Ngày 09-09-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:14 09/09/2017
3. BỐ MẸ CỦA ĂN MẶC
Có một người vừa được thăng làm quan huyện, dân chúng cùng nhau kéo đến cáo trạng, quan huyện phấn khởi bỏ bút son xuống bàn án, đi xuống thính đường chấp tay vái vái những người đến cáo trạng, sai dịch sửng sốt hỏi:
- “Họ chẳng qua là dân chúng dưới tay của ngài, có oan khuất mới đến cáo trạng và mong ngài đem lại sự công bằng cho họ, tại sao lão gia lại cung kính họ như vậy chứ ?”
Quan huyện nói:
- “Các ngươi không biết, người đến cáo trạng chính là bố mẹ ăn mặc của ta, sao lại không kính trọng họ chứ ?”
(Giải Uẩn thiên)

Suy tư 3:
Quan huyện cung kính vái chào dân chúng đến cáo trạng, vì ông ta biết rõ là cơm mình ăn áo mình mặc là của người dân cáo trạng đến hối lộ, cho nên coi họ như cha mẹ, đúng là một vị quan hiểu thấu tâm lý bá tánh.
Giáo dân thời nay nhận xét có một vài linh mục mà trong cách sống của các ngài không có nhân bản, nhất là các linh mục trẻ, bởi vì các ngài chưa ý thức đủ mình làm linh mục cho ai, cho gia đình hay cho Giáo Hội, cho cá nhân hay cho giáo dân, cho nên các ngài “chưa dám” cúi mình để chào hỏi giáo dân trước khi họ chào mình, cho nên các ngài “chưa đủ” can đảm để xin lỗi khi mình sai lỗi. Nhà xứ các ngài ở, nhà thờ các ngài phục vụ, cơm các ngài ăn, áo quần các ngài mặc, xe các ngài đi.v.v... đều không phải bởi sự yêu thương của giáo dân hay sao ?
Giáo dân thời nay ít câu nệ hình thức bên ngoài, và trong thâm tâm họ cũng không muốn các linh mục hạ mình với họ, nhưng cái họ muốn nơi các linh mục là sống khiêm tốn, hoà đồng vui vẻ nhưng nghiêm trang đứng đắn, phục vụ Chúa tận tình trong giáo xứ là đủ rồi.
Đó cũng là ý muốn của Giáo Hội trong thế giới ngày nay vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư
------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Thánh lễ Chúa Nhật Thứ 23 Mùa Quanh Năm 10/09/2017 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
03:45 09/09/2017
Bài đọc 1: Ed 33,7-9
Nếu ngươi không nói để cảnh cáo đứa gian ác, thì máu nó, Ta sẽ đòi ngươi.
Bài trích sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en.
Đức Chúa phán như sau: “Phần ngươi, hỡi con người, Ta đã đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Ít-ra-en. Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết. Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: ‘Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết’, mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó. Ngược lại, nếu ngươi đã báo cho kẻ gian ác phải từ bỏ con đường của nó mà trở lại, nhưng nó không trở lại, thì nó sẽ phải chết vì tội của nó; còn ngươi, ngươi sẽ cứu được mạng sống mình.”

Đó là lời Chúa.

Đáp ca: Tv 94,1-2.6-7a.7b-9
Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa! Người phán: Các ngươi chớ cứng lòng.
Hãy đến đây ta reo hò mừng Chúa,
tung hô Người là Núi Đá độ trì ta,
vào trước Thánh Nhan dâng lời cảm tạ,
cùng tung hô theo điệu hát cung đàn. Đ.

Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục,
quỳ trước tôn nhan Chúa là Đấng dựng nên ta.
Bởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ,
còn ta là dân Người lãnh đạo,
là đoàn chiên tay Người dẫn dắt. Đ.

Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa!
Người phán: Các ngươi chớ cứng lòng
như tại Mê-ri-ba, như ngày ở Ma-xa trong sa mạc,
nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức
và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm. Đ.

Bài đọc 2: Rm 13,8-10
Yêu thương là đã chu toàn Lề Luật.
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.
Thưa anh em, anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật. Thật thế, các điều răn như: Ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn, cũng như các điều răn khác, đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy.

Đó là lời Chúa.

Tung hô Tin Mừng 2 Cr 5,19
Allêluia. Allêluia. Trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Người, và giao cho chúng tôi công bố lời hoà giải. Allêluia.

Tin Mừng: Mt 18,15-20
Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em.
Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo thánh Mát-thêu.
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã được món lợi là người anh em mình. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.

Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy.

Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ”.

Đó là lời Chúa.
 
Chúa Nhật 23 A : Ba phương án
Lm. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
08:01 09/09/2017
Ngạn ngữ Tây Phương có câu “lầm lỗi là bản tính con người” (errare est humanum, to err is human). Còn ta thì có câu “nhân vô thập toàn.” Tức là thế nào cũng lầm lỗi. Vàng ròng mà cũng chỉ 4 số 9 (9999), chứ đâu có vàng 100, huống gì con người, thế nào cũng có lỗi.

Nhưng đứng trước lầm lỗi kẻ khác, trước thiếu sót của tha nhân, con người lại chia thành hai loại để đi đến hai cực : một là cực xa – hai là cực gần.

1. Cực xa : là ta chẳng để ý gì đến người khác cả. Nó muốn làm gì kệ nó. Mặc xác nó. Thái độ này người xưa gọi là Sống chết mặc bây, bây có linh hồn bây lo giữ lấy. Còn con người thời nay (thập niên 80, 90) gọi bằng tên có vẻ Tây : Markeno. Mặc kệ nó. Chủ nghĩa này, thái độ này ngự trị hầu hết ở thành thị. Đến độ nhà bên cạnh bị mất cắp, người trong nhà đó bị giết mà mình sát vách vẫn chẳng hay chẳng biết, huống gì là họ có lỗi này lầm kia ta đến để nhắc nhở họ. Vì thế ở sát vách mà vẫn cực xa.

Những người đó hãy nghe lại Bài đọc I trong Sách Ezekiel : Hỡi con người, Ta làm cho ngươi trở nên lính canh nhà Israel để ngươi loan báo cho kẻ tội lỗi ăn năn trở lại. Nếu ngươi không chịu nói, để họ bỏ đường tà qui chánh thì kẻ tội lỗi đó chết, Ta sẽ đòi máu nó ở nơi ngươi. Còn nếu ngươi đã nói rồi mà nó vẫn không cải tà sám hối thì nó chết trong sự gian ác, còn ngươi thì không sao cả.

Do đó, chúng ta là những tuần canh được Chúa đặt lên để gìn giữ linh hồn anh em.

2. Cực gần. Nhưng tuần canh cũng có nguy hiểm là đi quá sâu, canh quá sát, gác quá gần. Đây là hạng người “Cực gần” đối lại với “Cực xa” vừa nói trên kia.

Cực gần, là hạng người tò mò tọc mạch muốn biết hết chuyện nhà hàng xóm. Nhà họ có mấy con gà ; chân giường bốn cái lung lay cái nào mình cũng hay cũng biết. Người ta gọi hạng người này là kẻ “chõ mũi vào nhà người khác”. “xía mũi vào chuyện người ta”, dò xét từng hành vi tung tích của kẻ địch để rồi kiêm luôn nhân viên sở thông tin văn hóa loan báo cho cả làng. Hạng người “cực gần” này hay nấp ở thôn xóm. Hạng cực xa có hộ khẩu ở thành thị thì hạng cực gần có địa chỉ ở thôn quê. Vì canh chừng quá gần nên triết gia hiện sinh J.P. Sartre gọi người khác là hoả ngục của tôi. Hỏa ngục chính là người khác. Tôi là kẻ bị nhìn (regardé) mà không phải được nhìn để được nhìn nhận chăm sóc, mà bị nhìn bởi cặp mắt và suy nghĩ của người nhìn: nên cũng dễ bị bệnh chủ quan lệch lạc. Kinh Thánh đã nói đâu đó : Có ai đã đặt ngươi làm quan án trên dân đâu. Còn thư Giacôbê : “Ngươi là ai mà dám xét đoán tha nhân”.

3. Trung Dung. Cả hạng người “cực xa” lẫn lớp người “cực gần” đều không phải là mẫu người mà Chúa Giêsu muốn nói trong bài Tin Mừng hôm nay. Thái độ “trung dung” như quan niệm Đông Phương là đúng nhất, tức phải để ý, lưu tâm đến người và vẫn phải để người đó có trách nhiệm trên cuộc sống của họ nữa.

Bài Tin Mừng hôm nay chẳng những Chúa muốn nói điều đó, mà còn muốn chỉ dẫn chi tiết từng bước một trong việc sửa lỗi anh em. Vì thế bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu không có ý nói về người có lỗi mà nói về người sửa lỗi.

Con đường 3 bước mà người sửa lỗi phải đi theo có thứ tự ưu tiên như sau. Đúng ra là 3 phương án.

-Phương án 1 : Hai người với nhau thôi:

Nếu anh em ngươi phạm lỗi, hãy đi sửa dạy nó. riêng nó với ngươi thôi. Nếu nó nghe ngươi thì ngươi đã lợi được người anh em. Nếu thất bại, mới qua Phương án 2.

-Phương án 2 : thêm hai hay ba: Ta kêu thêm một hay hai người nữa để mọi việc được giải quyết êm đẹp. Thêm một, hai người không phải để gia tăng lời tố cáo mà là để, như kiểu chúng ta vẫn thường nói, “xin anh nói thêm cho một tiếng, xin chị khuyên can nó một câu, xin Sơ bảo nó một lời… . Ba mặt một lời có thể thuyết phục được hơn chăng ! Rồi nếu phương án này thất bại, ta có Phương án 3.

-Phương án 3 : trình với cộng đoàn. Tức là trình lên đại diện cộng đoàn, là “sửa lỗi trước đơn vị.” Mà nếu vẫn không thành công, thì, Phương án chót, hay đúng hơn không còn phương án nào khác, không còn trách nhiệm gì đến nó nữa. Xem họ như dân ngoại và thu thuế. Nhưng nên nhớ Đức Giêsu luôn coi trọng người ngoại và thu thuế ! Vì thế ta có thể nói, chỉ còn phương án phó thác người đó cho Chúa mà thôi !

Trong 3 phương án đó, ta phải ưu tiên phương án 1: giữa 2 người với nhau. Trong sách truyền thống các ẩn tu, người ta ghi rằng : Ngày kia, khi giám mục Ambonat đến thăm một làng nọ. Dân làng kéo đến tố cáo với giám mục về một vị ẩn tu trên núi: tu gì mà có một người nữ sống chung lén lút. Dân yêu cầu giám mục chấm dứt tình trạng đó. Giám mục nghe xong quyết định lên núi. Ngài đi đầu và dân chúng lũ lượt theo sau. Vị ẩn sĩ thấy rầm rập người tới thì hấp tấp bảo người nữ chui vào chiếc thùng gỗ trống để ẩn núp. Giám mục là người đến lều trước tiên. Ông bước vào và đưa mắt quan sát, quan sát vị ẩn tu lẫn túp lều, liền hiểu ngay. Giám mục đi thẳng tới thùng gỗ, ngồi lên đó và bình thản ra hiệu cho dân làng vào kiểm tra túp lều. Khi dân làng chẳng tìm đâu bóng dáng người nữ, giám mục liền nói : anh em hãy xin lỗi vì đã nghĩ không tốt cho vị ẩn sĩ đi.

Rồi chờ cho đến khi dân làng đã xuống hết, giám mục mới tiến lại người ẩn tu, nắm chặt tay ông, đưa đôi mắt nhân từ nhưng cương nghị và chậm rãi nói : “Hỡi người anh em, hãy giữ mình kẻo mất linh hồn.” Phương án 1 mà giám mục Ambonat đã thi hành, đúng là nhằm thực hiện Lời Chúa hôm nay.

Trong nghệ thuật sửa lỗi của nhau, các sách Học Làm Người cũng cho ta nhiều chỉ dẫn giá trị, như trong Đắc Nhân Tâm của Dale Carnegie, đã chỉ cho ta 9 cách để sửa lỗi người mà không làm cho người phật ý. Như, khen trước một câu ; như làm sao như thể là họ tự thấy khuyết điểm của họ, chứ không phải do mình nói ; như sửa lỗi mà không làm mất thể diện… . Tóm lại, làm sao cho họ không phật ý. Mà họ không phật ý là họ sẽ sửa sai.

Đức hồng y Roncalli (sau là giáo hoàng Gioan 23) ngày kia dự tiếp tân bên cạnh một nữ công tước mặc chiếc váy cực kì ngắn. Ngài tỏ vẻ khó chịu nên suốt bữa tiệc làm như không biết bà. Cuối bữa, ngài đưa cho bà một trái táo. Rất hân hạnh, bà nói : “Tôi không biết phải cám ơn ngài thế nào. Nhờ đâu tôi được ngài ưu ái như thế ?” ĐHY chăm chăm nhìn bà rồi nói một câu Kinh Thánh, sách Sáng Thế : “Sau khi Evà ăn quả táo, bà ta mới nhận ra là mình thiếu quần áo.”

Lạy Chúa Giêsu, trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa dạy con nhiều điều. Điều trước hết là ai cũng có thể phạm lỗi để con không tự kiêu tự đại. Điều thứ hai là con cũng có trách nhiệm trên lỗi của kẻ khác để con biết tìm cách giúp người anh em sửa lỗi sửa sai, và điều thứ ba là đừng nóng vội đốt công đoạn trong việc sửa lỗi. Trước hết là phải giữa hai người với nhau mà thôi.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con hiểu rõ Lời Chúa.

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Diễn từ của Đức Thánh Cha với các Giám Mục Colombia
VietCatholic Network
03:30 09/09/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Như chúng tôi đã tường thuật, sáng ngày 7 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có một bài diễn văn trước Tổng Thống Santos cũng như bài nói chuyện với các bạn trẻ. Sau đó, ngài gặp các giám mục Colombia và các Giám Mục trong Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh – gọi tắt là CELAM; và cuối cùng là thánh lễ ngoài trời ở Công Viên Simon Bolivar của Bogota.

Trong cuộc gặp gỡ 130 vị thuộc Hội Đồng Giám Mục Colombia, Đức Thánh Cha khích lệ các Giám Mục đẩy mạnh tiến trình hòa giải và tha thứ tại nước này, gia tăng hiệp nhất và quan tâm tới người da đen, bảo vệ vùng Amazone.

Cuộc gặp gỡ các vị chủ chăn của 78 giáo phận ở Colombia diễn ra lúc quá 11 giờ trưa tại dinh Hồng Y, cạnh nhà thờ chính tòa Bogotà.

Trong lời chào mừng Đức Thánh Cha, Đức Hồng Y Rubén nói rằng: “Đất nước chúng con đang chiến đấu để để lại đằng sau một lịch sử bạo lực, gieo chết chóc trong mấy thập niên qua, nhưng tiến trình xây dựng hòa bình cũng đã trở thành một nguồn sinh ra những lập trường chính trị cực đoan, hằng ngày gieo rắc chia rẽ, xung đột và gây hoang mang lạc hướng cho nhiều ngừơi. Chúng con là một quốc gia mang đậm những chênh lệch và bất công, đòi phải có những thay đổi sâu rộng trong mọi lãnh vực xã hội, nhưng dường như nhân dân đất nước chúng con không muốn trả giá cần thiết để đạt tới những điều đó”.

Tiếp lời Đức Hồng Y, cả Đức Cha Óscar Urbina Ortega, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Colombia và cũng là Tổng Giám Mục giáo phận Villavicencio, nhân danh các Giám Mục chào mừng Đức Thánh Cha.

Trong bài huấn dụ dài 9 trang, Đức Thánh Cha lần lượt đề cập đến nhiều khía cạnh của Colombia. Ngài trưng dẫn lời một tác giả nổi danh của nước này, Ông Gabriel Garcia Marquez, nói rằng “Bắt đầu một cuộc chiến tranh thì dễ dàng hơn là chấm dứt nó”, và để được như vậy, Colombia cũng cần những Giám Mục là những mục tử, chứ không phải là chính trị gia.

Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói:

“Bình an ở cùng anh em”

Đấy là lời chào hỏi của Chúa Sống lại ngỏ cùng đoàn chiên bé nhỏ của Người sau khi Người chiến thắng sự chết. Các hiền huynh hãy coi nó là lời chào hỏi của tôi với các hiền huynh ở ngày đầu tiên trong chuyến viếng thăm của tôi.

Tôi cám ơn về các lời chào mừng của các hiền huynh. Tôi rất vui khi thấy các bước đi đầu tiên của tôi tại xứ sở này đã đem tôi tới gặp các hiền huynh, các giám mục của Colombia. Qua các hiền huynh, tôi xin ôm hôn toàn bộ Giáo Hội tại Colombia; tôi ôm mọi người dân của các hiền huynh trong trái tim tôi, trái tim của người kế nhiệm Thánh Phêrô. Tôi rất biết ơn đối với thừa tác vụ giám mục của các hiền huynh, và tôi yêu cầu các hiền huynh thực thi nó với một lòng đại lượng đổi mới. Tôi xin gửi lời chào thăm đặc biệt tới các giám mục về hưu, và tôi xin các ngài, bằng lời cầu nguyện và sự hiện diện kín đáo, tiếp tục nâng đỡ Nàng Dâu của Chúa Kitô, nàng dâu mà các ngài đã hiến mình cho một cách hết sức quảng đại.

Tôi tới đây để công bố Chúa Kitô, và để thực hiện một cuộc hành trình hoà bình và hòa giải nhân danh Người. Chúa Kitô là hòa bình của chúng ta! Người đã hòa giải ta với Thiên Chúa và với nhau!

Tôi xác tín rằng Colombia có một đặc điểm rất đáng chú ý: nước này chưa bao giờ là một mục tiêu đã đạt được hoàn toàn, một định mệnh đã thành tựu trọn vẹn, hay một kho báu đã chiếm hữu được đầy đủ. Tôi nghĩ tới các phong phú nhân bản của quốc gia, các tài nguyên mênh mông của nó, nền văn hóa của nó, tổng hợp Kitô giáo sáng lạn của nó, gia tài đức tin của nó và ký ức về các nhà truyền giảng Tin Mừng của nó. Tôi nghĩ tới niềm vui không tài nào dập tắt được của nhân dân nó, nụ cười không bao giờ tắt của tuổi trẻ nó, lòng chung thủy hết sức đặc trưng đối với Tin Mừng Chúa Kitô và đối với Giáo Hội của nó và, trên hết, lòng can đảm không thể khuất phục của nó trong việc chống lại các đe dọa chết chóc không những chỉ được công bố nhưng thường được đích thân cảm nghiệm. Tất cả những điều này đều lu mờ, biến đi đối với những ai tới đây như những ngoại nhân chỉ nhằm thống trị, nhưng tự ý tỏ hiện đối với những người biết đụng tới trái tim nó bằng một sự nhu mì của khách phương xa đến du lịch. Colombia là thế đấy.

Chính vì lý do trên, tôi tới với Giáo Hội của các hiền huynh như một khách phương xa, như một lữ khách hành hương. Tôi là người anh em của các hiền huynh, hết lòng mong mỏi được chia sẻ Chúa Kitô phục sinh, Đấng mà không tường nào không bước qua được, không sợ hãi nào không vượt thắng được, không cơn bệnh nào không chữa chạy được.

Tôi không phải là vị giáo hoàng thứ nhất nói với các hiền huynh tại nhà của các hiền huynh. Hai vị tiền nhiệm vĩ đại của tôi đã là khách mời của qúy hiền huynh ở đây rồi. Chân Phúc Phaolô VI đến đây ngay sau khi kết thúc Công Đồng Vatican II để khuyến khích việc thực thi mang tính hợp đoàn mầu nhiệm Giáo Hội tại Châu Mỹ La Tinh, như Thánh Gioan Phaolô II đã làm trong chuyến tông du đáng ghi nhớ của ngài năm 1986. Lời lẽ của cả hai vị là một tài nguyên lâu bền; các hướng dẫn được các ngài đưa ra, và sự tổng hợp tuyệt vời được các ngài đề xuất liên quan tới thừa tác vụ giám mục của các hiền huynh, là một gia tài cần được trân qúy. Tôi mong mọi điều tôi nói với các hiền huynh sẽ được tiếp nhận trong sự liên tục với các giáo huấn của các ngài.

Những người bảo vệ và bí tích của bước đi đầu tiên

“Ta hãy thực hiện bước đi đầu tiên”. Đây là chủ đề chuyến viếng thăm của tôi và đây là điều đầu tiên tôi muốn nói với mọi hiền huynh. Các hiền huynh biết rất rõ điều này: Thiên Chúa là Chúa của bước đi đầu tiên. Người không ngừng đi trước chúng ta. Sách Thánh chỗ nào cũng nói tới Thiên Chúa như Đấng vì yêu thương đã tự đầy ải khỏi chính Người. Chuyện ấy đã xẩy ra khi chỉ có bóng tối, hỗn mang, và Thiên Chúa, nhờ ra khỏi chính Người, đã đem mọi sự vào hiện hữu (xem St 1:2,4). Chuyện ấy đã xẩy ra khi Người đi dạo trong Địa Đàng và thấy sự trần truồng của các tạo vật (xem St 3:8-9). Chuyện ấy đã xẩy ra khi, như một khách hành hương, Người ngụ trong lều vải của Ápraham, để lại cho ông lời hứa sinh con đầy bất ngờ (xem St 18:1-10). Chuyện ấy đã xẩy ra khi Người hiện ra với Môsen đang chăn cừu cho cha vợ và mở ra trước ông nhiều chân trời mới lạ (xem Xh 3:1-12). Chuyện ấy đã xẩy ra khi Người từ khước quay lưng lại với Giêrusalem yêu qúy, ngay cả lúc Giêrusalem đánh đĩ bản thân mình qua các ngả đường bất trung (xem Edk 16:15). Chuyện ấy đã xẩy ra khi Người tản cư cùng với vinh quang của Người vào nơi dân Người biệt xứ trong cảnh nô lệ (xem Edk 10:18-19).

Rồi, tới thời viên mãn, Thiên Chúa quyết định mạc khải tên thật của bước đi đầu tiên, bước đi đầu tiên của Người. Tên ấy chính là Giêsu, và bước đi ấy không thể nào đảo ngược được. Bước đi ấy sinh hạ từ tình yêu tự do, một tình yêu đi trước mọi điều khác. Vì Chúa Con chính là biểu thức sống động của tình yêu ấy. Những ai biết nhìn nhận và chấp nhận Người, đều nhận được sự tự do để thực hiện bước đi đầu tiên ấy, ở trong Người. Họ không sợ lạc đường nếu họ biết ra khỏi chính họ, vì họ có sự đặt cọc của tình yêu vốn phát xuất từ bước đi đầu tiên của Thiên Chúa, chiếc la bàn giữ họ khỏi lạc đường.

Như thế, các hiền huynh hãy một lòng kính sợ và tôn kính duy trì bằng được bước đi đầu tiên mà Thiên Chúa đã thực hiện về phía các hiền huynh và, qua thừa tác vụ của các hiền huynh, về phía dân mà Người đã ủy thác cho sự chăm sóc của các hiền huynh. Các hiền huynh hãy hiểu ra rằng các hiền huynh là bí tích sống động của sự tự do thần thánh đó, một thứ tự do không hề sợ ra khỏi chính mình vì tình yêu, không sợ nghèo đi vì đã hiến mình và không cần sức mạnh nào khác ngoài sức mạnh của tình yêu.

Thiên Chúa đi trước chúng ta. Chúng ta chỉ là cành, không phải cây nho. Thành thử các hiền huynh đừng làm im bặt tiếng nói của Đấng đã mời gọi các hiền huynh, hay tự lừa mình vào việc nghĩ rằng thành công của sứ mệnh được trao phó cho các hiền huynh hệ ở các nhân đức tồi tàn của các hiền huynh hay tùy thuộc lòng tốt của bất cứ quyền lực nào khác. Thay vào đó, các hiền huynh hãy sốt sắng cầu xin khi các hiền huynh chẳng có bao nhiêu để cho đi, ngõ hầu các hiền huynh được ban cho điều gì đó có thể cung hiến cho những người gần gũi với trái tim mục tử của các hiền huynh. Trong cuộc sống của một giám mục, cầu nguyện là nhựa sống chuyển qua cây nho, mà nếu không có nó, thì các cành sẽ héo úa và không sinh hoa quả nào. Thành thử, các hiền huynh hãy tiếp tục vật lộn với Thiên Chúa, càng làm như thế hơn nữa trong cái đêm tối vắng mặt Người, cho đến khi Người chịu chúc lành cho các hiền huynh (xem St 32:25-27). Các thương tích của cuộc vật lộn quan trọng hàng ngày ấy trong lúc cầu nguyện sẽ là nguồn chữa lành cho các hiền huynh. Các hiền huynh sẽ được Thiên Chúa chữa lành, để, đến lượt mình, các hiền huynh có khả năng đem sự chữa lành đến cho người khác.

Hãy chứng tỏ rõ ràng rằng các hiền huynh là bí tích của bước đi đầu tiên của Thiên Chúa.

Thực thế, việc chứng tỏ rõ ràng rằng các hiền huynh là bí tích của bước đi đầu tiên của Thiên Chúa đòi hỏi một cuộc xuất hành nội tâm liên lỉ. “Không có lời mời gọi yêu thương nào mạnh mẽ hơn việc dự phóng trong yêu thương” (Thánh Augustinô, De catechizandis rudibus, I, 4.7, 26: PL 40). Thành thử, mọi phạm vi trong thừa tác vụ giám mục của các hiền huynh phải được đánh dấu bằng sự tư do thực hiện bước đi đầu tiên. Tiền đề cho việc thừa hành thừa tác vụ tông đồ là sự sẵn sàng tiến lại gần Chúa Giêsu, để lại sau lưng tất cả những gì là chúng ta trước đây, để có thể trở thành điều chúng ta không là (Thánh Augustinô, In. Psal.,121, 12: PL 36).

Tôi thúc giục các hiền huynh cảnh giác không phải chỉ như các cá nhân mà như một cơ thể hợp đoàn, luôn biết tuân phục Chúa Thánh Thần, liên quan tới khởi điểm thường hằng này. Thiếu nó, các đặc điểm của Thầy sẽ biến khỏi khuôn mặt các đồ đệ, sứ mệnh sẽ bị cản ngăn và sẽ có sự suy yếu đối với việc hồi tâm mục vụ, một hồi tâm không là gì khác ngoài sự thúc đẩy đổi mới ra đi rao giảng Tin Mừng của niềm vui hôm nay, ngày mai và những ngày sau đó (xem Lc 13:33). Cũng một quan tâm này đã tràn ngập trái tim Chúa Giêsu, khiến Người không có nơi để đặt đầu, chỉ những muốn thi hành thánh ý Chúa Cha cho tới cùng (xem Lc 9:58, 62). Chúng ta có tương lai nào khác không? Chúng ta muốn đạt tới phẩm giá nào khác đây?

Đừng sử dụng các thước đo của những người chỉ muốn các hiền huynh là các viên chức, cúi đầu trước nền độc tài của hiện tại. Thay vào đó, các hiền huynh hãy dán mắt vào tính vĩnh cửu của Đấng đã chọn các hiền huynh, luôn sẵn sàng chấp nhận sự phán đoán có tính quyết định của riêng Người.

Dù phải thừa nhận thực tại phức tạp của Giáo Hội Colombia, nhưng điều quan trọng là gìn giữ tính độc đáo trong các sức mạnh đa dạng và hợp pháp của nó, các nhậy cảm mục vụ của nó, tính đặc trưng từng vùng của nó, các ký ức lịch sử của nó và sự phong phú trong các cảm nghiệm giáo hội khác biệt của nó. Lễ Ngũ Tuần có nghĩa: mọi người phải có khả năng nghe được sứ điệp bằng chính ngôn ngữ riêng của họ. Thành thử, các hiền huynh hãy tiếp tục tìm kiếm sự hiệp thông giữa các hiền huynh. Đừng bao giờ mệt mỏi trong việc xây dựng sự hiệp thông này bằng đối thoại thẳng thắn và huynh đệ, tránh các nghị trình dấu mặt như tránh bệnh dịch. Các hiền huynh hãy cố gắng hết sức thực hiện bước đi đầu tiên, cố gắng hiểu lối suy nghĩ của nhau. Các hiền huynh hãy để mình được phong phú hóa nhờ những gì người khác có thể cung hiến cho và xây dựng một Giáo Hội có thể cung hiến cho xứ sở này một chứng tá hùng hồn của tiến bộ, một tiến bộ chỉ có thể có khi sự việc không nằm trong tay một nhóm người nhỏ. Vai trò của các giáo tỉnh liên quan tới sứ điệp Tin Mừng là điều nền tảng, vì tiếng nói công bố sứ điệp này vừa đa dạng vừa hòa hợp với nhau. Thành thử, các hiền huynh đừng tự bằng lòng với một thỏa hiệp dễ dãi, thứ thỏa hiệp khiến người thiểu số âm thầm bất lực trong khi làm loãng dần các niềm hy vọng đáng lý nên can đảm tín thác vào quyền lực Thiên Chúa hơn là vào các cố gắng yếu ớt của chính ta.

Các hiền huynh hãy biểu lộ sự nhậy cảm đặc biệt đối với nguồn cội Phi Châu và Colombia của nhân dân qúy hiền huynh, những nguồn cội đã đóng góp rất lớn vào việc tạo hình cho mảnh đất này.

Đụng vào xương thịt thân thể Chúa Kitô

Tôi yêu cầu các hiền huynh đừng sợ đụng đến thịt xương bị thương của lịch sử riêng của các hiền huynh và của nhân dân các hiền huynh. Các hiền huynh hãy làm thế một cách khiêm nhường, không có sự vênh vang tự phụ của thứ chủ nghĩa đấu tranh tự phục vụ chính mình, và với một trái tim không bị phân chia, thoát khỏi mọi thứ thỏa hiệp và tinh thần nô lệ. Chỉ một mình Thiên Chúa là Chúa Tể mà thôi; vì chúng ta là các người chăn chiên của Người, nên trái tim ta không được tùy phục bất cứ chính nghĩa nào khác.

Colombia cần sự cảnh giác ấy, một sự cảnh giác rất thích đáng đối với các hiền huynh giám mục, nhằm nâng đỡ lòng can đảm của nó trong việc thực hiện bước đi đầu tiên hướng tới một nền hòa bình và hoà giải dứt khoát, hướng tới việc loại bỏ phương pháp luận bạo lực và vượt thắng các bất bình đẳng vốn là cội rễ của biết bao đau khổ. Sự cảnh giác này cần trong việc từ bỏ con đường thối nát rất dễ đi nhưng khó phản hồi và trong việc trì chí kiên tâm xây dựng một nền cộng hòa có khả năng chiến thắng cảnh nghèo khổ và bất bình đẳng.

Đó là một trách vụ gian khó nhưng cần thiết; đường đi tới đó rất dốc đứng và các giải pháp không dễ tìm ra. Từ đỉnh cao của Thiên Chúa, tức thập giá của Con Người, các hiền huynh sẽ nhận được sức mạnh; bằng cách âu yếm nhìn lên Chúa Phục Sinh, các hiền huynh sẽ làm cho bước đi của mình tiến lên; bằng cách lắng nghe giọng nói của Chàng Rể thủ thỉ với trái tim của mình, các hiền huynh sẽ tìm ra các tiêu chuẩn để tái biện phân được nẻo đường đúng đắn phải đi, trong mọi lúc không chắc chắn.

Một trong các nhà văn sáng chói của các hiền huynh đã nói như sau về một nhân vật hư cấu của ông ta: “Anh ta không hiểu ra rằng khởi đầu một cuộc chiến thì dễ hơn chấm dứt nó” (Gabriel García Márquez, Cien años de soledad, Chương 9). Tất cả chúng ta đều biết rằng hòa bình đòi một thứ can đảm tinh thần rất khác. Chiến tranh tuân theo các bản năng hạ đẳng nhất của trái tim chúng ta, trong khi hòa bình buộc chúng ta phải vươn lên trên chính ta. Cùng tác giả vừa rồi nói tiếp: “Anh ta không hiểu rằng nhiều lời lẽ khác cần đến để giải nghĩa thế nào là chiến tranh trong khi chữ duy nhất đã đủ là sợ hãi” (ibid., Chương 15). Tôi không cần phải nói với các hiền huynh về nỗi sợ này, vốn là cội rễ tẩm độc, là hoa trái đắng đót và di sản đau thương của mọi thứ tranh chấp. Tôi chỉ muốn khuyến khích các hiền huynh đừng thôi tin rằng có một cách khác. Các hiền huynh hãy biết rằng các hiền huynh đã không nhận được một tinh thần nô lệ để phải sa vào sợ hãi; Chính Thần Khí đã làm chứng các hiền huynh là con cái, mà số phận là thừa hưởng sự tự do vinh thắng (xem Rm 8:15-16).

Nhìn bằng con mắt riêng, các hiền huynh sẽ cùng một số ít người khác thấy rằng khuôn mặt của xứ sở này đã bị hoen ố ra sao. Các hiền huynh là những người canh giữ các thành phần nền tảng vốn làm cho quốc gia này hợp nhất bất kể các thương tích của nó. Vì chính lý do này, Colombia cần đến các hiền huynh, để nó có thể biểu lộ được khuôn mặt đích thực của nó, khuôn mặt đầy hy vọng bất chấp các thiếu sót của mình. Để nó có thể dấn thân vào việc tha thứ hỗ tương bất chấp việc các thương tích của nó chưa lành lặn hoàn toàn. Để nó có thể tin rằng có thể đi một con đường khác, cho dù sức mạnh của thói quen có thể khiến cho cùng những lỗi lầm như cũ sẽ lại tái diễn không thôi. Để lòng can đảm được tìm thấy ngõ hầu vượt thắng mọi điều đang tạo ra khốn cùng giữa biết bao châu báu.

Bởi thế, tôi khuyến khích các hiền huynh cố gắng biến Giáo Hội của các hiền huynh thành dạ con của ánh sáng, có khả năng hạ sinh những đứa con mới mẻ mà lãnh thổ này cần có, ngay giữa cảnh nghèo cùng cực. Các hiền huynh hãy tìm nơi nương náu trong lòng khiêm nhường của nhân dân các hiền huynh, và nhìn nhận các tài nguyên nhân bản và đức tin dấu kín của họ. Các hiền huynh hãy lắng nghe xem nhân tính tả tơi của họ đang khao khát xiết bao thứ phẩm giá mà chỉ có Chúa Phục Sinh mới ban được. Các hiền huynh đừng sợ từ bỏ những niềm chắc nịch biểu kiến của mình để đi tìm vinh quang đích thực của Thiên Chúa, vốn chính là con người đang sống.

Lời hoà giải

Nhiều người có thể tiếp tay giúp giải quyết các thách thức mà quốc gia các hiền huynh đang phải đối phó, nhưng sứ mệnh của các hiền huynh hết sức độc đáo. Các hiền huynh không phải là các thợ máy hay chính trị gia, nhưng là các mục tử. Chúa Kitô là lời hoà giải ghi vào trái tim các hiền huynh. Các hiền huynh có quyền rao giảng lời ấy không những trên bục giảng, trong các văn kiện của Giáo Hội hay trong các bài báo, mà còn trong cả trái tim mọi người nam nữ. Các hiền huynh có quyền công bố nó trong cung thánh nội thẳm của lương tâm họ, nơi họ hy vọng được nghe tiếng từ trời phán rằng “Bình an cho những người Thiên Chúa yêu thương” (Lc 2:14). Các hiền huynh phải nói lời ấy bằng tài nguyên mảnh khảnh, tầm thường nhưng vô địch của lòng Chúa thương xót, một tài nguyên có khả năng đẩy lui lòng kiêu căng và khuyển nho của các cõi lòng vị kỷ.

Giáo Hội tìm kiếm không chỉ quyền tự do được nói lời ấy. Giáo Hội không cần phải liên minh với đảng này hay đảng nọ, mà chỉ là quyền tự do được nói với cõi lòng của mọi người nam nữ. Ở đấy, họ được tự do đối diện với các lo âu của họ; ở đấy, họ có thể tìm được sức mạnh để thay đổi đường đi của đời họ.

Trái tim con người, dù rất thường bị hướng dẫn sai, nhưng lúc nào cũng muốn được thấy đời như một nhà kho mênh mông để họ lưu giữ tất cả những gì tích góp được. Chính vì thế, câu hỏi cần đặt ra là: Nào có ích gì đâu khi người ta được cả thế gian nhưng linh hồn thì mãi trống vắng? (Xem Mt 16:26).

Từ môi miệng các hiền huynh trong tư cách các mục tử hợp pháp của Chúa Kitô, Colombia có quyền được thách thức bởi chân lý của Thiên Chúa, Đấng không bao giờ ngưng đặt câu hỏi “em trai ngươi đang ở đâu?” (Xem St 4:9). Câu hỏi này không nên bị câm lặng, dù cho những người nghe nó không thể làm gì khác hơn là cúi đầu bối rối và lắp bắp vì xấu hổ mà nói rằng họ đã bán người em đó, có lẽ với cái giá đủ để đã một cơn ghiền ma túy hay vì một ý niệm sai lầm nào đó về các lý do của các nhà nước, hay thậm chí vì niềm tin sai lầm cho rằng mục đích biện minh cho phương tiện.

Tôi xin các hiền huynh nhìn vào những con người nam nữ cụ thể. Các hiền huynh đừng nói đến “con người”, nhưng phải nói về những con người nhân bản, được Thiên Chúa yêu thương và có xương có thịt, có lịch sử, đức tin, cảm xúc, thất vọng, tuyệt vọng, buồn sầu và mếch lòng. Các hiền huynh thấy phương thức cụ thể này sẽ lột mặt nạ các con số thống kê lạnh lùng, các tính toán méo mó, các chiến lược mù quáng và các dữ kiện bị làm ra sai lạc, và hãy tự nhắc nhủ mình rằng “chỉ trong mầu nhiệm Ngôi Lời thành xác phàm, mầu nhiệm con người mới thực sự trở nên rõ ràng” (Gaudium et Spes, 22).

Một Giáo Hội truyền giáo

Dù thừa nhận công trình mục vụ đầy đại lượng mà các hiền huynh hiện đang thực hiện, xin cho phép tôi được chia sẻ với các hiền huynh một số quan tâm tự đáy lòng tôi trong tư cách một Mục Tử hằng muốn khuyến khích các hiền huynh trở thành một Giáo Hội truyền giáo mỗi ngày một hơn. Các vị tiền nhiệm của tôi vốn đã nhấn mạnh một số các thách đố này rồi: gia đình và sự sống, giới trẻ, linh mục, ơn gọi, giáo dân và việc huấn luyện. Bất kể các cố gắng lớn lao đã thực hiện, trong mấy thập niên qua, càng ngày càng khó tìm được các phương thức hữu hiệu để biểu lộ tình mẫu tử của Giáo Hội trong việc hạ sinh, nuôi dưỡng và đồng hành với con cái mình.

Tôi nghĩ tới các gia đình Colombia, đến việc bảo vệ sự sống từ lúc còn trong lòng mẹ tới lúc kết thúc tự nhiên, đến đại họa bạo lực và nghiện ngập thường tác hại toàn bộ gia hộ, đến việc làm suy yếu sợi dây hôn phối và việc vắng bóng các người cha, cùng với các hậu quả thảm hại của bất an và cảm thức bị bỏ rơi. Tôi nghĩ đến giới trẻ đang bị đe dọa bởi sự trống vắng tâm linh và tìm cách giải thoát bằng việc dùng ma túy, các lối sống phù phiếm và tinh thần nổi loạn. Tôi nghĩ đến nhiều thế hệ linh mục đại lượng và thách đố nâng đỡ các ngài trong quyết định hàng ngày sống trung thành với Chúa Kitô và Giáo Hội của họ, trong khi một số rất ít tiếp tục đề ra lối thoát dễ dãi, bằng cách tránh né cam kết đích thực và tiếp tục sống cô lập và tự lấy mình làm trung tâm. Tôi nghĩ đến các tín hữu giáo dân trong khắp các giáo hội địa phương của các hiền huynh đang tiếp tục tụ tập với nhau để đáp lại tiếng Chúa mời gọi, Đấng vốn là sự hiệp thông, dù nhiều người đang công bố một thứ tín điều mới về lòng vị kỷ và bức tử tình liên đới. Tôi nghĩ đến các cố gắng vô hạn của rất nhiều người muốn lớn lên trong đức tin, biến nó thành ánh sáng rạng soi cho cõi lòng họ và là ngọn đèn chiếu rõi bước đi đầu tiên.

Tôi không đề xuất cho các hiền huynh bất cứ công thức nào, càng không có ý định để lại cho các hiền huynh bất cứ bảng liệt kê những điều phải làm nào. Tuy nhiên, tôi chỉ yêu cầu các hiền huynh duy trì sự thanh thản của mình khi thi hành sứ mệnh đầy đòi hỏi làm giám mục Colombia của mình, trong tình hiệp thông. Dù các hiền huynh biết rất rõ rằng trong đêm tối, kẻ dữ vẫn tiếp tục gieo cỏ dại, các hiền huynh hãy bắt chước sự kiên nhẫn của Chúa mùa gặt và tin tưởng vào phẩm chất tốt lành của hạt giống của Người. Các hiền huynh hãy học hỏi đức kiên nhẫn và lòng quảng đại của Người. Người chờ thời gian, vì tầm nhìn yêu thương của ngài nhìn tận phía xa. Nếu tình yêu trở nên yếu ớt, thì trái tim sẽ bất an, lo lắng bận tâm đến đủ thứ chuyện, bị săn đuổi bởi nỗi sợ sẽ thất bại. Trước hết, các hiền huynh hãy tin vào sự nhỏ bé của hạt giống Thiên Chúa. Các hiền huynh hãy tin tưởng vào sức mạnh tiềm ẩn trong men bột của Người. Các hiền huynh hãy để cõi lòng mình bị lôi cuốn bởi vẻ đẹp lớn lao khiến ta phải bán hết mọi sự ta có, để mua được của châu báu thần thánh ấy.

Thực thế, các hiền huynh còn có thể cung hiến tặng phẩm nào mạnh mẽ hơn cho gia đình Colombia hơn là sức mạnh âm thầm của Tin Mừng yêu thương, thứ tình yêu quảng đại vốn kết hợp một người đàn ông và một người đàn bà, và biến họ thành hình ảnh sự kết hợp của Chúa Kitô với Giáo Hội, những người trao ban và giữ gìn sự sống? Các gia đình cần biết rằng trong Chúa Kitô, một lần nữa, họ có thể trở nên một cây xum xuê có khả năng cung cấp bóng râm và sinh hoa trái mọi mùa, che chở các tổ sự sống trên các cành cây của mình. Ngày nay, rất nhiều người vinh tụng những thứ cây không có bóng râm, những thứ cây không sinh hoa trái, những cành cây không có tổ. Ước chi khởi điểm của các hiền huynh trở thành chứng tá hân hoan chúng minh cho sự kiện này: hạnh phúc phải được tìm ở nơi khác.

Các hiền huynh có thể cung ứng cho giới trẻ những gì? Họ thích cảm thấy được yêu thương; họ không tin tưởng bất cứ ai coi thường họ; họ tìm sự liêm chính và họ muốn được can dự. Các hiền huynh hãy chấp nhận họ với trái tim của Chúa Kitô và dành chỗ cho họ trong đời sống các giáo hội của các hiền huynh. Các hiền huynh đừng bán rẻ các niềm hy vọng và hoài mong của họ. Các hiền huynh hãy mạnh bạo nhắc nhở mọi người một cách rõ ràng và thanh thản rằng một xã hội dưới sự sai khiến của ma túy sẽ chịu một thứ chuyển hóa (metastasis) luân lý chuyên rao bán lửa hỏa ngục, gieo rắc mầm mống tham nhũng không thể nào kiềm chế được và tạo nên những thiên đường trốn thuế.

Các hiền huynh có thể cung ứng cho các linh mục những gì? Tặng phẩm đầu tiên là trở thành người cha đối với họ, bảo đảm với họ rằng bàn tay sinh ra họ và xức dầu cho họ tiếp tục là thành phần của đời họ. Trong thời buổi kỹ thuật số này, liên lạc với các linh mục của chúng ta ngay tức khắc là điều không khó. Thế nhưng, cõi lòng phụ thân của một giám mục không thể hài lòng với việc thông đạt họa hiếm, vô ngã và chỉ có tính cách chính thức với các linh mục của mình mà thôi. Một giám mục phải biết quan tâm xem các linh mục của mình hiện sống ở đâu và sống ra sao. Họ có thực sự đang sống như môn đệ của Chúa Giêsu không? Hay họ đã tìm thấy các hình thức sống an toàn khác như vững ổn về tài chánh, hàm hồ về luân lý, sống hai mặt, hay ảo tưởng cận thị chỉ lo thăng tiến nghề nghiệp? Các linh mục có một nhu cầu hết sức sinh tử và khẩn thiết được gần gũi vị giám mục của họ cả về thể lý lẫn xúc cảm. Họ cần biết họ có một người cha.

Các linh mục thường xuyên mang gánh nặng sinh hoạt hàng ngày của Giáo Hội. Họ ở các tuyến đầu, liên tục bị bao vây bởi những con người gặp khó khăn chạy tới tìm kiếm nơi họ sự trợ giúp mục vụ. Người ta tiếp cận họ và kêu gọi trái tim họ. Các linh mục phải nuôi dưỡng đám đông, nhưng thực phẩm của Thiên Chúa không bao giờ là điều chỉ để ban phát. Trái lại, nó chỉ có thể phát sinh từ sự nghèo khó riêng của ta, một sự nghèo khó gặp được sự giầu có phóng khoáng của Thiên Chúa. Xua đuổi đám đông và tự nuôi lấy mình bằng thứ ít ỏi mà mình có thể lấy làm của riêng một cách thiếu chính đáng luôn là một cơn cám dỗ (xem Lc 9:13).

Nên các hiền huynh hãy tỉnh táo đối với cơ sở thiêng liêng của các linh mục mình. Các hiền huynh hãy luôn dẫn dắt họ tới miền Xêdarêa Philíppi nơi mỗi người họ, bằng kinh nghiệm Giócđăng riêng, có thể nghe Chúa Giêsu đặt câu hỏi một lần nữa rằng “Các con bảo Thầy là ai?” Lý do của việc mục nát từ từ thường dẫn tới cái chết của tình môn đệ luôn được tìm thấy nơi một cõi lòng hết khả năng trả lời lại rằng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa” (xem Mt 16:13-16). Kết quả là mất lòng can đảm hiến mình tự do, trong cảnh mơ hồ nội tâm, và trong cảnh mệt lử của một trái tim hết khả năng đồng hành với Chúa trên đường lên Giêrusalem.

Các hiền huynh hãy tỏ lòng quan tâm đặc biệt tới việc tiếp tục đào luyện các linh mục của mình, từ lúc đầu tiên họ nghe tiếng gọi của Chúa trong cõi lòng họ. Văn kiện Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis mới công bố gần đây là một tài nguyên qúy giá mà nếu thi hành sẽ giúp Giáo Hội ở Colombia trong các cố gắng nhằm đáp trả hồng ân của Thiên Chúa, Đấng không bao giờ ngưng mời gọi rất nhiều người con của Giáo Hội này vào chức linh mục.

Tôi cũng xin các hiền huynh biểu lộ sự quan tâm đối với đời sống các người thánh hiến nam nữ. Họ đại diện cho việc từ bỏ tính thế gian của Tin Mừng. Họ được mời gọi thanh tẩy mọi tàn dư của các giá trị thế gian trong ngọn lửa các Phúc Thật, được mang ra sống không hào nhoáng và hoàn toàn từ bỏ mình để phục vụ người khác. Các hiền huynh đừng coi họ như “các tài nguyên hữu ích” đối với các công trình tông đồ, nhưng ở nơi họ, hãy nghe thấy tiếng kêu của tình yêu thánh hiến: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến” (Kh 22:20).

Các hiền huynh cũng hãy quan tâm tới việc huấn luyện hàng ngũ giáo dân của mình, những người chịu trách nhiệm không những đối với sức mạnh của cộng đồng đức tin của họ, mà phần lớn còn chịu trach nhiệm đối với sự hiện diện của Giáo Hội trong đời sống văn hóa, chính trị và kinh tế. Việc huấn luyện trong Giáo Hội bao hàm việc tiếp xúc với đức tin sống động của cộng đồng giáo hội và lấy làm của riêng kho tàng kinh nghiệm và giải đáp được Chúa Thánh Thần linh hứng, vì Người là Đấng dạy dỗ ta mọi sự (xem Ga 14:26).

Giờ đây, tôi muốn nghĩ đến các thách thức đang đặt ra cho Giáo Hội tại Amazonia, một vùng mà các hiền huynh tự hào một cách chính đáng, vì đây là một thành phần chủ yếu của tính đa dạng sinh thái hết sức đáng chú ý của xứ sở này. Amazonia đối với tất cả chúng ta là một thước đo có tính quyết định xem liệu xã hội chúng ta, một xã hội thường làm mồi cho chủ nghĩa duy vật và thực dụng, có khả năng duy trì được điều ta đã nhận được một cách nhưng không, không bóc lột nó nhưng làm cho nó sinh hoa trái hay không. Tôi đặc biệt nghĩ đến sự khôn ngoan sâu sắc của các sắc dân bản địa của vùng Amazon, và tôi tự hỏi không biết chúng ta có còn khả năng học hỏi ở họ tính thánh thiêng của sự sống, lòng tôn kính thiên nhiên, và việc thừa nhận rằng một mình kỹ thuật mà thôi không đủ đem lại thỏa mãn hoàn toàn cho đời ta và giải đáp các câu hỏi gây bối rối nhất của chúng ta.

Vì lý do trên, tôi khuyến khích các hiền huynh đừng bỏ rơi Giáo Hội tại Vùng Amazon, để nó một mình. Tạo ra “khuôn mặt Amazon” cho giáo hội lữ hành của lãnh thổ này là một thách đố cho tất cả các hiền huynh; và điều này kêu gọi phải có một sự hỗ trợ truyền giáo mỗi ngày một có ý thức nhiều hơn về phía mọi giáo phận và toàn bộ hàng giáo sĩ của quốc gia. Tôi được biết trong một số ngôn ngữ bản địa của Vùng Amazon, ý niệm “bạn” được phiên dịch là “cánh tay kia của tôi”. Mong các hiền huynh trở thành cánh tay kia của Vùng Amazon. Colombia không thể chặt cánh tay ấy mà không làm méo mó khuôn mặt và linh hồn của nó.

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói:

Các hiền huynh thân mến:

Giờ đây, chúng ta hãy dùng tinh thần hướng về Đức Mẹ Mân Côi Chiquinquirá, mà ảnh của ngài các hiền huynh đã lưu tâm mang từ Đền Thánh của ngài tới Nhà Thờ Chính Tòa lộng lẫy của thành phố này, để tôi cũng có thể được tôn kính ngài.

Như các hiền huynh đã biết, Colombia không thể đạt được sự đổi mới thực sự mà nó hằng mong ước, nếu điều đó không do ơn trên ban cho. Chúng ta hãy xin ơn đó của Chúa qua Nữ Trinh Diễm Phúc.

Như Thiên Chúa đã canh tân vẻ huy hoàng của nhan thánh mẹ Người ở Chiquinquirá thế nào, thì xin Người cũng tiếp tục chiếu rõi ánh sáng thiên cung như thế lên khuôn mặt của toàn bộ xứ sở này và đồng hành với Giáo Hội ở Colombia bằng sự chúc lành nhân hậu của Người.
 
Tin ghi từng giờ ngày thứ ba của Đức Phanxicô tại Colombia
Vũ Văn An
05:00 09/09/2017
Hôm nay, Đức Giáo Hoàng tới Villavicencio, nơi xẩy ra những cuộc đụng độ lớn và thường xuyên giữa phiến quân cánh tả, quân chính phủ và các dân quân cánh hữu trong suốt 52 năm nội chiến, để chủ tọa thánh lễ phong chân phúc cho hai vị giáo sĩ bị sát hại vì đức tin trong cuộc nội chiến này và để chủ tọa buổi Gặp Gỡ Hòa Giải Quốc Gia, vốn là mục tiêu hàng đầu của chuyến tông du lần này.

Sau đây là bản tin ghi theo giờ Colombia của hãng tin A.P.

7giờ 20 sáng

Có tin nguyên lãnh tụ của nhóm phiến quân lớn nhất của Colombia lên tiếng xin Đức Giáo Hoàng Phanxicô tha thứ vì sự đau khổ mà ông ta và binh lính của ông ta đã gây ra trong suốt cuộc chiến lâu dài chống lại chính phủ.

Trong một lá thư đăng trên mạng xã hội, Rodrigo Londono hy vọng Đức Giáo Hoàng Phanxicô hiểu rằng Lực Lượng Vũ Trang Cách Mạng Colombia (FARC) luôn được thúc đẩy bởi ước nguyện thành thực là đứng lên đấu tranh cho những người nghèo khổ nhất và những công dân bị loại bỏ nhiều nhất của quốc gia.

Người đàn ông có chiến danh Timochenko nói rằng ông ta xin sự tha thứ vì bất cứ “nỗi đau đớn nào do chúng tôi gây ra cho xã hội Colombia hay bất cứ cá nhân nào của nó”.

Hôm nay, Đức Phanxicô tới khu vực từng bị Lực Lượng Vũ Trang Cách Mạng Colombia vây khốn. Ngài dự tính lắng nghe và cầu nguyện với hàng ngàn nạn nhân của cuộc tranh chấp kéo dài cả nửa thế kỷ của Colombia, mà nhiều người có những câu truyện đau lòng để kể về các bạo hành của phiến quân.

9 giờ 30 sáng

Cũng có tin là sứ điệp hòa giải của Đức Phanxicô cuối cùng có thể có tác dụng lớn đối với hai chính khách quyền thế nhất của Colombia. Việc đối nghịch giữa hai chính khách này đã và đang hãm đà hòa bình của đất nước.

Thực vậy, thị trưởng Medellin vừa lên tiếng cho hay cả Tổng Thống Juan Manuel Santos và cựu Tổng Thống Alvaro Uribe sẽ cùng tham dự Thánh Lễ đại trào do Đức Giáo Hoàng cử hành vào ngày mai tại thành phố của ông.

Nguyên sự kiện hai địch thủ cùng ngồi chung tại khu vực thượng khách cũng đã là một phép lạ chính trị nho nhỏ rồi. Ông Uribe vốn cay đắng tố cáo hòa ước Ông Santos ký với Lực Lượng Vũ Trang Cách Mạng Colombia, ví nó như một hành vi lấy lòng các tên khủng bố.

Đức Phanxicô từng đem hai người lại với nhau tại Vatican vào tháng 12 vừa rồi nhằm môi giới một sự hiểu nhau. Việc này đã dẫn tới các cuộc thương lượng, trong đó, Ông Santos và các phiến quân cuối cùng đã chịu lồng một số chỉ trích của Ông Uribe vào hòa ước tu chính; và hòa ước này đã được quốc hội phê chuẩn.

Nhưng Ông Uribe vẫn còn chống đối vụ thương lượng này và ông đã gia tăng các lời chỉ trích chính phủ của Ông Santos nhằm vào cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới, trong đó, việc thi hành hoà ước chắc chắn sẽ được quyết định.

10 giờ 40 sáng

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phong chân phúc cho hai vị giáo sĩ bị sát hại trong các năm bạo loạn chính trị của Colombia, tuyên bố các ngài là tử vì đạo, chết vì lòng thù ghét đức tin Công Giáo.

Hàng chục ngàn người tụ tập tại Villavicencio, một vùng đẫm máu vì cuộc tranh chấp. Ở đầu Thánh Lễ, họ vỗ tay vang dội khi Đức Phanxicô nhích các ngài gần lại vinh dự hiển thánh hơn một bước.

Cha Pedro Ramirez bị sát hại trong các năm sóng gió sau vụ ám sát trùm gây rối cánh tả Jorge Eliecer Gaitan, một vụ sát hại đánh dấu việc Colombia bắt đầu sa vào cuộc bạo động chính trị và việc vũ khí hóa nông dân nghèo do đó mà ra. Các linh mục của thị trấn Armero, ở miền trung Colombia, cho hay Cha Ramirez bị lôi ra khỏi nhà thờ, lột hết áo quần rồi bị bọn đàn em của trùm Gaitan giết bằng mã tấu. Họ tố cáo cha che chở các kẻ thù bảo thủ, cường hào ác bá của họ.

Đức Cha Jesus Jaramillo bị phiến quân của Quân Đội Giải Phóng Quốc Gia (ELN) bắn gục năm 1989 tại thành phố Arauca ở phía đông; ngài chỉ tấn công họ về phương diện thần học. Quân Đội Giải Phóng Quốc Gia vốn được thành lập bởi các linh mục và chủng sinh bị kích thích bởi nền thần học giải phóng; nền thần học này vốn đồng hóa giáo hội với dân nghèo và những người bị loại bỏ; họ thấy nơi con người bảo thủ nhưng được lòng dân Jaramillo này một địch thủ có tiềm năng có thể lấy lòng các nông dân và công nhân.

Khi phong chân phúc cho các ngài, Đức Phanxicô nói rằng các ngài đã “đổ máu đào của mình vì tình yêu đoàn chiên đã được trao phó cho các ngài”.

Dù Colombia là một nước gần như Công Giáo hoàn toàn, nhưng nó mới chỉ có một vị thánh duy nhất là Mẹ Laura Montoya, được Đức Phanxicô phong hiển thánh ngay sau khi ngài được bầu làm giáo hoàng năm 2013.

11giờ 05 sáng

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang thúc giục các nạn nhân của cuộc bạo động trong quá khứ của Colombia hãy đi bước đầu tiên để tha thứ cho những kẻ tấn công mình; ngài nói rằng bất cứ cố gắng hòa bình nào cũng sẽ thất bại nếu không có sự dấn thân hoà giải thành thực.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhiều lần bị cắt ngang bởi các tiếng hoan hô của đám đông khoảng nhiều chục ngàn người trong Thánh Lễ tại Villavincencio. Ngài ca ngợi người Colombia, vì tuy bị cuộc tranh chấp gây hại nhưng đã “thắng được cơn cám dễ hiểu là trả thù” và thay vào đó đã làm việc cho hòa bình.

Đức Giáo Hoàng nói: sự lựa chọn của họ không hề hợp pháp hóa các bất công họ phải chịu, nhưng đúng hơn, họ chứng tỏ một lòng sẵn sàng muốn cùng nhau xây dựng một tương lai hòa bình.

Ngài cảnh cáo: “mọi cố gắng hòa bình mà không có sự dấn thân hòa giải chắc chắn sẽ thất bại”.

12 giờ 25 trưa

Các nạn nhân của cuộc tranh chấp lâu dài ở Colombia đang từ từ trám đầy một công viên ở cạnh Amazon để dự cuộc gặp gỡ hoà giải với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, chào đón sứ điệp của ngài về nhu cầu cần tha thứ để tiếp tục tiến bước.

Các thân nhân của một y tá mất tích năm 2004 tới đây với hình của cô, tên Marina Cristina Cobo Mahecha, đeo quanh cổ. Họ mang một biểu ngữ lên án quân đội, cảnh sát và các nhóm dân quân cánh hữu đã sát hại cô.

Giữa hình ảnh các phần thân thể bị chặt xẻ, biểu ngữ có hàng chữ “Ở đâu đó tại Guaviare, các giấc mơ của nữ y tá Marina Christina Cobo Mahecha đã bị chôn vùi".

Mẹ cô nói rằng bất chấp sự đau đớn, nhưng với sự giúpm đỡ của một vị linh mục, bà đã tha thứ cho những kẻ tấn công.

Bà Paulina Mahecha nói rằng không có diễn trình tha thứ "có lẽ tôi đã chết rồi”. Chính bà cho hay: “Tha thứ không phải vì họ mà là vì tôi. Khi tha thứ, bạn vẫn còn vết thẹo của thương tích, nhưng, đúng, tôi đã dứt khoát tha thứ từ đáy lòng tôi”.

12 giờ 50 trưa

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp các người sống sót trận nước lũ chết người phá nát thành phố nhỏ Mocoa hồi tháng Tư, sát hại khoảng 200 người.

Đức Phanxicô mặc chiếc poncho mầu xanh dương có sọc do phái đoàn gồm 10 cư dân của Mocoa dâng tặng; thành phố này gần biên giới giữa Colombia và Ecuador. Họ gặp Đức Giáo Hoàng sau khi ngài cử hành Thánh Lễ hôm thứ Sáu tại Villavicencio.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô có gửi điện văn chia buồn tới Mocoa sau khi 3 con sông vỡ bờ vào ngày 2 tháng Tư, đem cả một bức tường bùn đổ xuống thành phố trong khi dân đang ngủ.

3 giờ 50 chiều

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang nghe những câu truyện xé lòng của các nạn nhân trong cuộc tranh chấp nửa thế qua ở Colombia và của những người tham gia cuộc đổ máu.

Bốn người Colombia trình bầy các chứng từ của bản thân họ lúc Đức Phanxicô chủ tọa buổi cầu nguyện hòa giải vào hôm thứ Sáu tại khu vực có lần bị phiến quân vây khốn. Đây là cao điểm của chuyến viếng thăm 5 ngày của ngài, nhằm củng cố diễn trình hòa bình của Colombia.

Hai trong các người nói thưa với Đức Phanxicô rằng họ bị tuyển mộ vào các nhóm vũ trang: Deisy Sanchez Rey cho biết cô sống ba năm trong một nhóm dân quân sau khi được tuyển mộ lúc 16 tuổi bởi người anh trai. Cô nói cô biết cô phải trả nợ cho xã hội vì “những tai hại trầm trọng tôi đã làm” và nay cô đang làm việc với các nạn nhân.

Juan Carlos Murcia Perdomo thưa với Đức Giáo Hoàng rằng anh sống 12 năm làm thành viên của Lực Lượng Vũ Trang Cách Mạng Colombia. Anh cho biết thoạt đầu anh tin ý thức hệ của Lực Lượng Vũ Trang Cách Mạng Colombia, nhưng dần dần anh hiểu ra rằng mình đã phạm sai lầm. Anh nói anh cần chấp nhận công lý về những gì anh đã gây ra, và nay đang làm việc để ngăn ngừa giới trẻ khỏi sa vào ma túy hay các băng đảng vũ trang.

4 giờ 15 chiều

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang thúc giục để các nạn nhân và các cựu chiến binh trong cuộc tranh chấp lâu dài của Colombia hòa giải với nhau để Colombia có thể tiến bước.

Ngài đang chủ tọa biến cố hòa giải ở Villavicencio, một thành phố nằm ở phía nam Bogota, bao quanh bởi các lãnh thổ trước đây do phiến quân cánh tả kiểm soát. Ngài nói ngài muốn ở đây để lắng nghe dân chúng của nó và khóc với họ.

Ngài ôm hôn các nạn nhân và cựu chiến binh đang đứng dưới chân bức tượng không tay không chân của Chúa Kitô đã được cứu từ một thánh đường bị phá hủy năm 2002 bởi cuộc tấn công bằng súng cối ở Bojaya.

Ngài nói: “Khi nhìn bức tượng, chúng ta nhớ không chỉ những gì xẩy ra hôm đó, mà còn là sự đau khổ vô hạn, nhiều cái chết, và cuộc đời tan nát, cũng như mọi dòng máu đã đổ ra ở Colombia trong mấy thập niên qua”.
 
ĐTGM Quan Sát Viên Thường Trực tại Liên Hiệp Quốc tuyên bố rằng muốn có hòa bình, hãy dạy con em biết đối thoại.
Giuse Thẩm Nguyễn
14:25 09/09/2017
(EWTN News/CNA) New York City. Đại Diện Thường Trực Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc là Đức Tổng Giám Mục Bernadito Auza đã tuyên bố trong Diễn Đàn Cấp Cao về Văn Hóa và Hòa Bình tại thành phố New York vào ngày 7 tháng Chín rằng hòa bình là điều phải bắt đầu ngay từ thời niên thiếu. Ngài nhấn mạnh đến nhu cầu giáo dục con em trong “nền văn hóa gặp gỡ”. Diễn đàn này chú tâm vào việc phát triển con em nhân dịp kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima.

Sự cổ vũ cho một nền văn hóa hòa bình nơi các em nhỏ là rất quan trọng cho một tương lai hòa bình. Để giúp các em thấm nhuần giá trị này, các em cần được giáo dục trong một “nền văn hóa gặp gỡ.” Điều này gồm tạo một bầu khí thực sự tôn trọng, hài hòa, chân thành lắng nghe và đoàn kết mà không làm giảm hay mất đi bản sắc của một người.

Sứ điệp của Đức Mẹ về hòa bình đặc biệt phù hợp với tình hình hiện nay “khi mà những xung đột bạo lực, những hành động khủng bố, những vi phạm quyền căn bản của con người và đói nghèo cùng cực làm chết nghẹt những cố gắng kiến tạo hòa bình.”

ĐTGM nói rằng nhà trường phải dạy con em về đàm luận dân sự, hay như ĐGH Phanxicô gọi là “một ngữ pháp về đối thoại” tạo ra sự hài hòa giữa các tôn giáo cũng như giữa các nền văn hóa đa dạng. Những sự hiểu biết này sẽ giúp con em thực hiện cuộc đối thoại khôn ngoan, trí tuệ và có khả năng cùng nhau tìm ra chân lý, kiến tạo văn hóa hòa bình.

“Một nền văn hóa như thế sẽ giúp con em có khả năng ứng xử một cách tích cực và xây dựng với nhiều tình huống của bạo lực, nghèo đói, bóc lột, kỳ thị, loại trừ và những hình thức coi khinh khác.”

ĐTGM nói rằng nền văn hóa gặp gỡ này bắt đầu bằng sự hiểu biết về phẩm giáo con người và nhấn mạnh rằng bất cứ sự coi thường nào đối với một người sẽ dẫn đến bất công và bất bình đẳng.

Các quốc gia trên thế giới nên chú ý vào việc ngăn chặn các hành động phá hủy con người như bạo lực và cổ súy vũ khí, đồng thời đặc biệt khuyến khích sự tha thứ và kháng cự bất bạo động. Nền văn hóa hòa bình cũng đòi hỏi những cố gắng kiên trì dẫn đến việc giải trừ vũ khí và giảm bớt sự cậy dựa vào sức mạnh quân sự trong việc giải quyết những vấn đề quốc tế. Tránh củng cố xung đột và chuyển các nguồn lực ra khỏi lãnh vực phát triển và tiến tới chấm dứt quân sự.

ĐTGM nói rằng thực ra, một nền văn hóa hòa bình chỉ có thể phát triển trong một nền văn hóa tha thứ. Tha thứ là trung tâm của việc hòa giải và xây dựng hòa bình vì nó chữa lành và tái cấu trúc liên hệ tốt đẹp giữa con người với nhau. Tha thứ không có nghĩa là thiếu công bình, nhưng nhận ra những gì là điều xấu xa để can đảm chọn lựa không cho phép những vết thương trong quá khứ làm chảy máu hiện tại và tương lai. Bạo động phát sinh thêm bạo động và sự bất công đối với con người chỉ được xóa bỏ tận căn gốc bằng những phương tiện bất bạo động.

ĐTGM đã trích dẫn thông điệp gởi cho Ngày Quốc Tế Hòa Bình năm 2017 của ĐGH Phanxicô rằng hòa bình là một món quà của Thiên Chúa nhưng cũng là một thách đố và cam kết vì điều tốt lành cần phải được liên tục cố gắng “tìm kiếm và xây dựng.”

ĐTGM cũng kêu gọi hội đồng hãy đáp lại lời kêu gọi của Thánh Giáo Hoàng Phaolô II là hãy đứng lên “trên tình trạng lạnh lùng của một cơ quan hành chánh… để trở thành trung tâm luân lý đạo đức” nơi đó mọi quốc gia đều có một mái ấm để trở thành một “mái ấm của mọi quốc gia.”

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Đức Phanxicô cử hành thánh lễ ơn gọi tại Medellin, Colombia: 3 thái độ làm môn đệ
Vũ Văn An
16:13 09/09/2017
Thứ Bẩy, 9 tháng 9, Đức Phanxicô đã từ Bogota bay tới Medellin, thành phố Công Giáo nhất của Colombia để cử hành Thánh Lễ trước một cộng đoàn hơn một triệu người. Vì chủ đề hôm nay trong chuyến tông du này là về ơn gọi, nên Đức Phanxicô đã kính nhớ Thánh Peter Claver, linh mục Dòng Tên, vốn là tông đồ bên cạnh các nô lệ gốc Phi Châu tại Colombia.

Nhân dịp này, Đức Thánh Cha đã khuyến khích các anh em linh mục của ngài hãy nên giống như Chúa Giêsu, Đấng luôn nhìn quá bên kia các giáo lý cứng ngắc, chăm lo người có tội và chào đón họ vào Giáo Hội.

Trong bài giảng lễ, ngài suy niệm về việc làm môn đệ. Theo ngài, người ta không nên cảm thấy an toàn chỉ vì tuân theo một số điều răn, ngăn cấm, hay lệnh truyền, trái lại phải tự hỏi “Thiên Chúa muốn tôi làm gì?”.

Câu trả lời có thể là: Hãy biểu lộ Chúa Kitô trong tất cả những điều ta làm. “Đây là điều Người muốn nơi ta: theo chân Người bằng cách đi vào những điều cốt yếu, được đổi mới và can dự".

Ba thái độ trên, theo Đức Phanxicô, tạo nên đời sống người môn đệ.

Thái độ 1: Đi vào những điều cốt yếu

Ngài nói rằng “Điều này không có nghĩa ‘phá bỏ mọi điều’ không hợp với ta, vì Chúa Giêsu không đến ‘để bãi bỏ luật lệ, mà để làm trọn nó’ (Mt 5:17); nhưng có nghĩa vào sâu, vào điều quan trọng và có giá trị cho sự sống”.

Theo nhận xét của Đức Phanxicô, Chúa Giêsu dạy rằng mối liên hệ của ta với Thiên Chúa đòi phải thay đổi đời sống. Việc ta làm môn đệ không thể đơn giản chỉ được thúc đẩy bởi thói quen “vì chúng tôi có chứng chỉ rửa tội”.

Ngài nói: “việc làm môn đệ phải bắt đầu với việc cảm nghiệm được Thiên Chúa và tình yêu của Người cách sống động. Đây không phải là một điều tĩnh tụ, mà là một chuyển động liên tục về hướng Chúa Kitô; đây không đơn giản chỉ là lòng trung thành trong việc minh giải một tín lý, mà đúng hơn là cảm nghiệm được sự hiện diện sống động, nhân từ và tích cực của Chúa, một nền đào tạo liên tục bằng cách lắng nghe lời Người”.

Thái độ 2: Được đổi mới

Cũng như Chúa Giêsu đã lay động các tiến sĩ luật để giải thoát họ khỏi sự cứng ngắc của họ thế nào, thì nay Giáo Hội cũng được Chúa Thánh Thần lay động như thế ngõ hầu Giáo Hội từ bỏ mọi tiện nghi và quyến luyến.

Đức Phanxicô nói rằng “ta không nên sợ đổi mới. Giáo Hội luôn cần được đổi mới - Ecclesia semper reformanda. Giáo hội không tự đổi mới theo ý thích nhất thời, nhưng đúng hơn ‘cương quyết trong đức tin, kiên định và không dao động, không di chuyển khỏi niềm hy vọng của Tin Mừng’ (Cl 1:23). Đổi mới bao hàm hy sinh và can đảm, không phải để có thể tự coi mình trổi vượt hay không lầm lỗi, mà đúng hơn để đáp lại tiếng Chúa kêu gọi tốt hơn”.

Thái độ 3: Can dự

Với nhận định ngày nay chúng ta được kêu gọi phải mạnh dạn và có lòng can đảm của Tin Mừng, Đức Phanxicô nói rằng “Cho dù có thể anh chị em sẽ bị lấm láp hay dơ dáy, anh chị em hãy can dự”.

“Chúng ta không thể là những người Kitô hữu liên tục nêu bảng ‘đừng vào’, và chúng ta cũng không thể tính chuyện chỗ này của một mình tôi hay của một mình anh chị, hay chúng ta có thể giành quyền sở hữu một điều gì đó tuyệt nhiên không phải của chúng ta. Giáo Hội không phải của ta, Giáo Hội là của Thiên Chúa; Người là chủ nhân ông đền thờ và cánh đồng; mọi người đều có chỗ, mọi người đều đươc mời tìm thấy ở đây, ở giữa chúng ta, của ăn của mình”.

Giáo Hội ở Colombia

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho hay: Giáo Hội ở Colombia được kêu gọi dấn thân mạnh dạn trong việc đào tạo các môn đệ truyền giáo.
Ngài bảo: “Tôi tới đây chính là để củng cố anh chị em trong đức tin và đức cậy của Tin Mừng. Anh chị em đừng dao động và hãy tự do trong Chúa Kitô, một cách anh chị em có thể biểu lộ Người trong mọi sự anh chị em làm; hãy hết sức tiếp nhận con đường của Chúa Giêsu, biết Người, hãy để Người kêu gọi và dạy dỗ anh chị em, và anh chị em hãy hân hoan công bố Người”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô kết luận với lời cầu nguyện nhờ sự cầu bầu của Mẹ chúng ta, Đức Mẹ Candelaria, “Mẹ sẽ đồng hồng với chúng ta trên nẻo đường làm môn đệ, để khi hiến thân cho Chúa Kitô, chúng ta đơn giản trở thành các nhà truyền giáo đem ánh sáng và niềm vui của Tin Mừng đến cho muôn dân”.
 
Ngày thứ tư của Đức Phanxicô tại Colombia: Medellin
Vũ Văn An
21:41 09/09/2017
Medellin là thành phố lớn thứ hai của Colombia, với dân số ước chừng 2 triệu rưỡi, nhưng nếu kể cả các khu ngoại biên, dân số này lên đến 3 triệu 7. Medellin cũng là nơi họp Hội Nghị của CELAM tức Liên Hội Đồng Các Giám Mục Châu Mỹ La Tinh và Vùng Caribbean năm 1968. Hội nghị này chính thức ủng hộ các cộng đồng giáo hội căn bản và thần học giải phóng.

Vào ngày thứ tư của chuyến tông du Colombia 5 ngày của ngài, Đức Phanxicô đã tới thành phố này để dâng thánh lễ cho khoảng một triệu người, trong đó, có nhiều linh mục, chủng sinh và nam nữ tu sĩ.

Vì Medellin có thời đã gần như đồng nghĩa với các tập đoàn buôn bán ma túy, nên nhân dịp này Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc đến quá khứ giết người của thành phố: nhiều mạng sống đã bị mất vì nghiện ngập và ngài cầu nguyện để những mối lái và người buôn bán ma túy thay đổi cõi lòng họ.

Theo Associated Press, trong một cuộc gặp gỡ các linh mục, chủng sinh và nữ tu tại Medellin, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói đến “những tên sát nhân buôn bán ma túy”, từng biến thành phố lớn thứ hai của Colombia thành thủ đô giết người của thế giới trong thời hưng thịnh của chiến tranh ma túy cách nay 3 thập niên.

Ngài nói: Medellin “nhắc tôi nhớ đến nhiều mạng sống trẻ đã bị cắt ngắn, liệng bỏ và hủy hoại” bởi ma túy. Tôi mời gọi anh chị em tưởng nhớ và đồng hành với lớp người thê lương này và xin sự tha thứ cho những ai hủy hoại các giấc mơ của rất nhiều người trẻ”.

Đó là lời ứng khẩu, đích thân Đức Phanxicô cảm nghiệm sâu xa và nói ra; ngài vốn thường xuyên tố cáo tai họa buôn bán ma túy. Trước khi làm giáo hoàng, Đức Phanxicô nổi tiếng là người phục vụ giới trẻ nghiện ngập ở các khu ổ chuột ở Buenos Aires.

Hôm nay được Đức Phanxicô đặc biệt dành cho chuyện “sắp xếp việc trong nhà” sau khi đã dành nửa phần đầu của chuyến đi cho diễn trình hòa bình mong manh của Colombia. Tức là nói chuyện với chủ đề ơn gọi, nhắm nhiều vào hàng giáo sĩ, chủng sinh, tu sĩ.

Mưa lớn buộc ngài phải thay đổi kế hoạch đi Medellin: thay vì dùng trực thăng bay từ phi trường quốc tế của Bogota, ngài đã được xe đưa đến và do đó, chậm cả gần một tiếng đồng hồ khiến khoảng 1 triệu người nóng lòng chờ đợi.

Đức Phanxicô xin lỗi mọi người, cám ơn họ đã “kiên nhẫn, kiên trì và can đảm”. Nhưng cả mưa lẫn sự đến trễ xem ra đều không làm nản tinh thần của các tín hữu đến đây để được thấy ngài, mình mặc những chiếc áo mưa poncho sặc sỡ để chống cơn mưa phùn.

Họ hoan hô vang dậy và vẫy những chiếc khăn tay mầu trắng cũng như cờ Colombia trong khi giáo hoàng xa đưa ngài lượn quanh khu vực, xe phải chạy hơi nhanh để bù lại thì giờ đã mất.

Trong Thánh Lễ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô thúc giục Giáo Hội bảo thủ của Colombia nhìn quá bên kia những luật lệ và qui phạm tín lý cứng ngắc, chịu đi ra ngoài và tìm kiếm người tội lỗi và phục vụ họ.

Ngài nói “anh em thân mến của tôi, Giáo Hội không phải là các đồn quan thuế. Điều cực kỳ quan trọng là chúng ta, những người tự xưng mình là môn đệ, chúng ta không nên bám lấy một thứ phong thái nào đó hoặc một loại thực hành đặc thù nào đó khiến chúng ta trở thành giống các người biệt phái hơn là giống Chúa Giêsu”. Ngài cho rằng trong giáo hội sơ khai, những ai bám cứng lấy luật lệ “đều bị tê liệt bởi các giải thích và thực hành luật lệ ấy cách cứng ngắc”.

Mấy giờ sau đó, Đức Phanxicô còn nhấn mạnh hơn nữa, khi ngài nói với các giáo sĩ và các nhà truyền giáo giáo dân tụ tập ở bên ngoài trường đấu bò La Macarena rằng sống một đời ngay chính chưa đủ. Nói bằng tiếng lóng nặc mùi Tango của quê hương Á Căn Đình, ngài thúc giục họ “đem đức tin của anh chị em ra đường phố”. Ngài nói: đời sống tiện nghi và tiền bạc không thể đi đôi với lời mời gọi phục vụ Thiên Chúa.

Ngài nói: “anh chị em hãy nhớ, ma qủy đi vào qua ngả cái túi”.

Đức Phanxicô thường giễu cượt các người bảo thủ khi phê phán lối giải thích luật lệ của Giáo Hội cách cứng ngắc của họ, nhất là trong các vấn đề thuộc đạo đức tính dục và đời sống gia đình. Ngài cho rằng việc tuân giữ ngặt nghèo như thế mâu thuẫn với sứ điệp thương xót của Chúa Kitô và việc chào đón mọi người, nhất là người có tội.

Việc ngài thận trọng cởi mở, để các người Công Giáo ly dị và tái hôn dân sự được rước lễ, chẳng hạn, đã châm ngòi cho những người bảo thủ hăng hái chỉ trích ngài, họ bảo: giáo huấn của Giáo Hội rõ ràng ngăn cấm các cặp ngoại tình không được lãnh các bí tích.

Trong bài giảng lễ, Đức Phanxicô nói rằng “việc lạnh lùng bám lấy các qui luật như thế” có thể đem lại an ủi và bảo đảm cho những người Công Giáo nào chỉ cần sự an toàn của lề luật, nhưng không đúng với lời mời gọi có tính mệnh lệnh của Tin Mừng là phải giúp những người chưa được hoàn hảo và muốn được an ủi.

Ngài nói “Chúng ta không thể là những người Kitô hữu liên tục nêu bảng ‘đừng vào’, và chúng ta cũng không thể tính chuyện chỗ này của một mình tôi hay của một mình anh chị. Mọi người đều có chỗ, mọi người đều được mời tìm thấy ở đây, ở giữa chúng ta, của ăn của mình”.

Sau Thánh Lễ, Đức Phanxicô tới một viện mồ côi đã có từ một thế kỷ qua dành cho các thiếu nữ bị bỏ rơi. Ở đấy, ngài nghe em Claudia Garcia, 13 tuổi, kể chuyện: trước khi biết nói, em đã mất hết gia đình lúc một đơn vị du kích lục soát làng em trong một cuộc hoành hành chết người. Các người sống sót duy nhất đều là trẻ nít tuổi từ 2 đến 8.

Ngày mai, Chúa Nhật, ngài sẽ đi Cartagena để tôn kính Thánh Peter Claver, vị linh mục Dòng Tên thế kỷ 17, từng phục vụ hàng chục ngàn người nô lệ gốc Phi Châu tới hải cảng để bị bán đi. Đêm Chúa Nhật, ngài sẽ trở lại Rôma.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Legio Mariae Củ Chi mừng lễ sinh nhật Đức Mẹ
Tôma Đỗ Lộc Sơn
07:00 09/09/2017
Mừng sinh nhật Đức Mẹ 8/9 hàng năm, Curia Củ Chi tổ chức mừng kính trọng thể để nhờ Mẹ thông truyền ơn Chúa và đễ kỷ niệm ngày thành lập. Năm nay kỷ niệm 11 năm thành lập, đồng thời kỷ niệm 69 năm Legio có mặt tại Việt Nam và đặc biệt mừng 100 năm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima.

Trong khuôn viên nhà thờ Giáo xứ Bắc Hà, Hạt Củ Chi, Giáo phận Phú Cường,8 giờ sáng ngày 8/9/2017, từ xa xa người ta đã nghe rộn vang tiếng trống cổ truyền, tiếng kèn đồng vui tươi, đã làm nức lòng bao anh chị em Curia của 12 giáo xứ trong hạt Củ chi về đây để dâng lên Mẹ câu kinh tiếng hát kính mừng Mẹ.

Xem Hình

Đạo binh Mẹ với trang phục toàn trắng, biểu hiện cho sự hiền lành khiêm nhường, nghiêm trang quỳ bên Mẹ, dâng lên Mẹ câu kinh hòa nhịp, mong chờ Mẹ hiện diện giữa chúng con trong giờ kinh khai mạc, để cùng dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ, yêu mến thiết tha chân thành nhất.

Sau giờ kinh khai mạc, cha Giuse Phạm Văn Hòa – Quản hạt Củ Chi đã chia sẻ huấn từ: Cha vui mừng vì có đông anh chị em về dâng lễ và có 12 trong tổng số 13 giáo xứ có anh chị em Curia hoạt động.

Legio Marie được thành lập năm 1921, nghĩa là sau biến cố Đức Mẹ hiện ra ở Fatima chỉ 4 năm. Chắc hẳn Đức Mẹ rất vui khi có cả một đạo quân biết nghe lời Mẹ chỉ bảo là hãy siêng năng lần hạt, tôn sùng trái tim Mẹ và hoán cải tâm hồn mỗi người. Ở Việt Nam, năm 1948 chúng ta hân hoan chào đón Legio, 69 năm trôi qua Legio có mặt ở khắp mọi miền, nhưng có lúc mạnh lúc yếu. Giáo phận Phú Cường cũng đã có 23 năm thành lập và đã quy tụ được hầu hết các giáo xứ tham gia. Riêng tại Củ Chi, chúng ta chỉ mới thành lập được 11 năm, chúng ta cần nỗ lực cầu nguyện, sinh hoạt cho thật đều đặn, mở rộng các lớp kế thừa, có như thế chúng ta mới mong được Mẹ chúc phúc.

Xin Mẹ Fatima luôn đồng hành với chúng ta.

Anh trưởng Martino Nguyễn Anh Tuấn cũng có báo cáo sinh hoạt một năm qua. Theo báo cáo trong năm qua Curia chưa có biến chuyễn nhiều, số hội viên gia tăng không đáng kể, có nơi còn hụt hẫng. Trong năm tới chúng ta mong kết nạp thêm hội viên mới, sinh hoạt tốt hơn và nhất là siêng năng chạy đến với Bí Tích Thánh Thể nhiều hơn để gia tăng tình mến nơi Thiên Chúa.

Theo lịch thuyên chuyển, Cha Gioan Nguyễn Minh Hùng không còn là linh giám cho Curia Củ Chi nữa, trong thánh lễ hôm nay cha quản hạt sẽ công bố cha linh giám mới và chúng ta mong đợi xem.

Thánh lễ mừng kính sinh nhật Đức Mẹ đã diễn ra hết sứ trang nghiêm. Mở đầu đoàn rước, hội trống cổ chuyền đã dâng kính Mẹ loạt trống hoan ca vui mừng, kế đến đội kèn đồng tấu lên hát mừng Mẹ Chúa Thiên Đàng. Rước đoàn đồng tế là hơn 100 anh chị em với nét mặt vui tươi, cầm cờ của hội viên mình hân hoan tiến vào nhà thờ. Sau cùng là cha quảng hạt và cha xứ Củ Chi.

Trước thánh lễ, cha quản hạt vui mừng báo tin: Cha Đaminh Đỗ Bùi Quốc Thuấn – chánh xứ Củ Chi, nay cha là linh giám cho Curia Củ Chi. Cả cộng đoàn vỗ tay mừng đón sự việc này.

Trong thánh lễ mừng sinh nhật Đức Mẹ, cha quản hạt Giuse đã chia sẻ nhiều nhân đức của Đức Mẹ và mong cộng đoàn quy hướng về Đức Mẹ là đấng chỉ bảo đường lành an vui nhất, và cũng mong cộng đoàn chạy đến cùng thánh cả Giuse là đấng bảo trợ các gia đình, có như thế, gia đình, hội đoàn chúng ta mới mong được hưởng hồng ân Cứu Chuộc của Thiên Chúa.

Thánh lễ diễn ra trong thời tiết không mấy thuận tiện, nhưng không sao tất cả cộng đoàn đã được ngập tràn trong gió mát hồng ân.

Cuối lễ, anh trưởng Curia đã có đôi lời cảm ơn quý cha đã dâng lễ cầu nguyện cùng chúng con, Cảm ơn quý cha linh giám, quý tu sĩ linh giám và tất cả anh chị em vể tham dự thánh lễ hôn may. Để chia sẻ nỗi mừng vui, chúng con dâng kính cha quản hạt, cha tân linh giám bó hoa thơm. Cả cộng đoàn vỗ tay cho sự vui mừng này.

Thánh lễ kết thúc sau phép lành bình an, mọi người xuống nhà cơm, dùng bữa cơm trưa thật thân tình.

Toma Đỗ Lộc Sơn
 
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Mừng Sinh Nhật Đức Maria
Văn Minh
07:34 09/09/2017
“Mừng lễ Sinh Nhật Đức Mẹ hôm nay, chúng ta hãy vui mừng ca tụng và tung hô Mẹ. Đồng thời, mỗi người cũng luôn biết trông cậy vào Mẹ trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời mình.

Trên đây là lời chia sẻ của cha Gioakim Lê Hậu Hán, chánh xứ Vĩnh Hòa, trong Thánh lễ mừng Sinh Nhật Đức Maria – bổn mạng của gia đình Lêgiô Mariae giáo xứ Vĩnh Hòa do ngài chủ sự lúc 17g30 thứ Sáu ngày 08.09.2017.

Xem Hình

Trước Thánh lễ, quý hội viên đã cùng nhau đọc và suy gẫm qua năm chục kinh Mân Côi và mời gọi mỗi người chuẩn bị tâm hồn tham dự Thánh lễ.

Chia sẻ Tin Mừng, cha Gioakim mời gọi cộng đoàn cùng nhau học hỏi mẫu gương của Đức Maria, vì Mẹ được Thiên Chúa tuyển chọn làm trung gian trong chương trình cứu độ nhân loại. Vì thế, mừng ngày lễ Sinh Nhật Đức Mẹ hôm nay, cộng đoàn chúng ta hãy vui mừng ca tụng và tung hô Mẹ. Đồng thời, mỗi người cũng luôn biết trông cậy vào Mẹ trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, và siêng năng lần chuỗi kinh Mân Côi mỗi ngày.

Cha Gioakim nhấn mạnh, là hội viên gia đình Lêgiô Mariae trong giáo xứ, chúng ta hãy dâng lên Mẹ những món quà nhiều ý nghĩa và thiêng liêng qua mỗi khi đi công tác, và không mang theo bên mình, đường, sữa, bánh trái hay những vật gì khác. Ngược lại, thứ mà các hội viên cần mang theo là đem Lời Chúa đến để chia sẻ, cùng nhau suy niệm và cầu nguyện, lời động viên và thăm hỏi trước nỗi đau khổ của người bệnh tật. Đặc biệt, mang về cho Mẹ những linh hồn còn đang đắm chìm trong tội lỗi và thất vọng. Có như vậy, chúng ta mới xứng đáng là những chiến sỹ, những đạo binh của Đức Mẹ, vẫn biết rằng không phải lúc nào chúng ta ra đi cũng đem về cho Mẹ được món quà như lòng chúng ta mong muốn. Mà trái lại, khi chúng ta đến đọc kinh hoặc thăm hỏi một người bệnh nào đó, đôi khi gặp phải những khó khăn nhất định, có khi họ không đón tiếp, không tin tưởng vào chúng ta. Xin cho mỗi người trong chúng ta luôn biết sống nhân đức khiêm nhường trong sứ vụ làm tông đồ của mình.

Sau lời nguyện hiệp lễ, ông Gioan Baotixita Nguyễn Ngọc Thanh, đại diện lên cảm ơn cha xứ Gioakim, quý vị HĐMV, đại diện các hội đoàn trong giáo xứ đã cùng nhau hiệp dâng Thánh lễ được sốt sắng, và bó hoa tươi được vị đại diện dâng lên cha chủ tế với lòng cảm mến và biết ơn. Đáp từ, cha Gioakim cảm ơn và chúc mừng quý hội nhân ngày lễ bổn mạng bằng một tràng pháo tay giòn giã của cộng đoàn.

Thánh lễ kết thúc lúc 18g30, cộng đoàn hân hoan lãnh nhận ơn bình an ra đi với sứ vụ loan báo Tin Mừng đến cho mọi người.

Được biết hiện nay, gia đình Lêgiô Mariae trong giáo xứ có 9 đội, mỗi đội có 8 đến 10 hội viên, và mỗi tuần họp một lần tại hội trường của giáo xứ.

 
Thiếu Nhi Thánh Thể Sydney Nhận Lãnh Bí Tích Thêm Sức
Diệp Hải Dung
07:47 09/09/2017
Tối thứ Sáu 08/09/2017. Có 34 em Thiếu Nhi Thánh Thể thuộc Liên Đoàn Nữ Vương Hòa Bình Sydney đã đến thánh đường Our Lady of Mount Carmel, Mt. Pritchard lãnh nhận Bí tích Thêm Sức do Cha Tuyên Úy Trưởng Remy Bùi Sơn Lâm được Đức Tổng Giám Mục Sydney ủy quyền ban phép Thêm Sức cho các em.

Xem Hình

Tham dự Thánh Lễ có quý phụ huynh, quý Vú Bõ đỡ đầu, Quý Sơ Trợ Úy, quý Huynh Trưởng, và quý Quan Khách. Trước khi dâng Thánh lễ, Cha Tuyên uý Trưởng Bùi Sơn Lâm ngỏ lời chúc mừng đến các em Thiếu Nhi hôm nay sẽ được nhận ơn Chúa Thánh Thần và chào mừng quý phụ huynh.

Sau Phúc Âm, Cha FX Nguyễn Văn Tuyết, Tuyên uý Đặc Trách Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Nữ Vương Hòa Bình Sydney, giới thiệu và đọc danh sách các em nhận lãnh Bí tích Thêm Sức và trong bài giảng Cha Tuyên úy trưởng cũng giải thích về bảy ơn Chúa Thánh Thần mà các em sẽ lãnh nhận qua Bí Tích Thêm Sức.

Sau bài giảng là lời tuyên xưng đức tin của các em sẽ lãnh nhận bí tích Thêm Sức. Kế tiếp Cha Remy Bùi Sơn Lâm chủ tế ban phép Thêm Sức.

Cùng đồng tế thánh lễ có quý Cha Nguyễn Văn Tuyết, Cha Paul Văn Chi và Cha Nguyễn Thái Hoạch, Cha Trần Văn Trợ và Cha Quốc Tấn.

Trước khi kết thúc Thánh lễ hai em Thiếu Nhi đại diện các em lãnh nhận bí tích Thêm Sức lên ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Sơ, quý Huynh Trưởng, quý Giảng Viên Giáo Lý đã nâng đỡ hướng dẫn dạy dỗ các em trong những lớp Giáo Lý suốt trong một năm qua để hôm nay được vinh hạnh lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần qua Bí tích Thêm Sức. Các em cũng cám ơn quý ân nhân đã giúp đỡ vật chất lẫn tinh thần, quý Ban Mục Vụ Giáo Đoàn Mt. Pritchard, Ca đoàn Ngôi Ba Mt Pritchard đã hát rất hay giúp cho cộng đoàn dâng thánh lễ một cách sốt sắng và tất cả mọi người đã đến tham dự cầu nguyện cho các em trong Thánh lễ hôm nay. Các em hứa sẽ cố gắng sống ngoan hiền đạo đức và noi gương Chúa Giêsu Thánh Thể là Vị Anh Cả Tối Cao của Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể.

Sau khi kết thúc Thánh lễ, qúy Cha và các em chụp chung tấm hình kỷ niệm và nhận lãnh chứng chỉ Thêm Sức .

Diệp Hải Dung
 
Sống qua tâm bão Irma: Gx Các Thánh Tử Đạo Việt Nam – St Petersburg Florida.
Trần Mạnh Trác
13:13 09/09/2017
Cách đây ‘già’ một năm chúng tôi có tường trình về một cộng đoàn Việt Nam ở St Petersburg (Largo) Florida, ngày hôm nay chính cộng đoàn này đang nằm trên con đường cuả cơn bão Irma.

Xem hình ảnh cũ

Người ta dự báo cơn bão ‘thế kỷ’ đổi hướng, không đánh thẳng vào Miami mà đi qua phía tây để tàn phá vùng Tampa Bay.

Như vậy Gx Các Thánh Tử Đạo Việt Nam sẽ nằm trên đường cuả ‘tâm bão’ (eye of hurricane).

Tuy tốc độ cuả gió sẽ giảm xuống còn 150 miles/g (241 km/g), nhưng với sức gió như thế thì

“Ở vùng Tây Nam Florida như Naples, Ft Meyers-Cape Coral, đây sẽ là trận bão lớn nhất trong lịch sử...Những căn nhà ở vùng Tây Nam Florida không, nói một cách chung, không được xây để chịu đựng nổi cơn gió này,” theo lời phát ngôn viên Đài Khí Tượng.

Ngoài ra, đài cho biết thêm: ”Nạn Triều Dâng (nước biển dâng cao) sẽ xảy ra khắp bờ biển miền Nam và Tây, vượt quá Tampa (bờ phía Tây) và Melbourne (bờ phía Đông), nước dâng lên trên mực đất khô từ 10f cho tới 15 ft (3m-4.5m)...Đây là trường hợp ngập lụt “nguy hiểm” và “chết người”... (“dangerous” and “life-threatening” inundation)”

Cha xứ Nguyễn Vũ Việt sẽ ‘tử thủ’ với ngôi nhà thờ, ngài sẽ không ở trong căn nhà xứ ‘dễ bay’, mà sẽ ẩn trốn trong ngôi nhà thờ kiên cố hơn để ‘sống qua’ cơn bão và sẵn sàng làm việc mục vụ cho giáo dân khi tình thế khẩn cấp xảy ra.

Chúng tôi đã liên lạc với ngài và sẽ cập nhật những hình ảnh trên Album sau đây mỗi khi ngài có thể gửi qua đường dây điện thoại:

Xem hình ảnh cuà Cha Vũ Việt trước và sau bão Irma
 
Legio Mariae Việt Nam Tổng Giáo Phận Melbourne Mừng Sinh Nhật Đức Mẹ
Trần Văn Minh
15:07 09/09/2017
Melbourne, Trong không khí còn vương chút lạnh dù tiết trời đã chuyển qua mùa Xuân, đoàn quân binh Đức Mẹ từ khắp các vùng trong Tổng Giáo phận Melbourne, đã hân hoan tập hợp nhau về Trung tâm Công giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm, dâng lễ mừng kính Sinh nhật Đức Maria và cũng là nữ tướng của đoàn quân binh Legio Mariae.

Xem hình

Đúng 5 giờ 30 chiều Thứ Bảy ngày 9 – 9 – 2017, tại Nguyện đường Thánh Vinh Sơn Liêm, đoàn quân binh Mẹ đã tề tựu trước bàn thờ Mẹ với hoa đèn rực rỡ để cùng nhau đọc kinh Tessera khai mạc, với tràng chuỗi Mân Côi. Lời kinh vang lên như tiếng kèn tập họp đã thu hút đoàn quân binh từ khắp các nẻo đường đổ về mỗi lúc một đông. Ngôi nguyện đường đã không còn chỗ trống, các anh chị em, trong những tà áo dài xanh, từ già tới trẻ đã cùng nhau sốt sắng đọc kinh.

Sáu giờ chiều, Linh mục Giuse Trần Ngọc Tân Quản nhiệm Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm và cũng là Linh giám của Comitium Các Thánh Tử Đạo Việt Nam TGP Melbourne, dâng lễ Mừng Sinh nhật Mẹ. Trong bài chia sẻ, Cha quản nhiệm đã hết lời ca khen Đức Maria, với những ân đức tuyệt vời, Đức Maria còn là kho tàng ân sủng, Mẹ ban ơn cho hết thảy mọi người, Mẹ sẵn sàng đưa tay đón nhận con cái Mẹ trong mọi lúc gian nguy mà ai chạy đến cùng Mẹ sẽ không bao giờ thất vọng. Quây quần bên Mẹ, làm những điều Mẹ vui, Mẹ sẽ cầu bầu cùng Chúa ban cho chúng ta như lòng mong ước. Ca Đoàn Tin yêu của Legio đã dùng lời ca, tiếng hát nâng những cung bậc của các bài thánh ca, để vinh danh Thiên Chúa và Mẹ Maria nâng Thánh lễ thêm phần long trọng hơn.

Sau Thánh lễ, anh phó Nguyễn Văn Thống đại diện Comitium lên có đôi lời tâm tình dâng lên Mẹ như lời của đoàn con thảo dâng lên Mẹ nhân ngày Sinh nhật, cám ơn Cha Linh Giám cùng toàn thể cộng đoàn Dân Chúa, các đơn vị trong Comitium và toàn thể các anh chị em trong Legio Mariae đã về hiệp dâng Thánh lễ mừng kính sinh nhật Đức Mẹ. Và cũng thay mặt Comitium mời Cha Linh giám cùng cộng đoàn xuống hall của trung tâm để dự tiệc mừng và thưởng thức phần văn nghệ thật đặc sắc của Legio.

Vì số người rất đông, hội trường cũng không còn chỗ ngồi, một số phải đứng chật lối ra vào để xem văn nghệ của các anh chị em Legio trình diễn. Có đủ các bộ môn từ hợp ca, múa, hài kịch. Mở đầu chương trình Ca đoàn Tin yêu bản hợp ca vui rồi đến các màn múa. Các chị trong các đội Legio, tuy tuổi không còn trẻ, nhưng xem ra vẫn còn dẻo tay chân nên đã thể hiện các bài vũ thật trẻ trung, sống động làm cho hội trường vui nhộn hơn. Riêng đội Legio trẻ, đã dàn dựng công phu hoạt cảnh: Tiệc cưới Cana mang sắc thái Việt Nam rất tuyệt vời. Nhờ sân khấu đẹp âm thanh ánh sáng tốt, các diễn viên trang phục đẹp với phần nhiều là áo dài. Và nhân sinh nhật Đức Mẹ, nên Hội đồng Comitium đã cũng cùng Cha Linh Giám cắt bánh sinh nhật trong tiếng hát vui mừng của cả hội trường.

Ngoài các chị với những màn vũ, các đội trẻ cũng có những hoạt cảnh, những màn vũ cũng thật tươi vui. Kết thúc chương trình được một đội Legio đố vui có thưởng với chủ đề Đức Mẹ Fatima. Đêm văn nghệ mang đầy đủ ý nghĩa, vui mà lành mạnh, khán giả nhà vừa ngồi thưởng thức món ăn tinh thần, vừa thưởng thức các của ăn do các đơn vị đóng góp trong tinh thần Legio Mariae thật tuyệt vời. Xin Nữ tướng Maria ban muôn ơn lành cho hết thảy mọi người và cách riêng cho toàn thể hội viên Legio.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Mỹ Nga và Trật Tự Thế Giới Mới trong tương lai
Antoine Trần
10:09 09/09/2017
Viết theo cuộc luận bàn giữa triết gia kiêm văn sĩ Ba Tây Olavo de Carvalho,người sáng lập Inter American Institute và nhà tư tưởng chiến lược Aleksandr Duginngười Nga, cố vấn độc lập của TT Vladamir Putin

Phần 1. Ý kiến của Olavo de Carvalho.

Theo Carvalho, định nghĩa và mục đích của chủ thuyết hoàn cầu hóa (globalism) là một chủ thuyết phóng khoáng trong dự phóng nhằm thiết lập trên toàn thế giới một "xã hội rộng mở" (open society), mà trên đường đi buộc phải phá hủy mọi chủ quyền quốc gia và mọi nguyên tắc siêu hình hay luân lý, những nguyên tắc hướng dẫn giúp thăng hoa cao hơn trí luận cá nhân của từng người. Nó chấm dứt biên cương các quốc gia và các giá trị tinh thần truyền thống. Các quốc gia được thay thế bằng một ngành hành pháp khoa học kĩ thuật, và giá trị tình thần sẽ là hỗn hợp giữa chủ nghĩa khoa học (scientism), duy vật (materialism) và chủ quan tương đối luận ( relativistic subjectivism), hiện tại đang làm hưng phấn những người theo chủ thuyết hoàn vũ đại đồng ở phương tây (globalists of the West). Hiện thời những tinh hoa của chủ thuyết toàn cầu hóa (globalist elites)đang kiểm soát Hoa Kỳ và đưa ra những chính sách bắt Hoa Kỳ phải qùy gối quy phục.

Hoa kỳ không phải là trung tâm điều hành chủ trương đại đồng hóa toàn cầu, trái lại, Hoa Kỳ là nạn nhân đầu tiên mà tinh hoa chủ thuyết hoàn cầu hóa nhắm giết chết. Họ không coi Nga-Tầu hay khối Ả Rập là kẻ thù, ngược lại, họ coi là những cộng sự viên đồng loã trong nỗ lực hủy diệt chủ quyền quốc gia, sức mạnh chính trị quân sự và kinh tế của Hoa Kỳ. Họ (globalist elites) nhằm đánh chết Hoa Kỳ chỉ vì dân chúng Hoa Kỳ là những người yêu nước và là những Kitô hữu, đó chính là chướng ngại vật cuối cùng để họ đặt thế giới dưới quyền điều khiển của nhóm tinh hoa vô tổ quốc (state-less elites) mà kiểm soát cả ba dạng thức cai trị do tài quyền (the merchant) của Âu Mỹ, lực quyền (the warrior) của Nga-Tầu và thần quyền (the priest) của khối Ả Rập.

Phần 2. Ý kiến cứa Aleksandr Dugin

Dugin dựng nên giả thuyết là Nga đã thành con chốt thí của nhóm theo chủ thuyết hoàn vũ đại đồng khi bị dùng làm khí cụ để hạ Hoa Kỳ xuống. Thực ra, Dugin không cho là có Trật Tự Thế Giới, mà chỉ có Tối Thượng Quyền Mỹ (American Hegemony) mà thôi.

Dugin nói: hiện thời không có trật tự thế giới đúng nghĩa mà chỉ có sự chuyển biến từ trật tự thế giới thế kỷ 20 qua một dạng thức khác chưa thể chuẩn định. Thật sự, hoàn vũ đại đồng hay khuynh hướng vùng miền sẽ thắng cuộc? Chỉ có một Trật Tự Duy Nhất hay có nhiều phân cực trật tự địa phương? Hoặc giả, chúng ta bước vào thời kỳ nhiều hỗn loạn thế giới? Mọi chuyện chưa rõ ràng vì chúng ta đang sống giữa tiến trình chuyển biến.

Dugin cho rằng chuyển biến sẽ qua một trong ba tiến trình:

1) Có một Căn Cơ Đế Quốc (Imperial Core) đưa ra chính sách tạo hỗn loạn gây thương tích khắp thế giới, mục đích để kiểm soát các quốc gia.

2) Cộng tác với các thế lực bạn trong khi tạo áp lực trên các quốc gia cứng đầu. 3) Hoàn tất việc hoàn cầu hóa bằng cách thay chủ quyền quốc gia bằng một chính phủ quốc tế.

Hình như Hoa Kỳ đang cố đi theo cả ba tiến trình này cùng một lúc. Ba chiều hướng khác nhau này của Hoa Kỳ tạo cho thế giới một văn bản trong cơ quan tương quan quốc tế mà hoa kỳ đóng vai trò chính yếu trên cán cân toàn cầu.

Francis Fukuyama, bình luận gia của nhóm toàn cầu hóa, viết trong quyển The End Of History And The Last Man: nền "dân chủ phóng khoáng" (liberal democracy) - chủ trương của thuyết toàn cầu hoá - là hệ thống chính trị tốt nhất từng được khai sinh. Đó là hệ thống sẽ chấm dứt những trào lưu lịch sử và cách mạng, và nó chỉ cho phép thế giới phát triển qua việc "xuất cảng dân chủ " như một uyển khúc dễ tiêu cho việc lật đổ quyền lực qua tuyên truyền, qua hoạt động ngầm của CIA hoặc qua một chiến dịch quân sự ( chiến tranh).

Đó là hoặc đi theo cách thức Hoa Kỳ hoặc là chết, như Dugin viết: lịch sử được coi là một tiến trình đều đều không biến hóa của kĩ thuật và xã hội, là con đường giải phóng cá nhân tách rời khỏi mọi loại căn tính tổng hợp. Hoa Kỳ là thành lũy của tiến trình lịch sử này, nên có quyền và bị bó buộc như một sứ mệnh để đẩy lịch sử xa hơn nữa. Lịch sử Hoa Kỳ đồng hiện hữu với dòng lịch sử nhân loại nên "Mỹ cũng nghĩa là toàn cầu"(American means Universal). Những văn hóa khác sẽ hoặc chỉ là văn hóa Mỹ hoặc không còn văn hóa nữa.

Dugin nói : tư duy hợp lý (rational thinking) đang thay chỗ Thượng Đế (là Đấng phải bị khai trừ) khi lý lẽ trong đầu được định hình qua những chuyên gia khoa học, những nhà chính trị và giới khoa bảng, là những người đang bị nhóm tinh hoa kia điều khiển. Khoa học kĩ thuật bao quanh cá nhân con người hòng đẩy tới nhu cầu cá nhân thay cho nhu cầu của gia đình, dòng tộc hay quốc gia. Mục đích của chủ thuyết vượt nhân linh (trans humanism) là tạo nên cái gì tốt hơn bản tính con người, hay là không ngừng tiến tới hoàn thiện việc ổn định và trật tự cho nhóm tối đại thiểu số 0.01%.

'Dân chủ phóng khoáng' (liberal democracy) thực sự là một xã hội phân hóa của các cá nhân hoặc bị triệt sản (sterile) về cả văn hóa lẫn sinh học (các nước da trắng) hoặc bị hoảng loạn trường kỳ (các nước da màu). Xã hội các quốc gia tự mình phải trở nên dễ dãi để Tối Thượng Quyền Mỹ kiểm soát và kiềm chế. Nếu quốc gia nào không để 'dân chủ phóng khoáng' thẩm nhập êm ả thì sẽ thành mục tiêu cho sự hỗn loạn. Nếu là người Syria, Iraq, Nga, Ấn hay Phi Châu, khi nghe tổng thống Mỹ rót lời êm dịu vào tai rằng bạn cần và đáng được hưởng nền 'dân chủ phóng khoáng', thì hãy sẵn sàng để, nhẹ thì chính quyền bị lật đổ, tệ hơn thì cả nước sẽ bị rơi vào chiến tranh. Để phản bác ý kiến của Cavarlho, Dugin cho rằng:

Hoàn cầu hóa thế giới và thiết lập hệ thống kiểm soát của Mỹ ở khắp nơi, kể cả việc xâm nhập chủ quyền quốc gia các nước, là cổ võ lối sống Mỹ và đồng hóa các xã hội con người khác nhau thành một, hiện đang được Hoa Kỳ thực hiện. Làm vẩn đục xã hội Nga bằng mẫu mã tiêu thụ suy đồi cá nhân, và chống lưng những chế độ chống Nga của Mỹ, chẳng lẽ những chuyện đó không nghĩa lý gì và đáng bỏ sọt rác hay sao?

Hoa Kỳ là bệnh dịch di hại tuyệt đối cho nhân loại vì nhóm tinh hoa của chủ thuyết toàn cầu hóa là nguyên tố chủ lực điều hành nước Mỹ, và qua nước Mỹ, điều hành thế giới. Vì thế, nhóm tinh hoa của chủ thuyết toàn cầu hóa chính là kẻ thù tuyệt đối của Nga - Tầu và của các nước Ả Rập vì nó làm băng hoại tinh hoa chính trị xã hội và ngay cả tinh chất của những quốc gia đó. Chủ quyền, sức mạnh chính trị quân sự và kinh tế của Hoa kỳ không khác gì công cụ trong tay nhóm tinh hoa của chủ thuyết toàn cầu hóa, dù là tự nguyện hay miễn cưởng.

Như thế, câu hỏi được gợi ra: có phải nước Nga là một thành tố của hệ thống hoàn cầu hóa hay không? Carvalho cho rằng xã hội Nga bị vẩn đục bắt nguồn từ cách mạng Bolshevik trong khi Dugin cho là nhóm tinh hoa hoàn cầu hóa dùng thuyết âm mưu (conspiracy theory) trong trò chơi mắt đền mắt (tit for tat) qua giới truyền thông dòng chính và không hề có nhóm tinh hoa xuyên quốc gia ( no transnational elites) nào gặp nhau tại Davo hay Brussels.

Phân tích khác biệt giữa hai vị trên rất quan trọng, vì nếu như Nga và Mỹ chỉ là hai đối lực biện chứng (dialectical forces) dưới cùng một chủ quyền kiểm soát thì mối căng thẳng Nga - Mỹ chỉ là màn kịch để tạo sự chính danh cho cuộc chiến tranh mà kẻ chiến thắng đã được định sẵn từ trước. Còn nếu như Nga - Mỹ là hai thực thể độc lập thì Mỹ đã vo ve nói tới thế chiến thứ ba bằng cách chọc giận Nga ( ít là cho tới ngày Trump làm tổng thống) qua những lầm lẫn khi muốn tái cơ cấu quyền lực tại Đông Âu và Á Châu.

Phần 3. Xã hội chủ nghĩa.

Xã hội chủ nghĩa chỉ là công cụ cho nhóm tinh hoa tóm gọn quyền lực trong tay bằng cách chiếm chính quyền và làm suy yếu xã hội bằng hơi độc Marxist. Chủ thuyết Tuyệt Đối thời Trung cổ kéo dài ba thế kỷ là tương đối ngắn so với hơn 10 thế kỷ của quyền lực bảo hoàng trưởng giả. Trong khi đó, chỉ cần một thế kỷ tự do kinh tế và chính trị đã dư đủ để các nhà tư bản làm giầu cách khủng khiếp, đến độ họ không còn sợ sự chao đảo bất thường của thị trường. Họ kiểm soát được thị trường nhờ ba khí cụ dựa vào sự độc đoán quốc gia.

Một là đưa ra những chính sách cần thiết để tạo nên những đầu sỏ chính trị lâu dài.

Hai là khởi động các phong trào xã hội và cộng sản tùy thuộc vào biến động trong sự lớn mạnh của quyền lực từng quốc gia.

Ba là động viên một đạo quân trí thức để họ chuẩn bị tư tưởng dân chúng dẹp bỏ nnền tự do trưởng giả mà vui vẻ bước vào thế giới luôn bị ám ảnh bởi sự hiện hữu của trấn áp. Ở đó con người tìm thấy thiên đàng với sự dư giả của chủ nghĩa tư bản hòa lẫn công lý xã hội của chủ nghĩa cộng sản.

Carvalho nói về khía cạnh triết học, là làm sao một thực thể có thể là thành tố chuyển hoán và thay đổi mà chúng ta gọi là "lịch sử". Chúng ta thường nghĩ rằng các quốc gia là động lực vận chuyển lịch sử, nhưng thực sự chỉ là một nhóm nắm quyền trong các quốc gia ấy mới thật sự là tài công lèo lái lịch sử. Những thực thể này là kết tinh của những tranh giành quyền lực tối thượng từ bên trong. Họ không có chủ hướng của riêng mình, nhưng họ phản ánh theo từng giai đoạn, theo từng ý hướng của tập thể mạnh nhất lúc bấy giờ. Để là thành tố lịch sử, nhóm thực thể ấy phải:

1. Trường kỳ nuôi dưỡng mục tiêu.
2. Đủ khả năng tiếp tục theo đuổi mục tiêu vượt quá đời người, vượt qua mọi biến cố mà quốc gia hay đế quốc tham dự vào.
3. Có thể sản sinh những thành tựu mới qua nhiều thế kỷ trong việc biết áp dụng chương trình nguyên thủy vào hoàn cảnh khác nhau mà không mất căn tính mục tiêu ban đầu.

Chỉ những thực thể sau đây đạt đầy đủ những điều kiện nêu trên:

1. Những tôn giáo phổ quát.
2. Những tổ chức bí mật có thủ pháp nhập môn.
3. Những triều đại quân chủ vương quyền và quý tộc.
4. Những phong tràobcách mạng Ý thức hệ và đảng phái.
5. Những thành tố thiêng liêng như Thượng Đế, Thiên Thần hay Ác Quỉ.

Tất cả mọi chuyện xảy ra trong dòng lịch sử đều phát sinh từ một trong những động lực trên, hoặc là kết quả của sự pha trộn không kiểm soát được giữa những động lực trên một cách bất thể khả trừ.

Ý tưởng không thể hiện hữu trong lịch sử nếu không được một trong những nhóm trên sử dụng, nếu không, ý tưởng chỉ là hoang tưởng và sẽ chết lịm, rồi quyền hành lại trở về tay một trong những thành tố đích thực nêu trên.

Thí dụ, Donald Trump đã thắng cử làm tổng thống, bây giờ là lúc tùy thuộc vào ông và nhóm thân cận, để tạo nên một phong trào lâu bền mang chủ thuyết quốc gia vượt quá thời ông, nếu không, chủ thuyết quốc gia sẽ bị đập bể mặt cách kinh hoàng và chết lịm trong nhiều thế hệ mai sau. Chỉ cần nhìn vào Adolf Hitler để thấy sự thất bại của chủ thuyết quốc gia. Nó như là "manna" từ trời rơi xuống cho nhóm lợi ích toàn cầu, bởi vì khi chiến tranh bỗng nhanh chóng kết thúc, cũng là lúc giúp cho một trật tự thế giới đã được manh nhà từ lâu, phát triển hết sức mau lẹ.

Đối lại với ý của Carvalho, Dugin hiểu rõ sự suy đồi của tây phương mà cho rằng cần phải tìm về cội nguồn giá trị của truyền thống khi ông ta nói:

Tây Phương một thời đã có truyền thống cá biệt cho riêng mình, nhưng giờ đây, một phần nào đã bị mai một, phần còn lại của truyền thống ấy lại bị quăng vào đống vi khuẩn độc hại. Tây Phương nên tìm về cội nguồn cổ truyền sâu thẳm của mình, cội nguồn của thời quá khứ Á Âu, một quá khứ huy hoàng của các chủng tộc như Schyths, Celts, Sarmats, Germans, Slavs, Hindus, Persians, Greeks và Ronans, cùng những xã hội thánh thiêng khác hoặc những nền văn hóa giai cấp quần chúng và những giá trị linh thiêng huyền bí.

Muốn trở về với Truyền Thống thì phải chống lại thế giới văn minh tây phương hiện đại bằng một cuộc cách mạng tinh thần (spiritual) theo chủ thuyết truyền thống (traditionist) cùng với cách mạng xã hội theo chủ nghĩa xã hội (socialist). Và căn bản truyền thống chỉ được bảo toàn khi phá hết đi tính chất hiện đại trên hoàn cầu.

Nhưng Dugin có sai lầm không khi ông đặt nặng sự quan trọng của nền văn minh đế quốc Á Âu ngang bằng với chủ thuyết hoàn cầu của Tây Phương dưới dạng thức được ngụy trang bằng truyền thống và luân lý?

Chính Karl Marx định nghĩa: Ý thức hệ chỉ là áo khoác ngoài của tư duy che đậy một mưu đồ quyền lực chính trị. Mưu đồ quyền lực chính trị ở Nga hiện thời, dù đã thay chiếc áo chàng mới, nhưng nội tình vẫn y nguyên, vì vẫn cùng một số người, cùng một loại hành động và cùng một tham vọng chuyên chế như thuở nào.

Triết gia Nietzsche đã từng nói: người ta không thể tiêu hủy hoàn toàn bất cứ cái gì nếu không thay thế nó bằng một cái gì khác. Như thế, tức là Dugin muốn chặt đứt văn minh hiện tại tây phương và thay vào bằng một văn mình truyền thống Á Âu cổ thời theo mẫu xã hội chủ nghĩa Nga, nhưng mẫu Nga hiện thời của Putin cũng vẫn thuộc hạng thức toàn cầu hóa như của tây phương!!!

Phần 4. Kết luận
Dugin nói: chúng ta đang sống dưới sự thống trị độc đoán toàn cầu nên bó buộc chúng ta phải chống lại. Ai lấy mất đi sự tự do của chúng ta, chúng ta buộc phải đòi lại, và chúng ta sẽ đòi lại bằng cách hủy diệt đế quốc Mỹ một ngày nào đó.

Dù Mỹ bị hủy diệt vì những biến động nội tại hay do Nga tấn công bằng nguyên tử, thì liệu sau đó, lúc nào là lúc áp đặt thể chế truyền thống toàn cầu theo hình thái của đế chế Á Âu (Eurasian Empire) bằng một chủ nghĩa hội? Tuy nhiên chủ nghĩa xã hội cũng lại là một chủ thuyết đại đồng thế giới hiện tại nhưng lại có thêm độc chất duy vật. Như thế, kết luận sẽ là: giữa hai quyền lực: Tối Thượng Quyền Mỹ (American Hegemony) và Chủ Nghĩa Xã Hội Nga (Russian Socialism) chúng ta phải chọn một, dù cả hai đều phục vụ cho Trật Tự Thế Giới Mới.
 
Cử chỉ bái gối trước Thiên Chúa toàn năng.
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
14:23 09/09/2017
Đâu đâu đời sống được thể hiện qua nhiều hình ảnh dấu chỉ. Hình ảnh dấu chỉ diễn tả điều chúng ta muốn tỏ bày nói lên.

Có những hình ảnh dấu chỉ người ta phải cắt nghĩa. Nhưng cũng có những hình ảnh dấu chỉ không cần phải làm điều đó. Như khi trao tặng bó bông hoa, cử chỉ tay bắt mặt mừng, ôm hôn mừng rỡ gặp nhau tình thân ái không cần phải nói gì. Tự nó đã là ngôn ngữ diễn tả cắt nghĩa tất cả rồi.

Đôi khi cũng có những dấu hiệu cử chỉ trong đời sống khó cắt nghĩa sao cho đúng cho ngay chính. Những dấu hiệu cử chỉ đó được thể hiện trong yên lặng, vì những điều đó được nhận hiểu ra trong bầu khí thinh lặng.

Trong đời sống tôn giáo đạo đức với Thiên Chúa, với Thần Thánh, con người thực hiện nhiều dấu hiệu cử chỉ. Trong phụng vụ thờ kính Thiên Chúa có nhiều động thái: bái gối, qùy gối trên nền nhà hoặc trên bàn qùy, khoanh tay, chắp đôi bàn tay trước ngực, đưa tay làm dấu thập gía trên thân thể, cúi mình, nằm rạp sấp mình xuống sát mặt đất và còn nhiều hành động khác nữa.

Người Công giáo có tập tục đạo đức khi vào nhà thờ có nhà Tạm Mình Thánh Chúa, hay trước thập gía Chúa Giêsu, cung kính thường bái gối kính chào Chúa Giesu .

Khi cầu nguyện trước bàn thờ Chúa trong nhà thờ, chúng ta cũng thường hay qùy hai gối, hai tay chắp lại trước mặt.

Cử chỉ bái gối hay qùy gối như thế muốn nói lên lòng kính trọng yêu mến Thiên Chúa, và đồng thời cũng muốn diễn tả lòng khiêm nhượng của mình nhỏ bé trước Đấng Toàn năng. Nó diễn tả sự thâm sâu của trái tim tâm hồn toát ra bên ngoài. Bái gối hay qùy gối không là hành động tự kỷ ám thị cho mình là con số không, nhưng là thể hiện lòng đơn thành khiêm hạ.

Cử chỉ qùy gối, bái gối nói lên sự giới hạn con người của người làm điều đó. Họ bái gối không chỉ muốn nói lên mình nhỏ bé, nhưng qua đó họ gần với đất hơn, nơi con người được tạo dựng sinh thành, sinh sống và sau cùng trở về nơi đó.

Bái gối hay qùy gối trước Thiên Chúa là ngôn ngữ muốn nói lên: Kính thờ sự thánh thiêng cao trọng của Thiên Chúa , và qua đó con người tự biết mình hơn.

Cử chỉ qùy bái gối của người tín hữu Chúa Kitô không là hình thức của sự hội nhập văn hóa, nhưng trái lại là nếp sống của văn hóa Kitô gíao.

Qùy bái gối không phát xuất từ một nền văn hóa nào, nhưng là từ Kinh Thánh và từ những hiểu biết nhận thức về Thiên Chúa. Trong Kinh Thánh Tân ước từ ngữ „sấp mình xuống“ xuất hiện 59 lần, riêng trong sách Khải Huyền của Thánh Gioan diễn tả về phụng vụ trên trời nói tới sấp mình bái qùy gối 24 lần, mà Hội Thánh áp dụng trong phụng vụ cũng theo thể thức cung cách đó theo ba cách thức gần sát họ hàng với nhau: Nằm sấp mình trải thân thể sát đất trước Thiên Chúa toàn năng, ngồi xát dưới chân và qùy gối.

Khi Giosua thấy Vị Chỉ huy của Thiên Chúa xuất hiện, Ông sấp mình xuống sát mặt đất . ( Sách Giosua 5,14).

Chúa Giêsu trong vườn ở núi cây dầu đã sấp mình xuống đất cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha ( Mc 14,35).

Trong phụng vụ Hội Thánh, hai ngày lễ tưởng niệm Chúa Giêsu chịu chết trên thập gía ngày thứ Sáu Tuần Thánh , và lễ phong chức thánh Phó tế, Linh mục và Giám mục, còn giữ cung cách nằm sấp mình xuống đất.

Ba nhà Đại Sĩ khi nhận ra ngôi sao Đấng Cứu Thế xuất hiện đã tìm đến sấp mình thờ lạy hài nhi Giêsu . ( Mt 2,11).

Trong phúc âm bốn nhiều lần nói đến qùy gối ( Mc 1,40- Mc 10,17- Mt 17,14, 27,29, Mt 14,33, Ga 9,35-38).

Khi cầu nguyện họ qùy gối dang tay ra như cảnh Vua Salomon và dân chúng trong ngày khánh thành thánh hiến đền thờ . ( 2 Sách Sử Biên 6,12-15).

Sau thời lưư đầy trở về quê hương Do Thái, lúc đó không có đền thờ, Esra dâng lễ vật cầu nguyện với cung cách qùy gối giơ hai tay lên cao cùng Thiên Chúa. ( Sách Esra 9,5).

Sách Tông đồ Công vụ thuật lại Thánh Phero, Thánh Phaolo và Cộng đoàn Hội Thánh khi cầu nguyện cũng qùy gối đọc kinh. ( Cv 9,40, 20,36 và 21,5).

Thánh Stephano vị tử đạo tiên khởi của Hội Thánh đã qùy gối cầu nguyện khi bị xử án ném đá. ( Cv 7,60).

Thần học đạo đức về cung cách qùy gối khi cầu nguyện chúc tụng Thiên Chúa diễn tả rộng rãi cùng sâu xa nơi thánh thi ca ngợi Chúa Giesu Kito:

„ Khi vừa nghe danh thánh Giê-su,cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; Và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: "Đức Giê-su Ki-tô là Chúa“. ( Philiphe 6, 10-11).

„ Cung cách Qùy bái gối của người tín hữu Chúa Kito như Thánh Luca diễn tả xa lạ trong văn hóa của Hy Lạp. Đó là ngôn ngữ đặc thù của Kitô giáo. Có thể đối với nền văn hóa mới xa lạ, nếu một nền văn hóa không biết đến đức tin, và không biết đến đức tin nữa, trước Đấng mà ta phải qùy bái gối diễn tả điều thâm sâu trong thâm tâm ra bên ngoài bằng cử chỉ.

Người nào học hỏi tin, cũng học cung cách cử chỉ bái qùy gối. Và một đức tin, hay một phụng vụ mà không còn biết đến bái qùy gối nữa, (như thế) điểm trung tâm sẽ trở thành bệnh họan. Nơi nào cung cách cử chỉ bái qùy gối đã bị sao lãng biến mất, phải học lại thói tục cung cách đó, để chúng ta tự mình lưu lại trong khi cầu nguyện với cộng đoàn các Thánh Tông đồ và các Thánh Tử đạo, với cộng đoàn của toàn thể vũ trụ và trong hiệp nhất với Chúa Giêsu Kitô. „ (Joseph Kardinal Ratzinger, Der Geist der Liturgie, Eine Einführung, Herder Freiburg, 6. Auflage 2002, tr. 166.)

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Văn Hóa
Đại lễ và những sư hy sinh thầm lặng
Người Giồng Trôm
07:52 09/09/2017
Trải qua nhiều năm trời qua đi khi được hồng phúc dự Đại Hội Thánh Mẫu của quý Cha Dòng Mẹ Cứu Chuộc tổ chức hang năm vào những ngày đầu tháng 8 thì hình ảnh ấn tượng nhất và đọng lại trong tôi nhiếu nhất đó là chiếc xe … bán tải range rover cứ chạy vòng vòng Trung Tâm Thánh Mẫu vào các giờ nghỉ trưa để … gom rác. Khuôn mặt vui tươi phục vụ của quý Thầy đã để lại trong long khách hành hương một tâm hồn đẹp. Khi thấy các thầy phục vụ gom rác như vậy, cũng có những người đi dự hành hương “động lòng trắc ẩn” đi theo gom rác với các thầy.

Phải nói rằng chỉ lơ ra một chút hoặc quên hoặc không có chữ “tâm” dù là thu gom rác thì không thể tưởng tượng được con số gần 100 ngàn người trong các kỳ Thánh Mẫu sẽ như thế nào trong khuôn viên của Chi Dòng. Cũng chính vì với tất cả tấm lòng nên rồi những ngày Thánh Mẫu khép lại thì những thùng rác cuối cùng cũng được thu dọn để trả lại mặt bằng như chưa từng có những ngày đại lễ đã qua.

Và rồi, những ngày không phải to như Đại Hội Thánh Mẫu như là lễ khấn dòng, lễ trao sứ vụ linh mục, đại hội giáo lý, đại hội giới trẻ cũng thế, cũng rất cần những tâm hồn quảng đại phục vụ những công việc không tên để mang lại bầu khí trong lành và vệ sinh sạch sẽ cho những ai đến tham dự. Cạnh những người lo vệ sinh, ẩm thực đó thì lại có đội ngũ âm thanh, ánh sang nhưng lúc nào cũng ở trong “bóng tối”, ở hậu trường để phục vụ cho nhu cầu của Thánh Lễ, của Đại Hội.

Những năm gần đây, với nền kinh tế và khoa học phát triển, sẽ thiết sót nếu không nhắc đến đội ngũ quay phim, chụp hình … họ là những người đi trước về sau, đứng nắng trùm mưa để có những bức hình và thước phim đẹp. Nhưng, chưa dừng ở chuyện phục vụ, cần phải nói them là họ có những tấm lòng.

Tất cả khởi đi từ tấm lòng để rồi mọi người có những khoảnh khắc khó quên.

Có nhiều người chỉ biết niềm vui của mình mà quên đi những con người ở trong hậu trường, ở đàng sau ta để tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên của ta. Có khi, có người còn chả nhớ đến người tài xế đã đưa mình vượt chặng đường dài để đi Lễ. Có khi vào bàn tiệc nhưng chả nhớ đến những người đã phục vụ mình. Dù sao đi chăng nữa họ cũng là người đồng loại và người giúp ta “đi đến nơi về đến chốn” bằng tất cả tấm lòng thành.

Những người quay phim dựng ảnh mãi mãi vẫn là những kẻ đến trước về sau và mãi mãi đứng sau ống kính để chỉ biết phục vụ niềm vui của người khác mà thôi.

Còn nhớ kỷ niệm Kim Khánh Giáo Phận Buôn Ma Thuột, để có những bức ảnh và khoảnh khắc đẹp của “chàng mũ đỏ hát trong mưa” (Đức Cha Vinh sơn Nguyễn Văn Bản đã không ngần ngại cầm micro để cùng với cộng đoàn hát bài Lạy Chúa chúng con về từ bốn phương trời …). Để có những bức hình đó, phải chăng chính là do tay thợ săn ảnh và săn hình chịu thương và chịu khó. Còn nhớ đêm hôm đó, người chịu thương chịu khó đó chính là Anh Nguyễn Thương và nhóm anh em truyền thông của Anh. Anh hy sinh tất cả và tất cả để có những khung hình đẹp nhất có thể.

Và, chính Anh và Nhóm cũng đã không quản ngại đường xa để lo cho Thánh Lễ phong chức Giám Mục của “chàng Giám Mục Chăn Vịt” Phêrô Huỳnh Văn Hai kính yêu.

Điều tôi cảm thấy ngạc nhiên và thán phục hơn nữa với đội ngũ âm thầm này đó lại là những người … không có đạo.

Như một mối duyên, chúng tôi về Chợ Mới – An Giang và quen được nhóm chụp hình Studio Lê Nghĩa. Tưởng chừng Anh như là một giáo dân nhiệt thành để giúp cho các nữ tu Chúa Quan Phòng nhưng khi phát hiện ra anh tôi càng đáng nể.

5 máy quay phim, 2 máy chụp hình, một máy bay ghi hình từ trên cao cho 1 đại Lễ nhưng khi hỏi ra, Anh trả lời rằng : “Tui lấy 5 triệu cho vui thôi. Tất cả tôi làm giúp cho các dì chứ không hề kinh doanh …”. Hình ảnh người phó nhòm nước da ngăm đen và người vợ nhỏ thó vẫn ở trong tâm trí tôi cho đến giờ này.

Trên đường về, suy nghĩ óc ngắn của tôi thì một đội ngũ quay – chụp và dàn máy cùng với máy bay và mất cả buổi trời quay chụp và mất mấy ngày để edit phim và hình cũng không phải là chuyện đơn giản. Tôi ước tính công cán luôn tất cả ra thành phẩm chắc cũng phải vài chục triệu là ít chứ không phải dừng lại ở con số 5. 5 triệu mà anh Nghĩa nhận chắc có lẽ đủ tiền mua băng đĩa và làm … nhãn.

Thế đó, cạnh đời ta vẫn có nhiều và rất nhiều tâm hồ quãng đại để phục vụ cho Giáo Hội bằng cách này hay cách khác trong khả năng nhỏ bé của mình. Hình ảnh và tấm gương của anh Nghĩa, của các nhóm truyền thông vô vị lợi vẫn là nguồn lực thúc đẩy mỗi người chúng ta làm một chút gì đó lại là “chút mắm muối cho đời”.

Có khi ta không cầm được máy chụp, có khi ta không cầm được máy quay để quay phim chụp hình như những người nghệ sĩ tài hoa thì ta cũng có khả năng để nhặt một cọng rác, gom một chút thức ăn thừa ngay tại bàn cơm của ta. Chỉ cần một chút, một chút xíu sự cộng tác, chia sẻ của ta thì hậu trường của các ngày Đại Lễ sẽ mau chóng sạch sẽ trở lại như ban đầu khi chưa là Lễ.

Xin cảm ơn, cảm ơn tất cả những tâm hồn quảng đại, những tấm long luôn luôn phục vụ vô vị lợi … Tất cả chính là nguồn động lực cho tôi và nhiều người khác nữa phải nhìn lại chính mình và cũng cần phải cân chỉnh lại để phục vụ mọi người một cách tốt hơn, một cách đẹp hơn bằng tất cả tấm long.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Vòng Tay Yêu Thương
Nguyễn Trung Tây Lm
07:59 09/09/2017
VÒNG TAY YÊU THƯƠNG
Ảnh của Nguyễn Trung Tây Lm. (SVD)
Ngài là ai?
Yêu thương cao vời vợi
Ngài là ai?
Giang tay chết cho đời!
(NTT)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 9/9/2017: Ngày thứ nhất trong chuyến tông du Colombia của Đức Thánh Cha
VietCatholic Network
22:50 09/09/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Sáng thứ Tư mùng 7 tháng 8, Đức Thánh Cha đã rời nhà trọ Thánh Marta để ra phi trường Fiumicino đáp máy bay đi Colombia.

Chiếc Airbus A330 của hãng Alitalia chở Đức Thánh Cha, đoàn tùy tùng và hơn 70 ký giả quốc tế cất cánh lúc quá 11 giờ sáng, trực chỉ thủ đô Bogotà của Colombia.

Sau 12 tiếng rưỡi đồng hồ bay, máy bay chở Đức Thánh Cha và đoàn tùy tùng đã đáp xuống căn cứ không quân Catam thuộc phi trường thủ đô Bogotà vào lúc gần 4 giờ rưỡi chiều giờ địa phương.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang thấy đây là lúc máy bay vừa đáp xuống phi đạo của căn cứ không quân Colombia.

Trong khi chờ đợi những lễ nghi chào đóbn chính thức, chúng tôi xin mạn phép trình bày một vài điểm chính như sau:

Với chuyến tông du bắt đầu từ ngày 6 và kết thúc vào ngày 11 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tiếp bước Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, là các vị Giáo Hoàng đã đến Colombia vào năm 1964 và năm 1986. Đây sẽ là chuyến tông du thứ 20 của Đức Thánh Cha Phanxicô bên ngoài nước Ý.

Đây không phải là lần đầu tiên Đức Thánh Cha thăm Colombia vì ngài đã có mặt tại quốc gia này trong tư cách một linh mục vào những năm 1970 và hai lần trong tư cách một Giám mục thành viên của Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh – gọi tắt là CELAM.

Nếu quý vị và anh chị em theo dõi thường xuyên các chuyến tông du hải ngoại của các vị Giáo Hoàng, quý vị và anh chị em dễ dàng nhận ra đây là một chuyến tông du rất dài đến 5 năm, là một điều hiếm khi xảy ra.

Giải thích về điều này, Đức Thánh Cha đã nói với các ký giả đồng hành: “Đây là chuyến công du hơi đặc biệt, một chuyến du hành để giúp Colombia tiếp tục tiến bước trên con đường hòa bình. Tôi xin anh chị em một lời cầu nguyện cho ý chỉ đó trong cuộc hành trình này. Cám ơn anh chị em vì tất cả những gì anh chị em sẽ làm.”

Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha diễn ra vào một thời điểm quan trọng trong tiến trình hòa bình đã được Giáo hội Công giáo và chính Đức Giáo Hoàng ủng hộ mạnh mẽ.

Chính phủ đã ký một thỏa thuận với nhóm phiến quân FARC hồi tháng 11 năm ngoái sau 52 năm xung đột khiến 260,000 người thiệt mạng, 60,000 người mất tích, và hơn 7 triệu người phải di dời.

Hai ngày trước khi Đức Thánh Cha lên đường, cụ thể là hôm 4 tháng 9, đã có một biến cố lịch sử đối với đối với Colombia: đó là chính phủ nước này đã ký hiệp định ngưng bắn song phương với nhóm phiến quân “Quân đội giải phóng quốc gia”, gọi tắt là ELN. Hiệp định được ký tại Quito, thủ đô Ecuador, sau 7 tháng thương thuyết tại đây, và sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 tháng 10 tới đây.

Các hiệp định hòa bình nói trên được ký kết là do chủ ý của chính phủ, với sự hậu thuẫn của Tòa Thánh, bất chấp ý nguyện của nhân dân Colombia. Các cuộc trưng cầu dân ý đều cho thấy đa số người dân Colombia chống lại các thỏa thuận ngưng bắn này.

Thách đố lớn nhất của Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến tông du này là làm sao thuyết phục người dân Colombia chấp nhận các thỏa ước đã được chính phủ ký kết với các nhóm phiến quân; và cổ vũ sự hiệp nhất trong Giáo Hội.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Dân số Colombia là 48.2 triệu người, trong đó 93.9% là người Công Giáo. Cả nước có 7,236 linh mục triều và 2,324 linh mục dòng phục vụ các tín hữu trong các giáo xứ, với 2,995 tiểu chủng sinh và 3,416 đại chủng sinh đang được đào tạo.

Thêm vào đó, Giáo Hội Colombia còn có 593 phó tế vĩnh viễn, 1,058 nam tu sĩ không thụ phong, 13,874 nữ tu và 4,167 trường Công Giáo.

Colombia là quốc gia tuyệt đại đa số dân theo Công Giáo nhưng lại rất chia rẽ. Chẳng hạn, như trong thái độ đối với chủ nghĩa Mác. Lực lượng “Quân đội giải phóng quốc gia” được thành lập năm 1964 sau cuộc nổi dậy của giới nông dân và hiện còn ít nhất 1,500 chiến binh. Trong số những người theo lực lượng này có hàng trăm linh mục, tu huynh và nữ tu. Là người Công Giáo, nhưng họ theo chủ nghĩa Mác, và say mê Cuba của Fidel Castro.

Sứ điệp video của Đức Thánh Cha gởi nhân dân Colombia

Trước khi đến Colombia, hôm 4 tháng 9, Đức Thánh Cha đã gởi một sứ điệp video cho dân chúng nước này trong đó ngài kêu gọi nhân dân Colombia trở thành những người xây dựng hòa bình và hòa giải, đi bước đầu trong việc bắc những nhịp cầu và kiến tạo tình huynh đệ.

Sau khi cám ơn tổng thống, các Giám Mục và mọi người đã tích cực góp phần vào việc chuẩn bị chuyến viếng thăm, Đức Thánh Cha nhắc đến chủ đề cuộc tông du của ngài là “Chúng ta hãy đi bước đầu” và nhận xét rằng:

“Chủ đề này nhắc nhở chúng ta luôn luôn cần đi bước đầu trong bất kỳ hoạt động và dự phóng nào. Nó cũng thúc đẩy chúng ta trở thành những người đầu tiên yêu mến, bắc cầu và xây dựng tình huynh đệ. Đi bước đầu khích lệ chúng ta hãy đi ra gặp gỡ tha nhân, giơ tay và trao đổi dấu chỉ hòa bình. Hòa bình là điều mà Colombia hoạt động từ lâu để đạt tới. Một nền hòa bình ổn định, lâu bền, để chúng ta có thể nhìn nhau và đối xử với nhau như anh chị em, chứ không phải như kẻ thù. Hòa bình nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta là con cái của cùng Cha, Đấng yêu thương và an ủi chúng ta”.

Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng “Thế giới ngày nay đang cần những vị cố vấn hòa bình và đối thoại. Cả Giáo Hội cũng được kêu gọi thi hành nghĩa vụ này, để thăng tiến hòa giải với Chúa và với anh chị em, và cả sự hòa giải với môi trường là một công trình sáng tạo của Thiên Chúa mà chúng ta đang khai thác một cách bừa bãi”.

“Ước gì cuộc viếng thăm này là một vòng tay ôm huynh đệ đối với mỗi người trong anh chị em và họ cảm thấy niềm an ủi và dịu dàng của Chúa”.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đức Thánh Cha Phanxicô đang chuẩn bị bước xuống thang máy bay.

Từ trên máy bay bước xuống, Đức Thánh Cha đã được Tổng thống Juan Manuel Santos, cùng với phu nhân Maria Clemencia Rodriguez Munera nồng nhiệt tiếp đón, và hai em bé trong y phục cổ truyền đã tặng hoa cho ngài.

Bên cạnh tổng thống và phu nhân còn có Đức Tổng Giám Mục Oscar Urbina Ortega, là Tổng Giám Mục tổng giáo phận Villavicencio và là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Colombia.

Hiện diện tại sân bay cũng có một số quan chức chính quyền dân sự và các Giám Mục Colombia, cùng với đại diện các nhóm phiến quân Lực lượng võ trang cách mạng Colombia (FARC) và Quân đội giải phóng quốc gia (ELN), sau cùng là 1 ngàn tín hữu, trong đó có một số chiến binh bị thương trong chiến tranh.

Tại buổi nghinh đón, Emmanuel con trai của nữ chính trị gia Colombia, Bà Clara Rojas, sinh ra trong cảnh bị giam giữ khi bà bị Các Lực Lượng Vũ Trang Cách Mạng Colombia (FARC) bắt cóc năm 2002, đã dâng lên Đức Giáo Hoàng một bức điêu khắc hình con chim bồ câu trắng. Emmanuel sinh ra năm 2004 lúc mẹ bị giam trong rừng. Em bị lấy đi khỏi mẹ lúc còn sơ sinh. Mãi năm 2008, em mới được gặp lại mẹ.

Đức Phanxicô vỗ nhẹ lên trán Emmanuel sau khi tiếp nhận bức điêu khắc, rồi bắt tay em.

Ngài được nghinh đón chân tình bởi các vũ công múa nhạc nhân gian và các nghệ sĩ trình diễn cả nhạc cổ điển lẫn nhạc vũ cumbia. Giàn giao hưởng quốc gia Colombia trình tấu các bản nhạc của Ludwig van Beethoven và Antonio Vivaldi khi Đức Giáo Hoàng xuất hiện từ cửa máy bay. Tổng Thống Juan Manuel Santos, các nhà thương thuyết hòa bình, các nhóm thổ dân và nhiều đoàn nghệ sĩ, thể tháo gia và chính trị gia đã tới nghinh đón ngài. Đức Phanxicô mỉm cười khi ngắm các vũ công và bắt tay mấy người khuyết tật nam nữ mà đài truyền hình quốc gia mô tả là các nạn nhân của cuộc tranh chấp.

Sau đó, Đức Thánh Cha dùng xe mui trần đi về tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở trung tâm thủ đô.

Dọc đường suốt 15 cây số, hàng trăm ngàn người đã đứng hai bên để đón chào Đức Thánh Cha. Càng gần Tòa Sứ thần Tòa Thánh, dân chúng càng đông, và tràn ra đường, khiến các nhân viên an ninh lo lắng.

Vì không thấy một rào cản an ninh nào cả, nên các người ái mộ đã tới sát đến có thể đụng vào xe của ngài, khiến các nhân viên an ninh vất vả để hãm đà xúc cảm của công chúng.

Nhưng thay vì lo âu, vị giáo hoàng người Á Căn Đình, tỏ ra thích thú khi thấy quá nhiều người tới quàng hoa lên ngài, vẫy cờ đỏ vàng xanh của Colombia và hô “Viva Francisco”.

Đại sứ quán của Tòa Thánh tọa lạc ở khu vực Teusaquilo, nơi có trụ sở của nhiều bộ cũng như của Đại học Công Giáo và Viện quốc gia Colombia Truyền thanh và truyền hình. Đây là một trong những khu vực đông dân cư nhất ở thủ đô Bogotà. Đức Thánh Cha qua 4 đêm tại đây trong những ngày viếng thăm, nên các giới chức liên hệ của chính quyền đã thiết lập 3 vòng đai an ninh, với 633 cảnh sát viên được bố trí.

Khi đến tòa sứ thần vào khoảng 6 giờ chiều giờ địa phương, Đức Thánh Cha đã được một nhóm gần 1 ngàn tín hữu nồng nhiệt tiếp đón với những bài ca và điệu vũ truyền thống.

Phần lớn những người trẻ hiện diện là những người theo một chương trình cai nghiện ma túy thuộc Trung tâm bảo vệ trẻ em và người trẻ, gọi tắt là Idipron. Đức Thánh Cha đã được đại diện các bạn trẻ trao tặng chiếc áo ruana màu trắng, một tấm áo poncho hai mảnh do các bạn trẻ ở Trung Tâm Idipron dệt. Ngoài ra cũng có một nhóm thuộc “các gia đình lòng thương xót”, một hội gồm các giáo dân và linh mục chuyên hoạt động để giúp đỡ những người túng thiếu nhất.

Ứng khẩu trong dịp này, ngài nói với những người trẻ: “Các con hãy tiếp tục tiến bước. Đừng để mình bị bị đánh bại, bị lường gạt, đừng đánh mất niềm vui, niềm hy vọng và nụ cười. Cả những trẻ em cũng có thể trở thành anh hùng”. Trước khi kết thúc, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người đọc kinh Kính Mừng và ban phép lành cho tất cả.

Vào đến nhà nguyện bên trong, Đức Thánh Cha đã dâng hoa kính Đức Mẹ trước sự hiện diện của các nhân viên của tòa Sứ Thần.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Sinh hoạt đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô vào sáng thứ Năm 7 tháng 9 là cuộc gặp gỡ với tổng thống Santos và chính quyền dân sự.

Trong bài phát biểu của ngài, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh 3 điểm chính sau đây:

Cần phải cẩn trọng tôn trọng sự đa dạng sinh thái của Colombia

Đức Thánh Cha nói rất hùng biện như sau:

“Hãy giơ tay lên, những ai biết rằng Colombia đứng hàng thứ hai trên thế giới về sự đa dạng sinh thái? Từ các dẫy núi Andean cho tới các cánh rừng già Amazon, duyên hải Caribbean và đồng bằng nhiệt đới của nó, nó là một quốc gia được chúc phúc bằng một đa dạng tính mênh mông gồm đủ giống cây và giống vật”.

Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng cảnh giác các nhà lãnh đạo Colombia rằng vẻ đẹp tự nhiên ấy mang theo trách nhiệm tôn trọng sự đa dạng của nó và gìn giữ nó cho các thế hệ tương lai. Đây chưa hẳn là chính sách mà Chính Phủ Colombia đang theo đuổi, với một mô thức kinh tế dựa vào hầm mỏ, năng lượng và khai thác các tài nguyên thiên nhiên, nhưng không lo lắng chi tới tác dụng của nó đối với các cộng đồng địa phương.

Nền văn hóa sinh động của quốc gia này

Nhưng việc bảo vệ môi trường sẽ có ý nghĩa hơn cả trong bối cảnh biết chăm sóc sự sống con người, nhất là những người nghèo khổ nhất và bị hất hủi hơn hết. Họ là những người chịu đau khổ nhất do việc phá hủy đất đai và các môi trường sống tự nhiên, làm ngưng trệ các lối sống cổ xưa vốn hiện hữu nhiều thế kỷ qua nơi các cộng đồng bản địa ở Colombia.

Những người bị hất hủi phải được bao gồm trong tương lai Colombia

Nói với Tổng Thống Santos, con dòng cháu giống của một trong các gia đình giầu có nhất của Colombia, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh điều này: sự nghèo khổ dẫn tới bạo lực và bất bình đẳng và là cội rễ của các cơn bệnh xã hội. Ghi nhận sự đa dạng phong phú của các nhóm sắc tộc và các truyền thống văn hóa sinh động của họ, ngài nhấn mạnh rằng “những người bị loại trừ và hất hủi”, tức phụ nữ, nông dân và đại đa số các sắc dân tạp chủng, phải được lắng nghe, khi đất nước tìm cách thoát khỏi nửa thế kỷ nội chiến.
 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News