Ngày 08-09-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mất mát và tìm thấy
Lm. JB. Nguyễn Minh Hùng
08:08 08/09/2016
MẤT MÁT VÀ TÌM THẤY

Chúa Nhật 24 Thường Niên Năm C

Cả ba dụ ngôn trong Tin Mừng hôm nay có cùng nội dung: Mất mát và tìm thấy:

- Người chủ chiên, mất chiên, sau khi vất vả tìm kiếm đã tìm lại được con chiên lạc loài, bỏ bầy ra đi.

- Người đàn bà bị mất đồng bạc, đã nhọc công dùng mọi phương cách mà bà có thể nghĩ ra, tìm cho đến khi gặp lại đồng bạc.

- Người cha ngóng trông từng giờ, từng phút đứa con phản bội bỏ nhà ra đi. Khi cuộc đời đứa con tan nát, tà tạ, nó quay về với người cha tội nghiệp, lại cũng chính là lúc ông nhận ra nó “từ đàng xa”.

Cả hai nội dung “mất mát” và “tìm thấy” trong ba dụ ngôn, đều đặt vào bối cảnh của tình yêu hết sức lớn lao, hết sức triều mến, hết sức đậm đà toát ra từ người làm chủ (dù là chủ vật chất hay chủ gia đình):

- Người chủ chiên yêu chiên đến nỗi, khi tìm được nó, ông không một lời oán trách, không một hành động tỏ ra nghiêm khắc. Ngược lại, ông ôm chầm lấy nó, vác nó lên vai trở về. Ông còn mời bè bạn, lối xóm đến chung vui, sớt chia hạnh phúc.

- Thái độ của người đàn bà mất đồng bạc cũng thật lạ thường, nếu không đặt trong khung cảnh của lòng yêu thương, ta không thể hiểu nổi. Thực tế, làm sao có ai tìm được đồng bạc mất mà lại mở tiệc mừng. Bởi khi mở tiệc mừng, sự tốn kém quá chênh lệch so với đồng bạc bị mất.

Chỉ có lòng yêu thương dành cho những gì vuột khỏi tầm tay mình là lớn hơn tất cả, để người chủ không còn tính toán thiệt hơn, mà chỉ biết làm mọi cách để lòng yêu thương của mình lên ngôi và ngự trị.

- Còn người cha, từ sau khi đứa con bê tha bỏ nhà ra đi, ông đã nhìn thấy cuộc trở về của nó trước khi nó thực sự trở về. Ông ngóng trông qua từng thời gian nặng trĩu cứ trôi, nhưng không mòn mỏi, không hề nản chí, ngược lại càng dày thời gian càng đầy hy vọng: Cong ông sẽ trở về!

Bởi đã thấy trước cuộc trở về ấy, ông nhận ra nó tận đàng xa, trước khi nó nhận ra ông. Ông hạnh phúc tìm lại đứa con bị mất:

+ Cử chỉ của ông tha thiết: “Ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để”.

+ Thái độ của ông luýnh quýnh: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng”.

+ Suy nghĩ của ông quá cảm động: “Con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”.

+ Và qua tất cả những bật thốt bên trên, cho thấy lời nói của ông đậm đặc tình yêu thương xót, đậm đặc tình yêu tha thứ.

Ông đã chuẩn bị cho ngày đón con ông trở về tự lúc nào. Sự chuẩn bị này, mọi người đều biết, thậm chí đầy tớ cũng biết. Ông bảo họ mang áo đẹp nhất, mang nhẫn, mang dép, và bắt con bê béo giết thịt đãi con ông, mà không cần phải cho biết chúng như thế nào, nằm ở đâu. Hình như đầy tớ thuộc nằm lòng sự xếp đặt của ông. Tất cả mọi sự đều nói lên tình thương không thể có đủ lời để diễn tả mà người cha dành cho đứa con đáng tội.

Cả ba dụ ngôn: Con chiên bỏ bầy, đồng bạc bị mất, đứa con hoang đàng chỉ là cái cớ để nhấn mạnh đến người tội lỗi và thái độ rất mực yêu thương của Thiên Chúa dành cho người có tội hồi tâm: “Giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối”.

Vì thế, dẫu trong từng dụ ngôn, có những điều, mà theo logic, chúng ta khó chấp nhận. Nhưng đặt trong bối cảnh của tình yêu mà Đấng Hằng Sống dành cho chúng ta, những điều tưởng chừng vô lý lại càng đẩy đi xa, lại càng tôn lên cao tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu ngút ngàng, một tình yêu dung thứ, một tình yêu trời không thể đo đất không thể dò, một tình yêu bền bỉ ngay cả khi con người chẳng những lỗi phạm mà còn lỗi phạm nặng.

Biết mình có tội, chúng ta không đánh mất hy vọng, nhưng can đảm trở về với tình yêu của Chúa. Trở về với lòng xót thương không bao giờ vơi cạn ấy, chúng ta sẽ hạnh phúc, sẽ bình an, sẽ thấy cuộc đời mình tràn ngập lẽ sống, lẽ yêu đương.

Tòa giải tội là nơi Chúa dùng để ban ơn tha thứ. Hãy tỏ lòng sám hối bằng việc quỳ bên tòa giải tội, khiêm tốn xưng thú tội lỗi để nhận ơn tha thứ của Chúa.

Trong đời sống thường nhật, biết mình hay va vấp, chúng ta xin Chúa tuôn đổ ơn giúp ta khôn ngoan phân định điều tốt, điều xấu, cái gì cần thiết, cái gì không cần thiết để ta luôn bền chí thực thi sự lành, và dù có chết cũng nhất quyết tránh xa điều dữ.

Chúng ta nguyện xin Chúa ban sức mạnh của Chúa để ta luôn luôn sống trong sự khiêm tốn, đơn sơ, luôn luôn gần gũi với mọi người, luôn luôn nhìn thấy và học tập những điều tốt lành nơi mỗi con người mà ta gặp gỡ hay tiếp xúc, để ngày càng dồi dào thêm kinh nghiệm sống, kinh nghiệm vươn lên sự thiện, vương đến ơn phần rỗi.

Sự nhiệt tâm sám hối phải là ý thức bền bỉ qua hết mọi ngày của đời sống mà ta được Chúa ban tặng. Nhờ tinh thần sám hối không ngơi nghỉ ấy, ta luôn thắm ơn Chúa, thắm tình yêu của Chúa, luôn tìm mưu ích cho đời, cho mọi con người xung quanh ta.

Trên tất cả mọi sự, từ nội dung của ba dụ ngôn hôm nay, chúng ta phải đinh rằng, Chúa luôn tìm kiếm chúng ta. Chúa muốn chúng ta luôn đặt mình trong tay của Chúa, lệ thuộc Chúa, để Chúa làm chủ và điều khiển cuộc đời chúng ta.

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:16 08/09/2016
14. GIÁ TIỀN CỦA ĐÔI GIÀY.
Tể tướng Phùng Đạo và Hòa Ngưng cùng nhậm chức ở tỉnh Trung Thư, một hôm, Hòa Ngưng hỏi Phùng Đạo:
- “Ngài mới mua đôi ủng à, giá bao nhiêu vậy ?”
Phùng Đạo đưa chân trái lên cho Hòa Ngưng coi chiếc ủng, nói:
- “Chín trăm.”
Hòa Ngưng tính nóng nảy, lập tức trợn mắt nhìn tên sai dịch nói:
- “Đôi ủng của ta sao mày lại mua đến một ngàn tám chứ ?”
Thế là trách mắng nó một trận tơi bời.
Lúc này Phùng Đạo mới từ tốn đưa chân phải ra nói với Hòa Ngưng:
- “Còn có chiếc này cũng chín trăm đồng nè.”
Thế là cả hai cùng cười vang cả nhà.
(Quy Điền lục)


Suy tư 14:
Có một kinh nghiệm là đừng nên đùa giỡn với một người nóng tính một cách thiếu suy nghĩ, bởi vì có một lúc nào đó anh sẽ bị mang họa vào thân vì tính hay đùa của anh với họ.
Có người ôm hận cả đời vì nóng tính trong một tíc tắc; có người tiêu tan cả danh dự, sự nghiệp vì một chút nóng tính thiếu suy nghĩ của mình; có người đánh mất cả bạn bè, người yêu vì một chút tự ái nóng giận của mình...
Khi anh nóng tính giận dữ thì cánh cửa trí khôn của anh đóng lại và anh không còn biết phân biệt đúng sai, phải trái.
Khi sự nóng giận sôi sùng sục trong đầu óc anh thì anh sẽ không còn sáng suốt, lý trí cũng sợ mà bỏ chạy mất tiêu.
Khi sự nóng giận bừng bừng trong tim anh, thì lòng thương xót yêu người của anh cũng từ đó mà bị đốt cháy tiêu tan thành mây khói, làm cho anh trở thành con người ác độc.
Đức Chúa Giê-su đã kê cho chúng ta một liều thuốc giải độc nóng tính nguy hiểm ấy, Ngài nói: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.”
Học với Đức Chúa Giê-su sự hiền hậu, bởi vì người có tâm hồn hiền hậu thì không câu nệ chấp xét kẻ khác; hãy học Đức Chúa Giê-su sự khiêm nhường, vì khiêm nhường là vũ khí đánh lại thói kiêu căng, người có lòng khiêm nhường thì luôn tự nhận thấy mình còn nhiều thiếu sót và khuyết điểm, do đó mà không chỉ trích phê phán người khác.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:19 08/09/2016

Chương 12:

THÁNH THỂ


“Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.” (Ga 6, 58)

1. Lợi ích của một lần rước Thánh Thể, thì vượt qua cả một tuần ăn chay.

(Thánh Vincent)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mất và được
Lm Vũ Xuân Hạnh
21:13 08/09/2016
MẤT VÀ ĐƯỢC

Chúa Nhật 24 Thường Niên

Chúa Nhật ngày 11.9.2016 năm nay, trùng vào dịp nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung, tưởng niệm mười lăm năm biến cố khủng khiếp, làm chấn động và hoang mang cả thế giới, nhất là người Mỹ, xảy ra ngày 11.9.2001.

Đó là một ngày đầy nước mắt, kinh hoàng và sửng sốt đối với dân chúng nước này. Vì thế, nhân dịp này, dựa vào Lời Chúa Giêsu dạy, tôi muốn nói về những mất mát và sự tìm thấy.

Lời của Chúa dạy hôm nay là ba dụ ngôn: Người chủ tìm thấy con chiên lạc, Người đàn bà tìm thấy đồng bạc bị mất, Người cha đón nhận đứa con hoang đàng trở về, mang cùng một ý nghĩa: MẤT MÁT và TÌM THẤY (Lc 15, 1-32).

Cái bị mất càng lớn, người đi tìm càng vất vả bao nhiêu, khi tìm thấy, nỗi vui mừng càng lớn bấy nhiêu. Ý nghĩa của sự mất mát và tìm thấy trong ba dụ ngôn, là lòng ca ngợi tình yêu lớn lao của Thiên Chúa đối với con người.

Nhất là mỗi khi con người phải sống trong tai ương, mất mát, đổ vỡ, tang tóc, chết chóc, chia lìa, hận thù, lo sợ, nghi nan và giết hại nhau…, là mỗi lần khuôn mặt của tình yêu ấy lại sáng ngời, làm dịu bớt nỗi thất vọng, thăng hoa niềm hy vọng.

Nhờ tình yêu của Thiên Chúa, chính trong mất mát, con người hiểu rằng, họ đã được tìm thấy.

Chính trong nỗi chết chóc của sự tàn bạo, họ lại nhận ra chiều kích thánh thiêng của sự sống.

Tôi muốn nói tới vụ khủng bố Trung tâm Thương mại Thế giới tại New York gồm hai tòa nhà cao 110 tầng và Ngũ Giác đài ở Washington, bị ba chiếc máy bay lớn do không tặc khống chế đâm vào. Một chiếc khác cũng bị khống chế, rơi tại Pennsylvania dọc đường đến mục tiêu.

Người ta ước tính trên 3.000 nạn nhân thiệt mạng. Phải mất gần chín tháng mới dọn dẹp hết đống đổ nát gồm 1.600.000 tấn. 100 tỷ đôla bị mất trắng. 8.300.000 người thất nghiệp trên khắp nước Mỹ.

Ngoài ra, từ biến cố kinh hoàng ấy, người Mỹ và thế giới còn mất rất nhiều thứ quý báu khác:

- Mất cảm giác bảo đảm và an toàn, vì từ trước đến nay, khoa học thời nay vẫn tự hào, đặc biệt nước Mỹ rất tự hào: họ ổn định. Hơn nữa, người Mỹ còn có phần ngủ yên trong hãnh diện mình là quốc gia giàu có, quyền hành, sẽ chẳng ai dám thọc vào sự ổn định của mình. Nhưng mọi suy nghĩ ấy, giờ đây bị “lật đổ”.

- Con người khắp nơi cũng đánh mất sự bình an trong tâm hồn. Vì từ đó đến nay, không ngày nào, thế giới và nước Mỹ không sống trong nỗi lo và cảnh giác. Sống mà cứ phải lo lắng và cảnh giác từng ngày, làm sao có bình an!

- Lòng tin nơi người Mỹ cũng bị đánh cắp. Lòng tin vào con người, trên khắp thế giời, ngày càng vắng bóng. Nhìn bất cứ ai xa lạ, nhất là những người từ Trung Đông, những người xuất thân từ đạo Hồi, họ đều có thể đáng nghi ngờ. Thay vì bắt tay thân thiện, họ chấm ngay một dấu hỏi thật to trên khuôn mặt người lạ ấy. Anh ta là ai? Lương thiện hay bất lương?

- Cứ như thế, sự tấn công khủng bố sát hại hàng loạt đã và có thể sẽ xảy ra khắp nơi, quá nhiều, làm nhức nhối lương tâm từng người chúng ta. Sự tấn cống ấy, càng ngày càng cho thầy nước Mỹ và châu Âu là mục tiêu hàng đầu.

Từ vụ khủng bố 1.9.2001 đến nay, hai tiếng “khủng bố” luôn là nổi ám ảnh ghê gớm trong tâm trí từng người, trên khắp thế giới. Những gì mà loài người đã và vẫn mất mát thật là lớn lao. Những gì mà chúng ta phải và vẫn chịu đựng thật là đau đớn.

Nhưng những gì đã tìm thấy được cũng không phải ít. Đó chính là đức tin, tin nơi Thiên Chúa và tìm đến Thiên Chúa để được giải thoát nỗi u buồn.

Người ta kể rằng, sau ngày đại họa của năm 2001, rất nhiều người đến nhà thờ cầu nguyện. Các thánh lễ liên tục được tổ chức để tưởng nhớ người bị nạn và cầu bình an. Tất cả các thánh lễ ấy đều có rất đông người đến tham dự. Chính tổng thống Bush đã trích Thánh Vịnh 23 để trấn an dân chúng: “Lạy Chúa, dù bước đi trong thung lũng của sự chết, con không lo nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm”.

Nhưng chẳng phải chỉ có người Mỹ – là những người, nhờ nền văn minh rực rỡ của mình, đã góp phần không nhỏ làm cho lối sống tiêu thụ, tâm lý hưởng thụ lớn lên, từ đó phần nào lôi kéo đạo đức xã hội đi xuống – lại có dịp tiếp cận và lấy lại đức tin của mình, nhưng trong ngày ấy, họ còn nhận được biết bao nhiêu sự cảm thông và lời cầu nguyện mà khắp thế giới dành cho họ.

Cho đến hôm nay, mỗi lần ở đâu đó xảy ra những tấn công kinh hoàng như thế, cũng đều lôi kéo những con người, nhất là những nạn nhân còn sống sót trở về với lòng tin, trở về với Đấng giàu lòng xót thương.

Những gì tìm thấy được còn là niềm tương trợ lẫn nhau, sống gắn bó và thắt chặt tình đoàn kết. Tất cả những nơi bị đánh, đều tìm thấy những tấm lòng quả cảm và can đảm của biết bao nhiêu người liều mạng cứu lấy người khác.

Lính cứu hỏa và các nhân viên cảnh sát đã hy sinh trong khi thi hành nhiệm vụ giải cứu và cấp cứu nạn nhân là một điển hình. Trong số những người hy sinh vào ngày 11.9,2001, có cha Mychal Judge, một linh mục dòng Phanxicô, tuyên úy cho lính cứu hỏa tại thành phố New York.

Cũng như anh chị em mình, cha hiểu rất rõ, giữa cảnh điêu tàng, nếu đến gần, sẽ nguy hiểm vô cùng, nhưng cha vẫn đến làm tròn nghĩa vụ của mình. Tòa nhà kinh khủng ấy đã tàn nhẫn đè bẹp và vùi lấp cha Judge cùng mấy trăm lính cứu hỏa, trong khi cha đang cử hành bí tích Xức dầu và ban các phép lần sau hết cho họ.

Hóa ra, trong những lúc tối tăm của cuộc đời, người ta ngỡ rằng, mình đã mất, đã chẳng còn, đã tiêu tang, thì chính lúc ấy, ánh sáng của những cái được nơi những gì có thể tìm thấy, lại cứ lóe lên.

Bởi thế, ta có thể nói mạnh rằng, không ai sống lạc quan cho bằng những anh chị em tín hữu Kitô. Họ biết khôn ngoan trực diện với nỗi đau xé lòng đang diễn ra trước mắt, và lấy ánh mắt đức tin nhìn vào đó.

Đức tin dạy họ rằng, thập giá không dừng lại ở ngày thứ Sáu ảm đạm nhuộm đầy máu, tử nạn và ô nhục, nhưng thập giá đã bừng lên ánh sáng trường cửu, bừng lên sự sống không tàn không phai của sáng Chúa Nhật Phục sinh.

Với đức tin, nhìn vào sự tàn phá của tử thần, họ tìm thấy sự sống. Nhìn vào hận thù tưởng đã lên ngôi thống trị, họ tìm thấy lòng yêu thương. Nhìn vào nỗi bi đát ê chề của đổ nát, của mất mát, của tha hóa, họ tìm thấy niềm lạc quan tin tưởng. Nhìn vào nỗi hoang mang nghi ngờ của nhân loại, họ tìm thấy khuôn mặt dịu hiền, đầy yêu thương thông cảm và thứ tha của Thánh Giá Chúa Kitô.

Thiên Chúa không bao giờ vắng mặt. Con người không bao giờ mất Thiên Chúa. Bởi thế, cái mất vẫn còn đó trong nỗi đau cuộc đời, trong tội lỗi, trong sự tha hóa, và lòng hận thù lồng lộng như một con thú dữ, thì những gì tìm thấy được vẫn cao cả, vẫn sang trọng, vẫn vượt thắng.

Và Tình yêu vời vợi của Thiên Chúa là niềm hạnh phúc, là sức mạnh lớn, giúp con người vượt qua, đó là điều mà các Kitô hữu tìm thấy được trong nỗi đau mất mát tột cùng.

Bạn ạ, Thiên Chúa tôn trọng tự do của chúng ta. Người là Đấng toàn năng, tự giới hạn quyền năng của mình, đứng ngoài tự do của chúng ta, để chúng ta có thể hiện hữu một cách tự do.

Lý do mạnh nhất, khiến ta đánh mất rất nhiều, là bởi ta lạm dụng tự do và lỗi phạm không ngừng. Chính vì có tự do, ta đánh mất chính mình, đánh mất Thiên Chúa, xa lìa tình yêu của Chúa, để trôi tuột khỏi cuộc đời mình bao nhiêu ơn lành mà Chúa hằng ban phát. Đánh mất là sự thật của mỗi con người đầy yếu đuối, hèn mọn.

Nhưng còn một sự thật khác vô cùng quan trọng, vì nhờ đó mà ta sống và lấy lại những gì đã mất. Sự thật ấy chính là Thiên Chúa đi tìm con người.

Người không đi tìm như tìm một cái gì có lợi cho Người. Người cũng không đi tìm như tìm một thứ sở hữu cho riêng mình. Sự tìm kiếm của Chúa là một sự tìm kiếm có lợi cho ta.

Đó là một sự tìm kiếm đầy hân hoan, vui mừng, tin tưởng. Đó là một sự tìm kiếm mà khi tìm thấy, vỡ òa vì một niềm vui trào dâng tột đỉnh. Bởi ta là con chiên thất lạc, là đồng bạc bị mất, đã lìa xa Chúa vì chọn cuộc đời này làm bạn, chọn tội lỗi làm chốn nương thân.

Một khi tìm thấy ta trong bóng đen tăm tối ấy, Thiên Chúa đã vui mừng đưa về, không phải dẫn đi, mà vác trên vai, như giữ lấy một của báu quý giá. Niềm vui ấy còn là một niềm vui nức nỡ, được diễn tả qua lời mời mọc bè bạn chia vui với mình, vì mới đưa về chốn hạnh phúc một kẻ vong thân.

Chưa dừng lại, Chúa Giêsu đã đẩy đến đỉnh điểm, để kết thúc nỗi vui mừng vì yêu ấy trên một cao trào đẹp khôn xiết: Tình yêu quá đỗi diệu hiền, nhưng rất mạnh mẽ của một người cha dành cho đứa con hư đốn của mình.

Dụ ngôn người cha nhân hậu đón nhận đứa con đi hoang trở về vì đói, chứ không phải vì nghĩ đến tình cha, cho ta bài học không thể có bài học nào lớn hơn, về lòng thương xót đến không thể tưởng tượng, không thể hiểu nổi mà Thiên Chúa dành cho ta.

Bài học ấy còn dạy ta rằng, vong thân trong tội, ta đánh mất tất cả: cả sự sống (biểu hiện qua sự đói khát của người con), cả nhân phẩm (biểu hiện qua nồi cám heo mà người con phải ăn cắp để nhét cho đầy bụng), cả tình yêu (người con bị ruồng rẩy, bị bỏ rơi), là những cái làm nên căn cội của cuộc đời con người.

Chỉ có trở về cùng Thiên Chúa, ta mới lấy lại tất cả những gì đã mất mà thôi. Chính người cha đã trả lại cho đứa con sự sống, nhân phảm và tình yêu (Lc 15, 22-32).

Ý thức Thiên Chúa luôn luôn yêu thương kiếm tìm, chúng ta đừng cứng đầu, nhưng hãy trở lại cùng Người.

Hãy đứng lên để quyết tâm đi tới. Hãy đứng lên để làm một chọn lựa mới: chọn lựa tách mình khỏi tội và đứng về phía tình yêu của Chúa.

Tội lỗi đã là điều đáng sợ khôn cùng. Nhưng chưa phải đáng sợ nhất. Điều đáng sợ nhất là ta cứng đầu ở lỳ trong tội. Vì tự đánh mất chính mình đã là một nguy hiểm. Tự chôn mình chìm đắm trong sự mất mát ấy, là một nguy hiểm khó lường, một nỗi dại khờ không có gì có thể biện minh.

Vậy với tất cả những gì đã suy nghĩ, bắt đầu từ Lời Chúa đến tội ác khủng bố, sự mất mát và sự tìm thấy trong đời sống nhân loại, cũng như mất mát và tìm thấy đối với đời sống đức tin, chúng ta thành tâm dâng lên Chúa lời cầu nguyện tha thiết của mình:

Lạy Chúa, xin giúp chúng con nhận ra ánh sáng của sự sống giữa chết chóc bạo tàn; ánh sáng của hy vọng giữa những tuyệt vọng; ánh sáng của sự tìm thấy giữa những mất mát và đổ nát; ánh sáng của tình yêu Chúa giữa những thù hận dối gian; ánh sáng của ơn cứu độ giữa bóng tối tội lỗi đang cuốn hút chúng con vong thân; ánh sáng của niềm tin giữa những lầm lạc, hụt hẫng.

Lạy Chúa, xin ban ơn bình an để nhân loại được hạnh phúc. Và xin ban cho tâm hồn chúng con hạnh phúc vì biết giữ mình thanh sạch, thánh thiện.

Xin cho chúng con bao dung để tha thứ; khiêm nhu để tránh kiêu căng; ôn hòa để nhường nhịn; yêu chuộng hòa bình để tâm hồn bình an.

Lm. VŨ XUÂN HẠNH
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Mẹ Têrêsa và các phương tiện truyền thông
Vũ Văn An
09:23 08/09/2016
Thời nay, rất ít người có khả năng phi thường thu hút được tâm trí người ta qua các phương tiện truyền thông bằng Mẹ Têrêsa Thành Calcutta. Giống Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Mẹ không thích nổi tiếng, nhưng chấp nhận tư cách “minh tinh thượng thặng” của truyền thông làm phương thế phục vụ cho sứ mệnh của mình.

Trong mấy ngày qua, không biết bao nhiêu bài báo và khúc phim liên quan đến Mẹ đã liên tiếp được phổ biến dưới đủ mọi hình thức của truyền thông, đủ chứng minh nhận định trên. Chính nhờ thế, Mẹ Têrêsa mau chóng trở thành một huyền thoại ngay lúc còn sống, một huyền thoại ngoại thường phối hợp cả sự thánh thiện lẫn sự nổi danh, vì câu truyện đời ngài quả là một câu truyện lớn của truyền thông.

Phóng viên đầu tiên của A.P. làm cho việc làm của Mẹ được khán giả Tây Phương biết đến biết ngay là mình vớ được một câu truyện đáng đồng tiền bát gạo khi anh được chủ bút một nhật báo ở Calcutta nói về một “nữ tu nhỏ con kỳ cục đi khắp nơi lượm những người hấp hối”. Quả thế, tường trình hồi tháng Ba năm 1966 của Joe McGowan về Mẹ Têrêsa và căn nhà chật chội và bán khai dành cho Những Người Cùng Khổ Đang Hấp Hối mà Mẹ vốn điều hành từ năm 1952 chính là câu truyện quốc tế đầu tiên về Mẹ, mở màn cho thật nhiều các câu truyện về sau.

Sự nổi tiếng của Mẹ, tuy thế, chỉ thực sự bắt đầu khi các máy quay phim của truyền hình xuất hiện, trong đó, đáng kể là cuốn phim tài liệu nổi tiếng năm 1969 của Malcolm Muggeridge “Something Beautiful for God”. Khi chuyên gia hay gây gổ người Anh này gặp Mẹ, ông hết sức ngưỡng phục vẻ sáng lạn của Mẹ, mô tả Mẹ như người có “một phẩm chất sáng láng”.

Một nhà làm phim tài liệu khác, Ann Petrie, mà Richard Attenborough làm người thuật chuyện cho cuốn phim rất được hoan nghinh năm 1986 của bà tựa là “Mother Teresa - the legacy”, cũng có một ấn tượng như thế: “tôi chưa bao giờ gặp một ai đáng ghi nhớ hơn thế”. Phóng viên Joe McGowan của A.P., dù là một người vô tín ngưỡng, cũng tin rằng Mẹ là một vị thánh.

Điều làm những người như McGowan, Muggeridge và Petrie ngưỡng mộ là: Mẹ Têrêsa không tranh luận vấn đề nghèo khó và phát triển nhưng hành động dựa trên sự thật hết sức hiển nhiên với Mẹ sau đây: Thiên Chúa ở bên trong mỗi con người (Mẹ thường nói với các nữ tu của Mẹ rằng thân xác hấp hối, tan nát của những người bệnh tới hồi cuối cùng trong tay các chị chính là Chúa Giêsu). Các ký giả trên nhìn thấy hiệu quả của sự thật này cả nơi những con người được các nữ tu giúp đỡ, lẫn nơi các công trình đang lớn mạnh rất nhanh và rất rộng của Mẹ.

Các câu truyện của các ký giả trên nhằm tìm ra một điều gì đó, một thứ tiên dược nào đó vốn thúc đẩy Mẹ và sứ mệnh của Mẹ. Trong khoảng cách lớn lao giữa cuộc tranh luận trí thức của Phương Tây về nghèo đói và cách đáp ứng của vị nữ tu nhỏ bé người Albania này, người ta tìm thấy một câu truyện đứng đầu trang nhất, được tường thuật một cách cảm kích và đầy hình ảnh cảm động.

Petrie cho rằng: “Thay vì coi người nghèo như một gánh nặng, Mẹ thấy mọi con người nhân bản, bất kể khốn cùng như thế nào, cũng là một cơ hội để làm một điều gì đó cho Thiên Chúa”.

Mẹ Têrêsa coi danh tiếng hoàn cầu, một danh tiếng luôn đi kèm với tư cách sao sáng truyền thông của ngài, như một ơn quan phòng của Thiên Chúa, một phương thế để Mẹ truyền giảng Tin Mừng và giúp Mẹ chu toàn sứ mệnh giúp đỡ những người nghèo khổ nhất của ngài. Sự tinh ròng trong tập chú này khiến các nhà báo hết sức ngưỡng phục, và đồng thời bị lôi cuốn hết mực.

Phối hợp sự tin tưởng hoàn toàn rằng mình đang thi hành mệnh lệnh của Thiên Chúa với óc thực tế của người nông dân, Mẹ biến những cuộc gặp gỡ với người quyền thế và giầu có thành cơ hội tiếp nhận ân huệ giúp Mẹ mở rộng dòng tu của mình để đáp ứng các nhu cầu của con người.

Về Mẹ, người ta thuật lại nhiều câu truyện nổi tiếng trong đó người nữ tu nhỏ bé này quấy rầy các Hồng Y, các nhà độc tài, các tổng thống, cho tới khi nhận được điều bà yêu cầu, bất cứ là điều gì miễn có thể giúp Dòng Truyền Giáo Bác Ái theo đuổi các mục tiêu của họ.

Như có lần, Mẹ đứng nối đuôi tại một siêu thị ở London với một xe đẩy đầy hàng hóa trị giá 500 bảng Anh và nói với người thu tiền rằng các hàng hóa này là dành cho người nghèo và Mẹ đứng chờ để một ai đó sẵn sàng trả tiền hộ. Cuối cùng, có người trả thật! Như một lần khác, chính phủ Ấn tặng Mẹ vé xe lửa miễn phí; Mẹ bèn xin họ vé máy bay miễn phí, khôn khéo đề nghị làm việc như tiếp viên hàng không để bù lại!

Cái thứ trơ mặt phản văn hóa trên quả đáng lên tài liệu. Mẹ sống giữa người nghèo, vận áo sari đơn giản, ngồi như tượng đá trong nhà nguyện cho tới nửa đêm, và khi nào máy micrô chuyền đến tay, thì Mẹ thao thao bất tuyệt và rất thành thật; trong khi ấy, Mẹ lưu chuyển hàng triệu đôla, nhận đủ giải thưởng và bằng danh dự từ các đại học và tổng thống, và từng dành thì giờ với Công Chúa Diana.

Thế giới bao giờ cũng yêu các vị thánh; nhưng càng yêu Mẹ hơn khi Mẹ du hành khắp thế giới với một nụ cười nở rộng, dửng dưng với giầu có và danh tiếng, không ngừng mặc cả nhân danh những người nghèo nhất trong số những người nghèo.

Và cũng như mọi người triệt để khác, Mẹ không sợ sệt. Có lần Mẹ nói với một nhóm người tại Đại Học Gregoriana ở Rôma rằng: “Khi qúy vị lên thiên đàng, qúy vị sẽ thấy ở đấy đầy những người sống ngoài đường ở Calcutta. Và những người qúy vị tưởng ở đấy, sẽ không ở đấy”.

Và có lẽ điều nghịch lý hơn cả là theo bất cứ tiêu chuẩn thế giới nào, Mẹ cũng không phải là người đàn bà có sắc đẹp, nhưng vẫn là người nổi tiếng nhất trong truyền thông. Khi còn là Hồng Y tổng giám mục Buenos Aires, Đức Jorge Mario Bergoglio đã từng nhắc tới nghịch lý này trong một bài diễn văn năm 2002 về truyền thông trong Giáo Hội; ngài nhận định rằng dù truyền thông hết sức phù phiếm và tự yêu mình thái quá, đôi khi nó vẫn mở cửa sổ để thấy vẻ đẹp của sự thánh thiện.

“Nơi Chúa Giêsu nát thân trên Thập Giá, Đấng chẳng còn một dáng vẻ hay hình dạng chi dưới mắt thế gian và máy quay Truyền Hình, nhưng vẫn sáng láng vẻ đẹp của tình yêu Thiên Chúa, Đấng hiến mạng sống mình cho chúng ta. Đó cũng là vẻ đẹp của sự thánh thiện, của các thánh. Khi chúng ta nghĩ tới một ai đó giống như Mẹ Têrêsa thành Calcutta, trái tim ta tràn đầy một vẻ đẹp không phát xuất từ các đặc điểm hay tầm vóc thể lý của một người đàn bà, nhưng phát xuất từ sự sáng láng lộng lẫy của tình yêu của Mẹ đối với người nghèo và người không một chút tài sản luôn đi theo Mẹ bất cứ nơi nào".

Dĩ nhiên, không phải ai ai cũng bị lôi cuốn bởi thứ sắc đẹp nói trên. Một số những thập tự quân của phong trào duy lý vốn thuộc loại này, mà nổi bật nhất là Christopher Hitchens, với cuốn phim tài liệu “Hell’s Angel” và cuốn sách tiếp theo đó vào năm 1995, tựa là The Missionary Position. Hitchens chỉ trích cuốn phim của Muggeridge là “một cuộc hôn nhân thô tục giữa thứ truyền thông hào nhoáng và loại mê tín trung cổ” và hô hào người duy lý, người cộng sản và những kẻ hoài nghi trung lưu tẩy chay hiện tượng Têrêsa.

Ấy thế nhưng, thực ra, ông ta chỉ làm nổi bật các thiên kiến của mình. Năm 1980, khi tới thăm nhà dành cho người hấp hối của mẹ, ông ta hết sức ngỡ ngàng khi Mẹ nói thẳng vào mặt ông rằng: “Đây là cách chúng tôi chống lại nạn phá thai và ngừa thai ở Calcutta” và càng ngỡ ngàng hơn khi Mẹ nhận định tại buổi lễ nhận giải Nobel hòa bình: “Nhân tố tiêu diệt hòa bình lớn nhất chính là tiếng kêu của trẻ vô tội chưa sinh ra”.

Hitchens cho rằng: thay vì một nữ tu thánh thiện tốt lành, Mẹ Têrêsa chỉ là thành phần của điều ông ta gọi là “trung đoàn cực đoan” của Gioan Phaolô II, một đồng minh của hiện trạng, đầy “những thái độ duy định mệnh, tùng phục”. Nhưng trung đoàn cực đoan này thực ra chỉ có mục tiêu chăm sóc những người cùi sắp chết và không chịu hạ sát những đứa trẻ chưa sinh. Và dĩ nhiên, các nữ tu tốt lành không xây dựng các sứ vụ thương xót khắp thế giới, mà chỉ những con người triệt để rực lửa tình yêu Chúa Kitô mới làm được việc này.

Nói cho cùng, cái yếu trong luận bác của Hitchens và của những người hoài nghi trung lưu ở Calcutta mà ông hô hào phản đối là: Mẹ là một nữ tu sĩ, chứ không phải một người làm điều thiện. Ông không hề hiểu thế nào là sự thánh thiện, và điều gì thúc đẩy một vị thánh; Mẹ thiết lập một dòng tu, chứ không phải một cơ quan phi chính phủ (NGO); Mẹ không phải là một chính khách sợ bị tai tiếng vì lui tới với các nhà triệu phú thối nát.

Hitchens được lòng các người hoài nghi và duy lý, nhưng ông đã không nắm được trọng điểm từng lôi cuốn những người như Muggeridge và Petrie. Không phải những chuyện trần thế mà là những chuyện khác với trần thế đã giúp Mẹ hoàn toàn dấn thân vào trần thế.

Hitchens, người qua đời 2 năm trước khi Đức Phanxicô được bầu làm giáo hoàng, nhưng nếu còn sống, hẳn không dám lên tiếng chỉ trích việc phong thánh cho Mẹ, bởi một vị giáo hoàng xuất thân từ thế giới thứ ba, từng dành trọn các ngày Chúa Nhật cho các vùng bùn lầy nước đọng.

Đức Phanxicô và Mẹ Têrêsa chỉ gặp nhau có một lần vào năm 1994, lúc có Thượng Hội Đồng Giám Mục. Sau này, ngài kể lại: “Mẹ muốn gì nói nấy. Nếu Mẹ là bề trên của tôi, chắc tôi sợ lắm!”

Nhưng giữa hai vị, có cả một sợi dây nối kết chặt chẽ: hiện thân của lòng thương sót thực tế, chống phá nền văn hóa vứt bỏ, năng lực và nhiệt tình truyền giáo, tập chú vào các vùng ngoại vi, coi sự đau khổ của người nghèo như các vết thương của Chúa Kitô, và cùng mộ mến Thánh Phanxicô Assidi.

Sự kiện Đức Phanxicô hôn khuôn mặt của một người đàn ông dị dạng ở Quảng Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô khiến người ta nhớ lời Mẹ Têrêsa nói rằng: khi lau chùi các vết thương của người phong cùi, Mẹ quả đang chăm sóc chính Chúa.

Đức Hồng Y Bergoglio cũng có câu nói tương tự như thế: khi tiếp xúc với những người nghèo và đau khổ ở Buenos Aires, ngài thấy các vết thương của Chúa Kitô trong các đau khổ của họ.

Nhưng một trong các điều đáng lưu ý nhất mà Đức Phanxicô và Mẹ Têrêsa cùng chia sẻ là: cả hai vị đều là những nhà huyền nhiệm không mấy thích các phương tiện truyền thông, nhưng lại trở thành hiện tượng truyền thông hoàn cầu.

Mẹ Têrêsa được các tổng thống và các người nổi tiếng ca ngợi, không ngừng được quay phim và phỏng vấn, nhưng việc này không hề mua chuộc được Mẹ. Mẹ không thích được chú ý, vì bản chất mẹ hay e thẹn; thế nhưng Mẹ phải chấp nhận sự nổi tiếng này như thành phần của điều Chúa yêu cầu ở Mẹ.



Và như Mẹ sau này cho biết, lúc nào Mẹ cũng sống trong sự tối tăm thiêng liêng, không cảm nhận được sự an ủi gần gũi của Thiên Chúa. Danh tiếng không thổi phồng cái tôi của Mẹ, mà còn để Mẹ phải khát khao Chúa Kitô hơn nữa. Có lần Mẹ viết: “Tất cả mọi hoan hô và ngưỡng mộ không hề đụng đến tôi, vì tôi chỉ muốn Người, nhưng lại không có được Người”.
 
Video ĐTC tiếp kiến chung ngày 7/9/2016: ''Chúa Giêsu là dụng cụ lòng thương xót của Thiên Chúa Cha''
VietCatholic Network
07:28 08/09/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Thiên Chúa không gửi Đức Giêsu Kitô Con của Ngài đến trần gian để đánh phạt người tội lỗi và tiêu diệt kẻ gian ác, nhưng để mời gọi họ hoán cải trở về với Ngài. Chúa Giêsu là dụng cụ lòng thương xót của Thiên Chúa Cha, Ngài đi gặp gỡ tất cả mọi người để trao ban sự an ủi và ơn cứu rỗi.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 50.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hôm qua.

Trong bài huấn dụ ĐTC giải thích đoạn Phúc Âm thánh Mátthêu trong chương 11 kể lại sự kiện thánh Gioan Tiền Hô – đang ở trong ngục - gửi các môn đệ tới hỏi Chúa Giêsu: “Thầy có phải là Đấng phải đến hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11,3). Thánh nhân đang sống trong một lúc tối tăm… Gioan âu lo chờ đợi Đấng Cứu Thế và trong lời giảng dậy của mình thánh nhân đã miêu tả Người với các mầu sắc mạnh mẽ như một thẩm phán sẽ tái lập Nước Thiên Chúa và thanh tẩy dân Ngài, thưởng công cho người tốt lành và đánh phạt các kẻ gian ác. Thánh nhân giảng như sau: “Cái riù đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 3,10). Giờ đây Chúa Giêsu đã bắt đầu sứ mệnh công khai của Ngài với một kiểu khác biệt. Gioan đau khổ và trong hai cái tăm tối – trong cái tăm tối của ngục thất, trong cái tăm tối của phòng giam và trong cái tăm tối của con tim thánh nhân không hiểu kiểu thi hành sứ mệnh này, nên muốn biết có đúng thật Ngài là Đấng Cứu Thế hay còn phải đợi một người khác.

Và câu trả lởi của Chúa Giêsu ban đầu xem ra không đáp ứng câu hỏi của thánh Gioan Tiền Hô. Thật thế, Chúa Giêsu nói: “Hãy về thuật lại cho Gioan những điều mắt thấy tai nghe: “Người mù xem thấy, kẻ què đi được, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng. Và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” (Mt 11,4-6). Đó là câu trả lởi của Chúa Giêsu. ĐTC giải thích:

Ở đây ý của Chúa Giêsu trở thành rõ ràng: Ngài trả lời Ngài là dụng cụ cụ thể lòng thương xót của Thiên Chúa Cha, đi gặp gỡ tất cả mọi người đem theo sự an ủi và ơn cứu rỗi, và trong cách thế đó biểu lộ sự phán xử của Thiên Chúa. Các người mù, người què, người phong cùi, người điếc chiếm hữu trở lại phẩm giá của họ, trong khi Tin Mừng được loan báo cho các người nghèo. Và điều này trở thành tổng hợp hoạt động của Chúa Giêsu, qua đó Ngài khiến cho hoạt động của chính Thiên Chúa trở thành hữu hình và có thể sờ mó được.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Sứ địêp mà Giáo Hội nhận từ trình thuật này trong cuộc sống của Chúa Kitô rất rõ ràng. Thiên Chúa không gửi Con của Ngài đến trần gian để đánh phạt người tội lỗi và tiêu diệt kẻ gian ác, nhưng để mời gọi họ hoán cải, để khi trông thấy các dấu chỉ lòng lành của Thiên Chúa họ có thể tìm ra con đường trở về, như Thánh vịnh nói: “Ôi lậy Chúa nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng? Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ, để chúng con biết kính sợ Ngài” (Tv 130,3-4).

Công lý mà Gioan Tiền Hô đặt ở trung tâm lời rao giảng của mình, ở nơi Chúa Giêsu được biểu lộ ra trước hết như là lòng thương xót. Và các nghi ngờ của Vị Tiền Hô chỉ diễn tả trước sự kinh ngạc mà Chúa Giêsu sẽ dấy lên sau đó với các hành động và lời nói của Ngài. Và khi đó ngưòi ta hiểu kết luận câu trả lời của Chúa Giêsu: “Phúc cho người nào không vấp ngã vì tôi” (c. 6). Gương mù gương xấu có nghĩa là “chướng ngại”. Vì thế Chúa Giêsu cảnh cáo một nguy cơ đặc biệt: nếu chướng ngại cho việc tin là các hành động lòng thương xót của Ngài, thì điều này có nghĩa là người ta có một hình ảnh sai lầm về Đấng Cứu Thế. Trái lại, phúc cho những ai trước các cử chỉ và lời nói của Chúa Giêsu, vinh danh Thiên Chúa Cha ở trên Trời. ĐTC lưu ý mọi người như sau:

Lời cảnh cáo của Chúa Giêsu luôn luôn thời sự: cả ngày nay nữa người ta cũng xây dựng các hình ảnh về Thiên Chúa ngăn cản việc hưởng nếm sự hiện diện thực sự của Ngài. Vài người cắt ra một lòng tin “tự làm lấy”, giản lược Thiên Chúa vào không gian hạn hẹp của các ước muốn và xác tín của riêng mình. Nhưng niềm tin này không phải là việc trở về với Chúa là Đấng tự tỏ hiện, trái lại, nó ngăn cản Ngài khiêu khích cuộc sống và lương tâm của chúng ta. Kẻ khác nữa thì giản lược Thiên Chúa vào một thần tuợng giả; họ dùng danh thánh Chúa để biện minh cho các lợi lộc riêng, hay tệ hơn cho sự thù hận và bạo lực. Đối với các người khác nữa thì Thiên Chúa chỉ là nơi ẩn núp tâm lý trong đó họ được trấn an trong những lúc khó khăn: nó là một niềm tin khép kín trong chính nó, không thể thấm ướt được trước sức mạnh tình yêu thương xót của Chúa Giêsu là Đấng thúc đẩy chúng ta tiến tới với các anh em khác. Có những người khác nữa chỉ coi Chúa Kitô như là một thầy dậy tốt của các giáo huấn luân lý đạo đức, một trong biết bao nhiêu bậc thầy trong lịch sử. Sau cùng, có người bóp nghẹt niềm tin nơi một tương quan thuần tuý duy thân tình với Chúa Giêsu, mà huỷ bỏ sức thúc đẩy truyền giáo có khả năng biến dổi thế giới và lịch sử. Chúng ta các kitô hữu chúng ta tin nơi Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, và ưóc muốn của Ngài là ước muốn lớn lên trong kinh nghiệm sống động của mầu nhiệm tình yêu Ngài.

Vì thế chúng ta hãy dấn thân đề đừng đặt bất cứ chướng ngại nào trươc hành động thương xót của Thiên Chúa Cha, nhưng hãy xin ơn có một đức tin lớn lao để chúng ta cũng trở thành các dấu chỉ và dụng cụ của lòng thương xót.

ĐTC đã chào nhiều đoàn hành hương hiện diện: các nhóm nói tiếng Pháp đến từ Phap, Thụy Sĩ, Bỉ, Libăng và đặc biệt từ Senegal, do ĐC Paul Abel Mamba hướng dẫn. Ngài nhắc cho biết hôm nay là lễ Sinh Nhật Đức Mẹ và mời gọi mọi ngưòi biết kinh ngạc về các việc thương xót Chúa Giêsu làm trong cuộc sống của mình để hoán cải và trở thành những người sống lòng thương xót.

ĐTC cũng chào các đoàn hành hương nói tiếng Anh đến từ Anh quốc, Êcốt, Malta, Australia, Hong Kong, Indonesia, Nhật Bản, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Canada và Hoà Kỳ. Ngài cầu mong năm thánh là dịp giúp họ sống tươi vui an bình và là thừa sai lòng thương xót Chúa trong gia đình và cộng đoàn.

Trong số các đoàn hành hương nói tiếng Đức và Hoà Lan ĐTC đặc biệt chào các tín hữu Passau do ĐC Stefan Oster hướng dẫn. Họ khiến ngài nhớ tới đền thánh Đức Bà Altoeting.

Ngài cũng chào các đoàn hành hương Bồ Đào Nha, Mozambic và Brasil, đặc biệt các nhóm đến từ các giáo phận Faro, Funchal, Maputo và Aparecida do các GM hướng dẫn. Ngài cầu mong chuyến hành hương Roma trong Năm Thánh Lòng Thương Xót củng cố niềm tin của họ nơi Chúa Kitô.

Với các tín hữu Ba Lan ĐTC mời gọi rộng mở con tim cho tình yêu và sự tha thứ của Chúa, cũng như trở thành dụng cụ lòng thương xót của Chúa giữa lòng xã hội.

ĐTC cũng chào nhiều đoàn hành hương Ý đặc biệt đến từ các giáo phận Alife-Caiazzo, Chiavari, Tricarico, do các Giám Mục hướng dẫn, cũng như các chủng sinh Verona và các tham dự viên Trại hè đo HĐGM Ialia tổ chức. Ngoài ra cũng có các trẻ em lãnh bí tích Thêm Sức giáo phận Verona, và các đoàn hành hương Frosinone, Livorno và các thành viên Liên hiệp đi xe đạp vùng Legnanese. Ngài cầu mong chuyến hành hương Roma củng cố đức tin và đem lại cho họ và các thân nhân đã qua đời nhiều hoa trái thiêng liêng của Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Chào các bạn trẻ, ngưòi đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nói chúng ta vừa cử hành lễ phong hiển thánh cho Mẹ Têresa Calcutta. Uớc chi các bạn trẻ trở thành các tông đồ của lòng thương xót như Mẹ, người đau yếu cảm thấy sự gần gủi của Mẹ trong những lúc khổ đau, và các cặp vợ chồng mới cưới biết khẩn cẩu Mẹ giúp họ sống quảng đại chú ý tới những người yếu đuối nhất.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.
 
Đức Thánh Cha tiếp các Viện Phụ và Bề trên dòng Biển Đức
Lm. Trần Đức Anh OP
09:52 08/09/2016
VATICAN. Sáng 8-9-2016 ĐTC tiếp kiến các Viện Phụ và Bề trên dòng Biển Đức thế giới, và ngài đề cao vai trò của ơn gọi chiêm niệm trong việc biểu lộ sự đáng tin cậy của sứ điệp Kitô.

Lên tiếng sau lời chào mừng của Đức Thống Phụ Notker Wolf của Liên hiệp các Đan viện Biển Đức, ĐTC nhắc lại rằng ”Đời sống đan tu là con đường tuyệt hảo để giúp cảm nghiệm kinh nghiệm chiêm nhiệm và biểu lộ kinh nghiệm ấy qua chứng tá bản thân và cộng đoàn.

”Thế giới ngày nay ngày càng chứng tỏ rõ ràng nhu cầu lòng thương xót. Lòng thương xót không phải là một khẩu hiệu hay là một công thức, nhưng là trọng tâm của đời sống Kitô và đồng thời là một lối sống cụ thể, là hơi thở linh hoạt những quan hệ giữa con người với nhau và làm cho chúng ta quan tâm hơn tới những người nghèo, liên đới với họ. Xét cho cùng, lòng thương xót biểu lộ sự đáng tin cậy của sứ điệp mà Giáo Hội gìn giữ và loan báo.

ĐTC nhận xét rằng ”thời nay, Giáo Hội được kêu gọi ngày càng chú ý đến điều thiết yếu, và các đan sĩ nam nữ do ơn gọi, giữ gìn một hồng ân và một trách nhiệm đặc biệt, đó là giữ cho các ốc đảo tinh thần được sinh động, nơi mà các vị mục tử và tín hữu có thể kín múc nơi các nguồn mạch lòng thương xót của Chúa”.

ĐTC không quên đề cao sự hiếu khách của các đan sĩ Biển Đức, qua đó, ”Anh chị em có thể gặp những tâm hồn bị lạc hướng hoặc xa lìa Giáo Hội, những người ở trong tình cảnh nghèo khổ trầm trọng về mặt nhân bản và tinh thần”...

”Tuy sống tách biệt với thế gian, nhưng khu nội cấm của anh chị em không hề khô cằn, trái lại, đó là một sự phong phú chứ không phải là một cản trở tình hiệp thông. Việc lao tác, hòa hợp với kinh nguyện, làm cho anh chị em tham gia vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa và liên đới với người nghèo là những người không thể sống mà không làm việc”.

Đại Hội các Viện Phụ và Bề trên dòng Biển Đức tiến hành tại Đan viện Thánh Anselmo ở Roma từ ngày 3 đến 16-9 tới đây. Trong số khoảng 250 tham dự viên cũng có một số là người Việt.

Ngày 9-9-2016 này, Cha Notker Wolf, 76 tuổi, người Đức, chấm dứt nhiệm kỳ thứ 3 làm Thống Phụ (Abbas Primas), tổng cộng là 16 năm. Ngày 10-9-2016, Tổng hội sẽ bầu người kế vị đại diện cho hơn 20 ngàn đan sĩ nam nữ dòng Biển Đức trên thế giới.

Theo niên giám năm nay của Tòa Thánh, dòng nam Biển Đức hiện có 340 đan viện với khoảng 7.200 đan sĩ, họp thành 19 chi dòng, mỗi chi dòng có Viện Phụ Tổng Quyền riêng.

Các Đan viện Biển Đức tại Việt Nam thuộc chi dòng Subiaco, có trụ sở trung ương ở Roma và gồm có 80 đan viện ở các nước với gần 1.400 đan sĩ. Đây là chi dòng lớn nhất của dòng Biển Đức (SD 8-9-2016)
 
Đức Thánh Cha cổ võ đối thoại liên tôn tại Mỹ châu
Lm. Trần Đức Anh OP
09:56 08/09/2016
VATICAN. ĐTC đề cao vai trò của các tôn giáo trong việc chăm sóc căn nhà chung của nhân loại và ngài cổ võ các tôn giáo cộng tác với nhau trong lý tưởng này.

ĐTC bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 8-9-2016, dành cho 200 tham dự viên hội nghị đối thoại liên tôn đầu tiên của Mỹ châu, nhóm tại Roma từ hôm 7-9-2016, với mục đích thiết lập Viện đối thoại liên tôn cho đại lục này. Hội nghị do Viện đối thoại liên tôn ở Buenos Aires Argentina cùng với Tổ chức các quốc gia Mỹ châu đứng ra phối hợp dưới sự giám sát của Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn. Các tham dự viên đã bàn về việc bảo vệ căn nhà chung của nhân loại, theo thông điệp 'Laudato sí' của ĐTC Phanxicô.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, ĐTC nói: ”Các tôn giáo có một vai trò rất quan trọng trong việc thăng tiến sự chăm sóc và tôn trọng môi trường. Niềm tin nơi Thiên Chúa đưa chúng ta đến chỗ nhìn nhận Ngài trong thiên nhiên, kết quả tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Niềm tin ấy cũng kêu gọi chúng ta chăm sóc và bảo vệ thiên nhiên. Vì thế, các tôn giáo cần cổ võ một nền giáo dục chân chính, trên mọi cấp độ, giúp phổ biến thái độ trách nhiệm và quan tâm đối với những đòi hỏi của việc chăm sóc thế giới, và đặc biệt bảo vệ, thăng tiến và bênh vực các quyền con người” (LS 201).

Trong ý hướng đó, ĐTC cổ võ sự cộng tác liên tôn, dựa trên sự thăng tiến một nền đối thoại chân thành và tôn trọng nhau. Ngài nói: ”Nếu không có sự tôn trọng nhau thì sẽ không có đối thoại liên tôn: đó là nền tảng để có thể đồng hành và đương đầu với các thách đố. Cuộc đối thoại này dựa trên chính căn tính của mình và sự tín nhiệm lẫn nhau, nó nảy sinh khi ta có khả năng nhìn nhận người khác như một món quà của thiê Chúa và ta chấp nhận họ cũng có những điều để nói với ta”.

ĐTC nhấn mạnh rằng ”Mỗi cuộc gặp gỡ với tha nhân là một hạt giống nhỏ được gieo vãi; nếu nó được tưới gội chăm chỉ và tôn trọng, dựa trên sự thật, thì sẽ lớn thành cây xum xuê, với nhiều hoa trái, nơi mà tất cả có thể hưởng bóng mát và có thể nuôi dưỡng mình, không ai bị loại trừ, và tại đó mọi người sẽ trở nên thành phần của một dự án chung, liên kết những nỗ lực và khát vọng của mình”.

Sau cùng, ĐTC cũng cổ võ sự cộng tác của những tín hữu và những người thiện chí, những người không tín ngưỡng trong việc bảo vệ các quyền con người, chống lại những tai ương của thế giới chúng ta như chiến tranh và đói kém, nạn lầm than đang đè nặng trên hàng triệu ngừơi, cuộc khủng hoảng môi trường, bạo lực, tham ô, và sự suy đồi luân lý. cuộc khủng hoảng gia đình, và kinh tế, nhất là sự thiếu hy vọng”.

ĐTC không quên lên án sự lạm dụng tôn giáo để gây ra những hành vi tàn ác như khủng bố, gieo rắc sợ hãi và bạo lực, và vì thế có những người coi tôn giáo như là những tổ chức tạo nên tai gương trên thế giới. Cần phải cùng nhau quyết liệt lên án những hành động đáng kinh tởm như thế và xa tránh tất cả những gì tìm cách làm ô nhiễm các tâm hồn, chia rẽ và hủy hoại sự sống chung. Cần chứng tỏ các giá trị tích cực gắn liền với các truyền thông tôn giáo của chúng ta, để mang lại một động lực hy vọng vững chắc” (SD 8-9-2016)
 
Bài giảng tại Santa Marta: Hội đàm chẳng mang lại hòa bình nếu lòng người dưỡng nuôi chinh chiến
Đặng Tự Do
19:47 08/09/2016
Đức Thánh Cha Phanxicô đã tái tục các Thánh Lễ hàng ngày tại nhà nguyện Santa Marta sau kỳ nghỉ hè. Trong bài giảng đầu tiên hôm thứ Năm 08 tháng 9, ngài đã nói về tầm quan trọng của việc kiến tạo hòa bình từ những hành động nhỏ nhặt, hàng ngày - bởi vì, chính từ những cử chỉ nhỏ bé hàng ngày mà hòa bình trên quy mô toàn cầu được nẩy sinh.

Đừng quá hy vọng vào những cuộc hội đàm quốc tế trong việc kiến tạo hòa bình. Hòa bình là một ân sủng từ Thiên Chúa được phát sinh từ những nơi nhỏ bé như trong trái tim con người, hay trong một giấc mơ, như đã từng xảy ra với Thánh Giuse khi Thiên Thần nói với ngài đừng ngại đón Maria về làm vợ mình, vì Mẹ sẽ cung cấp cho thế giới Đấng “Emmanuel”, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta.” Và “Thiên Chúa ở cùng chúng ta có nghĩa là hòa bình.”

Ân sủng phát sinh từ công việc hàng ngày

Đức Thánh Cha bắt đầu bài Suy niệm ngài với nhưng suy từ về danh từ ‘hòa bình’ được đề cập trong lời nguyện đầu lễ. Ngài tập trung vào những từ trong lời nguyện này: ‘xin cho tất cả chúng con được triển nở trong sự hợp nhất và bình an’. Chúng ta phải hoạt động để ‘triển nở’ trong hòa bình vì hòa bình tự nó là kết quả của một cuộc hành trình cam go cả đời, vì thế, mỗi người phải hoạt động để hòa bình được không ngừng triển nở.

“Con đường này của các thánh và các tội nhân nói với chúng ta rằng chúng ta phải đón nhận hòa bình, coi hòa bình là con đường chúng ta phải theo, hội nhập hòa bình vào hành trình đời sống của ta, hội nhập vào tâm hồn ta và vào thế giới. Hòa bình không thể là chuyện một sớm một chiều. Hòa bình là ân ban mà chúng ta phải đón nhận và hoạt động mỗi ngày. Vì thế, chúng ta có thể nói rằng hòa bình là một ân sủng trở thành hiện thực trong bàn tay lao tác của con người. Chúng ta, những người nam nữ trên trái đất này, mỗi ngày phải tiến thêm một bước gần hơn về phía hòa bình. Đó là công việc của chúng ta. Nhiệm vụ của chúng ta với ân sủng được nhận lãnh là: kiến tạo hòa bình.

Cuộc chiến nội tâm, cuộc chiến ngoài thế giới

Nhưng làm sao để chúng ta có thể thành công trong mục tiêu này. Bài đọc hôm nay đã cho thấy rằng có một từ ngữ chuyên biệt: đó là từ ngữ “sự nhỏ bé” được dùng khi nói về Mẹ Maria mà chúng ta mừng trong lễ Giáng Sinh, và cũng được dùng khi nói về thành Bêlem, một thành “nhỏ bé đến nỗi không có trên bản đồ.”

Hòa bình là một ân sủng, một ân sủng do bàn tay lao tác hằng ngày, từ những điều nhỏ bé của cuộc sống hằng ngày. Người ta không thể kiến tạo hòa bình trong những cuộc hội đàm, trong những cuộc gặp gỡ quốc tế vĩ đại. Nhưng trái lại, hòa bình được tìm thấy trong những điều nhỏ bé. Chúng ta có thể nói về hòa bình bằng những lời hoa mỹ, có thể triệu tập những hội nghị lớn để bàn về hòa bình… Nhưng nếu trong chính chúng ta, trong con tim của chúng ta không có bình an, trong gia đình của chúng ta không có bình an, trong khu phố của chúng ta không có bình an, trong nơi làm việc của chúng ta không có bình an; thì cũng sẽ chẳng bao giờ có được hòa bình trên thế giới này.

Câu hỏi cần phải hỏi

Đức Thánh Cha Phanxicô đề nghị rằng chúng ta cần phải nài xin Thiên Chúa ân sủng của sự khôn ngoan để biết kiến tạo hòa bình, từ những công việc nhỏ nhặt trong cuộc sống nhưng hướng đến vào chân trời của toàn nhân loại. Đặc biệt, ngày hôm nay, chúng ta đang sống trong chiến tranh và tất cả mọi người đều mong muốn hòa bình. Và vì thế thật là chính đáng để bắt đầu với câu hỏi sau đây:

‘Ngày hôm nay, tâm hồn của anh chị em như thế nào? Phải chăng đang có bình an? Nếu như tâm hồn anh chị em bất an, thì trước khi nói về hòa bình, hãy làm cho tâm hồn mình bình an trước đã. Gia đình của anh chị em hôm nay như thế nào? Có bình an không? Nếu anh chị em không thể thăng tiến gia đình, xứ đạo, cộng đoàn, dòng tu của anh chị em trong hòa bình thì hãy khoan nói về hòa bình cho thế giới này… Bởi thế, câu hỏi mà ngày hôm nay tôi muốn chia sẻ với anh chị em: Tâm hồn của mỗi người chúng ta như thế nào? Có bình an không? Gia đình của mỗi người chúng ta như thế nào? Có được thanh thản hay không? Đó là cách mang hòa bình đến cho thế giới.”
 
Đức Hồng Y Reinhard Marx lo ngại trước lời kêu gọi ngưng các cuộc đàm phán mậu dịch giữa Liên Hiệp Âu Châu và Hoa Kỳ
Đặng Tự Do
21:25 08/09/2016
Đức Hồng Y Reinhard Marx, Tổng Giám Mục Munich, và là chủ tịch của Liên Hội Đồng Giám Mục châu Âu, đã bày tỏ lo ngại trước lời kêu gọi của các nhà lãnh đạo châu Âu về việc đình chỉ các cuộc đàm phán TTIP.

TTIP, viết tắt bởi chữ Transatlantic Trade and Investment Partnership, là hiệp ước Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương, đang được đàm phán bí mật giữa Mỹ và Liên Hiệp Âu Châu.

“Dừng các cuộc đàm phán TTIP sẽ không giải quyết được các vấn đề hiện tại,” Đức Hồng Y Marx nói. “Một trật tự kinh tế toàn cầu đòi hỏi phải có các quy định chung. TTIP có thể là một cách để đạt được mục tiêu này.”
 
Lãnh đạo Công Giáo Nam Sudan hoan nghênh đề nghị Liên Hiệp Quốc gửi quân gìn giữ hòa bình
Đặng Tự Do
21:44 08/09/2016
Nhà lãnh đạo hàng đầu của Nam Sudan đã lên tiếng hoan nghênh đề xuất của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc triển khai một lực lượng 4,000 quân gìn giữ hòa bình tại quốc gia đang bị tàn phá bởi các cuộc xung đột vũ trang.

“Chúng tôi cần sự giúp đỡ này,” Đức Tổng Giám Mục Paulino Lukudu Loro nói. “Chúng tôi không thể tự mình đưa đất nước đi đúng hướng.”

Theo đuổi chính sách bài Kitô Giáo, chính quyền Hồi Giáo tại Khartoum, đã mượn tay quân Trung quốc thực thi một chính sách diệt chủng các Kitô hữu sống tập trung tại miền Nam Sudan.

Một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc đã mở đường cho một cuộc trưng cầu dân ý vào tháng Giêng năm 2011. 98.83% dân chúng đã bỏ phiếu thành lập Cộng Hòa Nam Sudan, tách ra khỏi Sudan. Ngày 9 tháng 7 năm 2011, quốc gia non trẻ này ra đời.

Tuy nhiên, nội chiến đã nổ ra giữa các lực lượng của chính quyền tổng thổng Salva Kiir và các lực lượng phiến quân của phó tổng thống Riek Machar, vào giữa tháng 12 năm 2013 khi tổng thổng Salva Kiir cáo buộc phó tổng thống Riek Machar âm mưu đảo chính mình.

Cuộc nội chiến đã khiến cho ít nhất 300 ngàn người bị giết, 400,000 phải lánh nạn sang các nước khác và 1 triệu người phải tản cư trong nước.
 
Đức Thượng Phụ Đại Kết Chính Thống Giáo phủ nhận có liên can trong vụ đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ
Đặng Tự Do
21:55 08/09/2016
Tiếp tục các cáo buộc hoang tưởng chống lại Kitô Giáo, báo chí tại Thổ Nhĩ Kỳ đã cáo buộc Đức Thượng Phụ Đại kết thành Constantinople đã có những liên can nào đó trong âm mưu đảo chính hồi tháng Bảy chống lại Tổng thống Tayyip Erdogan. Tòa Thượng phụ Đại kết thành Constantinople đã mạnh mẽ phủ nhận những cáo buộc trên.

Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô I, người có quyền tối thượng danh dự trên Chính thống giáo Đông phương đã rời Thổ Nhĩ Kỳ bay sang Slovenia chỉ vài giờ trước khi cuộc đảo chính bắt đầu.

Dựa vào chuyện này, báo chí Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng ngài đã nhận được cảnh báo trước.

Tưởng cũng nên nhắc lại là vào ngày 15 tháng 7 vừa qua cái gọi là “Hội Đồng Quân Nhân Vì Hòa Bình Quê Hương” đã tổ chức một cuộc đảo chánh với sự tham gia của các quân nhân trong Quân đoàn 1, Quân đoàn 2, Quân Đoàn 3, một số đơn vị không quân, hải quân và quân cảnh. Quân đảo chánh đã dội bom vào tòa nhà Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ và pháo kích vào dinh tổng thống. Cuộc đảo chánh đã thất bại sau khi tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi dân chúng xuống đường bảo vệ chính quyền và huy động các lực lượng trung thành trấn áp cuộc nội loạn. Trong cuộc đảo chánh này, 300 người đã bị giết 2,100 người bị thương. Toà nhà Quốc hội và dinh tổng thống bị hư hại nặng. 6,000 người bị bắt trong đó có 2,839 quân nhân và 2,745 thẩm phán. 15,000 nhân viên giáo dục bị mất bằng và 21,000 thầy giáo tại các trường học tư bị cấm không được hành nghề.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan cáo buộc giáo sĩ Fethullah Gulen là kẻ chủ mưu vụ đảo chánh này. Giáo sĩ Fethullah Gulen là một Imam và là một nhà giảng thuyết đạo Hồi. Ông cũng là một nhà văn và một nhà chính trị.

Fethullah Gulen đề cao Hồi Giáo ôn hòa, tin tưởng nơi những giá trị của sự khoan dung, sống chung hòa bình, đại kết với các tôn giáo, và việc cần thiết phải tách rời nhà nước khỏi Hồi Giáo.

Fethullah Gulen từng là một đồng minh chiến lược của tổng thống Recep Tayyip Erdoğan cho đến khi xảy ra cuộc điều tra vụ tham nhũng vào tháng 12 năm 2013. Ngày 17 tháng 12 năm 2013, 52 viên chức trong chính quyền của Erdoğan (lúc đó là thủ tướng) đã bị bắt.

Lợi dụng một kẽ hở trong nghị quyết cấm vận Iran của Liên Hiệp Quốc, các viên chức trong đảng cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã xuất cảng 13 tỷ Mỹ Kim vàng sang Iran để đổi lấy dầu thô về bán kiếm lời. Thủ tướng Erdoğan được cho là vô can vì đang ở nước ngoài thăm Pakistan. Các cuộc điều tra sau đó đã đưa tổng cộng 91 người vào tù.

Khi về nước, Erdoğan cho rằng Fethullah Gulen là kẻ chủ mưu trong cuộc điều tra này. Fethullah Gulen đã phải lánh nạn tại Hoa Kỳ.

Sau cuộc đảo chánh hụt hôm 15 tháng 7 vừa qua, các phương tiện truyền thông của Thổ Nhĩ Kỳ thi nhau bày tỏ lòng trung thành với tổng thống Erdoğan và đưa ra nhiều cáo buộc chống lại Fethullah Gulen, kể cả các cáo buộc hoang tưởng nhất.

Tờ Cumhuriyet, trong số ra ngày 7 tháng 8, đã nhắc đến cuộc gặp gỡ vào tháng Hai năm 1998 giữa Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và ông Fethullah Gulen. Ký giả Mine Kirikkanat của tờ này nói rằng ông Fethullah Gulen là một “gián điệp” của Giáo Hội Công Giáo đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong Hồng Y “in pectore” (không nêu danh tính) và được cài vào Thổ Nhĩ Kỳ trong âm mưu “Kitô Giáo hóa” nước này.

Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ đang yêu cầu Hoa Kỳ phải dẫn độ ông Fethullah Gulen về nước để xét xử về âm mưu lật đổ chính quyền. Về phần mình ông Fethullah Gulen cho rằng vụ đảo chánh hôm 15 tháng 7 là một vụ đảo chánh giả do chính tổng thống Erdoğan dàn dựng với mục đích thanh trừng nội bộ và kiếm cớ để ban cho mình nhiều quyền hành.
 
Tòa Thánh ký hiệp định với Cộng Hòa Trung Phi
Đặng Tự Do
22:15 08/09/2016
Hôm 06 Tháng Chín, tại dinh Palais de la Renaissance, là dinh tổng thống Cộng Hòa Trung Phi ở thủ đô Bangui một hiệp định cơ bản giữa Tòa Thánh và Cộng hòa Trung Phi về các vấn đề cùng quan tâm đã được ký kết với sự hiện diện của vị nguyên thủ quốc gia là tổng thống Faustin-Archange Touadéra.

Ký kết trong hiệp định này về phía Tòa Thánh có Đức Tổng Giám mục Franco Coppola, Sứ Thần Tòa Thánh; về phía Cộng Hòa Trung Phi có ông Charles Armel Doubane, Bộ trưởng Ngoại giao.

Hiệp định cơ bản này bao gồm một Lời nói đầu và 21 điều, thiết lập khuôn khổ pháp lý cho quan hệ giữa Giáo Hội và Nhà nước, chi phối các vấn đề cùng quan tâm. Hai bên, trong khi duy trì sự độc lập và tự chủ của mình, thực hiện sự hợp tác vì lợi ích và sự thịnh vượng về đạo đức, tinh thần và vật chất của con người và vì thiện ích chung.
 
Đức Giáo Hoàng Chào Đón Nữ Đại Sứ Úc Đầu Tiên Tại Vatican
Thanh Quảng sdb
22:29 08/09/2016
Đức Giáo Hoàng Chào Đón Nữ Đại Sứ Úc Đầu Tiên Tại Vatican
Thanh Quảng sdb

Tân Đại Sứ của Úc tại Vatican: Bà Melissa Hitchman
Theo tin đài Phát thanh Vatican ngay 8/9/2016 thì Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến bà Melissa Hitchman, tân đại sứ của Úc tại Tòa Thánh, nhân dịp này bà cũng đã trình bày một số vấn đề lên Đức Thánh Cha.

Thành viên mới của đoàn ngoại giao Úc tại Vatican là một viên chức giầu kinh nghiệm ngoại giao và thương mại quốc tế, cô Melissa trước đây đã phục vụ ở ngoại quốc, là đệ nhất bí thư của Cao Ủy Úc tại London.

Quan hệ ngoại giao giữa Canberra và Tòa Thánh đã được chính thức thành lập vào năm 1973 nhưng bà Hitchman là nữ ngoại giao đầu tiên giữ chức Đại sứ tại Vatican.

Cô đã nói lên mục tiêu của mình và chia sẻ quan điểm của mình về người tị nạn, quyền thổ dân, chống khủng bố và vai trò của phụ nữ trong xã hội ....

Đại sứ Hitchman nói rằng cô muốn tiếp tục phát triển và xây dựng trên nền tảng vững chắc mà vị tiền nhiệm của cô đã khởi sự! Cô nhấn mạnh mình là "người phụ nữ đầu tiên nắm giữ chức vụ đại sứ thường trực tại Vatican là một dấu chỉ đặc biệt mà chính phủ của cô mong muốn Úc châu tiếp tục góp phần vụ của mình trên địa bàn thế giới.

Cô vạch ra bốn lợi điểm trong chương trình nghị sự của cô, bắt đầu bằng việc xây dựng các quan hệ đối tác giữa "một vị giáo hoàng cải tổ, Đức Phanxicô" và "chính phủ Úc châu mà Thủ tướng Malcom Turnbull lãnh đạo và ngoại trưởng Julie Bishop cùng guồng máy nội chính phủ...

Thứ hai, cô bày tỏ muốn nâng cao "ý thức cộng đồng" chương trình nghị sự rộng lớn mà nước Úc và Tòa Thánh đã chia sẻ hầu giải quyết những xung đột, buôn bán người, xây dựng hòa bình và quyền bình đẳng nam nữ. Bà cũng bày tỏ nguyện vọng nước Úc sẽ đề cử một ứng viên cho Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho niên khóa 2018-2020...

Cùng với "chính phủ" bà Melissa Hitchman nhấn mạnh "tới sự thông hiệp và liên đới tất cả những thành viên không phân biệt Giáo sĩ hay giáo dân, nam hay nữ mang quốc tịch Úc đang làm việc và phục vụ trong Giáo Triều hoặc theo học ở Rôma, trong đó con số các sinh viên Úc đang theo học trong các Đại học và Học viện Công Giáo rất đông. Mục tiêu thứ ba và thứ tư của cô là "phát triển" hai liên đới giữa các tu sĩ và giáo dân tại Rome, làm cho mối quan hệ đó sống động và hiệu năng".

Khi được hỏi về mức độ quan tâm của Tòa Thánh tại Úc ngày hôm nay, bà đại sứ nói rằng cả đôi bên "đều ngạc nhiên trước những đánh giá cao về nhau". Bà mô tả Đức Giáo Hoàng Phanxicô là một "nhà lãnh đạo toàn cầu được khắp nơi công nhận", Ngài tôn trọng quan điểm chung của những người khác với quan điểm riêng tư của Ngài dưới nhãn quan Kitô giáo cũng như không Kitô giáo. Bà cho hay nước Úc vừa tổ chức một cuộc trưng cầu kiểm tra dù kết quả chưa được công bố, nhưng các khảo sát cuối cùng trong năm 2011 cho thấy, hơn một phần tư dân số (25,1%) được xác định là Công Giáo. Bà cũng cho hay chính phủ Úc đã "mở rộng tong lãnh vực ngoại giao của mình trong 25 năm qua" và chính phủ ý thức được tầm quan trọng của mình trong một thế giới rộng lớn hơn", giá trị này cần phải được thăng tiến tiếp tục.

Phát biểu về xã hội đa văn hóa của nước Úc, Đại sứ Hitchman nhớ lại các vụ đánh bom khủng bố năm 2002 và 2005, trong đó bà nói "vẫn vang vọng trong tâm thức của người Úc". Bà cho hay chính phủ của bà có "một chính sách mạnh mẽ với nhiều nỗ lực chống khủng bố", Ngoại trưởng Julie Bishop hiện đang thực hiện một chuyến công du qua Đức và Anh để thảo luận về quan hệ đối tác trong khu vực bao gồm cả việc chống lại chủ nghĩa cực đoan bạo lực. Bà tin rằng Giáo Hội có một vai trò trong việc xây dựng liên tôn và hài hòa giữa các nền văn hóa: trong khi đó vẫn tôn trọng các vai trò phát triển của các dân tộc như ý kiến Đức Giáo Hoàng Phanxicô về tính toàn diện nhưng lại tôn trọng quan điểm riêng tư... Sắc tộc và tôn giáo là một trong những điểm son tại Úc.

Khi được hỏi về những lời chỉ trích chính phủ Úc trước vấn nạn những người tị nạn và di dân, Bà đại sứ mới nói "đừng nên có một ý niệm sai lầm rằng Úc không có biên giới để chào đón những người tị nạn". Bà lưu ý rằng nếu tính bình quân dân số thì nước Úc là nước nhận nhiều người tỵ nạn nhất mà Cao ủy tị nạn nhìn nhận". Úc hiện đang nhận 13,000 người tị nạn mỗi năm, tuy nhiên bà cho hay "chúng tôi đồng ý cón nhiều việc phải làm và đó là lý do tại sao chúng tôi đồng ý nhận thêm 12,000 người tị nạn trong cuộc xung đột Iraq-Syria và chính phủ còn cam kết tăng cường các người tị nạn nhân đạo lên đến 18,000 người trong các năm 2018-2019 ". Bà Hitchman nói những người tị nạn được nhận vào Úc là "những người bị thiệt thòi nhất và đã chờ đợi lâu nhất để được tái định cư". Bà cũng ghi nhận Úc là một trong những nạn nhân của các vụ khủng bố tại Bali, nạn buôn bán người... Những vấn đề đã được thảo luận tại Rome vào tháng Sáu năm ngoái và được khu vực của chúng tôi tiếp tục bàn thảo, cải thiện và đối thoại".

Nói về vai trò của phụ nữ trong xã hội Úc, bà đại sứ mới cho biết Úc có "một chính sách rất mạnh về quyền bình đẳng giới tính và hợp tác với những tổ chức như với Tòa Thánh" về vấn đề này. Bà đề cập đến người nữ giáo dân Úc Rosemary Goldie đã nhiều năm làm việc trong Giáo Triều Rôma nắm giữ các chức vụ như phụ tá của Hội đồng giáo dân và một kiểm toán viên trong Công Đồng Vatican II. Bà Đại sứ nhấn mạnh rằng chính sách của chính phủ của bà trao quyền cho nữ giới, đặc biệt là ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, những người nữ được mời gọi tham gia trong ngành hàng hải, y tế, giáo dục, trong công ăn việc làm và cả chính trị...

Thảo luận về những thách đố trong việc cải thiện đời sống cho người Úc bản địa, Bà Hitchman nói nước Úc "đã có một quá trình đấu tranh mà lịch sử ghi lại và đó là những gì chúng tôi đã rất minh bạch làm sáng tỏ". Bà nói về tiến trình thực hiện thông qua các lời xin lỗi vào năm 2008 trước một "thế hệ bị đánh cắp”, dưới thời cựu Thủ tướng Kevin Rudd, cũng như ‘thu hẹp’ báo cáo về sức khỏe, giáo dục, việc làm và các vấn đề khác cho người dân bản địa. Bà cho biết Thủ tướng Chính phủ đã cam kết sẽ báo cáo với Quốc hội hàng năm và cũng đang tìm kiếm sự công nhận của người dân bản địa trong hiến pháp, đó là một bước tiến quan trọng.

Cuối cùng, bà đại sứ cũng đề cập tới đội cricket của Vatican, được người tiền nhiệm John McCarthy, thành lập đã nói "chúng tôi mang đến một loại thể thao mới và tôi không muốn nói môn thể thao đó hay trò chơi criket là của tôi!" Tuy nhiên, bà lưu ý rằng chính phủ của bà đã có một chương trình nghị sự về thể thao và Úc sẽ đại diện cho Đại hội Đức tin và thể thao sắp tới tại Vatican vào Tháng Mười sắp tới.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thư của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam góp ý Dự thảo Luật Tín ngưỡng Tôn giáo
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
08:23 08/09/2016
Thư của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam góp ý Dự thảo Luật Tín ngưỡng Tôn giáo

Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 8 năm 2016

Kính gửi: Ủy Ban Văn Hóa, Giáo Dục, Thanh Niên, Thiếu Niên và Nhi Đồng,

Quốc Hội Khóa XIV

Chúng tôi đã nhận được Văn thư số 22 / UBVHGDTTN14 của quý Ủy Ban đề nghị góp ý cho Dự thảo 17.8.2016 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, với tinh thần xây dựng để ích nước lợi dân. Việc Quốc hội hỏi ý kiến các tổ chức tôn giáo về Dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo là điều đáng trân trọng, bày tỏ thái độ tôn trọng, cầu thị, lắng nghe của những nhà làm luật đối với các tổ chức và cá nhân liên quan trực tiếp đến tác động của bộ luật trên đời sống và hoạt động của họ. Chúng tôi tán thành và hoan nghênh việc làm này của Quốc hội, chỉ tiếc rằng việc hỏi ý kiến bị giới hạn trong khung thời gian quá chật hẹp (18-31/8/2016), vì thế khó lòng có được những ý kiến rộng rãi và sâu sắc. Nhân danh Hội đồng giám mục Việt Nam, chúng tôi, Ban Thường vụ, kính gửi đến Quốc hội một số nhận định và góp ý.

I. NHỮNG ĐIỂM TÍCH CỰC

So với Dự thảo 4, chúng tôi nhận thấy Dự thảo lần này (17/8/2016) có những tiến bộ đáng khích lệ. Cụ thể là:

1. Công nhận tư cách “pháp nhân phi thương mại” của các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc (Điều 30).

2. Bớt đi từ “đăng ký” và thay bằng từ “thông báo” hoặc “đề nghị”, ví dụ tại điều 33A: “Tổ chức tôn giáo sau khi thực hiện việc phong chức, phong phẩm….thông báo bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước”. Vấn đề không chỉ là thay đổi từ ngữ nhưng còn là thay đổi cách nhìn và cách làm việc, thoát khỏi cơ chế xin-cho. Tự do tôn giáo là quyền căn bản của con người chứ không phải là ân huệ để xin và cho. Khi Nhà nước đã công nhận một tổ chức tôn giáo thì cũng phải tôn trọng họ và những sinh hoạt của họ.

3. So với Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo 21/2004, dự thảo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo có nêu quyền khiếu nại, khởi kiện, tố cáo về tín ngưỡng, tôn giáo (Điều 62).

4. Các tổ chức tôn giáo “được thành lập cơ sở giáo dục theo hệ thống giáo dục quốc dân” (Điều 53). Chúng tôi hiểu việc thành lập cơ sở giáo dục này là ở mọi cấp: mẫu giáo, tiểu học, trung học, đại học. Cũng thế, tổ chức tôn giáo “được thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội” (Điều 54). Đây là những quy định đúng đắn, thoát ra khỏi thái độ phân biệt đối xử trong cộng đồng dân tộc, đồng thời mở ra cơ hội cho các tổ chức tôn giáo tham gia vào lãnh vực giáo dục và y tế, vì lợi ích chung của toàn xã hội.

II. NHỮNG ĐỀ NGHỊ

Bên cạnh những nhận xét tích cực trên, chúng tôi có một số đề nghị cụ thể:

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Giải thích thêm những từ ngữ sau:

- Thông báo: đơn vị thông báo không phải chờ kết quả trả lời của nhà nước. Tuy nhiên nhà nước có quyền yêu cầu không thực hiện hoạt động trong thông báo, yêu cầu hủy bỏ kết quả đã thông báo bằng văn bản có nói rõ lý do.

- Đăng ký: đơn vị thông báo phải chờ kết quả trả lời của nhà nước. Nhà nước có quyền từ chối hoặc chấp thuận cấp đăng ký. Nếu từ chối phải trả lời bằng văn bản có nói rõ lý do.

- Đề nghị: đơn vị đề nghị phải chờ kết quả trả lời của nhà nước. Nhà nước có quyền công nhận, từ chối. Nếu từ chối phải trả lời bằng văn bản có nói rõ lý do.

Nhà nước có quyền yêu cầu các tổ chức tôn giáo phải đề nghị, đăng ký, thông báo các hoạt động nhưng Nhà nước cũng có trách nhiệm phải trả lời đúng hạn bằng văn bản có nêu rõ lý do nếu không đồng ý. Việc phải nêu rõ lý do là để các tổ chức tôn giáo có thể khiếu nại, khởi kiện, tố cáo theo Điều 62 Dự thảo 17/8/2016. Để tránh việc cơ quan chức năng im lặng không trả lời làm thiệt hại cho các tổ chức tôn giáo thì đề nghị có thêm chi tiết sau: “các tổ chức tôn giáo phải đề nghị, đăng ký, thông báo các hoạt động theo đúng những qui định trong luật này nhưng nhà nước cũng có trách nhiệm phải trả lời đúng hạn bằng văn bản có nêu rõ lý do. Nếu quá thời hạn qui định mà cơ quan chức năng không trả lời thì người đề nghị, đăng ký, thông báo có quyền thực hiện theo nội dung đã đề nghị, đăng ký, thông báo”.

2. Sửa lại định nghĩa về sinh hoạt tôn giáo

Đ2, K10. Sinh hoạt tôn giáo là việc bày tỏ niềm tin tôn giáo, thực hành giáo lý, giáo luật, lễ nghi tôn giáo của cá nhân.

Đề nghị: Thêm từ cộng đồng cho đủ nghĩa: “Sinh hoạt tôn giáo là việc bày tỏ niềm tin tôn giáo, thực hành giáo lý, giáo luật, lễ nghi tôn giáo của cá nhân và cộng đồng.”

3. Giải thích rõ hơn “phạm vi phụ trách của chức sắc” (Đ6, K5) qui định: phạm vi phụ trách của các chức sắc là toàn bộ địa bàn mà các vị chức sắc phụ trách. Thí dụ phạm vi phụ trách của Giám mục là toàn bộ địa bàn giáo phận.

Điều 3. Trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Đ3, K1. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng…

Đ3, K3. Nhà nước bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản …

Nhận xét: Nói “Nhà nước bảo hộ” thì hóa ra các tổ chức tôn giáo chỉ là tổ chức bù nhìn sao?

Đề nghị: Thay thế từ “bảo hộ” bằng từ “bảo đảm”: Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng…cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.

Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm

Đ5, K4. Lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để xâm hại quốc phòng, trật tự công cộng, môi trường; …

Nhận xét: Điều khoản này dễ bị lạm dụng để giới hạn, đe dọa và phá hủy quyền tự do tôn giáo đích thực của người dân.

Đề nghị: Xác định rõ và liệt kê những lý do “xâm phạm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự công cộng”.

Điều 6. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người

Đ6, K5. Chức sắc, chức việc có quyền tự do thực hiện lễ nghi tôn giáo trong phạm vi phụ trách; giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác.

Nhận xét: Khái niệm “phạm vi phụ trách” tại khoản 5 chưa rõ nên dễ gây xung đột.

Đề nghị: Qui định rõ phạm vi phụ trách trong Điều 2, giải thích từ ngữ theo hướng phạm vi phụ trách của các chức sắc là toàn bộ địa bàn mà các vị chức sắc phụ trách.

Điều 16. Thông báo việc sinh hoạt tôn giáo tập trung

Nhận xét: Có một vấn đề từ lâu gây rắc rối giữa chính quyền và giáo dân (nhất là giáo dân Công Giáo) khi có nhiều giáo dân ở cùng địa điểm nhưng chưa có chỗ sinh hoạt tôn giáo. Khi xin phép chính quyền để được tập trung sinh hoạt tôn giáo thì thường bị từ chối với lý do là pháp luật về tôn giáo chưa có qui định. Điều này trước đây đã được giải quyết hợp lý theo Điều 5 Nghị định 92.

Đề nghị: theo phương án 1 và xin viết lại như sau cho rõ nghĩa:

1. Người theo tôn giáo chưa có chỗ sinh hoạt tôn giáo, dù thuộc các tổ chức tôn giáo đã được hoặc chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận, được tập trung để sinh hoạt tôn giáo.

2. Thời gian thông báo bằng văn bản đến ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức sinh hoạt tôn giáo thời hạn 10 ngày trước khi tổ chức sinh hoạt tôn giáo tập trung, và chỉ cần thông báo một lần và sau đó tiếp tục sinh hoạt theo thông báo.

Điều 21: Điều kiện công nhận tổ chức tôn giáo

Đ21, K3: Có người đại diện tổ chức là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; không có án tích.

Nhận xét: Qui định không có án tích chưa thỏa đáng vì Điều 63 Bộ Luật hình sự năm 1999 về xoá án tích qui định: “Người được xoá án tích coi như chưa bị kết án và được Toà án cấp giấy chứng nhận”.

Đề nghị: Nên qui định “không có án tích hoặc đã được xóa án tích”

Điều 30: Công nhận pháp nhân đối với tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc

Đ30, K1. Tổ chức tôn giáo được công nhận là pháp nhân phi thương mại kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 66 Luật này.

Nhận xét: Trước đây từ “pháp nhân” đã được sử dụng với ý nghĩa khác nhau trong việc công nhận tổ chức tôn giáo.

Đề nghị: Ghi rõ “Tổ chức tôn giáo được công nhận là pháp nhân phi thương mại theo Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13.”

Điều 33: Thông báo người được phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử

Đề nghị: Theo phương án 1, chỉ cần thông báo.

Điều 36: Điều kiện thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo

Đ36, K3. “có dự kiến cụ thể về chương trình, nội dung đào tạo trong đó có môn học về lịch sử Việt Nam và pháp luật Việt Nam”

Nhận xét: Trong Hội Thánh Công Giáo chúng tôi, các tu sinh theo học tại các cơ sở đào tạo (chủng viện, học viện) đều đã tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng, nên đã học về lịch sử và pháp luật Việt Nam ở trường rồi. Vì thế, chúng tôi cho rằng yêu cầu này là không cần thiết.

Đề nghị: Bỏ câu “trong đó có môn học về lịch sử Việt Nam và pháp luật Việt Nam”.

Điều 38. Hoạt động của cơ sở đào tạo tôn giáo

- Đ38, K1. Trong thời hạn 20 ngày trước khi hoạt động đào tạo, người đại diện cơ sở đào tạo gửi thông báo bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương về việc thành lập cơ sở đào tạo; quy chế tổ chức và hoạt động; quy chế tuyển sinh; chương trình đào tạo; cơ cấu tổ chức, nhân sự; nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất để bảo đảm hoạt động của cơ sở đào tạo.

Nhận xét: Những tài liệu này đã có trong hồ sơ đề nghị.

Đề nghị: Chỉ cần thông báo về thời gian bắt đầu hoạt động kèm theo quyết định thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo.

- Đ38, K4. Cơ sở đào tạo có trách nhiệm thông báo bằng văn bản kết quả đào tạo của từng khóa học với cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày có kết quả.

Nhận xét: Đây chính là việc can thiệp quá sâu vào sinh hoạt nội bộ của các tổ chức tôn giáo.

Đề nghị: bỏ K4 Điều 38.

Điều 40: Mở lớp bồi dưỡng về tôn giáo

Nhận xét: Việc mở lớp đào tạo, bồi dưỡng người chuyên hoạt động tôn giáo là chuyện hoàn toàn nội bộ của các tổ chức tôn giáo và thường chỉ được tổ chức trong khuôn viên của các tổ chức tôn giáo đã được công nhận, không gây mất trật tự, an toàn xã hội.

Đề nghị: Chỉ cần thông báo cho UBND cấp xã trước 7 ngày là hợp lý. Không phải đăng ký.

Điều 41. Thông báo hoạt động tôn giáo

Đ41, K3. Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có hoạt động tôn giáo ngoài chương trình đã thông báo thì thông báo bổ sung với cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này trong thời hạn 20 ngày trước khi diễn ra hoạt động.

Nhận xét: Những hoạt động ngoài chương trình thường là những hoạt động đột xuất. Đột xuất mà phải báo trước đến 20 ngày thì bất khả thi.

Đề nghị: Rút ngắn thời gian báo trước xuống còn bằng hoặc dưới 7 ngày.

Điều 42. Hội nghị của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc

Nhận xét: Hội nghị thường niên theo điều lệ của tổ chức tôn giáo là những hoạt động thường niên và bình thường. Yêu cầu của Điều 42, khoản 1 là can thiệp quá sâu vào nội bộ các tổ chức tôn giáo. Nhà Nước phải tôn trọng sinh hoạt nội bộ của họ.

Đề nghị: Bỏ điều khoản này hoặc sửa lại cho đúng tinh thần tự do tôn giáo.

- Đ42, K2: Thời gian xem xét trả lời của cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở điều khoản này 45 ngày là quá dài.

Đề nghị: thời gian xem xét trả lời ở Khoản 2 này là 15 ngày.

Điều 43. Đại hội của tổ chức tôn giáo

Nhận xét: Đại hội của tổ chức tôn giáo theo điều lệ của tổ chức tôn giáo là những hoạt động thường xuyên nên có thể trình bày trong Thông báo hoạt động tôn giáo hàng năm. Đại hội theo điều lệ thường chỉ được tổ chức trong khuôn viên của một cơ sở tôn giáo, không ảnh hưởng đến trật tự công cộng nên không cần phải đăng ký.

Đề nghị: Đưa thông tin về Đại hội của tổ chức tôn giáo trong Thông báo hoạt động tôn giáo hàng năm để giảm bớt thủ tục hành chánh.

Điều 44. Cuộc lễ, giảng đạo ngoài cơ sở tôn giáo, địa điểm hợp pháp

Nhận xét: Thời gian xem xét từ 25 đến 30 ngày là quá lâu khiến đơn vị tổ chức rất bị động.

Đề nghị: Rút ngắn thời hạn xem xét chấp thuận xuống còn bằng hoặc dưới 7 ngày.

Điều 47. Người nước ngoài theo học tại cơ sở đào tạo tôn giáo ở Việt Nam

Nhận xét: Người nước ngoài đến Việt Nam học tập tại cơ sở đào tạo tôn giáo ở Việt Nam không khác với người nước ngoài đến Việt Nam học tập tại cơ sở giáo dục khác (như đại học). Người nước ngoài đến Việt Nam học tập tại cơ sở giáo dục khác đâu có phải xin phép cơ quan nào ở trung ương mà chỉ cần đáp ứng điều kiện tuyển sinh của nhà trường. Vậy nên đối xử như nhau.

Đề nghị: Bỏ khoản 2 và 3 điều này. Thay được cơ sở đào tạo tôn giáo đề nghị ở K1 bằng được cơ sở đào tạo tôn giáo chấp thuận.

Điều 48. Tham gia hoạt động tôn giáo, đào tạo tôn giáo ở nước ngoài

Nhận xét: Người Việt Nam tham gia hoạt động tôn giáo, khóa đào tạo tôn giáo ở nước ngoài không có ảnh hưởng gì đến an ninh trật tự của Việt Nam nên không phải xin phép đến tận trung ương.

Đề nghị: Bỏ điều này.

Điều 66: Điều khoản chuyển tiếp

Đ66, K2: Tổ chức tôn giáo đã được công nhận; tổ chức tôn giáo trực thuộc đã được thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất theo quy định tại Pháp lệnh tín ngưỡng, trong thời hạn 03 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành phải hoàn thiện các điều kiện theo quy định tại Điều 21 và Điều 29 Luật này để được công nhận là pháp nhân phi thương mại.

Nhận xét: Qui định như thế này chẳng khác gì buộc các tổ chức tôn giáo; tổ chức tôn giáo trực thuộc đã được công nhận phải làm hồ sơ để được công nhận lại. Việc này là không cần thiết. Điểm chính yếu ở đây là phải làm thủ tục để được công nhận là pháp nhân, vì thế các hồ sơ chỉ nên gồm có các tài liệu cần thiết cho việc công nhận pháp nhân, đó là các tài liệu: đơn đề nghị, quyết định thành lập, hiến chương, địa chỉ trụ sở và danh sách lãnh đạo. Các tài liệu khác là không cần thiết vì các tổ chức tôn giáo đã được công nhận rồi, không nên buộc các tổ chức tôn giáo phải làm lại.

III. NHỮNG ĐIỀU CHƯA ĐƯỢC QUAN TÂM

Ngoài những đề nghị trên, có những việc liên quan trực tiếp đến hoạt động của các tổ chức tôn giáo nhưng chưa được đề cập đến trong Dự thảo này, vì thế chúng tôi mong Quốc hội quan tâm.

1. Điều 57 nói đến việc “cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình tín ngưỡng, tôn giáo”. Chúng tôi hiểu đây là những cơ sở cũ, nay cần được cải tạo, nâng cấp, hoặc xây lại. Tuy nhiên Dự thảo không nói gì đến việc xây dựng những cơ sở thờ phượng tại những nơi mới. Trong nền kinh tế thị trường ngày nay, địa bàn dân cư có rất nhiều biến động. Có những nơi trước đây không có nhà thờ hoặc chùa chiền vì không có người Công Giáo hoặc Phật giáo. Nhưng ngày nay, theo đà phát triển của xã hội, nhiều người Công Giáo hoặc Phật giáo quy tụ về đó sinh sống và họ cần có nơi thờ phượng. Quốc hội nên quan tâm đến nhu cầu này của người dân và đưa ra những quy định cụ thể, ví dụ, khi một nơi có 50 hoặc 100 người cùng niềm tin tôn giáo thì được phép xây dựng nơi thờ phượng chung.

2. Hiện nay, khi muốn xây dựng nơi thờ phượng mới, các tổ chức tôn giáo phải mua đất rồi làm giấy giao miếng đất đó cho Nhà nước, rồi Nhà nước mới “cấp lại” cho tổ chức tôn giáo đó. Thiết nghĩ đây là một quy trình hết sức phi lý! Nếu Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân của các tổ chức tôn giáo thì Quốc hội cần phải xem xét lại quy trình này và đưa ra hướng đi cụ thể.

TM. Ban Thường Vụ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

Phó Tổng Thư Ký

+ Phêrô Nguyễn Văn Khảm
 
Lễ truyền chức Linh Mục và Phó Tế tại giáo phận Huế
Trương Trí
08:15 08/09/2016
LỄ TRUYỀN CHỨC LINH MỤC VÀ PHÓ TẾ TẠI GIÁO PHẬN HUẾ

Sáng ngày 8 tháng 9, lễ Sinh nhật Đức Mẹ Maria, Đức Tổng Giám mục Giáo phận Huế Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng đã long trọng cử hành Thánh lễ truyền chức Linh mục cho 6 tiến chức và 12 Phó tế.

Xem Hình

Mọi thành phần Dân Chúa qui tụ đông đúc về Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam từ sáng sớm, trong cái nóng oi bức cuối Hè. Vang vọng lời dẫn của Cha Giuse Nguyễn Văn Tiến: “…Hôm nay chúng ta vui mừng tạ ơn Chúa vì Ngài đã đoái thương chọn gọi những con người với bao giới hạn để thi hành những điều cao cả, như những kho tàng quí giá nhưng lại chứa đựng trong những bình sành mong manh dễ vỡ. Để trở thành Phó tế và Linh mục là điều khó, nhưng để đi đến cùng và hoàn tất sứ mạng lại khó khăn và nhiều thách đố hơn. Vì thế chúng ta cầu nguyện, xin Thiên Chúa luôn ở cùng và dẫn dắt các tiến chức. Ngài chỉ lối, là bạn đồng hành và là sức mạnh dẫn dắt các tiến chức bước đi trong ân sủng và tình yêu.: “Không có Thầy các con không làm gì được.”

Đây là đợt truyền chức Linh mục và Phó tế đông nhất, nên trong Nhà thờ, bà con thân nhân của các tiến chức đã chiếm gần hết chỗ. Một số phải tham dự Thánh lễ qua màn hình rộng bên ngoài hàng lang Nhà thờ.

Mở đầu Thánh lễ, Đức Tổng Giám mục nhắc đến ngày lễ mừng sinh nhật của Đức Trinh nữ Maria, Mẹ của chúng ta. Đức Tổng Giám mục nhấn mạnh: Ngày Mẹ chào đời được coi như là bình minh báo trước công trình cứu chuộc nhân loại của Đức Giêsu Kitô. Trong ngày sinh nhật của Mẹ, chúng ta dâng lên Mẹ món quà sinh nhật của Tổng Giáo phận Huế, đó là 12 tân Linh mục và 16 Phó tế: những tâm hồn trẻ trung, quảng đại, muốn dâng hiến cả cuộc đời để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Thiên chức linh mục và Phó tế là một hồng ân cao quí mà Thiên Chúa thương trao ban cho Giáo Hội và cho cả nhân loại. Xin tạ ơn Chúa và cũng chia sẻ niềm vui với gia đình và bà con thân nhân của các tiến chức. Đức Tổng Giám mục cũng thay mặt Giáo phận cảm ơn gia đình các tiến chức đã quảng đại hy dâng con cái mình cho Chúa và cho Hội Thánh.

Nghi thức truyền chức được khởi đầu bằng kinh cầu xin Chúa Thánh Thần do Đức Tổng Giám mục khởi xướng: “Veni Creator”.

Cha Bề trên Tổng quyền dòng Thánh Tâm Antôn Huỳnh Đầy xướng tên 12 ứng sinh Phó tế. Cha Giuse Nguyễn Văn Chánh, Đặc trách Ủy ban Linh mục và Chủng sinh thay mặt Ban Đào tạo ứng viên Linh mục giới thiệu lên vị Chủ chăn của Giáo phận các thầy xứng đáng và xin Ngài truyền chức Phó tế. Cha Bề trên Tổng quyền dòng Thánh Tâm tiếp tục xướng tên 6 Phó tế và Cha Đặc trách Đào tạo Linh mục giới thiệu lên Đức Tổng Giám mục, xin Ngài truyền chức Linh mục.

Mở đầu nghi thức, các tiến chức Linh mục và Phó tế phủ phục trước bàn thờ như một tâm tình phó thác và cậy trông váo lời khẩn cầu của các Thánh, Cộng đoàn hát kinh cầu các Thánh, xin các Thánh cầu bàu cùng Thiên Chúa gìn giữ và thánh hóa các tiến chức.

Bước quan trọng trong nghi thức truyền chức phó tế là các tiến chức được Đức Tổng Giám mục đặt tay lên đầu, đây là nghi thức được tiếp nối qua 7 vị Phó tế đầu tiên được các Tông đồ tuyển chọn và đặt tay để thông ban ơn thánh trong thời Giáo Hội sơ khai. Các thân mẫu của các tiến chức dâng lên Đức Tổng Giám mục dây Phó tế để trao cho các tiến chức. Đức Tổng Giám mục cũng trao sách Phúc âm, thể hiện việc các thầy sẽ trở thành những người rao giảng Tin Mừng.

Đức Tổng Giám mục cũng đặt tay lên đầu các tiến chức linh mục, sau đó Ngài dâng lời nguyện truyền chức linh mục.

Cha Tổng Đại diện và quí Cha lần lượt đặt tay lên các tân chức, biểu hiện việc thừa nhận các tân chức là thành phần của Linh mục đoàn của Giáo phận. Sau khi đặt tay, Linh mục đoàn vây quanh vị Chủ chăn, Đức Tổng Giám mục dâng lời nguyện truyền chức linh mục.

Thân mẫu của các tân chức tiến lên dâng áo lễ, các linh mục nghĩa phụ mặc cho các tân chức. Thân phụ dâng chén Thánh lên Đức Tổng Giám mục, Ngài trao lại cho các tân chức và trao chúc bình an.

Kết thúc nghi thức truyền chức, 6 tân Linh mục lần đầu tiên dâng Thánh lễ trên bàn thờ cùng đồng tế với Đức Tổng Giám mục. Các thầy Phó tế cũng cùng nhau bước vào cuộc phụ tế với các Ngài.

Kết thúc Thánh lễ, đại diện của các tân chức nói lời cảm tạ và tri ân Đức Tổng Giám mục, Quí Cha Giáo, các vị ân sư và toàn thể Cộng đoàn đã hiệp dâng lời cầu nguyện để các Tân chức hôm nay vững bước tiến lên bàn Thánh. Các tân chức cũng nói lời tri ân Cha Mẹ và gia đình đã hy sinh chịu biết bao khó khăn vất vả để các tân chức có thể yên tâm trên con đường hiến thân phục vụ.

Đức Tổng Giám mục mời gọi mọi người chuẩn bị đón nhận Phép lành đầu tiên của các Tân Linh mục cùng Đức Tổng Giám mục ban cho Cộng đoàn.

Những tấm hình lưu niệm trong ngày trọng đại này được chụp trước tiền đường Nhà thờ Chính tòa. Mặc dù trời nắng nóng, nhưng Đức Tổng Giám mục cũng hy sinh chụp hình với các Tân Linh mục rồi Tân phó tế và từng tân chức.

Trương Trí
 
Phóng sự ngày hành hương 2016 tại Đền Núi Đức Mẹ Lộ Đức, Emmittsburg, Maryland
Gia Bảo
10:14 08/09/2016
Từ năm 1980, Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam (CĐCGVN) Miền Trung Đông Hoa Kì (MTĐHK) gồm Thủ Đô Washington, các bang Marland, Virginia, West Virginia, Pennsylvania, Delaware đã tổ chức được ngày hành hương cố định hàng năm đến Đền Núi Đức Mẹ Lộ Đức tại Emmittsburg, Maryland, gọi là National Shrine Grotto of our Lady of Lourdes vào Thứ Bảy ngay trước Ngày Lễ Lao Động (Labor). Trước đó vào nằm 1977 chỉ có Cộng Đồng Công Giáo VN tại Harrisburg, PA đến đây hành hương do linh mục quản nhiệm là Cha Nguyễn Văn Hoa khi còn là đại chủng sinh học ở Đại Chủng Viện Mary Mount ngay sát cạnh Đền Núi Đức Mẹ Lộ Đức giới thiệu.

Tham dự ngày hành hương từ năm 1980 có 9 giáo xứ/cộng đoàn sau đây: CĐ Allentown thuộc Giáo Phận Allentown (PA), GX Các Thánh TĐVN, Arlington thuộc Giáo Phận Arlington (VA), CĐ Baltimore thuộc Tổng Giáo Phận Baltimore (MD), CĐ Harrisburg thuộc Giáo Phận Harrisburg (PA), CĐ Norfolk thuộc Giáo Phận Richmond (VA), CĐ Philadelphia thuộc Tổng Giáo Phận Philadelphia (PA), CĐ Pittsburg thuộc Giáo Phận Pittsburg (PA), GX Các Thánh TĐVN, Richmond thuộc Giáo Phận Richomd (VA) và GX Mẹ VN, Silver Spring, MD thuộc Tổng Giáo Phận Washington (DC). Sau đó gần 10 năm có thêm Cộng Đoàn Hampton thuộc Giáo Phận Richmond (VA). Gần đây thêm nhiều hơn nữa như được kể ở phần cuối bài này..

Lịch sử ban đầu của Đền Núi Đức Mẹ Lộ Đức, Emmitsburg, MD

Đền Núi Đức Mẹ Lộ Đức (NĐMLĐ) tại Emmittsburg, Maryland là một trong những mô hình phỏng theo Đền Núi Đức Mẹ Lộ Đức tại Pháp quốc. Lộ Đức tại Pháp được xây cất vào khoảng một phần tư thế kỉ sau khi Đức Mẹ hiện ra tại đây vào năm 1858 với Bernadette, một thiếu nữ nhà nghèo, mắc bệnh dịch và chứng xuất huyết. Lộ Đức tại Pháp đã thu hút hàng triệu khách hành hương mỗi năm từ khắp thế giới.

Trong một thế kỉ rưỡi, Đền (NĐMLĐ) tại Emmitsburg chỉ là đền Đức Mẹ cho sinh viên, ban giảng huấn và cho chủng sinh của Đại Học và Đại Chủng Viện Mount Saint Mary University. Đại Chủng viện này thuộc Giáo Hội Hoa Kì và vì thế do Hội Đồng Giám Mục Hoa Kì điều hành nên cũng có những chủng sinh VN thuộc những giáo phận Hoa kì khác nhau học tại đây. Đường vào Núi Đức Mẹ chỉ là con đường đất mòn quanh co lượn khúc. Sau khi đường mòn được trải nhựa vào năm 1958, nhưng hai xe ngược chiều tránh nhau vẫn gặp khó khăn, thì khách hành hương tại Mĩ có tăng lên dần từ năm 1959.

Mức tăng trưởng số người hành hương của CĐCGVN Miền TĐHK

Phải nói rằng nhờ có CĐCGVN đi hành hương tại đây từ năm 1980 mà Trung tâm hành hương này mới phát triển. Mỗi lần đi hành hương, CĐCGVN đều gửi quà qua bao thư cho Đền hành hương. Ngoài ra khi người Việt đi hành hương thì họ bỏ tiền khá nhiều vào hộp sắt để thắp nến khấn. Họ còn đem chai, mang cả bình lấy nước suối Lộ Đức miễn phí đem về uống với hi vọng được khỏi bệnh. Rồi trong năm cũng có những người lên đây cầu khẩn với Đức Mẹ, xin ơn nọ ơn kia, nhất là xin cho được khỏi bệnh. Họ cũng bỏ tiền vào hộc sắt, rồi thắp nến khấn. Họ cũng đem chai, đem cả bình lớn lấy nước suối Mẹ Lộ Đức mang về uống. Có cả những người ngoài Công Giáo đến cầu nguyện và nghe nói họ cũng được ơn chữa lành.

Trước dịp hành hương hàng năm của CĐCGVN, mỗi giáo xứ hay cộng đoàn được phân công để sửa soạn làm những Công tác khác nhau trong ngày hành hương như làm bảng tên cho mỗi cộng đoàn, đem kiệu, bông hoa, âm thanh, tập phụng vụ, đồ lễ phẩm.

Trong ngày hành hương, những phận vụ và những phần phụng vụ được phân chia cho mỗi giáo xứ hay cộng đoàn như cầm bảng tên, khiêng kiệu, ráp nối âm thanh, đọc sách thánh, đảm trách phần thánh ca, quyên tiền, cung cấp ban lễ sinh, giữ trật tự & vệ sinh.. Chín vị đại diện 9 giáo xứ/cộng đoàn Miền đọc 9 lời nguyện giáo dân. Các bà xã của các ông chủ tịch HĐMVGX hay CĐ thì được tham phần dâng lễ vật. Nếu GX hay CĐ nào có bà chủ tịch thì không biết ông xả của bà chủ tịch có được dâng lễ vật không?. Vì làm quen rồi cho nên nghe nói những năm sau có đề nghị Cộng đòan nào muốn đổi công tác trong ngày hành hương, thì ít cộng đoàn muốn đổi vì theo nguyên tắc ngựa thích chạy theo đường cũ. Vả lại giáo xứ / cộng đoàn nhỏ mà muốn làm việc đòi nhiều nhân lực và phương tiền thì cũng gặp khó khăn.

Trước kia khi đến hành hương có những nhóm hay cá nhân đem tượng ảnh đi bán. Có năm nghe nói có cả người không phải là Công Giáo cũng đem các thứ tượng ảnh và sâu chuỗi đến bán. Bây giờ Ban quản trị Đền Đức Mẹ không cho bán nữa, để khách hành hưong mua ảnh tượng sách đạo của Đền Đức Mẹ.

Chương trình hành hương từ đầu đến nay vẫn không có gì thay đổi đáng kể, được liệt kê như sau: (1). 9:00: Tụ tập, gặp gỡ, thăm viếng, cầu nguyện riêng. (2). 11:00: Tiếp tục cầu nguyện riêng trước tượng Mẹ Lộ Đức, Mẹ La Vang, trong nhà nguyện nhỏ, nhà nguyện lớn có Mình Thánh Chúa ngự, rồi xưng thú tội lỗi. Có những người ở xa giáo xứ hay công đoàn Việt Nam thì ngày hành hương Miền là dịp cho họ hoà giải tâm hồn qua Bí Tích Cáo giải (Giải tội). Có năm người ta thấy có đến 7 hay 8 linh mục ngồi toà giải tội, mà kéo dài đến hơn một giờ mới xong. (3). 1:00: Rước kiệu Đức Mẹ và kiệu Các Thánh TĐVN trong khi lần chuỗi Mân Côi và ca hát thánh ca sen kẽ (4). 2:00: Thánh Lễ đồng tế trước núi Đức Mẹ. Có điều đáng ghi nhận là trong ngày hành hương Miền, rất ít khi bị mưa. Có lần đang trong giờ lễ thì thấy trời u ám rồi thấy mưa rơi lả tả, khiến người ta lo ngại. Tuy nhiên sau đó mưa lại ngừng và mặt trời lại ló ra. Rồi lại thấy mưa lác đác, rồi ngừng, rồi lại thấy ánh sáng mặt trời tái xuất hiện như là Mẹ muốn thử lòng đoàn con Mẹ. (5). Ăn uống từng nhóm theo kiểu picnic và sinh hoạt. (6). 5: 00: Thu dọn vệ sinh, rồi giải tán.

Như đã nói ở trên, từ năm 1980 có 9 giáo xứ (GX)/cộng đoàn (CĐ) tham dự và tham gia ngày hành hương. Sau mấy năm thêm một cộng đoàn nữa. Gần đây thêm nhiều cộng đoàn Công Giáo hơn.

Tại sao những năm gần đây phải chia thêm nhiều cộng đoàn trong Miền?

Thưa là vì khi những nhóm người Công Giáo ở một nơi tăng thêm người, tổ chức thành cộng đoàn, có lễ VN, có sinh hoạt riêng mà muốn gắn bó với nhau hơn, thì khi đi hành hương họ muốn được liệt kê theo cộng đoàn của họ. Từ năm 2003 và tiếp tục sau đó, các giáo xứ và cộng đoàn được phân chia như sau. Giáo Phận Allentontown được chia thành hai Cộng Đoàn là Allentown (PA) và Reading (PA); Giáo Phận Arlington được chia thành: Giáo xứ CTTĐVN (VA) và Cộng Đoàn Lavang (VA); Giáo Phận Harrisburg được chia thành những cộng đoàn: CĐ Mẹ Thiên Chúa, Harrisburg (PA), CĐ Thánh Giuse, York (PA), CĐ Thánh Phaolô, Anville (PA), CĐ CTTĐVN, Lancaster (PA). Tổng Giáo Phận Philadelphia được chia thành những cộng đoàn: CĐ Đức Mẹ Lên Trới, Philadelphia (PA), CĐ Đức Mẹ Thăm Viếng, Philadelphia (PA), CĐ St Helena, Philadelphia (PA), CĐ St Thomas Aquinas, Philadelpha (PA), CĐ Đức Mẹ Lên Trời (Upper Darby (PA), CĐ Thánh Giuse, Phoenixville (PA), CĐ Đức Mẹ La Vang, Hartfield (PA).

Số lần hành hương tại Emmittsburg, MD và Washington, DC cho tới nay.

Cho tới hết năm nay 2016, CĐCGVN Miền TĐHK đã đến hành hương tại Núi Đức Mẹ Lộ Đức Emmittsburg, MD là 36 lần (2016 -1980 = 36). Gộp trong 36 lần, thì có 2 lần hành hương tại The National Shrine of Elizabeth Ann Seton vào năm 2013-2014 cũng ở Emmitsburg vì Đền Núi Mẹ Lộ Đức, Emmittsburg, MD bị cản trở trong thời gian xây dựng nhà tiếp tân đón khách. Hai nơi này chỉ cách nhau có 10 phút lái xe nên có thể coi là một. Elizabeth Ann Seton là một vị thánh người Mĩ đầu tiên, là người vợ, người mẹ, bà goá lúc 29 tuổi vào năm 1803, đã thiết lập Dòng Nữ Tử Bác Ái để phục vụ người nghèo và người bên lề xã hội. Cả hai Trung Tâm Hành Hương này đều thuộc cấp toàn quốc (National) chứ không phải địa phương.

Ngoài ra CĐCGVN Miền TĐHK còn về hành hương tại Vương Cung Thánh Đường Mẹ Vô Nhiễm (VCTĐMVN) tại Thủ Đô Washington, DC (Basilica of the National Shrine of the Immaculate Conception) cho tới hết năm 2016 là 8 lần vào những dịp khác nhau sau đây. Đó là dịp mừng lễ Các TTĐVN vào năm phong thánh TĐVN 1988; dịp mừng lễ kỉ niệm 200 năm 1998 Mẹ hiện ra tại La Vang; dịp Đại Hội liên Đoàn Công Giáo VN và sau đó là những dịp hành hương về Nguyện Đường Mẹ La Vang trong VCTĐMVN.

Trước kia Ban Chấp hành giáo sĩ và giáo dân đã bàn tính xem nên giữ ngày hành hương cố định hàng năm tại Núi Đức Mẹ Lộ Đức Emmittsburg, MD hay tại VCTĐMVN tại Washington DC? Kết quả quyết định được giữ tại Emmittsburg, MD vì những lí do như Emmittsburg là trung độ cho những cộng đoàn/giáo xứ VN đến từ những điểm chính như Pittsburg, Harrisburg, Philadelphia thuộc Pennsylvania); Baltimore, Silver Springs thuộc Maryland); Washington, DC; Norfolk, Hampton, Richmond, Fairfax, Arlington thuộc Virginia). Lí do nữa là hành hương tại Emmitsburg, MD thì Cộng Đồng VN được giữ tiền quyên.

Qũi của CĐCGVN Miền TĐHK là tiền quyên 2 lần (trước kia chỉ có một lần) trong mỗi buổi hành hương để chi phí cho việc tổ chức mỗi buổi hành hương Miền, cho việc ăn uống mỗi lần các linh mục Miền về họp, hoặc ăn uống cho mỗi lần ban chấp hành giáo dân về họp hoặc dự buổi tĩnh huấn. Nói vậy là theo nguyên tắc chứ nghe nói có Giáo xứ VN kia toạ lạc rất gần Thủ Đô Mĩ, trước đây mỗi lần các Linh mục Miền về họp là Giáo xứ bao thầu phí tổn ăn uống trong vòng nhiều năm đấy, chứ không tính toán với Miền một xu đâu.

Ngoài ra qũi của Miền còn được dùng để trả chi phí khi Miền đóng vai trò chủ nhà giúp Trung Ương là Liên Đoàn Công Giáo VN tại Mĩ tổ chức lễ hay đại hội tại Washington DC. Qũi chi thu của Miền TĐHK được báo cáo hàng năm mỗi lần linh mục Miền về họp. Nghe nói có mấy khoản chi cần phải được duyệt xét lạ. Còn quĩ của Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kì thì không biết có được bá cáo cho hàng linh mục VN tại Mĩ không?

Cơ hội gặp gỡ, hỏi thăm, chuyện vãn, ăn uống

Ngoài việc đi hành hương đến kính viếng và cầu nguyện với Mẹ và dâng lễ tạ ơn, họ còn mong có dịp hay có thể gặp bạn hữu hay người quen biết. Có những ngươì đã gặp họ hàng bạn hữu ở đây mà từ xa xưa chưa gặp lại, để tay bắt mặt mừng, kể cho nhau nghe những câu chuyện, những kỉ niệm xa xưa khó quên.

Sau lễ có những gia đình chọn địa điểm thích hợp, hoặc trải vải ngồi trên thảm cỏ, hay ngồi bên gốc cây, bên kệ tường để chia sẻ của ăn thức uống. Linh mục nào đi qua, thì có nhóm mời cho bằng được hoặc là tô bún thịt nướng, bánh mì kẹp thịt, đĩa cơm chiên, mấy chả giò, đĩa bánh cuốn. Hoặc đơn giản hơn là gói xôi, gói cơm nếp hoặc bánh bao, hay lon nước ngọt, có cả thứ uống có men nữa. Linh mục nào nể cũng nhận mặc dầu đã có nhóm khác mời và biết sức mình ăn không hết. Còn lại thì đem về nhà lượng xem tới ngày hôm sau mà ăn cũng không hết thì bỏ tủ đá đông lạnh kẻo hư.

Nhu cầu phát triển của Đền Hành hương Emmittsburg, MD

Từ khi có Cộng Đồng Công Giáo VN hành hương, Ban Giám Đốc Đền Núi Đức Mẹ đã phải làm thêm hai bãi đậu xe nữa. Ngày hành hương vẫn không đủ chỗ đậu nên những năm sau phải giàn xếp với Đại Chủng Viện và Đại Học Mount Saint Mary, nằm sát bên cạnh cho đậu xe nhờ. Thêm vào đó họ còn phải đóng thêm nhiều dãy ghế băng dài trước núi Đức Mẹ cho khách hành hương ngồi mỗi khi đi hành hương hàng năm.

Những năm đầu trung tâm hành hương này chỉ có hai dãy nhà vệ sinh: một nam và một nữ nên không đủ cho việc xử dụng. Có những năm ban tổ chức phải cấm bên nam xử dụng nhà vệ sinh chừng nửa giờ để phái nữ có thể dùng cả dãy nhà vệ sinh bên nam; rồi mở cửa lại cho bên nam dùng tiếp. Có mấy người nam théc méc hỏi tại sao? Phân tích thì thấy cấm như vậy cũng phải vì nhà vệ sinh nam thường có tối thiểu là 2 bồn khác nhau: một bồn để thải hạng nặng và bồn kia thải hạng nhẹ. Khi không cần thải hạng nặng thì bên nam cũng có thể dùng bồn hạng nặng để thải hạng nhẹ. Vì thế cho nên nhà vệ sinh bên nam thường ít bị ứ đọng người xử dụng. Còn bên nữ chỉ có một bồn cho cả hai loại thải, nên dễ bị ứ đọng người. Hình như phái nữ cũng có khuynh hướng vào nhà vệ sinh thường xuyên hơn chỉ để soi gương làm đẹp nữa? Do đó về sau này mỗi lần có quân ta hành hương là Ban giám Đốc Cơ Sở hành hương phải thuê cả 10 nhà vệ sinh lưu động đặt bên bãi đậu xe.

Ngoài ngày hành hương của Miền, còn có một giáo xứ cũng đi hành hương vào cuối Tháng Năm là Thánh Đức Mẹ Lộ Đức. Nghe nói có năm Giáo xứ đó không đi hành hành. Sau đó cơ sở Đền Hành Hương đánh tiếng hỏi sao năm nay Giáo Xứ không đi hành hương. Vậy ra họ cũng nhớ đấy. Dĩ nhiên họ phải nhớ khi đến dịp đó mà không thấy bóng dáng quân ta đến cầu nguyện, dâng lễ, bỏ tiền đốt nến khấn và đem bình lấy nước suối, thí họ phải thấy vắng vẻ và nhớ nhung.

Gần đây, Ban giám đốc cơ sở hành hương cho xây mới lại trung tâm hành hương gồm có phòng tiếp khách với nhân viên ngồi túc trực trong ngày để trả lời những câu hỏi của khách hành hương, có phòng bán tượng ảnh và sách đạo. Do đó người VN không còn được bán tượng ảnh và sách đạo khi đi hành hương nữa. Một vườn cầu nguyện với một số tượng thánh, gồm tượng Đức Mẹ La Vang được đặt rải rác trong vuờn cầu nguyện, có ghế đá ngồi cầu nguyện. Cũng thấy họ quảng cáo về nghĩa trang được mở rộng thêm đất với đuòng bao quang và đặt 2 bảng lớn ghi những điều lệ về việc mua và xử dụng đất nghĩa trang. Trong thời gian gây qũi tái thiết cơ sở hành hương, Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam trong Miền TĐHK cũng được kêu gọi đáp ứng

Chương trình Hành hương Miền TĐHK năm 2016

Tối hôm trước nghe nói có những người muốn đi chung xe bus của một giáo xứ VN tại Virginia được thuê cho giáo dân muốn đi chung, quyết định sẽ không đi nếu sáng hôm sau thấy mưa. Chắc họ đã nghe về bão từ Florida và North Carolina thổi lên. Tuy nhiên tối hôm trước đài khí tượng cũng nói bão đánh tới Virginia Beach, VA sẽ thổi quặt sang phiá đông là biển Đại Tây Dương. Kết quả ngày hành hương thấy trời đẹp, với ánh sáng mặt trời, không nóng quá. Nhiệt độ từ ban sáng là 71F đến chiều là 79F.

Hôm nay thấy những người trẻ mĩ mang áo phản chiếu đèn xe hướng dẫn xe vào bãi đậu. Đoán họ là đại chủng sinh hoặc sinh viên của Đại Học bên cạnh tình nguyện, chứ không còn thấy toán Hiệp sĩ quân ta hướng dẫn như những năm trước nữa. Vào nhà Trung Tâm Tiếp khách, thấy có chừng 10 phụ nữ trẻ, bận đồng phục dứng bán tượng ảnh và sách đạo.

Quan sát thấy có 2 dãy nhà vệ sinh mới, không biết mỗi dẫy có bao nhiêu bồn. Hỏi ra thì dẫy bên nam bị dán giấy viết lại cho nữ dùng. Còn nam giới thì phải ra ngoài dùng dẫy nhà vệ sinh di động bên bãi đậu xe (Xem hình ở dưới). Không biết sống trong xã hội nịnh đầm có ảnh hưởng gì đến quyết định cấm bên nam dùng nhà vệ sinh nam để cho bên nữ dùng không?

Theo sự phối trí và sắp xếp của Chủ tịch giáo dân Miền, công tác mục vụ và phục vụ trong buổi hành hương Miền TĐHK Thứ Bảy 3 Tháng 9/2016 được phân phối như sau:

--------------------------

(1). CĐ NỮ VƯƠNG HXLT (ALLENTOWN, PA): - Lời Nguyện Giáo Dân # 1

- Phụ trách treo banner đã được CĐ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (Reading, PA)

(2). GIÁO X CTTĐVN, ARLINGTON, VA: - Kiệu Các Thánh Tử Đạo VN, - Ca đoàn lo hát khi kiệu và Thánh lễ và phụ trách âm thanh. - Hiệp Sĩ Đoàn 9655 giúp giữ trật tự. - Thông báo trước khi rước kiệu và điều động khi rước kiệu. - Ban Chiêng Trống nếu có.

3. GIÁO XỨ MẸ VIỆT NAM, WASHINGTON DC: - Cung cấp Ban Giúp Lễ. - Xướng Lời Nguyện Giáo Dân # 6 (thay cho Giáo Đoàn Các Thánh TĐVN, Lancaster PA)

4. GIÁO XỨ ĐỨC MẸ LA VANG, BALTIMORE, MD: - Cung cấp Tòa Giải Tội và làm vệ sinh bên ngoài.

5. CĐ ĐỨC MẸ LA VANG (PHILA, PA): Đem theo các áo lễ đồng tế cho quý Cha

6. CĐ ĐỨC MẸ LÊN TRỜI (PHILA, PA): ĐemThánh Giá, Nến Cao, và Bình hương

7. CĐ HAMPTON, VA: Xướng Lời Nguyện Giáo Dân # 3

8. CĐ ĐỨC MẸ THĂM VIẾNG (PHILA, PA) Xướng Lời Nguyện Giáo Dân # 4.

9. GIÁO ĐOÀN MẸ Thiên Chúa, HARRISBURG, PA: - Kiệu Đức Mẹ và Đoàn Tung Hoa. - Ban Dâng Hoa trươc Thánh Lễ.

10. CĐ NORFOLK, VA: Xướng Lời Nguyện Giáo Dân # 5.

11. CĐ NỮ VƯƠNG MÂN CÔI (PHILA, PA): Đem theo giỏ quyên tiên và túi đựng tiền

hai đợt và trao cho Cha Phêrô Trịnh Minh Quân (LM. Thủ Quĩ Miền).

12. CĐ PITSBURGH, PA: Cung cấp cờ hiệu, cờ Đức Mẹ, cờ Hội Thánh. Xường Lời nguyện 2.

13. GIÁO ĐOÀN CTTĐVN, LANCASTER PA: Chưa có Ban Chấp Hành mới nên không có Chủ Tịch để nhận công tác.

14. CĐ ĐỨC MẸ HXLT (READING, PA): Xướng Lời Nguyện Giáo Dân # 7

15. GIÁO ĐOÀN THÁNH CẢ GIUSE (YORK, PA): Bài Đọc 2 (Nam).

16. CĐ CTTĐVN RICHMOND, VA: Lời Nguyệ n Giáo Dân # 8

17. CĐ ST. HELENA (PHILA, PA):

- Giúp trang hoàng bàn thờ, bình đựng bánh và bánh lễ, rượu, sách lễ.

- Cộng Đồng CGVN Philadelphia giúp điều động quý vị đọc Thánh Thư, sắp xếp quý vị đọc Lời Nguyện Giáo Dân và Dâng Của Lễ.

18. CĐ THÁNH GIUSE (PHILA, PA): - Giúp in (print) các Bảng Dành Riêng và mang theo để dán tại đầu các hàng ghế trước Hang Đá Đức Mẹ: dành riêng cho Ban Thánh Thư, Ban Đọc Lời Nguyện Giáo, Dân, Ban Dâng Của Lễ, quý Sơ, quý vị cao niên. - Xin quý chức đem theo một bàn nhỏ để đặt các chén thánh, lễ vật, v.v - Xin lưu ý khu vực dành riêng này rất nhỏ hẹp, có thể quý chức của chúng ta phải hy sinh đứng gần các ghế để được mời vào vị trí.

19. CĐ THÁNH THOMAS AQUINAS (PHILA, PA): - Đánh máy và in 9 Lời Nguyện Giáo Dân cho các cộng đoàn có phận vụ.

20. CỘNG ĐOÀN ĐỨC MẸ LA VANG, CHANTILLY, VA: Bài Đọc 1 (Nữ).

21. GIÁO ĐOÀN THÁNH PHAOLÔ TÔNG Đ, LEBANON PA: Cử ngườ đọc Lời ờ Nguyện Giáo Dân # 9

22.THIẾU NHI THÁNH THỂ MIỀN: Phụ giúp quý chức CĐ Nữ Vương Mân Côi

Philadelphia xin tiền và hướng dẫn các Cha đến vị trí cho rước lề.

23. Các bà chủ tịch các cộng đoàn hiện diện hoặc các bà đại diện cộng đoàn được đềcử Dâng của Lễ: Xin gặp Ban Thường Vụ Cộng Đồng CGVN/TPG Philadelphia) giúp Dâng của Lễ. Nếu đã đủ số người cần rồi, thì xin quý bà đến sau thông cảm.

24. Kính xin Cha Phêrô Nguyễn Xuân Quýnh đã soạn và gửi in Sách Lễ.

-------------------------------

Như vậy trong buổi rước kiệu của ngày hành hương 2016, người ta thấy có những giáo xứ / cộng đoàn đi theo thứ tự theo bảng tên của giáo xứ /cộng đoàn được liệt kê trên đây, mà không biết có cộng đoàn nào vắng mặt không. Trong phần rước kiệu chung quanh một khuôn viên, người ta thấy có 3 nhóm ma Sơ thuộc Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, Fairfax, VA; Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Huế, Silver Spring, MD; Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Huế, Richmond, VA đứng trên bục hướng dẫn lần chuỗi và hát trong khi rước kiệu.

Sau khi rước kiệu đến trước bàn thờ, cộng đồng phụng vụ an toạ để tham dự vào ca vũ dâng hoa cho Đức Mẹ. Đến phần cử hành thánh lễ, người ta thấy trên bàn thờ có sự hiện diện của mười một linh mục. Có một linh mục từ Kontum đến (Coi ghi chú ở cuối bài). Chủ tế Thánh lễ là Lm Nguyễn Văn Hoá, có 2 thầy phó tế đứng 2 bên. Chia sẻ Lời Chúa là Đ.Ô. Trịnh Minh Trí, Chủ Tịch Liên Đoàn Công Giáo VN tại Hoa Kì. Hai người đọc sách thánh và người hát đáp ca đều thuộc phái nữ, 12 người dâng lễ vật thì thấy 10 là nữ mà chỉ có 2 nam.

Sau lễ cũng còn những gia đình ở lại ăn uống. Tuy không ở lại nhiều như trước. Có những gia đình phải về vì có lễ vọng Chúa Nhật ở giáo xứ sở tại, hoặc có việc gia đình hay việc cá nhân. Có những gia đình vẫn ở lại ăn uống lai rai theo kiểu picnic và nói chuyện trễ hơn, và không quên cầu nguyện riêng lần nữa với Mẹ, rồi mới về. Khi ra bãi đậu xe lấy xe về, thấy có bé gái chừng 7 tuổi theo hỏi một linh mục được trích nguyên văn: “ Có mua tôm khô không?”. Để cho chắc là hiểu đúng, ông Cha bảo em nói lại: “Mua tôm khô?”. Ngạc nhiên về câu hỏi, Ông Cha nghĩ bụng không biết sao em có tôm khô, và không biết em tự ý rao bán hàng hay bố mẹ xúi? Thấy mấy bà đang đứng gần, ông Cha nhờ hỏi thêm xem thế nào. Có bà nói với em: Cha đâu có nấu ăn mà con bán tôm khô. Vậy tôm khô con để đâu. Em đi mở thùng xe chỉ (Coi hình). Mấy bà quan sát, rồi hỏi em bé đưa đi gặp bố mẹ. Khi ông Cha đang ngồi ăn với mấy gia đình thì mấy bà về kể: tôm khô đó là tốt, do người họ hàng họ làm ờ Texas, nên bảo đảm chứ không phải nhập cảng đâu. Hình như mấy bà có mua tôm khô của em đó. Ăn uống xong, ra về vào khoảng 5 giờ chiều. Thấy còn khá nhiều xe người Nam Mỹ ở lại cầu nguyện hoặc pic níc bên cạnh nghĩa trang hay vuờn cầu nguyện.


(Nguồn: Mục Vụ Văn Bút)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Xe Cộ Hà Nội
Tấn Đạt
21:13 08/09/2016
XE CỘ HÀ NỘI
Ảnh của Tấn Đạt
Hà nội 36 phố phường
Luật lệ không có mạnh đường ai đi.
Đi xuôi quẹo ngược khó chi
Đụng nhau bỏ chạy luật gì lo đâu.
(bt)