Biden đã đưa ra các chính sách cực đoan nhất và đó không phải là ông ta. Ông ta không thể soạn ra một nghị quyết với những chính sách ông ta chưa hề biết. Đó là những người cực đoan cánh tả của ông ta.”

“Đó là Alexandria Ocasio-Cortez. Tất cả là những người này, Bernie Sanders. Chính là Bernie. Chính là Kamala, người cực đoan nhất trong Thượng viện Hoa Kỳ, Kamala.”


Source:Sky News Australia

 
Trung Quốc cáo buộc Australia khủng bố trắng đối với các nhà báo Trung Quốc
Đặng Tự Do
16:46 15/09/2020


Căng thẳng lại dâng cao giữa Úc và Trung Quốc. Trong cuộc họp báo sáng thứ Sáu 11 tháng 9 tại Bắc Kinh, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Ly Kiên (Zhao Lijian - 赵丽坚) đã lên tiếng cáo buộc Úc đang “đàn áp khủng khiếp” và phạm vào tội “khủng bố trắng” các nhà báo Trung Quốc.

Diễn biến này đã xảy ra sau khi Úc trục xuất hai ký giả Trung Quốc bị nghi ngờ là có âm mưu xâm nhập vào Quốc Hội tiểu bang New South Wales.

Hai học giả hàng đầu của Trung Quốc trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa Úc cũng bị cuốn vào cuộc điều tra này, dẫn đến việc họ bị thu hồi thị thực nhập cảnh.

Trong một bài báo được công bố trên một cơ quan ngôn luận của bọn cầm quyền Bắc Kinh, Tờ Hoàn Cầu Thời Báo cảnh giác rằng Úc đang chọc giận Trung Quốc trong “chiến dịch săn phù thủy” này.

Tờ báo viết:

“Các chiến dịch săn phù thủy dưới cái cớ gọi là điều tra sự xâm nhập của Trung Quốc, thúc đẩy bởi các bộ phận an ninh của Úc, là đáng phẫn nộ. Cái gọi là tự do báo chí và tự do ngôn luận của Australia đã hoàn toàn trở thành một trò đùa.”

Một trong những học giả bị thu hồi thị thực là ông Trần Hồng (Chen Hong, 陈红) giám đốc Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Úc tại Đại học Sư phạm Hoa Đông, đã bác bỏ các cáo buộc của chính phủ Úc.

Ngược lại, hai ký giả của Úc đang làm việc tại Bắc Kinh là Bill Birtles của ABC và Mike Smith của Australian Financial Review đã buộc phải chạy khỏi Trung Quốc sau những đe dọa của các cơ quan an ninh Bắc Kinh. Họ bị đe dọa bỏ tù và cấm không được xuất cảnh khỏi Trung Quốc. Lệnh cấm xuất cảnh sau đó được dỡ bỏ sau các cuộc đàm phán của các nhà ngoại giao Úc Đại Lợi với bọn cầm quyền Trung Quốc. Ngày sau khi lệnh cấm này được dỡ bỏ, hai ký giả đã lên chuyến bay sớm nhất chạy khỏi Hoa Lục.

Các hãng truyền thông Trung Quốc cũng cáo buộc rằng các cơ quan an ninh của Úc Đại Lợi đã đột kích vào tư gia của một số nhà báo Trung Quốc vào tháng 6 liên quan đến cuộc điều tra về những can thiệp của nước ngoài liên quan đến nghị sĩ New South Wales Shaoquett Moselmane.


Source:Sky News Australia
 
Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng cho rằng thỏa thuận với Vatican đã được thực hiện thành công
Đặng Tự Do
16:48 15/09/2020


Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hôm thứ Năm rằng thỏa thuận tạm thời của Trung Quốc với Vatican đã “được thực hiện thành công. “

Phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Ly Kiên (Zhao Lijian - 赵丽坚) đã đưa ra nhận xét trênvài ngày trước khi thỏa thuận tạm thời được ký kết bởi Vatican và Trung Quốc vào ngày 22 tháng 9 năm 2018, sắp hết hạn.

“Với những nỗ lực phối hợp từ cả hai bên, thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm giám mục giữa Trung Quốc và Vatican đã được thực hiện thành công kể từ khi được ký khoảng hai năm trước,” Triệu Ly Kiên cho biết tại một họp báo ngày 10 tháng 9.

Bloomberg đưa tin vào ngày 9 tháng 9 rằng hai nguồn tin ẩn danh đã nói rằng thỏa thuận sẽ được gia hạn trong những tuần tới.

Sau thỏa thuận này, và phù hợp với chương trình Trung Quốc hóa của Đảng Cộng sản Trung Quốc, quan chức nhà nước ở các vùng khác nhau tại Hoa Lục đã tiếp tục loại bỏ thánh giá và nhiều nhà thờ đã bị phá hủy. Các tín hữu và hàng giáo sĩ Công Giáo thầm lặng tiếp tục bị quấy rối và giam giữ.

Triệu Ly Kiên nói tiếp rằng Vatican và Trung Quốc đã “tích lũy thêm sự tin cậy và đồng thuận với nhau thông qua một loạt các tương tác tích cực” kể từ đầu năm 2020, với lý do hỗ trợ lẫn nhau trong đại dịch COVID-19.

Sau thời gian đại dịch coronavirus, Hiệp hội Công Giáo Yêu nước và Ủy ban hành chính giáo dục Công Giáo Trung Quốc thuộc tỉnh Chiết Giang đã ban hành quy định mới về việc mở lại các nhà thờ với yêu sách là các nhà thờ phải tăng cường giáo dục “lòng yêu nước” trong các cử hành phụng vụ.

Vào ngày 1 tháng 7, Luật An ninh Quốc gia có hiệu lực tại Hương Cảng nhằm hình sự hóa các danh mục mới là “ly khai”, “lật đổ”, “khủng bố” và “thông đồng với lực lượng nước ngoài”. Bất kỳ ai bị kết án theo luật mới này sẽ bị phạt tối thiểu 10 năm tù, và có khả năng bị kết án chung thân.

Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, Giám mục hiệu tòa của Hương Cảng, nói rằng ngài “không tin tưởng rằng Luật An ninh Quốc gia mới sẽ tôn trọng quyền tự do tôn giáo của người Công Giáo”.

Cha Bernardo là giám đốc Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại và từng là một linh mục hoạt động nhiều năm ở Trung Quốc, nhận xét rằng đây là lần đầu tiên một quan chức Trung Quốc lên tiếng về thỏa thuận này.

Ngài nhận định rằng việc Trung Quốc giữ im lặng về thỏa thuận này để lại cho ngài ấn tượng rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể coi hiệp định này là một điều gì đó có chút tích cực nào đó, nhưng theo quan điểm của họ, “những rủi ro ngày càng tăng đến mức họ phải yêu cầu Vatican đáp ứng mọi thứ.”

Ngài nhấn mạnh rằng, mọi thứ, theo nghĩa này, có nghĩa là “Vatican phải cho phép mọi thứ mà Trung Quốc làm, và chắc chắn phải làm gián đoạn quan hệ với Đài Loan.”

Ngài nhận xét cay đắng rằng: “Bản thân thỏa thuận này là nhằm bổ nhiệm các giám mục mới, nhưng từ khi đạt được thỏa thuận cho đến nay, không một giám mục mới nào được bổ nhiệm”. Cha Bernardo lưu ý rằng hai giám mục đã được bổ nhiệm và ba vị khác đã được Bắc Kinh công nhận trong hai năm qua, đều đã được lựa chọn nhiều năm trước khi thỏa thuận được ký năm 2018.

“Vì vậy, ta không thể nói rằng nhờ có thỏa thuận mà tất cả những điều này đã xảy ra.”

Trong thực tế, cả ba vị vừa được Bắc Kinh công nhận là các vị đã chấp nhận gia nhập Hội Công Giáo Yêu Nước. Nhiều người không ngại gọi các ngài là các “hồi chánh viên”. Và cùng với hành động hồi chánh này 3 giáo phận thầm lặng bị xóa sổ.


Source:Catholic News Agency
 
Fatima: Cuộc Hành hương Quốc tế Tháng Chín, sáng 13.09, tại Cova da Iria.
Lm. Stephanô Bùi Thượng Lưu
22:30 15/09/2020
Hãy đặt nền tảng cho sự chung sống huynh đệ trong các cộng đồng

Fatima - Đức Cha D. Manuel Pelino đã tha thiết kêu gọi quyết tâm hòa giải, với quan điểm về tình huynh đệ. Quan điểm về ơn gọi nên thánh của Kitô giáo, Đức Cha chủ sự Cuộc Hành hương Quốc tế tháng 9 kêu gọi những người hành hương “hãy đặt nền tảng cho sự chung sống huynh đệ trong các cộng đồng” thông qua sự tha thứ.



Hòa giải là chủ đề trung tâm của suy tư mà Đức Giám Mục danh dự Santarém đã trình bày với những người hành hương, trong bài giảng của Thánh lễ Kỷ niệm Quốc tế Hành hương Tháng Chín, sáng 13.09, tại Cova da Iria. Dựa vào Lời Chúa được công bố vào Chúa Nhật XXIV thường niên năm A, vốn thể hiện sự tha thứ liên tục như một thái độ thiết yếu của người Kitô hữu, Đức Cha chủ tế bắt đầu trình bầy những khó khăn của việc tha thứ luôn mãi này và vì thiếu sót không thể thực hiện được sẽ tạp ra những mối bất hòa trong cộng đồng.

Đức Cha quả quyết : “Ai cũng là anh chị hay em của tôi: vợ hay chồng, gia đình, bạn bè, những người yếu đuối và thiệt thòi nhất. (…) Để hình thành một cộng đồng, họ cần liên tục tha thứ cho nhau. (…) Sự tha thứ phải luôn hiện hữu vì những hành vi phạm tội, những lời nói và thái độ gây tổn thương, những thói trăng hoa và ghen ghét mà họ chia sẻ, những cay đắng qua những thân phận xấu sa, đã ăn sâu vào trái tim con người và luôn hiện hữu trong cộng đồng, khi họ cùng chung sống trong gia đình, trong các nhóm và trong xã hội nói chung ”.

Bằng cách đề cao trẻ em như một tấm gương về sự đơn sơ và khiêm nhường trên con đường hòa giải, D. Manuel Pelino đã hình dung sự chấp nhận, tái hòa nhập và “phương pháp sư phạm sửa chữa tình huynh đệ” là những hành động cơ bản để tha thứ.

“Chúng ta thực sự là một dân tộc tội lỗi, nhưng chúng ta không quên ơn gọi nên thánh của mình. (…) Sự tha thứ làm nền tảng cho sự chung sống huynh đệ trong cộng đồng và lôi kéo chúng ta đến gần Thiên Chúa hơn, dẫn chúng ta đến tình yêu như Ngài yêu chúng ta. Do đó, sự tha thứ hướng dẫn chúng ta hướng tới một sự hiện hữu được hòa giải và khiến cho lòng thương xót và ân sủng của Thiên Chúa tỏa sáng rõ ràng hơn trong cuộc sống của chúng ta và trong Giáo hội ”, Đức Cha kết luận, nhắc lại lời kêu gọi cầu nguyện và sám hối cho hòa giải và hòa bình mà Đức Mẹ đã để lại cho các mục đồng nhỏ bé xưa ở Fatima.

"Một thế giới mà không có sự tha thứ là một thế giới đã hư mất..."

Vào cuối thánh lễ kết thúc đại lễ cuộc hành hương quốc tế 13.09, Giám mục Leiria-Fátima, Đức Hồng Y D. António Marto, đồng tế Thánh lễ Chúa nhật này, đã chào mừng và nhấn mạnh lời kêu gọi thực hành “tình huynh đệ, hòa giải và hòa bình” do giám mục danh dự của Santarém để lại.

Giám mục Leiria-Fátima cảnh báo: "Một thế giới mà không có sự tha thứ là một thế giới hư mất... Một gia đình mà sự tha thứ không được vun đắp sẽ là một gia đình hư mất... Một cộng đồng Kitô mà không có sự tha thứ là một xã hội hư mất",

Nhắc đến trước tuần đánh dấu đầu năm học, Đức Cha chủ chăn giáo phận đã ngỏ lời nhắn nhủ riêng cho các em nhỏ để các em trong niên khóa mới này luôn tuân thủ các quy tắc an toàn được chỉ định cho các em, trong bối cảnh đại dịch coronavirus mới.

D. António Marto cũng nhắc nhở các nạn nhân của COVID19 và gửi lời an ủi đến người bệnh, người già và những người sống một mình.

Ở cấp độ quốc tế, vị Hồng Y người Bồ Đào Nha nhắc đến "những người tử đạo" của Liban và những người tị nạn từ trại tị nạn Moria trên đảo Lesbos của Hy Lạp, nơi một đám cháy đã khiến những điều kiện sống thêm trầm tr9ọng. Đối với cả hai, vị giám mục xin toàn thể đoàn hành hương cầu nguyện trong im lặng..



FOTO: Andor với Hình ảnh Đức Mẹ do các nhân viên của Viện Cấp cứu Y tế Quốc gia (INEM) thực hiện

Những người hành hương trở về Cova da Iria an toàn

Đây là cuộc hành hương lớn và đông đảo nhất trong năm nay mà khách hành hương tham dự ở Cova da Iria. Lần đầu tiên, vào giữa buổi lễ kỷ niệm, Thánh địa Fátima buộc phải đóng các lối vào, để thực hiện đúng kế hoạch được đề ra trong bối cảnh đại dịch COVID19, nhằm đảm bảo sự hiện hữu an toàn cho Khu vực Cầu nguyện. Trong suốt đại lễ kỷ niệm, những lời kêu gọi liên tục được phát ra kêu gọi việc thực hiện các quy tắc về khoảng cách xã hội: những lời kêu gọi chú ý này đã được đám đông những người hành hương đón nhận và đã phân tán khắp Khu vực Cầu nguyện rộng lớn.

Ngoài những người tham gia cuộc Hành hương lần thứ 6 của Cộng đồng Người Điếc, diễn ra vào cuối tuần này, 9 nhóm quốc gia đã được công bố, một từ Pháp, bốn từ Tây Ban Nha, hai từ Ý và một từ Ba Lan.

Nguồn: https://www.fatima.pt/pt/news/13setembro2020
 
Tầm nhìn của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc đào tạo thế hệ những người kiến tạo hòa bình cho tương lai.
Thanh Quảng sdb
23:07 15/09/2020
Tầm nhìn của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc đào tạo thế hệ những người kiến tạo hòa bình cho tương lai.

"Kiến thức Hòa bình" (Per un sapere della speed) là cuốn sách mới xuất bản bằng tiếng Ý, của Nhà xuất bản Vatican. Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích sự hợp tác giữa Giáo hội và các đại học, để đào tạo nhân lực cho một thế giới không có chiến tranh và bạo lực!

(Tin Vatican - Eugenio Bonanata & Robin Gomes)

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh đến việc cần thiết phải đầu tư vào các thế hệ trẻ để giải quyết những thách đố của việc biến đổi khí hậu, chiến tranh và bạo lực gây ra trong xã hội ngày nay. ĐTC đề ra những ý tưởng này trong lời tựa của cuốn sách bằng tiếng Ý có tựa đề Kiến thức Hòa bình (Per un sapere della speed), được nhà xuất bản Vatican phát hành (Libreria Editrice Vaticana -LEV).

Mục tiêu

Cuốn sách được ông Gilfredo Marengo, Phó khoa Nhân chủng học và Thần học của Viện Thần học Thánh Giáo Hoàng 'John Paul II' chuyên về Hôn nhân và Gia đình đảm trách, tập sách dầy 124 trang cung cấp những suy tư cho một thế hệ tương lai... Nhắc lại quyết định của mình vào năm 2018, ĐTC mời gọi thiết lập một chương trình nghiên cứu Khoa học về Hòa bình tại Đại học Giáo hoàng Laterano, Đức Thánh Cha giải thích mục tiêu là giúp xác định đường nét chính yếu cho một con người cụ thể biết kiến tạo hòa bình.

Một liên minh

Điểm khởi đầu là chiều kích đặc biệt của một “Giáo hội hướng ngoại”, được phản ánh trong sự hợp tác với thế giới khoa học.

Đức Thánh Cha viết: "Giáo hội được mời gọi dấn thân cho các vấn đề liên quan đến hòa bình, hòa hợp, môi trường, bảo vệ sự sống và nhân quyền con người và dân sự."

Trên con đường này, ĐTC nói, “thế giới đại học có vai trò quan yếu, là nơi biểu tượng của chủ nghĩa nhân văn toàn vẹn luôn được khai triển học hỏi, đổi mới và làm cho phong phú”.

Đối thoại

Do đó, một liên doanh các môn học mới dựa trên sự đối thoại có hiệu năng giữa triết thần, luật và lịch sử là một mục tiêu trước mắt. Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài tin tưởng "rằng việc đào sâu các con đường nghiên cứu này, cũng được nuôi dưỡng và vun góp bằng những đóng góp của khoa học nhân văn, hầu có thể thúc đẩy một sự phát triển về "kiến thức hòa bình" để hình thành các chương trình hòa bình, lôi cuốn những ai muốn xây dựng hòa bình, sẵn sàng dấn thân vào những cảnh trạng khác nhau và đa dạng của đời sống của xã hội của chúng ta".

Danh tính

Đức Thánh Cha suy tư về ý nghĩa của việc chuyên môn trong lĩnh vực này. ĐTC nói: “Một nhà xây dựng hòa bình tốt phải có khả năng, có cái nhìn chín chắn về thế giới và lịch sử để không rơi vào 'những tàn dư' vốn không mang lại các đề xuất kiên quyết và có thể ứng dụng cụ thể được."

“Trên thực tế, đây là một lãnh vực vượt ra ngoài những giao tiếp xã hội học thuần túy, vốn được cho rằng nó bao trùm toàn bộ thực tại một cách trung dung và vô vị lợi”.

Sự vững mạnh

Do đó, Đức Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta để ý đến nội dung mà không bỏ qua những khía cạnh thực tế cụ thể. ĐTC nói: “Bất cứ ai có ý định trở thành một người xây dựng Hòa bình, cần phải nắm bắt được những dấu chỉ của thời đại”. Theo Đức Thánh Cha, lòng đam mê nghiên cứu và học tập phải đi kèm với một trái tim biết chia sẻ niềm vui và hy vọng, nỗi buồn và nỗi đau của con người ngày nay, để biết cách phân định Tin Mừng thực sự.

Công việc từ thiện

Nói với những ai quan tâm đến con đường Hòa bình, Đức Thánh Cha đề nghị thêm một bước nữa. “Tham gia vào những con đường đào tạo này,” ĐTC nói, “có thể là một sự trợ giúp hợp lý cho nhiều người trẻ để khám phá ra rằng ơn gọi giáo dân trước hết là yêu thương bác ái trong gia đình, rồi vươn ra xã hội và chính trị.”

“Đây là một cam kết cụ thể nhằm xây dựng một xã hội mới bắt đầu bằng niềm tin.”

Những người đóng góp

Tác phẩm “Kiến thức Hòa bình” (Per un sapere della speed) là một loạt bài của cuộc hội thảo, những suy tư của một Đại hội được tổ chức vào ngày 28 tháng 2 năm 2019 vừa qua tại Đại học Giáo hoàng Laterano. Trong số những người đóng góp có Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Tổng trưởng Thánh bộ về các mối Quan hệ của các Quốc gia với Vatican, ông Daniele Menozzi, nhà sử học tôn giáo, ông Giulio Cesareo, tổng ban biên tập Nhà xuất bản Vatican, và bà Flavia Marcacci, giáo sư chuyên về Lịch sử Tư tưởng Khoa học tại phân Khoa Triết của Đại học Giáo hoàng Laterano.
 
Top Stories
Crise économique: l’Église vietnamienne intervient auprès des victimes oubliées du Covid-19
Églises d'Asie
08:52 15/09/2020
Après un premier programme d’aide auprès des plus démunis face aux conséquences économiques de la crise sanitaire, le gouvernement vietnamien a annoncé un deuxième plan de soutien financier d’ici la fin de l’année 2020. En avril, le Premier ministre Nguyen Xuan Phuc avait annoncé une aide de 62 mille milliards de dongs (2,26 milliards d’euros), devant être versée à près de 20 millions de personnes. Pourtant, la somme distribuée, plus faible qu’annoncée, n’a pas bénéficié à tous, en raison de procédures compliquées et de la corruption des autorités locales. L’Église, de son côté, accompagne les victimes « oubliées » de la crise sanitaire avec la Caritas vietnamienne.

Depuis sa boutique, devant chez elle, Marie Nguyen Thi Quang, âgée de 78 ans, vend des produits comme du sel, de la sauce nuoc-mâm, de l’huile de cuisson, des friandises ou des boissons, afin de survivre au quotidien. « Je gagne environ 100 000 dongs par jour [3,64 €], mais c’est insuffisant pour nous. Nous devons dépenser toutes nos économies, et nous n’avons pratiquement plus rien », explique-t-elle. Elle-même et son mari – âgé de 83 ans, celui-ci souffre de problèmes cardiaques – se contentent de ces faibles revenus depuis plusieurs mois. Ils n’ont que peu de clients en raison de la pandémie. Marie Quang, une Vietnamienne de la ville de Yen Bai, dans le nord-est du pays, ajoute que les autorités leur ont refusé des aides parce qu’ils possèdent cette boutique familiale. « Nous sommes âgés, et nous méritons de toucher une allocation, parce que nous n’avons pas d’autres revenus et nous subissons nous aussi les conséquences de la pandémie », souligne-t-elle. En avril, le Premier ministre vietnamien Nguyen Xuan Phuc a annoncé une aide de 62 mille milliards de dongs (2,26 milliards d’euros), afin de soutenir 20 millions de personnes démunies, particulièrement affectées par la crise.

Les personnes et les foyers concernés ont alors appris qu’ils auraient droit à des allocations mensuelles de 250 000 à 1,8 million de dongs (entre 9 et 65 euros) pendant trois mois, jusqu’en juin. Toutefois, le ministère du Travail, des Invalides et des Affaires sociales a annoncé en août que seuls 17,5 mille milliards de dongs (636,8 millions d’euros) avaient été distribués auprès de seulement 16 millions de personnes. Selon des experts, il est compliqué de vérifier que les bénéficiaires remplissent bien les conditions nécessaires, et pour eux, les autorités locales se sont renvoyé la balle en repoussant les délais, de peur d’être sanctionnées en cas d’erreurs. Ainsi, beaucoup de travailleurs à la journée ou sans contrat de travail, incapables de remplir les procédures compliquées exigées par les autorités, n’ont pas eu accès aux allocations. Pour les experts, ceux qui sont dans ce cas sont pourtant majoritaires parmi les victimes des conséquences économiques de la pandémie.

Corruption à Thanh Hoa

Le 25 août, Vietnamplus, le site web d’informations officiel de la Vietnam News Agency, l’agence de presse d’État, a rapporté que beaucoup de foyers démunis du village de Xuan La, en périphérie de Hanoï, n’avaient reçu aucune aide financière, tandis que d’autres familles plus aisées en avaient bénéficié. Certains travailleurs à la journée, qui ont perdu leur emploi durant la pandémie, auraient renouvelé leur demande à de nombreuses reprises, sans succès. Les autorités locales ont reconnu qu’elles n’étaient pas parvenues à identifier toutes les victimes de la crise dans le village de 4 000 habitants. En mai, quand des médias locaux ont accusé des fonctionnaires de la province de Thanh Hoa, dans le nord du Vietnam, de faire du porte à porte pour empêcher des milliers de familles pauvres de toucher les aides, le Premier ministre a interdit aux autorités locales de forcer les gens à refuser les allocations. Beaucoup de critiques ont accusé les autorités locales de forcer les victimes à refuser les aides afin de faire plaisir à leurs supérieurs ou pour se remplir les poches.

Le gouvernement prévoit de lancer un deuxième programme d’aides pour les commerces, les coopératives, les professionnels indépendants et les travailleurs frappés par la crise. La nouvelle aide est annoncée entre 70 et 90 mille milliards de dongs (entre 2,55 et 3,28 milliards d’euros), avec une distribution prévue au cours des quatre derniers mois de l’année 2020. Le ministère du Travail, des Invalides et des Affaires sociales a proposé que cette nouvelle aide profite également aux personnes qui doivent payer un loyer mensuel et qui ont des enfants de moins de six ans, mais qui ont perdu leur emploi ou dont le contrat a été suspendu temporairement. Les foyers concernés recevront 1 million de dongs (36 euros) par mois et par membre du foyer, pendant un maximum de trois mois.

« Le gouvernement doit simplifier les procédures »

Maria Pham Thuy Tinh, propriétaire d’un petit restaurant à Yen Bai, estime que le gouvernement devrait simplifier les procédures administratives pour pouvoir venir en aide à un maximum de personnes dans le besoin. Maria Tinh ajoute que le second programme d’aide annoncé doit se concentrer sur ceux qui sont les plus affectés par la pandémie. Elle-même a reçu une aide de seulement 1 million de dongs (36 euros) en juillet. Dans le cadre du premier programme d’aides, elle ajoute qu’elle aurait dû toucher 3 millions de dongs sur trois mois. Maria Tinh explique qu’elle gagne aujourd’hui environ 150 000 dongs par jour (5 euros) contre au moins 500 000 dongs (18 euros) dans le passé. « Ce n’est pas suffisant pour subvenir aux besoins de ma famille », confie-t-elle, alors que sept personnes vivent sous son toit. « Nous sommes déçus par les premières aides reçues, parce que beaucoup de gens dans le besoin n’ont rien reçu », dénonce Maria, en ajoutant que beaucoup de personnes étaient incapables de fournir les documents demandés pour bénéficier d’une allocation.

John Nguyen Ngoc Hong, âgé de 20 ans, explique qu’avant la pandémie, il travaillait comme ouvrier à la journée dans une boutique de menuiserie, et qu’il gagnait environ 3 millions de dongs par mois (109 euros). « Je suis au chômage depuis plusieurs mois, parce que la pandémie a également touché les ventes dans le secteur, mais je n’ai encore rien reçu du gouvernement », regrette John Hong, qui vit chez ses parents. « J’étais payé à la journée et je n’avais aucun contrat d’embauche. Comment montrer les documents nécessaires pour obtenir les aides, dans ce contexte? Si le gouvernement ne simplifie pas les procédures, beaucoup de gens sans emploi comme moi vont en pâtir. » John Hong s’attend à voir le taux de chômage continuer de grimper dans les prochains mois.

Le soutien de l’Église

Sœur Marie Do Thi Quyen, membre de la congrégation des Amantes de la Croix, dans la province de Lai Chau, confie que les villageois Hmong se sont retrouvés complètement désœuvrés durant la crise. Ils se sont retrouvés sans travail, faute de pouvoir aller travailler ailleurs ou en Chine. La religieuse explique qu’en mai, trois filles Hmong sont mortes tragiquement après avoir mangé des champignons vénéneux. Leurs parents et leurs proches étaient alors absents. Les catholiques de la région ont aidé leurs familles à organiser les funérailles. Sœur Marie Quyen explique que beaucoup, parmi eux, sont forcés de ramasser des fruits et des légumes dans les forêts pour se nourrir, en attendant les récoltes. Peu d’aides financières arrivent localement, les bienfaiteurs habituels étant eux-mêmes affectés par la situation. Les religieuses se retrouvent donc sans rien pour nourrir les plus démunis. « Que Dieu mette fin bientôt à cette pandémie, pour que les bienfaiteurs puissent nous visiter et fournir ce dont nous avons besoin pour les communautés locales », espère la religieuse.

Le père Joseph Nguyen Tien Lien, curé de la paroisse de Mai Yen, dans la province de Son La, où vivent plusieurs groupes ethniques minoritaires, explique que dans les hôpitaux de la région, beaucoup de patients manquent de nourriture. Le prêtre ajoute que des groupes de catholiques viennent tous les jours dans les hôpitaux pour distribuer des repas gratuits aux patients et à leurs proches. Le père Joseph ajoute avoir besoin de bienfaiteurs pour couvrir les frais de l’opération. Le prêtre emmène également des catholiques visiter et soutenir d’autres familles démunies face à la crise et aux inondations récentes. De son côté, le père Vincent Vu Ngoc Dong, directeur de la Caritas dans l’archidiocèse de Hô-Chi-Minh-Ville (Saïgon), a lancé un appel aux dons dans le cadre du festival de la mi-automne, qui tombe le 1er octobre. Le prêtre ajoute que Caritas prévoit d’organiser des festivités à cette occasion pour les enfants en difficultés, en particulier auprès des plus affectés par la pandémie. Mgr Joseph Nguyen Nang, archevêque de Hô-Chi-Minh-Ville, a également appelé les catholiques à s’engager localement et à offrir une aide matérielle et psychologique aux malades et aux plus démunis. « Nous devons montrer que nous sommes les disciples de Jésus en faisant la charité avec générosité, et en manifestant notre solidarité », a-t-il ajouté. L’archevêque a également appelé à prier pour le monde face à la pandémie, en soulignant que la religion est l’âme de la vie humaine. « Sans religion, les êtres humains perdront leurs repères et ne sauront plus où aller. »

(Source: Églises d'Asie - le 15/09/2020, Avec Ucanews, Hanoï)
 
Thông Báo
Chương trình làm Web site cho các giáo xứ nối kết các mạng xã hội và sử dụng Artificial Intelligence
Đặng Tự Do
03:23 15/09/2020


Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đại dịch coronavirus kinh hoàng đã xảy ra và vẫn còn đang tiếp diễn ở nhiều nơi trên thế giới làm rõ nhu cầu cần phải cải thiện giao tiếp giữa các giáo xứ và anh chị em giáo dân trong thời thuận lợi cũng như lúc gian truân.

Chính vì thế, nhóm các kỹ sư chúng tôi đã phối hợp với các linh mục trong tổng giáo phận Perth, Australia để hình thành một chương trình mẫu cho Web site của các giáo xứ.

Trong tiến trình phân tích các nhu cầu mục vụ, và cách thức điều hành một Web site của giáo xứ, chúng tôi thấy những mẫu số chung sau đây:

- Việc cập nhật thông tin trên Web site rất vất vả. Giáo xứ nào may mắn tìm được một người vừa có chuyên môn, vừa có lòng nhiệt thành trong công việc tông đồ thì còn có thể duy trì được. Nhưng số các giáo xứ may mắn như thế rất ít. Hậu quả là không dưới 80% các Web sites mà chúng tôi nghiên cứu hàng tháng trời không có bất cứ cập nhật nào.

- Vì không được cập nhật thường xuyên, số người vào xem giảm dần nhanh chóng. Web site của giáo xứ chỉ còn được xem là một lưu niệm cho một cố gắng chung của cộng đoàn hơn là một khí cụ để giao tiếp.

Trên cơ sở các phân tích này, chúng tôi đã thực hiện một chương trình mẫu cho Web site của các giáo xứ.

Chương trình này gồm hai phần riêng biệt. Phần thứ nhất là một Web site mà quý vị và anh chị em có thể xem qua tại địa chỉ http://giaoxu.info. Phần thứ hai là một chương trình dành cho việc quản trị Web site.

Đặc điểm nổi bật của Web site này là tự động hóa. Quý vị và anh chị em có thể nối kết với Vatican News, các giáo phận, và các thông tấn xã Công Giáo trên thế giới. Sau khi kết nối như thế, Web site được cập nhật liên tục hàng giờ. Lúc nào độc giả vào cũng thấy có các tin tức mới nhất. Dù quý vị và anh chị em đi holiday cả năm, Web site vẫn tự động được cập nhật liên tục.

Web site này cũng tự động kết nối với Facebook của giáo xứ. Không cần ai làm gì cả, mọi cập nhật trên Web site sẽ được tự động chuyển qua Facebook.

Web site cũng có những tiện nghi khác, chẳng hạn như cái bản đồ này. Độc giả, đặc biệt là các khách vãng lai có thể tìm thấy các chỉ dẫn cần thiết để lái xe đến nhà thờ của giáo xứ.

Cuối cùng, nhưng là phần quan trọng nhất là chương trình dành cho việc quản trị Web site. Để đưa bài lên Net, quý vị và anh chị em có thể dùng chương trình News Composer. Quý vị và anh chị em không cần kiến thức chuyên môn gì về Html, chỉ cần biết đánh máy trong Microsoft Word là đủ. Dán bài vào trong chương trình này, nhấn một vài nút là có thể đưa lên. Bài vở sẽ được trình bày rất chuyên nghiệp.

Nếu quý vị và anh chị em muốn tìm hiểu thêm về chương trình này, xin email về địa chỉ developer@vietcatholic.net

Xin cám ơn quý vị và anh chị em.
 
Văn Hóa
Đức Mẹ Sầu Bi
Đinh Văn Tiến Hùng
11:42 15/09/2020
Đức Mẹ Sầu Bi
( Lễ Kính 15/9/20 )
“Những vết thương rải rác trên khắp Thân Thể của Chúa chúng ta, đã hợp nhất lại trong Trái Tim đơn độc của Mẹ Maria.” ( Thánh Bonaventura )

Lễ Đức Mẹ Sầu Bi được thiết lập vào Thế kỷ 12, quảng bá đầu tiên do các tu sĩ dòng Cisterciers và Servites. Sau những ý tưởng này được phổ biến rộng rãi bởi các tu sĩ Đa Minh và Xitô.
Lễ cử hành lần đầu năm 1423 tại Cologne, thủ đô cũ của Đức. Đến 1728 Giáo Hoàng Benedict 12 chính thức đưa vào Lịch Phụng Vụ Roma. Sau cùng Đức Thánh Cha Piô 10 ấn định lễ kính hàng năm ngày 15/9 sau lễ Suy Tôn Thánh Giá 14/9.

Sự đau thương của Đức Maria đã được ông Simêon tiên báo khi Mẹ dâng Chúa vào Đền Thờ :
“ Một lưỡi gươm sẽ thâu qua lòng Bà ! “ ( Lc.2: 45 ) Danh hiệu Đức Mẹ Sầu Bi tiếng La tinh là Mater Dolorosa và tiếng Anh là Dolors of Our Lady.

Trong Kinh Ngắm 7 sự Thương Khó Đức Bà, xin trích dẫn 2 tác phẩm nổi tiếng được nói đến nhiều hơn là bản
Thánh Thi ‘Stabat Mater’ ( Thương khó thứ 5 ) và Kiệt tác Pieta ( Thương khó thứ 6 ).
*Stabat Mater : Mẹ Dưới Chân Thánh Giá.
- Đứng bên khổ giá Đức Giêsu, có Mẹ Ngài và người chị em của Mẹ, Maria vợ của Klopa và Maria người Magdala. Vậy Đức Giêsu thấy Mẹ Ngài và môn đồ Ngài yêu mến đứng bên cạnh, thì Ngài nói với Mẹ :”Hỡi Bà, này là con Bà! “ Rồi Đoạn lại nói với môn đồ:” Này là Mẹ con ! “ Và từ đó môn đồ đã lãnh lấy Bà về nhà mình. “
( Yn.19 : 25- 27 )

- Bài ‘Mẹ Dưới Chân Thánh Giá’ cũng gọi là ‘Mẹ Sầu Bi’, diễn tả đau thương của Mẹ trong suốt 33 năm cuộc đời Chúa Giêsu từ lúc Chúa sinh ra cho tới khi Chúa chết, nổi bật qua tiến trình 7 sự thương khó của Mẹ :
1)-Lời tiên tri của Simêon.
2)-Đem Chúa trốn sang Ai-Cập.
3)-Lạc mất Chúa ba ngày.
4)-Theo chân Chúa trên đường lên đồi Can-ve.
5)-Chúa bị đóng đinh và chết trên thập giá.
6)-Tháo xác Chúa xuống.
7)-Táng xác Chúa trong mồ.

Xúc cảm cùng đau thương với Mẹ Maria, tu sĩ dòng Phanxicô là Giacopone da Todi đã sáng tác nhạc phẩm Stabat Mater được chính thức hát trong Lễ Mẹ Sầu Bi ngày 15/9 hàng năm.
Một đoạn trong Thánh Thi Stabat Mater diễn tả rất xúc động khi Mẹ đứng dưới chân Thánh Giá:

“ Mẹ Sầu bi tầm tã giọt châu,
Đang đứng bên cây thập giá,
Nơi Con Người đã bị treo lên.
Một lưỡi gươm nhọn đã đâm qua,
Tâm hồn Bà đang rên xiết,
Đang sầu khổ và đớn đau…
Ai là người không tuôn châu lệ,
Khi nhìn thấy Mẹ Chúa Kitô,
trong cảnh cực hình như thế?
Ai có thể không buồn bã nhìn xem,
Mẹ Chúa Kitô đang đau khổ cùng với con Người?

Lạy Mẹ mến yêu, con muốn chia đau đớn của Chúa, để cùng khóc thương với Mẹ.
Bao lâu còn sống trên trần thế, con ao ước đứng dưới chân Thánh Giá, để nhờ Mẹ khóc thay cho tội lỗi con, khiến cho Chúa phải chịu cực hình.
Vì con hiểu rằng : đau khổ là giá cần thiết để mua sắm vinh quang đời đời.
Con sung sướng và cảm tạ tình Chúa thương con vô bờ, trước khi giã từ trần thế đã ban cho con một Người Mẹ quyền uy và từ ái để bênh vực an ủi con trong cuộc sống khổ ải thế trần.

“Ôi lạy Mẹ là niềm mến yêu,
Xin cho con cảm thấy mãnh lực của đau thương,
để cho con được khóc than cùng Mẹ.
Xin cho con cháy lửa mến yêu,
Để cho con có thể làm đẹp ý Người. “
( Trích Thánh Thi Stabat Mater )

*Kiệt tác PIETA : Tháo Xác Chúa Xuống.
Ngoài Thánh Thi Stabat Mater : Đức Mẹ dưới chân Thánh giá, còn có kiệt tác Pieta : Tháo Xác Chúa xuống từ Thập Giá.
Tác phẩm Pieta chạm khắc từ khối đá hoa cương trắng 1, 74m x 1,95m do Michelangelo, người Ý thực hiện và là tác phẩm đầu tiên khi ông mới 25 tuổi. Ông là một danh họa, điêu khắc và kiến trúc gia kiệt xuất của nhân loại trong mọi thời đại.
Tuyệt tác bất hủ hiện nay được trưng bày tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô ( St Peter’s Basillica ) với 3 lớp kính chống đạn bao quanh, vì tác phẩm đã bị phá hoại một lần và được phục chế toàn vẹn như cũ.

Trong số các tác phẩm nghệ thuật của ông thì những bức họa trên mái vòm Nhà Nguyện Sistine, Vatican nổi tiếng nhất, nhưng ông lại tâm đắc nhất là tuyệt tác PIETA, tác phẩm duy nhất lưu lại chữ ký của ông.
Từ ngữ Pieta có ý nghĩa tổng quát thường được dùng để chi về cái chết của Đức Kitô và kèm theo hình Đức
Maria Mẹ Chúa Giêsu.

Từ xưa danh hiệu Pieta từ tiếng Ý là chủ đề cuốn hút đông đảo các nghệ sĩ tài ba trong lãnh vực điêu khắc và hội họa như: Belli, Durer, Botticelli, Carovaggio, Fra Angelico, Murillo, Raphael, Ruben, Titan, Van Dyck… Nhưng không có một tác phẩm nào có sức thu hút bằng Pieta của Mchelangelo.

Du khách đến đây ngắm nhìn tượng Pieta sẽ thấy tác phẩm tuyệt hảo từng chi tiết với vẻ đẹp siêu việt sống động hài hòa. Trên gương mặt Mẹ Maria tươi trẻ phản ảnh sự trong trắng của Trinh Nữ Maria và không có chút gì oán hận hay đau đớn tuyệt vọng, mà chỉ thấy toát lên vẻ thanh khiết, từ ái và bình an… Còn Chúa Giêsu nằm trên vòng tay Mẹ, du khách cảm nhận được Chúa đến chịu khổ nạn không phải trong tuyệt vọng, nên Ngài đón nhận cái chết trong thanh thản để cứu rỗi nhân loại.

*Lời nguyện.
Lạy Mẹ Maria Sầu Bi ! Mẹ các Kitô hữu.
Xin nguyện cầu thay cho chúng con.
Lạy Nữ Vương các Thánh Tử Đạo ! Mẹ đã bị 7 lưỡi gươm đâm thấu Mẫu Tâm, xin hướng dẫn chúng con trên đường lữ hành trần thế đau thương hiểm nguy.
Xin cho chúng con biết cùng Mẹ đứng dưới chân Thánh Giá và xin nâng đỡ những yếu hèn chúng con.
Lạy Trinh Nữ Sầu Bi ! Xin dạy chúng con biết chấp nhận nghịch cảnh để kết hợp với sự đau khổ của Chúa Giêsu và Mẹ, làm lễ tế dâng lên Đức Chúa Cha xin cứu rỗi các linh hồn và những người đau khổ hồn xác.
Cầu xin Lòng Chúa Thương Xót tha thứ cho chúng con.
Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Con Mẹ, thương xót chúng con- Amen

Đinh Văn Tiến Hùng
 
Tin mừng Gia Đình trong nền văn hóa bão hòa về tình dục 4
Vũ Văn An
18:26 15/09/2020
1.4 Trách Nhiệm, Sợ Hãi, và Hy Vọng như Các Phương Thức của Thượng Hội Đồng

Khi nói đến các vấn đề liên quan tới việc chăm sóc mục vụ cho người ly dị và tái hôn, Đức Hồng Y Kasper nhấn mạnh việc “trong vấn đề này, hiện có nhiều kỳ vọng trong Giáo Hội”. Ngài nhìn nhận rằng “chắc chắn ta không thể thoả mãn mọi kỳ vọng này được”, nhưng ngài khuyên ta “nếu chỉ lặp lại các giải đáp mà giả thiết vốn luôn phải được nêu ra thì sẽ gây ra thất vọng đáng sợ” (73). Dĩ nhiên, ở đây ta phải đặt câu hỏi liệu đây có phải là một luận điểm thích đáng hay không. Điều rõ ràng là nếu ta cảm thấy có nghĩa vụ với sự thật, điều mà ta nên có, thì vấn đề người ta mong nghe thấy ở ta điều gì, ít nhất, cũng không nên ảnh hưởng tới ta. Đức Hồng Y viết tiếp bằng cách nhấn mạnh rằng “là các chứng nhân của lòng hy vọng, ta không nên để mình bị khoa giải thích sợ hãi hướng dẫn” (74). Ấy thế nhưng, ở điểm này, có lẽ ta nên thắc mắc liệu sợ hãi có luôn là một điều tiêu cực hay không. Xem ra có một số điều rất có lý để phải sợ. Bởi thế, Hans Jonas, trong tác phẩm có giá trị cao tựa là The Imperative of Responsibility, đã xây dựng phần lớn luận điểm của ông về trách nhiệm nhân bản thời kỹ thuật học trên chính “khoa giải thích sợ hãi” này (75), một thứ sợ hãi, đối với ông, không hề đồng nghĩa với nhút nhát hay sợ về (of) điều gì, mà là sợ (for) điều gì. Dĩ nhiên, ở đây ta đang nói về một bối cảnh khác với bối cảnh của Jonas. Ông bàn tới sự sợ hãi và trách nhiệm đối với trái đất và đối với nhân loại, đặt lên vai ta một trách nhiệm trước chúng ta và trước các thế hệ tương lai. Luận điểm hiện nay của ta liên quan tới trách nhiệm của các mục tử và các người dạy dỗ trong Giáo Hội đối với Tin Mừng và đối với các tín hữu đã được ủy thác cho các vị. Đây là một trách nhiệm đối với gia tài vốn không của riêng các vị, một trách nhiệm họ có trước chính Thiên Chúa. Bất cứ ai cảm thấy có trách nhiệm đối với một điều gì đó, cũng đều sợ hãi đối với điều họ chịu trách nhiệm. Như thế có thực sự là vô lý khi áp dụng khoa giải thích sợ hãi vào bối cảnh hiện nay của ta hay không? Quả có những lúc, ta nên để cho sự sợ hãi lành mạnh hướng dẫn ta: như sợ có khi ta xuống nước hay phản bội Tin Mừng; sợ không nói cho người ta biết sự thật của Tin Mừng hay gây mù mờ cho họ về nội dung của sự thật này; sợ rút bớt con số bí tích từ 7 xuống 6, nếu không bằng lời (“tín lý”) thì bằng việc làm (“thực hành mục vụ”).

Nhưng dĩ nhiên, ta đồng ý với Đức Hồng Y rằng “cần phải có một thứ can đảm và trên hết một thứ dạn dĩ (parrhesia) nào đó của Thánh Kinh” (76). Ấy thế nhưng, điều này có thực sự là thứ can đảm để khoan dung và cuối cùng tha thứ cho hoạt động tính dục ngoài hôn nhân không? Một lần nữa, đây là nội dung của điều được Đức Hồng Y Kasper đề xướng. Nếu quả tình ngài chủ trương một cách vững vàng, như ngài vốn làm, rằng cuộc hôn nhân bí tích đã hoàn hợp là cuộc hôn nhân bất khả tiêu, nhưng đồng thời lại đề nghị cho rước lễ những người ly dị và tái hôn không tuyên bố ý định nào nhằm tiết chế các liên hệ giới tính, thì bỏ qua tình trạng sống khách quan của họ như thế, nhất thiết ngài đã biện hộ để Giáo Hội hợp pháp hóa “việc thực hành tính dục con người bên ngoài hôn nhân” (77). Sự can đảm mà ta cần có thực sự là sự can đảm từ bỏ giáo huấn đã hai ngàn năm của Giáo Hội hay không, một giáo huấn dạy rằng việc làm tình chỉ dành cho một mình tình yêu vợ chồng mà thôi? Há đúng hơn nó không phải là sự can đảm đi ngược lại nền văn hóa phiếm dục hay sao? Há đúng hơn nó không phải là việc dạn dĩ loan báo tin mừng gia đình bất chấp mọi chống đối, một tin mừng chứa trong nó một trong các yếu tố chủ chốt là tính bất khả tiêu và tính nên một của hôn nhân như dấu chỉ hữu hiệu cho lòng tín trung giao ước của Thiên Chúa đó sao? Há nó không phải là niềm hy vọng rằng tính “mãi mãi” là điều thực sự có thể có, rằng Thiên Chúa ban cho ta sức mạnh và ơn thánh của Người để ta có thể đạt được điều ta luôn khát khao từ tận đáy lòng ta đó sao?

Ở cuối cuốn sách nhỏ của ngài, Đức Hồng Y Kasper viết “nếu ta không muốn điều đó, thì ta không nên tổ chức một thượng hội đồng về chủ đề này làm chi, vì như thế tình huống sau này sẽ tồi tệ hơn trước kia” (78). Câu hỏi ở đây là Đức Hồng Y Kasper muốn nói gì với chữ “chủ đề này”. Ngữ cảnh cận kề cho thấy điều ngài muốn nói là việc cho phép rước lễ các tín hữu nào đã ly dị và tái hôn dân sự nhưng không muốn tuân giữ thực hành đã được hai văn kiện Familiaris consortio Sacramentum caritatis đề xướng. Ngữ cảnh bao quát hơn dường như lại mâu thuẫn với lối giải thích này. Trong phần đầu trong bài trình bầy của ngài, Đức Hồng Y Kasper rất đúng khi nhấn mạnh rằng ta không nên thu gọn vấn đề người ly dị và tái hôn “vào vấn đề cho phép họ rước lễ” (79), và sau đó một chút, trong đoạn đã trích dẫn, ngài quả quyết một cách rõ ràng rằng “chúng ta không nên giới hạn cuộc thảo luận [về tin mừng gia đình, và do đó, về chủ đề của Thượng Hội Đồng] vào tình huống người ly dị và tái hôn mà thôi hay vào nhiều tình huống khó khăn về mục vụ khác chưa được nhắc đến trong ngữ cảnh này”. Đúng hơn, ta nên “bắt đầu một cách tích cực, bằng cách một lần nữa khám phá và công bố tin mừng gia đình trong vẻ đẹp toàn bộ của nó” (80). Ta không cần phải thêm hay bớt gì vào những lời vừa nói.

Ghi chú

(1) Gospel of Family, các tr. 33-34
(2) Mật Nghị Hội Bất Thường: Diễn Văn của Đức GH Phanxicô, 20 tháng Hai, 2014.
(3) Xem Gospel of Family, các tr. 2-3: “Tình thế hiện nay trong Giáo Hội không hẳn là duy nhất. Ngay Giáo Hội thời các thế kỷ đầu tiên cũng đã phải đương đầu với các quan niệm và mô thức hôn nhân và gia đình khác với điều Chúa Giêsu rao giảng, là điều khá mới, cả đối với người Do Thái lẫn người Hy Lạp và người Rôma”.
(4) Lucretius, On Nature of Things, Cuốn IV
(5) Wilhelm Reich, The Sexual Revolution, Therese Pol dịch sang tiếng Anh (New York: Farrar, Straus and Giroux, 1974). Ấn hành bằng tiếng Anh lần đầu năm 1945 bởi Orgone Institute Press ở New York. Ấn bản nguyên thủy bằng tiếng Đức xuất bản lần đầu dưới tên Sexualitat im Kulturkampf: Zur sozialistischen Umstrukturierung des Menschem (Kopenhagen: Sexpol-Verlag, 1936).
(6) Reich, The Sexual Revolution, tr.66
(7) Đã dẫn, 108
(8) Đã dẫn, xxiii
(9) Đã dẫn, xxvi
(10) Gospel of Family, tr.16
(11) Susanna Tamaro, Per Sempre (Milan:Giunti, 2011) tr.12
(12) William Shakespeare, Sonnet 116
(13) Diễn Văn của Đức GH Phanxicô với Các Cặp Đính Hôn Đang Chuẩn Bị Hôn Nhân, ngày 14 tháng Hai, 2014.
(14) Đã dẫn
(15) Đã dẫn
(16) Gospel of Family, tr. 50.
(17) Đã dẫn, tr.16
(18) Xem đã dẫn, tr. 43: “Không ai tra vấn tính bất khả tiêu của một cuộc hôn nhân bí tích đã được ký kết và hoàn hợp” (ratum et consumatum).
(19) Carlo Caffarra, phỏng vấn, “Da Bologna con amore: fermatevi” (Từ Bologna với Lòng Yêu Thương: Hãy Ngừng Nó Lại) ngày 14 tháng Ba, 2014. Xem bản dịch tiếng Anh tại http://www.zenit.org/en/articles/cardinal-caffarra-expresses-serious-concerns-about-family-synod-debates#. Câu dịch ở đây căn cứ vào bản dịch của tạp chí Crisis Magazine tại http://www.crisismagazine.com/2014/a-rival-good-to-gods-cardinal-kaspers-divorce-proposal.
(20) Đã dẫn
(21) Đã dẫn
(22) Xem Deus Caritas Est 3-8
(23) Gospel of Family tr,9
(24) Xem Đức Gioan Phaolô II, Tông Huấn Dies Domini, 31 tháng Năm, 1998, số 16
(25) Francesco Botturi, La generazione del bene. Gratuità ed esperienza morale (Milano: Vita and Pensiero, 2009) (lời dịch của tác giả).
(26) Erich Fromm, The Essence of Love (New York: Harper and Row, 1956) tr.27.
(27) Xem Livo Melina, The Epiphany of Love: Toward a Thelogical Understanding of Human Action (Grand Rapids, Mich.: Erdmans, 2010) tr. 115: “Ơn thánh được hiểu như nguyên lý năng động bên trong, một ơn phúc hành động cách mới mẻ”.
(28) Xem Đức Phaolô VI, Thông Điệp Humanae vitae, ngày 25 tháng Bẩy, 1968, số 9 (từ đây viết tắt là HV).
(29) Xem Gospel of Family, các tr.28-33; Đức Gioan Phaolô II, Tông Huấn Familiaris consortio, ngày 22 tháng Mười Một, 1981, số 84 (từ đây viết tắt là FC); và Đức Bênêđíctô XVI, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Sacramentum caritatis, ngày 22 tháng Hai, 2007, số 29.
(30) Có một căng thẳng rõ rệt, nếu không muốn nói là hoàn toàn mâu thuẫn, giữa câu quả quyết của Đức Hồng Y Kasper rằng “Sẽ là một lầm lẫn khi tìm cách giải quyết vấn đề bằng việc nới rộng một cách rộng rãi diễn trình tuyên bố vô hiệu” (Gospel of Family, tr.29) và lời đề nghị của ngài nên tìm kiếm “các thủ tục có tính mục vụ và linh đạo nhiều hơn” trong ngữ cảnh này, có thể có việc các giám mục “trao phó trách vụ này cho một linh mục có kinh nghiệm về linh đạo và về mục vụ làm đại diện ân giải của giám mục” (đã dẫn, tr.28), một điều, trên thực tế, đồng nghĩa với điều Đức Hồng Y Kasper đã tuyên bố là cách giải quyết lầm lẫn, tức “nới rộng một cách rộng rãi diễn trình tuyên bố vô hiệu”. Chúng tôi sẽ thảo luận điểm này kỹ hơn ở một chương sau này.
(31) Đã dẫn, tr.30
(32) Xem đã dẫn, tr.27: “Há một khai triển xa hơn không thể khả hữu đó sao liên quan tới cả vấn đề của chúng ta nữa, một khai triển không hủy bỏ truyền thống trói buộc của đức tin, nhưng kế tục và thâm hậu hóa hơn nữa các truyền thống mới có đây?”
(33) Xem Đã dẫn, các tr. 27-28: “Tôi sin tự giới hạn vào hai tình huống, mà giải pháp đối với chúng đã được nhắc tới trong các văn kiện chính thức”.
(34) Xem FC số 84.
(35) Gospel of Family, tr.26. Ta có thể thấy đây không phải là chuyện viết lỡ tay do dự kiện Đức Hồng Y Kasper lặp lại cùng một ý tưởng này ở một nơi khác: “Nếu, nói thí dụ, một người đàn bà bị bỏ không hề do lỗi của nàng, và vì phúc lợi của các con, nàng cần một người chồng hay một người cha, và nàng cố gắng sống cuộc sống của một Kitô hữu trong cuộc hôn nhân và trong gia đình thứ hai kết ước theo dân luật, và nàng dưỡng dục các con thành các Kitô hữu và can dự vào giáo xứ của nàng một cách gương mẫu (rất thường xảy ra), thì việc này cũng thuộc tình thế khách quan” (tr.45).
(36) Thí dụ, xem N. Zoe Hilton, Grant T. Harris, và Marnie E. Rice, “The Step-Father Effect in Chikd Abuse: Comparing Discriminative Parental Solicitude and Antisociality”, Psychology of Violence, ấn bản trực tuyến, tháng Tư, 2014 http://dx.doi.org/10.1037/a0035189; Vivian A.Weekes-Shackelford and Todd K.Shackelford, “Methods of Filicide: Stepparents and Genetic Parents Kill Differently”, Violence and Victims 19 (2004) 75-81.
(37) Nghĩa là, sự cần thiết luân lý bao lâu vì điều có thể lý luận là vì lợi ích của con cái mà người phối ngẫu bị bỏ rơi cảm thấy có nghĩa vụ luân lý phải bảo đảm.

(38) Familiaris consortio (số 84) nói đến con cái 2 lần, ở những chỗ có thể cho là 2 tình huống khác nhau. Bối cảnh thứ nhất là thế này: khi nói tới những người ly dị và tái hôn “đã bước vào cuộc kết hợp thứ hai vì lý do để dưỡng dục con cái”, Đức Gioan Phaolô II dường như nói tới những đứa con do những người phối ngẫu kết hôn thành sự đẻ ra, rồi sau đó, một trong hai người bỏ rơi người phối ngẫu và những đứa con này. Như ta biết ngay sau một ít dòng sau đó, những đứa con này không phải là động lực có thể biện minh để người phối ngẫu bị bỏ rơi bước vào cuộc kết hợp thứ hai, bất kể động lực này có thể hiểu được về phương diện nhân bản ra sao và bất kể các mục tử được kêu gọi phải nghĩ tới các hoàn cảnh giảm khinh (dù không biện minh) như thế nào. Thứ hai, Familiaris consortio, trong cùng đoạn kể trên, nhắc tới tình huống trong đó, “vì các lý do nghiêm túc, tỷ dụ, như dưỡng dục con cái, mà người đàn ông và người đàn bà không thể thỏa mãn được nghĩa vụ phải ly thân”. Những đứa con này dường như là những đứa con do cuộc kết hợp thứ hai sinh ra; những đứa con này là động lực có thể biện minh để hai người kết hôn theo dân luật (cha và mẹ của cùng các đứa con) tiếp tục sống chung với nhau, dù không thân mật với nhau theo nghĩa tính dục. Trong khi, ở trường hợp sau, có sự bất khả luân lý để hai người phối ngẫu ly thân nhau, thì ở trường hợp đầu, không có sự bất khả luân lý nào để người phối ngẫu bị bỏ rơi tiếp tục ở trong trạng thái hiện thời. Đức Hồng Y Kasper gần như cho ta cảm tưởng ngài muốn trộn lẫn cả hai trường hợp lại với nhau.

(39) Chỉ sau khi bị các ký giả minh nhiên chất vấn về vấn đề này trong một cuộc phỏng vấn của tạp chí Commonweal, cuối cùng Đức Hồng Y Kasper mới đề cập đến vấn đề, công khai bác bỏ nó như là bất khả thi, do đó, đã để lộ một quan điểm khá bi quan vè người tín hữu bình thường: “sống với nhau như anh trai em gái ư? Dĩ nhiên, tôi có lòng rất kính trọng những ai đang sống như vậy. Nhưng đó là nghĩa cử anh hùng, và chủ nghĩa anh hùng không dành cho một Kitô hữu trung bình” (Matthew Boudway and Grant Gallico, “Merciful God, Merciful Church: An Interview with Cardinal Walter Kasper” 7 tháng Năm, 2014, http://www.commonwealmagazine.org/kasper-interview-pope-francis-vatican).
(40) Xem Gospel of Family, tr.4, nơi ngài minh nhiên nhắc tới việc Thánh Tôma Aquinô bàn về Luật Mới của Tin Mừng trong Summa Theologica, I-II, q.106 (từ đây viết tắt là St).
(41) Gospel of Family, các tr. 33-34
(42) Dĩ nhiên, các ý niệm này rất thân thiết đối với Đức Karol Wojtyla, được phát biểu đặc biệt trong cuốn Love and Responsibility của ngài (New York: Farrar, Strauss and Giroux, 1981); trong bài bênh vực Humanae vitae rất sâu sắc và súc tích của ngài tựa là “La visione antropolica della Humanae vitae”, Lateranum 44 (1978), 125-145; và, dĩ nhiên, khi đã là giáo hoàng, trong các bài Giáo Lý Thứ Tư về tình yêu nhân bản, được xuất bản dưới tựa đề Man and Woman He Created Them: A Theology of the Body (Boston: Pauline Books and Media, 2006).
(43) xem HV 9.
(44) Hv 11
(45) Xem khảo luận xuất sắc về chủ đề này của Martin Rhonheimer trong “Sexuality and Responsibility: Contraception as an Ethical Problem”, Ethics of Procreation and the Defense of Human Life: Contarception, Artificial Fertilization, and Abortion (Washington, D.C.: Catholic University of America Press, 2010) các tr.33-132.
(46) Xem Caffarra, “Da Bologna con amore” (Từ Bologna với Lòng Yêu Thương)
(47) Mary Eberstadt, How the West Rellay Lost God: A New Theory of Secularization, (West Conshohocken, Pa,:Templeton Press, 203) tr. 140.
(48) Đã dẫn tr. 153.
(49) Xem đã dẫn tr. 153: “Tóm lại, các giáo hội làm nhiều nhất để thả lỏng luật luân lý Kitô giáo cổ truyền cũng chính là các giáo hội kết cục sẽ chịu thiệt hại hơn hết vì cố gắng này, cả về phương diện dân số học, tài chánh, luân lý và nhiều phương diện khác nữa. Một số hiện đang trên bờ diệt vong thực sự”.
(50) “Diễn Văn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước Các Tham Dự Viên của Đại Hội Toàn Thể Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình”, thứ Sáu, 25 tháng Mười, 2013.
(51) Xem Eberstadt, How the West Really Lost God, tr. 22: “Gia đình và đức tin là đường xoắn ốc kép vô hình của xã hội, hai vòng xoắn ốc mà khi được nối với nhau có thể tái sinh một cách hữu hiệu, nhưng sức mạnh và đà đẩy (momentum) của chúng tùy thuộc lẫn nhau”. Cũng xem đã dẫn, tr.98: “Điều ít nhất cũng hợp lý, đúng ra, căn cứ vào chứng cớ ở đàng trước, phải nói là hợp lý hơn, khi giả thiết điều ngược lại: rằng một điều gì đó liên quan tới việc có những gia đình rộng lớn hơn hay mạnh mẽ hơn hay gắn bó với nhau hơn khiến người ta có tôn giáo hơn, ít nhất cũng vào một lúc nào đó”.
(52) Đã dẫn, tr. 156
(53) Đã dẫn, tr. 159.
(54) Thánh Augustinô, On the Trinity 8.8. trích trong “Diễn Văn của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI trước Các Tham Dự Viên của Đại Hội Toàn Thể Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình”, ngày 1 tháng Mười Hai, 2011.
(55) Đức Bênêđíctô XVI, “Diễn Văn trước Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình”
(56) FC 49
(57) “Thánh Lễ Khai Mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục và Lễ Tuyên Phong Thánh Gioan đệ Avila và Thánh Hildegard đệ Bingen là ‘Các Tiến Sĩ của Giáo Hội’: Bài giảng lễ của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI”, ngày 7 tháng Mười, 2012.
(58) Thí dụ, xem “France and Germany Rebuke Pope over Condom and Aids in Africa Comments” Telegraph, ngày 18 tháng Ba, 2009, http://www.telegraph.co.uk/news/worldnews/europe/vaticancityandholysee/5013378/France-and-Germany-rebuke-Pope-over-condom-and-Aids-in-Africa-comments. html
(59) Xem “France:Demonstrators Take to Streets to Call for Anti-Equal Marriage Protestor’s Releae”, Ngày 25 tháng Sáu, 2013, http:/vaticaninsider.lastampa.it/en/world-news/detail/articolo/francia-france-francia-25958/.
(60) “Inaugural Address by President Barack Obama” (United States Capitol, ngày 21 tháng Giêng, 2013), http://www.whitehouse.gov/the-press-office/2013/ó/21/inaugural-address-president-barack-obama.
(61) Jutta Burggraf, “Genere (“gender”) trong Pontificio Consiglio per la Famiglia, ed. Lexicon:Termini ambigui e discussi su famiglia, vita e questioni ethiche (Bologna: Edizioni Dehoniane, 2003) tr. 428; lời dịch của tác giả.
(62) Simone de Beauvoir, The Second Sex, do H.M. Parshley dịch (London: Vint age Books, 1997) tr. 295
(63) Tony Anatrella, La teoria del “gender” e l’origine dell’omosessualità: Unasfida culturale (Milano:San Paolo, 2102) tr. 35; lời dịch của tác giả.
(64) Camille Paglia, “Put the Sex Back in Sex Ed”, Time, ngày 13 tháng Ba, 2014, http://time.com/23054/camille-paglia-put-the-sex-back-in-sex-ed/.
(65) Gospel of the Family, tr.33.
(66) Tài Liệu Làm Việc (Instrumentum Laboris) được Văn Phòng Thư Ký Thượng Hội Đồng Giám Mục công bố để chuẩn bị cho Phiên Bất Thường Toàn Thể Lần Thứ Ba đã chứng minh cho niềm ưu tư này: “Các câu trả lời cho thấy tại Âu Châu và Mỹ Châu, con số những người ly thân, ly dị hay ly dị và tái hôn rất cao; con số này thấp hơn tại Phi Châu và Á Châu” (số 86), http://vatican.va/roman_curia/synod/documents/rc_synod_doc_20140626_instrumentum-laboris-familia_en.html.
(67) “Address of his Holiness Benedict XVI to the Participants in the Ecclesial Diocesan Convention of Rome” ngày 6 tháng Sáu, 2005, tr.5.
(68) Xem Luce Irigaray, An Ethics of Sexual Difference, do Carolyn Burke và Gillian C. Gill dịch (London: Athlone Press, 1993): “Dị biệt giới tính là một trong các vấn đề triết học lớn, nếu không muốn nói là duy nhất, thời ta. Theo Heidegger, mỗi thời đều có một vấn đề để suy nghĩ thấu đáo, và chỉ một mà thôi. Dị biệt giới tính có lẽ là vấn đề trong thời đại ta mà nếu nghĩ cho thấu đáo, chính là “sự cứu rỗi” của ta” (tr.5).
(69) Gospel of the Family, tr.44
(70) EG 36
(71) FC 84
(72) DCE 11
(73) Gospel of the Family, tr.47
(74) Đã dẫn
(75) Hans Jonas, The Imperative of Responsibility: in Search of an Ethics for the Technological Age (Chicago: University of Chicago Press, 1984) các tr. 26-27.
(76) Gospel of the Family, tr.47
(77) Xem Caffarra, “Da Bologna con amore” [Từ Bologna với Lòng Yêu Thương].
(78) Gospel of the Family, tr. 47
(79) Đã dẫn, tr.25
(80) Đã dẫn, tr. 33

Kỳ tới: Chương II: Sự Thật của Hôn Nhân Bí Tích: Nơi Lòng Thương Xót và Lòng Trung Thành Gặp Nhau
 
VietCatholic TV
Công lý chiến thắng: 133 năm tù cho cựu đại tá đã ra lệnh giết 5 linh mục Dòng Tên ở El Salvador
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:14 15/09/2020


1. Tây Ban Nha ra phán quyết 133 năm tù cho cựu đại tá đã giết 5 linh mục Dòng Tên ở El Salvador

Một tòa án ở Tây Ban Nha hôm thứ Sáu đã kết án một cựu đại tá người Salvador 133 năm tù về tội giết 5 linh mục người Tây Ban Nha ở El Salvador hơn ba thập kỷ trước.

Tòa án quốc gia của Tây Ban Nha đã ra phán quyết rằng Inocente Orlando Montano, một cựu đại tá từng là thứ trưởng bộ nội vụ của El Salvador trong cuộc nội chiến 1979-1992, phải chịu trách nhiệm về “vụ ám sát khủng bố” năm 1989.

Montano, 77 tuổi, ngồi trên xe lăn khi các thẩm phán đọc bản án, phạt ông 26 năm, tám tháng và một ngày cho mỗi cái chết. Bản án có thể bị kháng cáo.

Mỹ đã dẫn độ Montano sang Tây Ban Nha vào năm 2017. Trong phiên xét xử đầu năm nay, Montano phủ nhận đã tham gia hoặc ra lệnh thực hiện các vụ thảm sát dẫn đến cái chết của 8 người trong khuôn viên Đại học Trung Mỹ.

Năm trong số các nạn nhân là các linh mục Dòng Tên người Tây Ban Nha, bao gồm linh mục Ignacio Ellacuría, người thường được coi là đi tiên phong trong thần học Giải phóng.

Tổng cộng bản án lên đến hơn 133 năm tù. Trước tòa Montano nhìn với vẻ mặt bàng quang, mặt lạnh như tiền, không để lộ cảm giác nào khi tòa tuyên án.


Source:AP

2. Đức Tổng Giám Mục Brisbane phê bình nghị viện tiểu bang thông qua luật buộc các linh mục phải vi phạm ấn tín tòa giải tội

Ðức Cha Mark Coleridge, Tổng giám mục Brisbane, thủ phủ bang Queensland, Úc Đại Lợi, phê bình nghị viện tiểu bang thông qua luật buộc các linh mục phải vi phạm ấn tín tòa giải tội, phải trình báo khi có hối nhân xưng tội lạm dụng tính dục trẻ em, ai vi phạm sẽ bị phạt ba năm tù.

Dự luật này đã được thông qua, hôm 8 tháng 9 năm 2020, với sự ủng hộ của phe đối lập là đảng Quốc gia tự do ở bang Queensland.

Phản ứng về vụ này, Ðức Tổng Giám Mục Mark Coleridge, cũng là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Úc Đại Lợi nhận định rằng đòi hỏi vừa nói của luật sẽ không gia tăng an ninh cho người trẻ và dự luật này dựa trên một “kiến thức nghèo nàn về bí tích giải tội thực sự được thi hành như thế nào trong thực tế”.

Trong tuần lễ trước đây, Hội đồng Giám mục Úc cũng đã phổ biến các câu trả lời của Tòa Thánh về 12 đề nghị, trong phúc trình năm 2017 của Ủy ban Hoàng gia Úc, trong đó có đề nghị Giáo Hội Công Giáo bãi bỏ ấn tín bí mật tòa giải tội trong trường hợp hối nhân xưng tội lạm dụng tính dục trẻ em, và cha giải tội chỉ được ban phép xá giải sau khi hối nhân thú tội với cảnh sát.

Trong câu trả lời, Tòa Thánh bác bỏ đề nghị của Ủy ban Hoàng gia và khẳng định đặc tính bất khả xâm phạm của bí tích, và việc ban phép xá giải không thể chịu pháp chế đối với những hành động tương lai ở tòa ngoài lương tâm. Nhưng Tòa Thánh nhận xét rằng linh mục giải tội “có thể, và trong một số trường hợp, phải khuyến khích nạn nhân tìm kiếm sự giúp đỡ ngoài tòa giải tội”. Linh mục cũng có thể khuyến khích hối nhân trình báo với chính quyền.

Ðức Tổng giám mục Coleridge cũng nhận xét rằng luật mới của nghị viện bang Queensland biến các linh mục trở thành những nhân viên nhà nước, hơn là người phục vụ Thiên Chúa và Ðức Cha nêu vấn đề lớn về tự do tôn giáo của người dân tại Australia.

Cho đến nay đã có bốn bang ở Úc Đại Lợi ban hành luật tương tự, buộc các linh mục vi phạm bí mật tòa giải tội, đó là bang Victoria, Tasmania, Nam Australia và Vùng Thủ đô Canberra, trong hai hai bang New South Wales và Tây Australia, không có luật như vậy.

Hồi đầu năm 2020, Tòa Thánh nói với các giám mục Úc Đại Lợi rằng ấn tín tòa giải tội là điều bất khả xâm phạm và được áp dụng cho tất cả mọi tội linh mục biết được trong tòa giải tội, từ hối nhân hoặc từ người khác. Giáo huấn truyền thống của Giáo hội về vấn đề này là một đòi hỏi do chính bản chất của bí tích giải tội, và như vậy có nghĩa là từ chính luật của Chúa.

Tại Mỹ, trước đây cũng có một vài nơi muốn làm luật bó buộc các cha giải tội phải báo cáo với chính quyền về những tội lạm dụng tính dục đã nghe được từ hối nhân. Một số linh mục nhận xét rằng làm luật như thế là vô ích, vì không một hối nhân nào đi xưng tội lạm dụng nếu biết rằng mình sẽ bị cha giải tội tố cáo với cảnh sát.


Source:Catholic News Agency

3. Tổng thống Trump mở rộng danh sách các ứng viên thẩm phán Tòa án Tối cao Hoa Kỳ

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Tư đã công bố thêm tên của các ứng viên mà ông sẽ đề cử vào Tòa án Tối cao, mặc dù hiện tại tòa án không còn chỗ trống.

Ngoài danh sách hiện có của Toà Bạch Ốc gồm hai mươi ứng viên của Tòa án Tối cao, Tổng thống Trump đã bổ sung thêm 20 người nữa vào ngày 9 tháng 9, bao gồm ba thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đang tại chức.

Trong số những người có tên trong danh sách mới có Stewart Kyle Duncan thuộc Tòa phúc thẩm Quận Hạt Năm — cựu tổng cố vấn cho tập đoàn luật sư về tự do tôn giáo Becket — và Peter Phipps của Tòa phúc thẩm Quận Hạt Ba, là thành viên trong Đoàn Hiệp sĩ Kha Luân Bố. Ông đã là nạn nhân của những câu hỏi hóc búa do Thượng nghị sĩ Kamala Harris đưa ra khi ông là ứng viên của tòa án Quận Hạt Ba vào năm 2018.

Amy Coney Barrett của tòa án Quận Hạt Bẩy, một cựu giáo sư tại Đại học Notre Dame và là một bà mẹ Công Giáo của bảy người con, nằm trong danh sách đề cử hiện có của Toà Bạch Ốc.

Các nhà lãnh đạo phò sinh đã ca ngợi tuyên bố hôm thứ Tư của Tổng thống Trump. Jeanne Mancini, chủ tịch March for Life, cho biết việc bổ nhiệm các thẩm phán phò sinh cho các tòa án liên bang là “một trong những thành tựu lớn nhất của Tổng thống Trump” trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông và cô bày tỏ hy vọng rằng “quá trình đó sẽ tiếp tục trong nhiệm kỳ thứ hai.” Marjorie Dannenfelser, chủ tịch của Susan B. Anthony List và là đồng chủ tịch của chiến dịch ủng hộ cuộc sống của tổng thống Trump nói rằng danh sách mới này “chứa đầy những ngôi sao”.

Thông báo hôm thứ Tư được đưa ra tám tuần trước cuộc tổng tuyển cử và đây không phải là lần đầu tiên ông Trump đưa ra danh sách các ứng viên vào Tòa án Tối cao trong một năm bầu cử.

Sau khi ông được tuyên bố là ứng viên tổng thống của Đảng Cộng Hòa vào tháng 5 năm 2016, ông Trump đã công bố danh sách ban đầu gồm 11 ứng viên của Tòa án Tối cao. Thẩm phán Antonin Scalia đã qua đời vào tháng Giêng và Lãnh đạo thiểu số Thượng viện Mitch McConnell đã từ chối xác nhận ứng viên của Tổng thống Obama cho Tòa Án Tối Cao, là ông Merrick Garland, nói rằng Thượng viện sẽ đợi cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống để điền vào ghế của Scalia.

Tháng 9 năm 2016, Tổng thống Trump đã thêm vào danh sách đó và một lần nữa vào năm 2017, mở rộng danh sách lên hai chục người trước thông báo của ông vào hôm thứ Tư.

Tại một cuộc tranh luận tổng thống vào tháng 10 năm 2016, ông Trump cam kết sẽ bổ nhiệm các thẩm phán, những người sẽ lật đổ phán quyết Roe chống Wade. Năm 2017, ông đề cử Neil Gorsuch làm người thay thế Scalia và vào năm 2018 đề cử Brett Kavanaugh thay thế cho thẩm phán Anthony Kennedy, người đã nghỉ hưu. Cả hai đều đã rất vất vả đối phó với các Thượng nghị sĩ của đảng Dân Chủ. Thẩm phán Brett Kavanaugh đặc biệt đã phải đối phó với những câu hỏi hóc búa của bà Kamala Harris.


Source:Catholic News Agency
 
Những nguy cơ nếu Joe Biden thắng cử. Quan hệ Tòa Thánh và Trung Quốc sau 2 năm hiệp định tạm thời
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:31 15/09/2020


1. Tổng thống Trump cảnh báo cử tri tại Michigan: 'Nếu Biden thắng, Trung Quốc thắng'

Tổng thống Donald Trump đã tăng cường các cuộc tấn công của mình đối với ứng cử viên Dân chủ Joe Biden, cáo buộc rằng ông Joe Biden đã đứng về phía tả khuynh trong đảng Dân Chủ và đứng về phe Trung Quốc.

Tổng thống Trump đã thắng tại Michigan với một chiến thắng sít sao chưa đến 11,000 phiếu trong cuộc bầu cử vào năm 2016, trở thành ứng cử viên Cộng hòa đầu tiên chiến thắng tại tiểu bang này kể từ thời ông Bush cha vào năm 1988.

Phát biểu trước đám đông ở Freeland, tổng thống cảnh báo các cử tri rằng nếu đắc cử, ông Biden sẽ đẩy công việc của người Mỹ cho Trung Quốc.

“Nếu Biden thắng, Trung Quốc thắng. Nếu Biden thắng, những kẻ gây rối sẽ thắng. Nếu Biden thắng, những kẻ bạo loạn và vô chính phủ, những kẻ đốt phá và đốt cờ sẽ thắng,” ông nói.

Tổng thống Trump cho biết bất chấp thành tích ôn hòa trong Quốc Hội của ông Biden, ông hiện đang đứng về phía cánh tả của đảng Dân chủ.

“Joe Biden đã đưa ra các chính sách cực đoan nhất và đó không phải là ông ta. Ông ta không thể soạn ra một nghị quyết với những chính sách ông ta chưa hề biết. Đó là những người cực đoan cánh tả của ông ta.”

“Đó là Alexandria Ocasio-Cortez. Tất cả là những người này, Bernie Sanders. Chính là Bernie. Chính là Kamala, người cực đoan nhất trong Thượng viện Hoa Kỳ, Kamala.”


Source:Sky News Australia

2. Trung Quốc cáo buộc Australia 'khủng bố trắng' đối với các nhà báo Trung Quốc

Căng thẳng lại dâng cao giữa Úc và Trung Quốc. Trong cuộc họp báo sáng thứ Sáu 11 tháng 9 tại Bắc Kinh, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Ly Kiên (Zhao Lijian - 赵丽坚) đã lên tiếng cáo buộc Úc đang “đàn áp khủng khiếp” và phạm vào tội “khủng bố trắng” các nhà báo Trung Quốc.

Diễn biến này đã xảy ra sau khi Úc trục xuất hai ký giả Trung Quốc bị nghi ngờ là có âm mưu xâm nhập vào Quốc Hội tiểu bang New South Wales.

Hai học giả hàng đầu của Trung Quốc trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa Úc cũng bị cuốn vào cuộc điều tra này, dẫn đến việc họ bị thu hồi thị thực nhập cảnh.

Trong một bài báo được công bố trên một cơ quan ngôn luận của bọn cầm quyền Bắc Kinh, Tờ Hoàn Cầu Thời Báo cảnh giác rằng Úc đang chọc giận Trung Quốc trong “chiến dịch săn phù thủy” này.

Tờ báo viết:

“Các chiến dịch săn phù thủy dưới cái cớ gọi là điều tra sự xâm nhập của Trung Quốc, thúc đẩy bởi các bộ phận an ninh của Úc, là đáng phẫn nộ. Cái gọi là tự do báo chí và tự do ngôn luận của Australia đã hoàn toàn trở thành một trò đùa.”

Một trong những học giả bị thu hồi thị thực là ông Trần Hồng (Chen Hong, 陈红) giám đốc Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Úc tại Đại học Sư phạm Hoa Đông, đã bác bỏ các cáo buộc của chính phủ Úc.

Ngược lại, hai ký giả của Úc đang làm việc tại Bắc Kinh là Bill Birtles của ABC và Mike Smith của Australian Financial Review đã buộc phải chạy khỏi Trung Quốc sau những đe dọa của các cơ quan an ninh Bắc Kinh. Họ bị đe dọa bỏ tù và cấm không được xuất cảnh khỏi Trung Quốc. Lệnh cấm xuất cảnh sau đó được dỡ bỏ sau các cuộc đàm phán của các nhà ngoại giao Úc Đại Lợi với bọn cầm quyền Trung Quốc. Ngày sau khi lệnh cấm này được dỡ bỏ, hai ký giả đã lên chuyến bay sớm nhất chạy khỏi Hoa Lục.

Các hãng truyền thông Trung Quốc cũng cáo buộc rằng các cơ quan an ninh của Úc Đại Lợi đã đột kích vào tư gia của một số nhà báo Trung Quốc vào tháng 6 liên quan đến cuộc điều tra về những can thiệp của nước ngoài liên quan đến nghị sĩ New South Wales Shaoquett Moselmane.


Source:Sky News Australia

3. Những câu hỏi quan trọng đối với người Công Giáo trong cuộc bầu cử 2020

Philip Lawler của Catholic World News có bài xã luận xúc tích sau về cuộc bầu cử năm nay tại Hoa Kỳ. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi qua lời dịch sang Việt Ngữ của Kim Thúy.

Một lần nữa lại là mùa ngớ ngẩn: người Mỹ chúng ta đang bước vào những tuần cuối cùng của chiến dịch tranh cử tổng thống. Vì vậy, chúng ta sẽ thấy đủ loại tuyên bố giật gân về việc ứng cử viên này hay ứng viên kia là hiện thân của cái ác, một mối đe dọa đối với nền văn minh phương Tây. Điều này xảy ra bốn năm một lần.

Năm nay áp suất tuyên truyền sẽ đặc biệt được chú ý vì đất nước chúng ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng chính trị. Chúng ta đang bị chia rẽ nghiêm trọng, các cuộc đối đầu bạo lực đang lan rộng và leo thang, và có sự khác biệt ngày càng lớn về quan điểm đối với các vấn đề đạo đức cơ bản. Cứ 4 năm một lần các đảng phái nói rằng họ sợ hãi trước khả năng các đối thủ của họ có thể lên nắm quyền. Năm nay tôi nghĩ họ thực sự nghĩ như vậy.

Tối thiểu là đối với những tín hữu Công Giáo Hoa Kỳ, chúng ta có các lý do để sợ hãi. Các chính trị gia theo chủ nghĩa cấp tiến cực đoan không chỉ đe dọa ban hành các chính sách mà chúng ta thấy ghê tởm, mà còn đóng cửa các tổ chức của chúng ta và tống chúng ta vào tù nếu chúng ta chống lại các sáng kiến của họ.

Trong những năm qua, những người ủng hộ sự sống đã lo lắng rằng những người theo chủ nghĩa cực đoan sẽ hợp pháp hóa việc phá thai... rằng họ sẽ buộc người đóng thuế phải trả tiền cho việc phá thai... rằng họ sẽ biến việc chấp nhận phá thai trở thành một điều kiện để nhận viện trợ của Mỹ ở nước ngoài... rằng họ sẽ cho phép thanh thiếu niên được phá thai mà không cần sự đồng ý của cha mẹ… rằng họ sẽ đóng cửa các trung tâm trợ giúp mang thai không cung cấp giấy giới thiệu phá thai. Tất cả những lo sợ đó đã được chứng minh là hợp lý.

Tương tự như vậy, các Kitô hữu từng lo lắng rằng chính phủ sẽ cho phép các hành vi đồng tính luyến ái… sẽ công nhận quan hệ đồng giới… sẽ đặt những quan hệ đối tác đó ngang hàng với hôn nhân về phương diện pháp luật… sẽ khuyến khích những người trẻ chấp nhận đồng tính luyến ái… sau đó sẽ thúc giục sự chấp nhận các lựa chọn tình dục khác… và tán thành việc thay đổi bản sắc để theo đuổi “bản sắc phái tính” mới. Tất cả những điều đó, cũng đã được thông qua.

Hãy cân nhắc xem những người theo chủ nghĩa thế tục cực đoan đã đẩy mạnh được nghị trình xã hội cấp tiến của họ như thế nào trong thế hệ trước — hoặc thậm chí trong mười năm qua. Hãy tưởng tượng họ sẽ đẩy xa hơn bao nhiêu, và nhanh hơn bao nhiêu nếu họ kiểm soát được tất cả các cánh tay của chính phủ liên bang! Mối nguy đặc biệt nghiêm trọng bởi vì năm nay, các nhà tuyên truyền cấp tiến đã nói rõ rằng mục tiêu của họ là bịt miệng đối thủ.

Không phải ngẫu nhiên mà Joe Biden, một người Công Giáo tự xưng mình là người “sùng đạo”, đã hứa sẽ lặp lại những cuộc tấn công ở cấp liên bang đối với dòng Những nữ tử cho người nghèo, nhằm bảo đảm rằng không có, ở bất cứ nơi đâu trong bất cứ ngóc ngách nào của nước cộng hòa này, một hội dòng các nữ tu Công Giáo dám không bao gồm bảo hiểm tránh thai trong chương trình bảo hiểm y tế của họ. Mục tiêu của cánh tả cực đoan - vốn đã trở thành mục tiêu của Đảng Dân chủ - không chỉ đơn thuần là cung cấp các biện pháp tránh thai, mà là bắt buộc phải thanh toán các biện pháp tránh thai.

Đảng chính trị nào đã thúc đẩy pháp luật để bịt miệng những người biểu tình ủng hộ cuộc sống trên các vỉa hè bên ngoài các phòng khám phá thai? Đảng nào đã gợi ý rằng các thành viên của đoàn Hiệp sĩ Kha Luân Bố không đủ điều kiện để làm thẩm phán liên bang? Đảng nào đã ủng hộ các vụ kiện đòi phải đóng cửa những người làm bánh đã chọn không phục vụ cho đám cưới đồng tính? Các thống đốc của đảng nào đã đi đầu trong việc đóng cửa các nhà thờ trong thời kỳ đại dịch Covid — trong khi các phòng khám phá thai vẫn được mở cửa? Nghị quyết của đảng nào đã tán thành các chính sách chụp mũ Tin Mừng là các “diễn từ căm thù” để khiến các Kitô hữu phải đứng sau song sắt nếu rao giảng Tin Mừng?

Tóm lại, đối với nhiều người trong chúng ta, câu hỏi quan trọng trong cuộc bầu cử năm nay là: Ứng cử viên tổng thống nào có nhiều khả năng khiến bạn phải ngồi tù hơn? Không có gì ngạc nhiên khi các luận điệu đang được tung ra rất là nóng.


Source:Catholic World News

4. Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng cho rằng thỏa thuận với Vatican đã được 'thực hiện thành công'

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hôm thứ Năm rằng thỏa thuận tạm thời của Trung Quốc với Vatican đã “được thực hiện thành công. “

Phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Ly Kiên (Zhao Lijian - 赵丽坚) đã đưa ra nhận xét trênvài ngày trước khi thỏa thuận tạm thời được ký kết bởi Vatican và Trung Quốc vào ngày 22 tháng 9 năm 2018, sắp hết hạn.

“Với những nỗ lực phối hợp từ cả hai bên, thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm giám mục giữa Trung Quốc và Vatican đã được thực hiện thành công kể từ khi được ký khoảng hai năm trước,” Triệu Ly Kiên cho biết tại một họp báo ngày 10 tháng 9.

Bloomberg đưa tin vào ngày 9 tháng 9 rằng hai nguồn tin ẩn danh đã nói rằng thỏa thuận sẽ được gia hạn trong những tuần tới.

Sau thỏa thuận này, và phù hợp với chương trình Trung Quốc hóa của Đảng Cộng sản Trung Quốc, quan chức nhà nước ở các vùng khác nhau tại Hoa Lục đã tiếp tục loại bỏ thánh giá và nhiều nhà thờ đã bị phá hủy. Các tín hữu và hàng giáo sĩ Công Giáo thầm lặng tiếp tục bị quấy rối và giam giữ.

Triệu Ly Kiên nói tiếp rằng Vatican và Trung Quốc đã “tích lũy thêm sự tin cậy và đồng thuận với nhau thông qua một loạt các tương tác tích cực” kể từ đầu năm 2020, với lý do hỗ trợ lẫn nhau trong đại dịch COVID-19.

Sau thời gian đại dịch coronavirus, Hiệp hội Công Giáo Yêu nước và Ủy ban hành chính giáo dục Công Giáo Trung Quốc thuộc tỉnh Chiết Giang đã ban hành quy định mới về việc mở lại các nhà thờ với yêu sách là các nhà thờ phải tăng cường giáo dục “lòng yêu nước” trong các cử hành phụng vụ.

Vào ngày 1 tháng 7, Luật An ninh Quốc gia có hiệu lực tại Hương Cảng nhằm hình sự hóa các danh mục mới là “ly khai”, “lật đổ”, “khủng bố” và “thông đồng với lực lượng nước ngoài”. Bất kỳ ai bị kết án theo luật mới này sẽ bị phạt tối thiểu 10 năm tù, và có khả năng bị kết án chung thân.

Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, Giám mục hiệu tòa của Hương Cảng, nói rằng ngài “không tin tưởng rằng Luật An ninh Quốc gia mới sẽ tôn trọng quyền tự do tôn giáo của người Công Giáo”.

Cha Bernardo là giám đốc Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại và từng là một linh mục hoạt động nhiều năm ở Trung Quốc, nhận xét rằng đây là lần đầu tiên một quan chức Trung Quốc lên tiếng về thỏa thuận này.

Ngài nhận định rằng việc Trung Quốc giữ im lặng về thỏa thuận này để lại cho ngài ấn tượng rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể coi hiệp định này là một điều gì đó có chút tích cực nào đó, nhưng theo quan điểm của họ, “những rủi ro ngày càng tăng đến mức họ phải yêu cầu Vatican đáp ứng mọi thứ.”

Ngài nhấn mạnh rằng, mọi thứ, theo nghĩa này, có nghĩa là “Vatican phải cho phép mọi thứ mà Trung Quốc làm, và chắc chắn phải làm gián đoạn quan hệ với Đài Loan.”

Ngài nhận xét cay đắng rằng: “Bản thân thỏa thuận này là nhằm bổ nhiệm các giám mục mới, nhưng từ khi đạt được thỏa thuận cho đến nay, không một giám mục mới nào được bổ nhiệm”. Cha Bernardo lưu ý rằng hai giám mục đã được bổ nhiệm và ba vị khác đã được Bắc Kinh công nhận trong hai năm qua, đều đã được lựa chọn nhiều năm trước khi thỏa thuận được ký năm 2018.

“Vì vậy, ta không thể nói rằng nhờ có thỏa thuận mà tất cả những điều này đã xảy ra.”

Trong thực tế, cả ba vị vừa được Bắc Kinh công nhận là các vị đã chấp nhận gia nhập Hội Công Giáo Yêu Nước. Nhiều người không ngại gọi các ngài là các “hồi chánh viên”. Và cùng với hành động hồi chánh này 3 giáo phận thầm lặng bị xóa sổ.


Source:Catholic News Agency
 
Giáo Hội Ý bàng hoàng và đau đớn trước cái chết của một linh mục nhân từ: Chết vì cho kẻ đói ăn!
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
22:57 15/09/2020


Sáng sớm ngày thứ Ba 15 tháng 9, một linh mục người Ý 51 tuổi được tìm thấy đã chết vì những vết dao gần giáo xứ của ngài ở thành phố Como.

Cha Roberto Malgesini được nhiều biết đến với sự tận tâm của ông đối với người vô gia cư và người di cư ở giáo phận miền bắc nước Ý.

Cha Malgesini đã chết trên một con phố gần nhà thờ giáo xứ Thánh Rocco của ngài sau khi bị nhiều nhát dao, bao gồm cả một nhát trí mạng nơi cổ, vào khoảng 7 giờ sáng ngày 15 tháng 9.

Một người đàn ông 53 tuổi đến từ Tunisia đã thừa nhận gây ra vụ án mạng kinh hoàng này và tự nộp mình cho cảnh sát ngay sau đó. Người đàn ông được biết là bị một số bệnh tâm thần. Ông ta là người đang được Cha Malgesini giúp đỡ, và đã cho anh ta ngủ trong một căn phòng dành cho người vô gia cư do giáo xứ quản lý.

Cha Malgesini là điều phối viên của một nhóm giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Do tình hình đại dịch coronavirus, thay vì tập trung những người vô gia cư tại một địa điểm, Cha Malgesini đích thân mang các bữa ăn sáng đến cho những người vô gia cư.

Năm 2019, ngài đã bị cảnh sát địa phương phạt vì cho những người sống dưới mái hiên của một nhà thờ cũ ăn uống.

Đức Cha Oscar Cantoni, Giám Mục Como đã chủ sự buổi lần hạt Mân Côi cho Cha Malgesini tại Nhà thờ Como vào lúc 8:30 tối ngày 15 tháng 9. Trong buổi đọc kinh, Đức Cha nói “chúng tôi tự hào với tư cách là một giám mục và với tư cách là một Giáo hội của một linh mục đã hiến mạng sống của mình cho Chúa Giêsu cho những người ‘thấp hèn nhất’”

Một tuyên bố của giáo phận cho biết “khi đối mặt với thảm kịch này, Giáo Hội tại Como trông cậy vào lời cầu nguyện cho Cha Roberto và cả cho người đã đâm ngài đến chết.”

Tờ báo địa phương Prima la Valtellina dẫn lời Luigi Nessi, một tình nguyện viên làm việc với Cha Malgesini, nói rằng “Cha ấy là một người sống Phúc âm hàng ngày, trong mọi khoảnh khắc trong ngày. Ngài là một biểu hiện đặc biệt của cộng đồng chúng tôi.”

Cha Andrea Messaggi nói với La Stampa: “Cha Roberto là một người đơn sơ. Ngài chỉ muốn trở thành một linh mục cho người nghèo và nhiều năm trước ngài đã trình bày rõ ràng mong muốn này với vị giám mục trước đây của Como. Vì thế, ngài được gửi đến giáo xứ Thánh Rocco, nơi mỗi sáng ngài đều mang bữa sáng nóng hổi đến cho những người kém may mắn. Ở đây mọi người đều biết ngài, họ đều yêu mến ngài”.

Theo tờ La Stampa, cái chết của Cha Malgesini đã gây ra nỗi buồn trong cộng đồng người di cư.

Ông Roberto Bernasconi, giám đốc chi nhánh Caritas giáo phận, mô tả Cha Malgesini là “một người rất hiền lành.”

Ông Bernasconi nói: “Ngài đã cống hiến cả cuộc đời mình cho những người thấp hèn nhất trong xã hội, ngài nhận thức được những rủi ro mà mình phải đối mặt. Thành phố này và thế giới này không hiểu sứ mệnh của ngài.”


Source:Catholic News Agency