Ngày 02-09-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Sống trong Ân Sủng, nếm hưởng Thiên Đàng
Lm. Minh Anh
00:51 02/09/2020
SỐNG TRONG ÂN SỦNG, NẾM HƯỞNG THIÊN ĐÀNG

“Chỉ Thiên Chúa, Đấng làm cho mọc lên”;

“Anh em là cánh đồng của Thiên Chúa”.


“Năng đặt tay trên lòng con và tự nhủ, ‘Chúa ở với tôi, trong tôi’; dần dần, Chúa sẽ cho con nếm hạnh phúc ấy. Sống bên Chúa, con sẽ nên thánh; thiên đàng không gì khác là Thiên Chúa hiện diện”.

Kính thưa Anh Chị em,

Những lời trên đây của Hồng Y Phanxicô Xaviê đưa chúng ta về một chi tiết rất nhỏ vốn không ít người bỏ qua nhưng lại là một chi tiết đầy thú vị của Tin Mừng hôm nay. Đó là sau một ngày giảng dạy, thầy trò Chúa Giêsu kéo về nhà bà nhạc của Phêrô; bà đang bệnh, Ngài chữa cho khỏi. Bà nhạc Phêrô sống trong tình trạng ân sủng, trong ơn nghĩa Chúa và đây cũng là chủ đề chúng ta cùng dừng lại.

Việc Chúa Giêsu đứng bên giường người bệnh vốn đang sốt nặng, nâng bà chỗi dậy để bà có thể phục vụ các ngài thực sự là một phép lạ, một phép lạ mà những người yêu mến Thiên Chúa thâm thuý không coi đó là một “phép lạ đương nhiên”. Ở đó, Chúa Giêsu không nói một lời; người chứng kiến không có lấy một phản ứng; và cũng chẳng có ai một biểu lộ một thần thái của ngưỡng mộ và biết ơn. Xem ra, đây là một thói quen dung dị thường ngày của Chúa Giêsu; Ngài vào một nhà một ai đó, thấy có người bệnh, Ngài nâng người ấy ra khỏi giường. Vậy mà không phải thế, trình thuật đơn sơ này sẽ nói với chúng ta nhiều hơn.

Những gì xảy đến với bà nhạc của Phêrô cho thấy tình trạng của một linh hồn thường xuyên sống trong ân sủng của Thiên Chúa, một tình trạng ở trong ơn thánh Chúa của những ai thiết tha yêu mến Người. Vì thế, chỉ một mình đương sự mới hiểu được đó là một phép lạ cả thể Chúa dành cho mình, đang khi với những người khác thì không; với họ, đó chỉ là “những phép lạ đương nhiên”, chẳng cần lưu ý, chẳng cần biết ơn. Những người sống trong ân sủng bộc lộ một niềm vui sướng cũng như lòng biết ơn sâu kín của họ với chỉ một mình Thiên Chúa, Đấng đang hiện diện đầy tràn trong họ. Ở đây, bà nhạc Phêrô thể hiện niềm vui và lòng biết ơn của mình qua việc nhanh chóng chỗi dậy hớn hở phục vụ các ngài mà đố ai biết ánh mắt trìu mến và nụ cười biết ơn kín nhã của bà dành riêng cho Chúa lúc ấy ra làm sao; ánh mắt hạnh phúc của người thọ ơn cũng như của người ban ơn là ánh mắt của những người đang yêu mến nhau… và đó là thiên đàng; vì lẽ, ở đó, Thiên Chúa hiện diện.

Chúng ta thường tập trung sự chú ý vào những phép lạ đặc thù được ngóng trông để rồi rướn mình lóng nhóng đang khi các phép lạ Chúa ban mỗi ngày, chúng ta lại bỏ quên. Chúng ta coi chúng là “những phép lạ đương nhiên”; tệ hơn, chẳng có gì là lạ để chúng ta phải lưu ý và biết ơn. Trong lãnh vực thiêng liêng, đó có thể là một lần xưng tội được nhiều ơn ích, một lần rước Chúa sốt sắng, một ánh sáng rọi soi hay một buổi xét mình nghiêm túc; trong lãnh vực thể chất, đó có thể chỉ là việc được Chúa cho ăn ngon ngủ ngon, hoặc qua một cơn sốt.

Lời Chúa hôm nay nói với chúng ta rằng, không cần phải đòi hỏi một sự chữa lành đặc biệt nào, chỉ cần xác tín, Chúa đang nhìn tôi, đang ở trong tôi, ban cho tôi những gì cần thiết; phần tôi, giữ mình sạch tội, giữ lửa yêu mến; và đó là những phép lạ thực sự chứ không phải là những điều “đương nhiên”. Đó chính là sống trong ân sủng, nếm hưởng thiên đàng. Thánh Phaolô nói trong bài đọc thứ nhất hôm nay, “Tôi trồng, Apollô tưới, Thiên Chúa mới là người cho mọc lên”; thế nhưng, người trồng kẻ tưới phải là những người sống trong ân sủng. Không có ân sủng, không có ơn thánh; không ai đủ sức trồng, chẳng ai đủ sức tưới. Vì thế, nên thánh là sống bên Chúa; có Chúa ở cùng, có “Đấng làm cho mọc lên mọi sự” và đó là thiên đàng. Thánh Vịnh đáp ca hôm nay không nói, “Phúc thay dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình” đó sao?

Danh hài Charlie Chaplin, ở tuổi 88, viết cho con gái Geraldine, “Không có gì vĩnh cửu trong thế giới này, kể cả những phiền muộn của chúng ta. Ba thích đi dạo dưới cơn mưa, vì không ai có thể nhìn thấy nước mắt của ba. Nếu con nhìn mặt trăng, con thấy vẻ đẹp của Chúa; nếu con nhìn mặt trời, con thấy sức mạnh của Người; nếu con nhìn tấm gương, con thấy tác phẩm đẹp nhất của Thiên Chúa. Hãy tin Thiên Chúa và tận hưởng cuộc sống với những phép lạ Người ban cho con mỗi ngày. Đời là một chuyến du hành, con hãy sống ngày hôm nay vì ngày mai có thể sẽ không đến”.

Anh Chị em,

“Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa”. Thiên Chúa và trời đất đầy vinh quang Chúa sẽ được nhìn thấy khi chúng ta sống trong sạch, đơn sơ; nghĩa là sống trong tình trạng sạch tội, tình trạng ân sủng, trong sự hiện diện yêu thương của Người.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin mở mắt cho con nhìn thấy, ơn thánh Chúa đang bao bọc con; để hôm nay, con chợt nhận ra rằng, con đang nếm hưởng thiên đàng”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Sửa lỗi và được sửa lỗi
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
02:47 02/09/2020

SỬA LỖI VÀ ĐƯỢC SỬA LỖI
CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN NĂM A

Muốn sửa lỗi phải quan tâm điều này: Chúa không nói, hãy đi sửa lỗi cho người khác, nhưng lại nói: "Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó...".

Dù là người mắc lỗi, họ không phải ai xa lạ. Họ là anh em, là người thân thương, là thành phần không thể thiếu của đời tôi. Tôi không thể lạnh lùng khi thấy anh em sa ngã. Tôi không thể khoanh tay đứng nhìn một thành phần trong chính con người tôi đau ốm, bệnh tật. Bởi lẽ mọi người làm nên một thân thể. Vì thế, mỗi người mang vết thương của nhau. Cái đau của một phần thân thể là cái đau chung của cả thân thể.

Nhưng sửa lỗi cho anh chị em không phải dễ. Bởi thói thường, khó có ai muốn nhận lỗi về phía mình. Nếu có, vì cái tôi, vì bảo thủ, vì ngại mang tiếng là người phải sửa lỗi, khó có ai sẵn sàng chấp nhận thay đổi bản thân.

Mọi người cần khiêm tốn nhìn nhận sự thật này: là người, ai mà chẳng lầm lỗi. Nhờ đó, ta sẽ luôn mang trong tâm mình sự cảm thông khi có trách nhiệm sửa lỗi, và mang nơi cõi lòng thái độ hòa nhã, đón nhận khi được xây dựng, được góp ý nhằm chỉnh đốn và tiến tới hoàn thiện bản thân.

Không ai trên trần thế có thể tự hào mình vô tội dẫu là người sửa lỗi hay người được sửa lỗi. Chính thánh Gioan quả quyết: "Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình và sự thật không ở trong chúng ta" (1Ga 1, 8). Nay ta can đảm sửa lỗi cho người, mai người sẽ có dịp chỉ ra sai sót của ta.

Đời sống chung cần sự sửa lỗi, hòng có thể giúp nhau nhận ra sai sót. Sửa lỗi huynh đệ là cần thiết. Nhưng nên nhớ:

- Người sửa lỗi: Cần cẩn trọng lời nói, ôn tồn, tôn trọng người mình sửa lỗi. Thái độ hết sức nhẹ nhàng, khôn khéo, thiện chí, chỉ nói đúng lúc, đúng chỗ. Người sửa lỗi không bao giờ được lên giọng, kẻ cả, uy quyền hoặc có thái độ chỉ trích, phê phán.

- Người được sửa lỗi: Không cố chấp, không tự ái, nhưng khiêm nhường đón nhận lời khuyên, và thiện chí nhìn nhận sai lầm, cùng can đảm để cố gắng sửa đổi bản thân.
Một đáng tiếc đang xảy ra trong đời sống chung: Sửa lỗi cho nhau hầu như càng lúc càng vắng bóng, không chỉ phương diện đời sống, kinh tế, tương quan..., mà còn phương diện đức tin, thứ phương diện thiêng liêng giúp nhau hiểu hơn về Nước trời, về thánh ý Chúa.

Bởi thông thường, tâm hồn người đã phạm lỗi rất mong manh, dễ chất chứa mặc cảm, tự ái. Một lời nói sơ sẩy, không khéo sẽ dẫn đến đổ vỡ. Một thái độ vô tình sẽ càng khơi thêm hố ngăn cách. Do đó ta dễ tránh xa việc sửa lỗi cho anh chị em mình để tìm an thân.

Ngoài ra, còn do chính bản thân ta muốn tránh đụng chạm, sợ mích lòng: Dại gì nói những chuyện không vui để mua thù chuốc oán. Đó cũng là lý do dễ làm ta né tránh việc sửa lỗi cho nhau, dù sửa lỗi thân tình trong huynh đệ.

Để tránh sự câu nệ chỉ vì ích lợi của bản thân, mọi người trong cùng một cộng đoàn cần ý thức mấy điều:

- Đặt quyền lợi của cộng đoàn, của Hội Thánh và danh dự của tôn giáo mình lên trên hết. Hãy nhớ, chỉ vì tất cả lợi lộc chung ấy mà tôi xây dựng đời sống cho anh chị em tôi.

- Sửa lỗi hoàn toàn được thúc đẩy do tình yêu với cộng đoàn, với mọi anh chị em, nhất là với cá nhân người phạm lỗi đang cần xây dựng. Chính bầu khí yêu thương là yếu tố quan trọng cho việc phát triển từng ngày của cộng đoàn, của từng cá nhân trong cộng đoàn ấy.

Mọi người đều yêu thương nhau, đó là một cộng đoàn lý tưởng. Bất cứ ai cũng mong được sống trong cộng đoàn yêu thương như thế. Nhờ đó, từng người sẽ yên tâm rằng, nếu lỡ ta có sai sót, ta biết mình không bị loại trừ nhưng được quan tâm giúp đỡ, thậm chí giúp đỡ chân thành, tế nhị, đầy cảm thông.

- Để sửa lỗi cũng cần can đảm. Can đảm đến với người lầm lỗi. Can đảm nói sự thật về chính họ. Can đảm chấp nhận rủi ro do việc sửa lỗi mang đến như bị giận, bị ghét, bị công kích, thậm chí bị chửi bới, bị trả thù, bị tấn công sau lưng...

- Không thể thiếu sức mạnh thiêng liêng mà người có trách nhiệm sửa lỗi phải ý thức. Đó là đời sống cầu nguyện. Chỉ có ơn Chúa, chỉ nhờ đồng hành cùng sức mạnh của ơn Chúa, ta mới có thể đến với anh chị em, và anh chị em mới có thể trở nên tốt.

- Cuối cùng, ta cần thường xuyên kiểm điểm đời mình. Hãy nhớ, cũng như người được sửa lỗi, người sửa lỗi vẫn là thụ tạo yếu đuối, dễ sa ngã, dễ phạm tội. Chân nhận mình còn đầy thiếu sót, yếu đuối, ta phải chỉnh đốn mình, phải làm mới mình trong ơn Chúa. Có như thế, cả người sửa lỗi lẫn người được sửa lỗi mới có thể tiến xa trên đường nên thánh.
 
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật 23 Quanh Năm A 6.9.2020
Lm Francis Lý văn Ca
13:33 02/09/2020
ĐẦU LỄ: Anh Chị Em thân mến,
Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta về mối tương quan giữa ta và tội lỗi, về nợ nần với anh chị em. Đây là một đề tài bất tận... Vì nói về lỗi lầm của người khác, của người vắng mặt hay chúng ta không thích họ thì không bao giờ hết chuyện.

Các bài đọc hôm nay sẽ nhắc nhở cho chúng ta về lòng nhân hậu khi sửa lỗi cho anh em. Về trách nhiệm, chúng ta không thể làm ngơ trước lầm lỗi của anh em, nhưng phải gìn giữ anh em chúng ta trên đường thánh thiện, không đối nghịch với lòng nhân từ khi sửa lỗi anh em.

Căn cứ trên lòng nhân ái, Chúa Giêsu đưa ra một nguyên tắc để sửa lỗi anh em: Đó là sửa nhau trong tinh thần thông cảm và âm thầm. Chúng ta cầu xin Chúa cho mỗi người tín hữu biết xử sự đại lượng với anh chị em, và cũng luôn ý thức rằng, chính mình cũng cần đến sự nhân thứ của Thiên Chúa.

Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây, chúng ta bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀI I:
Sống trong thế giới, quốc gia, xã hội hay cộng đoàn nhỏ như gia đình, đều có sự liên đới với nhau. Sự liên đới nầy đòi hỏi mỗi người đều có trách nhiệm, nâng đỡ nhau như tinh thần bài đọc chúng ta sắp nghe sau đây.

TRƯỚC BÀI II:
Thánh Phaolô cho chúng ta thấy sự liên đới của con người quan trọng ở nơi đức ái. Chính đức ái nối kết chúng ta với nhau.

TRƯỚC BÀI TIN MỪNG:
Chúa Giêsu hôm nay đưa ra cho chúng ta một phương pháp để đưa người anh em lầm lỗi trở về, đó là đối thoại, nói chuyện trong sự thân mật. Đây là cách thức hay nhất để giải quyết sự cạnh tranh và hiểu lầm.



LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,
Chúa đã phán: "Nơi nào có hai hoặc ba người họp lại vì danh Ta, Ta sẽ ở giữa họ". Giờ đây, chúng ta họp nhau và dâng lên Thiên Chúa những ý nguyện cầu sau đây:

1. Xin sai phái Thần Linh Chúa đến, canh tân Giáo Hội, để Giáo Hội luôn loan truyền cho thế giới Tin Mừng của ơn cứu độ và tình thương của Thiên Chúa. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Xin Chúa sai phái Thần Linh Chúa đến, canh tân tâm hồn chúng ta, để chúng ta trao cho anh chị em lòng yếu mến thiết tha và sự quảng đại, tha thứ những lầm lỗi của anh chị em chúng ta. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Xin sai phái Thần Linh Chúa đến, biến đổi mọi trái tim trong cộng đoàn xứ đạo, để chúng ta thông cảm, chia sẻ với những ai cần sự chia sẻ: tình mến, sự cô đơn, bị bỏ rơi và bị người đồng loại kết án, loại trừ. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Chúng ta dâng lên Chúa những ý nguyện riêng tư của cá nhân hay gia đình, trong ít giây thinh lặng.

* Thinh lặng ít giây rồi đọc câu kết:

Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Xin cho các tôi tớ của Chúa đã qua đời… đặc biệt là những nạn nhân của Covid-19. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Lạy Chúa, chúng con hiệp nhau dâng lên Thiên Chúa những lời nguyên cầu trong ngày Chủ Nhật hôm nay. Xin Chúa nhậm lời con cái Chúa van nài và ban những ơn cần thiết. Với ơn Chúa ban sẽ giúp chúng con canh tân cuộc sống mỗi ngày nên hoàn hảo hơn. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:31 02/09/2020

15. Khắc khổ của tôi là ở nơi sự từ bỏ ý riêng của mình, không nói lời biện hộ cho mình, và khi giúp đỡ người khác trong các việc nho nhỏ mà không nói những lời khoe khoang mình.

(Thánh nữ Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:36 02/09/2020
21. QUAN GHEN XUẤT ĐỐI

Quan huyện rất sủng ái người gác cổng trong huyện, một hôm ông ta đột nhiên gặp một thuộc hạ đang nói chuyện thầm với người gác cổng (1), trong lòng có ý ghen tức.

Tên thuộc hạ ấy tâm hoảng, liền biện bạch nói:

- “Nó là em trai của tôi, chúng tôi đang nói chuyện nhà.”

Quan huyện bèn nói một câu đối và kêu anh ta đối lại:

- “Em trai không anh trai con cái”, nếu như mày có thể đối được thì miễn tội.”

Tên thuộc hạ bèn đối:

- “Bố vợ là mẹ vợ con trai.”

Huyện quan cười lớn lấy rượu thưởng cho thuộc hạ uống.

(Nhã Ngược)

Suy tư 21:

Khi con người ta có đầy đủ sung sướng thì nảy sinh ra lắm chuyện và lắm tội:

- Nảy sinh ra có vợ bé, có mèo mỡ.

- Nảy sinh ra bài bạc rượu chè.

- Nảy sinh ra có bồ nhí.

- Nảy sinh ra chuyện so sánh chồng mình với chồng người khác.

- Nảy sinh ra chuyện đi sớm về muộn.

- Nảy sinh ra chuyện nói dối chồng (vợ)...

Và có khi đầy đủ hưởng thụ quá thì sinh ra những bệnh bất trị: đó là bệnh nơi thân xác và bệnh trong tâm hồn.

Thời xưa cũng như thời nay có thứ bệnh gọi là “đồng tính luyến ái”, bệnh này phát sinh ra là do con người ta không làm chủ được mình, cũng như không đặt đúng tình yêu vào vị trí thật của nó.

Người Ki-tô hữu luôn biết rằng tình yêu chân chính và đúng như ý muốn của Thiên Chúa là một nam và một nữ, chứ không phải là nam với nam hoặc nữ với nữ, cho nên người Ki-tô hữu luôn sống lành mạnh trong tâm hồn cũng như nơi thân xác, nghĩa là họ luôn cầu nguyện làm các việc bác ái và siêng năng tập thể dục, chơi thể thao hàng ngày để thân xác được khỏe mạnh và tâm hồn được bình an thảnh thơi.

“Đồng tính luyến ái” là bệnh đã có từ thời xa xưa, nhưng “nở rộ” trong thời đại tiên tiến ngày nay, nó làm cho con người ta có đời sống bệnh hoạn bởi những tư tưởng bệnh hoạn vì luân lý suy đồi, vì họ không được giáo dục đúng đắn theo tinh thần của Đức Chúa Giê-su, do đó cái ghen tương của những người đồng tính luyến ái cũng dữ tợn và bệnh hoạn như chính “tình yêu” của họ...

(1) Người nam có chút sắc đẹp, bây giờ gọi là đồng tính luyến ái.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Sửa lỗi cách tế nhị và yêu thương
Lm Đan Vinh
19:56 02/09/2020

CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN A
Ed 33, 7-9; Rm 13, 8-10; Mt 18, 15-20

SỬA LỖI CÁCH TẾ NHỊ VÀ YÊU THƯƠNG

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 18, 15-20

(15) Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã được món lợi là người anh em mình. (16) Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào hai hoặc ba chứng nhân. (17) Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế. (18) Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy. Dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy. (19) Thầy còn bảo thật anh em: Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em họp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. (20) Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đó, giữa họ”.

2. Ý CHÍNH: NẾP SỐNG CỦA MỘT CỘNG ĐOÀN KI-TÔ HỮU.

Các thành viên trong Cộng đoàn Hội thánh phải tế nhị sửa lỗi cho nhau và cầu nguyện chung với nhau: Khi có ai sai lỗi, thì cần sửa lỗi qua 4 bước như sau: Trước hết phải gặp riêng nhắc nhở kẻ có lỗi. Nếu họ không nghe thì sẽ đưa thêm hai nhân chứng. Nếu họ vẫn cố chấp thì sẽ đem họ ra trước Cộng đoàn. Nếu họ không nghe Cộng đoàn thì sẽ kể họ như người ngoại và phó thác họ cho lòng thương xót của Thiên Chúa. Lời cầu nguyện nếu muốn được Chúa nghe thì cần hiệp lời cầu chung với Cộng đoàn, vì Chúa Giê-su hứa sẽ luôn hiện diện nếu hai ba người hiệp lời cầu xin nhân danh Người.

3. CHÚ THÍCH:

- C 15-16: + Người anh em: Anh em nói đây là anh em cùng một Cộng đoàn đức tin (x. Mt 23, 8; 28, 10). + Phạm tội: Không nhất thiết phải là tội phạm đến người sửa lỗi, nhưng là những lỗi nặng nề, công khai, gây gương mù gương xấu và làm tổn thương cho Cộng đoàn. Câu này cho thấy Hội Thánh không chỉ bao gồm những người hoàn thiện, mà còn có cả những tội nhân nữa. + Hãy đi sửa lỗi nó: Ở đây Đức Giê-su dạy phải đi sửa lỗi cho kẻ có tội do đòi hỏi của đức bác ái. Vì mỗi thành viên trong Cộng đoàn đều có trách nhiệm liên đới với đời sống đạo đức của anh em mình. Sự sửa lỗi này không mâu thuẫn với lời dạy về việc phải tránh xét đoán anh em và đừng đòi lấy cái rác ra khỏi mắt anh em, đang khi có cả cái xà trong mắt mình (x. Mt 7, 1-5). Như vậy sửa dạy không phải là sự khiển trách hay la mắng miệt thị, mà là do tình yêu thương thúc bách. Cần tạo điều kiện để tội nhân tự nhận ra lỗi của mình và thành tâm sám hối. + Một mình anh với nó mà thôi: Đây là sửa lỗi cá nhân, nhằm tôn trọng và giữ thể diện cho kẻ có tội. Nếu cách này không hiệu quả thì mới sử dụng các cách khác. + Được món lợi là người anh em mình: Món lợi ở đây không có nghĩa là “có lời” thêm được một người bạn hay là chiến thắng được một đối thủ. Nhưng là giúp cho Hội Thánh khỏi bị mất đi một thành viên. + Còn nếu nó không chịu nghe thì hãy đem theo một hay hai người nữa: Chỉ thị này nhấn mạnh đến sự kiên nhẫn phải có đối với những tội nhân bướng bỉnh cố chấp. Việc đem theo một hay hai người nữa là để giúp tội nhận ý thức hơn về tội của mình, như luật Mô-sê dạy: “Một nhân chứng duy nhất không thể đứng lên buộc tội một người về bất cứ tội lỗi nào. Phải căn cứ vào lời của hai hay ba nhân chứng, sự việc mới được cứu xét” (Đnl 19, 15). Tuy nhiên, chỉ thị của Đức Giê-su nói đây không phải là nhân chứng buộc tội, nhưng là những người trợ lực có uy tín, để giúp tội nhân dễ dàng sửa lỗi.
- C 17-18: + Đi thưa Hội thánh: vì Hội thánh đã được Chúa ban cho quyền cầm buộc và tháo cởi (x. Mt 18, 18). Đưa ra Hội Thánh không phải để xét xử, nhưng để tội nhân có dịp tỏ lòng sám hối để được tha. + Kể nó như một người ngoại: Nếu kẻ có tội cố chấp không muốn ở trong Hội Thánh, thì sẽ được kể là “dân ngoại hay người thu thuế”, nghĩa là người đang lầm lạc về đức tin và luân lý. Từ nay Hội Thánh không còn trách nhiệm trực tiếp đối với họ nữa và chỉ còn biết phó thác họ cho lòng thương xót của Thiên Chúa. + Dưới đất anh em cầm buộc những điều gì: Đức Giê-su trao cho Nhóm Mười Hai cũng một thứ quyền cầm buộc và tháo cởi như đã ban cho Phê-rô trước đó (x. Mt 16, 19). Nhờ đó, Hội Thánh có thể thiết lập luật lệ cho các tín hữu. Khi trao quyền cầm buộc tháo cởi cho Nhóm Mười Hai, Đức Giê-su không bãi bỏ quyền của Phê-rô để ban lại cho Hội Thánh. Nhưng Người chỉ muốn các môn đệ liên kết với Phê-rô là đầu. + Dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì…: Mọi phán quyết của Hội thánh về đức tin và luân lý được Công Đồng Chung bàn thảo biểu quyết và được Đấng kế vị thánh Phê-rô chính thức công bố ở trần gian, thì sẽ được ơn bất khả ngộ và được phê chuẩn ở trên trời như lời Chúa hứa.
- C 19-20: + Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em họp lời cầu xin bất cứ điều gì: Lời cầu nguyện riêng của mỗi người trong phòng kín là cách cầu nguyện khiêm tốn đẹp lòng Chúa (x. Mt 6, 6). Nhưng lời cầu nguyện chung của Cộng đoàn càng đẹp lòng Chúa hơn và dễ được chấp nhận hơn. Cầu nguyện chung là một phương thức duy trì đức ái và sự hiệp nhất của Cộng đoàn. Khi hội họp, các tín hữu cần lưu ý hai điều quan trọng: một là phải hội họp trong tình bác ái và hiệp nhất. Hai là phải nhân danh Đức Giê-su, nghĩa là nhằm xây dựng Hội thánh, làm cho Tin mừng của Chúa Giê-su ngày một lan rộng. + Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy: Đây không phải là họp nhau để ăn nhậu mang tính thế tục, nhưng nhân danh Chúa Giê-su, để được nghe lời Người dạy dỗ nhờ ơn Thánh thần soi sáng hướng dẫn. + Có Thầy ở đấy với họ: Trong thời Cựu ước, Đức Chúa luôn hiện diện giữa dân Người qua hình cột mây đậu trên Nhà Tạm che nắng ban ngày và cột lửa chiếu sáng vào ban đêm (x. Xh 40, 34-38). Người cũng hứa sẽ hiện ra nói với dân Ít-ra-en trên nắp thi ân của Hòm Bia Giao Ước (x. Lv 16, 2). Đến thời Tân Ước, không những Đức Giê-su hứa sẽ hiện diện mỗi khi Cộng đoàn họp nhau cầu nguyện, mà cả những khi họ họp nhau nhân danh Người. Người hiện diện để giúp họ xây dựng tình yêu thương hiệp nhất, sửa lỗi cho nhau, hòa giải những bất hòa chia rẽ và duy trì sự hiệp thông giữa Cộng đoàn.

4. CÂU HỎI:

1) Phải chăng Nước Trời là Hội thánh trần gian chỉ gồm những thành phần tốt lành thánh thiện?
2) Các tín hữu cần đối xử thế nào đối với những thành viên mắc phải lỗi lầm nghiêm trọng?
3) Cần phải sửa lỗi cho nhau qua mấy bước thế nào? 4) Tại sao ta phải đi thưa kẻ có tội với Hội Thánh?
5) Hội thánh ra vạ tuyệt thông cho những loại tội nhân nào và ra vạ nhằm mục đích gì?
6) Phải chăng ở đây khi cũng trao cho Nhóm Mưới Hai quyền cầm buộc và tháo cời (x Mt 18, 18), Chúa Giê-su đã gián tiếp truất quyền đã trao cho Tông đồ Phê-rô trước đó (x Mt 16, 19)?
7) Tại sao lời cầu nguyện chung của Cộng đoàn lại có giá trị hơn lời cầu nguyện riêng của cá nhân trong phòng kín?
8) Đức Giê-su hứa sẽ hiện diện giữa Cộng đoàn trong những trường hợp nào?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI Chúa: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã được món lợi là người anh em mình” (Mt 18, 15).

2. CÂU CHUYỆN:

1) THÁI ĐỘ KHÔN NGOAN CỦA NA-THAN KHI SỬA LỖI CHO VUA ĐA-VÍT :
Ngày nọ Đức Chúa đã sai ngôn sứ Na-than đến với vua Đa-vít. Ông vào gặp vua và nói với nhà vua: “Có hai người trong cùng một thành, một người giàu và một người nghèo. Người giàu thì có chiên dê và bò nhiều lắm. Còn người nghèo chẳng có gì cả, ngoài con chiên cái nhỏ độc nhất ông đã mua. Ông nuôi nó và nó lớn lên ở bên ông, cùng với con cái ông. Nó ăn chung bánh với ông, uống chung chén với ông, ngủ trong lòng ông, ông coi nó như một đứa con gái của ông. Một hôm người giàu có khách đến thăm. Ông ta không bắt chiên dê hay bò của mình mà sai gia nhân đi bắt con chiên cái của người nghèo kia mang về làm thịt đãi khách”. Vua Đa-vít bừng bừng nổi giận với kẻ giàu có ấy và nói với ông Na-than rằng: “Có Đức Chúa hằng sống! Kẻ nào làm điều ấy thật đáng chết ! Nó phải đền gấp bốn con chiên cái, bởi vì nó đã làm chuyện ấy và vì đã không có lòng thương xót”.
Bấy giờ Na-than mới nói với vua Đa-vít: “Kẻ đó chính là ngài ! Đức Chúa, Thiên Chúa của Ít-ra-en phán thế này: “Chính Ta đã xức dầu phong ngươi làm vua cai trị Ít-ra-en. Chính Ta đã giải thoát ngươi khỏi tay vua Sa-un. Ta đã ban cho ngươi nhà của chúa thượng ngươi, và đặt các người vợ của chúa thượng ngươi vào vòng tay ngươi. Ta đã cho ngươi nhà Ít-ra-en và Giu-đa. Nếu bấy nhiêu mà còn quá ít, thì Ta sẽ ban thêm cho ngươi gấp mấy lần như thế nữa. Vậy tại sao ngươi lại khinh dể lời Ta mà làm điều dữ trái mắt Ta? Ngươi đã dùng gươm đâm chết U-ri-gia người Khết. Vợ của y thì ngươi đã cướp lấy làm vợ ngươi. Còn chính y thì ngươi đã dùng gươm của con cái Am-mon mà giết. Ấy vậy, gươm sẽ không bao giờ ngừng chém người nhà của ngươi, bởi vì ngươi đã khinh dể Ta và cướp vợ của U-ri-gia người Khết làm vợ ngươi”. Đức Chúa phán thế này: “Ta sắp dùng chính nhà của ngươi mà gây họa cho ngươi. Ta sẽ bắt các vợ ngươi trước mắt ngươi mà cho một người khác, và nó sẽ nằm với các vợ của ngươi giữa thanh thiên bạch nhật. Thật vậy, ngươi đã hành động lén lút, nhưng Ta, Ta sẽ làm điều ấy trước mặt toàn thể Ít-ra-en và giữa thanh thiên bạch nhật”. Bấy giờ vua Đa-vít nói với ông Na-than: “Tôi thật đã đắc tội với Đức Chúa” (x 2 Sm 12, 1-13).

2) MẸ BỊ CÁO TRÁCH DO KHÔNG CHU TOÀN TRÁCH NHIỆM GIÁO DỤC CON:
Có một đứa trẻ kia từ nhỏ đã có sở thích ăn trộm. Một hôm, nó đi học về, trong cặp có thêm một hộp bút vẽ. Mẹ nó hỏi:
- Sao con lại có thêm một hộp bút vẽ vậy?
Đứa con đáp:
- Một cái là của bạn cùng lớp với con. Con đã lấy được của nó đấy.
Bà mẹ vui mừng nói:
- Con của mẹ giỏi thật. Bây giờ với hai hộp bút thì con sẽ tha hồ dùng.
Ít lâu sau, đứa con lại mang về một cái áo da, trị giá 50 quan tiền. Đứa con đưa chiếc áo da biếu cho mẹ, mẹ nó lại khen:
- Con trai của mẹ thật hiếu thảo. Hãy cho mẹ thơm con một cái nào.
Đứa con trai ngày càng lấy trộm thêm những thứ có giá trị hơn, như người ta thường nói : “Còn bé ăn trộm con gà, lớn lên ăn trộm con bò”, bà mẹ luôn khen ngợi mỗi khi nó mang về một món đồ ăn cắp. Trong nhà thiếu thứ gì, bà mẹ cứ bảo là nó lại ăn trộm mang về khỏi tốn tiền mua.
Rồi một hôm, thằng con leo vào nhà người giàu có nhất vùng ăn cướp, và đã dùng dao đâm chết chủ nhà, bị dân làng vây bắt giải lên quan phủ xét xử. Vì là tên trộm cướp chuyên nghiệp, lại kèm thêm tội giết người nên hắn đã bị quan xử tội chết. Hôm thi hành án, tên cướp bị trói hai tay và được quân lính áp giải ra pháp trường. Mẹ hắn luôn theo sau con khóc lóc thảm thiết. Tại pháp trường, trước khi bị chém, tên cướp yêu cầu viên quan cho hắn được nói riêng với mẹ vài lời. Khi bà mẹ bước tới gần ghé sát tai nghe con nói, hắn liền cắn đứt tai mẹ, khiến bà đau quá la to :
- Mày là đứa con bất hiếu, phạm tội bị chết chưa đủ hay sao mà còn muốn làm hại mẹ hả?
Đứa con liền nói với mẹ như sau :
- Hôm nay tôi bị chết thế này chính là do lỗi của bà. Lần đầu tiên khi tôi ăn trộm hộp bút vẽ mang về nhà, lẽ ra bà phải dạy dỗ bảo ban thì tôi đâu tiếp tục ăn cắp đến nỗi phải bị án tử như ngày hôm nay.
Câu chuyện trên cho thấy: Trách nhiệm của các bậc cha mẹ là phải dạy dỗ giáo dục con cái nên người tốt và hữu ích. Bổn phận của bạn bè là phải giúp người anh em mình sửa đổi lỗi lầm nếu có. Nếu người trên không bảo ban dạy dỗ người dưới là đã lỗi bổn phận và phải liên đới chịu trách nhiệm về các thiệt hại do người dưới gây ra.

3) MỘT CÁCH SỬA LỖI TẾ NHỊ CỦA VỊ Hồng Y :
Ðức Hồng Y Roncalli, sau này là Giáo hoàng Gio-an 23, một hôm được mời tham dự buổi tiếp tân ngồi bên một nữ công tước. Bà này mặc một chiếc váy cực kì ngắn. Trong suốt bữa tiệc, ngài làm như không biết đến bà. Đến cuối bữa tiệc, để giúp bà sửa lỗi, ngài cầm một trái táo trên bàn ăn và quay sang đưa cho bà. Rất hân hạnh, bà nói:
- Tôi không biết phải cám ơn ngài thế nào. Bởi đâu mà tôi lại được ngài ưu ái như thế?
Ngài chăm chăm nhìn bà rồi nói:
- Sau khi Evà ăn quả táo, bà ta mới nhận ra là mình thiếu quần áo !

4) CẦN SỬA LỖI THA NHÂN TRONG TÌNH BÁC ÁI:
Trong quyển sách về truyền thống của các vị ẩn tu có thuật lại câu chuyện như sau : Một hôm, khi Đức Giám Mục A-MO-LA đi thăm mục vụ tại một xứ đạo miền quê, dân chúng trong làng đã thưa với ngài cáo tội của một ẩn sĩ trên núi, vì ông ta đã lỗi lời khấn khiết tịnh khi công khai sống chung với một phụ nữ. Họ nói với vị giám mục : ”Hôm nay ngài đã đến đây thì ngài phải giải quyết dứt khoát tình trạng bê bối gây gương mù gương xấu của vị ẩn tu kia”. Sau khi nghe những lời kết án gay gắt của dân làng, Đức Giám Mục quyết định cùng dân làng leo lên núi. Khi vị ẩn tu thấy đám đông dân làng kéo đến gần túp lều của mình thì hoảng sợ và bảo người phụ nữ hãy ẩn trốn trong một chiếc thùng rỗng.
Đức Giám Mục là người đầu tiên đến túp lều và cũng là người đầu tiên bước chân vào lều. Ngài đưa mắt nhìn chung quanh và hiểu ngay tình hình. Ngài ung dung đi thẳng đến chiếc thùng gỗ và ngồi trên đó, rồi bình thản gọi dân làng vào trong lều và bảo : ”Vào đây, anh chị em hãy vào và lục soát túp lều để tìm người phụ nữ như anh chị em đã tố cáo”. Họ lăng xăng lục lọi, nhưng không tìm đâu ra bóng dáng người đàn bà kia. Bấy giờ, Đức Giám Mục mới nói : ”Bây giờ anh chị em phải qùy xuống xin lỗi Thiên Chúa vì đã vô cớ nói xấu vị ẩn tu này”. Rồi khi mọi người đã kéo nhau xuống núi hết, vị giám mục đã tiến lại gần vị ẩn tu, nắm chặt hai bàn tay của ông, đưa mắt nhân từ nhưng cương nghị nhìn sâu vào mắt ông và chậm rãi nói : ”Hỡi người anh em, hãy cẩn thận giữ mình kẻo mất linh hồn đấy”.

5) CAN GIÁN ĐỨC VUA CÁCH KHÔN NGOAN:
Vua Cảnh Công nuớc Tề, có một con ngựa qúi, giao cho một người hầu chăn nuôi. Một hôm con ngựa tự nhiên lăn ra chết. Vua giận lắm, cho là chính người hầu kia đã giết ngựa, liền sai quân đến bắt mang về kết án phanh thây. Án Tử ngồi chầu, thấy thế vội ngăn lại và hỏi nhà vua :
- Vua Nghiêu, vua Thuấn xưa phanh thây người thì bắt đầu từ đâu trước?
Cảnh Công ngơ ngác nói :
- Thôi hãy buông ra, đem giam hắn xuống ngục để sẽ trị tội sau.
Án Tử nói rằng :
- Tên này chưa biết rõ tại sao mình phải bị chết, nên có thể sẽ nghĩ mình bị chết oan. Xin đức vua cho tôi kể rõ tội của nó trước đã, rồi hãy tống ngục cũng chưa muộn.
Vua nói :
- Phải.
Án Tử kể tội rằng : ”Nhà ngươi có ba tội đáng chết. Vua sai nuôi ngựa mà để ngựa chết là một tội đáng chết. Lại để chết con ngựa rất qúi của vua, là hai tội đáng chết. Để vua mang tiếng, vì một con ngựa mà giết chết một mạng người, làm cho trăm họ nghe thấy ai cũng oán vua, các nước nghe thấy ai cũng khinh vua. Ngươi làm chết một con ngựa mà để cho dân chúng oán giận vua, nước ngoài dòm ngó thôn tính nước ta là ba tội đáng chết. Ngươi đã biết chưa? Bây giờ hãy tạm giam ngươi vào ngục...”.
Cảnh Công nghe xong ngậm ngùi than rằng :
- Thôi, hãy tha cho nó ! Kẻo ta sẽ mang tiếng là kẻ bất nhân.
Qua câu chuyện trên ta thấy người xưa có những cách sửa lỗi khôn ngoan sâu sắc, có thể tóm lại như sau : Chân thành kính trọng người được sửa lỗi; Luôn ý thức giữ thể diện cho họ chứ không chà đạp tự ái của họ; Cần khiêm tốn nhận mình cũng có nhiều lỗi lầm để họ không bị mặc cảm; Đừng kết tội ngay mà hãy đặt câu hỏi giúp họ tự nhận ra lỗi lầm của mình, rồi kiên nhẫn lắng nghe và khích lệ giúp họ tự sửa lỗi.

3. SUY NIỆM:

Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay dạy các môn đệ về thái độ phải có đối với những kẻ sai lỗi trong cộng đoàn, để vừa giữ được đức ái lại vừa giúp họ nhận lỗi và sửa sai.

1) LÝ DO PHẢI SỬA LỖI CHO THA NHÂN:
- Cần sửa lỗi cho tha nhân vì là một hành vi bác ái : Một số người không dám lên tiếng sửa lỗi khi thấy kẻ khác làm sai vì sợ bị cho là kẻ gây chuyện : “Ăn cơm nhà đi vác tù và hàng tổng !”; Hoặc sợ bị kẻ ác trả thù. Nhưng Đức Giê-su dạy các môn đệ không được im lặng khi thấy anh chị em mình sai lỗi vì khi ấy “im lặng là đồng lõa !”, và cũng là lỗi đức bác ái như ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã tuyên sấm : “Đức Chúa phán : Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống” (Ed 18, 23).
- Cần sửa lỗi cho tha nhân vì là trách nhiệm của bề trên: cha mẹ trong gia đình, thầy dạy ở học đường, các mục tử trong Hội Thánh có trách nhiệm dạy dỗ người dưới quyền như người xưa dạy : “Nuôi con chẳng dạy chẳng răn, thà rằng nuôi lợn lấy lòng mà ăn”.
- Cần sửa lỗi cho tha nhân để tránh phạm tội “thiếu sót bổn phận”gây hậu quả nghiêm trọng: Thấy một người đang đi vào con đường đến đầm lầy có nguy cơ bị sụt lún mà không lên tiếng cảnh báo, thì đó là một tội ác. Thấy một người làm sai, có thể gây thiệt hại lớn cho bản thân, gia đình và tập thể mà không can ngăn thì cũng là tội thiếu sót bổn phận: Thấy một đứa trẻ chơi đùa với diêm quẹt gần bình ga trong bếp hay gần bình xăng xe mà không can ngăn là đã gián tiếp phạm tội ác nếu chẳng may sự cố cháy nổ xảy ra.

2) PHƯƠNG CÁCH SỬA LỖI THA NHÂN:
Sửa lỗi cho anh em là một nghệ thuật, đòi người sửa lỗi phải khéo léo thực hiện : Cũng giống như việc giải phẫu một khối u ác tính : Nếu bác sĩ phẫu thuật thiếu kinh nghiệm, thao tác không đúng kỹ thuật, thì không những không chữa lành được căn bệnh mà có thể còn gây ra thiệt hại nghiêm trọng hơn cho bệnh nhân. Tin Mừng hôm nay đề ra ba điều kiện phải có khi muốn sửa lỗi anh em :
+ Một là phải sửa lỗi cách tế nhị : Hãy tự đặt mình vào hoàn cảnh của người có lỗi, để biết khi nào nên gặp nói chuyện và nói cách nào để người bị sửa lỗi dễ chấp nhận.
+ Hai là phải sửa lỗi cách kín đáo : Tránh để cho người ngoài biết chuyện sửa lỗi để người có lỗi không bị mất thể diện và khỏi mang mặc cảm.
+ Ba là sửa lỗi với sự kiên nhẫn: Tránh nóng vội và đừng đòi kết quả ngay, nhưng cần biết kiên nhẫn chờ đợi để kẻ có lỗi có đủ thời gian suy nghĩ và quyết tâm sửa lỗi.

3) BỐN BƯỚC SỬA LỖI THA NHÂN :
Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su dạy các môn đệ bốn bước phải theo khi sửa lỗi:
+ Một là hãy gặp gỡ riêng chỉ một mình ta với họ.
+ Hai là nếu họ không sửa lỗi thì sẽ mang theo một hoặc hai nhân chứng, không phải để làm áp lực mà để mọi việc được sáng tỏ nhờ lời của các nhân chứng. Người ta thường gọi bước này là “ba mặt một lời”.
+ Nếu họ vẫn cố chấp không nghe, thì sang bước thứ ba là đưa họ ra cộng đoàn. Không phải để kết án, nhưng để nhờ thế giá của tập thể mà kẻ có lỗi sẽ dễ hồi tâm sửa mình (x. Mt 18, 20).
+ Nếu họ vẫn cố chấp không nghe cộng đoàn, là chính họ đã tự loại mình ra khỏi Hội thánh. Từ đây họ không còn là thành viên của Hội thánh nữa. Những tội nhân cố chấp trong sự sai lạc về đức tin sẽ bị liệt vào thành phần “dân ngoại và người thu thuế”, nghĩa là không còn thuộc về Hội thánh nữa. Từ đây Hội thánh chỉ còn biết phó thác họ cho lòng Chúa thương xót.

4) CẦN LÀM GÌ KHI LỠ XÚC PHẠM ĐẾN THA NHÂN:
Khi “trót dại gây tổn thương đến danh dự và xúc phạm đến tự ái của anh em, chúng ta cần thực hành theo lời dạy trong kinh Cáo mình và kinh Ăn năn tội như sau:
- Khiêm tốn nhận lỗi : Đầu tiên cần ý thức bản thân mình sai lỗi chứ không phải người khác: “Tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót. Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”. Hoặc như kinh Ăn Năn Tội : “Mà con đã cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa, thì con lo buồn đau đớn, cùng chê ghét mọi tội con trên hết mọi sự”.
- Quyết tâm khắc phục hậu quả: Nếu làm hư hỏng tài sản vật chất, chúng ta sẽ sửa chữa hoặc thay mới. Nếu làm mất tiếng tốt của người khác, ta cần cải chính để trả lại danh dự cho họ.
- Lánh xa dịp tội : Điều quan trọng của việc sám hối là phải quyết tâm xa lánh dịp tội, nghĩa là không tiếp tục gặp gỡ người hoặc không đến nơi làm ta dễ tái phạm. Cuối cùng còn phải đền bù thiệt hại cách tương xứng nữa.
Các điều trên được tóm lại trong kinh Ăn Năn Tội như sau: “Con dốc lòng chừa cải, và nhờ ơn Chúa thì con sẽ lánh xa dịp tội, cùng làm việc đền tội cho xứng. Amen”.

4. THẢO LUẬN:

1) Bạn cảm thấy thế nào và nên làm gì khi nghe người khác nói hành hay công khai phê bình các lỗi lầm của mình?
2) Nên sửa lỗi cấp trên cách nào để vừa đạt hiệu quả, vừa tránh căng thẳng trong giao tiếp sau này?

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Dù giữa chúng con có những khác biệt, nhưng xin Chúa ban cho chúng con hiệp nhất nên một trong tình yêu của Chúa. Xin cho chúng con biết thật tình yêu thương nhau, biết chia sẻ cho nhau những niềm vui nỗi buồn, biết nâng đỡ an ủi nhau mỗi khi bị thất bại, biết động viên khen ngợi nhau trong những thành công, luôn khích lệ nhau cố gắng vươn lên, và nhất là sẵn sàng góp ý xây dựng để cùng thăng tiến. Xin cho chúng con năng học hỏi suy niệm và sống Lời Chúa, để trở nên bạn hữu nghĩa thiết của Chúa và của anh em.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
 
Biển cả thẳm sâu, lòng người sâu thẳm
Lm. Minh Anh
23:47 02/09/2020
BIỂN CẢ THẲM SÂU, LÒNG NGƯỜI SÂU THẲM

“Chúa làm chủ trái đất cùng muôn vật muôn loài”.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay mời chúng ta tiến ra một biển hồ xinh đẹp; ở đó, chúng ta quan chiêm Chúa Giêsu, Đấng thấu nhìn vực thẳm, biển khơi và cả lòng dạ con người; dẫu cho biển cả thẳm sâu, lòng người sâu thẳm. Trong một vài phút, chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu, một con người đã hấp dẫn đám đông đến thế và nhất là các môn đệ đầu tiên, đến nỗi họ đã bỏ hết mọi sự mà đi theo Ngài, Đấng mà Thánh Vịnh đáp ca hôm nay reo lên, “Chúa làm chủ trái đất cùng muôn vật muôn loài”.

Lần dở các trang Tin Mừng, chúng ta biết Chúa Giêsu có thể giảng dạy bất cứ nơi đâu. Ngài giảng trong hội đường, trong đền thờ, giữa đồng lúa, trên thảm cỏ, giữa người lớn, giữa trẻ nhỏ; nhiều lần trên núi, ít lần dưới đồi, thi thoảng ở bờ biển và hôm nay, bối cảnh xảy ra trên một bờ hồ. Thánh Luca ghi nhận, “Dân chúng chen nhau lại gần Chúa Giêsu để nghe lời Thiên Chúa”.

Với những con người này, biển là tất cả. Biển là nước, là lương thực, là sự sống, là giao thương, là vận chuyển; bên cạnh đó, biển còn là một đối tượng của vẻ đẹp, một gợi hứng mời gọi chiêm ngắm. Tuy nhiên, bên dưới bề mặt tĩnh lặng thường ngày và xanh thẳm của nó, biển còn cả một thế giới sâu thẳm chưa được biết đến với những con người lưng nám chân trần này. Chúa Giêsu có đó, Ngài sẽ dò thăm chiều sâu của biển, và qua đó, Ngài sẽ giúp những con người này khám phá chiều sâu của lòng mình hầu họ có thể nhận ra bao điều bí ẩn của đức tin và kế hoạch của Chúa Trời, Đấng thấu nhìn vực thẳm và lòng người, cũng là Đấng tạo thành trời đất biển khơi cùng muôn loài trong đó.

Thật không khó để Chúa Giêsu cuốn hút một đám đông hiếu kỳ vốn đã dành cho Ngài một chút thời gian để lắng nghe Ngài; nhưng để mời gọi một ai đó cam kết cống hiến trọn cả cuộc đời mình cho kế hoạch cứu độ mà Ngài vừa khởi sự thì quả là điều không dễ. Vì thế, Ngài quyết định bước xuống một chiếc thuyền, thuyền của Phêrô; xin ông đưa ra xa bờ một chút và ngồi trên đó, lắc lư trên sóng, Ngài giảng dạy dân chúng. Thật, sẽ không có hình ảnh nào đẹp hơn, lãng mạn hơn!

Những gì Chúa Giêsu đòi hỏi Phêrô ban đầu xem ra thật nhẹ nhàng, dễ chịu; chỉ cần Phêrô hy sinh một phần nào vật chất, cụ thể là chiếc thuyền, và tỏ ra hào phóng một chút là đủ. Thế nhưng, để có thể dẫn Phêrô đi xa hơn, đủ lâu hơn với một tương quan bền bỉ, cam kết, sống chết hơn… Chúa Giêsu sẽ thách thức niềm tin của ông, một thách thức có thể đi ngược lại lý trí, kinh nghiệm cũng như sự thoải mái của cá nhân ông. Vậy là Ngài đề nghị Phêrô hãy cùng Ngài “ra chỗ nước sâu”.

Phêrô không cự nự, chẳng ngần ngừ ngoài việc thú nhận thất bại của mình, “Chúng tôi vất vả suốt đêm mà không bắt được gì hết”. Phêrô không lý sự cho dù biển giả là sinh nghề tử nghiệp của ông; trái lại, Phêrô ngoan nguỳ, mềm mỏng, chọn cho mình sự khờ dại trước một Thiên Chúa thượng trí vô song như bài đọc Côrintô hôm nay nhắc đến, “Sự khôn ngoan của thế gian này là sự điên dại đối với Thiên Chúa”; Đấng “bắt chợt những người khôn ngoan ngay trong xảo kế của họ”; Đấng “biết tư tưởng của những người khôn ngoan là hão huyền”. Vì thế, Phêrô lên tiếng, “Nhưng vì lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”. Điều đã xảy ra là một mẻ cá kỳ lạ, không phải trả đồng nào, không phải thức trắng đêm, được tặng không sau đó. Và này, Chúa Giêsu, Đấng thấu nhìn vực thẳm biển khơi đã làm được một điều còn hơn cả mẻ cá kỳ lạ, một điều không ai ngờ tới, đó là biến đổi những tâm hồn để mai đây, họ sẽ đi lưới người như lưới cá; Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan, những con người đặt Ngài làm chủ trên cuộc đời mình như Ngài đã làm chủ trên cá biển chim trời; những con người rồi đây sẽ đem về cho Chúa những mẻ cá kỳ diệu hơn, những mẻ cá tươi rói các linh hồn, sẽ chất ngất trên con thuyền Giáo Hội.

Trong mọi đấng bậc, Chúa Giêsu đã bước xuống con thuyền cuộc đời mỗi người chúng ta và hẳn Ngài cũng đã làm một điều kỳ diệu nào đó; thế nhưng, chúng ta có ngạc nhiên không? Nỗi ngạc nhiên có xâm chiếm toàn bộ con người chúng ta như đã xâm chiếm Phêrô không? Phải chăng, chẳng có gì đáng ngạc nhiên vì chúng ta nghĩ rằng, những gì tốt đẹp hay thành công đều là do bản thân mình. Người kiêu ngạo sẽ nghĩ như thế nhưng kẻ khiêm nhượng thì không, họ nhận ra bàn tay uy quyền của Đấng tạo thành trời đất biển khơi cùng muôn loài trong đó, để như Phêrô, họ sẽ sụp lạy dưới chân Ngài và thưa lên, “Lạy Chúa, xin tránh xa con vì con là người tội lỗi”.

Trên một chuyến tàu xuyên đại dương, vị giám mục kể cho một giáo sĩ trẻ về cuộc đời gian khổ của mình; sau đó, ngài xin anh nói về ơn gọi của anh. Anh tự mãn, “Dễ thôi. Tất cả là Thiên Chúa cần con”. Giám mục nói, “Này bạn, quả là trùng hợp. Như tôi nhớ, trong Thánh Kinh, chỉ có một lần Chúa nói, Ngài cần một điều gì đó; thì trên đường vinh thắng vào Giêrusalem, Ngài nói, Ngài cần một con lừa”.

Anh Chị em,

Nếu chúng ta biết hạ mình như Phêrô, Chúa Giêsu cũng sẽ nói với mỗi người, “Đừng sợ, từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta”; vì lẽ, rất nhiều linh hồn đang hối hả đi qua thế giới này mà không biết sẽ đi về đâu, cũng không tận hưởng tình yêu của Đấng làm chủ trái đất cùng muôn vật muôn loài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa biết lòng con, Chúa biết sức con; xin đưa con ra chỗ nước sâu, ở đó, con sẽ ngụp lặn trong ân sủng của lòng thương xót Chúa; bấy giờ, con mới có thể lưới được những mẻ cá tươi rói của các linh hồn”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Trong buổi Triều yết ĐTC kêu gọi: Hãy đoàn kết xây dựng lại cộng đoàn sau cơn đại dịch
Thanh Quảng sdb
05:57 02/09/2020
Trong buổi Triều yết ĐTC kêu gọi: Hãy đoàn kết xây dựng lại cộng đoàn sau cơn đại dịch

Trong loạt bài giáo lý tại các buổi triều yết ngày thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi mọi người hãy đoàn kết trong đức tin để chữa lành các tệ nạn xã hội trong thế giới sau mùa đại dịch.

(Tin Vatican - Devin Watkins)

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục loạt bài giáo lý với chủ đề “Chữa lành thế giới”, tại buổi triều yết chung hàng tuần.

Sau khi bày tỏ sự vui mừng vì được gặp gỡ trực tiếp khách hành hương thay vì qua “màn hình trực tuyến”, Đức Thánh Cha lưu ý rằng đại dịch Covid-19 đã làm nổi bật sự phụ thuộc vào nhau của chúng ta như thế nào “tốt hơn hay tệ hơn”.

Do đó, đoàn kết là chìa khóa để vượt qua khủng hoảng mà làm tốt hơn bao giờ.

Sự phụ thuộc và phụ thuộc lẫn nhau

Đức Thánh Cha cho hay tất cả nhân loại đều có chung một nguồn gốc là Thiên Chúa. Chúng ta sống cùng nhau trong ngôi nhà chung của chúng ta, "một ngôi vườn hành tinh mà Thiên Chúa đặt chúng ta nơi đó", và chúng ta có cùng một đích chung trong Chúa Kitô.

ĐTC nói: “Nhưng khi chúng ta quên đi những điều này, thì sự phụ thuộc vào nhau của chúng ta sẽ trở thành một sự phụ thuộc vào những người khác! Chính sự gia tăng chênh lệch bất bình đẳng và thua thiệt làm suy yếu cái cấu trúc xã hội và làm phân hủy môi trường.”

Đoàn kết là một tư duy

ĐTC Phanxicô thừa nhận rằng từ ngữ “đoàn kết” có vẻ như đã bị lu mờ và hiểu nông cạn!

Nó không còn là "một số hành vi quảng đại đơn lẻ!" ĐTC nói, thực vậy đoàn kết bị hạn hẹp vào chuỗi suy tư chỉ nhắm "vào cộng đồng và ưu tiên cho cuộc sống của tất cả mọi người qua việc tiêu thụ hàng hóa của một số nhỏ làm chủ."

Đức Thánh Cha nói, đoàn kết “là vấn đề của công bằng.”

Một sự phụ thuộc lẫn nhau lành mạnh và hiệu quả “cần được đâm rễ vững chắc nơi nhân tính và thiên nhiên mà Thiên Chúa tạo dựng nên; nó cần được tôn trọng con người và đất đai."

Những sự đe dọa cộng đồng

Đức Thánh Cha tiếp tục suy ngẫm về câu chuyện Kinh Thánh về tháp Babel (Sáng 11: 1-9).

Khi nhân loại cố gắng vươn tới trời mà quên đi các mối quan hệ của nhân sinh với nhau, của thụ tạo và của Đấng sáng tạo, chúng ta kết hợp các ngôn ngữ thành một và xây dựng một tháp tòa chọc trời, nhưng chúng ta lại “phá bỏ cộng đồng” và “hủy diệt cái văn hóa tốt đẹp”.

Đức Thánh Cha nói: Một kết quả đáng tiếc khác là chúng ta kết nạp người khác vào lực lượng lao động, thay vì xây dựng một cộng đồng.

“Khi cổ phiếu mất giá trên thị trường chứng khoán, thì tất cả mọi cơ quan truyền thông đều nêu tin, ấy thế mà hàng ngàn người chết đói thì không một ai đoái hoài tới!"

Đa dạng và hài hòa

Đức Thánh Cha Phanxicô cho hay: Lễ Ngũ Tuần là câu trả lời và là phản đề của tháp Babel.

Khi hiện xuống trên cộng đoàn, “Chúa Thánh Linh đã kết hợp mọi sự nên một trong muôn hình dạng; Ngài tạo ra sự hài hòa”.

“Trong Lễ Ngũ Tuần, ” ĐTC nói, “Thiên Chúa tỏ mình ra và trao ban đức tin cho cộng đoàn hiệp nhất trong sự đa dạng và trong tình liên đới.”

Sự đa dạng đảm bảo cộng đoàn được thấm nhuần "hồng ân" giúp cộng đoàn ý thức rằng mỗi người là độc tôn và bảo đảm cộng đoàn khỏi nguy cơ của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ.

“Sự đoàn kết”, Đức Thánh Cha nói, “là con đường để hướng tới một thế giới hậu đại dịch, hướng tới việc chữa lành những căn bệnh xã hội và cá nhân của chúng ta. Không có con đường nào khác!”

Đoàn kết và nghĩa hiệp

Cuối cùng, Đức Thánh Cha khích lệ mọi người hãy để đức tin hướng dẫn tình đoàn kết của chúng ta, hầu chúng ta có thể trao ban tình thương của Thiên Chúa cho anh chị em mình, để xây dựng cộng đoàn phát triển lành mạnh.

ĐTC cũng mời mọi người hãy tự hỏi: "Tôi có nghĩ tới tha nhân không? "

“Giữa những khủng hoảng và thử thách, Chúa kêu mời chúng ta và đánh thức chúng ta hãy xiết chặt tình đoàn kết, một tình đoàn kết có khả năng mang lại sự bền vững, hỗ trợ và ý nghĩa cho những giờ phút mà mọi thứ dường như đã bị hủy diệt.”
 
Một linh mục bị đấm trong Thánh lễ Chúa Nhật ở Berlin
Đặng Tự Do
16:06 02/09/2020


Một kẻ tấn công không rõ danh tính đã đấm một linh mục trong Thánh lễ Chúa Nhật ở Berlin, Đức. Vụ tấn công xảy ra trong Thánh Lễ Chúa Nhật ngày 30 tháng 8 tại Nhà thờ Thánh Giuse ở quận Wedding. Đó là một ngôi nhà thờ rất lớn ở một khu vực trung tâm, trên đường Müllerstraße ở Berlin-Mitte.

Nhà thờ chính tòa Thánh Hedwig của tổng giáo phận Berlin đang đóng cửa để tu sửa. Do đó, tất cả các cử hành Phụng Vụ chính của tổng giáo phận đang diễn ra tại nhà thờ Thánh Giuse. Đức Tổng Giám Mục Heiner Koch thường đến dâng các thánh lễ tại đây, đặc biệt là các thánh lễ trực tuyến trong thời gian không có các thánh lễ dành cho công chúng tham dự.

Theo lời kể của các nhân chứng, vào khoảng 10:30 sáng, một người đàn ông đã “ngồi lặng lẽ trong Thánh lễ, đột nhiên đứng dậy và nhổ xuống đất. Hắn ta bước một cách hùng hổ về phía cung thánh của nhà thờ, trong khi tuôn ra những lời lẽ phỉ báng tôn giáo, đặc biệt là phỉ báng Đức Mẹ. Hắn đấm vào Cha Andrzej Doetsch 61 tuổi, khiến ngài ngã nhào xuống đất.”

Cảnh sát Berlin cho biết: “Ngay sau đó, kẻ lạ mặt đã lấy cuốn Kinh thánh và xé ra vài trang. Em trai của vị linh mục, là anh Holger Doetsch, năm nay 56 tuổi, đã chạy đến can thiệp. Kẻ tấn công đã đánh gục anh ta bằng cuốn Kinh thánh và bỏ trốn khỏi nhà thờ. Đến nay kẻ tấn công vẫn chưa bị bắt. Vị linh mục bị đánh gục và bị thương nhẹ và em ngài, cũng chỉ bị thương nhẹ, đã được cấp cứu tại chỗ.”

Anh Holger Doetsch nói với tờ Tagespost rằng tên tấn công còn trẻ khoảng 20 đến 25 tuổi có vẻ như nóng giận trước bài giảng của cha Andrzej Doetsch. Trong bài giảng ngài nói về Hegel và sinh quán của ông ta ở Stuttgart, và nhấn mạnh rằng cảm xúc không liên quan đến luận lý.

Phòng điều tra tội phạm về chính trị của phân bộ Cảnh sát Hình sự Berlin đã thụ lý vụ này.

Cách đó một tuần, một vụ tấn công tương tự đã diễn ra tại Hoa Kỳ. Một người phụ nữ da đen đã đấm vào mặt người đọc Sách Thánh trong một thánh lễ tại nhà thờ chính tòa hai Thánh Phêrô và Thánh Phaolô của tổng giáo phận Philadelphia. Hành động bạo lực đáng lo ngại diễn ra ngay sát cung thánh trong khi buổi lễ 11 giờ sáng Chúa Nhật 23 tháng 8 đang được phát trực tiếp. Đến nay thủ phạm vẫn chưa bị bắt.

Một người phụ nữ da đen mặc đồ xanh đã đứng chờ ngay sát cung thánh khi hai người phụ nữ vừa đọc Sách Thánh xong đang quay xuống. Cô ta đã đấm vào mặt người đọc Sách Thánh đi gần bên mình hai lần trước khi ung dung bỏ ra khỏi nhà thờ. Ra khỏi nhà thờ y thị mới bỏ chạy để khỏi bị bắt.

Cảnh sát Philadelphia kêu gọi mọi người ai có thông tin dẫn đến việc bắt giữ người phụ nữ da đen Xin báo cáo cho cảnh sát qua số 215-686-8477.


Source:Catholic News Agency

 
Lebanon Thức tỉnh, Trỗi dậy và Vươn lên…
Thanh Quảng sdb
19:42 02/09/2020
Lebanon Thức tỉnh, Trỗi dậy và Vươn lên…

(Tin tổng hợp – Thanh Quảng sdb)

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thăm viếng Beirut, gặp các quan chức Liban và đại diện của các tổ chức xã hội dân sự và phi chính phủ, đây là chuyến viếng thăm lần thứ hai của Tổng thống Pháp tới đất nước này kể từ sau vụ nổ chết người thảm khốc vào tháng trước do hàng tấn amoni nitrat được lưu trữ trong một nhà kho ở hải cảng.

Trong chuyến đi này, Tổng thống Macron nhằm theo dõi tình hình chính trị địa phương, để phân phối viện trợ nhân đạo, đồng thời tham dự lễ kỷ niệm 100 năm độc lậpcủa vương quốc Lebanon.

Ông hối thúc Lebanon hãy sớm thành hình một chính phủ, mạnh mẽ chống tham nhũng, cải cách ngành năng lượng và giải quyết các vấn đề tiền tệ ngân hàng.

Trước khi Tổng thống Macron đến Lebanon, Ông Mustapha Adib, cựu đại sứ Lebanon tại Đức, được bổ nhiệm vào chức vụ thủ tướng mới của chính phủ.

Ngay cả trước khi vụ nổ xảy ra, đất nước này đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc và phải vật lộn với đại dịch coronavirus.

Lebanon có một tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục, tăng trưởng chậm chạp và một trong những nước có tỷ lệ nợ cao nhất ở bất kỳ quốc gia nào ở Trung Đông. Dân tình thì đói khổ!...

Cải tổ để vươn lên - Lebanon

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến thăm và khuyến khích thành lập một chính phủ mới… Trong lúc đó Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi toàn cầu hãy dành trọn một Ngày cầu nguyện cho Lebanon vào 4/9/2020. Trong buổi triều yết 9/9/2020, Đức Thánh Cha mời gọi một ngày cầu nguyện, ăn chay hiệp thông cùng Lebanon.

Trong một nỗ lực đẩy nhanh tiến mạnh, tân Thủ tướng Mustapha Adib sẽ bàn bạc với quốc hội, với các tướng lãnh và đại diện lưỡng viện để thảo luận về tình hình đất nước.

Quyết tâm vươn lên

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại lời kêu gọi năm 1989 của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: "Lebanon không thể bị bỏ rơi trong sự cô độc của nó." Ở góc lá cờ Lebanon có một dấu hiệu nói lên sự liên đới với các quốc gia Trung Đông, Đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II mô tả Lebanon là một đất nước của hy vọng và bày tỏ sự ngưỡng mộ niềm tin của người dân vào Thiên Chúa và tiềm năng biến đất nước này thành “nơi khoan dung, tôn trọng và cùng nhau chung sống duy nhất trong khu vực”.

Lebanon, Đức Thánh Cha nói, là “một thông điệp về tự do và là một mẫu gương về chủ nghĩa đa nguyên, cho cả phương Đông và phương Tây”. “Vì lợi ích của đất nước và thế giới, chúng ta không thể để di sản này bị biến mất, ” ĐTC nói, ám chỉ đến cuộc khủng hoảng kéo dài trong nước!

Ngay cả trước khi Covid-19 bùng nổ, Lebanon đã trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử, gây ra do các cuộc biểu tình chống chính phủ quy mô rộng lớn vào hồi năm ngoái. Ngày nay, gần một nửa dân số 6 triệu, đang sống dưới mức nghèo khổ. Các nhà nhận định còn cho hay thảm cảnh này có thể còn tồi tệ hơn vì cuộc nội chiến 15 năm qua, bùng phát từ 1975 đến 1990.

Kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo

ĐTC Phanxicô khuyến khích “tất cả mọi người Lebanon hãy kiên trì hy vọng và qui tụ sức mạnh và năng lực cần thiết để bắt đầu lại.” Ngài đặc biệt kêu gọi “các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo hãy quyết tâm tái thiết đất nước, gác bỏ mọi lợi ích đảng phái mà hướng tới lợi ích chung và tương lai của quốc gia”.

Đức Thánh Cha cũng yêu cầu "cộng đồng quốc tế hãy hỗ trợ Lebanon và giúp nước này thoát khỏi cuộc khủng hoảng nghiêm trọng này, thoát khỏi những căng thẳng trong khu vực".

ĐTC kêu gọi người dân Beirut hãy can đảm, kín múc sức mạnh trong đức tin và lời cầu nguyện. "Đừng từ bỏ ngôi nhà và di sản của các bạn. Đừng từ bỏ ước mơ của những người đã tin vào buổi bình minh của một đất nước tươi đẹp và thịnh vượng."

Đối với các mục tử, giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân của đất nước, ĐTC kêu gọi tất cả hãy cùng đồng hành với nhiệt tâm tông đồ mà nâng đỡ những người nghèo khổ thấp cổ bé miệng…. “Hãy sống thanh bạch với những người nghèo và chia sẻ với người đau khổ! Hãy là những người đầu tiên nêu gương về cuộc sống đơn nghèo và khiêm hạ. Hãy trung thành bền bỉ và cùng với dân chúng vươn lên và trở thành những con người của một sự tái sinh mới”.
 
Bài Giáo Lý Thứ Năm về Chữa Lành Thế giới của Đức Phanxicô, trước các tín hữu hân hoan được yết kiến ngài trở lại
Vũ Văn An
20:22 02/09/2020

Buổi yết kiến có tín hữu tham dự tại Sân San Damaso, bên trong Điện Vatican, đã diễn ra lúc 9 giờ 30 sáng ngày 2 tháng 9, tuy những người mộ mến Đức Phanxicô đã có mặt từ lúc 7 giờ 30. Theo hãng tin Zenit, Sân Damaso chứa tối đa được chừng 500 người và người ta có thể vào đó từ Cửa Đồng phía tay phải của Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô. Buổi yết kiến dành cho mọi người, không cần có vé trước, nhưng phải nghiêm ngặt tôn trọng các qui định gián cách và vệ sinh cũng như chịu đo nhiệt độ ở địa điểm kiểm soát an ninh.



Hôm nay, theo Zenit, Đức Thánh Cha tiếp nhận được một cuộc nghinh đón đầm ấm và dù giữ khoảng cách, ngài vẫn dành thì giờ đến chào một số tín hữu muốn gặp ngài.

Trong bài giáo lý sau đó, Đức Thánh Cha nói rằng sống qua cơn đại dịch hiện nay, chúng ta tiến đến chỗ nhận ra rằng chúng ta hết sức lệ thuộc lẫn nhau, nên ta phải biểu lộ tình liên đới với nhau, vì tất cả chúng ta đều được Thiên Chúa dựng nên và cùng chia sẻ ngôi nhà chung.

Ngài cho rằng tình liên đới chân chính không hẳn chỉ là cung ứng sự giúp đỡ cho người khác, mà nó còn là vấn đề công lý nữa, đòi “một sự thay đổi triệt để trong lối suy nghĩ của ta, một lối suy nghĩ biết nhìn tới thiện ích của cộng đồng, bảo vệ quyền sống cho mọi người, và cổ vũ việc chia sẻ công bằng các của cải của trái đất”.

Dưới đây là nguyên văn bài giáo lý, dựa vào bản tiếng Anh không chính thức của Vatican do Zenit phổ biến:

***
Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một buổi sáng tốt đẹp!

Sau nhiều tháng, chúng ta lại gặp lại nhau mặt đối mặt chứ không phải đối với màn hình. Mặt đối mặt. Điều này thật tốt! Đại dịch hiện thời làm nổi bật sự liên lập của chúng ta: tất cả chúng ta đều được liên kết với nhau, dù tốt hay xấu. Vì vậy, để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này tốt hơn trước đây, chúng ta phải làm như vậy cùng với nhau; cùng với nhau, không một mình. Cùng với nhau. Một mình, không, bởi vì nó không thể thực hiện được. Hoặc nó được thực hiện cùng với nhau, hoặc nó không được thực hiện. Chúng ta phải làm điều đó cùng với nhau, tất cả chúng ta, trong tình liên đới. Hôm nay tôi xin gạch dưới hạn từ này: liên đới.

Là một gia đình nhân loại, chúng ta có nguồn gốc chung của chúng ta nơi Thiên Chúa; chúng ta cư ngụ trong ngôi nhà chung, vườn-hành-tinh, trái đất nơi Chúa đặt chúng ta vào; và chúng ta có một điểm đến chung trong Chúa Kitô. Nhưng khi chúng ta quên tất cả những điều này, sự phụ thuộc qua lại của chúng ta trở thành sự phụ thuộc của một số người vào những người khác, chúng ta mất đi sự hài hòa của liên lập và liên đới và chúng ta trở nên phụ thuộc - sự phụ thuộc của một số người vào một số ít, vào những người khác - làm gia tăng sự bất bình đẳng và bị gạt ra ngoài lề xã hội; nó làm suy yếu cấu trúc xã hội và làm môi trường xấu đi. Nó luôn luôn là như thế. Hành động cùng một cách như vậy.

Do đó, nguyên tắc liên đới lúc này cần thiết hơn bao giờ hết, như Thánh Gioan Phaolô II đã dạy (xem Sollicitudo rei socialis, 38-40). Trong một thế giới liên kết qua lại với nhau, chúng ta cảm nghiệm được việc sống trong cùng một “ngôi làng hoàn cầu” có nghĩa gì; kiểu nói này thật đẹp, không phải sao? Thế giới rộng lớn không là gì khác hơn một ngôi làng hoàn cầu, bởi vì mọi sự đều được nối kết qua lại với nhau, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng biến sự liên lập này thành tình liên đới. Có một hành trình dài giữa sự liên lập và tình liên đới. Tính ích kỷ - cá nhân, quốc gia và các nhóm quyền lực - và sự cứng ngắc về ý thức hệ thay vào đó đã duy trì “các cơ cấu tội lỗi” (Đã dẫn, 36).

“ Hạn từ ‘liên đới’hơi bị sáo mòn và đôi khi ít được hiểu biết, nhưng nó ám chỉ điều gì đó hơn là một vài hành động lẻ tẻ - hành động lẻ tẻ đây đó - của lòng rộng lượng”. Nhiều hơn thế! “Nó giả định việc tạo ra một tư duy mới; một tư duy mới biết suy nghĩ theo hướng cộng đồng và dành ưu tiên cho sự sống của mọi người hơn là cho việc chiếm đoạt của cải nơi một số ít người” (Tông huấn Evangelii gaudium, 188). Đó là điều "liên đới" muốn nói. Nó không đơn thuần là việc giúp đỡ người khác - làm như vậy là tốt, nhưng nó còn hơn thế nữa - nó là vấn đề công lý (xem Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, 1938-1949). Sự liên lập, muốn ở trong tình liên đới và sinh hoa trái, cần có cội rễ bền chặt trong nhân tính và thiên nhiên do Thiên Chúa dựng nên; nó cần tôn trọng các khuôn mặt và đất đai.

Kinh thánh, ngay từ đầu, đã cảnh cáo chúng ta về điều này. Hãy nghĩ đến câu chuyện về Tháp Babel (xem St 11: 1-9); câu chuyện này mô tả những gì xảy ra khi chúng ta cố gắng vươn tới trời- tức là đích đến của chúng ta – mà bỏ qua mối ràng buộc của chúng ta với nhân loại, tạo thế và Đấng Tạo Hóa. Đây là một kiểu nói văn hoa. Điều này xảy ra bất cứ khi nào ai đó muốn leo lên và leo lên mà không lưu ý gì tới người khác. Chỉ bản thân tôi, phải không? Hãy nghĩ tới ngọn tháp. Chúng ta đang xây những ngọn tháp và các tòa nhà chọc trời, nhưng chúng ta đang phá hủy cộng đồng. Chúng ta thống nhất các tòa nhà và ngôn ngữ, nhưng chúng ta bóp chết tính phong phú của văn hóa. Chúng ta muốn trở thành chủ nhân của Trái đất, nhưng chúng ta lại hủy hoại sự đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái. Trong một buổi yết kiến khác, tôi đã nói về những ngư dân phát xuất từ San Benedetto del Tronto, những người từng đến đây năm nay, và họ nói với tôi rằng năm nay: “Chúng con đã vớt 24 tấn chất thải khỏi biển, một nửa trong số đó là chất nhựa”. Hãy nghĩ đến việc những người này có nhiệm vụ bắt cá - vâng - nhưng cũng từ chối, và ra khơi để làm sạch biển. Nhưng đây là việc hủy hoại trái đất - không có tình liên đới với trái đất, vốn là một hồng phúc - và sự cân bằng sinh thái.

Tôi nhớ một câu chuyện thời trung cổ về "hội chứng Babel", xảy ra khi không có tinh thần liên đới. Câu chuyện thời Trung cổ này nói rằng, trong lúc xây dựng ngọn tháp, khi một người đàn ông ngã xuống - họ là nô lệ, không phải sao? - và chết, không ai nói gì, hoặc cùng lắm, "Thật tội nghiệp, anh ta đã phạm sai lầm và anh ta bị ngã". Thay vào đó, nếu một viên gạch rơi xuống, mọi người đều phàn nàn. Và nếu ai đó bị qui lỗi, anh ta sẽ bị trừng phạt. Tại sao? Bởi vì một viên gạch tốn kém để làm, chuẩn bị, nung… Tất cả những điều như thế. Phải mất thời gian để sản xuất một viên gạch, và việc làm. Một viên gạch đáng giá hơn một mạng người. Mỗi chúng ta, hãy nghĩ tới những gì xảy ra ngày hôm nay.

Thật không may, một điều gì đó thuộc loại này cũng có thể xảy ra ngày nay. Khi cổ phiếu giảm giá trên thị trường tài chánh, tất cả các cơ quan đều báo cáo tin tức - chúng ta đã thấy nó trên các tờ báo trong những ngày này. Hàng ngàn người gục ngã vì đói và nghèo, nhưng không ai nói về điều đó.

Lễ Ngũ tuần hoàn toàn trái ngược với Tháp Babel (xin xem Công vụ 2: 1-3), chúng ta đã nghe ở phần đầu của buổi yết kiến. Chúa Thánh Thần, từ trên cao ngự xuống như gió và lửa, lướt trên cộng đoàn đang co cụm trong Nhà Tiệc Ly, truyền sức mạnh của Thiên Chúa cho họ, và thôi thúc họ ra đi loan báo Chúa Giêsu cho mọi người. Thần Khí tạo ra sự hợp nhất trong đa dạng; Người tạo ra sự hài hòa.

Trong câu chuyện Tháp Babel, không có sự hài hòa nào; chỉ thôi thúc tiến lên để kiếm tiền. Ở đó, những người khác chỉ đơn giản là dụng cụ, chỉ là “nhân lực”, nhưng ở đây, trong Lễ Ngũ Tuần, mỗi người chúng ta là một công cụ, nhưng là một công cụ cộng đồng tham gia đầy đủ vào việc xây dựng cộng đồng. Thánh Phanxicô Assisi biết rõ điều này, và được Thần Khí linh ứng, ngài đã gọi mọi người, thực sự mọi tạo vật, là anh chị em (xin xem Laudato Si' 11; xin xem LS 11; xem Thánh Bonaventure, Legenda maior, VIII, 6: FF 1145). Thâm chí, anh sói, hãy nhớ điều đó. Với Lễ Ngũ Tuần, Thiên Chúa làm cho chính Người hiện diện và soi dẫn đức tin của cộng đồng hợp nhất trong đa dạng và liên đới. Sự đa dạng và liên đới hợp nhất trong hài hòa, đó mới là cách.

Sự đa dạng trong liên đới sở hữu nhiều “kháng thể” bảo đảm rằng tính độc đáo của mỗi con người – vốn là một hồng phúc, độc đáo và không thể lặp lại được - không bị chủ nghĩa duy cá nhân, tính ích kỷ làm cho bệnh hoạn. Sự đa dạng trong liên đới cũng sở hữu các kháng thể có thể hàn gắn các cơ cấu và diễn trình xã hội từng thoái hóa trở thành các hệ thống bất công, các hệ thống áp bức (xem Bản Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo hội, 192). Do đó, liên đới ngày nay là con đường phải đi hướng tới một thế giới hậu đại dịch, hướng tới việc chữa lành những căn bệnh xã hội và liên ngã của chúng ta. Không có con đường nào khác. Hoặc là chúng ta cùng đi trên con đường liên đới, hoặc là mọi sự sẽ trở nên tồi tệ hơn. Tôi muốn nhắc lại điều này: người ta sẽ không thoát ra khỏi một cuộc khủng hoảng mà vẫn y như trước đây. Đại dịch là một cuộc khủng hoảng. Chúng ta thoát khỏi khủng hoảng một là tốt hơn hai là tệ hơn trước. Tùy ý chúng ta lựa chọn. Và liên đới thực sự là một cách để thoát khỏi khủng hoảng mà được tốt hơn, chứ không phải bằng những thay đổi phiến diện, với một lớp sơn mới để mọi thứ trông đều ổn. Không. Phải tốt hơn!

Giữa những cuộc khủng hoảng, tình liên đới được đức tin hướng dẫn cho phép chúng ta chuyển dịch tình yêu của Thiên Chúa trong nền văn hóa hoàn cầu hóa của chúng ta, không phải bằng cách xây các ngọn tháp hay bức tường - và ngày nay có biết bao bức tường đang được xây lên! – để chia rẽ, nhưng rồi sụp đổ, nhưng bằng cách dệt nối các cộng đồng và duy trì các diễn trình phát triển thực sự nhân bản và bền vững. Và để làm điều này, sự vững chắc sẽ giúp ích. Tôi muốn hỏi một câu hỏi: tôi có nghĩ đến nhu cầu của người khác không? Mọi người hãy trả lời trong trái tim mình.

Giữa những cuộc khủng hoảng và sóng bão, Chúa kêu gọi chúng ta và mời gọi chúng ta đánh thức và kích hoạt tình liên đới có khả năng mang lại sự vững chắc, nâng đỡ và ý nghĩa cho những giờ phút trong đó mọi sự dường như đang bị phá hủy. Cầu xin tính sáng tạo của Chúa Thánh Thần khuyến khích chúng ta tạo ra những hình thức mới của lòng hiếu khách quen thuộc, của tình huynh đệ sinh hoa trái và của tình liên đới phổ quát. Cảm ơn anh chị em.
 
Top Stories
Le cardinal Charles Maung Bo, archevêque de Rangoun, appelle les Birmans à «voter pour la paix»
Églises d'Asie
08:29 02/09/2020
Du 19 au 21 août dernier à Naypyidaw, la capitale birmane, la 4e Conférence de paix de Panglong pour le XXIe siècle s’est tenue avec la participation de représentants du gouvernement civil, de l’armée birmane, des partis politiques du pays et des groupes armés ethniques. Suite à cette quatrième session de conférence, et avant les élections législatives du 8 novembre prochain, le cardinal Charles Maung Bo, archevêque de Rangoun, est intervenu en publiant un guide en dix points, invitant les Birmans à choisir les candidats déterminés à œuvrer pour la paix et le fédéralisme politique et économique.

Le cardinal Charles Maung Bo, archevêque de Rangoun, a appelé la population birmane à remplir les devoirs électoraux et à choisir des candidats déterminés à œuvrer pour la paix et pour le fédéralisme politique et économique, en amont des élections législatives, prévues le 8 novembre. Le 1er septembre, le cardinal Bo a publié un appel écrit destiné à tous les citoyens birmans, en les invitant à s’assurer que leur nom se trouve sur les listes électorales et à se rendre dans les bureaux de vote le jour des élections, en soulignant que « la participation active des citoyens est essentielle dans toute démocratie ». « Voter est un droit fondamental. C’est non seulement un droit, mais aussi un devoir sacré. Cela fait partie de notre long pèlerinage vers la démocratie », a-t-il ajouté, en évoquant la transition démocratique entreprise depuis quelques années dans le pays. Dans un guide publié en dix points, le cardinal Bo a souligné qu’en tant que responsable religieux, il souhaitait recommander aux citoyens de sélectionner des candidats travaillant pour la paix et pour l’émancipation des sans-voix de façon démocratique, et défendant la justice économique et environnementale, dans un pays toujours secoué par les conflits internes. L’archevêque de Rangoun a ajouté que les conflits armés ont tué des milliers de personnes, entraînant plusieurs dizaines de milliers de personnes déplacées internes (IDP). « Nos grandes religions défendent la paix – je vous en conjure, votez pour la paix », a-t-il insisté.

« La Birmanie a besoin de dirigeants qui soient aussi serviteurs »

Le cardinal Bo, âgé de 72 ans, a invité les citoyens à sélectionner les candidats avec soin, et à éviter les complices de ceux qui ont ravagé les ressources du pays et qui ont appauvri la Birmanie. « Dans cette nation blessée, la paix ne sera possible que si les ressources du pays sont utilisées au service de tous, en particulier pour les pauvres et les communautés les plus marginales. » La Birmanie a été frappée par les guerres civiles depuis son indépendance, en 1948. Le cardinal Bo, dans son appel, a ajouté que le pays a besoin de dirigeants non seulement intelligents, mais qui soient également au service de la population et animés par « des valeurs essentielles d’honnêteté, d’intégrité et de transparence ». Il a poursuivi en soulignant que « le vrai pouvoir vient du service ». « La Birmanie a eu suffisamment de dirigeants forts. Elle a désormais besoin de leaders qui soient serviteurs. » Le cardinal birman a également appelé à choisir des candidats qui proposent un vrai programme de développement humain, afin d’éviter un gouvernement qui répète les erreurs des régimes précédents, qui ont négligé le développement du pays en pillant ses ressources. Le cardinal Bo a évoqué les souffrances du peuple birman, qui a connu la famine, les conflits internes et les déplacements, les migrations dangereuses et le manque d’accès à l’éducation. « Que ces élections amènent des combattants prêts à lutter contre tous ces fléaux. »

L’appel du cardinal Bo survient alors que 92 partis politiques sont en lice pour les 1 171 sièges des chambres basses et hautes du Parlement national et des législatures régionales et locales. Pour les observateurs, ces élections sont un test des réformes démocratiques entreprises, alors que le pays est en pleine transition démocratique après cinq décennies de régime militaire. Le cardinal Bo a également appelé les dirigeants du pays à autoriser les membres du clergé (toutes religions confondues) à voter, alors que la Constitution du pays les en empêche. La conseillère d’État Aung San Suu Kyi, de son côté, conserve un certain soutien populaire dans le pays, en particulier dans les régions où l’ethnie Bama (Birmans) est majoritaire, même si son statut d’icône de la démocratie a été ébranlé en Occident, en raison de son échec apparent à parler ouvertement contre les traitements infligés aux Rohingyas et à d’autres groupes ethniques minoritaires. Les généraux militaires gardent toujours un rôle influent dans la politique birmane, malgré la victoire écrasante du parti LND (Ligue nationale pour la démocratie), le parti fondé par Aung San Suu Kyi, aux élections de 2015. La Constitution de 2008 stipule en effet qu’un quart des sièges parlementaires soient réservés aux militaires. Le texte leur accorde également la gestion de trois ministères clé – les Affaires intérieures, la Défense et la Sécurité aux frontières.

(Source: Églises d'Asie - le 02/09/2020, Avec Ucanews, Mandalay)
 
Le cardinal Ranjith, archevêque de Colombo, s’oppose aux partis fondés sur la religion ou l’ethnie
Églises d'Asie
08:31 02/09/2020
À l’occasion d’une célébration dans la basilique Notre-Dame de Lanka de Tewwata, à Ragama, à vingt kilomètres de la capitale, le cardinal Malcolm Ranjith, archevêque de Colombo, a pris la parole en appelant le gouvernement sri-lankais à interdire les partis politiques fondés sur l’appartenance ethnique ou religieuse. « Il y a trente ans, un groupe de chrétiens est venu me voir pour me dire que si nous formions un parti chrétien, nous pourrions défendre nos droits. Je leur ai dit que nous n’avions pas besoin de partis politiques chrétiens », a-t-il poursuivi, avant de revenir sur les attentats du 21 avril 2019 pour appeler à poursuivre les enquêtes.

Le 30 août, à l’occasion d’une messe célébrée dans la basilique Notre-Dame de Lanka de Tewwata, à Ragama, à vingt kilomètres de la capitale, le cardinal Malcolm Ranjith, archevêque de Colombo, a appelé le gouvernement sri-lankais à interdire les partis politiques fondés sur la religion ou l’appartenance ethnique. Par ailleurs, l’archevêque a affirmé que la commission présidentielle chargée d’enquêter sur les attentats du 21 avril 2019 n’a identifié que les noms des personnalités politiques et des fonctionnaires qui n’ont pas rempli leurs devoirs. « Ceux qui sont derrière les attaques, qui les ont financées et qui ont placé les bombes, n’ont jamais été trouvés », a-t-il souligné. Le cardinal a confié qu’il espérait toujours que les autorités tiennent leur promesse faite à l’Église locale : identifier et de punir les responsables des attaques du dimanche de Pâques. « Si un gouvernement essaie de cacher ou de relâcher des coupables sans les condamner, je m’opposerai à ce gouvernement. Le gouvernement précédent n’a pas enquêté convenablement sur les attentats », a-t-il ajouté. « Même quand ils ont eu des informations sur les attaques avant qu’elles se produisent, ils n’ont pas agi comme il fallait. Les membres du gouvernement précédent tentent toujours de se protéger. Ils se sont tous lavé les mains et sont retournés chez eux, comme Ponce Pilate. »

« C’est une question d’humanité »

Neuf terroristes kamikazes affiliés à National Thowheed Jamath, un groupe islamiste local, ont attaqué trois églises et un hôtel de luxe, le 21 avril 2019, tuant au moins 269 personnes, dont 37 étrangers, et causant plus de 500 blessés. Suite aux attentats, la population et les responsables religieux ont dénoncé les dirigeants et le gouvernement pour avoir échoué à empêcher les attaques. L’ancien secrétaire à la Défense, Hemasiri Fernando, et l’ancien chef de la police Pujitha Jayasundara, ont été placés en détention préventive pour leur négligence malgré les informations obtenues par les services de renseignement sur une possible attaque à venir. « Il y a une victime qui a perdu sa femme et trois enfants. Il dort encore près de leurs tombes la nuit. Les autorités, les dirigeants de notre pays ne le comprennent pas. Ce n’est pas une question de politique, mais une question d’humanité », a insisté le cardinal Ranjith. « C’est une erreur de fonder un parti politique sur la religion ou sur la langue. J’appelle le gouvernement à interdire les partis basés sur la religion ou sur l’ethnie », a-t-il demandé par ailleurs. « Il y a trente ans environ, un groupe de chrétiens est venu me voir pour me dire que si nous formions un parti chrétien, nous pourrions défendre nos droits. Je leur ai dit que nous n’avions pas besoin de partis politiques chrétiens », a-t-il poursuivi.

« L’unité a été menacée depuis l’indépendance, et aujourd’hui, nous débattons sur des questions telles que la langue officielle du pays, sur l’ethnie dominante et à qui appartient le pays. Il est regrettable de voir que le pays est toujours divisé à cause des différences ethniques, linguistiques et religieuses. » L’archevêque de Colombo a confié que les attentats du 21 avril 2019 auraient pu faire encore bien plus de victimes, si un van, qui était garé à côté du sanctuaire Saint-Antoine de Kochchikade, avait explosé lui aussi. « On sait maintenant qu’ils préparaient une seconde attaque. J’espère que ceux qui conspiraient en secret pour préparer de telles atrocités seront punis. Sinon, cela pourrait se reproduire. » Le cardinal Ranjith a affirmé que certains officiers irresponsables versaient aujourd’hui « des larmes de crocodile » devant la commission présidentielle. De son côté, Nuwan Rathnaweera, un étudiant, estime que plutôt que de verser des larmes devant la commission présidentielle, ils auraient dû agir quand ils le pouvaient, pour protéger les vies de personnes innocentes. « Pourquoi n’ont-ils par remplis leurs devoirs correctement? De plus, les chefs des partis politiques ont exploité les attentats afin d’attirer des partisans », a-t-il ajouté. « Certains responsables religieux demandent de poursuivre les responsables politiques corrompus, et certains moines bouddhistes tentent d’entrer au Parlement. Mais le peuple attend toujours des réponses. »

(Source: Églises d'Asie - le 02/09/2020, Avec Ucanews, Mandalay)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Lược sử các giáo phận Việt Nam : Tổng Giáo Phận Hà Nội
BBT WTGP HN
08:56 02/09/2020
Tổng Giáo phận Hà Nội vào năm 2019

Diện tích khoảng 6.688 km2

Số dân khoảng 11 triệu người

Số tín hữu khoảng 320.000 người

Số giáo xứ: 161

Số giáo hạt: 6

Số linh mục trong linh mục đoàn: 162

Số linh mục dòng: 16



A. Lược Sử Tổng Giáo Phận Hà Nội

Lịch sử của Tổng Giáo Phận Hà Nội đã trải qua gần 400 năm hình thành và phát triển. Trong đó các thừa sai dòng Tên, Hội Thừa Sai Paris cùng với hàng giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân Việt Nam, nhờ ơn Chúa, đã đóng góp hết mình để làm nên trang sử của Tổng Giáo Phận và tô đậm dòng lịch sử Giáo Hội Việt Nam. Quá trình lịch sử này được tóm gọn theo ba thời kỳ: thời kỳ giáo sĩ dòng Tên, thời kỳ Hội Thừa Sai Paris (MEP) và thời kỳ nằm dưới triều vua Lê - chúa Trịnh, triều Nguyễn, thời Pháp thuộc cho đến khi đất nước độc lập, thống nhất.

1. Thời các giáo sĩ dòng Tên (1626-1663, vua Lê - chúa Trịnh)

Năm 1626, cha Giuliano Baldinotti, người Ý, và thầy Piani, người Nhật, là hai thừa sai đầu tiên được cử tới Kẻ Chợ (Thăng Long), hai vị được chúa Trịnh Tráng đón tiếp cách đặc biệt và cho tự do truyền giáo vì lúc đó nhà chúa đang cần vũ khí của người nước ngoài để chống lại chúa Nguyễn ở Ðàng Trong. Hai vị không biết tiếng (phải nói qua thông dịch hay bút đàm), nên cha Baldinotti liều viết thư xin các cha dòng Tên ở Ðàng Trong ra trợ giúp. Sự việc này khiến chúa Trịnh nghi ngờ và tạo dịp cho một số quan lại chống đối. Sau 5 tháng tại Thăng Long, hai vị rửa tội được bốn trẻ nhỏ hấp hối. Phái đoàn rời Thăng Long và về tới Macao ngày 16-9-1626 (x. Ðắc Lộ, Lịch sử Vương quốc Ðàng Ngoài).

Như được chuẩn bị từ trước, cha Giám tỉnh dòng Tên cử hai cha Marques (đến Ðàng Trong từ năm 1618) và cha Alexandre de Rhodes (Ðắc Lộ) (đến Ðàng Trong từ năm 1624), từ Ðàng Trong về Macao năm 1626, để chuẩn bị vào Ðàng Ngoài. Ngày 12-3-1627, từ Macao cha Marques và Ðắc Lộ lên đường và tới Cửa Bạng (Thanh Hóa) ngày 19-3-1627.

Sau vài ngày rao giảng Tin Mừng tại Cửa Bạng, có 2 người xin tòng giáo mang tên Thánh Giuse và Inhaxiô. Trong 2 tuần đợi lệnh chúa Trịnh cho phép tàu lên Kẻ Chợ, hai cha rửa tội tất cả được 32 người. Ðoàn truyền giáo được chúa Trịnh tiếp đón nồng hậu khi chúa đang trên đường đi đánh chúa Nguyễn Phúc Nguyên ở Ðàng Trong. Sau khi chúa Trịnh thất trận trở về, phái đoàn được chúa đưa về Thăng Long. Hai cha được hưởng nhiều ân huệ và được cấp nhà ở trong phủ chúa; nhưng để tiện dịp tiếp xúc với dân chúng, hai cha xin đến ở vùng Cầu Giền. Tại đây, hai cha bắt đầu mở lớp dạy giáo lý, mỗi khóa 8 ngày, mỗi ngày 6 lớp. Chính từ những buổi dạy này đã khởi thảo tập "Phép Giảng Tám Ngày" được cha Ðắc Lộ cho in ở Rôma bằng hai thứ tiếng La tinh và Việt Nam vào năm 1651. Kết quả thật bất ngờ: chính em gái chúa Trịnh là bà Catarina và hàng ngàn người được rửa tội. Tổ chức Thầy Giảng cũng được cha Ðắc Lộ thành lập. Công việc rao giảng Tin Mừng đang tiến triển, thì chúa Trịnh nghe lời xúi giục của phe chống đối (tham quan, hoạn quan, phi tần, cung nữ...) trục xuất hai cha về Macao. Trong thời gian 3 năm, tại Ðàng Ngoài, hai cha đã rửa tội được 5, 602 người.

Tiếp nối công việc của cha Marques và Ðắc Lộ, ngày 15-3-1631, các thừa sai dòng Tên lần lượt có mặt tại Kẻ Chợ và được chúa Trịnh tiếp đón nồng hậu cùng cho phép tự do giảng đạo vì chúa cần sự có mặt của các thừa sai để buôn bán với người Bồ Ðào Nha về nhiều mặt hàng, nhất là vũ khí, đạn dược. Từ năm 1631-1663, giáo đoàn Ðàng Ngoài được nhiều giáo sĩ dòng Tên đến giúp, trong đó có các cha Gaspar d'Amaral (1631-1638), cha Felice Morelli (1636-1647), cha Filippo Giovani de Marini (1647-1658), cha Onofrio Borgès (1642-1663).

2. Thời kỳ Hội Thừa Sai Paris (MEP) (Nhà Trịnh, Nhà Nguyễn, và Pháp thuộc)

Ngày 9-9-1659, Tòa Thánh thành lập hai giáo phận ở Việt Nam: Ðàng Trong và Ðàng Ngoài, bổ nhiệm Ðức Cha Francois Pallu làm đại diện Tông Tòa Ðàng Ngoài (1659-1679). Suốt thời gian làm đại diện Tông Tòa, Ðức Cha Pallu nhiều lần muốn tới Ðàng Ngoài để nhận nhiệm sở, nhưng đều bị cản trở, nên ngài nhờ Ðức Cha P. Lambert de la Motte giám quản giùm và đặt cha F. Deydier Phan làm cha chính (tổng đại diện) giáo phận. Ðến năm 1679, Tòa Thánh bổ nhiệm ngài làm giám mục giáo phận Phúc Kiến (Trung Quốc). Ngày 27-1-1684, Ðức cha lên đường nhận nhiệm sở và 9 tháng sau ngài qua đời tại đây.

Ngày 18-8-1666, cha Deydier có mặt tại Thăng long để thực thi sứ mệnh truyền giáo. Năm 1669, Ðức cha Lambert de la Motte tới Phố Hiến. Ðầu năm 1670 ngài truyền chức "nhỏ" cho 48 thầy, chủ trì Công đồng đầu tiên ở Phố Hiến, lập dòng Mến Thánh Giá tại Kiên Lao và Bái Vàng.

Năm 1679, giáo phận Ðàng Ngoài được chia làm hai: Tây Ðàng Ngoài trao cho Hội Thừa Sai Paris, do Ðức cha Jacques de Bourges (1679-1714) coi sóc. Năm 1713, Ðức cha Bourges bị trục xuất. Ngài qua Thái Lan và mất ở đây năm 1714, thọ 83 tuổi.

Giáo phận Tây Ðàng Ngoài năm 1753 gồm: Bố Chính 10, 000 giáo dân, Nghệ An 42, 500, Thanh Hóa 24, 039, Tây Nam (Trấn Sơn Nam) 45, 188, Miền Tây (Trấn Sơn Tây) 7, 000, Kẻ Chợ 3, 000 gồm hai huyện Vĩnh Xương và Quảng Ðức, mỗi huyện 18 phường, làm thành "36 phố phường" tổng cộng 131, 727 giáo dân.

Dưới triều Nguyễn (1789-1883)

Ðức cha J.B. Longer Gia (Giám mục hiệu tòa Gortyna) cai quản giáo phận Tây Ðàng Ngoài từ năm 1790-1831. Năm 1802, khi vua Gia Long ra Thăng Long, ngài đã tới yết kiến và nhắc tới mối liên hệ giữa Ðức cha Pigneau de Béhaine (Bá Ða Lộc) và nhà vua. Nhà vua hứa cho tự do tôn giáo, nhưng thật ra không được thi hành trong các địa phương. Tình hình giáo phận năm 1830 được biết như sau: 2 giám mục, 6 thừa sai, 87 linh mục bản xứ, 174, 000 giáo dân, 50 giáo xứ, 1 đại chủng viện, 20 đại chủng sinh, 2 tiểu chủng viện, 60 tiểu chủng sinh, 595 người lớn được rửa tội, 1, 886 trẻ em được rửa tội. Ðức cha Longer mất năm 1831.

Ðức cha J.M. Havard Giu (giám mục hiệu tòa Castorie 1790-1838), trong đời ngài có cha Cornay chết vì đạo năm 1837, còn ngài thì mất năm 1838.

Ðức cha Pierre Borie Cao (giám mục hiệu tòa Acanthe) được bổ nhiệm giám mục năm 1838 và tử đạo ngay năm đó. Chiếu chỉ cấm đạo ngày 18-1-1839 của vua Minh Mạng đã khiến cho nhiều tín hữu ở Ðàng Ngoài bị bách hại và nhiều người chết vì đạo.

Ðức cha P.A. Retord Liêu (giám mục hiệu tòa Acanthe 1840-1858). Ðời ngài là một chuỗi những gian truân, đi ẩn trốn liên tục. Sau khi vua Minh Mạng ngã ngựa băng hà ngày 20-1-1841, Ðức cha đã có thể truyền giáo công khai vào những năm 1843-1847. Nhưng khi người Pháp bắn phá Cửa Hàn vào tháng 3-1847, vua Thiệu Trị nổi giận, đã ra sắc chỉ cấm đạo tháng 4-1847. Nhưng sau đó nhà vua băng hà ngày 4-11-1847.

Ngày 27-3-1846, Ðức Gregorius XVI chia đôi giáo phận, một giữ tên giáo phận Tây, một mang tên mới giáo phận Nam Ðàng Ngoài (Vinh) gồm: Bố Chính và Nghệ An, Hà Tĩnh; giáo phận Tây vẫn rộng lớn.

Dưới thời Tự Ðức, Ðức Cha C.H. Jeantet Khiêm (1847-1866) cai quản giáo phận. Vua Tự Ðức cấm đạo gắt gao với 6 sắc chỉ từ 1848-1862 và chỉ cho phép giữ đạo sau hòa ước Nhâm Tuất (1862). Giáo phận đã trải qua cơn khủng bố khốc liệt của những người theo phong trào Văn Thân với khẩu hiệu "Bình Tây sát Tả" cho tới năm 1888.

Ðức cha J.S. Theurel Chiêu (giám mục hiệu tòa Acanthe 1858-1868). Theo bản tường trình, lúc này trong giáo phận có chừng 39 giáo xứ, 140, 000 giáo dân.

Dưới thời bảo hộ Pháp (1883-1945)

Ðức cha P.F. Puginier Phước (giám mục hiệu tòa Mauricaastre 1868-1892) là người giao thời, ngài đã được mời làm trung gian hòa giải, nhưng sự việc không thành. Người Pháp đã đặt nền đô hộ trên đất nước ta.

Năm 1895, Tòa Thánh phân chia giáo phận Tây thành hai giáo phận, một giữ tên cũ giáo phận Tây, giáo phận mới lấy tên gọi là giáo phận Ðoài (Hưng Hóa).

Năm 1901, Ðức Lêô XIII lại chia giáo phận Tây Ðàng Ngoài thành 2 giáo phận. Giáo phận mới mang tên giáo phận Thanh (sau là Phát Diệm). Ngày 3-12-1924, Tòa Thánh đổi tên các giáo phận tông tòa ở Việt Nam theo địa hạt hành chính, nơi đặt tòa giám mục, vì thế giáo phận Tây Ðàng Ngoài được đổi thành giáo phận Hà Nội.

Ðức cha P.M. Gendreau Ðông (giám mục hiệu tòa Chrysopolis) cai quản giáo phận từ 1887-1934. Không kể việc điều tra và thiết lập các hồ sơ tử đạo, ngài đã làm nhiều việc xã hội và thiết lập các tổ chức giáo dục và đào tạo giáo dân cũng như giáo sĩ. Năm 1935, khai mạc Công đồng Ðông Dương.

Thời kỳ Ðức cha F. Chaize Thịnh (giám mục hiệu tòa Alabanda 1925-1949), Công đồng Ðông Dương 1935 đã mở đường cho việc mở mang dân trí, phát triển các tổ chức giáo dục và đào tạo cũng như việc xã hội từ thiện. Năm 1937, mở câu lạc bộ nghiên cứu xã hội, cho phát triển ngành Công Giáo Tiến hành. Theo bản phúc trình năm 1930, trong giáo phận có: 27 thừa sai, 143 linh mục Việt Nam phục vụ trong 88 giáo xứ, 400 thầy giảng, khoảng 400 nữ tu, trong đó có dòng Mến Thánh Giá, dòng Kín Carmel Hà Nội, dòng Sư Huynh La San với 700 học sinh, dòng Ða Minh Pháp, dòng Ðức Bà.

Năm 1948, giáo phận có khoảng hai triệu dân, giáo dân khoảng 195, 000 người, 30 thừa sai, 135 linh mục, 95 tu sĩ, 491 nữ tu. Ðại Chủng Viện Xuân Bích đóng cửa sau biến cố ngày 19-12-1946, được mở lại vào năm 1948.

3. Thời kỳ Hàng Giáo Phẩm Việt Nam

Tại Phát Diệm, Bùi Chu và Vĩnh Long đã có giám mục Việt Nam, nhưng giáo phận Hà Nội vẫn thuộc Hội Thừa Sai.

Năm 1950, Ðức cha Giuse Maria Trịnh Như Khuê được bổ nhiệm làm giám mục Hà Nội, trong thời kỳ đất nước trải qua nhiều biến cố lớn: sự kiện tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945, cuộc di cư vào Nam năm 1954. Ðức cha đã có Thư Chung nhắn nhủ giáo dân và rao giảng tình yêu thương đồng bào.

Ngày 24-11-1960, Tòa Thánh quyết định thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, nâng giáo phận tông tòa lên hàng chính tòa, giáo phận Hà Nội được nâng lên hàng Tổng giáo phận và đặt Ðức cha Giuse Trịnh Như Khuê làm tổng giám mục. Ngày 24-5-1976, ngài được phong làm Hồng Y tiên khởi của Việt Nam.

Ngày 2-6-1963, Tòa Thánh bổ nhiệm Ðức cha Giuse Maria Trịnh Văn Căn làm phó tổng giám giám mục Hà Nội. Sau khi Ðức Hồng Y Khuê qua đời, ngài trở thành Tổng giám mục chính tòa. Ngày 30-6-1979, Ðức Gioan Phaolô II bổ nhiệm Tổng giám mục Giuse Trịnh Văn Căn làm Hồng Y, linh mục F.X. Nguyễn Văn Sang làm Giám Mục Phụ Tá. Ngày 16-11-1985, Ðức Hồng Y ký thỉnh nguyện xin tuyên thánh cho 117 chân phước tử đạo Việt Nam và được Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II chấp thuận.

Ngày 18-5-1990, Ðức Hồng Y Trịnh Văn Căn từ trần sau một cơ bạo bệnh. Ngày 23-4-1994, Ðức Gioan Phaolô II bổ nhiệm Ðức cha Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng làm tổng giám mục Hà Nội và linh mục tổng đại diện Phaolô Lê Ðắc Trọng làm Giám Mục Phụ Tá.

Ngày 26-11-1994, Tòa Thánh phong Hồng Y cho Ðức tổng giám mục Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng tại Rôma. Ngài được các giám mục bầu làm Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam trong đại hội lần VI ở Hà Nội, từ ngày 25-9 đến 1-10-1995. Ngài đã tích cực củng cố Ðại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội và đời sống đức tin của giáo dân.

Thứ Bảy ngày 26 tháng 4 năm 2003, ÐTC Gioan Phaolô II bổ nhiệm Ðức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt, làm Giám Quản Tông Tòa (Administrateur Apostolique Sede Plena) Tổng Giáo Phận Hà Nội. Ðức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng, Tổng Giám Mục Hà Nội, vào lúc này (năm 2003) đã 84 tuổi, trước đây đã nhiều lần xin phép về hưu (Theo giáo luật 75 tuổi là có thể xin phép về hưu), sau nhiều lần Tòa Thánh đã gửi phái đoàn qua Việt Nam thương thuyết với nhà cầm quyền Hà Nội để có một vị Tổng Giám Mục kế vị Ðức Hồng Y Tụng, nhưng vẫn không có kết quả. Bởi vậy, vì lý do sức khỏe với tuổi già yếu của Ðức Hồng Y, ngày 26/04/2003, Tòa Thánh đã bổ nhiệm Ðức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt làm Giám Quản Tông Tòa (Administrateur Apostolique Sede Plena) Tổng Giáo Phận Hà Nội.

Ngày 19 tháng 2 năm 2005, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm Ðức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt làm tổng giám mục chính tòa giáo phận Hà nội, thay thế Ðức Hồng Y Phạm Ðình Tụng, và chính thức chấp thuận đơn xin nghỉ hưu của Ðức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng.

Ngày 22 tháng 4 năm 2010, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã bổ nhiệm Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn làm Tổng Giám mục phó Tổng Giáo phận Hà Nội và ngày 13 tháng 5 năm 2010, Ngài được đặt làm Tổng Giám mục chính tòa Tổng Giáo Phận Hà Nội sau khi Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt nghỉ hưu để dưỡng bệnh.

B. Ðịa Lý và Dân Số Tổng Giáo Phận Hà Nội

Ranh giới: Tổng Giáo Phận Hà Nội phần lớn nằm trên địa bàn thành phố Hà Nội (trừ một số huyện thuộc giáo phận Bắc Ninh) và và một phần trên địa bàn 4 tỉnh: Hà Tây (trong 9 huyện, trừ một số huyện thuộc giáo phận Hưng Hóa); Hà Nam; Nam Ðịnh (nửa thành phố Nam Ðịnh, huyện Mỹ Lộc, huyện Vụ Bản, huyện Ý Yên thuộc Tổng Giáo Phận Hà Nội); Hòa Bình có 8 giáo xứ trong 4 huyện; Hải Hưng chỉ có một xứ thuộc huyện Kim Thi.

Diện tích: Tổng Giáo Phận Hà Nội có diện tích khoảng 7, 000 km2.

Sông, hồ, núi: Nội thành, phía Bắc và Tây, có sông Tô Lịch bao bọc, giữa trung tâm thành phố có hồ Hoàn Kiếm. Phía Nam có sông Kim Ngưu, các hồ Quỳnh Lôi, Ðầm Sét, hồ Bảy Mẫu, hồ Thiên Quang. Phía Ðông là sông Hồng dài 1, 165 km và sông Luống (Ðuống). Phía Bắc có sông Cà Lỗ, hồ Trúc Bạch, hồ Tây.

Hà Nội có 5 ngọn núi lớn: Núi Vua Bà (Viện Nam), Tản Viên, Tam Ðảo, Phao Sơn, Yên Tử.

Sắc tộc: phần lớn là người Kinh, ngoài ra còn có người Mường, Dao, Sán Dìu... khoảng 8, 000 người.

Tổng Giáo phận Hà Nội vào năm 2014 gồm 5 giáo hạt: Chính Tòa, Phú Xuyên, Thanh Oai, Hà Nam và Nam Định. Tính đến năm 2009, Tổng Giáo Phận Hà Nội theo thống kê có 337.000 giáo dân trong tổng số dân 6.448.837. Hiện nay Tổng Giáo Phận Hà Nội có 119 linh mục triều và 7 linh mục dòng, 341 tu sỹ và 1200 giáo lý viên phục vụ tại 144 giáo xứ.

Ghi chú:

1. X. Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên, Lịch sử Địa phận Hà Nội 1626 -1954, Paris 1994

2. X. Niên Giám của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, năm 2005

BBT WTGP HN

 
VietCatholic TV
Cảnh sát Đức truy nã kẻ tấn công một linh mục. Độc tài Belarus sợ đảo chính cấm ĐTGM về nước
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:04 02/09/2020


1. Một linh mục bị đấm trong Thánh lễ Chúa Nhật ở Berlin

Một kẻ tấn công không rõ danh tính đã đấm một linh mục trong Thánh lễ Chúa Nhật ở Berlin, Đức. Vụ tấn công xảy ra trong Thánh Lễ Chúa Nhật ngày 30 tháng 8 tại Nhà thờ Thánh Giuse ở quận Wedding. Đó là một ngôi nhà thờ rất lớn ở một khu vực trung tâm, trên đường Müllerstraße ở Berlin-Mitte.

Nhà thờ chính tòa Thánh Hedwig của tổng giáo phận Berlin đang đóng cửa để tu sửa. Do đó, tất cả các cử hành Phụng Vụ chính của tổng giáo phận đang diễn ra tại nhà thờ Thánh Giuse. Đức Tổng Giám Mục Heiner Koch thường đến dâng các thánh lễ tại đây, đặc biệt là các thánh lễ trực tuyến trong thời gian không có các thánh lễ dành cho công chúng tham dự.

Theo lời kể của các nhân chứng, vào khoảng 10:30 sáng, một người đàn ông đã “ngồi lặng lẽ trong Thánh lễ, đột nhiên đứng dậy và nhổ xuống đất. Hắn ta bước một cách hùng hổ về phía cung thánh của nhà thờ, trong khi tuôn ra những lời lẽ phỉ báng tôn giáo, đặc biệt là phỉ báng Đức Mẹ. Hắn đấm vào Cha Andrzej Doetsch 61 tuổi, khiến ngài ngã nhào xuống đất.”

Cảnh sát Berlin cho biết: “Ngay sau đó, kẻ lạ mặt đã lấy cuốn Kinh thánh và xé ra vài trang. Em trai của vị linh mục, là anh Holger Doetsch, năm nay 56 tuổi, đã chạy đến can thiệp. Kẻ tấn công đã đánh gục anh ta bằng cuốn Kinh thánh và bỏ trốn khỏi nhà thờ. Đến nay kẻ tấn công vẫn chưa bị bắt. Vị linh mục bị đánh gục và bị thương nhẹ và em ngài, cũng chỉ bị thương nhẹ, đã được cấp cứu tại chỗ.”

Anh Holger Doetsch nói với tờ Tagespost rằng tên tấn công còn trẻ khoảng 20 đến 25 tuổi có vẻ như nóng giận trước bài giảng của cha Andrzej Doetsch. Trong bài giảng ngài nói về Hegel và sinh quán của ông ta ở Stuttgart, và nhấn mạnh rằng cảm xúc không liên quan đến luận lý.

Phòng điều tra tội phạm về chính trị của phân bộ Cảnh sát Hình sự Berlin đã thụ lý vụ này.

Cách đó một tuần, một vụ tấn công tương tự đã diễn ra tại Hoa Kỳ. Một người phụ nữ da đen đã đấm vào mặt người đọc Sách Thánh trong một thánh lễ tại nhà thờ chính tòa hai Thánh Phêrô và Thánh Phaolô của tổng giáo phận Philadelphia. Hành động bạo lực đáng lo ngại diễn ra ngay sát cung thánh trong khi buổi lễ 11 giờ sáng Chúa Nhật 23 tháng 8 đang được phát trực tiếp. Đến nay thủ phạm vẫn chưa bị bắt.

Một người phụ nữ da đen mặc đồ xanh đã đứng chờ ngay sát cung thánh khi hai người phụ nữ vừa đọc Sách Thánh xong đang quay xuống. Cô ta đã đấm vào mặt người đọc Sách Thánh đi gần bên mình hai lần trước khi ung dung bỏ ra khỏi nhà thờ. Ra khỏi nhà thờ y thị mới bỏ chạy để khỏi bị bắt.

Cảnh sát Philadelphia kêu gọi mọi người ai có thông tin dẫn đến việc bắt giữ người phụ nữ da đen Xin báo cáo cho cảnh sát qua số 215-686-8477.


Source:Catholic News Agency

2. Lính biên phòng ngăn không cho Đức Tổng Giám Mục Tadeusz Kondrusiewicz trở lại Belarus

Đức Tổng Giám Mục Tadeusz Kondrusiewicz đã đến Ba Lan để thi hành một công vụ nhưng khi ngài quay trở lại Belarus vào hôm thứ Hai 31 tháng 8, lực lượng biên phòng đã chặn không cho ngài nhập cảnh vào Belarus.

Sáng thứ Ba 1 tháng 9, tổng thống Lukaschenko cáo buộc Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz sang Ba Lan để nhận chỉ thị nhằm hướng dẫn các cuộc biểu tình chống lại ông ta. Đây là một cáo buộc ngu xuẩn. Trong thời Internet ngày nay, không ai phải làm như thế cả.

Đây là diễn biến mới nhất trong sự căng thẳng giữa chế độ độc tài Lukaschenko và Ðức Tổng Giám Mục Tadeusz Kondrusiewicz, diễn ra sau cuộc bầu cử gian lận hôm Chúa Nhật 9 tháng 8.

Biểu tình đã nổ ra sau cuộc bầu cử gian lận này và tên độc tài Lukaschenko đã ra tay đàn áp thẳng tay.

Làn sóng phản đối tổng thống Lukaschenko tại Belarus vẫn còn tiếp tục diễn ra, với các cuộc biểu tình cả hơn 200, 000 người tham dự, tại thủ đô Minsk để đòi tự do, vì dân chúng tin rằng đã có sự gian lận trong cuộc bỏ phiếu để ông đắc cử tổng thống lần thứ sáu, với hơn 80% số phiếu.

Ðức Tổng Giám Mục Tadeusz Kondrusiewicz, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Belarus, đã xin gặp Bộ trưởng nội vụ Belarus, ông Yuri Karaev, để nói chuyện về vấn đề những người biểu tình bị bắt trong những ngày qua.

Ðức Tổng Giám Mục cũng xin chính phủ nước này cho các linh mục Công Giáo được viếng thăm những người bị giam giữ vì biểu tình, sau cuộc bầu cử tổng thống Lukaschenko, và trợ giúp họ nhất là về phương diện tinh thần. Ðức Tổng Giám Mục xin chính quyền trả tự ngay cho họ.

Trong khi chờ đợi chính quyền Belarus đáp ứng các yêu cầu của ngài, Đức Tổng Giám Mục đứng lặng lẽ trước các nhà tù lần chuỗi cầu nguyện cho những người bị bắt.

Trong thánh lễ Chúa nhật 16 tháng 8 năm 2020, tại giáo phận Wizebsk ở miền bắc Belarus, Ðức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz nói về “đại dịch gian dối” đất nước này đang trải qua và nói: “Tự do của chúng ta đang bị đe dọa, đất nước chúng ta bị phân rẽ. Chúng ta muốn một nước Belarus mới, một nước dựa trên các giá trị Kitô”.

3. Nga có thể liên quan đến thủ đoạn không cho Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz nhập cảnh vào Belarus

Đức Tổng Giám Mục Tadeusz Kondrusiewicz là người gốc Ba Lan nhưng gia đình đã sinh sống tại thành phố Odelsk của Belarus, và ngài đã chào đời tại đây ngày 3 tháng Giêng, 1946. Chính vì thế, ngài có quyền công dân Belarus.

Đức Tổng Giám Mục Tadeusz Kondrusiewicz đã từng được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giám Quản Tông Tòa tổng giáo phận Minsk của Belarus vào năm 1989.

Ngày 13 tháng Tư, 1991, sau khi Liên Sô sụp đổ, vị Thánh Giáo Hoàng Ba Lan đã thành lập 2 miền Giám Quản Tông Tòa Nga Âu và Siberia tại Nga. Đức Cha Tadeusz Kondrusiewicz được bổ nhiệm làm Giám Quản Tông Tòa Nga Âu.

Ngày 11 tháng Hai, 2002, Đức Gioan Phaolô II chia hai miền Giám Quản Tông Tòa này thành 4 giáo phận. Đức Cha Tadeusz Kondrusiewicz được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục tổng giáo phận Mẹ Thiên Chúa tại Mạc Tư Khoa. Đức Tổng Giám Mục Tadeusz Kondrusiewicz đã làm chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Nga trong hai nhiệm kỳ từ 1999 đến 2005.

Trong một chuyến trở về từ Ba Lan, Nga đã không cho ngài nhập cảnh vào nước này vào năm 2005. Sau một thời gian giằng co, trong đó Nga nhất định không gia hạn thị thực nhập cảnh, ngày 21 tháng 9, 2007, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đành phải bổ nhiệm ngài làm Tổng Giám Mục Minsk-Mohilev của Belarus.

Chiêu không cho nhập cảnh này của Belarus chắc do Nga chỉ bảo nhưng nó vô lý vì ngài là công dân của Belarus.

Đức Cha Yuri Kasabutsky, một Giám Mục Phụ Tá tại tổng giáo phận Minsk-Mohilev, nói rằng Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz đang trở về sau một chuyến công tác thì bị ngăn cản khi ngài tìm cách vào Belarus tại ngã tư giữa làng Kuźnica của Ba Lan và làng Bruzgi của Belarus.

“Bộ đội biên của Cộng hòa Belarus từ chối không cho người đứng đầu hàng giáo phẩm Công Giáo Belarus trở lại đất nước mà không giải thích gì cả, ” Đức Cha Kasabutsky nói.

Người Công Giáo là cộng đồng tôn giáo lớn thứ hai ở Belarus sau Chính thống giáo, và chiếm khoảng 15% dân số.

Trong một tuyên bố được đưa ra sau đó vào hôm thứ Hai, Đức Cha Kasabutsky kêu gọi người Công Giáo Belarus cầu nguyện cho Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz.

Ngài yêu cầu các linh mục cử hành thánh lễ cho Belarus, Giáo hội và vị tổng Giám Mục. Ngài mời gọi giáo dân tham dự Thánh lễ và chầu Mình Thánh Chúa, cũng như lần hạt Mân Côi và làm các việc kính Lòng Chúa Thương Xót.


Source:Catholic News Agency

4. Các Giám Mục Hoa Kỳ bày tỏ sự thất vọng đối với lập trường quyết liệt phò phá thai của bà Nancy Pelosi

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã khẳng định rằng lệnh cấm dùng quỹ liên bang tài trợ cho việc phá thai sẽ bị loại trừ khỏi các dự luật chi tiêu vào năm tới nếu đảng Dân chủ giữ được đa số trong Hạ viện. Tuyên bố của bà ta có ý nghĩa là sự chấm dứt thỏa thuận lưỡng đảng kéo dài trong 44 năm qua về vấn đề phá thai trong các dự luật chi tiêu.

Tờ Los Angeles Times đưa tin hôm thứ Sáu rằng Chủ tịch Hạ Viện Pelosi, Dân biểu Dân Chủ đơn vị California, gần đây đã nói với một số đảng viên Dân chủ Hạ viện rằng các dự luật tài trợ vào năm tới sẽ bãi bỏ Tu chính án Hyde.

Trong chính trị Hoa Kỳ, Tu chính án Hyde là một đạo luật cấm việc sử dụng quỹ liên bang để chi trả cho việc phá thai ngoại trừ để cứu mạng sống của người phụ nữ, hoặc nếu cái thai phát sinh do loạn luân hoặc cưỡng hiếp. Trước khi Tu chính án Hyde có hiệu lực, ước tính có khoảng 300, 000 ca phá thai được thực hiện hàng năm bằng tiền đóng thuế của dân.

Hạ viện thông qua Tu chính án Hyde vào ngày 30 tháng 9 năm 1976 với tỷ lệ bỏ phiếu 312 trên 93. Tu chính án này có tên là Hyde vì do Dân biểu Cộng hòa Henry Hyde của Illinois đề xuất. Tu chính án thể hiện một trong những thành tựu lập pháp lớn nhất và đầu tiên nhất của phong trào ủng hộ sự sống tại Hoa Kỳ, đặc biệt là các phong trào phò sinh của Công Giáo và Ủy ban Quốc gia về Tu chính án Cuộc sống Con người do nhà vận động hành lang Mark Gallagher đứng đầu.

Theo một nghiên cứu do Viện ủng hộ cuộc sống Charlotte Lozier công bố và được cập nhật gần đây, chính sách này ước tính giúp giảm khoảng 60, 000 ca phá thai mỗi năm, hoặc khoảng một trong số chín trường hợp phụ nữ mang thai được hưởng trợ cấp Medicaid. Viện tuyên bố rằng chính sách này đã cứu hơn 2.4 triệu sinh mạng kể từ khi nó được thiết lập vào năm 1976.

Tuy nhiên, nghị quyết của Đảng Dân chủ năm 2016 đã kêu gọi bãi bỏ tu chính án Hyde và tất cả các ứng cử viên tổng thống của đảng này vào năm 2020 đều ủng hộ việc bãi bỏ chính sách này.

Joe Biden đã đảo ngược sự ủng hộ của mình đối với Tu chính án Hyde vào năm ngoái, sau khi ông ta vấp phải sự chỉ trích từ những người ủng hộ phá thai - bao gồm cả ứng cử viên phó tổng thống tương lai Kamala Harris.

Tổng thống Trump đã ủng hộ Tu chính án Hyde, nhưng một dự luật để luật hóa nó - Đạo luật No Taxpayer Funding for Abortion – nghiã là Không Dùng Tiền Thuế Dân Tài Trợ Cho Phá Thai - đã không nhận được 60 phiếu bầu cần thiết tại Thượng viện, vào năm 2019.

Một số thành viên Đảng Dân chủ Hạ viện bao gồm Barbara Lee, Dân biểu Dân Chủ đơn vị California; Jan Schakowsky, Dân biểu Dân Chủ đơn vị Illinois; và Ayanna Pressley, Dân biểu Dân Chủ đơn vị Massachusetts, đã cố gắng bãi bỏ tu chính án này vào năm 2019 và một lần nữa vào năm 2020, thông qua việc ban hành luật để làm như vậy hoặc bằng cách cố gắng gây áp lực vào phút cuối khi thông qua các dự chi ngân sách.

Đức Tổng Giám Mục Joseph Naumann của Kansas City, nói với CNA vào năm ngoái rằng “đã có sự đồng thuận rộng rãi trong lịch sử” về việc ủng hộ tu chính án này từ các thành viên của cả hai đảng chính trị lớn.

Do đó, ngài cho biết “Thật thất vọng khi thấy chủ nghĩa cực đoan hiện đang tấn công điều mà hầu hết người Mỹ coi là nguyên tắc rất quan trọng. Khi người ta hủy hoại cuộc sống của một con người, thì đó không phải là chăm sóc sức khỏe.”

Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng:

“Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.” (Mt 7:21).

Bà Nancy Pelosi, một mặt cứ xưng mình là người Công Giáo, nhưng mặt khác lại quá sôi máu phò phá thai!


Source:Catholic News Agency
 
Một phụ nữ Tầu tự nhận mình là Chúa Giêsu thứ hai. Phải chăng có bàn tay của cộng sản Trung Quốc
Giáo Hội Năm Châu
04:05 02/09/2020
 
Tự hào: So với Sách Lễ Rôma 2020 của Ý, các chuyên gia Phụng Vụ của Việt Nam đã dịch đúng từ lâu rồi
Giáo Hội Năm Châu
05:16 02/09/2020


Các Giám Mục Ý cuối cùng đã in xong Sách lễ mới cho Giáo Hội tại Ý, và các ngài đã trao bản sao đầu tiên mang tính biểu tượng cho Đức Thánh Cha Phanxicô, vì ngài thường cử hành Thánh lễ bằng tiếng Ý. Đây là ấn bản thứ ba sách lễ Rôma bằng tiếng Ý.

Hội Đồng Giám Mục Ý đã làm việc trong gần 20 năm để dịch các bản văn của tất cả các lời cầu nguyện được các linh mục và các tín hữu sử dụng trong Thánh lễ, sau đó thảo luận về những thay đổi được đề xuất với Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích.

Việc sử dụng Sách lễ mới là bắt buộc trên khắp nước Ý kể từ Lễ Phục sinh, ngày 4 tháng 4 năm 2021, nhưng các linh mục có thể bắt đầu sử dụng bản dịch ngay sau khi họ nhận được Sách lễ mới. Các Giám Mục địa phương có thể ấn định một ngày sớm hơn để sử dụng Sách lễ mới này trong giáo phận của các ngài.

Trong phiên họp khoáng đại của Hội Đồng Giám Mục Ý diễn ra từ 12 đến 15 tháng 11, 2018 tại phòng họp Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới của Vatican, các Giám Mục Ý đã phê chuẩn bản dịch của ấn bản thứ ba sách lễ Rôma, là sách lễ được sử dụng trong các Thánh Lễ, trong đó bao gồm những thay đổi đối với văn bản của Kinh Lạy Cha và Kinh Vinh Danh.

Bản dịch cũ của Kinh Lạy Cha kết thúc với lời cầu “non ci indurre in tentazione”, nghĩa là “xin đừng đưa chúng con vào chước cám dỗ”; nay được đổi lại “non abbandonarci alla tentazione”, hay theo tiếng Việt là “xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”.

Năm 2002, các Giám Mục Ý đã phê chuẩn cách dịch “xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” khi các ngài phê duyệt bản dịch Kinh Thánh được đọc trong Phụng Vụ.

Bản dịch cũ của Kinh Vinh Danh bắt đầu với câu “Gloria a Dio nell'alto dei cieli e pace in terra agli uomini di buona volontà”, nghĩa là “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho người thiện tâm”, được sửa thành “Gloria a Dio nell'alto dei cieli e pace in terra agli uomini amati dal Signore.”, tiếng Việt là: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho người Chúa thương”.

Một điều mà những người nói tiếng Anh nhận thấy là ấn bản mới nhất này của Hội Đồng Giám Mục Ý vẫn duy trì cách dịch cụm từ Latinh “pro multis” là “per tutti” – nghĩa là “cho mọi người” chứ không phải “per molti” - “cho nhiều người”.

Việc dịch cụm từ “pro multis” đã được tranh luận gay gắt khi các Hội Đồng Giám Mục trên khắp thế giới thực hiện bản dịch từ tiếng Latinh ra tiếng địa phương. Các bản dịch tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp của sách lễ Rôma sử dụng cách dịch “cho nhiều người”.

Theo nhiều chuyên gia Phụng Vụ, cách dịch “cho nhiều người” là cách dịch trung thành của cụm từ “pro multis”, trong khi “cho mọi người” là một lời giải thích có tính chất thiên về giáo lý.

Từ ngữ “cho nhiều người”, trong khi vẫn mở cửa cho sự bao gồm mọi người, phản ảnh sự thật rằng ơn cứu độ không được mang lại một cách máy móc, bất kể sự ưng thuận hay không của người ta; thay vào đó người tín hữu được mời gọi chấp nhận trong đức tin của lễ đang được vị chủ tế dâng lên, và tiếp nhận sự sống siêu nhiên, vốn được trao cho các người tham gia trong mầu nhiệm này, và sống mầu nhiệm ấy trong cuộc sống của họ.

Cụm từ “pro multis” xuất hiện trong lời truyền phép “qui pro vobis et pro multis effundetur in remissionem peccatorum” – “được đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội”.

Sách Lễ Rôma, năm 2002, Bản dịch Việt Ngữ được Tòa Thánh phê chuẩn ngày 10-05-2005, được Giáo Hội Việt Nam thi hành từ lễ Chúa Phục Sinh ngày 16-04-2006, dịch cụm từ “pro multis” là “cho nhiều người”.

Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống:
Vì này là chén Máu Thầy,
Máu giao ước mới và vĩnh cửu,
sẽ đổ ra cho các con
và nhiều người được tha tội.
Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.


Bản dịch tiếng Anh của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, cũng dịch là “for many” (cho nhiều người)

Take this, all of you, and drink from it,
for this is the chalice of my Blood,
the Blood of the new and eternal covenant,
which will be poured out for you and for many
for the forgiveness of sins.
Do this in memory of me.


Năm 2001, Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích đã xuất bản cuốn “Liturgiam Authenticam” nghiã là “Phụng vụ Chân thực”, trong đó nhấn mạnh đến nhu cầu là các bản dịch sang tiếng địa phương phải càng gần càng tốt theo nghĩa đen của bản Latinh.

Năm 2006, Toà Thánh hướng dẫn rằng tất cả các phiên bản địa phương của Sách Lễ Rôma phải dịch cụm từ “pro multis” là “cho nhiều người”, và chỉ ra rằng đó cũng là bản dịch sát nhất theo đúng nguyên bản tiếng Hy Lạp “περὶ πολλῶν” trong Matthêu 26:28.

Sự thay đổi này đã vấp phải sự phản đối của các Giám Mục Đức. Tuy nhiên, chính Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã viết thư riêng cho các Giám Mục Đức vào năm 2012 giải thích tại sao các vị nên đồng ý với cách dịch “cho nhiều người”.

Hôm 9 tháng 9, năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra tự sắc “Magnum Principium” - “Nguyên tắc Chủ đạo”, nhấn mạnh vai trò của các Hội Đồng Giám Mục địa phương trong việc xác định dịch thế nào là tốt nhất. Theo tinh thần của tự sắc này, Hội Đồng Giám Mục Ý đã tiếp tục dùng cách dịch “cho mọi người”.


Source:Crux