Ngày 05-09-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Sửa Lỗi Cho Nhau
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
02:57 05/09/2020
CHÚA NHẬT XXIII MÙA THƯỜNG NIÊN
Ed 33, 7-9; Rm 13, 8-10; Mt 18, 15-20

Sửa Lỗi Cho Nhau

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, nói tới một trách nhiệm của người Kitô hữu trong mối liên hệ với tha nhân, đó là việc sửa lỗi cho nhau. Đây là một trong những trách nhiệm tế nhị, khó khăn nhưng cần thiết cho sự trưởng thành cá nhân và lợi ích chung.

1. Ai cũng sai lỗi

Người La Tinh nói rằng: “Errare humanum est - làm người ai cũng sai lỗi.” Người Việt Nam cũng có câu ngạn ngữ tương tự: “Nhân vô thập toàn.” Sống trên đời không ai hoàn hảo cả. Mỗi người đều có giới hạn và khuyết điểm. Bởi thế, Giáo Hội không phải là một cộng đoàn chỉ gồm những người thánh thiện, nhưng gồm các tội nhân cần ơn hoán cải. Trong sự liên đới và trách nhiệm đối với tha nhân, mỗi người cần đến sự hướng dẫn và giúp đỡ của người khác. Mỗi người có trách nhiệm phải sửa lỗi cho nhau. Mỗi người là “lính canh” của người khác như bài đọc I đề cập:

“Ta đã đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Ítraen. Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết” (Ed 33, 7).

Việc sửa lỗi là trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái, thầy cô giáo đối với học trò, của vợ chồng, của bạn bè với nhau, của người đứng đầu, của các nhà giáo dục v.v… Đây là một công việc khó khăn. Nên hôm nay, Chúa Giêsu chỉ dẫn cho chúng ta một bí quyết vàng để thực hiện trách nhiệm này qua một tiến trình ba bước:

2. Cách thức sửa lỗi

Bước thứ nhất: Chúa dạy:

“Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi” (Mt 18, 15).

Đây là bước đầu tiên để sửa lỗi cho người anh em. Khi anh em lỗi phạm hay làm điều xấu, chúng ta có bổn phận gặp gỡ riêng, khuyên bảo ngõ hầu giúp họ trở về với đường ngay nẻo chính và được cứu độ. Nhưng chúng ta làm việc này với sự thận trọng, kín đáo và yêu thương. Đặc biệt, chúng ta phải giữ kín mọi chuyện để không ai biết đến và họ có thể giữ được danh dự và uy tín của mình trước mặt người khác.

Bước thứ hai:

Nếu bước trên không thành công, Chúa Giêsu dạy chúng ta thực hiện bước thứ hai:
“Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân” (Mt 18, 16).

Trong bước này, Chúa Giêsu quy chiếu theo truyền thống Kinh Thánh Cựu Ước, theo đó, luật Môsê dạy:
“Một nhân chứng duy nhất không thể đứng lên buộc tội một người về bất cứ một tội một lỗi nào; về bất cứ lỗi nào người ấy phạm, phải căn cứ vào lời của hai nhân chứng hay căn cứ vào lời của ba nhân chứng, sự việc mới được cứu xét” (Đnl 19, 15).

Ở đây việc mời gọi người khác cộng tác trong việc sửa lỗi không có ý gây áp lực cho bằng muốn cho đương sự thấy được tính khách quan của lầm lỗi khi có hai hoặc ba người làm chứng để họ dễ dàng ý thức và sửa lỗi. Nếu bước này cũng không kết quả, Chúa Giêsu dạy chúng ta chuyển sang bước sau cùng.

Bước thứ ba:

“Nếu nó không chịu nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng không nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thế” (Mt 18, 17).

Sau những cố gắng ở hai bước trên không thành, chúng ta mới đưa ra trước cộng đoàn hay Giáo Hội. Bởi vì, Giáo Hội được Chúa ban cho thẩm quyền phân định, xét xử và tháo cởi (x. Mt 18, 18). Việc công khai hóa lầm lỗi của tội nhân không phải là để lên án họ nhưng nhờ đến thẩm quyền Giáo Hội, cầu nguyện, giúp đỡ và hướng dẫn họ sám hối. Giáo Hội như cha mẹ làm hết mọi sự để có thể cứu vớt những linh hồn sai lạc.

3. Những nguyên tắc phải giữ

Trong tiến trình này, chúng ta cũng phải khôn ngoan giữ những nguyên tắc sau:
• Không được đầu hàng với điều dữ, nhưng hãy tiếp tục tìm những phương thế khác để thu phục người lầm lạc về với Chúa.
• Không được vội vàng lên án, bêu xấu họ giữa cộng đoàn, nhưng tôn trọng danh dự của họ và tiếp tục đồng hành với họ.
• Hãy làm tất cả với lòng yêu thương. Như thánh Phaolô dạy:
“Vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật… Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại” (Rm 13, 8.10).
Về điều này, thánh Augustinô nói: “Hãy yêu thương rồi mới làm gì thì làm.”
• Cuối cùng, không được chủ quan theo phán đoán cá nhân, nhưng hãy theo sự phán quyết của cộng đoàn và Huấn Quyền Giáo Hội.

Khi cá nhân, cộng đoàn và Huấn Quyền Giáo Hội đã làm tất cả để giúp đương sự sửa lỗi, nhưng họ vẫn cố chấp và không sửa đổi, chúng ta không còn trách nhiệm đối với họ nữa và coi họ như một người ngoại, nghĩa là vì gương xấu và sự cố chấp, họ tự tách khỏi lòng thương xót của Thiên Chúa và đời sống Giáo Hội. Khi đó chỉ còn lại cách duy nhất là phó thác cho lòng nhân từ của Thiên Chúa.

Như thế, hôm nay Chúa Giêsu dạy chúng ta sửa lỗi cho anh em theo một tiến trình khôn ngoan, cẩn trọng, kiên nhẫn, đúng nơi, đúng lúc trong tình bác ái Tin Mừng.

Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều lúc chúng ta làm ngược lại với những hướng dẫn trên của Chúa. Thay vì chúng ta phải giữ kín sự thật và từng bước một thuyết phục người sai lỗi trở về, chúng ta thường công khai hóa, nói xấu và vội vàng lên án lầm lỗi của họ. Như thế, vô tình chúng ta làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn. Cần phân biệt việc sửa lỗi hoàn toàn khác với việc nói xấu người khác. Sửa lỗi là một việc tốt, còn nói xấu là một tội.

Câu chuyện sau đây nói lên thái độ tế nhị cần có khi sửa lỗi cho nhau:

Một ngày kia, Ðức Hồng Y Roncalli (sau này là Giáo Hoàng Gioan XXIII) dự bữa tiếp tân. Ngài ngồi bên cạnh một nữ công tước mặc chiếc váy cực ngắn. Thấy việc ăn mặc của người phụ nữ này không phù hợp ở đây, nhưng suốt bữa tiệc ngài tỏ ra như không biết gì bà. Cuối bữa, ngài đưa cho bà một trái táo. Bà rất hân hạnh và ngạc nhiên nói: “Tôi không biết phải cám ơn ngài thế nào. Nhờ đâu tôi được ngài ưu ái như thế? ” Ngài nhìn bà rồi nói: “Sau khi ăn quả táo, bà Evà nhận ra mình trần truồng.” Đó là cách nhắc nhở rất tế nhị.

Người Ái Nhĩ Lan có một lời nguyện rất ý vị:
“God grant me the serenity to accept the things I cannot change, courage to change the things I can, and wisdom to know the difference.”

Chúng ta hãy thưa với Chúa: Lạy Chúa xin cho con sự thanh thản để chấp nhận điều con không thể thay đổi, sự can đảm để thay đổi những điều con có thể thay đổi và sự khôn ngoan để đón nhận sự khác biệt. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Đức Ái Theo Thánh Phaolô
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
03:00 05/09/2020

CHÚA NHẬT XXIII MÙA THƯỜNG NIÊN
Ed 33, 7-9; Rm 13, 8-10; Mt 18, 15-20

Đức Ái Theo Thánh Phaolô

Thánh Phaolô nổi bật như một ngôi sao sáng trong lịch sử Giáo Hội. Rất thích hợp để chúng ta nói về giáo huấn của ngài trong thánh lễ hôm nay. Sự nghiệp và giáo huấn của ngài rất phong phú và sâu sắc, chúng ta chỉ dừng lại ở đây quan niệm về tình yêu hay đức ái theo thánh Phaolô trong bài đọc II của thánh lễ hôm nay.

Danh từ tình yêu (love, amore, caritas) được dùng rất nhiều từ môi miệng chúng ta, từ báo chí, phim ảnh. Nhưng ngày hôm nay khái niệm về tình yêu đã bị nhiều người hiểu sai và lạm dụng.

Tôi đọc trên báo điện tử của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, tác giả Nguyễn Lan Hải đã tóm tắt những ngộ nhận đáng tiếc về tình yêu nơi nhiều bạn trẻ hôm nay: - Tình yêu là sự cuốn hút. - Tình yêu là chiếm hữu. - Tình yêu là tiền tài. - Tình yêu là sự thương hại. - Tình yêu là tình dục…

Chính vì quan niệm méo mó này, nên nhiều người suốt cả đời đi tìm tình yêu mà không gặp tình yêu. Nhiều bạn trẻ thay người yêu như thay áo. Nhiều cặp vợ chồng trẻ tháng trước tổ chức đám cưới linh đình, vui vẻ, anh nói em nghe, em nói anh nghe, nhưng tháng sau thì “anh em nói, cả làng cùng nghe. Tuần đầu là trăng mật, tuần sau là giập mật!” Nhiều gia đình đang êm ấm, nhưng chỉ một cú điện thoại, một lá thư của người thứ ba, thế là mọi sự đổ vỡ, mọi sự được giải quyết bằng tờ giấy ly dị và chia tài sản.

Vậy theo thánh Phaolô, tình yêu là gì? Phải yêu người khác như thế nào?

Bài đọc II mà chúng ta vừa nghe là những lời thật tuyệt vời: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái” (Rm 13, 8a).

Nghĩa là chúng ta đừng mắc nợ nhau về tiền bạc, vật chất, ai mắc nợ thì phải trả. Nhưng hãy mắc nợ nhau về tình thương, về đức ái. Chúng ta hãy yêu thương nhau. Tình yêu là cốt lõi của Kitô giáo. Chính Phaolô nói:
“Vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật” (x. Rm 13, 8b).

Tình yêu làm cho chúng ta được hạnh phúc đích thực. Sống không có tình yêu, không có lòng nhân ái, thì dù chúng ta có nhà lầu, xe hơi, tiện nghi, vật chất dư dả, vẫn cảm thấy không hạnh phúc và vui vẻ. Các nhà khoa học Mỹ đã nghiên cứu và cho thấy điều đó: 12% dân Mỹ bị stress và bị tâm thần, không phải vì họ nghèo đói về vật chất nhưng họ bị cô đơn và không được yêu thương, chia sẻ.

Đối với thánh Phaolô, tình yêu không phải là một sự trao đổi kinh tế, tiền bạc, không phải là một sự chiếm hữu ích kỷ, cũng không phải là một sự tìm kiếm mình nơi người khác, nhưng là một tình yêu vô vị lợi, có trách nhiệm và hoàn toàn vì người khác, kể cả hiến mạng vì người mình yêu. Tình yêu đó bắt nguồn và luôn dựa trên chính tình yêu Thiên Chúa mà Đức Giêsu đã thể hiện trên thập giá.

Tình yêu gắn liền với việc tuân giữ lề luật, sống có trách nhiệm và biết tôn trọng hạnh phúc của người khác: “Đó là chớ có ngoại tình.” Hậu quả của nó là phá hoại hạnh phúc người khác và mang bệnh tật cho mình. Quan hệ tình dục bừa bãi dễ sinh ra tội phá thai, tức là tội giết người. Đó là trọng tội và còn có vạ kèm theo cho ai làm điều đó. Nên thánh

Phaolô nói tiếp:
“Ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn, cũng như các điều răn khác, đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy” (Rm 13, 9-10).

Những lời này chúng ta phải suy gẫm nhiều lần. Lỗi những điều răn này là lỗi đức ái nghiêm trọng. Thấy người khác thành công mình phải mừng cho họ chứ đừng có ghen tỵ và tìm cách đạp đổ. Thấy người khác gặp đau khổ thì không lấy làm vui mừng nhưng là nâng đỡ ủi an họ. Vẻ đẹp và tính cao thượng của người Kitô hữu là ở đó.

Đối với Phaolô, đức ái là điều chính yếu của đời sống Kitô hữu. Trong một lá thư khác, thánh Phaolô quả quyết:
“Giả như tôi nói được các thứ tiếng của loài người và của các Thiên thần đi nữa, mà không có đức mến thì tôi chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi có được ơn nói tiên tri và biết hết được mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả tài đức đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì cả. Giả như tôi có đem hết cả gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu chết, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1 Cr 13, 1-3).

Tất cả chúng ta đều được mời gọi để sống đức ái đó theo gương thánh Phaolô, như ngài đã theo Đức Kitô, Đấng đã yêu chúng ta đến cùng và đã hiến mạng sống mình vì chúng ta trên thập giá. Xin thánh nhân cầu bầu cho chúng ta trước mặt Thiên Chúa để chúng ta có sức mạnh mà thực hành những giáo huấn này trong đời sống chúng ta. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Một câu nói vắn vỏi, hé lộ cả con tim
Lm. Minh Anh
05:04 05/09/2020
MỘT CÂU NÓI VẮN VỎI, HÉ LỘ CẢ CON TIM

“Lạy Chúa, xin tạo cho con một quả tim trong sạch”.

Kính thưa Anh Chị em,

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay dẫn chúng ta vào một phòng triển lãm, ở đó, trưng bày rất nhiều trái tim. Trái tim phàm nhân, trái tim người thánh; trái tim biệt phái, trái tim tông đồ; trái tim vua Đavít, trái tim Chúa Giêsu và sẽ rất thú vị, ở đó, còn có cả trái tim của mỗi người chúng ta.

Bối cảnh của phòng trưng bày là một đồng lúa ửng chín, chờ ngày gặt; một ngày Sabbat, các bạn Chúa Giêsu đưa tay hái lúa. Thấy xót dạ, môn đệ bứt lúa mà mum; thấy khó chịu, biệt phái bàn tán ì xèo, “Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat? ”; thấy bất công, Chúa Giêsu lên tiếng, “Các ông chưa đọc điều Đavít đã làm khi vua và các người tuỳ tùng bị đói sao? ”.

Đôi khi, chỉ một câu nói vắn vỏi lại hé lộ cả con tim, hé lộ tất cả những gì đang xảy ra bên trong tâm trí của một con người. Người ta có thể thoáng nhìn vào trái tim hư hoại của Hitler với câu nói bất nhân của ông, “Tôi không hiểu tại sao con người lại không được phép tàn nhẫn như thiên nhiên”, ông thấy cần thiết phải diệt trừ những người yếu đuối, những dân tộc thấp hèn như định luật đào thải tự nhiên của thiên nhiên; hành động của ông thuộc loại diệt chủng nhất. Khi được chọn kế vị Phêrô, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói một câu đơn sơ, “Đừng sợ!”; câu nói ấy đã theo ngài suốt chặng đường 27 năm trên cương vị hoa tiêu con thuyền Giáo Hội. Mẹ Têrêxa hôm nay Giáo Hội mừng kính, 05/9, đã từng nói, “Hãy làm những việc nhỏ với một trái tim lớn”, Mẹ đã sống và làm như thế suốt đời.

Trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, những người biệt phái đã nói rất nhiều về tình trạng trái tim riêng tư của họ với chỉ một câu, “Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat? ”; bị cuốn hút bởi vẻ bề ngoài của lề luật, họ đã bỏ lỡ bức hoạ tình yêu Chúa Giêsu mang đến: một tình yêu trọn vẹn đối với Thiên Chúa, một tình yêu hào hiệp đối với tha nhân. Với Chúa Giêsu, điều Ngài nói với người biệt phái cho thấy trái tim yêu thương quảng đại vượt quá vẻ bề ngoài của luật, Ngài nắm lấy cốt lõi bên trong; Ngài trưng dẫn việc vua Đavít vào nhà Chúa ăn bánh trưng hiến, cho đoàn tuỳ tùng cùng ăn. Với trái tim xót thương, Ngài không trách cứ các biệt phái mà chỉ gợi lên điều tốt nơi họ, mời gọi thiện tâm của họ hướng đến thiện ích vì người khác.

Từ gợi ý của Chúa Giêsu, chúng ta có thể nhìn thấy một trái tim khác, trái tim vua Đavít, một trái tim dũng cảm từ thời niên thiếu khi Đavít chỉ biết tựa nương một mình Thiên Chúa để chiến thắng Goliath khổng lồ; cũng trái tim đó, Đavít đã nhân ái với vua Saul, người tìm giết mình. Đó là một trái tim yếu đuối khi phải lòng Bethseva để gián tiếp giết Uriah, chồng nàng. Tuy nhiên, trái tim Đavít không băng giá trong tội, vua đã ăn năn thảm thiết, “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con; mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm”; và trái tim xót thương của Thiên Chúa đã chạnh lòng, để từ đó, Đavít luôn luôn thuộc trọn về Người. Thánh Vịnh đáp ca hôm nay là một nhắc nhở cho chúng ta, “Chúa gần gũi mọi kẻ kêu cầu Người”. Thánh Phaolô trong thư Côrintô hôm nay cũng cho thấy trái tim của ngài, một trái tim yêu thương của người cha khi biết có sự phân hoá giữa cộng đoàn, “Tôi khuyến cáo anh em như con cái rất yêu dấu của tôi… Nhờ Tin Mừng, tôi đã sinh anh em ra trong Đức Giêsu Kitô”.

Ngày kia, thăm nước Ý, Gorky đọc trên một tờ báo của thành phố, “Hôm nay, rạp diễn vở “Kẻ Địch” của đại văn hào Marxim Gorky; diễn xong, Gorky sẽ gặp khán giả”. Gorky kinh ngạc vì nào ai biết ông đến đây. Rất đông người xem, Gorky cũng có mặt; một hồi, ông nổi giận rời rạp hát, vì vở kịch bị cắt xén nhiều. Nhưng sực nhớ sau vở diễn “Gorky” còn gặp khán giả, ông quay lại. Khán giả reo hò, “Gorky, Gorky!”. “Gorky giả” xuất hiện, vẫy tay chào. Gorky nghĩ, “Mình sẽ làm quen với anh này”. Mọi người đã về, Gorky ra sau cánh gà, bắt tay kẻ giả mạo, “Chào ngài “Gorky””. Kẻ giả mạo giật mình, ôm mặt, ngồi phịch xuống. Lấy bình tĩnh, anh nói, “Lẽ nào lại là ngài? ”. Gorky đáp, “Đúng là tôi”; “Xin ngài tha lỗi, cho tôi giải thích”. Anh nói, “Tôi rất nghèo, để nuôi cả gia đình, tôi phải đóng giả làm ngài”. Gorky hỏi, “Ai đề nghị anh đóng giả tôi? ”; anh nói, “Cái đói”, “Giờ ngài mắng chửi tôi thế nào cũng được”. Gorky đáp, “Tại sao tôi mắng chửi anh? Nếu việc này giúp gia đình anh tốt hơn thì tôi rất vui. Có điều tôi đề nghị, hãy công khai đóng giả tôi theo con đường chân thiện mỹ”. Kẻ giả mạo xúc động nắm tay Gorky, “Cảm ơn ngài! Ngài có một trái tim quá độ lượng”. Về sau, anh là cao thủ bắt chước, được mọi người yêu mến. Cả Gorky cũng cho rằng, “Mình và người bắt chước kia trông hệt nhau”.

Anh Chị em,

Cuối cùng, sau câu chuyện thương tâm và trước khi rời phòng triển lãm kỳ diệu, chúng ta cùng nhìn trái tim mình. Nó có độ lượng, xót thương, nhân ái, quảng đại như trái tim của Thiên Chúa, trái tim của Chúa Giêsu hoặc ít nữa hào hiệp như trái tim của Gorky không; hoặc nó cứng nhắc, khắc nghiệt và lạnh lùng như trái tim của biệt phái; nó lành lặn vì ích kỷ hay nó lắm thương tích vì yêu thương; ở đó, có dấu tích của những thánh giá không; nó nồng nàn hay hời hợt với tình yêu của Thiên Chúa và tha nhân; nó có trọn vẹn thuộc về Chúa không; nó có mẫn cảm xót thương như trái tim Người không?

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin Thánh Thần thanh luyện trái tim con, để nó sạch trong như trái tim vẹn sạch Đức Mẹ; biết khóc than tội mình như trái tim Đavít; biết mến yêu nồng nàn như trái tim tông đồ Gioan”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
CN 23A : Ba Phương Án
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
15:56 05/09/2020
Ngạn ngữ Tây Phương có câu “lầm lỗi là bản tính con người” (errare est humanum, to err is human). Còn ta thì có câu “nhân vô thập toàn.” Tức là thế nào cũng lầm lỗi. Vàng ròng mà cũng chỉ 4 số 9 (9999), chứ đâu có vàng 100, huống gì con người, thế nào cũng có lỗi.

Nhưng đứng trước lầm lỗi kẻ khác, trước thiếu sót của tha nhân, con người lại chia thành hai loại để đi đến hai cực : một là cực xa – hai là cực gần.

1. Cực xa : là ta chẳng để ý gì đến người khác cả. Nó muốn làm gì kệ nó. Mặc xác nó. Thái độ này người xưa gọi là Sống chết mặc bây, bây có linh hồn bây lo giữ lấy. Còn con người thời nay (thập niên 80, 90) gọi bằng tên có vẻ Tây : Markeno. Mặc kệ nó. Chủ nghĩa này, thái độ này ngự trị hầu hết ở thành thị. Đến độ nhà bên cạnh bị mất cắp, người trong nhà đó bị giết mà mình sát vách vẫn chẳng hay chẳng biết, huống gì là họ có lỗi này lầm kia ta đến để nhắc nhở họ. Vì thế ở sát vách mà vẫn cực xa.

Những người đó hãy nghe lại Bài đọc I trong Sách Ezekiel : Hỡi con người, Ta làm cho ngươi trở nên lính canh nhà Israel để ngươi loan báo cho kẻ tội lỗi ăn năn trở lại. Nếu ngươi không chịu nói, để họ bỏ đường tà qui chánh thì kẻ tội lỗi đó chết, Ta sẽ đòi máu nó ở nơi ngươi. Còn nếu ngươi đã nói rồi mà nó vẫn không cải tà sám hối thì nó chết trong sự gian ác, còn ngươi thì không sao cả.

Do đó, chúng ta là những tuần canh được Chúa đặt lên để gìn giữ linh hồn anh em.

2. Cực gần. Nhưng tuần canh cũng có nguy hiểm là đi quá sâu, canh quá sát, gác quá gần. Đây là hạng người “Cực gần” đối lại với “Cực xa” vừa nói trên kia.

Cực gần, là hạng người tò mò tọc mạch muốn biết hết chuyện nhà hàng xóm. Nhà họ có mấy con gà; chân giường bốn cái lung lay cái nào mình cũng hay cũng biết. Người ta gọi hạng người này là kẻ “chõ mũi vào nhà người khác”. “xía mũi vào chuyện người ta”, dò xét từng hành vi tung tích của kẻ địch để rồi kiêm luôn nhân viên sở thông tin văn hóa loan báo cho cả làng. Hạng người “cực gần” này hay nấp ở thôn xóm. Hạng cực xa có hộ khẩu ở thành thị thì hạng cực gần có địa chỉ ở thôn quê. Vì canh chừng quá gần nên triết gia hiện sinh J.P. Sartre gọi người khác là hoả ngục của tôi. Hỏa ngục chính là người khác. Tôi là kẻ bị nhìn (regardé) mà không phải được nhìn để được nhìn nhận chăm sóc, mà bị nhìn bởi cặp mắt và suy nghĩ của người nhìn: nên cũng dễ bị bệnh chủ quan lệch lạc. Kinh Thánh đã nói đâu đó : Có ai đã đặt ngươi làm quan án trên dân đâu. Còn thư Giacôbê : “Ngươi là ai mà dám xét đoán tha nhân”.

3. Trung Dung. Cả hạng người “cực xa” lẫn lớp người “cực gần” đều không phải là mẫu người mà Chúa Giêsu muốn nói trong bài Tin Mừng hôm nay. Thái độ “trung dung” như quan niệm Đông Phương là đúng nhất, tức phải để ý, lưu tâm đến người và vẫn phải để người đó có trách nhiệm trên cuộc sống của họ nữa.

Bài Tin Mừng hôm nay chẳng những Chúa muốn nói điều đó, mà còn muốn chỉ dẫn chi tiết từng bước một trong việc sửa lỗi anh em. Vì thế bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu không có ý nói về người có lỗi mà nói về người sửa lỗi.

Con đường 3 bước mà người sửa lỗi phải đi theo có thứ tự ưu tiên như sau. Đúng ra là 3 phương án.

-Phương án 1 : Hai người với nhau thôi:

Nếu anh em ngươi phạm lỗi, hãy đi sửa dạy nó. riêng nó với ngươi thôi. Nếu nó nghe ngươi thì ngươi đã lợi được người anh em. Nếu thất bại, mới qua Phương án 2.

-Phương án 2 : thêm hai hay ba: Ta kêu thêm một hay hai người nữa để mọi việc được giải quyết êm đẹp. Thêm một, hai người không phải để gia tăng lời tố cáo mà là để, như kiểu chúng ta vẫn thường nói, “xin anh nói thêm cho một tiếng, xin chị khuyên can nó một câu, xin Sơ bảo nó một lời…. Ba mặt một lời có thể thuyết phục được hơn chăng ! Rồi nếu phương án này thất bại, ta có Phương án 3.

-Phương án 3 : trình với cộng đoàn. Tức là trình lên đại diện cộng đoàn, là “sửa lỗi trước đơn vị.” Mà nếu vẫn không thành công, thì, Phương án chót, hay đúng hơn không còn phương án nào khác, không còn trách nhiệm gì đến nó nữa. Xem họ như dân ngoại và thu thuế. Nhưng nên nhớ Đức Giêsu luôn coi trọng người ngoại và thu thuế ! Vì thế ta có thể nói, chỉ còn phương án phó thác người đó cho Chúa mà thôi !

Trong 3 phương án đó, ta phải ưu tiên phương án 1: giữa 2 người với nhau. Trong sách truyền thống các ẩn tu, người ta ghi rằng : Ngày kia, khi giám mục Ambonat đến thăm một làng nọ. Dân làng kéo đến tố cáo với giám mục về một vị ẩn tu trên núi: tu gì mà có một người nữ sống chung lén lút. Dân yêu cầu giám mục chấm dứt tình trạng đó. Giám mục nghe xong quyết định lên núi. Ngài đi đầu và dân chúng lũ lượt theo sau. Vị ẩn sĩ thấy rầm rập người tới thì hấp tấp bảo người nữ chui vào chiếc thùng gỗ trống để ẩn núp. Giám mục là người đến lều trước tiên. Ông bước vào và đưa mắt quan sát, quan sát vị ẩn tu lẫn túp lều, liền hiểu ngay. Giám mục đi thẳng tới thùng gỗ, ngồi lên đó và bình thản ra hiệu cho dân làng vào kiểm tra túp lều. Khi dân làng chẳng tìm đâu bóng dáng người nữ, giám mục liền nói : anh em hãy xin lỗi vì đã nghĩ không tốt cho vị ẩn sĩ đi.

Rồi chờ cho đến khi dân làng đã xuống hết, giám mục mới tiến lại người ẩn tu, nắm chặt tay ông, đưa đôi mắt nhân từ nhưng cương nghị và chậm rãi nói : “Hỡi người anh em, hãy giữ mình kẻo mất linh hồn.” Phương án 1 mà giám mục Ambonat đã thi hành, đúng là nhằm thực hiện Lời Chúa hôm nay.

Trong nghệ thuật sửa lỗi của nhau, các sách Học Làm Người cũng cho ta nhiều chỉ dẫn giá trị, như trong Đắc Nhân Tâm của Dale Carnegie, đã chỉ cho ta 9 cách để sửa lỗi người mà không làm cho người phật ý. Như, khen trước một câu; như làm sao như thể là họ tự thấy khuyết điểm của họ, chứ không phải do mình nói; như sửa lỗi mà không làm mất thể diện…. Tóm lại, làm sao cho họ không phật ý. Mà họ không phật ý là họ sẽ sửa sai.

Đức Hồng Y Roncalli (sau là giáo hoàng Gioan 23) ngày kia dự tiếp tân bên cạnh một nữ công tước mặc chiếc váy cực kì ngắn. Ngài tỏ vẻ khó chịu nên suốt bữa tiệc làm như không biết bà. Cuối bữa, ngài đưa cho bà một trái táo. Rất hân hạnh, bà nói : “Tôi không biết phải cám ơn ngài thế nào. Nhờ đâu tôi được ngài ưu ái như thế? ” ĐHY chăm chăm nhìn bà rồi nói một câu Kinh Thánh, sách Sáng Thế : “Sau khi Evà ăn quả táo, bà ta mới nhận ra là mình thiếu quần áo.”

Lạy Chúa Giêsu, trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa dạy con nhiều điều. Điều trước hết là ai cũng có thể phạm lỗi để con không tự kiêu tự đại. Điều thứ hai là con cũng có trách nhiệm trên lỗi của kẻ khác để con biết tìm cách giúp người anh em sửa lỗi sửa sai, và điều thứ ba là đừng nóng vội đốt công đoạn trong việc sửa lỗi. Trước hết là phải giữa hai người với nhau mà thôi.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con hiểu rõ Lời Chúa.

Lm. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Hồng Y Tagle: Đại dịch là thời điểm để tái khám phá tinh thần của Mẹ Têrêsa.
Thanh Quảng sdb
05:04 05/09/2020
Đức Hồng Y Tagle: Đại dịch là thời điểm để tái khám phá tinh thần của Mẹ Têrêsa.

Nhân ngày lễ Thánh Têrêsa Calcutta, Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Chủ Tịch Caritas Quốc Tế, chia sẻ với giới truyền thông Vatican một suy tư về “Bà Mẹ của Người Nghèo” và tấm gương bác ái của Mẹ có thể giúp chúng ta như thế nào để đương đầu với đại dịch.

(Tin Vatican - Alessandro Gisotti)

Tấm gương của Mẹ Têrêxa thành Calcutta, một tấm gương dâng hiến trọn vẹn phục vụ những người nghèo khổ nhất, đã không ngừng thu hút mọi người trên khắp thế giới, những người tin đạo Chúa cũng như không.

Một dấu hiệu hữu hình cho thấy tầm ảnh hưởng “xuyên suốt” qua “Vị thánh của những người nghèo khổ nhất này”. Lịch Phụng vụ đã dành ngày Thứ Bảy là ngày kỷ niệm Mẹ qua đời, ngày 5 tháng 9 năm 1997 và Liên Hiệp Quốc đã kỷ niệm Ngày Quốc tế Bác ái để vinh danh bà.

Nghị quyết được Đại hội đồng LHQ thông qua vào ngày 17 tháng 12 năm 2012, trong đó thành lập Ngày để vinh danh Mẹ Têrêsa như một người Mẹ hiền của yêu thương dành cho những người nghèo khổ.

Từ thiện xây dựng hòa bình

Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle nhận xét trong bài suy tư được chia sẻ với các phương tiện truyền thông Vatican “Thừa nhận rằng việc từ thiện xây dựng và gắn kết xã hội và hòa bình, ” “Liên hợp quốc kêu gọi và vận động mọi người, mọi tổ chức giúp đỡ người khác qua các công tác từ thiện.”

ĐHY cũng nhấn mạnh việc Liên Hợp Quốc chọn ngày 5 tháng 9 để tổ chức Ngày Quốc tế Từ thiện “có ý nghĩa như thế nào đối với Giáo hội. Nó đánh dấu ngày qua đời của Mẹ Têrêsa thành Calcutta - một người phụ nữ được toàn thế giới biết đến, người đã được trao giải Nobel Hòa bình, nhưng với sứ mệnh duy nhất là phục vụ Chúa nơi những người nghèo.

Vì lợi ích của người khác

Đức Hồng Y Tagle nhớ lại Mẹ Têrêsa là một trong những vị thánh bảo trợ của Caritas Quốc tế mà ngài là Chủ tịch. Ngài cũng cho hay “thông qua dòng tu mà Mẹ thành lập năm 1950, Dòng Thừa sai Bác ái, hoạt động từ thiện của Mẹ đã đến được những người nghèo ở nhiều nơi trên thế giới.”

ĐHY nhấn mạnh: “Đối với Mẹ thánh Têrêsa: bác ái bao gồm những hành động nhỏ được thực hiện vì lợi ích của người khác. Nhưng những hành động từ thiện thực sự chỉ có thể đến từ một con người làm việc thiện. Căn gốc cuối cùng của lòng bác ái là Thiên Chúa, Đấng hằng sống của chúng ta. ‘Thiên Chúa là tình yêu’, theo thư thứ nhất của thánh Gioan 4, 8. Tình yêu là tên của Thiên Chúa, một Thiên Chúa ban sự sống, tha thứ tội nhân, bảo vệ kẻ yếu, nuôi dưỡng trái đất, đồng cam cộng khổ với người nghèo, đồng hành với kẻ bị bỏ rơi. Trong Chúa Giêsu, tình yêu của Thiên Chúa đã đánh bại sự chết”.

ĐHY nhắc lại mỗi con người “được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa để khuôn mặt tình yêu của Ngài được hiện diện trên trái đất này. Mẹ Têrêsa đã cho phép Thiên Chúa là Tình yêu biến đổi chính con người của Mẹ thành một công cụ từ thiện của Chúa cho người nghèo."

Hoạt động từ thiện đích thực

Sau đó, ĐHY Chủ tịch Caritas Quốc tế và Tổng trưởng Bộ Truyền giáo Phúc âm hóa các Dân tộc suy tư về tinh thần và tấm gương của Mẹ Têrêsa và các Nhà truyền giáo Bác ái có thể giúp chúng ta như thế nào trong thời điểm thử thách này của đại dịch Covid-19, điều này đã tạo thành tiếng chuông cho Ngày Quốc tế Từ thiện năm 2020.

Hồng Y Tagle khuyến khích: “Mọi người được kêu gọi thực hiện các hoạt động bác ái để xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy sự ổn định và hòa bình, nhưng theo tinh thần của Mẹ Thánh Têrêsa, tôi tin rằng lễ kỷ niệm năm nay đặt ra những câu hỏi sâu sắc hơn: Bạn là người như thế nào? Chúng ta đang hình thành loại người nào cho giới trẻ của thời đại chúng ta? Chúng ta có tôn trọng những người khác chính kiến với chúng ta không? Đại dịch đã đánh thức bản năng yêu thương trong chúng ta hay đã khiến chúng ta trở nên vô cảm? Hơn bao giờ hết, ngày nay chúng ta cần sự từ thiện đích thực từ những con người cụ thể đích thực!”
 
Đại dịch coronavirus đã đẩy nhanh quá trình tục hóa đến 10 năm, một vị Hồng Y cảnh báo
Đặng Tự Do
16:52 05/09/2020
Trái với tiên đoán lạc quan của nhiều người cho rằng đại dịch coronavirus kinh hoàng đã mở mắt cho nhiều người thấy những giới hạn nhân sinh mong manh, và thúc đẩy ơn hoán cải; và do đó thế giới sẽ tốt hơn, đạo thánh Chúa sẽ khởi sắc hơn. Chẳng may, các tiên đoán lạc quan ấy đã không xảy ra. Ngay khi đại dịch kinh hoàng này vẫn còn đang tiếp diễn ở nhiều quốc gia, chúng ta phải chứng kiến một tình trạng bạo lực đi kèm với một thái độ bài Kitô Giáo quyết liệt chưa từng có.

Một vị Hồng Y nhận định rằng đại dịch coronavirus có thể đã đẩy nhanh quá trình tục hóa tại Âu châu nhanh hơn 10 năm; và chúng ta phải đối diện với thực tế này với lòng khiêm nhường, trong khi điều chỉnh một cách sáng suốt các chương trình mục vụ và tân Phúc Âm Hóa.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Quan Sát Viên Rôma ngày 2 tháng 9, Hồng Y Jean-Claude Hollerich cho biết ngài tin rằng số lượng người Công Giáo đến nhà thờ sẽ giảm sau COVID-19.

Khi được hỏi liệu Giáo hội ở Âu châu sẽ mạnh lên hay yếu đi sau đại dịch, ngài nói: “Tôi nghĩ về đất nước của mình: chúng tôi sẽ bị giảm bớt số lượng. Bởi vì có những người không đến tham dự Thánh lễ nữa, đặc biệt những người chỉ đến nhà thờ vì lý do văn hóa, những người mà người ta gọi là ‘người Công Giáo văn hóa’, hữu khuynh hay tả khuynh, không còn đến nhà thờ nữa. Họ đã thấy rằng cuộc sống rất thoải mái. Họ có thể sống rất tốt mà không cần phải đến nhà thờ. Ngay cả những buổi Rước Lễ Lần Đầu, giáo lý cho trẻ em, tất cả những điều này sẽ giảm về số lượng. Tôi gần như dám chắc chắn về những điều ấy.”

“Nhưng đó không phải là một lời phàn nàn về phần tôi. Chúng ta đã có quá trình này ngay cả khi không có đại dịch. Có lẽ đại dịch này đã lấy mất thêm của chúng ta 10 năm nữa. Nó đẩy nhanh tiến trình này.”

Stephen Bullivant, giáo sư thần học và xã hội học tôn giáo tại Đại học St. Mary, Twickenham, ở Anh, lưu ý rằng ông đã đưa ra quan điểm tương tự với Đức Hồng Y Hollerich trong cuốn sách điện tử gần đây của mình “Đạo Công Giáo trong Thời đại Coronavirus”

“Ít nhất là về số người tham dự nhà thờ, chúng ta gần như chắc chắn sẽ thấy một ‘bước nhảy vọt về phía trước’ theo xu hướng giảm đã có từ lâu, ” anh nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA. “Nhiều giáo phận đã đưa ra dự báo trong những năm trước như ‘nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, chúng ta sẽ có X số linh mục hoạt động tích cực cho Y số lượng người tham dự thánh lễ vào năm 2040’, hoặc tương tự như thế. Họ sẽ phải sửa những con số thống kê bi đát đó sớm hơn như thế.”

“10 năm hay không, tôi không biết - nhưng con số 10 năm không phải vô lý đâu.”

Đức Hồng Y Hollerich, Tổng Giám mục Luxembourg và là chủ tịch của Ủy ban Liên Hội đồng Giám mục Âu Châu, gọi tắt là COMECE, nói rằng Giáo hội ở Âu Châu cần phải đối phó với tình trạng suy yếu của mình bằng sự khiêm tốn.

Ngài nói: “Tại thời điểm này, Giáo hội phải được truyền cảm hứng từ một sự khiêm nhường cho phép chúng ta tổ chức lại bản thân tốt hơn, trở thành Kitô hữu hơn, bởi vì nếu không thì nền văn hóa Kitô giáo này, nền văn hóa Công Giáo độc đáo này, không thể tồn tại theo thời gian, nó không có sức sống đằng sau nó.”

Ngài nhấn mạnh rằng: “Tôi nghĩ đó là một cơ hội tuyệt vời cho Giáo hội. Chúng ta phải hiểu những gì đang bị đe dọa, chúng ta phải phản ứng và đưa ra những cơ cấu truyền giáo mới. Và khi tôi nói những người truyền giáo, tôi muốn nói đến cả hành động và lời nói. Tôi cũng nghĩ rằng trong thế giới sau đại dịch, phương Tây, Hoa Kỳ và Âu Châu, sẽ yếu hơn trước, bởi vì sự gia tốc do virus mang lại sẽ làm cho các nền kinh tế khác, các quốc gia khác, phát triển.”

“Nhưng chúng ta phải nhìn nhận điều này với chủ nghĩa hiện thực, chúng ta phải từ bỏ chủ nghĩa Âu Châu hiện hữu trong suy nghĩ của mình và với sự khiêm tốn tuyệt vời, chúng ta phải làm việc với các quốc gia khác vì tương lai của nhân loại, để có được một thế giới công bằng hơn.”

Các thánh lễ công cộng đã bị đình chỉ trên khắp Âu châu trong vài tháng để hạn chế sự lây lan của COVID-19. Trong khi các buổi lễ công cộng đã tiếp tục trở lại, đã có những bằng chứng cho thấy việc tham dự đã giảm hẳn so với trước khi xảy ra khủng hoảng.

Ở một số quốc gia, đã có những giới hạn nghiêm ngặt về số lượng người Công Giáo được phép tham dự Thánh lễ do lo ngại về việc lây truyền virus.

Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Âu Châu, đã có 2, 304,846 trường hợp nhiễm COVID-19 được báo cáo tại Liên minh Âu Châu và Vương quốc Anh tính đến ngày 4 tháng 9, với 182, 358 trường hợp tử vong.

Đức Hồng Y Hollerich, một tu sĩ Dòng Tên, được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Luxembourg vào năm 2011. Ngài nhận chiếc mũ đỏ vào ngày 5 tháng 10 năm 2019, và trở thành Hồng Y đầu tiên của Luxembourg, hay còn gọi là Lục Xâm Bảo, quốc gia chỉ có 626, 000 người.


Source:Catholic News Agency
 
Hoa Kỳ điều tra các hoạt động tài trợ cho Đảng Cộng sản Trung Quốc từ thời Obama
Emily Nguyễn
20:41 05/09/2020
TOÀ BẠCH ỐC YÊU CẦU CÁC CƠ QUAN CHÍNH PHỦ MỸ CUNG CẤP THÔNG TIN CHI TIẾT VỀ VIỆC TÀI TRỢ CHO TRUNG QUỐC

Tiếp theo hàng loạt đòn phản công về ngoại giao của chính quyền Trump liên tiếp giáng xuống Trung Quốc, từ việc đóng cửa những ổ tình báo nguỵ trang tại lãnh sự quán như ở Houston, đến việc bộ trưởng bộ ngoại giao Mike Pompeo ra những giới hạn ngăn cấm không cho các nhà ngoại giao Trung Quốc tự do hoạt động tình báo, tuyên truyền cho chế độ cộng sản trên đất Hoa Kỳ như chốn không người, Hoa Kỳ mới đây lại đưa thêm một biện pháp cứng rắn nhằm trừng trị tận gốc những nguồn lực tiếp tay cho trung Quốc ngay trong xứ sở Hoa Kỳ. Mời quý độc giả đọc bản dịch của bài viết dưới đây nói về kế hoạch điều tra bản chất nguồn tài trợ từ Mỹ dành cho chính quyền cộng sản Trung Quốc, cũng như kế hoạch truy lùng tông tích những cá nhân cũng như doanh nghiệp nào của Trung Quốc hiện đang góp phần xây dựng hoặc tài trợ cho kế hoạch độc chiếm khu vực biển Đông là một phần đất nước thân yêu của người Việt Nam chúng ta.

WASHINGTON (Reuters) - Toà Bạch Ốc đã yêu cầu các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ cung cấp chi tiết bao quát về bất cứ nguồn tài trợ nào tìm cách chống lại ảnh hưởng toàn cầu và các hoạt động kinh doanh của Trung Quốc, hoặc hỗ trợ Bắc Kinh, trong lúc căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh đang trên đà leo thang.

Theo một tài liệu của Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB) của Toà Bạch Ốc ngày 27 tháng 8 mà (phóng viên) Reuters xem được, văn phòng OMB đã chỉ chị cho các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ gởi những “dữ liệu đi tắt về nguồn tài trợ liên bang nào viện trợ hoặc hỗ trợ choTrung Quốc, hay những nơi trực tiếp hoặc gián tiếp chống lại sự cạnh tranh bất công cũng như các hoạt động và ảnh hưởng xấu xa trên toàn cầu của Trung Quốc. “

Trung Quốc phủ nhận họ có tham gia vào việc cạnh tranh không lành mạnh.

Tài liệu với tựa đề “Cạnh Tranh Chiến Lược với Lối Đi Tắt của Trung Quốc”, không cho biết thông tin sẽ được sử dụng như thế nào ngoài việc sẽ “thông báo cho các nhà hoạch định chính sách” về vô số cách thức chính phủ Hoa Kỳ chi tiêu liên quan đến Trung Quốc.

Hoa Kỳ và Trung Quốc đã trở nên đối kháng với nhau do những bất đồng kéo dài từ cuộc chiến thương mại kéo dài hai năm, cho đến việc chính quyền ông Trump đổ lỗi cho Bắc Kinh thiếu minh bạch trong việc phát tán COVID-19.

Yêu cầu (thu thập) dữ liệu ngân sách một cách bao quát sẽ được sử dụng để giúp các nhà hoạch định chính sách và ghi nhận tất cả các khoản tài trợ phải “phản ảnh các ưu tiên chiến lược” khi đối phó với Trung Quốc.

Một số chương trình và chi phí của Hoa Kỳ đang bị duyệt xét đã có từ một thập niên hay trước đó. Văn bản này chỉ thị các cơ quan liên bang phải phúc đáp trước ngày 21 tháng 9.

Một phát ngôn viên văn phòng OMB đã xác nhận nỗ lực này của cơ quan, nói với Reuters rằng “để bảo đảm việc Hoa Kỳ vẫn vững mạnh và ở vị thế có sức mạnh chống lại các quốc gia đối thủ như Trung Quốc, OMB đã yêu cầu các cơ quan liên bang cung cấp tất cả các khoản tài trợ với ý định chống lại Trung Quốc, hoặc có thể là viện trợ cho Trung Quốc.”

Bản thông báo bao gồm các hướng dẫn về cách nộp những chi tiết về các khoản chi tiêu của Hoa Kỳ đã được giải mật cũng như chưa được giải mật, đồng thời tìm kiếm chi tiết về tất cả các khoản tài trợ của chính phủ Hoa Kỳ được chỉ đạo cho việc chi tiêu trong nước Trung Quốc.

Tài liệu của Toà Bạch Ốc còn yêu cầu cung cấp dữ liệu về tất cả các khoản tài trợ của chính phủ Hoa Kỳ được sử dụng để “chống lại ảnh hưởng ác ý của Trung Quốc hoặc hành vi không phù hợp với lợi ích của Hoa Kỳ.”

Văn bản này trích dẫn những thí dụ về “tài trợ cho chương trình để chống lại Một vành đai Một Con đường (OBOR) hoặc Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI); tài trợ cho các hoạt động quân sự, thiết bị và cơ sở hạ tầng, mục đích chính là ngăn chặn hành vi hung hăng của Trung Quốc.”

Văn bản cũng tìm kiếm thông tin chi tiết về những nỗ lực “phụ” của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc như “những đóng góp nhỏ nhoi cần thiết cho việc duy trì vị trí tiên phong của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc đối với quyền biểu quyết bên trong các tổ chức quốc tế quan trọng”, và tài trợ cho các nỗ lực khác của Hoa Kỳ.

Tài liệu cũng tìm kiếm dữ liệu về tài trợ của chính phủ Hoa Kỳ cho các chương trình có mục đích chính là chống lại sức mạnh công nghệ của Trung Quốc trong các lãnh vực chủ yếu như 5G và truyền thông không giây, chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và học tập qua máy, điện toán lượng tử, an ninh mạng và hệ thống, sản xuất và robot cao cấp, xe điện và xe tự hành, công nghệ sinh học, năng lượng cao cấp và công nghệ vũ trụ.

Toà Bạch Ốc đã tìm kiếm thông tin chi tiết về những chi tiêu mang tính hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia chính phủ Hoa Kỳ, tài trợ song phương cho trung tâm Nghiên cứu Năng lượng Sạch của hai quốc gia Hoa Kỳ-Trung Quốc và bất cứ chương trình hỗ trợ kinh tế song phương nào khác của Hoa Kỳ.

Họ cũng tìm kiếm dữ liệu về “tài trợ của HHS ( viết tắt của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh) dành cho trung tâm CDC (tức Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh), NIH (tức Viện Y tế Quốc gia), và các chương trình khác ở Trung Quốc.”

Yêu cầu này còn tìm kiếm thông tin chi tiết về bất cứ khoản chi tiêu nào có “đóng góp tổng quát vào GDP (tức tổng sản lượng quốc gia) hoặc vào phạm trù kỹ thuật của Trung Quốc, cho cả các tổ chức quân sự lẫn chính phủ Trung Quốc, các tổ chức thương mại hoặc công nghiệp quốc doanh cũng như các tổ chức dưới “sự lãnh đạo của chính phủ Trung Quốc cũng như các khoản tài trợ hoặc tín dụng do các tổ chức quốc tế được sự hỗ trợ của Hoa Kỳ cung cấp.

Những cơ quan này phải gởi dữ liệu về ngân sách năm 2019 và 2020 mà luật đã ban hành, đề án về ngân sách năm 2021 của chính quyền Trump, và yêu cầu về ngân sách của cơ quan cho năm 2022.

Việc duyệt xét về ngân sách này chỉ là nỗ lực mới nhất có thể dẫn đến nhiều hành động chống lại Trung Quốc hơn nữa.

Tuần trước, Hoa Kỳ đã đưa 24 công ty Trung Quốc vào danh sách đen và đưa vào tầm ngắm những cá nhân mà họ cho là thành phần của các hoạt động xây dựng và quân sự ở Biển Đông, đây là một trong những biện pháp chế tài đầu tiên của Hoa Kỳ nhắm vào Bắc Kinh về tuyến đường biển chiến lược đang có tranh chấp.


Source:Reuters
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đức Ông Giuse Mai Đức Vinh Nguyên Giám Đốc Giáo Xứ VN Paris Từ Trần
Lê Đình Thông
13:14 05/09/2020
2 giờ khuya ngày 05/09/2020, Đức Ông Giuse Mai Đức Vinh, nguyên giám đốc Giáo xứ Việt Nam Paris, đã từ trần tại bệnh viện Saint-Joseph (Paris). Linh mục Jean-Marc Micas, bề trên tỉnh dòng Xuân Bích cho biết thánh lễ an táng sẽ được cử hành vào lúc 10 giờ ngày 10/09/2020 tại nhà thờ Saint-Sulpice (2 rue Palatine - 75006 Paris).

Ngài sinh ngày 15/12/1935 tại Thượng Chiểu, Thanh Hóa, chịu chức linh mục Hội dòng Xuân Bích ngày 27/04/1965 tại Vĩnh Long. Năm 1975, ngài có bằng Tiến sĩ Giáo luật. Năm 1977 ngài đậu thêm bằng Tiến sĩ Thần Học Mục Vụ đều tại Roma.

Ngài làm việc tại Giáo xứ từ năm 1977.

- Ngày 28/11/1980, ngài được ĐHY François Marty bổ nhiệm làm giám đốc Giáo xứ.

- Ngày 12/11/1998, ĐHY Jean-Marie Lustiger công bố tại Giáo xứ quyết định của Tòa thánh ân thưởng cho ngài tước vị Đức Ông.

Ngài đảm nhiệm trọng trách này đến tháng 9-2017 và đã để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử Giáo xứ Việt Nam Paris:

- 1981: thành lập ban Thần học Giáo dân.

- 1983: thành lập Hội đồng Mục vụ.

- 1984: chủ nhiệm báo Giáo xứ.

- 1985-1991: chủ tịch Hội Liên Tu sĩ.

- 1989: thành lập Hội Yểm trở Ơn gọi.

- 1990: khánh thành Thư viện Giáo xứ.

- 1993: thành lập Phong trào Cursillo Âu Châu.

- 1995: thành lập ban Mục vụ Gia đình.

- 2000: thành lập Phong trào Liên đới Nghề nghiệp.

Trong lãnh vực mục vụ văn hóa, ngài biên soạn nhiều tác phẩm:

- 2003-2010: Tân lịch sử Giáo hội, (7 tập).

- 2009: Suy niệm Tin Mừng (3 tập)

- 2012: Chân phước Giáo hoàng Gioan-Phaolô II.

- 2013: Các thánh tử đạo thăng hoa văn hóa Việt Nam.

Ngài chú trọng vào công cuộc truyền giáo, đáng kể nhất là vào ngày 08/04/2012: Đức Ông Mai Đức Vinh đã rửa tội cho GS Vũ Quốc Thúc.

Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Giáo xứ (1947-2017), Đức Ông Mai Đức Vinh đã viết như sau:

‘‘70 năm hoạt động Giáo Xứ không phải để "đóng khung lịch sử Cộng Đoàn", nhưng để "ôn cố tri tân", để tiếp nối những trang sử mới cho Cộng Đoàn về mọi phạm vi sinh hoạt Thiêng Liêng, Văn Hóa, Xã Hội, hội nhập và bảo vệ truyền thống, duy trì gia sản Tiền Nhân để lại và mở rộng tương lai cho thế hệ trẻ đang lên... Như nguyện ước của Đức Thánh Cha trong điện văn gửi cho Giáo Xứ ngày 25-06-1996: "Đức Thánh Cha khuyến khích mọi người coi việc cử hành đại lễ kỷ niệm này như một khởi điểm của một giai đoạn mới trong đời sống cộng đồng Giáo Xứ: Tiếp tục xây dựng một cộng đoàn hòa hợp và nhiệt thành... luôn thủy chung với văn hóa Việt Nam và liên đới với dân tộc... hầu trở thành những chứng nhân phát huy tinh thần Phúc âm...".

Lê Đình Thông
 
VietCatholic TV
Joe Biden nhắc đến Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II để câu phiếu. Phản ứng của người Công Giáo Mỹ
Giáo Hội Năm Châu
05:00 05/09/2020


Cựu phó tổng thống Joe Biden đã nhắc tới Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong bài phát biểu tranh cử hôm thứ Hai. Ứng cử viên của đảng Dân chủ đã trích dẫn lời vị Thánh Giáo Hoàng trong một bài diễn văn ở Pittsburgh, trong đó ông kêu gọi cử tri nắm lấy hy vọng khi đối mặt với tình trạng bất ổn dân sự. Tuy nhiên, trò này đã bị một số người Công Giáo chỉ trích vì ông tiếp tục ủng hộ việc mở rộng chính sách phá thai.

“Chiến dịch tranh cử tổng thống đã bị giản lược thành sự sợ hãi, ” Biden nói trong một lần xuất hiện ở Pittsburgh vào hôm thứ Hai, ngày 31 tháng 8. “Nhưng tôi tin rằng người Mỹ mạnh mẽ hơn thế. Tôi tin rằng chúng ta sẽ được hướng dẫn bởi những lời của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, là những lời được rút ra từ thánh thư: 'Đừng sợ. Đừng sợ.'“

“Sợ hãi không bao giờ được xây dựng tương lai, ” Biden nói. “Hy vọng thì có thể. Và xây dựng tương lai là những gì người Mỹ đang làm.”

Biden là người đã có dịp gặp gỡ tất cả các vị Giáo Hoàng liên tiếp trong sự nghiệp chính trị của mình, đã biến đức tin Công Giáo của mình trở thành đặc điểm thường xuyên trong chiến dịch tranh cử tổng thống. Trong Hội nghị Quốc gia của đảng Dân chủ, các diễn giả liên tục ca ngợi Biden vì lòng sùng mộ sâu sắc đối với tín ngưỡng tôn giáo của mình, và cựu phó tổng thống đưa ra những giai thoại về việc được các nữ tu dạy dỗ khi còn nhỏ.

Mặc dù vậy, Biden đang thi hành một nghị quyết của đảng Dân Chủ có thể hợp pháp hóa việc phá thai cho đến tận lúc thai nhi chào đời, và hợp pháp hóa việc dùng tiền thuế dân để tài trợ cho phá thai. Nghị quyết này cũng thúc đẩy việc hệ thống hóa quyền phá thai ở cấp liên bang nhằm thủ tiêu các luật cấm phá thai tại các tiểu bang phò sinh, và đồng thời đòi hủy bỏ các biện pháp bảo vệ lương tâm và tự do tôn giáo đối với các biện pháp tránh thai.

Ông Biden đã nhắc đến Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bất chấp một thực tế là vị Giáo Hoàng này đã phản đối mạnh mẽ các chính trị gia ủng hộ phá thai trong triều đại Giáo Hoàng của ngài.

Trong thông điệp Evangelium Vitae, nghĩa là Tin Mừng Sự Sống, vị Thánh Giáo Hoàng đã viết “Các luật hợp pháp hóa việc giết hại trực tiếp những người vô tội bằng cách phá thai hoặc tự tử hoàn toàn đối lập với quyền được sống bất khả xâm phạm của mỗi cá nhân; do đó, chúng phủ nhận quyền bình đẳng của tất cả mọi người trước pháp luật, ” và “Trong trường hợp nhà cầm quyền ban hành các luật có bản chất là bất công, chẳng hạn như luật cho phép phá thai hoặc trợ tử, thì không bao giờ được phép tuân theo luật đó, hoặc 'tham gia vào một chiến dịch tuyên truyền ủng hộ một luật như vậy hoặc bỏ phiếu cho nó.'“

Dưới thời của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, là tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin vào thời điểm đó đã gởi một lá thư cho Tổng Giám Mục của Tổng Giáo Phận Washington vào năm 2004, đặc biệt phác thảo các chính sách nhằm xác định một chính trị gia Công Giáo có đủ điều kiện để Rước lễ hay không.

“Về tội trọng của việc phá thai hoặc trợ tử, khi sự hợp tác chính thức của một người trở nên rõ ràng, được hiểu là, trong trường hợp của một chính trị gia Công Giáo, liên tục vận động và bỏ phiếu cho luật phá thai và trợ tử, vị linh mục của người ấy nên gặp ông ta, hướng dẫn ông ta về giáo huấn của Giáo Hội, thông báo cho ông ta rằng ông ta không được lên rước lễ cho đến khi ông ta chấm dứt tình hình tội lỗi khách quan của mình, và cảnh báo ông ta rằng ông ta sẽ bị từ chối không cho chịu lễ, ” vị Giáo Hoàng tương lai Bênêđíctô thứ 16 viết.

Đức Hồng Y Ratzinger nói nếu chính trị gia vẫn “cố chấp” trong việc cố gắng rước lễ bất chấp hành vi ủng hộ phá thai, cần phải ra một thông báo khẳng định đương sự đã bị vạ tuyệt thông.

Trang web của Biden hiện tuyên bố rằng “Biden sẽ làm việc để hệ thống hóa phán quyết Roe kiện Wade, và Bộ Tư pháp của ông ta sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để ngăn chặn việc các tiểu bang ban hành các luật lệ vi phạm trắng trợn phán quyết Roe kiện Wade.”

Bài phát biểu ở Pittsburgh của Biden đã thu hút sự chỉ trích từ một số người Công Giáo, những người ghi nhận lập trường chính sách đã nêu của ông ta mâu thuẫn với cả giáo huấn của Giáo hội và văn bản của Thánh Gioan Phaolô II.

Trong một chuyên mục được xuất bản trên tờ National Review, Kathryn Jean Lopez đã kêu gọi Biden “ tha cho chúng tôi” đừng tiếp tục đề cập đến các vị Giáo Hoàng cho đến khi ông ta sẵn sàng chấp nhận “Tin Mừng sự sống”.

“Tôi rất đau buồn khi nghe Joe Biden nói theo cách này bởi vì ông ta biết rõ sự thật hơn ai hết, ” Lopez nói. “Đừng sử dụng đức tin Công Giáo để thúc đẩy chương trình nghị sự phá thai đó là sự thối rửa bại hoại tận cốt lõi và là một phần trong những lý do khiến chúng ta ra nông nỗi hôm nay, quá nhiều đau khổ và bạo lực và thường xuyên là những thứ vô nghĩa, ” bà nói.

“Phá thai đối lập với chăm sóc sức khỏe, đối lập với tình yêu, đối lập với cuộc sống.”

Marjorie Dannfelser, chủ tịch của Susan B. Anthony List, chủ tịch của phong trào Pro-Life Voices, nghĩa là Tiếng nói ủng hộ cuộc sống, cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Hai:

“Joe Biden có thể cố gắng thu hút những người Mỹ theo đạo, đặc biệt là người Công Giáo, bằng cách trích dẫn kinh thánh và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ” cô nói. “Nhưng điều này không làm thay đổi được thực tế là các quan điểm cực đoan về chính sách ủng hộ phá thai của ông ấy đang xúc phạm sâu sắc đến đức tin và lương tâm của người Mỹ.”

“Việc tuyên bố là một người Công Giáo sùng đạo trong khi ủng hộ các chính sách cấp tiến, không được lòng dân sâu sắc là điều không thành thật. Những người Mỹ yêu cuộc sống của mọi niềm tin sẽ không bị lừa.”


Source:Catholic News Agency
 
Dân chúng Cremona căm phẫn nhóm thờ Satan đập phá thánh giá tưởng niệm nạn nhân chết vì coronavirus
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:34 05/09/2020


1. Nhóm thờ Satan đập nát một tượng Chúa chịu nạn tại Cremona

Cremona là một thành phố cách Milan 93km về phía Đông Nam. Trong số 10 thành phố chịu tử vong nặng nề nhất trong vùng Bắc Ý, Cremona được xếp thứ tư. Trong thời gian cao điểm COVID-19, tình trạng dịch bệnh tại thành phố Cremona nghiêm trọng đến mức các bệnh viện như bệnh viện Maggiore này phải dựng một cái lều lớn bên ngoài tòa nhà chính của mình.

Bên cạnh đó, chính quyền còn phải trưng dụng các trực thăng của không quân Italia để di chuyển các bệnh nhân đến bệnh viện.

Đức Cha Antonio Napolioni, Giám Mục Cremona, cũng là Giám Mục Ý đầu tiên nhiễm coronavirus.

Hôm 15 tháng 8, lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, một bức tượng Chúa chịu nạn bằng đá đã được dân chúng dựng lên gần một bệnh viện nhìn ra một nghĩa trang nơi chôn cất đông đảo những người quá cố để người dân có thể đến đây cầu nguyện.

Chỉ hai tuần sau đó, hôm 29 tháng 8, một bọn thờ Satan đã đánh sập bức tượng bằng đá và để lại một mảnh bìa cứng ký tên “Satan”.

Bức tượng Chúa chịu nạn này được nghệ sĩ Mario Spadari điêu khắc và được đặt tại công viên Lungo Po ở Cremona, phía trước công ty cho mướn thuyền chèo Flora.

Pierluigi Sforza, chỉ huy cảnh sát địa phương cho biết:

“Chúng tôi đang xem các phim từ các camera giám sát trong khu vực để tìm ra dấu vết của những kẻ theo giáo phái thờ Satan là đối tượng bị nghi ngờ nhiều nhất. Tại chỗ, chúng tôi tìm thấy những viên đá dùng để tấn công tác phẩm điêu khắc này và mảnh bìa cứng có khắc chữ Satan trên đó, được viết một cách nghuệch ngoạc”.

Cử chỉ này đã khơi dậy sự phẫn nộ của toàn thành phố và sự lên án cứng rắn từ thị trưởng Gianluca Galimberti: “Đó là một cử chỉ ngu ngốc và vô tri. Bức tượng là một lưu niệm để chúng ta nhớ đến những người đã chết, đồng thời là biểu tượng của niềm hy vọng cho tương lai. Trong vài ngày tới chúng tôi sẽ cùng với các nghệ nhân đánh giá khả năng sửa chữa về mặt kỹ thuật và suy nghĩ về địa điểm mới cho tác phẩm này.”

Đức Cha Antonio Napolioni, Giám Mục Cremona, đã trình bày những suy nghĩ của mình về vấn đề này vào một bức thư ngỏ trong đó ngài nói thẳng với kẻ gây ra hành động phá hoại này: “Tôi cầu nguyện cho bạn. Dù bạn là ai: giận dữ, ngu dốt, thất vọng, tan rã, say rượu., kiêu ngạo, điên khùng thế nào, bạn vẫn là anh em của tôi. Bạn là con cái của Chúa chứ không phải là con cái của kẻ mà bạn đã ký tên”.

2. Đức Thánh Cha sắp công bố thông điệp về tình huynh đệ nhân loại

Đức Cha Domenico Pompili, Giám Mục giáo phận Rieti, ở mạn bắc Roma, tiết lộ rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sắp công bố thông điệp mới về tình huynh đệ nhân loại.

Hãng tin Zenith, truyền đi ngày 27 tháng 8 năm 2020, cho biết Ðức Cha Pompili đã tuyên bố như trên, hôm 26 tháng 8 năm 2020, trong buổi ký kết hiệp định thành lập Ủy ban chuẩn bị kỷ niệm 800 năm ban hành tu luật Phanxicô và lập hang đá sống tại Greccio (1223-2033).

Tình huynh đệ nhân loại là một đề tài rất được Đức Thánh Cha Phanxicô quan tâm. Ðây cũng là chủ đề của Hiệp định lịch sử ngài ký kết với Ðại Imam Mohammad Al-Tayyeb của Ðại học Al-Azhar ngày 4 tháng 2 năm 2019, tại Abu Dhabi về “tình huynh đệ nhân loại phục vụ hòa bình thế giới và sự sống chung”. Sau đó, hồi tháng Chín năm ngoái, một “Ủy ban cấp cao” đã được thành lập để ứng dụng hiệp định này.

Nếu tin của Ðức Cha Pompili được xác nhận thì đây sẽ là thông điệp thứ ba của Ðức Thánh cha Phanxicô, sau Thông điệp “Lumen Fidei” viết chung với Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 và được công bố năm 2013, tiếp đến là Thông điệp Laudato sì năm 2015, về việc bảo vệ trái đất như căn nhà chung của nhân loại, trong một nền sinh thái toàn diện.

3. Nhà thờ chính tòa Nantes sẽ được mở lại một phần vào năm 2021.

Như chúng tôi đã đưa tin, lúc 7 giờ 45 sáng ngày 18 tháng 7, những người qua lại thấy lửa cháy dữ dội tại nhà thờ chính tòa Nantes /non-ts/ liền báo động. Đám cháy đã tiêu hủy hoàn toàn dàn đại phong cầm 5, 500 ống và bức danh họa của Hippolyte Flandrin có từ thế kỷ 19.

Một tuần lễ sau hỏa hoạn tại nhà thờ chính tòa Nantes, một người thiện nguyện tên là Emmanuel 39 tuổi, gốc Rwanda ở miền đông châu Phi, đã thú nhận là thủ phạm, và đã bị tống giam với tội danh phá hủy công trình kiến trú bằng hỏa hoạn.

Người thanh niên gốc Phi châu có nhiệm vụ đóng cửa ngôi thánh đường trước ngày xảy ra hỏa hoạn. Người Rwanda này nhập cư nước Pháp cách nay vài năm, không có giấy tờ và đã có lệnh trục xuất. Theo linh mục Hubert Champenois, cha sở nhà thờ chính tòa, thủ phạm có nhiệm vụ mỗi ngày mở và đóng cửa nhà thờ.

Sáng 25 tháng 7, nghi phạm đã trình diện tại biện lý cuộc Nantes, sau khi thú nhận tội lỗi đã bị tống giam. Trong lời khai với cảnh sát, anh ta cho biết đã hành động vì bất mãn do không được gia hạn giấy phép cư trú.

Cuộc điều tra kết luận có ba nơi khác nhau xuất phát hỏa hoạn tại nhà thờ chính tòa hai thánh Phêrô và Phaolô : dàn đại phong cầm ở tầng 1, sau đó là hai địa điểm khác để nghi phạm có đủ thời gian di chuyển.

Giáo phận Nantes vừa cho biết ngôi nhà thờ chính tòa này sẽ được mở lại một phần vào tháng Bảy năm 2021.

Báo Ouest-France, số ra ngày 26 tháng 8 năm 2020, cho biết ông tỉnh trưởng Didier Martin đã viếng thăm nhà thờ chính tòa này, và hiện nay công trình thanh tẩy đang được tiến hành và có thể kéo dài suốt tháng Chín năm 2020.

Nhà thờ chính tòa Nantes, được xây cất trong khoảng thời gian từ 1434 đến 1891, theo kiểu Gotich.

Bên trong thánh đường bị ô nhiễm cao độ vì chì chảy ra. Theo các chuyên gia, thật là may mắn vì kính màu lịch sử của thánh đường này không bị phá hủy. Phí tổn và thời gian tu bổ thánh đường này sẽ được xác định trong vòng hai tháng tới đây.

Cha Francois Renaud, nguyên Giám quản giáo phận Nantes cho biết, phần lớn phí tổn tái thiết nhà thờ chính tòa sẽ do chính phủ Pháp chịu, vì nhà nước là sở hữu chủ của thánh đường. Tuy nhiên, giáo phận sẽ chịu phí tổn thay thế các ghế trong nhà thờ và tìm kiếm ân nhân để kiến tạo đàn phong cầm mới.