Ngày 13-09-2013
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ơi Mất!
Nguyễn Trung Tây, SVD
05:22 13/09/2013
Nguyễn Trung Tây, SVD
Ơi Mất!


Em hồi xưa giúp lễ cho tôi. Bây giờ lớn rồi, thôi, nhưng đi lễ Chúa Nhật đều đặn, có những lần tôi còn thấy em tham dự thánh lễ ngày thường. 5:30 chiều, mặc áo lễ, tiến ra cung thánh, tôi đã nhìn thấy em, ngồi ngay hàng ghế đầu. Có một thời tôi nghĩ chắc em có ơn gọi linh mục hoặc tu sĩ. Nhưng mới đây, thấy em trên phố với một cô gái tóc đen nhánh. Có lần thấy cả hai tham dự thánh lễ. Con trai sinh ra bên Úc mà tiếng Việt nói giỏi không thua chi tiếng Anh. Còn hơn một năm nữa, em sẽ ra trường, văn bằng Master. Chiều hôm qua, em ghé vào nhà tôi, miệng sặc sụa mùi rượu. Tôi hỏi sao lại uống rượu ban ngày. Em nói bị vợ bỏ! Tôi phá ra cười trong bụng, nhưng không tỏ lộ trên nét mặt, bởi em đã đám cưới bao giờ đâu mà có vợ. Tôi hỏi em bây giờ thì sao? Em nghiêm nét mặt nói ngày mai cha ra nhà xác mang con về, chôn ở đất thánh. Tôi hơi hốt hoảng, nói bộ không còn gì để cứu vãn nữa hay sao? Em con trai râu quai nón nhìn rất nam nhi mà tự dưng lăn dài hai hàng nước mắt. Em nức nở khóc nói nó bỏ con đi lấy chồng rồi. Cha ơi giờ con mất hết, chẳng còn gì nữa. Em gục mặt xuống khóc nức nở. Nhìn em khóc, tôi cũng mủi lòng. Tôi thương em khổ. Tôi muốn an ủi nói thời gian sẽ chữa lành vết thương. Nhưng tôi yên lặng không nói chi, bởi biết có nói cũng bằng thừa. Nhìn em, tôi nghĩ tới đồng tiền bị lạc mất của người phụ nữ trong Tin Mừng Luca, Chương 15.

Chị sinh hoạt trong Ca Đoàn, tôi lâu lâu ghé vào chia sẻ một bài giảng, dâng một thánh lễ. Hôm tôi giảng về đồng tiền rơi mất và con chiên đi lạc, tự nhiên chị ngồi ôm mặt khóc thành tiếng. Cuối ngày cấm phòng, chị nói riêng với tôi, “Cha nghĩ thử coi, chồng thì chết trong trại cải tạo, xác không biết chôn ở đâu. Còn mỗi mình nó, chị bồng nó trên vai xin phép anh cho chị mang con đi vượt biên. Tới Úc, chị ngày làm việc từ sáng tới tối nuôi con. Người Tây người Việt lờn vờn trước cửa nhà, trong văn phòng, nhưng chị đóng cửa lòng nuôi con khôn lớn. Mười tám tuổi, nó xin phép mẹ đi dự tiệc Prom ra trường. Nửa đêm, đồng hồ gõ 12 tiếng, cảnh sát gõ cửa đưa tin con chị bị xe vận tải cán! Nát bấy! Chị dấu mặt vào hai lòng bàn tay, khóc mùi mẫn. Chị than, “Cha ơi, mất hết! Mất hết không còn gì!”.

Tôi nhìn chị khóc, tôi lại nghĩ tới đồng tiền lạc mất của người phụ nữ trong Tin Mừng Luca.

Tôi nghĩ tới những lần tôi cũng đã thất vọng khi con thuyền đánh cá đang lênh đênh trên biển, những người trên thuyền đang bị hải tặc hành hung, khiến cho máu đỏ, mạng sống, đời người loang lổ trên sàn tàu gỗ nhỏ nhoi. Thuyền bị sóng đánh trôi dạt về lại bờ biển Việt. Tôi mất hết, vàng bạc của bố mẹ và tương lai. Ngồi trong nhà tù ẩm thẩp, đói khát xanh xao, hồn thanh niên 16 gậm nhấm nỗi buồn của Mất! Bao nhiêu mộng mơ vào tương lai, giờ đã tan biết hết. Mất hết!

Nhưng tạ ơn Thiên Chúa, bởi Ngài đã gửi Con Trời/Tin Mừng xuống trần gian cho những cuộc đời bất hạnh: Phận người mất mát! Đồng tiền lạc mất! Con chiên lạc mất! Tin Mừng Luca Chương 15: 1-10 không dừng lại ở chỗ “mất”. Nhưng cuối cùng cả hai đều được tìm thấy. Trong cả hai trường hợp, Thiên Chúa qua hình ảnh của người phụ nữ và người chăn chiên đều bỏ công đi tìm vật đã mất. Người phụ nữ soi đèn, quét dọn tìm kiếm đồng tiền “mất”, người chăn chiên bỏ lại đàn chiên chin mươi chín con, lên đường tìm con chiên lạc “mất”. Kiếm được, cả hai đều gọi mở tung cửa, gọi hàng xóm và bạn bè đến chia sẻ niềm vui, “Hãy chung vui với tôi, bởi đồng tiền đã mất, giờ tìm lại được! Hãy chia sẻ niềm vui với tôi, bởi con chiên lạc, giờ đã tìm thấy.”

Thật vậy, cuộc sống trần gian, ai chẳng có ít ra một lần lạc, một phút mất, tựa như đồng bạc, tựa như con chiên… Nhưng Chúa Thiên Đàng, chưa một lần bỏ rơi tôi, dù tôi cố tình nấp trong kẽ gạch của sàn nhà, hoặc trốn trong bụi rậm của đồng cỏ. Tôi nấp, tôi trốn, tôi bỏ đi, nhưng Chúa vẫn cất công lên đường tìm kiếm tôi. Ngài đã từng bỏ trời cao, xuống trần thế chỉ để đi tìm tôi. Và khi gặp tôi, đồng tiền đánh mất, con chiên lạc mất, Ngài cười vui, Ngài hân hoan, bởi Ngài đã tìm thấy được tôi, bụi tro chẳng đáng giá mấy hào bạc cắc… Ơi mất! Ơi Chúa!

Nghĩ tới những lần mất, những lần lạc đường, qua những giây phút đó, tôi cảm nghiệm được một phần nho nhỏ tình yêu bao la của thiên đàng.
Nguyễn Trung Tây, SVD
www.nguyentrungtay.com
 
Thiên Chúa thương và tha thứ
Lm Giuse Đinh Lập Liễm
06:02 13/09/2013
Chúa Nhật 24 THƯỜNG NIÊN C
Thiên Chúa THƯƠNG XÓT VÀ THA THỨ


A. DẪN NHẬP

Chủ đề của ba bài đọc hôm nay là Thiên Chúa thương xót những người tội lỗi. Trong bài đọc 1, chúng ta thấy ngay sau khi dân Do thái ký Giao ước với Thiên Chúa đã quay ra phản bội, họ đã bỏ Chúa mà đi tìm một thần tượng khác làm hộ mạng, tức là thờ lạy con bê vàng. Thiên Chúa nổi cơn thịnh nộ định tiêu diệt dân này để lập một dân lớn hơn, trung thành hơn, nhưng nhờ lời cầu xin của ông Maisen, Thiên Chúa đã nguôi giận và tha tội cho dân. Thực ra, sứ điệp mà Thiên Chúa muốn gửi đến cho chúng ta qua bài đọc 1 này là Thiên Chúa rộng lòng thương xót sẵn lòng tha thứ cho những kẻ tội lỗi.

Lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa được thể hiện một cách cụ thể trong Đức Giêsu Kitô. Sự kiện Đức Giêsu đã đón tiếp và cùng ăn với những người tội lỗi làm cho những người biệt phái phẫn nộ. Họ là những người “biệt phái” tránh né mọi tiếp xúc với những người tội lỗi. Họ cho rằng những kẻ tội lỗi là những đồ bỏ đi. Phản ứng lại những lời chỉ trích của nhóm họ, Đức Giêsu đã chỉ ra cho họ một Thiên Chúa giầu lòng thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan dung, Ngài sẵn sàng tha thứ cho mọi lỗi lầm của con người, bằng cách đưa ra ba dụ ngôn : con chiên đi lạc, đồng tiền bị mất và đứa con hoang đàng. Cả ba dụ ngôn đều nhấn mạnh đến việc Thiên Chúa quan tâm đến một người hư mất và niềm vui của Ngài khi tìm lại được một người hư mất.

Theo gương Đức Giêsu, chúng ta phải thay đổi cách nhìn của chúng ta đối với người tội lỗi. Họ không phải là những hạng người bỏ đi như người biệt phái vẫn nghĩ thế; trái lại, họ là một con người, một con người cao qúi trước mặt Chúa không thể để hư mất. Nếu họ hư đi thì phải nỗ lực đi tìm kiếm như người chăn chiên bỏ 99 con mà đi tìm con chiên lạc, đem về cùng chung vui vì một người tội lỗi đã trở lại.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1 : Xh 32,7-11.13-14

Ngay sau khi Thiên Chúa ký Giao ước với dân Israel, họ đã vi phạm Giao ước. Vì ông Maisen ở lâu trên núi, nên dân đâm ra sợ hãi và tự tạo cho mình một thần tượng để hộ mạng. Đó là dân đã đúc con bê vàng và thờ lạy trước tượng đó. Sự bất tín này làm Thiên Chúa nổi giận và muốn tiêu diệt dân, đồng thời Ngài lại hứa với Maisen như xưa đã hứa với Abraham là sẽ làm cho ông nên tổ phụ của một dân tộc lớn. Nhưng ông Maisen đã khẩn khoản xin Chúa tha tội cho dân, và cuối cùng Thiên Chúa nguôi giận không giữ ý định tiêu diệt Israel nữa.

Mặc dầu Thiên Chúa hứa tạo cho ông một dân tộc mới, ông đã không lìa bỏ dân tộc mình, vẫn liên đới gắn bó với dân như trước. Chính ông van xin Thiên Chúa tha thứ và được Ngài nhận lời vì Thiên Chúa kiên nhẫn và trung tín.


+ Bài đọc 2 : 1Tm 1,12-17

Trước khi nói cùng ông Timôthê yêu dấu, thánh Phaolô muốn nhắc lại cách Thiên Chúa đối xử với loài người. Nếu không có điều ấy, ơn gọi của chính ngài khó mà giải thích được : Thiên Chúa tha thứ. Ngài tạ ơn Chúa vì lòng nhân từ thương xót của Chúa.

Trước kia, ngài là người bắt đạo và ngạo ngược nhưng đã được Chúa xót thương. Sự trở lại của ngài là một thí dụ điển hình về ơn tha thứ Thiên Chúa dành cho mọi người.

+ Bài Tin mừng : Lc 15,1-32

Thấy Đức Giêsu hay gần gũi với những người tội lỗi, nhóm biệt phái và luật sĩ tỏ ra rất khó chịu, lẩm bẩm với Ngài. Nhân dịp này Đức Giêsu đưa ra ba dụ ngôn nói lên lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa đối với tội nhân : con chiên bị lạc, đồng tiền bị mất và đứa con hoang đàng. Tất cả đều nói lên Thiên Chúa là người Cha nhân hậu.

Để ý nhận xét, đồng tiền là một vật nhỏ nhất mà cũng mất công tìm tòi kỹ lưỡng, điều này nói lên sự quan tâm rất mực của Thiên Chúa đối với tội nhân. Dụ ngôn đứa con hoang đàng trở về càng làm nổi bật lòng nhân hậu, thứ tha của Thiên Chúa, Ngài là người Cha không bao giờ bỏ rơi con cái bạc bẽo. Chi tiết này càng làm cho người tội lỗi vững tâm trở về cùng Chúa.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Tấm lòng nhân hậu của người Cha

I. Thiên Chúa KÊU GỌI NGƯỜI TỘI LỖI

1. Hòan cảnh đưa đến dụ ngôn

Đối với Đức Giêsu, người ta có hai thái độ trái ngược nhau : đối với những người biệt phái và luật sĩ, họ cho mình là người công chính nên khinh thường và tẩy chay Ngài. Còn những người tội lỗi thì lại đến gần Ngài, nghe Ngài giảng và sửa đổi con người của mình. Người Do thái rất khó chịu khi thấy Đức Giêsu giao du với những người tội lỗi và lại còn đồng bàn với họ nữa. Người ta khó chịu với Đức Giêsu vì họ thấy Ngài cư xử ngược với quan niệm của họ.

Đạo sĩ Do thái đã xếp tất cả những ai không tuân giữ luật pháp vào chung một hạng, họ gọi những người đó là “Dân của đất”. Có một hàng rào ngăn cách dứt khoát giữa những đạo sĩ Do thái và người “Dân của đất”. Gả con gái cho một người dân của đất thì chẳng khác gì trói cô gái ấy nộp cho sư tử. Luật của đạo sĩ Do thái dạy rằng : Khi có một người là dân của đất, thì đừng trao tiền cho nó, đừng lấy chứng của nó, đừng nói điều bí mật cho nó, đừng đặt nó coi kẻ mồ côi, đừng để nó giữ của bố thí, đừng đi đường với nó”.

Có luật cấm đạo sĩ Do thái không được mời một người dân của đất đến dùng bữa, cũng không được nhận lời mời của ai trong hạng người đó. Luật cấm đạo sĩ Do thái không được giao dịch thông thường với họ, không được mua gì của họ hoặc bán gì cho họ. Các đạo sĩ Do thái quyết tâm tránh hẳn mọi liên hệ với đám dân của đất, tức là những người không giữ đủ các chi tiết tỉ mỉ trong luật pháp.

Trước thái độ kỳ thị ra mặt của các đạo sĩ Do thái đối với người bị coi là tội lỗi, Đức Giêsu mới kể cho họ ba dụ ngôn để nói về lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa, Ngài muốn tìm kiếm và cứu vớt những gì đã lạc mất.

2. Ba dụ ngôn của Đức Giêsu

a) Dụ ngôn con chiên đi lạc

Trước tiên ta cần lưu ý là hình ảnh người chăn chiên và bầy chiên là chủ đề cổ điển trong Cựu ước nói lên tương quan giữa Thiên Chúa và dân Ngài (St 48,15 : Lc 12.32). Dụ ngôn này cũng có trong Tin mừng Matthêu, nhưng trong lúc Matthêu áp dụng vào trách nhiệm những vị lãnh đạo Giáo Hội, còn Luca nói lên việc Thiên Chúa tìm kiếm người tội lỗi.

Trong dụ ngôn này, người mục tử đã bỏ 99 con kia, dĩ nhiên là được canh giữ cẩn thận, để đi tìm con chiên lạc. Con chiên lạc này mất vì lý do nào đó không được nêu ra trong dụ ngôn. Nhưng có một đều chắc chắn là nó đang sống những giây phút khốn cực, cần sự giúp đỡ của chủ chăn. Chủ chăn đã phải bỏ 99 con trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc. Một con sánh với 99 con còn lại thì chỉ như số không, không đáng gì, đâu có làm cho ông nghèo đi chút nào. Việc làm của ông chứng tỏ hùng hồn rằng : bất cứ giá nào, ông cũng không để mất, dù một con. Một con đây cho giá trị như 99 con. Ý nghĩa này nói lên tầm mức quan trọng và tự do sự trở về của tội nhân : Quan trọng đến nỗi bất cứ giá nào, người tội lỗi đó cũng phải được trở về, điều đó chứng tỏ lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân.

Còn một chi tiết làm cho chúng ta cảm động :”vác con chiên trên đôi vai”, vì khi con chiên đi lang thang nhiều giờ hay nhiều ngày xa đàn chiên, nó kiệt sức và nằm xuống. Thật ra phải vác nó lên thôi. Và một con chiên nặng đấy ! Nhất là khi người chăn chiên cũng đã chạy nhiều giờ trên những ngọn đồi đầy sỏi đá dưới ánh nắng mặt trời… Chính người chăn chiên cũng rất mệt nhọc ! Nhưng, Đức Giêsu nói hoàn toàn vui mừng, người đó quên đi sự mệt nhọc của mình, bế nó lên tay và vác nó trên vai.

Chính Thiên Chúa giới thiệu với chúng ta như thế ! Vả lại hình ảnh ấy không mới mẻ. Toàn thể Thánh Kinh đã thể hiện Thiên Chúa dưới những đường nét của “người chăn chiên” (Is 40,11-49, 10 …(Quesson).

b) Dụ ngôn đồng tiền bị mất

Đức Giêsu lại tiếp nối tư tưởng bằng một dụ ngôn khác. Đồng tiền nói ở đây là một đồng tiền nhỏ, dễ bị mất trong nhà dân quê xứ Palestina, và có khi phải mất rất nhiều thì giờ mới tìm lại được. Nhà của người Do thái thường tối om, vì chỉ có một cửa sổ tròn đường kính khỏang 45 phân. Nền nhà thì bằng đất nện được phủ bằng những tấm liếp sậy và cành cây khô. Tìm kiếm một đồng bạc trên một nền nhà như thế khác nào tìm một cây kim trong đống rác. Nhưng người đàn bà quét đi quét lại, tìm cho bằng được.

Một đồng bạc ở đây có giá trị tương đương với một ngày làm công (Mt 20,2). Ở đây muốn nói lên sự mất mát dù chỉ có một đồng cũng là điều quan trọng khiến cho chủ cũng phải tốn công tìm kiếm. Điều này cũng muốn ám chỉ lòng thương yêu của Thiên Chúa không muốn để ai bị hư đi, nhưng muốn cứu vớt mọi người.

Ngoài lý do vì nhu cầu cần tìm đồng tiền bị mất, lại còn có một lý do khác thơ mộng hơn. Tại Palestina, dấu hiệu của người đàn bà có chồng là một chiếc vành trên đầu làm bằng 10 đồng tiền nhỏ bằng bạc xâu lại với nhau bằng một sợ dây bạc. Trong nhiều năm, một cô gái làm lụng và để dành cho đủ 10 đồng tiền nhỏ đó. Bởi vì cái chuỗi trên đầu của nàng cũng đáng giá gần bằng chiếc nhẫn cưới. Khi nàng đã sắm được nó thì trở nên của riêng nàng, đặc biệt đến nỗi người khác không thể đoạt lấy của nàng món nữ trang đó để trừ nợ. Có thể người đàn bà trong dụ ngôn đánh mất một đồng bạc thuộc loại đó, và bà ta đã tìm kiếm nó như bất cứ người nào khác cũng làm như thế khi đánh mất cái nhẫn cưới vậy.

Vì thế, chúng ta dễ hiểu nỗi vui mừng của người đàn bà khi tìm lại được đồng bạc bị mất. Đức Giêsu cho biết : cũng thế, Thiên Chúa và các thiên sứ vui mừng khi một người ăn năn trở về, như khi một gia đình vui mừng tìm lại được đồng bạc quyết định cái no hay cái đói của họ, hay cũng giống người đàn bà đánh mất một tài sản có giá trị hơn tiền bạc rồi lại tìm lại được.

c) Dụ ngôn đứa con hoang đàng

Niềm vui lạ lùng này được sáng tỏ hơn trong dụ ngôn đứa con hoang đàng. Ông chủ chỉ có hai người con trai, tưởng rằng được sống bình yên trong tuổi già với hai con. Nhưng người con thứ tính phóng khoáng, thích tụ tập, muốn xin cha chia gia tài cho anh.

Theo luật Do thái, người cha không được chia gia tài tùy ý mình thích, đứa con cả đương nhiên được hưởng 2/3, đứa con thứ được 1/3 gia tài (x. Đnl 21,17). Không phải là một việc lạ khi một người cha phân chia gia tài ngay khi còn sống nếu ông muốn được nghỉ ngơi khỏi bận tâm buôn bán làm ăn. Nhưng có một sự trơ tráo nơi đứa con thứ khi chính nó đề xuất việc chia gia tài. Khi nó nói với cha nó :”Cha hãy cho tôi ngay bây giờ phần gia tài mà trước sau gì tôi cũng lãnh được sau khi cha chết, và hãy để tôi ra khỏi nhà này”. Người cha không tranh luận gì, ông hiểu rằng nếu con ông cần một bài học thì nó sẽ có một bài học đắt giá, và ông đã chia gia tài cho nó. Tức khắc đứa con lấy phần dành cho nó và bỏ nhà ra đi.

Tuy nhiên, việc xin chia gia tài này có hợp lý không, thì không rõ, chỉ biết rằng sau này chính người con thứ đã hối hận vì hành động trên.

Đi xa nhà một thời gian, nó đã nhanh chóng xài hết tiền và kết thúc bằng việc chăn heo, một công việc đáng nguyền rủa của người Do thái… Trong cảnh khốn cùng, nó hồi tâm suy nghĩ lại và quyết định ra đi về với cha nó mà chỉ xin được coi như một đứa đầy tớ thôi, chứ không dám nhận là con nữa. Nó trở về, cha nó chạy ra ôm chằm lấy mà hôn. Cha nó không để nó kịp mở miệng xin làm đầy tớ, ông đã lên tiếng trước. Ông đã phục hồi địa vị làm con cho nó bằng những cử chỉ đầy ý nghĩa :

. Xỏ giầy vào chân cậu : Xỏ giầy vào chân chứng tỏ ông đã tha thứ hoàn toàn cho cậu. Vào thời Kinh Thánh thuở xưa, mang giầy là dấu chỉ của một người tự do, còn đám nô lệ thì đi chân trần. Xỏ giầy vào đôi chân trần của cậu con tức là xóa đi dấu hiệu thằng con ấy từng là nô lệ của một người nào đó, và đồng thời trả lại cho cậu ta dấu chỉ cậu là đứa con trai trong gia đình.

. Trao nhẫn cho cậu : Gắn nhẫn vào ngón tay cậu chứng tỏ ông bố phục hồi trọn vẹn cho cậu tình trạng trước khi cậu bỏ nhà ra đi. Đeo nó vào đồng nghĩa với được quyền hành xử như một thành viên trong gia đình.

Và như thế, khi choàng tay ôm, xỏ giầy, đeo nhẫn cho đứa con trai, người bố đã cho thấy ông hoàn toàn nồng nhiệt tiếp đón cậu ta, tha thứ hoàn toàn và phục hồi cho cậu ta trọn vẹn tình trạng trước khi cậu bỏ nhà ra đi.

Truyện : Vải trắng trên cây táo
Richard Pindell có viết một chuyện ngắn nhan đề “Đứa con trai của một người nào đó” (somebody’s son). Câu chuyện mở đầu với một cậu bé tên là David bỏ nhà ra đi sống bụi đời. Vì khó quá, không chịu nổi, cậu bèn viết một lá thư gửi về nhà cho mẹ bày tỏ niềm hy vọng được ông bố cổ hủ tha thứ cho cậu và chấp nhận cậu làm con trở lại. Lá thư như sau :”Mẹ kính mến, trong một vài ngày nữa con sẽ đi ngang qua nhà. Nếu bố bằng lòng nhận con trở lại, thì mẹ yêu cầu bố cột một miếng vải trắng lên cây táo hồng ở miếng đất cạnh nhà chúng ta”.

Vài ngày sau, David lên xe lửa đi về. Trong lúc tầu hỏa lao nhanh đến nhà thì hai hình ảnh cứ chớp lòe liên tục hiện ra trong trí cậu ta. Khi thì trên cây có cột một miếng vải trắng, khi thì trên cây chẳng có một miếng vải trắng nào. Xe lửa càng tiến gần nhà, trái tim David càng đập nhanh hơn. Không bao lâu nữa cây táo sẽ hiện ra nơi khúc quẹo, nhưng David không dám tự mình nhìn tới vì sợ nhỡ không có miếng vải trắng cột ở đó. Thế là cậu quay sang người đàn ông bên cạnh ấp úng nói :”Thưa ông, ông có thể làm ơn giúp cháu một việc không? Vào khúc quẹo bên tay mặt, ông sẽ thấy một cái cây. Ông làm ơn cho cháu biết trên cành cây có cột một miếng vải trắng không nhé”.

Khi chiếc xe lửa rầm rầm lướt qua cây táo, David nhìn chăm chăm về phía trước. Đoạn run run giọng cậu hỏi người đàn ông :”Thưa ông, có một miếng vải trắng treo ở một cây nào đó không”? Ông ta sửng sốt trả lời :”Ồ, này cậu bé, cành cây nào ta cũng thấy có cột một miếng vải trắng cả”(Mark Link).

II. Thiên Chúa THƯƠNG XÓT VÀ THA THỨ

1. Tấm lòng của người Cha

Người cha trong dụ ngôn phải là một ông chủ giầu sang, đầy quyền lực và oai nghi đúng với đặc điểm của một phú ông miền Đông phương. Đứng trước sự ngông cuồng của người con thứ, người cha đã chia gia tài cho các con không phải vì ông nhu nhược mà vì ông tôn trọng quyền tự do của con. Ngày người con thứ ra đi cũng chính là ngày ông bắt đầu ngóng chờ với niềm tin sẽ có ngày con ông trở về. Quả đúng như vậy. Mặc dù tuổi già sức yếu, người cha vẫn nhìn ra người con từ rất xa. Có thể nói chính ông đã phá tan dáng vẻ oai nghi đường bệ của một phú ông Đông phương để hồ hởi chạy ra với người con tựa như trẻ thơ mong mẹ về.

Nỗi mừng vui cũng như hàng loạt mệnh lệnh dồn dập của người cha làm cho chúng ta có cảm nghĩ hẳn ông đang chuẩn bị tiếp đón một nhân vật quan trọng. Mà không quan trọng sao được khi ý nghĩa của những mệnh lệnh trên hàm chứa một tình yêu vô bờ bến ông dành cho người con “phá gia” trở về mà không một ngôn từ nào có thể diễn tả hết được.

Chiếc áo mới nhất mà ông mặc cho người con hẳn phải là chiếc áo dành cho ngày Đại lễ. Bởi chỉ có ngày Đại lễ, dịp lễ hội, người ta mới mặc áo mới, mới có dịp để chưng diện mà thôi. Chưa dừng lại ở đó. Chúng ta biết rằng đối với người Do thái, chiếc nhẫn không chỉ là kỷ vật, là món đồ trang sức, không chỉ là biểu trưng của tình yêu mà nó còn là cái ấn đóng dấu nhằm xác nhận tư cách của một người con và đồng thời cũng xác nhận tư cách của một người được thừa hưởng quyền kế thừa tài sản.

Như thế, bằng việc xỏ nhẫn và xỏ dép vào tay chân của người con, người cha trong Tin mừng đã xác nhập mối tương quan cha-con, đồng thời cũng xác nhập quyền thừa kế và trả lại quyền tự do cho nó – điều mà người con thứ không bao giờ nghĩ tới.

Chưa hết, người cha còn ra lệnh giết bê đã vỗ béo để ăn mừng cho sự trở về này. Như thế đã rõ, bê chỉ vỗ béo để chờ dịp Đại lễ. Ngày người con trở về và người cha đã hạ bê béo để ăn mừng chẳng phải là dịp Đại lễ mà từ lâu ông hằng ôm ấp mong chờ để có được ngày hôm nay sao ?


Truyện : Thiền sư Sengai
Có rất nhiều đệ tử đang tu luyện thiền học dưới sự hướng dẫn của thiền sư Sengai. Trong số đó có một đệ tử thường hay thức dậy ban đêm, lẻn trốn một mình trèo tường ra phố rong chơi dạo mát cho thỏa thích. Và một đêm kia, thiền sư Sengai đi kiểm tra phòng ngủ các đệ tử, thấy vắng mặt một người và cũng khám phá ra chiếc ghế đẩu mà anh ta thường dùng để leo qua tường ra ngoài. Sau khi suy nghĩ, thiền sư Sengai liền dời chiếc ghế đi chỗ khác và đứng thay vào chỗ đó. Một lát sau, anh chàng ham rong chơi trở về không biết rằng thầy mình là chiếc ghế, cứ thản nhiên đặt chân vào đầu thầy mình để nhảy xuống đất. Đúng lúc đó mới khám ra sự thể động trời của mình, anh ta hoảng hốt sợ đến ngất xỉu. Nhưng thiền sư Sengai nhỏ nhẹ bảo anh :”Sáng sớm trời lạnh lắm, con hãy cẩn thận kẻo bị cảm đấy”. Và từ đó, người đệ tử hoang đàng ấy không bao giờ dám ra ngoài chơi ban đêm nữa.

2. Tình thương tha thứ của Thiên Chúa

Thiên Chúa được Đức Giêsu mạc khải là một người Cha. Cha nào mà chẳng thương yêu con bằng một tình thương tự nhiên, vô điều kiện, nghĩa là bất chấp con cái tốt xấu, hay dở, có lợi hay gây hại cho mình, bất chấp cả việc chúng đối xử với mình tệ bạc đến đâu. Tình thương đích thực luôn luôn tự động biểu lộ thành hành động. Bản chất của tình thương là như thế, nếu không như thế thì không phải là tình thương đích thực. Tình thương không biểu lộ bằng hành động chỉ là tình thương ngoài môi miệng (x. Gc 2,16.26). Và hai cách biểu lộ rõ rệt nhất của tình thương là sự tha thứ vô điều kiện và sẵn sàng chấp nhận sự đau khổ hoặc chết cho người mình yêu thương. Tình yêu của Thiên Chúa đối với con người đã được biểu lộ qua hai cách ấy nơi con người Đức Kitô :”Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là người tội lỗi. Đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta”.

Trở lại dụ ngôn đứa con hoang đàng, ta hỏi động lực nào đã làm cho đứa con quay trở về nhà mình ? Chắc chắn không phải vì thương cha mình, mà vì sự khốn khổ nó đang phải chịu do sự ngu xuẩn và bất hiếu của nó. Tóm lại, nó về là vì nó thương bản thân nó hơn là thương cha. Chắc chắn khi thấy nó trở về với “thân tàn ma dại”, cha nó biết nó về với động lực gì. Nhưng đối với ông, điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là nó đã trở về, vì nó tưởng như “đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”. Động lực khiến người cha tha thứ và vui mừng đón nhận nó trở về hoàn toàn vì yêu thương con, vì muốn cho nó hạnh phúc, bất chấp quá khứ lầm lỗi của nó. Đó cũng chính là tâm tình của Thiên Chúa đối với những người tội lỗi. Chỉ cần người tội lỗi quay trở về với Chúa trong sự hối hận về đời sống quá khứ của mình.

Truyện : Tình mẹ tha thứ
Ở Batna, có một gia đình nằm vào địa điểm hẻo lánh, gồm bà mẹ với các con, mà thằng con lớn phản bội vô số kể, tên là Sidi Melkassen, ưa a tùng với côn đồ du đãng, bị mẹ khiển trách hằng ngày. Mất tự do, thằng đó bực tức, nhất định hai mẹ con không đội trời chung. Liền bắt mẹ đem giam cầm vào một nhà cô tịch tăm tối. Lấy sợi xiềng xích lớn mà xiềng hai chân mẹ nó lại, đoạn đục vách tường gắn móc khóa lại và giữ chìa khóa trong túi. Đành lòng đóng cửa lại trước những tiếng kêu la, khóc lóc, van nài của mẹ.
Trên ba năm trời tồi túng, nóng nực, lạnh lẽo. Không mền, không chiếu, bữa đói bữa no, người mẹ than khóc đã khô nước mắt, kêu không ai nghe, buồn không một lời an ủi.
Chiều nọ, một nàng dâu thảo giật được chìa khóa và mở cửa, tháo xiềng giải thoát cho người mẹ vô phúc. Bà đi ra giữa thanh thiên bạch nhật, không còn hình tượng người nữa, ai nấy đều thương hại. Việc này thấu đến tai nhà chức trách, thằng con bất hiếu bị bắt và kêu án sáu tháng tù ở. Ai nấy đều vỗ tay ca tụng công lý. Chỉ có bà mẹ quên tội của con, cất tiếng lên vừa than khóc vừa xin tòa đừng tống giam con mình tội nghiệp.
Ôi, tình mẹ bao la !

3. Có sự nghịch lý trong ba dụ ngôn chăng ?

Bài Tin mừng hôm nay gồm tới 3 dụ ngôn. Dụ ngôn đầu xem ra không hợp lý : ai lại bỏ 99 con chiên để đi tìm một con chiên lạc ? Dụ ngôn thứ hai cũng chẳng có tính thuyết phục bao nhiêu : một đồng xu có đáng là bao so với công sức mà người đàn bà kia bỏ ra để tìm lại nó ? Nhưng rồi tất cả đều trở nên hợp lý khi ta đọc dụ ngôn thứ ba : Ý của Chúa Giêsu không nhằm tới con chiên, cũng không nói tới tiền bạc mà nói tới con người. Trước mặt Thiên Chúa, mỗi một con người đều có giá trị vô cùng, bởi vì mỗi một con người, dù là tội lỗi, cũng đều là con của Ngài.

Tuy nhiên có mấy ai chia sẻ tâm ý của Chúa ? Những người biệt phái và luật sĩ thấy Chúa Giêsu bỏ công lui tới với những người tội lỗi thì họ cho là mất công vô ích nên xầm xì phản đối. Đối với họ, việc làm của Chúa Giêsu là không đáng, bởi vì những kẻ tội lỗi là hạng đáng vất đi. Nhưng đối với Chúa Giêsu, đó là những con người, những giá trị. Một đồng xu qúi giá thế nào đối với người đàn bà nghèo khổ, một người con quí giá thế nào đối với tấm lòng người cha, thì một người tội lỗi cũng đáng giá thế ấy đối với tấm lòng của Thiên Chúa.

Thế còn việc bỏ 99 con chiên trong đàn để đi tìm con chiên lạc thì sao ? Vì con chiên ấy cần được săn sóc hơn 99 con kia : nó cô đơn, nó bơ vơ, nó đói khát hơn, nó bị nguy hiểm nhiều hơn. Vì thế nên người mục tử nhân lành không thể ở yên mà chờ nó tìm được đường về, mà phải đích thân ra đi tìm nó. Đức Giêsu đã làm như người mục tử ấy : Ngài không chờ đợi kẻ tội lỗi đến với mình, nhưng được bước trước đến với họ. Ngài kết thân với họ trong tình trạng của họ còn đang là tội nhân, còn đang lầm lạc. Chính đó là cách đối xử khác những người biệt phái và luật sĩ, và chính đó là lý do khiến họ xầm xì phản đối. Nhưng chính cái đối xứ này đã hoán cải được một người biệt phái nổi tiếng là thánh Phaolô (Trích Carôlô, Sợi chỉ đỏ A, tr 710-711).

III. CHÚNG TA CŨNG PHẢI CƯ XỬ NHƯ VẬY

1. Phải thay đổi cách cư xử

Giáo Hội là Mẹ của chúng ta đã từng có cách cư xử như Đức Giêsu, tạo điều kiện để lôi kéo những con chiên lạc đàn trở về với Chúa. Chẳng hạn , Augustinô, một thanh niên đã từng sống trụy lạc, ăn chơi, và có những đứa con rơi rớt không kém gì đứa con hoang đàng trong Tin mừng. Thế mà khi trở về với Giáo Hội, Giáo Hội đã mở rộng vòng tay đón nhận. Sự đón nhận trở nên hoàn toàn khi Giáo Hội chấp nhận chàng vào tu viện, và khi thấy chàng xứng đáng, đã phong chức Giám mục cho chàng. Nhờ sự tha thứ quảng đại ấy của Giáo Hội, Augustinô đã trở nên một vị thánh.

Chúng ta cũng phải bắt chước Giáo Hội mà phải thay đổi cách nhận định và thái độ cư xử đối với tội nhân. Nghĩa là đừng quá quan trọng hóa nết xấu, lỗi lầm của anh em, đừng nuôi lòng thích thú khi thấy anh em sa ngã, lỡ lầm, đừng giả đò thương hại khi đưa lỗi lầm của anh em ra bàn tán và đừng bao giờ tỏ vẻ khinh khi, ruồng bỏ anh em bằng lời ăn tiếng nói, bằng cử chỉ ánh mắt, nhưng hãy bắt chước Chúa biết thông cảm với nỗi khổ tâm của anh em, biết thao thức lo lắng giúp anh em sửa mình, biết tôn trọng, bênh vực anh em, biết cầu nguyện cho anh em.

2. Ý thức mình cũng là tội nhân được tha thứ

Có những con chiên xa đàn lạc lối, nhưng cũng có những con đang sống trong đàn mà chẳng phải là chiên. Có đứa con bỏ nhà xa cha, nhưng cũng có đứa con tuy sống gần cha mà lòng dường như đi hoang từ lâu. Nó coi cha không khác gì ông chủ hà khắc keo kiệt, chẳng hề bố thí cho một con bê để vui vầy với chúng bạn. Như vậy, có thứ lạc đàn thể lý và cũng có thứ lạc đàn tâm linh. Có những người không đi nhà thờ vì lòng họ xa Chúa, song cũng có những người không bỏ nhà thờ nhưng lòng họ chẳng gần Chúa hơn được bao nhiêu. Có lẽ vì tâm trí họ đang đi lạc trong khu rừng có nhiều tiếng ca của danh vọng, hương sắc của đồng tiền, hung khí của hận thù, giọng ríu tít đầy lôi cuốn của xác thịt.

Vậy chúng ta có phải là con chiên đích thực không hay chỉ là hữu danh vô thực ? Chắc chắn không ai trong chúng ta dám xưng mình là người công chính như luật sĩ và biệt phái, chúng ta vẫn xưng mình là kẻ có tội, và nếu đã biết mình có tội thì phải có lối cư xử với người khác bằng tình thương yêu.

Nếu Thiên Chúa tỏ lòng nhân hậu và tha thứ cho chúng ta, thì Ngài muốn chúng ta cũng hãy tha thứ cho nhau như người cha nhân hậu xin ông anh cả tha thứ cho đứa em lỗi lầm.

Người ta chỉ có thể dễ dàng tha thứ cho kẻ khác khi ý thức thân phận mỏng dòn yếu đuối của mình. Có nhận ra mình hay lầm lỗi, con người mới dễ cảm thông tha thứ cho những lỗi lầm của anh em. Đừng bắt người có tội phải bị trừng phạt mới hả dạ. Đừng đòi hỏi cho được sự công bằng mới thôi, vì Martin Luther King có viết :”Nếu cứ áp dụng luật “mắt đền mắt” thì mọi người trở nên mù lòa”.

 
Trở về trong vui mừng
Lm Jude Siciliano OP
20:04 13/09/2013
Chúa Nhật XXIV THƯỜNG NIÊN - C-
Xuất hành 32: 7-11, 13-14; Tvịnh 51; I Timôtê 1: 12-17; Luca 15: 1-32

TRỞ VỀ TRONG VUI MỪNG

Có bao giờ quý vị chơi trò đố hình với các con và đưa cho chúng xem hai bức hình giống nhau rồi đố chúng tìm ra điểm khác nhau trong hai bức hình hay chưa? Hoặc có bao giờ quý vị kể nhiều lần cùng một câu chuyện cho con nghe, và khi kể đi kể lại, quý vị biết từ nào cần nhấn mạnh và lặp lại để câu chuyện đạt hiệu quả hơn chăng? Quý vị cũng biết cách giả bộ bỏ qua những chi tiết quen thuộc và cả từ khóa để con trẻ thốt lên đúng ngay từ ấy.

Những câu chuyện Tin mừng cũng giống vậy: tuy chúng tường thuật cùng một sự kiện, nhưng mỗi bản lại khác nhau vài chi tiết để cho thích hợp với mục đích của soạn giả. Các trình thuật rất giống nhau, nhưng cũng có điểm khác nhau; một số chi tiết bị loại bỏ trong khi lại thêm chi tiết khác vào. Điều đó tùy thuộc vào ý định của tác giả sách Tin mừng cũng như nhu cầu của những người mà ngài muốn viết cho họ.

Hôm nay, chúng ta được nghe ba dụ ngôn của Tin mừng Luca. Người giảng sẽ băn khoăn không biết nên chọn cả ba hay chỉ hai dụ ngôn trên cùng. Nhưng nếu chúng ta để ý đến cả ba dụ ngôn và chơi một trò trẻ em, “tìm các từ được lặp lại”, thì hẳn chúng ta sẽ tìm thấy chìa khóa để giải thích các câu chuyện này bằng cách tìm ra đâu là điều được lặp lại trong các dụ ngôn. Có phải thánh Luca là một tác giả kém cỏi, thiếu trí tưởng tượng thế nên nhiều từ ngữ cũng như tình tiết được lặp lại bằng cùng một từ trong cả ba dụ ngôn chăng? Hẳn là không phải thế!

Dù là ba dụ ngôn nhưng chúng đều nói đến cùng một sứ điệp. Hãy tưởng tượng xem, liệu các dụ ngôn này có được treo ở khu vực “đồ thất lạc” tại phi trường không? Đúng, đó chính là lý do thánh Luca gom chúng lại với nhau, đây là những dụ ngôn về lạc mất và tìm thấy.

Một điểm cho thấy sự liên kết của chúng là sự lặp lại cùng một từ hay một từ tương tự trong mỗi dụ ngôn. Trong mỗi dụ ngôn, có thứ “bị mất” và rồi được “tìm thấy”. Khi tìm thấy thì “vui mừng”. Và sau đó, cộng đoàn được mời đến để chúc mừng vì vật mất nay lại tìm thấy. “Xin chung vui với tôi vì tôi đã tìm được…” Hoặc như người cha nói với đứa con lớn: “chúng ta phải ăn mừng vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”.

Điểm nổi bật của Tin mừng Luca là luôn nhắc lại lời loan báo tình thương của Thiên Chúa. Các dụ ngôn hôm nay, làm nên toàn bộ chương 15, là một ví dụ về chủ đề lòng thương xót của Thiên Chúa, qua việc sử dụng những từ “lạc mất”, “tìm thấy” và “ăn mừng/chung vui”.

Người chăn chiên ngớ ngẩn bỏ cả 99 con lại để đi tìm một con đi lạc. Một phụ nữ kiếm khắp cả nhà chỉ để tìm đồng bị mất. Một người cha gạt qua một bên danh phận và tiếng tăm của mình giữa những người đồng đẳng khi ông chạy ào ra để ôm chầm lấy đứa con hoang đàng nay trở về nhà.

Không mấy gì khó khăn để tìm thấy sự tương đồng giữa các nhân vật trong dụ ngôn và Thiên Chúa. Đây là một sự so sánh táo bạo và liều lĩnh. Nhưng chính Đức Giêsu đã làm thế nên chúng ta cũng sẽ so sánh như vậy. Nhân vật chính khiến chúng ta đi đến kết luận rằng chính Thiên Chúa đã dại dột mạo hiểm vì chúng ta, kiên trì tìm kiếm và quá nhân từ, tha thứ cũng như đón ta về nhà. Thiên Chúa không chỉ đưa chúng ta vào trong nhà mà còn ôm chầm lấy ta và mở đại tiệc ăn mừng.

Đức Giêsu nói trong kinh nghiệm mật thiết với Thiên Chúa. Các dụ ngôn là hiểu biết và kinh nghiệm của Người về Thiên Chúa cũng như đường lối của Thiên Chúa, điều mà Người hăng say chia sẻ với chúng ta. Người không chỉ rao giảng tin mừng bằng các dụ ngôn và giáo huấn, nhưng còn rao giảng nơi chính gương mẫu của Người. Đức Giêsu đã phải hứng chịu nhiều chỉ trích từ giới lãnh đạo tôn giáo vì đã hành xử như các nhân vật trong dụ ngôn của Người. Đức Giêsu ra đi để tìm kiếm người tội lỗi, tỏ lòng thương xót và đón nhận họ, hơn nữa Người còn dự tiệc đồng bàn với họ. Đức Giêsu không bao giờ quay lưng lại với bất kỳ kẻ tội lỗi nào chạy đến với Người.

Thánh Phaolô mô tả sự hiện diện của Đức Giêsu giữa chúng ta: “Đức Giêsu Kitô đã đến thế gian để cứu những người tội lỗi”. Chính Đức Giêsu là một dụ ngôn về nước Thiên Chúa cho những ai Người gặp gỡ: lời nói và hành động của Đức Giêsu phản ánh qua những dụ ngôn Người kể. Vì thế, một số người chấp nhận những cách thức giảng dạy của Người bằng dụ ngôn, kẻ khác thì không đón nhận.

Cách nào đó, Đức Giêsu giống như đứa con hoang đàng đối với chúng ta. Thư gửi tín hữu Hippri (4,15) nhắc chúng ta rằng Người “đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như chúng ta, nhưng không phạm tội”. Người sống trong một thế giới tội lỗi, để rồi đi đến: “một vùng quê xa xôi” và tận mắt chứng kiến cảnh khổ cực do tội lỗi gây ra. Đức Giêsu bị bỏ rơi, tẩy chay và bị giết chết ở “nơi xa xôi ấy”. Người trở nên một trong chúng ta để ta nhận ra rằng khi mình từ bỏ bất kỳ một cuộc đi hoang nào, thì như đứa con hoang đàng, chúng ta cũng đều được chào đón khi trở về.

Cách thức và các giá trị trong các dụ ngôn thì ngược với những giá trị trên thế gian này. Các giá trị của thế gian mâu thuẫn với những gì mà dụ ngôn tỏ cho thấy về đường lối hành xử của Thiên Chúa. Chúng ta đã nghe các dụ ngôn của Đức Giêsu về lòng thương xót và chấp nhận thì cũng có thể đáp lại những điều mình đã nghe. Chúng ta được mời gọi để sống đời sống như dụ ngôn ngày hôm nay, đó là: trở nên gương mẫu về lòng cảm thương, tha thứ và đón nhận tất cả những ai lạc lối mà nay đang tìm cách trở về.

Chúng ta dành thời gian dạy cho con cái về đức tin. Chúng ta cũng đảm bảo rằng chúng được tham dự lớp học giáo lý của giáo xứ. Trong khi, đây là những cách thức quan trọng để chuyển tải đức tin thì phương pháp mạnh mẽ và hiệu quả nhất để chuyển trao đức tin cho con cái và cả người khác nữa là sống các dụ ngôn về lòng nhân từ, đôn hậu và đón nhận: hãy sống và hành động dựa trên những gì ta tuyên xưng.

Một số người khi nghe các dụ ngôn của Đức Giêsu thì chỉ gãi đầu bảo rằng “tôi chẳng hiểu gì”. Nhưng những người khác nghe các trình thuật này, lại bước vào trong câu chuyện rồi tự an ủi mình rằng “tôi thích được ở đây. Cảm giác như đang ở nhà và tôi thấy mình được chào đón”.

Những người muốn khám phá niềm tin của chúng ta sẽ thắc mắc về niềm tin này. Chúng ta cố gắng cho họ câu trả lời tốt nhất. Nhưng, ai trong chúng ta lại không cần phải học hỏi thêm về đức tin của mình? Hôm nay là Chúa Nhật Huấn Giáo và chủ đề của năm nay là “Hãy Mở Ra Cánh Cửa Đức Tin”. Đức Giám Mục đã đưa những tư liệu cần thiết lên trang báo điện tử (website) của giáo phận để giúp cho giáo lý viên hiểu hơn về đức tin của mình. Nguồn tư liệu này cũng giúp cho giáo xứ chia sẻ và dạy đức tin trong suốt “Năm Đức Tin”.

Điều có thể khiến người khác thắc mắc về đức tin chính là kinh nghiệm về tình yêu và lòng nhân từ của Thiên Chúa nơi chúng ta. Hiểu biết về Thiên Chúa hầu như không đến nhiều từ những trang sách nhưng đến từ chính các chứng nhân sống động về đức tin; hoặc những người đã được nghe, đón nhận và thấm nhuần các dụ ngôn. Thực vậy, đó là cố gắng biến các dụ ngôn về nước trời thành hiện thực trong thế giới của chúng ta.

Chuyển ngữ : Anh em HV Đaminh Vò Vấp


24th SUNDAY IN ORDINARY TIME - C
Exodus 32: 7-11, 13-14; Psalm 51; I Timothy 1: 12-17; Luke 15: 1-32

Have you ever played one of those picture games with children where you show them two identical-looking pictures and ask them to find what’s missing in one? Or, have you told children the same story several times and, as you tell it again and again, you learn which words to emphasize and repeat for the full effect of the story? You also learn not to leave out a familiar detail or keyword because the children will spot that right away.

The gospel stories are like that: while they may narrate the same event, each synoptic varies the details to suit the author’s intended message. While the stories may be very similar, they differ; some details are omitted while others are added. It depends on the evangelist’s intentions and the needs of those to whom he is addressing the narrative.

Today we have three parables from Luke. The preacher has to decide whether to proclaim and preach from all three, or just the first two, the "short form." But if we were to look at all three stories and play a children’s game, "find the repeated words," we would discover that a key to interpreting the stories lies in finding what’s repeated in each of the parables. Is Luke such a pedestrian writer that he lacks imagination and a broad vocabulary and resorts to repeating the same words in three different parables? Far from it!

While they are three different parables they come around to the same message. Imagine these parables posted in a department store’s "lost and found department? Yes, that’s what binds them together in Luke, they are lost and found parables.

One sign of their close linkage is a repetition of the same or similar words in each parable. In each: something is "lost" and then is "found." Upon the finding there is "rejoicing." Then there is a community celebration when the lost are found. "Rejoice with me because I have found…." Or, as the father tells the older son, "But now we must celebrate and rejoice because your brother was dead and has come to life again, he was lost and has been found."

One of the marks of Luke’s gospel is its repeated pronouncement of God’s mercy. Today’s parables, which comprise the whole of chapter 15, are a good example of Luke’s theme of mercy, suggested in the connecting words "lost," "found" and "celebrate/rejoice."

A shepherd foolishly leaves 99 sheep in the desert to go look for the one lost. A woman searches throughout her home for a lost coin. A father puts aside his dignity and reputation among his peers when he spots and rushes out to greet his lost son returning home.

It’s hard not to draw parallels between the focus characters in the parables and God. It is also bold and risky to do it. But Jesus does and so shall we. The central figures lead us to conclude that God foolishly takes risks for us, persistently searches for us and overdoes generosity, forgiving us and welcoming us home. God not only lets us in the house, but warmly embraces us and throws a feast on our behalf.

Jesus spoke from his intimate experience of God. The parables reflect his knowledge and experience of God and God’s ways, which he is anxious to share with us. He proclaims the good news to us not only in parables and teachings, but by his own example. Jesus faced strong criticism from the religious establishment for behaving like the characters in his parables. He went out looking for sinners, showed them compassion and welcomed and celebrated with them at the feast of his table. Jesus never turned away from a sinner who came to him.

Paul describes Jesus’ presence among us: "Christ Jesus came into the world to save sinners." Jesus was a parable of the reign of God to all whom he met: his words and actions reflected the parables he told. Some people accepted his parabolic ways, while others rejected them.

In some ways Jesus became like the prodigal son for us. The Letter to the Hebrews (4:15) reminds us that he was "tempted in every way we are, yet never sinned." Still, he lived in a sinful world, went to "a distant country" and knew firsthand the misery sin causes. Jesus was abandoned, rejected and killed in this "distant country." He became one of us so that we would know that when we turned back from any wanderings we may have chosen we, like the prodigal son, would be welcomed home.

The ways and values exhibited in the parables are contrary to those of the world. The values of the world clash with what the parables reveal about God’s ways of treating us. We who have heard Jesus’ parables of mercy and acceptance can respond to what we have heard. We are called to live parabolic lives: to be models of mercy and compassion, forgiveness and welcome to those who have gotten lost and are seeking to return.

We spend time teaching our children about our faith. We also make sure they attend catechetical instruction in our parish. While these are important means to convey our faith, the most powerful and effective method for passing on the faith to our children, and others, is to live the parables of mercy, kindness and welcome: to live and act on the faith we profess.

When some people heard Jesus’ parables they probably just scratched their heads and said, "I don’t get it." But others heard the stories, entered into them, looked around and said to themselves, "I like it here. It feels like home and I feel welcome."

People who want to learn about our faith will ask questions about our beliefs. We will answer them the best we can. Yet, who among us doesn’t need to learn more about the faith? Today is Catechetical Sunday and the year’s theme is "Open the Door of Faith." The bishops have made materials available on their webpage to help catechists and teachers better understand our faith (see below). The free resources will also help parishes celebrate and teach the faith throughout this "Year of Faith."

What might stir questions about the faith in others is that they experience God’s love and mercy in us. Knowledge of God comes not so much from books but from living witnesses of faith; people who have heard, accepted and digested the parables. Indeed, strive to become the flesh and blood parables of the kingdom in our world.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:10 13/09/2013
HỒ LY TINH CHÍN ĐUÔI
N2T

Truyền thuyết kể rằng: Đát Kỷ bên cạnh Trụ vương là con hồ ly (con cáo) tinh chín đuôi, nó chính là Tô Kỷ trước đó rất lâu đã bị con hồ ly tinh chín đuôi sát hại. Trụ vương ngu muội rất mê đắm Đát Kỷ giả, lại con xây cho nó một tòa nhà gọi là Lộc đài rất hào hoa xa xỉ, nói rằng để mời thần tiên đến hưởng thú vui.
Trụ vương suốt ngày luôn hỏi lúc nào thì có thể thấy thần tiên, bà ta chỉ biết hiệu triệu con cháu hồ ly tinh biến giả làm thần tiên, tiên cô. Vào một đêm trăng tròn, Trụ vương nhìn thấy một đám thần tiên giả xuất hiện trên Lộc đài thì rất cao hứng, bèn sai chú là Tỉ Cán đi dâng rượu, Tỉ Cán ngửi được mùi rất nồng nặc của loài cáo đực thì biết chân tướng của chúng nó, thế là bèn sai người bí mật theo dõi hành tung của đám hồ ly tinh ấy và phóng lửa đốt cháy chúng nó, lại còn dùng lông da của chúng nó làm một cái áo da dâng cho Trụ vương.
Đát Kỷ giả bèn phát thệ phải móc tim của Tỉ Cán mới hả dạ.
(Minh, Hứa Trung Lâm “Phong thần diễn nghĩa”)

Suy tư:
Bên cạnh Trụ vương thì có người đàn bà đẹp là Đát Kỷ, bà ta chính là con hồ ly tinh chín đuôi biến hòa mà thành, nó làm cho Trụ vương điêu đứng trong ham mê dâm dục, bỏ bê việc triều chính và thỏa mãn những ước muốn hại nước hại dân của nó.
Bên cạnh mỗi người không phải chỉ có một con quỷ mà thôi, mà có rất nhiều con quỷ xúi giục họ làm điều ác đức, như: quỷ dâm dục xúi giục họ bỏ vợ bỏ con để theo gái sống trong dâm ô; như quỷ kiêu ngạo xúi giục các linh mục không vâng lời bề trên và nói xấu nhau khi có linh mục nào giỏi hơn mình, quỷ kiêu ngạo cũng xúi giục giáo dân công kích kẻ khác vì sự kiêu ngạo của mình; quỷ ghen ghét thì xúi giục mình đi thọc bị chỗ này, chém gió chỗ kia để gây mất tình đoàn kết; quỷ nói hành nói xấu thì xúi giục họ đi rĩ tai khuyết điểm của người này, tật xấu của người kia, để chứng tỏ mình trong sạch...
Đã là hồ ly tinh thì dù che đậy xỏa trá biến hóa thế nào thì rồi người ta vẫn biết là yêu tinh, cũng vậy, quỷ dâm dục thì dù có làm bộ mặt nai thế nào thì cũng bị người khác phát hiện, các loại quỷ khác cũng thế mà thôi.
Thiên Chúa rất nhân từ, Ngài vẫn để bên cạnh chúng ta một vị thiên thần để giúp và hướng dẫn chúng ta làm điều tốt lành, chúng ta –người Ki-tô hữu- gọi các ngài là Thiên Thần Hộ Thủ, hoặc là thiên thần bản mệnh.
Trong cuộc sống tôi có nghe theo lời của thiên thần bản mệnh để làm những việc và nói những lời có ích cho người khác không ?
------------
http://nhantai.info
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:12 13/09/2013
N2T

20. Lời nói thành khẩn và thái độ nhã nhặn thì có sức cảm hóa hơn là phẩn nộ hoặc chỉ trích, do đó, nếu không cần thiết thì không nên chỉ trích người.

(Thánh nữ Angela Merici)
---------
http://nhantai.info
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Giáo Hoàng sẽ thăm Thái Lan vào năm tới?
Trần Mạnh Trác
09:05 13/09/2013
Ngày hôm nay tại Bangkok báo chí đưa tin cuả Chính Phủ Thái Lan cho biết Đức Giáo Hoàng đã nhận lời mời đến thăm Thái Lan vào năm tới tuy chưa nói rõ đích xác là lúc nào.

Nguồn tin này chưa được xác nhận chính thức từ Vatican.

Nhiều lần trước đây Đức Thánh Cha Phanxicô đã phát biểu rằng một cuộc viếng thăm vùng Đông Á là ưu tiên của Ngài, bởi vì vị tiền nhiệm là đức Benedict XVI chưa có dịp đến đó.

Ấn Độ, Philippines là những nơi được nêu tên trước hết, và Đức Giáo Hoàng cũng tỏ bày ý muốn mạnh mẽ sẽ tới thăm Sri Lanka (Tích Lan).

Ngày 12 tháng 9 năm 2013 vừa qua Thủ tướng Thái Lan, bà Yingluck Shinawatra, đã tới Vatican yết kiến Đức Phanxicô trong chương trình công du Âu Châu cuả bà.

Bà Thủ Tướng tặng cho Đức Giáo Hoàng một cặp chân nến nạm ngọc và Đức Thánh Cha đã tặng lại cho bà một cây bút đúc theo hình chân cột bàn thờ cuả đền Thánh Phêrô.

Chuyến viếng thăm này là chuyến đầu tiên sau cuộc viếng thăm cuả thủ tướng Thái Lan, thống tướng Plaek Pibulsonggram, năm 1955, nhưng bà Yingluck cho biết mối quan hệ song phương với Tòa Thánh đã có từ thời thành phố Ayutthaya còn là thủ đô cuả Thái Lan hơn 390 năm trước đây.

Bà cho biết chuyến viếng thăm của bà cũng là để tán dương những chương trình cuả người Công Giáo, đã " ảnh hưởng đến thế giới và nhân loại ". Bà Yingluck nói rằng đức tin Công Giáo đã thúc đẩy các quyền con người và giúp giải quyết nhiều vấn đề trên mức độ toàn cầu cũng như tại Thái Lan.

Đức Thánh Cha Phanxicô ca ngợi về việc Ngài mô tả là tự do tôn giáo không bị cản trở của Thái Lan.

Bà Yingluck cho biết người Công Giáo ở Thái Lan đã giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế của đất nước và đã góp phần vào sự tiến bộ của xã hội. Thái Lan chỉ có khoảng 370.000 người Công Giáo.

Được biết vị thủ tướng Thái Lan đã từng là một nữ sinh trường Công Giáo, bà học trường Regina Coeli College (Học viện Nữ Vương Thiên Đàng) ở Chiangmai cho đến hết bậc trung học đệ nhất cấp.

Chúng ta vẫn còn có thể nhìn thấy ảnh hưởng 'nữ sinh Công Giáo' cuả bà trong cung cách bà diện kiến với Đức Giáo Hoàng.

Chuyển sang các vấn đề toàn cầu, Đức Giáo Hoàng và bà Yingluck đã thảo luận về người nghèo và nguyện vọng của họ có một tiêu chuẩn đời sống tốt hơn.

Vatican và Thái Lan đồng ý sẽ hợp tác chung để tăng cường các dịch vụ y tế công cộng và duy trì hòa bình thông qua việc đối thoại giữa các tôn giáo.

Xem Video cuộc hội kiến

 
Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp Thủ Tướng Thái Lan
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
08:43 13/09/2013
ROMA- Trong khuôn khổ chuyến viếng thăm Vatican, nữ Thủ Tướng Vương Quốc Thái Lan, bà Yingluck Shinawatra, đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến tại Phủ Tông Tòa vào hôm qua, Thứ Năm 12/09/2013. Được biết trọng tâm của cuộc trao đổi liên quan đến việc « xúc tiến đối thoại liên tôn, nhân quyền, hòa bình và công lý » tại Châu Á.

Nhân dịp này, Bà Thủ Tướng Yingluck Shinawatra cũng có cuộc hội đàm với Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, và với Tổng Giám Mục Dominique Mamberti, Ngoại Trưởng Tòa Thánh.

Hai bên đánh giá cao những mối quan hệ tốt đẹp giữa Thái Lan và Tòa Thánh cũng như « sự hiểu biết lẫn nhau và sự hợp tác giữa Giáo Hội và Nhà Nước, đặc biệt trong những lãnh vực giáo dục và bảo hộ xã hội ».

Ngoài ra, những vấn đề khác mang tính thời sự quốc tế và khu vực cũng được trao đổi. Về tình hình chính trị tại Châu Á, cả hai bên đặc biệt nêu bật « tầm quan trọng của đối thoại liên tôn và đa văn hóa trong việc thăng tiến quyền con người, hòa bình và công lý trong khu vực ».

Người Công Giáo tại Thái Lan là thành phần thiểu số, chiếm dưới 1% dân số. Trong khi đó có tới 93% dân số của cả nước thuộc tín đồ Phật giáo. Tuy nhiên Giáo Hội Công Giáo dấn thân rất tích cực trong các lãnh vực xã hội, đặc biệt là trong ngành giáo dục: hơn 300 trường Công Giáo tại đây đón tiếp hơn nửa triệu học sinh, trong đó phần lớn có nguồn gốc Phật giáo và Hồi giáo.

Theo Tổ Chức Trợ Giúp Giáo Hội Nguy Khó, « Thái Lan là một trong những nước tại Châu á có điểm số tốt nhất trong lãnh vực chung sống giữa các tôn giáo ».
 
Tín hữu Thái Lan đáp lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha cầu nguyện cho hòa bình ở Syria
Anthony Đông Thái
09:30 13/09/2013
Tín hữu Thái Lan đáp lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha cầu nguyện cho hòa bình ở Syria

Bangkok, 12 tháng 9/2013 (CNA / EWTN News) Các tín hữu Công Giáo trên khắp Thái Lan – với sự tham gia của các tín đồ Phật giáo và Hồi giáo trong nước - đã hoan nghênh lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô cho hòa bình ở Syria và trên toàn thế giới.

Thông qua các phương tiện truyền thông xã hội và các website của tổng giáo phận, các Giám mục Công Giáo ở Thái Lan đã chia sẻ lời kêu gọi của Đức Thánh Cha trong việc cầu nguyện và ăn chay cho hòa bình ở Syria vào ngày 07 tháng Chín.

Đức ông Andrew Vissanu Thanya Anan, thư ký điều hành của Hội đồng Giám mục Thái và cựu thứ trưởng Vatican của Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn nói rằng: “Các Giám mục Thái đã thực hiện điều này một cách nghiêm túc mặc dù các thông báo ngắn gọn”.

Ngài nói với CNA ngày 11 tháng 9 rằng, các Giám mục đã thực hiện điều này với “ưu tiên hàng đầu” để đưa ra “các hoạt động phụng vụ hỗ trợ”.

Các giáo phận địa phương và giáo xứ được kết nối trực tiếp với buổi cầu nguyện tổ chức tại Quảng trường Thánh Phêrô vào ngày 7 tháng 9. Việc chầu ThánhThể được tổ chức trong các nhà thờ và hàng trăm người đã tham gia nghi lễ cầu nguyện và ăn chay.

Một số nhà thờ dành riêng Thánh Lễ trong cả hai ngày 7 và 8 tháng 9 cho mục đích hòa bình ở Syria.

Đức ông Vissanu nói thêm, nhà thờ Thánh Louis ở Tổng giáo phận Bangkok vẫn còn tiếp tục “kéo dài một tuần” các buổi lễ.

Các sáng kiến cầu nguyện hình thành ngay trước khi Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra viếng thăm Vatican tuần này.

Cổ vũ cho các nỗ lực vì hòa bình của Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã có một chiều kích liên tôn. Hàng ngàn sinh viên trong các trường Công Giáo trên toàn quốc tham gia với các sinh viên Phật giáo để cầu nguyện cho hòa bình.

Đức Ông Vissanu cũng đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo Hồi giáo hàng đầu ở Thái Lan, chia sẻ mối quan tâm của Đức Giáo Hoàng với họ và đưa cho họ những lời cầu nguyện và đề xướng ăn chay.

Các lãnh đạo Hồi giáo địa phương đã tích cực tham gia, ngài nói, “mời gọi tình đoàn kết, sự hỗ trợ và yêu cầu các lãnh tụ Hồi giáo địa phương đưa thông báo này công khai ra trong cộng đồng của họ thông qua các bài giảng chung của họ”.

Cha Hiệu trưởng Watchasin Kritjaroen, Chủ tịch nghiên cứu Kitô giáo Trường cao đẳng Saengtham ở Samphran nói rằng: “Cầu nguyện tập thể có một tác động to lớn và động thái này của Đức Giáo Hoàng có thể là cầu nối xây dựng, đối thoại hòa bình”.

Ngài nói với CNA, Đức Thánh Cha cũng được gọi là “giáo hoàng”, có nghĩa là “người xây dựng cầu” và Đức Thánh Cha Phanxicô “kết nối cuộc sống chính là khí cụ của bình an”.

Anthony Đông Thái
 
Đức Thánh Cha tiếp kiến 3.500 Hiệp Sĩ Thánh Mộ Jerusalem
Lm. Trần Đức Anh OP
09:51 13/09/2013
VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chiều ngày 13-9-2013, dành 3.500 Hiệp Sĩ Thánh Mộ Jerusalem, Đức Thánh Cha khích lệ họ tiếp tục xây dựng bằng tình bác ái, đào sâu và tuyên xưng đức tin.

Trong số những người hiện diện có Ban Tư Vấn của Đoàn Hiệp Sĩ Thánh Mộ vừa kết thúc khóa họp 5 năm một lần, từ 10 đến 12-9 tại Roma, dưới quyền chủ tọa của ĐHY Thủ Lãnh Edwin O'Brien, để kiểm điểm tình hình Giáo Hội tại Thánh Địa và những đáp ứng nhu cầu mà Đoàn Hiệp Sĩ có thể thực hiện, đồng thời đề ra những đường hướng tương lai. Hiện diện trong khóa họp cũng có Đức Thượng Phụ Công Giáo La tinh ở Jerusalem, Fouad Twal. Ngoài ra, từ hôm 13-9 có hơn 3 ngàn Hiệp Sĩ về Roma tham dự cuộc hành hương tại Mộ Thánh Phêrô Tông Đồ nhân dịp Năm Đức Tin. Họ mặc y phục Hiệp sĩ truyền thống với Thánh Giá màu đỏ được tăng cường để tượng niệm 5 dấu thánh của Chúa Giêsu.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến lúc 5 giờ chiều tại Đại Thính Đường Phaolô 6, Đức Thánh Cha đánh giá cao và cám ơn các Hiệp sĩ vì những sáng kiến liên đới mà Đoàn thực hiện tại Thánh Địa. Ngài đưa ra những lời nhắn nhủ theo 3 ý tưởng chính là: Tiến bước, xây dựng và tuyên xưng. Đức Thánh Cha nói: ”Tiến bước để xây dựng cộng đoàn, nhất là bằng tình thương. Đoàn Hiệp Sĩ Thánh Mộ Jerusalem đã có một lịch sử gần một ngàn năm, đây là một trong những đoàn từ thiện bác ái cổ kính nhất vẫn còn hoạt động và được sự quan tâm đặc biệt của các vị GM Roma.”

”Nhưng sự tiến bước của anh chị em để xây dựng, xuất phát từ sự tuyên xưng đức tin ngày càng sâu xa hơn, tăng trưởng từ sự liên tục quyết tâm nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng, nhờ sự thường huấn để sống đời Kitô ngày càng chân chính và phù hợp với những gì mình tuyên xưng. Đây là điểm quan trọng đối với mỗi người trong anh chị em và toàn thể Đoàn Hiệp sĩ, để mỗi người được trở giúp đào sâu lòng gắn bó với Chúa Kitô: tuyên xưng đức tin và làm chứng tá bác ái, hai điều này có liên hệ mật thiết với nhau và là những điểm thiết yếu, là sức mạnh của hoạt động mà anh chị em thực hiện”.

Đoàn Hiệp sĩ Thánh Mộ Jerusalem có 30 ngàn thành viên nam nữ tại 35 quốc gia, đặc biệt tại Bắc Mỹ và Tây Âu. Hội đặc biệt hỗ trợ các hoạt động mục vụ và giáo dục của Giáo Hội Công Giáo tại Thánh Địa.
Để kỷ niệm cuộc gặp gỡ của các Hiệp Sĩ với Đức Thánh Cha, Bưu điện Vatican đã thực hiện một dấu ấn đặc biệt đóng trên các tăm thư và một bìa hình với hàng chữ ”Papa Francesco incontra Ordo Equestris Sancti Sepulcri Herosolymitani” (ĐGH Phanxicô gặp Đoàn Hiệp Sĩ Thánh Mộ Jerusalem). (SD 13-9-2013)
 
Đức Thánh Cha: Người Kitô hữu không sợ hãi, không hổ thẹn và cũng không hiếu thắng
Pt Huỳnh Mai Trác
22:00 13/09/2013
. . .
“Trong thế giới ngày hôm nay có nhiều người Kitô hữu không có sự sống lại . Chính vì họ mà Đức Thánh Cha mời gọi họ tìm lại con đường đi đến với Chúa Giêsu Sống Lại để Chúa cảm hóa họ bằng sức mạnh của Ngài .”
Chúa Kitô không phải là một ý tưởng thiêng liêng”, Chúa là sự sống linh đông. “Với sự sống lại Chúa đã chiến thắng thế gian “.
Đức Giáo Hòang đã trích lại những đọan trong thư gởi cho các tín hữu Côlôxê trong đó thánh Phao lồ nói đến hình ảnh Chúa Giêsu, mô tả Chúa như một người tòan diên, là trung tâm điểm, là niềm hy vọng, bởi vì Chúa là đấng hôn phu”. Trong đọan đọc hôm nay (2,6-15), vị tông đồ còn thêm vào là Chúa Kitô còn là một “người chiến thắng” người đã chiến thắng sự chết, chiến thắng tội lỗi và quỷ dữ”. Thông điệp của ngài còn mời gọi các tín hữu cùng đi với Chúa Giêsu Sống Lại, bám rể và xây đắp nơi Chúa, với sự chiến thăng của Chúa và vững chắc trong đức tin .

“Chúa Giêsu là đấng chiến thắng, Chúa đã sống lại” . Và đôi khi chúng ta không nghe, chúng ta không lắng nghe cho rỏ ràng”, bởi vì sự sống lại của Chúa Giêsu là “ điểm then chốt của đức tin của chúng ta “
“Nếu không có sự Chúa Giêsu Sống Lại”, thì những người đi theo Chúa đến tận mồ, khóc lóc, có rất nhiều tình cảm với Chúa, nhưng không còn đi được xa hơn nữa .Và với ý nghĩa đó Đức Giáo Hòang chia họ ra thành ba giới : những kẻ sợ hãi, những kẻ hổ thẹn và những kẻ hiếu thắng “.

“ Những kẻ sợ hãi là những người buổi sáng sớm khi Chúa sống lại, là những người rời thành Jerusalem trên đường Emmaus, vì họ sợ; các tông đồ đóng kín Phòng Họp trên gác vì sợ nguời Do Thái”; họ cũng là những phụ nữ than khóc, như thánh Mađalêna khóc lóc vì lo lắng người ta đã mang Chúa đi đâu . Và còn lại là những kẻ không dám nghĩ đến việc Chúa đã sống lại” . Và cũng như các thánh Tông đồ khi Chúa hiện ra nơi Phòng Họp, họ đã hỏang sợ, họ hỏang sợ vì tưởng thấy một bóng ma” .
“ Những kẻ hổ thẹn là những kẻ khi tuyên xưng Chúa Kitô Sống Lại họ cảm thấy hổ thẹn vì họ tin vào khoa học đang trên đà tiến bộ . Và cũng như những kẻ mà thánh Phao lồ nói cần thận trọng: Hãy coi chừng những kẻ lừa gạt các bạn bởi những tư tưởng triết lý và những mánh khóe do truyền thống tập tục lâu đời của con người, theo như những tín ngưỡng của thế gian chứ không phải là do từ Chúa Giêsu Kitô”.

Trong thực tế thì chính những người giáo hữu này đã làm sai lạc thực tại của sự sống lại: đối với họ là có một sự sống lại tinh thần thiêng liêng, đem lại lợi ích cho tất cả mọi người, một hạnh phúc cho cuộc sống”, nhưng trong thâm tâm họ hổ thẹn về một Chúa Kitô bằng da bằng thịt bị đánh đập với những vết thương đã sống lại” .

Cũng vậy nhóm thứ ba là những người trong đáy lòng họ không thực sự tin vào sự sống lại của Chúa Giêsu mà họ chỉ muốn có một sự sống lại oai hùng và vinh quang hơn .
Đức Giáo Hòang gọi những kẻ đó là những “ kẻ hiếu thắng” bởi vì họ có tự ti mặc cảm và có thái độ hiếu thắng trong cuộc sống của họ, trong các bài diển văn, trong cách phụng vụ”. Đối với Đức Giáo Hòang là phải tìm kiếm với lương tâm là Chúa Giêsu chính là người đã thực sự Sống Lai. (nguồn tin : News.va)


 
Top Stories
Six month anniversary of Pope Francis' election: We take stock
Vatican Radio
10:25 13/09/2013
2013-09-12 Vatican Radio - September 13th marks exactly 6 months since Pope Francis’s election and in that time he has brought a new style of approach to the papacy. His human warmth, his energy and his simplicity has won him many fans not just among Catholics but across a far wider audience across the world. Monsignor John Kennedy is an official at the Congregation for the Doctrine of the Faith and he spoke to Susy Hodges.

Asked for his assessment of the Pope’s first six months in office, Monsignor Kennedy says he agrees with those who call Francis “the Pope of surprises” and says many people feel “on the personal level a great sense of connection” with him. He says people relate to the Pope’s many spontaneous gestures like “picking up the phone” to talk to ordinary people, “getting out of the papal jeep” to reach out to people at his general audience. “They love his simplicity and they’re uplifted by the initiatives he’s taking.”

At the same time, Monsignor Kennedy points out that it’s clear that Pope Francis knows where he’s going. “You can see that he’s a man with a vision, he’s a man who has plans for the Church…. His plans for further reforms of the Church. ” He goes on to say the Pope also “has a message for the whole world” and “it’s not only Catholics who have an opinion of him.”

One very encouraging result of the Pope Francis effect, says Monsignor Kennedy, is that through his example he is helping to encourage lapsed Catholics to return to the faith. “He’s showing the best of the church in many ways.”

When asked what we can expect from his second 6 months in office, Monsignor Kennedy replies “more of the same, more surprises” and advises people “to watch this space!”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hành hương Năm Đức Tin của Thừa tác viên giáo hạt Lào Cai – Lai Châu và Điện Biên
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thành
10:44 13/09/2013
GP Hưng Hóa: Ngày 12.9.2013, các thừa tác viên ngoại lệ thuộc giáo hạt Lào Cai – Lai Châu và Điện Biên hành hương nhà thờ giáo xứ Sapa thuộc thị trấn Sapa, huyện Sapa, tỉnh Lào Cai, để lĩnh toàn ơn xá, hưởng ứng lời kêu gọi của Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 nhân dịp Năm Đức Tin.

Xem hình ảnh

Theo sự sắp xếp của Tòa Giám mục Hưng Hóa, mỗi giáo hạt đều có một nhà thờ để giáo dân trong giáo hạt thuận lợi đến viếng nhà thờ. Hiện nay, Giáo phận Hưng Hóa gồm có 7 Giáo hạt mà nhà thờ Sapa là nơi hành hương của Lào Cai – Lai Châu và Điện Biên gồm các xứ: Lào Cai, Phố Lu, Bảo Yên, Sapa, Lai Châu và Điện Biên. Đây cũng là giáo hạt đầu tiên trong Giáo phận hành hương dành cho thừa tác viên ngoại lệ.

Sự thường là quí cha chịu trách nhiệm về Phụng tự của Giáo phận và giáo hạt sẽ đứng lên tổ chức hành hương dành cho thừa tác viên. Tuy nhiên, với giáo hạt miền núi và truyền giáo này, sự hiện diện của các cha xứ là hết sức quan trọng về mặt tinh thần. Vì thế, các cha đồng hành cùng các Thừa tác viên hôm nay gồm có:

1. Cha Giuse Lê Ngọc Nghi, chủ tịch ủy ban Phụng tự Giáo phận Hưng Hóa,
2. Cha Giuse Nguyễn Thái Hà, chánh xứ Tuyên Quang – Quản hạt Lào Cai – Lai Châu và Điện Biên,
3. Cha Gioankim Đinh Văn Hợp, quản xứ Tân Quang – kiêm Phụng tự giáo hạt Lào Cai – Lai Châu và Điện Biên,
4. Cha Phêrô Phạm Thanh Bình, quản xứ Sapa,
5. Cha Giuse Nguyễn Văn Thành, quản xứ Lào Cai,
6. Cha Giuse Vũ Văn Nguyên, phó xứ Lào Cai.

Tổng số Thừa tác viên của Giáo hạt là 45 nhưng vì nhiều lí do khác nhau nên chỉ có 31 người tham dự. Lí do chủ yếu vẫn là đường xá xa xôi và hiểm trở. Có những người phải đi từ 2 ngày trước để kịp tham dự. Có những người phải đi cả 300km đường rừng để tới nhà thờ Sapa. Thật là một việc quá sức tưởng tượng!

Vì là miền truyền giáo, rộng lớn và nhiều khó khăn nên Giáo phận cần có nhiều người cộng tác vào công việc loan báo Tin Mừng. Tuy nhiên, Giáo phận hiện nay mới chỉ có 79 linh mục và 2 Hội dòng đang hiện diện, đó là Dòng Mến Thánh Giá và Dòng Phaolô nên Bề trên Giáo phận chủ trương đào tạo Thừa tác viên ngoại lệ để cộng tác với các linh mục. Những vị này có thể giúp đỡ cho các linh mục rất nhiều việc như cho rước lễ những ngày lễ trọng, thăm viếng bệnh nhân và cho bệnh nhân rước Mình Thánh Chúa, cử hành phụng vụ Lời Chúa ngày Chúa Nhật hay rửa tội trẻ nhỏ (những nơi còn khó khăn mà các linh mục không thể tới được).

Sau một ngày làm việc (từ 7g30 đến 17g00), tuy không dài nhưng cũng đủ thời gian cho các Thừa tác viên gặp gỡ chia sẻ, tĩnh tâm, xưng tội và dâng Thánh lễ. Trong giờ gặp gỡ, mọi người nói lên những thuận lợi và khó khăn mình gặp phải trong khi thi hành nhiệm vụ được giao. Nhìn chung các vị rất vui vì đã góp phần nhỏ bé của mình vào sứ vụ loan báo Tin Mừng tại địa phương mình đang sinh sống. Chắc chắn Chúa sẽ nhìn thấy những thiện chí của họ!

Trước khi kết thúc Thánh lễ, cha Giuse Lê Ngọc Nghi thay mặt cho Ban Phụng Tự Giáo phận cám ơn Cha Quản hạt, quí cha đòng tế, nhất là cha quản xứ Sapa đã lo liệu mọ sự để cho ngày hành hương của các Thừa tác viên trong giáo hạt được diễn ra tốt đẹp. Mọi người cùng chụp hình lưu niệm để kỉ niệm ngày hành hương đầy ý nghĩa.

Hi vọng rằng sau lần hành hương này, với ơn Chúa, các Thừa tác viên ngoại lệ trong Giáo hạt Lào Cai – Lai Châu và Điện Biên ý thức hơn về vai trò của người giáo dân trong việc loan báo Tin Mừng.
 
Thánh Lễ Tạ Ơn, Kỷ niệm 12 Năm Linh Mục của Quý Cha Khóa 5 Giáo Phận Hà Nội
Tin Yêu
10:47 13/09/2013
HÀ NỘI – Sáng thứ hai, ngày 09/ 09/ 2013 tại giáo xứ Vạn Điểm - Thị Trấn Lâm - Ý Yên - Nam Định, Quý Cha Giáo Phận Hà Nội Khóa 5 (1994 - 2001) đã long trọng dâng thánh lễ tạ ơn nhân dịp kỷ niệm mười hai năm ngày thụ phong linh mục.

Xem hình ảnh

Về hiệp dâng thánh lễ, có đủ 9 cha cùng khóa:
1. Cha Antôn Trần Công Ý. 20/07/1960
2. Cha Gioan B. Phan Ngọc Pháp. 14/04/1962
3. Cha Phaolô Nguyễn Văn Đoàn. 10/06/1962
4. Cha Brunô Phạm Bá Quế. 28/10/1962
5. Cha Giuse Nguyễn Văn Thoan. 09/01/1965
6. Cha Giuse Mai Xuân Lâm. 10/11/1965
7. Cha Giuse Nguyễn Tiến Mẫn. 03/09/1966
8. Cha Giuse Nguyễn Văn Hữu. 23/02/1970
9. Cha Antôn Nguyễn Văn Thắng. 20/07/1970

Chủ tế thánh lễ hôm nay do cha Brunô Phạm Bá Quế, cha bản hương của giáo xứ Vạn Điểm. Cha Brunô hiện đang làm trưởng ban Bác Ái Xã Hội – Caritas TGP Hà nội, là giáo sư Đại Chủng Viện. Không coi xứ nên ngài chọn giáo xứ quê hương làm điểm hẹn cho anh em cùng khóa quy tụ về trong ngày kỷ niệm năm nay.

Mở đầu thánh lễ, cha Gioan B. Phan Ngọc Pháp đại diện cho quý cha trong lớp, chào mừng và tri ân bà con giáo dân giáo xứ Vạn Điểm đã hiện diện đông đủ để hiệp dâng thánh lễ tạ ơn với các ngài…

Trong bài giảng, Cha Giuse Mai Xuân Lâm đã chia sẻ về thánh chức linh mục: Linh mục là một mầu nhiệm, là một món quà mà Thiên Chúa ban tặng cho con người, là một hồng ân quý giá Chúa Kitô ban cho Giáo Hội của Người…

Sứ vụ linh mục cao đẹp lắm, bởi được nhận lãnh từ Chúa Kitô.
Sứ vụ Linh mục nặng nề lắm, bởi vừa phải chu toàn trách vụ riêng vừa phải chăm lo phục vụ Dân Chúa.
Sứ vụ càng cao đẹp, linh mục càng thấy mình bất xứng.
Sứ vụ càng phức tạp, linh mục càng thấy mình giới hạn.
Sứ vụ càng trường kỳ, linh mục càng sợ mình mệt mỏi.
Chính vì thế, linh mục cần đến lời cầu nguyện của mọi người…
Cuối thánh lễ, một vị đại diện cho giáo xứ có đôi lời và những bó hoa tươi thắm chúc mừng quý cha.

Nhân dịp kỷ niệm 12 năm linh mục này, mỗi cha cũng được nhận một phép lành tòa thánh của Đức Thánh Cha Phanxico ban tặng, do cha Giuse Mai Xuân Lâm xin và mang về trong dịp ngài hành hương đất thánh hè vừa qua.

Tiếp theo, cha Giuse Nguyễn Văn Thoan – quản xứ Vạn Điểm đã giới thiệu rõ tên tuổi, ngày tháng năm sinh của từng quý cha. Với những lời giới thiệu dí dỏm, Ngài cho cộng đoàn biết thêm từng biệt danh của quý cha và những kỷ niệm thời học ở Đai Chủng Viện, làm cho cộng đoàn cảm thấy gần gũi, tin yêu cùng với những tiếng cười không ngớt.

Sau thánh lễ, quý cha và quý khách dự tiệc mừng tại trung tâm mục vụ của giáo xứ.

Lúa chín đầy đồng gió nhẹ lay
Hạt vàng bát ngát toả hương bay.
Bình minh giục giã lòng lo lắng
Chiều tối nôn nao dạ đắng cay.
Thợ gặt hái liềm thu hoạch tốt
Sân phơi nắng ráo chất kho đầy.
Kiếm tìm chiên lạc nơi lùm bụi
Mục tử nhân lành tim ngất ngây.
 
Thiếu Nhi Thánh Thể Sydney nhận lãnh Bí Tích Thêm Sức
Diệp Hải Dung
19:35 13/09/2013
Tối thứ Sáu 13/09/2013. Có 62 em Thiếu Nhi Thánh Thể thuộc Liên Đoàn Nữ Vương Hòa Bình TGP Sydney đã đến thánh đường Saint Therese Lakemba Sydney lãnh nhận Bí tích Thêm Sức do Đức Giám Mục Peter Comensoli chủ sự.

Xem hình ảnh

Tham dự Thánh lễ có các bậc phụ huynh, quý Vú Bõ đỡ đầu, Quý Sơ Trợ Úy, quý Huynh Trưởng, và quý Quan Khách tham dự rất đông đủ. Trước khi dâng Thánh lễ, Cha Paul Văn Chi ngỏ lời chào mừng Đức Giám Mục Peter Comensoli đã ưu ái thương mến Cộng Đồng đến chủ tế Thánh lễ và ban phép Bí tích Thêm Sức cho các em Thiếu Nhi Thánh Thể hôm nay.

Sau Phúc Âm, Cha FX Nguyễn Văn Tuyết, Tuyên uý Đặc Trách Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Nữ Vương Hòa Bình Sydney, giới thiệu với Đức Giám Mục và đọc danh sách 62 em nhận lãnh Bí tích Thêm Sức. Trong bài giảng Đức Giám Mục Peter đã nói về sự cẩn trọng xem xét lại chính mình. Ngài khuyên các em Thiếu Nhi lãnh nhận Bí tích Thêm Sức cũng cần phải hiểu và học về gương tốt của Thánh bổn mạng mình để áp dụng vào cuộc sống các em.



Sau bài giảng là lời tuyên xưng đức tin của các em sẽ lãnh nhận bí tích Thêm Sức và của các cha mẹ đỡ đầu. Sau đó Đức Cha Peter Comensoli ban bí tích Thêm Sức. Cùng đồng tế Thánh lễ tạ ơn gồm có quý Cha Nguyễn Văn Tuyết, Cha Paul Văn Chi, Cha Đặng Đình Nên, Cha Nguyễn Thái Hoạch và Cha Chính xứ Lakemba Gary Rawson.

Trước khi kết thúc Thánh lễ hai em Thiếu Nhi đại diện các em lãnh nhận bí tích Thêm Sức lên ngỏ lời cám ơn ĐGM Peter Comensoli và tặng hoa cho Ngài, đồng thời cũng cám ơn quý Cha, quý Sơ, quý Huynh Trưởng, quý Giảng Viên Giáo Lý đã nâng đỡ hướng dẫn dạy dỗ các em trong những lớp Giáo Lý suốt trong một năm qua để hôm nay được vinh hạnh lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần qua Bí tích Thêm Sức. Các em cũng cám ơn quý ân nhân đã giúp đỡ vật chất lẫn tinh thần, quý Ban Mục Vụ Giáo Đoàn Lakemba, Ca đoàn Cecilia -Lakemba đã hát rất hay giúp cho cộng đoàn dâng thánh lễ một cách sốt sắng và tất cả mọi người đã đến tham dự cầu nguyện cho các em trong Thánh lễ. Các em hứa sẽ cố gắng sống ngoan hiền đạo đức và noi gương Chúa Giêsu Thánh Thể là Vị Anh Cả Tối Cao của Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể.

Đức Giám Mục cũng ngỏ lời cám ơn quý Cha cùng hiệp dâng Thánh lễ với Ngài, và cám ơn quý Sơ, quí phụ huynh và cha mẹ đỡ đầu, cùng tất cả mọi người hiện diện trong Thánh lễ.

Sau khi kết thúc Thánh lễ, Đức Giám Mục, quý Cha, quý Sơ và các em chụp chung tấm hình kỷ niệm và ĐGM ở lại gặp gỡ mọi người trong tình thân mật.
 
Giáo xứ Kim Ngọc đón nhận 15 tân tòng
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
20:46 13/09/2013
PHAN THIẾT - Hôm nay ngày 14.9, lễ Suy tôn Thánh Giá, Giáo xứ Kim Ngọc hân hoan đón nhận thêm 15 anh chị em Tân Tòng.

Xem hình ảnh

Cha mẹ đỡ đầu cùng các thân nhân và cộng đoàn hiệp thông trong thánh lễ tạ ơn Chúa đã ban cho giáo xứ những hoa trái Năm Đức Tin. Giáo xứ vui mừng thu hoạch một mùa gặt dồi dào do công lao của biết bao người gieo trồng.

Lớp Dự Tòng do Nữ tu Maria Nguyễn Thị Đức phụ trách. Các học viên học giáo lý trong thời gian 6 tháng, mỗi tuần 2 buổi tối thứ 2 và thứ 5. Sr Đức làm việc tại văn phòng Caritas Phan Thiết và có nhiều kinh nghiệm chia sẽ với các học viên của mình.

Chia sẽ với cộng đoàn và các Tân tòng, cha xứ nói đến ý nghĩa Thập giá.

Thập giá, đối với người Lamã và Do thái, từng là biểu tượng của sự chúc dữ, là hình phạt dành cho những tội nhân nguy hiểm. Nay nhờ và qua Chúa Giêsu, thập giá lại trở thành dấu chứng tình yêu của Thiên Chúa. Trên Thập giá, Chúa Giêsu đã thể hiện tình yêu cứu độ trọn vẹn của Thiên Chúa cho nhân loại. Ngài chọn thập giá là phương thế mặc khải tình yêu Thiên Chúa. Ngài chọn đi vào con đường thập giá, chấp nhận vác thập giá và chịu đóng đinh trên thập giá, để con người có thể nhìn thấy, chiêm ngắm và cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa, để cho con người hiểu rõ Thiên Chúa yêu họ đến mức nào: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Thập giá là nơi Chúa Giêsu thể hiện tình yêu tự hiến, tình yêu tận hiến và tình yêu dâng hiến một cách trọn vẹn và tột cùng. Nơi Thập giá, Chúa Giêsu cho nhân loại thấy, Ngài yêu họ đến cùng, yêu cho đến hy sinh đến giọt máu cuối cùng, sẵn sàng chấp nhận tất cả, không quản ngại nhục nhã, đau đớn và chịu chết vì họ.

Suy Tôn Thánh Giá chính là suy tôn tình yêu Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Mỗi người chúng ta nhìn lên, suy niệm và chiêm ngưỡng Thánh Giá để cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa và biết đáp trả bằng chính đời sống đức tin đức ái của mình.

Điều gì đã khiến các anh chị em tân tòng của chúng ta đây xin gia nhập đạo? Chắc chắn không phải vì lý do kinh tế, để được một cuộc sống giàu có sung sướng hơn, cũng không phải để có được một vị trí cao trong xã hội, bởi vì thực tế xã hội hiện nay cho thấy những người theo Chúa phải chịu nhiều thua thiệt. Anh chị em theo đạo chắc chắn chỉ vì xác tín rằng anh chị em được Chúa thương yêu đến độ sẵn sàng chịu chết trên Thập giá để đem lại cho anh chị em một cuộc sống mới với những điều quí trọng hơn nhiều so với những gì thế gian hứa hẹn hay ban tặng. Tuy không thấy Chúa nhưng anh chị em vẫn yêu mến Ngài, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin Ngài. Vì vậy, anh chị em được chan chứa một niềm vui hân hoan bởi đã nhận được thành quả đức tin là ơn cứu độ của Chúa Giêsu chịu đóng đinh.



Anh chị em hãy cảm tạ Thiên Chúa vì Người đã thương ban cho chúng ta đức tin, nhờ đó chúng ta có thể nhận biết Thiên Chúa, nhận biết tình yêu cứu độ của Người, biết được hạnh phúc Người dành cho chúng ta mai sau. Nhờ đó, dù đang sống giữa trăm bề thử thách, chúng ta vẫn luôn an vui, bởi vì chính nhờ tin vào Đức Kitô Phục sinh. Chúng ta chắc chắn sẽ vượt qua cõi đời đau khổ để được phục sinh và hưởng hạnh phúc với Người. Đồng thời chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện và nâng đỡ các anh chị em Tân Tòng, để đức tin của các anh chị em ngày càng trưởng thành và vững mạnh, khiến các anh chị em chẳng những có thể sống đức tin của mình cách trọn vẹn, mà còn có thể tuyên xưng đức tin ấy trước mặt mọi người bằng lời nói và hành động, khiến ngày càng có thêm nhiều người nhận biết Chúa và trở về với Người.

Ngày hôm nay là thời gian khởi đầu cho một đời sống mới của 15 anh chị em Tân Tòng. Từ nay anh chị em được sống trong tình yêu của Thiên Chúa. Đón nhận các Bí tích khai tâm là đón nhận sự sống dồi dào của Chúa Kitô trao ban. Anh chị em hãy cố gắng sống xứng đáng với ân huệ đã lãnh nhận và mỗi ngày sống sao cho đẹp lòng Chúa. Anh chị em được trao chuỗi Mân Côi, hãy yêu mến và siêng năng lần chuỗi để xin Đức Mẹ gìn giữ và thánh hóa đời sống của mình hàng ngày.

Cầu chúc các Tân Tòng luôn vững mạnh trong đức tin, nhiều niềm vui đức tin trong đời sống mới làm con cái Thiên Chúa.
 
Giáo xứ Thuận Nghĩa có thêm các thành viên gia nhập Gia Đình Thánh Tâm
PV Thuận Nghĩa
21:30 13/09/2013
Vào lúc 16h ngày 10 tháng 9 năm 2013, tại nhà thờ Giáo xứ Thuận Nghĩa có gần 150 thành viên được gia nhập Gia Đình Thánh Tâm (GĐTT). Ngoài các thành viên của giáo xứ Thuận Nghĩa còn có một số các thành viên khác đến từ các Giáo xứ Phú Xuân, Giáo xứ Thuận Giang.

Xem hình ảnh

Nghi thức bắt đầu bằng việc các thành viên mới lần lượt tiến lên đặt tay trên sách thánh và xướng tên của mình. Tiếp đến, là nghi thức làm phép nến: mỗi người cầm nến sáng trong tay, sau khi Đức Cha làm phép nến toàn thể cộng đoàn hát bài “thắp sáng lên trong con tình yêu Chúa”. Sau lời mời gọi của Đức Cha, các thành viên đọc lời tuyên hứa. Cuối cùng là phần trao phù hiệu.

Thánh lễ tạ ơn do Đức Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên chủ tế, cùng đồng tế có Cha quản xứ, Cha Phêrô Nguyễn Xuân Chính, đặc trách GĐTT Giáo phận Vinh, Cha quản xứ Cẩm Trường. Hiện diện trong thánh lễ còn có Ban điều hành GĐTT giáo hạt, các thanh viên GĐTT và đông đảo bà con giáo dân xứ Thuận Nghĩa.

Trong bài chia sẻ, sau khi nói về tình yêu của Chúa dành cho nhân loại và cho mỗi người, Đức Cha Phaolô Maria mời gọi các thành viên yêu Chúa nhiều hơn và từ đó thể hiện tình yêu thương tha nhân bằng những việc làm cụ thể. Đức Cha cũng mời gọi các thành viên tích cực tham gia các hoạt động tông đồ trong giáo xứ như tôn chỉ và mục đích của Đấng sáng lập GĐTT mong muốn.

Thánh lễ kết thúc trong niềm hân hoan cảm tạ Thiên Chúa. Trước lúc ra về, các thành viên mới quây quần bên Đức Cha Già quý yêu để ghi hình lưu niệm. Hy vọng các thành viên mới sẽ là những hạt giống nòng cốt đóng góp vào sự phát triển sự đạo trong Giáo xứ.

GĐTT Giáo xứ Thuận Nghĩa được thành lập vào năm 2011. Hiện tại có gần 300 thành viên.

 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Báo Pháp: LS Lê Quốc Quân '1 trong 50 người thay đổi thế giới'
Người Việt
21:48 13/09/2013
PARIS 13-6 (NV) - Tuần báo Pháp nổi tiếng “Le Nouvel Observateur” (Người Quan Sát Mới) vừa có một hồ sơ đặc biệt giới thiệu LS Lê Quốc Quân là một trong 50 nhân vật đang và sẽ làm thay đổi thế giới”.

Luật sư Lê Quốc Quân (thứ hai bên trái, mặc áo thun trắng 'No U')
Luật sư Lê Quốc Quân (thứ hai bên trái, mặc áo thun trắng 'No U') tham dự cuộc biểu tình chống Trung quốc bá quyền bành trướng tại Hà Nội ngày 24/7/2011. (Hình Lê Quốc Quân Blogspot)

Báo “Le Nouvel Observateur” ngoài ấn bản điện tử còn phát hành hơn 500,000 bản in giấy, được mô tả là có khuynh hướng thiên tả xã hội và có nhiều độc giả nhất ở Pháp. Tập hồ sơ đặc biệt trên số báo ra ngày 12/9/2013 giới thiệu 50 khuôn mặt khắp 5 châu lục, đa số là những người trẻ tuổi, hy sinh bản thân, vận động đấu tranh từ quyền làm người đến bảo vệ môi trường.

Trong số 50 người đó, báo Le Nouvel Observateur đưa ra tiểu sử tóm tắt của LS Lê Quốc Quân, 42 tuổi, hiện đang bị giam giữ ở Hà Nội không biết bao giờ sẽ có án vì bị vu cho tội “trốn thuế”.

Nếu ông bị kết án theo khoản 3 điều 161 của Bộ Luật Hình Sự CSVN như bị cáo buộc thì có thể bị bản án từ 2 đến 7 năm tù bởi đã “trốn thuế” 437.5 triệu đồng mà ông từ nhắn ra từ nhà tù là ông không hề trốn thuế như bị vu cáo.

Tuần báo Pháp 'Le Nouvel Observateur' ra ngày 12/9/2013
Mọi người đều biết đây là một vụ án chính trị mà như bản tiểu sử được báo Pháp nêu ra, ông đã bị bắt giam ngày 27/12/2012 chỉ 9 ngày sau khi ông cho phổ biến trên trang mạng của đài BBC bài viết “Hiến pháp hay là bản hợp đồng điện nước?”

Trong bài viết này, LS Quân nhắn gửi các nhà lập pháp CSVN (vốn là đám đảng viên đảng độc tài toàn trị CSVN) là “Nếu như các đại biểu quốc hội chỉ làm theo sự lãnh đạo của đảng mà quên đi những khát vọng thực sự của nhân dân, vốn đang ngày càng khác biệt với ý chí của đảng cộng sản thì điều đó đã hàm chứa sự phản bội hoặc lừa gạt ý chí nhân dân”.

Bản hiến pháp CSVN đang được chế độ Hà Nội chuẩn bị sửa đổi vẫn giữ nguyên điều 4 dành độc quyền cai trị cho đảng CSVN, không có sự độc lập hoàn toàn của ba ngành hành pháp, lập pháp và tư pháp để kiểm soát lẫn nhau tránh lạm dụng quyền lực, mà vẫn có cái đảng Công Sản ngồi chễm chệ trên đầu.

LS Lê Quốc Quân nhận xét về cái bản dự thảo hiến pháp mới của chế độ là “Chi tiết thì có đầy dẫy những điều khoản mâu thuẫn, lập lờ hoặc hỗn xược thách thức trí tuệ dân tộc Việt”.

Ông Quân nhắc nhở những ông bà đang làm “đại biểu quốc hội” ở Việt Nam là “Điều tệ hại nhất đã xảy ra là Quốc hội đã giữ lại điều 4 trong Hiến Pháp khẳng định sự lãnh đạo của đảng trên toàn dân tộc Việt Nam, nghĩa là quốc hội đã trao cho đảng một chiếc đũa thần để toàn quyền đan rọ mà mặc nhiên quốc hội phải chui vào. Khi đó đảng bắt đầu lấy quyền lực chính trị của mình và khái niệm “ổn định chính trị” để ngăn chặn sự thể hiện của tự do công dân bằng cái đuôi “theo quy định của pháp luật” nằm tại rất nhiều điều của hiến pháp. Có thể các đại biểu đã sai nhưng các Ngài cũng cần phải biết rằng “Ý chí chung của Nhân dân có thể bị nhầm lẫn, nhưng nó không thể bị phá hủy”.

Cũng đòi hỏi đa nguyên đa đảng, hàng ngàn người gồm cả đảng viên đảng CSVN, ký tên vào các kiến nghị đòi bỏ điều 4 Hiến pháp nhưng chỉ có ông và một vài người khác bị tù tội.

Trang báo 86 của tuần báo le Nouvel Observateur
Báo Le Nouvel Observateur cho biết ông Lê Quốc Quân từng bị giam giữ và đánh đập rất nhiều lần từ năm 2007 đến nay nhưng ông vẫn can đảm viết blog, trình bày quan điểm cá nhân về các vấn đề của đất nước trong tinh thần “đòi đa nguyên chính trị, tôn trọng nhân quyền và tự do tôn giáo”.

Chính vì vậy, ông đã sát cánh với giáo dân Công Giáo tại Hà Nội biểu tình và cầu nguyện đòi đất cho tổng giáo phận Hà Nội, dự cuộc biểu tình đòi đất cho dân oan, góp mặt trong các buổi biểu tình bầy tỏ lòng yêu nước, chống Trung quốc bá quyền bành trướng ở Hà Nội. Ông từng bào chữa hoặc cố vấn pháp lý miễn phí cho rất nhiều dân oan bị nhà cầm quyền cướp đất, cưỡng chế giải tỏa rồi đến bù bất công. Ông là thành viên của Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Ông từng ra ứng cử quốc hội nhưng bị nhà cầm quyền CSVN gạt ra ngoài.

Ông là một trong 35 bloggers Việt Nam, (và là một trong 7 luật sư bị nhà cầm quyền CSVN tước bằng hành nghề vì lý do đấu tranh chính trị, nhân quyền) được tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) vận động kêu gọi thế giới đòi chế độ Hà Nội trả tự do vì không có làm điều gì sai trái.

Nhà cầm quyền Hà Nội dự tính đưa ông ra tòa kết án ngày 9/7/2013 nhưng chuyến đi vội vã và bất ngờ sang Mỹ của ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang (hai tuần sau đó) đã buộc họ phải dời lại vì không muốn bị ông tổng thống Mỹ Obama đem vụ này ra đả kích chế độ.

Dù đã quá hạn tạm giam theo quy định trong luật hình sự tố tụng, đến nay, LS Lê Quốc Quân vẫn không được trả tự do hay bị đem ra xử án. Luật sư Hà Huy Sơn gửi văn thư đòi trả tự do cho ông nhưng chế độ Hà Nội nín lặng dù biết tạm giam quá hạn là trái luật. (TN)

(Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=173233&zoneid=1#.UjPZML7n99A)
 
Thông Báo
HIệp thông: Thân phụ LM Dương Chí Đạt tạ thế tại Đà Lạt
VP TGM Đà Lạt
08:54 13/09/2013
TÒA GIÁM MỤC ĐÀ LẠT
9, Nguyễn Thái Học
Đà Lạt – Lâm Đồng


HIỆP THÔNG
Kính thưa quý cha và quý cộng đoàn,
Tòa Giám Mục vừa được tin :
Cụ Cố GIUSE DƯƠNG VĂN THƯỚC
Thân Phụ Cha GIUSE DƯƠNG CHÍ ĐẠT,
Quản xứ Diom, Giáo hạt Đơn Dương, Giáo phận Đà Lạt,
đã an nghỉ trong Chúa lúc 16 giờ 25, thứ ba, ngày 10 tháng 9 năm 2013,
tại tư gia, Giáo xứ Chi Lăng, Giáo hạt Đà Lạt,
hưởng thọ 78 tuổi.

Nghi thức tẩm liệm tại tư gia,
lúc 09 giờ 00, thứ tư, ngày 11 tháng 9 năm 2013

Thánh lễ an táng tại Nhà thờ Giáo xứ Chi Lăng,
lúc 08 giờ 00, thứ sáu, ngày 13 tháng 9 năm 2013.

Sau khi hỏa táng, Cụ Cố Giuse sẽ an nghỉ
tại Từ Đường Phục Sinh Giáo xứ Chính Tòa Đà Lạt.

Kính mời quý cha và quý cộng đoàn tham dự Thánh Lễ An Táng
và hiệp ý cầu nguyện cho Cụ Cố GIUSE
sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa.
 
Tin Đáng Chú Ý
6 bệnh dễ mắc do ăn nhiều thịt
Không rõ xuất xứ
09:46 13/09/2013
Ăn nhiều thịt cả về số lượng và chất lượng có thể mắc một số bệnh rất nguy hiểm. Cách ăn nhiều thịt có thể làm dễ mắc một số bệnh do ăn không đúng theo khoa học.

Bệnh tim mạch: Được coi là “kẻ giết người số 1” ở các nước phát triển. Nghiên cứu của Trường đại học Harvard cho thấy, huyết áp trung bình của người ăn chay giảm rõ rệt so với những người ăn thịt; độ cholesterol trong máu của người ăn thịt cao gấp nhiều lần so với người ăn chay và là nguyên nhân chính của chứng vữa xơ động mạch, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột qụy... Vì thế, Hội Tim mạch Hoa Kỳ đã khuyến cáo rằng, ăn chay có thể phòng ngừa từ 90 - 97% các bệnh tim mạch.

Bệnh tiểu đường: ăn nhiều thịt, nhất là các loại thịt nhiều mỡ, làm tăng axít béo và triglycerid – là nguyên nhân gây ra tiểu đường loại II. Bởi vì các axít béo dư thừa trong máu và triglycerid cản trở hoạt động của insulin, điều này dẫn đến lượng insulin trong máu bình thường hoặc chỉ hơi tăng nhưng đường huyết của người bệnh lại trong tình trạng cao. Nếu chuyển sang ăn chay thì lượng đường trong máu giảm hẳn và nồng độ axít béo cũng về mức an toàn.

Bệnh thận: Nhiều nghiên cứu cho thấy, để bài tiết các hợp chất nitơ độc hại do ăn nhiều thịt thì thận phải làm việc gấp 3 lần so với thận của người ăn chay. Urê và acid uric là hai chất thải của ăn thịt rất độc đối với cơ thể. Khi chúng ta còn trẻ, thận còn khỏe thì việc thải các chất này còn được, nhưng khi đã cao tuổi, thận đã suy yếu thì công việc thải các chất này trở thành gánh nặng cho thận và kết quả là thận không thể thải độc, nên dẫn đến bệnh tật.

Bệnh gút: Khi thận không đủ khả năng lọc thải hết các chất chứa nitơ độc hại thì creatinin và acid uric tăng cao trong máu. Nồng độ acid uric tăng cao sẽ lắng đọng lại trong các khớp nhỏ như khớp ngón tay, ngón chân gây nên bệnh gút. Tại các khớp, acid uric đọng lại kết tinh thành tinh thể tạo ra phản ứng viêm, gây nhiều đau nhức cho bệnh nhân.

Béo phì: Nguyên nhân của bệnh béo phì chủ yếu là do ăn quá dư thừa calo như mỡ động vật, bơ, phomai, thịt, sôcôla, bột, đường... Khi đã béo phì thì người ta lười vận động, từ đó năng lượng thừa không được tiêu hao lại tích trữ dưới dạng mỡ nên lại càng béo. Béo phì sẽ dẫn đến các bệnh vữa xơ động mạch, tăng huyết áp, đau xương khớp.

Bệnh gan: gan là tổng hợp các chất cần thiết cho cơ thể và thải bỏ các chất độc hại ra ngoài. Nhưng ăn nhiều thịt và mỡ động vật làm gan làm việc quá sức và tổn thương. Thịt và mỡ ăn vào sẽ làm cho gan bị nhiễm mỡ, hóa xơ, hóa sẹo.

Bệnh ung thư: Sở dĩ ăn nhiều thịt dễ bị ung thư là vì chất bảo quản thịt. Do thịt rất giàu chất đạm dễ bị thiu thối nên một số người kinh doanh thiếu lương tâm đã tẩm thịt với các chất bảo quản như nitrit, nitrat... Đến tay người tiêu dùng, chúng ta chỉ rửa sạch, pha chế rồi nấu chín. Nhưng dù nấu chín thì các chất này không bị phân hủy. Khi chúng ta ăn vào ruột, các chất này kết hợp với các acid amin tạo nitrosamin là chất gây ung thư. Mặt khác nhiều người chăn nuôi đã sử dụng các loại chất kích thích tăng trưởng, chất gây thèm ăn, gây ngủ, hormon, kháng sinh… cho vật nuôi mau lớn. Mặt khác khi vật nuôi bị bệnh, bị khối u, họ vẫn giết mổ và bán thịt ra thị trường. Người tiêu dùng vì không thấy, vẫn vô tư ăn thịt mà không biết trong loại thịt đó chứa đầy chất độc hại có thể gây bệnh từ nhẹ đến ung thư. Nhiều người do thói quen ăn uống lại chỉ ăn thịt mà rất ít ăn rau nên dễ bị táo bón, ứ đọng chất độc, càng làm cho bệnh ung thư dễ phát triển.

Như vậy, ăn nhiều thịt nhưng ít quan tâm đến chất lượng thịt có thể làm cho người ăn dễ mắc các bệnh nói trên. Do đó để tránh tình trạng này, chúng ta nên ăn đầy đủ và cân bằng giữa các chất dinh dưỡng là đạm, đường, béo, các vitamin và khoáng chất mới có thể có sức khỏe tốt.

Một vài nghiên cứu cho thấy : trong số các bệnh nhân ung thư thì 30% liên quan đến thuốc lá, 3% liên quan đến những phụ gia thực phẩm như chất màu, chất bảo quản, 35% liên quan đến ăn uống... Nói cách khác, nếu ăn uống hợp lý, thì 35% bệnh nhân sẽ thoát khỏi ung thư thay vì bị mắc bệnh. Tác dụng của ăn uống người ta thấy: dân vùng Bắc Mỹ và Tây Âu ăn nhiều thịt, bị ung thư đại tràng, ung thư dạ dày cao hơn dân ăn chay ở Ấn Độ; ở những nước ăn nhiều thịt, số phụ nữ bị ung thư vú cũng cao gấp 10 lần ở những nước có thói quen ăn chay.

6 kiểu chế biến thịt không nên ăn nhiều

Thịt là nguồn dinh dưỡng cung cấp nhiều đạm cho cơ thể nhưng ngày nay có nhiều loại thịt hoặc do chế biến có thể mang tới bệnh tật, ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài. Vì vậy, bạn nên lưu ý khi ăn các loại thịt chế biến sau.

Thịt chế biến: Thịt chế biến có thể kể là hot dogs, xúc xích, thịt bò khô, thịt heo xông khói và một số loại thịt được sử dụng trong các sản phẩm súp đóng hộp... Hầu như tất cả đều được chế biến có sodium nitrit, như là một chất bảo quản. Một nghiên cứu của Đại học Hawaii cho thấy, sodium nitrit có thể chuyển hóa thành nitrosamine - một chất đẩy nhanh sự hình thành và phát triển của tế bào ung thư.

Thịt chiên: Thực phẩm chiên trong dầu thường rất nóng và một phần đã bị oxy hóa dầu. Những thực phẩm dạng này từng được y học chứng minh là góp phần gây ung thư, tăng cân và các nguy cơ sức khỏe khác nếu tiêu thụ thường xuyên.

Thịt tái chín: Từ lâu, trong thực đơn của bạn không thể thiếu các món tái, nào là bò tái chanh, bò tái nhúng giấm đến thịt dê tái... Nếu các loại thực phẩm này mang mầm bệnh dịch tả hay thương hàn, chúng sẽ dễ dàng truyền qua con người. Bạn nên hạn chế và thận trọng khi ăn các món tái, sống. Muốn ăn thịt tái, phải ngâm thịt vào giấm đậm đặc ít nhất là năm tiếng rưỡi trở lên. Đồng thời, bạn cần tẩy sán lãi 6 tháng/lần nếu thường xuyên ăn rau sống và thịt chín tái.

Thịt xay: Thịt xay nếu bạn tự làm thì rất an toàn, nhưng nếu bạn mua từ những nguồn không đáng tin cậy thì thường là thịt kém chất lượng. Nguy cơ chứa các mầm bệnh như E.coli rất cao. Đặc biệt là khi bạn không thể quan sát bề mặt của thịt để phát hiện bệnh. Một phần thịt xay không được bảo quản trong chân không hay vô trùng, thường phơi ngoài chợ nên rất mất vệ sinh.

Thịt nướng: Nướng thịt ở nhiệt độ cao sẽ sinh ra rất nhiều độc tố, thịt nướng càng cháy thì hàm lượng độc tố trong thịt cao. Nếu ăn nhiều sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư đường tiêu hóa.

Thịt heo, bò tăng trọng: Ngày nay khi nuôi bò heo thì người ta thường trộn các chất tăng trọng, tăng tỷ lệ nạc cho heo bò. Việc tồn dư hormone và dư lượng kháng sinh đang là vấn đề. Vì hormone tăng trưởng và dư lượng kháng sinh gây ra những hậu quả lâu dài cho sức khỏe. Ví dụ, tồn dư hormone khi vào cơ thể sẽ làm rối loạn nội tiết tố trong người, tim mạch, gây mọc nhiều lông ở phụ nữ…

Thịt nạc, coi chừng hóa chất cực độc: Để tạo ra nhiều thịt heo nạc nhằm thu lời, thương lái thu mua gia súc gia cầm đã bất chấp những hậu quả khôn lường cho sức khỏe khi cho vật nuôi ăn các chất cấm (chủ yếu là các loại hoóc-môn tăng trưởng độc hại) trở thành những con vật siêu nạc trong thời gian ngắn.

Hiện chưa có nghiên cứu chính thức nào về tác hại của những chất cấm này, nhưng sự nguy hiểm của nó đến mức chính những người chăn nuôi tại Đồng Nai và các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu vừa lên tiếng kêu gọi “nói không với chất cấm trong chăn nuôi heo, đừng vì lợi nhuận mà đánh mất lương tâm”.

Bà Nguyễn Thị Ng., nuôi heo tại xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) cho biết, bà từng chứng kiến một vụ nuôi heo sử dụng chất cấm mua từ các lái heo tạo nạc cho heo trước khi xuất chuồng 15 – 20 ngày và hiệu quả thì đúng là… kinh người. Từ một con heo 120kg sau khi dùng “thần dược” siêu nạc, xương cơ co rút, thời gian này chỉ cần ngoại lực tác động nhẹ lên con heo, có thể dùng bàn tay vỗ lên lưng heo cũng khiến con vật rú lên vì đau đớn. Không đầy 3 tuần lễ trọng lượng heo chỉ còn 100kg nhưng ngoại hình rất bắt mắt, mông, vai đều nở căng, da bóng, hồng...

Thương lái sẵn sàng trả giá những con heo siêu nạc này cao hơn từ 3.000 - 5.000 đồng/kg so với giá thị trường. “Nhìn tác dụng thần kỳ như vậy, tui không dám nghĩ đến việc ra chợ mua thịt heo ăn nữa…”, bà Ng. nói. Nhiều người nuôi heo tại địa phương thường xuyên được các thương lái chào mời những loại “thần dược” tăng trọng hay siêu nạc cho heo.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng, việc phát hiện chăn nuôi sử dụng chất cấm rất dễ dàng, với những người trong nghề có thể nhìn bằng mắt thường cũng có thể nhận ra. Theo Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai, cách đây chưa đầy 3 tuần, đơn vị này kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi heo trên huyện Thống Nhất (địa phương nuôi heo với số lượng nhiều nhất), kết quả có 6/6 mẫu có chất cấm (chất tăng trọng) thuộc hai lô heo sống có giấy chứng nhận kiểm dịch của thú y địa phương cấp ngày 16/1 đạt yêu cầu. Ông Bùi Đình Bưởi, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thống Nhất, cho biết trước đó ngày 16/12/2011, phát hiện, bắt giữ một đối tượng vận chuyển 5kg chất tạo nạc (Salbutamol Sulphate) bán cho người chăn nuôi.

Theo ông Hoàng Sơn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, những chất cấm trong chăn nuôi hiện nay một phần có trong thức ăn gia súc, gia cầm còn phần lớn là do thương lái đem tới và “ép” các nhà chăn nuôi cho heo ăn nếu không sẽ không mua. Bằng cách ra điều kiện, nếu mua và cho heo ăn “chất tạo nạc”, thuốc tăng trưởng, thương lái sẽ mua cao hơn 3.000 - 5.000 đồng/kg so với… heo thường. Riêng với những loại chất tạo nạc cho heo, theo ông Hải, người chăn nuôi sẽ không hưởng lợi về trọng lượng vì tạo nạc heo không tăng được trọng lượng, chỉ tạo ảo giác là làm cho bề ngoài heo nở mông, vai, đùi… nhưng lại mất trọng lượng (trung bình 5kg/con) so với heo nuôi thông thường. “Xét ra người nuôi sẽ không được hưởng lợi từ cách làm gian lận này, chỉ có thương lái có được heo có bề ngoài đẹp, dễ bán…”, ông Hải nói.

Độc lực hại người

PGS.TS. Dương Thanh Liêm, Khoa chăn nuôi Đại học Nông lâm Sài gòn, cho biết: từ lâu ở Việt Nam những loại kích thích này đã bị cấm hoàn toàn, tuy nhiên tình trạng sử dụng lén lút vẫn còn, với mục đích tăng trọng lượng vật nuôi, tạo nạc nhanh… đó hầu hết là những hóa chất có khả năng tồn dư lâu trong cơ thể động vật ngay cả khi đã chế biến, không bị hư khi chế biến ở nhiệt độ cao như chiên, nướng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Chẳng hạn, những hoóc-môn có tác dụng thúc đẩy sự đồng hóa, tích lũy protein, tích lũy chất béo, giữ nước được sử dụng nâng cao năng suất tích lũy vật nuôi làm cho tăng trọng nhanh hơn từ 15 - 20%, giảm tiêu tốn thức ăn từ 10 - 15%. Hay một nhóm chất khác có tác dụng kích thích, thúc đẩy tái hấp thu nước làm cho súc vật lên cân nhanh. Các chất tổng hợp, có khả năng chống viêm, kích thích heo ăn nhiều, ngủ nhiều tăng cân nhanh… Chất làm cho sợi cơ phình to ra mà không tăng DNA trong tế bào sợi cơ, vì vậy chỉ làm cho thịt nạc trở nên khô, thô nghèo chất béo nên làm giảm khẩu vị, làm cứng chả lụa khi sử dụng thịt heo này để chế biến…

Đối với gia súc, gia cầm sử dụng những chất cấm khi giết thịt có thể quan sát được những bất ổn ngay trên quầy thịt như: thịt mất đi sự mềm mại, mất mùi vị thơm ngon, vị béo của thịt, có những vết bầm tím do rút cơ khiến vật nuôi vỡ các mao mạch, máu tung tóe ra có thể thấy trên bò, cừu, heo khi bị stress trước lúc giết mổ.

TS. Liêm cảnh cáo, nếu ăn thịt tồn dư hóa chất có thể bị tác động ngộ độc như run cơ, tim đập rất nhanh, hồi hộp, thần kinh bị kích thích có thể kéo dài nhiều giờ cho đến nhiều ngày. Rất nguy hiểm cho người có bệnh tim mạch. Ở Trung Quốc trước đây đã sử dụng chất này gây ngộ độc, hàng trăm người phải nhập viện. Với nhóm chất kích thích trọng lượng heo còn khiến phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú, và có thể làm rối loạn giới tính đối với thai nhi ở những phụ nữ đang mang thai. Đối với đàn ông có thể bị u nang tinh hoàn, dãn tĩnh mạch dịch hoàn, dung tích, chất lượng tinh dịch thấp, thay đổi hành vi tình dục, một trạng thái bệnh giống như đồng tính, hay các chứng bệnh về thần kinh, dễ chán nản, phiền muộn, suy yếu nhận thức, hại tuyến yên, hại tuyến vú, suy yếu hệ thống kháng thể… Đó còn chưa kể tới những hoóc-môn có tác động lên hệ tim mạch và trao đổi chất. TS. Liêm còn cho biết, một số chất tồn dư trong thức ăn cho bò sữa có thể quan sát thấy những bé gái uống sữa của những bò sữa có sử dụng hoócmôn sinh trưởng làm cho tuyến vú của chúng tăng trưởng nhanh không bình thường…

Theo Th.S Lê Thị Thu Hà, Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam, do những tác hại nghiêm trọng của nó đến sức khỏe của người tiêu dùng, các chất cấm này đã bị Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cấm sử dụng từ năm 2002. Tuy nhiên, việc kiểm soát các hộ nuôi không hề đơn giản, mắt thường của người tiêu dùng cũng khó có thể phân biệt loại thịt nào ngoài chợ dùng chất cấm, loại nào không. Xem ra họ chỉ có thể trông chờ vào lương tâm của chính những người chăn nuôi.

Heo siêu nạc nhờ "thần dược"

Vì hám lợi, người chăn nuôi đã sử dụng hóa chất không chỉ để “thổi” trọng lượng mà còn cho heo nở mông, vai, tạo nạc bắt mắt nhằm đánh lừa người tiêu dùng.

Từ thông tin người chăn nuôi sử dụng hóa chất độc hại để tăng trưởng và tạo nạc cho heo, cơ quan chuyên môn ở nhiều địa phương đã lấy mẫu thịt ngẫu nhiên bày bán ở chợ đi kiểm nghiệm và cảnh cáo đến người tiêu dùng vì loại hóa chất này gây nguy hiểm cho người sử dụng.

Chẳng biết sau những thông tin cảnh cáo đó, cơ quan chức năng chuyên môn vào cuộc như thế nào, ngăn chặn được đến đâu, nhưng thông tin ấy vô hình trung đã “dọn đường” để người nuôi heo sử dụng loại hóa chất đó một cách bí mật hơn, còn người bán bắt đầu cảnh giác và nếu không quen, không có người giới thiệu thì bất cứ ai hỏi cũng nhận được câu trả lời “không biết, không dùng và không bán”.

“Thần dược” tạo nạc

PV đã có nhiều ngày thâm nhập giới nuôi heo ở các huyện: Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Trảng Bom… (tỉnh Đồng Nai) - nơi được xem là nguồn cung cấp heo lớn ra thị trường và là nguồn cung cấp chủ yếu cho những lò mổ ở TP.HCM.

Ngay ngày đầu tiên trong vai “người nuôi heo”, đâu đâu chúng tôi cũng đều ghi nhận từ lái heo đến người nuôi heo những lời đồn đại về loại hóa chất siêu tạo nạc, trữ nước cho heo như một loại “thần dược”.

Khi heo nuôi bằng cám ăn thẳng được khoảng 80 kg đến 100 kg là đến lúc họ bắt đầu sử dụng “thần dược” siêu nạc. Loại hóa chất này không hề có nhãn mác, dạng bột màu trắng được các cửa hàng kinh doanh thuốc thú y ở địa phương bán lẻ với giá 500.000 đồng/kg. Hóa chất này có tác dụng “biến” một con heo đang gầy gò thành một con heo mông vai căng tròn. Đặc biệt, "thần dược" còn có tác dụng “đánh tan” mỡ heo ở mông vai, biến mỡ thành những thớ thịt nạc dày đến tận da làm các lái heo không thể chê vào đâu được, hớp hồn người tiêu dùng ngay ở quầy thịt heo, tạo sức hút vô hình những tay thợ làm giò chả chuyên nghiệp.

Việc sử dụng hóa chất (người nuôi heo gọi bằng thuốc tạo nạc, trữ nước) cho heo ăn rất đơn giản, theo công thức truyền tai nhau.

Những người chăn nuôi “trời ơi” này cũng phải tính toán thật kỹ, bởi từ khi bắt đầu sử dụng “thần dược” cho đến khi heo xuất chuồng sẽ không quá nửa tháng. “Nếu quá nửa tháng heo sẽ tự khuỵu chân vì loại thuốc đó sẽ làm cho xương giòn, quá trình di chuyển heo sẽ tự gãy chân, bán sẽ mất giá nên bằng mọi giá khi đã sử dụng thuốc thì sau nửa tháng buộc phải xuất chuồng. Chưa hết, nếu không xuất chuồng nhanh, không chỉ làm heo tự gãy chân mà khắp người con heo sẽ bắt đầu xuất hiện những vết lở rỉ nước…”, T. - người từng nuôi heo bằng loại hóa chất trên, nay chuyển sang làm lái heo, tiết lộ với chúng tôi.

T. ngụ ở huyện Trảng Bom (Đồng Nai), chuyên đi thu mua heo trang trại và những hộ dân ở một số huyện, như: Thống Nhất, Long Khánh, Cẩm Mỹ và Trảng Bom, rồi vận chuyển về TP.HCM giao cho những lái buôn, sau đó vào các lò mổ.

Tiếp xúc với chúng tôi, anh ta không ngần ngại khẳng định: “Tất cả những người nuôi heo nhỏ lẻ và ở những trang trại lớn đều sử dụng loại hóa chất siêu tạo nạc cho heo nở mông, vai vì sẽ bán được giá gấp nhiều lần so với heo không dùng loại hóa chất đó. Ngoài ra, loại hóa chất này còn trữ nước làm cho heo tăng trọng lượng. Nhưng từ khi có thông tin loại hóa chất này gây hại cho người thì họ sử dụng kín đáo hơn. Người trong nghề chỉ cần nhìn heo là biết có dùng thuốc hay không. Đặc điểm rõ nhất nếu dùng thuốc chỉ cần sang ngày thứ 2 là heo bắt đầu nở mông vai, tạo ra những thớ thịt săn chắc. Đến ngày thứ 3 heo sẽ ít di chuyển thường nằm ngủ li bì, sang ngày thứ 10 heo bắt đầu ăn đâu nằm đấy và kèm theo hiện tượng chân đứng không vững. Bước sang ngày thứ 15 thì bằng mọi giá phải xuất chuồng vì nguy cơ gãy chân rất cao. Đặc biệt, không chỉ nở mông vai và siêu tạo nạc, trữ nước, trong khoảng 15 ngày cho heo ăn loại hóa chất đó trọng lượng sẽ tăng vọt trung bình mỗi ngày lên 1,5 đến 2 kg....”.

T. đưa chúng tôi đến một trại heo tư nhân ở Gia Kiệm (huyện Thống Nhất), nơi có hàng trăm con heo lớn nhỏ và có 30 con chuẩn bị đến ngày xuất chuồng. Trại heo khá rộng, hai công nhân đang tất bật với công việc tắm heo và bê những thùng cám ăn thẳng cho heo đổ vào máng tự động. Trại heo được chia ra nhiều chuồng nhỏ. Mỗi chuồng có khoảng 30 con, lớn nhất khoảng 1 tạ, nhỏ khoảng 20 kg. Ông chủ nuôi heo tên H. dẫn chúng tôi ra xem bầy heo 30 con. Bầy heo nhìn khá bắt mắt, con nào con nấy mông vai căng tròn, mũm mĩm đang nằm ngủ li bì dưới nền chuồng còn vương vãi những hạt cám heo ăn thẳng.

Trước khi lên xe đi xem bầy heo nhà kế bên, ông H. đòi tăng giá bán, nhưng T. không đồng ý vì cho rằng giá heo đang rớt từ sau tết đến nay. Tâm sự với chúng tôi, ông H. than: “Tôi thường mua cám ăn thẳng rồi trộn thuốc theo công thức 1 kg cho 1 tấn cám, hằng ngày công nhân của tôi chỉ việc bê đổ vào máng tự động, heo đói thì lết ra máng ăn. Giờ mấy anh không thu sớm, heo khuỵu chân thì khổ”.

Giống như bầy heo trong trang trại nhà ông H., trang trại của ông S. ở Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ) cũng chuẩn bị xuất chuồng với khoảng 40 con; con nào mông, vai cũng căng tròn, nằm la liệt. Khi chúng tôi có mặt thì đến giờ cho heo ăn chiều. S. lấy muỗng múc một thìa bột màu trắng ngà đổ vào chiếc thùng đang ngâm cám, rồi lấy cây quậy đều, sau đó đổ vào máng cho cả bầy heo tranh nhau ăn ngon lành. “Bầy này em mới cho ăn thuốc được 7 ngày, đang tính tuần sau bán mà giá xuống thấp quá…”, S. than thở.
 
Văn Hóa
Mùa thu đến
Trầm Hương Thơ
09:40 13/09/2013
Mùa thu đến

Mùa thu đến gió giật rung cành lá
Từng cơn ho như rã cả rừng hoang
Còn đâu nữa cảnh êm đềm đoan trang
Của nắng hạ cao sang ngàn cánh bướm

Lượn quanh những đời hoa gieo hương sớm
Hoa cũng tàn theo gió ướm thời gian
Dòng đời trôi, trôi dạt ôi! phũ phàng
Còn đâu nữa huy hoàng thời hoa mộng

Con đường đời đang trở về giang rộng
Lá vàng rơi bão lộng xuống đất thôi
Rồi từ từ cũng sẽ đến lượt tôi
Bao lâu nữa hãy ngồi hồi tưởng lại

Trên thế gian điều gì là trong đại
Cuối cuộc đời khôn dại sẽ phơi ra
Bao danh vọng hay tiền của theo ta?
Hay nhân đức lời Cha Ngài căn dặn?

Ta mang về đầy kim cương rất nặng
Theo áo quan xuống đó đặng khoe ra
Hay nhân đức ta đem về với Cha?
Trong mái nhà xa hoa tình thương mến.

Trầm Hương Thơ 12.09.2013
 
Một thiếu niên đạp xích lô ở Việt Nam trở thành khoa học gia nguyên tử ở Mỹ
Trà Mi / VOA
18:04 13/09/2013
Tiến sĩ Võ Tá Đức hiện công tác tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos, một trong hai phòng thí nghiệm của Mỹ chuyên nghiên cứu chế tạo các loại võ khí nguyên tử và là một trong các viện nghiên cứu đa ngành lớn nhất thế giới. Cậu bé đạp xích lô ở Việt Nam ngày nào giờ đây đã góp công nghiên cứu sáng chế ra những máy móc, thiết bị dò tìm nguyên tử đang được ứng dụng để ngăn ngừa các hình thức vận chuyển nguyên tử bất hợp pháp vào biên giới Hoa Kỳ.

Là con trưởng trong gia đình 11 anh chị em, năm lên 14 tuổi, cậu bé Võ Tá Đức đã trở thành lao động chính trong nhà vì gia cảnh khó khăn. Ba cậu làm thợ nề, nhưng do bệnh tật nên bị mất sức lao động. Mẹ Đức tảo tần buôn bán lặt vặt chạy bữa qua ngày. Hằng ngày, sau giờ tan học, Đức ăn vội cơm trưa rồi cuốc chiếc xe xích lô rong ruổi khắp mọi góc phố ở Tuy Hòa để kiếm tiền phụ cha mẹ nuôi 14 miệng ăn trong gia đình.

Tiến sĩ Đức nhớ lại: ‘Sau biến cố năm 1975, lúc đó tôi còn rất nhỏ đang học trung học, nhưng vì nhà nghèo quá, nên cũng phải phụ giúp gia đình. Sáng đi học, trưa về ăn cơm xong liền xách xích lô chạy. Đạp xích lô tới chiều tối. Ăn cơm tối xong lại lên xe đi tiếp. Tôi chỉ học buổi sáng, đạp xích lô từ trưa tới sáng hôm sau luôn. Tối đến tôi đậu xích lô ở bến xe ngủ. Hễ nghe tiếng xe đò tới thì tôi tỉnh dậy, chạy về nhà tắm rửa, thay quần áo đi học. Lúc đó tôi đâu có thời giờ học đâu, thỉnh thoảng khi rãnh, tôi ngồi trên xe xích lô lấy bài vở ra làm chút chút vậy thôi. Thời đó, tôi học rất dở vì không có giờ học.’

5 năm trời dầm mưa dãi nắng còng lưng trên chiếc xích lô đạp, việc học hành của Đức hoàn toàn sa sút, nên cậu đã không thi đại học. Tới năm 1981, ba Đức cố xoay sở tìm cách cho cậu theo một người bà con trong Nam đi vượt biên, và cũng từ đó, cuộc đời cậu bé đạp xích lô bước sang một ngã rẽ mới. Thời gian trong trại tị nạn chờ được một nước thứ ba cho đi định cư chính là giai đoạn bước ngoặt đối với Đức, khi chàng thanh niên lam lũ, cơ hàn quyết chí phải đổi đời, phải phấn đấu tiến thân bằng con đường học vấn.

Tiến sĩ Đức cho biết: “Vượt biên qua tới trại tị nạn, tôi cảm thấy như vậy là từ đây mình có cơ hội đi học, phát triển. Ngay từ lúc đó, tôi đã quyết định phải cố gắng học hành cho thành tài. Còn hồi trước ở Việt Nam, tôi không dám có ước mơ đó vì đi đạp xích lô cả ngày, học hành sao được mà có ước mơ học cho thành công?”

Sau thời gian ở trại tị nạn, anh tới Mỹ và được một gia đình ở bang Iowa nhận làm con nuôi. Thành tích học tập của chàng trai nghèo từ Việt Nam bắt đầu tỏa sáng sau 1 năm rưỡi ở trường trung học Mỹ.

Thông thường sinh viên ở Mỹ khi vào đại học phải trả học phí. Ngoài một số ít sinh viên xuất sắc nhận được học bổng, đa số phải vay từ các nguồn quỹ hỗ trợ của chính phủ dành cho sinh viên. Thế nhưng, cậu bé đạp xích lô ở Tuy Hòa suốt thời gian đại học và cao học ở Mỹ không phải trả bất kỳ khoản tiền học phí nào, nhờ vào thành tích lao động trí óc cần cù. Năm học lớp 12, Đức đoạt giải nhất một kỳ thi khoa học cấp tiểu bang, mang lại cho cậu học trò nghèo học bổng toàn phần cho suốt 4 năm học ở khoa vật lý trường đại học Bắc Iowa. Tốt nghiệp đại học, anh đi thẳng vào chương trình tiến sĩ chuyên ngành vật lý nguyên tử, và trong suốt thời gian cao học, anh liên tục nhận được các nguồn học bổng dành cho nghiên cứu sinh. Còn các khoản sinh hoạt phí khác anh trang trải từ thu nhập làm trợ giảng cho các vị giáo sư.

Tiến sĩ Đức cho biết những điều kiện học tập có được ở Mỹ đã khuyến khích ông thêm say mê học tập, nên ông đã không dừng lại ở tấm bằng đại học như dự định ban đầu:

‘Mình đi học ráng học cho lẹ, lấy thiệt nhiều lớp để mau ra trường lấy bằng đi làm kiếm tiền gửi về Việt Nam phụ gia đình. Nhưng tới lúc học gần xong đại học, tôi lại thấy sức mình vẫn còn đi học tiếp được. Cho nên năm cuối đại học, tôi lại nộp đơn xin vào cao học. Tôi thấy vấn đề học hành không khó lắm. Nếu mình chịu khó thì chuyện gì cũng vượt qua được hết. Mỹ là một nước tự do và có cơ hội để mọi người, ai có chí, thì có thể làm nên. Tôi nghĩ nếu không qua Mỹ mà còn ở Việt Nam thì giờ này chắc tôi cũng còn đạp xích lô, không có cơ hội để phát triển thành tài. Nghĩa là phải có cơ hội nào đó đưa đến cho người ta có dịp để phát triển tài năng. Đối với tôi, cơ hội đưa đến là được qua Mỹ để rồi được phát triển đầu óc. Ở Mỹ này tôi thấy nếu mình chịu khó học sẽ có cơ hội đưa cuộc sống mình đi lên. Còn ở Việt Nam, dù cũng có, nhưng cơ hội không đồng đều.’

Ai có ngờ một nhà khoa học đang làm việc cho một phòng thí nghiệm nguyên tử nổi tiếng ở Mỹ xuất thân là một người đạp xích lô ở bến xe Tuy Hòa. Điều kỳ diệu ấy đã xảy ra đối với Tiến sĩ Võ Tá Đức thì cũng có thể xảy ra với các bạn, nhất là các bạn trẻ nghèo khó tại Việt Nam, nếu các bạn quyết tâm phấn đấu, cần cù chịu khó học tập để thay đổi số phận của mình.

Tiến sĩ Đức:‘Một thông điệp tôi muốn nói với các bạn trẻ ở Việt Nam, nhất là các bạn nghèo, rằng nếu có ý chí sẽ vượt qua được những khó khăn. Nếu các bạn chịu khó đặt một mục đích nào đó cho tương lai, cho cuộc sống của mình và ráng sống theo mục đích đó, thì sẽ thành công.’

Qúy thính giả muốn chia sẻ những câu chuyện thành công, xin email số phone về vietnamese@voanews.com. Trà Mi mong được ghi nhận thêm nhiều gương vượt khó vươn lên khác nữa của người Việt bốn phương để gửi tới các bạn trẻ Việt Nam.

--------------------------------------------

The first Vietnamese doctor working in the Los Alamos National Laboratory (LANL), Dr. Vo Ta Duc always remembers his cyclo riding experience in Vietnam, as part of his miracle.

Dr. Duc’s is involved in researching and inventing monitoring and safety machines and equipment to detect and prevent the illegal transport of atomic bombs into the US.

His parents used to live in Vietnam’s south-central Phu Yen province. At the age of 14, Duc became the main breadwinner for them as he was the eldest of 12 children. Every day after school, he lunched quickly and then took a cyclo to the street corners in Tuy Hoa to help his parents who were scraping out a living.

In 1981, Duc was adopted by a family in the US state of Iowa and moved to his current residence country. With his academic record beginning to shine after more than one year studying at an American high school, he did not have to pay any tuition fees.

As a 12 th-grade student, Duc won a state-level scientific contest that provided him with a full scholarship for a four-year course in the Physics Department at the University of Northern Iowa.

fter graduation, he moved straight into a doctoral program in atomic physics. He continued to receive scholarships for postgraduate trainees throughout his course of study.

Talking about his success, Dr. Duc wants to send a message to young Vietnamese people, especially the poor that if they have a strong will they will be able to overcome every difficulty.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đoá Thược Dược Tím
Đặng Đức Cương
21:40 13/09/2013
ĐOÁ THƯỢC DƯỢC TÍM
Ảnh của Đặng Đức Cương
Tiêng tiếc mãi màu hoa tím cũ
Thương quá đỗi đất trời viễn xứ
Mang bóng hình người của tôi thương.
(Trích thơ của Linh Phương)