Ngày 13-09-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:30 13/09/2016
18. ĂN NHANG ĐÈN, ĂN PHÂN NGỰA.
Thời Tống, nhân viên đặc phái hệ thống lãnh đạo tam ban viện có tám ngàn người, công tác ở bên ngoài.
Mỗi năm lúc ăn tết nguyên đán thì họ cùng nhau tập trung vốn lại bố thí cho hòa thượng và tiến (dâng) hương, cùng nhau cầu thọ cho hoàng thượng, những khoản tiền này gom lại gọi là “tiền nhang đèn.”
Đại quan chủ quản của tam ban viện thường lợi dụng lúc tiền nhiều một chút thì lấy chi tiêu cho việc ăn uống. Phó phán quan quản lý đám ngựa thống lĩnh tất cả các công việc của phường (ngựa) trong ngoài cung, lương bỗng so với các quan khác thì rất phong phú hậu hĩnh, mỗi năm tiền thu mua phân ngựa càng nhiều thì cũng dùng tiền ấy để chi tiêu cho mọi người.
Do đó, ở trong kinh thành thời ấy có câu vè cười họ như sau:
- “Tam ban ăn nhang đèn, phường ngựa ăn phân.”
(Quy Điền lục)

Suy tư 18:
Trồng rau thì ăn rau, trồng cỏ thì ăn cỏ, ở chùa thì ăn đồ chay, chứ không ai ở chùa mà lại ăn thịt chó bao giờ, vì như thế là nhạo báng trời phật, mất đi sự khiết tịnh của chùa.
Cuộc sống của người Ki-tô hữu luôn phản ảnh lại tinh thần yêu thương của Đức Chúa Giê-su, bởi vì không một ai đang sống trong hạnh phúc lại tự mình phá bỏ hạnh phúc ấy, chỉ có những người chơi ngông muốn nổi hơn mọi người về hành vi bất hảo của họ.
Đời sống tâm linh của người Ki-tô hữu thì sống nhờ Bánh Hằng Sống bởi trời ban xuống là Máu Thịt của Đức Chúa Ki-tô, ai cũng hiểu điều đó, cho nên một khi chúng ta ăn uống cách bất xứng bánh ấy, thì không những chúng ta mắc lỗi với Chúa mà còn gây gương mù gương xấu cho người khác.
Đời sống của một linh mục thì càng phải trỗi vượt hơn mọi người về việc tôn sùng Thánh Thể, bởi vì hơn ai hết, linh mục hiểu rất rõ về bí tích cao siêu mầu nhiệm ấy, bởi vì chính các ngài đã làm cho có Đức Chúa Giê-su trên bàn thờ, cho nên càng phải yêu mến và làm cho bổn đạo của mình yêu mến Thánh Thể, bằng không thì người ta cũng sẽ nói rằng: cha sở mà như thế thì giáo dân làm sao yêu mến Chúa được chứ !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:32 13/09/2016

5. Thánh Thể giống như ngọn lửa bừng cháy, khiến tôi khi rời khỏi bàn thờ vẫn phát ra lửa yêu rất mạnh, làm cho ma quỷ kinh khiếp.

(Thánh John Chrysostom)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Không Ai Có Thể Được Cứu Độ Nhờ Tiền
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
09:56 13/09/2016
Không Ai Có Thể Được Cứu Độ Nhờ Tiền

SUY NIỆM TIN MỪNG Chúa Nhật XXV - C

(Lc 16, 1-13)

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đề cập đến một thứ rất quen thuộc và được sử dụng hàng ngày trong cuộc sống đó là “tiền”. Chẳng ai muốn nói tới tiền, vì đó là một chủ đề cấm kỵ. Tiền vừa là thứ được yêu thích, và cũng là thứ gây mặc cảm.

Lời khuyên của Chúa Giêsu : “ … các con : Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời” (Lc 16, 9), và câu kết đoạn Tin Mừng : “Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được” (Lc 16,13) khiến chúng ta phải suy nghĩ.

Tiền chỉ là một mảnh giấy, một vật làm bằng kim loại vô tri vô giác, nhưng nó đã đuợc chọn làm tương giao đổi chác, chi phối chúng tq quá nhiều. Tiền giữ một vị trí quan trọng, khiến nhiều bậc thang có giá trị bị đảo lộn, nhiều người có cùng quan điểm “có tiền là có tất cả”.

Đúng là có nhiều điều quan trọng ta không thực hiện được chỉ vì không có tiền, nhưng không thể nói rằng có tiền là có thể mua đuợc mọi thứ trên đời. Tiền chỉ là một công cụ để chúng ta trao đổi, tự bản chất tiền không nói lên một giá trị gì cả. Như thế, tiền không thể bảo đảm sự sung túc. Ví dụ: Trên con thuyền giữa đại dương, khi người ta không còn gì để ăn, thì một túi ngân phiếu cũng không giúp ích được gì. Tiền không thể thay thế được bất cứ nhu cầu nào. Người ta không thể sống bằng những con số tiền ở ngân hàng, nhưng bằng bánh và Lời Chúa. Tiền không thể làm cho lúa lớn lên được, nó chỉ làm tăng thêm hiệu quả của công sức con người trong tương quan với thiên nhiên.

Cuốn sách mang tựa đề “Happy Money: The Science of Smarter Spending”, (tạm dịch: Tiền hạnh phúc: Khoa học chi tiêu thông minh). Tác giả của cuốn sách này là hai nhà khoa học nghiên cứu hành vi nổi tiếng: Tiến sĩ Elizabeth Dunn và Tiến sĩ Michael Norton viết rằng : Tất cả chúng ta đều mắc một sai lầm về tiền khi cho rằng kiếm được càng nhiều tiền thì chúng ta càng cảm thấy hạnh phúc. Nếu muốn mua cho mình một cuộc sống trọn vẹn, vấn đề không nằm ở chỗ kiếm được bao nhiêu tiền, mà nằm ở cách bạn tiêu tiền.

Khi nói đến sức mạnh và giá trị của đồng tiền, có nhiều ý kiến trái chiều, chúng ta từng nghe một số nhận định sau:

Tiền có thể mua một ngôi nhà, nhưng không thể mua một mái ấm gia đình.

Tiền có thể mua chiếc giường đẹp, nhưng không thể mua giấc mộng vàng.

Tiền có thể mua chiếc đồng hồ, nhưng không mua được thời gian.

Tiền có thể mua quyển sách, nhưng không mua được kiến thức.

Tiền có thể mua chức vụ, nhưng không mua được sự kính trọng.

Tiền có thể trả cho bác sĩ, nhưng không thể mua được sức khoẻ.

Tiền có thể mua máu đào, nhưng không thể mua được mạng sống.

Tiền có thể mua xác thịt, nhưng không mua được tình yêu.

Có người hỏi : tiền có mua được hạnh phúc không ?

Số đông quả quyết rằng “không”. Có người cho rằng, tiền không mua được hạnh phúc nhưng nó có thể là công cụ mang lại hạnh phúc.

Tại sao tiền bạc có thể mua đuợc rất nhiều thứ ngoại trừ hạnh phúc?

Tiền thì không thể mua đuợc hạnh phúc vì hạnh phúc của con người không thể đo bằng thước, và càng lại không thể dùng giá trị của đồng tiền để mua hạnh phúc. Tiền là một thứ tiêu biểu cho giá trị vật chất, nên chỉ có thể mua những gì thuộc về vật chất. Còn hạnh phúc là một loại tiêu biểu cho giá trị tinh thần. Chẳng thế, Dunn và Norton cho rằng, làm cho người khác hạnh phúc trước và chắc chắn bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc sau. Đây là một điều hiển nhiên, nhưng thật ngạc nhiên, quá nhiều người quên rằng, đây là điều phù hợp với tinh thần Kitô.

Một câu hỏi lớn được đặt ra cho chúng ta : Tiền có thể cứu độ được con người không ?

Giảng trong thánh lễ sáng thứ Sáu 20 tháng 9 năm 2013, Đức Phanxicô nhắc lại rằng : “Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được” bởi vì “một khi người ta dành tình yêu cho tiền và hướng về, thì tiền lôi kéo người ta xa rời Thiên Chúa”. Ngài kết luận : “Không ai có thể được cứu độ bằng tiền”. Vì vậy, chúng ta phải chọn lựa, chúng ta không thể làm tôi Thiên Chúa và làm tôi tiền của được. Chúng ta không thể. Hoặc là Thiên Chúa hoặc là tiền của.

Mặc dù có nhiều nguyên nhân gây ra tội lỗi, nhưng thánh Phaolô nhấn mạnh rằng : “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham thích tiền bạc” (1Tm 6,10). Vì ham thích tiền mà một số người từ bỏ đức tin và gây nhiều đau khổ”. Thật vậy, sức mạnh của đồng tiền làm cho người tín hữu xa rời đức tin và thậm chí, tiền làm cho đức tin yếu dần và đưa người ta đến chỗ mất đức tin. Tiền là chỗ dựa không vững chắc, là thước đo lường sai và với sự hấp dẫn của nó, con người có nguy cơ bị tiền chế ngự. Thần Tiền tạo ra ảo giác rằng khi có tiền, tôi có thể có được mọi thứ, mọi ước muốn sẽ được thoả mãn, và qua đó, tiền làm cho chúng ta thành nô lệ.

Thiên Chúa muốn gì nơi chúng ta ?

Thiên Chúa muốn chúng ta hạnh phục thực sự. Ngài muốn chúng ta đi vào Giao Ước, chứ không phải là Bò vàng, Mammon, một giá trị biểu trưng sự an toàn tuyệt đối. Nếu không muốn trở thành nô lệ, cách thức duy nhất là chọn làm tôi Chúa và phục vụ Ngài. Chỉ có Thiên Chúa mới giải thoát được chúng ta.

Trong Mười Điều Răn, không có điều răn nào nói về tiền bạc. Tuy nhiên, chúng ta có thể lỗi phạm điều thứ nhất, nếu chúng ta hành động vì tiền. Đó là tội thờ ngẫu tượng. Vì tiền trở nên thần tượng để chúng ta tôn thờ. Ma quỷ luôn cám dỗ người ta về: sự giàu có, thỏa mãn; tự phụ, cảm thấy mình quan trọng ; và kiêu ngạo. Và cuối cùng, tiền tạo ra sự tôn thờ ngẫu tượng.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con khỏi rơi vào cái bẫy của thần tượng bạc tiền và chọn Chúa, vì chỉ có Chúa là Đấng Cứu Độ chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Suy niệm Chúa Nhật 25 thường niên C
Lm. Anthony Trung Thành
21:41 13/09/2016
Suy Niệm Chúa Nhật XXV Thường Niên C

Một người kia suốt đời chỉ lo thu gom tiền bạc, cho nên rất giàu. Khi chết, ông còn mang túi vàng theo mình đi sang cuộc sống bên kia. Đi một hồi, ông thấy đói. Bỗng ông thấy một quán ăn bên đường, liền ghé vào. Vì hà tiện, ông hỏi người chủ quán:

- Tô cơm nhỏ này giá bao nhiêu?

- Chỉ một đồng thôi.

- Còn tô lớn kia?

- Cũng chỉ một đồng thôi.

Thấy rẻ, ông gọi luôn hai tô lớn. Nhưng người chủ quán bảo:

- Ở đây chỉ dùng lọai “tiền cho đi” thôi. Ông có không?

Người hà tiện chỉ vào túi tiền của mình. Nhưng chủ quán nói:

- Đó chỉ là thứ “tiền lấy vào.” Ở đây không dùng được.

- Thế “tiền cho đi” là tiền gì?

- Khi còn sống, mỗi lần ông cho ai bao nhiêu đồng thì ông được bán lại bấy nhiêu đồng loại “tiền cho đi.”

Ông nhà giầu lục lọi khắp nơi trong mình nhưng chẳng có đồng nào thuộc loại “tiền cho đi” cả. Thế là ông phải nhịn đói.

Câu chuyện trên giúp chúng ta hiểu phần nào giáo huấn của Đức Giêsu qua bài Tin mừng hôm nay về vấn đề tiền bạc. Tiền bạc là một phương tiện thanh toán để giúp con người trao đổi với nhau trong cuộc sống. Con người có nhiệm vụ quản lý tiền bạc và chỉ quản lý trong một thời gian nào đó. Nếu coi tiền bạc như tên đầy tớ thì tiền bạc sẽ đem lại lợi ích cho con người. Còn nếu coi tiền bạc như ông chủ thì tiền bạc sẽ làm hại con người, vì “không ai làm tôi hai chủ.”

Chúng ta có được tiền bạc do nhiều cách: Có những thứ đồng tiền do mồ hôi nước mắt chúng ta làm ra; có những thứ đồng tiền do chúng ta thừa kế của tổ tiên ông bà cha mẹ để lại; có những thứ đồng tiền do người thân, bạn bè, những mạnh thường quân giúp đỡ chúng ta; có những thứ đồng tiền do làm ăn bất chính, tham ô tham nhũng mà có…Đối với những đồng tiền chúng ta có được một cách hợp pháp, chúng ta phải sử dụng nó một cách tốt nhất. Hãy dùng nó để đáp ứng những nhu cầu chính đáng của mình và gia đình mình; hãy dùng nó để giúp đỡ tha nhân, nhất là những người nghèo khó, đui mù, què quặt. Sách châm ngôn dạy: “Thương xót kẻ khó nghèo là cho Đức Chúa vay mượn, Người sẽ đáp trả xứng đáng việc đã làm”(Cn 19,17). Đó là những đồng “tiền cho đi.”

Còn đối với những đồng tiền chúng ta có được do lỗi đức công bằng: Trộm cướp, gian lận, cho vay ăn lời quá đáng, nhận của hối lộ hay là tham lam của công... Những thứ đồng tiền này, chúng ta phải đền trả. Phải đền trả cho ai? Giáo lý dạy rằng: Phải đền trả cho chủ của. Nếu người ấy đã chết hoặc mất tích thì phải đền trả cho con cháu hoặc người thừa kế của họ. Nếu không biết đền trả cho ai thì phải dùng tiền của ấy vào những công việc từ thiện, bác ái. Về vấn đề này, chúng ta có thể học tập gương của ông Giakêu trong Tin mừng theo Thánh Luca. Sau khi gặp được Đức Giêsu, ông Giakêu tuyên bố: "Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19, 8). Chính vì thế, Đức Giêsu muốn chúng ta học sự khôn khéo của người quản lý trong bài Tin mừng hôm nay. Ngài không khen hành vi bất chính của anh ta, nhưng Ngài khen cái khôn khéo của anh ta: Biết lo cho tương lai. Nghĩa là, Ngài muốn mỗi người Kitô hữu chúng ta phải biết học tập sự khôn khéo đó để lo cho phần rỗi đời đời của mình. Đó chính là biết “dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời”(Lc 16,9). Làm được như vậy, chúng ta cũng có được những đồng “tiền cho đi.”

Dẫu biết rằng, tiền của chỉ là phương tiện, là tên đầy tớ, nhưng đáng tiếc là thời nào cũng vậy, vẫn có những người nhân cách hóa đồng tiền, thậm chí có những người siêu nhiên hóa đồng tiền. Họ cho rằng: “Tiền là Tiên là Phật, là sức bật của lò xo, là thước đo lòng người”; “có tiền mua tiên cũng được.” Người ta quá coi trọng đồng tiền. Người ta nâng đồng tiền lên thành ông chủ, thành Tiên, thành Phật. Người ta dùng đồng tiền để mua quyền lực, dùng đồng tiền để thay đổi cả lòng người, dùng đồng tiền để làm những điều bất chính. Thi sĩ Nguyễn Du trong thi phẩm Kim Vân Kiều đã phải thú nhận:

Trong tay đã có đồng tiền,

Dẫu lòng đổi trắng thay đen khó gì.

Nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng chua xót nói rằng:

Còn tiền, còn bạc, còn đệ tử,

Hết cơm, hết gạo, hết ông tôi.

Vì đồng tiền mà người ta có thể bất chấp đạo lý làm người cũng như làm con Thiên Chúa. Hành động của Giuđa cho chúng ta thấy điều đó: Vì 30 đồng bạc mà ông đã bán đứng thầy mình. Nhìn vào thực tế cuộc sống hôm nay chúng ta vẫn thấy: Vì đồng tiền mà cha mẹ con cái, anh chị em ruột thịt bỏ nhau; vì đồng tiền mà không còn tình nghĩa vợ chồng; vì đồng tiền mà người ta chém giết lẫn nhau, không còn tình làng nghĩa xóm, thầy trò, bè bạn... Như vậy, vì tiền mà phải bán Chúa, vì tiền mà phải cắt đứt tình thân. Chính vì thế, Đức Giêsu nói: "Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó ghét chủ này và mến chủ kia; hoặc phục chủ này và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được" (Lc 16,13).

Tóm lại, tiền bạc chỉ là phương tiện thanh toán. Con người chỉ quản lý nó trong một thời gian. Trong thời gian được giao quản lý tiền bạc, con người cần phải làm thế nào để đồng tiền mình quản lý có ý nghĩa. Đồng tiền có ý nghĩa nhất là đồng tiền cho đi. Những đồng tiền cho đi là những đồng tiền còn, những đồng tiền giữ lại là những đồng tiền mất.

Xin Chúa cho tất cả mỗi người chúng ta luôn biết kiếm tiền một cách hợp pháp, biết sử dụng đồng tiền một cách hợp lý, để có được nhiều đồng tiền cho đi. Đặc biệt, xin Chúa cho chúng ta đừng vì đồng tiền mà đánh mất tình Chúa, tình người. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tổng thống Phi Luật Tân nói với TT Indonesia: "Cứ bắn bỏ Mary Jane Veloso, No Problems.
Đặng Tự Do
11:06 13/09/2016
Bất chấp những phản đối của Tòa Thánh, Liên Hiệp Quốc và nhiều nước trên thế giới, Indonesia hay còn gọi là Nam Dương, đã xử bắn một số người bị kết án vận chuyển ma túy sau những cuộc điều tra rất sơ sài.

Tháng Tư năm ngoái, biểu tình đã nổ ra dữ dội tại Úc để phản đối án tử hình và chính quyền Úc đã thực hiện một chiến dịch mạnh mẽ để cứu hai công dân đang chờ bị bắn chết tại nhà tù Nusakambangan. Tuy nhiên, tổng thống Indonesia Joko Widodo, một người ủng hộ hình phạt tử hình cho những kẻ buôn ma túy, đã nhất quyết bác bỏ yêu cầu của Úc. Sáng ngày 29 tháng Tư, 2015, Úc đã rút đại sứ về nước để phản đối Indonesia.

Trong danh sách các tù nhân sắp bị bắn có Mary Jane Veloso, người Phi Luật Tân. Cô được chừa lại không bị bắn trong một trường hợp rất hi hữu. Bà Maria Kristina Sergio, người Phi Luật Tân, là người bị cáo buộc đã nhờ Veloso vận chuyển ma túy đã tự nguyện ra đầu thú hôm thứ Hai 27 tháng Tư, 2015. Sáng thứ Ba, chính phủ Phi Luật Tân đã gởi một công hàm ngoại giao “tối khẩn” cho Indonesia đừng bắn Veloso để cô ta có thể ra hầu tòa tại Phi Luật Tân trong phiên xử Sergio. Indonesia đã chấp nhận đề nghị này.

Mary Jane Veloso, 30 tuổi, là một trường hợp rất thương tâm. Là con út trong một gia đình 5 con, cô lấy chồng từ năm 17 tuổi và đã có hai con trai trước khi bị người chồng bỏ rơi. Cô sang Dubai làm người ở nhưng bị chủ nhà toan tính hiếp dâm. Cô bị bắt hồi tháng Tư năm 2010 vì tội mang 2.6kg bạch phiến vào Indonesia. Tuy nhiên, cô đã luôn khẳng định mình vô tội và cho biết đã bị bà Sergio lừa mang giúp một vali sau khi cô mất công việc tại Malaysia.

Chỉ trong 4 ngày đã có 50,000 chữ ký tại Indonesia và từ 125 quốc gia trên thế giới xin miễn án tử hình cho cô.

Tuy nhiên, nay tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte đã bật đèn xanh cho Indonesia bắn bỏ Mary Jane Veloso.Tổng thống Joko Widodo cho biết như trên trong tuyên bố đưa ra hôm 12 tháng 9.

Tổng thống Joko Widodo cho biết trong chuyến viếng thăm hai ngày tại Indonesia, ông Duterte đã có một cuộc nói chuyện với ông. Ông nói:

“Tôi nói chuyện với tổng thống Duterte về trường hợp Mary Jane Veloso - và thực tế là người phụ nữ đó đã mang 2,6 kg heroin vào Indonesia. Ngoài ra, tôi cũng chia sẻ những suy nghĩ của tôi với ông ta về khả năng có thể huỷ bỏ án tử hình dành cho cô ấy”.

“Trong quá trình thảo luận của chúng tôi. Tổng thống Duterte nói với tôi rằng nếu nhà chức trách Indonesia quyết định tử hình thì cứ tử hình, không sao đâu”.

Như vậy, Duterte đã chọn một đường lối rất khác với cựu tổng thống Benigno Aquino của Phi Luật Tân, là người đã áp lực Indonesia hoãn thi hành án tử hình Mary Jane Veloso.

Thỉnh cầu ân xá cho Mary Jane Veloso đã đến từ Giáo Hội Phi Luật Tân, Indonesia, và một số nước châu Á. Trong những tuần gần đây, các luật sư biện hộ đã đưa ra các “bằng chứng mới” chứng minh người phụ nữ vô tội.

Từ 1979 đến 2015, Indonesia đã bắn chết 66 người bị tình nghi là mang ma túy vào nước này.
 
1,5 triệu người Hồi Giáo hành hương Makkah
Đặng Tự Do
00:12 13/09/2016
Ít nhất 1,5 triệu người Hồi Giáo được dự kiến tham dự cuộc hành hương Hajj bắt đầu hôm thứ Hai 12 tháng 9 tại Makkah.

Hơn 17,000 nhân viên an ninh và 3,000 xe cứu thương được sử dụng bởi các lực lượng an ninh Arab Saudi nhằm bảo đảm an toàn cho các khách hành hương.

Sau nghi thức sơ bộ tại Đại Đền Thờ ở Makkah, khách hành hương sẽ thực hiện đi xe buýt, xe lửa hoặc đi bộ đến Mina, cách đó 5km về phía đông, nơi theo kinh sách Hồi giáo, ông Adong và bà Evà đã được xum họp với nhau sau khi bị trục xuất họ khỏi vườn địa đàng. Truyền thống Hồi Giáo cho rằng chính người sáng lập đạo Hồi là Muhammad cũng đã từng đi trên cùng con đường này 1400 năm trước.

Năm 2013, vì lý do an ninh, Arab Saudi giảm 20% số lượng khách hành hương nước ngoài được phép đến Hajj. Mỗi quốc gia Hồi giáo có thể gửi một người hành hương cho mỗi 1,000 dân. Do số lượng lớn người hành hương tập trung về đây, đã có nhiều tai nạn nghiêm trọng trong vài năm qua.

Tháng Chín năm ngoái, khoảng 2,000 người đã chết vì giẫm đạp lên nhau trên cầu Jamarat tại Mina.

Lần đầu tiên trong vòng 30 năm qua, người hành hương Iran sẽ không đến Makkah vì căng thẳng tôn giáo và chính trị gần đây giữa Iran và Saudi Arabia gây ra bởi một cuộc tấn công của Đại Ayatollah Ali Khamenei, lãnh đạo tối cao của Iran, là người đã gọi người Arab Saudi là những kẻ ngoại đạo và phường bôi bác Hồi Giáo, “satans” và tay sai của Hoa Kỳ.

Năm 2015 khách hành hương nước ngoài đã chi tiêu tổng cộng 4,75 tỷ Euros trong cuộc hành hương này.
 
Cựu tù nhân cộng sản được tuyên Chân Phước tại Kazakhstan
Đặng Tự Do
00:21 13/09/2016
Một linh mục Ba Lan là người đã phải trải qua 13 năm trong các trại lao động Liên Xô đã được tuyên Chân Phước tại nhà thờ chính tòa Karaganda, bên Kazakhstan vào ngày 11 Tháng Chín.

Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng Trưởng của Bộ Tuyên Thánh, đã chủ sự thánh lễ tuyên chân phước cho cha Wladyslaw Bukowinski, sinh năm 1904 và qua đời năm 1974. Ngài là một nhà truyền giáo ở Kazakhstan trong hai thập kỷ cuối cùng của cuộc sống trên dương thế của ngài.

“Bao nhiêu cơ cực con người này đã phải chịu!” Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận xét như trên trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 11 tháng 9.

Đức Thánh Cha nói:

“Hôm nay tại Karaganda, ở Kazakhstan, Giáo Hội đã tôn phong chân phước cho linh mục Ladislao Bukowinski. Ngài đã bị sát hại vì đức tin. Trong suốt cuộc đời, cha đã bày tỏ tình yêu dạt dào cho những người yếu đuối và nghèo khổ nhất. Chứng tá của cha là kết tinh của những công việc bác ái về tinh thần cũng như thể xác.”
 
Đại đền thờ Hồi Giáo tại Rôma từ chối tham gia vào sáng kiến chống bạo lực
Đặng Tự Do
00:30 13/09/2016
Đại đền thờ Hồi Giáo tại Rôma đã từ chối không chịu tham gia vào một sáng kiến cấp quốc gia tại Italia có tên là “Hãy nói không với bạo lực”. Sáng kiến này được sự hỗ trợ của hơn 2,000 cộng đồng Hồi giáo khác nhau tại Italia.

Sáng kiến “Hãy nói không với bạo lực” được cử hành vào ngày 11 tháng 9, trùng vào ngày kỷ niệm biến cố khủng bố tại Hoa Kỳ.

Theo sáng kiến này, các tín hữu Kitô và nói chung là những ai không phải là Hồi Giáo đã được chào đón tại các đền thờ Hồi giáo trong cả nước.

Nhưng Đại đền thờ Hồi Giáo tại Rôma đã từ chối không chịu tham gia. Một phát ngôn viên của đền thờ này, là ông Abdellah Redouane, nói rằng việc đó có thể gây ra “sự nhầm lẫn và mơ hồ,” và đổ lỗi cho “những ai muốn chứng minh mình trong sạch bằng bất cứ giá nào và cho rằng bản thân họ là người đại diện của đức tin Hồi giáo.”
 
Con trai giết mẹ vì khuyên con từ bỏ đạo Hồi cực đoan
Lê Đình Thông
15:07 13/09/2016
CON TRAI 20 TUỔI HÀNH QUYẾT MẸ CHỈ VÌ KHUYÊN TỪ BỎ ĐẠO HỒI CỰC ĐOAN

Đây la người con giết mẹ - Hình của Daily Mail - UK
Trên nhiều mạng lưới điện toán như www.dailymail.co.uk đều đưa tin Ali Saqr, thanh niên 20 tuổi người Syrie, thành viên tổ chức Hồi giáo cực đoan, gọi tắt là Daesh, tự tay hành quyết mẹ tên là Lina, nhân viên bưu điện, chỉ vì khuyên con từ bỏ Daesh. Trước đó, Saqr đã báo cáo cho cấp chỉ huy Daesh lời khuyên mà họ gọi là bội giáo (apostasie).

Thứ tư 07/09 vừa qua, Saqr đã bắn vào đầu mẹ, trước sự chứng kiến của hàng trăm người tụ tập tại quảng trường Raqqa, đối diện với nhà bưu điện. Tổ chức Daesh kết tội tử hình 50 tội danh, trong đó có việc chê bai đạo hồi, đồng tính luyến ái. Các hình thức hành quyết gồm việc chặt đầu, thiêu sống, xử bắn. Tổ chức cực đoan này còn phá hủy nhiều đền đài, di sản của nhân loại.

Ngày 13/10/2006, tổ chức Al-Qaïda (Al-Qaïda: Căn cứ) Irak cùng với 5 nhóm Thánh chiến (Djihadiste) khác thành lập Hội đồng Tư vấn Al-Qaïda. Cùng ngày, tổ chức này chính thức công bố Nhà nước Hồi giáo Irak, viết tắt là Daech. Ngày 29/06/2014, ngày thứ nhất mùa chay hồi giáo (Ramadan), Daech chính thức cử Abou Babr al-Baghdadi làm thủ lĩnh. Hiện nay, Deash kiểm soát nhiều thị trấn dọc theo biên giới Syrie và Irak.

Mục tiêu của Daech là xóa bỏ Israël trên bản đồ và chiếm thành Jérusalem. Trong tập tài liệu ‘‘Cờ đen’’, Daech chủ trương phát động chiến tranh quy mô chống Công Giáo. Theo họ, cuộc chiến sau cùng sẽ diễn ra tại sân bay Ben Gourion, ngoại thành Tel-Aviv. Từ nhiều năm nay, Daesh bách hại nhiều người Công Giáo. Họ rêu rao sẽ tàn phá Roma vào năm 2020.

Tháng 04/2016, nhà chức trách Ý bắt giữ 4 nguời Hồi giáo có kế hoạch phá hoại Tòa thánh. Họ khai nhận lệnh của Daech tiến hành khủng bố trong Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót. Trước đó, vào năm 2014, đại sứ Irak cạnh Tòa thánh đã chính thức thông báo kế hoạch ca Daesh nhằm ám sát Đức Thánh Cha Phanxicô.

Giáo Xứ Paris, ngày 13/09/2016

Lê Đình Thông
 
Video Kinh Truyền Tin ngày 11-9-2016: ''Thiên Chúa luôn chờ đợi và tha thứ cho chúng ta''
VietCatholic Network
12:43 13/09/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật, ngày 11.09, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng với ba dụ ngôn trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, Đức Giêsu trình bày cho chúng ta gương mặt đích thật của Thiên Chúa. Ngài là một người cha với vòng tay rộng mở, đối xử với kẻ tội lỗi bằng sự dịu hiền và lòng xót thương. Ngài nói: “Phụng vụ hôm nay đề nghị với chúng ta chương 15, Tin Mừng theo thánh Luca. Chương này nói về lòng thương xót, bao gồm ba dụ ngôn, qua đó Đức Giêsu đáp lại những lời xì xầm của các kinh sư và luật sỹ. Họ chỉ trích Đức Giêsu về những hành động của Ngài khi họ nói: ‘Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng’.

Với ba dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn mọi người hiểu rằng Thiên Chúa Cha muốn dành thái độ đón nhận, cảm thông và thương xót trước hết cho những người tội lỗi. Trong dụ ngôn thứ nhất, Thiên Chúa được miêu tả như vị mục tử sẵn sàng bỏ lại chín mươi chín con chiên để đi tìm con chiên bị lạc mất. Ở dụ ngôn thứ hai, Thiên Chúa được ví với người phụ nữ đánh mất đồng bạc, đã thắp đèn đi tìm cho kỳ được. Với dụ ngôn thứ ba, Thiên Chúa được miêu tả giống như người cha đón nhận và tha thứ cho đứa con hoang đàng bỏ nhà đi xa; hình ảnh người cha đã vén mở trái tim nhân hậu của Thiên Chúa được diễn tả nơi Đức Giêsu. ĐTC đã nhấn mạnh trong bài huấn dụ như sau:

Điểm chung của cả ba dụ ngôn này là điều được diễn tả ngang qua các động từ có ý nghĩa chung vui với nhau, mở tiệc ăn mừng. Không phải khóc than, buồn sầu nhưng là chung vui với nhau và mở tiệc mừng. Người mục tử đã mời bạn bè, hàng xóm lại và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó’ (Lc 15, 6). Người phụ nữ cũng mời bạn bè, hàng xóm lại và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất’ (Lc 15, 9). Cũng vậy, người cha nói với đứa con cả: ‘Chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy’ (Lc 15, 32). Ở hai dụ ngôn đầu, Đức Giêsu muốn nhấn mạnh đến sự vui mừng. Niềm vui ấy lớn đến nỗi khiến cho người ta phải chia sẻ với ‘bạn bè và hàng xóm’. Trong dụ ngôn thứ ba, điểm quan trọng là tiệc mừng. Tiệc mừng ấy xuất phát từ trái tim giầu lòng thương xót của người cha và lan tỏa đến khắp mọi người trong nhà. Tiệc mừng mà Thiên Chúa dành cho những ai biết ăn năn trở lại với Ngài thật am hợp biết bao với tâm tình mà chúng ta đang trải nghiệm trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này. Chúng ta đều dùng một thuật ngữ chung ‘năm toàn xá’!

Với ba dụ ngôn này, Đức Giêsu trình bày cho chúng ta gương mặt đích thật của Thiên Chúa, là người cha với vòng tay rộng mở, đối xử với kẻ tội lỗi bằng sự dịu hiền và lòng xót thương. Dụ ngôn cảm động nhất, vì diễn tả tình yêu vô biên của Thiên Chúa, là dụ ngôn về người cha chạy ra ôm cổ người con trai bị lạc mất và hôn lấy hôn để. Như vậy, điểm đánh động ở đây không phải là câu chuyện buồn về một chàng thanh nhiên trẻ bị rơi vào cảnh suy đồi, nhưng chính là những lời nói đầy xác quyết của anh: ‘Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha’ (Lc 15, 18). Con đường về nhà là con đường của hy vọng và của một đời sống mới. Thiên Chúa luôn chờ đợi chúng ta bắt đầu cuộc hành trình trở về. Ngài đợi chờ chúng ta với niềm hy vọng. Ngài trông thấy ta khi ta còn ở mãi đằng xa. Ngài chạy ra ôm chầm lấy ta, hôn lấy hôn để và sẵn sàng tha thứ hết mọi tội lỗi. Thiên Chúa là như thế đó! Cha của chúng ta đáng yêu như thế đó! Sự tha thứ của Thiên Chúa xóa bỏ quá khứ lầm lỗi và tái sinh chúng ta trong tình yêu. Quên đi quá khứ chính là điểm yếu của Thiên Chúa. Mỗi khi Ngài ôm lấy ta và tha thứ cho ta là Ngài quên hết quá khứ, chẳng còn nhớ gì nữa. Thiên Chúa lãng quên quá khứ lỗi lầm. Khi chúng ta phạm tội nhưng biết ăn năn và trở về với Thiên Chúa, Ngài sẽ chẳng bao giờ quở mắng hay trách phạt, vì Thiên Chúa cứu độ và tái đón nhận ta vào nhà với niềm vui và tiệc mừng. Chính Đức Giêsu, trong bài Tin Mừng hôm nay, đã nói: ‘Trên trời ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn’ (Lc 15, 7). Tôi muốn hỏi anh chị em một điều: Anh chị em có bao giờ nghĩ rằng mỗi khi chúng ta đi xưng tội là trên trời tràn ngập niềm vui và mở tiệc mừng hay không? Anh chị em có bao giờ nghĩ như thế chưa? Thật là đẹp biết bao!

Điều này mang lại cho chúng ta niềm hy vọng lớn lao, vì với ân sủng của Thiên Chúa chúng ta có thể tiếp tục đứng dậy mỗi khi té ngã trước mọi tội lỗi dù tội đó trầm trọng đến mấy đi nữa. Không có ai là hết phương cứu chữa; chẳng có ai mà không được cứu độ! Bởi vì Thiên Chúa không bao giờ ngừng muốn những điều tốt đẹp cho ta, ngay cả khi ta phạm tội! Xin Đức Trinh Nữ Maria, Chốn Náu Nương cho những ai tội lỗi, làm nảy sinh trong tâm hồn chúng ta niềm xác tín giống như đã nảy sinh trong trái tim của người con hoang đàng: ‘Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: Thưa cha, con thật đắc tội với cha’ (Lc 15, 18). Bằng cách đó, chúng ta có thể làm vui lòng Thiên Chúa và niềm vui của Ngài sẽ trở thành niềm vui cũng như tiệc mừng của chúng ta.”

Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói: “Tôi mời gọi anh chị em hãy cầu nguyện đặc biệt cho Gabon, đang trải qua những giây phút khủng hoảng chính trị trầm trọng. Tôi phó thác vào tay Thiên Chúa toàn năng các nạn nhân của những vụ đụng độ cũng như gia đình của họ. Tôi hiệp lời với các Giám mục của đất nước Phi châu mến yêu để mời gọi các bên chấm dứt mọi hình thức bạo lực và cùng nhau thăng tiến lợi ích chung. Tôi khuyến khích tất cả mọi người xây dựng hòa bình trên tinh thần tôn trọng luật pháp, trong đối thoại và tình huynh đệ.

Hôm nay tại Karaganda, ở Kazakhstan, Giáo Hội đã tôn phong chân phước cho linh mục Ladislao Bukowinski. Ngài đã bị sát hại vì đức tin. Trong suốt cuộc đời, cha đã bày tỏ tình yêu dạt dào cho những người yếu đuối và nghèo khổ nhất. Chứng tá của cha là kết tinh của những công việc bác ái về tinh thần cũng như thể xác.”

Tiếp đến, Đức Thánh Cha gởi lời chào thân ái đến tất cả các tín hữu ở Roma và khách hành hương đến từ Italia cũng như các quốc gia khác. Cuối cùng Đức Thánh Cha chúc tất cả mọi người ngày Chúa Nhật tốt lành và ngài cũng không quên xin mọi người cầu nguyện cho ngài.
 
Hội nghị quốc tế về nước tại Stockholm thủ dô Thuỵ Điển
Linh Tiến Khải
17:09 13/09/2016
Trong các ngày từ 28 tháng 8 tới mùng 2 tháng 9 vừa qua Tuần quốc tế Nước về đề tài “Nước cho việc lớn lên có thể thực hiện được” đã diễn ra tại Stockholm, thủ đô Thụy Điển, với sự tham dự của 3.000 người, đến từ 120 quốc gia trên thế giới. Năm nay các tham dự viên cũng gồm đại diện các chính quyền, nhiều chuyên viên, các thực tập viên, các giới hữu trách, các nhà sáng chế doanh thương và các chuyên viên trẻ thuộc mọi ngành nghề và quốc gia làm việc trong các lãnh vực liên quan tới nước. Trong tuần đại hội họ trao đổi các kinh nghiệm, ý kiến và vấn đề, giới thiệu các sáng chế và phát minh mới, đề nghị phát triển các giải pháp giúp giải quyết các vấn đề về nước, cũng như duyệt xét các thách đố liên quan tới nước trên thế giới ngày nay. Mọi người đều tin rằng nước là chìa khóa của sự thịnh vượng tương lai của thế giới, và việc cùng nhau ngồi lại để suy tư trao đổi và thảo luận với nhau có thể giúp thế giới biết quý trọng và sử dụng các nguồn nước ngọt một cách khôn ngoan và hữu hiệu hơn, nhất là trách nhiệm để lại các nguồn nước trong lành cho các thế hệ tương lai.

Bản tường trình về Nước năm 2016 cũng nêu bật tương quan giữa nước và nạn di cư. Trong khi thế giới đang chứng kiến các làn sóng di cư ồ ạt chưa từng thấy kể từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, các cuộc khủng hoảng về nguốn nước ngọt cũng được coi như một trong các thách đố toàn cầu.

Trong số các thuyết trình viên phát biểu ngày đầu tiên có bà Margot Wallstroem, Ngoại trưởng Thụy Điển, ông Angel Gurria, Tổng thư ký Tổ chức cộng tác và phát triển kinh tế, tiến sĩ Abdeladim El Hafi, Cao uỷ đặc trách về Nước, Rừng và chống lại nạn sa mạc lan tràn của vương quốc Marốc, nữ giáo sư Joan Rose thuộc đại học Michigan Hoa Kỳ, người được giải thưởng Tuần quốc tế Nước năm 2016, do vua Carl Gustave XVI của Thụy Điển trao. Lý do vì giáo sư đã đóng góp không mỏi mệt cho sức khoẻ công chúng toàn cầu, bằng cách lượng định các nguy cơ đối với sức khỏe trong nước uống và tạo ra các đường hướng và dụng cụ giúp các người có trách nhiệm đưa ra các quyết định và các cộng đoàn cải tiến sức khoẻ toàn cầu.

Giải thưởng thứ hai đã được hoàng tử Carl Philip của Thụy Điển trao cho ba nữ sinh viên Thái Lan là Sureeporn Triphetprata, Thidarat Phianchat, và Kanjana Komkla, vì đã chế ra máy giữ nước bắt chước kiểu giữ nước của cây Bromeliad.

Ngoài ra cũng có ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội Đồng Toà Thánh Công Lý và Hoà Bình phát biểu trong ngày thứ nhất về đề tài “Đức tin và Phát triển”.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị nội dung bài phát biểu ĐHY đã nói trước hội nghị chiều ngày 29 tháng 8 vừa qua.

Mở đầu bài thuyết trình ĐHY ghi nhận sự hiện diện của đại diện các tôn giáo tại hội nghị và khẳng định rằng các tôn giáo đã có sự cộng tác và hoạt động chung trong nhiều lãnh vực khác nhau như y tế, an ninh thực phẩm, đầu tư, giáo dục, quản trị các tài nguyên thiên nhiên và trợ giúp các người di cư tỵ nạn.

Theo viiễn tượng Công Giáo hành tinh của chúng ta, các tài nguyên của nó và các hệ thống môi sinh, là một món quà tuyệt diệu Thiên Chúa ban cho loài người. Và sự sống cũng là quà Thiên Chúa ban. Chúng ta không tự tạo dựng ra chính mình, nhưng nhận được thân xác và các tương quan đầu tiên qua cùng nguồn gốc thiên nhiên Thiên Chúa ban tặng. Vì thế chúng ta cũng hiểu rằng thiên nhiên cần đuợc chia sẻ giữa tất cả mọi người, từ thế hệ này sang thế hệ khác, và toàn gia đình nhân loại có bổn phận săn sóc thiên nhiên là căn nhà chung. Các yếu tố nền tảng này cũng dễ dàng được tìm thấy trong các tôn giáo và truyền thống tinh thần khác, bất kể các yếu tố chuyên biệt của chúng như thế nào.

Nhưng tại sao việc chia sẻ sự hiểu biết nền tảng này lại quan trong đối với việc phát triển như thế? Trước hết bởi vì khoa học chỉ có thể giải thích thực tại cụ thể, các bản chất và tương quan của nó. Khoa học có thể cho biết số lượng của mức ô nhiễm trong lòng các đại dương hay chung quanh vùng gài mìn, thấy trước các hậu quả tiêu cực của chúng và đề nghị các biện pháp giải quyết, nhưng nó không thể cung cấp lý do cho hành động nhân đức. Đây cũng là điều đúng đối với lãnh vực của các khoa học thiên nhiên: các nhà xã hội, các kinh tế gia, và luật gia có thể phân tích và giải thích các hậu quả tiêu cực của nạn thất nghiệp, nạn đầu tư hay gian tham hối lộ, họ có thể cảnh báo chúng ta về các bất bình đẳng gia tăng, các chính sách mâu thuẫn hay tình trạng giao động địa lý chính trị. Nhưng sau cùng họ không thể bổ sung lý do cho hành động nhân đức.

Trong Thông điệp “Laudato si” ĐTC Phanxicô đưa ra câu hỏi: “Chúng ta muốn để lại cho những người đến sau chúng ta, cho con cháu đang lớn lên của chúng ta thế giới nào đây?... Đâu là mục đích công việc làm và các cố gắng của chúng ta?” (s. 160). Việc quan sát tình trạng môi sinh báo động và các dấu chỉ xã hội dẫn đưa chúng ta tới các câu hỏi gây nản lòng: “Tại sao tôi lại phải lo lắng chuyện đó? Khoa học và kỹ thuật không thể giúp gì ở đây. Mọi giải pháp kỹ thuật đều vô hiệu, “nếu chúng ta đánh mất đi các lý do cao cả khiến cho chúng ta có thể sống hài hoà với nhau, hy sinh và đối xử tốt với người khác” (s.200). ĐTC Phanxicô chia sẻ xác tín của ngài “rằng không thể thay đổi, nếu không có lý do và một tiến trình giáo dục, và ngài đề nghị vài đường nét được linh hứng cho sự phát triển nhân bản đuợc tìm thấy trong kho tàng kinh nghiệm tinh thần kitô (s. 15). Vì các xác tín của đức tin có thể cống hiến cho kitô hữu cũng như vài tín hữu khác, lý do rộng rãi săn sóc thiên nhiên và các anh chị em dễ bị thương tích nhất (s. 64). Niềm tin tôn giáo và các thực hành tinh thần có thể và phải đưa tới sự phát triển qua giới lãnh đạo tinh thần và các tín hữu. Họ phải liên tục cảm thấy thách đố sống phù hợp với đức tin và không chống lại nó với các hành động của mình.

Viễn tượng thứ hai liên quan tới nhân phẩm. Chúng ta hơn là các hàng hóa hay các dữ kiện có thể đong đếm hay diễn tả bởi lợi tức đầu người. Chúng ta không phải là các yếu tố của sản xuất và tiêu thụ. Khi con người chỉ là tài lực, thì nó hết là mực thước sự thành công của các đường lối chính trị. Trái lại, con người trở thành điều có thể dùng rồi vứt bỏ. Vứt bỏ con người đi để có các người sản xuất tốt hơn. Di chuyền con người để có thể tiêu thụ nước lợi hơn.

Quan điểm của chúng ta về con người phải phức tạp hơn. ĐTC Phanxicô dậy rằng chúng ta phải gắn liền nhau tinh thần tu đức, tương quan xã hội và liên hệ với thiên nhiên. Nó đến từ xác tín điều liên quan là phẩm giá của chúng ta. Chúng ta có bổn phận để lại cho các thế hệ tương lai một hành tình có thể ở và sống được. Đây là một vấn đề hệ luỵ tới chúng ta một cách thê thảm, vì nó liên quan tới ý nghĩa cuối cùng của cuộc sống chúng ta trên trái đất này (s. 200).

ĐHY Turkson nói tiếp trong bài phát biểu: Vì chúng ta quy tụ nhau trong Tuần quốc tế nước này, tôi muốn kết thúc bài phát biểu với vài thí dụ, mà các tổ chức tôn giáo có thể góp phần cải tiến liên quan tới nước. Thứ nhất là giáo dục giới trẻ biết sống tình liên đới, vị tha và có tinh thần trách nhiệm. Các nhân đức này sẽ giúp họ là những người quản trị và là các chính trị gia liêm chính. Thứ hai, dậy Thánh Kinh và các truyền thống tinh thần, chỉ cho thấy nước quý báu và là yếu tố thiên linh. Nó được dùng rộng rãi trong phụng vụ. Điều này sẽ linh hứng chúng ta trong việc sử dụng nước với sự tôn trọng và lòng biết ơn, cải tạo những nguồn nước ô nhiễm, và hiểu rằng nước không chỉ là một tiện nghi. Thứ ba, tổ chức các chiến dịch liên tôn làm sạch sông ngòi và ao hồ, để thăng tiến việc tôn trọng lẫn nhau, hòa bình và tình bạn giữa các nhóm khác nhau. Thứ tư, tái khẳng định phẩm giá con người và thiện ích chung của toàn gia đình nhân loại, hầu phát huy một danh sách các ưu tiên khôn ngoan cho việc sử dụng nước, đặc biệt tai những nơi có nhiều nhu cầu canh tranh mạnh mẽ liên quan tới nước.

Tất cả những điều này giúp làm cho mọi người có thể có nước uống trở thành một thực tại có thể thực hiện được. Thách đố sinh tử này đã là điều được Giáo Hội Công Giáo chú ý từ nhiều năm nay. Thật là đáng xấu hổ, khi biết bao nhiêu anh chị em của chúng ta bị khát một cách có hệ thống hay bị bắt buộc phải uống nước không lành mạnh; khi các nhu cầu của họ là thứ yếu đối với các kỹ nghệ dùng quá nhiều nước và để cho phần nuớc còn lại bị ô nhiễm; khi các chính quyền theo đuổi các ưu tiên khác và không biết đến tiếng kêu than khát của họ. Chúng ta đã biết Chúa Giêsu phán xử các vấn đề này ra sao. Trong Phúc Âm thánh Mátthêu (25,35) Chúa Gíêsu dậy điều chúng ta giả thiết phải làm: “Ta đã khát và các ngươi dã cho ta uống”. Tôi cầu xin rằng hội nghị này sẽ giúp thế giới biết tỉnh táo hơn đối với cái khát của Chúa Giêsu và cho Ngài đủ nước trong lành để uống. (SD 29-8-2016)
 
Không săn sóc thiên nhiên là tự tử tập thể
Linh Tiến Khải
17:14 13/09/2016
Tự tử tập thể

Ngày 18 tháng 11 năm 1978 đã xảy ra vụ tự tử tập thể tại Jonestown bên Guyana, khiến cho 909 người chết, trong đó cũng có có hàng trăm trẻ em. Họ là tín đồ của giáo phái “Dự án nông nghiệp Đền thờ của nhân dân” do mục sư Jim Jones thành lập gần Indianapolis bên Hoa Kỳ.

Sau khi bị tố cáo là nam nữ sống chung lẫn lộn và có các hoạt động chính trị bí mật hồi thập niên 1950 các tín đồ đầu tiên di chuyển từ Indianapolis về vùng Mendocino ở California năm 1965. Sau đó có khoảng 1.000 tín đồ do mục sư Jim Jones hướng dẫn vào sống trong rừng già Guyana, và thành lập một thành phố mới là Jonestown, giáp giới với Venezuela để thực hiện một “dự án nông nghiệp”. Lý thuyết và hệ thống kinh tế được áp dụng theo chủ nghĩa thiên nhiên do Pol Pot áp dụng bên Campuchia, mà Jim Josnes rất ngưỡng mộ. Ý tưởng là biến cộng đoàn này thành một thiên đàng dưới thế. Các thành phần cộng đoàn bị nhồi sọ ngày đêm với thứ ngôn ngữ của giáo phái một ngàn năm, bị lực lượng cảnh sát của giáo phái kiểm soát canh chừng và phải tuân giữ kỷ luật rất nghiêm ngặt. Mục sư Jim Jones đề nghị thực thi “chủ nghĩa xã hội pentecostale”. Tiếp theo sau các lời yêu cầu của một vài thân nhân của các tín đồ này cho rằng người thân của họ bị giáo phái cưõng bách và giam giữ bên Guyana chống lại ý muốn của họ, chính quyền Hoa Kỳ đã cho điều tra và ngày 17 tháng 11 năm 1978 gửi một phái đoàn do dân biểu Leo Ryan cầm đầu, gồm các thân nhân các tín đồ và các nhà báo. Nhưng khi máy bay chuẩn bị khởi hành trên phi đạo gần Port Kaituma, thì lực lượng mật vụ của giáo phái bắn chết 5 thành viên của phái đoàn. Khi biết tin, mục sư Jim Jones triệu tập cộng đoàn giáo phái, và đề nghị một cuộc tự tử tập thể. Thật ra, tư tưỏng này đã lưu hành trong cộng đoàn từ vài tháng trước đó, cũng như nó đã được nhiều nhóm giáo phái ngàn năm chủ truơng.

Theo lời kể của ít người sống sót các bà mẹ đầu độc các con họ trước khi tự tử. Cảnh sát Mỹ cho biết đã tìm thấy 400 xác chết nằm chồng lên nhau, 500 xác khác được tìm thấy tại các khu vực xa hơn. Một số chết vì uống một loại nước ngọt có mùi thơm pha với thuốc độc cianuro. Nhiều người khác bị bắn bằng đạn, cũng có người bị hạ sát bằng tên, trong khi họ tìm cách chạy trốn. Mục sư Jim Jones và nữ y tá Annie Moore thì tự tử bằng súng. Tất cả là 909 người, cộng thêm 4 tín đồ tự tử ở Georgetown, và 5 người trong phái đoàn chính phủ bị giết, trong đó có dân biểu Leo Ryan, tổng cộng là 918 người. Không kể số nạn nhân của các tai ương thiên nhiên, và con số 2.974 người chết và 24 ngườ mất tích trong vụ khủng bố Tháp Song Sinh ở New York ngày 11 tháng 9 năm 2001, chưa bao giờ lại có đông người Mỹ chết như trong vụ tử tử tập thể tại Jonestown bên Guyana.

Tuy nhiên, trong lịch sử thế giới còn có nhiều vụ tử tử tập thể khác nữa. Đó là trường hợp các dân tộc bị nhà nước độc tài áp bức, đối xử tàn tệ như nô lệ và súc vật, đẩy vào các cuộc chiến phiêu lưu vô lý, mà đành câm nín chịu trận, không dám nhất loạt đứng lên phản đối và đòi lại phẩm giá và quyền làm ngưởi của mình. Năm mươi triệu người chết trong Đệ Nhị Thế Chiến vì chính quyền Đức Quốc Xã và Phát Xít, trong đó có 6 triệu người Do thái, và 100 triệu người chết vì tay nhà nước cộng sản Liên Xô. Rất tiếc là các vụ tự tử tập thể vẫn tiếp diễn với các chế độ độc tài vô nhân còn lại đó đây trên thế giới ngày nay.

Nạn ô nhiễm môi sinh

Nhưng còn có một vụ tự tử tập thể có tầm mức quốc tế to lớn đang hàng ngày xảy ra trước mắt chúng ta mà ít nguời để ý: đó là nạn ô nhiễm môi sinh, tàn phá rừng già làm cho trái đất ngày càng bị hâm nóng, khiến cho đá băng bắc cực và tuyết trên các núi cao đang ngày càng tan chảy nhiều hơn. Tất cả là lý do của các đảo lộn khí hậu gây ra nhiều tai ương thiên nhiên ngày càng trầm trọng. Ngay trong lúc này đây là trận bão Hermine đang thổi vào tiểu bang Florida với các cơn gió mạnh và nhanh tới 120 cây số giờ.

Nếu thế giới không cùng nhau cương quyết sửa chữa các đường lối chính trị tàn phá môi sinh, và người dân các nước giầu không thay đổi kiểu sống, thì trái đất này sẽ chứng kiến các tàn phá khủng khiếp khiến cho hàng chục triệu người thiệt mạng. Đây là sự thật đã được các vị lãnh đạo tôn giáo nhận thức sâu xa và các vị liên tục lên tiếng kêu gọi cộng đồng thế giới lưu tâm mau chóng đề ra các biện pháp hữu hiệu, trước khi quá trễ tràng.

Trong sứ điệp cho “Ngày thế giới cầu nguyện cho việc chăm sóc thiên nhiên” cử hành ngày mùng 1 tháng 9 vừa qua ĐTC Phanxicô đã kêu gọi kitô hữu nhìn nhận tội lỗi gây thiệt hại cho thiên nhiên và con người, thống hối và quyết tâm thay đổi lối sống. Ngài mời gọi mọi người thực thi một cuộc hoán cải trên bình diện môi sinh, vì tình trạng hâm nóng trái đất ngày càng gia tăng do hoạt động của con người thải qúa nhiều thán khí vào không trung. Từ trước tới nay năm 2015 là năm nóng nhất, và có lẽ năm 2016 còn nóng hơn nữa. Tình trạng này kéo theo các hậu quả hạn hán, lụt lội, hoả hoạn và những tai ương thiên nhiên ngày càng trầm trọng hơn, khiến cho nhiều người phải di cư lánh nạn. Những dân tộc nghèo trên thế giới, tuy ít trách nhiệm nhất trong việc thay đổi khí hậu, nhưng lại gánh chịu nhiều thiệt thòi nhất do những thay đổi này gây ra. Những tội chống lại thiên nhiên cũng là một tội ác chống lại chính chúng ta và chống lại Thiên Chúa.

Để có thể thay đổi tình thế, hay ít nhất giảm các hậu quả tai hại của nó, việc hoán cải trên bình diện môi sinh phải được điễn tả ra qua những thái độ và cung cách hành xử tôn trọng thiên nhiên. Chẳng hạn như sử dụng chất nylon một cách khôn ngoan và thận trọng, vì chúng gây ô nhiễm môi sinh và hàng trăm năm sau vẫn không tan biến, tiết kiệm không phung phí nước ngọt, lương thực và năng lượng, phân loại các thứ rác, để có thể tái chế biến và sử dụng như phân bón tự nhiên, đối xử với các thú vật với sự chăm sóc, dùng các phương tiện công cộng, đi chung xe với nhau để tiết kiệm năng lượng và giảm bớt lượng thán khí thải vảo trong không trung. Tất cả những cử chỉ đó tuy xem ra bé nhỏ nhưng hữu hiệu, tạo ra hiệu quả tốt đẹp có sức toả lan, ảnh hưởng một cách vô hình, và khích lệ một lôi sống thanh đạm góp phần thay đổi cục diện thế giới.

Cho tới nay các cường quốc kinh tế tây âu và các nước có nền kinh tế đang lên như Trung Quốc, Ấn Độ và Brasil vẫn không ký nhận và thực thi các thoả hiệp về môi sinh, lấy cớ là không thể gây thiệt hại cho nền kinh tế của họ. Liệu các chính quyền trên thế giới có biết lắng nghe lời kêu gọi khẩn thiết trên đây của ĐTC và các vị lãnh đạo tôn giáo hay không, hay cũng lại cứ nhắm mắt làm ngơ và đẩy đưa thế giới vào một cuộc tự tử tập thể khác nữa?
 
Đời sống đức tin của Hillary Clinton
Vũ Văn An
19:30 13/09/2016
Nhiều người lắc đầu khi nghe nói tới đời sống đức tin của một người như Hillary Clinton, nổi danh phò phá thai, ngay trong lúc đang tranh chức tổng thống Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trong số báo gần đây của tờ tuần báo Công Giáo The America, ký giả Michael O’Loughlin, vẫn khổ công tìm hiểu đời sống đức tin của người rất có thể được bầu làm nữ tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ vào tháng 11 này.

Ký giả này thuật lại cảnh tượng sau đây tại Đại Hội Đảng Dân Chủ vừa qua: sau khi đọc bài diễn văn quan trọng nhất trong cuộc đời chính trị của mình (chấp nhận được Đảng đề cử làm ứng cử viên tổng thống), Hillary Clinton bước vào hậu trường Trung Tâm Wells Fargo ở Philadelphia. Ở đấy, nắm tay chồng, Bà cùng vợ chồng Tim Kaine, ứng cử viên phó tổng thống, vây quanh màn truyền hình nhỏ, theo dõi lời chúc lành kết thúc đại hội của Mục Sư Bill Shillady. Lời chúc lành này rút ra từ một điệp khúc rất quen thuộc đối với tín đồ Methodist, vốn là Giáo Hội của Hillary: “Làm mọi điều tốt chúng con có thể, bằng mọi phương thế chúng con có thể, cho mọi người chúng con có thể, bao lâu chúng con có thể”. Mục Sư Shillady vốn làm lễ an táng cho thân mẫu của Hillary, chủ lễ kết hôn cho con gái Chelsea của bà. Và người ta thấy bà lau nước mắt.

Khán giả biết được cảnh trên vì đoàn quay phim đã quay nó và chiến dịch tranh cử đã đăng nó lên chương mục Twitter của bà. Có lẽ đây là giây phút thân mật nhất trong suốt chiến dịch tranh cử của Hillary Clinton và việc này gây nhiều phản ứng tức khắc.

Nhiều người chế nhạo, cho rằng Hillary hửi thấy mùi hấp dẫn, muốn lợi dụng khúc phim để lôi cuốn các cử tri tôn giáo vốn thất vọng với thái độ coi thường tôn giáo của Donald Trump khi ông này nói đến việc hiệp lễ: “tôi uống chút rượu nho” và “ăn chút bánh giòn”. Nhưng cũng không thiếu người, kể cả những người biết rõ bà xưa nay, thấy phấn khích khi Hillary mời công chúng nhìn bà trong giây phút chân thực nhất đang thực hành đức tin của mình, một đức tin mà họ cho đã hướng dẫn bà từ lúc tuổi thơ qua suốt sự nghiệp chính trị công cộng.

Đó không phải là lần đầu người ta nghe nói tới đức tin của Hillary trong chiến dịch tranh cử. Hồi tháng Giêng, khi một cử tri ở Iowa vặn hỏi về đức tin, bà đã trả lời: “Tôi là một người có đức tin. Tôi là một Kitô hữu. Tôi là một tín đồ Methodist”. O’Loughlin cho rằng dựa vào 3 yếu tố do chính bà kể ra, người ta có thể hiểu phần nào về việc đức tin đã ảnh hưởng ra sao đối với đời sống và các quyết định của Hillary.

Một Tín Đồ Methodist

Trong diễn trình lớn khôn, Bà Clinton sinh hoạt tại First United Methodist Church ở Park Ridge, Ill., một khu ngoại ô của người Mỹ da trắng thuộc giai cấp thượng trung lưu. Trong một số bài diễn văn và trong hồi ký của mình, bà thường nhắc lại cảnh cha mình cầu nguyện mỗi đêm trước khi đi ngủ và mẹ mình phục vụ tại một số thừa tác vụ của Giáo Hội.

Lúc là một thiếu niên, Hillary rất mộ mến vị mục sư trẻ tuổi đang coi sóc Nhà Thờ này, đó là Mục Sư Don Jones. Theo một bài viết hồi năm 2014 của CNN, vị mục sư này gây ấn tượng lớn tại Nhà Thờ First United, vì đã nhấn mạnh tới truyền thống công bằng xã hội của giáo phái Methodist, nhiều hơn là nhấn mạnh tới việc cứu rỗi bản thân. Ông hay đưa các người trẻ của nhà thờ mình tới các khu nghèo nàn của Chicago để họ mục kích cảnh sống của những người cùng trang lứa. Ông khuyến khích các em tra vấn đức tin của mình, có lần sắp xếp một cuộc tranh luận với người vô thần về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Ông còn đưa các em tới một hội đường Do Thái để khai tâm các em về các tôn giáo khác.

Tuy nhiên, phong thái của vị mục sư này không được đa số tín hữu bảo thủ ở Park Ridge ủng hộ, nên sau hai năm, vị mục sư này phải ra đi. Phần mình, Bà Clinton chịu ảnh hưởng sâu rộng bởi phương thức xã hội của ông, nên vẫn giữ liên lạc với vị mục sư này trong nhiều thập niên về sau. Khi rời nhà để vào đại học, bà vẫn thư từ qua lại với ông và ông được mời tham dự cả hai lần “đăng quang” của chồng là Tổng Thống Bill Clinton.

Khi Mục Sư Jones qua đời vào năm 2009, Bà Clinton cho rằng, nhờ lấy hứng từ các nhân vật như Mục Sư Martin Luther King Jr. và Tổng Thống Franklin Delano Roosevelt, nên mục sư này đã “giúp hướng dẫn tôi trên hành trình tâm linh và chính trị của tôi suốt hơn 40 năm qua”.

Dù Bà Clinton cho rằng mình chịu ảnh hưởng của nhiều nhân vật tâm linh thuộc các cộng đồng đức tin khác nhau, nhưng Mike McCurry, giáo sư thần học tại Chủng Viện Thần Học Wesley và là cựu tùy viên báo chí của Tổng Thống Bill Clinton, cho rằng hành trình đức tin của bà, về chiều sâu, vẫn là hành trình Methodist.

Giáo phái này đặt căn bản trên điều vẫn được gọi là Tứ Trụ Wesley (Wesley Quadrilateral), nghĩa là bốn nguyên tắc của nhà sáng lập ra giáo phái là John Wesley, dùng để “soi dẫn cốt lõi đức tin Kitô Giáo của tín hữu”. Bốn nguyên tắc đó là: Thánh Kinh, truyền thống, lý trí và kinh nghiệm. Theo một truyền thuyết của gia đình, Wesley là người đã thu phục đức tin của tổ tiên bà Clinton ở Anh thế kỷ 18.

Thập niên 1960, Hillary vốn là độc giả trung thành của một tập san nay đã đình bản của Phong Trào Sinh Viên Methodist, một tập san chuyên chống chiến tranh, phò công nhân và chống vũ khí nguyên tử, trong đó, có sự cộng tác của nhiều nhân vật nổi danh kể cả các nhân vật Công Giáo như Đan Sĩ Thomas Merton, O.C.S.O., và Nữ Tu Mary Corita Kent, người nổi tiếng trong phong trào hòa bình thập niên 1960 và sáng lập ra phong trào nghệ thuật bình dân phục vụ linh đạo.

Bà Clinton và chồng kết hôn dưới sự chứng giám của một mục sư Methodist ở Arkansas và khi dọn về Washington D.C., hai ông bà dự phụng vụ tại Foundry United Methodist Church, không xa Tòa Bạch Ốc bao nhiêu. Lúc ấy, người trông coi Nhà Thờ này là J. Philip Wogaman, một mục sư cấp tiến cả về phương diện thần học lẫn xã hội. Năm 1997, lúc gia đình Clinton còn tham dự phụng vụ tại nhà htờ này, Mục Sư Wogaman ký kiến nghị, bất đồng với Giáo Hội United Methodist trong việc từ khước phong chức cho những người công khai đồng tính luyến ái hoặc chúc lành cho các cuộc kết hợp đồng tính. Không lạ gì, 15 năm sau, bà Clinton đã công khai ủng hộ hôn nhân đồng tính.

Một trong các người viết tiểu sử cho gia đình Clinton cho hay: chính trong thời gian làm đệ nhất phu nhân, Bà Clinton bắt đầu cảm thấy nên dè dặt khi thảo luận về đức tin của mình. Kristin Kobes Du Mez, một giáo sự sử tại Trường Cao Đẳng Calvin, từng viết một cuốn sách về quá trình lòng đạo của Bà Clinton, nói rằng trong một bài diễn văn năm 1993, đệ nhất phu nhân có kêu gọi “một nền chính trị mới về ý nghĩa”. Và với việc chính phủ của chồng gặp rắc rối, bà lên tiếng kêu gọi người Hoa Kỳ ủng hộ “một triết lý hành động mới có tinh thần trách nhiệm và chăm sóc cá nhân”, đồng thời nhìn nhận rằng “chúng ta là thành phần của một điều gì đó lớn hơn chính chúng ta”.

Những lời lẽ trên đã bị truyền thông phê bình gay gắt và theo Du Mez, đó là lý do khiến bà Clinton từ đó ít khi phát biểu đức tin của mình trước công chúng.

Đức Tin của Một Ứng Cử Viên

Tuy thế, trong thời gian ấy, vẫn có những dấu chỉ cho thấy lòng đạo nơi bà Clinton. Nhiều người quả quyết: ngày nào bà cũng đọc một mẩu Thánh Kinh. Bà cũng thường trích dẫn nhiều nhân vật quen thuộc của trường phái thần học cấp tiến, trong đó, có Paul Tillich, Reinhold Niebuhr và Henri Nouwen, coi họ như những người gợi hứng; và trong thời gian chồng bà tằng tịu với một người học việc ở Tòa Bạch Ốc, nhiều người cho hay Bà đã đặc biệt dựa vào đức tin.

McCurry quả quyết: “Những thời khắc tôi thấy bà dựa vào đức tin một cách sâu xa hơn cả là những thời khắc có tính rất riêng tư… Các thời khắc này liên hệ tới các biến cố mà tôi phải xử lý một cách công khai khi tôi còn ở Bạch Ốc. Trong những lúc đau đớn lớn lao của bản thân, tôi nghĩ chính đức tin của bà đã nâng đỡ bà”.

Burns Strider, một nhà hoạt động chính trị theo giáo phái Baptist Miền Nam, từng gặp Bà Clinton năm 2006, khi họ liên kết với nhau về việc đức tin đã hướng dẫn các vấn đề công bằng xã hội ra sao, sau đó, phục vụ trong tư cách giám đốc liên lạc tôn giáo trong chiến dịch tranh cử năm 2008 của bà, và hiện nay, tuần nào cũng nhiều lần gửi e-mail cho bà với những câu trích từ Thánh Kinh hoặc từ các nhân vật bà quen đọc tác phẩm của họ trong đó có nhà văn Công Giáo Flannery O'Connor, thi sĩ Mary Oliver và văn sĩ Kitô Giáo Jim Wallis.
Ông Strider cho rằng ông hài lòng khi thấy chiến dịch của bà phản ảnh đức tin và ông hy vọng chiều hướng này tăng tiến thêm khi tiến dần tới tháng Mười Một.

Ca ngợi việc đăng tải khúc phim nói trên lên Twitter, ông cho rằng “Các chiến dịch tốt đều cho thấy con người thực của huy hiệu ứng cử viên”. Ông cũng cho hay: ông thường thấy Bà Clinton cầu nguyện ở hậu trường trước và sau mỗi biến cố lớn, nhiều khi bà còn đi gặp các giáo sĩ ở địa phương nữa.

Trở lại câu chuyện hồi tháng Giêng vừa qua, khi một cử tri ở Iowa vặn hỏi bà về đức tin, Bà đã trích dẫn nhiều đoạn Thánh Kinh Tân Ước. Bà nói: “Giới răn quan trọng nhất là yêu mến Chúa hết mình và yêu người lân cận như mình”. Bà nói tới các giới răn của Thánh Kinh liên quan đến việc “săn sóc người nghèo, thăm viếng tù nhân, tiếp đón khách lạ, tạo cơ hội cho người khác được thăng tiến”.

Sau đó, bà còn đặt câu hỏi về Bài Giảng Trên Núi và đưa ra lời giải thích của bà: “Nó mời gọi ta làm gì và hiểu điều gì? Vì rõ ràng nó ủng hộ người nghèo và người có lòng thương xót và những ai, theo cái nhìn trần thế, không có bao nhiêu (của cải) nhưng có dư tinh thần mà Thiên Chúa vốn nhìn nhận nằm ở cốt lõi tình yêu và ơn cứu rỗi”.

Cuối cùng, bà tỏ ra thất vọng khi thấy Kitô Giáo “đôi khi bị sử dụng để lên án quá vội vã và phán xử quá khắc nghiệt” và kết luận rằng suy nghĩ về đức tin của mình là “một điều tôi vốn coi rất trọng”.

Không ai chối cãi chủ trương xã hội của Bà Clinton không phù hợp với phe hữu tôn giáo ở Hoa Kỳ. Nhưng đó là chủ trương của Giáo Hội Bà, một Giáo Hội đứng hàng ba trong các Giáo Hội Kitô Giáo ở Hoa Kỳ, sau Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Baptist Miền Nam. Thập niên 1960, số tín hữu của họ là 11 triệu người, nay vào khoảng 7.5 triệu, nhưng vẫn giữ vị thứ ấy. Họ có quan điểm cấp tiến về chính trị hơn là tín hữu Công Giáo hay Tin Lành.

Du Mez cho rằng lòng đạo của Bà Clinton nên được nhìn qua lăng kính Kitô Giáo cấp tiến về xã hội của cả truyền thống riêng của Bà cũng như các truyền thống của các mục sư Mỹ Da Đen, vốn là những người đã tạo nên khối đa số ủng hộ căn bản chính trị của bà.

Theo Du Mez, quan điểm của bà về các vấn đề xã hội tuyệt đối đi đôi với quan điểm của Giáo Hội Methodist, ngoại trừ vấn đề chiến tranh và án tử hình.

Katey Zeh, một người tranh đấu cho quyền phá thai, vốn làm việc cho Giáo Hội United Methodist, thì cho rằng bà cũng khác với chủ trương của Giáo Hội này về vấn đề phá thai. Chủ trương của Giáo Hội này xem ra tương hợp với chủ trương của chính phủ Clinton thập niên 1990: nó phải “an toàn, hợp pháp và họa hiếm”.

Các “Nguyên Tắc Xã Hội” của Giáo Hội này quả quyết rằng: “Niềm tin của chúng tôi vào tính thánh thiêng của sự sống chưa sinh ra của con người khiến chúng tôi không sẵn lòng chấp thuận việc phá thai”. Nhưng các nguyên tắc này cũng “thừa nhận các mâu thuẫn bi thảm của sự sống này chống lại sự sống kia làm cho việc phá thai có thể được biện minh, và trong các trường hợp như thế, chúng tôi ủng hộ giải pháp cho phép phá thai bằng các thủ tục y khoa thích đáng do các người cung cấp y khoa có bằng cấp thực hiện”. Giáo phái này còn là một trong các thành viên sáng lập ra một nhóm vô vị lợi nhằm thúc đẩy việc gia tăng quyền phá thai, dù mới đây đã rút lui khỏi nhóm này.
Chủ trương phá thai của Bà Clinton mấy năm gần đây đã đi tới cực đoan, vì hiện nay bà đang vận động để bãi bỏ lệnh cấm dùng tiền liên bang để tài trợ các vụ phá thai. Tuy nhiên, Bà Zeh cho rằng Bà Clinton vẫn nằm trọn trong truyền thống Methodist về vấn đề này.

Giáo Hội Công Giáo, lẽ dĩ nhiên, chống việc phá thai, bất luận Bà Clinton dựa vào truyền thống nào, nên hiển nhiên là người Công Giáo không nên ủng hộ Bà.

Với việc nhiều người Tin Lành và Công Giáo xưa nay vẫn ủng hộ Đảng Cộng Hòa nhưng nay tỏ ra không ủng hộ Donald Trump, chắc chắn Bà Clinton sẽ nói công khai nhiều hơn về đức tin của Bà. Kẻ thù của Bà chắc chắn sẽ coi việc này như một thứ giả hình dối trá. Nhưng nếu quả bà làm thế, có người cho Bà sẽ theo mô thức bài diễn văn bà đọc năm 2014 tại Đại Hội Phụ Nữ của Giáo Hội United Methodist ở Louisville.

Tại Đại Hội đó, Bà được giới thiệu với hơn 7,000 bậc nữ lưu và được ca ngợi như là “một người tranh đấu không ngừng cho phụ nữ, trẻ em và tuổi trẻ”. Điều đáng nói là người giới thiệu Bà, Yvette Richards, cho cử tọa hay: Bà Clinton đã tự động chịu mọi chi phí và đã từ chối nhận tiền thù lao tiêu chuẩn của Đại Hội, ngược với thù lao khoảng 300 ngàn đôla mỗi lần Bà nói chuyện tại các ngân hàng ở Wall Street hay các đại học công.

Trong bài diễn văn hôm đó, như thường lệ, Bà nói đến nhu cầu phải củng cố các cơ hội cho người thua thiệt, nhất là phụ nữ, nhưng lần này, dưới lăng kính đức tin. Bà dựa vào truyền thống công bằng xã hội của Giáo Hội Bà cũng như Tin Mừng, nhất là câu chuyện năm chiếc bánh và 2 con cá và cho cử tọa hay triết lý chính trị của bà đã được lên khuôn ra sao bởi các giáo huấn này.

Bà cho hay: “Như các môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta không thể làm ngơ, chúng ta không thể nói với những người túng thiếu phải tự lo liệu mà sống với chúng ta. ‘Các con phải cho họ ăn’, Chúa Giêsu nói thế, ‘các con phải cứu vớt họ, chữa lành cho họ, yêu thương họ’”.

Có thể nói: đạo đức học Kitô Giáo của Hillary Clinton là một đạo đức học lựa lọc những điều phù hợp với mình, có lợi cho mình mà bỏ qua những điều cũng không kém phần quan trọng cho sự cứu rỗi của bản thân và người khác.

Như muốn củng cố thế đứng Kitô Giáo của mình, Bà đã chọn Thượng Nghị Sĩ Tim Kaine, một người Công Giáo. Nhưng Tim Kaine cũng là một nhà đạo đức học lựa lọc như Bà, có khi còn hơn thế nữa vì chủ trương xã hội của ông không hẳn là chủ trương của Giáo Hội Công Giáo mà chỉ là của một trào lưu tư tưởng trong Giáo Hội này mà thôi, đó là Thần Học Giải Phóng.

Theo Ken Blackwell (Tim Kaine’s radical roots, The Hill, 9/9/2016), Thần Học Giải Phóng của Tim Kaine không phải là thứ Thần Học Giải Phóng đã được tái tạo, phi Mácxít sau này, thứ thần học mà vị đứng đầu Thánh Bộ Giáo Lý hiện thời, Đức Hồng Y Muller, vốn có cảm tình, mà là thứ Thần Học Giải Phóng Mácxít của thời Chiến Tranh Lạnh ở Châu Mỹ La Tinh, thập niên 1980, lúc ông ta tới đó. Có người cho rằng, khi tới Honduras năm 1980, ông ta gặp Karl Marx chứ không gặp Chúa Giêsu Kitô.

Kỳ sau: Trump dành chỗ cho Đức Tin
 
Top Stories
Laos:Trois nouveaux prêtres pour le vicariat apostolique de Luang Prabang
Eglises d'Asie
11:00 13/09/2016
Le 16 septembre prochain, trois diacres laotiens seront ordonnés prêtres en la cathédrale Saint-Louis de Thakhek, pour le vicariat apostolique de Luang Prabang : Paul Lattana Sunthon, Augustin Saegna Sii Bunti et Michel Kanthak Vilae Luong Di.

Située sur les rives du Mékong, à la frontière de la Thaïlande, Thakhek est la capitale de la province de Khammouane et le siège du vicariat de Savannakhet, où se concentre la majeure partie de la petite minorité catholique du pays, composée essentiellement de Vietnamiens et d’autres ethnies minoritaires. C’est dans cette ville frontalière de la Thaïlande, qu’ont été formés les trois diacres laotiens, à l’Institut Saint-Jean-Marie-Vianney, l’unique grand séminaire du Laos. Actuellement, une vingtaine de jeunes se forment à la prêtrise, durant un cycle de sept ans (trois ans de philosophie et quatre années de théologie), malgré de modestes moyens, un manque récurrent de formateurs et une marge de manœuvre étroite avec les autorités communistes du pays.

La joie discrète d’une Eglise renaissante

« Nous constatons, avec ferveur, que le pays s’ouvre davantage et que nous bénéficions de cette nouvelle approche. Nous espérons pouvoir renforcer une coopération profitable avec les autorités civiles, pour le bien de l’Eglise et du peuple du Laos. Nous sommes certains que nous aurons des hôtes lors des célébrations », a déclaré à l’agence Fides, Mgr Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun, vicaire apostolique de Paksé, en commentant l’accord donné par les autorités gouvernementales pour célébrer ces trois ordinations sacerdotales. Les trois évêques des vicariats apostoliques de Vientiane, Luang Prabang et Savannaketh, sont d’ailleurs annoncés comme faisant partie des personnalités présentes à Thakhek, le 16 septembre prochain.

Une messe de béatification laotienne pour les martyrs du Laos

Deuxième grande joie pour l’Eglise du Laos, celle de l’accord officiel donné par les autorités politiques du Laos de célébrer, le 11 décembre prochain, à Vientiane, la messe de béatification de 17 martyrs – prêtres, religieux et laïcs – ayant été tués entre 1954 et 1970, au Laos. Une première pour l’Eglise catholique puisqu’elle va réussir à béatifier des martyrs en plein pays communiste et avec l’accord des autorités en place.

Selon les propres termes des évêques laotiens, la béatification des martyrs du Laos contribuera à l’édification de l’Eglise dans leur pays, elle qui « reste une jeune plante bien fragile ayant besoin de ‘tuteurs’, d’appuis surnaturels solides », pour avancer dans un environnement souvent hostile. L’Eglise pourra ainsi puiser dans l’histoire de ses martyrs « un fondement solide pour sa croissance et sa vie quotidienne complexe », soulignent-ils.

Selon des sources officielles, la cérémonie de béatification sera présidée par le cardinal Orlando Quevedo, archevêque philippin de Cotabato, envoyé du pape François. Si les évêques assument les risques de l’organisation d’un tel événement, ils souhaitent néanmoins limiter au maximum la venue sur place d’étrangers, afin de ne pas provoquer les autorités laotiennes.

Une Eglise sous étroite surveillance

Depuis 1975, date de la prise du pouvoir des communistes et de l’expulsion des missionnaires du pays, l’Eglise catholique se trouve en effet sous étroite surveillance du gouvernement. Les déplacements des membres du clergé ou la construction de lieux de culte sont soumis à l’autorisation des autorités locales ou régionales. Bien que la liberté religieuse soit inscrite dans la Constitution du pays, les autorités de chacune des provinces restent libres d’appliquer ou non la liberté religieuse sur leurs territoires, ce qui n’a pas manquer de susciter certaines vagues de répressions antichrétiennes, notamment au nord du pays, dans le vicariat apostolique de Luang Prabang, avec la mise en place d’une censure religieuse.

Une petite centaine de paroisses pour quatre vicariats apostoliques

Dans ce pays majoritairement bouddhiste (66 % de la population), où l’animisme a son importance (20 % des Laotiens sont animistes), les catholiques du Laos représentent moins de 1 % des presque sept millions d’habitants de cette nation enclavée. La pratique chrétienne continue d’être perçue avec suspicion par les autorités. Les ministres du culte sont sous étroite surveillance, avec un degré de contrôle ayant tendance à s’accentuer davantage au nord.

L’Eglise catholique compte une centaine de paroisses réparties dans quatre vicariats apostoliques : Luang Prabang, au nord, Vientiane, Savannakhet qui rassemble une bonne partie de la minorité catholique, et Paksé, au sud du pays.

L’ouverture du Laos, une réalité ou une façade?

Autre événement soulignant une relative ouverture du Laos, celui de l’accueil à Vientiane, du 6 au 8 septembre dernier, du sommet de l’ASEAN (Association des nations de l’Asie du Sud-Est), auquel a participé le président américain. Une visite historique, Barack Obama étant le premier président américain à se rendre au Laos depuis la guerre du Vietnam des années 1960-1970, période pendant laquelle les Etats-Unis ont mené une guerre « secrète » et des bombardements massifs contre les positions des soldats nord-vietnamiens, infiltrés au Laos aux côtés des communistes laotiens.

Entouré de puissants voisins politiques et économiques (Chine, Thaïlande et Vietnam), le Laos semble sortir peu à peu de la pauvreté et de son isolement, pour devenir un acteur économique de la région, avec un taux de croissance annuel supérieur à 7 % depuis dix ans. Profitant entre autres du dynamisme régional, le Laos arrive à attirer des investisseurs étrangers dans les secteurs clés de l’énergie et des mines, notamment la Chine, devenu le premier pays investisseur dans le pays et qui tire la croissance du Laos. Malgré un léger ralentissement économique, le taux de croissance du Laos de 6,4 % en 2015, le place au premier rang des économies les plus dynamiques de l’ASEAN, depuis la crise financière de 2007-2008.

(Source: Eglises d'Asie, le 13 septembre 2016)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hàng ngàn hộ dân bị thiệt hại do thảm họa ô nhiễm môi trường ký đơn xin TGM Giáo phận Vinh trợ giúp
Giang An
08:47 13/09/2016
Hàng ngàn hộ dân bị thiệt hại do thảm họa ô nhiễm môi trường ký đơn xin TGM Giáo phận Vinh trợ giúp

Thảm họa ô nhiễm biển miền Trung do Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra ngày càng tác động tiêu cực đến đời sống của người dân bốn tỉnh miền Trung. Không chỉ các hộ ngư dân bị thiệt hại mà còn kéo theo ngành kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá, nhà hàng hải sản, khách sạn, kinh doanh du lịch... đều rơi vào tình trạng điêu đứng.

Đến nay, các khoản đền bù thiệt hại vẫn chưa được giao tận tay người dân. Khó khăn ngày càng chồng chất do gánh nặng nợ nần, chi tiêu hằng ngày và chi phí nuôi con cái ăn học. Nhiều hộ dân cảm thấy bức xúc và đang nghĩ tới giải pháp căn cứ vào Bộ luật Dân sự Việt Nam để khởi kiện Công ty Formosa để đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Đây có thể là một giải pháp đẩy nhanh tiến độ bồi thường thiệt hại cũng như qua con đường tòa án để bảo đảm công bằng, người dân được đền bù một cách tương xứng.

Gần đây Tòa Giám mục Giáo phận Vinh đã nhận được đơn của gần 7000 hộ dân sống trên địa bàn Giáo phận mong muốn Tòa Giám mục trợ giúp họ trong việc đảm bảo sự công bằng và minh bạch trong quá trình bồi thường thiệt hại.

Luật pháp Việt Nam không quy định khiếu kiện tập thể và Tòa Giám mục cũng không thể đứng ra thay mặt các hộ dân đòi bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, đứng trước tình cảnh bi đát của người dân, Tòa Giám mục đang tìm giải pháp để trợ giúp các nạn nhân. Một trong các giải pháp được cân nhắc là kêu gọi các luật sư cộng tác trợ giúp về mặt pháp lý để giúp người dân thực hiện quyền đòi bồi thường thiệt hại của họ.

Lời mở đầu của Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay – Gaudium Et Spes – của Công Đồng Vatican II vẫn vang vọng: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ”. Việc trợ giúp các nạn nhân của thảm họa môi trường là một cách thực tế và hữu hiệu để Giáo phận “ưu sầu và lo lắng” với những con người đang đối diện với các khó khăn do thảm họa gây ra. Đây cũng là cách thức để Giáo phận đồng hành với cơ quan chức năng để mang lại công bằng và ấm no cho người dân.

Chú thích hình ảnh gửi kèm:

- Hình 1 và Hình 2: Đơn xin trợ giúp và một số chữ ký của giáo dân giáo xứ Đông Yên

- Hình 3: Một số chữ ký của giáo dân Quý Hòa

- Hình 4: Một số chữ ký của giáo dân Cồn Sẻ
 
Từ đường Nguyễn Hữu Bài của con cháu họ Nguyễn đã bị cưỡng chiếm!
Dạ Thảo
18:08 13/09/2016
TỪ ĐƯỜNG NGUYỄN HỮU BÀI Ở HUẾ CỦA CON CHÁU ĐÃ BỊ CƯỠNG CHIẾM!

HUẾ 12.09.2016 - Chỉ sau ba tiếng đồng hồ, quan sản Huế đã san bằng và nuốt ngon ơ miếng đất 2.200 mét vuông mà không tốn một cắc đền bù nào ngoại trừ tiền thuê các lực lượng hỗ trợ cưỡng chế và dự là trưa nay họ sẽ tốn bộn tiền cho việc nhậu ăn
mừng trọng vụ thành công. Bạo quyền Thừa Thiên vừa tấn công cưỡng chiếm khu đất dùng làm từ đường của dòng họ Nguyễn Hữu Bài tại Huế.

Cụ Nguyễn Hữu Bài là thượng thư bộ Lại dưới thời hai vua Đồng Khánh và Duy Tân. Khi cụ qua đời thì khu đất này được con cháu trông coi và được xem là khu từ đường của dòng họ Nguyễn Hữu Bài. Sau khi chiếm được miền Nam, tập đoàn cộng sản trưng thu, giao cho các cơ quan làm trụ sở và kinh doanh. Từ năm 1993 đến nay, ông Nguyễn Hữu Sinh, con trai cụ Bài, liên tục làm đơn đòi lại mảnh đất nhưng không được giải quyết. Cho đến hôm qua thì bạo quyền VN chính thức phong tỏa khu đất này.

Thông tin kín cho hay, trước đó, nhà sản Huế đang có thương lượng bố thí cho cả đại hậu duệ Nguyễn Hữu gần 15 nhân khẩu một miếng đất 150 mét tại khu tái định cư Bàu Vá, xã Thủy Xuân, Huế. Sau đó, kiểu thương tình, quan sản Huế du di thêm 85 mét nữa. Ô hô hô, 2.200m đổi lại 235m tận xa tít mù khơi cho từng ấy con người, quan sản Huế vô cùng nhân đạo.

Tôi xin nhắc lại, mảnh đất 2.200 mét vuông đất, gồm hai mặt tiền đẹp nhất nhì ở trên cái xứ địa linh bé tý này thì chỉ có là "bậc thượng thừa" mới sở hữu được nó, và điều này là điều mà quan sản Huế đã nghía từ lâu. Không xé xác nó ra mới lạ. Khổ, gia tộc Nguyễn Hữu cũng không phải dạng vừa nên gần 40 năm qua, hết mấy đời chủ tịch tỉnh, vẫn chưa cướp được.

Tôi vẫn chưa liên lạc được với chị Trang - cháu nội gái của Thượng thư bộ lại. Máy khóa. Nội bất xuất, ngoại bất nhập, khống chế các phuơng tiện liên lạc và cấm không cho bất cứ hình ảnh, video nào trong quá trình cướp lọt ra ngoài...

"Những đứa con nít trong nhà, lực lượng dân phòng được lệnh vào nhà áp tải bồng hết ra xe và không có bất cứ ai bị thương", tôi nhận được chừng đó tin từ một tay trật tự đô thị đang làm nhiệm vụ mà tôi cho là vẫn còn chút nhân đạo.

Anh xe ôm hay đứng ngay ngã tư, đèn đỏ phía trước Từ đường bao với tôi: "Tội ghê chị ơi, tui lái xe thồ mấy chục năm ở đây, nhà ni tui rõ lắm, tụi nớ hắn cướp của người ta lâu ni không được mà không hiểu răng lần ni mạnh tay cướp được rứa không biết, gia đình nớ không được một cắc về đò chị ơi..."

Nhìn thấy hai bảng hiệu bự chảng: Phối Cảnh Trường Mầm Non Vĩnh Ninh đặt ngang ngược ở hai mặt tiền ngôi nhà (đã chỉ còn là đống đất vụn), tự dưng hai anh em tôi buồn thiu.

Ô hay, cướp đất thiêng hàng trăm năm tuổi của dâ đẩy dân vào ngõ cụt, dân cầu bơ cầu bất để xây trường học?

Tôi tự hỏi, các người dạy gì cho trẻ khi các người chỉ là lũ cướp trắng trợn, man rợ, bất chấp và giết người không gươm dao?
 
Vài nét về Cụ Nguyễn Hữu Bài
Nguyên Hương N.C
17:59 13/09/2016
Nguyễn Hữu Bài (1863 - 1935)

Mây nước mấy lần đà lỗi hẹn
Vẻ vang có thể được lòng sau.
N.H.B.

Nguyên Hương N.C -Tài liệu Tập San Định Hướng, Reichstett, Pháp

Thay lời mở đầu:

Năm 1965, tác giả bài này biên soạn tiểu sử Phước Môn Nguyễn Hữu Bài nhân dịp 30 năm vị đại thần Nam Triều qua đời tại Huế.

Năm 1965 đồng thời cũng là kỷ niệm 30 năm linh mục Hồ Ngọc Cẩn được tấn phong giám mục, vị giám mục đầu tiên gốc địa phận Huế, đã chủ tế lễ quy lăng Phêrô-Giuse Nguyễn Hữu Bài tại Quảng Trị.
Nguyễn Hữu Bài -1863-1935, đăng trên Văn Hóa Nguyệt San. Sàigòn. 1965, từ đó về sau được nhiều tác giả trích dẫn làm tài liệu biên khảo.

TSH số đặc biệt 2000, kỷ niệm 150 năm thành lập Địa Phận Huế, cơ hội để nhắc lại một giáo hữu đã để lại nhiều công nghiệp tại địa phận nhà: Quận Công Phước Môn Nguyễn Hữu Bài. Chủ đích là như vậy. Nhưng vì lý do kỹ thuật, số trang hạn hẹp, TSH không thể đăng tải toàn bộ, mà chỉ ngắn ngủi được một trang cuối bài “Căn Cứ Tân Sở”, gọi là vinh họa thêm địa danh Cùa, Cam Lộ, Tân Sở trong thơ Nôm Phước Môn.

Vì sự thiếu sót “chẳng-đặng-đừng” ấy, TSH số này có bài bạn đọc lâu nay đòi hỏi và chờ đợi. Trích đăng lại từ Văn Hóa Nguyệt San. Sàigòn. 1965, TSH giữ nguyên bản văn cũ, ngoại trừ thêm phần Chú Thích xét cần thiết và hữu ích đối với bạn đọc thế hệ trẻ ở nước ngoài. Thêm vào đó, có đoạn nhắc lại lần gặp gỡ vua tôi lần đầu tiên: Hoàng Đế Bảo Đại, vị tân quân vừa hồi loan đang tập sự cầm quyền và vị lão thần Cố Vấn Nguyên Lão Nguyễn Hữu Bài. Phần này, phải nói ngay rằng trước nay chưa ai biết, trích dẫn từ tác phẩm xuất bản năm 1990: “Bảo Đại: Con Rồng Việt Nam”.

Bài viết cũ, được bổ túc thêm bằng tài liệu mới do chính nhân vật trong cuộc và chứng nhân lịch sử thời đại là Cựu Hoàng Bảo Đại ghi lại, thiết nghĩ tiểu sử Quận Công Phước Môn Nguyễn Hữu Bài như vậy đã được bổ túc, đầy đủ hơn xưa.

***
Ngày 28 tháng 7 năm 1935 lúc 2 giờ 30 sáng tại Huế, một hung tin không những làm xôn xao triều đình mà còn gây bùi ngùi xúc động dân chúng trong nước: Phước Môn Quận Công Nguyễn Hữu Bài tạ thế.
Nguyễn đại thần mất, cuộc đời và sự nghiệp tiên sinh bao trùm cả một giai đoạn lịch sử mấy mươi năm trong đó nổi bật nhất lòng yêu nước, khí tiết hào hùng trượng phu xứng đáng với lòng ngưỡng mộ của quần chúng.

Xuất thân chỉ là một sĩ nhân, một người có học thức thường, không đỗ đạt bảng nhãn thám hoa, cũng không kế nghiệp cha truyền con nối chức trọng quyền cao, nhưng bằng năng lực tinh thần, bằng trí thông minh mẫn tiệp, bằng cố gắng liên tục hằng ngày, sĩ nhân ấy đã tự tạo cho mình một địa vị và sự nghiệp xán lạn được lịch sử ghi chép và hậu thế nhắc nhở còn hơn bảng vàng bia đá.

“...Có một điều không ai có thể phủ nhận là trong lịch sử nước nhà từ cuối thế kỷ 19 đến nửa thế kỷ 20, trong giới quan lại Nam Triều lúc bấy giờ không ai nổi tiếng bằng Quận Công Nguyễn Hữu Bài.

Ông Nguyễn Hữu Bài nổi tiếng không phải vì chức trọng quyền cao, mà nổi tiếng vì trong lúc đương thời khi vận nước suy đồi vì ách đô hộ ngoại quốc, lắm kẻ trong giới quan lại chỉ biết xu nịnh chính quyền Bảo hộ, riêng một mình Quận Công Nguyễn Hữu Bài, đã tỏ ra vững vàng với tinh thần quốc gia, dám đương đầu với người Pháp và giữ vững được những đức tính liêm sỉ phong nhã của một vị quan chức thấm nhuần Nho học.

Ông Nguyễn Hữu Bài nổi tiếng vì đã tiêu biểu cho thế hệ giao thời lúc bấy giờ đang giữa hai nguồn ảnh hưởng tư tưởng Đông-Tây. Đáng chú ý là đối với ông, sự hấp thụ ảnh hưởng văn minh mới không làm cho mình mất căn bản Khổng Mạnh và tâm hồn Nho học truyền thống.”

Nhận xét trên của cụ Nguyễn Thúc, một danh nho đất Thần Kinh, tác giả tập: “Thơ Nôm Phước Môn” (1) đã phản ảnh những nét chính thân thế và sự nghiệp Nguyễn Hữu Bài: một cuộc đời ngoại hạng, nhà chính trị dũng khí trong những ngày tàn của triều đại đã nêu cao được tinh thần bất khuất của nòi giống.
Nguyễn Hữu Bài, vị Nho học đạo đức suốt đời được dân chúng kính mến, một giáo hữu nhiệt tình với Đức Tin, bằng đủ mọi cách và trong mọi trường hợp biểu lộ được đức Ái tuyệt vời của đạo giáo mình, một tâm hồn thơ văn tế nhị và phóng khoáng tiêu biểu cho tinh thần Quốc Gia và Dân Tộc.

Từ viên Thừa Phái đến chức Thượng Thơ

Theo tôn phả Nguyễn triều, thủy tổ của Nguyễn Quận Công Phước Môn là vị đệ nhất công thần đời Lê, Nhị Khê Hầu Nguyễn Trãi (1380-1442) quê quán tại Quý Hương (Thanh Hóa), một dòng họ sau này đã khai sinh nhiều danh nhân lịch sử trong các triều đại Lê, Nguyễn. Từ văn quan như Nguyễn Đức Trung (tước Trinh Quốc Công), Nguyễn Hữu Vinh (tước Hằng Quốc Công), Nguyễn Hữu Đạt (tước Tùng Dương Hầu) đến võ tướng như Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Hữu Quỳnh (2).
Mấy mươi đời sau, dời về Quảng Bình và đến thế hệ cụ thân sinh là Nguyễn Hữu Các, lui về lập nghiệp ở Quảng Trị. Tấm bia đặt tại phần mộ ở xứ Kim Sen do Nguyễn Hữu Bài soạn bằng chữ Hán có đoạn ghi như sau:

... “Tổ húy (Nguyễn Hữu Đài) nhánh thứ hai họ ta; ngày xưa cao-tổ-khảo ta ở thôn Mỹ Hương, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, sinh ba trai. Trưởng là tằng tổ bá (húy Doãn), út là tằng tổ thúc (húy Ba) di cư vào xứ Kim Long, tổng Phú Xuân, tỉnh Thừa Thiên, sanh hạ hai trai, tổ ta là con trưởng.

Sau tổ ta phối với tổ mẫu, người làng Di Luân tỉnh Quảng Trị, sinh được một trai là ông thân ta. Nghiệp nhà làm thuốc, tổ ta lúc tuổi trẻ sẵn có chí du lịch giang hồ xứ Kinh, xứ Nam, xứ Trung và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, đi chơi gần khắp. Đến đâu cũng lấy nghề thuốc thang làm kế sanh nhai, thêm làm ruộng nên giàu có của đến dư vạn. Nhưng ở chỗ nào làm ra tiền bạc bao nhiêu thời cho họ hàng chỗ ấy quản nhiệm, chẳng để dành cho con cháu chút gì cả.

Đến ngày mỏi chân, về làng lo sự dưỡng lão. Khi qua đời, thân sinh ta còn nhỏ. Tổ ta nghĩ rằng xứ Kim Sen mình đã lập ra ấp hiệu nên táng tại chỗ ấy” (3).

Nguyễn Hữu Bài sinh ngày rằm tháng 8 năm Quý Mão (28-9-1863) tại làng Cao Xá, tổng Xuân Hòa, phủ Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Mồ côi cha từ nhỏ, năm 10 tuổi cậu bé Nguyễn Hữu Bài vào học tại chủng viện An Ninh. Học giỏi và thông minh, mấy năm trời dưới mái trường chủng viện, Nguyễn Hữu Bài được ban giáo sư để ý, hy vọng sau này sẽ thành tài đạt đức. Đức Cha Gaspar vì thế gởi cậu chủng sinh đầy tương lai ấy sang học đại chủng viện Pénang. Cũng như ở quê nhà, chủng sinh Nguyễn Hữu Bài càng học hỏi nhiều càng tỏ ra xuất sắc hơn người. Gần mười năm ở Pénang đã đào tạo cho cậu Bài một căn bản học vấn và đạo đức vững chắc. Nhưng không được ơn thiên triệu, hết thời hạn đèn sách, cậu trở về nước.

Biến chuyển chính trị trong những năm cuối cùng đời vua Tự Đức, giặc giã loạn ly đã làm đảo lộn bao nhiêu dự tính, trong đó có cuộc đời người trai trẻ Nguyễn Hữu Bài vừa chân ướt chân ráo trở về quê hương.

Mới 20 tuổi (năm Tự Đức thứ 36) Nguyễn Hữu Bài được triều đình tuyển bổ làm Thừa Phái nha Thương Bạc, cơ quan vừa thành lập đặc trách công việc giao thiệp với Pháp. Còn bỡ ngỡ trong trường đời, nhưng nhờ bản chất thông minh, lại có khiếu năng quan sát nhận xét thâm trầm, ăn nói nhã nhặn và đứng đắn trong công việc ngoại giao hàng ngày, viên Thừa Phái Nguyễn Hữu Bài đã rút tỉa được ở đây nhiều kinh nghiệm cần thiết sau này.

Tình hình đất nước mỗi ngày một rối ren, vua Tự Đức băng hà, vua Hàm Nghi lên ngôi chưa được bao lâu rồi thất thủ kinh đô, nhà vua xuất bôn và chiến tranh loạn lạc tan tác... Mọi công việc hành chánh, ngoại giao đình chỉ, viên Thừa Phái trẻ tuổi thôi việc trở về nhà như một số đông quan chức khác. Ngày 19-9-1885 vua Đồng Khánh lên ngôi, các công sở lần hồi mở cửa hoạt động lại. Nguyễn Hữu Bài trở về với nhiệm sở cũ, lần này lãnh chức Ký Lục kiêm Thông Sự (4).

Càng đảm đương việc lớn càng tỏ ra đại dụng, người viên chức của nha Thương Bạc năm sau (1886) vì thế được cử đi thương nghị cùng phái bộ quân sự Pháp về vấn đề phân định biên giới Bắc Kỳ tiếp giáp với Trung Hoa (5).

Sau gần 10 năm công vụ tại miền Bắc, trở về Huế chưa được bao lâu thì đầu năm 1896 Nguyễn Hữu Bài được vinh thăng Hồng Lộ Tự Thiếu Khanh và tháng 2 năm 1897 thăng Hồng Lộ Tự Khanh. Tháng 11 cùng năm ấy thăng Ngự Tiền Thông Sự, Nguyễn Hữu Bài hộ giá vua Thành Thái trong chuyến tuần du miền Nam.

Làm Bố Chánh Thanh Hóa chưa được một năm thì tháng 6 năm 1899, Nguyễn Hữu Bài được thuyên chuyển về Kinh lãnh chức Thị Lang bộ Lại, kiêm Tham Tá viện Cơ Mật. Tài ba năng lực càng ngày càng tỏ rõ trong công vụ, tháng 7 năm 1901 ông được gia hàm Tham Tri (inscrit au tableau Tham-Tri) và đến tháng 10 năm ấy lên thực thụ Tham Tri (Vice ministre) bộ Hình kiêm Tổng Lý (Secrétaire Général) viện Cơ Mật.

Tháng 2 năm 1902, Tham Tri bộ Hình Nguyễn Hữu Bài được cử đi Pháp công cán. Trở về nước mấy tháng sau, ông trở lại chức Tham Tri và Tổng Lý viện Cơ Mật như cũ.

Tháng 6 năm 1906 ông Nguyễn Hữu Bài chính thức nhậm chức Thượng Thơ bộ Công sung Cơ Mật Viện đại thần và năm sau kiêm nhiệm “Binh bộ sự vụ”.

Nhớ lại hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ. Mới 8 tuổi, vua Duy Tân lên ngôi ngày 28 tháng 7 năm Đinh Mùi (20-9-1907). Một Hội Đồng Phụ Chánh do người Pháp sắp đặt và lựa chọn được thành lập để “trông coi việc nước”. Ngoài vị chủ tịch là Phụ Chánh thân thần An Thành Vương Miên Lịch, các hội viên gồm có Phụ Chánh đại thần kiêm Cơ Mật Viện Trưởng Lại bộ Thượng Thơ Trương Như Cương; Lễ bộ Thượng Thơ, Lê Trinh; Hộ bộ Thượng Thơ, Huỳnh Cổn; Binh bộ Thượng Thơ, Vương Duy Trinh; Hình bộ Thượng Thơ, Tôn Thất Hân; và Nguyễn Hữu Bài, Công bộ Thượng Thơ. (Một thời gian sau triều đình Huế có thêm bộ Học, Thượng Thơ Cao Xuân Dục).

Hội Đồng Phụ Chánh tuy buổi đầu tiên do người Pháp lựa chọn và sắp đặt, nhưng vẫn còn đôi chút quyền uy và chính thống. Lần hồi dưới áp lực của người Pháp, Viện Phụ Chánh chỉ còn là cơ quan thừa hành quyết định của viên Khâm Sứ, theo thứ tự thời gian kể từ Khâm Sứ Lévecque, Groleau, Sestier, Charles, Mahé, và Charles (nhiệm kỳ hai, 1913-1914) ...

Bị lấn áp và tước đoạt gần hết thực chất thực quyền, đình thần một số ngả theo người Pháp “triều đình núp bóng cờ ba sắc” như trường hợp Trương Như Cương. Một số khác qua kinh nghiệm vua Thành Thái trở nên lửng lơ thụ động, cuối cùng buông xuôi theo thời cuộc.

Làm sao quên được biến cố ngày 2-9-1907 khi vua Thành Thái bắt buộc phải thoái vị!

Cả triều đình im lặng tuân theo quyết định của Toàn Quyền Paul Beau và Khâm Sứ Ferdinand Lévecque. Duy nhất và độc nhất một người, với sĩ khí nho phong hiếm hoi của thời đại còn lại, Thị Vệ đại thần Ngô Đình Khả đứng lên phản đối. Kết thúc sau cùng là nhận lãnh hậu quả phải xảy đến: cụ Ngô Đình Khả bị người Pháp quy tội đủ điều, kể cả tội “không xứng đáng với chức vụ”. Vị triều thần trọng nghĩa khí, coi thường công danh là Ngô Đình Khả bị giáng cấp xuống hàng Án Sát, cho về hưu trí tại nguyên quán Quảng Bình mà không được cấp hưu bổng.

Hoàn cảnh tâm lý chính trường như vậy, còn mấy ai thiết tha đến công việc triều đình, đến vận nước nguy nan để tận tâm tận lực với vị ấu quân hy vọng đổi thay thời cuộc !
Những năm đầu tiên triều đại Duy Tân chưa có gì gọi là biến cố. Chỉ về sau, thời Khâm Sứ Mahé (1912-1913) và Charles (1913-1914) mới xảy ra nhiều việc, đáng kể nhất việc tìm vàng bạc châu báu từ chốn hoàng cung lên đến tận lăng tẩm núi rừng xa xôi.

Nước loạn mới biết tôi trung. Trong nghịch cảnh của thời thế, tên tuổi Nguyễn Hữu Bài nổi bật từ đây.

Trong buổi họp Hội Đồng Thượng Thơ cuối năm 1912, Khâm Sứ Mahé cho biết ý định đào lăng vua Tự Đức lấy vàng bạc châu báu, viện lý do có thêm phương tiện tài chánh cho ngân sách Nam triều. Cả triều đình nín lặng, không ai nói năng gì. Duy chỉ có Thượng Thơ bộ Công dõng dạc đứng lên phản đối đề nghị này viện lẽ theo truyền thống phong tục Việt Nam, kính trọng người chết là một nghĩa vụ và bổn phận của người sống. Đào mả tức là xâm phạm đến vong linh người chết sẽ gây náo động nhân tâm, thương tổn đến lễ nghi và thể thống triều đình. Cử chỉ hào hùng, lời lẽ khiêm tốn nhưng vững vàng cương trực của Thượng Thơ Nguyễn Hữu Bài đã làm Khâm Sứ Mahé bực mình. Tuy kết cục vẫn không ngăn cản được hành động tham tàn của đối phương, nhưng tư cách, thái độ ấy đã để lại tiếng thơm muôn đời: “lăng Tự Đức còn bia thiên vạn cổ”, lời cụ Phan Bội Châu ghi lại sau này (6).

Dân chúng vốn sẵn cảm tình với cụ “Thượng Bài”, từ đó càng thêm ngưỡng mộ kính mến. Càng lâu họ càng thấy rõ vị trung thần lương đống ấy, lên đến tột đỉnh danh vọng không phải vì a dua nịnh bợ tầm thường như một số quan lại đương thời mà chính vì tài đức, năng lực tinh thần thật sự.

Việc “đào mả” xảy ra làm dân chúng miền Trung nhớ lại một sự việc khác trước đây, khi vị đại thần Ngô Đình Khả một mình trước Hội Đồng Cơ Mật đứng lên phản kháng người Pháp, không chịu truất phế vua Thành Thái, từ đó ghép hai sự kiện lịch sử thành câu tục ngạn:

Đày vua không Khả
Đào mả không Bài

Tỏ lòng biết ơn những người đã không sợ cường quyền bạo lực, nhất quyết một lòng bảo vệ thể thống quốc gia.

Đất nước rằng không người phẩm cách
Non sông dễ thiếu khách tài hoa.
(N.H.B.)

Thăng Hiệp Tá Đại Học Sĩ tháng 3 năm 1909, Thượng Thơ Nguyễn Hữu Bài sau đó được tấn phong Phước Môn Tử (Vicomte de Phước Môn).

Tám tháng sau ngày vua Khải Định lên ngôi (tháng 9 năm 1916) ông được phong Phước Môn Bá (Comte de Phước Môn). Không đầy một năm sau, tháng 3 năm 1917, tưởng thưởng công lao vị lão thần đầy công lao với các bậc tiên đế, vua Khải Định sắc phong Phước Môn Bá Nguyễn Hữu Bài tước vị Thái Tử Thiếu Bảo.

Tháng 5 năm 1917, Thượng Thơ bộ Lại Trương Như Cương và Hình bộ Thượng Thơ Huỳnh Cổn đáo hạn tuổi cùng về hưu. Triều đình Huế được tổ chức lại, lần này do Hình bộ Thượng Thơ Tôn Thất Hân, Cơ Mật Viện Trưởng đứng đầu. Các vị triều thần khác gồm có Nguyễn Hữu Bài, Thượng Thơ bộ Lại kiêm bộ Hộ; Đoàn Đình Duyệt, Thượng Thơ bộ Công kiêm bộ Binh và Hồ Đắc Trung, Thượng Thơ bộ Lễ kiêm bộ Học.

Một triều đình thu hẹp với chức quyền hạn hẹp.

Đông Các điện Đại Học Sĩ Nguyễn Hữu Bài lúc này một mình phụng chức hai bộ, Thượng Thơ bộ Lại kiêm bộ Hộ, một nhân vật trở thành quan trọng trong Hội Đồng Cơ Mật. Năm 1922 (ngày 24 tháng 4 âm lịch) Nguyễn Hữu Bài được cử làm Hộ Giá đại thần sang Pháp, lần này đi theo vua Khải Định có cả Đông Cung Hoàng Thái Tử.

Trong chuyến công du này, ông được phó thác một công vụ quan trọng, phụ tá Việt Nam Hoàng Đế điều đình với chính phủ Pháp giao trả Bắc Kỳ lại cho triều đình Huế theo đúng tinh thần Hiệp Ước 1884. Cuộc điều đình với Pháp không thành công, nhưng bù lại ông Nguyễn Hữu Bài đã mang về cho triều đình Huế một thắng lợi ngoại giao: sang tận La Mã điều đình việc thiết lập bang giao với Tòa Thánh Vatican.

Nhân danh triều đình Huế, vị Khâm Mạng đại thần thỉnh cầu Đức Giáo Hoàng thiết lập chức Khâm Sứ Tòa Thánh tại Việt Nam. Lời thỉnh cầu này phản ảnh tinh thần tự chủ của triều đình mà ông là đại diện, đồng thời bày tỏ nguyện vọng của gần hai triệu giáo dân Việt Nam. Một nguyện vọng phù hợp với chủ trương của Tòa Thánh muốn bang giao với các nước Đông Dương qua hệ thống Tông Tòa. Sở dĩ trong mấy trăm năm trước, việc này chưa thực hiện được vì tình trạng bách hại tôn giáo liên tiếp xảy ra và gần đây vì chính quyền Bảo hộ muốn làm cản trở chậm trễ.

Công việc chuẩn bị, kể cả việc điều đình khó khăn với người Pháp kéo dài gần 3 năm. Ngày 20-5-1925, Đức Giáo Hoàng Pie XI ký sắc chỉ thành lập văn phòng Khâm Sứ Tòa Thánh tại miền Đông Dương và Thái Lan (7).

Một mẫu người yêu nước

Trở về nườc, tháng 2 năm 1923 ông được thăng Tể Tướng Thái Phó, Vỏ Hiển điện Đại Học Sĩ, Cơ Mật Viện Trưởng đại thần.

Trong sắc dụ tấn phong, có đoạn tuyên dương công trạng như sau tỏ rõ sự kính trọng của triều đình đối với ông đến bực nào:

Phiên âm:

Thái Tử Thiếu Bảo, Đông Các Đại Học Sĩ quản lãnh Lại bộ Thượng Thơ kiêm chưởng Hộ bộ sự vụ, sung Cơ Mật Viện đại thần kiêm quản văn thần Phò Mã, Phước Môn Bá Nguyễn Hữu Bài (có 2 chữ tiếp theo bị nhòe vì con dấu đóng lên không đọc được, xem phóng ảnh kèm theo) nhiêu sung tư cách, tính năng thẩm thận, nhi thả đạt thức thời cơ.

Trẫm tằng quy Dụ phả giác tuân tuần, khả vị văn niên tiến đức. Trứ chuẩn gia Thái Tử Thiếu Phó đình kiêm Hộ bộ nhưng lĩnh Lại bộ Thượng Thơ sung Cơ Mật viện Viện Trưởng, đại thần Phò Mã khanh ký tận tâm nải chức dĩ bật Trẫm cung kỳ thứ sự hàm hi dĩ ủy Trẫm nhỉ lai chi tri ngộ.

Dịch nghĩa:

“Phước Môn Bá Nguyễn Hữu Bài, Thái Tử Thiếu Bảo, Đông Các Đại Học Sĩ, quản lãnh Lại bộ Thượng Thơ kiêm bộ Hộ, sung Cơ Mật Viện đại thần kiêm quản văn thần Phò Mã, tước Phước Môn Bá, chính trị đã đủ tư cách, tính tình lại thẩm thận, suốt biết thời cơ.

Trẫm từng ban chỉ Dụ dặn dò và biết noi theo, đáng là bậc tuổi già mà đức tiến. Nay chuẩn thăng Thái Tử Thiếu Phó thôi kiêm chức Hộ bộ, vẫn giữ chức Lại bộ Thượng Thơ sung Viện Trưởng Cơ Mật, kiêm quản chức văn thần Phò Mã. Khanh nên hết lòng với chức vụ, giúp đỡ Trẫm thế nào cho mọi việc đều nên tốt đẹp để thỏa lòng tri ngộ của Trẫm gần đây.”

Nhiệm vụ khó khăn tế nhị lần nữa đặt trên vai vị đại thần triều Nguyễn. Vừa ôn hòa nhưng quả quyết và cương trực khi phải đối phó với người Pháp, mỗi lần thấy họ có ý muốn xâm lấn vào nội bộ Nam triều. Vừa khôn khéo để làm sao giữ được hòa khí trong giới quan lại nhiều người không cùng chí hướng với mình. Bằng đạo đức, bằng tấm lòng nhiệt thành, ông đã giữ vững được thể thống và giềng mối quốc gia trong những hoàn cảnh vô cùng khó khăn do thời cuộc tạo nên.

Năm 1925, nhà cách mạng Phan Bội Châu bị bắt ở Thượng Hải đưa về nước. Trước làn sóng ủng hộ cuồng nhiệt của quần chúng, người Pháp phải ra lệnh ân xá để làm êm dịu tình hình. Toàn Quyền Varenne vào Huế họp Hội Đồng Cơ Mật với thâm ý muốn mượn tay Nam Triều giam giữ chí sĩ Phan Bội Châu:
- Dân chúng trong Nam và ngoài Bắc vận động xin ân xá cho ông Phan Bội Châu, vậy ý kiến Nam Triều thế nào và nếu đem ông Phan về Huế, Nam Triều sẽ đối xử ra sao?

Biết rõ mưu sâu của Toàn Quyền Varenne, ông Nguyễn Hữu Bài điềm nhiên trả lời:
- Chính phủ Pháp muốn ân xá, Nam Triều chúng tôi rất tán thành ý kiến đó. Còn ông Phan Bội Châu nguyên trước đây là một vị Cử Nhân, nay về nước sẽ giữ địa vị cũ. Ông Phan Bội Châu sẽ được triều đình chúng tôi đối xử như các vị cử nhân khác ở Trung, Bắc Kỳ.

Như một gáo nước lạnh đổ vào người Toàn Quyền Varenne, câu trả lời khiêm tốn nhưng khôn khéo của vị đại thần họ Nguyễn đã làm hỏng mưu định của người Pháp. Toàn Quyền Varenne tuy bực tức nhưng bên trong không khỏi thầm kính phục thái độ cương trực, quả cảm của người đối thoại.

Từ tháng 10 năm 1925, sau ngày vua Khải Định băng hà và Đông Cung Thái Tử còn du học ở Pháp, một mình ông giữ trọng trách Cơ Mật Viện Trưởng cùng với ông Tôn Thất Hân (về hưu từ năm 1923) được chọn làm Phụ Chánh thân thần.

Triều đình Huế lúc này ngoài Phụ Chánh Tôn Thất Hân, các đình thần khác gồm có Hồ Đắc Trung, Thượng Thơ bộ Học kiêm bộ Lễ; Phạm văn Thụ, Thượng Thơ bộ Hộ kiêm bộ Binh; Võ Liêm, Thượng Thơ bộ Công và Trần Đình Bách, Thượng Thơ bộ Hình.

Một nội các quá khiêm nhường trong một giai đoạn tế nhị chờ đợi nhiều chuyển biến khó khăn. Người Pháp muốn nhân cơ hội này xen lấn nhiều hơn nội bộ Nam Triều, nhưng họ đã gặp một đối thủ khó lung lạc là Tổng Lý Nội Các Nguyễn Hữu Bài.

Không đấu tranh chống Pháp bằng võ lực như một số các lãnh tụ cách mạng hay đảng phái chủ trương; nhưng với lý tưởng quốc gia và tinh thần dân tộc cao cả, bằng ngôn hành tâm lực và trí lực, Nguyễn Hữu Bài trực diện đương đầu với người Pháp trong những biến cố lịch sử nguy nan, ảnh hưởng tinh thần còn truyền lại đến ngày nay.

Gọi đây là phương pháp ôn hòa, là chủ trương thỏa hiệp hay bằng thuật ngữ chính trị nào đi nữa, điều mọi người đều nhìn nhận là với đường lối ấy, muốn đạt được chủ đích phải có một niềm tin vững vàng nơi chính nghĩa mình đeo đuổi, một tâm hồn cương trực và lòng quả cảm nhiệt thành cao độ.

Trở lại hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ, Phong trào Cần Vương cuối cùng tan rã sau cái chết của Phan Đình Phùng. Cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân không thành. Ách đô hộ Pháp càng ngày càng siết chặt gọng kềm cai trị và kiểm soát.

Bắt buộc phải sống chung vì không còn đường lối nào khác hơn. Nhưng sống chung mà “đồng sàng dị mộng”, Việt Nam và nước Pháp mỗi bên một đường hướng, một lập trường riêng biệt. Gọi là thỏa hiệp, cũng được! Vì đây là giải pháp phải tạm thời chấp nhận để khai mở dân trí, cải cách duy tân, chờ đợi vận hội mới nước nhà tự do, tự chủ trong tương lai. Đây cũng là sinh lộ các nhà cách mạng đương thời như Phan Châu Trinh, như Huỳnh Thúc Kháng đang chọn lựa sau nhiều kinh nghiệm đấu tranh và thất bại.

Kiện tướng sôi nổi nhất của chủ trương chống Pháp bằng bạo lực là tiền bối Phan Bội Châu, sau này tại Bến Ngự (1926-1940) cũng đành thúc thủ nhìn thời cuộc. Chỉ còn “Mình Với Bóng” (8) ngày ngày với chiếc đò bên cây sung trước mặt nhà, chí sĩ Phan Sào Nam trở lại với hồn thơ “Nằm chung không nằm” cảm hứng từ câu hát dân gian:

Ăn sung ngồi gốc cây sung
Lấy anh thì lấy, nằm chung không nằm...

Tâm sự chát chua ai mua mà bán; rao khắp chợ đời không thấy dạng người mua (9)!

Tình cảnh, tâm sự chát chua cô thiếu nữ phải nhận làm chồng, phải sống chung với một người không hề quen biết, nếu không nói là thù nghịch!

Cùng nghịch cảnh trớ trêu như người thiếu nữ trong câu ca dao, tâm sự nhà cách mạng chống Pháp lúc này tại Bến Ngự!

Cùng chung tâm sự, nhưng hệ lụy chát chua hơn trong chính trường đang tàn tạ, cụ Thượng Bài ngày ngày qua lại trên dòng sông Bến Ngự có con đò, có gốc cây sung nơi nhà cụ Phan.

Khác nhau về hoàn cảnh nhưng cùng chung tâm sự, hai người quá hiểu biết nhau như lời cụ Phan sau này ái điếu cụ Bài “vào triều ra quận ruột đau đòi, khôn phơi sạch để ai xem...”

Tâm sự “nằm gốc cây sung”, trở thành nội dung bài thơ do cụ sáng tác:

Thời thế xui nên giả vợ chồng
Lấy anh chưa dễ đã nằm chung.
Ừ, chơi với nó toi đồng bạc
Thật chẳng cho ai nếm má hồng!
Cười gượng lắm khi che nửa mặt
Khóc thầm một nỗi khác hai lòng!
Bao giờ duyên cũ thay duyên mới
Thỏa thuận cùng nhau tát biển đông (10).

Ngoài tâm sự “nằm chung không nằm” của cụ Phan Bội Châu và cụ Nguyễn Hữu Bài, bài thơ trên làm nhớ lại hoàn cảnh triều đình Huế trong khoảng thời gian này.

Vua Khải Định vừa mới mất (6-11-1925), Khâm Sứ Pasquier áp lực Hội Đồng Phụ Chánh ký Thỏa Ước 6-11-1925, chuyển giao tất cả quyền lực chính trị, hành chánh và tư pháp qua tay người Pháp.

Mang trách nhiệm Phụ Chánh đại thần, Thượng Thơ Bộ Lại Nguyễn Hữu Bài không thể nào không phản đối. Mặc dù vậy, dưới áp lực nặng nề của bộ máy đô hộ, cuối cùng triều đình Huế chấp nhận. Đứng đầu Nam Triều, Phụ Chánh thân thần Tôn Thất Hân và Tôn Nhơn Phủ đại thần Tôn Thất Trạm, tiếp đến Tổng Lý Nội Các Nguyễn Hữu Bài và các Thượng Thơ Hồ Đắc Trung, Võ Liêm, Trần Đình Bách, Phạm Văn Thụ. Về phía Pháp, Xử Lý Thường Vụ Toàn Quyền Monguillot.

Một vương quyền đã hạn hẹp lại bị tước đoạt thêm quyền lực cuối cùng, từ nay chỉ còn thu hẹp trong một Thỏa Ước vỏn vẹn với 3 Điều. Quan trọng nhất Điều I: hành chánh, chính trị, nội an, tư pháp, từ nay nằm trong tay người Pháp.

Vẫn chưa thôi, người Pháp còn muốn chỉ huy, kiểm soát nhiều hơn. Trong một buổi thương nghị, Khâm Sứ Aristide Le Fol điều trần: “Theo Thỏa Ước 6-11-1925 Khâm Sứ Trung Kỳ chủ tọa Hội Đồng Thượng Thơ, có quyền ra chỉ thị thi hành các việc”. Phản đối ý định trên của A. Le Fol, Viện Trưởng viện Cơ Mật Nguyễn Hữu Bài thản nhiên đáp lại không chút nhượng bộ:

“Hiệp ước nói trên chỉ là tạm ước lâm thời áp dụng trong khi vua Bảo Đại còn du học, mà không phải là luật lệ, hiến pháp của Nam Triều. Việt Nam là một nước quân chủ, chỉ có Vua mới có quyền ra sắc dụ, ban hành luật lệ mà thôi. Chức vụ Khâm Sứ đại diện nước Pháp, nếu muốn, có thể “xem chừng” công việc của Nam Triều, nhưng không có quyền ra lệnh cho Hội Đồng Thượng Thơ. Nay viện Cơ Mật đã có Viện Trưởng đại thần là vị chủ tọa Hội Đồng, lẽ đâu lại nhường địa vị ấy cho Khâm Sứ...”

Đối đáp thẳng thắn chắc nịch với viên Khâm Sứ Trung Kỳ trong những lần hội thương đã như vậy, qua công văn giấy tờ giao dịch hằng ngày Thượng Thơ Nguyễn Hữu Bài còn tỏ rõ hơn nhân cách xứng đáng người đại diện Nam Triều. Đọc lại lời Sớ tháng 3 năm 1932 kháng nghị người Pháp dưới đây về việc đặt thêm chức Hội Lý Viện Trưởng viện Cơ Mật, độc giả sẽ hiểu rõ thêm tinh thần bất khuất và cương trực của Cơ Mật Viện Trưởng Nguyễn Hữu Bài.

Phiên âm:

Phúc (Tây bản niên tam nguyệt nhị thập cửu nhật, đệ nhất bách tam thập nhất hiệu), tự đẳng ý thần thận vi sá dị bất tri duyên hà nhi quý Tòa hữu thử ngộ nhận.

Thả thần phụng tiên đế giản vi Cơ Mật Viện Trưởng đại thần, phụng hữu minh Dụ thương tính, phụng biệt cấp kim bài, thập niên lai trung ngoại diệc dĩ công nhận. Tự lai quý Tòa vô thiết Viện Trưởng Hội Lý chi chức. Cận nhật giam hữu kiến trước vu văn thư nhi vô kiến tiên thương dữ thần viện hà từ, thần dĩ vi hữu ngại thích văn bất tiện nhi diệc hữu khuy triều đình thể thống.

Trí hữu tái phúc thư (Tây bản niên tam nguyệt tam thập nhật, đệ tam bách tam thập thất hiệu) tường tự thỉnh đình thiết giá Viện Trưởng Hội Lý chi chức vi hợp.

Triết cảm cụ tấu tính phụng sao nguyên quý Tòa thư tịnh thần phúc thư (Pháp văn) hữu sao đính nguyên tiết thứ Dụ chỉ văn thư đồng đệ phụng tiến hầu phụng động giám tái khoan. Chi tiết thần thỉnh lánh phụng diện tấu cẩn phụng tính tự.

Nguyễn Hữu Bài, phụng thảo duyệt

Dịch nghĩa:

Phụng xét thiểm chức giữ chức Cơ Mật Viện Trưởng đã hơn mười năm và quý Tòa không hề có chức Viện Trưởng Hội Lý bao giờ. Mấy ngày gần đây trong quý văn thư thấy có chức vụ Hội Lý; như thế có phần không tiện lại phát sinh nhiều mối nghị luận. Thỉnh cầu quý Tòa nên đình thiết chức vụ ấy là hơn.
Nay tiếp phúc tư quý Tòa trình bày mọi lẽ, do công văn số 131 ngày 29-3 dương lịch, thiểm chức lấy làm ngạc nhiên không hiểu vì lẽ gì quý Tòa có sự ngộ nhận như vậy.

Thiểm chức vâng chiếu đức tiên đế chọn làm Cơ Mật Viện Trưởng đại thần, có Dụ chỉ rõ ràng, có bàn bạc đôi bên, có cấp riêng bài vàng, mười năm nay trong ngoài đều công nhận như vậy. Từ trước đến nay quý Tòa không đặt chức Viện Trưởng Hội Lý bao giờ. Gần đây thấy ghi chức ấy trên văn thư mà không thương lượng trước với Viện tôi một lời nào. Thiểm chức ngại rằng như vậy có hại đến sự kiến văn không tiện, lại có phần làm suy giảm thể thống triều đình.

Vậy có phúc thư này, số 337 ngày 30-3, nêu rõ lý do xin đình bãi chức Viện Trưởng Hội Lý ấy cho hợp lẽ.
Kèm theo, kính sao thơ của quý Tòa cùng thơ trả lời của viện tôi (bản dịch Pháp văn); đồng thời sao gởi kèm thêm bản tóm tắt Dụ chỉ và các văn thơ liên hệ để quý Tòa thẩm định. Các chi tiết cần thiết liên hệ sẽ xin trình bày riêng và trực tiếp sau.

Nguyễn Hữu Bài, kính viết và đọc lại.

Công văn qua lại, trả lời phân minh kịp thời không chậm trễ. Lời phản kháng nhẹ nhàng giản dị, lịch sự tương kính, nhưng lý luận đanh thép vững vàng không sơ hở; đối phương dù cậy quyền cậy thế cũng khó mà trách cứ được.

Từ đó cho đến ngày Thượng Thơ Nguyễn Hữu Bài hưu trí, ngoài chức Hội Lý các bộ sẵn có trước nay, không còn nghe người Pháp nhắc đến chức chưởng Hội Lý Cơ Mật Viện Trưởng nữa.

Cũng Khâm Sứ Thibaudeau, một lần khác đã đụng độ ông “Thượng Bài” và lấy làm khó chịu vì thái độ y cho là chống đối quá khích.

Từ lâu, thấy rõ sự quan trọng vùng Cao-nguyên Trung Kỳ, người Pháp muốn biến vùng đất này thành khu tự trị nhượng địa Pháp, tách khỏi lãnh thổ Việt Nam. Với thâm ý ấy, Khâm Sứ Trung Kỳ yêu cầu Nam Triều nhượng hẳn đất đai Cao-nguyên cho người Pháp, lấy cớ rằng biên giới Việt Nam ngày trước chỉ có từ bên này dãy núi Trường Sơn mà thôi.

Biết rõ âm mưu ấy, Phụ Chánh Nguyễn Hữu Bài xin khất hẹn ba ngày sau sẽ trả lời.

Gặp lại viên Khâm Sứ lần sau, ông khôn khéo trả lời:
“Cao-nguyên vốn là đất đai của triều đình, nay người Pháp muốn lấy cũng được. Song có điều khó khăn bất tiện bởi lẽ lâu nay sách báo, tài liệu lịch sử-địa dư đều ghi rằng Cao-nguyên là phần đất Việt Nam, thảy mọi người đều biết.

Nay muốn vậy, xin nhà cầm quyền Pháp một thời gian để sửa đổi lại sách báo tài liệu nói trên, lâu ngày quen dần, không còn ai nói Cao-nguyên là của Việt Nam nữa, lúc đó người Pháp muốn lấy cũng không muộn...”

Vì sao sáng giữa đêm tàn

Tình hình chính trị trong những năm 1930-1931 càng ngày càng rối ren bất lợi cho chính quyền thuộc địa. Các phong trào vận động độc lập bộc phát mạnh. Vụ khởi nghĩa Yên Bái tuy đàn áp được nhất thời nhưng âm vang còn chưa hết trong các tầng lớp quần chúng. Tiếp đến các vụ bạo động Thanh-Nghệ, Quảng Nam, Quảng Ngãi... rồi thì phản ứng đòi sát nhập Bắc Kỳ với Trung Kỳ dưới quyền cai trị của Nam Triều. Tổng Trưởng Thuộc Địa Pháp là Paul Reynaud vào cuối năm 1931 được phái sang điều tra tình hình Đông Dương.

Tháng 11 năm 1931 tiếp kiến ông P. Reynaud tại Huế, Cơ Mật Viện Trưởng Nguyễn Hữu Bài không ngần ngại tỏ bày tất cả sự thật là dân chúng Việt Nam muốn tự do, tự chủ. Với nguyện vọng đó, Nguyễn đại thần nhắc lại lời yêu cầu chính phủ Pháp giao trả Bắc Kỳ lại cho Nam Triều, đặt chức Kinh Lược ở Hà Nội như trước. Ông cũng nhân dịp này đưa ra nhiều đề nghị cải cách lâu nay bị người Pháp vịn cớ này cớ khác thoái thác hoặc làm chậm trễ.

Do ảnh hưởng tình hình tại chính quốc cùng với áp lực biến chuyển chính trị tại thuộc địa, sau lần gặp gỡ Cơ Mật Viện Trưởng Nguyễn Hữu Bài và Toàn Quyền P. Pasquier, về đến Paris Tổng Trưởng P. Reynaud ra lệnh trả tự do cho một số tù chính trị tại ba miền Nam-Trung-Bắc:

“Dân chúng Việt Nam chờ đợi một cuộc cải cách khả dĩ chấm dứt cơn khủng hoảng tinh thần họ đang đau khổ chịu đựng, họ chờ đợi một công cuộc cải cách bảo đảm cho toàn cõi Đông Dương, sự quân bình về các phương diện tinh thần, chính trị và kinh tế.”

“Les Vietnamiens attendent une réforme susceptible de mettre fin à la crise morale dont ils souffrent actuellement et d’assurer à l’Indochine son équilibre moral, politique et économique.” (Ref: Nam Phong-Supplément en Francais, No 167, Nov-Decembre 1931. P 325-330).

Lời tuyên bố trên của Tổng Trưởng Paul Reynaud mục đích xoa dịu phần nào cơn sốt chính trị tại Đông Dương, đồng thời làm nổi bật một nhân vật chính trị Việt Nam, Tể Tướng Nguyễn Hữu Bài từ đây được chính giới Pháp chú trọng theo dõi. Thiện cảm có và bực bội đối nghịch cũng nhiều.

Thiện cảm về phía các đảng phái chính trị cấp tiến; khó chịu bực mình đối với các phần tử thực dân luôn luôn muốn kìm hãm các dân tộc bị trị.

Nhà báo Henri Le Grauclaude, từ Pháp sang Việt Nam sau khi đã có dịp nghe ngóng, tìm hiểu nhiều về tình hình trong nước, đã vào tận trụ sở bộ Lại phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Bài.

Trong cuộc phỏng vấn ngày 6-9-1932, đáp câu hỏi về vấn đề Lập Hiến, Tể Tướng Nguyễn Hữu Bài lạnh lùng trả lời:
-- Với chế độ Lập Hiến, Vua chia quyền với dân. Nhưng ở đây, Vua nước Nam có quyền gì mà chia?
Nói về nguyện vọng dân chúng sau khi vua Bảo Đại hồi loan, ông nhấn mạnh thêm:
-- Dân nước tôi cũng như các nước khác trên hoàn cầu lúc nào cũng mong muốn được tự chủ và được quyền bảo vệ quyền công dân của họ. Vua nước Nam cũng như các vị Quốc Trưởng khác phải lo cho quyền lợi ấy được bảo đảm chừng nào hay chừng ấy. Mà phải làm như vậy mới thỏa mãn được nguyện vọng dân chúng!

Cũng nhân dịp này ông muốn tỏ bày cho người Pháp biết triển vọng tương lai của dân tộc Việt Nam:

Việt Nam là một dân tộc rất bình dị và yêu chuộng hòa bình, muốn yên ổn làm ăn. Người nông dân đến mùa gặt lúa có gạo cơm đầy đủ nuôi con. Người dân nước tôi đông con lắm. Và vì đông con, thì nước nhiều dân và sau này sẽ trở thành một dân tộc lớn và hùng mạnh hơn. Cái tin tưởng và hy vọng ấy đã thâm nhiễm vào trí não các tầng lớp dân chúng trong nước và làm họ thêm yêu chuộng quá khứ và phong tục nước nhà để hướng về tương lai đẹp đẽ hơn”.

Về vấn đề nội trị, Nguyễn Hữu Bài một lần nữa xác nhận lập trường:
“... Về nội trị, người nước chúng tôi đang ao ước quyền nội trị, tự đảm đương thu xếp công việc bên trong. Có người cho rằng người dân chúng tôi không có lòng ái quốc; đó là một sự lầm lẫn lớn. Có lẽ người nước chúng tôi không yêu nước theo kiểu cách người Âu Châu, nhưng lòng trung quân ái quốc của họ ai cũng có, ai cũng một lòng một chí được thấy quyền tự chủ của nước nhà...”

Khi Henri Le Grauclaude hỏi về dư luận báo chí gần đây về việc thi hành Hòa Ước 1884 và sự quan tâm của dân chúng đến vấn đề, Tể Tướng Nguyễn Hữu Bài đáp:

“Tôi tưởng báo chí trong tình thế hiện tại dù sao vẫn chưa bày tỏ được hoàn toàn tiếng nói của dân chúng. Hiện giờ khắp nơi đều muốn Bắc Kỳ trở về với Trung Kỳ, trong nông thôn đều muốn như vậy và tất mọi xóm làng đều hiệp chung một ý ấy. Đi xa hơn, họ còn mong mỏi nhiều việc khác tốt đẹp hơn mà chúng tôi không thể không biết tới.”

Nhắc lại vấn đề an ninh ở hai tỉnh Thanh-Nghệ, Tể Tướng Bài nói:
“Không cần phải đổ máu nhiều cũng có thể an ninh được! Rất may là người Pháp đã thay đổi chính sách, một chính sách sai lầm mà chúng tôi đã nhiều lần bày tỏ ý kiến. Cũng rất may là ông Robin Xử Lý Thường Vụ Toàn Quyền đồng ý với chúng tôi. Ông Robin là một người can đảm khi biết con đường mình đi sai thì bỏ ngay mà chấp nhận ý kiến người khác...”

Cuối cùng kết thúc cuộc nói chuyện, Tể Tướng Nguyễn Hữu Bài kín đáo nhắc nhở:
“Chúng tôi vẫn tin rằng nước Pháp sẽ chú ý nhiều hon đến nguyện vọng dân chúng nước tôi và không quên lời hứa hẹn nhiều lần trước đây.”

Sau lần tiếp kiến này, Henri Le Grauclaude viết về Thủ Tướng Nguyễn Hữu Bài như sau:
“...Trong khi vua Bảo Đại chưa về chấp chánh, bao nhiêu quyền hành bên Nam Triều thật ra ở trong tay Thượng Thơ bộ Lại kiêm Cơ Mật Viện Trưởng Nguyễn Hữu Bài.

Vị đại quan này đường đường là một vị danh thần lương tướng, một người đại thông minh trí tuệ và tánh khí can trường trung trực. Những người về phe đảng khác, những người chống đối ông bên Pháp cũng đều công nhận như vậy. Một đôi câu ông nói ra, tuy vắn tắt, nhưng hàm súc nhiều ý nghĩ, đủ tỏ ra con người ông thật là từ giãn ý hùng.

Dư luận bên ngoài thường cho rằng ông Khâm Sứ nào ông không thích, năng xen vào công việc ông làm thì phải lo dự bị sẵn rương hòm khăn gói mà tính chuyện về nước cho sớm” (11).

Những lời đồn đãi ấy đúng hay không ở một nước thuộc miền nhiệt đới, nơi con người trí não nóng nảy hay mơ tưởng những sự hão huyền. Nhưng có một điều đích xác là ông Thủ Tướng người đạo Thiên Chúa, bên Công-giáo kính yêu đã đành, mà bên lương cũng một lòng ái mộ.

Nhìn hình vóc gầy ốm của ông, tôi nhớ câu “vì lưỡi gươm quá bén nhọn nên vỏ gươm phải mòn mỏi”. Võ Hiển điện Đại Học Sĩ Nguyễn Hữu Bài là cái quốc gia thạch trụ, ai hiểu rõ trí não tinh anh của ông, ai thấy cái vóc dáng mảnh khảnh của ông thì thấy câu nói trên ý nghĩa chừng nào.

Song thân hình ốm yếu mà trí não minh mẫn lạ thường! Xem đôi mắt sáng và lối mỉm cười của ông thì đủ biết. Cái mỉm cười có hơi ngạo vì tự tin, tự trọng ấy là cái cười của con người đầy trí tuệ thông minh, biết trước người đối thoại mình sẽ đưa câu chuyện đi đường hướng nào và sẽ hỏi mình những câu hỏi nào.

Tôi nghe người ta đồn rằng sau khi vua Bảo Đại hồi loan Thủ Tướng Bài sẽ xin từ chức. Chắc đó cũng là một hình thức lịch sự vì tôn trọng vị vua mới mà làm như vậy; sự thế tất đã vậy. Vì hẳn ra nhà vua sẽ lưu ông với chức vụ cũ, vì sau này chắc sẽ cần đến ý kiến ông nhiều hơn...”

Cũng nhà báo Henri Le Grauclaude này trong một dịp khác đã viết về Nguyễn Hữu Bài nhân dịp tháp tùng vua Bảo Đại trong cuộc tuần du ở Nghệ An vào tháng 11 năm 1932:

Về các vị quan Nam Triều, trong dân gian tôi nghe người ta xét đoán và bình phẩm như sau:

“Ở Trung Kỳ chỉ có hai vị quan xứng đáng nhất: Thủ Tướng Nguyễn Hũu Bài và ông Tuần Vũ Bình Thuận Ngô Đình Diệm.” Câu xét đoán này làm những người nhát gan phải rùng mình.

Riêng Quận Công Nguyễn Hữu Bài là vị lão thần danh tiếng bậc nhất rất dõng mãnh can trường, cũng đủ là một gương quý cho nhà vua. Trong khi Ngài còn đang du học, Thủ Tướng đứng đầu triều nước Nam, niên kỷ bảy mươi mà thường đi công cán năm nọ qua tháng kia, ai ai cũng biết, cũng phục. Ông lấy thuốc mệt mà trị bệnh mệt mỏi cũng như các lương y lấy độc mà giải độc vậy. Khi nước nhà gặp phải rắc rối nhiễu loạn hoặc khi phải thiên tai thủy ách, dân tình cật cứ, dân trí hoang mang, thấy bóng ông cũng như vủ-ủy, bớt lo, bớt sợ mà bền lòng vững chí nhiều hơn. Non một năm trời, ông trèo non lặn suối, ngót 110 ngày. Bởi thế trong nhân dân cho đến các phe đảng khác thấy công phu lao nhọc hy sinh vì nước, thấy lòng đại độ khoan hồng, cái cách xử trí thanh bạch, thảy đều ca tụng yêu vì.

Các nhà văn học ở đất Nghệ An này, mặc dù với truyền thống chống đối, bản tính thích bạo động hung hãn cũng rất hiểu rõ cái mãnh lực thiêng liêng của cách xử trí và đối đãi của ông mà đem lòng tin tưởng mến yêu. Phải nhìn nét mặt các bậc kỳ lão thân hào xem như ở trên bức tranh cổ hiện xuống, khi nghe Thủ Tướng Nguyễn Hữu Bài hiểu dụ và họ chú ý làm sao, rồi đoán khi ấy trong trí óc họ thay đổi tư tưởng như thế nào, mới thấy rõ lòng kỳ vọng và sự tôn kính họ đặt nơi ông Nguyễn Hữu Bài là chừng nào.

Nghệ An là nơi dân chúng hay chống đối, bình phẩm, nơi Hán học thịnh hành; chữ Nho là thứ chữ rất rộng nghĩa, khó giải thích cho hết, thì không biết các bô lão Nghệ An đã đàm luận thế nào về cuộc tuần du và Thủ Tướng Nguyễn Hữu Bài” (12).

Là một chính trị gia có nhãn quan sâu sắc nhìn xa thấy rộng, bị ràng buộc trong khuôn khổ định chế đương thời, Viện Trưởng viện Cơ Mật Nguyễn Hữu Bài đã vạch được con đường phục hưng đất nước trong tương lai.

Mềm dẻo khi cần mềm dẻo; cứng rắn khi phải cứng rắn. Với người Pháp ông không để họ chuyên quyền lấn áp, trái lại đã can đảm đương đầu trong những trường hợp mà quyền lợi và thể thống quốc gia bị xâm phạm.

Đối với các đảng phái quốc gia, tình đồng bào, nghĩa đồng chủng, Tể Tướng Nguyễn Hữu Bài nhiều lần bày tỏ mối đồng tâm thiện cảm. Không che đậy giấu giếm, bằng cách này hay cách khác ông chân thành hợp ý hợp tình chia sẻ nguyện vọng và lo âu.

Câu chuyện đối đáp giữa ông và Toàn Quyền Varenne về trường hợp nhà cách mạng Phan Bội Châu cũng như lời tuyên bố của ông khi tiếp kiến Tổng Trưởng Thuộc Địa P. Reynaud là thêm những sự kiện nói lên tấm lòng cương trực vì dân vì nước của ông.

Sau này khi nhà chí sĩ họ Phan về Huế, Tể Tướng Nguyễn Hữu Bài vẫn kín đáo liên lạc bàn việc quốc gia cũng như liên lạc, tiếp xúc với các nhà cách mạng khác như cụ Huỳnh Thúc Kháng là một.

Đối với đảng Cộng Sản hay các tổ chức Cộng Sản ngụy trang quốc gia, lập trường ông cũng rất rõ rệt. Tự bản chất gia đình và giáo dục, gắn bó với truyền thống đạo đức văn hóa ngàn xưa, trước sau Nguyễn Hữu Bài chứng tỏ lập trường chính trị chống Cộng Sản, một đại họa trong tương lai nếu không may xứ sở rơi vào bàn tay sắt máu Cộng Sản. Ngay từ hồi đó, khi Cộng Sản mới bắt đầu ló dạng, ông đã tiên đoán hiểm họa Cộng Sản sau này đối với đất nước, nên đã thẳng thắn trình bày rõ ràng sự nguy hại của chủ nghĩa này phản lại quyền lợi quốc gia, cần phải trừ đi cho sớm để bảo tồn nhân đạo.

Trong một tờ sớ trình lên nhà vua, ông đề nghị muốn dân chúng đừng nghe theo tuyên truyền Cộng Sản, Nhà Nước phải chủ trương cải tiến dân sinh, bài trừ tham nhũng...

Đường lối chống Cộng của ông mấy mươi năm sau, kể đến ngày nay vẫn còn đắc dụng, đủ rõ sự nhận thức của ông sáng suốt như thế nào.

Đặt hy vọng phục hưng đất nước và canh tân xứ sở vào lớp thanh niên tân học, Tể Tướng Nguyễn Hữu Bài chú trọng đến việc nâng cao dân trí, con đường độc nhất đưa nước nhà khỏi cảnh tối tăm nhục nhã. Đề nghị lập thêm một trường đại học ở Huế của ông vào thời đó phải đợi mấy mươi năm sau nước nhà độc lập hoàn toàn mới thực hành được, đã nói nhiều về chủ trương cứu quốc của ông.

Không làm được việc này, ông làm việc khác. Cùng với chủ trương đào tạo nhân tài cần thiết cho đất nước ngày mai, ông sáng lập Hội Như Tây Du Học Bảo Trợ. Với một số nhỏ hội viên, trong chưa đầy mười năm, ông đã quyên góp được số tiền 154.000 $ giúp 25 sinh viên có điều kiện sang Pháp du học thành tài. Một con số rất ít ỏi đối với ngày nay, nhưng vào thời ấy với bao nhiêu khó khăn cản trở, làm được như vậy quả là một sự thành công đáng kể (13).

Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo

Tháng 9 năm 1932, tàu Dumont d’Urville cập bến Đà Nẵng, vua Bảo Đại hồi loan.
Huế, kinh đô cổ kính gắn bó lâu đời kỷ niệm với cổ phong cổ lệ.
Vị tân quân tân học vừa hồi loan đang chuẩn bị tân trào.

Hôm ấy ngày đầu tiên, sau khi hoàn tất các lễ nghi tại Thái Miếu và bái yết đức Đoan Huy Hoàng Thái Hậu (vợ vua Đồng Khánh) và đức Từ Cung Thái Hậu (mẹ vua Bảo Đại), vị tân vương đang tập sự cầm quyền cho mời vị lão thần Nguyễn Hữu Bài đến gặp tại điện Kiến Trung. Một tân, một cổ, hai nhân vật chính yếu trong giai đoạn lịch sử chuyển tiếp.

Người đời nay muốn biết rõ ràng trung thực nội dung lần nói chuyện này, tưởng không gì hơn là được nghe một trong hai vị này kể lại.

(Nguồn: http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=18423)
 
Thân Thế Sự Nghiệp Phước Môn Quận Công Nguyễn Hữu Bài
Ls. Lê Trọng Quát
18:04 13/09/2016
Thân Thế Sự Nghiệp Phước Môn Quận Công Nguyễn Hữu Bài
do Lê Trọng Quát

Kính thưa quý Vị,
Kính thưa quý Bạn,

Cùng với vinh dự được nói chuyện với quý Vị và các Bạn tại Giáo Xứ Việt Nam ở giữa lòng thủ đô Paris này, tôi còn được cái duyên thật là hiếm hoi sống lại dù chỉ trong một buổi chiều, những ngày mới lớn lên trong khung cảnh êm đềm, mộng và thơ, của thành phố Huế, thủ đô của nuớc ta duới thời Pháp thuộc.

Quả thật là một cái duyên hiếm hoi vì bẵng đi hơn nửa thế kỷ, lúc mới lên muời, tôi đã thấy trên bàn thờ của nhà tôi tấm hình đóng khung đặt trang trọng ở chính giữa, hình của Cụ Quận, Ba tôi bảo như vậy, Cụ Quận tức Quận Công Nguyễn Hữu Bài. Cụ đội chiếc mũ lông trắng hình uốn cong, bận Âu phục đen, mang huy chương, thắt lưng lớn, mang gươm, quần có nẹp thẳng dài, trông thật oai vệ dù nét mặt Cụ nghiêm trang mà hiền hòa. Đấy là lễ phục của Hiệp Sĩ Tòa Thánh, một danh dự mà Đức Giáo Hoàng đã ban cho Cụ. Cha tôi kính yêu đến mức tôn thờ Cụ vì những lý do mà còn bé, tôi không biết đến nhưng còn nhớ mãi một chuyện dễ hiểu, không thể quên : làm việc ở bộ Lại duới quyền của Cụ, có một lần Cha tôi đã không « phát lương » cho Cụ và « muợn » tạm luong của Cụ để thanh toán một món nợ riêng mà đã khất nhiều lần với chủ nợ, cha tôi không thể khất được nữa ! Cụ nhân từ bỏ qua và cố nhiên cha tôi đã xoay xở để « phát lương » rất trể cho Cụ.

Vụ này sẽ khó hiểu vì một chức quan nhỏ làm sao dám có hành vi như vậy đối với một vị Tể Tuớng đầu Triều nếu tôi không nhắc thêm rằng ông Nội tôi là một lương y đã săn sóc cho Cụ cũng như cho Cụ Ngô Đinh Khả và các vị khác trong Triều.

Mối tương quan này bẵng đi ba, bốn thập niên cho đến một buổi chiều tháng 9 năm 1959, tại Dinh Độc Lập, Sài Gòn, khi các Dân Biểu Quốc Hội mới đắc cử của pháp nhiệm 2 đến chào Tổng Thống Ngô Đinh Diệm thì tôi là nguời đầu tiên được tiếp và Tổng Thống nhắc lại ngay chuyện xua, ông nội tôi làm thầy thuốc cho các vị vừa kể và hỏi thăm quê quán của tôi. Thân phụ tôi tiếp tục làm việc ở bộ Lại duới quyền của Thuợng Thư Ngô Đinh Diệm và các vị Thuợng Thư khác cho đến ngày tàn của chế độ Nam Triều và tiếp theo, cho đến ngày Việt Minh nắm chính quyền.

Ở Cố Đô Huế, Thần Kinh của nuớc Việt Nam duới triều đại Nhà Nguyễn, ít ai không biết đến danh tiếng của hai nhân vật lịch sử Ngô Đinh Khả, Nguyễn Hữu Bài và dân chúng đã truyền tụng như một ca dao :

Đày Vua không Khả,
Đào mả không Bài


Hai gia đinh lại là thông gia, Tổng Đốc Ngô Đinh Khôi, truởng nam của cụ Ngô Đinh Khả là con rể của cụ Nguyễn Hữu Bài chưa kể, theo « lời đồn trong dân chúng », hai gia đinh lại suýt thành thông gia thêm một lần nữa, suýt thôi vì hai nguời trẻ đã chọn hai con đuờng đặc biệt : chàng, Ngô Đinh Diệm, hy sinh cả cuộc đời cho quốc gia dân tộc ; nàng, Nguyễn thị Tài, khấn trọn đời cho Thiên Chúa trong Tu viện kín Carmel bên bờ sông Huong…

Hôm nay, chúng ta nói đến một trong hai vị, Cụ Nguyễn Hữu Bài. Cụ là ai vậy ?

Thân thế, sự nghiệp và phong cách

Thân thế

- Cụ Bài thuộc một dòng họ nổi danh trong lịch sử : NGUYỄN TRÃI (1380-1442), đại công thần của Vua Lê Thái Tổ mà các thế hệ Nguyễn Hữu là hậu duệ, nguyên quán ở Thanh Hóa :
- đời thứ 9, Nguyễn Triều Văn (Triều Văn Hầu-Triều Lê) theo Chúa Nguyễn vào Thuận Hóa năm 1609 và định cư tại Kim Sen, tỉnh Quảng Bình,
- đời thứ 14, Nguyễn Hữu Hiệp (Hiệp Tài Hầu, 1806) định cư tại Mỹ Hương, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, theo đạo Công Giáo,
- đời thứ 15, Nguyễn Hữu Quỳnh (1768-1840) tử đạo, Hiển Thánh năm 1988,
- đời thứ 16, Nguyễn Hữu Đai, nội tổ của cụ Nguyễn hữu Bài, lập nghiệp tại làng Cao Xá, phủ Vinh Linh, tỉnh Quảng Trị,
- đời thứ 17, Nguyễn Hữu Các, thân phụ,
- đời thứ 18, Nguyễn Hữu Bài, thành hôn với Anna Nguyễn thị Diệm sinh hạ được sáu con, trong số có Nguyễn thị Giang, hiền nội của Tổng Đốc Ngô Đinh Khôi và Nguyễn Hữu thị Tài, Mẹ Dòng Kín Carmel Huế (1907-1995).

Sự nghiệp và phong cách

- Phêrô-Giuse Nguyễn Hữu Bài sinh ngày 28-9-1863 tại Vĩnh linh, Quảng trị, thân sinh mất sớm, lên 10 tuổi đã được mẹ xin linh muc Gioan Châu bảo trợ vào Tiểu chủng viện An Ninh. Chủng sinh xuất sắc và đạo đức, được Đức Giám Mục Caspar (Lộc) gửi sang học Chủng viện Pénang ở Mã Lai. Sau 10 năm học, Cụ về quê hương tham gia việc nuớc.

Khởi sự, năm 1884, Cụ được bổ dụng làm Thừa phái (Thư Ký bây giờ, chức vụ thấp nhất, cửu phẩm trong một hệ thống phẩm hàm đến cao nhất là nhất phẩm, mỗi phẩm gồm hai bậc, chánh và tùng, ví dụ : tùng cửu, chánh cửu, tùng nhất, chánh nhất) tùng sự tại Nha Thương Bạc ở kinh đô Huế, nằm ngay trên bờ sông Hương, nơi tiếp đón các nhân vật và phái đoàn ngoại quốc, bên kia bờ là các cơ sở của Pháp hành chánh, quân sự… Sau này, Thương bạc trở thành một nhà hóng mát công cộng, lúc nhỏ, tôi hay đến chơi và từ đấy xuống bơi ở sông Hương. Đầu năm 1946, tôi chứng kiến Võ nguyên Giáp té xỉu ở nhà này trong lúc nói chuyện với dân chúng. Qua năm 1947, Ty Thông Tin của chính quyền quốc gia đến đây chiếu phim chống Cộng và đọc tin tức cho đồng bào.

- Nhờ giỏi tiếng Pháp, một giá trị dặc biệt hiếm hoi vào buổi giao thời ấy (ngày 6-6-1884 Hiệp uớc bảo hộ được ký kết giữa Nguyễn văn Tuờng và Patenôtre duới thời vua Kiến Phuớc, 12 tuổi), Cụ được trọng dụng.
- Năm 1886, Cụ được Triều đinh cử đi cùng với các nhà chức trách Pháp phân định biên giới Việt Nam - Trung Hoa ở Bắc Kỳ.

- Năm 1887, Cụ đi quân thứ đánh giặc thổ phỉ ở miền Thượng Du Bắc Kỳ (Đường Cảnh Tùng, quan nhà Thanh đóng ở Sơn Tây, Từ Diên Húc đóng ở Bắc ninh, quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc) được Lại Bộ Thuợng Thư Nguyễn Trọng Hợp Khâm Sai Đại Thần ở Bắc kỳ lúc bấy giờ đặc biệt khen ngợi «tài đức, thâm trầm nhung khí khái, sâu sắc, hoà nhã… ».

- Năm 1897, Vua Thành Thái công du Sài Gòn, Cụ được tháp tùng làm Ngự Tiền Thông Sự.
- Năm 1898, Cụ được bổ làm Bố Chánh (tam phẩm, coi việc tài chánh thuế khóa) tỉnh Thanh Hóa.
- Năm 1899, Thị Lang Bộ Lại (tức bộ Nội Vụ - Ministère de l’ Intérieur bây giờ nhưng rất ít quyền, chỉ coi việc bổ báo các quan chức chính phủ Nam triều mà thôi…) và Thương Tá Viện Cơ Mật ở Huế (tam phẩm).

- Thiết tuởng cần nhấn mạnh rằng theo hiệp uớc bảo hộ 1884, Pháp chỉ bảo vệ nuớc ta chống lại ngoại xâm, đảm nhận việc ngoại giao thay cho ta còn việc nội trị thuộc thẩm quyền của chính phủ nuớc ta nghĩa là của Triều Đình và tất cả hệ thống chính quyền của nuớc ta ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Nam Kỳ đã bị Pháp chiếm làm thuộc địa (Colonie cochinchinoise) do hai hiệp uớc cuỡng bức nhượng ba tỉnh, rồi sáu tỉnh Nam Kỳ năm 1862 và 1874. (Truờng Chasseloup-Laubat thành lập năm này và truờng Taberd năm sau, 1875). Thế nhưng, Pháp đã không tôn trọng hiệp uớc bảo hộ 1884 và lần lần xen lấn vào việc nội trị, chiếm đoạt thêm quyền hạn của chính phủ Nam triều ta như chúng ta sẽ thấy trong sự chống đối và phản kháng của ba danh nhân Ngô Đinh Khả, Nguyễn Hữu Bài và Ngô Đinh Diệm.

- Năm 1902, Cụ lên chức Tham tri Bộ Hình (tức bộ Tư Pháp—Ministère de la Justice nhung thẩm quyền thu hẹp trong việc xét xử nguời Việt mà thôi và đối với quan chức tư pháp của Nam Triều), nhị phẩm, và đi sứ qua Pháp. Các chức vụ Tham Tri, Thị Lang, Tá Lý là « đường quan » trên «thuộc quan » và « thuộc viên »…

- Năm 1908, Cụ được vinh thăng Thuợng Thư (tùng nhất phẩm) Bộ Công (tức bộ Công Chánh bây giờ – Ministère des Travaux Publics et de l’Équipement, hạn chế trong việc coi sóc, tu bổ, xây cất các cơ sở thuộc chính phủ Nam triều…) duới triều Vua Duy Tân (1907-1916).

- Một sự cố quan trọng xảy ra trong năm 1908 này : Khâm Sứ Mahé hành động như một thổ phỉ, lấy tuợng vàng trên tháp Pháp Duyên chùa Thiên Mụ, đòi khai quật mộ Vua Tự Đức để lấy vàng bạc châu báu. Cụ Nguyễn Hữu Bài đã chống đối quyết liệt hành động thô bạo này và thái độ của Cụ đã được dân chúng ca ngợi và truyền tụng :

« Đày Vua không Khả,
Đào mả không Bài »

- Truớc đấy một năm, 1907, Thuợng Thư Ngô Đinh Khả, thân phụ của Tổng Thống Ngô Đinh Diệm, đã phản đối việc lưu đày Vua Thành Thái, 28 tuổi, sang đảo La Réunion.
Năm 1916, Vua Duy Tân, mới 16 tuổi, con Vua Thành Thái, cũng bị thực dân Pháp đày sang đảo La Réunion, cùng ở với cha. Phản đối lan rộng ở các đô thị và truờng Đại Học Hà Nội phải tạm đóng cửa.

- Ba vua, Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân, cùng bị lưu đày vì đã có hành động chống chính sách thực dân của Pháp, hai vị Thuợng Thư đã bất kể hậu quả, chống đối công khai các hành vi bất xứng của Pháp. Sự đề kháng này đã được dân chúng trong nuớc từ Bắc chí Nam thán phục và ca ngợi qua nhiều thế hệ. Nhà cách mạng lớn Phan Bội Châu bị an trí ở Huế cũng như cụ Huỳnh Thúc Kháng, một nhà ái quốc nổi danh đồng thời, đã không tiếc lời bày tỏ lòng kính phục hai vị Thuợng Thư này.

- Dù phải khuất phục truớc bạo lực cuờng quyền của guồng máy thống trị, cũng có những vua, quan của nuớc ta, bằng cách này hay cách khác và cách nào cũng kèm theo những hiểm nguy cho chính mình, chống đối những hành vi hay những mưu toan thắt chặc thêm cái vòng xiết cổ Triều Đinh nuớc ta.

- Hoàng thân Bửu Đảo, con Vua Đồng Khánh, lên ngôi lấy đế hiệu Khải Định, thay thế Vua Duy Tân.
- Năm 1917, tân Vương cảm phục tài đức của Cụ Nguyễn Hữu Bài, phong cho Cụ tuớc vị Phuớc Môn Bá (Bá tuớc).

- Năm 1920, Cụ được phong Thái Tử Thiếu Bảo Đông Các Điện Đại Học Sĩ, Thượng Thư bộ Lại kiêm bộ Hộ (Tài chánh) sung Cơ Mật Viện Đại Thần. Với tuớc vị Đông Các, Cụ đã trở thành một của (bốn) tứ trụ của Triều Đình : Cần Chánh, Văn Minh, Võ Hiển, Đông Các. Xin lưu ý rằng các tuớc vị này không phải là những chức vụ (fonctions) như Thuợng Thư, Tham Tri…

- Duới thời Pháp thuộc, Triều Đình ta không phân chia Hội Đồng Bộ Truởng (Conseil des Ministres) và Hội Đồng Nội Các (Conseil de Cabinet) như bây giờ nên Cơ Mật Viện tổ chức các buổi họp của các vị Thuợng Thư tại cơ cấu tối cao này.

- Năm 1922, Cụ tháp tùng Vua Khải Ðịnh công du nuớc Pháp với tư cách Hộ giá đại thần, được dịp đi La Mã và được Đức Giáo Hoàng Piô XI tiếp kiến. Năm truớc, 1921, Cụ đã được Đức Giáo Hoàng tặng thưởng bội tinh Pie XI với áo mũ, gươm, theo hàng Hiệp sĩ của Toà Thánh như đã kể.

- Năm 1923, Cụ được thăng Thái Phó Võ Hiển Điện Đại Học sĩ, Cơ Mật Viện truởng, xem như cầm đầu chính phủ Nam triều. Cụ thôi giữ chức Thuợng Thư bộ Hộ và chỉ giữ chức vụ Thuợng Thư bộ Lại.

- Thừa dịp Vua Khải Định băng hà ngày 6 tháng 11, 1925, huởng thọ 41 tuổi, Hoàng thái tử Vĩnh Thụy đang còn học ở Pháp, Toàn quyền Đông Pháp đòi Phụ Chánh Viện ký thỏa uớc ngày 25 tháng 11, 1925 chuyển giao cho Khâm Sứ Pháp (Résident supérieur de l’Annam) các quyền hạn còn lại của Vua như lựa chọn các vị Thuợng Thư và bổ nhiệm các quan chức từ Tri Huyện trở lên. Cụ Bài và Thuợng Thư Trần Đình Bá phản đối nhiều lần.

- Khâm sứ Aristide Le Fol còn đòi chủ tọa luôn Hội Đồng Thuợng Thư và bị Cụ bác khuớc với những lời lẽ lịch sự mà nghiêm chỉnh, vững chắc. Pháp lại đòi đặt một viên chức Pháp làm Hội lý Cơ Mật Viện Truởng nhưng cũng bị Cụ lịch sự từ chối. Cần biết mổi bộ đã có một Hội lý (Conseiller) từ truớc.

- Những vinh dự cuối cùng :

Tháng 9 năm 1932, vua Bảo Đại về nuớc. Cụ xin từ chức về hưu trí nhưng nhà Vua giữ lại và phong cho Cụ tuớc hiệu Phuớc Môn Quận Công (Duc). Đến ngày 2 tháng 5, 1933 thì Cụ được hồi hưu và được phong làm Cố Vấn Nguyên Lão. Truớc khi rời Triều Đinh, Cụ giới thiệu với nhà Vua ông Tuần Vũ tỉnh Bình Thuận (Phan Thiết) Ngô Đình Diệm, 31 tuổi, vào chức vụ Thưọng Thư bộ Lại. Vua Bảo Đại chấp thuận. Một nhân vật lịch sử xuất hiện nhưng đấy là một chuyện khác mà chúng ta không có dịp nói đến hôm nay và chỉ nhắc qua rằng Thuợng Thư Ngô Đinh Diệm đã rủ áo từ quan không đến sáu tháng sau khi nhậm chức vì Pháp đã không chấp nhận trả lại quyền nội trị hoàn toàn của Triều Đinh nuớc ta như ông Diệm đã đòi hỏi. Cựu Hoàng Bảo Đại đã kể rõ sự cố này trong cuốn «Rồng An Nam» (Le Dragon d’Annam, xuất bản tại Paris).

Một Nguyễn Công Trứ của thời đại mới…

- Không chịu nghỉ ngơi, Cụ Quận đã dành thì giờ của cảnh vui thú điền viên vào việc khẩn hoang lập ấp cho đồng bào trong vùng, một công cuộc mà Quận Công đã khởi sự lúc đương còn tại chức ở Triều đình. Từ năm 1909, nhận thấy đất đai bị bỏ hoang, Cụ huớng dẫn giúp đỡ dân chúng làm thủ tục xin khai khẩn đất hoang lập thành làng Phuớc Môn, phủ Hải Lăng, tỉnh Quảng trị với diện tích trồng trọt non 1000 mẫu ruộng và 1200 mẫu rừng. Cụ còn huớng dẫn dân khai khẩn thêm ruộng đất ở các làng Phuớc Sa, Phuớc Sơn, Phuớc Tuyền, Phuớc Nguyên được gọi chung là vùng Ngũ Phuớc. Cụ cũng lập một đồn điền mới trên muời dặm vuông ở vùng đất đỏ gần sông Thạch Hãn gọi là làng Cùa, lập Hưng Nông Sở, mở đuờng cho xe hơi chạy đến nơi.

- Nguyễn Quận Công rất quan tâm đến các vấn đề xã hội, văn hóa và giáo dục. Một mối quan tâm luôn luôn được cụ thể hóa bằng hành động và thực hiện tích cực và hiệu quả.
Cụ lập cơ sở Dục Anh, nuôi trẻ mồ côi tại Phuớc Môn. Cụ xuất tiền riêng cho nguời vào Nam mua gạo chở ra cứu đói cho dân ở tỉnh Quảng Trị năm Bính Thìn 1916 bị thiên tai mất mùa.

Vừa thấm nhuần Nho học, vừa hấp thụ tân học, thông thạo tiếng Pháp và La tinh, Cụ lại còn muốn phát triển văn hóa Việt Nam và tự mình làm guong cho những nguời cùng thế hệ bằng những sáng tác thơ nôm bất hủ của Cụ. Những vần thơ của Cụ vừa trong sáng bình dị, thuộc nhiều thể loại, vừa thoát ly được những gánh nặng điển tích, vừa rung cảm và thiết tha khi diễn tả những nỗi niềm tâm sự của một sĩ phu đã đạt được mức danh vọng cao nhất của một đời người nhưng không toại nguyện vì đã hết lòng hết sức tranh đấu cho quyền lợi của quốc gia dân tộc mà không thu hoạch được kết quả mong muốn. Cụ đặc biệt huởng ứng cuộc vận động của Cụ Ngô Đinh Khả thành lập truờng Quốc Học Huế năm 1896 và đã làm một bài thơ ghi trên bức bình phong ở cổng truờng :

Quốc Học mở mang nền nếp củ
Ấy ai tạc đá dựng bình phong

- Quận Công Nguyễn Hữu Bài còn là sáng lập viên hội «Như Tây du học bảo trợ» năm 1926, giúp được 25 sinh viên sang Pháp du học trong số có các ông Phạm đinh Ái, Lê Trung Chánh… một con số đáng kể vào thời ấy.
- Ngày 10 tháng 7, 1935, Cụ đặt tiệc tại tư dinh mừng linh mục Hồ Ngọc Cẩn được tấn phong Giám Mục. Ngày hôm sau, Cụ thọ bệnh phải đưa vào bệnh viện Huế. Bệnh trở nặng không chửa được, Cụ từ trần ngày 28 tháng 7 tại tư đệ ở Phủ Cam, Huế, thọ 73 tuổi.
- Để bày tỏ lòng biết ơn đối với một vị đại công thần, Vua Bảo Đại truy tặng Cụ tuớc vị lớn nhất của Triều đình : Cần Chánh Điện Đại Học Sĩ.

Nguyễn Hữu Bài và thời đại
Một nhận định đứng đắn phải đặt đối tượng vào trong thời đại của đối tuợng ấy.
1. Sự nghiệp bắt đầu vào lúc Pháp đặt nền thống trị (domination, gần như administration directe) trên hai miền Trung Bắc Kỳ duới nhãn hiệu «bảo hộ» (protectorat), Nam Kỳ thì đã trở thành thuộc địa (colonie) từ 20 năm truớc.

2. Nuớc ta đang ở trong chế độ quân chủ chuyên chế (monarchie absolue), lòng trung thành với Vua (trung quân) được coi như đồng hoá với lòng yêu nuớc (ái quốc). Vua là « Thiên tử » (fils du Ciel), con của Trời mà ai cũng tôn thờ Trời, đấng Thuợng Đế tối cao, toàn năng.

3. Tinh thần Nho học của Khổng giáo còn bao trùm giới sĩ phu, mà cái khí tiết là cái thuớc đo nhân cách phải luôn luôn gìn giữ.

4. Theo đạo Thiên Chúa, tiếp xúc với các linh mục nguời Pháp, được theo học muời năm ở Pénang trong chủng viện, cụ Bài được ảnh huởng của đức tin, của văn hóa phuong Tây, và đương nhiên được sự ủng hộ của Giáo Hội Công Giáo.

Tất cả những yếu tố kể trên cùng với bẩm tính thông minh năng động thiên phú và lòng nhân ái bao la, đã tạo nên một con nguời mà những thành tố cấu tạo, khác biệt nhau đến độ bề ngoài tuởng như tương phản, đã được phối hợp một cách kỳ diệu và tạo nên một nhân cách đặc biệt :
- Trung quân, ái quốc, một lòng thờ Vua, yêu Nuớc, Cụ đã để nợ nuớc trên tình nhà, tận tụy phục vụ bốn đời Vua mà tiên đế, Vua Minh Mạng, đã ra lệnh cấm đạo Thiên Chúa, bắt bớ giam cầm, có lúc giết hại lương dân vô tội chỉ vì trung thành với tín nguỡng của họ. Một vị tiền bối, em ruột của Cụ Cố của Nguyễn Quận Công, ông Nguyễn Hữu Quỳnh (1768-1840), là nạn nhân của chính sách tàn bạo này, bị xử thắt cổ chết. Vị tử đạo này đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị phong Hiển Thánh ngày 19-6-1988.

Giữa lúc Vua Gia Long mở cửa đón nhận sự hợp tác giúp đỡ của ngoại quốc, đặc biệt của Pháp, để xây dựng và phát triển một quốc gia cực kỳ chậm tiến vừa được thống nhất - một chính sách đối ngoại hoàn toàn hợp lý và thức thời - thì Vua Minh Mạng kế vị đã hành động nguợc lại, bế môn tỏa cảng, kỳ thị tôn giáo, bức bách tín hữu Công Giáo phải bỏ đạo duới sự đe dọa thực sự của những hình phạt nặng nề đến tử hình, tạo nên một hình ảnh xấu xa của nuớc ta và ngăn chận sự khai hóa và tiến bộ mà nuớc ta cần thiết hơn bao giờ cả. Trong cùng một thời kỳ, Xiêm La (tức Thái Lan bây giờ) và nhất là Nhật Bản đã mở rộng cửa bang giao với các nuớc, hoàn toàn không đặt vấn đề truyền đạo bất cứ từ đâu đến, lợi dụng được nền văn minh tiến bộ của Tây phương, duy trì được độc lập tự chủ.
- Tín đồ Công Giáo đã năm đời, từ Cụ Sơ Nguyễn Hữu Hiệp (Hiệp Tài Hầu, 1806) thánh hiệu An Tôn, Nguyễn Quận Công đã dung hợp một cách tự nhiên đức tin của mình với những truyền thống dân tộc thuần túy, nghĩa là Cụ đã đi truớc cả nửa thế kỷ, chủ trương được minh thị của Giáo Hội Công Giáo tôn trọng và thích ứng với những đặc tính của các dân tộc Đông Phương.
- Nguyễn Hữu Bài không phải là một nhà cách mạng chủ trương chống Pháp bằng một cuộc tranh đấu bạo động nhưng ông là một nhà ái quốc, ruờng cột của Triều Đình ta, một cơ chế phải đương nhiên tồn tại để thể hiện chủ quyền của quốc gia dù quốc gia đang bị chiếm cứ và chủ quyền bị thu hẹp. Với khả năng và tư cách khả kính mà Pháp phải kiên dè, Cụ Bài đã kiên trì tranh đấu mổi ngày với đối tác kềm kẹp bên hông để bảo vệ cái chủ quyền của quốc gia mổi lúc bị Thực dân Pháp dành dựt cắt xén.
- Cũng nhu Cụ Ngô Đinh Khả đã hy sinh chức vị Thuợng Thư của mình để chống lại việc đày Vua, cũng như chí sĩ Ngô Đình Diệm, 30 năm sau, đã vì nuớc bỏ mình, Cụ Nguyễn Hữu Bài đã đi vào lịch sử của Dân Tộc Việt Nam bằng con đuờng rực rỡ hào quang dành cho những nguời công chính, lương tâm thanh thản, chỉ với một niềm luyến tiếc đã không làm được hết những điều mình muốn làm để phục vụ tối đa cho non sông, Đất Nuớc.

Là một nhân vật Công Giáo như dòng họ Ngô Đinh, Phuớc Môn Quận Công Nguyễn Hữu Bài đã thu phục được nhân tâm, không những của đồng bào Công Giáo mà của đồng bào Việt Nam cả nuớc, không phải chỉ một thế hệ lúc đương quyền mà nhiều thế hệ mai hậu như đang thể hiện chiều nay, một ngày Xuân đầm ấm của năm 2005 tại Giáo Xứ Việt Nam Paris này.

Xin kính chào quý Vị và các Bạn.

Ls. Lê Trọng Quát

(Nguồn : http://giaoxuvnparis.org/bai-viet/205-than-the-su-nghiep-phuoc-mon-Qu%E1%BA%ADn-cong-nguyen-huu-bai.html)
 
Hành Hương Đức Mẹ Fatima - Nam Xuân, GP Ban Mê Thuột
Vũ Đình Bình
21:46 13/09/2016
Hành Hương Đức Mẹ Fatima - Nam Xuân

Cách đây 99 năm, năm 1917, vào các ngày 13 tháng 5, 13 tháng 6, 13 tháng 7, 19 tháng 8, 13 tháng 9 và 13 tháng 10, Đức Mẹ đã hiện ra tại Fatima với Lucia, Giaxinta và Phanxicô. Trong những lần hiện ra tại đó, Đức Mẹ đã nói rất nhiều điều, và được tóm lại trong ba mệnh lệnh, đó là mệnh lệnh Fatima: Hãy cải thiện đời sống; Hãy tôn sùng Trái tim Mẹ; Hãy siêng năng lần hạt Mân Côi.

Xem Hình

Dù đã 99 năm trôi qua, nhưng Mệnh lệnh Fatima vẫn là lời kêu gọi khẩn thiết đối với mỗi người chúng ta. Vâng theo lời kêu gọi ấy, hôm nay, ngày 13.9.2016, mặc dù thời tiết không thuận lợi, đoàn con cái Mẹ từ khắp nơi lũ lượt hành hương về với Mẹ Fatima - Nam Xuân trong tâm tình Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Trung tâm hành hương Đức Mẹ Fatima - Nam Xuân tọa lạc trên ngọn đồi cao phía bên trái Nhà thờ Giáo họ Thánh Antôn, Giáo xứ Quảng Đà, Giáo phận Banmêthuột. Địa chỉ: Thôn Nam Sơn, xã Nam Xuân, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Tượng Đức Mẹ cao 3,7m, tạc bằng đá Mabo nguyên khối (đá cẩm thạch trắng Nghệ An), do nghệ nhân Phêrô Nguyễn Văn Dương (GP. Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện). 14 chặng đường Thánh Giá được phân bố hợp lý dọc theo con đường trải đá dăm, rợp bóng mát, dốc thoai thoải từ chân lên đến đỉnh đồi. Mẹ đứng đó, dịu hiền chăm sóc đoàn con, ôm ấp, ủi an, và rộng ban ơn lành cho những ai chạy đến cùng Mẹ.

Nơi đây, vào ngày 10.6.2015, Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục Giáo phận Banmêthuột đã chủ sự nghi thức làm phép tượng đài Đức Mẹ Fatima. Ngài nhắn nhủ: “Anh chị em hãy thường xuyên đến với Mẹ, Mẹ sẽ trợ giúp cho anh chị em. Vào ngày 13 hàng tháng, Cha Sở và anh chị em hãy đến dâng Thánh lễ tôn vinh Mẹ. Đó cũng là cách chuẩn bị kỷ niệm 100 năm biến cố Đức Mẹ hiện ra tại Fatima (1917 – 2017)”.

Từ đó đến nay, vào ngày 13 hàng tháng đều có Thánh lễ kính nhớ biến cố Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Hôm nay, cũng trùng vào dịp Trung Thu, trước Thánh lễ, tại linh đài Mẹ, các em thiếu nhi biểu diễn Múa Lân, bày tỏ lòng yêu mến Mẹ Fatima thay vì dâng hoa tôn vinh Mẹ như những tháng trước. Trước đó, khách hành hương từ phương xa về với Mẹ Fatima - Nam Xuân cũng được các cháu thiếu nhi và Đoàn Múa Lân hân hoan chào đón hết sức nồng nhiệt, sôi động; rất trẻ trung, hồn nhiên khiến bao nhiêu mệt nhọc trên đường đều tan biến. Sau đó, khách hành hương được hướng dẫn nghỉ ngơi và chuẩn bị tâm hồn để tham dự Thánh lễ.

Thánh lễ bắt đầu lúc 12g00, do Cha sở Antôn Nguyễn Phi Hùng chủ tế cùng với Cha phó Giuse Trần Xuân Thọ, Cha phó PX. Nguyễn Thanh Phong, OP. Mở đầu thánh lễ, Cha chủ tế hân hoan chào đón cộng đoàn và khách hành hương về tham dự Thánh lễ, ngài giới thiệu ý nghĩa ngày lễ 13 hàng tháng và nhắn nhủ mọi người tâm tình chuẩn bị kỷ niệm 100 năm biến cố Đức Mẹ hiện ra tại Fatima (1917 – 2017); Xin Chúa ban cho thế giới một nền hòa bình viên mãn, ban cho mỗi người có được sự bình an đích thực.

Sau Bài Tin Mừng, cha PX. Nguyễn Thanh Phong, OP chia sẻ với cộng đoàn về sứ mạng Chúa Giêsu trao gửi cho mỗi người. Ngài kêu mời: “Hãy theo gương người môn đệ Chúa yêu: đưa Mẹ về nhà mình (Ga 19,27).” (Mời nghe Bài Giảng)

Trước khi nhận phép lành kết lễ, Cha chủ tế làm phép nước, làm phép ảnh tượng cho khách hành hương, xin Mẹ cầu bầu Lòng Chúa Thương Xót chữa lành, ban ân thiêng xuống trên đoàn con cái Mẹ, và những người tin tưởng nơi Mẹ, có lòng yêu mến Mẹ.

Kết lễ, mọi người ra về mang theo niềm tin yêu mới cùng với tâm nguyện: cải thiện đời sống, tôn sùng trái tim Mẹ và siêng năng lần hạt Mân Côi.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Tại sao linh mục đã bái gối, còn cúi đầu khi truyền phép? Tín hữu cúi đầu hay nhìn Mình Máu Thánh được nâng?
Nguyễn Trọng Đa
09:55 13/09/2016
Giải đáp phụng vụ: Tại sao linh mục đã bái gối, còn cúi đầu khi truyền phép? Tín hữu cúi đầu hay nhìn Mình Máu Thánh được nâng?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Trong thánh lễ, một số người đang bắt đầu cúi đầu sau khi truyền phép Bánh và Rượu, mặc dù chữ đỏ qui định là mọi người phải quỳ. Liệu việc quỳ gối là một hành động thờ phượng và tôn kính không, nếu có thì nó làm cho việc cúi đầu trở nên thừa? Vì một số lý do, việc cúi đầu hình như tăng nhiều trong phụng vụ, giống như thỏ sinh sản vậy. Nếu ai không thể quỳ được do nơi chật hẹp, hoặc vì quá đông người dự lễ, thì người ấy có thể làm cử chỉ đơn giản của sự tôn kính, nhưng hình như đây là một cử chỉ đạo đức được qui định cho phụng vụ. Ngoài ra, theo con hiểu, theo Qui Chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (GIRM), một sự cúi đầu đã được quy định đối với những người trong cung thánh, nghĩa là các người đã được truyền chức: phó tế hoặc các vị đồng tế. - A. R., Mishawaka, Indiana, Hoa Kỳ.


Đáp: Câu hỏi này được đề cập và giải quyết trong Qui Chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (GIRM), các số 274-275:

“274. Bái gối, nghĩa là gối phải nghiêng đụng đất, là cử chỉ thờ phượng, do đó dành cho Thánh Thể và Thánh Giá từ khi được tôn kính trọng thể trong phụng vụ thứ Sáu Thánh tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa, cho đến bắt đầu Vọng Phục Sinh.

“Trong Thánh Lễ có ba lần bái gối, đó là sau khi nâng bánh thánh, sau khi nâng chén thánh và trước lúc hiệp lễ. Trong Thánh Lễ đồng tế có vài điều đặc biệt phải giữ về điểm này (x. nn. 210-251).

“Nếu nhà tạm có Thánh Thể được đặt trong cung thánh, thì vị tư tế, phó tế và các người giúp khác phải bái gối, khi đi đến bàn thờ hoặc khi rời bàn thờ, nhưng không bái gối trong lúc cử hành Thánh Lễ.

“Ngoài ra, mọi người bái gối khi đi ngang trước Thánh Thể, trừ phi khi đi kiệu.

“Những người mang thánh giá hay đèn thì thay vì bái gối, họ cúi đầu.

“ 275. Cúi biểu lộ lòng tôn kính đối với những đấng, những người hoặc các dấu hiệu của họ. Có hai loại cúi: cúi đầu và cúi mình:

a. Cúi đầu khi đọc danh Ba Ngôi, và tên thánh Giê-su, Ðức Trinh Nữ Maria và vị thánh trong Thánh Lễ kính vị này.

b. Cúi mình hay cúi sâu khi chào kính bàn thờ, khi đọc các kinh "Munda cor meum, Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin thanh tẩy" và "In Spiritu humilitatis, Lạy Chúa là Thiên Chúa, xin thương nhận", khi đọc câu trong kinh Tin Kính: "Et incarnatus est, Bởi phép Chúa Thánh Thần", khi đọc câu trong Lễ Quy Rôma: "Supplices te rogamus, Chúng con nài xin Cha". Thầy phó tế cũng cúi mình khi xin phép lành trước lúc công bố Tin Mừng. Ngoài ra vị tư tế cũng nghiêng mình một chút khi đọc các lời của Chúa lúc truyền phép” (Bản dịch Việt ngữ của Lm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).

Và cũng số 43:

“Trong các giáo phận của Hoa Kỳ, họ sẽ quỳ, từ khi bắt đầu hát hoặc đọc kinh “Thánh Thánh Thánh”, cho đến sau lời thưa Amen của Kinh nguyện Thánh Thể, trừ khi vì lý do sức khoẻ, vì nơi chật hẹp, hoặc vì quá đông người dự lễ, hay vì những lý do chính đáng khác, không thể quỳ được. Những người không quì thì phải cúi mình sâu khi vị tư tế quì gối sau truyền phép”.

Một số quốc gia và các giáo phận khác tuân giữ tập tục quỳ gối như tại Hoa Kỳ; một số giáo phận qui định chỉ quỳ trong khi truyền phép cho đến "Đây là Mầu nhiệm đức tin". Ở đây không nói rõ là cúi đầu trong khi quỳ, nhưng nói chỉ cúi đầu khi vì một lý do chính đáng người ta không thể quỳ được.

Việc thực hành cúi đầu trong khi quỳ không phải là một tập tục mới. Trong hình thức ngoại thường, một luật chung nói rằng việc quỳ không thay thế một sự cúi đầu được quy định. Nhưng đại đa số các cử chỉ nghi thức trên đây là nhằm dành cho các thừa tác viên và các giáo sĩ trong cung thánh, hơn là cho các tín hữu nói chung.

Ở một số quốc gia, việc quỳ hai gối trước Mình Thánh Chúa được trưng ra, trong đó kết hợp một sự cúi đầu trong khi quỳ, vẫn còn là quy phạm.

Trong hình thức bình thường, việc thực hành sự cúi đầu trong khi quỳ là không phổ biến, trừ ra vị chủ tế và các người giúp lễ, trước và sau khi xông hương cho Mình Thánh Chúa được trưng ra. Điều này không được tiên liệu trong khi xông hương Mình Máu Chúa trong Thánh Lễ.

Tôi liều suy đoán rằng một số người đã có thói quen cúi đầu khi linh mục quỳ, sau khi nâng Mình Thánh, như một hệ quả của việc nhìn thấy các vị đồng tế cúi đầu vào lúc này. Sự cúi đầu này trong khi quỳ là không cần thiết, nhưng tôi không nghĩ rằng nó có thể gây hại gì cả, và dường như khó bỏ sự cúi đầu này khi người ta đã có thói quen.

Điều này cũng không thể được nói đối với những người cúi đầu, trong khi Mình Thánh được nâng lên, vì như vậy là không nhìn thấy Mình Thánh. Trong khi một cử chỉ như vậy là dễ hiểu trong ánh sáng của sự uy nghiêm Thiên Chúa, sự thực hành lại mâu thuẫn với lý do cho việc nâng cao Mình Máu Thánh trước tiên. Mình Thánh và Chén thánh được nâng lên một cách chính xác là để được nhìn thấy, chiêm ngắm và thờ lạy.

Các cử chỉ này đi vào tương đối muộn trong Nghi lễ Rôma vào thế kỷ XII. Vào một thời kỳ khi việc rước lễ là còn ở mức thấp, một phong trào bình dân phát sinh giữa các tín hữu ước ao ít nhất nhìn xem Mình Thánh. Việc linh mục nâng cao Mình Thánh đáp ứng lòng đạo đức này. Còn việc linh mục nâng Chén Thánh chỉ bắt đầu diễn ra sau đó một thế kỷ.

Cuối cùng, độc giả của chúng ta hiểu rằng "theo Qui Chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (GIRM), một sự cúi đầu đã được quy định đối với những người trong cung thánh, nghĩa là các người đã được truyền chức: phó tế hoặc các vị đồng tế”. Trên thực tế, sự cúi đầu thường chỉ được thực hiện bởi các vị đồng tế. Phó tế thường quỳ gối. Tuy nhiên, phó tế chỉ quỳ trong lúc Truyền phép, ngay cả ở các quốc gia mà các tín hữu quỳ gối trong toàn bộ Kinh Nguyện Thánh Thể. Nếu vì một lý do chính đáng, phó tế không thể quỳ gối, thì phó tế sẽ cúi đầu sâu.

Sau khi chúng tôi trả lời như trên, một bạn đọc hỏi: "Trong Trường Giáo xứ Chánh Tòa ở Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania (1956-1964), con đã được dạy là nhìn vào Mình Thánh được nâng lên (và sau đó nhìn Chén Thánh), sau đó cúi đầu, chiêm ngắm và nhìn nhận niềm tin vào sự Hiện diện Thực sự của Chúa, bằng cách âm thầm lặp lặp lại lời của Thánh Tôma: "Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con”. Vì vậy, sự cúi đầu phải là một cách thức để có khoảnh khắc riêng tư, nhằm chiêm ngắm và thờ lạy sự Hiện diện Thực sự của Chúa Kitô. Con nhớ lại rằng một số bạn học của con (có lẽ trong đó có con), và một số người trong cộng đoàn, cúi đầu trong khoảnh khắc nâng Mình Thánh, nên không nhìn thấy Mình Thánh. Chúng con đã có một linh mục trong Giáo xứ Chánh tòa Nhà thờ vào giữa thập niên 1960. Ngài không khuyên bảo những người cúi đầu, nhưng nói rằng Mình Máu Thánh được nâng lên, là để cho cả cộng đoàn nhìn thấy. Ngài đã thực hiện việc nâng Mình Máu Thánh trong thời gian rất dài (10-15 giây), để cho các người có thói quen cúi đầu, khi Mình Máu Thánh được nâng lên, có thể nhìn thấy Mình và MaThánh của Chúa Kitô".

Lời nhận xét này chứng minh rằng việc cúi đầu khi Mình Máu Thánh được nâng là không phải mới. Tôi giả sử rằng các nữ tu ở trường dạy trẻ em cúi đầu, khi linh mục quỳ sau khi nâng Mình Máu Thánh lên. Bởi vì thời gian cho cả hai cử chỉ thường là rất ngắn, nên dễ hiểu rằng một số người đã nhầm lẫn. Trong khi đúng là việc nâng Mình Máu Thánh kết thúc Kinh Nguyện Thánh Thể ("Chính nhờ Người...") có tầm quan trọng phụng vụ lớn hơn, việc nâng Mình Máu Thánh trong thời gian lâu, sau khi truyền phép, có thể rất hiệu quả về mặt mục vụ trong việc khích động việc cầu nguyện và thờ lạy.

Một bạn đọc khác hỏi: "Về cử chỉ chúc bình an trong Thánh lễ, việc cúi đầu chào nhau hoặc bắt tay nhau, cái nào là đúng? Cá nhân tôi thích cúi đầu hơn". Qui chế tổng quát nói rằng việc chúc bình an được thực hiện tùy theo tập tục địa phương, vì vậy cả hai sự thực hành này là hợp pháp, cũng như một số thực hành khác. Có vẻ như sự cúi đầu hay cái gật đầu chúc bình an thắng thế hơn trong một số khu vực, vì nó ít có khả năng dẫn đến sự lẫn lộn và sự mất trật tự ngay trước khi rước lễ.

Cuối cùng, một bạn đọc người Australia hỏi về trường hợp một đôi tân hôn là thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ, ngay trong lễ cưới của hai người. Bạn này viết: "Nếu cô dâu và chú rể thuộc giáo xứ, và trước đó đã được công nhận là thừa tác viên ngoại thường cho Rước Lễ, thì liệu họ có thể, sau khi đã rước lễ từ chủ tế và có đông người rước lễ, cùng với chủ tế cho các tín hữu khác Rước lễ, trong tư cách là thừa tác viên ngoại thường không? Hoặc là tốt nhất nên để cho một thừa tác viên ngoại thường khác cho Rước lễ?".

Đây rõ ràng là một tình huống hiếm có, và không được các qui chế dự liệu cấm chỉ định cách đặc cử (ad hoc) vợ chồng làm thừa tác viên ngoại thường. Trong trường hợp này, sự việc rằng họ vừa kết hôn trong thánh lễ không cản trở tự thể (per se) họ thực thi thừa tác ngoại thường của họ. Việc họ thực thi thừa tác hay không, đòi hỏi sự phán đoán thận trọng, theo hoàn cảnh và tình trạng cảm xúc của họ trong công việc. Nếu có bất kỳ nguy cơ nào cho chú rể hoặc cô dâu ngất xỉu chẳng hạn, thì họ nên được khuyên là đừng cho người khác Rước lễ. (Zenit.org 21-9-2010, 5-10-2010)

Nguyễn Trọng Đa
 
Văn Hóa
Và Con Tim đã vui trở lại - Trình bầy: Ca sĩ Hằng Nga
VietCatholic Network
13:08 13/09/2016
 
Trung Thu
Nhà Quê
12:59 13/09/2016
TRUNG THU

Trung thu trăng sáng giữa trời
Chị Hằng rạng rỡ gọi mời chúng em
Đốt đèn cho sáng tìm xem
Cuội già lặng lẽ hom hem nơi nào.

Cây đa tỏa bóng ra sao
Con trâu ăn cỏ ở đâu bây giờ
Ánh trăng vàng óng như tơ
Lung linh trời đất em ngơ ngẩn nhìn.

Chợt nghe trống đánh thùng thình
Một con lân dữ uốn mình vươn cao
Há to miệng, cúi mình chào
Xoay thân biểu diễn đi vào đi ra.

Chúng em nô nức gần xa
Dập dồn trống dục chạy ra nhập vào
Ồn ào cười nói xôn xao
Đuổi theo ông Địa bụng to hiền lành.

Tôn Ngộ Không thật là nhanh
Chạy qua chạy lại lanh chanh chọc cười
Chủ nhà thấy cũng thật tươi
Mở toang cửa đứng vẫy vời đón lân

Lồng đèn thắp sáng em cầm
Lung linh ánh nến dưới trăng mượt mà
Chúng em đi khắp mọi nhà
Cười cười nói nói hát ca vang trời.

“Trung Thu ngày tết vui chơi
Rước đèn đi khắp mọi nơi phố phường”
Đồng ca lời hát dễ thương
“Muốn lên cứ hỏi ông Trời cái thang”.

Ông bà cha mẹ họ hàng
Chờ em cắt bánh Trung Thu ở nhà
Em yêu lắm ánh trăng ngà
Mười lăm tháng Tám gọi là Trung Thu.

Thân tặng các cháu thiếu nhi – mùa Trung Thu 2016
Nhà Quê
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Sen Hồng
Mỹ Lê
20:35 13/09/2016
SEN HỒNG
Ảnh của Mỹ Lê
Mặt hồ lá xanh phủ
Ngăn đôi miền tục thanh
Dưới sâu bao bùn lấm
Trên cao sen vươn cành.
(Trích thơ của Hồng Vinh
 
VietCatholic TV
Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 07– 13/09/2016: Từ bỏ giàu sang để theo Mẹ Têrêsa Calcutta
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
03:54 13/09/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Rao giảng Tin Mừng không phải là công việc có thể thực hiện một cách máy móc

Trong bài giảng Thánh Lễ tại nhà nguyện Santa Marta vào sáng thứ Sáu 9 tháng 9, Đức Thánh Cha đã tập trung vào bản chất của công việc Truyền giáo. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng đó là một nghệ thuật và là một kỷ luật - không bao giờ là cớ để vênh vang; không bao giờ là một nhiệm vụ có thể được thực hiện một cách máy móc, và cũng chẳng bao giờ là một chuyện dễ dàng như “dạo bước trong công viên”.

Suy tư trên những bài đọc trong ngày thứ Sáu, kính nhớ Thánh Phêrô Claver, một linh mục dòng Tên và là một nhà truyền giáo cho những người nô lệ châu Phi tại Tân Thế Giới, Đức Thánh Cha giải thích rằng bản chất của việc truyền giáo là làm chứng cho Chúa Kitô bằng toàn bộ cuộc sống chứng tá của chúng ta.

Loan báo Tin Mừng không phải là cái cớ để vênh vang và không bao giờ là một nhiệm vụ có thể được thực hiện một cách máy móc

Tuy nhiên, đáng buồn thay, có một số Kitô hữu ngày nay, là những người sống để phục vụ Tin Mừng nhưng họ thực hiện điều đó đơn giản như là các công chức – và cũng có cả các linh mục và giáo dân tự hào về những gì họ làm.

Đức Thánh Cha chỉ ra rằng có nhiều người đi rao giảng Tin Mừng và đã mang được nhiều người vào Hội Thánh Chúa. Đó là một điều tốt đẹp nhưng xin đừng lấy đó làm cớ để vênh vang, để tự hào về bản thân mình. Tin Mừng không thể bị giản lược thành một nghề nghiệp hoặc thậm chí là một nguồn gốc của niềm tự hào. Ngài nhấn mạnh rằng rao giảng Tin Mừng không có nghĩa là chiêu dụ tín đồ, và cũng không thể giản lược thành một công việc được thực hiện như một con vẹt. Thánh Phaolô nói trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô (9: 16): “Đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm.” Đức Thánh Cha lặp lại rằng “đó là một sự cần thiết” là “một nhiệm vụ được giao phó cho tôi.”

Như thế, đâu là “phong cách” mà chúng ta rao giảng Tin Mừng? Để trả lời cho câu hỏi này, Đức Thánh Cha đã dùng những lời của Thánh Phaolô là “hãy trở thành tất cả mọi thứ cho mọi người”. Ngài nói: “Hãy đi và chia sẻ trong cuộc sống của những người khác, đồng hành cùng họ trên hành trình đức tin, để họ có thể tăng trưởng trong đức tin trên con đường lữ hành của họ.”

Rao giảng Tin Mừng là làm chứng, chứ không phải là nói cho nhiều

Chúng ta phải đặt mình vào tình trạng của người khác: không phải là chọn con đường khác, nhưng phải đi trên đường của chính họ. Ngài nhớ lại trong khi dùng bữa trưa với những người trẻ tại Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Krakow, một cậu bé hỏi ngài nên nói gì với một người bạn thân vô thần:

“Đó là một câu hỏi hay. Chúng ta ai cũng có những người quen là những người xa cách Giáo Hội. Chúng ta nên nói với họ những gì? Tôi trả lời rằng: ‘Điều cuối cùng con phải làm là nói cái gì đó! Nhưng trước hết hãy bắt đầu bằng việc làm, và người ta sẽ xem những gì con đang làm và hỏi con về điều đó; và khi người ấy hỏi con, lúc đó là lúc con sẽ nói với anh ta.’ Rao giảng Tin Mừng là làm chứng: tôi sống như thế vì tôi tin vào Chúa Giêsu Kitô. Tôi khơi dậy trong anh một sự tò mò, vì thế bạn hỏi tôi ‘Tại sao bạn làm như thế’ và câu trả lời là: ‘Bởi vì tôi tin vào Chúa Giêsu Kitô’; và không chỉ bằng lời nói mà thôi - bạn phải công bố Lời Chúa - nhưng với chính cuộc sống của mình.”

“Rao giảng Tin Mừng là như thế”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh và nói thêm rằng, “và điều này phải được thực hiện vô điều kiện. Chúng ta đã nhận được Tin Mừng một cách nhưng không. Ân sủng và sự cứu rỗi không thể mua bán được. Chúng ta nhận được nhưng không từ Thiên Chúa và chúng ta phải cho đi cách nhưng không”

Loan báo Đức Kitô là sống đức tin, và cho đi nhưng không tình yêu của Thiên Chúa

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhớ mọi người về Thánh Phêrô Claver mà Giáo Hội mừng kính trong ngày. Ngài nói: “Thánh Phêrô Claver nghĩ rằng tương lai của mình được dành cho việc rao giảng Tin Mừng. Nhưng Chúa yêu cầu ngài đến với những người bị xã hội 'bỏ đi' tại thời điểm đó: những người nô lệ, những người da đen từ châu Phi bị bán làm nô lệ ở đó”

“Thánh nhân đã không phiêu du tang bồng nói rằng ngài đang rao giảng Phúc Âm. Ngài không giản lược việc loan báo Tin Mừng thành một nhiệm vụ của một con vẹt, và thậm chí thành một công việc chiêu dụ tín đồ; Ngài đã công bố Chúa Giêsu Kitô qua hành động của mình, nói chuyện với những người nô lệ, sống chung với họ, sống như họ - và có rất nhiều người đã làm như ngài trong Giáo Hội - nhiều người quên đi bản thân mình khi rao giảng Chúa Giêsu Kitô.

Tất cả chúng ta, anh chị em thân mến, chúng ta có bổn phận truyền giáo - và đó không có nghĩa là gõ cửa nhà hàng xóm nói ‘Chúa sống lại rồi!’, nhưng là sống đức tin, là nói về đức tin ấy với sự hiền lành, với tình yêu, không thèm khát chiến thắng trong cuộc tranh luận, nhưng là để cho đi nhưng không tình yêu mà Thiên Chúa đã cho tôi nhưng không - rao giảng Tin Mừng nghĩa là như thế”.

2. Từ bỏ giàu sang để theo Mẹ Têrêsa Calcutta

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Một trong những chuyện cảm động được báo chí nêu lên dịp tuyên thánh Mẹ Têrêsa là câu chuyện của nữ tu Maria Donna Dewiyanti Darmoko, năm nay 28 tuổi.

Sinh ra trong một trong những gia đình giàu nhất tại Indonesia, Maria Donna Dewiyanti Darmoko, người Indonesia gốc Trung hoa, đã rời bỏ những xa hoa nhung lụa để dâng hiến đời mình phục vụ cho những người nghèo ở Hương Cảng, Hoa kỳ và hiện nay ở Đông Timor. Chị vào dòng Mẹ Têrêsa và nhận tên gọi Lucy Agnes.

Maria Donna sinh tại Kudus, trong một gia đình Công Giáo giàu có, sở hữu ngành công nghiệp thuốc lá PT Djarum. Cô đã theo học tại Úc và sau đó tốt nghiệp tại Hoa kỳ. Trong một lần nghỉ hè với gia đình ở Hương Cảng, trong một khách sạn sang trọng, cô cảm thấy khó chịu và buồn nôn trước những người vô gia cư, nghèo khổ, dơ dáy, bệnh tật trước khách sạn và trên các con đường của Hương Cảng. Cô muốn chạy khỏi cảnh tượng này nhưng trong lòng cô đã có điều gì đó ngăn cô lại. Cô nghe như có tiếng nói bảo cô trở lại với họ để làm một điều gì đó cho những người kém may mắn này.

Trở về Hoa Kỳ, cô gặp các nữ tu Thừa sai bác ái và tham gia vào việc chăm sóc các người vô gia cư ở Illinois. Từ kinh nghiệm này, Maria Donna sau nhiều đêm suy tư đã quyết định vào dòng các Thừa sai bác ái với tên gọi Lucy Agnes. Cha mẹ của cô phản đối dữ dội. Nhưng sau đó, họ cũng bằng lòng cho cô nghe theo tiếng gọi con tim.

Từ ngày đó chị Lucy bắt đầu làm việc với người nghèo và những người thấp bé nhất trong xã hội. Hiện nay chị đang phục vụ ở Đông Timor, một trong những đất nước nghèo nhất Á châu.

3. Hội đàm chẳng mang lại hòa bình nếu lòng người dưỡng nuôi chinh chiến

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tái tục các Thánh Lễ hàng ngày tại nhà nguyện Santa Marta sau kỳ nghỉ hè. Trong bài giảng đầu tiên hôm thứ Năm 08 tháng 9, ngài đã nói về tầm quan trọng của việc kiến tạo hòa bình từ những hành động nhỏ nhặt, hàng ngày - bởi vì, chính từ những cử chỉ nhỏ bé hàng ngày mà hòa bình trên quy mô toàn cầu được nẩy sinh.

Đừng quá hy vọng vào những cuộc hội đàm quốc tế trong việc kiến tạo hòa bình. Hòa bình là một ân sủng từ Thiên Chúa được phát sinh từ những nơi nhỏ bé như trong trái tim con người, hay trong một giấc mơ, như đã từng xảy ra với Thánh Giuse khi Thiên Thần nói với ngài đừng ngại đón Maria về làm vợ mình, vì Mẹ sẽ cung cấp cho thế giới Đấng “Emmanuel”, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta.” Và “Thiên Chúa ở cùng chúng ta có nghĩa là hòa bình.”

Ân sủng phát sinh từ công việc hàng ngày

Đức Thánh Cha bắt đầu bài Suy niệm ngài với nhưng suy từ về danh từ ‘hòa bình’ được đề cập trong lời nguyện đầu lễ. Ngài tập trung vào những từ trong lời nguyện này: ‘xin cho tất cả chúng con được triển nở trong sự hợp nhất và bình an’. Chúng ta phải hoạt động để ‘triển nở’ trong hòa bình vì hòa bình tự nó là kết quả của một cuộc hành trình cam go cả đời, vì thế, mỗi người phải hoạt động để hòa bình được không ngừng triển nở.

“Con đường này của các thánh và các tội nhân nói với chúng ta rằng chúng ta phải đón nhận hòa bình, coi hòa bình là con đường chúng ta phải theo, hội nhập hòa bình vào hành trình đời sống của ta, hội nhập vào tâm hồn ta và vào thế giới. Hòa bình không thể là chuyện một sớm một chiều. Hòa bình là ân ban mà chúng ta phải đón nhận và hoạt động mỗi ngày. Vì thế, chúng ta có thể nói rằng hòa bình là một ân sủng trở thành hiện thực trong bàn tay lao tác của con người. Chúng ta, những người nam nữ trên trái đất này, mỗi ngày phải tiến thêm một bước gần hơn về phía hòa bình. Đó là công việc của chúng ta. Nhiệm vụ của chúng ta với ân sủng được nhận lãnh là: kiến tạo hòa bình.

Cuộc chiến nội tâm, cuộc chiến ngoài thế giới

Nhưng làm sao để chúng ta có thể thành công trong mục tiêu này. Bài đọc hôm nay đã cho thấy rằng có một từ ngữ chuyên biệt: đó là từ ngữ “sự nhỏ bé” được dùng khi nói về Mẹ Maria mà chúng ta mừng trong lễ Giáng Sinh, và cũng được dùng khi nói về thành Bêlem, một thành “nhỏ bé đến nỗi không có trên bản đồ.”

Hòa bình là một ân sủng, một ân sủng do bàn tay lao tác hằng ngày, từ những điều nhỏ bé của cuộc sống hằng ngày. Người ta không thể kiến tạo hòa bình trong những cuộc hội đàm, trong những cuộc gặp gỡ quốc tế vĩ đại. Nhưng trái lại, hòa bình được tìm thấy trong những điều nhỏ bé. Chúng ta có thể nói về hòa bình bằng những lời hoa mỹ, có thể triệu tập những hội nghị lớn để bàn về hòa bình… Nhưng nếu trong chính chúng ta, trong con tim của chúng ta không có bình an, trong gia đình của chúng ta không có bình an, trong khu phố của chúng ta không có bình an, trong nơi làm việc của chúng ta không có bình an; thì cũng sẽ chẳng bao giờ có được hòa bình trên thế giới này.

Câu hỏi cần phải hỏi

Đức Thánh Cha Phanxicô đề nghị rằng chúng ta cần phải nài xin Thiên Chúa ân sủng của sự khôn ngoan để biết kiến tạo hòa bình, từ những công việc nhỏ nhặt trong cuộc sống nhưng hướng đến vào chân trời của toàn nhân loại. Đặc biệt, ngày hôm nay, chúng ta đang sống trong chiến tranh và tất cả mọi người đều mong muốn hòa bình. Và vì thế thật là chính đáng để bắt đầu với câu hỏi sau đây:

‘Ngày hôm nay, tâm hồn của anh chị em như thế nào? Phải chăng đang có bình an? Nếu như tâm hồn anh chị em bất an, thì trước khi nói về hòa bình, hãy làm cho tâm hồn mình bình an trước đã. Gia đình của anh chị em hôm nay như thế nào? Có bình an không? Nếu anh chị em không thể thăng tiến gia đình, xứ đạo, cộng đoàn, dòng tu của anh chị em trong hòa bình thì hãy khoan nói về hòa bình cho thế giới này… Bởi thế, câu hỏi mà ngày hôm nay tôi muốn chia sẻ với anh chị em: Tâm hồn của mỗi người chúng ta như thế nào? Có bình an không? Gia đình của mỗi người chúng ta như thế nào? Có được thanh thản hay không? Đó là cách mang hòa bình đến cho thế giới.”

4. Khoa học và đức tin

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong một báo cáo mới đây, tiến sĩ Mark Gray, một chuyên viên nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu ứng dụng Tông đồ tại đại học Georgetown cho biết, lý do các người trẻ rời bỏ đức tin ở độ tuổi còn trẻ, có khi chưa tới 10 tuổi, bên cạnh lý do Thánh lễ nhàm chán, còn có những lý do sâu xa hơn.

Tìm hiểu lý do các người trẻ Công Giáo rời bỏ đức tin, ông thấy rằng những người này thấy đức tin không tương thích với những gì họ học ở trung học hay ở đại học. Trong cuộc chiến về nhận thức giữa Giáo Hội Công Giáo và khoa học, Giáo Hội đang thua. Giáo Hội đang mất các tín hữu Công Giáo ở độ tuổi thanh niên. Thật thế, 63% những người được hỏi nói họ bỏ đạo trong khoảng từ 10 đến 17 tuổi, và 23 % trước khi lên 10.

Điều này có thể xuất phát từ việc tách biệt giữa giáo dục khoa học và đức tin. Trong nhiều trường hợp, trong khi người trẻ tham dự Thánh lễ chỉ một tuần một lần thì phần lớn thời gian còn lại họ được dạy bảo về những điều trái ngược với đức tin.

Làm sao cha mẹ nuôi dạy con cái mình trong đức tin? Cha Matthew Schneider, chuyên trách mục vụ giới trẻ, đã đưa ra nghiên cứu của một giáo sư ở đại học Notre Dame, Hoa Kỳ, là người đã kết luận rằng sự kết hợp của 3 yếu tố sẽ giúp giữ lại 80% người trẻ Công Giáo.

Nếu con cái chúng ta có một hoạt động cuối tuần như giáo lý, học hỏi Kinh thánh hay nhóm trẻ; nếu có những người lớn ở giáo xứ, không phải là cha mẹ của họ, mà họ có thể chuyện trò về đức tin; và nếu họ có một kinh nghiệm thiêng liêng sâu sắc, họ sẽ có khả năng sống đạo và giữ vững đức tin Công Giáo cao hơn.

Theo tiến sĩ Gray, các cha mẹ cần ý thức về niềm tin của con em họ, vì có những cha mẹ không hề quan tâm đến đức tin của con cái. Lắm khi, họ không biết rằng con cái họ không còn tuyên xưng chúng là người Công Giáo nữa.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Giáo Hội luôn cởi mở với khoa học; không có sự xung đột thật sự giữa khoa học và đức tin và trong thực tế hàng trăm năm nay các Đại Học Công Giáo luôn minh chứng cho sự cổ vũ khoa học của Giáo Hội.

5. Các hình thức nô lệ mới

Trong buổi tiếp kiến 30 ngàn tín hữu hành hương sáng ngày 10-9, Đức Thánh Cha phê bình ảo tưởng của nhiều người ngày nay, tưởng rằng mình có thể được giải thoát nhờ sức riêng của mình.

Đây là buổi tiếp kiến chung đặc biệt trong Năm Thánh mỗi tháng một lần vào một buổi sáng thứ bẩy. Trong bài huấn giáo, Đức Thánh Cha đã nói về đề tài “Lòng thương xót và ơn cứu chuộc, dựa trên thư thứ I của thánh Phêrô, đoạn 1 (1,18-21): Thiên Chúa cứu chuộc chúng ta trong máu của Chúa Giêsu Con của Ngài.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng “Dường như con người ngày nay không thích nghĩ mình được giải thoát và cứu độ nhờ sự can thiệp của Thiên Chúa; họ có ảo tưởng về tự do của mình như sức mạnh để đạt được mọi sự. Nhưng thực tế không phải như vậy. Bao nhiêu ảo tưởng đã được bán đi dưới danh nghĩa tự do và bao nhiêu thứ nô lệ mới người ta tạo nên ngày nay nhân danh một thứ tự do giả tạo! Chúng ta cần Thiên Chúa Đấng giải thoát chúng ta khỏi mọi hình thức dửng dưng, ích kỷ và tự mãn”.

Đức Thánh Cha xác quyết rằng “Nhờ sự chết và phục sinh của Ngài, Chúa Giêsu Kitô, Con Chiên không vết tỳ ố, đã chiến thắng sự chết và tội lỗi để giải thoát chúng ta khỏi sự thống trị của chúng. Người là Con Chiên đã bị sát tế vì chúng ta, để chúng ta có thể đươc một cuộc sống mới với ơn tha thứ, yêu thương và vui mừng”.

Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng “Chắc hẳn cuộc sống đặt chúng ta trước thử thách và nhiều khi chúng ta đau khổ vì những thử thách ấy. Nhưng trong những lúc đó, chúng ta được mời gọi hướng nhìn Chúa Giêsu chịu đóng đanh, Người đang chịu đau khổ vì chúng ta và với chúng ta, như bằng chứng chắc chắn Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta. Dầu sao chúng ta không bao giờ được quên rằng trong lo âu và bách hại, cũng như trong những đau khổ hằng ngày, chúng ta luôn được giải thoát nhờ bàn tay thương xót của Thiên Chúa, Đấng nâng chúng ta lên cùng Người và dẫn chúng ta đến một đời sống mới”.

Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở rằng: “Tình thương của Thiên Chúa thật là vô biên: chúng ta có thể khám phá những dấu hiệu luôn mới mẻ chỉ cho chúng ta thấy sự quan tâm của Chúa đối với chúng ta, và nhất là ý Chúa muốn đến với chúng ta và đi trước chúng ta. Toàn thể cuộc sống của chúng ta, tuy bị mong manh vì tội lỗi, vẫn được đặt dưới cái nhìn của Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta”