BÀI ĐỌC 1 Kn 9,13-18
Bài trích sách Khôn ngoan.
Lạy Chúa, nào có ai biết được ý định của Thiên Chúa?
Nào có ai hiểu được Đức Chúa muốn điều chi?
Chúng con vốn là loài phải chết, tư tưởng không sâu, lý luận không vững.
Quả vậy, thân xác dễ hư nát này khiến linh hồn ra nặng, cái vỏ bằng đất này làm tinh thần trĩu xuống vì lo nghĩ trăm bề.
Những gì thuộc hạ giới, chúng con đã khó mà hình dung nổi, những điều vừa tầm tay, đã phải nhọc công mới khám phá được, thì những gì thuộc thượng giới, có ai dò thấu nổi hay chăng?
Ý định của Chúa, nào ai biết được, nếu tự chốn cao vời, chính Ngài chẳng ban Đức Khôn Ngoan, chẳng gửi thần khí thánh?
Chính vì thế mà đường lối người phàm được sửa lại cho thẳng, cũng vì thế mà con người được dạy cho biết những điều đẹp lòng Ngài, và nhờ Đức Khôn Ngoan mà được cứu độ.
Đó là Lời Chúa.
BÀI ĐỌC 2 Plm 9b-10,12-17
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi ông Phi-lê-môn.
Anh Phi-lê-môn thân mến, tôi, Phao-lô, một người đã già và hơn nữa, một người đang bị tù vì Đức Ki-tô Giê-su, tôi van xin anh cho đứa con của tôi, đứa con tôi đã sinh ra trong cảnh xiềng xích, đó là Ô-nê-xi-mô, tôi xin gửi nó về cho anh; xin anh hãy đón nhận nó như người ruột thịt của tôi.
Phần tôi, tôi cũng muốn giữ nó ở lại với tôi, để nó thay anh mà phục vụ tôi trong khi tôi bị xiềng xích vì Tin Mừng. Nhưng tôi chẳng muốn làm gì mà không có sự chấp thuận của anh, kẻo việc nghĩa anh làm có vẻ miễn cưỡng, chứ không phải tự nguyện.
Nó đã xa anh một thời gian, có lẽ chính là để anh được lại nó vĩnh viễn, không phải được lại một người nô lệ, nhưng thay vì một người nô lệ, thì được một người anh em rất thân mến; đối với tôi đã vậy, phương chi đối với anh lại càng thân mến hơn biết mấy, cả về tình người cũng như về tình anh em trong Chúa.
Vậy, nếu anh coi tôi là bạn đồng đạo, thì xin anh hãy đón nhận nó như đón nhận chính tôi.
Đó là Lời Chúa.
TUNG HÔ TIN MỪNG Tv 118:135
Alleluia. Alleluia. Alleluia.
Xin toả ánh tôn nhan rạng ngời trên tôi tớ Chúa, thánh chỉ Ngài, xin dạy bề tôi.
Alleluia. Alleluia. Alleluia.
TIN MỪNG Lc 14:25-33
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.
Khi ấy, có rất đông người cùng đi đường với Đức Giê-su. Người quay lại bảo họ:
“Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.
Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có hoàn thành nổi không? Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi, lại không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chế diễu mà bảo: ‘Anh ta đã khởi công xây, nhưng chẳng có sức làm cho xong việc.’ Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng? Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà. Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.”
Đó là Lời Chúa.
THIÊN CHÚA - ƯU TIÊN TRÊN MỌI ƯU TIÊN
CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN NĂM C
Trong Thánh Kinh, từ Cựu ước đến Tân ước, không thiếu những lời dạy về nhiệm vụ phải thờ cha kính mẹ. Chẳng hạn:
- "Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu ngươi được sống lâu trên đất, mà Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi ban cho" (Xh 20, 12).
- "Hãy hiếu kính cha mẹ; Ai nguyền rủa cha mẹ, phải bị xử tử" (Mt 15, 4).
- "Hỡi những người làm con, hãy vâng lời cha mẹ mình trong Chúa, vì đây là điều phải lẽ. Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi; ấy là điều răn thứ nhất, có kèm theo lời hứa" (Êph 6,1-2).
- "Hỡi những người làm con, hãy vâng phục cha mẹ trong mọi sự, vì điều nầy đẹp lòng Chúa". (Cl 3, 20).
Đặc biệt, trong Thập điều, thì điều thứ IV, thảo kính cha mẹ, chỉ đứng sau ba điều dành cho Thiên Chúa và đứng đầu bảy điều còn lại dành cho con người.
Thế mà hôm nay Chúa Giêsu lại dạy: "Ai đến với Ta mà không từ bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em, và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta được". Vậy Chúa có đi ngược với chính mạc khải của mình không?
I. GƯƠNG CỦA CHÚA GIÊSU.
Chúa không dạy chúng ta bằng lời suông. Trước tất cả mọi lời dạy, Chúa đã thực hiện hành vi từ bỏ. Chúa từ bỏ trời cao để nên một với loài người, trở thành "Emmanuel - Thiên Chúa ở cùng chúng ta". Chúa chính là "Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta" (Mt 1, 23). Với sự từ bỏ hoàn toàn như thế, Chúa thật sự là người như chính chúng ta là người, trừ ra tội lỗi.
Chọn lựa "trở nên người phàm" của Chúa Giêsu là chọn lựa mãi mãi không thay đổi. Ðó cũng là chọn lựa tuân hành thánh ý Thiên Chúa. Ngài đã sống một cuộc đời cho điều đã chọn lựa, và dấn thân trọn vẹn cho chọn lựa ấy: Chúa Kitô đã "nên giống anh em mình về mọi phương diện" (Dt 2, 17).
Hay "Ðức Giêsu Kitô vốn vĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Ngài lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự" (Phil 2,6-8).
Không chỉ làm người, sự từ bỏ vừa hoàn toàn, vừa dứt khoát, vừa mạnh mẽ ấy còn được thể hiện rõ nét qua việc Chúa tự nguyện sống nghèo khổ, tự nguyện nhận lấy tội lỗi của nhân loại, tự nguyện chết thay cho nhân loại. Chúa còn ban thần lương là chính Thịt Máu Chúa làm của ăn cho linh hồn ta.
Tắt một lời, vì loài người, Chúa đi đến cùng của sự từ bỏ và chấp nhận thánh ý Chúa Cha, chấp nhận thiệt thòi cho bản thân để loài người đạt tới sự sống mà Chúa Cha thương ban.
II. KHÔNG CÓ ĐỐI TƯỢNG NÀO BẰNG CHÚA.
Từ ngàn xưa, trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã đòi hỏi: "Phải thờ phượng và kính mến Chúa trên hết mọi sự" (Mười Điều răn). Trong nhóm từ "Trên Hết mọi sự", đủ cho thấy Thiên Chúa đứng trên đỉnh của tất cả. Ngoài Chúa, không có bất cứ ai, bất cứ điều gì đứng chung hàng ngũ với Ngài.
Gia đình, tình yêu ruột thịt vốn là những thực tại quý, bất khả so sánh đối với mọi thứ tình cảm trong trần thế, nhưng vẫn đứng sau Thiên Chúa. Chỉ một mình Chúa là Đấng Tuyệt Đối. Chỉ một mình Chúa là đối tượng duy nhất ta phải chọn lựa. Chỉ một mình Chúa là đối tượng duy nhất để ta hy sinh mọi thứ trong đời. Chỉ một mình Chúa là động cơ duy nhất để ta dâng hiến chính mình.
Hiểu vị trí của Chúa, nhiều anh chị em can đảm dấn thân sống đời tận hiến; nhiều vị tử đạo dám chia lìa gia đình đổ máu làm chứng cho Chúa; nhiều bậc giàu sang, quý phái đánh đổi để chọn Chúa làm lẽ sống; nhiều anh chị em thành công tột bậc tự tước bỏ mọi thứ để nép mình vào lòng Chúa thương xót...
Chúa phải đứng hàng đầu, phải ở vị trí trung tâm của toàn bộ cuộc sống, sự suy nghĩ, mọi tương quan, mọi hành động của con người.
Chúa là nền tảng của toàn nhân loại. Chỉ có Chúa là sự thúc bách dành cho ta trong mọi quyết định, mọi hướng đi của đời mình. Chỉ một mình Chúa là lý do khiến ta hoạch định đích đến cho lẽ sống của mình.
III. CẦN HIỂU Ý NGHĨA CỦA "TỪ BỎ".
Khi dạy từ bỏ "cha mẹ, vợ con anh em, chị em, và cả mạng sống", Chúa không cho phép thù ghét, truất phế hay loại trừ những tình cảm căn bản ấy. Đúng hơn, khi mời gọi "hãy từ bỏ", Chúa sử dụng kiểu nói mạnh để làm nổi bật vị trí của Chúa trong mọi tương quan của nhân loại, giúp ta hiểu rằng, Chúa là nguồn cội, là đỉnh điểm của mọi tình cảm, mọi tương quan trong cuộc đời.
Chẳng những không được phép xem thường những tương quan thiêng liêng (gia đình, mạng sống), ngược lại, ta phải nuôi dưỡng và đến với tất cả những tình cảm trên xuyên qua tình yêu tuyệt đối mà mình dành cho Thiên Chúa.
Có những trường hợp cụ thể người ta đành bỏ người thân, bản thân vì Nước Chúa. Chính Chúa Giêsu đã bỏ tình cảm dành cho Đức Mẹ, cho chính gia đình của Ngài để chấp nhận chết cho sự cứu rỗi của loài người.
Từ bỏ không phải là không quí những điều phải bỏ lại, nhưng là đặt chúng phía sau hay bên dưới điều mà mình chọn. Ta không loại trừ điều mà mình buộc phải từ bỏ - cho một lý tưởng khác quan trọng hơn - như cắt bỏ khối u. Nhưng vì điều buộc phải bỏ lại không quí bằng lý tưởng mà mình đã chọn để theo.
Người theo Chúa là người ưu tiên chọn Chúa trên hết, xem Chúa là quan trọng hơn cả. Dù mạng sống và người thân đều rất quý, nhưng một khi theo Chúa, họ nhìn thấy trong tình yêu dành cho Chúa có cả tình yêu lớn lao mà họ dành cho người thân, cho gia đình của họ.
(Suy niệm Chúa nhật 23 thường niên C)
Khi ấy “ có rất nhiều người đi đường với Chúa Giê-su”: họ đang cùng với Chúa Giê-su “tiến lên Giêrusalem”. Nhưng có lẽ họ cho rằng đây là một sự tiến lên để giành chiến thắng theo kiểu trần gian, theo nghĩa chính trị. Để xoá tan hiểu làm này, Chúa Giê-su đã nói: “Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta.” (Lc 14, 26-27)
Tại sao đến với Chúa, tôi phải chấp nhận từ bỏ mọi sự?
Dành ưu tiên trên hết là Chúa: Chúa là Đấng Sáng Tạo, là Chủ muôn loài muôn vật, là Đấng quyền năng, Đấng có quyền trên sự sống của con người,…Cha mẹ, anh chị em, ngay cả mạng sống của chúng ta đều là bởi Chúa. Chúng ta không phải hiểu theo nghĩa đen là loại trừ Cha mẹ, anh chị em và cả mạng sống, nếu hiểu như vậy thì chúng ta mâu thuận với điều răn thứ 4: Thảo kính Cha mẹ, là điều mà Chúa đã dạy chúng ta. Và nếu chúng ta loại trừ, dứt bỏ anh chị em, phải chăng chúng ta đang đi ngược với Tin mừng là hãy yêu thương tha nhân như chính mình? Như vậy, Chúa Giê-su nói: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ Cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống mình nữa,…” có nghĩa là Ngài muốn mọi người phải biết dành ưu tiên vị trí Chúa là trên hết mọi sự, kể cả Cha mẹ, vợ con, anh chị em và ngay cả mạng sống. Một sự ưu tiên đem lại ơn cứu độ cho con người. Một sự hướng thượng đem lại bình an và hạnh phúc đích thực và đời đời.
Lời mời gọi từ bỏ hết những gì mình có để xứng đáng làm môn đệ của Đức Giê-su, Đấng cứu độ duy nhất là lời mời gọi thiết thực và quan trọng đối với tất cả mọi người và cho tất cả mọi người. Làm môn đệ hay trở nên bạn chí cốt của Đức Giê-su cần chấp nhận từ bỏ những rườm rà, những dính bén không mấy tốt đẹp từ xác thịt, từ thế gian và từ những cám dỗ của ma quỷ. Và ngay cả những gì thân thuộc nhất đối với ta, là cha mẹ, vợ con, chồng con, anh chị em và cả mạng sống cũng phải nhường chỗ cho sự sống đời đời hay cho giá trị cao quý là được nhận biết và ở lại với Đức Giê-su, là nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Hơn nữa, cách triệt đế nhất để trở nên môn đệ của Đức Giê-su là phải vác thập giá mỗi ngày, nghĩa là phải chấp nhận chết đi mỗi ngày và luôn luôn những ý riêng, những ước muốn tội lỗi và những thói đời xấu xa nơi bản thân mình. Chúng ta có thể làm được không? Theo John Newton “những khổ sở mà đời chúng ta phải chịu cũng giống như một bó củi rất to và rất nặng. Chắc chắn chúng ta vác không nổi. Nhưng Thiên Chúa đã thương tháo dây bó củi đó ra, rồi chia nó ra để mỗi ngày chỉ chất lên vai ta một khúc thôi. Hôm sau một khúc nữa, và hôm sau tiếp tục…Cuối cùng ta cũng vác xong hết bó củi. Nhiều người lại không làm như thế: chẳng những họ chất lên vai khúc củi của hôm nay mà còn thêm vào đó khúc củi của hôm qua và khúc củi của ngày mai. Lạ gì họ không vác nổi!”
Quả thật, đi theo Chúa là một quyết định dứt khoát và liên tục, để làm được điều đó mỗi người cần phải suy nghĩ kỹ càng và chuẩn bị mọi hành trang nhằm lên đường bước theo Đức Giê-su. Ngang qua hai dụ ngôn xây tháp và dụ ngôn về một vị vua định giao chiến với vị vua khác. Hai dụ ngôn có những nét giống nhau. Chúng đều nói đến chuyện một người muốn làm một khó khăn và quan trọng (xây tháp hay giao chiến). Hai người này đều “trước tiên ngồi xuống” để suy nghĩ xem mình có thể hoàn thành được việc này không, có đủ tiền để xây tháp hay đủ sức để đương đầu quân địch không. Họ sẽ bị chế giễu nếu để công trình xây tháp dang dở, hay sợ bị thua vì quân địch đông hơn. Cũng thế, nếu biết theo Chúa Giê-su phải chấp nhận từ bỏ tất cả, thì trước khi theo phải tính toán cho kỹ lượng.
Tôi đang theo Chúa Giê-su trong mức độ nào? Tôi đã thật sự dám can đảm từ bỏ những quyến luyến, những tương quan thân thiện nơi gia đình là cha mẹ, vợ, chồng, con cái, anh chị em và cả mạng sống tôi để chọn Chúa là giá trị cao cả nhất chưa? Chúa có phải là giá trị đời để tôi bỏ sự để theo bước không? Nếu chưa làm được những điều trên, hôm nay Chúa Giê-su mời gọi tôi “ai muốn theo Ngài, làm môn đệ Chúa Giê-su thì phải yêu mến Ngài hơn tất cả những gì mình tha thiết nhất”.
Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
Gần đây ở Việt Nam rộ lên phong trào “chất lượng cao”, từ sản phẩm và dịch vụ trên thị trường nội địa cho đến các mặt hàng xuất khẩu, lan qua cả các khu vực tinh thần là giáo dục và văn hoá. Nào là “xe chất lượng cao”, “khách sạn chất lượng cao” “phở chất lượng cao”,“lớp Anh ngữ chất lượng cao.” Loại bỏ ý nghĩa dư luận đàm tiếu về chất lượng cao, nhất là xe chất lượng cao (được đọc trệch là “xe chất thật cao,” “hàng chất thật cao”…), ta thấy cuộc sống ngày càng đòi hỏi phải có chất lượng cao. Từ sản phẩm, văn hoá, nghệ thuật, giáo dục… cho đến con người cần đạt chất lượng và có giá trị.
Có thể dùng cụm từ “chất lượng cao”(*) để suy niệm bài Tin mừng hôm nay.
Chúa Giêsu tuyển chọn môn đệ “chất lượng cao” với hai đòi hỏi : từ bỏ và vác thập giá, trong đó đòi hỏi từ bỏ thật hết nước nói : “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được”. Và cuối cùng, sau khi kể hai ví dụ về “người xây tháp” và “vua gây chiến” (một người xây tháp trước khi xây phải tính toán kỹ để chọn lựa quyết định có nên xây hay không. Một ông vua trước khi đi giao chiến cũng phải tính toán kỹ để chọn lựa có nên giao chiến hay không), Chúa lại kết bằng một câu : Vậy ai không từ bỏ tất cả những gì mình có, thì không đáng làm môn đệ ta, một người môn đệ “chất lượng cao.”
Vậy là trong một đoạn ngắn, mà có tới ba lần điệp khúc “không thể làm môn đệ tôi” : 2 lần cho từ bỏ, và 1 lần cho vác thánh giá.
Ta chỉ dừng lại điều kiện “từ bỏ,” vì một nghĩa nào đó, từ bỏ cũng là một cách vác thập giá chứ chẳng chơi !
Ta đề cập tới “từ bỏ” để làm người môn đệ chất lượng cao, là bởi vì những gì mà Chúa đòi từ bỏ quả là oái ăm, nếu không nói là bất hiếu, vô lý, và vô nghĩa. “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.”
Chúng ta không nên hiểu lời Chúa Giêsu theo một nghĩa đen lạnh lùng, thiếu óc tưởng tượng. Ngôn ngữ Đông Phương bao giờ cũng sinh động tới độ cao nhất của trí khôn loài người. Khi Chúa Giêsu bảo chúng ta phải ghét những kẻ gần gũi và thân thiết với mình là Ngài không có ý nói theo nghĩa đen. Ngài chỉ muốn nói rằng không có tình yêu nào trên đời này có thể so sánh với tình yêu mà chúng ta phải có đối với Ngài được. Có một chân lý nổi bật trong đoạn này :
Có thể là người theo Chúa Giê-su mà vẫn không phải là môn đệ của Ngài; có thể là kẻ theo trại quân mà vẫn không phải lính của vua; có thể là kẻ bám víu vào một đại sự mà vẫn không dấn thân gì cả. Có người nói với một giáo sư về một chàng thanh niên rằng : "Anh ta nói với tôi rằng anh ta là học trò của ông." Vị giáo sư thẳng thắn trả lời : "Anh ta có thể đã ngồi trong lớp học của tôi, nhưng không phải là một trong số các học trò của tôi." Có sự khác biệt giữa một người trong lớp và thực sự làm học trò. Thật rất đáng buồn cho Hội Thánh khi trong Hội Thánh có quá nhiều kẻ theo Chúa cách xa xa và có quá ít người thực sự là môn đệ Chúa.
Những lời Chúa phán thật đáng ngạc nhiên, đến độ nghe chói tai nữa. Thế nhưng nó chỉ có ý diễn tả một điều : tình yêu Chúa phải chiếm chỗ nhất trong trái tim ta, và ta phải gỡ bỏ tất cả những gì cản trở tình yêu ấy. Thánh Grêgoriô Cả (mà ta mừng lễ hôm 3-9 mới đây) giải thích câu "khó nghe" này, ngài viết : "Ở đời này hãy yêu tất cả, kể cả kẻ thù, nhưng ta phải ghét những ai ngăn cản ta trên bước đường dẫn tới Chúa, dầu đó là người thân. Như vậy ta phải yêu người lân cận, phải có lòng bác ái đối với tất cả, với kẻ gần và người xa, nhưng không được vì yêu họ mà ta xa tình yêu Chúa." Dứt khoát là phải giữ bậc thang giá trị trong tình yêu : Chúa trên hết.
Năm 1960, Gale Sayer là cầu thủ bóng chày chạy nhanh nhất của đội banh Chicago Bear, nhưng trên cổ anh luôn mang một mề đai ghi hàng chữ, “tôi ở hạng ba.” Đó cũng là tựa đề cuốn tiểu sử của anh, bán khá chạy. Trong đó anh giải thích tại sao anh chọn câu đó làm lẽ sống, vì đối với anh : Chúa là hạng nhất, tha nhân hạng nhì, còn anh hạng ba. Và anh quyết định, hằng ngày anh cố sống câu đó. Không hẳn lúc nào cũng thành công, nhưng nó giúp anh không đi trệch đường.
Chúa là trên hết, Chúa là hạng nhất, là ưu tiên một, tha nhân là ưu tiên hai, bản thân là hạng ba. Nếu cả hạng hai và hạng ba trợ giúp tôi để tiến tới Chúa là hạng nhất, thì có cớ gì phải bỏ. Nếu nó là vật cản, sẵn sàng từ bỏ để theo tiếng gọi của Chúa : “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được”.
Hẳn chúng ta cũng đã từng được nghe chuyện các vị thánh, và cả các vị “thường” muốn theo Chúa, mà mẹ cha cản ngăn, nên đã thà bất hiếu mà trở thành môn đệ chất lượng cao của Chúa. Chúa dùng thẳng chữ “ghét.”
Nhưng cũng rất nhiều, và chắc chắn nhiều hơn trường hợp trên, mẹ cha, anh em là đà đẩy, -chứ không phải kỳ đà cản mũi- đà đẩy đưa mình đi theo tiếng Chúa gọi. Lúc đó cha mẹ anh em là trợ lực, chứ chẳng phải trở lực. Những trường hợp đó thì đâu cần ghét mẹ cha, mà là thương, vì mẹ cha, người thân là bậc cho mình bước lên đi đến với Chúa với tư cách là người môn đệ chất lượng cao.
Trong tác phẩm “Người nghèo của Thiên Chúa,” Nikos Kazanzakis đã dệt nên mẩu chuyện này về Phanxicô :
Một bạn học từ thủa thanh xuân đi về làng quê, tình cờ gặp lại Phanxicô trong vóc dáng bơ phờ tả tơi. Anh nhận mãi mới ra bạn xưa, nên chạy tới ôm chồm Phanxicô và hỏi :
-Ai khiến anh ra nông nổi này?
-Chúa đã làm giúp tôi
-Bao nhiêu đồ sang trọng của anh, bao nhiêu áo quần đẹp đẽ của anh, cả cái lông chim đỏ gắn trên mũ của anh thủa nào, sao mất hết rồi, cả cái nhẫn kim cương nữa, sao không thấy?
-Satan cho tôi, tôi trả lại nó rồi
Người bạn dang xa, nhìn kỹ Phanxicô hào hoa xưa, nay như thế, mũ không, giày dép cũng không, nên rơi lệ hỏi :
-Bạn, bạn từ đâu đến vậy?
-Từ một thế giới khác !
Môn đệ chất lượng cao phải vất bỏ hết như thế đó. Nhưng nếu có ai sợ hãi trước tất cả những đòi hỏi ấy thì nên nhớ rằng mình không phải chiến đấu cô đơn đâu, Đấng đã kêu gọi chúng ta vào con đường hẹp, sẽ đi cùng chúng ta trên con đường đó, và Ngài sẽ ở cùng cuối đường để đón tiếp chúng ta, nếu chúng ta muốn làm môn đệ chất lượng cao của Chúa tối cao.
Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
(theo gợi ý từ Lm Ngọc Hàm và Lm Hữu An)
_______________________________
(*) thực ra phải nói là “phẩm chất cao” vì “lượng” thì cân đo đong đếm được. Không thể dùng “lượng” để chỉ “phẩm” là cái không cân đo đong đếm được. “Chất lượng cao” là kiểu nói thô thiển, nhưng vì quá quen, nên tạm dùng.
(Chúa Nhật 23 TN C 2022)
Thánh Giá của đạo Kitô có điều gì tích cực cho con người, cho các dân tộc, cho thế giới...?
Thưa có !
- Nhờ đón nhận “thánh giá đời nhau” trong nghi lễ Hôn Phối mà suốt mấy trăm năm qua, quê hương Siroki-Brijeg, một thị tứ ở Bosnia-Herzegovina, cho đến nay vẫn là nơi duy nhất trên thế giới có tỷ lệ ly dị là 0%.
- Nhờ có “Đồi Thánh Giá”, một biểu tượng của niềm hy vọng, sức đỡ nâng và niềm an ủi tuyệt vời đã giúp dân tộc nhỏ bé Lithuania (Litva) vượt qua bao tháng năm dài của bách hại, đọa đầy và đau khổ, để giữ vững độc lập dân tộc và tự do dân chủ và niềm tin cho tới mãi hôm nay.
- Nhờ Thánh Giá treo Đấng Cứu Độ là Chúa Giêsu trên Đồi Sọ gần Giêrusalem của hai ngàn năm trước; rồi tiếp theo là những thánh giá tử đạo trên khắp năm châu, mà thế giới hôm nay có được một phần ba nhân loại nhận biết Tin Mừng, nhận biết giá trị của tình yêu xả thân và tự hiến.
- Nhờ Thánh Giá mà suốt hai ngàn năm lữ hành trên dương thế, đã có biết bao con người, từ những người rất trẻ, như cô thiếu nữ Goretti can đảm đón nhận 14 nhát dao để bảo vệ sự trinh khiết và tha thứ cho kẻ hại mình; như chàng thanh niên Anrê Phú Yên vui tươi đón nhận 3 nhát đâm và 2 lát chém để “lấy tình yêu đáp trả tình yêu, lấy mạng sống đáp đền mạng sống”; như linh mục Maximilien Kolbe sẵn sàng bị bỏ đói và tiêm mũi thuốc độc để chết thay cho một bạn tù thời đệ nhị thế chiến...
Trong một thế giới mà cái hào quang loè loẹt của quyền lực, sự giàu sang, tiến bộ khoa học, kỹ thuật, kinh tế... đang lên ngôi bá chủ và “phủ sóng” mọi ngỏ ngách cuộc sống, người ta bị đánh lừa rằng: thánh giá Chúa Kitô đã lỗi thời, con đường thập giá của Tin Mừng đã mất dấu, đã trở nên “cung đàn lạc điệu”.
Không, thập giá vẫn còn nguyên trong nỗi đau hy sinh thầm lặng của người vợ âm thầm tận tuỵ chăm sóc người chồng bị nhiễm HIV với tất cả tình yêu chung thuỷ; của người chồng sớm hôm trung thành yêu thương lo lắng săn sóc người vợ bại liệt mỗi phút mỗi giây mà không một lời than van nan trách; của biết bao người cha, người mẹ buôn gánh bán bưng, mưa nắng dãi dầu chịu thương chịu khó để nuôi con ăn học và dạy con nên người...
Trong những tháng năm thế giới bị đại dịch Covid tàn phá kinh hoàng, người ta lại thấy sáng lên ảnh hình thập giá nơi những con người vĩ đại như bác sĩ Lý Văn Lượng, như các y bác sĩ liều chết chấp nhận mọi thương đau khổ cực ở tuyến đầu vì sự sống cho anh chị em; như các linh mục, nữ tu và bao nhiêu thanh niên thiếu nữ thiện nguyện, dám đương đầu với cả tử thần và bao nhiêu “thập giá của thiếu ăn, thiếu ngủ, thiếu các điều kiện bảo vệ an toàn...” vì sự sống và hạnh phúc của tha nhân...
Và như thế, đề nghị xem ra “lạ thường” hay “lập dị” của Đức Kitô ngày nào mà Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay nhắc lại, luôn mang giá trị tích cực và cần thiết cho thế giới cho mỗi người chúng ta hôm nay: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được… Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14,27).
Như vậy, thật rõ ràng, trong nhãn quan Kitô giáo, hai động tác “từ bỏ” và “vác thập giá” chính là hai điều kiện tiên quyết để “theo Đức Kitô” và trở nên “môn đệ của Người”; và còn hơn thế nữa, như xác quyết của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, thập giá đó lại là con đường giúp người Kitô hữu trở nên những người chiến thắng, nên hoàn thiện, nên thánh: “chiến thắng của Kitô giáo luôn là một thập giá, nhưng thập giá ấy đồng thời là ngọn cờ chiến thắng, được ta mang vác với một tình yêu dịu hiền, bất khuất chống lại những tấn công của ma quỷ” (Tông huấn HÃY VUI MỪNG HOAN HỈ, số 162-163).
Trương Đình Hiền
CHỐN DUNG THÂN
“Thân lạy Chúa, Ngài là chỗ chúng con dung thân, từ đời nọ trải qua đời kia!”.
O. Hallesby nói, “Tôi có thể nhịn ăn nhiều ngày, nhưng không thể nhịn cầu nguyện một ngày. Cầu nguyện là phương thế mà tôi nhận được tất cả những gì tôi cần. Chỉ vì một lý do, Chúa là ‘chốn dung thân’ trọn cuộc đời tôi, mọi phút giây cuộc sống tôi. Ngài là nguồn vui phong phú và sức mạnh vô tận của tôi. Dung thân nơi Ngài, tôi có thể làm cho Ngài nhiều điều vĩ đại!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Bài đọc Khôn Ngoan nói đến sự sâu nhiệm khôn dò của Thiên Chúa, “Ai trong loài người có thể biết được ý định của Chúa?”. Vậy mà, khi phó mình cho Ngài, chọn Ngài làm ‘chốn dung thân’, chúng ta sẽ hiểu biết Thiên Chúa, sẽ yêu mến Ngài; nói cách khác, chúng ta cho phép Thánh Thần của Ngài đi vào và ở lại trong chúng ta, thôi thúc chúng ta bằng tình yêu và lẽ thật; lúc ấy, chính Thánh Thần sẽ dạy chúng ta phụng sự Thiên Chúa, “làm nhiều điều vĩ đại” cho Ngài.
Một khi đã chọn Chúa làm ‘chốn dung thân’, thì Ngài sẽ là ưu tiên số một của cuộc đời chúng ta. Chúa Giêsu nói rất rõ trong Tin Mừng hôm nay, “Ai đến với Tôi mà không dứt bỏ vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình nữa thì không xứng đáng làm môn đệ Tôi”. Dạy như thế, Ngài muốn nói, bạn và tôi chỉ yêu một điều; đúng hơn, một người, cách tuyệt đối; đó chính là Thiên Chúa! Tất cả các tình yêu khác đều phải đến sau và phục vụ cho tình yêu tối thượng này.
Ngài còn nói thêm, “Ai không vác thập giá mình mà đi theo Tôi, thì không thể làm môn đệ Tôi!”. Một sứ điệp khó nuốt! Phải. Đó là điều Chúa Giêsu yêu cầu tôi phải “ngồi xuống và quyết định” nếu muốn đi theo Ngài và “làm nhiều điều vĩ đại” cho Ngài. Không có một giải pháp nào khác! Vậy cụ thể vác thập giá mình là gì? Là vác lấy những bất ưng trong cuộc sống, là chọn đi con đường hẹp của Tin Mừng, con đường mà chính Chúa Giêsu đã đi; là vác lấy vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của thế giới, của nhân loại; cả thân xác lẫn linh hồn anh chị em mình.
Trong bài đọc thứ hai, Phaolô mời gọi Philêmôn “làm một điều vĩ đại!”. Đó là vác lấy Ônêsimô, trước đây là một nô lệ của Philêmôn. Phaolô viết, “Xin anh hãy đón nhận nó như người ruột thịt của tôi”. Chọn Chúa làm ‘chốn dung thân’, chúng ta hẳn cũng trở nên ‘chốn dung thân’, “làm điều vĩ đại” cho anh chị em mình! Mẹ Têrêxa Calcutta nói, “Chúa không gọi con để làm những việc phi thường, Chúa gọi con để làm những việc tầm thường với một trái tim phi thường”, Mẹ đã trở nên một con người phi thường làm những điều vĩ đại cho thế giới trong thế kỷ 20!
Anh Chị em,
“Thân lạy Chúa, Ngài là chỗ chúng con dung thân, từ đời nọ trải qua đời kia!”. Đây là một lời cầu nguyện chân thành, cũng là tâm tình của một người đã có những trải nghiệm sâu sắc trong tương quan của họ với Thiên Chúa, với con người. Đó là những ai đã xác tín, “Cậy vào thần thế vua quan, chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời”. Điều này đáng cho chúng ta suy nghĩ! Chúa là ai mà chúng ta tìm dung thân? Chúa là ai mà đòi hỏi con người phải yêu mến trên hết, trước hết như thế; Ngài đòi chúng ta yêu Ngài hơn cả gia đình, hơn cả chính bản thân; Ngài là ai để khi dung thân bên Ngài, con người mới có thể làm những điều vĩ đại? Thiên Chúa Là Tình Yêu! Hãy nhìn vào Chúa Giêsu, Thiên Chúa là Đấng Ngài đã chọn làm ‘chốn dung thân’; nên dù trải qua thập giá và cả cái chết trọn nghĩa bóng lẫn nghĩa đen; Chúa Giêsu đã thực hiện “một điều vĩ đại hơn tất cả các điều vĩ đại”, trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho muôn người.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, không dung thân nơi Chúa, con sẽ tìm dung thân nơi các thứ không phải Ngài. Cho con luôn gắn bó với Chúa, ‘chốn dung thân’, và con cũng làm nên những điều vĩ đại!”, Amen.
(Tgp. Huế)
CNS Ngày 2 tháng 9 năm 2022
Thông điệp Ngày Lao động năm nay của các giám mục Hoa Kỳ đã đề cao hai dự luật đang chờ Quốc hội thông qua là hữu ích cho trẻ em, phụ nữ và gia đình: Đó là 'đạo luật Công bằng cho Người lao động mang thai' (the Pregnant Workers Fairness Act, PWFA) và 'Mở rộng tín dụng thuế cuả liên bang cho trẻ em.' (expansion of the federal child tax credit, CTC)
Đức Tổng Giám Mục Paul S. Coakley của Oklahoma, chủ tịch của Ủy ban Giám mục về Tư pháp trong nước và Phát triển Con người, tuyên bố:
“Chúng giải quyết phần lớn các khó khăn cuả những người chăm sóc trực tiếp (cho người bệnh,) có nguy cơ bị thương tích cao, căng thẳng cao và tiếp cận với bệnh tật trong khi có mức lương thấp. Chúng giải quyết phần lớn nhu cầu cuả những người chăm sóc, mà nhiều người không được hưởng các chính sách y tế cho gia đình trong lúc nghỉ việc tạm thời. Những thách thức này và những thách thức kinh tế khác tiếp tục ảnh hưởng đến các gia đình lao động và trẻ em, ” Đức Tổng Giám Mục Coakley nói.
Thông điệp có tên là "Xây dựng một nền kinh tế công bằng cho phụ nữ và gia đình," được 'ký trước' ngày 5 tháng 9 - Ngày Lao động - nhưng đã được phát hành vào ngày 31 tháng 8.
Lưu ý rằng đây là Ngày Lao động đầu tiên kể từ khi Tòa án Tối cao lật ngược vụ Roe kiện Wade, Đức Tổng Giám Mục Coakley nói: “Thời điểm độc đáo này đòi hỏi một xã hội và một nền kinh tế hỗ trợ hôn nhân, gia đình và phụ nữ; nó đòi hỏi tất cả chúng ta phải tiếp cận trên các con đường chính trị và làm việc siêng năng để điều chỉnh lại các chính sách xã hội theo cách thức ủng hộ phụ nữ, ủng hộ gia đình, ủng hộ người lao động và do đó, thực sự có lợi cho cuộc sống. "
Ngài lưu ý rằng cả hai "Đạo luật Công bằng cho Người lao động Mang thai" và "Mở rộng tín dụng thuế liên bang cho trẻ em" hoàn thành mục tiêu đó, và gọi các đạo luật là “các ưu tiên chính sách” của các giám mục.
“Hiện tại không có luật liên bang nào đòi hỏi người sử dụng lao động cung cấp lợi ích ngắn hạn, hợp lý cho phụ nữ mang thai tại nơi làm việc và luật này sẽ làm như vậy. Các nhu cầu phổ biến như được phép mang theo một chai nước, một chiếc ghế đẩu cho những công việc phải đứng trong thời gian dài hoặc được phép làm những công việc nhẹ hơn đối với những công việc đòi hỏi phải mang vác nặng, ”ngài nói.
“Những phụ nữ làm công việc có mức lương thấp và đòi hỏi thể chất cao, phần lớn do các phụ nữ da màu nắm giữ một cách không tương xứng, thường xuyên bị từ chối những lợi ích đơn giản này và bị chấm dứt hợp đồng hoặc bị buộc phải nghỉ phép không lương. Dù cho một số tiểu bang đã có những luật giúp đỡ rồi; tuy nhiên, phụ nữ mang thai ở mọi tiểu bang nên được bảo vệ trên những tiêu chuẩn này ”.
Dự luật đã được thông qua Hạ viện, nhưng đang chờ Thượng viện hành động, mà Thượng viện lại đang kết thúc các ngày làm việc trong lịch. Đức Tổng Giám Mục Coakley nói: “Không một phụ nữ nào bị buộc phải mạo hiểm sức khỏe của mình hoặc cuả con mình, như sẩy thai, sinh non, an ninh kinh tế hoặc mất bảo hiểm chỉ vì cô ấy yêu cầu một lợi ích ngắn hạn, hợp lý, liên quan đến thai nghén."
Đức Tổng Giám Mục cũng đã sử dụng tuyên bố này để thúc đẩy việc thông qua tín dụng thuế trẻ em mở rộng (CTC, Child Tax Credit)
“Vào năm 2021, CTC đã hỗ trợ tài chính cho các gia đình gặp khó khăn trong cuộc sống. Các gia đình chủ yếu chi số tiền này cho thực phẩm, năng lượng, trả tiền nhà và các nhu cầu cơ bản khác. Ngày nay, trước việc lạm phát gia tăng, việc tiếp tục mở rộng tín dụng này sẽ rất hữu ích cho các gia đình đang bị buộc phải lựa chọn giữa việc mua thực phẩm và đổ đầy bình xăng của họ, ”Đức Tổng Giám Mục Coakley nói.
“Quốc hội nên tiếp tục với một đề xuất CTC không đòi hỏi thu nhập tối thiểu, bao gồm các gia đình có tình trạng nhập cư hỗn hợp, áp dụng trong năm trước khi sinh con và cung cấp cho mọi trẻ em - bất kể quy mô gia đình như thế nào,” ngài nói thêm. “CTC đã có hiệu quả to lớn trong việc giảm nghèo cuả trẻ em vào năm 2021 và chúng ta không nên thụt lùi với tiến bộ này”.
Thông qua cả hai dự luật, Đức Tổng Giám Mục Coakley nói, “sẽ tác động sâu sắc đến sự ổn định gia đình, đặc biệt là đối với những gia đình dễ bị tổn thương về tài chính”.
Ngài cũng nêu lên các chủ đề phổ biến trong các thông điệp Ngày Lao động hàng năm, trong số đó có chính sách nghỉ phép có lương của liên bang, lương bổng công bằng và quyền tổ chức lao động. Đức Tổng Giám Mục nói: “Chúng tôi từ lâu đã kêu gọi một hệ thống mà toàn xã hội được hưởng những nhu cầu cơ bản của con người bao gồm dinh dưỡng, nhà ở giá cả phải chăng, giáo dục và chăm sóc sức khỏe."
Ngài nói thêm: “Những nỗ lực của các liên đoàn lao động đã giúp công nhân kiếm tiền tốt hơn trong thời kỳ đại dịch so với các công nhân không thuộc công đoàn, vì họ có nhiều khả năng duy trì lương và công việc của mình hơn”.
Ngài cũng ca ngợi những nỗ lực của các tổ chức được tài trợ thông qua Chiến dịch Công Giáo vì sự phát triển con người ( Catholic Campaign for Human Development ) “hoạt động cho quyền lợi và việc đào tạo của người lao động lương thấp, để loại bỏ nạn buôn bán lao động và các hành vi lạm dụng tại nơi làm việc, như việc ăn cắp tiền lương”.
Đức Tổng Giám Mục Coakley đã nhắc lại cái chết cách đây 20 năm của Đức Giám Mục George G. Higgins, từng đứng đầu cơ quan gọi là Phòng Hành động Xã hội (Social Action Department) của Hội Đồng giám mục và là người đã viết hoặc tham khảo ý kiến cho các Thông điệp Ngày Lao động có giá trị trong nhiều thập kỷ.
“Ngài là người nhiệt thành ủng hộ sự công bằng kinh tế cho tất cả mọi người, hợp tác chặt chẽ với các công đoàn và các nhà tổ chức nghiệp đoàn, bao gồm Cesar Chavez và Công nhân Trang trại đoàn kết (United Farm Workers,) và đã nhận được nhiều giải thưởng, trong đó là Huân chương Tự do của Tổng thống,” Đức Tổng Giám Mục Coakley nói.
“Cầu mong cho tinh thần và gương sáng của Đức Giám Mục Higgins truyền cảm hứng cho chúng ta, ” Đức Tổng Giám Mục Coakley nói,“để chúng ta có sự khôn ngoan mà xây dựng công lý và cải thiện cuộc sống của người lao động và gia đình của họ như ngài đã làm trong suốt cuộc đời mình ”.
CNS Ngày: 2 tháng 9 năm 2022
Những viện trợ đầu tiên cuả CRS (Catholic Relief Services, Dịch vụ Cứu trợ Công Giáo) đã đến tay những gia đình có nhu cầu nhất.
(CRS là cơ quan nhân đạo quốc tế của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, hỗ trợ cho 130 triệu người tại hơn 110 quốc gia ở Châu Phi, Châu Á, Châu Mỹ Latinh, Trung Đông và Đông Âu.
Là thành viên của Caritas Quốc tế, CRS cung cấp cứu trợ trong các trường hợp khẩn cấp và giúp người dân ở các nước đang phát triển phá vỡ chu kỳ đói nghèo thông qua các sáng kiến phát triển bền vững. )
Bà Megan Gilbert, phát ngôn viên CRS, cho biết khoảng 2.300 gia đình ở Pakistan đã nhận được hỗ trợ bằng tiền mặt trực tiếp từ CRS.
Bà Gilbert nói, tiền mặt có thể giúp những gia đình này mua thực phẩm, nước và sửa nhà bị thiệt hại do lũ lụt.
CRS làm việc với chính phủ Pakistan và các đối tác địa phương như Caritas Pakistan (Cơ Quan Từ Thiện Công Giáo), để đáp ứng những nhu cầu cấp thiết nhất của người dân bị ảnh hưởng bởi những trận mưa lớn dai dẳng ở các tỉnh Sindh và Baluchistan.
Số thiệt hại vẫn tiếp tục tăng. Đã có 1.191 người được xác nhận là chết đuối tính đến ngày 31 tháng 8, và số người mất nhà là gần 1 triệu người. Ước tính có khoảng 2 triệu người đã phải di dời và một phần ba lãnh thổ của quốc gia đang bị ngập dưới nước.
Những trận mưa và lũ lụt bắt đầu từ tháng 7 tiếp tục tàn phá hơn một tháng nay trên đất nước cuả tiểu lục địa châu Á này.
Ông Gul Wali Khan, điều phối viên ứng phó khẩn cấp của CRS tại Pakistan, cho biết: “Những người sống ở các quận mà tôi đến thăm đã bị gạt ra ngoài xã hội. “Bây giờ họ thậm chí còn trở nên dễ bị tổn thương hơn về nơi ở và sinh kế của họ. Với ảnh hưởng của lũ lụt và mưa, chúng tôi đã chứng kiến người dân mất đi số lương thực mà họ dự định sử dụng trong vài tháng tới ”.
“Trước mùa đông sắp đến, chúng tôi cần đảm bảo cho mọi người có thể đến những nơi cần thiết như chợ,” theo một thông điệp cuả ông Mohammed Adam Hamid, quyền quản lý quốc gia CRS tại Pakistan, cho biết. “Vấn đề còn lại là nước sạch. Các nguồn cung cấp nước thông thường đã bị hư hỏng hoặc không thể dùng được, đồng nghĩa với việc người dân phải đi bộ gấp đôi hoặc gấp ba quãng đường để lấy nước ”.
Sự sinh sống cuả người nông dân bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề, vì hạt giống mà họ gieo trồng đã bị cuốn trôi. Ông Khan nói: “Những người phụ thuộc vào nông nghiệp sử dụng nước mưa đã mất tất cả. “Những hạt giống họ trồng đều không còn nữa. Bình thường người dân ở đây vay nợ các chủ cửa hàng và thương lái, giờ họ sẽ bị nợ nần chồng chất ”.
Trong khi lũ lụt ảnh hưởng đến Pakistan trong quá khứ, phạm vi của lượng mưa năm nay là rất lớn. Cơ sở hạ tầng ở Sindh và Baluchistan, nơi 86% người bị ảnh hưởng, có con số thiệt hại là rất lớn. Hai kênh đào chính cuả các tỉnh đã bị vỡ, lần đầu tiên xảy ra từ năm 2012.
Trong bảng đánh giá trên 25 cộng đồng ở các tỉnh đó, do CRS và một trong những đối tác Pakistan là Quỹ Phát triển Cộng đồng thực hiện, cho thấy 72% hệ thống nước bị hư hỏng hoặc bị phá hủy và 79% người dân không còn thức ăn. Hơn nữa, đường và cầu đã bị cuốn trôi, khiến việc tiếp cận và di chuyển đến các khu vực bị ảnh hưởng trở nên khó khăn. Gần 1.800 dặm đường đã bị hư hại cũng như 129 cây cầu và cửa hàng.
Khi nước rút, các gia đình sẽ phải tận dụng nỗ lực để dọn rác và bùn và bảo vệ đàn gia súc cho khỏi bị muỗi, là cơn dịch chính đã giết hại các loài động vật lớn trong trận lụt năm 2011.
Sau khi trao tiền mặt, CRS còn có kế hoạch giúp đỡ các nạn nhân chỗ ở, khôi phục sinh kế và tiếp cận với nước sạch.
CRS thúc giục mọi người giúp đỡ Pakistan bằng cách đóng góp trên trang web chủ cuả họ sau đây: https://www.crs.org
Phát biểu trước các linh mục và chủng sinh tại Đại Học Giáo Hoàng Phi Luật Tân vào ngày 28 tháng 8, Đức Hồng Y cho biết có những “nhận thức đáng lo ngại” được tìm thấy trong các cuộc tham vấn Thượng hội đồng được tổ chức trong những tháng qua.
Vào tháng Năm năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ra lệnh rằng Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 2023 bắt đầu với sự tham vấn rộng rãi của giáo dân.
Quá trình này nhằm mục đích đánh giá những thách thức mà Giáo hội phải đối mặt ngày nay và đưa ra phân tích về tình hình hiện tại.
Tiến trình kéo dài hai năm có ba giai đoạn: cấp giáo phận, cấp lục địa và phổ quát.
Chủ đề được Đức Thánh Cha chọn cho các buổi nhóm họp là: “Tiến đến một giáo hội đồng nghị: hiệp thông, dự phần và truyền giáo.”
Đức Hồng Y Advincula nói rằng trong các cuộc tham vấn thượng đồng tại Phi Luật Tân, “một trong những nhận thức đáng lo ngại nhất mà chúng tôi có là Giáo hội địa phương của chúng ta còn lâu mới là Giáo hội của người nghèo.”
“Có một khoảng cách tối và rộng giữa Giáo hội và người nghèo ở đất nước chúng ta. Giáo hội không biết đến người nghèo, và người nghèo không biết đến Giáo hội.”
Đức Hồng Y nói: “Những người anh em nghèo và bị thiệt thòi của chúng ta cảm thấy rằng quan điểm và giá trị của họ bị coi thường trong các cộng đồng và tổ chức của Giáo hội của chúng ta.
Khi suy ngẫm về bài đọc Tin Mừng hôm Chúa Nhật, Đức Hồng Y Advincula nói “khiêm nhường là một đức tính Kitô” và nó đòi hỏi “sự liên đới với những người thấp hèn”.
Ngài cho biết các nhà lãnh đạo Giáo hội của đất nước “cảm thấy sự kêu gọi lớn hơn để trở thành một Giáo hội liên đới với người nghèo…. Một Giáo hội đã đắm mình đủ sâu trong cuộc sống của người nghèo để chúng ta có mùi như người nghèo. “
“Chỉ đơn giản là phân phát quà tặng thôi là chưa đủ, chúng ta phải hòa mình vào cuộc sống của người nghèo, làm bạn với họ, hành trình với họ, trao quyền cho họ thực hiện sứ mệnh, đưa họ vào cuộc sống và hoạt động của Giáo hội, và bênh vực cho phẩm giá của họ,” vị Hồng Y nói.
Source:Licas News
Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi gọi việc hạn chế phá thai là “tội lỗi” vào Ngày Bình đẳng của Phụ nữ, trái với đức tin Công Giáo của bà.
“Thực tế là đây là một cuộc tấn công phụ nữ da màu và phụ nữ thuộc những gia đình có thu nhập thấp. Đó là tội lỗi. Đó là tội lỗi nghiêm trọng,” đảng viên Đảng Dân chủ từ California nói trong một hội thảo về sức khỏe sinh sản vào ngày 26 tháng 8. “Thật sai lầm khi họ có thể nói với phụ nữ những gì họ nghĩ rằng phụ nữ nên làm với cuộc sống và cơ thể của họ. Nhưng nó thật tội lỗi, thật bất công”.
Pelosi đã đưa ra nhận xét của mình khi đến thăm khuôn viên Vịnh Mission của Đại học California San Francisco để tham gia một “cuộc thảo luận bàn tròn về sức khỏe sinh sản”. Nhận xét của cô ngay sau bài phát biểu của một đảng viên Dân chủ khác từ California, người cũng xác định là Công Giáo.
“Thực tế là chúng ta có một chính phủ hiện nay ở cấp liên bang đang bắt buộc người ta phải mang thai - việc mang thai do chính phủ ủy quyền – chà đạp mọi quyền tự do cá nhân mà đất nước chúng ta được thành lập,” Dân biểu Jackie Speier nói trong sự kiện này.
Nữ Dân biểu, là người đã đề cập đến việc phá thai trước đây của chính mình, cho biết bà ủng hộ việc mở rộng khả năng tiếp cận thuốc phá thai và mở rộng giới hạn 10 tuần hiện tại của FDA đối với việc sử dụng những loại thuốc đó.
Phần lớn đảng viên Đảng Dân Chủ đã phản ứng với quyết định của Tòa án Tối cao vào tháng 6 nhằm lật ngược vụ án Roe kiện Wade, là phán quyết đã hợp pháp hóa việc phá thai trên toàn quốc. Tối Cao Pháp Viện đã trả lại quyền cho các tiểu bang tự quyết định, và tất cả các tiểu bang do Đảng Cộng Hòa nắm giữ đã đưa ra các biện pháp chống phá thai.
Trong những năm qua, Pelosi đã nhiều lần bảo vệ việc phá thai trong khi lại viện dẫn đức tin Công Giáo của mình. Đức Tổng Giám Mục Salvatore J. Cordileone đã thông báo vào tháng Năm rằng Pelosi không được phép Rước lễ trong Tổng giáo phận San Francisco. Một số tổng giám mục và giám mục khác cũng đưa ra các quyết định tương tự.
Giáo Hội Công Giáo coi việc phá thai - hủy hoại một con người - là một tội ác nghiêm trọng.
Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo viết: “Sự sống của con người phải được tôn trọng và bảo vệ tuyệt đối ngay từ khi được thụ thai. Ngay từ giây phút đầu tiên tồn tại, một con người phải được công nhận là có các quyền của con người - trong đó có quyền bất khả xâm phạm đối với sự sống của mọi sinh vật vô tội”.
Source:National Catholic Register
Linh mục Louis J. Cameli, đặc trách phối hợp diễn trình tham khảo “đồng nghị” của tổng giáo phận Chicago, Hoa Kỳ, trên tạp chí America ngày 18 tháng 8, cho hay: ngài đã xem xét tất cả các câu trả lời về Thượng hội đồng của giáo phận ngài và ngài khám phá ra ba thiếu sót hết sức căn bản đối với diễn trình này. Theo ngài giải quyết được 3 thiếu sót này sẽ là bước tiến tới cho cả Giáo Hội. Vì ngài nhận định chúng ta có nhiệm vụ đào tạo to lớn giúp Giáo Hội khôi phục thực tại của mình như dân Chúa đang cùng nhau lữ hành, bén rễ sâu vào Tin Mừng và được linh hứng đem Tin Mừng vào thế gian.
Ba thiếu sót đó là:
Một thao tác cầu nguyện
Trong cuộc tham khảo của chúng tôi, hầu hết mọi người đã không hiểu chính xác hoặc đầy đủ về con đường đồng nghị như Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày. Đối với rất nhiều người trả lời, cuộc tham khảo về Thượng hội đồng là về việc hình dung ra mọi sự hoặc chia sẻ ý kiến cá nhân về cách mọi sự phải nên như thế nào, hoặc một số hình thức lập kế hoạch dựa trên nhu cầu. Niềm hy vọng của Đức Thánh Cha đối với tiến trình thượng hội đồng đã sắp xếp mọi sự một cách rất khác.
Đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, mọi sự về con đường đồng nghị đều bắt đầu trong việc cầu nguyện. Từ việc cầu nguyện của họ, các tín hữu gặp gỡ nhau. Trong những cuộc gặp gỡ của họ, họ được triệu tập để lắng nghe nhau một cách sâu sắc. Và cuối cùng, khi lắng nghe, họ khám phá ra Chúa Thánh Thần có thể thúc đẩy họ di chuyển tới đâu. Các yếu tố thiết yếu là cầu nguyện, gặp gỡ, lắng nghe và phân định. Diễn trình này phản ảnh rõ ràng cách thức Giáo Hội sơ khai hội họp và tự tổ chức, như chúng ta biết từ Tông đồ Công vụ, và những khoảnh khắc tuyệt vời nhất trong đời sống Giáo Hội trong suốt lịch sử của mình.
Nhưng bằng nhiều cách, tiến trình đồng nghị từng ăn sâu vào lịch sử của chúng ta cũng đã trở nên xa lạ đối với chúng ta. Lực hấp dẫn dường như hướng đến việc tự hình dung ra mọi sự, chia sẻ ý kiến hoặc lập kế hoạch dựa trên nhu cầu. Rõ ràng, nhiệm vụ đào tạo là giúp Giáo Hội phục hồi tinh thần đồng nghị từng đánh dấu những buổi đầu sớm nhất và những khoảnh khắc đẹp nhất của Giáo Hội.
Từ Giáo Hội, không phải với Giáo Hội
Khi nghiên cứu các câu trả lời về Thượng hội đồng, cha Cameli cũng phát hiện ra một điều bất thường khác mà việc đào tạo tính đồng nghị trong tương lai sẽ cần phải giải quyết. Khi người ta đưa ra nhận xét của họ một cách chân thành thực sự và, đôi khi, với niềm đam mê lớn, cách nói của họ khiến cha phải dừng lại. Tại một thời điểm nào đó, cha nhận ra rằng rất nhiều người trả lời nói với Giáo Hội nhiều hơn là nói từ Giáo Hội. Nói cách khác, họ nhận định về Giáo Hội như thể nó là một đối tượng ở bên ngoài họ.
Điều này hoàn toàn trái ngược với những gì Đức Thánh Cha Phanxicô nghĩ đến. Chúng ta là chủ thể, là tác nhân và - theo lời ngài - là nhân vật chính trong diễn trình này. Nói cách khác, chúng ta là Giáo Hội. Và trong bối cảnh đồng nghị, chúng ta nói từ Giáo Hội. Tất cả những điều này có ý nghĩa nhiều hơn là việc phân biệt các giới từ. Từ góc độ đào tạo, nó liên quan đến việc trau dồi một cách cẩn thận cảm thức đồng nhất nội tại với Giáo Hội.
Hướng ngoại
Sự thiếu sót thứ ba và cuối cùng mà Cha Cameli tìm thấy trong các câu trả lời là điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô gọi là “một Giáo Hội thu mình vào bên trong” [ecclesial introversion] chỉ tập chú vào sinh hoạt nội bộ của Giáo Hội và việc tổ chức cơ cấu-thể chế của nó. Toàn bộ trọng điểm của tính đồng nghị là “cùng nhau lên đường” đi vào sứ mệnh, ra bên ngoài chính chúng ta. Quá nhiều nhận định trong các câu trả lời nói về những đề nghị thay đổi đời sống Giáo Hội hoặc chính xác hơn bên trong đời sống Giáo Hội. Cảm thức về sứ mệnh đi ra bên ngoài nói chung khá mờ nhạt. Việc đào tạo cho sứ mệnh, một cảm thức ngày càng mở rộng về mục đích của chúng ta trong thế giới, cần phải bén rễ trong các cộng đồng đức tin của chúng ta.
Sau khi xem xét ba hướng đi trên cho việc đào tạo tính đồng nghị — tìm lại động lực thực sự của tính đồng nghị, lấy lại tính tác nhân của chúng ta trong Giáo Hội và làm sống lại cảm thức về sứ mệnh đi ra ngoài — cha Cameli cũng nhận ra rằng chính những hướng đi này cũng áp dụng theo cách riêng của chúng vào việc phục hưng thánh thể mà chúng ta hy vọng sẽ cổ vũ tại Hoa Kỳ. Phong trào cầu nguyện-gặp gỡ-lắng nghe-phân định xảy ra khi chúng ta gặp gỡ Chúa và gặp gỡ nhau trong Lời Chúa và Bí tích. Cảm thức là chủ thể và tác nhân tích cực của Giáo Hội là chìa khóa để tham gia đầy đủ và tích cực vào các mầu nhiệm bí tích. Ý thức về sứ mệnh trong bối cảnh phụng vụ là lời kêu gọi thiên niên hòa nhập việc thờ phượng và đời sống ở bên ngoài đền thờ. Như thế, việc đào tạo đồng nghị chính là việc đào tạo thánh thể; mặc dù cần nhiều suy ngẫm hơn để tìm ra phương thức tích hợp này.
Như thế, tất cả những điều này dẫn chúng ta đến đâu? Sau khi nghiên cứu các câu trả lời về Thượng Hội Đồng và suy gẫm về chúng, Cha Cameli thấy rõ hơn nhu cầu của dân Chúa đối với việc đào tạo tính đồng nghị. Cha nhận ra rằng việc đào tạo đồng nghị cũng có thể phục hồi mạnh mẽ trong việc phục hưng Thánh Thể đang rất được mong đợi. Tất cả điều này rất rõ ràng. Điều chưa rõ ràng là làm thế nào để thúc đẩy chính xác việc đào tạo tính đồng nghị.
Rõ ràng, không thể giản lược nó thành những lời huấn giáo từ bục giảng, các chương trình làm sẵn hoặc một loạt các tài liệu viết. Nếu phải diễn ra kiểu đào tạo này, Cha Cameli cho rằng nó phải là một loại lên men lấy cảm hứng từ Tin Mừng. Một số người sẽ hiểu được trọng điểm của tính đồng nghị và cách nó bộc lộ một cách xác thực. Họ có thể là số ít, nhưng họ đã ở giữa chúng ta. Họ cần được khuyến khích để hỗ trợ lẫn nhau và làm sâu sắc thêm cảm thức của họ về Giáo Hội. Ở một thời điểm nào đó, họ sẽ đạt tới một khối lượng có tính quyết định và sau đó có thể mở rộng năng lực và xác tín của họ cho người khác.
Thực vậy, sự đào tạo đang phát triển và khai diễn này mô phỏng buổi khởi đầu của Giáo Hội như được ghi lại trong Tông đồ Công vụ. Sách Thánh này nói với chúng ta rằng điều đó có thể xảy ra hôm nay, vì nó đã xảy ra trước đây. Đó thực sự là một tin mừng. Nó cũng gợi ý rằng lời hứa của Công đồng Vatican II về một Lễ Hiện xuống mới có thể nằm trong tầm tay.
Từ khắp nơi xa gần trong Tổng Giáo Phận Hà Nội, hơn 1000 hội viên Hiệp hội Mến Thánh Giá Tại Thế (MTGTT) Hà Nội đã tề tựu đông đủ tại Trung tâm Hành hương Thánh Phêrô Lê Tùy trong ngày họp mặt thường niên vào sáng thứ Sáu ngày 02/9/2022.
Xem Hình
Chung chia niềm vui trong ngày họp mặt có sự hiện diện của Đức Tổng Giám Mục (TGM) Giuse Vũ Văn Thiên, quý Cha, quý Thầy, quý Sơ, các thành viên trong Hiệp hội và đông đảo cộng đoàn dân Chúa.
Bước chân hiệp hành
Ngay từ sớm, từng đoàn xe đã tiến về Trung tâm Hành hương Thánh Phêrô Lê Tùy trong niềm vui hân hoan của ngày hội ngộ. Gương mặt rạng ngời với nụ cười điểm thắm trên môi của các hội viên càng làm cho bầu khí của ngày họp mặt thêm rộn ràng, ấm áp.
Hiệp thông trong tinh thần và sứ vụ
Sau những giây phút gặp gỡ, đúc kết các hoạt động của Hiệp Hội trong năm qua, Sơ đặc trách Têrêsa Đỗ Thị Đĩnh đã có những chia sẻ với mong muốn các hội viên hãy quảng đại sống tình hiệp thông với Chúa và với nhau.
Các hội viên chia sẻ những cảm nhận, những thao thức của mình trong năm qua
Niềm vui của ngày họp mặt hôm nay được nhân lên và tỏa lan, khi các thành viên được chào đón và lắng nghe những lời huấn đức của Đức TGM Giuse – vị cha chung của Tổng Giáo phận. Trong giờ huấn dụ, Đức TGM Giuse đã từng bước giúp cho mỗi hội viên hiểu rõ hơn về ý nghĩa của Hiệp Hội MTGTT; về bậc sống ơn gọi làm tông đồ giữa đời thường. Ngài khích lệ, động viên và ước mong mọi người cộng tác với Giáo Hội, Giáo phận, Giáo xứ để thi hành sứ vụ truyền giáo hầu góp phần làm lan tỏa Tình Yêu của Chúa đến với mọi người.
Thập giá – lời mời gọi yêu thương
“Niềm vinh dự của tôi là Thập Giá Giêsu Kitô…”. Lời ca hân hoan, trang trọng của bài Ca Nhập lễ như một lời mời gọi yêu thương, khích lệ mọi người nâng tâm hồn bước vào Thánh lễ Suy tôn Thánh Giá do Đức TGM Giuse chủ sự lúc 10h00.
Trước khi kết thúc bài chia sẻ, Đức TGM Giuse mong ước, mỗi hội viên, hãy khiêm tốn đem “cây thánh giá tình yêu” vun trồng khắp nơi trong gia đình, cộng đoàn, Giáo xứ, … Qua đó, mọi người biết trao ban yêu thương, niềm vui và hạnh phúc đến cho mọi người xung quanh.
Trước khi kết thúc Thánh lễ, một chị đại diện cho các hội viên trong Hiệp Hội bày tỏ tâm tình tri ân đối với Đức TGM Giuse, quý Cha, quý Thầy, quý Sơ, quý khách, quý ân nhân và cộng đoàn hiện diện.
Bày tỏ tâm tình tri ân
Ước mong, mội hội viên trong Hiệp Hội luôn giữ được ngọn lửa, hăng say rao truyền Tình Yêu của Chúa đến với muôn người trong tình hiệp thông.
Được biết, ngày 14/11/2018, Đức Hồng Y Phêrô chấp thuận Bản quy chế thử nghiệm dành cho Hội viên MTGTT có thời hạn 3 năm (từ 11/2018 đến 11/2021). Sau 3 năm thử nghiệm, Đức TGM Giuse Vũ Văn Thiên, đã chính thức phê chuẩn Quy chế của Hiệp Hội vào ngày Lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương 22/8/2021, và ngay sau đó ngài đã ban sắc lệnh Thành lập Hiệp Hội MTGTT Hà Nội trong Tổng Giáo phận, vào ngày Lễ Suy Tôn Thánh Giá 14/9/2021.
Hiện nay, Hiệp Hội có 30 nhóm, với khoảng 1.470 hội viên, được chia thành 7 miền: Miền Hà Nội; Thanh Oai; Phú Xuyên; Phủ Lý 1; Phủ Lý 2; Lý Nhân 1; và Lý Nhân 2.
Các hoạt động của các Nhóm, Miền đều dựa trên Quy chế và Nội quy của Hiệp Hội dưới sự điều hành của BĐH Trung ương, Nhóm và có quý Sơ Mến Thánh Giá cùng đồng hành.
BBT
Bài này nối tiếp bài ‘‘Văn chương VN mang nghĩa Thánh Kinh’’. Vì văn chương và âm nhạc là ‘‘hồn dân tộ VN’’. Hai yếu tố cấu thành VN, không thể tách rời. Văn chương đã tiềm ẩn Thánh Kinh thì âm nhạc dẫn đưa đức tin con tim thổn thức vào đời.
Tác giả những bản nhạc được chọn, nhân vật trong lời nhạc chưa chắc là người Công Giáo, nhưng sáng tác theo nguồn và cảm hứng theo căn tính dân tộc Viêt Nam. Thánh đường, lời kinh là điểm tựa cho hồn bay lên tìm ánh sáng.
Bài viết được sắp xếp theo : Niềm tin, cầu nguyện, sám hối và thánh đường
Niềm Tin là tình cảm hàng đầu của người VN, dù tôn giáo nào.
Trong bóng tối âm u của thánh đường hay ngọn tháp cao. Cửa nhà thờ mở, tiếng chuông ngân vang, lời cầu kinh bên trong vang ra. Như quyến rũ mời gọi người bộ hành lén vào bên trong nhà thờ. Rồi như ‘‘đèn trời soi sáng, cất lên tự đáy lòng”
Lạy Chúa tôi, con người không đạo
Nhưng tin có Chúa trên cao
Con nghe trong đêm Việt Nam tối tăm
Nhưng mìn bom hoen dấu
Lạy Chúa trên cao Chúa ở nơi nao
...Nhưng yêu nhớ làm nhắc chuông khuya
Khi con bơ vơ chắp tay nguyện cầu
Cho người thương còn xa mãi xa
Nửa nhỡ ngồi ôm em
Nhưng Chúa giúp đời đau
...hờn đau thu ngắn
... Đám mây hồng âu yếm bay sang.
(Trần Thiện Thanh. Trời Chưa Muốn Sáng)
Người trẻ nhiều ước mơ. Không tan vỡ, bỏ cuộc. Đầy tin tưởng như cha ông khuyến khích ‘‘thất bại là mẹ thành công’’. Vì người trẻ biết trời dạy qua đức tin. Anh mù, trong Thánh Kinh, không chán nản đã mạnh dạn đến với Chúa Giêsu. Đức tin cho anh sự sống thân xác và linh hồn (x. Mc 10, 46-52)
Và chỉ người Samari múc nước bên giếng. Buồn chán vì đời chóng qua mà không hạnh phúc. Chỉ lấy lại khi gặp Dức Giêsu, người chỉ dẫn Nước Trường Sinh (x. Lc 4, 7-25). Ai muốn tìm ra lối đi cho cuộc sống, hãy đến với Chúa Giêsu Tình Yêu.
Tìm một con đường, tìm một lối đi
Lạc loài niềm tin sống không ngày mai...
Và con tim đã vui trở lại.
Tình yêu đến cho tôi ngày mai
Tình yêu chiếu ánh sáng vào đời
Tôi hy vọng được ơn cứu rỗi...
Và niềm tin đã dâng về Người
Trọn tâm hồn nguyện xin
Yêu mãi riêng Người mà thôi
Dẫu như tôi phải qua đi vực sâu tối
Tôi sẽ không sợ hãi
Vì Người ở gần bên tôi mãi.
(Đức Huy. Và Con Tim Đã Vui Trở Lại.
Tâm sự dù tầm thường nhỏ bé mấy biết tỏ cùng ai. Tình yêu cao qúi, khát vọng, mong chờ. Tình đầu tan vỡ thành bọt bèo, vì chạy theo tiền bạc. Tình sau bẽ bàng. Xin chắp tay khấn nguyện trung thành với nhau’’. Đủ, qúi lắm rồi. Niềm tâm sự chỉ biết trút hết vào Chúa trên Trời :
Con qùy lạy Chúa trên Trời.
Sao cho con lấy được người con thương
Đời con cay đắng đã nhiều
Từ khi thơ dại đủ điều đắng cay: nghèo, trắng tay
Thề rằng sóng gió biển dâu
Đã yêu trước cũng như sau, giữ lời...
(Phạm Duy. Con qùy lạy Chúa trên Trời).
Quan niệm Trời, phải được tôn thờ, kính trọng, thần phục, và khấn xin... Như ông cha vẫn làm khi gặp thiên tai, nghịch cảnh hay khó khăn sinh sống.
-Lạy Trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Lấy đầy bát cơm.
Chỉ còn có một Ông Trời
- Ai ơi cũng có ăn, có lời
Bụt kia có mắt
Ông Trời có tai.
Cầu nguyện là nhu cầu của người Việt, càng khó khăn con người càng muốn tìm cái phao nắm giữ. Người Việt ở bất cứ thời nào, lứa tuổi nào cũng biết cầu kinh. Chắp tay, thinh lặng, ngước nhìn lên cao. Không kỳ đêm ngày. Với lòng thành cho quê hương, người khác trước, mình sau. Trong Thánh Kinh Chúa đưa ra lí do và khuyên: Đừng nản chí khi cầu nguyện (x. Lc 18, 1-8)
Cầu kinh yêu thương, xin:
...quê hương không còn nhọc nhằn
...nhân gian không còn khốn khó
... tin lành rên van bổn phương
... em tôi quên ngày tình buồn
Cầu đêm đêm. Cầu miên man.
Cầu không quên dù thân rã rời
Cầu trong tim...không mệt mỏi..
(Nhạc và lời : Nguyễn Thành Nhân. Khúc Kinh Cầu.)
Ai nói, chiến tranh làm cho con người VN mất đi “tính bản thiện’’. Sinh ra hận thù, ghen ghét, oán hờn. Mong thanh bình trả lại an lành cho dân Việt
Hãy lắng nghe nói vang trong tâm hồn mình người ơi
Con tim chân chính không bao giờ biết đến nói dối
Tôi đi chinh chiến bao năm trường miệt mài
Và hồn tôi mang vết thương, vết thương trần gian.
Thương có hỏi, có thấu cho Việt Nam này
Nhiều sóng gió trôi dạt lâu dài...
Thương có hỏi hãy lắng nghe người dân hiền
Vì đất nước đang còn ưu phiền
Còn tiếng khóc đi vào đêm trường triền miên
(Lê Minh Bằng. Đêm Nguyện Cầu)
Thánh Gia, Thánh Giuse, Đức Maria và Chúa Giêsu lên đền thờ hát thánh ca và cầu nguyện. Chúa Giêsu được mọi người ngạc nhiên về trí thông minh. Còn Đức Mẹ đầy tràn ân sủng, ghi những điều ấy trong lòng. (x. Lc 2, 41-52). Giây phút trầm tư và linh thiêng bỏ đi ồn ào bên ngoài. Mình mình với Thiên Chúa. Qúi vô cùng.
Thánh giá xa vời lắm, với chuông chiều ngân
Hồn thánh thót mưa dầm buồn tới âm thầm
Nơi giáo đường im bóng tôi thầm mong ngóng
Đêm cuối trên làn sóng mắt nàng huyền mơ.
...Tôi tiếc thời tươi sáng trôi năm tháng.
Trí óc âm thầm...
(Nguyễn Thiện Từ & Phi Tâm Yên. Giáo Đường Im Bóng)
Sám hối hay nói đúng là ‘‘lời xin lỗi’’ luôn nơi cửa miệng, trong cư xử hàng ngày và đời sống giao tế. Tinh thần sám hối là tựa bản nhạc ‘‘Cát Bụi’’, của Trịnh Công Sơn luôn có trong người khi lầm lỗi với Thiên Chúa hay anh em. Tâm trạng sám hối, nghĩ lại vì đã lầm đường với quê hương, sai lỗi với chính đồng loại mình. ‘’Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng’’ (Lễ Tro, Mùa Chay)
Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai vươn hình hài lớn dậy
Mặt trời soi một kiếp rong chơi.
Một mai tôi về làm cát bụi.
Ôi cát bụi mệt nhoài.
Mặt trời nào soi sáng tim tôi
n tình yêu xay mòn thành đá cuội...
Từ vực sâu nghe lời mời đã dậy.
Nhận biết mình yếu đuối thấp hèn, luôn vững tin và trông cậy. Bản nhạc quen thuộc ‘‘Nơi Là Phù Du’’ của Từ Công Phụng, nhắc : Tìm Nước Trời trước. Phù vân lại là phù vân.
Tôi như người du mộng
Sống cuộc đời bềnh bồng, ngõ quanh đời quạnh hiu.
Tôi như loài cỏ dại...chênh vênh, buồn tênh
Xin một chút hiền ngoan thật lòng
Vì cõi này là những đam mê, chia ly, đớn đau, lẻ loi
Nên vẫn hoài công xe cát biển nhỏ
... tự cõi lòng, bóng mát ngày thiên thu bóng một đời phù du.
4. Thánh đường nơi gửi gắm tâm sự, ngay cả tỏ tình. Mở đầu hay kết thúc. Tự nhiên, đến thánh đường lòng cảm thấy nhẹ nhõm. Hết khóc và hết ưu phiền. Mừng vui tràn đầy. Hy vọng vươn lên.
Người bật khóc bên giáo đường, bên chân tượng
Người cười rũ không lo mộng, không mang sầu, giữa cơ cầu
Loài người nào đã biết thương đau
(Nguyễn Hữu Nghĩa. Bài ca viết bên giáo đường)
Giống văn chương VN có truyện tình lãng mạn ‘‘Hồn Bướm Mơ Tiên’’. Ban nhạc ‘‘Em Hiền Như Ma Soeur’’ thơ Nguyễn Tất Nhiên, Phạm Duy phô nhạc. Nội dung truyện và bản nhạc trữ tình. Nhưng vai chủ động gạt bỏ tình cảm riêng tư mà tôn trọng lý tưởng cao sang : cứu người và giúp đời. Tim đã thắm tình mà vẫn can đảm bỏ đi. Vì người anh em khác.
Em mang hồn vô tội
Đeo Thánh Giá huy hoàng
Còn ta nhiều sám hối
Mà sao vẫn hoang đàng
Em hiền như ma soeur
Hãy ru tên vô đạo
Hãy ru tên khát khao...
Duyên tình đã qua
Có bao giờ không xưa?
Như u tình đã xa
Thắm linh hồn ma soeur!
Tha thiết hơn, khi qùi bên nhau, trong thánh đường. Trịnh trọng, thề nguyền chung sống, ăn đời ở kiếp.
Em bên mình anh lặng yên dưới bàn thờ
Và quanh chúng ta là vui sướng chan hòa
Tình duyên nho bé thành đôi ước mơ sau.
Bao nhiêu tóc tơ giờ đây đã kết nghĩa bên Mẹ Maria
Người yêu hỡi ơi, người yêu dấu ơi !
Mình bên nhau suốt đời cùng chia sót nỗi vui
Hay nỗi sầu cùng nhau biết bao là yêu.
(Nhạc ngoại quốc. Lời Việt Phạm Duy. Ngày Tân Hôn)
Kỷ niệm lâu không bao giờ quên vẫn từ ‘giáo đường’’. Đau thương hơn hết vẫn là kẻ khuấy động con tim, hăng say mê trong kinh nguyện.
Chuyện ngày xưa hai đứa thương nhau trong đêm nhiều sao sáng
Dưới lầu chuông anh khắc tên nhau chung
Trong lời khấn xin chan chứa niềm tin
Có ai ngỏ tình yêu ngày đó gieo ngang trái sầu lo
Tháp chuông bị giảm tan... Cuộc tình trên cũng tro tàn.
...Từng đêm anh chắp hai tay xin cho tình yêu đó
Thấm nhuần trong tay Chúa ban ơn
Anh xây lại gác chuông trên kỷ niệm xưa.
(Phương Linh. Bóng Nhỏ Giáo Đường)
Những kỷ niệm học trò : đến trường, hẹ hò, lưu bút, tóc thề, học thi, trường gần nhà thờ, đi và về vào lễ Chúa Nhật...
Trường em ngó qua gác chuông nhà thờ
Chủ nhật em xem lễ, tôi học bài vu vơ
Giờ tan lễ hai đứa chung đường về
Em thẹn thùng không nói tôi cũng lại không đi...
Rộn ràng mong thánh lễ áo tím ngày vu quy.
(Hồi Chuông Xóm Đạo. Nhạc: Anh Bằng; Thơ : Kiên Giang)
Bài học đầu tiên ông cha dạy ‘‘phải có gì với núi sông mới nghĩ đến tình duyên’’
Hai người hai phương trời chờ mong. Nhưng hiểu nhau vì nghiệp vụ :
Đêm về nguyện cầu cho anh
Quanh năm cầu anh an lành
Mai anh về có em bên mình
Lúc bấy giờ thà hồ vui
Nửa đêm giáo đường chuông vang xa xôi
Phó vui như thủa ban đầu
Gặp nhau giữa đêm kinh cầu
Cầu xin xuốt đời mình mãi yêu nhau
Mang tình đó không phai màu...
Mong anh trọn tình chúng ta trọn đời
(Nguyên Thao. Nguyện Cầu Trong Đêm)
Câu thề hứa trung thủy khi đám cưới
Kỷ niệm không phải góc giáo đường
Ngày nào em cũng chờ anh góc
giáo đường vang tiếng kinh buồn...
Tình ta giờ khuất mây trời...
Dù đời có bể dâu, mong tình không vững u sầu
Dù cho muôn kiếp, ta nguyện lòng chung phai màu.
Tiếng chuông ngân giáo đường, anh dừng chân nhớ thương
Gác chuông bây giờ, chỉ còn là khói sương
Chập chờn hư ảo, phai tàn theo cơn bão
Tim em giờ ở phương nào?
(Vũ Phong Sơn. Góc Giáo Đường Cũ)
Tuổi đẹp nhất vẫn là tuổi học trò ngây thơ. Nơi mến thương nhất vẫn là xóm đạo hiền hòa. Tình cao qúi nhất vẫn là tình đầu. Nhưng chiến tranh đến làm mất tình duyên hai người
Ngày xưa tôi có người yêu rất đẹp ở xóm đạo
Những buổi tan trường thường hay tìm nhau xây mơ ước ngày sau
Nhặt cành hoa trắng thiết tha tôi cài lên trên áo lụa xanh màu tím
Say sưa trao nhau kỷ niệm phút giây ban đầu
Tình ta sẽ dài lâu như hoa trắng không phai màu
Một hôm tôi đến tìm em đề từ giã lên đường
Gửi lại phố phường duyên đôi mình thương mãi xa cách ngàn phương.
(Bằng Quang. Người Em Xóm đạo)
Lời ca của Lê Trung Nguyên trong bài Chiều Bên Giáo Đường. Gợi nhớ ‘‘Mười Trinh Nữ’’ trong Thánh Kinh (x. Mt 25, 1-13). Đọc kỹ những từ trong bản nhạc mới thấy, nhớ chiều chiều đến nhà thờ, mà người con gái giữ nguyên vẹn trong chiếc áo tâm hồn, lại trong tay có đèn dầu. Cho chú rể đón...vào dự tiệc cưới.
Tà áo trinh nguyên tung bay
Nụ cười ân ái
Hồi chuông thiêng loang sức mây trời...
Xa dần đen tối, tìm màu xuân mới trên làn môi
Rồi đây mây xám bay qua rồi.
Trong gió hẹn ước không thôi
Là lúc tin yêu lên ngôi
Ta hát khúc chung đôi.
Biết bao mối tình chớm nở, bắt đầu lớn lên, thành hình từ... qùi trong giáo đường, bên Chúa, dưới tháp chuông, bên tiếng kinh, nhạc ngân vang, với ánh nến lung linh...Tất cả được Thiên Chúa chúc phúc, thánh hóa.
Bài thánh ca còn nhớ không em
Noel năm nào chúng mình có nhau
Long lanh sao trời đẹp thêm môi mắt
Áo trắng em bay như cánh thiên thần...
Bao nhiêu đêm Chúa xuống dương gian
Bấy nhiêu lần anh nhớ người yêu...
(Nguyễn Vũ. Bài Thánh Ca Buồn)
Mẩu tâm tình thú vị chớm nở này, diễn ra nơi kín đáo, nghiêm trang, tĩnh mịch, thiêng liêng... gợi nhớ chi tiết trong Thánh Kinh: Hai người cầu nguyện trong đền thờ, với tình thần khác nhau. Một người khiêm tốn, một bên không. (x. Lc 18, 9-14)
Phó tế Phạm Bá Nha
1. Tầu thuyền, kho đạn và cầu phao của quân Nga bị bắn cháy ở miền nam Ukraine
Hàng loạt các vụ nổ lớn đã xảy ra khi các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh của Lực lượng vũ trang Ukraine đã tấn công tàu thuyền của đối phương, kho đạn và các cầu phao ở miền nam Ukraine.
Giám đốc Cục Quản lý Quân sự Khu vực Odesa Serhii Bratchuk đã cho biết như trên trong bản báo cáo sáng thứ Bẩy 3 tháng 9.
“Vào lúc 03:00 chiều, các thiết bị quân sự của Nga đã phát nổ và bốc cháy ở Quận Kakhovka của Vùng Kherson. Ngoài ra, một căn cứ của kẻ thù gần Nova Kakhovka đã bị tấn công.”
Bratchuk nói thêm rằng: Các lực lượng Ukraine cũng gây ra hỏa hoạn và các vụ nổ khi phá hủy các kho đạn của Nga ở quận Beryslav, gần Vysokopillia và gần Darivka.
2. Nga đóng cầu Eo biển Kerch để ngăn dòng binh sĩ bỏ chạy khỏi Ukraine
Trong cuộc họp báo chiều thứ Sáu 2 tháng 9, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết Nga đóng cầu Eo biển Kerch để ngăn dòng binh sĩ bỏ chạy khỏi Ukraine.
Trước hết, phát ngôn nhân Ukraine nói rằng Ban lãnh đạo quân đội Ukraine có đầy đủ thông tin về số lượng quân địch ở miền nam đất nước nhưng không có ý định báo cáo công khai những con số này.
Natalia Humeniuk, phát ngôn nhân của Bộ chỉ huy quân sự phía Nam, đã phát biểu như trên tại hội nghị truyền hình quốc gia, khi trả lời câu hỏi về số lượng lực lượng mà Nga đã tích lũy ở hướng nam.
“Sẽ là không thích hợp nếu tiết lộ dữ liệu như vậy. Chúng tôi đánh giá đầy đủ lực lượng của kẻ thù, chúng tôi nhận ra chúng có bao nhiêu người. Đây không phải là những con số quan trọng có thể khiến chúng tôi mất thăng bằng,” Humeniuk nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi về việc liệu quân xâm lược Nga có cố gắng chạy trốn khỏi Kherson về phía Crimea hay không, phát ngôn nhân cho biết: “Vâng, có một phong trào như vậy, và đó là một trong những lý do mà gần đây họ đã chặn Cầu Eo biển Kerch. Người Nga đang cố gắng để sử dụng cây cầu theo hai chế độ trái ngược nhau. Họ tăng lượng dự trữ; nhưng đồng thời khuân về Nga những gì có giá trị nhất đối với họ - chiến lợi phẩm và gia đình của họ.”
Giá nhà tại vùng Crimea xuống đến mức thấp chưa từng có sau các cuộc tấn công của quân Ukraine vào bán đảo này và đặc biệt sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy bảo người Nga tại Crimea nếu muốn sống thì hãy bỏ chạy.
3. Hoan hô Sukhyi Stavok hoàn toàn giải phóng
Trong bản báo cáo sáng thứ Bẩy 3 tháng 9, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết giao tranh đã diễn ra ác liệt tại thị trấn Sukhyi Stavok trong ngày thứ Sáu 2 tháng 9.
Lực lượng vũ trang Ukraine đã loại khỏi vòng chiến 37 binh sĩ Nga, phá hủy 4 pháo tăng Msta-B và loại khỏi vòng chiến một chiếc máy bay Su-25 của Nga.
“Sukhyi Stavok đã được hoàn toàn giải phóng. Tổn thất được xác nhận của kẻ thù trong cuộc chiến tại đây là 37 binh sĩ, 4 xe tăng, 4 pháo Msta-B, Grad MLRS, 10 xe thiết giáp và một kho đạn. Nga đã tung các máy bay chiến đấu để yểm trợ cho quân Nga tử thủ trong các giao thông hào. Tuy nhiên, một máy bay Su-25 đã bị loại khỏi vòng chiến.”
Ngoài ra, ở phía nam, các đơn vị hỏa tiễn, pháo binh đánh một bến phà gần Lvove và hai khu vực tập trung lực lượng, phương tiện của địch.
Trong 24 giờ qua, trong cuộc tổng phản công ở miền Nam quân đội Ukraine đã loại khỏi vòng chiến 201 quân xâm lược Nga, 12 xe tăng T-72 và 18 xe bọc thép, cũng như 6 kho đạn ở hướng nam.
4. Mười bốn quân nhân Ukraine đã được trả tự do trong một cuộc hoán đổi tù nhân khác với Nga.
Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết “Là một phần công việc của Trụ sở Điều phối Điều trị Tù nhân Chiến tranh ở vùng Donetsk, một cuộc trao đổi tù nhân chiến tranh khác giữa Ukraine và Nga đã diễn ra hôm nay. 14 hậu vệ Ukraine đã trở về nhà”.
Theo Phó Thủ tướng Vereshchuk, trong số những người được thả tự do có 10 thành viên thuộc lữ đoàn cơ giới hóa biệt lập số 58 và bốn người thuộc lữ đoàn cơ giới hóa số 30. Họ đã bị quân xâm lược Nga bắt vào mùa xuân năm nay.
Người ta cũng lưu ý rằng một sĩ quan và một quân y nằm trong số những người được thả.
Công việc thương lượng trao trả tù nhân vẫn tiếp tục.
5. Gazprom tạm dừng hoàn toàn việc cung cấp khí đốt cho Nord Stream 1, vì lý do rò rỉ
Tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga hoàn toàn ngừng cung cấp khí đốt cho Nord Stream 1 và viện lý do là rò rỉ dầu, Gazprom cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Sáu.
Nord Stream 1 - đường ống lớn nhất đưa nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga đến Âu Châu qua Đức - đã được lên kế hoạch ngừng hoạt động trong ít nhất là 72 giờ để bảo trì.
Với tuyên bố mới nhất này, Gazprom cho biết nguồn cung cấp qua đường ống sẽ bị “ngừng hoàn toàn” cho đến khi các vấn đề về vận hành thiết bị được giải quyết, và không đưa ra mốc thời gian rõ ràng về thời điểm dòng chảy sẽ tiếp tục.
Trong quá trình bảo dưỡng tại trạm máy nén Portovaya của mình, Gazprom phát hiện rò rỉ dầu, đồng thời cho biết thêm rằng cơ quan giám sát nhà nước Nga đã đưa ra cảnh báo cho công ty và họ cũng đã gửi thư cho Siemens về việc cần phải sửa chữa tuabin..
Siemens Energy, nhà sản xuất tuabin của Đức trên đường ống Nord Stream 1, cho biết rò rỉ dầu “không phải là lý do kỹ thuật” có thể biện minh cho việc ngừng cung cấp khí đốt từ Nga cho phần còn lại của Âu Châu.
“Với tư cách là nhà sản xuất tuabin, chúng tôi chỉ có thể tuyên bố rằng phát hiện như vậy không phải là lý do kỹ thuật để ngừng hoạt động.” Công ty cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Sáu.
Theo Siemens, những rò rỉ như vậy thường không ảnh hưởng đến hoạt động của tuabin và có thể được bịt kín tại chỗ.
“Đó là một quy trình thường xuyên trong quá trình bảo trì. Trong quá khứ, sự xuất hiện của loại rò rỉ này đã không dẫn đến việc ngừng hoạt động”.
Siemens cũng cho biết họ đã chỉ ra “vài lần” rằng có đủ số tua bin bổ sung tại trạm máy nén Portovaya để Nord Stream 1 hoạt động.
6. Sau chuyến thăm Zaporizhzhia, lãnh đạo IAEA cho biết mối quan tâm chính của ông là sự an toàn của nhân viên và nguồn cung cấp điện
Sau khi thăm nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia vào hôm thứ Năm, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế Rafael Grossi nói với các phóng viên ở Vienna rằng ông quan tâm đặc biệt đến sự an toàn của nhân viên và nguồn cung cấp điện.
Người đứng đầu cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc cho biết: “Rõ ràng là có rất nhiều giao tranh ở khu vực này của Ukraine,Các hoạt động quân sự đang gia tăng ở khu vực đó của đất nước khiến tôi lo lắng rất nhiều”.
Grossi cho biết trong chuyến thăm ngày hôm qua, anh và nhóm của mình đã nhìn thấy những lỗ hổng trong khu phức hợp hạt nhân lớn nhất thuộc loại này ở Âu Châu.
“Tính toàn vẹn về vật chất của cơ sở đã bị vi phạm không phải một lần mà nhiều lần. Và đây là điều không thể chấp nhận được theo bất kỳ cách nào, và theo bất kỳ tiêu chí an toàn và an ninh nào,” Grossi nói.
Cả Ukraine và Nga đều đổ lỗi cho nhau về các vụ pháo kích vào và xung quanh nhà máy.
Về mối đe dọa đối với nguồn cung cấp điện, ông nói: “Rõ ràng là những người có mục tiêu quân sự này biết rất rõ rằng cách làm tê liệt hoặc gây thêm thiệt hại không phải là nhìn vào các lò phản ứng, vốn rất cứng cáp và mạnh mẽ, mà là đánh vào yếu điểm rất, rất có vấn đề. “
Grossi nhắc lại rằng một số thanh tra hiện đang ở nhà máy sẽ vẫn ở đó.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc IAEA có mặt tại chỗ, ông nói rằng giờ đây ông biết nhiều hơn những gì ông đã làm trước chuyến thăm. Nhóm nghiên cứu đang học hỏi nhiều hơn “khi chúng tôi nói chuyện,” ông nói, đồng thời nói thêm rằng sự hiện diện của IAEA có “giá trị gia tăng lớn”.
7. Chính quyền Biden đang yêu cầu hơn 13 tỷ USD từ Quốc hội cho các hạng mục liên quan đến chiến tranh Ukraine
Chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đang phác thảo yêu cầu của mình với Quốc hội về dự luật tài trợ tiếp theo của chính phủ bao gồm tiền bổ sung cho những gì họ mô tả là “bốn nhu cầu quan trọng”, bao gồm hỗ trợ cho Ukraine khi chiến tranh tiếp tục.
Tòa Bạch Ốc đang yêu cầu 11,7 tỷ USD hỗ trợ kinh tế và an ninh cho Ukraine và thêm 2 tỷ USD “để giúp giải quyết các tác động mà cuộc chiến của Putin gây ra đối với nguồn cung năng lượng trong nước và giảm chi phí năng lượng trong tương lai”, Văn phòng Quản lý và Ngân sách, gọi tắt là OMB, cho biết như trên.
Theo bản tóm tắt từ OMB, yêu cầu trị giá 13,7 tỷ đô la đó bao gồm:
4,5 tỷ đô la cho thiết bị
2,7 tỷ đô la cho hỗ trợ quân sự, tình báo và quốc phòng khác
4,5 tỷ USD hỗ trợ ngân sách trực tiếp cho Ukraine
1,5 tỷ đô la cho “uranium để cung cấp nhiên liệu cho các lò phản ứng hạt nhân của Mỹ nhằm bù đắp sự sụt giảm tiềm năng trong nguồn cung cấp của Nga và 500 triệu đô la để hiện đại hóa Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược nhằm giảm chi phí năng lượng trong nước và bảo đảm khả năng tiếp cận bền vững với các nguồn năng lượng”.
Yêu cầu được đưa ra khi các nhà lập pháp chuẩn bị quay trở lại Washington, DC, sau kỳ nghỉ giải lao vào tháng 8 để đối mặt với một mục chính trong chương trình nghị sự lập pháp cần phải thông qua.
Cho đến nay, Mỹ đã cung cấp khoảng 13 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine bắt đầu vào ngày 24 tháng 2. Mỹ cũng đã cung cấp 7 tỷ USD viện trợ không hoàn lại để hỗ trợ ngân sách trực tiếp và hơn 1,5 tỷ USD viện trợ nhân đạo cho Ukraine và những người tị nạn Ukraine.
1. Tiến sĩ George Weigel: Tình liên đới Kitô Giáo chống lại sự dã man
Hôm 25 tháng 8, trong một tuyên bố chưa từng có, Thánh Công Đồng của Giáo hội Chính thống Nga cho biết sẽ hoãn vô thời hạn các cuộc họp. Các nguồn tin thông thạo cho rằng lý do chính trong việc hoãn vô thời hạn là đã có những tranh cãi gay gắt trong nội bộ Chính Thống Giáo Nga. Một số các Giám Mục Chính Thống Giáo cáo buộc Thượng Phụ Kirill đang lèo lái lương tâm các tín hữu khi có ý muốn “phong thánh” cho Daria Dugina, một phụ nữ quá khích hô hào chiến tranh xâm lược Ba Lan và Ukraine, và đã qua đời trong một vụ đặt bom làm nổ tung chiếc xe hơi cô đang lái. Putin ca ngợi Daria Dugina như một hình mẫu người Nga yêu nước nhằm biện minh cho cuộc xâm lược Ukraine. Kirill ca ngợi cô ta như một hình mẫu tín hữu Chính Thống Giáo, mặc dù khi sống, cô ta hô hào chống lại các giá trị cốt lõi của Kitô Giáo như yêu thương và xem mọi người là bình đẳng, được tạo ra theo hình ảnh Chúa và giống Chúa.
Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết đăng trên tờ First Things có nhan đề “Christian solidarity versus barbarism”, nghĩa là “Tình liên đới Kitô Giáo chống lại sự dã man” nhằm hô hào các nhân đức Kitô khi đối diện với những lèo lái của các loại giáo gian, buôn thần bán thánh. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Chiến tranh man rợ chắc chắn gây ra một dòng lớn người tị nạn chạy trốn khỏi cuộc tàn sát, và cuộc chiến man rợ của Nga năm 2022 không phải là ngoại lệ. Điều khác biệt - và điều đáng mừng hơn, trong mùa chán nản này trước tình hình các vấn nạn thế giới và phản ứng của Giáo Hội Công Giáo đối với những vấn đề đó - là cách đối xử với hàng triệu người tị nạn Ukraine chạy trốn khỏi cuộc chiến của Putin. Sự khác biệt đó đã mang lại cho tôi, một cách tỏ tường, trong một cuộc trò chuyện giữa tôi với một nhà vật lý thiên văn nổi tiếng người Ba Lan.
Giáo sư Leszek Roszkowski đã đến Cracow từ Warsaw để thảo luận về một hội nghị tương lai của Hiệp hội các nhà khoa học Công Giáo sẽ được tổ chức tại đây vào năm tới. Tuy nhiên, không thể tránh khỏi cuộc trò chuyện của chúng tôi chuyển sang cuộc chiến ở Ukraine và phản ứng của Ba Lan đối với cuộc chiến ấy. Trong quá trình thảo luận đó, Giáo sư Roszkowski đề cập rằng gần đây ông đã được một đồng nghiệp từ một quốc gia Á Châu đến thăm. Hai nhà khoa học nói về đợt triều cường lớn những người tị nạn đã tràn qua Ba Lan kể từ tháng Hai - và sau đó vị khách của Giáo sư Roszkowski hỏi, “Các trại tị nạn nằm ở đâu?” Theo kinh nghiệm của anh ấy và của phần lớn thế giới, khi bạn đón nhận những người chạy trốn chiến tranh, bạn giữ họ trong các trại tị nạn.
Nhà vật lý thiên văn người Ba Lan giải thích rằng không có trại nào hết cả. Người Ba Lan đã đưa hàng trăm nghìn người tị nạn vào nhà của họ, sau khi họ đi qua các trung tâm trung chuyển ở biên giới Ba Lan-Ukraine và được chào đón tại các trung tâm dịch vụ người tị nạn. Những ngôi nhà ở Ba Lan, không phải trại hay kho dự trữ, là nơi những người tị nạn Ukraine tìm đến khắp Ba Lan vào năm 2022.
Công Giáo Ba Lan ngày nay có nhiều vấn đề. Hàng giáo phẩm, hoặc ít nhất là một số các giám mục có tiếng nói nhất, liên kết quá chặt chẽ với một đảng chính trị duy nhất. Hơn nữa, các giám mục Ba Lan dường như học được rất ít từ các giám mục khác về sự bắt buộc liên quan đến tính minh bạch trong việc khôi phục uy tín của Giáo hội và đối phó với sự tấn công của giới truyền thông hung hãn khi các vấn đề lạm dụng tình dục giáo sĩ phát sinh. Quá ít giáo sĩ Ba Lan (và giáo dân, liên quan đến vấn đề đó) hiểu rằng Ba Lan ngày nay là lãnh thổ truyền giáo, vì bản sắc dân tộc và văn hóa Ba Lan không còn truyền bá đạo Công Giáo như đã từng làm, và trong ký ức sống động. Các hội thảo vẫn phải được cải tổ triệt để nhằm biến chúng thành những tổ chức chuẩn bị cho những người truyền giảng Tin Mừng, chứ không phải là thành viên của một công đoàn giáo sĩ.
Trở lại những gì đang được đề cập đến, phản ứng lớn và gần như nhất trí của Ba Lan đối với cuộc khủng hoảng người tị nạn Ukraine cho thấy một nền văn hóa Kitô được định hình bởi hơn một thiên niên kỷ lịch sử vẫn còn tồn tại ở Ba Lan. Vì vậy, Giáo sư Roszkowski đề xuất, đó là những bản năng được sinh ra từ những ký ức về cuộc kháng chiến của người Ba Lan dưới thời Đức Quốc xã và những người cộng sản. Những bản năng định hướng ký ức đó đã được truyền lại bởi cha mẹ và ông bà của những người trẻ tuổi Ba Lan ngày nay: Có một cuộc khủng hoảng và mọi người đang bị đe dọa chết người; bạn phải giúp đỡ, chấm hết; không có chỗ cho các phép tính thực dụng.
Bản năng đoàn kết này là một dấu ấn của một nền văn hóa Kitô giáo sống động. Nó trái ngược hẳn với sự độc ác và man rợ do chính sách của nhà nước Nga thể hiện ở Ukraine bị chiếm đóng, liên quan đến vụ bắt cóc hơn một triệu người (trong đó có khoảng 260.000 trẻ em) và trục xuất hàng loạt sang Nga (thường có nghĩa là Siberia). Các gia đình bị chia cắt có chủ ý, và các trại trẻ mồ côi được lục soát để các trẻ mồ côi có thể được nhận làm con nuôi ở Nga. Những người chống lại sự cưỡng bức vô nhân đạo này thường bị tra tấn và hành quyết.
Điều đó bác bỏ tuyên bố lầm lạc rằng nước Nga của Putin là Người bảo vệ vĩ đại của nền văn minh Kitô giáo.
Sự nồng nhiệt và hào phóng trong phản ứng của Ba Lan đối với người tị nạn Ukraine cũng thể hiện sức mạnh của sự hòa giải Kitô giáo để tạo ra mạng lưới đoàn kết. Không có nhiều lịch sử hạnh phúc giữa Ba Lan và Ukraine, và một số lịch sử tồi tệ nhất diễn ra trong Thế chiến thứ hai. Tuy nhiên, không ai nói về điều đó bây giờ. Như Đức Gioan-Phaolô II đã nói, “ký ức lịch sử” đã được “thanh tẩy” và kết quả là sự hòa giải hiểu biết lẫn nhau.
Đó là lý do khác giải thích tại sao, giữa cuộc khủng hoảng người tị nạn nghiêm trọng nhất của Âu Châu kể từ năm 1945, không có trại tị nạn nào ở Ba Lan, mà những người tị nạn được chào đón, che chở và nuôi dưỡng trong các ngôi nhà của người Ba Lan.
Source:First Things
2. Bài Giảng của Đức Phanxicô tại Aquila, nơi có mộ Đức Celestinô V, vị Giáo Hoàng từng từ chức trong thế kỷ 13, một ngày sau khi tấn phong 20 tân Hồng Y tại Vatican
Theo Aleteia, đối với Đức Phanxicô, Đức Celestinô V là vị Giáo Hoàng được ngài qúy mến đặc biệt đến nỗi năm 2014, ngài đã tuyên bố một năm thánh kính vị Giáo Hoàng này, vì vị Giáo Hoàng này là vị Giáo Hoàng của Lòng Thương Xót.
Thật vậy, trong nhiều thế kỷ, Aquila đã duy trì sống động di sản Đức Celestinô V đã để lại cho nó. Di sản này là đặc ân nhắc nhở mọi người rằng lòng thương xót, và chỉ với lòng thương xót thôi, đời đàn ông và đàn bà của họ mới được sống một cách hân hoan.
Tại đây, Đức Phanxicô nhắc đến điều Đức Celestinô V đã làm: dù triều Giáo Hoàng của ngài cực kỳ vắn vỏi, trong hành vi đầu tiên của ngài, ngài đã tạo nên một điều hoàn toàn mới mẻ: ban hành sắc chỉ Perdonanza hay Ơn Tha Thứ. Chính triều Giáo Hoàng này đã dẫn đến truyền thống năm thánh và các ơn đại xá được ân ban trong những dịp này.
Chính vì thế, năm 2014, Đức Phanxicô đã công bố một năm thánh để kỷ niệm 800 năm ngày sinh của Đức Celestinô V. Và năm 2025, Giáo Hội sẽ cử hành năm thánh thường lệ theo truyền thống của vị Giáo Hoàng này.
Tưởng cũng nên nhắc đến khẩu hiệu của Đức Phanxicô, miserando atque eligendo (thương xót và tuyển chọn). Khẩu hiệu này tuy lấy từ một bài giảng của Thánh Bede nhân ngày lễ kính Thánh Mátthêu, nhưng nó cũng vô tình nối kết với Đức Celestinô V: cả hai vị đều cổ vũ lòng thương xót. Hôm nay, tại Aquila, Đức Phanxicô nhắc lại chủ đề xuyên suốt của triều Giáo Hoàng của ngài: “Tên Thiên Chúa là Thương Xót. Đây là chính tâm điểm của Tin Mừng, vì thương xót là biết rằng chúng ta được yêu thương trong nỗi khốn cùng của chúng ta”.
Thành thử, với Đức Phanxicô, di sản của Đức Celestinô V không có điều gì liên quan tới việc ngài từ nhiệm ngôi Giáo Hoàng cả. Sau đây là nội dung bài giảng trong thánh lễ ngày 28 tháng 8 tại Aquila, nơi có phần mộ của Đức Celestinô V:
Các Thánh là lời giải thích hấp dẫn về Tin Mừng. Cuộc sống của các ngài là một vọng nhìn thuận lợi đặc biệt mà từ đó chúng ta có thể thoáng thấy Tin Mừng được Chúa Giêsu đến để loan báo – rằng Thiên Chúa là Cha của chúng ta và mỗi người chúng ta đều được Người yêu thương. Đây là tâm điểm của Tin Mừng, và Chúa Giêsu là bằng chứng của Tình yêu này – việc nhập thể của Người, khuôn mặt của Người.
Hôm nay chúng ta cử hành Thánh Thể vào một ngày đặc biệt đối với thành phố này và Giáo hội này: Ơn Tha thứ của Đức Celestinô. Tại đây còn lưu giữ các di vật của Đức Giáo Hoàng Celestinô V. Con người này dường như đã hoàn toàn hoàn thành những gì chúng ta đã nghe trong Bài Đọc Thứ Nhất: “Càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế, con sẽ được đẹp lòng Chúa” (Hc 3:18). Chúng ta nhớ lầm Đức Celestinô V như “người đã thực hiện cuộc từ chức nổi tiếng,” theo cách diễn đạt được Dante sử dụng trong Divine Comedy của ông. Nhưng Đức Celestinô V không phải là người nói "không", mà là người nói "có."
Thực thế, không có cách nào khác để hoàn thành thánh ý của Thiên Chúa ngoài việc mặc lấy sức mạnh của người khiêm tốn, không có cách nào khác. Chính vì họ là như vậy, nên những người khiêm nhường xem ra yếu đuối và là kẻ thất bại trước mắt những người nam nữ, trong khi thực tế, họ là những kẻ chinh phục thực sự vì họ là những người hoàn toàn tin tưởng vào Chúa và biết thánh ý của Người. Thật vậy, “đối với người khiêm tốn, Thiên Chúa bày tỏ bí mật của Người, và Người được tôn vinh bởi người khiêm nhường,” (xem Hc 3: 19-20). Trong tinh thần thế gian, vốn bị tính kiêu ngạo thống trị, Lời Chúa dành cho ngày hôm nay mời gọi chúng ta trở nên khiêm nhường và nhu mì. Sự khiêm tốn không hệ ở việc coi thường bản thân, mà đúng hơn hệ ở tính hiện thực lành mạnh khiến chúng ta nhận ra những tiềm năng cũng như nỗi khốn cùng của mình. Bắt đầu từ sự khốn cùng của chúng ta, sự khiêm nhường khiến chúng ta rời mắt khỏi bản thân để hướng về Thiên Chúa, về Đấng có thể làm mọi sự và thậm chí là Đấng dành cho chúng ta những gì chúng ta không thể tự mình kiếm được. “mọi sự có thể đuợc thực hiện cho những người có đức tin” (Mc 9:23).
Sự khiêm tốn không hệ ở việc coi thường bản thân, mà đúng hơn hệ ở tính hiện thực lành mạnh khiến chúng ta nhận ra những tiềm năng cũng như nỗi khốn cùng của mình.
Sức mạnh của người khiêm tốn là Chúa, không phải các chiến lược, phương tiện của con người, luận lý của thế gian này, tính toán. Không, chính là Chúa. Theo nghĩa đó, Đức Celestinô V là một nhân chứng dũng cảm của Tin Mừng vì không có luận lý hay sức mạnh nào có thể giam cầm hoặc kiểm soát ngài. Nơi ngài, chúng ta ngưỡng mộ một Giáo hội thoát khỏi luận lý thế gian, làm chứng hoàn toàn cho danh Thiên Chúa vốn là Lòng Thương Xót. Đây là tâm điểm của Tin Mừng, vì lòng thương xót là biết rằng chúng ta được yêu thương trong sự khốn cùng của chúng ta. Chúng đi với nhau. Không thể hiểu được lòng thương xót nếu không hiểu được nỗi khốn cùng của chính mình. Là tín hữu không có nghĩa là tiến gần một vị Thiên Chúa tối tăm và đáng sợ. Thư gửi tín hữu Hípri nhắc chúng ta điều này:
“Anh em đã chẳng tới một quả núi sờ thấy được, có lửa đang cháy, mây mù, bóng tối và dông tố, có tiếng kèn vang dậy, và tiếng nói thét gầm, khiến những kẻ nghe phải van xin đừng để lời ấy thốt ra với họ nữa” (12:18 -19).
Không. Anh chị em thân mến, chúng ta tiến gần Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng là Lòng Thương Xót của Chúa Cha và là Tình yêu cứu độ. Người là lòng thương xót, và chỉ với lòng thương xót của Người, Người mới có thể nói lên nỗi khốn cùng của chúng ta. Nếu một trong chúng ta nghĩ rằng họ có thể với tới lòng thương xót theo cách khác ngoài nỗi khốn cùng của chính họ, thì họ đã đi sai đường. Đây là lý do tại sao điều quan trọng là phải hiểu thực tại của chính mình.
… Lòng thương xót là biết rằng chúng ta được yêu thương trong nỗi khốn cùng của chúng ta…
Trong nhiều thế kỷ, Aquila đã duy trì sống động di sản vị Giáo Hoàng này đã để lại cho nó. Di sản này là đặc ân nhắc nhở mọi người rằng lòng thương xót, và chỉ với lòng thương xót thôi, đời đàn ông và đàn bà của họ mới được sống một cách hân hoan. Lòng thương xót là kinh nghiệm cảm thấy được chào đón, đặt lại trên đôi chân của chúng ta, được củng cố, chữa lành, khuyến khích. Được tha thứ là trải nghiệm ở đây và bây giờ điều gần gũi nhất với việc được sống lại. Tha thứ là hành trình từ cái chết đến sự sống, từ trải nghiệm thống khổ và tội lỗi đến tự do và hân hoan. Ước gì nhà thờ này luôn là một nơi trong đó mọi người có thể được hòa giải và cảm nghiệm được Ân sủng đã đặt chúng ta trở lại trên đôi chân của mình và cho chúng ta một cơ hội khác. Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của những cơ hội thứ hai - “Lạy Chúa, bao nhiêu lần? Một lần? Bảy lần?” - "Bảy mươi lần bảy." Chính Thiên Chúa là Đấng luôn cho anh chị em một cơ hội khác. Cầu mong đó là một nhà thờ của sự tha thứ, không phải mỗi năm một lần, nhưng luôn luôn, mỗi ngày. Vì bằng cách này, hòa bình được xây dựng, nhờ sự tha thứ được nhận và cho đi.
Bắt đầu với nỗi khốn cùng của chính mình và nhìn vào đó, cố gắng tìm ra cách để vươn tới sự tha thứ, bởi vì ngay cả trong nỗi khốn cùng của chính mình, chúng ta sẽ luôn tìm thấy ánh sáng vốn là con đường đi đến Chúa. Người cho chúng ta ánh sáng trong sự khốn cùng của chúng ta. Chẳng hạn như sáng nay, tôi đã nghĩ về điều này khi chúng tôi đến L’Aquila và chúng tôi không thể hạ cánh - sương mù dày đặc, mọi thứ đều tối tăm, bạn không thể hạ cánh. Phi công trực thăng lượn vòng, lượn vòng, lượn vòng…. Cuối cùng, ông ấy đã nhìn thấy một lỗ hổng nhỏ và ông ấy đã đi qua đó - ông ấy đã thành công. Một phi công bậc thầy. Và tôi đã nghĩ về sự khốn cùng này và cách cùng những sự việc này đã xảy ra với sự khốn cùng của chính chúng ta. Đã bao lần chúng ta nhìn xem mình là ai - không là gì, không hơn không kém - và chúng ta lượn vòng, lượn vòng…. Nhưng đôi khi, Chúa tạo ra một lỗ hổng nhỏ. Anh chị em hãy đặt mình vào đó, chúng là các vết thương của Chúa! Đó là nơi mà lòng thương xót ở, nhưng nó ở trong sự khốn cùng của anh chị em. Có một lỗ hổng trong sự khốn cùng của anh chị em mà Chúa tạo ra để đi vào đó. Lòng thương xót đến với anh chị em, đến với tôi, đến với sự khốn cùng của chúng ta.
Anh chị em thân mến, anh chị em đã phải chịu nhiều thiệt hại vì trận động đất. Và với tư cách là một dân số, anh chị em đang cố gắng đứng dậy và đi lại trên đôi chân của mình. Nhưng những người đã từng đau khổ phải có khả năng tạo ra một kho báu từ những đau khổ của chính họ, họ phải hiểu rằng trong bóng tối mà họ đã trải qua, họ cũng đã nhận được món quà là thấu hiểu nỗi đau khổ của người khác. Anh chị em có thể trân trọng món quà của lòng thương xót bởi vì anh chị em biết ý nghĩa của việc mất đi mọi thứ, nhìn thấy mọi thứ đã được xây dựng nay đổ nát, phải lìa xa mọi thứ thân yêu đối với anh chị em, cảm thấy lỗ hổng do sự vắng mặt của những người anh chị em yêu thương. Anh chị em có thể quý trọng lòng thương xót bởi vì anh chị em đã cảm nghiệm được lòng thương xót.
Nhưng những người đã đau khổ phải có khả năng tạo ra một kho báu từ sự đau khổ của chính họ…
Trong cuộc đời của họ, tất cả mọi người, ngay cả khi chưa sống qua một trận động đất, cũng có thể trải qua một “trận động đất linh hồn”, có thể nói như thế, điều đó khiến chúng ta tiếp xúc với sự yếu đuối của chính mình, những hạn chế của chính mình, sự khốn cùng của chính mình. Trong kinh nghiệm này, chúng ta có thể mất tất cả, nhưng chúng ta cũng có thể học được sự khiêm tốn thực sự. Trong hoàn cảnh như vậy, chúng ta có thể để cho cuộc sống làm cho mình ra cay đắng, hoặc chúng ta có thể học tính nhu mì. Vì vậy, khiêm nhường và hiền lành là đặc điểm của những người có sứ mệnh trân trọng và làm chứng cho lòng thương xót. Vâng, bởi vì lòng thương xót, khi nó đến với chúng ta và vì chúng ta trân trọng nó, chúng ta cũng có thể làm chứng cho lòng thương xót này. Lòng thương xót là một món quà cho tôi, cho sự khốn cùng của tôi, nhưng lòng thương xót này cũng phải được truyền cho người khác như một món quà của Chúa.
Tuy nhiên, có một lời cảnh tỉnh cho chúng ta biết liệu chúng ta có đang đi sai đường hay không. Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta điều này (x. Lc 14: 1, 7-14). Chúng ta đã nghe thấy Chúa Giêsu được mời dùng bữa tối trong nhà của một người Biệt phái, và chăm chú quan sát xem có bao nhiêu người chạy vội tới những chỗ ngồi tốt nhất trong bàn ăn. Điều này cho Người gợi ý để kể một dụ ngôn vẫn còn giá trị đối với chúng ta ngày nay:
“Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng vào chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng : ‘Xin ông nhường chỗ cho vị này.’ Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống chỗ cuối” (câu 8-9).
Đã quá nhiều lần người ta căn cứ giá trị của mình vào vị trí mà họ chiếm giữ trên đời. Thực ra, người ta không phải là vị trí mà họ nắm giữ. Người ta là sự tự do họ có khả năng làm được điều thể hiện đầy đủ khi người đó chiếm vị trí cuối cùng, hoặc khi người đó được dành một vị trí trên Thập giá.
Đã quá nhiều lần người ta căn cứ giá trị của mình vào vị trí mà họ chiếm giữ trên đời. Thực ra, người ta không phải là vị trí mà họ nắm giữ
Người Kitô hữu biết rằng cuộc đời của họ không phải là sự nghiệp theo cung cách thế gian, nhưng là sự nghiệp theo cách thức của Chúa Kitô, Đấng đã tự nói về mình rằng mình đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ (x. Mc 10:45). Trừ khi chúng ta hiểu rằng cuộc cách mạng của Tin Mừng được bao hàm trong loại tự do này, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến chiến tranh, bạo lực và bất công, tất cả không là gì khác hơn những triệu chứng bên ngoài của sự thiếu tự do bên trong. Nơi không có tự do nội tâm, chỉ có lòng ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích cá nhân, và áp bức, và tất cả những điều khốn cùng này, sẽ tìm thấy con đường đi vào của chúng. Và sự khốn cùng chiếm quyền kiểm soát.
Anh chị em thân mến, ước chi L’Aquila thực sự là thủ đô của sự tha thứ, thủ đô của hòa bình và của hòa giải! Mong sao L'Aquila biết cống hiến cho mọi người sự biến đổi mà Đức Maria đã hát trong kinh Magnificat: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1:52), cuộc biến đổi mà Chúa Giêsu đã nhắc nhở chúng ta trong Tin Mừng hôm nay, “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14:11). Và chúng ta muốn giao phó quyết tâm sống theo Tin Mừng cho chính Đức Maria, đấng mà anh chị em tôn kính dưới danh hiệu Cứu Rỗi Dân L’Aquila. Cầu mong sự chuyển cầu mẫu thân của ngài nhận được sự ân xá và hòa bình cho toàn thế giới. Nhận thức được sự khốn cùng của chính mình và vẻ đẹp của lòng thương xót.
1. Chủ tịch Lukoil rơi từ cửa sổ lầu 6 của bệnh viện ở Mạc Tư Khoa xuống đất
Theo truyền thông nhà nước Nga, Chủ tịch tập đoàn dầu khí Lukoil khổng lồ của Nga đã qua đời sau khi rơi từ cửa sổ của một bệnh viện ở Mạc Tư Khoa,.
“Người đàn ông rơi từ cửa sổ tầng sáu và chết vì vết thương của anh ta”.
Lukoil đã xác nhận cái chết của vị chủ tịch trong một tuyên bố được công bố trên trang web của họ.
Ravil Maganov “đã qua đời sau một trận ốm nặng,” Lukoil nói, không đề cập đến việc bị ngã từ tầng sáu xuống đất vào hôm thứ Năm. “Ông Maganov đã đóng góp to lớn vào sự phát triển không chỉ của công ty mà còn của toàn bộ ngành dầu khí của Nga”.
Lukoil, công ty dầu khí lớn thứ hai của Nga, đã gây chú ý vào tháng 3 khi kêu gọi “chấm dứt sớm nhất cuộc xung đột vũ trang” ở Ukraine.
“Chúng tôi bày tỏ sự đồng cảm chân thành đối với tất cả các nạn nhân, những người bị ảnh hưởng bởi thảm kịch này,” ban giám đốc của công ty cho biết trong một tuyên bố với các cổ đông, nhân viên và khách hàng vào thời điểm đó. “Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ việc ngừng bắn lâu dài và giải quyết các vấn đề thông qua các cuộc đàm phán và ngoại giao nghiêm túc”.
Công ty sản xuất hơn 2% lượng dầu thô của thế giới và sử dụng hơn 100.000 người.
RIA Novosti hôm thứ Năm dẫn lời một nguồn tin của cơ quan thực thi pháp luật cho biết Maganov “rất có thể đã tự sát”.
“Các cơ quan điều tra đang làm việc tại chỗ để xác định nguyên nhân của vụ việc,” nguồn tin nói với RIA.
Ít nhất 5 doanh nhân nổi tiếng của Nga đã chết do tự sát kể từ cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. Những cái chết của họ thường rất khủng khiếp, và họ luôn là những người chống lại cuộc chiến của Vladimir Putin.
2. Câu chuyện quá đỗi đau lòng của một sĩ quan quân Ukraine
Trong bản báo cáo chiều thứ Sáu 2 tháng 9, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine cho biết họ đã bắt giữ một phụ nữ gốc Nga sau khi đơn vị của chồng cô liên tục bị pháo kích, và chịu nhiều thiệt hại rất nặng.
Người phụ nữ này đến từ miền đông Ukraine, là người gốc Nga, đã bị bắt giữ sau khi cô này bị cáo buộc gửi địa điểm của đơn vị chồng cho tình báo quân đội Nga.
Người phụ nữ 31 tuổi, không được nêu tên, đến từ vùng Dnipropetrovsk đã thông báo thông tin về vị trí của các tòa nhà và thiết bị quân sự dọc theo các vị trí tiền tuyến ở các khu vực Donetsk và Zaporizhzhia.
Cơ quan này cho biết người chồng đã sinh nghi sau khi đơn vị của anh bị pháo kích liên tục; và người phụ nữ thường hỏi anh về vị trí của đơn vị anh ta và các đội quân khác của Ukraine trên chiến tuyến.
Sau đó, cô ấy đã chuyển thông tin “thông qua các ứng dụng nhắn tin cho tình báo quân đội Nga, nơi các thông tin này được sử dụng cho pháo binh và không kích”
Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine cho biết người chồng cảm thấy cay đắng vì cô đã thực hiện bước này mặc dù thực tế là cô đã kết hôn chính thức với anh và họ có với nhau một cậu con trai.
3. Các nước G7 đã đồng ý áp đặt giới hạn giá đối với dầu của Nga trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn dòng tiền đổ vào quỹ chiến tranh của Điện Cẩm Linh.
Bộ trưởng Tài chính các nước Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Canada đã đồng ý kế hoạch áp đặt mức giá tối đa đối với giá dầu của Nga. Đề xuất này có nghĩa là các nhà nhập khẩu đang tìm kiếm dịch vụ vận chuyển và bảo hiểm từ các công ty có trụ sở tại các nước G7 và Liên Hiệp Âu Châu sẽ cần phải tuân thủ giới hạn giá để vận chuyển dầu của Nga.
Mức giới hạn dự kiến sẽ được áp dụng cùng lúc với các lệnh cấm vận của Liên Hiệp Âu Châu đối với dầu của Nga bắt đầu từ ngày 5 tháng 12 đối với dầu thô và ngày 5 tháng 2 đối với các sản phẩm tinh chế, chẳng hạn như dầu diesel. Mức độ của giới hạn vẫn đang được thảo luận.
Ông Nadhim Zahawi, đại diện cho chính quyền Anh, cho biết quyết định này diễn ra sau cuộc họp hồi đầu tuần với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tại Washington.
Yellen cho biết biện pháp này sẽ được thực hiện “trong những tuần tới” và thể hiện một “đòn giáng mạnh vào tài chính của Nga và sẽ cản trở khả năng của Nga trong việc chống lại cuộc chiến vô cớ ở Ukraine”.
4. Ukraine trừng phạt con gái của Putin
Các con gái của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đứng đầu danh sách trừng phạt mới của Ukraine.
Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk, kiêm Bộ trưởng Bộ Tái hòa nhập các vùng lãnh thổ tạm thời bị chiếm đóng của Ukraine, cho biết chính phủ đã phê duyệt danh sách bao gồm 99 cá nhân và 178 pháp nhân.
Các cô con gái trưởng thành của Putin là Katerina Tikhonova và Maria Vorontsova nằm trong số những người được nêu tên, cùng với Liên đoàn các công ty công nghiệp Nga và các quan chức của các ngân hàng quốc gia Nga và Belarus.
Đầu năm nay, Mỹ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với người dân và các thực thể mà Ukraine vừa liệt kê. Ukraine lưu ý rằng kể từ bây giờ, quốc gia này cũng sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với những người đã bị trừng phạt bởi các nước đối tác.
5. Bộ trưởng Tài chính các nước G7 có kế hoạch thực hiện giới hạn giá đối với các sản phẩm xăng và dầu của Nga
Các bộ trưởng tài chính của các quốc gia G7 đã công bố một tuyên bố chung thông báo rằng họ đã đồng ý thực hiện giới hạn giá đối với dầu và các sản phẩm dầu mỏ của Nga nhằm “giảm nguồn thu của Nga và khả năng của Nga trong việc tài trợ cho cuộc chiến tranh xâm lược của mình”.
“ Hôm nay, chúng tôi xác nhận ý định chính trị chung của chúng tôi là hoàn thiện và thực hiện một lệnh cấm toàn diện đối với các dịch vụ cho phép vận chuyển hàng hải dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ có xuất xứ từ Nga trên toàn cầu - việc cung cấp các dịch vụ như vậy sẽ chỉ được phép nếu dầu và các sản phẩm dầu mỏ được mua bằng với giá hoặc thấp hơn một mức giá “giới hạn” được xác định bởi liên minh rộng rãi các quốc gia tuân thủ và thực hiện giới hạn giá này,” tuyên bố viết.
Mục tiêu của giới hạn giá là làm giảm doanh thu của Nga, làm suy yếu khả năng tài trợ cho chiến tranh của nước này trong cuộc xâm lược Ukraine, đồng thời giảm bớt tác động của cuộc chiến đối với giá năng lượng toàn cầu.
Biện pháp này được xây dựng dựa trên các biện pháp trừng phạt hiện có, đặc biệt là các biện pháp trong gói thứ sáu của Liên Hiệp Âu Châu.
Các bộ trưởng cho biết họ cam kết “khẩn trương làm việc” để hoàn thiện và thực hiện mức giá giới hạn.
Trước thềm cuộc họp G7 lần này, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết Mạc Tư Khoa sẽ không cung cấp dầu và các sản phẩm dầu mỏ cho các nước lựa chọn thực hiện các hạn chế về giá như vậy.
Theo hãng thông tấn nhà nước Nga TASS, Novak nói “Nếu họ áp đặt các hạn chế về giá, chúng tôi sẽ không cung cấp dầu và các sản phẩm dầu mỏ cho các công ty hoặc quốc gia áp đặt các hạn chế đó vì chúng tôi sẽ không hoạt động một cách không có cạnh tranh”.
6. Người Ukraine nói rằng người Nga không đạt được tiến bộ nào trong cuộc tấn công Donetsk
Quân đội Ukraine cho biết tình hình ở khu vực phía đông Donetsk hầu như không thay đổi, bất chấp nhiều tuần nỗ lực của các lực lượng Nga và đồng minh của họ trong lực lượng dân quân Donbas để chiếm thêm các lãnh thổ mới.
Mục tiêu đã được tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin là chiếm tất cả các khu vực Donetsk và Luhansk, nhưng các lực lượng Ukraine vẫn kiểm soát hơn 1/3 Donetsk.
Trong bản báo cáo sáng thứ Bẩy 3 tháng 9, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết trong ngày thứ Sáu quân Nga đã cố gắng tấn công theo nhiều hướng, về phía thành phố Sloviansk và các thị trấn Bakhmut và Avdiivka.
Trong các cuộc tấn công này, Bộ Tổng tham mưu cho biết, các lực lượng Nga đã không thành công và đã rút lui, bỏ lại xác đồng đội.
Theo Bộ Tổng tham mưu, quân Nga đã bắn vào 15 khu định cư trong khu vực. Tất cả những gì người Nga có thể làm hiện nay là khủng bố dân lành vô tội.
7. Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng nhận định Ukraine đang khai thác tối đa khả năng lãnh đạo yếu kém của các tướng lãnh Nga
Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh nhận định cuộc tổng phản công của Ukraine thành công nhờ biết khai thác tình trạng thiếu hiệu năng của công tác hậu cần của quân Nga, và khả năng lãnh đạo yếu kém của các tướng lãnh Nga.
Bản báo cáo viết toàn văn như sau: “Kể từ ngày 29 tháng 8 năm 2022, các Lực lượng Vũ trang Ukraine đã tiến hành các hoạt động tấn công mới ở miền nam Ukraine. Một yếu tố của cuộc tấn công này là một cuộc tiến công đang tiếp diễn trên một mặt trận rộng lớn ở phía tây sông Dnipro, tập trung vào ba trục bên trong vùng Kherson do Nga chiếm đóng.
Chiến dịch có các mục tiêu giới hạn trước mắt, nhưng các lực lượng của Ukraine có thể đã đạt được mức độ bất ngờ về mặt chiến thuật; khai thác tình trạng hậu cần bết bát, khả năng điều hành và lãnh đạo yếu kém trong các lực lượng vũ trang Nga.
Với việc giao tranh vẫn tiếp diễn ở các khu vực Donbas và Kharkiv, một quyết định quan trọng đối với các chỉ huy Nga trong những ngày tới sẽ là nơi nào để triển khai lực lượng dự bị hành quân mà họ có thể tạo ra.”
8. Tổng tư lệnh quân đội Ukraine cho biết máy bay không người lái Bayraktar đã phá hủy thiết bị trị giá 26,5 triệu USD của Nga trong ba ngày
Máy bay không người lái Bayraktar đã phá hủy thiết bị quân sự trị giá 26,5 triệu USD của Nga, bao gồm 8 xe tăng, trong ba ngày, từ 31/8 đến 2/9.
Tướng Valeriy Zaluzhnyi, Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine, cho biết như trên hôm thứ Bẩy 3 tháng 9.
“Trong ba ngày qua, từ ngày 31 tháng 8 đến ngày 2 tháng 9, một cặp máy bay không người lái Bayraktar TB2 đã phá hủy các thiết bị của đối phương với tổng trị giá khoảng 26,5 triệu USD. Đó là tám xe tăng T-72 (ước tính chi phí cho một xe tăng là 3 triệu USD), một pháo tự hành Akatsiya (1,6 triệu USD), xe thiết giáp chỉ huy (0,6 triệu USD) và một khẩu pháo (0,3 triệu USD).”
Ông nói thêm rằng trong buổi sáng ngày thứ Bẩy có thêm 5 xe tăng T-72 và một thiết giáp trị giá 1,85 triệu USD đã bị hư hại. Tổng chi phí cho các thiết bị Nga bị phá hủy và hư hỏng là 28,35 triệu USD.
“Những chiếc Bayraktars của Thổ Nhĩ Kỳ hiệu quả trong bàn tay khéo léo của những người lính của chúng tôi là một vũ khí lợi hại! Một trong số đó là sự giúp đỡ từ quốc gia thân hữu Lithuania,” Tướng Zaluzhnyi nói.
9. Lực lượng Ukraine ở vùng Kherson gây tổn thất nặng cho quân Nga
Những kẻ xâm lược Nga gần đây đã tung tin giả về những thất bại của Lực lượng vũ trang Ukraine ở khu vực Kherson và giữ im lặng về những khó khăn của chính họ ở tiền tuyến.
Phó Chủ tịch thứ nhất của Hội đồng Khu vực Kherson Yurii Sobolevskyi cho biết như trên hôm thứ Bẩy 3 tháng 9.
“Trong tuyên truyền của họ, những người chiếm đóng đang tung tin giả về những thất bại tưởng tượng của Lực lượng vũ trang Ukraine ở khu vực Kherson. Đồng thời, quân Nga vẫn khiêm tốn im lặng và không đưa ra bình luận về số lượng thật sự các nhà kho, thiết bị quân sự và các trung tâm ra quyết định quân sự của chúng bị phá hủy trong những ngày này,” ông nói.
Sobolevskyi nói thêm rằng những kẻ xâm lược cũng đang tránh chủ đề “sự bất lực của chính họ trong vấn đề làm sao tránh khỏi sự kiểm soát của Ukraine đối với công tác hậu cần của họ và chủ đề về các bệnh viện quân sự quá đông đúc.”
Theo Bộ Chỉ huy Tác chiến phía Nam của Ukraine, các lực lượng phòng thủ Ukraine trên trục phía Nam đã loại khỏi vòng chiến 116 binh sĩ Nga và phá hủy 60 thiết bị, bao gồm 14 xe tăng, trong ngày thứ Sáu 2 tháng 9.
10. Hơn 7.000 dân thường Ukraine thiệt mạng kể từ khi chiến tranh bắt đầu
Kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Nga, Cảnh sát Quốc gia đã ghi nhận 22.000 cuộc tấn công của kẻ thù. Hơn 7.000 dân thường Ukraine đã bị giết bởi những kẻ xâm lược Nga.
Những con số như vậy đã được Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Nội vụ Ukraine Yevhenii Yenin tiết lộ trong cuộc họp báo hôm thứ Bẩy 3 tháng 9.
“Người Nga tiếp tục pháo kích vào lãnh thổ Ukraine độc lập một cách cuồng nhiệt, không dừng lại một chút nào trong 191 ngày qua. Chỉ trong ngày hôm qua, cơ quan cảnh sát đã nhận được thông tin về các cuộc tấn công trên 28 địa phương. Nhiều thường dân đã bị thiệt mạng trong những cuộc tấn công không thương tiếc này. Chỉ trong ngày qua, các đơn vị điều tra của Cảnh sát Quốc gia đã khởi xướng gần 140 thủ tục tố tụng hình sự đối với các tội phạm trên lãnh thổ Ukraine của các thành viên phục vụ trong lực lượng vũ trang của Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus và đồng bọn của họ”, Yenin cho biết.
Theo số liệu của ông, hơn 22.000 cuộc tấn công, đánh vào hơn 24.000 đối tượng dân sự, đã được ghi nhận kể từ đầu cuộc chiến.
“Tôi muốn nhấn mạnh rằng pháo kích cướp đi sinh mạng của thường dân. Số dân thường thiệt mạng trong cuộc chiến này đã vượt quá 7.000 người. Và 5.500 dân thường khác đã bị thương”, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Nội vụ Ukraine cho biết.
Như đã báo cáo, các điều tra viên của Cảnh sát Quốc gia đã bắt đầu hơn 30.000 thủ tục tố tụng hình sự đối với các tội ác trên lãnh thổ Ukraine của quân đội Liên bang Nga và đồng bọn của họ.
1. Các giám mục Công Giáo Đức giúp Kitô hữu tại Trung Đông
Quyết định trên đây đã được đề ra vào cuối khóa họp trong hai ngày 26 và 27 tháng Tám vừa qua, tại thủ đô Berlin của tổ chức “Pro Oriente”, Phò Đông Phương. Chủ đề khóa họp là “Những con đường mới cho các Kitô hữu tại Trung Đông”. Trong số các tham dự viên, có hơn 30 đại diện của các Giáo hội Kitô đến từ bảy nước, đặc biệt là Đức Tổng Giám Mục Paul Sayagh, Đại diện Đức Thượng phụ Công Giáo Maronite đặc trách ngoại vụ, và Mục sư Najla Kassab, Chủ tịch Liên hiệp thế giới các Giáo hội Tin lành Cải Cách, cả hai vị đều đến từ Liban.
Đức Cha Udo Bentz, Giám Mục Phụ Tá giáo phận Mainz, kiêm Chủ tịch nhóm làm việc của Hội đồng Giám mục Đức về Trung Đông, nói rằng: “Các Kitô hữu tại Trung Đông cần được giúp đỡ để ở lại và giữ vai trò quan trọng trong xã hội và góp phần vào việc kiến tạo hòa bình và hòa giải. Họ không thể tự coi mình chỉ là một nhóm thiểu số, nhưng họ cần được trợ giúp để giúp xây dựng xã hội.”
Đức Cha Bentz cũng nhận xét rằng: “Chúng tôi nhận thấy thật là điều khích lệ đối với các Kitô hữu Trung Đông, khi họ biết chúng ta quan tâm đến tình trạng của họ tại thế giới Arập và tham dự vào những dự án chuyên biệt.”
Mục sư Kassab nhấn mạnh rằng các Giáo hội Kitô cần liên kết với nhau để bảo vệ phẩm giá con người và mang lại hy vọng một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả những người bị ở ngoài lề, dù đó là người trẻ, phụ nữ hay người thường”.
2. Tổng giám mục Manila thừa nhận Giáo hội Phi Luật Tân vẫn chưa trở thành 'Giáo hội của người nghèo'
Phát biểu trước các linh mục và chủng sinh tại Đại Học Giáo Hoàng Phi Luật Tân vào ngày 28 tháng 8, Đức Hồng Y cho biết có những “nhận thức đáng lo ngại” được tìm thấy trong các cuộc tham vấn Thượng hội đồng được tổ chức trong những tháng qua.
Vào tháng Năm năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ra lệnh rằng Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 2023 bắt đầu với sự tham vấn rộng rãi của giáo dân.
Quá trình này nhằm mục đích đánh giá những thách thức mà Giáo hội phải đối mặt ngày nay và đưa ra phân tích về tình hình hiện tại.
Tiến trình kéo dài hai năm có ba giai đoạn: cấp giáo phận, cấp lục địa và phổ quát.
Chủ đề được Đức Thánh Cha chọn cho các buổi nhóm họp là: “Tiến đến một giáo hội đồng nghị: hiệp thông, dự phần và truyền giáo.”
Đức Hồng Y Advincula nói rằng trong các cuộc tham vấn thượng đồng tại Phi Luật Tân, “một trong những nhận thức đáng lo ngại nhất mà chúng tôi có là Giáo hội địa phương của chúng ta còn lâu mới là Giáo hội của người nghèo.”
“Có một khoảng cách tối và rộng giữa Giáo hội và người nghèo ở đất nước chúng ta. Giáo hội không biết đến người nghèo, và người nghèo không biết đến Giáo hội.”
Đức Hồng Y nói: “Những người anh em nghèo và bị thiệt thòi của chúng ta cảm thấy rằng quan điểm và giá trị của họ bị coi thường trong các cộng đồng và tổ chức của Giáo hội của chúng ta.
Khi suy ngẫm về bài đọc Tin Mừng hôm Chúa Nhật, Đức Hồng Y Advincula nói “khiêm nhường là một đức tính Kitô” và nó đòi hỏi “sự liên đới với những người thấp hèn”.
Ngài cho biết các nhà lãnh đạo Giáo hội của đất nước “cảm thấy sự kêu gọi lớn hơn để trở thành một Giáo hội liên đới với người nghèo…. Một Giáo hội đã đắm mình đủ sâu trong cuộc sống của người nghèo để chúng ta có mùi như người nghèo. “
“Chỉ đơn giản là phân phát quà tặng thôi là chưa đủ, chúng ta phải hòa mình vào cuộc sống của người nghèo, làm bạn với họ, hành trình với họ, trao quyền cho họ thực hiện sứ mệnh, đưa họ vào cuộc sống và hoạt động của Giáo hội, và bênh vực cho phẩm giá của họ,” vị Hồng Y nói.
Source:Licas News
3. Nancy Pelosi nói ai hạn chế phá thai là phạm vào 'tội lỗi' nghiêm trọng
Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi gọi việc hạn chế phá thai là “tội lỗi” vào Ngày Bình đẳng của Phụ nữ, trái với đức tin Công Giáo của bà.
“Thực tế là đây là một cuộc tấn công phụ nữ da màu và phụ nữ thuộc những gia đình có thu nhập thấp. Đó là tội lỗi. Đó là tội lỗi nghiêm trọng,” đảng viên Đảng Dân chủ từ California nói trong một hội thảo về sức khỏe sinh sản vào ngày 26 tháng 8. “Thật sai lầm khi họ có thể nói với phụ nữ những gì họ nghĩ rằng phụ nữ nên làm với cuộc sống và cơ thể của họ. Nhưng nó thật tội lỗi, thật bất công”.
Pelosi đã đưa ra nhận xét của mình khi đến thăm khuôn viên Vịnh Mission của Đại học California San Francisco để tham gia một “cuộc thảo luận bàn tròn về sức khỏe sinh sản”. Nhận xét của cô ngay sau bài phát biểu của một đảng viên Dân chủ khác từ California, người cũng xác định là Công Giáo.
“Thực tế là chúng ta có một chính phủ hiện nay ở cấp liên bang đang bắt buộc người ta phải mang thai - việc mang thai do chính phủ ủy quyền – chà đạp mọi quyền tự do cá nhân mà đất nước chúng ta được thành lập,” Dân biểu Jackie Speier nói trong sự kiện này.
Nữ Dân biểu, là người đã đề cập đến việc phá thai trước đây của chính mình, cho biết bà ủng hộ việc mở rộng khả năng tiếp cận thuốc phá thai và mở rộng giới hạn 10 tuần hiện tại của FDA đối với việc sử dụng những loại thuốc đó.
Phần lớn đảng viên Đảng Dân Chủ đã phản ứng với quyết định của Tòa án Tối cao vào tháng 6 nhằm lật ngược vụ án Roe kiện Wade, là phán quyết đã hợp pháp hóa việc phá thai trên toàn quốc. Tối Cao Pháp Viện đã trả lại quyền cho các tiểu bang tự quyết định, và tất cả các tiểu bang do Đảng Cộng Hòa nắm giữ đã đưa ra các biện pháp chống phá thai.
Trong những năm qua, Pelosi đã nhiều lần bảo vệ việc phá thai trong khi lại viện dẫn đức tin Công Giáo của mình. Đức Tổng Giám Mục Salvatore J. Cordileone đã thông báo vào tháng Năm rằng Pelosi không được phép Rước lễ trong Tổng giáo phận San Francisco. Một số tổng giám mục và giám mục khác cũng đưa ra các quyết định tương tự.
Giáo Hội Công Giáo coi việc phá thai - hủy hoại một con người - là một tội ác nghiêm trọng.
Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo viết: “Sự sống của con người phải được tôn trọng và bảo vệ tuyệt đối ngay từ khi được thụ thai. Ngay từ giây phút đầu tiên tồn tại, một con người phải được công nhận là có các quyền của con người - trong đó có quyền bất khả xâm phạm đối với sự sống của mọi sinh vật vô tội”.
Source:National Catholic Register